"
Người Mắt Kép - Wu Ming Yi PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Mắt Kép - Wu Ming Yi PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
ebook©vctvegroup
Wing above wing, flame above flame
CHƯƠNG MỘT
Người Wayo Wayo không hỏi tuổi tác của người khác, họ cao lớn lên như những ngọn cây, phơi bộ phận sinh dục của mình ra như những bông hoa, lẳng lặng đợi chờ thời gian trôi qua như những con sò, và chết đi trong nụ cười hoen trên mép như những lão rùa biển. Tâm hồn họ già cỗi hơn một chút so với hình hài, vả lại do lặng nhìn biển trong một thời gian dài, ánh mắt họ mang vẻ ưu tư. Người già mắc chứng cườm khô.
1.
Hang động
Trong tiếng róc rách của dòng nước trong khe nứt, ngọn núi bỗng phát ra một tiếng rền vang động nhưng âm hưởng lại giống như được vọng về từ một nơi xa xôi.
Mọi người bỗng chốc lặng đi một lúc.
Lý Vinh Tường hét to. Đó không phải là tiếng nước chảy, không phải; chắc chắn cũng chẳng phải là tiếng đá lăn hay vách núi sạt lở, đương nhiên cũng không phải tiếng nói vọng lại. Nó giống với tiếng răng rắc của một bình chứa bằng thủy tinh tuyệt mỹ, đột nhiên bị một vật gì đó va phải, thoạt nhìn chẳng chút vết tích nào, nhưng kỳ thực đã âm thầm xuất hiện một vết nứt nhỏ ở một góc nào đó. Nhưng âm thanh tức thì ẩn bặt, tiếp theo đó mọi người ở dưới lòng đất và phòng chỉ huy chỉ còn nghe được tiếng thở của nhau, ngoài ra là tiếng xè xè của vô tuyến điện.
Detlef Boldt thở dài đánh thượt, hỏi một câu bằng tiếng Anh giọng lơ lớ: “Mọi người có vừa nghe thấy tiếng gì không?”. Không ai đáp lại, nhưng thực chất mọi người đều có nghe thấy, chỉ không biết phải miêu tả như thế nào thôi. Ngay lúc ấy, hệ thống điện đột nhiên bị cắt đứt hoàn toàn, hang động nằm sâu trong núi này phút chốc
trở nên đen kịt. Tất cả mọi người đều chỉ nhìn thấy bóng đen trước mắt, nhưng thực chất là không thấy gì cả. Khi đó, âm thanh kia lại một lần nữa xuất hiện, giống như có một vật khổng lồ đang tiến đến gần hoặc rời khỏi ngọn núi.
“Im lặng! Im lặng chút nào!”, Lý Vinh Tường cố tình nói thật nhỏ, hòng tránh tình trạng sóng âm tạo nên chấn động cho vách núi, lại gây ra sạt lở. Nhưng kỳ thực thì mọi người đã im lặng từ lâu rồi.
2.
Đêm cuối của Atile’i
Người dân trên đảo Wayo Wayo cho rằng thế giới là một hòn đảo. Hòn đảo nằm ngay trên một vùng biển rộng lớn vô biên, cách xa lục địa. Trong ký ức còn có thể nhớ được của dân đảo, tuy người da trắng từng lên đảo, nhưng chưa có người nào sau khi rời khỏi đảo mà mang về lại một chút ít tin tức gì từ lục địa. Người Wayo Wayo tin rằng thế giới là biển, và Kabang (nghĩa là “thần” trong tiếng Wayo Wayo) đã tạo ra hòn đảo này cho họ. Giống như một cái vỏ sò rỗng nho nhỏ được đặt vào một chậu nước lớn, đảo Wayo Wayo trôi dạt đi khắp nơi theo thủy triều lên xuống, biển chính là nguồn lương thực cho người dân Wayo Wayo. Nhưng có một số loài là hóa thân của chính thần Kabang, ví dụ như loài cá có màu sắc pha trộn giữa trắng và đen có tên là Asamu, do thần Kabang cắt đặt đến để dọ thám, giám sát người Wayo Wayo bất cứ lúc nào, vì vậy được người Wayo Wayo kể vào loài không được ăn thịt.
“Ai mà bất cẩn ăn phải loài cá này, một mảng vảy cá sẽ mọc ra ở bên cạnh rốn của họ, suốt đời không thể nào bóc ra được”. Bước từng bước đi khập khiễng, tay chống một chiếc gậy bằng xương cá voi, vào mỗi buổi chiều tà, thầy Quản biển thường ngồi dưới gốc cây
kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện có liên quan đến biển trên đảo Wayo Wayo, cho đến lúc mặt trời đã lặn sâu vào lòng biển, kể cho đến khi bọn trẻ trở thành những thiếu niên thông qua buổi lễ thành nhân. Lời của ông mang đậm mùi vị biển, mỗi một làn hơi phả ra đều mang vị mặn của muối.
“Mọc vảy cá rồi sẽ ra sao?”, một cậu bé hỏi. Những đứa trẻ ở đây đều có đôi mắt to giống như mắt của loài động vật đi đêm. “Ây da, con của ta ơi, loài người không thể mọc vảy được, cũng giống như loài rùa không thể nào nằm ngửa bụng lên trời mà ngủ vậy đó.”
Một hôm khác, thầy Quản đất dắt đám trẻ đến mô đất giữa hai thung lũng, nơi đó mọc đầy akaba, loài thực vật có hình dạng như bàn tay. Trên đảo có rất ít loài thực vật có thể cung cấp tinh bột, akaba chính là một trong số ít đó. Chúng mọc thành bụi dày trông giống như đang thò vô số những cánh tay lên không để xin xỏ. Do hòn đảo quá nhỏ, cũng không có công cụ gì để sử dụng, khi trồng loài thực vật này dân trên đảo sẽ chất đầy những viên đá vụn, để vừa chắn gió, vừa giữ ẩm cho đất. “Phải có tình yêu, rào bọc đất đai lại bằng tình thương yêu, đất là thứ quý giá nhất ở trên đảo Wayo Wayo này, như nước mưa và trái tim của phụ nữ vậy”. Thầy Quản đất dắt bọn trẻ đi và chỉ cho chúng nó học cách đắp đá, da ông như lớp đất bùn khô nứt nẻ, sống lưng gù lên như một mô đất: “Trên thế gian này chỉ có Kabang, biển và đất là đáng được tin tưởng thôi, các con ạ”.
Ở phía Đông Nam của hòn đảo có một vùng trũng được bao bọc bởi một dãy san hô vòng, đây là nơi thích hợp cho dân đảo bắt cá bằng vợt nhỏ và mò bắt các loại sò. Bên ngoài chừng “mười vỏ dừa” (tức là khoảng cách ném vỏ dừa đi mười lần) về phía Đông Bắc của hòn đảo, có một dãy san hô vòng, và nó sẽ lộ ra rành rạnh khi thủy triều rút hết, đây chính là nơi tụ tập của loài chim biển. Dân đảo dùng một công cụ bắt chim có tên là gawana được làm bằng các nhánh cây. Xét về hình dạng thì gawana cũng đơn thuần như một chiếc gậy chuốt nhọn, dân đảo đục một cái lỗ ở đầu không vót nhọn, xỏ một dây thừng được bện bằng cỏ keiskei. Người Wayo Wayo mang theo gawana, cỡi một chiếc talawaka con đến gần dãy san hô vòng, rồi mặc cho dòng chảy cuốn họ men theo đường nước. Họ cố tình tỏ vẻ không để ý gì đến bọn chim biển, cầu nguyện với thần Kabang tận đáy lòng. Thế là trong khoảnh khắc mà dòng chảy đưa talawaka đến gần những chú chim thì họ đột nhiên cố hết sức tung gawana ra. Những vòng dây thừng được thần Kabang ban phước sẽ khéo léo tròng vào cổ những con chim biển, và chỉ với một cái trở tay, thì họ có thể dùng đầu nhọn gawana đâm chết chúng, máu sẽ từ mũi nhọn ấy rỏ xuống, giống như chính gawana mới là thứ bị tổn thương. Hải âu mày đen, chim điên, cốc biển, hải yến và mòng biển… đều chống chọi với gawana bằng chính sức sinh sản của mình, vào mùa xuân chúng dừng lại làm tổ và đẻ trứng trên đảo. Do đó vào mùa này người dân Wayo Wayo được ăn trứng mỗi ngày, nụ cười mãn nguyện nhưng tàn khốc hằn lên khuôn mặt.
Cũng giống như bất cứ hòn đảo nào khác, ngoài nước mưa và
một hồ nước ở trung tâm đảo Wayo Wayo, ở đây thường xuyên thiếu nước ngọt. Vả lại thực phẩm chính là chim và cá mang hàm lượng muối rất cao, khiến cho dân đảo Wayo Wayo trông vừa đen vừa gầy, thường mắc chứng táo bón. Dân Wayo Wayo mỗi buổi sáng sớm quay lưng ra biển mà đại tiểu tiện vào những cái lỗ tự đào, nhiều người chảy cả nước mắt vì cố sức rặn.
Hòn đảo không lớn, bằng quãng đường đi bộ của một người bình thường thì đại khái có thể đi giáp một vòng đảo với khoảng thời gian từ bữa sáng đến quá bữa trưa một chút. Cũng chính vì hòn đảo không lớn, cho nên dân đảo quen nói tiếng lóng bằng cụm từ “mặt ra biển” hay “lưng ra biển”, tiêu chuẩn của việc mặt ra biển hay lưng ra biển được xác định bằng ngọn núi trọc ở giữa đảo. Lúc tán gẫu thì mặt ra biển, lúc ăn cơm thì lưng ra biển, khi cúng tế thì mặt ra biển, lúc làm tình thì lưng ra biển, hòng tránh xúc phạm đến thần Kabang.
Đảo Wayo Wayo không có tù trưởng, chỉ có những trưởng lão, trong số những trưởng lão có một người được gọi là “trưởng lão đại dương” có trí tuệ. Cửa của những ngôi nhà trưởng lão đại dương từng sống sẽ được day mặt ra biển, như một chiếc xuồng con lật úp, hai bên lườn được trang trí bằng vỏ sò hoặc điêu khắc. Vách nhà được dán da cá, phía trước nhà được dân đảo lấy san hô dựng thành một bức tường hòng chắn gió cho ngôi nhà. Dân đảo không cách nào có thể đi đến một nơi mà không nghe được tiếng của biển, không cách nào có thể nhả ra một câu nói mà không có biển. Vào buổi sáng sớm gặp nhau thì họ nói: “Hôm nay ra biển chứ?” buổi
trưa thì hỏi: “Ra biển hóng gió lành không?”, thậm chí vào ngày sóng to gió lớn không thể nào đi biển được, buổi tối gặp nhau thì họ vẫn cứ nheo nhẻo: “Chốc nữa tôi muốn nghe anh kể chuyện biển”. Hằng ngày dân đảo ra biển bắt cá, gặp ai đó họ sẽ đứng trong bờ mà hét to: “Đừng để Mona’e đánh cắp tên mình đi mất nhé!”. Mona’e có nghĩa là sóng biển. Gặp nhau thì chào nhau bằng câu: “Hôm nay thời tiết trên biển trong lành không?”, cho dù biển đang động sóng to, thì người kia cũng được trả lời chắc chắn rằng: “Rất trong lành”. Âm điệu của tiếng Wayo Wayo giống như tiếng kêu của loài chim biển, the thé và trong trẻo; như đôi cánh chim biển, gặp lúc đảo liệng có chút run rẩy, khi dứt câu sẽ phát ra một tiếng đuôi tủm giống như chim biển phóng vào lòng nước.
Thỉnh thoảng dân đảo Wayo Wayo thiếu lương thực, đôi lúc vì thời tiết quá xấu khiến họ không đi biển được, hoặc nhiều khi hai bộ lạc dấy lên xung đột, nhưng bất luận là sống qua ngày như thế nào, thì ai ai cũng giỏi kể muôn vàn câu chuyện về biển. Họ kể trong lúc ăn cơm, nói trong khi chào nhau, trong khi tế bái, trong lúc làm tình, thậm chí cả khi nói mớ trong giấc ngủ. Tuy là chưa có những ghi chép hoàn chỉnh nào, nhưng nhiều năm sau hoặc nhiều nhà nhân loại học đều biết rằng đảo Wayo Wayo là nơi chứa đựng nhiều câu chuyện về biển nhất, mỗi người trong số họ đều có một câu cửa miệng rằng: tôi kể cho anh nghe một câu chuyện về biển. Người Wayo Wayo không hỏi tuổi tác của người khác, họ cao lớn lên như những ngọn cây, phơi bộ phận sinh dục của mình ra như những bông hoa, lẳng lặng đợi chờ thời gian trôi qua như những con sò, và
chết đi trong nụ cười hoen trên mép như những lão rùa biển. Tâm hồn họ già cỗi hơn một chút so với hình hài, vả lại do lặng nhìn biển trong một thời gian dài, ánh mắt họ mang vẻ ưu tư. Người già mắc chứng cườm khô. Những người già đã mất đi thị lực từ rất sớm trước khi chết thường hỏi con cháu bên cạnh rằng: “Hôm nay thời tiết trên biển trong lành không?”. Người Wayo Wayo cho rằng được nhìn thấy biển trước khi chết là một ân huệ của thần Kabang. Họ mong ước trong đời, cho đến trước lúc nhắm mắt vẫn khát khao được lưu giữ hình ảnh của biển vào tâm trí.
Bé trai trên đảo Wayo Wayo khi mới sinh ra đời được cha mình chọn cho một gốc cây, mỗi chu kỳ chết đi rồi sống lại của mặt trăng, họ khắc lên thân cây một vạch làm dấu, cho đến khi được một trăm vạch, thì đứa bé trai phải làm một talawaka cho chính mình. Vài năm trước đây, có duy nhất một nhà nhân loại học người Anh tên là S. Percy Smith từng ở lại trên đảo một thời gian và đã ghi chép lại về talawaka bằng cái tên là thuyền độc mộc. Kỳ thực không phải vậy, nó giống một loại thuyền cỏ hơn. Do hòn đảo quá nhỏ, và không có nhiều loại cây thân gỗ với đường kính thân cây đủ lớn để có thể làm ra thuyền độc mộc, ghi chép của Smith có thể nói là một chuyện hài trong lịch sử nhân loại học, nhưng không đến nỗi là một chuyện hài ngu xuẩn, vì bất cứ người nào thoạt thấy talawaka đều sẽ tưởng rằng nó được làm ra từ một thân cây. Trước tiên, người Wayo Wayo lấy nhánh cây, mây và ba bốn loại cỏ lau bện thành khung sườn, rồi dùng nước để phân hủy sợi thực vật thành một loại hỗn hợp giấy, tưới lên đó, lặp lại việc này những ba lần; sau khi hoàn thành,
những khe hở sẽ được lấp đầy bằng một loại than bùn lấy từ đầm lầy, lớp ngoài cùng được phết một lớp nhựa cây nhằm chống thấm nước. Thoạt nhìn bề ngoài, talawaka thực sự rất giống một thân cây to được khoét rỗng bên trong một cách chắc chắn và hoàn hảo.
Chàng trai trẻ ngồi bên bờ lúc này, sở hữu một chiếc talawaka đẹp đẽ và chắc chắn nhất hòn đảo. Khuôn mặt cậu mang đậm đặc trưng của người Wayo Wayo, mũi tẹt, tròng mắt sâu hoắm, da sáng như ánh mặt trời, sống lưng buồn bã và tứ chi như những mũi tên. “Atile’i, đừng ngồi ở đấy, quỷ ở dưới biển sẽ nhìn thấy cậu đấy!”. Một người già đi ngang qua, hét to về phía chàng trai trẻ.
Atile’i đã từng giống như những người Wayo Wayo khác, cho rằng thế giới là một hòn đảo, như một vỏ sò rỗng trôi dạt trên biển. Atile’i học được cách làm thuyền từ cha cậu. Người trong tộc khen cậu là người làm thuyền có kỹ thuật cao nhất trên đảo, thậm chí còn qua mặt cả anh mình là Nale’ida. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng cơ thể của Atile’i rất thích hợp làm cá, với một hơi lặn dưới nước cậu có thể bắt được ba con cá nục heo cờ. Tất cả các cô gái trên đảo đều mến mộ Atile’i đến tận đáy lòng, mơ mộng có một ngày nào đó sẽ được Atile’i chặn lại ở giữa đường, vác mình vào trong bụi rậm. Sau đó đợi cho ba lần trăng tròn, sau khi biết chắc rằng mình đã mang thai, cô sẽ lén bảo với Atile’i, rồi về nhà tỏ vẻ như không có chuyện gì xảy ra và đợi Atile’i mang một con dao làm từ xương cá voi đến để cầu hôn. Thậm chí, kể cả Rasula là cô gái đẹp nhất đảo cũng mong vậy.
“Số phận của Atile’i nằm ở chỗ cậu là con trai thứ, con trai thứ có giỏi lặn cũng chẳng ích lợi gì, vì Thần Biển mới cần con trai thứ, chứ đảo Wayo Wayo không cần”. Mẹ của Atile’i thường nói như vậy với mọi người chung quanh. Mọi người cũng gật đầu đồng tình, sinh ra một đứa con trai thứ xuất sắc là nỗi khổ tâm nhất của người Wayo Wayo. Mẹ của cậu nói từ sáng, cho đến tối, đôi môi dầy cộm của bà cứ mấp máy, cứ như thể nói mãi đi rồi lâu dần Atile’i sẽ có thể rũ bỏ được cái số phận là con trai thứ của mình vậy.
Trừ khi con trai trưởng yểu mệnh, con trai thứ trên đảo Wayo Wayo rất ít khi kết hôn, sau đó thì trở thành “trưởng lão đại dương”. Vì sau khi sinh ra được một trăm tám mươi lần trăng tròn, họ sẽ được giao phó trách nhiệm thực hiện một chuyến đi biển không ngày trở lại. Trong chuyến đi biển này họ chỉ được mang theo một lượng nước uống trong vòng mười ngày, và không được quay đầu trở lại. Vì vậy mà đảo Wayo Wayo có một câu ngạn ngữ có liên quan đến con trai thứ, rằng “Đợi con trai thứ của nhà anh chị quay về hãy tính”. Rất đơn giản, có nghĩa là “chuyện ấy tuyệt đối không thể xảy ra”.
Mi mắt Atile’i máy động, tinh thể muối bám trên cơ thể từ nước biển đã khô phản chiếu lấp lánh, trông cậu tựa như con trai Thần Biển. Ngày mai cậu phải cỡi chiếc talawaka ra biển. Cậu leo lên mỏm đá ngầm cao nhất của đảo Wayo Wayo, dõi mắt nhìn từng đợt từng đợt sóng biển mang theo những nếp gấp trắng tinh từ đằng xa xô lại. Bọn chim biển bay là đà men theo bờ, khiến cậu nghĩ về Rasula dịu dàng như hình ảnh của những cánh chim đang bay. Cậu cảm
giác như thể tim mình đã bị sóng vỗ dập vài triệu năm ròng, sắp sửa vỡ tan tành ra vậy.
Trời chập tối, những cô gái say đắm cậu ở trong tộc vẫn cứ ẩn nấp như thường lệ. Hầu như chỉ cần Atile’i áp mé bụi rậm là y như rằng cậu bị chặn lại, còn cậu thì hằng mong rằng cô gái nấp trong bụi ấy là Rasula, nhưng Rasula thì bặt không xuất hiện. Atile’i lần lượt làm tình với từng cô gái khác nhau lẩn trốn ở từng bụi rậm khác nhau, và đây chính là thứ mà cậu còn có thể lưu giữ được chút gì cho đảo. Khi bị một cô gái kéo vào trong bụi rậm, bạn buộc phải làm tình với cô ta, đây là luật lệ của người Wayo Wayo, đạo đức của Wayo Wayo, cũng chính là cho mình một cơ hội để lưu lại một đứa con Wayo Wayo. Cũng chỉ có duy nhất một đêm trước ngày người con trai thứ ấy ra biển, thì những cô gái Wayo Wayo mới được phép chủ động mai phục bắt lấy người tình của mình. Atile’i tiếp tục đi về phía bụi rậm hướng nhà của Rasula, cố hết sức làm tình, không phải vì khoái cảm xác thịt, mà vì muốn đến được gần nhà Rasula hơn trước khi trời sáng, vì dự cảm của cậu cho biết rằng nhất định sẽ gặp được cô. Tất cả các cô gái đều cảm giác được mặc dù Atile’i đã đi vào trong mình, nhưng lại vội vã rút ra, vì vậy mà bọn họ đã buồn bã hỏi:
“Atile’i, sao anh không yêu em?”
“Cô biết mà, tình cảm của con người không cách nào có thể kháng cự lại với biển đâu.”
Mãi đến khi bầu trời sáng lên như màu bụng cá thì Atile’i mới đến
được gần nhà Rasula. Một đôi tay từ trong bụi rậm thò ra nhẹ nhàng kéo cậu vào trong. Atile’i run lên như một con chim biển ngồi xổm bên tảng đá tránh sét, hầu như không thể nào cương cứng, không phải vì quá mệt mỏi, mà vì ngay lúc cậu trông thấy đôi mắt của Rasula, thì cảm giác như tim mình vừa bị sứa đốt.
“Atile’i, sao anh không yêu em?”
“Ai nói thế? Tình cảm của con người không cách nào có thể kháng cự lại với biển đâu.”
Họ ôm nhau một lúc lâu. Tuy mắt đang nhắm, nhưng Atile’i có cảm giác như cơ thể đang lơ lửng, cúi nhìn một hải vực sâu vô tận. Cơ thể cậu dần tỉnh lại, cậu thử quên đi việc chốc nữa đây mình sẽ phải ra biển, chỉ muốn nhân lúc còn cương cứng, cố gắng cảm nhận hơi ấm bên trong Rasula. Trời vừa sáng, tất cả người trong làng đều ra cửa biển để tiễn cậu. Ngoài thầy Quản biển và thầy Quản đất ra, thì dân đảo Wayo Wayo không ai biết cả, kỳ thực thì những linh hồn của những người con trai thứ ra đi trước đây đều đã quay về. Họ sẽ đi cùng với Atile’i có làn da sáng lấp lánh như con trai Thần Biển này, cỡi trên chiếc talawaka do chính tay cậu làm, mang theo “chiếc sáo biết nói” mà Rasula tặng cậu, hướng theo con đường biển vận mệnh chung của mọi đứa con thứ mà ra đi.
3.
Đêm cuối của Alice
Vào một sớm mai thức dậy, Alice quyết định tự sát.
Thực ra thì hầu như cô đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ cần cho việc tự sát. Có lẽ không nên nói như thế, mà là bản thân Alice đã không còn điều trở ngại nào, cũng không cần phải đem bất cứ thứ gì để cho bất cứ ai, chỉ là một người muốn chết mà thôi; một người muốn chết đơn thuần, không có tài sản gì đáng nói.
Nhưng Alice là người cố chấp, cô quan tâm đến tất cả mọi người cô quan tâm. Những người và việc mà cô quan tâm còn sót lại trên thế gian này, chính là Toto và bọn sinh viên đã đặt những mơ mộng vào cô. Cô đã từng biết rất rõ tương lai của mình cần những gì, nhưng giờ đây mọi thứ đều mơ hồ.
Alice đưa đơn thôi việc, trao trả thẻ công tác, cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Đó không phải là cái thở phào của ngày thường, mà nó giống với cái thở phào của việc kiếp này đã phải chịu đựng quá nhiều thử thách, rốt cuộc cũng đến được lúc có thể chuyển thế đầu thai kiếp khác. Hồi trẻ, vì muốn trở thành nhà văn nên Alice đã chọn học ngành nghiên cứu văn học, rồi thong dong êm ả bước vào nghề giáo, thêm điểm ngoại hình của Alice thanh
mảnh và nhạy bén, rất ăn nhập với cái mẫu hình con người văn chương trong xã hội bảo thủ này, do đó rất nhiều người đều ngưỡng mộ cô đã đi theo con đường ổn định nhất là học ngành văn. Nhưng chỉ có mỗi Alice mới biết, đừng nói là trở thành một nhà văn giỏi, những năm gần đây, đôi lúc cô còn không ngửi thấy mùi của văn chương nữa. Hằng ngày việc giáo vụ và nghiên cứu đã khiến cô bận đến nỗi không có thời gian viết lách. Đến lúc cô tắt đèn phòng nghiên cứu ra về thì trời đã rạng sáng.
Cô quyết định mang hết tất cả sách vở và vật dụng trong phòng nghiên cứu tặng cho sinh viên, cố gắng hết sức để dùng bữa ăn từ biệt với từng sinh viên mà cô hướng dẫn bằng vẻ mặt không chút biểu cảm gì. Ngồi trong nhà ăn của trường với thức ăn khó nuốt đến lạ thường, cô lần lượt nhìn từng đôi mắt của mỗi một đứa trẻ.
“Còn trẻ quá!”, cô nghĩ thầm.
Những đứa trẻ này còn đang cho rằng chúng sắp sửa bước vào một vùng đất thần bí nào đó, nhưng kỳ thực không có gì trong đó, chỉ là một nơi rỗng không, một tầng hầm dùng để chứa đồ linh tinh mà thôi. Cô cố gắng giữ cho ánh mắt mình phát ra một tia sáng le lói ấm áp cuối cùng, để chúng nghĩ rằng cô đang nghe chúng nói, vẫn đang rất hào hứng với chúng. Còn về phần mình, hiện tại Alice chỉ là một cái xác để không khí chui vào chui ra, mọi lời nói giống như đá được ném vào một căn phòng trống rỗng đến cả cửa sổ cũng không có. Những suy nghĩ thoáng qua trong đầu cô phần lớn là ký ức về Toto, và cách làm thế nào để tìm đến cái chết.
Cô nghĩ lại thì cảm thấy chuyện đó cũng hơi thừa thãi. Trước mặt nhà mình là biển, chẳng phải sao?
Hầu như Alice chẳng nói lời từ biệt nào với đồng nghiệp. Cô chỉ sợ lúc nói chuyện vô tình để lộ tâm trạng chán đời đang đan xen rối rắm trong lòng mình. Khi lái xe qua thị trấn, đột nhiên cô phát hiện ra cảnh vật nơi này chẳng khác lắm so với lúc cô mới chân ướt chân ráo đến đây hồi cách đây chục năm. Có khác chăng là chính ngay lúc này, cô cảm thấy rằng nó đã không còn là thị trấn nhỏ và hẻm núi đã từng hấp dẫn cô đến. Những chiếc lá bự chảng, những đám mây đột ngột kéo đến, những mái tôn lượn sóng trên những ngôi nhà vách tôn, cứ đi một đoạn là có một con suối ráo hoảnh nước, những bảng hiệu phô trương kiểu nhà quê…, những thứ mà ban đầu có vẻ rất thân thiết, giờ đây đều teo tóp lại, và giả tạo, từng bước xa lạ với chính cô. Cô nhớ cái năm đầu tiên mình đến miền Đông, lúc ấy bụi rậm ven hai bên đường và thảm thực vật còn gần gũi con người lắm, phong cảnh và loài vật có vẻ như chẳng sợ loài người mấy, còn giờ đây núi và biển đã bị đường lộ đẩy ra một nơi rất xa.
Alice nghĩ, nơi này vốn là của dân bản địa, sau đó là của người Nhật, rồi người Hán, rồi khách du lịch. Giờ thì chẳng biết nó thuộc về người nào, có lẽ là của những người mua đất xây biệt thự sân vườn, bầu chọn một tên huyện trưởng mà trong đầu chỉ nghĩ đến những miếng mồi béo bở, cuối cùng mở thông đường sá mới chăng. Sau khi đường sá được xây xong, bờ biển và thung lũng mọc lên vô số những tòa kiến trúc với vô số kiểu dáng của nhiều quốc gia, mà lối nào cũng lai tạp. Nói một cách khác, nơi này trông giống như một
khu văn hóa dân tộc thế giới xây cất theo lối hài hước, mà bọn nhà giàu này thường chỉ xuất hiện vào những kỳ nghỉ, còn khắp nơi đều là những mảnh ruộng hoang phế và những ngôi nhà trống trơn. Một số phần tử trong giới văn hóa bản địa thường hay đàm luận theo kiểu cảm tính rỗng tuếch cổ lỗ, khen huyện H là miền tịnh độ trên đảo, trong bụng cô chỉ nghĩ đến kiến trúc và cơ sở hạ tầng công cộng của huyện thị Haven, ngoài một số ít kiến trúc dân bản địa dùng làm triển lãm và những tòa nhà thời Nhật trị còn giữ lại, thì phần lớn những cảnh quan nhân tạo đều trông có vẻ như chúng được làm ra để cố ý phá hoại phong cảnh vậy.
Một lần vào giờ nghỉ ăn trưa của một hội thảo khoa học, đồng nghiệp của cô là giáo sư Vương lại khoác lác với cô bằng lời lẽ rất dối dá về chuyện “đất đai huyện Haven rất quến người”, Alice bèn đáp bằng giọng cau có, “Thầy không cảm thấy nơi này đâu đâu cũng toàn là những biệt thự sân vườn giả, những homestay giả, đến cây cối ở trong khuôn viên biệt thự cũng giả thảy sao? Những ngôi nhà này, chà, toàn quến bọn người giả thích những thứ như thế thì có ích gì chứ?”.
Thầy Vương như bị chặn họng, nhất thời quên mất rằng mình cần phải tỏ ra là một giáo sư kỳ cựu trước mặt một cô giáo đàn em. Với đôi mắt cụp mí, mái tóc điểm sương và khuôn mặt bóng hói, ông ta thoạt nhìn giống như một doanh nhân hơn. Thật vậy, nhiều lúc Alice còn không phân biệt được sự khác nhau giữa hai điều này. Một hồi sau, ông ta mới tiếp lời: “Vậy theo như cô nói, thì lẽ ra nó phải như thế nào?”.
Lẽ ra nó phải như thế nào? Alice vừa lái xe, vừa suy đi nghĩ lại câu hỏi này.
Hiện tại là tháng Tư, khắp nơi đều ngửi thấy một mùi ẩm thấp và uể oải, như mùi của tình dục. Alice nhìn sang bên phải thấy toàn là núi cao, là dãy núi Trung Ương, biểu tượng đặc trưng nhất của hòn đảo. Cho đến nay thì thỉnh thoảng, không phải, mà mỗi ngày cô đều nghĩ về hình ảnh hôm ấy Toto đã thò đầu ra khỏi cửa nóc để nhìn ra ngoài, đầu đội chiếc mũ rằn ri, như một người lính nhỏ. Trong ký ức, có khi thằng bé mặc chiếc áo gió, có khi không, có lúc vẫy tay có lúc không. Cô tưởng tượng ra hình ảnh chiếc ghế xe chắc đã bị thằng bé giẫm lún thành một lỗ sâu. Đó là ký ức của cô, hình ảnh cuối cùng của Toto và Jakobsen.
Khi Alice mất liên lạc với cha con họ, Dahu là người đầu tiên mà cô gọi điện nhờ trợ giúp. Anh là bạn leo núi của Jakobsen, cũng là một thành viên trong đội cứu nạn ở nơi này, biết rất rõ về những ngọn núi ở chung quanh.
“Tại Jakobsen cả, tại Jakobsen cả!”, cô nói với Dahu trong trạng thái bị kích động.
“Bình tĩnh, chỉ cần họ còn ở trong núi, thì tôi chắc chắn sẽ tìm ra được”, Dahu trấn tĩnh cô.
Thom Jakobsen đến Đài Loan từ Đan Mạch, một vùng đồng bằng không có lấy một ngọn núi thực sự. Không lâu sau đó anh bắt đầu đi leo núi khắp nơi. Sau khi lần lượt leo từng tuyến đường đặc biệt cùng với Dahu, anh bèn ra nước ngoài để tham gia huấn luyện
riêng, chuẩn bị thử leo ngọn núi cao trên 7.000 mét bằng phương pháp leo núi Alps. Kể từ đó, Đài Loan trở thành nơi anh thường xuyên lui tới. Alice cảm thấy tuổi tác mình ngày càng lớn, đã sắp sửa hết sức chịu đựng bởi cuộc sống không biết được liệu Jakobsen sẽ trở về hay không. Huống hồ, cho dù Jakobsen có ở bên cạnh, thì tầm mắt anh cũng luôn dõi về một nơi rất xa.
Phải chăng cũng vì lẽ đó, nên trong những ngày gần đây Alice thường nghĩ về Toto trước tiên, rồi nghĩ về Dahu, sau đó mới nghĩ về Jakobsen. Không, cô cũng không nghĩ về Jakobsen gì cho mấy. Anh tự cho rằng mình đã quá hiểu núi non, hầu như quên rằng đất nước của anh vốn không có một ngọn núi nào. Sao anh lại có thể làm như vậy được? Sao lại có thể dắt con trai mình lên núi rồi không mang nó trở về? Cô cũng thường tưởng tượng, nếu như hôm ấy Jakobsen ngã bệnh, quên sạc pin xe, hay thậm chí là ngủ thêm một chút nữa cũng được… thì mọi thứ chắc đã khác.
“Yên tâm nào, chẳng qua chỉ đi bắt côn trùng thôi mà. Anh không dắt con đến nơi nguy hiểm đâu. Không sao cả đâu”. Jakobsen vỗ về Alice, nhưng Alice nghe văng vẳng trong đó điều bất trắc. “Vả lại còn là tuyến đường mà ai cũng biết”.
Nhiều người còn không tin, tuy chỉ mới mười tuổi, nhưng Toto đã là một cao thủ về leo núi kể cả bộ môn leo vách đá, và kiến thức về núi rừng của nó e còn phong phú hơn cả một người tốt nghiệp đại học chuyên ngành. Toto thuộc về núi rừng, với cả, cô cố gắng nhắc nhở mình đừng cản trở Toto làm điều nó thực sự thích. Có lẽ giống như Dahu nói, thời khắc vận mệnh bởi chính nó là thời khắc vận
mệnh, và thời khắc vận mệnh không đứng yên một chỗ, giống như một mũi tên đi tìm loài heo rừng vậy.
Dahu là bạn thân của Jakobsen và Alice. Anh là tài xế taxi kiêm đội viên đội cứu nạn, nhà điêu khắc nghiệp dư, thành viên bảo vệ và chăm sóc rừng đồng thời là tình nguyện viên của một số đoàn thể NGO. Cũng giống như bất cứ người Bunun nào, dáng người Dahu thấp mà khỏe mạnh, ánh mắt hớp hồn người khác, khi nói chuyện với Dahu tuyệt đối không được nhìn thẳng vào mắt anh, để tránh việc lầm tưởng rằng anh đã yêu mình, còn không thì chính mình sẽ bất cẩn phải lòng anh.
Vợ anh bỏ anh mấy năm trước, để lại đứa con gái tên là Umav và một tờ giấy, trong đó chẳng gởi gắm điều chi cả, chỉ nói rõ rằng mình đã mang theo bao nhiêu tiền, lấy đi những thứ gì, và cố ý viết chữ rất to: NHỮNG THỨ NÀY LÀ CỦA TÔI. Umav là một món tài sản được kê khai trong tờ khai để lại cho Dahu, giống như một con thú cưng bị chuyển nhượng. Có một dạo, Dahu có thiện ý đưa Umav đến ở nhà Alice vài ngày, nhưng sau đó phát hiện rằng điều này vốn không thể làm nguôi ngoai niềm u uất trong lòng cô, mà ngược lại niềm u uất của Umav và cả Alice còn hợp sức làm mỗi người trở nên khổ sở hơn. Bỗng dưng, Alice phát hiện ra mình đã không nói gì với Umav trong suốt buổi chiều, còn Umav cũng chỉ biết nhìn chằm chằm ra biển, mải miết lấy kẹp tóc kẹp mớ tóc trước trán lên, buông xuống, rồi kẹp lên lại buông xuống, như kiểu không thể nào điều khiển được mớ tóc ấy, và chẳng cách gì cố định được mớ tóc. Do đó, Alice thành thật bảo với Dahu đừng gởi con gái ở nhà cô nữa, và sau
khi công tác cứu nạn kết thúc, cô cũng từ chối cuộc gọi thường lệ để an ủi cô của Dahu.
Alice quyết tâm sống như một bức tường, mong muốn duy nhất của cô là được ngủ. Tuy ngủ chỉ là nhắm mắt lại, nhưng có khi nó thực sự khiến mình thấy được nhiều hơn. Trước khi đi ngủ, cô tập thiền để có thể mơ thấy Toto, nhưng rồi cô lại cố gắng không mơ về Toto, sau đó Alice phát hiện ra không mơ thấy Toto còn đau khổ hơn là mơ thấy thằng bé. Cô đành phải chịu đựng sự đau khổ của việc mơ thấy Toto nhưng tỉnh giấc thì không thấy thằng bé đâu. Nhiều khi nửa đêm không ngủ được, Alice cầm đèn pin rón rén đi vào phòng Toto như thường lệ, kiểm tra cái cơ thể đã không còn nằm trên giường, hơi thở trong lúc ngủ có nhịp nhàng yên ả hay không. Hồi ức giống như một tay đấm bốc cự phách, xuất chiêu như gió, khó mà tránh được. Nhiều khi cô mong rằng chẳng thà mình còn chút ham muốn, vì tất cả mọi người đã từng trẻ đều biết rằng ham muốn chính là chất để kháng u uất tốt nhất. Ham muốn sẽ khiến cho hồi ức mất đi sức mạnh, tập trung hơn vào hiện tại. Nhưng Jakobsen ở trong giấc mơ đã không còn khiến cô ham muốn. Tay phải của Jakobsen cầm rìu leo núi, tay trái thì biến thành vách núi, anh lấy rìu leo núi bên tay phải mình, móc vào tay trái một cách mãnh liệt, nhưng chưa từng nói gì. Mỗi lần tin vào điềm báo trong giấc mơ, cô bèn gọi điện đến cục cảnh sát để hỏi đã có manh mối gì về Toto chăng. “Không có, nếu có tin tức gì thì chúng tôi sẽ chủ động liên lạc với cô, thưa cô giáo”. Cô từng cảm nhận được sự nhiệt tình của cảnh sát biến thành sự đồng cảm, nhưng giờ đây sự đồng
cảm ấy cũng chẳng còn, tiếp điện thoại của cô chỉ là một công việc hành chính thông thường, có nhiều khi sau ngữ khí bình tĩnh kia ẩn chứa một niềm chán ghét. “Cô ấy lại gọi, thật là phiền”. Sau khi gác máy, chắc hẳn họ sẽ nói như vậy với đồng nghiệp, Alice nghĩ bụng.
Tháng Tư năm nay mưa cứ rơi mãi, nhưng trời vẫn oi bức như thường. Buổi tối, dưới ánh đèn đường trong khuôn viên trường toàn là bọn bọ hung va đập té ngửa ra rồi không cách nào lật ngược trở lại được. Ngay lúc này, có một con bọ hung mắc kẹt trong tấm kính chắn gió phía trước xe, Alice tiếp tục lái, nó thì cứ va độp độp vào tấm kính. Rõ ràng Alice đã mở cửa kính ra nhưng nó cũng không tìm được đường để bay ra ngoài. Nó tiếp tục va rồi lại va, đôi cánh cứng ánh lên leo lét màu lam tối.
Trong vòng vài tháng gần đây, Alice phát hiện ra mình đã dựa dẫm quá nhiều vào Toto: nhờ Toto, mà cô mới nhớ được mỗi buổi sáng cần phải ăn sáng, ngủ đúng giờ, học nấu ăn. Alice đã học được cách cẩn thận, vì sự an toàn của mình chính là sự an toàn của đứa con. Cô còn lo đến việc lỡ không may ra đường đụng phải bọn ma men đáng chết lái xe, đâm vào khuôn mặt bé nhỏ nồng nàn của thằng bé, làm nó vỡ nát trên vỉa hè; còn phải để ý đến những đứa trẻ khác trong trường, luôn cả những thầy cô giáo khác, vì ở cạnh trẻ em thế này nhiều khi lại xảy ra những việc tàn nhẫn khó thể ngờ được. Alice nhớ hồi nhỏ, cô và một bạn học ngày nào cũng ăn hiếp một đứa bé mặc bộ quần áo mà hình như không bao giờ có thể giặt sạch. Họ trêu chọc, xô đẩy nó, trét xốt thịt của cơm hộp lên bộ quần áo vốn đã dơ cho càng dơ hơn, như thể làm vậy sẽ khiến quần áo
mình càng thêm sạch vậy.
Xe đi qua một chiếc cầu mấy năm trước từng bị một cơn lụt xô gãy, sau khi sửa chữa nó đã được dời đi độ 3km vào trong phía núi. Một trận còi inh ỏi vang lên khiến Alice vội vã tập trung nhìn đường.
Vài phút sau, xe rẽ vào một đoạn bến cảng từng là nơi nổi tiếng nhất của huyện Haven. Nhiều năm trước đây, nhà đầu tư đã nhảy vào xúc đi một phần ngọn núi, để lấp vào khoảng trống ấy họ đã xây dựng công viên giải trí, đồng thời nhờ sự tiếp tay của một gã huyện trưởng nổi tiếng tham nhũng, họ đã tiếp tục khai thác vách núi bên cạnh. Nhưng khoảng hơn chín năm trước đây, sau một trận động đất lớn, nhiều công trình bị lệch vị trí đã không còn có thể sử dụng được nữa. Để thoái thác trách nhiệm bồi thường nên công ty đã tuyên bố phá sản. Lại thêm mấy năm gần đây mực nước biển dâng cao, đường bờ biển ăn lấn vào trong, vòng xoay khổng lồ và những trụ cáp treo nhìn từ xa toát lên một vẻ cô tịch ảm đạm. Trên tảng đá ở một bên (vốn là một phần của ngọn núi), một vài khách câu ngồi đấy buông cần thả câu, xuồng con buộc vào trụ cáp treo. Giờ thì con đường cao ráo hơn này được mệnh danh là Đường Bờ Biển Mới. Từ xa xa Alice có thể trông thấy được căn nhà nhỏ dựa biển rất độc đáo của mình. Nắng rải lên mặt đất qua những giọt mưa phùn lất phất, tuy là vẫn còn mưa, nhưng thế này cũng được xem là một ngày đẹp trời hiếm thấy gần đây nhất.
Căn nhà bên cạnh bãi biển, chỉ có điều là không biết tự lúc nào,
biển đã mấp mé đến như vậy.
Alice mở cánh cửa từ lâu đã không còn ý nghĩa gì, ngó dáo dác chung quanh tất cả những gì cô có được. Sofa, bức tranh tường mà Jakobsen và cô cùng nhau vẽ, đèn treo do Michele De Lucchi thiết kế, chậu cây cảnh đã từng sống nhưng giờ đây đã chết khô quéo… Mỗi một món đồ trong căn nhà này đều do cô và Jakobsen chọn lấy; còn vết lún trên gối, khăn vuông nhỏ trong nhà tắm, sách thiếu nhi trên tường đều thấp thoáng hình ảnh Toto. Trong lần thăm viếng cuối cùng này, Alice phát hiện ra chậu cá cảnh vẫn chưa được giải quyết. Mình mà chết trước, bọn cá sẽ rất ngỡ ngàng, lẳng lặng chờ cái chết đến trong êm ắng không làm gì được thì quá tội nghiệp. Cô ngồi trên sofa, nhớ ra một sinh viên rất thích nuôi cá cảnh tên là Mitch. Không chừng cậu ta sẽ chịu đến mang chúng đi. Nghĩ đến đó thì Alice cũng vừa phát hiện ra mình không còn điện thoại, mà internet đã bị cô cắt luôn. Suy tính hồi lâu, cô quyết định đến trường lần nữa, cho Mitch chậu thủy sinh và cá. Đương nhiên, nếu cậu ta muốn lấy các phụ kiện, thì cứ để cậu ta mang đi tất thảy cho rồi. Alice ngồi vào xe, may quá, màn hình hiển thị cho thấy vẫn còn điện để chạy được khoảng 30km.
Alice lấy điện thoại ở văn phòng khoa gọi cho Mitch. Mitch nhanh chóng xuất hiện cùng một cô gái, ngồi vào xe của Alice. Mitch có thân hình của một vận động viên, nhưng lại có một ánh mắt rụt rè an phận. Cô có ấn tượng Mitch là kiểu người có lòng nhiệt tình với văn chương điển hình, nhưng lại không có năng khiếu. Mitch giới thiệu cô bạn gái mình tên là Jessie, một cô gái có ánh mắt tinh
nghịch, thân hình tầm trung vắt đầy những đồ trang sức, làn da trắng muốt, và một nụ cười có thể nói là tươi tắn hiền hòa, chỉ có điều cũng chẳng khác mấy so với bất cứ một cô gái trẻ nào khác trên phố. Jessie mặc chiếc quần đen bó sát cặp giò. Jessie nói mình từng học hai môn của cô, chẳng biết sao, cô có hơi ngờ ngợ, vừa không chút ấn tượng gì, vừa dường như có nhớ gì về cô bé. Suốt quãng đường xe chạy trong thinh lặng và ngột ngạt, Jessie và Mitch giả vờ ngắm cảnh qua cửa kính, né tránh việc phải tán gẫu với Alice.
Ba người lẳng lặng băng qua vườn hoa phía sau. Khi Alice mở cửa, Mitch đột nhiên hét ầm lên. Cậu cúi sấp xuống phía trước hồ thủy sinh, hỏi, “Đây là cá chép sỉnh ạ?”.
“Uhm”. Mấy con cá ấy, vài năm trước bạn của Dahu nuôi đẻ thành công, ngoài số thả đi thì giữ lại vài con cho Toto.
“Woww… bây giờ ở ngoài suối cũng chẳng thể tìm được. Em có thể mở tủ xem được không?”
“Uhm.”
Mitch mở hộc tủ phía dưới chậu thủy sinh, tỏ vẻ rất phấn khích, bảo: “Wowww, máy làm lạnh hồ và cả máy điều chỉnh độ kiềm, độ axít cũng có luôn”.
“Em có thể mang đi hết”. Alice cảm thấy phiền nhiễu bởi một cậu trai cứ luôn miệng woww woww.
Mitch hơi tỏ vẻ không dám tin, sau khi chắc chắn được nhận cá, cậu liền gọi điện cho bạn học của mình. Không bao lâu sau, ba cậu con trai cao lớn lái một chiếc xe du lịch con đến, ba giò bốn cẳng
khiêng vác toàn bộ thiết bị đặt lên xe. Alice để ý thấy Jessie chỉ lẳng lặng ngắm khung ảnh số treo tường, đọc các tựa sách trên giá. “Em có thể lựa những quyển mình thích mang đi.”
“Ôi, được hả cô?”
“Muốn lấy bao nhiêu cũng được”. Alice quan sát thấy cuối cùng Jessie chỉ cầm đi một tập truyện ngắn Isak Dinesen bằng tiếng Đan Mạch. Alice nghiêng đầu hỏi: “Em biết tiếng Đan Mạch à?”
“Dạ không, chỉ lấy làm kỷ niệm thôi, tiếng Đan Mạch trông thật đặc biệt.”
Trước khi đám người ấy lên xe, Jessie đến trước mặt Alice, nói: “Cô, sau này cô sẽ còn vào trường nữa chứ?”
“Chắc là không.”
“Dạ, vậy sau này em có thể gửi bài viết cho cô đọc chứ? Nếu không tiện cũng không sao đâu.”
Alice gật đầu, rồi lại lắc đầu, cô nhớ ra cô gái này, nhớ ra mà chả cảm thấy gì cả.
Sau khi Mitch và Jessie ra về, Alice lại thững thờ đi vào phòng Toto, nằm vật lên chiếc giường đã từng bám mùi mà cô quen thuộc. Giờ thì cô chẳng còn lo bọn cá sẽ chết, chỉ cần suy nghĩ về việc mình nên chết như thế nào, mà nói thật ra thì, hình như cô cũng chẳng quan tâm mấy về việc mình sẽ chết như thế nào. Alice ngước đầu lên, nhìn tấm bản đồ đường núi mà trước đây Jakobsen đã từng dẫn
Toto đi leo núi dán ở trên trần nhà. Tấm bản đồ cũng do hai cha con vẽ, những lúc cô nấu ăn ở dưới bếp, thì hai cha con thường hay rút trong phòng làm những chuyện rất bí mật. Leo núi là chuyện thuộc về hai cha con. Ngần ấy năm dài, cho dù Jakobsen có cố gắng cách mấy, thì Alice vẫn cứ không chịu leo núi, cũng không theo đạo. “Mỗi người sẽ có quyền từ chối một số việc mà”. Alice nghĩ bụng.
Alice nhớ mãi trải nghiệm leo núi lần đầu tiên ấy. Nói là núi thì cũng chưa hẳn, nó chẳng qua chỉ là một nơi được gọi là Điện hoàng đế gần khu Thạch Đĩnh mà thôi. Vào thời đó ở các trường đại học rất thịnh hành phong trào hội giao lưu, Alice bị bạn học lôi kéo tham gia. Alice vốn không thuộc kiểu người giỏi vận động, hồi mới đầu chặng leo còn chịu đựng nổi, nhưng sau khi đi qua một ngôi chùa nhỏ, cô không những phải bám dây, bước lên cây, sau cùng còn đi đến một khu lăng mộ, hai bên chẳng có gì để bám víu. Lẽ dĩ nhiên, vì mắc cỡ nên Alice ngại không dám từ chối yêu cầu tiến lên của mọi người. Miễn cưỡng đi được vài phút đường, cô bắt đầu toát mồ hôi lạnh vì sợ hãi. Cô không hét toáng lên như những cô gái khác, để cho các bạn nam khác dìu dắt, mà chỉ lẳng lặng khóc ròng khóc rã. Tại sao một hai phải đến nơi như thế này chứ? Cô không để cho một cậu bạn có vẻ ngoài thư sinh nhưng đầu óc rỗng tuếch (cô đã xác định được điều này từ khi cô ngồi trên xe của cậu) dìu cô, tự mình lom khom mò quay trở lại. Từ đó trở đi cô từ chối việc leo núi.
Tấm bản đồ trên trần nhà có vẽ hình lá cờ nhiều màu sắc, các đường màu đỏ và màu xanh da trời đan xen ngang dọc lẫn nhau. Cô chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì. Còn có phong cảnh nào mà cô chưa
từng nhìn thấy trước đây chứ? Có trời mới biết hai cha con đã làm việc này mất bao lâu và với ý tưởng điên rồ đến cỡ nào. Mắt cô dõi theo những tuyến đường ấy, tuy rằng không còn leo núi nữa, nhưng cô vẫn thường hay xem bản đồ với Toto, vạch kế hoạch leo núi, như thể đang chơi một trò chơi… Cô cũng thuộc những tấm bản đồ này lắm, nhưng không biết tại sao, cứ cảm thấy rằng có một số tuyến đường vẽ không được đúng lắm, còn không đúng ở chỗ nào, nhất thời không nói ra được. Alice quyết định nằm trên giường và quan sát tỉ mỉ hơn tấm bản đồ, không được bao lâu thì cảm thấy mắt mũi tèm nhem. Trời bên ngoài dần sẩm tối, những tuyến đường trên trần nhà cũng từ từ chìm khuất. Alice nhớ lại hình ảnh Toto ngồi trên chiếc ghế cao hay đạp lên vai của Jakobsen mà vẽ bản đồ, cuối cùng ngủ thiếp đi trong khi thời gian cứ nhẹ trôi như thể không có khái niệm về thời gian.
Không biết cô đã ngủ khoảng bao lâu, nửa đêm đột nhiên xảy ra một trận động đất lớn kinh hồn, một trận động đất mạnh đến nỗi có thể đánh thức cả tuổi thơ của một con người. Khi trận động đất bắt đầu, Alice vẫn chưa tỉnh hẳn, dù gì thì cô cũng đã sống ngần ấy thời gian ở huyện Haven là một nơi thường xuyên xảy ra động đất, thậm chí cô đã trải qua nhiều trận còn khủng khiếp hơn thế này. Nhưng hơn một phút trôi qua chấn động vẫn tiếp diễn, mà còn có vẻ nghiêm trọng hơn, nó khiến Alice phải đột ngột bật dậy theo phản xạ cơ thể, trực giác phân vân giữa việc nên tìm chỗ ẩn nấp hay phải lao ra khỏi căn nhà. Nhưng ngay lập tức cô bật cười với ý nghĩ này của mình. Một kẻ đang muốn chết, cần gì phải quan tâm đến việc sẽ
chết bằng cách nào chứ? Alice lại nằm xuống, nghe văng vẳng ở đâu đó vọng lại tiếng đùng đùng vừa nặng nề u uất vừa mãnh liệt, giống như một ngọn núi đang chuẩn bị chuyển động. Nó khiến cô nhớ cái trận động đất khủng khiếp hồi còn nhỏ. Trận động đất ấy không cướp đi tính mạng của bất cứ người thân nào của cô, chỉ có điều nó đã làm sập ngôi trường cô đang học, và làm chết một cô giáo dạy môn tự nhiên tên là Lâm Lệ Quyên rất mực thương yêu cô, và một cậu bạn ngồi bên cạnh cô trên lớp, thường hay mời cô ăn hàng vặt, mang cặp kính viễn thị, với đôi mắt lúc nào cũng có cảm giác to hơn người bình thường. Ngày hôm trước khi xếp hàng tan học ra về với cậu ấy, cậu còn tặng cô năm con tằm. Năm ngày kể từ sau trận động đất, có lẽ do ăn phải lá dâu bẩn, bọn tằm thải ra những cục phân đen li ti rồi chết. Cơ thể của những con tằm chết trở nên khô sần. Đó là hai dòng ký ức quyến luyến nhất còn sót lại trong cô. Động đất chẳng cần phải cướp đi sinh mạng của chúng ta thì nó cũng khiến cho chúng ta cảm thấy thật sự kinh hoàng, chỉ cần nó cướp mất thứ gì đó trong cuộc đời của chúng ta, hoặc biến thứ gì đó trở nên khô sần là đủ rồi.
Tiếng vang đùng đùng cực lớn ấy diễn ra trong vòng vài phút đồng hồ, sau đó mọi thứ im bặt trở lại. Vì quá sức mệt mỏi nên Alice lại chìm sâu vào giấc ngủ. Alice tỉnh dậy lúc trời còn chưa sáng, tiếng sóng biển nhịp nhàng vỗ bền bỉ. Cô ngồi dậy nhìn ra bên ngoài cửa sổ, cảm thấy như mình đang đứng trên một hòn đảo chơ vơ giữa biển, sóng biển ở đằng xa mang theo vô số bọt li ti, bướng bỉnh, bổ nhào từng đợt từng đợt vào đất liền.
CHƯƠNG HAI
Mỗi ngày hai lần, Alice bị thủy triều nhốt chặt, vài giờ sau lại được thả ra. Vào thời điểm thủy triều dâng cao, biển nhẹ nhàng rảo quanh hào ngăn nước của ngôi nhà, choàng ôm lấy nó, để lại vô số thứ ở cửa sau.
4.
Hòn đảo của Atile’i
Sương mù như thể bốc ra từ một nơi sâu thẳm nào đó dưới biển khơi, bao phủ khắp cùng, giống như Kabang vậy, chẳng nơi nào là không có. Atile’i có lúc ngờ rằng mình đã chìm vào đáy biển. Nên cậu quyết định không khuấy chèo nữa, dưới cái trời mù mịt sương này, khuấy chèo còn có ý nghĩa gì nữa chứ? Sau bảy ngày rời khỏi đảo Wayo Wayo, cậu tin chắc như đinh đóng cột rằng, mái chèo là một thứ vô cùng yếu đuối so với đại dương mênh mông thật sự này. Chả trách dân đảo lại vạch ra một đường biên vô hình ở vùng nước đánh bắt cá, vì một khi vượt qua giới hạn đó, rất có thể sẽ không bao giờ quay về được. Mặt khác, cậu phát hiện ra một sự thật quan trọng, đó chính là lương thực và nước ngọt đều sắp cạn kiệt. Tuy về mặt lý trí cậu thấy tuyệt vọng, e là mình sẽ giống như tất cả mọi đứa con thứ Wayo Wayo một đi không trở lại, nhưng trong cơ thể cậu vẫn chưa tuyệt vọng. Thế là cậu bắt đầu thử uống nước biển.
Vào khoảng thời gian chuyển giao giữa chiều và đêm thì trời bắt đầu mưa. Mưa và sương mù đã xóa mờ ranh giới giữa mặt biển và bầu trời. Trong cơn mưa Atile’i tưởng rằng mình đã bước qua cửa biển. Dân đảo truyền miệng rằng, ở đầu bên kia của màn mưa và
sương mù có một cửa biển, bước qua khỏi cửa biển là “một hòn đảo thực”, Kabang và tất cả vị thần thủy tộc sống trên đấy, Wayo Wayo chỉ là cái bóng của hòn đảo ấy. Bình thường, hòn đảo thực chìm sâu dưới đáy biển, chỉ trồi lên khỏi mặt nước vào những thời khắc định mệnh nào đó thôi.
Atile’i rút vào trong chiếc lều trú mưa được kết bằng lá cọ do chính tay cậu làm, trong lều nước vẫn nhểu tí ta tí tách, chẳng khác bên ngoài cho lắm. Cậu lầm bầm: “Cá lớn trốn mất rồi, cá lớn trốn mất rồi”. Câu này trong tiếng Wayo Wayo nghĩa là kệ đi kệ đi. Tuy chẳng phát ra thành tiếng, nhưng Atile’i đã báng bổ trong lòng, trên biển, biển còn dữ dằn hơn cả thần, làm gì có chuyện thần năng thống trị biển chứ? Biển vốn dĩ đã là một vị thần.
Tờ mờ sáng, Atile’i phát hiện ra talawaka của mình đang chìm. Cậu bất lực nhưng vẫn buộc phải tát nước ra khỏi talawaka, cho đến lúc talawaka gần như sắp sửa chìm vào lòng biển, cậu mới vứt bỏ talawaka để bơi. Atile’i là một tay bơi lội hạng nhất trong đám thiếu niên trên đảo Wayo Wayo, đôi chân uyển chuyển như đuôi cá, đôi tay như vây cá có thể thoăn thoắt rẽ nước biển tách làm đôi. Nhưng, con người ở giữa biển khơi còn yếu đuối hơn cả loài sứa, cho dù có là Atile’i. Trong lúc này, Atile’i cố hết sức để bơi, đến ý nghĩ buông bỏ cũng tan biến mất, cậu như một chú kiến ngã xuống ao nước, không biết đến tuyệt vọng cũng không ôm hy vọng, chỉ còn biết thuận theo cơ thể mà cố gắng hết sức mình.
Tuy có báng bổ Kabang trong tâm tưởng, Atile’i cũng vẫn luôn miệng cầu nguyện với Kabang: “Kabang, vị thần duy nhất có thể
khiến nước biển khô cạn của chúng tôi ơi, cho dù ngài sẽ bỏ mặc tôi, cũng xin ngài làm cho thi thể của tôi trở thành san hô, được trôi dạt về hướng quê hương xứ sở, để Rasula nhặt được”. Sau khi Atile’i dứt lời cầu nguyện, thì cậu cũng mất đi ý thức.
Lúc tỉnh dậy, Atile’i thấy mình vẫn nổi trên mặt biển, như vừa trải qua một giấc mơ. Trong mơ cậu dường như sắp sửa bước vào một hòn đảo. Một đám thiếu niên đứng ven đảo, ánh mắt họ u uất, chỗ đáng lẽ là tay thì lại mọc ra vây cá, trên mình nổi toàn đốm, giống như thể cả đời họ đã lăn lộn trên đám san hô. Khi talawaka của cậu áp gần sát họ, một thiếu niên có mái tóc màu xám tro nói với cậu rằng, “Vài hôm trước, cá ngừ vây xanh đã thông báo, cậu sẽ đến với bộ lạc chúng tôi, nhập bọn với chúng tôi”. Những thiếu niên còn lại đồng loạt phát ra tiếng hát u uất, như một đợt sóng biển trầm mặc vỗ vào. Bởi đó cũng là một bài hát trên đảo Wayo Wayo người ta thường hát khi ra biển, nên Atile’i không kìm được cũng hát vang theo họ.
Nếu mà sóng biển vỗ vào
Chúng ta sẽ chống cự bằng tiếng hát
Nếu mà gió mưa nổi dữ dằn
Cô gái của tôi ơi, cô phải lo sợ cho chúng tôi biến thành cá ngừ, biến thành cá ngừ
Tiếng hát của các thiếu niên như những ngôi sao an ủi màn đêm, như mưa buồn bã thấm ướt biển khơi. Khi đó có một thiếu niên một mắt nói, “Mọi người nghe này, tiếng hát của cậu ấy không giống chúng ta, ý, tiếng hát của cậu ấy không giống chúng ta, tiếng hát của cậu ấy như sắp sửa mắc cạn trên đảo của chính cậu”. Ngay lúc ấy, một đợt sóng vỗ vào, Atile’i đứng không vững, choàng tỉnh khỏi cơn mơ.
Sau khi tỉnh dậy, quả nhiên Atile’i đã dạt lên một hòn đảo. Thoạt nhìn hòn đảo mênh mông vô biên, không phải được hình thành từ đất, mà từ vô số những thứ kỳ quặc với vô số kiểu dáng và vô số màu sắc khác nhau trộn lẫn, một mùi kỳ quái bao phủ cả hòn đảo. Lúc này, mặt trời đã ló dạng, mọi thứ trên người của Atile’i kể cả đồ trang sức đều bị sóng biển mang đi, làm cậu gần như trần trùng trục, nhưng thứ khiến cậu tiếc nhất chính là bình rượu kiki’a do Rasula tặng cậu cũng đánh mất. Cậu nghĩ về bình rượu kiki’a của Rasula, cảm thấy khát khô cả miệng lưỡi. May mà kỳ lạ sao “chiếc sáo biết nói” vẫn còn đây, vì trong lúc mất ý thức thì cậu vẫn nắm chặt chiếc sáo trong tay. “Nơi này chắc chắn là thế giới sau khi chết”. Atile’i nghĩ thế. Cậu đi loanh quanh khắp nơi, phần lớn đảo đều không rắn chắc, nhiều nơi còn mềm nhão, cơ hồ như bẫy, thậm chí nhiều chỗ còn lún xuống sâu bằng chiều cao của khoảng vài người lớn rồi lại phồng lên lại.
Atile’i bị một thứ tròn tròn hấp dẫn. Thứ này soi dưới ánh nắng
khiến chói mắt lạ thường, phát ra một dãy quang phổ bảy màu. Nhưng nếu soi mình vào nó, Atile’i thấy một khuôn mặt rám nắng, nổi đốm và đầy thẹo vít. Cậu nghĩ, thứ cứng như thế này chẳng lẽ được làm từ nước, nếu không phải thì sao nó có thể phản chiếu hình ảnh của mình chứ?
Không lâu sau, Atile’i lại phát hiện những chiếc túi nhiều màu sắc ở khắp mọi nơi trên đảo. Chúng không giống với loại túi bố đan trên đảo Wayo Wayo, trong những túi này đều chứa một ít nước, mặc dù có một vài cái khi cầm lên thì nước đã chảy re re ra ngoài, trong túi chứa vỏ sò, sao biển và nhiều thứ linh tinh kỳ cục. Đảo Wayo Wayo cũng có loại túi này. Những người già nói rằng chúng được người da trắng bỏ lại, nhưng thực ra vài năm trở lại đây họ cũng thường vớt được khi ra biển. Cư dân đảo dùng những thứ này để chứa nước, chúng còn bền bỉ hơn cả đá trước thử thách của thời gian. Cậu tách một ít sò, nuốt sống, và thử uống nước trong túi. Nước có mùi tanh, nhưng rõ ràng là nước ngọt, điều này khiến Atile’i cảm động sắp vỡ òa, có nước là còn sống sót.
Atile’i thám hiểm hòn đảo nhỏ cho đến khi mặt trời đứng bóng. Cậu tìm thấy một ít tôm và cá bị kẹt trong nhiều vật chứa khác nhau, và ăn sống mớ hải sản tươi này. Bất thình lình mặt trời đã bắt đầu ngả bóng. Cậu nhặt được một số đồ ẩm ướt, rách rưới te tua, trông giống như quần áo, chỉ có điều nó quá mềm mại, không như những thứ bằng bố đan quen thuộc với cậu, nhưng có vẻ như phơi khô thì sẽ mặc được lên người. Cậu cũng tìm thấy một số chai lọ, có thể nổi trên mặt nước. Do chúng có màu sắc rất sặc sỡ, Atile’i sưu
tập một ít, nghĩ thầm chắc chắn mình sẽ dùng đến, chế thành một chiếc thuyền không chừng.
“Nơi này chắc hẳn là thế giới sau khi chết, thế giới sau khi chết có ai biết được sẽ phải cần gì?” Cậu gom những chai lọ nhặt được cùng với những thứ kỳ quái khác lại thành một đống, cầu nguyện cho biển đừng biến thành mưa, mong rằng ngày mai mặt trời sẽ hong khô toàn bộ những thứ này.
Khi màn đêm hoàn toàn bao trùm, Atile’i đoán rằng mình chưa chết, vì theo như truyền thuyết của người trên đảo Wayo Wayo, mặt trời ở cõi âm rọi đến nửa năm, màn đêm sẽ thống trị nửa năm còn lại. Còn nhịp thời gian trên đảo này cũng giống như trên đảo Wayo Wayo. Ít nhất thì buổi ban ngày vừa rồi cho cậu một cảm giác về thời gian không giống như là vừa trải qua nửa năm. Màn đêm trên biển không hoàn toàn tối tăm như chúng ta thường nghĩ, ánh sao và ánh trăng sẽ rọi xuyên qua những áng mây, trên mặt biển thỉnh thoảng đột nhiên xuất hiện vô số dạ quang kỳ lạ, thậm chí chói sáng khó ngủ. Atile’i ngồi ven bờ đảo, vừa bị mê hoặc bởi cảnh sắc trước mặt, vừa mơ màng về tương lai của mình.
Khi mặt trăng bắt đầu chếch bóng, Atile’i hoảng hốt cảm giác như cậu không một mình. Cậu phát hiện ra đám thiếu niên từng xuất hiện trong giấc mơ đứng đầy chung quanh mình, với vẻ mặt tựa như đang cười, nhìn cậu và nỗi khổ tâm của cậu. Atile’i thể hiện động tác mà người Wayo Wayo cho là rất thân thiện, giơ bàn tay lên và những ngón tay hơi co lại. Khi cậu định bắt chuyện, một cậu thiếu
niên mang một vết thương từ chỗ vai trái đến bụng mở miệng nói: “Cậu đã đoán đúng, chúng tôi là những hồn ma, không phải người, tất cả mọi hồn ma con trai thứ của đảo Wayo Wayo đều ở nơi này.”
“Mọi người đang đợi tôi?”
“Uhm…”
“Tôi đã sớm nghĩ nơi này là cõi âm. Hoặc là một hòn đảo trung chuyển của cõi âm?”
“Biển cả sẽ ban phước cho cậu. Nói thẳng ra là chúng tôi cũng không biết nơi này là nơi nào, chúng tôi trôi nổi lơ lửng, nhưng chưa từng biết có một hòn đảo như thế này trên biển. Hòn đảo này mới dạt đến gần đây”, cậu thiếu niên có mái tóc màu xám tro trong giấc mơ nói.
“Vậy mọi người định mang tôi đi theo à?”
“Không, chúng tôi nào có phải tử thần. Chúng tôi chỉ đợi cậu nhập bọn với chúng tôi, nhưng giờ thì cậu vẫn còn sống, chúng tôi đành phải đợi thêm nữa”, cậu thiếu niên có vết thương lớn nói.
“Bọn con trai thứ của đảo Wayo Wayo sau khi chết cũng vẫn không thể tách khỏi biển khơi”, cậu thiếu niên tóc xám nói, những thiếu niên khác xôn xao đồng ý theo.
Những hồn ma con trai thứ của đảo Wayo Wayo không nói dối: chúng cũng chỉ mới phát hiện ra hòn đảo này lần đầu. “Mấy hôm trước chúng tôi mới hẹn nhau tụ tập ở chỗ đá ngầm đằng kia của đảo, chuẩn bị đón tiếp một thành viên mới, là cậu. Khi đó, mới phát
hiện ra mé đảo trôi dạt này. Hôm mà cậu tiến hành nghi thức rời khỏi đảo, chúng tôi đã đến đảo Wayo Wayo, còn được nghe những người già hát khúc tống biệt, ca ngợi trí tuệ của Kabang, sự phì nhiêu của hòn đảo, sự dũng cảm của cậu và vẻ đẹp của Rasula. Ban ngày chúng tôi hóa thân thành đám cá nhà táng bám theo talawaka của cậu, cho đến khi talawaka chìm mất. Đừng trách chúng tôi, chúng tôi bị buộc phải tuân thủ theo quy tắc của người Wayo Wayo là không được tiếp tay cứu hộ và cũng không cố ý làm hại, chỉ biết đứng nhìn mọi thứ diễn ra mà thôi. Nào ngờ thể lực cậu như một loài cá, không chết. Chúng tôi theo sát cậu suốt quãng đường, nhìn cậu bị một dòng hải lưu cuốn đến đảo này”, cậu thiếu niên tóc xám hình như là thủ lĩnh của đám thiếu niên, nói.
Một cậu thiếu niên khác có dáng thấp khỏe, miệng không còn cái răng nào, trông như một cái hang lớn, tiếp lời: “Lúc đầu, chúng tôi cảm thấy hòn đảo này rất kỳ cục, còn nghĩ hòn đảo không chừng là thí nghiệm hoặc cái bẫy do Kabang tạo ra”.
“Nhưng sau đó chúng tôi phát hiện một điều”, cậu thiếu niên tóc xám nói.
“Điều gì?”
“Hòn đảo liên tục trôi dạt, nói không chừng sẽ trôi ra khỏi ranh giới mà những hồn ma của đảo Wayo Wayo có thể đến được.” “Ranh giới mà những hồn ma của đảo Wayo Wayo có thể đến được?”
“Uhm… hồn ma chỉ có thể đi xa khỏi đảo Wayo Wayo một khoảng
cách nhất định, có một ranh giới vô hình.”
“Ý của cậu là, nếu hòn đảo trôi ra khỏi ranh giới mà các cậu có thể đến được, và tôi còn chưa chết, thì các cậu sẽ không còn được ở cạnh tôi nữa chăng?”
“Biển cả sẽ ban phước cho cậu. Đến lúc cậu chết đi rồi, linh hồn của cậu sẽ trở nên cô độc, chỉ còn cách trôi nổi trong đại dương mênh mông vô bờ.”
“Thế thì tôi phải nhảy ngay xuống nước cho chết, mới có thể nhập bọn với các cậu à?”
“Nhất định không được, người Wayo Wayo tự sát sẽ biến thành sứa, bọn sứa thì không nhận ra được nhau, chắc cậu không muốn mình biến thành sứa đúng không?”
Atile’i không muốn mình biến thành sứa, còn bọn hồn ma trai thứ đảo Wayo Wayo thì không biết tính sao. Thế là bọn chúng ngồi rạp xuống đó chờ cho mặt trời ló dạng. Mặt trời có ló dạng hay không kỳ thực đã không còn ý nghĩa gì đối với những hồn ma. Ý nghĩa duy nhất đó là trong cái thời khắc tia nắng ửng lên, thì bọn chúng sẽ tạm thời lặn xuống biển, hóa thân thành cá nhà táng. Chờ cho đến lúc trời tối, chúng lại xuất hiện, trở về với thân hình hồn ma bóng quế, bơi lởn vởn trên mặt biển, ca hát, ngẩn ngơ, chờ một gã con trai thứ của đảo Wayo Wayo đến. Cá nhà táng do hồn ma hóa thành hầu như không khác gì với một con cá nhà táng thực sự. Sự khác biệt duy nhất đó là bọn cá do hồn ma hóa thành biết khóc.
Atile’i đành ngồi trên đảo đợi chờ, còn hòn đảo cứ lặng lẽ rời khỏi
ranh giới mà bọn hồn ma con trai thứ của đảo Wayo Wayo có thể đến được, với tốc độ không thể nào có thể điều khiển, đến cả gió, mưa, thủy triều và giấc mơ cũng không cách gì ảnh hưởng được. Sau ba lần mặt trời và mặt trăng thay thế nhau, hồn ma của bọn con trai thứ đảo Wayo Wayo hiện lên khỏi mặt biển chỉ thấy mé đảo, chúng hét ầm hét ĩ lên: “Atile’i! Atile’i!”, nhưng âm thanh biến thành bọn cá chuồn, nhào xuống biển vang lên tum tủm.
“Chỉ sót lại có mỗi mình!”. Sau khi tỉnh dậy, lại trải qua hai lần mặt trời và mặt trăng thay thế nhau, cuối cùng Atile’i cũng xác nhận được rằng để sống sót cậu phải hoạt động lên. Cậu tìm cách đánh bắt cá, tích nước mưa, đồng thời đan bện quần áo ấm cho mình bằng bất cứ thứ gì có thể. Tuy là con nhà nghề đánh bắt cá, Atile’i lại đan bện không giỏi. Cậu ráp nối lung tung loạn xị các thứ đồ lại với nhau, rồi vắt víu lên người, trông như một chú chim màu sắc sặc sỡ đến lố bịch.
Atile’i tìm thấy một chiếc gậy có độ đàn hồi. Vài hôm sau cậu nảy ra sáng kiến mài nhọn một đầu của nó, thêm vào một thứ đàn hồi cũng nhặt được, ráp lại thành một dạng súng bắn cá. Cũng với cách đó cậu đã tạo ra một chiếc gawana khác chất liệu, còn bền chắc và dẻo dai hơn cả chiếc gawana trên đảo. Cậu phát hiện ra một thứ hình quả cầu còn cứng hơn cả trái cây nhưng lại có tính đàn hồi, vừa vặn để dùng vào việc ném khi bọn chim bay quá cự ly mà gawana có thể tấn công. Atile’i học được tư thế ném từ một quyển sách
tranh ảnh màu và viết nhung nhúc những “chữ” ở trên đảo. (Tuy rằng đảo Wayo Wayo không có chữ viết, nhưng thầy Quản đất và thầy Quản biển cũng có được vài “quyển sách”). Trong sách có trang vẽ một người cũng với nước da nâu. Atile’i cảm thấy tư thế ném của anh ta rất hoàn hảo, đôi tay như phát ra ánh sáng chói lọi.
Ban đêm là cơ hội tốt cho Atile’i bắt bọn chim biển và rùa biển bằng gawana tự chế. Mới đầu, Atile’i chỉ biết nện cho lũ rùa biển ngất, sau đó kéo cổ chúng ra để hút máu. Mãi đến một ngày kia cậu tìm thấy một con dao bén ngót sáng lấp lánh ở bờ kia của hòn đảo (người Wayo Wayo cũng có dao, nhưng họ dùng loại dao bằng đá), thì mới có thể ăn được thịt rùa một cách dễ dàng hơn. Thịt rùa ăn giống như hải sâm cứng. Nhiều lúc sau khi bị mổ bụng rồi mà bốn chân của chúng vẫn quơ động, như thể chúng còn đang ở dưới đáy biển vậy.
Nhưng sau đó Atile’i phát hiện, thực ra gần đảo có không ít xác rùa biển chết. Khi xẻ những con rùa biển chết này, cậu thường thấy trong dạ dày chúng chứa những thứ không bao giờ phân hủy ở trên đảo. “Chẳng lẽ bọn rùa biển này ăn những thứ trên đảo mà chết?”. Atile’i nghĩ bụng, ngoài nước ra, mình phải tránh ăn bất cứ thứ gì ở trên đảo.
Sau nhiều lần lặn xuống biển, Atile’i phát hiện một hòn đảo phía dưới đảo còn to lớn hơn nhiều. Nó như một mê cung dưới biển, “lớn như một cái biển khác”. Bó tay, Atile’i không thể nghĩ ra được cách miêu tả nào hợp lý hơn. Đối với cậu, hễ cái thứ gì to lớn đều có thể gọi là biển. Những thứ trôi dạt ở dưới biển quến kết lại với nhau,
nhưng chỉ với một con sóng lớn thì có thể xô loạn xạ trật tự xếp đặt của những thứ này. Đây là một hòn đảo trong suốt biến đổi không ngừng, mỗi ngày lặn xuống, Atile’i luôn mất phương hướng tạm thời. Atile’i cố gắng mang những thứ có lẽ sẽ dùng đến từ dưới đáy biển lên đảo, đặt vào một chỗ. Không bao lâu, hòn đảo đã chất chứa không ít đồ lượm lặt của Atile’i. Có một số xài được, số còn lại chỉ đơn giản là vì cậu cảm thấy thú vị, lạ lẫm, hoặc là hấp dẫn cậu. Cũng giống như trên đảo Wayo Wayo, ai ai cũng nhặt vỏ sò, dán lên “bức tường trang trí” ở mặt nhà hướng về phía mặt trời mọc vậy. Mới đầu Atile’i treo những thứ này trên một “bức tường trang trí” do cậu làm ra, nhưng cậu phát hiện, bức tường không cách nào có thể hướng về phía mặt trời mọc, vì hòn đảo hình như đang xoay tròn, mỗi sáng mặt trời mọc lên ở khắp mọi vị trí của hòn đảo.
Trải qua một thời gian, Atile’i bắt đầu sưu tập những hộp mỏng. Hình ảnh trên hộp vẫn chưa bị nước biển ăn mòn hoàn toàn, vẫn còn có thể nhận ra một hình ảnh lõa lồ phái nữ. Họ để lộ ra cặp vú và nước da trắng muốt mà cậu chưa từng thấy bao giờ, nhìn cậu với vẻ cực kỳ quyến rũ. Rasula hẳn không kém những cô gái này. Cậu nhận thấy Rasula có một nửa giống họ, còn một nửa kia thì giống người Wayo Wayo. Nhưng đối với Atile’i lúc này, thì hầu như bất cứ một hình ảnh phái nữ lõa thể nào cũng khiến dương vật Atile’i cương cứng, làm muốn kawalulu. Cậu vừa nghĩ về Rasula vừa kawalulu, thường nghĩ có lẽ đó là một kiểu tình yêu.
Atile’i cũng sưu tập “sách”. “Sách” là thứ mà cậu đã từng thấy ở chỗ thầy Quản đất, có điều “sách” khó kiếm hơn, thông thường sẽ
được giữ trong một chiếc túi trong suốt, mới không bị rách nát hay mục rữa. Thầy Quản đất có vài cuốn “sách” nghe nói là do người da trắng bỏ lại. Ông nói người da trắng gọi những ký hiệu này là “chữ viết”. Người Wayo Wayo không có chữ viết, vì họ cho rằng thế giới không cần được ghi nhớ lại thông qua chữ viết. Cuộc sống là một loại âm hưởng, tồn tại trong tiếng ca và câu chuyện là đủ rồi.
Những cuốn dày cộm hay những tờ giấy lẻ chứa đầy những ký hiệu khác nhau, có hình hoặc không có hình, chỉ cần có chữ thì Atile’i đều cho rằng đó là sách. Ký hiệu trong sách tuy không giống nhau, nhưng hình như đều ẩn chứa một quy luật. Có lẽ chính bản thân Atile’i không biết ai đã lập ra quy luật ấy, hay quy luật ấy được rút ra từ đâu, nên cậu nảy sinh một thái độ sùng kính kỳ lạ đối với những ký hiệu này. Cũng có một số thứ trên đảo mà Atile’i có thể hiểu được, như cây khô, cá chết, hòn đá… còn phần lớn đều thuộc về thế giới ngoài cảm quan và tri thức của cậu. Sách và những ký hiệu ở trong đó là điều khiến cậu ngạc nhiên nhất, vì rõ ràng các ký hiệu không chỉ là một loại. Tại sao bọn người da trắng và một loại người Wayo Wayo lại sáng tạo ra một thứ xem ra hoàn toàn không có ích lợi gì vậy chứ? Cậu nhìn những ký hiệu đó, cơ thể bỗng nóng ran lên, cảm giác có một cơn run nhẹ lẩn khuất trong người.
“Biển cả sẽ ban phước cho ngươi, Kabang có lý riêng của ngài”. Cậu lẩm bẩm một mình, và chất những cuốn sách nhặt được vào một khu, do chỗ chất sách mỗi lúc một nặng, một số cuốn sách rơi lại xuống biển.
Lúc đầu Atile’i dựa vào cảm giác mới mẻ của việc lượm lặt đồ vật
để giữ vững tâm hồn đang dần mục rữa của mình, nhưng một người cô độc ở chết gí một nơi trong thời gian dài thì chắc chắn sẽ hiểu, khoảng trống giữa thời gian với thời gian giống như một rãnh đại dương, nếu chỉ dựa vào tâm hồn của một người thì không thể nào có thể vượt qua được. Lúc này, hồi ức là thứ duy nhất có thể khỏa lấp được. Một kẻ mắc nạn trên biển như Atile’i, một mặt dựa vào ý niệm không muốn trở thành sứa để không tự tử, một mặt dựa vào ký ức để duy trì cuộc sống yếu ớt của mình. Cậu đã giải tỏa ham muốn bằng đêm mà hôm sau phải ra biển, hiểu về biển qua lời nói của cha và những cụ già, hiểu về tình yêu thông qua tiếng hát của dân đảo trong ký ức.
Atile’i hầu như sắp quên mất phương hướng của đảo Wayo Wayo. Nếu như người Wayo Wayo gặp phải dòng chảy dữ dội hoặc tai nạn trên biển, thì họ sẽ nhắm mắt lại, cố gắng ngẩng cao đầu và vươn dài người ra, bởi nghe nói người có kinh nghiệm phong phú sẽ ngửi ra được phương hướng của đảo Wayo Wayo. Mới đầu Atile’i còn có thể xuyên qua mùi tanh của biển và mùi của mưa, ngửi thấy mùi đậm đặc của Wayo Wayo, nhưng sau khoảng thời gian của bảy bài hát, mùi Wayo Wayo đã yếu mảnh như một sợi tơ, thêm bảy bài hát nữa, Atile’i chỉ có thể đoán đại khái đảo Wayo Wayo nằm ở hướng mặt trời lặn. Và tất cả người Wayo Wayo đều biết rằng nơi mặt trời lặn xuống đều sẽ thay đổi, nên nó không phải là hướng chính xác của đảo Wayo Wayo.
Trong những ngày qua, Atile’i nhìn thấy tất thảy các cảnh sắc của biển, và trải qua thời tiết quái dị mà trước đây chưa từng gặp phải bao giờ: nhiều lúc vừa mới đó nóng hừng hực như lửa, không lâu sau bỗng dưng trở lạnh đến khó chịu; nhiều khi trời trong veo vẻo, nhưng độ chừng khoảng thời gian câu được một con cá bỗng mây đen kéo đến ngụt trời, gió thốc nổi lên. Có lúc màn đêm đột ngột giáng xuống, có lúc vừa bước qua giữa trưa bỗng nhiên màn đêm bao trùm, nhiều lúc ánh sao đang lung linh rọi sáng thì mặt trời đột nhiên mọc lên, làm khuất dạng những ngôi sao. Có một lần cậu trông thấy chín cơn lốc xoáy xuất hiện cùng lúc trên biển, sấm sét từng đợt này đến đợt khác liên lục nối đuôi nhau chớp nhoáng, tầng mây đen trông như mọc ra những cái chân nhỏ li ti, bước từ bầu trời xuống biển, nước biển vừa chạm vào những cái chân mây nhỏ đó, ngay lập tức chồm lên, tạo ra vực nước xoáy. Cơn lốc xoáy vừa dứt, một trận mưa xối xả giội xuống, Atile’i không ngừng cầu nguyện Kabang để tiện thể mang cậu đi luôn cho rảnh. Đến khi trời quang mây tạnh, Atile’i trông thấy một vệt đen dài trên biển, cậu bơi lại gần xem, thì phát hiện xác của một đàn bướm không biết từ đâu đến, nhiều vô số kể, kéo dài thậm thượt, cũng bí hiểm giống như sự trôi dạt của cậu, không biết điểm cuối cùng là nơi nào.
Atile’i dần mất đi khái niệm về sớm mai, giữa trưa, chạng vạng và đêm hôm, bỏ thói quen ngắm sao để xác định phương hướng của mình. Cậu buông thả mình như một chiếc lá rơi tự do, như xác một con cá bập bềnh trôi trên mặt biển, đói thì kiếm ăn, mệt thì lăn ra ngủ. Thậm chí cậu còn cho rằng đảo Wayo Wayo là ảo giác nặng nề
của mình, là một câu chuyện hư cấu. Nhưng Atile’i tự hiểu, mình có một khát vọng là được trông thấy Wayo Wayo lần nữa, thậm chí là bất cứ một hồn ma nào. Vì Atile’i biết rằng ban ngày những hồn ma con trai thứ của đảo Wayo Wayo hóa thành loài cá nhà táng, nên mỗi lần nhìn thấy hình bóng của cá nhà táng, cậu cũng hướng ra biển khơi mà vẫy gọi. Tiếng gọi ấy bi thiết đến nỗi bọn chim đại bàng bay về phương Bắc cũng cảm nhận được. Nếu Rasula và mẹ cô ấy là Saliya có ở đây thì tốt biết mấy, Atile’i mơ ước. Vì tiếng hát của họ là sức mạnh duy nhất trên đảo có thể kêu gọi Masimaga’o (nghĩa là “một loài cá voi có cơ thể to như biển” trong tiếng Wayo Wayo), còn thầy Quản biển có thể quan sát tư thế của Masimaga’o để dự đoán tương lai. Nào ngờ vào một hôm sau khi Atile’i hát xong, một cặp Masimaga’o đang giao phối xuất hiện ở gần hòn đảo, chúng húc lủng một lỗ sâu hoắm vào chỗ yếu ớt nhất của hòn đảo. Chừng trồi lên khỏi mặt nước cơ thể chúng vướng đầy những thứ màu mè lòe loẹt, giống như đến dự một cuộc lễ tế thần nào đó.
Có một lần, Atile’i dùng súng bắn cá của mình bắn trúng vào một con cá buồm bơi sát mé đảo, cá buồm mang vết thương bơi đi, Atile’i nắm chặt lấy súng bắn cá tự chế, bị nó kéo theo xuống biển. Ngay lúc Atile’i định từ bỏ, nhưng do bị kéo chìm xuống với tốc độ quá nhanh nên cậu nhất thời mất kiểm soát. Ý nghĩ bảo cậu buông tay, nhưng tay thì nắm chặt không thả. Lúc này cá buồm bơi vào trong mê cung của hòn đảo, lúc thì trồi lên mặt biển, lúc thì chìm vào mọi thứ vật kỳ dị của hòn đảo. Tự nhiên Atile’i cầu nguyện: “Kabang, vị thần duy nhất có thể khiến nước biển khô cạn của
chúng tôi ơi, cho dù ngài sẽ bỏ mặc tôi, cũng xin ngài làm cho thi thể của tôi trở thành san hô, được trôi dạt về hướng quê hương xứ sở, để Rasula nhặt được”.
Chẳng biết mất bao lâu, cuối cùng thì cá buồm cũng không thoát khỏi hòn đảo dưới nước. Nó bị nhiều thứ sắc bén cắt bị thương, những đồ tạp nham quấn chặt lấy đầu, thương tích càng lúc càng nhiều, không thể sống nổi. Còn phần Atile’i tay vẫn nắm chặt súng bắn cá không buông, vội vàng thả ra, bám lấy một góc đảo, tìm được luồng không khí bị nhốt ở tầng dưới đáy đảo, lại một lần nữa được nhìn thấy trời đất bằng ý chí ham sống thuộc về bản năng. Cậu chỉ ăn được một miếng thịt cá buồm, hôm sau thì xác con cá mà cậu gửi lại ở đáy đảo ấy, đến một mảnh xương cũng không biết đã đi về đâu.
Atile’i nghĩ, không biết cho đến khi nào mình mới về được đảo Wayo Wayo, có khi mình phải sống một thân một mình như thế này ở đây mãi, nên cậu cần phải có một nơi ở chắn được mưa gió tốt hơn. Cậu tìm thấy một loại vải màu xanh da trời chống thấm nước tuyệt vời, thế là cậu kết hợp nó với một loại ống vừa mềm mại vừa chắc chắn, làm thành một túp lều nho nhỏ. Ít lâu sau, một cơn bão lớn đã phá hủy túp lều, thế là cậu quyết tâm phải cất cho mình một căn nhà nho nhỏ. Đương nhiên nó không tài nào cự nổi mưa bão (trên thế gian chắc không tồn tại thứ này đâu ha?) nhưng ít nhất là không yếu ớt như căn lều. “Sự yếu ớt của nhà ở chính là sự yếu kém của đàn ông”, có một câu ngạn ngữ của đảo Wayo Wayo nói thế. Cậu quyết định chọn lấy những thứ mà cậu chắc chắn rằng mưa sẽ
không làm mục nát, nước biển cũng không thể làm mục rữa, kết hợp chúng lại. Căn nhà của cậu sẽ trôi lênh đênh theo triều cường, không chừng sẽ có ngày sẽ trôi dạt về được đảo Wayo Wayo. Cho dù cậu có chết đi rồi, thì căn nhà ấy cũng vẫn còn tồn tại, giúp cậu mang về một tin tức từ biển.
Khi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc xây nhà, Atile’i phát hiện hòn đảo này cung cấp không ít nguyên liệu khó hư hoại. Atile’i sử dụng lại những thứ bằng kim loại mà cậu dùng để cất lều lúc trước, kết hợp với xương hàm và xương sườn của các loại cá voi để ráp thành khung sườn nhà, dùng loại gậy mà cậu chế ra súng bắn cá làm sườn vách, và lấy một thứ nhiều màu sắc cho dù có cố hết sức xé cũng không thể rách nổi để làm vật liệu cột khung sườn. Lúc đầu cậu hạo hạo một kích cỡ chừng được ba người nằm, mặt trăng và mặt trời cứ thế lần lượt thay phiên nhau, ngôi nhà cũng dần dần ra hình ra dáng. Ngoài ra, Atile’i còn cất một gian phòng dùng làm kho chứa, cũng dành một nơi để trữ nước, Atile’i gọi nó là sakaloma, nghĩa là một cái “giếng trên biển”. Vì căn nhà được xây nên từ những thứ tìm thấy được ở trên đảo, do đó từ xa xa nhìn vào nó cũng ăn nhập với bản thân hòn đảo như là một khối, tựa như nó cố tình ngụy trang để lẩn trốn. Atile’i ngắm nghía ngôi nhà, cảm thấy mình thật giàu có.
Nhưng rồi Atile’i phát hiện có nhiều loài sinh vật biển chết ở chung quanh, đoán rằng lẽ nào chúng cũng ăn một phần nào hòn đảo rồi chết đi như bọn rùa biển. Việc này khiến cho hòn đảo lắm khi trông như một cái lồng khổng lồ trên biển, một bãi tha ma, một
vùng đất u tối bị nguyền rủa và không gốc rễ. Ngoài một số ít rùa biển thỉnh thoảng lên đảo đào lỗ đẻ trứng ra, thì hầu như không có một sinh vật nào sống nhờ vào đảo. Còn bọn đã chết ráo vì ăn phải một phần nào đó của đảo lại trở thành một phần của hòn đảo. Cậu nghĩ rồi đây mình cũng sẽ trở thành một phần của hòn đảo. Thì ra địa ngục là như vậy, đây chính là cõi âm.
Atile’i từng trông thấy một chiếc thuyền to lớn hơn talawaka rất nhiều ở đằng xa, cũng từng thấy con chim sắt phát ra tiếng kêu kinh khiếp bay trên trời. Cậu tin rằng đó là thứ mà thầy Quản đất nói: “Chim địa ngục và thuyền ma của người da trắng”.
Atile’i không có một chút hiểu biết gì về thế giới của một dạng người khác. Nghe đồn khi trông thấy người da trắng lần đầu tiên, người Wayo Wayo bèn hỏi họ rằng: “Có phải các người đến đây bằng đường ngang trời?”.
Cầu vồng chính là đường ngang trời, thầy Quản đất nói: “Chỉ những linh hồn mới nhẹ đến nỗi đi được trên cầu vồng”. Thỉnh thoảng Atile’i ngắm nhìn cầu vồng ở đằng xa, mơ màng lỡ một ngày kia gặp được người da trắng thì phải làm sao? Phải giao tiếp với họ như thế nào? Họ có thể đưa mình về đảo Wayo Wayo không? Atile’i nhớ đến lời nói lỡ của thầy Quản đất: “Người da trắng đến rồi lại đi, chúng ta sống bằng quy luật của đảo Wayo Wayo, không cần người da trắng. Món quà mà họ để lại đây chỉ là tổn thương và chiếm đoạt, chiếc đồng hồ đeo tay vô dụng này, vài quyển sách, và con gái giống như Rasula. Thầy Quản đất thở dài nói thêm: “Nhưng, một sớm mai kia, người Wayo Wayo cũng bị tiêu diệt bởi những người
nào đó sống trên thế giới này cũng chưa biết chừng”.
Những người nào đó sống trên thế giới này. Có lẽ giờ đây họ cũng đã quên mất cậu. Nhưng Atile’i biết rằng sự thật không phải thế, người Wayo Wayo biết cậu ra biển mà. Chỉ là họ quyết tâm quên cậu, cố ý quên cậu thôi. Nghĩ đến đó, Atile’i cảm thấy sống như thế này còn khó chịu hơn cả chết đi, giống như bị nhốt ở một thế giới còn lớn hơn cả thế giới thông thường, chịu một sự trừng phạt đáng sợ trong thinh lặng. Tại sao mình phải nhận lãnh sự trừng phạt này chứ? Đây là việc mà Kabang quyền năng muốn làm, là số phận của những đứa con trai thứ chăng?
Nỗi khổ tâm này dai dẳng cho đến khi Atile’i tìm thấy một que ngắn có thể vẽ hình lên “sách” mới giải tỏa được. Thực ra cậu đã phát hiện ra không ít những que nhỏ này từ lâu lắm rồi, nhưng lúc đầu cậu chỉ tha chúng từ bên này qua bên kia trên đảo, hoặc lấy làm then chốt dùng cho việc xây nhà. Còn giờ thì chúng còn để lại được những hằn vết trên những thứ này, khiến cậu cảm thấy kinh ngạc. Ngày lại ngày qua, Atile’i phải chống cự với một kẻ thù cự phách của mình chính là nỗi cô đơn. Trên đảo không có ai chào cậu, không có ai tấm tắc ngợi khen kỹ năng bơi lội của cậu, không có ai đánh nhau với cậu, cũng không có ai bơi cược với cậu. Nhưng kể từ khi có những que nhỏ này, cậu có thể vẽ lại những gì mà mình thấy hoặc mình nghĩ ra.
Atile’i lẳng lặng đi thu nhặt tất cả những que nhỏ có ở trên đảo và
những thứ có thể dùng nó để tô vẽ lên. Cậu nhận thấy những que này có to có nhỏ, màu nọ màu kia, có loại vẽ cả buổi cũng không ra. Cậu cũng phát hiện ngoài sách ra, có không ít thứ có thể vẽ lên được, trong đó có cả cơ thể cậu. Một hôm nọ, đột nhiên Atile’i nghĩ ra một trò, bèn vẽ tất cả những gì mình nhìn thấy được lên lòng bàn chân, bắp chuối, bắp đùi, bụng, ngực, vai, cổ, mặt và chỗ trên lưng mà tay có thể thò tới được. Hình nọ chồng lên hình kia, cho đến khi những hình vẽ bị nước mưa gội rửa trôi đi, Atile’i bèn vẽ những hình mới.
Vào một buổi sáng tinh mơ, Atile’i chạy vùn vụt trên đảo. Trông xa xa chẳng giống Atile’i chút nào, mà như một loài sinh vật nào đó, nói cách khác, như một bóng ma, hay như một vị thần.
5.
Ngôi nhà của Alice
Toto được sinh ra sau khi Alice và Jakobsen biết nhau được ba năm. Gọi là lỡ dính bầu thì đúng hơn, hay là số mệnh đã an bài, vì cô và Jakobsen chưa từng nghĩ đến việc có con. Kể cả mặt tâm lý lẫn sinh lý, họ đều nghĩ là không thể, nên thằng bé không nằm trong kế hoạch cuộc đời của hai người họ. Tuy Jakobsen và Alice thường quan niệm khác nhau về nhiều thứ, nhưng họ có chung một suy nghĩ là cảm thấy việc lôi kéo một đứa trẻ đến cuộc đời này là một sự trừng phạt, một nỗi khổ dành cho nó.
Họ phát hiện có bầu Toto đúng lúc kế hoạch xây nhà cũng vừa được chốt, do đó tương lai có Toto cũng được tính luôn vào dự án căn nhà. Bản thiết kế do chính tay Jakobsen vẽ, mặt ngoài chủ yếu dựa theo Ngôi nhà Mùa hè của kiến trúc sư Erik Gunnar Asplund, rồi thay đổi một vài chỗ. Thay đổi lớn nhất nằm ở chỗ gian bên phải của Ngôi nhà Mùa hè được đẩy cao lên thành hai tầng, gian nhà chính cũng được nâng cao hơn một chút, do đó bề ngoài căn nhà của họ có hơi khác so với căn nhà ấm áp vốn lẩn khuất trong rừng sâu. Ngoài ra, kết cấu ngôi nhà của họ cũng khác, dù gì thì Ngôi nhà Mùa hè không day mặt ra hướng biển, không cần phải lo đến thủy
triều đều đặn mỗi ngày và những ngọn gió biển bất thường. Năm ấy Alice đi du lịch Thụy Điển cùng với anh chàng Jakobsen vừa mới quen, vào một buổi chiều ngày thứ ba ở Stockholm, họ cất công đến tham quan thư viện thành phố Stockholm, một công trình kiến trúc khác của Asplund. Vừa bước vào thư viện, Alice bất ngờ kinh ngạc hít một hơi thật sâu. Giá sách được xếp đặt đẹp như những tiết nhịp trong tứ tấu đàn dây của Achille-Claude Debussy, tầng tầng lớp lớp, tầng tầng lớp lớp, như không có điểm dừng để có thể thẳng một mạch đến thiên đường. Đây có lẽ là một kho sách đẹp đẽ nhất mà cô từng thấy qua.
Phong cảnh thiên nhiên ở huyện Haven tuy có mỹ miều, nhưng về cảnh quan nhân tạo thì ngoài một số di tích cổ xưa ra, những tòa kiến trúc mà người ta mới xây sau này xấu kinh hồn, thư viện nằm gần ga xe lửa kinh khiếp lại càng kinh khiếp. Alice nhớ rằng ở Đài Bắc đã từng xây một thư viện Bắc Đầu rất đẹp, nhưng chỉ có thể coi là một tòa chửa, vì đồ chứa đựng trong ấy thiếu thốn đến tội nghiệp. Rõ ràng Asplund hiểu rất rõ ý nghĩa của một thư viện, những bức tường sách tuy có vẻ đè nặng lên chúng ta như bản thân lịch sử, nhưng không làm ta cảm thấy nặng nề ngạo mạn, những tia sáng rọi vào từ cửa sổ vuông be bé được mở thông bên trên, khiến ta có một cảm giác mang tính nghi thức trong lúc đang nhón chân lấy sách, đến nỗi khi Alice lấy sách cô có cảm giác như tay mình đang run, vừa tựa như là người hầu của ánh sáng, vừa tựa như là chủ nhân của sách vở vậy.
Alice thích mê thích mệt Phòng Chuyện kể, như có năng lực xoay
chuyển không gian và thời gian ấy. Nó nằm ở khu sách thiếu nhi thuộc tầng trệt, bước vào trong như bước vào một hang động của một vương quốc thần tiên, trên tường vẽ những bức tranh trong chuyện dân gian Thụy Điển, chính giữa đặt một chiếc ghế dành cho người đọc to (nó trông như một chiếc ghế mà nếu ngồi vào đó ta sẽ thêu dệt ra những câu chuyện có ma lực), bọn trẻ ngồi trên chiếc ghế hình vòng cung ở hai bên, hoặc ngồi bệt xuống đất. Ánh sáng leo lét rọi lên những bức tranh tường, tựa như chỉ cần một ngọn gió lướt qua thì những con yêu tinh trong tranh sẽ cất tiếng nói, ánh mắt mỗi đứa trẻ ngồi nghe kể chuyện quắc lên nhấp nhánh. Cũng chính trong cái thời khắc ấy, Alice chợt có một ý nghĩ mà từ trước đến nay chưa hề có, rằng nếu có một đứa con cũng hay nhỉ.
“Linh hồn vốn chỉ xuất hiện ở những nơi như thế này, chẳng phải sao?” Alice nói với Jakobsen.
Jakobsen nhận thấy Alice đã bị Asplund mê hoặc, như chợt nhớ ra, anh hỏi: “Ngày mai em có dự định gì không? Em có muốn đi tham quan một tác phẩm phi công cộng khác của Asplund, một tòa nhà tư nhân?”.
“Vốn dĩ có, nhưng giờ thì không rồi.”
Hôm sau họ bắt đầu ra đi từ khu cắm trại, ngồi xe buýt độ hai tiếng đồng hồ, từ trạm dừng xe bộ thêm mười mấy phút nữa, tiến vào một con đường rừng, giữa buổi trưa hè, ánh nắng rọi xuống qua khe hở của cây rừng, con đường in lỗ chỗ những đốm rằn ri ám thị, cái không khí ấy khiến khi đang đi bên cạnh Jakobsen, Alice cảm
thấy mình trẻ trung biết mấy, như một thiếu nữ có khả năng đan dệt ra một cuộc sống mới để sống bằng nụ cười của người tình. Đoạn ngút ngàn của khu rừng là một con đường quanh co dốc lài lài hướng lên, tuy đoạn đường không thể gọi là ngắn, nhưng nhờ cảnh đẹp, nên không làm cho người ta cảm thấy mệt. Đồng cỏ trải từ điểm dưới chân lan rộng ra xa theo tầm mắt, bên trái là núi đá kiên cường không hề nhân nhượng, bên phải là con đường thông ra một cái vịnh nổi tiếng, trước mặt chính là tòa nhà mang tên Ngôi nhà Mùa hè. Tuy nhiên, do chủ nhà đi vắng, nên Alice và Jakobsen đành phải lịch sự đứng ngắm từ xa, nhưng mãi đến sau này khi nhớ về thời khắc đó, cô bỗng cảm giác như những điều trông thấy là chính bản thân cuộc sống, chứ không phải chỉ đơn giản là một tòa nhà.
“Sau này em sẽ được sống trong một tòa nhà như vậy chứ?”, Alice hỏi với vẻ vừa có chút nham hiểm vừa có chút khiêu khích. “Đương nhiên”, Jakobsen trả lời với vẻ điềm nhiên như không. Ngay lúc đó Alice cảm thấy mình có chút không phải là mình, vì thông thường cô không bao giờ nói như thế với một cậu trai mà thoạt trông đã biết là trẻ hơn mình.
Hiện giờ, thứ duy nhất có thể an ủi Alice được chính là căn nhà giữa biển này. Cô hồi tưởng lại những kỷ niệm thuở quen nhau của cô và Jakobsen, nhận thấy cũng chính bởi tính mơ mộng của cô đã làm hại cô. Mùa hè năm ấy, sau khi nhận được tấm bằng tiến sĩ văn học cực
kỳ nhàm chán của mình, cô gửi thư xin việc mà không chút hy vọng nào, vác lều trại, máy ảnh và máy tính xách tay, đi du lịch châu Âu một mình. Thực ra Alice dự định viết một quyển du ký đượm chút mùi phượt thủ, bắt đầu cuộc đời viết lách của mình, biết đâu chừng thuộc hàng bán chạy, thì chẳng cần phải vào trường đại học làm gì.
Sau khi đáp máy bay ở Copenhagen, trạm đầu tiên cô đến là ngoại ô Camping Charlottenlund Fort. Đây là một khu cắm trại mang đậm tính lịch sử, ở đây còn lưu giữ một khẩu đại bác cổ xưa được trùm bằng vải chống thấm nước rằn ri, thậm chí vẫn còn chuồng ngựa. Lúc đầu Alice muốn chọn nơi này làm địa bàn, lưu lại Copenhagen độ một tuần. Vào một đêm kia, Alice lỡ mất chuyến xe buýt đêm, đành phải đi bộ men theo dọc con lộ để về. Ban đêm đường về ngoại ô bóng người thưa thớt, khiến cô cảm thấy nơm nớp lo. Thảm hại hơn là cô đi lạc đường, đến nỗi phải đi xuyên qua một công viên mới có thể về được khu cắm trại. Tuy gọi là công viên, nhưng thực ra nó lớn hơn thông thường, nó giống như một khu rừng già thì đúng hơn (kỳ thực đó là một khu rừng già đúng nghĩa). Cây cối có lẽ cũng đã được vài trăm tuổi, thậm chí trên ngàn tuổi, vả lại có nhiều cây đổ ngã trong đó, chặn các lối đi vốn đã lờ mờ âm u, vào giờ chạng vạng thì khu rừng già ấy khác hẳn ban ngày, không có người dắt chó đi dạo, không có người chạy bộ, chỉ nghe thấy tiếng cú vọ kêu rúc rúc. Ngay khi cô cảm thấy hoảng loạn, thì một luồng ánh sáng rọi từ đằng xa tới, có tiếng răng rắc vọng lại.
Trực giác khiến cô nghi ngờ rằng thực sự có ai đó xuất hiện ở đây lúc này. Không kìm được tim mình đập mạnh, Alice vội vàng muốn
tìm nơi nào đó trên đường để ẩn nấp. Bất ngờ, hơn cả tốc độ mà cô nghĩ, một cậu con trai cao lớn, mặt mày râu ria bờm xờm, nhưng rất cục mịch chạy chiếc xe đạp đến đỗ bên cạnh cô.
“Hey!”
“Hey!”, Alice đành miễn cưỡng trả lời.
“Cô muốn về khu cắm trại à?”
“Uhm!”
“Lên nào, tôi chở cô.”
“Không cần đâu.”
“Đừng sợ, cô nhìn nè, đây là thẻ làm việc ở khu cắm trại của tôi. Hôm qua tôi có thấy cô, cô ở khu Camping Charlottenlund Fort, đúng không? Cô đi một mình thế này không ổn lắm. Trời tối rồi. Yên tâm, cô có thể tin tưởng tôi. Rừng già nhận ra xe đạp của tôi”. Thực ra Alice biết được mùa này, sau 9 giờ thì trời mới bắt đầu tối, nhưng trống ngực cô vẫn cứ đấm thình thịch, nó gây cho cô sự khó hiểu là do mình hoảng sợ hay vì lý do gì khác khiến cô không biết phải tính sao. Cô liếc nhìn xe đạp của cậu ta, nó là một chiếc xe cuộc đòn ngang không có yên sau.
“Chiếc xe này, thì chở làm sao?”
Cậu trai lấy ra một cái giá đỡ phía sau từ trong balo, lắp vào cán yên xe, nói, “Chắc cô không nặng hơn 100 cân Anh đâu ha, chỗ này có thể chở nặng đến 140 cân Anh, không thành vấn đề”.
Thế là cậu trai chuyển balo đeo ra trước ngực, chở Alice với mớ hành lý ở đằng sau. Alice gá nhẹ tay mình lên phần eo rắn chắc của
cậu trai, trống ngực vẫn không có dấu hiệu giảm. Sau khi về đến khu cắm trại, hai người tiếp tục tán gẫu cho đến khi trời tối. Cậu trai về lều của mình mang ra một chiếc ghita, hát vài bài cho cô nghe, toàn những bài ca mang dấu ấn sâu đậm trong Alice khi lớn lên, cho đến khi những tua-bin gió phát điện chìm khuất, họ mới chịu về lều riêng của mình nghỉ ngơi.
Cô biết sơ sơ về cậu trai người Đan Mạch tên là Jakobsen trước mặt (sau đó cô biết được rằng, Jakobsen là một cái tên phổ biến của người Đan Mạch), quả nhiên bộ râu chỉ là một thứ mặt nạ hóa trang, cô còn lớn hơn anh những ba tuổi. Nhưng nếu nói về kinh nghiệm sống thì ngược lại, anh từng đạp xe vòng quanh châu Phi, dong thuyền buồm không động cơ băng ngang Đại Tây Dương, giữa chừng thuyền gặp sự cố trôi dạt đến một hòn đảo nhỏ không biết tên tuổi là gì. Anh còn tập bát cực quyền, từng theo đội ultra marathon băng ngang sa mạc Sahara, và mấy năm trước còn tham gia vào một cuộc thí nghiệm về giấc ngủ rất thú vị. Cuộc thí nghiệm là sự tái hiện lại nghiên cứu giấc ngủ trong hang động Midnight Cave ở bang Texas năm 1972, hoàn thiện một số điều kiện thực nghiệm lúc trước. Vì thế mà anh đã ở độ sâu hơn 30 mét dưới lòng đất tận nửa năm trời.
“Cảm giác dưới lòng đất như thế nào?”
“Thế nào ta? Thật ra thì tôi không thấy như đang ở dưới lòng đất, mà cảm giác giống như đang sống trong một vật đang sống nào đó vậy.”
Jakobsen hiểu biết rộng, tinh thần mạo hiểm mạnh mẽ, lạc quan với những khó khăn trước mắt, đó chính là cá tính mà hầu hết bọn con trai ở hòn đảo cô sống cũng thiếu mất, nó khiến Alice có chút say đắm. Đặc biệt là Jakobsen có một đôi mắt ngời sáng, ấm áp và dịu dàng.
“Anh đã làm quá nhiều việc rồi, thế giờ đây anh có dự định gì không?”
“Đan Mạch là một đất nước không có núi non, tôi dự định leo núi, vì vậy tôi đang theo học lớp leo núi ở Đức. Tôi hiện phải làm thêm để chuẩn bị mua một số đồ dùng leo núi, giờ thì mỗi tuần có ba ngày tập huấn chuyên nghiệp.”
Alice không biết tí gì tiếng Đan Mạch, chỉ có thể nói chuyện với anh bằng tiếng Anh, cả hai đều không sử dụng tiếng mẹ đẻ, nên khi nói chuyện thường tỏ vẻ ngờ ngợ. Nhưng quan trọng hơn có lẽ không ở chỗ ngôn ngữ, cô cảm thấy khi nói chuyện với anh có cảm giác như lòng mình đi mất, không có mục tiêu, thậm chí còn mơ màng đôi câu thơ, “‘For shade to shade will come too drowsily’, chết mất”, Alice nghĩ, “chết mất, khổ quá, chết mất thôi”.
Jakobsen cũng bị hấp dẫn bởi cô gái có thân hình mảnh mai dịu dàng này, thỉnh thoảng lầm bầm những câu tiếng Hoa một mình, nên anh quyết định từ bỏ kế hoạch kế đó là đi chèo thuyền độc mộc ở vịnh dốc đá. Về phần anh, gặp được Alice cũng kích thích và bất ngờ như đang mạo hiểm giữa thiên nhiên, vả lại còn có khả năng bị
tổn thương. Jakobsen tự nguyện làm hướng dẫn viên cho Alice, anh vác lều của mình trên lưng, cô vác phần của cô, kiểu đi phượt này khiến hai người cảm thấy vừa hồi hộp vừa phấn khích, như một đứa trẻ. Ba tuần trôi qua, Alice rảo một vòng Bắc Âu quay trở về Copenhagen để đáp máy bay, ban đầu anh vốn chỉ đến đưa tiễn, nhưng khi cô kéo hành lý của mình chuẩn bị lên máy bay, thì anh cũng kéo hành lý của anh, Jakobsen quyết định thử đến tham quan một Đài Loan mà anh chưa từng đặt chân tới. Chuyến bay của Alice hết chỗ, thế là hai người phải lần lượt bay đến Đài Loan một trước một sau. Sau khi đáp xuống Đài Bắc Alice không vội vã về ngay nhà, mà cô ngồi lại phi trường chờ chuyến bay tiếp theo từ Copenhagen quá cảnh ở Bangkok rồi mới bay đến Đài Bắc, ngay cái khoảnh khắc mà họ phát hiện ra nhau ở vị trí lối ra, ý niệm vương vấn trong lòng đã được giải đáp, không còn nghi ngờ gì nữa.
Về Đài Loan, Alice phát hiện trong hộc thư đầy ắp có một lá thư thông báo rằng cô đã được nhận vào trường giảng dạy, không chần chừ, ngay lập tức Alice quyết định chuẩn bị khăn gói đến huyện Haven. Suy nghĩ về việc tại sao mình chỉ nộp hồ sơ xin việc cho mỗi một trường đại học này thôi, lại cũng vì cá tính mơ mộng của mình gây ra cả, một phần là vì biển, một phần vì cho rằng mình có thể tìm lại giấc mơ viết lách. Viết văn đương nhiên cần phải chọn một nơi hẻo lánh ít người, nhưng thực ra chỉ cần là một nơi có thể giữ khoảng cách đủ để có thể quan sát loài người. Vào một tuần trước
khi đến huyện Haven, Jakobsen đã tiếp cận được với đoàn leo núi ở Đài Loan, tiện đó tham gia luôn vào phái đoàn leo Tuyết Sơn lần ấy. Trở lại Đài Bắc, anh nghe Alice nói đủ mọi thứ về huyện Haven, và quyết định đi cùng với cô tới đó xem thử.
Alice và Jakobsen vốn ở ký túc xá của trường, nhưng do họ chưa có giấy kết hôn chính thức, nên chỉ được xếp vào ở một gian phòng đơn nhỏ hẹp. Vả lại thông thường những ký túc xá do cơ quan nhà nước xây dựng đều không thích hợp cho người ở, sự ẩm thấp vào mùa hè thật sự ghê gớm, đến nỗi chăn mền cũng ướt nhẹp lúc chạng vạng. Từ một quốc gia đồng bằng đến một sơn đảo nên Jakobsen đã đi khắp nơi leo núi, và bắt đầu luyện tập leo vách đá với những bạn bè người bản địa, nói đến chuyện trở thành một nhà leo núi chuyên nghiệp, thì Jakobsen bắt đầu quá muộn, nhưng anh leo núi với tâm thái làm được đến đâu thì cứ việc làm vậy.
“Nơi này thật ẩm thấp, không giống Scandinavia chút nào.” “Đương nhiên, ở đây là vùng nhiệt đới mà. Anh này, chẳng lẽ anh không lo lắng đến vấn đề tiền bạc sao?”
“Anh đã gửi bài viết của mình cho một tạp chí du lịch đăng ở Đan Mạch, tạm thời không có vấn đề gì. Chẳng lẽ em nghi ngờ rằng anh đến đây vì muốn gạt lấy tiền của em sao?” Jakobsen nháy mắt phải, Alice phát hiện, Jakobsen chỉ nháy mắt phải khi anh không hoàn toàn nói thật, do đó cô cũng không đòi anh đưa tạp chí ra xem, cũng không thèm hỏi tới tình trạng của Jakobsen và hoàn cảnh gia đình anh.
Thế này chẳng phải tốt lắm sao? Không biết về gia đình của một người nhưng vẫn có thể sống cùng với người ấy. Jakobsen hào hứng kể cho Alice lý do anh dần yêu thích bộ môn leo núi này: “Khi một người leo lên một vách núi, trước mắt họ chỉ có một bầu trời giới hạn, cảm nhận được sức lực yếu ớt nhỏ nhoi dưới chân mình, những ngón tay thò vào những khe đá hẹp, những gì nhìn thấy được, ngửi thấy được thứ mà không cách nào có thể chia sẻ với người khác, em biết không? Em sẽ nghe được nhịp tim của mình, cảm nhận được hơi thở của mình càng lúc càng nặng nề, còn nếu leo ở độ cao vài ngàn mét, sự thực thì chúng có thể chết bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, cảm giác ấy thật là…” đôi mắt của Jakobsen sáng quắc lên nhấp nhánh, “cũng giống như ta có thể thấy được thần thánh bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu”.
Alice nhìn anh, đôi mắt đã từng hớp hồn cô, đến bây giờ vẫn vậy. Nhưng không biết vì sao, đặc điểm hấp dẫn Alice nhất ấy của Jakobsen lại trở thành mối bận tâm cho cô.
Lâu dần, Alice nảy sinh một cảm giác lo âu nghiêm trọng rằng cái người đàn ông hấp dẫn này có vẻ như có thể vứt bỏ cô để ra đi bất cứ lúc nào này, cô nửa muốn bỏ anh, nửa lại bị cuốn hút bởi ánh mắt khi ngây thơ, khi huyền ảo, lúc lại u sầu của anh, cơ hồ như tim cô sắp sửa rục rữa như căn phòng ký túc xá ẩm thấp này vậy, không biết làm sao cho phải.
Nhờ nghiên cứu tác giả Kee ở huyện Haven này trong một thời gian
dài mà Alice đã trở thành bạn thân với cô vợ trẻ của ông ta. Vợ của Kee đắm vào sông tình này trong lần phỏng vấn tác giả năm ấy (đây là một câu chuyện khác). Là người nói chuyện chậm rãi, ưa mang giày xăng-đan, cắt tóc ngắn, không đẹp lắm nhưng toát lên vẻ tươm tất tươi tắn, cô đặc biệt thích tiểu thuyết của Paul Auster. Cô và Kee chênh lệch nhau gần ba mươi tuổi. Tình yêu lúc nào cũng là thứ khiến chúng ta đưa ra những phán đoán kỳ quái, bao gồm việc cố vượt qua những trở ngại thực tế trong hôn nhân cũng như trong đời sống tình dục khi cách nhau ba mươi tuổi. Mới đầu, mọi người tưởng rằng hai người họ chỉ yêu đương thuần túy tinh thần thôi, nhưng điều khiến mọi người bất ngờ đó là nhà văn đã ly hôn vợ mình để cưới cô. Bạn bè đều cho rằng kết quả của cuộc hôn nhân này nhất định sẽ là Kee ra đi bỏ lại cô vợ sau trẻ trung cùng với một chồng bản thảo to đùng, hoặc cô vợ trẻ sẽ không thể chịu đựng nổi vì phải sống miết ở một chỗ với một lão già, cuối cùng tỉnh khỏi những mê muội văn chương. Nhưng mọi người không nghĩ đến việc cô vợ trẻ của nhà văn lại sớm lìa bỏ cuộc đời trước ông.
Trong một lần Kee và cô vợ trẻ của mình tản bộ dọc bờ biển, thì đột nhiên cô vợ trẻ bị một đợt sóng cuốn trôi đi. Nghe đồn là do hôm trước đó xuất hiện một cơn địa chấn không nhẹ ở ngoài biển, khiến bờ biển này xảy ra hiện tượng nước dâng cấp cục bộ. Đúng lúc Kee đi vệ sinh, thoắt một cái thì nước biển đã tràn vào đến nhà vệ sinh công cộng tạm thời do Cục Tham quan xây, dâng lên đến đầu gối. Qua cửa sổ ông chứng kiến cô vợ trẻ đang đứng xa xa bên bờ biển bị một ngọn sóng đột ngột cuốn trôi, mang đi trong thinh
lặng, không để lại một vết tích gì.
Vì ngay lúc đó không có ai ở đấy chứng kiến, cảnh sát lập hồ sơ, tiến hành điều tra gần hai tuần lễ rồi đột ngột khép lại vụ án luôn, nào ngờ ngay ngày hôm sau, Kee tự sát. Cách tự sát của Kee vừa có thể nói là không đặc biệt, cũng có thể nói là vô cùng đặc biệt, ông đóng chặt hết tất cả các cửa và cửa sổ của ngôi nhà, sau đó lần lượt đốt hết những bản thảo và thư tín của mình, cuối cùng hít khói và tàn tro bốc ra từ những văn bản do chính ông sáng tác, rồi chết đi vì suy kiệt.
Đứa con trai duy nhất của Kee tên là Văn Dương, anh vô cùng bất mãn về việc cha mình đã bỏ mẹ để cưới một cô vợ trẻ. Sau đó anh xem ông như kẻ thù, dắt mẹ mình rời khỏi miền Đông, đến Đài Bắc mở một tiệm buôn bán dụng cụ thể thao. Sau khi Kee tự sát, Văn Dương và Alice bàn bạc, quyết định xử lý cho xong toàn bộ tài sản của ông.
“Tôi thì không cần một thứ gì cả, nhà không cần, đất đai cũng không cần. Toàn bộ bản quyền xuất bản những tập tác phẩm đều giao hết cho giáo sư quyết định, chỉ cần chuyển hết tiền bản quyền và tiền bán căn nhà đến chỗ mẹ tôi là được”. Cậu để lại số tài khoản người vợ trước của nhà văn cho Alice. Thực ra giải quyết số sách vở mà nhà văn lưu giữ lại rất đơn giản, thuyết phục nhà trường dành ra một phòng nghiên cứu là xong ngay, còn căn nhà trong thành phố thì chỉ cần ký gửi cho môi giới bán đi thôi, riêng bản thân Alice rất thích khu rừng thứ sinh mà thỉnh thoảng nhà văn hay đến, ở đó chỉ có một căn nhà tranh nho nhỏ. Cô rút hết tiền trong sổ tiết kiệm ưu
đãi mà trường cho, mua miếng đất này, toàn bộ tiền được chuyển cho người vợ trước của nhà văn Kee.
Nhờ vậy, Alice đã đọc được nhật ký của cái ngày trước hôm nhà văn tự sát. Trong đó thuật lại tình hình cái hôm ngọn sóng đột ngột đến: “Thoạt nhìn nó không giống như một con sóng, mà như biển đột nhiên dâng lên một cách tỉnh tuồng, trong khi ta chưa kịp nhìn cho kỹ, thì nó đã rút về vị trí cũ trong êm ái, hút chìm một số thứ. Chỉ có vậy mà thôi”.
Lúc đó Jakobsen đang tham gia cùng một đội leo núi đa quốc gia đến Chamonix để leo lên đỉnh Mont Blanc mùa đông, vài tuần sau, anh đột nhiên xuất hiện ở nhà bếp ký túc xá trong tình trạng đang chuẩn bị bữa sáng.
“Hey!”
“Hey!”
“Ốp la thịt xông khói, thêm hành tây chứ?”
“Uhm…” Alice đã quen với kiểu gặp mặt này rồi, cô cố ý làm ra vẻ không quan tâm gì, song rất giận dữ về sự yếu đuối của mình. Trong lúc ăn sáng, cô vừa nghe Jakobsen kể về trải nghiệm mạo hiểm của anh suýt chút nữa bị một tia sáng cường độ mạnh phản chiếu làm mù mắt (cô nghi ngờ anh đã cố ý tháo kính trượt tuyết xuống, vì năm 1786 trong lần đầu tiên leo lên đỉnh Mont Blanc thì bác sĩ Michel-Gabriel Paccard suýt chút nữa mù mắt, lúc nào anh cũng
muốn trải nghiệm những điều mà những nhà thám hiểm trước kia đã suýt chút mất mạng), vừa cố ý lái câu chuyện sang đề tài xây cất.
“Thế anh định khi nào sẽ dẫn em đến Chamonix?”
“Lúc nào cũng sẵn sàng mà.”
“Kiến trúc nhà ở Chamonix đẹp không?”
“Chỉ có em mới có đủ tư cách ở trong những ngôi nhà như thế.” “Anh có nhớ Ngôi nhà Mùa hè không?”, cô bất chợt xen vào. “Có chứ, một căn nhà nhỏ xinh đẹp”. Anh nhẹ nhàng lau sạch vết
tương cà dính trên mép miệng cô bằng một nụ hôn. “Em muốn cất một ngôi nhà nho nhỏ như thế.”
“Thật chứ?”
“Em mua đất rồi.”
“Em mua đất rồi? Có nghĩa là em đã mua một miếng đất có thể cất nhà đó hả?”
Miếng đất nằm bên cạnh rừng mé biển, trước mặt ở chỗ không xa ấy là biển. Đường bờ biển ở đây chủ yếu là đá, chỉ có một lớp đất không dày, do đó tuy về mặt đăng ký là đất nông nghiệp, nhưng thực tế thì khó thể trồng được thứ gì. Alice xem khắp cùng hết các bản thảo của Kee, vẫn không hiểu sao hồi đó ông lại mua mảnh đất này. Jakobsen đứng bên rìa miếng đất, tự dưng thả bộ về phía biển, sau đó đột nhiên bắt đầu lột đồ ra, cho đến lúc không còn gì trên
người, phóng nhào xuống biển, giống như thể vừa phát hiện ra mình đã xa người yêu quá lâu, nên lần này về lại nhất định phải ôm chặt lấy cô ấy và làm tình thật nồng nhiệt. Alice lẳng lặng đứng ở khu đất nhìn mái tóc xoăn vàng óng của anh trôi hụp trong màu xanh của biển, tựa như một tín vật có thể đánh mất bất cứ lúc nào. Sau khi lên bờ anh hôn cô nồng nàn, và nói:
“Chúng ta sẽ xây một căn nhà dạng như Ngôi nhà Mùa hè vậy nhé.”
Jakobsen đến thư viện mượn rất nhiều sách về kiến trúc, bắt đầu dùi mài nghiên cứu, hầu như không leo núi nữa. Alice hoàn toàn tin tưởng, tuy Jakobsen không phải thiên tài, nhưng có một khí chất mà chỉ cần anh quyết tâm thực hiện thì cho dù là việc gì đi nữa cũng đều có thể hoàn thành. Kiểu người như thế liệu cô có thể giữ được không chứ?
Jakobsen nói, “Mặt ngoài của tòa nhà có thể giống Ngôi nhà Mùa hè, nhưng về tổng thể thì không, anh sẽ xây một ngôi nhà mùa hè phù hợp nơi đây”. Vì mặt hướng ra biển, nên anh đã xoay hướng của ngôi nhà, nói cụ thể hơn, mặt thay vì hướng ra vịnh hẹp thì giờ lại hướng ra Thái Bình Dương, nhưng có hơi chếch đi một góc khoảng 30 độ, không thể cho cả ba gian nhỏ lại hướng thẳng ra biển. Lý do phải chếch góc 30 độ là vì, gió biển rất mạnh, lại thêm ánh nắng sẽ phản xạ trực tiếp từ mặt biển vào, khiến người ta cảm thấy lo lắng, không thể tạo nên một bầu không khí thong dong vào mỗi buổi sáng
sớm thức dậy. Vả lại chếch góc 30 độ sẽ khiến cho ngôi nhà nhận đủ ánh sáng ở từng ngóc ngách, mà không chói mắt. Mé bên phải đổi làm căn hai tầng, căn gác phía trên được nâng cao hơn một mét, như thế, từ trên cửa sổ chúng ta có thể nhìn ra xa trông về một Thái Bình Dương mênh mông.
Alice lắng nghe lời giải thích của Jakobsen, bắt đầu tưởng tượng ra viễn cảnh mình sẽ ngồi bên cửa sổ thế này viết văn, cô bảo cô muốn đặt tên cho khung cửa sổ này là “Hải Song”. Jakobsen cũng quyết định tái hiện lại ý tưởng ban đầu của Asplund thiết kế cho ngôi nhà mùa hè rằng, giữa ba gian sẽ có một con hẻm nhỏ, vì vậy ba gian sẽ trông như độc lập với nhau, nhưng lại có cảm giác là bạn bè thân thiết. “Em sẽ ở gian bên phải, gian bên trái thuộc về anh. Anh sẽ mở rộng gian bên trái ra sau một chút, nhờ đó anh cũng sở hữu một khung cửa sổ có thể nhìn ra biển”. Alice thích cái cảm giác giữ khoảng cách này.
Gian chính được thiết kế để có thể trồng được các loại cây từ ngoài vào trong, tạo nên một phòng khách hấp dẫn kiểu nhiệt đới. Jakobsen lén đi ra ở đủ các loại homestay bờ biển, nói với Alice bằng một vẻ đầy tự tin rằng: “Anh thấy có nhiều người xây nhà mà không hiểu được rằng xây nhà là để cho người ta ‘sống’ trong đó, nhất là ở Đài Loan, một số người xây nhà cốt ý để làm homestay, vì phần lớn du khách chỉ đến ‘tá túc một đêm’. Còn ngôi nhà thực sự dùng để ở mười năm, hai mươi năm thì phải khác. Anh muốn cất một căn nhà mà mình có thể ở được rất lâu”. Vì câu nói này mà Alice lại một lần yêu điên cuồng nồng nhiệt anh chàng trước mặt mình.
Do miền Đông Đài Loan ấm áp, nên không cần phải có lò sưởi, do đó không cần thiết phải giữ lại chi tiết lò sưởi nổi tiếng của Ngôi nhà mùa Hè, rất nhiều homestay ở Đài Loan giả lập một lò sưởi đốt bằng củi, Jakobsen cảm thấy điều này vừa lố bịch vừa ngu ngốc. Nhưng dưới sự hướng dẫn của Alice, anh đã thích thú với nét văn hóa bếp lò từng rất phổ biến ở thôn quê Đài Loan, do đó ngoài một căn bếp hiện đại ra, anh còn quy hoạch một gian bếp truyền thống.
“Thứ này xài được đấy, nhà mà nấu được đồ ăn truyền thống bản địa thì mới đúng là nhà chứ”, Jakobsen nói.
Jakobsen đã bỏ ra đúng một năm trời để thiết kế tổ chức đường dây điện. Anh so sánh cân nhắc những tấm pin năng lượng mặt trời của nhiều nhà sản xuất khác nhau, điều chỉnh góc độ, để sao cho những tấm pin mặt trời được trải đều trên mái đổ. Dưới những mái hiên có phủ tấm pin mặt trời đó, ba gian nhà đều có một mặt được thiết kế dãy ban công để hóng mát, thiền và ngủ trưa. Anh còn đặt mua một máy lọc nước biển thành nước ngọt cỡ nhỏ của một hãng sản xuất của Đức qua mạng, hệ thống ống dẫn nước của ngôi nhà được thiết kế làm hai đường dẫn là nước biển và nước mưa, có tác dụng đối phó riêng. Để không che mất góc nhìn, xa xa ở khoảng cách cố định đều nhau anh trồng những loại thực vật nguyên sinh ưa mặn của vùng này như đậu dầu, mắm ổi, đồng thời anh cũng tính toán làm sao cho trong vòng năm mươi năm phát triển của chúng, những tán cây trưởng thành không che khuất những tấm pin mặt trời.
Một năm rưỡi sau, Jakobsen hoàn thành bản thiết kế 2D, bản vẽ
3D, sơ đồ đường điện, sơ đồ đường nước; hằng ngày Alice nhìn anh, nghe anh gắp ghép, chắp nối để hình thành ngôi nhà, thì sâu tận đáy lòng cô đã sinh ra một sự rung động nhỏ, giống như niềm hạnh phúc thoáng qua khi ta vặn vòi phong-tên nước.
Trước khi ngôi nhà được khởi công, Alice đã thế chấp mọi tài sản để vay một khoản lớn từ ngân hàng. Việc cất nhà giúp cô có cảm giác tách khỏi đời sống học thuật nghèo nàn và buồn chán, và như đang sống vì một một mục tiêu nào đó. Vào chính buổi chiều ngày động thổ, Alice cảm thấy khó ở trong người bèn đến bệnh viện khám, bác sĩ đề nghị cô xét nghiệm thai thử xem.
Về sau, Alice thường nói Toto cùng một tuổi với ngôi nhà ven biển này, cơ bản thì đúng là như vậy thật. Về việc Toto sắp chào đời, Jakobsen cũng giống như bao người cha khi hay tin mình sắp có con, anh phấn khởi xếp đặt thêm không gian cho Toto ở hai gian trái và phải, điều này có nghĩa là cả cha và mẹ đều có khoảng thời gian riêng với con.
Sau khi Toto chào đời, thì ngôi nhà bên biển vẫn chưa được hoàn tất, ba tháng sau, Alice hoàn thành quy hoạch vườn tược của căn nhà. Cô ẵm Toto ra mái hiên, ngoài sân trồng đầy loại cây bướm ăn. Một đồng nghiệp của cô ở trường tên Ming là một nhà văn từng viết vài tản văn về bươm bướm, rất thân thiết với cô, do đó cô nhờ anh liệt kê giúp cô một danh sách những loại cây ven biển thích hợp, và hướng dẫn cô cách nuôi trồng hợp lý.
Jakobsen xới bung con đường đất đã bị máy ủi cán chặt lên, trồng những loại cây chắn gió ở hai bên, đắp một con đường nhỏ giữa hai hàng cây thông ra biển.
Nhưng vào năm ngôi nhà hoàn thành, liên tiếp mấy cơn bão lớn đổ bộ, nền đường cái bên bờ biển từng được xây lại và lùi vào trong độ 10 mét có dấu hiệu bị sạt lở, không lâu sau đó toàn bộ con lộ bất ngờ sụp lún, Ủy ban Công trình công cộng đành phải lùi vô thêm 30 mét nữa, đào xuyên một phần dãy núi, xây một con đường ven biển khác cao hơn một chút. Sau khi xảy ra cơn bão Moraket nổi tiếng trong lịch sử Đài Loan trước đây, thì chủ đề “mười năm sau sẽ có nhiều vùng đất trên đảo bị hải hóa” vốn đã trở nên nóng bỏng, nhưng đối với một số người thì vẫn là điều không hiện thực. Alice cho rằng, những sinh mạng bị cướp đi bởi thiên tai chỉ khiến một số người ngộ nhận rằng chúng ta có thể đối phó được với thiên tai. Một số người cũng nhân hóa thiên tai, cho rằng thiên nhiên đã quá “tàn nhẫn”, “bất nhân”, cứ thế lảm nhảm.
Nghe xong cách nghĩ của Alice, Jakobsen thỉnh thoảng cũng bày tỏ quan điểm Đan Mạch của anh cho Alice nghe: “Thực ra thiên nhiên không tàn khốc. Ít nhất là không quá tàn khốc với con người. Thiên nhiên cũng không trả đũa, vì một thứ vô tri không thể trả đũa được. Tự nhiên chỉ làm công việc mà nó cần phải làm. Biển dâng lên thì biển cứ dâng thôi, tới lúc đó chúng ta dọn nhà đi là được chứ gì. Còn nếu không kịp dọn nhà đi thì chết chìm dưới biển, làm thức ăn cho cá. Nghĩ thể chẳng phải là tuyệt hơn sao?”.
“Tuyệt vời?”
Ban đầu Alice không hiểu lắm cách nghĩ của Jakobsen, dù sao đi nữa thì miếng đất và ngôi nhà này là sự đầu tư bằng toàn bộ số tiền cô có được cho đến thời điểm này, còn chưa tính đến khoản nợ vay ngân hàng! Nhưng hình như cô cũng dần hiểu ra. Nói đúng hơn là trước mắt mình cứ việc sống thôi, đến lúc cần phải chạy thì chạy, cần phải chống cự thì chống cự, chừng phải chết thì chết, như một chú chim sơn ca vậy.
Trong khoảng thời gian này, biển như một ký ức không thể dự đoán, thoắt cái đã đến ngay phía trước ngôi nhà. Sau mùa Giáng sinh năm ngoái, Alice không thể không từ bỏ thói quen ra vào từ cửa trước lúc thủy triều dâng. Mỗi ngày hai lần, Alice bị thủy triều nhốt chặt, vài giờ sau lại được thả ra. Vào thời điểm thủy triều dâng cao, biển nhẹ nhàng rảo quanh hào ngăn nước của ngôi nhà, choàng ôm lấy nó, để lại vô số thứ ở cửa sau: xác cá nóc, gỗ trôi với hình dạng kỳ quặc, một mảnh vỡ từ thân một con tàu, xương cá voi, quần áo rách nát… Hôm sau nước rút, Alice mở cửa, phải vượt qua các loại xác chết mới bước ra khỏi cửa được.
Cơ quan địa phương từng thông báo cho Alice biết được ngôi nhà này đã nằm trong diện nguy ngập, nên dọn đi. Alice kiên quyết không chịu: “Ngôi nhà bị giội sập thì tự tôi sẽ chịu trách nhiệm, quý vị vui lòng không can thiệp đến sự tự do của tôi, tôi sống ở đây một cách hợp pháp nhé!”. Thậm chí bọn báo chí nhiều chuyện còn đăng
bài nói về căn nhà dùng năng lượng mặt trời của nữ giáo sư độc cứ, điểm duy nhất để bài báo có thể nói đến, là phóng viên đã viết về sự khéo léo khi Jakobsen thiết kế căn nhà, gồm cả những tấm pin năng lượng xoay theo hướng mặt trời.
Dahu và Hafay bà chủ của một quán bar gần đó cũng vài lần đến khuyên nhủ Alice về chuyện này, cuối cùng cũng thôi luôn. “Đầu cô thiệt cứng như một cái răng nanh heo rừng”, Dahu nói. “Anh nói đúng, tôi là vậy”. Alice ngồi trong phòng nhìn ra biển cả bao la xám xịt qua khung cửa sổ, giống như thể đang ngồi trong cơ thể của một sinh vật sống. Căn nhà quá tuyệt mỹ. Cả đời cô chưa từng trải qua khoảng thời gian nào đẹp đẽ như những năm vừa qua, đẹp như một quả cầu thủy tinh không có bất cứ một vết xước nào, một cây bùi tròn không có một phiến lá vàng khô nào. Có lẽ điều này đã trở thành lý do duy nhất để nó không nên tồn tại. Sau rốt, cô không hề ngồi viết lách bên Hải Song, chỉ lẳng lặng ngồi đó. Biển không có ký ức, nhưng cũng có thể nói rằng biển có ký ức, sóng và đá cuội trên biển, tất nhiên đều mang những vết khắc của thời gian. Nhiều lúc cô ghét cay ghét đắng nó vì đã đem lại cho cô mọi sự đau khổ trong ký ức, nhiều lúc lại tin tưởng nó, dựa dẫm nó, giống như ta gặp phải một cần câu không có mồi vậy, biết rõ là nó sẽ mang lại đau khổ, nhưng vẫn cứ hiên ngang thẳng tiến. Alice lẳng lặng nằm xuống, để mí mắt cảm nhận ánh trăng ở đằng xa, lắng nghe âm thanh của thủy triều, tựa như tiếng vỡ vụn của thủy tinh ở đâu đó xa xa. Đồng thời những giọt mưa cỡ như
những ngôi sao rơi bên ngoài, gói ghém mặt đất lại trong một không gian ẩm thấp, bất an và cuồn cuộn.
Tối hôm ấy, mặc dù Cục Khí tượng Thủy văn đã phát đi thông báo rằng trong năm rất có thể sẽ xảy ra một trận động đất với quy mô lớn, khi động đất xảy đến, một cảm giác tuyệt vọng kiểu rốt cuộc nó cũng đã đến hiện lên trong suy nghĩ của nhiều người. Mỗi một vị trí của căn nhà trong cơn địa chấn đều kêu gào, còn Alice nghĩ rằng hãy vùi chôn hết tất cả mọi thứ luôn đi cho rảnh, ban đầu không hề có ý nghĩ bỏ chạy. Sau đó động đất đột nhiên trở nên dữ dội, bản năng đã khiến cô tìm chỗ nấp. Rồi nhớ lại rằng mình vốn đang muốn chết, cô không nhịn được cười. Jakobsen thiết kế ngôi nhà kiên cố hơn cô tưởng, chừng cơn động đất chấm dứt, Alice nhận thấy rường chính của ngôi nhà có hơi lệch đi, nhưng ngôi nhà vẫn không đổ sập xuống. Rồi đến thời điểm triều dâng, nước biển không những vây lấy ngôi nhà, mà còn lấn xa ra chỗ phía dưới đường, nếu đứng trên con lộ ấy nhìn ra thì ngôi nhà trông như đang trôi lêu bêu giữa biển.
Alice đi lại cửa sổ trông ra bên ngoài, phát hiện nước biển tràn vào đã dâng cao quá nửa tầng trệt, sóng biển vỗ lên vách ngôi nhà, vài nắm bọt biển hắt cả lên mặt cô. Alice đi đến cầu thang xem thử, nước đã tràn vô nhà như một cái hồ, cá lội lỏm ngỏm trên nền gạch đỏ do cô và Jakobsen cùng nhau lót, khiến cô có cảm giác như vừa bị rơi vào một hồ thủy sinh khổng lồ. Cô cảm thấy hơi choáng váng, vội với tay bám, đúng lúc với trúng khung tranh bằng gỗ giáng hương treo bên cạnh cầu thang, khung tranh lộng một bức ảnh có hình dấu chân mảnh khảnh của Toto khi mới chào đời. Đó là dấu
hiệu của sự đau khổ, hy vọng và cả sự quật cường mà cô dành để nhắc nhở mình. Alice phát hiện ngay chính lúc này đây, bi thương đã lẩn khuất bằng một phương thức kỳ diệu, giống như cách mà những đám mây màu xanh đã tan biến vĩnh viễn trên bầu trời của hòn đảo này vậy. Theo hướng này, Alice cảm thấy có vẻ như mình đã chết, do đó có muốn chết nữa hay không đã không còn quan trọng.
Trong khi phải hứng chịu sự kích động phức tạp của đau thương, sóng biển, và những rung chuyển nhẹ khi ngôi nhà bị sóng đánh và gió dập, vài lần tưởng đã ngã quỵ, Alice muốn hít thở một chút khí trời, bèn thò đầu ra ngoài cửa sổ. Khi đó cô phát hiện một miếng ván trôi lênh đênh ngoài cửa sổ, trên đó có một khối đen đang cử động nhẹ.
Hình như là một chú mèo con. Không, không phải là hình như, chính xác là một chú mèo con. Chú mèo con nhìn cô bằng ánh mắt tội nghiệp, đặc biệt hơn là, chú mèo có một mắt màu xanh lam, còn con mắt kia thì màu nâu.
Alice chồm người vươn ra ngoài cửa sổ, chụp ôm lấy chú mèo con đang run lẩy bẩy, nó chịu đựng một sự kinh hãi cực độ, đến nỗi không thể nào vùng giãy, chỉ biết nằm cuộn tròn mềm mại trong lòng bàn tay cô.
“Ohiyo”. Cô thì thầm với con mèo. Cô nhớ lại cái buổi sáng sớm cô đùa nói lời chào buổi sáng bằng tiếng Nhật với Jakobsen, và cả Toto lưng đeo dụng cụ leo núi trông như một người lớn tí hon. Toàn thân con mèo ướt sũng, run lẩy bẩy không ngừng, như một quả tim sống,
làm cô tưởng chừng cơn địa chấn vẫn chưa chấm dứt. Alice lấy khăn lau khô con mèo, tìm một cái thùng giấy đặt nó nằm tạm vào đó, và cho nó một ít bánh quy. Con mèo không ăn, chỉ nhìn cô bằng ánh mắt đau khổ. Không biết trận động đất này lớn cỡ nào, gây ra bao nhiêu thương vong? Khả năng suy nghĩ đã quay trở lại với Alice, nhưng không có tivi, không có điện thoại, không có tiếng xe, chỗ này giống như bên rìa thế giới, chỉ có một hòn đảo lẻ loi với một mình Alice, mọi tin tức đều bị cắt đứt, không cách gì có thể phán đoán. Thứ duy nhất cô có thể tập trung vào được là chú mèo con đang ở ngay trước mặt. Con mèo khô ráo hình như biết được thời khắc nguy hiểm nhất đã đi qua, bèn ngủ thiếp đi vì mệt, rút cái chân trước mềm mại vào lồng ngực, toàn bộ cơ thể cuộn thành một quả cầu lông xù ra. Chân sau của con mèo thỉnh thoảng co giật nhẹ, như thể giấc mơ đã len vào cơ thể nó từ khe hở đó vậy. Đột nhiên một âm thanh khủng khiếp đùng đùng truyền lại từ một nơi nào đó, có lẽ nào là dư chấn, sức đối kháng đã quay trở lại với cơ thể của Alice, cô tự động ôm lấy thùng giấy, định tìm một nơi để ẩn nấp.
Chính vài phút trước đây Alice vẫn muốn mình tốt hơn là chết đi, nhưng ngay lúc này đây, cơ thể cô bỗng lại có cảm giác cần phải sống.
CHƯƠNG BA
Sự thú vị lớn nhất khi nói trời nói đất với Hafay là ở chỗ cô không bao giờ phán xét nỗi bi thương đột nhiên xuất hiện sau khi họ uống say, cô không bao giờ can thiệp, và đôi tròng mắt nằm dưới hàng mi dài đó, ngược lại khiến cho ai cũng có cảm giác như Hafay có thể hiểu được nỗi bi thương của mình.
"""