"
Nam Ông Mộng Lục PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nam Ông Mộng Lục PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
NAM ÔNG MỘNG LỤC Tác giả: Hồ Nguyên Trừng
Trần Nghĩa dịch, chú thích và giới thiệu Chuyển text, soát lỗi: cailubietdi Ebook: Cuibap
Giới Thiệu Văn Bản
Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, người Đại Lại[1], tỉnh Thanh Hóa. Tổ tiên ông ở hương Bào Đột đất Diễn Châu, đến đời Hồ Liêm mới dời đến Đại Lai. Vì Hồ Liêm làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn nên đổi họ là Lê. Hồ Nguyên Trừng do vậy còn được sử cũ chép là Lê Trừng. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly nhưng không kế cha làm vua, mà chỉ giữ chức Tư đồ Tảtướng quốc.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, quân Minh đã bắt được ông vào năm 1407, đưa về Bắc Kinh cùng cha là Hồ Quý Ly, em là Hồ Hán Thương và cháu là Nhuế (con Hồ Hán Thương). Vì biết chế tạo súng “thần cơ”, một thứ vũ khí có sức sát thương lớn, vượt hẳn các loại súng đương thời, Hồ Nguyên Trừng được nhà Minh tha không giết và sai trông coi việc chế tạo vũ khí[2]. Từ chức công bộ doanh thiện ty thanh lại ty Chủ sự, ông dần dần được thăng làm Lang trung, rồi Công bộ Hữu thị lang, Công bộ Tả thị Lang (1436), Công bộ Thượng thư (1445). Ông mất vào tháng 7 năm Chính thống (1446), thọ 73 tuổi.
Nam Ông mộng lục được viết xong vào năm Mậu Ngọ (1438), là tác phẩm duy nhất hiện còn của Hồ Nguyên Trừng. Đầu sách có bài tựa của Hồ Huỳnh, một quan Thượng thư đồng triều với Hồ Nguyên Trừng, viết năm Chính Thống 5 (1440). Tiếp đến là bài tựa của chính Hồ Nguyên Trừng viết vào năm Chính Thống 3 (1438). Rồi đến phần chính của sách gồm 31 thiên truyện. Cuốn sách có bài Hậu tự của Tống Chương, người Việt Nam, làm quan triều Minh, viết năm Chính Thống 7 (1442).
Các truyện trong Nam Ông mộng lục là: 1. Nghệ Vương thủy mạt; 2. Trúc Lâm thị tịch; 3. Tổ linh định mệnh; 4. Đức tất hữu vị; 5. Phụ đức trinh minh; 6. Văn tang khí tuyệt; 7. Văn Trinh ngạnh trực; 8. Y thiện dụng tâm; 9. Dũng lực thần dị; 10. Phu thê tử tiết; 11. Tăng đạo thần thông; 12. Tấu chương minh nghiệm; 13. Áp Lãng chân nhân; 14. Minh Không thần dị; 15. Nhập mộng liệu bệnh; 16. Ni sư đức hạnh; 17. Cảm khích đồ hành: 18. Điệp tự thi cách; 19. Thi ý thanh tân; 20. Trung trực thiện chung; 21. Thi phúng trung gián; 22. Thi dung tiền nhân cảnh cú: 23, Thi ngôn tự phụ; 24. Mệnh thông thi triệu; 25. Thi chí công
danh: 26. Tiểu thi lệ cú; 27. Thi cửu kinh nhân; 28. Thi triệu dư khánh (khương); 29. Thi xứng tướng chức; 30. Thi thán trí quân; và 31. Quý khách tương hoan. Nhưng nay chỉ còn lại 28 thiên (mất các thiên 24, 25 và 26), hiện được in trong các bộ sưu tập cổ của Trung Quốc như Kỷ lục vựng biên; Thuyết phu tục quyển thập tứ; Ngũ triều tiểu thuyết đại quan; phần Hoàng Minh bách gia tiểu thuyết; Hàm phân lâu bí kíp đệ cửu tập; Tùng thư tập thành sơ biên, phần Sử địa loại v.v...[3]
Theo lời tựa của Tác giả, Nam Ông mộng lục được biên soạn một là để “biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa”; hai là để “cung cấp điều mới lạ cho bậc quân tử” (Nam Ông mộng lục tự). Đối với chúng ta ngày nay, Nam Ông mộng lục là một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về văn học và sử học nước ta đời Lý Trần, một giai đoạn màsách vở còn lại rất ít.
Dưới đây, chúng tôi dịch và giới thiệu bài tựa của Hồ Huỳnh, bài tựa của Hồ Nguyên Trừng, bài hậu tự của Tống Chương, cùng 28 thiên hiện còn, theo bản chữ Hán chép ở bộ tùng thư Hàm phân lâu bí kíp; Thư viện Viện thông tin khoa học xã hội; ký hiệu P.521 (2).
Bài tựa thứ nhất ở sách “Nam Ông Mộng Lục”
Kìa mặt trời, sao tỏa sáng, mây ráng phô màu, đó là vẻ đẹp của trời: núi non bủa vây, cỏ cây hoa trái, đó là vẻ đẹp của đất; danh hiệu điển chương, lễ nhạc giáo hóa, đó là văn minh của người. Khắp trong trời đất biết bao nhiêu nước, không đâu là không có nền văn minh. Nay ông Lê Trừng, tự Mạnh Nguyên, người Giao Nam [4] đang giữ chức Tả thị lang ở Bộ Công là người tư chất thông minh, tài học xuất sắc, với tôi lại là bạn cùng triều, mới rồi có đem cuốn Nam Ông mộng lục đưa cho tôi xem và nhờ viết tựa. Tôi đọc khắp một lượt, biết “Nam Ông” là tên hiệu của Mạnh Nguyên; văn ông ngắn gọn mà nghiêm cẩn, cao nhã mà hòa hợp, theo tình cảm kể việc, theo ý nghĩa đặt lời, vừa thú vị, vừa thiết thực, không truyện nào là không nhằm trình bày thứ bậc giữa vua tôi, làm rõ cái lành mạnh của luân thường đạo lý, thuyết minh chỗ thẳm sâu của tính mệnh đạo thuật, ghi chép con đường dẫn tới sự hưng phế của nước nhà. Đến như ca ngợi tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, có thể lấy đó mà uốn nắn phong tục; biểu dương thuật tác thì siêu thoát thanh tân, có thể lấy đó mà nuôi dưỡng tính tình. Với câu nói sau đây của Mạnh Nguyên kể lại nguồn phúc trạch đã hun đúc nên ông: “Ra tự hang sâu, dời đến cây cao[5], (...) sống gập triều thánh[6]tắm gội nhân Nghiêu, mà có chuyện kỳ ngộ này”[7]tôi hiểu được tấm lòng của Mạnh Nguyên và cho rằng ông là dấu tích lạ của một phương trời, nay được phô trương ở Trung Hạ[8], nổi tiếng khắp
quận ấp, hoặc giả còn để lại thanh danh tới đời sau. Giá không được thánh triều ban cho trọng nhiệm Á khanh thì những chuyện ghi chép trong sách sẽ mai một ở chốn hoang xa, không ai hay biết. Nay nhờ tri ngộ mà sách này sẽ được mãi mãi lưu truyền, há chẳng phải là dịp may lớn đã cứu vãn được một nguy cơ mất mát? Vì đánh giá cao việc biểu dương cái thiện, dốc lòng vào chuyện nhân hậu, nên tôi đã không từ chối, viết vài lời vào đầu thiên sách này.
Ngày rằm tháng 10 năm Canh Thân niên hiệu Chính Thống[9] 5 (1440). Hồ Huỳnh, tên chữ là Côn Lăng, giữ các chức tước: Tư đức đại phu, Chính trị thượng khanh, Thượng thư Bộ Lễ.
Bài tựathứ hai ở sách “Nam Ông Mộng Lục”
Sách Luận ngữ từng nói: “Trong cái xóm mười nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu này vậy”[10], huống hồ nhân vật cõi Nam Giao[11]từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì ở nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở bị cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn ai được nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách, đặt tên là “Nam Ông mộng lục”, phòng khi có người đọc tới; một là để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử, tuy đóng khung trong vòng tiểu thuyết, nhưng cũng là để góp vui những lúc chuyện trò.
Có kẻ hỏi tôi rằng: “Những người ông ghi chép đều là người thiện, vậy thì trong các chuyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?” Tôi trả lời họ rằng: “Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được; còn chuyện bất thiện thì không phải không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi”. Họ lại hỏi: “Sách lấy tên là ‘mộng’ ý nghĩa ở chỗ nào?” Tôi trả lời: “Nhân vật trong sách, xưa kiarất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải ‘mộng’ là gì? Các bậc đạt nhân quân tử có thấu cho chăng? Còn ‘Nam Ông’ làtiếng Trừng tôi tự gọi mình vậy!”.
Ngày Trùng cửu[12] năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Thống 3 (1438). Lê Trừng tên chữ Mạnh Nguyên, người xứ Nam Giao, tước Chính Nghị đại phu, chức Tư trị doãn, Công bộ Tảthị lang đề tựa.
-------------------
[1] Đại Lại: tên hương; nay ở phía bắc sông Lèn, huyện Vĩnh Lộc. Tỉnh Thanh Hóa còn có núi Kim Âu, tức núi Đại Lại cũ. Hương Đại Lại có lẽ nằm ở vùng này.
[2] Nguyên văn chữ Hán là “chuyên đốc tạo binh tượng cục súng tiễn hỏa dược”, có thể hiểu là chuyên đôn đốc việc chế tạo các thứ tên lửa và thuốc súng ở Cục chế tạo vũ khí.
[3] Theo sách Trung Quốc tùng thư tổng lục (dẫn theo Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng soạn. Série I, tập 6, Trần Khánh Hạo, Vương Tam Khánh chủ biên, Học viện Viễn Đông bác cổ Paris xuất bản; Học sinh thư cục Đài Loan ấn hành năm 1986).
[4] Giao Nam: còn gọi là Nam Giao, tức Giao Chỉ, tên nước tathời cổ. [5] Ra tự hang sâu, dời đến cây cao (xuất tự u cốc, thiện vu kiều mộc): hai câu thơ trong bài Phạt mộc ở phần Tiểu nhã trong Kinh Thi, từng được tác giảNam Ông mộng lục nhắc đến trong bài Thi triệu dư khương (Điểm thơ để phúc về sau).
[6] Triều thánh (Thánh triều): chỉ triều nhà Minh.
[7] Xem Thi triệu dư khương, truyện thứ 28 trong Nam Ông mộng lục. [8] Trung Hạ: chỉ Trung Quốc.
[9] Chính Thống: niên hiệu của Minh Anh Tông.
[10] Xem Luận ngữ; thiên Công Dã Tràng. “Khâu” làtên của Khổng Tử. [11] Nam Giao: tức đất Giao Chỉ. Có chỗ viết là “Giao Nam”. Từ đấy trở xuống đều dịch làthống nhất là “Nam Giao”.
[12] Ngay Trùng cửu: tức ngày 9 tháng 9 Âm lịch.
1
Truyện Nghệ Vương[1]
(Nghệ Vương Thủy Mạt)
Vua thứ tám nhà Trần ở nước An Nam húy Thúc Minh[2]là con thứ ba của Minh Vương[3] và do người thứ phi họ Lê sinh ra[4]. Lúc còn làm vương tử, hiệu là Cung Định Vương, tính tình thuần hậu, hiếu thảo, cung kính, cần kiệm, sáng suốt và quả đoán, học khắp kinh sử, không thích phù hoa. Theo lệ cũ nhà Trần, khi Vương tử đã lớn, vua cha bèn cho kế vị, còn bản thân mình thì lui về ở Bắc cung, tự xưng là Vương Phụ[5] cùng con coi việc triều chính, nhưng thực tế chỉ là truyền ngôi trên danh nghĩa[6], để ổn định chuyện về sau, phòng khi vội vã, chứ mọi việc đều do vua cha quyết định hết, vua kế vị không khác gì Thế tử[7] vậy.
Nguyên trước kia, khi người con thứ của Minh Vương là Hiến Vương[8] đã lên ngôi, thì những người con đích của Minh Vương mới sinh ra: con trưởng là Cung Túc Vương[9] ngờ nghệch không hiểu về chuyện đời; con thứ là Lộc Tinh [10]tuổi còn thơ ấu thì Hiến Vương mất, lại không có con thừa kế, nên Lộc Tinh đã vâng mệnh vuachalên nối ngôi,ấy là Dụ Vương. Phong cho hai người anh thứ là Cung Tĩnh Vương[11]làm Thái úy, Cung Định Vương làm Tả tướng quốc. Cung Định Vương là người trung hậu, thành thực, thờ vua thờ cha chu đáo, từng chân tơ sợi tóc không ai chê trách điều gì. Giao thiệp với người thì không thân lắm, cũng không sơ lắm; trước việc chính sự thì không có điều gì quá chê cũng không quá khen. Hồi Minh Vương qua đời, Cung Định Vương để tang ba năm, mắt không lúc nào ráo lệ. Đoạn tang, quần áo không sắm các thứ tơ lụa màu mè; ăn không cần ngon; quả muỗn, cá hồng[12]là những thức ăn quý ở phương Nam từ đấy tuyệt nhiên không tới miệng. Thờ Dụ Vương hơn mười năm. Khi Dụ Vương mất sớm không có con nối nghiệp, các quan đại thần bàn với nhau rằng:
Tảtướng quân rất tốt, nhưng không lý anh lại kế ngôi em!
Bèn theo lệnh Quốc mẫu đón con của Cung Túc Vương là Vong Danh về
lập lên làm vua[13]. Lúc bấy giờ, Cung Túc Vương cũng đã sớm mất. Sau khi con Cung Túc Vương lên làm vua, theo ý kiến quần thần, đã đưa Thái úy[14]lên làm Thái tể, đưa Tả tướng quốc[15]lên làm Thái sư, và đưa em của Tả tướng quốc là Cung Tuyên Vương lên làm chức Hữu Tướng quốc[16]. Con Cung Túc Vương [17]thuở nhỏ không chịu học, chỉ thích chơi bời lêu lổng. Người ta nói bà mẹ đã tư thông với một người họ Dương ngoài hoàng tộc rồi đẻ ra Vong Danh, cho nên Vong Danh thường bị những người trong hoàng tộc khinh rẻ[18]. Sau khi kế vị, Vong Danh để tang cha, không tỏ vẻ đau buồn, cử chỉ phần nhiều thất lễ, cất nhắc bọn tiểu nhân thân cận, miệt thị cha ông, làm cho đám khanh sĩ bất mãn. Được một năm, những kẻ ngang ngạnh trong hoàng tộc cùng nhau làm loạn, bị Vong Danh bắt được đem chém, những người liên lụy bị chết oan trong vụ này rất đông [19]. Vong Danh còn ngầm mưu khử sạch những người có tên tuổi trong họ Trần[20], bèn giết Thái tể ngay tại nhà[21], Thái sư đang đêm phải lẻn trốn[22]. Đến sáng hôm sau, những người cùng làm quan trong hoàng tộc đều mang gia quyến chạy hết, đô thành vì vậy vắng tanh. Thái sư theo đường hẻm tới tận vùng man động xa xôi, ý muốn tự tận, nhưng những kẻ xung quanh đã ngăn lại. Người man động giữ Thái sư ở đây hàng tháng trời, ai cũng biết tiếng Thái sư. Các quan trong tông thất nối nhau tìm tới. Quân lính do con Cung Túc Vương sai đi lùng bắt Thái sư cũng đều chạy về phía Thái sư cả. Hữu tướng quốc đốc thúc các quan khuyên mời Thái sư trở về kinh đô để dẹp yên nơi cung điện. Thái sư sụt sùi thoái thác rằng:
- Chư vị sớm... trở lại Kinh thành, khéo giúp minh quân, chuyên loạn thành trị, đặt nước nhà vào thế yên ổn[23]thì ta đến chết cũng vẫn chịu ơn. Ta có tội với Chúa thượng, thoát thân chạy trốn, chờ chết ở chốn núi rừng cũng đã là may, đâu dám có lòng này dạ nọ. Xin chư vị cho nên cố ép.
Mọi người đều xôn xao, hết lượt này đến lượt khác khẩn khoản dâng thư, thề chết không đổi ý định, cố nài Thái sư lên đường, rồi dùng vai làm kiệu đưa Thái sư xuống núi. Người gần xa tụ tập đông nghịt, tiếng hoan hô vang động cả một góc trời. Khi về cách đô thành ba trăm dặm, lão tướng Nguyễn Ngô Lang[24] bảo con Cung Túc Vương tự tay viết tội trạng mình và xin thoái vị, xong mang ra để đón xin lỗi Thái sư. Con Cung Túc Vương phục xuống đất xin tha tội. Thái sư cũng xoài ra đất ôm con Cung Túc Vương khóc lóc hết sức thảm thiết màrằng:
- Làm sao Chúa thượng phải đến nông nỗi này? Thật không may cho thần,
nào ngờ có ngày hôm nay!
Hữu tướng quốc tuốt gươm thét lớn rằng:
- Trời sai trị tội, kẻ có tội sao được lắm lời? Thái sư lẽ nào lại vì chút lòng nhân huệ mà bỏ nghĩalớn?
Bèn quát bảo quân tướng lôi con Cung Túc Vương đi, giục người có trách nhiệm chuẩn bị làm lễ rước Thái sư lên ngôi, phế con Cung Túc Vương làm Hôn Đức Công. Vua[25] vào thành yết tông miếu, vừa khóc vừa khấn vái rằng:
- Sự việc hôm nay thật ngoài ý muốn của thần. Vì nền xã tắc, thần không thể từ chối. Trái lẽ trung hiếu, thẹn sợ trong lòng. Nguyện từ bỏ sự tôn quý và vinh dự củathần để thực hiện phần nào chí cũ[26].
Bèn hạ lệnh không được dùng xe kiệu của vua, quần áo đồ vật đều sơn đen, không dùng châu báu vàng son. Các thức ăn mặc đều phải tiết kiệm như trước, suốt đời mang tang lễ không chút thay đổi. Bèn chuyển loạn thành trị, noi theo nền nếp cũ, thưởng phạt công minh, dùng kẻ hiền lương. Bởi thấy con mình không có tài năng, khó đương việc lớn, nên được một năm, vua đã cho em là Hữu tướng quốc kế vị để cùng coi việc triều chính, đó là Duệ Vương[27].
Trước đó, Chiêm Thành thừa cơ trong nước có hiềm khích, đã nhiều lần đến cướp phá. Duệ Vương lên ngôi được ba năm, thân chinh đi đánh Chiêm Thành, nhưng bị thua to, không trở về[28]. Nghệ Vương cho con của Duệ Vương là Hiện[29] kế vị. Ít lâu sau, Hiện[30] nghe lời gian thần làm nhiều việc vô đạo, Nghệ Vương lo nước nhà nghiêng đổ, mới than khóc mà phế đi, cho gọi là Linh Đức Công[31]. Nghệ Vương lấy con út của mình là Ngung vào kế vị, đó là Thuận Vương. Được bảy năm, vua cha mất[32]. Bấy giờ là năm Giáp Tuất[33] niên hiệu Hồng Vũ thứ hai mươi bảy[34]. Chôn ở Yên Sinh[35]thụy là Nghệ.
Xưa kia hồi Nghệ Vương còn nhỏ, tầm chín tuổi theo hầu Minh Vương, vừa lúc trên giường có chiếc chiếu trúc[36], Minh Vương bảo vịnh thử, Nghệ Vương ứng khẩu đọc rằng:
- Hữu vĩ thử quân, Trung không ngoại kính. Tước nhữ vi nô, Khủng thương nhân tính. (Có nàng giỏi giang, trong rỗng ngoài cứng; bắt làm đầy tớ, e chạm nhân tính).
Minh Vương rất lấy làm lạ, nhưng vờ mắng rằng:
- Chảralời lẽ gì, đừng ghi chép lại[37].
Bèn dặn thầy dạy đừng bảo làm thơ nữa. Người quân tử nói “mệnh trời có
dấu hiệu, không ai ngăn cản nổi”, về sau quả nhiên như vậy. Sau khi lên ngôi, Nghệ Vương đã nhặt hết những đứa trẻ côi cút trong đám con cháu của anh chị em mình đưa vào cung nuôi nấng, coi hệt như con cái mình đẻ ra. Người trong dòng họ xa gần đều được yêu thương đùm bọc. Sau cơn loạn lạc, người nào nghèo khổ không thể cưới xin được, thì lấy vợ gả chồng cho họ; người nào chưa được chôn cất, thì chôn cất cho họ; đến cả những điều vặt vãnh chi tiết, không có cái gì là không thu nhặt chép sao. Xóm giềng hòa hợp, đầm ấm như tiết mùa xuân. Người trong nhà được cảm hóa, phong tục dần dần trở nên thuần hậu. Vua ở đất này cũng có người tốt đến thế ư?
-------------------
[1] Tức truyện Trần Nghệ Tông (1322-1395). Vì sợ ảnh hương tới sự “tôn nghiêm” của vua Minh, Hồ Nguyên Trừng đã đổi chữ “Tông” ra chữ “Vương”. Đầu đề có thể dịch là “Đầu đuôi truyện Nghệ Vương”. Chúng tôi dịch là “Truyện Nghệ Vương” cho dễ hiểu.
[2] Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép Trần Nghệ Tông húy là Phú. [3] Tức Trần Minh Tông (1300-1357)
[4] ĐVSKTT chép mẹ đích của Nghệ Tông là Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng Thái hậu; mẹ sinh làem gái cùng một mẹ với Hiển Từ, tức là Lê thị do con gái của Nguyền Thánh Huấn (ông ngoại thân phụ Hồ Nguyên Trừng) lấy chồng người họ Lê sinh ra.
[5] Đúng ra phải viết “Thượng Hoàng”.
[6] Nguyên văn là “Truyền danh khí” tức là truyền lại xa giá, lễ phục, tước hiệu... ở đây có nghĩa là chỉ truyền ngôi về hình thức chứ không phải về thực chất, nên chúng tôi dịch là “truyền ngôi trên danh nghĩa” cho dễ hiểu.
[7] Thế tử: cũng gọi là “đích tử” (con đích), tức là người con trưởng của chư hầu được lập nên để nối ngôi, tương ứng với Thái tử của Hoàng đế. [8] Hiến Vương: đúng ra phải viết là Hiến Tông (1319-1341), Húy là Vượng, con thứ của Minh Tông, mẹ đích là Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng Thái hậu, mẹ sinh là Minh Từ hoàng thái phi Lê thị.
[9] Cung Túc Vương: tức Nguyên Dục. Tuy là con đích, đáng lẽ được nối ngôi vua, nhưng vì hay chơi bời phóng đãng nên không được Minh Tông tin yêu. [10] Lộc Tinh: sử ta không thấy chép. Nhưng theo lời văn bên dưới, có thể biết Lộc Tinh ở đây chính là Dụ Tông (1336-1369). Húy là Hạo, con thứ mười của Minh Tông.
[11] Cung Tĩnh Vương: tức Nguyên Trác.
[12] Nguyên văn là “hải đồn ngư”, chưa rõ là giống cá gì. Chỉ biết có một loại tên là “hải điều ngư” tức là “cá hồng” cũng là một loại cá ngon và lành ở phương Nam.. Vậy tạm dịch là “cá hồng” chờ tra cứu thêm. Có người dịch “hải đồn ngư” làcá hầu hoặc cácúi (tiểu hải đồn).
[13] Theo sử chép, sau khi Dụ Tông mất, vì không có con nối nghiệp nên Hoàng thái hậu Hiển Từ đã sai người đón Dương Nhật Lễ (ở đây gọi là Vong Danh nghĩa đen là không nhớ tên) là con thứ của cố Cung Túc Vương Dục vào làm vua(xem ĐVSKTT).
[14] Tức Cung Tĩnh Vương.
[15] Tức Cung Định Vương.
[16] Cung Tuyên Vương húy là Kính, con thứ mười một của Minh Tông, vì có công giúp đỡ Nghệ Tông giành lại ngôi nhà Trần trong tay Dương Nhật Lễ, nên về sau được Nghệ Tông nhường ngôi cho, tức Duệ Tông. [17] Tức Dương Nhật Lễ.
[18] Theo sử chép, Nhật Lễ là con của một người phường chèo tên là Dương Khương. Mẹ của Nhật Lễ từng đóng vai Vương Mẫu. Vì ham sắc đẹp, Cung Túc Vương Dục đã cướp “Vương mẫu” về làm vợ, trong khi bà đang có mang. Đến khi đẻ, tuy Dương Nhật Lễ vẫn được Cung Túc Vương Dục nhận làm con mình, nhưng trước sau vẫn bị những người trong hoàng tộc khinh rẻ.
[19] Nguyên vào một đêm tháng 9 năm Canh Tuất (1370), cha con Nguyên Trác và hai con của Công chúa Thiên Ninh, đem người tông thất vào trong thành định giết Nhật Lễ, nhưng Nhật Lễ đã trèo qua tường, nép mình dưới cầu mới, không ai lùng thấy, đều phải bỏ về. Sáng hôm sau, Nhật Lễ vào cung, sai người chia đi bắt các kẻ chủ mưu, cộng cảthảy 18 người đem giết cả(Xem ĐVSKTT).
[20] Dương Nhật Lễ từng bàn mưu tính kế với Trần Nhật Hạch trong việc giết người tông thất họ Trần. Nguyễn Nhiên người huyện Tiên Du, từng giữ chức Chi hậu nội nhân, đãcho Nghệ Tông biết việc này (Xem ĐVSKTT).
[21] Thái tể Nguyên Trác bị chết trong vụ mưu giết Nhật Lễ không thành. [22] Trần Nghệ Tông (ở đây gọi là Thái sư) vì có con gái làm Hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạlây đến mình, nên tránh xe trấn Đà Giang.
[23] Nguyên văn câu này là “tôn an xã tắc”, chúng tôi ngờ chữ “tôn” vốn là chữ “điện” do tự dạng gần giống nhau nên in nhầm. “Điện an xã tắc” có nghĩa là “đặt nước nhà vào thế yên ổn”. Còn “Tôn an xã tắc” thì lại có nghĩa là “tôn trọng
vàlàm cho nước nhà yên ổn”, câu văn trở nên lủng củng.
[24] ĐVSKTT chép là Trần Ngô Lang, lúc này đang giữ chức Thiếu úy. [25] Tức Thái sư Cung Định Vương, bấy giờ là Trần Nghệ Tông. [26] ĐVSKTT chép sự kiện này có khác, nhất là thái độ Trần Nghệ Tông
đối với Dương Nhật Lễ. Theo ĐVSKTT, Trần Nghệ Tông sau khi chạy ra trấn Đà Giang, đã ngầm hẹn với em là Cung Tuyên Vương Kính, Chương Túc Quốc Thượng hầu Nguyên Đán, và Công chúa Thiên Ninh Ngọc Tha cùng họp nhau ở sông Đại Lại (tức sông Lèn, một chi lưu của sông Mã ở Thanh Hóa) để dấy binh chống Nhật Lễ. Bấy giờ Nhật Lễ chuyên dùng Thiếu úy Trần Ngô Lang, trong khi Ngô Lang đang là “tay trong” của Nghệ Tông. Mỗi lần Nhật Lễ sai tướng đi đánh bắt Nghệ Tông, Ngô Lang đều khuyên họ chạy về phía Nghệ Tông cả. Cuối năm Thiệu Khánh nguyên niên (tức năm 1370), Nghệ Tông cùng Cung Tuyên Vương và Công chúa Thiên Ninh đem quân về Kinh thành. Ngày 13 tháng 11 năm ấy, đến phủ Kiến Hưng (ở vào miền tây tỉnh Nam Định, nay thuộc Nam Hà), hạ lệnh phế Nhật Lễ Làm Hôn Đức Công. Ngày 15, Nghệ Tông lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Nghĩa Hoàng. Sau đó lại tiếp tục tiến quân về Thăng Long. Khi đến bến Chử Gia, người trong tông thất và các quan ra đón mừng, tung hô muôn năm, vì thế gọi Chử Gia là xã Sơn Hô. Ngày 21, xa giá về Bến Đông, Ngô Lang khuyên Nhật Lễ mặc áo thường đến xin nhường ngôi, xuống thuyền đón tiếp. Vua bảo Nhật Lễ rằng: “Không ngờ ngày nay sự thể lại đến thế này” rồi sai đem giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu (nay ở vào khoảng đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, Hà Nội), Nhật Lễ gọi Ngô Lang vào trong màn nói dối rằng: “Ta có lọ vàng chôn ở trong cung, ngươi nên về lấy”. Ngô Lang quỳ xuống vâng lệnh, bị Dương Nhật Lễ bóp cổ chết. Cháu Ngô Lang là Trần Thế Đổ đem việc ấy tâu lên, Nghệ Tông sai đánh chết Nhật Lễ và con là Liễu, rồi sai đem chôn ở núi Đại Mông (Xem Bd, ĐVSKTT, quyển VII).
[27] Tức Trần Duệ Tông.
[28] Trong chiến dịch này, Trần Duệ Tông đãtử trận.
[29] Có nơi đọc là “Nghiễn”. Chúng tôi theo Khang Hy tự điển, đục là “Hiện” (Hình điện thiết).
[30] Nguyên văn viết là Chiêm, có lẽ nhầm, vì ngay trước đó, đã nói con của Duệ Vương là Hiện. Chúng tôi chữalại.
[31] Tức Phế Đế (1361-1388)
[32] Chỉ Nghệ Tông.
[33] Nguyên văn chép là Giáp Mậu. Chúng tôi chữalại.
[34] Hồng Vũ: là niên hiệu của Minh Thái Tổ; Hồng Vũ thứ hai mươi bảy, tức năm 1394.
[35] Lăng của Anh Tông, Minh Tông và Dụ Tông đều ở đây cả, đất thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.
[36] Chiếu trúc: dịch từ chữ “trúc nô”, còn gọi là “phu nhân nô”, một thứ chiếu đan bằng trúc, người xưatrải nằm vào mùa nóng.
[37] Đừng ghi chép lại: đây làlời vua bảo với Sử quan.
2
Trúc Lâm Thị Tịch[1]
Vua thứ ba của họ Trần là Nhân Vương[2], sau khi đã truyền ngôi cho Thế tử, bèn xuất gia tu hành, khắc khổ, tinh tiếnThượng sinh kinh sớ có giải thích: “Tinh, vị tinh thuần vô ố tạp cố; tiến, vị thăng tiến bất giải đãi cố = tinh, là nói sự thuần, không pha lẫn cái xấu, cái nhơ bẩn; tiến, là nói sự tiến lên không mệt mỏi, rãrời”.[3], tuệ giải[4], siêu thoát, thành vị tổ sư ở một phương. Làm am trên đỉnh Tử Tiêu[5]núi Yên Tử, tự đặt hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Chị của Nhân Vương hiệu Thiên Thụy, làm nhiều điều trái đạo đàn bà. Ở Tử Tiêu, Đại sĩ[6]nghe tin chị ốm gần chết, bèn xuống núi về thăm, nói với Thiên Thụy rằng:
- Thời đến thì chị cứ đi, dưới Âm phủ có hỏi gì thì cứ trả lời là xin chờ một lát, em tôi là Trúc Lâm Đại Sĩ sẽ tới.
Nói xong trở về núi. Đi mấy ngày đến am, dặn dò đồ đệ các việc về sau rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa[7]. Thiên Thụy cũng mất vào ngày hôm đó. -------------------
[1] Trúc Lâm thị tịch: Trúc Lâm là hiệu của Trần Nhân Tông (húy Khẩm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu), là tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm Thiền tông ở nước ta. Thị Tịch - danh từ nhà Phật. “Thị” ở đây nghĩa là hiện ra, thể hiện, làm cho thấy... “Tịch” ở đây có nghĩa là tịch diệt - dịch nghĩa chữ Niết bàn trong tiếng Phạn. Cái chết của Phật Bồ Tát (Bouddha) hay của các cao tăng đều gọi là tịch, có nghĩa là sự chuyển hóa từ hiện tượng này sang hiện tượng khác, chứ không phải là mất đi thật. Vậy “Trúc Lâm thị tịch” có nghĩalàsự chết của Trúc Lâm.
[2] Tức Trần Nhân Tông.
[3] Tinh tiến: chữ nhà Phật. Từ Tư trong cuốn Thượng sinh kinh sớ có giải thích: “Tinh, vị tinh thuần vô ố tạp cố; tiến, vị thăng tiến bất giải đãi cố = tinh, là nói sự thuần, không phalẫn cái xấu, cái nhơ bẩn; tiến, là nói sự tiến lên không mệt mỏi, rãrời”.
[4] Tuệ giải: “Tuệ” là trí tuệ, sáng suốt, dịch nghĩa chữ bát nhã (prajna)
trong tiếng Phạn. “Tuệ giải” làlý giải một cách sáng suốt. [5] ĐVSKTT nói Trần Nhân Tông xuất gia ở ngọn Tử Phong. [6] Chỉ Trúc Lâm.
[7] Đây có nghĩalàchết.
3
Linh Hồn Ông Định Ngôi Cho Cháu[1]
(Tổ Linh Định Mệnh)
Hồi Nhân Vương mất, con là Anh Vương[2]chưa có con đích kế tự, chỉ mới có con thứ thôi, nên có ý chờ sau khi sinh con đích, sẽ quyết định việc nối ngôi. Đến sau khi hỏa táng[3], lúc bọc cốt, con cháu đứng quanh vái hầu, xá lị [4]bay vào ống tay áo của người cháu thứ[5], phát ra ánh sáng, hễ lấy ra lại cứ bay vào. Anh Vương thấy vậy vái rằng:
- Nào không dám tuân mệnh.
Lấy ra, bèn thôi. Được ít lâu, Nhân Vương lấy con thứ làm Thế tử. Về sau, mẹ đích[6]tuy sinh con trai, nhưng không nuôi được, rốt cục người con thứ vẫn nối ngôi vua,ấy là Minh Vương[7].
----------------
[1] Chỉ việc linh hồn của ông Trần Nhân Tông quyết định nhường ngôi cho cháu là Minh Tông.
[2] Tức Trần Anh Tông, tên là Thuyên, con trưởng của Nhân Tông, mẹ là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu.
[3] Nguyên văn là trà tì. Còn đọc là đồ tỉ, tiếng nhà Phật, có nghĩa là hỏa táng.
[4] Xá lị: còn gọi là xá lị tử, tiếng nhà Phật, có nghĩa là xác Phật sau khi hỏa táng xong, sẽ kết thành những vật giống như hạt châu, gồm ba màu: xương kết thành hạt màu trắng; tóc kết thành hạt màu đen; thịt kết thành hạt màu đỏ... Thực ra, đây chỉ làtruyền thuyết.
[5] Đây chỉ Hoàng tử Mạnh, con thứ của Anh Tông, mẹ sinh ra Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Bảo Nghĩa Đại Vương Bình Trọng. [6] Tức Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu Trần thị, con gái Hưng Nhượng Đại Vương Quốc Tảng.
[7] Theo ĐVSKTT, sau khi Trần Nhân Tông chết, nhà sư Pháp Loa đã đem xác thiêu đi, nhặt được hơn ba nghìn hạt xá lỵ, mang về chùa Tư Phúc ở Kinh sư.
Anh Tông thấy thế, có ý ngờ vực; các quan nhiều người có ý xin bắt tội Pháp Loa. Khi ấy Hoàng tử Mạnh mới lên 9 tuổi đứng hầu bên cạnh, bỗng thấy có mấy hạt xá lỵ ở trong bọc, đưa ra cho mọi người xem. Anh Tông kiểm tra lại số xá lỵ ở trong hộp, thì thấy thiếu, từ đó mới không nghi ngờ gì Pháp Loa nữa.
4
Có Đức Ắt Có Địa Vị
(Đức Tất Hữu Vị)
Minh Vương[1]nối ngôi vua được ít lâu, thì bà đích mẫu[2]sinh con trai. Đến ngày giáp tuổi tôi, Anh Vương[3]đi tuần tra ngoài biên giới, mọi việc ở nhà đều do Tự Vương[4]quyết định. Khi người coi việc đến xin ý kiến về lễ giáp tuổi tôi, Minh Vương bảo cứ tiến hành theo thể lệ một vị Thế tử. Người coi việc cho là đãcó vương rồi, nên rất lấy làm khó xử[5]. Vương bảo:
- Việc gì phải ngần ngại? Trước đây vì đích tự chưa sinh, nên ta mới tạm ở ngôi này; nay đích tự[6]đã sinh rồi, chờ khi lớn lên, ta sẽ trao lại ngôi vua, có gì là khó!
Người kia nói:
- Việc này ở các đời trước thường sinh ra lắm chuyện nguy hiểm, xin nghĩ lại cho thật kỹ!
Vua bảo:
- Cứ theo lẽ phải màlàm, hơi nào lo chuyện an nguy!
Rốt cục, đã tiến hành lễ giáp tuổi tôi theo thể thức một vị Thế tử. Được một năm thì đích tự mất, Vương thương xót vô cùng. Các bậc quân tử cho rằng Minh Vương là người thành tâm, bất chấp sự an nguy, đức nhường nhịn ấy sáng ngời kim cổ. Sách Tả truyện nói: “Kẻ có đức thì thế nào cũng có địa vị”, là để chỉ trường như thế này chăng?
---------------
[1] Minh Vương: tức Trần Minh Tông. Ông tên thật là Mạnh, con một người thứ phi của Trần Anh Tông. Vì người vợ cả của Trần Anh Tông chưa có con trai, nên Mạnh được Anh Tông truyền ngôi cho, làm vua từ năm 1314 đến năm 1329.
[2] Đích mẫu: đây chỉ người vợ của Trần Anh Tông (Chính cung Hoàng hậu).
[3] Anh Vương: tức Trần Anh Tông, tên thật là Thuyên, làm vua từ năm
1293 đến năm 1314.
[4] Tự vương: vua nối ngôi, ở đây chỉ Trần Minh Tông.
[5] Ý câu này là: nếu tiến hành lễ giáp tuổi tôi theo thể thức một vị Thế tử, thì như vậy có nghĩa là công nhận quyền làm vua sau này của đứa bé mới sinh, và Trần Minh Tông do đó sẽ mất ngôi. Vì thế mà người coi việc lấy làm khó xử. [6] Đích tự: đây chỉ người con trai mới sinh của Chính cung Hoàng hậu.
5
Sự Kiên Trinh, Sáng Suốt Của Một Bà Phi
(Phụ Đức Trinh Minh)
Người Chính phi họ Lê[1]của Trần Duệ Vương nguyên là mẹ của Linh Đức[2].
Trước kia, khi Duệ Vương xuất quân không về[3], Phi bèn gọt tóc làm ni. Gặp lúc Nghệ Vương lấy Linh Đức nối ngôi, Phi đã cố từ chối thay cho Linh Đức, nhưng không được, mới khóc lóc nói với người thân rằng:
- Con ta phúc mỏng, khó đương nổi ngôi to, chỉ có mắc vạ thôi. Cố Chúa lìa đời, kẻ chưa mất này chỉ muốn chết cho chóng, không muốn thấy việc đời, huống chi là nhìn con tasắp nguy khốn ư?
Rồi dốc chí tu hành, sớm chiều tụng niệm để báo đền ơn chúa, chưa đầy năm sáu năm mà chân tay đốt trán[4], đã làm đủ mọi phép, sau cùng đã thị tịch trong khi nhập định, về sau, khi Linh Đức bị phế[5], ai cũng phục Phi là người sáng suốt, thấy trước sự việc. Vả lại, cảm sự chân thành thờ vua, và tiết tháo kiên trinh của Phi, vừa vào cửa Phật thì đi nhanh vào chính giấc, ai chẳng thương xót, ngợi khen? Tuy các phi tần đời trước của nhà Trần cũng lắm người hiền đức, nhưng người phi này sinh sau mà gần như hơn hẳn những người phi trước, sao lớn lao đến thế?
---------------
[1] Tức người sinh ra Lý Đức Vương (Phế Đế), là em gái con nhà chú của Hồ Quý Ly; Hồ Nguyên Trừng gọi bằng cô.
[2] Tức Linh Đức Vương (Phế Đế).
[3] Chỉ việc Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành vào năm 1377, và đã tử trận.
[4] Nguyên văn chữ Hán là nhiên tí luyện đỉnh, có nghĩa là “đốt cánh tay, đốt đỉnh đầu”, một số cách thức tu luyện của đạo Phật. Chúng tôi dịch là “dốt trán” “chân tay đốt trán” cho dễ hiểu.
[5] Nguyên việc này, ĐVSKTT chép như sau: “Tháng 12, ngày mồng 6, sáng
sớm, Thượng Hoàng (Trần Nghệ Tông) giả cách về Yên Sinh, sai Điện hậu đi theo hầu; rồi sai Chi hậu nội nhân gọi vua (Linh Đức Vương, tức Phế Đế) đến bàn việc nước. Vua chưa ăn cơm sáng, đi ngay, chỉ có hai người theo hầu mà thôi. Khi vua đến nơi, Thượng hoàng nói: “Đại vương lại đây”, rồi sai người đem vua ra giam ở chùa Tư Phúc, tuyên nội chiếu rằng: “Trước kia Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về, dùng con đích để lên ngôi, là theo đạo đời xưa. Song, quan gia (chỉ Linh Đức Vương) từ khi lên ngôi đến giờ, vẫn còn trẻ con lắm, giữ đức không thường, thân mật với bọn tiểu nhân, nghe bọn Lê Á Phu, Lê Dư Nghị gièm pha vu hãm người công thần, làm dao động xã tắc, nên giáng xuống làm ‘Linh Đức Đại Vương’. Song nhà nước không thể không có người đứng chủ, ngôi báu không thể bỏ không, nên đón Chiêu Định Vương vào nối đại thống (...)” Cuối cùng, Trần Nghệ Tông cho đem Phế Đế xuống phủ Thái Dương bắt thắt cổ chết” (Xem Bd. ĐVSKTT: tập 2).
6
Nghe Tang Tắt Thở
(Văn Tang Khí Tuyệt)
Con gái Trần Thái Vương[1]hiệu Thiều Dương[2]. Khi bà đang ở cữ, Thái Vương không được khỏe đã một tháng. Nhiều lần bà sai người đến thăm hỏi nhưng những người hầu cận nói dối rằng:
- Vua đã bình phục rồi, không việc gì nữa.
Đến ngày Thái Vương lìa đời, bà bỗng nghe tiếng chuông đánh liên hồi, bèn hỏi:
- Có phải là việc chẳng lành chăng?
Những người hầu cận lại nói dối, nhưng bà không nghe, cứ khóc lóc kêu gào cho đến khi tắt thở, nhắm mắt mà mất.
-------------------
[1] Tức Trần Thái Tông, lúc này đang làm Thượng hoàng.
[2] Thiều Dương làcon gái thứ của Trần Thái Tông.
7
Văn Trinh Cứng Cỏi Và Ngay Thẳng
(Văn Trinh Ngạnh Trực)
Chu An hiệu là Tiều Ẩn, người ở vùng Thượng Phúc[1] đất Giao Chỉ. Tính ông liêm khiết và cương trực, ở nhà thường ham thích đọc sách, học vấn tinh thông, tiếng tăm lừng lẫy xa gần. Học trò đầy cửa, thường vẫn có những người đỗ đạt làm quan to. Chu An là người điềm đạm, ít ham muốn, không đi thi. Khoảng năm Chí Nguyên[2], Trần Minh Vương[3] có vời ông đến Kinh Đô trao cho chức Quốc tử Tư nghiệp, giảng sách cho Thế tử[4]. Được ít lâu chuyển làm chức Tế tửu nhà Thái học. Đến khi Minh Vương mất, con là Dụ Vương[5] hay chơi bời, bỏ việc nước, bọn quyền thần dần dần làm nhiều điều trái phép, Chu An nhiều lần can ngăn mà vua không nghe, lại dâng sớ xin chém bảy tên gian thần đều là hạng quyền thế cả, người đương thời gọi đó là Thất trảm sớ. Tờ sớ dâng lên nhưng không được trả lời, Chu An bèn treo mũ từ quan, trở về với vườn ruộng. Sau Dụ Vương mất, trong nước có loạn. Quần thần rước Nghệ Vương về, lập lên làm vua. Chu An nghe tin ấy, rất đỗi vui mừng, bèn chống gậy đến Kinh đô để yết kiến. Rồi sau đó, ông xin trở về làng, lấy cớ già nua ốm yếu, từ chối không nhận chức tước. Nhà vua ban cho hiệu “Văn Trinh tiên sinh” và sai người mang rất nhiều lễ vật tiễn đưa về làng. Chẳng bao lâu, Chu An mất ở quê nhà. Nhân dân và kẻ sĩ đô thành vốn ngưỡng mộ phong cách cao đẹp của ông, không ai là không thở than thương tiếc.
Trước đó, trong đám học trò của Chu An có người tuy ra làm quan nhưng vẫn thường đến thăm viếng ông, lạy bên giường ông, người nào được trò chuyện đôi câu trước lúc ra về thì lấy làm mừng rỡ lắm. Ai có điều gì không tốt, liền bị ông quở trách, nhiếc móc gay gắt, thậm chí quát mắng không cho về nhà. Thanh cao, nghiêm chính nổi tiếng một thời, lẫm liệt đến thế. Ôi, thật là một con người thiện vậy.
-----------------
[1] Thượng phúc: tức huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông cũ. Theo
ĐVSKTT, thì Chu An người huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội).
[2] Chí Nguyên: niên hiệu của Nguyên Thế Tổ.
[3] Trần Minh Vương: tức Trần Minh Tông, làm vua từ năm 1314 đến năm 1329.
[4] Thế tử: đây chỉ con của Trần Minh Tông.
[5] Dụ Vương: tức Trần Dụ Tông, làm vuatừ năm 1341 đến 1369.
8
Thầy Thuốc Có Lòng Nhân Từ
(Y Thiện Dụng Tâm)
Ông ngoại của tổ tiên Trừng[1], là Phạm Công, húy Bân, vốn dòng dõi nhà làm thuốc, thờ Trần Anh Vương[2], được vua cho giữ chức Thái y[3], thường vét hết tiền của để tích trữ thuốc tốt và lúa gạo. Người nào côi cút, khổ sở mà bị bệnh tật thì được Cụ cho ở tại nhà mình để cung cấp cơm cháo và cứu chữa cho, dù máu mủ dầm dề, cũng không chút ghê tởm. Cứ như vậy, kẻ đến chờ chữa cho khỏe mạnh rồi mới đi, trên giường không lúc nào vắng người. Bỗng mấy năm liền đói kém, bệnh dịch lan tràn. Cụ bèn dựng nhà cửa cho kẻ khổ nghèo ở, nhờ đó mà số người đói khát, bệnh tật được cứu sống có tới hơn một nghìn, tên tuổi Cụ được đương thời trọng vọng. Một hôm, có người đến gõ cửa khẩn thiết mời cụ rằng:
- Trong nhàcó người vợ bỗng dưng bị máu ra như xối, mặt mày nhợt nhạt. Cụ nghe xong, vội vã đi ngay. Vừa ra khỏi cửa, thì gặp người do nhà vua sai tới nói:
- Trong cung có một vị quý nhân đang lên cơn sốt rét, nhà vua cho vời Cụ vào xem.
Cụ đáp:
- Bệnh ấy không vội. Hiện đang có người tính mệnh chỉ còn trong chốc lát, để tôi đi cứu đã, chốc nữasẽ vào cung ngay.
Sứ giảtức giận nói:
- Phận làm bề tôi, sao được như vậy? Ông muốn cứu tính mệnh của người kia mà không cứu tính mệnh của ông ư?
Cụ đáp:
- Tôi thật có tội, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào nữa; nếu không cứu người ta, thì họ sẽ chết trong chốc lát, còn trông mong vào đâu được. Tính mệnh của bề tôi mọn này trông mong vào Chúa thượng, may ra khỏi chết, còn các tội khác đều xin cam chịu.
Thế rồi Cụ đi cứu chữa cho kẻ kia, quả nhiên người ấy qua được. Liền sau
đó, Cụ đến yết kiến nhà vua. Vua quở trách. Cụ bỏ mũ xuống tạ tội và giãi bày thực tâm của mình. Vua mừng rỡ nói:
- Ngươi thật là một lương y, đã giỏi tay nghề lại có lòng nhân đức để cứu dân lành, thật xứng đáng với lòng mong mỏi củata.
Về sau con cháu Cụ có đến hai ba người thầy thuốc giỏi, làm quan tới tứ phẩm ngũ phẩm, người đời ai cũng khen là không để mất nghiệp nhà. ----------------
[1] Tác giảtự xưng.
[2] Trần Anh Vương: tức Trần Anh Tông, làm vua từ năm 1293 đến năm 1314.
[3] Thái y: còn gọi là Ngự y, tên một chức quan chuyên việc phục vụ thuốc thang trong cung điện nhà vua.
9
Dũng Lực Phi Thường
(Dũng Lực Thần Dị)
Ởnước An Nam vào thời nhà Lý, có người Thanh Hóa tên là Lê Phụng Hiểu[1], dáng mạo lạ thường, ăn uống gấp mười kẻ khác. Mới mười hai mười ba tuổi, thân hình đã cao bảy xích[2]. Chợt có bọn giặc bên ngoài đến xâm phạm bờ cõi, bắt người cướp của rất nhiều, người trong xóm làng hoảng hốt không biết làm sao đối phó. Phụng Hiểu nói với cha mẹ không nên theo người ta chạy sấp chạy ngửa, chỉ cần nấu thật nhiều cơm cho con ăn một bữa no nê, thì việc giết giặc cứu dân hôm nay dễ như trở bàn tay. Ăn cơm xong, Phụng Hiểu cầm một con dao ngắn tục gọi là dao rựa, chặt cây làm khí giới, xông thẳng vào trận giặc, dọc ngang đánh địch vỡ chạy, hơn một nghìn người trong thôn xóm bị giặc bắt đều được cứu trở về[3]. Nhà Lý ban thưởng, phong cho chức tước, Phụng Hiểu đều cố từ không nhận, chỉ xin cấp ruộng để tự cày cấy làm ăn mà thôi. Khi quan trên bàn định về số khoảnh mẫu nên cấp, Phụng Hiểu nói:
- Thần[4]từng dùng dao rựa để phá giặc, nay xin cầm dao rựa mà ném, hễ xa tới đâu thì lấy giới hạn tới đó.
Quan trên thuận lời. Dao rựa ném xa hơn mười dặm, cả vùng ruộng đó đều thưởng cho Phụng Hiểu cả. Người đời sau nhân đấy, phàm thương ruộng cho người có công, đều đặt tên là “chước đao điền”[5]. Vua sai cầm quân, Phụng Hiểu lấy cớ không đủ tài để từ chối, chỉ muốn được sống ở thôn quê, chờ khi dùng binh, sẽ xin làm Tiên phong, phá trận giặc, đền ơn nước mà thôi. Mười mấy năm sau được vời làm tiên phong, đem theo hơn mười người đánh tan hơn vạn quân giặc, được phong là Uy Viễn tướng quân, rồi vẫn sống ở thôn quê, thọ chết tại nhà.
----------------
[1] Câu này trong nguyên bản chữ Hán còn chừa trống một chữ, chúng tôi đoán có thể là “lỗ” tức “bắt người”. Tạm dịch như vậy, chờ tracứu thêm. [2] Chữ “thần” dùng ở đây không đúng chỗ lắm, vì Phụng Hiểu đang nói
chuyện với quan, chứ không phải với vua.
[3] Hiện nay, có nơi còn nói là “thác đao điền”.
[4] Một số sách khác như Việt điện u linh, Lịch triều hiến chương loại chí, v.v.. đều không thấy nói tới tước phong này. Việt điện u linh nói Lê Phụng Hiểu dưới triều Lý Thái Tổ được giữ chức Vũ vệ Tướng quân. Sang triều Lý Thái Tông, Phụng Hiểu được cất nhắc làm Đô thống Thượng tướng quân, phong tước hầu.
[5] Việt điện u linh cũng như Lịch triều hiến chương loại chí đều nói Lê Phụng Hiểu sau khi chết, được nhân dân địa phương lập đền, thờ làm phúc thần.
10
Vợ Chồng Chết Vì Tiết Nghĩa
(Phu Thê Tử Tiết)
Năm Đinh Hợi (1407), niên hiệu Vĩnh Lạc[1], vào ngày đại quân[2] bình định đất Giao Chỉ, có một người đầu mục tên là Ngô Miễn[3] nhảy xuống nước tự tử, vợ là Nguyễn thị ngửa mặt lên trời than rằng:
- Chồng ta thờ Chúa, một đời ăn lộc, từ chỗ Trung quan được lên tham dự Chính phủ, nay vì nghĩa mà chết, thế là chết đáng chỗ, còn oán hận gì. Nếu thiếp muốn sống há không còn nơi nào sao? Nhưng cái nghĩa vợ chồng, cái ơn vuatôi ta không nỡ lòng nào phụ bạc. Thàchết theo nhau vậy.
Nói đoạn, cũng nhảy xuống nước màchết.
Than ôi! Chết vì tiết nghĩa là lý đương nhiên của kẻ sĩ đại phu, thế mà có người còn lấy làm khó. Xưa nay, ít người có vị quan nào được như vậy. Ngô Miễn là đấng trượng phu chăng? Đến như Nguyễn thị, một người đàn bà lâm nguy vẫn nhận ra tiết lớn, biết chồng chết đáng chỗ không ân hận gì, lại còn coi trọng điều nghĩa, xem nhẹ cái sống, nhìn chết như về, có thể gọi là bậc hiền phụ vậy[4]. Trong số đàn bà ngu dại trên đời, những kẻ vì bực tức mà nhảy xuống nước chết nhiều lắm. Đến như vì nghĩa bỏ mình, thì rất không dễ được! Hạng như Nguyễn thị thật đáng ca ngợi thay[5].
-----------------
[1] Vĩnh Lạc: niên hiệu của Minh Thành Tổ.
[2] Đại quân: chỉ quân nhà Minh.
[3] Theo ĐVSKTT, Ngô Miễn lúc này đang giữ chức Hành khiển hữu quan tham tri chính sự dưới triều Hồ.
[4] Ở bản chữ Hán, câu này tối nghĩa. Theo ngữ pháp văn ngôn, trong câu nghi vấn, khẳng định trở thành phủ định. Nếu dịch theo đúng nghĩa vốn có của câu, thì là “không gọi là hiền phụ được”. Phải thêm một chữ “bất” sau chữ “khả” (khả bất vị hiền phụ dã hư) thì mới có nghĩa “không gọi là hiền phụ được hay sao?”. Ở đây, chúng tôi tạm dịch theo ý mạch văn.
[5] Trong ĐVSKTT cũng có chép câu chuyện này, và có kèm theo lời bàn của Ngô Sĩ Liên như sau: “Vợ Ngô Miễn là Nguyễn thị không những chỉ chết vì tiết nghĩa, lời nói cũng đủ làm bài học cho đời...”.
11
Phép Thần Thông Của Tăng, Đạo
(Tăng Đạo Thần Thông)
Vào thời họ Lý[1]từng có yêu quái ngày đêm ẩn hình kêu khóc trên tường nhà cung điện, hết ngày này sang ngày khác. Bấy giờ thuộc đời vua thứ hai[2], có danh tăng Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền cùng đến để yểm trừ. Giác Hải lấy mấy hạt châu gõ vào nóc nhà, tiếng kêu khóc liền tay im bặt. Thông Huyền dùng lệnh bài đập vào cột, bỗng thấy một bàn tay to tướng ló ra trên tường nhà, cầm một con rắn mối vứt xuống đất, yêu quái bèn hết. Nhà vua ứng khẩu đọc rằng:
Giác Hải tâm như hải,
Thông Huyền đạo càng huyền.
Thần thông tài biến hóa,
Một phật, một thần tiên.
----------------
[1] Chỉ đời nhà Lý (1010-1225) ở nước ta.
[2] Chỉ Lý Thái Tông (1028-1054).
12
Tờ Tấu Thiên Đình Ứng Nghiệm
(Tấu Chương Minh Nghiệm)
Ởcung Thái Thanh xứ Giao Chỉ có một đạo sĩ tên là Đạo Thậm, vào khoảng năm Chí Nguyên đời Nguyên Thế Tổ[1]làm lễ cầu tự cho Trần Thái Vương. Khi đọc sớ xong, Đạo Thậm tâu với vuarằng:
- Thượng đế đã chấp nhận sớ tâu, sẽ sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh nơi cung vua, ở đây bốn kỷ[2].
Rồi Hậu cung có mang, quả nhiên sinh con trai, trên cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử”, nét khá rõ ràng[3], nhân đó lấy hiệu là “Chiêu Văn”[4]. Khi tuổi đã lớn, nét chữ mới mất đi. Đến năm 48 tuổi, Chiêu Văn bị ốm hơn một tháng. Các con của Chiêu Văn làm chay xin bớt tuổi thọ của mình để kéo thêm tuổi cho cha. Đạo sĩ đọc sớ xong[5], đứng dậy nói:
- Thượng đế xem sở, cười rằng; Sao còn quyến luyến cõi tục, muốn ở lại lâu thế? Song vì con cái thật bụng hiếu thảo, có thể cho ở thêm một kỷ nữa[6]. Bệnh liền khỏi. Sau quả nhiên thọ thêm mười hai năm nữa.
--------------
[1] Chỗ này tác giả nhớ nhầm. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sinh vào năm Giáp Dần, niên hiệu Nguyên Phong thứ tư (1254), tương đương với Tống Bảo Hựu năm thứ hai. Vậy thì, việc cầu tự cho Trần Thái Tông sinh ra Chiêu Văn, phải xảy ra trước 1254, chứ không thể vào những năm Chí Nguyên sau đó (tức từ 1264 trở về sau) được.
[2] Mỗi kỷ là12 năm, bốn kỷ tức 48 năm.
[3] Nguyên bản chữ Hán là “học phả minh hiển”, nghĩa là “học khá rõ ràng”. Chúng tôi đoán chữ “học” ở đây, đúng ra phải là chữ “tự”, nghĩa là chữ rất rõ ràng, rất hợp với văn cảnh, vậy nay đính chính lại.
[4] Tức Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, con thứ sáu của Trần Thái Tông.
[5] Nguyên bản chữ Hán, sau chữ “bái chương” (đọc sớ) có lẽ sót chữ tất,
nghĩa là “xong”. Như vậy, câu văn mới rõ nghĩa, khỏi nhầm lẫn với ý “đứng dậy nói” tiếp sau đó.
[6] Theo ĐVSKTT, thì Trần Nhật Duật thọ 77 tuổi, không phải chỉ 5 kỷ (60 tuổi).
13
Áp Lãng Chân Nhân[1]
Đời Tống Nhân Tông[2], vua nhà Lý nước An Nam tự mang quân thuyền đi đánh Chiêm Thành[3]. Khi tới cửa biển Thần Đầu[4], sóng gió nổi lên hết ngày này sang ngày khác, không thể vượt biển được. Vua nghe nói ở núi gần đấy có người đạo sĩ, một mình sống trong am, bèn cho vời đến để khấn cầu. Đạo sĩ nói:
- Vua tự có phúc lực, thần cam đoan muôn một không có gì đáng lo. Ngày mai cứ việc lên đường chớ sinh lòng nghi ngại!
Nửa đêm trời dừng gió. Sáng sớm khi ra tới ngoài biển, nhìn xa thấy sóng cao như núi, nhưng đoàn thuyền đi đến đâu thì sóng gió yên lặng đến đó. Bấy giờ lại thấy vị đạo sĩ đang bước đi trên mặt sóng, lúc ở đằng trước, lúc ở đằng sau, trông rất rõ ràng, song người không thể đến gần được thôi.
Ngày quân trở về đến núi Thần Đầu, đạo sĩ ra nghênh tiếp. Vua mừng và úy lạo. Đạo sĩ nói:
- Thần biết nhà vua phúc dày, không có gì đáng lo, ấy là nhờ thần linh giúp đỡ, chứ không phải hạthần này có tài cán gì.
Hỏi người trong làng, họ đều nói:
- Đạo sĩ từ dạo ấy đi hái thuốc lâu nay không thấy ở am.
Vua càng lấy làm lạ, phong cho hiệu “Chân nhân đè sóng”. Lại ban thưởng rất nhiều vàng lụa, nhưng đạo sĩ không nhận. Sau đó đạo sĩ vào núi rồi không biết đi đâu.
Chân nhân họ La, không rõ tên, người ta đều dùng hiệu “Áp Lãng chân nhân” để gọi. Từ thuở tuổi xanh đã bỏ vợ con để đi vào đạo. Trong số con cháu đời sau của Chân nhân có La Tu thi đỗ Tiến sĩ, làm quan thời Trần Nghệ Vương đến chức Thẩm hình viện sứ, rồi mất. Người này chính tôi quen biết.
----------------
[1] Áp Lãng: đè lên sóng.
[2] Tống Nhân Tông (1023-1063), thuộc Bắc Tống của Trung Quốc.
[3] Đây nói về cuộc đánh Chiêm Thành năm Giáp Thân (1044), niên hiệu Minh Đạo, của Lý Thái Tông (1028- 1054).
[4] Cửa biển Thần Đầu: chưa rõ ở đâu. Theo sử chép, thì trong cuộc viễn chinh này, quân nhà Lý từng đi qua các của biển như Đại Ác (sau đổi là Đại An), Trụ Nha, Tư Dung mà không thấy nói đến của biển Thần Đầu (xem ĐVSKTT; Bản kỷ; Quyển II; Kỷ nhà Lý).
14
Sự Thần Dị Của Minh Không
(Minh Không Thần Dị)
Ởhương Giao Thủy[1] nước Giao Chỉ có chùa Không Lộ. Ngày xưa có một nhà sư họ Nguyễn, tên Minh Không, khoảng năm Trị Bình đời Tống[2] xuất gia đến ở chùa này, có đức hạnh và rất nổi tiếng[3]. Một hôm Minh Không từ ngoài về, có nhà sư cùng phòng đùa núp trong cửa, nhảy ra làm tiếng hổ kêu để dọa Minh Không.
Minh Không cười nói:
- Anh đã đi tu, còn muốn làm hổ ư? Ta phải cứu anh mới được! Năm sau nhà sư kia chết. Tiếp đó, Quốc vương họ Lý sinh thế tử[4], tuổi chừng hai mươi thì bỗng nhiên khắp mình mọc lông, nhảy nhót gầm thét, đầu và mặt dần dần biến thành hình hổ. Nhà vua cầu y, vu[5], tăng, đạo khắp nơi, nhưng đều chịu bó tay. Nghe Minh Không có phép thuật, sai người đi thuyền đến mời về. Minh Không lấy một chiếc niêu nhỏ nấu cơm, định cho thủy thủ ăn. Sứ giả cười nói:
- Thủy thủ người đông, tự họ sẽ có cái ăn, không phiền tới Thường trú[6]. Minh Không nói:
- Không phải như vậy đâu. Mọi người cứ ăn một ít đi rồi sẽ thấy hậu ý củata. Bốn năm mươi người mỗi người xới một bát đầy, cơm vẫn không hết, mọi người lấy làm lạ. Đến tối khi lên thuyền, nhàsư dặn sứ giả vàcác thủy thủ đều nên ngủ kỹ một giấc:
- Đợi lúc trăng mọc, bần tăng[7] gọi dậy hãy mở thuyền, nếu không ta chẳng đi nữa đâu.
Sứ giả nài xin không được, mọi ngươi đành nằm sấp giả ngủ, duy cảm thấy bên dưới thuyền có gió lạnh. Phút chốc trăng lên, gọi dậy thuyền đã cập bến Đô thành, vượt hơn ba trăm dặm. Nhà sư bèn nhảy lên khoảng không mà vào trong cung, nấu nước để rửa cho Thế tử, tay cọ đến đâu lông hết đến đấy, thân thể liền bình phục. Vua hỏi nguyên do, đáp rằng:
- Kẻ tu hành hễ mắc niềm mê thì sám hối mà rửa đi thôi, không khó khăn gì cả.
Hỏi:
- Nhàsư biết phép thần thông gì màcó thể đi trên không được? Đáp:
- Không phải vậy. Thần vốn có phong tật, bệnh này khi phát thì chẳng thấy muôn cảnh tượng, chẳng biết đâu là không, bèn cứ thế mà bước thôi; không phải thần thông gì hết.
Rồi đi trên không mà về. Ban thưởng các thứ đều không nhận. Vua phong cho hiệu “Thần tăng”, và nhân đó, lấy hai chữ “Không Lộ” để đặt tên chùa của nhàsư. Thế tử về sau lên làm vua, thụy là Thần Vương[8].
----------------
[1] Hương Giao Thủy, nay là Xuân Trường, Nam Định.
[2] Năm Trị Bình đời Tống: “Trị Bình” là niên hiệu của Tống Anh Tông (Bắc Tống). Năm Trị Bình đời Tống, tức vào khoảng 1064 đến 1067, tương ứng với niên hiệu Chương Khánh Gia Khánh (1059- 1065) và Long Chương Thiên Tự (1066-1067) đời vua Lý Thánh Tông ở nước ta.
[3] Theo sử chép, Minh Không nguyên tên là Nguyễn Chí Thành, người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trưởng Yên, tỉnh Ninh Bình (xem ĐVSKTT; Bản kỷ; Quyển II; Kỷ nhà Lý) Chùa Giao Thủy, tức chùa Keo ngày nay.
[4] Thế tử, đây chỉ Dương Hoán, là cháu của Lý Thánh Tông, và con của Sùng Hiền hầu, về sau lên ngôi là Lý Thần Tông (1128-II38).
[5] Vu: kẻ đồng bóng.
[6] Thường trú: tiếng gọi của những nhà sư thường ở lại chùa, không đi vân du khắp nơi. Đây chỉ Minh Không.
[7] Bần tăng: chỉ Minh Không. Tiếng khiêm xưng.
[8] Tức Lý Thần Tông.
15
Chiêm Bao Chữa Bệnh
(Nhập Mộng Liệu Bệnh)
Nhà sư chùa Đông Sơn[1]tên là Quán Viên, giới hạnh thanh bạch, mắt tuệ vẹn nhuần[2], mấy chục năm không xuống núi. Gặp khi Trần Anh Vương[3] đau mắt đã hơn một tháng, chữa thuốc không hiệu quả, ngày đêm chói nhức. Bỗng nằm mộng thấy một nhàsư lấy tay xoa vào mắt. Vua hỏi:
- Nhàsư từ đâu tới, tên là gì?
Đáp:
- Tôi là Quán Viên, đến cứu mắt vua.
Tỉnh mộng, mắt liền hết đau, qua vài ngày thì khỏi hẳn. Dò hỏi trong giới nhà sư, quả nhiên có người tên là Quán Viên ở chùa Đông Sơn. Sai người mời đến, y hệt nhà sư đã thấy trong mộng. Vua lấy làm lạ, phong cho làm Quốc sư, ban thưởng rất hậu, nhà sư đều đem phân phát hết không để lại một đồng nào, cứ mặc áo tràng vá[4] mà về núi, dường như chẳng quan tâm. Từ đấy về sau, nhà sư đi vân du khắp các nơi sơn xuyên, châu huyện, làng mạc, hễ ở đâu có miếu thờ thần không chính đáng, làm hại dân, đều bị ông quở trách đuổi đi hết, chặt phá cả miếu đàn. Còn như đối với những vị thần lớn, thiêng và dữ, phần nhiều hiển hiện hay báo mộng ra đón từ ngoài để cầu xin, thì ông thụ giới[5] cho, giảm bớt cúng tế và bắt phải bảo vệ dân, không một ai dám xúc phạm. Người đời sau vẫn nhớ ơn nhàsư.
---------------
[1] Chùa Đông Sơn: trên núi Đông Sơn, ở về phía Tây bắc thị xã Thanh Hóa ngày nay.
[2] Mắt tuệ vẹn nhuần (tuệ giải viên dung); có “tuệ nhãn” để lý giải đạo Phật một cách toàn diện (viên là tròn) và hòa giải được mọi mâu thuẫn (dung là tiêu tan trong nước).
[3] Chỉ Trần Anh Tông (1293-1314)
[4] Nguyên văn chữ Hán là “nạp”, tức một loại áo tràng mà các nhà sư hay
mặc.
[5]Thụgiới: dạychovềgiớiluậtnhàPhật.
16
Ni Sư Đức Hạnh
Vị sư nữ chùa Thanh Lương[1] họ Phạm, là con gái của một gia đình đời đời làm quan ăn lộc ở nước Giao Chỉ, xuất gia đi tu ở am núi Thanh Lương. Nhà sư luyện tập[2] khổ hạnh, trì giới chuyên cần, mắt tuệ thông suốt, thường ngồi thiền định[3], mắt mũi giống hột như La Hán[4], kẻ đời người đạo xa gần không ai là không kính mộ, lừng lẫy trở thành vị tông sư của ni đồ[5]trong một nước, tên tuổi ngang hàng với các bậc cao tăng. Khoảng năm Hồng Vũ[6] dược Trần Nghệ Vương[7] ban hiệu “Tuệ Thông đại sư”. Lúc đã già, sư dời về Đông Sơn. Một hôm, sư bỗng bảo với đệ tử rằng:
- Ta muốn đem tấm thân hư ảo này thí cho hổ lang một bữa no. Bèn vào xếp bằng giữa núi sâu, không ăn uống hơn hai mươi mốt hôm, hổ lang ngày ngày tới[8] ngồi chung quanh nhưng không dám đến gần. Đồ đệ cố mời nhà sư trở về am. Nhà sư đóng sập cửa nhập định[9] qua một mùa hè, rồi bèn tập hợp đám đệ tử lại để giảng đạo, bỗng nhiên ngồi mà hóa[10], tuổi ngoài tám mươi. Lúc hỏa táng có rất nhiều xá lị[11]. Quan sở tại đã xây tháp cho nhà sư ngay trên núi. Trước đó, nhàsư từng dặn các đệ tử:
- Sau khi ta đi, nên chia bớt xương ta lại đây để mài mà rửa tật bệnh cho người đời.
Đến lúc nhặt xương, mọi người thấy không nỡ, bèn cho hết vào hộp phong lại. Qua một đêm, bỗng được một chiếc xương cùi tay trên bàn, bên ngoài hộp, mọi người đều ngạc nhiên về sự linh nghiệm của nhà sư. Về sau, phàm có người mắc bệnh đến khấn cầu, đệ tử đem chiếc xương này mài với nước cho bệnh nhân rửa, không ai là không khỏi bệnh. Sự thề nguyền của nhàsư lớn sâu như thế đấy.
----------------
[1] Chùa Thanh Lương: theo trong bài thì chùa Thanh Lương ở núi Thanh Lương, nhưng núi này ở đâu thì không rõ.
[2] Luyện tập: nguyên văn chữ Hán là “hủy phục”, ý nói bỏ quần áo để tạ tội, ở đây dịch thoát.
[3] Thiền định: ngồi yên lặng, chuyên tâm vào một chỗ, suy ngẫm lẽ nhiệm mầu.
[4] La Hán : cũng tức là Arhat, tên một nhà sư đi xin ăn (tì khưu) đắc đạo. Địa vị dưới Bồ Tát (Bodhisatha).
[5] Ni đồ: đám sư nữ.
[6] Hồng Vũ: niên hiệu của Minh Thái Tổ (1368-1398), tên thực là Chu Nguyên Chương.
[7] Chỉ Trần Nghệ Tông.
[8] Chỗ này trong nguyên bản mất một chữ, tạm thay bằng chữ “tới”. [9] Nhập định: ngồi yên màtưởng niệm.
[10] Chết.
[11] Xálị: chỉ những mẩu xương còn lại sau khi hỏatáng.
17
Vì Cảm Động Mà Đi Bộ
(Cảm Kích Đồ Hành)
Cháu của Trần Thái Vương[1]tên Đạo Tái, hiệu Văn Túc, là đồ đệ của Nhân Vương[2]. Từ nhỏ có tài danh, mười bốn tuổi xin vào trường thi, liền đỗ Giáp khoa[3]. Nhân Vương rất mực quý trọng, có ý đưa làm quan to, không may chết sớm, nên chưa kịp làm chức Tể tướng. Nhân Vương xuất gia tu hành khắc khổ. Văn Túc từ đấy đi bộ và nói:
- Đấng Chí thượng[4] đi chân đất khắp núi sông, ta đã không thể đi theo, còn có lòng nào màlên xe[5] xuống ngựa?
Suốt đời không đổi. Một hôm Nhân Vương về thành, Văn Túc đến chào. Vua bảo cung trù[6] dọn những thứ hải vị cho ăn, cười nói hết sức vui vẻ. Vua ứng khẩu rằng:
Hồng nhuận bác quy cước,
Hoàng hương chá mã an.
Sơn tăng trì tĩnh giới,
Đồng tọa bất đồng xan.
Nghĩalà:
Quy cước[7] bóc đỏ thắm,
Mãan[8] nước vàng thơm.
Sơn tăng gìn trai giới,
Cùng ngồi, chẳng cùng ăn.
Xem vuatôi anh em tương đắc như vậy, thật đáng cảm động[9]. ----------------
[1] Chỉ Trần Thái Tông.
[2] Chỉ Trần Thái Tông. Đạo Tái là con của Trần Quang Khải; đứng vào hàng con chú con bác với Trần Nhân Tông (về ngôi thứ, Đạo Tái gọi Trần Nhân Tông bằng anh).
[3] Giáp khoa: khoa mục cao nhất, khó nhất trong kỳ thi.
[4] Chí thượng: đây làchỉ nhà vua.
[5] Xe: nguyên văn chữ Hán là “trác” (cái bàn), rõ ràng là viết sai. Theo mạch văn, phải là “xa” (cái xe).
[6] Cung trù: nhà bếp trong cùng đình.
[7] Quy cước: một giống trai ở biển, dùng làm món ăn.
[8] Mãan: cũng dùng làm món ăn, nhưng chưarõ làloại gì.
[9] Theo ĐVSKTT, thì bốn câu thơ trên là làm vào lúc Thượng hoàng Trần Nhân Tông sắp sửa xuất gia (chứ không phải sau khi xuất gia). Chữ thứ hai câu thơ đều chép là “thấp” (chứ không phải là “nhuận”. Xem ĐVSKTT; Bản kỷ; Quyển VI; Kỷ nhà Trần).
18
Thơ Điệp Tự
(Điệp Tự Thi Cách)
Đời vua thứ hai của nhà Trần là Thánh Vương[1] khi đã truyền ngôi cho Thế tử[2] xong, những năm cuối đời rất nhàn hạ. Gặp dịp về thăm quê cũ ở Thiên Trường[3], có là bài thơ rằng:
Cảnh thanh u vật diệc thanh u,
Nhất thập tiêu châu thử nhất châu.
Bách bộ sênh ca cầm bách thiệt,
Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu.
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự,
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.
Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh,
Kim niên du thắng cựu niên du.
Nghĩalà:
Cảnh thanh u, vật cũng thanh u,
Một chục tiên châu, đây một châu.
Trăm bộ sênh ca, chim trăm giọng,
Nghìn hàng tôi tớ, quất nghìn cây.
Trăng vô sự chiếu người vô sự,
Nước đượm thu lồng trời đượm thu.
Bốn biển đãtrong, bụi đãsạch,
Cuộc đi chơi năm nay hơn cuộc đi chơi năm xưa.
Bài thơ này làm ra, chắc là sau khi trải qua hai lần chinh chiến với quân Nguyên, trong nước yên vui, cho nên ý câu kết mới như vậy. Bài thơ cấu tứ thanh cao, những chữ láy gây nhiều âm hưởng, không phải người già dặn về thơ, làm sao có thể đạt được như thế. Huống hồ bản tính thanh cao, vốn dòng phú quý, phong vị của quốc quân với người thường vẫn là khác nhau.
--------------------
[1] Chỉ Trần Thánh Tông.
[2] Chỉ Trần Nhân Tông.
[3] Thiên Trường: quê hương nhà Trần.
19
Ý Thơ Tươi Mới
(Thi Ý Thanh Tân)
Trúc Lâm đại sĩ[1] có Thơ vịnh mai rằng:
Ngũ xuất viên ba kim niến tu,
San hô trầm ảnh hải lân phù.
Cá tam dông bạch chi tiền diện,
Thử nhất biện hương xuân thượng đầu.
Cam lộ dục ngưng si điệp tỉnh,
Dạ quang như thủy khát cầm sầu.
Hằng Nga nhược thức hoa giai sứ,
Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu.
Nghĩalà:
Năm cánh tròn xòe ra vuốt chòm râu vàng,
Bóng san hô chìm, vảy cá bể nổi.
Batháng mùa đông, trắng muốt phíatrước cành,
Một cánh hoathơm ngát buổi đầu xuân.
Hạt cam lộ sắp ngưng, chiếc bướm si choàng tỉnh,
Ánh trăng đêm như nước, con chim khát chạnh sầu,
Ả Hằng Nga[2] ví biết cái đẹp của hoa.
Thì cũng đến bỏ vầng thiềm [3] giálạnh và bóng quế[4] mát rợp. Cái tươi mới, chắc khỏe ở đây vượt xa khuôn khổ người thường. Vị quốc quân nghìn xe[5] mà hứng cảm như vậy, ai bảo là người ta khi cùng khổ thì thơ mới hay? Lại có hai bài tuyệt cú Sơn phòng mạn hứng rằng:
Thủy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.
Nghĩalà:
Nào ai trói buộc, việc gì phải tìm giải thoát,
Đãlà người bất phàm, thì việc gì còn phải đi tìm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa nhọc, thì người phải già[6].
Vẫn một giường thiền chốn am mây.
* * * * *
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch mịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
Nghĩalà:
Chuyện thị phi rơi dần cùng hoa buổi sáng,
Lòng danh lợi lạnh ngắt với giọt mưa đêm.
Hoatàn, mưatạnh, núi non tịch mịch,
Một tiếng chim kêu, lại một mùa xuân sắp hết.
Ở đây có cái trong trẻo tuyệt vời, một màu bát ngát, tình thơ thanh thoát, ý thú siêu thuần. Có tập Đại hương hải ấn gồm rất nhiều bài thơ hay, đáng tiếc ở nước ấy gặp binh lửa, không được lưu truyền, tôi chỉ nhớ được một đôi bài mà thôi. Ôi, đáng tiếc thay!
----------------
[1] Trúc Lâm đại sĩ: Chỉ Trần Nhân Tông, làm vua được 14 năm (1279-1293) thì nhường ngôi cho con là Anh Tông, sau đó đi tu ở núi Yên Tử, đạo hiệu là “Trúc Lâm Đầu Đà”, tự hiệu là “Trúc lâm đại sĩ”, là người khai sáng ra phái Trúc Lâm trong đạo Phật Việt Nam.
[2] Hằng Nga: tương truyền Hậu Nghệ xin được thuốc trường sinh ở Tây Vương Mẫu, Hằng Ngalấy cắp rồi chạy lên trăng.
[3] Thiềm: tương truyền trong trăng có con thiềm thừ (tức con cóc), cho nên gọi mặt trăng là “thiềm” hay “cung thiềm”.
[4] Quế: tương truyền trong trăng có cây quế, nên cũng gọi mặt trăng là “cung quế” hay “vừng quế”.
[5] Nghìn xe: (thiên thặng): nghìn cỗ binh xa. Theo chế độ nhà Chu, Thiên tứ có một vạn cỗ binh xa, Chư hầu có một nghìn cỗ binh xa.
[6] Dương Tu từng nói: “Không phải thơ làm cho người ta cùng khổ, nhưng có lẽ người ta gặp phải vận cùng thì thơ mới hay”.
20
Sống Ngay Thẳng, Chết Yên Lành
(Trung Trực Thiện Chung)
Phạm Ngộ, Phạm Mại nguyên họ Chúc, người ở Lỵ Nhân[1], nước Giao Chỉ. Anh tên Kiên, em tên Cố[2], đều đậu cao khi còn ít tuổi, lừng lẫy tài danh. Khoảng năm Chí Chính[3], ra làm quan dưới triều Trần Minh Vương[4], trải qua những chức quan trọng. Vua cho rằng họ Chúc từ xưa không có người hiển đạt, bèn đổi Chúc Kiên thành Phạm Ngộ, Chúc Cố thành Phạm Mại.
Bấy giờ Vương thúc làm Thượng tể[5] nắm quyền bính trong nước, không né tránh sự hiềm nghi, lại có xích mích với Tể chấp[6]. Bỗng có kẻ thù hằn dựng ra chuyện cấp biến tâu lên trên để vu cáo Thượng tể. Tướng quốc kéo trăm quan cùng đàn hặc, kiến nghị ghép vào tội tử hình, riêng Phạm Mại làm Ngự sử trung thừa cố xin từ từ xét xử và thận trọng trong việc hình. Lúc này Thượng tể đã bị bắt, bọn gia thần liêu thuộc cùng thân thích, tôi tớ đều bị tống giam và giết chóc rất nhiều. Mại liên tiếp dâng sớ can ngăn, đương diện bẻ lại pháp ty, biện luận phân tích sự oan khuất, cố sức tranh cãi không thôi trước cơn thịnh nộ của vua. Vương thúc đã bị giam chết. Sau đó, được bằng chứng đích thực về sự vu cáo, kẻ gian bị bắt giam, vua rất thẹn và sợ, truy tặng cho Thúc phụ[7] hết sức hậu[8]. Bèn ban cho Mại bài thơ rằng:
Ô đài cửu hĩ cấm vô thanh,
Chỉnh đốn triều cương sự phỉ khinh.
Điện thượng ngang tàng ưng hổ khí,
Nam nhi đáo thử thị công danh.
Nghĩalà:
Đãlâu rồi, chôn đài ô câm bặt tiếng,
Chỉnh đốn triều cương không phải chuyện dễ,
Trên cung điện, tỏ chí khí ngang tàng như ưng, hổ,
Kẻ làm trai được như thế mới làcông danh.
Tiếp đó, chuyển làm Tham tri chính sự. Nhiều năm trong Chính phủ Phạm
Mại có tiếng tăm. Một hôm ốm nhẹ, ông cầm bút đề thơ rằng: Tự tòng trích lạc hạ nhân gian,
Lục thập dư niên nhất thuấn khan.
Bạch Ngọc lâu tiền thu dạ nguyệt,
Triều chân y cựu bạng lan can.
Nghĩalà:
Từ khi bị đày đọa xuống cõi trần,
Hơn sáu mươi năm coi như một nháy mắt.
Dưới trăng đêm thu, trước lầu Bạch Ngọc,
Đến chầu trời, talại dựa vào lan can như cũ.
Đề thơ xong, ông vứt bút mà qua đời. Có Kính Khê thi tập lưu hành ở đời. Ngộ cũng là người liêm chính, giỏi văn, tên tuổi ngang với em. Làm quan đến chức Thẩm hình viện sứ thì mất.
-------------------
[1] Lỵ Nhân: đời Trần có huyện Lỵ Nhân thuộc châu Lỵ Nhân, tương đương với một phần lớn tỉnh Hà Nam ở đời sau; huyện Lỵ Nhân có thể kề sát với huyện Nam Xương và Duy Tiên ở đời sau.
[2] Theo ĐVSKTT, thì anh (Phạm Mại) tên là Cố, em (Phạm Ngộ) tên là Kiên (Xem ĐVSKTT; Bản kỷ; Quyển VI; Kỷ nhà Trần).
[3] Chí Chính: niên hiệu cuối cùng của Nguyên Thuận Đế, từ 1314 đến 1368. [4] Chỉ Trần Minh Tông (1314-1329). Ở đây tác giả đã nhầm lẫn. Triều Trần Minh Tông tương đương với các niên hiệu Diên Hựu (1314-1320), Chí Trị (1321- 1323), Thái Định (1324-1327) và Thiên Lịch (1328-1329) của nhà Nguyên, nghĩa là trước niên hiệu Chí Chính khálâu.
[5] Thượng tể: tên gọi chức Tể tướng; đây chỉ Huệ Võ Vương Quốc Chẩn, chasinh ra Hiển Từ Tuyên Thánh hoàng hậu (vợ chính của Trần Minh Tông). [6] Tể chấp: ở đây có lẽ chỉ Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con của Tá thánh Thái sư Trần Nhật Duật.
[7] Thúc phụ: chú của vua, đây chỉ Quốc Chuẩn.
[8] Về việc này, ĐVSKTT chép như sau: “Khi ấy vua ở ngôi đã 15 năm, tuổi đã cao mà chưa lập Thái tử, cha sinh ra Hoàng hậu là Quốc Chẩn chủ trương nên đợi Hoàng hậu sinh ra con đích sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con của Tá thánh Thái sư Trần Nhật Duật (có sách chép là em của Nhật Duật) muốn đánh đổ Hoàng hậu mà lập Hoàng tử Vượng, mới đút lót 300 lạng vàng
cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bào Phẫu vu cáo cho Quốc Chẩn về việc mưu phản. Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc, rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng với mẹ sinh ra Hoàng tử Vượng đều là người ở Giáp Sơn, mà lại từng dạy Vượng học, cho nên vào hùa với Văn Hiến, mới trả lời rằng: ‘Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó’. Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậu lấy áo tẩm nước cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Bắt đồng đảng hơn 100 người. Mỗi khi xét hỏi, người bị xét phần nhiều kêu oan. Vài năm sau, gặp khi vợ cả vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem việc Văn Hiến đút lót vàng tâu lên cho vua biết. Việc giao xuống cho ngục quan xét. Lê Duy là người cương trực, đem xét hỏi ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị tội lăng trì. Gia nô của Thiệu (không rõ tên) là em trai của Quốc Chẩn ăn sống hết cả thịt của Phẫu, Văn Hiến được miễn tội chết, giáng làm thứ nhân, xóatên trong sổ”.
21
Thơ Hết Lòng Khuyên Can
(Thi Phúng Trung Gián)
Vào khoảng năm Chí Chính[1], Trần Nguyên Đán ở Giao Chỉ là người thuộc tông thất nhà Trần[2]ra làm quan với Dụ Vương[3], giữ chức Ngự sử đại phu. Vua không siêng chăm việc nước, bọn quyền thần làm nhiều điều phi pháp, Nguyên Đán luôn can ngăn, nhưng không chịu tiếp thu. Đến khi Dụ Vương mất, cháu là Hôn Đức[4] kế lập, thời sự lại càng tồi tệ. Nguyên Đán dâng thư lên, nhưng trên không trả lời, bèn xin thôi quan mà về. Có gửi cho bạn bè cùng làm quan trong đài Ngự sử bài thơ rằng:
Đài đoan nhất khứ tiện thiên nhai,
Hồi thủ thương tâm sự sự vi.
Cửu mạch trần ai nhân dị lão,
Ngủ Hổ phong vũ khách tư quy.
Nho phong bất chấn hồi vô lực,
Quốc thế như huyền khứ diệc phi.
Kim cổ hưng vong chân khả giám,
Chư công hà nhẫn gián thư hi.
Nghĩalà:
Kẻ làm việc ở đài Ngụ sử một khi ra đi làtận chân trời,
Ngoảnh đầu lại, đau lòng thấy việc gì cũng trái mắt.
Bụi bặm Kinh thành làm cho người dễ già,
Mưa gió chốn Ngũ Hồ[5] xui khách muốn về ẩn.
Nho phong không xốc nổi, trở lại cũng bất lực,
Thế nước như treo, ra đi cũng làsai.
Sự hưng phế xưa nay thật có thể làm gương,
Các ông sao nỡ ít đưathư can ngăn đến vậy!
Về sau, khi cung đình dấy nạn[6], Nguyên Đán chạy theo Nghệ Vương. Vua lên ngôi, lấy Nguyên Đán làm Tư đồ Bình chương sự. Ở ngôi Tể tướng nhiều năm rồi mất.
Ông là người thông hiểu lịch pháp, từng làm ra sách Bách thế thông kỷ, trên khảo từ năm Giáp Thìn thời Nghiêu, dưới tới Tống, Nguyên; nhật thực nguyệt thực, triền độ các vì sao đều phù hợp với sách cổ; phụng đạo tinh luyện, cầu mưa có ứng nghiệm. Tự lấy hiệu là Băng Hồ Tử.
-----------------
[1] Chí Chính: niên hiệu cuối cùng của Nguyên Thuận Đế (1314-1368). [2] Trần Nguyên Đán làtằng tôn của Trần Quang Khải (1241-1294). [3] Dụ Vương: chỉ Trần Dụ Tông (1341-1369)
[4] Chỉ Dương Nhật Lễ.
[5] Ngũ Hồ: một thắng cảnh, nằm trong địa phận hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang.
[6] Chỉ việc cha con Nguyên Trác và hai con của Công chúa Nguyên Ninh mưu giết Dương Nhật Lễ không thành, bị Dương Nhật Lễ quật lại.
22
Thơ Dùng Câu Hay Của Người Xưa
(Thi Dụng Tiền Nhân Cảnh Cú)
Trong tông thất nhà Trần có một người hiệu Sầm Lâu[1], từ mười mấy tuổi đã hay thơ, đến hai mươi bảy tuổi thì mất[2]. Có tác phẩm Sầm Lâu tập lưu hành ở đời. Mộ trên bờ sông Ô Diên[3].
Nguyễn Trung Ngạn hiệu Giới Hiên[4] cũng có tiếng về thơ, nhưng không kịp quen biết Sầm Lâu. Khi qua Ô Diên, có bài thơ truy điếu rằng: Bình sinh hận bất thức Sầm Lâu,
Nhất độc di biên nhất điểm đầu.
“Soa lạp Ngũ Hồ vinh bội ấn,
Tang ma sổ mẫu thắng phong hầu”.
Thế gian thử ngữ thùy năng đạo,
Vạn cổ tư văn khứ hĩ hưu.
Dục loại tao hồn hà xứ thị?
Yên ba vạn khoảnh sử nhân sầu!
Nghĩalà:
Bình sinh ân hận không được biết Sầm Lâu,
Nay mỗi lần đọc thơ còn lưu lại là một lần gật đầu thán phục.
“Tơi nón Ngũ Hồ[5] vinh hơn mang ấn tín,
Dâu gai mấy mẫu thắng cả được phong hầu[6]”.
Lời ấy thế gian ai nói nổi,
Văn này muôn thuở quarồi thôi!
Muốn rót chén rượu tế hồn thơ, nhưng biết là đâu tá?
Khói sóng muôn khoảnh làm cho người nhớ sầu!
Hai câu đối “Tơi nón Ngũ Hồ...” nguyên làcâu thơ của Sầm Lâu. -----------------
[1] Sầm Lâu: tên thực là Trần Toại hay Trần Quốc Toại được phong tước Uy Văn vương (theo ĐVSKTT).
[2] Theo ĐVSKTT, Trần Toại chết vào năm vào 24 tuổi.
[3] Sông Ô Diên, nay là đoạn từ sông Hồng tiếp sang sông Đuống. [4] Người làng Thố Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh năm 1289, mất năm 1370.
[5] Ngũ Hồ: chỉ năm hồ thuộc vùng Hồ Động Đình, Trung Quốc. [6] Trong nguyên văn chữ Hán ở ĐVSKTT, chữ thứ ba và thứ tư câu thơ này chép là “tế dã” nghĩalà “rợp đồng”.
23
Thơ Nói Lên Lòng Tự Phụ
(Thi Ngôn Tự Phụ)
Nguyễn Trung Ngạn[1]sớm có tài danh, rất tự phụ. Từng có thơ trường thiên, đại khái rằng:
Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí,
Mậu linh dĩ hữu thôn ngưu chí.
Nghĩalà:
Ngài Giới Hiên đáng tài lang miếu[2],
Tuổi thanh niên đãcó chí nuốt trâu.
Tuổi mới mười hai, trong tôn thất nhà Trần có người hiệu là Ái Sơn rất ham đọc sách, học thơ; đặc biệt thích phong tình, hay ngâm những bài thơ ngắn, thỉnh thoảng có câu thơ đẹp. Từng có câu thơ rằng:
Bảo đỉnh hương tiêu trầm thủy yên,
Bích sa xuân trướng bạc như thiền.
Động chương ngâm bãi sầu thành hải,
Nhân tại lan can nguyệt tại thiên.
Nghĩalà:
Khói tràm trong đỉnh hương báu đãtiêu tan hết,
Màn xuân bằng the biếc mỏng tựacánh ve.
Vần thơ thâm thúy ngâm xong, sầu thành biển.
Người cạnh lan can, trăng trên trời.
Lại có thơ rằng:
Song bạn hương vân ám bích sa,
Bình phân ngọ thụy bất cầm trà.
Tương tư tại vong đăng lâu khiếp,
Nhất thụ thủy miên hồng tận hoa.
Nghĩalà:
Mây thơm bên song phủ mờ màn the biếc,
Bình thường ngủ trưa dậy chẳng kiêng chè,
Đang khi trông nhớ nhau, sơ bước lên lầu,
Cả một cây gạo[3] nở đầy hoa đỏ.
--------------------
[1] Ông nổi tiếng thần đồng, 16 tuổi đã đỗ Hoàng giáp.
[2] Ý nói tài năng vào bậc đáng làm quan to ở triều đình.
[3] Nguyên văn chữ Hán là thủy miên, một loại rong, không ăn khớp với chữ thụ (cây thân gỗ) phía trước. Vậy thủy miên đúng ra phải là mộc miên (cây gạo), chữ thủy và chữ mộc tự dạng giống nhau nên nhầm lẫn. Chúng tôi dịch chữalại.
24
Thơ Rượu Kinh Người
(Thi Tửu Kinh Nhân)
Hồ Tông Thốc[1] người Diễn Châu[2]thi đỗ từ hồi còn trẻ, rất có tài danh. Mới đầu chưa nổi tiếng lắm. Nhân tiết Nguyên tiêu[3], có đạo nhân Pháp quan họ Lê giăng đèn mở tiệc để rước khách văn chương. Hồ Tông Thốc nhận giấy mời đề thơ. Trong một đêm, ngay trên tiệc làm trăm bài thơ, uống trăm chén rượu, mọi người đều xúm nhìn thán phục, không ai địch nổi. Từ đó danh lừng chốn Kinh đô. Về sau dùng tài văn học làm thầy thợ cho người. Thờ Trần Nghệ Vương[4], quan đến chức Hàn lâm học sĩ, Thừa chỉ kiêm thẩm hình viện sứ, thơ vàrượu không ngày nào vắng. Tuổi ngoài tám mươi, mất tại nhà.
-----------------
[1] Hồ Tông Thốc: chưa rõ sinh và mất năm nào. Đậu Trạng nguyên vào đời Trần Nghệ Tông (1320-1373).
[2] Diễn Châu: đây chỉ phủ Diễn Châu, nay là Dương Khê Thượng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Chỗ này tác giả nhớ nhầm. Đúng ra Hồ Tông Thốc người huyện Yên Thành, Nghệ An, sau dời đến huyện Đường Hào, Hải Dương. [3] Nguyên tiêu: rằm tháng Giêng âm lịch.
[4] Chỉ Trần Nghệ Tông.
25
Điểm thơ để phúc về sau
(Thi Triệu Dư Khánh)
Ông ngoại tổ phụ của cha Trừng[1]là Nguyễn Công, húy Thánh Huấn. Nguyễn Công thờ Trần Nhân Vương[2], làm chức Trung thư thị lang[3]. Tính rất nhân hậu. Từ lúc còn trẻ đã thi đỗ cao, hay thơ bậc nhất, đương thời không ai địch nổi, người đời sau gọi là thi tổ ở Phương nam. Từng có bài thơ Điền viên mạn hứng, trong có hai câu đối nhau rằng:
Sào điểu ký lâm hưu phạt mộc,
Nghị phong tại địa vị canh điền.
Nghĩalà:
Tổ chim đã gửi trên ngàn, gỗ thôi đừng chặt.
Ổ kiến đang làm dưới đất, ruộng chưa vội cày.
Thức giả khen là nhân ái đến cả loài vật, ắt để phúc cho con cháu. Sau đó Nguyễn Công gả con gái cho tằng tổ của tôi, tức là mẹ của ông tôi và bà thứ phi của Trần Minh Vương[4]. Bà Phi đã sinh ra Nghệ Vương[5]. Lúc bà mất, tổ tiên được phong tặng theo điển lệ “Tôn vinh môn phiệt”, cái phúc đương thịnh ấy quả đúng như lời thức giả đã nói, điều này đã thể hiện trong những câu thơ như trên chăng? Cho đến cháu ngoại bốn đời như Trừng ngày nay, ra tự hang sâu, dời đến cây cao[6], một khúc rãnh thừa cũng làm thành vật có ích, há chẳng phải do phúc trạch của tổ tiên chưa dứt, mới được sống gặp triều thánh[7], tắm gội nhân Nghiêu, màcó chuyện kỳ ngộ này ư?
-------------------
[1] Trừng: chỉ Hồ Nguyên Trừng, tác giảtự xưng.
[2] Chỉ Trần Nhân Tông (1279-1293).
[3] Theo ĐVSKTT, vào năm 1274, Trần Thánh Tông bổ nhiệm Nguyễn Thánh Huấn sung Nội thị học sĩ.
[4] Chỉ Trần Minh Tông (1314-1329).
[5] Chỉ Trần Nghệ Tông (1370-1372).
[6] Ra tự hang sâu, dời đến cây cao (xuất tự u cốc, thiên vu kiều mộc): hai câu thơ trong bài Phạt mộc ở phần Tiểu nhãtrong Kinh Thi.
[7] Chỉ triều nhà Minh.
26
Thơ Xứng Chức Tể Tướng
(Thi Xứng Tướng Chức)
Trần Nghệ Vương[1] khi mới làm Tể tướng, có bài thơ Tống Nguyên sứ (Tiễn sứ nhà Nguyên) rằng:
An Nam lão tướng bất năng thi,
Không bả kim tôn tống khách quy.
Viên Tản sơn cao Lô thủy bích,
Dao chiêm ngọc tiết ngũ vân phi.
Nghĩalà:
Lão Tể tướng nước An Nam không thạo làm thơ,
Ngồi suông trước chén vàng tiễn khách ra về.
Núi Tản Viên cao, dòng Lô Thủy biếc,
Vời trông theo cờ sứ bay vào trăm thức mây[2].
Người em của Nghệ Vương là Cung Tín[3]tính thanh nhã, thích thi họa, sau làm chức Hữu tướng quốc, cũng có bài thơ Tầm u rằng:
Kiều thất bát trùng hồng uyển chuyển,
Thủy đông tây chiết lục oanh hồi.
Bất nhân khán thạch tầm mai khứ,
An đắc thăng bình Tể tướng lai.
Nghĩalà:
Cầu bảy tám lớp như chiếc mống cong cong,
Nước đông tây gấp khúc, màu xanh uốn lượn.
Không vì đi tìm mai, ngắm đá,
Thì Tể tướng đâu có dịp nhân thái bình đến thăm chốn này[4]. -----------------
[1] Chỉ Trần Nghệ Tông (1370-1372).
[2] Theo ĐVSKTT, thì Trần Nghệ Tông làm bài thơ này vào dịp tiễn sứ nhà Minh (chứ không phải sứ nhà Nguyên) tên là Ngưu Lượng về nước. Lúc này Nghệ Tông đang làm chức Hữu tướng quốc. Bài thơ chép có một số chỗ hơi
khác:
An Nam Tể tướng bất năng thi,
Không bảtràâu tống khách quy.
Viên Tản sơn thanh, Lô thủy bích,
Tùy phong trực nhập ngũ vân phi.
(Tể tướng nước An Nam không thạo làm thơ.
Bưng âu tràsuông tiễn khách ra về.
Núi Tản Viên xanh, dòng Lô Thủy biếc,
Theo gió bay thẳng vào năm thức mây).
[3] Tức Cung Tín Vưdng, tên thật là Trần Thiên Trạch.
[4] Theo Toàn Việt thi lục, thì bài thơ này vốn có đầu đề là Đề Phạm Ngũ Lão điện súy giatrang.
27
Thơ Viết Sự Nghiệp Giúp Vua[1]
(Thi Thán Trí Quân)
Quân Tư đồ Băng Hồ[2] có bài thơ Đề Huyền Thiên quán rằng: Bạch nhật thăng thiên dị,
Trí quân Nghiêu Thuấn nan.
Trần ai lục thập tải,
Hồi thủ quý hoàng quan.
Nghĩalà:
Ban ngày lên trời là việc dễ,
Làm cho vuatrở nên Nghiêu, Thuấn là việc khó.
Sống ở cõi trần đãsáu mươi năm,
Ngoảnh đầu lại, thấy xấu hổ với người đạo sĩ[3].
Có lẽ khi còn làm Tể tướng, thấy mình không có công trạng gì, mới thốt ra lời than như vậy, đó cũng là do ưu ái trong lòng, mối tình quy trung hậu, đó là chỗ khảthủ củathi nhân chăng?
--------------------
[1] Sách Luận ngữ có câu: Sự quân năng trí kỳ thân (thờ vua thì dâng cả cái thân của mình). Sách Mạnh Tử cũng có câu: Trí quân Nghiêu, Thuấn (giúp cho vua được như Nghiêu, Thuấn).
[2] Băng Hồ: hiệu của Trần Nguyên Đán (1320-1390).
[3] Văn Tín Công đời Tống nói: “Tôi không giúp gì được vua cứu nạn nước để về làng hưởng chữ nhàn, thật xấu hổ với người đạo sĩ”.
28
Khách Quý Vui Vẻ Với Nhau
(Quý Khách Tương Hoan)
Quân đầu[1] Mạc Ký, người Đông Triều, xuất thân quân ngũ, rất thích thơ, vào khoảng năm Nguyên Thống[2], tiễn đưa sứ nhà Nguyên là Hoàng Thường. Thường cũng là người thích thơ. Mười ngày đi trên sông cùng nhau xướng họa, có nhiều câu thơ hay. Hoàng Thường rất thích. Đến biên giới có làm thơ lưu biệt như sau:
Giang ngạn mai hoa chính bạch,
Thuyền đầu tế vũ tà phi.
Hành khách tam đông Bắc khứ,
Tướng quân nhất trạo Nam quy.
Nghĩalà:
Ven sông hoa mai nở trắng,
Đầu thuyền mưa bụi lây rây.
Cuối đông khách về phương Bắc,
Một chèo ngài trở lại Nam.
---------------
[1] Quân đầu: một chức trong quân đội thời nhà Trần.
[2] Nguyên Thống: niên hiệu của Nguyên Thuận Đế (1333-1334).
"""