"Người Cân Linh Hồn - André Maurois PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Cân Linh Hồn - André Maurois PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo NGƯỜI CÂN LINH HỒN —★— Tác giả: André Maurois Người dịch: Đăng Thư Phát hành: Sách Khai Tâm Nhà Xuất Bản: NXB Hội Nhà Văn 12/2016 (Tái bản: 12/2018) ebook©vctvegroup 22-03-2019 Mục Lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 1 Tôi đã do dự rất lâu trước khi đặt bút viết lại câu chuyện này. Tôi biết chuyện sẽ khiến những ai từng thân thiết với tôi sẽ kinh ngạc, và sẽ khiến không chỉ một người khó chịu mà thôi... Một số sẽ hoài nghi thiện ý của tôi, số khác sẽ ngờ vực lương tri người viết. Chính tôi đây cũng sẽ có ý nghĩ như vậy nếu như tôi đã không ngẫu nhiên thành nhân chứng tình cờ và phản kháng những gì mà tôi sắp thuật lại. Tôi ý thức rõ sự phi lý rành rành của chúng tới mức tôi không hề kể lại chuyện đó cho những người thân thiết nhất của mình. Và nếu bây giờ tôi quyết tâm phá bỏ sự im lặng này thì lý do là tôi thấy mình không có quyền phó mặc cho vật duy nhất còn lại làm bằng chứng cho giấc mộng kỳ lạ ấy bị hủy hoại sau khi chính tôi lìa đời. Trước khi độc giả bác bỏ những lý thuyết của bác sĩ James như là điều hoàn toàn bất khả, tôi xin quý vị đừng quên một điều là tôi vốn tin mình có tâm tính cực kỳ cẩn thận. Như mọi người tôi cũng có nhiều điểm say mê và yếu kém; tôi vẫn luôn cố bảo toàn óc suy xét của mình. Trong khoa học, trong siêu hình học, trong chính trị, và ngay cả trong đời sống tình cảm, tôi luôn coi trọng việc đừng bao giờ nhầm lẫn mong muốn riêng tư với chứng cứ. Không phải lúc nào tôi cũng làm được điều đó, nhưng có lẽ tính thận trọng thường trực ấy sẽ giúp ích cho tôi bất cứ lúc nào tôi cần đến lòng tin của mọi người. Còn một lý lẽ nữa cũng ủng hộ tôi: những sự việc tôi phải thuật lại đúng là bất ngờ, nhưng bản chất của chúng thì không phải là không thể kiểm chứng. Một vài cuộc thí nghiệm đơn giản mà bất kỳ nhà vật lý, nhà sinh vật hay bác sĩ nào cũng có thể dễ dàng làm lại, sẽ cho thấy rằng các lý thuyết của James - dẫu bị coi là phi lý - cũng đều căn cứ vào quan sát thực tế. Tại sao tôi không tự mình làm tiếp những thí nghiệm này? Tại sao phải đợi khi mình đã chết rồi mới công bố chúng? Với tôi điều này không dễ giải thích. Yếu tố chính là thói nhút nhát, tôi nghĩ thế, cùng với bản tính ghét vướng bận với những chuyện rắc rối nào đó. Hoàn cảnh đã khiến tôi thành nhà văn, chứ không phải nhà khoa học. Tôi không có điều kiện tiến hành công việc ấy trong một bệnh viện hay phòng thí nghiệm. Tôi ngại tiếp xúc những người mà với họ tôi chỉ là kẻ ngoại đạo, với hy vọng có thể khiến họ quan tâm đến một hiện tượng, như tôi biết, sẽ mâu thuẫn với các quan niệm của họ. Tôi ân hận vì mình đã nhu nhược, và tôi sẽ vui mừng nếu như việc công bố hồi ký này lại khơi gợi cho những trí tuệ táo bạo một khao khát tiếp bước người bạn bất hạnh của tôi trong việc thăm dò một thế giới mới, vốn hiểu biết thu thập được từ đó biết đâu lại dẫn đến nhiều kết quả có tầm quan trọng lớn lao. დღდ Tôi quen bác sĩ James trong thời chiến. Chúng tôi lần đầu gặp nhau trên một cánh đồng bùn sình xứ Flanders, và giữa một nhóm người Anh vui vẻ, mạnh khoẻ, hai gò má cao hốc hác cùng vẻ mặt đau khổ của anh lập tức tạo ấn tượng với tôi. Anh được biệt phái theo đơn vị quân y của sư đoàn mà tôi đang làm sĩ quan liên lạc cho quân Pháp. Chúng tôi lập tức thân nhau ngay, và bất kể nỗi kinh hoàng của thời gian và khung cảnh ấy, những tháng tôi sống ở Ypres Salient làm bạn cùng anh đã để lại trong tôi những kỷ niệm hầu như có thể nói là vui thú. Giữa hai chiếc giường cá nhân của chúng tôi là một thùng bánh quy dùng làm bàn và tủ sách. Buổi tối, khi tiếng đạn pháo rú trên cao bắn về hướng Poperinghe và tiếng vải lều bạt ướt đẫm quật phành phạch trong gió đã cướp mất giấc ngủ, chúng tôi lại thì thầm trò chuyện về những kẻ điên khùng và những nhà thơ. Tôi thích người bạn ấy. Dưới cái vẻ ngoài hoài nghi đó, tôi đã có lúc thoáng nhìn ra cái tâm hồn can trường và đa cảm bên trong. Anh kín đáo tới mức tôi cùng sống bên anh hàng ngày suốt nhiều tháng liền mà không hề biết anh đã có vợ con gì chưa. Chiến tranh kết thúc đã chia lìa tình bạn này, cũng như nhiều mối thân quen khác. Suốt một năm chúng tôi thư từ qua lại, và nhờ đó tôi biết James đang làm việc cho một bệnh viện ở London. Sau đó một trong hai chúng tôi (người nào thì bây giờ tôi không nhớ) đã không trả lời thư của người kia. James trở thành một hình ảnh vẫn giăng mắc trong ký ức tôi như một ảo ảnh, như một nhân vật trong tiểu thuyết. Và cuối cùng tôi thôi nghĩ đến anh, ngay cả trong mơ, cho đến mùa xuân năm 1925. Trong năm ấy tôi có dịp đi London một thời gian dài vì mấy công việc nghiên cứu ở Viện bảo tàng Anh. Tôi ở đó một mình, khá mệt mỏi và ức chế vì công việc liên miên quá nhiều. Một sáng nọ trời nắng rực rỡ tới mức tôi không có can đảm giam mình trong phòng đọc. Suốt một hai phút gì đó tôi đứng ngắm đàn bồ câu dưới hàng cột kiểu La Mã của viện bảo tàng, trông vừa thân thuộc vừa xa cách như hàng cột của Vương cung thánh đường Saint Mark. Tôi cứ đứng trầm ngâm. Thực tế đã buộc tôi phải hiểu ra là sự cô đơn này - dù khá lành mạnh trong một thời gian ngắn - giờ càng lúc càng không thể chịu đựng nổi. Thế nhưng tôi đâu có thiếu bạn bè người Anh - tại sao tôi không thử tìm họ đi? Những buổi tối mà gặp gỡ một anh chàng thông minh như bác sĩ James chẳng phải không thú vị sao? Tôi đã quên mất địa chỉ anh ấy, nhưng dò tìm một bác sĩ thì chẳng khó chi; và khi quay lại phòng đọc, tôi tìm ra trong cuốn danh bạ y tế có tên một ông Tiến sĩ H. B. James, là bác sĩ nội trú ở bệnh viện Saint Barnaby. Tôi quyết định gác lại công việc của sáng hôm đó, và đi tìm bạn. Bệnh viện Saint Barnaby nằm ở phía nam sông Thames, trong một khu đông dân cư chạy dài đến bên kia cầu Blackfriars. Việc băng qua con sông gần đó luôn là điều khiến tôi thấy lạ lùng và hấp dẫn. Sông Thames ở đoạn này là biên cương của hai thế giới. Ta rời khỏi London kiến trúc thời Phục hưng và Gô-tích, London của những ô vuông bàn cờ, của những bờ đê có hàng cây dưới những đại khách sạn, của dòng xe buýt màu đỏ lũ lượt, để tới một thành phố của nhà máy và kho hàng, những bức tường trần trụi, và những cột ống khói thô lỗ. Và sự tương phản sáng hôm đó càng áp đảo mạnh mẽ hơn khi tôi đang băng qua cầu thì một đám mây lớn bỗng dưng che khuất mặt trời. Trong ánh sáng ảm đạm như giông tố, tôi đi tới bờ sông đầy bùn nhớt nơi nhiều người đang chất những bao xi-măng lên một chiếc phà nằm trên cạn. Đường phố ầm vang tiếng ầm ĩ chát chúa của tàu điện và xe đầu kéo chạy hơi nước. Dọc vỉa hè sôi sục một khu chợ thảm hại bày bán dọc đường. Tôi đang bước vào lãnh địa một vùng dân cư khác. Một cảnh sát chỉ đường cho tôi đi tới bệnh viện Saint Barnaby. Toạ lạc ven bờ sông, bệnh viện này đối với tôi trông như một nơi ẩn náu giữa bao nhà cửa bẩn thỉu và những bức tường kho hàng bít bùng. Như nhiều toà nhà London, nó giống một công trình lớn trong những bức tranh khắc lãng mạn, với những sọc dài màu trắng nhấn mạnh những vùng bóng đen dữ dội, nhưng đây đó lại được điểm xuyết sinh động lên bằng những sắc màu tươi sáng - màu xanh lục của mặt cỏ, màu xanh biếc của đồng phục y tá, màu áo choàng đỏ thắm của ba bệnh nhân mới hồi phục đang đi dạo chuyến đầu tiên. Bên trên những cánh cổng sắt là một tấm phướn lớn phô trương dòng chữ đại ý nói là bệnh viện Saint Barnaby được ủng hộ bằng nhiều khoản đóng góp tự nguyện và hiện đang thiếu hụt ba mươi ngàn bảng Anh. Tôi đi vào và hỏi người gác cổng xem có bác sĩ H. B. James nào làm việc ở đây không. – Bác sĩ James? - Anh ta nói. - Đúng là có, thưa ông... Giờ này thì chắc ông sẽ gặp được ông ấy, ở khu nhà của bác sĩ nội trú... Đi thẳng qua dưới vòm đài tưởng niệm kia, nhà đầu tiên ở bên trái. Tôi đi theo chỉ dẫn, và gặp một khu nhà nhỏ tách biệt, cũng làm bằng đá trắng đã sạm đen muội khói như vậy, nhưng bám đầy dây trường xuân và kim ngân. Một tấm biển dưới chân cầu thang cho biết tên của các bác sĩ, kèm theo mỗi cái tên là thông báo “Ở NHÀ” hay “ĐI VẮNG.” Trên đầu danh sách này tôi thấy ghi: “BÁC SĨ H. B. JAMES, TẦNG 1, PHÒNG 21. CÓ NHÀ.” Tôi đi lên lầu và thấy tên bạn mình khắc trên tấm gỗ nhỏ gắn trước một cánh cửa. Bỗng dưng tôi đâm lo ngại - thực tế là gần như ngượng ngùng. Liệu anh ấy có hài lòng khi gặp lại tôi sau một thời gian lãng quên lâu đến thế không? Biết đâu sau vài câu lịch sự xã giao, tôi lại sẽ thấy mình cô đơn như cũ giữa rừng rậm u ám toàn ống khói và nhà ổ chuột này? Tôi gõ cửa và bất giác nắm lấy quả nắm cửa. Cửa không mở. Dường như cửa đã chốt chặt ở bên trong. Một tiếng nói, cái giọng gay gắt từng quen thuộc, cái giọng cứ như bị gió giằng xé khỏi đống sắt vụn rỉ sét, vẳng ra nghe sao lạnh nhạt đến lạ lùng: – Xin chờ một chút. Trong sự im lặng sau đó, tôi nghe tiếng những bước chân hấp tấp, tiếng lách cách của những vòng khoen trượt đi khi một bức màn vội vã kéo lại, một tiếng kêu eng éc giống tiếng con vật nhỏ nào đó bị kẹp chặt hay bị va đập do sơ ý, và rồi tiếng lanh canh của ly cốc bị xô đẩy vào nhau. Tiếng nước chảy vào bồn, nhẹ nhàng tới mức khó chịu. Đứng trước cửa, tôi chờ, lòng bồn chồn vô cớ. James đang làm gì trong đó? Có phải tôi đã cắt ngang một ca giải phẫu, một đợt băng bó, một cuộc khám nghiệm? Lẽ nào lại thế! James đâu phải bác sĩ phẫu thuật, và đằng nào đi nữa thì anh ấy cũng đâu thể nào đưa bệnh nhân về phòng riêng của mình. Hay là James đang thức dậy muộn sau ca trực đêm? Tôi có phá giấc ngủ của anh ấy không? Cuối cùng tiếng nước chảy đã ngừng, những bước chân tiến về phía tôi, và quả nắm cửa xoay dưới bàn tay tôi, và qua cánh cửa mở hé tôi nhìn thấy mái đầu của người bạn bác sĩ. Anh ấy thậm chí còn hốc hác hơn thời chiến tranh. Đôi mắt, với những nếp trũng sâu dưới ổ nhãn cầu như thế, đang ánh một vẻ lo lắng cố che giấu; trên gương mặt ấy có nét gì đó phờ phạc mà tôi thấy là khổ sở vô cùng. Anh ngần ngừ mất một lúc mới lục lọi trong trí nhớ một ký ức phù hợp với người khách viếng bất ngờ này, rồi mỉm cười và mở rộng cửa. Tôi thấy anh đang khoác chiếc áo blouse trắng. – A, bạn tôi! Anh đang làm cái đếch gì ở London này? Thật không thể ngờ là sáng nay lại gặp anh ở đây! Căn phòng bày biện đơn sơ: một chiếc giường cá nhân, hai chiếc ghế, một ghế bành lớn bọc da, và mấy hàng kệ tủ, một số chất đầy sách, số còn lại ẩn sau một tấm màn vải bạt màu xanh lá cây, chắc chắn đó là bức màn mà tôi đã nghe tiếng kéo trượt trên thanh sào. Ở một góc là chiếc bồn rửa tay đầy nước xà phòng. Trên thành lò sưởi là vài bức ảnh chụp một phụ nữ trẻ nào đó. James mời tôi ngồi vào ghế bành rồi chìa hộp thuốc lá ra mời, nhưng anh cứ đảo mắt nhìn quanh với vẻ lo âu tới mức tôi tự hỏi không biết có người thứ ba nào ẩn nấp trong phòng này không. Rồi anh cố gắng bắt chuyện, với vẻ quan tâm đúng là giả vờ của một người đang làm gì mờ ám thì bị gián đoạn và đang cố gắng giữ thái độ tự nhiên. – Chà, chà! - Anh nói. - Rõ ràng là khi anh thành một sử gia thì coi bộ anh đã bỏ rơi tôi... Tôi đã đọc cuốn sách mới nhất của anh rồi, mặc dù anh không gửi tặng tôi... Viết được lắm. Tôi nào ngờ anh lại có năng khiếu ấy... Nhưng ngoài sách vở ra thì lâu nay anh thế nào? Tôi đã đến đây lòng đầy vui mừng được gặp lại một người tôi từng yêu quý, cũng là một người từng mang đến cho tôi niềm hứng thú trí tuệ say sưa nhất. Nhưng tôi thấy bực tức và khó chịu vì nỗi vui mừng của mình đã bị phá hỏng hoàn toàn. Tôi thấy rằng James và tôi hầu như không có gì để nói với nhau. Chúng tôi từng thân thiết nhau như những người thuộc cùng một hàng ngũ đã chấm dứt tồn tại từ lâu. Trong cái tâm hồn lứa 1918 của chúng tôi chẳng còn lại chút gì. Nỗi khổ não chung của chúng tôi về hậu quả chiến tranh, tình cảm chung của chúng tôi dành cho những bạn bè bị thương tật, là những cảm xúc đã chết giống như những tế bào ngoài bề mặt đã tạo thành những thân xác phàm tục này. Với cái thằng tôi vừa bước vào căn phòng, người tên James sống ở đây là một người hầu như hoàn toàn xa lạ, chẳng khác một kẻ qua đường tình cờ tôi có thể chặn lại trên phố Piccadilly. Tôi cảm thấy cách duy nhất để có thể dò tìm trở lại những tầng lớp sâu xa hơn và chắc chắn hơn trong lòng người bạn xưa là tôi phải thú nhận sự thất vọng của mình. – Kỳ thật, James à, - tôi nói - nhưng anh còn nhớ buổi tối chúng ta ở Ypres khi anh nói với tôi về sự phân ly nhân cách khi điên loạn không? Tôi cảm thấy có điều gì đó rất giống như thế ngay lúc này! Tôi đến chỗ anh để tìm một bản ngã không còn tồn tại, và tôi hy vọng mơ hồ có được một thoáng điên loạn để biết đâu nhờ thế mà tôi vui mừng khi gặp lại anh... Một lời như thế hẳn phải khiến người tên James mà tôi từng biết sẽ bắt đầu ngay một cuộc luận đàm vừa uyên bác vừa hài hước. Nhưng anh chỉ mệt mỏi nhún vai, châm điếu thuốc, và ngồi phịch xuống một chiếc ghế, mắt vẫn lo lắng nhìn quanh. – À, vậy đó! - Anh thở dài. - Lâu lắm rồi tôi đã thôi không còn lo nghĩ về những chuyện phân ly hay thăng hoa... Tôi chăm sóc cho những người bệnh ung thư với người bệnh tim và gặp vấn đề về phổi... Cảng London thỉnh thoảng cũng gửi đến tôi những người đồng bào của anh đấy, mấy thủy thủ... Ngay lúc đó, từ sau bức màn xanh lại vẳng ra cái âm thanh mà anh đã từng nghe thấy sẽ không bao giờ quên - tiếng nhốn nháo của một con chuột, một âm thanh sột soạt, mau lẹ, được nhấn mạnh bằng tiếng móng vuốt cứng của những bàn chân. Tôi đột nhiên hình dung tới cái công sự tôi từng ở chung với James trong một đường hầm xe lửa. – Chà! - Tôi vừa nói vừa cười. - Anh nuôi chuột đấy à? Đó là một điều gợi lên nhiều kỷ niệm chung của chúng ta! – Chuột? - Anh vừa nói vừa đứng dậy với vẻ mặt khó chịu. - Anh nghĩ sao mà lại bảo là có chuột trong bệnh viện? Anh bị ảo giác gì rồi, anh bạn... tôi dám nói thế đấy, tôi rất tiếc, nhưng chúng ta không thể ở đây được... Tới giờ tôi phải đi kiểm tra một vòng khoa bệnh của mình rồi. Anh có muốn đi cùng không? Có thể anh sẽ thấy hay ho. Bây giờ thì tôi lúng túng hết sức. – Anh có chắc là tôi sẽ không làm phiền không? -Tôi nói. - Lúc khác tôi quay lại cũng đâu khó gì. – Không, - anh đáp, giọng lẫn lộn hảo ý lẫn vẻ châm biếm. - Không, anh không làm phiền tôi đâu... Anh bước nhanh tới bồn rửa tay, và lấy một ít nước xà phòng và lau sạch một vết đỏ dây trên thành bồn. 2 Tôi bất ngờ khi thấy bệnh viện Saint Barnaby lại là một nơi ít buồn thảm nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra. Sàn nhà các khoa điều trị đều lát gạch vuông hai màu đen trắng, những chiếc giường màu đỏ bày thành hàng ngay ngắn, các cửa sổ đều có cắm hoa, và những ốc đảo mạnh khoẻ tươi tắn hiện hữu trong địa hạt bệnh tật này chính là các nữ y tá mặc váy màu xanh in hoa, hầu như ai cũng xinh đẹp và ân cần. Mỗi khu bệnh có một nữ y tá trưởng quản lý, dễ dàng nhận ra người này qua chiếc thắt lưng màu xanh đậm hơn. – Có gì báo cáo không, cô? - James hỏi. – Đề nghị bác sĩ xem qua số 216, thưa bác sĩ. Sốt cao không suy giảm... Anh đi tới đó. Lật tấm phiếu theo dõi treo trên đầu giường bệnh nhân ra xem, anh cố gắng nhớ lại tiền sử của ca bệnh này, và ra lệnh đổi cách điều trị bằng một giọng nói mệt mỏi, buồn rầu. Trong khu bệnh nữ, tôi ngạc nhiên trước vẻ dửng dưng của anh. Với riêng tôi, cảnh tượng một phụ nữ đau ốm (nhất là khi cô ta còn trẻ đẹp) luôn gợi lên một cảm giác thương xót mãnh liệt. Tôi biết là một bác sĩ bước vào những phòng bệnh sẽ không có cái cảm giác vừa khổ sở vừa biết ơn như tôi đang trải qua, một cảm giác của sự riêng tư bị xâm phạm lẫn động lòng trắc ẩn; thế nhưng tôi lấy làm lạ khi bạn tôi hết sức vô cảm trước chút biểu hiện lấy lòng của mấy phụ nữ sắp chết trong số bệnh nhân này. Có một cô gái, tái nhợt như thây ma dưới mái tóc dài buông xoã, cô ta cố nở nụ cười khi chúng tôi đi ngang qua để rồi lại ngã vật xuống gối, thở hổn hển. – Tội nghiệp! - Tôi nói với James. – Ai? - Anh nói. - À, đúng... số 318. Cô ta hết hy vọng rồi... Trong các khu bệnh nam, nhiều bệnh nhân đã khoẻ lại, mặc những chiếc áo khoác đỏ đứng tụ tập quanh mấy chiếc giường hay quanh những chiếc bàn bày đầy hoa. Vào lúc đó ở bến cảng đang diễn ra một cuộc đình công, và nhiều bệnh nhân chỉ bị thương tổn nhẹ đứng trong phòng này tranh luận chuyện chính trị và tôn giáo với nhau bằng những giọng điệu đanh thép giống như các nhà hùng biện diễn thuyết ngoài công viên Hyde Park. Tôi thấy ánh mắt bạn tôi dịu lại khi anh nói với một cậu bé chừng mười lăm tuổi đẹp trai lạ lùng. – Con đó hả, con trai? - Anh nói. - Hết chóng mặt rồi sao? Ngày mai con xuất viện được rồi đó... Có gì báo cáo không, y tá trưởng? – Tôi nghĩ là số 413 sẽ không qua khỏi đêm nay, thưa bác sĩ. Ông ấy không còn mở mắt ra nữa. James đi tới chiếc giường trong góc nơi một ông già đang nằm. Hai gò má trũng sâu và hai lỗ mũi của ông ta dường như bị hút ngược vào trong cơ thể. Hơi thở rất gấp gáp, bộ râu vừa bạc vừa hung đỏ đã nhiều ngày chưa cạo. James bắt mạch người bệnh này; ông ta đã mê đi và không thấy có một phản ứng gì. – Cô nói đúng đó, y tá trưởng, - anh nói với giọng sôi nổi đột ngột. - Ông ấy sẽ không qua khỏi đêm nay... tôi sẽ báo cho Gregory. Đừng lo gì cả... Đằng nào tôi cũng sẽ đến thăm ông ấy trong ngày hôm nay. Cho ông ấy thêm ít dầu long não; nó sẽ giúp cho ông ấy cầm cự đến tối. Tôi bất ngờ trước sự thay đổi thình lình của bạn mình. Mức độ sôi nổi của anh lúc này có vẻ cũng ngang ngửa với mức độ thờ ơ trước đó. – Tôi phải đi gặp nhân viên hậu tử, - James nói. - Đi với tôi đi; việc này anh sẽ thấy hay ho. – Nhân viên hậu tử là gì? - Tôi hỏi. – Chữ nghĩa của anh đâu rồi? Ông này là phụ tá chịu trách nhiệm lo liệu giải phẫu tử thi sau khi một bệnh nhân chết. Phụ tá của chúng tôi là một người nhỏ con kỳ quặc tên là Gregory. Chúng tôi đi xuống ba tầng cầu thang. James đẩy một cánh cửa nặng nề đầy then cài ra, và chúng tôi bước vào một phòng phẫu thuật hình lòng chảo có thể chứa được khoảng hai mươi người quan sát, những vách tường trắng phủ sơn dầu bóng loáng, và ở chính giữa là bốn chiếc bàn mổ. Bầu không khí đầy mùi hăng khó chịu của khí phoóc-môn. Tôi giật mình khi thân hình nhỏ bé của một người đột ngột đứng dậy như ma quỷ hiện hình ở giữa lòng chảo. Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã không ưa người này. Thế nhưng diện mạo ông ta lại rất bình thường, hai đầu bộ ria vuốt sáp của ông ta cong xoắn ngược lên phía cặp mắt kính gọng vàng. Lúc James nói đến nhân viên chuyên về tử thi này, vì lý do nào đó không rõ tôi đã tưởng tượng ra một kiểu đao phủ đầy lãng mạn; và bây giờ tôi lại bàng hoàng trước vẻ lịch sự kiểu con buôn đầy thô bỉ khi gắn liền với ý tưởng cái chết. – Mạnh giỏi chứ, Gregory? - Người bạn bác sĩ nói. - Đây là anh bạn Pháp của tôi đang ghé thăm bệnh viện... Tôi đến báo ông biết là chắc chắn tối nay chúng ta sẽ có số 413 đó... – Tốt quá, bác sĩ, - người nhỏ bé kia nói. - Tối nay tôi sẽ đến. Mọi thứ sẽ sẵn sàng. Mười giờ? – Phải, khoảng mười giờ, - James nói. - Sớm hơn chút nữa nếu được. – À này, thưa bác sĩ, - Gregory hạ giọng hỏi thêm, - bác sĩ không quên là ông còn nợ tôi hai lần trước chứ? James nhìn quanh một vòng cũng với ánh mắt lo lắng đã khiến tôi ngạc nhiên khi ở trong phòng anh, rồi anh lấy trong ví ra hai tờ giấy bạc trao cho Gregory. Viên phụ tá kia nhìn tôi chằm chằm qua đôi mắt kính. Ông ta vừa nói vừa từ từ xếp hai tờ tiền lại: – Chắc ông người Pháp đây cũng muốn xem qua cơ sở này? Tôi lẩm bẩm mấy lời chẳng ai nghe rõ. Mùi trong phòng này bắt đầu khiến tôi nôn nao, và tôi e mình sẽ tự biến thành trò cười nếu như tôi ngất đi. Người nhỏ bé kia nói tiếp với vẻ mãn nguyện: – Cách tổ chức của chúng tôi cho phép xử lý, trong phòng này và phòng kế bên, mỗi ngày tối đa tám tử thi. Vậy cũng khá đủ... chỉ trừ mùa hè, vì lúc đó thì các em bé này chen chúc đầy nhóc... Thế nhưng, thưa ông, thao tác có phương pháp thì ngay cả trong mùa đông đúc tôi vẫn giải quyết kịp... phải không, bác sĩ? Tôi đã từng xử lý bốn tử thi trên cùng một bàn mổ... Việc nặng nhọc lắm, xin thưa với ông! Không, không, đừng đi ra lối đó, thưa ông. Ông chưa xem tới phần hay nhất đâu... Ông ta quay sang cánh cửa sắt bắt vào bức tường sơn bóng, trên tường có dán tấm giấy thông báo: “Giáo sư Simpson muốn có những trái tim nguyên vẹn. Phải hết sức cẩn thận”. Then cửa cọt kẹt. Từ từ cánh cửa mở ra. Một cảm giác ớn lạnh chết chóc xâm chiếm lấy tôi. Mặt tôi hẳn phải tái nhợt đi, vì James đã nắm lấy cánh tay tôi và nhìn tôi chăm chú. Đi xuống vài bậc cấp, chúng tôi tới một gian hầm lớn, tường gạch. Ngay giữa căn phòng lạnh này là một thứ máy gì đó bằng kim loại trông như cái lò của thợ làm bánh, một nồi hơi, hay chính xác hơn, với những cái cần dài nhô ra, trông nó như một chiếc khuôn bánh quế khổng lồ. Gregory liếc nhìn tôi một cái, ra dấu với vẻ ngầm hiểu cứ như ông ta sắp trao cho tôi một món quà kỳ diệu, và rồi, với sự nhanh nhẹn đáng kể, mở rộng hai cánh cửa và kéo một chiếc cần. Suýt nữa tôi đã hét lên, vì ông ta đã kéo ra phía chúng tôi đang đứng một chiếc bệ dài trên đó có một phụ nữ nằm, một tấm khăn phủ kín đến vai. Cô ta mới yêu kiều làm sao, cái người chết ấy! Tôi sẽ không bao giờ quên cái sắc trắng phi phàm của gương mặt ấy. Đôi mắt cô ta nhắm kín. Một nụ cười buồn bã, cao quý tạo hình cho cái miệng gợi khát khao. Làm sao mà một phụ nữ lại phải chết ở một bệnh viện xa xôi vậy chứ? Người như cô ta thì ai mà chẳng muốn làm quen, an ủi, giúp đỡ... Gregory và James đứng bất động, chăm chăm nhìn tôi. – Ông có nhận ra cô này không, bác sĩ? - Gregory nói. - Chính là cô gái người Nga đó... Họ đang chờ thân nhân cô ta đến nhận xác... Gregory đẩy lui chiếc cần bằng một cái giật đột ngột, ấn cả chiếc bệ và xác chết vào trong lòng cỗ máy kim khí màu đen, rồi nói với vẻ kiêu hãnh: – Chúng tôi có thể giữ xác vô thời hạn trong phòng lạnh này... Ông có thích xem một người đàn ông không? – Không, cảm ơn, - tôi nói. - Tôi muốn ra ngoài. James lại ân cần nắm lấy cánh tay tôi. – Để tôi đưa anh về phòng tôi, - anh nói, - và anh sẽ làm một cốc rượu porto. Trông anh không được khoẻ... Và vậy nhé, Gregory... việc tối nay vậy là ấn định rồi nhé? Ngay lúc đó có tiếng chuông văng vẳng mơ hồ ngoài phòng lòng chảo: tè-tè... tè-tè-tè-tè... – Hai-bốn, - Gregory nói. - Chuông gọi ông đó, bác sĩ. – Xin lỗi nhé, - James nói, - tôi phải tạm xa anh một lúc... Phải, những tiếng chuông ấy là tín hiệu quy ước của chúng tôi. Của tôi là hai tiếng rồi bốn tiếng... Trong mọi khoa bệnh và trong các phòng riêng của chúng tôi đều có gắn chuông báo như vậy... Bây giờ tôi chỉ cần gọi điện cho phòng thường trực là họ sẽ cho tôi biết ở đâu cần tôi đến... Anh cứ ở đây chờ nhé. – Tôi muốn gặp lại anh ở chỗ khác hơn, bác sĩ. Tối nay anh ăn tối cùng tôi được không? Tôi đang ở tại một khách sạn nhỏ rất ấm cúng trong thành phố... – Tối nay? - Anh lẩm bẩm, vẻ lơ đãng... - Tối nay? Nếu cần thì cũng được, tôi có thể nhờ ai trực thay... Tôi cũng rất thích trò chuyện mà. Nhưng anh vừa nghe rồi đó... tôi phải quay lại đây lúc mười giờ. Nếu anh bằng lòng ăn tối sớm, khoảng bảy giờ, thì tôi đến được. – Tôi sẽ chờ anh... Khách sạn Johnson... Trên đầu phòng lòng chảo, chuông điện đang nhắc lại, tè-tè...tè-tè-tè-tè. 3 Chủ khách sạn Johnson tự hào là ông ta không hề lắp đặt hệ thống sưởi trung tâm lẫn đèn điện mà chỉ có đống lửa lớn đốt bằng củi trong lò sưởi đại sảnh, có những chân nến bằng bạc đang chiếu sáng lập loè trên bàn phòng ăn, có những người phục vụ im lặng và kính cẩn, và khách đến đây cảm thấy rằng - đối với những người phục vụ ấy - khách là một con người chứ không phải là một con số. Tôi yêu cầu quản lý nhà hàng chuẩn bị cho tôi bữa tối trong phòng ăn riêng nhỏ này; tôi thích những tấm vách ván gỗ sồi màu nhạt ở đó, và bước vào đây lúc khoảng bảy giờ, tôi ngỡ ngàng vì một cảm giác thân mật đến lạ lùng. Trên mặt bàn gỗ đào hoa tâm và một lọ hoa thủy tiên được chiếu sáng dưới ánh nến dịu dàng. Khi James đến một lát sau, tôi thích thú thấy anh cũng hưởng ứng lối bài trí đơn giản mà hấp dẫn này. – A! - Anh vừa nói vừa đứng sưởi ấm hai bàn tay trước lò sưởi. - Phải cần tới một người Pháp mới khám phá được cái ngóc ngách London cổ xưa ngay giữa London. Anh có ý tưởng đúng là hay quá! Tôi đang cần nghỉ ngơi, thư giãn hết sức... Nói đúng ra, tôi không điều trị bệnh nhân ngoại trú, nhưng vào những ngày thứ Hai thì danh sách khám bệnh đầy ắp nên tôi phải giúp các đồng nghiệp một tay, nếu được. – Tại sao vào thứ Hai thì lại nhiều bệnh nhân hơn? – Ồ, dễ hiểu thôi mà! Ở những khu dân nghèo của chúng tôi, thứ Hai là ngày người thu tiền đến nhà thu tiền thuê trọ hàng tuần. Đám phụ nữ thường kiếm cớ đi vắng, và để có lý do họ đưa lũ trẻ đi theo đến chỗ chúng tôi. Hôm nào anh phải thấy cái cảnh đó mới được; thật không tin nổi! Bọn họ có người bỏ mặc đám trẻ ranh của họ trên các băng ghế rồi đi uống bia ở quán bên kia đường. Sau khi khám bệnh xong phải đi tìm họ lôi về, người nào cũng gật gà vì bia, và buộc họ phải xem đứa nào là con họ trong đám trẻ đã bỏ lại đó... Ngoài ra, còn có những vụ tai nạn, ẩu đả trong ngày Chủ Nhật, và tất nhiên các bệnh nhân của tôi nữa... Đó là một ngày vất vả. – Ngồi xuống đi, James... Chúng ta sẽ cố gắng xua hình ảnh bệnh viện ra khỏi tâm trí anh. Anh có nhớ loại rượu Burgundy mình thường uống hồi ở Amiens không? Tôi đã gọi đúng loại rượu đó. Những kỷ niệm thời chiến chiếm hết cuộc chuyện trò lúc dùng món xúp, rồi James lại đâm ra ít nói không sao khơi chuyện được. Tôi nhớ ngày trước anh thường thoát khỏi những cơn lơ đãng như vậy bằng một lời gì đó ngược đời gây kinh ngạc - chính những câu độc đáo kiểu ấy khiến tôi quý mến anh. Cho nên tôi cũng im lặng và chờ đợi. – Nói tôi nghe, - anh đột ngột lên tiếng. - Có một điều tôi chưa từng hỏi anh... ngay cả những lúc lẽ ra có nêu câu hỏi ấy thì là chuyện rất đương nhiên. Anh có tin vào sự bất tử của linh hồn không? Tôi hơi bất ngờ, nhưng rất hài lòng, vì với câu mào đầu bất thình lình này thì một lần nữa tôi lại nhìn thấy đúng anh bạn James trong ký ức của mình. Tôi ngẫm nghĩ một lúc. – Hỏi gì mà lạ thế! - Tôi nói. - Anh biết mà, hay đúng hơn là anh đã từng biết, quan niệm của tôi về chuyện siêu hình là... tôi tin mình có thể nhìn thấy trong tự nhiên những dấu vết của một trật tự, một sự sắp đặt... một phản ánh của tính thiêng liêng, anh nói thế cũng được... Nhưng sự sắp đặt ấy đối với tôi có vẻ như nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người.. Vậy thì để trả lời anh, tôi không thể trông cậy vào học thuyết truyền thống nào cả. Tôi chỉ có thể thành thật nói là tôi chưa từng gặp bất kỳ dấu hiệu nào nhìn thấy được về sự sinh tồn của linh hồn... Nhưng nếu tuyên bố như một sự thật là linh hồn chết cùng với thân xác thì tôi thấy nói vậy cũng khác gì nói bừa. – Anh thận trọng quá đó! - James có vẻ sốt ruột. - Chẳng lẽ không có một giả thuyết nào mà anh không thấy có khả năng đúng hơn những giả thuyết khác sao?... Anh sống với niềm tin hay không có niềm tin vào kiếp sau? – Chắc chắn là tôi sống không có niềm tin vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng; nhưng điều đó không chứng tỏ là tôi tin chắc linh hồn không bất tử. Điều đó chỉ chứng tỏ là tôi không tin vào sự khắc nghiệt của một Thượng Đế đồng thời cũng là Đấng Sáng Thế của chúng ta... Nhưng nếu anh cho tôi suy nghĩ một hai phút, tôi thấy là mình có thể tìm ra lý lẽ ủng hộ cái giả thuyết rằng linh hồn chết theo thân xác... Có ý nghĩ mà không có thân xác? Coi bộ không thể tưởng tượng nổi... Anh không thấy vậy sao? – Tư duy của chúng ta là một lớp màng của những hình ảnh và cảm giác... Cảm giác kết thúc cùng với các cơ quan tri giác, và sự tái tạo hình ảnh lại gắn liền với sự tồn tại của hệ thống thần kinh... – Anh biết rõ hơn tôi là một sự suy giảm tự nhiên nào đó của các tế bào não sẽ gây ra thay đổi, thậm chí tiêu diệt, một con người như thế nào mà... Chính anh đã cho tôi biết là có thể làm biến đổi suy nghĩ của một người bằng cách tiêm một chất chiết xuất từ tuyến dịch nào đó... Hết thảy những chuyện đó cho thấy có mối liên kết chặt chẽ giữa nền tảng vật chất của việc tư duy của chúng ta với chính bản thân ý tưởng... Và rồi, nói cho cùng, còn có trạng thái bất tỉnh nữa... Anh còn nhớ không, James, cái ngày mà con ngựa của tôi dở chứng quật lại tôi, đâu đó ở Flanders, và anh tìm thấy tôi nằm bất tỉnh trên đồng cỏ đó? Tôi đã nằm ở đó suốt hai giờ mà chẳng nhớ một điều gì cả... Nếu xét theo chuyện đó thì có vẻ như linh hồn tôi đâu còn sống khi thân xác tôi đã bị tiêu diệt. – Tôi thấy lập luận như vậy kém lắm, - người bạn bác sĩ nói với giọng châm biếm gay gắt. - Tôi thừa nhận là trong cơn ngất đó anh đã không còn nhận biết con người của anh trong một khoảng thời gian. Thế nhưng điều đó chẳng đi đến đâu, bởi vì có nhiều bệnh nhân đã hồi tỉnh sau một cơn ngất hay sau cuộc gây mê mà vẫn nhớ những cảnh tượng lạ thường, và có khi mô tả lại những cảm giác về một linh hồn được giải thoát. Nhưng nếu con người của anh bị tiêu diệt thì chính việc anh tỉnh lại đã hoàn toàn bác bỏ điều đó... Khi anh đứng dậy sau ngã ngựa, anh đâu phải là con người khác... anh vẫn là con người cũ thôi... Nếu kinh nghiệm đó không chứng minh được gì thì đúng hơn là con người của anh vẫn có thể tồn tại khi thân xác anh có vẻ như đã từ bỏ nó... Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng hay hơn. Hiện thời, khi một trái tim ngừng đập và hai lá phổi ngừng thở, cánh bác sĩ chúng tôi nói rằng bệnh nhân đã chết... Rất đúng... Nhưng giả sử ta tìm được phương cách gì đó, và điều này không phải là không có thể, để đưa một dòng máu mới lưu thông trong đầu người chết. Vậy người đó có sống lại không? – Tôi không biết... - Tôi ngừng lại ngẫm nghĩ. - Cũng có thể lắm. – Nếu người đó sống lại thì đó vẫn là cá tính đó hay là khác? – Đương nhiên là vẫn cá tính đó rồi. – Vậy là chúng ta đồng ý với nhau... Nhưng cái cá tính đó từ đâu ra? Anh có nhất định cho là nó đột ngột hình thành, với mọi cảnh trí bao la trong ký ức của nó, với những đam mê và cảm xúc của nó, trong cái thân xác mới sống lại không? Hay đó chính là linh hồn cũ của người đã chết? Và nếu đó là linh hồn cũ, như vậy anh không thừa nhận là nó không chết theo thân xác hay sao? – Ồ, James? Nếu như ký ức của chúng ta nối liền với một cấu trúc nhất định của bộ não, và nếu cấu trúc đó không thay đổi, thì ký ức đó sẽ tái sinh y hệt như trước... Tạm dùng một hình ảnh so sánh đại khái cho tiện, nhưng qua đó anh sẽ thấy phần nào quan điểm suy nghĩ của tôi, điều đó cũng giống như anh nói là: “Cơ quan chính phủ suốt đêm vắng tanh, phải không? Thế nhưng khi các nhân viên quay lại vào buổi sáng thì họ sẽ bận bịu với cùng những vấn đề cũ. Vậy thì cơ quan chính phủ có một linh hồn riêng vẫn ngự trị ở đó vô hình trong đêm.” – Một ngụy biện tài tình! - Người bạn bác sĩ vừa nói vừa rót thêm ít rượu. - Nhưng không hề vững chắc... Bởi vì anh đang giả định trước là bộ não chứa đựng sơ đồ cho những hình ảnh và ký ức của nó cũng giống như cơ quan chính phủ chứa đựng các hồ sơ vậy... Đấy, anh phải cho phép tôi nêu ý kiến với tư cách một bác sĩ là chúng ta không hề có bằng chứng về bất kỳ cách tổ chức nào như thế của một bộ não đã chết. Cái ý tưởng phân vùng não bộ ngày càng ít được giới chuyên môn ủng hộ, và cho dù đúng là vậy đi nữa thì nó cũng không chứng minh được quyết đoán của anh... Không, ta càng nghiên cứu kỹ về cấu trúc bộ não thì càng có cảm giác rõ hơn rằng, như Bergson - người đồng bào của anh đã nói đó*, nó là một hệ thống truyền tin, một sự trao đổi qua điện thoại giữa thân xác và một thứ gì khác. Tất nhiên, nếu anh phá huỷ sự trao đổi này thì hệ thống truyền tin của anh ngưng hoạt động, nhưng điều đó không chứng minh được là không hề có kẻ điện đàm qua lại đó, mà cũng không chứng minh được là kẻ ấy biến mất cùng với các phương tiện truyền tin... – Hẳn thế rồi, James. Nhưng trong trường hợp trao đổi qua điện thoại này, tôi tin là có kẻ điện đàm kia bởi vì tôi chỉ cần một thí nghiệm đơn giản cũng đủ dò ra dấu vết hắn bằng cách lần theo hắn bằng xương bằng thịt, đi bộ, đi ngựa, hay đi máy bay. Nhưng có ai từng dò tìm được kẻ điện đàm linh hồn của anh không? Anh có thể cho tôi một ví dụ thôi về việc tồn tại ý nghĩ mà không cần nền tảng thực thể được không? – Chắc chắn là được! Anh phải thấy rằng nếu thực thể đó, tế bào đầu tiên đó, cái hạt nguyên sinh đầu tiên biết cảm nhận đó, tồn tại mà trước đó không có một “sinh lực,” một “ý nghĩ sáng tạo,” thì vật chất sẽ không bao giờ cấu thành được một cơ thể sống... Nói cho cùng, điều khá lạ lùng là chính bản thân anh lại hợp thành một thể xác, cái thể xác tôi hiện đang nhìn thấy trước mặt mình đây, với cac-bon, ô-xy, phốt-pho, và vài nguyên tố vô tri giác khác... Và càng đáng ngạc nhiên hơn nữa là bằng cách đó anh lại hợp thành một con người, chứ không phải con gấu hay con tôm... Vậy thì cái nền tảng vật chất của ý nghĩ nó ở đâu mà sinh ra anh? Từ bộ não nào mà những ý tưởng được kế tục và những hình ảnh truyền đời được chuyển tiếp để tạo ra anh thành chính Anh! – Anh đang nói nghiêm túc đấy chứ, James? Anh không đơn thuần tin rằng cái nền tảng vật chất này nằm trong cái tế bào đã được thụ tinh để cho cơ thể tôi xuất hiện sao? Sinh học không phải là thế mạnh của tôi, nhưng... – Tôi không nín cười được! - James nói. - Anh bạn thân mến ơi, anh đã từng thấy bằng chứng khoa học nào xác định là thể xác và tinh thần của anh đã được định hình trước trong một tế bào nào đó từ ba mươi lăm năm trước chưa? Anh vừa mới nói “tôi tin là có kẻ điện đàm kia bởi vì tôi chỉ cần một thí nghiệm đơn giản cũng đủ dò ra dấu vết hắn bằng cách lần theo hắn...” Nhưng trong trường hợp này thì anh đã làm thí nghiệm gì nào? Cái gì cho phép anh tưởng tượng là khi khuếch đại một tế bào theo một tỷ lệ khổng lồ, vượt xa khả năng của mọi kính hiển vi, thì anh có thể tìm thấy trong đó cái lỗ mũi của ông cố nội anh, hay tính đạo đức của ông cố nội tôi? Và nếu anh thật sự tin như thế, anh có nghĩ niềm tin đó có tính khoa học không? Đó sẽ là một sai lầm cực lớn... Cái ý tưởng đó, nếu như anh có, thì đó là một tín ngưỡng, một khái niệm cũng không chứng minh được, chẳng hơn kém gì khái niệm kia, thật đáng ngạc nhiên là một người như anh vừa mới tự tuyên bố là thoát khỏi mọi học thuyết mà lại... Tôi biết rất rõ thế kỷ mười chín đã căng hết mọi dây thần kinh ra để cố quy giá trị của tinh thần theo các điều kiện của vật chất. Nhưng nó đã thất bại. Những gì quan sát được không cách nào chứng minh là sự sống tinh thần, sự sống cảm xúc, được chứa đựng bên trong sinh mệnh vật chất này, mà ngược lại chính cái trước bổ túc cho cái sau với nguyên cả một lĩnh vực chưa được thăm dò... Anh bồi trưởng hồng hào, mập mạp mang cà phê vào cho chúng tôi. Trông anh ta có vẻ phiền lòng. Khách đến nhà hàng Johnson này, tôi dám chắc, thường không tranh cãi sôi nổi về sự bất tử của linh hồn. Tôi im không nói nữa. Những lập luận của James khiến tôi có phần bối rối. Tôi chìa cho anh điếu thuốc, và anh im lặng hút một hồi lâu. – Cũng vậy thôi, - cuối cùng tôi lên tiếng, - cũng vậy thôi... Hãy thử phép phản chứng đi, James... Giả sử là mỗi một người chúng ta đều có một linh hồn bất tử, vậy thì bao tỉ người đã từng sống bây giờ ở cái chỗ đếch nào chứ? Rồi hàng triệu tỉ sinh linh hiện đang phải sống sẽ đi về đâu? Linh hồn của những loài dã thú sẽ ở đâu? Nếu anh là nhà thần học thì anh sẽ nói loài thú không hề có linh hồn. Nhưng anh là nhà khoa học tự nhiên. Linh hồn của những con cá heo, những con chuột túi và những con cua đã từng tồn tại bây giờ ở đâu? Anh không thấy một ý tưởng như vậy là bất khả lý giải sao? – Như anh nói, nếu tôi là nhà thần học thì có lẽ sẽ trả lời là những con số làm anh kinh hoảng đó chẳng là gì cả trong mắt một Thượng Đế toàn năng vô biên... Nhưng anh hiện đang nói về sự sinh tồn vĩnh viễn của mọi con người. Tôi không đòi hỏi nhiều đến mức đó. Anh không thể hình dung là mỗi cơ thể sống có khả năng gắn bó chính nó với một đại lượng sức mạnh nào đó mà tính chất của sức mạnh ấy chúng ta không biết, nhưng để gọi cho tiện, sức mạnh ấy ta có thể gọi là “chất sinh lưu” đi? Điều gì ngăn cản không cho chúng ta nghĩ rằng sau khi chết cái “lưu chất” đó sẽ quay lại một trạng thái kiểu như một nguồn dự trữ chung? Tại sao lại không thể có một nguyên tắc chuyển hoá năng lượng chứ? Nếu anh công nhận điều đó thì tôi có quyền nói là tôi hài lòng. – Hài lòng? Nhưng James thân mến ơi, tại sao anh lại gán bao nhiêu điều quan trọng này vào những giả thuyết mong manh như thế chứ? – Đấy, anh bạn, - anh vừa nói vừa đứng dậy. - Tôi sẽ giải thích cho anh sau một giờ nữa, nếu anh vui lòng đi cùng tôi quay về bệnh viện. 4 Trong lúc chúng tôi ăn tối, màn sương dày đặc đã bao trùm phố xá. Những ánh đèn pha lù mù của những chiếc ô-tô vô hình găm vào màn sương những vòng sáng màu đỏ và màu trắng. Giao lộ Ludgate Circus là một cảnh tượng ác mộng. James bảo tôi nắm lấy cánh tay anh và đưa tôi tới một chiếc xe buýt. Anh không nói lời nào từ khi rời khách sạn. Khi đã yên vị trong xe, tôi quay sang anh. – Chúng ta sẽ xem cái gì đây? - Tôi hỏi. – Chẳng có gì, chắc thế... Rồi anh sẽ tự suy xét lấy... Nhưng đằng nào anh cũng phải biết rằng anh là người đầu tiên mà tôi sẽ tiết lộ những nghiên cứu của tôi... Vả lại, anh sẽ hiểu... Nhưng tôi không muốn nói ở đây, - anh nói thêm, mắt ném một cái nhìn về phía một bà mặc đồ tang chế đang ngồi cạnh tôi. Xe buýt băng qua dòng sông giữa một màn sương vàng vọt dày đặc như lớp xơ bông gòn. Những ánh lửa nhà máy trên bến bờ đe doạ bên kia lập loè nhạt nhoà trong bóng lờ mờ quánh sệt ấy. Nhịp rung lắc của xe buýt khiến tôi buồn ngủ. – Ta xuống ở đây, - bác sĩ James đột ngột lên tiếng. Chúng tôi đã ở ngay trước Saint Barnaby. Những ngọn đèn bệnh viện sáng tù mù trong màn sương bao trùm. Với bước chân tự tin của một người thông thuộc đường lối, James đưa tôi đi qua mấy khoảng sân bên trong và qua mấy lối đi mái vòm, và chỉ chốc lát sau là tôi nhận ra cánh cửa sắt của nhà xác. Phải mất một lúc tôi mới tin chắc đây chính là nơi anh đưa tôi đến, và tôi không khỏi rùng mình. Thần kinh của anh bạn tôi có vẻ như đang trong trạng thái phấn khích dữ dội. Anh định cho xem màn trưng bày khủng khiếp gì đây cho trọn vẹn buổi tối của chúng tôi? Cánh cửa ấy đóng kín và khoá chặt, James gõ một tiếng, rồi hai tiếng thật nhanh. – Tôi đây, bác sĩ, - giọng nói khó chịu của Gregory từ trong vẳng ra. Tôi đâm bực với bản thân vì đã bứt rứt trong lòng, và không thể chế ngự được tâm trạng đó. Bây giờ bình thản nhớ lại, thực sự là tôi không tìm ra lý do nào để giải thích cảm xúc mãnh liệt đó. Lúc ấy tôi thấy tay Gregory này thật đáng ghê tởm, nhưng tôi không có lý do nào để cho rằng ông ta hoàn toàn không phải là một tay trợ lý vô lại của phòng thí nghiệm. Tôi với James đã là chỗ quen biết lâu năm, và những gì tôi biết về anh chẳng có điều chi khiến tôi mất tin tưởng. Quả đúng là anh ấy đã thay đổi nhiều từ khi hết chiến tranh, và tôi cũng không chắc chắn lắm về trạng thái tinh thần ổn định của James. Nhưng có gì mà tôi phải sợ chứ? Cảnh tượng chết chóc ư? Những năm thế chiến từ 1914 đến 1918 đã làm tôi quen với điều đó rồi. Hay tôi đang bị lôi kéo làm một đồng loã ngoài ý muốn? Nhưng đồng loã của tội ác gì chứ? Tôi cố căng hết mọi dây thần kinh ra để cố tự chủ, một quyết tâm mà mười năm trước ai cũng phải nỗ lực khi một trận oanh tạc bắt đầu, và tôi đã bước qua ngưỡng cửa đó, kiên quyết giữ vững tinh thần. – Xin chào bác sĩ, - tiếng Gregory. Rồi ông ta nhận ra sự hiện diện của tôi. Gregory lộ vẻ bất ngờ và có phần bực tức, tôi nghĩ thế. Ông ta nói: – Kìa, ông đưa ai theo cùng à, bác sĩ? Rồi kéo James sang một bên, ông ta nói thầm mấy lời mà tôi không nghe được. – Chẳng sao cả, - James nói to. - Bạn tôi là người Pháp, người hoàn toàn xa lạ với bệnh viện này, và là bạn trung thành với tôi suốt thời chiến tranh. Ông ấy sẽ không hé răng. – Tôi mong như vậy, - Gregory nói. - Chắc chắn là tôi mong như vậy... Cả ông và tôi đều sẽ mất việc luôn, bác sĩ, nếu như ông kia mà để lộ ra điều gì. – Không sao, không sao đâu... tôi bảo đảm là ông ấy không nói đâu, - James đã sốt ruột. - Ông đã có người đó chưa? Tránh sang một bên, Gregory cho chiếc bàn mổ lộ ra trước mắt chúng tôi. Lúc đó tôi thấy trên bàn có một xác chết nằm dài, đầu bật ngửa ra sau, và tôi nhận ra người đàn ông có bộ râu nửa trắng nửa hoe đỏ mà tôi đã gặp lúc sáng lúc ông ta trong cơn hấp hối. Khi đó tôi đã lầm tưởng đấy là một ông già. Bệnh tật đã in những dấu vết tàn tạ trên mặt người này, nhưng cơ thể vẫn đầy trẻ trung, đẹp đẽ, và vạm vỡ, và cái vẻ mềm oặt đáng thương của cái chết khiến ta có cảm tưởng tàn nhẫn về một sự cường tráng bị phí hoài. Đùi bên trái có xăm hình hai con rắn xoắn vào nhau, và trên ngực phô bày hình một chiếc tàu buồm căng no gió. – Chúng tôi đến trễ, - James nói. - Sương mù... Người này nằm ở đây bao lâu rồi? – Trút hơi thở cuối cùng lúc khoảng chín giờ bốn mươi, thưa bác sĩ... Còn bây giờ là mười giờ ba mươi. – Vậy là được, - James nói. - vẫn còn cơ may... Mau lên, Gregory, máy cân... - Rồi quay sang tôi, anh nói thêm, - Ngồi xuống một băng ghế nào đó đi... Đừng xê dịch, và đừng nói gì... Tôi sẽ giải thích sau về những điều anh sẽ chứng kiến... Gregory đã biến mất dưới những tầng ghế ngồi. Ông ta quay lại khuân theo một thứ thiết bị mà khi ông ta dựng lên tôi nhận ra đó là một máy cân trên đầu có mặt số đồng hồ và kim chỉ, rất giống loại cân thường thấy ở các nhà ga. Bàn cân đủ rộng để đỡ một xác người nằm duỗi thẳng. Có James giúp sức, tay trợ lý ấy đặt thi thể của người đàn ông tóc hung lên cân, và gắn một gương soi nhỏ ở trên đầu mũi kim đồng hồ. Rồi một lần nữa lại chui vào dưới những băng ghế, ông ta mang ra một ống hình trụ gắn trên một cột chống cao thẳng đứng. Tôi nghe tiếng lò xo xoay vặn. Chắc chắn ông ta đang lên dây cót một thứ máy móc cơ khí nào đó. – Mau lên, Gregory, mau lên! - tiếng James nôn nóng. - Ông xong chưa? Tôi tắt đèn đây... Anh gạt công-tắc. Mọi ngọn đèn trong phòng lòng chảo này tắt phụt. Và rồi tôi thấy một tia sáng, phản xạ bởi chiếc gương soi gắn trên mũi kim đồng hồ, chiếu thẳng vào ống hình trụ đang xoay chầm chậm. Bằng cách ấy, bất kỳ chuyển động nào của mũi kim đều sẽ tương ứng với một chuyển động lớn hơn nhiều của một điểm sáng chiếu vào hình trụ kia. Đó là một phương pháp cổ điển mà tôi đã thấy sử dụng từ lâu, trong giờ học môn vạn vật, để tăng cường độ nhạy của máy điện kế. Tôi chẳng hiểu gì cái thí nghiệm mình đang chứng kiến, nhưng cảnh tượng này mang một tính chất khoa học, và vì thế mà quen thuộc, khiến tôi thấy an tâm. Bây giờ tôi lại nhận ra vẻ đẹp lạ lùng của nó. Bóng tối này, tia sáng ửng lờ mờ kia, hình dáng mơ hồ của cái thi thể đó trong không gian đen đặc, gương mặt James nổi bật lên trong một thoáng chốc dưới tia sáng - tất cả gợi nhớ tới những bức tranh Rembrandt vẽ nhà khoa học, nhà giả kim, miệt mài trong bóng tối màu nâu sậm được làm nổi bật lên chỉ bằng một nguồn sáng vàng chiếu từng khung cửa sổ hẹp huyền ảo. Suốt mấy phút gian phòng tràn ngập im lặng, và rồi từ trong bóng tối vang lên tiếng nói của James. – Anh bắt đầu hiểu ra chưa? - tiếng nói ấy hỏi. - Tất nhiên anh biết là cái điểm sáng trên ống hình trụ biểu thị trọng lượng của cái xác này... Đấy, bây giờ hãy nhìn hai cái dấu lân tinh cho biết đỉnh và đáy của ống hình trụ. Anh thấy điểm chạm của tia sáng đang từ từ hạ thấp xuống, tức là trọng lượng đang giảm dần... Trọng lượng của một thi thể luôn giảm dần trong mấy tiếng đồng hồ sau khi chết... Tại sao thế? Điều đó dễ hiểu. Lượng nước chứa trong các mô sẽ mất đi phần nào do bốc hơi từ từ, và không còn chất dinh dưỡng để thay thế... Hãy để ý là việc sụt giảm này là liên tục, như anh có thể thấy khi nhìn điểm sáng đó hạ thấp xuống dần dần, và thực tế là dường như không có lý do nào mà việc bốc hơi như vậy lại không xảy ra đều đều... Giờ là khoảng một tiếng từ khi cái chết xảy ra. Trong nửa tiếng nữa, chỉ non kém vài phút thôi, hiện tượng này sẽ tiếp tục không hề thay đổi. Sau đó anh phải quan sát ống hình trụ đó thật kỹ. Sau đó là sự tĩnh lặng lạ thường. Tôi có thể nghe tiếng James và Gregory hít thở. Chầm chậm điểm sáng tiếp tục hạ xuống, và nằm kia là con người đó, kẻ chắc chắn đã từng là trung tâm của thế giới đối với vợ con anh ta, giờ nằm duỗi thẳng trên một bệ kim loại, vật thể của một thí nghiệm khó hiểu. Cao trên đầu gian phòng lòng chảo, một hồi chuông điện vang lên - tè-tè-tè, tè-tè... – Một giờ hăm lăm phút, - James nói, bằng cái giọng một lần nữa khiến tôi nhận ra sự căng thẳng thần kinh mà anh đã bộc lộ lúc đầu hôm nay. Mắt tôi dán chặt vào ống hình trụ. Tôi có thể nghe rõ mồn một tiếng tích tắc của một chiếc đồng hồ chính xác mà chắc chắn James đang cầm trong tay. – Một giờ ba mươi, - anh nói. Vài giây sau tôi thấy điểm sáng hạ xuống thật nhanh. Bước nhảy đột ngột này rất nhỏ nhưng dễ dàng nhận ra. – Anh có thấy không, James? - Tôi kêu lên. – Tôi từng thấy nhiều điều hay hơn, - giọng châm biếm kia vang lên. - Tôi không đưa anh đến đây chỉ để quan sát hiện tượng này. Và dứt lời anh lại bật đèn lên. Hơi loá mắt, một lần nữa tôi nhìn thấy bộ ria vuốt sáp của Gregory, và người đàn ông đỏ hồng nằm đó trong tư thế oặt ẹo, mềm rũ của những tử thi. Tôi đã bình tĩnh trở lại. Tôi thấy mình quan tâm và tò mò; tôi đã thoáng nhìn thấy điều bạn tôi đang tìm kiếm. Tôi thấy mình háo hức nôn nóng muốn biết cách lý giải riêng của James về thí nghiệm này. – Giờ anh giải thích đi, - tôi nói. – Khoan đã, - anh đáp lời. - Tôi phải cho Gregory về đi ngủ đã... Lên phòng tôi đi, rồi tôi sẽ cho anh xem cái khác... Cám ơn, Gregory. Tôi sẽ gặp lại ông ngày mai. – Tôi có phải giữ lại trái tim này cho giáo sư Simpson sử dụng ngày mai không? - người đàn ông thấp bé kia vừa lịch sự hỏi vừa ôm xác chết kia đặt lại trên bàn mổ. – Ai cần gì mấy trái tim đó chứ? - James nhún vai nói. - À, hẳn rồi. Cứ làm như người ta bảo ông đi. Và nắm lấy cánh tay tôi, anh kéo tôi đi. 5 – Thế nào, James? - Tôi hỏi khi anh đã cho tôi yên vị trong chiếc ghế bành độc nhất, với cốc whisky ở bên phải và hộp thuốc lá ở bên trái tôi. – Thế này nhé, anh bạn, tôi chắc là anh đang chờ tôi giải thích đợt thí nghiệm vừa rồi... Nhưng trước hết tôi muốn biết bản thân anh nghĩ gì về những điều anh vừa thấy. – Tôi à? Ồ, biết nói gì đây? Cuộc trò chuyện của chúng ta lúc ăn tối, và thí nghiệm tôi vừa chứng kiến, có vẻ như đã chứng minh với tôi là anh đang theo đuổi... nói sao bây giờ nhỉ?... Theo đuổi linh hồn con người... Và khi tin vào linh hồn thì anh cũng đang tìm kiếm nó bằng những phương tiện vật chất... điều mà, xin anh thứ lỗi cho, tôi thấy có vẻ mâu thuẫn... Nhưng tôi mà phán xét là không đúng, bởi vì tôi thậm chí còn không biết anh đã làm những gì khác ngoài thí nghiệm tối nay. Cho nên tuỳ anh muốn nói, muốn mở đầu thế nào cũng được. James đang đứng tựa vào thành lò sưởi. Anh châm tẩu thuốc. Đằng sau tấm màn xanh vẳng ra tiếng móng nhọn cào dọc theo mảnh ván gỗ nhịp nhàng mau lẹ. – James, nói thật đi. Đó đúng là chuột, phải không? – Lại thế! Chuột? - Anh nói, miệng nở nụ cười... - Tôi phải đưa anh đi xem kịch Hamlet lần nữa thôi... Hiện đang có một lứa mới... Nhưng từ từ chúng ta sẽ nói chuyện chuột sau... Quay lại chuyện con người đi... Để bắt đầu, tôi muốn trả lời nhận xét thứ nhất của anh. Anh nói là tôi đang tìm kiếm linh hồn dưới dạng vật chất. Nhưng điều đó không đúng hẳn... Tôi không tìm kiếm linh hồn. Tôi đang tìm một dạng năng lượng nào đó mà, khi liên kết với vật chất, sẽ mang lại cho vật chất một đặc tính vẫn còn chưa lý giải được; đó là sự sống... Xin anh thừa nhận với tôi một điều, tôi nghĩ thế, là bất kể những tuyên bố của đám duy vật cuồng tín, cho tới nay vẫn không thể nào tái tạo được những phản ứng của vật chất có sự sống bằng bất kỳ phương pháp vật lý hay hoá học nào... – Đúng. Nhưng cũng có giả thiết là một ngày nào đó những điều ấy sẽ được làm sáng tỏ... – Ồ, nếu anh muốn! - Giọng James nôn nóng. - Người ta có thể đưa ra mọi giả thiết... Nhưng vẫn như trước, những điều đó không còn thuộc về khoa học nữa, mà là tín ngưỡng... Dù sao thì, anh hãy thừa nhận với tôi là, dù mang tính khoa học hay thử nghiệm, tôi vẫn có quyền nói rằng chúng ta không biết sự sống là gì... Như vậy chẳng có gì phi lý cả trong việc tìm kiếm, giống như tôi đang làm, sự tồn tại trong các cơ thể sống một dạng năng lượng khác hẳn với mọi dạng năng lượng quen thuộc với chúng ta. Xin hãy lưu ý rằng việc tìm kiếm này không đặt ra vấn đề linh hồn theo nghĩa tôn giáo hay triết học của từ đó; nó chuyển đổi ý nghĩa đó, dịch chuyển ý nghĩa đó, đẩy ý nghĩa đó lùi xa hơn... Dẫu cho tôi có chứng minh thành công là trong mọi sinh vật đều tồn tại một khối lượng nhất định của “chất sinh lưu” thì bản thân cái lưu chất ấy cũng còn phải chia phần cho linh hồn và vật chất, và như vậy ta phải cho thấy được chúng đã hợp nhất bằng cách nào... Tôi lưu ý điều đó để phòng hờ là mọi quan niệm chính thống có thể khiến anh có những suy diễn ngờ vực... – James thân mến ơi, - tôi nói. - Tôi đã nêu quan điểm của tôi về mối liên hệ này rất rõ mà, và tôi đang lắng nghe với tinh thần phê phán nhưng hoàn toàn tự do... Đằng nào thì ý tưởng của anh về chất sinh lưu cũng không phải là mới. Mesmer*, người là một trong những nguyên nhân xa xôi của cuộc Cách mạng Pháp, đã từng... – Tôi biết, tôi biết, - người bạn bác sĩ vừa nói vừa bập tẩu thuốc. - Hơn thế nữa, ông ta còn có một người kế thừa quan trọng, người mà tôi dám nói là anh không hề biết đến... Nam tước Von Reichenbach*. – Anh nói đúng. Tôi không hề biết người này. Ông ta là ai vậy? – Ông ta là một nhân vật phi thường, từng bị cảnh sát Pháp tống giam vì ông ta muốn thành lập một quốc gia... Một nhà hoá học tài ba đó, chính ông ta đã khám phá ra chất paraffin và creosote... Khoảng năm 1860 ông ta lao vào vấn đề phát xạ của cơ thể sống. Ông ta là chủ của nhiều lâu đài đẹp như mơ ở Bavaria, có cái nằm chót vót trên núi, có cái nằm bên cạnh hồ nước. Và ở đó ông ta đã tập hợp được nhiều đối tượng nghiên cứu có sự nhạy cảm lạ kỳ, những người có thể nhìn thấy trong bóng tối hoàn toàn một lưu chất phát sáng chung quanh con người, động vật và những bông hoa; Reichenbach đã đặt tên cái lưu chất ấy là “od” theo một từ tiếng Phạn có nghĩa là “thấu triệt.” Các đối tượng của Reichenbach, trong bóng tối hoàn toàn, nhìn thấy những xạ khí bốc lên từ các cơ thể sống; chúng không phải khói mà cũng không phải hơi nước, nhưng giống một ánh sáng lung linh liên tục... Một chi tiết kỳ lạ là những xạ khí này thoát ra từ bên phải cơ thể thì màu hơi đỏ, còn ở bên trái thì hơi xanh... Thực tế là tôi đã cố làm lại thí nghiệm của Reichenbach. Nhưng tôi không hề thấy được gì cả. Khi ba chúng ta, anh, Gregory và tôi, trong bóng tối hoàn toàn mới hồi nãy đây, anh đã không phát hiện ra bất kỳ “chất od lung linh” nào, phải không? Và thế mà lúc đó chúng ta ai cũng trong tình trạng chú ý cực độ. – Không, tôi chẳng thấy gì. – Còn quanh thi thể đó? – Không có gì cả. – Tôi cũng không thấy. Và lúc nào cũng như vậy cả... Nhưng tôi đã tìm thấy một điều khác... Chuyện như thế này... Có lần tôi đọc được một tường thuật trong một tờ báo y khoa hồi chiến tranh, nói về một thí nghiệm do một bác sĩ Crooks nào đó thực hiện. Ông ta đã mô tả cách ông ta cân trọng lượng xác chết của nhiều động vật, và đã thấy được hiện tượng là, sau một khoảng thời gian gần như cố định đối với một chủng loài đã biết, thì trọng lượng đột nhiên sụt giảm... Ở con người, ông ta ghi nhận được sự sụt giảm này là khoảng 0,17 miligam. Từ đó ông ta kết luận rằng có tồn tại linh hồn, và linh hồn cân nặng 0,17 miligam. Dưới hình thức còn thô thiển như thế, cái thông tin đó bị cho là ngớ ngẩn. Ông Crooks nói trên bị xem là đồ điên khùng, và không ai chịu đọc kỹ bài viết của ông ta... Riêng tôi thì lại thấy bài viết đó có giọng điệu thành thật và các chi tiết lại đặc biệt chính xác... Dù sao thì tôi lẽ ra đã không hề thử làm lại các thí nghiệm rắc rối và khó chịu này nếu như... Anh bỗng im bặt như thể hối tiếc đã lỡ lời, rồi bỏ lửng câu nói đó anh tiếp luôn sang ý khác. – Năm ngoái, do hoàn cảnh công việc của bệnh viện đưa đẩy mà tôi được tuỳ ý sử dụng các tử thi, tôi bỗng nảy ra ý định kiểm chứng các hiện tượng mà Crooks đã ghi nhận; và khá là ngạc nhiên tôi khám phá ra rằng ông ta đã nói sự thật... Chỉ có điều là ông ta đã dừng thí nghiệm lại quá sớm. Ở con người, tiến trình bốc hơi gần như luôn luôn bị gián đoạn, không phải một lần, mà tới ba lần qua ba đợt sụt giảm đột ngột... Đợt đầu tiên, anh đã quan sát thấy tối nay, diễn ra khoảng một giờ ba mươi lăm phút sau khi chết, và trọng lượng sụt giảm trong khoảng từ 0,75 tới 0,95 miligam; đợt thứ hai và thứ ba sẽ tiếp theo đợt đầu lần lượt là hai mươi phút sau và một giờ sau nữa; tôi đã không chờ đợi thêm vì bây giờ tôi đã biết chắc chắn hết tất cả rồi. Anh định nói gì phải không? – Không có gì quan trọng... chỉ là một nhận xét. James, do phải mất mấy phút sau khi cái chết xảy ra, anh mới có thể cân được tử thi; như vậy thì anh đâu có biết được trong mấy phút đó có hiện tượng nào tương tự có thể đã xảy ra hay không. James ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: – Hoàn toàn đúng. Nhưng tôi quay lại với những điều tôi biết... Về các kết quả của thí nghiệm này, chắc chắn là có thể... Chính anh vừa thấy tận mắt, ai ai cũng có thể kiểm chứng... Cho tôi nói thêm là tôi đã làm lại các thí nghiệm này với nhiều động vật, vì thế mới có những con chuột khiến anh thắc mắc đó. Và ở khía cạnh này, các kết quả của Crooks cũng chính xác. Luôn luôn có một đợt sụt giảm đột ngột, nhưng mức độ thì ít hơn ở con người... Trong trường hợp của chuột, mức sụt giảm nhỏ đến độ không thể đo lường được... Những điều đó là thực tế; còn việc lý giải thì tất nhiên chấp nhận tranh cãi... Tẩu thuốc của anh đã tắt. James châm lại tẩu thuốc và nhìn tôi. Tôi thận trọng không nói gì cả. Anh tiếp tục: – Ở giai đoạn này, đây là quan điểm tôi đưa ra. Tôi thấy có lẽ có khả năng đặt giả thuyết rằng, không phải là linh hồn cân nặng 0,17 miligam, như vậy thì quá đơn giản, mà là mọi sinh vật đều được tạo sự sống; anh cũng có thể nói là “có linh hồn”; nhờ một dạng năng lượng nào đó vẫn có thể chưa biết đến, và năng lượng đó sẽ rời khỏi cơ thể sau khi chết. Việc mọi năng lượng đều chiếm một khối lượng là điều được các nhà vật lý hậu Einstein công nhận. Anh biết là ánh sáng có thể cân được, và trên lý thuyết ánh sáng có thể nén được trong một vật chứa... Đấy, vậy thì tại sao năng lượng sống lại không phải như thế chứ? Thật ra trọng lượng của ánh sáng là thuộc một dạng kích thước khác, một thứ vô cùng nhỏ hơn so với điều chúng ta đang quan sát ở đây. Nhưng tôi không thấy đó là lý do để bác bỏ lập luận của tôi. Điều đó chỉ chứng minh là chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng hoàn toàn khác, điều này không đáng ngạc nhiên... Những trạng thái vật chất hiện nay đã biết được đều thuộc dạng như là một tấn nguyên tử khi được thu nhỏ chỉ còn những hạch nhân thì có thể bỏ vừa trong túi áo ghi-lê của tôi... Anh có nắm được ý tôi tới chỗ này không, hay là anh nghĩ tôi quá điên rồ? – Tôi thấy khó thích ứng theo những quan điểm này, - tôi đáp. - nhưng lập luận của anh tôi thấy là rõ ràng... Tuy nhiên, tôi sẽ đưa ra một phản biện. Chắc chắn anh xem cơ thể người là một sinh thể đồng nhất; nhưng theo như chúng ta biết thì hoàn toàn không phải như vậy. Các tế bào khác nhau của cơ thể không chết đi cùng một lúc. Trái tim sống lâu hơn bộ não. Lúc tôi ở Mỹ tôi được thấy ở các phòng thí nghiệm của Carrel* cách dùng các phương pháp nhân tạo để nuôi sống những tế bào của trái tim hầu như vô thời hạn. Tôi không nhớ tên của nhà khoa học nào đã nói rằng các tế bào của một cơ thể sẽ chết giống như các cư dân của một thành phố chết đói; ai yếu nhất sẽ chết trước. Nhưng nếu chết là một chuỗi giai đoạn, vậy thì quan điểm ấy liên quan thế nào với hiện tượng sụt giảm đột ngột của anh? – Đặt vấn đề rất có lý. Chính tôi cũng đã cân nhắc điều đó... Câu trả lời là, trước hết, tôi thấy không phải là một đợt sụt giảm, mà là vài đợt; kế tiếp, ý tưởng của anh về cái chết riêng lẻ của các tế bào là một giả thuyết, chỉ là giả thuyết mà thôi... Nếu như có tồn tại một lực nào đó có thể là nền tảng của cái mà chúng ta gọi là “con người” thì nó bắt buộc phải biến mất hết ngay lập tức; chắc chắn là ngay đợt sụt giảm mạnh nhất; tuy nhiên, cái đặc tính “con người” này lại là thứ rất khác biệt với sự sống của từng tế bào trong chúng ta... Con người hoặc tồn tại, hoặc không tồn tại... Hãy nhớ lại đi, tôi không hề muốn biến linh hồn thành một thứ vật chất; nhưng như tôi vừa giải thích đó, chính vì linh hồn kết nối với cơ thể để diễn đạt những ý nghĩ của nó, và nhận thức những cảm giác của nó, cho nên cũng có khả năng là sau khi từ bỏ cơ thể, linh hồn sẽ kết nối với nguồn năng lượng bí ẩn mà chúng ta đã nhận thấy qua hiện tượng lìa khỏi thân xác. – Ý anh nói là cái đặc tính “con người” đó có thể tồn tại không cần cơ thể, nếu nguồn năng lượng sống của cơ thể đó vẫn có thể quy tụ vào một nơi duy nhất? – Chính xác. Nhưng tạm thời tôi không khẳng định... Tôi chỉ nói là điều này không phải là không thể hình dung. – Nhưng trong thực tế thì nguồn năng lượng này vẫn chưa quy tụ được. – Chúng ta không biết gì cả, nhưng như tôi đã nói lúc ta ăn tối, chính vì cái vật chất hợp thành cơ thể sẽ bằng nhiều hình thức quay trở về với nguồn vật chất chung, cho nên, ngay khi chết, lực sống của chúng ta quay trở về với một nguồn dự trữ năng lượng tinh thần bao la nào đó cho đến khi được tái hợp nhất với những nguyên tử vật chất nào đó, nó một lần nữa lại thành sức sống cho một sinh thể. – Nói cách khác, anh tin vào sự bất tử của một linh hồn chung, chứ không tin vào sự tồn tại của linh hồn cá nhân sau khi chết? – Anh đúng là có sở thích hay ý kiến đúng kiểu người Pháp, anh bạn tôi ơi... Ngay lúc này, anh lại lôi kéo tôi vào lãnh vực giả định, và ở đó thì không có giới hạn nào... Về phần tôi, vấn đề khiến tôi quan tâm lại hạn hẹp hơn nhiều... Nếu ta có thể thu được năng lượng sống của một con người, như vậy ta có thể cô đọng được “con người” của kẻ đó không? Điều đó sẽ bảo đảm cho kẻ này, nếu không được bất tử (mọi vấn đề liên quan đến tính vô tận đều nằm ngoài khả năng của trí tuệ con người), thì ít nhất cũng cho kẻ ấy một phương cách sống sót nào đó được không? Đó là điều tôi đang cố khám phá. – Hơi điên rồ đó, James... nhưng mà hấp dẫn... Chà, rồi gì nữa? Anh đã cố thu thập được cái “gì đó” có trọng lượng 0,17 miligam chưa? – Tôi vẫn chưa tìm ra phương cách để thử làm với con người... Tôi đã thử với động vật rồi. Trong thí nghiệm với máy cân, tôi đã đặt một số động vật dưới những chiếc chuông thủy tinh... nhưng tôi thu được cái gì trong đó? Mà thực tế là có gì để thu vào trong chuông không? Tôi không thể nào nói được. Ngay từ đầu tôi bắt buộc phải nhấc cái chuông lên để kéo cái xác động vật ra. Như vậy những gì chứa bên trong có thoát ra ngoài không? Tôi hoàn toàn không biết... Bất kể Reichenbach và những khẳng định của ông ta, cái chất sinh lưu ấy vẫn vô hình; và vì thế không dễ gì quan sát được... Rõ ràng là làm thí nghiệm với con người phải cho ra những kết quả dễ quan sát hơn, do các đại lượng liên quan đều lớn hơn. Ba ngày trước tôi đã đặt hàng một cái chuông thủy tinh đủ lớn để đậy kín một tử thi. Tuần tới tôi sẽ có cái chuông đó... Để rồi xem... Lúc đó anh còn ở đây không? – Tôi phải về Paris vài ngày, nhưng công việc của tôi còn lâu mới xong, tôi sẽ quay lại London vào thứ Sáu, khoảng bảy giờ chiều... Hôm đó anh lại ăn tối cùng tôi nhé? – Không được, tôi không thể rời bệnh viện vào ngày thứ Sáu... Nhưng anh cứ đến đây đi, biết đâu... James nhìn tôi chăm chú thật lâu, như một kiến trúc sư dùng ánh mắt đo lường độ vững chắc của một xà nhà hay vách tường. Anh nói: – Tất nhiên là anh phải giữ lời hứa không hé ra lời nào về những gì anh đã thấy ở đây... Lộ ra là tôi mất việc và mất luôn cơ hội tiếp tục thí nghiệm... Tôi bắt tay anh rồi ra về. Tôi tìm đường về trong sương mù rất khó khăn và mãi tới ba giờ sáng tôi mới về đến khách sạn. Tôi không ngủ được. 6 Trong câu chuyện này tôi đã đi tới chỗ để cho hoàn cảnh dẫn dắt mình đóng một vai trò lớn hơn, và tôi phải thú nhận là sau khi đã nghiêm túc hứa hẹn với James, tôi thật đáng trách vì đã bàn luận với một nhà khoa học Pháp về những nghiên cứu của anh, dù chỉ là nói gián tiếp. Nhưng tôi nghĩ là mình có lý do bào chữa. Trước hết, đó chỉ là do tình cờ chứ không phải chủ ý của tôi mà trong thời gian đó tôi lại tiếp xúc lần đầu tiên với Monestier. Hơn nữa, như quý vị sẽ thấy, những gì tôi hỏi Monestier toàn là những điều mà Monestier không một lúc nào có thể nghĩ rằng những thí nghiệm lạ lùng như vậy lại đang được một bác sĩ thực hiện. Và cuối cùng, tôi bắt buộc phải nói rằng những biện pháp của tôi, dù có thể là vội vàng, cũng đã giúp cho James tiến những bước dài trong việc giải quyết vấn đề này. Tôi về đến Paris vào thứ Bảy, và ngay tối hôm đó ăn tối với mấy người bạn. Khi đã yên vị ở bàn ăn, tôi thấy mình ngồi bên cạnh bàn của ông Monestier. Từ lâu ông ấy đã là một mục tiêu ngưỡng mộ của tôi, bởi ông không chỉ là một trong những nhà vật lý danh tiếng nhất, sau Jean Perrin và Langevin*, mà còn là một cây bút tuyệt vời. Và bản thân nhân vật này cũng hấp dẫn tôi, với đôi mắt xanh tinh nhanh như mắt trẻ thơ, chỏm tóc mềm bạc trắng, và giọng nói nhanh nhảu, trẻ trung. Ông ấy bắt chuyện trước, tôi còn nhớ, về những công trình của Esnault- Pelterie* và khả năng du hành lên mặt trăng. – Tôi đây thì không đi được rồi, - ông nói. - Con trai tôi thì có thể. Cháu nội tôi thì chắc chắn... Đằng nào cũng sẽ có hàng trăm người tình nguyện. – Họ sẽ thở bằng cách nào? - Tôi hỏi. – Họ có mang theo dưỡng khí chứ, - Monestier nói. - Rồi về sau, khi một cộng đồng con người đã di cư lên đó thì sẽ có một chợ bán dưỡng khí để mỗi sáng các bà nội trợ đến mua nguồn dự trữ ô-xy để thở... Cuộc sống có vẻ sẽ rất đơn giản đối với những người sống trên mặt trăng... Nhà thám hiểm Christopher Columbus nếu ở thời nay thì ông ta sẽ nghĩ sao nếu như người ta lấy tên ông đặt cho chiếc tàu khách viễn dương Île de France*? Hãy đọc lại các truyện giả tưởng của Jules Verne và Wells đi. Hầu như mọi giấc mơ của các thế hệ trước đều đã trở thành thực tế của ngày hôm nay. Đúng ngay lúc đó (và chắc chắn là vì trong câu chuyện nhà khoa học này đã tung ra hai cái tên Jules Verne và Wells một cách thông cảm), bỗng dưng tôi không kềm lòng được nên phải hỏi ông ấy về giá trị khoa học của những gì bác sĩ James đang nghiên cứu. – Tôi phải thưa với ông là, - tôi nói với Monestier, - chính tôi cũng đang suy nghĩ để viết một truyện giả tưởng; và đây là một truyện mà nhân cơ hội này tôi rất vui mừng nếu được nghe ý kiến của một nhà khoa học về nó... Tất nhiên ông sẽ thấy đề tài này rất là phi lý... Tôi cũng biết là nó phi lý. Nhưng tôi muốn nghe ông chỉ bảo cho, giả sử như có một nhà khoa học điên khùng tới mức làm những thí nghiệm như thế, thì nhân vật này sẽ phải đi theo hướng nào, tìm tòi bằng cách thức nào. Thế là tôi liền thuật lại cho Monestier nghe, cứ như đó là một chuyện hư cấu, về những trao đổi của tôi với James, và những thí nghiệm tôi đã chứng kiến. Ông ấy chiều ý tôi và vui vẻ lắng nghe. – Thật ra thì cũng không quá phi lý đâu, - ông nhận xét. - Đã có hạt “điện tử” thì tại sao lại không thể có hạt “linh tử” chứ? Nói cho cùng chúng ta hiểu biết rất ít... Vậy thì chính xác cậu muốn tôi nói gì đây? Ông bác sĩ của cậu có thể làm những thí nghiệm gì à? Chà, nếu tôi là nhân vật đó thì trước tiên tôi sẽ cố tìm xem có phải có những loại tia nào đó sẽ không làm hiển hiện được thứ năng lượng mà ông ta nghĩ là đã thu thập được trong chiếc bình chứa ... Cậu có bao giờ đã thấy những chất phát quang nào không thể thấy được vào ban ngày nhưng trong bóng tối lại hiện rõ dưới những tia tử ngoại không? – Không, chưa hề. – Lúc nào đó tôi sẽ cho cậu thấy; một cảnh tượng khá đẹp mắt... Ngày mai cậu ghé phòng thí nghiệm của tôi được không? – Thế thì còn gì bằng. Và hôm sau tôi đến tìm ông trong một toà nhà mới, giữa mớ thiết bị bóng loáng, phức tạp. Lúc tôi đi vào, ông đang đứng trước một ống thủy tinh, lúc tới gần hơn tôi thấy trong bình có những vòng tròn ánh sáng mảnh như tơ màu tím hồng, sáng nhạt và lạ thường. – À, chào cậu, - ông nói. - Nhìn này, đây là một hiện tượng rất kỳ cục... Xem đi. Tôi sẽ đưa một thanh nam châm lướt dọc theo ống này... Ông ấy đang cầm một thanh nam châm nhỏ hình móng ngựa, và ông từ từ di chuyển thanh nam châm về bên phải. Liền lúc đó tôi thấy những vòng sáng kia tách rời nhau ra, chuyển động theo thanh nam châm và càng lúc càng nhạt màu hơn, càng trong suốt hơn. Rồi Monestier dịch thanh nam châm ngược về bên trái; và những vòng sáng luồn vào nhau cho đến khi chúng hợp thành một vòng tròn nhỏ duy nhất của một chất gì đó màu tím. – Hay quá! - Tôi kêu lên. - Nhưng xin ông giải thích cho! – À! Chính tôi cũng đang tìm cách giải thích đây! Tôi vẫn chưa biết tại sao... Nhưng cậu đến để xem hiện tượng phát quang. Tôi không được làm mất thời giờ của cậu... Trong một góc phòng có một thiết bị đã được kéo ra, đen kịt, trông khá giống một chiếc máy chụp ảnh kích thước lớn, phủ tấm vải mà thợ ảnh thường dùng khi canh nét. Monestier nói: – Đây là máy tạo tia tử ngoại. Ánh sáng nhìn thấy được khi đi vào máy sẽ bị ngắt bởi một chiếc đĩa đen chỉ cho phép những tia không nhìn thấy đi qua... Này, cậu vui lòng tắt đèn cho... Công tắc ở phía xa bên trái đó... Tốt. Bây giờ tôi cho máy này hoạt động trong bóng tối... Cậu không thấy gì cả... Nếu cậu đưa bàn tay mình chắn ngang đường đi của tia sáng này thì cậu sẽ thấy bàn tay hơi ửng lên, và nếu cậu để tay quá lâu thì cậu sẽ bị bỏng đó... Tốt. Bây giờ tôi đặt trước máy này một bình chứa đầy nước. Đương nhiên là không nhìn thấy gì... Nhưng tôi sẽ rót một chất phát quang vào bình nước này và... nhìn đi! Đột nhiên hai đốm sáng màu xanh ánh thép hiện ra trong bóng tối, như hai hành tinh lơ lửng trong màn đêm. Chúng vừa lan rộng ra vừa chầm chậm cuộn xoáy theo những đường trôn ốc, lớn dần và nhạt dần, những tinh vân càng lúc càng mỏng manh. Tràn ngập cả bình nước là một màn khói lỏng như một đám mây lung linh huyền ảo. – Đẹp quá! - Tôi thốt lên. - Giống như đang chứng kiến sự hình thành vật chất... Nhưng tại sao tất cả những điều này lại không nhìn thấy được trong ánh sáng bình thường? – Anh bạn thân mến, - Monestier mỉm cười và nói - những cái “bởi vì” của khoa học gần như luôn là những tuyên bố về những sự việc quan sát được... Anh nhớ câu “Quia est in eo virtus dormitiva” trong kịch Molière chứ?*... Bởi vì có những chất phát quang chỉ nhìn thấy được dưới các tia tử ngoại. Nhưng quay lại tình tiết câu chuyện của cậu đi; và đêm qua tôi đã mơ tưởng rất nhiều về nó; không có gì cấm ta giả sử rằng cái “chất sinh lưu” của cậu có tính phát quang... Nhân vật bác sĩ trong truyện của cậu chắc chắn có thể mượn một thiết bị trong bệnh viện tương tự như cái máy này... Cho anh ta đặt những chiếc chuông thủy tinh trên đường đi của các tia sáng và..., ai mà biết được?... Không chừng anh chàng sẽ nhìn thấy các hạt “linh tử” đột nhiên phát sáng lên. – Đúng rồi... một ý kiến rất hay... Thế ông có nghĩ là lớp thủy tinh của chiếc chuông ấy sẽ ngăn được năng lượng chứa đựng bên trong không cho thoát ra không? Hay là nhân vật này cần phải có những bình chứa bằng kim loại? Hay bằng thạch anh? – À, điều đó thì tôi không biết... Tất cả tuỳ thuộc vào tính chất của chất lỏng trong truyện anh viết, mà điều đó tôi cũng không biết. Nhưng tôi thấy không có một lý do tiên nghiệm nào mà lại cho rằng thủy tinh không thích hợp... Nếu nó không thích hợp, cậu thử cho nhân vật của cậu dùng loại thủy tinh hỗn hợp xem. Như vậy cậu sẽ có những bình chứa màu đỏ rất đẹp trong câu chuyện đó... Nhưng tôi sẽ cho cậu xem một thứ khác. Ông ấy cho tôi xem những phiến xà phòng, cực mỏng, trong đó đã hình thành những đĩa tròn màu tươi thắm, luôn biến đổi, và tôi không dám nói gì thêm về “sáng tác” của mình nữa. 7 Tôi trở lại London vào chiều thứ Sáu. Chuyến vượt biển sóng gió khiến tôi quá mệt không thể ra phố trở lại ngay tối đó, và mãi đến sáng thứ Bảy tôi mới đến bệnh viện gặp James. Anh không có trong phòng, nhưng cửa phòng mở ngỏ và tôi vào trong ngồi chờ. Bức màn lớn đã kéo ra. Dãy kệ mà bức màn này đã che giấu lúc tôi đến đây lần đầu bây giờ cho thấy nó chứa một cái cân đĩa nhỏ, một bầu thủy tinh úp ngược, vài chai lọ nhỏ. Trong lúc chờ bạn về, tôi nhìn những bức ảnh chụp một người phụ nữ bày trên bệ lò sưởi và trên bàn viết, và rồi tôi nhận ra (điều mà tôi không chú ý vào ngày đầu tiên) là tất cả đều là chân dung của cùng một người, một cô gái, thật sự là trông giống một cô bé. Vẻ mặt cô ấy dịu dàng và lanh lợi, có những đường nét quyến rũ, và mái tóc vàng sáng tới mức gần như màu trắng. Trong tất cả những bức ảnh chân dung này, người phụ nữ trẻ ấy hầu như chỉ mặc toàn y phục của thời đã qua. Cô ta là diễn viên chăng? Cô muốn tôn thêm nhan sắc bằng các trang phục khác nhau chăng? Tôi đang chìm đắm trong những ý tưởng mơ màng mà sự bí ẩn của một gương mặt yêu kiều luôn khơi gợi tâm trí ta thì nghe tiếng bước chân. Tôi quay lại. James đã ở đằng sau. Anh đặt một bàn tay lên vai tôi, rồi chính anh cũng thoáng nhìn qua những bức ảnh chụp ấy. Cuối cùng anh lên tiếng, giọng khàn khàn: – Đây rồi! Anh mới quay lại đấy à? “Thành phố vui nhộn” của anh ra sao rồi? – Rất thích... Tôi không biết có thành phố nào quyến rũ hơn Paris vào mùa xuân không... Nhưng chuyện đó không quan trọng. James này, tôi nghĩ là tôi đã tìm được một gợi ý có giá trị cho các nghiên cứu của anh đó. – Cho các nghiên cứu của tôi? Như thế nào đây? Tôi kể anh nghe việc tôi đã khinh suất lỡ lời, nhưng nói rõ là việc ấy không gây nguy hại gì đến bản thân anh. Tôi kể lại những gì đã thấy trong phòng thí nghiệm của Monestier, và cố gắng tường thuật chính xác những lời của nhà khoa học này. – Anh có hiểu không, James? Tôi thấy có khả năng là nếu anh làm sao cho một luồng tia tử ngoại chiếu qua bên trên tử thi khi anh nghĩ là có gì đó từ xác chết thoát ra, biết đâu anh sẽ thấy được cái lưu chất ấy phát sáng... Tất nhiên thực tế cũng có thể hoàn toàn ngược lại... nhưng sao không thử coi? Bệnh viện này chắc chắn là có máy phát tia tử ngoại chứ? – Ồ, phải đó, - anh nói, giọng trầm ngâm. - Khó khăn duy nhất là đưa cái máy đó vào phòng mổ tử thi. Nhưng chuyện đó không phải là không thể làm được... Phải đó, cảm ơn anh nhiều lắm... đúng là một ý kiến hay... Tôi đã từng thấy những thí nghiệm với chất phát quang, nhưng tôi chưa hề nghĩ tới việc ứng dụng vào đây. Đằng nào tôi cũng có thể thử trong phòng riêng của tôi với một mẫu động vật nhỏ nào đó. Tối mai anh ghé đến nhé? Chúng ta sẽ cùng làm thí nghiệm này. Tôi hứa sẽ đến, nhưng tôi yêu cầu James, nếu như anh phải giết một con chuột hay một sinh vật nào khác, thì hãy làm việc đó trước khi tôi đến, vì tôi rất ghét chứng kiến cái cảnh ấy. Anh cười nhạo tôi một chút, rồi bảo là những con vật ấy sẽ không đau đớn, vì trước đó anh đã tiêm thuốc mê cho chúng rồi. დღდ Buổi tối hôm sau tôi thấy James trong trạng thái nôn nóng không thể tưởng tượng nổi. Vừa nghe tiếng chân tôi bước lên thang lầu là anh đã lao ra khỏi phòng, và khi tôi lên đến thềm cầu thang là anh đã chìa cả hai bàn tay về phía tôi. – Nhìn này, anh bạn, - anh nói thầm, - chúng ta đã có giải pháp, nhờ anh đó. – Ý anh là sao? – Vào đây mà xem. Căn phòng tối đen, nhưng James ở đằng sau đặt hai bàn tay lên hai vai tôi dẫn đường đi. – Cẩn thận, - anh nói. - Cái máy đó đang ở giữa phòng... Bước qua bên trái một chút... Chút nữa... Được rồi... Qua bên trái chút nữa... Có thấy gì không? Đằng kia về phía lò sưởi tôi có thể nhận ra một đốm ửng sáng lờ mờ, bằng cỡ hạt dẻ nhưng thon dài hơn. Tiến gần lại, tôi thấy bên trong của cái nhân phát sáng này chứa những luồng màu sậm hơn đang xoay tròn cực chậm. Toàn bộ cảnh tượng này khiến tôi nhớ đến những bức ảnh nào đó chụp hình dạng của một tinh vân vũ trụ. – Anh có được thứ gì trong đó? - Tôi hỏi. - Trông thật lạ kỳ, và cũng có phần khá là đẹp... – Tôi sẽ cho anh nhìn nó trong ánh sáng, - anh nói. Anh rời khỏi tôi một lúc. Ngọn đèn ở giữa phòng bật lên, tôi thấy trên bệ lò sưởi là một chuông thủy tinh nhỏ, bên dưới là xác một con chuột chết nằm dài nghiêng một bên. Cái đốm nóng sáng ấy đã biến mất. Tôi nhìn James dò hỏi. – Trông anh ngạc nhiên quá, - anh nói. - Nhưng tôi đã áp dụng cái ý tưởng anh đã gợi ý cho... Cái anh vừa mới thấy đó là một lượng nhỏ của... tôi không dám nói đó là vật chất... nếu anh muốn thì ta cứ tạm gọi đó là một lượng nhỏ của lưu chất phát quang, được hiển thị qua một chùm tia tử ngoại chiếu trên chóp chuông thủy tinh, hai mươi phút sau khi con vật này chết. Tôi bàng hoàng, không thể tin vào điều mình vừa được thấy và được nghe. – Nhưng chuyện này phi thường, James... Chưa từng có ai nghĩ đến bao giờ... Đúng là một khám phá lớn, anh không thấy vậy sao? Và bây giờ thì nó đâu rồi, cái lưu chất của anh? Tôi không thấy gì trong bình cầu ấy. – Hoàn toàn đúng. Không thấy được gì cả trong ánh sáng bình thường, và điều đó giải thích tại sao cả tôi lẫn mọi người khác trước giờ đều không chú ý tới hiện tượng này... Nhưng phương pháp của anh, hay của ông bạn vật lý gia của anh, nếu anh muốn gọi thế, là phương pháp đúng. – Tôi muốn nhìn thấy lại điều đó. Anh tắt đèn và bật máy lên. Lập tức hạt nhân nhỏ xíu thuôn dài kia ửng sáng lên cái ánh tinh vân mờ dịu của nó. – James, thật tình tôi bắt đầu nghĩ là anh đang trên đường đi tới một tương lai tuyệt vời khôn lường. Anh có nghĩ là đặc tính của con chuột này... anh có nghĩ là cái cá thể vô hình của sinh vật này vẫn tiếp tục tồn tại trong một hình thức nào đó có liên quan đến đốm sáng này không? – Tôi không biết gì hơn anh cả, anh bạn thân... Tôi chỉ có thể nói là với tôi thì điều đó có thể, thậm chí có khả năng là thật... và cũng nói thêm, tôi đã quyết định làm lại thí nghiệm này với một con người ngay khi nào tôi có cái chuông thủy tinh lớn hơn... Ngoài ra, hãy lưu ý là cái lưu chất này, may cho chúng ta, nó nhẹ hơn không khí và tích tụ lại trên chóp bình cầu, một điều giúp cho ta dễ dàng giữ lại cái chất đó cho dù có phải nhấc chuông thủy tinh lên để lấy cái xác ra. Chúng tôi đứng im lặng một hay hai phút trong bóng tối, chăm chú nhìn cái đốm sáng có thể là biểu hiện của một sự tồn tại bí ẩn nào. Cuối cùng James lại bật đèn lên. – Kỳ lạ quá, - tôi nói, - những sự thật quan trọng và đơn giản như vậy mà bao lâu nay loài người không biết được! – Tại sao? - James nói. - Chẳng phải đó là câu chuyện của mọi hiện tượng khoa học ư? Dữ kiện của mọi khám phá lớn đều tồn tại trong tự nhiên suốt hàng ngàn năm qua. Cái thiếu là thiếu một bộ óc để giải thích được chúng. Khi người tiền sử trong hang động thả một hòn đá xuống dòng suối bên cạnh hang đá thì y lẽ ra đã khám phá được các quy luật gia tốc của vật thể rơi, như Galileo đã làm sau này... Y đã không nghĩ đến điều đó... Ngay từ khi trái đất hình thành, bão giông sấm chớp đã cung cấp cho con người những thí nghiệm kỳ diệu mà lẽ ra qua đó con người phải biết đến sự tồn tại của điện lực... Nhưng hiện tượng đó lại được con người giải thích rằng đó là cơn thịnh nộ của thần Jupiter... Xưa nay con người luôn được bao bọc, và bầu khí quyển luôn được soi thấu bởi những tia xạ mà các nhà vật lý ngày nay ứng dụng; thế nhưng những tia xạ này vẫn không nhìn thấy được và không giải thích được, giống như lực sống của con chuột này.” – Con vật đáng thương! Mang nó đi đi, James... Tôi không thích nhìn thấy cái xác đó nằm giữa những bức ảnh của người phụ nữ kiều diễm kia... Sau một lúc ngần ngừ, tôi nói thêm: – Cô ấy là ai vậy? – Anh không biết sao? - James nói. - Đó là Edith Philipps. Cô diễn viên trẻ ấy, anh biết mà... cả London ngay lúc này đang đổ xô đi xem cô ta diễn vai Ophelia... Anh chưa xem? Một tối nào đó tôi sẽ đưa anh đi xem. – Mang con chuột đi đi, James. Anh cẩn thận nhấc bình cầu lên, và nắm cái đuôi dài kéo con vật ra, anh gói kín xác chuột trong một tờ giấy. – Rồi, - anh nói, - giờ ta xem thử đốm sáng của chúng ta có còn đấy không. Anh làm lại thí nghiệm. Cái đốm tròn sáng nhỏ bé ấy vẫn ửng lên trên chóp bình thủy tinh. 8 Những chuyến đi tới bệnh viện Saint Barnaby của tôi giờ đây hầu như diễn ra hàng ngày. Tôi vẫn tiếp tục công việc của mình ở Bảo tàng Anh quốc vì tôi buộc phải làm, và vì ban ngày tôi không thể gặp James do nghề nghiệp của anh không cho phép anh rảnh rang trong thời gian đó; nhưng tôi thấy những nghiên cứu của bạn tôi hấp dẫn hơn nhiều so với việc nghiên cứu của mình. Hàng ngày tôi nôn nao chờ đến giờ anh đã hẹn. Ngay trong phòng đọc của viện bảo tàng, thay vì làm việc tôi cứ nhìn những người ngồi gần bên, một cô gái đeo kính gọng đồi mồi, một người Hindu nhỏ con tóc quăn, và tưởng tượng họ đang nằm trên chiếc bàn cân đáng sợ của Gregory. Và khi gần đến giờ hẹn, tôi hấp tấp đi tới lãnh địa của ống khói và bến tàu bên kia thành phố. Hai lần một tuần, vào các ngày thứ Tư và thứ Bảy, con lộ lớn dẫn đến bệnh viện luôn có một phiên chợ tồi tàn chiếm dụng đường đi, điều tôi đã chú ý khi đến đây lần đầu. Tôi thích dừng bên những sạp hàng lộ thiên nơi người ta bán cá, và bán sách đồng giá một xu một cuốn, và bán giày cũ. Có lúc tôi bắt chuyện với những người bán hàng. Một người trong số đó là ông William Slutter, người tôi thích nhất vì cá tính lạ lùng của ông ta và vì gương mặt đẹp như một nhà quý tộc cao niên. William Slutter bán những chiếc bật lửa giá sáu xu, có bộ phận đánh lửa hình con lợn, khi con lợn này giơ chân lên thì tóe tia lửa. – Cái này hay lắm! - Ông ta cứ rao hàng. - Bật trăm cái cháy cả trăm... Tôi đã bán hết hôm qua, chỉ còn vài cái thôi. Thực tế thì tôi chẳng bao giờ thấy ông bán được một cái nào. Nhưng ông vẫn luôn nở nụ cười lịch sự và luôn có vẻ vững tin trong cuộc sống. Tôi không hề nghĩ gì khác khi tôi trò chuyện với William Slutter một thứ Tư nọ về những chuyện buôn bán khó khăn của ông, chứ đâu ngờ rằng chỉ ngay tuần sau ông lại trở thành đối tượng của một thí nghiệm kỳ lạ nhất. Thực tế hoá ra đúng như vậy. Ông William Slutter bị viêm màng phổi nặng và được đưa vào bệnh viện Saint Barnaby trong tình trạng vô vọng. Cùng ngày hôm ấy, một trong những cửa hàng lớn tự hào là có thể cung cấp mọi thứ đã giao cho bác sĩ James một chiếc chuông thủy tinh đủ lớn để chụp kín một xác người, do anh đã đặt hàng từ ba tuần trước. Tối đó, lúc tôi theo James đi kiểm tra quanh các khoa bệnh, tôi sửng sốt khi thấy nét mặt thường ngày vẫn bình an của William Slutter đang bừng bừng sốt cao. – Cái này hay lắm... - Ông cứ rao hàng. - Chỉ còn vài cái thôi... Và tối hôm sau, lúc nửa đêm, tôi lại gặp ông ấy trong phòng mổ tử thi. Tôi bắt đầu quen dần với cảnh tượng rùng rợn này. Ngược lại, James tối hôm đó có tâm trạng nôn nao hết sức. Trước đó anh đã giúp Gregory giấu chiếc bình cầu khổng lồ dưới gầm những hàng ghế xếp lớp bậc thang, bây giờ anh lại lo gã nhỏ con kia có thể làm vỡ chiếc bình trong lúc Gregory với sự giúp sức của chúng tôi nhấc chiếc bình đặt lên bàn và đậy lên xác chết. Người bạn bác sĩ phải từ bỏ ý định dùng máy cân vì sẽ rất khó, nếu không nói là vô phương, giữ cho bình cầu thăng bằng trên bàn cân. Mặt khác, anh đã mượn được máy phát tia tử ngoại. Gregory không hay biết gì về tính chất của những việc nghiên cứu này; ông ta không còn hiểu vị bác sĩ này đang làm gì nữa, và chỉ phụ giúp một cách lóng ngóng và cáu kỉnh. Cuối cùng William Slutter tội nghiệp cũng đã nằm dài dưới chiếc bình cầu khổng lồ, và dụng cụ này được sắp đặt sao cho chóp bình nằm ngay đường chiếu của tia xạ. Những việc bố trí này kéo dài tới mức chúng tôi chỉ còn sáu phút trước khi đến thời điểm mà, theo lịch trình giờ đã quen thuộc của các thí nghiệm, chắc chắn sẽ xuất hiện “cái gì đó”. James dán mắt vào đồng hồ và bảo Gregory tắt đèn. Tôi theo dõi phần chóp bình cầu đã trở thành vô hình trong bóng tối, cố gắng không lạc hướng quan sát. Đợi chờ dường như vô tận. – Một phút, - James nói. Tôi bắt đầu đếm chậm. Một... hai... ba... bốn... Tôi chưa đếm tới năm mươi thì đã thấy một màn sương xanh nhạt hiện ra. Lúc đầu nó có vẻ không có hình dạng gì và cứ như lan tràn khắp bề rộng của tia xạ tử ngoại. Nhưng giai đoạn này chóng vánh tới mức tôi không quan sát được. Lập tức màn hơi này ngưng tụ thành một khối như sữa, dài chừng mười phân, phần đáy nằm ngang còn phần trên cong tròn theo hình dạng của chóp bình cầu. Cái khối này không bất động mà cũng không đồng nhất. Hiện rõ bên trong nó là các luồng màu đậm nhạt khác nhau đang chuyển động. Tôi không biết cách nào mô tả tốt hơn ngoài cách yêu cầu quý vị hãy tưởng tượng làn khói của nhiều điếu thuốc lá có độ đậm đặc biến đổi và màu sắc hơi khác nhau, cuộn xoắn và quay tròn chồng lên nhau cho tới khi chúng hợp thành một vật thể có đường nét xác định. – Bác sĩ! - Tiếng kêu thảng thốt của Gregory. - Bác sĩ! Bác sĩ! Ông có thấy quả cầu sáng đó không? – Im lặng! - Tiếng James gắt gỏng. Tôi thấy mái đầu bác sĩ cúi vào trường chiếu xạ của chiếc máy tử ngoại, và một phần gương mặt anh sáng lên trong một thoáng. Sau đó anh lại biến mất trong bóng tối như trước. Dù không nhìn thấy nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được anh đang chồm tới để quan sát kỹ hơn thứ vật chất lạ lùng mà anh đã nhốt giữ được. Tôi nghĩ đến William Slutter... Dưới chiếc chuông thủy tinh có thật là đang tồn tại một chút gì của cái đã từng là con người đơn giản và mãn nguyện kia? Có thể nào mọi thứ từng tạo ra sự sống cho cái xác bất động ấy bây giờ đang tập trung vào khoảng không gian bé tí đó? Phải chăng chúng tôi đang cầm giữ một quyền lực nào đó không thuộc về ai, hay chúng tôi đang nắm giữ chính cá nhân William Slutter? Ông ấy có nhìn thấy chúng tôi không? Ông ấy có ý thức được công cuộc lạ lùng này không? Ngay lúc này ông ấy có đang nghĩ tới... “Cái này hay lắm...” không? Và nếu có cơ hội nhỏ nhất về sự tồn tại ý thức của con người này thì chúng tôi có quyền hạn gì để nhốt giữ một linh hồn không? – Bật đèn, Gregory, - tiếng James. Tôi ngạc nhiên khi lại nhìn thấy người bạn bác sĩ, thấy gã phụ tá nhỏ con có bộ ria vuốt sáp, thấy chiếc máy trùm vải đen, và kìa, dưới chiếc bình cầu đậy kín như cái bát úp ngược lúc này đã bị tước mất tia chiếu xạ, tôi thấy thi thể của một ông già có hàm ria trắng. დღდ James vừa nhìn tôi vừa gật đầu. Tôi cảm tưởng như chính anh đang choáng váng vì thành công này. – Ông có thấy quả cầu sáng đó không, thưa ông? - Gregory hỏi tôi. – Chúng ta ai cũng thấy, - James nói với giọng nóng nảy. - Gregory, việc tôi cần bây giờ là ông phải giữ chiếc bình này cho tôi không được làm vỡ, và nhất là không được lật ngửa lên... Ông có hiểu không? – Có, thưa bác sĩ ạ, - ông ta đáp lại một cách khôi hài. - Nhưng ông đừng giao cho tôi thêm cái bình nào loại này nữa, vì tôi sẽ không biết cất giấu vào đâu. Còn như cái này, nếu đám sinh viên mà tìm thấy thì... – Tôi không hề nói gì về cái bình nào khác, - James nói. - Chúng tôi sẽ giúp ông một tay đưa cái bình này cất dưới gầm những hàng ghế. Và ba chúng tôi tiến hành việc cất giấu này, không phải là không vất vả, rồi để Gregory ở lại. Gã nhỏ con này có vẻ lầm lì. Khi hai chúng tôi đã ra ngoài sân bệnh viện dưới bầu trời sao, tôi bảo James: – Tôi nghĩ anh phải giải thích gì đó với ông ta... Anh cần ông ta... Còn tối nay... – Anh hay quá, anh bạn! Anh muốn tôi nói với ông ta cái gì đây? Ông ta cũng biết những gì tôi và anh biết... Anh có giải thích được những gì ta vừa thấy hay không? Tôi nói với James là tôi không thể làm được điều đó, nhưng thí nghiệm đêm nay dường như đã khẳng định những giả thuyết mà anh đã đặt ra với tôi hôm đầu tiên chúng tôi ăn tối với nhau. Nếu như mong muốn của anh là thâu tóm và giữ lại được một thứ gì đó của con người sau khi họ chết thì anh đã đang trên đường được đạt tới khả năng ấy. Tôi cũng thừa nhận thêm là tôi không biết thành công này sẽ dẫn tới đâu, và cho dù thừa nhận là anh đã cầm giữ được linh hồn của William Slutter tội nghiệp trong bình cầu đó thì anh cũng không giao tiếp được với nó. Và tôi nói thêm tôi không chắc là James có quyền nhốt giữ cái vật chất chưa xác định đó. – Nói cho cùng, James ơi, giả sử thật sự có một quy luật tự nhiên của con người là sẽ có một chất sinh lưu thoát khỏi thân xác sau khi chết, để hoà nhập với một nguồn dự trữ chung nào đó của năng lượng sống, vậy thì can cớ gì chúng ta lại ngăn cản quy luật ấy chứ? Những quả cầu của anh không thể tồn tại vĩnh viễn, và sẽ tới một ngày nào đó, khi mà, bất kể anh muốn gì, William Slutter sẽ không còn là William Slutter nữa. Và đến lúc đó thì những gì anh đã làm chỉ là kéo dài một cách vô nghĩa một sự tồn sinh, trong tình trạng có lẽ là đáng sợ? Anh đã có được một khám phá chấn động, và khám phá này chắc sẽ mang lại cho anh danh tiếng khi anh quyết định công bố nó... Nhưng anh phải khống chế sự rủi ro của những thí nghiệm này trong những phạm vi tối cần thiết. “Sự việc trong trời đất này còn biết bao điều, Horatio...*” – Anh nói tôi mới nhớ, - James nói. - Một tối nào đó tôi sẽ đưa anh đi xem vở Hamlet. Tạm biệt! 9 Tôi không thể nào ghé đến bệnh viện Saint Barnaby thường xuyên như vậy mà không làm quen với một số bác sĩ làm việc ở đây. Có vài lần James đã đưa tôi đi ăn ở phòng ăn dành cho các bác sĩ nội trú, ở đó tôi đã chuyện vãn với những người ngồi gần bên, và tôi đặc biệt thân thiện với bác sĩ Digby, một chuyên gia tâm thần của bệnh viện này. Tôi luôn dành rất nhiều cảm tình cho giới bác sĩ tâm lý, điều không dễ giải thích với cả chính tôi... Kinh nghiệm với những con người không bình thường có lẽ đã cho họ sự thấu hiểu nhạy bén hơn và khôn ngoan hơn về những người bình thường. Riêng với tôi, kẻ đang phấn đấu trở thành nhà văn và cố hiểu biết con người, thì những câu chuyện của họ lúc nào cũng cho tôi nhiều bài học quý báu. Ngoài ra, tôi thấy Digby hợp ý đến lạ. Anh ta là người tầm vóc khiêm nhường, đầu hói, ánh nhìn toát vẻ thông tuệ, giọng nói rất nhẹ nhàng nhưng nói gì cũng chính xác và thông minh. Một ngày sau buổi tối tôi vừa kể trên, tôi đến bệnh viện trước giờ hẹn James đã ấn định, và đang tản bộ trong khuôn viên Saint Barnaby, trên hàng hiên có trồng hoa ven bờ sông, thì gặp Digby trong chiếc áo choàng dài màu trắng. – Xin chào, - Digby lên tiếng, - đi một mình à? Anh bạn của chúng ta không đau ốm gì chứ? Lúc ăn trưa tôi không thấy anh ấy. – Tôi nghĩ James vẫn bình thường, bác sĩ Digby à, nhưng phải mười lăm phút nữa anh ấy mới rảnh. Digby định nói gì, rồi ngần ngừ do dự, và sau đó nói tiếp: – Ồ! Thế thì đây chỉ là... Không... Phải đó... Anh còn rảnh mười lăm phút nữa thì vào phòng tôi đi. Đó là một căn phòng đèn đuốc sáng trưng, ở ngay hành lang này, và bày biện vô số hồ sơ và những kệ đựng phiếu chỉ mục. – Thuốc lá? Whisky? - Digby hỏi. - Không à? Vậy thì thế này... Do có dịp gặp anh một mình trong chốc lát, tôi muốn nói chuyện với anh về James. Anh là bạn của anh ấy; anh là người xa lạ đối với bệnh viện này; chắc có lẽ anh giúp được cho chúng tôi một việc lớn... – Tôi rất sẵn lòng, nếu như có thể. Nhưng bằng cách nào? – Tôi sẽ cho anh biết... Nhưng trước hết anh phải hiểu là mọi điều tôi nói với anh đều là riêng tư và anh không được nói lại với bất kỳ ai, kể cả với chính James... Anh hiểu rồi chứ? – Hẳn rồi. – Hay lắm... Thế này, tôi có lý do khi nghĩ rằng anh không lạ gì với những thí nghiệm bí ẩn nào đó mà nghe nói James đang thực hiện, theo một mục đích nào đó hoàn toàn không hiểu nổi, và trong lúc thí nghiệm anh ấy đã sử dụng xác của những bệnh nhân chết trong bệnh viện này. Tôi nói có đúng không? – Đúng là một cuộc thẩm vấn! Tôi không thể trả lời được đâu, bác sĩ... và tôi phải yêu cầu anh đừng xem chính lời đáp đó là khẳng định hay bác bỏ... Tôi chỉ muốn nói rằng công việc bạn tôi làm chỉ hoàn toàn tuỳ thuộc vào lương tâm của anh ấy mà thôi. – Tôi rất tán thành quan điểm của anh, - Digby tươi cười nói. - Nhưng từ quan điểm của tôi thì tôi tin rằng mình đang làm bổn phận khi tôi cho anh hay là giới chức trách của bệnh viện đã hoảng hốt... Cho tới nay chưa hề có lệnh điều tra, chủ yếu là vì ai ở đây cũng có thiện cảm với James, và cũng vì những thí nghiệm này dù nghe kể lại thì có vẻ kỳ quặc, nhưng cũng không có hại gì. – Thực tế thì tôi thấy là, - tôi nói, - nếu ta có thể mổ xẻ một tử thi thì ta lại càng... – Hãy cẩn thận! - Digby nói. - Anh sẽ nói nhiều hơn ý anh muốn đấy... Hãy hiểu tôi... Nếu những tin đồn này lan rộng ra ngoài giới bác sĩ ở đây mà tới tai những người ít khoan dung hơn, tới tai hội đồng quản trị, thì rất có khả năng là anh bạn của chúng ta sẽ gặp rắc rối to. Nhưng đó lại là động cơ ít quan trọng nhất đối với tôi. Chủ yếu tôi lo là... Chắc anh sẽ nghĩ “Ồ, mấy ông chuyên gia này nhìn đâu cũng thấy con bệnh lý tưởng!” Nhưng đừng bận tâm!... Chủ yếu tôi lo là có những việc nghiên cứu nhất định rất có khả năng gây nguy hại cho tinh thần của James; và tình trạng tinh thần của anh ấy, nếu như anh cho phép nói thế, chính là điều khiến tôi muốn có đôi lời với anh, bởi vì, tôi nhắc lại, dường như hoàn cảnh đẩy đưa đã khiến anh thành người có thể giúp ích cho James... Để mở đầu, anh có biết gì về lai lịch quá khứ của James không? – “Lai lịch quá khứ” theo ý anh tức là sao? Tôi đã quen James thời chiến tranh. Những gì có thể xảy đến cho anh ấy trước thời gian đó thì tôi không hề biết. Tôi cũng không biết những chuyện tình cảm của anh ấy sau chiến tranh, bởi vì James cũng là dân Ăng-lê như các anh, không phải là kẻ thích nói nhiều về những điều đó. – Chà, tôi phải kể anh nghe những gì tôi nghĩ là cần phải cho anh biết... Năm 1914, James đã thành hôn với một cô gái Đan Mạch tuyệt đẹp, cô ấy lúc đó theo học y khoa ở London. Tôi biết cô ấy khá rõ. Cô ấy là một phụ nữ thông minh lạ lùng; bộc trực nữa, và rộng lượng, nhưng hoàn toàn không thích hợp với lối sống Anh quốc; nhưng cô ấy cũng không hề yêu James. Ngược lại, James tôn thờ cô ấy, tôi tin là cô ấy hẳn đã chịu làm vợ James vì thương hại cái tình cảm mãnh liệt mà cô ấy đã khơi gợi ở James... Lúc James sang Pháp cuối năm 1919, cô Hilda James cảm thấy mình hoàn toàn lạc loài ở đây nên quay về đất nước quê quán. Ở đó cô ấy gặp một chàng trai phù hợp với ý thích hơn. Cô viết thư cho James biết như vậy, một cách chân thành nhưng không cố làm giảm nhẹ cú sốc... Cô ấy xin được tự do. James phản đối dữ dội, và dứt khoát không chịu... Một ngày kia, ở mặt trận, James hay tin cô ấy đã mất trong một hoàn cảnh bi đát, khó hiểu nào đó, chuyện đó tôi cũng không biết rõ... James không bao giờ nguôi ngoai nỗi buồn ấy. – Con người mới bí ẩn làm sao, bác sĩ ơi! Hoá ra lúc tôi đang ở cùng với James trong những công sự ở xứ Flanders chính là lúc anh ấy trải qua bi kịch này... Vậy mà tôi nào hay biết gì! – Phải... Nỗi bất lực không thể giãi bày ấy vừa là sức mạnh vừa là mối nguy của bản tính dân tộc chúng tôi... Chúng tôi không thổ lộ với ai, chúng tôi “cố đè nén”, như mọi người bây giờ thường nói với vẻ hiểu biết khá là ngây thơ... Điều đó không phải là không có chân giá trị, nhưng lại là điều nguy hiểm cho sự cân bằng tinh thần của ta... Trong trường hợp James mà tôi đã theo dõi khá cận kề, tôi đã thật sự lo sợ trong mấy năm đầu tiên sau khi kết thúc chiến tranh... ... Lúc đó James sống trong cô độc, một sự đói khát tình cảm mà với một người Pháp như anh, tôi chắc là không tưởng tượng nổi... Nếu không nhờ công việc ở bệnh viện, điều mà may sao anh ấy thích thú, thì tôi không biết lý trí của James có chịu đựng nổi sự căng thẳng đó không... Rồi cuối cùng, lúc anh ấy đang đi nghỉ với người nhà ở Wiltshire, anh ấy nhận được cú điện thoại khẩn nhờ khám bệnh cho một cô gái, do bác sĩ ở vùng đó đi vắng. Cô này là một diễn viên. – Cô Edith Philipps? - tôi thốt lên. – A! Vậy là anh ấy có nói về cô Philipps à? – Không... ít ra, hay chỉ là... Nhưng tôi thấy ảnh chụp cô ấy trong phòng James và có hỏi cô ấy là ai. – Như vậy anh đã biết là cô ấy rất đẹp. Nhưng anh không ở cương vị của tôi nên không biết là cô ấy giống hệt cô gái từng là vợ James... Đó chắc chắn là lý do tại sao James cảm thấy có tình cảm với cô diễn viên này ngay từ lần đầu thấy mặt, và với mức độ ngày càng tăng... Cô ấy chưa lập gia đình và sống với người cha là Gerald Philipps, ông này cũng là một trong những kịch sĩ hàng đầu của chúng tôi. Nhất định cô ấy sẽ lập gia đình nếu không vì sức khoẻ cô yếu ớt tới mức cánh y khoa chúng tôi cũng không hiểu làm sao cô ấy có thể chịu đựng được áp lực của nghề diễn viên... Còn cô ấy nghĩ gì về anh bạn của chúng ta? Cô ấy có yêu James không? Cô ấy có tình cảm hay hờ hững với James? Tôi chưa hề thấy họ đi với nhau, và tôi chỉ biết chuyện hai người qua những kẻ thứ ba. Tôi chỉ biết là James hết sức yêu quý cô ấy, là James dành hết thời gian rảnh rỗi cho cô ấy, và James hiểu rõ căn bệnh trầm kha của cô và sống trong nỗi hoảng sợ sẽ mất cô... ... Đó là điều tôi muốn cho anh hay để giúp anh chút ít trong quan hệ của anh với James... Tôi không muốn nói thêm bất kỳ kết luận nào mà chính tôi đã rút ra được từ những điều thực tế đã biết, bởi vì anh quá thân thiết với James, và trời ơi, từ kinh nghiệm tôi đã biết nguy hiểm như thế nào khi cấy những gợi ý vào một mảnh đất cực kỳ nhạy cảm, nơi mà những gợi ý này lập tức trở thành nguồn dịch lây nhiễm... Xin thứ lỗi cho sự bộc trực của tôi! – Tôi rất biết ơn anh, bác sĩ Digby à. Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu... Anh muốn tôi làm gì đây? Tôi đâu có thẩm quyền gì với James; tôi không quen biết cô Philipps; và hơn nữa, tôi cũng không ở nước Anh này lâu nữa... cho dù tôi muốn thế cũng không được. Lúc tôi về nước thì chắc tôi sẽ quên luôn James. – Anh nói đúng hết, và tôi không yêu cầu điều gì cụ thể ở anh cả... Tôi chỉ muốn anh biết những sự thật, để biết đường hướng mà đi... Việc này bây giờ là do anh suy xét... Nếu anh làm sao giúp người bạn của chúng ta tỉnh ngộ được mà từ bỏ việc tìm kiếm dị thường rất nguy hiểm này thì tôi nghĩ anh đã giúp cho James một việc nghĩa, thậm chí việc có ý nghĩa gấp đôi... Nhưng hãy đi gặp James nhanh đi, vì tôi đã giữ anh ở lại đây lâu hơn mười lăm phút rồi. Tôi chia tay Digby. Lúc đến phòng James, tôi nghe tiếng chuông điện đang gọi theo nhịp hai-bốn, hai-bốn... Người ta đã gọi James xuống khoa bệnh nào đó, và tôi phải chờ anh. Và sau đó tôi để ý thấy là giữa những bức ảnh bày trên bệ lò sưởi, bức lớn nhất là ảnh chụp một phụ nữ khác. Lần đầu tiên tôi mới nhận ra, vì người này giống cô diễn viên có ảnh chụp bày chung quanh đến lạ lùng. 10 Mấy hôm trước tôi không quan tâm lắm đến đề nghị của James đưa tôi đi xem kịch Hamlet. Những ngày đêm tôi ở bên James, giữa những bệnh nhân của anh, cùng tham gia các nghiên cứu của anh, đối với tôi cũng có vẻ tuyệt vời và đầy biến đổi chẳng kém chi những vở kịch hay nhất. Nhưng sau cuộc nói chuyện với Digby thì đương nhiên trong tôi lại bừng bừng mong muốn được gặp mặt Edith Philipps, và tôi nhắc cho James nhớ lời hứa của anh. Anh nói sẽ đặt vé ngay buổi tối đầu tiên được rảnh rang. Trên đường đến nhà hát, anh giải thích rằng kịch đoàn này thuộc một nhà hát ở khu vực dân lao động. Các nhà phê bình đã hết lời khen ngợi chàng diễn viên trẻ đóng vai Hamlet, cùng vai Polonius của một diễn viên vô danh, và trên hết là vai Ophelia của cô Philipps, tới mức một ông bầu ở khu Tây London đã chuẩn bị một nhà hát mời các diễn viên này đến diễn. Thế là cả London bèn đổ xô tới xem. Shakespeare trở thành mốt thời thượng, và nhiều người bước ra tuyên bố là lần đầu tiên họ mới biết đến Hamlet. James nói điều này chắc chắn là đúng với đa số, nhưng cứ năm mươi năm một lần là nước Anh lại “khám phá” ra Hamlet theo kiểu đó. Cha của cô bạn anh, ông Gerald Philipps, nửa thế kỷ trước cũng đã nổi tiếng trong vai chính của nhân vật được đặt tên cho vở kịch, và đã “tiết lộ” cho dân Anh thời 1875 biết đến William Shakespeare, tác giả vô danh của vở kịch này. Với riêng tôi tối hôm đó, cũng giống như với đám khán giả mà James đã cười nhạo, Hamlet là một vở kịch mới. Các diễn viên đã thể hiện một cách diễn hết sức hiếm thấy là thận trọng không lược bỏ một câu văn nào. Chàng trai thủ vai vị Hoàng tử Đan Mạch ấy đã diễn một cách chân phương và đầy cảm xúc. Khi anh ta xướng lên câu: Mỏi mòn, tẻ nhạt, vô duyên và vô nghĩa quá Mọi sự trên đời này đối với ta... thì hình ảnh Hamlet có vẻ rất gần với cái bản ngã của người Pháp chúng tôi chẳng kém hình ảnh trẻ trung của Barrès hay Benjamin Constant*. Đó là người thanh niên của mọi thời đại. Và cả cô Philipps cũng thế. Ngay từ lúc cô bước ra sân khấu, tôi có thể thấy ngay cô chính là hình ảnh người thiếu nữ của mọi thời đại. Trong cảnh mở đầu với Polonius, cô thể hiện một sự pha trộn vừa bẽn lẽn, vừa sốt sắng ngây thơ, vừa ngoan ngoãn trẻ con, khiến tôi thấy cuốn hút vô cùng. – James ơi, - tôi nói với anh lúc nghỉ giữa hai màn kịch, - cô bạn của anh thật đáng yêu! Trông anh có vẻ vui. James nói: – Chốc nữa anh có thể nói thẳng với cô ấy. Tôi đã nói cô ấy là chúng ta sẽ cùng ăn tối... Anh có chịu không? – Hay quá! Diễn xuất sắc... Tôi chỉ chê có một chỗ thôi... là vai Hồn Ma. Hồn ma này khiến tôi thất vọng. Sao lại cho nhân vật này nói ở sau cánh gà chứ? Hồn ma của cha Hamlet phải ở dưới những thanh kiếm mà kêu lên “Thề đi! Thề đi!” mới đúng. Anh còn nhớ Goethe đã nhận xét về điểm đó trong Wilhelm Meister* không? Goethe nghĩ rằng hồn ma này phải biến mất dưới lòng đất, và một ngọn lửa phải từ mặt đất bốc lên để cho biết hồn ma đang ở đâu. – Như “chất od lung linh” phải không? - James vừa nói vừa liếc nhìn tôi với nụ cười mơ hồ. - Không biết lúc này.... hồn ma của William Slutter đang làm gì nhỉ? – Tôi cũng thắc mắc nữa! Ông ấy vẫn còn trong chuông thủy tinh đấy chứ? – Phải, tối qua tôi thấy ông ta vẫn ở đó; cái nhà tù thủy tinh ấy vẫn trung thành nhốt giữ William Slutter cho chúng ta. – Anh không muốn trả lại tự do cho ông ấy sao, James? James đưa một ngón tay lên môi. Trước mặt chúng tôi là một người phục vụ đang mời mua kem và các hộp kẹo sô-cô-la. Chuông reo báo hiệu hết giờ nghỉ giải lao. Chúng tôi một lần nữa lại chìm đắm trong thế giới của Shakespeare. Chắc chắn quý độc giả sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tôi lại nói rất chi tiết về một buổi diễn vở Hamlet ngay giữa một câu chuyện hoàn toàn khác biệt về đề tài. Nhưng tôi có hai lý do để nêu ra chuyện đó. Thứ nhất, đây chính là buổi tối mà tôi được làm quen với cô Philipps, như quý vị sẽ thấy, đây là người đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện bí mật mà tôi muốn tiết lộ qua những trang sách này. Và thêm nữa, tôi không biết tại sao, bầu không khí của vở Hamlet cứ mãi khiến tôi liên tưởng đến bác sĩ James. Đó là dịp duy nhất tôi có thể đo lường được độ sâu của tình cảm tuyệt vọng chôn giấu bên dưới chiếc mặt nạ bi thương nhưng đáng kính nể này. Vào cái lúc trên sân khấu đang diễn tới cảnh đoàn tuồng giúp vui trong hoàng cung, đoạn Hamlet cảm thấy hổ thẹn vì sự bình thản của chính mình trước những cảm xúc giả tạo của anh kép hát, ... sắc mặt xanh xao, Nước mắt rưng rưng, dung mạo thất thần... ... Y sẽ diễn thế nào, Nếu trong lòng đầy căn cớ để nổi giận, Như ta? tôi thấy James chồm tới và há miệng ra như thể chính anh sắp thét lên những câu ấy. Suốt cảnh điên loạn của nàng Ophelia, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong suốt những gì tôi cùng trải qua với James, tôi mới thấy một giọt lệ lăn dài trên má anh. Và trên sân khấu, phải nói là Edith Philipps diễn hết sức xúc động. Ánh mắt cô dõi nhìn theo một thế giới trong suốt. Giọng cô ngân nga đều đều nửa như hát nửa như nói, với sự dịu dàng tột cùng, và cô chìa ra những đoá hoa vô hình. “Này là hoa hương thảo, hoa này dành cho ký ức; xin tình yêu nhớ cho...” Cô khiến tâm trí tôi cũng quay cuồng với bao điều tốt đẹp đã đi qua đời mình. – Anh có biết đâu là điểm đáng ngưỡng một nhất trong lối diễn xuất của cô ấy không? - James hỏi tôi lúc nghỉ giải lao kế tiếp. - Chính là điểm này... cô ấy đã thành công trong việc tạo được cái ấn tượng mà những người phụ nữ điên trong đời thực thường khiến ta chú ý, đó là sự điên loạn gần như là chỗ trú ẩn của ý thức... Ophelia không còn muốn nhìn thấy cái thế giới kinh khủng này nữa; nàng đã tạo ra một cái khác, cái thế giới của hoa, và của ký ức nàng, và nàng sẽ cứ mãi nói về những điều đó bằng cái giọng khe khẽ, khôn nguôi cho tới tận cùng... Quả thật, trong kho kịch Shakespeare không có chỗ nào đầy tính nhân văn sâu sắc bằng chỗ này! Khi trên sân khấu đầy xác chết nằm dài, và chàng Fortinbras đã đặt xác Hoàng tử Hamlet lên vai của bốn thủ lĩnh, và công chúng đã vỗ tay rền vang không dứt, và dàn nhạc trỗi bài quốc thiều, hai chúng tôi im lặng đi ra ngoài. – Xác chết nhiều quá! - Cuối cùng tôi lên tiếng. – Như trong cuộc sống vậy, - James đáp. - Anh đi với tôi vòng ra phía sau nhà hát để đón Edith ở cửa khác được không? Lúc này chắc đã sửa soạn xong, vì ở màn cuối cô ấy đã có thời gian thay trang phục. Chúng tôi thấy Edith Philipps đã sẵn sàng, và đang đứng chờ cùng với người gác cửa lối ra vào của diễn viên. Là một cô gái hết sức đơn giản, cô ấy thật sự vui sướng vì mấy lời khen của tôi, cứ như chưa từng được nghe mọi nhà phê bình kịch nghệ ở London gọi cô là một nữ diễn viên thiên tài. James đưa chúng tôi đến một nhà hàng Pháp nhỏ bé. Ở đó, dưới ánh đèn, tôi được nhìn rõ cô Philipps hơn. Cô ấy đẹp y hệt như trong các ảnh chụp, nhưng xanh xao lạ thường. Trong bữa ăn tối cô ấy rất vui vẻ. Tôi hơi thất vọng vì những câu nói bình thường của cô; nhưng thử hỏi có ai mà không thất vọng với một nữ diễn viên mà ta vừa được xem diễn một kiệt tác chứ? Trong vô thức, ta đã gán cho cô tinh thần của Shakespeare hay Musset*; ta đã ao ước, gần như mong đợi, là trong đời thực nữ diễn viên ấy sẽ tỏ ra là một nàng Juliet, hay Desdemona, hay Camille. Và ta chỉ thấy... một đứa trẻ. Lúc đó tôi chưa đủ khả năng sâu sắc để có thể nhìn thấy được chất thơ mà cô ấy thật sự hàm chứa ở bản thân. Bây giờ tôi mới nhận ra được là Edith Philipps có những điểm khiến cô đẩy chất Shakespeare đến tuyệt vời. Riêng James thì đã nhận biết điều đó từ lâu. Tôi đã cảm động trước lòng ái mộ tế nhị mà anh đã thể hiện với cô. Và chúng tôi chia tay khi ra khỏi nhà hàng vì anh muốn đưa Philipps về nhà cha cô trước khi anh quay lại bệnh viện. 11 Nếu như tôi đã thành công trong việc chuyển tải ý tưởng nào về cá tính của James thì đến lúc này quý độc giả hẳn đã hiểu là khi chúng tôi gặp lại nhau, không ai nói thêm một lời nào nữa về Edith Philipps. Tôi đã thử mấy lần để “kích” cho anh nói bằng cách cầm một bức ảnh trên bệ lò sưởi lên và nhìn chăm chú. Nhưng tôi luôn thất bại. Tôi lấy làm tiếc về chuyện đó, không phải vì tò mò mà vì tôi tin (như tôi vẫn tin) là nỗi bất hạnh của bạn tôi ắt sẽ vơi bớt nếu như anh có thể thốt nên lời bao cảm xúc rối bời, sâu nặng đang dày vò trong lòng. Như đã hứa với bác sĩ Digby, tôi cũng nhiều lần cố làm cho James quên đi việc nghiên cứu này. Tôi chỉ cho James thấy rằng Gregory bây giờ đã thoát khỏi sự chi phối của anh, gã nhỏ con đó giờ chỉ phụ giúp miễn cưỡng và không đáng tin cậy, ngay cả những tờ tiền mà James ngày càng hào phóng đưa cho gã cũng không có được một tiếng cảm ơn nào. Người bạn bác sĩ cũng nhận thấy những biểu lộ khó chịu đó; nhưng vẫn cứ ghé đến phòng mổ tử thi đều đặn như thường. Phải thừa nhận rằng các nghiên cứu của anh đã có bước ngoặt rất lạ lùng, và bản thân tôi, dẫu không tán thành, vẫn không thể không theo dõi với sự chú tâm cao độ. Ngay từ đầu, James đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến chuyện xử trí và cất giữ chiếc chuông thủy tinh khổng lồ và anh phải nghĩ ra một cách đơn giản nhưng tài tình là cho gắn trên chóp chuông một bình cầu nhỏ, đường kính chừng mười phân, thông với bình lớn bằng một ống tuýp thủy tinh. Quan sát kết quả dưới tia tử ngoại, chúng tôi thấy - như đã mong đợi - cái lưu chất ấy từ bình lớn bốc lên đi vào bình nhỏ. Sau đó bình nhỏ gần như ửng sáng toàn bộ còn chiếc chuông lớn lại tối đen. Dùng một ống hàn xì để cắt đứt ống nối thủy tinh và khằn kín bình cầu nhỏ lại là chuyện dễ dàng, và nhờ vậy giữ được cái “vật chất” hay thứ “năng lượng” kia - mối quan tâm của chúng tôi - trong một dung tích thu nhỏ lại rất nhiều. Nhờ hàn một ống tuýp khác nối đáy bình cầu nhỏ với chóp chuông thủy tinh lớn, ta có thể sử dụng tiếp tục chiếc chuông lớn miễn là nó không bị vỡ vì thao tác bất cẩn. Vốn dễ vận chuyển, những bình cầu nhỏ này được người bạn bác sĩ cất giữ ở trong phòng riêng. Để tránh lẫn lộn James đã dán trên mỗi bình một cái nhãn nhỏ ghi tên của người mà anh đã thu được cái chất đựng bên trong, và ghi ngày tháng của cái sự việc mà ai khác hẳn sẽ gọi là “chết,” nhưng James không gọi như thế mà gọi là “hoá thân.” Bình #1 là hoá thân của William Slutter; #2 là của một bà già bán cá chình, bà Prim; #3 là của một tay thủy thủ người Na Uy. Bây giờ đã có tất cả bảy bình, đặt cạnh nhau trên một kệ trống trong phòng James. Tôi đã dành nhiều giờ lặng ngắm chúng. Trông chúng như những bong bóng xà phòng bị đông cứng lại đột ngột một cách phi thường. Trong mỗi bình là những lọn vặn xoắn chuyển dịch, màu xanh và màu lục trộn lẫn, có mảng lồi, có mảng lõm, định hình theo mặt cong của bình cầu. Tôi nghĩ đó chỉ là ảnh phản chiếu của một khung cửa sổ, bầu trời và cây cối trên hai mặt trong ngoài của bình cầu. Nhưng đôi khi tôi có cảm tưởng như mình nhìn ra những hình dạng khác kỳ lạ hơn đang run rẩy bên trong. – A! - Người bạn bác sĩ thường nói khi thấy tôi đứng nhìn trầm ngâm trước ngăn kệ ấy. - Anh bạn đang ngắm những “linh hồn” của tôi đấy à? – Tôi hết sức mong muốn anh cho họ được tự do, James ơi! – Sau này đã, - anh thường nói. - Khi nào tôi tìm hiểu được hết những gì có thể biết được từ họ. Thỉnh thoảng James làm một thí nghiệm với các tia xạ, để bảo đảm là các “linh hồn” của anh hay đúng hơn, như James thường nói, các “lưu chất âm linh” của anh chưa trốn thoát khỏi những bức vách trong suốt của nhà tù này. Anh không thấy có thay đổi gì. Lần nào anh cũng thấy cùng một ánh ửng sáng như sữa đó, cùng những hình dạng chuyển động quay tròn đó. Một sự sống khó hiểu, nhưng có thật, đang tự duy trì sự tồn tại bên trong những bình cầu. James đã phát hiện thấy lưu chất này có phản ứng rõ ràng với một số ngoại vật nhất định. Nếu ta đưa một tấm chắn phủ chất huỳnh quang đến gần một bình cầu thì nó sẽ ửng sáng lên mờ mờ. Suốt một thời gian tôi cứ mong là điều này như vậy có thể giúp chứng minh khả năng liên lạc được với các “âm linh.” Độ sáng của các tấm chắn gây ra phản ứng của các bình cầu được biến đổi liên tục, và bằng những chu kỳ phát sáng dài hay ngắn có thể sẽ có khả năng thiết lập được một cuộc đối thoại. Nhưng mọi cố gắng của tôi hầu diễn dịch các tín hiệu này đều chẳng đi tới đâu. Còn James, về phần anh, đã cố “bắn phá” những linh tử này, lần đầu tiên dùng các tia X, và lần thứ hai dùng các nguyên tố phóng xạ. Tôi thấy những thí nghiệm cuối cùng ấy, ngoài chuyện chẳng có kết quả gì, lại rất đáng ghê tởm. Tôi xem việc bắn phá bằng tia xạ vào các bình cầu là việc vừa vô nghĩa vừa tàn nhẫn. Hai chữ “tàn nhẫn” nghe có vẻ bất ngờ - nhưng chúng ta đã biết gì về tác động của những cuộc bắn phá nguyên tử vào một vật chất rất có thể có tri giác chứ? Tôi thường hay tranh luận vấn đề này với James; và nhân có một thí nghiệm đơn giản hơn, thế nhưng tôi thấy lại đáng chê trách hơn, những tranh cãi của chúng tôi lại tiếp diễn, song lần này lại gay gắt tới mức có lúc tôi tưởng đâu chuyện này đã kết liễu tình bạn của chúng tôi rồi. Trước đó tôi phải đi xa mấy ngày vì bận mấy việc nghiên cứu trong thư viện ở Oxford. Lúc ghé thăm bạn khi quay về, tôi thấy James đang xem xét hai bình cầu mới bổ sung vào bộ sưu tập của anh trong khi tôi vắng mặt, hai bình mang số #8 và #9. James cho biết #8 là Agatha Lind, một vũ nữ trẻ đã tự tử bằng thuốc ngủ; còn #9 là một người Nga, Dimitri Roskoff, chết vì ung thư. Tôi ngạc nhiên khi thấy thay vì cắt bỏ ống tuýp để cho bình cầu thật tròn trịa, lần này James lại để nguyên ống tuýp đó, chỉ hàn kín đầu ống mà thôi. – Ái chà, anh áp dụng phương pháp mới sao, James? - Tôi hỏi. - Tôi không thích thế này... Anh đã tước hết vẻ đẹp của những bong bóng xà phòng này. – Anh không biết tôi muốn làm gì đâu, - anh đáp. - Tôi có lý do của mình... rồi anh sẽ thấy... Thậm chí tôi còn nghĩ là anh sẽ hài lòng với tôi, anh là người luôn ta thán là để cho một linh hồn bị “cầm tù trong cô độc” có thể là một việc làm tàn nhẫn mà. – Ý anh là sao? – Rất đơn giản... Giả sử tôi cho hai ống tuýp này liên thông với nhau, một bình cầu sẽ được lật ngược lại nằm trên bình cầu kia, chuyện gì sẽ xảy ra? – Tôi không biết... Có lẽ hai lưu chất sẽ hoà lẫn và tràn ngập không gian của cả hai bình cầu. – Cũng giống như khả năng tôi đã nghĩ tới... Vậy khi đó ta sẽ không có một linh hồn cô độc nữa; ta sẽ có hai linh hồn hoà nhập theo một cách gần gũi hơn, mật thiết hơn bất kỳ sự kết hợp phàm tục nào có thể nghĩ ra được... Có gì sai nào? Anh không nghĩ thế à? – Tôi có biết gì đâu, James, nhưng tôi thấy ý tưởng này có vẻ kinh khủng quá, và tôi không hiểu sao anh lại nghĩ ra được... Trời! Tự anh đi chọn hai sinh thể không hề quen biết nhau, hai người thậm chí còn có thể ghê tởm nhau, rồi anh buộc họ, như anh nói, phải chấp nhận một sự kết hợp mật thiết hơn bất kỳ sự kết hợp nào, một việc mà ngay cả anh còn chưa hình dung nổi? Và anh muốn làm mà chẳng có lý do nào cả, chỉ vì tò mò thôi sao? Không, chẳng phải tò mò nữa... Bởi vì, cứ cho là chúng ta đây đang đứng trước những sinh thể có tri giác và ý thức đi, anh đã bất lực không thể bắt được liên lạc với họ mà! James nhìn tôi nghiêm nghị, thậm chí buồn rầu. – Anh mới nóng nảy và bất công làm sao! - Anh nói. - Anh biết tôi nào phải kẻ ác độc... Ngược lại là khác... Tôi có quá nhiều đau khổ nên làm sao ác độc được... Tôi biết là nhiều người khác lên án các nghiên cứu của tôi, nhưng anh mà lại... Lẽ ra anh phải hiểu từ lâu là tôi việc gì phải mất công với mấy chuyện này nếu như tôi không đặt niềm tin vào khả năng khai mở cho người khác những nguồn hy vọng lớn, những viễn cảnh vô tận... Hãy tin ở tôi... Hứa danh dự với anh là tôi sẽ từ bỏ hết mọi nghiên cứu này ngay khi tôi tìm ra được điều mình đang tìm kiếm. – Không, James, tôi van anh! Hãy để yên cho những thứ này! Cất hết đi... Tôi sẽ cho anh biết một điều mà lẽ ra tôi không nên nói ra... Tôi cam đoan với anh nếu anh không từ bỏ những con đường nguy hiểm mà anh đang mặc sức theo đuổi, thì anh cũng sẽ bị người khác buộc phải từ bỏ... – Ồ? Người ta đã nói gì với anh sao? - Giọng James nôn nóng. - Lại càng có lý do để tiến hành thật nhanh! Tôi sẽ làm thí nghiệm này ngay lập tức. – Tôi sẽ không dính dáng gì nữa, - tôi nói. - Xin kiếu! Và tôi bỏ đi. Nhưng ngay khi ra tới đường phố tôi lại hối tiếc lời mình nói. 12 Sáng hôm sau tôi nhận được một bức thư gửi đến khách sạn tôi trọ. Thư của James. Tôi hăm hở xé phong bì ra, mở thư đọc: Đừng ngoan cố nữa. Tôi lúc đó hơi mất tự chủ. Tôi đã giải thoát cho những người được anh che chở. Đến chỗ tôi đi - anh là người duy nhất mà tôi có thể nói về những điều này, và tôi phải nói với anh. Đằng nào, anh cũng nóng lòng muốn biết chuyện gì xảy ra. — Thân mến, H.B.J. Tôi vừa nhảy vào một chiếc taxi vừa bảo tài xế: “Bệnh viện Saint Barnaby.” Lúc tôi đến nơi, người gác cổng, giờ đã thành chỗ quen biết, cho tôi hay James đang ở đâu; anh vừa được gọi tới một khoa điều trị. Tôi đi thẳng tới đó, và từ đằng xa tôi đã thấy gương mặt đau khổ của anh rạng rỡ hẳn lên khi nhận ra tôi. Anh chạy đến đón, tay nắm lấy cánh tay tôi một cách thân ái. – Anh yên tâm đi, - anh nói. - Tôi đã đập vỡ hai bình cầu đó rồi... Nhưng tôi muốn gặp anh quá chừng; chút nữa tôi sẽ cho anh biết tại sao. Anh bước ra sau tấm màn vải dày bao quanh giường một bệnh nhân nữ đang chờ khám, còn tôi đứng ngoài chờ. Sau mấy phút anh lại xuất hiện và đưa tôi ra hàng hiên. – Sao, James? Kết quả phủ định? – Phủ định? Ồ, không, hoàn toàn không! Kết quả rất lạ lùng, nhưng chán ngán. – Chán ngán! Anh làm tôi lo đấy... Có chuyện gì nào? – Chẳng có gì nghiêm trọng... Nhưng anh còn nhớ là cả hai chúng ta đều giả sử rằng cái lưu chất của hai quả cầu sẽ tràn đầy hết không gian có sẵn như thế nào chứ? Ồ, đó là sai lầm! Lúc tôi cho tia xạ chiếu qua cặp bình khằn kín đã cho thông nhau thì chỉ có một bình, bình nằm bên trên, ửng sáng lên. – Thật à!? Nhưng anh giải thích làm sao? – Tôi không giải thích, tôi không bao giờ giải thích cái gì cả. Tôi chỉ nói sự thật thực tế... Toàn bộ lưu chất trong cả hai bình cầu, anh biết đó, đã hoà trộn trong chiếc bình phía trên... Đúng. Rồi, bây giờ anh nói đi, theo anh thì bình cầu này sẽ sáng hơn hay mờ đục hơn bình thường? – Sáng hơn, đương nhiên, vì nó hội tụ... – À, không phải! Đó là điều khiến tôi chán ngán... Ánh sáng gần như muốn tắt luôn... Đâu là ý nghĩa sâu xa của hiện tượng này? Nó có thể cho thấy một thực tế tinh thần hay tình cảm nào không? Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết, anh cũng như tôi... Nhưng đứng trước ánh sáng yếu ớt, xám như tro ấy, những dòng chuyển động bị chậm lại và lu mờ ấy, tôi nghĩ đến những suy xét thận trọng của anh, và tôi thấy anh có lý hơn tôi nghĩ lúc đầu... Cho dù khả năng chỉ có một phần triệu, lúc đó tôi suy nghĩ, là hai sinh thể ấy sẽ khổ sở vì lỗi lầm của chính tôi, nhưng có rất nhiều lý do để cố giải thoát cho họ. Anh có thể hình dung tôi đã trải qua những giờ phút lạ lùng và đau đớn ra sao. Tôi cứ nhắc lại với mình mấy lời anh bạn Hamlet của chúng ta nói: “Chết; tức là ngủ, thế thôi...” Tôi cứ luôn tự nhủ là sau một đời nhọc nhằn của chúng ta, tước đoạt giấc ngủ và sự an nghỉ của những người này là một việc tàn nhẫn... Và cuối cùng tôi lấy cái búa, đập vỡ ống tuýp, và lật ngửa bình cầu lên. – Và nó tự thoát ra? – Tất nhiên. – Hoan hô, James! Tôi mừng lắm! Tôi sẽ còn mừng hơn nữa nếu anh hứa dừng lại mọi chuyện ở đây. Tôi thấy là khi nghiên cứu của anh đã đạt tới cái mốc này, và với mức độ chính xác đã có, thì có lẽ anh chỉ còn hai đường hướng phải theo. Hoặc là anh phải công bố các nghiên cứu và làm lại thí nghiệm trước sự chứng kiến của các nhà khoa học khác, hoặc là anh phải từ bỏ luôn vì anh sẽ mất cả công việc lẫn bạn bè mà chẳng vì mục đích gì cả... Còn về phần mình, tôi e là hoàn cảnh sẽ buộc anh phải mất tôi. Công việc của tôi ở đây sắp kết thúc, và hãy tin tôi đi, tôi sẽ về Pháp yên tâm hơn nếu anh hứa với tôi là... – Đừng uỷ mị thế, anh bạn thân. Chỉ nửa tháng ở Pháp là anh sẽ quên mất tôi luôn... Nhưng anh đúng khi nói rằng tiếp tục làm lại những thí nghiệm này là chuyện vô ích, vì sẽ không có gì thuyết phục được tôi công bố chúng... Tôi sẽ từ bỏ toàn bộ... Hay ít nhất, tôi chỉ làm một lần nữa thôi... nếu hoàn cảnh cho tôi cơ hội. Nếu thí nghiệm đó thất bại, toàn bộ chuyện này sẽ là một giấc mơ, một giấc mơ buồn thảm, và chỉ có thế... – Và anh sẽ trả tự do cho ông Slutter chứ? – Chính anh sẽ làm điều đó, ngay tối nay. Và quả thực chính tôi là kẻ đã đập vỡ bình cầu số #1 vào tối hôm đó. Trước khi phải ra tay, tôi cầm giữ chiếc bình rất lâu. Bằng việc đập vỡ nó, không biết tôi có kết liễu sự tồn sinh lần thứ hai ngắn ngủi của ông William Slutter không? Không có cách gì biết được. Tôi thả chiếc bình vào một cái cối sắt, và hoà lẫn trong tiếng thủy tinh vỡ vụn, tôi mường tượng ra một rung động xa xăm bất tận nào đó, vô cùng mờ nhạt, nhưng cảm nhận được. დღდ Lúc gặp lại bác sĩ Digby, tôi đã có thể quả quyết với anh ấy là James đã từ bỏ những việc tìm tòi lâu nay gây bất an cho giới chức trách của bệnh viện. Digby đã biết chuyện từ người cung cấp tin tức riêng, chắc chắn là Gregory chứ không ai khác. – Tôi rất vui khi nghe tin này, - anh ấy nói, - vì chúng tôi không thể che chở cho James lâu hơn nữa. Tôi không cho Digby biết lời hứa của James còn có điều kiện là có thể thử làm một lần nữa. Thế nhưng tôi gần như tin chắc là bạn mình khi thực tế đã nói những lời đó tức là anh đã có ý tưởng cụ thể trong đầu, và hơn nữa, tôi nghĩ là tôi hiểu anh ấy khá rõ để đoán ra cái ý tưởng ấy. Tôi đã thấy rằng anh đã thất vọng sâu xa với thí nghiệm thất bại mà anh đã cố trộn lẫn hai linh hồn kia - hay hai “lưu chất âm linh”, như anh thường nói - và thất vọng này còn lớn lao hơn nỗi hụt hẫng của một nhà khoa học khi thấy giả thuyết của mình hoá ra vô căn cứ. Từ lâu tôi đã thấy cảm xúc áp đảo James là một ý thức đau khổ ghê gớm về ý nghĩa của sự chia lìa bất khả vãn hồi bởi cái chết đối với con người. Anh vẫn thường nói với tôi về những lời người ta khao khát muốn nói, những lời mãi mãi giữ lại không nói ra được trước một xác chết, câm và điếc. Cái khả năng tạo được một sự kết hợp bền vững hơn giữa hai linh hồn là điều rõ ràng đã thu hút anh và chạm tới điểm nhạy cảm nhất của anh. Và bây giờ, thay vì cái nguồn lực sống được tăng cường mà James đã """