"Nghiên Cứu Phê Bình Sử Học: Hưng Đạo Vương - Bình Định Vương PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghiên Cứu Phê Bình Sử Học: Hưng Đạo Vương - Bình Định Vương PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : HƯNG-ĐẠO-VƯƠNG – BÌNH-ĐỊNH-VƯƠNG NGHIÊN-CỨU PHÊ-BÌNH SỬ-HỌC Tác giả : LÊ VĂN HÒE Nhà xuất bản : QUỐC-HỌC THƯ-XÃ Năm xuất bản : 1952 ------------------------ Nguồn sách : scmn-vietnam.blogspot.com Đánh máy : yeuhoatigone Kiểm tra chính tả : Thư Võ Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 18/11/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả LÊ VĂN HÒE và QUỐC-HỌC THƯ-XÃ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. Ghi chú : Sách gốc thiếu trang 19, nhóm làm ebook thay thế trang thiếu bằng ký hiệu (…) và sẽ bổ sung khi tìm được bản sách gốc đầy đủ. Mong bạn đọc thông cảm. MỤC LỤC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU : VÌ SAO HƯNG-ĐẠO-VƯƠNG ĐẠI THẮNG GIẶC MÔNG-CỔ ? Chiến công oanh liệt Lực lượng Mông-cổ thời bấy giờ Lực-lượng nước ta thời bấy giờ Ưu, nhược-điểm của Mông-Cổ Ưu, nhược-điểm của ta So sánh ưu-nhược-điểm của giặc và của ta Chiến-lược, chiến-thuật tất-yếu của giặc Chiến-lược chiến-thuật tất yếu của quân Trần Tại sao Hưng-đạo-Vương đại thắng giặc Mông-Cổ ? Kinh-nghiệm tác chiến đời Trần VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU : TẠI SAO BÌNH-ĐỊNH-VƯƠNG LÊ-LỢI PHẢI ĐÁNH 10 NĂM MỚI ĐUỔI ĐƯỢC GIẶC MINH ? Chiến-lược chiến-thuật của Lê-Lợi Lê-Lợi thi ân nghĩa cho nhân-dân Nhân dân căm thù giặc Minh Thuế khóa Sưu dịch Binh dịch Tại sao Lê-Lợi phải đánh trong mười năm mới đuổi được giặc ? Chế-độ đô-hộ của giặc Minh hoàn bị và khắc nghiệt như thế nào ? Chia để trị Kiểm soát và theo dõi thường xuyên Chính sách phòng-thủ Lung lạc nhân-tài Văn hóa nô dịch và ngu dân Lê-Lợi quả là vị anh-hùng dân-tộc hạng số 1 NHỮNG BÀI HỌC LỊCH-SỬ LÊ VĂN HÒE HƯNG-ĐẠO-VƯƠNG BÌNH-ĐỊNH-VƯƠNG NGHIÊN-CỨU PHÊ-BÌNH SỬ-HỌC TỦ SÁCH QUỐC-HỌC QUỐC-HỌC THƯ-XÃ HÀ-NỘI QUỐC-HỌC THƯ-XÃ THÀNH LẬP NĂM 1941 – R.C. HÀ-NỘI 855 Giám-Đốc LÊ-VĂN-HÒE 114, Đại lộ Quán Thánh – Hà-nội SÁCH CỦA LÊ-VĂN-HÒE ĐÃ PHÁT HÀNH : - GIÓ TÂY (Thơ 20 nước) được Bộ Quốc-gia Giáo-dục cho dùng trong các trường học. 25đ - TỤC-NGỮ LƯỢC-GIẢI I (Lần thứ 2 gần hết). 10đ - TỤC-NGỮ LƯỢC-GIẢI II. 18đ - TÌM HIỂU TIẾNG VIỆT (gần hết). 13đ - NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ : QUANG-TRUNG. 8đ - HỒ-QUÝ-LY – MẠC-ĐĂNG-DUNG. 8đ. MỚI PHÁT HÀNH : CHỮ NGHĨA TRUYỆN KIỀU SẮP PHÁT HÀNH : HỌC THUYẾT MẶC-TỬ ĐANG IN : - TRUYỆN KIỀU CHÚ GIẢI - THÀNH-NGỮ CÁCH-NGÔN HÁN-VIỆT - QUI TẮC CHÍNH TẢ - TỤC-NGỮ LƯỢC GIẢI tập III - VĂN NGHỆ TỪ ĐIỂN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU : VÌ SAO HƯNG ĐẠO-VƯƠNG ĐẠI THẮNG GIẶC MÔNG CỔ ? Chiến công oanh liệt Thời Trần, dân ta hai lần đại thắng giặc Mông-cổ. Một lần vào năm Ất-Dậu (1285) phá 50 vạn quân Nguyên, một lần vào năm Mậu-Tý (1288) phá 30 vạn quân Nguyên. Đó là những võ công oanh liệt đệ nhất trong lịch sử. Chẳng những trong lịch sử nước nhà, mà cả trong lịch sử thế giới. Vì thế giới bấy giờ già nửa thuộc Mông-cổ. Các nước lớn như Nga, Hung, Đức, Trung-hoa, các nước nhỏ như Ba tư, Thổ-nhĩ-kỳ, tất cả hơn bốn mươi nước châu Âu, châu Á chịu theo pháp luật Mông-cổ. Nếu ta xét kỹ tình-thế thế giới và lực lượng của Mông-cổ thời bấy giờ, thì ta có quyền tự-hào rằng đã có phen nước Việt-Nam đứng vào hàng cường-quốc bực nhất thế-giới. Tức là về thời nhà Trần. Thật vậy trong khi già nửa toàn cầu (bấy giờ đã ai biết tân đại lục, nên cựu đại lục là cả thế giới) thuộc trong phạm vi thế lực của Mông-Cổ, mà có một nước trong hai năm liền, phá luôn hai lần tám mươi vạn quân Mông-Cổ do thái tử Mông-Cổ chỉ huy, thì nước ấy có đáng gọi là một cường-quốc không ? Và chiến công rực rỡ đời Trần phải được liệt ngang với những chiến-công oanh liệt nhứt trong lịch sử các dân tộc hoàn cầu. Chúng ta không kiêu căng. Nhưng chúng ta có quyền tự hào về trang sử vẻ vang chói lọi hiếm có trên thế giới đó. Chúng ta có quyền tự hào được là con cháu Hưng-đạo Vương và tiên dân đời Trần. Tự hào như thế không ích gì, nếu chúng ta không biết nối cái chí lớn của ông cha, khơi cái truyền thống anh-dũng tuyệt luân của quân dân đời Trần, viết tiếp trang sử Đại Cường-Quốc hoàn cầu mà Hưng-đạo Vương đã viết những dòng đầu bằng chữ vàng chói-lọi. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải học-tập cuộc chiến đấu chống ngoại-xâm đời Trần. Nghĩa là chúng ta nghiên-cứu cuộc chiến đấu đó, để rút ra những bài học kinh-nghiệm quí giá cho hiện-tại và tương lai. Lực lượng Mông-cổ thời bấy giờ Như ta đã biết, Mông-cổ bấy giờ là một đế quốc mới thành lập. Tức là một đế-quốc đầy sinh lực mới, đầy nhuệ-khí mới, một đế-quốc đang cường thịnh, đang bành trướng. Đã vậy lại có sẵn cả một kho người, kho của vô cùng vô tận là nước Trung-hoa. Có thể ví Mông-cổ như một con hùm dữ mọc thêm đôi cánh. Lực-lượng nước ta thời bấy giờ Còn nhà Trần, nếu so sánh với Mông-cổ thì chỉ như một con bê mới vực. Cướp ngôi vua nhà Lý chưa được bao lâu, nhà Trần dù đã dẹp yên nội-loạn trong nước nổi lên phản đối sự tiếm nghịch với sự loạn luân (họ hàng lấy lẫn nhau) của nhà Trần, song vẫn chưa được lòng người hoàn toàn qui phục. Đối với giặc ngoại-xâm, phần đông nhân dân đều muốn cầu lấy sự yên thân, và muốn cho đó là việc riêng của vua tôi nhà Trần. Cho nên trong bài « Hịch dụ tướng sĩ », Hưng-đạo Vương đã phải lên tiếng cảnh cáo những kẻ « làm tướng mà cam tâm hầu giặc », « mê chọi gà, cờ bạc, vườn ruộng, vợ con, rượu ngon, hát hay, săn bắn » không thiết việc đánh giặc. Không những nhân dân như vậy, mà cả người trong Hoàng-gia, tôn-thất kế cận nhà Trần cũng vậy. Chú họ vua Trần-nhân-Tông là Trần-di-Ái sang sứ rồi chịu luôn cho Mông-cổ phong làm An-Nam Quốc Vương, nghĩ đến lợi ích bổn thân hơn là nghĩ đến giang-sơn quốc thể. Bọn Hoàng-Tộc là Trần-ích-Tắc, Trần-tú-Viên, Trần-Kiện, Trần-văn-Lộng, đều là anh em, cha chú nhà vua, cũng theo hàng Mông Cổ. Kể chi đến Triều-thần, nhiều người thư từ giấy má tư thông với giặc, sau này Triều-đình bắt được cả một tráp hàng-biểu của các quan Triều. Khi thế giặc mạnh, các làng hầu hết theo giặc để cầu yên thân. Việc đó là thường tình. Sử chỉ chép hai làng Bàng-Hà, Ba-Điểm là hai làng hàng giặc trước tiên. Tình hình Hoàng-Tộc, quan liêu và nhân dân đời Trần đại khái là như vậy. Đại khái là ai nấy đều lo giữ lấy cái đầu mình, ít người lo giữ lấy giang-sơn tổ-quốc. Cho nên có thể nói rằng lực-lượng nước ta hồi bấy giờ thật là non yếu. Ưu, nhược-điểm của Mông-Cổ So sánh khái quát như vậy chưa đủ. Muốn thấy rõ lực lượng hai bên Mông-Cổ và ta cần phải vạch rõ những ưu điểm và nhược-điểm của đôi bên. - Giặc Mông-Cổ có những ưu-điểm sau đây : 1. Cấp chỉ huy thiện chiến hơn. 2. Quân-số trội hơn (lần 50 vạn, lần 30 vạn). 3. Quân, tướng đã quen đánh trận địa chiến vì đã dự nhiều chiến-dịch to. 4. Phương-tiện chuyển vận quân sĩ mau chóng và đầy đủ hơn vì có nhiều chiến-thuyền và chiến-mã. 5. Khí-thế mạnh mẽ hơn vì nắm quyền chủ động chiến trường (Mông-Cổ khởi hấn trước). Tựu trung, ưu-thế tuyệt-đối của giặc Mông Cổ vẫn là quân-số trội. - Tuy nhiên bên những ưu-điểm căn-bản đó Mông-cổ có những nhược-điểm cũng căn-bản và cũng trầm-trọng lắm : 1. Quân-số đông, nhưng hầu hết là dân Hán tức là quân bị chinh phục và tất nhiên là ô hợp, vì góp người các tỉnh các châu. 2. Vì quân đông mà việc vận-chuyển quân lương trở thành một vấn đề sinh tử và hết sức khó khăn. 3. Quân viễn-chinh ở xa tới mệt nhọc và hay nhớ nhà, tinh thần chiến đấu cũng kém. 4. Quân-sĩ không quen thủy-thổ nước ta. 5. Quân-sĩ Mông-Cổ không hiểu rõ địa-hình, địa-vật và đường lối nước ta. 6. Mông-Cổ là giặc ngoại-xâm, không có chính-nghĩa nên không có nhân-dân, không được nhân-dân ái-đới và ủng-hộ. Có khắc-phục được những nhược-điểm nặng nề đó thì giặc Mông-Cổ mới mong phát-triển được những ưu-điểm sẵn có và mới giữ vững được ưu-thế tuyệt-đối về quân-số. Trong trường-hợp ngược lại thì ưu-thế tuyệt-đối với quân số không còn và những ưu-điểm khác cũng hóa vô-dụng. Ưu, nhược-điểm của ta - Ưu-điểm của ta gồm có mấy điểm này : 1. Có chính-nghĩa, vì là chiến-tranh tự-vệ, chiến-tranh bảo-vệ độc-lập cho tổ-quốc, hạnh phúc cho dân tộc. Dễ có nhân hòa, dễ được nhân dân ủng hộ. 2. Có địa-lợi, thông thạo địa-hình, địa-vật và đường lối trong nước. 3. Có thiên-thời, quân-dân đều thuộc thủy thổ nước nhà, có thể chịu đựng khí-hậu rừng núi. 4. Việc vận chuyển quân và lương không thành vấn đề, vì quân-số ít và có thể lấy lương thực tại chỗ. Tựu trung, ưu-thế tuyệt-đối của ta trước sau vẫn là chính-nghĩa. - Nhược-điểm của ta cũng không ít : 1. Quân-số ít và không thiện chiến (phải lấy cả nghĩa binh, hương-binh, tức là dân-quân). 2. Cấp chỉ huy thiếu và không thiện chiến cho lắm. 3. Trang bị và chiến cụ thiếu (chiến thuyền và chiến mã ít). 4. Quân sĩ không quen đánh trận địa chiến. 5. Nhân dân chưa hoàn toàn qui phục nhà Trần. Nhược-điểm ta nhiều hơn ưu-điểm. Nghĩa là lực ta yếu hơn địch. - Nhưng thế ta có thể mạnh hơn. Con bê mới vực tuy còn non sức, nhưng biết nuôi dưỡng thì sức ấy một ngày một lớn, mạnh thêm. Hổ có cánh nhưng không biết sử dụng cánh cho khéo thì gẫy mất cánh và hổ đuối sức. Thế ta có thể mạnh hơn là vì ta có ưu-thế tuyệt-đối là CHÍNH-NGHĨA. Phát huy được ưu-thế đó đến triệt-để thì đủ che lấp được phần lớn những nhược-điểm ở dưới, nhất là về điểm « thiếu nhân-tâm » là một nhược-điểm căn-bản và trầm-trọng nhất. So sánh ưu-nhược-điểm của giặc và của ta Nếu đem so sánh ưu, nhược-điểm của hai bên thì ta thấy ta và giặc Mông-Cổ đều có nhiều nhược-điểm hơn là ưu điểm. Song giá bắc được lên cân, thì nhược-điểm của giặc nặng hơn, nhược-điểm của ta nhẹ hơn. Vì sao ? - Nhược-điểm của giặc đều là những nhược-điểm căn bản khó lòng khắc phục, vì hầu hết không thuộc chủ-quan. Còn nhược-điểm của ta hầu hết thuộc chủ-quan, nghĩa là tự ta, ta có thể nhờ thời-gian, nhờ cố gắng, khắc-phục được, chứ không lệ thuộc các điều-kiện khách-quan bên ngoài như những nhược-điểm của địch. - Nhược-điểm của ta không sâu xa, nó nhất thời. Trái lại với thời-gian, nhược-điểm của địch mỗi ngày một sâu-sắc thêm, nặng-nề thêm, càng ngày càng khó khắc-phục. Vả lại, ưu-thế tuyệt-đối về quân-số của quân giặc là một ưu-thế nhất thời không được vững chắc, nếu như phạm một vài điều sai lầm trong việc chỉ đạo chiến tranh, khiến quân-số bị hao hụt. Còn ưu-thế tuyệt-đối của quân Trần thì là một ưu-thế căn bản rất vững vàng, có thể phát huy đến vô cùng tận, và một ngày một bền vững hơn, nếu giặc càng hung dữ, và nếu quân ta thắng một vài trận. So sánh như vậy ta càng thấy lực ta tuy yếu, nhưng thế ta có thể mạnh gấp bội thế Mông-Cổ. Cái thế của Mông-Cổ là một cái thế bấp-bênh, chông-chênh, cái thế của quân giặc cướp chỉ mạnh ở số đông và ở lòng bạo ngược. Trước chính nghĩa hiển-nhiên và trước sức chiến đấu tự vệ của dân một xứ giàu lòng yêu nước, thì cái thế ấy bị phá vỡ ngay. Tuy nhiên sự đời không giản-dị như vậy. Còn phải cần đến khôn khéo, đến mưu trí của con người sáng suốt thì mới phá được thế giặc, kiện toàn được thế mình và mới chuyển được sức yếu thành sức mạnh. Chiến-lược, chiến-thuật tất-yếu của giặc Có những ưu-điểm và mắc những nhược-điểm nói trên, giặc Mông-Cổ muốn nuốt chửng nước Nam, muốn thắng quân Trần, tất nhiên phải áp dụng chiến-lược « TỐC CHIẾN TỐC QUYẾT » (đánh mau thắng mau), tức là chiến-lược chớp nhoáng, chiến-lược dựa vào khí thế mạnh mẽ ban đầu của một đạo quân đông-đảo ồ-ạt. Không dùng chiến-lược đó, thời-gian sẽ làm mòn dần và có khi mất hẳn cái ưu-thế tuyệt đối về quân sự (tức là quân-số). Vì thời-gian sẽ làm những nhược-điểm của giặc ngày thêm sâu-sắc nặng-nề đến cái độ không thể nào khắc phục hay vượt qua được nữa. Như chẳng hạn lương thực vận chuyển không kịp, quân sĩ thiếu ăn, mùa hè nóng-nực, lam-sơn chướng-khí, sẽ làm cho quân sĩ (…) (…) cuộc hành quân đại qui mô trong lịch-sử. Đó tức là chiến-thuật TRẬN ĐỊA CHIẾN vậy. Muốn « tốc chiến tốc quyết » nhất định phải dùng cách đánh ồ-ạt, mạnh-mẽ như vũ như bão đó. Ngoài ra không còn cách gì có thể phục-vụ được chiến-lược chớp nhoáng nói trên. Nhưng chiến-thuật của Mông-Cổ có phục-vụ được chiến lược không ? Chiến-thuật và chiến-lược của Mông-Cổ có thực hiện được mỹ-mãn và đầy đủ như chiến-lược chiến-thuật của giặc Minh đánh Hồ-quí-Ly không ? Chiến-lược chiến-thuật tất yếu của quân Trần Đứng trên nguyên-tắc mà nói, với những ưu-điểm, nhược-điểm của mình, quân Trần không bao giờ lại nhận đánh TRẬN ĐỊA CHIẾN, vì không thiện chiến và có ít quân. Đánh TRẬN ĐỊA CHIẾN tức là đem trứng chọi với đá, tất là đại bại. Và cũng đứng trên nguyên-tắc mà nói, để phá vỡ chiến lược chớp nhoáng của Mông-Cổ, quân Trần nhất định phải áp dụng chiến-lược « TRÌ CỬU CHIẾN » nghĩa là đánh lâu dài. Có đánh lâu dài, thì mới có đủ thì giờ phát triển ưu thế tuyệt-đối của mình, về Chính-Nghĩa mới củ hợp được dân tâm, mới thực hiện được khối toàn dân đoàn kết chống giặc. Có đánh lâu dài, thì mới có đủ thì giờ đào sâu được nhược-điểm của giặc về quân-lương, về quân-số ô hợp, về thủy-thổ bất-phục, v.v… Dĩ nhiên là phải áp dụng chiến-thuật « KỲ BINH » (tức là quân du-kích) đánh toàn những trận du-kích, phục-kích để chống lại và phá vỡ chiến-thuật trận địa đại quy mô của giặc. Vì có áp dụng chiến-thuật đó thì quân-số (có ít) mới đủ dùng, thì mới lợi dụng được địa hình, địa vật, khí hậu, thiên thời và sự đồng tình của nhân dân bảo vệ chính nghĩa, chống giặc xâm lược. Một mặt khác, nhờ có thời-gian thì mới vận động chia rẽ được quân lính địch không phải toàn là giống Mông-Cổ ; mới khơi sâu được những nhược-điểm căn bản của giặc và mới phá vỡ dần được cái ưu-thế sẵn có của giặc về quân-số. (Sau này Hồ-quý-Ly, vì không biết áp dụng chiến-lược chiến-thuật, « đem đoản binh chống trường trận », mà dù quân lực mạnh, phòng-thủ kỹ ; cũng chỉ cầm cự được với giặc ba trận là bị thua). Theo nguyên-tắc dụng binh mà nói, thì chiến-lược, chiến thuật quân Trần tất phải như thế thì mới chống lại được với chiến-lược chiến-thuật vũ bão của Mông-Cổ. Thực tế, Hưng-đạo-Vương có áp dụng được chiến-lược chiến-thuật đó không ? Và đã làm những công-tác gì để phục-vụ và hoàn-thành chiến-lược, chiến-thuật đó ? Tại sao Hưng-đạo-Vương đại thắng giặc Mông-Cổ ? Chiến-lược, chiến-thuật tất yếu của giặc Mông-Cổ như thế nào ta biết chúng đã áp dụng đúng như vậy, nhưng có áp dụng được không ? Bởi vì đánh nhau tất phải có hai bên. Mà quân Trần, dưới quyền chỉ huy cứng cáp mạnh mẽ và sáng suốt mềm dẻo của Hưng-đạo-Vương Trần-quốc-Tuấn, đã biết áp dụng chiến-lược, chiến-thuật thích ứng để đối phó. Giặc Mông-Cổ muốn đánh mau thắng mau, giặc Mông-Cổ muốn tiêu diệt quân Nam trong một vài trận đánh đại quy mô. Nhưng quân Nam không « chịu » đánh nhau, không « chịu » nghênh chiến. Để thực hiện chiến-lược « TRÌ CỬU CHIẾN », quân Nam ban sơ đã từ chối cuộc giao chiến. Quân Nam đã rút lui để bảo toàn chủ lực ở giai đoạn đầu. Sang giai đoạn giặc Mông Cổ chiếm đóng lan tràn khắp nước từ Lạng-Sơn đến Nghệ-An (trừ Thanh-Hóa), bấy giờ quân Nam mới lục tục đánh du kích, đánh phục-kích. Rồi sang giai đoạn chót, sau khi bẻ gẫy mũi dùi của Toa-Đô ở Nghệ-An đánh ra và chặn được mũi dùi của Thoát-Hoan thốc vào, bấy giờ mới khởi những cuộc phản công nẩy lửa quyết liệt. Thành ra giặc Mông-Cổ trước sau vẫn muốn áp dụng chiến-lược chiến-thuật dự-định của chúng, mà không hề áp dụng được. Trong khoảng thời gian đợi cho khí hậu và thiên thời làm việc cho quân mình, thì Hưng-đạo-Vương đã không ngơi làm việc. Vương đồng ý với nhà Vua cho áp dụng những kế hoạch vận động nhân dân cực kỳ dân-chủ. Bấy giờ đương ở thời phong-kiến toàn-thịnh, con nhà dân đen phải đi lính hết đời này sang đời khác, mà các bô lão nhân dân được nhà vua mời vào dự yến tại điện Diên-Hồng để nhà vua hỏi ý kiến nên đánh hay nên hàng giặc ; mà các vương hầu hội họp với các tướng sĩ ở hội nghị Bình-Than để cùng nhau bàn việc đánh giặc, thì nhân dân ai là không thấy mình trở nên quan-trọng trong việc kháng địch và ai không nức lòng coi việc giữ nước là việc của mình ? Vương lại đề cao đại nghĩa để vận động lòng yêu nước yêu nòi của quân dân trong bài Hịch dụ tướng sĩ, bằng những lời lẽ chân thành và thống thiết. Sử chỉ chép mấy việc lớn đó để tượng trưng tính cách dân chủ của cuộc kháng chiến đời Trần, chớ ngoài mấy cuộc dân vận lớn lao đó, trong mỗi trang trại của các Vương Hầu, công chúa bấy giờ đều hóa tướng tá cầm quân, tất nhiên đều có những hội nghị dân vận tương tự như thế. Nếu không, sao dân các trang trại khi hóa làm quân bảo hộ của các Vương Hầu, lại trung thành tận tụy với các vị chỉ huy của mình như con đối với cha ? (phụ tử chi binh). Như thế tức là Hưng-đạo Vương đã biết phát huy ưu-thế chính nghĩa của mình và biến chính nghĩa thành lực lượng vật chất, lực lượng quân sự. Không những vận động nhân dân trong nước, Hưng-đạo- Vương lại dùng khổ-nhục kế để vận động binh lính địch. Hai chữ « Sát Thát » được thích vào cánh tay quân sĩ ta, nói cho quân Nguyên hiểu rõ rằng quân Trần chỉ định tiêu diệt Mông Cổ, còn đối với người Tàu, người Hán thì vô thù, mà lại là người cùng thuyền cùng hội. Giặc Mông-Cổ có kẻ thù chung của người Việt và người Hán. Kết-quả là tướng Tàu Triệu Trung tham gia cùng một đạo quân Tàu vào cuộc kháng chiến, dưới quyền chỉ huy của Chiêu-văn Vương Trần-nhật Duật. Sự hiện diện của Triệu-Trung trong hàng ngũ quân Trần đã làm tan rã hàng ngũ quân Nguyên. Việc đó đủ tỏ hiệu lực của công tác địch vận. Ngoài ra Vương lại định kế hoạch đánh chặn các thuyền lương thực của địch khi tới Vân Đồn. Nghĩa là Vương đã biết dùng kế hoạch thích ứng để khơi sâu những nhược-điểm của quân giặc, đồng thời để phát triển những ưu-điểm và khắc phục những nhược-điểm của ta. Ưu thế về quân sự của giặc dần dần hao mòn rồi mất hẳn. Còn ưu thế về chính trị của ta (chính nghĩa) thì cứ mỗi ngày lớn mạnh thêm đến cái độ chuyển biến được lòng người thành lực lượng vật chất và lực lượng chiến đấu. Nếu quân giặc không thể thực hiện được chiến-lược, chiến-thuật của chúng, thì Hưng-đạo-Vương với sự nhận định sáng suốt, với mưu lược thần tình, đã thực hiện đầy đủ chiến-lược, chiến-thuật của mình. Rút lại, Hưng-đạo-Vương đại thắng giặc Mông-Cổ vì đã : 1. Phá được chiến-lược, chiến-thuật của giặc bằng những chiến-lược, chiến-thuật trái lại hẳn. 2. Vận động tinh thần nhân dân bằng những phương thức dân chủ và khôn khéo. 3. Vận động địch quân bằng hai chữ « Sát Thát » thích vào cánh tay quân mình. 4. Triệt đường tiếp tế lương thực của địch. 5. Biết lợi dụng địa-lợi, thiên-thời. Hoặc nói một cách khác, sở dĩ Hưng-đạo-Vương đã lấy nhu mà chế được cương, lấy nhược mà thắng được cường ; chuyển thế bại thành thế thắng là vì Vương không những là một nhà cầm quân có phép tắc mà lại còn là nhà chính trị có kỳ tài. Giặc Mông-Cổ chuyên lấy quân sự thuần túy mà giải quyết, còn Vương thì dùng chính trị để giải quyết nhiều hơn là quân sự. Chiến tranh là kế tục của chính trị, chiến tranh là chính trị có đổ máu, nên dùng chính trị để giải quyết chiến tranh là một phương-sách tối-ưu thích-hợp và đắc-nghi. Từ thượng cổ đến giờ, từ Hạng-Võ tới Nã-phá-luân, rồi Hít-le, phàm ỷ lại vào sức mạnh, định dùng quân sự đơn thuần mà giải-quyết chiến trường, đều bị thất bại đau đớn. Hưng-đạo-Vương cũng là một nhà tướng, nhưng Hưng đạo-Vương biết làm khác thế, nên đã thắng lợi hoàn toàn. Không chủ quan và không tự phụ, ta có thể nói một cách thẳng thắn rằng về tài chỉ đạo chiến tranh, Hưng-đạo-Vương có thể được sắp ngang hàng với những bực tướng tài đệ nhất cổ kim. Và võ công đời Trần quả là một võ công oanh-liệt đệ nhất trong lịch sử thế giới. Kinh-nghiệm tác chiến đời Trần Không cuộc tác chiến nào giàu kinh-nghiệm bằng cuộc tác chiến đời Trần. Những kinh-nghiệm ấy ngay ở thời khoa học, chiến tranh tiến bộ như ngày nay, vẫn không mất giá trị. Những kinh-nghiệm quí giá ấy đã hầu trở thành những nguyên-tắc căn bản của chiến tranh muôn đời. Ta có thể liệt ra sau đây những kinh-nghiệm chính yếu : 1. Quân không cốt đông mà cốt đánh giỏi. 2. Chính trị có thắng thì quân sự mới thắng. 3. Đánh lấy lòng dân là thượng sách. Đánh thành là hạ sách. 4. Dĩ nhu chế cương, dĩ nhược chế cường, dĩ đoản quân chống trường trận, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn. 5. Lấy dân đánh giặc, lấy thời-gian đánh giặc, lấy giặc đánh giặc. 6. Triệt lương mạnh ngang tác-chiến. VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU : TẠI SAO BÌNH ĐỊNH-VƯƠNG LÊ-LỢI PHẢI ĐÁNH 10 NĂM MỚI ĐUỔI ĐƯỢC GIẶC MINH ? Chiến-lược chiến-thuật của Lê-Lợi Sau khi đem quân sang đánh nước Nam, bắt sống cha con Hồ-quí-Ly, giặc Minh cướp lấy nước ta, chia làm quận, huyện mà đô-hộ. Cuộc đô-hộ nhà Minh khởi từ năm 1414. Thì đến năm 1418, tức là bốn năm sau, người anh-hùng đất Lam-sơn là Lê-Lợi dấy binh khởi nghĩa, đánh giặc Minh, định khôi phục lại đất nước. Biết rằng quân giặc đông và mạnh, giặc lại nhiều chân tay là những tên bán nước theo giặc, và xét địa thế nước nhà, Bình-định-Vương Lê-Lợi đã biết áp dụng một chiến-lược, một chiến-thuật tối-ưu thích nghi, và rất hợp với tình thế quân mình và địa-thế đất nước. Chiến-lược ấy là chiến-lược « ĐÁNH LÂU DÀI, ĐÁNH DẺO DAI, ĐÁNH MÃI KỲ THẮNG » mới thôi, không cầu chóng việc, không vụ « tốc quyết ». Chiến-thuật là chiến-thuật du-kích, phục-kích vận động chiến, nhất là phục-kích. Những trận Lạc-thủy (1418), Nga-lạc (1419), Lỗi-giang (1424), phá quân Trần-Trí ở Ba-Lậm (1421), lấy Nghệ-an (1424), lấy Tân-Bình, Thuận-Hóa (1425), đều thủ thắng vì chiến-thuật phục-kích cả. Đến ngay những trận lớn có ảnh-hưởng quyết định như trận Tụy-Động (1426) đại phá quân Vương-Thông giết 5 vạn, bắt sống 1 vạn giặc, và trận Chi-Lăng giết được danh tướng của giặc là Liễu-Thăng cũng đều mang nặng thành phần du kích, phục-kích, tuy là những trận vận động chiến đại qui mô. Và chính nhờ phục-kích chiến mà đã thủ thắng một cách vẻ vang. So với nguyên-tắc dụng binh của Hưng-đạo-Vương đời Trần, có thể cho là nguyên-tắc dùng binh muôn thuở ở đất nước ta « QUÂN CỐT GIỎI KHÔNG CỐT NHIỀU, LẤY ĐOẢN QUÂN CHỐNG VỚI TRÀNG TRẬN » thì chiến-thuật, chiến-lược của Lê-Lợi không sai lầm chỗ nào. Sự chỉ đạo tác chiến của Lê-Lợi có thể cho là rất sáng suốt và phải phép. Đối với kẻ địch chỉ cậy quân đông tướng nhiều và muốn chóng việc, thì ngoài chiến-lược, chiến-thuật ấy ra, không thể chống nổi. Nghĩa là chiến-lược, chiến-thuật của vua Lê không có chỗ nào lầm lẫn đáng chê, ngoài một vài trận nhỏ vì khinh địch và muốn áp dụng trận địa chiến mà thiệt tướng hao quân, như trận My-động, Đinh-Lễ thiệt mạng. Lê-Lợi thi ân nghĩa cho nhân-dân Bình-định-Vương luôn luôn lấy nhân-nghĩa để chống lại chính sách bạo tàn của giặc Minh mục đích là để thu phục nhân-tâm, củ hợp nhân dân chống giặc. Vua Lê ra lịnh cho các quan lại : 1. Không được vô tình, tức là không được lừng khừng với tình thế, phải sốt sắng đánh giặc và giúp dân, cứu dân. 2. Không được khi-mạn tức là không được dối vua lừa dân. 3. Không được gian dâm tức là không được hiếp tróc nhân dân. Và bình nhật đối đãi với quân lính không được giết càn, trừ khi ra trận mà phạm kỷ-luật thì mới được xử theo quân pháp. Binh lính mà phạm tội trộm cắp của nhân dân, gian dâm hiếp tróc nhân-dân là bị tội chém đầu. Dân sự bị loạn phải lưu tán đi chỗ khác, khi hết giặc cho về nguyên quán làm ăn như xưa. Vợ con gia quyến những người ra làm quan với giặc Minh, vua Lê cũng không giết hại. Ngài ra lệ cho chuộc tội bằng tiền, theo tỷ lệ sau đây : - Vợ con quan bố chính thì phải chuộc 70 quan. - Vợ con những sinh viên và thổ quan thì chuộc 10 quan. - Con trai, con gái, đầy tớ đi ở thì phải chuộc 5 quan. Ngay đối với những tù binh tức là binh lính nhà Minh ra hàng đều được nhà Vua đưa về các nơi nuôi nấng tử tế. Tóm lại lúc nào nhà Vua cũng lấy việc thi ân nghĩa cho dân, đánh giặc cứu dân làm cốt. Như thế tất nhiên là lòng dân đều hướng về Ngài và Ngài tới đâu tất được nhân dân hưởng ứng và ủng hộ đến đấy. Thí dụ như tháng Giêng năm Ất Tỵ (1425) vua đem binh về thành Nghệ-An, đi đến làng Đa-Lôi ở huyện Thổ-Du (nay là huyện Thanh-Chương) dân sự đưa trâu, rượu ra đón rước rất đông. Già trẻ đều sung sướng nói : « KHÔNG NGỜ NGÀY NAY LẠI THẤY UY NGHI NƯỚC CŨ ». Và quan chức làm với giặc Minh như quan Tri-Phủ Ngọc Ma tên là Cầm-Quý cũng tự nguyện đem quân về giúp. Bởi vì lòng người ai cũng căm-thù giặc Minh. Nhân dân căm thù giặc Minh Không cần phải có đạo hịch của vua Lê-Lợi phát ra kể tội giặc Minh, chính bổn thân nhân-dân đã căm thù giặc Minh đến cốt tủy. Người dân xưa nay vốn dễ bảo và dễ tha thứ. Nhưng một khi chạm đến quyền lợi thiết thân của họ, thì người dân phát khùng ngay, và sẵn sàng đứng dậy chống lại. Vậy thì quyền lợi của nhân dân đã bị giặc Minh động chạm đến như thế nào ? Thuế khóa - Mỗi mẫu ruộng phải nộp 5 thăng thóc. - Mỗi mẫu bãi dâu phải nộp 1 lạng tơ. - Mỗi cân tơ phải nộp một tấm lụa. - Muối dân nấu được bao nhiêu hằng tháng phải đưa vào tòa Đễ-Cử, đợi khi tòa Bố-chính (người Minh) khám xong đánh thuế rồi mới được bán. Ai nấu muối lậu hay bán muối lậu cũng phải tội ngang nhau. Ở châu, huyện nào cũng có đặt tòa Thuế-khóa để chuyên việc thu thuế. NHẬN XÉT. – So với đời Trần thì thuế ruộng kể cũng không nặng lắm. (Sử chép nhà Trần thu mỗi mẫu ruộng 100 thăng thóc thuế). Song thuế bãi dâu xét ra quá nặng, nhất là lại thu cả thuế tơ. Thuế muối nhà Trần cũng có thu, nhưng cách thu thuế và kiểm soát giặc Minh làm gắt gao cẩn thận hơn, nên dù sao nhân dân cũng lấy làm khó thở. Sưu dịch Thuế má đã vậy, đến việc sưu-dịch mới càng nặng nề : - Nhân dân phải bắt làm phu đi khai các mỏ quặng. - Dân miền núi rừng thì phải vào rừng tìm ngà voi, sừng tê, vượn, chim trả, rắn, trăn, hươu nai để dâng giặc Minh đem về Tàu. - Dân miền bể thì phải xuống bể mò ngọc trai, đồi mồi, san hô, xà cừ… - Các lâm sản như hồ tiêu, hương liệu cũng phải hằng năm cống nộp. NHẬN XÉT. – Đã gọi là sưu dịch (corvée) thì tức là phải làm không có công xá gì, may được miếng cơm ăn là tốt. Dân ta vốn siêng-năng chịu khó nhưng siêng năng chịu khó đến đâu cũng không bao giờ thích làm việc công không. Nhất là phải làm những công việc nặng nhọc khó khăn quá sức mình như bắt buộc phải tìm cho được ngọc trai, voi trắng, chim trả, hươu nai, trăn, rắn… Cho nên những việc sưu dịch này nhân dân coi như cực hình, nhất là lại phải hãm mình vào nơi rừng thiêng nước độc. Binh dịch Dân ta xưa nay vẫn yêu làng, không thích dọn khỏi làng. Tàn tích sót lại của thời phong kiến đời Lý, Trần (con cái thường dân suốt đời phải đi lính) đã làm nhân dân chán ghét việc đi lính. Cứ coi câu ca dao dưới này thì biết tâm-lý dân ta thuở ấy đối với việc đi lính như thế nào : Thùng thùng trống đánh ngũ liên Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa …Ba năm trấn thủ lưu đồn Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan Chém tre chặt gỗ trên ngàn Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai Miệng ăn măng trúc măng mai Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng Đi lính đã hầu như là một cái tội. Đời Trần, dân mấy làng Bàng-Hà, Ba-Điểm vì hàng giặc Nguyên trước tiên nên sau đều phải đi lính suốt làng. Và mấy tên gian-thần theo giặc sau cùng phải tội-đồ làm lính. Ngay thời giặc Minh đô-hộ, những người không thẻ tùy-thân hay thẻ không đúng với tên tuổi ghi trong sổ đều phải tội… đi lính. Ấy vậy mà giặc Minh bắt buộc nhân-dân mỗi hộ (tức mỗi nhà, mỗi gia đình) phải 3 người đi lính. Từ Thanh-Nghệ trở vào dân thưa thì mỗi hộ phải 2 người đi lính. Nghĩa là nhà nào cũng phải có người đi lính. Những người ở nhà thì phải cắt lượt nhau ra canh các đồn binh lập ở gần làng hay trong làng. NHẬN XÉT. – Việc bắt buộc đi lính này, thời bấy giờ, nhân dân ghê sợ không khác gì việc sưu dịch. Từ trước, nước ta vẫn có lệ bắt lính nhưng không bao giờ đến nỗi KHE KHẮT MỘT NHÀ HAI, BA NGƯỜI PHẢI ĐI LÍNH NHƯ THỜI GIẶC MINH. Trong bài BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO có câu : « THẦN NHÂN CHI SỞ CÔNG PHẪN », nghĩa là THẦN VÀ NGƯỜU ĐỀU LẤY LÀM CĂM THÙ. Thật không nói ngoa vậy. Tại sao Lê-Lợi phải đánh trong mười năm mới đuổi được giặc ? Thế là ta thấy : 1. Chiến-lược, chiến-thuật của Lê-Lợi rất thích nghi với tình thế. 2. Nhân dân đều qui phục và tán thành chủ trương đánh giặc cứu dân của Lê-Lợi. 3. Nhân dân hết sức căm thù giặc Minh, luôn luôn muốn thoát khỏi nanh vuốt giặc, tất nhiên sẵn sàng giết giặc và làm tai mắt tay chân cho vị anh hùng cứu quốc họ Lê. Nghĩa là Lê-Lợi có đủ điều-kiện chủ quan và khách quan để thắng giặc. Vậy mà Hưng-đạo-Vương xưa trong 2 năm trời phá luôn được 2 chuyến 80 vạn quân Nguyên. Sao đến Lê-Lợi lại phải chật vật, lúc phải rút lui, lúc phải cầu hòa, đánh nhau vất vả cực nhọc trong mười năm trời đằng-đẵng mới đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi ? Mà có phải Lê-Lợi không biết vận-động nhân dân đâu ? - Nào phát hịch đi khắp nước kể tội giặc Minh. - Nào yết bảng hiệu triệu anh hùng hào kiệt. - Nào dùng mánh lới cho sâu đục lá cây thành chữ « LÊ LỢI VI QUÂN, NGUYỄN-TRÃI VI THẦN » để vận động nhân tâm. Và cũng không phải là chỉ đạo chiến tranh non tay, Lê-Lợi đã biết lập chiến-khu, đã biết lập căn-cứ địa, đã biết áp dụng chiến-thuật phục-kích, du-kích và vận động chiến. Trái lại vua Lê chỉ đạo rất sáng suốt. Cứ xét hai việc sau đây, thì đủ rõ : Bấy giờ quân ta đang vây thành Đông-Quan (Hà-Nội) thì có tin viện binh của Minh kéo sang do bọn Liễu-Thăng, Lương-Minh, Thôi-Tụ, toàn những danh tướng của Minh chỉ huy. Tướng sĩ phần nhiều khuyên Bình-định-Vương Lê-Lợi nên đánh ngay thành Đông-Quan để giặc Minh mất căn cứ địa : « Vương không nghe, bảo rằng việc đánh thành là hạ sách. Nay ta cứ dưỡng uy súc nhuệ để đợi địch đến thì đánh. Hễ viện binh mà thua thì quân trong thành tất phải ra hàng. Thế có phải là một việc mà được hai không ? » Rồi vương lại ra lệnh cho nhân-dân ở các tỉnh Lạng Giang, Bắc-Giang, Tam-Đái, Tuyên-Quang, Qui-Hóa : DI CƯ, TẢN CƯ ĐI NƠI KHÁC, BỎ ĐỒNG KHÔNG LÀNG TRỐNG ĐỂ TRÁNH GIẶC MINH. Và cứ coi cái kết-quả trận Chi-Lăng chém được Liễu Thăng trong một trận phục-kích, thì đủ biết tài mưu lược tính toán như thần của vua Lê. Vậy thì vì cớ gì mà phải chật-vật trong mười năm trời vua Lê mới đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi ? Điều đó không phải là không do nhiều nguyên-nhân, nhiều điều-kiện khách quan, những nguyên nhân đó ở ngoài ý muốn của vua Lê, những điều kiện khách quan ấy, vua Lê phải nhờ thời-gian mới làm chủ được. Nguyên do chính là nếu Hưng-đạo-Vương đánh giặc « ồ ạt hùng-hổ mới tới » thì Bình-định-Vương phải đương đầu với giặc ở ngay trong nhà. Quân giặc ấy trong bốn năm trời đã « mọc rễ » được ở đất nước ta rất là sâu sắc, chắc chắn. Quân giặc ấy đã tổ chức được nhân dân và quân đội một cách rất tinh tế, đã lung lạc được nhân-tâm, đã kiểm soát được từng hành vi cử động nhỏ nhặt của người dân từ thành thị tới hang cùng ngõ hẻm. Tóm lại, quân giặc trong nhà đã thực hiện và hoàn thành được một chế độ đô-hộ có thể cho là khoa-học nhất, chặt chẽ nhất, khắc nghiệt nhất, hoàn-bị nhất trong lịch sử cổ kim đông tây. Trước khi mất, Hưng-đạo-Vương có trối lại rằng : « …Khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cầu lấy mau việc, thế ấy mới khó trị… » Giặc Minh tuy vẫn tham của dân, song nó đã đặt được cơ sở vững chắc ở đất nước mình rồi, nên dù sao Lê-Lợi cũng phải đứng trước cái thế sau cùng tức là cái thế Hưng-đạo- Vương bảo là « khó trị ». Chế-độ đô-hộ của giặc Minh hoàn bị và khắc nghiệt như thế nào ? Có xét kỹ chính-sách đô-hộ của giặc Minh, có xét kỹ cách tổ chức hành chính và quân sự của giặc Minh, thì ta mới thấy cái tài dẹp loạn cứu dân của vua Lê-Lợi. Và ta mới thấy rằng cái thời-gian mười năm đánh đuổi giặc Minh tuy thế còn là một thời-gian tương đối mau chóng, ngắn-ngủi so với thế-lực của giặc Minh thời bấy giờ. Đại khái ta có thể phân tích chế độ đô-hộ của giặc Minh ra làm mấy chính sách như sau đây : Chia để trị Cũng như hết thảy các đế-quốc thực-dân khác trên thế giới xưa nay, sau khi thôn-tính nước ta, nhà Minh trước tiên lo việc chia để trị. Trước tiên là chia nước ta thành 17 phủ và 5 châu như các châu phủ của nội địa Trung Hoa : - Mười bảy phủ ấy là : Giao-Châu, Bắc-Giang, Lạng Giang, Lạng-Sơn, Tân-An, Kiến-Xương, Phong-Hóa, Kiến Bình, Trấn-Man, Tam-Giang, Tuyên-Hóa, Thái-Nguyên, Thanh-Hóa, Nghệ-An, Tân-Bình, Thuận-Hóa, Thăng-Hoa - Và 5 châu là : Quảng-Oai, Tuyên-Hóa, Qui-Hóa, Gia Bình, Diễn-Châu. Thế là cái tên An-Nam-quốc thực tế đã bị xóa trên bản đồ. Nước ta đang ở địa vị một nước giáng xuống địa vị mấy phủ châu của nhà Minh, chứ chưa được cái vinh hạnh thành một tỉnh của Tàu. Đứng đầu việc cai trị 17 phủ và 5 châu trên, giặc Minh đặt ra Bố-chánh-ty, Án-sát-ty, Chưởng-đô-ty, do người Minh bổ sang để coi các việc hành chính, tư pháp và quân sự. Dưới các ty đó, giặc Minh thiết lập cả thảy 472 nha môn để coi việc hành chính tư pháp. Giặc Minh thực hiện chính sách « chia để trị » từ dưới lên trên, từ gốc chí ngọn. Thành phố, đô thị thì chia ra làm nhiều PHƯỜNG, xung quanh ngoại ô thì chia làm TƯƠNG. Ở nhà quê thì chia làm LÝ và GIÁP. Cứ 110 HỘ (tức gia đình) hợp lại là một Lý. Cứ 10 hộ chia thành một Giáp, một Lý chia làm 10 giáp. Giáp trội hơn 10 Hộ thì cử một Lý-trưởng coi việc cả lý. Dưới Lý-trưởng, mỗi giáp có một giáp-trưởng hay giáp-thủ coi việc 10 hộ. Lý nào cũng có sổ đinh, sổ điền kê khai rất cẩn thận, kèm theo cả địa đồ. Như vậy trong một Lý tức là làng hay 110 nhà (Hộ) có tất cả những 11 người trông nom coi sóc thường trực. Thế là toàn quốc bị chia xẻ, bị tổ chức hoàn toàn theo ý muốn của giặc, để giặc dễ bề kiểm soát và đàn áp. Kiểm soát và theo dõi thường xuyên 11 người trông coi và ở sát liền với 110 gia đình, tức là 1 người coi 10 nhà, tai mắt chân tay của giặc có thể nói là khắp nước, không chỗ nào là không có và lúc nào cũng sẵn sàng để nghe để nhìn và để bắt bớ. Nhất là giặc lại tổ chức cách kiểm soát, và theo dõi thường xuyên từng nhà và từng người, khiến không một hành động nhỏ nào thoát khỏi cặp mắt cú diều của giặc. Giặc tổ chức như thế này : - Mỗi Hộ tức gia-đình khắp nước, tỉnh cũng như quê, đều phải có một Hộ thiếp tức là bản kê khai danh sách và tuổi tác mọi người trong gia đình. Bản danh sách phải kê khai cho đúng số tuổi theo như sổ đinh, và có triện thị thực của Lý Trưởng và được báo cáo đầy đủ lên cấp trên, mỗi nơi đều có một Hộ thiếp lưu chiểu. - Hộ-thiếp tức là sổ gia đình hoặc danh sách những người trong gia đình. - Nhà nào khai gian lận, thừa, thiếu hay sai tên người, sẽ bị tội. - Ngoài ra mỗi người lại phải đem theo trong mình một cái giấy biên tên tuổi quê quán đúng như đã khai trong sổ gia đình (Hộ thiếp) và đúng như trong sổ đinh, những sổ này đều có những bản lưu chiểu tại nha môn hành chính. Hễ có người khám hỏi thì phải xuất trình giấy đó ra. Hễ giấy của ai không hợp với sổ đinh, sổ gia đình, thì người ấy phải tội… đi lính. Giấy này tức như thẻ tùy thân. Nhà có sổ, người có thẻ, nhất cử nhất động của người dân khó lòng mà tránh thoát tai mắt của giặc giăng ra khắp nơi trong nước. Chính sách phòng-thủ Về binh bị, giặc Minh tổ chức cũng cẩn mật chu đáo lắm. Những nơi hiểm yếu thì đặt thành VỆ-SỞ tựa như ĐẠO QUAN BINH hoặc QUÂN KHU. Cả nước có tất cả 12 vệ-sở. Nước ta bấy giờ chia thànhh 17 phủ mà có tới 12 vệ-sở tức quân khu, thì đủ biết việc phòng-thủ tổ chức chu mật như thế nào. Cũng vì nhiều vệ-sở như vậy mà lắm nơi đồn trú quân đội, và quân đội phải có thật nhiều. Cho nên giặc mới ra lệnh bắt mỗi Hộ phải có 3 hay 2 người đi lính. Ngoài ra nơi nào không có vệ-sở, thì lập đồn ở những nơi hiểm đạo, bắt dân-binh ra canh gác ngày đêm, ăn cơm nhà ra canh đồn. Về binh bị tổ chức như vậy tưởng lưới giăng ra đã kín lắm, những người nghĩa-khí muốn nổi lên làm phản khó lòng mà thoát được. Cũng cùng theo tinh thần phòng-thủ ấy, giặc Minh tổ chức việc trạm dịch để cho việc thông tin tức và trao đổi công văn được mau chóng, lệnh ra được kịp thời. Từ Đông-Quan (Hà-Nội) tới Gia-Lâm, Từ-Sơn thì đặt trạm chạy giấy tờ bằng ngựa. Từ huyện Chí-Linh, huyện Đông Triều tới phủ Vạn-Ninh là nơi giáp đất Khâm-Châu nước Tàu thì đặt trạm chạy giấy bằng thuyền. Lung lạc nhân-tài Một mặt đàn áp tinh thần nhân-dân, một mặt khác giặc Minh lo lung lạc nhân-tài để dùng làm những tay sai và do thám đắc lực. Vì giặc Minh đã có cái kinh-nghiệm lịch sử của Trung Quốc là những anh hùng hào kiệt khởi nghĩa làm loạn hầu hết là những người biết chữ, có tài văn võ hay là những bực có sức khỏe hơn người, cho nên giặc Minh hết sức mua chuộc nhân-tài trong nước ta để thu làm tay chân của chúng. Giặc cho tìm kiếm những bực có tài ẩn dật nơi sơn lâm, những người có tài năng đức hạnh hoặc có tài văn thơ, có trí thuật, những người giỏi toán pháp, những người nói năng hoạt bát, những người khéo chân khéo tay, những người tháo vát thạo việc, những người có nết na hiếu thảo, những người mặt mũi khôi ngôi, những người có sức vóc khỏe mạnh, những thầy đồ, thầy bói, thầy thuốc… tóm lại tất cả những người có tài năng, có đức hạnh, có sức khỏe, có mặt mũi sạch sẽ, bắt cả đem sang Kim-Lăng là kinh-đô nhà Minh. Ở đấy họ bị giặc Minh huấn luyện cho chính sách đô-hộ, và cho hưởng ân huệ, rồi sau một thời-gian tung cả cho về nước, bổ cho làm quan lại để giúp việc giặc. Chẳng khác gì ngày nay người ta tung cán-bộ ra làm việc sau một thời-gian huấn luyện. Buổi ấy hầu hết nhân dân và người có chút tài năng đều lấy làm vinh dự được giặc đưa sang Kim-Lăng để sau về nước hưởng phú quí. Chỉ có một số rất ít người có liêm sỉ không chịu ra làm quan với giặc Minh. Thành ra hầu hết nhân-tài trong nước đều gục đầu hầu hạ giặc để mưu lấy phú quí cho bổn thân. Khi vua Lê-Lợi khởi nghĩa ở Lam-Sơn, số nhân-tài hưởng ứng rất ít. Trong bài BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO của cụ Nguyễn-Trãi có nói đến cái tình trạng thiếu nhân-tài đó : « Ngặt vì tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân-tài như lá mùa thu. Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi duy-ác thiếu người bàn bạc ». Thật ta nước ta không hiếm tuấn-kiệt và nhân-tài đến thế. Chỉ vì phần lớn đã bị mắc vào cái mồi phú quí nhất thời của giặc Minh. Văn hóa nô dịch và ngu dân Ngay ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước Nam, giặc Minh đã lo đến việc chinh phục tâm hồn người Nam bằng văn-hóa. Chinh phục người Nam bằng võ lực thì có ngày người Nam có thể dùng võ lực phá ách nô lệ được. Chứ lấy văn-hóa mà chinh phục thì gọi là cứ vạn cổ cũng khó mà thoát khỏi tròng. Cái ý định của giặc thâm hiểm độc ác như vậy. Cho nên phàm sách vở gì của người Việt-Nam làm ra, giặc Minh thu vét sạch sẽ, cố ý không để lại một di-tích gì của văn-hóa Việt-nam. Rồi giặc Minh đưa sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, Tính Lý đại-toàn của Tống-nho chú-giải sang phát cho dân ta đọc, cố ý nhồi vào óc dân ta những tư tưởng nô lệ, yên phận, thủ thường, KÍNH THIÊN SỰ ĐẠI, những tư tưởng cố chấp, hủ bại do bọn Đạo-Học Tống-nho đã nêu lên, xuyên tạc mất cả ý nghĩa cố-hữu của Tiên nho, Tiên hiền. Giặc nô-dịch dân ta bằng sách vở và bằng phong tục, lễ giáo nữa, muốn người Nam thành hẳn người Tàu, tư tưởng như người Tàu, sau khi nước Nam đã thành châu, phủ của nước Tàu. Giặc bắt trai gái nước ta phải để tóc như người Tàu, không được cạo đầu như ngày trước, quần áo phải ăn bận đúng như người Tàu : áo ngắn, quần dài, cái váy như cái váy Mường (di tích của người Nam thuần túy) nhất định không được tồn tại. Giặc bắt các phủ, châu, huyện nhất luật phải lập văn miếu thờ Khổng-Mạnh, Chu-Trình, lập đền thờ Bách-Thần, Xã Tắc, Sơn-Xuyên, Phong-Vân. Kiểu cách cúng tế, phục sức phải chép hệt y như thể cách cúng tế nhà Minh. Nô-dịch dân ta như vậy chưa đủ, giặc còn làm cho dân ta ngu mê đi cho dễ sai khiến. Chẳng những giặc bắt dân ta học Tứ Thư, Ngũ Kinh, Tính Lý mà thôi, giặc lại bắt dân ta học bói toán, học bùa bèn, kinh kệ, học địa lý, học xem ngày chọn ngày, tức là bắt dân ta học những dị đoan mê tín. Giặc cho những người giỏi bói toán, phù thủy, địa lý phương thuật… làm quan để dạy dân những môn ấy. Giặc lại lập ta tăng cương-ti và Đạo-kỳ-ti để coi về đạo Phật, đạo Lão, sai phái đốc thúc các vị sư tăng và đạo sĩ đi truyền bá đạo Phật, đạo lão khắp dân gian. * Tóm lại có thể nói rằng từ thượng cổ đến nay, chưa từng có một cuộc chinh phục nào nặng nề, sâu sắc, toàn diện và khoa học tỉ mỉ hoàn bị như cuộc chinh phục nước Nam của giặc Minh. Công cuộc đô-hộ chẳng những nhằm vào chính trị hành chính mà thôi, lại hướng cả vào tư tưởng, và văn hóa đạo đức nữa. Công cuộc ấy tổ chức trong có 4 năm trời, liền bị vị anh hùng Lam-Sơn nổi lên đả phá chật vật luôn trong 10 năm mới phá nổi. Đủ biết rằng công cuộc ấy ảnh-hưởng sâu xa bền chặt đến như thế nào. Nếu không có vua Lê-Lợi thì bây giờ nước Nam liệu có thoát khỏi là một vài quận, huyện nước Tàu không ? và dân Nam ta liệu có thoát khỏi thành người Tàu không ? Mới sau 4 năm đô-hộ mà còn phải đánh trong 10 năm trời, nếu giặc đặt cuộc đô-hộ được trong 40 năm hay 400 năm thì nhất định nước Nam không bao giờ còn, và người Nam tất sẽ mất giống. Lê-Lợi quả là vị anh-hùng dân-tộc hạng số 1 Nếu người nào căn cứ vào thời-gian đánh giặc (10 năm) của Lê-Lợi mà xét, và cho rằng tài trí của vua Lê kém tài trí của Hưng-đạo-Vương chẳng hạn, thì người ấy lầm to. Bởi vì Hưng-đạo-Vương trước kia chỉ phải đương đầu với một mặt trận quân sự mà thôi. Còn Lê-Lợi đã phải đương đầu cùng một lúc với mấy mặt trận cùng nặng ngang nhau : - Mặt trận quân sự - Mặt trận chính trị - Mặt trận văn hóa - Mặt trận kinh tế. Nghĩa là cuộc kháng-chiến đời Lê nặng nề khó khăn gấp bốn lần đời Trần. Ấy vậy mà cuối cùng, sau mười năm đánh giặc gian khổ, Lê-Lợi đã thu được toàn thắng, thì ta phải nhận rằng chiến công đời Lê oanh liệt vẻ vang không những chẳng kém mà về nhiều phương diện lại có phần hơn cả chiến công đời Trần. Và ta có thể nhắc lại rằng thời-gian 10 năm đánh giặc của vua Lê có thể cho là tương đối ngắn ngủi mau chóng chứ chưa phải là dài lâu gì. Bài BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO chẳng những đã làm vinh dự cho Nguyễn-Trãi, cho Lê-Lợi mà cả cho dân tộc Việt-Nam muôn đời. Chúng ta có quyền tự hào về bài Bình Ngô Đại Cáo, Bài Hịch dụ tướng sĩ chỉ làm ta thán phục Hưng-đạo-Vương mà thôi. Lòng tự hào dân tộc không được gì trong bài Hịch dụ tướng sĩ. Chúng ta không bao giờ có ý định hạ thấp Hưng-đạo Vương để đề cao Bình-Định-Vương. Chúng ta chỉ muốn rằng Bình-định-Vương phải được liệt vào hàng anh hùng dân tộc số 1 cũng như Hưng-đạo-Vương vậy. Vì lâu nay ta thường chỉ bị choáng lòa về chiến-công đời Trần mà hầu như coi thường chiến công đời Lê. LÊ-VĂN-HÒE HƯNG-ĐẠO-VƯƠNG, BÌNH-ĐỊNH-VƯƠNG CỦA LÊ-VĂN HÒE, DO QUỐC HỌC THƯ XÃ XUẤT-BẢN. IN TẠI NHÀ IN LÊ CƯỜNG. KIỂM DUYỆT SỐ 4333, NGÀY 3 THÁNG 12 NĂM 1952 VÀ SỐ 4441 NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 1952 """