" Ngôi Nhà Mũi Tên - A. E. W. Mason PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ngôi Nhà Mũi Tên - A. E. W. Mason PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tác phẩm: Ngôi nhà mũi tên Tác giả: A. E. W. Mason Người dịch: Nguyễn Thành Long Phát hành: Cổ Nguyệt Books Nhà xuất bản: Văn Học 09/2018 ebook©vctvegroup CHƯƠNG I NHỮNG BỨC THƯ KỲ LẠ T rong số các thân chủ của công ty Frobisher & Hasli, một công ty tư vấn luật nằm tại mạn đông quảng trường Russell, rất nhiều người sở hữu doanh nghiệp tại Pháp; và họ rất lấy làm tự hào về điều ấy. “Nhờ đó mà chúng tôi trở nên có chỗ đứng trong lịch sử,” ông Jeremy Hasli vẫn hay nói. “Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1806, khi ông James Frobisher, cộng sự cấp cao rất nhiệt huyết thời bấy giờ của chúng tôi, đã tổ chức cho hàng trăm công dân Anh bị giam giữ theo sắc lệnh của Napoleon Đệ Nhất thoát khỏi Pháp. Công ty được Chính phủ bệ hạ bày tỏ lòng cảm ơn và vẫn may mắn duy trì được mối quan hệ ấy. Tôi đích thân coi sóc mảng đó của công ty.” Bởi thế, trong số thư từ ông Hasli nhận được hàng ngày, lúc nào cũng có một lượng lớn thư dán con tem xanh thẫm của Pháp trên phong bì. Tuy nhiên, vào buổi sáng đầu tháng Tư hôm nay, chỉ có duy nhất một bức như vậy. Chữ viết trên đó trông ngoằn ngoèo, nguệch ngoạc, và ông Hasli không nhận ra là chữ ai. Nhưng nó mang dấu bưu điện Dijon, thế nên ông Hasli nhanh chóng xé bao thư ra. Ông có một thân chủ ở Dijon, một góa phụ, bà Harlowe, và như ông nghe kể thì tình trạng sức khỏe của bà đang tệ lắm. Chắc chắn bức thư được viết tại nhà bà ấy, biệt thự Grenelle, nhưng không phải do đích thân bà viết. Ông lật sang phần chữ ký. “Waberski?” Ông vừa nói vừa cau mày lại. “Boris Waberski?” Và rồi ông thốt lên ngay khi nhận ra người viết thư, “À, phải rồi, phải rồi.” Ông ngồi xuống ghế và đọc. Phần đầu của bức thư chỉ đơn thuần là mấy câu văn hoa và khen ngợi, nhưng đọc được đến nửa trang hai thì mục đích của nó trở nên vô cùng rõ ràng. Đây là thư yêu cầu vay năm trăm bảng. Ông Hasli mỉm cười và tiếp tục đọc, vừa đọc vừa độc thoại với người viết. “Tôi đang rất cần chỗ tiền đó,” Boris viết, “và…” “Hẳn là như thế rồi,” ông Hasli nói. “Bà chị yêu quý của tôi, Jeanne-Marie…”, bức thư ghi tiếp. “Chị dâu,” ông Hasli chỉnh lại. “… không thể sống lâu hơn được nữa, mặc dù tôi đã cố gắng chăm sóc chị ấy hết mực,” Boris Waberski tiếp tục trình bày. “Chắc hẳn ông cũng đã biết, chị ấy đã để lại cho tôi một phần lớn gia sản của mình. Vậy tức là nó đã thuộc về tôi rồi, đúng không? Có nói như vậy thì cũng sẽ không bị ai hiểu lầm ý cả. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Bởi vậy, xin hãy ứng trước cho tôi bằng thư đảm bảo một khoản nhỏ từ phần vốn đã thuộc về tôi, và cho tôi xin được gửi lời chào trân trọng nhất.” Nụ cười của Hasli nở rộng hẳn ra. Bên trong chiếc hộp thiếc của ông là một bản sao tờ di chúc của Jeanne-Marie Harlowe, được công chứng viên người Pháp của bà tại Dijon viết lại theo đúng thể thức. Theo di chúc, mọi gia sản bà sở hữu sẽ được truyền lại vô điều kiện cho cháu gái chồng bà và con gái nuôi của bà, Bey Harlowe. Jeremy Hasli thiếu chút nữa thì đã đem bức thư đi hủy. Ông gập nó lại; ngón tay giật giật trên nó; thậm chí phải đến khi xuất hiện cả một vết rách bên mép mấy tờ giấy thì ông mới đổi ý. “Không,” ông tự nhủ. “Không! Với cái tay Boris Waberski này thì không ai mà lường trước được,” và ông nhét bức thư vào một ngăn trong két riêng, sau đó khóa lại. Ba tuần sau, ông rất lấy làm mừng vì đã làm như vậy. Đó là lúc ông đọc được mẩu tin thông báo bà Harlowe đã qua đời trong cột cáo phó của tờ The Times, và nhận được một tấm thiệp lớn với viền đen rất đậm theo phong cách Pháp từ Bey Harlowe, ngỏ ý mời ông đến dự đám tang tại Dijon. Tấm thiệp mời này chỉ mang tính hình thức. Ông sẽ chẳng thể nào đến kịp Dijon để tham dự, kể cả nếu có khởi hành ngay tức khắc. Ông chấp nhận chỉ viết một vài dòng thành kính phân ưu với cô gái, và gửi một bức thư đến cho ông công chứng viên người Pháp, ghi rằng công ty ông sẽ hỗ trợ Bey. Thế rồi ông đợi. “Mình sẽ lại nghe tin từ cái tay Boris kia cho xem,” ông nói, và nội trong tuần đó, ông lại nhận được thư. Chữ viết trong thư thậm chí còn loằng ngoằng và nguệch ngoạc hơn hồi trước; sự hoảng hốt và phẫn nộ đã khiến cho câu từ của Waberski loạn hết cả lên; đồng thời hắn đã đòi lượng tiền lớn gấp đôi. “Thật không thể nào tin nổi,” hắn viết. “Chị ấy chẳng để lại chút gì cho người em trai tận tụy của mình. Có trò gì đó đang diễn ra, và tôi không ưa chút nào. Giờ số tiền sẽ phải là một ngàn bảng, gửi theo đường thư đảm bảo. ‘Boris tội nghiệp của chị, em luôn bị cả thế giới này quay lưng,’ chị ấy nói trong lúc mắt ngấn đầy lệ. ‘Nhưng chị sẽ bù đắp cho em trong di chúc.’ Và giờ thì chẳng có gì cả! Tất nhiên, tôi đã nói chuyện với cô cháu gái của tôi; ôi, con bé thật cứng đầu! Nó búng ngón tay vào mặt tôi! Hành xử theo cái thể thống gì vậy cơ chứ? Một ngàn bảng, thưa ông! Bằng không là sẽ có chuyện khó xử xảy ra! Vâng! Không ai búng ngón tay vào mặt Boris Waberski mà không trả tiền cả. Thế nên hãy trả tôi một ngàn bảng gửi theo đường thư đảm bảo, không là sẽ có chuyện khó xử”; và lần này Boris Waberski không buồn gửi lời chào nào đến cho ông Hasli cả, cho dù có là trân trọng nhất hay không, chỉ đơn giản ký bằng một nét bút ngoáy tít, nhập nhằng khắp mặt thư. Ông Hasli không mỉm cười với bức thư này. Ông nhẹ nhàng xoa hai lòng bàn tay vào với nhau. “Thế thì chúng ta đành phải để cho chuyện khó xử xảy ra vậy,” ông nói nhanh, và rồi cất bức thư thứ hai vào cùng chỗ với bức thư thứ nhất. Nhưng ông Hasli cảm thấy hơi khó tập trung vào công việc. Bên trong cái ngôi nhà to lớn tại Dijon là một cô gái đơn côi, và không có người đồng hương nào ở bên cô ấy cả! Ông bất chợt đứng dậy khỏi ghế và băng qua hành lang, vào trong văn phòng của người cộng sự cấp thấp. “Jim, mùa đông này cậu đã đi Monte Carlo nhỉ,” ông nói. “Đi một tuần,” Jim Frobisher đáp. “Tôi nhớ mình có nhờ cậu đến thăm một thân chủ của chúng ta, người sở hữu một biệt thự ngoại ô tại đó - bà Harlowe.” Jim Frobisher gật đầu. “Tôi đã ghé. Nhưng bà Harlowe ốm rất nặng. Có một cô cháu gái, nhưng cô ta lúc ấy đang đi vắng.” “Thế tức là cậu không gặp ai cả?” Jeremy Hasli hỏi. “Không, không phải,” Jim chỉnh lại. “Tôi thấy một nhân vật kỳ lạ ra mở cửa và xin lỗi thay bà Harlowe. Một ông người Nga.” “Boris Waberski,” ông Hasli nói. “Đúng cái tên đó rồi.” Ông Hasli ngồi xuống một cái ghế. “Kể cho tôi nghe về ông ta đi, Jim.” Jim Frobisher nhìn vào hư vô một vài giây. Anh là một thanh niên hai mươi sáu tuổi, mới chỉ tham gia làm cộng sự kể từ năm ngoái. Mặc dù rất nhanh nhẹn khi cần hành động gấp, anh lại hết sức cẩn trọng khi đánh giá bản chất người khác; và anh còn rất kính nể ông Jeremy Hasli già, thế nên cứ mỗi khi làm gì liên quan đến công việc của công ty là lại cẩn trọng gấp đôi. Một lúc sau anh trả lời. “Ông ta là một người cao lớn, đi đứng trông có vẻ nặng nhọc, bên trên một vầng trán ngắn và một cặp mắt hoang dại là một mớ tóc bạc dựng thẳng đứng như dây kẽm gai. Ông ta gợi cho tôi nhớ đến một con rối không được gắn dây tử tế lên chân tay. Tôi tin con người này có bản chất khá ngông cuồng và dễ bị kích động, ông ta cứ liên tục miết bộ ria mép với mấy ngón tay dài ngoằng, ố màu thuốc lá. Đây là cái kiểu người có thể nổi điên bất cứ lúc nào.” Ông Hasli mỉm cười. “Đúng như những gì tôi nghĩ.” “Ông ta gây rắc rối gì cho ông à?” Jim hỏi. “Chưa đâu,” ông Hasli nói. “Nhưng bà Harlowe đã chết, và tôi tin rằng rất có khả năng ông ta sẽ giở trò gì đó. Ông ta có hay bài bạc gì không?” “Có, chơi rất khát,” Jim nói. “Tôi đoán là ông ta sống bám vào bà Harlowe.” “Tôi cũng nghĩ thế,” ông Hasli nói, và ông im lặng ngồi đó một lúc. Thế rồi ông nói: “Thật đáng tiếc là cậu không được gặp Bey Harlowe. Tôi từng một lần ghé thăm Dijon trên đường đi qua miền Nam nước Pháp năm năm trước, hồi Simon Harlowe, chồng bà ấy, hãy còn sống. Bey hồi đó là một cô bé chân dài gầy gò, đi tất lụa đen, sở hữu một gương mặt trắng, sáng sủa, và mái tóc đen sẫm cùng cặp mắt lớn, xinh xắn lắm.” Ông Hasli dịch người trên ghế một cách không thoải mái. Cả một ngôi nhà cổ với khu vườn lớn đầy dẻ và sung, trong khi cô gái kia thì một thân một mình, sống cùng với một tay đầu óc có vấn đề, đang bực bội và muốn gây chuyện khó xử cho cô. Ông Hasli không thích cái hình ảnh đó chút nào! “Jim,” ông bất chợt nói, “cậu có thể thu xếp công việc sao cho nếu cần thiết thì sẽ có thể rời đi ngay lập tức được không?” Jim ngước nhìn lên, tỏ vẻ ngạc nhiên. Loạn cào cào, như kiểu dân sân khấu hay nói, không phải là chuyện hay xuất hiện tại công ty Frobisher & Hasli. Dù cho đồ nội thất của họ hơi xỉn màu, tác phong của họ rất trang nghiêm; thân chủ có thể gặp chuyện khẩn, nhưng vội vã và gấp gáp là những từ công ty không bao giờ sử dụng. Chắc chắn đâu đó quanh đây sẽ có một luật sư chịu hiểu cho họ. Ấy nhưng giờ đây, đích thân ông Hasli, cùng với mớ tóc bạc trắng và gương mặt tròn trịa khác thường, nửa trẻ con, nửa thông minh xuất sắc, lại đang đề nghị cộng sự cấp thấp của mình chuẩn bị sẵn sàng để đi thẳng sang đại lục châu Âu ngay khi có lệnh. “Tôi chắc chắn có thể làm vậy,” Jim nói, và ông Hasli nhìn anh với vẻ hài lòng. Jim Frobisher sở hữu một nét tính cách rất khác người. Ngay cả người quen của anh, cho dù có là bạn bè thân thuộc, cũng mới chỉ từng biết đến các dấu hiệu anh để lộ ra bên ngoài. Anh là một người cô độc. Cho tới nay, anh chỉ quan tâm đến một số rất ít người, và ngay cả những người ấy anh cũng chẳng thiết tha gì mấy. Đam mê của anh là được cảm thấy rằng cuộc đời mình và ý nghĩa cuộc đời mình không phụ thuộc vào người khác. Trong những tháng được rảnh rang, anh luôn theo đuổi dam mê ấy. Một chiếc thuyền buồm nửa boong* chỉ cần một người lái, một cây rìu phá băng, một khẩu súng trường, một vài cuốn sách dài bất tận, chẳng hạn như Chiếc nhẫn và cuốn sách*. Đó chính là những người bạn đồng hành của anh trên biết bao chuyến thám hiểm cô đơn, bên cạnh các vì sao và những suy tư của riêng mình. Hệ quả là anh đã tự tạo cho bản thân mình một vẻ lạnh nhạt khác thường, khiến cho anh lập tức trở nên nổi trội giữa đám đông. Đây là một diện mạo đầy vẻ dối lừa, bởi lẽ nó dễ gợi lên sự tin tưởng cho người khác, mặc dù có khi chẳng có lý do nào để họ đặt lòng tin như vậy cả. Chính cái vẻ ngoài ấy bấy giờ đã thuyết phục ông Hasli. “Đây đích thị là một người thích hợp để đối đầu với cái ngữ như Boris Waberski,” ông nghĩ thầm, có điều không nói hẳn ra như vậy. Điều ông nói là: “Có khi cũng chẳng cần thiết phải làm vậy đâu. Bey Harlowe có một luật sư người Pháp. Chắc chắn anh ta sẽ đủ sức giải quyết. Ngoài ra…” - và ông mỉm cười lúc nhớ lại một câu trong bức thư thứ hai của Waberski - “Bey có vẻ là người rất có khả năng tự bảo vệ mình. Cứ để rồi xem.” Ông quay trở lại văn phòng của mình, và suốt một tuần liền ông không nhận được thêm bất cứ tin tức gì từ Dijon nữa. Lúc ông đã gần quên đi sự lo lắng của mình thì bất thình lình, một tin động trời xuất hiện, và nó được truyền đến thông qua một kênh rất bất ngờ. Jim Frobisher là người báo tin cho ông biết. Anh xộc vào văn phòng của ông Hasli đúng lúc người cộng sự cấp cao đang đọc cho anh thư ký ghi lại lời phúc đáp cho mấy bức thư buổi sáng của mình. “Ông Hasli!” Jim la lên, và ngưng bặt khi nhìn thấy viên thư ký. Ông Hasli nhìn lướt qua gương mặt người cộng sự trẻ của mình và nói: “Godfrey, lát nữa chúng ta sẽ tiếp tục trả lời thư sau.” Viên thư ký mang cuốn sổ tay tốc ký ra khỏi căn phòng, và ông Hasli quay sang Jim Frobisher. “Nào, tin xấu của cậu là gì thế, Jim?” Jim nói buột hết ra. “Waberski cáo buộc Bey Harlowe tội giết người.” “Cái gì cơ?” Ông Hasli đứng bật dậy. Jim Frobisher không thể xác định được xúc cảm nào đang xâm chiếm lấy ông, sự hoài nghi hay cơn giận. Một cảm xúc thì làm trán ông nhăn hết lên, cảm xúc còn lại thì bừng cháy trong mắt ông. “Bey Harlowe bé nhỏ ư?” Ông thốt lên với giọng kinh ngạc. “Vâng. Waberski đã đâm đơn kiện chính thức với Cảnh sát trưởng Dijon. Anh ta cáo buộc Bey tội đầu độc bà Harlowe vào đêm ngày 27 tháng Tư.” “Nhưng Bey chưa bị bắt, đúng không?” ông Hasli hỏi. “Không, nhưng cô ấy đang bị giám sát.” Ông Hasli ngồi phịch xuống chiếc ghế bành bên bàn mình. Thật ngông cuồng! Thật không ra cái thể thống gì cả! Mô tả Boris Waberski bằng những từ như thế là đã rất nhẹ nhàng rồi. Nung nấu trong lòng tên vô lại này là một sự tàn ác hung hiểm, một khát khao trả thù độc địa vô cùng tận. “Sao mà cậu biết được tất cả những chuyện này thế, Jim?” ông đột nhiên hỏi. “Sáng nay tôi nhận được một bức thư từ Dijon.” “Cậu ư?” Ông Hasli thốt lên. Câu hỏi ấy khiến Jim Frobisher phải chú ý, và rồi nó làm anh cũng ngẩn cả người ra. Cú sốc ban đầu của cái tin ấy, sự kinh khủng của lời cáo buộc ấy đã xua hết mọi thứ khác ra khỏi đầu anh. Giờ thì anh lại tự hỏi mình rằng tại sao tin tức lại đến tay mình chứ không phải người cộng sự chịu trách nhiệm quản lý gia sản nhà Harlowe. “Vâng, đúng là kỳ lạ thật,” anh đáp. “Và ở chỗ này còn thêm một điểm khác thường nữa. Bức thư không được gửi từ Bey Harlowe, mà là từ một người bạn, một người được thuê về sống cùng cô ấy, Ann Upco.” Ông Hasli trở nên nhẹ nhõm hơn phần nào. “Vậy tức là Bey đang ở cùng với một người bạn? Thế là tốt đấy.” Ông chìa bàn tay sang bên kia bàn. “Cho tôi đọc bức thư với nào, Jim.” Từ nãy đến giờ Frobisher vẫn cầm nguyên bức thư trong tay, và giờ anh đưa nó cho Jeremy Hasli. Đây là một bức thư bao gồm nhiều tờ, và Jeremy để cho mép của chúng loạt soạt xếp lại dưới khớp ngón cái. “Tôi phải đọc hết tất cả chỗ này sao?” Ông rầu rĩ nói, và bắt tay vào thực hiện. Đầu tiên Boris Waberski buộc tội thẳng mặt Bey. Bey đã khinh khỉnh không chấp nhận lời cáo buộc ấy, và thế là Waberski đi thẳng đến chỗ viên Cảnh sát trưởng. Một tiếng sau hắn quay lại, khoa chân múa tay loạn xạ và cứ tự nói chuyện một mình. Hắn thậm chí còn đề nghị Ann Upco đứng về phe mình. Thế rồi hắn gói ghém hành lý và đến trọ tại một khách sạn trong thành phố. Câu chuyện được thuật lại chi tiết, trích dẫn kèm cả những câu phát ngôn đậm mùi bạo lực và điên rồ của Waberski. Trong lúc ông đọc thư, Jim Frobisher càng lúc càng trở nên bứt rứt, càng lúc càng trở nên bồn chồn. Anh hiện đang ngồi bên khung cửa sổ cao rộng, nhìn ra phía quảng trường, chờ đợi một trận bùng nổ ngập tràn giận dữ và khinh bỉ. Nhưng anh thấy vẻ âu lo xuất hiện trên mặt ông Hasli, và nó cứ ở im đó trong suốt quá trình đọc của ông. Hơn một lần ông ngưng đọc hẳn, cứ như thể đang cố gắng nhớ hay có lẽ là muốn phát hiện ra điểu gì đó. “Nhưng mọi chuyện rõ như ban ngày rồi mà,” Jim nôn nóng tự nhủ. Ấy nhưng… ấy nhưng… ông Hasli đã ngồi trên chiếc ghế ấy gần hết cả ngày, ngồi như vậy đã gần ba mươi năm nay. Những năm ấy, không biết đã bao nhiêu con người băng qua con đường bên dưới ô cửa sổ này và nhẹ chân bước vào trong căn phòng im lặng hình chữ nhật này, mang theo bao sự bất bình, bao tai ương, bao lời thú tội của mình rồi nhỉ? Đã bao nhiêu con người bước ra ngoài sau khi góp chút công mọn giúp ông già này hoàn thiện kho kiến thức và mài sắc khối óc của chính mình đây? Như vậy, nếu ông Hasli mà cảm thấy lo thì tức là trong bức thư kia ẩn giấu điều gì đó, hay chứa đựng nhiệm vụ nào đó, và anh vì còn thiếu kinh nghiệm nên đã bỏ sót. Anh bắt đầu cố gắng nhớ lại bức thư, nhẩm đọc lại nó trong đầu, nhưng chưa đọc được mấy thì ông Hasli đã đặt bức thư xuống. “Thưa ông,” Jim thốt lên, “đây rõ ràng là một vụ tống tiền.” Ông Hasli khẽ lắc vai bừng tỉnh. “Tống tiền? Ôi! Hiển nhiên rồi, Jim.” Ông Hasli đứng dậy và mở két sắt. Ông lôi ra từ trong đó hai bức thư Waberski đã gửi và băng qua căn phòng mang chúng đến chỗ Jim. “Đây là bằng chứng hết sức rõ ràng.” Jim đọc hết cả mấy bức thư và thốt lên một tiếng reo vui mừng. “Tên vô lại kia đã tự giao nộp mình cho chúng ta.” “Đúng thế,” ông Hasli nói. Tuy nhiên, đối với ông, thế vẫn là chưa đủ; ông vẫn còn đang săm soi từng dòng một của bức thư, tìm kiếm thứ gì ẩn sau các con chữ, chỉ có điều ông không tài nào phát hiện ra nổi. “Thế ông còn lăn tăn chuyện gì vậy?” Frobisher hỏi. Ông Hasli ra đứng trên tấm thảm bạc màu trước lò sưởi, lưng quay về phía ngọn lửa. “Chuyện này, Jim ạ,” và ông bắt đầu giải thích. “Cứ một trăm vụ như thế này thì phải đến chín mươi lăm vụ sẽ còn ẩn chứa tình tiết gì đó khác nữa, một thứ gì đó phía đằng sau lời cáo buộc đưa ra. Mặc dù không được nhắc đến, nhưng đó mới là chi tiết kẻ tống tiền thực sự dựa dẫm vào. Thường thì đó sẽ là một bí mật lặt vặt đáng xấu hổ nào đó, một vết nhơ đối với danh dự gia đình, một thứ mà bất kỳ cuộc điều tra công khai nào cũng sẽ làm sáng tỏ. Và chắc chắn trong vụ này phải có một thứ như thế. Lời cáo buộc của Waberski càng lố bịch bao nhiêu thì khả năng càng cao là hắn biết điều gì đó có thể làm ô nhục cái tên dòng họ Harlowe, và bất kỳ người nhà Harlowe nào cũng sẽ muốn giữ kín. Chỉ có điều tôi chẳng thể nào đoán nổi cái thứ khốn kiếp ấy là gì!” “Có thể đó chỉ là một chuyện vặt vãnh thôi,” Jim đề xuất, “nhưng một kẻ điên như Waberski lại đi cường điệu hóa nó lên.” “Đúng,” ông Hasli đồng ý. “Chuyện đó có thể xảy ra. Một kẻ bực bội vì tưởng mình bị đối xử bất công, và ngoài ra lại còn có tính khí thất thường và ngông cuồng nữa chứ… Đúng rồi, chuyện ấy có thể xảy ra lắm, Jim à.” Jeremy Hasli nói với một giọng tươi vui hơn. “Hãy cùng điểm lại xem chính xác thì chúng ta biết những gì về gia đình kia,” ông nói, và ông kéo một chiếc ghế lại, quay nó đối diện với Jim Frobisher và khung cửa sổ. Nhưng ông chưa kịp ngồi xuống thì trên cửa đã vang lên một tiếng gõ khẽ, và anh thư ký bước vào báo có khách. “Chưa xong đâu,” tên vị khách còn chưa được nêu ra thì ông Hasli đã nói luôn. “Vâng, thưa ông,” viên thư ký nói, và anh ta lui ra ngoài. Công ty Frobisher & Hasli hoạt động như thế đấy. Đây là một công ty tư vấn luật rất lành nghề, và nếu vị thân chủ nào không thích cách thức hoạt động của nó thì xin mời họ hãy đem công chuyện cần xử lý sang bàn với ông luật sư phía bên kia góc đường. Điều ấy cũng tương tự như việc nếu muốn kiếm thợ may lành nghề thì phải chấp nhận để ông thợ cắt xẻ quần áo theo phong cách của riêng mình. Ông Hasli quay trở lại với Jim. “Hãy cùng điểm lại xem chúng ta biết gì nào,” ông nói và ngồi xuống ghế. CHƯƠNG II MỘT LỜI CẦU CỨU “S imon Harlowe,” ông mào đầu, “là chủ các vườn nho Clos du Prince nổi tiếng tại Côte d’Or, nằm ở mạn đông Dijon. Ông ta có một dinh cơ tại Norfolk, một ngôi nhà rất lớn, biệt thự Grenelle ở Dijon, và một biệt thự ngoại ô tại Monte Carlo. Nhưng chủ yếu ông ta dành thời gian sống ở Dijon. Và tại nơi đó, vào năm bốn mươi lăm tuổi, ông kết hôn với một phụ nữ người Pháp, Jeanne-Marie Raviart. Tôi nhớ là cuộc tình đó khá lãng mạn. Jeanne-Marie đã từng lập gia đình và sau đó chia tay chồng, và tôi tin Simon Harlowe đã đợi tận mười năm, chờ cho đến khi ông Raviart (chồng) chết.” Jim Frobisher vụt thực hiện một động tác gì đó. Ông Hasli, bấy giờ như đang đọc lại câu chuyện xa xưa kia trong những mẫu trang trí của tấm thảm, ngước lên nhìn. “Ừ, tôi hiểu ý cậu rồi,” ông nói, trả lời động tác ban nãy của Jim. “Đúng vậy, chưa biết chừng hai người đó có dan díu với nhau trước khi họ có thể tự do kết hôn. Nhưng Jim yêu quý à, thời nay khác rồi! So với thời tôi còn trẻ thì quan niệm của người đời bây giờ thoáng hơn rồi. Ngoài ra, cậu không nhận ra sao? Để Boris Waberski coi là có giá trị thì cái bí mật nhỏ kia sẽ cần phải đủ sát sườn đối với Bey Harlowe. Ôi không dám khẳng định là nó sẽ làm ảnh hưởng đến cô bé nếu nó bị công bố, nhưng phải đủ để khiến cho Waberski tin rằng cô bé sẽ không muốn nó lộ ra ngoài. Với cả phải sau khi Simon và Jeanne-Marie đã kết hôn được hai năm thì Bey Harlowe mới xuất hiện. Khi ấy họ đã biết rõ mình không thể có con với nhau. Không, mấy chuyện tình ái của Simon Harlowe đủ xa xôi để chúng ta gạt bỏ chúng sang một bên.” Jim Frobisher chấp nhận lời bác bỏ ý tưởng của mình, mặt đỏ ửng lên vì xấu hổ. “Tôi thật đúng là khờ khạo khi nghĩ đến chuyện đó,” anh nói. “Không khờ chút nào đâu,” ông Hasli vui vẻ đáp. “Chúng ta nên xem xét mọi khả năng. Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể khám phá ra sự thật. Giờ tôi sẽ nói tiếp nhé. Simon Harlowe là một nhà sưu tầm. Vâng, ông này cực kỳ đam mê công việc sưu tầm, đồng thời là một người rất mộ đạo. Phòng khách tại biệt thự Grenelle của ông ta là một kho chứa báu vật hoàn hảo. Trong đó không chỉ chứa những thứ đồ đẹp đẽ mà còn cả những món hiếm nữa. Ông ta rất thích để chúng vây quanh trong lúc mình thưởng thức cuộc đời, và cả khi làm việc nữa. Cuộc sống hôn nhân của ông ta chẳng kéo dài. Bởi lẽ năm năm trước ông ta đã qua đời, hưởng thọ năm mươi mốt tuổi.” Cặp mắt của ông Hasli lại một lần nữa lục tìm ký ức trong những đường nét xoắn xít trên tấm thảm. “Đó là tất cả những gì tôi biết về ông ta. Ông ta là một người khá dễ chịu, nhưng không dễ gần. Không, tôi e là chẳng có gì giúp soi tỏ vấn đề cho chúng ta cả.” Tâm trí ông Hasli lại tập trung vào bà góa phụ. “Jeanne-Marie Harlowe,” ông nói. “Giờ điểm lại thì tôi mới nhận ra hiểu biết của mình về bà ấy ít ỏi đến nhường nào. Nhưng kể ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Bà ấy đã bán dinh cơ ở Norfolk và từ đó đến nay chỉ sống tại mấy vườn nho ở Monte Carlo hoặc Dijon hoặc… à đúng rồi, một ngôi nhà nghỉ mát nhỏ tại Côte d’Or.” “Tôi đoán bà ấy giàu lắm nhỉ?” Frobisher hỏi. “Rất khá giả,” ông Hasli đáp. “Tiếng tăm của rượu vang Burgundy Clos du Prince nổi như cồn, trong khi số lượng lại rất giới hạn.” “Bà ấy có bao giờ đến Anh không?” “Chưa bao giờ cả,” ông Hasli nói. “Có vẻ bà ấy hài lòng với Dijon, mặc dù đối với bản thân tôi thì mấy cái thị trấn tỉnh lẻ nhỏ bé của Pháp nhàm chán đến mức khiến con người ta chỉ muốn khóc thét lên. Tuy nhiên, bà ấy đã quen với nó. Và rồi tim bà ấy bắt đầu có vấn đề, thế là trong suốt hai năm vừa qua, bà ấy sống như người tàn tật. Ở đây chẳng có gì hữu ích đối với chúng ta cả.” Và ông Hasli nhìn sang phía Jim, tìm kiếm sự đồng tình. “Đúng là chẳng có gì thật,” Jim nói. “Vậy là chúng ta chỉ còn lại cô bé Bey Harlowe và… à phải rồi, cái cô gái đã viết thư cho cậu, cái cô viết thư tràng giang đại hải, Ann Upco. Cô này là ai thế, Jim? Cô ta từ đâu xuất hiện vậy? Sao mà cô ta lại đến sống ở biệt thự Grenelle? Nào, khai hết ra đi, chàng trai,” và ông Hasli tặng cho người cộng sự cấp thấp của mình một ánh mắt hóm hỉnh. “Tại sao Boris Waberski lại kỳ vọng cô ta sẽ ủng hộ mình?” Jim Frobisher dang rộng hai tay ra. “Tôi biết làm sao được,” anh nói. “Tôi chưa từng gặp cô ta. Tôi chưa từng nghe nhắc đến cô ta. Tôi chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của cô ta cho đến sáng nay, khi bức thư ấy được gửi đến, và thấy tên cô ta ký ở cuối thư.” Ông Hasli đứng dậy. Ông băng qua căn phòng, tiến về phía chiếc bàn của mình. Vừa chỉnh lại cặp kính gấp trên sống mũi, ông vừa cúi người xuống đọc bức thư. “Nhưng cô gái này viết thư gửi cậu cơ mà, Jim,” ông phản bác. ‘Thân gửi ông Frobisher’, cô ta đã viết vậy. Cô ta không nhắc gì đến công ty hết!”; và ông đợi, mắt nhìn Jim, chờ cho anh rút lại lời chối bỏ của mình. Tuy nhiên, Jim chỉ lắc đầu. “Chuyện ấy thật quái lạ quá thể,” anh ta đáp. “Tôi không tài nào luận ra được nguyên cớ của nó.” Điều này khiến cho ông Hasli không còn có thể nghi ngờ gì được nữa. Chàng trai trẻ này đang thấy vô cùng bối rối, và điều anh nói là sự thật. “Tại sao Ann Upco lại viết thư gửi tôi? Chính bản thân tôi cũng đã tự hỏi câu hỏi đó suốt nửa tiếng vừa qua. Và tại sao cô Bey Harlowe lại không viết thư gửi ông, người chịu trách nhiệm coi sóc mọi vấn đề của mình?” “A!” Câu hỏi cuối cùng ấy đã giúp ông Hasli tìm thấy một lời giải thích. Nét mặt ông sáng bừng hẳn lên. “Câu trả lời nằm ở trong bức thư thứ hai của Waberski ấy. Bey đã búng ngón tay trêu ngươi cái sự ngớ ngẩn của hắn. Cô bé không coi trọng lời cáo buộc ấy. Cô bé chắc sẽ để mặc cho ông công chứng viên người Pháp kia lo liệu giải quyết. Đúng rồi, tôi tin điều ấy cũng giúp làm sáng tỏ lý do bức thư của Ann Upco được gửi cho cậu. Các quy tắc luật lệ trong một quốc gia xa lạ hẳn sẽ khiến một người ngoại bang như cô gái này phát hoảng. Riêng với Bey Harlowe thì đã sống giữa những luật lệ ở đó được bốn năm rồi, thế nên không sợ bằng. Thế nên cô bé kia viết thư gửi cho cái tên đầu tiên được ghi trong tên công ty, và gửi cho anh ta dưới tư cách viết thư gửi cho người khác. Đúng rồi đấy, Jim,” và ông xoa hai tay vào nhau đầy thỏa mãn. “Một cô gái đang hoảng sợ sẽ không cảm thấy an tâm nếu viết thư gửi cho một thực thể trừu tượng. Cô ta muốn biết mình đang liên lạc với một con người thật. Thế là cô ta viết, ‘Thân gửi ông Frobisher’. Đúng thế rồi! Tôi dám thề với cậu đầu đuôi là như vậy.” Ông Hasli quay trở lại chỗ chiếc ghế. Nhưng ông không ngồi xuống. Ông đứng thọc đôi bàn tay vào trong túi, nhìn ra phía ngoài ô cửa sổ trên đầu Frobisher. “Nhưng điều đó không giúp chúng ta khám phá thêm được tí nào về con át chủ bài của Boris Waberski, phải không? Chúng ta vẫn chẳng biết chút gì về nó,” ông rầu rĩ nói. Quả đúng vậy. Các dữ kiện được ông Hasli thuật lại với chất giọng đều đều, chẳng hề hé lộ chút nào về bản chất của những thành viên tham gia tấn tuồng nhỏ này. Và đối với cả hai người bọn họ, điều ấy tưởng chừng như hoàn toàn vô dụng. Ấy nhưng toàn bộ sự thật đều nằm ngay trong đó - sự thật về cả chiêu bài của Waberski lẫn hết thảy những điều kinh khủng và bí ẩn quái lạ khác, những vấn đề mà chàng trai trẻ tuổi trong bộ đôi này sắp sửa phải lao đầu vào giải quyết. Chốc nữa thôi, lúc quay vào văn phòng mình làm việc tiếp trong trạng thái rúng động đến tận tâm can, Jim Frobisher sẽ nhận ra điều ấy. Bấy giờ thì câu chuyện của họ bị gián đoạn. Trong lúc nhìn ra phía ngoài ô cửa sổ trên đầu người cộng sự của mình, ông Hasli thấy một thằng bé đưa tin điện báo chạy vụt qua quảng trường và đứng lưỡng lự trên con đường bên dưới. “Tôi đoán nó mang một bức điện tín đến cho chúng ta,” ông nói với vẻ háo hức đầy hy vọng. Đây là cái kiểu ngóng trông một sự kiện bên ngoài xảy ra và giúp mọi chuyện về lại như xưa của những người đang gặp rắc rối. Jim vội quay người lại. Thằng bé vẫn còn đang đứng trên vệ đường, nhìn ngó số các ngôi nhà. “Chúng ta phải gắn một tấm bảng đồng lên trên cửa đi thôi,” Jim nói, phần nào nghe nôn nóng. Thế là cặp lông mày của ông Hasli nhướn tuốt lên phía mái tóc bạc dày, đến phân nửa trán mới dừng. Dù đang hết sức lo lắng trước cái vụ việc Waberski, nhưng lời đề xuất từ một người cộng sự trong công ty kia vẫn khiến ông thấy sốc như vừa phải nghe một câu báng bổ thánh thần. “Chàng trai yêu quý của tôi ơi, cậu nghĩ cái gì trong đầu vậy hả?” Ông gay gắt nói. “Tôi hy vọng mình không thuộc diện mấy cái lão già hủ lậu, cứng đầu, dứt khoát không chịu bắt kịp thời đại. Như cậu đã biết, mới đây chúng ta đã cho lắp đặt một chiếc điện thoại trong văn phòng mấy anh nhân viên cấp dưới. Tôi nhớ rằng đích thân tôi là người đã đề xuất mình làm thế. Nhưng một tấm bảng đồng trên cửa ư? Trời đất ơi, Jim! Hãy nhường việc đó lại cho đám dân trên phố Harley và đường Southampton!* Nhưng như tôi thấy thì bức điện tín đó được gửi cho chúng ta.” Chốt xong lựa chọn, cậu nhóc Mercury* tí hon cùng chiếc mũ sacô và bộ đồng phục gắn thừng đỏ chui tọt vào trong sảnh bên dưới. Bức điện tín được mang lên trên tầng và ông Hasli xé mở nó ra. Ông ngây ra nhìn nó vài giây, thế rồi lẳng lặng đưa nó cho Jim Frobisher, không nói nửa lời, nhưng ánh mắt mang vẻ rất lo lắng. Jim Frobisher đọc: Xin hãy làm ơn, làm ơn lập tức cử ai đó đến giúp cháu với. Cảnh sát trưởng đã cho gọi Hanaud, một thám tử lừng danh của Sở Cảnh sát tại Paris. Hẳn họ nghĩ cháu là người có tội. - BETTY HARLOWE. Bức điện tín trượt ra khỏi mấy ngón tay của Jim, rơi xuống sàn nhà. Đây như một lời cầu cứu giữa lúc đêm hôm, vẳng lại từ đằng xa. “Ông Hasli, tôi phải bắt chuyến tàu đêm đi ngay,” anh nói. “Chắc chắn thế rồi!” Ông Hasli nói với vẻ hơi lơ đễnh. Tuy nhiên, Jim thì lại có đủ sự sốt sắng cho cả hai người bọn họ. Như mọi người đàn ông độc thân khác, hình ảnh mà trí tưởng tượng của anh thêu dệt lên đã khiến cho ngọn lửa hào hoa trong người anh bừng cháy. Cái cô gái trẻ kia, Bey Harlowe! Cô đã bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Hai mươi mốt! Không hơn một ngày. Bấy lâu nay cô sống trong sự kiêu kỳ hờ hững, đúng với bản chất một cô gái còn xuân, nhưng rồi bất chợt cô sa chân vào một cái bẫy do một kẻ phản bội giăng sẵn, và hoang mang nhìn ngó quanh quất. Và rồi nỗi kinh hoàng ập đến, và đi kèm với nó là một lời kêu cứu hoảng loạn. “Phụ nữ không bao giờ để ý thấy những dấu hiệu hiểm nguy,” anh nói. “Không, họ mù quáng bước thẳng vào trong tâm điểm thảm họa.” Ai mà biết được Boris Waberski đã lén lút rèn giũa ra những chuỗi bằng chứng sai lệch và xảo quyệt nào trong bóng tối, chực chờ thời cơ chín muồi để tròng nó lên cổ tay và mắt cá chân cô? Và câu hỏi đó làm cho anh nản lòng cực độ. “Công ty chúng ta biết rất ít về Tố tụng Hình sự, ngay cả thủ tục của chính đất nước mình,” anh than thở đầy tiếc nuối. “Và tôi lấy làm mừng về điều đó,” ông Hasli nói, giọng có chút chua chát. Đối với ông, đấy là nguyên tắc bất di bất dịch của công ty. Công ty Frobisher & Hasli không bao giờ dính dáng đến Tòa án Hình sự. Mọi vụ kiện tụng, ngay cả những vụ hết sức tử tế, đều không được chấp nhận, ừ thì đúng là có một đội ngũ nhỏ chuyên xử lý mấy việc như thế, do một ông quản lý già lãnh đạo, có điều bị giấu biệt lên tầng trên, chẳng khác nào một người họ hàng đáng xấu hổ trong một đại gia tộc. Và họ chỉ nhận làm cho các thân chủ lâu đời, và ngay cả khi ấy cũng chỉ làm theo kiểu chiếu cố giúp đỡ. “Tuy nhiên,” ông Hasli nói ngay khi để ý thấy vẻ không thoải mái của Jim, “anh bạn trẻ ạ, tôi tin chắc rằng cậu sẽ đủ năng lực giải quyết, bất kể sự việc có ra sao. Nhưng hãy nhớ cho kỹ, đằng sau vụ này còn có tình tiết nào đó mà chúng ta ở đây không biết được.” Jim chuyển tư thế khá đột ngột. Lời lẽ ca thán của ông cộng sự anh đã trở nên nghe như vẹt - chỉ là một cụm câu, một công thức lặp đi lặp lại. Jim bấy giờ đang nghĩ đến cô gái ở Dijon, và như nghe thấy lời kêu cứu thảm thương của cô. Cô giờ không còn “búng ngón tay” nữa rồi. “Chỉ cần dùng lập luận cơ bản là hiểu thôi mà,” ông Hasli khăng khăng. “So sánh thử nhé. Giả dụ như Bath sẽ không đời nào gọi cho Sở Cảnh sát Thủ đô chỉ vì một vụ như thế này. Đầu tiên phải biết chắc là đã xảy ra một tội ác trước đã, và sau đó cần phải có nghi vấn về việc ai là kẻ phạm tội. Vụ này đòi hỏi phải có một cuộc khám nghiệm tử thi và cho các bác sĩ vào cuộc. Nếu họ mà cho gọi cái nhân vật Hanaud kia…”, và ông ngưng bặt. Ông nhặt mẩu điện tín lên khỏi sàn nhà và đọc lại từ đầu. “Đúng rồi… Hanaud,” ông lặp lại, mặt ông hết sa sầm rồi lại sáng bừng lên và rồi thêm lần nữa sa sầm, y như một người tìm cách vồ lẫy một ký ức cứ lẩn như chạch nhưng toàn suýt soát để hụt. Rốt cuộc ông từ bỏ công cuộc dã tràng xe cát ấy. “Rồi, Jim này, tốt nhất cậu nến mang theo hai bức thư của Waberski, và bộ tiểu thuyết ba cuốn của Ann Upco, và bức điện tín của Bey…”, ông gom hết chỗ giấy tờ lại và bỏ chúng vào trong một chiếc phong bì dài, “… và tôi trông đợi chỉ ít ngày sau sẽ được thấy cậu quay trở lại với một gương mặt tươi cười. Tôi rất muốn được chứng kiến cái tay Boris kia lúc hắn bị yêu cầu giải thích mấy bức thư ấy.” Ông Hasli đưa cái phong bì cho Jim và bấm chuông. “Tôi tin có người đang đợi gặp tôi,” ông nói với viên thư ký vừa chạy vào nhận lệnh. Viên thư ký nêu tên một điền chủ tai to mặt lớn, suốt nửa tiếng vừa qua phải ngồi chờ mòn mỏi bên trong phòng chờ bụi bặm, chỉ có một vài cuốn sách luật cũ mốc meo đặt trong tủ kính cũ mòn hầu chuyện ông ta. “Bây giờ anh có thể dẫn ông ta vào được rồi,” ông Hasli nói trong lúc Jim quay trở về văn phòng của mình. Và khi vị điền chủ tai to mặt lớn kia bước vào, Hasli chỉ lạnh lùng chào đón ông ta bằng một lời khiển trách. “Anh không lên lịch hẹn, phải không?” Ông nói. Nhưng trong suốt cuộc nói chuyện, mặc dù vẫn đưa ra những lời khuyên hết sức chuẩn xác và rõ ràng, kiểu lời khuyên đã giúp danh tiếng công ty được loan xa một cách thầm lặng, tâm trí của ông Hasli vẫn không ngừng chơi trốn tìm với một ký ức nào đó, loáng thoáng thấy mép váy nó vụt hiện rồi lại biến mất. “Ký ức chẳng khác nào một người phụ nữ,” ông tự nhủ. “Nếu không đuổi theo cô nàng, cô nàng sẽ tự mình quay trở lại.” Nhưng ông vẫn cứ mắc phải căn bệnh chung của cánh đàn ông trong việc hành xử với phụ nữ: ông không thể cưỡng lại ham muốn đuổi theo cô nàng. Tuy nhiên, khi cuộc nói chuyện đã gần kết thúc, vai và đầu ông hơi giật một chút, và ông ghi lại một từ vào mẩu giấy. Ngay khi thân chủ của mình đã đi mất, ông viết một bức thư ngắn và đưa cho người đưa tin mang đi. Anh ta cũng được lệnh là phải chờ nhận câu trả lời. Người đưa tin quay trở lại chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, và ông Hasli vội vã chạy vào văn phòng của Jim Frobisher. Jim khi ấy vừa mới bàn giao công việc cho một vài anh nhân viên và khóa hết ngăn tủ bàn lại. “Jim, tôi đã nhớ ra mình nghe thấy cái tên Hanaud ở đâu rồi. Cậu đã gặp Julius Ricardo rồi đúng không? Ông ta là một trong những thân chủ của chúng ta.” “Vâng,” Frobisher nói. “Tôi nhớ ông ta - một người khá khó tính ở quảng trường Grosvenor.” “Đúng ông đó rồi. ông này là bạn của Hanaud và vô cùng tự hào về tình bạn ấy. Hồi trước ông ta và Hanaud bị vướng vào một vụ án khá đình đám - hình như là tại Aix-les-Bains. Ricardo sẽ cho cậu một bức thư giới thiệu với ông ta, và kể cho cậu nghe đôi điều về ông ấy, nếu cậu có thể tạt qua quảng trường Grosvenor vào lúc 5 giờ chiều nay.” “Đó sẽ là ưu tiên số một!” Jim Frobisher nói. Anh giữ lời hẹn, và được mách rằng hãy sẵn sàng tinh thần mới phút trước thấy ngưỡng mộ thì phút sau đã lập tức khó chịu, sang phút thứ ba thì như bị sỉ nhục, và tới phút thứ tư thì lại được đối xử rất lịch lãm và chân tình. Jim bỏ ngoài tai mấy lời khuyên sốt sắng của ông Ricardo, nhưng anh nhận bức thư và băng qua eo biển Anh ngay đêm hôm ấy. Trên đường đi, anh nhận ra rằng nếu Hanaud thực sự là một người được trọng vọng đến vậy, ông ta sẽ không đủ rảnh để gói ghém hành lý và đi tỉnh ngay tức thì, kể cả khi có sự việc khẩn cấp. Bởi vậy, khi đến Paris, Jim ngừng chuyến đi, và sáng ra thì tìm đường đến Sở Cảnh sát tại bến tàu Horloge, ngay đằng sau Tòa án Pháp. “Ông Hanaud có đây không?” Anh hăm hở hỏi, và cậu cu li nhận lấy danh thiếp cùng bức thư giới thiệu của anh. Thế tức là con người kỳ tài kia vẫn còn đang ở Paris, anh nhẹ nhõm nghĩ thầm. Anh được đưa vào một hành lang dài tù mù, thắp sáng bằng đèn điện, cho dù lúc đó đang là một buổi sáng sớm hè rực rỡ. Tại đó, anh phải dành ra nửa tiếng đánh bạn với đám tội phạm và các anh cảnh binh, trong khi lòng tự tin của mình ngày một hao mòn đi. Thế rồi một tiếng chuông vang lên, và một viên cảnh sát mặc thường phục tiến đến chỗ anh. Một bên hành lang là một dãy cửa. “Chuông mời anh đó,” viên cảnh sát nói, và anh ta dẫn Frobisher tới bên một cánh cửa và mở nó ra, sau đó đứng né sang bên. Frobisher vươn thẳng vai và bước vào. CHƯƠNG III NHỮNG NGƯỜI ĐẦY TỚ CỦA MAY RỦI F robisher thấy mình đang đứng ở đầu một căn phòng hình chữ nhật. Đối diện với anh là mấy ô cửa sổ nhìn vể phía nhà hát Châtelet to lớn, bên kia con sông lấp loáng. Bên tay trái anh là một cái bàn to cùng với mấy chồng giấy tờ được sắp xếp gọn gàng, và ngồi sau nó là một người đàn ông to con, vóc người vạm vỡ. Frobisher nhìn ông ta với ánh mắt của một kiếm sĩ tập sự khi đứng trước một kiếm sĩ bậc thầy mình sắp sửa phải giao đấu: hơi chút sững sờ khi thấy xét cho cùng, ông ta trông cũng chẳng khác nào bao con người phàm trần khác. Riêng Hanaud thì trông cứ như thể nãy giờ chẳng buồn ngó nghiêng gì Frobisher cả. Ấy nhưng lúc phát biểu, ông ta để lộ rõ là mình đã có quan sát, và đã quan sát rất kỹ càng. Ông ta đứng dậy, khẽ nghiêng người và xin lỗi anh. “Tôi bắt anh phải đợi lâu quá, anh Frobisher à. Ông bạn Ricardo thân mến của tôi không đề cập gì đến mục đích của anh trong thư cả. Tôi cứ tưởng là anh cũng như mấy người khác, đến để thăm thú thế giới ngầm của chúng tôi. Nhưng bây giờ khi được trực tiếp diện kiến anh, tôi nhận ra điều anh muốn nghiêm túc hơn nhiều.” Hanaud là một người tầm tuổi trung niên, sở hữu một mái tóc đen dày và gương mặt tròn trịa cùng chiếc cằm cạo nhẵn của một diễn viên hài. Thứ duy nhất mang lại cho ông ta vẻ oai vệ là cặp mắt sáng quắc bên dưới đôi mí khá dày, ít nhất là khi mới gặp mặt lần đầu tiên, lúc tâm thái đang vui vẻ. Ông ta chỉ vào một chiếc ghế. “Anh ngồi đi nhé? Để tôi nói cho anh nghe, anh Frobisher à, tôi rất ưu ái ông Ricardo và bạn bè ông ấy. Nhưng nói chuyện suông với nhau thế đủ rồi. Tôi có thể làm được gì đây?” Jim Frobisher đặt mũ và gậy lên một cái bàn bên và ngồi xuống chiếc ghế phía trước bàn của Hanaud. “Tôi là cộng sự trong một công ty luật chịu trách nhiệm đảm bảo lợi ích tại Anh cho một gia đình ở Dijon,” anh nói, và anh thấy mặt Hanaud duỗi tuột ra, mọi vẻ vui tươi và biểu cảm biến mất hết. Mới giây trước anh còn đang ngồi cùng một người bạn vui tính và thân thiện; giờ anh như đang nhìn vào một người xa lạ. “Vâng?” Hanaud nói. “Gia đình đó mang họ Harlowe,” Jim nói tiếp. “Ồ ồ!” Hanaud nói. Câu vừa rồi chẳng mang chút sắc thái ngạc nhiên nào, và gần như dửng dưng hoàn toàn. Tuy nhiên, Jim vẫn nói tiếp. “Và thành viên cuối cùng còn lại trong gia đình này, một cô gái độ 20 tuổi, Bey Harlowe, đã bị một tay người Nga cáo buộc tội giết người. Hắn có họ với gia đình kia thông qua hôn thú - Boris Waberski.” “À há!” Hanaud nói. “Và tại sao anh lại tìm đến tôi, anh Frobisher?” Jim tròn mắt nhìn ông thám tử. Lý do anh đến đây hiển nhiên quá rồi mà. Ấy nhưng… anh không còn chắc chắn nữa. Hanaud bấy giờ đã mở một ngăn kéo bàn ra và đang bắt đầu bỏ một bộ hồ sơ vào trong đó. “Vâng?” Ông ta nói với cái giọng mang ý, “Tôi đang lắng nghe đây.” “À, có thể tôi nhầm lẫn sao đó,” Jim nói. “Nhưng công ty của tôi đã nhận được thông báo rằng ông, ông Hanaud à, là người chịu trách nhiệm điều tra vụ này,” anh ta nói, và Hanaud lập tức khựng hết cả người lại. Ông ta ngồi đó, tập hồ sơ đặt nguyên trên lòng bàn tay như thể ông ta đang cân đo trọng lượng nó, bất động lạ thường. Jim có cảm tưởng ông ta đang thấy khá chưng hửng. Thế rồi Hanaud bỏ tập hồ sơ vào trong ngăn kéo và nhẹ nhàng đóng nó lại. Ông ta cũng nhẹ nhàng nói, nhưng lại nói bằng một cái giọng ngọt xớt, và như Frobisher nghe thấy thì nó chứa đựng một âm sắc rất đáng lo ngại. “Vậy ra anh đã biết về tin đó, anh Frobisher! Và ở tận London cơ đấy! Và… vâng… bây giờ mới chỉ là thứ Tư thôi! Ngày nay tin tức loan truyền mau chóng thật đấy! À, công ty của anh được thông báo như vậy là đúng rồi. Xin được chúc mừng anh. Thưởng cho anh một điểm.” Jim Frobisher nhanh chóng tận dụng cái câu ấy. Trên đường đi, anh đã tính trước mình nên tiếp cận ông thám tử này theo cách nào cho hợp lý nhất. Câu bình phẩm chua cay của Hanaud đã tạo cho anh đúng cái cơ hội mình đang cần. “Nhưng ông Hanaud này, tôi không nghĩ như thế chút nào,” anh nghiêm túc nói. “Tôi sẵn lòng tin rằng sẽ không có chút hiểm khích nào giữa hai ta. Bởi lẽ nếu mà chuyện ấy xảy ra, tôi chắc chắn sẽ phải chịu thiệt nhiều nhất. Không! Tôi tin chắc rằng trong vụ này, ông chỉ có một mong muốn duy nhất, đó là tìm ra sự thật. Còn mong muốn của tôi là chỉ cần được ông coi mình như một người đồng nghiệp hạng quèn, nhưng nhờ may mắn mà lại có thể hỗ trợ ông ít nhiều.” Một nụ cười nở rộng trên mặt Hanaud, và giúp ông lấy lại một phần vẻ xởi lởi. “Cường điệu hóa vấn đề vốn luôn là một phương pháp hữu hiệu,” ông ta nhận định. “Nào, hỗ trợ kiểu gì vậy, anh Frobisher?” “Hỗ trợ kiểu này đây, ông Hanaud. Hai bức thư đòi tiền do Boris Waberski gửi, trong đó bức thứ hai có buông kèm lời đe dọa. Công ty của tôi nhận được cả hai trước khi hắn buông lời buộc tội, và tất nhiên cả hai đều không được hồi âm.” Anh lấy mấy bức thư ra khỏi chiếc phong bì dài và đưa chúng sang bên kia bàn cho Hanaud. Ông ta chậm rãi đọc chúng, thầm dịch câu chữ trong đó sang tiếng Pháp trong quá trình đọc. Frobisher quan sát mặt ông ta, những mong sẽ thấy nét nhẹ nhõm hay thỏa mãn nào đó. Nhưng đáng thất vọng thay, không một biến chuyển nào xuất hiện như mong đợi cả. Và cuối cùng, khi Hanaud ngước lên nhìn anh, ông ta mang vẻ coi khinh và gần như hối tiếc. “Vâng… chắc chắn hai bức thư này có tầm quan trọng nhất định. Nhưng chúng ta không được thổi phồng nó lên. Vụ này khó khăn lắm đấy.” “Khó khăn ư?” Jim bực bội thốt lên. Anh như đang vung búa nện liên hồi vào một bức tường xuẩn ngốc dày cộp mà chẳng được tích sự gì cả. Ấy nhưng cái người đàn ông ngồi trước mặt anh không phải là người ngu ngốc. “Tôi không thể hiểu nổi!” Anh lớn tiếng. “Đây là vụ tống tiền rõ mười mươi nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra…” “Tống tiền là một từ không lấy gì làm đẹp đẽ cả, anh Frobisher ạ,” Hanaud cảnh cáo anh. “Và tống tiền là một hành động không lấy gì làm đẹp đẽ cả,” Jim nói. “Thôi nào, ông Hanaud, Boris Waberski sống tại Pháp. Ông hẳn phải biết điều gì đó về hắn. Ông hẳn phải có một bộ hồ sơ về hắn.” Hanaud vồ lấy cái từ ấy với một tiếng reo đầy khoái trá, mặt nở một nụ cười toe toét. Ông ta hớn hở ngúc ngoắc một ngón trỏ với vị khách của mình. “À, à, à, à! Một bộ hồ sơ! Vâng, tôi đã đợi cái từ ấy suốt nãy giờ! Cái huyền thoại vĩ đại về mớ hồ sơ! Anh cũng nhiễm trong đầu cái tư tưởng thú vị đó, anh Frobisher à. Nước Pháp và cái mớ hồ sơ của nó! Vâng! Nếu mấy mỏ than của cái đất nước này mà bị cạn kiệt, nó luôn có thể giữ ấm bằng cách đem đốt mớ hồ sơ của mình! Ngay từ lúc anh lần đầu tiên đặt chân đến Calais thì… bùm! Hồ sơ của anh sẽ bắt đầu được ghi. Anh đến Paris - ghi! Anh ăn tại khách sạn Ri - ghi! Sau đó anh đi đến một nơi đáng nhẽ ra không được phép đến - ghi-i-i! Và anh quay trở về khách sạn lúc trời đã muộn, mang trong lòng cảm giác rất không thoải mái. Đấy là bởi anh tin chắc rằng đâu đó trong màn đêm tĩnh lặng, sáu sĩ quan nhỏ thó với bộ râu đen và mấy ngọn đèn chụp màu xanh lá đang ghi hết tất cả vào trong hồ sơ của anh. Nhưng… đợi đã!” Ông ta bất chợt đứng lên khỏi ghế, áp ngón tay lên môi, và mắt ông ta mở lớn. Chưa từng có một con người nào trên đời lại hành xử bí hiểm đến vậy, và lại nghiêm trọng hóa cái sự bí ẩn của mình đến vậy. Ông ta rón rén nhón chân tiến ra cửa, bước đi nhẹ nhàng bất ngờ cho dù vóc người đồ sộ vô cùng. Ông ta lặng lẽ và rất chậm rãi vặn tay nắm, trong khi một bên mắt cảnh giác, sáng quắc của mình vẫn liếc nhìn Frobisher như mắt chim. Thế rồi ông ta vụt kéo giật cửa vào trong, về phía người mình. Đây là chiêu phát hiện kẻ nghe lén kinh điển, đã từng xuất hiện trong hàng trăm vở hài kịch và trò hề. Và nó được bắt chước giống đến độ mặc dù đang ngồi bên trong cái văn phòng Sở Cảnh sát này, Jim cứ ngỡ tưởng mình sẽ thấy một cô hầu gái đang quỳ gối luống cuống ngã nhào ra trước. Tuy nhiên, anh chẳng thấy gì ngoài một hành lang bẩn thỉu, thắp sáng bởi ánh đèn nhân tạo, nơi có những người nhân viên đang kiên nhẫn đợi. Hanaud lại đóng cửa vào, tỏ vẻ vô cùng nhẹ nhõm. “Thủ tướng không nghe lỏm chúng ta. Chúng ta vẫn được an toàn,” ông ta rít giọng, và rồi lén lút quay trở lại bên Frobisher. Ông ta cúi xuống và thì thầm vào tai của chàng trai đang ngẩn cả người: “Để tôi nói cho anh nghe về mấy cái hồ sơ ầy. Chín phần mười trong số chúng là chuyện tọc mạch của nhân viên tiền sảnh, được dịch thành ngôn ngữ của một viên cảnh sát lúc nào cũng đinh ninh trong đầu rằng tất cả mọi người cần phải bị tống vào nhà tù. Bởi vậy, nhân viên tiền sảnh sẽ nói: ‘Cái anh chàng Frobisher này… vào hôm thứ Ba anh ta mặc đồ sang trọng về nhà lúc 1 giờ sáng, và vào hôm thứ Năm thì là lúc 3 giờ’; và trong báo cáo của viên cảnh sát thì nó sẽ trở thành, ‘Anh Frobisher sống một cuộc đời buông thả và hoang phí’. Và nó sẽ được ghi vào trong hồ sơ của anh - đúng rồi đấy, anh bạn ạ, cứ thế mà ghi thôi! Nhưng trong cái Sở Cảnh sát này ấy hả, chớ bao giờ hé ra một lời nào về chuyện này nhé, không là anh hại chết tôi đấy! Ở đây chúng tôi chẳng khác nào cái cô Bey Harlowe nhà anh, ‘chúng tôi búng ngón tay chế giễu cái mớ hồ sơ ấy?’” Tâm trí của Jim Frobisher trở nên đờ đẫn hết cả. Muốn chuyển từ tâm trạng này sang tâm trạng kia thì sẽ cần một sự thay đổi về tư tưởng. Bẫy giờ anh gần như chẳng tài nào hiểu nổi mình có đang đi đầu xuống đất hay không. Một phút trước Hanaud còn là một người đại diện cho công lý đầy nghiêm túc. Nhưng đùng một cái, ông ta chuyển thẳng sang diễn trò lố lăng, và tỏ vẻ cực kỳ sung sướng. Ông ta đã trở thành một người lai giữa đứa trẻ nghịch ngợm và một anh hề. Jim gần như có thể nghe được tiếng mấy cái chuông trên mũ ông ta kêu leng keng. Anh chỉ biết trơ mắt ra nhìn, và Hanaud ngồi lại xuống ghế, trên miệng là một nụ cười thương hại. “Anh Frobisher ạ, nếu chúng ta hợp tác cùng với nhau ở Dijon,” ông ta nói với giọng tiếc nuối bất thường, “tôi sẽ không được vui thú như hồi hợp tác cùng ông bạn Ricardo ở Aix. Không, rõ ràng là không! Nếu tôi mà diễn cái màn kịch vừa rồi cho ông ta, ông ta hẳn sẽ lồi hết cả mắt ra khỏi đầu. Ông ta sẽ thì thầm, ‘Sáng ra Thủ tướng đến để nghe lén ngoài cửa phòng anh - ôi!’ Và ông ta sẽ thấy phấn khích đến tận trong cốt tủy. Nhưng còn anh… anh thì lại nhìn tôi với vẻ lạnh lùng sắt đá, và anh thầm tự nhủ rằng, ‘Cái tay Hanaud này thật đúng là một tên hề!”‘ “Đâu có,” Jim thật thà nói, và Hanaud ngắt ngang lời phản đối bằng một tiếng cười ha hả. “Chuyện ấy không quan trọng.” “Tôi mừng lắm đấy,” Jim nói. “Ban nãy ông vừa mới nói ra một điều mà tôi rất mong ông sẽ không rút lại. Ông đã tạo cho tôi một hy vọng rằng chúng ta nên hợp tác cùng với nhau.” Hanaud chống cùi chỏ trên bàn và rướn tới trước. “Nghe đây,” ông ta vui vẻ nói. “Anh nãy giờ rất thẳng thắn và chân thành với tôi. Thế nên để tôi giúp anh được an lòng. Cái vụ việc Waberski này ấy… Cảnh sát trưởng Dijon không coi trọng gì nó hết đâu. Cả tôi ngồi đây cũng thế. Tất nhiên, đây là một lời cáo buộc tội giết người, và cần phải được thẩm tra cẩn thận.” “Tất nhiên.” “Và tất nhiên, vụ này còn có điều gì đó ẩn giấu phía sau nữa,” Hanaud nói tiếp. Frobisher ngạc nhiên vì ngày hôm trước, ông Hasli đã nói đúng y như thế, chỉ có điều là một người thì nói bằng tiếng Anh, trong khi người còn lại thì nói tiếng Pháp. “Anh là luật sư thì chắc biết rồi đấy. Một sự thật xấu xa vặt vãnh nào đó tốt nhất nên được giữ kín. Nhưng đây là một vụ việc đơn giản, và với hai bức thư anh đã mang đến cho tôi thì nó lại càng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ yêu cầu Waberski giải thích mấy bức thư này và một số thứ khác nữa, nếu hắn có thể. Cái tên Boris Waberski này là hạng người vô lại! Hôm nay thi thể bà Harlowe sẽ được đào lên và bằng chứng các bác sĩ đưa ra sẽ được lưu lại. Và sau đó, chắc chắn vụ án sẽ bị bãi bỏ, và anh muốn giải quyết cái tay Waberski này như thế nào thì tùy.” “Thế còn cái bí mật nhỏ kia?” Jim hỏi. Hanaud nhún vai. “Chắc chắn nó sẽ bị lộ ra. Nhưng nếu nó chỉ lộ ra bên trong văn phòng của dự thẩm viên chứ không lọt ra bên ngoài thì chuyện ấy có gì quan trọng không?” “Chẳng có gì quan trọng cả,” Jim đồng tình. “Rồi anh sẽ thấy. Chúng ta thực ra chẳng gặp việc gì nguy cấp cả, và cô thân chủ bé bỏng của anh có thể đặt đầu xuống gối mà không phải lo sợ rằng mình sẽ gặp chuyện bất công.” “Cảm ơn ông, ông Hanaud!” Jim Frobisher xúc động thốt lên. Anh nhận thấy mình nhẹ nhõm tới mức đến chính bản thân anh còn phải thấy ngạc nhiên. Anh đã quá chìm đắm trong lòng thương hại dành cho cô gái mình không quen không biết bên trong ngôi biệt thự kia, bị một tên vô lại điên rồ đe dọa trong khi chẳng có ai ở bên bênh vực ngoại trừ một cô gái cùng tuổi với mình. “Vâng, đây là tin tốt đối với tôi.” Nhưng vừa mới dứt lời thì một cảm giác nghi hoặc lén lút trườn vào trong tâm trí anh, khiến anh đâm ngờ vực sự chân thành của người đàn ông ngồi đối diện mình. Jim không muốn bị dắt mũi như một con cá ngớ ngẩn, bất kể anh có non tay nghề đến mức nào chăng nữa. Anh nhìn Hanaud và tự hỏi. Liệu sự xởi lởi hiện thời này của ông ta có bớt giả tạo hơn mấy cái thái độ khác không? Jim vẫn chưa chốt được mình nhận định ra sao về ông thám tử này. Lúc thì là một vị thẩm phán khá khắt khe, lúc thì lại là một đứa trẻ nghịch ngợm, và giờ thì lại là một người bạn! Đâu mới là trò cợt nhả và đâu mới là sự thật? May mắn thay, mới ngày hôm qua thôi, ông Hasli đã đưa ra một câu hỏi trong lúc nhìn ngắm quảng trường Russell bên ngoài cửa sổ. Bây giờ đến lượt Jim lặp lại nó. “Ông nói vụ việc này đơn giản ư?” “Đơn giản vô cùng.” “Thế thì, ông Hanaud à, tại sao người dự thẩm viên tại Dijon vẫn thấy cần phải nhờ một cảnh sát trưởng tại Sở Cảnh sát Paris đến trợ giúp?” Câu hỏi ấy hiển nhiên đã được ông ta dự đoán từ trước, đồng thời cũng hiển nhiên rất khó trả lời. Hanaud gật đầu một, hai lần. “Vâng,” ông ta nói, sau đó lại lặp lại, “Vâng,” như đang cảm thấy phân vân. Ông ta nhìn Jim với vẻ dò xét. Thế rồi ông ta nói vội, “Tôi sẽ kể cho anh nghe tất cả mọi thứ, và sau khi tôi kể xong, anh sẽ phải hứa với tôi là mình sẽ không để lộ bí mật của tôi cho bất cứ ai trên cái cõi đời này. Đây là chuyện nghiêm túc.” Lúc này thì Jim không còn có thể nghi ngờ được sự chân thành hay thân thiện của Hanaud được nữa. Chúng phát tiết ra từ người ông ta như một ngọn lửa bừng cháy mãnh liệt. “Tôi sẽ hứa với ông ngay bây giờ,” anh nói, và anh chìa bàn tay sang bên kia bàn. Hanaud bắt lấy nó. “Thế thì tôi giờ có thể thoải mái nói chuyện với anh được rồi,” ông ta đáp lời, và lôi ra một cái bao xanh đựng thuốc lá đen sì. “Anh hút đi nhé.” Hai người bọn họ châm lửa hút thuốc, và từ đằng sau làn khói xanh, Hanaud giải thích: “Thực ra thì tôi đến Dijon để xử lý một sự việc khác hẳn. Cái vụ Waberski này chỉ là một tấm bình phong! Lão dự thẩm viên cho gọi tôi đến ấy… thế này nhé, các anh có một lối nói dùng để chỉ cái ngữ như lão,” và Hanaud hùng hồn chuyển sang nói tiếng Anh lơ lớ. “Lão ta tìm cách đỡ thể diện*! Đúng rồi, đó chính là cái thành ngữ rất sinh động của các anh. Lão muốn đỡ thể diện. Và vâng, anh bạn ạ, rồi anh sẽ thấy cái thể diện của lão cần được chống đỡ nhiều lắm đấy. Nghe mà xem! Cứ nghĩ đến cái lão dự thẩm viên đó là tôi lại nóng bừng hết người.” Ông ta lấy khăn tay quẹt trán, và rồi tiếp tục nói bằng tiếng Pháp sau khi đã sắp xếp câu cú cho quy củ. “Anh bạn ạ, trong những thị trấn nhỏ, nơi đời sống chẳng mấy vui nhộn và dân tình có thời gian quan tâm đến việc của hàng xóm láng giềng, người ta sẽ có những tội ác riêng. Và có lẽ cái tội ác nguy hiểm nhất trong số chúng là gửi thư nặc danh. Bỗng dưng một ngày nọ, chúng xuất hiện như một thứ bệnh dịch, chẳng hiểu từ đâu chui ra, đầy những lời cáo buộc đê tiện, rất khó phản bác. Và ai mà biết được đấy? Có thể đôi khi chúng là sự thật. Suốt một thời gian dài, những bức thư đáng kinh tởm ấy cứ tuồn vào trong các hòm thư, nhưng mà chẳng ai hó hé gì. Nếu nó đòi tiền, họ sẽ trả tiền. Nếu động cơ đằng sau cái ngòi bút vô danh kia chỉ là sự ác hiểm thuần túy, những người bị nó công kích sẽ ngậm miệng làm thinh. Nhưng mỗi người bắt đầu nghi ngờ hàng xóm của mình. Đời sống xã hội của thị trấn bị đầu độc. Một bức màn khiếp sợ khổng lồ phủ trùm lên nó, dần dần lên đến cái mức chỉ mỗi tiếng gõ cửa của bưu tá, một điều vốn rất được chào đón trong đời sống thường nhật, cũng trở thành một thứ khiến cho người ta phải run rẩy. Và cuối cùng, nhiều chuyện khủng khiếp đã xảy ra.” Giọng kể của Hanaud nghe nghiêm trọng và lặng lẽ đến mức chính bản thân Jim cũng phải run rẩy, mặc dù từ bên trong căn phòng hiện tại, anh có thể nhìn thấy ánh nắng mặt trời lấp loáng trên con sông và nghe thấy tiếng rì rầm dễ chịu của phố xá Paris. Anh nghe thấy văng vẳng bên trên cái tiếng rì rầm kia là tiếng gõ cửa đanh gọn của người bưu tá. Anh nhìn thấy một gương mặt trắng trở nên nhợt nhạt hơn hẳn, và một cặp mắt hốc hác hẳn đi vì tuyệt vọng. “Cái đại dịch ấy đã giáng xuống đầu Dijon,” Hanaud nói tiếp. “Nó hoành hành hơn một năm liền. Bên cảnh sát không chịu nhờ Paris giúp đỡ. Không, họ không cần trợ giúp, họ sẽ tự mình giải quyết cái vấn đề nhỏ gọn này. Vâng, nhưng mấy bức thư vẫn cứ được gửi đi, và người dân ca thán rất nhiều. Phía cảnh sát nói, ‘Suỵt! Dự thẩm viên có một manh mối. Hãy cho ông ấy thời gian!’ Nhưng các bức thư vẫn không chịu ngừng. Thế rồi sau một năm, vụ việc Waberski này xuất hiện như một món quà trời ban. Ngay lập tức Cảnh sát trưởng và lão thẩm phán chụm đầu vào với nhau. ‘Chúng ta sẽ cho mời Hanaud đến giải quyết vụ việc đơn giản này, và cái tay ấy sẽ tìm luôn cho chúng ta tác giả của những bức thư nặc danh kia. Chúng ta sẽ hết sức kín đáo triệu hắn đến, và nếu có ai nhận ra hắn ngoài đường và la lên, Hanaud kìa, chúng ta có thể nói là hắn chỉ đang điều tra vụ Waberski. Vậy là tác giả của mấy hức thư sẽ không bị đánh động, còn chúng ta… chúng ta sẽ đỡ được thể diện.’ Đúng vậy,” Hanaud hùng hổ chốt lại, “nhưng đáng ra cái đám kia phải cho gọi tôi đến từ một năm trước rồi. Họ đã để mất nguyên một năm.” “Và trong cái năm ấy, đã có nhiều chuyện khủng khiếp xảy ra à?” Jim hỏi. Hanaud gật đầu giận dữ. “Có một ông già cô đơn, hay ăn trưa tại khách sạn và uống cà phê tại Grande Taverne và chẳng động chạm gì đến ai hết. Ông lão lao mình ra trước con tàu tốc hành Địa Trung Hải và bị đâm nát bét. Một cặp tình nhân lấy súng tự sát tại Forfit des Moissonieres. Có một cô gái trẻ đi dự tiệc khiêu vũ về. Cô vui vẻ chúc bạn bè mình ngủ ngon trên ngưỡng cửa, và đến sáng thì người ta phát hiện ra cô đã ngoắc dây vào một chiếc đinh trên tường phòng ngủ và treo cổ tự vẫn, trên người mặc nguyên bộ đồ đi tiệc, còn bên trong lò sưởi thì có mấy mảnh thư cháy dở. Cô gái tội nghiệp đó đã phải nhận bao nhiêu bức trước khi bức thư cuối cùng kia đẩy cô tới nước thực hiện cái hành động điên rồ ấy? Ôi, lão thẩm phán. Tôi đã nói với anh rồi đẫy, đúng không? Lão cần đỡ thể diện” Hanaud mở một ngăn kéo bàn và lôi ra một tờ bìa kẹp màu xanh. “Nhìn này, đây là hai trong số mấy bức thư quý báu đó,” và ông ta lôi hai tờ giấy được đánh máy ra khỏi cái bìa kẹp, đưa chúng cho Frobisher. “Vâng,” ông ta nói thêm, sau khi thấy vẻ kinh tởm trên gương mặt người đọc thư, “chúng không phải món nước sốt ngon lành gì cho bữa sáng của anh đâu, phải không nào?” “Chúng thật là kinh tởm,” Jim nói. “Tôi không thể nào tin được…” Anh ngắt ngang câu nói với một tiếng kêu khẽ. “Xin chờ tôi một lát nhé, ông Hanaud!” Anh lại gục đầu xuống mấy tờ giấy, so sánh chúng, xem xét kỹ lưỡng từng câu một. Không, chỉ có duy nhất hai lỗi anh để ý thấy ngay lập tức. Nhưng đấy là những lỗi rất đặc biệt! Mấy cái lỗi này sẽ rất hiển nhiên đối với những người có đủ mắt để nhìn và may mắn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trời đất ơi, chúng giới hạn phạm vi tìm kiếm ngay lập tức! “Ông Hanaud, tôi có thể hỗ trợ ông thêm nhiều nữa,” anh ta hào hứng thốt lên. Anh không để ý thấy nụ cười toe toét vì vui mừng vừa mới bất chợt làm biến đổi gương mặt ông thám tử. “Và sự hỗ trợ này có lẽ sẽ giúp ông mau chóng tìm ra tác giả của mấy bức thư kia.” “Anh có thể sao?” Hanaud la lớn. “Nói cho tôi biết đi nào, anh bạn trẻ. Đừng bắt tôi phải run rẩy vì phấn khích nữa. Và đừng… ôi! Đừng bảo với tôi rằng anh vừa mới phát hiện ra mấy bức thư này được đánh trên một chiếc máy đánh chữ Corona. Chuyện ấy chúng tôi đã biết sẵn rồi.” Jim Frobisher đỏ bừng mặt lên. Đó chính là điều anh vừa mới phát hiện ra, làm anh thấy đầy tự hào trước sự tinh ý của mình. Ở một câu, chỗ đáng nhẽ ra phải gõ một chữ D hoa thì lại có hai số không cùng với một đường chéo xiên phân tách chúng (tức %). Đó là ký hiệu của từ “phần trăm”. Và ở bên dưới, chỗ đáng nhẽ ra phải là một chữ S hoa thì lại là một chữ S với hai đường sổ thẳng, đại diện cho đô la. Bản thân Jim biết rất rõ chiếc máy đánh chữ Corona, và anh nhớ là nếu có ai dùng nhầm nút gõ ký hiệu thay vì nút gõ chữ hoa, hai cái lỗi kia sẽ xuất hiện. Giờ đây, với gương mặt sung sướng của Hanaud ngay phía trước mình, bấy giờ đã mang trở lại nét tinh nghịch, anh nhận ra rằng chắc chắn không có chuyện Sở Cảnh sát không để ý thấy hai manh mối này, ngay cả nếu vị thẩm phán tại Dijon có để sót. Và chốc sau anh cũng bắt đầu bật cười nốt. “Ôi, tôi đúng là đã tự rước nhục vào người đấy nhỉ?” Anh nói trong lúc đưa trả bức thư. “Tôi đã rất khôn ngoan khi đưa ra nhận định rằng mình thật may mắn khi hai ta không nằm ở hai chiến tuyến khác nhau đấy, thưa ông.” Mặt Hanaud mất đi vẻ tinh nghịch. “Đừng đề cao tôi quá, anh bạn ạ, không là anh sẽ phải thấy thất vọng đấy,” ông ta nói với vẻ cực kỳ nghiêm túc. “Tất cả chúng ta đều là những người đầy tớ của May Rủi, kể cả những người giỏi nhất. Kỹ năng của chúng ta là phải mau chóng tóm lấy mép váy của nàng, ngay khi nó vụt lướt qua trước mắt mình, dù chỉ là trong một tích tắc.” Ông ta bỏ hai bức thư nặc danh kia vào lại trong tấm bìa kẹp màu xanh và đặt nó vào trong ngăn kéo. Thế rồi ông ta gom hai bức thư mà Boris Waberski đã viết và trả chúng lại cho Jim Frobisher. “Anh sẽ muốn trình ra những thứ này tại Dijon. Anh sẽ đến đó luôn hôm nay chứ?” “Chiều nay.” “Tốt!” Hanaud nói. “Tôi sẽ bắt chuyến tàu tốc hành ban đêm.” “Tôi có thể đợi chuyến đó,” Jim nói. Nhưng Hanaud lắc đầu. “Tốt nhất là chúng ta không nên đi cùng nhau, hay ở chung một khách sạn. Ở Dijon, người ta sẽ mau chóng biết rằng anh là luật sư người Anh của cô Harlowe, và những người đi cùng anh cũng sẽ bị để ý. Mà nhân tiện, làm thế nào mà dù ở tận London, anh lại đã biết rằng tôi, Hanaud, là người chịu trách nhiệm xử lý vụ này thế?” “Chúng tôi nhận được một bức điện tín,” Jim đáp. “Vâng? Và nhận được từ ai? Tôi rất nóng lòng muốn biết!” “Từ cô Harlowe.” Suốt một lúc liền, và đồng thời cũng là lần thứ hai trong cuộc trò chuyện này, Hanaud trông khá chưng hửng. Jim Frobisher có thể khẳng định chắc chắn như thế. Ông ta ngồi rất lâu, điếu thuốc mới đưa được nửa chừng lên môi, trông như vừa mới hóa đá. Thế rồi ông ta bật cười với vẻ khá cay đắng, nhìn Jim với ánh mắt linh lợi. “Anh có biết tôi đang làm gì không, anh Frobisher?” Ông ta hỏi. “Tôi đang tự đặt ra cho bản thân một câu đố. Thử xem anh có thể trả lời được không nhé! Thứ tình cảm mãnh liệt nhất trên thế giới là gì? Lòng tham à? Hay tình yêu? Hay sự căm ghét? Không phải là chúng. Nó là tình cảm nung nấu trong lòng một lão viên chức nhà nước, là ham muốn được cầm một cây gậy to đùng và vụt vào gáy một người anh em viên chức khác của mình. Theo kế hoạch là tôi sẽ bí mật đi Dijon để có chút cơ may thành công. Tốt thôi! Theo kế hoạch là tôi sẽ đến vào hôm thứ Bảy, nhưng mà ngay từ hôm thứ Hai, mấy vị đồng nghiệp của tôi đã loan rộng tin đến mức cô Harlowe có thể đánh điện báo lại cho anh vào sáng hôm thứ Ba. Tử tế thật đấy nhỉ? Cho tôi xem bức điện tín kia được không?” Frobisher lôi nó ra khỏi chiếc phong bì dài và đưa cho Hanaud. Ông ta đón lấy nó với vẻ háo hức lạ thường và mở nó ra trên chiếc bàn trước mặt họ. Ông ta đọc nó rất chậm, chậm đến mức Jim tự hỏi phải chăng ông ta cũng đang nghe thấy cái lời kêu cứu thảm thương bản thân mình từng nghe. Lời kêu cứu truyền qua những dòng chữ của bức điện tín, như âm thanh truyền về từ tay nghe một chiếc điện thoại. Lúc Hanaud ngước mặt lên, mọi vẻ cay đắng đều đã biến mất hết sạch. “Cô gái tội nghiệp này giờ bắt đầu thấy sợ rồi, đúng không? Mấy ngón tay thanh mảnh chắc không còn búng nữa đâu nhỉ? Được rồi, nội trong vòng vài ngày nữa, chúng ta sẽ giải quyết hết mọi chuyện cho cô ta.” “Vâng,” Jim kiên quyết nói. “Trong khi ấy thì cho tôi xé cái tờ này đi nhé?” Và Hanaud giơ tờ điện tín lên. “Nó có nhắc đến tên tôi. Tôi tin chắc rằng để cho anh giữ thì nó sẽ an toàn thôi, nhưng nó chẳng phục vụ mục đích gì cả. Tất cả những gì bị xé vụn trong này đến tối sẽ bị đem đi đốt hết. Anh muốn như thế nào thì cứ nói,” và ông ta đong đưa bức điện tín trước mắt Jim Frobisher. “Ông cứ xé đi,” Jim nói, và Hanaud xé đôi bức điện tín ra. Sau đó ông ta chồng hai mảnh giấy lên nhau và lại xé đôi chúng thêm một lần nữa, rồi quẳng chúng vào trong thùng rác. “Đấy! Thế là xong rồi!” Ông ta nói. “Giờ nói cho tôi nghe đi! Trong biệt thự Grenelle còn có một cô gái trẻ người Anh khác.” “Ann Upco,” Jim gật đầu nói. “Vâng, kể cho tôi nghe về cô ta đi.” Jim cung cấp cho Hanaud cùng câu trả lời mình đã nói với ông Hasli. “Cả đời tôi đã bao giờ gặp cô ta đâu. Phải đến tận hôm qua tôi mới lần đầu nghe nhắc đến cái cô này.” Nhưng trong khi ông Hasli đón nhận câu trả lời ấy với sự ngạc nhiên, Hanaud lại chỉ lẳng lặng chấp nhận nó. “Thế thì cả hai chúng ta sẽ cùng làm quen với cô gái trẻ tuổi đó tại Dijon,” ông ta tươi cười nói, và ông ta đứng lên khỏi ghế. Jim Frobisher có linh cảm rằng cuộc trò chuyện vốn có một khởi đầu tệ hại và sau đó chuyển sang thân tình giờ lại đang quay trở về như lúc ban đầu, và kết lại theo chiều hướng không được tử tế cho lắm. Anh nhận thấy thái độ của Hanaud có một sự thay đổi nhỏ. Không phải là ông ta bớt thân thiện đi hay gì hết, chỉ có điều… Jim không biết phải tả cái sự thay đổi đó bằng cách nào khác ngoại trừ sử dụng lại chính cách diễn đạt của Hanaud. Ông ta chừng như đã túm được mép váy của May Rủi lúc nó thoáng lướt vào trong tầm nhìn trong một giây ngắn ngủi. Nhưng nó lướt tới vào lúc nào thì Jim chịu, chẳng thể nào phỏng đoán nổi. Anh cầm mũ và gậy của mình lên. Hanaud bấy giờ đã ra chỗ cánh cửa, bàn tay đặt trên tay nắm. “Tạm biệt nhé, anh Frobisher, và rất cảm ơn anh vì đã ghé qua.” “Tôi sẽ gặp lại ông ở Dijon,” Jim nói. “Chắc chắn vậy rồi,” Hanaud tán đồng và mỉm cười. “Chúng ta sẽ có nhiều dịp gặp mặt nhau. Có thể là trong văn phòng của lão dự thẩm viên. Và chắc chắn sẽ gặp nhau tại biệt thự Grenelle.” Nhưng Jim vẫn chưa thấy thỏa mãn. Đây là một phi vụ hiệp đồng tác chiến thực sự. Mới vài phút trước thôi, Hanaud đã không chỉ đơn thuần chấp nhận bắt tay hợp tác, mà thậm chí còn tỏ vẻ rất háo hức. Giờ thì ngược lại, ông ta lại cứ tìm cách lẩn tránh. “Nhưng trong trường hợp chúng ta muốn hợp tác cùng với nhau thì sao?” Jim hỏi. “Anh có lẽ sẽ muốn nhanh chóng liên hệ với tôi,” Hanaud nói tiếp. “Phải rồi. Và tôi có lẽ cũng sẽ muốn liên hệ với anh. Kể cả nếu không nhanh chóng bằng thì vẫn phải bí mật liên hệ. Phải rồi.” Ông ta suy đi tính lại câu hỏi đó trong đầu. “Anh chắc sẽ ở tại biệt thự Grenelle nhỉ?” “Không,” Jim nói, và anh cảm thấy phần nào dễ chịu trước cú giật mình nhẹ nhàng nhưng đầy thất vọng của Hanaud. “Sẽ không việc gì phải làm như thế,” anh giải thích. “Boris Waberski sẽ chẳng thể nào giở được trò gì nữa. Hai cô gái ấy sẽ được an toàn.” “Đúng thế thật,” Hanaud dồng ý. “Thế thì anh sẽ đến thuê phòng tại khách sạn lớn ở quảng trường Darcy. Về phần mình, tôi sẽ trọ tại khách sạn nào ít người biết đến hơn, và không đăng ký bằng tên thật của mình. Bất kể cơ hội giữ kín hành tung có còn là bao nhiêu thì tôi cũng sẽ đeo bám lấy nó.” Ông ta không nói tên cái khách sạn ít người biết kia hay cái tên giả định dùng, và Jim ý nhị không hỏi han gì cả. Hanaud đứng đó, bàn tay đặt trên nắm cửa, còn mắt thì trầm ngâm quan sát nét mặt Frobisher. “Tôi sẽ tin tưởng tiết lộ cho anh một cái mánh nhỏ của mình,” ông ta nói, và một nụ cười khiến cho gương mặt ông ta trở nên nồng ấm và sáng bừng lên, đầy vẻ hòa nhã. “Anh có thích phim ảnh không? Không - hay là có? Tôi thì cuồng chúng lắm. Dù có đi đâu thì tôi cũng dành ra một tiếng để đến rạp chiếu phim. Tôi chiêm ngưỡng những điều tuyệt vời, và tôi chiêm ngưỡng chúng trong bóng tối. Làm vậy để trong lúc xem, tôi có thể kín đáo nói chuyện với một người bạn, và khi đèn đuốc được bật lên thì cả hai người chúng tôi đều đã bỏ đi rồi, và chỉ còn lại mấy chai Bock* rỗng tuếch đánh dấu chỗ chúng tôi ngồi ban nãy. Mấy cái rạp chiếu phim, vâng! Khán giả bên trong liên tục thay đổi, và những người mới đến có khi còn ngồi luôn lên lòng mình bởi vì họ không thể nhìn thấy quá vài phân phía trước mũi mình. Rạp chiếu phim hữu dụng thế đấy. Tôi cam đoan với anh. Nhưng anh sẽ không để lộ bí mật nhỏ của tôi đâu nhỉ?” Ông ta chốt lại với một tiếng cười. Được Hanaud tin tưởng trở lại đã giúp vực dậy tinh thần của Jim Frobisher. Một niềm phấn khởi kỳ lạ dâng lên trong người anh, và anh cảm thấy như thể mình đã rời bỏ sự trang nghiêm trầm lắng của quảng trường Russell lại rất xa phía sau lưng. Anh không tài nào hình dung ra nổi cảnh công ty Frobisher & Hasli gặp mặt một thân chủ trong một góc rạp chiếu phim tối om bên ngách đường Marylebone. Mấy chiêu trò như thế không phải cách thức hoạt động của công ty, và Jim bắt đầu thấy thích thú trước sự thay đổi ấy. Xét cho cùng, có khi công ty Frobisher & Hasli cũng đã hơi cổ lỗ sĩ rồi, anh nghĩ thầm. Họ không được - và anh tự nghĩ ra một câu ngạn ngữ mới, chính anh, Jim Frobisher! - họ không được tươi mới như bên cảnh sát. “Tất nhiên tôi sẽ giữ kín bí mật của ông,” anh nói, giọng pha chút hồi hộp. “Tôi sẽ chẳng đời nào nghĩ ra được một điểm hẹn gặp xuất sắc đến vậy.” “Tốt,” Hanaud nói. “Thế thì cứ 9 giờ hàng đêm, trừ khi tôi gặp chuyện gì nghiêm trọng, tôi sẽ ngồi trong khán phòng lớn của nhà hàng Grande Taverne. Nhà hàng Grande Taverne nằm ở góc bên kia quảng trường, đối diện ga tàu hỏa. Anh sẽ không thể nhầm được đâu. Tôi sẽ ngồi ở bên tay trái khán phòng và gần màn hình, và ở bên mép gần phòng bi-a. Đừng đi tìm tôi khi đèn đóm bật lên, và nếu tôi khi ấy mà đang nói chuyện với ai khác thì anh sẽ phải tránh tôi như thấy thuốc độc. Anh hiểu rồi chứ?” “Rất rõ,” Jim đáp lời. “Vậy là giờ anh sẽ phải giấu kín hai bí mật của tôi.” Mặt Hanaud mất đi vẻ tươi cười. Không hiểu làm sao mà trông nó cứ như sắc hẳn lên, và cặp mắt sáng màu trở nên tĩnh lặng và đầy vẻ nghiêm trọng. “Xin cũng hãy hiểu điều đó, anh Frobisher,” ông ta nói. “Bởi lẽ tôi bắt đầu tin rằng có khả năng cả hai chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều sự kỳ lạ trước khi một lần nữa rời Dijon quay trở về Paris.” Khoảnh khắc nặng nề ấy trôi qua. Và với một cú cúi chào, ông ta mở cửa. Nhưng trong quá trình bước vào trong hành lang, Jim Frobisher lại một lần nữa cảm thấy tin chắc rằng đâu đó giữa cuộc trò chuyện, Hanaud đã thoáng nhìn thấy tà váy thoắt ẩn thoắt hiện của May Rủi, cho dù có thể ông ta chưa nắm được nó trong tay. CHƯƠNG IV BETTY HARLOWE J im Frobisher đặt chân đến Dijon vào đêm hôm ấy, nhưng bấy giờ thì đã quá thời gian thăm viếng bình thường cả một tiếng rồi. Chín rưỡi sáng hôm sau, với tâm trạng đầy hồi hộp, anh rẽ vào trong con phố Charles-Robert nhỏ. Ôm lấy suốt dọc chiều dài một bên con phố này là một bức tường bao vườn. Vươn cao vượt tường là những cây sung và cây dẻ, xào xạc đầy thân thiện trong làn gió mát. Ở gần đầu phố bên kia, bức tường bị gián đoạn. Thứ đầu tiên cắt ngang nó là phần đuôi của một ngôi nhà với một cửa sổ quan sát trang trí hoa mỹ theo phong cách thời Phục hưng, nhô lấn vào lối đi bộ. Và xa hơn một đoạn nữa thì đến lượt một cặp cổng sắt cao trang trí tinh xảo cắt ngang. Jim đến đứng trước cặp cổng này. Anh nhìn vào sân trong của biệt thự Grenelle. Trong lúc đứng đó nhìn, sự phấn khích của anh xìu xuống, và anh cảm thấy hơi chút xấu hổ về chuyện đó. Trông nơi đây gần như chẳng có lý do gì để mà phấn khích cả. Sáng hôm ấy trời nóng nực, im lặng, không mây. Ở bên tay trái của sân, những người phục vụ nữ đang bận rộn làm gì đó trước một dãy các văn phòng. Ở cuối sân, Jim thấy bóng dáng một anh tài xế di chuyển giữa mấy chiếc xe bên trong một nhà để xe, và nghe thấy tiếng anh ta vừa đi vừa vui vẻ huýt sáo. Nằm ở phía bên phải là ngôi nhà lớn, với phần mái dốc được trang trí rất sinh động với những mảng vàng rực hình kim cương khổng lồ, đón nhận ánh nắng mặt trời qua mọi khung cửa sổ để mở. Cánh cửa dẫn vào đại sảnh bên dưới tấm kính hình cây quạt xòe đang mở. Một bên cổng sắt cũng được để mở hé. Ngay cả anh cảnh sát mặc quần trắng đứng bên ngoài con phố nhỏ ở đây có vẻ cũng như đang đứng trong bóng râm của bức tường cao để tránh nắng, hơn là thực hiện nhiệm vụ canh chừng gì đó. Với biết bao bằng chứng về một cuộc đời bình thường đầy vẻ an nhàn như thế này, thật khó mà tin được rằng đang có một mối đe dọa treo lơ lửng bên trên ngôi nhà ấy, hay những con người cư ngụ bên trong đó. “Và đúng là không có mối đe dọa nào thật,” Jim tự nhủ. “Mình đã được Hanaud cam đoan như thế rồi cơ mà.” Anh đẩy mở cổng và bước đến cửa trước. Một người phục vụ già thông báo với anh là cô Harlowe không tiếp khách, nhưng ông ta vẫn cứ nhận lấy tờ danh thiếp của Jim, và gõ lên một cánh cửa bên tay phải khu sảnh vuông rộng lớn. Vừa gõ, ông ta vừa mở cửa. Đứng từ vị trí hiện tại của mình bên trong sảnh, Jim có thể nhìn xuyên qua một thư viện đến một khung cửa sổ cuối phòng, và thấy hai hình hài đang in bóng lên trên đó, một người đàn ông và một cô gái. Người đàn ông kia đang phản đối theo cái kiểu khá cường điệu, cả về mặt ngôn từ lẫn cử chỉ. Ấy là khối óc dân Anh của Jim thấy như vậy. Cô gái thì đang cười ngặt nghẽo, một tiếng cười trong trẻo, ngân vang, với hơi chút tàn nhẫn, trước cái màn phản đối của anh chàng kia. Jim thậm chí còn nghe được một, hai từ phản đối bằng tiếng Pháp, nhưng được nói bằng một giọng nghe chát chúa khác thường. “Tôi phải làm nô lệ của cô quá lâu rồi,” anh ta kêu lên, và cô gái nhận ra rằng cửa đang mở, và ông phục vụ già đang đứng bên trong phòng cùng với một tấm danh thiếp đặt trên một chiếc mâm bạc. Cô nhanh nhẹn tiến tới trước và đón lấy tấm danh thiếp. Jim nghe thấy một tiếng kêu sung sướng, và cô gái chạy vụt vào trong sảnh. “Anh!” Cô thốt lên, mắt sáng rỡ. “Đáng nhẽ ra tôi còn không được phép trông đợi anh đến sớm như thế này. Ôi, cảm ơn anh!” Và cô đưa cả hai bàn tay ra nắm lấy tay anh. Jim không cần đợi cô giới thiệu thì mới nhận ra cô chính là “cô bé” mà ông Hasli đã mô tả. Về chiều cao thì chắc chắn Bey Harlowe chẳng bé tí nào rồi, nhưng cô là một cô gái mảnh mai đến mức cái từ “bé” kia trở nên rất hợp. Tóc cô có màu nâu sẫm, với một chút sắc đồng khi được ánh sáng chiếu vào, được rẽ ngôi lệch và buộc rất gọn gàng quanh cái đầu nhỏ nhắn của cô. Vầng trán rộng và gương mặt trái xoan mang một màu trắng tinh khiết, và khiến cho màu đỏ tươi của môi cô càng thêm rực rỡ; và cặp đồng tử lớn bên trong đôi mắt xám mang lại cho cô một diện mạo vừa ám ảnh mà lại vừa đăm chiêu. Khi cô chìa đôi bàn tay ra với vẻ biết ơn nồng ấm và nắm lấy tay anh, anh thấy cô trông chẳng khác gì một ngọn lửa mỏng manh, đồng thời cũng dễ vỡ như đồ sứ vậy. Cô nhanh chóng liếc nhìn tổng thể người anh và trút ra một hơi thở phào nhẹ nhõm. “Từ nay tôi xin được giao phó cho anh cáng đáng hết mọi vấn đề của mình,” cô mỉm cười nói. “Chắc chắn là như vậy rồi. Đó là lý do tôi đến đây mà,” anh trả lời. “Nhưng đừng nghĩ tôi là người ưu tú hay đặc biệt gì.” Bey lại bật cười. Thế rồi cô nắm lấy ống tay áo anh và kéo anh vào trong thư viện. “Đây là anh Espinosa,” cô nói, giới thiệu người lạ ấy với Jim. “Anh ta đến từ Catalonia, nhưng đã sống ở Dijon quá lâu rồi nên chúng tôi coi anh ta như một công dân luôn.” Anh người Catalonia cúi chào và phô ra một bộ răng trắng chắc khỏe, đều tăm tắp. “Vâng, tôi có vinh dự đại diện cho một công ty sản xuất rượu lớn ở Tây Ban Nha. Chúng tôi mua rượu ở đây về để pha trộn với mấy loại rượu ngon hơn của mình, và chúng tôi bán rượu ở đây để pha trộn với mấy loại rẻ hơn của họ.” “Anh không nên tiết lộ bí mật kinh doanh cho tôi,” Jim đáp cộc lốc. Nói theo cách dân dã thì mới nhìn cái bản mặt Espinosa là anh đã thấy không ưa rồi, và anh chẳng buồn cố gắng che giấu sự ghét bỏ của mình. Nhìn tổng thể, Espinosa là một nhân vật quá lòe loẹt. Anh ta mang vóc người to lớn, vai rộng, với mái tóc đen bóng loáng và đôi mắt đen sáng rực, một nước da hồng hào, một bộ ria quăn, và trên mấy ngón tay là những chiếc nhẫn lấp lánh. “Anh Frobisher từ London đến đây gặp tôi vì một việc khác hẳn,” Bey nói chen vào. “Vậy à?” Anh chàng người Catalonia nói, có phần ương ngạnh, như thể anh ta muốn ở nguyên tại đây. “Đúng vậy,” Bey đáp, và cô chìa bàn tay ra với anh ta. Espinosa miễn cưỡng đỡ nó lên môi mình và hôn nó. “Tôi sẽ gặp lại anh sau khi anh quay trở lại,” Bey nói, và cô bước ra chỗ cửa. “Đó là nếu tôi rời đi,” Espinosa ngoan cố đáp. “Cô Bey à, chuyện tôi rời đi vẫn chưa chắc chắn mà.” Và sau một cái cúi chào khách sáo dành cho Jim, anh ta bước ra khỏi căn phòng. Có điều anh kia đi không nhanh lắm, đủ để Bey đưa cặp mắt sắc lẻm liếc nhanh giữa hai người đàn ông trong phòng, so sánh họ, và Jim đã để ý thấy cái liếc ấy. Cô đóng cửa vào và quay trở lại với Jim, đồng thời tặng anh một cái nhăn mặt đầy thân thiện. Hành động này khiến tâm trạng anh phấn chấn lên. Anh vừa được đánh giá cao hơn so với một người khác, và bất kể sự hơn kém ấy có nhỏ nhặt cỡ nào, cứ được đánh giá như vậy thì ai cũng sẽ thấy ấm áp, dễ chịu trong lòng. “Lại thêm rắc rối rồi, cô Harlowe,” anh tươi cười nói, “nhưng rắc rối lần này thì lại là chuyện cô sẽ phải không ngừng đối mặt trong vòng nhiều năm tới.” Anh tiến về phía cô, và họ dừng chân tại một trong hai cửa sổ bên, nhìn ra ngoài sân. Bey ngồi xuống bậu ngồi bên khung cửa. “Thực tình mà nói, tôi phải biết ơn cái anh kia ấy chứ,” cô nói, “bởi vì anh ta đã làm tôi bật cười. Và hình như đã lâu lắm rồi tôi chưa được cười.” Cô nhìn ra phía ngoài cửa sổ và mắt cô tự nhiên đong đầy lệ. “Ôi! Xin cô đừng như vậy!” Jim thốt lên, giọng nghe lo lắng. Nụ cười dịu dàng một lần nữa lại run rẩy nở ra trên môi Bey. “Tôi sẽ không làm thế đâu,” cô đáp. “Tôi rất lấy làm mừng khi nghe tiếng cô cười,” anh nói tiếp, “sau khi nhận được bức điện tín buồn thảm cô gửi cho ông cộng sự của tôi, và trước khi tôi báo cho cô tin tốt mình mang đến.” Bey hăm hở ngước lên nhìn anh. “Tin tốt ư?” Một lần nữa, Jim Frobisher lại lôi từ trong chiếc phong bì dài của mình ra hai bức thư mà Waberski đã gửi đến cho công ty anh và đưa chúng cho Bey. “Đọc chúng đi,” anh nói, “và nhớ để ý xem ngày.” Bey liếc nhìn nét chữ. “Thư gửi từ Boris,” cô thốt lên, và cô yên vị trên bậu cửa sổ, nghiên cứu chúng. Với chiếc váy đen ngắn mặc trên người cùng cặp chân thanh mảnh đi tất lụa đen duỗi thẳng ra, bàn chân gác lên nhau, và đầu cùng chiếc cổ trắng cúi trên mấy bức thư của Waberski, cô tạo cho Jim cảm giác đây là một cô nữ sinh mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, cô vẫn đủ khôn ngoan để nhận ra giá trị của mớ thư từ này. “Tất nhiên từ trước đến nay tôi luôn biết tiền là thứ Boris muốn,” cô nói. “Và khi di chúc của bác tôi được đọc và tôi phát hiện ra rằng tất cả mọi thứ đều đã được để lại cho mình, tôi quyết định hỏi ý kiến bên anh và thu xếp một chút gì đó cho lão.” “Cô không có nghĩa vụ gì phải làm thế,” Jim phản đối. “Hắn thực ra chẳng phải bà con họ hàng gì hết cả. Hắn kết hôn với em gái của bà Harlowe, chỉ vậy thôi.” “Tôi biết,” Bey đáp, và cô cười phá. “Lão luôn phản đối tôi chuyện tôi cứ gọi lão là ‘ông Boris’ thay vì ‘chú’. Nhưng dẫu sao tôi vẫn muốn làm gì đó. Chỉ có điều lão không cho tôi thời gian. Lão lập tức bắt nạt tôi, và tôi cực kỳ ghét bị bắt nạt. Anh có ghét chuyện ấy không, anh Frobisher?” “Có.” Bey lại nhìn mấy bức thư. “Có lẽ đó là lúc tôi búng ngón tay vào mặt lão,” cô nói tiếp, kèm theo một tiếng khùng khục sung sướng. “Sau đó lão đâm đơn cáo buộc tôi đã làm cái chuyên kinh khủng kia, và giờ mà đề nghị dàn xếp gì với nhau thì sẽ chẳng khác nào tuyên bố mình có tội.” “Cô nói rất đúng. Đúng là sẽ như thế,” Jim nồng nhiệt đồng ý. Mãi cho đến tận bây giờ, Jim Frobisher vẫn cứ ngờ ngợ rằng cô gái này đã đối xử với Boris Waberski theo cách hơi hà khắc. Không thể chối cãi được chuyện hắn là một kẻ ăn bám, một tên vô dụng, không có quyền hành gì đối với cô. Nhưng mặt khác, hắn lại không có nghề ngỗng gì, và bà Harlowe, người để lại tài sản cho Bey, bao lâu nay vẫn bằng lòng với việc nhẫn nhịn và chu cấp cho hắn. Tuy nhiên, giờ thì nghi ngờ ấy đã được gạt bỏ. Cái vết nhơ nhỏ ấy đã được chính sự thẳng thắn của cô tẩy sạch. “Thế này tức là xong xuôi hết rồi,” Bey nói, đưa trả mấy bức thư cho Jim và trút một hơi thở phào nhẹ nhõm. Thế rồi cô mỉm cười rầu rĩ, “… Nhưng tôi đã có một phen hoảng sợ thực sự,” cô thú nhận. “Chuyện là, tôi đã bị dự thẩm viên triệu đến và thẩm vấn. Ôi! Tôi không thấy sợ những câu hỏi, nhưng mà sợ ông ta, cái ông dự thẩm viên ấy. Tôi tin chắc bản chất công việc đã bắt buộc ông ta phải làm ra vẻ dữ dằn, nhưng tôi không thể không nghĩ rằng nếu có ai trông dữ dằn đến cái mức đáng sợ như ông ta, hẳn đó là bởi người ấy chẳng có tí não nào trong đầu và không muốn để ai biết cả. Và những người không có não bao giờ cũng nguy hiểm, có phải thế không?” “Vâng, không phải dấu hiệu đáng mừng gì,” Jim tán đồng. “Sau đó ông ta cấm tôi sử dụng xe hơi, như thể ông ta nghĩ tôi sẽ bỏ chạy. Và điều tệ hại nhất là khi ra khỏi tòa án, tôi gặp vài người bạn ở bên ngoài, và họ nêu ra cho tôi cả một danh sách dài dằng dặc những người từng bị kết án, và chỉ được phát hiện ra là vô tội sau khi đã quá muộn.” Jim tròn mắt nhìn cô. “Thật là tàn nhẫn!” Anh thốt lên. “À, chúng ta ai chẳng có bạn bè kiểu ấy,” Bey đáp trả với vẻ triết lý. “Tuy nhiên, bạn của tôi lại thuộc dạng đặc biệt đáng ghét. Họ thậm chí còn bàn tán là bởi vì bác Harlowe đã nhận nuôi tôi, thế nên có khả năng tôi sẽ bị cáo buộc tội giết mẹ, và đó là lý do tôi nên thuê luật sư giỏi nhất, như thể đó là chuyện hiển nhiên. Nếu bị kết tội như thế thật thì sẽ không được ân xá gì hết, và tôi sẽ phải phủ mạng đen trên đầu và đi chân trần ra chỗ máy chém.” Cô nhìn thấy vẻ kinh hoàng và phẫn nộ trên mặt Jim Frobisher và chìa một bàn tay về phía anh. “Vâng. Ở mấy khu tỉnh lẻ thì mấy lời ác ý dễ bị nói thẳng ra lắm, chỉ có điều…” và cô nhấc một bên bàn chân mảnh mai lên, bấy giờ đang mang một chiếc dép sáng loáng, và trầm ngâm suy ngẫm lung tung, “… đứng trước cái tình hình ấy, tôi không nghĩ mình sẽ phải bận tâm nghĩ xem liệu mình đi đôi giày xịn nhất cùng với tất hay chẳng đi thứ gì cả.” “Tôi chưa bao giờ được nghe một lời đề xuất đáng ghê tởm đến như vậy cả,” Jim thốt lên. “Dù sao thì, anh chắc có thể hình dung được rằng tôi về nhà trong tâm trạng hơi bị bất ổn,” Bey nói tiếp, “và hiểu tại sao tôi lại gửi cái bức điện tín ngớ ngẩn đầy vẻ hoảng loạn kia đi. Lúc tỉnh táo lại thì tôi đã định cho hủy nó đi. Nhưng khi ấy thì đã quá muộn mất rồi. Bức điện tín đã được…” Cô bất chợt bỏ lửng câu nói, tông giọng hơi tăng lên và hít vào một hơi nghe rất sắc. “Ai kia?” Cô hỏi, giọng điệu đã thay đổi. Nãy giờ cô nói năng nhỏ nhẹ và chậm rãi, nghe như thể cô thấy các nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi của mình đáng buồn cười lắm. Giờ thì câu hỏi của cô được nói rất vội, và nghe giọng thấy chủ yếu mang vẻ lo lắng. “Đúng rồi, ai kia?” Cô lặp lại. Một người đàn ông to lớn, vóc người vạm vỡ vừa thong dong bước qua cặp cổng sắt khổng lồ đã bỗng dưng phóng vụt vào sân trong. Mới tích tắc trước thì ông ta còn thơ thẩn bước dọc con đường, giờ thì ông ta đã biến mất dưới cái hiên kính hình quạt. “Là Hanaud đấy,” Jim đáp, và Bey đứng bật dậy như thể có một lò xo nào đó trong người vừa bị bật tung ra, và đứng đung đưa ở đó. “Cô chẳng việc gì phải sợ Hanaud cả,” Jim Frobisher trấn an cô. “Tôi đã cho ông ta xem hai bức thư của Waberski. Ông ta là bạn của cô, bất di bất dịch. Nghe này. Đây là điều mà ông ta đã nói với tôi, mới hôm qua ở Paris thôi.” “Hôm qua, ở Paris?” Bey bỗng dưng hỏi. “Vâng, tôi đã đến gặp ông ta tại Sở Cảnh sát. Ông ta đã nói những lời này. Tôi lưu tâm nhớ lấy chúng để tôi có thể lặp lại nguyên văn cho cô. ‘Cô thân chủ bé bỏng của anh có thể đặt đầu xuống gối mà không phải lo sợ rằng mình sẽ gặp chuyện bất công’.” Jim vừa nói xong thì chuông cửa trước vang lên lanh lảnh khắp trong ngôi nhà. “Thế thì tại sao ông ta lại ở Dijon? Tại sao ông ta bây giờ lại ở ngoài cửa?” Bey ngang ngạnh hỏi. Nhưng đó lại là cái câu hỏi Jim không được phép trả lời. Anh đã được Hanaud tin tưởng. Anh đã thề là sẽ không để lộ. Bey sẽ phải tin rằng lời cáo buộc của Waberski là lý do thực sự để Hanaud có mặt tại Dijon, chứ không chỉ đơn thuần là một cái cớ thêm một thời gian nữa. “Hanaud phải tuân theo lệnh,” Jim đáp lời. “Ông ta có mặt ở đây bởi vì ông ta bị ra lệnh phải đến.” Và anh nhẹ cả lòng khi thấy câu trả lời ấy đủ để xoa dịu cô. Thật ra, tâm trí của Bey đã chuyển sang nghĩ về một vấn đề nào đó mà anh không thể giải quyết. “Vậy là anh đến gặp ông Hanaud ở Paris,” cô nói, nở một nụ cười nồng ấm. “Anh chẳng bỏ qua bất kỳ điều gì có thể giúp ích cho tôi.” Cô đặt một bàn tay lên ngưỡng khung cửa sổ để mở. “Tôi hy vọng rằng ông ta có thể cảm nhận được hết sự tâng bốc bên trong bức điện tín hoảng loạn tôi gửi đến London.” “Ông ta chỉ đơn thuần thấy tiếc là cô đã phải lo lắng đến mức ấy.” “Vậy là anh đã cho ông ta xem bức điện tín?” “Và ông ta đã hủy nó. Tôi dùng nó làm lý do để mang mấy bức thư đến gặp ông ta.” Bey lại ngồi xuống bậu cửa và giơ một ngón tay lên, ra hiệu cho anh im lặng. Bên ngoài cửa có tiếng người nói chuyện. Thế rồi cửa mở ra và ông phục vụ già bước vào. Lần này ông không mang theo danh thiếp trên một chiếc mâm bạc nữa, nhưng ông ta trông có vẻ rõ ràng là đã bị ấn tượng, và có phần hơi bối rối. “Thưa cô,” ông ta mở lời, và Bey ngắt ngang. Thái độ của cô đã không còn chút dấu hiệu lo lắng nào nữa. Cô đã một lẩn nữa giành lại được tự chủ. “Cháu biết, bác Gaston ạ. Bác dẫn ông Hanaud vào ngay lập tức đi.” Nhưng ông Hanaud đã bước vào luôn rồi. Ông ta lịch sự cúi chào Bey Harlowe và nồng nhiệt bắt tay Jim Frobisher. “Trên đường băng qua sân, tôi rất lấy làm mừng khi thấy anh bạn của tôi đã đến chỗ cô rồi. Bởi lẽ anh ấy chắc chắn sẽ bảo với cô rằng tôi thực chất không phải là quái thú trong truyện cổ tích.” “Nhưng ông có ngước nhìn lên cửa sổ lần nào đâu,” Bey thốt lên với vẻ khó hiểu. Hanaud mỉm cười vui vẻ. “Thưa cô, cái nghề của tôi đòi hỏi phải có kỹ năng không bao giờ ngước lên nhìn cửa sổ, ấy nhưng vẫn biết được đang có những chuyện gì diễn ra đằng sau chúng. Cho phép tôi nhé?” Và ông ta đặt mũ và gậy lên một cái bàn viết lớn nằm giữa căn phòng. CHƯƠNG V NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CỦA BETTY HARLOWE “N hưng ngay cả với những khung cửa sổ lớn nhất, chúng tôi cũng sẽ không tài nào nhìn vào mà xác định được,” Hanaud nói tiếp, “hai tuần trước có những chuyện gì diễn ra phía đằng sau chúng. Trong những trường hợp đó, chúng tôi phải đi gây phiền hà cho gia chủ và hỏi han mấy câu.” “Tôi sẵn sàng trả lời ông,” Bey lặng lẽ đáp lời. “À, về phần đó… tất nhiên là vậy rồi,” Hanaud vui vẻ nói. “Tôi có được phép ngồi xuống không nhỉ? Chắc là được chứ?” Bey đứng bật dậy, nước da tái trắng trên mặt cô ửng thành màu hồng. “Cho tôi xin lỗi. Tất nhiên thôi, ông Hanaud.” Chỉ riêng cái sự thất lễ vụn vặt ấy thôi đã cho Jim Frobisher thấy rằng cô đang cảm thấy lo lắng. Nếu không có chi tiết đó, anh hẳn đã nghĩ cô sở hữu một khả năng tự chủ gần như bất thường so với độ tuổi của mình. “Chẳng có gì đâu,” Hanaud tươi cười nói. “Xét cho cùng, chúng tôi là khách đến làm phiền, và đó là mới tính những người hiền lành nhất trong số chúng tôi thôi nhé.” Ông ta lấy một chiếc ghế từ bên cạnh bàn và kéo nó lại gần để mình ngồi đối mặt với Bey. Nhưng làm vậy là ông ta để cho cô nắm giữ mọi lợi thế về vị trí ngồi. Đó là bởi ánh nắng gay gắt buổi sáng từ cửa sổ chiếu vào sẽ dồn đổ hết lên mặt ông ta, trong khi mặt cô thì lại quay vào phía bên trong căn phòng. “Nào!” Ông ta nói trong lúc ngồi xuống. “Cô Harlowe, đầu tiên tôi sẽ nói cho cô biết các bước thực hiện quy trình đơn giản của chúng tôi, như hiện tại tôi đang thấy. Thi thể bà Harlowe đã được đào lên vào đêm hôm kia, với sự có mặt của công chứng viên của cô.” Bey đột ngột cử động, khẽ rùng mình vì kinh tởm. “Tôi biết,” ông ta mau chóng nói tiếp. “Những điều cần thực hiện ấy sẽ khiến cho cô thấy đau lòng. Nhưng chúng tôi không làm hại gì bà Harlowe cả, và chúng tôi phải nghĩ đến người còn đang sống, ấy chính là cô, cô Bey Harlowe ạ, và đảm bảo rằng cô sẽ không còn bị nghi ngờ gì nữa. Không một ai còn nghi ngờ được cô, ngay cả những người bạn trung thành nhất của cô. Thế chẳng phải hợp lý sao? Rồi, tiếp theo, tôi sẽ hỏi cô mấy câu tại đây. Sau đó chúng ta sẽ đợi báo cáo của phân tích viên. Rồi thì ông dự thẩm viên chắc chắn sẽ tặng cô may lời khen ngợi, và nếu may mắn, tôi - Hanaud, sẽ được nhận một bức ảnh có chữ ký của cô Harlowe xinh đẹp để đặt sát tim và mang theo mình về lại Paris nhàm chán.” “Và chỉ thế thôi sẽ là xong, đúng không?” Bey thốt lên, nắm hai tay vào với nhau vì biết ơn. “Đối với cô, cô Harlowe à, thì ừ. Nhưng còn với anh chàng Boris của chúng ta - không!” Hanaud mỉm cười nhăn nhở với vẻ háo hức tinh nghịch. “Tôi rất nóng lòng trông đợi được dành ra nửa tiếng nói chuyện với cái tay vô lại đó. Tôi sẽ nói chuyện với hắn và tôi sẽ không hành xử đàng hoàng. Không, không một chút nào. Tôi cũng sẽ đảm bảo rằng người bạn tốt của mình, anh Frobisher, không có mặt ở đó. Anh ấy sẽ làm hỏng hết trò vui của tôi mất. Anh ấy sẽ nhìn tôi với vẻ nghiêm trang như bà bác chưa chồng của tôi và sẽ tự nhủ rằng, ‘Thật kinh khủng! Ôi, cái tay lố bịch này! Quả là một người khó tin! Ông ta không biết giữ ý tứ gì cả.’ Không, và tôi sẽ không giữ ý tứ. Nhưng, mặt khác, tôi sẽ cười ngặt nghẽo suốt quãng đường từ Dijon trở về Paris.” Ông Hanaud đã bắt đầu cười luôn rồi, rất tự nhiên và Bey cũng hòa chung điệu cười với ông ta. Tiếng cười của cô nghe thật trong trẻo, ngân nga, vui vẻ, và Jim tưởng tượng mình như đang một lần nữa đứng trong tiền sảnh, nghe thấy điệu cười ấy vọng qua cánh cửa mở. “A, thế là tốt đấy!” Hanaud reo lên. “Cô cười được rồi kìa, cô Harlowe, cho dù là cười trước cái sự ngớ ngẩn của tôi. Cô phải giữ anh Frobisher lại Dijon và không cho anh ta quay trở về London cho đến khi anh ta cũng đã học được cái nghệ thuật tuyệt đỉnh đó.” Hanaud đẩy ghế lại gần hơn chút nữa, và một hình ảnh cực kỳ không thoải mái ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí của Jim Frobisher. Giống y như thế, chỉ với vài câu từ nhẹ nhàng và đôi ba câu đùa lãng xẹt, các bác sĩ sẽ tranh thủ kéo ghế lại gần giường của những bệnh nhân mắc chứng nguy hiểm. Phải sau mấy phút nghe Hanaud hỏi han thì hình ảnh đó mới tan biến hoàn toàn khỏi đầu óc anh. “Tốt!” Hanaud nói. “Giờ hãy cùng nhau vào việc và làm rõ cũng như sắp xếp lại quy củ mọi thông tin thôi!” “Vâng,” Jim tán đồng, và anh cũng kéo ghế mình lại gần hơn một chút. Bây giờ ngẫm lại, anh nhận thấy thật đáng ngạc nhiên là mình lại ít biết về những dữ kiện thật của vụ việc này đến như thế. “Nào, cô Harlowe, hãy nói tôi nghe! Như những gì chúng ta hiện biết, bà Harlowe đã qua đời một cách rất thanh thản trên giường mình trong đêm.” “Vâng,” Bey đáp. “Trong đêm ngày 27 tháng Tư?” “Vâng.” “Bà ấy ngủ một mình trong phòng đêm hôm đó chứ?” “Vâng, thưa ông.” “Thói quen của bà ấy là như thế à?” “Vâng.” “Như tôi biết thì tim của bà Harlowe đã gây trở ngại cho bà ấy được một thời gian rồi.” “Bác ấy phải sống như người tàn tật suốt ba năm.” “Và trong nhà lúc nào cũng có một y tá được đào tạo bài bản?” “Vâng.” Hanaud gật đầu. “Giờ nói tôi nghe, cô Harlowe, cái cô y tá này ngủ ở đâu? Cạnh phòng bà Harlowe à?” “Không. Chúng tôi đã chuẩn bị một phòng ngủ cho chị ấy ở cùng tầng, có điều nằm cuối hành lang.” “Và cái phòng ngủ này nằm cách bao xa?” “Có hai phòng nằm giữa nó và phòng của bác tôi.” “Phòng lớn à?” “Vâng,” Bey giải thích. “Mấy phòng này nằm ở tầng trệt, và có thể được coi là phòng tiếp khách. Nhưng bởi vì trái tim bệnh tật của bác Harlowe khiến cho việc leo cầu thang trở thành mối nguy đối với bác, một số phòng được sửa lại để dành riêng cho bác.” “Vâng, tôi hiểu rồi,” Hanaud nói. “Hai phòng tiếp khách lớn chắn giữa, đúng không? Và các bức tường bên trong ngôi nhà này khá dày. Không khó gì để nhận ra nó không được xây gần đây. Cô Harlowe, cho tôi hỏi cô câu này. Nếu giữa lúc đêm hôm bà Harlowe kêu lên, khi toàn bộ ngôi nhà đang im như tờ, thì ở bên phòng cô y tá có nghe được không?” “Tôi tin chắc là không,” Bey đáp lời. “Nhưng cạnh giường của bác Harlowe có gắn một cái chuông, và nó rung lên trong phòng chị y tá. Bác chỉ cần hơi nhấc tay lên là sẽ bấm được cái nút.” “A!” Hanaud nói. “Một cái chuông được thiết kế đặc biệt hả?” “Vâng.” “Và cái nút nằm ngay sát ngón tay. Vâng. Thế là rất ổn, miễn là người dùng không ngất đi, cô Harlowe à. Nhưng giả sử bà ấy bị thế mà xem! Khi ấy cái chuông sẽ không còn hữu dụng mấy nữa. Không có phòng nào gần hơn để cho cô y tá dùng à?” “Có một phòng bên cạnh phòng của bác tôi, ông Hanaud ạ, với một cửa thông nhau.” Hanaud cảm thấy khó hiểu và ngả người ra sau ghế. Jim Frobisher cảm thấy đã đến lúc mình nói chen vào. Trong suốt quá trình màn hỏi đáp diễn ra, anh càng lúc càng thấy bồn chồn. Anh không thể hiểu nổi tại sao Bey lại phải bị làm phiền một cách không cần thiết đến thế, cho dù cô rẫt sẵn lòng trả lời. “Ông Hanaud này, chắc chắn là,” anh nói, “chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian nếu đích thân mình ghé qua mấy căn phòng đó và quan sát chúng tận mắt.” Hanaud quay người lại như có gắn bàn xoay, vẻ ngưỡng mộ bừng lên trong mắt ông ta. Ông ta nhìn người cộng sự của mình đầy khâm phục. “Quả là một ý tưởng hay!” Ông ta hào hứng thốt lên. “Quả là một ý tưởng tuyệt vời! Thật kỳ tài! Thật khó mà nghĩ ra được! Và chính anh, anh Frobisher, đã nghĩ ra điều ấy! Tôi xin được dành tặng anh những lời khen ngợi nồng nhiệt nhất!” Thế rồi mọi vẻ hồ hởi của ông ta lại chuyển thành chán nản, và ông ta thở dài. “Thật đáng tiếc…” Hanaud kiên nhẫn đợi Jim yêu cầu giải thích tiếng thở dài vừa rồi, nhưng Jim chỉ đơn thuần đỏ bừng mặt lên và dứt khoát không làm vậy. Anh hiển nhiên vừa mới đưa ra một đề xuất ngớ ngẩn và đang bị chế nhạo trước mặt cô Bey Harlowe xinh đẹp, người đang trông đợi anh cứu giúp mình. Và nhìn tổng thể thì anh thấy Hanaud là một người rất khó chịu, ngồi đó hớn hở chờ đợi câu phát ngôn ngớ ngẩn thứ hai. Cuối cùng Hanaud buộc phải giải thích. “Đáng ra chúng ta đã phải vào trong mấy căn phòng đó từ trước rồi, anh Frobisher ạ. Nhưng ông ủy viên Cảnh sát đã niêm phong hết chúng lại, và nếu không có ông ta đi cùng thì chúng ta không được phép phá niêm phong.” Bên cửa sổ, Bey Harlowe thực hiện một động tác gần như không thể nhận ra. Một nụ cười khó lòng trông thấy thoáng nở trên môi cô, vụt hiện vụt biến như một tia chớp. Và Jim thấy Hanaud cứng người lại, chẳng khác nào một con chó giữ nhà vừa mới nghe thấy một âm thanh giữa đêm. “Cô thấy có gì buồn cười sao?” Ông ta hỏi giật giọng. “Ngược lại là đằng khác, ông Hanaud à.” Và nụ cười lại xuất hiện trên mặt cô, và lần này lộ rõ bản chất: đầy vẻ tiếc nuối. “Tôi đã nuôi hy vọng là mấy cái dải băng niêm phong bắt chéo trên cửa kia giờ sẽ có thể được bỏ đi. Đúng là nghĩ thế này thì chỉ là tưởng tượng hão huyền thật, nhưng tôi cứ thấy sợ chúng. Tôi có cảm giác chúng như một cấm chỉ áp đặt lên ngôi nhà này.” Thái độ của Hanaud thay đổi ngay lập tức. “Tôi rất hiểu chuyện ấy, cô Harlowe à,” ông ta nói, “và tôi dứt khoát sẽ tìm cách phá hết mấy cái niêm phong ấy. Thực sự là dán chúng lên như thế chẳng có tác dụng gì, bởi lẽ chúng chỉ được đem dán khi có người đâm đơn buộc tội và mười ngày sau khi bà Harlowe đã chết.” ông ta quay sang Jim. “Nhưng dân Pháp chúng tôi cũng bị trói buộc bởi đủ thứ thủ tục hành chính. Tuy nhiên, câu hỏi tôi đang nhắm tới không phụ thuộc vào bất cứ đặc điểm nào của mấy căn phòng kia. Câu hỏi của tôi là thế này, cô Harlowe ạ,” và ông ta quay trở lại với Bey. “Bà Harlowe là một người tàn tật, được một y tá thường xuyên trông nom. Thế tại sao cô y tá kia không ngủ trong cái căn phòng có cửa thông? Tại sao cô ta phải ngủ ở nơi mình không thể nghe thấy tiếng kêu, tiếng hô gọi đột ngột nào hết?” Bey gật đầu. Đây là một câu hỏi không thể không trả lời được. Cô rướn tới trước, chọn lựa câu chữ cho cẩn thận. “Vâng, nhưng để hiểu được nguyên cớ, ông Hanaud à, ông sẽ cần phải hiểu một điều về bác Harlowe, bác tôi, và phải tạm thời đặt bản thân vào địa vị của bác ấy. Bác muốn phải như thế. Bác có thể nói là một người tàn tật. Suốt ba năm liền bác chẳng đi đâu xa quá khu vườn, ngoại trừ đến một hiệu làm tóc riêng tại Monte Carlo mỗi năm một lần. Nhưng bác không chịu thừa nhận cái sự ốm yếu của mình. Không, trong tâm trí mình, bác vẫn còn khỏe mạnh và là một chiến binh. Bác lúc nào cũng tin tưởng rồi mình sẽ khỏe lên, chỉ cần thêm vài tuần nữa thôi. Và nếu có một y tá mặc đồng phục lúc nào cũng ở sát bên, cửa thì để mở sẵn, như thể bác đang ở trong giai đoạn bạo bệnh cuối cùng… điều ấy sẽ khiến cho bác không chịu được.” Bey ngưng lại rồi tiếp tục nói. “Tất nhiên, khi bác bị lên cơn nghiêm trọng, chị y tá sẽ được chuyển phòng. Đích thân tôi ra lệnh như thế. Nhưng ngay khi cơn bệnh thoái lui, chị y tá phải về như cũ. Bác Harlowe không thể chịu đựng được.” Jim hiểu lời cô nói. Sự chân thành của nó giúp anh biết thêm được chút ít về người đàn bà quá cố, khiến anh đánh giá cao sinh lực mạnh mẽ của bà. Bà không chịu đầu hàng. Bà không muốn những thứ gợi nhớ đến căn bệnh lúc nào cũng bao quanh mình. Không, bà sẽ ngủ trong phòng của mình, và ngủ một mình thôi, hệt như những người đàn bà cùng tuổi khác. Vâng, Jim hiểu điều ấy và tin mọi lời Bey nói. Chỉ có điều… chỉ có điều… cô còn giấu giếm gì đó. Đấy là điều khiến cho anh cảm thấy lăn tăn. Điều cô nói là sự thật, nhưng vẫn còn gì đó nữa để nói. Trong bài nói ban nãy của Bey có chút ngập ngừng, chọn từ quá kỹ lưỡng, và rồi tự nhiên vội vã nói một loạt để che giấu sự ngập ngừng ấy đi. Anh nhìn Hanaud, bấy giờ đang ngồi im phăng phắc, mắt dán chặt lên mặt Bey, sử dụng chính sự bất động của mình để yêu cầu cô nói thêm. Jim tin chắc rằng cả hai người bọn họ đều đang tiến gần đến bên rìa mép cái bí mật nhỏ kia, thứ mà theo như lời Hasli, cũng như lời Hanaud, luôn ẩn phía sau những lời cáo buộc điên rồ như lời cáo buộc của Waberski: một bí mật đáng xấu hổ nho nhỏ của gia đình, cần được đem chôn thật sâu, tránh khỏi cặp mắt của bàn dân thiên hạ. Và trong lúc đang suy ngẫm về lời giải thích cho thái độ của Bey này, Jim bỗng dưng bị một tiếng kêu đầy xúc cảm buột thốt lên từ môi cô làm cho giật nảy cả người. “Tại sao ông lại nhìn tôi cái kiểu như thế?” Cô gào lên với Hanaud, cặp mắt trên gương mặt trắng trẻo của cô tự nhiên rực lửa và môi cô run rẩy. Giọng cô nâng lên đầy vẻ thách thức. “Ông không tin tôi ư, ông Hanaud?” Hanaud giơ hai tay lên phản đối. Ông ta ngả người ra sau ghế. Nét cảnh giác trong mắt ông ta, toàn bộ thái độ của ông ta, trở nên thư giãn hẳn. “Xin cô bỏ quá cho, cô Harlowe,” ông ta nói, giọng nghe đầy ân hận. “Không phải là tôi không tin cô. Tôi chỉ đang dỏng cả hai tai lên nghe cô nói, để tôi không cần phải quấy nhiễu cô với vài ba câu hỏi của mình thêm lần nào nữa. Nhưng tôi đã quên mất một điều mà đáng nhẽ ra mình phải nhớ, đó là cô đã phải sống mấy ngày liến dưới một áp lực rất căng thẳng. Tôi thất lễ quá.” Trận bão xúc cảm nhỏ ấy trôi qua. Bey ngồi trở lại góc bậu cửa sổ, đầu ngả lên khung kính bên và mặt cô tươi tỉnh hơn chút. “Ông chu đáo lắm, ông Hanaud à,” cô đáp lại. “Tôi mới là người cần xin ông bỏ quá cho. Bởi lẽ tôi hành xử cứ như một cô nữ sinh bị kích động. Ông cứ hỏi tiếp đi nhé.” “Vâng,” Hanaud nhẹ nhàng đáp. “Tốt nhất chúng ta nên giải quyết dứt điểm chúng luôn bây giờ. Hãy cùng quay trở lại đêm ngày 27 nào.” “Vâng, thưa ông.” “Đêm hôm ấy tình trạng sức khỏe của bà Harlowe vẫn như thường lệ - không tiến triển hay trở nên tồi tệ gì hơn.” “Nếu có thay đổi thì sẽ là khỏe hơn bình thường một chút,” Bey đáp lời. “Đó là lý do tối hôm đó cô đã không chút lưỡng lự đi tham dự một buổi tiệc khiêu vũ do mấy người bạn tổ chức?” Jim giật mình. Vậy là vào cái đêm định mệnh đó, Bey vắng nhà. Đây là một tình tiết mới có lợi cho cô. “Một buổi tiệc khiêu vũ!” Anh thốt lên, và Hanaud giơ tay lên. “Anh Frobisher, xin anh làm ơn!” Ông ta nói. “Để cho cô ấy nói! “Tôi không lưỡng lự gì cả,” Bey giải thích. “Cuộc sống của những người trong nhà vẫn phải tiếp diễn như bình thường. Tôi không thể nào làm gì bất thường được. Bác Harlowe rất tinh ý. Tôi nghĩ rằng mặc dù không chịu thừa nhận mình đang lâm trọng bệnh, sâu trong thâm tâm bác vẫn nghi ngờ như thế; và chúng tôi cần phải cẩn thận không để bác thấy sợ.” “Tức là tránh không thực hiện những hành động chẳng hạn như không tham dự một buổi khiêu vũ mà bà ấy biết cô… có dự định đi?” Hanaud nói. “Vâng, thưa cô Harlowe. Tôi hiểu điều ấy.” Ông ta nghiêng đầu với Jim Frobisher, và mỉm cười bổ sung thêm: “À, anh không biết về chuyện đó, anh Frobisher ạ. Không, và tôi nghĩ cả ông bạn Boris Waberski của chúng ta cũng thế. Không thì hắn đã không hộc tốc chạy đến chỗ ông Cảnh sát trưởng như vậy. Vâng, cô đi nhảy cùng với bạn bè mình vào đêm cô đáng ra phải đang thực hiện cái tội ác ghê rợn nhất. Mà nhân tiện, cô Harlowe này, Boris Waberski ở đâu vào đêm ngày 27?” “Lão đi vắng,” Bey đáp lời. “Ngày 27 lão bỏ đi câu cá hồi tại một ngôi làng bên bờ sông Ouche, và lão không quay trở lại cho đến sáng ngày 28.” “Chính xác,” Hanaud nói. “Cái tay đó thật là đặc biệt! Hãy hy vọng là cái vợt bắt cá hồi của hắn tử tế hơn tấm lưới được hắn chuẩn bị vội vã để bẫy cô Harlowe. Không thì chuyến đi câu ba ngày của hắn chắc chẳng có kết quả tốt lành gì.” Điệu cười cũng như lời lẽ của ông ta khiến cho trên mặt Bey xuất hiện một nụ cười nhạt, và rồi ông ta lại quay trở về với việc hỏi han. “Vậy là cô đã đi dự một buổi tiệc khiêu vũ. Ở đâu vậy?” “Tại nhà ông Pouillac trên đại lộ Thiers.” “Và cô đi vào lúc mấy giờ?” “Tôi rời ngôi nhà này vào lúc 9 giờ kém 5 phút.” “Cô có chắc về cái giờ đó không?” “Khá chắc,” Bey nói. “Cô có gặp bà Harlowe trước khi đi không?” “Có,” Bey trả lời. “Tôi vào phòng bác ngay trước khi đi. Bác ăn tối trên giường như vẫn thường hay làm. Tôi mặc một chiếc váy mới, mua tại Monte Carlo mùa đông vừa rồi để đi nhảy, và tôi vào phòng bác để cho bác xem tôi mặc nó trông như thế nào” “Bà Harlowe khi ấy chỉ có một mình à?” “Không, có chị y tá ở cùng bác.” Và nghe đến đó, Hanaud nở một nụ cười xảo quyệt. “Tôi biết điều đó rồi, cô Harlowe à,” ông ta tuyên bố với một nụ cười đầy thân thiện. “Tôi đã gài bẫy cô. Bởi lẽ ở đây tôi có bằng chứng do chính cô y tá - Jeanne Baudin cung cấp.” Ông ta lôi ra khỏi túi một tờ giấy, bên trên là một đoạn văn bản được đánh máy. “Vâng, dự thẩm viên đã cho triệu và lấy lời khai của cô ta.” “Tôi không biết điều đó,” Bey nói. “Jeanne đã rời nhà chúng tôi hôm tổ chức tang lễ và về nhà. Kể từ đó đến nay, tôi chưa gặp chị ấy.” Cô gật đầu với Hanaud một, hai lần, kèm theo một nụ cười khâm phục nho nhỏ. “Ông Hanaud à, tôi mà có bí mật nào cần giấu ông thì chắc tôi sẽ sợ lắm,” cô nói với vẻ ngưỡng mộ. “Tôi không nghĩ mình sẽ có thể giấu giếm được lâu.” Hanaud phổng cả mũi trước lời tán dương như một người tập sự, và theo quan điểm của Jim Frobisher thì đây là một người tập sự rất thô tục. “Cô thật đúng là khôn ngoan đấy, cô Harlowe,” ông ta thốt lên. “Bởi lẽ, xét cho cùng, tôi là Hanaud. Độc nhất vô nhị,” thế rồi ông ta vỗ ngực và sung sướng nở nụ cười rạng rỡ. “Trời đất ơi, cứ khách sáo với nhau mãi thôi! Chúng ta tiếp tục nào. Đây là những gì cô y tá đã khai,” và ông ta đọc tờ giấy: “Cô Harlowe đến phòng ngủ để bà Harlowe có thể nhìn ngắm cô mặc chiếc váy vải màu bạc mới cùng đôi dép bạc. Cô Harlowe sắp xếp lại gối và đảm bảo rằng bên cạnh giường bà Harlowe là những cuốn sách cùng món đồ uống yêu thích của bà. Thế rồi cô Harlowe chúc bà ấy ngủ ngon, và rồi cô nhảy chân sáo bước ra khỏi căn phòng, chiếc váy xinh đẹp lấp loáng kêu nhẹ. Ngay khi cửa được đóng lại, bà Harlowe nói với tôi là…”, và Hanaud đột ngột ngưng lại. “Nhưng chuyện ấy không quan trọng,” ông ta nói vội. Bất chợt Bey vụt rướn người tới trước. “Thật vậy ư, ông Hanaud?” Cô hỏi, mắt cô dán chặt vào mặt ông ta, và máu chậm rãi dồn lên cặp má tái nhợt của cô. “Không,” Hanaud nói, và ông ta bắt đầu gập tờ giấy lại. “Chị y tá bảo là bác Harlowe đã nói gì với chị ấy về tôi, ngay sau khi cánh cửa được đóng lại?” Bey hỏi, chậm rãi nói từng từ, hết sức kiên định. “Thôi nào, ông Hanaud! Tôi có quyền được biết,” và cô chìa bàn tay ra đòi lấy tờ giấy. “Tự cô sẽ thấy là nó chẳng có gì quan trọng cả,” Hanaud nói. “Nghe đây!” Và một lần nữa ông ta lại đọc: “Sau khi nhìn đồng hồ, bà Harlowe nói với tôi rằng, ‘Con bé đi sớm thế là tốt. Bởi vì Dijon không phải là Paris, và nếu đi không đúng giờ thì sẽ chẳng có ai để mà nhảy cùng đâu.’ Khi ấy là 9 giờ kém 10 phút.” Cùng với một nụ cười, Hanaud đặt tờ giấy vào trong lòng bàn tay của Bey. Và cô vội cúi đầu xuống đọc nó, như thể nghi ngờ điều ông ta vừa mới đọc chưa chắc đã được viết trên tờ giấy, như thể cô cảm thấy run rẩy khi nghĩ đến những gì bà Harlowe nói về mình sau khi cô rời khỏi căn phòng. Cô chỉ dành ra một, hai giây đọc lướt trang giấy, nhưng lúc đưa trả nó lại cho ông ta, thái độ của cô đã có sự thay đổi rõ rệt. “Cảm ơn ông!” Cô nói, phần nào nghe có vẻ chua chát, và cặp mắt sâu thẳm của cô ánh lên vẻ oán giận. Jim hiểu nguyên cớ của sự thay đổi đó, và anh thông cảm cho cô. Hanaud nói rằng mình đã bày ra một cái bẫy trong khi ông ta kỳ thực chẳng giăng bẫy gì hết. Bởi lẽ chẳng có lý do gì để cô phải ngần ngừ không muốn thừa nhận rằng mình đã gặp bà Harlowe trước mặt cô y tá, và chúc bà chúc ngủ ngon trước khi cô đi dự tiệc. Nhưng một phút sau đó, ông ta đã giăng một cái bẫy thật, và Bey đã cắm thẳng đầu vào trong đó. Ông ta đã lừa cô thừa nhận rằng mình e ngại chuyện bà Harlowe nói xấu hay tỏ ý hãi sợ gì cô sau khi cô rời phòng ngủ. “Có điều này ông cần phải biết, ông Hanaud à,” cô giải thích rất lạnh lùng, “đó là phụ nữ không phải lúc nào cũng rộng lượng với nhau. Và đôi khi, họ không đủ đầu óc để… nói thế nào bây giờ nhỉ? Để hình dung ra những hậu quả tiềm tàng của những điều mình nói, dù chỉ nói ra với ý định gây tổn thương và chơi xấu nhau một chút thôi. Theo như những gì tôi biết, chị Jeanne Baudin và tôi là bạn tốt của nhau, nhưng chẳng ai có thể biết chắc được, và khi ông gập lời khai của chị ấy lại một cách vội vã như thế, lẽ đương nhiên tôi sẽ rất muốn được nghe phần còn lại.” “Vâng, tôi đồng ý,” Jim chen vào. “Đúng là trông cứ như cô y tá có thể đã đế thêm câu gì đó ác ý, chẳng thể nào chứng minh hay phản bác gì được.” “Đó chỉ là một sự hiểu nhầm thôi, cô ạ,” Hanaud đáp với giọng hối lỗi. “Chúng ta sẽ tiến hành cẩn thận để đảm bảo rằng sẽ không xảy ra trường hợp nào như thế nữa.” Ông ta đọc lại lời khai của cô y tá. “Trong này có nói là cô đảm bảo rằng bên cạnh giường bà Harlowe là những cuốn sách cùng món đồ uống yêu thích của bà. Phần này đúng thế không?” “Vâng, thưa ông.” “Món đồ uống đó là gì thế?” “Một cốc nước chanh.” “Tôi đoán là đêm nào nó cũng được đặt sẵn trên một chiếc bàn?” “Đêm nào cũng vậy.” “Và bên trong không pha kèm chất an thần nào đâu nhỉ?” “Không có,” Bey đáp. “Nếu bác Harlowe bị khó ngủ, chị y tá sẽ cho bác uống một viên thuốc phiện, và thỉnh thoảng sẽ tiêm một liều morphine nhỏ.” “Nhưng đêm đó thì cô ta không làm vậy?” “Như tôi biết thì không. Nếu có thì chuyện ấy cũng được tiến hành sau khi tôi đã rời đi.” “Được rồi,” Hanaud nói, và ông ta gấp tờ giấy lại, cất nó vào bên trong túi. “Chuyện đó coi như xong. Chúng ta giờ đã biết cô rời nhà lúc 9 giờ kém 5 phút tối, và bà Harlowe thì nằm trên giường, tình trạng sức khỏe không tệ hơn bình thường chút nào.” “Vâng.” “Tốt!” Hanaud thay đổi thái độ. “Giờ hãy cùng điểm lại buổi tối của cô, cô Harlowe! Tôi đoán là cô ở lại nhà ông Pouillac cho đến khi quay trở về nhà.” “Vâng.” “Cô có nhớ mình nhảy với ai không? Nếu cần thiết, liệu cô có thể cung cấp cho tôi danh sách những người bạn nhảy của mình không?” Cô đứng dậy và tiến lại chỗ bàn viết, ngồi xuống trước nó. Cô kéo một tờ giấy về phía mình và cầm cây bút chì lên. Cô ghi lại một danh sách tên, thỉnh thoảng tạm dừng để khơi gợi lại ký ức, phần đầu tù của cây bút cắn trong môi. “Tôi nghĩ đây là tất cả,” cô nói, đưa tờ danh sách cho Hanaud. Ông ta bỏ nó vào bên trong túi. “Cảm ơn cô!” Giờ ông ta tỏ vẻ hết sức mãn nguyện. Mặc dù các câu hỏi ông ta đặt ra đã được trả lời không chút lưỡng lự, hết câu này đến câu khác, Jim lại cứ có cảm tưởng là ông ta chỉ đang nhận được đúng những câu trả lời mình đã biết từ trước, ông ta mang phong thái của một người đang thực hiện một công việc đầy tính thủ tục không thể bỏ qua và nôn nóng muốn được giải quyết cho xong hẳn đi, chứ không phải là một người đang quyết tâm thực hiện một cuộc điều tra nghiêm ngặt. “Còn bây giờ, cô Harlowe, cô về đến nhà lúc mấy giờ?” “Lúc 1 giờ 20 phút.” “Cô biết chắc thời gian khi ấy là như vậy sao? Cô nhìn đồng hồ đeo tay à? Hay là nhìn cái đồng hồ bên trong sảnh? Hay là gì? Làm thế nào mà cô biết chắc được rằng mình về đến biệt thự Grenelle vào đúng 1 giờ 20 phút?” Hanaud kéo ghế lên phía trước thêm một chút nữa, nhưng ông ta nhận được câu trả lời luôn, chẳng phải chờ đợi dù chỉ một giây. “Trong tiển sảnh không có đồng hồ và tôi không mang đồng hồ theo người,” Bey đáp. “Tôi không thích mấy cái đồng hồ đeo tay mà một số người vẫn đeo. Tôi ghét có đồ quanh cổ tay,” và cô nôn nóng vung vẩy tay, như thể cô đang mường tượng ra cái sự bóp siết của một chiếc vòng tay. “Và tôi không bỏ đồng hồ đeo tay vào túi xách bởi vì tôi rất hay để quên nó. Thế là tôi chẳng có gì để báo thời gian lúc về đến nhà. Tôi không rõ mình có bắt Georges - anh tài xế - phải thức muộn hơn mong muốn một chút không. Thế là tôi trình bày lý do với anh ta, giải thích rằng tôi không thực sự biết mình về muộn như thế nào.” “Tôi hiểu rồi. Georges chính là người đã nói cho cô biết thời gian lúc cô về đến nơi, đúng không?” “Vâng.” “Và Georges chắc chắn là tay tài xế mà lúc băng qua sân trong, tôi thấy đang mải làm việc?” “Vâng. Anh ta bảo với tôi là mình lấy làm mừng khi thấy tôi trông đã vui tươi hơn một chút, và anh ta lôi đồng hồ của mình ra và cho tôi xem giờ, đồng thời cười phá lên.” “Chuyện này xảy ra ở bên cửa trước hay tại chỗ cặp cổng sắt lớn vậy, cô Harlowe?” Hanaud hỏi. “Ở cửa trước. Không có người canh cửa, và cổng được để mở nếu có ai đi ra ngoài.” “Và cô vào trong ngôi nhà bằng cách nào?” “Tôi dùng chìa khóa cửa của mình.” “Tốt! Tất cả đều rất rõ ràng.” Tuy nhiên, Bey vẫn không nguôi giận trước sự hài lòng của Hanaud đối với những câu trả lời của mình. Mặc dù không chút trì trệ trong việc đáp lời ông ta, các câu trả lời được cô đưa ra với thái độ chống đối. Jim bắt đầu cảm thấy hơi bất an. Đáng nhẽ ra cô phải chấp nhận thỏa hiệp với Hanaud. Cô tỏ vẻ hờn dỗi một cách rất khinh suất. “Cô ấy sẽ biến con người này thành kẻ thù cùa mình trước khi cuộc thẩm vấn kết thúc mất,” anh lo lắng nghĩ thầm. Nhưng anh liếc nhìn ông thám tử và cảm thấy nhẹ nhõm. Lý do là bởi Han-aud đang quan sát cô với một nụ cười đủ sức khiến mọi cô gái trẻ trở nên nguôi giận, đó là nếu họ không bực bội như Bey lúc bấy giờ - một nụ cười nửa thân thiện và nửa thích thú. Jim cũng bắt chước làm tương tự. “Xét cho cùng,” anh lập luận, “chính cái sự khinh suất này lại có lợi cho cô hơn bất cứ sự tính toán nào. Người có tội sẽ không hành xử như thế.” Và thế là với một tâm trạng thư thái, anh chờ đợi giai đoạn tiếp theo của buổi chất vấn này. “Giờ thì cô đã quay trở lại nhà và vào trong biệt thự Grenelle trước 1 giờ rưỡi sáng,” Hanaud nói tiếp. “Sau đó cô làm gì?” “Tôi đi thẳng lên phòng ngủ của mình trên tầng,” Bey nói. “Người hầu gái của cô có thức đợi cô không, cô Harlowe?” “Không, tôi đã bảo với cô ấy là tôi sẽ về muộn và tôi có thể tự thay đồ.” “Cô thật biết quan tâm đến người khác, cô Harlowe à. Bảo sao những người hầu của cô lại hài lòng khi thấy cô vui tươi hơn một chút.” Ngay cả câu ấy cũng không làm cô gái bực bội ấy nguôi giận. “Vâng?” Cô hỏi với một giọng ngọt ngào mềm mại, nghe còn thù địch hơn bất cứ câu đáp trả chua cay nào. Nhưng nó không khiến Hanaud phật ý chút nào. “Thế thì, cô lần đầu hay tin bà Harlowe đã chết vào khi nào?” Ông ta hỏi. “Lúc 7 giờ sáng hôm sau, cô hầu gái của tôi, Francine, chạy vào trong phòng tôi. Chị y tá, Jeanne, đã phát hiện ra sự việc. Tôi mặc áo choàng vào và chạy xuống dưới tầng. Ngay khi tôi thấy đúng là như thế thật, tôi cho gọi hai vị bác sĩ hay đến đây.” “Cô có để ý cốc nước chanh không?” “Có. Nó trống rỗng.” “Cô hầu gái của cô vẫn đi cùng cô à?” “Vâng, Francine Rollard. Ông có thể thoải mái hỏi han cô ấy.” Hanaud nhún vai và mỉm cười với vẻ nghi ngờ. “Nếu mà có cần thiết phải làm như vậy thì để sau tính cũng được. Giờ chúng tôi sẽ nghe đích thân cô kể lại những hành động của mình, cô Harlowe ạ, và đó mới là điều quan trọng.” Ông ta đứng lên khỏi ghế. “Tôi e là mình đã gây ra rất nhiều phiền phức, cô Harlowe à,” ông ta nói, kèm theo một cái cúi mình. “Nhưng để phục vụ lợi ích của chính cô, điều tối quan trọng là không được để sót lại bất kỳ khuất tất nào cho thiên hạ nghi ngờ. Và chúng ta đã gần kết thúc được đến nơi rồi.” Ngay khi Hanaud đứng dậy, Jim đã nuôi hy vọng là buổi thẩm vấn đầy mệt mỏi này đã kết thúc. Về phần Bey, cô chỉ tỏ thái độ hờ hững. “Đó là ông nói vậy thôi, ông Hanaud,” cô lạnh lùng nói. “Thế thì cho tôi xin phép hỏi về đúng hai điều, và tôi tin rằng khi ngẫm lại, cô sẽ hiểu tôi không hỏi cô câu nào không công bằng cả.” Bey cúi người. “Ông cứ hỏi hai điều đó đi, ông Hanaud.” “Thế thì đây là điều thứ nhất. Tôi tin rằng cô được thừa hưởng toàn bộ gia tài của bà Harlowe, đúng vậy không?” “Vâng.” “Cô có trông đợi sẽ được thừa hưởng tất cả không? Cô có biết gì về di chúc của bà ấy không?” “Không. Tôi cứ tưởng là một lượng tiền lớn sẽ được để lại cho ông Boris. Nhưng tôi không nhớ bác có nói với mình như thế bao giờ không. Tôi tưởng như thế, bởi vì ông Boris cứ liên tục nói đi nói lại là mọi chuyện sẽ diễn ra như thế.” “Chắc chắn là vậy rồi,” Hanaud nhẹ nhàng nói. “Về phần cô, bà Harlowe có đối xử hào phóng với cô hồi còn sống không?” Vẻ nghiêm nghị biến mất khỏi mặt Bey. Nó mềm ra, trở thành buồn bã và tiếc nuối. “Rất hào phóng,” cô hạ giọng trả lời. “Mỗi năm tôi được cho một ngàn bảng để tiêu xài, và ở Dijon thì một ngàn bảng làm được nhiều việc lắm. Ngoài ra, nếu tôi muốn có thêm, tôi chỉ việc hỏi xin là xong.” Bất chợt giọng Bey vỡ òa thành tiếng khóc, và Hanaud quay đi chỗ khác. Sự tế nhị ấy của ông ta khiến cho Jim được một phen bất ngờ. Ông ta bắt đầu nhìn ngó những cuốn sách trên giá để cô có thời gian kiểm soát nỗi buồn của mình, lôi xuống hết quyển này rồi đến quyển kia, và bình phẩm về chúng với một giọng rất thản nhiên. “Chẳng khó gì để nhận ra đây là thư viện của ông Simon Harlowe,” ông ta nói, và bỗng dưng phải ngưng bặt lại. Nguyên nhân là bởi cánh cửa vừa bật mở, và một cô gái xộc vào trong căn phòng. “Bey,” cô dợm nói, thế rồi đứng trân mắt nhìn các vị khách của Bey, hết người này đến người kia. “Ann, đây là ông Hanaud,” Bey nói, đồng thời phẩy tay bừa một cái, và Ann trở nên trắng bệch như một tờ giấy. Ann! Thế thì cô gái này chính là Ann Upco, Jim Frobisher nghĩ thầm, cái cô gái đã viết thư gửi cho anh, cái cô gái anh đã hai lần phủ nhận mình quen biết, trong khi anh đã từng ngồi bên cô, anh thậm chí còn đã từng nói chuyện với cô. Cô băng qua căn phòng, tiến đến chỗ anh. “Vậy là anh đã đến!” Cô thốt lên. “Nhưng tôi biết ngay là anh sẽ đến mà!” Jim bị mê hoặc bởi một mái tóc vàng óng ả bồng bềnh như sương, một cặp mắt màu ngọc lam, và một gương mặt vô cùng dễ thương và nước da hết sức thanh tú. “Tất nhiên là tôi đã đến rồi”, anh yếu ớt nói, và Hanaud theo dõi mọi sự với một nụ cười. Ông ta nhìn Bey Harlowe bằng một bên mắt, và nụ cười của ông ta truyền đạt thông điệp rõ ràng như nói thành lời, “Chàng trai trẻ kia sẽ gặp phải rất nhiều rắc rối trước khi rời Dijon cho mà xem.” """