" Người Đàn Bà Trên Cầu Thang PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Đàn Bà Trên Cầu Thang PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo THƯ VIỆN EBOOK (TVE-4U) —✥— THỰC HIỆN EBOOK: • Chụp sách: Hà • Nguồn sách, Chuyển text, Tạo ebook: NYT Bernhard Schlink NGƯỜI ĐÀN BÀ TRÊN CẦ U THANG Lê Quang dịch Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2017 PHẦN 1 Có thể một hôm nào đó mọi người sẽ thấy bức tranh. Nó mất tích đã lâu rồi, nay đột ngột xuất hiện, và bảo tàng nào cũng săn đuổi. Chả gì thì Karl Schwind giờ đây cũng là họa sĩ nổi danh nhất và đắt giá nhất thế giới. Vào dịp sinh nhật thứ bảy mươi của ông, tôi thấy mặt ông trên mọi tờ báo và kênh tin tức, dù là phải ngắm mất một lúc mới nhận ra chàng trai ngày nào sau gương mặt già nua hôm nay. Nhưng bức tranh thì tôi nhận ra được ngay. Tôi bước vào gian cuối của phòng tranh, nó treo ở đó và làm tôi choáng váng như ngày nào, khi tôi vào phòng khách nhà Gundlach và thấy nó lần đầu. Một cô gái đang xuống thang. Chân phải cô đặt lên bậc dưới, chân trái còn chưa rời bậc trên nhưng đã dợm vào bước tiếp theo. Cô gái khỏa thân, da xanh tái, gò vệ nữ và mái đầu phủ vàng rơm, tóc cô lóng lánh phản chiếu ánh sáng. Khỏa thân, xanh tái, vàng rơm - trên nền xanh xám của những bậc thang và tường vẽ mờ ảo, cô bồng bềnh nhẹ trôi về phía người thưởng lãm, nhưng đồng thời cặp đùi thon dài, phần hông nở tròn trịa và hai bầu vú săn chắc lại trĩu nặng đam mê. Tôi chầm chậm tiến lại gần bức tranh. Tôi ngượng ngùng, và đó cũng là cảm xúc giống ngày nào. Hồi ấy tôi ngượng ngùng vì cô gái trước đó một hôm còn ngồi trước mặt tôi trong quần bò, crop top và áo khoác, nay hiện ra trần trụi trước mắt. Hôm nay tôi ngượng ngùng vì bức tranh nhắc tôi nhớ đến những gì xảy ra ngày đó, những gì tôi sa vào và sau đó chỉ muốn xóa khỏi trí nhớ thật nhanh. “Người đàn bà trên cầu thang”, tấm biển nhỏ cạnh bức tranh ghi vậy, và cho biết tác phẩm được mượn về. Tôi tìm ông giám tuyển và hỏi ai là người cho phòng tranh nghệ thuật này mượn. Ông đáp, ông không được phép nói tên. Tôi nói, tôi quen người phụ nữ trong tranh và chủ nhân tác phẩm, và có thể báo trước cho ông rằng sẽ có tranh cãi về quyền sở hữu bức tranh. Ông nhíu mày nhưng không đổi ý, không được phép cho tôi biết tên. Chuyến bay trở về Frankfurt của tôi được đặt vào chiều thứ Năm. Sau khi kết thúc các thương lượng ở Sydney vào sáng thứ Tư, lẽ ra tôi có thể đổi chuyến bay sang chiều thứ Tư. Song tôi thích đến Vườn Bách thảo vào chiều hôm ấy. Tôi định ăn trưa ở đó, nằm lăn ra cỏ và tối đến Nhà hát nhạc kịch xem vở Carmen. Tôi thích Vườn Bách thảo, nó giáp với một nhà thờ lớn về phía bắc, còn phía nam nằm kề Nhà hát nhạc kịch, trong đó có Phòng trưng bày nghệ thuật và Nhạc viện, và từ đỉnh đồi ấy có thể phóng tầm mắt xuống vịnh. Vườn Bách thảo có các khu trồng cọ, hồng và thảo mộc, có ao hồ, khu ngồi nghỉ dưới tán cây, tượng và nhiều bãi cỏ với cây cổ thụ, có ông bà và các cháu, có những người đàn ông và đàn bà cô đơn dắt chó, các nhóm picnic và đôi tình nhân, người đọc sách và người nằm ngủ. Trên bao lơn của nhà hàng giữa vườn, thời gian như ngừng trôi: cột nhà cổ kính bằng gang đúc, lan can sắt và các cây to có chồn bay, chim chóc với bộ lông sặc sỡ và mỏ cong. Tôi đặt đồ ăn rồi gọi điện cho bạn đồng nghiệp. Ông ta là người chuẩn bị vụ sáp nhập doanh nghiệp về phía Úc, tôi làm bên phía Đức. Như trong các vụ sáp nhập doanh nghiệp, hai chúng tôi vừa là đối tác lại vừa là đối thủ. Nhưng chúng tôi cùng tuổi, đều là chuyên gia thuộc một trong những phòng luật lớn chưa bị người Mỹ hay người Anh thôn tính, cả hai đều góa vợ và thân nhau. Tôi hỏi ông về dịch vụ thám tử mà phòng luật của ông sử dụng, và ông cho tôi biết tên. “Chúng tôi có thể giúp gì cho ông không?” “Không có gì đâu, chỉ chút tò mò từ lâu, nay cần giải đáp.” Tôi gọi điện đến dịch vụ thám tử, cần biết ai là chủ sở hữu bức tranh của Karl Schwind trong Phòng tranh New South Wales, có phải đó là một phụ nữ tên họ khai sinh là Irene Gundlach hoặc khi lấy chồng mới lấy họ Gundlach theo chồng, và có phụ nữ nào tên như thế sống ở Úc không. Ông giám đốc phòng thám tử hy vọng sẽ cung cấp tin cho tôi sau vài ngày. Tôi hứa sẽ thưởng nếu ngay sáng mai có thông tin. Ông ta cười. Hoặc hôm nay lấy được thông tin từ phòng tranh nghệ thuật, hoặc vài hôm nữa mới có, thưởng hay không thưởng cũng vậy thôi. Ông hứa sẽ gọi lại. Đồ ăn được đưa ra, tôi đặt thêm chai vang mà tôi không định uống hết, sau đó vẫn uống hết. Thỉnh thoảng bầy chồn bay thức dậy, tất cả cùng lúc bay ào ào từ cành cây xuống và lượn quanh cây, treo mình lại trên cành và phủ xuống dưới cánh. Đôi khi một con chim sặc sỡ ré lên một tiếng cạnh giếng. Đôi khi cũng có một đứa trẻ hay một con chó làm toáng lên, hoặc có tiếng như chim hót từ một nhóm người Nhật vẳng đến chỗ tôi. Đôi khi tôi chỉ nghe tiếng ve sầu ran ran. Tôi nằm lăn ra thảm cỏ dốc phía dưới Nhạc viện. Không như mọi khi, tôi chẳng ngại nếu lát nữa sẽ ra phố trong bộ complet nhàu nhĩ hay thậm chí bị dính bẩn. Tôi cũng thấy bàng quan với những gì đợi tôi ở Đức. Chẳng có việc gì mà tôi phải làm bằng được, cũng chẳng có việc gì mà người ta cần tôi bằng được. Mọi chuyện trong tương lai sẽ có ai đó có thể thế chỗ tôi. Chỉ không ai có thể thế chỗ tôi ở những chuyện trong quá khứ mà thôi. Kỳ thực tôi không định trở thành luật sư, mà làm thẩm phán. Tôi có điểm thi đạt chuẩn, tôi biết người ta đang cần thẩm phán, tôi sẵn sàng chuyển đến nơi nào họ cần mình và tin rằng cuộc phỏng vấn tuyển dụng ở Bộ Tư pháp vào một buổi chiều chỉ là cho đủ thủ tục. Ông phụ trách nhân sự là một người có tuổi với ánh mắt hồn hậu. “Anh tốt nghiệp phổ thông trung học năm mười bảy tuổi, thi quốc gia kỳ đầu năm hăm mốt tuổi và kỳ hai năm hăm ba tuổi - tôi chưa hề có ứng viên nào trẻ thế, và cũng hiếm gặp người giỏi thế.” Tôi hãnh diện về điểm số và tuổi trẻ của mình. Nhưng tôi muốn tạo ấn tượng khiêm cung. “Tôi được khai trường trước hạn, và mấy lần hoán đổi thời điểm khai trường - một lần từ mùa xuân sang mùa thu rồi sau đó lại từ mùa thu sang mùa xuân - đã đem lại cho tôi hai lần nửa năm.” Ông gật đầu. “Được tặng hai lần nửa năm. Thêm một nửa năm được tặng nữa, vì anh không phải đợi sau kỳ thi quốc gia thứ nhất, mà được làm luật sư thực tập luôn. Anh lãi nhiều thời gian quá đấy.” “Tôi không hiểu…” “Không hiểu?” Ông nhìn tôi hiền hậu. “Nếu anh bắt đầu làm việc vào tháng tới, anh sẽ xét xử người khác bốn mươi hai năm ròng. Anh sẽ ngồi trên cao còn những người khác bên dưới, anh sẽ nghe họ trình bày, sẽ nói chuyện với họ, cũng có lúc mỉm cười với họ, nhưng rốt cuộc thì anh sẽ ra phán quyết từ trên cao xuống, ai thắng kiện và ai thua, ai vào tù và ai được tự do. Anh có muốn ngồi trên đó bốn mươi hai năm liền không? Anh có nghĩ là điều đó tốt cho mình không?” Tôi không biết nên nói gì. Đúng là tôi thích hình dung ra vị thế thẩm phán ngồi trên cao và tiến hành tố tụng với những người khác một cách công bằng và đưa ra quyết định công bằng cho họ. Bốn mươi hai năm liền - tại sao không? Ông đóng tập hồ sơ trước mặt. “Tất nhiên, nếu anh thực sự muốn thì chúng tôi sẽ nhận anh. Nhưng tôi không nhận anh hôm nay. Tuần sau anh quay lại, người kế nhiệm của tôi sẽ tuyển dụng anh. Hoặc anh quay lại sau một năm rưỡi nữa, khi đã tận dụng quỹ thời gian có lãi của mình. Hay sau năm năm, khi đã quan sát thế giới luật pháp từ bên dưới với cặp mắt luật sư hoặc luật sư doanh nghiệp hoặc thanh tra hình sự.” Ông đứng dậy, tôi cũng đứng dậy, ngơ ngác và cứng họng, nhìn ông lấy áo choàng trong tủ ra vắt lên tay, đi cùng ông ra khỏi phòng, xuống cầu thang và rốt cuộc đứng trước tòa nhà Bộ Tư pháp. “Anh có cảm nhận được mùa hè sắp đến? Không lâu nữa, và chúng ta sẽ có những ngày nóng nực, những đêm ấm áp và nhiều cơn dông oi bức,” ông mỉm cười. “Cầu Chúa phù hộ anh.” Tôi tự ái. Họ không thích tôi? Thế thì tôi cũng chẳng cần họ. Tôi trở thành luật sư, không vì nghe lời khuyên của ông già, mà vì muốn làm ngược lại. Tôi chuyển đến Frankfurt, vào Karchinger & Kunze, một phòng luật với năm luật sư, bên cạnh công việc luật sư, tôi viết luận văn tiến sĩ và sau ba năm trở thành cộng sự của họ. Tôi là cộng sự trẻ nhất trong một phòng luật Frankfurt và thấy tự hào. Karchinger và Kunze là bạn học thời phổ thông và đại học, Kunze không có vợ con, Karchinger có bà vợ người vùng Rhin vui tính và con trai trạc tuổi tôi, sau này sẽ vào làm ở đây, hiện đang học bù đầu và được tôi hỗ trợ ôn thi. May mà hai chúng tôi hợp nhau, ngày trước và bây giờ vẫn thế. Hôm nay anh là chuyên gia như tôi, và bù vào khả năng chuyên môn bằng tố chất xã hội. Anh kiếm được khách hàng quan trọng và cũng góp công lớn để hôm nay chúng tôi có mười bảy cộng sự trẻ và ba mươi tám nhân viên. Trong mấy năm đầu, tôi nhận những vụ mà Karchinger và Kunze không thiết làm. Có lần ông quản lý văn phòng giao một vụ cho tôi mà không cần hỏi Karchinger hay Kunze một câu cho phải phép: Một họa sĩ làm xong việc và đã lĩnh tiền công, nay xích mích với người giao việc. Karl Schwind, trên ba chục tuổi, không đến một mình. Đi cùng anh ta là một cô gái trên hai mươi, và trong khi anh chàng họa sĩ với mái tóc lởm chởm và quần yếm rất hợp với thời điểm mùa hè 1968 thì cô gái với vẻ ngoài trau chuốt hoàn hảo đi cùng anh cứ như bị đặt nhầm chỗ. Cô di chuyển thanh thoát, nhìn tôi với vẻ lãnh đạm, và khi tay họa sĩ hăng máu lên thì cô đặt tay lên vai anh. “Ông ấy không cho tôi đến chụp ảnh.” “Không cho anh?” “Tập hàng mẫu của tôi bị hỏng, tôi phải chụp lại vài bức tranh. Tôi biết tên người mua tranh và gọi điện cho họ, họ cho tôi đến để chụp ảnh. Họ vui vẻ khi tôi đến. Nhưng ông ấy từ chối.” “Vì sao?” “Ông ấy không nói vì sao. Tôi gọi điện đến thì ông ấy dập máy, viết thư thì ông ấy không trả lời. “Anh ta nâng lên hạ xuống nắm đấm, xòe ngón tay ra rồi nắm lại. Anh ta có bàn tay to, to như mọi thứ ở anh, thân hình, mặt, mắt, mũi, mồm. “Tôi quyến luyến những bức tranh tôi vẽ. Tôi đau khổ khi phải bán chúng đi.” Tôi giải thích cho anh ta rằng luật pháp cho phép họa sĩ có quyền tiếp cận tranh của mình khi muốn nhân bản. “Nếu tác giả có lý do chính đáng và chủ sở hữu không có lý do chính đáng nào để chối từ. Vậy thì, có lý do gì để chủ sở hữu cản trở anh không?” Họa sĩ vươn cằm ra, mím chặt môi và lắc đầu. Tôi nhìn cô gái có ý dò hỏi, và cô mỉm cười nhún vai. Anh ta đưa tôi tên chủ sở hữu bức tranh, Peter Gundlach, địa chỉ ở khu nhà giàu triền đồi Taunus. “Tại sao tập hàng mẫu của anh bị hỏng? Không hẳn quan trọng, nhưng để tôi có thể giải thích lý do…” Lại lần nữa anh ta cắt lời tôi, và tôi bực bội với chính mình, như tôi vẫn luôn bực bội với chính mình hồi đó, mỗi khi không nắm được thế chủ động như tôi vẫn mong đợi ở chính mình. “Tôi bị tai nạn, và tập hàng mẫu bị cháy cùng ô tô.” “Hy vọng là…” “Tôi không hề gì. Nhưng Irene bị kẹt trong xe và,” anh đặt tay lên đùi cô, “bị bỏng.” “Thật là…” Anh phẩy tay. “Không có gì nghiêm trọng, khỏi lâu rồi.” Tôi viết cho Gundlach, ông trả lời ngay. Người ta hiểu lầm ông. Tất nhiên họa sĩ có thể đến và chụp ảnh bức tranh. Tôi chuyển câu trả lời đến Schwind và khóa sổ vụ này. Nhưng một tuần sau Schwind lại xuất hiện, vô cùng phẫn uất. “Ông ấy không cho anh vào nhà sao?” “Bức tranh bị hư hại. Ở đùi phải - trông có vẻ như ông ta hơ bật lửa vào.” “Ông ta?” “Chính ông ấy, Gundlach. Chuyện chẳng may thôi, ông ấy nói thế. Nhưng đó không phải chuyện chẳng may, mà là chủ ý. Tôi nhìn là biết.” “Bây giờ anh định làm gì?” “Tôi định làm gì bây giờ hả?” Cô gái cũng đi cùng, và lại đặt tay lên vai họa sĩ. Mặc dù vậy anh ta vẫn to tiếng. “Tôi định làm gì bây giờ hả? Đó là tranh của tôi. Tôi buộc phải bán nó đi và nó treo ở nhà ông ta, nhưng nó là của tôi. Tôi muốn sửa lại.” “Anh có đề nghị với ông ấy chuyện sửa tranh?” “Ông ấy không cho. Chỗ hư hỏng không hề hấn gì, ông ấy không muốn thấy tôi trong nhà mình, và không cho đem bức tranh khỏi nhà.” Tôi thấy câu chuyện có vẻ tức cười, nhưng hai người nhìn tôi rất nghiêm túc khiến tôi cũng nghiêm túc giải thích cho họ rằng tình hình, xét về pháp lý, không đơn giản. Tức là phải có một sự xâm phạm diễn ra, và sự xâm phạm đó phải đe dọa lợi ích của tác giả, tuy nhiên lợi ích của tác giả chỉ được bảo vệ khi một lượng lớn cá nhân nhìn thấy tác phẩm bị xâm phạm đó, nhưng chủ sở hữu thì lại muốn làm gì thì làm với tác phẩm khi nó chỉ hiện diện trong phạm vi riêng tư của mình. “Tôi có thể viết cho Gundlach lần nữa và đưa ra luận cứ pháp lý này nọ, nhưng nếu ta đem vụ này ra tòa thì có lẽ không có triển vọng lắm. Tranh vẽ gì vậy?” “Một cô gái đi xuống thang.” Anh ta ngó quanh quất trong phòng tôi. “Một bức tranh lớn. Ông nhìn cánh cửa kia kìa, tranh to hơn một chút.” “Một cô gái nào đó?” “Đó là…” giọng anh ta trở nên ương bướng, “vợ Gundlach.” Lần này Gundlach cũng trả lời tắp lự. Ông lấy làm tiếc vì lại bị hiểu lầm. Tất nhiên ông đồng ý để họa sĩ sửa lại bức tranh. Theo ông, có gì lý tưởng hơn là đích thân nghệ sĩ trùng tu tác phẩm nghệ thuật, nhưng ông không được phép để người ta đem bức tranh ra khỏi nhà, nếu không thì không được bảo hiểm nữa. Họa sĩ muốn đến nhà ông lúc nào cũng được. Tôi lại chuyển tiếp thư trả lời. Bị kích thích trí tò mò, tôi vào hiệu sách và hỏi xem có gì về Karl Schwind. Hội Mỹ thuật Frankfurt trước đó mấy năm tổ chức một triển lãm và xuất bản một bộ danh mục, chấm hết. Tôi không biết gì về mỹ thuật và không thể đánh giá hay dở về tranh. Đó là những bức tranh vẽ sóng, vẽ trời và mây, vẽ cây cối; màu rất đẹp, và tranh nào cũng vẽ mờ ảo như khi tôi nhìn thế giới mà không mang kính. Quen thuộc mà lãng đãng mơ hồ. Bộ danh mục nói đến các phòng tranh có trưng bày tranh của Schwind cũng như các giải thưởng mà anh đoạt được. Có vẻ anh ta không phải là nghệ sĩ loại tầm tầm, cũng không hẳn nổi danh, chắc là một họa sĩ có triển vọng. Trên trang cuối của bộ danh mục có ảnh anh, quá to đối với bộ đồ đang mặc, quá to đối với cái ghế đang ngồi, quá to đối với trang cuối. Chưa đầy một tuần sau anh ta lại tới chỗ tôi, vẫn lại đi cùng cô gái. Quả là một người to lớn, to hơn hôm đầu như tôi ghi nhận. Tôi cao một mét chín, thon thả, ngày ấy cũng như bây giờ săn chắc, và anh ta cũng chẳng cao hơn tôi, nhưng vạm vở và to xương, khiến tôi thấy bé nhỏ bên cạnh anh. “Ông ấy lại làm tiếp.” Tôi đoán biết chuyện gì xảy ra, nhưng không hấp tấp cướp ý thân chủ. “Ông ấy làm gì vậy?” “Gundlach lại làm hỏng bức tranh. Tôi sửa lại chỗ đùi, mất hai hôm, khi tôi đến hôm thứ ba để hoàn tất thì trên ngực trái có vết a xít. Màu bị chảy nhòe, phồng rộp lên - tôi phải cạo đi, sơn lót nền rồi vẽ lại.” “Ông ấy nói sao?” “Ông ấy đổ bừa cho tôi, nói là tìm thấy trong đồ đạc của tôi một lọ nhỏ, và chất lỏng trong đó có mùi hôi giống như vết bị hỏng. Ông ấy đòi phải trùng tu bức tranh và tôi phải trả tiền nhưng không được tự làm. Vì ông ấy không tin tưởng tôi nữa.” Anh ngơ ngác nhìn tôi. “Tôi biết làm sao đây? Tôi không cho ai khác chạm vào tranh của tôi.” “Anh có sẵn sàng sửa lại vết mới không?” Tôi càng lúc càng không biết nên hiểu chuyện này ra sao. “Vết? Không phải vết. Mà là bầu vú bên trái!” Anh thộp vào vú trái cô gái ngồi cạnh. Tôi ngớ ra, nhưng cô gái cười, không ngượng nghịu, không khó xử, mà thích thú, miệng hơi nhếch lên và má lúm đồng tiền. Tóc cô vàng rơm, và tôi tưởng đến một tràng cười lanh lảnh. Nhưng tiếng cười của cô trầm và khàn, hệt như giọng nói của cô. Cô nói “Karl,” và giọng cô trìu mến như nói với một đứa trẻ hỗn hào và vụng dại. “Tôi đề nghị ông ấy để tôi sửa lại bức tranh. Thậm chí còn đề nghị ông ấy bán lại cho tôi, nếu cần thì lấy giá gấp đôi. Nhưng ông ấy không chịu. Ông ấy nói là không muốn nhìn mặt tôi nữa.” Lần này tôi gọi điện tới Gundlach. Giọng ông ta thân mật và ăn năn. “Tôi không rõ anh ta lỡ tay ra sao nữa. Nhưng rõ ràng là anh ta đau khổ và muốn bức tranh có lại vẻ đẹp ban đầu. Tôi cũng muốn thế, và không ai khác có thể trùng tu tác phẩm tốt hơn anh ta. Tôi cũng không trách móc anh ta hay tỏ ra bất tín nhiệm. Anh ta mẫn cảm quá.” Ông cười. “Ít nhất là đối với những người như anh và tôi. Chứ trong giới nghệ sĩ thì có thể là bình thường.” Schwind thở phào, đồng thời cũng bức xúc. “Hy vọng mọi chuyện ổn thỏa.” Ba tuần liền tôi không nghe anh nói gì. Ba tuần liền anh vẽ lại bầu vú bên trái. Khi anh đến để làm nốt những việc cuối cùng thì bức tranh bị đổ vào đêm trước, ập lên chiếc bàn sắt bé tí để cọ và màu của họa sĩ, và bị rách toạc. Gundlach gọi điện cho tôi, giọng mất bình tĩnh. “Thoạt tiên là a xít, giờ thì vụ này - có thể anh ta là một nghệ sĩ lớn, nhưng cẩu thả khủng khiếp. Tôi không thể ép anh ta sửa bức tranh lần nữa. Nhưng tôi có đôi chút ảnh hưởng và sẽ làm cho anh ta không nhận được việc nào, cho đến khi sửa xong tranh này.” Thực ra ông không cần dọa. Ngay hôm đó Schwind đến văn phòng, anh sẵn sàng sửa bức tranh, kể cả phải mất vài tuần. Nhưng anh tuyệt vọng. “Nếu ông ta lại giở trò thì sao?” “Ý anh là…” “Tôi biết chắc là ông ta làm. Anh có tin là một họa sĩ không biết dựa tranh vào tường ra sao để nó đừng đổ? Không, ông ta đẩy nó đổ xuống đấy, và vết rách là ông ta dùng dao. Cạnh bàn quá nhẵn không thể gây ra vết rách sắc ngọt như vậy.” Anh cười đau đớn. “Anh có biết vết rách ở đâu không? Đây.” Lần này anh ta không đưa tay sang phía cô gái đi theo nữa, mà quẹt lên người mình ở phần bụng và chỗ kín. “Ông ta có lý do gì mà làm thế?” “Căm ghét. Ông ta căm ghét bức tranh vì nó thể hiện vợ ông ta, ghét cô vợ đã bỏ ông ta, và ghét tôi.” “Sao lại ghét anh.” “Ông ấy ghét anh, bởi em vì anh mà bỏ ông ấy.” Cô gái lắc đầu. “Ông ấy không ghét bức tranh. Mà hoàn toàn bàng quan. Ông ấy nhằm vào anh. Và đã đánh trúng anh khi hủy hoại bức tranh.” “Thay vì giải quyết vụ đó với anh, ông ta hủy hoại bức tranh? Đàn ông đàn ang kiểu quái gì vậy?” Anh chồm dậy vì tức giận và khinh bỉ Gundlach. Rồi lại ngồi xuống, vai rủ thõng. Tôi cố xâu chuỗi những gì vừa được nghe. Cô gái đứng làm mẫu cho họa sĩ và bám theo anh ta? Thay ông chồng già bằng chàng thanh niên? Bòn sạch tiền của ông già trong vụ ly hôn? Nhưng nhiệm vụ của tôi là anh họa sĩ chứ không phải cô gái. “Mặc kệ ông ta với bức tranh. Về pháp lý, ông ta chẳng làm gì được anh, còn chuyện dọa gây ảnh hưởng thì tôi không tin. Anh quên bức tranh ấy đi, kể cả khi thấy đau lòng. Hay vẽ lại lần nữa - tôi hy vọng đó không phải là một đề nghị mang tính xúc phạm đối với một họa sĩ.” “Đó không phải là một đề nghị xúc phạm. Nhưng tôi không thể quên bức tranh đi. Và có thể là…” Anh ngồi im, nét mặt đổi khác, mất hết vẻ tuyệt vọng, căm phẫn và khinh bỉ, chợt có vẻ trẻ con, và người đàn ông to lớn với khuôn mặt to và bàn tay to nhìn chúng tôi đầy vẻ lạc quan. “Các người biết không, có thể vết hỏng ở đùi thực sự chỉ là ngẫu nhiên. Khi Gundlach nhìn thấy vết hỏng, thoạt tiên ông ta không thích bức tranh bị hỏng nữa. Rồi ông ta nghĩ, vết hỏng đó sẽ xóa đi một ký ức, và không có ký ức thì nhẹ lòng hơn. Do đó ông ta làm hỏng bức tranh lần nữa. Nhưng khi nhìn thấy bức tranh đẹp như ban đầu, ông ta lại yêu nó.” “Ấn tượng của tôi về Gundlach là ông ta không phải người để cho nghệ thuật làm mê muội.” Tôi nhìn về phía cô gái vẻ dò hỏi, nhưng cô không nói gì, không gật đầu, không lắc đầu, mà chỉ nhìn Schwind đầy vẻ sửng sốt và si mê, tựa như mãn nguyện được thấu thị tâm tính trẻ con của anh. Tôi thử lần nữa. “Anh đã tự nhảy vào tròng của ông ta. Ông ta có thể phá hoại bức tranh hết lần này đến lần khác. Anh sẽ không còn thì giờ để làm việc riêng nữa.” Anh buồn rầu nhìn tôi. “Nửa năm vừa rồi tôi không vẽ được lấy một bức.” Anh dự tính một đến hai tháng để trùng tu bức tranh, và tôi tin chắc sau đó sẽ gặp lại anh ở văn phòng luật sư. Nhưng mùa hè qua đi, và anh không tới. Tháng Mười tôi có một vụ lớn và không nghĩ đến anh nữa. Cho đến một buổi sáng sớm, ông quản lý văn phòng báo có khách. Irene Gundlach. Cô gái vận quần bò, crop top và áo khoác. Tôi thoáng nghĩ, mùa thu mà mặc thế thì hơi lạnh. Nhưng tôi nhìn ra cửa sổ, sương mù ban mai đã tan, trời xanh ngắt, và lá cây dẻ lấp lánh vàng trong nắng. Cô bắt tay tôi và ngồi xuống. “Karl bảo tôi đến. Anh ấy rất muốn được tự đến cảm ơn anh. Nhưng Karl đang ở trong thời điểm không muốn bị quấy nhiễu. Gundlach qua Mỹ từ mấy tháng trước, không quấy quả gì, và Karl không chỉ trùng tu xong bức tranh thôi mà còn bắt đầu một bức mới.” Cô cười. “Có lẽ anh sẽ không nhận ra anh ấy. Sau khi trút được gánh nặng, anh ấy như một người mới.” “Tôi rất vui.” Cô không đứng dậy, mà gác chân lên nhau. “Đề nghị anh gửi đơn thanh toán đến chỗ tôi. Karl nhận được thì cũng phải đưa tôi thôi, anh ấy làm gì có tiền.” Cô đọc được trong mắt tôi câu hỏi mà tôi còn chưa nghĩ đến: “Không phải tiền của ông Gundlach đâu. Tiền riêng của tôi.” Cô mỉm cười. “Chuyện chúng tôi, anh thấy sao? Ông già giàu có bảo một họa sĩ trẻ vẽ cô vợ trẻ của mình, rồi hai người yêu nhau và dắt nhau biến mất. Sáo quá, đúng không?” Cô vẫn mỉm cười. “Chúng ta yêu sự sáo rỗng, vì nó đúng. Mặc dù… Gundlach đã là một ông già chưa? Và Karl có còn là một họa sĩ trẻ?” Cô cười, lại một lần nữa tôi sửng sốt vì tiếng cười trầm đục của cô gái tóc vàng rơm, da xanh tái và ánh mắt trong veo. Cô nheo mắt cười. “Đôi khi tôi tự hỏi, tôi có còn là một cô gái trẻ.” Tôi cười theo. “Nếu không thì là gì?” Cô nghiêm nghị. “Trẻ là phải có cảm giác rằng tất cả những thất bại, những gì ta bỏ lở, những điều xấu xa ta làm, tất cả rồi sẽ có thể tốt trở lại. Khi không còn cảm giác đó nữa, khi mọi sự kiện và kinh nghiệm mãi mãi qua đi thì ta đã già. Tôi không có cảm xúc đó nữa.” “Thế thì tôi chưa bao giờ trẻ. Mẹ tôi mất khi tôi lên bốn - làm sao chuyện đó có thể tốt trở lại? Bà tôi không đem lại mẹ tôi cho tôi.” Cô nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt trong veo. “Anh chưa bao giờ yêu, đúng không? Có lẽ anh phải già lên nữa để được trẻ, để tìm thấy tất cả trong một người phụ nữ, tìm thấy lần nữa bà mẹ mà anh đã mất, người chị mà anh không có, đứa con gái mà anh vẫn mơ đến.” Cô mỉm cười. “Phụ nữ chúng tôi là tất cả, khi chúng tôi thực sự được yêu.” Cô đứng dậy. “Ta có gặp lại nhau không? Tôi hy vọng là không. Xin anh chớ hiểu sai ý tôi, nếu chúng ta gặp nhau lần nữa, tất cả sẽ tan vỡ. Anh có đôi khi nghĩ rằng Chúa ghen tị với chúng ta vì hạnh phúc của chúng ta và do đó Ngài phải hủy hoại nó?” Tôi cố tin rằng những lời cô nói là ba hoa và cô là kẻ ba hoa. Không cần biết đó là tiền của ông Gundlach hay của cô - có vẻ như cô có thừa và không phải lo kiếm tiền, không phải đi làm. Một kẻ vô dụng. Nhưng cô gái không rời khỏi tâm trí tôi. Cô ngồi trong đầu tôi, vắt hai chân lên nhau, vận quần bò bó và crop top bó, ánh mắt trong veo và tiếng cười trầm đục, bình thản, thách thức, ám ảnh. Tôi đã bị ám ảnh khi chúng tôi ngồi đối diện nhau. Tôi hoàn toàn bị ám ảnh khi đến nhà Gundlach vào hôm sau và nhìn thấy bức tranh. Không, tôi nghĩ bụng, khi Gundlach bước đến chào tôi, đó không phải một ông già. Ông ta hơn bốn chục, thon thả, tóc dày đen nhánh, thái dương hoa râm, dáng đi rắn rỏi và giọng nói rắn rỏi. “Cảm ơn anh đã đến. Thân chủ của ông và tôi khó thân thiện với nhau, nhưng tôi tin hai chúng ta sẽ dễ dàng hơn.” Tôi không tự nguyện đến tìm Gundlach ở Taunus. Thường thì tôi để ai cần tôi phải đến chỗ tôi. Nhưng Gundlach gọi điện cho ông quản lý văn phòng, và ông ta đồng ý là tôi sẽ đến. “Từ chối đến chỗ Gundlach? Anh còn phải học nhiều.” Ông kể tôi nghe về công ty, tài sản và ảnh hưởng của Gundlach. Vậy là tôi đi. Tôi được người quản gia tiếp đón, phải đợi ở sảnh và cảm thấy lòng kiêu hãnh của mình bị thách thức. Lòng kiêu hãnh cũng bị tổn thương khi Gundlach khoác tay tôi. Ông đưa tôi vào phòng khách. Bên phải là hàng cửa sổ nhìn ra bình nguyên, phía tay trái một tường đầy sách, trước mặt tôi là bức tranh trên nền tường trắng. Tôi sững lại, tôi không thể làm khác, và Gundlach thả tay tôi ra. Anh chưa bao giờ yêu… khi chúng tôi thực sự được yêu… Chúa ghen tị với hạnh phúc của chúng ta - tất cả những gì cô gái nói ra hôm qua, nay hiển hiện thành lời hứa trong hình ảnh cô trần truồng đi xuống thang. “Vâng,” Gundlach nói, “một bức tranh đẹp. Song dường như có một lời nguyền ẩn trong đó. Đùi, ngực, vùng kín, hư hại tiếp hư hại.” Ông lắc đầu. “Bây giờ đã hết hư hại chưa? Tôi không chắc. Còn anh?” “Tôi?” “Sẽ có gì xảy ra khi các hư hại không chấm dứt? Schwind sẽ quay lại lần nữa và lần nữa? Tôi không muốn thấy mặt anh ta trong nhà nữa, tốt hơn hết là anh ta nên vẽ tranh mới thay vì trùng tu tranh cũ. Nhưng anh ta phải làm bằng được, không thể khác. Và tôi phải cho anh ta vào nhà để sửa tranh, vì pháp luật đòi hỏi thế. Đúng thế chứ?” Ông nhìn tôi, thân mật, bỡn cợt. Ông ta có luật sư của mình và biết Schwind ở vị thế pháp lý yếu. Ông cũng biết tôi phải làm ra vẻ như vị thế ấy mạnh. Tôi không thể phản lại thân chủ của mình. Tôi cũng không thể nói với Gundlach là ông chơi một trò hèn hạ với thân chủ của tôi. Tôi gật đầu. “Schwind rất muốn lấy lại bức tranh. Anh ta cảm thấy rằng, chừng nào nó còn ở nhà tôi thì sẽ gây bất an cho bức tranh và cho cả anh ta. Anh có nghĩ là cái gì cũng có một chốn mà nó thuộc về? Nếu nó không ở chốn ấy thì sẽ có sự bất an. Tranh không tìm được bình an, mà người cũng không.” “Nếu không chỉ thân chủ của tôi, mà cả ông cũng muốn bình an - anh ấy rất muốn mua lại bức tranh.” “Anh ta nói với tôi rồi. Nhưng hồi đó có nhiều thứ bất an chứ không chỉ bức tranh. Anh xem cô ấy đi xuống thang ra sao! Bình tâm, thanh thản, nhẹ nhàng? Khi xuống đến nơi thì cô gái không còn bình an nữa. Vì nơi cô ấy đến không phải nơi cô thuộc về.” “Vợ ông không cho tôi ấn tượng là cô ấy…” “Anh đừng ngắt lời tôi!” Ông cần một lát để lấy lại bình tĩnh sau sự đường đột của tôi. “Ấn tượng đánh lừa ta. Chẳng phải bức tranh gây ấn tượng tốt, mặc dù nó chứa một lời nguyền? Quan trọng không phải là ấn tượng do vợ tôi gây ra, mà là cô ấy đánh mất sự bình an. Và phải tìm lại được bình an.” Tôi đợi xem ông có nói thêm gì. Nhưng ông chỉ đứng đó và ngắm bức tranh. “Tôi không hiểu, vì sao…” Ông quay sang tôi. “Mai Schwind đến đây. Tôi phải, nói thế nào nhỉ, nghiệm thu bức tranh trùng tu. Nếu từ giờ đến mai có gì xảy ra với bức tranh, nếu Schwind đến chỗ anh, nếu anh ta đến mà vợ tôi không đi cùng, nếu anh ta nhờ anh chuẩn bị một thương vụ bất thường - thì anh cứ làm nhé. Kể cả khi điều bất thường ấy có thể làm chúng ta bối rối, song đôi khi nó lại là điều đúng. Chẳng phải chúng ta đang sống trong một thời đại bất thường hay sao? Và một thương vụ bất thường đôi khi lại là một thương vụ quan trọng, ngay cả khi nó không thể đòi hỏi được thực thi và không thể thực thi được?” Tôi không hiểu ông, song không muốn nói lần nữa là tôi không hiểu ông. Ông nhìn tôi và nhận ra điều ấy. Ông cười, khoác tay tôi lần nữa và đưa tôi ra tiền sảnh. “Anh đừng giận tôi, nhưng các luật gia nói chung hơi bình thường. Tôi nhận ra điều đó khi chứng kiến một luật gia phải đối mặt với những thách thức bất thường.” Trên đường về tôi biết là mình đã si mê Irene Gundlach. Tôi biết thế, mặc dù không có kinh nghiệm về yêu đương. Tôi thích cô giáo dạy Toán lớp tôi, một phụ nữ bé nhỏ với ánh mắt tinh anh, giọng nói trong trẻo và váy ngắn. Có lần tôi bí mật kẹp một bông hồng đỏ lên giá đèo hàng trên xe đạp của cô. Sau này có một bạn gái cùng lớp mà tôi lúc nào cũng ngắm không rời mắt, lần nào đi vào thành phố tôi cũng hy vọng bắt gặp nàng, và bắt chuyện với nàng như không bao giờ dám làm ở trường, và được nàng vui sướng đáp lời. Có những thời gian ngày này liền ngày khác tôi không thể nghĩ gì khác ngoài nhớ đến nàng, đoán xem nàng đang làm gì, tôi có thể làm gì để nàng để ý đến mình và thích mình, và nếu chúng tôi đi với nhau thì sẽ ra sao. Nhưng trước khi có một bài kiểm tra Toán phức tạp mà tôi phải chuẩn bị thật kỹ, tôi quyết định cho đến lúc ấy sẽ không nghĩ đến nàng nữa, và sau đó vòng kim cô được giải tỏa. Hồi tôi học đại học, ở khoa Luật rất hiếm sinh viên nữ và tôi cũng không gặp sinh viên nữ các khoa khác. Vào kỳ nghỉ giữa hai học kỳ tôi đi làm kiếm tiền đóng học phí ở một kho phụ tùng, ngoài các lái xe nâng và sinh viên nam, ở đó toàn công nhân nữ. Họ kể tiếu lâm về cánh đàn ông chúng tôi và buông những lời tục tĩu khiến tôi đỏ mặt, không biết phải đối xử với họ thế nào. Tôi thích một công nhân nữ. Nàng kiệm lời hơn những người khác, trẻ, tóc sẫm và mắt sâu thẳm. Vào ngày cuối cùng tôi đợi nàng ở cổng kho. Khi đi ra, nàng bước thẳng đến một người đang đứng dựa gốc cây bên kia đường. Có thể người ta học hỏi khá hơn về phụ nữ và tình yêu, nếu người ta có mẹ hoặc chị. Lúc mẹ tôi mất, cha gửi tôi cho ông bà nội, những người lẽ ra sẽ chiều chuộng cháu mình như các ông bà vẫn chiều cháu khi họ không phải nuôi chúng. Ông bà nội tôi đã hoàn tất nhiệm vụ đó với bốn đứa con của họ, nay không còn hứng thú gì với tôi và làm việc đó một cách khô khan và tối giản. Không phải ông bà để tôi phải thiếu thốn gì. Tôi được học dương cầm và tập bóng nỉ, học khiêu vũ và học lái xe. Nhưng ông bà cũng cho tôi thấy đến chừng đó là hết, và nói chung tôi không nên mè nheo gì thêm. Tôi tưởng tượng chuyện si mê là làm quen một cô gái, hai bên thích nhau, gặp nhau, ngày càng thích nhau hơn, ngày càng gặp nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn, và cuối cùng si mê nhau. Với vợ tôi mấy năm sau cũng đúng thế. Bà đến thực tập ở phòng luật, chăm chỉ và vui vẻ, để tôi mời đi ăn, đến nhà hát và bảo tàng, ban đầu mỗi tuần một lần, rồi nhiều lần, chúng tôi quen nhau sâu hơn và kết hôn sau khi bà ấy đỗ kỳ thi quốc gia thứ hai. Vợ tôi mất đã mười năm. Hồi các con đã lớn, bà ấy tham gia bộ máy chính quyền địa phương và trở thành ủy viên hội đồng thành phố. Mấy ngày sau khi tái bầu cử thì xảy ra tai nạn ô tô. Cho đến giờ tôi không hiểu nổi vì sao mới đầu giờ chiều mà bà ấy đã có 1,6 phần nghìn cồn trong máu và đâm vào gốc cây ven đường. Cảnh sát hỏi tôi có phải bà ấy nghiện rượu. Tại sao cứ phải là người nghiện thì mới uống rượu? Tôi không hề được chuẩn bị, và niềm khao khát được đến với Irene Gundlach giáng xuống tôi như búa tạ, may mà về sau không lặp lại. Tôi quay trở về Frankfurt, phải dừng lại và ra khỏi xe vì mụ mẫm cả người. Có nó đấy chứ, hạnh phúc mà tôi không dám mơ đến, mà để có nó ta chỉ cần một người phụ nữ ấy, cần được gần nàng, sự lõa thể của nàng. Nàng vẫn chưa dấn bước chân cuối cùng từ cầu thang của cuộc đời cũ sang cuộc đời mới. Giá mà nàng dấn bước đó vào cuộc đời tôi! Và nếu buổi ban mai nào nàng cũng lại bước vào đời tôi và vào vòng tay tôi! Đến tận tối thứ Tư chủ phòng thám tử vẫn không gọi điện cho tôi, do đó sáng sớm thứ Năm tôi gọi ông ta. Mấy lần vô ích, cho đến sau mười giờ mới gặp cô thư ký để cô nối tôi với điện thoại di động của sếp. Tôi cứ tưởng là một phòng thám tử tử tế phải sử dụng tổng đài có người trực liên tục, ít nhất từ sáng sớm. “Tôi nói với ông rồi, có thể mất vài hôm.” “Hôm nay tôi phải quay về Đức.” “Tôi có số điện thoại của ông. Ông cho tôi cả địa chỉ email nữa đi? Có kết quả là tôi sẽ báo cho ông ngay.” “Tôi có phải bay về đây không?” Ông ta cười. “Tùy ông thôi.” Ông cười thoải mái, còn tôi hình dung ra một người đàn ông đứng tuổi bụng phệ và đầu hói. Tôi có phải bay về đây không - một câu hỏi thật ngớ ngẩn. Tôi đưa ông địa chỉ email và cúp máy. Tôi đứng ra cửa sổ và nhìn xuống hải cảng, Nhà hát nhạc kịch với những cánh buồm bê tông căng gió, vịnh nước nhỏ xanh lam với những tàu thủy lớn nhỏ và rẻo đất xanh lá cây ở phía cuối vịnh, sau đó là biển rộng. Mặt trời chiếu sáng. Tôi có thể bỏ bữa sáng, ăn trưa sớm ở nhà hàng Vườn Bách thảo rồi lại nằm ra bãi cỏ. Tôi có thể mua một ba lô nhỏ trong hiệu đồ da và va li gần khách sạn mà tôi có lần đi ngang, vào hiệu sách mua một quyển sách, thêm một chai vang ở tiệm rượu, rồi đọc, và uống, và ngủ, và thức dậy. Tôi nghĩ đến chuyến bay mà tôi định bay chiều nay, đến lúc hạ cánh sáng sớm mai, chuyến xe về nhà, mở khóa cửa, dọn đồ khỏi va li, tắm, mặc áo choàng ở nhà đọc thư từ, cạo râu rồi thay đồ, đi đến phòng luật sư và được nhân viên chào hỏi. Tôi nghĩ đến mấy câu trò chuyện với người lái xe, ông sẽ hỏi tôi có chuyến đi thuận lợi không, còn tôi hỏi có gì xảy ra ở Frankfurt. Tôi nghĩ đến bình hoa mà cô thư ký sẽ đặt lên bàn làm việc của tôi. Tôi nghĩ đến nghi thức khi về nhà mà thấy buồn. Chừng ấy năm tôi thực thi nghi thức ấy một cách nghiêm cẩn, và bản thân những năm ấy biến thành một nghi thức được nghiêm cẩn thực thi, vụ này rồi vụ sau, thân chủ nối thân chủ, hợp đồng tiếp hợp đồng. Sáp nhập và tiếp quản doanh nghiệp là sở trường của tôi, là lý do để các thân chủ đến với tôi và là nội dung các hợp đồng. Qua nhiều năm tôi học thuộc các điểm cần chú trọng, các câu hỏi cần đặt ra. Tôi luôn chú trọng chính những điểm ấy và đặt chính các câu hỏi ấy. Vấn đề chỉ nảy sinh khi bên kia định giở mánh khóe. Nhưng tôi cũng học được mánh khóe. Tôi gọi ông phụ trách phòng du lịch của tôi ở Frankfurt. Quá muộn để gặp ông ở chỗ làm việc, nhưng tôi gặp ông ở nhà. Ông có thể đổi chuyến bay của tôi, nhưng chỉ có thể đổi sang ngày khác. Tôi định bay hôm nào? Tôi chưa biết? Vậy thì ông cứ thế lui ngày bay lại hai tuần. Lúc nào cũng có thể đổi muộn đi hoặc sớm lên được. Ông chúc tôi đi đường mạnh khỏe. Tôi mặc bộ complet đã dùng hôm qua, nhàu nhĩ, dính cỏ và đất. Đột nhiên tôi thấy sợ quyết định hoãn chuyến bay. Đột nhiên tôi nhận thấy các nghi thức mà tôi vẫn thực thi khi đi làm và khi về nhà, khi khởi hành và khi rảnh rỗi là thứ keo duy nhất gắn kết cuộc đời tôi. Làm sao tôi có thể sống thiếu chúng? Tôi phải sống, nhưng tôi không đổi quyết định hoãn bay. Tôi không thể qua ngày trong Vườn Bách thảo mà không ghé vào Phòng tranh. Tôi lại đứng trước bức tranh, và cô gái lại làm tôi ngượng ngùng. Không vì cô trần truồng, cũng không phải vì cô nhắc tôi nhớ lại những gì xảy ra hồi đó. Mà vì tôi thấy một người khác, không phải người tôi gặp ngày ấy và nhìn thấy cho tới nay. Mắt tôi dạo ấy để đâu vậy? Cô gái trong tranh không đi xuống cầu thang để chơi dương cầm hay uống trà, cũng không vì người tình đợi cô bên dưới. Cô cúi đầu và cụp mắt đi xuống thang, tựa như cô bị ép đi xuống nhưng đành chấp thuận. Tựa như cô kháng cự song lại từ bỏ kháng cự, bởi người ép cô quá hùng mạnh. Tựa như cô chỉ có thể dùng vẻ dịu dàng, quyến rũ và tận tụy để xin được nương tay. Đồng thời cô phải chuẩn bị tinh thần sẽ bị thản nhiên chiếm đoạt. Hay thậm chí cô muốn thế mà không muốn thú nhận với kẻ kia hoặc cả với chính mình? Có lần ở bảo tàng tôi xem tranh của thế kỷ mười chín vẽ các nữ nô lệ da trắng trong hậu cung Ả Rập hay Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng cột, đá cẩm thạch, nệm, quạt, phụ nữ trần truồng trong tư thế mời gọi và ánh mắt xa xăm. Sến, tôi nghĩ. Cô gái xuống cầu thang đi về phía tôi cũng sến chăng? Tôi không biết. Mớ pha quyện bạo lực và quyến rũ, kháng cự và dâng hiến khiến tôi lúng túng. Nó không phải nơi tôi từng gặp phụ nữ. Nó không hợp với những gì tôi từng trải nghiệm nơi Irene Gundlach ngày xưa. Hay tôi ngày xưa đã hiểu sai tất cả? Tôi không muốn nghĩ ngợi chuyện ấy. May mà tôi đem theo sách và vang chát. Tôi không đọc tiểu thuyết, mà đọc sách lịch sử. Những gì thực sự xảy ra thì rõ ràng khác với chuyện con người hư cấu. Nếu ta học từ lịch sử thì học từ thực tế, chứ không từ những tưởng tượng đôi khi hoành tráng nhưng thường là ngớ ngẩn. Và ai cho rằng tiểu thuyết đẹp hơn lịch sử, người đó sẽ không thúc đầu óc tưởng tượng của mình làm việc và không hình dung ra: Caesar - vốn yêu mến Brutus như con đẻ và vẫn bị người đó đâm chết; người Aztec - bị chết gần hết vì các bệnh của người da trắng trước khi nghênh chiến với họ nơi trận tiền; phụ nữ và trẻ em: theo chân đội quân của Napoleon khi vượt sông Beresina và bị đạp xuống tuyết hay nước sông băng giá. Bi kịch và hài kịch, may và rủi, tình yêu và căm hờn, niềm vui và nỗi buồn - lịch sử cho ta đủ thứ. Tiểu thuyết không thể cho ta hơn. Tôi đọc về lịch sử Úc, tù nhân bị xích, cư dân, các tổ chức phát triển nông thôn, người đào vàng, người Trung Quốc. Người Aborigine chết trước tiên vì lây bệnh và sau đó bị tàn sát, cuối cùng người ta cướp con cái họ đi. Ý đồ thì tốt, nhưng việc đó đem lại nhiều đau khổ cho cha mẹ và con cái. Vợ tôi khi sống thường nói chí lý, ngược với “tốt” không phải “xấu” mà là “có ý đồ tốt”. Nhưng ngược với “xấu” không phải là “có ý đồ xấu” mà là “tốt”. Như Gundlach đã tiên đoán, hôm sau Schwind đến phòng luật. Anh đến thẳng từ chỗ Gundlach, ngồi trước bàn giấy của tôi, đầu cúi xuống và hai tay chắp lại. Anh ngồi im thin thít cho đến lúc tôi phát sốt ruột. Cả khi đã lên tiếng, anh vẫn không ngẩng đầu và buông tay ra. “Khi tôi đến, bức tranh treo trên tường. Tôi chỉ cho Gundlach những gì mình đã làm, ông ta xem và ngỏ lời khen. Rồi ông ta rút con dao nhíp trong túi ra, bật lưỡi dao, xẻ một nhát vào tranh, gập lưỡi dao lại và cho vào túi. Ông ta làm việc đó một cách chậm rãi nên lẽ ra tôi có thể lao vào chặn. Nhưng tôi như tê liệt. Rồi ông ta mỉm cười: ‘Anh sửa lại chỗ này nhanh thôi mà.’ Ông ta có lý, vết đâm khá nhỏ, chỗ cầu thang. ‘Nhưng anh chỉ có thể lấy lại bình an khi có lại bức tranh và tôi có lại cái gì thuộc về tôi. Anh đến luật sư của anh đi, bảo anh ấy làm cho một bản hợp đồng.’ Tôi hỏi: ‘Hợp đồng?’ Ông ta nói: ‘Mọi thứ đều phải đâu ra đó.’” Anh ngửng lên nhìn tôi. “Anh có làm được không? Một hợp đồng để tôi lấy lại bức tranh và ông ta có lại Irene?” Tôi không nói gì, nhưng anh ta đọc được nỗi kinh hoàng trong nét mặt tôi. “Tôi phải có lại bức tranh, phải có bằng được. Anh có nghĩ là tôi sẽ để nó bị Gundlach làm hư hại lần nữa? Hoặc hủy hoại hẳn? Lẽ ra tôi không nên bán cho ông ta. Khi Irene và tôi bắt đầu có tình ý, lẽ ra tôi phải trả lại tiền đặt cọc và lấy bức tranh đi theo. Tôi ngu quá, lạy Chúa, ngu quá đi mất. Giờ thì tôi biết, tôi chỉ có thể vẽ khi có quyền quyết định cái gì xảy ra với tranh của tôi. Tôi đã hủy vài bức. Vì chúng không thành công. Nhưng bức này thành công. Một ngày đẹp trời, nó sẽ được treo trong Louvre hay Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan hay Hermitage. Anh không tin tôi chứ gì? Anh có lý, có thể tôi cần tiền và bán được cho Berlin hay Munich hay Cologne là mừng. Rồi sẽ có ngày New York mở một triển lãm với những tác phẩm xuất sắc nhất của tôi, và Berlin sẽ cho New York mượn bức đó để trưng bày.” Anh ta càng nói càng hăng máu, ngẩng lên và cúi xuống, chắp tay rồi buông ra. Đột nhiên anh cười. “Có thể tôi sẽ đến triển lãm và nghĩ đến anh khi xem bức tranh.” Anh lại cười và lắc đầu. Rồi anh điên tiết trở lại. “Nhưng bức tranh không đến được New York, nếu Berlin không hỏi tôi có đồng ý hay không. Tôi sẽ không bao giờ vẽ bức tranh nào nữa mà không giữ cho mình quyền quyết định - cái gì xảy ra với nó, bán nó cho ai, cho ai mượn. Anh nghĩ là không khách hàng nào chấp thuận? Khách hàng sẽ tranh nhau mua tranh của tôi và chấp thuận mọi yêu cầu của tôi. Anh không tin tôi, tôi biết. Anh không tin là vài nét phác họa của tôi lên tờ giấy của anh sẽ làm anh giàu có trong tương lai. Anh muốn được nhận tiền từ tay Irene hơn. Anh cho tôi là người không đủ tài năng hoặc không đủ kiên trì, hoặc anh thấy tôi quá ẩm ương để vào thị trường nghệ thuật.” Tôi định cãi lại, nhưng anh phẩy tay không để tôi ngắt lời. “Nếu giả sử hắn vẽ trừu tượng hay ít nhất cũng theo kiểu Warhol, anh nghĩ thế. Lon xúp hay chai Coca Cola hay Marilyn Monroe - anh thích thế mà, thú nhận đi. Ở văn phòng này anh treo tranh khắc cổ, ở nhà anh treo tranh Warhol vẽ Goethe hay Beethoven, vì anh muốn tỏ ra là người có học nhưng không cổ hủ, mà cởi mở với mọi thứ hiện đại. Đúng thế không nào?” Giọng anh khinh mạn, ánh mắt anh thù nghịch. Tôi định giải thích ở nhà treo tranh gì và tại sao, nhưng rồi tôi nghĩ, chuyện đó chẳng dính dáng đến anh và anh nghĩ gì về tôi thì tùy. “Tranh của anh quan trọng hơn cả bạn gái?” “Anh không biết anh đang nói gì đâu. Anh hiểu gì về tranh của tôi? Anh hiểu gì về người phụ nữ đó? Hoàn toàn không, anh không hiểu gì về bức tranh lẫn người phụ nữ đó. Có thể cô ấy muốn quay về với chồng. Với mọi tiện nghi do ông ta đem lại, với người hầu và những chuyến du hành, cưỡi ngựa, đánh bóng nỉ, tiền. Anh có tự vấn như thế không? Cô ấy sẽ làm gì khi tiêu hết tiền và tranh của tôi chưa bán được? Làm cu li? Quét dọn? Vào nhà máy? Mà chuyện ấy thì liên quan gì đến anh?” “Tôi có nhiệm vụ thảo một hợp đồng, một hợp đồng quái dị. Còn anh hỏi tôi, chuyện đó liên quan gì đến tôi?” “Gượm đã. Irene Gundlach là một người trưởng thành. Bất kể anh viết gì, bất kể chồng cô ấy và tôi ký kết điều gì - cô ấy vẫn có quyền làm gì cô ấy muốn. Nếu tôi nói với cô ấy, đến đây là hết, và khi ông ta nói là cô ấy lại thuộc về ông ta, cô ấy có thể nói với ông ta là xéo đi cho khuất mắt, và nói với tôi là không tin tôi. Không, anh đừng đả động đến chữ quái dị. Hai thằng đàn ông sa vào bê bối và muốn chỉnh đốn lại, liệu có thực sự thành công, điều đó nằm trong tay người phụ nữ. Chuyện cũ mèm.” Nói xong mấy câu cuối, anh bình tĩnh trở lại. Anh có ác khẩu, nhưng không mất tự chủ. Anh nhỏm dậy. “Tôi đồng ý với mọi điều kiện. Anh cứ để ông ta quyết định cái gì vào lúc nào, ở đâu và như thế nào. Anh biết liên hệ với tôi như thế nào rồi đấy.” Nếu hôm nay có một thân chủ đến đây với ý tưởng như thế thì tôi đã mời ra cửa. Ngày ấy tôi không biết phải nói gì và im lặng nhìn theo Schwind đi ra khỏi phòng. Tôi có đem bàn chuyện này với một trong hai chủ phòng luật không? Việc tôi không bao giờ xin khuyến cáo, mà tự giải quyết mọi vấn đề, cũng liên quan đến uy tín của tôi. Tôi nhớ đến một thẩm phán, nơi tôi tập sự và đặc biệt tín nhiệm. Nhưng tôi đã hình dung ông ấy nói gì. Điện thoại đổ chuông, ông quản lý văn phòng đang tiếp Gundlach ở đầu dây bên kia. Có lẽ Gundlach đã thuê thám tử theo dõi đường đi của Schwind để thông báo lúc nào anh ta ra vào phòng luật? “Anh đang nghĩ nên viết gì vào hợp đồng. Tôi đâu dám can thiệp vào chuyên môn. Nhưng cho phép tôi chỉ ra một chuyện về cách tiến hành. Tốt nhất là Schwind và Irene đến chỗ tôi. Chúng tôi nói chuyện một lát, Schwind đem tranh lên xe rồi quay lại ngay để đón Irene, nhưng anh ta đi luôn. Nếu tôi giải thích cho Irene là Schwind đã đổi cô lấy bức tranh thì cô ấy sẽ biết mình thuộc về ai.” “Còn nếu như cô ấy không biết?” Ông cười. “Anh cứ để tôi lo. Tôi biết cô ấy. Khi cô ấy bỏ tôi, chúng tôi trải qua một thời khốn khó, và cô ấy cứ tưởng không tìm được tình yêu đích thực ở tôi mà ở anh ta. Sau cú đổi chác thì cô ấy sáng mắt ra.” Tôi im lặng. “A lô? Anh không tin tôi và tự hỏi, chuyện gì xảy ra, nếu Irene quả thực không biết? Đừng sợ, tôi sẽ không cùm chân cô ấy lại và không nhốt xuống tầng hầm. Nếu cô ấy muốn gọi taxi thì sẽ có taxi.” Giọng ông ta đầy vẻ đại gia. “Vậy anh cứ viết bản hợp đồng đi, để Schwind và tôi ký, và anh ấn định buổi gặp mặt.” Ông bỏ máy. Cùm chân và nhốt xuống tầng hầm? Không, chắc là không. Nhưng nếu ông ta bắt cóc nàng đến nơi nào đó thì sao? Đưa đến trang trại nông thôn hoặc đến hòn đảo của mình ở biển Aegea chẳng hạn? Ông ta đánh thuốc mê, và khi tỉnh dậy thì nàng đã ở trên du thuyền hay trong phi cơ riêng, và vì nàng chỉ còn cách làm ra vẻ bằng mặt tuy không bằng lòng, nên nàng sẽ viết cho tôi một bưu thiếp là nàng đang cùng Gundlach hưởng tuần trăng mật thứ hai? Tôi tưởng tượng ra cảnh chuyện trò, giằng co và đánh thuốc mê. Một mình Gundlach làm chuyện đó, hay gã quản gia giữ chặt nàng để Gundlach ấp khăn tẩm chloroform lên mặt? Hai người cùng bế nàng vào ô tô? Tự tay Gundlach cầm lái? Rồi tôi nghĩ đến một diễn biến khác của vụ này. Nếu Schwind đánh lừa Gundlach thì sao? Nếu anh ta cho nàng biết trước mọi chuyện? Nếu nàng giúp anh ta chiếm được bức tranh, rồi sau đó bỏ trốn cùng anh ta? Gundlach sẽ không chịu hèn và cho người truy tầm cả hai, để trừng phạt Schwind và bắt cóc Irene. Hoặc ông ta căm tức nàng đến nỗi không bắt cóc, mà trừng phạt cả chính nàng? Đánh đập, cưỡng hiếp, rạch mặt? Không, Schwind phải biết là anh ta không thể đánh lừa được Gundlach. Sẽ chỉ là cuộc đổi chác thôi. Gundlach mới lui về nghỉ trước đó mấy năm và trao quyền lãnh đạo công ty cho con gái. Ông ta là một doanh nhân tài năng, bành trướng ngoạn mục sang Đông Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc, tư vấn cho Kohl và Schröder trong các vấn đề kinh tế, và nếu thực sự muốn thì ông đã thành chủ tịch Hiệp hội Liên bang Công nghiệp Đức. Đôi khi chúng tôi đã gặp nhau ở ngoài xã hội. Nhưng lời hứa sẽ hậu tạ tôi, nếu tôi kết hợp được ông ta và Schwind trong phi vụ này, chỉ là lời đãi bôi. Đúng vậy, tôi kết hợp được Gundlach và Schwind vào phi vụ này, như họ đề nghị. Tôi thảo hợp đồng, ấn định việc trao đổi theo đúng đề đạt của Gundlach và để hai người ký. Cuộc trao đổi sẽ diễn ra vào 17 giờ Chủ nhật. Ngoài ra tôi quyết định sẽ cảnh báo Irene Gundlach. Có nên mời nàng đến phòng luật không? Dặn nàng đến một mình? Nhưng nếu Schwind vẫn đi cùng thì sao? Hoặc nàng thấy đòi hỏi của tôi là vớ vẩn và không đến? Tôi biết nơi ở của nàng và Schwind. Tôi xin nghỉ một hôm và đỗ ô tô ở một vị trí có thể bao quát cửa ra vào của ngôi nhà chung cư nhiều tầng. Tôi không phải đợi lâu: đúng chín giờ nàng ra khỏi cửa, đi dọc phố, và tôi theo chân nàng trên đường bên kia. Chúng tôi cùng đi tàu điện ngầm vào thành phố, và trong dòng người lũ lượt xuống tàu có đủ dịp để làm ra vẻ ngẫu nhiên gặp nhau. “May quá, chúng ta gặp nhau ở đây. Vụ này có một diễn biến mà tôi muốn đem bàn với chị. Chị có rảnh vài phút không?” Nàng có bất ngờ không? Irene phản ứng bình thản, mỉm cười nói, “Tôi phải qua bên kia sông. Anh đi cùng chứ?” Chúng tôi đi qua khu phố cổ, sang cầu và nói chuyện về bộ mặt thành phố thay đổi, những cuộc bầu cử sắp tới và mùa thu đẹp. Sương sớm vẫn vương trên sông, nhưng những tán cây sặc sỡ đã ánh lên trong nắng. Tôi nhắc nàng nhớ lại, hôm nàng đến phòng luật cũng có nắng và lá cây cũng tỏa sáng. Chúng tôi ngồi xuống một ghế băng và tôi kể cho nàng là tôi đã đến thăm Gundlach, sau đó Schwind đến phòng luật của tôi và tôi đã thảo một bản hợp đồng đưa hai người ký. Tôi cũng cho nàng biết là tôi sợ Gundlach có thể làm tổn hại nàng, nếu nàng không nghe lời. Tôi không rõ nàng tiếp nhận những gì tôi kể như thế nào. Vì tôi không nhìn nàng. Tôi nhìn sang thành phố bên kia sông, nhìn màn sương mù mỏng đi, tách thành những vệt dài rồi tan hẳn. Khi tôi bắt đầu kể, thành phố còn lẩn trong sương mù. Lúc tôi kể xong thì trời đã nắng. Rốt cuộc tôi nhìn nàng và thấy mắt nàng rưng rưng, và tôi vội quay đi. “Không sao đâu,” nàng nói bằng một giọng không cho phép ai đoán ra nước mắt, “vài giọt nước mắt thôi mà.” Rồi nàng nói, “Hợp đồng để làm gì? Nó đem lại gì cho hai người kia?” “Tôi nghĩ là Gundlach muốn cuộc thỏa thuận có đủ hình thức và ràng buộc, cho dù không thể có hiệu lực pháp lý. Ở thời trước thì ông ta đã thách Schwind đấu súng.” “Còn anh? Bản hợp đồng đem lại gì cho anh?” “Giả sử tôi không soạn ra nó thì Gundlach cũng tìm được một luật sư khác. Như thế thì tôi sẽ không biết ông ta và Schwind định làm gì với chị.” “Thực ra, ở vị trí luật sư, anh có được phép làm thế không? Đầu tiên anh đại diện cho một trong hai người đàn ông của tôi, sau đó cấu kết với người kia, rồi đem kể hết cho tôi?” “Tôi không quan tâm.” Nàng gật đầu. “Vậy là Chủ nhật… Không, chồng tôi không có du thuyền hay máy bay, và cũng chẳng sở hữu hòn đảo nào cả. Nhưng ông ấy có nhà ở nông thôn. Liệu ông ấy có nỡ đánh thuốc mê rồi bắt tôi đi? Tôi không biết.” “Chồng? Hai người chưa ly hôn?” “Ông ấy không muốn, và các luật sư của ông ấy câu giờ trong vụ ly hôn.” Giọng nàng chợt mang vẻ bực bội, không rõ vì tôi tọc mạch hay vì bị Gundlach phá ngang. “Xin lỗi chị…” “Anh không việc gì phải xin lỗi liên tục thế.” “Tôi?” Tôi toan nói là tôi đâu có xin lỗi liên tục. Song lại thôi. Tôi ngồi đực ra và không biết làm cách nào nói cho nàng biết điều tôi muốn nói - rằng tôi muốn giúp nàng, rằng tôi sẵn sàng làm tất cả vì nàng, hiến dâng tất cả vì nàng, rằng tôi yêu nàng. “Tôi sa chân vào đâu với hai ông chồng của tôi thế này! Một người muốn bán tôi, người kia có thể định bắt cóc tôi.” Nàng cười. “Còn anh nữa, anh muốn gì?” Tôi đỏ mặt. “Tôi… tôi cũng góp phần để chị sa vào tình huống này, và tôi muốn làm những gì tôi có thể, để chị thoát khỏi tình huống này, nếu tôi được… nếu chị cho phép…” Nàng chăm chú nhìn tôi - sửng sốt, cảm động, thương hại? Tôi không đoán ra ánh mắt của nàng. Rồi nàng mỉm cười, vuốt tay lên đầu tôi, vuốt xuống gáy và lưng, và thoáng ôm tôi. “Tôi đã nhập bọn với lũ cướp, nhưng tôi chưa thua đâu. Một kỵ sĩ dũng cảm đã đến cứu tôi.” “Chị giỡn với tôi ư? Tôi không định nói mình là gì đó đặc biệt. Tôi chỉ… tôi yêu em.” Anh yêu em - tôi nhận ra ngay chữ “em” lạc điệu. Nhưng “tôi yêu chị” thì cũng không hợp. Có lẽ, khi thấy “tôi yêu em” lạc điệu, thì ta nên ngậm mồm. Nhưng khi trái tim đầy ứ, nó sẽ trào ra miệng. Bây giờ tôi muốn bỏ qua chữ “em” lạc điệu để chuyển sang “em” khác cho hợp, bằng cách thổ lộ tình yêu với nàng. “Chuyện xảy ra khi em đến phòng luật một mình. Em nói về tình yêu, nói về phụ nữ là gì khi thực sự được yêu, là người tình, là mẹ, là chị, là con gái, và em nói về hạnh phúc của tình yêu, nó lớn lắm, đến độ Chúa phải ghen tị với chúng ta. Em mỉm cười trong khi kể, một nụ cười hạnh phúc, đau đớn, thông thái, nó ẩn chứa một lời hứa… Không, em không hứa gì với tôi, chẳng có gì để tôi bám vào và bắt em phải giữ lời, có Chúa chứng giám, lời hứa của em là một… một lời hứa trên trời, tôi biết, em chỉ nói về tình yêu và phụ nữ theo nghĩa tuyệt đối. Nhưng… đối với tôi, em là người phụ nữ theo nghĩa tuyệt đối, yêu em và được em yêu, ước gì…” “Thôi nào,” nàng lại quàng tay lên vai tôi và kéo tôi sát vào mình, “thôi nào.” Tôi ngừng lời, mong sao vòng ôm ấy không bao giờ hết, và tôi nhắm mắt lại. “Nếu anh thực sự muốn giúp em…” “Gì?” Tôi mở mắt. “Gì cơ?” “Anh có thể…” Nàng không nói nữa, rút lại vòng tay trên vai tôi và ngồi thẳng dậy. Tôi cũng ngồi thẳng dậy. Cuối cùng nàng bắt đầu nói, ban đầu còn ngập ngừng, nhưng càng lúc càng cương quyết hơn. “Nếu đến chỗ Gundlach vào Chủ nhật… Karl sẽ không đi cùng xe em, mà đi chiếc xe tải Volkswagen loại nhỏ của anh ấy. Em có thể… em có thể đưa anh chìa khóa xe tải, và khi Karl cùng em đi vào nhà Gundlach, anh sẽ lén lên xe tải và nấp sau tay lái. Lúc Karl vác bức tranh khỏi nhà và đặt lên xe tải và khóa cửa… Đây là lúc quyết định, và anh phải phóng xe đi ngay. Anh phải biến ngay. Karl mà mở được cửa xe và nhảy lên là hỏng hết. Nếu không… Em tin chắc Karl sẽ cho rằng Gundlach bẫy mình, anh ấy sẽ vào nhà và buộc tội Gundlach, rồi trong lúc hai người cãi nhau thì em sẽ chạy mất. Phía dưới nhà Gundlach có một khúc cua. Khu vườn chấm dứt ở đó, và anh đợi đúng chỗ ấy, em trèo qua tường và lên xe tải với anh.” Tôi cố phản ứng một cách lạnh lùng, lạnh lùng hệt như nàng vạch ra kế hoạch. “Schwind sẽ đỗ xe đúng hướng để anh không phải quay đầu?” Nàng gật đầu. “Cứ để em lo. Anh cũng không cần lo vì cánh cổng, nó chỉ khóa vào buổi đêm.” Nàng mỉm cười với tôi. “Nếu anh phóng đi đúng lúc cửa đóng lại, và em chạy được khi hai người đàn ông của em cãi cọ, thì nhất định thành công.” Tôi không ưa nghe cô nói “hai người đàn ông của em”, nhưng tôi không nói gì. Tôi tưởng tượng ra đoạn dốc trước nhà Gundlach, lối vào cổng, lùm cây, bãi đỗ. Ừ, tôi phải lén bò lên xe. Tôi không biết có hậu quả gì nếu việc không thành. Tôi đi quá lằn ranh mà tôi chưa bao giờ vượt qua. Nhưng tôi đã quyết. “Nếu em lên xe với anh, rồi mình sẽ đi đâu?” Nàng vuốt tóc tôi lần nữa. “Còn đi đâu nữa?” Còn lời giải nào khác, ngoài đến chỗ tôi? Tôi sung sướng. Chúng tôi thuộc về nhau. Chúng tôi sẽ cùng nhau ra tay, cùng nhau thành công, cùng nhau đào tẩu. Chúng tôi chẳng cần phải đào tẩu, mà có thể ở lại - người ta có thể buộc nàng tội gì, buộc tôi tội gì? Tôi mơ đến cuộc sống chung của cả hai. Liệu chúng tôi sẽ chọn một căn hộ lớn hay ngôi nhà nhỏ, liệu nàng sẽ làm vườn, sẽ nấu ăn, nàng sẽ làm gì từ sáng đến tối, liệu nàng có thích du lịch, liệu… “Em phải đi.” Nàng lôi tôi khỏi giấc mộng và đứng dậy. Tôi cũng đứng dậy. “Anh đi với em được không?” “Có vài bước thôi mà.” Nàng chỉ tay về phía Bảo tàng Nghệ thuật Thủ công. “Em…” “Em làm việc ở đó. Thiết kế.” Tôi chợt thấy sợ. Tôi mơ một cuộc sống với người phụ nữ đẹp, nhưng nàng đã có một cuộc sống. Nàng có nghề, đã kiếm được hoặc thừa kế tiền, đã có chồng, Gundlach và Schwind không phải là tình cờ, mà là một quyết định. “Thiết kế” - nàng nói ngắn gọn, tựa như không muốn để tôi biết về nàng nhiều hơn cần thiết. “Bao giờ em đưa chìa khóa cho anh?” “Em sẽ đút vào hòm thư. Nhà anh ở đâu?” Tôi cho nàng địa chỉ. “Em phải nhấn chuông. Hòm thư treo trong hành lang. Bao giờ em đến?” “Em không biết. Nếu anh không có nhà, em sẽ nhấn chuông cho đến khi có người mở cửa.” Rồi nàng đi. Nàng đi dọc đường đi dạo bờ sông, sang đường và vào bảo tàng. Lúc nàng qua đường và nhìn sang trái sang phải để tránh ô tô, nàng có thể ngoái lại nhìn tôi và vẫy. Nhưng nàng không ngoái lại. Tôi lại ngồi xuống ghế băng. Có nên quay về văn phòng và biến ngày lỡ cỡ này thành ngày làm việc? Tôi không muốn. Khi tôi ngồi ở Vườn Bách thảo và nhớ lại buổi sáng ở bờ sông, tôi nhận ra một việc mà từ đó trở đi tôi chưa bao giờ lặp lại: cứ thế nghỉ hẳn một ngày. Tất nhiên với vợ chưa cưới, về sau là vợ, và sau này với các con có những ngày mà tôi không làm việc. Nhưng trong những ngày ấy tôi làm việc gì còn nợ vợ con hoặc phục vụ sức khỏe hay học tập hay vun vén cuộc sống gia đình. Vui chơi, dĩ nhiên, và đổi gió sau giờ làm việc. Nhưng cứ ngồi đực ra, ngó quanh, hấp háy nhìn mặt trời và mơ mộng hàng giờ liền, rồi tìm một nhà hàng có đồ ăn và rượu vang ngon, sau đó đi dạo một lát và lại ngồi và nhìn và hấp háy và mơ mộng - hôm ấy tôi đã làm thế, và sau đó chỉ lặp lại ở Sydney. Tôi tự hỏi ngày ấy mình mơ gì. Nhất định là mơ về cuộc sống bên Irene. Nhưng nhất định không chỉ có thế. Như hiện tại đang nghĩ về dĩ vãng, có thể hôm ấy tôi cũng nghĩ về dĩ vãng. Có thể vì tôi đang hăm hở đi tìm hạnh phúc mà dĩ vãng có một khuôn mặt mới. Có thể tôi không thấy thời ấu thơ ở nhà ông bà nội là thiếu vắng tình yêu nữa, mà là con đường dẫn đến tự do, có thể trên đường công danh tôi không cảm thấy áp lực nữa, mà thấy đó là món quà của thành công, và không thấy thất bại trong những lần tiếp xúc kém may mắn với phụ nữ, mà coi đó như một hứa hẹn. Tôi không than phiền vì mình đã già. Tôi không ghen tị với người trẻ còn có cuộc đời phía trước; tôi không muốn có cuộc đời phía trước lại lần nữa. Nhưng tôi ghen tị với tuổi trẻ vì dĩ vãng sau lưng nó ngắn quá. Khi ta trẻ, ta thấy dĩ vãng của ta gọn ghẽ. Ta có thể cho nó một ý nghĩa, cho dù nó liên tục có ý nghĩa khác. Bây giờ, khi tôi quay lại nhìn dĩ vãng, tôi không biết cái gì là gánh nặng và cái gì là quà tặng, liệu thành công có xứng với giá phải trả, và trong những lần tiếp xúc với phụ nữ thì cái gì được thỏa mãn và cái gì bất thành. Ngày thứ Sáu tôi lại đến ngắm bức tranh. Trong Phòng tranh đầy học sinh và giáo viên. Tôi ưa mớ lộn xộn những tiếng nói chen nhau và gọi nhau í ới; nó nhắc tôi nhớ lại giờ giải lao ở trường và những ngày hè ngoài bể bơi. Mấy đứa choai choai đứng trước bức tranh và tranh luận về thân hình cô gái. Hông quá nở, đùi hơi mập, chân quá nhỏ và hình như núm vú bị lệch? Tôi không đứng cạnh, nhưng cũng đủ gần để mấy đứa ngần ngại sự hiện diện của tôi và bỏ đi. Tôi không thấy khiếm khuyết nào ở cô gái. Nhưng tôi cũng không thấy nàng như đã thấy lần cuối. Vâng, nàng là sự thùy mị, quyến rũ và dâng hiến. Nàng không chống trả nữa. Nhưng đâu đã thực sự bỏ hẳn chống trả? Dáng đầu nàng, cách nàng nhắm mắt và mím miệng che giấu sự chống trả, khước từ và cự tuyệt. Nàng không bao giờ thuộc về kẻ đang chế ngự nàng. Có thể nàng đồng hành. Nhưng rốt cuộc nàng sẽ vuột đi. Phải chăng ngày ấy tôi đã phải nhìn thấy thế và biết được mọi chuyện sẽ tiếp diễn ra sao chứ? Song tôi chỉ đứng ở phòng khách của Gundlach có một lát, lại phải nghe ông ta nói và không thể ngắm kỹ bức tranh. Sự thể sẽ ra sao, nếu tôi có điều kiện nhìn bức tranh lâu hơn? Liệu tôi có biết không? Nàng không đến vào buổi tối hôm chúng tôi gặp nhau. Ngày hôm sau tôi cũng xin nghỉ; tôi muốn có mặt ở nhà khi nàng đến và đem chìa khóa. Tôi đi mua đồ ăn sớm, khi quay về tôi run rẩy nhìn vào hộp thư. Nàng chưa đút chìa khóa vào. Tôi là một người ngăn nắp, thậm chí kỹ tính, không việc gì phải dọn dẹp vì Irene Gundlach đến. Nhưng tôi cắm hoa vào bình và đặt đĩa hoa quả lên bàn. Vì tôi sợ nàng không thích người quá kỹ tính, tôi để mấy quả táo lăn ra bàn, rải vài tờ báo và sách xuống sàn cạnh chân ghế và mở bản thảo một bài luận văn trên bàn. Nàng đến vào thứ Bảy. Nàng nhấn chuông, và không cần nhìn ra cửa sổ tôi cũng biết nàng đến. Tôi lao xuống cầu thang và mở cửa. “Em chỉ định…” Nàng cầm chìa khóa trong tay. “Lên nhà một chút đi. Mình có chuyện phải nói.” Nàng lên cầu thang trước tôi, nhanh chân bước, và tôi nhìn chân nàng trong đôi giày thấp gót, nhìn bắp chân trần, đùi nàng và mông nàng sau lớp vải quần bó dài đến đầu gối. Tôi để cửa căn hộ mở, và nàng đi vào, từ từ, nhìn quanh, nhưng nàng đi vào nhà như một chuyện mặc nhiên. Nàng vào phòng lớn mà tôi dùng để làm việc và tiếp khách, thoạt tiên tiến ra cửa sổ, nhìn xuống đường, sau đó lại gần bàn giấy và thấy tập bản thảo. “Anh viết gì thế?” “Tòa án liên bang có ra một quyết định về tác quyền…” Tôi không thể nói thêm. Ở dưới nhà tôi không ôm nàng và bây giờ muốn ôm, nhưng tự cảm thấy khiên cưỡng, thấy nụ cười của mình vô duyên, tay mình quá dài, dáng điệu mình vụng dại nên lại không dám. “Tác quyền à… Mình phải nói chuyện gì nữa?” “Em ngồi xuống đi chứ? Trà hay cà phê, hay…” “Không uống gì cả đâu, cảm ơn, em phải đi ngay.” Nhưng nàng ngồi xuống ghế bành mà tôi rải sách báo xung quanh, tôi ngồi xuống ghế bành đối diện. “Nếu ngày mai anh đến nhà Gundlach… Khu ấy của người giàu. Người ta có chú ý đến chiếc ô tô khi anh đỗ ở ngoài phố? Người ta có chú ý đến anh khi anh đi qua? Ở đó người ta có quen nhau và nhớ mặt người lạ?” “Anh đỗ ô tô trong làng trước khi đến khu nhà Gundlach ở. Từ đó anh đi bộ nửa tiếng, không hơn. Anh sợ à?” Nàng nhìn tôi dò xét. Tôi lắc đầu. “Anh vui. Vì em và anh… như anh đã nói trước đây hai hôm… Anh đã bất ngờ tập kích em. Anh sẵn sàng làm việc đó lần nữa và lần này sẽ nói một câu hay hơn, nhưng anh sợ lại tập kích em lần nữa với câu ấy, vì vậy anh đợi đến khi nào chúng mình thừa thãi thì giờ. Không, anh không sợ. Em sợ à?” Nàng cười. “Sợ không trót lọt? Sợ em bị mắng - vì bị bắt cóc?” “Anh không biết. Em định làm gì với bức tranh?” “Chẳng làm gì, chừng nào chưa có nó trong tay.” Nàng đứng dậy. “Em phải đi.” Đi đâu, tôi muốn hỏi lắm, và liệu nàng có yêu tôi hay một ngày nào đó sẽ yêu tôi và nàng có còn ngủ với Karl Schwind và hôm Chủ nhật tới sẽ ra sao, khi hai chúng tôi đã ngồi trên xe với bức tranh. Tôi không đặt câu hỏi nào. Tôi đứng dậy và ôm nàng, và nàng không áp sát vào tôi, nhưng cũng không đẩy tôi ra, và khi rời khỏi vòng tay tôi, nàng hôn lên má tôi và vuốt tóc tôi. “Anh là một chú bé ngoan.” Tôi thực sự không thấy sợ. Tôi biết mình sẽ dấn chân vào một việc xấu, và nếu bị bắt, sự nghiệp luật sư của tôi sẽ chấm dứt. Nhưng tôi không quan tâm. Irene và tôi sẽ tìm được một cuộc sống khác, một cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi có thể sang Mỹ, tôi sẽ bồi bàn buổi tối và đi học ban ngày, chẳng mấy chốc sẽ lại lên cao, luật gia hay bác sĩ hay kỹ sư. Còn nếu người Mỹ không ưa một luật sư có tiền án - tại sao không qua Mexico? Hồi ở trường tôi học tiếng Anh và tiếng Pháp dễ dàng, tôi sẽ không vất vả học cả tiếng Tây Ban Nha. Nhưng trước khi đi ngủ tôi lạnh cóng, răng đánh lập cập. Tôi vẫn run khi đắp hết các chăn tìm được trong nhà. Cuối cùng tôi thiếp đi. Sáng sớm tôi thức dậy đầm đìa mồ hôi, trên giường cũng đầm đìa mồ hôi. Tôi khỏe trở lại. Người nhẹ nhõm, đồng thời tôi cảm thấy khỏe vô biên, không gì cưỡng nổi. Một cảm giác tuyệt vời, độc nhất vô nhị. Tôi không nhớ trước đó hay sau đó từng có cảm giác như thế. Chủ nhật. Tôi ăn sáng ngoài bao lơn, mặt trời tỏa nắng, chim hót trong tán cây dẻ, từ phía nhà thờ có tiếng chuông vọng lại. Tôi nghĩ đến chuyện thành hôn, không rõ liệu Irene đã cưới trong nhà thờ và sẽ muốn cưới trong nhà thờ, và liệu nhà thờ có ý nghĩa gì với nàng không. Tôi mơ đến cuộc sống chung ở Frankfurt, trước tiên trên bao lơn này, sau đó trên bao lơn một căn hộ rộng rãi hơn cạnh vườn bách thảo Palmengarten, rồi trong mảnh vườn với những cây cổ thụ bên kia sông. Trong giấc mơ tôi thấy hai chúng tôi tựa mạn tàu đưa chúng tôi qua Đại Tây Dương. Tôi chia tay với tất cả, với phòng luật, với thành phố, với mọi người. Một cuộc chia tay không đau đớn. Cuộc đời cũ của tôi chỉ khiến tôi bàng quan một cách vui vẻ. Tôi xuất hành sớm nhưng rồi cũng chẳng quá sớm. Làng đang có lễ hội, bãi chợ và đường chính bị chặn, dòng xe chen chúc qua các đường phụ. Tôi đỗ xe cạnh nghĩa trang, tìm được đường xuyên qua các đồi nho mà tôi cho là đường tắt, té ra không phải, và ra được đường trong rừng dẫn đến khu nhà Gundlach ở. Khi chiếc ô tô đầu tiên vượt tôi, tôi sực nhớ là Schwind cũng sẽ đi đường này và không được phép thấy tôi; từ đó trở đi tôi đi xuyên các bụi cây ven đường. Tôi mặc đồ không nổi bật, quần bò, áo nâu nhạt, áo da nâu, kính râm. Nhưng khi ra khỏi rừng và tiến vào khu dân cư với những con phố vắng tanh ngày Chủ nhật, chỉ đôi khi thấy một gia đình dưới bóng ô ngoài sân, tôi cảm thấy bị hàng trăm cặp mắt dõi theo, mắt của các gia đình ngoài sân và sau các cửa sổ. Không có người đi bộ nào trên đường. Tôi tránh con đường trực chỉ xuyên qua khu phố có khả năng chạm trán Schwind, lạc vào những phố song song và ngả rẽ, và đến gần nhà sau năm giờ chiều. Chỗ đỗ trước nhà còn trống. Tôi lẩn vào giữa ô chứa thùng rác và bụi tử đinh hương cạnh ngôi nhà đối diện và đợi. Tôi thấy đường dẫn đến nhà, ngôi nhà, nhà xe đóng một cửa và mở một cửa. Trong nhà xe có một chiếc Mercedes, một con mèo nằm sưởi nắng trên đường trước nhà. Trên đoạn thảm cỏ dốc từ đường vào nhà có vài cây tùng nhỏ, và tôi sẽ chạy dích dắc từ cây nọ đến cây kia để tiếp cận ô tô. Nếu có ai đi qua hoặc nhìn từ nhà đối diện sang thì tôi phải biến ngay ra sau xe để người ấy không chắc có thực sự nhìn thấy tôi không. Tôi nghe tiếng xe tải Volkswagen của Schwind từ xa vì ống xả hỏng. Chiếc xe tải đi nhanh, khục khặc, lạch cạch, ngoặt gấp từ đường vào nhà khiến con mèo chạy biến, rồi phanh đột ngột trước cổng. Không ai ra khỏi xe. Lát sau xe lùi lại, vòng một vòng rộng trước nhà xe, lùi lần nữa và cuối cùng đứng ở vị trí trước cổng để lúc về không phải quay đầu nữa. Hai cửa mở ra, cả hai người xuống xe, nàng không nói gì, tay họa sĩ chửi bới, tôi nghe được “để làm gì” và “toàn sáng kiến linh tính”. Cửa nhà mở ra, Gundlach chào và mời khách vào. Xuất phát thôi, tôi tự nhủ. Nếu có ai tò mò nhìn ra cửa sổ vì chiếc xe ầm ĩ của Schwind thì bây giờ người ấy cũng quay về công việc cũ rồi. Tôi lao qua đường, nấp sau cây tùng đầu tiên, chạy tiếp, vấp ngã, bò lồm cồm tới cây thứ hai, nhỏm dậy và chạy tiếp, khập khiễng, một chân đau nhói, nhảy lò cò qua cây tùng cuối cùng đến ô tô. Tôi mở cửa xe, ngồi thụp trên ghế người lái để không bị ai thấy từ bên ngoài, tuy nhiên cũng vì thế mà tôi không nhìn được ra ngoài. Tôi cắm chìa khóa vào ổ điện và đợi. Chân tôi đau sau cú ngã, đau cả lưng vì cúi rạp. Nhưng tôi vẫn cảm thấy sự nhẹ nhàng và sức mạnh của buổi ban mai và không hề nghi ngờ mình hành động đúng. Rồi tôi nghe tiếng cửa nhà mở ra và tiếng Schwind chửi bới; người quản gia giúp anh ta nhưng không đủ nhanh, không đủ cẩn trọng và vâng lời, và Schwind bực mình vì phải đi vòng qua đầu xe, và phải cố gắng mới mở được cửa lùa. Nhưng anh ta đẩy được cửa ra, vừa chửi bới vừa đặt bức tranh lên sàn xe, đẩy cửa đóng lại, và đúng lúc cánh cửa lạch cạch đóng sập vào thì tôi vặn chìa khóa điện. Động cơ nổ tắp lự. Khi Schwind hiểu ra sự tình và vừa hét lên vừa đấm vào xe thì tôi đã chuyển bánh. Và khi anh ta chạy theo thì tôi đã phóng nhanh đến nỗi anh ta dù kịp mở được cửa bên lái phụ nhưng cũng không kịp nhảy lên hoặc chỉ nhìn được vào cabin. Trong kính chiếu hậu, tôi thấy anh ta chạy theo ô tô, ngày càng nhỏ đi và rốt cuộc dừng lại. Tôi đi đến đoạn cua phía bên dưới nhà Gundlach rồi xuống xe, đi một vòng quanh xe, mở và đóng cửa lùa, đóng cả cửa bên lái phụ mà tôi không kéo được cho kín sau khi bị Schwind giật ra. Tôi không muốn nhìn bức tranh, không rõ vì sao. Tôi đứng đó và đợi. Tôi quan sát bức tường mà Irene sẽ trèo qua; cao hai mét, quét vôi trắng, lợp hàng gạch đỏ làm mái. Tôi nhìn tường rào cao bằng cây bách rậm rạp của hàng xóm, trông như một bức tường xanh nối liền vào bức tường trắng. Tôi nhìn hàng rào khuôn viên trong vòng cua, nó cũng cao và leo đầy dây thường xuân, chắc chắn như bức tường. Tôi nhìn trời xanh, nghe chim hót trong vườn và tiếng chó sủa xa xa; tất cả bình an trong không khí Chủ nhật. Vậy mà bỗng nhiên tôi thấy chật chội giữa các bức tường, và tôi lại run như trong đêm, và sợ, dù không rõ sợ gì. Sợ Irene không đến chăng? Rồi Irene tới. Nàng ngồi trên tường, vui cười, sáng lóa, gạt tóc ra sau tai và nhảy xuống. Tôi dang tay đón nàng và nghĩ, giờ thì ổn cả rồi. Tôi hạnh phúc và nghĩ nàng cũng thế. Nàng thở hổn hển, để tôi đỡ cho đến khi bình tĩnh trở lại, trao tôi một nụ hôn vội vã và nói, “Ta phải đi thôi.” Nàng muốn cầm lái. Vì đang có hội làng nên chúng tôi dễ có thể bị chặn và bọn người kia đuổi kịp, tốt nhất là trước khi đến làng nên rẽ về phía núi, vòng một vòng lớn rồi đi từ phía đông vào thành phố. Để bọn người kia không tìm thấy ô tô của tôi trong làng, tôi phải xuống xe ở trước làng và đánh xe mình về thành phố. “Họ nhận ra ô tô của anh thế nào được?” “Không nên có bất cứ rủi ro nào.” “Rủi ro? Nếu anh đi tới hội làng, uống vang, để ô tô ở đó và gọi taxi về thành phố?” “Hãy làm thế vì em, xin anh đấy, em thấy thế yên tâm hơn.” “Đồ đạc của em nữa chứ? Mình có đi lấy về không, trước khi Schwind quay về? Và lấy bức tranh khỏi xe, đỗ xe ở đâu đó trước khi Schwind báo cảnh sát.” “Thôi mà,” nàng đặt tay lên miệng tôi. “Để em lo. Và mấy thứ đồ đạc ở chỗ Schwind thì em không cần.” “Bao giờ em quay về?” “Lát nữa, khi em xong việc.” Nàng hôn tôi rồi thả tôi xuống trước khi vào làng, tôi lấy xe và đi về nhà. Nàng sẽ đi vòng lớn, đem bức tranh tới nơi chắc chắn đã chuẩn bị sẵn mà không muốn cho tôi biết, bỏ lại cái xe tải Volkswagen rồi gọi taxi - có lẽ mất hai tiếng đồng hồ nữa nàng mới về đến nhà tôi. Nhưng chưa tới hai tiếng người tôi đã chộn rộn; tôi đi đi lại lại trong phòng và chốc chốc lại nhìn ra cửa sổ, đun trà và quên vớt trà ra khỏi ấm, khi pha ấm sau cũng lại quên lần nữa. Nàng xoay xở ra sao với bức tranh? Nó có quá nặng không? Có ai giúp nàng không? Ai? Hay nàng đủ sức vác nó? Vì sao nàng không tin tưởng tôi? Sau hai tiếng tôi tìm được câu trả lời, vì sao nàng chưa tới, sau ba tiếng tôi tìm được câu trả lời mới, và sau bốn tiếng lại có câu khác. Cả đêm tôi tìm ra nhiều câu trả lời và cố xoa dịu nỗi lo rằng có gì đó đã xảy ra với nàng. Tôi dùng nỗi lo đó để quên đi nỗi lo khác: nàng không đến, vì nàng không muốn đến. Nỗi lo có chuyện gì đó xảy ra với nàng - đó là nỗi lo của những người đang yêu lo cho nhau, bạn bè lo cho bạn bè, mẹ lo cho con. Trong nỗi lo ấy, tôi và Irene được xích lại gần nhau. Trước khi trời hửng sáng tôi gọi điện đến các bệnh viện và đồn cảnh sát, dĩ nhiên tôi nói mình là chồng nàng. Khi bình minh lên, tôi hiểu ra là nàng sẽ không đến. Gundlach gọi điện cho tôi vào thứ Hai. “Có lẽ anh đã nghe chuyện qua Schwind rồi. Tôi muốn xác nhận cho đủ lệ bộ. Vợ tôi đã biến mất, bức tranh cũng thế. Người của tôi sẽ điều tra xem Schwind chơi trò hai mặt gì với tôi. Dù sao chăng nữa, dịch vụ của anh đến đây là hết.” “Tôi chưa bao giờ làm dịch vụ cho ông.” Ông ta cười và nói “Tùy anh,” rồi cúp máy. Mấy tuần sau tôi nhận được tin từ Gundlach, ông ta không có chứng cớ về Schwind chơi trò hai mặt. Tôi đánh giá việc ông báo tin là đứng đắn, và không nghe gì từ Schwind nữa. Tôi được biết là Irene sau ngày hôm ấy không bao giờ làm việc tại Bảo tàng Nghệ thuật thủ công nữa, mặc dù thời gian thực tập không lương của nàng chưa chấm dứt. Tôi cũng được biết là bên cạnh căn hộ đi thuê, nơi nàng ở cùng Schwind, nàng còn sở hữu một căn hộ mà ngay các bạn nàng cũng không biết - một nơi ẩn náu. Hàng xóm không nhớ lần cuối nhìn thấy Irene là bao giờ, lâu lắm rồi. Tôi thấy bị xúc phạm. Tôi buồn và uất. Tôi khao khát nàng, và đôi lần mở hòm thư tôi nghĩ, liệu có thư hay bưu thiếp của nàng trong đó. Nhưng nàng không viết. Hai năm sau, có lần tôi tưởng đã nhìn thấy nàng. Ở quận Westend gần phòng luật, cảnh sát đến giải tỏa một ngôi nhà bị sinh viên chiếm giữ. Cuộc biểu tình sau đó có hàng ngàn người tham gia và diễu qua trước phòng luật. Tôi đứng nhìn từ cửa sổ xuống. Tôi ngạc nhiên khi thấy người biểu tình rất vui vẻ - trong khi tôi nghe nói họ xuống đường vì một điều bất công. Trông họ hoan hỉ vung nắm đấm, kiêu hãnh hô khẩu hiệu và cười nói, tay ngoặc tay nhau khi diễu hành. Không có khuôn mặt xấu xa nào, các ông bố cho con ngồi trên vai, các bà mẹ dắt tay lũ trẻ, nhiều người trẻ măng, học sinh và sinh viên, một vài công nhân trong đồ bảo hộ lao động xanh lơ, một người lính vận quân phục, một người đàn ông cổ cồn cà vạt. Rồi tôi thấy nàng hoặc cho rằng đã thấy nàng, tôi ra khỏi văn phòng và lao xuống thang, chạy bên rìa đoàn biểu tình để tìm và cho rằng đã vài lần thấy nàng, nhưng không phải, và tôi nhìn thấy một khuôn mặt giống nàng, tôi nghĩ, chính khuôn mặt đó làm tôi nhầm khi nhìn từ trên cửa sổ xuống. Tôi định bỏ cuộc song lại không bỏ và tìm tiếp. Cho đến khi nhóm biểu tình phá cửa một ngôi nhà bỏ trống. Cảnh sát đến và tình hình trở nên gay cấn. Một lúc nào đó các vết thương liền sẹo. Nhưng không bao giờ tôi muốn nhớ lại chuyện Irene Gundlach. Nhất là sau khi tôi hiểu ra rằng tôi đã biến mình thành thằng hề. Tại sao tôi lại không nhận ra được rằng cái gì khởi đầu bằng một lời dối trá thì không thể có kết thúc tốt đẹp, rằng tôi không được cầm lái một chiếc ô tô ăn trộm, và đàn bà trốn chồng và người yêu không hề là thứ dành cho tôi, rằng tôi đã để người ta lợi dụng. Ai có lý trí tỉnh táo cũng phải nhận ra. Tôi cảm nhận sâu sắc toàn bộ sự thảm hại và nhục nhã trong cách hành xử của mình khi nhớ lại lúc đứng đợi dưới chân tường, ngóng xem Irene có tới và có muốn tôi không, hay không muốn tôi và không tới, tôi đứng đợi với cặp kính râm, cơn sốt rét và nỗi sợ, và lúc tôi ôm nàng, và hạnh phúc, và nghĩ rằng nàng cũng hạnh phúc. Ký ức làm tôi đau nỗi đau xác thịt. Tôi luôn tự an ủi mình với suy nghĩ rằng, nếu ngày đó không lầm lạc thì tôi đã chẳng tạo dựng được cuộc hôn nhân mỹ mãn với vợ tôi như thế. Trong cái xấu nào cũng có cái tốt, vợ tôi ưa nói thế. Người ta không thay đổi được gì trong quá khứ. Tôi chung sống hòa bình với điều đó từ lâu. Chỉ khó chung sống hòa bình với một điều, là tôi luôn luôn không nhìn ra ý nghĩa thực sự của quá khứ ấy. Có thể trong cái xấu nào cũng có cái tốt. Nhưng cũng có cái xấu hoàn toàn xấu. Ngày Chủ nhật tôi lên tàu đi tới điểm cuối vịnh, đến rẻo đất xanh chắn trước khi ra biển rộng. Không phải vì tôi đã ngán Vườn Bách thảo. Tôi nghĩ là mình không được hài lòng với mảnh đất nhỏ bé này hết ngày này qua ngày khác. Tôi cũng chưa bao giờ hài lòng khi nằm phơi nắng ở bờ biển trong kỳ nghỉ phép, mà luôn đi khảo cứu vùng đất xung quanh, và tôi vẫn tìm các địa điểm cạnh biển có vùng đất xung quanh để khảo cứu. Tàu đi ngang một hòn đảo nhỏ được xây đắp kiên cố từ ngày xưa cho một cuộc chiến tưởng tượng với một kẻ địch tưởng tượng, ngang qua các tàu chiến xám xịt gỉ sét dập dềnh, các ngôi nhà bên bờ nước mà cuộc sống trong đó chắc phải nhẹ nhàng và vui lắm, ngang qua các mảnh rừng và đôi khi thấy cả bãi tắm và bến du thuyền. Nắng, gió, mùi nước mặn, một buổi ban mai hân hoan, và con nít chạy ào ào không nghỉ từ đầu tàu đến cuối tàu rồi quay trở lại đầu tàu, nơi gió tạt sắc lạnh vào mặt chúng. Tôi thấy rét, nhưng quá kiêu hãnh để vào ngồi cùng mấy ông bà già trong cabin. Khi tàu dừng, tôi xuống tàu và đi qua một gờ đất cao ra biển, thấy nó cũng chẳng khác Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương. Nhưng tôi ngỡ ngàng bởi hình dung nó trải dài từ đây đến tận Chile theo một hướng, hướng kia đến tận Nam Cực. Tôi cảm nhận được sự bao la và sâu thẳm, và lập tức màu xanh của nó trở nên đậm hơn và những con sóng dịu dàng liếm lên bờ cát bỗng mang vẻ hăm dọa hơn. Tôi đi dọc bãi biển cho đến khi chán ngán đường phố và giao thông chạy song song bờ nước rồi quay về điểm xuất phát, ở đó người ta cho thuê ghế nằm và ô che nắng. Tôi lại có trong ba lô một chai vang chát, mấy quả táo và cuốn sách về lịch sử châu Úc. Lịch sử Úc ngắn, chẳng mấy chốc tôi đọc đến thời hiện tại và các chương về khí hậu, khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp và ngoại thương, giao thông, văn hóa và thể thao, trường học, ẩm thực, hiến pháp và hành chính, mật độ và phát triển dân số, tính cơ động trong địa lý và xã hội, việc làm và giải trí, đàn ông và đàn bà, tỉ lệ ly hôn. Lần nào ở nước ngoài tôi cũng tự hỏi, nếu sống ở đây thì mình có hạnh phúc không. Khi tôi đi qua các phố và thấy mọi người tụ tập ở góc phố và cười nói, tôi cứ nghĩ, nếu sống ở đây thì lúc này tôi cũng đang vui vẻ cùng mọi người ở góc phố đó. Khi tôi đi ngang qua một quán cà phê ngoài phố và một người đàn ông tiến đến một bàn có một phụ nữ ngồi, và cả hai chào nhau vui vẻ, tôi nghĩ rằng ở đây tôi sẽ còn gặp một người phụ nữ đang vui sướng chờ tôi, và tôi cũng vui sướng chờ người phụ nữ ấy. Và khi mọi cửa sổ bừng lên ánh đèn đêm, mỗi ô cửa sổ hứa hẹn cả tự do lẫn ấm cúng, tự do vì thoát khỏi cuộc đời cũ và ấm cúng trong cuộc đời mới. Hôm nay thậm chí chỉ cần đọc sách là trong tôi đã thức dậy niềm khao khát hướng tới một cuộc đời khác ở một thế giới khác. Chẳng phải vì tôi cảm thấy bị trói buộc trong cuộc đời này. Vợ tôi và tôi chung sống an lành, mỗi người có tự do của mình. Bà ấy lẽ ra có thể đi làm, nếu muốn, và chúng tôi có đủ tiền thuê một vú nuôi. Nhưng bà ấy không thích thế, và thiếu công sức của bà ấy thì các con chúng tôi đã không lớn khôn được như chúng đạt được sau này, có thể cả tôi cũng không. Khi vợ tôi quyết định tham gia bộ máy chính quyền địa phương, không có ảnh hưởng của tôi có lẽ bà ấy không thăng tiến được như thế. Không, tôi không bị trói buộc. Nếu muốn, tôi có thể lập tức bỏ lại tất cả sau lưng, nhà cửa, gia đình, phòng luật, và bắt đầu một cuộc đời mới. Nhưng đồng nghiệp và bạn bè tôi, một ngày đẹp trời bước chân ra khỏi hôn nhân và công việc để tìm thấy người phụ nữ mới trẻ hơn, một công việc khác khá khẩm hơn, một nữ giám đốc công ty tổ chức sự kiện hăm tám xuân xanh thay cho bà nội trợ năm chục tuổi, làm tư vấn dàn xếp hay trị liệu viên thay cho luật sư - được vài năm trong cuộc đời mới họ lại đến đúng điểm ấy của cuộc đời cũ, lại cãi cọ với vợ và lại ngán ngẩm công việc. Không, tôi không bị trói vào cuộc đời tôi, mà suy nghĩ chín chắn rồi mới chọn nó và duy trì nó. Cũng không phải tôi không thể kiếm được cô vợ mới nào trẻ hơn. Tôi không phải minh tinh màn bạc nào ghê gớm, nhưng tôi biết giữ sức khỏe và có điều kiện và có thứ để mê hoặc một cô gái trẻ. Nhưng tôi không thích. Kể cũng lạ, cuộc đời tôi như bị dồn theo con đường tiền định mà đồng thời cũng vô cùng ngẫu nhiên. Quyết định chọn nghề, quyết định lấy vợ, quyết định đẻ con, rồi đứa thứ hai, rồi đứa nữa, quyết định mở phòng luật lớn - tất cả như tự đến. Quyết định chọn nghề vì hãnh tiến, và quyết định cưới vợ vì chẳng có cớ gì mà không có vợ, quyết định đầu tiên dẫn đến phòng luật lớn, còn quyết định thứ hai sinh ra ba đứa con. Ông giám đốc phòng thám tử gọi điện cho tôi hôm thứ Hai. Muốn biết tôi còn ở Sydney không? Tôi có muốn ghé qua chỗ ông? Gặp nhau nói chuyện tốt hơn qua điện thoại. Chủ nhật tôi không rời phòng khách sạn. Tôi không biết vì sao đêm thứ Bảy không chợp mắt được, vì sao tôi xem những phim phải trả tiền trên ti vi của khách sạn, phim hành động, một phim tình yêu và một phim hài, một phim cấp ba, vì sao vừa xem phim vừa uống whiskey, chứ mọi khi tôi chỉ uống bia và vang. Cứ như tôi định uống cho say. Bất luận thế nào thì khi tỉnh dậy tôi cũng say mèm. Tôi ở trên giường và lơ mơ cả ngày. Tôi định gọi điện cho các con, thoạt tiên còn quá sớm, sau đó thì quá muộn. Tôi không nhớ đã từng say rượu bao giờ, nói gì đến cố tình uống cho say. Tất nhiên tôi đã thỉnh thoảng thấy người say; cộng sự Karchinger, được bà mẹ truyền cho tính khí vui vẻ của người vùng Rhin, cũng thường uống quá độ trong các chuyến du lịch cùng công ty và quấy nhiễu mấy cô bé thực tập sinh. Vì thế tôi vẫn hơi coi thường ông. Tôi cũng hơi coi thường vợ tôi khi bà ấy say rượu. Xét về bản tính và hoàn cảnh sống thì vợ tôi không thể là người nát rượu; tôi đã nói rõ điều đó sau vụ tai nạn, không chỉ với cảnh sát mà cả với các con khi chúng trách tôi - tựa như cuộc đời tôi chưa đủ khốn khổ vì bị đảo lộn sau khi vợ chết. Nhưng đôi khi tôi ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của bà ấy, thấy dáng đi và cách nói mất tự chủ của bà ấy. Mỗi lần vợ tôi về nhà giữa đêm hoặc tôi thấy vợ trong tình trạng ấy ở nhà, tôi liền ngủ ở phòng làm việc vì không chịu nổi tiếng ngáy to của bà. Tôi ra khỏi giường lúc chập tối và xấu hổ. Tôi đến phòng thể dục, chạy trên máy chạy bộ và cử tạ. Trong phòng có một mình tôi. Trước tiên tôi tìm nút tắt nhạc, sau đó cả nút kéo mành sáo che nắng lên. Chưa bao giờ tôi thấy cảng và vịnh nước như lúc này. Trời màu sẫm, mây giăng tầng tầng lớp lớp như dãy núi. Chớp giật đùng đùng, khi thì sau mây, khi thì trước. Đôi khi như hàng chữ run rẩy, viền mây lóe ánh sáng xanh và trắng. Mặt biển đen nổi sóng, không có tàu thuyền nào đi lại. Tôi tắm, mặc quần áo, đi thang máy xuống sảnh và ra mặt trước khách sạn. Đường phố cũng trống vắng như mặt vịnh. Một xe cấp cứu hụ còi và bật đèn xoay đi ngang qua, dường như cơn bão đã có nạn nhân đầu tiên. Còn thì tất cả im ắng, lặng gió. Sóng trên mặt biển không do bão quậy tung, mà do biển nấu sục sôi lên. Sự im lặng trước cơn bão làm tôi bức bối, sau đó bão bùng lên như một sự giải thoát. Bão quét qua các phố và quảng trường trước khách sạn, đẩy rác vụn và cốc giấy và lon đồ hộp thành từng đống xoáy tít đuổi nhau và vượt nhau. Không khí trong trẻo, rồi mưa đá đổ xuống, gõ ầm ầm trên mái che cửa khách sạn như muốn xuyên thủng nó. Tôi quay vào trong sảnh và nhìn các hạt mưa đá phủ ngập đường phố, một lớp trắng luôn xáo động bởi các hạt đá ném xuống. Nhân viên phục vụ và khách của khách sạn nói chuyện về trận mưa đá khủng khiếp hồi 1999, về đường kính viên đá, thiệt hại về người và của. Những gì tôi thấy chỉ là cơn giông nhỏ kèm mưa đá. Tôi ra đường khi mưa đá tạnh và chuyển sang mưa thường. Mưa nặng hạt, chỉ vài phút sau tôi ướt đẫm. Nhưng lội qua lớp hạt mưa đá bị mưa làm tan chảy và giậm chân cho nước bắn tung tóe khiến tôi khoan khoái, không thèm để ý đến chân bị ướt lạnh ngắt, cũng chẳng thấy đau bên sườn khi trượt ngã. Tôi bò dậy và đi ra cảng, nhìn mưa và biển và đất và trôi mờ mịt tan vào nhau. Khủng khiếp. Đại hồng thủy. Đã bắt đầu thấy khó chịu vì lạnh và ướt, tôi quay trở lại khách sạn. Tôi kết thúc ngày Chủ nhật hợp lý, đi ngủ ngon lành và bắt đầu ngày thứ Hai hợp lý. Khi ông giám đốc phòng thám tử gọi điện, tôi đặt taxi đi đến đó. Cô thư ký đưa tôi vào phòng ông. Ông bước ra từ sau bàn giấy chào tôi, mời tôi ngồi vào ghế trước bàn rồi lại quay về sau bàn. Ông giống như tôi đã mường tượng từ trước: bụng phệ và đầu hói. Như mọi đàn ông cùng tuổi với tôi có bụng phệ và đầu hói, ông làm tôi tự hào vì bụng tôi không phệ và trán không hói. “Chúng tôi đã tìm được bà ấy.” Ông ngồi lại cho thoải mái và đợi lời khen. Tôi biết điều đó từ các đồng nghiệp. Họ làm cái việc mà họ phải làm hoặc được giao hoặc được trả lương, rồi họ không chỉ đơn giản nộp kết quả, mà họ muốn được mơn trớn và nựng nịu. Thậm chí đôi khi họ còn làm cho người đối diện hồi hộp thêm và bắt người ta phải xin lên xin xuống. Tôi đã triệt được thói ấy của các đồng nghiệp trong phòng. Nhưng chắc không làm được với ông này. Tôi gật đầu tán thưởng và hồi hộp hỏi: “Bà ấy đâu?” “Chuyện không đơn giản. Tuy bà ấy sống hai chục năm nay ở đây. Nhưng…” Ông nghỉ một nhịp, lắc đầu và chỉ nói tiếp khi tôi gặng nhắc lại: “Nhưng?” - “Nhưng bất hợp pháp. Bà ấy là du khách nhập cảnh và không thèm lo giấy phép cư trú, giấy phép lao động, nhập quốc tịch, bảo hiểm y tế, chẳng làm gì sất. Chúng tôi không tìm xem bà ấy ở đâu hai chục năm nay và đã làm gì. Bà ấy hiện sống ở bờ biển, đi từ đây lên phía bắc mất ba, bốn tiếng. Chắc chắn bà ấy có tiền ở Đức, bà ấy thanh toán bằng thẻ tín dụng Đức. Do đó bà ấy lọt qua tất cả các mắt lưới, chứ nếu bà ấy định làm việc ở đây và mở tài khoản và đặt thẻ tín dụng, thì bà ấy phải trình những giấy tờ mà bà ấy không có.” “Bà ấy dùng tên gì ở đây?” “Irene Adler. Adler là họ khai sinh của bà ấy, nghe rất hay ở cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức. Nghe nói tiếng Anh của bà ấy trôi chảy.” “Ông có biết gì về quan hệ giữa bà ấy và Phòng tranh?” “Bà ấy mời ông giám tuyển bức tranh, và ông ấy nhận. Ông ấy xem xét không thấy vấn đề gì; tranh này được nhắc đến trong một danh mục tác phẩm ngày xưa của Karl Schwind và không có trong danh sách tranh bị mất cắp toàn thế giới. Hiện nay nhiều bảo tàng khác đánh tiếng, và tuần này báo The New York Times sẽ viết một bài dài về tác phẩm bậc thầy mới tìm lại được này.” Nghe có vẻ như các thám tử của ông đã tìm được một người ở Phòng tranh, và người đó lạm dụng lòng tin của giám tuyển để xem hồ sơ của ông, sau đó họ xem được hồ sơ của cơ quan nhập cảnh, rồi nghe ngóng thêm ở nơi sinh sống của Irene Gundlach. Tôi mong đợi nhiều hơn thế. Tôi mong đợi được biết Irene đã sống ra sao, bây giờ sống ra sao, hiện tại làm gì. Đồng thời tôi cũng biết là mong đợi ấy thật ngớ ngẩn, vì tôi đâu có hỏi về những chi tiết đó, chỉ hỏi bức tranh có thuộc về Irene và có phải Irene sống ở Úc. Tôi nhận được địa chỉ, Red Cove ở Rock Harbour, cảm ơn và thanh toán. Trên đường về khách sạn tôi mua một chiếc quần vải bông và một chiếc vải lanh, quần soóc và sơ mi. Khách sạn thuê hộ tôi một chiếc xe. Tôi gói đồ, cảm ơn và trả tiền rồi lên xe. Lẽ ra tôi có thể đến Rock Harbour ngay trong ngày thứ Hai. Sau khi hoàn tất mấy cú rẽ và vượt hú hồn, tôi quen dần với cách đi xe lề trái và khoan khoái lên đường xa lộ sáu làn, sau đó đi tiếp đường hai làn song song với bờ biển. Cho đến khi đột nhiên thấy nản vô cùng. Tôi ghé vào vệ đường, dừng lại và ra khỏi xe. Tôi muốn gì ở Irene Gundlach hay Irene Adler? Cho nàng biết là tôi vẫn bị tổn thương? Nói thẳng những gì mà ngày ấy tôi chỉ nói với nàng trong tâm trí? Rằng người ta không được lợi dụng con người như vắt chanh rồi bỏ vỏ? Rằng tôi quá đần và quá vụng về đối với nàng, nhưng tôi yêu nàng, và đừng ai đem tình yêu của người khác ra làm trò đùa? Rằng lẽ ra nàng có thể viết cho tôi một lá thư, đưa ra lời giải thích và làm dịu đi sự tổn thương? Tôi sẽ lại tự làm mình bẽ mặt mà thôi. Đã bốn chục năm trôi qua, và nàng sẽ cho là ngớ ngẩn khi thấy tôi còn bám lấy dĩ vãng. Tự tôi cũng thấy ngớ ngẩn khi thấy nàng còn hiển hiện đến mức nào trong đời tôi. Dường như mới hôm qua tôi còn ngồi trên ghế băng cạnh Irene bên bờ sông Main, dường như mới hôm qua nàng để tôi xuống xe trước khi đến làng. Và dường như, nếu quả thực tôi còn ngồi với nàng trên ghế băng, tôi sẽ trở lại thành chàng trai của ngày ấy. Những chuyện không đi đến điểm kết, chúng sẽ diễn biến như thế sao? Nhưng chúng không tự đến điểm kết, mà ta phải đưa chúng tới điểm kết. Lẽ ra tôi phải đưa giai thoại xa xưa ấy tới điểm kết, lẽ ra tôi phải tạo cho nó một ý nghĩa. Rằng nếu không có Irene thì cuộc hôn nhân với vợ tôi sẽ không mỹ mãn như thế - tôi muốn dụ dỗ mình hãy tin như thế, nhưng sự thực lại không phải thế. Tôi đã an bài thời đi học, những năm lên đại học, mẹ mất, và cha thỉnh thoảng đến thăm tôi ở nhà ông bà nội trước khi chuyển đến Hồng Kông và qua đời ở đó, coi tất cả là những gì đã xảy ra như đã xảy ra và không thể khác được. Vì sao vẫn có gì đó trong tôi đòi hỏi chuyện với Irene lẽ ra có thể diễn biến khác với đã diễn biến? Chỗ tôi dừng xe là một mỏm đồi. Nhìn về phía tây là dãy núi với những bụi cây lúp xúp, những thân cây thẳng tắp và vặn vẹo, cây thẳng thì có gốc sáng màu, trụi vỏ, như trần truồng, như bệnh hoạn. Hướng đông, sau hai quả núi là bắt đầu đại dương. Tôi đi qua đường, ngồi xuống rìa dốc. Mặt biển biến thành nhiều vệt màu, xám và lam, phẳng lặng và cuộn sóng. Ngoài xa có hai con tàu đang đi nhưng lại có vẻ như đứng tại chỗ. Đang đi và vẫn đứng tại chỗ - đó là cảm xúc của tôi. Rồi tôi tự nhủ, hai con tàu chỉ có vẻ như đứng tại chỗ thôi. Có thể cả tôi cũng đứng tại chỗ, mặc dù tôi không có cảm giác ấy. Mặt trời tỏa sáng. Có mùi lá thông và bạch đàn. Tôi cho rằng còn ngửi được cả mùi biển, một thoáng ẩm ướt mằn mặn. Tôi nghe ve sầu ran ran và thỉnh thoảng dưới thung lũng có tiếng cưa máy. Không, tôi không việc gì phải lo nghĩ nữa. Mai tôi sẽ đi đến Rock Harbour, hôm nay tôi tìm một khách sạn bờ biển và ngồi trên sân thượng ngắm cảnh màn đêm buông xuống. Ở Úc vừa còn là ban ngày, mà chỉ vài phút là bầu trời xanh dương ngả màu lam thẫm, rồi đen, và đó là đêm. Rock Harbour có bốn phố, một hải cảng nhỏ với vài chiếc du thuyền và xuồng, một cửa hiệu bán cà phê và nhận phát bưu phẩm, một văn phòng bất động sản và một chiến binh bằng sắt trên bệ đá, nhắc đến những người lính đã hy sinh trong hai chiến tranh thế giới cũng như ở Triều Tiên và Việt Nam. Tôi đi qua các phố vắng tanh, không phải vì còn sớm như tôi thoạt nghĩ, mà vì các ngôi nhà mùa hè chưa có khách trọ mùa hè. Tôi không tìm thấy ngôi nhà hay đường phố nào mang tên “Red Cove”. Tôi vào cửa hiệu hỏi. “Ông đến nhà Airien?” Người đàn ông da trắng bạch, tóc bạc và mắt hồng ngồi bên quầy bỏ sách đứng dậy. Airien? I-re-ne, ba âm ngắn, ba nguyên âm mở, ba nốt nhạc của một bài hát, ba bước của một điệu valse - cái tên muốn được hát và múa lên. Còn “Airien” nhẽo nhèo như bã kẹo cao su. “Bà ấy ở cách đây một tiếng. Ông có thuyền không?” “Thuyền?” “Ông chỉ có thể đi thuyền đến đó. Ông có thể đợi bà ấy ở đây, nhưng bà ấy hai tuần tới đây một lần, và vừa ở đây hôm qua. Không gọi điện được, chỗ bà ấy không bắt được sóng.” “Có tuyến tàu thủy nào ở bờ biển…” Ông cười. “Tuyến tàu thủy? Không, làm gì có. Con trai tôi có thể đưa ông tới đó. Và đến đón ông, nếu ông biết bao giờ cần đón.” “Gọi điện, nếu tôi…” “Không, không gọi điện được.” “Con ông có thể đưa tôi đến đó luôn bây giờ được không? Và tối nay đến đón?” Lần này ông để tôi nói hết câu. Ông gật đầu và mời tôi ngồi ra bàn dưới mái hiên để đợi Mark, con ông. Tôi ngồi nghe ông gọi điện. Rồi ông đem ra hai cốc bia, ngồi xuống với tôi và tự giới thiệu. Ngày xưa ông sống ở Sydney, sau ngán thành phố và chuyển về đây bảy năm trước. Ông yêu biển, yêu sự yên tĩnh, yêu sự thức tỉnh của làng này khi vào mùa, mọi ồn ào trong những tháng mùa hè, khi hết mùa thì nhiều nghệ sĩ và văn sĩ đến thuê cho rẻ, lúc đó lại yên tĩnh trở lại. Tất cả đều đến chỗ ông - các gia đình trẻ, ông bà, bọn mới lớn và các nghệ sĩ. “Sống ở nơi bà ấy đang sống thì tôi chịu. Ở đấy đẹp, nhưng người ta không chỉ sống nhờ vẻ đẹp… không một bóng người… Cớ gì ông đến chỗ bà ấy?” “Chúng tôi đã lâu không gặp nhau.” “Tôi biết.” Ông ta cười. “Không thì ông đã gặp tôi. Ông gặp bà ấy lần cuối là bao giờ?” “Nhiều năm rồi.” Ông không hỏi nữa. Mark đến, đưa tôi xuống thuyền, một cái xuồng máy nhỏ, khởi động và rời bến. Anh đứng trong buồng lái và lái. Tôi ngồi trên ghế băng bên ngoài và ngửa mặt đón nắng gió. Núi và vịnh ven bờ trông giống nhau, thuyền nâng mũi rồi dập xuống đều đặn, động cơ cũng lạch phạch nổ đều như thế. Tôi thiếp đi. PHẦN 2 Tôi thức dậy lúc Mark tắt máy. Thuyền trôi vào một vịnh có cầu bến. Trước khi cập cầu Mark lại nổ máy, lái thuyền về cuối cầu tàu và áp vào bến. “Sáu giờ tối nay?” “Vâng.” Tôi nhảy khỏi thuyền. Mark nổ máy rời bến. Tôi nhìn theo cho đến khi anh khuất hẳn rồi quay lại. Ngôi nhà sát bãi biển có một tầng, xây bằng đá, mái hiên có cột đá chống và mái lợp ngói. Trông có vẻ như ngôi nhà đã đứng đó từ lâu và cũng muốn trụ lại. Tựa như văn hóa và văn minh đã cùng nó chiếm lĩnh một chốn hoang dã và sẽ củng cố và bảo vệ nó. Lúc đi trên cầu tàu về phía ngôi nhà, tôi thấy một ngôi nhà nữa bằng gỗ, hai tầng, xây trên bờ dốc để tầm mắt phóng ra xa. Nó lẫn giữa đám cây nên từ xa không nhìn thấy. Ngôi nhà ở bãi biển trông thiên niên vạn đại ra sao thì ngôi nhà kia đứng tạm bợ trên sườn dốc bấy nhiêu. Tầng dưới đứng trên các gốc cây xiêu vẹo đến nỗi người xem giật mình. Mái và bao lơn võng xuống, vài khung cửa sổ xẹo xọ đến nỗi không thể đóng được cánh cửa sổ nữa. Tất cả các cửa sổ và cửa đi mở toang. Màn cửa bay phần phật ra ngoài một cửa sổ. Cửa ngôi nhà ở bãi biển đóng. Tôi gõ, đợi một lát rồi đi vào một phòng lớn với bếp lò cổ bằng gang, bàn bếp, bàn ăn và mấy ghế đẩu. Tôi qua cánh cửa vào phòng thứ hai kê giường, bàn đêm và tủ. Trông các phòng có vẻ như vắng hơi người - Irene sống mùa hè trên kia, chỉ mùa đông mới xuống đây? Từ phòng lớn, một cánh cửa nhỏ dẫn ra sau nhà và đưa đến một cái bơm nước và phòng vệ sinh nhỏ. Tôi nhìn lên ngôi nhà trên cao. Không có gì thay đổi, cửa sổ và cửa ra vào vẫn mở toang và màn cửa bay lật phật trong gió. Tôi linh cảm là cũng không tìm được Irene trên đó. Tôi có thể đi qua từng phòng và gọi “Irene” xem nàng ở đâu, nhận ra cung cách nàng sống ra sao, nhưng tôi không muốn. Nàng xây sân thượng ở đoạn dốc và làm một mảnh vườn có xà lách, cà chua, đỗ và quả mâm xôi. Bỗng dưng mọi thứ trông vô hồn. Chết chóc. Tựa như người sống ở đây đột ngột ra đi và không bao giờ trở lại. Kệ cho gió lùa qua nhà, kệ cho mưa quất vào phòng, nền nhà mục nát và cột kèo đứt gãy. Màn cửa lật phật khiến tôi nghĩ đến những bức tranh vẽ nhà đổ nát vì trúng bom, phơi ra nội thất với đồ gỗ, tranh và màn cửa. Mặt trời khuất sau mây, gió mát lạnh từ biển, mặt nước trên vịnh xám xịt lạnh lẽo. Tôi chui vào áo len quàng trên vai mà vẫn run. Tôi quàng thêm tấm chăn ẩm sịt tìm thấy trên giường, ngồi ra ghế băng dưới mái hiên, tựa đầu vào tường và đợi. Tôi lại ngủ thiếp đi và không nghe tiếng thuyền của Irene đến. Tôi chỉ nghe Irene khi nàng ngồi cạnh tôi và cất tiếng, “Chàng kỵ sĩ dũng cảm của em!” Tôi cứ nhắm mắt. Giọng nàng hệt như ngày nào, trầm và đục, và cũng như ngày ấy, tôi không thực sự biết có ẩn ý gì trong đó. Nàng cười nhạo tôi ư? Tôi muốn nổi giận nhưng lại không muốn khởi đầu bằng cơn giận dữ. “Dũng cảm? Chàng kỵ sĩ đang mệt, đói và khát. Nàng có đồ ăn uống nào trong nhà không?” Tôi mở mắt nhìn nàng. Nàng cười và nhỏm dậy. Tôi cũng nhận ra điệu cười ấy qua âm sắc và trên khuôn mặt nàng, trong đôi mắt nheo lại và lúm đồng tiền trên má, trong khóe môi nhếch lên. Khi nàng trở lại nghiêm túc, tôi thấy mắt nàng màu xanh xám - ngày xưa tôi chỉ ghi nhận hoặc nhớ lại là chúng có màu sáng. Tôi cũng thấy nhiều nếp nhăn trên trán và trên má nàng, mi mắt nặng nề, nước da héo và tóc đã thưa. Irene đã già, và tôi không chắc có nhận ra nàng khi gặp nhau ngoài phố. Nhưng, giống tiếng cười và giọng nói, tôi cũng nhận ra dáng điệu của nàng khi vén tóc ra sau tai và cách nàng nghiêng nghiêng đầu. Eo nàng đầy đặn hơn, và tôi tự hỏi, phải chăng mấy đứa học sinh nói đúng và phần hông của nàng vẫn luôn luôn khá nở và đùi hơi mập. Nàng mặc quần bò, áo phông, trùm bên ngoài một chiếc sơ mi vải len ca rô như áo khoác. Nàng đặt xô cá mới bắt xuống đất. Khi đường đã bắt đầu dốc, trước tiên là đoạn lối mòn và sau đó là mấy bậc thang gỗ như từ bãi biển lên trảng cát, Irene thở hổn hển, bám vào tay tôi và phải dừng bước mấy lần. “Có lẽ em lại chuyển xuống nhà dưới,” nàng nói khi đã vào nhà, “mùa đông thì lạnh, nhưng mùa hè thì mát rượi.” “Ở đó có lò sưởi mà.” Nàng nhìn tôi chăm chú, tôi không rõ ánh mắt đó vẫn còn dò hỏi hay đã thất vọng, nhưng tôi biết nàng nghĩ gì. Tay luật sư này, nàng nghĩ, không đơn giản chỉ lắng nghe, mà còn phải dạy bảo là mình có lò sưởi, cứ như mình không biết gì. “Một câu góp ý dốt nát.” Nàng mỉm cười. “Trên này thường không cần lò sưởi trong mùa đông. Nhưng dưới đó các bức tường đá ủ khí lạnh. Ngày xưa là trạm bưu điện được xây trước đây hơn một trăm năm cho các nông trại hậu phương. Những nông trại ấy biến mất lâu rồi; đất đai cằn cỗi, nông dân lần lượt bỏ nghề và khu này thành khu bảo tồn thiên nhiên. Em đoán chiếc thuyền chở bưu phẩm cuối cùng đến đây vào dịp Giáng sinh 1951.” Nàng khoát tay một vòng rộng ám chỉ căn phòng chúng tôi đang đứng, khung cửa xiêu vẹo, cửa sổ méo mó, cột nhà đỡ tầng trên cũng nghiêng ngả và cầu thang khấp khểnh. “Anh không cần nói là tất cả sắp sập rồi. Em tự biết chứ. Nhưng cũng còn được vài bữa.” Phòng này chiếm cả tầng dưới, đồng thời là bếp, phòng ăn và sinh hoạt. Bếp lò có sáu chỗ nấu, bàn ăn cho mười hai người và ba sofa - quá lớn đối với Irene. Tôi kìm câu hỏi vì sao lại thế. Tôi hỏi cách đánh vảy cá rồi gọt khoai tây, rửa xà lách và pha nước trộn xà lách. Tôi không biết nấu nhưng thạo các loại nước trộn xà lách. Irene hỏi tôi làm gì ở Sydney, hỏi về vợ con tôi, rằng tôi có hài lòng với cuộc sống. Thực ra tôi không định kể về đời tư nhiều hơn nàng kể về mình. Nhưng nàng xoay ngược các câu hỏi mà tôi đưa ra giữa nhiều câu hỏi của nàng, biến chúng thành câu hỏi ngược lại và không nói nhiều về mình. Tất nhiên, khi chúng tôi ra bao lơn ngồi ăn thì đã có chút thân mật nảy mầm - do cùng nấu ăn và trò chuyện, do những chạm nhau khi tôi đỡ nàng khi lên cầu thang, lấy chai dầu từ tủ trên cao, giúp nàng thông lỗ thoát nước và sửa ngăn kéo bị kẹt. Tôi nhìn thấy trước khi nghe tiếng chiếc thuyền. Cả buổi tối không xem đồng hồ. Khi nghe tiếng động cơ, Irene nói, “Anh không vô cớ đến đây. Anh định bao giờ nói?” “Mai anh quay lại.” “Anh có thể ở lại đây. Trên kia có sáu phòng. Em tìm đồ ngủ cho anh, quần áo mới để thay và bộ bảo hộ lao động để anh không bị bẩn khi giúp em ngày mai.” Tôi ra cầu bến và nói chuyện với Mark. Anh hỏi tôi có muốn đưa chìa khóa ô tô, mai anh sẽ đem đồ đạc của tôi nếu tôi định ở lại lâu. Khi tôi quay lại bao lơn, nàng đã dọn bàn và mở một chai vang chát. “Schwind định giữ lại tất cả các tranh, hay chỉ bức tranh vẽ em?” Tôi quyết định tiếp cận trực diện. “Anh ấy muốn giữ những bức tranh định nghĩa mình ở cương vị nghệ sĩ. Anh ấy không vẽ lúc này một bức và lúc khác một bức, mà muốn đưa ra câu trả lời cho hội họa hiện đại: nó đã làm được gì trong lĩnh vực hội họa tả chân và hội họa trừu tượng, vị trí của hội họa đối với nhiếp ảnh, quan hệ giữa cái đẹp và sự thật.” “Bức tranh vẽ em…” “Nó có nhiệm vụ lật lại Marcel Duchamp. Anh có biết tác phẩm ‘Khỏa thân xuống thang’? Một hình lập thể, chia thành nhiều khoảnh khắc khi đi xuống, lẫn lộn toàn những chân, mông, tay và đầu? Tranh của Duchamp được coi là dấu chấm hết của hội họa, và Schwind muốn chứng minh là trước sau vẫn có thể vẽ được một người đàn bà khỏa thân đi xuống thang.” Tôi không hiểu. “Cái mà Duchamp vẽ, sao có thể được coi là dấu chấm hết của hội họa.” Nàng mỉm cười. “Anh không định tới đây để vỡ lòng về nghệ thuật hiện đại đấy chứ?” Nụ cười của nàng thân thiện. Nhưng sau bức màn thân thiện ấy ẩn chứa điều gì tôi không luận ra. Khinh mạn, chối từ, mệt mỏi? Tôi ngộ ra, khi rất mệt mỏi thì người ta nói là mệt đến chết, còn khi mệt đến chết nhưng tràn trề sinh lực cũng như khi mệt mỏi với cuộc sống thì người ta đã cận kề cái chết. “Anh chỉ muốn hiểu những gì xảy ra ngày ấy. Anh đã làm theo đúng ý em, nhưng em đã lợi dụng anh rồi sau đó lại còn để anh cảm nhận rõ điều đó. Lẽ ra em có thể gọi điện hay viết bức thư hay bưu thiếp. Một khi em đã cho rằng em phải lợi dụng anh và làm tổn thương anh, vì sao em không…” “… tạo một vỏ bọc thân thiện cho hành vi đó, phải không?” Bây giờ giọng nàng rành rành vẻ khinh bỉ. “Đối với Gundlach em là chiến lợi phẩm trẻ trung, xinh đẹp, vàng hoe, và chỉ cái vỏ bọc ấy là đáng giá. Với Schwind em là nguồn cảm hứng, để được thế thì vỏ bọc cũng đã là đủ. Rồi anh xuất hiện. Vai trò đàn bà ngu xuẩn thứ ba - sau chân dài và nàng thơ là công chúa trong hiểm họa. Để nàng không sa vào tay lũ khốn kiếp, hoàng tử dang tay đón nàng. Vì nàng sinh ra để được một người đàn ông dang tay đón lấy mà.” Nàng lắc đầu. “Ngày ấy em không có ý muốn tạo vỏ bọc thân thiện.” “Anh không ép em vào vai trò nào. Khi anh bắt chuyện với em dạo ấy, lẽ ra em có thể vui vẻ từ chối và bỏ đi.” “Từ chối một cách vui vẻ?” “Em cũng có thể từ chối một cách bực bội. Dù thế nào thì em cũng không bắt buộc phải lợi dụng anh.” Nàng mệt mỏi gật đầu. “Phân vai trò khiến em dễ dự đoán được anh, được coi anh như bất cứ ai khác, được lợi dụng anh. Hoàng tử ra tay cứu công chúa - anh cũng lợi dụng em như Gundlach và Schwind mà thôi.” Trong phòng luật chúng tôi có nhiều phụ nữ hơn con số thống kê bình quân. Cùng cố vấn thuế và thanh tra kinh tế, chúng tôi mở một vườn trẻ ở tầng trên cho nhu cầu riêng. Tôi đã hỗ trợ vợ tôi phát triển sự nghiệp và trả tiền học Luật cho con gái sau khi nó đã học Lịch sử nghệ thuật. Không ai cần dạy tôi về lý thuyết nữ quyền. “Em có định dạy khôn cho anh rằng em chỉ có quyền chọn giữa chân dài, nàng thơ và công chúa? Giữa những gì Gundlach, Schwind và anh muốn ở em? Với số tiền của em và công việc của em, em có đủ cơ hội tạo dựng chính mình. Em đừng đẩy trách nhiệm…” “Trách nhiệm? Anh không hề muốn hiểu, anh muốn lên án.” Nàng ngỡ ngàng nhìn tôi. “Anh được lên án em và không phải tự trách mình - đó là cái mà anh thấy có giá trị sao? Những gì anh có trong đời không thể là cớ để anh vô can! Anh đã có công việc, đã yêu, đã kết hôn và có con.” Tôi không hiểu. “Anh chỉ định nói…” “Cả đời liên quan đến luật pháp đã làm người ta trở nên như thế sao? Không quan tâm mình là ai nữa, chỉ cần biết mình có lý? Và người khác không có lý?” Tôi vẫn chưa hiểu nàng muốn gì ở tôi. Đêm đã sập xuống trong vòng vài phút, như mọi khi. Nhưng trời đêm không đen, trăng làm cho lá cây tỏa ánh bạc và mặt biển lấp lánh. Ánh trăng chiếu lên mặt Irene và làm hiện rõ một cách tàn nhẫn từng nếp nhăn, từng vết già nua, từng vẻ mệt mỏi, khiến tôi cảm thấy thương hại nàng - và thương hại chính tôi. Hai chúng tôi đã già, chuyện thì đã diễn ra quá lâu. Sao tôi lại phải đem chuyện cũ ra hành hạ nàng, hành hạ chính tôi! Nhưng tôi không dễ chia tay với câu chuyện ngày xưa. Đúng lúc tôi thú nhận điều đó, nàng nói: “Rất tiếc là ngày đó em đã làm tổn thương anh. Em cảm thấy bị cầm tù đến nỗi chỉ còn muốn bung ra, không quan tâm gì đến mọi điều khác. Nếu em nghĩ lại… anh còn trẻ con xiết bao.” Nếu ngày đó tôi còn là trẻ con, vậy hôm nay tôi là gì? Lúc đã nằm trên giường, lời nói của Irene làm tôi không ngủ được. Dĩ nhiên, so với ngày ấy tôi biết rõ hơn nhiều về con người và cách tiếp xúc với họ, mình nợ họ điều gì và mình không được để họ làm gì với mình, diễn tiến ra sao trong các vụ xét xử và trước tòa. Nhưng ít nhiều tôi cũng biết những điều ấy từ xưa, và lúc ấy tôi không cảm thấy mình là đứa trẻ. Căn phòng nhỏ mà Irene thu xếp cho tôi hướng ra biển. Nếu lắng tai, tôi nghe được tiếng sóng ven bờ trong không gian tĩnh mịch. Sóng rì rào trào lên bãi cát, lúc rút về gây tiếng lanh canh trong sỏi. Phòng ngập ánh trăng, tôi nhìn rõ tủ, ghế, gương. Nếu lắng tai, tôi cho rằng còn nghe được cả hơi thở Irene. Thực ra không thể nghe được, phòng nàng và phòng tôi còn cách một phòng nữa. Nhưng nếu tôi không nghe được hơi thở nàng thì tôi nghe tiếng thở của ngôi nhà, và điều đó lại càng không thể. Âm thanh hít vào và thở ra nặng nề không dứt. Rồi tôi nghe tiếng con thú nào đó bên ngoài, sắc nhọn, rồi tắt ngay, tựa như con thú bừng dậy từ cơn ác mộng hoặc ngây ra vì sợ. Hoặc nó giật mình trước cơn gió đột ngột nổi lên. Không được báo trước, bỗng dưng nó thổi quanh và lắc giật ngôi nhà, khiến cột kèo chuyển động kẽo kẹt. Tôi dậy, đi ra cửa sổ và đợi những giọt mưa đầu tiên. Nhưng trời quang và trăng sáng. Gió không đem mưa đến, chỉ uốn rạp cây cối và khiến ngôi nhà động cựa. Thực sự bí hiểm. Gió không đem mây hay mưa đến, nó không có quyền thị uy mà vẫn thị uy. Nó không thổi vào người tôi mà vây lấy tôi, xuyên qua tôi, để tôi nhận thức được sự yếu nhược đến kiệt quệ của mình, hệt như nó bắt ngôi nhà nhận ra trạng thái xập xệ của nó. Rồi tôi càng thấy mọi thứ bí hiểm hơn. Một hình thù ngồi xổm trên bao lơn và quay mặt sang tôi. Một thằng bé da màu, tóc ngắn, mũi bè và miệng rộng, nó ngồi co đầu gối, mông gần sát trên mặt đất. Tôi nghĩ, mình mà ngồi như nó thì ngã ngửa ngay, và chắc mắt nó nằm thấp vì tôi không thấy lòng trắng đâu cả. Tôi thấy nó nhìn tôi, không động đậy, không sao hiểu nổi. Có nên đánh thức Irene không? Nhưng nếu thằng bé định tấn công chúng tôi, bất kể một mình hay cùng ai khác, hoặc định đốt nhà - thì chẳng phù hợp với dáng ngồi bình thản và trăng sáng và gió rì rào. Tôi không thấy bí hiểm vì sợ, mà vì không hiểu tất cả những sự việc này có nghĩa gì - thằng bé, gió, những gì Irene nói, lý do vì sao tôi còn ở lại đây. Tôi tỉnh dậy khi trời mới mờ sáng. Trên ghế đẩu có bộ đồ bảo hộ lao động, chỗ tối qua để đồ ngủ. Tôi nghe tiếng Irene chầm chậm xuống thang và làm gì đó trong bếp. Trong lúc uống cà phê, Irene giải thích, chiếc xe Jeep của nàng bị xịt lốp, tay quay của kích bị gãy nên tôi phải nâng xe cho nàng đẩy một hòn đá kê và thay bánh xe. “Người ta nói với anh là không có đường đi đến chỗ em.” “Hồi vùng này chuyển thành khu bảo tồn thiên nhiên, người ta không dùng đường nữa và rào chắn đoạn rẽ vào đây. Nhưng đối với xe Jeep thì vệt đường cũ là đủ và có thể đi vòng qua rào chắn. Những người ở đây thì biết cách đi ra, còn người ở ngoài thì, may quá, không biết cách vào.” “Những?” “Còn hai trang trại nữa. Lát nữa em phải đến đó.” Chiếc xe Jeep quá nặng. Khúc gỗ mà tôi dùng làm đòn bẩy bị gãy. Cuối cùng tôi tìm được một ống sắt để nâng chiếc Jeep lên và Irene đẩy một hòn đá xuống dưới. Việc còn lại thì đơn giản, mặc dù tôi không nhớ lần cuối thay bánh xe là khi nào. Trên đường đi tôi hỏi Irene về thằng bé ngồi ngoài bao lơn lúc đêm. Kari đã từng sống ở chỗ nàng trước đây. Thỉnh thoảng nó ghé qua xem tình hình ra sao. Nàng nhận thấy tôi muốn biết nhiều hơn nữa. “Ngày trước em nhận trẻ con cơ nhỡ, bỏ nhà, nghiện rượu và ma túy về nuôi. Không chính thức, không qua sở xã hội hay sở thanh thiếu niên vì em cũng không chính thức ở đây, bọn trẻ con rỉ tai cho nhau biết thôi. Có đứa đến đây vài ngày hay vài tuần để xả hơi đôi chút, có đứa ở lại một hai năm. Một số sau đó đã tìm được đường về, đi học hoặc tìm được việc làm. Những đứa khác quay trở lại đây và tệ hơn lúc ra đi. Nếu chúng chưa đủ mười tám tuổi thì em nhận lại. Mười tám là ranh giới tuyệt đối.” “Em có bao nhiêu trẻ cả thảy?” “Nhà có bảy phòng và mỗi phòng một đứa, hiếm khi hai đứa. Em sống ở nhà dưới.” “Mọi người sống bằng gì?” “Chúng em chăn gà và dê, trồng trọt đủ thứ, các trang trại cũng hỗ trợ và đôi khi bọn trẻ đem đồ ăn cắp về đây. Chúng đã được học cách chia sẻ và không ăn cắp cho bản thân, chỉ cho cả nhóm.” Một cuộc nói chuyện xóc nảy. Irene đi nhanh và chắc chắn, băng qua các lòng suối và vũng nước đã cạn trơ, đôi khi xuyên qua bụi rậm. Vệt đường mòn liên tục biến mất rồi lại hiện ra. Tôi bị ném đi ném lại, chống chân vào thành xe và bám chặt vào ghế, thầm nghĩ nếu chiếc Jeep có mái che hay có cửa thì dễ chịu hơn. Nhưng xe trần trụi, một chiếc Jeep cũ kỹ như trong phim chiến tranh. “Em lấy đâu ra chiếc Jeep này?” Nàng cười. “Ăn trộm. Ban đầu chúng em phải khuân vác tất cả. Rồi một hôm Arunta và Arthur đem chiếc Jeep này về, của một người sưu tầm để trong nhà xe. Hai đứa đã từng ở đây một năm cho đến tuổi mười tám và biết không được ở lại. Nhưng chúng muốn làm cho cuộc sống của mọi người ở đây dễ chịu hơn.” Nàng lại cười. “Em không ưa sưu tầm. Còn anh?” Chúng tôi đến một thung lũng với con sông hầu như cạn nước, đồng cỏ, cây cối và đàn bò núp dưới bóng một cây liễu, trông như tranh Hà Lan thế kỷ mười bảy. Trang trại đầu tiên ở cuối thung lũng. Một căn nhà gỗ lớn, hai nhà kho, mấy thanh niên và nhiều trẻ con, lợn và gà - họ thoáng vẫy tay chào rồi không để ý đến tôi nữa. Irene đi vào nhà, một lát sau tôi vào theo và gặp nàng trong bếp. Nàng đang tháo băng ở vai một cô bé và xem vết thương, bôi thuốc mỡ lấy từ một hộp thiếc rồi cuốn băng mới. “Nó định hích vai vào tường,” nàng nói khi thấy tôi đi vào, “nó sẽ không làm lần nữa. Đúng thế không, cháu sẽ không làm việc đó lần nữa?” Cô bé lắc đầu. Trang trại kia trông như bị bỏ hoang. Một bà già mở cửa, ném sang tôi ánh mắt nghi kỵ và thù địch, nắm tay lôi Irene vào nhà rồi đóng cửa lại. Tôi ngồi trong ô tô, ngắm ngôi nhà xập xệ, nhà kho đổ nát và các dụng cụ gỉ sét, cố cự lại không khí sầu thảm bao trùm lên trang trại và cũng định trùm lên tôi. “Ông ấy không còn trụ được lâu nữa,” Irene nói khi ngồi cạnh tôi. “Rồi sao nữa?” Nàng nổ máy. “Rồi bà ấy cũng không trụ được lâu nữa, sau đó đám thanh niên ở trang trại kia sẽ tiếp quản. Lẽ ra họ nên làm việc đó từ lâu và chăm sóc hai người già luôn, nhưng họ không muốn. Họ ác quá.” Nàng nhún vai. “Những người ở đây cũng chẳng hơn gì người ngoài kia đâu. Ban đầu em cứ tưởng thế, nhưng không phải.” “Em là bác sĩ à?” “Y tá. Đối với đa số trường hợp, thế là đủ. Nếu cần máy móc thì có là bác sĩ cũng bó tay.” Tôi tưởng tượng ra các tình cảnh như viêm ruột thừa, suy tim, ung thư. Tôi tự hỏi, bọn trẻ ở đây học hành ra sao, giấy bút đem qua đường nào đến đây. Những người ở đây còn cần gì nữa từ bên ngoài? Cái gì kết nối những người ở trang trại đầu tiên? Đó là một gia đình trẻ sống cùng một nhà, một công xã, một môn phái? Irene đã đến tìm gì ở đây, và tìm thấy gì? “Em đã lợi dụng những người khác tệ hơn lợi dụng anh.” “Em lấy gì của người ta đi? Tiền? Danh tiếng? Mạng sống?” Tôi nói thẳng tuột mà chẳng suy nghĩ gì, khả năng nào trong đó cũng phi lý như nhau. Nàng cười. Tôi không ưa điệu cười của nàng. Nàng cười như người ta cười về chuyện tiếu lâm dở hay về một trò chơi khăm hoặc một sự bất hạnh lẽ ra phải khiến người ta khóc. Nàng không nói gì. Tôi cũng chẳng biết phải nói gì. Mặc dù chuyến đi trên địa hình này không đòi hỏi chuyện trò, sự im lặng giữa hai chúng tôi vẫn âm ỉ sùng sục. Khi chúng tôi về đến nơi và đỗ xe, nàng vẫn ngồi yên. “Anh giúp đưa em vào phòng nhé? Em không đi một mình được.” Chiếc xe Jeep đỗ phía trên ngôi nhà, và trên đường đi xuống nàng vịn tay phải tôi, nhưng sau đó tôi phải vòng cả hai tay đỡ nàng và đưa đi. Cầu thang trong nhà dốc và hẹp. Irene nói, thường ngày nàng phải bò một mình lên như con chó, hôm nay có thể để tôi bế nàng lên như bế con chó. Tôi bế nàng lên phòng và đặt vào giường. “Xin lỗi,” nàng nói, “em đã làm quá sức. Nếu em làm mọi việc từ từ và chậm rãi thì ổn, nhưng em khó làm được thế. Em làm quá sức, sau đó chân em nhũn ra và không đỡ nổi em nữa, và đôi khi đầu óc em cũng không muốn nữa.” Tôi lấy ghế ra ngồi cạnh giường. “Em bị sao?” “Chàng kỵ sĩ dũng cảm của em,” nàng mỉm cười, “không có gì, không phải cái gì để anh có thể cứu em đâu. Cứ để em ngủ một lát.” Nàng nhắm mắt. Hơi thở nàng đều dần, đôi khi mí mắt giật giật, thỉnh thoảng tay nàng đưa lên bụng, khóe miệng ứa nước miếng. Nàng có mùi bệnh, khác với các con tôi khi bị các bệnh trẻ con hay sau này bị cúm, cảm lạnh hoặc đau bụng. Mùi Irene khó chịu, lạ lẫm, ghê ghê. Tôi còn việc gì ở đây nữa? Tôi đã biết những gì muốn biết. Thậm chí nàng còn hối hận vì đã lợi dụng tôi ngày ấy - tôi còn muốn gì nữa? Tôi khẽ đứng lên rời khỏi phòng, ra khỏi nhà đi xuống bờ biển. Hành lý của tôi nằm trên cầu bến, một mẩu giấy giắt ở khóa kéo. Mark đã tới lúc sáng vì bận buổi chiều và tối, anh không gặp tôi và đón tôi được, nhưng ít nhất cũng mang đồ đạc của tôi tới. Tôi lại ra ngồi ở ghế băng dưới mái hiên trước nhà. Trong lúc tôi ngồi cạnh giường Irene, mây ùn lên. Mây mưa? Tôi thấy lạnh và lấy cái chăn ẩm. Lại ngồi đây, lại run, lại ngửi cái chăn hôi - tôi cảm thấy thời gian ngừng trôi, và tôi cũng dừng theo nó. Không, Irene sẽ không sống ở đây và sống như thế này, nếu nàng lấy được tiền của ai đó. Danh tiếng? Nếu nàng làm ai đó mất mặt và không tờ báo nào đăng tin đó thì cũng chẳng đến nỗi tệ. Còn giết người - nếu có thì tôi đã đọc được trên báo. Hoặc đó là vụ giết người hoàn hảo? Irene? Tôi chưa bao giờ có ý muốn giết ai đó, bất kể là người cạnh tranh hay đối thủ, cả kẻ hãm hiếp hay giết hại trẻ con lẫn Pinochet hoặc Kim Jong-il. Không phải vì tôi tôn vinh giá trị cuộc sống đến thế. Điều đó vẫn là một câu đố đối với tôi. Làm sao có thể đánh giá đúng, khi kẻ bị mất thứ ấy không biết mình mất? Nhưng tôi ghê tởm bạo lực, và đánh hay đâm một người cho đến chết thì đơn giản là kinh tởm. Cũng kinh tởm không kém, khi một kẻ, thay vì đánh và đâm nạn nhân, bấm nút từ xa kích nổ làm tan xác nạn nhân. Thậm chí còn kinh tởm hơn: một hành vi bạo lực, được rũ bỏ mọi xúc cảm và ngần ngại vốn dĩ xuất hiện khi ở gần con người. Tôi cũng chưa bao giờ dính dáng đến kẻ giết người. Phòng luật của tôi không nhận bảo vệ các vụ hình sự. Nhưng đơn giản là tôi không thể hình dung ra Irene là kẻ sát nhân. Nàng biết làm chủ mình, nàng biết đấu tranh. Tôi không nghĩ ra lý do nào thúc đẩy nàng đến hành động giết người. Giả sử, ngay cả khi người đàn ông thứ hai của nàng, như người chồng thứ nhất, chỉ coi nàng như một chiến lợi phẩm, ngay cả khi người tình tiếp theo của nàng lại cũng chỉ định lợi dụng nàng, ngay cả khi tay sếp bị nàng cự tuyệt đã đánh tụt bậc lương nàng hay gã hàng xóm đã gạ gẫm nàng ở hành lang - Irene đều biết cách xử lý tất cả những vụ đó. Giả sử một vụ tấn công hay bức hại nàng kết thúc bằng cái chết của hung thủ, thì đó là hành vi phòng vệ chính đáng, chứ không phải cớ để người ta có thể trách nàng hoặc để nàng phải tự trách mình. Vậy thì nàng đã ám chỉ chuyện gì? Tôi phạm lỗi hệt như ngày xưa. Hồi ấy tôi cho là mình biết nàng là ai, nhưng thực ra tôi chẳng biết gì. Sự gần gũi giữa hai chúng tôi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi. Và bây giờ tôi lại tin lần nữa rằng mình có thể đón bắt được ý nghĩ và cảm xúc của nàng. Và tin là nàng lại gần tôi. Vì sao? Chỉ vì nàng đã trần truồng tiến vào đời tôi? Trên một bức tranh? Tôi đứng dậy, gấp chăn, lên nhà trên và vào bếp. Trong tủ đồ dự trữ có mì ống, cà chua hộp và một lọ ô liu, trên giá gia vị có cá trống và nụ bạch hoa. Tôi nấu kém, nhưng tôi không vội. Khi nghe tiếng Irene dậy và đi đến chân cầu thang, tôi đã bày xong bàn và đồ ăn đã xong xuôi. Tôi đỡ nàng ở cầu thang, đưa nàng lại bàn và múc thức ăn. Nàng ngắm tôi làm. Tôi hãnh diện, nàng nhìn thấy vẻ hãnh diện của tôi và mỉm cười. “Anh vẫn chưa đi.” “Thuyền đến lúc mình đang trên đường, để lại hành lý của anh ở đây và quay về. Bây giờ em phải đưa anh về Rock Harbour.” “Bao giờ?” Tôi nhún vai. “Mai?” “Như anh muốn.” Tôi giận. Chẳng lẽ nàng không thể nói: Anh chưa việc gì phải đi, anh có thể ở lại? “Thực ra ngày ấy có nhất thiết mọi chuyện phải xảy ra như đã xảy ra giữa anh và em? Không thể khác được ư?” Nàng sửng sốt nhìn tôi. “Chàng kỵ sĩ…” “Quên chàng kỵ sĩ dũng cảm đi. Anh đã yêu em. Ngày ấy em nói với anh là anh chưa bao giờ yêu, em có nhớ không, và đúng đấy, anh chưa bao giờ yêu. Với em là lần đầu, và anh đã xử sự không khéo lắm, anh biết, anh không than phiền, vì thế thì buồn cười quá. Anh chỉ muốn biết, liệu ngày ấy lẽ ra anh có thể làm tốt hơn một chút không, và nếu thế thì liệu chuyện giữa anh và em đã diễn biến tốt đẹp hơn.” “Ý anh là, liệu em lẽ ra đã có thể chia sẻ với anh cuộc sống ở Frankfurt với phòng luật và xã hội thượng lưu và tennis và golf và vé xem nhạc kịch cả năm? Em có thể…” “Ta cũng có thể đến châu Mỹ, Hoa Kỳ hay Brazil hay Argentina, và anh có thể hân hoan bắt tay vào học Luật và ngôn ngữ ở đó, và…” “… và chẳng mấy chốc có một phòng luật tử tế và có bạn bè thượng lưu.” “Thế thì có gì sai?” “Anh đã bao giờ làm luật sư cho người bình thường, công nhân, người thuê nhà, bệnh nhân bị điều trị sai, phụ nữ bị chồng bạo hành? Anh đã bao giờ kiện nhà nước, cảnh sát, nhà thờ? Anh đã bào chữa tù chính trị chưa? Anh đã bao giờ dám chịu rủi ro nào chưa? Em đã tìm một người như thế đấy. Một người dám liều chịu rủi ro, một người mà em sẽ cùng họ dám liều, kể cả liều mạng. Hôm qua anh nói gì nhỉ? Sáp nhập và tiếp quản doanh nghiệp? Ai quan tâm đến người nào sáp nhập với người nào và tiếp quản người nào? Thậm chí đến anh cũng chẳng quan tâm. Anh chỉ tận hưởng khả năng của mình, người khác không chơi trò mèo vờn chuột với anh, mà là anh với người ta. Anh tận hưởng tiền mà anh kiếm được, các khách sạn hảo hạng và ghế hạng nhất trên máy bay. Anh đã bao giờ quan tâm, liệu có công lý trên thế giới này?” “Cả việc sáp nhập và tiếp quản doanh nghiệp cũng có thể diễn ra một cách công bằng hay bất công. Hôm nọ anh…” “Anh chưa bao giờ mơ ước nhiều hơn nữa, đúng không? Mơ đến những người bị bóc lột và đàn áp? Nói đi, không phải ngày xưa anh đã như thế này!” Tôi thấy khó xử dưới ánh mắt nàng. Tôi khều dĩa trong đĩa mì rồi bắt đầu ăn. Nàng cũng ăn, nhưng mắt nàng dán vào tôi và đợi câu trả lời. Tôi nên nói gì? Tôi vẫn kiêu hãnh về tài nhận biết những gì khả dĩ thực hiện, và tưởng tượng phá cách nhất của tôi là cùng nàng chuyển đến Buenos Aires và đêm đi bồi bàn ngày đi học - để nhanh chóng ngoi trở lại tầng cao xã hội. Tôi không muốn hình dung ra nếu chuyện không thành và tôi cùng Irene phải sống mãi trong một căn hộ tồi tàn và tôi phải nhận những vụ lặt vặt đủ sống qua ngày và lao vào những hoạt động chính trị mông lung. “Ồ không, anh vẫn luôn như thế. Anh đã từng mơ cùng em đi Buenos Aires và ngày đi học đêm bồi bàn, và để có cuộc đời mới bên em, anh sẵn sàng chăn bò ở đó hay rửa đĩa ở New York hay đốn cây ở Rocky Mountains. Nhưng điểm kết của giấc mơ phải là cuộc sống tốt. Còn những người bị bóc lột và đàn áp - họ phải tự kiếm đường thoát.” Nàng nhìn xuống đĩa. “Ngon lắm.” Chúng tôi ăn, tôi lấy đĩa nữa cho nàng, rót thêm vang và nước. Lát sau nàng nói: “Anh không phải bận tâm đâu. Ngày ấy anh không thể làm khác, vì như vậy anh phải là con người khác.” Sau khi tôi dọn rửa xong và quay lại bàn, Irene đã gục đầu lên tay trên bàn và thiếp đi. Lần trước, khi tôi bế nàng vào phòng, nàng làm mình nhẹ đi, lần này nàng nặng trĩu trên tay tôi. Tôi đặt nàng lên giường, cởi giày, quần bò và chiếc sơ mi dày ra, kéo chăn dưới người nàng ra để đắp lên. Khác với mong đợi của tôi, trời không mưa, và tôi ngồi ngoài bao lơn. Thỉnh thoảng vầng trăng ló ra giữa các đám mây khiến mặt biển lóng lánh, còn thì trời tối đen và ve kêu to như những tán cây đầy chim. Irene đã tự cho mình nhiều quyền phán xét. Lẽ ra tôi phải là con người khác? Lẽ ra tôi phải mơ đến công lý cho những người bị bóc lột và đàn áp, và có lẽ không chỉ mơ, mà phải sống vì mục tiêu đó? Để xây thánh đường của công lý, cần nhiều thợ đẽo đá góp tay, người thì đá khối, người làm chân tường và phào, những người khác chạm hoa văn trang trí và tượng. Đối với tổng thể ngôi nhà thì thợ nào cũng quan trọng như nhau, người thảo cáo trạng và người bảo vệ cũng quan trọng như quan tòa, người soạn hợp đồng thuê nhà hay hợp đồng lao động hay hợp đồng hôn nhân cũng quan trọng như người làm thủ tục sáp nhập và tiếp quản công ty, luật sư của người giàu cũng quan trọng như luật sư của người nghèo. Đúng thế, thánh đường sẽ vẫn mọc lên nếu thiếu công việc của tôi. Cả khi thiếu phào và hoa văn trang trí. Nhưng công việc của tôi là cấu thành trong đó. Tôi hình dung ra một câu hỏi nhạo báng của Irene. Vì sao tôi biết là mình góp tay xây thánh đường, chứ không phải khu chung cư, cửa hàng, nhà tù? Tôi còn nghĩ chuyện khác nữa. Hồi mới bắt đầu ở phòng luật sư Karchinger & Kunze tôi nhận bảo vệ một bạn học cũ trước tòa. Anh ta thuyết phục vài học sinh nam nữ tham gia một cuộc biểu tình và vừa cùng họ rời sân trường thì một giáo viên can thiệp. Do có xô đẩy mà giáo viên đó bị ngã và bị thương. Bạn học cũ của tôi không có tiền trả luật sư? Anh thách thức tôi, rằng tôi không đủ sức nhận vụ bào chữa này? Anh nịnh tôi, rằng tôi đặc biệt phù hợp với vai trò bảo vệ anh? Bất luận thế nào thì rốt cuộc tôi cũng đã nhận làm vụ này. Tôi làm miễn phí, chỉ báo với ông quản lý văn phòng mà không báo cho Karchinger và Kunze. Nhưng họ biết chuyện và rất tức giận. Tôi bảo vệ một người mắc tội phá rối trật tự công cộng - các thân chủ bên giới công thương sẽ nghĩ gì? Tôi phải trả lại vụ này, và dù tôi có người làm thay, anh ta đã bị nhận án. Tôi bỏ vụ bào chữa này đúng lúc giáo viên nọ vừa bị vào bệnh viện và bên cạnh tội phá rối trật tự công cộng mức nhẹ có thể tòa sẽ xử theo hướng phá rối trật tự công cộng ở mức trầm trọng, điều đó gây ấn tượng là tôi tránh né không làm cho bạn cũ và không làm cho công tác bào chữa đơn giản hơn. Nếu tôi được làm, liệu tôi có làm cho thân chủ được tha bổng? Tôi tự tin. Tôi muốn thành công trong vụ hình sự đầu tiên và có lẽ duy nhất của mình và thuê một thám tử tư để phát hiện hôm đó ông phụ trách kỹ thuật của trường đã khơi mào vụ xô đẩy, và người giáo viên có tiền sử động kinh. Tôi cũng báo điều đó cho luật sư thế chỗ tôi, nhưng anh ta không đủ xuất sắc. Có thể một luật sư khác sẽ làm tốt hơn, và đòi nhiều tiền hơn. Tôi hứa sẽ gánh chi phí vụ này cho người bạn học cũ, vốn chẳng có tiền trả cho luật sư làm thay tôi, nói gì đến một luật sư giỏi hơn. Tôi không nợ gì anh ta. Ở trường phổ thông và mấy học kỳ đầu ở đại học chúng tôi quen nhau, nhưng cũng lâu rồi. Anh ta học mãi không xong, còn tôi không muốn phí phạm cuộc đời, và chẳng mấy chốc chúng tôi không còn điểm chung. Dạo ấy các vụ hình sự có màu sắc chính trị thường dẫn đến án nặng, và anh ta bị tù chứ không được hưởng án treo. Có thể kết thúc ấy không tệ lắm với anh, có thể với anh thì bê tha ở ngoài hay trong tù cũng không khác nhau lắm. Tôi không vào tù thăm anh và anh cũng không liên lạc với tôi sau đó. Tôi không rõ về sau anh ta làm gì. Tôi không nợ nần gì ai. Tôi cũng không mang ơn huệ với ai. Nhận được gì thì tôi trả. Ai hào hiệp với tôi, tôi đáp lại gấp hai gấp ba. Tôi có thể nói là trong đám bạn bè và người quen của tôi mọi thứ đều rất sòng phẳng. Trong công việc thì khác, người ta không cảm ơn sự hào hiệp của người khác khi có lợi, mà cảm ơn chính mình. Trời mưa. Tôi không ở ngoài bao lơn được nữa. Tôi đứng trong khung cửa và nghe tiếng mưa tạt, cho đến khi có tiếng động lạ bên trên. Trong phòng Irene gió cuốn màn cửa ra ngoài và quất tấm vải ướt vào tường. Tôi kéo màn cửa vào rồi vất vả đóng cánh cửa sổ xiên xẹo. Irene ngủ không yên. Tôi châm cây nến cạnh giường nàng và lại thấy tay nàng quờ quạng, mí mắt giật giật, mồ hôi đọng ở trán và phía trên môi. Đôi khi nàng lẩm bẩm gì đó tôi không hiểu. Tôi lau mồ hôi trên mặt nàng. Khi đắp lại chăn cho nàng, tôi thấy áo phông và quần lót của nàng đẫm mồ hôi. Tìm bộ đồ ngủ và khăn bông, cởi đồ ướt ra, lau khô và mặc đồ mới - đó là việc phải làm lúc này. Nhưng tôi đứng đó nhìn nàng và nghĩ, mình có nghĩa vụ gì với người đàn bà này. Rồi tôi vẫn làm việc cần làm. Tôi tìm thấy đồ ngủ trong chăn và khăn bông trong buồng tắm. Lúc tôi nâng người Irene lên và cởi áo phông, nàng vòng hai tay quanh cổ tôi, không nói một lời, không mở mắt, không tỉnh dậy. Và khi tôi mặc áo ngủ cho nàng, nàng lặp lại. Chắc nàng chỉ định giúp tôi nâng nàng lên dễ hơn, như nàng đã học ngày là y tá và cũng dạy bệnh nhân của mình, nhưng động tác trẻ thơ và âu yếm đó làm tôi xúc động. Tôi cởi áo phông và quần lót ra rồi mặc đồ ngủ cho nàng sau khi thấm khô người nàng, vai, vú, bụng, đùi. Ngày trước chắc nàng nặng hơn, da nàng quá chùng đối với cơ thể. Tôi lại ngửi thấy mùi của bệnh tật. Thỉnh thoảng tôi nhìn thân thể trần truồng của mình trong gương và thương hại nó. Những gì nó đã trải qua, đã gắng sức, đã tự hành hạ! Tôi không tự thương hại mình, đó là điều đáng khinh. Lòng thương hại không dành cho tôi, mà cho cơ thể tôi. Hoặc cho sự tàn tạ nói chung. Lúc này dành cho cơ thể Irene. Tàn tạ, yếu ớt, mỏng manh xiết bao, mà cũng tin cậy xiết bao khi vòng tay ôm cổ tôi, cơ thể ấy khiến tôi thương hại. Dù vậy tôi giận, vì nàng không mời tôi ở lại lâu hơn. Trong bữa sáng Irene nói đến các kế hoạch trong ngày. Nàng phải tiêm cho ông già. Nàng muốn nướng bánh mì với các thanh niên - thứ Năm là ngày nướng bánh. Nàng không gợi ý đưa tôi về Rock Harbour, và tôi không xin nàng. Khi tôi tiễn nàng ra xe, nàng nói, “Em sẽ quay về đúng giờ như hôm qua, hy vọng với thể trạng tốt hơn. Anh lại nấu nhé?” Tôi lại ngồi xuống ghế băng dưới mái hiên. Khác với hai hôm vừa qua, trời nắng, tôi không lạnh và không cần chăn. Nhưng tôi lại có cảm giác thời gian ngừng trôi và tôi dừng chân cùng nó. Tôi phải quyết định. Tôi phải gọi điện về văn phòng. Tôi phải giao việc. Một phòng luật tốt là phải chạy như cỗ máy, mỗi bánh răng phải khởi động đúng thời điểm, và nếu có một bánh răng hỏng thì có bánh khác vào thay. Một thời gian dài tôi nghĩ mình là dây truyền động, thiếu dây truyền động thì máy sẽ chạy tiếp một lúc, rồi khục khặc, rồi ngắc ngứ, sau đó dừng hẳn. Nhưng làm gì có dây truyền động, chỉ có các bánh răng, thậm chí một bánh răng lớn sắp được thế chỗ bằng một bánh răng lớn khác hoặc vài bánh nhỏ. Nếu thiếu tôi một thời gian dài, phòng luật sẽ không ngừng chạy. Nhưng tôi không thể cứ thế vắng mặt. Nếu sếp không làm ra vẻ như không ai thay thế mình được, các cộng sự sẽ cảm thấy mình là thừa và mất hết động cơ làm việc. Thực ra ai cũng phải làm việc và được phép tự quyết định thời điểm ngừng làm việc, thế mới phải. Từ thời điểm đó, xã hội phải trả cho người đó ba năm liền một khoản tiền đủ sống tử tế và thoải mái. Sau đó người ấy phải chia tay với cuộc đời, tuy nhiên được phép chọn cách chia tay. Tôi biết, sẽ không làm được việc đó. Nhưng nó sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề của xã hội chúng ta đang ngày càng già đi, mà còn cho phép mỗi người chủ động đời mình. Ai không muốn làm việc nữa ở tuổi hăm sáu và định biến những năm cuối của tuổi xuân thành những năm cuối của cuộc đời và tận hưởng thời gian đó, người ấy được phép ngừng làm việc ở tuổi hăm sáu, và ai không thể rời công việc, người đó được phép làm việc lâu như có thể, chỉ phải chịu rủi ro là trở nên quá già trong công việc, không còn sức đâu tận hưởng ba năm tự do của đời mình nữa. Dù thế nào thì tôi không xin gì hơn là ba năm sau khi thôi việc. Tôi không hiểu những người về hưu đi du lịch Trung Quốc và hai ngày đi Thượng Hải, hai ngày Bắc Kinh, một ngày Vạn Lý Trường Thành và năm ngày bãi tắm Thanh Đảo. Trong những chuyến đi xa ấy họ cũng không thấy gì nhiều hơn trên ti vi. Những gì họ đem về nhà kể cho các cụ về hưu khác về miền đất lạ thì người ta đã biết cả rồi. Chuyện gì kể cho các con nghe thì chúng chẳng muốn biết. Khi họ vui sướng gặm nhấm ký ức, vì họ không đi xa được nữa, thì lại quên cả rồi. Đạt được tuổi già để cuối cùng được nhìn thấy thế giới là vô cùng ngớ ngẩn. Và đạt được tuổi già để nhìn lịch sử thế giới vẫn tiếp diễn hay nhìn con cháu lớn khôn cũng ngớ ngẩn nốt. Cố công đọc sách để làm gì, nếu đã biết là không thể đọc đến trang cuối, mà giữa chừng đã gập lại và cất đi? Ba năm đầy ắp những điều ngớ ngẩn như thế là đủ. Ba năm! Tôi nghĩ lung, nhưng không nghĩ ra những trò ngớ ngẩn nào để lấp đầy ba năm. Và tôi cũng không nghĩ ra vì sao tôi không nên làm mấy vụ sáp nhập và tiếp quản công ty nữa. Nhận định kép đó không để tôi yên. Cho đến khi tôi thiếp đi trong ánh mặt trời ấm áp và mệt mỏi vì mặt trời. Chiếc trực thăng đánh thức tôi. Nó không bay đến từ phía bên kia núi, mà dọc theo bờ biển, rẽ vào vịnh và lượn vòng trên bãi biển. Rồi nó lại rời khỏi vịnh như khi vào vịnh. Chiếc trực thăng bay thấp, gây tiếng động ầm ĩ, cánh quạt rú rít và lạch phạch khuấy động mặt biển. Nó không sơn chữ gì, không thể nhận ra là trực thăng của cảnh sát, đội cứu nạn hay của truyền hình. Kim loại lấp lánh, những ô cửa sổ như gương, cú bay là là mặt biển dậy sóng - như một cuộc tấn công. Tôi đứng dậy, lo lắng và rối trí. Đặc vụ? Irene liên can với vụ nào? Nàng ở đây bất hợp pháp, nhưng chẳng vì thế mà đặc vụ cử trực thăng. Nhưng cũng có thể đó không phải đặc vụ mà là tội phạm có tổ chức, dù sao chăng nữa, nàng chắc chắn đã làm gì đó khủng khiếp. Hay trên máy bay toàn các nhà đầu tư đang có kế hoạch biến vịnh này một khu nghỉ dưỡng? Không, vịnh này là khu bảo tồn thiên nhiên, trên trực thăng không có nhà đầu tư nào, mà là các đặc vụ và mafia trong bộ complet hay áo da, cầm laptop hay súng lục hoặc cả hai. Tôi có nên đánh động Irene? Tôi có tìm được đường không? Tôi linh cảm mình không đứng một mình dưới mái hiên. Tôi ngó quanh. Cách đó mấy bước là thằng bé đã ngồi xổm ngoài bao lơn trước đây hai đêm, cặp mắt đen hướng thẳng vào tôi. Kari. Nét mặt nó rất lạ đối với tôi, khiến tôi không đoán ra tuổi. Chắc chắn nó đã trên mười tám, đủ lớn để báo động cho Irene. “Cậu có tìm được Irene không?” “Ông muốn gì?” “Tôi không biết. Nhưng bà ấy nên biết là có trực thăng đến đây.” Nó gật đầu, quay lưng chạy đi, khẩn trương, đều bước, nhẹ nhàng. Tôi nhìn và nghe theo cho đến khi nó khuất sau các gốc cây ở sườn núi. Một thoáng yên tĩnh, rồi tôi lại nghe tiếng sóng đẩy các hòn sỏi va nhau lanh canh khi rút xuống biển. Tôi nheo mắt nhìn lên mặt trời. Chiếc trực thăng quay lại. Tôi nghe tiếng nó trước rồi mới thấy nó. Nó bay đúng hướng ngôi nhà cũ, nơi tôi đang đứng dưới mái hiên, dừng giữa không trung, hạ dần và đậu trên cầu bến. Mặt biển lại sôi lên, rồi động cơ tắt lịm và cánh quạt rủ xuống. Phi công trèo ra trước rồi giúp một hành khách ra khỏi máy bay. Một ông già, xương xẩu, chống gậy, nhưng mái tóc bạc đầy đặn, dáng đi thẳng và rắn rỏi. Gundlach. “Schwind cử anh đến đây hả? Anh lại đại diện cho anh ta? Anh ta muốn bức tranh, đúng không?” Ông ta nhìn thấy tôi, đi về phía tôi, tay chống gậy nhưng đồng thời đầy vẻ mạnh mẽ, giọng nói ào ào. Rồi ông ta đến trước mặt tôi. Tôi bực mình với ông ta. Tôi không ưa ông ta từ khi ông ta khoác tay tôi trong lần tôi đến nhà ông. Trong những dịp gặp nhau ngoài đời, tôi luôn cảm thấy ông ta ngạo mạn, lúc này tôi thấy ông thô thiển. “Ông không đưa anh ấy bức tranh à? Bù lại thì anh ấy đã đem Irene cho ông, người mà ông không giữ được ấy?” Ông ta phì một hơi khinh bỉ. “Trò trẻ ranh. Bức tranh thuộc về tôi. Nó biến mất, và bây giờ lại xuất hiện. Thân chủ của anh…” “Schwind không phải thân chủ của tôi.” “Vậy anh làm gì ở đây?” “Liên quan gì đến ông?” Ông phẩy tay. “Anh vẫn luôn là người mẫn cảm. Khó mà tin anh là luật sư thành đạt. Bao giờ Irene quay lại?” Tôi nhún vai. “Thế thì tôi ngó nghiêng ở đây một chút. Cô ấy đã tìm cho mình một góc rất đẹp, không khách khứa, không ai quấy rầy, trong khi nó không phải của cô ấy. Tôi mà muốn có thì phải đổ mồ hôi.” Ông ta bỏ đi, nhưng quay lại ngay và nhìn tôi chằm chằm. “Anh ở đây…” Ông ta lắc đầu. “Tôi vẫn luôn nghi anh, nhưng tôi không muốn tin là một luật sư như anh mà lại dám làm chuyện ấy…” Ông ta cười. “Ít nhất thì anh cũng có cái mũi thính, thính hơn tôi. Giá mà tôi biết bức tranh có ngày được giá hai chục triệu…” Tôi nhìn theo ông ta đi vào ngôi nhà bên dưới rồi đi ra, trèo cầu thang lên nhà trên và biến mất trong đó. Ông ta tì gậy mạnh lên các bậc thang và sàn nhà; cả khi không nhìn thấy ông ta nữa, tôi vẫn nghe tiếng gậy khua lộc cộc. Rồi im hẳn. Tay phi công ngồi xuống rìa cầu bến, đung đưa hai chân và hút thuốc. Tôi đi đón Irene, trong phạm vi còn nhận ra đường dẫn đến hai trang trại nọ. Rồi tôi ngồi đợi trên một tảng đá. Không gian đầy ắp hương nhựa thông và bạch đàn trong tiếng ve kêu ran ran. Xung quanh khô cằn mặc dù hôm qua mưa, cỏ và bụi rậm ngả nâu, cây cối vươn cành khô quắt lên trời. Tôi nghe tiếng xe Jeep từ xa. Trông Irene vẫn kiệt quệ. Tôi báo cho nàng là Gundlach xuất hiện và nàng không hoảng hốt như tôi chờ đợi, mà trở nên hoạt bát, mắt sáng lên, má ửng hồng và giọng mạnh mẽ. Nàng hỏi hai chúng tôi nói chuyện gì và tôi thuật lại. “Ừ,” nàng cười, “ông ấy như thế đấy.” “Em biết là ông ấy đến?” Nàng gật đầu. “Em đưa bức tranh đến Phòng tranh để dụ ông ấy tới đây?” Nàng nhún vai đánh trống lảng, nửa công nhận nửa phủ nhận, có lẽ bực bội vì chữ “dụ”. “Schwind cũng đến chứ?” “Em hy vọng thế.” “Lúc đưa bức tranh cho Phòng tranh em có nghĩ đến anh không?” “Em có muốn dụ cả anh đến đây không, hả? Em muốn gặp lại Peter và Karl. Em không nghĩ đến anh.” Tôi biết mình không có quyền, nhưng tôi bị chạm nọc. Dù đang căng thẳng lái xe, nàng nhận ra điều ấy và đặt tay lên vai tôi. Tôi cầm tay nàng đặt lại chỗ cũ. “Có gì đâu, em cần cả hai tay để cầm lái.” “Em muốn biết cái gì còn lưu lại. Và cái gì ngày xưa… Em có thực sự chỉ là chiến lợi phẩm và nàng thơ của họ? Họ đã là gì đối với em? Em cho rằng có lẽ em đã yêu sự quyết liệt trong họ, ý chí được ăn cả ngã về không từng giúp Peter ngày càng giàu có và hùng mạnh hơn cũng như khiến Karl muốn vẽ bức tranh hoàn hảo. Cả hai đều là những kẻ bị ma ám, và em đã đi tìm một con ma khả dĩ cũng ám được em. Em được thừa kế, mẹ em cho em muốn làm gì tùy thích, mẹ em chỉ muốn em cũng để mẹ muốn làm gì tùy thích, em học Lịch sử nghệ thuật, làm việc ở bảo tàng, và em nghĩ rằng… Em thực sự nghĩ rằng, với một người chồng đích thực em sẽ tìm được cuộc đời đích thực. Một cuộc đời hàm chứa gì đó cao cả sẽ chế ngự em, và để được như thế em sẽ trả mọi giá.” Vì sao nàng không đẻ con, thay vì sau này đi tìm trẻ con bụi đời? Thay vào đó, tôi hỏi cái gì còn lưu lại. “Gundlach vẫn muốn giàu hơn và hùng mạnh hơn? Schwind vẫn muốn vẽ bức tranh hoàn hảo?” Nàng dừng xe. “Em không biết.” “Và họ vẫn yêu em?” “Thế thì ngốc quá.” Nàng im lặng, rồi nàng cất tiếng, chậm chạp và ngập ngừng. “Nếu vẫn nhận được mặt họ là em mừng rồi. Và nếu em tìm được trong mình lý do em từng yêu họ. Vì sao em rời bỏ họ. Anh đã có một cuộc đời bằng phẳng. Cuộc đời em thì như một cái bình rơi xuống đất và vỡ thành trăm mảnh.” Irene và Gundlach ôm nhau khi chào nhau. Cả hai dồn dập hỏi, cho đến khi cùng phá lên cười vì những câu hỏi đó quá nhiều và quá lớn. Chỉ còn lại những câu đơn giản. Gundlach có ngủ lại đây không? Cả tay phi công? Có đói bụng không? Gundlach gợi ý sai tay phi công chở bữa tối tới đây, nhưng những thứ Irene đặt lên bàn đều ngon lành. Trong khi Irene và tôi nấu nướng, ông ta ra đứng cạnh chúng tôi, chống tay lên gậy, kể về bài báo trên tờ The New York Times và các tin kế tiếp trong truyền thông Đức. Bức tranh “Người đàn bà trên cầu thang” - vốn có chỗ mặc nhiên trong các cuốn tranh của Schwind tuy không bao giờ được trưng bày, và Schwind lúc nào cũng phát biểu mập mờ về sự tồn tại của nó - có một vầng hào quang kỳ bí, biến triển lãm của Schwind ở tận Phòng tranh New South Wales trở thành một sự kiện bom tấn. Gundlach gọi tay phi công đến ăn rồi sau đó lại xua đi. Có vẻ như ông ta cũng muốn đẩy tôi đi nốt. Lúc Irene đặt nến và vang chát lên bàn, ông ta hỏi: “Ta có thể nói chuyện tay đôi được không?” Nàng mỉm cười: “Em không có bí mật nào trước anh ấy.” Câu nói của nàng làm tôi hạnh phúc, dù không đúng sự thật. Gundlach kể về các thành công của mình và của các con mình, về nỗi lo cho tương lai doanh nghiệp và đất nước, về niềm tự hào cho những gì đã làm được trong đời. Tôi chẳng thấy gì là ma ám, chỉ thấy bản tổng kết tự sướng của một công dân tự sướng. Như đã làm với tôi, Irene cũng lật lại các câu hỏi của ông ta về cuộc đời nàng thành câu hỏi ngược lại và không tiết lộ gì về bản thân. Dường như ông ta không lấy làm phiền lòng. Tôi tự hỏi, có phải ông ta - như tôi - quá lịch sự để tỏ ra bối rối, hay ông ta không hỏi dồn vì đằng nào cũng biết hết những gì ông ta muốn biết về nàng. Lần nào ông ta cũng mỉm cười khi thấy nàng né câu hỏi. Sau đó ông ta kể về hôn nhân của mình. Ông ta hạnh phúc, vợ ông là người vợ tốt, một tư vấn viên thành đạt và đồng thời luôn có mặt khi ông cần. Nhưng cô quá trẻ, khiến ông ta cảm thấy mình đã già. Ông ta nhìn Irene. “Hồi đó em cũng trẻ, nhưng bên em anh không cảm thấy mình già. Dĩ nhiên hồi đó anh trẻ hơn bây giờ và độ chênh tuổi cũng nhỏ hơn. Nhưng đó không phải tất cả. Khi anh nhìn em trong tranh bây giờ, anh lại cảm thấy mình trẻ.” Ông ta mỉm cười. “Chúng ta có tranh để níu thời gian lại. Ngày ấy anh nhờ vẽ em để em trẻ mãi và anh trẻ cùng em.” Gundlach vươn người tới cầm tay Irene. “Ngày ấy anh làm sai hết. Em không thể sống với anh. Nhưng em để lại tranh cho anh nhé?” Irene nhìn ra biển. Gương mặt nàng mất hết tươi tỉnh và khí sắc, chỉ còn lại vẻ kiệt quệ và mệt mỏi. Những giờ phút nàng quên đi ốm đau - mà chính tôi cũng không được biết bệnh gì - nay đã chấm dứt. Nàng vuốt tay lên đầu Gundlach như đôi khi vuốt lên đầu con chó ngồi bên cạnh mình, và đứng dậy. Nàng đi không vững, nhưng khi tôi nhỏm dậy định đỡ thì nàng ném ánh mắt từ chối. Nàng không muốn yếu đuối trước mặt Gundlach. “Ngủ ngon nhé.” Nàng chầm chậm đi ra cầu thang và lên trên, dồn sức vào quãng nghỉ dài trước mỗi bước chân để lên bậc mới, bậc nữa, và bậc nữa. Tôi đau đớn phải chứng kiến. “Cô ấy làm sao vậy?” Gundlach thì thào. “Ông tự hỏi cô ấy đi.” Tôi không nhịn được. “Ông hơi khoa trương quá đấy. Kể cũng lạ là ông thành công trong kinh tế và chính trường đến thế. Tôi cứ tưởng ở đó người ta cần chút tinh tế.” “Anh nhìn con người quá đơn giản. Trái tim một thi sĩ và cái đầu một doanh nhân - tôi không định so sánh mình với Rathenau, nhưng hai thứ ấy hòa hợp được, giữa ý muốn được sống với bức tranh và đồng thời muốn có tiền tỉ không có gì mâu thuẫn.” “Ông đã đọc Rathenau?” “Vâng, tôi đã đọc Rathenau và Weber và Schumpeter và Marx, nếu anh biết các tên tuổi đó. Tôi không chỉ có bảng thu chi và tỉ giá trong đầu. Và nếu tôi đoán trúng và ngày đó anh đã giúp Irene, và tôi đem chuyện đó ra trước tòa án thì coi như đã anh hết đời luật sư. Anh nên cầu nguyện để tôi khỏi phải đem vụ bức tranh này ra tòa, không chống lại Schwind và không chống lại Irene.” Ông ta ngày càng cao giọng. Tôi đề nghị ông ta nói khẽ để Irene ngủ. “Cứ việc cho cô ấy nghe những gì tôi buộc phải nói ra. Đằng nào thì ở đây cũng có vẻ như mọi người đều biết hết mọi chuyện; tôi không thể nói chuyện với Irene mà không có anh ngồi cạnh. Ngày mai anh hãy làm một cuộc đi dạo thật thú vị và thật lâu. Anh hiểu ý tôi chứ?” Trong khi tôi ngẫm nghĩ có nên gật đầu, chỉ để Gundlach hạ giọng, thì Kari bước ra từ bóng tối. Nó không có điệu bộ đe dọa mà vẫn toát ra vẻ đe dọa. Nó nhìn Gundlach và đặt tay lên miệng. Gundlach nhìn Kari chằm chằm như nhìn thấy ma. Rồi Kari biến mất, Gundlach hít một hơi sâu và lắc đầu, “Tôi… tôi đi ngủ đây.” Sáng sớm hôm sau không thấy Irene dậy. Tôi tỉnh giấc vì tiếng khua gậy lộc cộc của Gundlach trên các bậc thang, mặc quần áo, tiến ra cửa sổ và thấy ông ta đứng ở bãi cát nhìn ra biển. Chắc tay phi công đã lẳng lặng dậy và ra khỏi nhà. Anh ta ngồi trên cầu bến, thả chân đung đưa và hút thuốc. Có tiếng Irene gọi? Tôi gõ cửa phòng nàng và nghe tiếng nàng gọi yếu ớt “vào đi”. Nàng nằm trên giường, đầu và gối áp vào tường, trông rất mệt mỏi, má hóp vào, tóc bết mồ hôi, khiến tôi chỉ muốn đưa nàng ngay vào bệnh viện bằng trực thăng. Tôi ngồi xuống thành giường và cầm tay nàng. “Em sao vậy?” Nàng lắc đầu. “Em không có bí mật nào với anh cơ mà.” Nàng mỉm cười. “Chỉ một vài bí mật thôi.” “Như với chiếc trực thăng?” “Em dậy ngay đây. Hôm nay. Đem cho em một tách cà phê đặc nhé?” Tôi làm gì cũng sai. Bế nàng lên trực thăng, dù nàng không muốn, và bay đến bệnh viện là sai. Làm cho nàng tỉnh táo bằng cà phê, chạy đi chạy lại cả ngày và đến tối thì mệt lử, cũng sai. Chăm sóc nàng trên giường cho đến khi nàng khỏe lên thì nàng sẽ không chịu. Mặc kệ nàng trên giường, không thèm quan tâm, thì tôi không thể. “Nếu hôm nay Karl đến thì sao? Em có thể nghỉ ngơi khi Peter và Karl đi rồi, mai hay ngày kia. Bây giờ em phải dậy. Giúp em nhé? Em xin anh!” Vậy thì tôi pha cà phê đặc, bưng ấm và tách đến bên giường, lấy cho nàng cái túi da từ trong tủ, trong đó có một cái gương con, một thứ bột trắng, dao cạo và một ống thủy tinh. Và tôi theo dõi nàng hít cocaine vào mũi. Lúc vào buồng tắm tôi còn phải đỡ nàng, sau đó nàng không cần tôi giúp nữa. Nàng từ buồng tắm ra với bước chân nặng nhọc nhưng rắn rỏi và ánh mắt sáng. Nàng sinh động hẳn, như hôm qua, khi Gundlach đến. “Muộn rồi. Em làm bữa sáng. Anh gọi mấy người kia nhé?” Lúc ra bãi biển tôi nhìn thấy một chiếc thuyền rẽ vào vịnh, và khi tôi đến bên Gundlach thì ông ta cũng nhìn thấy thuyền. Nó lại gần, và trước buồng lái bé tẹo là Schwind, và như anh ta càng lúc càng hiện rõ, chúng tôi cũng hiện rõ dần trong mắt anh. Schwind và Gundlach có thì giờ để chuẩn bị đương đầu nhau. Tôi thì chỉ muốn tống cả hai xuống địa ngục. Schwind trèo xuống từ chính chiếc thuyền đã đưa tôi tới đây. Anh ta gật đầu chào Gundlach và tôi, ngó quanh dò xét và bước thẳng tới ngôi nhà trên dốc núi. Anh ta vẫn cao to, dáng điệu thô kệch hơn, nặng nề hơn với cái đầu hói, và tỏa ra một sự mạnh mẽ. Khi Gundlach và tôi vào bếp, Schwind đang ôm Irene. “Em đã trốn đâu? Anh tìm em mãi, lúc nào cũng tìm em.” Rồi anh ta nhìn thấy chúng tôi, thả Irene ra, ra nắm lấy nắm đấm cửa và quát: “Cút!” Irene cười. “Tất cả ngồi xuống đi. Bữa sáng sắp xong rồi.” Dường như nàng tận hưởng mọi thứ, vòng ôm của Schwind, cơn thịnh nộ của anh ta, không khí căng thẳng trong phòng. “Mình định làm gì ở đây nữa? Ta đi thôi, thuyền đang đợi. Ta có thể ăn sáng ở Rock Harbour và bay chuyến đêm từ Sydney đến New York. Anh đã nói chuyện với Phòng tranh. Chỉ cần một câu của em và họ chở ngay bức tranh đi New York, vừa kịp triển lãm sự nghiệp. Em còn nhớ chúng mình đã mơ ước gì không? Triển lãm ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại?” Irene gật đầu. “Chúng mình đã mơ đến lễ khai trương, đến các thuyết trình viên nhìn thấy trong tranh anh các tác phẩm bậc thầy và trong anh một bậc thầy, về sự thán phục của khách khứa. Mình đã mơ về đường về nhà xuyên qua Central Park, về một đêm khách sạn, về Champagner, về bồn tắm to, về chiếc giường to với tầm mắt nhìn ra thành phố. Giờ đã đến lúc rồi đó.” Irene mỉm cười thân thiện, vui vẻ, giữ khoảng cách. “Nghe vui nhỉ.” Gundlach không nhịn được nữa. “Vớ vẩn! Anh đã có triển lãm lớn đầu tiên của mình ở New York trước đây nhiều năm. Có thể anh còn mơ tiếp đến nó. Nhưng anh không thể mơ nữa về triển lãm sự nghiệp đã từng diễn ra ở Berlin và Tokyo và bây giờ đến New York! Anh vẫn mơ nữa ư? Một đồng nghiệp đã miêu tả anh là kẻ tính toán, anh chỉ đùa giỡn với khán giả và thị trường nghệ thuật và giá cả. Tôi là doanh nhân, chuyện ấy chẳng là gì với tôi. Nhưng anh đừng kể chuyện cổ tích cho Irene nghe!” Schwind chỉ chú ý đến Irene. Anh ta nhìn nàng với ánh mắt trẻ thơ và tự tin mà tôi đã biết từ ngày xưa. “Chưa triển lãm nào của anh mà em có mặt, không có tranh của em và không có em. New York tuần tới sẽ là triển lãm đầu tiên mà tất cả đều ổn thỏa.” “Sẽ là triển lãm đầu tiên mà tất cả đều ổn thỏa,” Gundlach nhại lại Schwind. “Anh muốn có bức tranh, còn thì chấm hết.” “Ông ta nói gì vậy?” Schwind nhìn Irene, tựa như hai người đang nghe một thằng điên lảm nhảm. “Anh đã nói chuyện với tay cộng tác viên của bảo tàng và giải thích là em đã bảo quản bức tranh này một thời gian dài và anh hiểu, ông ta không thể gửi bức tranh đến New York nếu không có một lời của em.” “Liên quan gì đến ông ta?” Schwind hất đầu về phía Gundlach. Trước khi Gundlach giải thích cho Schwind có gì liên quan, Irene nhắc đến bữa sáng. “Cà phê đang nóng, thịt muối thì nguội rồi, bây giờ cho trứng vào chảo.” Nàng quay sang tôi, “Anh gọi anh phi công nhé? Và hỏi Mark có vào uống cà phê không?” Khi tôi quay lại cùng hai người thì đang có đình chiến. Gundlach không ngắt lời Schwind khi anh ta kể cho Irene nghe về các tranh trừu tượng của mình, và Schwind không nói leo lúc Gundlach nói về cách giải quyết vị trí kế nhiệm trong sáp nhập doanh nghiệp. Irene áp đảo hai người, và cô áp đảo cả tay phi công, Mark và tôi, đang chuyện trò về điếu thuốc đầu tiên và điếu cuối cùng trong đời. Từ khi đến đây tôi chưa bao giờ thấy Irene sinh động, rạng rỡ và xinh đẹp như lúc này. Cơn hưng phấn cocaine kéo dài bao lâu nữa đây? Sau bữa sáng Mark đi thuyền về nhà. Irene hoặc tôi sẽ đưa Schwind tới Rock Harbour khi hoàn tất công việc. Tay phi công gợi ý đưa Schwind bằng máy bay, nhưng bị Gundlach chặn họng ngay. Chiếc trực thăng do ông ta mướn và phải luôn ở tư thế sẵn sàng, phi công phải lo sao cho máy bay hoạt động bất cứ lúc nào cần. Rồi Gundlach nhìn mặt cả nhóm. “Ta hãy nói chuyện nghiêm túc với nhau đi. Tôi là chủ sở hữu cuối cùng được chứng nhận qua văn bằng. Còn anh, Schwind, anh đã phải mua lại bức tranh từ tôi. Vì sao? Chiếu theo hợp đồng? Quên hợp đồng đó đi. Nó đâu? Chắc chắn anh không muốn nói điều đó trước tòa rồi sau đó đọc trên báo là anh có được bức tranh nhờ đổi cô gái, vì đối với anh bức tranh có giá trị hơn cô gái.” “Báo chí thì tôi bảo gì nghe nấy. Tôi sẽ biết cách trình bày câu chuyện này để người ta phỉ nhổ ông, chứ không phỉ nhổ tôi. Còn bản hợp đồng? Bản hợp đồng ấy trái đạo lý, bây giờ thì tôi đã biết, nhưng bây giờ tôi cũng biết là những gì được tiến hành trên cơ sở một hợp đồng trái đạo lý thì không thể đảo ngược. Ông đã chuyển giao bức tranh cho tôi trong nhà.” “Chuyển giao? Bức tranh vẫn ở trong khuôn viên của tôi, trong tay người quản gia của tôi, đang chuẩn bị chuyển giao cho anh. Nhưng bất thành, vì chiếc ô tô có bức tranh trong đó không còn trong sở hữu của anh, mà trong tay của thằng, à, con ăn cắp, như bây giờ ta đã biết, và kẻ hỗ trợ cô ta.” “Nếu ông cho rằng bức tranh vẫn thuộc về ông, vì sao ông không báo mất? Vì sao bức tranh không trong danh mục các tác phẩm nghệ thuật bị thất lạc?” “Vì sao tôi không báo mất? Ngày ấy tôi đã nghi là Irene đánh cắp bức tranh, và tôi không muốn cô ấy gặp nạn.” “Nếu được ghi vào danh mục báo mất thì có hại gì cho Irene? Và nếu ngày ấy ông không muốn Irene gặp nạn, tại sao hôm nay ông muốn?” “Tôi không muốn cô ấy gặp nạn. Cô ấy chỉ cần nói rõ ở Phòng tranh rằng đó là bức tranh của tôi. Nó có thể treo ở đó một thời gian nữa. Anh có thể mượn để trưng bày trong triển lãm sự nghiệp của anh.” Gundlach quay sang Irene. “Nhưng em phải chấm dứt cái trò mèo này đi.” Ông ta dằn dỗi nhìn nàng, và đột nhiên tôi ngộ ra ông ta nhắm đến cái gì. Nhắm cả đến bức tranh, cả đến tiền. Nhưng còn một thứ khác quan trọng hơn. Gundlach cảm thấy mình thua kém trước Irene đắc thắng, thua kém hệt như ngày xưa, khi nàng bỏ ông ta và ông ta không kéo nổi nàng trở lại. Có thể trước đó ông ta đã cảm thấy không đủ uy lực trước một người phụ nữ chưa bao giờ từ bỏ tính kháng cự, chối từ và ương bướng. Irene là thất bại của đời ông ta, và ông ta đến đây để san bằng tỉ số. Rồi ông ta cười. Một điệu cười bỉ ổi, nham hiểm. “Vậy thì nói lại lần nữa, từng ý một. Nếu anh ta,” Gundlach hất đầu về phía tôi, “vẫn còn bản hợp đồng thì chẳng dại gì tìm lại và trưng ra. Người ta không thảo một bản hợp đồng như vậy, kể cả khi còn là một luật sư trẻ, còn khi đã già thì sẽ ước gì chưa bao giờ viết ra thứ đó. Không, Schwind, hợp đồng ấy chẳng giúp gì cho anh đâu. Nếu anh cho rằng anh có Irene làm nhân chứng - Irene cũng sẽ chẳng giúp anh. Irene, em sẽ không làm nhân chứng trước tòa. Em sẽ…” “Anh nói đúng. Em không ra trước tòa đâu.” Nàng đứng dậy. “Bức tranh…” Nhưng Gundlach không để mất thế thượng phong của mình. “Người ta truy nã em ở Đức, và cũng sẽ truy nã em ở đây, nếu biết em ở đây. Anh không rõ vì sao không ai phát hiện ra em. Vì em chưa bao giờ bị bắt và chưa bao giờ, nói thế nào nhỉ, bị lăn tay chụp ảnh chăng? Vì cảnh sát không có ảnh chụp tử tế nào của em, ngoài bức hình do máy bắn tốc độ ghi lại mà trên đó em nhuộm tóc, đeo kính đen và cúi đầu? Nhưng anh thì nhận ra em trên tờ thông báo truy nã, và nếu em xuất hiện thì cũng có những người khác nhận ra em.” Irene không trả lời. Nàng tuyệt vọng nhìn Gundlach, tựa như không biết nghĩ gì về tiết lộ của ông ta hay nghĩ gì về ông ta hay về chính mình. Rồi nàng mỉm cười nhún vai. “Anh có định tố giác em không?” “Em đã làm gì hồi đó? Em biết bọn anh sống như thế nào, ăn ở như thế nào, đi lại ở đâu - các bạn em rất cần em.” “Bọn anh?” Irene nhìn Gundlach giễu cợt. “Anh biết em. Anh biết tính ương ngạnh của em, sự đối đầu, ý chí vùng dậy của em. Em không chỉ nhắm đến anh và anh ta,” ông hất đầu chỉ Schwind, “và anh ta,” ông chỉ vào tôi, “em muốn trừng trị tất cả. Em đã đi xa đến đâu? Em định một ngày đẹp trời nhấn chuông cửa, như thể mọi chuyện sẽ ổn thỏa trở lại? Rồi trước tiên bắn chết Hannes, sau đó đến anh?” Gundlach càng nói càng hăng máu. “Hannes mến em, ông ấy làm quản gia cho anh, nhưng ông ấy mến em hơn anh, và tất nhiên ông ấy sẽ mở cửa cho em vào nhà, và em sẽ dễ dàng bắn hạ ông ấy… hay bắn anh trước, bắn ông ấy sau…” Gundlach nhìn Irene, như thể lúc này nàng cũng đang đe dọa ông. “Anh nghĩ là em muốn bắn chết anh?” “Nếu em không bắn thì các bạn em, với sự trợ giúp của em. Em tưởng anh không nhớ nữa? Anh nhớ tất tật, nhớ rằng em căm thù cuộc sống của bọn anh, nhớ giấc mơ của em được toàn tâm toàn ý phụng sự sự nghiệp lớn, được góp tay ở nơi thực tại sôi động nhất - em nhớ chứ? Và khi anh hỏi em, với lập trường ấy em sẽ làm gì dưới thời Hitler hay Stalin, em mắm môi không đáp. Rồi em nghĩ, hạ sát người đàn ông mà đằng nào em cũng đã rời bỏ - đâu phải là đòi hỏi quá cao cho cách mạng!” “Chẳng ai định giết anh cả. Chẳng ai thấy anh đủ nặng ký. Anh…” Gundlach bật dậy. Ông ta chống hai tay lên mặt bàn, nhao người về phía Irene và xẵng giọng: “Nếu các bạn em thấy anh đủ nặng ký thì sao? Thì sao? Em sẽ đồng tình chứ? Em sẽ bóp cò chứ?” Tôi luôn chậm chạp, nhưng Schwind cũng không làm gì, chỉ giương mắt nhìn. Kari nhảy vào. Không biết lúc đó đang ở đâu, nhưng nó nghe rõ sự kích động của Gundlach và cho rằng Irene bị đe dọa. Kari lẻn vào sau lưng Gundlach, nắm cả hai vai ấn ông ta xuống ghế. Mặt Gundlach trắng nhợt, ông ta run lên và cố lấy hơi - tôi không biết cơn suy tim ra sao, nhưng tôi hình dung nó đúng là như thế. Irene đứng dậy, tiến đến Gundlach, cầm tay ông ta đo nhịp tim và lắc đầu: không sao cả. Nàng quàng tay ôm ông ta. Không ai muốn lên tiếng. Schwind nhíu mày quan sát cách Irene ôm Gundlach trong tay. Nước biển ào qua sỏi và có tiếng chim kêu bốn tiếng một, lặp đi lặp lại. ẳ “Em sẽ chẳng động đến anh. Dù cuộc đời có điên rồ chăng nữa, dù em có điên rồ chăng nữa…” Irene lắc đầu. “Em mất phương hướng, em vùng ra khỏi mọi thứ chế ngự và trói buộc em. Sống như cơn nghiện. Sau đó em như trong lúc cai nghiện, mất ngủ, mạch đập dồn, mồ hôi như tắm. Cho đến khi cả những chứng ấy cũng qua đi, để lại một khoảng trống lớn. Cái gì cũng lùi xa lắc xa lơ, màu sắc mờ ảo, âm thanh nghẹt đi, và em không cảm nhận được những cảm xúc của mình nữa. Trừ sự giận dữ. Trước đó em không biết là mình có thể giận dữ tới mức ấy, có thể hét lên, đấm lên mặt bàn và lên tường, rồi cuối cùng khóc òa lên, khóc vì giận dữ…” Nàng thả Gundlach ra, ông ta đã bình tĩnh trở lại. Nàng nhìn chúng tôi, lần lượt từng người một, và nhận ra vẻ bối rối của chúng tôi trước lời bộc bạch đột ngột. Nàng ngồi xuống và cười. “Thế đấy, ở Cộng hòa Dân chủ Đức màu sắc cũng mờ ảo hơn bên Tây. Vữa trên tường nâu màu cát của Brandenburg, những ngôi nhà cổ bằng đá không bao giờ được cọ rửa, những toa tàu xanh cũ mòn của công ty đường sắt Reichsbahn, những lá cờ đỏ và băng rôn khẩu hiệu phai màu. Nhưng cuộc sống ở đó là phao cứu tinh của em. Sau những năm điên rồ, sống ở đó như trong an dưỡng đường, có thể ở đó thiếu nhiều thứ, nhưng thừa bình an. Không có màu nào chói mắt, không có nhạc khiến ta ngây ngất, không có áp phích khêu gợi trên tường, không có đồ hạ giá để săn lùng. Trong an dưỡng đường không có gì thay đổi, thực sự thay đổi, và mọi quá trình ở đó thì ngày nào cũng giống ngày nào.” Gundlach làm động tác phẩy tay chối bỏ. “Em không định làm cho mọi người…” “Em không muốn kể chuyện cổ tích. Ở đó có sự o ép, thói lười nhác, hoàn cảnh thiếu thốn - em không định kể chuyện cổ tích cho mọi người. Nhưng em không thấy khổ. Ở đó… ở đó… giống như đến thăm nhà người Amish. Người Amish có thể bỏ đi, bên đó không thế, nhưng họ cũng sống tằn tiện, và em không muốn bỏ đi. Em hài lòng với thời gian ngừng trôi, cuộc sống bình yên, không có sự kiện giật gân. Ăn mừng nhà cuối tuần mới xây xong, dù phải vận dụng đủ mẹo mới kiếm đủ vật liệu xây dựng và cả gia đình lẫn bạn bè phải góp một tay. Hay cả tổ lao động cùng đi Berlin xem nhạc kịch. Trong kỳ nghỉ thì chèo thuyền chở lều xuyên qua Spreewald. Đọc các tác phẩm cổ điển dễ kiếm và các sách khác khó kiếm hơn - đối với em thế là đủ.” Schwind cười nhạo. “Một phong cảnh sến hữu tình thời Biedermeier?” “Có thể,” Irene cười theo, “có lẽ so sánh đó không tồi. Thời Biedermeier cũng không có tự do chính trị.” “Nhưng có đồ gỗ đẹp, du lịch sang Pháp, ai có điều kiện thì qua Mỹ.” “Em không cần đồ gỗ đẹp. Em không phải du lịch lấy được,” nàng lại cười, “trừ phi em bị bắt buộc. Em yêu phong cảnh ở đó, những cảnh vui tươi bên sông Saale và Unstrut, cảnh sầu muộn ở Mecklenburg và Pommem, và thậm chí cảnh lở loét của vùng khai thác than nâu lộ thiên. Em cũng yêu mưa phùn mùa hạ oi bức ở Bitterfeld, như sương mù từ ẩm ướt và khói và hóa chất. Và mưa xuân chảy trên đường sá hư hỏng, cuốn đi mọi rác rưởi của mùa đông đọng trong ngóc ngách. Em yêu tàu điện, cũ kỹ, nhưng vẫn được phép là tàu điện chứ không phải quảng cáo cho Coca Cola và tất lụa. Em sống ở đó với một họa sĩ. Cuộc sống thường nhật khắp nơi không chỉ có sướng và khổ, công lý và bất công, mà có cả mặt đẹp. Xấu cũng có, nhưng em vui sướng với cái đẹp từng tồn tại ở đó và sẽ không bao giờ có lại nữa.” “Vì sao em không ở lại đó?” “Anh biết rồi mà. Từ 1990 trở đi không có cái ‘ở đó’ nữa. Chỉ còn ‘ở đây’ với hình ảnh người phụ nữ với tóc nhuộm và kính râm.” “Tại sao em không bị bắt?” “Như những người khác? Vì bức tường vừa đổ là em đi ngay. Em để đồ đạc ở chỗ mẹ, cả hộ chiếu cũ được cấp năm 1980 và có giá trị đến 1990, vừa vặn đủ để sang đây. Em chưa bao giờ bị truy nã với tên thật, cho đến khi nước Đức thống nhất, vẫn chỉ có một tấm ảnh và bí danh cũ.” Nàng đứng dậy. “Em phải đi nằm, đừng giận em. Ta gặp nhau lúc năm giờ, uống chút khai vị rồi cùng ăn nhé? Anh gọi trực thăng đem đồ ăn về đây như đã mời hôm qua? Đỡ em lên cầu thang đi?” Tôi giúp nàng lên cầu thang và lên giường. Nhìn vào túi da tôi biết nàng có đủ cocaine cho tối nay và sáng mai, thậm chí lâu hơn. Nàng ngủ trước khi tôi ra khỏi phòng. Tôi nhớ lại bức thông báo truy nã vẫn treo ở các cơ quan nhà nước và trạm bưu điện một thời gian dài, được lồng cả vào chương trình thời sự trên ti vi. Tôi chẳng bao giờ chú ý xem. Dưới đầu đề “Các khủng bố viên” có hình Irene? Tóc nhuộm, kính râm, đầu cúi? Bị truy nã với tội danh giết người, phạm tội bằng thuốc nổ và cướp ngân hàng? Hứa thưởng cho thông tin? Không, tôi không nhớ. Vợ tôi không nhớ nổi mặt. Sau này tôi biết hội chứng mù mặt là một lệch lạc tâm thần như loạn chức năng đọc và thiểu năng tính toán. Chứng mù mặt khiến người ta không thể tiếp nhận chi tiết các khuôn mặt và cũng không nhận lại được. Trên chính trường, đó là một thiệt thòi lớn. Vợ tôi mất rất nhiều công sức để không làm những người mà bà gặp trong công tác quản lý địa phương phải tự ái. Vì chưa biết đó là một lệch lạc tâm lý, vợ tôi thường tự trách mình và tự coi mình là người tồi, không để ý đúng mực tới người xung quanh. Tôi không hề có vấn đề tương tự. Tôi không thấy Schwind và Gundlach trong bếp, cũng không ngoài bao lơn. Sau đó tôi nghe tiếng họ ở bãi biển, dù không hiểu họ nói gì. Chắc họ ngồi ở ghế băng sát bờ biển. Họ không cãi cọ nữa. Nghe như họ đang dịu đi. Phải chăng Irene cũng là thất bại của đời Schwind, như với Gundlach? Liệu ngày ấy ông ta có nghĩ là có thể sở hữu cả hai, bức tranh - vì đó là món nợ của Schwind, và Irene - vì nàng thuộc về ông? Rồi sau đó Irene đã lấy đi của ông ta cả hai - cướp của ông ta bức tranh và không quay về với ông ta? Tôi nhớ đến ông tôi, thỉnh thoảng ông kể, ông lại mơ đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Dạo ấy tôi không muốn tin là sự kiện xa xôi ấy, sau một cuộc đời dài, lại có thể hiển hiện rõ ràng như vậy. Ông tôi làm bài thi không khó khăn, đi học bác sĩ, mở phòng mạch đông khách - và mơ thấy kỳ thi tốt nghiệp? Schwind là họa sĩ đương đại danh tiếng nhất và đắt nhất, được các học trò tôn kính, các nhà phê bình nịnh bợ và đàn bà vây kín - và đau khổ bởi một thất bại vớ vẩn trước đó mấy thập kỷ? Và Gundlach, một người thành đạt, có tiền như núi, cha của hai đứa con tài giỏi, hôn nhân hạnh phúc - mà không vượt qua nổi thực tế là cô gái Irene cứng đầu cứng cổ đã bỏ mình ngày xưa? Hay chính những thất bại nhỏ lại là những thất bại mà ta không quên nổi? Vết xước đầu tiên trên ô tô tuy nhỏ nhưng đau hơn các vết to hơn sau này. Những dằm nhỏ khó nhể ra hơn dằm to, khêu mãi bằng kim cũng vô ích, mà phải đợi cho đến khi nó mưng mủ và bị đẩy ra. Những thất bại lớn sớm sủa đẩy đời ta vào một hướng mới. Thất bại nhỏ không làm ta thay đổi, nhưng chúng bám theo ta và hành hạ ta, như những cái dằm nhỏ găm trong thịt. Rồi có cơ hội vẫy gọi khắc phục thất bại ấy, cơ hội gần lắm, song chỉ là dối trá và ảo ảnh - giờ thì tôi bắt đầu hiểu Gundlach và Schwind. Không phải tôi cảm thấy đồng điệu với họ. Những gì tôi trải nghiệm với Irene ngày xưa không hề giống những gì họ trải nghiệm với nàng. Lúc tôi đến chỗ họ ở bờ biển, họ đang nói chuyện về con cháu. Họ có bao nhiêu đứa, chúng lặn lội trong đời ra sao, những đứa nào thành đạt - thoáng trong nửa giây tôi có hứng nhập bọn và ba hoa về con cháu mình. Có một điều làm tôi bận tâm từ khi Schwind đến đây, và tôi hỏi: “Anh vẫn luôn giữ quyền quyết định sẽ làm gì với tất cả các bức tranh của mình - bán cho ai, cho ai mượn?” “Gì cơ?” Anh ta ngơ ngác nhìn tôi. “Ngày trước anh có nói với tôi, anh không để xảy ra lần nữa những gì đã xảy ra với bức tranh Irene. Anh sẽ nắm quyền khống chế các tranh…” Schwind lắc đầu. “Tôi nói thế thật sao? Câu ấy hợp với anh hơn, anh là người ghi chép mọi chuyện với con mắt luật gia. Tôi không cần khống chế các tranh của tôi.” Anh ta cười. “Tranh của tôi khống chế người xem nó là đủ.” Gundlach cười khinh mạn. Tôi không biết sự khinh mạn đó dành cho Schwind hay cho tôi. Tôi không muốn bực mình. “Một giờ rồi. Ta gặp nhau năm giờ để uống khai vị. Ông có định bảo phi công đi luôn không?” Gundlach phẩy tay. “Anh có muốn lo vụ ăn uống không? Bảo tay phi công gửi biên lai vào hóa đơn phòng tôi.” Tôi bay cùng. Trực thăng bay dọc bờ cát, phía dưới là biển với những con sóng bạc đầu lăn tăn, lấp loáng dưới nắng và mờ mịt dưới bóng mây. Bên trái là núi và cát, đất xanh và nâu, làng xóm và đường phố. Tôi nhìn thấy Sydney từ xa, thành phố tràn ra tận biển. Tiếng động cơ ầm ầm dù chúng tôi đeo tai nghe bảo vệ, nhưng sau cuộc chuyện trò trong bữa sáng về điếu thuốc đầu tiên và cuối cùng chúng tôi cũng chẳng còn gì để kể. Đằng nào thì tôi cũng chỉ thích nhìn xuống dưới. Nhìn từ trên cao cái gì cũng đẹp, nhà cửa, vườn tược, ô tô, công viên, bãi tắm, những du thuyền với cánh buồm sặc sỡ no gió và người. Rồi chúng tôi bay trên những danh lam thắng cảnh của thành phố, cầu cảng, Nhà hát nhạc kịch, Vườn Bách thảo. Trên đồng cỏ lớn cạnh Nhạc viện có nhiều người nằm trên thảm cỏ - lẽ ra có tôi trong số đó. Trực thăng không hạ xuống một mái nhà cao tầng như tôi hình dung, mà bên rìa ga hàng không. Trên taxi tôi được biết tay phi công là đầu bếp nghiệp dư. Anh ta giảng giải cho tôi về thịt của cá chẽm, cá sấu và chuột túi, về các món ngọt của Úc, các loại nho và vùng trồng nho Úc, và rất vui được quyết định thực đơn. Trứng cá, cá chẽm với nấm đông cô, thịt chuột túi với quả macca, bánh kem chanh leo, kem Granny Smith, Champagner, Sauvignon Blanc và bộ ba Cabernet Sauvignon, Merlot, Shiraz. Những gì không nấu sẵn ở đây, vì sợ bị nguội, thì anh ta sẽ làm trong bếp của Irene - tôi hoan nghênh mọi đề nghị. Tôi để anh ta thảo luận với đầu bếp, ra ngồi ngoài sân thượng khách sạn và ngắm hải cảng. Tôi phải gọi điện. Cả khi các con tôi không lo lắng vì tôi và có lẽ cũng chẳng nghĩ đến bố, chúng cũng nên biết tôi đang ở đâu. Ở châu Âu lúc này là sau năm giờ sáng, quá sớm để đánh thức đứa nào đó dậy. Trong gia đình tôi mọi thứ đều có trật tự của nó; không gây ồn ào, không tiệc tùng phá phách, không nằm ườn biếng nhác, làm việc nhiều như có thể và nghỉ ngơi nhiều như cần thiết, ngày là ngày và đêm là đêm. Trẻ con phải ngủ. Nhưng tôi có thể gọi ông quản lý văn phòng; về nhà ông cũng làm việc cho văn phòng. Ông đã dậy từ lâu. “Ông ốm à? Ông chưa biết khi nào có thể bay được? Bác sĩ nói là không có gì đáng ngại à? Khó gọi lại cho ông à?” Đường điện thoại rất kém, và ông hỏi lại để cho thấy đã hiểu chính xác lời tôi. “Gọi điện cho các con ông?” Ông sẽ gọi điện, và ông chuyển lời tôi chào mọi người. Tôi tắt điện thoại. Tôi chưa bao giờ có và cũng chẳng muốn có thuyền; biển, bến bờ lạ và cảng mới chưa bao giờ hấp dẫn tôi cả. Nhưng lúc này tôi có cảm giác thăng hoa như vừa cởi dây buộc thuyền với cuộc điện thoại. Phi công phụ trách nấu ăn. Phải chế biến nấm và quả macca, cá chẽm và thịt chuột túi. Tôi trải bàn ngoài bao lơn, bày trứng cá với kem sữa chua, chanh, hành và trứng, tìm được một bình lớn thay cho xô làm lạnh Champagner với đá viên từ túi bảo ôn của khách sạn. Trên đường từ khách sạn tới máy bay tôi đã mua một bó hoa hồng đỏ, vàng và trắng. Tôi mặc chiếc quần vải lanh mới và sơ mi mới, và đứng ngoài bao lơn đúng năm giờ mười lăm khi Gundlach và Schwind về, mỗi người từ một phía khác nhau. Irene xuất hiện. Nàng không gọi tôi đỡ, và tôi không hỏi; hôm nay là tối của nàng, sân khấu của nàng. Nàng thanh thản đi ra bao lơn, áo quây đen và váy dài đen, tóc búi cao, môi son, dây chuyền ngọc trai hai vòng trên cổ. Nàng rạng rỡ, tươi cười, tận hưởng sự thán phục của mọi người, nhận một ly từ tay Gundlach, để tôi rót rượu, còn Schwind lấy kim băng từ túi áo ra như nhà ảo thuật và cài lên ngực nàng một bông hồng trắng. Trứng cá tươi rói, cá chẽm mọng sốt, thịt chuột túi mềm, và cuộc trò chuyện đi từ mục vô thưởng vô phạt này đến mục khác. Cho đến khi tôi hỏi Irene, “Bây giờ em biết chưa? Còn lại cái gì? Em đã nhận lại được họ chưa? Em đã tìm lại được những gì trong họ mà em từng yêu? Và lý do em bỏ họ?” Tôi không đoán được ánh mắt Irene nhìn tôi. Dường như tôi lôi phắt nàng khỏi cơn mơ? Dường như nàng không hiểu được lý do tôi thọc mũi vào? Còn Gundlach và Schwind thì rõ ràng rất sửng sốt, và tôi hiểu họ, vì từ khi họ đến đây tôi hầu như không lên tiếng. “Ồ, có chứ,” nàng mỉm cười. “Em lại nhận ra bàn chân của Karl, to và khỏe, đủ để đứng vững trên thế giới này. Em lại nhận ra tính khí ào ào và tự tin, và em nghĩ, giữa hai đức tính đó em sẽ được bảo vệ. Em lại nhận ra ý chí và sức mạnh của Peter, và lúc này, khi Peter phải chống gậy, sự xuất hiện của anh với cây gậy có âm hưởng như ngày xưa với đôi giày mà thợ giày đã đóng miếng sắt vào gót. Em nhớ, hai người đều giàu kỳ vọng xiết bao. Hồi ấy em thường cảm thấy mình quá trẻ trước họ, là con gái chứ không phải bạn đời của họ. Bây giờ thì em cảm thấy mình gần như là mẹ họ. Em thấy họ đã bước ra thế giới và thành đạt, em vui lắm. Và ngày ấy em bỏ họ là đúng. Khi các con đã phương trưởng thì người mẹ phải ra đi.” “Người mẹ…” Ánh mắt Irene bảo tôi đừng nói tiếp, đừng đặt câu hỏi nghi vấn về các vai trò của nàng, vai trò làm mẹ mới có - bên cạnh vai trò cũ là chiến lợi phẩm và nàng thơ. Phải chăng nàng chỉ đơn giản muốn đẹp, muốn được thán phục và tận hưởng buổi tối nay? “Ngày ấy em không bỏ bọn anh như người mẹ muốn thả các con đi ra thế giới. Em không dụ mọi người về đây để nhớ lại chân anh ta và giày của anh. Anh ta vừa hỏi gì?” Gundlach hất đầu chỉ tôi. “Còn lại cái gì? Em có thực sự muốn biết còn lại gì từ những năm chung sống của chúng mình? Và từ những năm với anh ta?” Bây giờ ông ta hất đầu về phía Schwind. “Một giai thoại, thế thôi. Nó bắt đầu một cách ngẫu nhiên, nếu như hôm đó em không tình cờ có mặt ở Stadel, khi nhóm người Nhật cần hướng dẫn mà hướng dẫn viên không đến… Và nếu họa sĩ kia không đi Rome để anh giao việc cho anh ta chứ không cho người này,” ông ta chỉ lần nữa về phía Schwind. “… Và nếu anh ta,” ông lại chỉ tôi, “không đảo lộn mọi thứ lên… Giai thoại bắt đầu một cách ngẫu nhiên, kết thúc tình cờ, xảy ra từ lâu rồi, và cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Có thế thôi…” “Ông nhìn cả cuộc đời ông như thế sao? Như một chuỗi giai thoại?” Gundlach bất ngờ bởi câu hỏi, nghiêm mặt nhìn Schwind và quyết định là mối quan tâm đó có thật. “Tất nhiên không. Cha tôi biến một xưởng con con thành nhà máy, và tôi biến nhà máy thành doanh nghiệp. Cuộc đời tôi có mục đích. Những cuộc gặp gỡ không làm thay đổi đường đi và đích đến, có đẹp đến mấy thì cũng chỉ là giai thoại thôi.” “Các bà vợ ông, con ông, cháu ông…” “Họ là một phần mục đích. Những gì tôi đã tạo dựng sẽ trường tồn - anh cũng chẳng nghĩ khác. Anh biết không, tôi là lính pháo binh, học sinh học nghề ở ngân hàng Deutsche Bank và chấm dứt ở vị trí trợ lý của ABS, trong khi cuộc khủng hoảng dầu lửa đầu tiên xảy ra tôi tiếp nhận nhà máy, trước khi nước Đức thống nhất tôi đã sang Mỹ và sau đó tôi ở Đông Âu và Trung Quốc. Tôi không cần bành trướng nữa. Nhưng mặc dù thế giới chúng ta không thay đổi, nó vẫn tiếp tục chuyển động, và nếu chúng ta muốn giữ vững vị trí của mình thì cũng phải tiếp tục chuyển động theo. Liệu con cháu tôi có làm được… Số lượng hậu duệ trong một doanh nghiệp gia đình vốn hạn chế.” Schwind vừa hỏi vừa cười, “Thế là hết chuyện?” “Chuyện vẫn còn nữa chứ. Nhưng thế giới của chúng ta không thay đổi nữa. Chẳng còn gì đe dọa nó nữa, bất kể chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít hay đám người trẻ muốn thay đổi tất cả. Từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, không còn lựa chọn nào khác với thế giới này nữa. Anh hãy cho tôi biết một nước nào không sống theo quy luật của tư bản xem nào, không có đâu, cả chủ nghĩa cộng sản của Trung Quốc cũng đã trở thành chủ nghĩa tư bản. Luật của các nhà tiên tri khiến người Hồi giáo chết và giết người không phải là sự lựa chọn khác, mà chỉ là nhiệm vụ của cảnh sát và mật vụ. Anh lo cho người nghèo? Chừng nào ti vi còn chạy và lon bia còn trên bàn thì người nghèo chẳng đe dọa ai cả, và thế là đủ.” “Nghe…” - Schwind tìm một từ chính xác - “trì trệ quá.” “Nghệ thuật của anh có trì trệ không? Tôi không thạo nghệ thuật lắm, nhưng sau khi chúng ta gặp nhau ngày ấy…” “Một giai thoại?” “Đúng thế, một giai thoại, như tôi vẫn theo dõi, xem anh vẽ gì và xem anh nổi tiếng và đắt giá lên. Tả chân, trừu tượng, nhiếp ảnh như hội họa, thủy tinh như vật thể và hình ảnh, cấu trúc và màu sắc - anh đã chơi mọi thứ, như đứa con nít sau một ngày dài, khi anh chị lớn của nó đã chơi trò này và trò nọ, bây giờ nó ngồi giữa đống đồ chơi và lúc vớ cái này, lúc vớ cái kia. Anh là nghệ sĩ mà cái gì cũng nghe lời anh, anh dùng gì cũng được, và không có lựa chọn nào khác ngoài nghệ thuật của anh.” Irene mỉm cười với Schwind. “Đó là anh sao?” “Anh…” “Tôi nói xong ngay đây. Anh là thế, bởi thế giới không thay đổi nữa. Nó vẫn chuyển động tiếp, nhưng các biến thiên trong kinh tế và tài chính và văn hóa và chính trị chỉ lặp đi lặp lại chứ không thay đổi thế giới nữa. Nghệ thuật của anh cũng chuyển động tiếp, đôi khi chính trong một tác phẩm. Vì vậy nó đẹp. Nhưng nó không thay đổi được gì hết.” Ông ta nghiêm nghị. “Đúng, tôi muốn có lại bức tranh Irene trong nhà tôi.” “Nghệ thuật nên thay đổi cái gì? Tôi vẽ những gì tôi nhìn thấy. Thỉnh thoảng tôi thấy những cái không tồn tại, nhưng có tiềm năng tồn tại, và tôi vẽ cả những cái đó. Tôi đã vẽ tốt như có thể. Chấm hết.” “Tôi biết. Anh không muốn trở thành một nghệ sĩ mà ngoài nghệ thuật của mình không có lựa chọn khác. Nhưng, như thế giới và nghệ thuật vẫn đáng tin, không có lựa chọn khác, dễ nắm bắt, thì người nào bập vào sẽ không thể trở thành gì khác. Người ta có thể trưng ra một trò đùa hay tạo ra một vụ bê bối, nhưng nó luôn luôn là một.” “Làm gì để phá sự trì trệ?” “Tôi không biết. Chiến tranh hạt nhân, thiên thạch giáng xuống, một thảm họa nào khác khả dĩ hủy diệt cái thế giới như ta vẫn biết. Nhưng tôi không thấy thế giới trì trệ. Tôi yêu nó như nó vẫn thế, và anh cũng yêu nó. Nó sẽ trở lại như trước khi bị chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít xới tung lên. Có người giàu và những người khác, người giàu hành động, và những người khác chấp thuận.” “Hành động…” Gundlach cười. “Hành động cốt để không có gì thay đổi.” Tôi nhìn sang phía Irene và giật mình. Tác dụng của cocaine đã giảm. Gương mặt nàng lộ vẻ kiệt quệ và tuyệt vọng vì bệnh trạng đã trở lại chế ngự nàng. Nàng nhìn thấy ánh mắt tôi, trở nên bướng bỉnh và đứng dậy. Nàng nặng nhọc đi ra cầu thang và bước lên. “Tôi nhớ tới những cô gái,” Schwind đang nói đến hy vọng và sự bùng nổ của cuối thập kỷ sáu mươi đầu bảy mươi, “những cô gái nhà lành xinh đẹp thông minh, ngày đó đi theo phái tả vì được thuyết phục về chính trị và vì cảm thấy ở đâu có lực lượng tiền phong, ở đâu có sức sống rạo rực. Trước khi tiếp xúc với Irene tôi đã nhìn thấy cô ấy tại một cuộc tranh luận ở trường đại học. Cô ấy chỉ ngồi nghe, nhưng cách cô ấy ngồi và nghe cho thấy người ta đang tranh luận về tương lai.” “Tương lai?” Gundlach cười khinh mạn. Tay phi công đi vào, chúng tôi dọn bàn, đem đồ tráng miệng ra và sau đó rửa chén đĩa. Tôi luôn ngóng một tai về phía cầu thang. Khi chúng tôi xong hết trong bếp, tay phi công cầm chai vang chát đi. Tôi nhìn theo, thấy anh ta ngồi ra cầu bến hút thuốc và uống rượu. Điếu thuốc hồng lên. Trời đã tối. Irene đi xuống thang. Nàng đã đợi đến khi trời tối? Tôi định đem hai cây nến ra bao lơn, nhưng nàng ra hiệu một cây là đủ. Tôi không theo dõi cuộc chuyện trò giữa Gundlach và Schwind. Có lúc họ chợt cao giọng rồi lại lặng xuống. Khi Irene ngồi xuống, Gundlach hỏi, “Em vẫn chưa kể hồi đó em đã làm gì.” “Em có giết ai không hả? Ý anh thế chứ gì? Em là người a dua. Em chưa biết là sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Không người nào biết. Bọn em nghĩ, nếu có phương Tây và phương Đông thì cũng có thể có cái gì đó tốt hơn cả hai. Hôm nay, khi không còn hai thế giới nữa… Em hiểu những gì anh nói. Có thể em đã hiểu, hồi còn sống ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Đất nước ấy đã mất. Kiệt quệ bởi những quá trớn về ý thức hệ, những nghi thức vô hồn, những nỗ lực chẳng đem lại gì.” “Sao buồn vậy?” “Các anh không biết ư? Đó là cảm giác, đến thời điểm ấy không chỉ các anh chết, mà cùng các anh, thế giới sẽ lụi tàn? Người ta có thể nghĩ, mình chết rồi thì thế giới tiếp tục tồn tại hay lụi tàn thì cũng chẳng khác gì. Nhưng vẫn khác đấy.” Gundlach không quan tâm đến cái chết của từng người riêng lẻ và sự lụi tàn của thế giới. “Em sống phi pháp ở đây?” “Em cư trú ở đây. Không khó, khi có tiền trong một tài khoản bên Đức và dùng thẻ tín dụng trả tiền hay rút tiền mặt ở đây, và không cần đến nhà nước. Chỉ hơi phức tạp khi đem bức tranh về đây. Ai lại đi du lịch với đồ đạc to như thế chứ.” Schwind kiên nhẫn ra mặt khi lắng nghe Gundlach và Irene. “Kết thúc của thế giới, kết thúc của Cộng hòa Dân chủ Đức - cứ cho là thế. Rốt cuộc thì anh muốn biết làm thế nào lấy được bức tranh của anh. Tranh của anh - vì anh đã vẽ, đã sửa lại nó, sau khi bị ông ta hủy hoại,” Schwind trỏ vào Gundlach, “và anh đã thanh toán…” “Đã thanh toán?” Gundlach phẫn nộ. “Anh ngán Irene và đem cô ấy đến chỗ tôi - và anh gọi đó là thanh toán? Tôi biết vì sao anh muốn có bức tranh: anh không bao giờ vẽ được như ngày xưa, từ khi anh đi qua lịch sử nghệ thuật như một người nghèo nàn ý tưởng và xun xoe lấy lòng.” “Tôi…” “Anh là một họa sĩ hết thời, ngồi khóc thương dĩ vãng. Đi ra chỗ khác mà khóc cho hết cơn, ở đây anh chả là gì cả, xét cả về luân lý lẫn pháp lý. Anh không có quyền gì với bức tranh. Anh gói đồ đạc rồi nhờ người kia đưa về nhà đi,” ông hất đầu chỉ tôi. “Ông là một kẻ ti tiện ngạo mạn! Tất cả chỉ vì mớ tiền khốn nạn của ông? Tiền ấy không mua nổi vợ ông, thậm chí không mua nổi bức tranh! Ông đã sưu tầm nó một cách mù quáng như sưu tầm vỏ chai. Ông là người sưu tầm ve chai, và cái thế giới không có lựa chọn nào khác mà ông nói đến là thế giới ve chai. Ông không hiểu à? Giá trị thực sự thì ông không mua được bằng tiền đâu!” “Ha ha,” Gundlach cười nhạo báng, “họa sĩ của chủ nghĩa tư bản toàn cầu tự bộc lộ là người phê phán chủ nghĩa tư bản. Vì sao anh bán tranh của anh với giá tiền triệu? Vì sao anh không đem tặng cho các bảo tàng?” """