"
Nghĩ Về Những Điều Này - Jiddu Krishnamurti PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghĩ Về Những Điều Này - Jiddu Krishnamurti PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Jiddu Krishnamurti
NGHĨ VỀ NHỮNG ĐIỀU NÀY
Nguyên tác: Think on These Things by Jiddu Krishnamurti, D. Rajagopal (Editor). Lời dịch: ÔNG KHÔNG
Nguồn gốc:
www.thuvienhoasen.org
Biên tập lại và đăng tại:
http://groups.google.com/group/krishnamurti102
Mục Lục
J. Krishnamurti - Một chân dung. 3
Mục lục câu hỏi 6
Chương 1: Chức năng của giáo dục. 15
Chương 2: Vấn đề của tự do. 22
Chương 3: Tự do và tình yêu. 28
Chương 4: Lắng nghe. 36
Chương 5: Bất mãn có tính sáng tạo. 42
Chương 6: Tổng thể của cuộc sống. 49
Chương 7: Tham vọng. 55
Chương 8: Suy nghĩ có trật tự. 61
Chương 9: Cái trí khoáng đạt 68
Chương 10: Vẻ đẹp bên trong. 74
Chương 11: Tuân phục và phản kháng. 81
Chương 12: Sự tự tin của hồn nhiên. 88
Chương 13: Bình đẳng và tự do. 95
Chương 14: Kỷ luật tự tạo. 101
Chương 15: Cộng tác và chia sẻ. 107
Chương 16: Làm mới mẻ cái trí 116
Chương 17: Con sông của cuộc sống. 123
Chương 18: Cái trí chú ý. 131
Chương 19: Hiểu biết và truyền thống. 138 Chương 20: Sống đời sống tôn giáo là nhạy cảm đến thực tại 145
Chương 21: Mục đích của học hỏi 152
Chương 22: Tánh đơn giản của tình yêu. 159 Chương 23: Sự cần thiết ở một mình. 167
Chương 24: Năng lượng của cuộc sống. 174 Chương 25: Sống không nỗ lực. 181
Chương 26: Cái trí không là mọi thứ. 188
Chương 27: Tìm Chúa. 195
J. Krishnamurti - Một chân dung J.Krishnamurti, cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Là một hiền nhân, triết gia và tư tưởng gia, ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là “làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện”, ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.
Jiddu Krishnamurti (11-05-1895 – 17-02-1986) sinh ra trong một gia đình giai cấp trung lưu ngoan đạo ở thị trấn vùng quê Mandanapalle thuộc miền nam Ấn độ. Ông được “phát hiện” trong thời niên thiếu bởi những người lãnh đạo của tổ chức thần học Theosophical Society, bà Anne Besant và Giám mục Leadbeater, những người công bố rằng ông là “Thầy của thế
giới” mà những nhà thần học đang mong đợi. Khi còn trẻ, Krishnamurti trải qua những trải nghiệm kỳ bí đã cho ông một sự thay đổi căn bản và một tầm nhìn mới mẻ về cuộc sống. Sau đó ông tách rời tất cả những tôn giáo có tổ chức và những học thuyết để bắt đầu nhiệm vụ cô đơn của ông, gặp gỡ và nói chuyện với mọi người, không phải như một vị đạo sư nhưng như một người bạn.
Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông. Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ “triết thuyết” nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.
Mặc dù ông được công nhận ở cả phương Đông lẫn phương Tây như là một trong những bậc thầy tôn giáo vĩ đại nhất của mọi thời đại, nhưng chính Krishnamurti lại không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh. Ông nhấn mạnh vào thời gian và lặp lại liên tục rằng chúng ta là những con người cao quý và quan trọng nhất, rằng mỗi người trong chúng ta là phần còn lại của nhân loại và không khác biệt gì cả. Ông vạch ra sự quan trọng để tạo ra cuộc sống hàng ngày của chúng ta một chất lượng thiền định và tôn giáo sâu sắc. Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ. Vẫn vậy lời dạy của ông vượt
khỏi tất cả những biên giới do con người tạo ra của những niềm tin tôn giáo, những cảm tình quốc gia và những quan điểm thuộc giáo phái. Cùng lúc, chúng cho một ý nghĩa và một phương hướng mới đến việc tìm hiểu của con người hiện đại về chân lý, về thiêng liêng. Những lời dạy của ông, không chỉ liên quan đến thời đại hiện nay, mà còn có tính tổng thể và không thời gian.
Krishnamurti Foundation India
Ghi chú của người biên tập
Dù rằng viết về một buổi chuyện trò với ai đó, diễn tả cảnh mặt trời lặn, hay tổ chức một buổi nói chuyện trước công chúng, Krishnamurti dường như có một cách trình bày những lời giải thích của ông, không chỉ cho số khán giả trực tiếp của ông, nhưng còn cho mọi người, bất kỳ nơi nào, muốn lắng nghe; và có nhiều người, khắp thế giới, háo hức lắng nghe. Bởi vì, điều gì ông nói không có thành kiến, và có tánh toàn cầu, và bằng một phương cách chuyển động lạ lùng đã bộc lộ rõ mọi bản chất gốc rễ những vấn đề của con người chúng ta.
Những đề tài trong tập sách này, đầu tiên được trình bày theo dạng nói chuyện với những học sinh, những giáo viên và những bậc cha mẹ ở Ấn độ, nhưng sự thâm nhập sâu sắc và sự đơn giản mạch lạc sẽ mang lại đầy ý nghĩa cho những con người có suy nghĩ ở mọi nơi, thuộc mọi lứa tuổi, và trong mọi hình thái của cuộc sống. Krishnamurti tìm hiểu bằng sự thấu triệt và khách quan lạ lùng về những quan điểm của điều gì chúng ta đã hài lòng gọi là nền văn hoá của chúng ta, nền giáo dục của chúng ta, tôn giáo, chính trị và truyền thống của chúng ta; và ông phơi bày ra ánh sáng những động cơ thúc đẩy căn bản như là tham vọng, tham lam và ganh tị, lòng ham muốn có được an toàn và niềm thôi thúc tìm kiếm quyền hành – tất cả những việc đó ông khẳng định là những nhân tố thoái hóa trong xã hội loài người. Theo Krishnamurti nền văn hoá thực sự không phải là vấn đề thuộc nuôi dưỡng, cũng không phải thuộc về học hỏi, cũng không phải thuộc về tài năng, thậm chí cũng
không phải thuộc về thiên tài, nhưng văn hoá là điều gì mà ông gọi là “đang chuyển động không thời gian để tìm ra hạnh phúc, Chúa, chân lý.” Và “khi dòng chuyển động này bị ngăn chặn bởi uy quyền, bởi truyền thống, bởi sợ hãi, có thối rữa,” bất kể những tài năng hay những thành tựu của bất kỳ nền văn minh, chủng tộc hay cá nhân đặc biệt nào. Bằng sự ngay thẳng không thỏa hiệp ông vạch rõ những yếu tố giả dối trong những quan điểm và những tập tục của chúng ta, và những ngụ ý trong những lời phê bình của ông có cả chiều sâu lẫn ảnh hưởng rộng rãi.
Một vài từ ngữ xuất hiện đó đây trong bài này – guru, sannyasi, puja, và mantram – và với chúng những độc giả phương Tây có lẽ không quen thuộc lắm, nên được giải thích vắn tắt ở đây. Một guru là một vị thầy tinh thần; một sannyasi là một thầy tu mà đã giữ lời thề cuối cùng là từ bỏ theo nghi lễ của Ấn độ giáo; puja là sự thờ phụng nghi lễ của Ấn độ giáo; và một mantram là một vần thơ, một âm điệu, một bài hát thiêng liêng.
Lời Ban Biên Tập TVHS
Các Nhà xuất bản tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại có nhu cầu in cuốn sách này vì mục đích kinh doanh, xin vui lòng liên lạc với Dịch gỉa và tổ chức Krishnamurti Foundation India: Vasanta Vihar 124 Greenways Road RA Puram Chennai - 600 028 Tel: 24937803/24937596 Email: publications@kfionline.org
Mục lục câu hỏi
01-Chức năng của giáo dục
(a) - Nếu mọi cá nhân đều phản kháng, ông không nghĩ rằng sẽ có hỗn loạn trong thế giơí này hay sao?
(b) - Phản kháng, học hỏi, yêu thương – đây là ba tiến hành tách rời, hay chúng xảy ra cùng lúc?
(c) - Có phải đúng thật rằng xã hội đặt nền tảng vào sự thu lợi và tham vọng; nhưng nếu chúng ta không có tham vọng chúng ta không thối rữa hay sao?
(d) - Ở Ấn độ, cũng như hầu hết những quốc gia khác, giáo dục đang bị kiểm soát bởi chính phủ. Dưới mọi hoàn cảnh như thế liệu có thể thực hiện một thử nghiệm về loại giáo dục mà ông trình bày hay không?
02-Vấn đề của tự do
(a) - Thông minh là gì?
(b) - Một cái trí thô thiển có thể trở thành nhạy cảm được không?
(c) - Làm thế nào một em bé hiểu được em ấy là gì nếu không có sự trợ giúp của cha mẹ và những giáo viên của em.
(d) - Trẻ em kể với tôi rằng các em đã thấy được trong những ngôi làng vài hiện tượng lạ lùng, như là ma ám, và rằng các em sợ ma, những linh hồn và vân vân. Các em cũng hỏi về cái chết. Người ta sẽ phải nói gì về tất cả việc này?
03-Tự do và tình yêu
(a) - Nguồn gốc của ham muốn là gì, và làm thế nào tôi có thể loại bỏ được nó?
(b) - Làm thế nào chúng ta có thể được tự do khỏi sự lệ thuộc khi chúng ta vẫn còn đang sống trong xã hội?
(c) - Tại sao con người đánh nhau?
(d) - Ganh ghét là gì?
(e) -Tại sao em không bao giờ thỏa mãn với bất kỳ thứ gì? (f) - Tại sao chúng ta phải đọc sách?
(g) - Ngượng ngùng là gì?
04-Lắng nghe
(a) - Thờ phụng Chúa không phải là tôn giáo thực sự hay sao?
05-Bất mãn có tính sáng tạo
(a) - Bất mãn ngăn cản sự suy nghĩ rõ ràng. Làm thế nào chúng ta vượt qua được trở ngại này?
(b) - Hiểu rõ về chính mình là gì, và làm thế nào chúng ta có thể có được nó?
(c) - Linh hồn là gì?
06-Tổng thể cuộc sống
(a) - Tại sao chúng ta muốn được nổi tiếng?
(b) - Khi còn trẻ ông viết một quyển sách mà trong đó nói rằng: “Đây không là những lời của tôi, đây là những lời của Thầy tôi.” Làm thế nào mà bây giờ ông quả quyết sự suy nghĩ của chúng ta là cho chính chúng ta? Và ai là Thầy của ông?
(c) - Tại sao con người lại kiêu hãnh?
(d) - Khi còn là những đứa bé chúng ta đã được chỉ bảo điều gì là đẹp đẽ và điều gì là xấu xa, với kết quả rằng suốt cuộc đời chúng ta luôn luôn lặp lại, “Cái này đẹp, cái kia xấu.” Làm thế nào người ta biết thực sự cái gì là đẹp đẽ và cái gì là xấu xa?
(e) - Xin lỗi, nhưng ông đã không nói ai là Thầy của ông? 07-Tham vọng
(a)- Tại sao ông cảm thấy ngượng ngùng?
(b)- Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra chân lý trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta?
(c)- Những hình ảnh, những người Thầy và những vị thánh không giúp chúng ta thiền định đúng hay sao?
(d)- Bổn phận của một học sinh là gì?
(e)- Sự khác biệt giữa kính trọng và tình yêu là gì? 08-Suy nghĩ có trật tự
(a)- Giận dữ là gì và tại sao người ta giận dữ?
(b)- Tại sao chúng ta yêu người mẹ của chúng ta nhiều như thế?
(c)- Tôi đầy hận thù. Ông làm ơn dạy cho tôi làm thế nào để yêu thương?
(d)- Hạnh phúc trong cuộc sống là gì?
(e)- Cuộc sống thật sự là gì?
09 -Cái trí khoáng đạt
(a)- Tại sao chúng ta lại muốn sống xa hoa?
(b)- Liệu có thể có an bình trong cuộc sống khi chúng ta còn đang đấu tranh với môi trường sống của chúng ta hay không?
(c)- Ông có hạnh phúc hay không?
(d)- Tại sao chúng ta lại khóc, và đau khổ là gì?
(e )- Làm thế nào chúng ta có thể hoà đồng mà không có xung đột?
10-Vẻ đẹp bên trong
(a)- Linh hồn có tồn tại sau khi chết không?
(b)- Khi chúng ta bị bệnh tật, tại sao cha mẹ chúng ta lại lo âu và lo âu cho chúng ta?
(c)- Những đền chùa có nên mở cửa cho tất cả mọi người thờ phụng hay không?
(d)- Kỷ luật đóng vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta?
(e)- Ngay bây giờ, khi ông đang nói về những đền chùa, ông nói đến hình tượng của Chúa như thể là một cái bóng. Chúng ta
không thể thấy một cái bóng của một con người nếu không có một con người thực sự tỏa vào cái bóng đó.
(f)- Những kỳ thi có lẽ không cần thiết cho cậu trai hay cô gái giàu có mà tương lai của họ đã được bảo đảm, nhưng chúng không cần thiết cho những học sinh nghèo khổ mà phải chuẩn bị để mưu sinh hay sao? Và liệu rằng sự cần thiết của các em ít khẩn cấp hơn, đặc biệt nếu chúng ta đang sống trong xã hội như chúng là bây giờ hay không?
(g)- Liệu những người giầu sang có sẵn sàng trao tặng nhiều thứ của họ vì lợi ích của những người nghèo khổ hay không?
11-Tuân phục và phản kháng
(a)- Ông học tất cả những điều ông đang nói bằng cách nào và làm thế nào chúng tôi có thể thấu triệt nó?
(b)- Chúng ta có nên hình thành một ý tưởng về một người nào đó, hay không?
(c)- Cảm thấy là gì và chúng ta cảm thấy như thế nào? (d)- Sự khác nhau giữa văn hoá Ấn độ và văn hoá Mỹ là gì? (e)- Ông nghĩ gì về người Ấn độ?
12-Sự tự tin của hồn nhiên
(a)- Thưa ông, tại sao chúng ta lại muốn có một người đồng hành?
(b)- Thú tiêu khiển của ông là diễn thuyết phải không? Ông không mệt mỏi vì nói chuyện à? Tại sao ông đang làm nó?
(c)- Khi tôi yêu thương một người và anh ấy giận dữ, tại sao sự giận dữ của anh ấy mạnh mẽ như thế?
(d)- Làm thế nào cái trí có thể vượt khỏi tất cả những cản trở của nó?
(e)- Tại sao Chúa đã tạo ra quá nhiều đàn ông và đàn bà trong thế giới này như thế?
13-Bình đẳng và tự do
(a)- Tại sao chúng ta cảm thấy vui thú trong những trò chơi của chúng ta và không phải trong việc học hành?
(b)- Ông đã nói rằng khi người ta thấy một cái gì đó là giả dối, điều giả dối đó mất đi liền. Tôi hàng ngày hút thuốc là sai trái nhưng nó không rời tôi được.
(c)- Tại sao chúng ta sợ hãi khi một số người lớn tuổi của chúng ta có thái độ nghiêm túc? Và điều gì làm cho họ nghiêm túc như thế?
(d)- Số mệnh là gì?
14-Kỷ luật tự tạo
(a)- Tại sao chúng ta lại ghét những người nghèo khổ?
(b)- Ông nói về sự thật, tốt lành và hoà đồng, mà ngụ ý rằng ở một mặt khác không có sự thật, không có hoà đồng và rất xấu xa. Vậy thì làm thế nào người ta có thể chân thật, tốt lành và hoà đồng mà không cần kỷ luật?
(c)- Năng lượng là gì?
(d)- Tại sao chúng ta tìm kiếm sự nổi tiếng?
15-Cộng tác và chia sẻ
(a)- Làm thế nào chúng ta có thể loại bỏ được những lo âu tinh thần của chúng ta, nếu chúng ta không thể tránh được những tình huống gây ra chúng
(b)- Làm thế nào chúng ta biết được chính chúng ta?
(c)- Chúng ta có thể hiểu rõ về chính chúng ta mà không cần một người tạo hứng khởi hay sao?
(d)- Với tất cả những mâu thuẫn trong chính người ta, làm thế nào có thể đang là và đang làm cùng một lúc được?
(e)- Vì quan tâm đến công việc chúng ta thích làm liệu rằng chúng ta có quên bổn phận với cha mẹ hay không?
(f) Dù có lẽ tôi ao ước là một kỹ sư, nếu cha tôi phản kháng và không muốn giúp đỡ tôi, làm thế nào tôi có thể học ngành kỹ sư được?
16-Làm mới mẻ cái trí
(a)- Làm thế nào chúng tôi có thể thực hiện điều gì ông đang chỉ bảo chúng tôi?
(b)- Tại sao những ham muốn của chúng ta không bao giờ được thực hiện trọn vẹn? Tại sao luôn luôn có những trở lực ngăn cản chúng ta không làm điều gì hoàn toàn như chúng ta ao ước?
(c)- Tôi nhận ra rằng tôi ngu đần, nhưng những người khác nói rằng tôi thông minh. Điều gì nên tác động tôi: nhận thấy của tôi hay là nhận xét của họ?
(d)- Tại sao chúng ta lại hư hỏng?
(e)- Tôi quen uống trà. Một giáo viên nói rằng nó là một thói quen xấu, và một người khác lại nói uống trà cũng chẳng sao?
17-Con sông của cuộc sống
(a)- Điều gì làm cho chúng ta sợ chết?
(b)- Người ta nói rằng trong mỗi người chúng ta đều có chân lý vĩnh cửu và không thời gian; nhưng, vì cuộc sống chúng ta rất ngắn ngủi, làm thế nào có chân lý trong chúng ta?
(c)- Tôi có thể có một ý tưởng hoàn hảo hay không?
(d)- Tại sao chúng ta lại muốn trả thù bằng cách gây tổn thương người đã gây tổn thương cho chúng ta?
(e)- Tôi có niềm vui khi chọc ghẹo những người khác, nhưng chính tôi lại tức giận khi bị chọc ghẹo?
(f)- Công việc của con người là gì?
(g)- Tại sao chúng ta thờ phụng Chúa?
18-Cái trí chú ý
(a)- Ngày hôm qua sau cuộc gặp gỡ chúng tôi thấy ông đang nhìn hai đứa trẻ nhà quê, nghèo, đang chơi đùa bên lề đường. Chúng tôi muốn biết tình cảm nào phát sinh trong cái trí của ông trong khi ông đang nhìn ngắm chúng?
(b)- Làm thế nào cái trí có thể lắng nghe nhiều sự việc trong cùng một lúc được?
(c)- Tại sao chúng ta thích lười biếng?
(d)- Ông nói rằng chúng ta nên phản kháng xã hội, và cùng lúc ông lại nói rằng chúng ta không nên có tham vọng. Ham muốn cải thiện xã hội không là tham vọng hay sao?
(e)- Tại sao tôi lại căm ghét mình khi tôi không chịu học hành?
(f)- Thậm chí chúng ta có tạo ra một xã hội mới bằng cách phản kháng lại xã hội hiện nay, liệu rằng sự sáng tạo một xã hội mới này không là một hình thức khác của tham vọng hay sao?
19-Hiểu biết và truyền thống
(a)- Liệu rằng cậu bé hư hỏng sẽ thay đổi qua sự trừng phạt hay qua tình yêu hay không?
(b)- Làm thế nào một người có thể trở thành thông minh được?
(c)- Tôi là một người Hồi giáo. Nếu hàng ngày tôi không tuân theo những truyền thống của tôn giáo tôi, cha mẹ tôi đe doạ sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi nên làm gì đây?
(d)- Ông bảo với chúng tôi rằng không nên có kháng cự trong chú ý. Làm thế nào có thể có được?
(e)- Tại sao chúng ta lại thích hỏi những câu hỏi? 20-Sống đời sống tôn giáo là nhạy cảm đến thực tại
(a)- Nếu tôi có tham vọng trong thời niên thiếu, liệu tôi có thể thành tựu nó
khi tôi lớn lên không?
(b)- Trong hệ thống xã hội hiện nay liệu không khó khăn khi thực hành điều gì ông đang nói hay sao?
(c)- Ông có ý nói gì qua từ ngữ một sự thay đổi tổng thể, và làm thế nào có thể nhận ra được nó trong thân tâm riêng của người ta?
(d)- Thưa ông, tự bành trướng là gì?
(e)- Tại sao người giàu có lại kiêu hãnh?
(f)- Tại sao chúng tôi lại luôn luôn trói buộc trong “cái tôi lệ thuộc” và “cái thuộc về tôi,” và tại sao chúng tôi lại cứ duy trì những cuộc gặp gỡ của chúng tôi với ông bằng những vấn đề do trạng thái của cái trí này sinh ra?
(g)- Tại sao phụ nữ thích ăn mặc chưng diện như thế? 21-Mục đích của học hỏi
(a)- Tại sao chúng ta lại dễ dàng quên đi điều gì chúng ta thấy là khó khăn khi học hỏi?
(b)- Ý nghĩa của từ ngữ “tiến bộ” là gì?
(c)- Tại sao chim chóc lại bay đi khi tôi đến gần? (d)- Sự khác nhau giữa ông và tôi là gì?
(e)- Tại sao giáo viên tức giận khi tôi hút thuốc?
(f)-Tại sao con người săn bắn cọp?
(g)- Tại sao chúng ta lại bị chất đầy đau khổ?
22-Tánh đơn giản của tình yêu
(a)- Tại sao luôn luôn có quá nhiều người giàu và quan trọng được mời vào những chức vụ của trường học?
(b)- Ông nói rằng Chúa không ở trong cái hình ảnh chạm khắc, nhưng những người khác lại nói rằng Chúa có thật ở đó, và rằng là nếu chúng ta có sự trung thành trong tâm hồn thì quyền năng của ngài sẽ tự thể hiện. Sự thật của việc thờ phụng là gì?
(c)- Vào một ngày trước ông đã nói rằng chúng ta nên ngồi yên lặng và ngắm nhìn những hoạt động của cái trí riêng của chúng ta; nhưng những tư tưởng của chúng ta biến mất ngay khi chúng ta bắt đầu ý thức để quan sát chúng. Làm thế nào chúng ta có thể trực nhận cái trí riêng của chúng ta khi cái trí là người trực nhận cùng lúc với điều được trực nhận?
(d)- Con người chỉ là cái trí và bộ não, hay là một cái gì đó còn hơn thế nữa?
(e)- Sự khác nhau giữa nhu cầu và tham lam là gì?
(f)- Nếu cái trí và bộ não là một, vậy thì tại sao khi một tư tưởng hay một thôi thúc phát sinh mà bộ não bảo cho chúng ta rằng là xấu xa, cái trí thường vẫn tiếp tục nó?
23-Sự cần thiết ở một mình
(a)- Khác biệt giữa sự ý thức và sự nhạy cảm là gì?
(b) Tại sao chúng ta lại cười cợt khi một ai đó trượt chân ngã?
(c)- Một trong những giáo sư của chúng tôi nói rằng điều gì ông đang nói cho chúng tôi là hoàn toàn không thực tế. Ông ấy thách thức ông nuôi dưỡng sáu cậu trai và sáu cô gái với số tiền lương là 120 rupees. Câu trả lời của ông cho lời chỉ trích này là gì?
(d)- Sự tốt đẹp của giáo dục là gì nếu trong khi đang giáo dục chúng ta cũng đang bị hủy hoại bởi những xa xỉ của thế giới hiện đại?
(e)- Tôi có một làn da rất đen, và hầu hết mọi người đều ngưỡng mộ một làn da sáng hơn. Làm thế nào tôi có thể dành được sự ngưỡng mộ của họ?
24-Năng lượng của cuộc sống
(a)- Tại sao người Anh lại đến cai trị người Ấn độ?
(b)- Thậm chí trong khi thiền định người ta dường như không thể trực nhận được điều gì là sự thật; vậy ông làm ơn chỉ bảo cho chúng tôi biết sự thật là gì?
(c)- Nếu chúng tôi phạm một lỗi lầm và một người nào đó vạch ra cho chúng tôi, tại sao chúng tôi lại tái phạm cùng lỗi lầm đó?
(d)- Cuộc sống là gì, và làm thế nào chúng ta có thể được hạnh phúc?
(e)- Tại sao chúng ta lại tranh đấu lẫn nhau?
(f)- Tại sao cái trí lại cư xử không đúng đắn với những người khác và cũng cư xử không đúng đắn với chính nó?
(g)- Cái trí tìm kiếm sự thành công có khác biệt với cái trí tìm kiếm sự thật hay không?
25-Sống không nỗ lực
(a)- Tôi muốn làm một sự việc nào đó, mặc dù tôi đã cố gắng nhiều lần nhưng tôi đã không thể thành công khi thực hiện nó. Tôi có nên từ bỏ sự gắng sức, hay là nên kiên quyết trong nỗ lực này?
(b)- Tại sao theo căn bản chúng ta lại ích kỷ như vậy? Chúng ta có lẽ cố gắng hết sức mình để không ích kỷ trong cách cư xử, nhưng khi có những lợi ích riêng chen vào thì chúng ta lại bị mê đắm trong chúng và dửng dưng đến những lợi ích của những người khác?
(c)- Tại sao từ khi sinh ra cho đến khi chết, một cá nhân luôn luôn muốn được yêu thương, và nếu anh ta không nhận được tình yêu này anh ta sẽ không thể bình tĩnh và đầy tự tin như những người bạn của anh ta?
(d)- Tại sao những người lớn lại ăn cắp?
26-Cái trí không là mọi thứ
(a)- Làm thế nào con người lại có nhiều hiểu biết như thế? Làm thế nào con người tiến hóa theo vật chất? Từ đâu con người có được năng lượng vô biên như thế?
(b)- Tại sao cha mẹ tôi tức giận khi tôi nói rằng tôi muốn theo một tôn giáo khác?
(c)- Cách thực sự để xây dựng nhân cách là gì?
(d)- Tuổi tác cản trở con đường thông hiểu Chúa như thế nào?
27-Tìm Chúa
(a)- Tôi muốn làm công tác xã hội nhưng tôi không biết phải bắt đầu như thế nào?
(b)- Tại sao người ta lại nhẫn tâm như thế?
(c)- Liệu người ta có thể kềm hãm không làm bất kỳ điều gì mình thích và tìm con đường dẫn đến tự do hay không?
(d)- Liệu đúng rằng chỉ có những người thuần khiết mới có thể thực sự không còn sợ hãi hay không?
(e)- Con người là nạn nhân của những ham muốn riêng của anh ta, mà tạo ra nhiều vấn đề. Làm thế nào anh ta có thể tìm ra một trạng thái không còn ham muốn?
Chương 1: Chức năng của giáo dục
Tôi thắc mắc không hiểu rằng chúng ta có khi nào tự hỏi giáo dục có nghĩa là gì? Tại sao chúng ta lại đi học, tại sao chúng ta lại học những môn học khác nhau, tại sao chúng ta lại vượt qua những kỳ thi và ganh đua với nhau để có thứ hạng tốt hơn? Cái từ ngữ tạm gọi là giáo dục này có nghĩa là gì, và tất cả vận hành của nó có ý nghĩa gì? Đây là một câu hỏi thực sự rất quan trọng, không chỉ cho những em học sinh, cho những bậc cha mẹ, cho những giáo viên, mà còn cho tất cả mọi người yêu quí quả đất này. Tại sao chúng ta trải qua mọi nỗ lực để được giáo dục? Nó chỉ với mục đích là đậu vài kỳ thi và có một việc làm hay sao? Hay chức năng của giáo dục là chuẩn bị sẵn sàng cho chúng ta từ khi còn nhỏ hiểu rõ toàn bộ sự tiến hành của cuộc sống? Có một việc làm và có được phương tiện sinh nhai là cần thiết – nhưng đó là tất cả hay sao? Chúng ta đang được giáo dục chỉ cho việc đó thôi à? Chắc chắn, cuộc sống không phải là một việc làm, một nghề nghiệp; cuộc sống còn là một cái gì đó rộng rãi, và sâu xa lạ thường, nó là một bí mật lớn lao, một lãnh vực bao la mà trong đó chúng ta vận hành như những con người. Nếu chúng ta chỉ chuẩn bị kiếm sống cho mình, chúng ta sẽ mất đi ý nghĩa tổng thể của cuộc sống; và hiểu rõ cuộc sống có tầm quan trọng hơn là chỉ chuẩn bị cho những kỳ thi và thành thạo môn toán, môn vật lý, hay bất kỳ môn học nào khác.
Vì vậy, dù rằng chúng ta là những giáo viên hay là những học sinh, liệu không quan trọng khi tự hỏi chính mình tại sao chúng ta đang giáo dục hay đang được giáo dục? Và cuộc sống có nghĩa là gì? Cuộc sống không phải là một sự việc lạ thường hay sao? Những con chim, những bông hoa, những cái cây um tùm, những bầu trời, những vì sao, những con sông và những con cá trong đó – tất cả những sự vật này là cuộc sống. Cuộc sống là những người nghèo khổ và nnững người giàu có; cuộc sống là những trận chiến liên tục giữa những nhóm người,
những chủng tộc, và những quốc gia; cuộc sống là thiền định; cuộc sống là điều gì chúng ta gọi là tôn giáo, và nó cũng là những sự việc dấu diếm, tinh tế của cái trí – những ganh tị, những tham vọng, những đam mê, những sợ hãi, những thành tựu và những lo âu. Tất cả những việc này và còn nhiều hơn nữa là cuộc sống. Nhưng thông thường chúng ta chuẩn bị cho chính mình để hiểu rõ chỉ một góc nhỏ xíu của nó. Chúng ta đậu những kỳ thi nào đó, tìm được việc làm, lập gia đình, có con cái, và sau đó trở thành mỗi lúc một giống như những cái máy. Chúng ta vẫn còn sợ hãi, lo âu, khiếp đảm về cuộc sống. Vì vậy, liệu rằng chức năng của giáo dục là giúp đỡ chúng ta hiểu rõ toàn bộ sự tiến hành của cuộc sống, hay nó chỉ chuẩn bị cho chúng ta một nghề nghiệp, một công việc tốt nhất mà chúng ta có thể có được?
Điều gì sẽ xảy ra cho tất cả chúng ta khi lớn lên là những người đàn ông hay là những người phụ nữ? Bạn có khi nào hỏi chính mình sẽ làm gì khi lớn lên hay không? Rất có thể bạn sẽ lập gia đình, và trước khi bạn biết mình ở đâu bạn sẽ là những người mẹ hay những người cha; và sau đó bạn sẽ bị trói buộc vào một việc làm, hay là vào việc bếp núc, trong đó bạn sẽ dần dần tàn tạ đi. Đó có phải tất cả mọi điều mà cuộc sống của bạn sắp sửa là hay sao? Bạn có khi nào hỏi chính mình câu hỏi này chưa? Bạn không nên hỏi nó hay sao? Nếu gia đình giàu có bạn có lẽ có một vị trí khá tốt đã được bảo đảm trước rồi, người cha có lẽ tặng cho bạn một công việc dễ chịu, hay là bạn có thể kết hôn với ngưòi giàu có; nhưng ở đó cũng vậy bạn sẽ thối rữa, thoái hóa. Bạn có hiểu không?
Chắc chắn, giáo dục không có ý nghĩa gì cả nếu nó không giúp bạn hiểu rõ sự rộng lớn vô hạn của cuộc sống với tất cả những tinh tế của nó, với vẻ đẹp lạ thường của nó, những đau khổ và hân hoan của nó. Bạn có lẽ có được những mảnh bằng, bạn có lẽ có được một loạt những tước hiệu đặt trước danh tính của bạn và cho bạn việc làm rất tốt; nhưng sau đó là cái gì? Điểm mấu chốt của tất cả việc đó là gì? Nếu trong khi tiến hành như thế cái trí của bạn lại trở nên đờ đẫn, mệt mỏi, ngu xuẩn? Vì vậy trong khi bạn còn nhỏ, bạn không nên tìm hiểu để khám
phá cuộc sống là gì hay sao? Và liệu rằng chức năng thực sự của giáo dục không phải là vun quén trong bạn sự thông minh mà sẽ cố gắng tìm ra được câu trả lời cho tất cả những vấn đề này hay sao? Bạn có biết thông minh là gì hay không? Chắc chắn rằng nó là cái khả năng được suy nghĩ tự do, không có sợ hãi, không có một công thức, để bạn bắt đầu khám phá cho chính mình điều gì là thật sự, điều gì là đúng; nhưng nếu bạn sợ hãi bạn sẽ không bao giờ thông minh. Bất kỳ hình thức nào của tham vọng, thuộc về tinh thần hay đời thường, đều nuôi dưỡng ưu tư, sợ hãi; vì vậy tham vọng không thể nào giúp đỡ bạn tạo ra một cái trí rõ ràng, đơn giản, ngay thẳng và vì vậy thông minh.
Bạn biết không, khi còn nhỏ bạn được sống trong một môi trường không có sợ hãi là rất quan trọng. Hầu hết mọi người chúng ta, khi lớn lên, trở nên sợ hãi; chúng ta sợ hãi sống, sợ hãi mất việc làm, sợ hãi truyền thống, sợ hãi những điều gì người láng giềng, hay điều gì người vợ hay người chồng sẽ nói, sợ hãi cái chết. Hầu hết mọi người chúng ta đều có sợ hãi trong một hình thức này hay một hình thức khác; và ở đâu có sợ hãi đều không có thông minh. Và liệu rằng tất cả mọi người, khi còn nhỏ, có thể ở trong một môi trường không có sợ hãi mà có nghĩa là ở trong một bầu không khí của tự do – tự do, không phải làm cái gì chúng ta thích, nhưng để hiểu rõ toàn bộ sự tiến hành của cuộc sống? Cuộc sống thực sự rất đẹp đẽ, nó không phải là sự vật xấu xa này mà chúng ta đã tạo ra; và bạn có thể trân trọng sự phong phú của nó, chiều sâu của nó, sự dễ mến lạ lùng của nó chỉ khi nào bạn phản kháng mọi thứ – chống lại tôn giáo có tổ chức, chống lại truyền thống, chống lại xã hội thối nát hiện nay – để cho bạn, như một con người, tìm ra cho chính mình điều gì là sự thật. Không phải là bắt chước nhưng là khám phá – đó là giáo dục, phải vậy không? Tuân phục điều gì mà xã hội hay cha mẹ và giáo viên chỉ bảo cho bạn là điều rất dễ dàng. Đó là một cách để tồn tại an toàn và dễ chịu; nhưng đó không phải là sống vì trong nó có sợ hãi, thoái hóa, cái chết. Sống là tìm ra cho chính mình điều gì là sự thật, và bạn có thể làm được việc này chỉ khi nào có tự do, chỉ khi nào có sự cách mạng liên tục ở phía bên trong, trong chính bản thân bạn.
Nhưng bạn lại không được khuyến khích làm việc này; không một ai bảo cho bạn hãy nghi vấn, hãy tìm ra cho chính mình Chúa là gì, bởi vì nếu bạn có ý phản kháng bạn sẽ trở thành một hiểm hoạ cho mọi điều giả dối. Cha mẹ và xã hội của bạn sống an toàn và bạn cũng muốn sống an toàn. Sống an toàn thường thường có nghĩa là sống trong sự bắt chước và thế là trong sợ hãi. Chắc chắn chức năng của giáo dục là giúp đỡ mỗi người chúng ta được sống tự do và không còn sợ hãi, phải không? Và muốn tạo ra một bầu không khí trong đó không còn sợ hãi đòi hỏi nhiều suy nghĩ về phía bạn cũng như về phía giáo viên, người giáo dục.
Bạn có biết điều này có nghĩa là gì hay không – nó sẽ là một sự việc lạ thường khi tạo ra một bầu không khí không còn sợ hãi phải không? Và chúng ta phải tạo ra nó, bởi vì chúng ta thấy rằng thế giới bị vướng mắc trong chiến tranh vô tận; nó bị điều khiển bởi những chính trị gia luôn luôn tìm kiếm quyền hành; nó là một thế giới của những luật sư, những cảnh sát và những người lính, của những người đàn ông và những người phụ nữ đầy tham vọng, tất cả đều ham muốn những chức vụ và tất cả đều đang đấu tranh với nhau để giành giật nó. Rồi thì cũng có những người tạm gọi là thánh, những vị đạo sư với những đệ tử; họ cũng muốn quyền hành địa vị, đời này hay đời sau. Nó là một thế giới điên cuồng, hoàn toàn rối loạn, trong đó người cộng sản đang đánh nhau với người tư bản, người xã hội đang phản kháng cả hai người kia, và mỗi người phản kháng lại người nào đó, chiến đấu để đến được một nơi an toàn, một vị trí cho quyền hành hay cho thanh thản. Thế giới bị xé nát bởi những niềm tin mâu thuẫn nhau, bởi những phân biệt đẳng cấp, bởi những quốc gia tách rời nhau, bởi mọi hình thức của ngu dốt và hung bạo – và đây là thế giới mà bạn đang được giáo dục để phù hợp vào nó. Bạn được khuyến khích để phù hợp vào cái khung của xã hội thảm khốc này; cha mẹ bạn muốn bạn làm việc đó, và bạn cũng muốn phù hợp vào nó.
Bây giờ, liệu rằng chức năng của giáo dục chỉ là giúp đỡ bạn tuân phục những khuôn mẫu của cái trật tự xã hội thối nát này, hay là nó cho bạn tự do – tự do hoàn toàn để thăng hoa và
tạo ra một xã hội khác hẳn, một thế giới mới mẻ? Chúng ta muốn có sự tự do này, không phải trong tương lai, nhưng ngay lúc này, nếu không tất cả chúng ta có lẽ đều bị hủy diệt. Chúng ta phải ngay tức khắc tạo ra một bầu không khí tự do để cho bạn có thể sống và tìm ra cho chính mình điều gì là sự thật, để cho bạn trở nên thông minh, để cho bạn có thể đối mặt với thế giới và hiểu rõ nó, không phải chỉ tuân phục nó, để cho phía bên trong, sâu thẳm, theo tâm lý bạn phản kháng liên tục; bởi vì chỉ có những người phản kháng liên tục mới có thể khám phá ra điều gì là sự thật, không phải cái con người tuân phục, cái con người đi theo một truyền thống nào đó. Chỉ khi nào bạn liên tục tìm hiểu, liên tục quan sát, liên tục học hỏi, thì bạn mới tìm ra sự thật, Chúa, hay là tình yêu và bạn không thể nào tìm hiểu, quan sát, học hỏi, bạn không thể nào ý thức sâu sắc, nếu bạn sợ hãi. Vì vậy chắc chắn chức năng của giáo dục, là xoá sạch, phía bên trong lẫn phía bên ngoài, sự sợ hãi này mà hủy diệt tư tưởng của con người, sự liên hệ và tình yêu của con người.
Người hỏi: Nếu mọi cá nhân đều phản kháng, ông không nghĩ rằng sẽ có hỗn loạn trong thế giới này hay sao?
Krishnamurti: Trước tiên bạn hãy lắng nghe câu hỏi, bởi vì rất quan trọng khi hiểu rõ câu hỏi chứ không chỉ chờ đợi một câu trả lời. Câu hỏi là: nếu mọi cá nhân đều phản kháng, thế giới này sẽ không ở trong hỗn loạn hay sao? Nhưng thế giới hiện nay đã ở trong một trật tự hoàn hảo đến nỗi hỗn loạn sẽ xảy ra nếu mọi người chống lại nó hay sao? Hiện nay không có hỗn loạn hay sao? Mọi sự việc đều đẹp đẽ, không bị băng hoại hay sao? Mọi người đều đang sống hạnh phúc, no đủ, giàu có hay sao? Con người không chống lại con người hay sao? Không có tham vọng, ganh đua, tàn nhẫn hay sao? Vì vậy thế giới đã hỗn loạn rồi, đó là điều đầu tiên chúng ta phải nhận ra. Đừng bị quá quen thuộc rằng đây là một xã hội có trật tự; đừng có tự thuộc lòng bởi những từ ngữ. Dù rằng, ở đây trong Châu âu, trong nước Mỹ hay nước Nga, thế giới đang trong một qui trình của thối rữa. Nếu bạn nhìn thấy sự thối rữa, bạn có một thách thức: bạn bị thách thức để tìm ra một phương cách giải quyết vấn đề khẩn thiết này. Và cái phương cách bạn đối phó lại
thách thức này là quan trọng, phải vậy không? Nếu bạn đáp lại như một người Ấn độ giáo hay một người Phật giáo, người Thiên chúa giáo hay một người cộng sản, vậy thì sự đối phó của bạn rất là giới hạn – mà không phải là đối phó gì cả. Bạn có thể đối phó trọn vẹn, đầy đủ chỉ khi nào không còn sợ hãi trong chính bạn, chỉ khi nào bạn không còn suy nghĩ như một người Ấn độ, một người cộng sản hay một người tư bản, nhưng như một con người tổng thể đang cố gắng giải quyết vấn đề này; và bạn không thể giải quyết nó nếu chính bạn không phản kháng toàn bộ sự việc, chống lại sự thu lợi đầy tham vọng mà xã hội đặt nền tảng trên nó. Khi chính bạn không còn tham vọng, không còn thu lợi, không còn bám vào sự an toàn riêng của bạn – chỉ lúc đó bạn mới có thể đối phó lại thách thức này và tạo ra một thế giới mới mẻ.
Người hỏi: Phản kháng, học hỏi, yêu thương – đây là ba tiến hành tách rời, hay chúng xảy ra cùng lúc?
Krishnamurti: Dĩ nhiên chúng không phải là ba tiến hành tách rời nhau; nó là một tiến hành duy nhất. Bạn thấy không, rất quan trọng để tìm ra câu hỏi này có ý nghĩa gì: câu hỏi này đặt nền tảng vào lý thuyết, không phải vào trải nghiệm; nó chỉ là ngôn từ, trí năng, vì vậy nó không có giá trị gì cả. Một con người không sợ hãi, thực sự phản kháng đang nỗ lực để tìm ra học hỏi, yêu thương có ý nghĩa gì – một người như thế không bao giờ hỏi nó là một hay ba tiến hành. Chúng ta quá thông minh với những từ ngữ, và chúng ta nghĩ bằng cách đưa ra những lời giải thích là chúng ta đã giải quyết được vấn đề.
Bạn có biết ý nghĩa của học hỏi là gì hay không? Khi chúng ta thực sự đang học hỏi bạn đang học hỏi suốt cuộc đời bạn và không có một giáo viên riêng biệt nào để bạn học hỏi. Vậy thì mỗi một sự việc đều dạy bạn – một chiếc lá khô, một con chim đang bay, một mùi hương, một giọt nước mắt, người giàu có và người nghèo khổ, những người đang khóc lóc, nụ cười của một phụ nữ, vẻ kênh kiệu của một người đàn ông. Bạn học từ mọi thứ, vì vậy không có người hướng dẫn, không có triết gia, không có vị đạo sư. Chính cuộc sống là giáo viên của bạn, và bạn đang ở trong một trạng thái học hỏi liên tục.
Người hỏi: Có phải đúng thật rằng xã hội đặt nền tảng vào sự thu lợi và tham vọng; nhưng nếu chúng ta không có tham vọng chúng ta không thối rữa hay sao?
Krishnamurti: Đây thực sự là một câu hỏi rất quan trọng, và nó cần chú ý nhiều lắm.
Bạn có biết chú ý là gì hay không? Chúng ta hãy tìm hiểu. Trong một lớp học, khi bạn chăm chăm nhìn qua cửa sổ hay là chọc ghẹo một ai đó, giáo viên bảo bạn hãy chú ý. Điều đó có nghĩa là gì? Rằng là bạn không thích điều gì bạn đang học và vì vậy giáo viên ép buộc bạn chú ý – mà không là chú ý gì cả. Chú ý có được khi bạn quan tâm thật sâu sắc một điều gì đó, vì lúc đó bạn yêu thích tìm hiểu tất cả về điều đó; lúc đó toàn thể cái trí của bạn, toàn thân tâm của bạn đều ở đó. Tương tự như vậy, cái khoảnh khắc mà bạn thấy rằng câu hỏi này – nếu chúng ta không có tham vọng, chúng ta không bị thối rữa hay sao? – thực sự rất quan trọng, bạn quan tâm và muốn tìm ra sự thật của vấn đề.
Bây giờ, một con người tham vọng không đang hủy diệt chính anh ta hay sao? Đó là việc đầu tiên phải tìm ra, chứ không phải hỏi rằng tham vọng là đúng hay sai. Hãy nhìn quanh bạn, quan sát tất cả những người có tham vọng. Điều gì xảy ra khi bạn có tham vọng? Bạn đang suy nghĩ cho chính bản thân mình, phải vậy không? Bạn thật tàn nhẫn, bạn gạt những người khác sang một bên vì bạn đang cố gắng đạt được tham vọng của bạn, đang cố gắng trở thành một con người quan trọng, vì vậy tạo ra trong xã hội sự xung đột giữa những người đang thành công và những người đang đuổi theo. Có một sự chiến đấu liên tục giữa bạn và những người theo đuổi điều gì bạn đang mong muốn; và sự xung đột này là sản phẩm của đang sống sáng tạo hay sao? Bạn có hiểu rõ không, hay là điều này khó khăn quá?
Bạn có tham vọng khi bạn yêu thích làm một điều gì đó chỉ vì bạn yêu thích nó hay không? Khi bạn đang làm một điều gì bằng toàn thân tâm của bạn không phải bởi vì bạn muốn được một cái gì đó, hay là có lợi lộc hơn, hay là có một kết quả tốt đẹp hơn, nhưng đơn giản chỉ vì bạn yêu thích làm việc đó –
trong đó không có tham vọng, phải không? Trong đó không có ganh đua; bạn không đang tranh đấu với bất kỳ người nào để được vị trí tốt nhất. Và giáo dục không nên giúp đỡ bạn tìm được cái gì bạn thực sự yêu thích làm, để cho từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc cuộc đời bạn, bạn đang làm một việc gì đó mà bạn cảm thấy xứng đáng và có một ý nghĩa sâu xa hay sao? Nếu không như vậy, suốt những ngày còn lại của bạn, bạn sẽ đau khổ. Vì không biết điều gì bạn thực sự muốn làm, cái trí của bạn rơi vào một lề thói mà trong đó có nhàm chán, thối rữa và cái chết. Đó là lý do tại sao trong khi còn nhỏ tìm được điều gì bạn thực sự yêu thích làm là rất quan trọng; và đây là phương cách duy nhất để tạo ra một xã hội mới mẻ.
Người hỏi: Ở Ấn độ, cũng như hầu hết những quốc gia khác, giáo dục đang bị kiểm soát bởi chính phủ. Dưới những hoàn cảnh như thế liệu có thể thực hiện một thử nghiệm về loại giáo dục mà ông trình bày hay không?
Krishnamurti: Nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ liệu một trường học loại này có thể tồn tại không? Đó là điều gì người đàn ông này đang hỏi. Ông ấy nhìn thấy được mọi sự việc khắp thế giới càng ngày càng bị kiểm soát bởi chính phủ, bởi các chính trị gia, bởi những người có quyền hành mà muốn định hình cái trí và thân tâm của chúng ta, mà muốn chúng ta suy nghĩ theo một lối nào đó. Dù rằng ở Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác, đều đang có khuynh hướng chính phủ kiểm soát giáo dục; và người đàn ông này hỏi liệu rằng một trường học thuộc loại tôi đang trình bày có thể tồn tại mà không cần sự trợ giúp của chính phủ hay không?
Bây giờ, bạn nói điều gì đây? Bạn biết không, nếu bạn nghĩ một điều gì đó là quan trọng, thực sự xứng đáng, bạn trao toàn bộ thân tâm bạn mà không thèm lưu tâm gì đến những chính phủ và những luật lệ của xã hội – và lúc đó nó sẽ thành công. Nhưng hầu hết mọi người trong chúng ta không trao toàn bộ thân tâm của chúng ta đến bất kỳ cái gì, và đó là lý do tại sao chúng ta đặt ra loại câu hỏi này. Nếu bạn và tôi cảm thấy mãnh liệt rằng thế giới mới mẻ có thể hiện hữu, khi mỗi người trong chúng ta ở trong sự phản kháng hoàn toàn, phía bên trong,
thuộc tâm lý, thuộc tinh thần – vậy thì chúng ta sẽ trao quả tim của chúng ta, cái trí của chúng ta, thân thể của chúng ta vào việc tạo ra một ngôi trường nơi đó không có những sự việc như là sợ hãi cùng tất cả những hàm ý của nó.
Thưa bạn, bất kỳ cái gì cách mạng thực sự đều được tạo ra bởi một ít người mà thấy điều gì là sự thật và sẵn lòng sống cùng sự thật đó; nhưng muốn khám phá điều gì là sự thật đòi hỏi tự do khỏi truyền thống, mà có nghĩa là tự do khỏi tất cả sợ hãi.
Chương 2: Vấn đề của tự do
Tôi muốn thảo luận với bạn về vấn đề của tự do. Đó là một đề tài rất phức tạp, cần xem xét kỹ lưỡng và hiểu rõ sâu sắc. Chúng ta đã nghe nhiều cuộc nói chuyện về tự do, tự do tôn giáo, và tự do làm điều gì người ta muốn làm. Nhiều quyển sách đã viết về tất cả việc này bởi những học giả. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp cận nó rất đơn giản và trực tiếp, và có lẽ việc đó sẽ mang lại cho chúng ta một giải pháp thực sự.
Tôi tự hỏi không hiểu bạn có khi nào ngừng lại để quan sát tia sáng tuyệt vời ở hướng tây khi mặt trời lặn, với mặt trăng non e thẹn lơ lửng trên cây cối hay không? Thường thường vào giờ đó con sông rất êm đềm, và rồi mọi thứ được phản ánh trên mặt sông: cây cầu, chiếc xe lửa đang chạy qua, mặt trăng non, và lúc này, khi trời tối om, những vì sao. Tất cả đều rất đẹp. Và muốn quan sát, muốn ngắm nhìn, muốn trao sự chú ý hoàn toàn của bạn đến một điều gì đó đẹp đẽ, cái trí của bạn phải được tự do khỏi tất cả những điều gì nó có từ trước đến nay, phải vậy không? Nó không còn bị nhét đầy những vấn đề, những lo âu, những giả thuyết tiên đoán. Chính là chỉ khi nào cái trí rất yên lặng thì bạn mới có thể quan sát, vì lúc đó cái trí nhạy cảm đến vẻ đẹp lạ lùng; và có lẽ đây là một manh mối dẫn đến vấn đề tự do của chúng ta.
Bây giờ, được tự do có nghĩa là gì? Tự do có phải là vấn đề làm điều gì đang xảy ra cho phù hợp bạn, đi nơi nào bạn thích, suy nghĩ điều gì bạn muốn hay không? Điều này bạn làm được trong một mức độ nào đó. Chỉ có được sự độc lập, việc đó có nghĩa là tự do hay sao? Nhiều người trên thế giới sống độc lập, nhưng chẳng có bao nhiêu người được tự do. Tự do ám chỉ thông minh lớn lao, phải vậy không? Được tự do là được thông minh, nhưng thông minh không hiện hữu chỉ bằng ước muốn được tự do; nó hiện hữu chỉ khi nào bạn bắt đầu hiểu rõ toàn thể môi trường quanh bạn, những ảnh hưởng của truyền thống,
cha mẹ, tôn giáo và xã hội đang liên tục bủa vây bạn. Nhưng muốn hiểu rõ những ảnh hưởng khác nhau – ảnh hưởng của cha mẹ bạn, của chính phủ, của xã hội, của nền văn hoá mà bạn lệ thuộc, của những niềm tin, những thần thánh và những mê tín dị đoan của bạn, của truyền thống mà bạn tuân phục không cần suy nghĩ – muốn hiểu rõ tất cả việc này và được tự do khỏi chúng đòi hỏi sự thấu triệt sâu sắc; nhưng thông thường bạn nhượng bộ chúng bởi vì phía bên trong bạn sợ hãi. Bạn sợ hãi không có một vị trí tốt đẹp trong cuộc sống; bạn sợ hãi điều gì vị giáo sĩ của bạn sẽ nói; bạn sợ hãi không tuân theo truyền thống, sợ hãi không làm một việc đúng đắn. Nhưng tự do thực sự là một trạng thái của cái trí trong đó không còn sợ hãi hay là cưỡng bách, không còn thôi thúc muốn được an toàn.
Hầu hết mọi người chúng ta không muốn được an toàn hay sao? Chúng ta không muốn được khen ngợi rằng chúng ta là một con người tuyệt vời làm sao, chúng ta trông đẹp đẽ làm sao hoặc là chúng ta thông minh lạ lùng làm sao? Nếu không chúng ta sẽ không có những tước hiệu đặt trước danh tính của chúng ta. Tất cả loại sự việc đó giúp chúng ta có được sự bảo đảm cho mình, một ý thức của quan trọng. Tất cả chúng ta đều muốn là những người nổi tiếng – và khoảnh khắc chúng ta muốn là cái gì đó, chúng ta không còn được tự do nữa.
Làm ơn hãy nhìn thấy việc này, vì nó là cái manh mối thực sự dẫn đến sự hiểu biết rõ ràng vấn đề của tự do. Dù rằng ở trong thế giới này của những nhà chính trị, quyền hành, chức vụ và uy quyền, hay trong thế giới tạm gọi là tinh thần nơi mà bạn ham muốn có đức hạnh, cao quí, thánh thiện; cái khoảnh khắc bạn muốn là một người nào đó, bạn không còn được tự do nữa. Nhưng người đàn ông hay người phụ nữ nhìn thấy được điều vô lý của tất cả những sự việc này và vì vậy tâm hồn của họ hồn nhiên, và vì vậy không bị chuyển động bởi lòng ham muốn là một người nào đó – một con người như thế được tự do. Nếu bạn hiểu rõ sự đơn giản của nó bạn cũng thấy được vẻ đẹp và chiều sâu tuyệt vời của nó.
Rốt cuộc ra, những kỳ thi dành cho mục đích đó; cho bạn một vị trí, làm cho bạn là một người nào đó. Những tước hiệu,
chức vụ và hiểu biết khuyến khích bạn là cái gì đó. Bạn không nhận thấy rằng cha mẹ và giáo viên của bạn luôn luôn bảo rằng bạn phải leo lên một cái gì đó trong cuộc sống, rằng bạn phải thành công giống như người chú hay người ông của bạn hay sao? Hay là bạn cố gắng bắt chước mẫu mực của một vị anh hùng nào đó, giống như các bậc Thầy, các vị thánh; và vì vậy bạn không bao giờ được tự do. Dù rằng bạn tuân theo cái mẫu mực của một bậc Thầy, một vị thánh, một người họ hàng hay là bám chặt vào một truyền thống đặc biệt, tất cả đều ngụ ý một đòi hỏi về phía bạn để là một điều gì đó; và chỉ khi nào bạn thực sự hiểu rõ sự thật này thì lúc đó bạn mới có tự do.
Vậy thì, chức năng của giáo dục, là phải giúp đỡ bạn từ khi còn bé không được bắt chước bất kỳ người nào, nhưng luôn luôn là chính mình. Và đây là điều khó khăn nhất khi thực hiện: dù rằng bạn xấu xí hay là đẹp đẽ, dù rằng bạn đố kỵ hay là ghen tuông, luôn luôn là cái gì bạn là, và hiểu rõ nó. Rất khó khăn để là chính mình, bởi vì bạn nghĩ rằng cái gì bạn là là không cao quí, và rằng nếu bạn có thể thay đổi cái gì bạn là thành một cái gì đó cao quí thì nó sẽ tuyệt vời lắm nhưng điều đó không bao giờ xảy ra được. Trái lại, nếu bạn nhìn ngắm cái gì bạn thực sự là và hiểu rõ nó, vậy thì trong chính hiểu rõ đó có một chuyển đổi. Vì vậy tự do nằm ở chỗ, không phải trong sự cố gắng thành một cái gì đó khác biệt, cũng không phải trong việc làm cái gì bạn bất ngờ cảm thấy thích làm, cũng không phải trong việc tuân theo uy quyền của truyền thống, của cha mẹ, của vị đạo sư, nhưng trong sự hiểu rõ cái gì bạn là từ khoảnh khắc này qua khoảnh khắc khác.
Bạn thấy không, bạn không được giáo dục cho việc này; giáo dục của bạn khuyến khích bạn trở thành cái này hay cái kia – nhưng đó không là sự hiểu rõ về chính bạn. “Cái tôi” của bạn là một sự việc rất phức tạp; nó không chỉ là cái thực thể mà đi học, mà cãi cọ, mà chơi những trò chơi, mà sợ hãi, nhưng nó cũng còn là cái gì đó dấu diếm, không biểu lộ. Nó được tạo thành, không chỉ bằng tất cả những tư tưởng mà bạn suy nghĩ, mà còn bằng tất cả những sự việc đã được đặt vào cái trí của bạn bởi những người khác, bởi những quyển sách, bởi báo chí,
bởi những người lãnh đạo của bạn; và chỉ có thể hiểu rõ được việc đó khi bạn không muốn là một ai đó, khi bạn không bắt chước, khi bạn không tuân theo – mà thực sự có nghĩa rằng, khi bạn phản kháng toàn bộ cái lề thói cố gắng trở thành một điều gì đó. Đó là cuộc cách mạng thật sự duy nhất, dẫn đến tự do phi thường. Vun quén tự do này là chức năng thực sự của giáo dục.
Cha mẹ của bạn, giáo viên của bạn và những ham muốn riêng của bạn mong muốn bạn được gắn kết vào điều này hay điều khác với mục đích được hạnh phúc, an toàn. Nhưng muốn có thông minh, bạn không phải tháo gỡ tất cả những ảnh hưởng đang vây bủa và nghiền nát bạn hay sao?
Hy vọng của một thế giới mới ở trong tay những người của các bạn mà bắt đầu nhìn thấy cái gì là giả dối và chống lại nó, không chỉ bằng lời nói nhưng thực tế. Và đó là lý do tại sao bạn nên tìm kiếm loại giáo dục đúng đắn; vì chỉ khi nào nào lớn lên trong tự do, bạn mới có thể tạo ra một thế giới mới mẻ không dựa vào những truyền thống hay bị định hình theo một ý tưởng của một triết gia hay một lý tưởng gia nào đó. Nhưng không thể có tự do chừng nào bạn còn đang cố gắng trở thành một người nào đó, hay bắt chước một mẫu mực cao quí.
Người hỏi: Thông minh là gì?
Krishnamurti: Chúng ta hãy suy nghĩ câu hỏi này rất cẩn thận, kiên trì, và tìm ra. Tìm ra không phải là đi đến một kết luận. Tôi không biết bạn có thấy được sự khác biệt không? Cái khoảnh khắc bạn đạt đến một kết luận giải thích thông minh là gì, bạn đã ngừng thông minh. Đó là điều gì hầu hết những người lớn tuổi đã làm: họ đã đến những kết luận. Do đó họ đã ngừng thông minh. Vì vậy bạn đã tìm ra một điều ngay lập tức: rằng một cái trí thông minh là một cái trí đang liên tục học hỏi, không bao giờ đang kết luận.
Thông minh là gì? Hầu hết mọi người đều thỏa mãn với định nghĩa thông minh là gì. Hoặc là họ nói rằng, “Đó là một giải thích đúng,” hoặc là họ thích lối giải thích riêng của họ; và một
cái trí thỏa mãn với một giải thích lại rất hời hợt, vì vậy nó không thông minh.
Bạn đã bắt đầu hiểu rõ rằng một cái trí thông minh là một cái trí không thỏa mãn với những giải thích, với những kết luận, nó cũng không phải là một cái trí tin tưởng, bởi vì niềm tin lại nữa là một hình thức của kết luận mà thôi. Một cái trí thông minh là một cái trí đang tìm hiểu, một cái trí đang quan sát, đang học hỏi, đang suy xét. Mà có nghĩa gì vậy? Rằng là thông minh chỉ có được khi nào không còn sợ hãi, khi bạn sẵn lòng phản kháng đi ngược lại toàn bộ cấu trúc của xã hội với mục đích tìm ra Chúa là gì, hay là với mục đích khám phá sự thật của bất kỳ việc gì.
Thông minh không là hiểu biết. Nếu bạn có thể đọc tất cả những quyển sách trên thế giới này nó sẽ không cho bạn thông minh. Thông minh là một cái gì đó rất tinh tế, nó không bám rễ vào đâu cả. Nó hiện hữu khi nào bạn hiểu rõ toàn bộ sự tiến hành của cái trí – không phải cái trí lệ thuộc một triết gia hay vị thầy nào đó, nhưng cái trí riêng của bạn. Cái trí của bạn là kết quả của tất cả nhân loại, khi bạn hiểu rõ nó bạn không cần học một quyển sách nào, bởi vì cái trí của bạn chứa đựng toàn thể hiểu biết của quá khứ. Vì vậy thông minh hiện hữu bằng sự hiểu rõ về chính mình; và bạn có thể hiểu rõ về chính mình chỉ trong liên hệ đến thế giới của con người, những sự vật và những ý tưởng. Thông minh không phải là cái gì đó mà bạn có thể tìm được, giống như học hỏi; nó sinh ra khi có sự phản kháng to lớn, đó là, không còn sợ hãi – mà thực sự có nghĩa là, khi có một ý thức của tình yêu. Bởi vì chỉ khi nào không còn sợ hãi, thì lúc đó mới có tình yêu.
Nếu bạn chỉ thích thú với những lời giải thích, tôi nghĩ bạn sẽ cảm thấy rằng tôi đã không trả lời câu hỏi của bạn. Khi hỏi thông minh là gì cũng giống như khi hỏi cuộc sống là gì. Cuộc sống là học hành, chơi đùa, ái ân, làm việc, cãi cọ, ganh tị, tham lam, yêu thương, vẻ đẹp, sự thật – cuộc sống là mọi thứ, phải vậy không? Nhưng bạn thấy không, hầu hết mọi người chúng ta không có sự kiên nhẫn một cách nghiêm chỉnh và kiên trì để theo đuổi sự tìm hiểu này.
Người hỏi: Một cái trí thô thiển có thể trở thành nhạy cảm được không?
Krishnamurti: Lắng nghe câu hỏi, lắng nghe ý nghĩa đằng sau những từ ngữ. Một cái trí thô thiển có thể trở thành nhạy cảm được không? Nếu tôi nói cái trí của tôi thô thiển và tôi cố gắng trở thành nhạy cảm, chính cái nỗ lực trở thành nhạy cảm đó là thô thiển. Làm ơn hãy nhìn thấy điều này. Đừng bị thúc đẩy, nhưng hãy nhìn ngắm nó. Trái lại, nếu tôi nhận ra rằng tôi thô thiển mà không muốn thay đổi lẫn không có cố gắng trở nên nhạy cảm, nếu tôi bắt đầu hiểu rõ thô thiển là gì, quan sát nó trong cuộc sống của tôi từ ngày này qua ngày khác – cái cách tôi ăn uống tham lam, cái cách tôi đối đãi cộc cằn với con người, sự tự hào, sự ngạo mạn, sự tầm thường của những tư tưởng và những thói quen của tôi – vậy thì chính quan sát đó chuyển đổi cái gì là.
Tương tự như thế, nếu tôi ngu dốt và tôi nói rằng tôi phải trở nên thông minh, cái nỗ lực trở nên thông minh đó chỉ là một hình thức to lớn hơn của ngu dốt mà thôi; bởi vì điều gì quan trọng là hiểu rõ sự ngu dốt. Dù tôi có cố gắng trở nên thông minh chừng nào chăng nữa, sự ngu dốt của tôi vẫn còn y nguyên. Tôi có lẽ thu lượm được lớp hào nhoáng giả tạo của học hỏi, tôi có thể trích dẫn những quyển sách, lặp lại những đoạn văn của những tác giả vĩ đại, nhưng theo căn bản tôi sẽ vẫn còn là ngu dốt. Nhưng nếu tôi nhìn thấy và hiểu rõ sự ngu dốt khi nó tự phơi bày trong cuộc sống hàng ngày của tôi – cách tôi cư xử với người hầu của tôi, cách tôi lưu ý đến người láng giềng của tôi, người đàn ông nghèo khổ, người đàn ông giàu có, người thư ký – vậy thì chính ý thức đó tạo ra một động thái phá vỡ ngu xuẩn.
Bạn thử nó đi. Hãy quan sát chính bạn khi nói chuyện với người hầu của bạn, quan sát sự kính trọng to lớn mà bạn đối xử với một vị thống đốc và chẳng kính trọng bao nhiêu khi bạn thể hiện với người đàn ông mà không có gì để cho bạn. Rồi thì bạn sẽ bắt đầu tìm ra bạn là người ngu xuẩn như thế nào, và trong khi hiểu rõ sự ngu xuẩn đó có thông minh, nhạy cảm. Bạn không phải trở thành nhạy cảm. Con người đang cố gắng trở
thành cái gì đó là xấu xa, không nhạy cảm; anh ta là một con người thô thiển.
Người hỏi: Làm thế nào một em bé hiểu được em ấy là gì nếu không có sự trợ giúp của cha mẹ và những giáo viên của em.
Krishnamurti: Tôi đã nói rằng em bé có thể, hay đây là sự diễn dịch của bạn về điều gì tôi đã nói? Em bé sẽ tìm ra về chính em nếu môi trường em sống giúp đỡ em làm như thế. Nếu những bậc cha mẹ và những giáo viên thực sự lưu tâm rằng một em bé nên khám phá em là gì, họ sẽ không áp đặt em; họ sẽ tạo ra một môi trường trong đó em sẽ đạt được sự hiểu rõ về chính em.
Bạn đã hỏi câu hỏi này; nhưng nó có phải là một vấn đề mấu chốt đối với bạn hay không? Nếu bạn cảm thấy sâu sắc rằng nó rất quan trọng cho một em bé tìm ra em là gì, và rằng em không thể tìm ra việc này nếu em bị điều phối bởi uy quyền, liệu bạn không giúp đỡ tạo ra một môi trường đúng đắn hay sao? Lại nữa cùng một thái độ cũ kỹ: hãy bảo tôi biết phải làm gì và tôi sẽ làm điều đó. Chúng ta không nói rằng: “Chúng ta hãy cùng nhau làm công việc đó đi.” Vấn đề là làm thế nào tạo ra một môi trường trong đó em bé có thể có được sự hiểu rõ về chính em là một vấn đề liên quan đến mọi người – những bậc cha mẹ, những giáo viên và chính các em bé. Nhưng hiểu hiểu rõ về chính mình không thể nào bị áp đặt, hiểu rõ không thể nào bị thúc đẩy; và nếu đây là một vấn đề mấu chốt cho bạn và cho tôi, cho cha mẹ và cho giáo viên, vậy thì cùng nhau chúng ta sẽ tạo ra những ngôi trường thuộc loại đúng đắn.
Người hỏi: Trẻ em kể với tôi rằng các em đã thấy được trong những ngôi làng vài hiện tượng lạ lùng, như là ma ám, và rằng các em sợ ma, những linh hồn và vân vân. Các em cũng hỏi về cái chết. Người ta sẽ phải nói gì về tất cả việc này?
Krishnamurti: Đúng ra chúng ta sẽ tìm hiểu chết là gì? Nhưng bạn thấy không, sợ hãi là một sự việc lạ lùng. Các bạn, những em nhỏ đã được kể về những con ma bởi cha mẹ của các bạn, bởi những người lớn hơn, nếu không các bạn sẽ
không cảm thấy những con ma. Một người nào đó đã kể với bạn về chuyện ma ám. Bạn còn quá nhỏ để biết những việc này. Nó không phải là trải nghiệm riêng của bạn, nó là sự phản ảnh của điều gì những người lớn đã kể cho bạn. Và chính những người lớn hơn thường chẳng biết gì về tất cả việc này. Họ chỉ đọc trong quyển sách nào đó, và nghĩ rằng họ đã hiểu nó. Điều này nổi lên một câu hỏi hoàn toàn khác hẳn: có một trải nghiệm không bị vấy bẩn bởi quá khứ hay không? Nếu một trải nghiệm bị vấy bẩn bởi quá khứ nó chỉ là một tiếp tục của quá khứ, và vì vậy không phải là một trải nghiệm đầu tiên.
Điều quan trọng là những người lớn của các bạn đang tiếp xúc với những em bé không nên áp đặt vào các em sự tưởng tượng riêng của các bạn, những nhận thức riêng của các bạn về những con ma, những ý tưởng và những trải nghiệm đặc biệt riêng của các bạn. Tránh được điều này rất khó khăn, bởi vì những người lớn nói nhiều về tất cả những sự việc không cần thiết và không quan trọng trong cuộc sống; thế là họ dần dần chuyển cho các em nhỏ những lo âu, sợ hãi, và những mê tín dị đoan riêng của họ, và trẻ em tự nhiên lặp lại những điều gì các em đã nghe được. Rất quan trọng là những người lớn, mà thông thường chính họ chẳng biết gì về những sự việc đó, không nên kể về chúng trước mặt những em bé, nhưng thay vì vậy giúp đỡ nhau tạo ra một bầu không khí trong đó các em có thể lớn lên cùng tự do và không còn sợ hãi.
Chương 3: Tự do và tình yêu
Có lẽ một số người trong các bạn không hoàn toàn hiểu rõ tất cả mọi điều mà tôi đã nói về tự do; nhưng, như tôi đã vạch rõ, bạn rất cần được phơi bày những ý tưởng mới, cần được phơi bày một vấn đề nào đó mà bạn có lẽ không quen thuộc. Nhìn thấy điều gì đẹp đẽ là tốt lắm, nhưng bạn cũng phải quan sát những sự việc xấu xa của cuộc sống, bạn phải được đánh thức vào mọi sự việc. Tương tự như thế, bạn phải được phơi bày những vấn đề mà có lẽ bạn không hoàn toàn hiểu rõ, vì bạn càng suy nghĩ và tìm hiểu những vấn đề mà có lẽ khá khó khăn cho bạn, bạn sẽ càng có khả năng nhiều hơn để sống phong phú.
Tôi không hiểu có bất kỳ ai trong các bạn đã nhìn thấy, vào sáng sớm, ánh mặt trời trên những dòng nước. Cái ánh sáng đó mềm dịu lạ thường làm sao đâu, và những dòng nước đen kịt đang nhảy múa như thế nào, cùng với vì sao mai trên cây cối, ngôi sao duy nhất trên bầu trời. Các bạn có khi nào nhận thấy phong cảnh đó hay không? Hay các bạn quá bận rộn, quá bận rộn bởi những thói quen hàng ngày, đến độ bạn quên bẵng và không bao giờ biết vẻ đẹp phong phú của quả đất này – quả đất mà tất cả chúng ta đang sống trên nó. Dù chúng ta gọi chúng ta là những người cộng sản hay những người tư bản, người theo Ấn độ giáo hay Phật giáo, dù là chúng ta mù lòa, què quặt, hay là giàu có và hạnh phúc, quả đất này là của chúng ta. Bạn hiểu rõ không? Nó là quả đất của chúng ta, không phải của một ai khác; nó không là quả đất của người giàu có, nó không lệ thuộc độc quyền vào những người cai trị có quyền hành, vào những người cao quí trên thế giới, nhưng nó là quả đất của chúng ta, của các bạn và của tôi. Chúng ta chẳng là những con người nào cả, tuy vậy chúng ta cũng sống trên quả đất này, và tất cả chúng ta phải sống cùng nhau. Đó là thế giới của người nghèo khổ cũng như của người giàu có, của những người không biết chữ cũng như những người có học
thức; đó là thế giới của chúng ta, và tôi nghĩ rất quan trọng phải nhận thấy những việc này và yêu thương quả đất, không chỉ thỉnh thoảng vào một buổi sáng thanh bình nhưng luôn luôn. Chúng ta có thể cảm thấy thế giới là của chúng ta và yêu thương nó chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ tự do là gì.
Không có một sự việc như là tự do vào thời điểm hiện nay, chúng ta không biết nó có nghĩa là gì. Chúng ta muốn được tự do nhưng, nếu bạn nhận thấy, mọi người – giáo viên, cha mẹ, luật sư, người cảnh sát, người lính, chính trị gia, thương nhân – đều đang làm điều gì đó trong cái ngõ ngách nhỏ xíu riêng của anh ta để ngăn cản tự do. Được tự do không phải là làm điều gì bạn thích, hay là phá vỡ những hoàn cảnh phía bên ngoài đang trói buộc bạn, nhưng là hiểu rõ toàn bộ vấn đề của lệ thuộc. Bạn có biết lệ thuộc là gì không? Bạn lệ thuộc vào cha mẹ bạn, phải không? Bạn lệ thuộc vào những giáo viên của bạn, bạn lệ thuộc vào người nấu ăn, vào người đưa thư, vào người mang sữa cho bạn và vân vân. Loại lệ thuộc đó người ta có thể hiểu dễ dàng. Nhưng có một loại lệ thuộc còn sâu thẳm hơn nhiều mà người ta phải hiểu rõ trước khi người ta có thể được tự do: lệ thuộc vào người khác để có được hạnh phúc cho riêng mình. Bạn có biết nó có nghĩa là gì khi lệ thuộc vào người khác để tìm kiếm hạnh phúc của bạn hay không? Nó không phải là sự lệ thuộc vật chất hoàn toàn vào người khác mới gây trói buộc, nhưng sự lệ thuộc tâm lý, phía bên trong mà từ đó bạn có được cái tạm gọi là hạnh phúc; và khi bạn lệ thuộc vào người nào theo kiểu đó, bạn trở thành một nô lệ. Nếu, khi bạn lớn lên, bạn lệ thuộc đầy cảm xúc vào cha mẹ bạn, vào người vợ hay người chồng của bạn, vào một vị đạo sư, hay vào một ý tưởng nào đó, luôn luôn có sẵn sự bắt đầu của ngục tù. Chúng ta không hiểu rõ việc này – mặc dầu hầu hết chúng ta, đặc biệt khi chúng ta còn nhỏ, đều muốn được tự do.
Muốn được tự do chúng ta phải phản kháng lại tất cả sự lệ thuộc phía bên trong, và chúng ta không thể phản kháng nếu chúng ta không hiểu rõ tại sao chúng ta lại lệ thuộc. Chỉ đến khi nào chúng ta hiểu rõ và thực sự phá vỡ tất cả sự lệ thuộc phía bên trong thì chúng ta mới có thể được tự do, vì chỉ trong sự
hiểu biết rõ ràng đó tự do mới hiện hữu được. Nhưng tự do không phải chỉ là một phản ứng. Bạn có biết một phản ứng là gì không? Nếu tôi nói một điều gì đó gây tổn thương bạn, nếu tôi gọi bạn bằng một cái tên xấu xa và bạn tức giận với tôi, đó là một phản ứng – một phản ứng được sinh ra từ lệ thuộc; và không lệ thuộc là một phản ứng thêm nữa. Nhưng tự do không phải là một phản ứng, và cho đến khi nào chúng ta hiểu rõ phản ứng và đi khỏi nó, chúng ta mới được tự do.
Bạn biết khi yêu thương người nào đó có nghĩa là gì hay không? Bạn biết khi yêu thương một cái cây, hay một con chim, hay là một con thú nuôi, đến độ bạn chăm sóc nó, cho nó ăn, ôm ấp nó, mặc dù nó có lẽ không cho bạn một cái gì đáp trả lại, mặc dù nó không cho bạn bóng mát, hay theo sau bạn, hay lệ thuộc vào bạn có nghĩa là gì hay không? Hầu hết chúng ta không yêu theo cách đó, chúng ta không biết yêu thương có nghĩa là gì bởi vì tình yêu của chúng ta luôn luôn bị vây bủa bởi lo âu, ghen tuông, sợ hãi – mà ám chỉ rằng chúng ta bị lệ thuộc ở phía bên trong vào một sự việc khác, chúng ta muốn được yêu thương. Chúng ta không chỉ yêu thương rồi thôi nhưng chúng ta lại đòi hỏi được đáp lại một điều gì đó; và trong chính đòi hỏi đó chúng ta trở nên bị lệ thuộc.
Vì vậy tự do và tình yêu đi cùng nhau. Tình yêu không là một phản ứng. Nếu tôi yêu bạn vì bạn yêu tôi, đó chỉ là một vụ buôn bán, một sự việc được mua nơi chợ búa; nó không là tình yêu. Yêu thương không đòi hỏi bất kỳ cái gì đáp lại, thậm chí không cảm thấy rằng bạn đang cho một cái gì đó – và chỉ có tình yêu như thế mới biết được tự do. Nhưng bạn thấy không, bạn không được giáo dục cho việc này. Bạn được giáo dục môn toán, môn hoá, địa lý, lịch sử, và nó ngừng lại ở đó, bởi vì mối quan tâm duy nhất của cha mẹ là giúp bạn có một công việc làm tốt và được thành công trong cuộc sống. Nếu họ có tiền có lẽ họ gửi bạn ra nước ngoài, nhưng cũng giống như phần còn lại của thế giới toàn bộ mục đích của họ là bạn phải giàu có và có một vị trí được kính trọng trong xã hội; và bạn càng leo cao bao nhiêu bạn càng gây cho người khác nhiều đau khổ bấy nhiêu, bởi vì muốn leo đến đó bạn phải ganh đua, phải tàn
nhẫn. Vì vậy cha mẹ gửi con cái của họ đến những trường học nơi có tham vọng, ganh đua, nơi không có tình yêu gì cả, đó là lý do tại sao một xã hội như là xã hội của chúng ta đang liên tục thối nát, đang liên tục xung đột; và mặc dù những nhà chính trị, những quan tòa, những người được gọi là cao quí của mảnh đất này đều nói về hòa bình, nó chẳng có ý nghĩa gì cả.
Bây giờ bạn và tôi phải tìm hiểu rõ toàn thể vấn đề của tự do. Chúng ta phải tìm ra cho chính mình yêu thương có nghĩa là gì; bởi vì nếu chúng ta không yêu thương chúng ta không bao giờ có thể đầy ý tứ, chú ý; chúng ta không bao giờ có thể ân cần. Bạn có biết ân cần có nghĩa là gì hay không? Khi bạn nhìn thấy một viên đá nhọn trên đường đi bị dẵm phải bởi nhiều bàn chân trần, bạn nhặt nó và vất đi, không phải bởi vì bạn được yêu cầu, nhưng bởi vì bạn cảm thấy thương tâm cho những người khác – không đặt thành vấn đề người ấy là ai, và có lẽ bạn không bao giờ gặp người ấy. Trồng một cái cây và nâng niu nó, nhìn một dòng sông và tận hưởng sự phong phú của quả đất, quan sát một con chim đang vẫy cánh và quan sát vẻ đẹp trong đường bay của nó, có được sự nhạy cảm và khoáng đạt về cái chuyển động lạ thường này được gọi là cuộc sống – vì tất cả việc này phải có tự do; và muốn được tự do bạn phải yêu thương. Nếu không có tình yêu không có tự do; nếu không có tình yêu , tự do chỉ là một ý tưởng và không có ý nghĩa gì cả. Vì vậy chỉ có những người hiểu rõ và phá vỡ sự lệ thuộc phía bên trong, và vì vậy người biết thương yêu là gì, thì mới có thể tự do; và chính họ một mình sẽ tạo ra một nền văn minh mới, một thế giới khác hẳn.
Người hỏi: Nguồn gốc của ham muốn là gì, và làm thế nào tôi có thể loại bỏ được nó?
Krishnamurti: Một ngưòi trẻ tuổi đang hỏi câu hỏi này; và tại sao cậu ta lại muốn loại bỏ ham muốn? Bạn hiểu rõ không? Cậu ta là một thanh niên, đầy sức sống, đầy sinh lực; tại sao cậu ta lại muốn loại bỏ ham muốn? Cậu ta đã được bảo rằng không còn ham muốn là một trong những đức hạnh lớn nhất, và rằng khi không còn ham muốn cậu ta sẽ tìm được Chúa, hay có lẽ được gọi là một cứu cánh rốt ráo nào đó; vì thế cậu ta hỏi,
“Nguồn gốc của ham muốn là gì, và làm thế nào loại bỏ được nó?” Nhưng chính sự thôi thúc loại bỏ ham muốn vẫn còn là bộ phận của ham muốn, phải vậy không? Nó thực sự bị thúc giục bởi sợ hãi. Sự khởi nguồn, cái nguồn gốc, bắt đầu của ham muốn là gì? Bạn nhìn thấy một cái gì đó quyến rũ và bạn muốn nó. Bạn nhìn thấy một chiếc xe hơi, hay một con thuyền và bạn muốn sở hữu nó hay là bạn muốn dành được vị trí của một người giàu có, hay là trở thành một khất sĩ. Đây là nguồn gốc của ham muốn: nhìn thấy, tiếp xúc, từ đó có cảm xúc, và từ cảm xúc có ham muốn. Bây giờ nhận ra rằng ham muốn đó mang lại xung đột, bạn hỏi, “Làm thế nào có thể không còn ham muốn?” Vì vậy điều gì bạn thực sự muốn không phải là thoát khỏi ham muốn, nhưng thoát khỏi lo âu, buồn rầu, đau khổ do ham muốn gây ra. Bạn muốn thoát khỏi những kết quả cay đắng của ham muốn, chứ không phải từ chính ham muốn, và đây là một điều rất quan trọng cần hiểu rõ. Nếu bạn có thể tách rời ham muốn khỏi đau khổ, khỏi chịu đựng, khỏi tranh đấu, khỏi tất cả những lo âu, và sợ hãi mà theo cùng nó, để cho chỉ còn vui thú được tồn tại, vậy thì lúc đó bạn có muốn thoát khỏi ham muốn nữa hay không?
Chừng nào còn có sự ham muốn để đạt được, để thành tựu, để trở thành, ở mức độ nào chăng nữa, thì rõ ràng vẫn còn lo âu, đau khổ, sợ hãi. Tham vọng để được giàu có, để là cái này hay cái kia, sẽ mất đi chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ sự thối nát, cái bản chất xấu xa của chính tham vọng. Cái khoảnh khắc chúng ta thấy rằng ham muốn vì quyền lực trong bất kỳ hình thức nào – vì quyền lực của một vị thủ tướng, của một quan tòa, của một giáo sĩ, của một vị đạo sư – trên căn bản là xấu xa, chúng ta không còn ham muốn có quyền lực nữa. Nhưng chúng ta không thấy rằng ham muốn đang gây thối nát, rằng ham muốn có quyền lực là xấu xa, trái lại, chúng ta nói rằng chúng ta sẽ sử dụng quyền lực cho điều tốt lành – mà tất cả đều hoàn toàn vô nghĩa. Một phương tiện sai trái không bao giờ dẫn đến một kết thúc đúng đắn. Nếu phương tiện là xấu xa, kết thúc cũng là xấu xa. Tốt lành không phải là đối nghịch của xấu xa; nó hiện hữu chỉ khi nào điều xấu xa hoàn toàn chấm dứt.
Vì vậy, nếu chúng ta không hiểu rõ toàn bộ ý nghĩa của ham muốn, cùng những kết quả của nó, những sản phẩm phụ của nó, chỉ cố gắng loại bỏ những ham muốn không có ý nghĩa gì cả.
Người hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể được tự do khỏi sự lệ thuộc khi chúng ta vẫn còn đang sống trong xã hội?
Krishnamurti: Bạn có biết xã hội là gì hay không? Xã hội là sự liên hệ giữa con người và con người, đúng vậy chứ? Đừng làm phức tạp nó, đừng trích dẫn nhiều quyển sách; hãy suy nghĩ rất đơn giản về nó và bạn sẽ thấy rằng xã hội là sự liên hệ giữa bạn và tôi và những người khác. Sự liên hệ giữa con người tạo thành xã hội; và xã hội của chúng ta hiện nay được xây dựng trên sự liên hệ của thu lợi, phải vậy không? Hầu hết mọi người trong chúng ta đều muốn tiền bạc, quyền hành, tài sản, uy quyền; ở mức độ này hay mức độ khác chúng ta muốn có vị trí, thanh danh, và vì vậy chúng ta đã xây dựng một xã hội thu lợi. Chừng nào chúng ta còn muốn thu lợi, chừng nào chúng ta còn muốn vị trí, thanh danh, quyền hành và tất cả những chuyện đại loại như thế, chúng ta là thành viên của xã hội này và vì vậy lệ thuộc vào nó. Nhưng nếu người ta không muốn bất kỳ những việc này và vẫn sống đơn giản như người ta là gì cùng sự khiêm tốn lớn lao, vậy thì người ta phản kháng nó; người ta thoát khỏi nó và phá vỡ cái xã hội này.
Rủi thay, giáo dục hiện nay nhắm vào mục đích bắt buộc bạn tuân phục, phù hợp và điều chỉnh mình vào cái xã hội thu lợi này. Đó là điều tất cả cha mẹ của bạn, những giáo viên của bạn và những quyển sách của bạn quan tâm đến. Chừng nào bạn còn tuân phục, chừng nào bạn còn tham vọng, thu lợi, thối nát và hủy diệt những người khác trong sự theo đuổi vị trí và quyền hành, bạn còn được coi như một công dân kính trọng. Bạn được giáo dục để phù hợp vào xã hội; nhưng đó không là giáo dục gì cả, đó chỉ là một qui trình điều kiện bạn tuân phục vào một khuôn mẫu. Chức năng thực sự của giáo dục không phải có mục đích sản xuất ra bạn là một người thư ký, một quan tòa hay là vị thủ tướng, nhưng có mục đích giúp đỡ bạn hiểu rõ toàn bộ cấu trúc của xã hội thối nát này và cho phép bạn thăng
hoa vào sự tự do để cho bạn sẽ phá vỡ và tạo ra một xã hội khác, một thế giới mới. Phải có những con người phản kháng, không phải từng phần nhưng tổng thể, phản kháng những cái cũ kỹ, bởi vì chỉ có những người như thế mới có thể tạo ra một thế giới mới – một thế giới không đặt nền tảng vào thu lợi, vào quyền lực và thanh danh.
Tôi có thể nghe những người lớn tuổi nói rằng, “Điều đó không bao giờ có thể thực hiện được. Bản chất của con người là cái gì nó là, và ông đang nói điều vô nghĩa.” Nhưng chúng ta không bao giờ suy nghĩ về việc tháo gỡ tình trạng qui định của những cái trí trưởng thành, và không điều kiện em bé. Chắc chắn, giáo dục gồm cả chữa trị lẫn phòng ngừa. Các bạn, những em học sinh lớn tuổi đã bị định hướng rồi, đã bị qui định rồi, đã có tham vọng rồi; các bạn muốn thành công như người cha của các bạn, như vị thống đốc, hay một người nào khác. Vì vậy chức năng thực sự của giáo dục không chỉ giúp đỡ bạn tháo gỡ chính mình, nhưng còn giúp đỡ bạn hiểu rõ toàn bộ tiến hành của cuộc sống từ ngày này qua ngày khác để cho bạn có thể lớn lên trong tự do và tạo ra một thế giới mới mẻ – một thế giới phải hoàn toàn khác hẳn cái thế giới hiện nay. Rủi thay, không có bậc cha mẹ nào, cũng không có những giáo viên nào, cũng không có những con người nào quan tâm đến việc này. Đó là lý do tại sao giáo dục phải là một tiến hành của dạy dỗ người giáo dục cũng như em học sinh.
Người hỏi: Tại sao con người lại đánh nhau?
Krishnamurti: Tại sao các cậu trai nhỏ lại đánh nhau? Bạn thỉnh thoảng đánh nhau với người anh của bạn, hay là những cậu trai khác ở đây, phải vậy không? Tại sao như vậy? Bạn đánh nhau vì một món đồ chơi. Có lẽ cậu trai khác đã cướp quả bóng của bạn, hay là quyển sách của bạn, và vì vậy bạn đánh nhau. Những người lớn đánh nhau chắc chắn cũng cùng lý do đó mà thôi, chỉ khác là những đồ chơi của họ là chức vụ, của cải và quyền hành. Nếu bạn muốn quyền hành và tôi cũng muốn quyền hành, chúng ta đánh nhau, đó là lý do tại sao các quốc gia đi đến chiến tranh. Nó đơn giản như thế đó, chỉ những triết gia, những chính trị gia và những người tạm gọi là tôn giáo
mới làm phức tạp nó. Bạn biết không, đó là một nghệ thuật quan trọng để có nhiều hiểu biết và trải nghiệm – để cảm nhận sự phong phú của cuộc sống, vẻ đẹp của hiện hữu, những đấu tranh, những đau khổ, tiếng cười, những giọt nước mắt – và tuy nhiên lại giữ cái trí của bạn thật đơn giản; và bạn có thể có cái trí đơn giản chỉ khi nào bạn biết cách yêu thương.
Người hỏi: Ganh ghét là gì?
Krishnamurti: Ganh ghét ám chỉ không thoả mãn với cái gì bạn là và ganh tị với người khác, phải vậy không? Bất mãn với điều gì bạn là là bắt đầu của ganh ghét. Bạn muốn giống như ai đó có nhiều kiến thức hơn, hay là đẹp đẽ hơn, hay là có một ngôi nhà lớn hơn, nhiều quyền hành hơn, có một vị trí tốt hơn bạn đang có. Bạn muốn có đức hạnh nhiều hơn, bạn muốn biết làm thế nào thiền định tốt hơn, bạn muốn đến gần Chúa, bạn muốn làm điều gì đó khác hẳn cái gì bạn là; vì vậy bạn đố kỵ, ganh ghét. Hiểu rõ cái gì bạn là là cực kỳ khó khăn, bởi vì nó đòi hỏi tự do hoàn toàn khỏi tất cả mọi ham muốn thay đổi cái gì bạn là thành một cái gì khác. Ham muốn thay đổi chính bạn nuôi dưỡng đố kỵ, ganh ghét; trái lại, trong khi hiểu rõ cái gì bạn là, có một sự thay đổi cái gì bạn là. Nhưng, bạn thấy không, toàn bộ nền giáo dục của bạn thúc giục bạn cố gắng khác biệt với cái gì bạn là. Khi bạn ganh tị bạn được người ta bảo rằng, “bây giờ đừng ganh tị nữa, nó là một việc xấu xa lắm.” Vì vậy bạn cố gắng không ganh tị; nhưng chính cố gắng đó lại là bộ phận của ganh tị, bởi vì bạn muốn khác biệt.
Bạn biết không,một bông hoa hồng dễ thương là một bông hoa hồng dễ thương; nhưng chúng ta những con người đã được trao tặng cái khả năng suy nghĩ, và chúng ta suy nghĩ sai lầm. Biết được suy nghĩ như thế nào đòi hỏi nhiều thâm nhập, hiểu biết rõ ràng, nhưng biết được suy nghĩ cái gì lại quá dễ dàng. Nền giáo dục hiện nay của chúng ta dạy chúng ta suy nghĩ cái gì, nó không dạy cho chúng ta suy nghĩ như thế nào, thâm nhập như thế nào, tìm hiểu như thế nào; và chỉ khi nào giáo viên lẫn em học sinh biết suy nghĩ như thế nào thì trường học mới xứng đáng với cái tên của nó.
Người hỏi: Tại sao em không thoả mãn với bất kỳ cái gì.
Krishnamurti: Một em gái nhỏ xíu đang hỏi câu hỏi này, và tôi chắc chắn rằng em không được ai gợi ý. Vào cái tuổi non nớt của em, em muốn biết tại sao em không bao giờ thoả mãn. Bạn, những người lớn tuổi nói gì đây? Đó là việc làm của bạn: bạn đã tạo ra sự tồn tại ở thế giới này mà trong đó em bé hỏi tại sao em không bao giờ thỏa mãn với bất kỳ cái gì. Bạn là những người giáo dục, nhưng bạn không thấy được cái bi kịch này. Bạn trầm tư suy nghĩ, nhưng bạn đờ đẫn, u ám, không còn sinh khí phía bên trong.
Tại sao những con người không bao giờ thỏa mãn? Có phải vì họ đang tìm kiếm hạnh phúc, và họ nghĩ rằng qua sự thay đổi liên tục họ sẽ được hạnh phúc? Họ chuyển động từ một công việc này sang một công việc khác, từ một liên hệ này đến một liên hệ khác, từ một tôn giáo hay học thuyết này đến một tôn giáo hay học thuyết khác, nghĩ rằng qua sự chuyển động liên tục của thay đổi này họ sẽ tìm ra hạnh phúc; hoặc là họ lại chọn ra một cái luồng nước nào đó của cuộc sống và trì trệ ở đó. Chắc chắn, mãn nguyện là một điều gì đó hoàn toàn khác hẳn. Nó hiện hữu chỉ khi nào bạn nhìn thấy chính bạn như bạn là mà không có bất kỳ ham muốn nào để thay đổi, mà không có bất kỳ chỉ trích hay là so sánh – mà không có nghĩa rằng bạn chỉ chấp nhận điều gì bạn thấy và ngủ quên trong đó. Nhưng khi cái trí không còn đang so sánh, đang nhận xét, đang đánh giá, và vì vậy có khả năng nhìn thấy cái gì là từ khoảnh khắc này qua khoảnh khắc khác mà không muốn thay đổi nó – trong chính trực nhận đó là vĩnh hằng.
Người hỏi: Tại sao chúng ta phải đọc sách?
Krishnamurti: Tại sao bạn phải đọc sách? Hãy im lặng lắng nghe. Bạn không bao giờ hỏi tại sao bạn phải chơi đùa, tại sao bạn phải ăn, tại sao bạn phải nhìn con sông, tại sao bạn hung bạo – phải không? Bạn phản kháng và hỏi tại sao bạn phải làm một cái gì đó khi bạn không thích làm. Nhưng đọc sách, chơi đùa, cười cợt, độc ác, tốt lành, nhìn thấy con sông, những đám mây – tất cả điều này là bộ phận của cuộc sống; và nếu bạn không biết đọc sách như thế nào, nếu bạn không biết đi dạo bộ như thế nào, nếu bạn không thể tán thưởng vẻ đẹp của một
chiếc lá, bạn không đang sống. Bạn phải hiểu rõ toàn bộ cuộc sống, không chỉ một phần nhỏ nhoi của nó. Đó là lý do tại sao bạn phải đọc sách, đó là lý do tại sao bạn phải ca hát, và nhảy múa, và viết những vần thơ, và đau khổ và hiểu biết; vì tất cả việc đó là cuộc sống.
Người hỏi: Ngượng ngùng là gì?
Krishnamurti: Bạn không thấy ngượng ngùng khi gặp một người lạ hay sao? Bạn không cảm thấy ngượng ngùng khi hỏi câu hỏi đó hay sao? Bạn không cảm thấy ngượng ngùng nếu bạn phải ở trên cái bục gỗ này như tôi đang ngồi đây nói chuyện hay sao? Bạn không thấy ngượng ngùng, không cảm thấy một chút bối rối và muốn đứng sững lại khi bạn đột nhiên gặp phải một cái cây đẹp đẽ, hay một bông hoa nhỏ nhắn, hay là một con chim đang đậu trên tổ của nó hay sao? Bạn thấy không, rất tốt khi ngượng ngùng. Nhưng với hầu hết mọi người sự ngượng ngùng ám chỉ trạng thái ý thức về chính mình. Khi chúng ta gặp một người đàn ông quan trọng, nếu có một người như thế, chúng ta tự nhiên ý thức về chính chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng, “Ông ấy quan trọng làm sao đâu, nổi tiếng làm sao đâu, và tôi chẳng là gì cả”; vì vậy chúng ta cảm thấy ngượng ngùng, mà là ý thức về chính mình. Nhưng có một loại ngượng ngùng khác hẳn, mà thực sự là nhạy cảm, và trong đó không còn ý thức về chính mình.
Chương 4: Lắng nghe
Tại sao các bạn lại ở đây đang lắng nghe tôi? Bạn có khi nào suy nghĩ tại sao bạn lắng nghe người ta hay không? Và lắng nghe một ai đó có nghĩa là gì? Tất cả các bạn ở đây ngồi trước một người đang nói chuyện. Bạn đang lắng nghe để nghe một điều gì đó mà sẽ khẳng định, phù hợp với những tư tưởng riêng của bạn, hay là bạn đang lắng nghe để tìm ra? Bạn có thấy được sự khác biệt hay không? Lắng nghe để tìm ra có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn với lắng nghe chỉ để nghe cái đó mà sẽ khẳng định điều gì bạn suy nghĩ. Nếu bạn ở đây chỉ để có sự khẳng định, để được khuyến khích trong cách suy nghĩ riêng của bạn, vậy thì lắng nghe của bạn chẳng có ý nghĩa bao nhiêu. Nhưng, nếu bạn lắng nghe để tìm ra, vậy thì cái trí của bạn được tự do, không gắn kết vào bất kỳ điều gì; nó rất nhanh nhẹn, sắc bén, sinh động, tìm hiểu, tò mò, và vì vậy có khả năng khám phá. Do đó, liệu không quan trọng để suy xét tại sao bạn lắng nghe, và bạn đang lắng nghe cái gì hay sao?
Bạn có khi nào ngồi rất im lặng, không phải với sự chú ý của bạn cố định vào một điều gì đó, không tạo ra một nỗ lực để tập trung, nhưng với cái trí rất yên lặng, thật tĩnh. Lúc đó bạn nghe mọi thứ, phải vậy không? Bạn nghe những tiếng ồn xa thật xa cũng như những tiếng ồn ở gần hơn và những tiếng ồn rất gần bên, những âm thanh tức khắc – mà có nghĩa, thật sự, rằng là bạn đang lắng nghe mọi thứ. Cái trí của bạn không bị giới hạn bởi một cái kênh nhỏ xíu chật hẹp nào. Nếu bạn có khả năng lắng nghe trong cách này, lắng nghe thoải mái, không có căng thẳng, bạn sẽ thấy được một sự thay đổi lạ thường đang diễn tiến bên trong bạn, thay đổi xảy ra mà không có ý muốn của bạn, mà không có nài nỉ của bạn; và trong thay đổi đó có vẻ đẹp lẫn chiều sâu tuyệt vời của thấu triệt.
Hãy thử nó đi, thử ngay bây giờ. Khi bạn lắng nghe tôi, lắng nghe không chỉ riêng tôi, mà còn mọi thứ quanh bạn. Lắng nghe tất cả những tiếng chuông kia, những tiếng chuông của những
con bò và những đền chùa; lắng nghe tiếng xe lửa xa xa và những chiếc xe ngựa trên đường phố; và sau đó nếu bạn kề cận hơn sự tĩnh lặng và cũng lắng nghe tôi nữa, bạn sẽ nhận thấy rằng có một chiều sâu tuyệt vời của lắng nghe, nhưng để làm được việc này bạn phải có một cái trí rất yên lặng. Nếu bạn thực sự muốn lắng nghe, cái trí của bạn tự nhiên yên lặng, phải vậy không? Lúc đó bạn không bị xao lãng bởi một điều gì đó đang xảy ra kế cận bạn; cái trí của bạn yên lặng bởi vì bạn đang lắng nghe mọi thứ một cách sâu thẳm. Nếu bạn lắng nghe theo lối này cùng sự thoải mái, cùng một niềm hân hoan nào đó, bạn sẽ phát hiện một chuyển đổi kinh ngạc đang xảy ra trong tâm hồn của bạn, trong cái trí của bạn – một chuyển đổi mà bạn chưa từng suy nghĩ về nó, hay là không có cách nào gây ra được.
Tư tưởng là một sự việc lạ lùng, phải vậy không? Bạn có biết tư tưởng là gì hay không? Tư tưởng hay là suy nghĩ đối với mọi người là điều gì đó được đặt vào cùng nhau bởi cái trí, và họ chiến đấu với những tư tưởng của họ. Nhưng nếu bạn có thể thật sự lắng nghe mọi thứ – đến tiếng vỗ của dòng nước đập vào bờ sông, đến bản nhạc của chim chóc, đến tiếng khóc của một em bé, đến người mẹ đang la mắng bạn, đến một người bạn đang doạ nạt bạn, đến người chồng hay người vợ đang càu nhàu bạn – lúc đó bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn thoát khỏi những từ ngữ, thoát khỏi những diễn tả thuần tuý ngôn từ và vì vậy toàn thân tâm của bạn xé toang ra.
Và rất quan trọng khi không còn vướng mắc vào những diễn tả thuần tuý từ ngữ bởi vì, xét cho cùng, tất cả chúng ta đều muốn điều gì? Dù rằng chúng ta còn trẻ hay già nua, dù rằng chúng ta không có kinh nghiệm hay đầy những năm tháng, tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, phải vậy không? Là những em học sinh chúng ta muốn được vui vẻ khi chơi đùa những trò chơi của chúng ta, trong khi học hành, trong khi làm tất cả những công việc nhỏ bé mà chúng ta muốn làm. Khi chúng ta lớn lên chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong những sở hữu, trong tiền bạc, trong việc có một ngôi nhà đẹp, một người vợ hay người chồng thông cảm, một việc làm tốt. Khi những việc này
không còn thỏa mãn chúng ta nữa, chúng ta nhảy sang một việc khác. Chúng ta nói, “Tôi phải được tách rời và sau đó tôi sẽ hạnh phúc.” Thế là chúng ta thực hiện sự tách rời. Chúng ta rời gia đình, chúng ta trao lại tài sản của chúng ta và rút lui khỏi thế giới này. Hay là chúng ta tham gia vào một tổ chức tôn giáo nào đó, nghĩ rằng chúng ta sẽ được hạnh phúc bằng cách cùng nhau họp mặt và nói chuyện về tình huynh đệ, bằng cách theo sau một vị lãnh đạo, một vị đạo sư, một ông Thầy, một lý tưởng, bằng cách tin tưởng cái gì đó mà thực chất là một tự lừa gạt, một ảo tưởng, một mê tín dị đoan.
Bạn có hiểu rõ điều gì tôi đang nói không?
Khi bạn chải tóc của bạn, khi bạn mặc vào bộ quần áo sạch sẽ và trang điểm cho bạn trông đẹp đẽ thêm, đó là mọi ham muốn của bạn để được hạnh phúc, đúng vậy chứ? Khi bạn đậu những kỳ thi của bạn và thêm vài chữ cái nào đó của bảng mẫu tự trước danh tính của bạn, khi bạn có một việc làm, có được một ngôi nhà và những tài sản khác, khi bạn lập gia đình và có con cái, khi bạn tham gia một tổ chức tôn giáo nào đó mà người lãnh đạo khẳng định rằng họ có những thông điệp từ những bậc Thầy không nhìn thấy được – đằng sau tất cả những việc đó có sự thôi thúc lạ thường này, sự thúc ép này để tìm ra hạnh phúc.
Nhưng, bạn thấy không, hạnh phúc không đến dễ dàng như thế đâu, bởi vì hạnh phúc không ở trong những sự việc này. Bạn có lẽ có vui thú, bạn có lẽ tìm được một sự thỏa mãn mới, nhưng sớm hay muộn nó trở thành nhàm chán mệt mỏi. Bởi vì không có hạnh phúc nào bền vững trong những sự việc mà chúng ta biết. Nụ hôn được theo sau những giọt nước mắt, tiếng cười theo sau bởi đau khổ và phân ly. Mọi thứ đều héo tàn mục nát. Vì vậy, trong khi bạn còn nhỏ, bạn phải bắt đầu tìm ra cái sự việc lạ lùng này là gì mà được gọi là hạnh phúc. Đó là một phần tối yếu của giáo dục.
Hạnh phúc không đến khi bạn đang nỗ lực tìm kiếm nó – và đó là điều bí mật kỳ lạ nhất, mặc dù rất dễ dàng khi nói về nó. Tôi có thể diễn tả hạnh phúc trong vài từ ngữ đơn giản; nhưng, bằng cách chỉ lắng nghe tôi và lặp lại điều gì bạn đã nghe, bạn sẽ không có hạnh phúc đâu. Hạnh phúc lạ lùng lắm; nó đến khi
bạn không đang tìm kiếm nó. Khi bạn không đang tạo ra một nỗ lực để được hạnh phúc, rồi thì bất thình lình, một cách bí mật, hạnh phúc ở đó, được sinh ra từ sự tinh khiết, từ sự trìu mến của thân tâm. Nhưng những việc đó đòi hỏi nhiều hiểu rõ – không phải tham gia một tổ chức hay cố gắng trở thành một người nào đó. Sự thật không phải là một cái gì đó để được thành tựu. Sự thật hiện hữu khi cái trí và tâm hồn của bạn buông bỏ đi tất cả ý thức của cố gắng và bạn không còn nỗ lực để trở thành một người nào đó; nó ở đó khi cái trí rất yên lặng, lắng nghe không thời gian mọi thứ đang xảy ra. Bạn có lẽ lắng nghe những từ ngữ này nhưng, muốn hạnh phúc hiện hữu, bạn phải tìm ra phương cách để cái trí được tự do khỏi tất cả sợ hãi.
Chừng nào bạn còn sợ hãi bất kỳ ai hay bất kỳ sự việc gì, không thể có hạnh phúc. Không thể có hạnh phúc chừng nào bạn còn sợ hãi cha mẹ của bạn, những giáo viên của bạn, sợ hãi không đậu những kỳ thi, sợ hãi không tiến bộ, sợ hãi không đến gần được vị thầy hơn, sợ hãi không đến gần sự thật hơn, hay là sợ hãi không được chấp thuận, bị vỗ vào lưng đuổi đi. Nhưng thực sự nếu bạn không sợ hãi bất kỳ cái gì cả, vậy thì bạn sẽ tìm ra – khi bạn thức dậy một buổi sáng, hay khi bạn đi dạo một mình – rằng là bỗng nhiên một sự việc lạ lùng xảy ra: không mời mọc, không nài nỉ, không tìm kiếm, cái đó mà có lẽ được gọi là tình yêu, sự thật, hạnh phúc, bỗng nhiên ở đó.
Đó là lý do tại sao bạn phải được giáo dục đúng đắn ngay khi bạn còn nhỏ là điều rất quan trọng. Điều gì chúng ta gọi là giáo dục hiện nay không là giáo dục gì cả, bởi vì không một ai nói cho bạn biết về tất cả những việc này. Những giáo viên của bạn chuẩn bị cho bạn đậu những kỳ thi, nhưng họ lại không nói với bạn về cách sống, mà là quan trọng nhất; bởi vì chẳng có bao nhiêu người biết cách sống như thế nào. Hầu hết mọi người trong chúng ta chỉ cố mà sống, bằng cách nào đó chúng ta lê lết theo và vì vậy cuộc sống trở thành một sự việc kinh hoàng. Thực ra sống đòi hỏi nhiều tình yêu, một cảm thấy lớn lao của tĩnh lặng, một tánh đơn giản nhẹ nhàng với sự phong phú của trải nghiệm; nó yêu cầu một cái trí có khả năng suy nghĩ rất rõ ràng, không bị giới hạn bởi thành kiến hay mê tín dị
đoan, bởi hy vọng hay sợ hãi. Tất cả việc này là cuộc sống, và nếu bạn không đang được giáo dục cách sống, vậy thì giáo dục không có ý nghĩa gì cả. Bạn có lẽ học hỏi để rất ngăn nắp, để có cách cư xử đúng đắn, và bạn có lẽ đậu tất cả các kỳ thi; nhưng, trao tầm quan trọng chính đến những sự việc hời hợt này trong khi toàn cấu trúc xã hội đang vỡ vụn, giống như đang lau chùi và đánh bóng những móng tay của bạn trong khi ngôi nhà đang bị cháy. Bạn thấy không, không một ai nói với bạn về tất cả việc này, không một ai tìm hiểu nó cùng với bạn. Khi bạn trải qua hết ngày này sang ngày khác học tập những môn học nào đó – toán, lịch sử, địa lý – bạn cũng nên dành nhiều thời gian nói chuyện về những vấn đề sâu sắc hơn, bởi vì việc này cho bạn sự phong phú của cuộc sống.
Người hỏi: Thờ phụng Chúa không phải là tôn giáo thực sự hay sao?
Krishnamurti: Trước hết, chúng ta hãy tìm ra điều gì không là tôn giáo. Đó không phải là sự tiếp cận đúng đắn hay sao? Nếu chúng ta có thể hiểu được điều gì không là tôn giáo, vậy thì chúng ta có lẽ bắt đầu trực nhận cái gì đó. Nó giống như là lau sạch một cái cửa sổ bẩn – rồi qua nó người ta bắt đầu nhìn thấy rất rõ ràng. Vì vậy chúng ta hãy xem thử liệu rằng chúng ta có thể hiểu rõ và lau sạch cái trí của chúng ta khỏi điều gì không là tôn giáo; chúng ta đừng nói rằng, “Tôi sẽ suy nghĩ về nó” và chỉ đùa giỡn loanh quanh với những từ ngữ. Có lẽ bạn có thể làm điều đó, nhưng hầu hết những người lớn tuổi đã bị kẹt cứng rồi; họ được củng cố một cách thanh thản trong điều gì không là tôn giáo và họ không muốn bị quấy rầy.
Vì vậy, điều gì không là tôn giáo? Bạn có khi nào suy nghĩ về điều đó hay chưa? Bạn đã được dạy dỗ lặp đi lặp lại rằng tôn giáo phải là gì – niềm tin trong Chúa và hàng tá sự việc khác – nhưng không một ai đã yêu cầu bạn tìm ra điều gì không là tôn giáo và bây giờ bạn và tôi sắp sửa tìm ra cho chính chúng ta.
Khi lắng nghe tôi, hay lắng nghe bất kỳ người nào khác, đừng chịu chấp nhận điều gì được nói ra, nhưng hãy lắng nghe để nhận thức rõ sự thật của vấn đề. Nếu ngay khi bạn trực nhận cho chính mình điều gì không là tôn giáo, vậy thì suốt cuộc sống
của bạn không có vị giáo sĩ hay quyển sách nào có thể lừa gạt bạn, không còn một ý thức sợ hãi nào sẽ tạo ra một ảo tưởng mà có lẽ bạn tin tưởng và tuân theo. Muốn tìm được điều gì không là tôn giáo bạn phải bắt đầu ở mức độ hàng ngày, và sau đó bạn có thể leo lên. Muốn đi xa bạn phải bắt đầu rất gần, và bước gần nhất là bước quan trọng nhất. Vì vậy, điều gì không là tôn giáo? Những nghi lễ là tôn giáo phải không? Thực hành việc thờ cúng lặp đi lặp lại – đó là tôn giáo à?
Giáo dục thực sự là học hỏi suy nghĩ như thế nào, không phải là suy nghĩ cái gì. Nếu bạn biết suy nghĩ như thế nào, nếu bạn thực sự có khả năng đó, vậy thì bạn là con người tự do – tự do khỏi những tín điều, những mê tín dị đoan, những lễ nghi – và vì vậy bạn có thể tìm ra được tôn giáo là gì.
Những lễ nghi hiển nhiên không phải là tôn giáo, bởi vì trong khi thực hiện những lễ nghi bạn chỉ đang lặp lại một công thức đã được truyền xuống cho bạn. Bạn có lẽ tìm ra một vui thú nào đó, trong việc thực hiện những lễ nghi, giống như những người khác đã làm trong khi hút thuốc lá hay nhậu nhẹt; nhưng đó là tôn giáo hay sao? Khi thực hiện những lễ nghi bạn đang làm điều gì đó mà bạn chẳng biết gì cả. Người cha và người ông của bạn làm điều đó, vì vậy bạn làm nó, và nếu bạn không làm họ sẽ quở trách bạn. Đó không là tôn giáo phải vậy không?
Và có cái gì trong ngôi đền? Một hình ảnh nghiêm trang được chế tạo theo thời trang bởi một con người tuỳ theo sự tưởng tượng riêng của anh ta. Hình ảnh đó có lẽ là một biểu tượng, nhưng nó vẫn chỉ là một hình ảnh, nó không phải là sự vật thực sự. Một biểu tượng, một từ ngữ không phải là cái sự vật mà nó đại diện. Từ ngữ “cửa ra vào” không phải là cái cửa ra vào, phải vậy không? Từ ngữ không phải là sự vật. Chúng ta đi vào ngôi đền để thờ phụng – cái gì? Một hình ảnh giả sử là một biểu tượng; nhưng cái biểu tượng không phải là sự vật thực sự. Vì vậy tại sao lại đi đến đó? Đây là những sự thật; tôi không đang chỉ trích; và, vì chúng là những sự thật, tại sao lại phiền muộn về việc ai đi đến ngôi đền, dù rằng đó là người có liên quan hay người không liên quan, người theo Bà la môn giáo hay không theo Bà la môn giáo? Ai thèm lưu tâm? Bạn
thấy không, những người lớn tuổi đã biến cái biểu tượng thành một tôn giáo và rồi họ sẵn sàng cãi cọ, đánh nhau, giết chóc; nhưng Chúa không có ở đó. Chúa không bao giờ ở trong cái biểu tượng. Vì vậy sự thờ phụng một biểu tượng hay một hình ảnh không là tôn giáo.
Và niềm tin có là tôn giáo hay không? Điều này phức tạp hơn nhiều. Chúng ta đã bắt đầu gần, và bây giờ chúng ta sắp sửa tìm hiểu sâu hơn một chút. Niềm tin là tôn giáo hay sao? Những người Thiên chúa giáo tin tưởng một cách, những người Ấn độ giáo tin tưởng cách khác, những người Hồi giáo tin tưởng cách khác, những người Phật giáo lại tin tưởng cách khác và tất cả họ đều nghĩ rằng chính họ là những người rất tôn giáo; tất cả họ có những ngôi đền, những thần thánh, những biểu tượng, những niềm tin của họ. Và đó là tôn giáo hay sao? Đó là tôn giáo khi bạn tin Chúa, tin Rama, tin Rita, tin Ishawa, và tất cả các loại sự việc đó hay sao? Làm thế nào bạn có được niềm tin như thế? Bạn tin tưởng bởi vì người cha và người ông của bạn tin tưởng; hay là đã đọc điều gì đó mà một vị Thầy giống như Shankara hay Buddha chắc là đã nói, bạn tin tưởng nó và nói rằng nó là sự thật. Hầu hết mọi người trong các bạn chỉ tin tưởng điều gì kinh Gita nói, vì vậy bạn không tìm hiểu nó rõ ràng và đơn giản như bạn làm với bất kỳ quyển sách nào khác; bạn không cố gắng tìm ra điều gì là sự thật.
Chúng ta đã thấy rằng những lễ nghi không là tôn giáo, rằng đi đến một ngôi đền không là tôn giáo, và rằng niềm tin không là tôn giáo, niềm tin phân chia con người. Những người Thiên chúa giáo có những niềm tin và vì vậy phân chia cả với những người của những niềm tin khác lẫn với chính họ; những người theo Ấn độ giáo luôn luôn đầy dẫy những kẻ thù bởi vì họ tin chính họ là những người Bà la môn giáo hay không là Bà la môn giáo, điều này hay điều kia. Vì vậy niềm tin tạo ra kẻ thù, phân chia, hủy diệt, và điều đó hiển nhiên không là tôn giáo.
Vậy thì tôn giáo là gì? Nếu bạn đã lau chùi sạch sẽ cái cửa sổ rồi – mà có nghĩa là bạn thực sự chấm dứt những lễ nghi, từ bỏ tất cả những niềm tin, không còn tuân phục bất kỳ người lãnh đạo hay là vị đạo sư nào đó – lúc đó cái trí của bạn, giống
như cái cửa sổ, được sạch sẽ, được láng bóng và bạn có thể nhìn thấy rất rõ ràng từ cái trí đó. Khi cái trí được lau chùi sạch sẽ không còn những hình ảnh, không còn lễ nghi, không còn niềm tin, không còn biểu tượng, không còn tất cả những từ ngữ, những bùa chú và những câu kinh lặp lại, và không còn tất cả sợ hãi, vậy thì điều gì bạn thấy sẽ là sự thật, không thời gian, vĩnh cửu, mà có lẽ được gọi là Chúa; nhưng công việc này đòi hỏi sự thấu triệt, sự hiểu rõ, sự kiên nhẫn vô hạn, và nó chỉ dành riêng cho những người thực sự tìm hiểu tôn giáo là gì và theo đuổi nó ngày này qua ngày khác đến khi tìm ra được. Chỉ có những người như thế đó mới biết tôn giáo thực sự là gì. Những người còn lại chỉ là đang mấp máy những từ ngữ, và tất cả những đồ trang sức dùng điểm tô thân thể của họ, những lễ nghi của họ và tiếng leng keng của những cái chuông – tất cả việc đó đều là mê tín dị đoan mà không có bất kỳ ý nghĩa nào cả. Chỉ khi nào cái trí phản kháng tất cả cái gì tạm gọi là tôn giáo thì nó mới tìm ra được sự thật, Chúa.
Chương 5: Bất mãn có tính sáng tạo
Có khi nào bạn ngồi rất yên lặng không còn bất kỳ chuyển động nào hay chưa? Bạn thử nó đi, hãy ngồi rất yên lặng, lưng của bạn thẳng và quan sát cái trí của bạn đang làm gì. Đừng cố gắng kiểm soát nó, đừng nói rằng nó không được nhảy từ một tư tưởng này sang một tư tưởng khác, từ một quan tâm này đến một quan tâm khác, nhưng chỉ ý thức được cái trí của bạn đang nhảy nhót như thế nào. Đừng làm bất cứ điều gì về nó, nhưng hãy quan sát nó như từ hai bờ của con sông bạn quan sát dòng nước đang chảy qua. Trong con sông đang chảy đó có thật nhiều thứ – những con cá, những chiếc lá, những con thú chết – nhưng nó luôn luôn đang sống, đang chuyển động, và cái trí của bạn giống như thế. Nó không bao giờ ngưng nghỉ, chuyển động nhẹ nhàng từ một sự việc này sang một sự việc khác giống như một con bướm.
Khi bạn lắng nghe một bài hát, bạn lắng nghe như thế nào? Bạn có lẽ thích người đang hát, anh ta có lẽ có khuôn mặt đẹp, và bạn có lẽ theo dõi nghĩa lý của những từ ngữ; nhưng đằng sau tất cả việc đó, khi bạn lắng nghe một bài hát, bạn đang lắng nghe những âm điệu và khoảng im lặng giữa những âm điệu, phải vậy không? Trong cùng cách như thế, cố gắng ngồi rất im lặng không cựa quậy, không chuyển động bàn tay của bạn hoặc thậm chí những ngón chân của bạn, và chỉ quan sát cái trí của bạn. Nó vui lắm. Nếu bạn thử nó chỉ để vui đùa mà thôi, như một việc giải trí, bạn sẽ phát hiện ra rằng cái trí bắt đầu êm ả lại mà không cần bạn gắng sức chế ngự nó. Lúc đó không có người kiểm duyệt, không có người đánh giá, không có người phán xét; và vẫn vậy cái trí rất yên lặng trong chính nó, tự nhiên rất tĩnh, bạn sẽ khám phá ra hân hoan có nghĩa là gì. Bạn có biết hân hoan là gì hay không? Nó chỉ là cười đùa, có vui thích trong bất kỳ điều gì hay không điều gì cả, nhận được niềm vui của cuộc sống, nụ cười, nhìn thẳng vào khuôn mặt của người khác mà không còn bất kỳ ý thức sợ hãi nào.
Bạn có khi nào thực sự nhìn thẳng vào mặt của ai chưa? Bạn có khi nào nhìn vào khuôn mặt của giáo viên, người cha hay người mẹ của bạn, một viên chức cao cấp, người hầu, người cu li nghèo khổ, và thấy được điều gì đang diễn ra hay không? Hầu hết chúng ta đều sợ hãi khi nhìn thẳng vào khuôn mặt người khác; và những người khác lại không muốn chúng ta nhìn vào họ theo cách đó, bởi vì họ cũng sợ hãi. Không ai muốn bộc lộ chính họ; tất cả chúng ta đều đang phòng vệ, đang che dấu đằng sau nó nhiều lớp khác nhau của đau khổ, chịu đựng, ao ước, hy vọng, và chẳng có bao nhiêu người có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt của bạn và mỉm cười. Và cũng rất quan trọng để mỉm cười, để vui vẻ; bởi vì bạn thấy đó, nếu không có một bài hát trong tâm hồn của người ta thì cuộc sống trở nên rất chán chường. Người ta có thể đi từ đền chùa này đến đền chùa khác, từ một người chồng hay người vợ đến người khác, hay người ta có thể tìm vị Thầy mới hay vị đạo sư mới; nhưng nếu không có sự hân hoan phía bên trong này, cuộc sống chẳng còn ý nghĩa bao nhiêu. Và tìm ra được sự hân hoan phía bên trong này không phải dễ dàng, bởi vì hầu hết chúng ta đều chỉ bất mãn thô thiển hời hợt.
Bạn biết bất mãn có nghĩa là gì hay không? Rất khó khăn để hiểu rõ sự bất mãn, bởi vì hầu hết mọi người trong chúng ta đã thâu hẹp sự bất mãn theo một phương hướng nào đó và vì vậy vây bủa nó. Đó là, quan tâm duy nhất của chúng ta là củng cố chính chúng ta trong một vị trí an toàn với những thích thú và thanh danh được thiết lập tốt, với mục đích không còn bị quấy rầy. Nó diễn ra trong những ngôi nhà và trong những trường học nữa. Những giáo viên không muốn bị quấy rầy, và đó là lý do tại sao họ theo đuổi những lề thói cũ kỹ; bởi vì cái khoảnh khắc người ta thật sự bất mãn và bắt đầu tìm hiểu, tra vấn, chắc chắn là có sự quấy rầy. Nhưng chỉ nhờ vào bất mãn thực sự thì người ta mới có trạng thái khởi đầu.
Bạn biết trạng thái khởi đầu là gì hay không? Bạn có trạng thái khởi đầu khi bạn bắt đầu hay khởi động cái gì đó mà không bị nhắc nhở. Nó không cần làm việc gì đó rất lớn lao hay phi thường – điều đó có lẽ đến sau; nhưng có một tia lửa của khởi
đầu khi bạn trồng một cái cây riêng cho bạn, khi bạn tử tế, khi bạn mỉm cười với một người đàn ông đang vác một bó nặng, khi bạn nhặt đi một cục đá ở con đường, hay vỗ về một con thú trên đường đi. Đó là một bắt đầu nhỏ bé của trạng thái khởi đầu to lớn mà bạn phải có nếu bạn muốn biết cái sự việc lạ thường được gọi là sáng tạo này. Sáng tạo có gốc rễ của nó trong trạng thái khởi đầu mà được hiện hữu chỉ khi nào có sự bất mãn sâu sắc.
Đừng sợ hãi bất mãn, nhưng hãy cho nó chất dinh dưỡng cho đến khi nào tia lửa trở thành ngọn lửa và bạn luôn luôn bất mãn với mọi thứ – với công việc làm của bạn, với gia đình của bạn, với truyền thống theo đuổi về tiền bạc, chức vụ, quyền lực – để cho bạn thực sự bắt đầu suy nghĩ, khám phá. Nhưng khi lớn lên bạn sẽ thấy rằng muốn duy trì cái tinh thần bất mãn này rất khó khăn. Bạn có con cái phải nuôi dưỡng, và những đòi hỏi của công việc làm của bạn để lưu ý; quan điểm của những người hàng xóm của bạn, của xã hội vây bủa vào bạn, và chẳng mấy chốc bạn bắt đầu mất đi ngọn lửa hừng hực cháy của bất mãn. Khi bạn cảm thấy bất mãn bạn lại vặn máy thu thanh, bạn đi đến một vị đạo sư, thực hành thờ cúng, tham gia một câu lạc bộ, nhậu nhẹt, đuổi theo những người phụ nữ – bất kỳ việc gì để dập tắt ngọn lửa này. Nhưng, bạn thấy không, nếu không có ngọn lửa bất mãn này bạn sẽ không bao giờ có trạng thái khởi đầu mà là bắt đầu của sáng tạo. Để tìm ra điều gì là sự thật bạn phải phản kháng cái trật tự đã được thiết lập; nhưng cha mẹ của bạn càng có nhiều tiền bạc bao nhiêu và những giáo viên của bạn càng có nhiều an toàn trong công việc của họ bao nhiêu, họ càng muốn bạn phản kháng ít hơn bấy nhiêu.
Sáng tạo không chỉ là vấn đề vẽ những bức tranh, sáng tác những bài thơ, mà cũng tốt khi làm chúng, nhưng rất nhỏ nhoi trong chính nó. Điều gì quan trọng là hoàn toàn bất mãn, vì sự bất mãn hoàn toàn như thế đó là một bắt đầu của trạng thái khởi đầu mà trở thành sáng tạo khi nó phát triển trọn vẹn; và đó là phương cách duy nhất để tìm ra sự thật, chân lý, Chúa là gì, bởi vì sáng tạo là Chúa.
Vì vậy người ta phải có sự bất mãn hoàn toàn này – nhưng cùng với hân hoan. Bạn có hiểu được không? Người ta phải hoàn toàn bất mãn, không phải là than phiền oán trách, nhưng cùng với sự hân hoan, cùng với vui tươi, cùng với tình yêu. Hầu hết những người bất mãn là những người buồn chán khủng khiếp; họ luôn luôn kêu ca rằng cái này hay cái kia là không đúng, hay ước ao rằng họ có một vị trí tốt hơn, hay mong muốn những hoàn cảnh khác hẳn, bởi vì sự bất mãn của họ rất thô thiển hời hợt. Và những người không bất mãn gì cả thì lại chết rồi, không còn sinh khí nữa.
Nếu bạn có thể phản kháng trong khi bạn còn nhỏ, và khi lớn lên giữ sự bất mãn của bạn sinh động với sức sống của hân hoan và yêu thương trìu mến; vậy thì ngọn lửa bất mãn đó sẽ có ý nghĩa phi thường bởi vì nó sẽ xây dựng, nó sẽ sáng tạo, nó sẽ giúp đỡ những sự việc mới mẻ được hiện hữu. Muốn được như vậy bạn phải có loại giáo dục đúng đắn, không phải cái loại chỉ chuẩn bị cho bạn một việc làm hay leo lên những nấc thang của thành công, nhưng loại giáo dục mà giúp đỡ bạn suy nghĩ và đem lại cho bạn không gian – không gian, không phải trong hình thức của một phòng ngủ lớn hơn hay là một mái nhà cao hơn, nhưng không gian cho cái trí của bạn thăng hoa để cho nó không còn bị trói buộc bởi bất kỳ niềm tin nào, bởi bất kỳ sợ hãi nào.
Người hỏi: Bất mãn ngăn cản sự suy nghĩ rõ ràng. Làm thế nào chúng ta vượt qua được trở ngại này?
Krishnamurti: Tôi không nghĩ rằng bạn đã hiểu rõ điều gì tôi đang nói; có thể bạn quan tâm đến câu hỏi của bạn, đang lo lắng làm thế nào bạn sẽ dung thứ được nó. Đó là điều gì tất cả các bạn đang làm trong những phương cách khác nhau. Mỗi một người đều có một mối bận tâm lo lắng, và nếu điều gì tôi nói không phải điều gì bạn muốn nghe bạn gạt nó đi bởi vì cái trí của bạn bị chiếm đầy vấn đề riêng của bạn. Nếu người hỏi đã lắng nghe điều gì đang được nói, nếu anh ấy cảm thấy bản chất bên trong của bất mãn, của hoan hỉ, của sáng tạo, vậy thì tôi không nghĩ rằng anh ấy đã đưa ra câu hỏi này.
Bây giờ, bất mãn có ngăn cản sự suy nghĩ rõ ràng hay không? Và suy nghĩ rõ ràng là gì? Liệu có thể suy nghĩ rất rõ ràng nếu bạn muốn đạt được một điều gì đó từ sự suy nghĩ của bạn hay sao? Nếu cái trí của bạn quan tâm đến một kết quả, bạn có thể suy nghĩ rất rõ ràng hay sao? Hay là bạn chỉ có thể suy nghĩ rất rõ ràng khi nào bạn không đang tìm kiếm một kết thúc, một kết quả, không đang cố gắng đạt được một điều gì đó?
Và bạn có thể suy nghĩ rõ ràng nếu bạn có một thành kiến, một niềm tin đặc biệt – đó là, nếu bạn suy nghĩ như là một người Ấn độ giáo, một người cộng sản hay một người Thiên chúa giáo hay sao? Chắc chắn rằng, bạn có thể suy nghĩ rất rõ ràng chỉ khi nào cái trí của bạn không bị trói buộc vào một niềm tin như một con khỉ bị trói vào một cái cọc; bạn có thể suy nghĩ rất rõ ràng chỉ khi nào bạn không đang tìm kiếm một kết quả; bạn có thể suy nghĩ rất rõ ràng chỉ khi nào bạn không còn thành kiến – thực sự ra tất cả điều đó có nghĩa rằng bạn có thể suy nghĩ rõ ràng, đơn giản và ngay thẳng chỉ khi nào cái trí của bạn không còn đang theo đuổi bất kỳ hình thức an toàn nào và vì vậy được tự do khỏi sợ hãi.
Vì vậy trong một phương cách, bất mãn có ngăn cản suy nghĩ rõ ràng. Khi qua sự bất mãn bạn theo đuổi một kết quả, hay là khi bạn tìm kiếm để bóp nghẹt sự bất mãn này bởi vì cái trí của bạn ghét bị quấy rầy và bằng bất kỳ mọi giá mong muốn được yên lặng, được thanh thản, vậy thì suy nghĩ rõ ràng là không thể được. Nhưng nếu bạn bất mãn với mọi thứ – với những thành kiến của bạn, với những niềm tin của bạn, với những sợ hãi của bạn – và không đang tìm kiếm một kết quả, vậy thì chính bất mãn đó mang tư tưởng của bạn vào trọng điểm, không phải vào vấn đề đặc biệt hay bất kỳ phương hướng đặc biệt nào, nhưng toàn sự tiến hành suy nghĩ của bạn trở nên đơn giản, ngay thẳng, rõ ràng.
Người lớn tuổi hay người trẻ tuổi, hầu hết chúng ta bị bất mãn chỉ bởi vì chúng ta mong muốn một điều gì đó – hiểu biết nhiều hơn, một công việc tốt hơn, một chiếc xe đẹp hơn, tiền lương nhiều hơn. Sự bất mãn của chúng ta đặt nền tảng vào
ham muốn của chúng ta để có “nhiều hơn”. Chỉ là bởi vì chúng ta muốn một cái gì nhiều hơn nên hầu hết mọi người chúng ta đều bất mãn. Nhưng tôi không đang nói về loại bất mãn như thế. Chính là ham muốn có “nhiều hơn” mới ngăn cản sự suy nghĩ rõ ràng. Trái lại, nếu chúng ta bất mãn, không phải vì muốn cái gì đó, nhưng không biết chúng ta muốn cái gì; nếu chúng ta không thỏa mãn với công việc làm của chúng ta, với việc kiếm tiền, với việc tìm kiếm chức vụ và quyền hành, với truyền thống, với điều gì chúng ta có và với điều gì chúng ta có lẽ có; nếu chúng ta không thỏa mãn, không phải với bất kỳ cái gì đặc biệt nhưng với mọi thứ, vậy thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phát hiện rằng bất mãn của chúng ta mang lại rõ ràng. Khi chúng ta không chấp nhận hay tuân theo, nhưng tra vấn, thâm nhập, sẽ có một thấu triệt mà từ đó là sáng tạo, hân hoan.
Người hỏi: Hiểu rõ về chính mình là gì, và làm thế nào chúng ta có thể có được nó?
Krishnamurti: Bạn có thấy được cái tinh thần đằng sau câu hỏi này hay không? Tôi không đang nói vì không tôn trọng đối với người hỏi, nhưng chúng ta hãy nhìn vào cái tinh thần mà hỏi rằng, “làm thế nào tôi có thể có được nó, và tôi có thể mua nó với giá bao nhiêu? Tôi phải làm cái gì, tôi phải thực hiện sự hy sinh nào, cái kỷ luật hay thiền định nào tôi phải rèn luyện để có được nó?” Chính là một cái trí tầm thường, giống như một cái máy mới nói rằng, “tôi làm cái này với mục đích có được cái kia”. Những người tạm gọi là tôn giáo suy nghĩ trong những điều kiện này. Nhưng hiểu rõ về chính mình không đến bằng cách này được. Bạn không thể mua nó nhờ vào một nỗ lực hay luyện tập nào đó. Hiểu rõ về chính mình có được khi bạn quan sát chính bạn trong sự liên hệ của bạn với những em học sinh bạn bè và những giáo viên của bạn, với tất cả mọi người chung quanh bạn; nó đến khi bạn quan sát cách cư xử của người khác, cử chỉ điệu bộ của anh ta, cách anh ta mặc quần áo, cách anh ta nói chuyện, sự khinh miệt hay nịnh nọt của anh ta và đáp trả của bạn; nó đến khi bạn quan sát mọi thứ trong bạn và quanh bạn và nhìn thấy chính bạn như bạn nhìn thấy khuôn mặt của bạn trong cái gương soi. Khi bạn nhìn vào gương bạn thấy
chính bạn như bạn là, phải vậy không? Bạn có lẽ ao ước cái đầu của bạn là một hình dáng khác, với nhiều tóc hơn nữa, và khuôn mặt của bạn ít xấu xí hơn; nhưng cái sự thật là ở đó, phản ánh rõ ràng trong cái gương, và bạn không thể gạt nó đi và nói rằng, “Tôi đẹp làm sao đâu.”
Bây giờ, nếu bạn có thể nhìn vào cái gương của sự liên hệ chính xác như bạn nhìn vào cái gương thông thường, vậy thì không có đoạn kết cho hiểu rõ về chính mình. Nó giống như là đi vào một đại dương không đáy mà không có bờ. Hầu hết mọi người chúng ta đều muốn đạt được một kết thúc, chúng ta muốn có thể nói rằng, “Tôi đã đạt được hiểu rõ về chính tôi và tôi hạnh phúc”; nhưng nó không giống như thế đó đâu. Nếu bạn có thể quan sát về chính bạn mà không phê bình chỉ trích cái gì bạn nhìn thấy, hoặc không so sánh chính bạn với người khác, hoặc không ao ước được đẹp đẽ hơn hay là có đức hạnh nhiều hơn; nếu bạn có thể quan sát chính xác cái gì bạn là và chuyển động cùng nó, rồi thì bạn sẽ tìm ra rằng nó có thể đi xa vô hạn. Vậy thì không có kết thúc cho chuyến hành trình, và đó là điều bí mật, vẻ đẹp của nó.
Người hỏi: Linh hồn là gì?
Krishnamurti: Nền văn hoá của chúng ta, nền văn minh của chúng ta đã sáng chế ra từ ngữ “linh hồn” – nền văn minh là ham muốn và ý muốn chung của nhiều người góp lại. Hãy nhìn vào nền văn minh của Ấn độ. Nó không phải là kết quả của nhiều người với những ham muốn của họ, những ý muốn của họ hay sao? Bất kỳ nền văn minh nào cũng đều là kết quả của cái gì có lẽ được gọi là ý muốn chung; và ý muốn chung trong những trường hợp này đã nói rằng phải có một cái gì đó còn quan trọng hơn cái thân thể vật chất mà chết đi, thối rữa, một cái gì đó lớn lao, bao la hơn, một cái gì đó không bị hủy diệt, vĩnh cửu; vì vậy nó đã dựng lên cái ý tưởng linh hồn này. Thỉnh thoảng có lẽ có một hoặc hai người đã tìm được cho chính mình một cái gì đó về một sự việc phi thường này được gọi là bất tử, một trạng thái trong đó không có cái chết, và sau đó tất cả những cái trí tầm thường đã nói rằng, “Vâng, điều đó chắc
chắn đúng, ông ta chắc chắn nói đúng”; và bởi vì họ muốn bất tử nên họ bám vào cái từ ngữ “linh hồn”.
Bạn cũng muốn biết liệu rằng có một cái gì đó quan trọng hơn là cái thực thể vật chất này, phải không? Cái qui trình không ngưng nghỉ của đi đến một văn phòng, làm một việc gì đó bạn không hứng thú, cãi cọ, ganh tị, có con cái, bàn tán với người hàng xóm của bạn, thốt ra những từ ngữ vô dụng – bạn muốn biết liệu rằng có một cái gì đó quan trọng hơn tất cả việc này hay không? Chính cái từ ngữ linh hồn đã tô đậm thêm ý tưởng về một trạng thái không hủy diệt, không thời gian, phải vậy không? Nhưng, bạn thấy không, bạn không bao giờ tìm ra cho chính mình liệu rằng có hay không có một trạng thái như thế. Bạn không nói rằng, “Tôi không quan tâm đến điều gì Christ, Shankara, hay bất kỳ ai đã nói, cũng không quan tâm đến những mệnh lệnh của truyền thống, của cái tạm gọi là nền văn minh; tôi sẽ tìm ra cho chính mình liệu có hay không có một trạng thái vượt khỏi cái khung của thời gian.” Bạn không chống lại cái gì nền văn minh hay là cái ý muốn chung đã lập thành công thức; trái lại, bạn chấp nhận nó và nói rằng, “Vâng, có một linh hồn.” Bạn gọi cái công thức đó là một sự việc, người khác gọi nó là một sự việc gì đó, và rồi thì các bạn phân chia các bạn ra và trở thành những kẻ thù do những niềm tin xung đột của các bạn.
Con người thực sự muốn tìm ra liệu rằng có hay là không có một trạng thái vượt khỏi cái khung của thời gian, phải được tự do khỏi nền văn hóa; đó là, anh ta phải được tự do khỏi cái ý muốn chung và đứng một mình. Và đây là một phần căn bản của giáo dục: học đứng một mình để cho bạn không bị vướng mắc hoặc là trong ý muốn của nhiều người hoặc là trong ý muốn của một người, và vì vậy có khả năng khám phá cho chính mình điều gì là sự thật.
Đừng lệ thuộc vào ai cả. Tôi hay là một người nào khác có lẽ bảo với bạn rằng có một trạng thái không thời gian, nhưng điều đó có giá trị gì cho bạn đâu? Nếu bạn đói bạn cần phải ăn, và bạn không muốn được cho ăn bởi những từ ngữ. Điều gì quan trọng cho bạn là tìm được cho chính mình. Bạn có thể
thấy rằng mọi thứ quanh bạn đang bị thối rữa, đang bị hủy hoại. Cái tạm gọi là nền văn minh này không còn được kết hợp chặt chẽ cùng với nhau bởi ý muốn chung nữa; nó đang bị phân rã từng mảnh nhỏ. Cuộc sống đang thách thức bạn từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, và nếu bạn chỉ đáp trả những thách thức này từ cái khe rãnh của thói quen, mà là đáp trả trong những điều kiện của sự chấp nhận, vậy thì đáp trả của bạn không có một giá trị nào cả. Bạn có thể tìm ra liệu rằng có một trạng thái không thời gian hay không, một trạng thái trong đó không có chuyển động của “nhiều hơn” hay là của “ít hơn,” chỉ khi nào bạn nói rằng, “tôi sẽ không chấp nhận, tôi sẽ tìm hiểu, khám phá” – mà có nghĩa rằng bạn không còn sợ hãi đứng một mình nữa.
Chương 6: Tổng thể của cuộc sống
Hầu hết chúng ta đều bám vào cái phần nhỏ nào đó của cuộc sống, và nghĩ rằng qua cái phần nhỏ đó chúng ta sẽ khám phá ra tổng thể. Không rời căn phòng chúng ta hy vọng tìm hiểu chiều dài và chiều sâu của con sông và nhìn thấy vẻ trù phú của những cánh đồng xanh dọc theo hai bờ sông của nó. Chúng ta sống trong một căn phòng nhỏ xíu, chúng ta vẽ trên một khung vải nhỏ xíu, nghĩ rằng chúng ta đã nắm bắt được cuộc sống trong bàn tay hay là hiểu rõ ý nghĩa của cái chết; nhưng chúng ta không làm được. Muốn làm được điều đó chúng ta phải đi ra ngoài. Và đi ra ngoài khó khăn cực kỳ, rời căn phòng với cái cửa sổ chật hẹp của nó và nhìn thấy mọi thứ chính xác như nó là mà không đánh giá, mà không chỉ trích, mà không nói rằng, “Điều này tôi thích và điều kia tôi không thích”; bởi vì hầu hết chúng ta nghĩ rằng qua cái phần nhỏ chúng ta sẽ hiểu được tổng thể. Qua một cái tăm xe duy nhất chúng ta hy vọng hiểu được cái bánh xe; nhưng một cái tăm xe không tạo thành cái bánh xe, phải vậy không? Nó phải có nhiều cái tăm xe, cũng như một cái đùm và một cái vành, để làm nên cái vật được gọi là bánh xe, và chúng ta cần thấy tổng thể cái bánh xe với mục đích hiểu rõ nó. Trong cùng cách như vậy chúng ta phải trực nhận sự tiến hành tổng thể của đang sống nếu chúng ta thực sự muốn hiểu rõ cuộc sống.
Tôi hy vọng bạn đang theo dõi tất cả việc này, bởi vì giáo dục nên giúp bạn hiểu rõ tổng thể cuộc sống và không chỉ chuẩn bị cho bạn có được một công việc làm và tiếp tục sống một cách tầm thường với hôn nhân của bạn, con cái của bạn, bảo hiểm của bạn, những lễ nghi tôn giáo của bạn và những vị thần thánh nhỏ xíu của bạn. Nhưng muốn tạo ra loại giáo dục đúng đắn đòi hỏi nhiều thông minh, thấu triệt, và đó là lý do tại sao rất quan trọng vì sao chính người giáo dục phải được giáo dục để hiểu rõ sự tiến hành tổng thể của cuộc sống và không chỉ dạy bạn theo một công thức nào đó, cũ kỹ hay là mới mẻ.
Cuộc sống là một sự việc bí ẩn lạ thường – nhưng không phải sự bí ẩn trong những quyển sách, không phải sự bí ẩn mà người ta đã nói về nó, nhưng một bí ẩn mà người ta phải khám phá cho chính mình; và đó là lý do tại sao nó là một vấn đề nghiêm trọng để cho bạn hiểu rõ cái nhỏ xíu, cái chật hẹp, cái tầm thường và đi khỏi nó.
Nếu bạn không bắt đầu hiểu rõ cuộc sống trong khi bạn còn nhỏ, bạn sẽ lớn lên đầy xấu xa phía bên trong; bạn sẽ đờ đẫn, trống rỗng phía bên trong, mặc dầu phía bên ngoài bạn có lẽ có tiền bạc, ngồi trong những chiếc xe đắt tiền, khoác một một bộ dạng kênh kiệu. Đó là lý do tại sao rất quan trọng phải lìa bỏ căn phòng nhỏ xíu của bạn và nhìn thấy sự trải rộng vô hạn của những bầu trời. Nhưng bạn không thể làm được việc đó nếu bạn không có tình yêu – không phải là tình yêu xác thịt hay là tình yêu thiêng liêng, nhưng chỉ tình yêu; mà là yêu thương những con chim, những cái cây, những bông hoa, những giáo viên của bạn, cha mẹ của bạn và vượt ngoài cha mẹ của bạn, loài người.
Liệu nó sẽ không là một bi kịch lớn lao nếu bạn không khám phá cho chính mình tình yêu có nghĩa là gì hay sao? Nếu bạn không biết tình yêu lúc này, bạn sẽ không bao giờ biết được nó, bởi vì khi bạn già đi, cái gì được gọi là tình yêu sẽ trở thành một điều gì đó rất xấu xa – một sở hữu, một hình thức của hàng hóa được mua và được bán. Nhưng bắt đầu từ bây giờ nếu bạn có tình yêu trong tâm hồn của bạn, nếu bạn yêu cái cây bạn trồng, con thú lang thang mà bạn vỗ về, vậy thì khi lớn lên bạn sẽ không ở lại căn phòng nhỏ xíu của bạn với cái cửa sổ chật hẹp của nó, nhưng sẽ lìa bỏ nó và yêu thương tổng thể của cuộc sống.
Tình yêu là thật sự, nó không là cảm xúc, một cái gì đó để khóc lóc kêu than; nó không là cảm tính. Tình yêu không có cảm tính. Và bạn phải biết tình yêu là gì trong khi bạn còn bé nhỏ là một vấn đề rất quan trọng và rất nghiêm túc. Cha mẹ và những giáo viên của bạn có lẽ không biết tình yêu, và đó là lý do tại sao họ đã tạo ra một thế giới kinh hoàng, một xã hội liên tục có chiến tranh trong chính nó và với những xã hội khác.
Những tôn giáo, những triết lý và những học thuyết của họ tất cả đều giả dối bởi vì chúng không có tình yêu. Họ nhìn thấy chỉ một phần nhỏ; họ đang nhìn từ một cái cửa sổ chật hẹp mà từ đó phong cảnh có thể dễ chịu và bao quát, nhưng nó không phải là toàn cảnh trải rộng của cuộc sống. Nếu không có sự cảm thấy mạnh mẻ của tình yêu này bạn sẽ không bao giờ có thể có được sự trực nhận về cái tổng thể; vì vậy bạn sẽ luôn luôn đau khổ, và vào cuối cuộc đời bạn sẽ không có gì cả ngoại trừ tro bụi, nhiều từ ngữ trống rỗng.
Người hỏi: Tại sao chúng ta muốn được nổi tiếng?
Krishnamurti: Tại sao bạn nghĩ rằng bạn muốn được nổi tiếng? Tôi có lẽ giải thích: nhưng, khi giải thích xong, liệu bạn có ngừng muốn được nổi tiếng hay không? Bạn muốn được nổi tiếng bởi vì mọi người chung quanh bạn trong xã hội này muốn được nổi tiếng. Cha mẹ của bạn, những giáo viên của bạn, vị đạo sư, người tập yoga – tất cả họ đều muốn được nổi tiếng, có danh vọng và bạn cũng thế.
Chúng ta hãy suy nghĩ việc này cùng nhau nhé. Tại sao người ta lại muốn được nổi tiếng? Trước hết có lợi lộc khi được nổi tiếng; và nó cho bạn nhiều vui thú, phải vậy không? Nếu bạn được cả thế giới biết đến bạn cảm thấy rất quan trọng, và nó cho bạn một cảm giác của lưu danh muôn thuở. Bạn muốn được nổi tiếng, bạn muốn được biết đến và được kể lể khắp thế giới bởi vì chính bạn ở bên trong không có gì cả. Bên trong không có sự phong phú, không có gì cả, vì vậy bạn muốn được biết đến ở thế giới bên ngoài; nhưng, nếu phía bên trong bạn giàu có phong phú, vậy thì nó không đặt thành vấn đề liệu bạn có nổi tiếng hay là không nổi tiếng.
Muốn được phong phú phía bên trong cần nhiều đam mê hơn là muốn được giàu có và nổi tiếng phía bên ngoài; nó cần được chăm sóc nhiều hơn, cần được chú ý kỹ lưỡng hơn. Nếu bạn có một chút ít tài năng và biết cách khai thác nó, bạn trở nên người nổi tiếng; nhưng sự phong phú bên trong không xảy ra theo lối này. Muốn phong phú bên trong cái trí phải hiểu rõ và gạt đi những sự việc không quan trọng, giống như là muốn được nổi tiếng. Sự phong phú phía bên trong ngụ ý là đứng một
mình; nhưng cái con người muốn nổi tiếng sợ hãi đứng một mình bởi vì anh ta lệ thuộc vào sự nịnh nọt và những ý kiến tốt của người khác.
Người hỏi: Khi còn trẻ ông viết một quyển sách trong đó nói rằng: “Đây không là những lời của tôi, đây là những lời của Thầy tôi.” Làm thế nào mà bây giờ ông quả quyết sự suy nghĩ của chúng ta là cho chính chúng ta? Và ai là Thầy của ông?
Krishnamurti: Một trong những sự việc khó khăn nhất trong cuộc sống là không bị trói buộc bởi một ý tưởng; bị trói buộc được gọi là kiên định. Nếu bạn có lý tưởng của không bạo lực, bạn cố gắng kiên định với lý tưởng đó. Bây giờ, người hỏi đang nói có mục đích, “Ông bảo chúng tôi suy nghĩ cho chính chúng tôi, mà trái ngược điều gì ông đã nói khi ông còn là một cậu bé. Tại sao ông lại không kiên định như vậy?”
Kiên định có nghĩa là gì? Đây là một mấu chốt quan trọng. Kiên định là có một cái trí đang tuân theo bền bỉ một khuôn mẫu đặc biệt của suy nghĩ – mà có nghĩa rằng bạn không được làm những sự việc mâu thuẫn nhau, một sự việc ngày hôm nay và một sự việc đối nghịch ngày mai. Chúng ta đang cố gắng tìm ra một cái trí kiên định là gì. Một cái trí mà nói rằng, “Tôi đã giữ lời thề là một cái gì đó và tôi sẽ là cái đó trong suốt cuộc đời của tôi” được gọi là kiên định; nhưng nó thực sự là một cái trí rất ngu xuẩn, bởi vì nó đã đạt đến một kết luận và nó đang sống theo cái kết luận đó. Nó giống như một người đang xây một bức tường quanh chính anh ta và để cuộc sống trôi đi.
Đây là một vấn đề rất phức tạp; tôi có lẽ đã quá đơn giản nó, nhưng tôi không nghĩ như thế. Khi cái trí chỉ ưa kiên định nó trở thành máy móc và mất đi sinh lực, sự rực lửa, cái vẻ đẹp chuyển động tự do. Nó đang vận hành trong một khuôn mẫu. Đó là một phần của câu hỏi.
Phần khác là: người Thầy là ai? Bạn không biết ngụ ý của tất cả những việc này. Nó dễ hiểu thôi. Bạn thấy không, người ta nói rằng tôi đã viết một quyển sách nào đó khi còn nhỏ, và rằng người đàn ông này đã trích dẫn từ quyển sách một câu nói mà nói rằng một người Thầy đã giúp đỡ tôi viết nó. Bây giờ, có
những nhóm người, giống như những nhà thần học, tin rằng có những người Thầy đang sống trong rặng Hi mã lạp sơn xa xôi đang hướng dẫn và giúp đỡ thế giới; và người đàn ông đó muốn biết người Thầy là ai. Hãy lắng nghe cẩn thận, bởi vì việc này cũng có liên quan với bạn nhiều lắm.
Liệu có đặt thành vấn đề rất nhiều ai là một người Thầy hay một vị đạo sư hay không? Điều gì phải lưu tâm là cuộc sống – không phải vị đạo sư của bạn, không phải một người Thầy, một người lãnh đạo hay một người giáo viên mà giải thích cuộc sống giùm bạn. Chính là bạn mà phải hiểu rõ cuộc sống; chính là bạn mà đang chịu đau khổ, mà đang ở trong sầu muộn; chính là bạn mà muốn biết ý nghĩa của sinh tử, của thiền định, của đau khổ, và không một ai có thể chỉ bảo cho bạn được. Những người khác có thể giải thích, nhưng sự giải thích của họ có thể hoàn toàn giả dối, hoàn toàn sai lầm.
Vì vậy nghi ngờ là một điều rất tốt, bởi vì nó cho bạn một cơ hội tìm ra cho chính mình liệu rằng bạn có cần một vị guru hay không? Điều gì quan trọng là hãy là một ngọn đèn cho chính bạn, hãy là người Thầy riêng của bạn và môn đồ riêng của bạn, hãy vừa là giáo viên vừa là người học sinh. Chừng nào bạn còn đang học hỏi, không có người giáo viên. Chỉ khi nào bạn đã ngừng tìm hiểu, ngừng khám phá, ngừng hiểu rõ sự tiến hành tổng thể của cuộc sống, thì lúc đó người giáo viên mới tồn tại – và một người giáo viên như thế đó chẳng có giá trị gì cả. Vậy thì bạn đã chết rồi và vì vậy người giáo viên cũng chết rồi.
Người hỏi: Tại sao con người lại kiêu hãnh?
Krishnamurti: Bạn không kiêu hãnh nếu bạn viết chữ đẹp, khi bạn thắng một trò chơi hay là đậu một kỳ thi nào đó hay sao? Bạn có khi nào viết một bài thơ hay là vẽ một bức tranh, và sau đó khoe với một người bạn hay không? Nếu người bạn của bạn nói rằng nó là một bài thơ hay hoặc là một bức tranh đẹp, bạn không thấy rất hài lòng hay sao? Khi bạn làm một điều gì đó mà một người bạn nói rằng tuyệt vời, bạn cảm thấy một ý thức của hài lòng thích thú, và điều đó được thôi, điều đó tốt; nhưng chuyện gì xảy ra lần sau khi bạn vẽ một bức tranh, hay viết một bài thơ, hay dọn sạch căn phòng? Bạn chờ đợi một
người nào đó xuất hiện và nói rằng bạn là một cậu trai giỏi giang làm sao đâu; và, nếu không ai đến, bạn không còn lưu tâm đến vẽ, hay viết lách, hay lau chùi nữa. Thế là bạn có trạng thái lệ thuộc vào vui thú mà những người khác gây ra cho bạn bởi sự khuyến khích của họ. Nó cũng đơn giản như thế mà thôi. Và sau đó điều gì xảy ra? Khi lớn lên bạn muốn làm điều gì đó được công nhận bởi nhiều người. Bạn có lẽ nói rằng, “Tôi sẽ làm việc này vì lợi ích của của vị đạo sư của tôi, vì lợi ích của quốc gia tôi, vì lợi ích của con người, vì lợi ích của Chúa,” nhưng bạn thực sự đang làm nó để có được sự công nhận, từ việc đó nảy sinh kiêu hãnh; và khi bạn làm bất kỳ điều gì theo lối này, nó không xứng đáng để làm. Tôi tự hỏi không biết bạn có hiểu rõ tất cả việc này hay không?
Muốn hiểu rõ một điều gì đó giống như là kiêu hãnh, bạn phải có khả năng suy nghĩ thấu suốt; bạn phải nhìn thấy nó bắt đầu như thế nào và cái thảm họa nó mang lại, nhìn thấy được toàn bộ điều đó, mà có nghĩa rằng bạn phải thực sự thích thú đến độ cái trí của bạn theo dõi nó đến khi kết thúc và không ngừng lại giữa đường. Khi bạn thực sự thích thú một trò chơi bạn chơi cho đến khi kết thúc, bạn không bất thình lình ngắt ngang giữa chừng và đi về nhà. Nhưng cái trí của bạn không quen với cái loại suy nghĩ này, và chính chức năng của giáo dục là giúp đỡ bạn tìm được sự tiến hành tổng thể của cuộc sống và không chỉ học một vài môn học.
Người hỏi: Khi còn là những đứa bé chúng ta đã được chỉ bảo điều gì là đẹp đẽ và điều gì là xấu xa, với kết quả rằng suốt cuộc đời chúng ta luôn luôn lặp lại, “Cái này đẹp, cái kia xấu.” Làm thế nào người ta biết thực sự cái gì là đẹp đẽ và cái gì là xấu xí?
Krishnamurti: Giả sử bạn nói rằng một mái vòm nào đó đẹp đẽ, và người nào đó nói nó xấu xí. Bây giờ, điều gì là quan trọng: tranh đấu với những quan điểm xung đột của các bạn về vấn đề liệu rằng cái gì đó là đẹp đẽ hay là xấu xí, hay là nhạy cảm với cả đẹp đẽ và xấu xí? Trong cuộc sống có những bẩn thỉu, khu nhà ổ chuột, thối rữa, đau khổ, những giọt nước mắt và cũng có cả niềm vui, tiếng cười, vẻ đẹp của một bông hoa
dưới ánh mặt trời. Chắc chắn, điều gì phải lưu tâm là nhạy cảm với mọi thứ, chứ không chỉ quyết định cái gì đẹp đẽ và cái gì xấu xí rồi khư khư cái ý kiến đó. Nếu tôi nói rằng, “Tôi sẽ vun quén vẻ đẹp và loại bỏ tất cả xấu xa,” điều gì xảy ra? Rồi thì sự vun quén vẻ đẹp dẫn đến vô cảm. Nó giống như một con người đang tập luyện cánh tay phải của anh ta, làm cho nó rất mạnh mẽ, và lại để cánh tay trái của anh ta yếu ớt đi. Vì vậy bạn phải thức tỉnh đến sự xấu xí cũng như sự đẹp đẽ. Bạn phải nhìn thấy được những chiếc lá đang nhảy múa, dòng nước đang chảy dưới cây cầu, vẻ đẹp của một buổi chiều tối, và cũng vậy ý thức được người ăn mày trên đường phố; bạn phải nhìn thấy được người phụ nữ cơ cực đang vật lộn với một đống hàng hoá nặng nề và sẵn lòng giúp đỡ bà ta, chìa tay bạn ra. Tất cả việc này là cần thiết, và chỉ khi nào bạn có tánh nhạy cảm đến mọi sự việc thì bạn mới có thể bắt đầu làm việc, giúp đỡ và không còn chối từ hay là khinh miệt.
Người hỏi: Xin lỗi, nhưng ông đã không nói ai là Thầy của ông?
Krishnamurti: Điều đó có đặt thành vấn đề nhiều lắm không? Đốt quyển sách đi, quăng nó đi. Khi bạn trao sự quan trọng vào một cái gì đó thật tầm thường như ai là người Thầy, bạn đang làm toàn bộ hiện hữu thành một công việc rất nhỏ nhoi. Bạn thấy không, chúng ta luôn luôn muốn biết người Thầy là ai, người có học thức kia là ai, hoạ sĩ vẽ bức tranh đó là ai. Chúng ta không bao giờ muốn khám phá cho chính mình nội dung của bức tranh nếu không biết nhận dạng của người hoạ sĩ. Chỉ khi nào bạn biết được ai là người thi sĩ thì lúc đó bạn mới nói rằng bài thơ đó tuyệt vời. Điều này thật là kênh kiệu, sự lặp lại thuần tuý của một quan điểm, và nó hủy hoại trực nhận phía bên trong riêng của bạn về sự thật của sự vật. Nếu bạn nhận thấy rằng bức tranh đó đẹp và bạn cảm thấy rất hài lòng, liệu nó có đặt thành vấn đề với bạn là ai vẽ bức tranh đó hay không? Nếu sự quan tâm của bạn là tìm ra nội dung, sự thật của bức tranh, vậy thì bức tranh chuyển tải ý nghĩa của
Chương 7: Tham vọng
Chúng ta đã thảo luận sự cần thiết phải có tình yêu, và chúng ta đã thấy rằng người ta không thể nào tìm kiếm hay mua nó được; tuy vậy nếu không có tình yêu, tất cả những kế hoạch của chúng ta để có một trật tự xã hội hoàn hảo mà trong đó không có sự bóc lột, không có những cơ cấu luật pháp, sẽ không có ý nghĩa gì cả, và tôi nghĩ rằng rất cần thiết phải hiểu rõ việc này trong khi chúng ta còn nhỏ.
Bất kỳ nơi nào người ta đi trên thế giới, không đặt thành vấn đề nơi nào, người ta thấy rằng xã hội luôn ở trong tình trạng xung đột liên tục. Luôn luôn có những người có quyền lực, những người giàu có, những người sung túc ở phía bên này, và những người lao động ở phía bên kia; và mỗi một người đang ganh đua một cách ghen tị, mỗi một người đều muốn một vị trí cao hơn, đồng lương lớn hơn, quyền hành nhiều hơn, thanh danh nhiều hơn. Đó là tình trạng của thế giới, và vì vậy luôn luôn có chiến tranh xảy ra cả bên trong lẫn bên ngoài.
Bây giờ, nếu bạn và tôi muốn tạo ra một cuộc cách mạng hoàn toàn trong trật tự của xã hội, việc đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ là cái bản năng muốn thu thập quyền hành này. Hầu hết chúng ta đều muốn quyền hành trong một hình thức này hay một hình thức khác. Chúng ta thấy rằng qua giàu có và quyền hành chúng ta sẽ có thể đi du lịch, hợp tác với những người quan trọng và trở nên nổi tiếng; hay là chúng ta mơ mộng về việc tạo ra một xã hội hoàn chỉnh. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ hoàn thành được tốt lành qua quyền hành; nhưng chính sự theo đuổi quyền hành – quyền hành cho chính chúng ta, quyền hành cho quốc gia chúng ta, quyền hành cho một học thuyết – là tội lỗi, huỷ diệt, bởi vì rõ ràng nó tạo ra những quyền hành đối nghịch, và vì vậy luôn luôn có xung đột.
Vậy thì, nó không đúng hay sao, rằng là giáo dục phải giúp đỡ bạn, khi bạn lớn lên, nhận thức được sự quan trọng khi tạo ra một thế giới trong đó không còn xung đột cả phía bên trong
lẫn phía bên ngoài, một thế giới trong đó bạn không còn xung đột với người hàng xóm của bạn hay là với bất kỳ nhóm người nào bởi vì sự thôi thúc của tham vọng, mà là sự ham muốn vị trí và quyền hành, hoàn toàn chấm dứt? Và liệu có thể tạo ra một xã hội trong đó sẽ không có xung đột cả phía bên trong lẫn phía bên ngoài, hay không? Xã hội là sự liên hệ giữa bạn và tôi; và nếu sự liên hệ của chúng ta đặt nền tảng vào tham vọng, mỗi một người trong chúng ta muốn có quyền hành nhiều hơn người khác, vậy là rõ ràng chúng ta luôn luôn ở trong xung đột. Vì vậy nguyên nhân của xung đột này có thể xoá bỏ được hay không? Liệu tất cả chúng ta có thể giáo dục chính mình không ganh đua, không so sánh chính chúng ta với một người nào đó, không muốn chức vụ này hay chức vụ kia – nói cách khác, không tham vọng gì cả hay không?
Khi bạn đi ra ngoài trường học với cha mẹ của bạn, khi bạn đọc báo chí hay nói chuyện với con người, bạn chắc là đã nhận thấy rằng hầu hết mọi người đều muốn tạo ra một sự thay đổi trong thế giới. Và bộ bạn không nhận thấy rằng chính những người này lại luôn luôn xung đột với nhau về một điều này hay điều kia – về những lý tưởng, tài sản, chủng tộc, giai cấp hoặc tôn giáo hay sao? Cha mẹ của bạn, những người hàng xóm của bạn, ông bộ trưởng và những viên chức chính quyền – liệu rằng tất cả họ không tham vọng, đấu tranh để có một vị trí tốt hơn, và vì vậy luôn luôn xung đột với người khác hay sao? Chắc chắn rằng, chỉ khi nào tất cả những trạng thái ganh đua này được xóa đi thì sẽ có một xã hội hoà bình trong đó tất cả chúng ta đều sống đầy hạnh phúc, đầy sáng tạo.
Bây giờ, làm thế nào việc này có thể thực hiện được? Liệu rằng những quy định, luật pháp hay là công việc rèn luyện cái trí của bạn không còn tham vọng, xoá sạch tham vọng được không? Phía bên ngoài bạn có lẽ được huấn luyện không tham vọng, thuộc về xã hội bạn có thể chấm dứt ganh đua với những người khác; nhưng ở phía bên trong bạn vẫn còn tham vọng, phải vậy không? Và liệu rằng bạn có thể quét sạch hoàn toàn tham vọng này, mà đang mang lại quá nhiều đau khổ cho những con người hay không? Có lẽ bạn không suy nghĩ về điều
này trước kia, bởi vì không ai bảo cho bạn như thế này; nhưng bây giờ khi có một người nào đó đang nói cho bạn về nó, bộ bạn không muốn tìm ra liệu rằng có thể sống trong thế giới này một cách phong phú, tràn đầy, hạnh phúc, sáng tạo mà không có sự thôi thúc hủy hoại của tham vọng, mà không có ganh đua hay sao? Bộ bạn không muốn biết làm thế nào để sống, để cho cuộc sống của bạn sẽ không hủy hoại những người khác hay phủ một cái bóng trên đường đi của người ấy hay sao?
Bạn thấy đó, chúng ta nghĩ rằng đây là một giấc mộng không tưởng không bao giờ có thể tạo ra được trong thực tế; nhưng tôi không đang nói về một điều không tưởng, mà sẽ là vô lý. Liệu rằng bạn và tôi, những con người đơn giản, bình thường, có thể sống đầy sáng tạo trong thế giới này mà không có sự thôi thúc của tham vọng được bộc lộ trong nhiều cách khác nhau như là ham muốn quyền hành, chức vụ hay không? Bạn sẽ tìm ra được câu trả lời đúng đắn khi bạn yêu thích cái gì bạn đang làm. Nếu bạn là một kỹ sư chỉ bởi vì bạn phải kiếm sống, hay là bởi vì người cha hay xã hội của bạn mong đợi bạn làm công việc đó, đó là một hình thức khác của cưỡng bách; và cưỡng bách trong bất kỳ hình thức nào đều tạo ra một mâu thuẫn, xung đột. Trái lại, nếu bạn thực sự yêu thích là một kỹ sư, một nhà khoa học, hay là nếu bạn có thể trồng một cái cây, vẽ một bức tranh, viết một bài thơ, không phải để có được sự công nhận nhưng chỉ vì bạn yêu thích công việc đó, vậy thì bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn không bao giờ ganh đua với ai cả. Tôi nghĩ rằng đây là cái chìa khoá thực sự: yêu thích cái gì bạn làm.
Nhưng khi còn nhỏ thông thường rất khó khăn để biết bạn yêu thích làm cái gì, bởi vì bạn muốn làm quá nhiều sự việc. Bạn muốn làm một kỹ sư, một tài xế xe lửa, một phi công đang bay lượn trên bầu trời xanh; hay có lẽ bạn muốn là một nhà diễn thuyết hoặc một nhà chính trị nổi tiếng. Bạn có lẽ muốn là một hoạ sĩ, một nhà hóa học, một nhà thơ hay một người thợ mộc. Bạn có lẽ muốn làm việc bằng trí óc của bạn, hay là công việc gì đó bằng đôi tay của bạn. Liệu rằng cái công việc này bạn thực sự yêu thích làm, hay sự thích thú của bạn trong chúng chỉ là một đáp ứng đến những áp lực của xã hội? Làm thế nào bạn
có thể tìm ra được? Và không phải mục đích của giáo dục là giúp đỡ bạn tìm ra, để cho khi lớn lên bạn có thể bắt đầu trao toàn cái trí, tâm hồn và thân thể của bạn đến công việc mà bạn thực sự yêu thích làm hay sao?
Tìm ra công việc gì bạn yêu thích làm đòi hỏi nhiều thông minh; bởi vì, nếu bạn sợ rằng không thể kiếm sống được, hay sợ rằng không phù hợp vào cái xã hội thối nát này, vậy thì bạn sẽ không bao giờ tìm ra được. Nhưng, nếu bạn không kinh hãi, nếu bạn khước từ bị đẩy vào cái khe rãnh của truyền thống bởi cha mẹ của bạn, bởi những giáo viên của bạn, bởi những đòi hỏi giả tạo hời hợt của xã hội, vậy thì có một khả năng khám phá ra bạn thực sự yêu thích làm công việc gì. Vì vậy, muốn khám phá, phải không còn sợ hãi không tồn tại được.
Nhưng hầu hết chúng ta đều sợ hãi không tồn tại được, chúng ta nói rằng, “Việc gì sẽ xảy ra cho tôi nếu tôi không làm như cha mẹ tôi bảo, nếu tôi không phù hợp vào cái xã hội này?” Bị sợ hãi, chúng ta làm công việc gì chúng ta được chỉ bảo, và trong đó không còn tình yêu, chỉ còn mâu thuẫn; và mâu thuẫn phía bên trong này là một trong những yếu tố tạo ra tham vọng hủy diệt.
Vì vậy, chính chức năng căn bản của giáo dục là giúp đỡ bạn tìm ra được bạn thực sự yêu thích làm công việc gì, để rồi bạn có thể trao toàn thân tâm cho nó, bởi vì điều đó tạo ra sự cao quí của con người, mà quét sạch đi sự tầm thường, cái tinh thần tập tục nhỏ nhoi. Đó là lý do tại sao có những người giáo viên đúng đắn, bầu không khí thích hợp là rất quan trọng, để cho bạn sẽ lớn lên với tình yêu mà tự thể hiện trong công việc gì bạn đang làm. Nếu không có tình yêu này thì những kỳ thi của bạn, hiểu biết của bạn, những khả năng của bạn, vị trí của bạn và những sở hữu của bạn đều giống như tro bụi, chúng không có ý nghĩa gì cả; nếu không có tình yêu này những hành động của bạn sẽ tạo thêm nhiều cuộc chiến tranh, nhiều hận thù, nhiều tổn thương và hủy diệt.
Tất cả điều này có lẽ chẳng có ý nghĩa gì với bạn, bởi vì phía bên ngoài bạn vẫn còn rất trẻ, nhưng tôi hy vọng rằng nó
sẽ có ý nghĩa nào đó cho những giáo viên của bạn – và cũng cho bạn, một nơi nào đó ở phía bên trong.
Người hỏi: Tại sao ông cảm thấy ngượng ngùng?
Krishnamurti: Bạn biết không, không là ai cả là một sự việc lạ lùng trong cuộc sống – không phải để nổi tiếng hay vĩ đại, không phải để là một người rất có học thức, không phải để là một người đổi mới hay là một người cách mạng vĩ đại, chỉ không là ai cả; và khi người ta thực sự cảm thấy theo cách đó, đột nhiên bị vây quanh bởi nhiều người tò mò tạo ra một cảm giác của rút lui. Đó là tất cả.
Người hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra chân lý trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta?
Krishnamurti: Bạn nghĩ rằng chân lý là một sự việc và cuộc sống hàng ngày của bạn là một sự việc khác, và trong cuộc sống hàng ngày bạn muốn nhận ra một điều gì mà bạn gọi là chân lý. Nhưng chân lý tách rời cuộc sống hàng ngày hay sao? Khi bạn lớn lên bạn sẽ phải kiếm sống, phải vậy không? Rốt cuộc ra, đó là lý do tại sao bạn đang đậu những kỳ thi của bạn: chuẩn bị cho bạn kiếm sống. Nhưng nhiều người không thèm lưu tâm đến lãnh vực làm việc mà họ phải tham gia chừng nào họ còn đang kiếm được một số tiền nào đó. Chừng nào họ còn có một công việc làm nó không đặt thành vấn đề với họ dù rằng là một người lính, một người cảnh sát, một luật sư hay một loại người kinh doanh ma mãnh nào đó.
Bây giờ, tìm ra sự thật của điều gì cấu thành phương tiện kiếm sống đúng đắn là quan trọng, phải vậy không? Bởi vì chân lý ở trong cuộc sống của bạn, không phải tách rời khỏi nó. Cái cách bạn nói chuyện, điều gì bạn nói, cái cách bạn cười, liệu rằng bạn có lừa gạt, đùa giỡn với mọi người – tất cả cái đó là chân lý trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Vì vậy, trước khi bạn trở thành một người lính, một người cảnh sát, một luật sư hay là một người kinh doanh nhạy bén, bộ bạn không nhận thức được sự thật của những nghề nghiệp này hay sao? Chắc chắn, nếu bạn không thấy được sự thật của công việc gì bạn làm và
được hướng dẫn bởi sự thật đó, cuộc sống của bạn trở thành một đống hỗn độn xấu xa.
Chúng ta hãy xem xét cái vấn đề liệu rằng bạn có nên trở thành một người lính hay không, bởi vì những nghề nghiệp còn lại hơi phức tạp hơn. Ngoại trừ việc tuyên truyền và điều gì người khác nói, sự thật liên quan đến nghề nghiệp của người lính là gì? Nếu một người trở thành một người lính nó có nghĩa là anh ta phải chiến đấu bảo vệ quốc gia của anh ta, anh ta phải kỷ luật cái trí không được suy nghĩ nhưng vâng lời. Anh ta phải chuẩn bị giết người hay là bị giết – vì việc gì? Vì một ý tưởng mà một người nào đó, vĩ đại hay tầm thường, đã nói là đúng. Vì vậy bạn trở thành một người lính với mục đích hy sinh chính bản thân mình và giết những người khác. Đó là một nghề nghiệp đúng đắn hay sao? Đừng hỏi người nào khác, nhưng hãy tìm ra cho chính mình sự thật của vấn đề. Bạn được người ta bảo giết chóc vì một điều không tưởng tuyệt vời nào đó trong tương lai – như thể người đó biết tất cả về tương lai! Bạn nghĩ rằng giết chóc là một nghề nghiệp đúng đắn, dù rằng nó là cho quốc gia của bạn hay cho một tôn giáo có tổ chức nào đó? Giết chóc luôn luôn đúng hay sao?
Vì vậy nếu bạn muốn khám phá chân lý trong sự tiến hành mãnh liệt đó mà là cuộc sống riêng của bạn, bạn sẽ phải tìm hiểu sâu sắc tất cả những việc này; bạn sẽ phải trao toàn thân tâm của bạn cho nó. Bạn sẽ phải suy nghĩ độc lập, rõ ràng, không thành kiến vì chân lý không tách rời cuộc sống, chân lý ở trong chính cái chuyển động thuộc cuộc sống hàng ngày của bạn.
Người hỏi: Những hình ảnh, những người Thầy và những vị thánh không giúp chúng ta thiền định đúng hay sao?
Krishnamurti: Bạn có biết thiền định đúng là gì hay không? Bộ bạn không muốn khám phá cho chính mình sự thật của vấn đề hay sao? Và bạn sẽ khám phá được sự thật đó nếu bạn chấp nhận cái uy quyền chỉ bảo rằng thiền định đúng là gì à?
Đây là một câu hỏi rộng lớn. Muốn khám phá ra nghệ thuật của thiền định bạn phải hiểu rõ toàn bộ chiều sâu và hơi thở
của sự tiến hành lạ lùng này được gọi là suy nghĩ. Nếu bạn chấp nhận một uy quyền nào đó nói rằng, “Thiền định theo phương pháp này,” bạn chỉ là một người tuân theo, một người đầy tớ mù quáng của một hệ thống hay là một ý tưởng. Sự chấp nhận uy quyền của bạn được đặt nền tảng vào niềm hy vọng để được một kết quả, và đó không là thiền định.
Người hỏi: Bổn phận của một học sinh là gì?
Krishnamurti: Từ ngữ “bổn phận” có nghĩa là gì? Bổn phận với cái gì? Bổn phận với quốc gia của bạn tuỳ theo một chính trị gia phải không? Bổn phận đối với cha và mẹ của bạn tuỳ theo những ước muốn của họ phải không? Họ sẽ nói rằng đó là bổn phận của bạn phải làm như họ chỉ bảo; và điều gì họ chỉ bảo bị quy định bởi cái nền tảng quá khứ của họ, truyền thống của họ, và vân vân. Và một học sinh là gì? Đó là một cậu trai hay một cô gái đi học và đọc một vài quyển sách với mục đích đậu một kỳ thi nào đó hay sao? Hay anh ta là một học sinh luôn luôn học hỏi và vì vậy không có sự kết thúc của học hỏi? Chắc chắn rằng, người mà chỉ thông suốt một môn học, đậu một kỳ thi, và sau đó bỏ nó, không là một học sinh. Người học sinh thực sự đang nghiên cứu, đang học hỏi, đang tìm hiểu, đang khám phá, không chỉ đến khi anh ta hai mươi tuổi hay là hai mươi lăm tuổi, nhưng suốt cuộc đời.
Là một học sinh là luôn luôn học hỏi; và chừng nào bạn còn đang học hỏi, không có giáo viên, đúng vậy không? Khoảnh khắc bạn là một học sinh không có một người đặc biệt nào đó dạy bảo bạn, bởi vì bạn đang học hỏi từ mọi thứ. Chiếc lá bị thổi đi bởi cơn gió, tiếng rì rầm của những dòng nước vỗ vào hai bờ sông, đường bay của một con chim vút cao trên không trung, người đàn ông nghèo khổ đi ngang qua đang vác một bó nặng trên vai, những con người mà nghĩ rằng họ biết mọi thứ về cuộc sống – bạn đang học hỏi từ tất cả sự vật và sự việc, vì vậy không có người giáo viên và bạn không phải là người đi theo.
Vì vậy bổn phận của một học sinh là chỉ học hỏi. Hồi trước có một hoạ sĩ nổi tiếng ở Tây ban nha có tên là Goya. Ông ấy là một trong những người vĩ đại, và khi ông ấy rất già ông ấy viết bên dưới một trong những bức hoạ của ông, “Tôi vẫn còn đang
học hỏi.” Bạn có thể học hỏi từ những quyển sách, nhưng chúng không dẫn bạn đi xa lắm đâu. Một quyển sách chỉ có thể cho bạn biết điều gì tác giả phải nói ra. Nhưng học hỏi có được qua sự hiểu rõ về chính mình không có giới hạn, bởi vì học hỏi qua sự hiểu rõ riêng của bạn là học cách lắng nghe, cách quan sát, và thế là bạn học từ mọi thứ: từ âm nhạc, từ sự giận dữ, tham lam, tham vọng.
Quả đất này là của chúng ta, nó không thuộc về những người cộng sản, những người xã hội hay những người tư bản; nó là quả đất của bạn và của tôi, chúng ta phải được sống trên nó đầy hạnh phúc, đầy phong phú, không có xung đột. Nhưng sự phong phú của cuộc sống đó, hạnh phúc đó, cảm thấy đó, “Quả đất này là của chúng ta,” không thể được tạo ra bởi sức mạnh, bởi luật pháp. Nó phải đến từ bên trong bởi vì chúng ta yêu quả đất và tất cả sự vật của nó; và đó là trạng thái học hỏi.
Người hỏi: Sự khác biệt giữa kính trọng và tình yêu là gì?
Krishnamurti: Bạn có thể tìm định nghĩa từ ngữ “kính trọng” và “tình yêu” trong từ điển và có được câu trả lời. Đó có phải là điều gì bạn muốn biết hay không? Có phải bạn muốn biết nghĩa lý hời hợt của những từ ngữ này, hay ý nghĩa đằng sau chúng?
Khi một người nổi tiếng đến, một ông bộ trưởng hay một ông thống đốc, bạn có thấy mọi người chào ông ta như thế nào hay không? Bạn gọi đó là kính trọng phải không? Nhưng kính trọng như thế thì giả tạo, bởi vì núp sau nó là sợ hãi, tham lam. Bạn muốn một cái gì đó từ con người tội nghiệp đó, vì vậy bạn đặt một vòng hoa quanh cổ ông ấy. Đó không là kính trọng, nó chỉ là đồng tiền cắc mà bạn mua và bán ngoài chợ. Bạn không thấy kính trọng người hầu của bạn hay người dân làng, nhưng chỉ kính trọng những người mà bạn hy vọng có được một cái gì đó. Cái loại kính trọng đó thực sự là sợ hãi; nó không là kính trọng gì cả, nó không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu bạn thực sự có tình yêu trong quả tim của bạn, vậy thì với bạn người thống đốc, người giáo viên, người hầu, người dân làng đều như nhau; vậy thì bạn có sự kính trọng, một cảm thấy cho tất cả họ, bởi vì tình yêu không đòi hỏi bất kỳ cái gì đáp trả lại.
Chương 8: Suy nghĩ có trật tự
Trong số quá nhiều sự việc khác nhau trong cuộc sống, bạn có khi nào suy xét tại sao hầu hết mọi người trong chúng ta đều khá cẩu thả – cẩu thả trong cách ăn mặc của chúng ta, trong cách cư xử của chúng ta, trong tư tưởng của chúng ta, trong cách chúng ta làm mọi sự việc? Tại sao chúng ta không đúng giờ và, vì vậy, không để ý đến những người khác? Và điều gì tạo ra trật tự trong mọi thứ, trật tự trong cách ăn mặc của chúng ta, trong tư tưởng của chúng ta, trong câu nói của chúng ta, trong cách chúng ta đi, trong cách chúng ta cư xử với những người bất hạnh hơn chúng ta? Điều gì tạo ra cái trật tự lạ lùng này mà có được không do cưỡng bách, không do lên kế hoạch, không do ý định? Bạn có khi nào suy xét việc này chưa? Bạn có biết tôi muốn nói gì qua từ ngữ trật tự không? Đó là ngồi yên lặng mà không có áp lực, ăn uống từ tốn không vội vàng, hành động thư thả mà lại rõ ràng, chính xác trong suy nghĩ nhưng vẫn khoáng đạt. Điều gì tạo ra trật tự này trong cuộc sống? Đó thực sự là một vấn đề rất quan trọng, và tôi nghĩ rằng, nếu người ta có thể được giáo dục để khám phá ra cái nhân tố sinh ra trật tự, nó sẽ có ý nghĩa lớn lao lắm.
Chắc chắn rằng, trật tự chỉ hiện hữu qua đạo đức; vì nếu bạn không có đạo đức, không chỉ trong những sự việc nhỏ bé, nhưng trong tất cả mọi sự việc, cuộc sống của bạn trở thành hỗn loạn, phải vậy không? Đạo đức có rất ít ý nghĩa trong chính nó; nhưng bởi vì bạn đạo đức nên có sự rõ ràng trong suy nghĩ của bạn, trật tự trong toàn thân tâm của bạn, và đó là sự vận hành của đạo đức.
Nhưng điều gì xảy ra khi một người cố gắng để trở nên đạo đức, khi anh ta kỷ luật chính anh ta để tử tế, có hiệu quả, đầy ý tứ, ân cần, khi anh ta gắng sức không làm tổn thương người khác, khi anh ta tiêu phí hết năng lượng của anh ta trong nỗ lực thiết lập trật tự, trong đấu tranh để tốt lành? Những nỗ lực của
anh ta chỉ dẫn đến được kính trọng, mà tạo ra sự tầm thường của cái trí; vì vậy anh ta không đạo đức gì cả.
Bạn có khi nào quan sát kỹ càng một bông hoa hay chưa? Nó rõ ràng thật kinh ngạc, với tất cả cánh hoa của nó; tuy vậy vẫn có một hòa nhã lạ thường, một hương thơm, một vẻ đẹp. Bây giờ, khi một người cố gắng để có trật tự, cuộc sống của anh ta có lẽ rất rõ ràng, nhưng nó đã mất đi chất lượng hòa nhã đó mà chỉ hiện hữu khi nào, giống như một bông hoa, không còn nỗ lực. Vì vậy sự khó khăn của chúng ta là rõ ràng, trong sáng, khoáng đạt mà không có nỗ lực.
Bạn thấy không, nỗ lực để có trật tự hay ngăn nắp có một ảnh hưởng hạn hẹp như thế đó. Nếu tôi cố gắng có dụng ý để tạo ra trật tự trong căn phòng của tôi, nếu tôi cẩn thận đặt mọi thứ vào đúng vị trí của nó, nếu tôi luôn luôn đang canh chừng chính tôi, nơi nào tôi đặt bàn chân, và vân vân, điều gì xảy ra? Tôi trở thành một con người nhàm chán không chịu nỗi cho chính tôi và cho những người khác. Chính là con người chán chường đang luôn luôn cố gắng để là một điều gì đó, người mà những suy nghĩ của họ đã được sắp xếp cẩn thận, người mà lựa chọn một suy nghĩ thích hợp hơn một suy nghĩ khác. Một người như thế có lẽ rất ngăn nắp rõ ràng, anh ta có lẽ sử dụng những từ ngữ chính xác, anh ta có lẽ rất chú ý và ân cần, nhưng anh ta đã mất đi niềm vui sáng tạo khi đang sống.
Vì vậy, vấn đề là gì? Làm thế nào người ta có thể có được niềm vui sáng tạo này khi đang sống, trải ra trong cảm thấy của người ta, cởi mở trong suy nghĩ của người ta, và tuy nhiên vẫn rõ ràng, trong sáng, trật tự trong cuộc sống của người ta? Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều không giống như thế bởi vì chúng ta không bao giờ cảm thấy bất kỳ điều gì mãnh liệt, chúng ta không bao giờ hoàn toàn trao toàn tâm hồn và cái trí của chúng ta đến bất kỳ cái gì. Tôi nhớ có lần quan sát hai con sóc màu đỏ, với cái đuôi dài rậm rạp và bộ lông mượt mà đang rượt đuổi nhau lên xuống một cây cao trong khoảng mười phút mà không ngừng nghỉ – chỉ vì niềm hân hoan khi đang sống. Nhưng bạn và tôi không thể biết được niềm hân hoan đó nếu chúng ta không có cảm thấy sâu sắc những sự việc đó, nếu không có
"""