" Nghệ Thuật Tối Giản - Có Ít Đi, Sống Nhiều Hơn PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghệ Thuật Tối Giản - Có Ít Đi, Sống Nhiều Hơn PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo THÔNG TIN EBOOK Tên sách: Nghệ thuật tối giản Nguyên tác: L'art de la Simplicité: How to Live More with Less Tác giả: Dominique Loreau Dịch giả: Alex Tu NXB: NHÀ XUẤT HỒNG ĐỨC MỤC LỤC GIỚI THIỆU Phần I CHỦ NGHĨA VẬT CHẤT VÀ CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN 1. SỰ DƯ THỪA VẬT CHẤT Gánh nặng của đồ đạc Tại nhà: Nói không với sự lộn xộn Đồ vật: Giữ cái gì và bỏ cái gì? Tủ quần áo: Sự giản dị có phong cách 2. LỜI CA NGỢI DÀNH CHO CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN Thời Gian: Lãng Phí Ít Đi, Sử Dụng Nhiều Hơn Đừng để tiền làm chủ đời ta 3. ĐẠO ĐỨC VÀ MỸ HỌC Đẹp là một nhu cầu Trật tự “ít hóa nhiều” và sự sạch sẽ Phần II CƠ THỂ 1. CÁI ĐẸP Tìm kiếm hình ảnh của chính bạn Giải phóng cơ thể: giấc ngủ và những liệu pháp khác 2. CÁCH CHĂM SÓC SẮC ĐẸP CHO NGƯỜI TỐI GIẢN Làn da, mái tóc và móng Không còn những tạp chất Không còn những tạp chất Thể dục mà không cần phòng tập 3. ĂN ÍT HƠN, NHƯNG HỢP LÝ HƠN Ăn quá nhiều Bữa ăn: Đơn giản mà chất lượng Ăn để giải độc: Một vài gợi ý và nhắc nhở Làm thế nào để đói Phần III TÂM TRÍ 1. HỆ SINH THÁI NỘI TẠI CỦA CON NGƯỜI Một tâm hồn thuần khiết hơn Tự kiểm soát: Tất cả nằm trong tâm trí Chánh niệm và thiền 2. NHỮNG NGƯỜI KHÁC Tối giản các mối quan hệ Được là chính mình Lòng vị tha và sự cô đơn 3. MÀI GIŨA BẢN THÂN NHƯ MỘT HÒN SỎI Hãy sẵn sàng thay đổi Đọc và viết Rèn luyện và kỷ luật Tiết kiệm năng lượng KẾT LUẬN Giới Thiệu L'art de la Simplicité Sinh ra và lớn lên tại Pháp, nhưng vì luôn tò mò về những đất nước khác trên thế giới, tôi đã quyết tâm đi đây đi đó trong những năm tháng sinh viên. Mười chín tuổi, tôi làm trợ giảng tại Anh và hai mươi bốn tuổi, tôi theo học đại học tại Missouri, Mỹ. Tôi cũng khám phá gần như toàn bộ các bang khác của Mỹ, cùng với Canada, Mexico và các nước Trung Mỹ. Khi tham quan Vườn Trà Nhật Bản tại công viên Cổng Vàng của San Francisco, tôi tha thiết muốn tìm ra cội nguồn của vẻ đẹp tuyệt vời ấy. Vậy là tôi tới Nhật Bản, một đất nước luôn cuốn hút tôi đến mức không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Tôi đến Nhật Bản và ở lại đó. Việc trải nghiệm hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau gợi lên sự tự vấn không ngừng trong tôi. Tôi bắt đầu tìm kiếm một cách sống hoàn hảo. Và bằng quá trình loại bỏ dần dần, tôi bắt đầu hiểu rằng theo đuổi sự giản dị là con đường đúng đắn dành cho mình, để sống thoải mái và có một tâm hồn thanh thản. Tại sao lại là Nhật Bản? Tôi thường được hỏi khi kể với mọi người rằng mình đã sống ở đây hơn ba mươi năm. Và cũng như tất cả những người đã chọn Nhật Bản là quê hương thứ hai, tôi trả lời: Nhật Bản là niềm say mê, là sự cần thiết sâu thẳm trong tim. Tôi cảm thấy dễ chịu, bị mê hoặc, thậm chí cho đến tận bây giờ, bởi viễn cảnh mỗi ngày là một khám phá thú vị mới. Trong nhiều năm, tôi luôn bị Thiền Nhật Bản và các hình thức biểu thị của nó như tranh thủy mặc, đền đài, những khu vườn, suối nước nóng, nghệ thuật nấu ăn, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản (ikebana)... lôi cuốn. Tôi quả thực rất may mắn, khi sớm được gặp một bậc thầy về tranh thủy mặc (sumi-e) và dành trọn mười năm để học hỏi không chỉ về nghệ thuật tranh thủy mặc nói riêng mà còn về quan niệm rất Nhật Bản đằng sau môn nghệ thuật ấy: thái độ chấp nhận tất cả những gì cuộc sống ban tặng mà không cần phải phê phán, phân tích hay giải thích. Nói một cách đơn giản, tranh thủy mặc là một sự thể hiện của cách sống Thiền. Tôi dạy tiếng Pháp tại một viện đại học Phật giáo và tham gia một khóa tu tập tại Thiền viện Aichi Senmon Niso-do ở Nagoya. Khi rời khỏi đó, tôi mới hiểu hơn bao giờ hết, đằng sau nét hiện đại của đất nước, vẻ bề ngoài công nghệ cao là một triết lý sống được truyền từ đời xưa, thấm nhuần trong mọi khía cạnh của cuộc sống tại Nhật Bản đến từng chi tiết nhỏ bé nhất. Càng hiểu về nước Nhật, tôi càng nhận thức được tính tích cực và giá trị bồi đắp của sự giản dị: một nguyên tắc mà những triết gia cổ điển, những vị thánh Cơ Đốc giáo, các đại sư Phật giáo và những vị hiền triết Ấn Độ đã nỗ lực truyền bá hàng thế kỷ, để chúng ta có thể sống tự do mà không bị gò bó bởi định kiến, áp lực và gánh nặng đang làm sao nhãng sự tập trung của chúng ta, gây ra các hội chứng căng thẳng. Sự giản dị mang đến giải pháp để giải quyết rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, học cách sống đơn giản lại không hề đơn giản chút nào. Tôi đã trải nghiệm một quá trình biến đổi dần dần, nhu cầu sống một cuộc sống với ít vật dụng hơn ngày một tăng lên và bù lại, tôi cảm thấy mình nhẹ nhõm hơn, tự do hơn, cơ động hơn và, tất nhiên, tinh tế hơn. Từng chút một, tôi nhận ra rằng khi giảm bớt hành trang, những gì tôi đã bỏ lại dường như càng ít quan trọng đi. Chúng ta thật sự cần rất ít để tồn tại. Và vì thế, tôi đã giác ngộ một chân lý uyên thâm rằng, càng sở hữu ít đồ vật hơn, chúng ta càng cảm thấy tự do và trưởng thành. Tôi cũng hiểu được sự cần thiết của lời cảnh báo: chủ nghĩa tiêu dùng, tính trì trệ (cả về thể chất và tâm lý) và sự tiêu cực luôn chực chờ để đánh gục chúng ta mỗi khi nản chí. Cuốn sách này tập hợp những ghi chép trong nhiều năm sống tại Nhật Bản của tôi, lưu giữ và tổng hợp những trải nghiệm, những điều bất ngờ mà tôi gặp quá trình đọc và suy ngẫm, một sự biểu thị của lý tưởng cá nhân, một tín ngưỡng, quy tắc hành xử, một lối sống mà tôi rất muốn duy trì và luôn nỗ lực để thực hành. Tôi giữ tất cả những cuốn sổ ghi chép của mình, mang chúng theo mỗi khi đi đây đó, như là kim chỉ nam nhắc nhở tôi về những điều mà tôi thường quên hoặc không thực hành. Chúng mang đến cho tôi cảm giác dễ chịu, là sự khẳng định và cũng là cội nguồn của niềm tin nội tâm khi cả thế giới bên ngoài dường như đang trở nên xiên lệch. Những cuốn sổ ghi chép là kho báu chứa đựng những lời khuyên và bài tập thực hành mỗi khi cần thiết để thấm nhuần, thích nghi với những thách thức mới, với sự thay đổi về nhu cầu, khả năng và tình huống (bạn sẽ tìm thấy chỗ để tự ghi chép ở trang 307). Chúng ta mới chỉ mới bắt đầu nhận thức về nguy cơ của sự thừa thãi và dư dả vật chất. Ngày càng có nhiều người kiếm tìm niềm vui và lợi ích của cách sống đơn giản hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn và vượt lên trên sự cám dỗ để sáng tạo ra những phong cách sống mới hiện đại, nhiều ý nghĩa. Cuốn sách này dành cho tất cả những độc giả như thế. Tôi hy vọng rằng, cuốn sách sẽ giúp quảng bá sự hiểu biết đúng đắn về nghệ thuật sống tối giản như một cách sống viên mãn thật sự. Phần I CHỦ NGHĨA VẬT CHẤT VÀ CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN 1 SỰ DƯ THỪA VẬT CHẤT Xã hội phương Tây dường như đã quên mất nghệ thuật sống đơn giản. Chúng ta sở hữu quá nhiều, có quá nhiều cám dỗ và nhu cầu, có quá nhiều lựa chọn, có quá nhiều thực phẩm. Chúng ta cũng phí phạm và phá hủy quá nhiều. Chúng ta sử dụng dao và nĩa, bút, bật lửa, máy ảnh dùng một lần – và để sản xuất ra những thứ đó, chúng ta làm ô nhiễm nguồn nước và không khí, môi trường và thiên nhiên. Việc xử lý chất thải hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta ngay từ hôm nay, trước cả khi chúng ta buộc phải đối diện với vấn đề này trong tương lai. Chỉ khi giảm thiểu rác thải, chúng ta mới có thể nhìn thấy những triển vọng phía trước; chỉ khi đó, những hoạt động thường ngày thiết yếu của chúng ta – ăn, mặc, ngủ nghỉ – mới có ý nghĩa mới, một chiều sâu khác biệt hẳn. Điều chúng ta kiếm tìm không phải là sự hoàn hảo mà là một cuộc sống giàu ý nghĩa hơn. Thói xa xỉ lãng phí không mang lại sự duyên dáng hay trang nhã. Nó giam cầm và hủy hoại tâm hồn, trong khi sự giản dị mang lại giải pháp cho rất nhiều vấn đề. Sự dư thừa đồ đạc khiến chúng ta không còn thời gian để tâm tới cơ thể của mình. Chỉ khi thấy dễ chịu trong cơ thể, chúng ta mới thoải mái nuôi dưỡng tâm trí và tinh thần, có khả năng đạt được cuộc sống hạnh phúc hơn và ý nghĩa hơn. Sự giản dị có nghĩa là sở hữu thật ít, mở ra con đường cho những gì tối cần thiết, những tinh túy của mọi thứ. Cái đẹp của sự giản dị nằm ở chỗ, nó mang lại cho chúng ta những niềm vui tiềm ẩn. Gánh Nặng Của Đồ Đạc NHU CẦU TÍCH TRỮ Trong hành trình cuộc đời, hầu hết chúng ta đều mang theo một lượng hành lý rất lớn, và thường là dư thừa. Chúng ta nên dừng lại để ngẫm nghĩ và tự vấn: Tại sao mình lại quá phụ thuộc vào đồ đạc như vậy? Đối với nhiều người, sự giàu có vật chất là một cách thể hiện có tính cá nhân, là bằng chứng về sự tồn tại của họ. Dù cố ý hay không, họ đều gắn tính cách và hình ảnh của bản thân với đồ đạc mà họ sở hữu. Càng sở hữu nhiều, họ càng cảm thấy an toàn, thành công và viên mãn. Mọi thứ đều được vật chất hóa và được người ta khao khát: hàng hóa, giao kèo mua bán, tác phẩm nghệ thuật, người thân, ý tưởng, bạn bè, tình nhân, những kỳ nghỉ, thần thánh, và ngay cả lòng tự trọng. Con người tiêu thụ, chiếm hữu, tích trữ và sưu tầm. Con người “có” bạn bè và các mối quan hệ, “giữ” các bằng cấp, danh hiệu, giải thưởng. Con người loạng choạng dưới gánh nặng của đồ đạc mình sở hữu và quên đi, hoặc không nhận thức được rằng, sở thích tích trữ khiến năng lượng sống của họ bị hao mòn, làm con người trở nên bơ phờ, rồi biến thành nạn nhân của những nhu cầu và ham muốn ngày một gia tăng. Rất nhiều đồ vật thừa thãi, nhưng chúng ta chỉ nhận ra điều đó khi chúng biến mất. Chúng ta sử dụng chúng chỉ vì chúng hiển hiện ở đó, không phải vì chúng cần thiết. Đã bao nhiêu lần chúng ta mua đồ chỉ vì thấy người khác đã sở hữu chúng? TÍCH TRỮ VÀ DO DỰ Thế giới với các mối quan hệ và những người thân quen đã đủ để làm cuộc sống của chúng ta trở nên trọn vẹn mà không cần tới những món đồ trang trí vô dụng vốn chẳng làm được gì ngoài việc khiến tinh thần chúng ta trở nên trĩu nặng và những khoảng thời gian thảnh thơi bị phung phí. – Charlotte Périand, A Life of Creation (tạm dịch: Một đời kiến tạo) Việc kiến tạo một cuộc sống đơn giản đồng nghĩa với việc đôi lúc chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Có nhiều người từ giã cõi trần khi xung quanh họ, theo đúng nghĩa đen, là hàng tấn đồ đạc mà họ không hề cảm thấy yêu quý hoặc không dùng tới, bởi vì họ không thể quyết định được mình nên làm gì với chúng và thiếu sự can đảm để bán lại, cho đi hay vứt bỏ. Họ cứ dính chặt lấy quá khứ, những người đã khuất, ký ức, nhưng lại bỏ quên thực tại và không thể hình dung tương lai của mình sẽ như thế nào. Vứt bỏ đồ đạc luôn đòi hỏi sự nỗ lực nhất định. Bản thân việc vứt bỏ đồ đạc không hề khó, nhưng quyết định cái nào hữu dụng và cái nào không có thể rất khó. Có một số vật dụng mà bạn cảm thấy dường như mình không thể rời xa chúng, nhưng một khi đã làm được, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn rất nhiều. NỖI SỢ PHẢI THAY ĐỔI Những quý ông giàu có đáng kính Muốn bạn chỉ suy nghĩ giống họ mà thôi. – Jake Thackray, The Scapegoat (tạm dịch: Vật tế thần) (viết lại lời từ bài hát La Mauvaise Réputation của Georges Brassens) Nền văn hóa của chúng ta khó chấp nhận những người sống tiết kiệm vì họ góp phần đe dọa nền kinh tế và xã hội tiêu dùng của chúng ta. Ngược lại, bản thân họ cũng cảm thấy bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội, trở thành những cá nhân gắn liền với nỗi sợ hãi và ngờ vực. Những người tự nguyện sống giản dị, ăn uống thanh đạm, không lãng phí và hầu như chẳng bao giờ tự cho phép mình đi ngồi lê đôi mách, lại thường bị coi là xấu tính, đạo đức giả và khó gần. Nhưng đó lại là những thay đổi cần thiết cho cuộc sống. Con người là những thực thể chứ không phải hàng hóa. Việc giải phóng bản thân khỏi đồ đạc sẽ giúp chúng ta trở thành những con người mà chúng ta hằng mong ước. Có thể nhiều người sẽ phản đối với lý lẽ là họ đã trải qua một thời thơ ấu khốn khó và thấy việc loại bỏ vật chất ra khỏi cuộc sống thật lãng phí. Điều đó làm họ cảm thấy tội lỗi. Nhưng quá trình này chỉ vô nghĩa khi chúng ta vứt đi những đồ đạc vẫn còn có thể sử dụng tốt. Nếu chúng ta loại ẳ bỏ những vật dụng chẳng đem lại tác dụng gì, chúng ta không hề phí phạm. Thực chất, sẽ rất phí phạm khi chúng ta giữ chặt lấy những đồ vật không hề có ích đối với mình: chúng ta lãng phí không gian khả dụng khi nhồi nhét đủ các thứ vào không gian ấy và phí hoài năng lượng để bày biện phòng khách cho thật giống với hình ảnh trong các cuốn tạp chí nội thất. Chúng ta phí hoài năng lượng giữ gìn mọi thứ sạch sẽ, lau chùi chúng, săn tìm chúng. Ký ức có làm chúng ta hạnh phúc không? Đồ vật thường được nói là có linh hồn, nhưng liệu sự lệ thuộc vào những đồ vật thuộc về quá khứ liệu có cản trở tương lai của chúng ta, hoặc khiến chúng ta giậm chân tại chỗ không? CHỌN SỰ TỐI THIỂU Sự giàu có của một người được xác định dựa trên tỷ lệ đồ đạc mà anh ta có thể sống mà không cần có chúng. – Henry David Thoreau, Walden Sống tiết kiệm là một triết lý thực tế, bởi vì việc sống với ít đồ đạc hơn sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồ đạc không phải là hiện thân của nội tại con người. Để theo đuổi chủ nghĩa tối giản, chúng ta cần hành trang tinh thần và trí tuệ, chứ không cần tới vật chất. Một vài nền văn hóa, như Hàn Quốc, hướng tới sự giản dị và tiết giảm, được thể hiện đầy đủ qua truyền thống nghệ thuật của đất nước này. Chúng ta đều có thể lựa chọn sự giàu có thông qua việc sở hữu ít đi. Điều quan trọng là phải có lòng can đảm để thực hiện những niềm tin này xuyên suốt. Kỷ luật, sự rõ ràng và quyết tâm là những điều kiện tiên quyết đối với một cuộc sống thật sự tối giản, trong những căn phòng sạch sẽ và thoáng đãng. Chủ nghĩa tối giản đòi hỏi một phong cách sống quy củ và chú tâm tới từng chi tiết. Hãy loại bỏ càng nhiều càng tốt, chống lại sự quá tải đồ đạc, sau đó tập trung vào những điều thật quan trọng, không để mình vướng bận bởi những lo lắng do đồ đạc thừa thãi gây ra. Các quyết định sẽ diễn ra tự nhiên và trở thành bản năng, trang phục sẽ trở nên thanh lịch hơn, ngôi nhà sẽ thoải mái hơn và nhật ký của bạn sẽ bớt chi chít chữ hơn. Thẩm mỹ cơ bản sẽ khẳng định vị thế của chúng. Bạn sẽ nhận thấy mình minh mẫn khi tận hưởng cuộc sống. Hãy học cách loại bỏ trong sự thanh thản, cẩn trọng, chắc chắn và thấu đáo. Hãy dừng lại trong giây lát, suy ngẫm về những gì bạn có thể làm để đạt được một cuộc sống đơn giản và dễ dàng hơn. Hãy tự hỏi bản thân: Thứ gì đang khiến cuộc sống của tôi trở nên phức tạp? Thứ đó có đáng giữ lại không? Khi nào thì tôi hạnh phúc nhất? Sở hữu có quan trọng hơn việc sống không? Tôi đã chuẩn bị cho việc loại bỏ vật chất tới mức nào? Lời khuyên: Hãy lập các danh sách. Chúng sẽ giúp bạn dọn dẹp đống lộn xộn trong cuộc sống. SỬ DỤNG CÀNG ÍT CÀNG TỐT Khả năng sống mà không cần đồ nội thất, không cần tư trang hành lý, với một số lượng trang phục gọn gàng tối thiểu, cho thấy những lợi thế [của người Nhật] trong cuộc sống; điều đó cũng cho thấy những yếu điểm thực tế trong nền văn minh của chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm về sự phức tạp vô ích trong những mong muốn hằng ngày của chúng ta. – Lafcadio Hearn, Kokoro Hãy dừng lại trước bất kỳ một đồ vật nào khiến bạn chú ý và suy ngẫm về sự phân hủy của nó: từng chút, từng chút một, nó trở nên méo mó, biến dạng dần dần và đến một ngày, tất cả sẽ trở về với cát bụi. Không có gì đáng phấn khởi hơn khi bạn biết cách đánh giá giá trị thực tế của mọi đồ vật chúng ta gặp trong cuộc sống với phương pháp cụ thể và tầm nhìn rõ ràng: công năng thực tế của chúng là gì, chúng thuộc về khía cạnh nào của cuộc sống, chúng giúp bạn sống tốt hơn như thế nào? Hãy thử phân tích cấu tạo, tuổi đời của chúng và những cảm xúc chúng gợi lên trong bạn. Đừng làm giàu cuộc sống của bạn bằng đồ vật. Thay vào đó, hãy làm giàu cơ thể của bạn bằng cảm giác, làm giàu trái tim bằng tình cảm và làm giàu tâm trí bằng những nguyên tắc. Rõ ràng, cách duy nhất để tránh khỏi việc bị đồ đạc vật chất ám ảnh là không (hoặc gần như không) sở hữu gì cả và, trên tất cả, ham muốn càng ít càng tốt. Hãy xem đồ đạc tích lũy là gánh nặng và ham muốn vô độ cũng là gánh nặng. Việc tách bản thân khỏi đồ đạc cũng giống như từ bỏ những bộ quần áo khó chịu và gây bực mình. Chỉ có như vậy, tinh thần bạn mới có thể phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Chúng ta không thể cởi mở và lĩnh hội cái mới nếu chưa tạo nên không gian cho nó trước. Đừng đặt đồ đạc vật chất lên trên giá trị con người, sự lao động cần cù và sự thanh thản trong tâm trí. Đừng đặt vật chất lên trên vẻ đẹp và tự do, hay những thực thể nói chung. Sự dư thừa vật chất xâm chiếm và lấn át tâm hồn con người. Chúng làm chúng ta quên đi những gì tối cần thiết. Tâm trí của chúng ta sẽ trở nên hỗn độn, như một gác mái chất đầy vật dụng tích trữ theo thời gian. Chúng ta cảm thấy bị giam hãm, không thể tiến lên phía trước. Nhưng nếu thất bại trong việc tiến lên phía trước, chúng ta không còn sống một cách đúng nghĩa. Nếu cứ tiếp tục tích trữ đồ đạc và theo đuổi những ham muốn vô độ, chúng ta sẽ trở nên lộn xộn, căng thẳng và bơ phờ. Hãy nghĩ đến cảm giác khi bạn chỉ mang những gì cần thiết nhất ra xe và khởi hành tới một đích đến vô định. KHI NGƯỜI SỞ HỮU BỊ CHIẾM HỮU Chúng ta không hề sở hữu đồ vật. Thực tế là chúng ta đang bị đồ vật chiếm hữu. Mỗi người đều có quyền sở hữu những gì mình thích, nhưng vấn đề quan trọng nhất là thái độ của chúng ta đối với đồ đạc, hiểu biết về những giới hạn của bản thân, nhu cầu và nguyện vọng của chúng ta: thích đọc gì, thích thưởng thức những bộ phim nào và thích đến đâu để cảm thấy hạnh phúc. Thỏi son, thẻ căn cước, một ít tiền mặt – đó là ba thứ cơ bản một phụ nữ cần có trong túi xách. Nếu bạn có duy nhất một chiếc dũa móng tay, bạn sẽ luôn biết mình phải tìm nó ở đâu. Ngoài những tiện nghi cơ bản và một môi trường sống chất lượng, đồ đạc vật chất chỉ nên giữ ở mức tối thiểu. Việc không sở hữu quá nhiều đồ đạc sẽ giúp bạn biết trân trọng hơn những thứ đem lại niềm vui sướng về mặt tinh thần, cảm xúc và trí tuệ. Hãy bỏ đi tất cả những gì vô dụng hoặc đã cũ nát (hoặc để chúng ngoài phố và lưu lại tờ ghi chú rằng nếu ai cần có thể lấy về dùng). Bạn cũng có thể gửi tặng các đồ vật còn hữu dụng cho các ký túc xá, khu tập thể của công nhân hay tổ chức từ thiện (sách vở, quần áo, chén bát). Nghĩa cử ấy không làm bạn tốn tiền mà ngược lại, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn. Hãy bán đi những vật dụng bạn không còn sử dụng hoặc hiếm khi đụng đến chúng. Một khi bạn đã giải phóng không gian quanh mình, hãy thưởng thức đặc quyền khi không còn là mục tiêu của kẻ trộm, của những kẻ nhỏ nhen và đố kỵ vì những món đồ đắt tiền. Sở hữu nhiều hơn những gì cần thiết với bản thân là tự tạo ra gánh nặng, thêm vào những lo lắng. Và mọi người đều biết rằng, ném hết đồ đạc thừa thãi xuống biển là cách tốt nhất để giúp một chiếc tàu quá tải nổi được. Tại Nhà: Nói Không Với Sự Lộn Xộn BIẾN NGÔI NHÀ THÀNH MỘT NƠI TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ CĂNG THẲNG Khoảng trống, ánh sáng và sự ngăn nắp. Đó là những cần thiết với con người chẳng kém gì cái ăn và một mái nhà. – Le Corbusier Một ngôi nhà không được trang bị gì nhiều ngoài một ít vật dụng xinh đẹp và tối cần thiết chính là một thiên đường yên bình. Hãy yêu mến, dọn dẹp và sống trong ngôi nhà đó với sự quan tâm và trân trọng – bởi đó là lớp vỏ bảo vệ cho kho báu quý giá nhất: bản thân bạn. Chỉ khi nào thoát khỏi những mối quan tâm vật chất, chúng ta mới có thể phát triển tinh thần. Cơ thể là nơi trú ngụ của tâm trí và tinh thần, còn ngôi nhà là nơi trú ngụ và dung dưỡng của cơ thể. Chỉ khi tâm trí và tinh thần được tự do, chúng mới có thể phát triển thật sự. Mỗi món đồ chúng ta sở hữu cần có tác dụng nhắc nhở chúng ta rằng nó thật sự hữu dụng, rằng nếu không có đồ vật ấy chúng ta cảm thấy cuộc sống này thật khó khăn. Ngôi nhà phải là nơi để nghỉ ngơi, là suối nguồn của cảm hứng, là nơi trú ẩn để chữa lành những vết thương. Ở những thành phố quá đông dân cư, quá ồn ào, chúng ta cảm thấy bị phân tâm và tấn công bởi đủ sắc màu và chủng loại. Ngôi nhà phải là nơi bổ sung năng lượng cho chúng ta và là nơi tìm kiếm những nguồn sinh lực mới, sự hài hòa và thanh thản. Ngôi nhà phải là nơi bảo vệ cho cả cơ thể cũng như tinh thần. Sự thiếu thốn có thể xảy ra cả về mặt thể chất và tinh thần. Sự thiếu thốn về mặt tinh thần một phần có thể do ngôi nhà. Sức khỏe thể chất phụ thuộc vào những gì chúng ta ăn uống, trong khi những gì đặt trong nhà có thể gây ra những tác động đáng kể đối với sức khỏe tinh thần của mỗi người. À Ô LINH HOẠT, ĐA DỤNG VÀ KHÔNG TRANG TRÍ Chính tình yêu đối với những gì trừu tượng đã khiến Thiền Nhật Bản ưa chuộng những nét vẽ đen trắng hơn những bức tranh nhiều màu sắc của các trường dạy Phật giáo cổ điển. – Mai Mai Sze, The Tao of Painting (tạm dịch: Đạo trong hội họa) “Tính siêu linh hoạt” (superfluidity) trong nội thất là kết quả của quá trình lựa chọn và tính toán kỹ lưỡng. Quả ngọt của quá trình ấy là một nơi ở mà bạn chỉ cần bảo dưỡng hay dọn dẹp ở mức tối thiểu – một khoảng không mang lại sự thoải mái, tịnh tâm và niềm vui sống. Đặc trưng của những phong cách như Bauhaus, Shaker 1 và nghệ thuật bài trí Nhật Bản là chú trọng tới hiệu quả, tính linh hoạt và ý tưởng “càng ít, càng nhiều”. Một ngôi nhà ít vật dụng cho phép bạn di chuyển dễ dàng. Đồ đạc và vật dụng nội thất phải nhẹ nhàng, ưa nhìn và dễ chịu. Thị giác có thể cảm nhận được độ mềm mại của một tấm thảm, hương gỗ thơm của bức tường đã được xử lý mùi, sự tươi mát của không gian tắm. Hãy vứt bỏ những chiếc gạt tàn thuốc nặng nề, thảm len cồng kềnh, các cây đèn đứng với phần đế chỉ chực làm bạn vấp té, những món đồ thêu đã xù lông do cô bạn tặng, những thố đồng xỉn màu không thể nào đánh sáng được và hàng trăm đồ vật bám bụi khác đang biến ống khói, ngăn kéo, ghế trường kỷ và các ngăn kệ của bạn thành đống lộn xộn. Hãy tập trung vào việc sửa chữa, thay thế những chi tiết kiến trúc thừa thãi, lắp đặt hệ thống đèn dịu mắt và hữu dụng, thay những vòi nước bị hỏng. Dễ chịu là một nghệ thuật, mà nếu thiếu vắng nó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bày biện, trang trí cũng trở nên vô ích. Nội thất được thiết kế kiến trúc theo lối “luân chuyển” (floating) – ví dụ mẫu mực của những “khoảng không trắng” – giúp các vật dụng có thể sống và hít thở nhờ những khoảng không xung quanh chúng. Người say mê phong cách này chỉ chấp nhận một vài thứ như: một chồng sách, một hũ nến thơm và một chiếc ghế trường kỷ to, mềm, chất lượng tốt. Một căn phòng có khoảng trống sẽ thu hút ánh sáng tự nhiên và tràn ngập năng lượng tích cực. Trong căn phòng đó, mọi đồ vật đều trở thành các tác phẩm nghệ thuật, mỗi phút trôi qua là mỗi phút quý giá. Khi sống trong những căn phòng sạch sẽ và có khoảng trống, con người cảm thấy mình kiểm soát được cuộc sống. Họ không bị vật chất chiếm hữu và cảm thấy thỏa mãn, thoải mái hơn nhiều. Sẽ không có cái đẹp nếu không có những khoảng không gian trống. Sẽ không có âm nhạc nếu như không có sự tĩnh lặng. Mọi điều đều có ý nghĩa và tầm quan trọng của riêng nó. Trong một không gian nội thất đơn giản, tối thiểu, ngay cả một tách trà, một cuốn sách, hay gương mặt của một người bạn nào đó trên Skype cũng khẳng định một sự hiện hữu lớn lao. Trong khoảng không gian trống trải, mọi vật đều trở thành một bản hòa tấu, một bức tranh tĩnh vật đẹp. Những ngôi nhà đầu tiên của phong trào Bauhaus dù mang nét đẹp không thể chối cãi, nhưng ban đầu đã bị chỉ trích rất nhiều vì bề ngoài giản dị đến mức mộc mạc. Tuy vậy, chúng là hình mẫu của sự thực dụng và chân lý, là ngôi đền của các giác quan, với khoảng không được dành cho việc chơi đùa với ánh nắng, tắm rửa và chăm sóc cá nhân. Tất cả đều được tính toán cẩn thận để đạt đến sự dễ chịu và tính thực tiễn. LÀM CHO NGÔI NHÀ TRÔNG THANH THOÁT HƠN Hãy đơn giản hóa ngôi nhà của bạn bằng cách tạo ra một khoảng không gian trống lớn (ví dụ) ghép lại từ ba phòng nhỏ. Việc loại bỏ những đồ đạc vô dụng mang lại cảm giác vui sống giống hệt như khi bạn được ăn một bữa ăn tự nhiên sau khi đã ăn quá nhiều bữa ăn công nghiệp. Hãy loại bỏ tất cả những gì không còn hoạt động tốt. Bạn có thể nhờ một người thợ điện giúp bạn đi dây nhánh và dây điện chính phía sau viền chân tường, dưới ván lót sàn hoặc giấu chúng vào trong các hộp nhựa. Bạn cũng nên thay thế những vòi nước đã bị hỏng, các cần gạt nước ồn ào, những phòng tắm tù túng chật chội, những tay nắm cửa cứng đờ – có vô vàn những điều khó chịu nhỏ nhặt làm ô nhiễm cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Một trong những lợi thế to lớn của thời đại chúng ta là các phương tiện liên lạc đã được thu nhỏ lại, nên càng ngày chúng ta sẽ càng cần ít không gian cho việc đó hơn. Cách trang trí trong nhà không quan trọng – điều quan trọng là những con người sống trong căn nhà ấy. Việc sử dụng các vật liệu có chất lượng tốt là chìa khóa dẫn đến sự thoải mái. Hãy nhắm mắt lại khi chọn chất liệu. Hãy nhớ rằng len cashmere 2 không phải là đặc quyền xa xỉ của những người giàu có: một khăn choàng làm bằng len cashmere mỏng sẽ khiến bạn ấm hơn so với hai chiếc chăn rẻ tiền, đồng thời có thể dễ dàng mang đi khắp các phòng trong nhà, khi lên xe hơi hay máy bay. Loại khăn choàng này không chỉ đẹp mà còn cực kỳ mềm mại và giữ được độ bền suốt nhiều năm. Hãy chọn màu đơn sắc thay vì nhiều màu sắc lòe loẹt. Màu sắc sặc sỡ chỉ làm bạn mỏi mắt. Các màu trắng, đen và xám vừa là những màu vô sắc, vừa là sự pha trộn của mọi màu sắc khác. Chúng đại diện cho phong cách đơn giản, như thể những điều phức tạp của cuộc sống đã bị loại bỏ qua một quá trình chưng cất. BẠN CHÍNH LÀ KHÔNG GIAN BẠN ĐANG SỐNG Sở hữu một không gian sống mới cũng giống như khoác lên mình một chiếc áo mới, để xem nó phù hợp với cá tính của mình tới mức nào thì bạn cũng cần phải thử trước khi an cư tại nơi sẽ là tổ ấm che chở cho cuộc sống của mình. Thông thường, những gì chúng ta chọn để liên hệ với thế giới bên ngoài thể hiện đúng nhất những cảm quan nội tại. Thế nhưng, nhiều người thiếu đi sự quyết đoán trong gu thẩm mỹ cá nhân, không biết điều gì mới khiến mình hạnh phúc. Việc tạo dựng một môi trường phù hợp với những nguyện vọng sâu xa nhất cho phép chúng ta kết nối thế giới bên trong và bên ngoài con người mình. Các kiến trúc sư và các nhà xã hội học, dân tộc học đồng tình rằng không gian sống góp phần kiến tạo nên con người chúng ta, rằng ngôi nhà có một phần vai trò trong việc định hình nên tâm trí và tinh thần của những người sống trong đó. Môi trường sống đào tạo tính cách và ảnh hưởng tới quyết định của con người. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về một người nào đó khi chúng ta ghé thăm nhà của người ấy. Ngôi nhà không nên là nguồn cơn của những lo lắng và công việc “không tên”; ngôi nhà không phải là một gánh nặng. Ngược lại, nhà nên là nơi bổ sung nguồn lực nội tại của chúng ta. Mớ lộn xộn (tiếng Anh: clutter) có cùng gốc từ như cục máu đông (tiếng Anh: clot). Cũng như cục máu đông ngăn sự tuần hoàn máu, mớ nội thất và đồ đạc lộn xộn sẽ phá vỡ sự hài hoà của ngôi nhà. Quá nhiều ngôi nhà trông như cửa hàng bán đồ trang trí rẻ tiền hoặc kho chứa đồ nội thất. Trong nghệ thuật bài trí truyền thống Nhật Bản, một căn phòng chỉ có sự sống khi có người sinh sống trong đó. Khi một người dọn đi khỏi căn phòng, anh ta sẽ không để lại bất cứ dấu vết về sự tồn tại hoặc hoạt động của mình. Tất cả những món đồ hữu dụng (giường nệm gấp kiểu Nhật Bản, cầu là quần áo, bàn làm việc, bàn cho những dịp đặc biệt, nệm ngồi) đều nhỏ gọn, hoặc được thiết kế để có thể gấp gọn lại, vì thế chúng ta có thể cất giữ tất cả đồ đạc gọn gàng ở một nơi nào đó khuất tầm mắt sau khi sử dụng. Các căn phòng như trên cho phép người sử dụng có thể di chuyển một cách tự do, không bị làm phiền bởi ký ức về những sự hiện diện khác, kể cả từ thế giới này hay bất kỳ thế giới nào khác. MỘT NGÔI NHÀ TỐI GIẢN Hãy làm cho ngôi nhà của bạn thật nhỏ gọn, dễ chịu và hữu dụng. Có một cuộc sống dễ dàng là mục đích cao cả của bạn. Thông thường, sự thoải mái đến từ không gian. Không gian phù hợp, không gian tự do, không gian hào phóng. Nhưng sống trong một không gian nhỏ hẹp lại là một thói quen tốt. Một phần do nhu cầu, một phần do tín ngưỡng và đạo đức, từ lâu người Nhật Bản đã trau dồi óc thẩm mỹ về sự “tuyệt đối”: mỗi tiểu tiết đều quan trọng. Ngay cả trong những không gian nhỏ nhất, nếu chúng được bài trí hoàn hảo, chúng ta sẽ quên đi kích thước của những không gian ấy. Một khoảng không gian nhỏ, hoàn hảo, một cuốn sách hay và một tách trà là suối nguồn của niềm hạnh phúc tột độ. Sống với đồ đạc tối thiểu là một lý tưởng, đòi hỏi một trạng thái tâm lý nhất định: bạn sẽ chọn cho mình không gian trống trải thay vì không gian lấp đầy đồ đạc, chọn sự tĩnh lặng thay vì ồn ào, chọn những đồ đạc bền lâu thay vì chạy theo xu hướng nội thất mới nhất. Và cuối cùng, mục đích của bạn là tạo ra khoảng không gian mà mình có thể tự do di chuyển trong đó. Hãy loại bỏ thật nhiều những đồ vật mà bạn chẳng bao giờ ngó ngàng tới nhưng lại giống như các chướng ngại vật khiến bạn cảm thấy tù túng, ngột ngạt. Một không gian trống trải và đơn giản có thể trở nên ấm cúng và hấp dẫn nếu như được xử lý bằng các chất liệu vải ấm áp, tự nhiên và những chất liệu mềm mại khác như gỗ, bấc, rơm. Những chiếc xe du lịch chứa vài món đồ thiết yếu sẽ mang đến cho bạn nhiều không gian hơn cả những tòa nhà đồ sộ nhưng nhét đầy những đồ đạc không bao giờ dùng tới mà bạn cho rằng “có thể cần vào một lúc nào đó”. Hãy ghi nhớ điều này khi bạn sắm sửa nội thất cho ngôi nhà của mình. Thế giới đang thay đổi và chúng ta cũng nên thế, vì chúng ta có khả năng thích nghi với những ý tưởng và phong cách sống mới. Khi mà những đô thị không ngừng đông đúc thêm, nhiều người nhận thấy họ đang ở trong những căn hộ ngày một nhỏ hẹp đi. Chúng ta hoàn toàn có thể sống tốt trong điều kiện đó khi noi gương người Nhật, học cách sống đẹp, tịnh tâm và viên mãn với ít không gian hơn. Những khuê phòng riêng tư, được các quý cô thế kỷ XIX ưa chuộng, có thể trở về thời kỳ hưng thịnh như trước đây. Chỉ có một bồn rửa, một thanh ngang treo đồ, một tấm gương treo trên tường, một chiếc ghế trường kỷ nhỏ để nghỉ ngơi và đọc sách – nói tóm lại, là một không gian hoàn toàn riêng tư để tái tạo và chăm sóc bản thân trong sự thoải mái và thanh bình. Khuê phòng này chính là sự bổ sung hoàn hảo cho các phòng tắm hiện đại, được thiết kế tiện cho việc tắm rửa nhưng lại bất tiện và khó khăn cho những việc khác (như trang điểm, thay đồ, chăm sóc móng chân, nhổ tóc...). Nếu được thiết kế hợp lý, vài mét vuông chật chội có thể làm nên những điều kỳ diệu. MỘT CĂN PHÒNG TRỐNG Một căn phòng mà thoạt nhìn có vẻ trống trải sẽ trở nên cực kỳ sang trọng nếu được thiết kế tỉ mỉ, với sự chú tâm đến từng chi tiết. Không gian trống cho phép con người trở nên thư thái, như khi chúng ta đứng trong tiền sảnh của các khách sạn lớn, của nhà thờ hoặc các đền thờ. Kiến trúc của thập niên 1950 cũng tuân theo nguyên tắc này, với trọng tâm là những đường thẳng và bề mặt gần như hoàn toàn bằng chrome. Vì thế, nội thất của ngôi nhà không hề trống rỗng và vô hồn, mà toát lên vẻ yên bình và sự ngăn nắp. Đơn giản hóa chính là một cách thức để tô điểm thêm cho ngôi nhà. Phong cách trang điểm “mà không trang điểm” là cách lý tưởng để giảm thiểu mọi căng thẳng. Tất nhiên, chủ nghĩa tối giản cũng có thể rất tốn kém. Những món đồ trang trí đơn lẻ có khi còn rẻ hơn một tấm ván ốp tường đơn giản bằng gỗ loại tốt. Nhưng người tối giản không chỉ tính đến khía cạnh kinh tế. Nó đòi hỏi một niềm tin không gì lay chuyển nổi. Con người không thể đạt đến một cuộc sống quy củ và đề cao cái đẹp nếu thiếu đi những đam mê như: âm nhạc, yoga, thú vui sưu tầm, thiết bị điện tử công nghệ cao... Tuy nhiên, đừng bao giờ đối xử với các món đồ mà bạn coi là vật hộ mệnh của mình như những món trang sức đơn giản. Chúng chính là nguồn năng lượng của bạn và nên được cất giữ ở những nơi đặc biệt. Trong vòng một tuần, bạn hãy thử thực hiện thí nghiệm sau: cất tất cả những đồ trang trí ra ngoài tầm mắt. Khoảng không gian trống sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Hãy nhớ rằng: sống trong quá khứ chỉ vì những kí ức có nghĩa là không nhận thức được hiện tại và đóng chặt cánh cửa hướng tới tương lai. MỘT NGÔI NHÀ ĐẸP VÀ LÀNH MẠNH Mọi thứ xung quanh đều có thể nói với chúng ta điều gì đó. Nếu chấp nhận những thiết kế rẻ tiền và nghèo nàn, bạn sẽ phải trả giá. Việc chú tâm vào vẻ đẹp của môi trường xung quanh sẽ giúp chúng ta rèn luyện sự nhạy cảm của mình. Càng chú ý đến tiểu tiết, môi trường xung quanh càng giúp chúng ta trưởng thành. Một khi đã dùng thử những loại đèn có thể tăng giảm ánh sáng tùy ý, bạn sẽ thấy những chiếc công tắc chỉ cần bật hoặc tắt có thể khiến căn phòng trở nên sáng chói hay chìm vào bóng tối thật khô khan và tàn nhẫn. Bất cứ thành phần nội thất nào không hoàn toàn phù hợp với mục đích của căn phòng đều trở thành những nỗi khó chịu nhỏ nhặt, giống như các cơn đau đầu hoặc đau răng dai dẳng. Tủ quần áo nhồi nhét đầy trang phục (nhưng chẳng có gì có thể mặc được), chồng sách dày cộp (nhưng chẳng có cuốn nào để đọc), một tủ lạnh đầy thức ăn quá hạn, ngăn đông với tuyết bám dày hơn cả Bắc cực, là những dấu hiệu của một ngôi nhà “thiếu lành mạnh”. Sử dụng tủ âm tường, dây điện gắn vào tường hoặc trần nhà, dọn dẹp mọi thứ lộn xộn là chìa khóa để tạo ra một căn phòng dành cho việc nghỉ ngơi với không gian để thở và trọng tâm là những gì tối cần thiết. Không bao giờ được đánh đổi; không bao giờ được giữ những đồ đạc vô dụng. TIẾP SINH LỰC CHO NỘI THẤT CỦA NGÔI NHÀ Hương thơm, màu sắc và âm thanh trả lời cho nhau. – Baudelaire Người Trung Quốc đã áp dụng thuật phong thủy tại nhà của họ trong suốt năm nghìn năm qua. Người Trung Quốc tin rằng con người luôn chịu sự tác động của thế giới xung quanh (thời tiết, những người chúng ta tiếp xúc, đồ vật...), và dù vô ý hoặc hữu ý, những gì xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng có khả năng khiến chúng ta trở nên vui vẻ hoặc khó chịu. Ngược lại, con người cũng có khả năng tác động trở lại thế giới xung quanh bằng thái độ và bằng cách đi đứng, nói chuyện, hành xử. Sự chuyển động cũng như năng lượng của con người tác động lên các vật thể sống và có thể tác động tới thế giới vật chất xung quanh. Chúng ta đón nhận và chuyển giao năng lượng sống, hay còn được gọi là khí. Sạch sẽ chính là đỉnh cao của thuật phong thủy. Nếu như một căn phòng được sắp xếp gọn gàng và chăm sóc chu đáo, cuộc sống của người sử dụng căn phòng ấy cũng sẽ chỉn chu như vậy, tâm trí minh mẫn, quyết định dứt khoát. Lối vào nhà nên sáng sủa và được điểm xuyết bằng những đóa hoa. Những gì xuất hiện ở đây sẽ lan tỏa và tràn ngập những phần khác trong ngôi nhà. Hãy làm cho các hành lang nhỏ bé, tối tăm trở nên sáng sủa bằng những tấm gương hoặc một bức tranh sáng màu. Khí sẽ tự do luân chuyển khắp ngôi nhà mà không bị tắc nghẽn. Ngôi nhà của bạn sẽ được nuôi dưỡng bằng những gì bạn cho phép hay mời gọi. Mỗi vật dụng đặt ở lối vào sẽ nhân tác động của những thứ đó với nội thất của ngôi nhà lên nhiều lần. Những màu sắc ở lối vào sẽ làm lan tỏa năng lượng nội tại của chúng và để lại dấu ấn trong luồng khí đi vào ngôi nhà. Các góc nhà sẽ làm chệch và chia cắt khí. Bạn có thể làm cho các góc nhà trở nên nhẹ nhàng hơn bằng những loại cây trồng trong nhà có lá hình tròn, điều này sẽ làm biến đổi không khí của cả một căn phòng. Âm thanh, màu sắc, đồ vật và cây cối phải làm cho nội thất của ngôi nhà thêm phong phú bằng sự vận động tinh tế của chúng. Thế giới của chúng ta cần phải được vận hành với sự tuân thủ tuyệt đối những quy luật của vũ trụ. Việc quan sát và thấu hiểu nền tảng của cuộc sống cho phép chúng ta nắm bắt và hòa nhịp với những quy luật của vũ trụ, để chúng ta không còn phải bơi ngược dòng nữa. Đảm bảo sự đủ đầy và sung túc bằng việc giữ cho ngôi nhà của bạn luôn có thực phẩm, cất giữ tại một nơi duy nhất. Không được để thức ăn dự trữ quá ít – việc này sẽ tạo ra cảm giác khó khăn và túng thiếu. Thố đựng trái cây của bạn phải luôn đầy, tủ lạnh không được có những mớ rau héo và đồ ăn thừa ba ngày trời. Những vật sắc, nhọn (dao, kéo) cần để khuất tầm mắt, cây trong nhà nếu bị bệnh hoặc hoa bị héo cần phải bỏ đi (nhìn thực vật héo rũ khiến con người buồn rầu trong tiềm thức). Người Trung Quốc không bao giờ ăn đồ thừa ngay cả khi đã hâm nóng và chỉ nấu nướng bằng nguyên liệu tươi nhất. Họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc này đối với nguồn năng lượng của cơ thể. Người Trung Quốc cũng tin rằng hoa để khô trong phòng sẽ thu hút những năng lượng cần thiết cho sự sống để hồi sinh bản thân chúng; những thùng đựng rác để sai nơi (gần vòi nước chẳng hạn) sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng nước với những rung động xấu (thuật tìm kiếm nguồn nước cổ xưa ủng hộ cho giả thuyết này). Giữ cho căn nhà của bạn sạch sẽ, sáng sủa và không có các khí tiêu cực sẽ làm biến đổi hình ảnh của bạn trong mắt mọi người, ngay cả khi bạn không ở nhà. Hãy hòa hợp với nội thất, bất kể bạn ở đâu. Một ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng mỗi sáng trước khi đi làm sẽ thay đổi cả một ngày của bạn. Khí chịu ảnh hưởng của những vật liệu và hình dáng của mỗi đồ vật khí đi qua. Bụi và bẩn là những cái bẫy làm khí bị tù đọng, phá hủy sự hòa hợp và cân bằng trong ngôi nhà. Những tấm thảm có kích cỡ vừa phải chính là những “cái neo” vật chất: chúng giúp khuếch tán những nguồn năng lượng cơ bản đang hiện hữu trong ngôi nhà. Năng lượng đi lên từ sàn nhà, vì thế, mọi bề mặt trong ngôi nhà và giày dép cần phải sạch sẽ. Người phương Đông luôn cởi giày, dép trước khi vào nhà. Phong thủy đạt ngưỡng ảnh hưởng lớn nhất khi chúng ta xác định được cuộc sống nội tâm mà bản thân cần có là gì; khi từng khoảnh khắc cuộc đời chúng ta đều sống bằng những gì thật nhất, sâu sắc nhất, và là con người thật của chúng ta. ÂM THANH VÀ ÁNH SÁNG Ánh trăng là tác phẩm điêu khắc, ánh Mặt trời là tác phẩm hội họa. – Nathaniel Hawthorne, American Notebooks (tạm dịch: Sổ tay về nước Mỹ) Ánh sáng là sự sống. Thiếu ánh sáng tự nhiên, con người có thể ngã bệnh hoặc đánh mất sự tỉnh táo. Tránh để ngôi nhà của bạn được thắp sáng bằng thứ ánh sáng đồng nhất, không thay đổi, hãy để ánh sáng tự nhiên liên tục thay đổi một cách tinh tế phù hợp với góc nhìn của con người, bất kể chúng ta đang quan sát thứ gì. Âm thanh của ngôi nhà cũng ảnh hưởng tới con người, thậm chí còn nhiều hơn những gì bạn vẫn nghĩ: tiếng cọt kẹt của cánh cửa, chuông điện thoại ồn ào bất chợt vang lên. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tra dầu vào cửa, dùng âm nhạc thay cho tiếng chuông khô khan hoặc sử dụng những tấm thảm vừa vặn để làm dịu đi những tiếng ồn khó chịu. Khi mua đồ gia dụng, hãy chọn các mẫu ít ồn ào nhất. Tai người có thể tiếp nhận âm thanh tới 60 decibel, nhưng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu nghe phải âm thanh trên 120 decibel. Máy trộn thức ăn phát ra âm thanh lên đến 100 decibel khi hoạt động là một mối phiền toái. Bạn cũng nên chọn nhạc chuông, chuông báo thức và chuông cửa một cách cẩn trọng. KHÔNG GIAN DÀNH CHO VIỆC CẤT TRỮ Nơi cất trữ đồ đạc tốt cần phải được sắp xếp tùy theo khoảng không vận động của con người, mà sự vận động đó lại được điều khiển bởi những nhu cầu của chúng ta. Yếu tố thiết yếu trong các tiện nghi của ngôi nhà là nơi cất trữ. Không có kho cất đồ, ngôi nhà sẽ thiếu đi những khoảng trống. – Charlotte Perriand, A Life of Creation Ngôi nhà không chỉ là nơi cư trú của những người sống trong đó, mà còn là nơi cư trú của đồ vật và vật nuôi. Vì thế, mỗi căn nhà cần phải có khu vực nhà kho đủ để hạn chế những đống lộn xộn, những tủ chứa chất chồng lên nhau, các ngăn kéo chứa đầy rẫy những đồ vật hỏng hóc. Thay vì những tủ chứa đơn sơ, trống rỗng, nơi cất trữ nên được quy hoạch sao cho phù hợp với những nhu cầu nhất định. Bạn sẽ không cần phải đứng lên ghế đẩu mỗi khi bạn cần lấy một cái nồi, hoặc cũng không cần phải đi từ bên này sang bên kia nhà bếp chỉ để cất một cái thìa nhỏ sau khi rửa. Đồ đạc sẽ trở nên rời rạc và thiếu ngăn nắp bởi vì chúng thiếu không gian cất trữ hữu dụng. Nhà kho và tủ chứa cần được bố trí gần với không gian mà những đồ vật cất trong đó được sử dụng, điều này sẽ giảm thiểu những vận động lặp đi lặp lại và bước chân thừa của con người. Mỗi tầng trong ngôi nhà cần có tủ chứa riêng. Ví dụ, tủ đựng thức ăn phải gần bếp; khăn và quần áo ngủ cần để trong tủ gần nhà tắm và tủ chứa đồ đi ra ngoài cần đặt gần cửa chính, dành cho áo khoác, túi, ô dù, giày dép và hành lý của khách ghé thăm. Tại sao những không gian đó lại ít được những kiến trúc sư để tâm khi thiết kế ngôi nhà mới? Cách tiếp cận hợp lý đối với những mẫu thiết kế không gian sống hiệu quả là chìa khóa cho việc cải thiện năng suất lao động, nghỉ ngơi và nâng cao sức khỏe. Đồ Vật: Giữ Cái Gì Và Bỏ Cái Gì? NHỮNG THỨ CẦN PHẢI CÓ Nhu cầu tối cần thiết của chúng ta là gì? Là những thứ chúng ta cần để sống, và sau đó là đủ để có một cuộc sống tốt. Xuyên suốt thời kỳ Trung cổ, chủ nghĩa tối giản về vật chất và tâm linh gắn bó chặt chẽ với nhau. Trước thời kỳ Phục hưng, quần áo, thức ăn và nhà cửa thời Trung cổ được thiết kế chỉ để phục vụ những nhu cầu hợp lý. Nhưng trong thế giới ngày nay, không có gì là đủ cả. Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã nói rằng, trong quá trình tìm hiểu về vấn đề sở hữu cá nhân của con người trên thế giới, một người Mông Cổ sở hữu trung bình ba trăm món đồ, trong khi người Nhật sở hữu đến sáu nghìn món. Còn bạn, bạn sở hữu bao nhiêu món đồ? Chúng ta định nghĩa thế nào là “tối thiểu”? Một cái bàn, một chiếc giường và một ngọn nến trong một tu viện hoặc một phòng giam (tất nhiên, như thế rất trơ trọi và buồn tẻ) là một ví dụ. Để sống tốt, chúng ta chỉ cần thêm vào hai hoặc ba đồ vật đẹp đẽ khác, tùy thuộc vào việc chúng ta chịu được khổ hạnh đến đâu: đó là những đồ vật được chọn lựa kỹ càng để nuôi dưỡng tâm hồn và thoả mãn sự khao khát cái đẹp của chúng ta, nhu cầu về sự dễ chịu, thoải mái và an toàn. Một viên đá quý, một chiếc ghế sofa của Ý chẳng hạn. Lý tưởng nhất là hãy sống với mức tối thiểu chặt chẽ, trong điều kiện lý tưởng như mơ, với nội thất hoàn hảo và cơ thể tráng kiện, dẻo dai, gọn gàng không tì vết. Và để trở nên độc lập tuyệt đối, hãy giữ tâm hồn mình sáng suốt và cởi mở đón nhận thế giới đầy những điều mới mẻ cần khám phá. Những gì cơ bản nhất mà con người cần, đầu tiên, là sống trong những điều kiện cho phép chúng ta duy trì sức khỏe, sự cân bằng và lòng tự trọng; thứ hai, có thể tiếp cận với những trang phục, thực phẩm và môi trường xung quanh có chất lượng tốt. Đáng buồn thay, trong thế giới ngày nay, ngay cả chất lượng cuộc sống cũng trở thành một điều xa xỉ. TÀI SẢN CÁ NHÂN Những vật dụng thuộc sở hữu cá nhân của một người chỉ cần gói gọn trong một vài vali: một tủ quần áo tối giản được lựa chọn kỹ càng, một hộp đựng đồ trang điểm, một cuốn album những tấm hình yêu thích, vài ba món đồ quý giá. Những gì còn lại – vật dụng trong nhà (khăn trải giường, chén bát, tivi, nội thất ghế bàn) – không phải những vật dụng “thuộc cá nhân” theo định nghĩa sát nhất. Việc điều chỉnh phong cách sống của bạn theo hướng này sẽ đem lại sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Bạn sẽ nhận được điều chỉ vài người mới có: một tâm trí rộng mở và dễ lĩnh hội cái mới. Hãy nghĩ về sự rời bỏ của bạn khỏi cõi trần này càng sớm càng tốt: rời bỏ một ngôi nhà, chiếc xe và một ít tiền... và rất nhiều những kỷ niệm vô giá. Không có những chiếc thìa bạc, không có đồ vật lỉnh kỉnh, không có vấn đề về thừa kế, không có sổ ghi chép cá nhân. Hãy vứt bỏ các thiết bị điện tử và nói với mọi người xung quanh những gì bạn dự định làm. Hãy thay những chiếc ghế bành méo mó của bạn thành một chiếc ghế sofa thật dễ chịu, chất lượng tốt; thay dao nĩa bạc thành dao nĩa làm bằng thép không gỉ; thay những chiếc váy bạn không còn mặc bằng một chiếc áo khoác len mềm mại, đắt tiền; thay những người quen biết bằng một vài người bạn đích thực và thay những buổi trị liệu của bạn bằng một thùng champagne ngon tuyệt! Điều còn lại là bí ẩn và cái đẹp, những gì thuộc về trí tuệ, tâm hồn và cảm xúc. Hãy sắp xếp lại cuộc sống của bạn để sống đơn giản hơn, xán lạn hơn và sinh động hơn. Hãy thuyết phục người bạn đời của mình cũng làm như thế. Bạn cũng cần nói không với sự chây ì và thói quen tích trữ đồ vật, các bài hát buồn và những người cáu kỉnh. Đó là những gánh nặng khiến chúng ta tích lũy các giá trị và thói quen sai lầm, trở nên mù quáng với thực tại, đồng thời ngăn cản chúng ta tập trung vào những nguồn lực chưa được khai thác trong tâm hồn, trái tim và trí tưởng tượng. À À Ả NGHĨ ÍT ĐI, SỐNG NHẸ NHÀNG VÀ ĐƠN GIẢN Thật đáng ngưỡng mộ khi một người có thể sống gọn nhẹ và sẵn sàng cho mọi tình huống đến mức nếu quân thù chiếm cứ thành phố, anh ta có thể rời khỏi cổng thành với đôi bàn tay trắng mà không hề lo nghĩ gì. – Henry David Thoreau, Walden Hãy luôn cảnh giác và sẵn sàng đối mặt với những điều bất ngờ. Bạn nên liệt kê danh sách tất cả đồ đạc cá nhân của mình. Việc này sẽ giúp bạn bỏ bớt những thứ không dùng tới. Ngoài một vài ngoại lệ hào nhoáng trong tủ, đồ đạc cá nhân của bạn chỉ nên giữ ở mức thật sự tối thiểu mà bạn có thể tự mình mang vác, không cần nhờ đến ai. Trong lịch sử, người Nhật buộc phải sống như vậy bởi họ thường xuyên đối mặt với các đám cháy, nạn cướp bóc và thiên tai. Họ đã chọn lựa những đồ vật mình có thể mang theo nếu buộc phải rời bỏ nơi cư trú. Đừng tích trữ đồ đạc vật chất và phải đảm bảo rằng tất cả những thứ bạn đang sở hữu là tối cần thiết, thực dụng, hữu ích. Hãy nhớ rằng, cân nặng chính là kẻ thù: cân nặng không tốt cho cả đồ đạc lẫn sức khỏe của bạn. Người lữ khách càng chuyên nghiệp bao nhiêu, hành lý của họ càng nhẹ bấy nhiêu. Hãy cố gắng thay thế những đồ vật bạn đang sở hữu bằng những vật khác nhỏ hơn và nhẹ hơn. Bạn có thể thanh lý các tủ chén và tủ nhiều ngăn làm từ gỗ sồi của mình đi và chọn những phương tiện lưu trữ vừa vặn, gắn vào tường nhà. Hãy tưởng tượng phòng ngủ của bạn là một cái hốc trên tường, hoặc ngôi nhà của bạn là một chiếc thuyền nhỏ. Những ngôi nhà kiểu Morocco đẹp nhất không có gì nhiều ngoài vài tấm thảm nhỏ, gối tựa lưng và những chiếc bàn có thể gấp lại bằng đồng thau. Những món đồ nội thất cồng kềnh cũng tạo ra sự nặng nề trong nhận thức của người sử dụng giống hệt như khi đặt chúng trên vai của họ vậy. Chúng khiến bạn không thể di chuyển dễ dàng trong phòng (trừ khi đó là một ngôi nhà nguy nga như cung điện). Dù bạn đang tìm kiếm một bộ kệ gỗ đẹp đẽ hay một chiếc chén uống trà, một chiếc bàn ăn hay một chiếc ví, hãy cố gắng tìm cho bằng được những món đồ phù hợp nhất với mục đích cá nhân và cách bạn sử dụng chúng. Chúng sẽ giúp bạn di chuyển linh hoạt hơn. Hãy nhớ rằng: khi bạn sống với những gì tối thiểu nhất, mỗi một món đồ, bất kẻ nhỏ bé thế nào, đều phải hữu dụng và tuyệt đẹp. Ngôi nhà cũng giống như một chiếc vali du lịch: cả hai đều chứa đựng vật sở hữu riêng tư nhất của con người – đó chính là chúng ta, những con người du mục từ kiếp này sang kiếp khác. BẢN CHẤT CỦA ĐỒ ĐẠC Đồ đạc phải bị hỏng hóc, mục ruỗng trước khi chúng ta có thể lấy được tinh hoa từ chúng. Hãy thử xác định, mô tả, nhìn ngắm, đặt tên, xem xét giá trị và trải nghiệm những đồ vật trong cuộc đời của bạn. Việc này sẽ giúp bạn nhận ra những thứ thừa thãi. Hãy nhìn cận cảnh những chi tiết của đồ vật: chất lượng thật sự và giá trị của chúng (hay tính tầm thường hoặc thiếu hữu dụng) sẽ trở nên rõ ràng. Hãy nhìn xa hơn vẻ bề ngoài để thấy những đồ vật đó đang đóng góp điều gì cho sự tồn tại của bạn. Những trải nghiệm và đồ vật “tối cần thiết” đều mang trong mình tính chất phổ quát: một ngôi sao lấp lánh trong làn sương sớm, một tia nắng Mặt trời chói lọi, một ấm trà đúng nghĩa là một ấm trà, chứ không phải một con voi – đó là loại ấm trà mà ngay cả một đứa bé cũng có thể vẽ được. Nhưng hãy nhớ rằng: những đồ vật giản đơn nhất đều cần có chất lượng tốt nhất. ĐỪNG CHỊU ĐỰNG ĐỒ ĐẠC CỦA BẠN, HÃY CHỌN CHÚNG Thuở xưa, họa giả Vương Phất và môn đệ của ông đang chu du khắp các nẻo đường trên đất Hán. Họ đi rất chậm vì Vương Phất muốn dừng lại vào ban đêm để ngắm sao và ban ngày để ngắm chuồn chuồn. Họ không mang theo nhiều hành lý bởi điều Vương Phất yêu quý là hình ảnh của đồ vật chứ không phải bản thân chúng và dường như không có thứ gì trên đời đáng để ông bỏ tiền ra mua, ngoại trừ bút lông, hũ sơn mài, mực, những cuộn vải lụa và giấy bồi. – Marguerite Yourcenar, Đông phương ỷ đàm Hãy coi trọng việc sở hữu ít đi. Không ai có thể sở hữu tất cả vỏ ốc trong biển cả. Và ngay cả chiếc vỏ ốc cũng sẽ đẹp hơn nhiều nếu đứng một mình. Chúng ta khó có thể trân trọng cả một khối lượng lớn đồ vật, chúng sẽ mất đi vẻ đẹp và tâm hồn của chúng. Hay có thể nói, chúng “đã chết”. Người Nhật hiểu điều này. Từ thời cổ, họ đã thông thạo nghệ thuật bài trí những đồ vật nhỏ bé, không khoa trương xung quanh mình. Đó là những đồ vật có thể giao tiếp với người chủ, có thể vượt qua khoảng cách về tinh thần giữa chúng và chủ nhân của chúng. Mỗi đồ vật đều được chế tạo tinh xảo, có thẩm mỹ, hữu dụng, có thể xếp gọn, linh hoạt, có khả năng biến mất trước và sau khi sử dụng (có thể là vào trong túi xách, túi quần áo, hoặc gấp lại trong một tấm vải lụa hình vuông). Người ta trân trọng đồ vật khi họ sử dụng chúng, coi chúng như những đồ vật thiêng liêng một cách hiển nhiên. Trẻ em Nhật được giáo dục về điều này rất kỹ càng. Nếu chúng ta muốn an hưởng tuổi già, có những bước đi nhẹ nhàng, chúng ta nên học theo người Nhật, học theo thói quen của họ và áp dụng phong cách sống chỉ tập trung vào những thứ tối cần thiết nhưng được chế tác tinh xảo và mang lại sự thoải mái. Sự xâm nhập của công nghệ vào đời sống con người đã làm cuộc sống tinh thần dần mờ nhạt đi. Chúng ta dễ dàng thỏa mãn với những thứ tầm thường. Nhưng nếu chú trọng vào những nhu cầu tối quan trọng và những mong muốn sâu thẳm nhất, chúng ta sẽ chỉ cho phép những đồ vật có chất lượng tốt nhất tồn tại xung quanh mình. Hãy tìm hiểu bản thân. Hãy học cách xác định và thể hiện gu thẩm mỹ của mình và cả những đồ vật mà bạn không thích. Nếu bạn nhìn thấy khu vườn trong mơ, hãy cố gắng xác định và mô tả chính xác khu vườn ấy nhìn như thế nào và cảm giác của bạn ra sao. Nếu khu vườn ấy xanh và sạch, đừng trồng những mảng hoa tulip vàng một bên và hoa phong lữ hồng ở bên còn lại trong khu vườn ấy. Một khu vườn với nhiều tán lá sẽ khiến đôi mắt cảm thấy dễ chịu, trong khi những viền hoa và bồn hoa lặp đi lặp lại là sự xúc phạm đối với thiên nhiên. Quá nhiều loại thực vật sống chung trong một khoảng sân hoặc vườn nhỏ trông không tự nhiên và lộn xộn. Sở hữu vật chất nên phục vụ cơ thể, hoặc nuôi dưỡng tâm hồn. Hãy chọn lọc một cách khắt khe, chất lượng cuộc sống của bạn sẽ được cải thiện. Nếu giác quan và dinh dưỡng của chúng ta đã đủ “chất” thì tất cả những gì thêm vào đều thừa mứa, giống như ăn quá nhiều thức ăn sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho cơ thể. Đầu tiên, xác định những đồ vật phù hợp với bạn nhất, những món đồ vật mà bạn yêu quý nhất (quần áo, nội thất, xe cộ). Nhãn hiệu, thương hiệu và bao bì không quan trọng. Hãy rèn cho bản thân khả năng xác định giá trị của đồ vật xung quanh. Sự thanh thản trong tâm trí sẽ lớn mạnh từ từ khi những đồ đạc làm nên thế giới hằng ngày của bạn sẽ phản ánh nhu cầu thật sự và thẩm mỹ của cá nhân bạn. CHỈ CHẤP NHẬN NHỮNG GÌ THỎA MÃN GIÁC QUAN CỦA MÌNH Chìa khóa để yêu thích cách bạn sống nằm trong nhận thức về điều bạn thật sự yêu quý. – Sarah Ban Breathnach Cả suy nghĩ lẫn đồ vật đều quan trọng. Thường thì mọi người thường không bao giờ chỉ ra thứ mà họ thật sự yêu quý, hay thứ phù hợp nhất với lối sống của họ. Đồ vật là thành phần tạo nên cảm xúc của chúng ta. Chúng cần phải hữu dụng và là nguồn vui của người sở hữu. Hãy xác định và từ bỏ những đồ vật mà bạn cho là xấu xí và không phù hợp với mình: nguồn năng lượng tiêu cực của chúng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới niềm vui sống của bạn chẳng khác nào tiếng ồn hay thức ăn độc hại. Việc chung sống mãi mãi với những đồ vật chúng ta không muốn sẽ làm con người khổ sở và trở nên lãnh đạm. Khi đồ vật làm chúng ta khó chịu (mà chúng ta có thể biết hoặc không biết), chúng thúc đẩy cơ thể tiết ra các hormone độc hại. Chúng ta có thường hay nói: “Đó là chất độc, nó thật khó chịu, nó đang giết chết tôi...” không? Nhưng một đồ vật hoàn hảo sẽ mang đến sự dễ chịu, an toàn và thanh thản mà không gì có thể so sánh được. Hãy hứa với bản thân chỉ giữ lại những gì bạn yêu quý. Tất cả những thứ khác đều vô nghĩa. Đừng để thế giới của bạn tràn ngập bóng ma quá khứ, hoặc những đồ vật mà bạn cho là xoàng xĩnh. Hãy sở hữu thật ít, nhưng phải là những gì tốt nhất. Đừng chấp nhận một chiếc ghế bành “tạm được”. Hãy mua chiếc ghế đẹp nhất, nhẹ nhất, tiện dụng và dễ chịu nhất trong khả năng của mình. Đừng do dự khi bỏ đi những thứ “tạm được”. Hãy thay thế chúng bằng những đồ vật hoàn hảo, phù hợp với mục đích sử dụng, ngay cả khi việc này có nghĩa là bạn phải tiêu một khoản tiền mà những người khác cho là phí phạm và vô bổ. Chủ nghĩa tối giản có thể rất tốn kém, việc hạnh phúc với những gì tối thiểu nhất có cái giá của nó. Bạn có thể học hỏi từ chính những sai lầm. Sau nhiều lần lựa chọn sai lầm, bạn sẽ biết thứ gì phù hợp nhất với mình. LỰA CHỌN NHỮNG ĐỒ VẬT HỮU DỤNG, CHẮC CHẮN, TỐI ƯU VÀ ĐA CHỨC NĂNG Hình dáng và chức năng là một. – Frank Lloyd Wright Sự đơn giản mộc mạc là hợp thể hoàn hảo của cái đẹp, tính hữu dụng và tính phù hợp. Không nên có những vật thừa thãi vô dụng. Bạn chỉ cần sở hữu một số ít đồ vật, đồ chế tác thủ công hay hàng sản xuất đại trà đều được, nhưng cần phải cẩn trọng khi lựa chọn bởi chúng sẽ thể hiện con người bạn: đồ vật phục vụ con người, không phải con người phục vụ đồ vật. Bạn sẽ sử dụng một chiếc bình nước phù hợp với hình dạng và chuyển động của bàn tay nhiều hơn là một chiếc khiến cổ tay bạn bị đau mỗi lần cầm lên rót nước. Hay một chiếc ly thủy tinh đơn giản, trong veo cho phép bạn nhìn được mọi thứ bên trong nó. Một đồ vật thể hiện giá trị thực thụ và chất lượng của nó khi được sử dụng. Đừng cố tìm kiếm những đồ vật “tốt nhất” bằng mọi giá, thay vào đó, hãy tìm kiếm những món đồ đáng tin cậy, bền chắc, phù hợp với chức năng của chúng và nhu cầu của bạn. Trước khi quyết định mua thứ gì, hãy chạm vào nó, cảm nhận sức nặng và trọng lượng, mở ra, đóng vào, vặn lại, tháo ra, kiểm tra, hoặc yêu cầu người bán cho bạn nhìn và nghe thử (âm thanh của đồng hồ báo thức hoặc chuông cửa). Gốm sứ phải nhẹ, còn đồ thủy tinh cần chắc chắn. Yanagi Soetsu, triết gia người Nhật và nhà sưu tầm nghệ thuật dân gian, từng nhắc nhở chúng ta rằng như một người công nhân cần sức khỏe, một đồ vật dùng hằng ngày cần phải mạnh mẽ và bền chắc. Các món đồ được trang trí cầu kỳ và mong manh không thể dùng hằng ngày được. Nếu muốn thấy những dụng cụ đẹp đẽ trên bàn ăn, bạn hãy tới một nhà hàng sành điệu và sang trọng, nhưng hãy mua những chiếc đĩa dày dặn, khó vỡ cho mình. Những chiếc đĩa đó sẽ phù hợp với mọi thứ và khiến món ăn của bạn trông ngon miệng hơn. Chỉ những người có thẩm mỹ lệch lạc mới cho rằng sự thanh lịch đơn giản này là nhàm chán. Những chiếc tô có từ thời triều Lý của Hàn Quốc hiện nay rất đắt tiền và được nhiều người săn lùng vốn chỉ là những chiếc tô đựng cơm bình dân, không được chế tác để nhìn cho đẹp mắt, mà chỉ để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Đồ vật dùng hằng ngày không thể mỏng manh dễ vỡ hoặc kém chất lượng; sự thiết thực và vẻ đẹp của chúng không thể tách rời nhau. Những đồ vật không được sử dụng thường xuyên sẽ tỏa ra năng lượng tiêu cực, bất chấp vẻ ngoài đẹp đẽ của chúng. Nếu như chúng ta cứ sợ sẽ làm hỏng một đồ vật vì chúng có giá trị lớn, sự sợ hãi đó sẽ phá hỏng niềm vui sướng khi chúng ta sở hữu và sử dụng chúng. Những bậc thầy về Thiền chọn những đồ vật quý báu cho cá nhân, từ những vật dụng hằng ngày và tự nhiên, những đồ vật không có gì quá đặc biệt. Nhờ vậy, họ tìm ra cái đẹp ngay cả trong những vẻ ngoài tầm thường nhất. Cái đẹp chân chính ở xung quanh chúng ta. Sở dĩ, chúng ta không thấy được là vì chúng ta kiếm tìm nó ở những nơi quá xa xôi. Ngay cả những đồ vật thông dụng nhất hằng ngày – một bình trà hoặc một con dao – cũng trở nên thật đẹp khi chúng được sử dụng thường xuyên và được người ta trân trọng vì tính thực tiễn của chúng. Chúng làm giàu cuộc sống của chúng ta bằng những niềm thỏa mãn nho nhỏ mà bản thân chúng ta có thể thưởng thức. Hãy nuôi dưỡng tình yêu với những vẻ đẹp có thể nhìn thấy được thay vì những “vẻ đẹp” chỉ được cảm nhận qua nhãn hiệu hoặc logo của các thương hiệu đắt tiền. Bạn nên sống cùng những đồ vật có thể đáp ứng ngay nhu cầu của bản thân, với vẻ đẹp được tạo ra không chỉ để đẹp mà thôi. HÃY CHỌN NHỮNG ĐỒ VẬT CƠ BẢN CÓ CHẤT LƯỢNG VÀ CÀNG DÙNG CÀNG TỐT Hãy chung sống với những đồ vật cơ bản. Bạn có thể giải phóng trí tưởng tượng của mình bằng cách chọn những món đồ được sản xuất bằng các phương pháp truyền thống dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và sự uyên thâm của những người thợ thủ công được truyền nghề qua nhiều thế hệ. Hãy ưu ái những sản phẩm này thay vì chọn các tác phẩm do các những nghệ nhân đơn lẻ tạo ra, với mục đích đơn thuần là để nâng cao danh tiếng hay tìm kiếm sự giàu có. Việc mua một chiếc túi hay một chuỗi ngọc trai từ một nhà chế tác trang sức tài ba nghe có vẻ xa xỉ, nhưng khi bạn biết người đó đã phải bỏ bao nhiêu công sức và kỹ năng để tạo nên nó, cái giá phải bỏ ra hoàn toàn xứng đáng. Hãy chọn những nguyên vật liệu tự nhiên, tinh tế nhất và tránh xa những nguyên vật liệu nhân tạo; gốm sứ tinh khiết, màu trắng nhẹ nhàng, hoặc đá; những vật dụng sơn mài đắt đỏ, trơn láng đẹp đẽ và bóng bẩy; gỗ với những đường vân mỹ miều tự nhiên; vải vóc thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của chúng (len, cotton, lụa). Mua những sản phẩm như thế cũng giống như mua một phần cơ thể mình vậy. Trong quá trình công nghiệp hóa, con người đã đánh mất khả năng phân định chất lượng thật sự của một đồ vật. Nếu chưa thể mua được một chiếc ghế sofa trong mơ, hãy dành dụm từng chút một cho tới khi bạn đủ tiền. Nhưng đừng mua những món đồ thay thế rẻ tiền hơn trong khi chờ đợi. Có thể bạn sẽ quen với điều đó, nhưng phải trả giá đấy! Sẽ tốt hơn nếu như bạn sống với khát vọng cao cả hơn là thực tế tầm phào. Chất lượng không thể đo đếm bằng giá trị tiền bạc. Chất lượng của đồ vật phải phù hợp với nhu cầu của cơ thể và môi trường xung quanh. Một đồ vật có chất lượng sẽ tô điểm thêm môi trường xung quanh với sự trang nhã yêu kiều và thanh lịch. Những đồ vật làm bằng da tốt sẽ trở nên mềm mại và bóng bẩy hơn theo thời gian. Một chiếc áo khoác vải tuýt 3 cần phải được mặc nhiều để khiến người mặc cảm thấy hài lòng và thoải mái hơn. Đồ gỗ phải dùng càng lâu thì càng trở nên ấm áp hơn khi bạn nhìn và cảm nhận. Ngược lại, đồ vật làm bằng chất liệu nhân tạo sẽ trở nên xấu xí và gây khó chịu khi chúng cũ đi. Hãy chọn những chất liệu “có sức sống”. CHẤT LƯỢNG VÀ SỰ XA XỈ Việc có quá nhiều đồ vật ở cùng một chỗ sẽ triệt tiêu ảnh hưởng của từng món đồ. Một căn phòng có quá nhiều nội thất sẽ trói buộc trí tưởng tượng, trong khi những thứ đơn giản sẽ giúp trí tưởng tượng của bạn tự do bay xa. Một tổng thể màu sắc hòa hợp cùng với những chất liệu tự nhiên, đẹp đẽ trong môi trường mà chúng ta sống hằng ngày sẽ làm dịu đôi mắt và cảm giác: hãy chọn chất liệu gỗ với vân tự nhiên và nước bề mặt bóng, được chế tác bởi đôi tay con người nhưng không bị vấy bẩn. Một khi bạn yêu thích chất lượng, bạn sẽ không bao giờ chấp nhận sự tầm thường. Tuy nhiên, chất lượng là thứ càng ngày càng hiếm gặp trong xã hội tiêu dùng ngày nay, hiếm đến mức chúng ta không còn mong mỏi điều này nữa (chất lượng tốt thì mắc tiền và không thể sản xuất đại trà, cũng gần với định nghĩa về sự xa xỉ). Có lần, một người bán hàng chuyên bán các sản phẩm làm từ da tốt đã nói với tôi rằng, mua cả đống vật dụng rẻ tiền, lặt vặt có thể còn tốn hơn cả cái giá bạn phải trả cho một món đồ cực tốt. Đó là một cái giá có vẻ đắt đỏ, nhưng món đồ này sẽ mang lại cho bạn sự thỏa mãn trong suốt cuộc đời và làm bạn hài lòng mỗi lần sử dụng. NGHỆ THUẬT CỦA SỰ HÀI HÒA Sở hữu một hoặc hai vật dụng thật đẹp là chưa đủ. Chúng cần phải hài hòa với nhau và phản ánh một phong cách thống nhất, tạo nên một tổng thể chặt chẽ. Một phong cách phản ánh cá tính sẽ mang lại cho người khác những ấn tượng tốt đẹp nhất về bạn. Sự giản dị có nghĩa là tạo ra sự hài hòa giữa một vài đồ vật, với mỗi món trong số đó là duy nhất và không thể thiếu. Hãy thêm giá trị và phong cách cho cuộc sống của bạn với sự tiết kiệm và giản dị. Thông thường, trong mỹ học và trong nhiều lĩnh vực khác, ít hơn là nhiều hơn. Một đồ vật sẽ được coi là đẹp khi được bài trí đẹp mắt lúc đứng riêng, nhưng phải hài hoà với môi trường xung quanh. Một nụ hoa đơn chiếc trong một chiếc bình đại diện cho thế giới tự nhiên, các mùa, tính biến đổi của vạn vật... Một bình trà không đi cùng tách trà, hoặc có tách trà nhưng lại không có khay, và một chiếc khay kiểu cách không ăn nhập gì với căn phòng mà nó được đặt trong đó sẽ làm tiêu tan sự hoà hợp và nét thanh bình của nội thất. Một chiếc tủ chén lớn, thô ráp mang phong cách của thời vua Louis XV sẽ trở nên lạc lõng trong một căn hộ hiện đại. Hãy vây quanh đồ vật của bạn bằng không gian và sự tôn trọng. Hãy tận dụng hết những món đồ ít ỏi mà bạn có. Một chiếc kệ chất đầy những bức tượng gốm sứ sẽ không khiến phòng khách của bạn trở nên dễ chịu hoặc thanh lịch hơn. Gợi ý: Khi mọi đồ vật trong một bộ giống nhau về màu sắc, chúng trông có vẻ ít hơn về mặt số lượng, dễ chịu khi nhìn và tạo nên cảm giác về sự trật tự. Tủ Quần Áo: Sự Giản Dị Có Phong Cách PHONG CÁCH VÀ SỰ GIẢN DỊ Khi một cô gái cảm thấy bản thân đã ăn mặc và chải chuốt hoàn hảo, cô ta có thể hoàn toàn quên đi vẻ ngoài của mình. Đó chính là sự quyến rũ. Bạn càng quên đi vẻ ngoài của bản thân bao nhiêu, bạn càng quyến rũ bấy nhiêu. – Scott Fitzgerald, truyện ngắn Bernice bobs her hair (tạm dịch: Bernice cắt tóc ngắn) Phong cách là lớp quần áo bên ngoài của những suy nghĩ bên trong. Phong cách cá nhân thực thụ nói “không” với sự lập dị trong cách ăn mặc. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa trang phục và bản thân chúng ta. “Thời trang thay đổi, nhưng phong cách là mãi mãi,” Coco Chanel đã nói như thế. Thời trang là cuộc biểu diễn vĩnh cửu, phong cách là tất cả những gì về sự giản dị, vẻ đẹp và sự thanh lịch. Thời trang có thể mua được; phong cách là bẩm sinh, là năng khiếu. Phong cách của một người phụ nữ cần trở nên mộc mạc hơn và đơn giản hơn theo thời gian. Phong cách tạo nên sự hiện diện; giá trị thực thụ của chất lượng là sự thanh bình mà nó mang lại. Lý tưởng nhất là hãy mang trên mình chính con người thật của bạn thay vì áo quần. Sự giản dị là bí quyết để có một vẻ ngoài đặc biệt, hấp dẫn. Điều này không chỉ đúng với phụ nữ, mà còn đúng với một bức ảnh, một tấm sàn gỗ bóng loáng lấp lánh trước ánh lửa lò sưởi, hay một chiếc bàn uống cà phê đơn sơ chẳng có gì ngoài hai hoặc ba chiếc tách đơn giản và hoàn hảo. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho kiến trúc, thơ văn và quần áo. Một phụ nữ thanh lịch nên tránh tạo cho mình vẻ bề ngoài sặc sỡ như cây thông Giáng sinh. Một bộ quần áo đơn giản, cắt ráp chuẩn sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho ban ngày cũng như những chiếc váy đầm đơn giản, thanh lịch sẽ thật tuyệt vời cho buổi chiều tối, kết hợp với một hoặc hai món phụ kiện tinh tế. Quý cô thanh lịch cho phép bản thân họ được ngắm nhìn và ngưỡng mộ: họ xứng đáng và biết cách tận hưởng sự chú ý. Về màu sắc: màu be, xám, trắng và (tất nhiên) màu đen là tất cả những gì bạn cần. Người ta nói rằng những quý cô mặc đồ đen sống cuộc đời nhiều màu sắc. Khi giải thích về niềm đam mê của mình với màu đen, nghệ nhân may mặc người Nhật Yohji Yamamoto đã chỉ ra rằng những màu sáng gây ra sự phiền nhiễu với người khác: chúng làm rối mắt và chẳng phục vụ cho mục đích gì. Trắng và đen là hoàn hảo, là tinh hoa của vẻ đẹp. Chúng cho phép chúng ta tập trung vào những gì quan trọng: màu da, màu tóc, màu mắt hay một món trang sức tinh xảo. Tất cả được làm nổi bật nhất bằng màu đen hoặc màu trắng và thi thoảng là màu xanh hải quân hoặc màu be. Như một nguyên tắc chung, bạn cần tránh vải in nhiều màu sắc, hoa lá, chấm bi hoặc kẻ sọc. Cách khôn ngoan để làm tủ quần áo của bạn trở nên phong phú là giới hạn màu sắc: hai hoặc ba màu khác nhau là đủ, được làm sinh động bằng cách điểm xuyết thêm vài màu đậm khác. Một tủ quần áo đơn giản, cổ điển sẽ khiến việc chọn đồ mặc vào mỗi buổi sáng trở nên dễ dàng hơn và cắt bỏ điệp khúc buồn tẻ của việc phân loại, loại bỏ những thứ phục sức không mặc tới. Bạn chỉ cần một tá trang phục có thể kết hợp với nhau là đủ cho mọi dịp. Quần áo quá chật hoặc quá rộng không bao giờ thanh lịch. Phụ nữ đã trở nên hãi hùng khi phải vật lộn hằng ngày chỉ để tìm ra những bộ quần áo phù hợp với mình, những bộ quần áo thanh lịch nhưng cũng phải thoải mái và khiến họ trở nên hấp dẫn. Vì vậy, hãy loại bỏ tất cả những gì không hòa hợp với toàn bộ phần còn lại của tủ quần áo, loại bỏ bất cứ những gì quá nhỏ, quá cũ hay dư thừa. Mặc những bộ trang phục cũ sờn chỉ khiến bạn thêm già nua. Hãy biến tủ quần áo của bạn thành một thiên đường bình yên và trật tự. Và nếu bạn không cần phải “diện” để đi làm hoặc đi ra ngoài, hãy mua hai hay ba chiếc quần jean – giải pháp tốt nhất cho sự thoải mái, dễ chịu và chất lượng. Một phụ nữ ăn mặc đẹp không chỉ thể hiện gu ăn mặc tuyệt vời mà còn cho thấy trí tuệ, sự sắc sảo và táo bạo. Hãy trung thành với phong cách khác biệt: nếu bạn cố gắng để trông như những người khác, bạn sẽ đánh mất hình ảnh của chính mình. Hãy hiểu về bản thân và phong cách của bạn sẽ tự động tuân theo bạn. Mỗi ngày đều mang đến một chuỗi những sự lựa chọn giúp chúng ta xác định cá tính và phong cách duy nhất của bản thân. Lý tưởng nhất là sự lựa chọn của bạn sẽ dựa trên hình ảnh cá nhân và hình ảnh bạn muốn người khác cảm nhận về mình. Trong thực tế, hình ảnh bạn thể hiện bây giờ là sự tổng hợp của tất cả những chi tiết trong cuộc sống hằng ngày. Phong cách của chúng ta chính là thứ khiến chúng ta luôn cảm thấy thoải mái. Hãy nhớ những khoảnh khắc trong cuộc sống khi bạn cảm thấy mình ăn mặc thật chỉn chu, chải chuốt gọn gàng, thanh lịch và tự tin. Cảm giác của bạn cũng sẽ lan tỏa đến mọi người xung quanh. Sự lựa chọn về trang phục và trang sức của chúng ta cũng là nguồn vui với mọi người. Chúng ta có nghĩa vụ phải mang nét đẹp tới thế giới chúng ta đang sống. Mỗi một món đồ trong tủ quần áo của bạn cần thể hiện sự hiện diện của riêng nó. Hãy tạo nên phong cách của riêng bạn. TRANG PHỤC CÓ CÙNG TIẾNG NÓI VỚI BẠN KHÔNG? Trang phục có ý nghĩa với cơ thể như cơ thể đối với tâm trí. Chúng nên phản ánh nội tâm của chúng ta, cũng như mang lại sự quyến rũ và hữu dụng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách lên kế hoạch về tủ quần áo trong tâm trí. Đầu tiên là phụ kiện (giày dép và túi xách) phải thể hiện phong cách cá nhân của bạn. Sau đó, hãy dành thời gian để sắp xếp một không gian tủ quần áo của riêng mình. Trang phục của bạn cho thấy bạn là ai, hình tượng bạn muốn trở thành, trí tưởng tượng, quyết tâm, tiêu chuẩn, quan điểm chính trị, ước mơ của bạn và cách bạn sống. Chúng thể hiện rất nhiều về bạn, trước khi bạn mở miệng nói từ đầu tiên. Cuộc sống không hề đơn giản. Chúng ta đều phải diễn nhiều vai khác nhau. Bạn là ai ngày hôm nay? Trang phục sẽ trở thành chúng ta, mang dấu ấn tính cách của chúng ta. Chúng là khúc dạo đầu trong cuộc đối thoại với hình ảnh phản chiếu chúng ta trong gương soi, với gia đình, với xung quanh, với bất kỳ ai mà chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống. Tủ quần áo nên phản chiếu những tinh hoa trong phong cách cá nhân của bạn. “Thoải mái khi được là chính mình” là một cụm từ có nhiều ý nghĩa. Linh hồn của một món trang phục sẽ tìm đường hòa nhập với cơ thể khi bạn mặc chúng. Nếu nhìn đời đơn giản, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi sự thừa mứa. Ăn mặc đẹp là khởi nguồn của sự bình yên trong tâm hồn. Nó thể hiện sự trân trọng bản thân. Khi chúng ta mặc những trang phục phản chiếu tâm hồn bên trong của mình, chúng ta sẽ cảm nhận ngay được sự hài hòa. Trang phục có thể là những người bạn, hoặc kẻ thù. Chúng có thể bảo vệ và biểu lộ phần đẹp nhất về người mặc, hoặc truyền tải hình ảnh sai lệch. Chúng có sức mạnh kỳ diệu có thể làm thay đổi cách hành xử của con người. ĐƠN GIẢN HÓA TỦ QUẦN ÁO CỦA BẠN Bạn sở hữu bao nhiêu quần áo tất cả? Bạn cần bao nhiêu trong số đó? Hạnh phúc tùy thuộc vào sự giản dị, gu thẩm mỹ và tính hòa hợp. Giá trị của trang phục nằm ở tính giản dị của nó. Một lần nữa, ít hơn chính là nhiều hơn. Hãy chọn những phong cách cổ điển – những món đồ mà bạn có thể mặc suốt tám tháng trong một năm, dù là trang phục liền hay rời. Bạn có thể phối hợp nhiều chất liệu (nhung, da, lụa, len hoặc cashmere) để có được vẻ bề ngoài đậm nét cá tính và sáng tạo. Hãy sắp xếp lại tủ quần áo của bạn và chỉ giữ lại những gì thật sự yêu thích. Không bao giờ quá trễ để trở thành người hoàn toàn khác. Hãy bắt đầu đi theo hướng đó bằng một bước nhỏ ngay hôm nay. Hãy vứt bỏ những món đồ không phù hợp với bạn, hoặc những món đồ cũ kỹ, những món đồ bạn ít khi mặc vì bất cứ lý do gì (hoặc không vì lý do gì cả). Bạn nên vứt bỏ tất cả những món đồ đã mua nhầm hoặc kỳ vọng một ngày nào đó có thể mặc được, vứt bỏ tất cả những gì đã mua trong cơn bốc đồng bởi những khoảnh khắc bực tức hoặc yếu đuối. Việc tìm kiếm trang phục lý tưởng giúp bạn loại bỏ cảm giác không dễ chịu với những gì mình đang mặc. Với trang phục lý tưởng, bạn sẽ rời nhà vào buổi sớm mai một cách nhẹ nhàng và thoải mái, bạn sẽ bớt đi một việc khiến cuộc sống của mình trở nên nặng nề hơn. “Ít hơn” có nghĩa là vượt qua những khoảnh khắc chần chừ trước tủ quần áo đầy ắp những trang phục “tạm được” hoặc “không quá tệ”. Những món đồ còn lại sau quá trình thanh lọc sẽ trở nên có giá trị hơn và dễ dàng kết hợp với nhau hơn. Hãy bắt đầu bằng một chiếc đầm mà bạn không ưa nhưng đã treo trong tủ quần áo ngày này qua tháng nọ. Nó sẽ khiến tủ quần áo của bạn trở nên nặng nề hơn nếu không được thay thế hoặc loại bỏ ngay lập tức. Quý cô nào cũng từng có lần mua nhầm trang phục, làm giảm đi sự thanh lịch tự nhiên mà cô ấy có. Những trang phục không hấp dẫn khiến người mặc trở nên kỳ cục. Nhìn chung, chỉ có khoảng 20% quần áo trong tủ được chúng ta mặc trong 80% thời gian. Số còn lại đa phần không đẹp mắt, khó chịu, cũ kỹ và do đó, ít được sử dụng. Đừng giữ lại những trang phục khiến bạn trở nên kém hấp dẫn. Nếu bạn giảm 10kg, bạn cũng sẽ muốn thay tủ quần áo. Hãy nhìn mỗi món đồ với cái nhìn mới mẻ: bạn có thể nghĩ về các cách kết hợp phụ kiện (với những kiểu quần tất khác nhau, một chiếc thắt lưng khác lạ hoặc các loại chuỗi hạt đa dạng). Không nên mặc trang phục công sở với áo ấm dài tay xuề xòa, hoặc giày thể thao với một chiếc túi xách trang trọng. Hãy nghĩ về những hoạt động khác nhau và trang phục bạn cần có, sau đó liệt kê danh sách những thứ bạn còn thiếu. ĐIỀU BẠN CẦN Câu trả lời duy nhất: trang phục thật sự. Hãy vứt bỏ mọi thứ trang phục chạy theo mốt, có thể trở nên lỗi thời chỉ sau một mùa. Một món trang phục đủ tốt phải chịu được nhiều lần giặt mà vẫn giữ được dáng hoặc không bị xù lông. Hãy đảm bảo bạn có một vài món đồ có thể mặc thường xuyên (quần vải len chất lượng, áo khoác vải tuýt cho mùa đông, một chiếc áo khoác thật đẹp và tốt) cùng nhiều áo thun và áo mặc trên. Hãy đảm bảo có ít nhất ba bộ trang phục hoàn hảo cho mọi dịp (cuối tuần, đi chơi, đi làm). Nếu bạn dành phần lớn thời gian ở nhà, hãy sắp xếp tủ quần áo theo hướng này. Hãy tự hỏi bản thân, nếu làm mất vali quần áo – như tôi đã từng khi bay tới California – bạn sẽ mua lại những trang phục nào? Tủ quần áo sau đây là tất cả những gì bạn cần cho vài tháng: – Bảy trang phục ngoài trời (áo vét, áo mưa, áo khoác); – Bảy áo mặc trên (áo khoác ấm hoặc áo có cổ, áo thun, áo sơ mi); – Bảy món đồ khác (quần tây, quần jean, váy, váy đầm); – Bảy đôi giày (giày đi bộ, bốt cao cổ, giày cao gót, dép có quai hậu, giày dép đi trong nhà và giày lười 4); – Một vài món phụ kiện (khăn pashmina, khăn choàng, thắt lưng, mũ nón, găng tay). Đồ lót, đồ ngủ và đồ bơi nên được phân loại riêng, nhưng cũng cần lựa chọn cẩn thận như tất cả các trang phục khác. Tại sao bạn lại giữ lại những chiếc áo thun đêm không còn phom dáng mà bạn đã từ rất lâu không mặc, cùng tất chân dự trữ cho sáu tháng? Những chi tiết nhỏ như vậy nói lên rất nhiều điều về tiêu chuẩn, thẩm mỹ và sự nữ tính của bạn. ĐI MUA SẮM, DỰ TRÙ CHI PHÍ VÀ BẢO QUẢN QUẦN ÁO Các cửa hiệu sang trọng khuyến khích sự sùng bái cơ thể, vẻ đẹp, sự tán tỉnh và thời trang. Phụ nữ tới đó như đi nhà thờ, để giết thời gian; đó là một nghề nghiệp, một nơi chốn tán tụng nữ giới, một nhà hát kịch về chiến tranh giữa đam mê quần áo chất lượng với túi tiền của những ông chồng và trên hết, là vở kịch về sự tồn tại, trên cả tiếng gọi của vẻ đẹp. – Émile Zola, Au Bonheur Des Dames (tạm dịch: Hạnh phúc của người phụ nữ) Trang phục tốt và trang điểm đẹp tỏa ra năng lượng tích cực. Trên hết, một phụ nữ cần phải để tâm tới sức khỏe, vẻ đẹp và tài chính của mình. Hãy đấu tranh để chống lại sự thụ động. Bạn có thể thay đổi. Bạn có thể tỏa sáng. Sự tự tin có thể đạt được bằng cách dành chút ít thời gian cho việc chải chuốt và nâng niu bản thân. Hãy dự trù chi phí cho tủ quần áo của bạn, như đối với thực phẩm hoặc chuyện ăn học của con cái. Ăn mặc đẹp không phải là sự xa xỉ mà đó là một phần của cuộc sống cân bằng. Trang phục là vỏ bọc bên ngoài của chúng ta, không ai cần phải cảm thấy tội lỗi khi muốn được đẹp nhất. Bề ngoài đẹp đẽ khôn ngoan cũng quan trọng như một nơi chốn tử tế để sống, hoặc khẩu vị tinh tế. Đó là một phần của tổng thể lớn hơn – vấn đề cân bằng. Phân biệt rõ ràng những gì bạn thích và muốn với những gì bạn cần. Và suy nghĩ về giá cả. Trang phục đắt tiền thường bền dù bạn mặc chúng rất nhiều lần. Trang phục càng đắt, bạn càng thu được nhiều giá trị khi mặc chúng. Hãy chọn những phong cách kinh điển, những nhãn hiệu đã được thử nghiệm và chứng thực, những trang phục dễ bảo quản. Những người phong lưu đều đã được học qua nghệ thuật đầu tư vào những bộ cánh kinh điển nhưng lại không quá đắt tiền. Hãy bắt đầu bằng một đôi giày da đen mà bạn có thể kết hợp với tất cả mọi thứ. Khi chọn một món trang phục mới, hãy đảm bảo rằng bạn có thể kết hợp món trang phục đó với năm món đồ khác từ tủ quần áo của mình. Hãy áp dụng nguyên tắc này cho từng món đồ sắp mua. Không bao giờ mua đồ vật chỉ vì “đó là một món hời”. Hãy sắp xếp tủ quần áo của bạn. Quần áo được xếp gấp, treo, phơi và bảo quản đúng đắn sẽ bền hơn. Đơn giản là thế. Hãy cất trữ quần áo theo mùa ở khu vực riêng một khi bạn đã mặc xong trong năm đó. Tủ quần áo của bạn sẽ bớt chật chội và không khiến bạn thấy bối rối. Hãy thể hiện sự trân trọng với trang phục như chính cơ thể mình. Hãy làm thơm tủ quần áo, giữ gìn quần áo vải len khỏi những con mối bằng cách bảo quản chúng trong các túi dán kín có ướp mùi hương bằng một bánh xà bông nhỏ. Hãy đầu tư vào những chiếc móc áo bằng gỗ chất lượng tốt và vứt hết những chiếc móc kim loại hoặc những mẫu bằng nhựa rẻ tiền bạn thu thập từ những lần sử dụng dịch vụ giặt khô hoặc khi đi mua sắm. Những chiếc móc áo đẹp đẽ, giống nhau (với kích thước dành riêng cho nam và nữ), sẽ biến tủ quần áo của bạn trở thành một cửa hiệu sang trọng, khiến mỗi lần bạn thay trang phục là một niềm vui sướng. Tôi thích thứ âm thanh vui tai khi những chiếc móc gỗ chạm vào nhau. TÚI DU LỊCH Việc sở hữu quá nhiều túi, hoặc có một chiếc túi rất nặng, có thể là một sự phí phạm rất lớn về mặt thời gian, tiền bạc và năng lượng (phí hành lý quá cước, tiền taxi, thời gian chờ đợi lấy hành lý kéo dài, cơ bắp đau nhức, sự khó chịu cáu kỉnh). Hãy chọn loại dầu đa năng cho cả việc tắm và gội (thích hợp cho cả việc giặt giũ), dầu dưỡng ẩm toàn thân và tẩy móng tay dạng giấy chùi (loại này chiếm ít diện tích hơn là những miếng bông chùi cùng một chai nước rửa móng tay, và cũng không bao giờ bị rỉ nước ra ngoài). Ba chiếc túi xách là tất cả những gì bạn cần: một chiếc túi du lịch (mà bạn có thể mang kèm trong đó chiếc ví đeo nhỏ cho buổi tối), một chiếc túi xách tay kích thước phù hợp, và một chiếc túi đựng đồ trang điểm cơ bản. TÚI ĐỰNG ĐỒ TRANG ĐIỂM Việc sử dụng những đồ vật thú vị – lọ nhỏ, chai đựng, tráp và túi – là một trong những niềm vui của bất cứ quy trình chăm sóc sắc đẹp nào. Túi đựng đồ trang điểm cần được sử dụng hằng ngày, không chỉ khi đi du lịch. Quan trọng nhất trong những món sở hữu của phụ nữ, đó là khu vườn bí mật và người đầy tớ trung thành: nơi để thuốc uống, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, đồ trang sức và các món đồ cá nhân, luôn luôn sẵn sàng cho các chuyến đi bất ngờ hoặc lời mời đi nghỉ cuối tuần, khiến bạn yên tâm rằng kem chống nắng và nhíp nhổ lông mày sẽ không bị thiếu. Túi đựng đồ trang điểm là vật bạn mở đầu tiên trong phòng khách sạn và là đồng minh cho một buồng tắm sạch sẽ, gọn gàng tại nhà. Săn lùng bàn chải đánh răng trong đáy vali sau một chuyến bay dài mười lăm tiếng đồng hồ không hề thú vị chút nào, nên bạn đừng quên khoảng không gian cần có trong túi xách tay hoặc vali dành cho những món đồ cơ bản để chăm sóc cơ thể và chải chuốt bản thân – chai lọ be bé, máy sấy tóc, máy uốn tóc, dép đi trong nhà, bộ kim chỉ và dụng cụ chăm sóc móng tay nhỏ. Một túi đựng đồ trang điểm tốt là cách tuyệt nhất để đảm bảo bạn sẽ không bao giờ mang theo nhiều hơn những gì nó có thể chứa – nhưng phải nhớ kiểm tra với hãng hàng không xem những món đồ trang điểm và chăm sóc cá nhân nào có thể mang theo như hành lý xách tay, loại nào thì cần ký gửi. TÚI XÁCH TAY – THẾ GIỚI CỦA BẠN Mỗi ngày là một cuộc hành trình và tất cả những gì bạn cần sẽ được mang theo trong túi xách của bạn: chìa khóa, tiền, điện thoại, nhật ký, đồ trang điểm, thuốc. Túi xách chính là phần bổ sung của bạn. Thời gian túi xách ở bên bạn nhiều hơn bất cứ món trang phục nào. Vì thế, hãy chọn lựa túi xách thật cẩn thận. Đồ vật trong túi xách của một người phụ nữ nói rất nhiều về những điều cô ấy muốn giữ kín: sự lộn xộn hay ngăn nắp, những giấc mơ, tính hảo ngọt, đời sống tình dục, nỗi ám ảnh về sự sạch sẽ, những lời nói dối vô hại... Một vài phụ nữ trốn đằng sau những chiếc túi xách. Túi xách trở thành biểu tượng của địa vị xã hội, khu vườn bí mật của họ. Túi xách cần phải đẹp (vì thế bạn không cần đổi một cái mới mỗi buổi sáng), nhẹ cân (không nhiều hơn 1,5kg khi đựng đầy), với nhiều ngăn trong được thiết kế tinh tế (vì thế bạn không cần tốn mười phút chỉ để tìm khăn giấy hoặc vé tàu) và có chất lượng tốt nhất. Mua một chiếc túi xách tốt là khoản đầu tư khôn ngoan. Thà có một chiếc thật đẹp và tốt còn hơn có mười chiếc nhưng không dùng qua nổi một mùa, khiến bạn băn khoăn về việc sẽ làm gì với chúng sau đó. Bạn chỉ cần có một túi xách, nhưng phải biết cách sử dụng nó một cách thanh lịch suốt các dịp. Hãy phớt lờ áp lực của chủ nghĩa tiêu dùng: chọn một chiếc túi xách phù hợp với nhu cầu của mình và sẽ là niềm yêu thích của bạn trong nhiều năm về sau. Túi xách là người bạn thầm kín của phụ nữ. Nó thể hiện cá tính của chính nó, bên cạnh cá tính của chủ nhân. Một người phụ nữ mang theo cả thế giới và phong cách của cô ấy trong túi xách của mình. Chiếc túi xách có vai trò như vật trang trí, nhưng cũng có vai trò bảo vệ và vai trò xã hội. Ảnh hưởng về mặt tâm lý của nó là không có giới hạn. Nó phản ánh khát vọng của chủ nhân, nghề nghiệp, hoạt động, hoài bão và bí mật của cô ấy. Đó là không gian riêng tư của người phụ nữ, mà những người đàn ông chưa bao giờ và sẽ không bao giờ được phép nhìn trộm. Đó là một phần trong nhân dạng của người phụ nữ. Rõ ràng, một chiếc túi xách tốt không những là đồng minh trung thành duy nhất của chúng ta khi thường xuyên hiện diện bên cạnh chủ nhân của nó, mà còn có những công dụng thực sự. Trong những năm 1950, phụ nữ đầu tư những khoản tiền lớn vào một chiếc túi thật tốt và đôi giày cùng bộ. Phụ nữ thập niên 1950 có những mẫu thiết kế riêng cho họ, như là thành phần cốt lõi của phong cách cá nhân: thời trang và phụ kiện may sẵn chưa được phát minh. Tất cả đều được chế tác theo số đo, phản ánh hình ảnh cá nhân của người phụ nữ. Ngày nay, rất ít phụ nữ có khả năng mặc đồ thiết kế riêng (do vấn đề về kiểu dáng và chi phí), nhưng người ta không cần phải là người mẫu mới được đeo một chiếc túi thật tốt. Một chiếc túi đắt tiền có thể làm lu mờ một bộ quần áo giản dị. Khi kết hợp với một chiếc váy đơn giản hoặc một bộ đồ vét trơn, chiếc túi xách có thể thêm vào một mảng màu nổi và giúp cân bằng hình ảnh của người mang nó. Túi xách ngày nay có vô vàn những kiểu cách khác nhau, nhưng những chiếc túi kinh điển thì vẫn giữ nguyên giá trị (chiếc Hermès Kelly, túi tote 5...), giống như sự tồn tại của chúng được bắt nguồn từ tiềm thức của nữ giới. Không gì có thể đánh bật chúng khỏi vị trí này. Càng ngày, phụ nữ càng dành nhiều thời gian cho các hoạt động bên ngoài, mang theo ngày càng nhiều vật dụng theo họ. Hãy thận trọng khi chọn một chiếc túi xách, có lớp lót chắc chắn (ví dụ như vải moleskin), có nhiều ngăn đựng. Điều này sẽ giúp túi xách của bạn không bị nặng thêm khi phải bỏ vào đủ các loại bao đựng như túi trang điểm, bao đựng kính mắt hoặc chiếc ví dày cộp. Những chiếc túi được thiết kế thông minh sẽ bao gồm những ngăn đựng riêng rẽ dành cho hộp phấn, điện thoại, kính mắt, bằng lái xe, các loại thẻ, móc chìa khóa... Có thể, chúng ta không có khả năng điều khiển thế giới, nhưng túi xách của chúng ta giúp mỗi người mở ra vũ trụ của riêng mình – nơi ngăn nắp, hoàn hảo, xa xỉ, đầy niềm vui thích và khoái cảm. Các Tiêu Chuẩn Của Một Chiếc Túi Xách Đẹp Và Hữu Dụng – Cuốn hút từ trong ra ngoài (ví dụ như chiếc túi xách Launer Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ Nhị hay mang). – Đắt tiền (chất lượng tốt) nhưng có thiết kế đơn giản (ví dụ như túi Cassini của Jackie Kennedy). – Có tính chất trang trí, thêm vào nét thanh lịch dù đặt trên ghế sofa hay dưới chân bạn. – Là phụ kiện thời trang hoàn hảo, dù mang trên tay hay để ngang gối. – Dễ sử dụng, dễ mở ra và đóng vào. – Là nguồn vui sướng bí mật mỗi khi bạn ngắm nhìn nó. – Phù hợp nhưng luôn luôn cuốn hút (trong ba, bảy hoặc cả mười năm). Làm bằng da đẹp, với các phần làm bằng kim loại chất lượng tốt, một chiếc túi bền lâu qua nhiều thập kỷ. Một chiếc túi mới tinh không bao giờ quá đẹp. Hãy kiên nhẫn... – Màu trung tính, nhằm kết hợp với tủ quần áo của bạn (trừ chiếc túi nhỏ cầm tay cho tiệc tối, có thể đóng vai trò là món đồ trang sức). – Được chế tác thủ công bằng da mềm: miếng da tốt sẽ bóng lên theo thời gian và ám chỉ rằng con vật đã được chăm nuôi tốt (tránh các loại da được sơn bóng sẵn). – Chống được nước. – Có dây đeo không quá ngắn khi đeo trên vai, cũng không quá dài khi mang trên tay. – Có đinh kim loại ở nơi đáy túi để khi đặt trên sàn nhà, chiếc túi sẽ không bị dính bẩn. – Cũng như áo khoác hoặc mũ nón, túi xách phải có kích thước phù hợp với bạn, để nó có thể làm đẹp thêm cho vẻ ngoài của bạn. Hãy xem chiếc túi là một phần trong bức tranh tổng thể về con người bạn mà bạn muốn chưng ra trước mắt mọi người (túi xách quá nhỏ khiến bạn trông mập hơn, trong khi những chiếc túi quá to lại cồng kềnh và dễ tống bừa đồ đạc vào). – Không có những góc cạnh nhọn trong thiết kế (các góc nhọn sẽ làm giảm sự nữ tính và mềm mại), hoặc được thiết kế để chứa quá nhiều đồ, trong các hình dáng phồng tròn (dẫn tới những mớ hỗn độn không tránh khỏi phía trong). – Không bao giờ nặng hơn 1,5kg khi đựng đầy. – Chứa đựng những đồ vật dễ thương – những chi tiết nói lên rất nhiều điều về bạn: một cuốn nhật ký bằng da, một chiếc ví gọn đẹp, một chiếc khăn tay nhỏ, tinh khiết, màu trắng hoặc màu đơn sắc. 2 LỜI CA NGỢI DÀNH CHO CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN Thời Gian: Lãng Phí Ít Đi, Sử Dụng Nhiều Hơn HÔM NAY LÀ TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT CỦA CHÚNG TA Một ngày của sự sống quý giá hơn mười ngàn thỏi vàng... Những người ghét cái chết cần phải yêu cuộc sống. – Yoshida Kenko, Đồ nhiên thảo Mỗi ngày mới là điều duy nhất chúng ta thật sự sở hữu. Ngày hôm nay là cả cuộc sống của chúng ta. Không phải hôm qua, không phải ngày mai. Hiện tại rất đáng trân quý, là thời gian duy nhất mà chúng ta có. Nếu không biết sử dụng khoảnh khắc hiện tại, chúng ta cũng sẽ không biết sử dụng bất kỳ khoảnh khắc nào trong tương lai. Nhưng “có thời gian” không quan trọng bằng “chất lượng” của khoảng thời gian đó. Đừng rơi vào cái bẫy của tư duy rằng bạn cần phải làm ngay tất cả những điều mình muốn ngay lập tức, trước khi quá muộn. Mọi điều bạn đang làm bây giờ sẽ có tác động đến những việc bạn làm trong tương lai. Kết quả của việc bạn làm hôm nay sẽ được tích lũy cho ngày mai. CON NGƯỜI MUỐN CÓ NHIỀU THỜI GIAN HƠN NHƯNG LẠI TÌM CÁCH ĐỂ “GIẾT THỜI GIAN” Chắc hẳn bạn đã từng trải qua những thời điểm không có gì để làm và cảm thấy bản thân quá rảnh rỗi. Hãy thử tìm hiểu xem nguyên nhân của việc này là gì và phản ứng của bản thân là như thế nào. Đây là bước đầu tiên để bạn có thể vượt qua các vấn đề và thay đổi. Chúng ta thường than phiền rằng mình đang hoang phí thời gian, đánh mất thời gian, thiếu thời gian. Nhưng trong cuộc sống, tốt hơn hết là bạn có thể đợi một chuyến tàu trong vòng hai hoặc ba tiếng, một mình mà không làm gì cả, thậm chí cũng không đọc sách mà chẳng cảm thấy buồn chán chút nào. Cuộc sống này sẽ thú vị hơn biết bao nhiêu khi chúng ta tập cho mình thói quen đắm chìm vào những suy nghĩ của bản thân: đây là một món quà quý giá khiến chúng ta trở nên hạnh phúc. Chúng ta thường dành quá nhiều thời gian để hối hận về quá khứ, mắc kẹt trong các mối tơ vò của hiện tại và lo lắng cho tương lai. Khi làm như thế, chúng ta đang hủy hoại thời gian của chính mình. Một trong những cách hiệu quả nhất để tận hưởng tối đa mỗi khoảnh khắc là chịu trách nhiệm với bản thân. Hãy cố gắng tự mình làm càng nhiều càng tốt, vì bản thân. Con người hay trở nên đau khổ hoặc sầu não vì không có gì để làm. Hãy cảm ơn vì mỗi sớm mai thức dậy, bạn lại có thêm một ngày nữa để sống. Những gì diễn ra trong ngày không quan trọng, điều quan trọng là bạn đã làm được gì trong ngày hôm đó. HÃY NGHỈ NGƠI Không bao giờ quá muộn để chẳng làm gì cả. – Khổng Tử Hãy đi nghỉ. Hãy tổ chức những ngày cuối tuần thật dài. Hãy trốn tới một nơi tĩnh lặng, “không có trên bản đồ”, tránh khỏi thế giới hối hả và vội vàng, thoát ly những nỗi lo lắng và bận tâm hàng ngày. Hãy tìm một nơi và tận hưởng một bữa ăn thoải mái, khi bạn có thể thoát hết khỏi tất cả và suy nghĩ. Hãy tìm kiếm thông tin về những nơi phù hợp với tâm trạng và nhu cầu của bạn. Hãy để dành chúng cho đến khi bạn muốn trốn đi nhưng quá mệt để quyết định nơi nào phù hợp với mình nhất. Hãy mang theo thật ít đồ đạc vì quá nhiều hành lý sẽ phá hỏng niềm vui sướng đơn giản của việc ra đi và căn phòng bạn sẽ ngủ lại trong chuyến đi. Một bộ đồ để thay, một bàn chải răng, một cây bút và một cuốn sổ là tất cả những gì bạn cần. Đừng làm tăng thêm gánh nặng cho mình bởi những mối lo ngại vật chất. Gần như lúc nào chúng ta cũng bị vướng bận bởi đồ đạc. Chúng ta cần phải có thời gian thoát ra khỏi chúng. Hãy cố gắng dậy sớm. Bạn có thể ăn sáng trong một quán cà phê dễ chịu, hoặc chuẩn bị cho một cuộc dã ngoại sau đó, vào lúc hoàng hôn. Việc “cài số lùi” thường xuyên giúp bạn tránh được sự sa lầy trong lề thói hàng ngày, để sống từng khoảnh khắc với cảm xúc mãnh liệt. Bằng cách đơn giản hóa cuộc sống, chúng ta tìm thấy những nguồn năng lượng dự trữ mới. Chúng ta sẽ đối xử với con người và giải quyết các tình huống tốt hơn. Với đồ đạc tối giản, chúng ta có thể cô đọng cuộc sống mình của mình triệt để hơn. Chúng ta trân quý những gì xung quanh: việc phải làm ít đi, có thêm nhiều thời gian để suy nghĩ, mơ mộng hoặc chỉ để lười biếng. Hãy học cách ở nhà cả ngày đọc thơ, nấu ăn, đốt nhang thơm, uống một ly vang hảo hạng, ngắm trăng. Bạn có thể đơn giản hóa việc nhà và tìm kiếm thời gian để phát triển sự sáng tạo, nuông chiều cơ thể và mài giũa sức mạnh tinh thần. NIỀM VUI CỦA SỰ NHÀN NHÃ Tôi uống trà, ăn cơm. Tôi dùng thời gian một cách tự nhiên, thưởng ngoạn dòng suối chảy róc rách bên dưới và ngước nhìn lên rặng núi. Thật tự do! Thật thanh bình! – Một đạo sĩ Nhàn nhã không phải là chây ì, nhàn nhã là một sự xa xỉ đáng để chúng ta theo đuổi. Sự nhàn nhã cần phải được thưởng thức, trân quý, chấp nhận như là một món quà thiên đường gửi tặng. Chỉ cần vài món đồ và một chút sắp xếp, nhàn nhã sẽ trở thành một đặc quyền. Có quá nhiều thứ đòi hỏi sự quan tâm và chú ý của chúng ta. Thay vì dành thời gian cho đồ vật, chúng ta cần dành thời gian cho những điều khác. Có quá nhiều người bị thu hút bởi những đam mê, mà trong thực tế, là một dạng của sự thụ động. Họ chạy trốn khỏi chính họ. Trên thực tế, việc dành thời gian để dừng lại, ngồi xuống, nghiền ngẫm những trải nghiệm và nhân cách của chúng ta là hình thức cao nhất của hoạt động. Nhưng điều này chỉ khả thi khi chúng ta đã đạt được tự do nội tâm và sự độc lập. MÀI GIŨA CẢM GIÁC DÀNH CHO CUỘC SỐNG Học cách sống một cách chú tâm là triết lý căn bản của đạo Phật, đạo Lão, của những người tập Yoga cũng như trong tư tưởng của Quốc gia Navajo 6. Triết lý này cũng xuất hiện trong văn chương và tác phẩm của rất nhiều nhà văn và triết gia, bao gồm Emerson, Thoreau và Whitman. Sự chú tâm mở ra những cánh cửa dẫn tới những nguồn dự trữ khổng lồ của sáng tạo, trí tuệ, quyết tâm và sự thông thái. Sống một cách chú tâm nghĩa là giữ cho tinh thần của bạn luôn rộng mở và tự do. Triết học Thiền tông đòi hỏi chúng ta dành sự chú ý đầy đủ và trọn vẹn ngay cả cho những việc nhỏ nhặt nhất. Chúng ta phải nỗ lực tập trung hoàn toàn vào việc chúng ta làm, dù là đọc sách, nghe nhạc hay thưởng ngoạn phong cảnh. Khi chúng ta sống trong hiện tại và sống cho hiện tại, chúng ta không cảm thấy sự mệt mỏi. Phần lớn thời gian, con người bị kiệt sức bởi những suy nghĩ về việc họ phải làm, hơn là những gì họ thực tế đã làm. Đây là lí do vì sao những người lười biếng thường sầu não. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự chây ì làm chậm sự trao đổi chất và dẫn tới hạ huyết áp. Vì chúng ta phải chấp nhận cuộc sống, nên mỗi người đều có nghĩa vụ phải sống sao cho tốt và hoàn thành công việc của mình mà không cần thắc mắc điều gì. NHỮNG VIỆC LẶP LẠI HẰNG NGÀY: BÀI RÈN LUYỆN SỰ TẬP TRUNG Chúng ta không nên sợ hãi tương lai. Chúng ta nên sợ những khoảnh khắc mà chúng ta buông xuôi lúc này hay lúc khác. Câu trả lời rất đơn giản: hãy phát triển khả năng tập trung và loại bỏ những suy nghĩ “ký sinh”, thừa thãi. Việc quan trọng duy nhất là điều bạn đang làm bây giờ, trong hiện tại. Hãy làm việc một cách chậm rãi và tập trung trong từng khoảnh khắc. Khả năng tác động lên tính chất của từng khoảnh khắc chính là một trong những khả năng quý giá nhất của con người. Cũng như mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta đều chứa đựng bộ gien của mọi tế bào còn lại, mỗi khoảnh khắc đều là sự phản ánh của mọi khoảnh khắc trong đời chúng ta. CHUẨN BỊ CHO NHỮNG ĐIỀU BẤT NGỜ Trong những ngôi chùa của Phật giáo Thiền tông, các nhà sư sẽ quây quần lại mỗi chiều để thảo luận về đồ ăn sẽ được chuẩn bị và dùng vào ngày hôm sau. Việc nghĩ trước là thiết yếu, ngay cả khi tập trung vào hiện tại. Một trạng thái của sự chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra giúp người ta cảm thấy yên tâm hơn: một người bạn ghé thăm không báo trước, một tình huống khẩn cấp, lời mời vào phút chót! Trạng thái sẵn sàng này là cách tốt nhất để sống viên mãn trong hiện tại. Người nào đó đã kể với tôi câu chuyện về một người phụ nữ Nhật Bản chịu đựng căn bệnh mà bà ấy có thể nhập viện bất cứ lúc nào. Suốt hai mươi năm, bà ấy sử dụng mỗi buổi tối để chuẩn bị cho việc không về nhà vào ngày hôm sau - bà ấy chỉ đi ngủ khi các bữa ăn đã được chuẩn bị xong, quần áo đã được là ủi và cất đi, việc nhà hoàn thành và chiếc túi xách tay nhỏ được sắp xếp đồ dùng để sẵn ở lối đi. Hơn tất cả, bà ấy muốn chắc chắn rằng sự vắng mặt của bà sẽ không gây bất tiện cho gia đình: đó là cách mà bà chấp nhận bệnh tình với lòng biết ơn và sự thanh thản nhất có thể. TÔN VINH NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐƠN GIẢN NHẤT: LÀM GIÀU CUỘC SỐNG BẰNG CÁC NGHI THỨC “Nghi thức là gì?” Hoàng tử bé hỏi. “Đó cũng là cái bị quên lâu quá rồi,” cáo nói. “Đó là cái làm một ngày trở nên khác những ngày khác, một giờ trở nên khác những giờ khác.” – Antoine de Saint-Exupéry, Hoàng tử bé Những hoạt động đơn giản như ăn uống, trò chuyện hay dọn dẹp nhà cửa có thể được nâng cấp thành những nghi thức. Hãy nghi thức hóa những điều như hớp cà phê đầu tiên mỗi buổi sáng, chuyện trang điểm, những chuyến đi ngắm hàng hóa vào buổi chiều, quyết định mua sắm một món đồ mà bạn đã muốn từ lâu, cảm giác chờ đợi bước chân của người thương nơi bậc thềm, một chút mơ màng trong một ngày Chủ nhật mưa, một buổi tối nằm xem phim với một tô đầy hạt lựu, hay một buổi sáng thứ Hai đầy những ý tưởng mới. Hãy tưởng tượng bạn có một cuộc sống như Grace Kelly 7, trong một bộ phim mà mọi thứ đều diễn ra tự nhiên và dễ dàng – mẫu phụ nữ sẽ khiến cả thế giới phải ngừng thở khi cô ấy, một cách hờ hững, khoác lên mình chiếc áo ngủ làm bằng vải voan trong suốt lấy ra từ chiếc vali của mình. Còn bạn, nghi thức của riêng bạn là gì? Chúng mang lại cho bạn điều gì trong cuộc sống? Montaigne từng nói, cuộc sống trọn vẹn là cuộc sống được lấp đầy và vun trồng bằng những nghi thức. Các nghi thức giúp chúng ta cảm thấy thoải mái khi mỗi ngày, chúng ta đang bị đè nén dưới áp lực và yêu cầu của sự tồn tại. Trên hết, sống là một câu hỏi về nhận thức. Bạn là người duy nhất có thể cải thiện môi trường sống của bản thân và cải tạo các chi tiết theo sở thích cá nhân để phù hợp với những nghi thức của mình. Sống tốt là một thói quen cần được trau dồi và các nghi thức có thể giúp bạn làm điều đó. Một khi chúng ta nhận ra tầm quan trọng và sức cuốn hút của các nghi thức, chúng sẽ còn mang lại nhiều điều hơn cho chúng ta, chẳng hạn như sự hài lòng, nét bí ẩn, bình an và trật tự. Các nghi thức là sự đề cao cuộc sống hằng ngày và mở cánh cửa dẫn đến những chiều khác trong thế giới của chúng ta. Đừng cảm thấy tội lỗi khi bạn không thể duy trì một nghi thức nào đó. Điều này có nghĩa là nghi thức ấy không đóng góp nhiều vào hạnh phúc của bạn như bạn vẫn nghĩ. Nghi thức cần phải là nguồn cội của sự hài lòng tột độ. Nếu thế, hãy tôn trọng nó và nhiệt tình thực hành nó, càng hăng say càng tốt. GỢI Ý MỘT SỐ NGHI THỨC Nghi thức viết Tôi có những nghi thức của mình, như một kịch bản chi tiết: những cây bút, một loại giấy đặc biệt, một thời điểm chính xác trong ngày, những thứ xung quanh được sắp xếp theo đúng một trật tự, cà phê phải ở đúng nhiệt độ... – Dominique Rolin Bạn có thể tăng thêm gia vị cho hoạt động viết lách bằng cách sắp xếp cẩn thận mọi vật xung quanh, lựa chọn loại giấy và mực phù hợp nhất cho mục đích viết, chú ý đến sự trình bày và thể thức của các ghi chú, để tâm đến sự thoải mái của chiếc ghế bạn đang ngồi, hay ánh sáng chiếu lên bàn làm việc của bạn. Nghi thức tắm gội Hãy chọn các sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho khuôn mặt, cho tóc và cơ thể. Hãy chuẩn bị mọi thứ trước khi bạn bước vào bồn tắm, chẳng hạn như âm nhạc, nến, một ly nước, quần áo, và cả trang sức nữa. Bạn cũng cần giữ cho phòng tắm của mình sạch không tì vết để có được cảm giác thanh tịnh hoàn toàn. Nghi thức mua sắm Hãy trau dồi bản năng săn bắt - hái lượm của bạn khi mua sắm. Đó là chỉ chọn những thứ tốt nhất. Thực phẩm tươi ngon có tác dụng giúp bạn cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Mua sắm là một hoạt động cần có trí tưởng tượng, các giác quan hoạt động tốt và cả niềm hăng say. Bạn cần chọn cho mình một chiếc túi chắc chắn, rộng, một cái ví chỉ dùng vào việc chi tiêu gia đình và chuẩn bị sẵn danh sách mua sắm. Hãy nhớ, việc tìm ra những nông sản tốt nhất, không dùng chất bảo quản, trái cây tươi, bánh mì ngon tuyệt cũng như các cửa hàng tốt luôn cần thời gian và sự kiên nhẫn. Nghi thức về hoa Mỗi tuần một lần, hãy tự thưởng cho mình một bó hoa. Chúng sẽ thắp sáng ngôi nhà và tâm hồn bạn, dù bạn chỉ mua cho mình một đóa hồng để ngay cạnh giường, hay một bó cúc đặt trong phòng tắm. Hoa mang lại sự tươi mới. Người ta còn nói hoa có thể làm giảm adrenaline trong lúc bạn căng thẳng. Giống như trái cây và không khí trong lành, hoa là thứ không thể thiếu nếu chúng ta muốn có một cuộc sống tươi đẹp. DÀNH THỜI GIAN NHẤT ĐỊNH CHO MỌI VIỆC Hãy đi bộ nửa giờ mỗi ngày. Hãy chợp mắt khi bạn có thể, thậm chí là chỉ năm phút ngay tại bàn làm việc. Hãy nhìn vào album với những tấm ảnh bạn yêu thích. Cả cuộc đời của bạn ở đó. Nó sẽ cho bạn thấy những khoảnh khắc, con người và nơi chốn đã làm nên con người bạn lúc này, đã yêu thương bạn và thay đổi bạn. Hãy nhìn vào những tấm ảnh, bạn sẽ lại khám phá bản thân mình một lần nữa. Bạn cũng nên dành ra mười lăm phút mỗi ngày cho một việc mà bạn thấy quan trọng (đọc sách, lên kế hoạch cho một chuyến đi, vẽ cây phả hệ...). Nhưng hãy luôn nhớ là chỉ làm một việc một lúc mà thôi. Hãy học cách nói không một cách khéo léo nhưng cương quyết. Hãy sống chậm lại, làm ít đi. Hãy từ chối làm thêm giờ hay làm việc bán thời gian tại nhà dù bạn có thể. Hãy tránh những thói quen nhàm chán. Nếu đã uống cà phê quá nhiều, bạn hãy thử uống trà. Hãy thay đổi con đường đi tới chỗ làm. Hãy sở hữu ít đi. Hãy lên lịch cụ thể cho việc nội trợ. Hãy mua sắm tất cả những thứ bạn cần chỉ trong một lần đi mua sắm mỗi tuần. Hãy giữ máy tính và bàn làm việc gọn gàng, không có giấy tờ chất đống, ngoại trừ những việc cần kíp hoặc đang làm dở. Một đống giấy tờ trên bàn sẽ khiến bạn nhớ về những việc chưa hoàn thành. Đó là nguồn cơn của căng thẳng và nó sẽ khiến bạn mất tập trung. Hãy trả lời email và thư từ thật nhanh, cũng như đừng bao giờ để công việc của mình dở dang. Đừng Để Tiền Làm Chủ Đời Ta TIỀN LÀ NĂNG LƯỢNG Chi tiêu sáng tạo làm nên vẻ đẹp lộng lẫy. – Ralph Waldo Emerson Chúng ta khiến cuộc sống của chính mình trở nên phức tạp vì không đánh giá đúng tầm quan trọng của tiền bạc. Lẽ ra, chúng ta phải nỗ lực để hiểu sự ảnh hưởng của tiền lên mỗi khía cạnh của cuộc sống. Hãy nghĩ về mối quan hệ giữa tiền và bản chất, suy nghĩ, sự hài lòng, sự tự trọng, môi trường sống, bạn bè, xã hội... của chúng ta. Tiền liên quan đến mọi thứ. Tiền là một thành phần cấu tạo nên cuộc sống của con người, dù chúng ta muốn hay không. Một dòng lưu chuyển tiền tệ lành mạnh là dấu hiệu của một cơ thể khỏe khoắn. Khi tiền được lưu chuyển tự do trong cuộc sống, điều đó có nghĩa là chúng ta có một nền tảng tài chính vững chắc. Rõ ràng là, mọi thứ sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta là người có thu nhập thấp và buộc phải chi li đến từng đồng. Nhưng liệu chúng ta có đang sử dụng hiệu quả số tiền mình có? Ví dụ: chỉ mua rau quả tươi cùng một ít thịt cá tươi thay vì các loại thịt chế biến sẵn sẽ giúp bạn vừa ăn ngon lại vừa tiết kiệm. Tiền là một loại tài sản mà chúng ta dễ để tuột khỏi tay. Các động lực mà chúng ta không thể kiểm soát thường ngăn chúng ta suy nghĩ sáng suốt, rõ ràng. Chỉ có bạn mới biết tiền có ý nghĩa gì với mình. Tiền là nguồn năng lượng dự trữ. Việc thỏa mãn với những gì ít ỏi trong tay là cách tốt nhất để giữ gìn nguồn năng lượng đó. Nếu chúng ta tiêu tiền vào những thứ không có giá trị với bản thân, nguồn năng lượng dự trữ của chúng ta sẽ cạn kiệt. KHIẾN TIỀN PHỤC VỤ MÌNH Khi tiền bạc dư dả, đó là thế giới của đàn ông. Khi tiền bạc eo hẹp, đó là thế giới của phụ nữ. Bản năng của người phụ nữ sẽ trỗi dậy khi tất cả những thứ khác bỏ cuộc. Chính cô ta sẽ là người tìm ra công việc. Và đó là lý do tại sao thế giới này luôn vận động dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. – Bài báo đăng trên một tạp chí phụ nữ, tháng Mười năm 1932 Bạn đã bao giờ hình dung xem bao nhiêu tiền đã qua tay mình kể từ ngày bạn nhận được số tiền đầu tiên mà nàng tiên răng để dưới gối chưa 8? Và hôm nay, bạn có bao nhiêu tiền? Chúng ta đã lãng phí quá nhiều cho những món đồ vô dụng và nhất thời. Không phải những khoản đầu tư bạc triệu làm chúng ta khốn khó về tài chính, mà chính là hàng nghìn món đồ lặt vặt mà chúng ta đã mua và quên lãng. Có một hôm nào đó, chúng ta rời khỏi nhà hàng trong tâm trạng mệt mỏi vì đã nhồi nhét quá nhiều thức ăn, trong tay là một tờ hóa đơn dài dằng dặc tỷ lệ nghịch với sự thỏa mãn của chúng ta với bữa ăn – đó chính là ví dụ điển hình nhất cho sự lãng phí. Lãng phí chính là nghĩ bạn đã được một món hời nhưng rồi sau đó hối hận vì đã mua nó. Lãng phí chính là mua một chiếc áo gió rẻ tiền bị mất màu chỉ sau một lần giặt, hay sắm một cái nệm kém chất lượng khiến bạn đau lưng cả đêm. Ngược lại, chi tiêu hợp lý và không bao giờ vung tay quá trán lại là một lựa chọn tích cực. Nó mang đến sự an toàn. Mỗi người phải tự lập ra kế hoạch “an toàn - thanh thản - tiết kiệm” của riêng mình. Tiết chế nhu cầu của bản thân đến mức tối thiểu là cách chắc chắn nhất để đạt được điều này. Hãy chia tiền của bạn làm hai phần: phần thứ nhất được dùng để duy trì lối sống tiết kiệm của bản thân, phần thứ hai – số tiền còn lại – cho những gì bạn yêu thích. Hãy tiết kiệm để làm việc ít hơn chứ không phải để mua nhiều hơn. Với khoản tiết kiệm chống lưng, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn, vì chúng ta sẽ bớt đi những lo âu về tương lai. Hãy biến tiền thành nô lệ thay vì để nó làm chủ nhân của bạn. Đừng bao giờ phụ thuộc tài chính vào một ai và đừng bao giờ rơi vào cái vòng luẩn quẩn vay trả, trả vay. Đừng bao giờ vung tay quá trán và tiết kiệm một ít tiền mỗi tháng. Nghe thì có vẻ đơn giản đấy, nhưng nếu thế, tại sao lại có quá nhiều người mang nợ, sống phung phí hơn những gì họ có và có một kết cục không mấy tốt đẹp? CÁI GIÁ CỦA SỰ MẤT TRẬT TỰ Cái giá của sự mất trật tự là một cuộc sống bị lấp đầy bởi những thứ mà nếu chúng có mất đi thì chúng ta cũng chẳng buồn nhớ đến. Đó là những món đồ chúng ta đã hoàn toàn quên lãng cho đến khi tìm thấy chúng ở đáy tủ chén hay trên gác mái. Chúng dường như chẳng bao giờ xuất hiện, dù đứng cạnh những vật mà chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày. Rất nhiều đồ vật không đáng để giữ lại. Chúng ta trả tiền bảo hiểm cho những ngôi nhà đầy đồ vật thừa thãi, rồi dành vô số thời gian để chà rửa, phủi bụi cho các món đồ cũ kỹ, để khiến chúng “sống trở lại” – một việc làm lãng phí cả thời gian lẫn công sức. Có rất nhiều cách đáng thử hơn để sống: du lịch, học kỹ năng mới, chơi thể thao, đi bộ, nấu ăn hay đơn giản là nghỉ ngơi và thưởng thức cảnh đẹp. Mất trật tự nghĩa là chúng ta thường mua cùng một thứ đến hai lần, làm lộn xộn không gian của mình chẳng vì mục đích gì cả. Giáo dục và đạo đức đã bị hạ thấp trong xã hội ngày nay đến mức chủ nghĩa tiêu dùng và chiếm hữu được người ta chủ động khuyến khích, trơ trẽn và giả dối. Chúng ta đã bị che mắt và trói buộc bởi những thứ mốt nhất thời (thời trang, sở thích, ẩm thực...). Chỉ có một số ít người hiểu được giá trị đích thực của đồng tiền, hoặc ứng xử với tiền một cách nghiêm túc. Tiền là chất bôi trơn của cuộc sống. Một trong những lý tưởng vĩ đại của Thiền đó là mỗi cá nhân đều có thể bỏ tất cả đồ đạc sở hữu của họ (đôi ba bộ quần áo, một cái chén, một đôi đũa, một lưỡi dao, một chiếc bấm móng tay) vào một chiếc túi nhỏ và đeo trên người. Sự khiêm tốn và đơn giản trong đồ đạc của một nhà sư chính là lời thách đố ngầm của nhà sư dành cho thế giới hiện đại. Việc theo đuổi chủ nghĩa tối giản theo cách này là một câu trả lời tích cực dành cho sự bất mãn sâu sắc mà xã hội tiêu dùng ngày nay gây ra. CHI DÙNG HỢP LÝ: LUYỆN TẬP CÁCH KIỀM CHẾ VÀ ĐÁNH GIÁ ĐÚNG NHU CẦU CỦA BẢN THÂN Có một điều mà tất cả chúng ta đều cố gắng gìn giữ lâu nhất có thể, đó chính là sức khỏe của mỗi người. Tất cả chúng ta đều có thể cải thiện sức khỏe của mình bằng cách ăn đồ tươi ngon, lành mạnh, tôn trọng nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, suy nghĩ tích cực và kiểm soát bản thân. Chúng ta cũng nên áp dụng các nguyên tắc tương tự vào việc sở hữu, từ đồ gia dụng, quần áo cho đến các đồ vật khác. Chúng ta đang sống với sự thừa thãi vô độ đến mức không thể nhìn thấy những khả năng khác. Chưa bao giờ biết đến cái đói hay sự thèm muốn, chúng ta tin rằng mình sẽ không bao giờ hết dư dả. TÍNH TOÁN ĐƠN GIẢN, KIỂM SOÁT CUỘC SỐNG Hãy theo dõi mọi khoản tiền ra và tiền vào của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn, quản lý tài chính tốt hơn và đơn giản hóa cuộc sống của mình. Hầu hết các vấn đề quản lý tiền bạc của chúng ta đều có nguồn gốc từ thói quen chi tiêu thiếu suy nghĩ, những cảm xúc nhất thời không kiểm soát được. Ví dụ, hãy thử tính toán xem bạn đã chi bao nhiêu cho các bữa ăn ở ngoài và các sản phẩm ăn kiêng để giảm cân; đó là chưa kể đến hóa đơn khám răng, sản phẩm trang điểm và tẩy trang để che đi nước da thiếu sức sống của bạn. Hãy thử tìm hiểu xem bạn thật sự đang có bao nhiêu tiền và dùng bao nhiêu là hợp lý. Bạn sẽ thấy việc từ bỏ chiếc áo khoác vừa lọt vào mắt xanh của mình dễ dàng hơn nhiều khi biết rằng túi tiền của bạn không cho phép bạn mua nó ngay lúc này. Hãy ghi lại mọi khoản chi, điều này sẽ giúp bạn hạn chế việc ném những đồng tiền mà bản thân vất vả kiếm được qua cửa sổ với thói quen chi tiêu thiếu suy nghĩ. Khi triết gia người Mỹ Henry David Thoreau sống trong cô độc suốt hai năm ở Walden, ông đã rất vui khi có thể đếm những lần chi tiêu của mình trên đầu ngón tay. Bạn chỉ cần có một tài khoản ngân hàng và một hoặc hai thẻ tín dụng. Cứ hai lần mỗi tháng, hãy dành ra một khoảng thời gian yên tĩnh trong bếp, với một tách cà phê ngon và giai điệu bạn yêu thích, để hạch toán việc chi tiêu. Hãy biến việc thanh toán các hóa đơn thành một nghi thức thanh thản thay vì một việc khiến bạn nhăn nhó. Đó là vì bạn biết rằng, mình đang kiểm soát được việc chi tiêu của bản thân. Ngoài những khoản chi tiêu lớn – như mua căn hộ hay mua nhà ở – hãy tránh vay mượn được chừng nào hay chừng ấy. Và hãy tránh mua sắm vì cảm xúc nhất thời bất cứ lúc nào. Chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Sử dụng thẻ tín dụng tức là bạn đang chi tiêu nhiều hơn cái giá phải trả. Các khoản vay ngân hàng thực chất cũng chỉ là một hình thức mua - bán. 3 ĐẠO ĐỨC VÀ MỸ HỌC Đẹp Là Một Nhu Cầu CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN VÀ VẺ ĐẸP (NGHI THỨC TRÀ ĐẠO) Triết lý của Trà không phải là chủ nghĩa thẩm mỹ đơn thuần với nhận thức thông thường về nghĩa của cụm từ đó, bởi nó thể hiện toàn bộ quan điểm của chúng ta về con người và tự nhiên trong sự liên kết với đạo đức và tín ngưỡng. Nó là phép vệ sinh, bởi nó buộc chúng ta sạch sẽ; nó là phép chi tiêu, bởi nó khiến chúng ta thoải mái trong sự đơn giản thay vì phức tạp và tốn kém; nó là đức lý, bởi nó định nghĩa cảm giác của chúng ta về việc là một phần của vũ trụ này. – Kazuko Okakura, Trà thư Mỹ học phương Đông bắt nguồn từ Đạo giáo, nhưng chính Thiền tông đã ứng dụng nó vào cuộc sống hằng ngày. Cuốn sách Trà thư của Kakuzo Okakura được viết với mục đích “biến” những độc giả của mình thành “tín đồ của Trà đạo” và “quý tộc về hương vị”. Trà đạo là một nghi thức bao gồm các giá trị mỹ học và triết học, như một cách biểu thị của lối sống quy củ và các quan hệ xã hội. Trong Trà đạo, tinh thần mà nó chuyển tải là một bộ nguyên tắc chặt chẽ đã được mài giũa, đơn giản hóa, trong đó đề cao các nguyên tắc về sự thuần khiết và thanh tịnh. Trà đạo đưa những nguyên tắc này đạt đến đỉnh cao mới. Đó là đỉnh cao của việc học hỏi về vật chất và tinh thần. Tinh thần và vật chất trở thành một, và kết quả là cái đẹp càng trở nên hoàn hảo. Tính nghệ thuật là nền tảng của mọi thứ: nó hiện diện trong từng cử chỉ, đồ vật, quần áo và cách cư xử cá nhân của mỗi chúng ta. Nhiều người sưu tầm đồ vật, nhưng có rất ít người trau dồi tinh thần. Với việc sở hữu thật ít, chúng ta đã tạo mối liên kết gần gũi hơn với đồ vật, qua đó giúp bản thân đạt đến sự thanh tẩy. Những giá trị nền tảng của các hoạt động trong Trà đạo chính là những giá trị trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Người ta chuẩn bị trà bằng những dụng cụ và động tác tối thiểu, tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt. Một khi đã học thuộc và ứng dụng các quy tắc này, chúng ta có thể vượt qua những giới hạn về hình thức và bước vào cảnh giới cao nhất của ý thức. Trà đạo là ví dụ thực tế về việc chủ nghĩa tối giản chính là một khái niệm đạo đức. Nó là hành trình đạt đến cái đẹp, và là cuộc kiểm tra kéo dài nhằm chứng minh rằng liệu sự duyên dáng và tiết kiệm càng nhiều càng tốt có thể mang lại kết quả như thế nào. Đối với người Nhật, ngưỡng vọng cái đẹp là một hoạt động linh thiêng, sùng kính, được chính các nhà sư và ni cô làm gương bằng sinh hoạt của họ – ngồi xếp bằng hình hoa sen, bất động trong mùi nhang thơm, xung quanh là nến và những pho tượng dát vàng, thả hồn vào cõi thanh thản và tươi đẹp. Nhà sư sống một đời khổ hạnh, trái ngược với xung quanh là những món đồ gỗ được chế tác tinh xảo, sơn son thếp vàng. Chủ nghĩa tối giản và vẻ đẹp của những nơi như Vườn Thiền ở Kyoto, Đền Ryoanji, hay những tu viện đẹp đến ngỡ ngàng tại Hàn Quốc (mà đến nay vẫn chưa được khách du lịch biết đến nhiều) đã đưa chúng ta đối diện với cái vô hạn trong sự tồn tại của chính mình. KHÁI NIỆM VỀ CÁI ĐẸP CỦA WABI-SABI Không một màu sắc làm rối tông màu của căn phòng, không một âm thanh làm loạn giai điệu của vạn vật, không một cử chỉ phá tan sự hài hòa, không một từ ngữ làm hỏng sự thống nhất của xung quanh, nhất cử nhất động đều được tiến hành đơn giản và tự nhiên – đó chính là mục đích của Trà đạo... Mọi thứ đều đắm mình trong những sắc màu hòa nhã từ trần nhà cho đến sàn nhà; các vị khách cẩn thận chọn lọc những loại quần áo có màu sắc khiêm nhường. Sự chín chắn của tuổi tác là trên hết, mọi thứ gợi nhắc về những tranh giành gần đây đều trở thành cấm kỵ, mà chỉ duy nhất một nét tương phản được giữ lại giữa chiếc muỗng tre và chiếc khăn vải mềm, cả hai đều trắng một cách thuần khiết và tươi mới. – Kazuko Okakura, Trà thư Wabi-sabi bắt nguồn từ hệ thống các giá trị thẩm mỹ tích cực mà một cá nhân trải nghiệm thông qua những lựa chọn của anh ta sau khi đã dành một khoảng thời gian để sống tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới và do đó, con người này sẽ biết trân trọng hơn những chi tiết nhỏ trong mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Nó nêu lên quan niệm rằng, thế giới này phá hủy cái gì thì cũng có thể xây dựng cái đó. Nó ca ngợi sự khiêm tốn, vẻ đẹp tiềm ẩn của những món đồ chưa hoàn thiện. Những thứ vật chất được người am hiểu wabi-sabi coi trọng chỉ ra con đường đạt đến một cảnh giới tối thượng, phi thường: từ loại giấy làm bằng gạo tạo nên những chiếc đèn cho ánh sáng trong, dịu; bề mặt nứt nẻ của bùn khô; gỉ sét và vết ố trên kim loại; những bó rễ cây xoắn vặn vào nhau; các tảng đá phủ đầy địa y... Người Nhật đặt ra khái niệm về wabi-sabi từ thế kỷ XIV, như một hình thức thuần khiết, lý tưởng và tột cùng của chủ nghĩa tối giản. Cũng giống như liệu pháp vi lượng đồng căn 9, tinh túy của wabi-sabi được phân chia thành những liều nhỏ vô hạn: liều lượng càng nhỏ, ảnh hưởng càng sâu sắc. Trong Thần đạo, việc đề cao tính tiết kiệm như một cách sống đã đóng góp rất nhiều trong ứng dụng thực tế của một hệ thống các giá trị thẩm mỹ, chú trọng sử dụng các không gian khiêm tốn nhất, đơn giản nhất, cũng như sử dụng vật chất sao cho hiệu quả và hữu ích nhất. Những bất thường mang tính ngẫu hứng, xảy ra tự nhiên được coi là đỉnh cao của thẩm mỹ: những đường vân gỗ méo xẹo, những hoa văn ngẫu nhiên xuất hiện sau khi nung gốm, hay hình dạng của một tảng đá bị nước bào mòn. Triết lý Thiền tông luôn thận trọng trước những tác phẩm nghệ thuật và dấu ấn của người nghệ sĩ trên tác phẩm đó. Để nghệ thuật thật sự là nghệ thuật, người nghệ sĩ không thể biến mình trở thành nô lệ của đồ vật, cũng không được cho mình quyền đứng trên chúng; anh ta cũng không được lệ thuộc vào những cảm xúc, nguyên tắc và ham muốn của bản thân. Trong Thiền tông, cái đẹp là trạng thái không vướng bận, tự do thoát khỏi tất cả mọi ràng buộc. Một khi đạt được trạng thái này, mọi thứ sẽ trở nên đẹp đẽ. Đó là một trạng thái của tâm trí, là sự chấp nhận cái tất yếu, đề cao trật tự của vũ trụ, của thiếu thốn về vật chất và giàu có về tâm hồn. Á À CÁI ĐẸP LÀ MỘT NHU CẦU Nếu tất cả tài sản của ta, Hai ổ bánh là những gì còn lại, Hãy bán một, rồi dùng tiền thu được Sắm một bó dạ hương lan, để nuôi dưỡng tâm hồn. – Muslih-uddin Sa’di (Học giả Ba Tư thế kỷ XIII) Người Nhật luôn yêu thích sự tối giản, nhưng đó là dạng tối giản mà cái đẹp là phần nội tại. Một thế kỷ trước, ngay cả những ngôi nhà đơn sơ nhất cũng là hình mẫu của sự sạch sẽ và tất cả mọi người đều biết làm thơ, cắm hoa, nấu những bữa ăn tinh tế và hoàn hảo. Thiền tông không chỉ là tín ngưỡng mà trên hết, Thiền tông là một hệ thống đạo đức. Thiền tông đóng vai trò là một hình mẫu cho tất cả những ai chọn cách sống tối giản. Ở sâu bên trong mỗi chúng ta, luôn tiềm ẩn nhu cầu đối với nề nếp trật tự và Thiền tông giải phóng con người khỏi sự sai lầm dưới mọi dạng thức của nó, kể cả những hỗn loạn về vật chất hay hình thể. Thiền tông chỉ dẫn chúng ta rằng, càng đơn giản thì càng mạnh mẽ. Âm thanh của một điệu nhạc, chất liệu của một tấm vải mềm, mùi hương của hoa hồng – chúng ta luôn tự nhiên bị thu hút bởi những điều như thế. Đó là nguồn năng lượng và an vui. Cái đẹp, dù là ở dạng thức nào, đều không thể thiếu với cuộc sống của con người. Là con người, chúng ta cần cái đẹp nhiều hơn mình vẫn nghĩ. Tâm hồn của chúng ta cần cái đẹp như cơ thể cần không khí, nước và thức ăn. Không có cái đẹp, chúng ta trở nên u sầu, chán nản, hay thậm chí là u mê. Cái đẹp mời ta đến chiêm ngưỡng. Cái đẹp khiến chúng ta đắm mình vào nó. Shakespeare, Bach, Ozu – tất cả giúp chúng ta kết nối trực tiếp với cuộc sống của mình. Giữa thẩm mỹ và đạo đức có mối liên hệ chặt chẽ. Người Nhật Bản trân quý cái đẹp như thể đó là cách để họ giữ gìn tình yêu đối với cuộc sống. Họ định nghĩa sang trọng thật sự là một tình trạng mà trong đó, chúng ta cảm thấy thoải mái một cách tự nhiên dù gần như chẳng hề để ý. Một chiếc ghế tựa chất lượng tốt, thơm mùi da thuộc; một búi len cashmere; những chiếc ly uống nước trong suốt; một tấm khăn trải bàn làm bằng vải line trắng muốt; những chiếc đĩa gốm trắng luôn giữ thức ăn nóng hổi; một chiếc khăn ăn làm bằng vải bông Ai Cập dày; một bó hoa thơm ngát; rau xanh theo mùa từ khu vườn gần nhà. Ngược lại, sự sang trọng giả tạo là để phô trương, có thể vì mục đích là để bắt chước một mốt trang trí nội thất nào đó trên tạp chí. Tuy nhiên, nội thất công nghệ cao lại không mang đến sự thoải mái, thực phẩm tuy đẹp nhưng sử dụng nhiều thành phần khó tiêu với cơ thể, những kỳ nghỉ chạy theo những điểm đến thời thượng nhưng đông đúc – tất cả khiến chúng ta rối trí và khó chịu. SỐNG TINH TẾ, HƯỚNG ĐẾN SỰ HOÀN HẢO Trong bí mật, anh ta bắt đầu tiết kiệm đến mức thắt lưng buộc bụng nhưng chẳng ai hay biết. Tuy nhiên, sự tu hành khắc kỷ lâu dài không hề khiến anh ta trở thành một kẻ tự cho mình là cao quý hơn người khác... Thẩm mỹ của anh ta đối với mọi thứ trở nên tinh tế hơn bao giờ hết, từ con người, vật thể, hay phép tắc... – Marguerite Yourcenar, Memoirs of Hadrian (tạm dịch: Ký ức về Hadrian) Khi hình thành nên một phong cách cho mọi việc bạn làm, bạn đang khiến cuộc sống của mình trở nên phong phú hơn. Phong cách có nghĩa là chải tóc trước bữa sáng, nghe âm nhạc dịu dàng trong lúc ăn, hạn chế sử dụng đồ vật làm từ nhựa và chất liệu tổng hợp nếu có thể. Phong cách có nghĩa là sử dụng muỗng nĩa bằng bạc trong mọi bữa ăn mỗi ngày, chứ không phải chỉ dùng những khi có khách. Ở Mỹ, trong cuộc Đại khủng hoảng diễn ra vào thập niên 1930, tiền kém quan trọng hơn nhiều so với phong cách. Hầu hết mọi gia đình đều khánh kiệt, do đó tiền không còn là yếu tố chênh lệch giữa các gia đình với nhau. Sự khác biệt nằm ở ngôn từ, giáo dục, giá trị tinh thần và thẩm mỹ về đồ vật. Mọi người đều sử dụng những thứ tốt nhất mỗi ngày và trên bàn ăn, luôn có một bình hoa tươi. Chúng ta cũng có thể cố gắng để đạt đến sự hoàn hảo trong cuộc sống. Chi tiết cực kỳ quan trọng. Khi mọi thứ được sắp xếp hợp lý, chúng ta sẽ cảm thấy cân bằng. Sự hoàn hảo trong từng chi tiết sẽ giúp chúng tự do tập trung vào những thứ “lớn hơn”. Nhưng nếu bỏ qua những chi tiết nhỏ, chúng sẽ liên tục mang đến sự khó chịu cho con người. Phong cách và cái đẹp giúp chúng ta tiến bộ và vượt qua chính bản thân mình. Ở Nhật Bản, cách cư xử và cử chỉ đẹp đẽ thể hiện sự cân bằng hoàn hảo giữa ý chí và hành động của con người. Từ cách cầm đũa đúng cho đến tư thế hoàn hảo khi ngồi trên chiếu tatami, tất cả đều gắn với một thái độ khổ hạnh được trui rèn với lòng biết ơn và sự nghiêm túc. Trật Tự “Ít Hóa Nhiều” Và Sự Sạch Sẽ SẠCH SẼ LÀ ĐẠO ĐỨC Sạch sẽ, bóng lộn, trật tự hoàn hảo... cái nhà bếp không tì vết và thơm tho đó... Mọi bình yên trong cuộc sống của tôi phụ thuộc vào công việc dọn dẹp, mà tự thân nó đã là sự thỏa mãn, niềm tự hào. – George Gissing, The Private Papers of Henry Ryecroft (tạm dịch: Những tài liệu riêng tư của Henry Ryecroft) Ban đầu, Trà đạo là một chuỗi những bài thực hành đơn giản, nhưng tiết kiệm nhằm phát triển tính kỷ luật và sự chỉn chu của con người, một công cụ để “uốn nắn tâm hồn”. Chúng ta chỉ cần nhìn vào khuôn mặt của một nhà sư hoặc ni cô đã sống qua tuổi 90 để thấy lợi ích lâu dài của việc luyện tập Trà đạo. Các nhà sư và ni cô hoàn thành công việc dọn dẹp của họ, từ lau dọn cho đến làm vườn, như một hình thức thưởng ngoạn mà họ có quyền tận hưởng. Họ tôn trọng và quan tâm đến môi trường xung quanh, vì họ biết cuộc sống của mình là do thế giới này ban cho. Đối với họ, chổi là một vật thiêng liêng. Khi một nhà sư quét nhà, trước tiên nhà sư ấy đang quét dọn chính tâm hồn mình. Triết lý Thiền tông chỉ cho chúng ta cách để làm tâm hồn trở nên thuần khiết thông qua việc dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa. Đưa một đồ vật lại đúng chỗ của nó, thu dọn một căn phòng, hay đóng cánh cửa trong một không gian tươm tất và gọn gàng tượng trưng cho khả năng thiết lập lại trật tự cho thế giới của chúng ta. Việc dọn dẹp giúp chúng ta loại bỏ những thứ dư thừa, không cần thiết, để lại những gì tinh túy của con người và tự nhiên. Mỗi chi tiết sạch sẽ mang đến sự thoải mái ngay lập tức cho con người. Có những vị thần trong bếp ẩn mình sau chiếc chảo của bạn, hãy chùi rửa cho chúng sáng bóng như những đồng xu mới! Mỗi công việc bạn làm hằng ngày đều là những phần quan trọng của cuộc sống. Mỗi ngày, hay mỗi mùa đều có thể là những thời khắc đẹp nhất mà bạn nên tận hưởng. Ở Nhật Bản, việc nhà không hề bị coi nhẹ. Học sinh ở trường, nhân viên công sở, những ông bà hưu trí trên đường... mọi người đều bắt đầu ngày mới bằng cách làm phần việc dọn dẹp của mình. Tiền thuế của người dân không bị phung phí vào việc thuê người dọn dẹp đường phố hay nhà vệ sinh. Chăm sóc nhà cửa là một phần thiết yếu của cuộc sống. Lau chùi, quét dọn, rửa ráy và nấu nướng giúp con người cảm thấy khỏe mạnh và khuyến khích họ làm chủ cuộc sống cũng như môi trường xung quanh. Một người luôn chủ động tự đáp ứng các nhu cầu của bản thân hằng ngày sẽ ít nguy cơ bị đột quỵ, hôn mê hay trở nên lãnh đạm, bởi khi làm việc nhà, ý tưởng luôn trôi qua tâm trí chúng ta như những đám mây tiêu dao, tự tại. Mỗi người đàn ông hay phụ nữ biết suy nghĩ đúng đắn nên tự mình dọn dẹp những gì bản thân bày ra, ngay cả khi có tiền để thuê người khác dọn dẹp cho mình. Đừng bao giờ phớt lờ thế giới vật chất, bởi đó là một nguồn sinh ra cái đẹp và hạnh phúc. Dọn dẹp ngôi nhà của mình cũng giống như chải răng vậy, đó là nhu cầu không thể thiếu. Hãy tô điểm mọi thứ bạn chạm vào, ngay cả khi đang làm những việc bình thường nhất. Thậm chí những hành động đơn giản nhất cũng có thể thực hiện với sự nhạy cảm, thẩm mỹ. Mỗi hành động, dù là đơn giản nhất của cuộc sống thường nhật, đều có thể hoàn thành như một bài tập sáng tạo mà bạn sẽ không bao giờ thấy chán. Ba châm ngôn hữu ích: – Có một nơi để cất mọi thứ và mọi thứ để ở đúng nơi của chúng. – Sự gọn gàng giúp tiết kiệm thời gian và giải phóng trí nhớ. – Sự hiệu quả trong công việc bắt đầu từ môi trường sạch sẽ và gọn gàng. TÍNH TIẾT KIỆM, SẠCH SẼ VÀ GỌN GÀNG Vẻ đẹp là từ sự trật tự mà nên. – Pearl Buck Gấp chăn màn thành những khối gọn gàng là một hình thức phòng thủ của con người trong thế giới đầy hỗn độn này. Chúng ta hoàn toàn bất lực khi đối diện với dịch bệnh, cái chết và những cơn ác mộng, nhưng chiếc tủ chén gọn gàng, ngăn nắp sẽ đứng vững như một bằng chứng cho thấy chúng ta có thể và đang kiểm soát được cái góc bé nhỏ của mình trong vũ trụ vô hạn này. Hãy để bản thân có những khoảnh khắc hài lòng bé nhỏ khi gấp và xếp quần áo vào tủ. Sau khi giặt giũ xong, hãy dọn dẹp khu vực giặt đồ. Hãy cột túi ngũ cốc còn dư thật gọn gàng và thật chắc, rồi đặt nó lại đúng chỗ. Hãy tận hưởng trọn vẹn từng hành động, chúng sẽ mang lại những cú hích hài lòng và thỏa mãn, thậm chí là cả cái đẹp. Bạn nên trân trọng và nuôi dưỡng những niềm vui nhỏ như thế. Hãy thưởng thức mỗi hành động, bạn sẽ cảm thấy vui tươi và mãn nguyện. Hãy trân trọng và tích lũy những niềm vui bí mật cho riêng mình. Chỉ riêng cái đẹp thôi cũng đã giúp cuộc đời của chúng ta đáng sống hơn. Tạo ra một cuộc sống tươi đẹp chính là sứ mệnh cao cả nhất. Hãy nhớ, cái đẹp hiện diện trong từng chi tiết nhỏ, trong trật tự và sạch sẽ, trong những thứ giúp chúng ta sống và trở nên tốt đẹp hơn. Khi tạo ra một môi trường trật tự, chúng ta cũng đang sắp xếp lại nội tâm của mình. Mọi ngăn kéo ngăn nắp, mọi tủ chén gọn gàng, cũng như mọi nỗ lực sắp xếp và đơn giản hóa hiệu quả sẽ giúp chúng ta tái khẳng định cảm giác kiểm soát đối với chính cuộc sống của mình. LÀM VIỆC NHÀ LÀ MỘT NGHỆ THUẬT Hãy biến việc nhà thành khoảnh khắc mang lại niềm vui thật sự. Hãy mặc một bộ quần áo phù hợp, mở nhạc và chuẩn bị để làm việc nhà! Đừng cố dùng quá nhiều sản phẩm phụ trợ, bản thân chúng cũng có thể trở thành những đống lộn xộn. Bạn chỉ cần dùng hai hoặc ba sản phẩm chất lượng là đủ (chất tẩy trắng vẫn luôn là sản phẩm hiệu quả nhất) và cất chúng ở nơi dễ lấy. Nếu nhà của bạn có nhiều tầng, hãy chuẩn bị sẵn nhiều bộ dụng cụ dọn dẹp ở mỗi tầng, bằng cách này bạn sẽ hạn chế việc đi lại hoặc lên xuống quá nhiều. Hãy để dành một cái tủ để cất chổi, máy hút bụi, xô chậu – tất cả những đồ vật mà chúng ta đều không thích phải đụng đến. MẸO LÀM VIỆC NHÀ – Đóng vào cánh tủ bếp một cái vỉ nướng để cất dao, muôi... – Dựng khay và thớt trên bàn ăn bằng cách đặt chúng giữa kệ để sách. – Gấp khăn tắm ba lần theo chiều dọc để không có phần mép khăn nào bị lộ ra ngoài. – Dùng một cái hũ thủy tinh trong suốt để đựng các cuộn len, bàn chải và những vật dụng trang trí khác. – Quấn dây điện và các loại dây khác theo hình số tám trước khi đem cất cho gọn. – Dùng một cái túi đựng rác lớn làm đồ bảo hộ khi đụng đến những công việc nặng. – Lắp xà hoặc móc trong nhà để treo túi xách, áo khoác, găng tay, khăn choàng cổ. – Mua nhiều giỏ để đựng quần áo sạch, phân chia theo loại và phòng sử dụng. – Dán nhãn và ghi chú các phong bì chứa hồ sơ, tài liệu. – Đừng bọc thức ăn bằng màng bọc thực phẩm, bởi không lâu sau chúng sẽ trở nên dính và có mùi khó chịu. – Nếu cần ghi chú, hãy dán ghi chú của bạn ở phía bên trong cửa tủ chén. – Sử dụng một cái nĩa để trong ly làm đế giữ thẻ. – Đựng phim âm bản (nhiếp ảnh) trong một cái hộp giấy ăn rỗng. – Nên cất mỗi bộ chăn ga gối đệm trong túi đựng riêng. – Đồ đóng hộp nên cất vào tủ và xoay nhãn lên phía trên để tiện đọc nhãn khi cần lấy. – Tìm cảm hứng từ cách cất trữ của các cửa hàng (phân loại, sắp xếp). – Cắt vải nỉ công nghiệp hoặc các loại vải dày thành các miếng hình tròn rồi chèn vào giữa những cái đĩa tốt nhất của bạn để bảo vệ. – Để nhiều khăn lau nhỏ dùng cho việc vệ sinh ở gần nơi nấu ăn. – Dùng loại giẻ lau vi sợi (microfibre) thấm hút hoặc bàn chải thông thường để chà rửa. – Ngâm miếng bọt biển rửa chén trong một tô nước với một chút chất tẩy trắng qua đêm. – Rau tươi nên bọc trong giấy nhà bếp ẩm, rồi đựng trong hộp nhựa loại tốt. – Vệ sinh trần nhà bằng cách buộc giẻ lau vào đầu chổi bằng dây thun. – Dùng một chiếc giẻ hơi ẩm có nhỏ một giọt dầu gội để lau bụi điện từ (quanh TV, máy tính). – Loại bỏ dầu mỡ trên quạt thông gió của nhà bếp bằng cách ngâm quạt vào nước có pha một chút nước giặt qua đêm. – Tránh đưa vào nhà các loại cây trồng có lá nhỏ (những loại cây này rụng lá nhiều hơn và khó quét dọn hơn). – Rạch một đường dài 1-2cm lên miếng bọt biển dùng cho việc chùi rửa, để có thể chùi rửa các bề mặt không bằng phẳng dễ hơn (thanh ray cửa trượt, xà treo đồ, cửa chớp...). – Loại bỏ các búi len trên áo ấm bằng len bằng miếng rửa chén hoặc giấy nhám. – Sử dụng các loại máy hút nhỏ hoặc máy hút bụi cầm tay để hút bụi và rác nhỏ bên trong tủ lạnh. – Đặt một cuộn len đã ngâm qua tinh dầu vào bộ lọc của máy hút bụi. – Đừng bao giờ sử dụng quá nhiều bột giặt/nước giặt khi giặt đồ (chúng sẽ làm hỏng quần áo của bạn và làm giàu cho các nhà sản xuất). – Dùng túi lưới đựng các loại áo ấm và đồ mỏng khi giặt. CÀNG ĐƠN GIẢN CÀNG TỐT 1. Không bao giờ chấp nhận thứ bạn không muốn. 2. Đừng thấy có tội vì vứt bỏ hay cho đi thứ gì đó. 3. Đừng tích trữ các mẫu nước hoa dùng thử trong nhà tắm. 4. Thử tưởng tượng tình huống nhà bạn bị cháy sạch, trong tình huống đó bạn sẽ mua lại những gì? 5. Tiếp theo là lập danh sách những thứ không cần mua lại. 6. Chụp ảnh những món đồ bạn yêu thích nhưng không bao giờ dùng đến, sau đó rời bỏ chúng. 7. Hãy nghĩ về nhu cầu của bản thân dựa trên kinh nghiệm. Khi cảm thấy nghi ngờ về nhu cầu của mình với món đồ gì đó thì hãy thử vất nó đi. 8. Hãy từ bỏ bất kỳ đồ vật nào mà bạn không hề sử dụng ít nhất là một lần trong một năm vừa qua. 9. Áp dụng câu khẩu quyết: Tôi chỉ muốn những đồ vật cần thiết. 10. Hãy hiểu rằng: Ít hơn mang lại nhiều hơn. 11. Nhận biết sự khác biệt giữa nhu cầu và ham muốn. 12. Thử xem bạn có thể chịu đựng bao lâu nếu không có một đồ vật mà bạn nghĩ mình không thể sống thiếu. 13. Cố gắng loại bỏ càng nhiều đồ đạc vật chất càng tốt. 14. Dọn dẹp và sắp xếp không chỉ là di chuyển đồ vật từ chỗ này sang chỗ khác. 15. Hãy nhớ, đơn giản không có nghĩa là rời bỏ những món đồ bạn yêu thích, mà là rời bỏ những món đồ không đóng góp gì cho hạnh phúc của bạn. 16. Nên biết một điều, đó là không có gì không thể thay thế. 17. Xác định với mỗi loại đồ vật, bạn cần số lượng bao nhiêu (thìa, chăn, giày...). 18. Định ra nơi chốn cụ thể cho từng đồ vật. 19. Đừng tích trữ thùng, túi hay hũ trống. 20. Đừng dùng hơn hai bộ trang phục dành riêng cho việc dọn dẹp và các loại việc nhà khác. 21. Dành riêng một ngăn tủ để chứa các tài liệu quan trọng, văn phòng phẩm, pin dự phòng, hóa đơn và bản đồ – những đồ vật mà bạn thường không biết cất vào đâu khi ở nhà. Hãy nghiên cứu từng căn phòng trong nhà bạn, bớt đi một đồ vật là bớt đi một thứ để quét dọn, lau chùi. 22. Hãy tự hỏi bản thân: Tại sao mình lại giữ món đồ này? 23. Hãy thử nghĩ đến tình huống nhà của bạn bị trộm “hỏi thăm”. Vậy nên đừng giữ thứ gì quá quý giá ở trong nhà để làm mồi cho kẻ trộm. 24. Đừng để bản thân trở thành tù nhân của những món đồ mà bạn đã mua vì sai lầm từ cách đây rất lâu. Hãy sửa chữa sai lầm bằng cách từ bỏ chúng. 25. Lập danh sách mọi thứ bạn đang sở hữu. Việc này liệu có quá khó không? 26. Và ngược lại, lập danh sách mọi thứ bạn đã bỏ đi. Bạn có thấy tiếc thứ gì không? 27. Nhắc nhở bản thân rằng từ bỏ bất cứ thứ gì khiến bạn khó chịu, thậm chí cả những món đồ kỷ niệm, sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống của mình tốt lên. 28. Đừng do dự chuyển một món đồ tốt sang món đồ khác tốt hơn. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy sự hài lòng của mình tăng lên. 29. Đừng bao giờ chấp nhận lựa chọn tốt thứ hai. Khi mà mọi thứ xung quanh bạn càng tiến gần đến sự hoàn hảo, bạn sẽ càng cảm thấy thanh thản trong tâm hồn hơn. 30. Chỉ mua những thứ bạn có đủ tiền để mua. 31. Thay đổi là cách làm cho ngôi nhà trở nên có sức sống. 32. Hãy tin tưởng những món đồ đã chứng minh chất lượng của chúng qua thời gian. 33. Hãy sắp xếp cuộc sống của bản thân đến khi nào bạn không còn cần sắp xếp nữa: ít hơn tức là nhiều hơn! 34. Giảm thiểu những công việc mà bạn phải làm ở nhà. 35. Đảm bảo mỗi món đồ mới bạn mua sẽ nhỏ hơn món cũ, về trọng lượng lẫn kích thuớc, dung tích. 36. Không mua những thiết bị không cần thiết. Phần II CƠ THỂ Ngọc này nếu không được mài giũa thì sẽ chẳng bao giờ trở thành bình ngọc. – Đạo Nguyên Hi Huyền10 Chăm sóc cơ thể nghĩa là làm cho cơ thể được tự do. Nhiều phụ nữ dành thời gian, công sức và tiền bạc để trang trí thật đẹp cho ngôi nhà, nấu ăn cho gia đình và bạn bè, chăm sóc người thân hoặc đi giao thiệp bên ngoài nhưng lại quên đi bản thân họ. Họ biện minh rằng mình “không có thời gian” để đi bộ, tắm gội hay ăn kiêng. Điều họ không nhận ra là, cũng như sự hài hòa và nét quý phái trên khuôn mặt người phụ nữ phản ánh trí tuệ bên trong, cơ thể cũng vậy. Tuy nhiên, việc chăm sóc bản thân và ngoại hình, đi mát-xa và giữ gìn sức khỏe xương khớp ít được ưu tiên trong suy nghĩ của nhiều người phương Tây (nhất là những người đã có tuổi). Đây là di sản của tư duy thần học Do Thái giáo - Ki-tô giáo, trong đó sự tôn thờ bản thân bị cho là điều cấm kỵ, thậm chí là một tội lỗi. Chúng ta nên nhớ rằng, những phòng xông hơi công cộng, hoạt động mát-xa và kiến thức về ăn kiêng từng được phổ biến tại châu Âu trong thời đại của các nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ, nhưng hoàn toàn biến mất trước sự ngăn cấm của Ki-tô giáo. Trong suốt nhiều thế kỷ, văn hóa của người phương Tây trở nên nhạy cảm trước những việc như cách chăm sóc bản thân, sự sang trọng, cách giữ gìn làn da sáng mịn, cách để có một cơ thể khỏe mạnh và một bộ xương vững chắc. Chúng ta đã phớt lờ “sự thông tuệ về thể chất” và trở nên lười biếng, tự mãn, thậm chí là thiếu thành thật với bản thân và những người khác. Ở phương Tây, chúng ta chấp nhận xem chế độ chăm sóc sức khỏe đại trà, các thú vui và thức ăn dồi dào là quyền lợi của mình, nhưng liệu chúng có cho chúng ta được tận hưởng cuộc sống của mình hay mang lại một cuộc sống thiếu lành mạnh, mất cân bằng trong khi có hàng triệu người trên thế giới đang chết từng ngày, từng giờ vì thiếu cái ăn và không được chữa bệnh? Tại sao chúng ta lại chấp nhận thừa cân, cholesterol, một làn da nhạt nhòa hoặc sần sùi, những khớp xương đau mỏi và những chuyến đi khám bệnh tưởng chừng như không bao giờ hết như một hệ quả tất yếu của tuổi tác, trong khi không hề thay đổi cách sống, thói quen và chế độ ăn uống? Sống với một cơ thể không thể làm được gì ngoài việc khiến mỗi bước đi của chúng ta thêm nặng nề hay khó chịu cực kỳ mệt mỏi. Nó lấy đi phong thái và tự do của chúng ta. Chúng ta tự trở thành nô lệ của chính cơ thể mình, hoàn toàn tự nguyện! Cơ thể con người có những nhu cầu có giới hạn rõ ràng. Nếu vượt quá những giới hạn đó, chúng sẽ rất khó kiểm soát sự thèm khát của bản thân. Đừng bỏ quên cơ thể của bạn, bởi vì cuộc sống của bạn và thậm chí là cuộc sống của những người khác đều phụ thuộc vào nó. Trong khi một con người tự cao, thích hưởng lạc với cuộc sống chẳng có gì ngoài những hoạt động vật chất, thức ăn và làm đẹp rõ ràng không phải là một con người giàu trí tuệ, thì chúng ta vẫn phải chăm sóc cơ thể mình nếu muốn sống tốt. Và chúng ta cũng phải học (hay học lại) cách kiềm chế, cũng như cách để giữ cơ thể linh hoạt, sạch sẽ và gọn gàng. Cơ thể không nên lấn át trí tuệ và tâm hồn. Nhưng nó phải sẵn sàng hỗ trợ và phản ánh các hoạt động trí não cũng như tinh thần của con người. """