" Mussolini Lãnh Tụ Phát Xít - Vũ Tài Lục PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mussolini Lãnh Tụ Phát Xít - Vũ Tài Lục PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo LỜI DẪN Ngày 28 tháng 10 năm 1942, giữa lúc chiến tranh đến hồi gay gắt nhất, Adolf Hitler đã gửi điện văn chào mừng ngày kỷ niệm 20 năm cuộc Tiến Về Thành Rome (La Marche Sur Rome) đưa Benito Mussolini, lãnh tụ đảng Phát Xít lên nắm chính quyền nước Ý. Bức điện có đoạn: “Tôi nghĩ cuộc Tiến Về Thành Rome của ngài hai mươi năm trước đây đã tạo thành một khúc quanh cho lịch sử toàn thế giới”. Quả như vậy, thành công của Mussolini kéo theo thành công của Hitler tại nước Đức để giải quyết một tình trạng khủng hoảng chính trị tương tự, Đệ Nhị Thế Chiến bắt đầu từ đây và tạo thành khúc quanh lịch sử toàn thế giới. Sau 1945, chiến tranh kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của những nước dưới chế độ Phát Xít thì danh từ “Phát Xít" chỉ còn là danh từ ghi trong sử sách, hoạt động Phát Xít tê liệt. Nhưng thời gian không kéo dài bao lâu, thế giới lại chịu những cơn khủng hoảng mới. Danh từ ”Phát Xít" lại sống dậy trong các cuộc tranh luận chính trị, phe tả lớn tiếng gọi De Gaulle là bọn Phát Xít. Nhiều nơi các tổ chức Phát Xít âm thầm tái phục hoạt động. Chủ Nghĩa Phát Xít được kể như một chủ lưu tư tưởng cho chính sách lập quốc tại các quốc gia mới. Trên sách báo, tạp chí các câu hỏi đặt ra: “Le fascism est il actuel? Is fascism still a threat?”. Ở Tây Ban Nha, người ta đang lo ngại về cái chết của ông tướng Phát Xít Franco sẽ đưa đến những khủng hoảng trầm trọng cho xứ sở này. Ở Argentina, một lần nữa, lực lượng Phát Xít Peron trở lại chính quyền. Theo giáo sư Ebenstein, bên cạnh Chủ Nghĩa Tư Bản, Chủ Nghĩa Cộng Sản, Chủ Nghĩa Xã Hội vẫn phải kể đến Chủ Nghĩa Phát Xít hiện đang lãnh đạo chính trị thế giới ngày nay. Nói đến Chủ Nghĩa Phát Xít thì phải nói luôn đến con người lãnh tụ, bởi vì tối cao nguyên tắc của chủ nghĩa này là “leader pringciple” người ấy là Benito Mussolini. Trên tư tưởng ta có thể thấy Chủ Nghĩa Phát Xít ở George Sorel, ở Charles Mauras là những tiền nhân của Mussolini. Nhưng Mussolini lại là người đầu tiên hành động và thực hiện Chính Trị Phát Xít. PHẦN I NHỮNG THÁNG NĂM CHO SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA MỘT ĐẦU ÓC CHÍNH TRỊ MỘT LỌ MỰC NÉM VÀO MẶT THẦY Tại một thôn xóm tồi tàn Predappio của vùng Romagne nghèo khổ, ngày 29-07-1883 một đứa trẻ kháu khỉnh và khỏe mạnh chào đời. Cha của nó là Alessamdro, bác thợ rèn quen thuộc của dân chúng về phương diện nghề nghiệp cũng như về chuyện la cà nhậu nhẹt, tán gái, nhất là về quan điểm chính trị vô chính phủ ưa tranh luận thích nổi loạn. Mẹ nó là một giáo viên hiền lành, ngoan đạo và thầm lặng. Để tưởng niệm nhà cách mạng Mexico, Benito Juarez, cha nó lấy ngay chữ Benito mà đặt cho đứa con trai đầu lòng của mình. Do đó, đứa trẻ được mang cái tên định mệnh Benito Mussolini. Gia đình bác thợ rèn sinh sống thật khó khăn cực nhọc. Bữa cơm chiều bao giờ cũng chỉ có một món súp làm bằng bột ngô gọi là món “polenta” nấu với nước lã. Đĩa thịt rất xa lạ trên bàn ăn của họ. Đó cũng là tình trạng chung cho hầu hết dân cùng khốn ở vùng này. Alessamdro rỏ mồ hôi đổi lấy đồng công rẻ mạt. Rosa Maltoni, mẹ Benito, với đôi mắt sâu và buồn, phải làm việc suốt ngày, mang đồng lương về giúp chồng. Khốn nỗi học trò mỗi lúc một thưa thớt vì không ai muốn giao phó con cái cho vợ chồng “thằng cha phản loạn” dạy dỗ, chúng sẽ trở lên hư đốn, sẽ không chịu đi kiếm ăn nuôi thân, tư tưởng phản loạn có thể đầu độc tâm não chúng. Thêm vào đấy là sự hạch hỏi hậm họe gây khó dễ của bọn chức dịch. Bà Rosa thường than thở với những người thương xót mình: “Các chị chắc chưa rõ nỗi lo, nỗi buồn, nỗi vất vả đêm ngày của tôi kiếm cơm nuôi trẻ để phải cắn răng chịu đựng lời xỉ vả từ bọn người chẳng thèm biết đến sự cố gắng của kẻ đem công lao ra kiếm sống”. Ngay từ lúc năm sáu tuổi, Benito đã nổi tiếng là một đứa trẻ ngỗ nghịch, ưa gây gổ đánh nhau, trẻ các làng đều kiêng dè. Như trong tự truyện, Mussolini viết: “Cách đây 25 năm, tôi là thằng bé hết sức hung bạo và kiêu ngạo. Có nhiều bạn bè đồng chí hiện vẫn còn mang thẹo trên mặt do những cục đá của tôi ném hoặc tôi đập gây nên. Suốt ngày tôi lang thang la cà dọc bờ sông ăn cắp trái cây, ổ trứng. Chỉ lúc nào theo mẹ đi lễ nhà thờ tôi mới hiền lành được đôi chút”. Benito thương mẹ lắm. Đi học Benito thường gặp bao nhiêu bất công của nhà trường đối với kẻ nghèo người giầu. Bởi vậy, Benito càng trở nên hung dữ hơn. Mỗi lần định về than thở với mẹ thì lại nhìn thấy hình dáng võ vàng của bà, nó lại thôi và chỉ nói vắn tắt như muốn an ủi mẹ: “Một ngày kia nước Ý sẽ biết tay con” (Un jour l’Italie me craindra). Rồi bao việc “tày đình” xẩy ra, thằng bé mất dạy đã ném cả một lọ mực vào mặt thầy giáo, đâm vào đùi thằng bạn cùng lớp bị thương, nó bỏ trốn, bị bắt đưa ra hội đồng kỷ luật. Cuối cùng, Benito mất học bổng, đành phải thôi học. Tuy nhiên, cả thầy giáo và bạn bè đều công nhận Benito là một tên học trò xuất sắc trong lớp. Buổi tối, Benito thường ngồi dưới chân cha lắng nghe ông đọc những tờ báo đấu tranh thời đó như nhật báo “Lotta” và “Rivendicazione”. Đọc khúc nào có vẻ dữ dội, Alessandro hay nhắc đi nhắc lại những câu chính rồi cười thích thú đưa rượu lên để uống thưởng lãm. Ông khoái nhất cái câu: “Xã hội và công lý của tư sản là những tòa nhà quái gở sắp sụp đổ” (Lasocieté, la justice bourgeiose sont des ésdifices monstrueux et croulants). Lêu lổng vài năm, khi gia đình dư dả chút tiền Benito liền được gửi tới Forlimpopoli ở nội trú trong một trường “college”. Nhưng không quá năm tuần lễ, ông giám đốc nội trú đã phải mời “thằng du đãng” ra ngoài trọ, vì nó phá phách quá. Thời đó đi học “college” là cả một đặc ân cho con nhà nghèo. Miền Nam nước Ý còn đến 80% người thất học, còm cõi ở nơi đất cằn cỗi với đói lạnh bệnh tật. Mang tiếng là dân chủ nhưng chuyện bầu cử hoàn toàn nằm trong tay máu của đảng Maffia và Camor: Là hai đảng cướp. Các đảng chính trị có xác mà không có hồn. Quốc Hội tràn ngập tham nhũng. Chính giới hoàn toàn xa lạ với dân chúng. Những thập niên từ 1880 đến 1910 là thời kỳ phát triển mau mạnh của chủ nghĩa tư bản Ý, nhất là sau 1900. Công ty Fiat năm 1913 xuất cảng 4.000 chiếc xe hơi, kỹ nghệ vải bành chướng đến độ sản xuất quá thừa, đe dọa đến ngành trồng bông; nhiều sông ngòi được thiết lập nhà máy thủy điện. Nhưng tất cả những phồn thịnh trên chỉ có Miền Bắc Ý hưởng lợi thôi. Miền Nam Ý chẳng được gì, trái lại, giai cấp bần nông còn bị thiệt hại vì những thỏa hiệp thương mại giữa bọn thương gia với nhau. Chính khách hăng hái nhất cho chủ trương hy sinh Miền Nam Ý chính là một dân Silicien tên Crispi. Vốn là đồ đệ trung thành của chính sách sắt và máu của thủ tướng Đức Bismarck, nên Crispi dồn nỗ lực chính phủ ông cho sự phát triển kỹ nghệ tư bản. Tuy xuất thân cũng là tay cách mạng thế mà lúc nhảy vào chính quyền, Crispi nhanh chóng biến thành một chính khách phản động lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ trật tự chống lại mọi đòi hỏi quá khích từ phía đảng phái cũng như từ phía dân chúng. Chính phủ Crispi đứng vững mười năm. Thời gian khá đủ để thế lực tư bản củng cố, khá đủ để sự liên kết tư bản với địa chủ thành tựu. THẤT TRẬN ADUOA VÀ SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA ĐẢNG Xà HỘI Mải mê với phát triển tư bản, chính phủ Crispi dấn bước vào con đường ngoại giao mà trước đây thủ tướng Bismarck từng bảo:”Nước Ý là con đĩ lang thang trên vỉa hè (putain qui fait le trottoir), và trên quân sự đưa Ý tới sự thất trận nhục nhã ở Aduoa”. Trận Aduoa là trận quyết định cuộc chiến giữa Ý và xứ Ethiopie, một nước thuộc Phi Châu. Quân Ý bị chết hơn 5.000 người, hai tướng và nhiều sĩ quan bị bắt, toàn bộ pháo binh rơi vào tay địch. Toàn quốc Ý sôi nổi, dư luận chống đối Crispi kịch liệt, nội các Crispi phải từ chức. Benito Mussolini cầm đầu phong trào học sinh làm lễ tưởng niệm chiến sĩ chết trận Aduoa và giơ tay thề rửa hận..Ngoài phố dân chúng nghèo khổ, giới thợ thuyền tràn ra ngoài hô to khẩu hiệu chống Crispi. Năm ấy là 1896. Nhờ vụ này, đảng công nhân thành lập, năm 1892, được nhiều người chú ý và đảng Xã Hội thành lập năm 1890 bành trướng mau lẹ. Nhà Alessandro là nơi tối ngày có những cuộc họp chính trị tranh cãi ầm ĩ và Alessandro cũng là một trong những chiến sĩ tiên phong của tổ chức Quốc Tế Xã Hội Chủ Nghĩa. Vào năm 1890, Labriola say mê Marxist mới viết thư cho Engels; năm 1891 Turati cho xuất bản tạp chí “Critica Sociale” để truyền bá tư tưởng Marxist tại Milan. Năm 1892 Bissolati phát hành nhật báo “L’avanti” chính thức thành cơ quan ngôn luận của những người xã hội. Quân đội mặc cảm sau trận Aduoa. Tư tưởng xã hội Marxist tràn ngập. Sức đàn áp của chính quyền tư bản Ý không còn hiệu lực như trước nữa. Năm 1897, Acciarito, một đảng viên vô chính phủ ám sát hụt vua Humbert đệ nhất. Nội các Rudini, người kế vị Crispi lúng túng trước cái hỗn loạn xảy ra khắp nơi. Cuối cùng tướng Bava Beccaris phải đứng ra ban bố tình trạng khẩn trương để dẹp lũ dân đói biểu tình. Súng nổ, hàng trăm người chết nằm la liệt trong thành phố Milan, phần lớn là đàn bà con trẻ. Hai tờ báo “Avanti” và “Observatore Cattolico” bị đình bản, nhiều lãnh tụ xã hội như Turati, Albertario bị bắt xích tay và còng chân rong đi ngoài phố. Kết quả việc làm của tướng Beccaris là đã đem lại cho đảng Xã Hội 15 ghế trong cuộc bầu cử ngày 3-06-1900. Ngày 27-07-1900, vua Humbert đệ nhất mà hai năm trước đây từng long trọng ban huy chương cho tướng Beccaris do công trạng dẹp loạn bảo vệ văn minh tại Milan, sau khi đi dự khán biểu diễn thể dục về, đã bị Geatano Bresci bắn chết bằng bốn viên đạn trúng đầu và ngực. Cái chết của nhà vua gây xúc động lớn trong toàn quốc. Benito Mussolini lúc này vừa đúng 17 tuổi. Không khí chính trị ngột ngạt các học đường. Nhiều bài diễn văn của Benito được nhiệt liệt hoan nghênh. Tờ “Avanti” số ra ngày 1-02-1901 đăng hình chàng tuổi trẻ Mussolini với hàng chữ: Sinh Viên Đồng Chí, vì Benito đã xin gia nhập đảng Xã Hội, dưới đôi mắt không hài lòng của bà mẹ, đứa con trai bà từ nay sẽ chẳng bao giờ bước chân vào giáo đường nữa. Cũng năm 1901, Benito giật được mảnh bằng giáo viên, cái bằng có thể kiếm cơm như lời chàng ta nói: “Moi aussi je possedais un diplome… un diploma qui permet de gagner mon pain”. Nhưng Benito lầm. Khi cầm mảnh bằng đi xin việc đến đâu chàng đều chỉ thấy thiên hạ lắc đầu lãnh đạm vì trường thì thiếu mà giáo viên lại thừa. Quay về xã Predappio để xin một chân thư ký cũng bị chối từ nốt. Cay đắng, Mussolini cảm thấy mình đúng như kẻ đứng ngoài rìa. Đã có lần chàng nói đến chuyện đốt hết bằng cấp, đốt hết sách vở. Chán đời, Benito dốc toàn sức lực thì giờ vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Lối cua gái của chàng ta thật là tàn bạo, sấn sổ và hực lửa. Phương châm của chàng là chinh phục mau, thỏa mãn gấp. May mắn sao, tháng 2-1902, thị xã nhỏ bé Gualtieri khuyết một chân phụ giáo, nhờ hội đồng thị xã có nhiều cảm tình với Alessandro nên chấp nhận đơn xin việc kiếm cơm của Benito. Kể từ tháng ấy năm này Mussolini mới biết thế nào là cái nghề gõ đầu trẻ. Nó là cái nghề buồn nản cùng cực cho loại người ưa hoạt động ồn ào như Mussolini. Mỗi buổi tối, Benito thường cặp kè với các bà có chồng hoặc góa chồng đi nhẩy, uống rượu, đánh nhau. Thỉnh thoảng viết vài ba bài báo gửi đăng trên tờ “Giustiaia” của nhóm xã hội. Tham gia vài công tác đảng như tổ chức hợp tác xã và thấy càng chán chường với cái lối hoạt động chính trị lẩm cẩm. Benito là một chàng trai khỏe mạnh, hăng hái, lương mỗi tháng chỉ có 50 đồng bạc “lires” làm sao hoạt động được với mấy ông tiểu tư sản vào tuổi chín chắn, lại có đôi chút cơ nghiệp nho nhỏ. Chàng muốn cái gì nóng bỏng hơn, phải cách mạng thật sự chứ không phải lối cải thiện đời sống cà dầm cà dề. Benito tính đi Madagasca lập nghiệp, thà sang xứ mọi đó mà bắt nạt thiên hạ còn hơn ướp xác trong cái nghề giáo viên kiết xác này. Chân phụ giáo hết hạn kỳ vào cuối năm, Benito đánh điện về xin mẹ một số tiền, mẹ gửi cho gần một trăm “lires”, Benito lên đường qua Thụy Sỹ, bỏ ý định đi Madagasca. THỤY SĨ NƠI TẬP TRUNG CỦA ANH HÙNG TỨ XỨ Thụy Sỹ lúc bấy giờ là nơi mà tất cả những kẻ lưu đầy, những dân cách mạng thuộc đủ mọi khuynh hướng chính trị từ bảo hoàng đến vô chính phủ đều gặp nhau chung sống ở đây. Họ tập trung tại khu Carouge. Tới đó người ta có thể gặp Lénine đang ấn hành tờ báo bí mật “Iskra” để gửi về nước, Plekhanov ông trùm Marxist của Đệ Nhị Quốc Tế, Axelrod người cầm đầu vụ ám sát giám đốc cảnh sát của Sa hoàng v.v… Chàng trẻ tuổi Benito từ nay cũng được kể như một hội viên của đám người bị xua đuổi lưu đầy không có tên tuổi gì trước bao ngôi sao chói lọi. Vì vậy, trước hết phải làm sao có ngày hai bữa để khỏi chết đói. Bắt đầu bằng công việc phụ cho thợ hồ, Benito ăn khỏe lắm nên đồng lương kiếm không đủ cung cho cái dạ dày thành thử vấn đề quần áo đành thúc thủ. Hắn ăn mặc rách mướp như một tên hành khất. Tối tối đi qua khu giàu có, đèn nến tiệc tùng huy hoàng, Benito thường hằn học nói: “Ces cochons” và tự hỏi: “Ta còn nên lưu lại hồ Leman thêm một ngày nào nữa chăng?”. Đêm đêm, Benito phải ngủ rúc dưới gầm cầu, hôm nào kiếm được cái thùng gỗ của ai bỏ trống chui vào nằm ấm là hạnh phúc vô cùng. Hết làm thợ hồ đến bán báo, rồi đi khuân vác, bất cứ nghề nào hạ tiện nhất, lương rẻ mạt nhất cũng đều có Benito vác mặt đến xin. Rachele Mussolini trong cuốn sách: “Ma vie avec Benito" có kể một đoạn về quãng đời của chồng hồi còn ở Thụy Sỹ như sau: “Một buổi chiều lang thang thất nghiệp, bụng đói như cào, Benito đành gõ cửa sổ một gia đình đang quây quần ăn cơm. Họ mở cửa, biết rằng nói khó xin xỏ chắc chẳng được, lại còn bị họ xỉ vả là lười biếng nên Benito liền giở giọng trịch thượng bảo mình cần khúc bánh mỳ. Không muốn lôi thôi với thằng cha hung dữ, họ lặng lẽ trao cho Benito cái gì chàng hỏi rồi đóng cửa lại cho mau. Phần Benito cũng vội vã cầm đỡ rồi đi cho gấp nhỡ họ gọi cảnh sát tới thì vào tù. Một buổi chiều khác, Benito gặp một thanh niên người Nga cũng nghèo khổ như mình, nhưng hắn tài ba lắm, nói được đủ các thứ tiếng và thông minh vô cùng. Thấy hắn có cái đồng hồ mới toanh, Benito ngạc nhiên hỏi: — Đằng ấy có lẽ vừa đánh cắp của ai hẳn? Câu hỏi làm gã người Nga ngạc nhiên hơn, hắn nói: — Lẽ dĩ nhiên rồi, tại sao đằng ấy còn phải hỏi vì rồi đây chính đằng ấy cũng sẽ phải ăn cắp. Benito đáp: ”Tôi nhất định sẽ không ăn cắp”. Nói xong Benito bỏ đi sang đường khác. Hai ngày sau, bị bắt vì tội lang thang ma cà bông, giam vào bót. Trong bóng tối bỗng có tiếng nói lớn: “À bây giờ đằng ấy chịu đến nơi hò hẹn rồi hả?” Benito nhận ra tên Nga ăn cắp đồng hồ, liền giải thích cho hắn hiểu rằng mình bị bỏ vào đây không phải vì tội ăn cắp. Nhưng hắn cứ cười mà không chịu tin. Hôm sau, Benito được thả ra, hắn còn tiễn Benito với câu nói: “Đó gần như một quy luật, những thằng ngu ngốc bao giờ cũng được nhiều may mắn hơn”. Qua hơn năm trời đầy ải, ngày 18-03-1904, trong cuộc họp tại Geneve, Mussolini gặp một nữ đảng viên Cộng Sản Nga danh tiếng đương thời mang tên Angelica Balabanoff. Bà ta xấu xí, thấp bé nhưng cái vốn văn hóa lại vượt hơn hẳn nhiều người, nói thông thạo năm sáu ngôn ngữ, lý luận chính trị vững chãi thành thạo. Balabanoff tự nhiên chú ý đến chú Benito quần áo rách bươm nhất đám. Bà liền chạy tới kết bạn rồi tìm việc cho. Sáng sáng đẩy xe bò cho một tiệm buôn rượu chát, ban tối về nghiên cứu sách vở dưới sự chỉ dẫn của Angelica Balabanoff. Dưới đây là những nhận xét về Benito Mussolini của Balabanoff: “Gã là một thanh niên tôi chưa từng gặp lần nào với cử chỉ hiếu động, quần áo tả tơi, khiến gã trở thành đặc biệt trong đám công nhân hiện diện tại phòng hội. Đành rằng ở đây ai cũng ăn mặc nghèo nàn, nhưng chỉ gã là bẩn nhất, tôi có cảm tưởng đó chính là hình dáng của sự khốn khó cùng cực. Ngoài đôi quai hàm bạnh, đôi mắt lanh lợi ra, tất cả đều có vẻ của một người còn nhút nhát. Khi nghe diễn thuyết, tay gã thường nắm chặt chiếc mũ đen dễ cho người ta trông thấy gã đang mang nhiều nỗi rối loạn trong lòng chứ không phải vì bị xúc động bởi những lời của kẻ đang hùng biện trên kia”. “Về sau thì tôi hiểu, Benito học hành còn kém lắm trên mọi mặt: Lịch sử, kinh tế, lý thuyết xã hội, đồng thời gã còn có một đầu óc hoàn toàn vô nguyên tắc, vô kỷ luật. Cái thứ chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa chống tăng lữ mà gã vẫn nhắc đi nhắc lại chẳng qua chỉ là những phản ảnh của ngoại cảnh, của tâm trạng nổi loạn ích kỷ chứ không phải của trí thức minh bạch hay của một xác tín đàng hoàng. Gã thù hận sự đè nén bóc lột nhưng chỉ là thù hận qua lý do cá nhân chứ tuyệt đối không phải là thù hận chung có hệ thống của cách mạng” (I soon saw that he knew little of history of economic or of socialist theory and that his mind was completely undisciplined… Mussolini’s raricalism and anticlericalism ware more the reflection of his early environment and own rebellions egotism than the product of understanding and conviction. He hatred of oppression was not that impersonal hatred of system shared by all revolutionaries). Nhờ Angelica Balabanoff hướng dẫn, Benito Mussolini mới vào dự thính ở các trường đại học, lui tới thư viện xem sách, học thêm Đức ngữ, Pháp ngữ tìm hiểu về Nietzche, Blanqui, Schopenhauer, Kantsky, Hegel Sorel.v.v… Trước kia, mặc dầu là một đảng viên Xã Hội, nhưng quả thật Benito chưa hề đọc Karl Marx. Bây giờ thì Benito đã có thể thưởng thức những lời giảng của giáo sư Vilfredo Pareto hay giáo sư Soninsegul đang được sinh viên Châu Âu sùng thượng ở đại học Lausanhe Thụy Sỹ. Mussolini được giới cách mạng biết đến sau vụ tranh luận với lãnh tụ xã hội bảo thủ người Bỉ tên là Vandervelde về đề tài Jesus Christ. Vandervelde nổi cáu đuổi Mussolini ra ngoài, Benito mỉm cười đi ra dưới tràng vỗ tay hoan hô của cử tọa. Cũng từ đấy nhà cầm quyền Thụy Sỹ ghi tên Benito trong sổ đen liệt vào hạng “anarch” (kẻ ưa gây rối loạn, kẻ thờ chủ nghĩa vô chính phủ), để rồi vài ba tháng sau, họ dựa vào một vài cớ trục xuất khỏi Thụy Sỹ cho đỡ gai mắt. Benito đành ẩn náu về vùng Annemasse, tiếp giáp biên thùy Pháp, tại đây vừa đi cầy thuê, vừa đi dạy học tư gia. Nếu không xẩy ra chuyện tình vụng trộm với bà phó quận địa phương, có lẽ Benito còn ở đây lâu hơn. Việc vỡ lở, Benito đành chuồn êm qua Zurich bên Đức Quốc, cũng sống trong khu vực tụ tập của những dân cách mạng lưu vong, chỉ khác Thụy Sỹ một điểm là Zurich, dân cách mạng tuyệt đối tôn sùng Marx và Karl Liedkneckt. Ở đây, Benito còn học thêm được tính trật tự và kỷ luật của dân tộc Đức mà chàng cho rằng rất cần thiết đối với người Ý. Tuy nhiên, cá nhân Benito vẫn không ép nổi chính mình vào kỷ luật. Vì thế, sau vài ba keo đập lộn trong quán cơm, quán rượu, nhà cầm quyền đã đến tận nơi trọ mời Benito ra khỏi Zurich. TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG Rời Zurich, Mussolini về nước Ý. Tình hình chính trị quê nhà nay đã khác trước. Phong trào xã hội lan rộng, trong Quốc Hội đảng Xã Hội có tới 33 ghế. Nhưng càng được thêm ghế tại nghị hội bao nhiêu thì đảng lại càng đi sâu vào đường lối canh cải (reformist) và bỏ lỡ chủ trương cách mạng bấy nhiêu. Thủ tướng Giolitti là người mà đảng Xã Hội đặt cả lòng tin để hợp tác. Turati, nhà cách mạng bị giam năm 1898 nay được vời ra làm bộ trưởng. Dù Turati chối từ, tuy vậy thái độ của Giolitti chứng tỏ chính phủ đã bỏ chính sách bạo lực và sẵn sàng liên hiệp với các đảng phái. Hàng loạt đạo luật xã hội được ban hành, giới lao động được hưởng thêm nhiều quyền lợi như nghỉ ăn lương ngày chủ nhật, lĩnh tiền phụ trội những giờ làm đêm, chủ nhân phải bồi thường khi xảy ra tai nạn lao động. Với Giolitti, giai cấp tư sản có thể yên ổn nắm quyền bằng sự ủng hộ của một tầng lớp vô sản hả hê. Sở dĩ Giolitti có thể thực hiện tốt đẹp chính sách xã hội chiêu đãi vài ba nhóm vô sản là nhờ nền kinh tế kỹ nghệ đang phồn thịnh. Dưới triều đại Giolitti, hàng ngũ vô sản nảy sinh ra hiện tượng Quý Tộc Công Nhân (aristocratic uovriere). Các lãnh tụ xã hội như Turati, Bissolati, Treves Bonomi hiện là những dân biểu Quốc Hội, đều tỏ ý tán đồng chính sách của Giolitti. Họ mặc nhiên chấp nhận chế độ Quân Chủ và bằng lòng để đảng Xã Hội chỉ là một cánh tả của chế độ này, họ triệt để ủng hộ vua Emmanuel đệ nhị, người kế vị vua Humbert đệ nhất bị ám sát. Benito Mussolini cực lực chống đối chính quyền đấu tranh ăn cơm chực của các vị lãnh tụ xã hội “khả kính“ kia. Benito phải thi hành nhiệm vụ binh dịch hai năm(1904-1906) ở trung đoàn 10 đóng tại Véronne. Tháng hai 1905, bà Rosa Maltoni chết, Benito nhận được điện tin về làm đám tang. Cái chết của bà mẹ đau khổ làm cho Benito trầm lặng hơn. Sống trong Trại, Benito không còn gây gổ nữa và trở nên rất kỷ luật. Thỉnh thoảng nghỉ phép về thăm nhà, Benito giúp cha giải quyết mọi công việc còn tồn đọng. Buổi tối, hai cha con ngồi bên bếp lửa cùng đọc rồi tranh luận cuốn “Le Prince” của Machiavelli. Đó là cuốn sách “gối đầu giường” trong suốt đời Mussolini. Năm 1924, sau khi đã cướp chính quyền, nhân một dịp nói chuyện tại trường đại học Bologna, Mussolini nhắc tới “Le Prince”, nói: “Tôi thích Machiavelli qua thái độ bi quan của ông ta đối với tâm chất người đời. Các bạn hãy lật chương 18 cuốn “La Prince” ra mà coi, Machiavelli viết: “Bản chất người đời là bội bạc, lừa dối, hèn nhát, thấy nguy hiểm, khó khăn là lẩn tránh, lại tham lợi lộc và quay trở như chong chóng”. Qua bao nhiêu kinh nghiệm với bạn bè, đồng chí và đồng bào của tôi, tôi thấy Machiavelli nói chẳng sai mảy may.” Hết hạn binh dịch tháng 9 năm 1906, không tìm thấy cách nào kiếm tiền khác hơn là xin đi dạy học. Bất mãn, nên khi vừa ra khỏi trại lính, Benito lại dở thói buông thả ngày trước: Say rượu, đánh nhau và ngủ bừa bãi với đàn bà, đồng thời cặp một người tình chính thức: Cô giáo ở Dovia. Xen vào cuộc sống buông thả đó là những bài diễn thuyết chính trị đầy quá khích nhưng không có hoạt động nào rõ rệt. Thời gian này Benito nổi danh về cua gái hơn chính trị. Đàn bà đủ loại bu lấy thằng cha Benito vạm vỡ, khỏe mạnh và thối tha. Nhất là khi mùa đông về, tuyết phủ khắp vùng Tolmezzo. Hãy đọc đoạn nhật ký của Margherita Sarfatti để hiểu lý do tại sao ở đây đàn bà cần Benito đến thế: “Suốt mùa hè người phụ nữ Tolmezzo làm quần quật suốt ngày như lũ kiến tha mồi để dành dụm cho mùa đông rét buốt. Nhưng khi mưa tuyết bắt đầu thì cũng là lúc mở mùa cho sự bừa bãi. Rét như vùng Nam Cực, mọi nhà đều đóng cửa kín mít, toàn xứ sở chìm ngập dưới băng tuyết trắng xóa, để làm ấm người chẳng có gì tốt hơn là uống rượu, ăn uống nhiều và ôm nhau làm tình. Gã đàn ông nào mà không uống rượu kém ăn, ít làm tình đều không đáng gọi là đàn ông”. Về sau khi nghĩ lại thời kỳ này, Mussolini đã phải thú thật đó là những năm tinh thần sa đọa. Một lần ngấy bứ đến cùng cực, muốn tự sát thì Benito khám phá ra mình bị bệnh giang mai khá nặng. Chàng liền xin vào bệnh viện điều trị. Mất việc, khỏi bệnh Benito chuồn sang Pháp tới Marseille tổ chức đoàn công nhân Ý tại Pháp. Công việc chưa ra đâu vào đâu thì đã bị nhà cầm quyền Pháp trục xuất về nước. Không đồng xu dính túi, nhờ nhân tình cũ, cô giáo viên ở Dovia giúp đỡ nuôi ăn vài ba tháng. Tới Bologna, Benito nộp đơn thi xin một chứng chỉ văn chương Pháp. Có chứng chỉ Benito được thâu nạp vào dậy Pháp ngữ trong một trường trung học kỹ thuật tại Onglia. Vừa làm chưa được đầy tháng thì nhà cầm quyền địa phương gửi hồ sơ chính trị của Benito đến ông hiệu trưởng cho biết: “Hắn là một đảng viên Xã Hội nguy hiểm, một tên cách mạng từng gây rối loạn ở Romagne và đã bị trục xuất khỏi Pháp và Thụy Sỹ”. Đồng thời làm áp lực với ông hiệu trưởng phải đuổi tên đó ra khỏi trường. Ông hiệu trưởng gạt bỏ đề nghị của cảnh sát, giữ Benito lại nhà trường. Nhờ vậy Benito mới yên thân được ít lâu. Chẳng những không sợ, Mussolini còn tỏ thái độ quá khích hơn. Qua trung gian người con trai lãnh tụ xã hội Serrati, Mussolini viết mấy bài trên báo “La Lima” để độc địa công kích nhà thờ Công Giáo và bút chiến hăng hái với tờ tuần báo Công Giáo “Il Girmale Ligure”. Ngày 14 tháng 03 năm 1908, nhân ngày kỵ năm thứ 25 của ông tổ Marxist - Karl Marx, Mussolini viết: “Không phải chỉ nghiên cứu và tìm hiểu thế giới này thôi mà còn phải thay đổi nó. Những quyền lợi của giai cấp vô sản hoàn toàn đối nghịch với giai cấp tư sản. Không thể thỏa hiệp giữa hai giai cấp ấy. Phải một mất một còn” (Il ne s’agit pas d’etudier le mode mais de le transformer. Les intérêts du prolétariat sont antagonists à ceux de la bourgeoisie. Aucun accord n’est possible. L’un des deux doit disparaitre). Mussolini nhắc đến một triết thuyết George Sorel để hô hào dùng bạo lực vào cuộc đấu tranh và đả kích kịch liệt chính sách “Reformism" chạy theo đít bọn tư sản. Tháng 6 năm 1908, do vận động của giới tu sĩ Công Giáo cùng các đoàn thể chính trị bảo thủ, cảnh sát hạ lệnh đuổi Mussolini khỏi Onglia. Benito về Predappio giữa lúc ở đây đang có vụ khủng hoảng ruộng đất, tranh chấp giữa chủ ruộng với dân cày. Vấn đề khá quan trọng. 55% dân Ý bám vào nghề nông,có tất cả chừng 5 triệu nông dân làm chủ ruộng mình, trong số đó 9 phần 10 chỉ có dưới 1 mẫu. Như vậy chỉ có dưới 3 triệu mẫu đất là của 22 triệu nông dân. Muốn sống đa số nông dân phải đi làm rẽ, hoặc mướn ruộng địa chủ mà cày cấy. Cuộc khủng hoảng khởi sự bằng đối nghịch giữa chủ đất và nông dân làm rẽ, bên địa chủ muốn mình có toàn quyền mướn ai thì mướn, trả lương thế nào thì trả. Bên nông dân đòi hỏi phải phân chia đồng đều công việc với sự giám sát của nghiệp đoàn, tiền lương phải trả theo giá biểu do nghiệp đoàn nông dân định. Mussolini bị nhà cầm quyền bỏ tù. Danh tiếng nổi dậy khá mau, nông dân toàn quốc Ý đều biết con người bướng bỉnh mạnh bạo có đôi hàm cả quyết đó. Báo chí xã hội đều ca tụng đưa ảnh và tên Mussolini lên trang nhất. Đấu tranh kéo dài 3 năm, chính phủ Giolitti đành ban bố những đạo luật chấp nhận đòi hỏi của nông dân. Còn Mussolini, sau một tháng giam cầm, được thả ra với sự quản thúc. Chàng về Forli tạm ở nhà cha. Bây giờ, ông Alessandro đang cộng tác cùng một góa phụ Guidi mở quán bán hàng trước nhà ga. Người con gái lớn của bà Guidi tên là Rachèle, Mussolini gặp là mê ngay, quyết định sẽ lấy nàng làm vợ. EDDA CÔ CON GÁI ĐẦU LÒNG Trentin là một tỉnh thuộc xứ Tyrol của đế quốc Áo Hung, nó nằm ở cách phía Bắc Áo 150 dặm. Đảng Xã Hội Ý thiết lập tại Trentin một tuần báo là tờ “L’Avveni re de Lavatore”. Ông chủ nhiệm gửi thư mời Mussolini cộng tác với số lương hàng tháng 120 đồng “kronen”. Mừng húm, Mussolini bỏ Forli đi luôn. Tới nơi, tờ Popolo cũng mời viết luôn. Trentin có 70.000 dân, 38.000 là người Ý nhưng tỉnh này lại đặt dưới quyền cai trị của Áo. Mussolini liền đẩy mạnh phong trào đòi trả tỉnh Trentin về cho Ý, chỉ trích Công Giáo chủ trương sát nhập Trentin vào Áo. Hô hào bằng báo chí rồi Mussolini tổ chức luôn nhiều cuộc biểu tình. Từ ngày có sự làm ồn ào của Mussolini, hai tờ báo bán chạy hẳn lên. Ngoài những bài bình luận và bút chiến chính trị, độc giả còn say sưa theo dõi tiểu thuyết “Feuilleton” (viết từng ngày) do chính Mussolini viết, đó là chuyện “Mối Tình Của Đức Hồng Y” (The love of cardinal Madruzzo). Đức Hồng Y Madruzzo trước đây cai quản hạt Trentin. Bằng một giọng văn “cống rãnh”, Mussolini hình dung Tòa Thánh như một bè lũ ăn cướp cùng với bao hình ảnh lạm quyền lạm thể của nhà thờ Công Giáo. Tháng 8 năm 1909, ngân hàng Banca Cooperativa bị đánh cướp mất 3000.000 kronen. Nhà cầm quyền Áo coi đây như một dấu hiệu bạo động của phong trào đòi trả Trentin về Ý. Cảnh sát liền xông vào nhà Mussolini lục soát vì tình nghi Mussolini dính líu vào vụ đánh cướp này. Tuy không thấy gì cả nhưng Mussolini cũng bị bắt giam rồi kêu án 6 tháng tù. Mãn tù cảnh sát đuổi Mussolini khỏi nước Áo. Các báo xã hội Ý tại Trentin làm dữ để phản đối việc trục xuất, rồi chẳng đi đến đâu cả. Mussolini rời Trentin về Ý, ngoài sân ga hàng ngàn người tiễn đưa, hoan hô. Người anh hùng cũng bỏ lại đây hai cô nhân tình, một tên Fachinelli, một tên Ida Dalser và tặng mỗi cô một đứa con rơi. Suốt thời gian ở Trentin, Mussolini chỉ gửi về nhà độc một tấm “carte postale” trong có vài lời nhắc Rachèle đừng quên lời hò hẹn của chàng về cưới nàng làm vợ. Bị chính phủ Áo trục xuất, Mussolini đặt chân trên đất Ý. Rachèle ra đón, nàng thấy chàng vẫn nghèo khổ tả tơi như lúc đi, vẫn chiếc vali cũ, vẫn cây đàn hồ cầm cố hữu, tuy chàng có mập ra và từ bỏ bộ ria mép, trông dáng dấp hào hoa, bớt ầm ĩ hơn.Chàng cười với Rachèle, nụ cười trên môi Mussolini là điều rất hiếm và nói: “Em thấy không, anh không sai hẹn bao giờ”. Về chưa ấm chỗ, một cảnh sát Ý đã tới gõ cửa nhà do trát bắt đi vì cái tội Mussolini chưa trả một khoản tiền phạt vạ phải nộp của vụ án trước. Nằm “khám” một tháng để trả nợ chính phủ Ý. Được phóng thích nhờ uy tín ở Trentin, đảng Xã Hội cử Mussolini làm thư ký đảng tại Forli, hưởng tiền trợ cấp hàng tháng là 150 đồng “Lire”. Bắt tay vào việc, Mussolini cho xuất bản ngay tờ tuần báo “Lotta di Classe” (đấu tranh giai cấp) theo thể thức bốn trang. Số ra mắt độc giả phát hành vào tháng 1 năm 1910. Bằng cái tuổi 26 hăng say, có toàn quyền điều khiển, nên tờ báo nổi bật hẳn lên so với tờ báo xã hội già nua của nhóm “Reformism". Mussolini dùng luận điệu tàn bạo nhất để thổi vào vùng Romagne một luồng gió cách mạng, khiến cả bạn bè lẫn những người quá khích từ xưa đến nay đều ngạc nhiên. Lãnh tụ phe Cộng Hòa Nenni viết về Mussolini hồi đó rằng: “Chỉ một mình hắn thôi, thế mà hắn đã quấy động được nhiệt tình cách mạng ở khắp mọi nơi, quần chúng lắng nghe và reo hò theo hắn. Hắn sẽ sẵn sàng dẹp bỏ lý thuyết để hành động. Phương châm của hắn là đấu tranh và chiến đấu, nếu lúc nào hắn không thể đánh với nhà nước được thì hắn đấu tranh và chiến đấu với nội bộ, hắn nói: Như vậy bắp thịt chúng tôi sẽ rắn chắc hơn, tinh thần chúng tôi được chuẩn bị kỹ càng hơn”. Đúng thế, kẻ thù trước mặt Mussolini không những chỉ là phe Cộng Hòa mà là những nhóm trong đảng Xã Hội có chủ trương hèn hạ, chủ trương cải cách (reformism). Tờ “Lotta di Classe” tố cáo sự lường gạt của chế độ nghị hội, sự gian lận của lề lối bầu cử và đòi cách mạng hô hào sử dụng bạo lực nếu cần. Tháng 9 năm 1911, bộ trưởng Stolypin bên Nga bị ám sát. Mussolini viết trên số báo đề ngày 23 tháng 9 như sau: “Đây chính là sự trả thù của công lý. Tên Stolypin khát máu độc ác hèn hạ chết thật đáng kiếp. Triều đình Nicholas đệ nhị rồi sẽ phải kết thúc một cách thê thảm và một kỷ nguyên hành động cách mạng bắt đầu. Chúng ta tin chắc như vậy, trong khi chờ đợi, chúng ta hãy xưng tụng vinh quang con người đã có cử chỉ cao cả, trả thù cho công lý” (The nemesis of justice struck him dead. So be it. Stolypin ignoble sinister and sanguinary has desevedhis fate… The tragic end of Nicholas II will be the dawn of a new period of revolutionary action. We hope for it steadfastly. While awaiting it, glory to the man who has accomplished the sacred gesture of the avenger). Trong khi Mussolini mải mê cùng báo chí đấu tranh, thì nàng Rechèle có người đến hỏi xin cưới. Alessandro khuyên Rachèle nên nhận lời. Mussolini hay tin trách móc cha: “Bố thừa biết con nhất định sẽ lấy nàng, tại sao bố còn khuyên nàng nhận lời cầu hôn của kẻ khác?” Alessandro bảo con: “Mày hãy để con bé được sống yên thân, mày chẳng có nghề ngỗng gì cả, lương bổng cũng không chắc chắn, mày chỉ có chính trị, cái thứ chính trị rồi đây nó sẽ làm khổ cả vợ mày lẫn mày. Hãy nghĩ đến số phận mẹ mày ngày xưa chịu khổ như thế nào? Lập gia đình thì phải nuôi gia đình chu đáo. Con Rachèle là đứa ngoan hiền, nó chỉ cần tìm được người che chở bảo đảm cho đời nó”. Benito nhất định không nghe lời bố và quyết liệt yêu cầu ông Alessandro đừng xía vô chuyện hôn nhân của Rachèle. Phần Rachèle, nàng đã thật sự thương yêu Benito như nàng đã viết trong tập hồi ký “Ma vie avec Benito”: “Còn tôi, tôi đã yêu chàng rồi. Tính cương nghị của chàng làm tôi thích thú, chàng thường lao thẳng đến chướng ngại vật để hạ nó bằng được. Điều quan trọng hơn hết là tấm lòng tốt của chàng ẩn sau cái bề ngoài kiêu hãnh cùng cực…” (Moi je l’aimais déjà. Son caractère intrépide me plaisait qui le lancait sur l’obstacle jusqu’à ce qu’il l’eut… Par dessus tout, j’aimais sa bonté,cachée sous une apparence de fierté âpre). “Chàng ghen kinh khủng, nhất định cấm tôi từ nay không được đến quán cơm làm việc nữa. Chàng bằng lòng làm việc thế cho tôi, lúc nào chàng rảnh rỗi không phải lo diễn thuyết hay lo tờ báo. Chàng cũng cấm luôn không cho tôi tham dự những buổi họp của chàng và bảo: “Khi có em đứng đấy, anh không thể nói được nữa” (Il était extrêmement jaloux. À un moment donné il m’iterdit même de sortir la maison pour aller travailler au restaurant. Il preférait travailler à ma place aux heures qui lui laissaient libre les séances et le journal. Après cela il me défendit d’assister aux réunions car prétendit il: “Quand vous êtes là, je ne réussis pas à parler"). Rồi một buổi tối, Mussolini đưa Rachèle đi nhà hát lớn xem vở kịch “Scena Delle Belfe”. Lần đầu tiên Rachèle bước chân vào đây. Vở bi kịch làm đỏ hoe mắt nàng. Khi ra về, Benito nói với Rachèle: “Anh muốn xây dựng đời anh và lập gia đình. Em phải làm vợ anh và là mẹ của những đứa con của anh”. Chỉ ngắn ngủi có vậy thôi, vang lên như một mệnh lệnh, chàng không cho nàng trả lời. Nàng cũng lặng yên. Tiếp sau đó mới là những lời tán êm dịu nồng thắm về tương lai, về con cái, về sự nghiệp, nét đẹp của cuộc đời. Hôm sau trước mặt cha và bà mẹ Rachèle, Benito rút ra một khẩu súng lục, rồi nói bằng giọng nghiêm trọng: “Có sáu viên đạn trong đây, một để cho nàng, số còn lại cho tôi”. Thế là không một ai dám hé răng bàn tán gì đến chuyện hôn nhân của Rachèle nữa. Phần Rachèle, nàng không một lời phản đối, Benito bảo chi nghe nấy, nàng theo chàng đi, hai người đến chung sống tại căn nhà ở đường Marenda. Phòng đôi vợ chồng son chỉ vỏn vẹn có chiếc giường cũ kỹ, một bàn ăn với chén đĩa đủ dùng cho hai người. Rachèle viết: “Nhưng chúng tôi giàu tuổi trẻ và hy vọng” (Mais nous étions colossalement riches de jeunésse et d’espoir). Tờ “Lotta de Class” càng ngày càng gây sôi nổi, càng gây sôi nổi càng làm cái tên của Mussolini vang dội. Đảng Xã Hội Mỹ gửi điện văn chúc mừng, ngỏ ý mời Mussolini qua Mỹ để tổ chức một tờ báo đấu tranh tương tự. Nếu Rachèle không mang bầu thì có lẽ gia đình Mussolini đã qua bên Hoa Kỳ rồi. Tháng 9 năm 1910, đứa nhỏ chào đời, nó là một bé gái, hai vợ chồng đặt tên là Edda. Nhưng Benito không thể khai tên mẹ nó vì hai vợ chồng chưa chính thức làm hôn thú. Do đó, mới có tin đồn Edda là con của Mussolini với Angelica Balabanoff mà sau này Rachèle cực lực cải chính trong cuốn “Ma vie avec Benito”: “Benito đặt tên Edda cho con gái tôi. Chàng rất sung sướng và tôi tràn ngập hạnh phúc khi được nhìn thấy những nét rắn chắc của cha nó trên khuôn mặt sơ sinh. Benito đi mua một cái nôi bằng gỗ giá 15 đồng lire chàng vác lên vai mang về”. Bên Tây ban nha, một đảng viên vô chính phủ bị kêu án tử hình đem ra hành quyết tức khắc. Mussolini liền phát động cuộc biểu tình tuần hành khắp phố, đoàn người ném đá vào tòa nhà giám mục, pho tượng đức mẹ đồng trinh bị đập nát. Trên lập trường chính trị quá khích đó, Mussolini cấm vợ không cho mang con đến nhà thờ rửa tội. Rachèle rất buồn về chuyện này, dù sao nàng cũng muốn con gái mình được rửa tội như tất cả mọi đứa nhỏ khác, nhưng người đàn bà xứ Romagne theo truyền thống phải tuyệt đối phục tòng ông chồng. Bỗng mấy ngày sau, có tin đồn ầm ĩ rằng Mussolini đã tự tay ẵm con gái đến nhà thờ xin làm phép rửa tội. Tin ấy bắt đầu từ cửa miệng một viên chức hội đồng thành phố. Cáu sườn với cái trò chính trị lặt vặt, Mussolini chạy đi tìm viên chức kia đánh cho hắn hai cái bạt tai giữa phố để dẹp tan mọi nghi ngờ trong lòng các đảng viên Xã Hội PHẢN CHIẾN, TIẾN LÊN HÀNG LÃNH TỤ Tháng 10 năm 1910, Mussolini được toàn vùng Romagne chỉ định cầm đầu đại biểu đảng đi dự đại hội đảng Xã Hội họp tại Milan. Khi trở về buồn bã tuyên bố dự tính ly khai để cắt mọi liên hệ với bọn xã hội chuyên nghề thỏa hiệp. Tháng 11 năm 1910, ông Alessandro từ trần để lại một gia sản 9.000 đồng lire chia cho ba đứa con trai. Đám tang của ông có hàng mấy ngàn người đi đưa, họ tiếc thương một đồng chí chân thành và tốt bụng. Bẩy tám tháng nữa qua đi, Mussolini đang buồn bực với sự trì trệ bình thường của hoạt động chính trị. Tháng 9 năm 1911 toàn quốc Ý sôi nổi hẳn lên vì biến cố chiến tranh với Thổ Nhĩ kỳ để dành xứ Lybie. Chính phủ Giolitti ra lệnh cho đại sứ Ý bên Thổ đưa chiến thư cho chính phủ Thổ ngày 28 tháng 9. Hàng ngũ xã hội biến hóa nặng nề do biến cố này. Phe bảo thủ với các lãnh tụ Bissolati, Bonomi, Labriola nhất loạt ủng hộ Giolitti và tình nguyện theo nhà vua để chống Thổ đến cùng. Trong khi quần chúng chống lại, họ thấy chiến tranh chẳng có lợi gì cho họ cả, nếu Ý có đất Lybie làm thuộc địa thì họ đâu có sơ múi gì. Đây là cơ hội tốt để đưa mình lên hàng lãnh tụ nên Mussolini vội chụp ngay lấy bằng cách lãnh đạo quần chúng chống lại chiến tranh do Giolitti chủ trương. Đa số cán bộ trung cấp đảng Xã Hội về hùa Mussolini. Một cuộc đình công toàn bộ được phát động với khẩu hiệu: “Không một người, không một xu!” (Pas un Homme! Pas un sou!). Mussolini hét to trước buổi hội: “Miễn là chúng ta dám chiến đấu”. Rồi ông dẫn quần chúng vô sản ồ ạt kéo ra ga ngăn chặn đoàn xe lửa chở quân đi. Các đường dây điện thoại bị cắt đứt. Ngoài đường phố đầy nhóc truyền đơn. Người ta thấy Mussolini đích thân cầm cái cuốc, cuốc bật đường ray lên. Kỵ binh tới sửa bị dân chúng ném đá. Tờ “Lotta di Class” nỗ lực thổi mạnh phong trào, ca tụng công nhân đã chứng tỏ sức mạnh của giai cấp vô sản. Chính phủ liền gửi quân đội đến Forli dẹp loạn, bắt giữ Mussolini đưa ra tòa buộc 8 tội và kết án 12 tháng tù, rồi sau giảm án còn 5 tháng. Tám tội ấy là: a/- Chống lại nhân viên công lực, đả thương nhà chức trách. b/- Hành hung những người thuộc thành phần trừ bị được gọi nhập ngũ. c/- Phá phách các cơ sở thương mại kỹ nghệ, làm gián đoạn sinh hoạt kinh tế. d/- Gây thiệt hại cho hệ thống giao thông: Phá đường, phá xe, phá tàu. e/- Làm tổn hại hệ thống điện thoại của nhà nước. f/- bạo động và ngăn trở xe lửa chở binh sĩ gây chậm trễ cho công việc hành quân. g/- Đánh đổ một cột dây thép hỏa xa với mục đích làm xe lửa trật bánh. Trước tòa, Mussolini biện hộ cho mình: “Tôi đã từng viết cũng như đã từng nói những gì tôi phải nói, phải viết bởi vì tôi yêu nước Ý và muốn nước Ý nhận thức được nhiệm vụ của mình là hãy đấu tranh cứu dân khỏi cảnh nghèo khổ và xa đọa tinh thần còn hơn là đi xâm lược nước khác để bành trướng sự khốn cùng”. Lời biện hộ được dân chúng có mặt trong phiên xử vỗ tay hoan hô. Toàn quốc xác nhận Mussolini bây giờ là khuôn mặt nổi bật nhất của đảng Xã Hội. Trong nhà giam Rocca, Mussolini bị giam giữ cùng với Pietro Nenni, Tuy Nenni là lãnh tụ Cộng Hòa đảng thù nghịch của phe xã hội, nhưng cả hai đều bị án chung một tội chống đối chiến tranh Libie nên họ rất thân nhau. Tình bạn ấy kéo dài mãi mãi. Mãn hạn tù, các đồng chí đứng đợi ở cửa nhà giam để chào đón người mà họ coi như một lãnh tụ dám làm nhất. Trong bữa tiệc khoản đãi, Olindo Vernnocchi - một đảng viên Xã Hội lão thành nói để kết thúc bài diễn văn chúc mừng: “Kể từ ngày hôm nay Benito chẳng những là đại biểu của đảng Xã Hội vùng Romagne mà còn là vị lãnh tụ của tất cả các người xã hội cách mạng Ý” (From today, Benito is not only the representative of the Romagne Socialists but the Duce of all revolutionary socialists in Italy). Đây là lần thứ nhất Benito đi dự đại hội đảng tại Reggio Emilia họp từ 7 đến 10 tháng 7 năm 1912. Một đại diện khác tả hình dáng Mussolini xuất hiện trong lần đại hội đó như sau: “Tôi đứng trước một người gày gò mặt xương xẩu, râu mọc lởm chởm bởi nhiều ngày không cạo. Hắn mặc bộ đồ xẫm, đội mũ vành to có gắn huy hiệu Romagnol gần như muốn rách và cáu ghét. Chiếc ”jacket” khoác lên mình hắn, chắc trước đây màu đen nhưng bây giờ mặc lâu ngày quá đã thành màu xanh. Các túi nhét đầy báo chí. Hắn đeo cái “cravate” rách như bị gián nhấm, cổ sơmi trắng vì cũ nên mất hết cả màu trắng, hai ống quần hắn sun soăn đến xếp như chưa bao giờ ủi, bên dưới chút nữa là đôi giầy mốc meo có lẽ nhiều năm không đánh si hay lau chùi”. Kỳ đại hội này, Mussolini đã lập chủ ý đập gẫy lãnh tụ bảo thủ Leonida Bissolati, vì dư luận cán bộ đảng đang bất mãn về việc Bissolati quá thân thủ tướng Giolitti và mấy tháng trước đây đã trơ trẽn gửi văn thư chúc mừng vua Victor Emmannel đệ tam thoát nạn một vụ ám sát do người thợ nề bắn. Giữa hội trường, Mussolini đứng dậy chỉ vào mặt Bissolati mà nói lớn: “Ông, thưa ông Bissolati, tôi chẳng rõ ông từng bao nhiêu lần đến nghiêng mình trước đám tang của những người thợ nề, tài xế, thợ mỏ chết vì tai nạn lao động. Mà vừa đây đối với ông vua bị ám sát cũng thành một tai nạn lao động nữa à?” Càng nói giọng Mussolini càng độc địa hơn: “Ngày 14 tháng 3 một anh thợ nề đã bắn vào vua Victor. Đấy phải kể như hành động tiền phong mà các người xã hội sau này phải noi theo. Thay vì chúng ta kéo cờ rủ để tang người chiến sĩ thì có kẻ lại rủ nhau viết lời chúc tụng quì mọp dưới ngai vàng. Vua là gì? Chỉ là một công dân vô dụng. Bao nhiêu người mong mỏi ngài đi đi cho rảnh, cũng có nhiều người khác muốn đưa ngài lên đoạn đầu đài. Những người đó hết thảy đều là những kẻ tiền phong của tiến bộ”. Một mình Mussolini luôn trong ba hôm khống chế hoàn toàn đại hội. Các đại biểu đã chán ngấy giọng điệu “ru em” của bọn “cải cách” nên nhất loạt ủng hộ một khuôn mặt mới mẻ. Mussolini biết thế nên ngày cuối cùng ông đặt câu hỏi sau chót: “Người ta có thể nào hạ thấp Xã Hội Chủ Nghĩa xuống thành một định thức tầm thường chăng? Không, chúng tôi nghĩ rằng nhân loại cần nó như một niềm tin ngụt lửa" (Est-ce que le socialism peut être réduit à un thèorème? Nous voulons croire que l’humanité a besoin d’un crédo). Câu đó chẳng khác nào như một nhát gươm thi ân đưa vào cổ phe nhóm “reformiste”. Toàn thể đảng viên trẻ hăng hái vận động cho Mussolini và phiếu khai trừ hết những lãnh tụ lỗi thời Bissolati, Bonomi. Các vị này bỏ ra về họp nhau thành một đảng Xã Hội khác là đảng Xã Hội cải cách (Le Parti socialiste réformiste). Mấy lãnh tụ khác: Turati, Treves bị mất hết quyền lãnh đạo đảng. Mussolini toàn thắng. đảng Xã Hội đa số tuyệt đối chấp nhận niềm tin ngụt lửa của Mussolini và thẳng tay từ bỏ chính sách không để kẻ thù của Chủ Nghĩa Xã Hội được độc quyền yêu nước do Bissolati đề ra. Toàn bộ đảng đặt hết tin cậy vào người cách mạng ”triệt để”, người của những hàng rào chướng ngại (l’homme des barricades). Chỉ độc một nữ đảng viên hư vô chủ nghĩa là Anna Koulischoff có nhận xét khác hẳn về Mussolini, bà cho rằng: “Qua kỳ đại hội này, có thể thấy rõ hắn chẳng phải là con người Marxist cũng chẳng phải là một đảng viên Xã Hội, hắn đã thò đuôi của hắn ra khi nói những câu “tâm hồn tôn giáo của đảng (L’aame religieuse du Parti), ảo tưởng rất có thể là thực tế duy nhất của cuộc đời” (L’illusion puet eetre l’unique resalites de la vie). Sau đại hội, ban chấp hành trung ương đảng đề cử giáo sư Benito Mussolini làm chủ nhiệm tờ “Avanti” (Tiền phong), nhật báo đầu não của đảng Xã Hội Ý, trụ sở tại Milan. Năm đó ông vừa 29 tuổi. Đến nhận chức, Mussolini đổi mới từ A đến Z việc điều hành tờ báo, không ai trong bộ biên tập cũ còn ở lại, không một vết tích đường lối chính sách cũ nào không bị xóa bỏ. Ông đưa Angelica Balabanoff vào ủy ban trung ương đảng và làm phó chủ biên tờ “Avanti”. Đảng Xã Hội dưới sự lãnh đạo của Mussolini đi sâu vào con đường quá khích. Tới trụ sở ”Avanti”, Mussolini gặp gỡ nữ ký giả Margherita Sarfatti, chuyên giữ mục phê bình nghệ thuật. Nàng gốc Do Thái mà là dân Venise, tóc vàng lịch thiệp, sang trọng. Trước đây Sarfatti ủng hộ Bissolati, không mấy ưa anh chàng sỗ sàng Benito nhưng nàng đã nhìn thấy trước tương lai của hắn khi viết về hắn: “Một thanh niên kỳ dị, cứng rắn, hung dữ, rất “original” với những cơn hùng biện, hắn có cả một tương lai to lớn ở trước mặt” (A wonderful young man, hard, fiery, most original, with occasional bursts of eloquence, a man with a great future before him). Mussolini chinh phục được cảm tình của Sarfatti ngay. Nàng hướng dẫn “ông lãnh tụ hung hãn” vào lãnh vực nghệ thuật và quan trọng hơn là vào thế giới thượng lưu để biết lối sống của giai cấp tư sản ra sao? Chả biết Sarfatti “dụ dỗ” thế nào mà Mussolini còn lén lút đi học đánh kiếm (escrime), cái môn thể thao đặc sệt chất tư sản. Mỗi lần ở phòng tập về, Mussolini lại khoác bộ áo tồi tàn để các đồng chí khỏi nghi ngờ. Nhật báo “Avanti” được đổi cả hình thức lẫn nội dung, bằng mớ kinh nghiệm của tờ “Lotta di Class”, Mussolini đã làm cho “Avanti” tăng gấp năm lần số độc giả từ 20.000 số lên 100.000 số, khả dĩ cạnh tranh với nhật báo lớn nhất đương thời là tờ ”Il Corriere della Sera” do Luini Abertigi điều khiển hiện có 200.000 độc giả. Rachèle cũng đem con lên Milan. Bây giờ hết túng bấn rồi. Mỗi tháng lương Mussolini là 500 đồng lires cộng với phụ cấp nhà cửa 1.000 lires hàng năm. Nhưng cuộc sống gia đình cũng phai nhạt, vì tất cả thì giờ phải phục vụ đảng và báo đảng. Mussolini lao đầu vào làm như con trâu. Còn vì lẽ khác nữa là nàng Leda Rafanelli, một dân vô chính phủ gốc Hồi giáo. Hai người quyến luyến nhau không những trên mặt tình ái xác thịt mà còn là thứ tình ái trí thức. Leda khoái Benito ở nơi sức mạnh rất đực khi chàng hung biện trước đám đông. Benito khoái Leda ở cái chất triết lý hết sức quyến rũ trong đầu óc nàng. Leda có nhận xét về Benito: “Ở các cuộc đàm thoại, tôi thấy Mussolini dễ dàng thay đổi ý kiến. Ít nhất đối với tôi anh ấy không những chỉ nhượng bộ mà còn sẵn sàng chia sẻ quan điểm của tôi mặc dầu lúc bắt đầu cuộc thảo luận anh ấy hoàn toàn không đồng ý”. Chịu ảnh hưởng Sarfatti, Mussolini dần dần từ bỏ lối ăn mặc dơm dếch cũ, tỏ ra bén mùi ăn diện. Leda kể: Mussolini thường đến gặp cô với bộ đồ đen bảnh bao, vầng trán đã cao bị hói tóc càng cao thêm, cầm chiếc mũ dạ to vành cứng cáp. Theo Leda khả năng trí tuệ của Mussolini chỉ quanh quẩn trong lãnh vực chính trị nhỏ hẹp của đảng nên “anh ấy” chịu học hỏi những kiến thức rộng rãi của nàng lắm. Mussolini nói với Leda: “Anh muốn trở thành một con người tên tuổi, em hiểu như vậy chăng? Anh không muốn chỉ là anh, mà muốn lên tận đỉnh cao. Thuở nhỏ anh mơ ước làm nhạc sĩ cho nên anh cố gắng tập dợt hồ cầm lúc đang học ở “collège”, hoặc trở thành nhà văn lớn, nhưng anh thấy ngay rằng trong các lĩnh vực đó anh quá tầm thường. Mọi điều kiện bao quanh anh từ lúc anh sinh ra đời không cho phép. Tuy nhiên, anh nhất định không chịu thua. Anh phải đi lên, đi lên đến chót đỉnh”. Những năm 1912-1913, tình hình nội bộ Ý có nhiều chuyển động quan trọng. Thủ tướng Giolitti sau khi thành công với vấn đề Libie, cho ban bố một đạo luật chấp nhận tất cả mọi công dân Ý trên 21 tuổi đủ thời hạn quân dịch và có học lực tiểu học đều được quyền đi bầu. Những người khác thì vẫn phải đợi đến tuổi 30. Đạo luật này đã nâng con số cử tri từ 3 triệu rưỡi lên đến 8 triệu. Quần chúng Ý lần đầu tiên tham dự đông đảo vào những vụ bầu bán, khiến cho bộ mặt chính trị bắt buộc phải có những thay đổi. Hết thảy các chính đảng đều tập trung hoạt động vào cuộc tranh cử. Mussolini ra ứng cử ở Forli - sẽ bầu vào ngày 13 tháng 11-1913. Đồng thời, ông lãnh đạo chiến dịch tranh cử cho toàn đảng. Kết quả, Mussolini bị loại, nhưng đảng Xã Hội chiếm 52 ghế Quốc Hội. Thật là một thành công đáng kể cho đảng. Cuộc mít tinh đông đảo được tổ chức trước trụ sở tòa báo “Avanti” để hoan hô Mussolini. Đứng trên bao lơn, nhà lãnh tụ nói vọng xuống: “Bây giờ chỉ còn lại hai khối chính trị, một bảo thủ và một cách mạng”. Tháng 3-1914, Mussolini bị đưa ra tòa về tội xúi dục dân chúng làm loạn. Phiên tòa họp liền nửa tháng cuối cùng trở thành diễn đàn tuyên truyền cho bị cáo. Tòa đành tha bổng vì dư luận có vẻ sôi nổi quá. Nhờ phiên tòa này, uy thế Mussolini mạnh thêm, dựa vào đó nhân ngày đại hội đảng thứ 14 họp tại Ancône, Mussolini đã thành công trong việc khai trừ cánh ôn hòa ra khỏi đảng cùng với một số đoàn viên hội Tam điểm (Franc - mason). Ngày 7 tháng 6 năm 1914, tại Ancône được mệnh danh là Tỉnh Đỏ (Ville rouge) vì đây là một hải cảng hội tụ rất nhiều công nhân, xẩy ra nhiều đám biểu tình chống quân phiệt. Các vụ biểu tình nổ ra từ sau vụ binh sĩ Masetti bắn viên đại tá chỉ huy trưởng bị thương ở bên xứ Libie đòi hồi hương. Dư luận đòi thả Masetti. Dân chúng tụ tập trước Villa Rossa, nơi cư ngụ của nhà lãnh tụ nhóm vô chính phủ Enrico Malatesta. Cảnh sát can thiệp bằng võ lực bắn 3 công nhân chết, 15 bị thương. Mussolini chụp cơ hội, hạ lệnh công nhân vùng Romagne tổng bãi công. Có Nenni giúp sức, phong trào lan sang nhiều tỉnh. Tại Ravenne, một vị tướng lãnh và mấy sĩ quan bị đánh đập tàn nhẫn. Tại Milan, đảng Xã Hội và công đoàn hô hào bãi công hưởng ứng. Mussolini dẫn đầu đám biểu tình. Chính phủ hạ lệnh đàn áp thẳng tay. Đội kỵ binh dàn hàng nạp đạn chờ đoàn biểu tình tới. Súng nổ. Mussolini được một đồng chí đẩy vào bờ tường thoát nạn. Người biểu tình chạy tứ tán. Nhiều cuộc đụng độ tương tự khác tiếp tục nổ ra, nhưng đến ngày thứ bảy thì công đoàn rút lui, chấm dứt bãi công đi làm trở lại. Báo chí gọi biến cố chính trị này là Tuần Lễ Đỏ (Semaine Rouge). Còn lại một mình Mussolini hò hét chẳng đi đến đâu. Ông rút được bài học cay đắng về sự yếu hèn của quần chúng và các lãnh tụ nửa mùa, ông thấy điều quan trọng hàng đầu là sức mạnh. Tuy nhiên uy tín của Mussolini không bị sứt mẻ bởi thất bại của Tuần Lễ Đỏ. Trái lại, ông còn được dịp thả cửa công kích bọn lãnh đạo chính trị ôn hòa là hèn nhát. Tuần Lễ Đỏ thất bại, nhưng nó làm cho giai cấp thống trị lo lắng. Quần chúng nông dân và công nhân không có vẻ hài lòng mấy đối với quyền đi bầu hữu danh vô thực, họ muốn cái gì lớn lao hơn nữa, đó là cách mạng. Những cuộc tổng bãi công của các năm 1898, 1904 so với lần này không thấm vào đâu vì Mussolini đã triệt để tận dụng ý nghĩa của nó. Phe tư sản và bảo thủ cãi nhau rồi đổ lỗi lên đầu Giolitti. Khôn khéo, Giolitti xin từ chức, vận động cho Antonio Salandra, cánh hữu của đảng tự do lên nắm chính quyền. Cuối tháng 6 năm 1914, cuộc bầu cử hàng tỉnh diễn ra với sự thắng lợi của đảng Xã Hội. Mussolini đắc cử vẻ vang ở Milan. Tuy nhiên, tính trên toàn bộ thì phe quốc gia bảo thủ (Nationalistes conservateurs) vẫn là thế lực mạnh nhất. Nỗi lo sợ trước Tuần Lễ Đỏ khiến cho đảng trong hàng ngũ bảo thủ đoàn kết. PHẦN II CON ĐƯỜNG ĐI VÀO CHÍNH QUYỀN VỤ ÁM SÁT GÂY THÀNH THẾ CHIẾN Ngày 28 tháng 6-1914, quận công Franz Ferdinand bị một người Serbie (tức Nam Tưngày nay) quá khích bắn chết ở Sarajevo. Mussolini hay tin này khi ông đang nghỉ mát bên bờ biển Adriatique. Ông nói với nhà báo Michèle Campana: “Vụ này sẽ là ngòi nổ cho thùng thuốc súng chiến tranh Châu Âu. Đảng Xã Hội Đức chắc chắn đứng về phía sau nhà vua, như vậy Quốc Tế Xã Hội phải tan vỡ. Nhưng mục đích cuối cùng của chúng ta là cách mạng xã hội nếu chúng ta chiến đấu gan dạ thì sau chiến tranh, chúng ta sẽ nắm chính quyền”. Quả như lời Mussolini tiên đoán, các nước Châu Âu sau vụ Sarajevo, đều gào thét đòi chiến tranh, chẳng có ngăn nổi cái “logique” rất chặt chẽ của quyền lợi, dù Anh Quốc đã cố gắng dàn xếp. Ngày 28 tháng 7 năm 1914, vương quốc Áo - Hung tuyên chiến với xứ Serbie. Lệnh động viên được ban bố trên toàn cõi Châu Âu. Ở Đức, đảng Xã Hội ủng hộ nhà vua. Ở Pháp, lãnh tụ Jean Jaurès hô hào hòa bình bị ám sát chết. Mussolini vội vàng về Milan, trung thành với đường lối chống chiến tranh, chống quân phiệt, ông cho đăng lên tờ “Avanti” hàng tít lớn: “A bas la guerre!” và chủ trương trung lập. Trong khi phe quốc gia do Federzoni làm phát ngôn kêu gọi nên bắt tay Áo và Đức. Còn mấy lãnh tụ bảo thủ của đảng Xã Hội Ý chủ trương đi với phe dân chủ Tây Phương chống bọn vua Phổ và đế quốc Áo. Mussolini lớn tiếng đe dọa: “Giai cấp vô sản đã sẵn sàng. Giờ phút nào nhà nước Ý từ bỏ chính sách trung lập để ủng hộ cường quốc Trung Âu, giai cấp vô sản sẽ nổi dậy”. Nội các Salandra bối rối. Quận công Sonnino giật dây cố đẩy chính phủ đứng về phe Áo - Phổ (Phổ là tên gọi nước Đức thời đó). Để biện minh cho chính sách này, Alfredo Rocca viết trên tờ “L’idea Nazionale” như sau: “Chống phe Đồng Minh và ngả theo Áo - Hung và Đức có nghĩa là chúng ta muốn noi theo gương nghị lực bất khuất của dân tộc “Germany”, muốn học hỏi lối tổ chức xã hội, quân sự, văn hóa của dân tộc này mà ngăn chặn ảnh hưởng thối tha sa đọa của Pháp vào nước Ý, có nghĩa là chúng ta muốn quốc gia Ý được xây dựng trong khuôn khổ lành mạnh" (Contre l’Entente et puor l’Autriche-Hongrie et l’Allemagne se sont sentis attirés ceux qui admiren l’energie indomptable de la race germanique, son organisation sociale et militaire et la meilleure cultere allemande… ceux qui craignent l’influence malèfique des vices francais sur lavie politique et sociale des Intaliens ceux qui prefereraient que notre vie nationale se modèle sur celle bien plus saine et plus vigoureuse de l’Allemagne). Rocca là đại biểu nhóm quốc gia quá khích. Phe quốc gia quá khích mặc dầu gắng sức vận động nhưng không đưa nổi Ý vào cuộc chiến tranh bên cạnh Áo - Đức. Phần lớn dân chúng, đa số chính khách muốn giữ thế trung lập tốt hơn. Có thể là bạn hòa bình cùng Áo - Đức, không nên đi với người bạn đó ra mặt trận. Mấy tháng đầu cuộc chiến, nhờ chính sách trung lập sinh hoạt, dân Ý vẫn vui ca, chè rượu cho tới ngày có một biến cố mới xảy ra, hôm ấy ở rạp Verno mở màn kịch diễn vở “La Fanciulla West” của Puccini. Giữa chừng bỗng trong rạp nhốn nháo, nhiều tiếng hô: ”Đả đảo đế quốc Áo”. Cùng lúc tại quảng trường Piezzadel Puomo, hàng trăm lá cờ Áo bị xé và đốt vứt ngổn ngang ngoài lộ. Rồi những ngày sau, học sinh các trường truyền tay nhau đọc nhiều bản hiệu triệu kêu gọi thanh niên Ý hãy noi gương các vị anh hùng dân tộc Mazzini, Garibaldi mà đứng vào hàng ngũ dân chủ. Phong trào bành trướng nhanh chóng. Ngày 3 tháng 12, thủ tướng Salandra ra trước Quốc Hội tuyên bố: “Chính sách trung lập của chúng ta không ù lì mềm yếu mà phải linh động tinh tường, không ở thế bất lực mà phải vũ trang mạnh để ứng phó với mọi biến chuyển” (Notre neutralité ne devra pas rester inerte et molle mais active et vigilante, non pas impuissante mais fortement armée et prête à toute éventualité). Lưỡng Viện Quốc Hội ngay hôm ấy quyết định bằng nhiều phiếu thuận gửi điện văn chào mừng cuộc chiến đấu của Bỉ chống Áo. Trong khi đó thì quận công tiếp tục gặp gỡ các nhà ngoại giao Áo để tính chuyện lập chung một trận tuyến Mussolini là người thay đổi thái độ lạ lùng hơn hết. Số báo “Avanti” ngày 22 tháng 9, Mussolini còn cho mở một chiến dịch trưng cầu dân ý với đầu đề: “Bạn muốn chiến tranh hay hòa bình?” Và ông trả lời trước: “Kẻ nào đẩy bạn vào chiến tranh chính là kẻ phản bội”. Mussolini tiếp tục giữ cái bề ngoài quán quân cho hòa bình. Nhưng ông lại thường bí mật gặp Filippo Maldi, một đại điền chủ thế lực rất thân với Bộ Ngoại Giao. Gặp làm gì? Các đồng chí cao cấp của đảng Xã Hội họp với nhau nêu câu hỏi đầy nghi ngờ đó. Sự nghi ngờ càng tăng cao hơn, khi Mussolini trong một buổi hội đảng, tuyên bố: “Chỉ có những tên điên mới không chịu thay đổi. Một biến cố mới đòi hỏi đường lối lãnh đạo mới”. Vài tuần sau, trên báo “Avanti”, Mussolini viết một bài khá dài nhan đề: “Từ trung lập tuyệt đối đến trung lập linh động” với câu kết luận: “Chúng ta đừng nên là một lũ khán giả ngu ngốc chỉ biết giương mắt lên xem một thảm kịch vĩ đại của lịch sử”. Rõ ràng Mussolini đã đi con đường mới, con đường của chủ nghĩa can thiệp. đảng Xã Hội liền triệu tập phiên họp khẩn cấp quyết định chấm dứt nhiệm vụ chủ nhiệm tờ “Avanti” của Mussolini do chính Angelica Balabanoff đưa đề nghị. Về tới nhà, Mussolini nói với Rechèle: “Chúng ta bây giờ trở lại tình cảnh như hồi còn ở Forli. Anh mất tờ báo rồi cũng chẳng có dư xu nào trong túi. Chắc cuộc sống sẽ chật vật lắm. Nhưng anh quyết giữ chủ trương can thiệp đến cùng”. IL POPOLO D’ITALIA Đó là tên tờ nhật báo mới của Mussolini xuất bản đã gây chấn động chính giới Ý. Lẽ thứ nhất, dăm ba tuần trước, Mussoloni không còn đồng xu nào dính túi, nay lấy tiền đâu ra báo. Lẽ thứ hai, tờ báo cũng nhân danh những người xã hội, nhưng nêu lên mặt báo hai phương châm mới: “Cách mạng là một tư tưởng đã tìm thấy những lưỡi lê” (La Revilution est une idée qui a trouvé des baionnettes) - câu nói của Napoléon. “Kẻ nào có thép thì kẻ đó có bánh” (Qui a du fer a du pain) - câu nói của Blanqui một lãnh tụ xã hội Pháp. Dư luận xã hội ở Milan sôi lên tức giận, lập tức một phiên họp bất thường khác lại được triệu tập..Mussolini bước vào hội trường cùng vài người bạn thân thản nhiên. Tiếng la hét đập bàn nổi lên: “Tên Judas khốn nạn!” Rồi cả chục đồng tiền ném tới phía Mussolini: “Hãy khai trừ tên Judas ra khỏi đảng!”. Mussolini đứng lên bàn hét lớn: “Tụi bây thù ghét tao hôm nay vì tui bay hãy còn sợ phục tao!” Đám đông xô đẩy Mussolini ngồi xuống và chửi rủa om sòm. Đảng quyết định khai trừ Mussolini, ông rời hội trường, đàng sau còn vang lên: “Thằng phản bội Judas!” Có nhiều tin đồn về nguồn tài chính của tờ “Popolo d’Italia”. Tin bảo đó là tiền do Naldi, ông đại điền chủ bỏ ra. Tin bảo đó là tiền của chính phủ Pháp đưa qua đảng Xã Hội Pháp cho Mussolini. Số báo “Popolo d’Italia” đầu tiên, Mussolini viết hoàn toàn theo một giọng điệu mới: “Ở thời kỳ có cuộc thanh toán lớn lao như hiện nay của chúng ta, tuyên truyền chống chiến tranh là thứ tuyên truyền hèn nhát của bọn thày tu, bọn Jesuites, bọn tư sản, bọn Quân Chủ. Nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng xã hội là thức tỉnh ai còn mê mệt ngủ, là tạt vôi sống vào mặt những tên sống mà như chết và bọn đó có rất nhiều ở Ý, chúng đang ngoan cố với ảo tưởng tham sinh úy tử. Hỡi thanh niên Ý, chỉ với các bạn tôi kêu gọi lời này, lời kêu gọi đó chắc chắn không bao giờ tôi dám nói vào những lúc bình thường. Đó là “Chiến Tranh!” (À une époque de liquidation générale comme la nôtre, la propagande contre la guerre est la propaganda de la lâcheté qu’on la laisse aux prêtres, aux jesuites, aux bourgeois, aux monarchists. La tâche des socialistes révolutionnaires ne pourrait - elle pas être de réveiller la conscience endormie des multitudes, de jeter des pelletées de chaux vive à la face des morts et ils sont si nombreux en Italie, qui s’obstinent dans l’illusion de vivre… C’est a vous, jeunesse de l’Italie…c’est à vous que je jette mon cri d’appel, ce mot que je n’aurrais jamais pronouncé en temps normal et qu’aujourd’hui je lance très haut à pleine voix… C’est un mot effrayant, fascinant: Guerre!’) Theo lời Rachèle kể, khi tờ báo “Popolo” ra được mấy số thì có một người lạ mặt đến tìm gặp Mussolini đề nghị với ông dùng tờ báo để ủng hộ chính nghĩa cho nước Áo. Nhưng chồng bà đã quát lên đuổi người lạ mặt ra khỏi cửa mà nói: “Lý tưởng không thể đem bán lấy những triệu bạc”. Tờ “Popolo” bán chạy rần rần, cướp luôn độc giả tờ “Avanti”, nó đã lên tới con số sấp sỉ trăm ngàn. Các đồng chí xã hội ức lắm gọi tòa báo “Popolo” bằng danh từ “cova” tức là sào huyệt bọn gian phi. Ngày 13 tháng 12 năm 1914, Mussolini đến một trường học, ngay giữa sân trường để mở một chiến dịch tuyên truyền, ông nói: “Bọn trung lập không bao giờ chế ngự được tình thế. Chỉ có máu mới làm lịch sử chuyển mình!” Những người xã hội đi theo Mussolini được báo chí mệnh danh là phe xã hội can thiệp (solialistes interventionnistes). Cuối cùng tháng 1 năm 1915, lực lượng này triệu tập đại hội lần thứ nhất qui tụ về Milan chừng 5.000 đảng viên từ khắp nước Ý. Đấy chính là những người Phát Xít đầu tiên. Trước đại hội, Mussolini kết thúc bài diễn văn với câu: “Những gì phải đến sẽ đến. Thế giới cũ kỹ của chính trị Ý cũng như của xã hội Ý sắp tới đây sẽ tan ra tro bụi”. Đảng Xã Hội lên án Mussolini. Hay tin, ông bảo: “Khi nào tôi có cây viết trên tay, khẩu súng trong túi, tôi chẳng sợ thằng nào”. Chủ trương can thiệp, hay nói khác đi là tham chiến, thật ra chỉ có số ít người chấp nhận, nhưng cái lối gây ồn ào của Mussolini đã khiến nó được chú ý và dẫn đầu sự bàn tán trong dư luận. Giới kỹ nghệ nhẹ, nông dân, Công Giáo… vẫn một mực cổ võ cho trung lập. Đứng lãnh đạo khuynh hướng trung lập lại là ông cựu thủ tướng khôn ngoan Giolitti. Tháng hai bắt đầu xảy ra những vụ xô sát ngoài đường giữa hai phe trung lập và can thiệp, đảng Xã Hội cầm đầu lực lương xung phong của phe trung lập đánh nhau dữ dội với bọn can thiệp Mussolini. Năm mươi người chết, khá đông bị thương. Tình hình mỗi ngày thêm khẩn trương. Chính phủ ra lệnh cấm tất cả mọi cuộc biểu tình. Nội các Salandra được Quốc Hội trao trọn toàn quyền hành động. Trong cuộc thương thuyết bí mật với Áo của bộ trưởng ngoại giao Ý, quận công Sonnino, Áo do áp lực Đức đã bằng lòng nhượng bộ Ý nhiều điều. Phe Đồng Minh dò biết hoặc đã được chính Sonnini cho biết, liền vận động xin thương thuyết. Sonnino lại được giao sứ mạng bí mật thương thuyết với Anh - pháp - Nga. Kết quả, Anh - Pháp - Nga thỏa thuận cho Ý những quyền lợi về đất đai còn hơn cả những gì Áo chịu, nhưng với điều kiện hạn chót là đến hết tháng 5, Ý phải đứng về phe Đồng Minh tuyên chiến với Áo - Đức. Chuyện bí mật chỉ có Sonnino, thủ tướng Salandra, cựu thủ tướng Giolitti hiện làm chủ tịch khối đa số ở Quốc Hội và vua biết mà thôi. Cái khó khăn cho thượng tầng lãnh đạo Ý trước chuyện này là nếu tuyên chiến thì có nội loạn không? Và chế độ chính trị hiện tại sẽ bị lật đổ không? Mà rút lui thì cũng không xong nữa, vì hoàng thân Bulow của Đức đã biết vai trò hai mang của Ý, nên đánh cắp nhiều tài liệu cung cấp cho phe trung lập Ý và sẵn sàng đổ của vào giúp nổi loạn. Chẳng biết tính sao, chế độ Quân Chủ đành phó mặc cho những biến chuyển đường phố quyết định. Ngày 10 tháng 4 năm 1915, Mussolini đăng lên báo “Popolo” lời hiệu triệu: “Ngày mai các bạn hãy đến chiếm đóng các nơi với bất cứ giá nào. Không ai có thể ngăn cản, vì bạn có quyền, các bạn là sức mạnh”. Hôm sau, Mussolini đi Rome để nói chuyện trước cuộc mít tinh của lực lượng xã hội can thiệp tổ chức ở đây. Ông đeo nơ đen, đội mũ “trái dưa”, mặc bộ đồ đen, gào thét cả giờ đồng hồ. Vừa dứt lời bước xuống thì nhân viên công lực ăn vận dân sự đến vặn tay và lôi ông về bót. Một điều đáng chú ý là đám người mít tinh thấy ông bị bắt chẳng có hành động phản đối nào. Trưa hôm sau, Mussolini mới được thả. Ngày 3 tháng 5 năm 1915 chính phủ Ý lên tiếng tố cáo và đòi hủy hiệp ước “Triplice” đã ký với Đức - Áo vào những năm cuối thế kỷ 19. Thế là xáo trộn bắt đầu, biểu tình lung tung khắp nơi, khắp mọi đường phố. Giữa lúc tình hình còn trắng đen chưa phân thì một ngôi sao sáng hiện ra. Đó là thi sĩ Gabrielle d’Annunzio, ông thuộc dòng dõi quí tộc và là nhà thơ yêu nước, giàu có, hào hoa lại nhiều thế lực, tuy nhiên văn thơ của ông rất hay, hầu hết sinh viên Ý đều thuộc lòng mấy câu thơ ái quốc của ông trong vở kịch “Electra” từng được trình diễn năm 1904. “Ô Rome, ô Rome en toi seule Dans le cercle de ces sept collines Les multitudes humaines désaccordèes Trouveront encore l’ample et’sublime unités Tu donneras le pain nouveau en disant la parole nouvelle…” Ngày 12 tháng 5 năm 1915, thi sĩ Annunzio tới Rome, quần chúng tụ tập cờ quạt đón và hoan hô ông. Trên bao lơn “Hôtel Regina” nhà thơ tuyên bố: “Chúng tôi ngay ngày hôm nay muốn đem chủ nghĩa anh hùng chống lại sự hèn nhát. Nước Ý của chúng ta phải võ trang không phải chỉ để biểu diễn nhố nhăng mà phải chiến đấu thật sự. Hỡi công nhân Romains, hãy can đảm nhận sự thách thức”. Tại hoàng cung, mẫu hậu Margherita tỏ ý tán thưởng lời Annunzio vì bà cũng là người chủ chiến hăng say lắm. Ngày 13 tháng 5, có tin đồn thủ tướng Salandra đệ đơn từ chức lên vua. Người ta hỏi Annunzio nghĩ sao? Ông đáp: “Hãy tin tôi đi, hãy nghe tôi đi, sự phản bội đã lộ mặt quá rõ, thiên hạ định xiết cổ tổ quốc bằng chiếc dây thừng của bọn Đức - Áo”. Phong trào chủ chiến được đẩy xa hơn nữa, kèm luôn với chủ trương chống bọn nghị hội chỉ ngồi không nói láo. Thi sĩ Annunzio tạo thêm nhiều thuận lợi cho Mussolini khi nhà thơ la lớn trước quần chúng đông đảo: “Nên quét sạch mọi nhơ bẩn rồi nhét vào thùng rác những tên ngồi không nói láo”. Ngày 13 tháng 5, Mussolini diễn thuyết tại quảng trường Piazza del Duomo ở Milan thì đoàn biểu tình thuộc nhóm trung lập ồ ạt tiến tới ném đá, rồi súng nổ, một thợ máy tên Louis Galda bị đạn bắn vào đầu chết ngay, 18 người nữa bị thương. Một quan sát viên tinh tế có thể nhận thấy phe chủ trương chiến tranh tổ chức chặt chẽ chu đáo hơn trong khi các lực lượng trung lập tuy đông hơn nhưng tổ chức tỏ ra lỏng lẻo. Ngày 14 tháng 5, tin Salandra từ chức được xác nhận càng làm cho làn sóng bạo động thành dữ dội. Tòa báo “La Stampa”, tòa báo “Mattino” ở Turin bị đập phá, tại tỉnh Naples nhiều nhóm người tràn ra đường hô: “Chiến tranh! Hay cách mạng!”. Tại Rome, đám biểu tình tụ tập trước trụ sở Hạ Viện, leo rào phá cản xông vào đuổi đánh đám dân biểu chủ trương trung lập bằng gậy gộc hoặc nhổ bọt vào mặt họ hoặc chửi mắng chế diễu. Các nhà đại sứ Đức, Áo và nhà chủ tịch Quốc Hội Giolitti đều được quân đội bảo vệ cẩn mật. Ngày 14 tháng 5, thi sĩ Annunzio lại lên tiếng tại nhà hát Costazi: “Chúng ta đang sắp bị đem bán như những con vật. Làm người công dân Ý lúc này là một điều sỉ nhục. Chính tên Donero (tức Giolitti) là tên đầu sỏ của bọn khốn nạn. Quốc Hội Ý sẽ tái họp ngày 20 tháng 5 sắp tới đây cũng là ngày kỷ niệm thắng lợi vẻ vang của người anh hùng Garibaldi. Chúng ta hãy đóng cửa không cho bọn đầy tớ Von Bulow vào nghị trường”. Ngày 15 tháng 5, công chức các phủ bộ biểu tình ủng hộ thủ tướng Salandra. Tờ “Messagero” viết: “Hoặc chính phủ mới phải tuyên chiến với những kẻ phản bội lòng tin của họ: Chiến tranh hay Cách mạng”. Ngày 16 tháng 5, vua cho mời thủ tướng Salandra đến cho biết ngài không chấp nhận nội các từ chức. Khắp phố ầm ĩ lời hô: “Vive Salandra! Vive l’armée!” Quốc Hội nhóm họp, dự án ủy quyền tuyên chiến cho chính phủ được chấp thuận bằng 407 phiếu thuận và 74 phiếu chống. Kể cũng là điều kỳ lạ, mới hơn tuần trước đa số dân biểu Quốc Hội chấp thuận chính sách hòa bình trung lập của Giolitti, thế mà bây giờ việc tuyên chiến lại được một số phiếu đè bẹp hẳn số phiếu cho chủ trương hòa bình. Các lý thuyết gia Phát Xít như Giovanni, Gentile sau này nói về hiện tượng ấy rằng: “Chúng tôi là những nghệ sĩ có ngón đàn điêu luyện, nên nhớ đừng quên vấn đề kỹ thuật vì vấn đề này được sử dụng giỏi khả dĩ lật ngược tình thế”. Mussolini sung sướng bảo vợ: “Mục tiêu của tờ báo đã đạt tới, nhưng nó còn nhiều việc phải làm để cổ võ hậu phương nhiệt thành ủng hộ tiền tuyến”. Ngày 17 tháng 5, thợ thuyền Turin tổng bãi công. Muộn rồi, chẳng cách gì lôi cuốn nước Ý trở lại hòa bình nữa. Trước hôm 24 hai ngày hết cái hạn mà Đồng Minh đòi, nước Ý tuyên chiến với Áo. Nhiệt tình yêu nước được thổi phồng đến độ nó luôn luôn biến thành những bạo hành ngoài đường phố và cử chỉ bất chấp pháp luật. Đã có lần đám thanh niên quá hăng tiết ở Rome nhổ vào mặt dân biểu thuộc đảng Xã Hội, ông Bertolini. Ngày 2 tháng 6, thủ tướng Salandra tuyên bố: “Cuộc chiến tranh của chúng ta là cuộc chiến tranh thần thánh”. Bên dưới dân chúng hoan hô rầm trời dậy đất. Ngoài mặt trận, quân Ý được lệnh tấn công. Thông cáo cho biết quân Ý đã chiếm Caporetto và tháng 7 họ tiến vào Trentin của Áo. Những người “danh tiếng” cổ võ cho chủ trương can thiệp đều lần lượt xin đầu quân như thi sĩ Marinetti, Annunzio, Corridoni … Riêng Mussolini, ông chẳng gửi đơn tình nguyện nào cả. Kẻ thù của ông thấy vậy chế diễu cho là hèn nhát. Nhưng ngày 31 tháng 8 năm 1915, nước Ý ban bố lệnh tổng động viên thì Mussolini cũng nhập ngũ, ngày 2 tháng 9 ông lên đường ra mặt trận, ông xin ở tuyến đầu. Xông xáo, lạc quan, luôn luôn trên miệng hô lớn: “Viva l’Italie!” mỗi lần nói chuyện với các bạn đồng đội. Có nhiều sĩ quan từ khắp nơi tìm đến làm quen với ông chủ nhiệm tờ báo “Popolo d’Italia”. Chỉ được vài tháng ngắn ngủi, tình trạng lạc quan mất hẳn. Trận tuyến dài cả 600 cây số mà bốn phần năm toàn núi non hiểm trở. Quân Áo tuy ít nhưng trang bị vũ khí tối tân. Quân Áo ở những vị trí trên cao, quân Ý ở dưới thấp. Quân Ý tuy đông nhưng vũ khí tồi tệ thành thử máu của quân Ý đổ ra rất nhiều mà thành quả thắng lợi hầu như không có. Tổng tư lệnh quân đội Ý là tướng Cadorna từ 1914 đã được ủy thác nhiệm vụ tăng cường quân đội 25 sư đoàn, lên 35 sư đoàn. Cadorna chỉ biết thêm đầu người mà không hề có một sửa soạn nào cho công cuộc thời đại hóa kỹ thuật chiến tranh. Bởi vậy quân đội Ý mới ra trận với vũ khí lỗi thời, pháo binh yếu ớt, quân phục lòe loẹt trở thành cái bia cho địch ngắm bắn, sĩ quan chỉ huy lại vô năng, tiếp vận hỗn độn, tản thương, cứu thương chậm trễ. Quân Ý phải đem súng trường chống lại đại liên Áo. Để đối phó với hàng rào kẽm gai kiên cố, quân Ý được phát những chiếc “sécateurs” chỉ có thể dùng cho việc cắt cành cây. Cộng vào thảm cảnh kỹ thuật là một cảnh khác còn thảm hơn, tư tưởng quân sự cổ lỗ với cái lối tấn công ồ ạt trực diện liên tiếp đẩy quân sĩ vào lò nướng người. Sáu tháng đầu cuộc chiến, Ý chết 66.000 quân bị thương 190.000. Số thương vong lớn lao này là kết quả cả những đợt tấn công nhiều mỏm núi đầy tuyết phủ mà người ta không hiểu chiếm được chúng thì sẽ có lợi ích quân sự gì? Quân sĩ phẫn uất đầu óc đần độn của tướng Cadorna. Nhà báo Luigi Albertini nói mỉa cái tài quân sự của tướng Cadorna rằng: “Hắn không hề biết xương máu của con người ra thế nào, hắn chỉ biết đánh giặc bằng bản đồ, bằng ý nghĩ mơ hồ về nghĩa vụ và bằng qui tắc nhà binh”. Mussolini viết trong nhật ký: “Suốt năm 1915, quân đội Ý làm chiến tranh dưới tất cả những điều kiện tuyệt đối liệt thế. Hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác tiến lên tấn công mở đường phá rào kẽm gai bắng xẻng cuốc, súng tay. Hết trung đoàn này đến trung đoàn khác được lệnh tiến chiếm những sườn núi cheo leo, quân Áo ở trên chỉ cần lăn đá xuống thôi cũng đủ giết cả trăm mạng người” Tháng 11 năm 1915, ở hậu phương Corridini, một chính trị gia hăng say cho chủ trương can thiệp bị giết chết. Dân chúng bàn tán: “Cho đáng đời đáng kiếp lũ đồ tể”. Quốc tế xã hội triệu tập đại hội ở Thụy Sỹ, kỳ đại hội này thấy có mặt cả Lénine. Mussolini liền lên tiếng trên tờ “Popolo” cảnh cáo bọn phá hoại hậu phương. Thủ tướng Salandra phụ họa. Mussolini đòi cắt đầu, Salandra bảo chỉ nên chặt tay thôi. Và chiến tranh tiếp tục gặm nhấm cho đến độ tàn tạ tuổi trẻ Ý. Mussolini được thăng lên chức cai do lòng quả cảm ngoài mặt trận. Rồi bị ốm nặng, ông nghỉ phép dưỡng bệnh ở Rome. Trong thời gian này, ông chính thức làm hôn thú cùng Rachèle. Vừa lúc nàng Ida Dalser cũng cho biết cô ta cũng hạ sinh đứa bé trai, con của Mussolini, nàng đặt tên nó là Benito Albano. Ida đưa đơn kiện kẻ “sở khanh”, đồng thời xông vào tòa soạn làm ầm ỹ, tự xưng là vợ chính thức. Cuối cùng có sự dàn xếp, hàng tháng Mussolini phải cấp dưỡng cho Ida 200 đồng lires. Từ đấy Ida luôn luôn là con kỳ đà cản mũi gây khó chịu rất nhiều cho Mussolini. Tháng 2 năm 1916 Mussolini lại trở ra mặt trận, quân Ý không bại mà cũng chẳng thắng, chỉ chết đều đều. Tháng 2 năm 1917, Mussolini bị thương nặng bởi một trái đạn pháo kích rơi trúng hầm. Chừng mấy chục mảnh đạn găm vào, phải khiêng về bệnh viện, kéo dài cả sáu tháng chữa chạy, đến tháng 9 năm đó, Mussolini vẫn chưa xuất viện, tên tuổi ông trở nên một biểu tượng anh hùng. Hoàng đế Ý nhân một chuyến đi thăm các mặt trận, ngày 7 tháng 3 đã gặp Mussolini, cầm tay người chiến sĩ mà ân cần thăm hỏi, khiến kẻ nổi danh bướng bỉnh ưa làm loạn cảm kích vô cùng. Ra khỏi nhà thương với đôi nạng gỗ trên tay, Mussolini được giải ngũ, về số 35 đường Via Paolo, địa chỉ tòa báo “Popolo” tiếp tục làm việc bên cạnh cô ký giả tóc hung Sarfatti. Sau bàn giấy chủ nhiệm nay có thêm bức hình ông ta mặc áo nhà binh đang nghiến răng ném trái lựu đạn. CÁI GIÁ CỦA CHIẾN THẮNG Tình hình mỗi ngày mỗi sa sút. Hàng loạt biểu tình chống chiến tranh xẩy ra khắp nước Ý. Binh sĩ ngoài mặt trận gửi thư về nhà khuyên cha mẹ anh em dừng cầy cấy trồng lúa, cho có nạn đói để buộc bọn hiếu chiến chấm dứt chiến tranh. Đức Giáo Hoàng thập ngũ gửi thư khắp mọi nước lên án chiến tranh này là cuộc chém giết vô ích. Cựu thủ tướng Giolitti xuất hiện đọc diễn văn công kích chiến tranh. Tại Turin, thợ thuyền họp mít tinh chào mừng hai đồng chí Smirnov và Goldemberg từ Petrograd tới đây, cả hai đều là đại biểu của nhóm Soviet. Hơn 50.000 công nhân nắm tay giơ lên hô to: “Viva Lénine! Viva les Bolcheviks!”. Ngày 23 tháng 8, nhiều vụ nổi dậy ở các vùng Milano, Nizza. Lực lượng công nhân ba bốn lần mưu chiếm toàn bộ cơ sở kỹ nghệ tại Turin, thợ thuyền công nhân tấn công tới tấp năm ngày liền những nơi quân đội trấn giữ. Năm ngày liên tiếp, lực lượng công nhân kêu gọi quân đội cùng công nhân nổi dậy làm cách mạng, nhưng quân đội khước từ. Turin ở Ý đã không biến thành Petrograd bên Nga. Tuy nhiên, tất cả những gì vừa xảy ra ở Turin đã khiến cho giai cấp lãnh đạo Ý lo sốt vó. Sau Tuần Lễ Đỏ nay lại đến phong trào này. Rồi sẽ còn gì nữa một khi chiến tranh chấm dứt? Phải quyết liệt ngăn chặn trước, chớ để nó thành tai họa lớn. Nhờ mấy trận đánh thắng của tướng Capello nên tình hình tạm lắng xuống được hơn một tháng. Cho đến tuần cuối tháng 10 thì thảm kịch nặng nề hẳn lên. Giữa lúc bên Nga, cách mạng tháng 10 thắng lợi thì tại Caporetto cả một sư đoàn quân Ý bị đánh thảm bại, người chết như rạ. Tướng Cadorna đánh điện về báo cáo cấp với chính phủ, ông viết: “Tôi đã thấy trước mắt một thảm họa rồi”. Quả đúng như vậy, tàn quân Ý rút lui, hình dáng quá sức tồi tàn, mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy làm, lính bất chấp sĩ quan, sĩ quan coi rẻ tướng, mệnh lệnh không còn ai tôn trọng nữa. Dọc đường mưa rét bùn lầy lội, lính lẫn lộn với dân chúng tỵ nạn, ai nấy bơ phờ mệt nhọc, quần áo tả tơi bệ rạc, tranh cướp từng miếng ăn hớp nước, chửi bới khinh rẻ nhau om sòm. 350.000 lính tan rã cộng với 400.000 dân chạy nạn ùn ùn kéo nhau về chỗ an toàn, cực kỳ hỗn độn. Thất bại quân sự, kéo theo khủng hoảng chính trị. Tổng trưởng Boselli từ chức nhường ghế cho ông Orlando. Nitti nay sang Bộ Tài Chính. Ngoài mặt trận quân Ý tiếp tục rút chạy. Hoàng đế Ý đau sót kêu gọi: “Hỡi công dân và binh sĩ hãy họp nhau thành một lực lượng vũ trang chống giặc. Hèn nhát là phản bội, chia rẽ là phản bội, oán trách phê phán là phản bội”. Tướng Cadorna bị cất chức. Tướng Diaz lên thay. Giữa cái mớ bong bong chính trị, Mussolini vẫn là cái họng lớn nhất hô hào cho nhiệt tình yêu nước, kêu gọi đoàn kết kỷ luật và chiến đấu. Ông gào thét đòi phải có hành động chống lại bọn trốn trách nhiệm đào ngũ, đòi tổ chức một đạo quân chí nguyện, đòi một đạo luật sắt thép, đòi cấm các báo của đảng Xã Hội. Ông viết: “Tự do chính trị chỉ có thể chấp nhận ở thời bình. Còn thời chiến, tự do chính trị là phản bội. Trong khi hàng triệu người đang đem cái chết chiến đấu cho tổ quốc thì không lẽ nào lại để cho vài ngàn người được tự do chính trị mà phản bội xứ sở… Chúng ta cần phải hủy bỏ ngay cái danh tự do để thay vào đó hai chữ Kỷ Luật”. Cũng một Mussolini, trước đây từng hăng say ủng hộ việc đạp đổ chế độ Nga Hoàng, nay lại hăng say đánh đuổi chủ nghĩa Leninit ra khỏi Ý. Người rất chú ý theo dõi hành động của Mussolini lúc đó là Sir Samuel Hoare, một sĩ quan tình báo Anh. Hoare lo ngại phong trào thân Đức đang lên mạnh ở Rome, nếu không tính ngay thì mặt trận Ý sẽ vỡ. Lập tức Hoare đánh điện qua Rome hỏi xem Mussolini là ai? Rome trả lời: “He was a powerful mob leader in Milan” (Một lãnh tụ đầy quyền lực của đám khố rách áo ôm). Hoare liền cho nhân viên mật tìm cách liên lạc với Mussolini, mang theo nhiều tiền giúp Mussolini đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền cho chiến tranh. Quân Áo tiến tới Piave thì cũng mệt mỏi nên ngừng, mặt trận Ý tạm thời chưa đến nỗi nào. Quân Ý bây giờ là đồ vô dụng. Mussolini cùng nhóm chủ trương can thiệp mộ quân tình nguyện gồm toàn thanh niên tứ cố vô thân, những tên tù mới ra khỏi lao thất. Đêm đêm, họ được lệnh bơi qua sông giá lạnh đột nhập vào trại quân Áo chém giết và bị giết, họ mặc quần áo đen, đeo huy hiệu ngọn lửa cháy, ban đêm đi cặp tay với tử thần, ban ngày uống rượu đập phá hãm hiếp. Dần dần bạo lực trở thành một thói quen, một thích thú. Bọn họ chính là lực lượng mở đường của đảng Phát Xít. Ngày 24 tháng 2 năm 1918 ở Rome, lên tiếng trước một hội trường đông đảo, Mussolini nghĩ đến đạo quân Áo Đen, ông nói: “Chúng ta cần những con người hung dữ tràn đầy sức mạnh để đập tan nát, để trừng phạt, để chiến đấu”. Ngày 24 tháng 5 năm 1918, tại nhà hát lớn ở tỉnh Bologne, Mussolini lên diễn đàn dõng dạc: “Chúng tôi đòi quyền lãnh đạo nước Ý”. Với sự tham chiến của Hoa Kỳ, cán cân lực lượng chiến tranh nặng nề về phía Đồng Minh. Tháng 6 năm 1918 quân Áo mở trận tấn công quân Ý trên mặt trận Piave, thất bại. Ngày 24 tháng 10 năm 1918, quân Ý phản công. Ngày 3 tháng 11 năm 1918, Áo xin đình chiến. Mussolini hân hoan viết lên mặt báo: “Quân đội Ý vừa đưa nhát gươm ân sủng vào cổ kẻ thù của nhân loại để giải phóng cho nhiều dân tộc”. Căn cứ vào hiệp ước Luân Đôn, quân Ý kéo tới chiếm cứ một khu vực khá dài thuộc đế quốc Áo - Hung tính từ Trieste đến Trente. Dân chúng ở đây hoan hô quân đội Ý như những người giải phóng, cờ quạt treo đèn kết hoa, múa hát mừng chiến thắng. Ngày 10 tháng 11 tại Milan, liên hoan thắng lợi còn vui hơn nữa. Khắp các ngả đường, đủ mọi thành phần kể cả giới tu sĩ áo dài đen đều tham gia biểu tình tuần hành. Người ta chú ý đến một hiện tượng: Đoàn quân cảm tử áo đen đầy nhóc trên nhiều xe cam nhông ca hát, reo hò và đập phá. Rồi bỗng thấy xuất hiện Mussolini nói với họ: “Hỡi các bạn, chúng ta đang chiến đấu trong khi lũ “philistin” hèn nhát bỏ chạy, phản bội… Lưỡi dao sáng loáng, những trái lựu đạn nổ vang trời của chúng ta rồi đây sẽ phải làm sáng tỏ công lý đối với bọn khốn nạn âm mưu cản trở bước tiến của nước Ý vĩ đại. Bây giờ nước Ý là của các bạn, của chúng ta”. Đoàn quân Áo Đen hô to: “À nous! Vive l’Italie!” Ngày 11 tháng 11 năm 1918, đình chiến ở mặt trận Pháp, những cuộc biểu tình tại Milan càng nhiều hơn, chỗ nào cũng thấy đám đông tụ tập làm nghẽn cả đường phố. Mussolini luôn luôn có mặt nói chuyện với dân chúng, nhất là thợ thuyền: “Anh em từng cùng với tôi chiến đấu trong các hầm hố ngoài tiền tuyến, các bạn có nhớ ngày này mấy năm trước đây, chúng ta tổ chức mít tinh đòi chiến tranh, các bạn có nhớ Francesco Corridoni”. Corridoni là một ủy viên cách mạng của nghiệp đoàn công nhân đã tử trận, nếu còn sống Corridoni là ngôi sao sáng khả dĩ đối địch với Mussolini. Nay Mussolini được hưởng một mình trọn vẹn danh vọng của người hùng chiến thắng. Đám đông ồ ạt chạy đến ôm Mussolini, kiệu ông lên vỗ tay hoan hô, la ó mừng rỡ. Tên ông được truyền miệng, không ai không muốn nhắc tới ít nhất một lần kể cả lũ trẻ lên năm, lên mười. Thời gian reo vui chẳng kéo dài bao lâu. Những sự thật tàn nhẫn của hậu chiến hiện ra làm tắt lịm lửa liên hoan cho thắng trận. Trước hết, là mặt đối ngoại, đế quốc vương triều Hasbsbourg sụp đổ, miền Trieste và Trente nay của Ý, Nhưng chỉ mấy ngày sau là rắc rối xảy ra. Một phái đoàn vùng Fiume tới Rome, phản đối sự sát nhập miền này vào Ý vì theo hiệp ước Luân Đôn nó thuộc khu vực Croatie (tiểu bang Cộng Hòa Nam Tư ). Dọc bờ biển Adriatique, phe Đồng Minh cho quân đổ bộ đóng kèm với quân Ý, nghĩa là không cho Ý toàn quyền như họ đã hứa hẹn. Rồi tình hình trong nước. Hàng ngày hầu hết mọi gia đình đều nhận được những tin tang tóc về con cái, chồng, cha, anh em. Bởi vì chiến tranh đã lấy đi của dân Ý 600.000 người chết, 950.000 bị thương và 250.000 bị tàn phế suốt đời. Nước Ý chỉ mạnh từ các cổ họng hò hét đi ra, chứ thân thể thì mệt lả. Gramsci viết: “Nước Ý sau chiến tranh chỉ còn là một vết thương nhầy nhụa máu" (L’Italie sortit de la guerre n’est plus qu’une plaie, et son sang coule à flots de son corps couvert de blessures). Giá phải trả cho chiến tranh chẳng phải chỉ bằng máu mà thôi. Bằng của cải nữa. Chi tiêu năm 1913-1914 là hai tỷ rưỡi đồng lire nay là 30 tỷ đồng lire cho năm 1918-1919. Ngân quỹ thiếu hụt gần 100 lần, tiền lạm phát như ngựa chạy. Anh - Mỹ loan báo cho Ý biết chấm dứt mọi sự cho vay và bây giờ là thời kỳ Anh - Mỹ đòi nợ. Nhưng không một ai chịu nhìn nhận những khó khăn trên là kết quả đương nhiên của cuộc chiến. Dân chúng nhất loạt nuôi hy vọng chiến tranh hết rồi, giá cả sẽ hạ xuống, trở lại đời sống sung túc ngày xưa. Hy vọng ấy bị bóp chết ngay bởi nỗi cơ cực hậu chiến thất nghiệp và nghèo khổ. Khi khởi sự chiến tranh, với lệnh động viên tại chỗ các thợ thuyền, với nhu cầu đẩy mạnh sản xuất nên kỹ nghệ Ý phát triển rất mau, nhiều lò đúc thép được dựng lên ở Turin, Gênes, Milan tập trung vào tay các nhóm đại kỹ nghệ gia Fiat, Ansaldo và Ilva. Họ thu những số tiền lời khổng lồ, đến nỗi thế lực tiền bạc của họ tràn sang kiểm soát hệ thống ngân hàng, kể cả ngân hàng quốc gia. Cuối năm 1918, quân đội giải ngũ sống lay lứt tối lo bữa sáng, sáng lo bữa tối thì bọn bạo lợi làm giàu do chiến tranh đúng là lũ “pescicani” hay “imbescati” những danh từ xấu xa để chỉ một hạng người xấu xa Vừa dứt chiến tranh, tâm lý hân hoan với chiến thắng mãnh liệt hơn nhận thức thù hận nên mọi người tạm quên các thiệt hại đã phải chịu. Bây giờ tất cả mới vỡ lẽ, chiến thắng chẳng qua chỉ là một ảo tưởng vì kẻ chiến thắng không có quyền hành gì với ai hết, mà nước Ý như một anh chàng bệnh hoạn thân thể đầy thương tích sao có thể giành nổi quyền hành. Ngày 20 tháng 11, cử hành long trọng lễ chào mừng Quốc Hội, các ông nghị quần áo sang bảnh trở về đầy ắp trụ sở Montecitorio. Trong đó đông đủ quan khách: Đại sứ, sĩ quan cao cấp .v.v… Orlando, thủ tướng của nội các chiến thắng, dáng dấp nặng nề, tóc bạc trắng lên diễn đàn, bằng giọng đầy xúc động, đưa ra mấy điểm quan trọng: a/ Ý xác nhận tham dự vào chương trình của tổng thống Hoa Kỳ Wilson. b/ Chiến tranh này là cuộc cách mạng chính trị và xã hội, vậy tương lai sẽ là những cải cách xã hội lớn lao. CÁC LỰC LƯỢNG CHÍNH TRỊ DÀN THẾ TRẬN Trước tình thế mới, các lực lượng chính trị, đảng phái cũng như quần chúng, phải sắp xếp trận tuyến đấu tranh. Ngày 22 và 23 tháng 12 tại Bologne có một cuộc biểu tình tuần hành đông đảo của anh chị em công nhân, nông dân. Đoàn người cất cao tiếng hát: “La bandiera ressa la trionfera La bandiera rossa la trionfera E viva il socialism e la liberta” (Cờ đỏ sẽ chiến thắng, cờ đỏ sẽ chiến thắng. Chủ Nghĩa Xã Hội và tự do muôn năm) Đảng Xã Hội vận động đoàn kết mọi khuynh hướng đảng. Làn sóng cách mạng tháng 10 từ Nga tràn vào các nước Châu Âu, từ Petrograd đến Berlin, đến Turin, đến Bologne. Khẩu hiệu đấu tranh cho một nền vô sản chuyên chính được tung ra đều khắp. Lãnh tụ Serrati, người lãnh đạo Tuần Lễ Đỏ, nay nắm giữ ghế chủ nhiệm tờ “Avanti”, phụ trách luôn công tác tổ chức công nhân giải ngũ thành Liên Hiệp Các Cựu Chiến Sĩ Đỏ. Quay về phía đám người đứng xem hai bên đường, đoàn biểu tình hô: “Cách mạnh muôn năm! Soviet muôn năm! Bolshevik muôn năm!” Rồi hát tiếp: “Avanti Popolo, all riscossa Bandiera rossa, bandiera rossa” (Hãy tiến lên đoàn nhân dân tiền phong Tiến lên cứu nước… Cờ đỏ phấp phới bay) Phía chính phủ và các đảng phái quốc gia thì đang sôi nổi với vấn đề sát nhập đất đai. Lúc đụng thực tế họ đều thất vọng. Họ đưa chương trình hành động chung, tuy nhiên kèm theo chương trình là một nhận định chua chát: Chiến tranh chẳng phải cho lý tưởng dân chủ gì hết mà chỉ là sự va chạm quyền lợi đế quốc, phải là kẻ mạnh trước đã. Chính Mussolini viết: “Đế quốc chủ nghĩa là quy luật căn bản bất di bất dịch của đời sống”. Ngày 3 tháng 1 năm 1919, tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson tới Rome. Hàng trăm ngàn người nghênh đón. Đám đông đồng loạt hô: “Hòa bình! Hòa bình!”. Sự tiếp đón nồng nhiệt chẳng đi tới đâu cả vì tổng thống Hoa Kỳ vẫn lạnh lùng không ủng hộ Ý trong việc đòi vùng Dalmatie. Ông nói: “New York là một tỉnh có rất nhiều dân Ý nhưng không thể vì lẽ đó mà người Ý có thể đòi cho New York sát nhập vào Ý”. Dân Ý buồn bực lắm trước thái độ của Wilson mà vẫn phải gượng cười tỏ lòng hiếu khách. Nhất là Mussolini, ông cho đăng hàng tit lớn mấy chữ: “Rends le plus grand des hommages à Wilson”. Ông hiểu rằng bây giờ chưa phải là lúc công kích Wilson. Tháng 2 năm 1919, Cộng Sản biểu dương lực lượng ở Milan. Lần này phe hữu hoảng sợ thực sự. Họ liền bàn bạc với nhau việc sẽ ủng hộ Mussolini thành lập một lực lượng khác để đương đầu. Nòng cốt của lực lượng ấy là bộ đội cảm tử “Arditi”. Tại sao lại chọn Mussolini? Mặc dầu trước đó Mussolini là kẻ thù của đảng Xã Hội nhưng phe hữu vẫn không tin vì trước sau hắn vẫn là một tên “vô lại” từng tham dự vào cuộc đấu tranh vô sản. Câu trả lời có thể tìm thấy trong biến cố ngày 11 tháng 1 năm 1919 ở Milan. Hôm ấy Liên Hợp Quốc mời nhà chính khách Bissolati, người chủ trương để mặc cho Quốc Tế phân xử sắp xếp mọi việc sau chiến tranh vừa từ chức khỏi nội các Orlando, nói chuyện tại hý viện “Alla Scala”. Số người tới nghe rất đông. Mussolini đầu cạo trọc lốc cùng đi với ba vệ sĩ. Bài diễn văn mới đọc chừng phần ba thì bỗng hội trường vang lên tiếng hát mà lời ca toàn một ý nghĩa của chiến tranh và bạo lực. Tiếng hát đó do đoàn cảm tử Arditi xướng lên. Mấy phút sau, từ bên ngoài rầm rộ đi vào đoàn người khác, đi đầu là lá cờ viền tua đen lãnh đạo bởi Vecchi. Họ đều đội mũ “Beret” hay mũ “fez” màu đen. Đoàn này rẽ đám đông đi vào hội trường. Thế là lộn xộn xảy ra, tiếng chửi rủa lẫn tiếng đấm đá, Bissolati đành bỏ dở bài diễn văn. Đạo quân Arditi tề chỉnh, Mussolini và Vecchi đi hàng thứ nhất tuần hành ngoài đường phố vừa bước chân vừa hát bài “Non passa lo straniero”. Khí thế của họ làm kinh ngạc mọi người. Trung tuần tháng 4 năm 1919, công việc soạn thảo một hiệp ước hòa bình chung cho cả thế giới, sắp đặt lại bản đồ cho Châu Âu và hệ thống thuộc địa của Châu Âu đã đến hồi kết thúc. Người ta sửa soạn thông báo các nước chiến bại những điều qui định mà họ phải chịu. Bầu không khí đang êm lặng đột nhiên ngày 23 tháng 4, phái đoàn Ý do thủ tướng Orlando cầm đầu, tuyên bố quyết định bỏ bàn hội nghị quốc tế. Chuyện gì xảy ra? Vì tranh chấp khu vực Adriatique hết sức gay go. Cả Ý và nền Quân Chủ Nam Tưđều quyết liệt đòi sát nhập vào quốc gia mình xứ Fiume và bờ biển “dalmate”. Quốc Hội Nam Tưra tuyên cáo nói rằng dân tộc Nam Tưsẵn sàng bảo vệ lãnh thổ bằng bất cứ giá nào. Tại Ý, phản ứng đối với thái độ của Nam Tưcũng chẳng kém phần sôi nổi. Ngày 16 tháng 4, giáo sư Bellini diễn thuyết về vấn đề này, đã lôi cuốn một số thính giả vĩ đại, tiếp sau diễn thuyết là biểu tình. Tranh chấp không chỉ còn trong phạm vi hai phái đoàn nữa mà đã được mở rộng thành giữa hai dân tộc, người ta thôi không cãi cọ bên bàn hội nghị nữa mà để cho biên giới dân chúng xô sát đổ máu. Thủ tướng Orlando hàng ngày nhận được cả mấy chục điện văn từ các chính khách, các đoàn thể chính trị yêu cầu cứng rắn nhất định chẳng chịu nhường một bước. Trong khi tổng thống Wilson lãnh đạo phái đoàn Hoa Kỳ, cho phân phát bản tuyên ngôn khá dài chống lại tất cả mọi đòi hỏi về đất đai của Ý và nhân danh là nước đã giúp Châu Âu đánh thắng kẻ thù, ông muốn hội nghị cứ việc phân xử, ngụ ý bảo nếu không có sự hiện diện của Ý cũng chẳng sao. Về hiệp ước Luân Đôn, tổng thống Wilson cho rằng: “Ý tham chiến căn cứ vào thỏa thuận mật với Anh - Pháp gọi là Hiệp Ước Luân Đôn” (Pacte de Londres). Nhưng khoảng thời gian, bộ mặt chiến tranh đã thay đổi vì có nhiều nước lớn nhỏ tiếp nối nhau tham chiến mà không hề biết đến thỏa hiệp bí mật Luân Đôn như thế nào.Đế quốc Áo - Hung, kẻ thù của Châu Âunhư Hiệp Ước Luân Đôn ghi nhận, bây giờ không còn là thế nữa, vậy thì Hiệp Ước Luân Đôn cũng hết lý do tồn tại. Ý hiện tại chỉ được coi như một nước hội viên của liên đoàn quốc gia tức Liên Hợp Quốc và phải tôn trọng tự do của các nước hội viên nhỏ bé vì cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh giành lại tự do thì quyền lợi của các nhỏ bé cũng phải được bảo vệ ngang với quyền lợi các cường quốc. Thủ tướng Clémenceau Pháp vận động ráo riết để bênh vực Ý nhưng vô hiệu. Hoa Kỳ chẳng những là quốc gia ân nhân, mà thời kỳ hậu chiến, Hoa Kỳ còn là quốc gia chủ nợ. Pháp quốc bị tàn phá bởi chiến tranh còn cần cái túi tiền Hoa Kỳ ghê lắm, đâu dám nổi nóng. Thấy Orlando làm dữ, bộ trưởng ngoại giao Anh Balfour lo lắng hỏi: “Ngài đã tính kỹ càng những hậu quả tai hại nếu Ý tuyệt giao với Hoa Kỳ hay chưa?” Thủ tướng Orlando đáp: “Nước chúng tôi ít nhu cầu và chúng tôi khá tường tận nghệ thuật và phương cách chết đói” (Nous sommes un people sobre, et nous connaissons l’art la manière de mourir de faim). Hoàng đế Victor Emmanuel gửi điện văn qua Paris tỏ ý tán thành hành động của Orlando. Thế là ngày 24 tháng 4, phải đoàn Ý rời nước Pháp để về Rome. Tối ngày 25, tòa đại sứ Hoa Kỳ công bố lời hiệu triệu của tổng thống Wilson gửi nhân dân Ý nói lý do không chấp nhận trả Dalmatie cùng với ít lời bênh vực hành động của Hoa Kỳ là bảo vệ quyền thiêng liêng cho các dân tộc chứ đây không phải là vì quyền lợi đế quốc… Bản hiệu triệu lại càng làm dân chúng Ý tức tối hơn, họ kéo nhau đến bao vây lâu đài “Del Drago”, nơi đặt tòa đại sứ Hoa Kỳ, chửi rủa ném đá. Phần thủ tướng Orlando khi được hỏi về bản hiệu triệu, ông nói: “Nói chuyện thẳng với dân chúng thường thường chỉ là việc làm của những chính phủ thù nghịch”. Ngày 26 tháng 4, nhà ga xe lửa Rome tràn ngập người đứng chờ đón phái đoàn Ý từ Paris trở về. Chuyến xe lửa chạy cứ qua mỗi ga lại được chứng kiến những đám biểu tình. Đúng 10 giờ 30 xe lửa tới Rome, thủ tướng Orlando, tướng Diaz và bộ trưởng Barzilai được dân chúng sô tới công kênh đưa lên xe ôto. Đứng trên xe, Orlando hỏi to: “Đồng bào có cho rằng chúng tôi đã làm điều phải không? Đồng bào có nhận rằng phái đoàn thương thuyết Ý đã hành động xứng đáng và trung thành đối với nguyện vọng của dân Ý không?” Từ đám đông, tiếng “có, có” đồng thanh chỗi dậy như cơn sóng lớn để trả lời câu hỏi của vị thủ tướng. Orlando mắt long lanh giọt lệ nói tiếp: “Suốt bốn năm chúng ta chịu bao nhiêu hy sinh, đau khổ, có lẽ lần này chúng ta lại phải hy sinh và đau khổ nữa… Tôi nghĩ quân đội hải lục Ý đã sẵn sàng như tháng 5-1915 trước đây…” Đến lượt tướng Diaz xác định: “Quân đội đã thật sẵn sàng rồi”. Đoàn người như thác lũ ầm ầm kéo theo sau xe của phái đoàn, đi qua hoàng cung, Hoàng Gia chờ sẵn trên “ban công”, tiếng hoan hô vang lên rầm trời. Ngày 29 tháng 4, Quốc Hội họp và tuyên cáo: “Hoàn toàn ủng hộ chính phủ, hoàn toàn tín nhiệm chính phủ trong sứ mạng bảo vệ quyền tối thượng của quốc gia để kiến tạo một nền hòa bình công bình, vĩnh cửu”. Kết quả những chuyện ồn ĩ trên ra sao? Tại Paris, ba nước Anh - Pháp - Mỹ vẫn cứ tiếp tục thảo luận bàn cãi. Quân Ý tiếp tục đổ bộ lên Anatolie, họ cũng mặc. Ý vắng mặt ở bàn hội nghị, họ cũng thây kệ và họ đã thảo xong hiệp ước với Đức - Áo. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục gửi điện văn cho thủ tướng Orlando yêu cầu phái đoàn Ý trở lại bàn hội nghị. Các nhà lãnh đạo Ý hỏi nhau: “Có nên trở lại Paris không?” Dân chúng nghe phong thanh phái đoàn Ý sắp lại lên đường đi Paris, dư luận bảo nhau: “Nếu vậy thì thật là một điều sỉ nhục”. Rút cục, ngày 6 tháng 5, Orlando cũng phải đi Paris cùng với Sonnino..Cộng Sản biểu dương lực lượng cộng thêm sự sỉ nhục của Ý trên mặt ngoại giao là điều kiện căn bản tạo sức mạnh cho đảng Phát Xít. Phát Xít là gì? Nó xuất phát từ danh từ “Fascio” của tiếng Ý. Fascio là danh từ chỉ một bó củi buộc chặt lại với nhau. Thời đế quốc La Mã dùng chữ Fascio làm dấu hiệu với bó củi buộc chặt, ở giữa là chiếc búa chặt củi tượng trưng cho sức mạnh và đoàn kết. Thoạt đầu, Mussolini lập một nhóm chống lại đảng Xã Hội, đặt tên nhóm này là “Fascio d’Azione Revoluziona”. Fascio ở đây mang ý nghĩa là một nhóm người cách mạng hùng mạnh, quyết liệt. Năm 1915, khi cổ võ cho chính sách tham chiến, Mussolini đổi tên nhóm của ông thành “Fasci di Combatimento” (nhóm chiến đấu). Từ đấy, danh từ “Fascio” gắn liền với tên Mussolini. Tháng 3,1919 sau khi phái đoàn Orlando bị các cường quốc Anh - Mỹ khước từ mọi yêu sách, Mussolini liền chính thức đưa tổ chức “Fasci di Combattimento” thành một đảng chính trị, dùng tờ “Popolo d’Italia” làm cơ quan tuyên truyền. Tháng đầu năm 1919, mọi hy vọng giá cả sinh hoạt trở lại mức năm 1914 đã trở thành ảo tưởng. Họa đói khổ hậu chiến lù lù trước mắt, kho đạn trống trơn, thương cảng thuyền bè vắng vẻ, đầu cơ, tham nhũng hoành hành. Nạn nhân thấy rõ nhất là giới trung lưu. Giới này từng đóng góp cho chiến tranh sức người và của cải rồi chết chóc, rồi mất mát cho nên giới này thường quan niệm chiến thắng của Ý là nhờ họ rất nhiều. Thế mà bây giờ hòa bình bỏ quên họ, giá cả siết cổ họ. Bọn độc quyền tư bản, bọn đầu cơ bảo thủ, bọn bạo lợi thi nhau bóp nghẹt đời sống của họ.Tiểu thương, tư chức, công chức, sĩ quan cấp dưới trông mặt toàn một màu rau cỏ, chạy ngược chạy xuôi vất vả mới mong có đủ hai bữa ăn. Nhất là đám sĩ quan trẻ tuổi giải ngũ số chừng 200.000 thất nghiệp, lơ láo xin việc, tranh nhau may ra mới có chỗ, một chỗ làm nhục nhã như vả vào cái mặt oai quyền chỉ huy trước đây. Phần lớn sĩ quan lúc giải ngũ chẳng có bằng cấp gì cả nên đi đến đâu cũng bị từ chối, huy chương anh dũng để đeo thì được chứ đem nó đi xin việc thì vô ích. Đi học lại ư? Lấy tiền đâu đổ cơm vào miệng mà học! Nói lại những hành động anh hùng của mình ư? Thiên hạ bụm miệng cười! Đám thợ thuyền vì khuynh hướng chính trị nên không ưa sĩ quan, nên xung đột xảy ra luôn, có nhiều sĩ quan giải ngũ đã bị công nhân đánh đập tơi bời và lột quần áo bêu diếu. Những người vất vưởng trên đây bao giờ cũng thích nghe luận điệu mạnh bạo toạc móng heo ghi trên tờ “Popolo d’Italia”. Cùng trong thời gian Mussolini thành lập đảng Phát Xít còn có một đảng mới khác nữa ra đời, đó là đảng “Bình Dân Ý" (Parti Populaire Italien). Trước khi ra mắt quốc dân, đảng này cho dán khắp nơi tờ áp phích màu trắng viết chữ “Libertas” trên một cái khiên thời Trung Cổ mang dấu thánh giá. Người sáng lập ra đảng “Bình Dân” là Don Luigi Sturzo là nhà dòng đã từng làm tổng thư ký của hội “Hoạt Động Công Giáo” (l’Action Catholique). Cha Sturzo được Đức Hồng Y Gasparri ủng hộ. Mục đích của đảng Bình Dân là dẫn dắt giáo dân Công Giáo trong sinh hoạt chính trị. Cả Giáo Hoàng Benoit 15 cũng chấp nhận bản tuyên ngôn do cha Sturzo thảo, vì Tòa Thánh đang rất lo ngại thợ thuyền Công Giáo có thể bị những khẩu hiệu đấu tranh của Xã Hội Chủ Nghĩa mê hoặc. Đảng viên đảng Bình Dân gồm toàn các tiểu điền chủ, dòng họ quý tộc của Ý ngày xưa, những phần tử Công Giáo ngoan đạo. Mục tiêu của đảng là bảo vệ mọi giá trị của đạo Gia Tô chống lại mọi âm mưu vật chất hóa lý tưởng thiêng liêng. Đảng phát triển rất mau trong thời gian 6 tháng đã thành lập 850 phân bộ với số lượng 56.000 đảng viên. Sự xuất hiện của đảng Bình Dân làm thay đổi khá nhiều thế trận chính trị, nó gây trở ngại cho đảng Xã Hội đang trên đà bành trướng. Chống vật giá tăng cao, giai cấp vô sản sử dụng vũ khí bãi công. Bãi công để đòi thêm cho mình tiền lương, đồng thời để tiến dần lên những mưu đồ chính trị khác. Người ta được biết ngày 28 tháng 1 năm 1919, lãnh tụ lão thành của đảng Xã Hội, ông Turati trước cuộc mít tinh, nói: “Chúng ta phải sửa soạn từ bây giờ một ý thức về biến cố đưa đến xã hội của Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng ta phải nhận rõ sự cần thiết để thay đổi xã hội qua từng giai đoạn”. Từ đám đông có người nói lớn: “Như vậy lâu quá!”. Turati hỏi: “Nếu anh biết con đường nào nhanh hơn hãy chỉ cho tôi xem?” Đám đông nhao nhao đáp: “Hãy theo gương Nga. Vạn tuế Lénine!”. Cảnh tượng trên đây cho thấy lòng khát khao một cái gì mới của dân chúng đã lên đến mức nào. Nông dân muốn có đất để cày cấy, thợ thuyền, quân đội giải ngũ muốn có công ăn việc làm. Cứ cái đà này mà đi và không có biến cố ngày 23 tháng 3 thì đảng Xã Hội, đảng Bolshevik đã nắm phần chắc trong tay. Ngày ấy là ngày đảng Phát Xít của Mussolini và người bạn đường chính trị Ferrucio Vecchi ra đời. Ngày ấy Vecchi rút con dao sáng quắc bên mình, rồi chưng ra một lá cờ đen mà nói: “Chúng ta thề bảo vệ nước Ý. Vì tổ quốc, chúng ta sẵn sàng giết hoặc chết”. Bên dưới, bộ đội áo đen Arditi hoan hô. Ngày ấy gần hết bộ đội Arditi biến thành tổ chức “Fasci Italiani di Combattimento”. Và sau ngày ấy 23 hôm, tức ngày 13 tháng 4, tại Via Borsieri là sự xung đột giữa đám công nhân biểu tình. Đến buổi chiều, đảng Xã Hội ra lệnh tổng bãi công vào ngày 15. Đúng kỳ hạn, thành phố vắng teo, lực lượng cảnh bị có mặt ở mọi chỗ để canh giữ. Mussolini có mặt ở đó cho bố trí lực lượng Arditi để đợi giờ khởi sự, ai nấy mang đầy đủ súng ống, lựu đạn, dao găm. Im lặng kéo dài ba bốn tiếng đồng hồ, thợ thuyền bãi công, cán bộ, đảng viên đảng Xã Hội tập trung một nơi cả trăm ngàn người. Thành phố yên lặng, bỗng nghe tiếng chân người bước đều và bài hát “Bandiera Rossa” (Cờ đỏ) vang lên. Ở một chỗ khác, lực lượng Phát Xít Arditi cũng được lệnh tập họp, tiếng chân chạy rầm rập. Đằng xa là đoàn biểu tình đỏ tiến tới, dẫn đầu là ba người đàn bà mặc sơ mi đỏ, hai đứa trẻ mang hình Lénine, đằng sau các nam nữ công nhân, trên khuy áo mỗi người đều cài bông hoa đỏ. Lực lượng cảnh bị dãn ra để cho anh em Phát Xít Arditi xông vào hướng dẫn đoàn biểu tình. Súng nổ lung tung, tiếng gậy gộc chạm nhau chan chát lẫn tiếng la hét và khóc lóc. Đoàn biểu tình lùi lại, ngã gục, chạy tứ tán. Marinetti, một cán bộ nòng cốt của đảng Phát Xít, cầm gậy quất vào mặt một đảng viên rồi quát lớn: “Đồ Imbécile, đồ tồi, thà mày vạn tuế Serrati thì còn được, chứ vạn tuế Lénine thì quả là đáng đánh đòn” (Serrati lãnh tụ đảng Xã Hội Ý). Sau đó, nhóm thanh niên Phát Xít ào ào đổ về phía tòa báo Avanti. Lực lượng cảnh bị ngăn cản không cho họ vào tòa báo. Họ bắn gục luôn thầy đội Martino Speroni. Những người khác đành thúc thủ. Thế là tòa báo Avanti bị đập nát vụn, máy móc bị bỏ ra ngoài đường, thợ in bị đuổi, hồ sơ bị đốt. Nửa giờ sau, trụ sở tòa báo đảng Xã Hội bốc cháy ngùn ngụt. Đoàn quân phá hoại ra đi thét vang dội: “Avanti non c’è piu! Avanti non c’è piu!” ( Hết cả Avanti! hết cả Avanti!). Họ kéo về báo quán “Popolo” để hoan hô Mussolini lúc ấy đang đứng bên cửa sổ hân hoan chờ đợi. Tối hôm ấy, đảng Phát Xít mở tiệc mừng chiến thắng đầu tiên của lịch sử đảng và thầy đội Speroni được phong thánh tử đạo của Phát Xít. Mussolini nói: “Chúng ta khai chiến với đảng Xã Hội, không phải vì chúng là những người xã hội mà vì chúng đã hành động phản bội đất nước. Đối với tư tưởng của Chủ Nghĩa Xã Hội, đối với chương trình xã hội và đối với chiến thuật đấu tranh xã hội, chúng ta sẵn sàng thảo luận. Nhưng đối với bọn đầu sỏ của đảng Xã Hội chúng từ lâu nay đã thành lũ phản động ngoan cố, nếu để cho tư tưởng của chúng đem ra thực hiện chắc thế giới này sẽ chẳng còn ai sống nổi. Chúng ta phải làm sao tách anh em vô sản ra khỏi bọn đó. Tuy nhiên, nếu giai cấp tư sản nghĩ rằng họ có thể dùng chúng ta như những ông thiên lôi thì họ đã lầm (But if the bourgeoisie think that they wil find lightning conductors in us, they deceive themselves). Bởi vì chỗ đứng của chúng ta là ở bên cạnh anh em lao động. Chúng ta phải tìm về với nguyện vọng của thợ thuyền, nếu anh em cần đòi làm 8 tiếng mỗi ngày, nếu anh em cần nghỉ bù 6 giờ sau khi làm đêm, nếu anh em muốn có lương đầy đủ lúc ốm đau, nếu anh em đòi kiểm soát công việc làm ăn của kỹ nghệ, chúng ta phải đứng đằng sau anh em để đấu tranh cho những nguyện vọng đó”. SAU KHI PHÁI ĐOÀN Ý NHỤC NHà TRỞ LẠI PARIS - VẤN ĐỀ FIUME Đối với vụ Orlando nhục nhã trở lại Paris, Mussolini viết một bài chửi rủa bọn Đế Quốc Ngân Hàng (imperialism bancaire) và cái lối Đồng Minh của bọn giàu có (l’alliance de la ploutocratie), gọi sự thắng lợi của Ý là thắng lợi què cụt (la victoire mutilée). Luận điệu quá khích cứ tăng lên mãi. Mussolini bảo: “Bọn người ngồi chính quyền là bọn bị dịch hạch của chủ nghĩa nghị hội, bị giang mai đang nắm vận mạng Ý bằng đôi tay lở loét, bọn đó tự xưng là bộ trưởng nhưng chỉ đáng gọi là lũ con hoang, đần dộn, lũ thày pháp mê hoặc” (Ce Groupe d’hommes pestiférés et syphilitiques du parlementarisme et qui ont aujourd’hui dans leurs mains artériosclérosées les destins de l’Italie, ce groupe d’hommes qui se nomment ministres ne mérite pas d’autres définitions que celles de batards, d’idiots, de mystificateurs). Tháng 6, ngày 19 chính phủ Orlando bị Quốc Hội bất tín nhiệm bằng 262 phiếu thuận, 78 phiếu chống vì sứ mạng của ông ở Paris hoàn toàn thất bại. Wilson vẫn giữ nguyên lập trường không chịu cho Ý quyền sát nhập Fiume và Dalmatie mà chỉ cho Ý khu vực biên thùy Brenner tiếp giáp với Đức và bờ biển Trieste. Tình hình trở lên nghiêm trọng. Kèm bên nội các Orlando sụp đổ là hàng loạt các vụ đình công, tính ra trong hai tháng 5 và 6 có tới 316 cuộc đình công, đổ đồng một ngày 10 vụ, ở trên khắp mọi lĩnh vực sinh hoạt, khắp mọi miền. Ngày 11 tháng 6, các giáo viên đình công xếp từng hàng mười lăm người đi đầu là một lá cờ đỏ. Tại Spezia cùng ngày này, xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát với đám đình công làm hai người chết. Lạ hơn nữa là vụ các linh mục ở nhà thờ Loreto cũng đình công không làm lễ ngày 16 tháng 6 đòi tăng lương. Giá sinh hoạt leo thang rất nhanh. Kể từ tháng 3, bãi bỏ kiểm soát hối đoái thì đồng lire mất giá, dịch vụ nhập cảng những loại hàng tối cần thiết hoàn toàn tê liệt. Ngày 1 tháng 5, thợ thuyền Turin họp mít tinh lớn để kỷ niệm nữ Lãnh Tụ Đỏ Rosa Luxembourg, nhiều lính giải ngũ cũng đến tham dự, Mussolini viết: “Quý ông trong chính phủ, quý ông đã sẵn sàng đón nhận những đòi hỏi chính đángcủa dân lao động chưa?... Tuy nhiên, tôi cũng cần nói với anh em công nhân, xin các bạn hãy thận trọng kẻo lại rơi vào tay một thứ bạo quyền khác là đảng Xã Hội với những tên ác ôn cầm thú đảng làm trời. Anh em vô sản nên mau mau bẻ gãy bạo quyền của mấy tên chính trị cầm thẻ đảng”. Chính quyền bỏ trống vì không có chính phủ vững vàng. Ngày 20 tháng 6, tại quảng trường “Del Duomo” những người Phát Xít biểu tình đưa ra khẩu hiệu: “Không có bọn trung lập trong chính phủ!” (Pas de neutralists au gouvernement). Một số dân biểu thân Phát Xít cũng hô khẩu hiệu đó giữa nghị trường. Ngoài đường phố có tin đồn phe Quốc Gia quá khích và quân đội đang âm mưu đảo chính. Các tướng lĩnh sẵn sàng ủng hộ Mussolini hay Annunzio, hoàng thân Philibert, em họ nhà vua, hiện là tư lệnh quân đoàn III sẽ là người lãnh đạo phe quân nhân. Ngày 30 tháng 6 năm 1919, tỉnh Forli quê hương của Mussolini có nhiều cửa tiệm bị đập phá, phong trào này lan rộng sang các tỉnh khác nhất là Milan. Trong một ngày 200 tiệm bị cướp phá. Nitti, quyền thủ tướng, rất lo sợ trước tình hình quá nguy ngập. Các giám thị nhà giam đồng loạt đe dọa họ sẽ mở cửa để thả hết tù nhân nếu yêu sách của họ không được đếm xỉa. Tại Florence, một nền Cộng Hòa Soviet tuyên cáo thành lập, toàn quốc những tổ Soviet mọc lên như nấm. Mọi cuộc biểu tình đều mang một chất chung chung là lộn xộn, hỗn loạn, địa phương tịnh không có mục tiêu cách mạng rõ rệt. Đó là nhược điểm của đảng Xã Hội là đảng đã phát động phong trào. Còn đảng Phát Xít thì sao? Xin đọc lời thú nhận của chính Mussolini mười năm sau đó: “Kể từ tháng 3 năm 1919, tôi diễn thuyết trước cuộc mít tinh ở Milan rồi viết hàng loạt bài trên tờ “Popolo” để hiệu triệu anh em đồng chí, những người từng ủng hộ chính sách can thiệp của tôi và những người từng hoạt động với tôi trong tổ chức Phát Xít cách mạng (1915). Tôi không hề có một chủ nghĩa riêng biệt nào trong tư tưởng. Qua kinh nghiệm sống với chủ nghĩa duy nhất là Chủ Nghĩa Xã Hội vào các năm 1903 đến 1914 tôi tuy là kẻ tiền phong rồi bước lên hàng lãnh tụ mà tôi vẫn chưa biết chủ nghĩa thật sự nó như thế nào. Lúc đó, chủ nghĩa của tôi chỉ là Chủ Nghĩa Hành Động (doctrine of action)”. Hành động ấy là đi vơ vét hết thảy những con người bị xã hội hậu chiến xua đuổi. Kết thân với bộ đội Arditi, xui họ tổ chức khắp các tỉnh thị và tổ chức dùm họ một tờ báo lấy tên là “Ardito”. Dùng tờ “Popolo” làm tiếng nói cho đám người bị giải ngũ vất vưởng không công ăn việc làm. Lên tiếng ủng hộ thợ thuyền đình công nhưng đồng thời cũng không tỏ ra thù ghét giới chủ bằng lý do quyền lợi giai cấp phải đặt dưới quyền lợi quốc gia. Nói tóm lại, hành động ấy như Max Gallo viết là: “Hắn chìa tay ra để bắt tay một cách rất cơ hội và mị dân” (À chacun, il tend la main, opportuniste ou démagogne). Nhà vua ủy thác Nitti lập nội các mới với chính sách bảo thủ như cũ, dàn hòa trong ngoài, trấn áp những hoạt động quá khích. Ngày 9 tháng 7, Nitti trình diện nội các trước Quốc Hội. Xáo trộn tạm lắng xuống nhưng tình hình vẫn mỗi ngày thêm sa sút. Nội các Nitti chỉ được số phiếu tín nhiệm của Quốc Hội yếu ớt, 257 chống 111. Vừa mới lên, Nitti đã phải đối phó với các cuộc bãi công lớn lao do đảng Xã Hội và tổng Liên Đoàn Lao Công (C.G.L.) phát động. Ngoài mục tiêu đòi tăng lương, giảm giá sinh hoạt, cuộc bãi công này còn nhằm vào việc gây rối nội bộ để chính phủ tư sản Ý không còn sức mà gửi quân sang đe dọa nước Nga Soviet, như Orlando đã làm theo lời của thủ tướng Anh. Sự lãnh đạo của đảng Xã Hội quá kém nên cuộc bãi công chẳng đem lại hiệu quả bao nhiêu. Tuy nhiên, do cuộc bãi công mà một số cán bộ tài giỏi xuất hiện như Gramsci, Togliatti, Tosca, Bordiga. Thấy các lãnh tụ đảng vô năng, bốn người trên liền ly khai đảng để cùng nhau thành lập nhóm Cộng Sản. Họ tung ra hai tờ báo nhỏ là “Ordine Muovo” (trật tự mới) và “Le Soviet”. Gramsci viết: “Cái đảng Xã Hội đáng thương hại vẫn vỗ ngực tự xưng là những người tiên phong của giai cấp thợ thuyền, thật ra họ chỉ là những chướng ngại vật của lực lượng vũ trang vô sản” (Ce pauvre parti socialiste qui se proclame le chef de la classe ouvrière n’est rien d’autre que les impedimenta de l’armée des prolétaires). Mussolini nghĩ sao về đảng Xã Hội trong vụ này? Hãy nghe ông nói tại Milan hôm 22 tháng 7 năm 1919: “Năm 1913, khi đảng Xã Hội đã hoàn toàn thối nát, chính tôi là kẻ đã làm cho những ông lớn của đảng đứng tim với đề nghị giai cấp vô sản cần phải tắm máu, giai cấp vô sản cần một ngày lịch sử. Bởi vì chỉ như thế mới có thể làm rung động quần chúng đang ở trong tình trạng bạc nhược và vô tri vô giác. Bây giờ tình hình đã đổi khác. Bây giờ không phải cứ ngồi mà lo sợ cách mạng vì nghĩ rằng chúng ta đương chới với trong làn sóng cách mạng. Tôi không sợ danh từ đó. Tôi từng là một tay cách mạng, đồng thời là một con người phản động. Đời luôn luôn như vậy. Tôi rất ngại những cuộc cách mạng chỉ biết phá hoại không biết sáng tạo. Tôi rất ngán sự quá khích hay chính sách điên rồ có thể đưa đến chỗ làm tan nát nền văn minh cơ khí còn non nớt của chúng ta, hay cướp đi mất những căn bản đạo đức dân tộc… Cách mạng hay phản động đối với tôi luôn luôn, tôi cũng mang sẵn cái thước đo trong túi để nhận định xem mình cần phải hành động như thế nào, cái gì làm cho dân tộc Ý thêm hùng mạnh thì tôi theo, cái gì hạ thấp dân tộc Ý thì tôi chống…” Phong trào bãi công lại nổi dậy lan sang cả Rome, Turin, Trieste. Lần này có thêm nông dân các vùng thôn quê tham dự nên tình trạng bi đát hơn. Thợ gặt, thợ cấy .v. v… đồng loạt bỏ công việc đồng áng. Tiến xa hơn bước nữa, nông dân tự họp cùng đám nông dân giải ngũ huy chương đeo trước ngực, cầm cờ đỏ đi xâm chiếm ruộng đất. Quân đội lờ đi không can thiệp. Báo chí gọi họ là những người Bolshevik Trắng. Ngoài ra còn nạn cướp bóc hoành hành ngang ngược của lính đào ngũ. Nội các Nitti chẳng đưa ra biện pháp nào khác hơn là biện pháp nhượng bộ. Ngày 2 tháng 9, ông cho ban bố một đạo luật chấp nhận chuyện cướp ruộng đất với ít nhiều điều kiện, ân xá tất cả những lính đào ngũ từ trước tới giờ. Nitti vốn là một giáo sư thừa thông minh nhưng thiếu gan dạ, thừa trí thức nhưng thiếu thực tế. Đạo luật đó khiến ông càng bị cô lập vì phe địa chủ thù hận, giai cấp tư sản bực mình, mà chẳng ai coi nó là ân huệ. Rút cục, ông phải đi xe hơi bọc sắt để đến Quốc Hội. Ngày 24 tháng 8 năm 1919, cả tỉnh Fiume náo loạn, dân chúng đánh nhau tứ tung vì Ủy Ban Liên Hợp Đồng Minh đến điều tra đã kết tội dân Ý. Đoàn Chí Nguyện Ý nhận được lệnh giải tán tức khắc. Trật tự sẽ do quân Anh đảm nhiệm. Quân Ý phải rời khỏi Fiume trong vòng 48 tiếng. Hôm trước khi tiễn quân đi, dân chúng đã hô to khẩu hiệu: “Fiume của chúng ta Hay là chết!”. Đêm 31 tháng 8 năm 1919, trung úy Ricardo Frasetto của trung đoàn vừa bị ép buộc rời khỏi Fiume, tập hợp sáu sĩ quan đồng chí trẻ tuổi trong phòng mình, rút dao chém xuống bàn mà nói: “Nhân danh tất cả những chiến sĩ đã chết cho nền thống nhất của nước Ý, tôi xin thề tuyệt đối trung thành với Fiume, Fiume hay là chết!”. Ngày 8 tháng 9 năm 1919, trung úy Gandjacquet tới Venise gặp thi sĩ Gabrielle d’Annunzio, bày tỏ ý định của đám sĩ quan trẻ tuổi đem quân về chiếm lại Fiume. Annunzio bằng lòng đi với họ. Kế hoạch chuẩn bị trong vài ba hôm. Giới cao cấp quân sự ngoảnh mặt làm ngơ. Annunzio có nhiệm vụ viết bài cho báo chí và yêu cầu các báo chỉ đăng khi nào họ đã vào Fiume rồi. Annunzio viết gửi Mussolini như sau: “Lá bài đã được ngả ra tôi đi. Ngày mai tôi về chiếm lại Fiume bằng võ lực. Cầu Thượng Đế giúp nước Ý chúng ta. Có thể đây là một hành động hấp tấp nhưng chẳng cách gì làm khác được. Một lần nữa, tinh thần lại chế ngự thể xác tồi tàn. Xin bạn hãy cho đăng lên tờ “Popolo” và mong bạn ủng hộ nhiệt liệt công việc của chúng tôi. Thân ái …”. Ngày 11 tháng 9, Annunzio tới trại binh ở Ronchi để gặp gỡ mọi người, ông mặc quân phục đeo lon trung tá. Họ khởi hành lúc nửa đêm có trăng sáng. Tờ mờ sáng, họ gặp quân đội chính qui Ý dưới quyền tư lệnh của tướng Pittaluga, ông này cho lệnh bắn. Annunzio tiến lên nói với tướng Pittaluga: “Thưa thiếu tướng, nếu ngài nhất định bắn thì ngài có ngay trước mặt hai cái đích, chiếc huy chương vàng và dấu hiệu chiến thương của tôi”. Tướng Pittaluga đành hạ lệnh mở đường. Ngày 12 tháng 9, hồi 11 giờ, Annunzio vào tỉnh Fiume. Chuông nhà thờ đổ hồi, còi hụ kêu inh ỏi xen với tiếng la thét náo nhiệt. Đến 18 giờ, Annunzio cho tập hợp dân chúng lại để làm một cuộc trưng cầu dân ý mới đòi Fiume sát nhập vào lãnh thổ Ý. (Ghi chú: Fiume là một tỉnh nằm dưới Trieste, phía bên bờ bể Adriatique bên kia nước Ý. Ngày nay Fiume đổi tên là Rijeka của nước Nam Tư). Dân chúng đồng thanh hô: “Fiume là của Ý“. Cú táo bạo của đám sĩ quan trẻ tuổi và Annunzio toàn thắng đã khiến Mussolini sững sờ. Ngày hôm sau, tờ “Popolo” viết: “Chính phủ Ý bây giờ không phải ở Rome nữa mà ở Fiume. Chỉ chính phủ Fiume mới đáng cho chúng ta phục tòng”. Kèm theo là những lá thư của Annunzio gửi cho Mussolini. Đăng vậy nhưng thâm tâm Mussolini rất buồn vì Annunzio đã làm được việc ngoạn mục trước mình. Tuy nhiên, tại Rome, thủ tướng Nitti lại phản ứng mạnh. Trước Quốc Hội, vị giáo sư có khuôn mặt tròn trĩnh đọc một bài diễn văn nẩy lửa đối với hành động của Annunzio, ông nói: “Cái gì vừa xảy ra làm tôi rất buồn và tủi hổ, đây là lần đầu tiên sự phản loạn xâm nhập vào quân đội Ý”. Rồi ông dọa sẽ áp dụng luật “mặt trận” để xử trị sự phản loạn. Nghe xong bài diễn văn, thiên hạ vỗ tay. Tuy nhiên, Nitti lại thấy xuất hiện ra mối lo khác. Trong hoàng cung quận công và quận chúa Aoste tỏ ra ý tán thưởng hành động của Annunzio. Nitti thắc mắc có thể có âm mưu gì nữa đây và ông cho mật vụ canh phòng cẩn thận mọi hoạt động của quận công d’Aoste. Bài diễn văn của Nitti làm cho Mussolini cáu tiết, trong số báo ngày 15 tháng 9, Mussolini viết: “Chúng tôi yêu cầu ông Saverio Nitti hãy từ chức. Bài diễn văn ông đọc quá hèn… Sở dĩ ông nổi giận chỉ vì ông sợ cơn giận dữ của Đồng Minh”. Còn Annunzio ở Fiume củng cố vững như bàn thạch, cho thành lập đạo quân lê dương 20.000 người. Nitti lệnh cho tướng Badoglio phong tỏa đường tiếp tế. Mussolini liền cổ động cuộc lạc quyên trên toàn quốc đem tiền giúp đỡ những người yêu nước ở Fiume. Ngày 20 tháng 9, Annunzio tự phong cho mình chức tư lệnh thành phố Fiume với đầy đủ quyền hành. Ông cũng xin gia nhập nhóm “Fasci di Combattimento” khu bộ Fiume, hàng ngày “nhà thơ” đi khắp các chỗ tiếp xúc với dân chúng. Khẩu hiệu tuyên truyền luôn luôn nhắc lại theo thể thức đối thoại giữa chính quyền Fiume và dân chúng: “Nước Ý của ai? Của chúng ta. Kẻ thù của chúng ta làm gì? Chia cắt nước ý. Bọn dân biểu đã làm gì? Lũ ngu độn như dồi heo Không, chúng đang đầu độc cả nước. Hãy nọc chúng ra mà đánh.” Quân đội Đồng Minh e ngại Fiume là chuyện nhỏ sẽ deo tai họa lớn nên im lặng rút khỏi đây, Nitti qua trung gian của tướng Badoglio, hội kiến với Annunzio, hai người thỏa thuận cứ để tình hình Fiume tự biến chuyển theo ý dân. Ngày 26 tháng 11, Tư lệnh Fiume chính thức tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Số phiếu xin sát nhập Fiume vào Ý chiếm đa số tuyệt đối, gấp 6 lần số phiếu phản đối. Cả thành phố sung sướng ăn mừng. Nhạc sĩ Arturo Toscanini tới đây trình diễn cho đêm liên hoan. GIẢI TÁN QUỐC HỘI, TỔ CHỨC TUYỂN CỬ Vấn đề Fiume tạo thành cuộc tranh chấp chính trị lớn. Các chính khách bảo chính phủ bất lực trước việc làm của Annunzio, vậy thì chính quyền còn uy quyền với quân đội không? Hội Đồng Hoàng Cung nhóm họp mời hầu hết các nhân vật chính trị trong nước để bàn cãi chuyện giải tán Quốc Hội. Phe Quốc Gia, nhóm cực đoan phản đối giải tán Quốc Hội. Phiên nhóm hôm 28 tháng 9, các dân biểu Phát Xít và Xã Hội đấm đá nhau túi bụi giữa hội trường, ông chủ tịch phải mời thừa phát lại tới. Ngày 29 tháng 9, có đạo dụ của nhà vua giải tán Quốc Hội, ấn định tổ chức tuyển cử vào 16 tháng 11 năm 1919. Tranh chấp chuyển sang chiến dịch tranh cử. Các đảng họp đại hội gấp. Đảng Xã Hội họp ở Bologne từ ngày 5 đến 8 tháng 10. Đại hội đã thông qua đề nghị xin gia nhập Đệ Tam Quốc Tế của Lénine bằng giơ tay. Đảng Phát Xít họp ở Florence hôm 9 tháng 10 và loan báo có 45.000 đảng viên chia ra làm 148 phân bộ. Đây là đại hội đầu tiên. Mussolini làm mưa làm gió trong đại hội. Ông ca tụng bầu không khí oai hùng trong sạch của Fiume, ông chửi rủa thủ tướng Nitti, ông công kích chế độ Quân Chủ khi để cho Nitti đọc bài diễn văn như để hiệu triệu lực lượng Bolshevik. Ông đưa ra một cái sườn cho Chủ Nghĩa Phát Xít: “Chúng ta chống tất cả những gì mơ hồ, chúng ta chống cái tính chất lý thuyết của chủ nghĩa. Chúng ta tới đây để đặt vấn đề đem hết nghị lực để giải quyết vấn đề không bị trói buộc vào thành kiến chính trị nào cả”. Kết quả bầu cử là một cái tát vả vào mặt Mussolini. Tòa soạn “Popolo” buồn như nhà có đám tang, khi một đảng viên Phát Xít cầm tờ báo “Avanti” loan hàng tít lớn: “Đảng Xã Hội đại thắng” về. Toàn quốc chừng 6 triệu rưỡi cử tri, thì đảng Xã Hội chiếm ngót 2 triệu phiếu đoạt 156 ghế Quốc Hội. Đảng làm nhiều người kinh ngạc là đảng Bình Dân của Don Sturzo, với 1 triệu hai phiếu, dành 103 ghế trong khi đảng Tự Do chỉ hơn chút đỉnh chiếm 129. Rồi tới đảng Dân Chủ Cấp Tiến 73 ghế, đảng Xã Hội Ôn Hòa 19. Các đảng khác chia nhau 50 ghế. Đảng Phát Xít có vài ba ghế lèo tèo. Riêng tại Milan, Mussolini được 4.795 phiếu thì mấy ứng cử viên đảng Xã Hội được những 176.000 phiếu. Sáng ngày 17, một đám tang giả tưng bừng mang hình nộm Mussolini là hình ảnh người quá cố đem ném xuống sông. Hôm sau, tờ “Avanti” loan tin: “Người ta vớt được một cái xác sình thối trên sông Naviglio hình như kẻ bất hạnh là Mussolini”. Mussolini im lặng căm tức và thú nhận sự thất bại đã làm mất nhuệ khí Phát Xít. Buổi tối ngày 17, đảng Xã Hội lại làm những trò chế nhạo khác, bị một đoàn viên bộ đội Arditi tương cho trái lựu đạn làm 9 người bị thương. Lập tức, cảnh sát đến lục soát tòa báo “Popolo” và tìm được tại đây nhiều lựu đạn, súng ống, liền bắt giam Mussolini, Marinetti và Vecchi. Nhưng 48 tiếng đồng hồ sau, Mussolini được thả. Vài chính khách bảo thủ tướng Nitti: “Bắt hắn làm chi, hắn bây giờ chỉ là kẻ trôi giạt đừng cho hắn cơ hội trở thành thánh tử vì đạo”. Giới quân sự tỏ thái độ che chở cho đoàn Arditi nên gây áp lực với chính phủ. Ngày 22 tháng 11, tờ “Avanti” đưa ra chính sách của đảng Xã Hội và của chính phủ nếu đảng Xã Hội cầm quyền, việc trước nhất là thừa nhận nền Cộng Hòa Soviet Nga, tịch thu tài sản của bọn làm giàu bằng chiến tranh, giải tán quân đội.v.v… Ngày 1 tháng 12, 156 dân biểu thuộc đảng Xã Hội đứng tụm nhau từng một khối trong tòa nhà Quốc Hội. Đức vua sắp đến đây đọc diễn văn khai mạc. Bên ngoài, các sĩ quan quân đội, sinh viên bảo hoàng, đảng viên Phát Xít đứng chờ hoan hô vua. Khi vua bước vào, phe hữu vỗ tay chào mừng thì các dân biểu Xã Hội đồng thanh hô lớn: “Chủ Nghĩa Xã Hội muôn năm! Nền Cộng Hòa Xã Hội muôn năm!” Bên ngoài, phe Phát Xít đứng chờ mỗi lúc một đông. Vua vừa ra khỏi, đám đông bên ngoài ùa vào Quốc Hội chửi rủa, la ó, đánh đập các dân biểu đảng Xã Hội. Lộn xộn tràn ra ngoài đường phố khi các dân biểu Xã Hội bỏ chạy. Thế là ngay hôm sau Rome, Milan,Gênes, Naples có lệnh tổng bãi công. Ở Turin, Gramsci cho tổ chức một đội công nhân tiền phong huy động tớ 120.000 người đi tìm sinh viên và các sĩ quan mà loạn đả. Ở Mantoue, nhà ga, kho hàng, nơi chứa vũ khí đều bị đập phá, nhà tù bị đốt cháy. Ở Milan và Turin tang lễ của một sinh viên và một nhân viên công lực đã được biến thành cuộc biểu tình chống đảng Xã Hội. Cả hai phía đều đưa ra những lời dọa trả thù, rửa hận. Trong bầu không khí ngột ngạt sắt máu này, Mussolini lại có việc làm. Rất thính hơi về chính trị, nên ông nghĩ: “Có những thắng lợi đè bẹp kẻ thù nhưng cũng có những thắng lợi để rồi chính mình bị đè bẹp bởi những trách nhiệm quá nặng mà mình chưa đủ sức cáng đáng, cái thắng lợi của đảng Xã Hội ở vào trường hợp sau”. Quả thật như vậy. đảng Xã Hội sau khi thắng vẻ vang cuộc tranh cử đang đi vào khủng hoảng nội bộ trầm trọng, những lãnh tụ già như Turati muốn ôn hòa nên cực lực chống các lãnh tụ trẻ như Bombacci, Bordiga quá khích đòi theo gương Lénine. Vả lại trong số 156 dân biểu Quốc Hội chỉ có 10 dân biểu là công nhân chính cống. Thêm nữa, so với toàn quốc mặc dầu đảng Xã Hội nhiều ghế nhất nhưng vẫn là thiểu số. Đảng Bình Dân của Don Sturzo có Tòa Thánh ủng hộ đủ để chèn ép đảng Xã Hội rồi. Do nội bộ lục đục nên đảng Xã Hội chẳng quyết nổi phải theo hẳn một mặt nào, bạo động cũng dở dang mà ôn hòa lại càng dở dang hơn, cứ loanh quanh luẩn quẩn giữa cái hố sâu hoài nghi. Loạn lạc kéo dài, bơ vơ và hoài nghi với chán chường là đất tốt cho sự trồng cấy một cá nhân lãnh tụ. Mussolini, người duy nhất không bỏ lỡ dịp tốt để gây dựng cho cái Tôi của ông thành con người chờ đợi của mọi người, của tình thế. Những bài viết trên “Popolo” suốt tháng 1 năm 1920 dùng toàn giọng điệu hãy tin tưởng vào Tôi đây: “Chúng ta không đặt tín nhiệm nơi những chương trình to kế hoạch lớn, nơi đất hứa xa vời. Chúng ta hãy quay về với con người cá nhân. Chúng ta sẵn sang ủng hộ ai cho chúng ta tự do sống yên ổn, sung túc và nâng cao phẩm giá cá nhân. Chúng ta phải chiến đấu tiêu diệt kẻ nào áp chế làm chết cuộc sống cá nhân. “… Hiện tại có tới hai Tòa Thánh, một ở Rome và một ở Moscou đang ban bố hiệu lệnh: “Chúng ta chống cả hai tôn giáo đó, không để chúng truyền nhiễm bệnh. Chúng ta đã từ bỏ thứ chân lý do Trời bảo, chúng ta đã nhổ nước miếng vào các loại giáo điều, ném vào sọt rác những thiên đàng và cười vào mũi bọn bịp bợm khoác lác rằng có thể có những phép lạ ma túy đem hạnh phúc trọn vẹn đến cho nhân loại”. (Nous ne croyons pas aux programmes… à la terre promise. Nous retournons à l’individu. Nous appuierons tout ce qui exalte, granditt l’individu, lui donne la liberté, plus de bien être, une vie plus large, nous combattrons tout ce qui opprime, mortifie l’individu… De deux Vaticans partent aujourd’hui les Encycliques de celui de Rome et de celui de Moscou nous nous sommes les hérétiques de ces deux religions. Nous seuls, sommes immunisés contre la contagion… Nous avons déchiré toutes les véritiés révélées, nous avons craché sur tous les dogmes, rejeté tous les paradis raillé tous les charlatans qui preposent les drogues miraculeuses pour donner le bonheur au genre humain). PHẦN III TIẾN VỀ ROME BASTA Sang năm 1920, đồng lire mất giá dữ tợn, giá chỉ còn bằng nửa năm 1919. Biểu tình, cờ đỏ quốc tế ca càng làm cho tiền tệ mất giá mau hơn. Dân chúng bực bội lên án thợ thuyền về cái bệnh bãi công, tiếng Ý gọi là scioperomania (grevomanie). Dân chúng cũng chê chính phủ Nitti quá bạc nhược cứ lùi đến độ chấp thuận trả lương cho cả những ngày công nhân bãi công. Phe tư sản kêu trời và bảo nhau hãy chấm dứt tình trạng thối nát cắn quanh lẫn nhau để làm heo sữa cho phe thù nghịch. Thượng nghị sĩ De Cupis nói to vào mặt thủ tướng Nitti: “Tôi hỏi ông đến bao giờ ông mới dám nói tiếng basta! (thôi đủ rồi) với những hành động phá hoại đó?”. Nitti trả lời: “Nếu bãi công là tai hại, thì còn điều tai hại hơn nữa là những người tưởng làm gì được cho tổ quốc bằng những hành động bất xứng”. Nitti đã chẳng được giai cấp vô sản yêu quý nay ông bị giai cấp tư sản ghét thậm tệ luôn. Ngày 7 tháng 3 năm 1920, giới tư sản triệu tập một đại hội do kỹ nghệ gia Silvestri làm chủ tịch để tìm biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng xã hội đang làm tê liệt nước Ý. Đây là đại hội lịch sử mà báo chí đặt tên là “Confindustria”, chữ viết tắt của “Confederazione generale det l’Industria”. Vấn đề đặt ra trước nhất là một chính phủ mạnh và họ thảo kế hoạch lật đổ chính phủ Nitti. Đòn đầu tiên, đảng Bình Dân tuyên bố rút khỏi các chức vị trong nội các. Nitti liền cải tổ nội các bằng cách trám những lỗ hổng, điền thế số bộ trưởng, giám đốc ra đi bằng những người bất đắc dĩ kèm theo lời tuyên bố: “Tôi lo ngại hành vi bạo động của nhóm cách mạng nhưng tôi còn lo ngại hơn đối với những phá hoại từ khuynh hướng chính trị khác”. Đến đây, đảng Xã Hội phạm vào lỗi chính trị khá nặng. Để vuốt ve Nitti, một lãnh tụ Xã Hội nói trên diễn đàn: “Cách mạng là một kỷ nguyên chứ không phải là một ngày. Chúng ta sẵn sàng chờ đợi và chiến đấu năm này qua năm khác, trường kỳ và gian khổ”. Bài diễn văn làm thất vọng hầu hết những người tin tưởng, hy vọng vào đảng Xã Hội sẽ đem ngay cho họ cuộc đời mới. Nữ cán bộ Kulischoft trong bức thư viết cho lãnh tụ Turati bảo: “Bài diễn văn ấy đưa chúng ta vào con đường tự sát”. Bãi công vẫn tiếp tục, tuy nhiên, nhóm lãnh tụ già của đảng không chịu tiến xa hơn, từ chối không ủng hộ hay giúp đỡ mọi hành vi quá khích. Thành thử đội tiền phong của Gramsci chẳng làm gì được hơn, còn phong trào bãi công của mấy triệu thợ thuyền trên toàn quốc tuy có gây bế tắc cho chính quyền nhưng chính mình cũng lâm vào tình trạng bế tắc. Nhiều nơi, để chống lại bãi công triền miên, sinh viên, học sinh tình nguyện đến làm việc cho các kho hàng hoặc tự động đi làm vệ sinh thành phố như đổ rác, quét đường. Ngày 9 tháng 5, nội các Nitti bị bất tín nhiệm phải từ chức. Ngày 21 tháng 5, Nitti lại đứng ra lập nội các lần thứ ba. Sinh viên quốc gia cực đoan và đảng Phát Xít liên kết họp tại trường đại học Rome, định biểu tình trước hoàng cung nhưng quân ngự lâm không cho, gây thành xô sát, 4 cảnh sát chết cùng với 1 người trong nhóm biểu tình. Nội các Nitti gặp thêm khó khăn. Giolitti xuất đầu lộ diện sau thời gian dài im tiếng, ông cho báo chí phỏng vấn và trả lời mọi câu hỏi chính trị có tính cách nóng bỏng nhất. Gần hết các khuynh hướng bảo thủ đều mong Giolitti trở lại để khỏi phải thấy Nitti nữa, để xóa bỏ những vết tích chiến tranh để tái xây dừng nước Ý êm đềm xưa. Ngày 4 tháng 6, Nitti tự giáng cho mình nhát ân huệ bằng việc đưa ra một sắc luật cho tăng giá bánh mì. Khắp nơi bàn dân thiên hạ chửi rủa lung tung. Hàng loạt biểu tình đẫm máu nổi dậy, mọi ngành tê liệt. Ngày 9 tháng 6, nitti phải rút sắc luật kia về và đưa đơn từ chức. Sau này, ông viết trong cuốn hồi ký “Révélation” rằng: “Chính là nhóm tài phiệt ngân hàng của ngân hàng thương mại, nhóm làm giàu trên chiến tranh đã hoạt động rất mạnh để chống vụ tăng giá bánh mì mà họ từng đề nghị với tôi xin tăng, để rồi sau khi tôi từ chức, họ lại xin tăng. Tôi bị rơi vào cái thế kỳ lạ, những phần tử tiến bộ nhất đã bỏ phiếu chống tôi trong khi các phần tử chịu thiệt hại về chính sách của tôi nhất thì lại đặt hết tín nhiệm nơi tôi, họ biết tôi tranh đấu cho chế độ Quân Chủ Hiến Binh (monarchie dèmocratique) họ hiểu tôi thật lòng muốn kiến thiết nền kinh tế đất nước". Nội các Nitti đổ. Tờ “Popolo” số 10 tháng 6 hoan hỉ viết: “Hôm qua cái bào thai nửa lập pháp nửa thư lại đã bị mời ra khỏi chính trường”. Sự thất bại của Nitti kéo theo cái chết của chế độ Quân Chủ Hiến Binh. Tài chính thâm thủng tới 18 tỉ đồng “lire”, tiền tệ tiếp tục mất giá, đời sống càng ngày càng đắt đỏ thêm nữa. Giolitti đề nghị nhiều biện pháp nghiêm khắc như tổ chức một cơ quan kiểm soát những số tiền bất chính vơ vét qua sự lợi dụng chiến tranh và đòi tịch thu chúng. Ông muốn giành quyền lợi cho Quốc Hội chi phối những biện pháp nghiêm khắc đó và nhất định từ bỏ lối cai trị bằng sắc luật. Người ta đem toàn bộ vấn đề ra bàn cãi tại Quốc Hội. Giolitti vừa bước chân vào tòa nhà lập pháp thì một dân biểu kêu to lên: “Kẻ phản bội sắp lên tiếng” (Le traitre va parler). Bên trong đang bàn cãi thì bên ngoài lại đình công, lại biểu tình lung tung. Nặng nhất là sư đoàn II kỵ binh nổi loạn. Giolitti lo ngại. Nổi loạn từ trại lính lan ra ngoài dân gian. Có tin một chính phủ lâm thời đã được thành lập ở Iési. Rồi tình trạng lộn xộn tràn qua tỉnh Ombrie, rồi tổng bãi công ở Rome. Sir George Buchanan, đại sứ Anh bên Ý gửi về Anh những báo cáo rất bi quan. Ông đã từng chứng kiến cuộc cách mạng tháng 10 ở Nga. Bây giờ tình hình còn đáng ngại hơn nữa. Ngày 11 tháng 7 tại Spalato, một số sĩ quan thủy quân Ý bị dân Croates (Nam Tư) hành hung, hạm trưởng tàu “Puglia” bị đâm chết. Ngày 13 tháng 7, ở Trieste, để trả thù vụ Spalato, một đội Phát Xít xông vào nơi cư ngụ của dân Nam Tư đánh phá nổi lửa đốt. Ngày 20 tháng 7, sau mấy hôm bãi công, xe điện chạy trở lại, nhưng mỗi xe điện đều có cắm cờ đỏ. Lập tức, đội Arditi, đảng viên Phát Xít và sinh viên họp nhau tấn công bất cứ xe nào mang cờ đỏ bắt hạ cờ hoặc bắt xé ném xuống đất. Cảnh sát mặc kệ, họ còn vui mừng thấy đám thanh niên giúp họ giữ trật tự, đem cờ ba màu đánh đuổi cờ đỏ. Ngày 3 tháng 8, thủ tướng Giolitti đánh điện ra lệnh cho quân Ý đóng tại xứ Albanie rút quân về. Tướng Bonomi bất tuân lệnh trả lời: “Tình hình trong nước không cho phép ông rút quân về”. Ngày 13 tháng 8, cuộc điều đình giữa thợ thuyền và chủ nhân ngành đúc thép hoàn toàn thất bại. Công nhân sửa soạn kế hoạch chiếm các nhà máy. Ngày 17 tháng 8, nghiệp đoàn công nhân đúc thép FIOM (chữ viết tắt của Federation Italienne des Ouvriers Métallurgiques) loan báo sẽ chiếm cứ các nhà máy. Giới chủ liền ra biện pháp đóng cửa không cho công nhân vào làm việc nữa. Họ hy vọng chính phủ đem quân đội can thiệp. Ngày 28 tháng 8, tất cả các nhà máy Alfa Roméo ở Milan đóng cửa theo quyết định của chủ nhân và được canh giữ bởi cảnh sát. Ngày 30 tháng 8, công nhân ở lì trong nhiều nhà máy tại Milan, phong trào ở lì “lây” sang Turin, khí thế mạnh hơn những lần trước khiến cho các chiến lược gia của giới chủ bị bất ngờ. Nhà máy Fiat, công nhân đã lập ra ủy ban điều động, nhà máy hội họp ngay trong phòng ban giám đốc, treo cờ đỏ búa liềm, công nhân tụ tập nơi hội trường để thảo luận mọi vấn đề liên quan đến sản xuất và cách mạng. Họ cũng đưa vũ khí vào, đồng thời xếp bao cát từng chỗ để làm những ổ chống cự. Khắp tường kẻ đầy khẩu hiệu: “Soviet muôn năm! Cách mạng muôn năm!” Đại sứ Pháp tại Ý trông tình hình gửi báo cáo về chính phủ Pháp nói: “Kỹ nghệ luyện kim và cơ khí Ý tràn ngập bởi Chủ Nghĩa Bolshevik”. Vùng thôn quê, chiến dịch chiếm ruộng đất bành trướng. Dân biểu Miglioli thuộc đảng Bình Dân cầm đầu phong trào Bolshevik Trắng này, lên tiếng đòi phải thiết lập hội đồng quản trị đất ruộng (Consigli dicascina) để nông dân trực tiếp điều khiển việc phân phối đất ruộng canh tác. Phe “Đỏ” thì phát động phong trào đòi công ăn việc làm cho nông dân nghèo khổ. Cả hai phe Trắng - Đỏ tuy nhằm những mục tiêu khác nhau, nhưng cùng đến chung một điểm: Tạo bầu không khí tiền cách mạng trên nước Ý. Mussolini thấy tình thế nghiêng nghiêng ngả ngả nên thận trọng. Trước hết, ông tìm cách móc nối để bày tỏ lập trường. Ông cũng gặp Buozzi và cho biết: “Đảng Phát Xít chỉ can thiệp trong trường hợp cuộc nổi dậy hoàn toàn do Bolshevik điều động. Chuyện nhà máy của công nhân hay của các kỹ nghệ gia, đảng Phát Xít không lý đến”. Còn Giolitti? Ông bám chặt lấy chính sách bất động, ngồi yên chờ tình hình ung thối. Ông lý luận: “Như năm 1904, cứ mặc cho thợ thuyền tự tìm thấy kinh nghiệm tới một điểm nào đó, họ sẽ hiểu rằng họ đang theo đuổi mộng ảo, có như vậy họ mới thoát khỏi cơn bệnh ảo giác nguy hiểm”. Nhóm kỹ nghệ gia nóng ruột vào gặp thủ tướng đòi sử dụng vũ lực đuổi thợ thuyền ra khỏi nhà máy. Giolitti cười hỏi: “Vậy quý ngài muốn tôi mang bom tới oanh tạc nhà máy của quý ngài hay sao? Tôi cũng có biện pháp đưa quân đội và cảnh sát chiếm các nhà máy nhưng chỉ thi hành biện pháp này đối với những nơi nào quan hệ sinh tử cho đời sống của xứ sở mà thôi”. Thật ra, Giolitti đã âm thầm hạ lệnh quân đội bao vây nhà máy, tăng cường sức mạnh đàn áp cho các tỉnh kỹ nghệ và làm sẵn một sắc luật trưng dụng toàn bộ công nhân đúc thép, có chữ ký của vua. Nhưng ông vẫn chờ sự mòn mỏi mệt nhọc bên phía thợ thuyền. Giolitti nghĩ đúng. Ngày 10 và 11, tổng công đoàn họp tại Milan. Đề nghị của Aragona, tổng thư ký, đòi chính phủ và giới chủ nhân phải thừa nhận quyền kiểm soát của nghiệp đoàn trong các nhà máy, được thông qua bằng gần 600 ngàn phiếu thuận với hơn 400 ngàn phiếu chống. Aragona biện minh cho đề nghị của mình như sau: “Có thể chúng ta phạm lỗi lầm khi chấp nhận sự nhượng bộ lớn lao như thế. Tuy nhiên, danh dự và xứng đáng của chúng ta vẫn toàn vẹn ở chỗ chúng ta đã chống được sự bùng nổ cách mạng do bọn người quá khích xúi dục”. """