" Người Mẹ Cầm Súng PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Mẹ Cầm Súng PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Thông tin ebook Tên truyện : Người Mẹ Cầm Súng Tác giả : Nguyễn Thi Thể loại : Truyện ký Nhà xuất bản : Kim Đồng Tủ sách : Vàng Năm xuất bản : 2006 Số trang : 292 Kích thước : 12,5 x 20,5cm Số quyển / 1 bộ : 1 Hình thức bìa : Bìa mềm Giá bìa : 28.000 VNĐ ---------------------------------- Nguồn : http://www.nxbkimdong.com.vn Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya Ngày hoàn thành : 06/12/2008 Nơi hoàn thành : Hà Nội http://www.thuvien-ebook.com Tóm tắt tiểu sử Nhà văn Nguyễn Thi Nhà văn Nguyễn Thi Ông còn có bút danh khác: Nguyễn Ngọc Tấn. Tên thật Nguyễn Hoàng Ca. Sinh ngày 15-5-1928, hy sinh ngày 9-5-1968 tại đường Minh Phụng (nay là đường Nguyễn Thi - thành phố Hồ Chí Minh) trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân. Quê gốc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Hà nhưng từ tuổi thiếu niên đã phải phiêu bạt vào Sài Gòn kiếm sống. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đầu quân làm công tác tuyên huấn và quản lý văn công ở quân khu miền Đông. Tập kết ra Bắc là đội trưởng đội văn công sư đoàn 330, sau chuyển về tham gia ban biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Từ 1962 trở lại chiến trường miền Nam, phụ trách tờ Văn nghệ quân giải phóng cho đến khi hy sinh. Là người viết văn xuôi, đồng thời Nguyễn Thi còn là người làm thơ, vẽ tranh, trình bày báo, soạn nhạc. Ạng được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965) với tập truyện Người mẹ cầm súng. Hội viên hội nhà văn Việt Nam lớp đầu tiên. Đã xuất bản: Trăng sáng (truyện ngắn, 1960), Đôi bạn (truyện ngắn, 1962), Người mẹ cầm súng (truyện ký, 1965), Truyện và ký (1969), Năm tháng * * * Truyện ký - Người Mẹ Cầm Súng I. Căm thù và nghị lực Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người đàn bà đã sáu con tên là Nguyễn Thị Út. Dáng người nhỏ gọn, chị có khuôn mặt tròn và đôi mắt to, sáng. Cô bác lớn tuổi quen gọi chị là con Út Trầu, vì chị hay ăn trầu. Lại có người đặt danh chị là "Bà Hồng" vì chị đánh giặc rất giỏi. Xóm giềng theo tục địa phương, ghép luôn tên chị với tên chồng, cứ kêu là Út Tịch. Mới đây bà con lại bàn tán một chuyện mới xảy ra về chị. Một đêm tối trời tháng giáp Tết vừa qua, dân làng đáy ở ngoài cồn Bần Chát bỗng nghe tiếng đàn bà kêu cứu. Vào mùa nước rong, sông chảy xiết, sóng to, có lượn lớn bằng con trâu, dân nghèo đi làm ăn bị chìm ghe, đồ đạc trôi láng sông. Người ta chạy ghe máy ra giữa dòng, vớt lên được một người đàn bà chỉ có đôi mắt to là còn tỉnh táo. Trên vai chị, một đứa bé tuổi còn bú, cứng đờ, thở thoi thóp. Cùng với chị còn có ba đứa nhỏ gái run rẩy, da tím ngắt. Đó là chị Út Trầu. Hỏi ra mới biết hôm đó nghe tin giặc bố ngoài bờ sông, chị mướn xuồng chở ít dưa sang Cầu Lộ bán, tiện dịp thăm dò tình hình giặc ngoài đó ra sao. Giặc chặn đường ban ngày, chị phải đi đêm. Ra tới giữa sông, sóng lưỡi búa đã bốc nước làm chìm xuồng chị. Sông Hậu Giang mênh mông, bề ngang bốn ki-lô mét, chèo thẳng tay cũng mất ba tiếng. Mấy mẹ con ngụp lặn giữa trời nước tối đen. Chị Út vai vác đứa con mới đẻ, lội đứng, miệng hò hét điều khiển ba đứa con gái, đứa nhỏ nhất mới lên tám tuổi, bám theo mép xuồng còn chìm lờ đờ, thả trôi. Xuồng muốn chìm luôn xuống đáy sông, chị cố nâng lên. Mọi việc đều phải tỉnh táo, chính xác. Nếu không khéo, đứa nhỏ trên vai sẽ chết. Quá tay một chút, cái xuồng cũng có thể chìm luôn. Cứ như vậy, hai tiếng đồng hồ, sóng lớn, sóng cả đã thua chị. Lên bờ, thoa bụng con, chị thử sức con bằng cách thọc lét[1] cho nó cười. Mấy mẹ trong xóm nói: - Đàn bà như tao thì sình lên rồi[2]. Nó vậy mà mẹ con còn y. Mấy mẹ Khơ-me nói: - Con đó chuyện gì nó cũng làm như đụng giặc vậy. Bà Sáu Hò kêu lên: - Nó uống toa thuốc gì mà gan trời vậy chớ! - Có uống thuốc gì đâu. Hồi nhỏ cực quá nên bây giờ gan thôi. Mười hai tuổi từng đánh vợ Hàm Giỏi mà. Cô bác hay nhập chuyện đời xưa vào chuyện đời nay của chị như vậy. Ngày đó, Út mặc quần bố tời[3]. Rận ôi là rận! Lấy chai lăn, nó kêu như muối rang. Út ở giữ con cho vợ Hàm Giỏi, vừa phải leo cau, vừa leo dừa. Hai bên hông Út sần sượng, nổi cục. Leo cau tối ngày, đói, đến lúc đút cơm cho con nó ăn, Út rất thèm. Thịt nạc nó kho nước dừa béo vàng. Những miếng thịt lưng cá trê nó lòe ra trắng như bông. Út ăn đại một miếng, ngọt quá, Út làm luôn cả chén, rồi chén nữa. Chiều thấy con đói, vợi Hàm Giỏi kêu Út lại chửi: - Bộ ông nội bay hồi đó chết đói thụt lưỡi hả? Rồi mụ đánh Út, quyết cho lòi thịt, lòi cá ra. Nhưng thịt cá vào bụng Út rồi, ra sao được? Mụ quất Út một roi, làm Út nằm giãy như sâu bị bắn. Lúc ngồi dậy, sẵn tay, Út liệng luôn cái chén vào mặt mụ. Út không hiểu sao lúc đó mình dám làm như vậy. Vợ Hàm Giỏi cao, mập. Ngay thằng chồng đứng cạnh mụ cũng chỉ như "lóc nói[4] mà ôm cột dừa". Uy thế của mụ cũng ghê gớm như cái thây mụ. Mỗi lần ngồi ghe đi góp lúa[5], mụ ngả người ra sau, chỏi chân ra trước, hai bên ghe chạm hai con khỉ bằng cây ngồi chầu. Cái chén đập lại của Út làm mụ Hàm Giỏi tím mặt. Mụ nắm tóc Út, mớ tóc non có chút tị. Út với con dao cau lia vào tay mụ. Mụ vốn sợ dao, buông ngay. Út phóng ra ngoài. Bắt đầu ở đợ, Út là một con bé tám tuổi, cởi truồng, ốm nhách. Đến lúc đánh lại địa chủ, Út mới mười hai tuổi, vẫn ốm nhách, nhưng lại thêm có một mối thù trong người. Trốn nhà này đi, Út lại phải đi ở đợ. Một nhúm tuổi, biết làm đâu, ăn đâu bây giờ. Con gái hội đồng Thanh mướn Út để leo dừa, leo cau và đổ đờm ho lao. Cho đến ngày cách mạng, rồi kháng chiến. Một buổi Tây vào bố[6], các anh đàng mình rút, bỏ quên cái máy chữ. Út mến các anh nên rất thương cái máy. Em lấy dây buộc, lôi nó lên ngọn dừa, giấu kỹ. Chiều, các anh về, cách mạng còn cái máy, nhưng đồ đạc và hộp vàng của con gái mụ địa chủ bị Tây lấy sạch. Chờ các anh đi, nó kêu Út lại chửi: - Bây giấu đồ cho người ta còn đồ nhà bây bỏ. Quân bây ăn xong rồi quẹt mỏ như gà. Nó xấn xổ tới. Từ chiều, thấy các anh đi, biết là thế nào cũng sẽ bị đòn, Út đã thủ sẵn nắm ớt bột. Con kia lớn gấp ba Út. Nó vừa quơ cây lên thì nắm ớt bột đã đập vào mặt nó. Lần trước, Út không hiểu sao mình dám đánh vợ Hàm Giỏi, lần này, Út đã hiểu rằng phải đánh nó để nó không đánh được mình. Năm ấy, Út mười bốn tuổi. Có uống thuốc gì đâu! Bị đòn nhiều quá mà cứ phải ngậm ngậm ở trong lòng nên nó nảy ra cái gan như vậy. Nhân dịp chìm ghe, nhớ chuyện cũ, ông Sáu Hò, thông tin xã, đặt tặng Út mấy câu thơ: Vợ Hàm Giỏi thây to, mặt mốc, Vợ hội đồng Thanh vai cóc, mình lươn Đập cho bể mặt bể sườn, Bản mặt chườn trờn, hết đánh Út chưa! Út ơi, Út hỡi, bây giờ Chìm ghe, sóng cả, con thơ, giữa dòng. Sông sâu phải chịu thua cùng... II. Cách mạng đã đem lại cuộc sống và hạnh phúc Một buổi sáng, các anh bộ đội thấy một em bé gái ốm tong teo, mặc quần cụt, áo cánh vải xe lửa vá chằng, vết roi đòn còn hằn trên cổ, đến năn nỉ xin đi theo bộ đội. Các anh hỏi: Tại sao em xin đi! Em nói: Ở đợ cực quá mà. Đi đánh Tây cũng cực vậy! Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì. Các anh đều cười, em nói tiếp: Nó đánh mình, mình đánh lại nó mới sướng chớ. Em ở đợ, chủ đánh em, em phải chạy. Em đưa cổ cho các anh coi. Các anh rất thương em nhưng hoàn cảnh lúc đó đem em theo sao được. Mấy ngày sau, má, chị Hai, chị Ba của Út đều thôi ở đợ cho hội đồng Thanh. Một đồng bạc nợ của nhà nó đã có các anh bộ đội trả giúp. Út, cô bé hụt đi bộ đội lần đầu, theo mẹ về lập chòi, làm mướn. Út lại leo cau, leo dừa, đồng xu một cây. Chiều về, Út đem tiền cho má và báo tình hình giặc đã nhìn thấy trong lúc leo dừa cho chú Chín - một cán bộ bộ đội. Ba năm sau, cách mạng mở chiến dịch Cầu Kè. Út đem cả tuổi mười bảy của mình lao vào chiến dịch. Út chạy thư mặt trận, phất khăn ra hiệu cho chú Chín Luông chỉ huy bộ đội đánh trận Rạch Cách, chọi đất báo tin cho các anh biết để đánh bọn bót Bến Cát, Út giết Tây bằng khăn và bằng những cục đất của quê mình. Một buổi sáng, Út có dè đâu, chú Chín dắt một anh bộ đội mặt mũi hiền khô đến nhà nói với má: - Con Út nó đã lớn. Tôi lựa được thằng nầy tướng tá coi cũng được, chị gả cho nó đi. Út chạy một hơi ra bờ sông, ngồi. Anh bộ đội đó tên là Tịch, người Khơ-me. Sau đó cả tiểu đội anh Tịch đến đóng nhà Út, Út rủ bạn gái tới nhảy cò, nhảy u, đánh banh, vật lộn cho anh Tịch chê, vì đàn bà con gái mà chơi những trò đó thì quá lắm! Nhưng anh Tịch vẫn không chê. Trong trận đánh bót Chuông Nô, thấy Út tay không, anh Tịch hỏi: - Hồi nào tới giờ cô có biết chọi lựu đạn không? Út nói không. Anh cho Út một trái, rồi làm điệu bộ dạy Út chọi, rất giỏi. Út nghĩ: anh này đánh giặc ngon đây! Bót Chuông Nô bị diệt, anh Tịch vác ra một vác súng. Út mừng hoa mắt, đón lấy từng cây xếp xuống xuồng. Út hỏi: - Trước anh có ở đợ không? - Sao không! Mới bỏ bò theo chú Chín đi bộ đội đây. Pháo giặc bắn như giã gạo. Chiến dịch còn dài. Anh Tịch lại đi. Út chở súng về. Miểng pháo rơi quanh người lụp bụp. Bộ đội ta hạ đồn Bắc-sa-ma, bao bót Bến Cát, đánh tàu. Tàu giặc bắn như vãi cát. Trận này, Út cùng chị Chương, cô bạn ở đợ ngày trước, bò ra dưới làn đạn giặc, lấy cây súng nồi của anh em ta rút còn để sót lại. Cây súng tốt quá, anh Tịch và các anh bộ đội đã từng nhảy vào đồn, đổ máu ra mới lấy được nó. Hai chị em è ạch lôi cây súng dưới sình.[7] Chiều hôm ấy, nó được trao trả tận tay bộ đội. Nửa chừng chiến dịch, bỗng có tin anh Tịch hy sinh. Chưa phải là vợ, cũng chưa biết yêu, nhưng Út khóc anh Tịch, thù thằng Tây lắm. Út đi trinh sát, thấy tàu nó vô sông Cầu Kè, Út chạy băng băng về báo. Nó bắn moọc-chê đuổi theo. Mỗi lần nghe éo éo trên đầu, Út chỉ hụp xuống một chút, lại chạy. Thương anh Tịch quá, Út không biết sợ chết là gì. Bộ đội được tin ra dàn kịp. Trận ấy, tàu sắt giặc bị thương tháo chạy. Tây chết ục ục dưới sông. Một chiếc tàu cây[8] bị súng "ống trúm"[9] của ta thổi thủng một lỗ bằng cái nia. Út la: - Trám đất sét, kéo nó về để dành độc lập chạy chơi! Tưởng nói chơi, chẳng dè các anh làm thật. Chiếc tàu được kéo về, gỡ hết máy, chỉ còn cái bộng. Đứng dưới tàu, Út nghĩ hoài không biết mình đã trả thù được cho anh Tịch hay chưa! Chiến dịch hết. Đột nhiên, anh Tịch trở về. Thì ra, ở đời, con người ta trùng tên là chuyện thường. Út trở thành cô dâu. Ngày cưới, vui hơn Tết. Út ra điều kiện với chồng: hễ theo giặc là thôi nhau luôn, còn đánh lộn chết bỏ cũng không thôi nhau! Anh Tịch gật. Bộ đội kéo đến đầy một chùa. Má của Út lên ngồi ghế danh dự. Út mặc áo mới. Chú Chín, người chỉ huy cao nhất quận Cầu Kè, ra xin thưa với má mấy lời... Chị Hai của Út nói: - Phải tao biết đằng mình nổi dậy, tao nhín để bây giờ hãy lấy chồng. Má khóc: - Tao có ngờ đâu đời nó bây giờ lại được vậy... Út lên nói cảm tưởng: - Tôi vừa được đi đánh giặc, lại vừa được chồng... Sau đó trẻ con hát nghêu ngao lời các anh bộ đội dạy: Ai đi chiến dịch Cầu Kè, Về giồng Tam Ngãi, giang ghe xóm chùa, Hỏi thăm cô Út ngây thơ, Ngày xưa cực khổ, bây giờ thì sao?... III. Trong bước khó khăn Cưới xong, anh Tịch đi chiến đấu. Út ở nhà trồng dưa, lúc nào có công tác thì chú Chín tới kêu đi. Hai năm sau, Út mười chín tuổi. Sông bao lớn Út cũng không sợ. Út còn ao ước có một cây dừa nào cao tới trời để leo lên ngọn theo dõi địch. Út đi bán bánh tận nhà giam Cầu Kè, trao kế hoạch của chú Chín cho cơ sở cứu một đồng chí huyện ủy viên bị bắt. Đồng chí đó thoát, nhưng sau đó ít lâu, Út được tin buồn: chú Chín hy sinh. Út khóc, kêu anh Tịch cùng đi trả thù. Lúc đó, huyện nhà đang gặp khó khăn. Giặc đóng bót tràn lan. Sông Hậu Giang ngày nào cũng có xác người chết. Đêm đêm, Tây đem anh em mình ra bắn ở cầu sắt. Người làm việc trong xã chỉ còn lơ thơ. ạng Chín Đông, chủ tịch xã, phải lánh trong chùa. Hàng ngày, Út đi bán mì nấu và nước mía ở chợ Cầu Kè, Út đã bỏ súng sáu vào thúng mì, mang vào giữa chợ, giao cho anh em giết thằng quận Hùm, trả thù cho chú Chín. Việc bại lộ, thù chú Chín chưa trả, lại bị giặc rượt bắt ráo riết. Cuộc sống hình như bị co hẹp lại, nhưng cái quyền đánh Tây thì vẫn còn nguyên vẹn. Út tìm được một tấm hình Bác Hồ in trong tấm bằng khen, cắt ra, giấu kỹ. Bác Hồ ở xa, Út chưa gặp Bác nhưng có Bác thì cách mạng nhất định sẽ thành công. Bị giặc lùng bắt, Út bồng đứa con mới đẻ lưu lạc lên Sa Đéc. ở đó, chị lại móc được với cơ sở nội tuyến, đi tìm anh em mình vô phá cầu, lấy bót Cai Châu. Thấy chị lạ, anh em trên đó không tin, chị đưa tấm hình Bác Hồ ra. Đồng chí chỉ huy nhìn Út từ đầu đến chân. Út nghèo thật, quần phèn, đầu không nón. Đồng chí đó cầm tấm hình Bác Hồ lâu lắm, rồi hỏi: - Chị nói thiệt chớ? Út gật, đôi mắt sáng long lanh. Cầu Cai Châu bị đốt, đồn giặc bị san bằng, Út lại bồng con trở về Tam Ngãi. Tây thua to ở miền Bắc, Nam Bộ ùn ùn trỗi dậy. Du kích Tam Ngãi bung ra, giải phóng xã nhà. Đình chiến. Các anh bộ đội, đội nón lưới có gắn sao, kéo về đầy nhà Út. Vợ chồng Út tiễn anh em đi tập kết, ra tận ngã ba Chà Bang. Có bao nhiêu tiền, chị may đồ tặng anh em hết. Út chưa lường hết được những khó khăn của người ở lại, nhưng chị nghĩ: Trước mình đã dám đánh nó thì bây giờ chẳng có gì đáng sợ nó. Một buổi sáng, Út mang khoai đi chợ bán. Thằng ấn, một thằng phản bội dắt lính tới bắt anh Tịch. Được tin, chị bỏ khoai, bồng con, cũng chưa vội đi thăm chồng mà tìm ngay thằng ấn, chửi vào mặt nó: - Mày ăn của tao còn dính kẽ răng mà đã vội quẹt mỏ dắt lính bắt chồng tao! Bà con kéo tới. Thằng ấn cao lớn, mặt tái, đứng chết trân giữa lộ. Đôi mắt Út dữ quá. Chị lại bồng con vào dinh quận. Qua mả chú Chín, chị vái: - Chú Chín, anh em mình đi tập kết vắng, nhưng còn chú, chú phù hộ cho vợ chồng con. Tới trước dinh quận, chị la: - Thằng ấn khai chồng tôi làm công an xung phong giết quận Hùm. Nhưng giết quận Hùm hỏi có gì là sai mà mấy ông bắt? Bà con kéo tới thật đông. Thằng quận mới đến nhậm chức, phải ra. Út lại la: - Quận Hùm là quân giết người, cả hai dãy phố chợ đều biết. Bây giờ nó còn sống nhăn ở Sài Gòn. Sao mấy ông không bắt nó mà đi bắt chồng tôi? Thằng quận nói như ngậm sỏi: - Gần đây vợ chồng mày có nối với Cộng sản không? - Vợ chồng tôi nối với cục đất, với cái gánh trên vai, Cộng sản làm sao ai biết đâu mà nối. Chiều hôm đó, nó phải thả anh Tịch. Út ngồi ngoài hè, bồng con, nhìn chồng ăn cơm, nghĩ: Chưa hết khó đâu! Những cái gì sẽ xảy ra với vợ chồng Út trong thời gian tới? Út sẽ phải làm gì? Chưa biết. Út đã trải qua nhiều cực khổ. Bây giờ cực hơn nữa chị cũng không sợ. Hồi nào tới giờ Út có bao giờ được sướng? Nhưng bọn giặc mong Út cúi đầu khuất phục như đời ở đợ ngày xưa thì "xin lỗi", không được đâu! Út nói với chồng: - Còn cái lai[10] quần cũng đánh! IV. Cách mạng ở trong lòng mình Đang cho con bú. Út bỗng nghe thấy tiếng gì như tiếng người ngáy trên nóc nhà. Trời đất tối đen. Anh Tịch đi vắng. Đặt con xuống, chị cầm lấy cái đòn gánh. Đến gần cái giàn gác góc nhà, tiếng ngáy rõ hơn. Út chọc lên. Một con người cựa mình, rồi nhảy xuống. - Anh Hai! Anh Hai ra hiệu cho Út im lặng. Đó là anh Hai Tấn, một cán bộ cách mạng, giặc lùng bắt cả năm nay. Út vui mừng, vừa la: - Anh còn sống thiệt hả, anh Hai? - Tôi còn đây. Anh cho Út biết anh đã theo anh Tịch về đây ở mấy bữa nay, nhưng còn bí mật, chưa dám ra mắt Út, Út hỏi: - Đằng mình vẫn còn phải không anh? - Còn chớ đi đâu mà mất? - Thiệt hả anh? Út muốn reo lên. Anh Hai phải ngăn lại. Út giận anh Tịch lắm. Sáng, anh Tịch đi đặt câu về, chị nói, muốn khóc: - Tôi đánh lại địa chủ, bị nó lột trần truồng, chạy về gặp anh, giờ anh coi tôi thiếu hiểu hơn anh hả? Anh Tịch phải năn nỉ mãi. Cũng bởi Út hay nói lô la thẳng ruột ngựa, nên anh ấy sợ. Út biết vậy. Anh Tịch dừng lại buồng thật kín. Ngày ngày Út đi chợ, nấu cơm bưng tới tận chỗ cho anh Hai ăn. Bọn lính tới nhà rà rê, Út mua rượu, gà xách sang nhà bên cạnh, dụ nó sang bên đó. Giặc bố liên miên. Ruộng đất cách mạng cho, nó cướp lại hết. Vào nhà ai, chúng muốn đào đâu, cạy đâu cũng phải chịu. Đêm đêm, chúng tự do bao xóm, bắt người, tra tấn. Chúng thảy[11] vào nhà Út tấm bảng sơn "Nhà tôi không chứa Việt cộng", bắt mua treo trong nhà. Anh Hai vẫn ở đó. Đêm đêm, anh cùng anh Tịch đi công tác. Út ở nhà nằm võng, đưa con, nghe ngóng, chờ cửa với một nỗi mừng vô hạn, vì cách mạng của mình vẫn tiếp tục, hai vợ chồng Út vẫn được làm việc. Cái công việc mà nếu phải ngưng lại một lúc nào đó thì cả hai vợ chồng sẽ cảm thấy lẻ loi, trơ trọi, buồn khổ biết chừng nào. ít lâu sau, anh Hai đổi chỗ ở. Lâu lắm Út không được tin gì về anh. Một buổi chiều, đang lục cơm nguội cho con, Út bỗng thấy bọn lính lôi anh Hai đi ngang. Út sững sờ, cái muỗng trong tay rơi xuống đất. Anh Hai bị nó trói chéo cánh, ngực bầm đen. Anh không nhìn Út, nhưng lại mỉm cười như chào. Nước mắt Út trào ra. Anh Tịch đi vắng. Mình phải làm gì đây? Chị suy nghĩ mà chết đứng trong ruột. Tới đầu xóm, bọn lính kéo vào một nhà dân, nhậu. Chúng cười giỡn ầm ĩ. Ngoài đường chỉ có anh Hai Tấn bị trói ngồi đó và một đám lính gác dở say. Bỏ con nằm nhà, Út mò đến. Gần tới nơi, Út bỗng nghe thấy tiếng giặc hô hoán và bắn ầm ĩ. Anh Hai chạy được rồi! Út mừng, trống ngực đập tưng tưng. Giặc bắt cả xóm ra đốt đuốc, nổi trống mõ, bao giáp vòng, vạch từng kẽ lá đi tìm. Út nghĩ anh Hai chạy ra chỗ đó chứ không đâu cả. Chỗ đó, trước đây, Út biết rồi. Chạy một hơi lên xóm Đậu, vòng xuống Rạch Bờ, Út mượn xuồng đâm sang ngang. Chị vừa bơi vừa vái "ông Bổn" cho chị cứu được anh Hai, chị sẽ ăn chay mười ngày. Đằng kia, bọn lính vẫn ra sức tìm kiếm, bắn đùng đùng. Cặp xuồng vào bờ, Út mò mẫm vạch tìm từ bụi cây này tới bụi khác. Trời tối đen. ạ rô, cóc kèn cào trên mặt. Út ghé sát mặt xuống đất vừa trườn vừa gọi: - Anh Hai! Anh Hai! Vợ Tịch đây! Vợ Tịch đây! Không thấy tiếng trả lời. Út trườn vào trong: - Vợ thằng Tịch đây! Anh Hai! Anh ở đâu? Tiếng gọi nhẹ như hơi thở, nhưng lại mang theo một sức sống tha thiết, mãnh liệt dâng lên trên bờ sông lạnh lẽo, khuya khoắt. Súng giặc nổ càng gần, Út lại gọi, giọng nghẹn lại: - Anh Hai! Anh ở đâu? Vợ Tịch đây! Vợ Tịch đây! Từ trong bụi, tiếng anh Hai vọng ra, rất nhỏ: - Vợ Tịch hả? Anh đây nè... Anh bò ra. Người lạnh run. Thân thể trần trụi không còn một mảnh vải. Út lột khăn đưa cho anh choàng. Thương anh quá, Út đứng chết trân. Út đưa anh qua cơ sở bên Cồn. Từ đó, anh xuống Cần Thơ. Nhiều việc đang chờ anh dưới đó. Lúc tạm biệt anh dặn Út một câu: - Cách mạng không ở đâu xa, ở ngay trong lòng mình. Cũng là câu anh dặn cả bà con Tam Ngãi. Hửng sáng về đến vàm, Út vẫn còn nghiệm câu nói đó. Câu nói như có phép làm cho anh Hai đã đi xa mà vẫn thấy như gần. V. Đã lớn khôn hơn Út sanh đứa con thứ hai. Như mọi người đàn bà Tam Ngãi khác, chị nuôi con, thương chồng, làm rẫy mướn, hàng ngày phải xấn xả chống lại những cái gì đe dọa, chết chóc do giặc phủ lên xóm mình nhà mình. Trong tiếng ru con, trong những lúc nhìn ra sông, người đàn bà nghèo nào cũng đều có ý mong mỏi, chờ đợi, không nói với ai, nhưng lại như nói với tất cả, là thời thế này nhất định phải thay đổi, phải khác đi. Rồi tự nhiên, người ta bắt nhớ đến hồi chín năm. Lòng người lại sôi lên, có một sự khuấy động nào đó mà những người đàn bà thùy mị nhất, ít nói nhất cũng không thể ngồi yên được. Út treo thang thuốc ở đầu giường, nói với chồng: - Bữa nay chúng nó bắt anh đi làm khu trù mật, anh cứ vận vào thang thuốc này mà làm tới cho tôi. Thằng đại diện tới. Út nhai cơm phun cùng nhà. Hai đứa nhỏ bị mẹ ngắt, khóc om sòm. Anh Tịch vin vào cảnh vợ bệnh, con thơ, không đi. Cả xóm đều làm theo Út, không ai đi. Thằng đại diện bắt cả xóm phải hầm[12] gạch, chở đi khu. Hầm xong, Út nói với nó: - Cầu xóm mới bắc, chưa có mang cá. Ba cái gạch nầy chở đi khu thì hai cái mang cá nầy để cho ai? Sẵn gạch đây ta trám vào, cầu bắc xong, ông có việc quan ông đi một hơi từ Bà Mi về Cây Sanh cho nó khỏe, khỏi xuống xe. Thằng đại diện ra ngắm nghía một hồi, rồi gật. Đàn ông khỏi phải chở gạch đi khu, bà con trong xóm được lợi cây cầu. Từng chút một, Út giữ chặt lòng mình với cách mạng như vậy. Năm đó, 1959, Tam Ngãi nghèo lắm, đất đai chui dần vào tay những bọn như Hàm Giỏi. Giặc rêu rao chúng đã bắt được người này, giết được người kia. Tam Ngãi đói. Khoai tháng bảy cũng không đủ ăn. Nhà không còn hột gạo. Út bồng con theo chồng xuống Kế Sách làm mắm. Một hôm anh Tám Táo, người mới vượt ngục ra, công tác ở Kế Sách đến nhà Út chơi, than: - Mình binh vận được sáu thùng đạn, nó đã mang ra ngoài rào bót rồi mà không sao vô lấy được. Út vừa cho con ăn, vừa nói: - Tôi lấy cho! Chị mượn lưỡi hái, bơi xuồng đến bót, kêu: - Ông xếp ơi, cho tôi cắt cỏ nghe! Cắt cỏ thì sạch bót, nó cho ngay. Út men theo rào. Mấy thằng lính ghẹo: "On Sro-lanh boòng-tê? "[13] rồi cười rộ lên. Út trả lời: "Tê" [14] nhưng mắt Út vẫn không rời hàng rào. Vào tới đây, Út mới thấy gay go. Lấy đạn ra, bị lộ, nó cũng bắn. Gặp bọn lính phản vận, mình vô lấy, nó cũng bắn. Nhưng phải lấy. Đằng mình sắp nổi dậy. Một thùng đạn lấy được lúc này là cả tỉnh được nhờ. Ngồi cắt cỏ từ sáng tới trưa, chịu cho bọn lính chọc ghẹo, Út mới tìm ra dấu vết. Lần lượt, cả sáu thùng đạn được Út ôm lẫn với cỏ, xếp xuống xuồng, chở về. Từ giã Kế Sách, Út cùng chồng trở về Tam Ngãi với một xuồng lỉnh kỉnh gạo, mắm, đồ làm cá và tất cả những gì thu vén được của một người đàn bà tần tảo. Thêm vào đó, một đứa con mới ra đời. Nhưng trên hết vẫn là chút việc cách mạng mà Út vừa làm được trong lúc đi làm ăn xa. Giờ đây, trên đường về, sự sung sướng đó càng trở nên náo nức hơn vì Út được tin quê nhà đã bắt đầu đồng khởi. Về tới nhà, anh Tịch nhào đi du kích. Út lại đi trinh sát, lại leo lên ngọn dừa, giống như hồi xưa. Chỉ khác là bây giờ nhìn được xa hơn, chắc hơn. Trận Bạch Chiếc, Út ra dấu cho các anh diệt cái ghe thằng cảnh sát, giết năm thằng, lấy súng. Rồi trận Vườn Dơi. (Đó là cái vườn đầy dơi quạ của nhà tổng Lâm). Sáng hôm ấy, Út đi chợ, bỗng thấy giặc từ ba mặt đổ vô, đếm được ba trăm thằng. Út chạy vô nhà dân, mượn xe đạp phóng về. Chỉ kịp vứt cái xe ở cửa chùa, Út chỉ hướng giặc sẽ đi và đề nghị anh em mình đón đánh. Trận đó, mình đánh từ sáng tới chiều. Mỗi lần cái cù ngoéo của thằng chỉ huy giặc huơ lên, Út lại thấy bọn lính bò lên như vịt xiêm. Đến lúc bị mình bắn chết, nó cũng giãy lên như vịt xiêm bị cắt cổ vậy. Mấy lúc Út nhảy lên, mấy lần các anh nắm giò lôi lại. Có một anh bị thương buông cây trung liên, Út chạy lên, chụp lấy súng. Đánh xong, Út quay trở lại thăm dò. Tất cả có chín chục thằng vừa chết vừa bị thương nằm ngoài đồng. Lần đầu tiên, Út thấy giặc chết nhiều như vậy. Đáng kiếp những ngày nó muốn bắn ai thì bắn, bỏ tù ai thì bỏ. Út nhận xét rằng đằng mình đã nổi dậy tựa như hồi đánh Tây, nhưng bây giờ mình khôn hơn, bản thân Út cũng đã trở thành người mẹ ba con rồi còn gì! VI. "Nghe đây! Loa báo đầu giồng: đàn bà đoạt bót, tay không mới tài!" Đó là hai câu thơ ông Sáu Hò đặt cho tổ gọi loa của ấp để mở đầu một bản tin. Nguyên do như thế này: ạng Chín Đà, cán bộ Mặt trận, nói với Út: - Thím có lời lẽ, đi phụ với bà con đấu tranh. Mười lần đi, mười lần Út bị đánh. Một lần, thằng quận hỏi: - Con nào đầu đảng? Thằng lính đằng sau trả lời thằng quận bằng cách thúc mũi súng vào lưng Út. Lần khác, thằng quận hỏi: - Chồng mày đâu? Út trả lời: - Đi lính trên Sa Đéc. - Sao không đi theo chồng làm vợ lính chân giày chân dép? - Vợ cũng không bằng mẹ. Mẹ của lính cũng bị quan bắt ngồi phơi nắng ngoài kia. Út chỉ cho thằng lính Độ thấy bà mẹ nó đang ngồi ngoài sân. Thằng quận đánh Út một trận bằng roi mây. Lúc đó, chị đang có thai đứa con thứ tư. Về, Út nói với ông Chín Đà: - Tôi bị đòn từ tám tuổi. Tôi không sợ đòn. Nếu không nhớ đường lối, chắc tôi đánh nó rồi. ạng Chín chuyển sang giao cho Út thăm dò bót Tám Thế. Bót Tám Thế đóng ở giữa giáp ranh hai xã Tam Ngãi, An Phú Tân, khống chế cả hai bên, hỗ trợ cho bọn địa chủ Cầu Kè lấy thuế, thu tô. Chiều chiều Út rủ Phượng, Œn, hai cô gái đẹp nhất xóm ra rà rê trong đám dưa cạnh bót. Cũng tính thả giỡn sóng[15] với nó, nếu được thì giật súng. Bọn lính thằng nào cũng giống thằng nào, thấy gái là kéo ra. Út về báo với ông Chín: - Đám nầy "háo chua" lắm, bót nầy lấy được. Út về nói với chồng: - Tôi nhứt định lấy cái bót này, nhưng lỡ phải đem thân ra cho nó giỡn hớt, giày vò, anh chịu không? Anh Tịch nói: - Em làm sao được cứ làm. Anh chân tình như vậy. Út thấy thương chồng vô cùng. Mình hy sinh thân mình được rồi, nhưng anh ấy là chồng... Làm sao xẻ được nỗi đau lòng ấy của anh để Út xin gánh chịu một mình. Út nhớ đến chú Chín Luông, thầm cám ơn chú đã kiếm cho mình một người chồng thật tốt. Đêm ấy, Út hỏi chồng lần nữa. Anh nhìn Út, cười. Nụ cười hiền hậu và ánh mắt đầy tình thương như mỗi lần anh trở về sau một trận đánh. Út yên tâm đi công tác. Chiều nào chị cũng rủ Phượng, Œn ra đám dưa, bỏ giùm hột. Cô Phượng, gốc người Khơ-me, trắng trẻo, cô gái không mở miệng thì thôi, mở miệng là cười. Cô Œn có duyên ngầm, nói chuyện rất khéo. Cả hai cô đều gan, không biết sợ là gì. Út phụ trách Tám Thế, lớn tuổi, xếp bót. Hai cô gái phụ trách hai thằng lính. Chiều về, ba người lại báo cáo với ông Chín. ạng Chín gom ý lại, ngồi suy tính, rồi hướng dẫn ngày mai nên nói gì. Cả mười hai thằng giặc đều hám hơi Út và hai cô gái. Dưa bỏ hột xong, hết cớ để ra, ba người xoay ra cắt cỏ quanh đám dưa. Cắt xong, mang xuống sông để bỏ, nhà có bò đâu mà cho ăn. Lúc cả ba người sắp ngả theo mình thì dưa lên cao. Chủ đám dưa không cho ba người vào, họ nói dưa gặp hơi đàn bà, thúi gốc. Út nói với Tám Thế: - Chừng nào tiện, mấy anh bắn ba phát súng báo hiệu kêu mấy em vô bót chơi nghe. Tám Thế làm thật. Ngày nào cũng đuổi vợ đi chợ. Ba người vào được bót. Công việc đang chạy, đùng một cái, má cô Phượng không cho đi. Bà không thích Út đến rủ con bà đi làm những điều "kỳ cục". Út đến năn nỉ: - Nhà tôi bốn đời thù giặc, thím không tin tôi sao? Út phải chạy đi viện cả ông Chín Đà tới nói. Cuộc tấn công lại tiếp tục. Nhưng Tám Thế vẫn không chịu giao bót cho ta. Út nghĩ: "Tao đã nói lấy bót là lấy, đâu có chịu thua mày!" Út cùng với hai cô về bàn với ông Chín, tổ chức một bữa nhậu ở một nhà cạnh bót. Tám Thế có tật nhậu vô nửa ly là Long Xuyên y nói ra Châu Đốc. Tiệc nửa chừng, Út nói: - Anh Tám à, người ta nói làm lớn láu ăn, đúng à. Sao anh không kêu anh em ra nhậu? Y kêu hết bọn lính ra, chỉ chừa một thằng gác kho súng ở chuồng cu. Ba anh du kích cải trang đi ngang. Út giả đò kêu vô luôn. Bọn lính bắt đầu say. Đã đến lúc phải đánh rồi mà ruột Út rối như tơ, không biết làm sao kêu được thằng gác chuồng cu xuống. Để cho Phượng, Œn kềm chúng, Út lẻn lại bót, kêu: - Anh gác à, lấy thêm rượu cho ông sếp. Nó không chịu xuống. Út lại nói: - Anh không xuống thì chỉ chỗ tôi lấy cho. - Chị không lấy được. - Sao không? Bót này, trên Tám Thế, dưới tôi, chớ còn ai nữa. Út nghĩ: "Tao có hy sinh thì bốn con tao nhân dân nuôi chớ không lo gì!" Thằng gác bị chọc giận, xuống. Út giả lả, vừa cười vừa tuột cây súng trên vai nó: - Anh đưa tôi gác cho, vô lấy rượu đi... Thằng lính giữ lại. Út giả đò lôi ra, rồi bất thần giằng mạnh một cái, cây súng gọn trong tay. - Đầu hàng thì sống! Giơ tay lên. Thằng lính ngơ ngác, mặt tái xám: - Thiệt sao chị Út? - Không giơ tay tao bắn! Thằng lính giơ vội tay lên như bị phỏng. Út bắt nó đứng ra một góc rào để cho nó không rượt được mình rồi thót lên chuồng cu, ra hiệu cho anh em mình phục bên ngoài vô lấy bót. Bọn lính tay không, nhậu ở đằng kia, ta chỉ việc bao lại, chong súng vào bụng trói dắt về. Bót Tám Thế bị diệt gọn không nổ một phát súng. Dọc đường về, ba tên lính nhìn ba "người yêu" của mình, mặt mũi như chó ăn vụng bột. Tám Thế có hai đời vợ. Vợ lớn của y đã bỏ đi lấy lão từ đốt đèn cầy cho bàn thờ "chúa" ở bót nhà thờ Bà Mi. Vợ sau này mới lấy, y để sống chung trong bót. Mụ này đã mấy lần ghen đến tắc cổ với Út. Đánh xong, Út kêu cả hai vợ chồng lại nói: - Tôi vì dân giết giặc đã xong, nhiệm vụ tôi làm tròn, giờ chồng chị tôi trả chị. Vợ Tám Thế đỏ mặt, líu ríu: - Dạ, em biết rồi... Út nói vậy để cho mụ yên tâm thôi chớ mụ hiểu sao nổi câu "vì dân giết giặc". VII. Có ai đánh giặc mà chờ sanh xong mới đánh? Con Bé, con gái lớn của Út, đã tám tuổi. Nó ốm nhách, mà nhanh, cha mẹ đi công tác, ba em ở nhà nó bao[16] hết. Nó chạy đầu này ru đứa nhỏ ngủ, chạy đầu kia lôi đứa lớn đi tắm. Nhà hết gạo, nó dắt em sang ăn cơm bên hàng xóm. Những việc gì nó không làm nổi: sửa lại mái nhà dột, hoặc bện lại cặp dây võng, người mẹ về làm cho nó. Mỗi buổi mẹ về, nó lại biết thêm vài việc. Út có một đàn con như vậy. Bây giờ chị lại đang có thai. Mỗi lần cầm lấy súng, lòng Út lại chộn rộn như người làm không hết việc. Bót Tám Thế vừa bị diệt, giặc lại quay sang đóng bót mới ở ấp Ba. Mặt mũi chúng chườn ườn ra đó, không đánh chúng không yên. Chính vì vậy nên Út về nhà một lát, lại muốn đi. Ru con được vài câu, chị lại trao nó cho con Bé. Chiều hôm trước, nhân dân cho Út hay bọn lính bót ấp Ba mới lãnh lương, tám thằng đi chơi chợ Cầu Kè, chiều nay nó sẽ về. Út báo cáo với ông Chín. ạng Chín lựa mấy anh du kích thiệt ngon, cùng Út ra đón đánh. Sau khi đạp xe đi rảo nắm tình hình, Út quay về dặn anh em: - Đánh xong bọn này khoan rút. Chờ bọn hiến binh xuống tiếp viện, đánh nữa. Nó còn năm thằng để tiếp viện thôi. Nổ súng, Út cũng ngồi đó, mặc dù tay không. Thấy tám thằng giặc còn bắn hoài, Út nóng lắm. Chợt anh bắn trung liên tự tạo bị thương tay. Út vụt lên chụp súng. Súng đụng hàm sanh làm Út muốn đứt lưỡi. Út hô lớn: - Hỏa lực xiên hông đâu, tạt lên! Út bắn một phát, một thằng chết nhảy dựng, Út lại la: - Nó "lâm thôn"[17] rồi! Đánh tới, anh em ơi! Tất cả đều la rần rần. Bọn giặc đâm hoảng. Chúng tạt xuống mé vườn. Anh em nằm đó lại nã vào hông chúng, gục thêm ba thằng nữa. Còn một thằng toan chọi lựu đạn. Út nhảy lên thọc cây trung liên tự do vào ngực nó. Nó giơ tay. Thực ra cây súng của Út bị kẹt từ nãy rồi. Thu súng xong, Út vừa giở trầu ra ăn, thì anh em nghe lầm lệnh ai, rút mất. Một lát, năm thằng hiến binh xuống lấy xác. Út tay không, ngồi trong bụi, dòm ra, tức muốn nổ mắt. Trận đó, mười hai thằng lính vừa đến thay thế bọn lính bót Tám Thế lại bị chụm hết sáu. Thằng quận trưởng Cầu Kè tức, bổ sung thêm sáu thằng khác. Nó cương quyết đóng lại bót ấp Ba. Đích thân nó ngồi xe gíp, có xe nồi đồng hộ tống, vô thăm bót hàng ngày. Cấp trên quyết định đánh nó tại chòm Dừa. Trận này, cái thai đã lớn rồi nhưng Út cũng đòi đi. ạng Ba Tê, mới thay ông Chín Đà, nói: - Bụng dạ vầy mà đi đâu? Út trả lời: - Tôi có bụng vầy nhưng tôi khỏe. Mấy anh đào giùm công sự. Súng nổ mặc tôi. Nằn nì mãi không được, Út muốn khóc. Đến lúc xung phong, anh em thấy một người nhỏ con, bới tóc, nhảy tưng tưng đằng trước, họ mới biết có "Út Tịch" đi theo. Út cũng nhào vô lấy súng, bắt tù binh, đốt xe. Lúc về, chị bơi xuồng chở một anh thương binh. Pháo giặc bắn như rắc bột. Anh thương binh bảo Út bỏ anh lại, chạy đi. Út chỉ cười. Trận đó, ta đốt được một xe và diệt gọn bọn lính đi theo thằng quận trưởng Cầu Kè. Út đã có thai đến tháng thứ bảy. Bây giờ mỗi lần đòi đi chiến đấu, ông Ba Tê rầy dữ lắm. Nhưng xưa nay có ai đánh giặc mà chờ sanh xong mới đánh? Chị bảo chồng lén cho mình đi đánh bót Đường Trâu. Đó là cái bót đóng giữa hai ấp chiến lược Chông Nô, án ngữ cho Cầu Kè. Anh Tịch và Năm Liêm, tổ trưởng ấp, đã móc với thằng sếp bót Mách từ lúc nào. Thằng Mách, địa chủ, bắt cá hai tay, vừa làm sếp bót, vừa móc với ta vì sợ ta đánh bót và phá không cho nó thu tô. Bởi vậy, hàng ngày Út đem cá cơm ra bót bán để thăm dò. Nó biết chị đã lấy bót Tám Thế, nhưng không dám bắt. Mỗi lần vô bót nói chuyện với nó, con mắt Út cứ buộc phải đảo đảo như sao. Hôm đó là ngày tết vô năm. Anh Tịch và anh Năm Liêm quyết định chụp cả bót. Út cho bốn đứa nhỏ tản cư vô sát thị trấn. Lúc chuẩn bị đánh, thấy chồng không nói gì mình, Út nói: - Anh tính không cho tôi đi sao? Anh Tịch nói: - Em đi để đẻ dọc đường à? Út nói, nửa cười, nửa mếu: - "Đồng chí" đã hại người ta, giờ lại còn cản nữa. Út mới dự trận đánh xe hôm trước, người còn xanh lét. Nói mãi anh Tịch phải cho đi. Ngang qua chùa ông Bổn, Út vái, nếu ông Bổn phù hộ cho lấy được bót, Út sẽ về cúng cái đầu heo. Hồi đó, Út còn sợ ông Bổn, vì chùa ở ngay trước cửa nhà. Tới nơi, Út vô bót mời thằng Mách ra gặp Năm Liêm. Rượu, xoài chua chị bày sẵn cho cả hai ngồi nói chuyện. Kế hoạch là lát nữa sẽ làm một bữa tiệc, mời tất cả bọn lính ra nhậu say rồi đánh úp luôn. Nhưng nhìn vô trong bót thấy trống trơn, Út đã hơi giật mình. Chị đi hỏi cơ sở. Thì ra, thằng Mách âm mưu phản vận. Út chạy đi tìm chồng lúc đó đang cùng tổ du kích giấu quân trong vườn, nói: - Thằng quận Nghĩa treo đầu anh mười ngàn, đầu tôi mười ngàn. Bữa nay thằng Mách nó cho bọn lính vào phục hết trong xóm. Trên chuồng cu chỉ còn thằng nhỏ con nó cầm một khẩu súng đứng nhử, tôi với anh vô chơi như mọi bữa là tụi nó bắt. Anh Tịch điếng người. Út nói: - Nếu không thì cũng phải giựt cây súng đó mà chạy đâu có chịu thua nó. Út lại rảo vào trong xóm, mấy thằng lính phục lâu, đói, đã bỏ vào nhà dân kiếm ăn. Hôm đó lại sẵn ngày Tết. Út chạy tức tốc ra gặp chồng: - Đánh ngay đi! Lúc vo quần chuẩn bị xông vào bót, một ý nghĩ vụt đến trong Út. ý nghĩ mà người mẹ cầm súng nào cũng phải nghĩ tới. Đó là con! Chỉ một tiếng gọn như vậy, nhưng lại đọng bao tình sâu nặng. Út nói với chồng: - Bữa nay mình sẽ giựt được một cây súng, một thùng đạn, nhưng mấy đứa nhỏ nhà mình tản cư trong kia chắc nó bắt nó chặt đầu mất. Tịch suy nghĩ rất lung. Nhưng nó phản vận rồi, lúc này không cướp thời cơ mà đánh là bỏ luôn, Tịch nói: - Em đang có thai, còn gà mái thì còn gà giò. Cứ đánh! Anh Tịch lẻn vào bót, giả lả với con thằng Mách như mọi bữa, rồi bất thần kẹp cổ nó, lấy súng. Út nhảy vô vác thùng đạn. Tổ du kích yểm hộ ở ngoài. Không khí trong bót lặng trang. Thằng Mách đang bị Năm Liêm kềm ngồi nhậu thoáng thấy bóng vợ chồng Út, nó chạy tụt vô xóm. Năm Liêm đuổi theo không kịp. Nó kêu được bọn lính chạy ra bắn tới tấp. Út đã vọt khỏi rào. Anh Tịch còn kẹt trong bót. Lanh trí, anh kẹp cổ con thằng Mách day về phía bọn lính, vừa lôi nó vừa chạy ra. Tổ du kích nổ súng yểm hộ. Thấy con sếp bót, bọn lính không dám bắn. Lớp nào mang bụng, lớp nào mang đạn, Út chạy một hơi ra tới bờ sông. Chị chợt nghĩ mình lấy được đạn mà chạy trước, anh em mỗi người có vài viên, lấy đạn đâu bổ sung. Chị vác đạn quay lại. Vừa lúc đó, anh em mình cũng rút tới nơi. Tất cả lội qua sông. Bọn địch rượt tới bờ sông đứng ngó. Chiều hôm đó, bà mẹ già của Út dắt chị em con Bé đi tản cư về ngang. Thằng Mách đang ăn cơm, vụt chén chạy ra. Nó chỉ vào những bộ mặt nhem nhuốc sau một ngày tản cư của tốp nhỏ: - Đ. mẹ, tụi nầy là con vợ chồng thằng Tịch nè! Đồ cái quân ăn cướp ngày. Nó trợn mắt, phùng má ra mà chửi. Chỉ chửi thôi chớ không dám làm gì, vì còn sợ anh Tịch. Con Bé tay bồng em nhỏ, tay dắt hai em lớn, đi như đi chợ, không thèm ngó. VIII. Nó cũng đánh giặc phải không mấy anh? Thế là Út đã là mẹ của năm đứa con. Việc nhà kéo níu hơn. Vừa làm việc, chị vừa phải trông chừng từng lúc bóng nắng ngoài giọt. Từ Cầu Kè, những ấp chiến lược giặc lập ra năm ngoái theo vết dầu loang đã bị chặn lại. Bấy giờ là lúc ta tấn công. Cái kế hoạch Xta lây-Tay-lo của giặc ở Tam Ngãi càng rạn nứt thì công việc của người mẹ càng bận rộn và đầy hấp dẫn. Sanh chưa đầy tháng, Út lại đi công tác. Đi không nổi, con Bé bơi xuồng chở mẹ đi. Để tránh mắt giặc, Út trùm khăn kín mặt. Thường là lúc ra đi hầu như chỉ để ra đáy mua cá về chợ bán, nhưng khi về chị lại có thêm dăm chục đạn ở trong xuồng. Cũng không cần phải giấu giếm khi qua bót giặc vì chính những cái bót ấy cho chị đạn. Đó là những buổi gặp gỡ kỳ lạ. Những tên lính mà Út và đội du kích đã từng bắt sống trong các trận trước, bây giờ lại trở ra đi lính. Họ nhìn ra mặt Út, tưởng như bị bắt tới nơi, nhưng qua lời chị và nhất là nhớ cái ơn cứu sống của chị năm trước, họ lại cho chị đạn. Rồi dần dần họ trở thành những cơ sở của chị, hăng hái và trung thành. Chị nói rất kém, nhưng tấm lòng của chị nói thay cho chị. Chị không thể nằm yên trong giường được trong lúc những con người đó hàng ngày trông chị tới. Chị chà gạo lức với muối, xay nhuyễn để ở nhà cho con Bé quấy bột cho em. Chị dạy con ở nhà nấu cơm không chắt nước, sợ nó bị phỏng. Rồi chị đi, cả năm đứa con đã quen đến nỗi không hề có ý đòi mẹ ở nhà. Cấp trên quyết định tấn công ấp chiến lược Chông Nô 2. Đó là một ấp lớn có trên năm mươi súng, nằm trên phòng tuyến bảo vệ thị trấn Cầu Kè. Một đêm, vợ chồng Út cùng một tổ du kích bò vô thử. Anh em cơ sở trong đó đem tặng ba cây súng và một rổ lựu đạn. Út nói với chồng: - Mình làm lớn thì không đủ sức, làm nhỏ thì uổng cơ sở. Phải báo cáo cấp trên kêu bộ phận huyện về đánh lấy luôn cả ấp. Hai vợ chồng trả súng, trả lựu đạn, tiếc lắm. Sáng hôm sau, Út đang nấu cơm thì thư ông Chín Đà, bây giờ là trưởng ban binh vận huyện, gửi ra. Chị nhờ bà Sáu Hò đọc "tiếng đặng tiếng được", không hiểu gì hết. Một lát, mệt quá, gió mát đâm ngủ quên. Chiều, Út chạy vô, mọi người đã chuẩn bị xong xuôi. Một chút nữa là hụt đi. Mừng quá! Chỉ tại mình dốt. Anh em cũng muốn cho Út ở nhà, vì chị mới sanh, nhưng chị không đi thì rất khó móc cơ sở. Lúc sắp lên đường, anh Mười ở tỉnh nói với Út: - Chị về cho thằng nhỏ bú rồi trở ra. Hồi nãy vì vội, Út chưa cho bú thật. Nhưng về thì trễ. Chị nói: - Ở nhà có con Bé con tôi nó quấy bột rồi. - Chị cứ về cho cháu bú. Anh em chờ. Út bơi xuồng về. Chị chọc cho con dậy bú. Con bú no, chị chọc lét cho nó cười, rồi hối hả đi. Trời mưa như trút nước. Nửa đêm hôm đó, anh Tịch và Út bò vào móc cơ sở, mở cửa rào dẫn một cánh đột vô. Vợ chồng Út lại thu được ba cây súng và rổ lựu đạn hôm qua. Bộ đội tràn vô khắp ấp, lùng bắt ác ôn, rượt bọn lính chạy, thu thêm một số súng. Suốt đêm, Út đi lay từng cây cọc sắt, tìm lựu đạn gài để đồng bào yên tâm phá rào. Sáng hôm sau, những người đàn bà đi chợ Cầu Kè ngang qua ấp chiến lược Chông Nô 2, thấy một người phụ nữ đầu đội nón nhựa chiến lợi phẩm, tay cầm súng, lá cây giắt đầy mình, miệng ăn trầu đỏ tươi, đứng gác trong công sự đầu ấp. Hình ảnh ấy của Út được các bà truyền đi khắp xã cùng với tin cái ấp chiến lược kiên cố, ác ôn nhất Cầu Kè bị phá banh. Út đứng như vậy, dưới trời mưa từ ba giờ khuya tới sáng. Những tên thanh niên chiến đấu, sáng sớm tưởng ta rút, mò về, bất thần bị Út bắt giơ tay. Và cứ trông chừng hắn ta chụp tay vào lưng chỗ nào là y như chỗ đó có lựu đạn. Lúc gần rút về, một tên ác ôn chọi Út một trái lựu đạn. Trong lúc hoảng hốt, nó không rút chốt. Út nhanh mắt chụp lấy. Chị chưa kịp chọi lại nó thì anh em đã nổ cho nó một phát vào giữa ngực. Hôm đó, Út thu được một đống lựu đạn đem chất đầy vọng gác. Về nhà, trong buổi liên hoan mừng chiến thắng, anh Mười ở tỉnh ôm thằng nhỏ của Út giơ ra giữa đám đông, nói: - Cháu à, má cháu bỏ cháu cả đêm, nhờ bác la má cháu mới về cho cháu bú đó. Sau tiếng cười rộ lên, mọi người đều im bặt. Tất cả đều hướng về phía mẹ con Út. Bây giờ, ngồi đây, chị đang dịu dàng ve vuốt tóc con, nhưng sao hồi khuya, lúc xông vào ổ địch, trông chị gan lì, khác hẳn. Anh em chuyền tay nhau thằng nhỏ, hôn từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Út nói: - Nó cũng đánh giặc phải không mấy anh? Sau này tụi nó đánh giặc còn ngon hơn tụi mình bây giờ nhiều. IX. Mặt trận thương, cô bác thương Hỏi bà con những ai là người nghèo ở Tam Ngãi, bà con sẽ nói ngay là nhà Út Tịch. Má Hai vẫn ngồi kể chuyện gia đình đó cả ngày không hết. Má sẽ nói rằng vợ chồng con cái nó như sao trên trời, đêm quang mây mới tụ lại. Má sẽ hết lời khen Út vì đã tóc quàng tai, vai quàng súng, vừa đánh giặc, vừa làm nuôi con. Út trồng dưa. Con Bé được mẹ dạy bón phân và chiết trái. Trồng dưa không đủ ăn, Út đi vay gạo làm bánh, cho con đem ra chợ bán. Miếng ăn trên cạn, dưới sông, trong giồng, ngoài bãi mẹ con đều đã làm qua. Có một đêm, anh Tịch được Út nhắn về gấp. Về tới nhà, anh chỉ thấy Út ngồi giỡn với con. Đến lúc đập chân đi ngủ, Út mới nói: - Nhà hết gạo rồi. Không để chồng phải nghĩ ngợi lâu, Út nói tiếp: - Tính nhắn anh về hai bữa, cuốc mướn ít công khoai lấy tiền cho con nó mua gạo, nhưng thôi. - Em tính sao lại thôi? - Tôi tính vầy. Hồi cưới nhau tôi đã hứa với chú Chín Luông bận bịu đến mấy cũng không được để chồng mất công tác, bây giờ tôi cũng phải giữ y vậy. Anh lỡ về đây rồi thì vui cho thỏa mãn với con rồi đi, vậy thôi. Sáng hôm sau, anh Tịch đi sớm. Út cũng chuẩn bị súng đạn đi công tác, tiện thể đi hỏi giá dưa ở ngoài sông. Chị em con Bé đã dậy, đang đùa giỡn nhí nhố ở trong mùng. Anh Tịch đi, nửa bụng thương vợ, nửa bụng thương con, và thương nhiều nhất là cái câu vợ nói: Anh đi cho gấp, đừng để anh em trông, rán làm sao vừa rõ mặt người là phải qua hết ven đồng... Nhân dân Tam Ngãi cũng có một thói quen. Dù ở Ngãi Nhứt, Ngọc Hồ nhiều vườn hay Bung Lớn nhiều lúa, dù là bà con người Kinh hay người Khơ-me, dù là các mẹ chiến sĩ hay các cô gái trong đội văn nghệ, tất cả đều làm một việc giống nhau: giúp đỡ gia đình Út. Nếu thấy chị em con Bé đi một mình thì người ta hiểu rằng cha mẹ chúng đang đi đánh giặc. Và nếu lúc đó có pháo hoặc máy bay bắn thì bất cứ ai cũng có thể ra kéo chúng xuống hầm mình. Còn gặp bữa ăn thì khỏi nói, ai cũng cảm thấy có bổn phận ôm chúng vào nhà, cho ngồi vào mâm, và tìm mọi cách cho chúng thấy ở đây cũng như ở nhà chúng vậy. Út đi ra trận đã bớt phải lo con. Sau khi đánh trận về, mấy mẹ lại kêu chị vào bọc cho vài lít gạo. Bà lão bán phân cá ở dưới Cồn lên bến Cây Sanh gặp con Bé có một buổi đầu, bà đã mến nó và cho ngay giạ rưỡi phân cá để mẹ nó trồng dưa. Các anh bộ đội lần nào xẻ thịt trâu liên hoan cũng chừa phần cho chị em con Bé. Các cô cán bộ ghé chơi, nghèo cách mấy cũng có đồng bạc kẹo. Mỗi lần em bị bệnh, con Bé lại bồng sang nhà hộ sinh để cô mụ cho uống thuốc. Chị em con Bé cũng có một thói quen, không ai dậy, nó kêu tất cả ông già bà cả là ông nội, bà nội, những người khác là các bác, các chú, mấy cô, mấy dì, y như tất cả Tam Ngãi đều có họ hàng ruột thịt với gia đình mình vậy. Hàng xóm với Út có ông Sáu Hò. Người thông tin xã già, hay đặt thơ, nghèo, thương vợ chồng Út như con. ông đã từng nuôi Út trốn sau những lần đánh lại địa chủ. Bây giờ Út làm điều gì sai ông vẫn rầy. Hàng ngày, mẹ đi vắng, khạp[18] hết gạo, chị em con Bé lại kéo sang ông. ạng nội, bà nội vẫn nhịn miệng cho cháu. Tháng 5 năm 1964, Út được Mặt trận tỉnh tuyên dương công trạng. Cuộc lễ đông hơn ba ngàn người. Chị được tặng một cây cạc bin và mười lăm mét vải. Giữa ánh điện sáng rực, trước máy phóng thanh, Út nói: - Tôi đi đánh giặc được Mặt trận thương, cô bác thương nên cứ đánh hoài. Bây giờ trên cho làm xã đội phó tôi cũng đánh hoài. Út vác cạc-bin xuống ngồi gốc cây bàng. Mấy mẹ, mấy chị ở Láng Sắc, Trà Cú đeo dính chung quanh. Không ai biết người mẹ nghèo năm con nhỏ làm cách nào mà vẫn còn cầm súng được. Út sung sướng đến chảy nước mắt, trả lời lúng túng: - Nói đến công bao bọc thì con nặng tội với cô bác hết sức, không biết chừng nào con bù đắp lại cô bác cho đầy đủ. Bà Sáu Hò ngồi cạnh Út, nói: - Không phải bây ăn của tao rồi bây gánh trả tao là được. Bây đánh giặc cho giỏi là bây bồi bổ lại cho tao được rồi. Như mọi người dân Tam Ngãi khác, đêm ấy bà Sáu Hò cũng cảm thấy vinh dự. Niềm vinh dự của những người đã biết sống xứng đáng trên miếng đất còn nghèo khổ mà đầy giặc này. X. Anh "bá đỏ" chị "cạc-bin" Lúc ấy, anh Tịch đang đi học xa. Từ chỗ học, anh nghe tin có một người đàn bà năm con ở Tam Ngãi được tuyên dương công trạng và thưởng súng. Tự nhiên, anh biết đó là vợ mình. Không nói với ai, anh về lớp, lòng bồn chồn, háo hức. Chiều hôm ấy, bắn đạn thật. Phát đầu tiên, anh cảm động bắn không trúng. Mãn khóa, về tới Tiểu Cần, anh nghe đồng bào nói đùa: - Kỳ này vợ chồng anh bắn bia được rồi! Chị cạc-bin, anh bá đỏ. Tới Tam Ngãi, anh chạy vội về nhà. Chưa kịp mừng vợ con, anh đã bốc cây súng của vợ ra bắn thử. Vợ anh la: - Không có đạn, đồng chí ơi! Anh cười: - Công đồng chí cũng có công tôi chớ. Tuy hai mà một, đồng chí à! Anh nói đúng. Hồi Út đi lấy bót Tám Thế, anh đã trả lời người vợ trẻ yêu quý của mình: - Em làm sao được cứ làm. Anh ít nói. Và khi nói thì nói những lời như vậy. Anh thấp, bắp chân tròn vo, chắc như thân dừa. Tính anh cũng hiền như dừa. Anh gánh một lần ba giạ khoai. Ra trận, anh nổ những phát rất chính xác yểm hộ cho tiếng súng của vợ. Vừa rồi, anh được đi học. Trước khi đi, anh đưa hết tiền tiêu vặt lãnh được để vợ ở nhà nuôi con. Người ta đi học xin thêm tiền nhà, anh đi học thì như vậy. Chiều hôm đó, vợ chồng Út đi ngang chợ Bến Cát, vai bá đỏ, vai cạc-bin, đồng bào vỗ tay hoan hô "đồng chí vợ", "đồng chí chồng". Cô bác không phải chờ đợi lâu. Năm bữa sau, hai vợ chồng Út cùng một tốp anh em du kích thị trấn đi ngang Rạch Cách thì gặp chiếc trực thăng đang đáp xuống chợ Cầu Kè. Anh Tịch ra lệnh bắn. Anh bắn trước, Út và tất cả nổ theo. Chiếc trực thăng chóa lửa, chích xuống như chiếc ghe lườn, cắm đầu. Hai thằng Mỹ vọt ra, co giò chạy bán mạng. Út nghĩ: cái dòng nó đi máy bay nên nó chạy thiệt nhanh. Máy bay Mỹ đến tiếp viện, thấy bọn lính ngụy đứng lố nhố ở bờ ấp chiến lược, tưởng là ta, xả súng bắn. Hồi nãy anh Tịch đã lanh trí dắt tiểu đội rút vòng hướng ấy nên bọn lính kia chạy tới đâu, máy bay bắn tới đó. Nó bắn siết vào tới dinh quận. Thằng quận trưởng đang mặc quần cụt, dông thẳng ra phố trốn. Sáng hôm sau, đám vợ lính có chồng bị máy bay Mỹ bắn chết, vừa khóc vừa chửi, vừa đòi bồi thường rùm beng khắp chợ Cầu Kè. Anh Tịch được làm đội trưởng đội võ trang thị trấn. Út được giao làm xã đội phó. Nhưng xã đội phó là gì? Út nghiệm không ra. ạng Ba Tê giải thích xã đội phó như Út là đi tổ chức đội du kích nữ, đánh giặc. Nghe đi đánh, Út thích rồi. Nhưng làm sao tổ chức? Út gom các cô có thể đi được lại, nói chuyện. Ai cũng hăng, chỉ lo cha mẹ không cho. Út viện cả ông Ba Tê cùng mình đến vận động các bà mẹ. Toàn là những người đã từng ở đợ, nói cũng dễ, nhưng lại nghèo, các cô đi, nhà không có ai làm. Chị Phan, người Khơ Me, chồng tử sĩ, hai con, giặc quăng bom nhà cháy không còn cái đũa. Chị nói: "Tôi đi trả thù cho chồng tôi!". Bà mẹ chồng lo đói, Mặt trận cấp cho bà năm công đất. Du kích thay nhau đến giúp bà. Chị Phan đi. Được cô nào, Út lại cho đeo "bá đỏ", đội nón tai bèo, đi vận động các cô khác. Làm động lây như vậy được mười lăm cô. Dù mập hoặc gầy, có chồng hoặc chưa, dù Kinh hay Khơ Me, tất cả các cô đều giống nhau: trước đã từng ở đợ, rất trẻ và đối với thằng Mỹ thì, cũng như Út, quyết đánh đến cùng! Để các bà mẹ yên tâm, đêm đi công tác, ban ngày Út cho các cô làm vần công ruộng rẫy của gia đình mình. Vừa đi du kích đánh giặc, vừa là vạn cấy, vạn gặt. Sau đó làm cả ra ngoài, lấy tiền may mùng, may nón. Sáng ra ruộng, súng để châu đầu lại, các cô vừa làm vừa hát. Các cô khác xin vô du kích, can không kịp. Hồi đó Tam Ngãi có tình trạng như thế này. Du kích nữ được thành lập, đội du kích nam cũng nhiều anh xin vô hơn. Nữ còn đi cầm súng, nam lại há ở nhà? Khi đụng giặc, du kích nam đánh cũng hăng hơn, vì dù sao các anh cũng phải làm gương cho nữ. Còn việc sản xuất tự túc, các anh cũng có kế hoạch hơn, mặc dù về mặt đó so với nữ, các anh khó mà bằng. Trong xã nếu còn anh thanh niên nào ở nhà với vợ chưa tham gia công tác thì không cần nói cũng biết. Ra đường, trông anh trọi lỏi, nói năng xẻn lẻn, không dám ngó ngay. Nói gì đến những buổi du kích nữ tập quân sự thì gặp việc phải đi ngang, anh chỉ còn nước cắm đầu chạy. Đó là những buổi Út dắt chị em ra nhị tì tập bắn. Bia là cái mả của Hàm Giỏi. Nó cao, to bằng cái nhà, xây toàn bằng đá xanh. Xưa nay, Út chỉ biết bắn. Giờ phải dạy lại chị em, không biết làm sao. Có học hồi nào mà biết? Về mặt quân sự thì khi ra trận, Út có thể coi cung cách thằng giặc, đoán ra con đường nó sẽ đi, rồi nhìn lại cách nằm phục của anh em mình, đoán ra được mình sẽ thắng và thắng ra sao. Thường thì đoán mười đúng tám. Nhưng bảo dạy ai thì chịu. Út nói ngắm ở chỗ này, bấm cò chỗ này, rồi lấy vải mưa trùm lên một đầu trụ của mả đá, cho chị em bắn vào đó. Út núp ở trụ bên kia, thổi tu huýt, ra lệnh, dòm coi có ai bắn trúng thì la lên. Nhưng trúng sao được! Mấy cô đứng thẳng lưng bắn, đạn bay mất hết. Út bơi xuồng đi hỏi chồng. Anh Tịch vẽ cho cái vòng tròn dán ngoài cây, chỉ cho các cô nhắm. Nhắm riết rồi bắn trúng thật. Út phải phục chồng là giỏi. Cho đến lúc cả tiểu đội biết thương nhau như một bụng mẹ đi ra, đêm ngủ, vỗ tay cái bộp là biết lồm cồm ngồi dậy, cuốn đồ đạc chuẩn bị, không kêu gọi nhau í ới nữa thì Út xin ông Ba Tê cho đi chiến đấu. Từ đó, hai tiểu đội nữ du kích và nam đi đâu cũng như hình với bóng. Đánh giặc chung, no đói có nhau. Cũng như vợ chồng Út, anh "bá đỏ", chị "cạc-bin" anh em nói đùa là "Bà Hồng, ông Cống nắm tay nhau đánh giặc mù trời!". Còn bọn giặc ở Tam Ngãi, Cầu Kè cứ nghe du kích nổ súng là réo chửi "vợ chồng thằng Tịch". Con Bé mới mười tuổi. Nó bồng hết em này đến em khác. Hông nó cũng sần sượng, nổi chai. Bữa cơm, nó nhường hết thức ăn cho em. Nó nhường riết đến nỗi bây giờ không biết ăn thịt cá. Muỗi nhiều quá, nó cắt lá chuối, hơ nóng, lót võng cho em ngủ. Nửa đêm muỗi đốt, thằng em ngủ trèo lên ngực nó. Hàng ngày chị em đi câu cá bống về bằm sả, đi lượm vỏ đạn giặc bắn bỏ ngoài gò mả về cho mẹ. Thấy cái thau, cái vung nào rỉ người ta vứt lại lượm đem về cho ông Mười quân giới. Con bé vô vườn bà Ba xin bẻ bắp chuối, rọc lá lượm chanh rụng đem ra chợ bán. Bán được đồng nào, nó mua dầu, nước tương đem về, không quên mua đồng bạc bánh bèo về chia cho em. Nó đi chở nước đá mướn, lâu lâu kiếm vài chục. Tháng bảy, giáp hạt, mẹ nằm chỗ, con Bé dậy sớm nấu xông cho mẹ, rồi dắt em đi mót khoai, lặt khoai nước. Đầu mưa, đi mót giá đậu mọc trắng ngoài rẫy. Tháng Năm đi xin dây khoai về giâm. Chị em bơi xuồng đi bắt ốc mò cua, ra cồn cắt lác làm dây buộc gói mang ra chợ bán. Những tháng Tam Ngãi đói, con Bé nấu cháo buổi sáng, chiều mới nấu cơm cho em ăn. Đêm, no bụng, em không khóc, còn ban ngày, có đói, chị em kéo sang hàng xóm được. Cả bốn đứa đều sợ chị. Bảo tắm là tắm, nằm là nằm. Có khi ngủ cái roi của chị còn hăm trên đít. Con Bé chỉ hiểu rằng mẹ đi đánh giặc thì mẹ không có ở nhà, còn nó thì là chị nên phải lo cho em. Nó chưa hiểu được cái kế hoạch Xta-lây-Tay-lo đang bị sa lầy ở Tam Ngãi, mẹ nó đang cùng các bác các chú đánh tới tấp vào các ấp chiến lược, và cô bác Tam Ngãi vẫn thường nói: "Mẹ con nó dạy nhau cùng một khuôn, con út kia đi đánh giặc lại có con út nọ ở nhà". XI. Hai tổ chiến đấu Chiều hôm trước, anh Tịch về nói với vợ: - Ngày mai "đồng chí vợ" đưa tiểu đội nữ đi phối hợp rải truyền đơn với tôi đi! Vợ anh đáp: - Đi thì đi chớ! Lúc đó Út lại có thai hơn bảy tháng. Muốn vào được sát Cầu Kè để vũ trang tuyên truyền, ta phải qua vòng đai của nó là ba ấp chiến lược Chông Nô, ấp 2 vừa bị phá, bót Tám Thế đóng lại ba lần không được, bót Đường Trâu bị cướp súng giữa ban ngày, bọn giặc ở Cầu Kè ra sức củng cố. Chúng tàn phá khu giáp ranh với ta thành một vùng trắng, tuần tiễu, biệt kích ngày đêm, thấy bóng người là bắn. Vườn cây xơ xác, ô rô, rau muống mọc hoang dại. Địa thế hoàn toàn bất lợi cho ta vì đường rút bị con sông nhỏ Cầu Kè chắn ngang. Sáng hôm sau, Út dặn con Bé ở nhà trông em, khéo léo nịt bao đạn vào cái bụng đang có thai, cùng hai cô Chín và Thà, trưởng và phó tiểu đội nữ, đi phối hợp với tổ vũ trang của chồng. Chín, Thà nằm lại gác ở bờ bên này. Út theo chồng vượt qua sông. Tới gần hết vùng trắng, nơi chia hai ấp 1 và 2, Út nói: - Mấy anh vô rải đi, tôi gác đây cho. Anh Tịch nhìn vợ, ái ngại: - Chỗ này em gác không được, bụng vậy làm sao chạy? - Sao không được? Tôi bảo đảm, anh cứ đi đi! Út ở lại đó. Không khí vùng trắng lặng trang. Những con chim sâu cũng sợ, bay đi làm tổ nơi khác. Xa lắm, từ trong phía Cầu Kè, vẳng tiếng chó sủa. Trước mặt Út là một bờ đê dài, giặc rất hay phục kích để chặn đường rút quân của ta. Sanh mạng cả tổ võ trang, của chồng nằm trong tay chị. Đứng gác, Út nghĩ: "Mấy thằng lính bây có làm gì để tao ăn xong miếng trầu đã nghe!". Nhưng chị chưa kịp đưa trầu vào miệng thì hai dọc lính địch đã xuất hiện cả trên và dưới bờ đê, cách chị có vài chục mét. Đạn lên nòng rồi. Một viên Út bắn có thể xỏ xâu cả ba thằng. Chỗ này trống, gác thì dòm dễ, nhưng bắn sẽ không có đường chạy. Nhưng nếu không bắn thì cả tổ võ trang trong kia không ai báo động, nó bao chết. Phải bắn! Mệnh lệnh tự trong lòng Út đề ra cho mình. Chị lách sang một bên, lùi xuống một chút, nổ súng. Bị một phát bất thần, giặc nổ cả hai cây trung liên về phía chị. Súng giặc vừa ngớt, chị lủi xuống bìa sông, nổ nữa. Bọn giặc chúi đầu xuống bờ đê bắn nát gốc tre, ngọn cỏ. Chị kèm súng, lội đứng qua sông. Từ phía ấp 2 bỗng có tiếng súng bắn chéo về phía giặc. Út nhận ra tiếng súng của chồng. Chị thở ra một hơi nhẹ nhàng: họ rút ra kịp rồi! Trong lúc giặc quay họng trung liên về phía chồng, Út vọt lên bờ, cùng hai cô du kích nã đạn sang chúng. Giặc lại quay họng súng sang chị. Từ bên kia, nghe biết tiếng súng chi viện của vợ, anh Tịch đưa tổ võ trang nhanh chóng rút qua sông. Qua tới bên này, anh lại cho bắn, kéo hỏa lực giặc về mình để tổ nữ du kích rút xa thêm đoạn nữa. Út hiểu ý, rút một quãng lại nằm bắn để yểm trợ cho chồng rút theo. Cứ thế cho đến lúc cả hai tổ võ trang nam nữ, cả đôi vợ chồng gặp nhau ở chỗ an toàn. Út cười, nói với chồng: - Tôi "chia lửa" cho "đồng chí chồng" rút đó, nghen! Tất cả đều cười. Nhưng còn kế hoạch tuyên truyền chưa làm và bó truyền đơn chưa rải thì tính sao đây? Hôm sau, họ lại vô nữa. Lần này Út chỉ cầm một trái lựu đạn cho gọn. Bờ sông lạnh lẽo, rậm rạp, giặc có thể phục bất cứ chỗ nào. Tới chỗ gác hôm trước, Út lại giành nhau với chồng. Anh Tịch sợ vợ chết, vì bụng lớn quá, chạy không kịp. Út lại sợ anh em khác, cả anh Tịch nữa, chết, nếu không biết ý đứng gác ở chỗ này. Anh Tịch đi chưa tới chân vườn ấp 2 bỗng nghe tiếng bọn giặc la ó ở phía vợ đứng gác. Chúng vừa nổ súng, vừa la: - Vợ thằng Tịch! Bắt sống! Ở bên này, không để chồng lo ngại lâu, Út nhào vào bụi, ném lựu đạn lại giặc. Bị một cú bất thần, bọn giặc nằm im. Một chút chúng ngóc lên, bắn nữa. Út chọi luôn ba cục đất rồi lặn xuống sông. Vừa lặn, chị vừa nghĩ: "Quân này chỉ rượt tao bằng đạn, chớ cóc có dám rượt bằng người!" Út đã lặn quá nửa sông, bọn giặc vẫn còn núp tránh ba cục đất, chưa dám bắn. Như lần trước, tất cả đã ra hết, nhưng còn bó truyền đơn chưa rải được, tính sao đây? XII. Phải nhờ dân thôi Đó là truyền đơn dùng để rải trong thị trấn Cầu Kè, chuẩn bị cho đợt tấn công rộng rãi của ta trong tháng 7 năm 1964. Nhìn bó giấy lớn bằng cái bình tích trong tay chồng, Út nói: - Bữa nay không rút nữa. Phải nhờ dân thôi. Ta ra đón tàu Cần Thơ về, nhờ cô bác đem ra chợ rải giùm. Anh em đều tán thành, kể cả ông Chín Đà, bây giờ phụ trách binh vận huyện cùng đi. Tất cả ra bố trí. Một tiếng sau, tàu Cần Thơ về ngang sông Cầu Kè, Út ra thổi tu-huýt, kêu ghé. Khách dưới tàu toàn là người trong thị trấn, nghe tu-huýt biết là đàng mình, nhưng không hiểu cái người bụng thai, cầm súng đứng trên bờ kia là ai đây? Tàu ghé, vợ chồng Út, ông Chín Đà ra mời bà con xuống. Một bà lo lắng hỏi Út: - Nổ ở đâu nghe hung quá vậy thím? Út cười: - Tụi con mới đụng có một "tăng" quá trời, bà ơi! - Vậy ra thím là... "giải phóng"? - Dạ, cháu là bộ đội mình đây. - Trời đất, bụng dạ vầy mà đụng giặc ở đâu? Mấy bà vuốt ve cái bụng gần sanh của Út. Quần áo chị ướt mèm vì lội sông, lưng áo còn đang lên hơi, sình dính khắp người. Bà con nắn tay nắn chân chị, hết nhìn cây súng chị đeo trên vai lại nhìn Chín Thà đứng gác ngoài xa. Vậy ra vợ Út Tịch là người này đây! Hồi nào tới giờ nghe tiếng nữ du kích mà có biết mấy đứa nó ra sao đâu... Út cười luôn miệng, vừa mắc cỡ, vừa sung sướng, giống như hôm được tuyên dương vừa rồi, xuống ngồi dưới gốc cây bàng. Chị nói: - Bữa nay tụi con đi rải truyền đơn nhưng bị đụng giặc nên mắc đánh nó. Cô bác giúp chúng con, mỗi người cầm một ít mang về rải trong thị trấn. ạng Chín Đà nói chuyện thời sự cho bà con nghe. Út biết mình nói kém lắm, nhưng là chuyện cách mạng, hiểu gì cứ nói nấy. Chị nói chuyện đánh Mỹ, chuyện dân mình cực khổ trong ấp chiến lược, chính sách Mặt trận ta đoàn kết, công bằng... Một chị người Khơ Me nói: - Chị Út bụng bự vậy mà còn cầm súng, bà con mình có mấy tờ truyền đơn mà không dám cầm sao? Tất cả đều nhận hết. Mấy bà bàn: Nếu giặc hỏi thì nói tôi lượm được ở đường, già cả không biết chữ cứ đem về thôi. Bà khác góp ý cứ nói thẳng với giặc, Giải phóng quân đón tàu biểu mang về cho nó, nó có muốn gì thì vô trỏng. Lúc chia tay, cô bác không muốn rời Út. Một bà mẹ xuống tàu rồi, còn hỏi với lên: - Chừng nào con phá bầu? Sáng hôm sau, bọn giặc ở Cầu Kè thấy truyền đơn xuất hiện trắng trên con đường phía cầu sắt. Chúng không hiểu nổi Giải phóng quân đã vô đây võ trang tuyên truyền từ lúc nào. XIII. Tháng bảy Cuối tháng bảy 1964, cả nước vô đợt tấn công. Riêng ở Tam Ngãi, du kích phải bao vây khu bót Bà Mi. Đó là cái khu do thằng sếp bót giả danh cha cố, sáng mặc áo đạo, chiều mặc đồ lính, sáu mươi tuổi, cùng với con vợ nó là mụ dì phước giả hiệu, hai mươi tuổi, chỉ huy một trung đội lính đóng trong bót nhà thờ Bà Mi, chiếm giữ. Bàn thờ Chúa được dùng làm nơi luận việc giết người, hang đá tượng trưng cho nơi ra đời của Chúa thành phòng tuyến hầm ngầm có lỗ châu mai. Những con chiên ngoan đạo và nhẹ dạ có thể thấy ở đây những buổi cầu kinh đầy hấp dẫn, còn những tên chuyên môn giết người cũng có thể học ở đây đủ kiểu giết người. Đó cũng là nơi nương tựa của quận Hùm để thu tô trong đồng bào công giáo. Cùng với bót nhà thờ, còn có bót Bà Mi nhỏ do hai tiểu đội dân vệ đóng giữ, họp thành một hệ thống, làm cánh tay mặt cho chi khu Cầu Kè thọc vào giữa Tam Ngãi. Muốn bao chặt nó, du kích phải làm đủ mọi việc: đắp mô cắt đường tiếp viện từ Cầu Kè, diệt ác ôn, đánh bọn Cầu Kè để dằn mặt, thường trực nằm ngày đêm quanh bót... Những mô đất đồng bào đắp trên đường đi Cầu Kè cao như trái núi con. Tiểu đội nữ du kích gom hàng xuồng gáo dừa về gắn vào mô, có gài kèm lựu đạn. Giặc đến phá, bị nổ tung, chúng đổ đạn có đến hàng tấn vào đám gáo dừa mà xe vẫn không dám chạy. Đó là sáng kiến của đồng bào Kế Sách, Út đã học được trong lúc đi làm mắm. Du kích nam vào sát bót, du kích nữ đánh vòng ngoài. Trận đánh đầu tiên, cũng là trận kết quả lớn của các cô thì lại không phải bắn một viên đạn. Một hôm, Út thấy con nít thả bong bóng bay lơ lửng trên trời. Hỏi ra mới biết nó bơm khí đá. Chị xin một trái, cột cái khăn vào, thả ra nó cũng bay tuốt. Út về bàn với chị em treo cờ mình cho bay về hướng Cầu Kè, rồi neo lại, nhử giặc. ở dưới đào thật nhiều hầm chông, bố trí thêm mấy cái lon con nít chơi kêu roong roong để cho giặc giật mình. Đầu trận địa, gài một trái lựu đạn. Hôm đó, giặc từ Cầu Kè bủa ra hai cánh bao lấy ấp 3, chỗ neo bong bóng. Hai mươi thằng đi cánh thứ nhất, đụng lựu đạn ta nổ, chúng bắn ầm ầm, mười lăm thằng đi cánh thứ hai đang ở bên ấp 1 vòng qua, bất thần bị đạn bọn kia bắn, chúng tưởng là ta, bắn trả lại quyết liệt. Du kích nằm phục trong ấp 3, tha hồ cười. Đánh nhau một hồi, cả hai bọn đều lết vào trúng bãi chông. Chúng đạp lên mấy cái lon gài kêu roong roong, hoảng hồn, nhảy lung tung, rớt xuống hầm chông như ếch tháng bảy. Ba mươi lăm thằng vừa chết đạn vừa bị thương chông gần hết. Tam Ngãi vào đợt thật rộn rã. Xuồng, ghe, người, súng qua lại sáng đêm, hằng ngày. Út chỉ gặp con từ nửa đêm tới sáng. Ban ngày, đôi khi chị cũng ghé về. Nhìn thấy mẹ bước vô cửa, đàn con reo lên. Nhưng mẹ chúng chỉ về lấy thêm đạn, xắn tay chùi mũi cho đứa nhỏ một cái, rồi đi ngay. Cả năm đứa không đứa nào đòi theo. Súng vẫn nổ dồn dập. Súng của ta ở cái thế đi tìm giặc mà đánh. Ở nhà, mỗi lần nghe súng, mấy đứa trẻ lại bi bô: má đánh chỗ này, ba đánh chỗ kia. Ngay trước nhà là hướng ấp chiến lược 3. Dịch sang một chút là ấp 2, ấp 1. Ngang hông là Cầu Kè. Sau hè là bót Bà Mi. Mấy đứa nghe hướng súng nhận ra nơi cha mẹ. Thị trấn nổ là ba đánh. Bà Mi nổ là má và các cô. Hàng ngày, con Bé vừa đi làm vừa điều khiển đàn em núp máy bay. Máy bay bay như bọ hung trên nóc nhà. Trực thăng Mỹ kêu loa ong óng đòi Giải phóng quân ra đầu hàng! - "Giải phóng quân mắc đi đánh bót, chỉ có "Giải phóng quân con" ở nhà đây thôi! Con Giải phóng quân không biết đầu hàng! Chừng nào giết hết không còn thằng Mỹ và tay sai nào nữa thì Giải phóng quân sẽ về cùng nhân dân trồng rẫy, nuôi con". Con Bé vẫn nghe mẹ nói vậy. Tối ngày nó cột khăn trên đầu, lúc ngủ quần cũng còn vo quá gối. Nó nấu cơm cho em ăn rồi cho tất cả lên võng ngồi đưa. Nó chạy tới trạm giao liên xin chạy thư hỏa tốc phụ với các cô. Buông việc ra là nó leo lên ngọn dừa trước nhà. Lên đó, nó nhìn thấy dinh quận, nhà máy, lằn sông, thấy những nơi ba má nó đánh giặc. Có máy bay ném bom xa, nó leo lên dòm hướng: Chà Mẹt, Phong Phú, Tân An, Xẻo Khế, Đường Cức, Trà On... bom nổ nơi nào, nó nói ngay nơi đó. Mấy bà mẹ bồng con đứng bên chợ, bên sông, tất cả đều nhóng lên ngọn dừa, chờ tin nó. Má đi vắng, nó bơi xuồng đến các cơ sở binh vận của má đem về hàng túi đạn. Mấy mẹ chiến sĩ mà nó vẫn kêu là bà nội, kêu nó ghé xuồng, cho gạo, cho thức ăn, cho bánh đem về cho em. Bao giờ nó cũng chừa phần cho má, có khi là một trái chuối đã chín rục. Thường quá nửa đêm, Út mới về tới nhà. Con Bé bật dậy ra mở cửa. Trong mùng, bốn đứa nhỏ la nhi nhố "má về, má về", rồi thức dậy đều hết. Út không kịp cởi bao đạn, ôm lấy con. Thằng Hiển nhỏ nhất, níu lấy cây cạc bin của mẹ, đòi ngoéo cò. Con Thanh, con kế con Bé, cởi bao đạn cho mẹ. Con Thơ, con Anh, em kế con Thanh, ôm lấy cổ mẹ. Út phân phát bánh cho con. Những tấm bánh Út đã nhịn sau khi đánh trận về, mấy mẹ cho du kích mỗi người một cái ăn lót dạ. Trong những tiếng ríu rít của đàn con, Út nghe câu được câu mất. Chị vui như vừa đi xa về. Một niềm vui kỳ lạ, tưởng như việc sống chết vừa xảy ra hồi nãy đây là không có. Và nếu có, nó cũng chỉ còn như những tia chớp yếu ớt, rất xa, trong những đêm mưa mát dịu, không hề làm xao động tới cảnh đầm ấm của mẹ con trong nhà. Thực ra, lúc nằm phục kích, bao ý nghĩ Út đều quay cả vào giặc. Súng nổ, chị quên hết, cả lỗ công sự cũng bỏ. Lúc rút lui trên đường về, chị mới giật mình nhớ đến con. Nếu mình hy sinh nó sẽ ở với ai đây? Nó ở với nhân dân! Bây giờ nó cũng đã ở với nhân dân rồi. Đời mình cực thì đời sau nó sướng. Giặc còn thì giặc cũng giết cả đời con mình. Nghĩ đến cảnh đàn con phải đi ở đợ như mình ngày xưa, Út không chịu nổi - "Còn cái lai quần cũng đánh!" - Út dạy con như vậy. Quây quần bên con, Út tập cho con bắn súng. Tay chân chị cũng múa may cùng với con. Thằng Hiển, hai tuổi rưỡi, ôm súng của mẹ, ngọng líu hát: Anh eng ta như ạn con ùi Nó có dúng mình có dao găm Nó éo cò thì mình ảy ô đâm[19] Cả sáu mẹ con cùng cười. Út kiểm lại khạp gạo và chai nước tương rồi đặt kế hoạch ngày mai cho đàn con. Mẹ con đi ngủ. Con Bé ra vườn hái lá so đũa hơ nóng cho mẹ lót lưng, mẹ đang có thai. Út nằm giữa, đàn con bao tròn chung quanh. Một lát, anh Tịch về. Cảnh đầm ấm ấy lại diễn ra. Hôm sau, hai vợ chồng lại ra chỗ phục kích. Họ đi thật sớm, trước lúc giặc có thể càn. Tới nơi, Út kể chuyện mấy đứa nhỏ cho các cô du kích nghe. Các cô cười ré lên. Cuộc chiến đấu lại tiếp tục. Trong chiến đấu, họ lại có nhiều niềm vui khác nữa. Hàng ngày, tiểu đội nữ vác súng tự tạo lên bắn "chình... phà..." nhử mấy thằng ác ôn ra rượt để du kích nam tiêu diệt. Bảy thằng ác ôn đã chết trong trường hợp này. Út đem tiểu đội đi đánh thằng ác ôn "Thầy Mười". Súng nổ, nó nhào xuống dạ cầu, đeo tòn ten thành cái bia sống cho các cô ngắm bắn. Rồi những đêm đi bố bót, qua ruộng nước, cất cao giò, thả bàn chân nghe tũm tũm. Gần tới bót, chị em truyền thầm nhau súng xuống tay, đi vô. Cực nhưng nó vui kỳ lạ. Những ngày căng thẳng, Út đem chuyện hồi ở đợ lấy trái mắt mèo thổi vào giường vợ chồng Hàm Giỏi, hai vợ chồng nó gãi như gẫy đòn, cho các cô nghe. Tiểu đội rút về liên hoan, sẵn bụng có thai, Út đeo mặt nạ, thắt lưng đỏ làm ông Địa để các cô múa lân. Lân múa té nghiêng té ngửa. ạng Địa cái bụng chang bang, ngoẹo bên nọ, ngoẹo bên kia, bà con cười đến bể xóm. Út vui từ đó cho tới lúc về gặp đàn con ở nhà. Đêm ấy, ta siết chặt hai bót Bà Mi, phối hợp với bộ đội đánh bót bên Thạnh Phú. Đó là đêm cả xã Tam Ngãi đi ra trận. ạng già, trẻ con đánh trống mõ. Tự vệ đắp mô. Du kích nam bao vây bót Nhà Thờ. Út đưa du kích nữ đi bao bót Bà Mi nhỏ. Bụng Út lớn dần, năn nỉ mãi ông Ba Tê mới cho đi. Lúc chạng vạng, vô bố trí, Út đã thấy dúng mình rồi, vì phải nhảy qua một lúc mười cái mương. Chị nghĩ: "Thằng con sau này đánh giặc chắc là giỏi!" Bên Thạnh Phú, bộ đội nổ súng. Bên Bà Mi, ta bắt đầu kêu loa. Bọn giặc réo chửi vợ chồng Út. Máy bay đang thả pháo sáng bên Thạnh Phú, nghe động ở Bà Mi nó bay sang. Út cho tiểu đội bắn lên. Bắn để chia lửa bớt cho Thạnh Phú, cũng như vợ chồng Út từng chia lửa giúp nhau. Tam Ngãi vẫn có thói quen như vậy. Nghe súng nổ đâu là chạy ngay tới phối hợp, dù chỉ là một người mang súng đang đi trên đường. Một giờ khuya, tiểu đội rút về. Nhảy qua cái mương cuối cùng, hai cái gân sau lưng Út như có ai rút lên. Đi hai bước nữa, chị té xuống. Chị rờ khắp mình mẩy coi có bị thương đâu không nhưng không có, chỉ thấy cái thai trong bụng đập đập, thằng nhỏ sắp ra đời. Đêm ấy, bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn bót Thạnh Phú. XIV. Nhìn về xã nhà Hàng ngày, Út vẫn nói thầm với đứa con trong bụng: "Mày khoan đã nghe, để má đi công tác hết đợt rồi hãy ra nghe!". Ai dè bữa nay nó ra thật. Ngay giữa đợt, Út nằm chố, cây súng của chị, anh em nói đùa là "cây cạc-bin hôi khói", ông Ba Tê viết thư vô mượn. Đưa súng cho cô liên lạc đem đi, Út còn khổ hơn cả lúc xa con. Sanh được ba ngày, chị ngồi dậy tập đi. Chị ra cửa, rồi ra lộ, hai chân cứ sụn xuống. Máy bay quần đảo suốt ngày. Nằm bên con, Út dòm thấy cả thằng cầm súng máy trên trực thăng. Đêm, nó thả pháo sáng rọi vào tận giường. Một chiếc máy bay xẹt ngang nóc nhà, xịt khói, đâm đầu xuống mé Rạch Chiến. Nhân dân vác búa đi xẻ máy bay. Út nằm mơ màng tưởng như mình đi với họ. Má Tư bơi xuồng đi báo tin cho mấy má trong Bưng Lớn, đem về cho Út hai giạ gạo. Cô bác thị trấn gặp Út hôm đón tàu, gửi cho vô số thức ăn, có cả đôi guốc. Cô Chín, tiểu đội trưởng, đến báo cáo công tác hàng ngày. Các anh bộ đội cũng đến hỏi thăm tình hình để bố trí chỗ đóng quân. Giường sanh của Út không lúc nào vắng khách. Nếu cần có công tác, chị viết thư cho các cô du kích. Nhưng cái thư không có chữ vì Út không biết chữ. Đó là một miếng giấy trong đó chị vẽ một khoanh tròn và chấm một cái. Nhận được những bức thư đó, các cô chạy hỏa tốc về ngay. Đến ngày thứ bảy, Út không nằm nữa. Nhớ đến tiểu đội gần hết đạn, chị ngồi xuồng cho con Bé chở đến các cơ sở binh vận. Một cơn mưa đã quật ngã chị xuống. Đờm kéo lên cổ. Chị nằm sốt mê man. ạng Ba Tê đến thăm, nói: - Để thím nằm đây thím cứ công tác hoài, không hết được. Cho qua bên kia nằm nghỉ một thời gian. Tức là bên kia sông Hậu, ở nhà ông chú của Út. Nhưng qua bên đó, chị cũng không hết. Bệnh ngày càng nặng thêm. Bên Tam Ngãi, ban ngày máy bay vù ra tận giữa sông lấy đà liệng bom xuống đầu giồng. Vợ chồng thằng sếp bót giả danh cha cố vẫn xua bọn lính đi càn. Út nằm nghe đếm từng tiếng bom nổ bên xã nhà. Con Bé chiều theo ý mẹ, ngày hai lần chèo ghe một mình qua lại con sông rộng bốn ki-lô-mét về xã nắm tin sang báo cho mẹ. Út nghĩ tới tiểu đội nữ. Bên đó anh em mình không ngày nào dứt công tác, chị em không ngày nào ngưng bắn giặc. Trong cơn sốt mê man, Út nghĩ tới lúc mình mạnh sẽ trở về. Chị em lại gặp nhau, cùng đi bắn giặc. Nhớ đến công tác, Út lại cảm thấy mình dốt quá. Không biết từ lúc vô đợt tới giờ công việc mình làm có phải hết hay là không, trúng hay trật, có sái gì với Mặt trận? Anh Tịch và ông Ba Tê qua thăm hẹn với Út khi nào về sẽ cho đi đánh bót. ở nhà, những người trong cơ sở binh vận đang chờ chị. Cơ sở đó Út đã gây được từ mấy năm nay. Hồi Tam Ngãi đói, chị đã đi xin gạo đem vào cho họ, trong lúc khạp gạo cho đàn con ở nhà không còn một hột. Nghĩ tới đó, Út muốn đứng dậy về ngay, nhưng nhấc chân lên không nổi. XV. Cuộc chiến đấu tiếp tục Ba tuần sau, Út về. Chị em mừng như đi xa cả năm. Bót Bà Mi còn trơ trơ. Thằng xếp bót giả cha cố xin được thêm một trung đội nữa là hai, đóng thêm trước bót nhà thờ. Nhưng nó sắp chết. Bộ đội đã về. Tiểu đội nữ thay nhau ba người một nằm tại mặt trận làm liên lạc cho bộ đội. Thằng nhỏ mới hơn một tháng nhưng biết nhìn rồi. Út cho con bú rồi dặn con Bé: - Nếu má về không kịp, con quấy bột cho em ăn. Chị mò vào trong Bà Mi. Dọc đường, dân công, bộ đội tấp nập. ạng Ba Tê đuổi chị về nghỉ, nhất định không cho vào chỗ bao bót. Út yếu lắm, mắt thụt, hơi thở ồ ồ. Chị trở ra, nhào vào chỗ chị em đang nấu cơm. Nấu từ đứng bóng cho tới ba giờ chiều, vừa chụm lửa vừa núp hầm, vắt được năm trăm vắt cơm úp vào bẹ chuối. Máy bay giặc lên. Chị em kiếm chỗ núp, Út nóng lòng cho các con quá, ra gốc dừa ngồi coi. Nó ném bom ngay xóm nhà chị. Lửa cháy nhà bốc lên mịt trời. Bao nhiêu bom lớn, bom nhỏ, giồng nào, xóm nào Út nhớ hết, đếm hết. Toàn là chỗ bà con mình cả. Xóm đó đụng nhà mẹ Tư, quãng kia là nhà mẹ Hai, còn xóm Cây Sanh đụng bà con Khơ Me mình ở chợ. Nhà cháy mất hết, cô bác chạy đâu? Út nhào về, khói mù mịt. Máy bay vẫn đảo. Tới xóm Chùa, lỗ bom bịt mất đường. Bà con vẫn ở dưới hầm. Trong xóm, lửa vẫn bốc ngọn. Ba-lô, đồ đạc của anh em mình gửi đó để đi bao bót, đang cháy. Út đi tìm sào móc dừa, móc ba lô ra. Hai cô gái, cháu má Hai, người xóm đó, phụ móc với Út. Móc được khoảng năm chục cái thì lửa nám mặt, lựu đạn lép anh em cất trong ba lô, nổ tung. Không móc được ba chị em ngồi tức. Hai cô chạy về tới nhà thì nhà không còn. Cả hai chỉ còn bộ đồ mặc trên người. Út về, con Bé bồng em từ dưới hầm chui lên. Mặt mũi thằng nhỏ vẫn tỉnh khô, lại còn cười. Út cũng bắt cười theo. Chị xoa đầu con, và cho nó bú. Cái thằng bú thiệt dữ, muốn dứt vú. Sẩm tối, Út lại trở vào Bà Mi. ạng Ba Tê bảo nấu cơm. Út nghĩ: Sắp lấy bót rồi mà bảo tôi ngồi đó nấu cơm tôi chịu đâu nổi! Sẵn máy bay đang thả pháo sáng, Út lôi ba cô du kích đang nghỉ ở đó đi vớt dù, may mùng cho những anh em có đồ đạc bị cháy hồi chiều. Hàng trăm cái dù bay cùng trời không sao vớt hết. Đột nhiên, súng Bà Mi nổ dữ dội. Bốn chị em vụt sào chạy tới. Cả hai trung đội giặc đã bị diệt. Bộ đội đang xung phong. Út nhào vào. Trong bót bàn thờ Chúa còn nguyên vẹn, nhưng phòng tuyến và lỗ châu mai chung quanh đã bị ta phá tan. Từ trong đống gạch vụn ấy, Chín chạy ra gặp Út, thở hổn hển: - Chị Út, con mẹ "dì phước" nó không chịu đi! Út chạy lại. Mụ "dì phước" chân mày cạo mỏng, móng tay thoa son, cổ đeo tượng thánh. Nó vừa bị lột mất cây súng sáu cán vàng. Út hỏi: - Con vợ thằng sếp bót kia, mày đi không? - Không! - Không đi thì "cấp đất" liền tại chỗ![20] Nó cúi đầu đi, Út quát: - Thằng sếp bót, chồng mày đâu? Thằng đó, anh em đã dắt đi cho nó kêu gọi bọn lính ở bót Bà Mi hồi sáng, trong lúc mọi người mải đi tìm hầm súng, thằng cáo già dắt con dì phước giả hiệu trốn đâu mất. Mọi người xô đi tìm. Tám Thế, anh chàng sếp bót bị mất bót vì tay chị em Út hồi trước, đã được cải tạo, giờ làm trong ban binh vận xã, cũng bổ nhào đi tìm. Anh đã lập công xứng đáng. Anh vô gặp mụ vợ lớn đã bỏ anh đi lấy lão từ trong nhà thờ này để hỏi. Từ lão từ, anh đã khám phá ra một kho súng và cái hầm vợ chồng thằng sếp bót trốn. Ở đó, trên cùng là lầu chuông, dưới là phòng rửa tội, dưới nữa là cái hầm bí mật rộng thênh thang có đủ súng đạn và thức ăn thông ra phòng tuyến bên ngoài. Bây giờ Tám Thế đã có hai con, có nhà, có ruộng và hơn tất cả là có một cuộc sống xứng đáng. Mấy tháng vừa rồi, anh đã lặn lội góp công nhiều trong việc diệt bót nhà thờ Bà Mi. Nhìn Tám Thế vai đeo súng giải vợ chồng sếp bót đi, Út vui quá. Út hỏi: - Hồi này chị Tám còn ghen hay hết, anh Tám? - Nó cám ơn cô không hết chớ ghen? Tám Thế toét miệng ra cười. Nụ cười hết sức phấn khởi. XVI. Tam Ngãi giải phóng Về tới nhà, chị em Út chia nhau số dù vớt được đi may mùng cho bộ đội. Đồ đạc các anh bị cháy chỉ còn mỗi người một bộ trên người. May đâu được chục cái thì huyện đội báo tin giặc càn. Út nghĩ: "Muốn càn thì cho mày càn luôn xuống sông!". Lập tức chị em đi bố trí. Hai giờ chiều giặc đổ bộ lên ấp Tân Vinh một trung đoàn càn vào hai mặt. Út đi nắm tình hình giặc rồi về bàn với các anh bộ đội: - Các anh gài súng hai đầu cho cứng, đánh. Khúc giữa cứ để du kích tụi tôi. Mặt trận dàn thành hai hướng đón địch. Công sự của du kích đào gần nhà Út, cách một cây cầu. Hai con "đầm già" vè vè trên đầu. Súng giặc nổ lai rai ngoài xa. Vú căng sữa quá. Út chạy về cho con bú. Nửa chừng, nghe súng nổ gần, chị đặt con xuống, chạy sang. Giặc đã đến đầu giồng. Đạn đum đum nổ chát chúa. Út dặn chị em bình tĩnh, chờ bộ đội nổ trước. Chị vọt về cầu, la: - Cô bác xuống hầm hết nghe, nó tới rồi! Út lại chạy sang. Người mệt, chân muốn bẻ lái ra sau. Giặc khúm núm dò từng bước. Bộ đội vẫn kiên gan chờ nó vào tầm súng. Út lại chạy về nhà, dặn con: - Đừng có ra nghen con! Nó tới rồi! Đừng sợ nó nghen! Tiếng đàn con ó ré từ dưới hầm trả lời mẹ. Cái hầm là một lớp áo đất, trên để bộ vạt. Út nhìn vào. Con Bé đang bồng thằng nhỏ. Bốn đứa kia nhìn mẹ cười. Út nói: - Chổng khu lên con! Cả bốn đứa đều chống tay xuống đất, chổng mông lên trời như bốn tai nấm. Đó là động tác ngồi hầm, chống bom làm tức ngực. Út đã dạy con từ trước Chưa lần nào mặt trận của Út lại ở gần con như vậy. Chị chạy sang, một loạt đạn giặc véo trên đầu. Trên một trăm thằng giặc bị tiêu diệt ngay loạt đầu tiên. Cả hai cánh, nó đều giơ bụng đi vào giữa họng súng cho ta nổ. Trước mặt tiểu đội du kích nữ có năm thằng chết. Một thằng ôm cây cạc-bin nằm phơi xác ngay gần đó. Giặc bắn hoảng, đạn như mưa, bay lên ngọn tre cũng có mà cày đất công sự ta cũng có. Út chỉ huy tiểu đội bắn đồng loạt trấn áp địch. Tiếng "bá đỏ" kêu ùm ùm như trống đánh. Anh Tịch từ trên cánh thị trấn đánh lướt xuống, gặp Út, anh kêu lên: - Yếu vậy mà ra đây chi? Cho con bú chưa? Út cũng "quân sự" trở lại: - Giờ không có con cái gì hết! Cho bú rồi. "Đồng chí" xung phong ra lấy cây cạc-bin giùm chị em tôi đi. Nhưng ai cho lệnh mà xung phong? Tất cả phải chờ lệnh bộ đội. Đánh một chập nữa, giặc nhốn nháo chạy. Cả một trung đoàn liệng nón, liệng đạn, chạy bỏ xác. Bộ đội xung phong. Du kích nhào theo. Đang thu súng thì sáu khu trục, bảy trực thăng, hai cào cào lên bắn phá như điên xuống giữa xóm. Lửa cháy rát mặt. Bộ đội lao vào cứu dân. Út chạy vào nhà bà Ba, ném đồ ra ngoài. Một anh bộ đội bị thương, Út và hai cô du kích khiêng vào nhà hộ sinh, kêu mấy cô mụ ở dưới hầm lên băng bó. Út để lại trên người anh năm trái cam vừa xin được rồi chạy về nhà. Máy bay ném bom chếch sang xóm trên. Nhà Út không cháy nhưng miểng bom phang nát như rổ sảo. Cây dừa trước cửa bị chặt đứt, rơi xuống bít lối. Bụi đất tùm lum ở miệng hầm. Con Bé, một tay bồng em, một tay thò ra ngoài hầm, quấy bột. Nó bắc xoong lên ba cục đất, chụm bằng lá dừa. Bốn đứa nhỏ vẫn chổng mông lên trời. Con Thanh giương hai con mắt đen nhánh dòm ra. Thằng Hiển đang chửi, miệng ngọng líu: "ụ ẹ ằng ỹ!". Đàn con bu lấy mẹ. Tóc chúng hôi mùi khói bom. Út rờ khắp mình các con coi có đứa nào bị thương không. Nhưng không, cả sáu đứa như sáu củ khoai, da thịt vẫn chắc như da anh Tịch. Bỗng ngoài cửa có tiếng la rần rần. Du kích đang rượt Mỹ. Một thằng Mỹ còn sót lại, trốn trong lùm tre. Út chạy tới thì nó vừa bị tóm. Mặt đối mặt. Út chong súng, bậm môi, nhìn: "à, vậy ra mày là như vầy đây?" Thằng Mỹ mắt trợn trắng, há miệng, nhìn vào ngón tay ngoéo cò của người đàn bà. Nó cao, to gấp sáu lần Út, mắt thô lố, môi chề dề, mặt tái mét. "Tưởng mầy đi máy bay thì mầy chạy nhanh?". Út muốn cho nó một phát vào đầu. Nhìn cái quân dã man thêm dơ mắt. Đêm ấy, Út đi lượm súng. Hai mươi chín thằng giặc nằm chết bừa bãi ngoài ruộng. Một thằng cổ đeo lon, mùi máu bốc lẫn với mùi dầu thơm. Bất giác Út nhớ đến cái thằng quơ quơ gậy xua lính ở trận Vườn Dơi. Chị nhổ nước miếng. Xác giặc ngày càng trương lên như con bò thúi. Út bàn với cán bộ: - Bây giờ đi kiếm ông nào mà uống rượu vào thì ông trời cũng không sợ, mua rượu cho mấy ổng uống, rồi nhờ mấy ổng bốc xác tụi nó xuống bè, chở ra Cầu Kè trả nó. Chín cái xác thằng quan có gắn chín cái thư của du kích gửi bọn lính được ông Lục và bà con bè ra chợ. Thằng quận trợn mắt, chửi "thượng cấp": - Đ. mẹ, vậy mà bọn Mỹ nó nói chỉ có một thằng lính Việt chết đã đem đi rồi! Bọn lính trợn trắng lên nhìn mấy cái xác, mặt tái xám. Hai bữa sau, giặc lại càn, nhưng không dám vào. Út lận trái lựu đạn lên đầu tóc, choàng khăn đi tìm giặc. Tới khúc quẹo, gần đụng đầu mà Út không thấy chúng. Chị câm, người Khơ Me, một người đàn bà nghèo, không chồng, khoát tay la ơ ơ cho Út chạy. Giặc xả súng bắn theo. Chúng đến lấy báng súng đánh người đàn bà tật nguyền ấy gần chết. Tam Ngãi hoàn toàn giải phóng, sau gần hai mươi năm bị kìm kẹp. XVII. Trách nhiệm vinh quang Bót không còn, tiểu đội nữ du kích được lệnh rút lên huyện để làm nòng cốt thành lập nữ địa phương quân. Tiểu đội trưởng Chín thành trung đội trưởng. Út ở lại xã, công tác ven thị trấn. Một hôm, anh Hai Trung, người Khơ Me, cán bộ huyện đến thăm. Ngày đó, Út không bao giờ quên. Anh Hai hỏi rất nhiều và Út đã kể cho anh nghe về đời mình. Con Bé ngồi góc nhà, say sưa nghe mẹ nói như nghe chuyện cổ tích. Nó vừa khóc vừa cười. Ngoài kia, bà con đang bắc lại cây cầu qua rạch, xuồng ghe qua lại tấp nập: Út kể: - Nói đến chuyện cực thì đời tôi sơn trường[21] lắm anh à. Hồi xưa, ông nội tôi ruồng rừng[22] tới đâu, Hàm Giỏi chiếm tới đó. Đến đời cha tôi cũng ở đợ cho nhà nó, kêu bằng ở không có ngày ra. Cha tôi người khỏe, hiền như đất cục, làm quá đâm bịnh, người sưng lên. Hàm Giỏi thảy[23] ra nhà thương thí ở chợ. Má tôi muốn đem cơm đi nuôi nhưng nó đâu có cho. Mình đi nó sợ mất việc. Đêm hôm đó, cha tôi đói quá bò từ nhà thương ra chợ Cầu Kè lượm trái táo thúi dưới đường mương ăn, đờm kéo lên cổ làm ông chết luôn tại đó. Má tôi hồi còn con gái ở đợ theo đời con gái, lúc lấy chồng ở đợ theo chồng. Bà phải nấu cơm cháo lá sen cho năm sáu chục người nhà nhà nó ăn. Canh ba ngả xuống, canh tư đã dậy. Nó biểu má tôi làm bánh sao đó mà bánh không phồng, nó chửi, má tôi đâu có nhịn, tánh bả hệt tánh tôi. Nó lấy cây kẹp bánh đánh má tôi một cái xụi tay, đeo tật cho tới chết. Còn chị Hai tôi lúc đó mới mười hai tuổi, vóc dạc lớn dữ lắm, nó giao cho nuôi một bầy heo, con nào con ấy như con bò, quạ khoét mông không hay, quanh năm nước ăn chân chị đến lòi xương trắng. Tôi nhớ thỉnh thoảng chị kêu tôi: "Út ơi, Út à, lại chị bắt rận cho!". Tôi vừa xách quần chạy lại thì con vợ nó vả vào miệng chị cái đốp. Nhà nó cữ tên Út. Còn tôi, tối ngày ở ngoài vườn cởi truồng ra leo cau. Cái quần bố tời mặc vào leo sợ rách. Có bữa té cái oạch, nằm chết ngất một hồi lại bò dậy một mình. Vậy mà bữa nào mệt quá, tôi trốn vào lùm ngủ, con vợ nó cũng biết. Nó ra nó giựt tóc tôi lôi dậy. Có bữa nó đánh trong lúc tôi đang chiêm bao thấy mình ăn khoai. Bật dậy, tôi ngơ ngác cứ tưởng mình ăn trộm khoai của nó nên bị đòn. Tôi giận quá, lần sau leo tuốt lên ngọn dừa khoanh lại ngủ cho đã thèm. Tôi thù nó thấu xương nên hồi chín năm nghe người ta nói đàn bà đi đái không khỏi ngọn cỏ không đánh giặc được, tôi tức mình leo tuốt lên ngọn dừa đái xuống coi bi cao cho biết. Anh Hai Trung nói: - Thím được khen mấy lần rồi? - Có nhớ đâu anh. Năm ngoái được tuyên dương, tỉnh cho cây súng với mười lăm thước vải. Vải để ở nhà ai lấy mất tiêu. Con bé tôi nó tiếc, tối ngày ra vườn, vạch từng ngọn cỏ, kiếm. Tôi nói: "Thôi con à, mình đứt ruột lại còn có người ruột đứt hơn mình, cho người ta". Anh Hai hỏi tiếp: - Bữa nay trong khạp nhà thím còn gạo không? Út cười: - Anh cứ ở đây ăn với tôi bữa cơm, khỏi lo. Hôm trước ông Ba Tê thấy tôi đi vay gà nấu cháo bán trong cuộc mít-tinh, nhè gặp anh em mình tôi múc cho ăn hết, ổng rầy anh em rồi cấm không được ăn cơm ở nhà tôi. Tôi giận ổng hết sức. Anh Hai nói: - Tôi hỏi thím hiện nay thiếu thốn làm sao kia? - Tôi cũng như anh vậy. Lớp mình có giàu hồi nào đâu mà biết nghèo. Tôi không sợ nghèo, chỉ sợ dốt. Anh Hai Trung cũng ở đợ từ nhỏ. Hiện nay anh cũng đông con, vợ đi công tác, cô bác giúp đỡ gạo từng bữa. Nghe Út nói, anh phát cười to. Út cũng cười, nói: - Thiệt, cứ lo nghèo làm sao dám đánh giặc phải không anh? Tôi kém chữ tôi nói như vậy đó. Sáng hôm sau, anh Ba Giảng, thay mặt huyện ủy, cùng với ông Ba Tê xuống dạy Út học điều lệ và kết nạp chị vào Đảng Nhân dân cách mạng. Chị hết sức bỡ ngỡ. ạng Ba Tê nói Đảng đã có sẵn trong người chị lâu rồi. Trước mặt anh em trong chi bộ, Út cảm động không nói được. Chị nhớ đến câu "cách mạng ở trong lòng mình" của anh Hai Tấn. Từ đó tới giờ Út đã làm theo lời anh dặn, bây giờ Út được vào Đảng, còn anh thì đã anh dũng hy sinh. Chị tự giận mình tại sao hôm đó run quá không nói được hết những lời thề trước Đảng, nhưng chị lại sung sướng và bớt lo vì những lời thề ấy chị đã được Đảng dạy và có làm rồi. XVIII. Cao tay đánh tới Một buổi sáng thứ tư năm 1965, trực thăng Mỹ đổ năm trăm quân và bốn thằng Mỹ xuống Cầu Kè. "Đ. mẹ nó, nó định làm gì Tam Ngãi đây?". ạng Sáu Hò chửi máy bay rồi hỏi Út. Trưa hôm ấy, lần đầu tiên bà con hết sức bất ngờ vì tiếng cà-nông giặc từ Cầu Kè bắn ra. Từng loạt bốn trái một, rền rĩ, rơi giáp vòng, từ Phong Phú, Phong Thạnh, Trà Mẹt, Tân An trở lên Thuận Thới, Tân Vinh, Giồng Nổi, đáo xuống Rạch Nút, vô Bến Cát, vòng qua Mặt Lá, Giồng Lớn... gần khắp huyện. Riêng xóm Cây Sanh bị năm trăm trái. Bà già, con nít phải ăn cơm dưới hầm. Đêm đó nó lại bắn. Trên đầu nghe đùng... quéo... không ngớt. Ai cũng tính nó càn. Trung đội nữ địa phương quân cũng đóng gần đó. Nửa đêm, cô gái trinh sát của trung đội đến tìm Út, nói: - Ngày mai nó bố, tụi em chuẩn bị đánh. Chị Chín nói em lên đây coi chị có khỏe mời chị xuống, chỉ huy giúp tụi em. Chị Chín có chừa cho chị cây cạc-bin ở trển. Út nói: - Bịnh tao cũng đi! Chị dặn con rồi đi ngay với cô gái. Suốt đêm đó, chị em đào công sự. Bốn giờ khuya ra nằm. Bác Sáu Hò đem trứng vịt muối ra cho trung đội nữ ăn cơm. Sáng, cà-nông giặc lại rống lên. Nó bắn riết tới trưa, không thấy đi bố. Con nít khóc nhoi ở dưới hầm. Út dặn chị em rồi ra thị trấn, nắm tin. Hỏi ra mới biết hai cây cà-nông nó mới chở tới hôm qua. Năm trăm thằng đã rút, còn có sáu chục thằng với bốn thằng Mỹ ở giữ. Nó bắn như vậy để cầu may coi ai sợ thì chạy ra cho nó gom lập ấp chiến lược, còn đi càn vào Tam Ngãi lùa dân như trước thì nó xin chịu. Thì ra nó đem hai cây ông nội nó về đây để làm như vậy! Tam Ngãi đã có người chết. Đây đó nổi lên tiếng khóc đám ma. Mặt trận chuẩn bị lực lượng đấu tranh. Út tìm bộ đội, bàn, phải đánh! Chạng vạng, Út cùng một tổ du kích đưa mấy anh bộ đội vác cối đi giập. Út bò vô trước, xem thiệt êm mới ngoắt tay ra hiệu cho anh em vô. Cà-nông nó vẫn thụt nghe điếc tai. Cối ta bắn vô bốn phát. Út nghe nổ cũng giòn giã, nhưng sao cà-nông nó cứ thụt ra hoài. Suốt đêm đó cho tới bữa sau, nó thụt không ngớt. Đạn nó nổ như lúc mình đi cấy bước tới từng hàng. Vỏ bọc đạn cà-nông trôi dọc từ sông Cầu Kè tới đập Tam Ngãi. Mấy bà già ngồi hầm nước bị lạnh cóng. Tại nhà hộ sinh, các bà mẹ phải đẻ ở dưới hầm. Út nhìn bà con mà đứt ruột, không ngồi hầm nhưng lòng còn khổ hơn cả ngồi hầm. Chị nói: - Cô bác đừng sợ. Chúng con đâu có nhịn nó. Chị lại đi nắm tin. Nghe ra, tức muốn hộc máu. Đồng bào nói đạn ta nổ cách nó có vài chục thước. Út không biết thước tấc gì ráo, nhờ cô bác dắt đi chỉ độ chừng từ nhà nào tới nhà nào, rồi về chỉ lại các anh y như vậy. Chiều, chị lại dẫn bộ đội đi. Bà con thấy, mừng hết sức. Qua bên Chùa, Út nói với các mẹ: - Mấy mẹ rán chịu giùm con một đêm nữa nghen? Út bò vô trước, bố trí cơ sở, rồi bò ra, dắt anh Năm, người Khơ Me, chỉ huy trưởng vô coi chỗ. Đồn giặc đốt măng-sông sáng trưng. Giặc ngáp lớn cũng nghe. Út nói: - Anh coi "đường lối" tôi làm vậy được không? Anh Năm cười, gật đầu. Ta bắn luôn một loạt cả chục trái, lửa nhoang nhoáng, nổ thiệt giòn. Mỗi lần nổ, Út ngắt khẽ mấy anh, cười. Út thương nhất anh đặt trái, ai ngồi hầm thì ngồi, còn anh thì cứ phải đứng. Giặc bắn ra loạn xạ. Nhưng cà-nông thì im. Nó câm luôn rồi. Về tới nhà, cả xóm ra hoan hô. Mấy mẹ còn nấu cháo, thức đợi. Sáng, Út ra nắm tin. Bốn thằng giặc chết, bị thương lu bù. Hai cây cà-nông chúng đã móc vào xe, cùng bốn thằng Mỹ cuốn gói. Út chạy về, vừa nhảy vừa la: - Nó rút dù rồi! Cái quân miệng cọp gan thỏ rút dù rồi! Ngay buổi chiều, tại phòng thông tin có dán bài thơ của ông Sáu Hò: Cà nông vừa nổ đùng đùng, Thằng Mỹ ăn mừng, ngoắt quận ra coi. Moọc-chê ta nổ ít thôi, Quận đuột[24] quần chạy, Mỹ chui gầm giường. Cái quân man rợ một phường, Cao tay đánh tới, cùng đường là đi. XIX. Hai mươi năm Tối hôm đó, giữa buổi liên hoan, anh Hai Trung kêu Út ra: - Cô về thu xếp con cái, kỳ này đi đại hội. Út ngạc nhiên và hồi hộp cứ tưởng là có công tác, đang mừng thầm. Nghe đi họp Miền, Út sững sờ như hôm được anh Hai Trung kêu lên chùa ông Bổn kết nạp vào Đảng vậy. Út có biết gì đâu mà đi họp! Anh Hai hỏi đến quần áo, Út nói có. Anh đưa cho hai trăm bảo may tươm tất một chút. Tin ấy đến giữa lúc Út đang múa lân, má Tư làm ông Địa. Lân ngủ, lân thức, lân qua cầu, mấy mẹ ngắt má lân, cho lân ăn trầu. Bên Hòa An cũng kéo lân sang liên hoan chung. Đuổi được hai cây cà-nông đi, mấy xã đổ bún, ăn mừng. Út đi đại hội sau chiến công ấy. Sáu đứa con, cô bác lo hết. Chị ra đi thật nhẹ nhàng. Nhưng sao đêm ấy chị lại khóc? Nghĩ mình dốt, lên đại hội không biết nói gì, khóc. Nhớ con quá, khóc. Bỏ mấy cô nữ địa phương ở lại, khóc. Nhớ mấy mẹ Khơ Me, khóc. Nhớ má Hai, má Tư, bác Sáu Hò... khóc. Nhớ cả Tam Ngãi, nơi lặn lội, sống chết, no đói với cô bác, anh em mấy chục năm nay, bây giờ lên đại hội phải ăn nói làm sao cho đầy công cô bác, lo quá, mừng quá, cũng khóc. Khóc hoài. Hôm sau Út lên đường. Tam Ngãi vẫn đang tưng bừng mừng chiến thắng. Má Tư Khơ Me nói: - Cha! Tới giờ nó đi nó còn cướp được hai cây cà-nông đeo lưng. Lên họp, rán, nghe con? Út cười: - Các anh bộ đội đánh chớ tụi con có làm gì đâu má. - Thì bây làm đầu dây mối nhợ, thụt ra thụt vô cho anh em nó đánh. Cả xóm tiễn chân Út. Đứng trước trung đội nữ địa phương quân là Chín. Hồi Út đến móc đi du kích, cô gái mười chín tuổi này mới vừa thoát cảnh ở đợ. Lúc đó cô còn đánh lộn cả với con trai. Cô đi theo Út đánh giặc như đi với người chị lớn. Trước đây cô là tiểu đội trưởng du kích Tam Ngãi, bây giờ đã thành cô trung đội trưởng nữ địa phương quân Cầu Kè. Trong số người ra tiễn Út còn có một người đáng chú ý. Đó là con Bé. Nó vừa chạy xong chuyến thư hỏa tốc về. Nhìn mẹ đi, nó cũng muốn xin mấy chú cho đi công tác lắm. Bây giờ nó đang đứng sát bên cô trung đội trưởng Chín của nó. Cô Chín cho nó đeo cây cạc-bin. Nhìn đôi mắt nó long lanh, môi nó chúm chím, quần nó vo quá gối, đầu súng đưa qua đưa lại, mấy bà mẹ phát kêu lên: "Nó giống hệt mẹ nó hai mươi năm trước". 1965 Phụ lục Mẹ vắng nhà Nắng đứng ngọn. Gió ngoài sông Hậu vẫn thổi vào lồng lộng. Đã mấy ngày liền sáng nào cũng mưa, trời oi và đục màu khói thuốc. Nắng lên làm cho trời cao trong xanh. Lớp áo cát phủ quanh mình củ khoai lang bị bom hất vung vãi trên vồng bây giờ đã khô trắng và óng ánh dưới nắng. Quanh mái chòi, sau những hơi rung chuyển của đạn đại bác, những hạt mưa cuối cùng còn bám lại chấp chới như những hạt trai. Con Bé lại leo lên ngọn dừa. Nó đứng hẳn lên một bẹ lá, dòm ra xa. Gió và nắng trên cao đã làm mắt nó long lanh ướt. Nó lắng nghe những âm thanh dội lại từ phía trước mặt. Tiếng bom nổ, tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng đò máy chạy ngoài sông, tiếng trời chuyển kéo dài... tất cả đều dậy lên rồi chìm đi ngay trong khoảng không bao la của buổi ban trưa. Nó đang chờ những tiếng nổ rõ hơn. Đó là những tiếng súng trường thường mở đầu cho một trận đánh, nghe chắc như tiếng chày nện đất, rất quen thuộc của chị em. Ờ, những tiếng ấy sao mãi chưa nổi lên. Đêm hôm kia má ghé về nhà một lần. Nước mưa đọng dưới cằm má như những giọt mồ hôi lúc má đứng trên rẫy khoai. Má ôm lấy thằng em nhỏ, tấm choàng của má đụng và mặt con Bé mát lạnh. Thằng em thiu thiu ngủ, má lật đật đi mở hầm lấy đạn nhét đầy thắt lưng và bụng súng, rồi lại đi. Trước khi ra sân, má vuốt tóc con Bé, dặn: - Ở nhà nấu cơm đừng chắt nước kẻo bị phỏng nghen! Mai má về. Con Bé nghe tiếng má phóng qua cái mương trước nhà rồi mất đi trong tiếng đại bác rền rĩ và tiếng mưa. Nó nghĩ, cái cầu trơn nên má nhảy qua mương đi cho lẹ. Sáng nay má lại đi qua nhà. Má ngồi xuồng cùng với các cô du kích. Tiếng má gọi dậy lên từ xa. Chị em con Bé đang lúi húi lùi khoai dưới bếp, kéo nhau chạy ra. Má cạy mũi xuồng, treo trên bến tắm cho chị em nó chùm bánh ú, đưa dầm dứ dứ vào cái bụng của thằng Hiển đang cởi truồng chồng ngỗng, rồi lại bơi đi gấp. Các cô du kích tựa súng vào vai, để lộ hai cùi tay và ngực áo bết bùn, đất, vỗ tay hoan hô chị em con Bé. Chị em con Bé vỗ tay hoan hô lại má và các cô, cái thuyền đầy lá ngụy trang, lô nhô đầu súng, trôi khuất sau lùm cây te tua vì đạn đại bác còn sót lại những cánh hoa dành dành trắng muốt. Từng cuộn nước xoáy do mái dầm bơi nặng tay của má in lại trên mặt rạch. Con Bé chờ nghe tiếng súng nổ. Từ sáng tới giờ nó đã leo lên đó mấy lần. Bốn đứa em đứng dưới nhóng tin chị. Thằng Hiển vẫn cởi truồng, đứng dạng chân, nghiêng cổ, dòm. Con Anh lớn hơn một chút, bắt chước chị, leo lên cây bình bát mé rạch, ngửa cái cổ rám nắng và cái cằm như núm cau nhóng lên. Con Thanh cao hơn con Anh một đầu, nhúm tóc chóp đuôi bò của nó kẹp nhỏng sau gáy, nó đang rán sức bồng thằng em út và chỉ tay lên cái bóng chị cao tít tắp trên ngọn dừa như một con chim, để dỗ em... Con Bé nhìn về phía đó. Nơi trước đây có những đốm vàng của các rẫy khoai, những đường viền xanh của những vườn cây mà nó biết rất rõ ở đó có những cây bưởi vẫn trổ bông trắng, những đám mía tây đánh lá, những hàng dừa xiêm với tay đụng trái và những rặng mãng cầu trĩu quả. Bom đạn giặc đã xóa đi tất cả. Bây giờ, trong tàn rụi đó, chỉ có thấy nóc gác chuông nhà thờ Bà Mi nhọn hoắt như một lưỡi dao lấp lóa trong nắng bên cạnh cái bóng chuồng cu đen đúa của đồn dân vệ. Xa hơn nữa là lằn sông cái, mây như từng tảng núi đá vỡ ra đang sà mình xuống đó. Lát nữa, súng sẽ nổ ở hướng đó, nó biết vậy. Đó là mặt trận của má và các cô. Con Bé đã từng đến đó nhiều lần, mỗi lần cô giao liên trên huyện chạy đến nhờ nó đưa giùm thơ hỏa tốc ra cho má. Khi đi, nó hay mang theo cái thúng. Dọc đường về nó sẽ lượm những củ khoai bom hất vung vãi trên vồng hoặc nhào vào những đám mưa trấu phụt ra từ bên hông nhà máy chà gạo, hứng lấy đầy thúng để tối về un muỗi cho em. Nhưng điều thích thú hơn hết là trong những chuyến đi này nó được ghé vào coi trường học. Nó hay giương đôi mắt tròn vo say sưa nhìn cái miệng cũng tròn vo của cô giáo dạy học trò hát. Thỉnh thoảng cô lại vẽ lên bảng những chữ cũng thiệt tròn trịa như chính bàn tay của cô vậy. Con Bé không biết chữ. Nó chưa được đi học vì còn mắc em. Nó nghĩ đến cái trường học như một trò chơi mà cô giáo chính là nó, còn đám học sinh kia là đàn em nó ở nhà. Con Bé chưa kịp được đi học, thì trường đã bị giặc đốt trụi. Bây giờ, đứng trên cây dừa, nhìn xuống cái dãy xanh biếc của vườn chuối nhà trường, mắt con Bé bị ngắt ra từng khúc màu vàng úa. Trong ánh nắng chói chang, nó nhìn thấy những chữ tròn vo màu phấn trắng từ đó chấp chới bay lên. Cô giáo hát hay cũng đi du kích rồi, bây giờ cô cũng đi theo ở hướng đó. Mà sao súng vẫn chưa nổ? - Thấy má chưa chị Hai? Đàn em nhóng cổ lên nhìn chị bằng những đôi mắt thèm muốn như chính chị chúng đã mọc ra đôi cánh mà bay lên đó vậy. - Chưa! - Mắt con Bé vẫn không rời những dòng phấn trắng kỳ lạ. Con Thanh ôm thằng em đã tuột xuống đến đầu gối, hỏi: - Chừng nào dòm thấy? - Một chút nữa thấy má heng chị? Con Bé vẫn nhìn về phía lớp học, không trả lời em. Thằng Hiển áp bụng vào gốc dừa, cái miệng ngọng líu của nó rối lên như chị nó đã gọi được má về trên ngọn dừa mà chưa kịp xuống với nó vậy. - Má dặn sao Hiển? - Con Bé quát. - Hiển không ngâm nước mừ... - Má dặn chừng nào má đi đánh giặc thì không được đòi má kia mà! Từ nhà bên, bỗng có tiếng người hỏi với ra: - Đứa nào đòi má mày đó, Bé? - Thằng Hiển đó nội ơi! Đó là bà Sáu Hò hàng xóm, chị em con Bé vẫn gọi là bà nội. Tiếng bà xen với tiếng nước tưới ào ào: - Đòi, đòi, đòi... Nhắc nó hoài nó nhảy mũi rồi làm sao. Nơi trận mạc súng đạn chớ dễ dàng gì. Từ rày đứa nào còn đòi là tao đánh nghe không! Leo chi cho em chóng mặt vậy Bé. - Con dòm má mừ... - Nó đi đánh giặc, biết ở đâu mà dòm? Con Bé cười ngấc ngư trên ngọn: - Nội à, bò ăn dây lang của nội kìa. Hui... bò... ò! Đó, con đuổi nó đi rồi. Lát má con về nội nấu khoai ăn nghen nội! - Cha mẹ mầy! Thường như vậy, bao giờ câu chuyện của lũ trẻ bên kia cũng làm cho bà lão bên này lên tiếng. Bà lão tay cứ làm, miệng cứ rầy. Còn lũ trẻ thì cứ việc làm theo ý chúng, bởi những lời rầy của bà lão thông thường đều là những lời khen. Sự việc đó quen thuộc như hai nhà đã được dựng lên chung một cái sân và đi chung cây cầu mương trước cửa. Con Thanh là em kế con Bé. Nó vốn ít nói. Khi nào muốn tỏ ra vâng lời thì nó hay đi làm một việc gì đó. Nghe bà Sáu nói, nó xốc thằng em nhỏ lên, lôi thằng Hiển rồi lại kêu con Anh trên cây bình bát xuống. Khi cả bốn đứa đã gom lại thành một chùm thì cả chùm lại nhóng cổ lên dòm chị. Trước mắt thằng Hiển, người mẹ hiện ra như bóng mát của những tàu dừa đang đung đưa qua lại trên thân cây, rồi như có phép tiên, cái hình ảnh lung linh vui mắt ấy bỗng biến ngay vào cái miệng tròn vo của nó, mang theo vị ngọt của những cái bánh, mùi thơm của những trái chuối mà bà con Tam Ngãi vẫn để dành cho chị em nó, gởi cho người mẹ trên đường từ mặt trận trở về. Con Anh thì mong mẹ qua màu vàng lấp lánh của những cục đạn bọc trong túi mẹ. Đó là thứ đồ chơi mà mẹ nó vẫn dạy nó tập đếm. Cái tiếng đếm một, hai, ba quen thuộc ấy giờ đây như đang vang lên trên ngọn dừa rồi cứ âm ỉ mãi trong cái lỗ xỏ bông tai nhỏ xíu của nó. Con Bé cũng không mong mẹ về. Nó leo lên ngọn dừa như thường ngày nó vẫn leo. Việc đó quen thuộc như cây dừa vốn đã mọc ở trước nhà nó từ lâu lắm. Khi nó mới nói đỏ đẻ được tiếng "dừa" thì cây dừa đã cao nghệu gấp ba nóc nhà nó và thân cây dừa đã sần sùi những vết đạn ngang dọc của thằng Tây. Tuy những vết thương đó đã thâm đen nhưng mẹ nó có thể kể ra từng vết một thuộc lòng như kể chuyện đời xưa của mình. Lần đầu tiên nó tì cái bụng rám nắng vào gốc dừa muốn leo lên thì bà Sáu la rầm lên, nhưng mẹ nó không rầy mà chỉ cười. Như một con cắc kè xinh xắn, vừa tập leo vừa nghênh cổ và mở to đôi mắt đen nhánh nhìn lên ngọn dừa cao vòi vọi. Nó leo lên được một lúc rồi lại tuột xuống. Cho tới một hôm, nó đứng lên được một bẹ lá, hoa mắt nhìn ra xa. Cả đất cả trời, từ bụi chuối tới cây cầu tre, cái gì cũng làm nó reo lên hỏi mẹ. Hôm đó nó hái những trái dừa khô liệng xuống. Nghe tiếng dừa rơi lịch bịch người mẹ ngừng tay, từ trong bếp dòm ra, nghĩ rằng con mình đã có thể nhờ cậy được. Từ đó, người mẹ vác súng đi công tác nhiều hơn, con Bé bồng hết em này tới em khác. Cây dừa xem ra chẳng lớn hơn bao nhiêu so với nó. Ngày ngày nó leo lên đó, như một trò chơi báo tin những nơi bị máy bay bắn cho cô bác xuống hầm. Nó hay đứng say sưa nhìn về phía trường học, nơi có những hàng chữ tròn vo màu phấn trắng bay lên. Đứng trên đó, nó còn nhìn thấy cả những nơi ba má nó đang đánh giặc. Dưới mắt nó, con đò, xóm chợ, rặng trâm bầu, bụi chuối, tất cả đất trời Tam Ngãi đều nhỏ xíu, thiệt ngộ, in như má và các cô các chú người lớn đã xếp đặt ra như vậy. Cũng như chị em nó đã từng lấy gạch vụn bên chùa ông Bổn về xây hầm núp và biến con mương trước cửa thành con sông Hậu để thả xuồng lá tre. Từ phía lằn sông, bỗng một vừng khói cuộn lên. Con Bé nhổm chân lên dòm. Má đánh rồi chăng. Người mẹ hiện ra trong mắt nó, đầu tiên chỉ là một chấm đen nhỏ xíu mà nó vừa nhận ra dưới một rặng cây nào đó, đám khói kỳ lạ. - Má sắp về heng chị Hai? - Thấy má rồi heng chị Hai? Con Bé không trả lời em, mắt nó không rời đám khói lúc càng bốc cao. Má có nhìn thấy nó không? Đôi mắt nó mở to. Gió ngoài sông thổi vào cái miệng đang há tròn của nó mát rượi. - Thấy má không chị Hai? Chị Hai không nói mừ... Nghe em hỏi nhí nhố, con Bé càng tin mình đã nhìn thấy má thật. Dường như má đang xung phong, chụp tay kia chọi lựu đạn, lưng má vẫn choàng tấm vải nhựa ướt nước mưa như buổi đêm má ghé về nhà. Bỗng dưng gò má con Bé mát lạnh. Cảm giác đó làm cho nó nhớ đến bàn tay của má. Bàn tay nhỏ nhắn hay thọc lét[25] vào bụng thằng Hiển. Đêm đêm, mỗi lần má đi chiến đấu về, bàn tay ấy vẫn rờ lên trán chị em nó, làm nó choàng mở mắt dậy. Nó bật la lên: - Má đó! Mấy cô đang chạy theo má đó! Má thổi tu huýt đó! Má ngoắt[26] nữa. Má ngoắt tao đó nghen! - Nó nhún nhảy cười híp mắt, hàm răng chuột trăng trắng lấp ló sau mớ tóc lòa xòa - Hiển ơi, Hiển à, má biểu em không được lội sông nghen! Má biểu con Thanh quậy bột cho em ăn rồi lát nữa má về nghen! Đó! Má chọi lựu đạn đó!... Rồi... - Má không kêu em ha chị Hai? - Con Anh hả? - Ừa. - Má không nói với mầy. Cái đuôi tóc như đuôi vịt xiêm của con Anh lắc lia: - Má có nói mừ... - Ai biểu mầy giành ăn với em. Đứa nào không ngoan má không thèm về với. Đó, má rượt tụi nó đó! Má đang leo cây ổi đó, thấy chưa? ý, má cầm cờ nữa thấy chưa? Má bắn đùng đó, thấy chưa? Bốn đứa em há miệng như bốn con chim non: - Không thấy mừ... - Em không thấy mừ... Bà Sáu đang tưới trầu lại phải nheo mắt dòm lên: - Mầy thấy má mầy thiệt hay chơi, Bé? - Con thấy thiệt nội à! - Trẻ nhỏ bây giờ mắt có ông sao thiệt mà. - Tay làm miệng nói, bà lão làm như mấy gốc trầu chính là lũ cháu mình vậy. - Đây ra đó đi cả buổi chớ gang tấc gì ha? Làm sao mà bây dòm thấy? Đã nói nó đang đánh giặc thì đừng có dòm nó, mày nghe không Bé? - Dạ ạ á á... Tiếng dạ như tiếng reo làm cho thằng Hiển đã leo lên được một khúc nhất định không xuống. Bắt đầu từ trong đám khói con Bé vừa khám phá ra đó, bây giờ hình ảnh người mẹ lại hiện ra trước mắt lũ trẻ, cao lớn sùng sững như một đám mây. Những buổi trưa vào mùa này, Tam Ngãi hay có những đám mây màu núi đá như vậy. Chúng cuồn cuộn bay qua đầu con Bé, tỏa bóng xuống đàn em nó ở dưới, và văng vẳng lẫn với tiếng gầm gừ của máy bay phản lực như có tiếng má từ trên đó hỏi nó nấu cơm có nhớ đừng chắt nước không? Cho đến lúc đám khói đã tan đi, đám mây cũng bay qua mất, chỉ còn lại một lằn vàng sáng và sắc của lằn sông cái, con Bé lại thấy mẹ hiện ra ngay giữa lằn sông ấy. Đôi mắt má nửa như giận gì nó, nửa như thương nó, muốn ôm lấy nó, má sẽ bồng thằng em nhỏ, con Thanh sẽ được tự do lội xuống rạch ngụp lặn, thằng Hiển sẽ được má cho cầm cây cạc-bin. Con Anh lại được tập đếm đạn. Nhưng má chưa về. Hay là má đã về rồi mà còn núp lại, biết đâu một chút nữa, từ trên ngọn dừa, má sẽ ú dà, ló đầu ra, tóc tai dính đầy sình đất, rồi ôm tất cả mấy đứa vào lòng. Trận đánh vẫn chưa xảy ra bởi vì sau khi đám khói tan đi thì cái nóc chuồng cu hót nhà thờ Bà Mi vẫn còn. Trên lằn sông, thấp thoáng thấy màu xanh hoặc đỏ viền dưới hông của những con đò máy trôi qua lại. Trong đám vườn của khu trường học, màu vàng úa đã được che mát bởi bóng mây hồi nãy bay ngang. Con Bé tuột xuống. Đàn em tưởng như chị nó mang luôn cả má xuống theo. Nhưng khi con chị đã tuột xuống tới đất mà không thấy má, lũ em lại dòm ngược lên. Dường như má cùng với trận chiến đấu hồi nãy đã biến mất vào trong những trái dừa xanh biếc đó. Con Bé hiểu ý đàn em, nó gom tất cả lại, nói: - Bây giờ chơi đi học, nghen! Đứa nào học giỏi mai mốt má cho đi học thiệt. Thằng Hiển nhảy tưng tưng, nhúm tóc vàng hoe tròn ủm của nó phập phồng như đang thở: - Em học giỏi nghen chị, má cho em bắn chóc đùng! Con Anh giơ cái cằm núm cau ra: - Em học giỏi hơn nó, em được đi học trước. - Ừ cho đi hết. - Con Bé gật đầu với cả ba đứa. Đàn em tranh nhau ngồi vào một chỗ. Con Bé kẹp lại tóc, thả ống quần xuống, lấy cái nón của má đội lên đầu. Nó cố bắt chước cái dáng đi khoan thai, một ngón tay móc vào quai nón của cô giáo khi cô bước vào lớp. Đàn em cũng làm y hệt đám học trò, đứng cả dậy cười hắc hắc chào cô. Hình ảnh người mẹ đã biến mất trong mắt lũ trẻ. Bây giờ thì chắc người mẹ hoàn toàn yên tâm để đi đánh giặc ở xa. Con Bé treo nón lên, mặt tỉnh khô, nó bẻ một nhánh trâm bầu làm thước. Bảng đen thì có sẵn tấm bảng khẩu hiệu ông Sáu và tổ thông tin đã treo bên gốc dừa trước ngõ. Con Bé chưa biết chữ, nhưng các cô du kích đã dạy nó đánh vần thuộc lòng những dòng khẩu hiệu đó. Mấy đứa em chống hai tay ngồi dòm chị. Giống như cô giáo, con chị đưa mắt nhìn đám học trò của mình, cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những vệt sáng tự hào và thông minh. Nó nhóng chân lên, bàn tay tròn trịa cầm cành trâm bầu nhịp nhịp trên tấm bảng một cách chăm chú. Đàn em há miệng dòm theo tay chị như chỉ sợ hàng chữ sẽ chui tọt vào miệng một đứa nào đó, mất cả phần mình. Con Bé đánh vần từng tiếng: - I mờ im, tờ im tim huyền tìm, mờ y my ngã Mỹ, mờ a ma huyền mà, đờ anh đanh sắc đánh... Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt! Bắt đầu heng! Đàn em líu ríu đánh vần theo. Thằng Hiển ngọng líu, nói không kịp hai đứa lớn. Con Anh ngoe ngoảy bao giờ cũng giành phần đọc xong trước. Nó ngồi giữa con Thanh và thằng Hiển, gọn tròn như một củ khoai, hai má núng nính ửng da mận ngoắt qua ngoắt lại. Con Thanh ngồi cao hơn em một cái đầu. Nó nhìn con Anh bằng đôi mắt nghiêng nghiêng không thèm chấp. Nó có hàng lông mi dài và đã nhìn cái gì thì nhìn thiệt lâu. Tối ngày nó tha thủi ở nhà, kể từ ngày nó biết phân biệt được tiếng máy bay các loại và tiếng nổ của đạn đại bác xa gần để giữ em, thay cho con Bé chạy đi hỏa tốc. Nó ngồi đó, hiền dịu, mở to đôi mắt nhìn tấm bảng, vừa đọc vừa mân mê mái tóc mai, mặc dầu một tay còn ôm thằng em nhỏ ở trước bụng và bên cạnh nó, con Anh luôn luôn ngoe ngoảy thúc vào người. Thằng em nhỏ nhìn vào miệng ba đứa lớn rồi cũng bi bô la lên rối rít y như trong cuộc này phải có mặt nó vậy. Bên kia, thấy lũ trẻ đã tụ lại chơi lớp học, bà Sáu đặt nồi khoai lên bếp. Bà vừa chụm lửa, vừa ca kệ nói, làm như lũ trẻ lúc nào cũng ngồi chung quanh bà: - Con mẹ bây à, ờ hồi bằng tuổi bây nó còn cởi truồng leo cau mướn, có khoai đâu mà ăn... Ngoài kia gió mát rượi như ngồi đưa võng. Bóng lá dừa đu đưa trên đầu lũ trẻ. Tiếng bom nổ và tiếng đại bác dậy lên rồi tan biến đi ngay, chúng không thể lấn lướt được cái không gian vốn đẹp đẽ này. Giọng đánh vần ngọng nghịu của trẻ con lại vang lên, tưởng như cái lớp học bị giặc tàn phá kia đã được dời về đây, dưới gốc dừa mát mẻ này. Đó cũng là nơi ông Sáu, nơi những chiều không mưa, hay ra ngồi đương lọp[27] và nói thơ cho lũ trẻ nghe. Cũng là nơi các cô du kích, mỗi lần bao bót trở về, hay ngồi nán lại để kiểm điểm và ăn bánh. Cũng chính nơi đó qua mỗi ngày gốc dừa lại mang thêm những vết thương mới vì bom đạn Mỹ. Thương tích chằng chịt khắp thân dừa không sao đếm được. Nhiều vết xoáy sâu, mở toang hoác ngay trên những vết đã thâm đen vì đạn Tây cũ. Cũng chính ở đó, khi giặc chạy rồi, khói bom vừa tan, màu cháy xám của thuốc nổ còn ám trên đường xóm, chị em con Bé lại rủ nhau ra moi đầu đạn ghim quanh gốc dừa để dành cho ông Mười quân giới. Bóng lá dừa lại ve vuốt trên lưng lũ trẻ, cũng như từ bao năm nay nó đã che mát khoảng đất trước ngõ nhà. Vào mùa này, cứ mỗi buổi trưa trời tạnh ráo, cây dừa lại như vừa được tắm gội, cao lên vòi vọi. Những tàu dừa rẽ ngôi như tóc chải vươn lên hong nắng. Những vệt nước mưa loang lổ khô dần, thân dừa sứt sẹo lại mang nguyên màu rám nắng của da người. - Tờ im tim huyền tìm.. Mỹ mà diệt! Diệt Mỹ ngụy, nghen! Hàng chữ trắng lung linh trong nắng. Lúc treo tấm bảng lên, người dân Tam Ngãi chẳng ai nghĩ rằng ở đây lại thành một lớp học. Ngày ngày, chen vào giữa những đợt bom và đại bác, lũ trẻ chơi lại trò chơi đó. Và cũng vẫn bài học đó, mỗi ngày, những cặp mắt tròn vo của chúng lại mở ra thêm những hiểu biết ngây thơ kỳ lạ mới. Khi thì bà Sáu vừa rầy vừa bưng sang một rổ khoai để lớp học ăn cho no bụng, vì mẹ lớp học vắng nhà. Khi thì đang giữa buổi học, thằng Hiển phát lên tiếng chửi nghe quen thuộc: "ụ ẹ thằng Mỹ", giọng ngọng líu của nó làm cho lũ trẻ cười um lên. Khi thì con Thanh phát hiện thấy bác Hai huyện ủy đứng nép ở bên kia rạch nhìn sang chị em nó thiệt lâu, rồi bác cười. Khi thì con Bé tự cảm thấy mình là cô giáo thật. Cô giáo đã có nón đội đầu, có bao bàng cầm tay, nhưng cô giáo còn phải nói chuyện gì với học trò nữa chớ? Nó nghiêng đầu, ngẫm nghĩ, cười tủm tỉm, vành môi trên hơi cong lên: - Tìm Mỹ mà đánh là như má đánh giặc vậy, heng! Tụi bây chịu không? - Chịu mừ. - Con Thanh gật đầu, nhẽn tóc chót đuôi bò của nó ở sau gáy chớp lên một cái, thằng em nhỏ liền níu ngay lấy, cho vào miệng. - Hiển cũng chịu. Hiển đi với má heng chị? Thằng Hiển vừa toan nhổm dậy thì bị con Anh ôm lấy cái bụng tròn: - Tao đi mang đạn cho má bắn chóc đùng, không cho mày đi! - Má của em mừ... - Má của tao chớ của mày hồi nào? Thằng nhỏ càng gỡ, con Anh càng ôm chặt, mặt hai đứa đỏ lơ đỏ lưởng. Nếu người mẹ trở về, và nếu có thể đem đàn con ra trận được, trường hợp này chắc là má sẽ cho chúng theo. Nhưng lũ trẻ không cần biết điều đó. Trong cuộc giành nhau nầy, đứa nào cũng đinh ninh rằng mình sắp được ôm súng theo mẹ ra mặt trận thật. Bởi vì đối với chúng xem ra chẳng có gì cản trở: con đường đất giồng Tam Ngãi vẫn rộng rãi, sạch mát, ngày ngày đạn đại bác giặc khoét sâu từng mảng trên đó nhưng cũng không cản được chúng chạy qua chạy lại, mẹ chúng cũng vẫn đi trên đó từ nhà ra mặt trận, rồi lại từ mặt trận trở về. Còn bầu trời Tam Ngãi của chúng thì ngay cả trong hơi bom nổ hay trong giấc ngủ cũng vẫn xanh biếc, mênh mông. Đó, bà Sáu ở bên kia lại phải lên tiếng. Con Bé can em bằng cách đánh vần thật lớn lên. Con Anh sợ chị đọc hết nên vội buông thằng Hiển ra. Thằng Hiển đang khóc nhè nhè ê a, miệng cũng đổi ra tiếng đánh vần rất gọn. Lớp học lại tiếp tục. Thường như vậy, người mẹ hiện về trong lòng lũ trẻ rất nhanh, chen vào giữa lớp học, hệt như một bóng xuồng vụt bơi xuống rồi lại vụt bơi đi trên con rạch trước cửa. Dường như má về rất dễ dàng và má ra đi cũng thật nhẹ nhàng. Lũ trẻ đã quen với hình ảnh ấy đến nỗi chẳng bao giờ chúng có ý nghĩ đòi mẹ ở nhà. Chúng giành nhau người mẹ cũng như đã từng giành nhau bầu trời Tam Ngãi này là của chúng, con sông Hậu nhìn ra ngút mắt kia cũng là của chúng. Người mẹ nằm trong những cái quen thuộc ấy. Má đi đánh và cảm thấy không bao giờ vắng nhà. Một đám mây cuồn cuộn bay ngang cũng có thể dễ dàng thay thế má. Ngọn dừa cao vút, nhìn được rất xa làm cho người mẹ vắng nhà hóa gần lại. Trò chơi nhìn mẹ dỗ em của con Bé cũng sinh ra từ đó. - Tìm Mỹ mà đánh! Đờ anh đanh sắc đánh! Đứa nào đánh vần rõ được chữ đánh thiệt to mai mốt má cho đi học. - Em mừ - Thằng Hiển nhổm dậy. - Ờ anh anh đắc ánh! Con Anh quay ngoắt lại: - Đờ anh đánh sắc đánh, chớ! Mai không cho nó đi học nghen chị Hai? Con Bé chẳng những không gật đầu mà lại còn quát lại con Anh, lông mày nó cong lên: - Mày ngoe ngoảy vậy không cho mày đi. Bắt mày ở nhà giữ em tao đi! Lập tức hai tay con Anh lắc lia: - Em giống má, chị Hai cho em đi mừ... Em không ở nhà mừ... - Mầy giống má hồi nào? - Má nói má giống em mừ... - Mầy giống má hay má giống mày? - Em giống má cái mũi con mèo mừ. - Rồi nó ngửa cổ, muốn khóc giơ cái mũi con mèo lên - Đờ anh đanh sắc đánh... mà không cho người ta đi mừ... Con Thanh nói: - Em giống má cái mắt to, heng chị Hai? - Em cũng giống má cái tóc nữa - Thằng Hiển bây giờ cũng nói kịp, tay nó cầm chỏm tóc trên đầu lôi lên. Má vẫn xoa đầu nó và kể rằng hồi nhỏ má đi ở đợ, tóc má cũng vàng hoe, cứng còng, in như nó vậy. Con Bé không vội can đàn em. Chính nó cũng cảm thấy mình giống má. Cô giáo trường làng mà nó đang cố bắt chước đó bỗng biến ngay đi cùng với cái tay đang gõ nhịp của cô. Trước mắt nó, hình ảnh người mẹ hiện ra rõ ràng như có thể ôm chầm lấy được. Nó nói: - Tụi bây giành nhau, tao biểu má không cho đứa nào đi hết. Ngồi yên nghen! Nó nhìn đàn em không chớp rồi lấy tay gạt mớ tóc lòa xòa trên trán như kiểu người lớn gạt mồ hôi sau một việc làm vất vả. Mỗi lần về, má cũng hay nhìn nó và đàn em nó như vậy, trán má cũng đẫm nước mưa và má cũng đưa tay gạt ngang như vậy. Nó dựng nhánh trâm bầu xuống gốc dừa và nghĩ như má vừa dựng cây súng cạc- bin vào gốc cột. Nó vắt hai vạt áo và hai ống quần như kiểu nước mưa trên đường về đã hắt vào người nó. Chúm chúm bàn tay, nó giúi vào bụng mỗi đứa một cái, nói: - Cho mỗi đứa một cái bánh nè... -Rồi bẽn lẽn, vành môi trên hơi cong lên, nó nói tiếp - Tao cũng giống má, heng! Con Thanh gật đầu. Thằng Hiển dòm lom lom vào tay chị để tìm xem còn có cái gì nữa không. Con Anh lắc đầu: - Chị Hai không giống má mừ... - Sao không giống? - Không phải bánh, mừ... Con Bé ngoắt người đi: - Mầy nói tao không giống, lát má về tao không chia bánh cho mầy nữa. Rồi, ai biểu mầy nói tao không giống má. Con Anh khóc: - Không... giống thiệt mà... - Để một mình mầy giống hết, nghen! Lập tức con nhỏ nín ngay. Lớp học rộn lên vì người mẹ rồi lại tiếp tục. Bóng dừa đã hơi ngả sang một bên. Sông Hậu mênh mông thỉnh thoảng lại thổi vào Tam Ngãi những cơn gió biển. Trong gió nghe như có tiếng hát. Mùi cá muối lẫn với mùi bom na-pan từ những xóm cồn cũng theo vào. Những con vồng màu phù sa hiện ra với nắng nhấp nhô như những lượn sóng. Trên đầu những ngọn sóng ấy, đường xóm trải dài cùng với những bóng tre, bóng dừa và bóng trẻ con qua lại. Như những ông già Tam Ngãi thường nói, sau này miền Nam giải phóng, bắt cả bọn Mỹ, ném cho mỗi thằng một cái xẻng, hẹn cho chúng một thời gian phải lấp cho hết những hố bom, hố đạn đại bác chúng đã gây ra trên miếng đất sinh sôi này. - Tờ im tim huyền tìm Mỹ mà đá ánh!... Như con chim biển lần đầu tiên dang cánh lướt mình trên sóng, con Bé cũng đang muốn tìm hiểu ý nghĩa lớn lao của mặt biển trải ra sau hàng chữ đó. Nó nghĩ phải nói thêm với đàn em những gì nữa chớ? Nó thương cây dừa trước ngõ, vì hàng ngày nó leo lên đó nhìn má - Có phải nói như vậy không? - Nó thương má lắm, vì thằng Mỹ chưa chịu chết hết nên má còn phải đi đánh chúng, má vắng nhà hoài nên cứ thương má hoài. Lớp học kết thúc vì bà Sáu kêu tất cả sang ăn khoai. Gốc dừa còn đó, tấm bảng khẩu hiệu cũng còn treo đó, ngày mai hoặc chỉ một lát nữa, con Bé sẽ gom đàn em lại đây. Bài học đầu tiên sẽ vang lên, níu chân những người qua lại. Chắc chắn hình ảnh người mẹ sẽ lại trở về trong mắt lũ trẻ, má sẽ chen vào lớp học, vội vã mà khoan thai, chùm bánh ú mang trên đầu súng, đôi mắt to long lanh của má sẽ nhìn đàn con như muốn ôm chặt từng đứa vào lòng. Rổ khoai đã gần hết, con Bé chưa kịp nói ý nghĩ thương má của mình với đàn em thì từ phía Bà Mi, bỗng súng nổ rộ lên, bắt đầu là những tiếng súng trường nghe chắc nịch. Bà cháu kéo cả ra sân. Không gian lặng hẳn lại, nhường cho tiếng súng dội về mỗi lúc một căng. Lũ trẻ đứng dòm chị. Con Bé nghiêng tai, vành môi cong cong của nó hơi động đậy rồi thình lình mở to: - Má đánh rồi! Lập tức nó leo lên ngọn dừa. Bà Sáu can không kịp. Bà lọng cọng gom mấy đứa nhỏ rồi cũng đứng nhóng lên, chờ tin nó. Khói đã che mất cái chuồng cu bót Bà Mi, chỉ còn cái nóc nhà thờ nhọn hoắt đâm lên giữa đám khói như một cái đinh. - Đúng má đánh rô ô ô ì... Con Bé thét lên lanh lảnh, rõ hơn. Đúng là má rồi! Má đang bắn, đang đốt lên những đống lửa kia. Lằn sông cái bị khói che mất một khúc. Cánh đồng cạnh đó đen lại. - Má đốt bót rô ô ô ì... Súng nhỏ nổ rát hơn. Tiếng súng lớn dồn dập nghe lồng lộng. Cả xóm đổ ra, nhóng lên ngọn dừa. Tiếng reo của con Bé bay xuống, lẫn vào trong tiếng dọn dẹp của bà Sáu, tiếng bơi xuồng vội vã trên rạch và tiếng gọi con ơi ới của các bà bên xóm chợ. Đám khói lúc càng bốc cao. Đó, con Bé lại nhìn thấy một chấm đen vụt thoáng qua trong đám khói. Từ đây đến đó xa lắm, con sông Hậu chỉ nhìn thấy như một lằn nhỏ vàng rực, nhưng biết đâu cái chấm đen đen ấy chẳng phải là một con người? Có ai cãi lại với nó đó không phải là má đâu! - Má xung phong rồi nghen! Tiến lên má... á... á... - Tiếng nó kéo dài, văng vẳng. Chắc má đã chạy vào trong đám khói rồi. Các cô du kích đang chạy theo má. Cô Thà, cô giáo ở cái trường làng bị giặc đốt đang chạy lên, một chút bụi phấn trắng còn vương trên vai áo. Súng nổ rộ hơn. Tiếng súng quân ta xung phong... Con Bé tụt xuống dưới gốc thì đàn em đã sẵn sàng. Thằng Hiển ôm tiểu liên, con Anh vác súng máy, con Thanh đeo "bá đỏ", thằng em nhỏ cầm cờ. Nhánh trâm bầu vẫn dựng sẵn ở gốc dừa, con Bé cầm lấy, đó là cây cạc-bin. Nắng chiều viền quanh đám khói, hắt ra chung quanh những tia lửa đỏ rực. Bắt đầu từ vách lá sau nhà, lũ trẻ xung phong vọt qua bờ mương núp sau gốc dừa trước ngõ, nổ súng về phía trước thật dữ dội. Sáng hôm sau, giữa lúc máy bay đang quần đảo, có một người đàn bà vác súng, tay cầm lá ngụy trang, bước vào trong xóm. Tiếng cười đi trước, con người đi sau, cả xóm len theo bóng cây nghe chuyện chiến đấu của má. Má vắt tấm choàng lên vai, trao súng cho con Bé, cây súng có treo chùm bánh ú, rồi ôm lấy mấy đứa con. Đi vài bước, má lại dừng để trả lời cô bác. Cả xóm ai cũng muốn hỏi thăm má một câu. Tiếng má kéo dài trên đường xóm. Thằng nhỏ trên tay má bi bô, cạy những miếng bùn khô dính trên áo mẹ. Lũ trẻ chạy theo mẹ như lũ gà con. Con Anh chạy lon ton lên trước chân mẹ như sợ mấy đứa kia sẽ tranh hết phần mẹ của mình. Nó nói: - Con thấy má xung phong mừ... - Con cũng thấy má nữa... - Thằng Hiển nói theo. - Thấy làm sao? - Người mẹ hỏi. - Thấy má vậy nè... Nó chụm hai chân, nhảy tới một bước như kiểu má nó vẫn nhảy qua bờ mương trước cửa. Thấy thằng Hiển được mẹ hỏi, con Anh vội níu lấy áo mẹ: - Con cò lót ổ cây đa heng má, má đi đánh giặc cho con, không phải cho thằng Hiển heng má? Thằng Hiển vội níu lấy tay mẹ như đánh đu: - On... ò... ót ổ ay đa, cho on nữa heng má? Người mẹ cười xoa mớ tóc tròn ủm của đàn con: - Ừa, cho hết mấy đứa. Bà Sáu bỗng lên tiếng, bà đang nhắc rổ khoai trên gác bếp xuống: - Nó đang ở với tao, mẹ đám bây về cho nó lý con cò con vạc om sòm vậy? Người mẹ cười ngất, môi má thoáng vết trầu đỏ tươi. Má xốc luôn thằng Hiển lên một tay nữa, hít vào má nó, rồi cả hai tay bồng hai đứa con, má bước nhẹ nhàng qua cây cầu mương trước cửa vào nhà đi thẳng xuống bếp. Đó là má Nguyễn Thị Út, người anh hùng của quân đội chúng ta. Bót Bà Mi bị san bằng. Trường học đã lập tức được dựng lại. Tối hôm đó, má Út bảo con: - Lát má đi mượn xuồng, ngày mai con Bé dắt em vô trong Bà Mi, chở gạch vụn trên bót về xây hầm núp ngoài trường mới với các bạn. Trường làm xong, má cho chị em bay đi học hết. Con Bé vừa rửa chân vào. Nó cứ để nguyên hai ống quần đang xả dở dang, mở to mắt như hai miệng ốc, dòm mẹ. Đàn muỗi từ ngoài sân theo vào vây quanh khuôn mặt nó, vo ve trước cái miệng há tròn của nó. Bộ dạng nó tựa như đang hát. Bài hát mà nó đã từng """