" Người Lang Thang - Georges Simenon PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Lang Thang - Georges Simenon PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo NGƯỜI LANG THANG Tác giả: Georges Simenon Dịch thuật: Trần Bình Nhà xuất bản:.... Nguyên tác: Maigret Et Le Clochard Nguồn sách: Internet Đóng ebook: nguyenthanh-cuibap I C ó một lúc trên đường từ sở Cảnh sát đến cầu Marie, Maigret đã dừng lại một thoáng, rất ngắn đến mức Lapointe đi bên cạnh ông cũng không nhận ra. Chỉ vài giây, có thể là chưa đến một giây đồng hồ, ông thấy lại mình thời cùng tuổi với người đang đi lúc này. Cái đó là do không khí, độ sáng và mùi vị của nó. Đã có một buổi sáng giống hệt như sáng nay, một thanh tra cảnh sát trẻ tuổi được cử về sở Cảnh sát mà dân Paris hồi đó còn gọi là sở An ninh. Hồi đó, là cảnh sát giao thông, Maigret đi loăng quăng từ sáng đến tối trên mọi nẻo đường phố của thủ đô. Tuy đã là ngày hai mươi nhăm, tháng ba, ngày đầu tiên của mùa xuân, trời trong sáng, nhưng đêm qua có một trận mưa rào kèm theo tiếng sấm ở phía xa. Đây là lần đầu tiên trong năm, Maigret để lại áo khoác trong tủ ở cơ quan để đi ra ngoài đường và gió thổi làm phồng chiếc áo vét không cài cúc của ông lên. Do hồi tưởng lại quá khứ, ông cũng nhớ lại thời ấy, bước đi của mình không nhanh cũng không chậm, không giống như bước chân của kẻ hiếu kỳ dừng bước trước mỗi chuyện vặt trên đường phố, cũng không giống như bước chân của những kẻ đi không có chủ đích nhất định. Chắp tay sau lưng, ông nhìn xung quanh, bên phải, bên trái như để ghi lại những cảnh vật trước nay ông không chú ý đến. Đoạn đường ngắn, không dùng một trong những chiếc xe hơi đen đỗ ở sân cơ quan, hai người đi dọc theo bến cảng, qua sân nhà thờ Notre-Dame làm đàn chim bồ câu ở đây bay lên tán loạn vì trước đó có một chiếc xe buýt chở khách du lịch ở Cologne chạy qua. Qua chiếc cầu sắt, hai người tới đảo Samt-Louis. Nhìn qua cửa sổ của một ngôi nhà, Maigret thấy một bà hầu vận đồng phục và đội một chiếc mũ vải rua đăng-ten màu trắng như vừa trong nội thành trở về. Một người cung cấp thịt, cũng vận đồng phục đi ở phía xa; một người đưa thư từ trong một khối nhà đi ra. Những nụ hoa bắt đầu hé nở trên những cành cây màu xanh mướt. Lapointe từ này đến giờ chưa nói gì, cất tiếng: - Nước sông Seine đang lên. Đúng thế, từ một tháng nay, hôm nào trời cũng mưa trong vài tiếng đồng hồ và đến chiều đài truyền hình báo tin đồng ruộng bị úng và nước đã tràn về nhiều làng. Nước sông Seine màu vàng lềnh bềnh những cành cây, những thùng gỗ và rác rưởi. Đang thong thả đi về phía cầu Marie từ cảng Bourbon thì họ đã nhìn thấy một chiếc sà lan chở cát màu xám, treo cờ trắng và đỏ của Công ty Tổng hợp. Nó mang tên Poitou và một chiếc cần cẩu đang làm việc mà tiếng rú của nó lẫn vào tiếng ồn ào của thành phố. Một chiếc sà lan khác đang thả neo đậu cách xa chiếc thứ nhất chừng năm chục mét ở phía trên. Trông sạch sẽ hơn như nó mới được sơn lại từ sáng nay, ở phía sau treo một lá cờ nước Bỉ. Một đứa trẻ đang ngủ trong nôi, thiết kế theo kiểu một chiếc võng nhỏ bằng vải màu trắng, đứng bên là một người đàn ông cao lớn, tóc màu vàng nhạt, đang nhìn về phía cảng như chờ đợi một cái gì đó. Tên chiếc sà lan này là De Zwarrte Zwaan, một cái tên fla măng (một ngôn ngữ của xứ Flandre, một vùng đất giữa Pháp và Bỉ - ND) mà cả Maigret lẫn Lapointe đều không biết đọc ra sao cả. Đã mười giờ kém hai ba phút gì đó. Khi hai người cảnh sát đi đến cảng Celestms thì một chiếc xe hơi chạy tới và đỗ lại, ba người đàn ông xuống xe và cửa đóng sập lại. - Họ đến rất đúng giờ. Ba người đều ớ tòa án, nhưng đều không phải là những quan toà. Ở đây có ông biện lý Parrain, ông thẩm phán Danlliger và một viên lục sự mà Maigret không biết tên tuy ông đã gặp người này hàng trăm lần. Khách bộ hành đi làm công việc của mình, những đứa trẻ chơi trên hè phố trước mặt không biết ở đây có những người của toà án tới. Buổi sáng đẹp trời làm khung cảnh ở đây thêm phần long trọng. Ông biện lý lấy trong túi ra một hộp đựng thuốc lá bằng vàng đưa cho Maigret đang ngậm tẩu thuốc trên miệng. - Đúng thế... Tôi quên mất... Ông ta tóc nâu, người dong dỏng cao, vẻ mặt quan trọng và Maigret nhớ ra đây là một chuyên gia của toà án. Ông thẩm phán Dantager người béo tròn, ăn vận xuềnh xoàng. Người ta thấy có nhiều loại thẩm phán. Nhưng tại sao họ lại khác với những người làm việc trên Bộ Tư pháp có vẻ lịch thiệp và đôi chút kiêu căng? - Thưa các ông, chúng ta bắt đầu chứ? Maigret không biết gì hơn so với những người cùng đến đây. Ông đã đọc báo cáo cập nhật về chuyện xảy ra đêm qua tại đây và một cú điện thoại yêu cầu ông tham dự việc xét hỏi và lập biên bản vụ này. Cái đó không làm cho ông phật lòng. Ông được gặp mọi người trong một hoàn cảnh mà ông đã nhiều lần biết rõ. Cả năm người qua chiếc cầu ván đi xuống chiếc sà lan chạy máy và người thuỷ thu tóc màu vàng nhạt tới gặp họ - Ông đưa tay cho tôi - Người ấy nói với ông biện lý đi đầu - Như vậy là cẩn thận hơn cả, đúng không? Anh ta nói giọng fla-măng. Mắt sáng, mặt sắc sảo, hai cánh tay to lớn, trông anh ta giống như một tay đua xe đạp đang được người ta phỏng vấn sau một cuộc đua. Tại đây tiếng cần cẩu đang làm việc như kêu to hơn. Sau khi liếc nhìn vào mảnh giấy trên tay, Maigret hỏi: - Anh là Jef Van Houtte phải không? - Vâng, Jef Van Houtte, thưa ông. - Anh là chủ chiếc sà lan này ư? - Vâng, thưa ông, tôi là chủ nó, còn ai khác nữa? Mùi xào nấu từ dưới bếp xông lên khoang tàu và dưới chân cầu thang trải vải nhựa in hoa, người ta thấy một phụ nữ rất trẻ đang đi đi, lại lại. Maigret chỉ tay vào đứa bé trong nôi. - Con trai anh đấy ư? - Không phải là con trai, thưa ông! Nó là con gái. Tên nó là Yolande. Em gái tôi là Yolande làm mẹ đỡ đầu của cháu... Ông biện lý Parrain thấy cần tiến hành can thiệp và ra hiệu cho viên lục sự ghi chép. - Anh kể lại cho chúng tôi việc đã xảy ra. - Thế này! Tôi đã vớt lên và ông bạn trên sà lan kia đã giúp tôi... Anh ta chỉ tay vào chiếc Poitou mà phía cuối sà lan có một người đàn ông đứng tựa lưng vào bánh lái như đang đợi đến lượt mình. Một chiếc tàu kéo bốn chiếc sà lan rúc lên nhiều hồi còi rồi thong thả lên thượng nguồn. Mỗi khi một chiếc sà lan đi qua chiếc De Zwarrte Zwaan thì Jef Van Houtte lại giơ cánh tay phải lên để chào. - Anh biết người chết đuối là ai chứ? - Tôi chưa trông thấy người này bao giờ... - Anh cho sà lan đậu lại ở đây từ lúc nào? - Từ chập tối hôm qua. Tôi chở đá bảng từ Jeumont để tới Rouen. Tôi dự định đi qua Paris để nghỉ đêm tại âu thuyền Suresne... Tôi thấy tiếng máy chạy có vẻ khác thường... Chúng tôi không muốn nghỉ lại ở giữa Paris, các ông hiểu chứ? Từ xa, Maigret nhận ra ba bốn kẻ lang thang đang đứng ở gầm cầu và, trong đó có một phụ nữ to béo, ông như đã gặp mụ này ở đâu rồi. - Chuyện đã xảy ra thế nào? Người ấy nhảy xuống sông ư? - Tôi không biết, thưa ông. Nếu người ấy nhảy xuống sông thì hai người kia tới đây làm gì? - Lúc ấy là mấy giờ? Anh đang ở đâu? Cho chúng tôi biết có những chuyện gì đã xảy ra chiều hôm qua. Anh thả neo lúc chập tối, phải không? - Đúng thế. - Anh có thấy kẻ lang thang ấy ở dưới gầm cầu không? - Tôi không chú ý. Bao giờ họ cũng ở đấy. - Sau đó anh làm gì? - Chúng tôi dùng bữa. Hubert, Annecke và tôi... - Hubert là ai? - Là em trai tôi. Nó làm việc với tôi. Annecke là vợ tôi. Tên thật là Anna nhưng mọi người đều gọi là Annecke... - Sau đó thì sao? - Em trai tôi đóng bộ vào rồi đi khiêu vũ. Tuổi của nó là vậy, đúng không? - Anh ta bao nhiêu tuổi? - Hai mươi hai. - Lúc này anh ta đang ở trên sà lan chứ? - Nó đi mua thức ăn. Nó sắp về. - Hôm qua, sau khi dùng bữa xong thì anh làm gì? - Tôi đi sửa máy. Tôi phát hiện ra có một lỗ rò rỉ dầu, vì sáng hôm sau phải đi sớm, tôi bắt tay vào sửa máy. Anh ta lần lượt nhìn từng người với thái độ của người ít tiếp xúc với các cơ quan pháp luật. - Anh sửa máy xong vào lúc nào? - Lúc ấy thì tôi chưa sửa xong. Sáng nay tôi đã hoàn thành việc ấy. - Khi nghe thấy tiếng kêu thì anh đang ở đâu? Anh ta gãi đầu, nhìn ra boong tàu đã được quét dọn sạch sẽ. - Lúc ấy tôi lên boong để hút một điếu thuốc lá và xem Annecke đã ngủ chưa? - Lúc ấy là mấy giờ? - Mười giờ... Tôi không nhớ chính xác... - Cô ta ngủ chứ? - Vâng, thưa ông. Và cháu bé cũng đã ngủ. Mấy đêm trước nó khóc vì mọc răng... - Rồi ông quay lại cỗ máy ư? - Đúng thế... - Trong ca-bin lúc ấy tối chứ? - Vâng, thưa ông, vì vợ tôi đã ngủ. - Thế còn trên boong tàu? - Cũng tối. - Sau đó thì sao? - Sau đó tôi nghe thấy tiếng máy nổ của một chiếc xe hơi như nó đậu không xa chiếc sà lan của tôi lắm. - Anh không ra nhìn chiếc xe hơi ấy ư? - Không, thưa ông. Tại sao tôi phải nhìn nó? - Anh nói tiếp đi. - Sau đó có tiếng một vật gì đó rơi xuống nước. - Như có một người nào đó rơi xuống sông Seine ư? - Vâng, thưa ông. - Rồi sao nữa? - Tôi trèo lên thang và thò đầu ra khỏi cửa sổ boong tàu. - Anh nhìn thấy gì? - Hai người đàn ông chạy về phía chiếc ôtô đang đậu gần đó. - Có một chiếc ôtô thật ư? - Vâng, thưa ông. Một chiếc ôtô màu đỏ. Chiếc Peugeot 403. - Trời sáng khiến anh nhìn rõ như vậy ư? - Có một ngọn đèn đường trên tường. - Trông hai người ấy thế nào? - Người nhỏ hơn mặc chiếc áo đi mưa màu sáng và vai của anh ta rất rộng. - Người kia thì sao? - Tôi không nhìn rõ vì người ấy chui vào ôtô trước đó. Ngay lập tức họ nổ máy và cho xe chạy. - Anh có nhớ số xe không? - Tôi chỉ nhớ có hai con số chín và hai con số tận cùng là bảy mươi nhăm... - Anh nghe thấy tiếng kêu khi nào? - Khi ôtô bắt đầu chạy... - Nói cách khác, có một khoảng thời gian từ lúc người ấy rơi xuống nước đến lúc người ấy kêu lên, đúng không? Nếu không thì anh đã nghe thấy tiếng kêu trước đó chứ? - Thưa ông, tôi cho rằng ở đây ban đêm yên tĩnh hơn ban ngày. - Lúc ấy là mấy giờ? - Đã quá nửa đêm... - Có người đi lại trên cầu không? - Tôi không nhìn lên... Trên bến cảng một số người dừng bước, ngạc nhiên vì thấy nhiều người đứng trên sà lan. Maigret thấy những kẻ lang thang đứng gần hơn. Chiếc cần cẩu vẫn tiếp tục chuyển cát trên chiếc Poitou lên những chiếc xe tải trên bờ. - Người ấy kêu có to không? - Có, thưa ông... - Kêu như thế nào? Người ấy kêu cứu ư? - Người ấy kêu... Sau đó người ta không nghe thấy gì nữa... Rồi... - Anh đã làm gì? - Tôi nhảy xuống con thuyền nhỏ và tôi cởi dây buộc... - Anh nhìn thấy người chết đuối chứ? - Không, thưa ông... Không thấy ngay lúc ấy... Ông chủ chiếc Poitou chắc chắn cũng nghe thấy vì tôi thấy ông ấy chạy dọc theo sà lan như kiếm một vật gì đó... - Anh nói tiếp đi... Người fla-măng cố gắng khai báo chính xác, nhưng cái đó là khó khăn với anh ta và người ta thấy trán anh ta vã mồ hôi. - Kia!... Kia!... - Anh ta nói. -Ai? - Ông chủ tàu Poitou. - Và anh đã nhìn thấy người rơi xuống nước ư? - Có lúc tôi nhìn thấy, có lúc không. - Vì bị nước nhấn chìm ư? - Vâng, thưa ông... Và người ấy bị nước cuốn đi. - Cả chiếc thuyền nhỏ của anh cũng vậy ư? - Vâng, thưa ông... ông bạn tôi đã nhảy xuống thuyền... - Tức là ông chủ sà lan Poitou ư? Jef Van Houtte thở dài vì thấy những người thẩm vấn không hiểu rõ sự việc. Với anh ta những vụ tương tự đã xảy ra nhiều lần trong đời mình. - Cả hai người đã vớt người ấy lên ư? - Vâng... - Lúc đó người ấy như thế nào? - Mắt mở, khi lên thuyền người ấy bắt đầu nôn mửa... - Người ấy không nói gì ư? - Không, thưa ông. - Người ấy có tỏ vẻ sợ hãi không? - Không, thưa ông. - Người ấy có vẻ như thế nào? - Không có vẻ gì cả. Cuối cùng người ấy cựa mình, nước trong miệng chảy ra. - Mắt người ấy vẫn mở chứ? - Vâng, thưa ông. Tôi cho rằng người ấy đã chết rồi. - Anh có tìm cách cấp cứu không? - Không. Không phải tôi. - Người bạn anh trên chiếc Poitou làm việc này ư? - Không phải. Một người nào đó đứng trên cầu gọi chúng tôi. - Vào giờ ấy còn có người đứng trên cầu Marie ư? - Lúc ấy thì có. Anh ta hỏi chúng tôi đây là người chết đuối ư. Tôi trả lời rằng đúng. Anh ta bảo để anh ta đi báo cảnh sát. - Anh ta làm như vậy chứ? - Chắc là như vậy vì một lát sau cảnh sát đi xe đạp đến. - Lúc ấy trời đã mưa rồi chứ? - Bắt đầu có sấm chớp khi người ấy bước xuống sà lan của tôi. - Vợ anh lúc ấy đã dậy chưa? - Tôi thấy có ánh lửa trong bếp và Annecke đã mặc thêm chiếc áo khoác đang nhìn chúng tôi. - Anh nhìn thấy máu vào lúc nào? - Khi chúng tôi đặt người ấy nằm gần bánh lái. Trên đầu người ấy có một vết rạn. - Một vết rạn ư? - Một lỗ thủng... Tôi không biết gọi ra sao cho đúng... - Cảnh sát tới ngay lập tức ư? - Gần như ngay lập tức. - Do người đứng trên cầu báo tin ư? - Tôi không gặp lại người ấy nữa. - Anh không biết người ấy là ai ư? - Không, thưa ông... Cần phải cố gắng nhiều, Jef Van Houtte mới thuật lại như vậy được. Anh ta tìm từ như là phải dịch từ tiếng fla-măng sang tiếng Pháp. - Anh cho rằng kẻ lang thang ấy bị đánh vào đầu sau đó mới bị ném xuống sông ư? - Đó là lời ông bác sĩ. Một cảnh sát đã đi gọi một bác sĩ. Sau đó một chiếc xe cứu thương chạy đến. Khi người bị nạn được chuyển đi tôi đã lau chùi cầu tàu vì có máu đọng lại. - Theo anh thì vụ này đã diễn ra như thế nào?. - Tôi không biết, thưa ông. - Nhưng anh đã nói với viên cảnh sát... - Tôi nói theo suy nghĩ của tôi, đúng không? - Anh nhắc lại xem nào. - Tôi cho rằng người ấy đang ngủ ở gầm cầu... - Nhưng anh đã nói rằng trước đó mình không trông thấy người này kia mà? - Tôi không chú ý. Lúc nào mà chẳng có người ngủ dưới gầm cầu.. - Được. Và một chiếc ôtô đã đỗ lại... - Một chiếc ô tô màu đỏ... Tôi tin chắc là như vậy. - Nó đậu không xa chiếc sà lan của anh là bao? Anh ta gật đầu rồi đưa tay chỉ vào một điểm nào đó trên bờ. - Máy ô tô vẫn để nổ ư? Lần này thì anh ta lắc đầu. - Nhưng anh đã nghe thấy tiếng chân người kia mà? - Vâng, thưa ông. - Tiếng chân của hai người ư? - Tôi nhận thấy hai người trở lại chiếc xe... - Anh không nhìn thấy hai người ấy lúc họ đi tới cầu ư? - Tôi sửa máy nổ ở dưới sà lan. - Hai người, trong đó có một người mặc áo đi mưa màu sáng, đã đánh vào đầu kẻ lang thang đang ngủ rồi ném người ấy xuống sông Seine ư? - Khi tôi nhìn thấy thì kẻ lang thang đã ở dưới nước rồi.. - Báo cáo của ông bác sĩ khẳng định vết thương ấy không do bị rơi xuống nước... Việc rơi xuống nước của người ấy không phải là một tai nạn... Jef Van Houtte nhìn mọi người với hàm ý đây không phải là công việc của mình. - Chúng tôi có thể nói chuyện với vợ anh được không? - Tôi rất muốn các ông hỏi Annecke. Chỉ có điều vợ tôi sẽ không hiểu các ông nói gì đâu. Cô ấy chỉ biết tiếng fla-măng... Ông biện lý nhìn Maigret như để hỏi ông này có hỏi gì nữa không và người cảnh sát trưởng trả lời bằng cái lắc đầu. Nếu muốn thì ông sẽ hỏi sau này, khi không có mặt người của toà án ở đây. - Khi nào thì chúng tôi có thể đi được? - Người chủ sà lan hỏi. - Sau khi anh ký tên vào bản lời khai. Với điều kiện anh cho chúng tôi biết mình sẽ tới đâu... - Tới Rouen. - Ông lục sự của chúng tôi sẽ mang giấy tờ đến để anh ký. - Khi nào? - Có thể là chiều nay. Người chủ sà lan có vẻ bất bình. - Em trai anh rời khỏi đây lúc nào? - Trước đó. - Xin cảm ơn anh... Jef Van Houtte lại giúp ông ta lên bờ và nhóm người lên trên cầu trong khi đó những kẻ lang thang lảng xa ra một vài mét. - Ông nghĩ sao, ông Maigret? - Tôi cho chuyện này thật lạ lùng. Ít khi người ta đánh kẻ lang thang... Ở dưới gầm cầu Marie, tựa lưng vào bờ tường, có một cái, có thể gọi đây là một cũi chó. Nó không có tên, tuy nhiên nó là như vậy. Hình như, đã từ lâu, nó là nơi trú ẩn của một con người. Sự ngạc nhiên của ông biện lý thật là nực cười và Maigret không thể không cho ông ta biết: - Dưới gầm cầu nào cũng có những cái này, nhưng ít có cái ở ngay trước mặt sở cảnh sát. - Cảnh sát không làm gì ư? - Nếu phá ở chỗ này thì nó lại mọc lên ở chỗ khác xa hơn một chút... Cũi được làm bằng những mảnh gỗ thùng bỏ đi, những mảng tường đổ nát. Trong cũi có một khoảng vừa đủ để một người cúi lom khom. Dưới đất là rơm rạ, chăn chiếu rách và những tờ báo cũ. Tất cả toát lên một mùi nồng nặc tuy ở đây rất thoáng gió. Ông biện lý không dám sờ mó vào vật gì trong cũi và chính Maigret là người cúi xuống nhặt mỗi thứ riêng ra để làm một cuộc kiểm kê chớp nhoáng. Một ống hình trụ bằng tôn kẽm, có lỗ thủng trên thân dùng để làm bếp, xung quanh hãy còn một chút tàn tro màu trắng. Gần đó có những mẩu than gỗ mà chỉ có Thánh mới biết người ta đã nhặt chúng ở đâu về. Khi lật tấm chăn rách lên, người ta phát hiện ra một kho báu thực sự: hai mẩu bánh khô cứng, gần một gang tay xúc-xích có tỏi và ở một góc khác có những cuốn sách cũ nát. Maigret cầm sách lên đọc khẽ: “Tham vọng, của Verlaine... Điếu văn, của Bossuet... (Paul Verlaine (1844-1896) nhà thơ Pháp; Jacques Bénigne Bossuet (1627-1704) nhà văn Pháp- ND) Ông nhặt một tờ tạp chí đầy vết bẩn, có lẽ đã nhặt từ trong thùng rác ra. Đó là một tờ Tạp chí Y học cũ. Một cuốn khác, nửa sách, nửa tạp chí, chỉ còn một nửa có nhan đề Ký ức ở đảo Saint-Hélène. Ông thẩm phán ngạc nhiên hơn ông biện lý: - Sách báo mới kỳ cục làm sao - Ông ta nhận xét. - Có gì hắn nhặt nấy thôi... Trong số những thứ Maigret khui ra còn có một chiếc áo xăng-đay len thủng lỗ chỗ và những vết sơn bám vào, chắc chắn là của một nhà hoạ sĩ nào đó thải ra, một chiếc quần màu vàng, những chiếc giày vải đen thủng đế và năm chiếc bít tất với các màu khác nhau, một chiếc kéo gãy đầu. - Hắn chết rồi ư? Ông biện lý Parrain đứng rất xa như sợ bị lây chấy rận hỏi vọng vào - Cách đây một tiếng đồng hồ tôi gọi điện về Bệnh viện Thượng đế thì người ấy còn sống. - Ngươi ta hy vọng cứu sống hắn ư? Người ta đang cố gắng... Có một vết thương trên sọ. Hơn nữa người ta sợ người ấy bị sưng phổi nữa. Maigret đẩy đẩy chiếc xe trẻ con; chắc hẳn kẻ lang thang đã dùng nó để chở những thứ nhặt trong các thùng rác về. Quay về phía nhóm những kẻ lang thang đang đứng phía xa, ông nhìn mặt từng người một. Có đứa quay mặt đi. Những kẻ khác thì làm ra vẻ ngây dại. - Lại đây! Ông chỉ tay vào người phụ nữ và gọi. Nếu chuyện này xảy ra ba mươi năm trước đây thì ông đã biết tên chị ta vì thời còn là cảnh sát giao thông ông biết tên hầu hết những kẻ lang thang của Paris. Họ không thay đổi nhiều, nhưng nay đã ít hơn trước - Chị ngủ ở đâu? Người phụ nữ mỉm cười như muốn trêu ghẹo ông - Ở đằng kia.. Mụ nói và chỉ tay vào cầu Louis-Philippe. - Chị biết người được người ta vớt lên đêm qua chứ? Mặt mụ béo phị, hơi thở sực mui rượu vang chua loét. Hai tay chắp trước bụng, mụ ngẩng cao đầu. - Chúng tôi gọi ông ấy là thầy thuốc. - Tại sao? - Vì ông ấy là người có học... người ta nói ngày xưa ông ấy là một bác sĩ. - Ông ta sống dưới gầm cầu này lâu chưa? - Nhiều năm rồi... - Bao nhiêu? - Tôi không biết... Tôi không đếm... Mụ lại cười, một lọn tóc màu xám rơi xuống mặt. Nếu miệng mím lại thì mụ ta khoảng sáu chục tuổi. Nếu nói chuyện, để lộ hai hàm răng gãy gần hết thì mụ có vẻ già hơn. Nhưng cặp mắt mụ lúc nào cũng có vẻ cười cợt. Thỉnh thoảng mụ quay về phía đồng bọn như để chứng minh những điều mình nói. - Có đúng không? Mụ hỏi. Bọn chúng gật đầu tỏ vẻ khó chịu vì sự có mặt của người cảnh sát và những người ăn mặc rất sang trọng - Ông ta sống một mình ư? Câu hỏi khiến mụ bật cười. - Ông ấy có thể sống với ai kia chứ? - Ông ấy vẫn ngủ ở gầm cầu này ư? - Không phải lúc nào cũng như vậy... Tôi còn gặp ông Cầu Mới và trước đó ở cảng Bercy. - Ông ta có sống ở chợ Halles không? Hầu hết những kẻ lang thang tập trung ở chợ Halles vào ban đêm - Không. Mụ trả lời - Ông ta nó đi bới rác không? - Thỉnh thoảng thôi. Có chiếc xe đẩy của trẻ con, những tờ báo cũ và những mảnh giẻ rách. Cái đã chứng tỏ người này ngủ từ đầu hôm. - Ông ấy là người gặp gì ăn nấy... - Chị còn biết gì về ông ta nữa? - Không. - Chị có nói chuyện với ông ta bao giờ không? - Có chứ... Chính tôi là người thường cắt tóc cho ông ấy... cần phải giúp đỡ lẫn nhau. - Ông ta có uống rượu không? Maigret biết hỏi như vậy là thừa. Hầu hết những kẻ lang thang đều uống rượu cả. - Rượu vang đỏ chứ? - Như những người khác. - Nhiều không? - Ông ấy chưa bao giờ say cả... Không như tôi. Mụ lại cười. - Tôi biết ông, chắc ông còn nhớ, tôi biết ông không độc ác. Ông đã thẩm vấn tôi, một lần, trong văn phòng của ông, đã lâu rồi, có thể hơn hai chục năm rồi, khi tôi còn làm việc ở Saint-Denis... - Đêm qua chị có nghe thấy gì không? Mụ chỉ tay vào cây cầu Louis-Philippe, như để ước lượng khoảng cách giữa nó với cầu Marie. - Xa quá... - Chị có nhìn thấy gì không? - Chỉ nhìn thấy đèn xe cứu thương... Tôi đã lại gần nên biết đây là xe cứu thương... - Còn các anh kia thì sao? Maigret hỏi ba kẻ lang thang kia. Họ lắc đầu. Bao giờ họ cũng lo ngại. - Chúng ta đi gặp ông chủ tàu Poitou chứ? Thấy khó chịu trước cảnh này, ông biện lý nói. Người đang đợi họ khác với người fla-măng vừa rồi. Ông ta cùng vợ con đứng trên boong sà lan. Chiếc sà lan này chuyên chở cát từ thượng nguồn sông Seine về Paris. Tên ông ta là Justin- Goulet; ông ta khoảng bốn mươi nhăm tuổi. Chân ngắn, ông ta có vẻ khôn ngoan, một mẩu thuốc lá đã tắt dính trên môi. Ở đây người ta phải nói to vì có tiếng gầm rú của cần cẩu đang xúc cát. - Thật là kỳ cục, đúng không? - Cái gì kỳ cục? - Việc người ta đánh một kẻ lang thang rồi ném xuống sông... - Ông có nhìn thấy họ không? - Tôi không nhìn thấy gì cả. - Lúc ấy ông đang ở đâu? - Khi người ta đánh hắn ư? Tôi đang ngủ... - Ông đã nghe thấy những gì? - Tôi nghe thấy một người nào đó kêu lên... - Ông không nghe thấy tiếng xe hơi ư? - Có thể, nhưng trên bến cảng lúc nào cũng có xe hơi chạy nên tôi không chú ý... - Ông đã lên boong sà lan chứ? - Trong bộ đồ ngủ... Tôi không kịp mặc thêm quần áo... - Vợ ông lúc ấy ở đâu? - Vợ tôi đang ngủ. Lúc ấy bà ấy hỏi tôi: “Ông đi đâu đấy?' - Lên boong sà lan thì ông nhìn thấy những gì? - Không nhìn thấy gì cả. Nước sông Seine ngầu bọt vẫn xuôi chảy... Tôi kêu to: "Ô, Ô...” để hắn trả lời và để tôi có thể biết hắn đang ở đâu... - Lúc ấy thì Jef Van Houtte đang ở đâu? - Người fla-măng ấy ư?... Cuối cùng tôi thấy anh ta đứng trên boong sà lan của anh ta... Anh ta cởi dây chiếc thuyền con... Khi thuyền đi ngang sà lan tôi, tôi nhảy xuống. Người ở dưới nước lúc nổi, lúc chìm. Anh người fla-măng vớt hắn bằng cái móc của tôi. - Một con sào có cái móc sắt trên đầu ư? - Mọi cái móc đều như vậy cả. - Có phải do cái móc nên người ấy có vết thương trên đầu không? - Chắc chắn là không. Cái móc đã mắc vào quần hắn... Tôi cúi xuống và kéo chân hắn lên... - Người ấy đã ngất đi chứ? - Mắt hắn vẫn mở. - Người ấy không nói gì ư? - Nước ở miệng hắn đang ộc ra... Khi hắn nằm trên sà lan của người fla-măng thì người ta mới thấy đầu hắn đang chảy máu... Ông biện lý thấy câu chuyện không mấy thích thú thì lẩm bẩm: - Tôi cho rằng như vậy là đủ rồi, đúng không? - Tôi sẽ làm những việc còn lại - Maigret trả lời. - Ông sẽ tới bệnh viện chứ? - Tôi đã tới đó rồi. Theo các bác sĩ thì phải mất nhiều tiếng đồng hồ nữa thì người ấy mới tỉnh... - Ông cho tôi biết tình hình... - Tôi sẽ nhớ... Khi mọi người sửa soạn lên cầu Marie, Maigret bảo Lapointe: - Anh gọi điện thoại cho đồn cảnh sát địa phương bảo họ cho tôi một cảnh sát. - Tôi sẽ gặp lại sếp ở đâu? - Ở đây... Và ông bắt tay những người của toà án. IIH ọ có phải là những quan toà không? Người đàn bà to béo hỏi khi ba người ra về. - Đấy là những thẩm phán - Maigret nói chữa lại. - Cũng thế thôi, đúng không? Sau cái huýt sáo miệng mụ nói tiếp: - Họ làm như đây là một vụ rất quan trọng! Ông ấy có đúng là một thầy thuốc không? Maigret không biết. Có thể nói là ông không muốn biết ngay lúc này. Ông sống trong thời điểm hiện tại với sự cảm nhận những sự việc hiện hữu đã tồn tại từ trước đó. Ông biện lý, có người thẩm phán và viên lục sự đi theo, đang dò từng bước vì sợ bẩn giày. Chiếc sà lan De Zwarrte Zwaan nổi bật dưới ánh mặt trời. Anh chàng người fla-măng đang đứng bên bánh lái nhìn về phía Maigret và vợ anh ta, trẻ như một cô gái nhỏ, tóc vàng nhạt gần như trắng, đang cúi xuống chiếc nôi để thay tã lót cho con. Tiếng xe hơi đang chạy trên bến cảng và nhất là tiếng cần cẩu của chiếc sà lan Poitou đang xúc cát vẫn ầm ĩ. Tuy nhiên người ta vẫn còn nghe được tiếng chim hót và tiếng sóng vỗ bờ. Ba kẻ lang thang vẫn đứng cách xa, chỉ có người phụ nữ to béo đi theo ông cảnh sát trưởng. Chiếc áo của mụ chắc hẳn trước kia màu đỏ thì nay đã trở thành màu hồng nhạt - Chị tên là gì? - Léa. Người ta thương gọi tôi Léa béo phị. Cái đó làm mụ bật cười rung cả bộ ngực núng nính của mình. - Đêm hôm qua chị ngủ ở đâu? - Tôi nói rồi. - Không có ai nằm bên chị chứ? - Chỉ có Dédé, anh chàng bé nhất đang đứng quay lưng lại kia kìa. - Đó là bạn thân của chị ư? - Chúng tôi đều là bạn thân của nhau cả. - Chị chỉ ngủ dưới gầm cầu ấy thôi ư? - Đôi lúc tôi cũng chuyển chỗ... ông muốn tìm hiểu gì đấy nhỉ? Maigret đang nghĩ đến những đồ vật hỗn tạp góp thành tài sản của thầy thuốc. Ông cảm thấy dễ chịu khi các nhân viên của tòa án đã ra về. Tranh thủ thời gian, ông lục tìm trong đống tài sản ấy. Ông thấy dưới đám giẻ rách một chiếc chảo rán, một cặp lồng, một chiếc thìa và một chiếc nĩa. Sau đó ông thấy một cặp kính mắt gọng bằng thép, một mắt đã rạn nứt và tất cả đang lấp lánh dưới mắt ông. - Ông ấy chỉ dùng nó để đọc - Léa béo phị giải thích. Maigret nhìn chằm chằm vào mụ ta. - Cái đáng ngạc nhiên là tôi không thấy... Không để ông nói hết lời, mụ đến sau một tảng đá cách đó chừng hai mét lấy ra một chiếc chai còn chừng nửa lít rượu vang màu hoa cà. - Chị đã uống rồi ư? - Vâng. Tôi sẽ uống cho hết. Nó sẽ hỏng nếu để chờ ông thầy thuốc về. - Chị uống lúc nào? - Đêm qua, sau khi xe cứu thương chở ông ấy đi... - Chị không lấy gì của ông ta chứ? Vẻ mặt nghiêm trang, mụ nhổ nước bọt xuống đất. - Tôi thề đấy! Ông tin mụ ta. Ông biết, theo kinh nghiệm, thì những kẻ lang thang không ăn cắp của nhau. Họ chỉ ăn cắp của những kẻ thuộc nhóm khác. Ở đảo Saint-Louis trước mặt, các cửa sổ đều để ngỏ và qua một ô cửa sổ, người ta thấy một phụ nữ đang chải đầu trước bàn trang điểm. - Chị có biết ông ta mua rượu ở đâu không? - Nhiều lần tôi thấy ông ta đến một quán rượu trên phố Eve Maria... Phố này cũng gần đây... - Ông thầy thuốc đối với những kẻ khác ra sao? Để làm hài lòng Maigret, mụ suy nghĩ. - Tôi không biết... Tôi thấy ông ấy không phân biệt... - Ông ta có kể chuyện mình bao giờ không? - Chẳng ai nói cả... Chỉ khi quá say thì người ta mới nói... - Ông ta không bao giờ quá chén ư? - Không bao giờ... Trong đống giấy báo cũ dùng làm đệm nằm, Maigret tìm thấy một con ngựa nhỏ bằng gỗ sơn đỏ đã gãy một chân, ông không mấy ngạc nhiên về vật này. Cả mụ Léa cũng vậy. Một người đàn ông đang đi về phía chiếc sà lan của người fla măng. Hai tay người ấy xách hai giỏ thực phẩm, một giỏ có một chiếc bánh gối và một mớ tỏi tây thò ra ngoài. Đó là người em trai, không nghi ngờ gì nữa, vì anh ta giống Jef Van Houtte, có điều là trẻ hơn nhiều. Anh ta mặc một chiếc quần bằng vải xanh và một chiếc áo hàng dệt kim cổ sọc trắng. Khi xuống đến sà lan, anh ta nói chuyện với anh trai và nhìn về phía ông cảnh sát trưởng. Maigret bảo mụ Léa: - Không được động vào vật gì... Có thể tôi còn cần đến chị. Nếu chị biết một điều gì đó... - Tôi ăn vận như thế này mà đến văn phòng ông ư? Cái đó làm mụ bật cười. Chỉ tay vào chai rượu, mụ hỏi: - Tôi có thể uống hết được không? Gật đầu thay vì trả lời rồi ông đến gặp Lapointe có một viên cảnh sát mặc đồng phục đi theo. Ông ra lệnh cho người mới đến canh gác số tài sản của thầy thuốc cho đến khi có người của phòng căn cước của toà án tới. Sau đó, cùng với Lapointe, ông tới chiếc sà lan De Zwarrte Zwaan. - Anh là Hubert Van Houtte ư? Người em trai nhút nhát hơn người anh, không nói mà chỉ gật đầu. - Đêm qua anh đi khiêu vũ, đúng không? - Việc ấy có gì là xấu? Anh ta nói với giọng đều đều, Maigret và Lapointe phải ngẩng đầu lên để nghe cho rõ. - Anh đến quán nhảy nào? - Một quán ở gần Bastille... Một phố nhỏ có hàng chục quán như vậy. Tôi vào quán Chez Léon. - Anh quen biết quán này ư? - Tôi thường vào đấy. - Anh không biết đã có chuyện gì xảy ra ư? - Tôi chỉ biết sau khi anh tôi nói lại. Một ống khói bằng đồng bắt đầu nhả khói. Người phụ nữ và đứa trẻ đi vào khoang tàu. - Khi nào thì chúng tôi có thể đi tiếp được? - Có thể là chiều nay... Khi ông thẩm phán tới lấy chữ ký vào biên bản của anh trai anh. Hubert Van Houtte ăn vận sạch sẽ, tóc vàng nhạt, da hồng hào. Một lát sau, Maigret và Lapointe lên bến cảng Célestins, tới phố Eve-Maria, tìm một quán rượu có biển đề “Turin nhỏ”. Ông chủ, tay áo sơ-mi xắn lên, đứng trước cửa. Trong quán vắng khách. - Chúng tôi có thể vào được không? Chủ quán đứng tránh sang một bên, ngạc nhiên khi thấy những người này bước vào quán mình. Quán rượu khá nhỏ, ngoài quầy hàng chỉ kê được ba chiếc bàn cho khách. Tường sơn màu xanh lá cây. Từ trần nhà treo những dây xúc-xích, lạp xường và những gói pho-mát màu vàng. - Tôi có thể phục vụ gì cho các ông? - Rượu vang... - Vang Chianti chứ? Đã phải nghe giọng fla-măng của Jef Van Houtte, bây giờ Maigret phải nghe giọng Ý của ông chủ quán. Ông ta lấy một chai rượu dưới quầy hàng rót vào cốc, mắt vẫn tò mò nhìn hai người. - Ông biết một kẻ lang thang biệt hiệu là thầy thuốc không? - Ông ấy ra sao rồi? Tôi hy vọng là ông ấy không chết. - Ông biết chuyện này rồi ư? - Maigret hỏi. - Tôi biết là đã có chuyện gì xảy ra với ông ấy đêm qua. - Ai nói với ông? - Sáng nay một kẻ lang thang... - Người ta nói với ông thế nào? - Đã có một cuộc lộn xộn ở gầm cầu Marie, và một chiếc xe cứu thương đã tới mang ông thầy thuốc đi - Có thế thôi ư? - Người ta nói chính những người chở sà lan vớt ông ấy từ dưới sông lên... - Ông thầy thuốc đã mua rượu ở đây ư? - Thường là như vậy... - Ông ta uống nhiều không? - Khi có tiền thì hai lít một ngày... - Ông ta kiếm tiền bằng cách nào? - Cũng như mọi người thôi... Bốc vác hàng hoá ở chợ Halles hoặc các chợ khác... Hoặc đeo biển quảng cáo đi trên đường phố... Với ông ấy, tôi có thể bán chịu được... - Tại sao? - Vì ông ấy không phải là kẻ lang thang như những ngươi khác... Ông ấy đã cứu sống vợ tôi... Người ta thấy một phụ nữ cũng béo nhưng nhanh nhẹn hơn mụ Lea đang lúi húi trong bếp. - Ông nói gì về tôi đấy? - Tôi kể rằng ông thầy thuốc... Và người vợ chủ quán bước ra, lau tay vào miếng tạp dề trước ngực. - Có đúng là có người muốn giết ông ấy không? Các ông là cảnh sát ư? Các ông có tin là ông là ông ta sẽ sống không? - Chưa biết chắc - ông cảnh sát trưởng trả lời một cách mơ hồ - Ông ta đã cứu sống bà như thế nào? - Nếu hai năm trước đây, nhìn thấy tôi thì các ông không thể nhận ra được... Người tôi có những vết sần sùi và mặt tôi đỏ như một miếng thịt sống... Cái đó kéo dài nhiều tháng... ở bệnh viện người ta điều trị cho tôi bằng những thứ kem bôi vào người mà mùi của chúng rất khó chịu khiến tôi cũng chán ngán cho bản thân mình. Tôi có ăn nhưng không thấy ngon miệng. Người ta cũng tiêm cho tôi nữa... Chủ quán gật đầu xác nhận. - Một hôm ông thầy thuốc tới quán chúng tôi và ngồi chỗ gần cửa ra vào. Nghe thấy tôi than phiền với bà hàng rau, ông ấy nhìn tôi một cách chăm chú. Sau khi uống cạn một cốc rượu vang, ông ấy nói: - Tôi có thể chữa khỏi bệnh cho bà được. Tôi hỏi ông ấy có phải là bác sĩ không thì ông ấy cười. - Người ta không thể tước bỏ quyền chữa bệnh của tôi được - Ông ấy lẩm bẩm. - Ông ta đã cho bà một đơn thuốc ư? - Không. Ông ấy bảo tôi đưa cho ông ấy một ít tiền, hai trăm frăng, nếu tôi nhớ rõ, và tự ông ấy đi mua những viên thuốc ở cửa hiệu bào chế. - Trước mỗi bữa ăn bà uống một viên với nước ấm... Sáng và chiều bà tắm rửa bằng nước có pha muối... Có tin hay không thì tuỳ các ông, nhưng hai tháng sau đó da dẻ tôi trở lại bình thường như các ông đang thấy đây... - Ông ta có chữa bệnh cho ai ngoài bà không? - Tôi không biết. Ông ấy là người ít nói. - Hàng ngày ông ta vẫn tới đây chứ? - Hầu như hàng ngày... để mua hai lít rượu... - Ông ta sống một mình ư? Ông bà có thấy ông ta thường đi với ai nữa không? - Không... - Ông ta không nói với ông bà rằng ông ta là ai, trước kia sống ở đâu ư? - Tôi chỉ biết ông ấy có một con gái nhỏ... Chúng tôi cũng có một cháu gái đang đi học. Một hôm, khi nó ngạc nhiên nhìn ông ấy, ông ấy nói: - Đừng sợ... Ta cũng có một người con gái như cháu... Lapointe có ngạc nhiên khi thấy Maigret quá chú ý đến câu chuyện ít quan trọng của kẻ lang thang này không? Trên mặt báo, người ta chỉ nói chuyện này bằng một vài dòng thôi. Vì còn trẻ quá nên Lapointe không biết trong đời cảnh sát của ông, đây là lần đầu tiên, Maigret thấy người ta muốn giết một kẻ lang thang. - Tôi phải trả ông bao nhiêu? - Xin mời các ông một cốc nữa. Chúng ta uống để chúc sức khoẻ cho ông thầy thuốc. Họ uống cốc thứ hai. Người chủ quán từ chối nhận tiền. Sau đó họ vượt cầu Marie. Một vài phút sau họ đi dưới cổng vòm màu xám của Bệnh viện Thượng đế. Họ phải nói chuyện rất lâu với một phụ nữ đứng sau một ô cửa nhỏ. - Ông không biết tên người bệnh ư? - Tôi chỉ biết ở ngoài bến cảng người ta gọi ông ta là thầy thuốc và người ta đã chuyển ông ta tới đây đêm qua. - Đêm qua tôi không làm việc. Người ấy đang nằm ở khoa nào? - Tôi không biết... Vừa rồi tôi gọi điện thoại cho bác sĩ nội khoa, ông ấy không nói gì đến việc phải giải phẫu cả. - Ông có biết tên bác sĩ nội khoa ấy không? - Không. Người phụ nữ ấy giở một cuốn sổ và lật một vài trang và cầm lấy ống nói. - Xin cho biết tên ông. - Cảnh sát trưởng Maigret... Người phụ nữ nói vào máy: - Cảnh sát trưởng Maigret... Chừng mười phút sau, người ấy nói với vẻ làm ơn cho Maigret: - Bây giờ ông lên cầu thang C... Lên lầu ba... Ông tìm bà y tá trưởng ở đấy... Họ gặp những y tá, bác sĩ trẻ và bệnh nhân vận đồng phục trong phòng bệnh kê chật giường nằm. Lên lầu ba, họ phải đợi bà y tá trưởng một lúc lâu. Bà ta đang từ chối yêu cầu của hai người đàn ông: - Tôi không thể làm gì được - Cuối cùng bà ta nói - Các ông hãy gặp ban Giám đốc. Tôi không đề ra những qui tắc ấy... Họ đi, miệng lầu bầu những lời khó chịu. Bà y tá trưởng quay sang Maigret. - Các ông là ai mà muốn gặp kẻ lang thang ấy? - Cảnh sát trưởng Maigret... - Ông nhắc lại. Bà y tá trưởng lục tìm trong trí nhớ. Cái tên đó không nói lên điều gì với bà cả. Ở đây người ta sống trong một thế giới khác, thế giới của những căn phòng có đánh số, những chiếc giường có treo những tấm bảng ghi những ký hiệu bí mật. - Người ấy thế nào rồi? - Tôi cho rằng giáo sư Magnin đang săn sóc cho hắn... - Ông ấy đang mổ ư? - Ai nói với ông về chuyện mổ xẻ? - Tôi không biết... Tôi cho rằng... Lúc này ông cảm thấy khó chịu và hỏi thêm: - Bà ghi sổ cho người ấy với cái tên nào? - Căn cứ vào thẻ căn cước của hắn. - Bà đang giữ tấm thẻ ấy chứ? - Tôi có thể cho ông xem. Bà ta vào một văn phòng nhỏ ngăn bằng những tấm kính ở cuối hành lang và lấy ra một giấy căn cước nhàu bẩn hãy còn ẩm do nước sông Seine. Họ: Keller. Tên: Francois, Marie, Flórentin. Nghề nghiệp: nhặt giẻ rách. Nơi sinh: Mulhouse, Hạ lưu sông Rhin... Theo tài liệu này thì người ấy đã sáu mươi ba tuổi và nơi cư trú ở Paris là quảng trường Maubert, nơi mà viên cảnh sát trưởng biết rõ đâylà nơi trú ngụ của dân lang thang. - Người ấy đã tỉnh chưa? Bà y tá trưởng muốn lấy lại tấm thẻ căn cước nhưng Maigret đã cho vào túi mình. Bà ta càu nhàu: - Không được... Đây là nguyên tắc... - Keller nằm trong một phòng riêng chứ? - Còn gì nữa đây? - Bà dẫn tôi tới gặp ông ta... Bà y tá trưởng ngập ngừng, sau đó phải nhượng bộ. - Dù sao ông cũng phải nói chuyện với giáo sư... Bà y tá trưởng mở cửa phòng thứ ba trong đó có hai hàng giường đã có người. Hầu hết các bệnh nhân đều nằm dài, mắt mở to; hai hoặc ba người ở cuối phòng đang đứng nói chuyện nhỏ với nhau. Bên một chiếc giường ở giữa phòng hàng chục nam nữ thanh niên mặc blu trắng, đội mũ vải trắng đứng quanh một người cao tuổi, cũng mặc đồ trắng đang lên lớp cho họ. - Ông thấy rõ giáo sư đang bận. Ông không thể nói chuyện với ông ấy vào lúc này được. Tuy nhiên bà ta cũng chạy đến, nói nhỏ vào tai giáo sư câu gì đó. Ông giáo sư nhìn về phía Maigret rồi tiếp tục bài giảng của mình. - Giáo sư sẽ tiếp ông sau đây một vài phút. Ông ấy yêu cầu ông ngồi chờ trong văn phòng... Bà y tá trưởng dẫn họ tới đấy. Căn phòng không rộng và chỉ có hai chiếc ghế. Trên bàn giấy, trong một chiếc khung bằng bạc là một tấm ảnh một người phụ nữ và ba đứa trẻ chụm đầu vào nhau. Maigret ngập ngừng nhưng sau đó ông cũng đổ tàn thuốc trong tẩu vào cái gạt tàn đầy những đầu mẩu thuốc lá và nhồi một tẩu thuốc mới. - Xin lỗi vì đã để ông phải đợi, ông cảnh sát trưởng... Khi bà y tá trưởng báo tin rằng ông có mặt ở đây tôi đã hơi ngạc nhiên... Dù sao... Có phải ông giáo sư muốn nói dù sao đây cũng là vấn đề của một kẻ lang thang không? Không phải như vậy. - Đây cũng là một vụ không đáng kể. Tôi nghĩ như vậy có đúng không? - Tôi chưa biết gì hết và tôi muốn ông làm rõ vấn đề. - Một vết thương trên đầu, rất rõ ràng. Chắc chắn người giúp việc của tôi đã nói với ông sáng nay... - Lúc ấy chưa chụp X quang sọ não. - Bây giờ thì xong rồi... May mắn là óc không việc gì. - Vết thương đó là do một cú ngã ở bến cảng ư? - Không phải... Người ấy đã bị đánh vào đầu bởi một vật nặng như búa hoặc mỏ-lết hoặc như cái đòn bẩy tháo lốp xe hơi chẳng hạn. - Cú đánh làm cho người ấy ngất đi ư? - Nạn nhân bị mê sảng. Cơn mê sảng có thể sẽ kéo dài nhiều ngày. Nhưng người ấy có thể chợt tỉnh lại vào lúc nào đó... Trước mắt của Maigret đã có hình ảnh về nơi trú ẩn của thầy thuốc, về dòng nước đục ngầu chảy mạnh kéo kẻ lang thang đi một vài mét và ông nhớ lại lời nói của chủ sà lan người fla măng. - Xin phép được hỏi ông kỹ hơn... ông nói rằng ông ta đã bị đánh vào đầu... Một cú thôi ư? - Tại sao ông lại hỏi như vậy? - Cái đó rất quan trọng... - Thoạt nhìn thì tưởng rằng người ấy đã bị đánh nhiều cú... - Tại sao? - Vì trên người nạn nhân có nhiều vết thương: tai bị rách, mặt có những vết rách sâu... Người ta đã cạo râu cho ông ta, những vết thương nhìn rõ hơn... - Và ông kết luận...? - Vụ này xảy ra ở đâu? - Dưới gầm cầu Marie. - Sau một trận ẩu đả ư? - Hình như không phải như vậy. Vào lúc bị đánh vào đầu thì người này đang ngủ... - Sau khi khám nghiệm thì ông thấy thế nào? - Tôi đã gần như tin chắc... Sau khi ông nói, thì tôi hiểu rõ do đâu mà có những vết thương ở tai, ở mặt... Người ta thấy nạn nhân trên sông Seine, đúng không?... Những vết thương thứ yếu ấy là do người ta đã đẩy nạn nhân lăn trên mặt đá lát từ đầu dốc xuống mặt nước của bến cảng. Ở đấy có cát, phải không? - Người ta đang bốc dỡ một sà lan cát lên bờ cách đó một vài mét. - Tôi đã thấy cát trong các vết thương. - Theo ông thì thầy thuốc... - Ông nói gì?- Giáo sư Magnin ngạc nhiên hỏi lại. - Ngoài bến cảng người ta gọi ông ta như vậy... Có thể trước kia ông ta là bác sĩ... Đây là người bác sĩ đầu tiên sau ba mươi năm Maigret tìm thấy dưới gầm cầu. Trước đó ông cũng đã bỏ công tìm kiếm một giáo sư hoá học của một trường trung học của một tỉnh và một vài năm sau, một phụ nữ biểu diễn ngựa trong rạp xiếc đã phát hiện ra ông này. - Tôi tin chắc rằng một hoặc những kẻ tấn công đã đánh ông ta lúc đang ngủ... - Một người đánh thôi vì chỉ có một vết thương... - Đúng thế... Ông ta đã bất tỉnh nhân sự tới mức là người ta tưởng ông đã chết... - Cái đó có thể chấp nhận được. - Đáng lẽ mang xác chết đi thì người ta lại đẩy nó xuống sông... Ông giáo sư chăm chú lắng nghe, vẻ suy nghĩ. - Lập luận đó có đứng vững không?- Maigret hỏi. - Hoàn toàn đúng. - Về mặt y học mà nói thì một khi đã bị dòng nước cuốn đi, người ấy có thể kêu lên không? Ông Magnin gãi đầu. - Ông hỏi tôi quá nhiều, tôi không thể trả lời một cách chính xác được... Tôi không tin vào điều không có thể... Dưới tác dụng của nước lạnh... - Người ấy có thể tỉnh lại ư? - Không nhất thiết như vậy... Những bệnh nhân trong khi mê sảng cũng nói, cũng cựa quậy tay chân... Có thể cho rằng... - Ông ta không nói gì khi ông khám những vết thương ư? - Có những lúc người ấy rên rỉ. - Người ta nói rằng khi được vớt từ dưới nước lên thì ông ta mở mắt, có thể như vậy được không? - Cái đó cũng không chứng minh được điều gì cả... Tôi cho rằng ông muốn nhìn thấy người ấy... Ông đi theo tôi... Ông giáo sư dẫn viên cảnh sát trưởng đến trước cánh cửa thứ ba và bà y tá trưởng nhìn hai người với vẻ ngạc nhiên cộng thêm vẻ không tán thành. Những bệnh nhân nằm trên giường đưa mắt nhìn theo họ cho tới lúc cả hai người dừng bước trước một giường bệnh. - Ông không nhìn thấy nhiều lắm... Đúng thế, người ta chỉ nhìn thấy băng quấn trên đầu và trên mặt kẻ lang thang. Chỉ nhìn thấy cặp mắt, lỗ mũi và cái miệng của người ấy. - Tỷ lệ phần trăm qua khỏi là bao nhiêu? - Bảy mươi phần trăm... Có thể nói là tám mươi, vì tim người này rất khoẻ. - Xin cảm ơn ông... - Chúng tôi sẽ báo tin khi ông ta tỉnh lại... Xin ông để lại số điện thoại cho bà y tá trưởng của chúng tôi... Thật là dễ chịu khi ra khỏi bệnh viện nhìn thấy mặt trời, những người qua lại, chiếc xe buýt màu vàng chở khách du lịch đang đậu trước cổng nhà thờ Notre-Dame. Maigret, tay chắp sau lưng, đi mà không nói năng gì cả. Biết sếp đang suy nghĩ, Lapointe tránh gợi chuyện ông. Họ đi qua cổng Sở cảnh sát, vào cầu thang lớn mà ánh mặt trời làm người ta thấy rõ nó đầy bụi và cuối cùng vào văn phòng của cảnh sát trưởng. Maigret mở to các cánh cửa sổ và đưa mắt nhìn những chiếc sà lan nối đuôi nhau xuôi theo dòng sông Seine. - Phải cử một người nào đó lên trên kia để xem xét công việc... "Trên kia" tức là phòng căn cước, những chuyên gia, những kỹ thuật viên. - Tốt nhất là dùng một chiếc xe tải con để chở các thứ ấy về đây. Ông không ngại những kẻ lang thang ăn cắp đồ vật của thầy thuốc mà ông sợ những đứa trẻ ăn cắp vặt. - Còn anh, anh tới Sở Công chính... Không cần thiết kê tất cả những chiếc xe bốn trăm lẻ ba... Chỉ ghi những chiếc số xe có hai con số chín... Anh kiếm thêm người xem chủ của những chiếc xe ấy là ai... - Rõ, thưa sếp... Khi còn lại một mình, Maigret xếp lại những chiếc tẩu, đọc những tài liệu xếp đống trên mặt bàn. Ông ngập ngừng, khi đẹp trời như thế này mà lại đi ăn hiệu ở quảng trường Dauphin, cuối cùng ông quyết định về nhà. ◦○◦ Đây là lúc ánh sáng tràn ngập phòng ăn. Bà Maigret mặc một chiếc áo in hoa màu hồng làm ông nghĩ đến chiếc áo cũng màu ấy của mụ Léa béo phị. Vừa suy nghĩ ông vừa dùng món gan bò thì bà vợ hỏi: - Ông đang nghĩ gì vậy? - Về kẻ lang thang của tôi... - Kẻ lang thang nào? - Một người trước kia có thể là một bác sĩ... - Người ấy đã làm gì? - Theo tôi biết thì ông ta không làm gì cả. Ông ta bị đánh vào đầu trong lúc đang ngủ dưới gầm cầu Marie... Sau đó người ta ném ông xuống nước... - Người ấy chết chứ? - Thuỷ thủ đã kịp thời vớt lên... - Người ta muốn gì nhỉ? - Đó là điều tôi đang tự hỏi... Ông ta là người cùng tỉnh với anh rể bà... Người chị của bà Maigret sống ở Mulhouse cùng chồng là kỹ sư cầu cống. Vợ chồng ông thường tới thăm họ. - Tên người ấy là gì? - Keller... Francois Keller... - Thật kỳ cục, nhưng cái tên đó thì tôi nghe quen quen. - Đây là cái tên phổ biến ở vùng ấy... - Tôi gọi điện thoại cho chị ấy chứ? Ông gật đầu. Tại sao lại không nhỉ? Ông không tin việc này sẽ mang lại một điều gì mới, nhưng ông muốn làm hài lòng vợ. Khi dùng xong cà phê, bà Maigret gọi điện cho Malhouse. Trong khi chờ đợi đường dây, bà lẩm bẩm như để lục tìm trong trí nhớ: - Keller... Francois Keller.. Chuông điện thoại reo vang. - A-lô!... A-lô, vâng!... Vâng, thưa cô, tôi gọi cho Malhouse đây...Chị đấy ư, chị Florence?... Thế nào?... Em đây, phải rồi... Nhưng không, không xảy ra chuyện gì cả... Đang ở Paris... Chúng em đang ở nhà... Anh ấy đang ngồi đây... đang dùng cà phê... Anh ấy mạnh khoẻ... Tất cả rất tốt... Ở đây đã sang xuân... - Bọn trẻ thế nào?... Bệnh cúm ư?... Tuần trước em cũng bị... Không nặng lắm... Chị nghe nhé... Không phải chỉ có vậy mà em gọi cho chị... Chị có nhớ người nào đó tên là Keller không?... Francois Keller... Thế nào... Để em hỏi anh ấy... Quay sang Maigret, bà hỏi: - Bao nhiêu tuổi? - Sáu mươi tư... - Sáu mươi tư tuổi... Vâng... Chị không quen ư? Chị nói sao?... Xin cô đừng cắt... A-lô!... Vâng, ông ta là bác sĩ... Chị nghe chồng chị nói ư?... - Vâng... Tôi nhắc lại nhé... Ông ta đã cưới một cô gái nhà Merville... Gia đình Merville làm gì?... Cố vấn của Triều đình ư?... Ông ta đã cưới con gái một viên cố vấn của Triều đình... Rõ rồi... Ông cố vấn đã qua đời... Lâu rồi... Không nên ngạc nhiên khi thấy tôi nhắc lại... Tôi sợ quên mất... Ông nội là Thị trưởng... Sao? Có pho tượng,.. Điều này ít quan trọng nếu chị không rõ... - A-lô!... Tóm lại... Kaeller đã cưới cô ta... Con gái độc nhất... Phố Sauvage... cũng hung dữ như tên của nó... (Tiếng Pháp sauvage có nghĩa là dã man, hung dữ - ND) Bà nhìn Maigret với vẻ muốn nói bà đã làm hết khả năng của mình. - Được rồi. Nếu chẳng có gì là thú vị thì cũng không quan trọng... Với ông ta thì người ta không thể biết được mọi chuyện... Có những chi tiết không quan trọng... Phải, vào năm nào?... Ông ta khoảng hai chục tuổi... Bà ta được thừa kế của người cô... Và ông ta bỏ đi... Không ngay lập tức... Ông ta còn sống với vợ một năm... - Họ có con với nhau không?... Một đứa con gái... Lấy ai nhỉ.. à phải... Rousselet, chủ hiệu dược phẩm... Cô ta sống ở Paris ư? Bà Maigret nhắc lại cho chồng: - Họ có với nhau một con gái. Cô gái đã lấy con trai nhà Rousselet, chủ cửa hàng dược phẩm và họ đang sống ở Paris. Xong việc, bà lại ghé miệng vào ống nói: - Tôi hiểu... Nghe đây... Chị cố gắng tìm hiểu thêm... Phải... Cảm ơn... Nhờ chị hôn anh ấy và những đứa trẻ giúp em... Gọi cho em bất kể vào giờ nào... Em không đi đâu cả... Một tiếng hôn. Bây giờ bà quay sang Maigret. - Hình như đây là Keller mà chúng ta muốn biết. Francois Keller là bác sĩ và đã cưới con gái của một ông cố vấn... Ông này đã qua đời trước ngày cưới... - Thế còn người mẹ? - Tôi không biết. Chị Flotence không nói... Bà Keller đã thừa kế gia tài của một trong những người cô. Bây giờ bà ta là người giàu có... Ông chồng là người kỳ quặc... Ông có nghe tôi nói không đấy?... Một người hung dữ, theo như chị tôi nói... Ông ta đã bỏ nhà để đến ở trong một khách sạn gần nhà thờ. Ông ta ở như vậy trong một năm rồi bỗng nhiên biến mất... - Chị Florence sẽ hỏi thêm bạn bè, nhất là những người cao tuổi để có thêm tin tức... Chị ấy hứa là sẽ gọi điện lại cho chúng ta... - Cái đó có thú vị không? - Rất thú vị! Ông nói và đứng lên để nhồi một tẩu thuốc khác. - Ông có cần đến Mulhouse không? - Tôi không biết. - Nếu đi thì ông dẫn tôi đi cùng chứ? Cả hai đều cười. Cửa sổ để mở và ánh nắng tràn vào trong nhà. Cái đó làm cho họ nghĩ đến kỳ nghỉ. - Tối nay... Tôi sẽ ghi lại tất cả những gì chị tôi nói... Kể cả nếu bị ông cười về hai chúng tôi... III T rong khi Lapointe chạy khắp Paris để tìm những chiếc xe hơi bốn trăm lẻ ba màu đỏ thì Janvier cũng không được ngồi trong văn phòng của thanh tra vì người ta đã gọi anh đến nhà hộ sinh, nơi anh đang đi dọc các hành lang vì vợ anh đang sinh đứa con thứ tư. Maigret gọi điện thoại cho Lucas: - Anh có việc gì khẩn cấp không, Lucas? - Thưa sếp, tôi có thể gác lại được. - Anh hãy gặp tôi trong văn phòng... Đây là việc đi thu thập các tài liệu về thầy thuốc mà sáng nay ông chưa nghĩ tới. - Anh sẽ chạy đến các cơ quan hành chính, tôi chưa biết rõ những cơ quan nào... với một giấy giới thiệu có đóng dấu... - Do ai ký? - Anh ký lấy... Với các cơ quan ấy, điều họ quan tâm là cái dấu... Tôi muốn có những dấu vân tay của một người mang tên Francois Keller... Tôi sẽ gọi dây nói cho Bệnh viện Thượng đế để anh tới xin dấu vân tay của người này đang nằm trong đó để so sánh. Một con chim sẻ đậu trên thành cửa sổ nhìn họ đang làm việc. Dưới mắt con chim thì có thể đây là cái tổ của con người. Rất nhã nhặn, Maigret gọi đến bệnh viện báo tin mình cử Lucas tới gặp họ. - Không cần giấy giới thiệu- Giáo sư Magmn nói - Người ta sẽ đưa anh ta đến gặp ban Giám đốc ngay. Một lát sau ông giở cuốn danh bạ điện thoại của Paris. - Rousselet... Rousselet... Rousselet... Ông tìm thấy phòng bào chế René Rousselet in chữ đậm. Phòng bào chế này ở quận Mười sáu, gần công viên Orleans. Địa chỉ của nó: Đại lộ Suchet, quận Mười sáu. Đã hai giờ rưỡi chiều. Trời vẫn trong xanh, một làn gió thổi bay rác rưởi trên hè phố làm người ta liên tưởng đến một trận bão. - Alô... Tôi muốn nói chuyện với bà Rousselet... Một giọng nghe êm tai của phụ nữ hỏi lại: - Xin cho biết ai ở đầu dây vậy? - Đây là cảnh sát trưởng Maigret, sở cảnh sát Paris... Có một thoáng yên lặng, sau đó: - Ông có thể cho biết đây là việc gì không? - Vấn đề cá nhân... - Tôi là bà Rousselet đây. - Có phải bà sinh ra ở Mulhouse và tên thời con gái của bà là Keller không? - Đúng. - Tôi muốn gặp để nói chuyện với bà càng sớm càng tốt... Tôi có thể tới nhà được không? - Để báo cho tôi một tin xấu ư? - Để có được một số tin tức. - Khi nào thì ông tới? - Tôi sẽ đi ngay bây giờ... Ông nghe thấy tiếng người phụ nữ ấy nói với ai đó, chắc là đứa con: - Jeannot, để yên... Giọng người phụ nữ ấy trở thành ngập ngừng, lo ngại: - Tôi xin đợi ông, ông cảnh sát trưởng... Chúng tôi ở lầu ba... ◦○◦ Maigret thích những phố yên tĩnh, những ngôi nhà riêng rẽ, có cây xanh nơi thanh tra Torrence đang lái chiếc xe hơi nhỏ của Sở đưa ông tới đại lộ Suchet. - Tôi có cần lên đó với sếp không? - Tôi cho rằng tốt hơn cả là không. Ngôi nhà có một cánh cửa sắt có những ô kính, và tầng trệt có cầu thang máy đưa lên không hề có tiếng động. Maigret vừa bấm chuông thì một người hầu vận đồng phục trắng ra mở cửa, mời ông vào một phòng khách lớn. - Đi lối này, thưa ông... Có một quả bóng màu đỏ giữa lối đi, một con búp-bê trên tấm thảm và một cô vú nuôi đẩy một chiếc xe nôi trên đó có một bé gái vận đồ trắng đi ở phía cuối hành lang. Một cánh cửa dẫn vào một phòng khách lớn. - Xin mời ông vào, ông cảnh sát trưởng... Maigret nhìn người phụ nữ, cô ta khoảng ba mươi nhăm tuổi, không hơn. Tóc vàng, cô ta mặc một bộ đồ nhẹ. Cái nhìn cũng êm dịu như giọng nói đang đặt ra một câu hỏi trong khi đó người hầu khép cửa lại. - Xin mời ông ngồi... Từ lúc ông gọi điện thoại, tôi tự hỏi... Thay vì đi vào câu chuyện, ông hỏi một cách máy móc: - Bà có đông các cháu không? - Bốn cháu... Mười một, chín, bảy và ba tuổi... Có thể đây là lần đầu tiên tiếp chuyện một cảnh sát tại nhà mình nên cô ta nhìn chằm chằm vào ông. - Tôi tự hỏi có phải đã có chuyện gì xảy ra với chồng tôi không... - Ông nhà đang ở Paris ư? - Lúc này thì không. Chồng tôi đang dự một hội nghị ở Bruxelles và tôi đã gọi ngay điện thoại cho ông ấy. - Bà có nhớ ông thân sinh ra bà không, bà Rousselet? Cô ta có vẻ yên tâm hơn. Trong phòng khách chỗ nào cũng có hoa và qua cửa sổ người ta nhìn thấy những rặng cây trong rừng Boulogne. - Tôi có nhớ, vâng.. Tuy rằng... Cô ta có vẻ ngập ngừng nên không nói hết. - Bà nhìn thấy ông cụ lần cuối cùng là vào lúc nào? - Lâu lắm rồi... Lúc tôi mười ba tuổi... - Lúc gia đình ta còn ở Mulhouse ư? - Vâng... Tôi tới Paris sau ngày kết hôn. - Bà gặp ông nhà ở Mulhouse ư? - Ở Baule, tôi và mẹ tôi hàng năm vẫn tới đó. Họ nghe thấy tiếng trẻ con ngoài hành lang. - Xin lỗi ông, tôi ra ngoài một lát... Khi trở vào, cô ta nói: Hôm nay trẻ con nghỉ học. Tôi đã hứa dẫn chúng đi chơi... - Gặp lại liệu bà có nhận ra ông thân sinh ra bà không? - Tôi cho rằng có... Margret lấy trong túi ra thẻ căn cước của thầy thuốc. Theo ghi chép trên thẻ thì ảnh chụp cách năm năm. Francois Keller ít khi cạo mặt và lười tắm táp. Râu mọc tua tủa trên má. Ông ta thường cắt râu bằng một chiếc kéo. Cặp mắt có vẻ lơ đễnh. - Cha tôi đây ư? Tay run run, cô ta cầm tấm thẻ và cúi xuống nhìn tấm ảnh. Cô ta bị cận thị. - Trong trí nhớ của tôi thì ông cụ không như thế này, nhưng tôi tin chắc đây là cha tôi. Cô ta cúi xuống thấp hơn để nhìn cho rõ. - Với một chiếc kính lúp thì tôi có thể... Tôi sẽ đi lấy... Cô ta đặt tấm thẻ lên mặt bàn và sang phòng bên rồi trở lại với chiếc kính lúp trên tay. - Cha tôi có một vết sẹo trên mắt trái, nhỏ thôi nhưng sâu... Đây rồi... ông nhìn xem... Ông nhìn tấm ảnh qua kính lúp, cả ông nữa. - Tôi nhớ rõ chính vì tôi mà ông cụ có vết sẹo này... Một sáng chủ nhật, chúng tôi về nông thôn... Trời nóng nực và, dọc theo cánh đồng lúa mì có những bụi hoa mào gà... - Tôi muốn hái một bông nhưng cánh đồng được rào bằng dây thép gai... Lúc ấy tôi mới có tám tuổi... Cha tôi vạch dây thép gai để tôi có thể chui vào... Ông lấy chân giậm đám dây thép phía dưới và cúi xuống... Thật kỳ cục khi tôi nhớ lại cảnh này trong khi tôi quên rất nhiều chuyện... Bất ngờ chân ông bị trượt và dây thép đập vào mặt ông. Mẹ tôi sợ ông bị thương ở mắt... Máu chảy rất nhiều... Chúng tôi tới một trang trại gần đó để rửa và băng vết thương lại. Mặt ông giữ lại một vết sẹo phía trên con mắt bên trái từ đó... Vừa nói cô vừa nhìn Maigret với vẻ lo ngại khi nghĩ đến mục đích cụ thể của cuộc viếng thăm này. - Có việc gì xảy ra với cha tôi chăng? - Đêm hôm qua ông cụ đã bị thương trên đầu, nhưng các bác sĩ cho rằng ông đã thoát khỏi vòng nguy hiểm... - Chuyện đó xảy ra ở Paris ư? - Đúng... Trên sông Seine... ông cụ bị một người nào đánh rồi ném xuống sông... Ông chú ý quan sát, chú ý đến những phản ứng của cô ta, nhưng cô ta chịu đựng được cái nhìn đó. - Bà có biết ông cụ sống ra sao không? - Tôi không biết chính xác... - Bà muốn nói rằng... - Khi cha tôi bỏ nhà ra đi... - Thì bà mới mười ba tuổi. Bà đã nói rồi... Bà có nhớ ngày ông cụ ra đi không? - Không... Một buổi sáng, không thấy cha tôi trong nhà và thấy tôi ngạc nhiên mẹ tôi bảo ông có chuyến đi dài ngày... - Khi nào thì bà biết tin tức của ông cụ? - Một vài tháng sau, mẹ tôi được tin cha tôi đang ở châu Phi, trong rừng rậm, chữa bệnh cho những người da đen... - Tin đó có đúng không? - Tôi cho rằng đúng... Sau đó có người gặp cha tôi ở đấy... Ông sống ở Gabbon cách Libreville hàng trăm ki-lô-mét... - Ông cụ sống ở đấy có lâu không? - Trong nhiều năm... Một số người ở Mulhouse coi ông như một vị thánh... Những người khác... Maigret chờ đợi. Cô ta ngập ngừng rồi nói tiếp: - Những người khác coi ông là kẻ điên khùng... - Thế còn mẹ bà? - Tôi cho rằng mẹ tôi cố gắng chịu đựng... - Năm nay bà cụ bao nhiêu tuổi rồi? - Năm mươi tư... Không, năm mươi nhăm tuổi... Sau này tôi biết cha tôi có gửi cho bà một lá thư trong đó ông nói mình sẽ không trở về nữa và yêu cầu bà ly hôn. Bà không cho ai biết có lá thư này. - Mẹ bà đã ly dị chứ? - Không. Bà là người theo công giáo. - Ông Rousselet, chồng bà, có biết chuyện này không? - Có biết. Chúng tôi không giấu anh ấy điều gì cả. - Bà không biết cha bà đã trở lại Paris ư? Cô ta chớp mắt và bắt đầu nói dối. Maigret biết rõ điều này.. - Biết và không biết... Tôi không nhìn thấy tận mắt... Mẹ tôi và tôi không tin... Một người nào đó ở Mulhouse nói gặp một người bị kẹt giữa đám đông trên đại lộ Saint-Michel giống cha tôi một cách kỳ lạ... Người nói lại chuyện này là bạn cũ của mẹ tôi... Khi người này kêu to: 'Francois" thì ông ta giật mình nhưng rồi lại làm ra vẻ không quen biết... - Bà có báo tin này cho cảnh sát không? - Để làm gì kia chứ?... Cha tôi tự mình lựa chọn số phận cho mình... Ông không cần thiết làm như vậy để khỏi phải sống với chúng tôi... - Bà có bàn bạc vấn đề này với chồng bà không? - Tôi và chồng tôi đã thảo luận nhiều lần. - Còn với bà thân sinh ra bà? - Tôi đã hỏi mẹ tôi trước và sau khi chúng tôi cưới nhau... - Ý kiến của bà cụ ra sao? - Thật khó nói trong một vài câu. Mẹ tôi than vãn, rên rỉ... Tôi cũng vậy.. Tôi còn tự hỏi sống như vậy có hạnh phúc không? Cô ta cúi xuống và hạ giọng nói thêm - Có những người không thích ứng với cuộc sống của chúng tôi. Sau đó me tôi.. Cô ta đứng lên đi ra đừng trước cửa sổ sau đó quay lại. - Tôi không nói xấu mẹ tôi. Bà có quan điểm riêng về cuộc sống... Tôi cho rằng mỗi người đều có quan điểm riêng của mình. Danh từ chuyên quyền hoặc độc đoán là quá nặng nề, nhưng mẹ tôi thường làm mọi việc theo ý muốn của mình.. - Sau khi cha bà bỏ đi, bà và người mẹ có sống hoà thuận không? - Có kém hơn trước... Tôi đã rất sung sướng từ sau ngày lập gia đình riêng và... - Và để thoát khỏi sự chuyên quyền, độc đoán của người mẹ ư? - Cũng vì cái dó nữa... Cô ta cười rồi nói tiếp. - Không đúng lắm, nhưng đã có nhiều cô gái sống trong hoàn cảnh ấy... Mẹ tôi tha hồ đi đây, đi đó, ưa tiếp khách và đến gặp những nhân vật quan trọng... Có thể nói nhiều người ở Mulhouse có điều kiện gặp nhau là nhờ mẹ tôi... - Kể cả lúc ông thân sinh ra bà còn ở nhà ư? - Chỉ hai năm trước khi ông ra đi thôi... - Tại sao bà lại nói hai năm? Ông nghĩ đến cuộc nói chuyện kéo dài giữa vợ ông và người chị gái và muốn nhân cơ hội này thu thập thêm một số tin tức mà vợ ông không biết. - Mẹ tôi được thừa kế của một người cô... Trước kia chúng tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ... Chúng tôi không thể ở một khu phố sang trọng chừng nào cha tôi còn suốt ngày ngồi trong văn phòng làm viêc và cứ có thời gian là ông đi thăm bệnh nhân của mình hầu hết là thợ thuyền... Không ai nghĩ đến khoản thừa kế này cả... Chúng tôi chuyển nhà... Mẹ tôi tậu riêng cho mình một biệt thự ở gần nhà thờ và bà không cảm thấy khó chịu với tấm gia huy treo trước cửa... - Bà có biết gia đình bên nội không? - Không... Tôi chỉ gặp người em trai của cha tôi một vài lần trước khi ông này chết trận ở Syrie. - Thế còn ông nội, bà nội của bà? Có tiếng trẻ con ở ngoài cửa nhưng cô ta không chú ý. - Bà nội tôi chết vì chứng ung thư lúc cha tôi mười lăm tuổi... Ông nội tôi là thầu khoán ngành xây dựng nhà cửa... Một sáng đẹp trời nọ, khi cha tôi đang ở trường đại học, người ta thấy cụ treo cổ trong xưởng thợ và người ta biết cụ đã mang công mắc nợ nhiều... - Nhưng ông cụ thân sinh ra bà vẫn tiếp tục việc học hành kia mà? - Cha tôi làm công cho một cửa hiệu bào chế để lấy tiền ăn học. - Tính nết ông cụ thế nào? - Rất hiền... Tôi biết mình không thể trả lời chính xác cho ông, nhưng đây là những cảm giác mà ông để lại cho tôi... Rất hiền và hơi u sầu... - Cha mẹ bà có cãi nhau bao giờ không? - Chưa bao giờ tôi thấy cha tôi to tiếng... cả ngày ông ngồi trong văn phòng nếu không thì đi thăm người bệnh... Tôi nhớ rằng mẹ tôi đã chê trách ông không chú ý đến ăn mặc, cả đời chỉ có một bộ com-lê không bao giờ là ủi, bộ râu ba ngày không cạo... Tôi nhớ mỗi khi ôm hôn tôi, râu của ông đâm cả vào má tôi... - Tôi cho rằng bà không biết quan hệ của ông cụ với các đồng nghiệp, đúng không? - Những gì tôi biết là do mẹ tôi kể lại... Có điều là bà không phân biệt được những cái đúng với những cái không đúng... Bà sắp xếp những sự thật theo ý bà... Khi lấy cha tôi thì ông là một nhân vật đặc biệt. Bà thường bảo tôi: "Cha con là bác sĩ giỏi nhất trong thành phố này và có thể là cả nước Pháp nữa.. Khốn thay..." Cô ta lại cười. - Chắc ông đã đoán ra cái gì xảy ra sau đó. Cha tôi không thể thích nghi... Ông từ chối hành động như những người khác... Mẹ tôi nói ông nội tôi tự vẫn thì đó không phải do phá sản mà là do cụ bị chứng tâm thần... Cụ có người con gái cũng mắc chứng này và phải nằm trong bệnh viện trong thời gian dài... - Sau này bà ta ra sao? - Tôi không biết... Tôi cho rằng mẹ tôi cũng không biết... Dù sao người em gái của cha tôi cũng đã bỏ Mulhouse để đi nơi khác... - Mẹ bà thì vẫn ở đấy chứ? - Lâu nay mẹ tôi sống ở Paris. - Bà có thể cho tôi địa chỉ không? - Số hai mươi chín, cảng Orleans. Maigret giật mình nhưng cô ta không nhận ra. - Đó là ở đảo Saint-Louis. Thời gian gần đây nhà đất của đảo này trở nên đắt giá nhất Paris... - Bà có biết ông thân sinh ra bà bị tấn công đêm hôm qua không? - Chắc chắn là không rồi. - Dưới gầm cầu Marie... Cách nhà của mẹ bà ba trăm mét... Cô ta nhíu mày và lo ngại. - Có phải trên nhánh kia của sông Seine không? Cửa sổ của nhà mẹ tôi trông ra cảng Tournelles... - Bà ấy có một con chó chứ? - Tại sao ông lại hỏi như vậy? Mấy tháng trước đây khi sống ở quảng trường Vosges để người ta chữa lại căn hộ của ông ở phố Richard-Lenoir, ông thường cùng vợ đi dạo trên đảo Saint-Louis. Đó là vào giờ những con chó được chủ hoặc những tên đầy tớ dẫn đi trên đường theo dọc con sông. - Mẹ tôi chỉ thích nuôi chim... Mẹ tôi rất ghét chó và mèo... Và cô ta thay đổi đề tài câu chuyện. - Người ta đã mang cha tôi đi đâu? - Tới Bệnh viện Thượng đế ở gần đó - Có lẽ ông muốn... - Không phải lúc này... Tôi muốn bà đến để nhận dạng ông cụ, nhưng hiện nay đầu và mặt đều bị băng kín... - Cha tôi có đau đớn lắm không? - Ông ấy bị ngất đi và không biết gì cả. - Tại sao người ta lại đánh cha tôi? - Đó là điều tôi đang muốn biết... - Đã có một cuộc ẩu đả ư? - Không. Người ta đã đánh vào đầu ông ấy, và theo tôi biết thì lúc ấy ông đang ngủ... - Dưới gầm cầu ư? Maigret đứng lên. - Tôi cho rằng ông sẽ đến gặp mẹ tôi, đúng không? - Tôi không có cách nào khác... - Ông cho phép tôi gọi điện thoại để báo trước tin này cho mẹ tôi chứ? Ông ngập ngừng. Ông muốn biết sự phản ứng của bà Keller. Nhưng ông không thể từ chối được. - Xin cảm ơn ông, ông cảnh sát trưởng... Tin này có đăng trên báo không? - Việc tấn công thì có thể được nêu lên một vài dòng. Còn tên của cha cô thì không vì tôi mới biết tên ông lúc gần trưa nay... - Mẹ tôi sẽ muốn người ta không nói gì đến vụ này... - Tôi sẽ cố gắng... Cô ta ra tận cửa tiễn ông trong khi một bé gái bám vào váy mẹ. - Chúng ta sẽ đi ngay bây giờ... Đến bảo Nana thay quần áo cho con... Torrence đi đi, lại lại trên vỉa hè trong khi chiếc xe hơi màu đen của sở cảnh sát đậu phía sau chiếc xe dài và bóng loáng của chủ nhà. - Chúng ta về sở chứ, thưa sếp? - Không... Tới cảng Orleans trên đảo Saint- Louis... Đây là toà nhà kiểu cũ với cánh cổng rất lớn nhưng được giữ gìn như một tài sản có giá. Cầu thang, tay vịn, tường đều bóng loáng không có lấy một hạt bụi; người gác cổng mặc áo đen, quàng một chiếc tạp dề màu trắng, có vẻ là người giúp việc một gia đình sang trọng. - Ngài có hẹn chứ? - Không. Bà Keller đang đợi tôi... - Xin ngài chờ một lát... Người gác cổng cầm lấy ống nói. - Xin ngài cho biết quí danh? - Cảnh sát trưởng Maigret... - Alô... cô Barthe đấy ư... Cô nói với bà chủ có ngài cảnh sát trưởng Maigret cần gặp bà... Sao? cảm ơn... Người gác cổng quay sang Maigret - Vâng mời ngài lên, lầu hai, rẽ tay phải... Vừa bước lên cầu thang, Maigret vừa tự hỏi những người fla măng còn neo sà lan ở đấy không hay là sau khi ký biên bản họ đã xuôi dòng để đi Rouen rồi. Cánh cửa mở mà không cần bấm chuông. Một cô người hầu trẻ, đẹp nhìn viên cảnh sát trưởng từ đầu đến chân như lần đầu tiên trong đời cô ta nhìn thấy một người cảnh sát bằng xương, bằng thịt. - Xin ngài đi lối này và đưa mũ cho tôi... Trần nhà rất cao được trang trí theo phong cách hoa mỹ kỳ cục với những hoa văn mạ vàng. Rất nhiều đồ gỗ chạm khảm. Ngay cửa vào người ta nghe thấy tiếng vẹt kêu: ở giữa phòng khách lớn có một cái lồng lớn nhốt hàng chục con. Phải ngồi đợi chừng mươi phút đồng hồ nên Maigret lấy tẩu ra để hút thuốc. Đúng lúc ông đặt tẩu lên miệng thì bà Keller bước ra. Đúng đây là một cú sốc đối với ông vì bà ta rất trẻ và trông rất thanh tú. Bà có vẻ chỉ hơn con gái một chục tuổi, vận đồ đen trắng, nước da hồng hào, mắt xanh lơ. - Dacqueline đã gọi điện cho tôi... Bà ta nói và chỉ tay vào một chiếc ghế bành có thành tựa lưng cao rất thuận tiện cho Maigret. Bà ngồi xuống một chiếc ghế đẩu bọc một loại vải cũ. - Như vậy là ông đã tìm thấy chồng tôi... - Chúng tôi không tìm - Maigret cãi lại. - Tôi không nghi ngờ điều đó... Tại sao các ông lại phải tìm kia chứ... Mỗi người đều tự do sống theo cách của mình... Có phải ông ấy đã thoát khỏi vòng nguy hiểm hay nói như vậy chỉ để an ủi con gái tôi? - Giáo sư Magnin nói ông ta có tám chục phần trăm may mắn bình phục... - Magnin ư?... Tôi biết ông ấy... Ông ấy đã nhiều lần tới đây... - Bà biết chồng bà đang ở Paris chứ? - Tôi vừa biết, vừa không biết... Kể từ ngày ông ấy đi Gabon tới nay đã hai chục năm, tôi chỉ nhận cả thảy hai tấm bưu thiếp... Đó là những ngày đầu tiên ông ấy sống ở châu Phi... Bà ta không đóng kịch, bà nhìn thẳng vào mắt ông. Đây là một phụ nữ làm chủ mọi tình huống. - Ông có tin chắc đấy là ông ấy không? - Con gái bà đã nhận ra... Ông đưa ra tấm thẻ căn cước có ảnh của chồng bà ta. Bà ta đi tìm kính mắt trên một chiếc tủ thấp để nhìn kỹ tấm ảnh, mặt không để lộ ra tình cảm. - Jacqueline có lý... Đúng là ông ấy đã thay đổi nhiều... Nhưng tôi cũng cho đây chính là Francois... Bà ta ngẩng đầu lên. - Có đúng là ông ấy sống cách đây vài chục mét không? - Dưới gầm cầu Marie... - Và tôi đã đi qua cầu nhiều lần trong một tuần lễ vì tôi có một bà bạn sống ở bên kia sông Seine... Đây là bà Lambois... Chắc ông biết cái tên ấy... Chồng bà ấy làm... Maigret tỏ thái độ không muốn biết chồng bà Lambois làm gì. - Từ ngày chồng bà đi khỏi Mulhouse bà không gặp ông ta lần nào ư? - Không lần nào. - Ông ta không viết thư, không gọi điện thoại cho bà ư? - Ngoài hai tấm bưu thiếp thì tôi không biết gì về ông ấy... Tất nhiên là không trực tiếp... - Còn gián tiếp thì sao? - Tôi đã gặp một quan chức cao cấp ở Gabon tại nhà một bà bạn, ông Perignon, ông ấy hỏi tôi có họ hàng gì với bác sĩ Keller không... - Bà đã trả lời thế nào? - Tôi trả lời đúng sự thật... Ông ấy có vẻ bối rối. Tôi gặng hỏi... Và ông ấy trả lời chồng tôi không thấy cái định tìm ở đất này. - Ông ta tìm gì? - Chồng tôi là người lý tưởng chủ nghĩa, ông hiểu chứ? Ông ấy không phù hợp với cuộc sống hiện đại... Sau khi thất bại ở Muihouse... Maigret tỏ ra không mấy ngạc nhiên. - Con gái tôi không nói với ông ư? Nó ít tuổi, thường ít gặp bố! Đáng lẽ phục vụ khách tử tế. Ông dùng trà chứ? Không ư? Xin lỗi, lúc này là giờ dùng trà của tôi... Bà ta bấm chuông. - Berthe, trà của tôi... - Một người... - Phải... Tôi có thể mời ông gì đây? Uých-ki chứ? Không ư? Tuỳ ông thôi... Tôi đang nói gì nhỉ? A! Có ai viết một cuốn tiểu thuyết nhan đề Thầy thuốc của người nghèo không nhỉ? Hoặc Thầy thuốc nông thôn... Có phải chồng tôi là một loại thầy thuốc của người nghèo không và nếu tôi không có của thừa kế của bà cô thì chúng tôi cũng nghèo như họ... Xin ông nhớ cho là tôi không yêu ông ấy. Đó là bản chất của ông ấy rồi. Người cha... Thôi, chẳng có gì là quan trọng. Mỗi gia đình đều có những vấn đề riêng của họ. Chuông điện thoại reo vang. - Ông cho phép chứ? A-lô! Tôi đây, vâng... Alice đấy ư... Phải, bạn thân mến... Có thể tôi sẽ đến chậm. Nhưng không! Ngược lại, rất tốt. Bạn đã thấy Laure chưa? Bà ta có tới không? Tôi không thể nói dài được vì đang có khách... Tôi sẽ gặp chị sau. Hẹn gặp lại. Bà ta trở về chỗ, mỉm miệng cười. - Đó là vợ ngài Bộ trưởng Bộ Nội vụ... Ông có biết bà ấy không? Maigret ra hiệu là không và ông máy móc cho chiếc tẩu vào trong túi. Những con vẹt làm ông khó chịu. Cô người hầu đã mang trà đến. - Trong hai năm, ông ấy trở thành người đứng đầu trong hàng ngũ bác sĩ. Ông chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch. Nếu ông biết Thành phố Mulhouse, thì ở đấy đầy rẫy sự bất công. Đúng Erancois là người giỏi nhất. Và từ đó tôi tin rằng ông ấy sẽ có vị trí của mình. Nhưng kẻ được chỉ định là kẻ có người ở cấp cao che chở. Nhưng đây không phải là một lý do để bỏ đi tất cả. - Đó là nỗi thất vọng đầu tiên. - Tôi cho là như vậy. Tôi đã thấy cái đó. Khi ở nhà thì ông ấy ngồi lỳ trong văn phòng... Từ khi bị mất phương hướng, ông ấy trở nên dữ dằn hơn. Tuy vậy tôi không ly hôn như ông ấy yêu cầu trong một lá thư. - Ông ta uống rượu ư? - Con gái tôi nói với ông thế ư? - Không. - Ông ấy uống rượu, đúng thế. Nhưng không bao giờ tôi thấy ông ấy say. Ông ấy có một chai rượu trong văn phòng và khi hết ông ấy lại tới một quán rượu nhỏ để mua. - Bà đã nói chuyện ông ta ở Gabon. - Tôi cho rằng ông ấy muốn trở thành một thầy thuốc cứu nhân độ thế. Ông hiểu chứ. Chữa bệnh cho những người da đen trong rừng rậm bằng cách lập ở đấy một bệnh Viện có ít người da trắng càng tốt. - Ông ta lại thất vọng một lần nữa chứ? - Theo một quan chức cao cấp ở đây cho biết thì ông ấy làm chuyện đã rồi trước mắt của chính quyền. Có thể do khí hậu, ông ấy uống nhiều hơn. Ông đừng tưởng là tôi ghen. Tôi không bao giờ như vậy. Ở đấy ông ấy sống với một phụ nữ bản xứ trong một túp lều và đã có con với người ấy. Maigret nhìn những con vẹt trong lồng có ánh sáng mặt trời xuyên qua. - Người ta đã cho ông ấy biết là ông không có chỗ ở đây... - Bà muốn nói người ta đã đuổi chồng bà đi khỏi Gabon ư? - Ít nhiều là như vậy. Tôi không biết chính xác... Nhưng ông ấy lại đi. - Người bạn của bà gặp ông ta ở Saint-Michel vào hồi nào? - Con gái tôi đã nói với ông như vậy ư? Xin chú ý tôi không mấy tin chắc. Một người mang trên lưng một tấm biển quảng cáo cho một cửa hiệu ăn trong khu phố trông rất giống Francois và người ấy đã giật mình khi bạn tôi gọi tên ông. - Người ấy không nói gì với chồng bà ư? - Người ấy nhìn bạn tôi như không hề quen biết. Đó là tất cả những gì tôi nắm được. - Như đã nói vói con gái bà, tôi chưa muốn mời gia đình tới ngay lúc này vì đầu và mặt của ông ta đang bị băng bó... Khi nào tháo băng... - Ông không thấy việc này là quá nặng nề ư? - Nặng nề với ai? - Với ông ấy... - Chúng tôi rất cần biết căn cước của người này... - Tôi thì tôi tin chắc... Trên mặt ông ấy chẳng có chiếc sẹo đấy ư... Đó là vào một ngày chủ nhật, tháng tám... - Tôi biết rồi... - Nếu vậy thì tôi còn gì để nói với ông nữa... Maigret đứng lên, muốn đi ra ngoài ngay lập tức và không muốn nghe những tiếng cãi cọ của lũ vẹt nữa. - Tôi cho rằng báo chí... - Báo chí sẽ nói rất ít thôi, tôi hứa với bà là như vậy... - Cái đó rất cần cho tôi và cho con rể tôi trong công cuộc kinh doanh. Xin lưu ý ông, con rể tôi đã biết mọi chuyện. Ông không muốn uống gì ư? - Cảm ơn bà. Và khi đi trên vỉa hè, Maigret bảo Torrence: - Chúng ta đi tìm một quán rượu nhỏ và yên tĩnh, được không? Tôi khát khô cả cổ! - Một cốc bia mát lạnh sủi bọt. Họ tìm thấy một quán rượu, yên tĩnh, mát mẻ nhưng bia thì quá dở. IVĐ ã có bản danh sách trên bàn của sếp... Lapointe, người được coi là làm việc một cách tỉ mỉ, báo cáo. Có nhiều bản danh sách đã được đánh máy. Các chuyên gia của phòng căn cước đã phân loại tài sản thành động sản và bất động sản của thầy thuốc. Trước hết là thùng gỗ cũ, báo, xoong chảo, cặp lồng, cuốn Oraisòns Funèbres của Bossuet và các thứ linh tinh khác đã được xếp trong một góc của phòng thí nghiệm. Bản danh sách thứ hai là quần áo mà Lucas đã mang đến Bệnh viện Thượng đế và bản thứ ba là những thứ lấy trong túi ra. Không muốn xem bản kê, Maigret lấy trong chiếc túi bằng giấy ra những vật mà Lucas đã nhét vào đấy. Trước hết là chiếc ống nghe của bác sĩ. Nó đã quá cũ. - Vật này trong túi bên phải của áo vét-tông- Lucas nói - Tôi đã hỏi bệnh viện, nó không dùng được nữa. Tại sao thầy thuốc còn giữ nó trong người? Hy vọng là sửa lại được ư? Đây có phải là vật tượng trưng cuối cùng cho nghề nghiệp của ông ta không? Tiếp đó là con dao nhíp ba lưỡi và một cái mở nút chai, cán bằng sừng đã gãy. Cũng như các đồ vật khác, chắc chắn nó đã được lấy trong thùng rác ra. Một tẩu thuốc bằng gỗ thạch thảo, ống được buộc bằng một sợi dây thép. - Túi bên trái - Lucas nói - Nó còn ẩm. Maigret máy móc ngửi chiếc tẩu. - Không có thuốc ư? - Ông hỏi. - Sếp sẽ thấy những đầu mẩu thuốc ở trong túi. Bị ướt nên chúng đã nhão nhoét. Người ta có thể hình dung người ấy dừng bước trên hè phố, cúi xuống nhặt một đầu mẩu thuốc lá, bóc giấy ra rồi nhét thuốc vào tẩu. Điều Maigret cảm thấy thích thú là thầy thuốc cũng hút tẩu. Cả vợ, cả con gái của ông ta không biết chuyện này. Những chiếc đinh, chiếc vít. Để làm gì nhỉ? Kẻ lang thang nhặt chúng trong khi đi dạo và đút chúng vào túi mà không nghĩ đến việc dùng chúng sau này, chắc chắn ông ta coi chúng như những lá bùa hộ mệnh. Chứng cứ là còn ba vật khác rất vô ích với người nằm dưới gầm cầu, lấy báo đắp lên ngực cho khỏi lạnh: ba hòn bi bằng thuỷ tinh, trong đó người ta nhìn thấy những vệt đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Bọn trẻ con thường soi chúng lên mặt trời để ngắm. Như vô tình, Maigret cầm lấy ba hòn bi. - Anh có các dấu vân tay không? - Những bệnh nhân khác cứ chằm chằm nhìn tôi. Tôi đã đến Phòng căn cước để so. - Kết quả ra sao? - Không có gì. Keller không có tiền án, tiền sự nào. - Ông ta đã tỉnh chưa? - Chưa. Khi tôi ở đấy thì mắt ông ta lim dim nhưng hình như không nhìn thấy gì. Hơi thở có phần nặng nề. Thỉnh thoảng ông ta cất tiếng rên... Trước khi về nhà, Maigret ký các giấy tờ. Mặc dù bận rộn nhưng ông thấy mình sảng khoái. Có phải do vô ý ông đã đút ba hòn bi vào túi khi ra về không? Hôm nay là thứ ba, ngày người ta thường ăn món mì ống và cháy bánh mì. Chẳng có lý do gì mà nhiều năm nay, cứ vào ngày thứ ba, người ta dùng món mì ống có cháy bánh mì kèm theo giăm-bông và đôi khi còn có nấm thái nhỏ nữa. Bà Maigret vui mừng vì có những tin tức báo cho chồng biết, về phần mình ông không nói ngay những chuyện do cô Jacqueline Rousselet và bà Keller kể lại. - Tôi đói rồi. Bà đợi câu hỏi của ông. Ông chỉ hỏi sau khi hai người đã ngồi vào bàn đặt trước một của sổ rộng mở. Không khí trong xanh có vài dải mây đỏ phía cuối chân trời. - Bà chị có gọi lại không? - Tôi cho rằng chị ấy đã rất bận rộn. Chắc chắn chị ấy đã gọi dây nói cả buổi chiều nay cho bạn bè. Bà giở một tờ giấy chi chít những dòng ghi chép và đặt bên đĩa ăn. - Tôi nhắc lại những điều chị ấy nói chứ? Tiếng động ở ngoài phố, tiếng máy thu hình của hàng xóm dội vào phòng ăn của họ. - Ông có cần ghi không? - Không. Tôi muốn nghe bà nói. Trong khi bà nói, đã hai ba lần ông thọc tay vào túi để xóc những viên bi. - Tại sao ông lại cười? - Không có gì... Tôi vẫn nghe. - Trước hết, tôi nói về nguồn gốc của khoản tài sản rơi vào tay bà Keller... Đây là một câu chuyện dài... Ông có muốn tôi kể lại chi tiết không? Ông vừa ăn vừa gật đầu. - Bà ta là nữ y tá, bốn chục tuổi hãy còn sống độc thân. - Bà ấy sống ở Mulhouse ư? - Không. Ở Strasbourg... Đây là người em gái của mẹ bà Keller... Ông vẫn nghe đấy chứ? - Phải.. - Bà ta làm việc ở bệnh viện... Tại đây mỗi giáo sư có một số phòng bệnh dành riêng cho khách của mình... Một ngày nọ thời trước chiến tranh, bà ta có trách nhiệm chăm sóc cho một người ở vùng Alsace tên là Lemke. Ông ta trở nên giàu có nhờ nghề buôn sắt vụn. Người ta còn nghi ngờ ông cho vay nặng lãi nữa. - Ông Lemke đã cưới bà này ư? - Sao ông biết? Maigret ân hận là đã làm mất hứng thú của vợ. - Nhìn nét mặt bà thì tôi biết. - Ông ta đã lấy bà ấy, phải. Xin ông nghe tiếp. Trong chiến tranh ông ta tiếp tục buôn sắt vụn và các thứ khác, ông ta có quan hệ với bọn Đức quốc xã và ngày càng giàu thêm. Tôi có nói dài dòng không? Có làm ông khó chịu không? - Ngược lại. Sau ngày giải phóng thì sao? - Du kích đã tìm Lemke để xử bắn nhưng không thấy hắn. Không ai biết họ, hắn và vợ hắn, lẩn trốn ở đâu. Cuối cùng người ta biết vợ chồng hắn đã sang Tây Ban Nha để đi Argentine. Một người của Mulhouse đã gặp Lemke ở ngoài phố Ông còn mì ống không? - Còn. Bà kể tiếp đi. - Một hôm họ lên máy bay từ Brézil để đi đâu đó. Máy bay đâm vào núi. Phi hành đoàn và hành khách đều chết cả. Lemke và vợ cũng vậy và gia tài của hắn rơi vào tay bà Keller. Thông thường thì người thân của Lemke được hưởng số tài sản này nhưng các bác sĩ nói người chồng chết trước người vợ tuy chỉ trong một thoáng. Người cô chết, gia tài chuyển sang người cháu. Thế là xong! Bà hài lòng về chuyện kể của mình. - Nói tóm lại, có một bà y tá lấy một ông buôn sắt vụn tại một bệnh viện ở Strasbourg và một chiếc máy bay đâm vào núi ở Nam Mỹ nên bác sĩ Keller trở thành một kẻ lang thang. Nếu vợ ông ta không trở nên giàu có một cách đột ngột như vậy thì chắc chắn họ còn sống với nhau ở phố Sauvage. Ông biết điều tôi định nói chứ? Ông có tin là họ vẫn sống ở Mulhouse không? - Rất có thể... - Tôi cũng có những tin tức về bà này nhưng đây chỉ là những chuyện ngồi lê đôi mách và chị tôi không chịu trách nhiệm về chúng... - Bà cứ nói đi... - Đây là một người nhỏ nhắn, năng động, ưa giao du rộng rãi và thích làm quen với những nhân vật quan trọng. Khi chồng bỏ đi thì mụ rất thích thú, mở tiệc đãi khách nhiều ngày trong nhiều tuần lễ liền. Mụ trở thành nữ mưu sĩ của ông thị trưởng Badet goá vợ. Những miệng lưỡi xấu xa nói mụ là tình nhân của viên quan chức này. Mụ còn nhiều tình nhân khác trong đó có một ông tướng trong quân đội mà tôi quên mất tên... - Tôi đã gặp bà ta rồi... Bà Maigret có thất vọng không? Chắc hẳn là không. - Trông mụ ta như thế nào? - Như bà đã mô tả... Một người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, rất chú ý tự chăm sóc bản thân, rất cẩn thận, hơi nóng nảy và rất quí những con vẹt... - Tại sao lại có những con vẹt trong chuyện này? - Vì bà ta nuôi rất nhiều vẹt trong phòng khách của mình. - Mụ ta đang sống ở Paris ư? - Ở đảo Saint-Louis, cách cầu Marie, nơi cư trú của ông chồng, ba trăm mét. Ông chồng cũng hút tẩu. Ông lấy trong túi ra ba hòn bi và đặt chúng lên mặt bàn. - Cái gì vậy? - Ba hòn bi của thầy thuốc. Bà Maigret nhìn chồng một cách chăm chú. - Ông thích ông ấy đúng không? - Tôi cho rằng mình đã hiểu ông ta. - Ông hiểu tại sao một người như ông ấy lại trở thành một kẻ lang thang ư? - Có thể. Ông ta đã sống ở châu Phi, một người da trắng độc nhất sống trong rừng rậm, xa những con đường lớn. Ông ta thất vọng ngay từ lúc ấy. - Tại sao? Có khó giải thích điều này cho bà Maigret, người quen sống trong trật tự và sạch sẽ không? - Cái mà tôi muốn biết - Ông nói tiếp bằng giọng nhẹ nhàng - là tại sao người ta trở thành thủ phạm? Bà cau mày. - Ông muốn nói gì? Chính người ta đã đánh và ném ông ấy xuống sông đấy thôi? - Ông ta là nạn nhân, đúng thế... - Vậy thì tại sao ông nói... - Những nhà tội phạm học, đặc biệt là ở Mỹ, có một lý thuyết về vấn đề này... - Lý thuyết đó ra sao? - Trong mười vụ giết người thì có một vụ nạn nhân có một phần trách nhiệm... - Tôi không hiểu... Ông nhìn những hòn bi như chúng đang thôi miên ông. - Lấy ví dụ có một người phụ nữ và một người đàn ông hay ghen đang cãi nhau... Người đàn ông chê trách vợ coi khinh mình... - Cái đó có thể xảy ra... - Giả thiết trong tay người đàn ông lúc ấy có một con dao và người ấy nói - Coi chừng... Để xảy ra một lần nữa thì tôi sẽ giết cô... - Cái đó cũng có thể xảy ra... - Giả thiết là người phụ nữ nói lại: - Mày không dám đâu... Mày không có khả năng ấy đâu... - Tôi hiểu. - Trong nhiều vụ án ghen tuông thường có những chuyện như vậy... Vừa rồi bà nói Lemke giàu có một phần là do đầu cơ tích trữ, đẩy đồng nghiệp vào hoàn cảnh thất vọng, phần khác là làm tay sai cho bọn Đức quốc xã... Bà có ngạc nhiên khi thấy hắn bị ai đó giết chết không? - Ông bác sĩ ư? - Và còn không ít người khác nữa. Ông ta sống dưới gầm cầu, uống rượu vang đỏ bằng chai, đi trên phố với tấm biển quảng cáo trên lưng... - Ông nói tiếp đi! - Một kẻ nào đó ban đêm đã xuống gầm cầu đánh vào đầu ông ta rồi kéo xác để ném xuống sông Seine và được người ta vớt lên một cách ngẫu nhiên. Kẻ đó có lý do để hành động như vậy... Nói cách khác, thầy thuốc đã cho hắn một lý do để loại bỏ mình. - Ông ấy vẫn bất tỉnh ư? - Phải. - Ông hy vọng khi ông ấy nói được thì ông sẽ biết một điều gì đó ư? Maigret nhún vai và bắt đầu nhồi thuốc vào tẩu. Một lát sau, bà tắt đèn, ông ngồi quay mặt ra cửa sổ để mở. ◦○◦ Sáng hôm sau khi ông tới văn phòng thì trời sáng sủa, mát mẻ như hôm trước. Trên cành bắt đầu có những lá cây mềm mại và xanh mướt. Viên cảnh sát trưởng vừa ngồi xuống ghế thì Lapointe bước vào. - Tôi có hai khách hàng cho sếp... Ông hài lòng với người cấp dưới như hài lòng với bà Maigret hôm qua. - Họ đang ở đâu? - Ở phòng chờ. - Là những ai vậy? - Là người chủ chiếc xe Peugeot bốn trăm lẻ ba màu đỏ và một người bạn cùng ngồi trên xe đêm hôm trước. Có rất ít xe bốn lẻ ba màu đỏ ở Paris và chỉ có ba chiếc có biển số có hai con số chín. Một chiếc đang đưa đi sửa từ tám hôm nay, một chiếc hiện đang ở Cannes với chủ nó... - Anh đã thẩm vấn những người ấy chưa? - Tôi mới chỉ hỏi hai ba câu... Tôi muốn tự sếp làm việc này... Tôi có thể đưa họ tới gặp sếp được không? Có vẻ gì bí mật trong thái độ của Lapointe như anh muốn dành sự ngạc nhiên cho Maigret. - Được... Ông ngồi trước bàn với những hòn bi nhiều màu một lá bùa hộ mệnh và đợi. - Ông Jean Guillot... - Thanh tra Lapointe báo tin. Đó là một người khoảng bốn chục tuổi, tầm thước trung bình, ăn vận sang trọng. - Ông Lucien Hardoin, nhà thiết kế công nghiệp... Anh ta cao lớn, trẻ hơn bạn, và sau này Maigret biết anh ta là người nói lắp. - Xin mời các ông ngồi... Tôi nghe nói các ông là chủ chiếc Peugeot màu đỏ... Jean Guillot là người đầu tiên giơ tay với vẻ tự hào. - Đó là xe của tôi- Anh ta nói. Tôi mua hồi đầu mùa đông. - Ông sống ở đâu, ông Guillot? - Phố Turrene, không xa đại lộ Temple là mấy. - Ông làm nghề gì? - Nhân viên bảo hiểm. Anh ta tỏ ra không sợ hãi gì khi bị một viên cảnh sát trưởng thẩm vấn tại sở Cảnh sát. Anh ta còn tò mò nhìn xung quanh như để sau này có chuyện kể lại cho bạn bè. - Còn ông, ông Hardoin? - Tôi... cùng ở chung... một... một... khu nhà ấy. - Ở tầng trên tầng có căn hộ của tôi - Guillot nói thêm. - Ông có vợ chứ? - Tôi... sống... độc thân... - Còn tôi, tôi đã có vợ và hai con, một trai, một gái - Guillot còn nói thêm mà không đợi hỏi. Lapointe đứng ở gần cửa mỉm cười. Người ta có thể nói hai người đàn ông kia, mỗi người ngồi trên một chiếc ghế, mỗi người đều có một chiếc mũ trên đầu gối, đang trong một tiết mục hát song ca. - Các ông là bạn của nhau ư? Họ trả lời cùng một lúc nên người ta không nghe thấy tiếng nói lắp của Hardoin: - Là bạn tốt... - Các ông có biết Francois Keller không? Hai người ngạc nhiên nhìn nhau như đây là lần dầu tiên họ nghe thấy cái tên ấy. Nhà thiết kế công nghiệp hỏi lại: - Đó... đó... là ai vậy? - Trước kia ông ta là bác sĩ ở Mulhouse. - Tôi chưa bao giờ đến Mulhouse cả - Guillot khẳng định. Ông ta nói ông ta biết tôi ư? - Đêm thứ hai vừa rồi các ông làm gì? - Như đã nói với viên thanh tra của ông, tôi cho rằng luật pháp không cấm việc này. - Hãy kể thật chi tiết những việc mà các ông đã làm... - Khi hết giờ làm việc vào lúc tám giờ tối tôi trở về nhà. Vợ tôi kéo tôi ra một góc để trẻ con không nghe thấy và đã bảo tôi rằng Nestor... - Nestor là ai? - Là con chó của chúng tôi... Một con chó to, giống Đan Mạch. Nó đã được mười hai tuổi và rất hiền với bọn trẻ, có thể nói nó đã chứng kiến sự ra đời của các con tôi...Khi chúng còn nằm trong nôi thì con chó nằm ngay dưới nôi khiến tôi cũng không dám tới gần... - Vợ ông đã nói gì với ông? Anh ta bình tĩnh nói: - Tôi không biết ông có nuôi chó Đan Mạch không. Nói chung là chúng sống không dài như những giống chó khác, tôi không hiểu tại sao... Cuối đời, chúng như những người già tàn tật. Nhiều tuần lễ gần đây nó như bị liệt. Tôi định mang nó đến bác sĩ thú y để tiêm. Vợ tôi không muốn như vậy. Tối thứ hai, trở về nhà, con chó đang hấp hối và, để bọn trẻ không nhìn thấy cảnh này, vợ tôi tìm đến người bạn Hardoin của chúng tôi nhờ anh mang nó về nhà mình. Maigret nhìn Lapointe và viên thanh tra nháy mắt. - Ngay lập tức tôi lên nhà Hardoin để xem con chó thế nào. Con Nestor khốn khổ đang thở hắt ra. Tôi gọi điện thoại cho bác sĩ thú y thì được trả lời ông ta đi xem hát đến giữa đêm mới về. Chúng tôi ngồi nhìn con chó chết dần hơn hai tiếng đồng hồ. Tôi ngồi bệt xuống đất, nó tựa đầu lên đầu gối tôi. Nó co giật từng cơn... Hardoin gật đầu xác nhận và cố gắng nói thêm. - Nó... nó... - Nó chết vào lúc mười giờ ba mươi - Người nhân viên bảo hiểm nói thêm. Tôi xuống nhà để báo tin cho vợ tôi. Tôi ngồi lại trông các con tôi ngủ để vợ tôi lên nhìn con Nestor lần cuối. Tôi ăn một vài miếng, vì từ lúc về nhà tôi chưa kịp ăn uống gì. Xin thú nhận là tôi có uống hai cốc cô-nhắc để lấy lại tinh thần. Khi vợ tôi trở về, tôi mang chai rượu lên cho Hardoin vì anh ấy cũng đang ngao ngán như tôi. Một tấn thảm kịch báo hiệu một tấn thảm kịch khác. Lúc này chúng tôi hỏi nhau giải quyết cái xác con chó thế nào. Tôi nghe nói có một nghĩa địa chó, nhưng tôi nghĩ chôn nó ở đấy thì mất nhiều tiền, mặt khác tôi không thể bỏ một ngày làm việc của cơ quan để làm việc này. Còn vợ tôi, cô ấy cũng không có thời gian. - Nói ngắn gọn thôi! - Maigret nhắc. - Ngắn gọn... Và Guillot sững lại vì mất dòng suy nghĩ của mình. - Chúng tôi... chúng tôi... - Chúng tôi không muốn ném nó vào một nơi khuất nẻo... Ông có biết con Nestor cao lớn đến chừng nào không? Nằm trong phòng ăn của Hardoin, trông nó như một con người. Nói tóm lại. Anh ta có vẻ hài lòng khi nhắc lại câu này. - Nói tóm lại, chúng tôi quyết định ném nó xuống sông Seine. Tôi về nhà tìm một cái bao tải đựng khoai tây. Bao quá nhỏ nên chân sau của con chó thò ra ngoài. Khó nhọc lắm chúng tôi mới mang con chó xuống, cho nó vào trong cốp xe được. - Lúc ấy là mấy giờ? - Mười một giờ mười. - Tại sao ông biết là mười một giờ mười? - Vì bà gác cổng chưa đi ngủ. Thấy chúng tôi đi qua bà ấy hỏi đã có chuyện gì xảy ra. Tôi giải thích cho bà rõ. Và khi mở cổng, tôi máy móc nhìn lên đồng hồ đang chỉ mười một giờ mười. - Các ông nói là sẽ ném nó xuống sông Seine ư? Nhưng tại sao các ông lại đến cảng Celestins? - Đó là đường gần nhất. - Chỉ cần một vài phút là có thể tới đó. Trên đường đi, các ông có dừng lại ở chỗ nào không? - Không. Chúng tôi đi theo con đường ngắn nhất. Chỉ mất có năm phút. Nhưng tôi đã ngập ngừng khi cho ô tô xuống dốc. Vì không trông thấy ai nên chúng tôi sẽ không bị bắt gặp. - Lúc ấy chưa đến mười một giờ rưỡi chứ? - Chắc chắn là chưa. Ông sẽ thấy. Chúng tôi khiêng chiếc bao tải và chúng tôi ném nó xuống nước. - Vẫn không nhìn thấy ai chứ? - Đúng thế. - Có một chiếc sà lan ở gần đó chứ? - Có... Chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng trong chiếc sà lan ấy... - Nhưng không nhìn thấy người thuỷ thủ ư? - Không. - Các ông không đi đến cầu Marie ư? - Chúng tôi không có lý do gì để đi xa hơn. Chúng tôi ném con Nestor gần nơi ô tô đậu. Hardoin luôn gật đầu xác nhận, nhiều lúc muốn nói thành lời nhưng sau lại thôi. - Sau đó thì sao? - Chúng tôi bỏ đi. Một khi tới đó. - Ông muốn nói cảng Celestines ư? - Vâng... Tôi biết trước mình ăn sẽ không biết ngon và tôi nhớ rằng trong chai không còn rượu cô-nhắc nữa. Đêm ấy thật là nặng nề. Nestor là con vật thân thiết trong gia đình tôi. Tới phố Turenne, tôi đề nghị Hardoin đi uống một cốc và chúng tôi vào một quán cà phê ở góc phố Francois-Bourgeois, gần Quảng trường Vosges... - Các ông lại uống cô-nhắc ư? - Vâng. Ở đấy tôi lại nhìn đồng hồ treo tường. Ông chủ quán bảo tôi nó nhanh năm phút. Lúc ấy là mười hai giờ kém hai mươi. Anh ta nhắc lại bằng một giọng chán nản: - Xin thề với ông là tôi không biết cái đó bị cấm... Nếu ông ở vào địa vị tôi thì sao? Nhất là đối với bọn trẻ con, nếu không muốn chúng nhìn thấy cảnh ấy. Chúng vẫn chưa biết con chó đã chết... Chúng tôi sẽ nói là Nestor bị lạc và chúng tôi đang đi tìm, may ra thì thấy... Không cố ý. Maigret lấy những hòn bi trong túi ra cầm trên tay. - Các ông nói đúng sự thật đấy chứ? - Tại sao chúng tôi phải nói dối ông? Nếu phải nộp một khoản tiền phạt, chúng tôi xin sẵn sàng... - Đến mấy giờ thì các ông về đến nhà? Hai người có vẻ bối rối nhìn nhau. Hardoin định nói nhưng rồi chính Guillot trả lời. - Rất muộn... Khoảng một giờ sáng... - Quán cà phê ở phố Turenne mở cửa đến mấy giờ? Maigret biết rõ quán này đóng cửa vào mười hai giờ đêm. - Không, chúng tôi còn đi uống với nhau cốc cuối cùng ở Quảng trường Cộng Hoà... - Cả hai đều say ư? - Ông biết rồi đấy. Người ta uống vì quá xúc động. Một cốc... Rồi một cốc nữa... - Các ông không quay lại sông Seine nữa chứ? Guillot có vẻ ngạc nhiên, nhìn người bạn như muốn nói thay anh ta. - Không! Quay lại đấy làm gì? Maigret quay sang Lapointe: - Dẫn họ sang phòng bên và ghi lại những lời khai. Xin cảm ơn các ông. Tôi không cần nói thêm, mọi lời nói của các ông đều được kiểm tra lại. - Tôi xin thề là tôi nói đúng sự thật. - Tôi... tôi... cũng vậy... Còn lại một mình trong văn phòng, Mnigret ra đứng trước cửa sổ, cầm những hòn bi trên tay. Ông mơ màng nhìn nước sông Seine đang chảy dưới những rặng cây. Tàu bè ngược xuôi, những áo dài trắng của phụ nữ thấp thoáng trên cầu Saint Michel. Cuối cùng thì ông ngồi vào bàn giấy và gọi điện cho Bệnh viện Thượng đế. - Cho tôi gặp bà y tá trưởng của khoa giải phẫu... Đã biết Maigret là ai và đã được những lời căn dặn của giáo sư, giọng bà này ngọt xớt: - Tôi vừa định gọi điện thoại cho ông, thưa ông cảnh sát trưởng. Giáo sư Magnin vừa khám bệnh cho người ấy. Giáo sư thấy bệnh nhân khá hơn đêm trước và không muốn ông ta bị quấy rầy. Thật là kỳ diệu. - Ông ấy đã tỉnh lại ư? - Không hoàn toàn như vậy, nhưng ông ta đã chăm chú nhìn xung quanh. Rất khó biết ông ta có biết mình đã bị nạn và đang nằm ở đâu không. - Ông ấy vẫn phải băng bó ư? - Trên mặt thì không... - Bà có cho rằng ông ấy sẽ tỉnh lại chứ? - Cái đó có thể xảy ra vào lúc này, lúc khác. Ông có muốn tôi báo tin khi ông ta nói được không? - Không... Tôi sẽ tới... - Ngay bây giờ ư? Bây giờ. Phải. Ông nóng lòng làm quen với con người đầu còn quấn băng. Đi qua văn phòng thanh tra, nơi Lapointe đang đánh máy bản lời khai của nhân viên bảo hiểm và người bạn nói lắp của anh ta. -Tôi đến Bệnh viện Thượng đế,.. Chưa biết lúc nào trở về... Chỉ cách đây có hai bước chân. Miệng ngậm tẩu, tay chắp sau lưng, óc suy nghĩ miên man, Maigret lững thững đi. Khi tới bệnh viện, ông thấy Léa béo phị trong chiếc áo màu hồng từ phòng thường trực đi ra với vẻ thất vọng. Mụ vội vàng chạy đến gặp ông. - Ông biết không, ông cảnh sát trưởng, người ta không những không cho tôi gặp ông ấy mà còn không cho tôi biết tin tức nữa. Chỉ còn việc không gọi một cảnh sát tống tôi đi khỏi đây thôi. Ông có tin tức gì về ông ấy không? - Người ta vừa báo tin ông ta đã khá hơn. - Có hy vọng là ông ấy sẽ bình phục không? - Có thể. - Ông ấy có đau đớn lắm không? - Tôi cho rằng ông ta không nhận ra cái đó... Chắc hẳn người ta đã tiêm cho ông ta. - Hôm qua có những người vận thường phục đến lấy đồ đạc của thầy thuốc đi. Có phải đấy là những người của ông không? Ông gật đầu và nói thêm: - Không nên lo ngại... Mọi việc sẽ ổn thôi... - Ông có biết tại sao người ta làm như vậy không? - Còn chị? - Đã sống ở bến cảng mười lăm năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy người ta muốn giết một kẻ lang thang. Trước hết, chúng tôi là người vô hại, ông phải biết rõ hơn những người khác chứ... Câu nói ấy làm ông hài lòng và mụ nói tiếp: - Vô hại... Cũng không bao giờ họ cãi đánh nhau nữa... Mỗi người tôn trọng sự tự do của người khác... Nếu không như vậy thì tại sao họ lại ngủ dưới gầm cầu? Ông nhìn mụ chăm chú hơn, mắt mụ đỏ lên, da mặt sáng hơn hôm trước. - Chị đã uống rượu ư? - Chỉ để xua đuổi sự buồn rầu thôi. - Bạn bè của chị nói thế nào? - Họ không nói gì cả... Khi đã nhìn thấy tất cả thì họ không bàn tán lung tung nữa... Khi Maigret sắp bước qua cửa, mụ ta hỏi ông: - Khi ra về, ông cho tôi biết tin về thầy thuốc chứ? - Tôi sẽ ở trong ấy lâu đấy... - Không sao. Ở đây cũng như ở chỗ khác thôi. Mụ có phần vui vẻ, cười với nụ cười con trẻ. - Ông có thuốc lá không? Maigret đưa ra chiếc tẩu. - Xin ông một nhúm thuốc vậy, thay vì hút, tôi nhai. Ông vào thang máy cùng một người nằm trên cáng và hai nữ y tá. Lên đến lầu ba, ông thấy bà y tá trưởng từ trong một căn phòng đi ra. - Ông đã biết chỗ rồi đấy. Lát nữa tôi sẽ gặp ông. Người ta vừa bấm chuông gọi tôi đến phòng cấp cứu. Những cặp mắt của bệnh nhân theo dõi Maigret như hôm trước. Có vẻ như người ta đã biết ông là ai. Tay cầm mũ, ông đến thẳng giường của bác sĩ Keller và thấy trên mặt người này chỉ còn vài mảnh băng dính. Hôm qua người ta đã cạo mặt cho ông ta nên trông ông rất giống người trong ảnh. Trên mặt có những vết nhăn sâu, nước da tai tái, môi mỏng và thâm. Cái làm cho Maigret ngạc nhiên là cái nhìn của Keller. Vì ông không nghi ngờ gì: Thầy thuốc đang nhìn ông và đây không phải là cái nhìn của một người mất mọi nhận thức. Cứ đứng yên thì rất khó chịu. Mặt khác, ông chưa biết nói gì. Có một chiếc ghế bên giường và Maigret ngồi xuống, miệng lẩm bẩm: - Ông khá hơn rồi chứ? Đúng là lời nói của ông không rơi vào khoảng trống mà nó đã được nghe và hiểu. Nhưng cặp mắt ấy vẫn chằm chằm nhìn ông. - Ông có nghe thấy tôi nói không, bác sĩ Keller? Đây là khởi đầu của một cuộc chiến đấu dài và thất vọng. Maigret ít khi nói với vợ một vụ án đang trong quá trình điều tra. Ông cũng ít thảo luận với những người cộng tác thân cận mà ông thường cho họ những chỉ dẫn. Đây là cách làm việc của ông, cố gắng tìm hiểu, từng tí một đi sâu vào cuộc sống của những con người mà hôm trước ông vẫn chưa biết họ là ai. - Ông nghĩ gì, ông Maigret? Một vị chánh án thường hỏi ông như vậy trước hoặc sau mỗi phiên xét xử. Ở toà án, ông thường nhắc lại một câu không thay đổi: - Tôi không nghĩ gì cả, thưa ông chánh án. Và một người nào đó đã nói: - Ông ấy đang suy nghĩ... Đó là câu nói rất chính xác đối với ông, khiến ông im lặng. Lần này là một ngoại lệ đối với bà Maigret vì bà có chị gái ở Mulhouse. Bà đã giúp ông một tay. Khi ngồi vào bàn, ông báo tin: - Sáng nay tôi đã làm quen với Keller... Vợ ông rất ngạc nhiên. Không phải vì ông là người đầu tiên lên tiếng trong bữa ăn mà ông nói với thái độ vui vẻ. Đây không phải là một danh từ chính xác. Ông không phải là người ưa vui nhộn. Ông cũng không có vẻ bồng bột mà trong mắt, trong giọng nói của ông có phần vui vẻ. Một lần nữa báo chí không thúc bách ông, ông biện lý đã để ông yên. Một kẻ lang thang đã bị tấn công dưới gầm cầu Marie và bị ném xuống sông Seine đang chảy xiết. Nhưng người ấy đã được giáo sư Magnin cứu sống một cách kỳ diệu. Tóm lại, đây là một tội ác không có nạn nhân, cũng có thể nói không có kẻ giết người. Và không một ai lo lắng cho thầy thuốc trừ mụ Léa và hai ba kẻ lang thang khác. Và Maigret đã dồn thời gian vào tấm thảm kịch hấp dẫn với cả nước Pháp này. Hình như ông đặt ra một vấn đề cá nhân và với cái cách ông báo tin về cuộc gặp Keller, người ta có thể cho rằng ông đang nói với người khác chứ không phải là vợ ông. - Ông ấy đã tỉnh lại chưa? Bà Maigret hỏi tránh để lộ ra sự quan tâm của mình. - Đã và chưa. Ông ta không nói một câu nào cả. Ông ta chỉ nhìn tôi, nhưng tôi tin rằng ông ta không bỏ sót một lời nào của tôi. Bà y tá trưởng không đồng ý với tôi. Ông ta còn bị tác động của thuốc ngủ và đang ở trong trạng thái của một võ sĩ quyền Anh đứng lên sau một cú bị đo ván. Ông vừa ăn, vừa nhìn ra cửa sổ nghe tiếng chim hót. - Ông có cảm giác rằng ông ấy biết kẻ tấn công mình không? Maigret thở dài rồi mỉm cười, một nụ cười tự chế giễu mình. - Tôi không biết... Tôi rất khó trong việc diễn đạt cảm giác của mình. Ít khi ông cảm thấy mất phương hướng như sáng nay ở Bệnh viện Thượng đế cùng lúc nhận ra đây là vấn đề rất hấp dẫn. Những điều kiện cho cuộc gặp không mấy thích hợp. Trong phòng bệnh có một tá bệnh nhân nằm trên giường, một số đứng tựa cửa sổ, tiếng chuông réo liên hồi và một cô y tá đi từ giường này sang giường khác. Mọi người tò mò nhìn ông cảnh sát trưởng ngồi bên Keller đang chú ý lắng nghe. Thỉnh thoảng bà y tá trưởng lại gần nhìn hai người với vẻ lo ngại và không đồng ý. - Ông không nên ở đây lâu. Tránh làm cho ông ta mệt mỏi. Maigret cúi xuống nói nhỏ với người bệnh: - Ông có nghe thấy tôi nói không, ông Keller... Ông có nhớ chuyện gì đã xảy ra với ông đêm hôm thứ hai vừa rồi trong lúc ông đang ngủ ở gầm cầu Marie không? Người bị thương không động đậy, nhưng viên cảnh sát trưởng chỉ chú ý đến đôi mắt của ông ta. Đó là cặp mắt màu xám nhạt đã nhìn nhiều và hình như đã bị hư hại. - Ông bị người ta đánh trong khi ông đang ngủ ư? Cái nhìn của thầy thuốc không rời khỏi ông và đã có một điều lạ lùng: không phải là Maigret đang điều tra Keller, mà chính người này đang điều tra người đang nói chuyện với mình. Cái cảm giác đó rất khó chịu khiến viên cảnh sát trưởng phải tự giới thiệu: - Tôi là Maigret... Tôi lãnh đạo đội cảnh sát hình sự của sở... Tôi đang tìm hiểu là đã có chuyện gì xảy ra với ông... Tôi đã gặp vợ ông, con gái ông, những thuỷ thủ đã vớt ông từ sông Seine lên... Thầy thuốc không động lòng khi người ta nói đến vợ và con gái mình, nhưng người ta thấy một vẻ giễu cợt trong cặp đồng tử của ông ta. - Ông không thể nói được ư? Ông ta cố gắng trả lời bằng cái gật đầu rất nhẹ, nhưng không hề chớp mắt. Phải, Maigret tin rằng mình không nhầm lẫn. Không phải là Keller không hiểu, ông ta đã không bỏ qua một câu hỏi nào của người cảnh sát. - Việc tôi hỏi chuyện ông trong một phòng có nhiều bệnh nhân thế này có làm ông khó chịu không? Để làm yên tâm kẻ lang thang, ông giải thích: - Tôi muốn ông có một phòng riêng... Cái đó đặt ra cho bệnh viện nhiều vấn đề phức tạp. Chúng tôi cũng không thể lấy tiền của cơ quan để thanh toán cho ông được... Tuy nhiên cái đó rất dễ dàng nếu Keller là kẻ giết người, hoặc đơn giản hơn là một kẻ bị tình nghi. Đối với nạn nhân thì chưa có chính sách nào cả. - Tôi buộc phải gọi vợ ông đến, rất cần thiết để bà ta nhận diện ông... Gặp lại vợ, ông có phiền lòng không? Môi ông ta hơi động đậy nhưng không thoát ra một lời nào kể cả cái nhăn mặt hay một nụ cười. - Tôi gọi bà ta đến vào sáng nay được không? Người bệnh không phản đối, và nhân cơ hội này Maigret nghỉ một lát. Trời đã trở nên nóng nực. Trong phòng ngột ngạt hơi người và mùi thuốc. - Tôi có thể gọi điện thoại được không? Ông hỏi bà y tá trưởng. - Ông còn muốn làm khổ ông ấy nữa ư? - Vợ ông ta cần nhận diện chồng... Cái đó chỉ mất một vài phút đồng hồ thôi... Tất cả những cái đó ông đều đem kể lại với bà Maigret khi ông đứng bên cửa sổ. - Lúc ấy bà ta đang ở nhà và hứa sẽ tới ngay lập tức. Tôi dặn bộ phận thường trực để người ta cho bà vào. Sau đó, đang đi dạo ở hành lang thì giáo sư Magnin tới gặp tôi... Cả hai người đứng trước cửa sổ quay ra vườn để trò chuyện. - Ông có cho rằng ông ta đã tỉnh táo hoàn toàn chưa? Maigret hỏi. - Có thể. Tôi vừa khám cho ông ấy, ông ấy cho tôi cái cảm giác là ông biết tất cả những gì diễn ra xung quanh. Nhưng về mặt y học mà nói thì tôi chưa thể khẳng định được điều này. Những người như vậy không thể trả lời được mọi câu hỏi của chúng ta... Hầu hết thời gian, người ấy phải mò mẫm. Tôi đã yêu cầu một bác sĩ khoa thần kinh chiều nay tới khám cho ông ấy... - Tôi cho rằng khó có một phòng riêng cho ông ta, đúng không? - Không chỉ khó mà là không thể. Các phòng đều chật ních bệnh nhân. Nhiều khoa phải kê giường bệnh ra ngoài hành lang... Chỉ có thể cho ông ấy vào một bệnh viện tư nhân... - Nếu vợ ông ta yêu cầu thì sao? - Ông cho rằng làm như vậy ông ấy sẽ hài lòng ư? Rất có thể. Nếu Keller đã chọn cuộc sống dưới gầm cầu thì tại sao lại chịu để người ta tìm ra mình và sống nhờ vào vợ? Bà Keller vừa ra khỏi thang máy đang nhìn xung quanh. Maigret tới đón bà ta. - Ông ấy thế nào rồi? Bà ta không lo lắng, không cảm động. Người ta cho rằng đây không phải là chỗ của bà và bà muốn nhanh chóng trở về nhà ở đảo Saint-Louis với đàn vẹt của mình. - Ông ta đã nằm yên rồi... - Ông ấy có nhận ra mọi người không? - Tôi cho là như vậy... -Tôi có cần nói chuyện với ông ấy không? Maigret dẫn bà ta vào phòng bệnh và mọi bênh nhân nhìn bà ta bước trên sàn gỗ đánh si. Về phần mình, bà đưa mắt tìm chồng rồi tự động đến bên giường số năm, cách hai ba mét thì dừng lại như đang không biết đối xử ra sao nữa. Keller đã trông thấy vợ và đang nhìn bà ta nhưng vẫn không hề nhúc nhích. - Bà có nhận ra ông ta không? - Đúng là ông ấy, phải... Ông ấy đã thay đổi, nhưng đúng là ông ấy... Lại yên lặng, một sự yên lặng khó chịu đối với mọi người. Tuy không mấy can đảm nhưng bà ta đã quyết định tiến lên. Tay đeo găng đập đập vào miệng túi xách tay, bà ta nói: - Tôi đây, Francois... Không ngờ rằng tôi lại gặp ông trong hoàn cảnh như thế này... Hình như ông bình phục rất nhanh... Tôi muốn giúp ông... Ông ta đang nghĩ gì khi nhìn vợ như vậy? Đã mười bảy hoặc mười tám năm nay ông ta sống trong một môi trường khác hẳn. Hình như ông đã nổi lên khỏi mặt nước để tìm lại trước mặt mình một quá khứ mà ông đã lẩn trốn. Người ta không đọc thấy vẻ cay đắng trên nét mặt Keller. Ông ta nhìn người đang đứng trước mắt ngày xưa vốn là vợ mình rồi nhẹ nhàng đưa mắt để tin chắc Maigret hãy còn đứng đấy. Bây giờ thì ông cảnh sát trưởng nói với bà Maigret: - Tôi thề rằng ông ta đã yêu cầu tôi kết thúc nhanh cuộc chạm trán này... - Ông nói như ông quen ông ấy từ lâu rồi... Có đúng không? Trước đó Maigret không hề gặp Keller, nhưng trong đời mình ông đã gặp bao nhiêu người giống ông ta không có điều kiện nói rõ đời tư của mình trong văn phòng cảnh sát trưởng? Có thể đây là trường hợp đặc biệt, tuy vấn đề con người thì không như vậy. - Bà ta không nài nỉ để ở lại - Ông nói tiếp - Trước khi bỏ đi bà ta mở túi xách tay để lấy tiền. May mắn là bà ta đã kịp dừng lại... Trong hành lang bà ta hỏi tôi: - Ông cho rằng ông ấy không thiếu gì chứ? Khi tôi trả lời là “không' thì bà ta nói thêm: -Tôi muốn gửi ông giám đốc bệnh viện một số tiền có được không? Ông ấy sẽ dễ chịu hơn khi nằm trong một phòng riêng. - Ở đây các phòng đều có rất nhiều người bệnh rồi... Bà ta tỏ vẻ băn khoăn. - Bây giờ tôi phải làm gì? - Lúc này thì chưa... Tôi sẽ cử một thanh tra tới để bà ký vào tờ giấy xác nhận đây chính là chồng bà... - Để làm gì, vì đây chính là ông ấy rồi... Nói xong bà ta bỏ đi... Ông bà Maigret đang ngồi trước tách cà phê. Maigret châm một tẩu thuốc. - Sau đó ông quay lại phòng bệnh ư? - Phải... Trước cặp mắt chê trách của bà y tá trưởng ông đã trở thành kẻ thù của bà này. - Ông ta vẫn không nói ư? - Không... Tôi nói một mình, nói rất nhỏ trong khi một y tá đang săn sóc người bệnh ở giường bên... - Ông đã nói những gì? Đối với bà Maigret việc chuyện trò trước hai tách cà phê thật là hãn hữu. Thông thường bà chỉ cần biết chồng bà đang điều tra vụ nào. Ông thường gọi điện thoại về báo tin không ăn ở nhà và hầu hết nhờ vào báo chí bà biết rõ hơn công việc của ông. - Tôi không nhớ hết những điều tôi đã nói với ông ta. Ông trả lời với vẻ bối rối. Tôi muốn ông ta tin tôi... Tôi nói với ông ta về mụ Léa đang đợi tin tức bên ngoài, việc chúng tôi đã cất đồ đạc của ông vào một nơi chắc chắn và ông ta sẽ nhận lại khi xuất viện.. Cái đó làm ông ta có vẻ hài lòng. - Tôi cũng nói với ông ta rằng ông sẽ không gặp bà vợ nữa nếu ông không muốn, rằng bà ấy muốn trả tiền để có một phòng riêng cho ông nhưng bệnh viện không thể đáp ứng... - Tôi kể về nhà nghỉ ở nông thôn của chúng ta... rồi hỏi: - Tôi cho rằng ông muốn điều trị bệnh tại đây hơn là nằm ở bệnh viện tư nhân, đúng không? - Ông ta vẫn không trả lời ư? - Tôi biết làm như vậy là ngu ngốc nhưng tôi tin rằng chúng tôi đã hiểu nhau... Tôi gợi lại câu chuyện ông ta bị tấn công. - Lúc ấy ông đang ngủ ư? Như là trò chơi mèo đuổi chuột... Tôi biết ông ta đã quyết định không trả lời... Một người muốn sống lâu dài dưới gầm cầu thì phải biết im lặng... - Vậy tại sao ông ta lại im lặng? - Tôi không biết. - Để tránh việc tố cáo một người nào đó ư? - Có thể là như vậy. - Người đó là ai. Maigret đứng dậy và nhún vai. - Nếu biết thì tôi đã là một bậc thánh rồi... Tôi muốn trả lời bà như giáo sư Magnin: Tôi cũng vậy, tôi không làm những việc thần kỳ. - Tóm lại, ông không biết thêm được điều gì đúng không? - Đúng thế. Điều này là không chính xác. Ông đã biết thêm nhiều điều về thầy thuốc. Giữa họ đã có những quan hệ chốc lát, bí mật. - Đến một lúc... Ông ngập ngừng trong khi nói tiếp sợ bị bà chê trách là trẻ con. Mặc kệ, ông cần nói. - Đến một lúc, tôi lấy những hòn bi trong túi ra... Đúng ra tôi chỉ làm việc này một cách ngẫu nhiên thôi... Rồi tôi đặt chúng vào tay ông... Tôi có vẻ kỳ cục... Thế là ông ta không nhìn tôi nữa... Ông ta biết cái gì trong tay mình... Tôi biết tại sao người nữ y tá có mặt tại đấy nói rằng trong mắt của ông ta ánh lên một tia vui vẻ và tinh nghịch... - Nhưng ông ta vẫn tiếp tục im lặng chứ? - Đây là một việc khác hẳn... Ông ta không giúp tôi... Ông ta quyết định không giúp tôi, không nói gì cả và ông ta muốn tự tôi tìm ra sự thật... Sự thách đố đó có kích thích ông không? Ít khi bà Maigret thấy chồng vui vẻ, say mê trong một cuộc điều tra như vậy. - Trở ra tôi gặp mụ Léa đang chờ tôi ở vỉa hè, miệng nhai thuốc lá và tôi cho mụ ta tất cả số thuốc còn lại trong túi thuốc... - Ông cho rằng mụ ta cũng không biết gì hơn chứ? - Nếu biết thì mụ ta đã nói rồi... Giữa họ có một sự gắn bó hơn cả đối với người thân trong gia đình... Tôi tin rằng lúc này họ đang hỏi nhau để tiến hành một cuộc điều tra nhỏ song song với cuộc điều tra của tôi... - Thực ra mụ Léa đã cho tôi biết một điều thú vị, đó là Keller chỉ ngủ ở gầm cầu Marie và ở khu phố ấy trong hai năm trở lại """