"
Ngày Mai Ngày Mai Và Ngày Mai Nữa PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ngày Mai Ngày Mai Và Ngày Mai Nữa PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Một lần nữa, dành tặng H.C. - cả trong công việc và trong những trò chơi.
Tình yêu kia chính là tất cả,
Là mọi điều ta biết để trao nhau; Và nên biết trao bao nhiêu là đủ Để đường ray nâng đỡ được con tàu.
- EMILY DICKINSON
MỤC LỤC
I
NH ỮNG ĐỨA TRẺ ỐM Y ẾU
II
ẢNH HƯỞNG
III
UNF A IR GAME S
I V
HA I MẶ T
V
ĐẢO CHI ỀU
V I
HÔN NHÂN
V II
NPC
V III
NHỮN G T HÁNG NGÀ Y V Ô T Ậ N
I X
NH ỮNG NGƯỜI KHA I PHÁ
X
ĐƯ ỜNG RA Y V À CON T ÀU
I
---
NHỮNG ĐỨA TRẺ ỐM YẾU
1
Trước khi Mazer thành danh với cái tên Mazer, cậu là Samson Mazer. Trước khi là Samson Mazer, cậu là Samson Masur - chỉ thay đổi hai chữ cái trong tên là đủ để biến cậu từ đứa nhóc Do Thái hiền lành trở thành “Bậc thầy Xây dựng Thế giới”. Còn trong phần lớn thời niên thiếu của mình, cậu là Sam, hay S.A.M như chiếc máy điện tử thùng Donkey Kong của ông cậu ghi nhận trên top đầu bảng xếp hạng, nhưng chủ yếu vẫn là Sam.
Một chiều muộn tháng Mười hai cuối thế kỷ 20, Sam bước khỏi toa tàu điện ngầm thì thấy lối đi dẫn tới thang cuốn kẹt cứng bởi một đám người bu đông lại, trầm trồ trước một tấm áp phích quảng cáo của nhà ga. Sam đang bị muộn giờ hẹn. Cuộc hẹn với cố vấn học tập mà cậu đã lần lữa hơn cả tháng trời, nhưng đôi bên đều nhất trí rằng họ phải gặp nhau trước kỳ nghỉ đông. Sam chẳng có chút hứng thú nào với đám đông này – cậu không muốn hòa mình vào họ, cũng chẳng quan tâm họ đang chú ý đến thứ xuẩn ngốc gì. Nhưng đám đông này là chướng ngại không thể tránh khỏi. Cậu buộc phải chen qua họ để di chuyển tới thế giới bên trên mặt đất.
Sam mặc chiếc peacoat ngoại cỡ màu xanh hải quân, lấy của cậu bạn cùng nhà tên Marx. Khi còn là sinh viên năm nhất, Marx đã mua chiếc áo này từ một cửa hàng thanh lý đồ quân đội và hải quân trong thị trấn. Rồi nó bị Marx bỏ quên trong túi mua hàng suốt gần một học kỳ, cho đến tận lúc Sam hỏi mượn. Mùa đông năm ấy rét cắt da cắt thịt, lại còn đúng đợt bão Đông Bắc dài đến tháng Tư (Tận tháng Tư đó! Nghe có điên rồ không, những mùa đông Massachusetts!) khiến Sam cuối cùng cũng phải vứt bỏ lòng kiêu hãnh để hỏi mượn chiếc áo khoác bị lãng quên của cậu bạn cùng phòng. Sam giả bộ rằng mình thích kiểu dáng cái áo, và đúng như dự đoán, Marx tỏ ý muốn tống cái áo đó cho cậu luôn. Như nhiều món đồ khác ở cửa hàng thanh lý nọ, chiếc áo bốc mùi ẩm mốc, bụi bặm, và cả mùi mồ hôi của những cậu lính trẻ đã hy sinh, còn Sam thì cố không đoán nguyên nhân chiếc áo này được đưa đến đó. Dù
sao nó cũng ấm hơn rất nhiều so với chiếc áo gió cậu mang theo từ California khi nhập học. Vả lại, cậu cũng tin rằng chiếc áo ngoại cỡ này phù hợp để che đậy vóc dáng của mình. Nhưng sự thật thì cậu trông càng nhỏ bé và trẻ con hơn trong chiếc áo bự chảng ấy.
Nói tóm lại, Sam Masur – ở tuổi hai mươi mốt – không có thể chất phù hợp cho việc chen lấn và xô đẩy giữa đám đông, thể nên cậu cố gắng hết mức để luồn lách qua họ, và cảm thấy bản thân y hệt con ếch khốn khổ trong Frogger [1]. Sam nhận ra mình đang lẩm nhẩm những câu xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi dù cậu chẳng hề có ý đó. Não bộ loài người được lập trình thật đỉnh, Sam thầm nghĩ, khi nó có thể giúp cậu nói những câu “Xin lỗi” mà thực ra lại có nghĩa “Chết tiệt”. Trong tiểu thuyết, phim ảnh hay trò chơi điện tử, trừ phi một nhân vật trông không đáng tin cậy, hay được thiết lập là một tên khốn hoặc gã điên, còn không thì khán giả thường sẽ nhìn nhận nhân vật với đúng những gì họ thể hiện ra bên ngoài – từ lời nói cho đến hành động. Vậy nhưng ngoài đời thực, con người – dù bình thường, tử tế và thật thà đến đâu – cũng không thể vượt qua ngày dài đằng đẵng nếu thiếu đi một chút “lập trình tự nhiên” cho phép bản thân nói một đằng nhưng suy nghĩ, cảm xúc, hay thậm chí hành động lại một nẻo.
“Không biết tránh đường à?” Người đàn ông đội mũ đan macramé họa tiết đen và xanh lá hét vào mặt Sam.
“Xin lỗi,” cậu nói.
“Chết tiệt, suýt nữa là thấy được rồi,” một người phụ nữ đang địu con lẩm bẩm khi Sam đi ngang qua mặt cô.
“Xin lỗi,” cậu nói.
Thỉnh thoảng sẽ có người vội vã rời đi, để lại khoảng trống giữa đám đông. Những chỗ trống đó đáng ra có thể trở thành lối thoát cho Sam, nhưng không hiểu sao, chúng ngay lập tức bị lấp đầy bởi những người khác đang thèm khát một trò tiêu khiển.
Khi gần tới thang cuốn dẫn ra khỏi ga tàu điện ngầm, Sam mới quay lại nhìn xem đám đông kia đang chú ý đến thứ gì. Cậu có thể vẽ ra trong đầu cảnh mình kể lại chuyện ùn tắc ở ga tàu cho Marx nghe, để rồi nhận lại câu hỏi, “Mày không tò mò chuyện họ hứng
thú với cái gì à? Thử ngưng ghét con người một xíu thôi, mày sẽ nhận ra thế giới ngoài kia nhiều người và nhiều thứ hay ho đến thế nào.” Sam không thích việc Marx coi cậu là một thằng ghét con người, kể cả khi chuyện đúng là như thế. Vì lẽ đó, cậu quay lại, để rồi cùng lúc ấy nhìn thấy cô chiến hữu thuở bé, Sadie Green.
Cũng không phải là Sam không gặp lại cô lần nào trong suốt bao năm qua. Cả hai là khách quen của các hội chợ khoa học, các giải đấu game cấp trường, cũng như đủ thứ cuộc thi trên trời dưới biển khác (hùng biện, chế tạo robot, viết lách sáng tạo, lập trình). Dù người thì theo học một ngôi trường công tầm thường ở phía đông (Sam), người thì học tại một ngôi trường tư hạng sang ở phía tây (Sadie), thì vòng tròn quan hệ của đám trẻ thông minh vùng Los Angeles vẫn vậy. Đôi lúc, Sam và Sadie sẽ trao đổi ánh nhìn từ hai phía của căn phòng đầy ắp những đứa mọt sách – có lúc Sadie còn cười với cậu, như thể chứng tỏ rằng mối quan hệ của hai đứa đã bình thường – trước khi cô lại bị bao vây bởi một đám toàn những đứa trẻ vừa đẹp đẽ vừa thông minh. Những cô cậu bé đó cũng giống Sam, trừ việc chúng giàu hơn, trắng hơn, với hàm răng và mắt kính đẹp hơn. Còn Sam thì chẳng muốn sắm vai một đứa mọt sách xấu xí tham gia vào đám đông xung quanh Sadie Green. Thi thoảng, cậu muốn nghĩ về Sadie như một đứa xấu tính và tưởng tượng ra những hoạt cảnh mà cô tỏ ra coi thường cậu: như cái lần Sadie quay lưng với cậu, hoặc lần cô né tránh ánh nhìn của cậu. Chỉ có điều, Sadie chưa từng làm thế – nếu có thì chắc Sam đã cảm thấy khá hơn.
Sam biết chuyện Sadie đã vào học ở MIT, đôi lúc cậu còn tự hỏi có khi nào cả hai sẽ tình cờ gặp nhau nếu cậu đỗ vào Harvard không. Nhưng suốt hai năm rưỡi đại học, cậu chẳng làm gì để tạo ra cái thế “tình cờ” đó cả. Có lẽ Sadie cũng thế.
Nhưng ở đằng kia, chính là Sadie Green bằng xương bằng thịt. Việc nhìn thấy cô khiến Sam gần như muốn khóc. Như thể Sadie là hiện thân của chứng minh toán học đã lảng tránh Sam suốt bao năm ròng, để rồi khi nhìn lại bài toán sau một quãng dài nghỉ ngơi, dưới một góc độ mới mẻ, đáp án đã hiện ra rõ ràng trước mắt cậu. Sadie đây rồi. Đúng vậy. Cậu nghĩ.
Cậu định gọi tên Sadie, nhưng dùng lại. Cậu cảm thấy choáng ngợp trước quãng thời gian đã trôi qua kể từ lần cuối hai đứa có không gian riêng với nhau. Tại sao một người vẫn còn trẻ như Sam lại có thể tự nhận thức rằng bản thân đã để quá nhiều thời gian trôi đi? Và tại sao, đột nhiên cậu có thể dễ dàng quên rằng mình đã từng chán ghét Sadie? Thời gian, Sam nghĩ, quả là thứ bí ẩn. Nhưng chỉ sau thoáng chốc, suy nghĩ của cậu đã vượt qua những ưu tư hỗn độn ấy. Dẫu sao thời gian cũng là thứ có thể giải thích bằng toán học; chính trái tim – đúng hơn là phần ý thức con người thể hiện qua trái tim – mới là điều bí ẩn.
Sau khi xem xong cái thứ thu hút đám đông kia, Sadie tiến tới chỗ đoàn tàu Red Line đang đến.
“SADIE!” Sam gọi tên cô. Ga tàu lúc này tràn ngập những âm thanh ồn ã của sinh hoạt thường nhật, hòa lẫn với tiếng ầm ầm của đoàn tàu đang tới. Một cô bé chơi nhạc của nhóm Penguin Cafe Orchestra trên cây đàn cello để kiếm tiền boa. Một người đàn ông với tấm bìa kẹp hồ sơ trên tay xin chút thời gian của khách qua đường để ủng hộ người tị nạn Hồi giáo ở Srebrenica. Bên cạnh Sadie là quầy sinh tố trái cây giá sáu đô la. Đúng lúc Sam gọi tên Sadie, chiếc máy xay bắt đầu chạy ù ù, tỏa mùi tinh dầu cam và mùi dâu giữa bầu không khí ẩm mốc dưới lòng đất. “Sadie Green!” Cậu gọi lại lần nữa. Có vẻ như Sadie vẫn không nghe thấy. Sam tăng tốc hết mức có thể. Cậu bước đi thật nhanh, nhưng ngược đời thay, cậu lại cảm thấy mình như một kẻ đang tham gia thi chạy ba chân.
“Sadie! SADIE!” Cậu cảm thấy mình như một thằng ngốc. “SADIE MIRANDA GREEN! BẠN ĐÃ CHẾT VÌ KIẾT LỊ!” Cuối cùng, Sadie cũng quay lại. Cô chậm rãi quét ánh mắt qua đám đông, cho đến khi nhìn thấy Sam. Cô mỉm cười, và trong mắt Sam, nụ cười ấy hệt như một đoạn phim tua nhanh cảnh đóa hồng nở rộ mà cậu từng được xem trong lớp Vật lý hồi cấp ba. Đẹp thật, Sam thầm nghĩ, và bất chợt, cậu thấy lo lắng, xen lẫn chút tự ti. Sadie vẫn mỉm cười khi tiến lại gần cậu – lúm đồng tiền bên má phải, cặp răng của hàm trên phải tinh ý lắm mới có thể thấy khoảng cách giữa chúng – còn cậu cảm giác như đám đông tự động nhường đường cho Sadie, điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu đổi lại là mình.
“Bậy nào, chị tớ mới chết vì kiết lị đó, Sam Masur à,” Sadie lên tiếng. “Còn tớ là chết vì kiệt sức, sau khi bị rắn cắn.” “Và vì không muốn bắn lũ bò rừng nữa.”
“Lãng phí lắm. Đống thịt đó sẽ cứ thế rữa ra[2].”
Sadie quàng hai tay ôm lấy cậu. “Sam Masur! Tớ mong gặp lại cậu mãi.”
“Có thể tìm thấy tớ trong danh mục liên lạc mà,” Sam đáp. “Ừ thì, tớ vẫn hy vọng có thể gặp tận mặt hơn,” Sadie nói. “Như bây giờ này.”
“Thứ gì đưa cậu đến quảng trường Harvard vậy?” Sam hỏi. “Tất nhiên là vì Magic Eye[3] (Mắt Thần) rồi,” Sadie vui vẻ đáp lại. Cô ra hiệu cho Sam nhìn về phía tờ quảng cáo kia. Lần đầu tiên, Sam thực sự để mắt đến tấm áp phích khổ 150 x 100 centimét – thứ đã khiến đám đông dưới ga tàu điện ngầm trông không khác gì bầy xác sống.
QUAN SÁT THẾ GIỚI THEO CÁCH HOÀN TOÀN MỚI. GIÁNG SINH NÀY, MÓN QUÀ AI AI CŨNG MUỐN CHÍNH LÀ MẮT THẦN.
Trên tấm áp phích là họa tiết loang lổ theo tông màu Giáng sinh của lục bảo, hồng ngọc và vàng kim. Khi nhìn vào họa tiết đó đủ lâu, não bộ sẽ tự đánh lừa bản thân để người xem có thể thấy được hình ảnh 3D ẩn bên dưới. Kỹ thuật này sử dụng ảo ảnh quang học để tạo ra hình ảnh lập thể, tương đối dễ làm với bất kỳ tay lập trình viên nào có đôi chút ngón nghề. Cái thứ này? Sam thầm nghĩ. Mọi người thấy cái thứ này hấp dẫn ấy hả? Cậu rên rỉ.
“Cậu không đồng tình à?” Sadie nói.
“Thứ này ở ký túc xá trong trường có mà đầy.”
“Nhưng không phải là cái áp phích này, Sam. Cái này chỉ có ở...”
“Mọi nhà ga ở Boston.”
“Khéo có ở toàn nước Mỹ luôn ấy chứ?” Sadie cười lớn. “Sam này, cậu không muốn nhìn thế giới bằng đôi mắt thần ư?” “Lúc nào tớ chả nhìn thế giới bằng đôi mắt thần,” cậu đáp. “Tớ vẫn đang bùng nổ với cả tá suy nghĩ huyền diệu trẻ thơ đây này.” Sadie chỉ về phía một cậu bé chừng sáu tuổi: “Nhìn đứa nhỏ kia đang vui sướng thế nào kia! Thằng bé thấy nó rồi! Giỏi lắm em!” “Thế cậu thấy chưa?” Sam hỏi.
“Tớ chưa,” Sadie thừa nhận. “Dù sao tớ cũng phải lên chuyến tàu tiếp theo luôn thôi, không thì muộn học mất.”
“Không sao, cậu còn tận năm phút để nhìn thế giới bằng đôi mắt thần.” Sam nói.
“Thôi chắc để lần sau.”
“Nào nào, Sadie. Học thì đi lúc nào mà chẳng được. Đời có bao nhiêu dịp mà cậu nhìn vào một thứ, và biết tất cả những người xung quanh mình cũng đang thấy thứ đó, hay ít nhất là đôi mắt và bộ não của họ đang phản ứng với cùng một hiện tượng chứ? Ta có bao nhiêu bằng chứng để chứng minh tất cả đang ở trong cùng một thế giới đâu?”
Nụ cười của Sadie có đôi phần gượng gạo, rồi cô đấm nhẹ lên vai Sam. “Đây là lời đậm chất Sam nhất mà cậu từng nói ra đấy.” “Thì tớ là Sam mà.”
Sadie thở dài khi nghe tiếng chuyến tàu của cô rời ga. “Nếu tớ trượt chuyên đề nâng cao môn Đồ họa Máy tính thì là tại cậu đấy.” Dứt lời, cô điều chỉnh tư thế để có thể nhìn thẳng về hướng tấm áp phích. “Sam, nhìn cùng tớ đi.”
“Vâng, thưa cô.” Sam đứng thẳng lưng ưỡn ngực, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đã lâu lắm rồi cậu không được đứng gần Sadie như thế này.
Tấm áp phích hướng dẫn người xem thư giãn cặp mắt của mình, sau đó tập trung nhìn vào một điểm cho đến khi hình ảnh bí mật hiện ra. Nếu làm vậy không được, cách tiếp theo là tiến gần tấm áp phích rồi chậm rãi lùi ra xa. Nhưng ở giữa ga tàu đông đúc này, nào đâu có chỗ để có thể làm thế. Mà dù sao, Sam cũng chẳng quan tâm hình ảnh bí mật kia là cái gì.
g
Cậu đoán hình ảnh bí mật trong tấm áp phích có thể là cây thông Giáng sinh, thiên thần, ngôi sao, nhưng chắc không phải ngôi sao David. Nó có thể là một thứ gì đó theo mùa, tầm thường nhưng được nhiều người ưa thích, một thứ gì đó giúp nhà sản xuất bán được nhiều sản phẩm thuộc dòng sách Mắt Thần này hơn. Sam vốn không xem được mấy cái món hình ảnh lập thể kiểu này. Cậu đoán nguyên nhân là do cặp kính của mình. Cặp kính cận dày như đít chai, không cho phép mắt cậu thư giãn đủ lâu để nhìn ra được hình ảnh ảo giác. Vậy nên, sau một khoảng thời gian đáng nể (cụ thể là mười lăm giây), Sam từ bỏ việc tìm hình ảnh bí mật mà chuyển qua ngắm Sadie.
Tóc cô ấy giờ đây ngắn hơn và có phần kiểu cách hơn, cậu nghĩ thế, nhưng về cơ bản thì vẫn là mái tóc gọn sóng màu nâu đỏ như trước giờ. Vẫn những đốm tàn nhang nhàn nhạt trên mũi, vẫn làn da màu ô liu, nhưng nhợt nhạt hơn nhiều so với khi cả hai còn ở California, cùng đôi môi hơi nứt nẻ. Vẫn cặp mắt nâu lẫn với chút vệt vàng. Người mẹ Anna của Sam cũng có cặp mắt như vậy, bà từng nói với cậu tình trạng đó gọi là loạn sắc tố. Lúc bấy giờ, cậu đã tưởng rằng đó là tên một căn bệnh, thứ có thể cướp đi mẹ mình bất cứ lúc nào. Bên dưới mắt cô là vệt mờ hình trăng khuyết phải tinh ý lắm mới nhận ra, nhưng từ nhỏ mắt cô cũng đã vậy rồi. Dẫu sao, Sam cũng cảm thấy bạn mình có vẻ mệt mỏi. Nhìn Sadie, cậu thầm nghĩ, Có lẽ đây chính là du hành thời gian. Nhìn một người, và đồng thời thấy họ trong cả hiện tại lẫn quá khứ. Kiểu du hành chỉ dành riêng cho những kẻ đã quen nhau một khoảng thời gian rất dài.
“Tớ thấy rồi!” Sadie lên tiếng. Đôi mắt cô bừng sáng, còn biểu cảm thì hệt như những gì Sam nhớ về Sadie lúc cô mới chỉ mười một tuổi.
Sam nhanh chóng hướng mắt về lại tấm áp phích.
“Tất nhiên,” Sam đáp. “Tớ thấy rồi.”
Sadie quay sang nhìn cậu. “Cậu thấy cái gì?”
“Thì nó đó,” Sam nói. “Quá đỉnh luôn. Đậm chất lễ hội.” “Cậu có thấy nó thật không đấy?” Sadie nhoẻn miệng cười. Cặp mắt hai màu nhìn Sam ánh lên vẻ tinh nghịch.
“Thấy chứ, chẳng qua là tớ không muốn phá hỏng niềm vui của những người chưa nhìn ra nó thôi.” Cậu ra hiệu về phía đám đông.
“Ừ, Sam,” Sadie nói. “Tốt bụng thế cơ đấy.”
Sam hiểu là Sadie biết tỏng cậu chưa nhìn ra gì. Cậu cười với Sadie, và Sadie nở một nụ cười đáp lại.
“Lạ thật đấy?” Sadie nói. “Tớ có cảm giác như thể hai đứa mình chưa từng rời xa nhau. Kiểu như suốt bao lâu nay chúng mình ngày nào cũng xuống ga ngầm để nghiên cứu tấm áp phích này ấy.” “Chúng ta grok [4] mà,” Sam nói.
“Ừ, chúng ta grok thật. Để tớ rút lại lời lúc nãy. Đây mới là câu đậm chất Sam nhất mà cậu có thể nói ra đó.”
“Còn Sam nào ở đây được nữa. Mà này...” Nói đến đây, chiếc máy xay sinh tố lại phát ra tiếng kêu ù ù.
“Sao cơ?” Sadie nói.
“Cậu đến nhầm quảng trường rồi,” Sam nhắc lại.
“Nhầm quảng trường là sao cơ?”
“Cậu đang ở quảng trường Harvard, trong khi đúng ra thì cậu nên ở quảng trường Trung tâm hoặc quảng trường Kendall. Tớ nhớ cậu học ở MIT mà.”
“À, bạn trai tớ sống ở gần đây,” Sadie nói, tỏ ý không muốn tiếp tục chủ đề này nữa. “Mà tớ vẫn không hiểu tại sao họ lại gọi quảng trường là quảng trường nhỉ? Có phải cái quảng trường nào cũng hình vuông[5] đâu?” Một chuyến tàu nữa đang tới gần. “Tàu của tớ lại sắp đến nữa rồi.”
“Thì các chuyến tàu là thế mà,” Sam nói.
“Ừ. Chuyến tàu, nối tiếp chuyến tàu, nối tiếp chuyến tàu.” “Nên giờ hai đứa mình đi cà phê là chuẩn bài,” Sam nói. “Nếu cậu thấy uống cà phê xoàng quá thì đổi thứ gì đó khác cũng được. Trà chai. Matcha. Nước quả. Sâm banh. Có cả một thế giới đồ uống với vô hạn khả năng nằm ngay trên đầu chúng ta đó, cậu biết không? Chỉ cần bước lên chiếc thang cuốn đó thôi là chúng ta có thể tham gia vào thế giới đó.”
“Giá mà tớ có thể làm thế, nhưng tớ còn phải đến trường. Tớ mới xem được nửa bài thôi. Mà tớ cần đúng giờ với điểm chuyên cần thì mới đủ qua môn nữa.”
“Nghe xạo quá,” Sam nói. Sadie là một trong những người thông minh nhất cậu biết.
Sadie ôm Sam một cái thật nhanh. “Mừng vì hôm nay gặp được cậu.”
Sadie tiến về phía đoàn tàu, còn Sam thì vắt óc tìm cách để khiến cô dừng bước. Giả như đây là một trò chơi điện tử, cậu có thể bấm nút tạm dừng. Hoặc chơi lại từ điểm lưu trước đó, chọn những câu trả lời khác, chuẩn hơn. Cậu có thể bới tung hòm trang bị của mình để tìm ra vật phẩm có thể giữ Sadie ở lại.
Còn chưa kịp trao đổi số điện thoại với Sadie nữa, cậu tuyệt vọng nghĩ. Trí óc cậu lượn một vòng qua những cách giúp người ta tìm thấy nhau vào năm 1995. Ngày xưa, thuở Sam còn bé, người ta có thể cứ thế mà mất nhau mãi mãi, nhưng giờ thì không dễ như vậy nữa. Dần dà, chỉ cần muốn là bạn có thể biến một con người từ những phỏng đoán kỹ thuật số thành xác thịt phàm trần. Cậu tự thuyết phục bản thân rằng, dù hình bóng của cô bạn cũ đang khuất dần trong sân ga, thì thế giới vẫn tiếp tục vận hành và phát triển – cùng với sự toàn cầu hóa và siêu xa lộ thông tin, hay những thứ tương tự vậy. Sẽ rất dễ để tìm ra Sadie Green. Sam có thể đoán địa chỉ email của cô – địa chỉ email của MIT có chung một cú pháp. Cậu có thể tìm kiếm danh mục liên lạc của MIT trên mạng. Cậu cũng có thể gọi cho khoa Khoa học Máy tính – chắc là Sadie thuộc khoa đó. Hoặc đơn giản hơn, cậu có thể gọi cho bố mẹ của Sadie, ông Steven Green và bà Sharyn Friedman-Green, ở California.
Nhưng đồng thời, cậu cũng hiểu rõ bản thân, biết mình là loại người sẽ không bao giờ gọi cho ai, trừ phi chắc chắn một trăm phần trăm rằng mình sẽ được chào đón. Tư duy của cậu tiêu cực đến kinh hoàng. Cậu có thể tự huyễn hoặc bản thân rằng Sadie đang lạnh nhạt với mình, rằng thực ra hôm nay cô không phải đi học, mà chỉ đang tìm cách lảng tránh cậu thôi. Bộ não sẽ nói với cậu, nếu Sadie thực sự muốn gặp Sam thì cô ấy đã để lại cách để liên lạc rồi. Cậu có thể tự kết luận rằng đối với Sadie, Sam tượng trưng cho một quãng
thời gian tồi tệ trong đời cô, vậy nên, tất nhiên rồi, cô sẽ chẳng bao giờ muốn gặp lại cậu nữa. Hoặc cũng có thể giống như những gì Sam vẫn ngờ vực từ xưa đến giờ - đối với Sadie cậu chẳng là gì cả – cậu chỉ đơn thuần là được một cô tiểu thư nhà giàu ban ơn. Cậu sẽ suy đi nghĩ lại về cậu bạn trai ở quảng trường Harvard mà Sadie nhắc tới. Cậu có thể tìm ra số điện thoại, địa chỉ email, chỗ ở của Sadie, để rồi không bao giờ dùng đến chúng. Thế là, với tâm trạng nặng nề, Sam nhận ra đây rất có thể là lần cuối mình được gặp Sadie Green, và cậu cố gắng ghi nhớ từng chi tiết về ngoại hình của cô, người đang rời đi trong sân ga, giữa một ngày mùa đông lạnh giá tháng Mười hai. Mũ cashmere màu be, găng tay, khăn quàng. Peacoat màu lông lạc đà dài đến ngang đùi, chắc chắn không phải mua ở cửa hàng đồ thanh lý. Quần bò xanh đã sờn, gấu quần cắt tua rua theo kiểu hơi kỳ lạ. Giày thể thao đen với một vạch trắng. Cặp da đeo chéo màu cognac rộng ngang vai, bị nhét nhiều đồ đến phình cả ra, tay áo len be sẫm thò ra bên miệng túi. Mái tóc cô ấy – bóng, hơi ẩm, dài vừa qua xương cánh bướm. Không còn chất riêng của Sadie nữa rồi, cậu kết luận. Cô ấy giờ chẳng khác gì những cô nàng sinh viên vừa thông minh, vừa khéo chăm sóc ngoại hình khác trong nhà ga.
Nhưng ngay trước khi Sadie đi khuất khỏi tầm mắt Sam, cô bỗng quay lại, chạy về phía cậu. “Sam!” Cô nói. “Cậu vẫn chơi game chứ?”
“Còn,” Sam trả lời, giọng có phần nhiệt tình quá mức. “Tất nhiên rồi. Mọi lúc.”
“Đây.” Sadie dúi chiếc đĩa mềm vào tay cậu. “Đây là game tớ làm. Chắc cậu cũng rất bận, nhưng nếu rảnh thì chơi thử nhé. Tớ rất muốn nghe ý kiến của cậu.”
Rồi cô chạy ngược lại về phía đoàn tàu, còn Sam đuổi sát theo sau.
“Khoan! Sadie! Làm sao để liên lạc với cậu?”
“Địa chỉ email của tớ ở trong đĩa,” Sadie nói. “Trong file Readme ấy.”
Đoàn tàu đóng cửa, đưa Sadie đến trường. Sam nhìn xuống chiếc đĩa mềm trong tay: trò chơi tên là Solution . Cái tên trên đĩa do chính tay Sadie viết. Nét chữ này, dù ở đâu đi chăng nữa, cậu cũng vẫn sẽ nhận ra.
___
Khi trở về nhà tối hôm đó, Sam không vội vã cài Solution luôn vào máy, nhưng đã để sẵn chiếc đĩa mềm bên cạnh ổ đĩa của máy tính. Đối với cậu, việc để dành trò chơi của Sadie chính là nguồn động lực lớn. Rồi Sam bắt tay vào giải quyết cái đề cương luận văn năm ba, thứ đã bị quá hạn mất một tháng, và ở thời điểm đó gần như chắc chắn sẽ bị dây dưa đến qua kỳ nghỉ lễ. Đề tài Sam chọn sau cả tá lần vò đầu bứt tóc chính là “Các cách tiếp cận thay thế với nghịch lý Banach-Tarski trong trường hợp thiếu đi tiên đề chọn". Tuy Sam đã thấy khá chán ngán từ lúc viết đề cương, nhưng sự vất vả khi bắt tay vào làm đề tài mới là thứ khiến cậu thực sự lo ngại. Cậu bắt đầu hoài nghi rằng mình không thực sự hứng thú với toán học, dù cậu sở hữu năng khiếu trời ban với bộ môn này. Cố vấn học tập của Sam ở khoa Toán, Anders Larsson, người sau này giành được huy chương Fields[6]", cũng đã nói rất nhiều trong buổi làm việc chiều hôm đó. Lúc chào tạm biệt, thầy ấy đã nói: “Sam à, trò cực kỳ có năng khiếu. Nhưng cũng nên chú ý rằng giỏi một thứ gì đó không đồng nghĩa với việc yêu thích nó.”
Sam ăn món Ý cùng Marx - Marx đặt dư ra rất nhiều để thằng bạn cùng phòng không lo chết đói trong lúc cậu rời thành phố. Thêm một lần nữa, Marx rủ Sam đi trượt tuyết với mình ở Telluride trong kỳ nghỉ lễ: “Tao thấy mày nên đi chuyến này, và nếu mày ngại vụ phải đi trượt tuyết thì không sao đâu, mọi người chủ yếu ngồi chơi ở trong nhà nghỉ ấy mà.” Thế nhưng đến cả tiền để về thăm nhà trong kỳ nghỉ lễ Sam còn hiếm khi có đủ, vậy nên hết lần này đến lần khác, Marx thì cứ mời mọc còn cậu thì cứ từ chối. Sau bữa tối, Sam bắt tay vào chuẩn bị bài cho lớp Lý luận Đạo đức (họ đang học về triết học của Wittgenstein lúc trẻ, thời kỳ trước khi ông ta cho
rằng mình đã sai về mọi thứ), còn Marx thì chuẩn bị hành lý để đi nghỉ lễ. Sau khi sửa soạn đồ đạc xong xuôi, Marx viết một tấm thiệp cho Sam rồi để nó trên bàn cậu bạn cùng phòng, cùng một tấm phiếu quà tặng trị giá năm mươi đô la chỗ quán bia. Đó cũng là lúc Marx thấy chiếc đĩa mềm.
“Solution ? Cái gì đây mày?” Marx hỏi. Cậu ta cầm chiếc đĩa mềm màu xanh giơ lên cho Sam xem.
“Game bạn tao viết,” Sam trả lời.
“Bạn nào?” Marx đáp lại. Sam đã sống ở chỗ cậu được ba năm, và suốt quãng thời gian đó cậu hiếm khi thấy thằng bạn cùng phòng nhắc đến chuyện bạn bè.
“Bạn hồi tao ở California.”
“Mày định chơi thử không?”
“Rồi sẽ. Chắc là dở tệ ấy mà. Tao chỉ định chơi ủng hộ bạn thôi.” Sam cảm thấy như mình đang phản bội Sadie khi nói ra những điều này, nhưng nhiều khả năng trò này dở thật. “Con game này là về cái gì?” Marx hỏi.
“Chịu.”
“Nhìn tên có vẻ hay đấy chứ.” Marx ngồi xuống máy tính của Sam. “Tao còn rảnh khoảng vài phút nữa. Bật lên chơi thử nhé?” “Thử thì thử?” Tuy ý định ban đầu của Sam là chơi một mình, nhưng bình thường cậu cũng hay chơi game cùng với Marx. Hai người chuộng game đối kháng: Mortal Kombat, Tekken, Street Fighter. Cả hai còn có một chiến dịch Dungeons & Dragons[7] mà cứ vài bữa lại lôi ra chơi một lần. Chiến dịch này do Sam làm chúa tể ngục tối[8], kéo dài cũng đã hơn hai năm. Chỉ có hai người chơi Dungeons & Dragons với nhau là một trải nghiệm hơi dị nhưng cũng rất thân thiết, và sự tồn tại của chiến dịch này được cả hai giữ bí mật với tất cả những người họ quen.
Marx nhét chiếc đĩa vào trong máy, còn Sam cài game vào ổ cứng.
Vài tiếng sau, Sam và Marx lần đầu phá đảo[9] Solution.
“Cái quái gì vừa xảy ra vậy?” Marx hỏi. “Hỏng, tao muộn giờ đến chỗ Ajda lắm rồi. Cổ giết tao mất.” Ajda, cô người yêu mới nhất của Marx là một vận động viên bóng quần hạng 511 kiêm người mẫu không chuyên đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, một lý lịch thường thường bậc trung so với các đối tượng yêu đương Marx hướng đến. “Không hiểu sao tao đã nghĩ là bọn mình chỉ chơi có năm phút rồi dừng.”
Marx khoác lên mình chiếc áo khoác màu lông lạc đà, hệt như màu áo của Sadie. “Bạn mày đỉnh thật. Là thiên tài làm game không chừng. Thế quái nào mày lại quen được gã này thế?”
2
Ngày mà Sadie lần đầu gặp Sam, cô bé bị trục xuất khỏi phòng bệnh của người chị ruột Alice. Tâm trạng của Alice không tốt, vừa theo kiểu của một đứa trẻ mười ba tuổi, cũng vừa theo kiểu của một người có thể chết vì ung thư. Bà Sharyn, mẹ của hai đứa nhỏ, nói rằng Alice nên được mọi người dành cho một khoảng không gian tự do, rằng cơn bão cảm xúc đến từ cả tuổi dậy thì lẫn bệnh tật là quá sức chịu đựng của một con người. Khoảng không gian tự do ở đây nghĩa là Sadie nên đi ra khu chờ cho đến khi Alice không giận cô bé nữa.
Sadie không chắc lắm về việc lần này mình đã làm gì chọc giận Alice. Ban nãy cô bé cho chị mình xem bức hình cô gái đội chiếc mũ beret đỏ trong tạp chí Teen và nói gì đó đại loại kiểu Chị đội mũ này chắc sẽ rất xinh. Sadie không nhớ chính xác mình đã nói gì, nhưng dù là gì đi nữa, lời nói đó cũng đã chọc giận Alice, khiến Alice hét lên một cách kích động, Ở Los Angeles không ai đội mũ như thế cả! Thế nên đừng hỏi tại sao em lại không có bạn, Sadie Green! Rồi Alice lao vào nhà vệ sinh và khóc nức nở trong đó, tiếng khóc nghe hệt tiếng ngạt thở, vì mũi cô bé thì nghẹt còn cổ họng thì sưng vù. Bà Sharyn đang ngủ ở chiếc ghế cạnh giường, khuyên Alice nên bình tĩnh lại, rằng như thế chỉ tổ làm cơ thể mình phát bệnh mà thôi. Con bệnh sẵn rồi, Alice nói. Đến lúc này, Sadie cũng khóc – cô bé biết mình không có bất cứ người bạn nào, nhưng việc Alice nói toẹt ra như vậy vẫn rất quá đáng. Sharyn nhắc Sadie mau đi ra khu vực chờ.
“Chẳng công bằng chút nào,” cô bé Sadie nói với mẹ mình. “Con có làm gì đâu. Là chị Alice ngang ngược quả đấy chứ.” “Không công bằng chút nào,” bà Sharyn đồng ý.
Lúc bị đuổi khỏi phòng bệnh, Sadie cố gắng phân tích những gì đã xảy ra – cô bé thật sự nghĩ chị Alice khi đội chiếc mũ đỏ kia sẽ rất xinh. Nhưng sau khi nhìn lại, cô bé đưa ra kết luận rằng bằng việc nhắc đến chiếc mũ, nhiều khả năng Alice nghĩ Sadie có ý nói móc mái tóc của mình, thứ đang ngày một mỏng đi dưới tác dụng
phụ của hóa trị. Nếu như đó là những gì Alice nghĩ, Sadie cảm thấy có lỗi khi đã nhắc đến chiếc mũ ngu ngốc kia. Cô bé tới gõ của phòng bệnh của Alice để xin lỗi. Bên của sổ phòng bệnh, bà Sharyn nói nhỏ, “Lát nữa quay lại đi con, chị Alice đang ngủ rồi.”
Tới giờ ăn trưa, Sadie bắt đầu thấy đói, thế nên cô bé bớt thấy tội lỗi với Alice mà thấy tội nghiệp cho bản thân hơn. Thật bực mình khi Alice hành xử như một đứa khó ưa nhưng Sadie lại phải nhận hậu quả. Như những gì mọi người vẫn nói đi nói lại với Sadie, chị cô bé bị bệnh, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Chủng bệnh bạch cầu của Alice có tỉ lệ thuyên giảm đặc biệt cao. Alice đáp ứng khá tốt với phương pháp điều trị, và nhiều khả năng cô bé có thể đi học cấp ba theo đúng lịch vào mùa thu tới. Lần này Alice cũng chỉ phải nằm viện hai đêm, mà chủ yếu là vì, nguyên văn theo lời mẹ cô bé, “cẩn thận một đám không thừa”. Sadie rất thích câu “cẩn thận một đám không thừa”. Nó khiến cô bé liên tưởng đến một lũ quạ đen, một đàn mòng biển, một bầy chó sói. Trong trí tưởng tượng của cô bé, “cẩn thận” là một loài sinh vật nào đó – có thể là lai giữa chó cứu hộ Saint Bernard và voi. Một sinh vật to lớn, thông minh, thân thiện có thể che chở hai chị em nhà Green trước những hiểm nguy, dù hữu hình hay vô hình.
Để ý thấy cô bé mười một tuổi, nhìn rõ là khỏe mạnh, đang ở một mình trong phòng chờ, một anh y tá liền đưa cho Sadie một cốc pudding vị va-ni. Anh nhận ra Sadie cũng bị gia đình bỏ bê hệt như anh chị em của nhiều bệnh nhi khác trong viện, và gợi ý rằng cô bé có lẽ sẽ thích sử dụng phòng trò chơi. Anh cam đoan rằng ở đó có một chiếc máy chơi game Nintendo[1] rất ít được sử dụng trong các buổi chiều ngày thường. Ở nhà Sadie và Alice cũng có máy Nintendo, nhưng bây giờ Sadie đang không có việc gì giết thời gian cho hết năm tiếng nữa, đến khi bà Sharyn chở cô về nhà. Khi ấy đang là hè, Sadie thì đã đọc xong cuốn The Phantom Tollbooth (Trạm thu phí quái lạ)[2] tận hai lần, cũng là cuốn sách duy nhất mà cô mang theo hôm đó. Nếu Alice không tự dưng nổi giận, những hoạt động thường ngày của hai cô bé vẫn sẽ diễn ra: cùng xem các trò chơi truyền hình yêu thích vào buổi sáng, như Bấm cái nút đó! và Hãy chọn giá đúng ; đọc tạp chi Tuổi Mười Bảy rồi rủ nhau làm trắc
nghiệm tính cách; chơi Oregon Trail hay bất cứ trò chơi giáo dục nào được cài sẵn trong chiếc laptop nặng gần chục kí mà họ đưa cho Alice để làm bù bài tập ở trường, cũng như cả tả việc khác mà hội chị em vẫn nghĩ ra để giết thời gian cùng nhau.
Có thể Sadie không có bạn, nhưng cô bé chưa bao giờ cảm thấy cần bạn bè. Một mình Alice là hơn tất cả cộng lại. Không ai có thể thông minh hơn, dũng cảm hơn, xinh đẹp hơn, năng động hơn, hài hước hơn, điền-bất cứ tính-từ-gì-bạn-muốn-vào-đây hơn chị Alice. Kể cả khi mọi người vẫn luôn nhắc đi nhắc lại rằng Alice sẽ hồi phục, Sadie vẫn thường tưởng tượng về một thế giới nơi Alice không còn tồn tại. Một thế giới không còn những câu chuyện cười và những khúc nhạc họ cùng nhau chia sẻ, không còn những chiếc áo len và những chiếc bánh brownie nướng sẵn, cũng chẳng còn những khi làn da hai chị em khẽ chạm vào nhau bên dưới chân, trong bóng tối, và quan trọng hơn cả, không còn Alice, người canh giữ những bí mật và ngượng ngùng sâu kín nhất trong con tim ngây thơ của Sadie. Không có một người nào cô bé yêu thương nhiều như Alice, kể cả bố mẹ, kể cả bà mình. Thế giới vắng bóng Alice sẽ thật ảm đạm, hệt như bức ảnh đầy nhiễu chụp Neil Armstrong trên mặt trăng, và điều này khiến cô bé mười một tuổi thao thức trong đêm. Sẽ thật nhẹ nhõm khi có thể trốn vào thế giới của Nintendo trong chốc lát.
Nhưng trong phòng trò chơi có người. Một cậu bé đang chơi Super Mario Bros. Sadie kết luận cậu ta là bệnh nhân, chứ không phải người nhà hay khách đến thăm như mình: cậu mặc đồ ngủ ngay giữa ban ngày, hai cây nạng nằm yên dưới đất, cạnh chiếc ghế cậu ngồi, còn chân cậu bị nhốt trong một thiết bị dòm hệt như lồng sắt thời Trung cổ. Sadie đoán cậu trạc tuổi mình, mười một, hoặc lớn hơn một xíu. Tóc cậu đen, xoăn, mũi tẹt, đeo kính, đầu thì tròn như nhân vật hoạt hình. Trong lớp Mỹ thuật ở trường, Sadie được dạy cách vẽ mọi thứ bằng việc chia chúng thành những hình cơ bản. Để về cậu bé kia, Sadie chỉ cần dùng hình tròn là chủ yếu.
Sadie ngồi bệt xuống bên cạnh và xem cậu bé chơi. Cậu rất siêu – cứ đến cuối màn chơi, cậu lại có thể cho Mario nhảy lên trên đỉnh của cột cờ, điều mà Sadie mãi vẫn không thể thành thạo. Tuy cô bé
thích làm người chơi, nhưng việc xem một ai đó chơi giỏi cũng có thể mang lại niềm vui thích – giống như đang xem một điệu nhảy vậy. Cậu bé không hề nhìn sang Sadie. Thật vậy, cảm tưởng như cậu không hề nhận ra có Sadie ở cạnh. Cậu hoàn thành màn đấu trùm đầu tiên, dòng chữ NHƯNG CÔNG CHÚA CỦA CHÚNG TÔI ĐANG Ở TÒA LÂU ĐÀI KHÁC hiện lên trên màn hình. Vẫn dán mắt vào màn hình, cậu bé nói, “Cậu muốn chơi nốt mạng này không?”
Sadie lắc đầu. “Thôi. Cậu đang chơi hay mà. Tớ có thể chờ đến khi cậu chết.”
Cậu bé gật đầu. Cậu tiếp tục chơi, còn Sadie tiếp tục xem. “Khi nãy tớ không nên nói vậy,” Sadie lên tiếng xin lỗi. “Ý tớ là, nhỡ cậu sắp chết thật. Dẫu sao thì đây cũng là bệnh viện dành cho trẻ em mà.”
Cậu bé, vẫn đang điều khiển Mario, trèo cây dây leo dẫn lên khu vực trên mây, nơi tràn ngập những đồng xu. “Thế giới vẫn vậy, ai mà chẳng chết,” cậu nói.
“Đúng thật,” Sadie nói.
“Nhưng tớ đâu có sắp chết.”
“Vậy thì tốt.”
“Cậu sắp chết à?” cậu bé hỏi.
“Không,” Sadie đáp lại. “Không phải bây giờ.”
“Thế thì cậu bị làm sao?”
“Là chị tớ. Chị ấy bị bệnh.”
“Chị ấy bị bệnh gì?”
“Kiết lị.” Sadie không muốn nhắc đến bệnh ung thư, kẻ hủy diệt mọi cuộc đối thoại tự nhiên.
Cậu bé nhìn sang Sadie như thể định hỏi thêm câu gì. Nhưng thay vào đó, cậu đưa tay cầm cho cô. “Này. Ngón cái của tớ cũng mỏi rồi.”
Sadie di chuyển cực ổn trong màn chơi, nâng cấp Mario và ăn thêm một cây nấm lần[3].
“Cậu chơi được đấy,” cậu bé nói.
“Nhà tớ cũng có một cái máy Nintendo, nhưng tớ chỉ được chơi một tiếng mỗi tuần thôi.” Sadie đáp. “Nhưng giờ không ai để ý đến tớ nữa, từ khi chị Al bị bệnh...”
“Kiết lị,” cậu bé bổ sung.
“Ừ. Đúng ra hè này tớ sẽ được đi trại hè không gian Space Camp ở Florida, nhưng bố mẹ tớ quyết rằng tớ nên ở nhà để chơi cùng chị Al.” Sadie đạp bẹp đầu một con Goomba, con quái hình mũ nấm xuất hiện dày đặc trong Super Mario. “Tớ thấy tội nghiệp lũ Goomba.”
“Chúng chỉ là lính lác,” cậu bé nói.
“Nhưng tớ cảm giác như chúng nó bị lôi vào việc chả liên quan tí nào đến mình.”
“Đó là cuộc đời của bọn lính lác mà. Chui xuống cái ống kia đi,” cậu bé hướng dẫn. “Dưới đó có cả đống đồng xu.” “Biết rồi! Tớ đang làm đây,” Sadie nói. “Chị Al gần như lúc nào cũng có vẻ khó chịu với tớ, thế nên tớ không hiểu tại sao mình lại không được đi Space Camp. Đây đáng lẽ là lần đầu tiên tớ được đi trại hè qua đêm và lần đầu được một mình đi máy bay. Cũng chỉ đi có hai tuần thôi mà.” Sadie đã gần đi tới cuối màn chơi. “Bí quyết để nhảy lên trên đỉnh cột cờ là gì thế?”
“Giữ nút chạy lâu nhất có thể, sau đó bấm nút ngồi rồi nhảy ngay trước khi cậu sắp rớt xuống,” cậu bé nói.
Sadie/Mario nhảy chạm đỉnh cột cờ. “Ồ, được rồi này. À nhân tiện, tên tớ là Sadie.”
“Sam.”
“Đến lượt cậu.” Sadie trả lại chiếc tay cầm cho Sam. “Cậu bị làm sao thế?” cô bé hỏi.
“Tớ bị tai nạn giao thông,” Sam nói. “Bàn chân tớ bị gãy ở hai mươi bảy chỗ.”
“Nhiều ghê,” Sadie nói. “Cậu đang nói quá lên, hay đó là con số thật?”
“Là con số thật. Tớ rất khó tính với những con số.”
“Tớ cũng thế.”
“Nhưng đôi khi con số đó sẽ tăng lên một chút, vì họ sẽ phải đập bể xương một vài chỗ để định hình lại,” Sam nói. “Có thể họ sẽ phải cắt nó đi. Dẫu sao tớ cũng không đứng bằng nó được. Tớ đã trải qua ba lần phẫu thuật, giờ nó chẳng còn là cái bàn chân nữa, mà giống như một cái túi thịt với cả đống lát xương trong đó.”
“Nghe ngon đấy,” Sadie nói. “Xin lỗi, nói vậy nghe ghê quá nhỉ. Cách cậu tả khiến tớ nghĩ đến mấy lát khoai chiên. Từ lúc chị tớ bệnh, nhà tớ bỏ nhiều bữa ăn lắm, mà tớ nghĩ là cũng chẳng ai quan tâm nếu như tớ chết đói đâu. Cả ngày nay tớ mới chỉ được ăn một cốc pudding thôi.”
“Cậu dị thật đấy, Sadie,” Sam nói, giọng điệu có chút hứng thú.
“Tớ biết,” Sadie nói. “Tớ rất mong họ sẽ không phải cắt bàn chân của cậu đi. À nhân tiện, chị gái tớ bị ung thư.”
“Tớ tưởng chị cậu bị kiết lị.”
“Ừ thì, điều trị ung thư khiến chị ấy bị kiết lị. Cái bệnh kiết lị đó như kiểu một trò đùa giữa hai chị em tớ. Cậu có biết trò Oregon Trail trên máy tính không?”
“Chắc là có.” Sam tránh nói thẳng rằng mình không biết. “Chắc nó có trong máy tính ở phòng tin học trường cậu đó. Có lẽ đó là game tớ thích nhất, dù lối chơi có hơi nhàm một chút. Game về những người ở thế kỷ 19, họ cố gắng đi từ bờ Đông sang bờ Tây bằng một chiếc xe chở hàng cùng vài con bò, mục tiêu là đến đích mà không ai trong nhóm bị chết. Cậu sẽ phải cho họ ăn đủ, không đi quá nhanh, mua đúng đồ cung ứng, kiểu kiểu vậy. Nhưng đôi khi sẽ có ai đó, hoặc chính cậu, sẽ chết, chẳng hạn như vì bị rắn chuông cắn, vì đói, hoặc vì...”
“Kiết lị.”
“Đúng! Chính xác. Chuyện đó lúc nào cũng khiến tớ với chị Al bật cười.”
“Mà kiết lị là bị sao cơ?” Sam hỏi.
“Là tiêu chảy đó,” Sadie thì thầm. “Hồi đầu bọn tớ cũng không hiểu đâu.”
Sam bật cười, nhưng rồi cậu đột nhiên dừng lại. “Tớ vẫn thấy buồn cười,” cậu bé nói. “Nhưng lúc tớ cười thì đau lắm.” “Tôi hứa sẽ không bao giờ nói gì hài hước nữa, thế nhé,” Sadie nói bằng giọng điệu kỳ lạ, vô cảm.
“Ngưng! Cái giọng đấy càng làm tớ buồn cười hơn đó. Cậu đang cố bắt chước cái gì thế hả?”
“Một con robot.”
“Robot nghe nó như thế này này.” Sam bắt chước phiên bản robot trong tưởng tượng của cậu, kết quả là cả hai đứa trẻ lại bò lăn ra cười.
“Cậu đâu có được phép cười!” Sadie nói.
“Còn cậu thì đâu có được phép làm tớ cười. Mà người ta có thể chết vì kiết lị thật à?” Sam hỏi.
“Tớ nghĩ là có, cái thời xưa lắc xưa lơ ấy.”
“Cậu có nghĩ người ta khắc mấy cái đó lên mộ không?” “Tớ không nghĩ là người ta có khắc nguyên nhân cái chết lên mộ đâu Sam.”
“Ở khu nhà ma của Disneyland họ có ghi đấy. Tự dưng tớ lại mong mình sẽ chết vì kiết lị ghê. Giờ đổi sang chơi Duck Hunt [4] nhé?”
Sadie gật đầu.
“Trước tiên phải lắp súng vào đã. Nó ở ngay trên kia.” Theo chỉ dẫn của cậu, Sadie lấy hai khẩu súng cảm biến ánh sáng rồi cắm vào máy chơi game. Cô nhường Sam chơi trước.
“Cậu chơi siêu thật đấy,” cô bé nhận xét. “Ở nhà cậu có máy Nintendo à?”
“Không,” Sam đáp, “nhưng nhà hàng của ông tớ có một cái máy Donkey Kong. Ông cho tớ chơi xả láng đến khi nào chán thì thôi. Mấy trò chơi điện tử ấy mà, nếu cậu chơi giỏi một trò, cậu hoàn toàn có thể chơi giỏi các trò khác. Tớ nghĩ vậy. Tất cả đều nhờ vào khả năng phối hợp tay-mắt và quan sát quy luật.”
“Đồng ý. Ơ mà sao cơ ? Ông cậu có cả một cái máy Donkey Kong ấy hả? Đỉnh quá đi mất! Tớ cực thích mấy cái máy điện tử thùng đồ
cổ đó luôn. Mà nhà hàng của ông cậu là kiểu gì thế?” “Đó là một quán pizza,” Sam đáp.
“Hả? Tớ siêu thích pizza! Với tớ nó là món đỉnh nhất quả đất. Cậu có thể ăn thỏa thích pizza mà chẳng cần trả tiền không?” Sam gật đầu trong khi thành thạo bắn rụng hai con vịt. “Cái đó như kiểu, mơ ước của tớ ấy. Cậu đang sống cuộc sống mơ ước của tớ. Sam ơi, cậu phải cho tớ đi ké theo tới đó. Tên nhà hàng là gì? Có khi tớ đã đến đó rồi ấy chứ.”
“Ngôi nhà Pizza kiểu New York của Dong và Bong. Tên ông bà tớ là Dong với Bong. Ngay cả trong tiếng Hàn Quốc nó cũng chẳng thú vị gì. Giống kiểu bị gọi là Jack và Jill ấy,” Sam nói. “Nhà hàng nằm trên đường Wilshire ở phố Hàn.”
“Phố Hàn là gì cơ?”
“Quý cô ơi, có thật cô là người Los Angeles không vậy? Phố Hàn là khu phố Hàn Quốc ấy. Sao mà cậu lại có thể không biết chuyện đó nhỉ?” Sam nói. “Ai cũng biết phố Hàn hết.”
“Tớ biết khu phố Hàn Quốc là gì chứ. Tớ chỉ không biết mọi người lại gọi nó là phố Hàn.”
“Mà cậu sống ở đâu vậy?” Sam hỏi.
“Khu căn hộ.”
“Khu căn hộ là khu nào?”
“Là khu căn hộ ở Beverly Hills đó,” Sadie giải thích. “Chỗ đó khá gần với phố Hàn. Đấy, thấy chưa, cậu cũng đâu có biết khu căn hộ là gì đâu! Người L.A. chỉ biết mấy chỗ loanh quanh khu họ sống thôi.”
“Ừ, cậu nói cũng phải.”
Suốt buổi chiều hôm đó, Sam và Sadie vừa tán dóc trong bầu không khí hòa nhã vừa tàn sát vài thế hệ vịt ảo. “Lũ vịt có tội tình gì đâu chứ?” Sadie nhận xét.
“Có thể chúng ta săn chúng để lấy đồ ăn ảo. Phiên bản ảo của chúng ta sẽ chết đói nếu không có đám vịt ảo.”
“Dù thế nào đi nữa, tớ vẫn thấy tội nghiệp lũ vịt.”
“Cậu thấy tội nghiệp cho cả bọn Goomba mà. Nói chung là ai cậu cũng thấy tội nghiệp hết,” Sam nói.
“Cũng đúng,” Sadie đáp. “Tớ còn thấy tội nghiệp lũ bò rừng trong Oregon Trail nữa.”
“Tại sao?” Sam hỏi.
Đúng lúc này, mẹ của Sadie ló đầu vào phòng trò chơi: Alice có gì đó muốn nói với cô bé, dịch ra có nghĩa là Sadie đã được tha thứ. “Lần sau sẽ kể cậu nghe,” Sadie nói vậy với Sam, dù cô bé không chắc là có lần sau nữa hay không.
“Hẹn gặp lại cậu,” Sam nói.
“Người bạn nhỏ của con là ai thế?” Bà Sharyn hỏi khi cùng Sadie rời đi.
“Một cậu bạn nào đó.” Sadie ngoái lại nhìn Sam, lúc này đã lại dán mắt vào màn hình trò chơi. “Cậu ấy tốt lắm.”
Trên đường về phòng Alice, Sadie cảm ơn anh y tá nọ vì đã gợi ý cô bé tới phòng trò chơi. Anh y tá mỉm cười với mẹ Sadie - trẻ con thời nay hiếm khi biết cư xử như thế. “Phòng đó có trống như anh nói không?”
“Không, có một cậu bé ở đó. Tên là Sam...” Cô bé vẫn chưa biết họ của Sam.
“Em gặp Sam rồi?” Giọng điệu quan tâm bất chợt của anh y tá khiến Sadie tự hỏi không biết cô bé có phá vỡ nội quy bí mật nào đó của bệnh viện không, khi đã chiếm phòng chơi game của một cậu bé bệnh nhân. Cô bé phải chú ý thêm cả tá nội quy kể từ lúc Alice mắc bệnh ung thư.
“Vâng,” Sadie cố gắng giải thích. “Bọn em nói chuyện và chơi máy Nintendo. Cậu ấy có vẻ không thấy phiền lúc em ở đó.” “Sam, tóc xoăn đeo kính. Sam đó phải không?”
Sadie gật đầu.
Anh y tá tỏ ý muốn nói chuyện riêng với bà Sharyn, và bà Sharyn bảo Sadie qua phòng chị Alice trước.
Lúc Sadie mở cửa phòng bệnh của Alice, cô bé cảm thấy bất an. “Em nghĩ là em gặp rắc rối rồi,” cô bé tuyên bố.
“Em lại đi gây chuyện gì rồi?” Alice hỏi. Sadie kể lại tội lỗi giả định của mình. “Họ bảo em dùng phòng đó mà,” Alice lập luận, “thế nên, em không làm gì sai cả.”
Sadie ngồi lên giường Alice, để chị gái tết tóc cho mình. “Chị dám cá đấy không phải lý do anh y tá muốn nói chuyện với mẹ,” Alice nói tiếp. “Có thể là nói chuyện của chị. Em biết tên anh y tá đó không?”
“Em không biết.”
“Đừng lo nhé. Nếu em gặp rắc rối thật, thì cứ việc vừa khóc vừa nói chị gái em bị ung thư.”
“Em xin lỗi, về chuyện cái mũ,” Sadie nói.
“Cái mũ nào cơ? À, ừ. Lỗi của chị. Chị cũng không biết mình bị sao nữa.”
“Bệnh bạch cầu, chắc thế,” Sadie nói.
“Kiết lị, ” Alice sửa lại.
Đến tận khi Sadie cùng mẹ lên ô tô trở về nhà, bà Sharyn vẫn không đả động gì đến phòng trò chơi, thế nên Sadie khá tự tin là vụ việc đã rơi vào quên lãng. Hai mẹ con đang nghe Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia đưa tin về lễ kỷ niệm 100 năm của tượng Nữ thần Tự do, còn Sadie thì ngồi tưởng tượng về việc nếu Nữ thần Tự do là người thật thì sẽ tệ đến thế nào. Kỳ quặc làm sao khi có những người khác đi lại bên trong mình. Đám người đó chắc sẽ giống như những kẻ xâm lăng, như bệnh tật, như chấy tóc hoặc bệnh ung thư. Suy nghĩ đó khiến cô bé khó chịu, vậy nên Sadie cảm thấy nhẹ cả người khi mẹ tắt đài. “Con có nhớ cái bạn chơi cùng con hôm nay không?”
Đây rồi, Sadie nghĩ. “Dạ,” Sadie trả lời lí nhí. Rồi cô bé để ý thấy xe đang đi ngang qua phố Hàn và cố gắng tìm Ngôi nhà Pizza kiểu New York của Dong và Bong. “Con sẽ không gặp rắc rối gì đúng không ạ?”
“Không. Tại sao con lại gặp rắc rối chứ?”
Chuyện là gần đây, Sadie gần như lúc nào cũng gặp rắc rối. Đòi hỏi một đứa bé mười một tuổi, có chị gái bị bệnh, nhưng mọi hành động đều không có gì để chê trách trong mắt tất cả mọi người
g g g g g là chuyện bất khả thi. Cô bé gần như lúc nào cũng nói sai lời, ồn ào quá mức, hoặc đòi hỏi quá nhiều (thời gian, sự quan tâm, thức ăn), dù cho Sadie chưa từng yêu cầu nhiều hơn những gì xưa giờ cô bé vẫn được nhận. “Không có lý do gì đâu ạ.”
“Cậu y tá kể với mẹ rằng Sam gặp một vụ tai nạn ô tô rất tồi tệ,” bà Sharyn nói tiếp. “Bạn ấy không nói quá hai từ với bất cứ ai trong suốt sáu tuần sau vụ tai nạn. Cái chân của Sam rất đau, và chắc bạn ấy sẽ phải ra ra vào vào bệnh viện trong suốt thời gian sắp tới. Vậy nên Sam chịu nói chuyện với con là một điều quan trọng.”
“Vậy ạ? Con thấy Sam khá bình thường đó chứ.”
“Bệnh viện đã thử đủ cách mà Sam vẫn không chịu mở lòng. Nhà trị liệu, bạn bè, gia đình. Mà hai đứa nói với nhau chuyện gì thế?”
“Con cũng không rõ nữa. Không nhiều lắm đâu ạ.” Cô bé cố gắng nhớ lại những câu chuyện đã nói với Sam. “Chắc là, trò chơi điện tử?”
“Chà, chuyện này thì tùy con quyết thôi,” Bà Sharyn nói. “Cậu y tá không biết con có thể quay lại vào ngày mai để nói chuyện với Sam nữa không.” Trước khi Sadie kịp trả lời, mẹ cô bé liền nói thêm, “Mẹ biết con sẽ phải tham gia hoạt động cộng đồng để chuẩn bị cho lễ Bat Mitzvah[5] năm tới, và mẹ khá chắc rằng việc này cũng sẽ được tính.”
Chấp nhận chơi với ai đó mang tới rủi ro không nhỏ. Nó đồng nghĩa với cho phép bản thân mở lòng, phơi bày tất cả, chấp nhận bị tổn thương. Việc này tương đồng với hành động phơi bụng lăn lộn trên mặt đất của loài chó – Tôi biết bạn sẽ không làm tổn thương tôi, dù bạn có thể. Giống như những chú chó ngậm lấy bàn tay bạn nhưng không bao giờ cắn xuống. Cần đến lòng tin và cả tình yêu để có thể chơi với nhau. Rất nhiều năm sau, Sam trả lời một câu đầy tranh cãi trong buổi phỏng vấn với trang tin game Kotaku , “Không có hành động nào thân mật hơn việc chơi với nhau, kể cả tình dục.” Cư dân mạng phản hồi: làm quái gì có ai từng trải nghiệm cảm giác thăng hoa khi làm tình mà lại thở ra câu đấy, và chắc hẳn là cái gã Sam này có gì đó rất không bình thường.
Sadie tiếp tục đến bệnh viện ngày hôm sau, ngày hôm sau, và ngày hôm sau nữa, bất cứ ngày nào mà tình trạng của Sam đủ tốt để chơi cùng cô bé, nhưng cũng đủ tệ để phải ở bệnh viện. Dần dà hai đứa trẻ trở thành chiến hữu cùng nhau chơi game. Đôi khi sẽ có những màn ganh đua giữa Sadie với Sam, nhưng cả hai thích nhất việc cùng điều khiển một nhân vật trong trò chơi, chuyền qua chuyền lại chiếc bàn phím hoặc tay cầm, trong lúc thảo luận cách giúp cho hành trình đầy những hiểm nguy không thể tránh khỏi nơi thế giới game của nhân vật ảo kia trở nên dễ dàng hơn. Khi chơi game, Sam và Sadie cũng kể cho nhau nghe câu chuyện về những trải nghiệm sống vẫn còn khá ngắn ngủi của cả hai. Dần dà, Sadie biết mọi thứ về Sam, và Sam cũng biết mọi thứ về Sadie. Hoặc ít nhất, hai đứa trẻ nghĩ thế. Sadie dạy cho Sam ngôn ngữ lập trình mà cô học được ở trường (BASIC[6], một chút Pascal), còn Sam giúp cô bé mở rộng khả năng hội họa ra ngoài việc vẽ hình vuông với hình tròn (đan nét, phối cảnh, chia mảng sáng tối). Tuy chỉ mới mười hai tuổi, Sam đã rất giỏi vẽ phác thảo rồi.
Kể từ sau vụ tai nạn, Sam bắt đầu vẽ những mê cung phức tạp theo phong cách của M. C. Escher[7]. Chuyên gia tâm lý khuyến khích cậu bé, tin rằng các mê cung như vậy có thể giúp Sam giải tỏa đau đớn nghiêm trọng cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Đối với bà, mê cung tượng trưng cho tín hiệu tích cực rằng Sam đang tìm cách để vượt qua tình trạng của mình. Nhưng vị chuyên gia đó đã lầm. Mê cung mà Sam tạo ra luôn là để dành cho Sadie. Cậu sẽ nhét nó vào túi Sadie trước khi cô bé đi về. “Tớ có cái này cho cậu,” Sam nói. “Không có gì nhiều đâu. Lần tới qua đây nhớ mang nó theo để tớ xem đáp án.”
Sau này, Sam có trả lời trước công chúng rằng những mê cung kia là những nỗ lực viết game đầu tay của mình. “Mê cung,” theo lời Sam, “là một trò chơi điện tử được cô đọng thành hình dạng thuần khiết nhất.” Có thể điều đó đúng, nhưng nó là những lời đã được viết lại và phóng đại lên. Những mê cung năm ấy là dành cho Sadie. Thiết kế một trò chơi đồng nghĩa với tưởng tượng đến những người sau này sẽ chơi nó.
Cuối mỗi buổi đến bệnh viện chơi cùng Sam, Sadie sẽ len lén đưa cho y tá ký một bảng thời gian biểu. Thông thường, người ta không thể định lượng được tình bạn, nhưng bảng thời gian biểu kia ghi lại chính xác số giờ mà Sadie bầu bạn với Sam.
Vài tháng sau khi Sam và Sadie trở thành bạn, bà nội Freda của cô bé lần đầu đề cập đến việc Sadie có đang thực sự làm hoạt động cộng đồng hay không. Freda Green thường đích thân lái xe đưa Sadie đến bệnh viện gặp Sam. Bà lái chiếc xe hơi mui trần của Mỹ, màu đỏ, có thể hạ mui xuống nếu thời tiết cho phép (Tại Los Angeles, thời tiết gần như lúc nào cũng cho phép), buộc một chiếc khăn lụa in hình trên tóc. Bà cao chưa đến mét rưỡi, chỉ hơn cô bé Sadie mười một tuổi vài centimét, nhưng phong cách thời trang của bà lúc nào cũng không thể chê được, với những bộ đồ bà đặt may riêng mỗi năm một lần tại Paris: sơ mi trắng mới toanh, quần len mềm màu xám, áo len vải bouclé[8] hoặc cashmere. Bà sẽ chẳng bao giờ ra ngoài mà không mang theo chiếc túi xách da hình hộp, thỏi son màu đỏ tươi, chiếc đồng hồ vàng tinh xảo, nước hoa hương hoa huệ, và những món trang sức ngọc trai của mình. Trong mắt Sadie, bà là người phụ nữ thời trang nhất thế giới. Ngoài việc là bà nội của Sadie, bà Freda còn là một nhà tài phiệt bất động sản ở Los Angeles, nổi tiếng với sự tỉ mỉ và thận trọng đến đáng sợ trong các cuộc đàm phán kinh doanh.
“Sadie yêu quý của ta,” bà Freda nói trên đường đưa Sadie từ phía tây sang phía đông thành phố. “Cháu biết đấy, ta rất vui khi được chở cháu tới bệnh viện như thế này.”
“Cảm ơn nội. Cháu rất vui ạ.”
“Nhưng ta nghĩ, dựa trên những gì cháu nói với ta, cậu bé giống một người bạn của cháu hơn.”
Tờ biểu mẫu hoạt động cộng đồng nhăn nheo lộ ra khỏi quyển sách toán của Sadie, và cô bé nhét nó lại vào trong túi. “Đó là ý tưởng của mẹ cháu chứ,” Sadie bào chữa cho chính mình. “Các bác sĩ và y tá nói rằng cháu đã giúp họ rất nhiều. Tuần trước, ông của Sam còn ôm cháu một cái và cho cháu một miếng pizza nấm. Cháu không thấy chuyện này có vấn đề gì cả.”
“Ừ, nhưng cậu bé không biết về sự sắp xếp này, đúng không?” “Vâng,” Sadie đáp. “Bọn cháu chưa từng nhắc đến.” “Thế cháu có nghĩ ra lý do gì mà cháu không nhắc đến câu chuyện đó không?”
“Vì lúc ở cạnh Sam, chúng cháu rất bận,” Sadie nói có phần yếu ớt.
“Cháu yêu, cái kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra, và nó có thể làm tổn thương cảm xúc của bạn ấy, nếu như Sam nghĩ rằng cậu ấy là đối tượng làm từ thiện của cháu, chứ không phải là tình bạn chân thành.”
“Không thể có cả hai được hay sao ạ?” Sadie hỏi.
“Tình bạn là tình bạn, còn từ thiện là từ thiện.” Bà Freda đáp. “Cháu biết quá rõ về thời thơ ấu của ta ở Đức, cũng như đã được nghe kể những câu chuyện đó rồi, vậy nên ta sẽ không nhắc lại nữa. Nhưng ta có thể khẳng định những người ban phát tình thương cho cháu thì không bao giờ là bạn cháu. Cháu không thể nhận sự ban phát tình thương từ bạn bè của mình.”
“Cháu chưa từng nghĩ về chuyện đó như thế,” Sadie nói. Freda khẽ vuốt ve bàn tay Sadie. “Cháu yêu của ta ơi. Cuộc sống này vẫn luôn đầy rẫy những thỏa hiệp đạo đức không thể tránh khỏi. Vậy nên cái gì mình tránh được thì nên tránh, cháu ạ.” Sadie biết bà nội nói đúng. Tuy nhiên, Sadie vẫn tiếp tục trình những tờ thời gian biểu cho bệnh viện ký. Cô thích cái nghi lễ đó, thích cả những lời ngợi khen dành cho mình – từ các y tá, đôi lúc từ bác sĩ, cũng như từ bố mẹ và những người ở đền. Thậm chí cô còn cảm thấy có niềm vui nho nhỏ khi điền bảng thời gian biểu. Đối với cô, việc này giống như một trò chơi, và trò chơi này không liên quan gì lắm đến Sam. Cô không lừa dối ai cả. Sadie không có ý giấu chuyện làm hoạt động cộng đồng với Sam, nhưng càng để lâu, cô càng cảm thấy khó nói ra chuyện này. Cô biết sự hiện diện của tờ thời gian biểu khiến cho mình trông như đang có ý đồ bất chính, dù trong mắt cô thì sự thật rất hiển nhiên: Sadie Green thích được khen, còn Sam Masur là người bạn thân nhất cô từng có.
Hoạt động cộng đồng của Sadie kéo dài khoảng mười bốn tháng. Như dự đoán, nó kết thúc đúng vào ngày mà Sam phát hiện ra mọi chuyện. Tình bạn của cả hai kéo dài tổng cộng 609 giờ, cộng thêm 4 giờ của ngày đầu tiên, thứ không nằm trong bảng thời gian biểu. Lễ Bat Mitzvah ở đền Beth El chỉ yêu cầu 20 giờ hoạt động cộng đồng, và Sadie đã được những người phụ nữ trong hội Hadassah trao thưởng cho thành tích thiện nguyện vô cùng xuất sắc của mình.
3
Chuyên đề thiết kế game nâng cao được tổ chức mỗi tuần một buổi, từ hai giờ chiều đến bốn giờ chiều ngày thứ Năm. Chuyên để chỉ nhận mười sinh viên theo hình thức xét duyệt đăng ký. Người đứng lớp là Dov Mizrah, 28 tuổi, trong danh mục khóa học viết là thầy Mizrah, còn dân trong giới game thì biết đến gã qua cái tên Dov. Người ta đánh giá Dov giống như John Carmack và John Romero (hai chàng trai diệu kỳ của nước Mỹ, những người đã lập trình và thiết kế nên Commander Keen và Doom ) gộp vào làm một. Dov nổi tiếng với mái tóc đen, dài và xoăn, chuyên mặc quần da bó chặt đến các hội chợ game, và tất nhiên, gã còn nổi tiếng với trò chơi Dead Sea của mình. Dead Sea là trò chơi thuộc thể loại phiêu lưu, lấy bối cảnh dưới nước và đề tài thây ma, ra mắt lần đầu tiên trên máy tính, sử dụng Ulysses – phần mềm làm game[1] mang tính đột phá do chính tay gã tạo nên, có khả năng kết xuất[2] ánh sáng và đổ bóng cực kỳ chân thực trong môi trường dưới nước. Sadie, cũng như hơn năm trăm nghìn đứa cuồng game khác, đã chơi Dead Sea từ mùa hè năm ngoái. Dov là giảng viên đầu tiên mà Sadie thích game của gã từ trước khi tham gia lớp học, chứ không phải vì tham gia lớp học. Cũng như nhiều game thủ khác, cô hiện đang rất ngóng trông phần hậu bản của Dead Sea, và khi nhìn thấy tên của Dov trong danh mục khóa học, cô tự hỏi lý do gì đã khiến một người như gã muốn tạm hoãn cái sự nghiệp làm game đang hết sức xán lạn để đi dạy.
“Xem nào,” Dov nói trong ngày đầu của chuyên đề, “Tôi không đến đây để dạy các cô các cậu cách lập trình. Đây là chuyên đề thiết kế game nâng cao tại MIT. Các cô các cậu hẳn đã biết lập trình, còn nếu không thì...” Gã giơ tay ra dấu về phía cánh cửa.
Cấu trúc chương trình của lớp chuyên đề cũng không khác biệt gì nhiều so với lớp viết sáng tạo. Hằng tuần, sẽ có hai sinh viên mang tới một trò chơi, có thể đơn giản, cũng có thể là một phần của trò chơi lớn hơn, nói chung là bất cứ thứ gì họ có thể làm ra được trong thời hạn cho phép. Các sinh viên khác trong lớp sẽ chơi chúng,
rồi đưa ra đánh giá. Xuyên suốt học kỳ, mỗi sinh viên sẽ phải làm được hai game.
Hannah Levin, bóng hồng còn lại của lớp chuyên đề (hai trên mười cũng là tỉ lệ sinh viên nữ thường gặp trong các lớp học của MIT), hỏi rằng Dov có quan tâm đến việc sinh viên dùng ngôn ngữ lập trình nào không.
“Tại sao tôi phải quan tâm nhỉ? Chúng chẳng khác gì nhau. Đều phải quỳ xuống thổi kèn cho tôi hết. Đúng cái nghĩa các cô các cậu đang nghĩ đến luôn đó. Các cô các cậu phải khiến cho bất cứ ngôn ngữ lập trình nào mình dùng cũng phải quỳ xuống thổi kèn cho mình. Nó phải phục tùng các cô các cậu.” Dov ngó qua Hannah. “Cô thì không có kèn cho nó thổi, thế nên là vét máng, sao cũng được. Chọn cái ngôn ngữ lập trình nào làm các cô các cậu lên đỉnh ấy.”
Hannah cười ái ngại, cố gắng né tránh ánh mắt của Dov. “Vậy thì, dùng Java cũng được đúng không?” Hannah nói lí nhí. “Một vài người em quen không, ờm, đánh giá cao Java, nhưng...”
“Đánh giá cao Java? Thật luôn, mả cha thằng nào nói câu đấy. Sao cũng được. Chọn ngôn ngữ lập trình nào sẽ làm tôi lên đỉnh ấy,” Dov bổ sung.
“Vâng, nhưng nếu có ngôn ngữ nào đó thầy thích.”
“Bạn trẻ, tên cô là gì?”
“Hannah Levin.”
“Này này, Hannah Levin. Làm gì mà căng thẳng thế. Tôi không có hứng với việc dạy các cô các cậu phải làm game như thế nào. Dùng liền ba ngôn ngữ lập trình cũng được, tôi không quan tâm. Bình thường tôi toàn làm vậy. Tôi cứ viết thôi, và nếu như bị mắc ở đâu đó, đôi lúc tôi sẽ đổi sang làm bằng ngôn ngữ khác. Trình biên dịch sinh ra để làm gì chứ. Còn ai có câu hỏi gì nữa không?”
Sadie thấy Dov là một kẻ thô tục, tính tình khó chịu, và có đôi phần quyến rũ.
“Ý tưởng ở đây là khiến cho mọi người cảm thấy ấn tượng.” Dov nói. “Tôi không muốn thấy những bản nhái của game tôi làm, hoặc của bất cứ trò nào tôi đã từng chơi. Tôi không muốn thấy
những hình ảnh đẹp đẽ nhưng rỗng tuếch, chẳng có ý đồ nào. Tôi cũng không muốn thấy những đoạn code sạch sẽ nhưng lại tạo ra một thế giới nhạt nhẽo vô vị. Tôi rất rất rất rất rất ghét sự nhàm chán. Làm tôi kinh ngạc đi. Làm tôi ghê tởm đi. Chọc tức tôi đi. Hộ tôi cái.”
Sau buổi học, Sadie bắt chuyện với Hannah. “Này, Hannah, tớ là Sadie. Lúc nãy cũng hơi khó khăn đó nhỉ?”
“Cũng bình thường,” Hannah nói.
“Cậu đã chơi Dead Sea chưa? Đỉnh lắm.”
“Dead Sea là cái gì?”
“Game của thầy Dov ấy. Trò đó, ờm, cậu biết đấy, là lý do khiến tớ đăng ký lớp chuyên đề này. Góc nhìn chính trong game là của một cô bé, người sống sót duy nhất trong...”
Hannah ngắt lời. “Chắc tôi nên thử ngỏ qua nó.”
“Ừ, chơi thử đi. Mà bình thường cậu hay chơi game gì?” Sadie hỏi.
Hannah cau mày. “Ờ, xin lỗi, tôi có việc phải đi ngay. Rất vui vì được gặp cậu!”
Sadie không hiểu điều gì khiến Hannah thấy phiền. Có thể bạn sẽ nghĩ phụ nữ thường đoàn kết lại trong những môi trường mà họ là thiểu số, nhưng thực tế lại chẳng phải vậy. Cứ như thể phụ nữ là một chứng bệnh không ai muốn mắc phải. Việc không lập hội với các cô gái khác giống như nói với đại đa số, tức đám con trai, rằng: Tôi không giống mấy con kia. Bản chất Sadie vốn là người thích ở một mình, nhưng kể cả vậy thì cô vẫn thấy việc đi học ở MIT trong thân xác một đứa con gái là trải nghiệm hết sức cô đơn. Năm Sadie đỗ vào MIT, số lượng nữ sinh trong lớp của cô cũng hơn một phần ba một xíu, thế nhưng bằng cách nào đó, có cảm thấy số lượng thực tế lại ít hơn nhiều. Đôi lúc Sadie cảm giác như mình có thể đi học vài tuần liền mà không chạm mặt bất kỳ cô gái nào khác. Có thể là vì đại đa số đám con trai mặc định rằng nếu bạn là phụ nữ tức là bạn ngu. Hoặc nếu không ngu, thì cũng kém thông minh hơn họ. Họ vẫn sống với định kiến rằng bạn sẽ dễ vào được MIT hơn nếu bạn là con gái, và theo thống kê thực tế thì tỉ lệ đỗ vào MIT của nữ đúng là cao hơn
mười phần trăm so với nam. Nhưng cũng có rất nhiều lý do giải thích cho thống kẻ này. Một lý do nghe có vẻ hợp lý là những nữ sinh không đủ tự tin vào năng lực của mình sẽ không dám ứng tuyển vào MIT: thế nên mặt bằng chung khả năng của các nữ sinh ứng tuyển vào MIT sẽ cao hơn so với nam giới. Do đó, việc kết luận rằng các cô gái đỗ vào MIT kém tài năng và không xứng đáng với vị trí của mình là sai lầm, thế nhưng bằng một cách nào đó, suy nghĩ trên lại trở thành định kiến tại nơi đây.
Chẳng biết may hay xui khi Sadie là sinh viên thứ bảy trình bày trò chơi của mình trong học kỳ. Cô đánh vật với suy nghĩ xem mình cần phải tạo ra thứ gì. Sadie muốn thứ mình tạo ra sẽ trở thành tuyên ngôn về việc tương lai có là nhà thiết kế như thế nào. Cô không muốn nộp lên một sản phẩm quá khuôn sáo, quá tầm thường, hoặc quá đơn giản, cả về mặt đồ họa lẫn yếu tố giải trí. Nhưng sau khi nhìn đám bạn học của mình bị Dov “sấy” cho lên bờ xuống ruộng, Sadie nhận ra mình có nộp lên cái gì cũng thể thôi. Dov ghét tất cả mọi thứ. Gã ghét tất cả các biến thể của Dungeons & Dragons, cũng như các game nhập vai theo lượt. Gã ghét game đi cảnh, trừ Super Mario, cũng như coi thường tất cả các loại máy console[3]. Gã ghét game thể thao. Gã ghét các loài động vật dễ thương. Gã ghét game được làm dựa trên các tác phẩm tài sản trí tuệ có sẵn. Gã ghét cái thực tế rằng quá nhiều game được làm theo khuôn mẫu về con mồi hoặc kẻ đi săn. Nhưng trên tất cả, gã khinh miệt game bắn súng, thế nên tổng kết lại thì gã ghét phần lớn trò chơi của cả sinh viên lẫn dân chuyên nghiệp, cũng như đại đa số những trò chơi thành công ngoài thị trường.
“Các cô các cậu này,” Dov nói. “Các cô các cậu đều biết chuyện tôi đã từng phục vụ trong quân ngũ, đúng không? Đối với đám người Mỹ các người, thì súng đạn vãi cả lãng mạn, bởi vì các người đâu biết chiến tranh nó như thế nào, và cảm giác liên tục bị tấn công nó ra sao. Quả thật đáng khinh.”
Florian, cậu sinh viên gầy nhẳng học chuyên ngành kỹ sư và là người tạo ra trò chơi đang bị Dov băm bổ, nói, “Thưa thấy, em thậm chí còn không phải là người Mỹ.” Trò chơi của Florian cũng không
phải game bắn súng: nó thuộc thể loại bắn cung, lấy cảm hứng từ quá trình thi đấu của một cung thủ trẻ tại Ba Lan.
“Ờ, nhưng cậu hấp thụ hết các giá trị tinh thần của người Mỹ luôn.”
“Nhưng trong Dead Sea có bắn nhau mà.”
Dov quả quyết rằng trong Dead Sea không có bắn nhau. “Thầy nói gì vậy?” Florian lên tiếng phản bác. “Nữ chính trò đó đánh người bằng cả khúc cây.”
“Đó không phải là bắn nhau,” Dov nói. “Đó là bạo lực. Một cô gái bé bỏng đánh một kẻ săn mồi bạo lực bằng khúc gỗ là hành động đấu tay đôi hết sức trung thực. Một người đàn ông, được thể hiện bằng bàn tay trên màn hình, bắn một đám lính lác không rõ tên tuổi là sự dối trá. Thứ tôi ghét không phải là bạo lực. Tôi ghét những trò chơi thiếu suy nghĩ, luôn ra cái vẻ rằng điều duy nhất mà một người có thể làm được trong đời là vác súng đi bắn cái gì đó. Nó rất mất não, Florian ạ. Còn vấn đề với game của cậu không nằm ở việc nó là game bắn súng, mà vì chơi nó không vui. Để tôi hỏi cậu câu này: Cậu đã tự chơi game của mình chưa?”
“Tất nhiên là em chơi rồi.”
“Cậu có thấy nó vui không?”
“Đối với em, bắn cung không vui,” Florian nói.
“Thôi được rồi, dẹp mẹ đi, ai quan tâm nó vui hay không chứ? Cậu có thấy nó giống bắn cung không?”
Florian nhún vai.
“Bởi vì tôi không thấy nó giống bắn cung.”
“Em không hiểu thầy đang nói gì.”
“Thôi được rồi, để tôi nói thẳng. Cơ chế bắn cung trong game của cậu tồn tại độ trễ. Tôi không thể biết rõ mình đang ngắm vào đâu. Hơn nữa, trò chơi của cậu cũng chẳng tái hiện được cảm giác khi kéo dây cung, cái này tôi khá chắc cậu cũng nhận ra rồi. Nó không đủ độ căng, còn phần hiển thị người chơi chỉ cản trở tầm nhìn chứ chẳng mang lại tác dụng gì. Trò của cậu chỉ đơn giản là hình ảnh của cây cung và hồng tâm trên màn hình. Bất kỳ ai cũng đều có
thể làm ra một thứ như vậy. Bên cạnh đó, cậu chẳng hề tạo ra câu chuyện nào hết. Vấn đề với game của cậu không nằm ở việc nó là game bắn súng, mà ở việc nó là một con game bắn súng dở ói vô hồn.”
“Nhảm nhí quá đấy Dov,” Florian nói. Làn da của cậu ta vốn nhợt nhạt, nhưng lúc này đã đỏ bừng lên vì tức giận. “Được rồi, anh bạn.” Dov vỗ vô vai Florian đầy trìu mến, rồi kéo cậu học trò vào ôm một cái rõ chặt. “Lần sau, dù có thất bại thì chúng ta cũng sẽ khá hơn lần này.”
Thời điểm Sadie làm trò chơi đầu tiên để nộp, cô chẳng biết Dov sẽ thích cái gì, và cô cũng bắt đầu hoài nghi rằng chuyện đó không phải vấn đề. Nếu đã chẳng có gì chiều lòng được Dov, vậy thì ít nhất hãy làm thứ khiến bản thân hứng thú. Trong tình thế tuyệt vọng khi sát hạn rồi mà vẫn chưa có gì để nộp, Sadie làm một trò chơi về thơ của Emily Dickinson[4]. Cô đặt tên game là EmiluBlaster . Các mảnh từ ngữ rơi từ trên trời xuống, người chơi sẽ phải điều khiển một cây bút phun mực vào các mảnh ghép, để chúng tạo thành các bài thơ của Emily Dickinson. Sau khi hoàn thành màn chơi bằng việc bắn hết mấy khổ thơ của Emily, người chơi nhận được điểm để trang trí căn phòng tòa nhà Amherst của nữ thi sĩ.
Bởi vì
BẮN
tôi không thể
BẮN
dừng lại chờ
BẮN
Cái chết
Cả lớp ghét trò này. Hannah Levin là người đầu tiên đưa ra đánh giá. “Ừm... Tôi nghĩ phần đồ họa của trò này có chỗ cũng được, nhưng mà ấy, phần chơi thì dở tệ. Nó vừa bạo lực một cách khó hiểu, mà cũng đồng thời trông rất nhà quê. Thầy Dov đã dặn chúng
ta không làm game bắn súng, nhưng tôi thấy cây bút bắn ra mực thì cũng chẳng khác gì bắn súng, phải không?”
Những lời nhận xét tiếp theo cũng đi theo hướng này. Lời nhận xét của Florian tích cực hơn chút xíu: “Tớ thích lúc mình bắn vào mấy cụm từ, chúng sẽ biến thành những chấm mực đen be bé, với cả cái tiếng nổ cậu thêm vào khi mực phun lên màn hình.”
Hannah Levin ngay lập tức phản bác, “Tôi nghĩ là tiếng đó nó nghe giống – xin lỗi nếu lời này có hơi khiếm nhã – tôi thấy nghe như tiếng rắm vậy.” Nói xong cô ngay lập tức che miệng như thể bản thân vừa mới thả bom cho cả lớp nghe.
Cậu sinh viên Nigel đến từ Anh bổ sung thêm, “Tôi thấy cái tiếng này có phần nghe giống tiếng xì hơi[5] hơn.”
Cả lớp cười rú lên.
“Khoan đã,” Hannah nói, “Nói xì hơi thì khác gì tôi nói đâu?” Cả lớp cười còn dữ hơn, ngay cả Sadie cũng cười theo. “Tớ muốn làm phần âm thanh kỹ hơn, nhưng thời gian không
cho phép,” Sadie lên tiếng thanh minh, nhưng có vẻ cả lớp không ai để những lời này vào tai.
“Các cô các cậu cứ bình tĩnh. Tôi cũng ghét cái trò này,” Dov nói, “nhưng nói thật là tôi không ghét nó đến mức như mấy trò khác các cô các cậu nộp.” Dov nhìn Sadie như thể đây là lần đầu gã thấy cô. (Đây đã là tuần học thứ tư.) Gã nhìn vào tờ danh sách lớp, và Sadie có thể nhận ra gã đang chú ý đến tên cô, điều này khiến cô hãnh diện, dù đây đã là tuần học thứ TƯ. “Cái game này giống Space Invaders bản nhái, nhưng dùng bút thay cho súng. Nhưng ít nhất tôi có thể khẳng định, xưa giờ tôi chưa chơi cái game nhái nào giống thế này, Sadie Green ạ.”
Dov chơi thêm một màn EmilyBlaster nữa, còn Sadie biết rõ mình sắp được khen thêm một câu. “Vui đấy,” gã nói nhỏ, nhưng vừa đủ để cho cả lớp nghe thấy.
Đến lúc làm trò chơi thứ hai, Sadie cảm giác như mình có thể và nên tham vọng hơn. Lần này, cô không gặp khó khăn ở phần ý tưởng nữa.
g
Bối cảnh của trò chơi đặt trong một nhà máy với hai màu đen trắng không có gì nổi bật, chuyên sản xuất các vật dụng nhỏ không rõ công dụng. Người chơi sẽ được cộng điểm khi hoàn thành các vật dụng. Sadie thiết kế cơ chế game dựa theo Tetris , trò chơi mà Dov thường xuyên bày tỏ lòng ngưỡng mộ. (Gã thích Tetris vì trò chơi này sáng tạo ngay từ bản chất – một trò chơi lắp ráp yêu cầu người chơi liên tục phải tìm cách đặt những mảnh ghép vào đúng chỗ.) Qua mỗi màn chơi, các vật dụng cần lắp sẽ ngày càng phức tạp và nhiều mảnh hơn, trong khi quỹ thời gian để lắp chúng sẽ bị giảm xuống. Trong quá trình diễn ra trò chơi, đôi khi sẽ hiện ra một bóng thoại hỏi người chơi có muốn dùng điểm để đổi lấy thông tin về nhà máy và các vật dụng mình đang sản xuất hay không. Game cũng đồng thời cảnh báo rằng nếu đổi điểm, số điểm cao nhất mà người chơi có thể đạt được sẽ bị giảm đi một ít. Người chơi có thể chọn đổi điểm, cũng có thể bỏ qua những bóng thoại này.
Theo quy trình lớp chuyên đề, Sadie sẽ phát những chiếc đĩa mềm 3,5 inch chứa trò chơi của cô cho cả lớp trước khi lên thuyết trình một buổi, để mọi người có thời gian chơi thử nó. Như một lời giới thiệu, Sadie nói, “Ùm, thì, trò chơi của tớ tên là Solution . Cảm hứng cho trò này đến từ chính bà nội của tớ. Các cậu hãy chơi nó đi, và tớ rất mong được nghe ý kiến của các cậu.”
Sadie nhận email của Hannah Levin khi dịp cuối tuần sắp kết thúc. Sadie này, tôi đã chơi cái “trò chơi” của cậu, và thật lòng tôi cũng chẳng biết phải nói gì. Nó vừa tởm lợm vừa gớm ghiếc, còn cậu thì đúng là đồ bệnh hoạn. Tôi đã gửi email này cho cả Dov. Tôi không chắc từ giờ mình còn có thể đến lớp được nữa không, khi mà tôi thấy quá sức kinh tởm. Lớp học này không còn là chốn an toàn nữa rồi. – Hannah.
Sadie mỉm cười khi đọc email này. Cô dành thời gian ra để soạn hồi âm: Chào Hannah, tớ không thấy có lỗi lắm khi cậu bị trò chơi của tớ làm cho kinh tởm. Tớ cố tình làm trò chơi này để khiến người chơi phải cảm thấy kinh tởm, và như tớ đã nói ở trên lớp, cảm hứng trò chơi đến từ chính bà nội của tớ.
Hannah trả lời, Con mẹ mày, Sadie.
Dov trả lời email vài tiếng sau đó, gửi riêng cho Sadie: Sadie, vẫn chưa chơi được. Rất ngóng chờ, Dov.
Hôm sau, gã gọi điện cho Sadie. “Này, chúng ta đều biết Hannah Levin là một con ngu ngang ngược rồi, đúng không?” Dov vừa tốn cả tiếng đồng hồ nói chuyện điện thoại với Hannah, người muốn gã báo cáo Sadie lên Ủy ban Kỷ luật của MIT. Hannah cho rằng Solution vi phạm quy tắc ứng xử của sinh viên, quy tắc cấm những lời nói gây thù ghét. “Tôi nghĩ là tôi xoa dịu được con nhỏ đó rồi,” Dov nói. “Nó đúng là một con nhỏ nhạt toẹt. Ai lại tốn thời gian với mấy đứa như thế chứ? Nhưng xin chúc mừng, Sadie Green, trò chơi của em đã làm con nhỏ đó tức điên lên rồi.”
“Điên rồ thật đấy,” Sadie nói.
“Tôi đoán con nhỏ đó không thích bị gọi là một tên Nazi[6],” Dov nói.
“Thầy đã chơi trò này rồi?”
“Tất nhiên,” Dov nói. “Phải chơi chứ.”
“Thầy có thắng không?”
“Tất cả đều thắng,” Dov nói. “Trò này thiên tài ở chỗ đó mà, phải không?”
“Tất cả đều thua,” Sadie nói. “Trò chơi này nói về sự đồng lõa.” Thiên tài. Dov đã nói hai chữ thiên tài.
Ý tưởng của Solution là nếu bạn chịu đặt câu hỏi thay vì cắm đầu vào lắp ráp vật dụng, điểm số của bạn sẽ thấp hơn, nhưng đồng thời bạn sẽ nhận ra rằng mình đang làm trong một nhà máy cung cấp thiết bị máy móc cho Đức Quốc Xã. Khi biết thông tin này rồi, bạn có thể giảm tốc độ sản xuất của mình lại, hoặc sản xuất số lượng vật dụng tối thiểu để không bị phát hiện bởi phe Quốc Xã, hoặc dừng hẳn việc sản xuất. Những người chơi không đặt câu hỏi, được trò chơi gọi là Người Đức trung thành, sẽ cứ thế thảnh thơi giành lấy điểm số cao nhất có thể, để rồi đến cuối cùng, họ cũng sẽ phát hiện ra mục đích thực sự của nhà máy này. Dòng chữ kiểu Fraktur rực rỡ chạy ngang màn hình: Chúc mừng, Nazi! Ngươi đã góp phần đưa Đức Quốc Xã đến với Chiến thắng! Ngươi chính là Bậc thầy của sự hiệu quả. Tiếng nhạc MIDI của Wagner[7] vang lên. Ý tưởng của Solution chính
là nếu bạn thắng trò chơi với điểm số cao, thì bạn cũng đồng thời thua về mặt đạo đức.
“Nghe này, tôi rất thích trò này. Tôi nghĩ nó rất hài hước.” “Hài hước ấy hả?” Sadie muốn tạo ra một trò chơi khiến cho người ta phải cảm thấy đau lòng, ghê tởm.
“Gu hài hước của tôi rất đen tối đó,” Dov nói. “Mà thôi dẹp chuyện này đi. Em muốn đi uống cà phê không?”
Hai người tới quán cà phê ở quảng trường Harvard, gần nơi Dov sống. Sadie lúc ấy chưa biết liệu cuộc gặp này ban đầu có phải vì những lời phàn nàn của Hannah hay không, nhưng trên thực tế, cả hai chẳng hề nhắc gì đến cô ta. Sadie kể về việc bản thân thích Dead Sea đến như thế nào, đồng thời còn hỏi thêm được Dov rất nhiều câu hỏi mang tính kỹ thuật về việc kết xuất ánh sáng bằng Ulysses. Ngoài việc giải đáp những câu hỏi của Sadie, Dov còn kể thêm cho cô nghe về quá trình gã thiết kế Dead Sea, cũng như việc ý tưởng của trò chơi đến từ nỗi sợ hãi chết đuối của gã. Về phía Sadie, cô kể về bà nội của mình, về việc lớn lên ở Los Angeles, về căn bệnh của chị gái. Hai người trao đổi về những trò chơi mình thích, khi còn bé và lúc trưởng thành. Dov nói chuyện với Sadie như thể hai người là đồng nghiệp ngang hàng, điều này khiến Sadie cảm thấy phấn khích. Giờ cô chẳng quan tâm mình có bị gọi lên giải trình trước Hội đồng Kỷ luật vì đã làm ra Solution hay không nữa. Khoảnh khắc này, với một người như Dov, đánh đổi bằng gì cũng đáng.
Dov vươn tay qua bàn, lau đi chút bọt cà phê vương trên đôi môi Sadie.
“Tôi nghĩ mình gặp rắc rối lớn rồi,” gã nói.
“Vì chuyện của Hannah sao?” Sadie nói.
“Hannah là đứa nào?” Dov nói. “À, rồi. Con nhỏ đó. Tôi nghĩ mình gặp rắc rối vì muốn em đến nhà tôi, và tôi biết mình không nên làm thế.”
“Tại sao lại không nên nhỉ?” Sadie nói. “Em muốn xem chỗ thầy ở.”
Đây là mối quan hệ người lớn đầu tiên của Sadie, dù cho Dov cũng đồng thời là thầy giáo của cô. Nhưng với tư cách bạn trai, gã
còn là một người thầy tốt hơn rất nhiều so với trên giảng đường. Sadie học được rất nhiều điều từ gã. Giống như lúc nào cũng là lớp chuyên đề vậy. Gã khuyến khích cô cải thiện Solution. Gã cho cô xem những kỹ thuật gã sử dụng để tạo ra những phần mềm làm game. “Nếu có thể, em đừng bao giờ sử dụng phần mềm làm game của người khác,” Dov cảnh báo. “Khi ấy, em sẽ để cho họ nắm được đằng chuôi.” Sadie thích chơi game cùng gã, thích ân ái với gã, thích kể những ý tưởng của mình cho gã. Cô yêu gã.
Sadie chắng hề biết chuyện Dov đã có vợ cho đến tận bốn tháng sau khi mối quan hệ này bắt đầu, lúc cô gần học xong năm hai. Dov nói rằng cần phải cho cô biết, trước khi mọi chuyện trở nên nghiêm túc hon. Dự định ban đầu là để Sadie dành cả mùa hè tại căn hộ của gã.
Gã nói vợ gã đã quay về Israel. Vợ chồng gã giờ đang ly thân. Đó là lý do gã đến MIT dạy. Cuộc hôn nhân của vợ chồng gã cần thời gian tạm nghỉ.
“Vậy thì, vợ anh có biết về em không?” Sadie hỏi.
“Không hắn, nhưng cô ấy biết chuyện có thể có những người như em,” Dov nói. “Yên tâm, chẳng có gì mờ ám ở đây hết.” Gã nói vậy, nhưng Sadie vẫn cảm thấy chuyện này mờ ám. Cô không hoàn toàn tin Dov, thậm chí còn thấy như mình đã bị lừa làm những chuyện trái đạo đức. Cô vô tình vướng vào mối quan hệ với một gã đàn ông đã có vợ, dù ban đầu cô có không biết chuyện này đi chăng nữa thì bây giờ cô cũng đã biết rồi. Mà nếu Sadie chịu thành thật với bản thân mình, cô đã có thể biết chuyện này từ lâu. Có lẽ cô chẳng khác gì người chơi trong Solution . Có lẽ cô đã không hỏi đúng câu hỏi, hay không hỏi đủ nhiều, bởi cô vốn chẳng muốn biết câu trả lời.
Tuy nhiên, Sadie vẫn dành cả mùa hè ở chỗ Dov. Cô yêu gã, và đến lúc này, có phần nghiện cảm giác bên gã. Khi tới thực tập tại Cellar Door Games ở Boston, cô chưa bao giờ kể chuyện bạn trai mình cho bất cứ ai ở chỗ làm. Trong giới thiết kế game, Dov là người nổi tiếng, và Sadie không muốn chuyện đến tai vợ Dov. Cô quá bận rộn với việc che giấu (và tham gia vào) mối quan hệ tình ái với Dov, đến mức chẳng cảm thấy mình để lại được ấn tượng gì nhiều ở
g y g g
Cellar Door. Sadie không thấy bản thân sáng tạo, và luôn là người đầu tiên ra về khi hết giờ làm việc.
Sadie không tiết lộ danh tính bạn trai với các đồng nghiệp ở Cellar Door không chỉ để bảo vệ Dov, đó có lẽ cũng là điều khá hiển nhiên. Cô đồng thời cũng đang tự bảo vệ chính mình. Trong ngành công nghiệp game, tỉ lệ phụ nữ thấp hơn hẳn so với tỉ lệ nữ sinh viên của MIT, và Sadie chẳng muốn tự bắn vào chân mình khi sự nghiệp của cô còn chưa kịp bắt đầu. Nghe có vẻ khá bất công, nhưng những cô nàng trẻ tuổi xinh đẹp nổi danh với việc ngủ cùng mấy gã đàn ông quyền lực sẽ có hành trang sự nghiệp thuận lợi hơn người khác. Nhưng đôi khi chính những cô nàng này sẽ nhận ra, rằng thiếu đi những người đàn ông kia, lời nói của họ cũng chẳng còn trọng lượng nữa. Sadie không muốn hồ sơ sự nghiệp không chính thức của mình trong ngành game bắt đầu với dòng “cô tình nhân bé nhỏ của Dov Mizrah”. Vậy nên dù yêu Dov đến thế nào, Sadie cũng đã sớm nghĩ về một tương lai mà gã không còn ở đó.
Mùa thu năm ba đại học, Sadie đăng ký học lớp Trí tuệ Nhân tạo, và vô tình học chung lớp ôn tập với Hannah Levin, người mà kể từ sau lớp chuyên đề cô đã không còn gặp nữa.
“Tớ hy vọng là cậu không còn để bụng chuyện hồi đó,” Sadie nói vào cuối buổi học. “Tớ không hề có ý muốn làm cậu khó chịu.” “Thôi, cho tôi xin. Lý do duy nhất cậu làm ra trò đó là để khiến người khác thấy phát gớm.” Hannah đáp lại. “Hồi đó tôi không làm lớn chuyện lên vì bạn trai cậu khuyên tôi nên dừng lại, và tôi không muốn bị chuyện này báo hại trong tương lai thôi.”
“Lúc còn học lớp chuyên đề, Dov vẫn chưa phải là bạn trai của tớ,” Sadie nói, nhưng Hannah lúc này đã đi ra khỏi cửa. Từ khi quen Dov đến giờ, Sadie chưa làm thêm một trò chơi nào của riêng mình, nhưng cô vẫn thường xuyên hỗ trợ công việc cho gã. Về một mặt nào đó, làm việc cùng Dov, dưới sự chỉ đạo của gã, dễ hơn nhiều so với tự làm game của riêng mình. Những gì Sadie làm có vẻ đơn giản và nhàm chán khi so sánh với công việc của Dov. Cô làm những thứ đơn giản và nhàm chán. Cô chỉ vừa mới bước sang tuổi hai mươi, và ở cái tuổi ấy thì công việc của ai cũng đơn giản và nhàm chán. Nhưng việc ở gần Dov khiến cô cảm thấy sốt
g g g y ruột với khối óc tuổi hai mươi của mình, và chất lượng của những ý tưởng nó nghĩ ra.
Thời điểm gặp Sam ở ga tàu, Sadie đã quen Dov được mười tháng. Cô nhận ra Sam từ rất lâu trước khi Sam nhận ra cô. Chính là cậu ấy: áo khoác quá khổ so với thân hình, dáng đi lảo đảo nhưng kiên định, ánh mắt tập trung hướng về phía trước – cô khá chắc rằng Sam sẽ không quay lại, không nhìn thấy cô, và cô mừng vì điều đó. Cậu ấy chẳng hề thay đổi, vẫn thuần khiết như xưa. Cậu ấy chưa từng làm những điều cô đã làm. So sánh với Sam, Sadie cảm thấy mình già nua và héo úa, cô nghĩ rằng nếu hai người nói chuyện với nhau, Sam sẽ nhận ra cô đã mục ruỗng mất rồi. Nhưng vì một lý do nào đó, Sam quay lại. Khi cậu gọi tên Sadie, cô làm ngơ và tiếp tục bước đi.
Thế nhưng, Sam vẫn gọi thêm một lần nữa, “SADIE MIRANDA GREEN, BẠN ĐÃ CHẾT VÌ KIẾT LỊ!”
Cô có thể lờ cậu ấy đi, nhưng lại chẳng thể làm ngơ trước lời trích dẫn mà hai người cùng nhau chia sẻ thuở ấu thơ. Nó là lời mời gọi tới chơi cùng nhau.
Cô quay lại.
___
Trước khi về Israel để nghỉ đông, Dov báo trước với Sadie rằng gã sẽ không liên lạc với cô nhiều. “Chuyện gia đình,” gã nói. “Em hiểu nó ra sao mà.” Sadie nói rằng cô ổn với điều này, tuy chính miệng cô nói như vậy, nhưng cô lại không chắc mình có thực sự ổn không. Sadie biết mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc tỏ ra ổn. Những cô gái thực sự thấy ổn sẽ không hỏi tình nhân của mình có ý định về thăm người vợ đã ly thân trong kỳ nghỉ đông hay không. Nếu cô tỏ ra bất ổn, có khả năng Dov sẽ chủ động chấm dứt mối quan hệ này, và Sadie không thể chịu được điều đó. Cô đã dần bị phụ thuộc vào Dov. Khi nhìn lại, Sadie nhận ra một năm rưỡi học ở MIT trước khi gặp Dov là quãng thời gian hết sức cô đơn. Sadie không có người bạn thực sự nào cả. Vậy nên sự thay đổi từ không có
bạn sang có một người bạn như Dov là trải nghiệm vô cùng mãnh liệt. Gã tựa như một thứ ánh sáng rực rỡ ấm áp phủ lên tất cả mọi thứ trong cuộc đời cô. Cô cảm giác như có ai đó bật công tắc trong mình lên, khiến cô bừng sáng theo gã. Không có người nào thích hợp hơn để cùng cô nói chuyện về game. Cũng chẳng có ai thích hợp hơn để cô chia sẻ những ý tưởng của mình. Đúng, cô yêu gã, nhưng đồng thời cô cũng thích gã như một người bạn. Cô thích chính bản thân mình khi ở bên gã.
Gần đây, Sadie bắt đầu nghi ngờ rằng Dov đang dần hết hứng với cô. Thế nên, cô thử tìm cách để khiến bản thân trở nên thú vị hơn. Cô cố gắng ăn mặc đẹp hơn, đổi kiếu tóc, mua những bộ đồ lót ren rua. Sadie đọc sách về các loại rượu để có thể hiểu biết hơn trên bàn ăn tối, như cái cách mà cô tưởng tượng về những người tình lớn tuổi hơn mình. Có lần gã nói, dù chỉ thoáng qua, rằng gã thật bất ngờ khi người Mỹ gốc Do Thái biết quá ít về Israel, vậy nên cô đọc sách về lịch sử hình thành của Israel để nâng cao kiến thức. Nhưng dường như tất cả cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Đôi lúc, cô cảm giác như Dov đang cố gắng bắt lỗi cô. Nếu Sadie dành thời gian đọc tiểu thuyết, gã sẽ nói, “Ở tuổi của em, tôi lập trình không ngừng nghỉ.” Hoặc nếu Sadie tốn quá nhiều thời gian để hoàn thành công việc Dov giao, gã sẽ nói, “Em tuy sáng dạ, nhưng lại là đứa lười biếng.” Ngoài việc tham gia làm những trò chơi của Dov, cô còn tối mắt tối mũi với lịch học ở trường. Nhưng nếu cô than phiền với Dov, gã sẽ nói, “Đừng bao giờ, đừng bao giờ phàn nàn.” Hoặc gã bảo rằng, “Đây chính là lý do tôi không làm việc cùng lũ sinh viên.” Nếu Sadie nói về một trò chơi cô ngưỡng mộ, nhưng Dov không đánh giá cao trò đó, gã sẽ nói với cô đủ những điểm tệ hại trong trò chơi. Điều này không chỉ dừng lại ở game – phim ảnh, sách vở, hay các tác phẩm nghệ thuật cũng vậy. Chuyện này diễn ra nhiều đến mức Sadie chẳng còn nói thẳng ý kiến của mình về bất cứ thứ gì nữa. Cô tập cho mình thói quen bắt đầu những cuộc đối thoại với gã bằng “Dov, anh nghĩ sao?”
Vậy nên cô sẽ ổn, vì như thế mới đúng là mấy cô bồ nhí. Bồ nhí, Sadie nghĩ. Cô tự thấy có chút nực cười, rằng đây chính là cảm giác
khi chơi trò chơi của người khác: có ảo giác rằng mình nắm quyền lựa chọn, trong khi thực tế thì không.
“Tại sao nụ cười của cô gái thông minh như em lại buồn rầu đến thế?” Dov hỏi.
“Không có gì. Khi nào quay lại thì gọi cho em,” cô nói. Sadie ủ rũ và im lặng suốt quãng thời gian nghỉ lễ ở California. Cô cảm giác như mình bị cúm, rối loạn múi giờ triền miên, mệt mỏi. Cô dành phần lớn thời gian của kỳ nghỉ để nằm ngủ trên chiếc giường thời thơ ấu, dưới tấm chăn in hình hoa hồng, đọc những cuốn sách đầy những nếp gấp mép của tuổi thơ. “Em bị sao vậy?” Alice hỏi. “Cả nhà ai cũng lo cho em đó.” Alice đang học năm nhất khoa Y tại đại học California.
“Em ổn,” Sadie nói. “Em nghĩ là em lây bệnh gì đó trên máy bay thôi.”
“Thế à, đừng có lây cho chị đó. Chị không chấp nhận đâu.” Alice từ chối việc để bệnh tật lấy đi của mình thêm bất cứ một ngày nào nữa.
Sadie cảm thấy mình không thể kể chuyện về Dov với bất cứ ai trong gia đình, kể cả Alice, hay đúng hơn, đặc biệt là Alice. Chị Alice, cũng giống như bà nội cô, rất ghét những mảng xám không thể tránh khỏi trong cuộc đời.
Alice quan sát kỹ Sadie. Cô đặt tay lên trán Sadie, rồi nhìn thẳng vào mắt em gái mình. “Em không sốt, nhưng chị không nghĩ em đang ổn,” Alice nói.
Sadie đổi chủ đề nói chuyện. “Chị sẽ không bao giờ đoán được em đã gặp ai ở quảng trường Harvard đâu.”
Năm xưa, Alice chính là người đã nói cho Sam biết về dự án hoạt động cộng đồng của Sadie. Alice luôn khẳng định rằng mình làm vậy không phải vì ghen tị, và qua nhiều năm Sadie cũng dần tin vào điều này. Nhưng Alice cũng chẳng hề che giấu chuyện mình không thích cái ý tưởng Sadie đến bệnh viện để làm hoạt động cộng đồng, và cô thấy phát ớn khi chứng kiến em gái mình được nhận phần thưởng cho thành tích hoạt động cộng đồng của đền.
Khoảng ba tháng trước lễ Bat Mitzvah của Sadie, Alice vô tình gặp Sam ở bệnh viện. Hôm đó cô đến để làm xét nghiệm máu định kỳ – một năm qua bệnh tình của cô đã có những tiến triển tốt; Sam thì lại thêm một lần phẫu thuật bàn chân nữa. Cả hai vốn chẳng biết gì nhiều về nhau, và qua những gì Alice được nghe về Sam, cô khá là không thích cậu. Cô cho rằng mối quan hệ giữa Sadie và Sam thật kỳ cục. Việc này có một phần lỗi của Sadie. Khi Alice bày tỏ hứng thú muốn gặp người bạn mới của em gái, Sadie đã nói rằng Sam không phải bạn mình. Cô nhấn mạnh vào phần hoạt động tình nguyện của mối quan hệ này, kể về Sam như một người “rất đáng thương”. Một phần trong Sadie không muốn Alice biết Sam, không muốn Alice đưa ra những lời nhận xét thẳng thắn về Sam như cái cách chị ấy làm với những người bạn và bạn học khác của Sadie. Alice rất thông minh, nhưng lại có phần không được tốt tính, và tình trạng này càng tệ hơn sau những năm tháng Alice phải chiến đấu với bệnh bạch cầu. Sadie không muốn Sam cũng bị đánh giá dưới lăng kính gay gắt và tàn nhẫn của chị gái mình.
Vậy nên, khi Alice nhìn thấy Sam ở bệnh viện, bản năng mách bảo cô hãy mặc kệ cậu ta.
“Chị là chị gái của Sadie, phải không?” Sam nói. “Em là Sam.” “Tôi biết cậu là ai rồi,” Alice nói.
Vị bác sĩ chỉnh hình khoa Nhi, một trong số rất nhiều bác sĩ điều trị cho Sam, thấy hai đứa trẻ đang đứng cùng nhau và nhầm Alice với Sadie – cô bé gần đây thường xuyên tới bệnh viện. “Chào Sam! Chào Sadie!”
“Chào bác sĩ Tybalt,” Sam nói, “đây không phải là Sadie, mà là chị gái Alice của bạn ấy.”
“À, đương nhiên rồi!” Vị bác sĩ nói. “Hai đứa giống nhau thật đấy.”
“Vâng,” Alice nói. “Nhưng cháu lớn hơn hai tuổi, và tóc cháu thẳng hơn. Cơ mà cách dễ nhất để phân biệt cháu với em gái cháu, đó là cháu không kè kè một cái bảng thời gian biểu bên mình.”
Cuộc đối thoại kết thúc khi y tá gọi tên Alice. Họ đã sẵn sàng lấy máu cô bé.
“Hẹn gặp lại sau nhé Sam,” Alice gọi.
Tối hôm đó, Sam gọi điện thoại cho Sadie. “Hôm nay tớ gặp chị cậu ở bệnh viện,” Sam báo cáo.
“Ừ, nay chị Alice phải đến đó,” Sadie nói. “Xin lỗi, tớ cũng muốn đến bệnh viện, nhưng tớ phải đi học lớp Bat Mitzvah. Đoán xem tớ đang nhìn trò gì nào?”
“Trò gì?”
“King’s Quest IV. Tớ nhờ nội đưa qua cửa hàng Babbage, và thấy nó ở trên kệ trước ngày phát hành cả tháng. Lúc ấy tớ đã hét ầm lên. Sam ơi, đồ họa của phần này đỉnh hơn hẳn phần trước. Nó còn đính hơn cả Zelda nữa không chừng.”
“Sao cậu bảo sẽ đợi tớ chơi cùng.”
“Tớ đã bắt đầu chơi đâu. Tớ mới chỉ cài nó vào máy thôi. Nghe này, phần nhạc cũng đỉnh hơn luôn.”
Sadie gí điện thoại vào gần máy tính để Sam có thể nghe tiếng nhạc MIDI phát ra từ trò chơi.
“Tớ không nghe được rõ tiếng,” Sam nói. “Sadie, hôm nay chị Alice nói chuyện này kỳ lắm...”
“Kệ chị ấy đi, Alice ấy mà. Chị ấy là NGƯỜI THÔ LỖ NHẤT TỚ BIẾT.” Sadie gào lên đủ lớn để Alice cũng nghe được. “Nếu chân cậu không đau quá và không cần phải ở bệnh viện, Chủ nhật này hãy bảo ông Dong Hyun đưa cậu qua nhà tớ để cùng chơi KQIV đi? Nếu ông Dong Hyun đưa cậu đi, tớ nghĩ có thể nhờ bố đưa cậu về nhà.”
“Tớ không biết nữa. Chắc lần này tớ sẽ phải ở bệnh viện cả tuần, có khi còn lâu hơn.”
“Không sao. Tớ có thể mang đĩa game đến và chúng ta sẽ cài nó vào...”
“Sadie, chị Alice nói rằng cậu có một cái bảng thời gian biểu, hoặc cái gì đó giống vậy.”
Sadie sững người trong chốc lát. Tuy cô biết ngày này sớm muộn gì cũng sẽ tới, nhưng Sadie vẫn chưa chuẩn bị trước kịch bản cho tình huống này.
“Sadie?”
“Không có gì đâu,” Sadie nói. “Nó là cái tờ biểu mẫu cần điền khi tớ ở bệnh viện ấy mà. Tớ nghĩ ai cũng có thôi.”
“Thế à,” Sam nói. “Phải rồi... Nhưng mà ông bà tớ không có.” “Ơ, lạ thế. Có khi họ cũng có mà cậu không đế ý đấy chứ? Hoặc là... nó được dùng khi đám trẻ con như bọn mình đến thăm nhau ở bệnh viện.”
“Nghe cũng có lý đấy.”
“Chắc vì lý do an ninh ấy mà,” Sadie tiếp tục ứng biến. “Mẹ gọi tớ đi ăn tối rồi. Lát tớ gọi lại cho cậu nhé?” Sadie không gọi lại cho Sam nữa. Sam gọi lại cho Sadie vào lúc 9 giờ kém 5, cũng là thời điểm muộn nhất mà cậu có thể gọi điện đến nhà cô bé. Trong chốc lát, Sadie đã định nhờ bố nói rằng mình không có ở nhà.
“Nhưng mà, chị Alice gọi nó là bảng thời gian biểu,” Sam nói. “Ừ thì nó cũng là một cái bảng thời gian biểu. Nó ghi lại việc tớ đã ở bệnh viện trong bao lâu. Tại sao cậu cứ tập trung vào chuyện này thế? Cậu đã hỏi ông Dong Hyun vụ cuối tuần này chưa?” “Nhưng tại sao cậu lại phải biết mình ở bệnh viện bao lâu chứ?”
“Tớ...” Sadie nói. “Chắc là để theo dõi một số thứ.”
Một khoảng lặng kéo dài. “Cậu là tình nguyện viên của bệnh viện à?”
“Nếu tớ là tình nguyện viên, tớ sẽ phải mặc cái váy sọc hồng, mà tớ không đời nào mặc cái váy đó đâu.”
“Ngoài cái váy ra thì?”
“Samson, cậu đang ngoan cố quá mức rồi đó. Chúng mình không thể nói về chuyện khác được à?”
“Có phải tớ là một cái dự án hoạt động cộng đồng của cậu không?” Sam hỏi.
“Không, Sam à.”
“Chúng mình có phải là bạn không, hay cậu chỉ đang thương hại tớ, hoặc tớ là một cái bài tập về nhà đối với cậu thôi hả Sadie? Là sao thế? Tớ muốn được biết điều này.”
“Là bạn chứ sao nữa. Sao cậu có thể nghĩ khác đi được thế? Cậu là người bạn thân nhất của tớ.” Sadie chực khóc tới nơi. “Nói dối.” Sam nói. “Cậu chưa bao giờ là bạn tôi. Cậu chỉ là một con bé tình nguyện nhà giàu đến từ Beverly Hills, còn tôi chỉ là một thằng nhóc nghèo hèn có bệnh tâm lý với cái chân tàn phế. Thôi, tôi cũng không cần cậu thương hại nữa.”
“Sam, cái này hơi khó giải thích, nhưng tờ thời gian biểu đó không liên quan gì tới cậu. Nó giống như một trò chơi đối với tớ thôi. Tớ... ừm, tớ nghĩ là tớ thích nhìn cái tổng số giờ đó tăng lên.” Sadie chọt nghĩ ra một cách giải thích mà có lẽ Sam sẽ đáp lại. “Tớ đang cố gắng giành số điểm cao nhất. Tớ đã đạt đến 609 điểm, nhưng tớ nghĩ còn có thể cao hơn...”
“Cậu là một đứa dối trá và tồi tệ và...” Chẳng từ ngữ nào đủ mạnh cả. “Cậu là một... một...” Sam lục tung trong đầu tìm từ ngữ tệ nhất mà cậu bé từng nghe. “Con điếm,” cậu thì thầm. Sam chưa từng nói từ này bao giờ, và cậu cảm thấy từ này hết sức xa lạ, tựa như cậu đang nói một thứ ngôn ngữ khác vậy.
“Cái gì cơ?” Sadie nói.
Sam biết “điếm” là một từ mà khi đã nói ra sẽ chẳng thể thu lại được. Cậu từng nghe gã bạn trai của mẹ dùng từ này trong một lần cãi vã, còn mẹ cậu khi ấy đã từ một người phụ nữ biến thành bức tượng đá. Sau đêm ấy, cậu không bao giờ thấy gã bạn trai kia nữa, vậy nên cậu biết bốn chữ cái này mang theo một phép mầu sâu sắc nào đó. Từ “điếm” có thể khiến một người biến mất khỏi cuộc đời của bạn mãi mãi, và cậu quyết định rằng phải rồi, đây là điều cậu thực sự muốn: quên đi việc mình đã từng gặp Sadie Green, quên đi bản thân đã từng thảm hại và ngu ngốc thế nào khi ảo tưởng cô là bạn mình. “Cậu là một con điếm ,” cậu nhắc lại. “Tôi không bao giờ muốn thấy cậu nữa.” Sam cúp máy.
Sadie ngồi trên chiếc ga trải giường in hình hoa hồng, giữ ống nghe điện thoại sát bên cặp má đỏ bừng. “Con điếm” không phải là từ mà Sam hay dùng, và khi Sam nói từ đó ra, giọng the thé của cậu còn khiến Sadie thấy hài hước. Lúc đó, cô chỉ muốn bật cười. Ở trường học, Sadie vốn đã chẳng hề nổi tiếng, nhưng cô bé là một người vững vàng và không dễ lay động, vậy nên những lời chửi
g g g g y g y g mắng thường chẳng gây cho cô chút cảm giác gì. Xấu xí, phiền phức, mọt sách, điên khùng, hợm hĩnh, gì cũng được. Nhưng những lời xúc phạm của Sam thực sự chạm tới cô. Bên kia ống nghe, những tiếng tút tút đã vang lên liên tục, nhưng Sadie không thể điều khiến bản thân mình cúp máy. Cô không chắc mình hiểu “điếm” có nghĩa là gì. Cô chỉ biết mình đã làm tổn thương Sam, vậy thì mình đích thị là một con điếm.
Ngày hôm sau, bố Sadie chở cô tới bệnh viện. Cô tới bàn tiếp tân, y tá ở đó đi tìm Sam, nhưng Sam từ chối gặp Sadie. “Xin lỗi em nhé Sadie,” y tá nói. “Tâm trạng của Sam không được tốt.” Sadie ngồi ở khu chờ và chờ thêm hai tiếng nữa, đến giờ mẹ đón cô bé về. Cô viết cho Sam một tờ ghi chú, nội dung là vài dòng BASIC, ngôn ngữ lập trình sơ đẳng mà cả hai đều đang học:
10 READY
20 FOR X = 1 to 100
30 PRINT “TỚ XIN LÔI, SAM ACHILLES MASUR”
40 NEXT X
50 PRINT “LÀM ƠN LÀM ƠN LÀM ƠN HÃY THA LỖI CHO TỚ. YÊU CẬU, NGƯỜI BẠN SADIE MIRANDA GREEN CỦA CẬU”
60 NEXT X
70 PRINT “CẬU SẼ THA LỖI CHO TỚ CHỨ?”
80 NEXT X
90 PRINT “Y OR N”
100 NEXT X
110 LET A = GET CHAR ()
120 IF A = “Y” OR A = “N” THEN GOTO 130
130 IF A = “N” THEN 20
140 IF A = “Y” THEN 150
150 END PROGRAM
Cô gập đôi tờ ghi chú lại và viết phần README ở mặt ngoài tờ giấy. Nếu Sam nhập chương trình trên vào máy tính, màn hình sẽ tràn ngập những dòng chữ TỚ XIN LỖI, SAM ACHILLES MASUR. Nếu Sam chấp nhận lời xin lỗi của cô, chương trình sẽ kết thúc. Còn nếu không, chương trình sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại đến khi cậu chấp nhận.
Y tá mang tờ ghi chú đến phòng của Sam, rồi quay lại sau vài phút: Sam từ chối nhận tờ ghi chú này. Tối hôm đó, khi Sadie nhập chương trình vào máy tính, cô mới nhận ra mình đã mắc lỗi cú pháp nghiêm trọng.
Một tuần sau, đến phiên bà Freda đưa Sadie tới bệnh viện. Sadie không dám thú nhận với bà nội chuyện gì đã xảy ra. Cô không muốn thừa nhận rằng bà mình đã đúng. Sadie để bà đưa mình tới tận cổng bệnh viện nhi, nhưng khi họ đến nơi, cô không bước ra khỏi xe.
“Có chuyện gì thế, Sadie của ta?” bà Freda hỏi.
“Cháu phá hỏng mọi thứ rồi,” Sadie nói trong tiếng nức nở. Cô lo bà Freda sẽ mắng mình, nói rằng ta đã bảo rồi mà, rồi thúc ép Sadie vào trong và cố gắng xin lỗi Sam, điều mà cô biết sẽ chẳng có tác dụng gì. Người lớn luôn nghĩ mình có thể dễ dàng giải quyết vấn đề của bọn trẻ con.
Bà Freda chỉ đơn giản là gật đầu và ôm Sadie vào lòng. “Ôi, cháu yêu của ta, đây quả là một sự mất mát to lớn.” Rồi bà lấy chiếc điện thoại di động bự chảng của mình ra, hủy hết mọi cuộc hẹn trong buổi chiều, sau đó đưa Sadie đến ăn trưa tại nhà hàng ưa thích của bà, một nhà hàng Ý sang trọng tại Beverly Hills, nơi tất cả các nhân viên phục vụ đều muốn tán tỉnh bà. Họ gọi gà phủ phô mai parmesan, món ưa thích của Sadie, và kem sundae. Trong suốt hôm đó, lần duy nhất bà Freda nhắc đến vấn đề của Sadie là khi bà thanh toán tiền ăn. “Có những người như ta và như cháu. Chúng ta gặp những chuyện tồi tệ, và chúng ta vượt qua. Chúng ta là những người cứng cỏi. Nhưng với những người như bạn cháu, cháu phải hết sức nhẹ nhàng, nếu không họ có thể sẽ bể nát.”
“Nhưng nội ơi, cháu đã vượt qua được chuyện gì chứ?”
“Bệnh ung thư của chị cháu. Cháu đã rất mạnh mẽ trong suốt thời gian đó, kể cả khi bố mẹ cháu không mấy khi nhắc đến chuyện này. Nhưng ta có để ý thấy, và ta tự hào về cháu.”
Sadie cảm thấy xấu hố. “So với những điều nội đã vượt qua cũng đâu đáng là gì ạ.”
“Làm em gái cũng khó lắm đó cháu, cái này ta biết. Ta cũng rất tự hào khi cháu làm bạn với cậu bé kia. Kể cả khi mọi chuyện kết thúc một cách tồi tệ, thì những gì cháu làm cho bạn ấy và cho chính bản thân cháu vẫn là điều tốt đẹp. Cậu bé đó hoàn toàn không có bạn, đơn độc và tổn thương. Cháu không phải là một người bạn hoàn hảo, nhưng cháu là bạn của cậu ấy, và cậu ấy cần một người bạn.”
“Nội đã cảnh báo trước chuyện gì sẽ xảy ra.”
“Ừm,” bà Freda nói. “Nội mà. Phán đoán của người già thôi cháu.”
“Vấn đề là, cháu sẽ rất nhớ bạn ấy.” Sadie cố gắng ngăn những giọt nước mắt tuôn rơi.
“Có lẽ cháu sẽ gặp lại bạn ấy thôi.”
“Cháu không nghĩ thế. Bạn ấy ghét cháu rồi, nội à.”
“Sadie của ta, hãy luôn nhớ điều này: cuộc đời rất dài, trừ phi không phải thế.” Sadie biết đây là một mệnh đề hằng đúng, nhưng tình cờ thay, nó cũng là sự thật.
Dov không gọi lại cho Sadie khi gã trở về Cambridge. Theo lịch dự kiến, ngày gã trở về đã trôi qua, và giờ là giữa tháng Một, các lớp học cũng chuẩn bị bắt đầu lại. Sadie không muốn chủ động gọi cho Dov, đồng thời cô cũng nghĩ nếu đến thẳng nhà gã thì thật là khiếm nhã. Thế nên cô quyết định gửi một chiếc email, thứ mà cô xem đi xem lại vô cùng kỹ lưỡng. Nhưng cuối cùng thì sự kỹ lưỡng này
cũng không mang đến cho cô một chiếc email đi vào lòng người: Chào Dov, Mới bắt đầu chơi Chrono Trigger. Có nhiều điểm thú vị phết. Nguyên một ngày trôi qua, gã mới gửi email trả lời: Tôi cũng chơi rồi. Mà chúng ta nên nói chuyện. Em có muốn qua đây tối nay không? Sadie biết mình đang chuẩn bị đồ để dự lễ tang của chính mình, thế nên cô chọn đồ đen: váy, quần tất, giày Doc Martens. Cô muốn mình trông thật quyến rũ. Cô muốn Dov phải thấy tiếc nuối về những gì gã sẽ bỏ lỡ, nhưng cô cũng không muốn ý đồ của mình quá rõ ràng. Sadie lên tàu đến quảng trường Harvard, khi tới nơi, cô thấy những tấm áp phích quảng cáo cho sách Mắt Thần vẫn còn đó, nhưng mép đã bong ra và dính sơn của những bức tranh graffiti bên cạnh. Có vẻ như sau Giáng sinh, phần còn lại của thế giới cũng mất sạch hứng thú với Mắt Thần. Cô quyết định trì hoãn việc tới chỗ Dov bằng cách nhìn vào tấm áp phích một lần nữa: Tiến lại gần, rồi lùi ra xa. Thả cho đôi mắt mình thư giãn.
Sadie đến thế giới kỳ diệu bên trong tấm áp phích, và cảm thấy suy nghĩ của mình thông suốt hơn. Cô tự nhủ rằng bất kể Dov có nói gì đi nữa, cô cũng sẽ không khóc lóc, cãi cọ hay phàn nàn.
Khi đến căn hộ của Dov, Sadie không mở cửa vào trong, dù cô vẫn đang giữ chìa khóa nhà. Cô bấm chuông, để gã xuống mở cửa. Dov hôn lên má cô, rồi giúp cô cởi áo khoác ngoài. Nhưng Sadie không muốn cởi áo khoác. Cô muốn được bảo vệ bởi chiếc áo giáp bằng vải cashmere mà bà nội Freda đã mua tặng mình ở cửa hàng Filenes Basement, vào mùa thu khi Sadie mới học năm nhất. Khi ấy, Sadie đã lo rằng chiếc áo khoác quá cồng kềnh, nhưng bà nội khuyên cô, “Mùa đông rét hơn cháu nghĩ nhiều lắm đó, Sadie của ta à. Cái này ta có thể đảm bảo.”
“Nói thẳng cho em nghe đi,” Sadie nói. Cô nhìn thẳng vào mắt Dov, hai tay khoanh trước ngực. Mình dũng cảm mà, Sadie nghĩ. “Tôi và Batia đang tìm cách cứu vãn mối quan hệ của chúng tôi,” Dov nói. “Tôi xin lỗi.” Gã sẽ tạm nghỉ việc ở MIT, giờ đang thu dọn đồ đạc – đột nhiên, Sadie chú ý đến những chiếc hộp trong nhà – Dov sẽ trả căn nhà này; gã cần chìa khóa nhà. Gã sẽ trở về Israel và làm Dead Sea II ở đó.
Sadie sẽ không khóc. “Khi không nghe được tin gì từ anh, em biết chuyện phần nào sẽ như vậy,” cô nói với vẻ thoải mái, như thể đã luyện tập từ trước. Tỏ ra là mình ổn nào, Sadie nghĩ. Bộ não của cô bật ra đủ thứ lý do giúp cô tỏ ra ổn. Có thể trong tương lai, cô cần nhờ gã viết cho một bức thư giới thiệu, nếu như muốn học lên cao hơn. Cũng có thể cô sẽ muốn làm chung công ty với gã. Cô có thể sẽ muốn cùng làm game với gã. Cô có thể vô tình ngôi cùng gã ở bàn diễn giả của sự kiện nào đó, hoặc cũng có thể gã sẽ trở thành giám khảo trong một buổi lễ trao giải về game. Sadie, giống như Sam, có năng khiếu trong việc vẽ ra tương lai của chính bản thân mình. Cô nhìn thấy một tương lai mà ở đó, cô không phải là tình nhân của Dov, nhưng vẫn có thể là đồng nghiệp, là nhân viên, là bạn bè của gã. Nếu cô tỏ ra ổn, khoảng thời gian vừa qua sẽ không trở nên lãng phí. Cuộc đời rất dài, cô nghĩ, trừ phi không phải thế.
“Phản ứng của em khá hơn tôi nghĩ nhiều,” Dov nói. “Em khiến tôi cảm thấy tệ đó. Tôi nghĩ tôi sẽ thoải mái hơn nếu em khóc lóc và la hét.”
Sadie nhún vai. “Em biết anh đã lập gia đình.” Phải không nhỉ? Phải, cô biết, kể cả khi cô tự lừa dối bản thân và giả bộ như mình không biết trước mặt Dov. Cô đã nhìn thấy tiểu sử của Dov trên một trang web khá mới về game, từ rất lâu trước khi vào học lớp của gã. Cô tìm thông tin của gã trên mạng từ lúc mới chơi Dead Sea, trong mùa hè trước năm hai đại học. Trong bài viết có nhắc đến một người vợ, và cả một cậu con trai. Tên của họ không được đưa lên, vậy nên cô không có ấn tượng gì với họ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ không tồn tại. Dov chưa bao giờ nói chuyện vợ con của gã cho cô nghe, vậy nên cô tự biện minh cho mối quan hệ của mình với gã bằng cách nghĩ, Nếu Dov không kể thì đó không phải việc của mình. “Là lỗi của em,” cô nói.
“Vào trong đi,” gã nói.
Sadie lắc đầu. Cô không muốn gã chạm vào mình. “Làm ơn đấy, Dov.”
Giờ Dov đã biết Sadie sẽ không gây khó dễ cho mình, thế nên Sadie có thể thấy ánh mắt của gã dịu lại, thấy được tình yêu và sự
tiếc nuối mà gã dành cho cô. Sadie muốn lưu giữ gương mặt này của Dov trong ký ức. Cô bắt đầu lùi về phía cửa.
“Em chưa cần phải về luôn đâu Sadie. Để tôi đặt ít đồ ăn Thái cho hai ta. Đồng nghiệp của tôi mới gửi cho tôi phiên bản dành cho báo chí của trò chơi Hideo Kojima[8] mới làm. Phải một năm nữa, hoặc lâu hơn, trò đó mới được phát hành ở đây.”
“Metal Gear III ?
“Họ không đặt tên nó là Metal Gear III. Tên phần này là Metal Gear Solid. Kojima khá thất vọng với doanh số của hai bản Metal Gear trước tại thị trường Mỹ, thế nên hắn không muốn phần này bị coi là hậu bản.”
“Nhưng mấy bản trước đều hay mà,” Sadie nói.
“Tôi thấy nước đi này của hắn khá thông minh, nếu như hắn tin mình đang nắm trong tay một siêu phẩm,” Dov nói. “Chỉ làm một nhà thiết kế và lập trình viên giỏi là chưa đủ đâu Sadie. Em còn phải là một nhà marketing và một tay trình diễn nữa. Tương lai em cũng sẽ biết những điều này thôi.”
Tuy Sadie đang không có tâm trạng nghe dạy bảo, nhưng cô phát hiện mình đang vô thức cởi áo khoác ra.
“Tôi thích chiếc váy của em,” Dov nói.
Sadie đã quên béng chuyện mình đang mặc váy, và giờ cô cảm thấy có lỗi với chính mình của một tiếng trước khi đã quyết định vật hóa bản thân bằng cách mặc váy. Cô ngồi xuống bên bàn làm việc của Dov. Gã cho đĩa game vào máy, rồi đưa cho cô chiếc tay cầm.
Metal Gear Solid là trò chơi thuộc thể loại hành động lén lút, tức là người chơi sẽ có lợi thế lớn về mặt chiến thuật khi tránh không để đối phương nhìn thấy, so với việc xông thẳng vào chiến đấu với kẻ địch. Phần lớn thời gian trò chơi, người chơi sẽ làm những việc vốn bị coi là nhàm chán – lẩn trốn và chờ đợi. Nhưng Sadie cảm thấy sự nhàm chán của Metal Gear Solid thật dễ chịu. Trong lúc Sadie điều khiển nhân vật ngồi xuống và núp sau những chiếc hộp, bên tường hoặc bên cửa, cô nhận ra lén lút cũng chính là chiến thuật phù hợp với cô, trong chính khoảnh khắc này. Cô ngồi đây, trong căn phòng
này cùng với Dov, nhưng cô sẽ tránh việc đụng chạm hoặc tương tác với gã trừ trường hợp bắt buộc.
Sadie chơi Metal Gear Solid đến đoạn nhân vật chính đang lén lút theo dõi một nữ NPC tập thể dục trong bộ đồ lót. Tên của NPC là Meryl Silverburgh, cái tên mà Sadie vừa nghe liền thấy thật nực cười.
“Thôi nào,” Sadie nói. “Meryl-trời-đậu-Silverburgh mặc độc bộ đồ lót.”
“Có khi nào tay Kojima này thích người Do Thái không?” Sadie tự hỏi liệu đám game thủ có thấy phấn khích với cảnh tượng này không. Cô vẫn thường phải đặt mình vào vị trí của mấy gã đàn ông chỉ để hiểu một trò chơi nào đó. Giống như Dov vẫn hay nói với cô, “Giờ em không chỉ đơn thuần là người chơi khi chơi game nữa. Em là người xây dựng thế giới, và nếu em là người xây dựng thế giới, thì cảm xúc của chính bản thân em sẽ không quan trọng bằng cảm xúc của những người chơi game em làm. Lúc nào em cũng phải tưởng tượng đến họ. Không một nghệ sĩ nào có khả năng đồng cảm với người khác nhiều như những nhà thiết kế game.” Game thủ Sadie thấy cảnh tượng trước mắt mình vừa kỳ quặc vừa phân biệt giới tính. Nhưng đồng thời, người xây dựng thế giới Sadie lại chấp nhận rằng thứ này được tạo ra bởi một trong những khối óc sáng tạo nhất ngành game. Trong những ngày tháng ấy, các cô gái như Sadie thường xuyên phải làm ngơ trước những sự phân biệt giới tính, trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ ngành game – nói thẳng về những vấn đề như vậy là không hay. Nếu bạn muốn chơi cùng đám con trai, bạn không được phép để cho họ cảm thấy ngại ngùng khi nói chuyện trước mặt bạn. Nếu ai đó nói hiệu ứng âm thanh trong game của bạn nghe hệt tiếng xì hơi, thì việc của bạn là cười. Nhưng trong buổi tối hôm nay, Sadie không có tâm trạng để cười.
“Em không muốn chơi một trò chơi tổng hợp những thứ kích thích một thằng cha nào đó,” Sadie nói.
“Bạn trẻ, em đang mô tả chín muơi chín phần trăm số game trên thị trường đó. Nhưng tôi công nhận là quả ngực này hơi quá đà
thật. Sao cô nàng không ngã sấp mặt nhỉ?” Dov nói. “Nhưng không thể phủ nhận được tài năng của Kojima.”
“Phải,” Sadie nói, trong lúc điều khiển nhân vật của cô chui vào ống thông gió.
Đồ ăn Thái đã đến nơi. Dov nói chuyện tự nhiên như thể tối nay cũng như bao ngày khác, chứ không phải bữa tối cuối cùng của hai người với nhau. Sadie không thấy ngon miệng lắm. Cô uống một chút rượu mà Dov rót cho - tửu lượng của Sadie vốn không tốt - cô cảm thấy hơi váng vất và thoáng chút buồn nôn, nhưng cô biết mình chưa say. Đầu óc Sadie quay cuồng đến mức cô chẳng thể nói ra những lời nhận xét thông minh về rượu mà cô từng đọc được trong sách.
“Em đẹp lắm,” Dov nói. Gã rướn người qua bàn để hôn cô, còn Sadie cảm thấy quá mệt mỏi để chống cự, rằng nếu gã định chia tay cô, thì ít nhất hãy để cô rời khỏi đây mà không bị lôi lên giường thêm lần cuối. Bởi vì cô ổn, nhưng cô không chắc rằng mình ổn đến thế. Nhưng thật khó để Sadie của lúc này có thể nói mà không để lộ sự tức giận hay buồn bã, và cô cũng đã cố đi đến tận bước này mà không cần nghiêng về một trong hai thứ cảm xúc ấy.
“Dov,” Sadie nói. Cô muốn từ chối. Nhưng miệng cô không nói nên lời, và đến cuối cùng cô quyết định, cũng có gì khác biệt đâu? Sadie đã lên giường với Dov không biết bao nhiêu lần. Và cô thích việc đó.
Gã cởi bỏ quần tất, váy và đồ lót của cô, rồi gã đưa tay lên xuống mơn trớn cơ thể cô, thẩm định nó, tựa như một người nông dân kiểm tra lại mảnh đất mình sắp bán đi. “Tôi sẽ nhớ em,” gã nói. “Tôi sẽ nhớ những lúc này.” Sadie tưởng tượng linh hồn mình đang không ở trong cơ thể này, mà ở lại thế giới của Metal Gear Solid. Trong Metal Gear Solid, người chơi điều khiển nhân vật Solid Snake, đối đầu với phản diện là Liquid Snake, người được tạo từ cùng mẫu vật chất di truyền với nhân vật chính. Sự sâu sắc ấy chạm đến Sadie ngay trong chính khoảnh khắc này – phải rồi, làm gì có kẻ thù nào lớn hơn chính mình đâu chứ? Có lẽ người thực sự đáng trách ở đây là cô chứ không phải Dov? Gã đã từng nói sẽ có rắc rối xảy ra nếu
như cô đến nhà gã, nhưng rồi cô vẫn đến. Nếu có ai đó nói với bạn rằng làm chuyện gì đó sẽ gây ra rắc rối, thì hãy tin họ. Khi taxi tới, gã tiễn cô ra đến tận cửa xe.
“Về chỗ bạn à?” Dov hỏi.
“Tất nhiên rồi,” Sadie nói. Cô trả Dov chiếc chìa khóa nhà mà không đợi gã nhắc.
Gã ôm cô, đưa cô vào bên trong taxi, rồi đóng cửa.
Khi chiếc taxi tiến gần đến đại lộ Massachusetts, Sadie cảm thấy chiếc áo khoác mùa đông đang mặc thật nóng bức, thấy như thể mình đang ngạt thở, thế nên cô hỏi tài xế xem mình có thể hạ cửa kính xe xuống không. Từ trong xe, cô có thể nhìn thấy tháp nước của nhà máy thuộc công ty kẹo New England[9], mới đây đã được sơn lại để trông giống những thỏi kẹo đường Necco, loại kẹo màu phấn ít ngọt, nhìn có nét hao hao chiếc bánh thánh. Càng tới gần nhà máy kẹo, không khí lại càng ngập tràn mùi hương ngọt ngào của đường, khiến cho Sadie bồi hồi luyến tiếc về một viên kẹo mà cô chưa từng nếm.
4
Ngay sau Giáng sinh, Sam gửi cho Sadie một chiếc email: Chào Khách phương xa, tớ đã chơi xong game của cậu hai lần rồi, và tớ muốn trao đối với cậu về nó! Chúng mình gặp nhau sau kỳ nghỉ lễ nhé. Cho tớ gửi lời chào tới người bạn cũ California của chúng mình. — S.A.M. Tái bút: Tớ mừng vì chúng mình đã vô tình gặp lại nhau.
Sadie không trả lời email ngay lập tức, điều này Sam thấy cũng bình thường. Thời đó, chuyện một người không kiểm tra được email khi không ở trường cũng chẳng có gì là lạ.
Đến giữa tháng Một, Sadie vẫn chưa trả lời, và Sam bắt đầu lo rằng Sadie không nhận được email của mình. Cậu quyết định gửi thêm một cái nữa.
Trong lúc chờ Sadie trả lời, Sam lại chơi Solution thêm một lần nữa. Khi ấy, một mình cậu đã phá đảo Solution hẳn ba lần. lần chơi đầu tiên, cậu không đổi bất cứ thông tin nào mà chỉ tập trung giành điểm số cao nhất, và nhận được danh hiệu Cộng tác viên Nazi Vĩ đại. Lần thứ hai, Sam đối lấy hết thông tin nhưng vẫn qua màn với tốc độ nhanh nhất có thể. Lần này cậu đạt danh hiệu Người hỗ trợ. Lần chơi vừa rồi, Sam đổi lấy hết thông tin và qua màn với tốc độ chậm nhất có thể. Cậu đạt danh hiệu Người phản đối đầy lương tâm. Sam tin rằng Người phản đối đầy lương tâm là danh hiệu tốt nhất mà người chơi có thể đạt được trong Solution , dù cậu vẫn chưa kiểm tra điều này bằng cách mở mã nguồn của trò chơi ra xem.
Trong quá trình chơi, Sam bắt đầu ghi lại những điểm cần chú ý của Solution . Cậu nghĩ trò chơi này khá thông minh, nhưng vẫn còn đó nhiều chi tiết nhỏ mà Sadie có thể cải thiện. Đồng thời, cũng có nhiều chỉ tiết nhỏ khác được xử lý rất tốt, thế nên Sam muốn Sadie biết rằng cậu, với tư cách người đã từng là bạn thân của cô, để ý thấy công sức mà cô đã dồn vào trò chơi này. Cậu tổng hợp các ý kiến nho nhỏ của mình vào một bảng tính, chia làm các mục như âm thanh, độ trễ, cơ chế, dẫn truyện, đồ họa, nhịp độ, hiển thị, điều
khiển, các đóng góp mang tính giải trí khác. Cậu vẫn chưa quyết định việc có gửi file này cho Sadie hay không.
Điều mà Sam muốn nói với Sadie nhất, là về trò chơi này ở cấp độ vĩ mô. Theo cậu, Solution nên được thiết kế phức tạp hơn. Trong mắt Sam, Solution rất đỉnh với tư cách một bài tập nộp ở trường. Nhưng trò chơi này sẽ còn đỉnh hơn rất nhiều nếu người chơi có thể mở ra một tuyến cốt truyện mới khi chọn đi theo đạo đức thay vì điểm số. Sau một thời gian chơi, nếu bạn dùng điểm số để đổi lấy bất kỳ thông tin nào, bí mật cũng sẽ trở nên rõ ràng và trò chơi trở nên lặp đi lặp lại. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu những người chơi đủ giỏi và đủ điểm đạo đức có thể tìm ra cách để tái định hướng đầu ra của nhà máy? Tình huống giả định mà trò chơi này đưa ra, theo đánh giá của Sam, vẫn chưa hoàn thiện, thế nên nó chưa đem lại đủ sự thỏa mãn cho người chơi. Tình huống giả định của Solution chưa hoàn thiện vì nó thiếu đi lời kêu gọi hành động từ người chơi. Cảm giác duy nhất mà người chơi có khi hoàn thành trò này là sự trống rỗng của thuyết hư vô. Sam hoàn toàn hiểu Sadie muốn đạt được gì thông qua Solution , nhưng đồng thời cậu cũng tin rằng người bạn thời thơ ấu của mình vẫn cần phải làm thêm nhiều thứ nếu muốn tạo ra một tác phẩm được mọi người yêu thích, chứ không chỉ là một trò chơi khiến người ta thấy ngưỡng mộ.
Khi nghĩ đến những ý tưởng kia cho Sadie, Sam cảm thấy hưng phấn. Một sự hưng phấn mà việc giải quyết cái đề tài “Các cách tiếp cận thay thế với nghịch lý Banach-Tarski...” không mang đến cho cậu. Những lời của thầy Anders Larsson vang vọng trong tâm trí Sam: “Giỏi một thứ gì đó không đồng nghĩa với việc yêu thích nó.” Sau khi chơi Solution , cậu nhận ra điều mà mình thích (và cũng là điều mà cậu nghĩ mình sẽ giỏi): cậu sẽ thích việc làm một trò chơi điện tử cùng Sadie Green. Chỉ chờ Sadie trả lời, cậu sẽ thuyết phục cô rằng đây là việc cả hai nên làm cùng nhau.
Thêm một tuần nữa trôi qua, nhưng Sadie vẫn bặt vô âm tín. Tuần lễ ôn tập của Harvard đã kết thúc, Sam cũng đã thi cử xong xuôi, và một học kỳ mới chuẩn bị bắt đầu. Nếu như trước đây, Sam sẽ ngầm hiểu ý của Sadie và quên đi cái việc mình từng gặp lại cô ấy nơi ga tàu điện ngầm. Nhưng Solution không cho phép cậu làm điều
đó. Sam nghĩ, phải có lý do gì thì cô ấy mới đưa cho cậu trò chơi này, và cậu phải nói chuyện với Sadie, kể cả khi đó có thể sẽ là lần cuối. Trong file Readme của đĩa mềm, ngoài email của Sadie còn có cả địa chỉ nơi cô đang sống (không kèm theo số điện thoại), có vẻ như là một căn hộ ở đường Columbia, nằm ngay giữa quảng trường Kendall và quảng trường Trung tâm. Điều này cũng có nghĩa Sam sẽ không có cách dễ dàng nào để tới nhà Sadie từ ga tàu điện ngầm gần nhất. Từ ga tàu, Sam cần phải đi bộ thêm khoảng bốn trăm mét, điều vốn rất khó khăn với Sam, với cái bàn chân trái nát bét của cậu, trên con đường đầy băng giá và bất thường của Cambridge, giữa trời đông rét mướt. Cậu đã tính đến chuyện đi taxi, nhưng khổ nỗi trong túi lại không có đủ tiền. Thời tiết tuy lạnh giá nhưng cũng không quá tệ, bản thân Sam lại đang không vướng bận chuyện gì khác, thế nên cậu quyết định cứ đánh liều mà đi bộ một phen. Bình thường, Sam rất hiếm khi dùng đến cây gậy chống — kế cả khi nó là yêu cầu y tế bắt buộc, bởi nó khiến Sam cảm thấy mình y hệt một người tàn tật, hoặc nghĩ cây gậy ấy biến cậu thành phiên bản hai mươi mốt tuổi của ông lão trên bìa bộ cờ tỉ phú — nhưng lần này cậu sẽ dùng nó. Lần này là vì công việc, cậu nghĩ.
Đứng trước cửa căn hộ của Sadie, Sam bấm chuông. Đến đây rồi, cậu tự nhiên lo lắng lỡ như trong file Readme kia ghi địa chỉ cũ, và quãng đường cậu đi nãy giờ chỉ lãng phí thời gian.
Năm phút sau, có người ra trả lời. Sam nói mình đến gặp Sadie, và cô gái kia quan sát cậu trong thoáng chốc bằng ánh mắt đầy nghi hoặc, trước khi tự đưa ra quyết định rằng cậu vô hại. “Sadie!” Cô gái ấy gọi. “Có thằng nhóc nào đấy đến tìm cậu này.”
Sadie bước ra khỏi phòng ngủ của mình. Lúc ấy là hai giờ chiều, và Sam cũng có thể nhận thấy là mình vừa mới đánh thức Sadie.
“Sam,” Sadie nói một cách uể oải. “Chào.”
Trông Sadie như thể đã mấy hôm chưa tắm. Chiếc áo thun MIT dài tay cô đang mặc loang lổ những vết bẩn màu đỏ và trắng. Dù cho chiếc áo ấy rộng thùng thình, Sam vẫn có thể nhìn ra bạn mình gầy hẳn đi. Tóc cô ấy bẩn và rối tung, hệt như một con thú sống rất lâu ngoài môi trường hoang dã. Cô ấy — cái này buộc phải nói ra —
bốc mùi khó chịu. Sam đoán rằng đây không thể nào là kết quả của chỉ một ngày dài không ra khỏi giường.
“Cậu ổn không đó?” Sam hỏi. Sáu tuần trước, trông Sadie vẫn còn ổn lắm.
“Rõ rồi,” Sadie nói. “Sao cậu lại đến đây?”
“Tớ...” Trong giây lát, Sam cảm thấy bàng hoàng trước tình trạng này của Sadie, đến mức quên cả lý do mình đến đây. “Tớ đã cố gắng gửi email cho cậu. Tớ muốn nói chuyện về Solution . Cậu còn nhớ không? Cậu đã đưa cái đĩa mềm cho tớ...”
Sadie ngắt lời Sam bằng tiếng thở dài nặng trĩu. “Nghe này, Sam, giờ không phải lúc.”
Sam định về luôn, nhưng cậu lại không làm thế. “Tớ vào trong được không? Tớ đã đi bộ cả đoạn dài từ quảng trường Trung tâm đến đây, thế nên tớ rất biết ơn nếu được ngồi xuống nghỉ một chút.”
Sadie nhìn vào cây gậy và bàn chân của Sam. “Vào trong đi,” cô nói một cách uể oải.
Sam đi theo Sadie vào phòng ngủ. Rèm cửa sổ đóng kín, trong phòng vương vãi quần áo và đủ thứ rác vụn. Chẳng hề giống Sadie mà cậu biết một chút nào. Sam hỏi chuyện gì đã xảy ra với cô.
“Tại sao cậu lại quan tâm nhỉ? Chúng mình có thực sự là bạn đâu, nhớ chứ?” Sadie bắt gặp ánh nhìn của Sam. “Với lại, qua nhà người khác mà không báo trước là thô lỗ lắm đấy.”
“Xin lỗi. Tại tớ không có số điện thoại của cậu. Mà cậu cũng không trả lời email của tớ,” Sam nói.
“Chắc là tớ đang ngập trong cả núi email không kịp trả lời đó, Samson.” Sadie về giường, kéo chăn trùm kín đầu. “Tớ cần ngủ thêm chút nữa.” Giọng của cô nghẹt lại bên dưới chiếc chăn. “Tự về nhé.”
Sam dẹp bớt quần áo trên ghế của Sadie qua một bên, rồi ngồi xuống đó.
Vẫn ở yên trong chăn, Sadie nói, “Cái áo khoác của cậu thật lố bịch.” Vài giây sau, Sam có thể nghe tiếng thở đều đều của Sadie vọng ra.
Sam nhìn quanh phòng Sadie. Có một tấm áp phích “Khách du lịch” của Duane Hanson dán đầu giường, và bức tranh con sóng của Hokusai treo bên tủ quần áo. Trên bàn, cậu nhìn thấy có để một bức vẽ nhỏ được đóng khung. Nó là một bức mê cung vẽ thành phố Los Angeles. Khung tranh bằng tre được chạm trổ tinh xảo, đặt hơi nghiêng sang bên trái, thế nên Sam chỉnh cho nó thẳng lại. Trên bàn còn một cái đĩa mềm, bên trên có dòng chữ viết tay của Sadie: EmilyBlaster. Sam bỏ chiếc đĩa vào trong túi áo, rồi đứng dậy ra về.
___
Thiệp mời được gửi đến vào tháng Chín, khoảng một tháng sau khi Sam phát hiện ra kế hoạch làm hoạt động cộng đồng của Sadie và gọi cô là con điếm. Gửi cậu Samson A. Masur, dòng chữ nắn nót ghi bên ngoài phong bì. Vợ chồng chúng tôi, Sharyn Friedman-Green bà Steven Green, thân mời cậu tới tham dự lễ Bat Mitzvah của con gái Sadie Miranda... Lễ tiếp đón bắt đầu từ 10 giờ, sau đó là bữa trưa... Để phản hồi, xin hãy...
Tấm thiệp mời nhìn khá giản dị, hay nói đúng hơn là không quá màu mè. Thiệp màu kem đậm, chữ nổi, phong bì làm từ giấy cao cấp, dày, cũng màu kem. Nhưng Sam đã đủ lớn để nhận ra rằng những thứ giản dị thường lại là những thứ đắt tiền nhất. Cậu cầm tờ thiệp mời đưa lên mũi ngửi, hương thơm của giấy chất lượng cao khiến cậu cảm thấy có chút khoan khoái. Sam không nghĩ đó là mùi tiền, bởi tiền thì dơ bẩn. Nó có mùi của sự sạch sẽ và giàu sang, như mùi của một cuốn sách bìa cứng ngoài hiệu sách, như mùi của chính Sadie.
Sam đặt tờ thiệp mời sang một bên và ngắm nghía chiếc phong bì. Chất giấy ấy có một sức hút khó cưỡng đối với cậu. Cậu làm lỏng các mối dán bằng hơi nước bốc lên từ vòi nước nóng, gỡ chiếc phong bì ra thành một tờ giấy phẳng. Dùng cây bút chì Staedtler Mars Lumograph mà cậu thích nhất, Sam bắt đầu vẽ một mê cung trên tờ giấy phong bì kia. Bình thường, mỗi khi vẽ một mê cung mới, Sam thường không định hình được rõ ràng mình sẽ vẽ những gì, nhưng
lần này trên tờ giấy đã hiện lên đủ các hình tròn và đường cong, và những hình tròn ấy theo một cách nào đó biến thành Los Angeles. Mê cung bắt đầu từ phía đông, ở Echo Park nơi Sam sống, và kết thúc ở phía tây, khu căn hộ Beverly Hills, nơi Sadie sống. Nó đi ngang qua khu phía tây Hollywood, qua những ngọn đồi Hollywood tới Studio City, đi xuống dưới những ngọn đồi tới phía đông Hollywood, Los Feliz, và Silver Lake, trước khi vòng qua khu phố Hàn và khu trung tâm thành phố. Cậu say mê vẽ, đến mức không nhận ra ông Dong Hyun đã vào phòng từ lúc nào. Lúc ấy đã rất muộn rồi, người ông vẫn ám đầy mùi pizza như thường lệ.
“Đẹp đấy,” ông Dong Hyun nói. Ông với tay tới tờ thiệp mời ở trên bàn Sam: “Ông xem nó nhé?” Khác với bà ngoại Bong Cha của Sam, ông Dong Hyun luôn hỏi ý cậu bé trước khi động vào đồ của cậu.
Sam thở dài. “Nếu ông muốn.”
“Được mời đi chỗ này chỗ kia thật là tốt,” Dong Hyun nói sau khi đọc xong tấm thiệp mời. Ông và bà Bong Cha rất lo lắng về tình trạng tinh thần của Sam kể từ lúc cậu nghỉ chơi với Sadie. Sam cũng không kể cho ông bà mình biết chuyện gì đã xảy ra, trừ việc nói rằng Sadie không phải là người mà cậu từng nghĩ.
Sam đặt chiếc bút chì xuống bàn và nhìn về phía ông ngoại. “Cháu thực sự không muốn đi. Cháu không quen người bạn nào của Sadie cả.”
“Cháu là bạn của Sadie mà,” ông Dong Hyun nói.
Sam lắc đầu, phản đối. “Không phải đâu ông. Bạn ấy chỉ đang tỏ ra tử tế mà thôi.”
Vài tuần sau, Sadie gọi điện thoại đến nhà Sam. Hai người khi ấy đã hơn hai tháng không nói chuyện với nhau, cậu thấy giọng Sadie có phần hơi chói tai và lạ lẫm. “Bố tớ muốn biết liệu cậu có đến không. Cậu không gửi lại thư trả lời.”
“Tôi không biết nữa,” Sam nói. “Tôi có thể sẽ có việc bận hôm đó.”
“Thế thì, khi nào cậu biết hãy thông báo cho tớ nhé? Nhà tớ cần phải lên kế hoạch về số phần ăn, hay mấy thứ tương tự,” Sadie
nói.
“Được thôi.”
“Sam, cậu không thể giận tớ mãi được.”
Sam cúp máy.
Bà Bong Cha đã nghe lén cuộc nói chuyện của Sam qua chiếc điện thoại trong bếp[1], và bà gửi thư trả lời xác nhận sẽ đi vào ngày hôm sau. Rồi bà mua cho Sam một chiếc quần kaki mới, một chiếc áo oxford màu xanh, một chiếc cà vạt bằng cotton với họa tiết hoa, cùng một đôi giày lười của Bass. Bà nghe từ một cậu cháu trai khác, tên Albert, rằng đây là kiểu trang phục mà những cậu bé mười bốn tuổi hay mặc tới những bữa tiệc sang trọng. Buổi sáng ngày bữa tiệc diễn ra, bà đưa cho Sam bộ quần áo mới và nói rằng cậu bé nên chuẩn bị sẵn sàng để tới lễ Bat Mitzvah của Sadie.
“Bà không nên làm chuyện đó mới phải!” Sam hét lên. “Cháu không đi đâu.”
“Nhưng nhìn này, Sam, bà đã làm một món quà cho Sadie rồi.” Bà Bong Cha mở túi quà ra. Trong đó là bức mê cung Sam vẽ đường từ nhà Sadie đến nhà mình, đã được bà đóng khung và ép viền trang trí.
Sam đấm mạnh vào tường. “Bà không có quyền làm thế! Đó là những món đồ riêng tư của cháu! Và Sadie không muốn nhận mấy thứ rác rưởi như thế!”
“Nhưng cháu vẽ bức tranh này cho bạn ấy mà, đúng không? Đó là một bức tranh rất tuyệt vời đó Sam,” bà Bong Cha nói. “Bà khá chắc bạn ấy sẽ rất thích nó.”
Sam nhặt khung tranh và nhấc nó lên cao. Cậu định ném mạnh xuống đất, nhưng rồi đổi ý và đặt nó lên bàn.
Sam từ từ leo cầu thang lên phòng ngủ của mình - đôi chân không cho phép cậu chạy lên cầu thang. Cậu đóng sầm cửa lại. Một lúc sau, ông Dong Hyun gõ cửa. “Bà ngoại chỉ muốn giúp cháu thôi,” ông nói. “Bà rất lo cho cháu.”
“Cháu không muốn đi,” Sam nói. “Cháu xin đấy, đừng bắt cháu đi.” Cậu cảm thấy mình như sắp khóc, và cậu quyết tâm không
khóc.
“Tại sao?” ông Dong Hyun hỏi.
“Cháu không biết nữa.” Sam thấy xấu hổ khi phải kể với ông ngoại rằng người bạn duy nhất của cậu, hóa ra lại chẳng phải là bạn bè.
“Ông không nghĩ bà ngoại cháu làm như thế là đúng,” ông Dong Hyun nói. “Nhưng chuyện cũng đã xảy ra rồi, nếu cháu không đi thì có thể sẽ làm Sadie tổn thương đó.”
“Có làm bạn ấy tổn thương hay không thì cháu cũng không quan tâm, mà bạn ấy cũng sẽ chẳng cảm thấy tổn thương gì đâu. Bữa tiệc lớn thế kia cơ mà. Tất cả những người bạn giàu có của bạn ấy đều sẽ đến, và cả những người bạn giàu có của bố mẹ bạn ấy nữa. Bạn ấy sẽ chẳng nhận ra là cháu không có mặt đâu.”
“Ông nghĩ bạn ấy sẽ nhận ra đấy,” ông Dong Hyun nói. Sam lắc đầu. Ông Dong Hyun thì biết gì về cuộc sống chứ? “Chân cháu đau lắm.” Sam chưa bao giờ than phiền về sự đau đớn của mình, và cậu biết rằng nếu mở miệng kêu đau, ông Dong Hyun sẽ không ép buộc cậu điều gì nữa. “Lúc nào cũng rất đau. Cháu không đi được đâu.”
Ông Dong Hyun gật đầu. “Nếu cháu đồng ý, ông sẽ qua gửi quà tại bữa tiệc. Ông nghĩ bạn ấy sẽ thích món quà mà cháu và bà ngoại chuẩn bị.”
“Bố mẹ bạn ấy có thể mua bất cứ thứ gì bạn ấy muốn. Tại sao bạn ấy lại thích một thứ ngu ngốc cháu vẽ ở mặt sau một cái phong bì chứ?” Sam nói.
“Ông nghĩ là,” ông Dong Hyun nói, “chính bởi vì bố mẹ bạn ấy có thể mua bất cứ thứ gì bạn ấy muốn.”
Tình yêu kia
BẮN
chính là tất cả
BẮN
là mọi điều ta biết để
Sam chuẩn bị bắn chữ “Trao nhau” thì Marx vào phòng hỏi cậu có muốn đi ăn tối không. “Cái gì đây?” Marx hỏi. “Thêm một trò nữa của bạn tao. Không hay bằng Solution, nhưng vẫn khá vui,” Sam nhận xét.
Marx ngồi xuống bên cạnh Sam, còn Sam đấy chiếc bàn phím sang cho Marx để cậu có thể chơi thử một ván.
Bởi vì
BẮN
tôi không thể
BẮN
dừng lại chờ
BẮN
lòng tốt
Lọ mực nổ tung trên màn hình, biểu thị rằng Marx, do bắn sai cụm từ, nên đã mất một mạng. “Đây là con game thơ ca bạo lực nhất tao từng chơi đấy,” Marx nói.
“Mày có chơi con game thơ ca nào khác à?”
“Ờ thì, về cơ bản là, không,” Marx nói. “Bạn mày đúng là một người tài năng. Và lập dị.”
Marx Watanabe và Sam đều sinh năm 1974, hơn phần lớn các sinh viên khác trong niên khóa 1997 một tuổi. Trước khi vào đại học, Marx đã tạm nghỉ một năm để làm việc cho công ty đầu tư của bố mình; còn Sam, đương nhiên là học chậm một năm vì quãng thời gian dài cậu ra ra vào vào bệnh viện. Hai người họ, mới nhìn qua thì chẳng thấy có điểm chung gì, thế nên nhiều khả năng nhà trường xếp cho Marx và Sam ở chung một phòng khi nhập học là vì hai người trùng năm sinh.
Kiến trúc phòng đôi ở khu ký túc Wigglesworth cho phép người ở có thể chọn chia thành hai phòng ngủ, trong đó một phòng chừa ra lối đi, hoặc để thành một phòng ngủ và một khu sinh hoạt chung. Marx là người khá hướng ngoại, và trước khi gặp Sam, cậu đã hy vọng có thể thuyết phục Sam ở chung phòng ngủ để có khu sinh hoạt chung, như vậy tiện cho việc tiếp khách đến chơi hơn.
Sam nhận phòng ký túc xá trước Marx, thế nên Marx thấy đồ đạc của Sam trước khi thấy người: một chiếc máy tính cổ lỗ có dán sticker Doctor Who ở một bên, cùng sticker Dungeons & Dragons ở bên còn lại; chiếc va li màu lam nhạt của hãng American Tourister, bự chảng, vỏ cứng, cũ mèm sau nhiều lần sử dụng (mà hóa ra lại dùng để đựng một đống quần áo nhẹ tênh); một cây gậy chống màu đen, một cây tre nhỏ trồng trong cái chậu có hình giống con voi. Tất cả chỗ đồ trên tạo cho Marx ấn tượng về một thằng độc thân.
Khi Sam quay trở về phòng, Marx không nhịn được mà nở một nụ cười. Gương mặt tròn trĩnh đáng yêu, đôi mắt sáng màu, cùng sự kết hợp những đường nét của người da trắng và người châu Á, Sam trông gần như y hệt một nhân vật trong anime. Có thể là Astro Boy[2], hoặc một nhân vật theo hình mẫu cậu em trai thông minh hay thấy trong manga. Nếu phải tả bằng phong cách riêng của Marx: Sam nhìn như Olver Twist trong những năm tháng quen biết Artful Dodger, nếu như Oliver Twist đến từ miền Nam California và là một tay cò con bán cần sa chứ không phải là kẻ móc túi. Mái tóc của Sam xoăn, đen, rẽ ngôi giữa, để dài ngang vai. Cậu ta đeo một chiếc kính gọng kim loại rẻ tiền theo kiểu của John Lennon, mặc chiếc áo parka sọc làm từ sợi gai dầu thô thường được bán ở Mexico. Sam mặc chiếc quần bò màu xanh thủng lỗ chỗ, bạc phếch đến mức chuyển màu trắng phớ, chân đi đôi xăng đan Teva bên ngoài đôi tất thể thao trắng dày. “Tớ là Sam,” cậu ta nói, giọng hơi the thé, nghe như thể chẳng hít đủ hơi. “Cậu chắc là Marx? Cậu có biết chỗ nào để mua ga giường và khăn giá rẻ không?”
“Đừng lo về chuyện đó,” Marx nói, cười với cậu bạn trông như bước ra từ một bộ anime. “Cái gì tớ cũng có dư hết.” “Thật luôn? Cậu chắc đấy chứ?” Sam nói. “Tớ không muốn lợi dụng lòng tốt của cậu đâu.”
“Chúng mình là bạn cùng phòng mà. Cái gì của tớ thì cũng là của cậu,” Marx nói.
Và mọi thứ cứ thế diễn ra. Marx giúp đỡ Sam trong tất cả mọi việc, trong khi vẫn giữ cho mọi thứ trông như thể cậu chẳng giúp gì. Thế nên mới có những chiếc áo khoác tình cờ bị bỏ quên trong chiếc túi mua hàng, chỉ chờ Sam hỏi đến. Những tấm phiếu quà tặng đến các nhà hàng luôn được để lại trước kỳ nghỉ lễ, khi Sam không thể về thăm nhà. Và khi biết rõ việc Sam rất vất vả để leo cầu thang trong ký túc xá, trong khi thang máy thì thỉnh thoảng mới hoạt động, Marx đã thông báo ý định chuyển ra ngoài để sống. Gần như chẳng có sinh viên Harvard nào sống bên ngoài, thế nên Marx nói rằng nếu Sam không muốn chuyển ra cùng cậu thì cũng là điều dễ hiểu. Và khi mà tiền thuê trọ ở chỗ mới cao hơn rất nhiều so với ở trong ký túc xá, Marx nói cậu sẽ dùng căn phòng ngủ to hơn (thực ra thì nó cũng không to hơn là mấy) — còn Sam có thể tiếp tục trả số tiền tương đương lúc ở trong ký túc xá của trường và dùng phòng bé hơn (có cửa số nhìn ra sông Charles). Còn khi Sam không thường xuyên gọi điện về nhà, Marx sẽ là người gọi đến cho ông bà Lee ở Los Angeles. “Halmeoni và Halabeoji[3],” cậu chào họ bằng tiếng Hàn. “Chàng trai của chúng ta vẫn khỏe.” (Bố của Marx là người Nhật, còn mẹ cậu là người Mỹ gốc Hàn.)
Tại sao Marx lại làm những điều này cho một cậu bạn lạ hoắc, hay bị mọi người đánh giá là có phần khó ưa? Vì cậu quý Sam. Suốt tuổi thơ của mình, Marx đã bị vây quanh bởi những người giàu có và đáng ra phải thú vị hơn, thế nên cậu hiểu những khối óc thực sự khác biệt như Sam hiếm có đến cỡ nào. Cậu cảm thấy khi Harvard sắp xếp cho cậu ở chung phòng với Sam, thì cậu phải có trách nhiệm với bạn cùng phòng của mình. Thế nên Marx bảo vệ Sam, khiến cho cuộc sống của Sam trở nên dễ dàng hơn một chút, và cậu cảm thấy làm như thế mình cũng chẳng mất gì. Cuộc sống của Marx vốn đã ngập tràn trong sự đủ đầy, và điều này giúp cậu có khả năng quan tâm đến những người xung quanh mình một cách rất tự nhiên. Trong trường hợp này, thứ mà Marx nhận lại được là niềm vui khi có Sam bầu bạn.
Sam cũng dần quen với những sự giúp đỡ của Marx, thậm chí đôi lúc coi đó như những chuyện hiển nhiên. Rất hiếm khi, thậm chí có thể nói là chưa bao giờ Sam hỏi xin Marx bất cứ thứ gì, kể cả là lời khuyên.
“Mày luôn biết làm cái gì là đúng,” Sam nói trong lúc xem Marx tàn sát những bài thơ của Emily Dickinson. “Ý tao là, những chuyện liên quan tới con người ấy.”
“Ý mày là với những chuyện khác thì tao không biết làm thế nào là đúng ấy hả?” Marx đùa.
Sam tả lại những gì mà cậu thấy ở căn hộ của Sadie.
Marx nói những điều mà Sam đã biết từ lâu: “Nghe như bạn mày đang gặp chuyện phiền muộn nhỉ.”
“Thế, nếu là mày thì mày sẽ làm gì?”
Marx tạm dừng trò chơi, nhìn sang thằng bạn cùng phòng bằng ánh mắt vừa nghiêm túc vừa thích thú. Đôi lúc, trông Sam còn trẻ hơn cả cái tuổi hai mươi mốt của cậu nữa.
“Mày có thể gọi cho bố mẹ cô ấy, hoặc nói chuyện với bạn học nào đó của cổ.”
Sam lấy lại chiếc bàn phím từ chỗ Marx và tiếp tục trò chơi. Cậu đặt tầm ngắm lên trên chữ Hy vọng. “Tao không chắc chuyện tệ đến mức đấy, với lại tao thấy làm thế thì xâm phạm sự riêng tư của người ta quá.”
Marx cân nhắc một chút. “Cô ấy là bạn tốt của mày, phải không?”
“Cô ấy từng là bạn thân của tao, nhưng rồi bọn tao nghỉ chơi với nhau.”
“Thế thì, lời khuyên tao dành cho mày là hãy cứ tiếp tục đến nhà cô ấy,” Marx nói. “Nếu là tao thì tao sẽ làm thế.” “Tao không nghĩ cô ấy muốn tao đến nữa.” Sam dừng lại một chút. “Tao không giỏi việc đến những nơi mà họ không cần tao.” “Cái đó không quan trọng,” Marx nói. “Đây không phải là vấn đề của mày. Cứ đến đó hằng ngày để gặp cô ấy.”
“Nếu cô ấy không nói chuyện với tao thì sao?”
“Cứ để cho cô ấy biết là mày có mặt ở đó. Và nếu có thể, hãy mang cho cô ấy một cái bánh quy, một quyển sách, hoặc một bộ phim để xem. Tình bạn,” Marx nói, “cũng khá là giống với việc mày nuôi một con Tamagotchi.” Tamagotchi, chiếc máy nuôi thú ảo có hình dạng móc chìa khóa, là món đồ rất thịnh hành vào năm đó. Marx mới gần đây đã làm chết con thú ảo mà bạn gái cậu ta tặng nhân dịp nghỉ lễ. Cô bạn gái kia liền coi đây chính là dấu hiệu cảnh báo những khiếm khuyết tiềm ẩn về mặt nhân cách của Marx. “Giục bạn mày đi tắm, nói chuyện một chút, rồi đi dạo. Mở cửa sổ phòng cô ấy ra, nếu mày có thể. Và nếu mọi chuyện vẫn không khá lên, hãy xem thử xem mày có thể đưa cô ấy đi gặp chuyên gia được không. Đến đây mà mọi chuyện vẫn không tiến triển, thì mày cần phải gọi cho bố mẹ cô ấy.”
Chỉ nghĩ đến việc làm một điều bất kỳ trong số những điều Marx gợi ý ở trên cũng đã khiến Sam cảm thấy vô cùng không thoải mái, thế nhưng hôm sau, lúc tan học, cậu vẫn cứ lê bước đến nhà Sadie. Khi đến nơi, bàn chân cậu đau nhức vô cùng. Sam lên cầu thang, gõ cửa. “Sadie, lại là thằng nhóc hôm qua,” người bạn cùng nhà gọi.
Sadie hét lên, “Bảo nó tớ không ở nhà.”
Người bạn cùng nhà kia, cũng đang lo lắng cho tình trạng của Sadie, mở toang cửa ra cho Sam vào, và Sam lại đi lên phòng ngủ của Sadie. Trông cô ấy vẫn y hệt ngày hôm qua, nhưng đã thay sang một chiếc áo dài tay khác. Sadie ngẩng lên nhìn Sam trong thoáng chốc. “Sam à, nói thật đấy, về đi,” cô nói. “Tớ sẽ ổn thôi, tớ chỉ cần ngủ cho qua chuyện này.” Rồi cô lại kéo chăn trùm kín đầu.
Sam ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh bàn của Sadie. Cậu lấy ra bài đọc của môn Lịch sử, giờ đang học đến lịch sử của người châu Á tại Mỹ.
Vài tiếng sau, cậu hoàn thành bài đọc, nội dung về những người di cư từ Trung Quốc tới Mỹ vào thế kỷ 19 và 20, và về việc những người này chỉ được làm một số công việc nhất định như nấu ăn hoặc dọn vệ sinh, đây cũng là lý do cho việc có quá nhiều nhà hàng và cửa tiệm giặt là của người Trung Quốc, nói cách khác, là sự phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống. Bài đọc khiến cậu nghĩ về
ông bà ngoại người Hàn Quốc ở khu phố Hàn, và về việc họ đã tự hào đến nhường nào khi cháu mình đỗ vào Harvard. Họ đặt các sản phẩm của Harvard ở khắp mọi nơi: sticker dán vào bộ cản của chiếc xe hơi cũ kỹ, một cái băng rôn với dòng chữ CHÚC MỪNG CHÁU NGOẠI CHÚNG TÔI, SAMSON, ĐÃ ĐỖ VÀO HARVARD, NIÊN KHÓA 1997 do chính tay bà Bong Cha kỳ công may nên và treo ở nhà hàng pizza suốt mùa hè năm đó; ông Dong Hyun thì mặc cái áo phông Harvard để đi làm nhiều đến mức nó thủng lỗ chỗ - cuối cùng chính Marx là người đã gửi cho ông một cái áo mới để thay. Sam cảm thấy có lỗi vì không gọi điện về cho ông bà, rồi cậu thấy có lỗi vì không thể trở nên nổi bật trong khoa Toán, hay trong bất cứ lĩnh vực nào khác, kể từ sau khi đỗ vào Harvard.
“Cậu vẫn còn ở đây à?” Sadie hỏi.
“Tớ vẫn,” Sam đáp.
Sam lấy từ trong ba lô ra chiếc túi giấy đựng một cái bánh mì vòng, để lên trên bàn của Sadie, dưới bức tranh mê cung, rồi đi về. Nếu phải thành thật với bản thân, thì chính bức tranh mê cung kia là thứ khiến Sam kiên trì quay lại. Sadie vẫn giữ nó sau suốt ngần ấy năm, mang theo khi đi từ California đến Cambridge, rồi chuyển nó từ phòng ký túc xá ra căn hộ ở bên ngoài trường. Lần tới gọi điện về cho ông bà, Sam sẽ nói với họ rằng, Vâng, ông bà đã đúng. Sadie rất thích món quà ấy.
Ngày thứ ba, Sam mang theo cuốn Glatea 2.2 mượn từ thư viện, cuốn tiểu thuyết gần đây cậu khá thích.
Ngày thứ tư, cậu mang cho Sadie phiên bản cầm tay của trò Donkey Kong mà Marx tặng cậu nhân dịp nghỉ lễ.
“Sao cậu vẫn cứ tiếp tục đến?” Sadie hỏi.
“Bởi vì,” Sam đáp. Bấm chuột vào từ này, Sam nghĩ, cậu sẽ tìm thấy những đường dẫn tới mọi ý nghĩa của nó. Vì cậu là người bạn lâu năm nhất của tớ. Vì năm xưa, cậu đã cứu tớ khi tớ chạm đáy. Vì nếu không có cậu, có lẽ tớ đã chết, hoặc phải vào bệnh viện tâm thần. Vì tớ nợ cậu. Bởi vì, một cách ích kỷ, tớ nhìn thấy tương lai nơi chúng ta cùng nhau tạo ra những trò chơi đỉnh cao, nếu như cậu có thể rời khỏi giường. “Bởi vì,” Sam lặp lại.
Ngày thứ năm, Sadie không có nhà. Sam hỏi người bạn cùng nhà kia chuyện Sadie đã đi đâu. “Bạn ấy đi khám rồi,” người bạn cùng nhà nói với Sam. Rồi cô ấy ôm cậu một cái. “Trông bạn ấy có vẻ khá hơn chút xíu đấy.”
Sam đến thăm Sadie vào tất cả các buổi chiều của tuần kế tiếp, chỉ trừ một ngày cậu phải đi trực ở thư viện Lamont. Cậu luôn để lại một món quà nho nhỏ cho Sadie, đúng như Marx gợi ý, ở lại chỗ cô một lúc trước khi quay về nhà mình.
Ngày thứ mười hai, Sadie hỏi, “Cậu chôm cái đĩa EmilyBlaster à?”
“Tớ mượn thôi,” Sam nói.
“Cứ giữ luôn đi,” Sadie đáp. “Tớ vẫn còn nhiều bản lưu khác.” Ngày thứ mười ba, Sam ngồi vào bàn của Sadie. Đã rất nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối cậu vẽ mê cung, nhưng cậu vẫn quyết định sẽ vẽ cho Sadie một mê cung mới. Giờ đây Sam vẽ phác thảo giỏi hơn khi xưa rất nhiều, và cậu muốn cho Sadie thấy những gì bây giờ mình làm được. Mê cung mới này đi từ nơi Sam ở, bên bờ
sông Charles, tới nhà của Sadie, cạnh nhà máy Necco. Sadie đứng dậy khỏi giường, nhìn qua vai Sam để thấy bức tranh cậu vẽ. “Đi từ chỗ cậu đến đây mất thời gian lắm, phải không?”
“Cũng bình thường thôi,” Sam nói.
“Mai có thể tớ sẽ không ở đây,” Sadie nói. “Thầy chủ nhiệm khoa nói nếu bắt đầu đi học lại và làm bài tập từ bây giờ, tớ vẫn có thể vớt vát được học kỳ này.”
Sam đứng dậy, cẩn thận nhét lại bức tranh mê cung và cây bút chì vào trong ba lô. “Ý cậu là cậu không muốn tớ qua thăm cậu nữa?”
Sadie cười phá lên. Đã lâu lắm rồi Sam mới được nghe cô ấy cười tự nhiên như thế. Sadie đã thay đổi rất nhiều, nhưng Sam lại cảm thấy dễ chịu khi phát hiện ra tiếng cười của cô vẫn vậy, chỉ khác một chút ở cao độ, điều chẳng thể nào tránh khỏi trong quá trình trưởng thành. Theo đánh giá của cậu, Sadie sở hữu một trong những tiếng cười tuyệt nhất thế giới. Tiếng cười ấy không khiến người nghe
cảm thấy như thể mình đang bị cười nhạo. Nó là một lời mời gọi: Thân mời bạn cùng tôi tham gia vào câu chuyện này, thứ tôi đang thấy vô cùng giải trí. “Không, đồ ngốc này, tớ muốn hẹn thời gian để chúng ta gặp nhau. Tớ không muốn cậu bỏ công qua đây vào đúng lúc tớ không ở nhà.
“Hứa với tớ, chúng ta sẽ không bao giờ để chuyện đó xảy ra nữa.” Sadie nói. “Hứa với tớ, rằng bất kể chuyện gì xảy ra, bất kỳ chuyện ngu ngốc nào mà chúng mình lỡ gây ra cho nhau, thì chúng mình cũng sẽ không để tận sáu năm trời không nói với nhau câu nào. Hứa với tớ rằng cậu sẽ luôn tha thứ cho tớ, và tớ hứa sẽ luôn tha thứ cho cậu.” Những lời này, là những lời thề non hẹn biển mà đám người trẻ chưa trải sự đời có thể thoải mái nói ra với nhau, khi chưa biết cuộc sống ngoài kia sóng gió thế nào.
Sadie chủ động đưa tay ra, tỏ ý muốn Sam bắt tay mình. Giọng cô có vẻ mạnh mẽ, nhưng Sam cảm thấy trong đôi mắt cô là sự mong manh và mệt mỏi. Cậu nắm lấy bàn tay Sadie, giờ đang ướt đẫm mô hôi và lạnh ngắt. Dù Sadie bị bệnh gì đi nữa, thì Sam có thể thấy rõ rằng cô vẫn chưa khỏi hoàn toàn.
“Cậu vẫn giữ mê cung của tớ,” Sam nói.
“Tất nhiên. Giờ thì cho tớ nghe nhận xét của cậu về Solution nào,” Sadie nói. Cô đứng dậy, mở cửa sổ phòng ngủ, không khí tươi mới tràn vào phòng tạo cảm giác trong lành và mát mẻ, thậm chí có phần giống như một thứ thuốc gây nghiện. “Nhẹ tay với tớ thôi, Sammy. Như cậu thấy đấy, gần đây tinh thần của tớ đang không được tốt.”
II
---
ẢNH HƯỞNG
"""