" Người Nhạy Cảm Trong Thế Giới Vô Cảm PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Nhạy Cảm Trong Thế Giới Vô Cảm PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo NGƯỜI NHẠY CẢM TRONG THẾ GIỚI VÔ CẢM Ilse Sand NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG 175 Giảng Võ - Đống Đa - Hà Nội Tel: (024) 3851 5380 Fax: (024) 3851 5381 Email: info@nxblaodong.com.vn Website: www.nxblaodong.com.vn Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc - Tổng biên tập: MAI THỊ THANH HẰNG Biên tập viên nhà xuất bản: Lê Thị Hằng Sửa bản in: Đỗ Nguyên Thiết kế bìa: Thái Hiền Trình bày: Thu Hằng Mục lục Lời nói đầu Lời giới thiệu Chương 1: Đặc điểm của những sinh vật có độ nhạy cảm cao Chương 2: Tiêu chuẩn cao và lòng tự tôn thấp Chương 3: Cách tổ chức cuộc sống tùy theo tính cách bản thân Chương 4: Làm cách nào để tận dụng và thể hiện khả năng thấu hiểu người khác Chương 5: Cách đối mặt với cơn giận của chính bạn và người khác Chương 6: Tội lỗi và xấu hổ Chương 7: Các tình huống trong cuộc sống Chương 8: Các vấn đề về sức khỏe tâm thần Chương 9: Phát triển và lớn mạnh Chương 10: Nghiên cứu đặc điểm nhạy cảm cao Phần kết: Món quà dành cho những người nhạy cảm Một số ý tưởng cho những người nhạy cảm cao Trắc nghiệm về bản thân: Bạn nhạy cảm đến mức nào? Danh mục tài liệu tham khảo Lời cảm ơn LỜI NÓI ĐẦU Cuốn sách này dành cho những con người cực kỳ nhạy cảm và những tâm hồn mong manh. Cuốn sách cũng dành cho người bạn, người thân, những người sử dụng lao động, những nhà tâm lý trị liệu hay bất kỳ ai khác đang sống chung, có mối quan tâm hoặc làm việc cùng với một người cực kỳ nhạy cảm. Qua những năm làm linh mục và trở thành nhà tâm lý trị liệu sau đó, tôi đã có cơ hội trò chuyện với nhiều người. Kinh nghiệm qua những lần đối thoại cho thấy những người có độ nhạy cảm cao cảm thấy vô cùng hữu ích khi được nghe về những đặc điểm về tính cách bên trong con người họ. Trong quá trình giảng dạy và rèn luyện cho những người nhạy cảm, tôi cảm nhận rõ mọi người trân trọng như thế nào và đạt được lợi ích ra sao khi lắng nghe những tâm hồn nhạy cảm khác và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và vốn kiến thức của bản thân. Vì vậy, tôi đã để dành một phần không gian cuốn sách cho những khách hàng và người từng tham gia các khóa học trải lòng về kinh nghiệm của họ khi sống cuộc đời nhạy cảm tại Đan Mạch. Những người bạn sẽ chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của mình trong cuốn sách này đều vô cùng nhạy cảm, nhưng tôi tin rằng ai đó sẽ nhìn thấy chính mình đâu đó từ những câu chuyện trong sách. Tôi từng nhiều lần chứng kiến một số người hòa hợp được với sự nhạy cảm bên trong mình và tìm thấy sự tự tin và can đảm để là chính mình. Với cuốn sách này, tôi hy vọng sẽ truyền thêm nhiều cảm hứng không chỉ đối với những người bạn cực kỳ nhạy cảm mà còn nhiều đối tượng khác nữa. Chương đầu tiên sẽ nói về những đặc điểm của người nhạy cảm cao. Con người là từng cá thể khác biệt, những người sở hữu độ nhạy cảm cao cũng vậy. Có thể bạn sẽ nhận ra bản thân mình ở một vài chương nhưng lại cảm thấy vô cùng xa lạ khi đọc một vài chương khác. Nếu bạn mang tâm hồn mong manh chỉ nhận ra chính mình trong một vài mô tả nho nhỏ, bạn vẫn có thể đạt được một số lợi ích nhất định khi nhìn nhận và học theo một vài hướng dẫn trong cuốn sách. Bạn không cần phải đọc đúng các chương theo thứ tự. Nếu thấy một số chương quá nặng lý thuyết hay quá sơ đẳng, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua. Cuối sách, tôi đã chuẩn bị sẵn một bảng khảo sát được thiết kế gần đây ở Đan Mạch để giúp bạn kiểm tra độ nhạy cảm của chính mình. Nếu bạn mang một tâm hồn nhạy cảm, bạn có thể tìm thấy một danh sách ý tưởng cho các hoạt động mang lại cảm giác vui vẻ và hạnh phúc hơn. Danh sách là gợi ý về những việc nên làm khi bạn cần cảm hứng hoặc muốn thử thách bản thân, cũng như những việc bạn có thể làm để chăm sóc chính mình khi cảm thấy quá áp lực. Ilse Sand Randers, ngày 9 tháng 6 năm 2010 LỜI GIỚI THIỆU Những người nhạy cảm hoặc sở hữu một tâm hồn mong manh chứa đựng nhiều khả năng cũng như những hạn chế. Trong nhiều năm qua, tôi hầu như chỉ chú tâm tới những hạn chế. Tôi biết mình không có sức chịu đựng được như những người khác trong một số bối cảnh nhất định. Trước khi tôi tìm hiểu được về những đặc điểm của người mang tính nhạy cảm cao, tôi xét mình là một người hướng nội. Khi tôi thực hiện những khóa đào tạo tại Đại học Mở và ở các cơ sở khác, tôi đã chia sẻ với những học viên rằng trong thời gian nghỉ giải lao, tôi muốn được tập trung vào chính mình và nghỉ ngơi. Mọi người luôn luôn tôn trọng nhu cầu đó. Và luôn luôn có những học viên đến gặp tôi và chia sẻ rằng họ có nhu cầu giống tôi và tôi rất vui khi nghe người khác mở lòng về điều này. Bất chấp những hạn chế bản thân phải đối diện, tôi lại có những kinh nghiệm phong phú trong nhiều lĩnh vực khác. Tôi có một đời sống nội tâm rất phong phú. Tôi chưa bao giờ thấy thiếu cảm hứng hay thiếu ý tưởng để giảng dạy. Cá tính này giúp tôi có thể biến mọi thứ trở nên thú vị và thu hút nhiều người tìm đến với các bài giảng và khóa học của tôi suốt từ năm này qua năm khác. Nhiều người nhạy cảm hay tự ti về mình. Chúng ta đang bị định hình trong một khung văn hóa coi trọng những đặc trưng tính cách và hành vi rất khác với mình. Một số người nhạy cảm cao nói rằng cả đời họ đã phải đấu tranh để trở nên “đầy sức sống” như những gì người khác mong đợi. Và chỉ khi về hưu, họ chấp nhận sống chậm lại và thiền định. Hẳn nhiều người từng động viên bạn đừng quá lo lắng, hãy trở nên cứng rắn hơn và học cách tận hưởng những điều tương tự như mọi người xung quanh. Khi người ta liên tục khuyến khích bạn trở nên khác đi, bạn sẽ khó học được cách yêu thương sự nhạy cảm của bản thân mình. Bạn có thể đã cố gắng thay đổi bản thân để đáp ứng đúng kỳ vọng của người khác. Nếu đúng là như vậy, bạn sẽ cần phải học cách trân trọng cái tôi của chính mình. Bước đầu tiên là tự đánh giá bản thân trên bề mặt chất lượng chứ không phải số lượng. Có thể bạn không làm việc năng suất hoặc hiệu quả được như những người khác, nhưng rất có thể kết quả công việc của bạn luôn đảm bảo chất lượng cao. Bạn có thể thua về bề rộng, nhưng bạn hoàn toàn có thể bù đắp được chiều sâu. Trong nhiều năm, tôi liên tục so sánh bản thân với những người khác và luôn cảm thấy rằng mình chưa bao giờ đủ tốt và điều này khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi đã phải chấn chỉnh lại bản thân để học cách chuyển sự tập trung từ những việc bản thân không thể làm sang nhận thức về tất cả các nguồn lực mình sở hữu. Bạn chắc cũng từng cảm thấy mãi lấn cấn, bận tâm đến những điểm mình thiếu hụt? Thường thì đấy là những điều dễ nhận thấy nhất. Ví như, bạn chỉ có thể giao tiếp hòa đồng trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn nhận thấy điều này và những người khác cũng vậy: “Cậu đã về rồi sao?”. Bạn quên mất việc để ý và trân trọng năng lực kết nối và tạo ra mối quan hệ mới của mình. Ví như, bạn chỉ mất vài tiếng đồng hồ để hoàn thành khối lượng công việc ngang với những người kiên trì hơn làm trong suốt một đêm. Tôi mong rằng cuốn sách này giúp được những người sở hữu độ nhạy cảm cao cũng như những tâm hồn mong manh nhận thức rõ hơn về những thứ chúng ta đang có và những gì chúng ta có thể làm. Sự mẫn cảm hơn người thường mang lại sự phong phú hơn trong cá tính… Chỉ có điều, khi những tình huống khó khăn hay những sự kiện bất thường xảy tới, những ưu điểm thường sẽ biến thành bất lợi rất lớn, vì sự bình tĩnh cân nhắc dễ bị rối loạn bởi những ảnh hưởng xuất hiện không đúng lúc. Tuy nhiên, điều sai lầm nhất dễ xảy ra khi ta coi sự nhạy cảm hơn người là một đặc điểm bệnh lý. Nếu thực sự là như vậy, thì chúng ta sẽ có khoảng ¼ dân số trên thế giới mắc bệnh tâm thần. C. G. Jung, 1995 [1913], đoạn 398 KHO SÁCH tổng hợp Google Drive VIP 800+ GB, 5000+ ebook & sách nói, 38 chủ đề, cập nhật liên tục �� Link Google Drive PHẦN MỀM/ ỨNG DỤNG miễn phí có sẵn trên Google Play/ Appstore giúp bạn sắp xếp dữ liệu, quản lý thời gian, đơn giản hóa công việc & cuộc sống, tích hợp TẤT-CẢ-TRONG-1 �� Tìm hiểu & download Chương 1 ĐẶC ĐIỂM CỦA NHỮNG SINH VẬT CÓ ĐỘ NHẠY CẢM CAO Hai loại tính cách trong cùng một bản thể Người ta ước tính rằng cứ năm người thì có một người có độ nhạy cảm cao. Điều này không chỉ xuất hiện ở mỗi con người mà còn ở các loài động vật bậc cao khác, và có thể phân biệt giữa hai loại: loại sinh vật mang tính nhạy cảm cao và loại mang tính sôi nổi hơn. Loại sinh vật thứ hai có khả năng tận dụng cơ hội tốt hơn và mang tính tự quyết cao hơn. Cũng như việc phân biệt hai giới tính khác nhau, chúng ta cũng có thể chia con người ra thành hai loại tính cách như trên. Sự khác biệt giữa hai loại tính cách đôi khi còn lớn hơn cả sự khác biệt giữa hai giới tính. Đặc điểm của sinh vật cực nhạy cảm không hề là một khám phá mới. Nó chỉ được gọi bằng những cái tên khác, ví dụ như hướng nội. Nhà nghiên cứu và tâm lý học người Mỹ Elaine Aron (1997) đã giới thiệu và mô tả ý tưởng về “người nhạy cảm cao”. Cô ấy nói rằng bản thân cô ấy vẫn tin sống nội tâm và độ nhạy cảm cao giống nhau cho đến khi cô ấy nhận ra rằng 30% những người có độ nhạy cảm cao là người hướng ngoại. Người ta cũng nêu ra những đặc điểm nhạy cảm như gượng gạo, lo âu hoặc nhút nhát. Những từ ngữ này chỉ mô tả được những đặc điểm đó xuất hiện trong con mắt người khác khi một người có độ nhạy cảm cao không cảm thấy có chỗ dựa và thiếu an toàn. Những mô tả nêu trên không đáng để mắt đến mặc dù những người nhạy cảm cao có thể gặp phải nhiều vấn đề và khó khăn hơn những người khác khi chịu áp lực, nhưng họ có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc sâu sắc khi môi trường xung quanh họ tĩnh tại. Dựa trên kết quả nhiều nghiên cứu, thực tế là chúng ta có thể không được hạnh phúc nếu không ở trong đúng bối cảnh, nhưng đồng thời có thể phát triển tuyệt vời trong bối cảnh phù hợp. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có phản ứng mạnh (được đo lường bởi nhịp tim và phản ứng miễn dịch) trong những tình huống khó khăn (tức là những đứa trẻ nhạy cảm) bị ốm thường xuyên hơn và gặp nhiều tai nạn hơn những đứa trẻ khác khi bị áp lực. (Boyce et al. 1995). Nhưng những đứa trẻ này sẽ đỡ ốm hơn và ít bị tai nạn hơn những đứa trẻ khác khi ở trong môi trường bình thường và quen thuộc của chúng. Chúng ta tiếp thu nhiều thông tin hơn và đào sâu suy nghĩ về chúng Những người nhạy cảm cao sở hữu hệ thần kinh rất tinh nhạy. Chúng ta nhận thức nhiều sắc thái hơn và lượng thông tin tiếp thu được sẽ khắc sâu vào trong tâm trí hơn về tổng thể. Chúng ta có một trí tưởng tượng tuyệt vời và thế giới nội tâm sống động, có nghĩa là những luồng thông tin và ấn tượng mà chúng ta nhận được từ bên ngoài có thể kích hoạt vô số khái niệm, liên tưởng và suy nghĩ. Bằng cách này “ổ đĩa” của chúng ta nhanh chóng bị lấp đầy và dễ dẫn tới kích động quá đà. Dựa trên kinh nghiệm của riêng tôi, mỗi khi bản thân mình đang ngấp nghé trên bờ vực vì phải tiếp nhận lượng thông tin quá tải, tôi cảm thấy như thể não bộ không còn chỗ cho bất cứ điều gì khác nữa. Nếu phải ở cùng với những người lạ, điều này có thể xảy ra trong ít nhất 30 phút hoặc một giờ, tôi chỉ đành cố kéo mình về thực tại và thậm chí giả vờ rằng tôi vẫn đang cảm thấy thích thú. Nhưng tôi phải mất rất nhiều sức lực cho điều này và sau đó sẽ cảm thấy mệt mỏi. Không ai thích bản thân nhạy cảm quá mức hay dễ rơi vào tình trạng hoảng hốt. Nếu bạn là một người mang tâm hồn nhạy cảm, bạn sẽ dễ chạm tới giới hạn của cảm giác căng thẳng hơn rất nhiều so với những người khác. Sau đó, bạn sẽ cần phải thu mình lại khi có quá nhiều thứ đang xảy ra xung quanh mình. Có lẽ bạn sẽ thấy quen quen trước những lời Erik mô tả trong ví dụ dưới đây; khi bạn cố gắng dành một quãng nghỉ cho chính mình, bạn sợ rằng người khác sẽ nhìn nhận bạn là người yếu ớt, quá nhạy cảm, xa cách hoặc khó gần. “Khi tôi tham dự những bữa tiệc sinh nhật lớn trong gia đình mình. Tôi đi vệ sinh khá thường xuyên để nhìn mình trong gương và mát xa tay bằng nước nóng và xà phòng. Hễ có người thử mở cánh cửa khóa, tôi lại cảm thấy mình buộc phải rời khỏi phòng tắm mặc dù chưa thấy đủ yên bình và tĩnh lặng. Tôi từng cố trốn sau một tờ báo. Tôi đến ngồi một góc và giơ tờ báo lên che mặt mình. Núp mình sau tờ báo, tôi nhắm mắt và cố lấy lại bình tĩnh. Ông chú tôi luôn thích bày trò náo nhiệt bèn lẻn ra sau tôi, giật tờ báo ra khỏi tay tôi và hét lên: ‘À cháu đây rồi, muốn trốn hả!’ và mọi người cười phá lên. Lúc đó, tôi cảm thấy cực kỳ không thoải mái.” Erik, 48 tuổi Ta không chỉ dễ bị kích thích bởi những luồng thông tin và ấn tượng khó chịu, mà những yếu tố tích cực, chẳng hạn như vui vẻ trong một bữa tiệc – cũng sẽ có lúc trở nên quá sức đối với bạn và bạn có thể phải rút lui khi bữa tiệc lên đến cao trào. Đây là điều khiến ta phải chịu đựng nhiều nhất từ những giới hạn của việc sở hữu tính nhạy cảm cao. Hầu hết chúng ta đều muốn mình có thể trụ vững như những người khác. Một phần ta sẽ không thấy thoải mái khi gây thất vọng với người tổ chức tiệc lúc họ muốn chúng ta ở lại. Một phần trong chúng ta thấy sẽ không hay tí nào khi chẳng thể tham gia vào phần còn lại của bữa tiệc. Và chúng ta sợ rằng người khác sẽ coi chúng ta là người nhàm chán hoặc thô lỗ khi chúng ta rời đi trước khi bữa tiệc kết thúc. Hệ thống thần kinh nhạy cảm của chúng ta thường buộc chúng ta phải rút lui khỏi những thứ chúng ta thích, và cũng là thứ cho phép chúng ta cảm nhận những niềm vui lớn lao. Những luồng thông tin dễ chịu về nghệ thuật, nghe nhạc hoặc nghe tiếng chim hót, thưởng hoa, tận hưởng một món ăn ngon hay ngắm nhìn cảnh đẹp đều có thể mang lại cho chúng ta những niềm vui lớn lao. Chúng ta cảm nhận được chúng ở sâu trong tâm trí và những điều đó khiến chúng ta thích thú. Nhạy cảm khi thâu nạp thông tin mang tính cảm quan Nếu bạn là người có độ nhạy cảm cao, có lẽ bạn hiểu rõ rất khó để dứt mình ra khỏi những thứ âm thanh, hình ảnh hay mùi hương khó chịu. Bạn bị quấy rầy và dễ nổi cáu bởi những thứ mình không muốn và không thể loại bỏ. Những âm thanh rất bình thường đối với người khác lại là những âm thanh phiền hà đẩy hệ thần kinh khỏi thế cân bằng. Ta có thể lấy Đêm giao thừa làm một ví dụ. Là một người nhạy cảm cao, bạn có thể vô cùng thích thú trước cảnh đẹp của pháo hoa trên bầu trời nhưng lại thấy khổ sở với những tiếng nổ lớn. Chúng như đang len lỏi vào đầu bạn và hệ thống thần kinh của bạn rung lắc dữ dội, và bạn có thể cảm thấy căng thẳng đến khó chịu vì điều này trong những ngày cận Tết. Khi tổ chức các cuộc hội thảo về tính nhạy cảm cao hoặc nói chuyện một đối một trong các buổi trị liệu, tôi thường yêu cầu mọi người kể lại những trải nghiệm tốt đẹp và tồi tệ nhất khi họ mang trong mình sự nhạy cảm cao. Thường thì đêm giao thừa hay bị liệt vào danh sách những trải nghiệm tồi tệ nhất của mọi người. Âm thanh của những vụ nổ tạo nên một địa ngục trần gian đầy tiếng ồn. Những tiếng ồn có vẻ vô hại hơn như tiếng đi lại của hàng xóm cũng có thể là một vấn đề đối với người nhạy cảm cao vì họ thường ngủ không sâu giấc và dễ bị đánh thức bởi những âm thanh rất nhỏ. Bạn có một danh sách những môi trường và địa điểm cần tránh. Nhiều người nhạy cảm rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh và cơn gió lùa và luôn phải từ chối tham dự những bữa tiệc ngoài vườn. Nếu bạn đến tiệm làm tóc đúng lúc bắt gặp ai đó đang uốn tóc, mùi từ hóa chất có thể là một vấn đề. Và sẽ rất khó chịu khi đến gặp một người hay hút thuốc. Kể cả họ đồng ý không hút thuốc khi gặp mặt bạn, thì mùi từ quần áo và đồ đạc vẫn xộc vào chiếc mũi nhạy cảm của bạn. Tôi đã gặp qua những người nhạy cảm phải rời khỏi nơi làm việc vì đài phát liên tục và họ không thể bỏ ngoài tai những tiếng ồn đó. Bạn có thể không thích những quán cà phê bật nhạc âm lượng lớn và điều này là biểu hiện của vấn đề. Và nhiều người có tính nhạy cảm cao sẽ cảm thấy phiền muộn khi phải ở những nơi chật chội. Trên thực tế, rất khó tìm được quán cà phê phù hợp với những người có tính nhạy cảm cao. Và điều này có thể gây khó chịu cho bạn và những người đồng hành của bạn - đặc biệt nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi và đói bụng. “Tôi thực sự rất thường thất vọng về bản thân vì tôi rất khó cảm thấy hài lòng. Tôi ước giá như mình ít phải chịu ảnh hưởng vì những thứ bên ngoài được như những người khác.” Susanne, 23 tuổi Là người nhạy cảm cao, chúng ta khó có thể xem nhẹ mọi thứ; ngưỡng chịu đựng của chúng ta rất thấp và chúng ta phải chịu đựng nhiều hơn những người khác khi môi trường xung quanh làm phiền đến chúng ta. Dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác Nhiều người có tính nhạy cảm cao cho biết rằng họ luôn cảm nhận được lúc nào có xung đột xảy ra xung quanh mình. Bạn sẽ thấy vô cùng mệt mỏi khi phải chứng kiến một trận cãi vã, mặc dù đôi khi chỉ là cảm nhận được bầu không khí căng thẳng. Mặt tích cực của sự mẫn cảm này cho thấy chúng ta rất giàu lòng trắc ẩn. Chúng ta có khả năng lắng nghe đầy cảm thông. Khá nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao tìm được việc làm liên quan đến dịch vụ chăm sóc và thường được khách hàng đánh giá cao trong lĩnh vực này. Những người nhạy cảm cao làm việc toàn thời gian để giúp đỡ và chăm sóc người khác thường nói rằng họ chỉ còn rất ít năng lượng vào cuối ngày. Tính nhạy cảm khiến chúng ta dễ bị xoáy vào cảm xúc của người khác và bị ảnh hưởng bởi những xúc cảm đó. Chúng ta cũng không giỏi trong việc lờ đi nỗi đau của người khác và cảm thấy khó bỏ lại công việc khi về nhà. Điều quan trọng là bạn phải học cách tự chăm sóc bản thân khi làm việc với những người khác. Bởi bạn dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng kiệt sức. Mọi người thường hỏi tôi rằng: Có thể học cách giảm bớt sự nhạy cảm trong mình không? Một khi bạn sở hữu tính nhạy cảm cao, bạn được trang bị một cái ăng-ten tinh nhạy giúp bạn có thể cảm nhận rõ ràng những gì đang xảy ra xung quanh mình. Đôi khi tôi ước mình có thể thắt nút những chiếc ăng-ten đó để ngăn chặn thông tin đi vào não bộ, ước mình có thể giả điếc, giả mù, tê liệt cảm xúc. Nhưng tôi không cho rằng điều này khả thi. Điều bạn có thể làm là ý thức hơn trong cách mình suy nghĩ về những điều bạn đã trải qua và cảm nhận. Chẳng hạn, hãy nhìn nhận cách bạn suy nghĩ khi gặp căng thẳng trong một mối quan hệ. Bạn có thể thầm nhủ, “Người này chắc đang giận mình, mình đang làm gì sai?” hoặc cho rằng “Người này có vẻ đang nản chí, có lẽ anh ta cần chăm sóc bản thân nhiều hơn”. Nếu bạn có xu hướng nghĩ theo ví dụ đầu tiên, những tình huống khó khăn càng trở nên khó khăn hơn mức cần thiết. Bạn có thể đọc thêm về mối liên quan chặt chẽ giữa cảm xúc và suy nghĩ ở Chương 8. Trong hoàn cảnh phù hợp, sự mẫn cảm của bạn đối với bầu không khí xung quanh có thể là một nguồn lực. Đây là nhận định của nhà tâm lý học và chuyên gia về hệ thần kinh, Susan Hart: Trẻ sơ sinh có phản ứng nhạy hơn với môi trường xung quanh thường sẽ nhạy cảm hơn với các tác động từ bên ngoài... Những trẻ em được nuôi dưỡng trong một môi trường an toàn và đầy sự quan tâm, các em sẽ dễ dàng thu hút, đồng cảm, vui vẻ, khơi gợi hứng thú và sự hòa nhập với môi trường (Hart 2008, trang 112) Những đứa trẻ nhạy cảm lớn lên trong sự hỗ trợ và chăm nom cẩn thận sẽ coi sự nhạy cảm như một kho báu. Và ngay cả khi bạn không nhận được đủ sự chăm sóc, yêu thương cần thiết khi còn nhỏ, bạn vẫn có thể học cách trao điều đó cho chính mình khi đã trưởng thành. Bạn có thể tự thu xếp cuộc sống của mình theo nhiều cách để tạo cơ hội cho sự nhạy cảm của bạn phát huy hết tiềm năng và trở thành nguồn lực cho bạn. Sự tận tâm Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ hay bị ức chế (nhạy cảm) vào độ tuổi lên bốn sẽ ít có khả năng gian lận, phá vỡ các quy tắc hoặc có những hành động ích kỷ ngay cả khi chúng chắc chắn rằng không có ai đang theo dõi mình. Hơn nữa, chúng thường đưa ra những câu trả lời hợp tình hợp lý khi phải đối mặt với các tình huống khó nhằn về đạo đức (Kochanska và Thompson 1998). Nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao rất tận tâm và có xu hướng gánh trách nhiệm với cả thế giới. Từ khi còn nhỏ, nhiều người trong số chúng ta thường “đánh hơi” được sự bất an hiển hiện xung quanh và tìm cách xoa dịu chúng. “Khi tôi cảm nhận được sự bất hạnh của mẹ, tôi luôn cố tránh thành nỗi phiền toái của bà. Tôi đã nghĩ rất nhiều xem nên làm gì để giúp cuộc sống của mẹ tốt hơn. Một ngày nọ, tôi quyết định mỉm cười với tất cả những người tôi gặp. Tôi tưởng tượng người khác sẽ thấy ngưỡng mộ mẹ tôi vì mẹ nuôi dạy con rất giỏi.” Hanne, 57 tuổi Khi bạn phát hiện ra sự bất an hoặc căng thẳng xung quanh mình, bạn thường nảy sinh thôi thúc đứng ra chịu trách nhiệm về nó và lập tức nỗ lực thay đổi mọi thứ cho tốt hơn. Bạn có thể lắng nghe những bức xúc của mọi người liên quan, đưa ra những nhận xét tích cực và cố tìm ra giải pháp. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và cần phải rời khỏi nhóm để về nhà trong khi những người khác nhanh chóng lấy lại bình tĩnh sau cuộc xung đột và tiếp tục với sự hân hoan. Việc bước ra và chịu trách nhiệm với một chuyện gì đó là ý tưởng hay hoặc dở còn phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Vấn đề nằm ở chỗ bạn rất khó giữ cho mình không bị ảnh hưởng bởi cảm giác khó chịu khi chuyện đó xảy đến và điều này sẽ khuấy loạn bộ não của bạn. Không ai có thể gánh chịu trách nhiệm cho cả thế giới. Ngoài ra, khi bạn nhận trách nhiệm về một điều gì đó, bạn thực sự đang lấy đi trách nhiệm từ một người khác. Trong một vài tình huống nhất định, điều tốt nhất nên làm là để người trong cuộc chịu trách nhiệm và học hỏi từ những sai lầm của họ. “Sau khi tôi học được cách không nên luôn luôn nhận trách nhiệm thay cho người khác, tôi thấy mình trữ được nhiều năng lượng hơn để sống trong thế giới này.” Egon, 62 tuổi Những người nhạy cảm luôn rất cố gắng không làm người khác phải chịu đau đớn hoặc khó chịu. Do đó, chúng ta đổ rất nhiều nỗ lực vào cách giao tiếp với những người khác. Những người có tâm trí mạnh mẽ hơn dường như ít cân nhắc hơn về những gì họ sẽ nói hoặc làm. Điều này có thể gây ngạc nhiên với người có tính nhạy cảm cao. Tôi thường nghe nhiều những người nhạy cảm cao kể lại rằng họ đã bị sốc thế nào trước những nhận xét thiếu suy nghĩ hay dễ gây tổn thương. Dường như mọi người luôn mong đợi những người xung quanh suy nghĩ thấu đáo và để tâm đến sự tương tác giữa người với người như mình. Nhưng những người khác lại không làm như vậy. Chính vì vậy, ta nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho điều này hơn để bản thân bị sốc hết lần này đến lần khác. Một khi bạn đặt quá nhiều tâm tư vào mọi thứ như cách những người có tính nhạy cảm cao vẫn làm, phản ứng của bạn sẽ chậm hơn và khó tương tác tự nhiên với người khác. Bạn có lẽ đã từng chịu thua trong nhiều cuộc tranh cãi, và mãi tới tận hôm sau mới nhận ra mình nên nói và hành xử như thế nào cho đúng. Tôi thấy cần nhấn mạnh một điều quan trọng rằng những người sở hữu tính nhạy cảm cao không phải lúc nào cũng chu đáo, cẩn thận và thấu cảm. Khi chúng ta nhạy cảm quá mức hoặc choáng váng trong quá nhiều luồng cảm xúc, chúng ta dễ trở nên rất thiếu suy nghĩ và đôi khi rất khó gần. Đời sống nội tâm phong phú Nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao kể cho tôi nghe về cuộc sống mơ mộng phong phú, thế giới nội tâm đa dạng và trí tưởng tượng sống động của mình. Ở phương diện cá nhân, tôi hiếm có lúc thấy nhàm chán khi ở một mình và thấy đó là một lợi thế lớn. Tôi không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai khác mang lại niềm vui cho bản thân và điều đó cho tôi sự tự do được là chính mình. Khá nhiều người sống cuộc đời bận rộn với đủ thứ hoạt động bỗng rơi vào khủng hoảng một khi họ mất việc hoặc nghỉ hưu, nhưng những người có tính nhạy cảm cao lại hay kể với tôi rằng họ hoan nghênh sự tự do mới mẻ đó. Họ coi đó là cơ hội để dành thời gian thể hiện bản thân theo cách sáng tạo hơn hoặc chậm rãi tận hưởng cuộc sống. Chúng ta không cần quá nhiều thứ để khơi gợi cảm hứng. Một số người có tính nhạy cảm cao còn thổ lộ họ rất sợ hãi thứ gọi là cảm hứng bởi vì nó giống như một nhu cầu mãnh liệt nảy ra từ bên trong họ - một lời kêu gọi phải bắt đầu ngay lập tức rất khó lờ đi. “Tôi thích vẽ tranh. Nhưng đôi khi nó gần như một gánh nặng. Mỗi khi tôi nhìn thấy một hình ảnh mới trong đầu, tôi liền bị khuấy động khủng khiếp và cảm thấy một áp lực vô hình ép mình phải tái hiện bức tranh lên khung canvas càng nhanh càng tốt”. Lisa, 30 tuổi Những cảm hứng mạnh mẽ như thế này sẽ rất có giá trị nếu bạn biết cách kiểm soát nó. Nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao sáng tạo nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với bản thân, tôi luôn cố gắng tắt mọi nguồn cảm hứng của mình sau 10 giờ tối. Những ý tưởng mới nảy đến vào giờ đó có thể hại tôi mất ngủ cả đêm. Bức tường ranh giới giữa ý thức và vô thức của những người nhạy cảm cao thường mỏng manh hơn người khác. Điều này giúp ta tiếp cận dễ dàng hơn với phần tiền ý thức và hiển hiện rõ ràng trong sự sáng tạo và những giấc mơ. Một tâm hồn với bản năng tò mò Nhiều người nhạy cảm cao tin rằng con người chỉ là một phần của một tổng thể lớn hơn. Thông thường, một người có tính nhạy cảm cao sẽ có sự kính trọng sâu sắc đối với thiên nhiên và cảm nhận được mối liên hệ với các loài động thực vật. Một số người quyết định đào sâu khám phá về những niềm tin và thể chế tôn giáo khác nhau như nhà thờ, trung tâm phát triển bản thân hoặc những cộng đồng tâm linh. Nhưng hầu hết sẽ tạo ra đức tin của riêng mình hoặc chắt lọc ra những gì họ cảm thấy phù hợp với bản thân mình từ nhiều nơi khác nhau. Mối quan hệ của chúng ta với Chúa, đấng toàn năng, thiên thần hộ mệnh hay bất cứ thứ gì chúng ta muốn gọi tên thường là mối quan hệ rất riêng tư. Chúng ta thiết lập mối liên hệ của riêng mình với đấng thiêng liêng mà không cần đến một linh mục, nhà lãnh đạo tôn giáo hay bậc thầy tâm linh dẫn đường chỉ lối. Trò chuyện với một thứ siêu nhiên tuyệt vời hơn hẳn bản thân mình là một điều khá tự nhiên đối với hầu hết những người nhạy cảm, nhưng chúng ta không cảm thấy sự thôi thúc phải đề cập điều đó với những người khác. Một giải pháp khác biệt Khi thấy mình rơi vào một tình huống mới lạ, bạn thường có hai xu hướng giải quyết vấn đề. Bạn lập tức khám phá nó và thử những giải pháp khác nhau. Hoặc bạn có thể chờ đợi, quan sát và cân nhắc kỹ tình hình trước khi có bất kỳ động thái nào. Một số người (và động vật) sử dụng giải pháp đầu tiên. Họ phản ứng nhanh, bốc đồng, táo bạo và thích mạo hiểm. Những người khác chọn giải pháp thứ hai. Họ cảnh giác, thận trọng và quan sát khá lâu trước khi làm việc gì đó. Mỗi giải pháp đều hữu ích theo cách riêng của nó trong từng tình huống khác nhau. Khi một đàn thỏ tìm đến đồng cỏ mới, nơi này chỉ lưa thưa xơ xác ít cỏ và có rất ít kẻ săn mồi, những con thỏ sử dụng giải pháp đầu tiên sẽ có cơ hội sống sót cao nhất. Chúng sẽ nhanh chóng lao tới bãi cỏ và ăn trụi mọi thứ trước khi đám thận trọng hơn dám mạo hiểm tiến vào đồng cỏ. Trong tình huống ngược lại, đồng cỏ này tươi tốt và có nhiều kẻ săn mồi, giải pháp thứ hai thường thích hợp hơn. Những con thỏ nhanh nhẹn và dũng cảm lao ra cánh đồng trước có thể bị giết và ăn thịt. Còn những con thỏ thận trọng sẽ phát hiện ra mối nguy hiểm trước khi quá muộn. Hai giải pháp này đều hữu ích cho sự sinh tồn của từng loài động vật, và mỗi loài đều sử dụng giải pháp ưu tiên của chúng. Đôi lúc chỉ những cá thể nhanh nhẹn hơn mới có cơ may sống sót vì đám quá cẩn thận đành chịu chết đói. Vào những lúc khác, những cá thể thận trọng lại đánh động được cho cả bầy và mang lại khả năng sống sót cao hơn cho tất cả. Nhưng hai giải pháp cần song song tồn tại để đảm bảo sự sinh tồn của loài. Giải pháp thứ hai là điểm khá đặc trưng của những người nhạy cảm cao. Họ quan sát và đối chiếu trước khi đưa ra lời nói hay hành động. Bạn có thể đã quen với chuyện mình suy nghĩ kỹ lưỡng vài bước trước khi bắt đầu một cuộc trò chuyện: “Trong trường hợp anh ấy nói không, tôi sẽ làm như này và như này. Còn nếu anh ấy thấy thoải mái với điều đó, tôi sẽ...” Và trước khi bắt đầu một dự án mới, bạn có thể đã suy nghĩ kỹ lưỡng về tất cả những hậu quả có thể xảy ra. Những người nhạy cảm cao thường rất giỏi trong việc tưởng tượng ra tất cả những khả năng mới mẻ, nhưng cũng giỏi dự đoán những sai lầm có thể diễn ra. Bạn được trang bị sự nhạy bén để cân nhắc chi tiết một tình huống trước khi bước chân vào đó. Điều này sẽ giúp bạn tránh mắc sai lầm. Nhưng nó có mặt hạn chế là làm bạn mất nhiều thời gian trong việc đưa ra một hành động hoặc khởi đầu những ý tưởng mới, và bạn có thể mất nhiều thời gian để lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra. Khi tôi muốn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đào tạo một ngày. Tôi thường cân nhắc trước từng chi tiết. Tôi cố gắng tưởng tượng mọi loại tình huống có thể xảy ra và lập nên kế hoạch dự phòng. Những người mạnh mẽ hơn không cần chuẩn bị kỹ càng đến thế. Anh ta thường không dễ nao núng khi mọi thứ chẳng diễn ra theo đúng kế hoạch. Một ngày đào tạo thường sẽ hút cạn năng lượng của tôi. Tôi sẽ không có dư bất kỳ năng lượng dự trữ nào dành cho những sự cố hoặc những vấn đề không đáng có. Vì vậy, tôi thấy đó là chuyện đương nhiên khi suy nghĩ và sắp xếp cẩn thận mọi thứ từ trước. Khả năng phán đoán các vấn đề và xem xét chúng thực sự hữu ích. Không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Và những người đó dễ rơi vào những tình huống khó khăn. Nhưng khuyết điểm của điều này là nguy cơ biến bạn thành kẻ lo lắng kinh niên. Có thể bạn nhận ra mình thường xuyên thấy căng thẳng. Nếu đúng như vậy, bạn sẽ hưởng lợi khi học được cách tắt bớt khả năng này. Một số kỹ năng thư giãn và thiền định sẽ có ích cho bạn. Có lẽ bạn vẫn luôn được khuyến khích để bớt lo lắng và đón nhận mọi thứ khi chúng xảy đến. Nhưng nếu bạn là một người có tính nhạy cảm cao, dành thời gian suy ngẫm trước khi nói hoặc hành động là điều khôn ngoan. Bởi thường thì bạn không có dư năng lượng dành cho những xung đột và sai lầm, bởi vì bạn sở hữu mức năng lượng có hạn. Bạn nên tránh những tranh cãi không cần thiết vì chúng có thể gây bất ổn cho hệ thần kinh của bạn trong một khoảng thời gian dài sau đó. Ngoài ra, bạn đừng bắt bản thân mình chịu đói, chịu khát và cái lạnh vì những điều này có thể ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn những người khác. Chậm rãi và sáng suốt Những người nhạy cảm cao thường có thể nhìn thấu tất cả các khía cạnh của một câu chuyện. Đây là một trong những lý do khiến bạn cảm thấy sự thôi thúc phải dành nhiều thời gian hơn những người khác để suy nghĩ thấu đáo mọi thứ. Khía cạnh tích cực của điều này là khi bạn nói hoặc làm một điều gì đó, bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng về nó và thường mang tính sáng tạo. Nhiều tác giả, nghệ sĩ và nhà tư tưởng tự do thuộc típ người có tính nhạy cảm cao. “Tôi luôn gặp khó khăn để thấu hiểu xem làm cách nào mà một số người có thể đưa ra quyết định trong chớp mắt. Khi chúng tôi tổ chức họp ở công ty, tôi thường khó nhận định được mình nghĩ gì, cảm thấy thế nào và muốn hành động theo cách nào hơn. Tôi vẫn thấy tốt nhất là mình nên có một khoảng thời gian để suy nghĩ thấu đáo và nghiền ngẫm mọi thứ. Ban đầu, tôi thấy rất tồi tệ vì mình hay đưa ra những quyết định chậm trễ trong công việc. Nhưng mọi người cũng đã quen với cách làm việc của tôi. Khi tôi đưa ra quan điểm với các đồng nghiệp của mình, tôi cảm thấy họ rất tôn trọng quan điểm và ý tưởng của tôi vì tôi luôn trình bày vô cùng cặn kẽ và rõ ràng.” Jens, 55 tuổi Tính nhạy cảm cao đối lập với tính bốc đồng. Tuy nhiên, khi một số người nhạy cảm cao rơi vào tình trạng bị kích thích quá mức và không còn đường thoái lui, sự tuyệt vọng của họ bị đẩy lên đỉnh điểm và bùng nổ sự giận dữ. Họ có thể làm ra điều gì đó bốc đồng để cứu họ khỏi tình huống không thể đối phó. Hành động bốc đồng đó có thể là bỏ việc, cắt đứt tình bạn, nhậu nhẹt, ăn uống quá chén hoặc gọi cho bố mẹ già để trút bầu tâm sự. Trong những trường hợp như vậy, một người nhạy cảm cao dễ bị hiểu sai thành người mắc chứng Rối loạn Nhân cách Ranh giới (BPD)1. Điều khác biệt là người nhạy cảm sẽ rất nhanh chóng hối hận về hành động của mình, đặc biệt nếu những hành động này mang lại sự đau đớn hay bực tức cho người khác. Và trong khi những người bị chẩn đoán mắc chứng BPD dễ nảy sinh tức giận và phản kháng, thì người nhạy cảm cao lại có xu hướng tỏ ra xấu hổ hoặc tội lỗi. Nếu là một người nhạy cảm cao, bạn thực sự muốn tránh làm bất cứ điều gì sai trái. Nếu bạn làm tổn thương người hoặc động vật theo bất kỳ cách nào, bạn sẽ cảm thấy rất đau buồn và trách móc bản thân trong một thời gian dài. 1 Tức Borderline Personality Disorder, một triệu chứng khi người ta không phân biệt được ranh giới, khó kiểm soát hành vi, thường có cách đối xử bất thường đối với bản thân và người khác. Những người nhạy cảm thích kiếm tìm cảm giác mạnh Hầu hết những người nhạy cảm cao ưa giải pháp thận trọng. Họ ưu tiên sự an toàn hơn là sự phấn khích và thích cảm giác quen thuộc. Nhưng một số người nhạy cảm cao lại thích phiêu lưu và khám phá những điều mới mẻ. Nếu bạn nhận định mình là một người dễ cảm thấy buồn chán và đồng thời hay dễ bị kích thích quá mức, bạn có thể thuộc típ người nhạy cảm ưa tìm kiếm cảm giác mạnh. Vậy thì, thách thức lớn với típ người này là tìm cách cân bằng mọi thứ. Một khi là người nhạy cảm thích tìm kiếm cảm giác mạnh, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán trước những điều lặp đi lặp lại và dễ trở nên bồn chồn nếu bạn có quá nhiều thói quen trong cuộc sống. Bạn sẽ trông mong những trải nghiệm thú vị. Bạn háo hức đi du lịch, đặc biệt là những nơi mà mình chưa từng đặt chân đến. Có vẻ như những người nhạy cảm thích tìm kiếm cảm giác mạnh thường tạo ra rất nhiều vấn đề cho chính họ. Mặc cho họ dễ bị căng thẳng và choáng ngợp, họ vẫn tiếp tục tìm kiếm những trải nghiệm mới và dẫn đến kiệt sức. Sau đó, nhiều người tự tra tấn bản thân về những hành vi của mình. Nhưng điều này hoàn toàn không cần thiết: khao khát những trải nghiệm mới mẻ không phải lỗi của họ và đó là điều rất khó cân bằng. Nó cũng giống như ta cố gắng lái một chiếc ô tô với một chân đạp ga và chân kia đạp phanh vậy. Hướng nội và hướng ngoại Khoảng 70% người nhạy cảm cao là người hướng nội và khoảng 30% còn lại là người hướng ngoại. Khi tôi nói với khách hàng rằng họ có thể là một người hướng nội, họ thường sẽ phản bác lại: “Không, tôi không thể như vậy vì tôi không phải dạng người chỉ thích ngồi không và muốn ở một mình.” Từ “hướng nội” giờ gần như đã trở thành sự xúc phạm; mọi người gắn nó với hình ảnh một người khó gần và không quan tâm đến người khác, chỉ thích ngồi một mình chìm vào suy nghĩ hay đắm đuối trong không gian ảo. Theo nhận định của C. G. Jung (1976), người hướng nội là người quan tâm đến đời sống nội tâm hơn thế giới vật chất. Điều này không có nghĩa là họ chỉ quan tâm đến thế giới nội tâm của họ; họ cũng có thể quan tâm đến đời sống nội tâm của người khác. Nếu bạn là một người hướng nội, có lẽ bạn sẽ nhanh chóng thấy nhàm chán nếu mọi người chỉ nói về những thứ vật chất bề ngoài. Bạn chắc sẽ thấy mệt mỏi với việc buôn chuyện tầm phào, nhưng lại rất vui khi được trò chuyện ở mức độ sâu hơn, nhất là nói chuyện riêng với một ai đó hoặc trong một nhóm nhỏ có chung sở thích. Bạn không hứng thú tới các buổi tụ tập lớn mà sẽ chọn các cuộc tụ họp nhỏ có mức độ đòi hỏi thấp hơn. Nếu bạn là một người nhạy cảm cao có tính hướng ngoại, bạn sẽ không dành toàn bộ thời gian của mình cho việc giao tiếp xã hội. Bạn sẽ cần thời gian để rút lui và xử lý thông tin đầu vào giống như người nhạy cảm cao có tính hướng nội. Tính nhạy cảm cao rất dễ bị nhầm lẫn với tính cách hướng nội bởi vì chúng có một số điểm đặc trưng tương đồng. Đời sống nội tâm phong phú và xu hướng đào sâu vào bên trong là những lời C. G. Jung dùng để mô tả về đặc điểm của tính hướng nội (Jung 1976). Cả người hướng nội và người nhạy cảm đều không cần sự kích thích từ bên ngoài. Họ sở hữu sẵn đời sống nội tâm phong phú và được nuôi dưỡng bởi quá trình suy nghĩ và tưởng tượng của chính họ. Họ dành nhiều năng lượng để nghiền ngẫm và lĩnh hội những thông tin và trải nghiệm. Rõ ràng là một số người nhạy cảm cao có thể bao hàm chiều sâu của tính hướng nội, nhưng một số cũng có thể hướng ngoại và thấy thoải mái ở trong các nhóm lớn. Họ thường được lớn lên trong một gia đình đông người, đã quen với cuộc sống sinh hoạt chung ở trường học hoặc những phong cách sống khác biệt; họ cảm thấy an toàn và thân thuộc hơn khi có nhiều người xung quanh mình. Một số người nhạy cảm cao có thể trở thành dạng hướng ngoại xã hội do áp lực từ môi trường xung quanh. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình chỉ chấp nhận sự vui vẻ và tính hướng ngoại nơi bạn, bạn sẽ thấy cần phải áp vào mình những hành vi phù hợp. Điều này cũng dễ lý giải tại sao 70% người nhạy cảm cao là mang tính hướng nội; các nhóm nhỏ dễ đem lại sự suy ngẫm sâu sắc và bạn đỡ bị lấn át trong các bối cảnh nhỏ. Vừa là một người có tính nhạy cảm cao vừa là một người hướng ngoại mang lại thách thức không hề nhỏ. Người nhạy cảm cao mang tính hướng ngoại thường cảm thấy cực kì cáu giận khi muốn giao tiếp xã hội nhiều hơn mức độ mà hệ thần kinh của họ có thể xử lý. Điều này cũng đúng với những người nhạy cảm cao mang tính hướng nội, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Ưu và nhược điểm của loại hình học Không ai có khả năng xếp vừa 100% bản thân mình vào bất kỳ kiểu người nào. Ta có đủ thể loại người không thua gì dân số. Nếu bạn cứ cố gắng xếp mình vào một kiểu người cụ thể nào đó, có thể bạn sẽ loại đi một số phần tính cách của bản thân ra khỏi ý thức của mình. Khi bạn ép mình vào một kiểu người, bạn có thể sẽ giam mình vào một vai trò nhất định và quên rằng bạn cũng có khả năng thay đổi và trưởng thành hơn. Khi mô tả mọi người dựa vào các loại hình khác nhau, chúng ta sẽ nhận ra rằng con người thực sự khác nhau đến mức nào. Nếu chúng ta không nhận thức được điều này, chúng ta sẽ luôn tin rằng tất thảy mọi người ai cũng giống như mình. Khi họ làm điều gì đó theo cách khác với chúng ta, ta nghĩ rằng có điều gì đó không ổn. Trước khi biết đến những kiểu người khác nhau, tôi thường tự nghĩ rằng những người có nhiều năng lượng với cuộc sống bận rộn thường sợ phải tiếp xúc với chính họ. Tôi cho rằng họ đang chạy trốn điều gì đó. Bây giờ tôi nhận ra rằng những người đó hoạt động theo những cách rất khác với cách hoạt động của tôi. Một số người hướng ngoại không nắm bắt được sự khác biệt về đặc trưng hay nét tính cách thường tin rằng người hướng nội dè dặt và thu mình, không quan tâm đến và không có thời gian dành cho người khác. Khi một người hướng nội tỏ ra muốn ngồi một mình một tối thay vì cùng ở bên một người bạn hướng ngoại, người kia có lẽ sẽ bắt đầu nghĩ rằng có điều gì đó không ổn vì anh ta không thể hiểu được rằng ở đơn độc trong một thời gian dài là điều tương đối thoải mái. Nhận thức rõ hơn về các kiểu người khác nhau sẽ cực kì hữu ích cho nhiều cặp đôi trong việc hiểu nhau rõ hơn. Chương 2 TIÊU CHUẨN CAO VÀ LÒNG TỰ TÔN THẤP Châm ngôn cá nhân Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được những quy tắc mà ta đặt ra cho chính mình. Những quy tắc này có thể do cha mẹ đặt ra. Hoặc chúng ta đã tự tạo ra chúng trong một số thời điểm nhất định trong cuộc đời. Các châm ngôn hơi giống việc ăn bằng thìa. Khi ta bắt đầu học cách sử dụng thìa, bạn phải nghĩ về nó, tập cầm nó, xoay theo đúng cách để đảm bảo đưa được thức ăn lên miệng bạn. Nhưng khi bạn đã sử dụng được nó, việc dùng thìa sẽ trở nên tự nhiên hơn và cuối cùng bạn không cần phải suy nghĩ về nó nữa. Có lẽ bạn vẫn tự động sống cuộc sống của mình theo những quy tắc nhất định bạn đã từng học mà không ý thức về chúng. Vấn đề nằm ở chỗ những quy tắc này có thể đã lỗi thời từ lâu và không còn phù hợp với bạn. Đối với những người nhạy cảm cao, duy trì giao tiếp xã hội trong thời gian dài có thể rất khó khăn. Nếu bạn vừa phải duy trì sự hòa đồng với xã hội, vừa phải tuân theo những châm ngôn cũ kỹ, cứng nhắc, bạn sẽ sớm cảm thấy mệt mỏi. Có thể bạn sẽ khắt khe với bản thân hơn là với những người khác. Dưới đây là một số ví dụ về những châm ngôn cá nhân dễ gây trở ngại mà tôi gặp phải khi nói chuyện với những người nhạy cảm. • Trong mọi tình huống, tôi phải cố gắng hết sức - và cố thêm một chút nữa. • Tôi phải đảm bảo rằng người khác không nhìn ra điểm yếu của tôi. • Tôi không được phép ích kỷ. • Lúc nào tôi cũng phải cẩn thận để ý đến người khác và đảm bảo rằng họ đều ổn thỏa. • Để tâm đến nhu cầu của bản thân khi có sự hiện diện của người khác là thô lỗ. • Tôi không được phép mắc sai lầm. Tiêu chuẩn cao Thông thường, những người có tính nhạy cảm cao sẽ tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn rất cao để đánh giá hành vi của chính họ. Bạn có thể đặt tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực khác nhau như: • có ích • hiếu khách • chu đáo • chú ý quan tâm • thấu đáo • có trách nhiệm và đáng tin cậy • thể hiện sự quan tâm đến người khác Có thể một số học sinh yêu cầu rằng bạn phải thực hiện được 100% trong tất cả các lĩnh vực ở trên để vừa đủ mức đạt đối với bản thân. Nếu đúng như vậy, bạn có thể thấy thực sự khó khăn để thư giãn và đặt ra ranh giới cho mình, bởi vì mỗi lần tự đặt ra ranh giới, bạn sẽ thấy bản thân đang mâu thuẫn với châm ngôn và hình ảnh của riêng mình. Lòng tự tôn hay sự tự tin Bạn có thể phân biệt giữa lòng tự tôn và sự tự tin theo những cách sau: • Tự tin là biết tin tưởng vào khả năng và hành động của bản thân. • Lòng tự tôn là ý thức về điểm cốt lõi của chính mình và hiểu sâu sắc giá trị của bản thân. Bạn hiếm thấy người nào có nhiều lòng tự tôn nhưng lại rất ít sự tự tin về bản thân. Những người có ý thức lành mạnh về bản thân sẽ tìm thấy những thách thức phù hợp với họ để dẫn đến thành công. Ta thường thấy sự kết hợp của sự tự tin cao với lòng tự tôn thấp hơn. Những người có lòng tự tôn thấp thường sẽ cố gắng bù đắp bằng cách làm việc chăm chỉ hơn những người khác và xuất sắc trong một lĩnh vực cụ thể. Một đồng nghiệp xuất sắc tại nơi làm việc có thể nhận thức rất rõ về năng lực của bản thân họ và tự tin hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhưng đồng thời, người đó có thể rất bất ổn và tự hỏi liệu mình có đủ tốt để người khác thực sự yêu thích mình hay không. Tại sao những người nhạy cảm cao thường thiếu niềm tin vào giá trị của bản thân? Sở hữu tiêu chuẩn cao thường liên quan mật thiết với lòng tự tôn thấp. Tiêu chuẩn cao xuất hiện như một cách để bù đắp cho lòng tự tôn thấp nơi họ. Bạn càng cho rằng mình không đáng để được yêu quý, bạn càng cố gắng tìm ra các giải pháp bù đắp chọ sự thiếu hụt này. Rất nhiều yếu tố khác nhau góp phần tạo ra lòng tự tôn thấp ở những người nhạy cảm cao. • Chúng tôi lớn lên trong một nền văn hóa mà bản thân không phù hợp với cách cư xử được cho là lý tưởng. Một số đứa trẻ mang tính nhạy cảm cao rất có thể bị cho là khiếm khuyết. “Mẹ tôi nói với tôi rằng tôi nhạy cảm một cách thái quá.” Inger, 50 tuổi • Từ khi sinh ra, một số người trong chúng ta có thể rất tốn công nuôi dưỡng và bố mẹ thi thoảng lại phàn nàn về chúng ta. Những lời trách mắng đó sẽ không trôi tuột qua chúng ta không lưu lại dấu vết gì. Những lời nói đó có thể không ảnh hưởng nhiều đến một đứa trẻ kiên cường nhưng có thể đọng lại rất lâu trong tâm trí của một đứa trẻ nhạy cảm, là một trải nghiệm về việc chúng đã khiến người khác cảm thấy mệt mỏi hoặc đau buồn như thế nào. • Chúng ta đặc biệt giỏi trong việc nhìn nhận chính mình để tìm ra gốc rễ của bất kỳ vấn đề nào. Một trong những sách lược ưa thích của chúng ta là cố gắng dự đoán những điều có thể dẫn đến sai sót, nhưng trong lúc đánh giá ta thường cố gắng “bới lông tìm vết” chính những hành vi của bản thân mình. Chúng ta thà tự trách mình hơn là chịu cảnh bị người khác bất ngờ buông lời chỉ trích. “Nếu ai đó chỉ trích tôi, tôi sẽ nghĩ về điều đó rất lâu. Ngay cả khi những lời chỉ trích đó là không công bằng, tôi vẫn tự hỏi bản thân rằng liệu điều đó có đúng không hay mình chỉ không chịu đựng nổi việc phải nghe chúng.” Janne, 31 tuổi • Chúng ta thường cảm thấy có trách nhiệm với gánh nặng của người khác. Chúng ta có thể nhấn chìm mình trong đó từ khi còn là những đứa trẻ. Đây là một ví dụ: “Tôi luôn cho rằng mẹ tôi không hạnh phúc là do lỗi của mình. Tôi cảm thấy xấu hổ vì không thể giúp tình trạng trầm cảm của bà ấy sớm chấm dứt và tôi nghĩ rằng mình không đủ tốt.” Ida, 52 tuổi Lòng tự tôn thấp và tiêu chuẩn cao duy trì lẫn nhau như thế nào? Bạn có thể sở hữu những suy nghĩ ít nhiều có ý thức như: • “Tôi rất khó gần, nhưng nếu tôi cố gắng hết sức để làm hài lòng người khác, họ sẽ không bỏ rơi tôi.” Ám chỉ: “Nếu tôi không làm hết sức mình, tôi sẽ phải đơn độc.” Hoặc là: • “Về cơ bản, tôi là một người không ai yêu quý nổi, nhưng nếu tôi nỗ lực, tôi có thể được cộng đồng chấp nhận.” Ám chỉ: “Nếu tôi không nỗ lực, mọi người sẽ bỏ rơi tôi.” Nếu bạn nghĩ mình là người không thể yêu thương nổi nhưng không cố tạo ra các giải pháp bù đắp khuyết điểm, rồi bạn sẽ gặp những người yêu thương chính con người bạn. Thực tế sẽ chứng minh rằng những giả định của bạn là sai. Tuy nhiên, lòng tự tôn thấp và tiêu chuẩn cao có thể duy trì và củng cố lẫn nhau. Nếu bạn cứ tuân theo các tiêu chuẩn cao của mình, tạo ra các giải pháp bù đắp vấn đề, và khi bạn thấy người khác thích mình, bạn sẽ không bao giờ thực sự biết liệu họ thích bạn vì chính bản thân bạn hay chỉ vì họ đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn. Bằng cách này, suy nghĩ bạn là người không thể yêu thương nổi sẽ luôn tồn tại. Ngay cả khi, bạn được trải nghiệm vô số lần rằng mọi người rất yêu quý bạn, bạn có thể tự nhủ rằng tình yêu này là nhờ vào những tiêu chuẩn cao của bạn chứ không phải vì chính con người bạn. Khi tôi hỏi một khách hàng rằng cô ấy có nghĩ là tôi thấy cô ấy dễ mến không, cô ấy đã đáp là: “Có, nhưng tôi trả tiền cho cô vì điều này”. Các khách hàng thường nói với tôi, “Thật là một cảm giác thoải mái khi phải trả tiền cho sự có mặt của cô ở đây, vì tôi không phải lo lắng đến chuyện làm cô hài lòng hay cố tỏ ra thú vị.” Nhiều người trả tiền để được trở thành một phần của cộng đồng. Sự chu đáo tỉ mỉ và có ích cũng là một hình thức thanh toán. Nếu bạn phải chi trả bằng cách này hay cách khác để trở thành một phần của cộng đồng, bạn không bao giờ có thể thực sự chắc chắn liệu mọi người thích bạn hay dịch vụ của bạn. Bằng cách này, lòng tự tôn thấp càng phát triển mạnh mẽ hơn bất chấp những trải nghiệm tích cực. Tiêu chuẩn cao cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác về bản thân nếu bạn cứ làm chính mình thấy thất vọng. Bạn dần kiệt sức với những yêu cầu cao đặt ra cho bản thân mình. Và nếu bạn cũng có xu hướng hay tự đánh giá và tự trách bản thân, bạn dễ mắc vào một vòng luẩn quẩn. Vòng luẩn quẩn Nếu bạn có các tiêu chuẩn rất cao, điều cấp thiết là phải tìm cách hạ thấp tiêu chuẩn xuống. Nếu không, bạn sẽ đổ quá nhiều gánh nặng lên mình. Hành động đơn giản là để tâm đến những châm ngôn cá nhân của mình có thể khởi đầu cho một quá trình thay đổi. Sau đó, bạn chỉ cần tiếp tục luyện tập. Nếu bạn sẵn sàng cố gắng làm ngược lại những châm ngôn của mình, bạn sẽ thấy rằng những thảm họa mà bạn dự đoán sẽ không xảy ra. Và mỗi khi bạn nhấm nháp cảm giác an ổn - ngay cả khi không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của riêng mình – bạn sẽ khắc phục được một phần nào đó bớt sự cầu toàn và thư giãn hơn bên trong mình. Hành động chống lại châm ngôn cá nhân của bạn bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn của chính mình sẽ mang lại những trải nghiệm tốt bất chấp những điều bạn lo lắng, và bạn sẽ thấy rằng vẫn có những người thích bạn ngay cả khi bạn không thể diễn vai hoàn hảo theo đúng tiêu chuẩn cao của mình. Thậm chí, một số người còn nói với bạn rằng bạn trở nên dễ tính hơn, dễ gần gũi hơn và họ cảm thấy thoải mái hơn khi dành thời gian ở cùng bạn. Các trải nghiệm ổn thỏa khi được là chính mình mà không cần liên tục cung cấp điều gì cho người khác sẽ có tác động tích cực đến ý thức về bản thân của bạn. Hạ thấp tiêu chuẩn cũng sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng hơn để ở bên người khác. Bạn đang bước vào một vòng kết nối mang tính xây dựng hơn. Hãy thử với việc nói “không” Nếu bạn đang dành phần lớn cuộc đời để làm những việc với cái giá rất đắt cho bản thân, bạn sẽ cực kỳ lo âu khi phải ngưng chúng lại. Bạn có thể thực hành theo từng bước nhỏ. Nếu bạn đã quen với việc luôn luôn nói đồng ý khi ai đó nhờ vả mình, bạn có thể thử nói không một lần. Bạn cũng có thể giới hạn sự giúp đỡ lại: “Vâng, tôi rất vui khi được chăm sóc mấy đứa con nhà chị tối nay, nhưng chỉ đến 9 giờ tối thôi vì tôi còn việc khác muốn làm.” Nếu bạn lo sợ mình bị loại bỏ hoặc bị bỏ rơi do hạ thấp tiêu chuẩn, điều này không hoàn toàn là suy nghĩ viển vông. Một số bạn bè có thể đã chọn bạn chỉ vì thấy thuận tiện khi có người chu đáo, dễ chịu và hữu ích như bạn ở bên. Họ có thể mất hứng nếu bạn không cung cấp cho họ những dịch vụ mà họ đã quen nhận được. Bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng một khi sẵn sàng mạo hiểm đánh mất một số tình bạn của mình. Cũng rất tốt nếu bạn đặt câu hỏi liệu có đáng để cố gắng giữ chân những người có lẽ chỉ quan tâm đến bạn vì bạn là người dễ gần. Hay có đáng để bạn mạo hiểm tìm hiểu xem có nhiều thứ khác ẩn trong tình bạn đó? Điều này không có nghĩa tất cả bạn bè của bạn sẽ rời bỏ bạn. Có thể là một số. Điều này sẽ giải phóng bạn và cho bạn thời gian để tìm kiếm những người bạn thực sự, những người sẽ trân trọng chính con người bạn chứ không phải những điều bạn làm cho họ. Nỗi sợ bị bỏ rơi Đối với một đứa trẻ có tính nhạy cảm cao với hệ thần kinh mẫn cảm, trải nghiệm bị bỏ rơi vào bàn tay chăm sóc của những người xa lạ với chúng sẽ thê thảm hơn nhiều so với những đứa trẻ kiên cường. Điều này có thể khiến đứa trẻ thêm lo âu. Đôi khi bạn chưa hoàn toàn nhận thức được giờ bản thân đã là người lớn. Có lẽ bạn vẫn sợ bị bỏ rơi giống như hồi nhỏ, như thể bạn vẫn còn nhỏ bé, bất lực và không thể tự sinh tồn. Tất cả trẻ nhỏ đều cần sự chăm sóc yêu thương ở mức nhất định. Nếu không chúng sẽ chết. Nhưng những người trưởng thành có khả năng sống sót một mình trong nhiều thập kỷ trên các hòn đảo hoang. Bạn có thể xoa dịu lo âu khi tự nhắc nhở mình rằng thời thơ ấu của bạn đã là quá khứ, bạn vẫn sống sót và cuộc sống không còn nguy hiểm đối với bạn như ngày trước nữa. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi có thể đã ăn sâu vào cơ thể bạn đến nỗi chỉ những trải nghiệm mới mẻ có thể thâm nhập vào hệ thống của bạn và thay đổi mọi thứ. Khi ngôn từ không tạo ra sự khác biệt, chúng ta cần đến trải nghiệm cá nhân. “Tôi đã quyết định ngừng làm một kẻ chỉ biết chiều lòng người khác ở nơi làm việc. Một bước nhỏ để hướng tới điều này là nói với một đồng nghiệp của tôi rằng tôi thấy rất khó chịu khi cô ấy nói chuyện điện thoại quá ồn ào. Tôi đã thức trắng cả đêm; diễn đủ thứ kịch bản khác nhau trong đầu. Tôi còn tưởng tượng đến chuyện cô ấy sẽ hầm hầm đứng dậy và đi thẳng đến gặp người quản lý của chúng tôi, đòi đổi chỗ ngồi. Cả buổi sáng, tôi ngồi chờ cơ hội để nói chuyện với đồng nghiệp của mình, nhưng mỗi lần có cơ hội, tôi lại không đủ lòng dũng cảm. Tôi đi dạo trong giờ nghỉ trưa và khi quay lại, tôi hít một hơi thật sâu và nói với cô ấy những gì tôi định nói. Tim tôi đập dồn dập và tôi thấy khó thở. Mọi thứ lặng lẽ hẳn, và tôi lo đến mức chẳng dám ngước lên. Sau vài giây. Cô ấy nói: ‘Sao cậu không bảo tớ sớm hơn. Nhưng tớ thấy may vì cậu đã chỉ cho tớ biết.’ Chúng tôi đã cùng nhau giải quyết khúc mắc và tìm ra giải pháp. Cuối cùng, đó là một trải nghiệm tích cực. Sau đó, tôi thấy thích cô ấy hơn rất nhiều và chia sẻ với nhau nhiều thứ hơn hồi trước. Kinh nghiệm này thực sự khuyến khích tôi. Tôi trở về nhà và nói với chồng rằng việc anh ấy bật đèn mỗi khi thức dậy vào ban đêm đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào.” Line, 43 tuổi Vòng mang tính xây dựng Một khi xử lý được những châm ngôn cá nhân cản trở và hạn chế bản thân, bạn sẽ tìm thấy nhiều không gian hơn để là chính mình. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn và bạn sẽ không còn giới hạn mình bởi những quy tắc cứng nhắc. Nắm lấy cơ hội Nhiều người phải chờ đợi cả đời thu gom đủ niềm tin vào bản thân để bất chấp khả năng bị bỏ rơi, và họ thường phải trả một cái giá đắt. Cách nhanh hơn chính là thử mạo hiểm trước khi bạn thu gom đủ sự tự tin. Sự tự tin có thể theo sau. Nhưng điều này mang lại cảm giác giống như nhảy vào khoảng không. Nếu bạn cứ không ngừng cố gắng hết sức để bản thân xứng đáng được yêu mến, thì bạn có nhiệm vụ phải dừng lại. Nếu bạn luôn cố gắng che giấu những phần mà bạn nghĩ người khác sẽ không thích về mình, thì nhiệm vụ của bạn cũng tương tự. Sâu trong lòng, bạn có thể vẫn luôn mơ được người khác yêu quý bởi chính bản thân mình, mà không cần phải chứng minh rằng bạn xứng đáng. Điều kiện đầu tiên để giấc mơ này trở thành hiện thực là bạn phải lấy hết can đảm để bộc lộ cho mọi người thấy bạn là ai. Bạn sẽ phải bỏ cái mặt tiền hoa mĩ mặc dù bạn sợ rằng mọi người sẽ bỏ chạy và la hét. Đúng là bạn sẽ bộc lộ ra sự dễ vỡ, phơi bày bản thân trước những điều bạn sợ hãi. Nhưng bạn sẽ nắm được cơ hội. Bạn sẽ phải chờ xem liệu mọi người có bỏ chạy hay không. Một số người có thể sẽ đến gần bạn hơn. Khi bạn ngừng nỗ lực để trở thành những gì bạn nghĩ người khác mong đợi vào bạn và bắt đầu thể hiện bản thân nhiều hơn, bạn đang trên đường tiếp nhận những trải nghiệm mới, khẳng định cuộc đời mình. Bạn sẽ phát hiện ra rằng mình không bị loại trừ khỏi các nhóm, khỏi cộng đồng và mọi người vẫn tiếp tục quan tâm đến bạn ngay cả khi bạn đang thể hiện ra những mặt kém hoàn hảo của mình. Điều này sẽ giống như một liều thuốc giải độc cho nỗi sợ hãi của bạn và tiếp thêm dũng khí để bạn sống là chính mình. Đồng thời, bạn sẽ thấy mình có nhiều năng lượng hơn khi ở cạnh những người khác và bạn sẽ có thể duy trì giao tiếp xã hội trong quãng thời gian dài hơn. KHO SÁCH tổng hợp Google Drive VIP 800+ GB, 5000+ ebook & sách nói, 38 chủ đề, cập nhật liên tục �� Link Google Drive PHẦN MỀM/ ỨNG DỤNG miễn phí có sẵn trên Google Play/ Appstore giúp bạn sắp xếp dữ liệu, quản lý thời gian, đơn giản hóa công việc & cuộc sống, tích hợp TẤT-CẢ-TRONG-1 �� Tìm hiểu & download Chương 3 CÁCH TỔ CHỨC CUỘC SỐNG TÙY THEO TÍNH CÁCH BẢN THÂN Kiến tạo không gian Để tận hưởng tối đa sự nhạy cảm cao, bạn cần nhìn nhận được tầm quan trọng của việc kiến tạo không gian cho sự nhạy cảm của mình. Buộc phải nói không với những điều mình thực sự muốn làm là mất mát cực kỳ đau đớn. Và nếu bạn không tạo ra được đủ không gian trong cuộc sống để tận hưởng những lợi ích của sự nhạy cảm, rồi sẽ có lúc bạn không thể chịu đựng nổi những mất mát đó. Tùy thuộc vào sở thích cá nhân, một số thứ được liệt kê dưới đây có thể là những gì bạn cần để tạo thêm không gian: • dành thời gian tận hưởng thiên nhiên • sáng tạo • dành thời gian ngồi tĩnh tại suy nghĩ • làm việc có lợi cho cơ thể của bạn; đi bộ, khiêu vũ, mát-xa, bơi lội, ngâm mình trong bồn tắm hoặc ngâm chân • làm điều gì đó xoa dịu các giác quan của bạn: mua cho mình vài đóa hoa đẹp và thơm, ăn thứ gì đó ngon lành, nghe những thể loại nhạc bạn thích, sưu tầm những thứ bạn thích ngắm xung quanh mình • dành thời gian với động vật • viết sách, viết nhật ký hoặc làm thơ • thưởng thức hoặc làm nghệ thuật • nuôi dưỡng các mối quan hệ có ý nghĩa và có chiều sâu. Cuối sách có một danh sách gợi ý giúp bạn có thể tìm thêm cảm hứng để theo đuổi những mục tiêu giúp làm giàu cho con người bạn và những ý tưởng mang lại hạnh phúc cho những người nhạy cảm cao. Để dành không gian cho những điều tốt đẹp cho bản thân, điều quan trọng là phải biết giỏi nói không. Nếu bạn còn đang vật lộn trong việc thiết lập các ranh giới, bạn sẽ cần học được cách làm điều đó. Nếu không, bạn sẽ luôn cảm thấy bị quá tải dù ít dù nhiều. Khi những người nhạy cảm cao phải vật lộn để thiết lập ranh giới, thường là do ngưỡng chịu đựng của chúng ta thấp so với những người khác. Một người kiên cường sẽ dễ dàng đối mặt với những chuyện tưởng như là cả vấn đề đối với chúng ta. “Cứ hai tháng một lần, tôi lại đi gặp một giám sát đồng cấp của phía đối tác sống cách mình hai trăm cây số. Chúng tôi luôn gặp nhau tại chỗ tôi. Nếu tôi phải lái xe cả quãng đường đó, chắc tôi sẽ kiệt quệ lắm khi đến nơi. Trong khi đó, cô ấy thấy thoải mái khi lái xe và tỏ ra hứng khởi với mỗi chuyến đi. Chúng tôi luôn gặp nhau trong độ ba tiếng. Tôi cần một quãng nghỉ giữa chừng và lúc đó chúng tôi đều dành thời gian cho riêng mình. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng nhớ nói điều đó. Cô ấy lại chẳng cần nghỉ ngơi, dù cô ấy đã phải dậy từ sáng sớm để lái xe đến dự cuộc gặp mặt giữa chúng tôi. Và rồi, tôi tự nhủ rằng mình cũng không cần phải nghỉ. Vấn đề duy nhất là nếu tôi không dành ra được chút thời gian nghỉ ngơi, tôi sẽ không thể tập trung vào khoảng nửa tiếng cuối cùng vì bản thân đã trở nên quá căng thẳng.” Lise, 45 tuổi Có thể bạn thường thấy mình rơi vào tình thế khó xử: một mặt bạn không muốn làm phiền người khác, nhưng mặt khác bạn cần cân nhắc cả sự nhạy cảm của chính mình; nếu không, bạn sẽ phải chịu khổ sở hơn nhiều do bạn bị kích thích quá mức hoặc thậm chí bị ốm. Kể cho mọi người nghe về sự khó xử của mình cũng là một ý kiến hay: • Tôi không có ý xấu nhưng bạn rời đi sớm sẽ tốt hơn đấy. Tôi đang rất mệt mỏi và đang cố gắng để tập trung vào cuộc trò chuyện của chúng ta. • Tôi cũng mong có thể ở lại nhưng tôi kiệt sức quá rồi. Giờ không về nhà và nghỉ ngơi, chắc mai tôi không có sức để làm việc mất. • Tôi thực sự không muốn kết thúc cuộc trò chuyện thú vị của chúng ta, nhưng tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn nếu cuộc trò chuyện nên bắt đầu tiếp khi nào tôi cảm thấy bớt mệt mỏi. Có thể bạn đã quen với những tình huống khó xử khi bạn phải dành rất nhiều sức lực để nghĩ ra giải pháp tốt nhất làm hài lòng tất cả mọi người. Cuối cùng, bạn sẽ kiệt sức vì cứ phải cố tỏ ra mình ổn và lao ra khỏi phòng không một lời giải thích, hoặc lẻn đi mất với hy vọng không ai nhận thấy. Khi bạn trình bày rõ tình huống khó xử của mình, vấn đề này sẽ được tự giải quyết và những người khác sẽ cảm thấy họ cũng là một thành phần đưa ra quyết định. Khi khách nán lại Trong văn hóa của đất nước tôi, chúng tôi đề cao lòng hiếu khách và sẽ tiếp tục mời khách một số đồ uống, đồ ăn nhẹ cho đến khi khách quyết định rời đi. Vì hầu hết mọi người đều tận hưởng các sự kiện xã hội lâu hơn nhiều so với sức chịu đựng của những người nhạy cảm cao, chúng ta có thể cảm thấy bị mắc kẹt. Một số người nhạy cảm cao quyết định không bao giờ mời người khác đến nhà vì sợ rằng khách có thể nán lại quá lâu và vắt kiệt sức lực của họ. Sau một vài năm hành nghề, tôi học cách làm quen với việc sắp xếp rõ ràng một cuộc viếng thăm sẽ dự kiến kéo dài trong bao lâu. Những người hiểu rõ về tôi đều biết rằng tôi rất dễ bị căng thẳng quá mức và việc chúng tôi dành một chút thời gian ở những phòng riêng là điều tự nhiên nếu họ muốn ở lại chơi lâu hơn. Dù vậy, đôi khi tôi vẫn phải căng mình ra để hòa hoãn với những nhu cầu của bản thân. Và đôi khi, nhất là những lúc tôi thấy mệt mỏi, tôi sẽ tìm cách lảng tránh, thuyết phục bản thân và những người khác rằng mình không cần nghỉ ngơi. Về sau, tôi phải trả giá vì không chăm sóc bản thân mình tử tế, không thì tôi sẽ ỉu xìu vào cuối buổi và mệt mỏi hơn nhiều vào ngày hôm sau. Nếu bạn có thể can đảm nói với mọi người rằng bạn rất dễ mệt mỏi, bạn thích ở bên họ trong những thời gian ngắn với những khoảng nghỉ thay vì cứ ở bên nhau hàng nhiều giờ liền, bạn đang làm rất tốt bằng cách riêng của mình rồi. Khi bạn phải nói không với điều mình thích Điều này đặc biệt khó khăn nếu bạn sở hữu một tâm hồn nhạy cảm. Bạn có thể đã tự trách mình trong nhiều năm trời về việc bạn không thể làm những việc người khác làm. Có thể bạn đã quá tức giận với bản thân đến mức cố chấp ở lâu tại những sự kiện đẩy hệ thần kinh của bạn khỏi thế cân bằng. Bạn chỉ không muốn chấp nhận những hạn chế của mình và luôn nghĩ rằng sẽ tìm ra cách để làm được những điều giống như người khác. “Đôi khi tôi đồng ý làm những việc mà tôi biết là sẽ quá sức mình. Tôi không thể chịu đựng được thực tế là tôi không thể làm được những việc người khác có thể làm. Và tôi thực sự cảm thấy có lỗi nếu phải hủy một việc gì đó, vì vậy mặt mũi tôi thường trở nên hoàn toàn xám xịt vì kiệt sức và không thể tạo bất kỳ mối quan hệ thực sự nào với những người khác vì tôi quá bận rộn giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Sau đó, tôi cảm thấy mệt mỏi và không vui trong nhiều ngày liền.” Helle, 31 tuổi Khi bạn tức giận với chính mình hoặc với người khác, bạn vẫn bị mắc kẹt trong cuộc chiến vì một điều gì đó. Ngày bạn chấp nhận rằng bạn chỉ có thể làm được đến đấy, sự tức giận này biến thành nỗi đau khổ. Nỗi đau khổ cho tất cả những điều bạn muốn làm nhưng đành phải từ bỏ. Một số người nhạy cảm giải thích rằng đôi khi họ cảm thấy rất cô đơn. “Tôi đang dần nói không với nhiều thứ hơn và đẩy bản thân khỏi nhiều vụ việc khác nhau bởi vì tôi biết tất cả đều quá sức mình. Tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều kể từ khi bắt đầu làm thế. Nhưng sau đó, tôi lại cảm thấy rất cô đơn. Ví dụ, khi tôi đang làm việc và đi ngang qua văn phòng, nơi một số đồng nghiệp của tôi đang trò chuyện và cười đùa, tôi cảm thấy hụt hẫng. Tôi cũng muốn được tham gia cùng mọi người.” Martin, 40 tuổi Sau khi nhận thức rõ hơn về sự nhạy cảm của mình, bạn có thể trải qua một giai đoạn kiệt sức và đau buồn. Bạn sẽ phải mất một thời gian để buông bỏ ước mơ có ngày được sôi nổi như bao người khác. Nhưng khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác hoặc nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra. Khi bạn buông bỏ việc cố gắng trở nên mạnh mẽ và vui vẻ như đa số mọi người, bạn có thể bắt đầu cho phép mình sống cuộc đời nhạy cảm và sắp xếp cuộc sống phù hợp với nhu cầu của bạn. Bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng bạn có thể hạnh phúc mà không cần phải đối phó liên tục với những áp lực ập đến, nhịp độ sống nhanh và môi trường sống không thích hợp với mình. Khi những người nhạy cảm cao tìm thấy bản thân trong những môi trường nuôi dưỡng được con người mình, họ sẽ phát triển mạnh mẽ. Một số lời khuyên và ý tưởng đối phó với quá tải cảm xúc Cảm xúc quá độ có thể do những yếu tố bên trong cũng như bên ngoài. Cảm xúc của bạn có thể bị đẩy lên quá ngưỡng bởi những suy nghĩ và giấc mơ của chính mình. Nhưng tôi sẽ bắt đầu bằng việc nói một chút về căng thẳng bên ngoài. Khoảng 80% thông tin đầu vào được tiếp nhận thông qua thị giác. Bạn có thể giảm bớt căng thẳng đơn giản hơn bằng cách nhắm mắt lại. Bạn có thể lên lịch thời gian cụ thể trong ngày để nhắm mắt và tạm ngơi căng thẳng thị giác. Ví dụ, bạn có thể tập nhắm mắt khi đi trên xe buýt hoặc xe lửa, hoặc khi bạn đang ngồi trước ti vi nhưng không thể tắt vì người khác đang xem. Nếu bạn không thích nhắm mắt, bạn có thể nhìn vào một thứ gì đó trung tính, một thứ không di chuyển. Một cách khác để hạn chế lượng thông tin đầu vào qua mắt của bạn là đội mũ, đeo kính râm hoặc sử dụng ô lớn. Có thể hạn chế căng thẳng thính giác từ bên ngoài bằng cách dùng nút tai hoặc nghe nhạc bằng tai nghe. Tôi cho iPod là một phát minh kỳ diệu. Tôi luôn mang theo bên mình và sử dụng nó để chặn đứng bất kỳ âm thanh nào có thể làm phiền đến mình. Nếu ai đó bắt đầu trò chuyện điện thoại gần tôi, tôi có thể chặn tiếng nói bằng cách nghe nhạc. Mỗi lần tôi thuyết trình, tôi có một bản nhạc mà tôi luôn nghe trong 5 phút ngay trước khi bắt đầu. Âm nhạc đã giúp tôi tìm thấy sự yên tĩnh. Tôi sử dụng nó để kết nối với chính mình sâu bên trong lòng. Qua một lần để quên tai nghe, tôi đã nhận ra sự khác biệt mà việc nghe nhạc mang lại cho tôi. Trong buổi nói chuyện và sau đó, tôi cảm thấy không thể trình bày như bình thường. Những mẩu hội thoại đi vào ý thức của tôi trong 5 phút trước buổi nói chuyện đã làm gián đoạn sự tập trung của tôi, và tôi không thể kết nối sâu sắc với chính mình. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được sức ảnh hưởng của âm thanh đến chính mình như thế nào. Đôi khi chúng ta chỉ nhận ra sau đó. Ví dụ, tôi vẫn cảm thấy khá ổn khi ở một quán cà phê đông đúc, có thể bỏ ngoài tai những tiếng ồn và dành toàn bộ sự tập trung vào người mà tôi đang ở cùng. Nhưng ngay khi bước ra ngoài không khí trong lành, tôi nhận ra sự bồn chồn bên trong tâm trí mình và tới lúc đó tôi mới được xả hơi, nhưng sau đó vẫn cảm thấy rất mệt. “Trước đây tôi chưa từng suy nghĩ nhiều về điều đó, nhưng kể từ khi bắt đầu đeo kính râm và sử dụng tai nghe, tôi có thể dành hàng giờ để đi bộ quanh thị trấn và không còn mệt mỏi như trước nữa.” Hans, 33 tuổi Một số lời khuyên về giấc ngủ Khi bạn cảm thấy quá tải, bạn sẽ thấy vô cùng khó chịu, chỉ mong muốn nhảy lên giường và chìm sâu vào giấc ngủ. Rốt cuộc, bạn lại lãng phí cuộc sống quý giá theo cách đó. Giấc ngủ sẽ rất tốt nếu bạn bị thiếu ngủ. Nhưng nó không giúp ích cho bạn trong việc giảm tải cảm xúc. Ngược lại, nó thực sự có thể tăng thêm gánh nặng cho bạn, nếu như những giấc mơ quá căng thẳng. Nhiều người nhạy cảm nói về việc giấc ngủ của họ bị xáo trộn như thế nào khi họ đi ngủ trong tình trạng cảm xúc quá tải. Điều quan trọng là phải tìm thấy chút bình yên bên trong trước khi chìm vào giấc ngủ. “Hầu như mỗi buổi tối trước khi đi nằm, tôi đều ngồi một lúc để viết hoặc vẽ. Điều này mang lại cho tôi cảm giác bình ổn hơn về một ngày đã qua và chính bản thân mình. Khi làm điều này, tôi có được giấc ngủ ngon hơn.” Rita, 70 tuổi Giữ tư thế thẳng sẽ hỗ trợ quá trình phân loại thông tin đầu vào và các ấn tượng bên trong của bạn so với tư thế nằm hoặc lúc bạn đang ngái ngủ. Ngồi yên lặng không làm gì nhiều sẽ có lợi nếu bạn đang cảm thấy bị nhạy cảm quá mức hoặc quá tải. Tôi gọi khoảng thời gian bạn dành để tập hợp lại chính mình này là thời gian thực vật. Thông thường, đây là quãng thời gian bạn muốn nó trôi qua thật nhanh. Quãng thời gian này không hẳn là dễ chịu và có thể đến ngày hôm sau bạn mới cảm nhận được những tác động tích cực của nó đối với toàn bộ hệ thống cơ thể của mình. Trong thời gian thực vật này, bạn không cần phải giữ mình thụ động hoàn toàn. Điều quan trọng là để cho sức tập trung của bạn được nghỉ ngơi. Bạn hãy cố gắng không tiếp nhận thêm bất cứ điều gì, và thu năng lượng của mình vào bên trong để giúp phân loại thông tin đầu vào và hỗ trợ bạn ổn định lại bản thân. Bạn có thể thực hiện điều đó khi làm một số công việc hàng ngày của mình như rửa bát đĩa hoặc khi bạn tập thể dục. Bạn có thể cảm thấy mình không làm được nhiều việc trong lúc đó, nhưng điều này không đúng vì sẽ có rất nhiều điều xảy ra ở cấp độ sâu hơn bên trong. Và sau đó, bạn liền thấy có thể hiện diện với năng lượng mới. Nhiều người nhạy cảm cao hoặc dễ tổn thương cũng có nhu cầu riêng về thời gian thực vật khi họ sắp sửa có một ngày đầy khó khăn trước mắt. Khi tôi cần chủ trì một ngày đào tạo, tôi cần một buổi tối yên tĩnh trước đó. Tôi cần phải dọn dẹp đầu óc của mình để ngơi bớt những thông tin đầu vào chưa được xử lý từ ngày hôm trước. Mặc dù giấc ngủ có thể khiến bạn cảm thấy lãng phí cuộc sống, nhưng một giấc ngủ ngắn đầy năng lượng có thể giúp bạn sảng khoái hơn. Nhưng nếu bạn ngủ hơn nửa tiếng, bạn sẽ chìm vào giấc ngủ sâu hơn dù không nên làm điều này vào ban ngày. Bởi bạn sẽ cảm thấy mờ mịt và mất phương hướng khi thức dậy và phải cố gắng để lấy lại sự minh mẫn. Vì vậy, nhớ đặt đồng hồ báo thức cho giấc ngủ ngày nhé. Lợi ích của nước, tập thể dục và tiếp xúc cơ thể Nhiều người có tính nhạy cảm cao bị thu hút bởi nước. Và nó mang lại lợi ích cho chúng ta dù chúng ta uống nước, đi dạo bên cạnh dòng nước, tắm hay ngâm mình dưới nước. Tôi luôn tự làm cho mình một bồn ngâm chân gần như hàng ngày. Đôi chân tôi thích điều đó. Sau đó, tôi mát-xa chân mình với dầu mát-xa. Nó giúp thư giãn, hỗ trợ sức khỏe và mang đến giấc ngủ ngon hơn, đặc biệt nếu ta thực hiện điều đó ngay trước khi đi ngủ. Khi bạn càng chú ý đến cơ thể mình, bạn sẽ đỡ bị lo âu và quá tải cảm xúc. Nếu bạn đang thấy lo lắng, bạn có thể mát-xa chân. Bạn có thể tiếp xúc với cơ thể mình tốt hơn bằng nhiều cách. Một số người dùng cách chạy hoặc nhảy múa; những người khác thực hành các kỹ năng thư giãn hoặc tưởng tượng. Các bài tập giúp bạn phối hợp hơi thở với các chuyển động của mình cũng đặc biệt có lợi. “Khi tôi cảm thấy mình đã quá tải với việc giao tiếp xã hội, tôi bắt đầu dành thời gian tập thể dục. Đôi khi tôi chỉ làm vài việc trên sàn phòng khách của nhà tôi. Ngoài việc giúp tôi hòa hợp hơn với cơ thể của mình, nó còn giúp tôi cảm thấy mình không lãng phí thời gian – và bắp tay của tôi săn chắc lắm rồi.” Jens, 42 tuổi Thể hiện bản thân ngăn chặn cảm giác quá tải Khi thâu nạp những ấn tượng làm bạn căng thẳng, thể hiện bản thân có thể tạo ra các hiệu quả ngược lại. Nếu bạn lắng nghe và giữ trong lòng quá nhiều thứ mà không tạo cho bản thân cơ hội được lắng nghe, bạn sẽ nhanh bị kiệt sức hơn nhiều. Bạn nên thể hiện bản thân. Và điều quan trọng là phải sáng suốt cân nhắc xem bạn dành thời gian cho ai và đảm bảo rằng bạn không phải dành nhiều thời gian để lắng nghe người khác mà được người khác lắng nghe. Nhiều tâm hồn nhạy cảm được hưởng lợi từ việc tâm sự vào nhật ký, thông qua âm nhạc hoặc nghệ thuật. Khi bạn bị quá tải từ bên trong Nếu bạn có xu hướng suy nghĩ tiêu cực, bạn dễ bị căng thẳng và quá tải vì những suy nghĩ đen tối và những ý nghĩ tự trách móc chính mình. Nếu đúng là vậy, bạn có thể được hưởng lợi từ việc sử dụng một số kỹ năng tư duy nhất định để tăng cường kiểm soát suy nghĩ của mình. Bạn có thể đọc thêm về các kỹ năng tư duy trong Chương 8. Nói chung, tập để mắt đến những điều khiến bạn bận tâm là một cách hữu ích. Nếu tôi nhận thấy mình đang bận rộn suy nghĩ theo những cách gây gánh nặng cho tôi mà không mang lại tính xây dựng, tôi sẽ chủ động cắt đứt chuỗi suy nghĩ đó. Trí tưởng tượng của tôi rất sinh động và tôi có thể dễ dàng tạo ra cả một bộ phim chạy xuyên suốt trong đầu mình. Ví dụ, nếu tôi nghe thấy một âm thanh lạ phát ra từ dưới tầng hầm, tôi sẽ lập tức tưởng tượng đến cảnh mình bước xuống dưới đó và gặp một tên trộm. Và gợi ra một loạt hình ảnh mô tả cách tôi xử lý tình huống. Đột nhiên, tôi nhận thấy những gì đang xảy ra trong tâm trí mình và phát hiện cơ thể mình đang căng lên. Điều này cực kỳ không tốt, nhất là khi tôi đang dành thời gian để nghỉ ngơi. Lúc tôi nhận thức được hoạt động bên trong mình đang tạo thêm áp lực mà không mang lại lợi ích nào, tôi dừng những tưởng tượng lại bằng cách cảm ơn ý thức của tôi vì đã tạo ra những hình ảnh đó và cố gắng cứu tôi khỏi một vụ trộm có thể xảy ra. Đôi khi tôi phải tưởng tượng ra một kết thúc thật nhanh để có thể chuyển suy nghĩ của mình sang một cái gì đó phù hợp và có tính xây dựng hơn. Kể cho người khác nghe về sự nhạy cảm của bạn Tôi nên kể với ai về chuyện mình là một người nhạy cảm cao? Tôi thường nhận được câu hỏi này trong các buổi nói chuyện. Nói chung, tôi tin rằng bạn nên kể cho những người thân cận của mình về sự nhạy cảm cao của bản thân. Một số người đã nhận được những phản hồi tốt khi giãi bày với đồng nghiệp. Họ nhận thấy rằng người quản lý của họ tỏ ra thấu hiểu và chu đáo hơn. Nhưng những người khác lại không được nhìn nhận đúng mức, và sự nhạy cảm của họ bị coi là một dạng bệnh lý và một cách tránh né phải làm phần việc của mình. Tôi rất ít khi sử dụng thuật ngữ “nhạy cảm cao” để mô tả bản thân. Tôi nói với mọi người những gì tôi cần, những gì tôi giỏi và những gì không phù hợp với tôi. Tôi không chú trọng vào việc phải kể cho mọi người biết rằng những khả năng và hạn chế của bản thân tôi là một phần của tính nhạy cảm cao. Điều quan trọng là tôi hiểu điều đó và tôi biết rằng những người khác cũng có trải nghiệm tương tự như mình. Biết được điều này mang lại cho tôi can đảm để là chính mình, ngay cả khi một số người coi cách hoạt động của tôi khá kỳ cục. Chương 4 LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TẬN DỤNG VÀ THỂ HIỆN KHẢ NĂNG THẤU HIỂU NGƯỜI KHÁC Những người nhạy cảm cao thích những tương tác chất lượng cao Những người nhạy cảm cao và những người có tâm hồn mong manh, dễ dàng bị mắc kẹt trong một cuộc trò chuyện mang lại cảm giác mệt nhọc và quá tải. Bạn có thể sẽ cố gắng tỏ ra tử tế, chu đáo và đang lắng nghe. Và bạn sẽ tự nhiên muốn cố gắng đồng cảm với hoàn cảnh của người kia. Năng lực này rất phổ biến ở những người nhạy cảm cao, dễ khiến những người đang có nhu cầu giải tỏa cảm xúc bị cuốn theo bạn. Và sau đó, bạn sẽ tiêu sạch năng lượng dự trữ cho việc giao tiếp xã hội cả một ngày theo cách đáng buồn ấy. Quan trọng là bạn phải sáng suốt về cả lượng thời gian bạn dành để lắng nghe người khác lẫn việc họ là loại người nào, và bạn có liên đới thế nào với cuộc trò chuyện. Bạn chỉ có một lượng năng lượng khá hạn chế, do đó, bạn nên dành nó cho những người hoặc mối quan hệ có ý nghĩa hoặc hồi đáp lại cho bạn thứ gì đó. Những người nhạy cảm cao khá thuần thục trong việc kết nối với người khác một cách sâu sắc và mãnh liệt. Chúng ta cảm nhận được nhiều hơn những người khác. Và khi hai người nhạy cảm ở bên nhau, mối liên hệ giữa họ có thể trở nên thân thiết và sâu sắc hơn những gì người khác có thể nghe hoặc nhìn thấy. Loại tiếp xúc cũng không tiêu tốn sức lực của chúng ta; ngược lại, nó có thể tiếp thêm sinh lực cho chúng ta. Ngay cả đối với những người hướng nội, những người có xu hướng tự nạp năng lượng cho riêng mình. Trong những phần kế tiếp, tôi sẽ lướt qua một số giải pháp giúp bạn dẫn dắt các cuộc đối thoại tốt hơn và vạch rõ ranh giới với những người dễ vắt kiệt sức lực của bạn. Nghỉ giải lao Đôi khi tôi cảm thấy như thể mình đang chết chìm trong mớ ngôn từ tuôn ra từ người đối diện. Và nếu tôi quên không yêu cầu họ cho nghỉ giải lao, tôi sẽ không thể tiếp thu được những gì họ đang nói. Tôi còn mất thêm sức lực để cố trụ vững và vượt qua cuộc đối thoại. Có thể bạn đã từng trải qua cảm giác quá tải đến mức không còn cố gắng tìm ra lối thoát. Bạn bế tắc. Và để tìm ra giải pháp, bạn cần nghỉ ngơi, có thời gian để điều chỉnh lại bản thân và tìm ra tốt nhất mình nên nói gì hay hành động ra sao. Nghĩ trước cho mình một số giải pháp có thể mang lại lợi ích cho bạn. Điều này giúp bạn không cần phải tốn quá nhiều năng lượng để nghĩ về chúng khi chuyện xảy đến. Đây là một vài gợi ý: • Nói với người kia tử tế và đĩnh đạc, “Đợi tôi một chút”. Bạn có thể giơ tay lên và hạ tầm mắt xuống. Bằng cách này, ngôn ngữ cơ thể của bạn ra dấu hiệu rằng bạn đang hướng sự tập trung vào bên trong. Cứ dành tất cả thời gian bạn cần. Nếu người kia bắt đầu nói tiếp, bạn có thể chỉ cần giơ tay lên và lặp lại: “Chờ một chút”. Bạn có thể nói thêm “Tôi cần một chút thời gian để suy nghĩ về những gì bạn nói với tôi” hoặc “Tôi cần một chút thời gian để tập trung suy nghĩ, tôi sẽ báo cho bạn biết khi tôi sẵn sàng nghe tiếp câu chuyên.” • Nói, “Xin lỗi tôi đang dần mất tập trung”. • Nếu bạn bắt đầu cảm thấy không thoải mái, bạn có thể nói “Tôi đang cảm nhận được điều gì đó không thoải mái đang xảy ra giữa chúng ta, tôi hy vọng bạn có thể giúp tôi tìm ra nó”. (Lời nói này mang tính thúc đẩy hơn và chắc chỉ có tác dụng khi đối phương là người bạn hiểu rõ và thích khám phá những khía cạnh tương tác với bạn.) • Căn trước được thời điểm bản thân dần thấm mệt và đặt sẵn đồng hồ báo thức trên điện thoại. Khi đồng hồ đổ chuông, bạn có thể nói với người kia rằng bạn sắp phải rời đi. Đảm bảo bạn là một phần của cuộc đối thoại, chứ không phải độc thoại Khi bạn đã nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình, bạn cần một số phản hồi để biết người kia tiếp nhận những điều bạn vừa nói như thế nào. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có xu hướng dành nhiều thời gian suy nghĩ về những gì người khác có thể đang nghĩ tới. Điều này rất cần thiết vì nó đem tới sự trao đổi. Nếu không, bạn cũng có thể viết những suy nghĩ của mình vào nhật ký. Nếu bạn cố thể hiện bản thân mà không nhận lại được gì, điều đó có thể tạo ra cảm giác trống rỗng và khiến bạn cảm thấy như thể mình đang tiêu tốn năng lượng của bản thân một cách vô ích. Điều này cũng vận hành theo chiều ngược lại. Khi bạn lắng nghe ai đó, đáp lại cũng là điều cần thiết. Việc này đặc biệt quan trọng đối với những người nhạy cảm, những người thường rơi vào vai trò của người nghe. Việc thể hiện bản thân giúp bạn không bị quá tải. Khi lắng nghe ai đó, bạn có thể cần những khoảng nghỉ và một cơ hội để nói lên suy nghĩ của mình, giải thích cho họ biết những gì bạn vừa nghe đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Nếu bạn chỉ biết nghe và nghe mà không thể hiện được điều gì, bạn dễ bắt đầu cảm thấy bế tắc. Tìm ra những phản hồi mà bạn muốn gửi đi hoặc nhận lại Nếu những điều bạn thể hiện đều mang tính cá nhân, nhu cầu phản hồi của bạn trở nên cấp thiết hơn. Hãy tưởng tượng bạn vừa nói với ai đó rằng bạn đang cảm thấy mệt mỏi và buồn bã vào lúc này. Có thể bạn muốn biết người kia nhìn nhận bạn như thế nào. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu anh ấy hoặc cô ấy nói những điều như “Trông bạn có vẻ mệt mỏi” hoặc “Bạn rất cởi mở về bản thân”. Nhưng nếu người kia không nói gì, bạn có thể hỏi, “Bạn thấy tôi thế nào?” Hoặc nếu tình huống được đặt ra và bạn đang lắng nghe ai đó nói với bạn cảm giác của họ, bạn có thể hỏi, “Bạn có muốn biết tôi nghĩ thế nào về bạn không?” Trong một số khóa học của tôi, tôi yêu cầu những người tham gia trở về nhà và hỏi câu “Ấn tượng của bạn về tôi là gì?” với ba người. Thông thường, họ sẽ quay lại và kể về những trải nghiệm tuyệt vời mình nhận được. Họ thường sẽ nhận ảnh hưởng từ trải nghiệm đó. Và nhiều người được tiếp thêm năng lượng và cảm thấy hạnh phúc hơn về bản thân. Một người từng nói rằng đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất mà anh ấy có được trong một thời gian dài. Một số người khác lo lắng về những lời tâm sự thật lòng được nghe và quyết định điều chỉnh bản thân. Chúng ta càng nắm rõ được thực tế mọi người nghĩ gì về mình thì càng dễ dàng định vị bản thân trong thế giới. Và nhiều người trong chúng ta sợ hãi chuyện phải nghe phản hồi từ những người khác, có thể vì chúng ta lo lắng rằng người khác sẽ thấy chúng ta quá nhập tâm với những suy nghĩ của bản thân. Bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu dùng cách nói: “Giáo viên của tôi yêu cầu tôi hỏi ý kiến ba người, vậy bạn nghĩ sao?” Một loại phản ứng khác mà có thể bạn mong muốn thấy là sự đồng cảm. Có thể bạn muốn biết liệu người kia có thể thấu hiểu cho tình cảnh của bạn hay không. Thật nhẹ nhõm khi một ai đó có thể mô tả những gì đang diễn ra bên trong bạn. Chẳng hạn, bạn sẽ thấy thoải mái khi ai đó nói, “Chắc bạn thấy khó khăn lắm với những cảm xúc như vậy” hoặc “Nếu tôi cũng cảm thấy như vậy, chắc tôi sẽ mất kiên nhẫn và muốn cảm xúc của mình nhanh chóng phục hồi lắm đây.” Và bạn có thể thở phào đáp, “Vâng, đó chính xác là cảm giác của tôi,” và an ủi với cảm giác được công nhận. Hoặc bạn có thể nói, “Đó không hẳn là cảm nhận của tôi, mà giống như là...” Nhưng bạn vẫn thấy thư thái khi ai đó đang cố gắng đồng cảm với bạn, ngay cả khi họ không hiểu chính xác. Nếu người kia không chủ động trao đổi, bạn có thể hỏi họ: “Bạn cảm thấy thế nào về tôi vào lúc này?” Nếu bạn muốn thể hiện đồng cảm với ai đó, bạn có thể nói, “Bạn đã phải rất... để là chính bản thân mình.” Loại phản hồi thứ ba mà bạn có thể mong nhận được là biết người kia đang có những suy nghĩ hoặc cảm xúc như thế nào dựa trên những gì bạn đã thổ lộ. Bạn muốn biết người ta liệu có cảm thấy hạnh phúc hay buồn bã thay cho bạn hay không. Nếu câu trả lời không đến một cách tự nhiên, bạn có thể hỏi những điều như “Những gì tôi nói có gợi bạn nghĩ đến điều gì đó cụ thể không?” hoặc “Điều tôi vừa nói đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào?” Phản hồi thứ tư mà bạn có thể muốn được giải thích cặn kẽ hơn. Sau đó, bạn sẽ thấy vui nếu người kia hỏi, “Bạn có thể cho tôi biết thêm về điều này được không?” Nhưng nếu điều đó không xảy ra, bạn có thể gợi ý, “Sẽ thực sự hữu ích cho tôi nếu bạn đặt câu hỏi về những điều tôi đang nói.” Trong tình huống ngược lại, bạn có thể hỏi, “Bạn có muốn tôi hỏi gì không hay bạn không muốn bị gián đoạn trong khi hỏi?” Nhu cầu thứ năm mà bạn có thể có là điều có vẻ nhỏ nhưng thực sự rất quan trọng, đó là biết rằng mình đã được lắng nghe. Đôi khi bạn tự hỏi liệu người kia có lắng nghe những gì bạn nói hay họ cảm nhận nó như thế nào. Để làm rõ điều này, bạn có thể đưa ra yêu cầu chẳng hạn như “Bạn có nhận xét gì về những điều bạn vừa nghe không?” Hoặc nếu bạn là người đang lắng nghe, bạn có thể nói “Bạn có cần tôi nói ra suy nghĩ về những gì tôi đã nghe bạn nói và cùng xem xem tôi đã hiểu đúng ý bạn chưa?” Một phần trong hầu hết các liệu pháp dành cho các cặp vợ chồng là yêu cầu cả hai lặp lại những gì họ đã nghe đối phương nói. Nghe có vẻ không lớn lao cho lắm nhưng điều này sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Lắng nghe người kia phản ánh lại những điều quan trọng nhất đối với bạn có thể phá vỡ chu kỳ lặp đi lặp lại vô tận. Bạn biết rằng giờ nửa kia đã lắng nghe bạn. Khi tôi có khách hàng tham gia trị liệu, tôi thường nhắc lại vài lần những gì họ từng nói với tôi. Đó cũng là một cách giảm tốc độ cuộc trò chuyện. Và sẽ rất hữu ích khi bạn đang nói về những vấn đề rất nan giải và cần sự cẩn trọng. Khi biết được loại câu hỏi mình muốn hỏi, bạn có thể thực hành để ý xem bạn muốn người khác đáp lại như thế nào trong các tình huống khác nhau. Và sau đó luyện tập cách đặt câu hỏi về điều đó. Bạn cũng có thể luyện tập cách yêu cầu chút không gian để đưa ra phản hồi của mình. Bằng cách này, bạn có thể chủ động tránh bị mắc kẹt khi nghe giảng bài hoặc một cuộc độc thoại, điều này có thể gây khó khăn lâu dài cho một người sở hữu tâm hồn nhạy cảm. Thay vào đó, bạn có thể cùng tạo ra một cuộc đối thoại và bạn có thể nhận được phần tương xứng với những gì mình cho đi. Nếu bạn thấy điều này khó thực hiện, bạn không phải là người duy nhất. Ta cần phải luyện tập rất nhiều để nắm vững điều này, và không thể áp dụng nó vào mọi mối quan hệ. Cách làm đi sâu và giảm nhẹ một cuộc trò chuyện Là một người nhạy cảm cao, bạn cần có khả năng đào sâu vào cuộc trò chuyện. Nếu một cuộc trò chuyện diễn ra hời hợt, bạn sẽ phải vật lộn để duy trì sự chú tâm trong một khoảng thời gian không hề ngắn. Bạn bắt đầu phải đổ năng lượng của mình để cố tỏ ra quan tâm vì bạn nghĩ điều đó là phù hợp. Bạn cũng nên biết cách đưa cuộc trò chuyện trở lên bề mặt để có thể kết thúc cuộc trò chuyện nhẹ nhàng và chuyển sang những việc khác mà bạn cần làm. Hoặc có thể bạn cần tránh đi sâu vào cuộc trò chuyện vì bạn đã cảm thấy mệt mỏi và đã đạt đến giới hạn tiếp nhận. Giúp buổi nói chuyện sinh động hơn Cách đơn giản nhất để giúp cuộc trò chuyện trở nên sâu sắc hơn là giữ im lặng và chỉ lắng nghe. Sự im lặng tạo ra khoảng không gian cho chiều sâu. Trong các buổi trị liệu với khách hàng, tôi thường thấy rằng nếu chúng tôi ngồi yên lặng với nhau một lúc, những điều mà chúng tôi trao đổi sau đó sẽ có chiều sâu hơn. Nhưng một vài khách hàng sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu với việc ngồi im và thường sẽ bắt đầu nói nhanh hơn rất nhiều nếu cuộc trò chuyện bị tạm dừng. Trong những trường hợp như vậy, sự im lặng không mang lại chiều sâu mà thực sự sẽ làm cho mọi thứ trở nên rời rạc và hời hợt hơn. Bạn cũng có thể hỏi ai đó, “Bạn có thể cho tôi biết thêm về vấn đề này được không?” Nếu người kia vẫn tiếp tục nổi trên bề mặt, bạn có thể đặt câu hỏi về những sự kiện thực tế mà họ đang đề cập đến. Khi mọi chuyện dần chắp nối được với nhau, ta có thể đề cập đến những cảm xúc liên quan. Ví dụ, nếu tôi nói, “Mọi người có vẻ thô lỗ quá” và đối phương trả lời, “Bạn có thể cho tôi biết cụ thể chuyện gì xảy ra khiến bạn nghĩ như vậy không?” thì tôi sẽ phải đưa ra thông tin cụ thể hơn. Tôi có thể nói, “Có lẽ là vì chuyện hôm qua, tôi gọi cho bạn mình nhưng cô ấy chẳng hề tỏ ra quan tâm đến tôi hay tôi đang làm gì.” Những lời nói này sẽ giúp tôi tiếp xúc với cảm xúc của chính mình khi đối mặt với việc tôi bị đối xử lạnh nhạt. Miễn là chúng ta tiếp tục nói chung chung, ta có thể giữ vững được cảm xúc mình. Nhưng khi ta nhắc đến cái cụ thể, điều này không còn khả thi nữa. Vì vậy, khi bạn muốn đi sâu vào một cuộc trò chuyện, bạn cần chuyển từ những lời nói chung chung thành những câu cụ thể và về trải nghiệm cá nhân. Và khi bạn muốn quay về một cuộc giao tiếp nhẹ nhàng hơn, bạn có thể trở lại với những câu nói mang tính khái quát. Mang cuộc trò chuyện trở lại bình thường Khái quát hóa và giải thích là những cách tốt để ngắt cuộc trò chuyện mà bạn không muốn đi quá sâu. Nếu tôi nói “Tôi cảm thấy hơi mệt mỏi và buồn” và người khác trả lời một cách tổng quát, chẳng hạn như “Tôi nghĩ mọi người đều cảm thấy như vậy vào thời điểm này trong năm”, điều đó khiến tôi khó nói cụ thể hơn về tình hình của mình. Điều tương tự cũng xảy ra với những lời giải thích. Ví dụ như câu trả lời: “Bạn có thể đã đi ngủ quá muộn vào đêm qua.” Cả hai câu trả lời đều khiến tôi khó tìm ra sơ hở để đưa kinh nghiệm cá nhân của mình vào bàn luận. Điều này không hẳn là xấu. Tôi có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi biết những người khác cũng đang cảm thấy mệt mỏi. Tôi hiểu rằng bản thân mình không có gì bất ổn. Và nó cũng khá hữu dụng khi bạn muốn tránh đi sâu hơn vào vấn đề. Là một giảng viên bộ môn tâm lý học tại Đại học Mở, tôi luôn muốn tránh việc học viên chia sẻ quá nhiều. Chia sẻ tâm tư cá nhân trong khi dạy các lớp đông học viên là điều không hề thích hợp. Trong trường hợp, tôi cũng có thể sử dụng các từ ngữ khái quát và những lời giải thích để đưa cuộc trò chuyện trở lại bình thường nếu tôi cảm thấy nó đang dần phạm vào ngưỡng riêng tư. Tương tác theo bốn cấp độ Chúng ta có thể phân chia các tương tác mà chúng ta có với nhau thành bốn cấp độ khác nhau. Chúng ta sẽ điểm qua từng cái một. Cấp độ 1: Chuyện phiếm và tương tác chung chung Ở cấp độ này, bạn sẽ liên tục thay đổi chủ đề. Nó giống như một con bướm bay lượn từ bông hoa này sang bông hoa khác, tận hưởng một chút chỗ này một chút chỗ nọ. Ưu điểm của điều này là giúp ta dễ dàng tiến vào và rút lui khỏi cuộc trò chuyện. Những mẩu chuyện vụn vặt là một nghệ thuật. Những người hướng ngoại tận hưởng chúng như một cuộc chơi tự do vậy. Đây cũng là lúc các bạn có thể đùa cợt lẫn nhau. Nhưng rất nhiều người dễ gặp phải vấn đề khi hội thoại đi vào việc đùa cợt và thấy chúng khá lắt léo. Trong trường hợp đó, bạn có thể nương tựa vào một số nguyên tắc cơ bản về trò chuyện. Nó khá đơn giản. Bạn có thể chỉ cần nói những gì đang xảy ra tại thời điểm và địa điểm đó. Ví dụ, “Hôm nay lạnh quá”, “Trời đang mưa kìa”, “Món này ngon thật”, “Đôi giày này thật đẹp”, “Mùi gì thế nhỉ?”... Nhiều người nhạy cảm cao có thể cảm thấy khó chịu nếu những cuộc hội thoại này kéo dài quá lâu. Bạn cảm thấy như ổ cứng của bạn đang bị lấp đầy vì những thứ vô nghĩa và bạn khao khát có được thứ gì khác hay ho hơn. Nhưng những câu chuyện phiếm này sẽ giúp ích nhiều cho bạn, đặc biệt là khi bạn muốn kết nối với một người mà bạn không biết rõ. Một mẩu hội thoại ngắn có thể giống như phần mở đầu. Nó không nhất thiết là những gì bạn đang nói mà còn có thể dựa vào tông giọng của bạn. Bạn đang xây một chiếc cầu nối với người kia. Những mẩu hội thoại nhỏ có thể tạo ra cảm giác an toàn khi bạn ở trong một tình huống không quen. Đó có thể là một cách để kết nối với ai đó trong khi bạn cố gắng khám phá những sở thích chung. Ngược lại, bạn có thể nhanh chóng rời khỏi cuộc trò chuyện nếu cảm thấy không thoải mái khi cố tán chuyện. Nếu bạn gặp khó khăn với việc gợi ra những mẩu đối thoại nhỏ, bạn nên luyện tập chúng. Cấp độ 2: Lớp “vỏ” thú vị Ở cấp độ này, chúng ta đã thiết lập được một số sở thích chung. Chúng ta đang trao đổi ý kiến và thông tin hoặc có thể thảo luận về chính trị, việc nuôi dạy con cái hoặc một số thứ khác mà cả hai đều thấy hứng thú. Có thể chúng ta sẽ tìm ra được sự hòa hợp và đưa ra những quan điểm chung. Một số người giống như cá gặp nước ở cấp độ này. Có thể họ thích tiếp thu kiến thức mới hoặc có thể cảm thấy tràn đầy sinh lực khi tranh luận với người khác. Những người nhạy cảm cao thường thích trao đổi ý kiến về những mối quan tâm chung, nhưng nếu cuộc thảo luận dần trở nên sôi nổi với dấu hiệu của sự hiếu thắng, họ có thể không cảm thấy thoải mái nữa. Cấp độ này còn được gọi là cấp độ nhập vai, có nghĩa là đây là nơi chúng ta nói về công việc của chúng ta, nơi chúng ta sống, tình trạng hôn nhân,... Chúng ta thể hiện bản thân theo vị trí hoặc vai trò nhất định. Trong vai trò của một người mẹ, người phụ nữ có thể đưa ra lời khuyên cho các nhân viên tại trường mẫu giáo, một y tá có thể đưa ra lời khuyên về thuốc hoặc một họa sĩ có thể đưa ra lời khuyên về màu sắc. Cấp độ này thường bị chi phối bởi những người tự tin và nói nhiều. Nếu cảm thấy điều này khiến bạn bực bội, bạn có thể tận dụng cơ hội để thể hiện bản thân. Trong một số bối cảnh, nó gần giống như một trận chiến để giành được tiếng nói bởi vì ai cũng muốn tranh phần. Điều này có thể gây rất nhiều khó khăn cho một người nhạy cảm cao: họ có thể hơi chậm chạp trong việc nắm bắt cơ hội để lên tiếng hoặc có thể họ cảm thấy bất lịch sự khi xen vào người khác. Bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn trong những tình huống khi cả hai có mong muốn lắng nghe lẫn nhau. Ở một số vùng, ta có thể giới thiệu văn hóa lắng nghe. Một số người có thể không nghĩ nhiều đến ảnh hưởng của việc này tới một hội nhóm khi chỉ một vài thành viên làm chủ cuộc thảo luận, hay điều này có thể thành vấn đề cho những người khác. Nếu bạn lên tiếng, ta có thể mang lại một vài sự thay đổi. Ở cấp độ này, bạn sẽ không nói tới vấn đề cảm xúc. Điều này xảy ra ở cấp độ thứ ba. Cấp 3: Không gian riêng tư Ở cấp độ này, chúng ta có thể nói về cảm giác và trải nghiệm của mình liên quan đến người và mọi thứ xung quanh (nếu ta bắt đầu nói về cảm xúc dành cho người mà ta đang ở bên, cuộc đối thoại chuyển sang cấp độ thứ tư). Trong cấp độ tương tác thứ ba, bạn đang cho phép ai đó đi sâu vào phạm vi riêng tư của mình. Bạn có thể kể về thời thơ ấu, cuộc hôn nhân, các mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp hoặc gia đình của bạn. Bạn có thể trao đổi những câu chuyện phiếm và nói về những tin đồn thất thiệt. Hoặc bạn và đối phương có thể giúp nhau tìm hiểu cảm nhận của bạn về vấn đề gì đó như một bước để bộc lộ xúc cảm của bạn về ai đó với người kia. Đây có thể là một cấp độ mà bầu không khí giữa hai bạn có thể rất căng thẳng hay vô cùng sống động. Bạn có thể nhận ra rằng bạn có nhiều điểm chung với ai đó và cuộc sống nội tâm của bạn có thể không khác với người khác như bạn nghĩ. Bạn có thể cảm thấy thoải mái khi chia sẻ cuộc sống nội tâm riêng tư của mình với ai đó. Bạn có thể giảm tải cho chính mình và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nếu bạn gặp khó khăn ở mức độ này, có thể là do bạn đang thấy xấu hổ hoặc lo âu khi phải chia sẻ với người khác về những phần trong con người mình và cuộc sống nội tâm của mình. Và đôi khi người lắng nghe những lời thú nhận riêng tư kia cũng có thể thấy không thoải mái, đặc biệt nếu đối phương có vẻ mong đợi bạn trở thành đồng minh thân thiết sau lần tâm sự này. Cũng có thể đây sẽ là một thử thách với bạn nếu đối phương là người đang rất tức giận. Nếu bạn đang cảm thấy bị nhạy cảm quá mức hoặc quá tải cảm xúc, việc lắng nghe lời tâm sự của người khác có thể trở nên khó khăn. Cấp độ 4: Kết nối trực tiếp Ở cấp độ này, chúng ta nói về những gì đang xảy ra ở đây và bây giờ giữa hai chúng ta; tôi và bạn, ở đây và bây giờ. Chúng ta đang cảm nhận gì về nhau? Loại kết nối trực tiếp này có thể rất mãnh liệt. Đây là điểm bạn nhận ra ý nghĩa của bạn đối với người khác. Nó nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Khi một chàng trai hay một cô gái đang yêu nói, “Anh (em) yêu em (anh)” với người họ yêu, những lời nói đó thuộc về cấp độ tương tác này. Khi người chồng nói với vợ: “Em cứ nhìn anh kiểu này, chắc anh bỏ em mất” cũng là dạng kết nối ở cấp độ này. Một số người hầu như không bao giờ tiến tới cấp độ này. Một vài người chỉ làm điều đó một vài lần trong đời. Nhưng đó thường là những khoảnh khắc bạn sẽ luôn ghi nhớ và hồi tưởng về. Bạn sẽ thấy vừa đáng sợ vừa như được tiếp thêm sinh lực khi kết nối ở cấp độ này. Có thể bạn lo sợ làm tổn thương ai đó nếu bạn quá bộc trực. Hoặc bạn sợ bị tổn thương chính mình. Nhưng nếu bạn tránh né cấp độ này, mối quan hệ của bạn có thể bị ảnh hưởng, trở nên nhàm chán và thiếu sức sống. Chuyển lên cấp độ đầu tiên Bạn chuyển lên cấp độ tương tác đầu tiên bằng cách nói to những gì bạn đang cảm nhận được bằng năm giác quan: cảm giác, nếm, ngửi, nghe và nhìn. Ví dụ: “Ánh nắng thật tuyệt.” Từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 Bạn nán lại lâu hơn một chút trong mọi chủ đề. Một nhận xét về món ăn có thể trở thành một cuộc trò chuyện về công thức nấu ăn, hoặc một bình luận về thời tiết có thể trở thành một cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu. Bạn cũng có thể đưa ra một chủ đề hoàn toàn mới. Từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 Bạn có thể mời đối phương đi sâu vào không gian cá nhân bằng cách chia sẻ một số kinh nghiệm riêng tư. Hoặc bạn có thể đặt một câu hỏi trực tiếp, chẳng hạn như “Khi bạn cảm thấy bức xúc về việc mọi người nghỉ ốm, có phải bạn lo lắng về việc bị dồn áp lực nhiều hơn trong công việc không?” Từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 Trước tiên, bạn nên kiểm tra xem người kia có thực sự muốn gặp gỡ bạn ở cấp độ này hay không. Bằng cách này, họ cũng có cơ hội chuẩn bị cho mình. Dưới đây là một số ý tưởng về cách bắt đầu một cuộc trò chuyện như vậy: • Tôi muốn nói với bạn về cảm xúc của chúng ta đối với nhau. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? • Tôi thực sự muốn chia sẻ cảm nhận của tôi về bạn lúc này. Bạn có muốn nghe không? • Tôi muốn biết bạn cảm thấy thế nào về tôi. Bạn có muốn chia sẻ điều đó với tôi không? Mô hình trên hữu ích thế nào đối với những tâm hồn nhạy cảm? Nhận thức rõ hơn về cấp độ của một cuộc trò chuyện sẽ giúp bạn ý thức rõ hơn tại sao một số mối quan hệ khiến bạn kiệt sức trong khi một số khác lại chăm bẵm cho bạn. Nếu bạn biết lý do tại sao một số cuộc trò chuyện chỉ mang lại cho bạn sự nhàm chán và thất vọng, bạn sẽ dễ dàng thay đổi tình hình hơn. Tạo sự chuyển đổi từ cấp độ này sang cấp độ khác có thể mang tới sự khác biệt. Nếu bạn có đủ can đảm để chuyển sang cấp độ thứ tư, nó có thể mang lại năng lượng và sự chuyên tâm mới mẻ cho những mối quan hệ đã trở nên nhạt nhòa. Mô hình trên là một phiên bản đơn giản hóa của thực tế và nó không cân nhắc đến những tương tác không lời xảy ra giữa mọi người. Những người nhạy cảm cao thường có khả năng dành thời gian cho nhau và cảm thấy sự đậm đặc về chiều sâu cũng như tính hiện diện của nhau mà không cần thốt nên lời nào. KHO SÁCH tổng hợp Google Drive VIP 800+ GB, 5000+ ebook & sách nói, 38 chủ đề, cập nhật liên tục �� Link Google Drive PHẦN MỀM/ ỨNG DỤNG miễn phí có sẵn trên Google Play/ Appstore giúp bạn sắp xếp dữ liệu, quản lý thời gian, đơn giản hóa công việc & cuộc sống, tích hợp TẤT-CẢ-TRONG-1 �� Tìm hiểu & download Chương 5 CÁCH ĐỐI MẶT VỚI CƠN GIẬN CỦA CHÍNH BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC Những người nhạy cảm cao thường có giải pháp khác nhau khi đối mặt với cơn giận Những tâm hồn nhạy cảm thường không thích tức giận. Giận dữ là một loại năng lượng mạnh mẽ. Khi chúng ta tức giận, ta thường trở nên không biết phân biệt trắng đen và mất khả năng đồng cảm với người khác. Đây không phải là cách hành xử chúng ta nên coi trọng với bản thân mình hay với người khác. Đối với một số người, xả nỗi bực tức có thể giúp họ sảng khoái hơn, nhưng đối với những người nhạy cảm cao, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến bạn và làm hệ thần kinh mất cân bằng. Sau đó, bạn sẽ cần khá nhiều thời gian ổn định lại cũng như định hướng lại bản thân. Khả năng cao là bạn chưa có nhiều trải nghiệm tốt trong việc bộc lộ sự tức giận khi nó lên đến đỉnh điểm. Bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều không chỉ vì bạn cảm nhận được cảm xúc mạnh mẽ của chính mình mà còn vì bạn cảm nhận được cảm xúc của người khác. Nếu bạn làm tổn thương ai đó, bạn cũng cảm thấy nỗi đau của họ và sẽ khó có thể bỏ nó qua một bên. Nó khắc sâu vào lòng bạn sâu sắc tới nỗi khiến bạn phải vật lộn với cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Những người nhạy cảm cao thường cảm thấy ức chế khi bị kích động. Chúng ta chỉ đơn giản là không muốn gây gổ với ai cả. Một lý do khác chính là tranh cãi và gấu ó không phải là điểm mạnh của chúng ta. Những người giành chiến thắng trong những cuộc tranh cãi thường là những người không lo lắng về các quy tắc đạo đức. Họ chiến thắng vì họ không bận tâm quá nhiều đến việc làm tổn thương đối phương và họ đặt quan điểm của mình lên trên tất cả, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tấn công người khác chứ không phải là tập trung vào vấn đề chính. Nếu bạn là một người có tâm hồn nhạy cảm, bạn sẽ cảm thấy như thể mình liên tục chịu thua trong các cuộc tranh luận, do bạn cần phải cân nhắc đến nhiều vấn đề khác nhau hay bạn có những giá trị riêng mà mình không muốn thỏa hiệp. Giống như bạn đang tham dự một trò chơi mà tự cược mình vào thế bất lợi hơn. “Tôi thường tự cho mình là kẻ yếu đuối bởi vì tôi luôn là người rút lui khỏi một cuộc tranh cãi mà không thể hiện rõ quan điểm của mình.” Helle, 57 tuổi Mặc dù những người nhạy cảm cao luôn ở kèo dưới trong những cuộc thảo luận nhanh chóng và sôi nổi, nhưng chúng ta thực sự có thể giải quyết rất tốt những bất đồng khi chúng ta đầu tư thời gian vào đó. Bạn có thể im lặng và rút lui khi gặp phải những cơn tức giận bất ngờ, nhưng sau một vài ngày, bạn có thể quay lại, nói rõ suy nghĩ và cảm xúc của mình về vấn đề này và cho mọi người biết rằng bạn sẽ chấp nhận và không chấp nhận những gì. Những người nhạy cảm cao có thể bận tâm thái quá về những chuẩn mực hay giá trị đạo đức, nhưng điều này không có nghĩa là những chuẩn mực này kém quan trọng so với người khác. Và điều này cũng không đồng nghĩa với việc những người nhạy cảm cao nhất quyết phải sống theo đúng tiêu chuẩn của họ. Nhưng chúng ta luôn muốn biến thế giới trở thành một nơi đáng sống và vì vậy tiêu chuẩn đạo đức có vẻ là một giải pháp mang tính xây dựng để góp phần biến thế giới thành một nơi như vậy. Chúng ta luôn muốn tránh những cuộc tranh cãi ầm ĩ vì tức giận và cố gắng đảm bảo bản thân không làm phiền người khác quá nhiều về lối cư xử của bản thân. Khi hành nghề trị liệu, tôi đã nói chuyện với nhiều người cảm thấy rất khó đối phó với sự tức giận. Họ đã nghe nhiều lời khuyên (thường là các nhà trị liệu khác) rằng bạn đang gặp vấn đề khi thấy bản thân không thể phản ứng với sự tức giận mạnh mẽ và khẳng định sức mạnh bản thân theo cách đó. Khi cố gắng đào xới về vấn đề này với khách hàng của mình, tôi thường thấy rằng họ có giải pháp rất khác. “Tôi là nhân viên thuộc bộ phận hỗ trợ khách hàng tại ngân hàng. Công việc của tôi là phê duyệt các Thỏa thuận Tín dụng do nhân viên khác đã soạn thảo. Tôi thường xuyên rơi vào tình cảnh là một vài nhân viên viết thỏa thuận và giao chúng cho tôi vào lúc 3 giờ chiều nhưng họ lại muốn phê duyệt ngay trong ngày vì họ đã hứa với khách hàng sẽ có phản hồi nhanh chóng. Điều này mang lại rất nhiều khó chịu đối với tôi vì tôi phải làm việc muộn. Tôi muốn tìm giải pháp cho việc này vì tôi luôn trong tình trạng cực kì căng thẳng. Tôi đã từng nêu vấn đề này với đồng nghiệp mà không thành công. Và một phần vì tôi không thoải mái lắm với việc phải giận dữ và la hét với bất kì ai, tôi đã chọn một giải pháp khác. Tại một cuộc họp buổi sáng, tôi đã thông báo rằng sau này khi bất cứ ai đó giao một hợp đồng khẩn cấp vào gần cuối giờ làm việc cho tôi, họ sẽ là người quyết định xem hợp đồng nào sẽ là cái tôi phải trì hoãn lại. Và điều này thực sự đã tạo ra biến chuyển cực lớn. Các đồng nghiệp của tôi đều nghe theo và số lượng các trường hợp khẩn cấp đã giảm đi đáng kể.” Gitte, 54 tuổi Bình tĩnh nói “Không” hoặc “Tôi không muốn làm điều này” hoặc “Với tôi điều này không ổn một chút nào” thường giúp giải quyết mọi việc tốt hơn nhiều so với việc lớn tiếng bày tỏ sự tức giận. Và khi nó không hiệu nghiệm, bạn có thể vạch ra đường hướng như cách Gitte đã làm trong ví dụ nêu trên. Dưới đây là câu chuyện của một người rất nhạy cảm trong một tình huống trị liệu không mấy nhạy cảm. “Một nhà trị liệu tâm lý đã từng cố gắng dạy tôi cách trở nên thực sự tức giận. Cô ấy tin rằng tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều trong cuộc sống của mình nếu tôi có thể trở nên hiếu thắng và bớt thận trọng hơn. Tôi đồng tình với cô ấy vì cũng tự nghĩ rằng có thể sự tức giận sẽ giúp tôi giải quyết mọi việc dễ dàng hơn. Sau đó, tôi nhận ra rằng trong những tình huống nhất định mất bình tĩnh không có tác dụng, bực tức cũng không có tác dụng. Điều này thường dẫn đến tình huống là bạn không thể thay đổi điều bạn muốn thay đổi. Vì người mà tôi cần sẽ không thể hoặc không muốn làm theo ý tôi. Giờ nhìn lại, lẽ ra tôi nên từ chối vị bác sĩ trị liệu đó và cách cô ấy cố gắng thay đổi tôi. Ngay cả khi tôi nhận ra rằng tôi có thể có mọi thứ theo cách của mình bằng cách gào thét ầm ĩ, thì tôi vẫn thực sự không muốn người khác đáp ứng nhu cầu của mình theo cách này.” Henrik, 48 tuổi Ví dụ trên không phải là duy nhất. Nhiều người nhạy cảm cao đã gặp phải trường hợp những người khác cố gắng đưa ra những nỗ lực thiếu tôn trọng và mang tính xâm phạm để khiến họ từ bỏ các giải pháp khôn khéo và thận trọng của mình để áp dụng những giải pháp ban sơ hơn. Những tâm hồn nhạy cảm sẽ cảm thấy khó chịu khi phải thành một phần của những cuộc xung đột. Chỉ cần gia nhập vào một cuộc tranh luận nảy lửa cũng đủ khiến họ cảm thấy quá tải. Và ngay khi cảm thấy quá tải và choáng ngợp, chúng ta có xu hướng cảm thấy bất lực và thiếu tính xây dựng. Sự kết nối của chúng ta với suy nghĩ của bản thân bị gián đoạn và nếu không có sự kết nối này, chúng ta giống như một con tàu bị lạc trên biển. Là một nhà tâm lý trị liệu, tôi thường giúp các cặp vợ chồng tìm ra các giải pháp áp dụng khi một cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm. Ví dụ, họ có thể thỏa thuận với nhau một khoảng thời gian nghỉ và và thu xếp thời gian để bắt đầu lại cuộc trò chuyện. Và trong thời gian chờ đợi, họ có thể đi dạo hoặc chạy bộ riêng rẽ. Nếu là người nhạy cảm, bạn có lẽ sẽ cần rút lui khỏi xung đột và thu nạp đủ sự bình tĩnh để thiết lập lại sợi dây kết nối với chính mình và cảm xúc yêu thương của bạn đối với bản thân mình và người ấy. Một giả thuyết phổ biến cho rằng bạn có thể giải tỏa cơn giận bằng cách thể hiện nó ra ngoài - ví dụ như cách đánh vào gối. Đây thường là lý do tại sao một số nhà trị liệu khuyến khích khách hàng của họ giải tỏa cơn giận. Nhưng khi bạn thể hiện sự tức giận bằng cơ thể, rốt cuộc bạn có thể sẽ giữ mãi mối giận dữ đó, thậm chí khiến cơn giận dữ dội hơn. Bạn sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nếu chọn cách tâm sự với ai đó về cảm xúc của bạn ngay lúc này hay thực hiện một số bài tập giúp thư giãn đầu óc. Tận dụng khả năng của bản thân để đồng cảm và đào sâu suy ngẫm Tôi đã tạo ra một mô hình giúp xem xét các nguyên nhân gốc rễ khác nhau dẫn đến sự tức giận. Các nguyên nhân được chia thành các nhóm và tôi đề xuất ra những giải pháp khác nhau cho từng nhóm. Mô hình này khá hữu ích nếu bạn không thích tranh luận và xung đột và muốn né tránh hầu hết chúng. Tôi từng đề cập về mô hình này trong cuốn sách The Emotional Compass (Sand 2016) của mình. Tôi cũng đã viết về cách thức bạn có thể sử dụng khả năng của mình để suy ngẫm về mọi thứ để tìm ra giải pháp đơn giản và dễ dàng nhất trong mọi cuộc xung đột - hoặc trong các sự va chạm nhỏ hơn. Bạn có thể làm được nhiều điều với khả năng đồng cảm của mình. Thông thường, sự tức giận giống như một lớp bảo vệ và bên dưới tiềm ẩn những cảm xúc khác mong manh dễ vỡ hơn nhiều. Những người nhạy cảm rất giỏi trong việc cảm nhận được những cảm xúc tiềm ẩn và có thể vận dụng tốt điều này. Nếu bạn có thể kết nối với những cảm xúc mong manh dễ vỡ kia, điều này sẽ giúp chuyển đổi năng lượng và tạo ra nhiều không gian hơn cho quá trình chữa lành. Sự tức giận xuất hiện khi sự kỳ vọng hoặc nhu cầu nào đó của bạn không được đáp ứng. Điều này khiến bạn cảm thấy bực tức. Hãy tận dụng khả năng đồng cảm của bạn để tìm hiểu ra nhu cầu chưa được đáp ứng. Có thể bạn sẽ yêu cầu những gì bạn muốn hoặc những giá trị bạn cần. Bạn cũng có thể giúp người kia kết nối với những gì họ cần, từ đó triệt tiêu cơn giận. Bạn có thể hỏi, “Bạn muốn tôi (hoặc người khác) tặng bạn thứ gì ngay bây giờ?” Sẽ rất hữu ích khi bày tỏ mong muốn và nhu cầu của chúng ta - ngay cả khi người khác không thể cung cấp cho chúng ta những gì ta muốn. Nhận thức rõ hơn về mong muốn và nhu cầu của bản thân và sự phụ thuộc của bạn vào người khác có thể là một cách để thoát khỏi cơn giận. Nó có thể mang lại cho ta cảm giác lành mạnh hơn về những phần mong manh dễ vỡ trong mình và giúp chúng ta thể hiện mình nhiều hơn và tạo ra nhiều kết nối tích cực hơn với những người xung quanh. Khi đồng cảm với sự tức giận là không khôn ngoan Theo nguyên tắc cơ bản, bạn có thể nghĩ người tức giận là một người đang đau khổ và có nhu cầu chưa được đáp ứng về tình yêu và lòng thương. Nhưng nếu điều đó không mang lại bất kỳ lời giải nào cho tình hình, thì bạn phải định ra được giới hạn về mức độ hiếu thắng hoặc làm mình làm mẩy bạn chịu đựng được ở họ. Một số người sẽ không phải là người bạn đồng hành tốt cho những tâm hồn nhạy cảm. Và một số người nhạy cảm thường duy trì quá lâu các mối quan hệ không lành mạnh vì họ luôn muốn tin vào điều tốt nhất cho người khác ngay cả khi bản thân liên tục bị ngược đãi. Họ tiếp tục cung cấp sự đồng cảm và lòng tốt, hy vọng rằng một ngày nào đó người kia sẽ bắt đầu thay đổi. Hãy thử nhìn vào vấn đề này từ bên ngoài. Hãy nghĩ về người mà bạn vô cùng quan tâm và tưởng tượng họ đang sống cuộc đời của bạn. Nếu họ ở trong các mối quan hệ của bạn, bạn có thấy họ được đối xử tử tế, cảm thông và tôn trọng không? Nếu câu trả lời là không, chắc bạn nên hạn chế bớt khả năng đồng cảm của mình lại, bắt đầu thiết lập ranh giới và yêu cầu những người khác thay đổi hành vi của họ đối với bạn. Khi bạn không cho người khác biết điều mình không thích Nếu bạn gặp khó khăn trong những cuộc xung đột, bạn có lẽ sẽ luôn tránh bày tỏ bất kỳ suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực nào và giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Cũng có thể bạn tự nhủ với bản thân rằng điều này không quan trọng. Nếu bạn gặp vấn đề gì đó mà bạn cảm thấy không thoải mái, bạn cần phải tìm ra con đường giảng hòa. Một cách để giải quyết vấn đề này là đẩy nó cho một ai khác. Một cách khác có thể là giữ nó ở trong lòng và tự trách bản thân bạn. Con đường giảng hòa là bày tỏ điều gì đó về bản thân song song với việc quan sát – đưa ra một tuyên bố trung lập về điều gì đó bạn đang cảm nhận được. Đừng nói những điều như “Bạn đã phá hỏng tâm trạng tốt của tôi” hoặc “Tôi quá nhạy cảm”. Dưới đây là một số ví dụ về tuyên bố trung lập: • Mỗi khi bạn nhìn tôi như lúc này, bụng dạ tôi cứ lộn tùng phèo lên vậy. • Tôi mong là bạn sẽ nói điều gì đó tử tế với tôi vào lúc này. • Tôi thích ăn salad hơn là dưa chua. • Điều quan trọng là chúng ta nên làm theo đúng lịch trình chúng ta đã quyết từ trước. Bạn càng có ý niệm rõ ràng về những gì bạn không thích và những gì bạn muốn, việc giao tiếp càng rõ ràng hơn. Ranh giới của sự rõ ràng tạo ra mối liên kết tốt giữa hai người. Và bạn càng thấy dễ thể hiện bản thân thì mối quan hệ của bạn càng trở nên sâu sắc hơn. Trong khoảng thời gian ngắn, bạn có thể sẽ cảm thấy tốt hơn khi tự nhủ với bản thân rằng điều này hay điều kia không quan trọng - đặc biệt nếu bạn muốn tránh sự tức giận và những xung đột. Nhưng về lâu dài đó là một ý tưởng thực sự tồi. Nếu bạn sợ bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, các mối quan hệ của bạn sẽ trở nên hời hợt và bạn luôn trong cảm giác bất mãn. Khi những người nhạy cảm cao không đặt ra ranh giới trong những tình huống như vậy có thể là do lòng tự tôn thấp. Mọi người luôn nói với tôi rằng tôi cần phải ngừng chịu đựng – cần phải cứng cỏi hơn và yêu cầu người ta tôn trọng mình. Và tôi đã cố gắng làm như vậy, nhưng khi tôi cố gắng hét ầm lên, giọng của tôi sẽ vỡ ra hoặc lào khào và the thé. Bây giờ tôi biết rằng tất cả là do tôi thiếu lòng tự tôn. Sâu thẳm trong tôi, tôi nghi ngờ rằng liệu tôi có thực sự xứng đáng có mặt trên thế giới này hay không. Tôi cảm thấy có điều gì đó rất không ổn với mình và tôi phải biết ơn vì mình được là một phần của cộng đồng. Và tôi thực sự không dám từ chối bất cứ điều gì. Khi tôi cố gắng thể hiện sự tức giận, tôi chỉ đơn giản là vô cùng sợ hãi. Chẳng phải vì tôi không cảm nhận được cơn giận trong tôi hay vì tôi không biết cách la hét. Jens, 45 tuổi Một người đàn ông như Jens không cần phải xử lý sự tức giận của mình, mặc dù nhiều người gợi ý cho anh ấy làm vậy. Anh ấy cần phải nâng tầm tự tôn của mình lên. Khi cơn giận bảo vệ chúng ta khỏi sự bất lực và đau buồn Thường khi cảm xúc tức thời xuất hiện trong chúng ta là nỗi tức giận, nó có thể bảo vệ chúng ta khỏi những cảm xúc khác và nhìn nhận điều này sẽ rất hữu ích. Có thể một con đường hoàn toàn mới đang ẩn trong những cảm xúc đó và nó có thể dẫn chúng ta đến một lối sống đích thực, vui tươi và sôi động hơn. Giận dữ có thói quen đẩy chính nó lên hàng đầu; cất giữ rất nhiều thứ bên dưới nó, nhưng chúng ta không thể tiếp cận được với chúng vì sự tức giận đang chiếm hết không gian. Bên trong sự tức giận ẩn chứa một hy vọng rằng chúng ta có thể và sẽ thay đổi được thực tế. Tức giận là một loại năng lượng rất mạnh mẽ được thiết kế để xóa bỏ những sự cản trở và chống lại những điều bạn muốn thay đổi. Bạn cảm thấy tức giận tức là có điều gì đó khiến bạn muốn đấu tranh - cho dù bạn có nhận thức được điều đó hay không. Nhưng đôi khi vấn đề là bạn đang đấu tranh để thay đổi những điều không thể thay đổi được. Nếu bạn tức giận với cộng sự vì có những điểm nào đó của anh ấy mà bạn không thích, bạn có thể nghĩ rằng người đó sẽ thay đổi một khi bạn tiếp tục sửa sai và mắng mỏ người kia. Nhưng bạn chỉ đang làm cho mối quan hệ của bạn thêm khó khăn hơn rất nhiều. Và bạn đang làm điều vô ích, bởi vì một số phần trong tính cách của chúng ta rất khó để có thể thay đổi được. Khi bạn tiếp tục tức giận với cha mẹ đã có tuổi của mình, bạn đang hy vọng vào phép màu nào đó sẽ cung cấp cho bạn những điều mà bạn đã bị từ chối khi còn nhỏ. Rằng tính cách cha mẹ của bạn sẽ thay đổi và gia đình bạn sẽ sống với nhau hạnh phúc mãi mãi. Chúng ta thường tức giận cho đến khi chúng ta tìm thấy sức mạnh để đối mặt với những mất mát và đón nhận thực tế như nó vốn có. Ngày mà bạn tìm được cách từ bỏ cuộc chiến vô vọng, sự tức giận của bạn sẽ hóa thành nỗi đau buồn. Và không giống như tức giận, sự đau buồn mời gọi sự cảm thông từ những người khác. Bạn sẽ nhận được sự ủng hộ.Và đau buồn là quá trình. Sự đau buồn lành mạnh sẽ kéo dài một thời gian; bạn cần đi qua nó, vinh danh và buông bỏ những thứ bạn đã mất đi. Trong khoảng thời gian của riêng bạn, bạn sẽ sẵn sàng lau khô nước mắt và bắt đầu tìm kiếm những kì vọng mới. Nhưng sự tức giận có thể biến thành cay đắng và ở bên bạn đến hết cuộc đời. Hy vọng là điều ẩn sâu bên trong sự tức giận có thể tự bộc lộ ra ngoài theo nhiều cách khác nhau trong nhiều mối quan hệ của chúng ta - chẳng hạn như với anh chị em, bạn đời cũ hoặc sếp của bạn. Một khi bạn nhận thức được niềm hy vọng tiềm ẩn và cuộc chiến của chính mình, bạn sẽ dễ dàng tìm ra con đường tiến lên. Nếu bạn đủ khả năng để nhận ra những gì bạn đang kì vọng, bạn có thể bắt đầu làm việc để thay đổi thực tại nếu điều đó là có thể hoặc có thể buông bỏ hy vọng của mình và bắt đầu quá trình đau buồn để tìm ra những lối đi mới trong cuộc sống. Khi bạn đau buồn vì những điều mình đã không nhận được từ cha mẹ, hoặc từ người bạn đời trước kia, bạn sẽ bắt đầu coi cha mẹ hoặc người cũ là những người có những giá trị và hạn chế giống như bạn. Và mặc cho bạn không thể quay ngược thời gian để có được thời thơ ấu mà bạn hằng mơ ước hay bắt đầu lại cuộc hôn nhân của mình, các mối quan hệ của bạn sẽ bắt đầu thay đổi. Những điều mới mẻ có thể trở nên khả thi khi bạn không liên tục cố gắng đòi hỏi từ người khác những điều họ không nắm giữ hoặc cố gắng thay đổi con người của họ và những gì đã từng xảy ra. Nếu bạn đang phải đối mặt với sự tức giận từ chính những đứa con đã trưởng thành của mình, bạn có thể cố gắng mang lại cảm giác bất lực bằng cách nói, “Bố/mẹ ước có thể cho con một tuổi thơ tốt hơn.” Hoặc với một người bạn đang trách móc bạn phá hỏng tiệc sinh nhật của người đó vì bạn rời đi sớm, “Tớ mong rằng mình đã hành xử theo cách khác.” Tránh thuyết giảng đạo đức “Nên” là một từ rất hữu ích khi chúng ta muốn thuyết giảng đạo đức. Bạn có thể sử dụng nó để chống lại chính mình hay những người khác. “Tôi nên dành nhiều thời gian hơn cho các con của mình” là một ví dụ về việc đánh giá bản thân theo khía cạnh đạo đức. Bạn hướng sự tức giận vào sâu bên trong và bắt đầu chỉ trích chính mình. Bạn cũng có thể dựa vào quan điểm đạo đức của mình và chỉ tay vào người khác: “Bạn nên coi trọng tôi,” hoặc thậm chí tệ hơn, “Sau tất cả những gì tôi đã làm cho bạn, bạn nên biết ơn tôi hơn thế này.” Nếu bạn cảm thấy cõi lòng bất ổn, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về những giá trị đạo đức đối với bản thân hoặc người khác. Nó thật sự có hiệu quả! Nếu bạn là một người có tâm hồn nhạy cảm, bạn có thể hay đánh giá chính mình về mặt đạo đức hơn người khác. Khi bạn không thể đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn cao của chính mình, bạn có thể hình thành thói quen xấu là thường công kích chính mình: “Đáng lẽ tôi phải làm tốt hơn - sau tất cả những gì cha mẹ tôi đã làm cho tôi. Tôi nên cảm thấy biết ơn và hạnh phúc hơn khi họ gọi điện cho tôi.” Bằng cách này, bạn đang đặt quá tải gánh nặng lên chính mình khi đưa ra những phán xét tiêu cực nhắm vào chính ý thức cái tôi của bạn. Hậu quả là bạn sẽ bị quá tải cảm xúc và kiệt quệ về tinh thần. Từ “nên” thành “mong muốn” - từ tức giận đến buồn phiền Bạn có thể phân biệt giữa hy vọng và mong muốn. Hy vọng nên song hành với thực tế. Một khi bạn bắt đầu hy vọng vào một điều kì diệu chỉ có thể xảy ra trong truyện cổ tích, bạn sẽ lãng phí nhiều năng lượng và thời gian cho một thứ mà không có sức sống cần thiết. Giống như người vợ ở trong một cuộc hôn nhân không tình yêu với hy vọng rằng chồng mình sẽ thay đổi. Cô ấy sẽ sống tốt hơn nếu cô có thể từ bỏ hy vọng đó. Khi hy vọng chồng sẽ thay đổi không còn nữa, cô ấy sẽ có khả năng đối mặt với thực tế. Và dựa vào đó, cô ấy sẽ quyết định được rằng có nên chấp nhận mọi thứ như hiện tại hay bắt đầu tạo ra những thay đổi cho bản thân. """