" Ngọc Sáng Trong Hoa Sen - John Blofeld PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ngọc Sáng Trong Hoa Sen - John Blofeld PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo NGỌC SÁNG TRONG HOA SEN Tác giả: John Blofeld Dịch thuật: Nguyên Phong Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức Ebook: Cuibap Nguồn text: Waka.vn Lời Giới Thiệu Trong nửa thế kỷ qua, số người phương Tây thăm viếng phương Đông không phải là ít nhưng đã có mấy ai lĩnh hội được tinh hoa của phương Đông? Nếu có một thiểu số may mắn học hỏi được chút gì thì đã mấy người viết sách chia sẻ kinh nghiệm đó với chúng ta? Tất nhiên Lafcadio Hearn[1]đã làm điều này, nhưng ông chỉ ghi nhận vài chi tiết huyền bí về châu Á. Alan Watts[2]đi xa hơn trong việc tìm hiểu những giá trị tâm linh, nhưng ông cũng chỉ chú trọng về kỹ thuật và phương pháp chứ không đào sâu vào những phương diện khác. John Blofeld khác hẳn hai tác giả trên, ông không ghé thăm như một khách lạ mà sống hẳn ở đây gần trọn cuộc đời. Không những ông học hỏi và trải nghiệm nhiều, mà ông còn chia sẻ với chúng ta những vui buồn của kiếp người trong giai đoạn giao thời giữa Đông và Tây lúc đó. Khi Trung Hoa Cộng sản thắng thế tại Hoa lục, ông phải rời Trung Hoa nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa bùng nổ, ông là người phương Tây đầu tiên đã viết kháng thư phản đối và gọi hình ảnh Hồng vệ binh đốt sách vở, phá đền miếu là những “hành động phá hoại tồi tệ trong lịch sử nhân loại”. Đau đớn trước thảm trạng hủy diệt văn hóa, ông âm thầm sưu tầm, phiên dịch các tác phẩm lớn của Trung Hoa ra Anh ngữ, không phải chỉ cho độc giả phương Tây mà còn cho cả thế hệ sau của người Trung Hoa lưu vong. Ông là người Tây phương duy nhất mà tôi được biết đã thiết tha làm công việc bảo tồn truyền thống văn hóa Trung Hoa. Tôi quen John Blofeld trong thời gian ông giảng dạy văn hóa châu Á tại Đại học Syracuse, New York. Tuy là một “quý ông” người Anh nhưng ông còn có tác phong của một kẻ sĩ Trung Hoa, lúc nào cũng khoan thai, nghiêm trang và điềm đạm. Ông sống thanh bạch trong căn phòng nhỏ, trang trí giản dị với bàn thờ Phật, tủ sách và một tấm thảm để ngồi thiền. Ông dành trọn phần đời còn lại để viết sách và dạy học. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là ngoài việc soạn thảo tài liệu giáo khoa, ông còn dành thời gian sáng tác thơ Đường luật, một thể thơ khó mà làm cho thật hay. Không những thế, ông còn mở khóa dạy những người Mỹ trẻ gốc Trung Hoa về niêm luật thơ Đường và luôn luôn khuyên họ đừng bao giờ quên cái giatài văn hóa quý báu màcha ông họ đã để lại. Năm 1987, tuy nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn cố gắng soạn thảo một cuốn sách bằng tiếng Trung Hoa, viết cho những người trẻ sống tại Hoa lục. Nội dung cuốn sách tha thiết kêu gọi lớp người này hãy cố gắng tìm về và bảo tồn truyền thống cao đẹp của họ mà thế hệ trước đã có nhiều hành động hủy diệt. Trước khi mất, ông soạn một bài trường thi viết theo thể Đường luật để tặng bằng hữu bốn phương và một lá thư dài viết cho các độc giả. (Ghi chú: lá thư ấy đã được đưa vào phần Phụ lục của quyển sách này). John Blofeld không những là một học giả uyên bác với rất nhiều tác phẩm giá trị mà còn là một Phật tử tu theo hạnh Bồ Tát. Chỉ nội hai điều này đã bảo đảm giá trị những cuốn sách của ông nhưng hơn thế nữa, ông còn là một người thiết tha với Chân, Thiện, Mỹ, một người đã lĩnh hội được tinh hoa phương Đông rồi trao truyền cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Huston Smith Giáo sư triết học phương Đông, Đại học Syracuse, New York Giảng sư Thần học, Đại học Berkeley, California [1]. Patrick Lafcadio Hearn (1850 – 1904): Tác giả của nhiều sáng tác và khảo cứu về văn hóa phương Đông, đặc biệt là về văn hóa Nhật Bản. [2]. Alan Wilson Watts (1915 – 1973): Nhà văn, nhà triết học Anh. Ông được xem là một trong số những người tiên phong trong việc phổ biến văn hóa phương Đông đến phương Tây. 1 ChươngMộng Và Thực Vầng thái dương từ từ nhô lên khỏi đỉnh Tashiding, ánh sáng rực rỡ tỏa lan khắp sườn núi báo hiệu một ngày vừa bắt đầu. Những tia sáng hồng phản chiếu trên mặt tuyết trắng như muôn ngàn vết chấm phá rực rỡ nhảy múa. Hương thơm của muôn ngàn bông hoa dưới thung lũng theo gió quyện vào không gian, đó đây có tiếng thác nước rì rào, du dương trầm bổng. Trước cảnh thiên nhiên tuyệt vời như thế làm sao người ta có thể dửng dưng cho được? Làm sao người ta còn có thể bận bịu với những tính toán tầm thường mà quên đi sự mầu nhiệm tuyệt vời vẫn xảy ra chung quanh ta? Nhìn tia sáng lấp lánh trên lá cây, nghe tiếng chim ríu rít trên cành, ngửi mùi thơm ngát của hương đồng cỏ nội, người lữ khách sau chuyến hành trình gian nan mệt mỏi bỗng cảm thấy bừng tỉnh, tươi mát, như vừa được tắm trong một dòng nước mầu nhiệm, rửa sách mọi phiền não. Đã mấy hôm nay, ngày nào cũng thế, khi vầng thái dương vừa ló dạng, tôi đã vội vàng leo lên đỉnh đồi trước am thất của Lạt ma Tangku, ngồi xếp bằng, quay mặt về phương Đông để chiêm ngưỡng cảnh tượng tuyệt diệu của thiên nhiên phô diễn trước mắt. Có lẽ các bạn cho rằng cảnh mặt trời mọc thì có gì lạ. Có thể nó không lạ lùng với những người đang bận rộn về sinh kế, lo lắng hàng trăm thứ chuyện, những người đang ưu phiền trước khó khăn của cuộc sống, đang hoài niệm về quá khứ, suy tính cho tương lai. Tuy nhiên một khi đã biết trút bỏ những gánh nặng đó xuống, ý thức rõ rệt rằng quá khứ đã qua mà tương lai chưa đến, có ai ngăn cản chúng tatận hưởng cảnh đẹp tuyệt vời của hiện tại đâu? Có lẽ các bạn tự hỏi tại sao một người phương Tây mất công lặn lội qua các thung lũng nhỏ hẹp, đầy độc xà ác thú, vượt bao trở ngại thiên nhiên, để đến ngồi trước am thất nhỏ trên đỉnh Tashiding nhìn ngắm cảnh mặt trời mọc làm gì? Dĩ nhiên tôi không quản ngại đường sá xa xôi hiểm trở, tìm đến chốn này vì một mục đích rõ rệt. Tuy nhiên trước khi đi xa hơn về chuyến du hành lên Tashiding này, tôi muốn giới thiệu ít dòng về tôi, về những lý do đã đưa đẩy tôi tìm đến chốn này. Tôi xuất thân trong một gia đình trung lưu tại Regent’s Park, Luân Đôn. Cha tôi là một thương gia, mẹ tôi qua đời khi tôi vừa lên sáu nên tôi được chị vú Nerp nuôi nấng. Thuở ấu thơ của tôi chỉ quanh quẩn bên cạnh chị vú trong căn nhà rộng tại Regent’s Park. Cha tôi vì bận việc buôn bán nên rất ít khi có mặt ở nhà, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông chểnh mảng việc chăm sóc con cái. Là người Anh, ông không có thói quen biểu lộ tình cảm ra ngoài nhưng ông rất quan tâm đến việc giáo dục và tương lai của tôi. Dù bận rộn thế nào chăng nữa, ông không bao giờ quên mua cho tôi những cuốn sách về kiến thức phổ thông mà tôi rất thích. Có lẽ vì thế mà sách vở đã chiếm một địa vị quan trọng trong đời tôi. Khi học mẫu giáo, tôi là đứa bé duy nhất trong trường có thể vẽ trọn bản đồ thế giới với tên các quốc gia, thủ đô, núi non, sông hồ. Tuy nhiên địa lý không phải là môn học sở trường của tôi. Có lẽ tôi chẳng có môn nào gọi là sở trường cả. Tôi chỉ là một đứa bé thường có những ý nghĩ lạ lùng, khác thường, và hay đặt những câu hỏi mà người lớn không sao trả lời được. Tôi còn nhớ một buổi sáng như thường lệ, chị vú Nerp cầm ly sữa nóng bước vào phòng tôi. - Chị Nerp à, em vừa trải qua một giấc mơ lạ lùng. Em không nhớ rõ chi tiết nhưng đó là một giấc chiêm bao hết sức kỳ lạ. Chị Nerp tủm tỉm cười đưaly sữaratrước mặt tôi: - Lúc nào cậu chẳng mơ với mộng! - Thực mà, em đã mơ… nhưng tại sao em không nhớ gì hết? Nếu là giấc mơ thì người ta phải nhớ được chứ? Phải chăng đó không phải là một giấc mơ mà hiện nay em mới đang mơ? - Thôi đi cậu, tôi không biết cậu đã chiêm bao những gì nhưng chắc chắn hiện giờ cậu không mơ chút nào hết. Nếu cậu không uống ngay ly sữa này thì ông sẽ mắng cậu cho màcoi. - Nhưng… nhưng biết đâu chaem cũng chỉ là một giấc mơ, chị cũng là một giấc mơ, và bây giờ em vẫn đang mơ? Chị Nerp bật cười dí ly sữa vào miệng tôi: - Không đâu, đây không phải là một giấc mơ màlàthực. - Nhưng làm sao chị biết đâu là mơ và đâu là thực? Chị Nerp ấn ly sữa vào miệng tôi và không cho tôi nói tiếp, tôi vừa uống vừa cự nự nhưng chị vẫn tiếp tục dí sát ly sữa vào miệng tôi và cười rúc rích. Không hiểu sao câu chuyện tầm thường về mộng và thực đó cứ ám ảnh đầu óc của tôi suốt thời thơ ấu. Trong mấy năm tiểu học, tôi luôn luôn tự hỏi phải chăng cuộc đời chỉ là một giấc mộng? Nhiều năm sau, khi đọc sách của Trang Tử đến đoạn ông mơ mình hóa bướm và băn khoăn không biết có phải ông đã mơ thành bướm hay chính bướm đã mơ thành ông, tôi hết sức xúc động và cảm khái. Cả một dĩ vãng thơ ấu với câu hỏi về mộng vàthực một lần nữalại hiện rarõ rệt trong tâm trí tôi. Khi lên trung học, tôi thường bị ám ảnh bởi một cảm giác kỳ lạ rằng cái thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống có thể biến mất trong chớp mắt, tất cả chỉ còn lại một cái gì uyên nguyên rỗng lặng không thể diễn tả, không thể định danh. Hiển nhiên đó là một tư tưởng lạ lùng vì đầu óc những đứa trẻ cùng tuổi với tôi chỉ quanh quẩn với kết quả các trận bóng đá, các trò thể thao, cuộc ẩu đả trong lớp, hoặc việc bị phạt cấm túc trong phòng thầy giám thị. Tôi còn nhớ một buổi tối đi giữa sân trường, bốn bề yên lặng như tờ, trước mặt tôi là những tòa nhà cao lớn, những giảng đường đồ sộ, tự nhiên như có gì thôi thúc tôi bỗng nhắm mắt lại. Tôi tự hỏi tại sao khi mắt nhắm thì giảng đường, tòa nhà biến mất? Tại sao khi mở mắt thì chúng lại hiện hữu? Phải chăng nếu không có ngũ quan thì cái thế giới đầy màu sắc, âm thanh, hình thể này sẽ biến mất? Một lần nữa câu hỏi về mộng và thực, về thế giới hiện tượng của giác quan, và cái thế giới “tưởng như có mà dường như không có” kia lại trở lại với tôi. Liệu thế giới của chúng ta có thực sự hiện hữu không? Mặc dù không dám đặt câu hỏi với ai vì sợ bị chế giễu là điên khùng nhưng tôi vẫn nghĩ đó là một câu hỏi đúng đắn. Mùa hè năm đó cha tôi bị bệnh thương hàn. Để tránh việc tôi bị lây bệnh, cô Jessie của tôi đã đưa tôi về nhà riêng của cô ở gần bờ biển để nghỉ hè ít lâu. Cô Jessie thường đi bộ mỗi ngày vì theo cô “không gì tốt hơn đi bộ” (hiển nhiên cô rất có lý vì khi tôi viết những dòng này thì cô đã trên trăm tuổi và vẫn cố gắng đi bộ mỗi ngày). Hôm đó đang đi dọc theo những cửa hàng ngoài phố, tôi nhìn thấy một pho tượng nhỏ màu xanh bày trong tủ kính. Đó là tượng Phật Thích Ca ngồi thiền. Dĩ nhiên lúc đó tôi không biết đó là tượng gì, tôi chỉ biết nó có một cái gì lạ lùng hấp dẫn với tôi màthôi: - Cô Jessie ơi, nhìn kìa… pho tượng đẹp quá! Cô Jessie quá quen thuộc với sự vòi vĩnh đòi quà của đứa cháu nên đứng ngay lại: - Vậy ư? Cháu có thích pho tượng đó không? Người chủ tiệm đã quan sát chúng tôi từ xa, giờ vội vã bước ra, hai tay xoa vào nhau và mỉm cười thân thiện: - Cậu bé thích pho tượng phải không? Cậu có mắt tinh đời lắm. Đó là pho tượng rất hiếm màtôi vừa mua được từ Ấn Độ đấy. - Nhưng pho tượng đó dùng làm gì? Người chủ tiệm mỉm cười rút ra một miếng gỗ trầm, bật lửa đốt rồi bỏ vào trong lòng pho tượng. Thì ra đó là một pho tượng rỗng ruột dùng để đốt trầm, khói trầm bay ra từ mũi, miệng pho tượng lan ra khắp nơi nhưng tự nhiên tôi thấy khó chịu: - Tệ quá, pho tượng đẹp như vậy mà lại dùng để đốt hương liệu, trông kỳ cục, khôi hài làm sao. Nghe vậy cô Jessie nói ngay: - Phải đấy, pho tượng này xấu xí kỳ cục làm sao. Qua tiệm khác, cô sẽ mua cho cháu mấy thằng lính bằng sắt. Người chủ tiệm không chịu thua: - Nếu em không thích pho tượng này thì tôi còn một pho tượng khác nhưng nó chỉ dùng để trưng bày thôi. Ông lấy ra một tượng Phật tương tự như pho trước nhưng lớn hơn và đẹp hơn. Vừa trông thấy, tôi đã thích ngay. Cô Jessie nhìn ngắm pho tượng rồi lắc đầu: - Nhưng pho tượng này đâu có chơi được, để cô mua cho cháu mấy thằng lính bằng sắt có hơn không? - Không. Cháu thích pho tượng này. Người chủ tiệm mỉm cười, xoa hai tay vào nhau: - Phải rồi, mấy thằng lính sắt làm sao so với pho tượng này được. Cậu bé giỏi lắm, đây là một pho tượng rất quý làm tại Ấn Độ. Tôi bảo đảm không có mấy tiệm bán nó đâu. Cô Jessie ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi nhất định đòi mua pho tượng “xấu xí” đó: - Nhưng cháu đâu thể chơi gì với pho tượng này được? - Nhưng… cháu thích. Hai chữ “cháu thích” có một ý nghĩa tối hậu mà một bà cô thương cháu như cô Jessie không thể từ chối được. Khi về Luân Đôn, tôi đặt pho tượng lên bàn học bên cạnh chiếc máy quay dĩa mà cô Jessie mua cho hồi năm ngoái. Tôi rất thích ngắm pho tượng. Mỗi khi nhìn khuôn mặt bình an trầm tĩnh của Đức Phật, tôi thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc kỳ lạ nào đó. Dĩ nhiên lúc đó tôi không biết danh từ “Phật” có nghĩa là gì hay tượng trưng cho cái gì. Tôi chỉ gọi đó là “Chinese God”. Ít lâu sau, trong một buổi đi chơi với cha tôi tại khu Newberry, tôi mua được một cái khám thờ nhỏ bằng gỗ giá tỵ làm tại Miến Điện. Tôi đặt pho tượng vào trong cái khám thờ rồi trịnh trọng bày ở góc phòng. Hằng ngày tôi lựa những bông hoa đẹp nhất trong vườn đặt trước bàn thờ rồi ngồi yên chú tâm vào khuôn mặt đầy an lạc của pho tượng. Tôi còn vặn nhạc khi ngồi tĩnh tâm như vậy, tôi thích chọn bài Praeludium vì tính cách trang nghiêm của nó. Đối với một đứa bé mười một, mười hai tuổi, trò chơi trẻ con này xét ra vô hại, mặc dù hàng tuần đi dự thánh lễ tôi vẫn đọc đi đọc lại các điều răn, trong đó điều thứ ba ghi rõ “không được thờ cúng hình tượng”. Mãi cho đến năm mười ba tuổi, tôi bỗng ý thức được trọng tội này. Trong cơn hốt hoảng, tôi đập tan pho tượng và chiếc khám thờ, quăng vào thùng rác, rồi cảm thấy như có một cái gì “oanh liệt” trong người. Cho đến nay, tôi vẫn không thể giải thích vì sao tôi lại thích pho tượng đó. Tại sao một đứa bé đòi mua tượng Phật thay vì những thằng lính bằng sắt? Hình như có một cái gì từ bên trong thúc giục tôi tôn kính pho tượng mặc dù không biết đó làtượng gì. Tại sao tôi lại đặt nó trong khám thờ đẹp đẽ, hằng ngày mang hoatươi đến cúng, vặn nhạc trang nghiêm, rồi chăm chú ngồi yên trước pho tượng? Phải chăng lòng tôn kính và các nghi thức dâng hoa, trỗi nhạc đó phát xuất từ một thói quen trong tiền kiếp? Mãi cho đến năm mười lăm tuổi, tôi mới nghe nói đến danh từ “Phật”. Tôi đã quên hẳn pho tượng, quên hẳn trò chơi trẻ con ngày trước. Tôi đang bận rộn với những việc mà một đứa trẻ mười lăm tuổi cho là quan trọng, cho đến một hôm cùng cha tôi đi xem chiếu bóng. Đó là phim Ánh đạo phương Đông (Light of Asia) dựa theo cuốn sách nổi tiếng của sư Edwin Arnold viết về sự tích Đức Phật Thích Ca. Tôi còn nhớ rõ cảm giác “chấn động” khi bước ra khỏi rạp chiếu phim. Chưa bao giờ tôi lại xúc động nhiều như vậy. Tôi bước đi mà đầu óc vẫn quanh quẩn với những hình ảnh tuyệt vời trong phim. Hình ảnh vị hoàng tử trẻ tuổi, sống sung sướng trong cung vàng điện ngọc, lại từ bỏ tất cả để tìm đường giải thoát. Hình ảnh con người phi thường ngồi thiền dưới cội bồ đề đã nhắc nhở, kêu gọi nơi tôi một cái gì mà tôi chưa ý thức được. Tôi chỉ biết dường như có một niềm vui kỳ lạ, một sự sung sướng rạo rực, một cảm giác như mới “biết yêu lần đầu” dâng lên trong lòng. Hình như tôi vừa tìm được một cái gì thân yêu đã mất, một cái gì thiêng liêng cao quý, và tự nhiên tôi thấy mình niệm thầm danh hiệu Đức Phật Thích Ca. Khi lên trung học, cha tôi ghi tên cho tôi vào trường Haileybury thay vì Winchester hay Eton. Đối với một đứa bé không thích thể thao thì Haileybury là một nơi không thích hợp. Tuy nhiên ngoài truyền thống về kỷ luật và thể thao, Haileybury còn là nơi đào tạo nhiều chuyên viên kỹ thuật cho công ty East India, một công ty chuyên khai khẩn thuộc địa. Vì lý do đó, thư viện của trường có rất nhiều sách vở, tài liệu về các quốc gia phương Đông. Tôi đã tìm được một kho tàng vô giátrong các kệ sách đầy bụi bặm, ítai thèm đụng đến. Các sách vở, tài liệu về triết học, tôn giáo Á châu. Chính tại đây tôi đã say mê đọc các cuốn sách của Max Muller như bộ Sacred books of the East cũng như các bộ sách tương tự mà vì lý do nào đó đã tuyệt bản, hoặc không thể tìm thấy trên thị trường. Đối với các bạn trong trường, tôi thuộc hạng “cù lần”, nghĩa là không biết gì về thể thao hay những thú giải trí thịnh hành khác như cưỡi ngựa, săn bắn và khiêu vũ. Hiển nhiên đó không phải là điều xấu mà còn ngược lại, vì tôi có thể ngồi hàng giờ trong thư viện mà không sợ bị ai rủ rê hay quấy rầy. Nếu khi ở tiểu học tôi là đứa bé duy nhất có thể vẽ trọn vẹn bản đồ thế giới thì ở trung học, có lẽ tôi là học sinh duy nhất có thể phân biệt được kinh điển của Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Khổng giáo hay Lão giáo. Dĩ nhiên kiến thức của tôi chỉ là một thứ kiến thức “ếch ngồi đáy giếng” nhưng lúc đó tôi hãnh diện về nó biết bao. Mộtám ảnh lớn đối với tôi, vàcó lẽ với hầu hết học sinh trung học lúc đó, là kỳ thi tuyển vào Đại học Cambridge. Đây là một kỳ thi quan trọng, quyết định số phận cũng như tương lai của học sinh. Nếu thi đậu, vào được đại học này thì tương lai kể như bảo đảm. Nếu không, học sinh sẽ phải chật vật trong các đại học không nổi tiếng, và dĩ nhiên không hứa hẹn hay bảo đảm mấy cho tương lai. Tôi đã nghe nói nhiều về kỳ thi cam go, thử thách này, kỳ thi để “phân biệt đứa bé với người đàn ông”, để “lọc cát, thử vàng”. Càng gần đến ngày thi, áp lực của kỳ thi càng mạnh. Khắp nơi học sinh chúi đầu vào những quyển sách dày cộm, đọc tụng, nghiền ngẫm, hay học thuộc lòng. Những buổi tranh giải thể thao đã chấm dứt từ lâu, những ngày vui vẻ thoải mái trong sân trường cũng trôi qua từ lúc nào. Nhưng khuôn mặt ngây thơ bỗng trở nên tư lự, những nét thân thiết đã thành lo âu. Học sinh đâm ra gờm nhau khi biết năm nay số học sinh được tuyển chọn sẽ giới hạn hơn năm trước. Như vậy một sẽ chọi với năm mươi hoặc sáu mươi người trong kỳ thi sắp tới. Để khuyến khích, nhà trường thường mời những cựu học sinh của Haileybury mà hiện đang là sinh viên của đại học Cambridge về trường nói chuyện, khuyến khích, làm gương tốt cho đàn em noi theo. Người ta nói rằng chỉ những người “thành công” mới được Cambridge tuyển chọn, kẻ thiếu khả năng hiển nhiên bị đào thải như… lá mùa thu. Tôi không hiểu tại sao chỉ những người học Cambridge mới thành công? Tại sao giá trị con người lại được đo bằng sự thành công mà không là gì khác? Tại sao một kỳ thi tuyển lại trở nên quá quan trọng như vậy? Theo dõi những buổi diễn thuyết để khuyến khích học sinh, tôi thấy người ta cứ nhắc đi nhắc lại một điệp khúc về những tiêu chuẩn, mẫu mực, những con người lý tưởng, những tấm gương mà mọi người phải noi theo. Họ nhắc đi nhắc lại những con số thống kê, hằng năm bao nhiêu học sinh của Haileybury được tuyển vào Cambridge để tạo sự phấn khích nhưng không ai nhắc gì đến số phận những người không được thu nhận, những kẻ không “thành công”, hay những học sinh vì quáthất vọng trước kết quả kỳ thi đãtìm đến cái chết. Sau này khi đọc Trang Tử đến đoạn ông viết: “Được tự do sống theo sở thích của mình là hạnh phúc. Kẻ thích làm vua thì hãy làm việc của một ông vua. Kẻ thích ở ẩn thì hãy làm việc của kẻ ở ẩn. Một con chim đại bàng và một con chim sẻ, không con chim nào hơn con chim nào…” tôi cảm khái nhận thấy rằng người Tây phương quả không biết cách sống làm sao cho đúng với bản tính tự nhiên của con người. Họ luôn tranh đấu cho những lý tưởng mơ hồ, không thực tế. Đưa ra những mẫu mực, tiêu chuẩn không tự nhiên rồi bắt mọi người phải làm theo như vậy. Có lẽ sự áp chế phải sống theo khuôn phép, mẫu mực của một “con người lý tưởng” là nguyên nhân chính của những khổ đau, bất mãn, lo sợ, thiếu hạnh phúc thường thấy trong xã hội phương Tây. Phải chăng tự do chân thật là được sống đúng với bản tính của mình? Phải chăng bình đẳng là biết chấp nhận sự khác biệt giữa mình và mọi vật, không xen vào, không cản trở, không áp chế, để mọi vật được sống với cái tự tánh riêng biệt của chúng. Có như thế mới là tôn trọng quyền tự do, bình đẳng, vì bình đẳng không có nghĩalà một khuôn khổ nhất định màtrong đó tất cả mọi vật phải sống y hệt như nhau. Cuối năm đó, tôi thi đậu vào Đại học Cambridge nhưng môi trường ồn ào náo nhiệt, đầy tranh đua nơi đây đã làm tôi không thoải mái. Được tuyển vào Cambridge tuy không dễ nhưng đó chỉ mới là bước đầu. Phải cố gắng làm sao để đạt điểm thật cao, làm sao viết những bài luận giátrị, nghiên cứu các lý thuyết mới mẻ, ít ai biết mới là “trò chơi” của sinh viên đại học. Khác với trung học, học sinh thường thân mật với nhau, sinh viên đại học đối đãi với nhau như “kẻ thù”. Người ta cạnh tranh từng li từng tí một để có thể hơn người khác. Việc giáo dục con người, những con người mà tương lai sẽ nắm giữ những địa vị quan trọng như chỉ huy lãnh đạo, tiếc thay lại bắt nguồn từ thái độ tranh giành, thù hận, hơn thua đó. Thay vì khuyến khích sinh viên hiểu rõ mục đích cao cả của giáo dục qua sự hiểu biết về bản thân mình, thì trường học lại đặt ra những tiêu chuẩn như thành công, những mẫu mực như điểm hạng kỳ thi, do đó hệ thống giáo dục đã làm tôi thất vọng rất nhiều. Tôi thường tìm vào thư viện để đọc những sách vở của các triết gia phương Đông, những bậc trí nhân quân tử, và càng ngày càng thấy mình muốn tìm về phương Đông. Tuổi trẻ thường lạc quan, bồng bột và không thực tế, dĩ nhiên tôi không ở ngoài thông lệ đó. Tôi đã mơ về một thời thái bình thịnh trị, một xã hội trật tự mà trong đó mọi người đối xử với nhau bằng nhân nghĩa, bằng thành tín và bằng tình thương. Qua lăng kính thu hẹp của tôi, nơi đó phải là Trung Hoa, quê hương của Khổng Tử, Mạnh Tử và những bậc thánh hiền khác. Thời gian tại Cambridge tôi không đến nỗi cô độc như hồi ở Haileybury. Tôi làm quen được một số sinh viên có sở thích tương tự. Chúng tôi thường họp nhau bàn luận về luật Luân Hồi, Nhân Quả, kinh Vệ Đà, kinh Upanishads, v.v. Luật Luân Hồi đã mở cho tôi một chân trời mới, giải thích được nhiều điều mà cho đến lúc ấy tôi vẫn còn thắc mắc. Phải thành thật nói rằng nếu không hiểu biết và nhìn nhận luật này, cuộc đời sẽ không có ý nghĩa gì hết mà chỉ là một bài toán không thể giải đáp. Có nỗi khổ đau nào lớn hơn nỗi khổ không thể giải thích các sự kiện xảy ra trong cuộc đời? Làm sao người ta có thể sống chập chờn giữa các sự kiện mơ hồ, không rõ rệt, cứ nghi nghi ngờ ngờ, lo lo sợ sợ, không biết đâu là đúng đâu là sai, đâu là chân lý và đâu là ảo vọng? Trong đời sống vô thường, đầy hỗn loạn và bất công, người ta có thể hy vọng được gì? Chỉ có luật Luân Hồi mới đem lại cho con người một sự an ủi đúng đắn, hợp lý và giải thích được ý nghĩa củacuộc sống màthôi. Luật Luân Hồi giải thích rằng cái mà chúng ta gọi là “kiếp sống” thực ra chỉ là một phần nhỏ của “đời sống” kéo dài vô tận. Nếu có trí tuệ, có thể nhìn thấy toàn thể diễn tiến của đời sống, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đã bắt đầu từ lâu lắm rồi, có lẽ từ lúc trái đất vừa thành lập, hay biết đâu lại chẳng bắt nguồn từ những hành tinh, những cõi giới xa xăm nào đó. Chúng ta đã trải qua hàng trăm kiếp, kiếp này nối tiếp kiếp khác như sóng thủy triều, hết làn sóng trước đến làn sóng sau, không bao giờ chấm dứt. Nói một cách khác, luân hồi là sự tái sinh trong một thể xác mới, thích hợp với sự tiến hóa của tâm thức, trong những điều kiện chi phối bởi luật Nhân Quả. Nếu đời sống là một dòng sông trôi chảy thì kiếp sống chỉ là những giọt nước kết hợp thành dòng sông, và tùy theo các điều kiện chi phối mà giọt nước sẽ mang hình thái khác nhau, trong hay đục, có phù sa hay rong rêu, v.v. Cuộc đời là một trường học vĩ đại mà trong đó mọi người đều phải học hỏi, phát triển tâm thức tùy theo mức độ tiến hóa của mình. Đời sống hiện tại có thể là một bước tiến hay thoái kể từ khi kiếp trước chấm dứt (sự tin tưởng rằng con người có thể đầu thai thành thần linh hay một con vật, cũng là một cách diễn tả giản dị về quan niệm tiến hóa hay thoái hóa so với kiếp trước). Hiển nhiên con người có lúc trở thành một vĩ nhân, một thánh hiền nhưng cũng có lúc trở thành một con gà, con chó, hoặc đọa lạc vào cảnh địa ngục, ngạ quỷ. Khi di chuyển từ kiếp này qua kiếp khác, những điều đã học hỏi đều được ghi nhận, lưu trữ lại trong tàng thức vàảnh hưởng đến cátính con người trong kiếp sau. Tuy nhiên không phải điều gì cũng được lưu trữ. Những điều không cần thiết sẽ bị loại bỏ, đó là các điều liên hệ đến các giác quan như sờ mó, nghe, nhìn, nói, ngửi. Hiển nhiên nếu mọi sự đều được lưu trữ thì một đứa bé vừa sinh ra đã có khả năng như người lớn rồi, đâu cần tập đi, tập đứng, tập ăn, tập nói… nữa. Vấn đề quan trọng là người ta đã học hỏi được những gì và biết áp dụng thế nào vào đời sống hiện tại. Nếu kiếp trước họ đã học được bài học về lòng yêu thương thì kiếp này họ sẽ làm gì? Nếu họ biết thương yêu thì lòng yêu thương tiềm ẩn nơi họ sẽ được phát triển hơn lên, giống như một hạt giống được tưới nước, bón phân, sẽ kết hoa, trổ trái. Ngược lại, nếu vì lý do gì họ không yêu thương thì cái mầm thương yêu nơi họ sẽ bị thui chột, không phát triển được, như hạt giống rơi xuống sa mạc, không thể nảy nở. Nói một cách khác, giống như hạt mầm đang mọc, cái mầm chỉ có thể phát triển những gì có sẵn trong nó. Đó là lý do con người đều khác nhau, người thông minh, kẻ khù khờ, người giỏi âm nhạc, kẻ thích khoa học. Dĩ nhiên môi trường sinh sống có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cá tính con người, người có khả năng về âm nhạc nếu sinh vào môi trường không thích hợp, âm nhạc bị cấm đoán, sẽ không thể phát huy khả năng này. Tuy nhiên nếu lòng say mê âm nhạc mạnh mẽ, người đó sẽ tìm cách phát triển khả năng của họ bằng cách này hay cách khác, hoặc tìm đến những môi trường thuận tiện hơn để trau dồi khả năng này. Cũng như thế, một người có đầu óc hướng thượng, thích hợp với môi trường tâm linh sẽ không chịu gò bó trong áp lực chật hẹp của môi trường vật chất. Dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, trước sau họ cũng sẽ đi theo tiếng gọi thầm lặng của nội tâm. Đối với tôi, luật Luân Hồi đã giải thích được một số sự kiện mà tôi vẫn thắc mắc. Tại sao một đứa bé chưa đầy mười tuổi lại cứ băn khoăn về câu hỏi phải chăng cuộc đời như là một giấc mộng? Tại sao nó bị ám ảnh bởi những điều như thật và ảo, mộng và thực? Phải chăng đó là những ưu tư xuất phát từ tiền kiếp? Tại sao khi vừa thấy tượng Phật, tôi lại thích ngay? Phải chăng có một cái gì sâu xa trong đáy lòng đã biết nhận ra đó là một vật quen thuộc từ tiền kiếp? Tại sao một đứa bé chưa bao giờ thấy ai thiền định, lại biết đem pho tượng về nhà trang nghiêm thờ kính và yên lặng ngồi tĩnh tâm trước pho tượng? Phải chăng đó là một thói quen từ quá khứ? Phải chăng đã có một sợi dây liên lạc hết sức thân ái nối liền tôi với Phật giáo? Phải chăng tôi đã là một Phật tử trong tiền kiếp? Sau khi xem xong cuốn phim Ánh đạo phương Đông, tôi không còn nghi ngờ gì nữa, tôi biết đó là con đường mình đã chọn trong quá khứ, từ đó tôi trở lại con đường này một cách tự nhiên… Trong những năm đầu tại Cambridge, tôi và các bạn đã say mê nghiên cứu, học hỏi những định luật và truyền thống tôn giáo phương Đông. Tuy nhiên khi bước vào cuối năm thứ hai, đa số sinh viên bắt đầu biết lo lắng cho tương lai, số người họp nhau bàn chuyện viển vông dần dần thưa thớt. Người ta nói nhiều về nghề nghiệp, về việc làm, về tình hình chính trị, kinh tế, hay về những vấn đề thiết thực hơn là những lý thuyết về siêu hình, tôn giáo. Bước vào năm thứ tư, tôi thấy mình là người duy nhất vẫn thiết tha đến những đề tài “không thực tế” này. Năm thứ tư cũng đánh dấu một thay đổi lớn trong phạm vi tình cảm giữa cha tôi và tôi. Cha tôi muốn tôi học về thương mại để nối nghiệp nhưng tôi không thấy thích thú gì khi phải tính toán những con số lời lãi, thu chi. Sự cảm thông giữa cha tôi và tôi dần dần trở nên khô khan, lạnh nhạt, không còn như xưa nữa. Cha tôi không thể nói chuyện thoải mái với tôi, và tôi cũng không thể giải thích gì thêm cho cha tôi hiểu. Tôi biết cha tôi rất lo cho đứa con lên đến năm thứ tư mà vẫn chưa có một hướng đi rõ rệt, chưa chọn ngành học chuyên môn hay nghề nghiệp thích hợp. Tuy nhiên tôi vẫn không thấy mình thiết tha với ngành học này, chỉ học qua loa lấy lệ, đủ điểm lên lớp, và đầu óc vẫn bận rộn về những điều màcó nói racũng không ai hiểu. Trong khi cha tôi vận động cho tôi khởi sự thực tập tại các cơ sở thương mại thì tôi chỉ nghĩ đến việc viếng thăm Trung Hoa, gặp gỡ các đạo sĩ mặc áo thụng, đầu búi tó củ hành, tay cầm phất trần, ngồi lim dim trước đỉnh trầm hương thơm nghi ngút. Khi bạn bè cùng lớp nói về những lý thuyết kinh tế mới nhất, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến những quan niệm như Tu, Tề, Trị, Bình. Khi giáo sư giảng về việc gia tăng năng suất lao động thì tôi chỉ muốn học hỏi thêm về thuyết Kiêm Ái. Càng ngày tôi càng cảm thấy xa lạ với môi trường chung quanh, không thể thích hợp trong đời sống đóng khung, hoạch định sẵn như vậy. Tôi có cảm tưởng như mình là một kẻ bị đày, một kẻ sinh lầm nơi chốn. Cuối cùng, trước áp lực nặng nề của gia đình và nhàtrường, tôi quyết định phải bỏ đi thật xa… 2 ChươngTứ Hải Giai Huynh Đệ Tôi bước chân xuống tàu S.S. Katori Maru đi Hồng Kông mà không có sự chấp thuận của cha tôi. Vì lòng hăng say mạo hiểm hay vì một động lực nào đó không rõ, tôi liều lĩnh lên đường, bất chấp việc học còn dang dở, hành trang chỉ giản dị có mấy bộ quần áo và số tiền nhỏ của cô Jessie dúi cho. Tôi đã tiết kiệm mua vé hạng ba, ăn uống giản dị, sẵn sàng làm thêm mọi việc lặt vặt trên tàu để kiếm thêm tiền. Chiếc tàu cũ kỹ này cũng đã bước vào giai đoạn phế thải, đi đến đâu hư hỏng đến đấy, thủy thủ đoàn phải cố gắng lắm mới lèo lái nó vượt sóng gió đại dương đến được bờ bến an toàn. Càng gần đến châu Á, lòng tôi càng náo nức không yên. Nhiều đêm đứng trên boong tàu nhìn ngắm những vì sao lấp lánh, tôi có cảm giác rộn ràng như đứa con đi hoang đang trở về nhà. Khi tàu ghé Singapore, tôi không kiên nhẫn được nữa, ngực tôi như muốn nghẹt thở, cổ họng tôi khô rát, lòng nóng như lửa. Chỉ một thời gian ngắn nữa là tôi có thể đặt chân lên mảnh đất tôi hằng ao ước bấy lâu nay. Khi tàu đến Hồng Kông, tôi không chú ý gì đến những cảnh tượng ồn ào, náo nhiệt trên bến mà chỉ nóng lòng tìm chỗ mua vé xe lửa đi Quảng Đông. Đối với tôi, Hồng Kông chưa phải là Trung Hoa, chưa phải nơi tôi muốn biết. Ngồi trên xe lửa, tôi say sưa nhìn ngắm những ruộng lúa mênh mông, thả hồn theo đàn cò trắng bay lượn về cuối chân trời. Tôi thích thú quan sát những chiếc xe chở rơm, những đứa bé mục đồng, những người nông phu đang cày cấy. Những hình ảnh đó dường như gợi cho tôi một cái gì quen thuộc, một cái gì đầy thương yêu, một mối cảm xúc không thể diễn tả. Tôi lẩm bẩm “Rồi cũng có lúc đứacon đi hoang phải trở về nhà”. Tuy nhiên Trung Hoa lúc đó so với Trung Hoa trong mộng của tôi khác nhau rất xa. Xa như ngày và đêm, như tối và sáng. Thực tế đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về sự mơ mộng này. Chỉ một thời gian ngắn, tôi đã biết cha tôi nói đúng, người ta không thể làm gì nếu không có tiền trong túi. Người ta có thể coi thường tiền bạc khi trong túi xu hào rủng rỉnh; người ta có thể khinh rẻ vật chất khi vẫn có một mái nhà ấm cúng che chở, khi bao tử no đầy, nhưng người ta không thể thoải mái lúc trong túi không tiền, không thể ung dung lúc bao tử trống rỗng. Khi những hăng say bồng bột ban đầu tan biến, khi va chạm với thực tế phũ phàng, tôi mới ý thức được rằng xã hội Trung Hoa còn vất vả, chật vật hơn xã hội phương Tây rất nhiều. Người dân tại đây còn bận rộn về sinh kế hơn cả những thương gia bận rộn nhất Luân Đôn. Không thấy ai nhàn hạ cưỡi trâu, thổi sáo như trong những bức họa cổ mà tôi đã thấy. Không ai ung dung mặc áo gấm thêu rồng thêu phượng như tranh ảnh trên báo chí. Hầu như nhà nào nhà nấy đều cửa đóng then cài chặt chẽ, làm gì có cảnh nhà không đóng cửa, đồ rơi không người nhặt như trong sách tôi thường đọc. Đến lúc đó tôi mới biết mình lầm và lầm rất lớn. Khi những xúc động bàng hoàng lúc đầu từ từ chìm lắng, khi số tiền khiêm tốn mang theo hao hụt thấy rõ, tôi biết ngay nếu không có biện pháp đối phó thích nghi thì tôi sẽ gặp khó khăn, khốn đốn ngay. Về sau, nghĩ lại việc làm ngây thơ dại dột lúc đó, tôi không khỏi cười thầm cái thói trẻ người non dạ, viển vông, không thực tế của mình. Một điều may mắn cho tôi là mức sống tại đây so ra vẫn còn thấp hơn Luân Đôn nhiều. Mấy chục bảng Anh còn sót lại đủ cho tôi sống thêm ít tuần nữa. Lúc đầu chương trình du lịch của tôi không có mục phải kiếm tiền nuôi thân, nhưng hiển nhiên không cần phải là người thông minh mới biết rằng cái dự định đó hoàn toàn không thực tế. Biết không thể kiếm được việc làm tại một nơi xa lạ, với khả năng ngôn ngữ bất đồng, tôi đành đáp xe lửa trở về Hồng Kông. Tôi tìm đến các tiệm buôn của người Anh để xin việc nhưng người ta tiếp đãi tôi vô cùng lạnh nhạt. Đa số tỏ ra nghi ngờ, không biết một kẻ “mạo hiểm” như tôi có mưu tính điều gì mờ ám không. Tôi tìm đến một tờ báo tiếng Anh để xin việc, nhưng dù có thiện chí, người chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm ký giả, kiêm luôn cả chức “thầy cò” cũng không thể mướn tôi. Ông chỉ hứasẽ trảtiền theo bài nếu những bài viết củatôi ăn khách. Phần lớn độc giả người Anh xa xứ thường muốn biết về những việc xảy ra bên quê nhà, kể cả những việc không còn là thời sự. Tuy nhiên tôi là kẻ mơ mộng, nào có để ý gì đến những việc xảy ra tại Luân Đôn; ngay các biến cố chính trị lớn tôi còn không để ý huống chi các thời trang phụ nữ, các vấn đề xã hội mà độc giả tại đây muốn biết. Tôi chỉ có thể viết về trường Cambridge, về đời sống sinh viên, vốn không hấp dẫn bao nhiêu. Cụm từ “đại học Cambridge” khiến ông chủ bán báo nhíu mắt lại, theo ông đây là một đặc điểm có thể khai thác được. Ông đề nghị tôi nên mở lớp dạy Anh ngữ cho những sinh viên Trung Hoa đang chuẩn bị du học Anh quốc. Một lớp được dạy bởi người xuất thân từ Cambridge chắc chắn phải đặc biệt rồi. Từ đó tôi trở thành giáo sư Anh ngữ cho các học sinh bản xứ. Trở ngại đầu tiên của tôi là vấn đề ngôn ngữ bất đồng. Mặc dù người Anh có mặt tại Trung Hoa đã lâu nhưng ngoại trừ các khu phố chính, những nơi giao dịch, buôn bán với người ngoại quốc có một thiểu số biết nói tiếng Anh, đa số dân chúng địa phương đều sử dụng tiếng Quảng Đông hoặc tiếng phổ thông. Ngay trong mấy hôm đầu, tôi đã biết nếu không nói tiếng xứ này, người ta không thể đi đâu hay làm gì được. Tôi tập trung nỗ lực học tiếng Quảng Đông. Với hai cuốn từ điển dày trong túi, tôi xông xáo khắp nơi, gặp ai cũng cố gắng bắt chuyện, học hỏi. Lúc đầu còn quanh quẩn trong các khu phố có người ngoại quốc nhưng dần dần tôi thích đi xa hơn giới hạn của các khu này. Nhờ thế chỉ vài tuần sau, tôi đãcó thể nói chuyện, giao dịch một cách giới hạn, bằng tiếng Quảng Đông. Để thích hợp với hoàn cảnh mới, tôi thay đổi cách phục sức,ăn mặc như người bản xứ, và chọn một cái tên Trung Hoa: Phùng Minh Đạo, với hy vọng sẽ gặp được một con đường sáng tại đây. Thay vì thuê phòng khách sạn, tôi mướn một căn phòng nhỏ trong khu phố nghèo với giá năm bảng Anh một tháng. Với giá hai bảng Anh, tôi mướn một đứa nhỏ để sai vặt. A Hùng, đứa nhỏ tôi mướn, còn dọn dẹp, nấu nướng và giặt giũ nữa. Một điều đáng ghi nhận là nhân công tại Trung Hoa lúc đó rất rẻ. Với nạn nhân mãn hoành hành, thêm việc trộm cướp vì tình hình chính trị, kinh tế nội địa bất an, số người nghèo kéo về Hồng Kông kiếm việc rất đông. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để đổi lấy cơm ngày hai bữa và một chỗ ngủ thoải mái. A Hùng cũng ở trong số người đó. Tuy chưa đầy mười ba tuổi, cậu bé đã rời nhà lên Hồng Kông kiếm việc nuôi thân và dành dụm để giúp gia đình tại Phúc Kiến. Một hôm tôi thấy trong người khó chịu, cổ họng đau nhức, toàn thân nóng ran. Chỉ một lúc, hai mắt tôi đã hoa lên không nhìn thấy gì nữa, tôi choáng váng ngã vật xuống giường rồi thiếp đi luôn. Tôi không biết mình nằm như vậy bao lâu nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy A Hùng đang đứng bên giường, mặt mày lo âu thấy rõ. Tôi thều thào yêu cầu cậu đi gọi bác sĩ nhưng khi cậu đi rồi tôi mới chợt nhớ rằng mình đã hết sạch tiền. Số tiền dạy kèm tiếng Anh đã dùng để trả tiền nhà, lá thư viết cho cô Jessie để xin tiền chưa hoàn tất vẫn nằm trên bàn viết. Tôi lo lắng không biết phải làm sao và hy vọng không bác sĩ nào chịu đến thăm bệnh tại khu phố nghèo nàn, bẩn thỉu như thế này. Khi A Hùng trở về, tôi ngạc nhiên khi thấy một người Trung Hoa gầy ốm, mặc áo lụa trắng, đầu đội mũ quả dưa theo hắn vào phòng. Người này thong thả đến bên giường quan sát tôi một lúc rồi nhẹ nhàng đưa tay bắt mạch. Không biết vì lý do gì, vừa thấy người này tôi có cảm giác như đã gặp ở đâu rồi. Tôi cố gắng lục soát trí nhớ nhưng đầu óc mơ hồ, nửa mê nửa tỉnh của tôi không thể tập trung được. Tôi lặng lẽ nhìn khuôn mặt điềm tĩnh, phảng phất vẻ nghiêm nghị, giống như khuôn mặt của các học giả phương Đông thường thấy qua các tranh vẽ. Khi người nọ nắm tay tôi bắt mạch thì tự nhiên đầu óc tự tôn của người phương Tây trong tôi nổi lên. Làm sao một thanh niên Trung Hoa gầy gò, mặt mày tái nhợt thế kia lại có thể là một y sĩ được? Phải chăng A Hùng lười biếng không tìm đến những bác sĩ được huấn luyện từ đại học Y khoa mà đi mời một thầy lang địa phương? Tuy là người say mê văn hóa Trung Hoa, thán phục các bậc thánh hiền như Lão Tử, Khổng Tử, nhưng tôi không tin tưởng gì về Đông y cả. Tôi không thể tin những vị thuốc đen xì như hắc ín, những xác rắn, thằn lằn phơi khô treo trước cửa các dược phòng lại có công dụng y lý gì. Người thanh niên hỏi tôi vài câu về bệnh trạng nhưng dường như hỏi chỉ để hỏi mà thôi, có lẽ anh ta đã biết trước câu trả lời của tôi như thế nào rồi. Anh ta rút ra một túi nhỏ đựng cuộn giấy, vài cây bút lông, một thỏi mực và một cái nghiên bằng đá. A Hùng nhanh nhẹn chạy vào bếp lấy ra một bát nước. Người thanh niên thong thả mài mực vào nghiên. Từ giường bệnh tôi cố gắng nhấc đầu lên quan sát nhưng chỉ thấy khuôn mặt hết sức điềm tĩnh của người thanh niên đang chăm chú thảo đơn thuốc. Khi anh trao cho A Hùng, tôi thấy thằng nhỏ có vẻ ngần ngại. Nó biết tôi đã hết sạch tiền từ mấy hôm nay rồi. Tôi bối rối không biết phải làm sao thì thấy A Hùng rút ra một cái ruột tượng mà nó vẫn cất kỹ phía sau tủ ra. Thằng bé đếm đủ mấy quan tiền rồi cầm đơn thuốc cắm đầu chạy ra khỏi nhà. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra ràn rụa. A Hùng mới giúp việc cho tôi một thời gian ngắn, chưa lãnh tiền công được bao nhiêu, và đang cố gắng dành dụm để gửi tiền về cho cha mẹ. Tuy nhiên hắn cũng biết tôi đang gặp khó khăn về tài chính, và sẵn sàng giúp đỡ. Tôi tự nhủ sẽ bồi hoàn cho hắn thật xứng đáng khi có dịp. Trong khi chờ đợi A Hùng trở về, người thanh niên kéo ghế ngồi xuống cạnh giường nói chuyện. Tôi cho anh biết tuy là người Anh nhưng tôi đã chọn một cái tên Trung Hoa: Phùng Minh Đạo. Thanh niên xưng tên Tạ Hải, một Đông y sĩ cư ngụ tại đường Caine Road cách đó không xa. Tạ Hải cho biết anh xuất thân trong một gia đình y sĩ, cha anh đã hành nghề tại Bắc Kinh nhiều năm, và ông nội của anh đã có thời gian giữ chức Ngự Y trong triều. Đang nói chuyện, bỗng Tạ Hải nhìn thấy bàn thờ nhỏ củatôi kê ở cạnh tủ sách: - Ông Phùng, hình như ông cũng là một Phật tử? - Thưa vâng. Tôi đã là một Phật tử mấy năm nay rồi. Có lẽ ông nhìn thấy bàn thờ Phật củatôi ở góc phòng? - Chính thế. Tôi rất ngạc nhiên và sung sướng khi được biết giáo lý cao đẹp của đức Thế Tôn đã được truyền bá quatận bên Anh quốc. Hay quá, hay quá… Tôi vắn tắt kể cho Tạ Hải nghe việc tôi đã say mê đọc sách vở về Phật giáo tại Haileybury và Cambridge như thế nào. Tạ Hải chăm chú lắng nghe, mặt anh ta sáng lên một vẻ thích thú, bất chợtanh cúi xuống sát giường nói thật chậm: - Ông Phùng, xin phép ông cho tôi hân hạnh được làm một việc rất nhỏ là chữa bệnh cho ông. Tuy mới quen biết nhưng dường như chúng ta đã quen nhau từ lâu rồi. Hơn nữa, chúng ta đều là anh em, đều là con của đấng cha lành, đức Phật Thích Ca, vàtôi không bao giờ tính tiền anh em trong nhàcả. Nỗi lo lắng phải trả tiền chẩn bệnh của tôi bỗng tiêu tan như mây khói. Tôi cảm động không sao thốt nên lời, chỉ lắp bắp vài câu cám ơn. Sau khi khỏi bệnh, tôi tìm đến phòng mạch của Tạ Hải để cám ơn. Sau câu chuyện xã giao, chúng tôi chuyển qua đề tài tôn giáo. Tạ Hải cho biết anh là một tín đồ Phật giáo thuần thành, đã có cơ hội học hỏi với nhiều vị cao tăng nổi tiếng. Chúng tôi đàm đạo rất tương đắc. Lúc ra về Tạ Hải rất thiết tha mời tôi trở lại. Tình bạn của chúng tôi nảy nở từ đó, cứ vài hôm tôi lại tìm đến phòng mạch của Tạ Hải để đàm đạo, và chỉ vài tháng sau, tôi đã trở thành một người khách quen thuộc, một người ngồi thường trực trong căn phòng chẩn bệnh thiết kế lịch sự với những kệ sách lớn, với những đồ đạc bằng gỗ cẩm lai bóng lộn và những bức tranh vẽ chằng chịt các kinh mạch, huyệt đạo. Tuy Caine Road là khu phố buôn bán sầm uất, lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt nhưng phòng mạch của Tạ Hải lại có một không khí yên tĩnh, trang nghiêm khác thường. Muốn vào đó người ta phải đi ngang một khu vườn nhỏ với hòn non bộ, cây kiểng để ngăn bớt tiếng động bên ngoài. Tôi thường đến thăm Tạ Hải vào buổi xế chiều, khi số bệnh nhân đã thưa bớt, như thế chúng tôi có thể đàm đạo đến khuya mà không sợ ai quấy rầy. Dĩ nhiên đôi khi cũng có những người bệnh đến bất ngờ, làm gián đoạn câu chuyện của chúng tôi. Theo phong tục phương Tây, việc khám bệnh thường có tính cách riêng tư giữa bệnh nhân và y sĩ, những người không liên hệ không được phép vào. Điều này không xảy ra tại đây, đa số người bệnh không phàn nàn, và Tạ Hải cũng không hề tỏ thái độ nào về sự hiện diện của tôi trong phòng khám bệnh. Thường thì người bệnh bước vào gật đầu chào Tạ Hải rồi bắt đầu tả bệnh trạng của mình, đôi khi cũng có người liếc nhìn về phía tôi nhưng chỉ thế thôi, không ai tỏ ra mất tự nhiên hay khó chịu về việc có sự hiện diện của một người lạ mặt. Tạ Hải thường chẩn bệnh một cách nghiêm túc, đứng đắn, không để lộ tình cảm. Về sau tôi mới biết bản tính của anh vẫn thế, lúc nào cũng đạo mạo, nghiêm trang, tuy bề ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng bên trong rất tận tụy và có lương tâm. Sau khi nghe người bệnh diễn tả bệnh trạng, Tạ Hải yêu cầu họ vén tay áo lên để bắt mạch. Việc chẩn bệnh diễn ra một cách hết sức yên lặng. Tạ Hải chăm chú lắng nghe một hồi lâu cho đến khi gật nhẹ đầu như đã tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Việc chẩn bệnh chỉ giản dị có thế, không mấy khi tôi thấy Tạ Hải làm gì khác hơn. Sau khi bắt mạch, Tạ Hải thong thả giải thích cho bệnh nhân về bệnh trạng của họ trước khi kê đơn cho thuốc. Nhờ ngồi đó, tôi chứng kiến nhiều cách định bệnh lạ lùng mà một người Tây phương chắc chắn không thể tin được. Làm sao chỉ sờ vào cổ tay bệnh nhân mà một y sĩ có thể biết được người đó đau gan, đau thận hay sưng phổi? Làm sao chỉ cần nhìn qua sắc diện bệnh nhân mà y sĩ có thể nói luôn về tình trạng dinh dưỡng hay những liên hệ về tâm sinh bệnh lý của họ? Đôi khi Tạ Hải không đề cập gì đến bệnh trạng mà lại nói về những quan niệm trừu tượng như khí huyết, nóng lạnh, âm dương, ngũ hành, nghịch khí hay thuận khí. Việc chữa trị cũng không nhất định, có lúc anh ta kê đơn cho thuốc, khi lại bắt bệnh nhân thay đổi cách ăn uống, dinh dưỡng hay khuyên họ không nên lo lắng thái quá mà sinh đau lưng, nhức mỏi. Theo Tạ Hải, cơ thể con người khỏe mạnh lúc nào cũng quân bình, bệnh tật chỉ là những triệu chứng của sự mất quân bình trong cơ thể. Thay vì chữa trị từng cơ quan riêng biệt, đau đâu chữa đó như y khoa phương Tây thì Tạ Hải chủ trương việc chữa trị phải có tính cách toàn diện để lập lại sự quân bình trong cơ thể. Tôi không biết bệnh nhân có hiểu gì về lời giải thích này hay không nhưng phần lớn tỏ ra hết sức tin tưởng vào tài chẩn bệnh cũng như chữa bệnh củaanh ấy. Ngày tháng cứ thế chầm chậm trôi, chẳng mấy chốc tôi đãsống tại đây gần một năm. Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu không quen Tạ Hải và một số bằng hữu của anh ta thì đời sống của tôi sẽ như thế nào? Trong thời gian đầu, cuộc sống của tôi rất túng thiếu, số tiền kiếm được qua việc kèm sinh ngữ chỉ vừa đủ để trả chi phí nhưng không đủ để đi du lịch, thăm viếng các danh lam thắng cảnh như ý muốn. Mãi về sau, khi đã quen biết nhiều, giao thiệp rộng, cuộc sống dần dần trở nên dễ chịu hơn. Ở phương Tây, việc làm thường được xây dựng trên cơ sở bằng cấp, khả năng chuyên môn; nhưng tại Trung Hoa, tất cả tùy thuộc vào tiếng tăm và quen biết. Dù có khả năng, bằng cấp, học vấn gì chăng nữa nhưng thiếu quen biết thì vẫn bị coi là “người ngoài” và không ai giao dịch, làm ăn buôn bán với những người đó cả. Chỉ khi nào được sự với thiệu bảo đảm của một ai đó thì mọi việc mới tiến triển được. Lúc đầu mở lớp dạy sinh ngữ, tôi gặp nhiều khó khăn vì không ai giới thiệu, chỉ có vài học sinh tò mò muốn học thử mà thôi. Về sau khi quen biết rộng, chỉ cần vài người có uy tín trong vùng lên tiếng thì số học sinh ghi danh đã gia tăng rõ rệt. Thay vì mở một lớp tôi đã phải mở đến hai, ba lớp mà vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu, nhưng đó làchuyện về sau. Ngoài việc đàm đạo về Phật học với Tạ Hải và với các bạn của anh, tôi còn có dịp tham gia một thú giải trí hết sức tao nhã: làm thơ vịnh cảnh. Chúng tôi thường họp nhau tại nhà một người nào đó, cũng có khi trên một con thuyền thả trôi theo dòng, uống trà thưởng trăng rồi xướng họa với nhau những vần thơ ca tụng cảnh đẹp thiên nhiên. Tuy khả năng sinh ngữ còn kém nhưng nhờ Tạ Hải ngồi cạnh giải thích nên tôi cũng hiểu được phần nào ý nghĩa những bài thơ này. Đôi khi người ta cũng ép tôi phải họa theo, và tôi chỉ biết đỏ mặt tía tai lắc đầu lia lịa. Tuy nhiên sau một thời gian ngồi chầu rìa, tôi cũng ê a một vài câu họa. Dĩ nhiên mọi người cười ầm lên thích thú rồi xúm vào khuyến khích. Một người bạn của Tạ Hải dạy tôi cách gieo vần họa điệu, giảng giải cho tôi về niêm luật thơ phú nên ít lâu sau tôi bắt đầu sáng tác được vài vần thơ xướng họa với mọi người. Hầu hết những người này đều thuộc dòng dõi học giả, quan lại, trung thành với triều đình, đã lánh nạn ra Hồng Kông sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911. Chính nhờ họ mà tôi học hỏi được nhiều về nghệ thuật sống của người phương Đông. Mùa thu đầu tiên trôi qua với nhiều kỷ niệm đẹp và mùa đông cũng đến một cách nhẹ nhàng. Khí hậu nơi đây tuy không lạnh như Luân Đôn nhưng cũng đủ làm người ta co ro trong nhà, ít ai ra khỏi cửa. Tôi cũng tận dụng thời gian này để học thêm tiếng Trung Hoa, tập đọc các sách phổ thông như Tam Quốc Chí, Tây Du và Phong Thần. Một ngày đầu xuân, tiết trời hơi lạnh, tôi quyết định đến thăm Tạ Hải. Như lệ thường, tôi khoác chiếc áo nỉ may theo kiểu Trung Hoa, và theo thói quen cài thêm một bông hoa nhỏ lên ngực. Vừa bước vào phòng khám bệnh, tôi cảm thấy có một sự gì khác thường. Căn phòng đầy người, đa số là đàn ông lớn tuổi ăn mặc lịch sự. Chỉ cần nhìn sơ qua những bộ quần áo bằng gấm thượng hạng, tôi biết họ thuộc giai cấp quyền quý, nếu không phải bậc trưởng giả thì cũng đại phú gia. Tất cả quây quần bên một ông lão, khuôn mặt hồng hào quắc thước ngồi trên chiếc trường kỷ kê giữa phòng. Điều ngạc nhiên hơn nữa là có một số người còn ngồi luôn cả xuống đất, sát cạnh chân ông lão. Không như người Ấn Độ hay Thái Lan thường ngồi xổm dưới đất, người Trung Hoa đã biết sử dụng ghế từ lâu, rất ít ai ngồi bệt xuống đất, nhất là trong các buổi họp quan trọng, với quần áo lịch sự như vậy. Tôi đang bỡ ngỡ chưa biết phải làm gì thì Tạ Hải ở đâu bước lại. Anh ta nắm lấy áo tôi kéo thẳng về phía ông lão và nói khẽ: - Ông Phùng, cẩn thận đấy nhé, nhớ khấu đầu đúng balần. Đã quen với cách chào cung kính của người Trung Hoa, tôi biết khấu đầu ba lần là một nghi thức bày tỏ sự kính trọng đặc biệt nhưng tôi vẫn chưa biết người khách lạ kialàai. Tạ Hải trịnh trọng lên tiếng: - Thưa trưởng lão, con xin giới thiệu một bằng hữu đến từ phương xa, một Phật tử người Anh, Phùng Minh Đạo tiên sinh. Nói xong anh lấy khuỷu tay huých nhẹ vào hông tôi để ra hiệu. Tôi lật đật quỳ xuống đất, khấu đầu đúng ba lần. Trong lúc làm lễ, tôi liếc thấy ông lão mặc một bộ quần áo rất lạ, khác hẳn các y phục thông thường. Đó là một chiếc áo choàng màu tím thẫm, có những đường chỉ viền quanh. Ông còn quấn một sợi dây dài ngang hông bằng lụa vàng óng ánh với những tuarất dài. Ông lão mỉm cười: - Một Phật tử… từ nước Anh ư? Lành thay! Lành thay! Tôi nghe giọng ông lão lơ lớ, không giống như giọng người Trung Hoa. Tuy ông nói tiếng phổ thông khá rõ nhưng tôi nghe sao vẫn như giọng một người ngoại quốc. - Thưa vâng, tôi là một Phật tử nước Anh. Ông lão mỉm cười giơ tay vỗ nhẹ vai tôi rồi chỉ xuống đất, như có ý bảo tôi hãy ngồi xuống đó. - Lành thay, một Phật tử từ phương xa đến. Phải chăng anh muốn hỏi tôi một vài điều về Phật pháp hay có vấn đề gì muốn nói riêng với tôi nữa? Có lẽ vì bỡ ngỡ nên tôi trảlời như một cái máy: - Thưatrưởng lão…vâng… vâng… - Được lắm, anh cứ hỏi đi. Người Tây Tạng chúng tôi không có thói úp mở loanh quanh đâu. Muốn gì cứ việc nói đi… Tôi giật mình. Câu nói “người Tây Tạng chúng tôi” dường như có một mãnh lực kỳ lạ nào đó khiến đầu óc của tôi trở nên hoang mang. Như vậy ông lão là người Tây Tạng, phải chăng đó là một vị Hóa Thân, hay Phật sống mà tôi vẫn nghe sách vở đề cập? Tôi đã đọc khá nhiều sách về Phật giáo Tây Tạng nhưng không có mấy cảm tình với phái này. Theo tôi, đây là một hình thức tín ngưỡng đã bị pha trộn nhiều pháp thuật phù thủy, mê tín dị đoan, khác xa với giáo lý cao đẹp của Đức Phật. Tôi nghe nói tu sĩ phái này sử dụng bùa ngải, pháp thuật và thường giao du với cõi vô hình nên theo tôi Phật giáo Tây Tạng đã mang một sắc thái hoang đường, kỳ lạ, huyền bí, hư hư thực thực. Nếu ông lão này là người Tây Tạng thì phải chăng ông là một kẻ luyện phép phù thủy? Tuy nhiên tôi không thấy ông có vẻ ghê gớm của một người luyện tà thuật. Trái lại ông có nét mặt hiền lành, phúc hậu, lúc nào cũng tươi cười thân thiện. Hơn nữa tôi thấy không khí trong phòng có vẻ trang nghiêm, đứng đắn chứ không có vẻ gì kỳ lạ khác thường. Tôi đã từng chứng kiến một vài cảnh lên đồng trong các đền miếu với những người dân quê mê tín, nhưng nhìn quanh cử tọa, tôi thấy họ không phải là loại bình dân thất học hay những người nhẹ dạ dễ tin. Chỉ cần liếc qua cách ăn mặc và cử chỉ, tôi biết họ tiêu biểu cho hạng thượng lưu trí thức trong xã hội. Đang mải miết suy nghĩ bỗng nhiên tôi sực nhớ đến bộ y phục của mình. Trong lúc ai cũng mặc quần áo lịch sự thì tôi lại khoác một tấm áo đã cũ. Tệ hơn nữa tôi còn cài một bông hoa trên túi áo, trông trơ trẽn khôi hài làm sao! Nếu ông lão kia là người có địa vị quan trọng thì không biết ông nghĩ sao về kẻ ăn mặc bê bối với bông hoa kỳ cục cài trên ngực áo như thế này? Tự nhiên tôi đâm ra hối hận đã cài bông hoa như vậy. Mặt tôi nóng ran, tay chân ngượng nghịu không biết phải làm gì. Bất ngờ ông lão mỉm cười nói khẽ với tôi: - Có sao đâu, hoa ở đâu cũng đẹp hết. Tôi giật thót mình. Tại sao ông lão này lại nói như vậy? Làm sao ông biết tôi đang bối rối vì bông hoatrên ngực áo? Tôi chưa biết làm gì thì ông đã nói tiếp: - Này anh bạn trẻ, hoa tượng trưng cho sự tinh khiết, mỹ lệ, hay sự tốt đẹp vẹn toàn, vì lẽ đó chúng ta thường đem hoa cúng Phật kia mà, như vậy có gì mà anh phải bối rối? Hình như anh chưachuẩn bị sẵn câu hỏi nào thì phải? Tôi có cảm tưởng ông lão này đang thử thách tôi. Nếu đặt câu hỏi thì có khác gì đem kiến thức nhỏ bé về Phật học của mình ra trình cho người khác. Dĩ nhiên tôi đâu muốn “múarìu qua mắt thợ” nên khéo léo thoái thác: - Thưa trưởng lão, tôi không nói thạo tiếng phổ thông… Có lẽ tôi phải nhờ người nào khác phiên dịch giùm. Kiến thức về Phật học của tôi còn thấp kém lắm, nói rachỉ sợ ngài cười. Ông lão có vẻ ngạc nhiên: - Này anh bạn, đừng tỏ ra mất tự nhiên như thế. Trở ngại ngôn ngữ đâu phải là lý do khiến anh bỏ qua một cơ hội tốt đẹp. Tôi trông anh có vẻ ngượng nghịu làm sao, phải chăng việc này xảy ra bất ngờ? Thôi được, có lẽ anh cần bình tĩnh lại đã rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau. Tôi cũng muốn biết một Phật tử từ Anh quốc đến có những thắc mắc gì về Phật học. Ông khẽ phất tay ra ý tiễn khách. Tôi cúi rạp người xuống chào và lùi ra khỏi đám người đang quây quần cạnh ông lão. Ra đến hành lang tôi thấy A Lục, một đứacháu của Tạ Hải đang đứng gần đó. - Này Lục huynh đệ,anh đang làm gì ở đây vậy? - Phùng tiên sinh đừng mất thời giờ vô ích. Ông nên suy nghĩ về những thắc mắc mà ông sẽ hỏi ngài. - Những vị khách đó làai vậy? - Ông không biết ư? Đó là một lạt ma nổi tiếng cư ngụ tại Bắc Kinh. Hiện nay ngài lên đường trở về Tây Tạng. Thay vì đi đường bộ thì ngài sử dụng đường thủy từ Hồng Kông đi Calcutta. Thời gian gần đây đường bộ không an ninh, đi đường thủy nhanh chóng vàtiện lợi hơn… Một ông lão đứng gần đó nghe vậy bèn xen vào: - A Lục nói không đúng. Trưởng lão cư ngụ tại Tân Cương chứ không phải Bắc Kinh. Tuy là người Tây Tạng nhưng ngài có rất nhiều học trò người Trung Hoa, có lẽ đến cảtrăm, cả ngàn cũng không chừng vì ngài đãsống tại đây hai mươi lăm năm rồi. Hiện nay công việc hoằng pháp đã xong, ngài lên đường trở về xứ. Tên ngài là Dorje Rinpoche nhưng người Trung Hoa gọi ngài là Kim Cương trưởng lão… Ông lão còn nói thêm một hồi nhưng vì không thạo tiếng phổ thông nên tôi không hiểu mấy. Tôi quay qua định nhờ A Lục thông dịch thì hắn đã bỏ đi đâu mất. Tôi đành lặng yên đứng trong một góc khuất quan sát đám đông đang xúm xít trong phòng khách của Tạ Hải. Một lúc sau, lấy lại bình tĩnh, tôi sắp đặt trong óc năm câu hỏi như sau: 1. Đức Phật đã dạy rằng nghi thức hành lễ chỉ là hình thức bên ngoài, là chướng ngại cho việc giải thoát (một trong Tứ chướng: Nghiệp chướng, Báo chướng, Phiền não chướng và Sở tri chướng), nhưng tại sao một số môn phái, nhất là Mật Tông, lại chú trọng rất nhiều đến các nghi thức hành lễ như vậy? 2. Có phương pháp thiền định giản dị dành cho người mới bước chân vào đường đạo không? Làm sao có thể bước chân vào con đường Thiền, Tịnh hay Mật? 3. Tại sao các xứ như Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan chỉ thờ một vị Phật duy nhất là Đức Thích Ca, trong khi Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa lại thờ nhiều vị Phật khác nhau? 4. Các đấng Bồ Tát có thực sự giúp gì cho chúng ta không? Liệu chúng ta phải trông cậy vào sự giúp đỡ của các đấng Bồ Tát hay phải nỗ lực tự giúp mình như Phật giáo nguyên thủy vẫn đề xướng? 5. Nhiều học giả phương Tây cho rằng Phật giáo Tây Tạng chỉ là một biến thái của Phật giáo, một thứ huyền thuật đội lốt Phật giáo với những thần linh kỳ lạ hay các cõi giới vô hình. Theo ngài thì điều này rasao? Đó là những câu hỏi mà tôi vẫn thắc mắc từ trước nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tôi biết câu hỏi thứ năm có phần sỗ sàng, bất kính với một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng nhưng tôi thiết nghĩ đây là cơ hội hãn hữu để tôi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này. Trời đã về chiều, số người tụ họp trong phòng khách của Tạ Hải đã ra về hết, chỉ còn riêng tôi vẫn đứng ở góc nhà. Tôi thầm nghĩ có lẽ quá bận rộn nên Kim Cương trưởng lão đã quên tôi rồi, nhưng khi người khách cuối cùng vừa quỳ xuống làm lễ từ biệt thì ngài đã quay về phíatôi. - Này anh bạn trẻ, có lẽ anh đã chờ lâu và đói bụng rồi. Anh hãy trở lại đây sau bữa ăn tối. Tạ Hải đang đợi anh ở nhà. Tối nay Lý tiên sinh sẽ thông dịch cho anh. Như anh biết, tôi không nói được tiếng Quảng Đông và anh cũng không thông thạo tiếng phổ thông. Một lần nữa tôi lại giật mình. Quả thật trong lúc đứng chờ tôi có nghĩ đến việc ăn uống. Từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng và tôi đã nghe vài người trong bọn nói về bữa cơm thịnh soạn tại nhà riêng của Tạ Hải. Tôi lật đật quỳ xuống vái chào nhưng vị trưởng lão không để ý đến tôi, ông co chân xếp bằng trên chiếc trường kỷ, hai mắt từ từ nhắm lại như một pho tượng. Ra đến cửa, tôi thấy A Lục đang chờ sẵn: - Phùng tiên sinh, chúng tôi đang đợi ông để cùng ăn tối. Chúng tôi đi bộ về nhà của thân phụ Tạ Hải cách đó không xa. Khi đến nơi mọi người đã khởi sự ăn uống, quanh bàn tiếng người chuyện trò ồn ào như pháo tết. Đã quen với không khí nơi đây nên tôi không hề khách sáo, tự nhiên cầm bát đũalên ăn uống ngon lành. Sau bữa ăn, tôi trở lại đường Caine Road một mình vì Tạ Hải và A Lục còn bận rộn. Bước vào phòng khách, tôi thấy Kim Cương trưởng lão vẫn ngồi xếp bằng trên chiếc trường kỷ như một pho tượng. Nếu không có Lý tiên sinh bước ra đón, có lẽ tôi đã ngại ngùng không dám bước vào. Lý tiên sinh làm chủ một tiệm buôn lớn tại khu Bloomsbury nên nói tiếng Anh rất lưu loát. Chúng tôi bước vào làm lễ ra mắt một lần nữa. Tôi định lên tiếng thì Kim Cương trưởng lão đãlên tiếng trước, Lý tiên sinh nhanh nhẹn thông dịch: - Này anh bạn trẻ, điều anh thắc mắc thật ra rất giản dị chứ không có gì phức tạp đâu. Chân lý Đức Phật đã dạy chúng ta cũng rất giản dị và có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh chứ không phải điều gì phức tạp khó áp dụng. Tôi muốn anh hiểu thật rõ điều này vì anh là Phật tử Tây phương đầu tiên mà tôi gặp. Do đó, tôi muốn nói chuyện riêng với anh. Tôi định lên tiếng cảm ơn về thịnh tình đặc biệt này nhưng Kim Cương trưởng lão đãlắc đầu: - Khoan đã, anh hãy lắng nghe rồi đặt câu hỏi sau. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi thứ nhất về các nghi thức như một chướng ngại… Một lần nữa, tôi giật thót mình. Tôi chưa lên tiếng mà sao tu sĩ này biết trước câu hỏi của tôi? Phải chăng đó là sự tình cờ ngẫu nhiên hay còn có một cái gì khác? Nhưng tôi đâu hề thố lộ điều này với ai? Dù đàm đạo với Tạ Hải rất thường nhưng tôi chưa hề đặt vấn đề này với anh ta. Có lẽ nhìn thấy vẻ bối rối của tôi, vị trưởng lão mỉm cười một cách kỳ lạ: - Đức Phật Thích Ca thường nhắc nhở các đệ tử của ngài rằng, nghi thức có thể trở thành một chướng ngại cho việc giải thoát nếu người ta cứ chấp nhặt vào những hình thức mà quên đi mục đích chính của việc tu hành… Tự nhiên tôi hoang mang. Làm sao ông có thể hiểu rõ tư tưởng của tôi? Phải chăng đó là phép Tha Tâm Thông, một quyền năng mà các lạt ma Tây Tạng thường sử dụng? May thay đầu óc tôi chỉ xáo trộn trong vài giây vì Kim Cương trưởng lão đãtiếp tục: - Dĩ nhiên một nghi thức được làm với cái tâm không chân thật, chỉ là hình thức trống rỗng bề ngoài, không ích lợi gì thì hiển nhiên là chướng ngại cho việc giải thoát. Tu hành, đọc kinh, trì chú mà không chịu học, không chịu hiểu, không sử dụng đến trí tuệ mà chỉ đọc tụng làu làu, chẳng hiểu ý nghĩa lời kinh, chẳng thực hành được điều trong kinh dạy, như một cái túi đựng đầy sách, chẳng dùng được vào việc gì. Dĩ nhiên nó là chướng ngại cho việc tu hành. Tuy nhiên nếu một nghi thức được thực hành với một cái tâm chân thật khi hành động, cử chỉ đều trang nghiêm, ý thức và được kèm thêm những câu chú hết sức linh nghiệm thì làm sao có thể gọi là chướng ngại? Khi thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, khi người hành lễ ý thức rõ rệt từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động của họ cũng như mục đích sâu xa của những nghi quỹ hành lễ thì làm sao điều này có thể gọi là chướng ngại? - Này anh bạn trẻ, nếu một người leo núi cần có dây thừng thật chắc, móc sắt thật bền thì đường tu cũng thế. Người ta cần có định lực thật vững, xen vào những nghi quỹ nhất định và điều chính yếu là tâm lúc nào cũng không rời mục đích duy nhất là giải hóa khỏi luân hồi sinh tử để đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Mật Tông hay thần chú là những phương tiện giúp người tu trừ khử Phiền não chướng và Sở tri chướng, có năng lực bảo vệ các chủng tử tốt, làm tăng trưởng các chủng tử thiện trong tâm, ngăn giữ các chủng tử xấu hoạt động. Dĩ nhiên có nhiều kẻ thiếu trí tuệ, lười biếng và hay ỷ lại đã thực hành các nghi thức trên như mục đích mà quên rằng đó chỉ là phương tiện. Họ như kẻ đi lạc trong bão tuyết, có bản đồ không biết xem, hiển nhiên không thể đến đích được. Tiếc thay một số học giả phương Tây khi tiếp xúc với những tu sĩ như vậy đã vội vã kết luận rằng truyền thống Phật giáo Tây Tạng là mê tín dị đoan, chỉ chú trọng về hình thức, nghi thức hành lễ chứ không có giá trị gì. Tôi biết đã có một số kinh điển Phật giáo được phiên dịch ra ngoại ngữ, nhưng nếu như vậy thì tại sao các học giả phương Tây lại không biết phân biệt đâu là giátrị và đâu là vô giátrị? Tôi im lặng lắng nghe, lời giải thích giản dị của vị trưởng lão đã giải đáp ngay thắc mắc đầu tiên củatôi. Kim Cương trưởng lão nhìn tôi một lúc rồi mỉm cười: - Này anh bạn trẻ, bây giờ chúng ta bàn về câu hỏi thứ hai của anh về phương pháp thiền. Trên nguyên tắc, thiền tông vốn giản dị về tính chất phóng khoáng không chấp nhặt vào văn tự. Tuy nhiên muốn bước chân vào cửa thiền người ta cần phải có một cái “chìa khóa”. Thiếu cái “chìa khóa” này thì việc tu hành sẽ không mang lại kết quả gì hết. Điều này cũng giống như một người đứng bên ngoài nhìn vào căn nhà thiền nhưng không có chìa khóa thì không thể mở cửa bước vào được. Do đó có nhiều người tu thiền hoài mà vẫn không có kết quả chỉ vì thiếu cái “chìa khóa” này… Không còn nghi ngờ gì nữa, quả thật Kim Cương trưởng lão đã đọc rõ mọi tư tưởng thầm kín của tôi. Phải chăng trong lúc bận rộn tiếp xúc với những người khác, ông vẫn để ý theo dõi và đọc được tư tưởng của tôi? Hoặc ông có thể đọc được những thắc mắc của tôi lưu trữ trong tiềm thức? Tuy nhiên điều này không còn quan trọng nữa vì tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi lời giải đáp giản dị và chân thành của ông. Kim Cương trưởng lão tiếp tục: - Này anh bạn trẻ, trước khi bước chân vào căn nhà thiền, anh cần biết làm chủ cái tâm của anh. Điều này cũng ví như một người cưỡi ngựa. Trước khi có thể ung dung đi từ nơi này qua nơi khác, họ cần biết cách điều khiển con ngựa bất kham, bắt nó phải quy phục mình. Muốn thế anh cần có một vị thầy đã có kinh nghiệm về thiền hướng dẫn. Khi anh đã sẵn sàng bước chân vào con đường này, nhân duyên sẽ hướng dẫn anh đến gặp vị thầy đó. Theo tôi biết, có lẽ anh sẽ gặp nhiều thầy chứ không nhất thiết chỉ một người đâu. Tuy nhiên dù thiền quán vào các công án, hơi thở, hình ảnh, màu sắc, theo Bắc tông hay Nam tông, anh cần nhớ rằng đó chỉ là những phương tiện, những mũi tên cùng nhắm vào một mục tiêu. Mục đích chính vẫn là xalìasinh tử, đạt đến Niết Bàn. Bất cứ phương pháp nào không có mục đích rõ ràng như vậy thì không phải là con đường Đức Phật đã đặt ra. Đây là điểm chính yếu để phân biệt giữatinh hoacủa Phật giáo vàcác tôn giáo khác màanh phải nhớ cho kỹ. Chìa khóa căn bản để bước vào con đường thiền là quan niệm về lý “Không”. Anh phải biết rằng vũ trụ vạn vật mà anh vẫn cho là “Có” vốn thật là “Không”. Danh từ “Không” ở đây không có nghĩa là không có gì hết, mà là “Không có thực” hay là huyễn hóa. Mọi cái có hình có tướng, giống như thật, đều không có thực, mà do nhân duyên hợp thành. Có sinh ắt có diệt, có thành ắt có hoại, không có gì thường trụ vững bền cả. Ngay cả thân thể của chúng ta đây cũng do tứ đại hợp thành, mọi quan niệm hay sự hiểu biết của chúng ta cũng đều do ngũ uẩn tạo nên. Phải ý thức rằng ngũ uẩn vốn không có tự tánh, vốn là không. Nếu anh không nắm thật vững được cái chìa khóa hay lý “Không” này thì tu thiền khó có được kết quả. Chỉ khi biết thật rõ rằng tất cả đều “Không” thì mới không sinh tâm quyến luyến, không sinh tâm ràng buộc, và như thế mới vượt ra khỏi các chướng ngại, sống ung dung tự tại vàchỉ khi đó việc tu thiền mới có kết quả(Định). Tóm lại tu thiền rất dễ mà cũng rất khó vì đòi hỏi người tu phải có trí tuệ. Trí tuệ là căn bản tất yếu của phương pháp thiền. Bất cứ một phương pháp thiền nào không đòi hỏi việc sử dụng đến trí tuệ thì không phải là phương pháp thiền mà Đức Phật đãchỉ dạy. Đến khi đó tôi mới biết sự có mặt của Lý tiên sinh quả thật hữu ích. Ông đã tận tâm phiên dịch một cách chu đáo, rõ rệt, không ngập ngừng, bối rối. Khả năng Anh ngữ và kiến thức về Phật học của ông vượt xa Tạ Hải và những người màtôi quen từ trước. Kim Cương trưởng lão ngưng lại một lúc như để cho tôi có thời gian ghi nhận những điều mà ông nói rồi mới tiếp tục: - Này anh bạn trẻ, Thiền, Tịnh, Mật đều là những con đường khác nhau, phương tiện khác nhau, dẫn đến mục đích chung là Niết Bàn giải thoát. Bề ngoài tuy khác, hình thức tuy khác nhưng mục đích vẫn chỉ là một. Tịnh độ tông hay niệm Phật là phương pháp tập trung tư tưởng để trì niệm hồng danh chư Phật cho đến chỗ nhất tâm bất loạn. Khi tâm không còn loạn động, không còn phiền não, không còn điên đảo thì sẽ sáng suốt, mà sáng suốt thì đâu còn khổ đau nữa. Mật Tông cũng như thế, thay vì niệm hồng danh chư Phật thì người tu sử dụng thần chú, mật ngữ của chư Phật để đạt đến trạng thái nhất tâm. Nhờ biết phối hợp âm thanh (chú) với cử chỉ (ấn quyết) và tâm lý (Tam Ma Địa) mà Thân, Khẩu, Ý (Tam Mật) được thanh tịnh, dứt sạch các vọng niệm. Khi không còn vọng niệm, đạt đến trạng thái như như bất động thì đâu còn phiền não nữa. Cũng như thế, Thiền là phương pháp sử dụng trí tuệ nhìn thẳng vào thực tánh của mọi vật, hiểu biết rằng tất cả vốn không có thật, mà chỉ do nhân duyên hợp thành. Đã là huyễn hay là giả thì đâu còn gì để quyến luyến, để lo lắng, để loạn động nữa. Khi tâm không loạn động thì sẽ đắc Định, có Định thì dứt sạch được phiền não, đâu còn đau khổ nữa. Tóm lại, hình thức tuy khác nhưng cả ba phương pháp đều chú trọng đến trạng thái nhất tâm để tiêu trừ vọng niệm, dứt sạch mọi phiền não. Mục đích của tu hành là gì nếu không phải là dứt sạch phiền não, chấm dứt khổ đau, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử? Tôi cúi rạp người xuống thán phục lời giải thích rõ ràng, giản dị của vị trưởng lão Tây Tạng. Mọi thắc mắc từ trước đến nay của tôi về các pháp môn như Thiền, Tịnh và Mật đã được giải đáp trọn vẹn. Kim Cương trưởng lão tiếp tục: - Cũng như thế, sự khác biệt giữa Nam Tông và Bắc Tông trong việc thờ một hay nhiều vị Phật xuất phát từ hai quan niệm khác nhau. Nam Tông cho rằng chỉ có một vị Phật duy nhất là Đức Thích Ca, vì căn cứ trên những sự kiện lịch sử. Trong khi đó, Bắc Tông quan niệm ngoài Đức Phật Thích Ca còn có hằng hà sa số chư Phật giáo hóa chúng sinh ở các cõi khác nữa. Quan niệm này dựa trên các kinh điển mà Đức Phật Thích Ca đã nói. Tùy sở thích hay tâm nguyện của chúng sinh mà mỗi người tin theo một quan niệm, điều này thật ra không quan trọng vì điểm chính yếu vẫn là việc tu học, hành trì. Dù theo Bắc Tông hay Nam Tông, dù tin rằng có một hay nhiều Phật, nếu cứ siêng năng chăm chỉ tu hành theo lời Phật dạy thì không có gì khác biệt cả. Hình thức tuy khác nhưng mục đích vẫn là một. Có hàng trăm, hàng ngàn con đường cùng đưa đến mục đích, đường nào cũng tốt, đường nào cũng hay nhưng điều chính yếu vẫn là phải tự cất bước mà đi, tự nỗ lực để đạt đến mục đích giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Những thắc mắc của anh về hình ảnh ma quỷ, các thần linh hung dữ thường được đề cập trong truyền thống Tây Tạng cũng không có gì lạ lùng, huyền hoặc nếu anh biết rằng chúng chỉ tượng trưng cho những trạng thái tâm thức biểu hiện. Tất cả đều do tâm tạo, đều xuất phát từ tâm, ngay cả tôi và anh cũng chỉ là những sản phẩm của tâm thức mà thôi. Có thể hiện nay anh chưa hiểu rõ nhưng một ngày kiaanh sẽ hiểu điều tôi nói. Trong cái thế giới của hiện tượng và giác quan thì có tốt, có xấu, có thiện, có ác, cũng như có ngày, có đêm, có sáng và có tối, nhưng tất cả chỉ là những quan niệm phát xuất từ tâm phân biệt. Chính vì phân biệt mà người ta dễ có thành kiến; chính vì không nghiên cứu kỹ, thiếu sự tìm hiểu sâu xa mà một số người đã vội vã cho rằng Phật giáo Tây Tạng là một biến thái, một sự thay đổi, một sự pha trộn các chân lý cao đẹp với những điều huyền hoặc, mê tín dị đoan. Trong khi đó, cũng vì thành kiến mà một số tu sĩ Tây Tạng lại cho rằng vì được gìn giữ, bảo tồn hàng ngàn năm nay nên truyền thống tôn giáo của họ mới “nguyên thủy” không bị phatrộn so với các truyền thống khác. Vậy quan niệm nào đúng đây? Nếu tìm hiểu thấu đáo, mở rộng tầm hiểu biết, giữ tâm bình thản, không phân biệt, anh sẽ thấy chân lý như vầng trăng sáng lúc nào cũng ban phát ánh sáng khắp nơi. Tại sao chúng ta không chiêm ngưỡng vầng trăng tuyệt diệu đó mà lại mất công phân biệt ánh trăng trong giếng nước với ánh trăng trong ao hồ? Việc các đấng Bồ Tát cứu giúp chúng sinh cũng thế. Các ngài thường hóa hiện thành muôn hình vạn trạng cứu độ chúng sinh mà chúng ta không biết đấy thôi. Anh có thể coi các ngài như thật, hiện hữu qua một hình tướng chi đó, hoặc coi đó như một trạng thái của tâm thức, một biểu hiện tượng trưng cho một lý tưởng nào đó cũng không sai. Có nhiều cách giải thích cho một sự thật tùy theo trình độ và căn cơ của mỗi người. Chân lý giống như mặt trời chỉ có một nhưng ánh sáng lại chiếu khắp mọi nơi, tùy tâm trạng mỗi người mà họ thấy những màu sắc khác nhau, người thấy màu cam, kẻ thấy màu vàng, màu đỏ… Do đó với một số người, các đấng Bồ Tát hoàn toàn có thật, “thật” như bông hoa cài trên túi áo làm anh bối rối buổi sáng hôm nay vậy. Anh có thể cho rằng họ mê tín, nhưng lòng thành kính tin tưởng của họ sẽ là động năng giúp họ tiến rất xa. Lời dạy của Đức Phật giống như ánh sáng rực rỡ của một ngọn đèn điện, khi nút điện được bật lên thì ánh sáng chiếu khắp mọi nơi, ánh sáng đâu hề rọi sáng riêng cho nhà bác học hiểu rõ đặc tính của dòng điện hay riêng cho người dân quê thất học tưởng đâu đèn sáng là phép lạ của thần linh. Ánh sáng không hề phân biệt mà phân phối đồng đều cho tất cả, từ nhà bác học thông thái đến người dân quê chất phác. Chính vì vọng tưởng che lấp nên chúng sinh mù quáng không nhìn thấy ánh sáng rực rỡ này mà cứ chạy theo các ảo ảnh khác nên mới đắm chìm trong luân hồi sinh tử. Này anh bạn trẻ, chúng sinh nào cũng có Phật tính, cũng có khả năng giác ngộ, khả năng tự giải thoát, nhưng vì mải miết chạy theo vọng tưởng nên mới sinh tâm phân biệt quan niệm này hay môn phái nọ. Hiểu như vậy, anh phải biết kiên nhẫn, khoan dung, độ lượng, vì chỉ có hiểu biết anh mói chấp nhận đươc những quan niệm không giống như quan niệm củaanh. Kim Cương trưởng lão cười lớn rồi kết luận: - Này anh bạn trẻ, anh cần phát triển trí tuệ và mở rộng lòng thương đến tất cả muôn loài. Một ngày nào đó anh sẽ kinh nghiệm được rằng tuy chúng ta có khác nhưng thật ra chúng ta vẫn là một. Toàn thể vũ trụ chính là anh và anh cũng chính là toàn thể vũ trụ. Tất cả đều là một và một cũng là tất cả. Nếu anh chê cười tôi, thật ra anh đang chê cười chính mình. Nếu anh ngắt một cành hoa, anh đã tự đánh gẫy chân mình đó. Kim Cương trưởng lão giơ tay ra xoa nhẹ lên đầu tôi như khuyến khích. Tôi sung sướng ngẩng lên toan nói vài câu cảm ơn nhưng vị trưởng lão Tây Tạng đã thu tay về, hai mắt nhắm lại, nghiêm trang trong tư thế liên hoa, tay bắt ấn quyết, miệng khẽ mỉm cười. Tôi thấy không cần khách sáo nói thêm gì nữa vì ngôn ngữ không thể diễn tả tâm trạng của tôi khi đó. Tôi chân thành quỳ xuống khấu đầu đúng ba lần. Lý tiên sinh cũng quỳ xuống cung kính làm lễ cáo từ rồi kéo tôi bước ra cửa. Đến mảnh vườn nhỏ trước phòng mạch, tôi thấy Tạ Hải và vài người nữa đang đứng chờ, nhưng lúc đó trong người tôi đang tràn ngập một cảm giác kỳ lạ, lâng lâng như người say. Tôi ậm ừ nói vài câu xã giao mà chẳng hiểu mình đang nói gì. Có lẽ thấy tôi xúc động, Tạ Hải đưa tôi ra cửa, vẫy một chiếc xe kéo, yêu cầu phu xe đưa tôi về nhà. Ngồi trên chiếc xe kéo chạy ngang các khu phố chính, nơi các xe bán hàng khuya tụ họp, nơi khách đi chơi đêm về quây quần ăn uống mà tâm hồn tôi vẫn lâng lâng như ở đâu. Có lẽ trí óc tôi vẫn còn chấn động bởi dư âm của buổi gặp gỡ bất ngờ này. Theo chương trình dự định, Kim Cương trưởng lão sẽ rời Hồng Kông vào ngày hôm sau nhưng trước sự khẩn khoản của một số người, ông đồng ý hoãn lại ngày lên đường vài tuần để có thể chỉ dẫn thêm cho các Phật tử tại đây. Khi tin này được loan báo, Lý tiên sinh quyết định đóng hẳn cửa tiệm tại Bloomsbury để có dịp gần cận, học hỏi thêm với ngài. Tạ Hải cũng dán một thông cáo lớn trước cửa, yêu cầu bệnh nhân chỉ đến trước buổi trưa, sau khi đã hẹn giờ giấc nhất định. Từ đó trong căn nhà nhỏ thuê riêng cho Kim Cương trưởng lão, lúc nào cũng có một số người kéo đến tham vấn, học hỏi. Dĩ nhiên tôi cũng có mặt nhưng vì khả năng Hoa ngữ còn kém không thể theo dõi các buổi đối đáp bằng tiếng phổ thông nên tôi chỉ ngồi ở góc phòng chăm chú quan sát Kim Cương trưởng lão chỉ dạy cho mọi người. Có thể vì không theo dõi các lời đối thoại mà tôi lại chứng kiến được những nét độc đáo của vị trưởng lão Tây Tạng này. Khác với những tu sĩ mà tôi đã gặp, Kim Cương trưởng lão lúc nào cũng tỏ ra điềm tĩnh, khoan thai, khuôn mặt luôn luôn rạng rỡ với một nụ cười. Ngài thường ngồi xếp bằng trên chiếc trường kỷ, ngày cũng như đêm. Tuy Tạ Hải đã thu xếp riêng cho ngài một căn phòng với giường ngủ, chăn đệm mới tinh nhưng hình như ngài không bao giờ nằm thì phải. Lúc nào tôi cũng thấy ngài ngồi đó, nghiêm trang như một pho tượng, đắm mình trong trạng thái thiền định. Ngài nhập định rất nhanh. Khi không phải tiếp xúc với tín đồ, ngài chỉ nhắm mắt, hai tay bắt ấn quyết là nhập định rồi. Cũng như thế, khi có chuyện gì cần thì khuôn mặt nghiêm trang của ngài chợt thay đổi, môi điểm một nụ cười và sẵn sàng lắng nghe những câu hỏi của tín đồ. Ngài ăn rất ít, chậm rãi, khoan thai và ý thức. Mỗi khi xúc một bát cơm, ngài thường lẩm bẩm một câu chú. Khi uống nước ngài cũng trịnh trọng bưng ly nước bằng cả hai tay một cách thành kính. Lúc đó tôi cho như thế là kỳ lạ nhưng về sau mới biết đó là một nghi thức đặc biệt của Mật Tông, giữ trang nghiêm trong mọi cử chỉ và luôn luôn hồi hướng công đức cho mọi chúng sinh. Trong những người lui tới học hỏi với ngài chỉ có Lý tiên sinh là siêng năng gần cận bên ngài nhiều nhất. Nhiều năm sau Lý tiên sinh tiết lộ cho tôi rằng việc gần gũi tiếp xúc với một bậc thiện tri thức như vậy rất lợi ích vì ngoài việc học hỏi những điều ngài chỉ dạy, ông còn học thêm được cả cử chỉ, hành động của ngài nữa. Điều ông gọi là “Thân giáo” này cũng là một bí quyết đặc biệt của Mật Tông Tây Tạng. Cũng trong thời gian đó tôi tìm được việc kèm Anh ngữ tại nhà một đại thương gia trong vùng. Mặc dù ông tự xưng là Trương đại nhân nhưng mọi người đều gọi ông là Trương Hồ Ly vì bản tính xảo quyệt, xu thời của ông. Khi xưa Trương đại nhân giao thiệp mật thiết với các quan lại trong triều nhưng khi cuộc cách mạng Tân Hợi bùng nổ, ông lại ủng hộ Viên Thế Khải. Khi họ Viên xưng đế, ông được bổ nhiệm một chức vụ chi đó. Lúc nhóm quân phiệt nổi lên phản đối đế chế, lật đổ Viên Thế Khải, ông lại ủng hộ các tướng lĩnh và được bổ nhiệm vào quốc hội Trung Hoa. Ông đã khuynh đảo Quốc hội, sử dụng tiền bạc hối lộ, mua quan bán chức và vận động Quốc hội dồn phiếu cho phe này hay nhóm nọ. Ông dính líu vào việc âm mưu mua phiếu cho phe nhóm Tào Côn, khi nhóm này thất bại ông bị vạ vây nên đành phải lánh nạn ra Hồng Kông. Thất vọng với các thế lực quốc gia, ông xoay ra giao thiệp với người ngoại quốc, kết thân với các nhà ngoại giao Bồ Đào Nha, Pháp và Anh. Ông nuôi mộng gửi con cái qua Anh du học, hy vọng khi thành tài sẽ được người Anh đưa về nước làm vua. Do đó ông tìm người huấn luyện Anh ngữ cấp tốc cho các con trước khi gửi chúng đi du học. Thay vì gửi các con đến lớp học, ông yêu cầu tôi đến tận biệt thự của ông ở Cửu Long để kèm. Lúc đầu tôi ngần ngại vì đường xa, phải di chuyển mất nhiều thì giờ nhưng vì ông hứa trả một món tiền lớn nên tôi đành nhận lời. Cũng vì thế, tôi không có mặt thường xuyên trong các buổi học hỏi với Kim Cương trưởng lão. Đúng vào hôm tôi khởi sự kèm Anh ngữ tại Trương gia trang thì Kim Cương trưởng lão tập hợp những người vẫn thân cận học hỏi với ngài vàtuyên bố: - Ba năm nữa, cũng vào ngày này ta sẽ từ bỏ xác thân, do đó ta sẽ không gặp lại hoặc hướng dẫn thêm cho các ông trong kiếp này được. Thời gian không còn bao lâu, ta cần trở về Tây Tạng thu xếp công việc ngay. Tuy nhiên ta thấy các ông đều là những người mộ đạo, có sự tin hiểu sâu rộng, có lòng làm những việc lợi tha nên ta quyết định làm lễ Quán Đảnh (Abhisekha) một số người. Theo phong tục Tây Tạng, thời gian thử thách để lựa người nhận phép Quán Đảnh thường rất lâu, có khi kéo dài nhiều năm và đòi hỏi một sự chuẩn bị hết sức đặc biệt. Vì cơ duyên đặc biệt với các ông nên ta chọn riêng một số người để điểm đạo truyền pháp. Khi đó Tạ Hải nghĩ rằng Kim Cương trưởng lão đã quên tôi, hoặc cho rằng tôi không xứng đáng nên vội vã lên tiếng xin ngài thu nhận cả tôi nữa. Kim Cương trưởng lão trảlời: - Tạ y sĩ quả có lòng tốt nhưng ông khỏi lo, ta đã quyết định thâu nhận cả Phùng tiên sinh trong số những người đó rồi. Tuy là người Tây phương nhưng ông đã có duyên với ta từ trước. Ta chỉ ngại vì xuất thân trong một truyền thống khác, ông ta không có đủ kiên nhẫn và bền chí để hoàn thành những điều chỉ dẫn của ta. Do đó ta cần ít nhất hai người bảo đảm sẽ hướng dẫn, giúp đỡ và khuyến khích ông tathực hành đúng theo những điều ta dạy bảo. Một người chú họ xa của Tạ Hải là Dương Tú Tài, nghe vậy vội lên tiếng xin bảo đảm cho tôi. Bình thường Dương Tú Tài vẫn không ưa người phương Tây, ông thường chê trách họ làm việc hấp tấp, thiếu kiên nhẫn, không trọng sự thành tín mà chỉ thấy lợi là đâm đầu vào. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu vì sao một người không ưa Tây phương như ông lại lên tiếng đảm bảo cho tôi như vậy. Hôm đó vừa từ nhà riêng của Trương đại nhân trở về, tôi gặp Tạ Hải và Dương Tú Tài chờ sẵn ở cửa với tin mừng này. Có lẽ mệt mỏi vì chuyến đi xa nên tôi trảlời một cách hờ hững: - Hiển nhiên đó là một tin mừng nhưng tôi thấy việc điểm đạo truyền pháp đó đâu có gì đáng quan trọng hóa như vậy… Dương Tú Tài giật mình lalớn: - Cái gì? Một việc trọng đại như vậy màtiểu huynh đệ coi thường ư? - Tôi đã đọc sách vở nói về nghi thức này nhưng tôi vẫn không tin nó có gì đặc biệt hơn các nghi thức khác, thí dụ như quy y Tam Bảo chẳng hạn. Có lẽ nó chỉ là một hình thức mà người đời sau đã thêu dệt thêm những điều huyền bí rồi gọi là mật truyền. Đức Phật há chẳng nói ra rằng những điều cần nói ra thì ngài đã truyền dạy cho các đệ tử hết rồi sao? Làm gì có việc mật truyền riêng cho một số người… Dương Tú Tài không dằn nổi cơn giận, ông chỉ tay vào mặt tôi nói như quát: - Dĩ nhiên ngài đâu giữ lại điều gì nhưng sao ngươi ngu quá đi, không lẽ ngài lại truyền tất cả mọi điều cho tất cả mọi người. Hãy lấy một ví dụ cụ thể, không lẽ một học giả cao thâm của Hàn lâm viện Luân Đôn như Sir James Jeans lại mang những kiến thức khoa học uyên bác nhất ra dạy cho đám trẻ đánh giày, bán báo thất học ngoài chợ sao? Hiển nhiên chân lý tối thượng đòi hỏi một trình độ, một căn cơ đặc biệt mà chỉ một số rất ít người quán triệt được thôi. Kẻ ngu dốt làm sao biết được và dù có nghe thì họ vẫn coi đó là vô giátrị. Tự nhiên tôi khó chịu: - Làm sao chúng ta biết đó là những chân lý tối thượng hay mật truyền? Biết đâu đó chỉ là những điều thêm bớt của kẻ đời sau rồi phóng đại lên rằng Đức Phật đã nói như thế? Dương Tú Tài giận quá không nói được nữa, mặt ông xám lại, hơi thở hổn hển, mấy lần ông định lên tiếng nhưng lại ngưng. Sau cùng ông lắc đầu chán nản rồi quay lưng bỏ đi. Thấy vậy, Tạ Hải vội can thiệp: - Này Phùng tiên sinh, Dương thúc thúc nói rất đúng. Điều Đức Phật chứng ngộ thì bao la rộng lớn như rừng nhưng điều ngài nói ra chỉ như một nắm lá trên tay vì ngài biết căn cơ chúng sinh tầm thường làm sao có thể hiểu được những diệu lý cao siêu mầu nhiệm. Đã thế những điều được ghi chép trên kinh điển cũng chỉ là một phần vì ngoài ra còn có những phần khác không được ghi lại hoặc chỉ truyền riêng cho một số người. Phùng tiên sinh há không nhớ tích Niêm Hoa Vi Tiếu hay sao? Phải chăng những diệu lý cao siêu không thể ghi chép bằng văn tự vì ngôn ngữ không thể diễn tả được những ý nghĩa nhiệm mầu nên Đức Phật đã dĩ tâm truyền tâm riêng cho tổ Ma Ha Ca Diếp? Phùng tiên sinh không nhớ đặc điểm của Thiền Tông là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” hay sao? Là người Tây phương, tôn trọng khoa học thực nghiệm, có óc phân tích, dĩ nhiên tiên sinh nghi ngờ cũng phải nhưng lịch sử đã ghi nhận biết bao bậc tổ, bậc thánh nhờ tu học kinh điển và thực hành thiền định mà ngộ đạo, giải thoát. Nếu có sự ngụy tạo hay thêm thắt của kẻ đời sau thì làm sao lại có người chứng đắc như vậy? Tôi thầm cám ơn Tạ Hải đã bình tĩnh nhắc nhở tôi những điều mà tôi không nghĩ ra. Lúc nào cũng thế, người y sĩ trẻ này luôn luôn tỏ ra khoan thai, điềm đạm, lý luận một cách ôn tồn. Tôi định lên tiếng xin lỗi Dương Tú Tài nhưng ông này đã bỏ đi xarồi. Tạ Hải nhìn tôi một lúc rồi mỉm cười: - Có thể bạn vẫn còn bán tín bán nghi nhưng tôi mong bạn hãy coi đây như một cơ hội đặc biệt, một nhân duyên hiếm có. Tôi lấy tình bạn giữa chúng ta khuyên bạn nên nhận lời thọ lãnh lễ Quán Đảnh, tôi tin sau này bạn sẽ không hối hận đâu. - Được lắm. Nếu bạn đã nói thế thì tôi cũng vui lòng nhận lời. Mặc dù chưa hoàn toàn tin tưởng nhưng tôi sẵn sàng nghe lời khuyên bảo khôn ngoan của bạn. Thật ra tôi thấy các nghi thức của Phật giáo Tây Tạng có gì huyền bí, hư hư thực thực không như các tông phái khác nên ngần ngại. Tuy thế, bạn biết nhiều hơn tôi, và tôi tin ở sự xét đoán không mấy khi sai lầm của bạn. Khi nào lễ Quán Đảnh sẽ được cử hành? Tôi phải chuẩn bị như thế nào? Tạ Hải cảm kích vỗ nhẹ lên vai tôi mấy cái. Là một nhà nho nghiêm túc, ít khi nào anh biểu lộ tình cảm của mình nhưng lần này anh đã không giấu được nỗi vui mừng. Theo Tạ Hải, Quán Đảnh là một nghi lễ đặc biệt của Mật tông. Theo nghĩa thông thường, đó là việc nhận một người vào dòng tu nhưng nó cũng có nghĩa là tạo một phương tiện dẫn độ để người thọ lãnh có thể nhận được những năng lực gia trì của Phật, Bồ Tát và các vị tổ Mật Tông. Có nhiều cấp bậc Quán Đảnh khác nhau tùy theo nghi thức và quyết định của vị thầy làm lễ. Kim Cương trưởng lão cho biết ông sẽ thực hành một nghi thức đặc biệt nhằm mục đích tạo “duyên” với các đệ tử. Danh từ “duyên” ở đây có nghĩa là gieo những hạt giống tốt, chủng tử tốt vào tâm thức đệ tử, nếu họ tu hành đúng như lời chỉ dạy thì các “duyên” đó sẽ phát khởi, giúp họ phát huy trí tuệ vàtiến bộ trên đường tu học. Khi người tachưa hoàn toàn tin tưởng ở một điều gì, người tathường dễ quên nó. Trong khi những người được lựa chọn thọ lãnh lễ Quán Đảnh cố gắng chuẩn bị, sửasoạn thì tôi lại bận rộn với việc kèm học cho lũ con Trương đại nhân. Đến ngày làm lễ Quán Đảnh, tôi bận việc tại Trương gia trang nên đến muộn. Khi đến nơi, buổi lễ đã được cử hành một lúc rồi. Tôi rón rén bước vào căn phòng rộng lớn đã được thu xếp để làm nơi hành lễ. Một bàn thờ khá lớn được dựng lên giữa phòng, trên đó có để một bức tranh lớn vẽ hình Đức Phật Thích Ca, quanh bàn thờ có bảy bát nước nhỏ bằng bạc, bảy ngọn đèn dầu và bảy chiếc dĩa đựng những chiếc bánh bằng bột. Cách thức trang trí bàn thờ rất lạ, khác hẳn cách bày biện của người Trung Hoa. Kim Cương trưởng lão ngồi xếp bằng trước bàn thờ. Ông đội một chiếc nón hình tám cánh hoa sen lớn và khoác một bộ lễ phục màu đỏ thêu những ký hiệu bằng kim tuyến. A Lục chờ tôi ở cửa với một chiếc áo choàng lớn, tay rộng thùng thình như cánh bướm, có lẽ đó là một loại y phục của các quan trong triều mặc trong các buổi đại lễ thì phải. Tôi lúng túng khoác mãi vẫn không xong nên A Lục lại phải giúp tôi. Hắn chỉ cho tôi thấy những người được chọn đang ngồi xếp bằng dưới đất theo thứ tự ấn định. Tôi kéo vạt áo thụng, quỳ xuống đất khấu đầu đúng ba lần trước khi rón rén ngồi vào chỗ của mình. Kim Cương trưởng lão lâm râm đọc kinh, thỉnh thoảng ông lại đưa tay gõ một chiếc chuông nhỏ bên cạnh. Tôi không biết buổi lễ đã kéo dài được bao lâu và sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa. Trong giây phút nghiêm trọng này hình như người ta không còn ý niệm gì về thời gian. Tôi để ý thấy tất cả mọi người đều ngồi yên lặng, trang nghiêm khác thường. Lúc đầu ngồi chưa quen nên tôi còn khó chịu, tay chân ngọ nguậy nhưng sau một lúc tôi cũng bị lôi cuốn vào âm thanh lên bổng xuống trầm của những bài thần chú, những tiếng chuông mõ và pháp khí trong buổi lễ. Bài chú dài lê thê rồi cũng chấm dứt. Tiếng chuông mõ dừng lại. Kim Cương trưởng lão gật đầu ra hiệu cho một người tiến về phía ngài. Người này lật đật bước lên trước bàn thờ và quỳ mọp xuống. Kim Cương trưởng lão bắt đầu nghi thức truyền pháp riêng cho từng người... Cứ thế từng người rồi từng người được ngài gọi lên cho đến lượt tôi. Tôi quỳ trước mặt ngài và tự hỏi nếu không có người thông dịch thì làm sao tôi có thể hiểu được những điều ngài mật truyền cho riêng tôi? Kim Cương trưởng lão giơ tay lên bắt ấn quyết, cánh tay của ngài hoa một vòng trên không trung rồi đặt nhẹ lên đỉnh đầu tôi. Tôi đã chứng kiến nghi thức này khi ngài thực hành với những người trước đó nên không lấy làm lạ, nhưng khi trước những người nhận lễ Quán Đảnh đều quay lưng về phía tôi nên tôi không theo dõi được những diễn tiến xảy ra. Hiển nhiên tôi không ngờ khi ngón tay của ngài chạm vào đầu thì tôi có cảm tưởng như có một luồng điện kỳ lạ truyền thẳng từ đỉnh đầu xuống cổ, chạy dọc theo xương sống trước khi tỏa khắp thân thể tôi. Phải nói nó là một luồng điện cao thế, một luồng sét thì đúng hơn vì nó xảy ra rất nhanh khiến toàn thân tôi bị chấn động mãnh liệt. Mắt tôi hoa lên, cả căn phòng dường như chuyển động, tai tôi ù đi như vừa nghe thấy một tiếng sấm. Chỉ trong khoảnh khắc, tôi như bị lôi cuốn vào một cảm giác kỳ lạ, tôi không nhớ đó là cảm giác sung sướng, lâng lâng, bay bổng hay ngụp lặn trong một cái gì có phần đau đớn như bị những mũi kim châm chích. Khi tôi lấy lại tự chủ thì nghi thức đó đã chấm dứt, Kim Cương trưởng lão phất tay ra hiệu cho tôi trở về chỗ cũ. Tôi cúi rạp người xuống khấu đầu đúng ba lần rồi “bò” về chỗ ngồi. Tôi ngồi đó nhưng toàn thân rung động mãnh liệt bởi cảm giác kỳ lạ vừa xảy ra. Đó là cảm giác gì? Tại sao tôi không thể phân biệt? Nó không phải là cảm giác khổ đau. Nó không phải là một cảm xúc thuộc về tinh thần nhưng cũng không phải vật chất. Hình như chưa bao giờ tôi trải qua một cảm giác nào như vậy cả. Tôi ngồi yên lặng nhưng từ tâm hồn đến thể xác đều như tê liệt cho đến khi buổi lễ chấm dứt và mọi người từ từ đứng dậy. Tôi đứng lên theo nhưng người tôi như mất sức lực, gân cốt rời rã. Tôi ngã nhoài ra đất khiến mọi người chung quanh vội đỡ tôi dậy. Tôi bối rối cố gắng đứng lên nhưng một lần nữa tôi lại ngã nhào ra đất. Tôi không biết ai đã dìu tôi đứng lên, giúp tôi dựa vách tường. Tai tôi nghe rõ những tiếng cười khúc khích, chế nhạo: “Người phương Tây có cặp chân dài nhưng yếu xìu, mới ngồi xếp bằng ít lâu đã bị chuột rút”. Tôi định lên tiếng giải thích chân tôi không hề bị tê cứng vì ngồi lâu mà vì một lý do khác nhưng tôi thấy có nói racũng chẳng ai tin nên đành im lặng. Lúc đó đối với tôi, sự kiện xảy ra trong buổi lễ Quán Đảnh này chỉ là một kinh nghiệm đặc biệt nhưng nhiều năm sau tôi mới hiểu rõ được tầm mức quan trọng của nó. Mặc dù nó đánh dấu một bước tiến quan trọng trên đường học đạo của tôi nhưng khi đó tôi vẫn chưa đủ hiểu biết để ý thức về nó. Hôm sau tôi được Kim Cương trưởng lão gọi vào truyền riêng một số phương pháp để thực hành. Ngài nói một cách vắn tắt giản dị vì biết tôi không đủ khả năng Hoa ngữ để tiếp nhận hết. Chiều hôm sau, ngài lên tàu trở về Tây Tạng. Chúng tôi bịn rịn tiễn chân ngài ra tận bến và biết rằng đó là lần cuối chúng tôi gặp ngài trong kiếp này. Đúng ba năm sau, ngài qua đời tại Tây Tạng như đãtiên đoán. Sau buổi lễ Quán Đảnh, tôi tiếp tục thực hành những phương pháp mà ngài chỉ dạy. Tạ Hải và Dương Tú Tài theo dõi và khuyến khích tôi rất nhiều, ngoài ra tôi cũng thường gặp gỡ Lý tiên sinh để nhờ ông này chỉ bảo thêm. Chính nhờ sự giải thích rành rẽ của Lý tiên sinh mà thành kiến của tôi về các “nghi thức huyền bí” được sáng tỏ dần dần, về sau tôi không còn nghi ngờ gì về những điều này nữa. Theo sự giải thích của Lý tiên sinh thì tâm con người chia làm nhiều “thức”. Thức tự nó vốn không có tự thể, tùy theo tác dụng mà chia làm những phần khác nhau tương ứng với ngũ căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) để nhận biết mọi sự vật. Ngoài ra còn có Ý thức, Căn thức (Mạt Na thức) và Tàng thức (A Lại Da thức). Tàng thức có thể ví như một kho chứa các hạt giống hay chủng tử. Mỗi cá nhân đều có một Tàng thức riêng biệt, lưu trữ những kinh nghiệm học hỏi từ kiếp sống này qua kiếp sống khác dưới dạng các hạt giống hay chủng tử. Nếu gặp điều kiện tốt hay thuận duyên, các hạt giống này sẽ nảy mầm, phát triển, biểu lộ thành cá tính, khả năng của con người. Dĩ nhiên không gặp điều kiện thì các hạt giống này sẽ bất động. Theo Lý tiên sinh thì trong buổi lễ Quán Đảnh, Kim Cương trưởng lão đã gieo vào Tàng thức của mỗi người chúng tôi một ít hạt giống hay chủng tử thiện, giống như một người gieo hạt giống xuống thửa ruộng. Sau đó ông mật truyền cho chúng tôi những bài thần chú, những phương pháp, nghi quỹ hành trì để phát triển các chủng tử đó. Điều này có thể tạm ví như công phu vun bón, tưới nước cho các hạt giống nảy mầm, phát triển. Dĩ nhiên công phu tu tập để triển khai các hạt giống này hoàn toàn tùy thuộc vào nỗ lực tu tập cá nhân chứ không phải tự nhiên mà được. Lý tiên sinh cho biết, trong Tàng thức có nhiều hạt giống xấu cũng như tốt, do cá nhân tạo ra trong quá khứ, tùy điều kiện mà các hạt giống này nẩy nở. Điều này cũng ví như miếng đất trồng hoa nhưng cũng lẫn vào các hạt giống cỏ dại. Khi tưới nước, hạt giống cả hoa lẫn cỏ cùng nẩy mầm, phát triển. Nếu người làm vườn năng săn sóc, biết nhổ cỏ dại thì vườn sẽ bớt cỏ nhiều hoa. Ngược lại, nếu không săn sóc thì cỏ sẽ lấn át hoa và thay vì vườn hoa, nó sẽ thành một vườn đầy cỏ dại. Các hạt giống mà Kim Cương trưởng lão gieo vào Tàng thức chúng tôi có thể ví như những cây hoarất đẹp, có công năng làm đẹp vườn hoa nhưng dĩ nhiên chúng tôi vẫn phải thực hành các nghi thức mật truyền hay chăm lo tưới nước, bón phân và nhổ cỏ dại thì vườn hoa mới đẹp được. Phải thành thực nói rằng tôi đã ít nhiều thất vọng khi biết mình còn phải nỗ lực rất nhiều trước khi có thể thấy được kết quả. Tuy không tin tưởng mấy về các nghi thức này nhưng trong đáy lòng tôi vẫn thầm hy vọng biết đâu nhờ phương pháp điểm đạo huyền bí này mà tâm thức tôi sẽ được nâng lên một bình diện nào đó, hoặc có thể được khai ngộ ngay. Dĩ nhiên đó là một ảo vọng xuất phát từ tánh tham lam, lòng mong cầu và tánh thiếu kiên nhẫn thường thấy nơi những người Tây phương. Kim Cương trưởng lão quả đã không lầm khi lo ngại rằng tôi không đủ kiên nhẫn thực hành theo lời chỉ dạy của ngài. Đó cũng là lý do ngài cần hai người bảo đảm sẽ hướng dẫn, khuyến khích và giúp đỡ tôi. Sau này khi ngẫm lại các sự kiện đã xảy ra, tôi xin thú nhận rằng tâm trạng của tôi khi đó cũng giống như một cậu bé học trò cắp sách đến trường, nó biết nếu không chăm chỉ học hành để chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến thì không thể thi đậu và lên lớp được. Tuy biết thế nhưng nó vẫn lười biếng, không cố gắng và thường tìm đủ mọi lý do “chính đáng” nào đó để trì hoãn việc học. Nếu một học sinh “hy vọng” rằng nó có thể nhồi nhét cả một học trình trong vòng vài hôm trước kỳ thi mà vẫn trúng tuyển thì hẳn cũng có người tin rằng việc tu hành có thể hoãn lại cho đến khi tuổi già bóng xế, khi người ta đã hưởng thụ mọi thứ rồi tu cũng không muộn. Có lẽ như thế nên cuộc đời luôn luôn có những biến động để thúc giục, để thức tỉnh mọi người rằng người ta không thể thực sự sung sướng, thoải mái, ung dung tự tại khi còn trôi nổi trong vòng luân hồi sinh tử. 3 ChươngHổ Cốt Tửu Và Thanh Trúc Địch Lan đảo là một hòn đảo nhỏ cách Hồng Kông không xa, tuy không phải một thắng cảnh nổi tiếng nhưng nó là nơi mà những người chán cảnh bon chen ngoài đời thường tìm về ẩn dật, tu đạo luyện đơn. Không như các tăng ni nhất quyết ly gia cắt ái, đa số những người tu đạo vẫn ít nhiều giữ mối dây liên lạc với gia đình. Tuy ẩn tu nhưng thỉnh thoảng họ vẫn trở về thăm gia đình và được trợ giúp để mua sắm thực phẩm và các tiện nghi cần thiết. Núi Thái Vũ nằm trên Lan đảo là một ngọn núi có nhiều hang động thiên nhiên, thuận tiện cho những người muốn tìm chỗ thanh vắng tĩnh tu. Trên đỉnh núi còn có một ngôi chùa lớn hàng năm vẫn tổ chức các ngày hội, lôi cuốn rất đông khách hành hương. Vì không phải ngày hội hay dịp lễ chính nên chuyến tàu đi từ Hồng Kông ra Lan đảo rất vắng khách. Trừ những người lái buôn đem hàng hóa ra đảo bán, khách hành hương chỉ có mình tôi. Có lẽ vì thế khi tàu cập bến Đại Ô, những người lái buôn quen đường sá đã tản mác vào làng xóm quanh đó, chỉ còn mình tôi đứng ngơ ngác trên bến. Đại Ô là một làng chài lưới nghèo nàn, nhà cửa thưa thớt, quanh bãi người ta phơi đầy cá, mùi tanh tưởi xông lên nồng nặc. Vì đường lên Bảo Liên tự quanh co khó tìm, muốn đi phải có người hướng dẫn nên tôi đành phải thuê một chiếc kiệu do hai người phu khiêng. Đường lên núi ngoằn ngoèo, nhiều chỗ dốc khiến hai người khiêng phải cố gắng lắm mới giữ cho kiệu được thăng bằng. Vượt qua khúc quanh lưng chừng núi, hai người phu thấm mệt phải dừng lại trước một cái miếu bên đường để nghỉ ngơi. Trong khi chờ họ hút hết điếu thuốc, tôi bước ra khỏi kiệu đi dạo quanh miếu. Cũng giống như những cái miếu thông thường, đó là một căn nhà gồm một phòng làm chánh điện ở giữa và hai phòng nhỏ xây cất hai bên. Mặt tiền của miếu có treo một tấm bảng cũ kỹ bị rêu rong phủ kín, phải cố gắng lắm tôi mới đọc được hàng chữ: Đông Hải thần miếu. Chánh điện tối om, không có nhang đèn chi hết, trên bàn thờ có bày một pho tượng thần, không rõ nam hay nữ, ngồi trên chiếc ngai bằng gỗ sơn son thếp vàng đã bạc màu. Quanh đó có những chân đèn, giá nến không người chăm sóc bụi bám đầy. Tôi đang chăm chú nhìn ngắm những hàng chữ triện đắp nổi trên tường thì nghe tiếng gậy trúc gõ nhịp phía sau lưng. Một người đàn bàtóc bạc như cước, hai mắt đã mù, chống gậy bước đến: - Đại nhân đến để lễ thần hay còn việc chi? - Không, tôi chỉ tạm dừng lại để vãn cảnh. Tôi mong có thể lên đến Bảo Liên tự trước khi trời tối. Bàlão nhún vai có vẻ thất vọng: - Nếu vậy mời đại nhân dùng chút trà giải khát vậy. Không đợi tôi trả lời, một đứa bé gái khoảng mười hai, mười ba tuổi đã xuất hiện với một khay trà trên tay. Dường như nó đã chuẩn bị sẵn, chỉ chờ gọi là mang trà ra. Không thể từ chối, tôi đành giơ tay tiếp lấy chén trà một cách miễn cưỡng. Đã quen với phong tục nơi đây, tôi biết người ta không mời tôi dùng trà vì hiếu khách mà vì chút tiền trà nước những du khách không thể không trả. Bà lão nhướng cặp mắt không tròng trắng dã về phíatôi và hỏi: - Phải chăng đại nhân thuộc giống Hồng mao? Đó là một câu hỏi bất lịch sự, hiển nhiên người hỏi phải thuộc hạng bình dân thất học vì không ai trực tiếp gọi một người ngoại quốc như vậy. Danh từ “Hồng mao” hay “mọi lông đỏ” ngụ ý khinh bỉ, coi thường, chỉ được dùng giữa những người Trung Hoa với nhau khi muốn ám chỉ một người ngoại quốc tồi tệ xấu xa nào đó. Tôi nén giận trảlời: - Đúng thế, nhưng sao bà biết? - A ha! Tai kẻ mù có khác gì mắt kẻ điếc, tuy đại nhân nói tiếng Quảng Đông trôi chảy nhưng tôi vẫn nhận ra ngay. Có lẽ khó chịu vì thái độ của bà lão mù hoặc vì danh từ “Hồng mao” gây cho tôi một ấn tượng không mấy tốt đẹp nên tôi uống vội chén trà nhạt như nước lã rồi lên tiếng cáo từ. Trước khi đi tôi móc túi lấy ra một đồng bạc đặt trên bàn nhưng nhìn đôi mắt hau háu của đứa nhỏ bưng trà chăm chú nhìn đồng bạc, tôi sợ nó có thể nhanh tay cuỗm mất số tiền của bà mù nên vội lên tiếng: - Xin bà vui lòng nhận cho tí tiền trà nước. Nói xong tôi gõ nhẹ đồng bạc lên bàn cho bà lão nghe thấy. Bà lão chờ tôi ra đến cửa mới lên tiếng: - Xin cám ơn lòng tốt của đại nhân, nhưng đường đi còn khó khăn và gian nan lắm, muốn đi xa phải đi từ từ, phải thận trọng, theo đường chính, tránh ngả tắt dễ làm người talầm đường lạc lối. Hãy đi thong thả, đừng hấp tấp. Tự nhiên tôi bỗng rùng mình. Giọng nói lanh lảnh của bà lão mù dường như muốn cảnh bảo tôi thì phải! Phải chăng bà muốn nhắc tôi về đường sá trên núi hay còn dụng ý gì khác? Ngồi trên kiệu tôi cứ thắc mắc mãi về câu nói của bà mù. Quả nhiên con đường từ đó lên đỉnh núi rất gập ghềnh, chiếc kiệu cứ đảo hết bên này sang bên kia, nhiều lúc như muốn hất tôi xuống vực sâu. Hai người phu khiêng kiệu cứ thản nhiên phăng phăng bước đi trong khi tôi ngồi trên kiệu mà ruột gan như thắt lại. Sau cùng chịu không nổi, tôi phải yêu cầu họ đặt tôi xuống đất để đi bộ theo kiệu chứ ngồi chênh vênh như vậy chóng mặt quá. Bảo Liên tự là một ngôi chùa lớn, tọa lạc trên mảnh đất tương đối bằng phẳng trông ra phía biển. Khi lên đến nơi thì trời đã tối, trong chùa đèn nến đã được thắp lên, có lẽ chư tăng đang chuẩn bị ăn tối, mùi xào nấu phảng phất thơm lừng. Vị tri khách đưatôi ra giếng rửa mặt cho thoải mái: - Đường sá xa xôi chắc thí chủ cũng đã đói bụng, vậy xin mời dùng cơm trước rồi đến gặp vị trụ trì sau. Từ trước đến nay tôi thường nghe kể đa số các chùa đều ăn uống đạm bạc, chỉ cơm hẩm và tương chao nhưng tại đây bữa ăn lại có nhiều món xào nấu rất thịnh soạn. - Tôi không ngờ nhàchùalại ăn uống ngon lành như thế này. Vị tri khách giải thích: - Chùa này thường có đông du khách thập phương, họ đâu thể ăn uống khổ hạnh được nên nhà bếp phải đặc biệt nấu nướng ngon lành cho họ. Lúc này không phải dịp hội hè đình đám, nếu ông đến vào dịp đó thì sẽ thấy nhiều món ăn thịnh soạn hơn thế nữa. Không biết có phải vì đi bộ đói bụng hay vì cơm chay lạ miệng mà tôi cứ tì tì làm hết bát này đến bát khác một cách tự nhiên. Vị tri khách phải nhắc nhở mấy lần tôi mới chịu dừng đũa để đến gặp vị tu sĩ trụ trì. Khi nghe tôi ngỏ ý xin tạm trú tại đây ít lâu, vị trụ trì nói ngay: - Cửa chùa lúc nào cũng rộng mở. Ông có thể ở lâu bao nhiêu cũng được nhưng dĩ nhiên phải trảlệ phí ăn ở. Ông định ở đây bao lâu? - Tôi chưa quyết định, có thể vài ngày, một tuần, hoặc lâu hơn nếu ngài không phiền. Ngoài việc thăm viếng phong cảnh, tôi còn mong có dịp được học hỏi về Phật pháp vàcác phương pháp thiền tập với chư tăng tại đây. Vị trụ trì có vẻ ngạc nhiên: - Ông cũng là một Phật tử ư? Lành thay… lành thay. Dĩ nhiên tại đây cũng có thiền đường nhưng tăng chúng không mấy ai thực hành thiền định. Chùa này không chuyên về tu thiền. Việc học hỏi Phật pháp cũng vậy, ông đến không đúng lúc, vị pháp sư của chùa có việc đi xa không biết bao giờ mới về. Phần tôi không thể giúp ông được… Ông ngập ngừng một lúc rồi giải thích: - Tuy là trụ trì nhưng nhiệm vụ của tôi chú trọng về việc điều hành thủ tục hành chánh hơn là dẫn dắt tín đồ. Đó là phận sự của vị pháp sư. Công việc điều hành một ngôi chùa rắc rối đa đoan lắm chứ không giản dị như nhiều người tưởng. Nhiệm vụ của tôi là kiểm soát tài chánh, thu xếp giấy tờ, điều hành, quản trị. Các tăng sĩ tại đây cũng vậy, mỗi người có một nhiệm vụ riêng, người lo nhang đèn, kẻ lo cúng tế, hoặc các thủ tục như ma chay, cưới hỏi. Quanh đây có nhiều đảo nhỏ và làng mạc nhưng lại không có chùa, do đó có việc gì cần người ta đều phải đến rước chúng tôi. Chỉ nội việc cúng lễ, ma chay, cầu an, cầu siêu đã mất hết thời giờ rồi, đó là chưa kể việc bảo trì, xây cất, dọn dẹp, quét tước và nấu nướng cho chư tăng và khách thập phương nữa. Dĩ nhiên nếu ông muốn đến đây để tu thiền thì xin tự nhiên, thiền đường nơi đây mở cửa ngày cũng như đêm. Ngoài ra nếu ông muốn dạo chơi vãn cảnh thì quanh đây có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, phía nam ngọn núi có nhiều hang động, rất thuận tiện cho việc tĩnh tu hay nhập thất nếu ông muốn tìm nơi yên tĩnh, vắng lặng. - Xin cám ơn ngài, tôi sẽ tự lo liệu để khỏi phiền đến ai. Chúng tôi chuyển qua đề tài thời tiết, phong cảnh, đường sá từ Hồng Kông qua đây. Tôi vô tình kể lại việc gặp bà lão mù dưới chân núi. Vị trụ trì vội nhổm lên: - Ông cũng gặp mụ Vương sao? Ông thấy mụ già đó thế nào? Hơi điên khùng có phải không? Nhiều người nói rằng những kẻ khật khùng, tàn phế thường có lắm biệt tài. Họ đồn rằng mụ Vương có tài tiên tri nhìn được quá khứ vị lai. Khi gặp ông, mụ già đó có nói gì không? - Tôi chỉ gặp bà ấy trong một thời gian rất ngắn, tôi không nghĩ bà ấy nói gì ngoài việc đường đi trơn trượt khó khăn phải cẩn thận, nhưng người ta đâu cần phải có tài tiên tri mới biết được điều đó. Tuy nói thế nhưng tôi vẫn cảm thấy áy náy về câu nói cuối cùng của bà mù. Phải chăng bà còn ngụ ý gì khác? Chúng tôi đàm đạo một lúc trước khi vị trụ trì xin cáo từ vì còn bận việc. Vị tri khách dẫn tôi đến một căn phòng nhỏ dành cho khách hành hương nằm riêng biệt ở phíasau chùa. Lúc đầu tôi nghĩ sau hành trình mệt nhọc mình có thể ngủ thẳng một giấc đến sáng, nhưng không hiểu sao tôi cứ trằn trọc không ngủ được. Tôi nằm yên nghe tiếng gió thổi rì rào qua hàng cây, mùi nhang trầm từ trên chánh điện thoảng qua bên khe cửa, thỉnh thoảng lại có tiếng chuông chùa nhẹ nhàng ngân vang trong đêm khuya vắng lặng. Nghe tiếng chuông ngân nga tôi nghĩ đến những giai thoại liên quan đến địa ngục. Theo kinh điển Phật giáo thì mỗi khi tiếng chuông ngân lên thì các hình phạt trong địa ngục tạm thời dừng lại, các tội nhân đang thọ hình được nghỉ ngơi đôi chút. Tín đồ Phật giáo tin rằng âm thanh của chuông có thể vượt không gian và thời gian, cảm ứng đến các cõi giới vô hình, có công dụng kêu gọi những sinh linh đang mê muội lầm đường lạc lối hãy tỉnh thức. Theo quan niệm của người phương Đông thì địa ngục chỉ là một cõi mà người chết phải sống ở đó một thời gian vì những tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống nhưng nó không hề có tính cách vĩnh viễn. Trong khi đó người phương Tây lại cho rằng khi đã xuống địa ngục là hết hy vọng thoát ra và phải ở đó vĩnh viễn thiên thu (Eternal damnation). Người phương Đông cho rằng khi chết, tùy theo nghiệp lực mà người ta bị dẫn dắt vào các cảnh giới khác nhau. Hoặc sinh vào cảnh trời, cõi trần, hoặc địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ba cõi sau được gọi là ba đường ác. Tuy cảnh địa ngục của người phương Đông không khác cảnh địa ngục người phương Tây, cũng có quỷ sứ trừng phạt, hành hạ tội nhân, nhưng sự khác biệt ở chỗ khi đã trả hết nghiệp quả thì họ sẽ được lên trên các cảnh giới tốt đẹp hơn. Đã thế khi ở địa ngục, nếu biết ăn năn hối cải, biết phát tâm sám hối thì người ta có thể rút ngắn thời gian được. Hiển nhiên một người đang bị hành hạ đau đớn, khổ sở đâu có nghĩ đến chuyện ăn năn, sám hối, vì thế mới có tiếng chuông chùa để thức tỉnh, để thúc giục người ta mau chóng quay đầu tìm về đường ngay, nẻo chính. Nhiều học giả Tây phương cho rằng quan niệm này “lạc quan và ngây thơ” nhưng tôi cho rằng đó là một hy vọng rất lớn vì bất cứ ai, dù tội lỗi xấu xa đến đâu, một khi đã biết ăn năn hối cải, biết quay đầu thức tỉnh đều có thể chuộc lại những lỗi lầm của mình. Hôm sau, tôi khởi sự đi dạo chơi quanh núi. Phong cảnh thật đẹp, biển xanh, mây trắng, những tảng đá gập ghềnh muôn hình vạn trạng, những dòng suối uốn mình khi ẩn khi hiện. Mây mù giăng ngang thung lũng, vài con hạc đậu trên nhánh thông cao lặng lẽ quan sát cảnh vật phía dưới… Có nhìn thấy cảnh này người ta mới ý thức được những đường nét chấm phá tài tình của các họa sĩ vẽ tranh thủy mặc. Khi xưa xem những bức tranh này, tôi nghĩ các họa sĩ đã vẽ theo tưởng tượng hay chịu ảnh hưởng một trường phái nào đó chứ không hề biết rằng họ đã quan sát thiên nhiên kỹ lưỡng và mang những cái đẹp vào họa phẩm của họ. Từ trên núi cao trông ra bốn hướng, cảnh vật lờ mờ khi ẩn khi hiện như tranh vẽ, càng dạo chơi tôi càng bị thu hút vào cảnh thiên nhiên tuyệt vời này. Cứ thế tôi miên man đi dạo từ sáng đến chiều, buổi tối về chùa ăn cơm chay thanh tịnh rồi lăn ra ngủ, không lo lắng, nghĩ ngợi gì. Cuộc sống nhàn tản như thế làm tôi quên hẳn mục đích ban đầu củachuyến đi là học hỏi Phật pháp và phương pháp thiền. Đã có lần tôi bước chân vào thiền đường. Đó là một căn phòng khá lớn không đồ đạc, chỉ có một bức tranh vẽ tổ Bồ Đề Đạt Ma đang vác gậy có buộc một chiếc dép cỏ. Thiền đường vắng tanh không một bóng người, đáng lý ra tôi phải biết lợi dụng cơ hội để thiền tập như vẫn làm khi trước, nhưng không hiểu sao tôi không cảm thấy có động lực nào thúc giục. Phía sau thiền đường là Tàng kinh các, có nhiều kệ sách lớn với hàng trăm sách vở, kinh điển xếp đặt theo thứ tự, nhiều cuốn rất cũ chữ đã phai mờ. Nếu không được sao lục, ghi chép lại, có lẽ ít lâu nữa không còn ai có thể đọc được những cuốn sách đó. Chẳng hiểu sao tôi không cảm thấy hứng thú khi tìm được những cuốn sách như vậy mặc dù khi xưa tôi vẫn được mệnh danh là “mọt sách”, luôn luôn ngấu nghiến bất cứ cuốn sách nào tìm được. Phải chăng sau một thời gian mệt mỏi vì mưu sinh, tôi muốn được nghỉ ngơi trọn vẹn cho đầu óc thoải mái hay còn có lý do nào khác? Một buổi tối ngồi đàm đạo với vị trụ trì, tôi đã vô tình hỏi: - Phong cảnh nơi đây thật đẹp, nhiều lúc tôi có cảm tưởng như đi lạc vào chốn thiên thai. Nếu có vài ông tiên ngồi đánh cờ, vài con hạc trắng đậu bên cạnh thì hẳn người ta nghĩ mình đang sống trong cảnh tiên rồi. Tôi nghe nói vùng này có nhiều ẩn sĩ tu đạo luyện đơn, ngài có biết gì về họ không? Vị trụ trì lắc đầu: - Đã là một Phật tử thì ông để ý đến những kẻ đó làm chi? Những kẻ theo thuyết “trường sinh cửu thị” học kỳ môn, độn giáp, dưỡng khí, luyện thần, lục nhật, thất phần hay những trò huyền bí, mê hoặc nhân tâm đó thì có gì đáng để cho ta phải lưu ý! Họ có làm gì ích lợi đâu, suốt ngày chỉ đánh cờ, gảy đàn, uống rượu, rong chơi trên lưng hạc… - Nhưng cưỡi hạc dạo chơi như vậy hẳn cũng thú vị lắm chứ! Chẳng phải làm lụng hay lo lắng gì mà chỉ hưởng thụ những sự sung sướng, đã thế lại không lo đau ốm hay già chết… Tu hành như thế thiết tưởng có thua gì việc được vào cõi Niết Bàn đâu? Vị trụ trì khó chịu định nói câu gì nhưng kiềm chế lại được. Ông đứng phắt dậy vòng tay trong chiếc áo thụng ra dấu cáo từ rồi bỏ đi thẳng. Từ đó ông tỏ ra lạnh nhạt, không còn thân thiết với tôi như trước nữa. Tuy nhiên vị tri khách tăng có một thái độ cởi mở hơn, ông cho biết đa số những người ở ẩn không thích tiếp xúc với ai vàthường yêu cầu đừng ai làm rộn đến sự tu hành của họ. - Nhưng họ thường làm gì? - Làm sao chúng tôi biết được? Mặc dù sống trên một hòn đảo nhưng không mấy khi chúng tôi giao thiệp với nhau. - Kể cũng lạ nhỉ! Tôi vẫn nghĩ Phật giáo và Lão giáo có nhiều điểm tương đồng. - Không đâu. Mặc dù Lão Tử chủ trương thanh tĩnh vô vi nhưng đã mấy ai theo nổi. Phần lớn đạo sĩ đều là những người chán đời, không thích hợp với sự ganh đua nên tìm về chốn vắng vẻ để luyện đơn, cầu trường sinh bất tử. Một số người sau khi ẩn tu rồi xuất hiện, sử dụng các mánh khóe hay pháp thuật để trừ tà, chữa bệnh, bán thuốc, bói toán, sấm thuật, xem quá khứ, đoán tương lai. Toàn những trò mê hoặc nhân tâm! Khi xưa ở ngoài đời họ không gây dựng được tiếng tăm gì thì sau khi hạ sơn, họ thường tự xưng mình là Thiên sư, Đại tiên, Thượng nhân, Lão quân… - Nhưng ít ra họ cũng phải luyện thành công được một cái gì chứ? Liệu họ có trường sinh bất tử hay không? Vị tri khách tăng nhìn tôi một lúc rồi bật cười: - Làm gì có chuyện đó! Nếu họ bất tử thì dân chúng đã bỏ theo họ hết còn gì! - Nhưng ít ra họ cũng phải có một cái gì chứ? - Làm sao tôi biết được! Một buổi sáng, khí trời hơi lạnh vì trận mưa đêm trước. Thay vì vãn cảnh ở phía nam ngọn núi, tôi quyết định đi về phía đông, nơi có nhiều sườn núi dốc thoai thoải xuống đến tận bờ biển. Vượt qua ngọn đồi thấp dần xuống một thung lũng nhỏ, phong cảnh vô cùng tĩnh mịch. Bốn bên yên lặng chỉ có tiếng côn trùng kêu rỉ rả và tiếng suối chảy róc rách đâu đây. Vừa bước đến khúc quanh giữa hai eo núi hẹp bỗng nhiên tôi thấy một đứa bé gái khoảng tám, chín tuổi đang thoăn thoắt chạy ở phía trước. Đứa bé mặc một bộ quần áo màu xanh lục, chân đi dép, ngang hông quấn một dải khăn lụa gọn ghẽ, hai bím tóc tết đuôi sam phất phơ theo nhịp chạy. Nhìn cách phục sức, tôi biết nó không phải con cái dân chài lưới trên đảo. Đasố con nhàchài lưới thường mặc quần áo nhuộm đen, ítai đi dép hay cột tóc như đứa bé này. Hơn nữa con nhà chài lưới thường bận rộn dưới bãi, mấy ai leo lên tận đỉnh núi hoang vu như vậy. Đứa bé chạy thẳng vào một khu rừng trúc rồi mất dạng sau những thân trúc xanh biếc to bằng cổ tay. Tò mò, tôi vội rảo bước theo. Vượt qua rặng trúc cao tôi thấy một túp lều và một người tuổi trung niên dáng dấp tiên phong đạo cốt, mặc áo thụng màu xanh lục đang đứng trước cửa. Hiển nhiên người này phải là kẻ tu đạo vì ông ta không kết tóc đuôi sam như mọi người mà búi ngược lên đỉnh đầu. Thấy tôi, đạo sĩ có vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn cung kính đưatay vái chào: - Thật là hân hạnh. Không biết ngọn gió nào đã đưa tiên sinh hạ cố đến đây. Xin mời tiên sinh ghé lại dùng chút rượu nhạt giải khát. Đạo sĩ khom lưng cúi sát người xuống chào khiến tôi lật đật khom lưng đáp lễ mặc dù hiện nay rất ít ai cúi gần sát đất để chào hỏi như vậy. Đạo sĩ xưng họ là Phan nhưng không nói rõ tên rồi lễ phép mời tôi vào nhà. Đó là một căn lều bằng trúc, mái lợp cỏ rất đơn sơ, tuy chỉ có độc một phòng nhưng nó được ngăn đôi bởi một bình phong cũng bằng trúc, có lẽ để che chiếc giường nhỏ phía sau, bàn ghế trong nhà đều bằng trúc giản dị mộc mạc nhưng đượm vẻ thanh tao thoát tục. Ngoài bộ bàn ghế, góc phòng có một bàn thờ nhỏ phía trên có treo bức tranh vẽ một tiên ông tay cầm phất trần đuôi ngựa đang cưỡi một con hạc lớn. - Xin mời tiên sinh cứ tự nhiên ngồi. Tuy nói thế nhưng đạo sĩ lại phân ngôi chủ khách, mời tôi ngồi vào chiếc ghế quay mặt ra phía ngoài, chỗ ngồi danh dự dành cho quý khách theo tục lệ Trung Hoa. Riêng tôi nhất định đòi ngồi vào ghế đối diện, quay mặt nhìn vào phía trong, một chỗ ngồi tầm thường, khiêm tốn nhất mặc dù chủ ý củatôi không phải vì lễ phép mà vì tò mò muốn quan sát mọi việc trong nhà. Đạo sĩ theo đúng thủ tục nhất định mời tôi ngồi vào ghế kia. Chúng tôi lễ phép mời nhau và từ chối hai ba lần cho đến khi ai nấy ngồi xuống ghế. Vừa ngồi yên chỗ thì bé gái lúc đầu xuất hiện với một chiếc khay nhỏ, trên để một hũ rượu và một đĩa thịt rừng khô. Một lần nữa lại có màn đứng dậy mời chào theo đúng thủ tục. Đạo sĩ trịnh trọng rót rượu cho tôi trước khi rót cho mình rồi đưacả hai tay nâng chén lên ngang mày: - Xin mời tiên sinh vui lòng nhắp chút rượu nhạt. Hy vọng ngài không chê loại Hổ cốt tửu này. Tôi đã đích thân pha chế nó theo phương pháp gia truyền và chôn dưới đất trong suốt mười hai năm, loại rượu này có công dụng như một linh đơn, có thể chữatrị bách bệnh. Lúc đầu chúng tôi thay phiên nhau mời chào một cách trịnh trọng, nhưng khi uống khoảng nửa hũ thì chúng tôi trở nên tự nhiên và bớt khách sáo hơn, không còn mời chào chúc tụng trước khi uống nữa mà ai nấy cứ thuận tay rót hết chén này đến chén khác. Tôi thấy vị rượu rất nồng, có phần nồng hơn các loại rượu mà tôi đã uống qua. Tuy không phải người sành rượu nhưng tôi cứ khen bừa là chưa thấy rượu nào ngon như thế. Phan đạo sĩ hãnh diện liên tiếp rót cho đến khi hết sạch hũ rượu rồi gọi cô bé mang thêm một hũ nữa. Cho đến khi đó, ông mới hỏi lý do cuộc thăm viếng của tôi. Tôi thành thật cho biết nhân dịp hè, tôi muốn dạo chơi phong cảnh để nghỉ ngơi và hy vọng có cơ hội tiếp xúc với các cao nhân ẩn sĩ. Biết ông là người tu đạo, tôi ngỏ ý muốn được học hỏi thêm về những bí thuật của môn phái này. Ngay lúc đó cô bé mang ra thêm một chén đồ nhắm, lần này không phải thịt rừng khô mà là một đĩa thịt nướng thơm phức. Trong lúc cô bé thong thả gắp thịt ra đĩa, tôi chăm chú nhìn cặp mắt to đen láy, mái tóc huyền làm nổi bật làn da trắng như ngọc. Tuy cô bé còn nhỏ tuổi nhưng đã có những đường nét sắc sảo đặc biệt khiến tôi phân vân không biết cô bé có liên quan gì đến đạo sĩ này nhưng không tiện hỏi. Tuy nhiên đạo sĩ biết ý tôi nên mỉm cười nói ngay: - Chắc tiên sinh đang thắc mắc một kẻ ở ẩn như tôi lại có một đứa nhỏ hầu hạ bên cạnh như vậy. Thưa vâng, nó chính là con gái tôi, hậu quả của một lần lầm lỗi cách đây nhiều năm. Mẹ cháu mất rồi, chỉ còn mình cháu với tôi. Tên cháu là Tiểu Ngọc. Ông ngưng ở đó không nói thêm. Chúng tôi tiếp tục uống rượu và thưởng thức đồ nhắm. Có lẽ vì chếnh choáng hơi men nên tôi đâm ra bạo dạn hơn lúc bình thường: - Tôi đọc sách thấy các đạo sĩ tu tiên thường có nhiều phép thuật như chỉ đá hóa vàng, hóa hiện ra những bầy tiên nữ múa khúc nghê thường, hay ít ra cũng một vài mỹ nhân để hầu hạ. Ngoài ra họ còn luyện thuật trường sinh và có những lò linh đơn nữathì phải? Đạo sĩ bật cười lắc đầu: - Tiên sinh lầm rồi. Tôi không phải kẻ luyện phép trường sinh. Nếu có quyền năng chỉ đá hóa vàng thì tại sao tôi lại ẩn náu ở vùng hoang vắng như thế này làm gì? Có lẽ tiên sinh đọc tiểu thuyết hơi nhiều. Một kẻ ẩn thân nơi hoang vu thanh tịnh để tránh cạm bẫy sắc dục thì biến hóa ra mỹ nhân hầu hạ làm gì cho phiền phức. Còn việc luyện linh đơn nữa, chỉ cần một viên cũng đủ, cần gì phải luyện đến cảlò! - Ông từ chối khéo lắm. Không có vàng bạc châu báu hay mỹ nhân hầu hạ cũng không sao nhưng tôi thấy ông không hề phủ nhận việc luyện linh đơn. Phải chăng ông vẫn uống linh đơn? Đạo sĩ phácười lên làm rung chuyển cảchiếc ghế trúc: - Ha ha ha! Này anh bạn trẻ, linh đơn đâu phải để uống. - Vậy để làm gì? Đạo sĩ không trả lời mà đổi đề tài, yêu cầu tôi đoán xem ông được bao nhiêu tuổi. - Tôi trông ông khoảng ngoài năm mươi. - Lầm rồi, tiên sinh đoán lại thử xem. Tôi nhìn nước da hồng hào, chòm râu đen nhánh của đạo sĩ và cô bé khoảng tám, chín tuổi đang hầu rượu gần đó: - Nếu vậy thì bốn mươi hay bốn lăm. Trông ông còn khỏe mạnh tráng kiện lắm. Đạo sĩ bật cười rồi nghiêm nghị: - Không đâu, tôi đã ngoài bảy mươi tuổi rồi. Tôi giật mình, không thể tin một người khỏe mạnh, râu tóc còn đen nhánh như vậy mà đã ngoài bảy mươi. Hơn nữa làm sao một người ngoài bảy mươi lại có con gái mới lên tám hay chín tuổi được, trừ khi ông ta có một phương pháp gì đó. - Như vậy… như vậy hẳn ông đã thành công trong việc luyện linh đơn và đã cải lão hoàn đồng? Đạo sĩ bật cười một hồi rồi lắc đầu: - Lạ thật, một người ngoại quốc như ông cũng biết đến các giai thoại về linh đơn hay trường sinh bất tử. Tôi xem ra ông cũng là người có kiến thức rộng về văn hóa Trung Hoa, nếu vậy để tôi thổi tặng ông một điệu nhạc cổ… Đạo sĩ nói nhỏ với Tiểu Ngọc vài câu. Cô bé chạy vội vào trong nhà lấy ra một cây sáo bằng trúc rất dài. Từ trước đến nay tôi đã nhìn thấy nhiều chiếc sáo trúc, nhưng chưa bao giờ thấy cái nào dài và cổ kính như chiếc sáo này. Phan đạo sĩ sửa lại y phục, ngồi thẳng người và trịnh trọng đưa sáo lên miệng… Trong các buổi luận đàm về thơ phú với bạn hữu của Tạ Hải, cũng có vài người gõ phách, thổi sáo hay gảy đàn nhưng chưa bao giờ tôi được nghe một âm thanh kỳ lạ thanh thoát như tiếng sáo này. Đó là một khúc nhạc cổ, dường như vui lại như buồn, nó vương vấn nhưng thanh thoát, âm thanh lúc nhặt lúc khoan khiến người nghe phải say mê theo dõi. Thật khó diễn tả được cảm tưởng của tôi khi nghe khúc nhạc đó. Có thể vì men rượu, vì âm thanh lạ lùng hoặc vì lí do gì khác khiến tôi ngồi ngây ra, hồn bay bổng tận đâu đâu. Tôi không biết khúc nhạc kéo dài bao lâu nhưng khi âm thanh dừng lại thì tôi thấy ánh nắng đã tắt dần phía sau sườn núi. Đã đến lúc tôi phải trở về Bảo Liên tự trước khi trời tối hẳn. Tôi đứng dậy lễ phép xin cáo từ nhưng có lẽ vì trí tò mò thúc giục nên tôi cố hỏi vớt một câu: - Xin cám ơn ông về bữa rượu và khúc tiêu tuyệt vời, nhưng trước khi từ giã, ít ra ông có thể chỉ dẫn cho tôi thêm về thuyết trường sinh bất tử hay chủ trương vô vi, huyền đồng của ông chứ? Phan đạo sĩ cau mày lộ vẻ khó chịu nhưng trấn tĩnh lại ngay: - Này tiểu huynh đệ, nếu anh muốn nghe một bài thuyết giảng thì hãy đến gặp các vị sư. Họ sẽ giảng cho anh nghe đủ các lý thuyết. Phần tôi tuyệt đối chẳng có gì để nói cả. Tuy nhiên gặp nhau bữa nay cũng là một duyên hay, để tôi ngâm một bài thơ của Lý Bạch cho anh nghe. Ông vỗ bàn ngâm lớn: Tam bôi thông đại đạo Nhất đấu hợp tự nhiên Đản đắc túy trung thú Vật vi tỉnh giảtruyền. Tạm dịch: Bachén hiểu đạo lớn Một đấu biết tánh thiêng Say sưatrong thú rượu Còn hơn kẻ tỉnh điên. Tôi không lạ gì bài thơ này vì đã đọc qua nhưng khi đạo sĩ nhấn mạnh câu “Tuyệt đối chẳng có gì để nói cả” tôi lại nghĩ ngay đến chủ trương “bất ngôn chi giáo” của Lão Tử. Người Tây phương khó có thể hiểu được phương pháp dạy bảo mà không dùng đến lời nói này. Từ ngàn xưa, các bậc hiền giả phương Đông đã cho rằng ngôn ngữ, văn tự là một phương tiện miễn cưỡng vì nó không thể diễn tả được hết ý nghĩa. Một ý tưởng cao siêu tuyệt đối không thể diễn tả bằng thứ ngôn ngữ tương đối mà phải sử dụng đến sự cảm thông vì “đạo khả đạo, phi thường đạo”. Cũng như thế, những chân lý tối thượng không thể sử dụng lời nói, văn tự mà diễn đạt nhưng phải sử dụng đến cái tâm hiểu biết, tâm thông cảm hay lấy “tâm truyền tâm” như chủ trương của thiền “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, kiến tánh thành Phật”. Các vị thầy phương Đông không vội vã truyền dạy những điều họ hiểu biết, họ không tuyên bố ồn ào những điều họ khám phá ra như các vị thầy phương Tây. Thay vì viết sách, mở trường, thu nhận học trò thì họ lại yên lặng sống âm thầm lặng lẽ với điều họ đã chứng nghiệm. Một người muốn học hỏi phải biết đi tìm thầy, phải lặn lội khắp nơi để tìm người hướng dẫn cho mình. Dù gặp được thầy nhưng không mấy khi vị thầy chịu truyền dạy ngay mà còn quan sát học trò một cách cẩn thận và chỉ hé môi nói những gì cần thiết, vừa vặn để cho học trò vỡ lẽ ra thôi. Thay vì sử dụng những lý luận, rõ ràng rành mạch, họ lại tìm những câu nói ẩn dụ để bắt học trò phải vắt óc suy nghĩ, phải tìm hiểu sâu xa để tự mình tìm ra những điều muốn biết. Đó chính là điểm ưu việt của phương pháp giáo dục không cần sử dụng đến ngôn ngữ, văn tự, lý luận mà chỉ khêu gợi cho người học tự mình quán triệt lẽ đạo mà thôi. Đó cũng là huyền nghĩa của câu “tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” (biết thì không nói, nói thì không biết). Từ đó cứ vài hôm tôi lại đến thăm Phan đạo sĩ. Tôi nghĩ nếu ông không chịu tiết lộ phương pháp tu thì tôi vẫn có thể quan sát học hỏi được chút gì khi kề cận bên ông. Chúng tôi uống rượu, ngâm thơ, nghe thổi sáo, bàn luận về âm nhạc và văn chương nhưng Phan đạo sĩ luôn luôn tránh đề cập gì đến phương pháp tu đạo mà chỉ khiêm tốn nói rằng ông là kẻ quê mùa nơi thôn dã, không biết bàn luận về những đề tài trừu tượng. Tuy nhiên tôi thấy nơi ông vẫn có một cái gì kỳ lạ, một nhân cách điềm đạm, ung dung thư thái khác thường. Một hôm chúng tôi đàm đạo về các phương pháp chiêm nghiệm như nhâm độn, sấm ký, địa lý, bốc phệ… Thật ra tôi nói và Phan đạo sĩ nghe thì đúng hơn vì ông vẫn giữ ý tránh đề cập đến những vấn đề này. Phần tôi lại cố tâm đem những đề tài ấy ra thảo luận để xem Phan đạo sĩ phản ứng thế nào, biết đâu trong lúc vui miệng ông chẳng tiết lộ thêm điều gì chăng? Hôm đó tôi đã nói: - Theo tôi thì cách tính toán của khoa toán số và tử vi của người phương Đông rất đặc biệt vàcó nhiều điểm chính xác. - Vậy ư? Ông cũng tin ở các môn này? - Lúc đầu tôi không tin nhưng về sau tôi thấy có nhiều điểm rất đúng. Dĩ nhiên điều này còn tùy khả năng nghiên cứu và kinh nghiệm của người đoán số. - Càng lắm kinh nghiệm lại càng chủ quan và có thành kiến chứ hay ho gì! Hơn nữa việc gì phải mất công tính toán lôi thôi, nếu biết tập trung tư tưởng để rung động đồng nhịp với sự rung động của người khác thì ta cũng có thể biết được nhiều điều rồi… - Ông muốn nói người ta không cần phải tính toán theo vị trí các tinh tú hay giờ khắc khi sinh ra hay sao? - Đúng thế. Một đứa con nít cũng có thể biết được nhiều việc quá khứ tương lai mà không cần phải học khoatử vi. - Tại sao như vậy? - Trẻ con trong trắng ngây thơ, cơ thể chưa phát dục, tâm hồn còn thanh khiết, chưa bị ô nhiễm bởi các thành kiến nên có thể biết trước được nhiều điều, nhưng tiếc thay không mấy ai chú ý đến điều này… - Đứatrẻ nào cũng làm được vậy hay sao? - Không hẳn vậy. Đa số con trẻ đều có khả năng đó nhưng nếu chúng được nuôi dưỡng tại các đô thị, chịu sự chi phối của các thành kiến hoặc đường lối giáo dục có tính cách cưỡng ép, nhồi sọ thì sẽ mất đi khả năng này. Tôi chụp ngay lấy cơ hội: - Theo như ông nói thì Tiểu Ngọc có thể làm được việc này? - Dĩ nhiên, nhưng chắc ông không tin như vậy? - Tôi chỉ tin khi nào có bằng chứng rõ rệt. Phan đạo sĩ gọi Tiểu Ngọc ra và nói với cô bé mấy câu. Ông thay đổi y phục, thắp một cây nhang trên bàn thờ lâm râm khấn vái. Tiểu Ngọc ngồi im trước bàn thờ tập trung tư tưởng một lúc rất lâu rồi ra hiệu cho tôi đưa bàn tay ra. Lúc đầu tôi tưởng cô bé muốn xem chỉ tay như các thầy bói thường làm, nhưng thay vì xem xét các đường nét trong lòng bàn tay, cô bé chỉ cầm lấy tay tôi áp lên trán mình một lúc cho đến khi Phan đạo sĩ lên tiếng: - Con đã nhìn thấy gì rồi chứ? Tiểu Ngọc gật đầu. Phan đạo sĩ thản nhiên ralệnh: - Vậy hãy nói đi. Bằng một giọng đều đều, Tiểu Ngọc lên tiếng: - Thưa cha, con thấy có một ngọn núi cao trên đỉnh phủ đầy tuyết trắng… Có một ngôi chùa lớn xây gần đỉnh núi và một người đàn ông đang đi qua đi lại quanh chùa nhưng không bước vào. Loanh quanh một lúc người này bỏ xuống nhưng rồi quay lại… Ông quan sát ngôi chùa thêm một lúc nữa rồi bỏ xuống núi. Lạ thay, đi một lúc ông ta lại quay lên, hình như ông ta lạc đường thì phải nhưng tại sao đã lên đến nơi rồi mà ông ta cứ ngó dáo dác như tìm kiếm cái gì? Hình như người này không thấy ngôi chùa hay không tìm được lối vào thì phải! Ông tacứ đi lên đi xuống, ngó quanh ngó quẩn mãi… Thôi con chán rồi, không muốn xem nữa. Người này cứ đi lên rồi lại đi xuống, chảcó gì đáng xem. Tiểu Ngọc ngưng lại không chịu nói thêm nữa. Phan đạo sĩ trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi ra hiệu cho tôi rút tay về. Tiểu Ngọc ngồi im một lúc rồi cũng bỏ vào nhàtrong. Tôi tò mò: - Như vậy làsao? Phan đạo sĩ không trảlời cứ ngồi yên suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu: - Không có gì đâu! Có lẽ con bé không được khỏe. Mọi khi nó có thể xem được nhiều chuyện lắm kia mà! Thôi bỏ qua chuyện này, chúng ta hãy ra bên ngoài uống rượu. Để tôi đưa ông đi xem một hòn giảsơn màtôi vừa đắp. Tôi định hỏi thêm nhưng thấy Phan đạo sĩ có vẻ gượng gạo không muốn nói tiếp nên đành thôi. Phan đạo sĩ ra phía sau núi chỉ cho tôi thấy một hòn giả sơn gồm nhiều tảng đá chồng lên nhau khá lớn. Trên đó ông trồng ít rong rêu, vài cây thông nhỏ được cắt xén gọn ghẽ và mấy cái tháp nhỏ bằng đất nung. Hình như ông cố ý cho tôi thấy ngọn giả sơn này để gián tiếp nói rằng Tiểu Ngọc đã hình dung ngọn núi phủ tuyết qua nó nhưng tôi vẫn thấy có điều gì gượng gạo, không tự nhiên. Cách hòn giả sơn mấy bước là một vực thẳm dẫn xuống một dòng suối nhỏ, gió núi lồng lộng làm bộ quần áo của Phan đạo sĩ bay phất phới như ông đang bay trên không trung. Chúng tôi uống rượu một cách miễn cưỡng. Hình như Phan đạo sĩ có điều gì lo nghĩ nên ông tỏ ra trầm ngâm hơn ngày thường. Sau khi uống vài chén Hổ cốt tửu, tôi xin cáo từ và Phan đạo sĩ cũng không hề lưu khách như mọi khi. Trên đường về tôi miên man suy nghĩ về cái “hình ảnh” mà Tiểu Ngọc “nhìn thấy”. Phải chăng cô bé ngây thơ kia có thể xem được điều gì trên bàn tay tôi? Tại sao Phan đạo sĩ lại chấp thuận cho con gái biểu diễn mà không chịu giải thích thêm? Vì sao ông có vẻ trầm ngâm khác thường? Phải chăng ông đã biết được điều gì? Liệu hình ảnh Tiểu Ngọc “nhìn thấy” có liên quan đến lời cảnh cáo của bà lão mù dưới chân núi không? Hình như cả hai đều có ý muốn nhắc nhở tôi về một điều chi? Suốt đêm tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được nên sau cùng tôi nhất quyết tìm đến Phan đạo sĩ để hỏi cho ralẽ. Sáng hôm sau mặt trời chưa mọc tôi đã vội vã rời chùa tìm đến khu rừng trúc. Từ xa tôi thấy Phan đạo sĩ đang trầm ngâm trước hòn giả sơn như suy nghĩ điều gì. Nghe tiếng động ông ngẩng lên, nhìn thấy tôi ông vòng tay chào và có ý gọi tôi leo lên chỗ đó. Tôi vừa đi đến cách ông khoảng mười thước thì thấy Tiểu Ngọc ở đâu cũng đang đi đến. Cô bé liến thoắng vừa đi vừa nhảy nhót như một con chim non. Thay vì đi theo con đường mòn, cô bé vừa đi vừa nhảy lên những tảng đá nằm dọc theo con đường. Bất chợt một tảng đá bỗng nghiêng đi khiến cô bé mất thăng bằng, ngã nhào xuống vực. Biến cố xảy ra trong nháy mắt. Tôi hoảng hốt chưa kịp phản ứng thì Phan đạo sĩ đang đứng yên lặng bỗng nhún mình phóng ra đỡ lấy cô bé. Tuy thân pháp của ông đã nhanh nhưng ông chỉ bắt được dải lụa quấn ngang hông Tiểu Ngọc. Tôi thấy thân hình ông lảo đảo bên bờ vực, ông có thể giữ được thăng bằng không ngã nhưng khó có thể bắt được đứa con đã rơi xuống vực. Đột nhiên tôi thấy ông đập mạnh hai chân vào nhau rồi nhoài người racố gắng ôm lấy đứacon và… cả hai chacon đều ngã xuống vực sâu. Nói thì lâu nhưng mọi sự chỉ xảy ra trong chớp mắt. Tôi lặng người không biết phải phản ứng thế nào. Khi hoàn hồn, tôi chạy ra bờ vực nhìn xuống nhưng ở dưới sương mù dày đặc không thể trông thấy gì. Tôi biết vực đó không sâu lắm, chỉ độ năm, sáu chục thước nhưng đã ngã xuống đó nếu không vỡ sọ thì cũng gãy hết xương. Hoảng hốt, tôi chạy men theo khe núi để tìm đường xuống đáy vực bất chấp gai góc, bờ bụi hay những tảng đá lởm chởm nhọn hoắt. Tôi cắm đầu chạy dọc theo sườn núi cho đến khi nghe tiếng nước chảy róc rách và chân bắt đầu dẫm lên những mảng rong rêu ướt sũng. Đầu óc tôi như tê liệt vì lo lắng, tôi không biết phải làm sao và cứ cắm đầu leo cho đến khi thấy một bóng người đứng lù lù trước mặt: Phan đạo sĩ. Tôi kinh ngạc đến sững sờ khi nhìn thấy Phan đạo sĩ ôm chặt Tiểu Ngọc trên tay, hai mắt cô bé nhắm nghiền, mặt mày trắng bệch như không còn chút sinh khí nào. Phan đạo sĩ nói khẽ: - Cháu nó hoảng hốt đến thất thần nhưng nếu nghỉ ngơi một lúc may ra sẽ hồi tỉnh lại. - Wow! Thank God… Tôi mừng rỡ hét lớn nhưng chợt nhớ rằng mình vừa nói tiếng Anh nên vội đổi lại: - Cháu bé không sao chứ? - Tôi không biết… Có lẽ cần phải đưa vào bệnh viện khám nghiệm xem thế nào. Phiền ông chạy về chùa xin một cái cáng đến đây. - Để tôi đi gọi thêm người tiếp tay… Vừa nói xong, thốt nhiên tôi cảm thấy có điều gì kỳ lạ lắm. Tiểu Ngọc ngã từ trên núi xuống suối, quần áo cô bé ướt sũng và dính đầy bùn nhưng quần áo của Phan đạo sĩ vẫn khô nguyên, chỉ bị ướt từ chân đến đầu gối thôi. Không lẽ ông ta đạp xuống nhẹ nhàng như một con chim? Từ trên cao ngã xuống, dù có tập cách nhào lộn thế nào, người ta cũng không thể đáp xuống bằng hai chân được. Có lẽ vì ngạc nhiên nên tôi buột miệng nói ngay: - Nhưng… nhưng làm sao ông lại có thể đứng thẳng được? Phan đạo sĩ ngạc nhiên nhìn tôi một lúc như không hiểu tôi muốn nói gì nhưng ông cũng trảlời: - Dĩ nhiên tôi phải đáp xuống đất bằng hai chân, nước tại đây không sâu, chỉ đến đầu gối thôi… May làchỗ này không có nhiều đá ngầm… Đến khi đó dường như hiểu ý tôi, ông bật cười: - À, tôi quên rằng anh bạn chưa biết gì về Đạo cả… Như tôi đã nói, “luyện đơn” đâu phải để uống mà chỉ là một kỹ thuật đi, đứng, nằm, ngồi làm sao để tuyệt đối giữ được sự quân bình giữa thân và tâm, giữa mình và thiên nhiên. Sự quân bình này là yếu tố căn bản để hòa nhập với vũ trụ. Đó là mục đích của phương pháp luyện đơn. Danh từ “đơn” ám chỉ sự hòa nhập vào bản thể của trời đất, trở về với nguồn cội hay huyền đồng. Phương pháp của nó là sự điều khí và giãn thể chứ đâu phải cất lò luyện thuốc trường sinh để uống như người ta thường thêu dệt trong các tiểu thuyết. Nhưng khoan đã, phiền ông cho gọi người mang một cái cáng đến đây để đưacháu lên núi. Tôi gật đầu chạy ngược về chùa gọi người mang kiệu đến. Có lẽ vừa mệt mỏi vừa hoảng hốt nên tôi luống cuống nói mãi không ra hơi nhưng người ta cũng hiểu, một mặt các tăng sĩ cho người mang kiệu chạy đi đón Tiểu Ngọc, mặt khác người ta chuẩn bị ngay một chiếc thuyền chở bệnh nhân về Hồng Kông vì tại Lan đảo không có bệnh viện. Chiều hôm đó, sau khi tiễn Phan đạo sĩ xuống tàu, tôi trở về Bảo Liên tự. Nhân dịp có một số khách hành hương đang tụ họp ăn uống, tôi mang chuyện này ra kể. Câu chuyện người đạo sĩ ẩn tu sau Thái Vũ Sơn khi ngã xuống vực sâu đã có thể đáp xuống đất bằng hai chân khiến nhiều người xuýt xoa thán phục. Họ trầm trồ bàn tán vàthêu dệt ngay cho ông này có khả năng khinh công “đăng bình độ thủy” khiến câu chuyện càng thêm phần hấp dẫn. Có người quả quyết đạo sĩ vốn là đệ tử củachùa Thiếu Lâm, một trung tâm võ thuật nổi tiếng của Trung Hoa khiến cho vị tri khách tăng phải lắc đầu: - Làm gì có chuyện gã đó xuất thân từ chùa Thiếu Lâm! Chúng tôi biết hắn từ lâu rồi. Hắn là người đồng hương với vị tăng trông coi việc chuông mõ trong chùa. Nếu muốn biết thêm về hắn thì cứ đến hỏi vị này là xong… Ngay lúc đó một nhàsư già ở ngoài bước vào. Vị tri khách vội nói ngay: - Vừa nhắc đến huynh thì huynh đến. Mọi người đang bàn tán về gã đạo sĩ vẫn ẩn cư ở phíasau núi đây này. Vị sư già gật đầu: - Phải chăng quý thí chủ muốn biết về Ngân Hà đạo sĩ? Lão tăng và hắn là người đồng hương, quen biết nhau từ thuở nhỏ. Mọi người vội nhao nhao lên hỏi: - Phải chăng hắn rất giỏi võ thuật? - Võ thuật ư? Lão không tin hắn học võ. Theo sự hiểu biết của lão thì hắn chỉ là kẻ chuyên thổi sáo, ngâm thơ màthôi. - Phải chăng hắn xuất thân từ chùa Thiếu Lâm? - Không đâu! Từ nhỏ đến lớn hắn chỉ sống ở Chung Sơn, chuyên xem địa lý, phong thủy, chọn ngày tốt xấu. - Phải chăng hắn biết khinh công? - Không đâu! Hắn chỉ sở trường về âm nhạc. Thấy nhân vật mà họ vừa dựng lên không được như ý, mọi người liền tỏ ra lạnh nhạt không muốn hỏi thêm gì nữa. Sau vài câu đối đáp lấy lệ, họ xoay ra bàn chuyện thời tiết, buôn bán nhưng tôi tò mò muốn biết thêm về Phan đạo sĩ nên kéo vị sư giàra ngồi một bàn riêng. - Xin ngài cho biết sự liên hệ giữa ngài và Phan đạo sĩ. - Chúng tôi đều xuất thân từ Chung Sơn. Khi còn nhỏ lão tăng theo hầu một đạo sĩ trong vùng là Kim Tinh thượng nhân. Vị này có hai đệ tử là Ngân Hà và Thiết Tháp. Để lão tăng nhớ xem nào, Thiết Tháp sinh năm Hợi, hơn lão tăng mười tuổi nhưng Ngân Hà còn hơn Thiết Tháp mấy tuổi nữa vì gã này đã gọi hắn là đại ca. Tôi nóng ruột hỏi dồn: - Như vậy ngài bao nhiêu tuổi rồi? - Năm nay lão tăng đã ngoài sáu mươi. - Như vậy, ít nhất Ngân Hà đạo sĩ cũng ngoài bảy mươi hay tám mươi chi đó? - Đúng thế, ít ra hắn cũng gần tám mươi. - Nhưng… nhưng làm sao được, đứa con gái của ông ta mới chỉ lên bảy hay tám tuổi thôi mà! Vị sư già bật cười: - Như vậy thì đã sao? Ông lão bảy mươi vẫn có thể sinh con được kia mà. Đa số những người tu đạo đều có dáng dấp trẻ hơn người thường. Họ biết cách cải lão hoàn đồng để tự do tiêu dao phóng túng. Cũng vì thế, Ngân Hà đạo sĩ không dám trở lại Chung Sơn nữa. - Tại sao vậy? Ông ta đãlàm gì? - Hiển nhiên hắn ta đã phạm một lỗi rất lớn, phải cải tên đổi họ, bỏ xứ ra đi, không dám nhìn ai nữa. - Tại sao vậy? - Chuyện này nói ra thì dài lắm, để lão kể vắn tắt cho ông nghe vậy. Ngân Hà đạo sĩ theo học với Kim Tinh thượng nhân rất lâu và sở đắc nhiều điều đặc biệt. Tuy lớn tuổi rồi ông trông vẫn như ở tuổi trung niên, râu tóc không hề bạc, cử chỉ lúc nào cũng an nhiên tự tại. Ông có tài chiêm nghiệm, đoán số, xem ngày tốt xấu, ngoài ra còn nổi tiếng là một nhạc sĩ thổi tiêu rất hay. Cách đây khoảng mười năm chi đó, miền Chung Sơn có một thiếu nữ rất đẹp, xuất thân trong một gia đình quyền quý, trai tráng trong vùng đều say mê đắm đuối. Nhưng cô này đã được hứa hôn cho con trai họ Trần, một trại chủ trong vùng, từ khi cả hai còn bé. Trần gia cũng là một gia tộc uy thế, vừa giàu có lại vừa giỏi về võ thuật. Lão trại chủ với môn Thiết Tý Quyền nổi danh thiên hạ vô địch, không mấy ai chịu nổi một quyền của ông. Ông dốc lòng truyền dạy tuyệt kỹ này cho các con nên ai nấy đều mình đồng dasắt, quyền pháp mạnh bạo vô cùng. Do đó dù say mê sắc đẹp cô gái nọ nhưng không mấy ai dám đụng đến uy danh Trần gia trang. - Trước ngày cưới khoảng vài tháng, cha cô gái bị bệnh qua đời. Gia đình cử hành tang lễ rất long trọng, cho mời các vị tăng cũng như đạo sĩ đến làm lễ cầu siêu. Ngân Hà đạo sĩ được mời đến làm chủ các nghi thức tế lễ và chọn ngày chôn cất. Chẳng hiểu vì sao vị đạo sĩ đã ngoài bảy mươi này lại rung động trước vẻ đẹp của cô tiểu thư khuê các kia. Ông trổ tài thổi sáo, ngâm thơ dẫn dụ cô gái nọ. Tuy là gái đã hứa hôn nhưng cô tacũng phải lòng ông này ngay… Thật đáng trách, cha vừa chết mà con gái đã ăn nằm ngay với trai. Dĩ nhiên họ đâu thể kéo dài mối tình vụng trộm này mãi được. Đạo sĩ không thể ở lâu trong nhà người chết sau tang lễ và cô gái kia cũng không thể giao thiệp với ông này mà không bị dư luận đàm tiếu. Sau đám tang vài hôm, cô gái thu thập tư trang bỏ nhà trốn theo đạo sĩ. Sự kiện này khiến cả vùng xôn xao náo động. Uy tín của Trần gia trang bị thương tổn nặng nề, gia đình cô gái cũng xấu hổ không dám nhìn ai hết. - Phải chăng vì việc cô ta đi theo một người lớn tuổi? - Không phải vậy. Việc một cô gái trẻ ăn nằm với một người đàn ông lớn tuổi không quan trọng, nhưng việc một người đàn ông dụ dỗ một thiếu nữ đã hứa hôn là một biến cố lớn, không thể chấp nhận được. - Nhưng cô tachưalập gia đình kia mà! - Đã hứa hôn thì coi như đã thành vợ người khác rồi, một khi đã nhận lễ vật, đã đồng ý, là một lời hứa danh dự không thể thay đổi. - Nhưng khi hứa hôn cô gái còn bé, đâu đã biết gì… - Điều này không quan trọng. Con cái không có quyền cãi cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó. Ngoài ra cô còn mang tội đại bất hiếu, cha vừa chết chưa xanh mồ mà đã dám bỏ nhà theo trai. Thật tồi bại! Do đó cô gái chết cũng đáng kiếp lắm! - Làm sao cô tachết? - Thì còn làm sao nữa! Có con gái như vậy thì cha mẹ nào chịu nổi, phải vặn cổ nó đi cho rồi… - Cái gì? Ai vặn cổ ai? - Thì còn ai vào đây nữa? Chính cha cô ta hay tổ tiên dòng họ đã trừng trị cô ta chứ sao… - Làm sao được? Ông ta đãchết rồi kia mà. - Chết thì đã sao? Nếu chết không yên thì người ta trở thành ma quỷ chứ làm sao siêu thoát được! - Xin ông nói rõ hơn… - Ngân Hà đạo sĩ và đứa con gái tồi bại đó bỏ Chung Sơn, cải danh ẩn tích trốn đi Hồng Kông. Chỉ vài tháng sau cô nọ có thai. Có lẽ vì thế nên cô ta còn sống thêm được ít tháng nữa. - Tại sao vậy? - Dù muốn trừng phạt đứa con bất hiếu nhưng cha mẹ nào lại trừng phạt cả đứa cháu vô tội? Do đó lúc có thai cô gái vẫn bình thường nhưng sau khi sinh xong thì họ mới ratay trừng trị. Vừasinh xong đứa bé, cô nọ bị hậu sản chết ngay. Người ta kể rằng cô đã kêu la than khóc, van lạy cha mẹ rối rít trong cơn mê sảng nhưng vô ích. Chuyện này các bà mụ tại Hồng Kông đều biết, họ kể rằng cô đã rú lên từng hồi như heo bị chọc tiết trước khi chết. Ngân Hà đạo sĩ vừa có con xong đã phải lo chôn cất vợ. Tôi nghe nói đứa bé xinh lắm, xinh như mẹ nó vậy… Thật làtội nghiệp! - Nhưng làm gì có người cha nào nỡ lòng làm việc đó? - Cái gì? Một người đã chết còn cần con cháu hơn một người còn sống. Nếu không, lấy ai nhang khói thờ phụng? Ai cúng kiếng hay đốt vàng mã cho kẻ dưới âm cung? Tôi quên không kể rằng gia đình đó không có con trai nối dõi mà chỉ có độc một mụn con gái. Họ thương lượng với Trần gia trang để sau khi cưới, con rể sẽ đổi họ trở thành người nhà vợ để nối tiếp dòng họ. Ông không thấy sao, việc Ngân Hà và đứa con gái tồi tệ đó ăn nằm với nhau không những đã làm tuyệt tự dòng họ mà còn khiến cho người chết không còn ai nhang khói thờ phụng nữa… Tội bại hoại gia phong và làm tuyệt tự dòng giống rất nặng, không thể tha thứ được. - Nhưng Phật giáo đâu có dạy như vậy? - Đúng thế. Nhưng họ đâu phải tín đồ Phật giáo mà theo truyền thống thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên tôi cũng suy nghĩ về điều này nhiều lắm. Trước sau ai cũng chết nhưng nếu chết mà không được thờ cúng thì biến thành quỷ đói còn gì. Do đó ngay như tôi, một kẻ tu hành cũng thu nhận một gã đệ tử để sau này khi chết đi cũng có người thờ cúng. Điều này thật ra không đúng với Phật pháp nhưng… dù sao người ta cũng phải biết lo toan cho số phận mình ở cõi bên kia chứ! Tuy ngạc nhiên vì thái độ của vị sư già nhưng tôi vẫn nóng lòng muốn biết về số phận của Phan đạo sĩ: - Rồi sao nữa? Phải chăng Ngân Hà đạo sĩ chôn cất vợ xong liền về đây ẩn dật? - Dĩ nhiên rồi. Hắn đâu thể sống ở Hồng Kông mãi được vì có thể bị lộ tung tích. Dù có đi đâu thì vẫn có thể gặp người của gia đình cô gái nọ hoặc của Trần gia trang. Do đó hắn đưa con gái ra đây ẩn dật phía sau núi. Đã từng sống đời đạo sĩ thì trở về sống nơi hoang vu tịch mịch cũng dễ dàng thôi, nhưng dù sao chuyện đã qua cũng để lại một vết thương lòng khó có thể xóa được. Thỉnh thoảng lúc đêm khuya, hắn mang tiêu ra thổi nhưng tiếng tiêu của hắn không còn ung dung tự tại như xưa mà đượm một vẻ xót xa buồn chán chi đó. Ôi chao, vừa nhắc đến tiếng tiêu mà tôi suýt quên rằng mình còn phải trở về gác chuông vì đã đến giờ đánh chuông rồi. Vị sư già hấp tấp vòng tay chào từ biệt rồi bước thẳng ra cửa. Quanh phòng ăn, mọi người vẫn ồn ào bàn tán những tin tức thời sự, chuyện làm ăn buôn bán cùng những vui buồn củacuộc đời… Ít lâu sau tôi biết Tiểu Ngọc được đưa vào bệnh viện Đông Hoa tại Hồng Kông. Cuộc khám nghiệm cho thấy cô bé bị chấn động mạnh ở đầu, phải điều trị mấy tháng mới bình phục. Trong thời gian đó, Phan đạo sĩ luôn luôn ở sát bên con gái. Tôi không có dịp gặp lại ông ta và Tiểu Ngọc, phần vì bận việc, phần vì tôi nghĩ mình đã quấy rầy đời sống lặng yên của họ hơi nhiều. Câu chuyện về Phan đạo sĩ đã giúp tôi nhận thức thêm được một khía cạnh khác của đời sống, về những biến động bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dù cuộc đời có lặng yên như biển cả buổi bình minh, nhưng luôn luôn vẫn có những đợt sóng ngầm, chờ đợi một cơn gió, một cơ hội để tạo thành những cơn sóng thần dữ dội vùi dập tất cả. Tuy là một đạo sĩ công phu tu tập, hàm dưỡng trong nhiều năm mà chỉ trong giây phút cũng bị lôi cuốn vào những phiêu lưu tình cảm bất ngờ để sầu hận cho cả cuộc đời. Dù đời sống nhẹ nhàng êm đềm như một bức tranh nhưng trong cái đẹp đó vẫn có những bất trắc xảy ra. Hình ảnh Tiểu Ngọc đang vui vẻ nhảy chân sáo trên những tảng đá bỗng ngã lộn xuống vực đã giúp tôi nhận thức được sự vô thường trong cuộc đời này. Từ đó tôi ý thức nhiều hơn về sự mong manh, phù du của kiếp người và biết cẩn thận hơn trong hành động, cử chỉ của mình. Trong thời gian còn lại tại Lan đảo, tôi tập trung nỗ lực để thiền định và quán tưởng vì biết rằng bánh xe sinh tử vẫn quay đều, nếu không ý thức được tính cách vô thường, nay còn mai mất, lúc có lúc không của kiếp người thì người ta cứ mãi mãi chịu sự chi phối của nó. Dĩ nhiên muốn thoát khỏi luân hồi, con người phải tinh tấn nỗ lực, phải trải qua vô số kiếp, vượt qua nhiều thử thách lớn lao. Tuy nhiên dù đường xa vạn dặm cũng bắt đầu bằng một bước chân, dù biển khổ mịt mù nhưng một điểm sáng trong tâm cũng đủ giúp chúng ta nhận thức rằng sau đám mây mù kia vẫn có một chân trời xán lạn và chỉ có giải thoát mới thực sự làcon đường đúng đắn nhất để chấm dứt mọi khổ não. 4 ChươngNhẹ Bước Tiêu Dao Tạ Hải chăm chú theo dõi câu chuyện tôi kể về chuyến đi thăm Lan đảo rồi lắc đầu: - Tôi thiết nghĩ một chuyến nghỉ hè sau những ngày làm lụng mệt mỏi là điều rất tốt, nhưng tại sao bạn không nghỉ ngơi cho thoải mái mà lại để cho mình bị lôi cuốn vào những chuyện phù phiếm không đâu! Bạn cho rằng việc nhảy từ trên cao xuống đất mà không hề hấn gì làchuyện hi hữu sao? Có bao giờ bạn tự hỏi các đạo sĩ tập luyện khinh công như thế để làm gì không? Chẳng lẽ ngày nào người ta cũng ngã xuống vực? - Nhưng giữ được quân bình như thế cũng giỏi lắm chứ! - Dĩ nhiên tôi không chê công phu đó nhưng tiếc cho đạo sĩ tu tập bao năm mà vẫn không nắm được mục đích của đạo, cứ tốn công nhọc sức vào những điều viển vông không đâu. - Nhưng ông ta đãlàm gì viển vông? Tạ Hải không trả lời, bước tới kệ sách rút lấy một cuốn sách dày đóng bìa da cẩn thận. Đó là một cuốn sách rất cổ in từ đời Tống rất quý. Anh cẩn thận giở từng trang rồi chỉ vào một dòng. - Bạn hãy coi đây. Theo Lão Tử thì trong ngũ hành, kẻ tu đạo phải biết lấy yếu tố nước làm căn bản. Nước luôn luôn nhượng bộ để chinh phục. Nước có thể làm tắt lửa hoặc nếu lửa mạnh thì nước sẽ chuyển thành hơi bốc đi nơi khác. Nước có thể cuốn trôi đất và nếu gặp đá cứng không cuốn trôi được thì nước bèn rẽ qua chỗ khác. Nước có thể làm sắt phải han gỉ, nước có thể bốc lên không trung làm không khí ẩm ướt khiến gió cũng phải ngưng. Tóm lại, nước là yếu tố có thể thắng tất cả những yếu tố khác. Nhưng tại sao nó thắng? Nó thắng vì bản tánh nó uyển chuyển, thích hợp với mọi hoàn cảnh. Khi gặp chỗ trống thì nó nhảy vào, gặp chỗ đầy thì rút ra; nó biết tìm chỗ nấp, tránh chỗ cao để gìn giữ trạng thái quân bình trong vạn vật. Bạn không thấy sao, thể xác con người khi mới sinh thì mềm, khi chết thì cứng. Trong thiên nhiên, cây cỏ mới sinh thì mềm mại, đến khi chết thì khô héo. Tóm lại cứng mạnh là bản chất của sự chết và mềm yếu là của sự sống, càng cứng mạnh thì càng dễ gẫy, càng mềm thì càng không thể gẫy được. Chữ mềm (nhu) có nghĩa là uyển chuyển, không cố định trong một hình thức nào mà luôn luôn thay đổi, thích hợp với mọi hoàn cảnh. Tâm hồn con người sống theo lẽ Đạo cũng vậy, phải biết thay đổi, biến hóa theo nhịp sống của thiên nhiên, không gò bó theo một định luật hay ước lệ nào, không cưỡng lại, không chống đối mà vẫn đạt được mục đích cuối cùng. Đó chính là bí quyết lấy nhu thắng cương, lấy nhược trị cường, lấy cái không tranh đua để tất thắng. Bây giờ hãy xét đến việc cầu trường sinh trẻ mãi không già hay việc luyện khinh công nhảy từ trên cao xuống đất không hề hấn chi mà bạn cho là hết sức đặc biệt. Này bạn, có sinh ắt có diệt, có sống ắt có chết, có trẻ ắt có già, đó chính là lẽ thường của thiên nhiên. Những kẻ tự xưng là sống thuận theo thiên nhiên nhưng kỳ thật lại cố gắng giữ cho mình không già qua phương pháp dưỡng khí luyện thần, tu đạo luyện đơn chỉ là những kẻ đi ngược với thiên nhiên chứ đâu phải thuận. Tạo hóa sinh chim chóc biết bay, cá tôm biết lội, loài người biết đi, đó là lẽ thường nhưng tại sao con người lại muốn tập luyện để bay như chim, để lội như cá? Như thế đâu thể bảo là thuận thiên nhiên, hợp tạo hóa hay sống theo lẽ đạo được! Này bạn, xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn, mùa xuân đâu có chiếm lấy vài tháng của mùa thu để kéo dài thêm đời sống cho nó mà sao con người lại cứ muốn kéo tuổi xuân mãi mãi? Phải chăng đó là mê đắm, là tham dục, là đi ngược thiên nhiên? Tóm lại họ chỉ dựa trên những lý luận mơ hồ rồi ngụy biện gọi đó là Đạo chứ đâu phải là đúng với điều mà Lão Tử gọi là Đạo. Nếu không biết phân biệt thật hay giả, cứ thấy cái gì kỳ lạ, cái gì huyền bí màu nhiệm, cái gì khác thường là cắm đầu tin theo thì bạn sẽ bị cái sức mạnh ma quái đó lôi cuốn đi mãi vào cái vòng luẩn quẩn, biết bao giờ có thể hồi tâm tỉnh ngộ được. Hơn nữa, bạn đã là tín đồ Phật giáo; đạo Phật chủ trương mở mang trí tuệ để thấy được chân lý chứ đâu phải đi tìm những sự kỳ lạ, huyền hoặc hay cầu pháp thuật thần thông. Khi có trí tuệ liền thấy được tất cả những điều trên đời đều chỉ là giả tưởng, điều không có thật. Mọi sự vật ở thế gian đều vô thường, dù cố gắng bảo tồn, duy trì thế nào chăng nữa, rốt cuộc chúng cũng hoại diệt, không thể thường hằng. Cứ giữ chặt lấy cái không có thật, cứ bám cứng vào cái huyễn ảo, nếu không phải si mê, cố chấp thì là gì? Trước lý luận chính xác và rõ ràng của Tạ Hải, tôi đành bẽn lẽn cười trừ. Tạ Hải tiếp tục: - Nếu biết thế, biết con đường phải đi, biết rằng mình đã may mắn có thầy chỉ dẫn thì lẽ ra bạn phải tập trung nỗ lực để cố gắng tu tập hành trì mới phải. Tại sao bạn còn để những việc phù phiếm như tu đạo luyện đơn, trường sinh bất tử hay trò khinh công mê hoặc nhân tâm đó lôi kéo? Bạn phải biết rằng thà tu theo đường chính mà ngàn năm không ngộ còn hơn tu theo đường tà để rồi hối hận không kịp. Bạn đã đọc nhiều sách, đã nghiên cứu, đã thực hành thiền tập mà sao lại dễ tin như vậy? Phải chăng bạn chưa thực sự ý thức được mục đích con đường của mình, dễ bị lung lạc, dễ bị lôi cuốn? Tôi nghĩ có lẽ bạn cần chú ý hơn nữa về giới luật. Quả thật như thế, mặc dù đã quy y ngũ giới nhưng tôi vẫn chưa nắm vững giới luật một cách rõ rệt. Tôi chưa có dịp thực hành những điều đã học để xem công phu tu học của mình như thế nào. Đúng thế, tôi dễ bị lung lạc, ham mê những gì kỳ lạ, khác thường. Ngay khi đó, câu nói của bà lão mù tại Đông Hải thần miếu chợt vang lên: “Muốn đi xa, phải đi từ từ, phải thận trọng theo đường chính, tránh các ngả tắt dễ làm người ta lầm đường lạc lối”. Lúc đó tôi mới hiểu rõ lời cảnh cáo đó và nghĩ đến cái “linh ảnh” mà Tiểu Ngọc đã nhìn thấy. Khi kể chuyện cho Tạ Hải, tôi đã cố tình không nhắc đến hai yếu tố đó và đến lúc ấy tôi mới bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của giới luật như căn bản giúp người mới bước vào đường tu tránh các cạm bẫy. Một số người thường cho rằng giới luật là những cái gì cứng nhắc, gò bó, kiềm chế con người nhưng theo tôi, giới luật Phật giáo không hề có tính cách đó. Khi mới thành lập tăng đoàn, Đức Phật không hề đặt ra giới luật. Khi số đệ tử của ngài gia tăng, với đủ các thành phần trong xã hội, với trình độ kiến thức khác nhau, ngài mới đặt ra giới luật như một căn bản để che chở giúp đỡ cho những người mới tu khỏi sa ngã. Nhờ biết trì giới họ có thể giữ tâm an tịnh, thoải mái không bị ngoại cảnh lôi cuốn lung lạc. Nhờ chuyên tâm tu tập mà họ đắc định. Khi có định thì trí tuệ mới nảy sinh (Giới, Định, Tuệ). Khi đã có trí tuệ thì mới nhìn thấy rõ thực tướng của mọi vật, thấy được chân lý, hiểu lẽ vô thường, vô ngã. Khi đã có trí tuệ thì giới luật không còn cần thiết nữa, ví như khi qua sông thì bỏ bè. Các đệ tử của Phật phát nguyện giữ giới vì biết rõ lợi ích của nó, biết đó chỉ là những hàng rào che chở bảo vệ, những chiếc bè đưa người qua sông, nhưng đó là phương tiện giúp người ta tiến bước trên đường dẫn đến mục đích tối hậu chứ không phải là những ràng buộc nghiêm khắc, những luật lệ gò bó trói buộc. Vấn đề giới luật đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều nên ít lâu sau, khi nghe tin vị trụ trì ngôi chùa gần đó làm lễ điểm hương cho một số Phật tử, tôi cũng xin tham dự. Đây là một buổi lễ dành riêng cho các Phật tử tại gia phát nguyện xin giữ thêm một số giới nữa ngoài năm giới căn bản. Chúng tôi quỳ trước bàn thờ tụng một bài kinh rất dài. Sau đó vị trụ trì ra hiệu cho mỗi người vén tay áo, đưa cánh tay ra. Ông thong thả bôi vào cánh tay một chút nước gì dinh dính như keo rồi điểm lên đó thứ tự ba hàng dọc song song, mỗi hàng bốn chấm từ cổ tay lên đến khuỷu tay, tổng cộng mười hai chấm tượng trưng cho mười hai giới mà chúng tôi nguyện sẽ tuân giữ. Trên mỗi chấm, ông đặt vào một mẩu nhang nhỏ rồi châm lửa đốt. Chúng tôi bắt đầu đọc tụng những bài thần chú, chuyên tâm vào từng câu, từng cách phát âm trong khi sức nóng của miếng nhang bắt đầu đốt cháy vào da thịt. Nhờ tập trung tư tưởng vào bài chú, tôi chỉ cảm thấy hơi đau trên cánh tay, nhưng khi nghi thức hành lễ chấm dứt, tôi mới thấy cánh tay đau nhức vô cùng. Vết bỏng ăn sâu vào da thịt tạo thành mười hai cái chấm nhỏ hằn trên cánh tay như chứng tích luôn luôn nhắc nhở tôi về những giới luật màtôi đã nguyện xin tuân giữ. Đối với các tăng sĩ, thay vì điểm hương trên cánh tay, họ lại điểm trên trán, do đó trên trán họ thường có những vết chấm rất rõ rệt. Tôi không biết phong tục này có từ khi nào nhưng nhờ thế mà tôi kinh nghiệm được một bài học về sức mạnh của tư tưởng. Tôi nghiệm rằng khi làm chủ được tư tưởng thì người ta có thể tránh được các cảm giác đau đớn về xác thịt. Tuy nhiên việc đau đớn vì các vết bỏng đó chỉ là việc nhỏ so với trường hợp của Tạ ngũ thúc sau đây. Một hôm tôi cho Tạ Hải biết rằng tôi đã dành dụm đủ tiền để du lịch Trung Hoa. Mấy năm sống tại Hồng Kông đã giúp vốn liếng tiếng Hoa của tôi dồi dào hơn trước, có thể du lịch một mình. Tạ Hải gật đầu tỏ ý tán đồng: - Hay lắm! Để tôi giới thiệu anh với người chú ruột của tôi ở Quảng Đông. Tạ ngũ thúc giao thiệp rộng, kiến thức nhiều, ông ấy có thể giúp đỡ và hướng dẫn anh trong nhiều việc. Vài hôm sau, tôi đáp xe lửa đi Quảng Đông. Vừa đến nhà ga Thạch Quán, người chú thứ năm của Tạ Hải đã ra đón tận nơi. Đó là một người đàn ông cao lớn mập mạp, khuôn mặt vui vẻ nhưng cử chỉ của ông lại rất nhẹ nhàng, ung dung. Ông nói năng chậm rãi, từ tốn và thân mật khiến tôi vừa gặp đã có cảm tình. Theo lời Tạ Hải, ngày trước ông là một phú thương, có nhiều nhà cửa, cơ sở thương mại. Cũng như những thương gia giàu có thời đó, ông có nhiều vợ. Cứ mỗi nơi thiết lập cơ sở thương mại là ông lại cưới một người vợ để trông coi công việc cho ông. Ngoài ra ông còn hút thuốc phiện nữa. Sau mấy chục năm đang sống thoải mái như vậy bỗng nhiên ông đổi tính, từ bỏ vợ con, giatài sự nghiệp về sống trong một căn nhà bé nhỏ khiêm tốn, suốt ngay chỉ tụng kinh tham thiền. Điều đặc biệt hơn cảlà ông đã bỏ luôn cảthói hút thuốc phiện nữa. Hôm đó, sau bữacơm tối, tôi đặt câu hỏi: - Xin Ngũ thúc cho biết vì lý do gì thúc thúc bỏ được tật nghiện thuốc phiện? Phải chăng lòng tin vào Phật pháp củathúc thúc rất mạnh? Tạ ngũ thúc bật cười: - Không hẳn như thế! Bỏ thuốc phiện không dễ nhưng một khi đã biết rõ cái nguy hại của nó thì điều này có thể thực hiện được. - Xin thúc thúc cho biết rõ hơn. - Được lắm. Ta bỏ thuốc phiện hơn hai mươi năm nay rồi. Khi xưa ta hút rất nhiều, khoảng năm hay sáu cữ mỗi ngày, mà toàn những thứ hảo hạng cả. Khi ta biết đến Phật pháp, biết được con đường thoát khổ thì ta cương quyết từ bỏ những thói xấu tai hại ngày trước. Lúc đó vợ con, thân quyến của ta hoảng sợ, kéo đến năn nỉ ta đừng bỏ thuốc một cách cấp tốc như vậy. Đã có bao nhiêu người chết bất đắc kỳ tử, chết khổ sở, thân tàn ma dại hay điên loạn chỉ vì cai thuốc nhanh quá. Họ khuyên ta hãy giảm bớt liều lượng hoặc đến bệnh viện điều trị nhưng ta vẫn nhất quyết bỏ nó ngay. - Tại sao thúc thúc lại làm như vậy? - Này tiểu huynh đệ, thử tưởng tượng nếu anh đang ngồi bỗng thấy cái gì nhột nhột dưới chân, anh thò tay xuống cầm lên xem và thấy đó là một con rắn độc thì anh sẽ làm gì? Liệu anh có từ từ thong thả đặt nó xuống đất không? Hay anh vung tay ném đó đi thật xa? Bỏ thuốc phiện cũng thế thôi. Đã biết cái độc hại của nó thì phải cai thuốc ngay chứ không thể bỏ dần dần. Biết bao kẻ đã cai thuốc rồi lại mắc vào. Ta sợ nếu bỏ từ từ thì không bỏ nổi, cứ giằng co mãi chả đi đến đâu. Hơn nữa thuốc phiện làm hư hỏng trí óc, phá hoại cơ thể, mà khi đó ta bắt đầu tập tu thiền, rất cần một bộ óc lành mạnh. - Trên nguyên tắc tôi đồng ý phải bỏ thuốc, nhưng việc điều trị cần một thời gian chứ, đã bao người cai thuốc bị hành hạ, đau đớn, vật vã, có thể chết… - Ta cũng suy nghĩ kỹ về vấn đề này. Ta biết rằng tất cả đều do Tâm tạo. Một khi đã có sức mạnh của Tâm thì mọi việc khác chỉ là trò chơi. Vị thầy của ta đã dạy rõ Tâm là chủ, Tâm tạo tác ra tất cả mọi vật nên ta cũng muốn trắc nghiệm xem cái sức mạnh của Tâm này như thế nào! - Như vậy thúc thúc có gặp trở ngại nào không? - Có chứ. Cái đau đớn khổ sở vì bị thuốc hành đó quả vô cùng kinh khủng. Khi vừa bỏ không hút thì thân thể ta run bần bật, nước mắt nước mũi trào ra, ăn không được, ngủ không được, đi tiêu chảy, đầu nhức như búa bổ, khắp các thớ thịt đau nhức từng cơn, chân tay không phục tùng mệnh lệnh của trí óc nữa mà cứ giựt giựt như người động kinh. Ta không thể đi đứng như thường mà phải bò lê trên đất, miệng đắng ngắt không thể nuốt thức ăn. Mặt mày hốc hác như thây ma nhưng ta cương quyết không phục tùng các dằn vặt và đòi hỏi của thể xác. Mỗi khi thân thể đau đớn không thể chịu đựng thì ta nhất quyết bắt mình ngồi thiền. Tuy chân tay đau buốt như bị trăm ngàn mũi kim châm chích nhưng ta vẫn khép nó vào kỷ luật. Ta tập trung tư tưởng, nhất tâm niệm Phật. Ta biết ngoài tâm của ta ra, ta không còn gì nữa vì thân xác ta đã kiệt quệ rồi, do đó ta tìm chỗ trú ẩn trong tâm. Ta quán rằng thân thể ta chỉ là một cái vỏ, một hình hài khô héo không phải là ta mà bấy lâu nay ta cứ tưởng nó là mình. Bấy lâu nay ta cứ chăm chăm lo lắng săn sóc nó mãi và trở thành nô lệ cho nó trong khi thực ra nó phải là nô lệ cho ta. Khi ý thức thật rõ điều đó rồi thì thể xác không còn chi phối được ta nữa. Dù đau đớn khó chịu thế nào ta cũng không thèm chú ý đến nó mà chỉ chú ý đến sự an lạc, thanh tịnh trong tâm quacông phu thiền quán. Dần dần nội tâm của ta trở nên phong phú hơn. Khi sức mạnh tư tưởng của ta trở nên dồi dào mãnh liệt, ta mới sử dụng nó để chữa trị cho thể xác. Mỗi khi miệng chua, ruột đau gan nhức thì ta quán tưởng đến những món ăn thật ngon, thật bổ dưỡng rồi tập trung tư tưởng quán rằng những thức ăn đó đang được dẫn dắt đi khắp châu thân, bồi bổ thân thể, chữa trị cho ta. Nhờ quán tưởng thế mà ta phục hồi được cơ quan tiêu hóa. Ta bắt đầu ăn uống được, miệng không còn đắng, ruột gan không còn khó chịu nữa. Theo thời gian ta ăn được nhiều hơn và chẳng bao lâu sức khỏe ta đã phục hồi. Lúc đầu ta không ngủ được nhưng ta không cần ngủ vì khi nhập thiền, thân thể ta hoàn toàn được nghỉ ngơi một cách an tĩnh, thoải mái còn hơn cả những giấc ngủ thông thường rồi. Chính nhờ công phu thiền tập chuyên cần mà hệ thần kinh của ta trở nên bình thường, chứng động kinh dần dần mất hẳn và sau cùng ta đã ngủ được một cách thoải mái, dễ dàng. Cứ như thế, ta áp dụng phương pháp thiền tập, quán sát, đặt thể xác dưới sự kiểm soát và chữa trị của nội tâm. Vài tháng sau, toàn thân ta phục hồi, ăn được, ngủ được và hoàn toàn bình phục trước sự kinh ngạc của mọi người. Nếu không biết cách sử dụng sức mạnh tư tưởng, nếu không biết tìm cách an trú trong nội tâm thì chắc ta đã chết từ lâu rồi. Thật ra nhiều lần ta đã thấy mình cận kề cái chết, có lẽ chỉ một tơ tóc là ta đi luôn rồi, nhưng cái sức mạnh nội tâm tiềm tàng của ta đã làm chủ được tình trạng lúc đó. Cuối cùng ta đã thắng. Đây cũng là một kinh nghiệm vô cùng quý báu vì nhờ thế ta càng tin tưởng rằng Tâm là chủ của tất cả. Hiện nay dù bị một cây kim đâm vào cánh tay hay bị phỏng lửa, ta cũng không cảm thấy đau đớn bao nhiêu. Sức mạnh nội tâm củata đã hoàn toàn làm chủ được thể xác rồi. - Nếu vậy hiện nay Ngũ thúc còn thèm thuốc phiện nữa không? Người ta nói rằng những người cai thuốc mỗi khi ngửi lại mùi thuốc phiện hay đi ngang qua nơi hút vẫn có cảm giác thèm muốn, có khi nước mắt nước mũi lại trào ra… Tạ ngũ thúc cười lớn: - Này tiểu huynh đệ, nếu anh biết rắn hổ mang rất độc, có thể cắn chết người thì anh có dám sờ vào nó không? Một khi đã hiểu biết thực sự chứ không phải đại khái, mơ hồ thì làm sao người ta có thể vướng mắc được. Một khi đã biết và sống với tâm trạng đó thì người ta có thể hành động một cách ung dung tự tại, không vướng mắc, không tham luyến, nhẹ nhàng thanh thản. Anh biết không, hiện nay ta vẫn giao du với các bạn hữu ngày trước, những người này vẫn hút thuốc phiện và ta thường nằm cạnh họ đàm đạo, có khi giúp họ tiêm thuốc mà lòng không thèm muốn chút nào nữa. Khi trước có lúc ta nghĩ mình có thể giết người để đổi lấy một cữ thuốc được, nhưng hiện nay thì khác. Thuốc phiện hay các chất ma túy không còn cám dỗ được ta nữa. - Hiện nay Ngũ thúc sinh sống ra sao? Tôi nghe Tạ Hải kể rằng thúc thúc đã bỏ tất cảtài sản, cơ nghiệp, vợ con… - Đúng thế. Khi xưa còn trẻ ta say mê buôn bán và gây dựng được một sự nghiệp khá lớn. Khi có tiền tài, địa vị, danh vọng, người ta dễ vướng vào tửu sắc. Ta cũng không ra ngoài thông lệ đó nên có rất nhiều vợ. Việc làm ăn buôn bán tại các địa phương cần có người trông nom mà ta không thể quản lý hết nên nhất cử lưỡng tiện, ta lấy thật nhiều vợ, giao cho mỗi người cai quản trông nom một cơ sở thương mại. Ngoài các bà vợ chính thức, ta còn có nhiều nàng hầu cho đến khi biết Phật pháp, ý thức được lòng tham cũng như nỗi đau khổ ta đã gây ra cho các bà vợ của ta. Hiển nhiên, vì không thể làm vui lòng tất cả nên chắc chắn có nhiều người phải chịu đau khổ, thiệt thòi. Các con ta cũng thế. Ta không chăm lo, săn sóc cho chúng bao nhiêu vì quá bận rộn, chẳng biết mình có bao nhiêu con và tương lai chúng thế nào nữa. Nếu tiếp tục ta chỉ gây thêm khổ đau cho người này hay người khác. Nếu còn buôn bán thì chắc ta sẽ có thêm nhiều cơ sở thương mại và rồi vướng mắc mãi trong cái vòng luẩn quẩn, gây đau khổ cho người này hay người nọ. Đôi khi ta nghĩ rằng chính sự thành công, giàu sang, có tài sản, sự nghiệp lại là một tai hại lớn vì ở trong hoàn cảnh giàu sang sung sướng đó, ít ai học được điều gì. Cuộc đời thì vô thường, trước có sau không, nay còn mai mất mà người ta cứ cố gắng vơ vét, tích lũy, làm nô lệ cho lòng tham, gây khổ đau cho nhiều người. Muốn giải thoát phải có can đảm dứt bỏ, phải dũng cảm đoạn tuyệt với quá khứ, phải cương quyết tu tỉnh để sống cho đúng với ý nghĩacủasự sống. Sau một thời gian suy nghĩ, ta tập hợp tất cả vợ con lại, kiểm điểm tài sản rồi chia đều cho mọi người. Ta thanh toán tất cả các món nợ với người và mang tất cả các giấy nợ người khác thiếu ta ra đốt. Ta nhất quyết đoạn tuyệt với quá khứ, không vay, không nợ và cũng không muốn bị ràng buộc vào bất cứ cái gì. Ta không giữ lại gì cho riêng ta. Ngay căn nhà nhỏ này cũng là của một người thân cho ta tạm trú. Khi đó ai cũng nghĩ rằng ta mất trí hoặc vì cai thuốc phiện nên đâm ra lẩm cẩm, nhưng ta vẫn cương quyết hành động như dự tính. Ta biết khi xưa, vì lo buôn bán làm giàu, thu thập tài sản tích lũy, chắc chắn ta đã tạo nhiều nghiệp xấu, gây đau khổ cho nhiều người, nếu không cương quyết ăn năn hối cải thì làm sao ta có thể nhẹ nghiệp mà tu cho được! Ta nghiệm rằng người có nhiều của giống như kẻ đeo đá mà nhảy xuống sông, không thể bơi lội được nên ta nhất định từ bỏ tất cả. - Nhưng chắc hẳn Ngũ thúc phải gặp một biến cố gì đặc biệt lắm mới hành động như thế? - Ta chỉ may mắn có duyên gặp được một vị thầy, nghe ngài thuyết pháp rồi tỉnh ngộ. - Xin Ngũ thúc kể rõ hơn. - Hôm đó ta có việc phải đi ngang một làng nhỏ, gặp lúc trời đổ mưa nên phải vào tạm trú trong một cảnh chùa. Từ trước đến hôm ấy ta chẳng bao giờ đi chùa, lễ Phật hay tụng kinh. Muốn cầu xin việc gì đã có các bà vợ của ta lo rồi. Tuy nhiên lần đó ta vô tình nghe một vị sư già giảng kinh cho tăng sĩ trong chùa. Không hiểu vì sao ta lại say mê theo dõi và bất chợt ý thức được lẽ vô thường của cuộc đời. Ta đứng đó mà đầu óc rung động như người lên cơn sốt. Lần đầu tiên trong đời ta ý thức rất rõ các động năng đã thúc giục ta hành động và vì lý do gì ta đã làm thế. Sau buổi giảng, ta bước vào bái kiến vị sư già, xin ngài giải đáp thêm cho những thắc mắc của ta. Không những ngài chỉ cho ta rõ ngọn ngành mà còn hướng dẫn ta về phương pháp tu hành nữa. Ta ở lại trong chùa ba ngày học hỏi với ngài và cuộc đời ta thay đổi hẳn từ đó. Khi bước vào chùa, ta đang là kẻ bận tâm lo lắng về những điều hơn lẽ thiệt, những món hoạnh tài thu được, những thủ đoạn phải thi hành, những người gặp phải, những toan tính với các vợ lớn, vợ nhỏ… Thế mà khi bước chân ra khỏi chùa, ta chỉ thấy những dải mây hồng nhạt, thửa ruộng xanh ngắt, tiếng chim hót thánh thót, mùi hương đồng cỏ nội… Tâm hồn ta an tĩnh, trí óc ta thảnh thơi, bước chân ta ung dung tự tại, sảng khoái vô cùng. Ta hoàn toàn trở thành một người khác. - Xin hỏi thúc thúc, vị sư đó tên gì và hiện nay ở đâu? - Tên ngài là Hòa thượng Hư Vân, trụ trì chùa Nam Hoa, phía bắc tỉnh Quảng Đông nhưng ngài thường rày đây mai đó, hành tung vô định. Ta gặp ngài tại một ngôi chùa nhỏ cách đây không xa lúc ngài ghé qua giảng dạy cho chúng tăng ở đó. - Hòa thượng Hư Vân? Phải chăng chính ngài là truyền nhân của dòng thiền Huệ Năng? - Phải rồi, chính là ngài. Trong lịch sử thiền tông Trung Hoa, câu chuyện về ngài Huệ Năng, vị tổ thứ sáu thường được nhắc đến rất nhiều. Lục tổ Huệ Năng xuất thân ở đất Lĩnh Nam, một miền biên thùy hoang vu nằm ở cực nam Trung Hoa. Gia cảnh nghèo túng, cha mất sớm, từ nhỏ ngài đã phải vào rừng đốn củi chứ không được đi học. Một hôm gánh củi ngang nhà kia nghe tiếng đọc kinh sang sảng, ngài bỗng giật mình tỉnh ngộ và hỏi chủ nhà: “Đó là kinh gì? Ai đã giảng kinh này vậy?”. Chủ nhà đáp: “Đó là kinh Kim Cang, ở vùng Hoàng Mai có ngài Hoằng Nhẫn thường giảng kinh này cho các đệ tử”. Nghe nói ngài vui mừng, bèn thu xếp công việc, xin phép mẹ già để lên đường tìm đến Hoàng Mai học đạo. Từ Lĩnh Nam đi Hoàng Mai rất xa, phải trải qua nhiều khó khăn trở ngại mới đến được. Sau mấy tháng trời ròng rã, ngài đến nơi gặp lúc Ngũ tổ Hoằng Nhẫn vừa giảng kinh xong cho các đệ tử, bèn bước vào xin tham kiến. Nhìn thấy một người thân hình đen đủi xấu xí quần áo lam lũ rách rưới, Ngũ tổ bèn hỏi: - Ngươi từ đâu đến? - Con từ Lĩnh Nam đến. - Đến để cầu việc gì? - Con chỉ đến cầu làm Phật, không cầu việc chi khác. Nghe câu trả lời dõng dạc, tăng chúng đều giật mình nhưng Ngũ tổ nói tiếp: - Ngươi ở đất Lĩnh Nam, một miền man di mọi rợ như thế thì sao làm Phật cho được? - Khải bạch Hòa thượng, thân con tuy xấu xí quê mùa không giống với thân Hòa thượng nhưng Phật tánh nào có khác. Người tuy kẻ Nam người Bắc chứ Phật tánh nào có chia hai. Ngũ tổ nghe nói biết ngay là người có căn cơ thượng thừa nhưng biết thời cơ chưa đến, sợ có thể bị tai họa nên quát: - Ngươi không được nói xàm, đi ngay xuống bếp giã gạo bổ củi cho ta. Huệ Năng bèn xuống nhà bếp làm các công việc phục dịch trong chùa. Vì thân hình gầy yếu bé nhỏ mà chày giã gạo to lớn nặng nề nên ngài phải cột thêm mấy cục đálớn vào lưng cho đủ nặng để giã gạo. Tuy cực nhọc ngài vẫn chăm chỉ làm việc không hề than van. Ít lâu sau, biết thời cơ truyền pháp đã đến, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn mới tụ họp các đệ tử lại và nói: - Các ngươi chỉ biết tu học cầu phước chứ không chịu nỗ lực phát triển trí tuệ để thoát ly sinh tử. Tự tánh đã si mê như thế thì phước nào có thể cứu được. Bây giờ mỗi người trong các ngươi hãy tự làm một bài kệ trình bày kiến giải của mình. Tathấy bài nào phù hợp thì sẽ truyền y bát cho. Các đệ tử bàn tán với nhau, cho rằng trong chùa về khả năng tri thức thì không ai hơn được vị trưởng môn đại đệ tử là Thần Tú nên họ đều có ý nhường cho ông này đệ trình bài kệ. Về phần Thần Tú cũng biết vậy nhưng tự xét việc đệ trình một bài kệ như vậy có ngụ ý mong cầu nên cũng không thích. Do đó đợi lúc đêm khuya ông mới viết lên vách chùa bài kệ như sau: Thân thị Bồ Đề thọ """