"
Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
ebook©vctvegroup
Ocean Vuong
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian Khánh Nguyên dịch
Phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2021
Dành tặng mẹ
Nhưng để chị xem, liệu - dùng những lời này làm một mảnh đất nhỏ
và đời mình làm viên đá đặt nền -
có dựng được cho em một trung tâm.
- Khâu Diệu Tân
Tôi muốn kể với bạn sự thật, và tôi đã kể với bạn về những dòng sông rộng.
- Joan Didion
I
Để con bắt đầu lại nhé.
Mẹ ơi,
Con viết thư này để đến gần thêm mẹ - dù mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ rời mẹ xa hơn. Con viết để trở về cái lúc, ở trạm dừng chân bang Virginia, mẹ nhìn, sửng sốt, tiêu bản cái đầu hươu treo bên trên máy bán nước ngọt cạnh nhà vệ sinh, cặp gạc phủ bóng xuống khuôn mặt mẹ. Vào xe, mẹ cứ lắc đầu lia lịa. “Không hiểu sao người ta làm vậy. Bộ không thấy đó là xác chết sao? Xác chết thì phải để cho đi, không phải kẹt lại vĩnh viễn như kia.”
Giờ con nghĩ tới con hươu đó, tới cảnh mẹ nhìn vào đôi mắt thủy tinh đen thẫm kia và thấy bóng mình, cả người mình phản chiếu, cong lại trong tấm gương không còn sự sống đó. Tới chuyện mẹ chấn động không phải bởi một cái đầu thú gớm ghiếc bị chặt ra treo lên tường - mà bởi tiêu bản đó là hiện thân cho cái chết không bao giờ kết thúc, cái chết không ngừng chết thêm trong lúc chúng ta đi qua bên dưới nó để trút bỏ nỗi buồn.
Con viết vì người ta dạy đừng bao giờ bắt đầu một câu (sentence) bằng vì. Nhưng con đâu định viết ra một bản án (sentence) - con đang cố thoát ra. Bởi vì tự do, như con được dạy, chẳng là gì khác ngoài khoảng cách giữa thợ săn và con mồi.
Mùa thu. Đâu đó đằng Michigan, một đàn bướm vua, hơn mười lăm ngàn con, sắp bắt đầu chuyến di cư về phương Nam hằng năm. Trong vòng hai tháng, từ tháng Chín đến Mười một, chúng sẽ bay, vỗ từng nhịp cánh, từ miền Nam Canada và Hoa Kỳ đến một vài khu vực ở miền Trung Mexico, và ở lại đó suốt mùa đông.
Chúng đậu giữa chúng ta, trên các bệ cửa sổ và hàng rào mắt cáo, trên những dây phơi vẫn còn rung lên vì gánh nặng của đống quần áo vừa mang, trên mui chiếc Chevy xanh biển đã bạc màu, cánh chầm chậm khép lại, như thể đem cất đi, trước khi vụt một cái, bay lên.
Chỉ cần một đêm sương giá là có thể giết chết cả một thế hệ. Sống còn, vì thế, là vấn đề thời gian, là biết khi nào đến lúc. Cái lúc con năm hay sáu tuổi gì đó, bày trò nhảy ra hù mẹ từ sau cánh cửa hành lang, la lên, “Bùm!” Mẹ thét, mặt cắt không còn hột máu, rúm ró, rồi mẹ bật khóc nức nở, tay ôm ngực tựa mình vào cửa, hổn hển. Con ngơ ngác đứng đó, cái nón lính sắt đồ chơi trên đầu lệch sang bên. Con là một thằng nhóc Mỹ bắt chước những gì nó thấy trên ti vi. Con không biết rằng chiến tranh vẫn còn bên trong mẹ, thậm chí không biết rằng đã từng có một cuộc chiến tranh, rằng nó một khi đã chui vào ai thì sẽ không bao giờ ra - mà chỉ lặp lại trong tiếng vọng, một âm thanh biến thành gương mặt con trai mẹ. Bùm.
Cái lúc con học lớp ba, nhờ cô Callahan, cô giáo tiếng Anh của con, mà đọc được cuốn sách yêu thích đầu tiên, một cuốn sách thiếu nhi tên Bánh bão của Patricia Polacco. Trong truyện, khi cô bé nọ và bà của cô phát hiện có cơn bão nổi lên từ chân trời xanh mướt, thay vì kéo mành che cửa sổ hay đóng ván chặn cửa, họ bắt tay vào nướng bánh. Hành động này làm con chống chếnh, cái sự bất chấp lẽ thường vừa lạ đời vừa táo bạo này. Có cô Callahan đứng sau lưng, miệng kề sát tai con, con bị cuốn càng lúc càng sâu vào dòng chảy ngôn ngữ. Câu chuyện trải ra, cơn bão tràn tới theo lời kể của cô, rồi tràn tới lần nữa theo lời con lặp lại. Nướng bánh giữa mắt bão; cho mình nếm của ngọt ở lằn hiểm nguy.
Cái lúc bị mẹ đánh lần đầu tiên, hình như con bốn tuổi. Một bàn tay, một ánh chớp, một sự phán xử. Miệng con bỏng rát vì cú va chạm.
Cái lúc con cố dạy mẹ đọc, theo cách cô Callahan đã dạy con, môi con kề sát tai mẹ, tay con cầm tay mẹ, từ ngữ chuyển động bên dưới bóng mẹ con mình. Nhưng hành động đó (đứa con dạy cho mẹ nó) đã đảo ngược vai vế của ta, và theo đó là căn cước của ta, là thứ, ở đất nước này, vốn đã mong manh và bị bó buộc. Sau những ngắc ngứ và những bắt đầu đầy lỗi sai, câu nhịu lại hoặc mắc kẹt trong cổ, sau cảm giác mắc cỡ vì làm hỏng, mẹ ụp sách lại. “Mẹ không cần đọc,” mẹ nói, mặt đanh lại, đoạn chống bàn đứng dậy. “Mẹ nhìn được - thế vẫn đủ cho mẹ sống tới giờ, không phải sao?”
Rồi cái lúc mẹ vung cái điều khiển, cẳng tay con hằn vết bầm tím mà con phải nói dối thầy cô. “Con chơi rượt đuổi bị té.” Cái lúc mẹ bỗng nhiên nổi hứng tô màu, ở tuổi bốn mươi sáu. “Đi Walmart đi,” một sáng nọ mẹ nói. “Mẹ cần mua sách tô màu.” Nhiều tháng liền, mẹ lấp đầy khoảng trống giữa hai cánh tay bằng những màu sắc mẹ không thể phát âm. Magenta, vermilion, marigold, pewter, juniper, cinnamon. Cánh sen, đỏ son, vàng cam, xám hợp kim, xanh rêu, nâu quế. Hằng ngày, hàng tiếng liền, mẹ cúi người bên những bức tranh vẽ trang trại, vẽ đồng chăn thả, vẽ Paris, vẽ hai con ngựa trên đồng bằng lộng gió, vẽ khuôn mặt một cô gái có mái tóc đen và làn da mẹ để trống, để trắng. Mẹ treo mấy tấm tranh đó khắp nhà, khiến căn nhà dần giống như một lớp tiểu học. Khi nghe con hỏi, “Sao giờ mẹ lại tô màu?” mẹ đặt cây viết chì màu lam ngọc xuống và mơ màng nhìn khu vườn đang tô dở dang. “Mẹ chỉ thoát đi vào đó một lúc,” mẹ nói, “nhưng mẹ cảm thấy hết. Như mẹ vẫn ở đây, trong phòng này.”
Cái lúc mẹ lẳng hộp Lego trúng đầu con. Máu lấm tấm mặt sàn gỗ cứng.
“Con có bao giờ tưởng tượng ra một cảnh,” mẹ nói trong lúc tô màu một căn nhà do Thomas Kinkade vẽ, “rồi đặt mình vào đó không? Con có bao giờ quan sát con từ đằng sau, nhìn mình tiến xa hơn vào trong khung cảnh đó, bỏ lại mình?”
Con biết nói sao cho mẹ biết, chuyện mẹ đang diễn tả ấy, chính là sự viết? Con biết nói sao cho mẹ hiểu rằng, rốt cuộc, hai mẹ con mình vẫn gần nhau đến vậy, bóng tay mẹ và bóng tay con, trên hai trang giấy khác nhau, nhập lại làm một?
“Mẹ xin lỗi,” mẹ nói, trong lúc băng vết rách trên đầu con lại. “Khoác áo vô. Mẹ con mình đi McDonald’s.” Đầu nhưng nhức, con chấm miếng gà nugget vào xốt cà chua trong khi mẹ nhìn con. “Con phải lớn hơn, phải mạnh mẽ hơn, nghe con?”
Hôm qua con đọc lại Nhật ký khóc thương của Roland Barthes, cuốn sách ông viết mỗi ngày trong suốt một năm sau khi mẹ ông mất. Tôi đã biết đến cơ thể của mẹ, ông viết, bệnh rồi chết dần chết mòn. Đến đó, con ngừng lại. Đến đó, con quyết định viết cho mẹ. Vẫn còn đang sống.
Những thứ Bảy cuối tháng ấy, khi mẹ trả các loại hóa đơn xong mà vẫn còn tiền, mẹ con mình sẽ đi thương xá. Có người diện đồ để đi nhà thờ hay dạ tiệc, còn mình diện đồ thật đẹp để tới trung tâm thương mại bên cao tốc liên bang 91. Mẹ thường dậy sớm, dành ra chừng một tiếng trang điểm, mặc lên bộ đầm đen kim sa đẹp nhất của mẹ, đeo đôi bông tai khuyên tròn bằng vàng duy nhất mẹ có, mang đôi giày đen kim tuyến. Rồi mẹ sẽ quỳ xuống bôi sáp lên tóc con, chải lại gọn gàng.
Thấy mẹ con mình ở đó, không người lạ nào có thể đoán ra mình đi chợ ở cửa hàng góc đường gần nhà trên đại lộ Franklin, nơi hóa đơn tem phiếu thực phẩm đã sử dụng xả đầy ngoài cửa, nơi những món cơ bản như sữa trứng mắc gấp ba lần ở khu ngoại ô, nơi táo vừa nhăn vừa giập lăn lóc trong cái thùng các tông đáy ướt nhẹp máu từ khay cốt lết rỉ sang, sau khi đá lạnh đã tan hết từ lâu.
“Đi mua mấy cái sô cô la mắc tiền kia đi,” mẹ sẽ nói, chỉ vào quầy Godiva. Mẹ con mình sẽ cầm lại một túi giấy nhỏ đựng chừng năm sáu phong sô cô la vuông mà mình bốc đại. Đây thường là món duy nhất mình mua ở thương xá. Rồi mẹ con mình sẽ đi bộ, chuyền phong kẹo qua lại cho nhau cho tới khi mấy ngón tay đen bóng lên ngọt lịm. “Vầy mới là sống chứ,” mẹ sẽ nói và mút tay, lớp sơn móng tay màu hồng nham nhở sau một tuần làm móng chân cho khách.
Cái lúc mẹ giơ nắm tay, la hét trong bãi đậu xe, mái tóc đỏ rực lên dưới nắng chiều. Hai cánh tay con giơ lên che đầu trong khi nắm
tay mẹ nện xuống quanh con.
Những thứ Bảy đó, mẹ con mình sẽ đi xuôi các hành lang thương xá cho tới khi từng cửa hàng một kéo cửa sắt đóng lại. Rồi mình sẽ ra trạm xe buýt cuối đường, hơi thở bồng bềnh trên đầu, lớp trang điểm khô đi trên mặt mẹ. Trong tay mình không cầm gì ngoài tay nhau.
Ngoài cửa sổ nhà con sáng nay, ngay trước lúc bình minh, một con hươu đứng giữa màn sương dày đặc và sáng lòa đến nỗi con thứ hai, đứng cách đó không xa, trông như cái bóng dang dở của con đầu.
Mẹ có thể tô màu vào đó. Mẹ có thể gọi nó là “Lịch sử của ký ức”.
Chuyến di cư có thể bắt đầu bởi góc chiếu của nắng, báo hiệu sự thay đổi về mùa, về nhiệt độ, đời sống của cây và nguồn cung cấp thức ăn. Bướm cái đẻ trứng dọc đường đi. Lịch sử nào cũng có nhiều hơn một mạch, mỗi mạch là một câu chuyện về sự phân chia. Hành trình của chúng dài bốn ngàn tám trăm ba mươi dặm, hơn cả bề dài của đất nước này. Những con bướm bay về phương Nam sẽ không bao giờ trở lại phương Bắc. Vậy nên mỗi chuyến đi đều là chuyến cuối. Chỉ có con của chúng trở về; chỉ có tương lai thăm lại quá khứ.
Đất nước là gì ngoài một câu (sentence) không biên giới, một đời?
Cái lúc mình ở tiệm thịt heo người Hoa, mẹ chỉ con con heo quay treo trên móc. “Chỗ sườn y chang xương sườn người ta sau khi bị cháy.” Mẹ bật ra một tiếng cười vắn, rồi ngừng, đoạn cau mày, lấy ra cuốn sổ tay và đếm lại tiền của mẹ con mình.
Đất nước là gì ngoài một bản án (sentence) cả đời?
Cái lúc mẹ ném can sữa. Cái can bung nắp khi va vào vai con, rồi một cơn mưa trắng xóa rơi đều xuống sàn gạch nhà bếp. Cái lúc ở Six Flags, mẹ đi tàu lượn siêu tốc Siêu Nhân với con vì con sợ không dám đi một mình. Sau khi xuống mẹ nôn thốc nôn tháo, cả đầu chúi trong thùng rác. Còn con, trong lúc vui sướng la hét, đã quên nói Cảm ơn mẹ.
Cái lúc mẹ con mình đi Goodwill và chất đầy xe đẩy những món nhãn vàng, vì hôm đó, nhãn vàng nghĩa là giảm giá thêm năm mươi phần trăm. Con đẩy xe và nhảy lên đứng trên thanh gác phía sau, trượt đi, cảm thấy giàu có với những thứ châu báu bỏ đi mà mình săn được. Hôm đó là sinh nhật mẹ. Mình quyết định xả láng. “Coi mẹ giống Mỹ thiệt không?” mẹ nói, áp chiếc đầm trắng xuôi theo thân người. Chiếc đầm hơi quá trang trọng, mẹ khó có dịp gì mặc, nhưng vẫn đủ đời thường để có khả năng đụng đến. Có chút cơ hội. Con gật đầu, cười toe toét. Đến lúc đó, chiếc xe đã đầy tới độ con không còn thấy gì trước mặt nữa.
Cái lúc mẹ cầm con dao bếp - cầm lên, rồi đặt xuống, run rẩy, môi mẹ mấp máy, “Đi ra, đi ra.” Và con chạy ra khỏi cửa, trên những con đường mùa hè tối đen. Con chạy tới khi con quên mất mình mới mười tuổi, tới khi chỉ còn nghe thấy tiếng tim mình đập trong tai.
Cái lúc, ở thành phố New York, một tuần sau khi anh Phương chết vì đụng xe, con bước lên tàu số 2 lên khu thượng và, ngay khi cửa xe mở ra, con thấy gương mặt anh, rõ ràng và tròn trịa, nhìn thẳng vào con, còn sống. Con há hốc miệng - nhưng con biết đó chỉ là một người nhìn giống anh họ của con. Dù vậy, con vẫn hốt hoảng khi thấy cái con tưởng mình sẽ không bao giờ thấy nữa - đường nét gương mặt giống hệt anh, quai hàm to, chân mày tỏa. Tên anh chực nảy ra khỏi miệng con nhưng con bắt lại kịp. Khi lên lại mặt đất, con ngồi trên trụ cứu hỏa và gọi cho mẹ. “Mẹ, con mới thấy anh,” con thở dốc. “Mẹ, con thề là con mới thấy anh. Con biết là tào lao lắm nhưng con mới thấy anh Phương trên tàu.” Con đang hoảng loạn. Và mẹ biết. Suốt một lúc lâu mẹ không nói gì, rồi mẹ bắt đầu ngâm nga
giai điệu bài “Chúc mừng sinh nhật”. Hôm đó không phải sinh nhật con nhưng đó là bài hát duy nhất mẹ biết bằng tiếng Anh, và mẹ cứ hát mãi. Và con cứ nghe, điện thoại ấn sát tai tới nỗi, nhiều tiếng sau, một hình vuông màu hồng còn in trên má con.
Con hai mươi tám tuổi, một mét sáu hai, năm mươi mốt ký. Khuôn mặt con trông đẹp ở đúng ba góc, còn lại đều là góc chết. Con đang viết cho mẹ từ bên trong một cơ thể từng thuộc về mẹ. Tức là, con đang viết với tư cách một người con trai.
Nếu ta may mắn, kết thúc một bản-án-câu sẽ là lúc ta có thể bắt đầu. Nếu ta may mắn, một điều gì đó sẽ được truyền lại, một bảng chữ cái khác viết ra bằng máu, gân và nơ ron; tổ tiên áp xuống cho con cháu cái thôi thúc câm lặng phải bay về phương Nam, hướng về nơi mà trong truyện kể không ai có thể sống sót vượt qua.
Cái lúc, ở tiệm móng, con vô tình nghe thấy mẹ đang an ủi một bà khách vừa gặp chuyện buồn. Mẹ thì sơn móng, còn bà ta nói, giàn giụa nước mắt. “Tôi mất con bé của tôi rồi, Julie, con bé con của tôi. Tôi không tin nổi, nó mạnh khỏe là thế, đứa đầu của tôi.”
Mẹ gật đầu, cặp mắt ráo hoảnh sau khẩu trang. “Không sao, không sao,” mẹ nói bằng tiếng Anh, “đừng khóc.” Mẹ hỏi tiếp, “Julie của bà sao mà chết?”
“Ung thư,” bà khách nói. “Ở sân sau chứ! Nó chết ngay sân sau nhà tôi, khốn nạn thật mà.”
Mẹ bỏ tay xuống, tháo khẩu trang. Ung thư. Mẹ nghiêng người tới. “Mẹ tôi cũng vậy, cũng chết vì ung thư.” Căn phòng im lặng. Đồng nghiệp của mẹ cựa người trên ghế. “Nhưng chuyện gì xảy ra ở sân sau, sao con bé chết ở đó?”
Bà khách chùi mắt. “Nó sống ở đó mà. Julie là con ngựa của tôi.” Mẹ gật đầu, kéo khẩu trang lên và tiếp tục sơn móng cho bà ta. Sau khi bà khách đi rồi, mẹ quăng cái khẩu trang qua đầu kia
phòng. “Mẹ nó, ngựa hả?” mẹ nói bằng tiếng Việt. “Mẹ nó, tao còn định đem hoa đi viếng mộ con gái bả luôn!” Suốt ngày hôm đó, đôi lúc, đang chăm sóc cho một bàn tay nào đấy, mẹ lại ngước lên rồi la, “Nó là con ngựa, mẹ nó thiệt chớ!” làm mọi người cười ầm lên.
Cái lúc, ở tuổi mười ba, khi con cuối cùng cũng kêu mẹ ngừng lại. Tay mẹ giơ giữa không trung, má con còn rát sau cú tát đầu tiên. “Mẹ, thôi đi. Ngừng lại đi mẹ.” Con nhìn mẹ trừng trừng, theo cái cách mà con đến lúc đó đã học được: nhìn thẳng vào mắt bọn ăn hiếp mình. Mẹ quay đi, không nói một lời, mặc vào cái áo khoác len nâu và đi tới cửa hàng. “Mẹ đi mua trứng,” mẹ nói với lại, như thể chưa từng có gì xảy ra. Nhưng cả hai mẹ con mình đều biết mẹ sẽ không bao giờ đánh con lần nữa.
Những con bướm sống sót qua cuộc di cư truyền lại thông điệp này cho con cháu. Ký ức về những thành viên gia đình mất mạng trong mùa đông đầu tiên đã ghi khắc trong gien của chúng.
Khi nào một cuộc chiến kết thúc? Khi nào thì con có thể nói tên mẹ và đó chỉ có nghĩa là tên của mẹ chứ không phải những gì mẹ bỏ lại phía sau?
Cái lúc con tỉnh dậy vào giấc trời nhập nhoạng màu mực xanh, đầu con - không, là căn nhà - đựng đầy tiếng nhạc dịu êm. Chân bước trên sàn gỗ cứng mát lạnh, con đi tới phòng mẹ. Giường mẹ trống trơn. “Mẹ,” con gọi, đứng yên như một bông hoa cắm bình giữa tiếng nhạc. Là Chopin, và tiếng nhạc phát ra từ tủ đồ. Cánh cửa rực trong ánh sáng đỏ viền quanh, như cửa vào một nơi đầy lửa. Con ngồi bên ngoài, lắng nghe khúc dạo đầu và, chìm bên dưới đó, tiếng thở đều đặn của mẹ. Con không biết mình đã ở đó bao lâu. Nhưng đến một thời điểm, con trở về giường, kéo mền lên tận cằm mãi tới khi hết, không phải hết nhạc mà hết run. “Mẹ,” con lại gọi, với hư không, “trở lại đi mẹ, trở ra đi mẹ.”
Có lần mẹ nói con rằng mắt người là tạo vật cô đơn nhất của Chúa. Vì quá nhiều thứ trên thế giới đi qua con ngươi mà nó vẫn không giữ lại điều gì. Con mắt trong hốc, một mình một cõi, còn không biết rằng có một vật khác giống nó y hệt, cách chỉ vài phân, cũng đói khát và trống rỗng như nó. Đẩy cửa trước mở ra trận tuyết đầu tiên trong đời con, mẹ thì thầm, “Con nhìn kìa.”
Cái lúc, khi đang lặt một rổ đậu que bên bồn rửa, đột nhiên mẹ nói, “Mẹ không phải quái vật. Mẹ là mẹ.”
Ý ta là gì khi nói kẻ sống sót? Có lẽ kẻ sống sót là kẻ cuối cùng về nhà, con bướm cuối cùng đậu lên nhánh cây đã nặng trĩu những hồn ma.
Buổi sáng dần dần vây lại quanh mẹ con mình.
Con để sách xuống. Đầu đậu que theo nhau gãy tanh tách. Lộp độp rơi như những ngón tay xuống bồn rửa thép. “Mẹ không phải quái vật,” con nói.
Nhưng con nói dối.
Điều con thật sự muốn nói là làm quái vật cũng chẳng phải điều gì quá kinh khủng. Quái vật - monster - có gốc trong tiếng Latin là monstrum, một sứ giả của thần chuyên cảnh báo thảm họa, rồi được tiếng Pháp cổ lấy dùng để chỉ một con vật có vô số nguồn gốc: nhân mã, điểu sư, dương thần. Làm quái vật tức là làm một tín hiệu lai tạp, làm một ngọn hải đăng: vừa báo hiệu nơi trú ẩn vừa cảnh báo hiểm nguy.
Con đọc được rằng cha mẹ bị hậu chấn tâm lý có khả năng cao hay đánh con cái. Biết đâu chuyện đó rốt cuộc cũng có một nguồn gốc quái vật thì sao. Biết đâu vung tay đánh con mình là chuẩn bị cho nó đến với chiến tranh. Là nói rằng sở hữu một nhịp tim là việc không bao giờ đơn giản như trái tim làm nhiệm vụ nói vâng vâng vâng với cơ thể.
Con không biết nữa.
Con có biết là lúc ở Goodwill mẹ đưa con cái đầm trắng, mắt mẹ dại đi, mở to. “Con đọc coi,” mẹ nói, “nó có kháng lửa không?” Con soi mép đầm, nghiên cứu dòng chữ trên mác, và dù khi đó con chưa biết đọc, con vẫn đáp, “Có mẹ.” Con vẫn nói vậy. “Có,” con nói dối, giơ cái đầm lên ngang cằm mẹ. “Nó kháng lửa.”
Nhiều ngày sau, một thằng nhóc hàng xóm, trong lúc đạp xe ngang nhà mình, sẽ bắt gặp con đang bận cái đầm đó trước sân nhà trong khi mẹ đi làm - con đã bận vào vì muốn trông giống mẹ hơn. Vào giờ ra chơi hôm sau, mấy đứa đó sẽ gọi con là bóng, lại cái, pê đê. Mãi về sau này, con mới học được rằng, những từ đó cũng là biến thể của quái vật.
Đôi lúc, con tưởng tượng đàn bướm chạy trốn không phải mùa đông mà là những đám mây napalm trong tuổi thơ Việt Nam của mẹ. Con tưởng tượng chúng bay khỏi vụ nổ cháy đùng đùng mà vẫn an toàn nguyên vẹn, đôi cánh hai màu đỏ đen nhỏ xíu chấp chới như những mảnh vụn cứ ùn ùn bay hàng dặm liền qua bầu trời, để rồi khi nhìn lên, ta không hình dung nổi vụ nổ mà chúng từ đó bay ra nữa, chỉ còn thấy một gia đình bướm trôi qua bầu trời sạch trong mát lạnh, bằng đôi cánh, sau bao nhiêu đám cháy, rốt cuộc cũng thành kháng lửa.
“Hay quá con.” Mẹ đưa mắt nhìn xa xăm qua vai con, gương mặt mẹ đanh lại, cái đầm áp lên ngực. “Thật hay quá.”
Mẹ ơi, mẹ là mẹ. Mẹ cũng là quái vật. Nhưng con cũng vậy - đó là lý do con không thể ngoảnh mặt khỏi mẹ. Đó là lý do con đã lấy tạo vật cô đơn nhất của Chúa và đặt mẹ vào đó.
Con nhìn.
Trong bản nháp trước của thư này mà con đã xóa, con kể cho mẹ chuyện làm sao con trở thành nhà văn. Chuyện con là người đầu tiên trong nhà mình đi học đại học mà lại phí phạm cơ hội ấy vào một cái bằng Ngữ văn Anh. Chuyện con chạy xa khỏi ngôi trường trung học tồi tàn để rồi ngày qua ngày ở New York chìm đắm trong hàng chồng sách thư viện, đọc những con chữ khó hiểu được viết bởi những người đã chết, hầu hết không bao giờ tưởng tượng sẽ có một khuôn mặt như con lơ lửng bên trên những câu chữ của họ - nói gì tưởng nổi những câu chữ đó sẽ cứu lấy con. Nhưng giờ thì những chuyện ấy không còn quan trọng. Điều quan trọng, dù cho khi đó con không biết, chính là tất cả những chuyện ấy đều đã dẫn con tới đây, trang giấy này, để kể cho mẹ mọi điều mẹ sẽ không bao giờ biết.
Chuyện là, con từng là một cậu bé chưa biết đến đau thương. Hồi tám tuổi, trong căn hộ một phòng ngủ của nhà mình ở Hartford, có lần con đứng nhìn gương mặt đang say giấc của ngoại Lan. Tuy là người sinh ra mẹ, nhưng ngoại không hề giống mẹ; da ngoại sậm màu hơn gấp ba, màu của đất sau một trận mưa lớn, căng trên một khuôn mặt xương xẩu với cặp mắt sáng như thủy tinh mẻ. Con không biết điều gì khiến con bỏ đó đống lính đồ chơi màu xanh và đi tới chỗ ngoại nằm, đắp mền trên sàn gỗ cứng, tay khoanh trước ngực. Con ngươi chuyển động bên dưới mí trong khi ngoại ngủ. Trán ngoại hằn đầy nếp nhăn, đánh dấu năm mươi sáu năm trên đời của ngoại. Một con ruồi đậu xuống khóe miệng ngoại, rồi bò ra mép cặp môi tim tím. Má trái của ngoại khẽ giật mấy giây. Làn da, lỗ rỗ những lỗ chân lông đen lớn, gọn nhẹ dưới nắng. Con chưa từng thấy ai chuyển động nhiều như thế trong giấc ngủ - ngoài bọn chó chạy rông trong những giấc mơ không ai trong chúng ta có bao giờ biết được.
Nhưng giờ con nhận ra, điều con tìm kiếm chính là sự thanh bình, không phải nơi cơ thể ngoại, cứ cục cựa trong khi ngoại ngủ,
mà ở bên trong tâm trí ngoại. Chỉ trong những lúc tĩnh lặng trong máy giật thế này, thì bộ não của ngoại, cuồng loạn và bùng nổ suốt những giờ khắc tỉnh thức, mới nguội về một trạng thái tựa như bình yên. Con nghĩ: mình đang nhìn một người lạ, một người có đôi môi nhăn nhăn thành vẻ mãn nguyện khác hẳn với ngoại Lan lúc tỉnh mà con biết, vốn không bao giờ dứt càm ràm huyên thuyên bởi chứng tâm thần phân liệt, chỉ càng nặng thêm kể từ sau chiến tranh. Nhưng con đã quen chỉ nhìn thấy ngoại khi cuồng loạn. Kể từ lúc bắt đầu biết nhớ, con đã thấy ngoại chập chờn, thoắt tỉnh thoắt điên. Vậy nên quan sát ngoại lúc này, tĩnh lặng dưới ánh chiều, giống như nhìn lại quá khứ.
Một con mắt mở ra. Mờ đi sau tấm màng đục mỏng manh là giấc ngủ, nó mở to để giữ lấy hình ảnh của con. Con đứng yên dù không muốn, bị găm tại chỗ bởi luồng sáng chiếu qua từ cửa sổ. Rồi con mắt thứ hai mở ra, hơi hồng nhưng trong hơn con mắt kia. “Đói hả Chó Con?” ngoại hỏi với vẻ mặt vô cảm, như thể vẫn còn đang ngủ.
Con gật đầu.
“Giờ này thì biết ăn gì ta?” Ngoại khoát tay chỉ quanh phòng. Câu hỏi tu từ, con thầm xác định và bặm môi lại.
Nhưng con lầm. “Ngoại hỏi con biết ăn gì?” Ngoại ngồi lên, mái tóc dài tới vai xổ tung sau lưng ngoại như nhân vật hoạt hình bắn ra từ vụ nổ TNT. Ngoại bò tới, ngồi chồm hỗm trước đống lính đồ chơi, bốc lên một con, kẹp giữa hai ngón tay mà quan sát. Móng tay ngoại, được mẹ chăm sóc và sơn thật hoàn hảo với độ chính xác quen thuộc, là phần duy nhất không sứt mẻ của ngoại. Óng ánh màu hồng ngọc, móng tay ngoại đối lập hẳn với những khớp ngón tay đầy vết chai và đường nứt khi ngoại cầm tên lính đồ chơi, một người lính liên lạc, và quan sát nó như thể là một cổ vật vừa đào lên.
Lưng gắn cái radio, tên lính quỳ một gối và không bao giờ ngừng la hét vào bộ đàm. Bộ quân phục cho thấy nó là lính trong Thế Chiến 2. “Mông xừ, hu du a?” ngoại hỏi tên lính nhựa bằng thứ tiếng bồi Anh lai Pháp. Chợt giật tay lên, ngoại ấn cái radio của nó vào tai và lắng nghe chăm chú, mắt dán lên con. “Con biết tụi nó nói gì ngoại không, Chó Con?” ngoại thì thầm bằng tiếng Việt. “Tụi nó
nói…” Ngoại nghiêng đầu, cúi về phía con, hơi thở ngoại có mùi xi rô ho Ricola lẫn với mùi nồng nồng của người vừa ngủ dậy, cái đầu tên lính nhựa xanh lá nằm khuất hẳn trong tai ngoại. “Tụi nó nói lính giỏi tới đâu cũng phải có bà ngoại cho ăn mới thắng được nghen.” Ngoại bật cười, một tiếng ngắn duy nhất - rồi ngưng, mặt đột nhiên ngây ra, và ngoại đặt người lính liên lạc vào tay con, khép tay con lại nắm lấy nó. Thế rồi ngoại đứng lên và lê chân vào bếp, đôi dép đập bồm bộp dưới chân. Con siết chặt thông điệp ấy, cái ăng ten nhựa đâm vào lòng bàn tay, trong khi tiếng nhạc reggae từ nhà hàng xóm thấm qua bức tường ri rỉ chảy vào phòng.
Con có và từng có nhiều cái tên. Chó Con là tên ngoại Lan gọi con. Điều gì khiến một người phụ nữ đặt tên cho mình và con gái theo tên loài hoa lại đi gọi cháu ngoại mình là chó? Chính là một người phụ nữ trông chừng máu thịt của mình. Mẹ cũng biết đó, ở ngôi làng ngoại Lan lớn lên, trẻ con, thường là đứa nhỏ nhất và yếu nhất trong cả lứa, như con vậy, được đặt tên theo những thứ kinh tởm nhất: ma quỷ, cô hồn, mõm heo, trâu bò, chó khỉ - chó con là một trong những cái tên nhẹ nhàng hơn cả. Vì các linh hồn ác, lang thang khắp vùng đất tìm kiếm bọn trẻ con đẹp đẽ, khỏe mạnh, sẽ nghe thấy tên những thứ xấu xí kinh khủng được gọi về ăn cơm và vì vậy mà bỏ qua căn nhà đó, tha cho đứa nhỏ. Vậy nên, yêu thương một thứ gì đó là đặt cho nó cái tên thật thảm hại đến mức có thể nó sẽ không bị động đến - và nhờ đó mà sống sót. Một cái tên, mong manh như không khí, cũng có thể là khiên chắn. Một cái khiên gọi là Chó Con.
Con ngồi trên sàn bếp và nhìn ngoại Lan xới hai muỗng cơm nghi ngút khói vào cái tô sứ vẽ viền dây leo xanh biển. Ngoại vớ lấy bình trà rót một dòng trà hoa lài lên cơm, vừa đủ để vài hạt cơm rời ra trôi bồng bềnh trong thứ nước màu hổ phách nhàn nhạt. Ngồi trên sàn, con với ngoại chuyền nhau cái tô cơm thơm tho nghi ngút khói.
Vị của nó giống như tưởng tượng khi mình ăn hoa nghiền vậy - đắng và khô, rồi sau đó là vị ngọt thanh đọng lại. “Đồ ăn nông dân chính hiệu.” Ngoại cười. “Đây là đồ ăn nhanh của mình đó, Chó Con. McDonald’s của mình đó!” Ngoại nghiêng người sang bên và xì hơi thật lớn. Con cũng nghiêng người và xì hơi theo, làm cả hai bà cháu bật cười tít mắt. Rồi ngoại ngừng cười. “Ăn hết đi.” Ngoại hất hàm về phía cái tô. “Để sót mỗi hột cơm là xuống âm phủ phải ăn một con dòi đó.” Ngoại gỡ dây thun tròng ở cổ tay ra rồi búi tóc lên.
Người ta nói sang chấn không chỉ ảnh hưởng tới bộ não, mà toàn cơ thể nữa, gồm cả hệ cơ bắp, khớp và tư thế. Lưng ngoại Lan vĩnh viễn bị còng - tới mức con gần như không nhìn thấy đầu ngoại khi ngoại đứng bên bồn rửa tay. Chỉ có búi tóc là nhìn thấy được, nhấp nhổm lên xuống trong khi ngoại cọ rửa.
Ngoại nhìn lên kệ bếp, trên đó không có gì ngoài một hũ bơ đậu phông ăn dở. “Phải mua thêm bánh mì.”
Một đêm, trước Quốc khánh Mỹ chừng một hay hai hôm, hàng xóm đang bắn pháo bông ở sân thượng cùng dãy. Những vệt màu dạ quang vạch trên nền trời tím ngập trong ánh sáng và tưa ra thành những tiếng nổ lớn làm cả căn hộ của mình cũng rung lên. Con đang ngủ trên sàn phòng khách, nằm kẹp giữa mẹ với ngoại Lan, thì cảm thấy hơi ấm từ cơ thể ngoại, cả đêm áp vào lưng con, biến mất. Khi con trở người, ngoại đang quỳ gối, cào điên cuồng lên đống mền. Con chưa kịp hỏi có chuyện gì thì tay ngoại, lạnh ngắt và ẩm sì, đã bụm miệng con lại. Ngoại đưa ngón tay lên môi.
“Suỵt.” Con nghe ngoại nói, “La lên là tụi súng cối biết mình ở đây đó.”
Ánh đèn đường trong mắt ngoại tựa hai hồ nước vàng khè trên khuôn mặt tối tăm. Ngoại chụp cổ tay con kéo ra cửa sổ, ở đó, ngoại với con cúi người, co cụm dưới bệ cửa, lắng nghe tiếng nổ vang vọng trên đầu. Từ từ, ngoại kéo con vào lòng rồi hai bà cháu đợi.
Ngoại thì thầm nói tiếp, hổn hển từng cơn, về súng cối, bàn tay ngoại cứ chốc chốc lại chụp vào mũi miệng con - mùi tỏi và dầu cù
là cay xè trong mũi. Bà cháu ngồi chờ như vậy cũng phải hai tiếng liền, tim ngoại đập đều đều sau lưng con trong khi căn phòng trở xám, rồi thắm màu chàm, để lộ hai hình thù say ngủ quấn trong mền đang nằm duỗi dài trên sàn nhà trước mắt: mẹ và bác Mai. Hai người trông tựa như hai dãy núi thoai thoải trên một đài nguyên trắng tuyết. Lúc đó con đã nghĩ, gia đình mình là vùng đất băng giá lặng lẽ này, cuối cùng cũng được bình yên sau một đêm pháo kích. Khi cằm ngoại đè nặng lên vai con, tiếng ngoại thở trở nên đều đặn bên tai con, con biết ngoại cuối cùng cũng đã theo hai con gái mình đi vào giấc ngủ, và tuyết tháng Bảy - êm ả, bao trọn, vô danh - là tất cả những gì con nhìn thấy.
Trước khi thành Chó Con, con có một cái tên khác - cái tên được cho lúc con ra đời. Một buổi chiều tháng Mười trong một cái chòi lợp lá chuối ở ngoại ô Sài Gòn, trên chính cánh đồng lúa nơi mẹ lớn lên, con trở thành con trai mẹ. Theo lời ngoại Lan kể, một ông thầy cúng trong vùng cùng với hai đệ tử ngồi chồm hỗm bên ngoài chòi chờ tiếng khóc đầu tiên. Sau khi ngoại Lan và mấy bà mụ cắt dây rốn, ông thầy với hai đệ tử mới lao vào, lấy một cái khăn trắng bọc lấy con, khi đó vẫn còn dính đầy dịch ối, rồi chạy tới dòng sông gần đó và tắm cho con dưới màn khói nhang và trầm.
Con được đặt vào tay ba trong khi vẫn đang khóc la, một vệt tro vắt ngang trán, và ông thầy cúng thì thầm cái tên đã chọn cho con. Cái tên có nghĩa là Người lãnh tụ yêu nước, ông thầy giải thích. Ông thầy được ba mướn về, nhận thấy thái độ cục cằn của ba, cách ba vừa đi vừa ưỡn ngực để làm đầy thêm tấm thân mét sáu, cách ba vung tay như muốn đánh nhau trong lúc nói chuyện, hẳn là đã chọn một cái tên sẽ làm hài lòng người trả tiền cho mình. Và ông ta đoán đúng. Theo lời ngoại kể, ba mừng rỡ, nhấc bổng con lên cao ở trước cửa căn chòi. “Con trai ba sẽ là người lãnh đạo Việt Nam,” ba la lớn. Nhưng hai năm sau, cuộc sống ở Việt Nam - vẫn còn tan tác mười ba năm sau khi chiến tranh kết thúc - đã trở nên khó khăn tới nỗi cả nhà chúng ta sẽ chạy trốn khỏi chính mảnh đất mà ba từng đứng, mảnh đất mà, cách đó chừng mét, máu của mẹ đã chảy thành một
vũng đỏ giữa hai chân, biến đất cứng bên dưới thành bùn tươi - và con thành sống trên đời.
Mấy lúc khác, ngoại Lan dường như chẳng yêu cũng chẳng ghét tiếng ồn. Mẹ có nhớ đêm nọ, ăn cơm xong mình ngồi quanh ngoại nghe kể chuyện, bỗng bên kia đường vang lên tiếng súng? Tuy súng nổ không phải chuyện xa lạ gì ở Hartford, nhưng con chưa bao giờ quen được với âm thanh đó - đinh tai mà không hiểu sao lại trần tục hơn con tưởng, như tiếng gậy đập vào trái bóng chày của tụi trẻ nít hết đợt này tới đợt khác ngoài công viên giữa đêm. Ba người mình đều rú lên - mẹ, bác Mai với con - rồi áp má và mũi sát xuống sàn. “Ai đi tắt đèn đi,” mẹ la.
Sau khi căn phòng tối đen hết mấy giây, ngoại Lan mới nói, “Hả? Có ba phát thôi mà.” Giọng ngoại phát ra vẫn từ chỗ ngoại ngồi ban nãy. Ngoại thậm chí không giật mình. “Không phải hả? Mấy đứa chết hết rồi hay còn thở đó?”
Nghe sột soạt tiếng quần áo cọ vào da khi ngoại vẫy con cháu lại. “Hồi chiến tranh, tụi bay chưa kịp quơ dái chạy thì nguyên cái làng đã nổ tanh banh rồi.” Ngoại xì mũi. “Rồi giờ mở đèn lên đi trước khi tui quên mất đang kể tới đâu.”
Với ngoại Lan, một trong các nhiệm vụ của con là lấy nhíp nhổ tóc bạc trên đầu ngoại, từng sợi một. “Tuyết dính trong tóc ngoại,” ngoại giải thích, “làm đầu ngoại ngứa quá trời. Con nhổ tóc ngứa cho ngoại nha Chó Con? Tuyết đang thấm vô đầu ngoại luôn.” Ngoại nhét cặp nhíp vào tay con, “Hôm nay con làm cho ngoại trẻ lại nha?” ngoại nói thật khẽ, cười toe.
Con được trả công bằng chuyện kể. Sau khi xoay đầu ngoại ra dưới ánh sáng cửa sổ, con sẽ quỳ lên một cái gối sau lưng ngoại, cái nhíp sẵn sàng trên tay. Rồi ngoại cất tiếng, giọng hạ xuống một quãng tám, đắm vào lời kể. Như thói quen, ngoại huyên thuyên là chủ yếu, những câu chuyện xoay vòng nối đuôi nhau. Chúng tuôn ra khỏi tâm trí ngoại chỉ để tuần kế quay trở về sau lời mào đầu y hệt: “Thế còn chuyện này, Chó Con, chuyện này sẽ làm con hết hồn luôn,
sẵn sàng chưa? Mà con có nghe ngoại kể không đó? Tốt. Vì ngoại hông bao giờ xạo hết trơn.” Theo sau đó sẽ là một câu chuyện quen thuộc, được ngắt nghỉ bằng những quãng ngừng kịch tính và lên xuống giọng theo từng khoảnh khắc hồi hộp hay then chốt, y như bao lần. Con sẽ nhẩm miệng theo từng câu, như thể đang xem một bộ phim đến lần thứ mười mấy - một bộ phim dựng bằng lời của ngoại Lan và được trí tưởng tượng của con thổi hồn cho chuyển động. Cứ thế ngoại với con cùng hợp tác với nhau.
Trong khi con nhổ tóc, các bức tường trắng quanh hai bà cháu không phải làm hiện lên những khung cảnh diệu kỳ mà là mở ra cho ta bước vào trong đó, gạch vữa tan đi để lộ quá khứ sau lưng. Những cảnh tượng từ cuộc chiến, những huyền thoại về khỉ giống như người, về những người bắt ma thời xưa trên các ngọn đồi Đà Lạt xuống được trả công bằng từng vò rượu nếp, đi từ làng này sang làng khác mang theo từng đàn chó hoang và bùa chú viết trên lá cọ để tiêu trừ những hồn ma tà ác.
Có những câu chuyện của riêng ngoại nữa. Như cái lần ngoại kể cho con chuyện mẹ ra đời, chuyện anh lính Mỹ da trắng đóng quân trên chiếc tàu khu trục hải quân ở Vịnh Cam Ranh. Chuyện cô Lan gặp anh lính trong chiếc áo dài tím, tà áo phấp phới sau lưng dưới ánh đèn quán bar theo từng bước chân. Chuyện cô vào thời điểm đó đã bỏ người chồng đầu từ cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Chuyện cô, một phụ nữ trẻ ở thành phố trong thời chiến lần đầu tiên sống ngoài vòng tay gia đình, đã sống sót chính nhờ vào tấm thân và chiếc áo dài tím ấy. Khi ngoại kể, tay con nhổ chậm dần, rồi yên hẳn. Con bị cuốn vào cuộn phim đang chiếu lên tường căn hộ. Con đã bỏ quên mình trong câu chuyện của ngoại, đã lạc mất chính mình, tự nguyện, cho tới khi ngoại với tay lại vỗ lên đùi con. “Nè, đừng có ngủ gục chớ!” Nhưng con đâu có ngủ. Con đang đứng cạnh ngoại trong chiếc áo dài tím đung đưa trong quán bar đậm khói, những ly cốc chạm nhau trong mùi dầu máy và xì gà, mùi vodka và khói súng ám trên đồng phục lính.
“Giúp ngoại nha, Chó Con.” Ngoại cầm tay con ấp lên ngực. “Giúp ngoại trẻ hoài, phủi mớ tuyết này khỏi cuộc đời ngoại đi - phủi hết tuyết khỏi cuộc đời ngoại nha con.” Vào những buổi chiều đó,
con dần hiểu ra rằng điên loạn đôi khi có thể dẫn tới phát hiện, rằng tâm trí, dù đứt gãy và đoản mạch, cũng không hề sai hẳn. Căn phòng hết đầy lại vơi tiếng nói của hai bà cháu trong khi tuyết rơi khỏi đầu ngoại, mặt sàn gỗ cứng quanh đầu gối con trắng dần khi quá khứ trải ra quanh ngoại và con.
Rồi cái lúc trên xe buýt chở học sinh. Buổi sáng đó, như bao buổi sáng khác, không ai ngồi kế con trên xe. Con tựa lên cửa sổ cho mắt mình uống no hình ảnh từ thế giới bên ngoài, phơn phớt tím màu trời trước bình minh: Nhà nghỉ Số Sáu, Tiệm giặt ủi Kline, đều chưa mở cửa, một chiếc Toyota mui trần màu be mắc cạn trước một sân nhà có cái xích đu làm từ lốp xe hơi ngả nghiêng trên đất. Khi xe buýt tăng tốc, từng mẩu từng miếng thành phố đảo qua như những món đồ quay trong máy giặt. Quanh con đám con trai xô đẩy nhau. Con cảm thấy gió từ tay chân quẫy đạp của chúng quạt vào sau gáy, những cánh tay và nắm đấm vung vẩy khuấy động không khí. Biết rõ khuôn mặt con đang mang, biết rõ đường nét trên đó lạ lẫm với những khu dân cư này, con tì đầu sát hơn lên cửa sổ để tránh tụi nó. Đó là lúc con thấy có một đốm sáng ngay giữa bãi đậu xe bên ngoài. Phải đến khi nghe giọng bọn kia sau lưng con mới nhận ra rằng đốm sáng đó lóe lên trong đầu con. Rằng có ai đó vừa dộng đầu con vào tấm kiếng.
“Nói tiếng Anh coi,” thằng nhóc có quả đầu nấm màu vàng nói, mấy ngấn mỡ cằm đỏ dừ rung rung.
Những bức tường độc ác nhất đều là tường kiếng mẹ à. Con khi đó đã muốn đập bể lớp kiếng nhảy lao khỏi cửa sổ.
“Ê.” Thằng nhóc cằm nọng nghiêng người tới, kề cái miệng chua loét sát má con. “Mày không chịu nói gì hết vậy? Mày không biết tiếng Anh hả?” Nó túm vai quay ngược người con lại đối mặt với nó. “Có người nói chuyện với mày thì phải nhìn.”
Nó mới chín tuổi nhưng đã thành thục kiểu nói chuyện của các ông cha ông chú Mỹ bất đắc chí. Đám con trai đánh hơi thấy trò vui,
xúm lại quanh con. Con ngửi thấy mùi quần áo mới giặt, mùi oải hương và huệ tây của nước xả.
Chúng nó chờ coi chuyện gì xảy ra tiếp. Khi con không làm gì mà chỉ nhắm mắt lại, thằng kia tát con.
“Nói gì coi.” Nó gí cái mũi nung núc vào bên má nóng rát của con. “Mày không nói được miếng nào luôn hả?”
Cái tát thứ hai giáng xuống từ trên cao, một thằng khác. Thằng đầu nấm bưng cằm con xoay về phía nó. “Vậy gọi tên tao coi.” Nó chớp mắt, hàng mi mắt dài vàng ươm, gần như trong suốt, khẽ rung. “Gọi như con mẹ mày gọi tối qua đó.”
Bên ngoài, lá ướt rụng đầy như những tờ tiền dơ bẩn, bạt qua cửa sổ. Con ép mình bày ra một vẻ phục tùng nghiêm khắc và nói tên nó.
Con để cho tiếng cười đi vào mình.
“Lần nữa,” nó nói.
“Kyle.”
“Lớn lên.”
“Kyle.” Mắt con vẫn nhắm.
“Ngoan lắm con chó.”
Rồi, như nắng rọi xuyên mây, một bài hát vang lên trên radio. “Ê, anh họ tao mới đi coi nhóm này diễn!” Và thoắt cái mọi chuyện kết thúc. Bóng chúng không còn phủ lên con. Con để cho nước mũi chảy ra. Con nhìn chằm chằm xuống chân, xuống đôi giày mẹ mua cho, đôi giày có đế chớp ánh đỏ theo mỗi bước chân con.
Con tựa trán lên lưng ghế trước, rồi đá chân, mới đầu thì nhẹ, sau đó nhanh hơn. Đôi giày của con bùng lên những chớp đỏ lặng câm: hai chiếc xe cấp cứu nhỏ nhất thế giới, không có điểm đến.
Tối đó, mẹ ngồi trên ghế bành, khăn lông quấn quanh đầu do mẹ vừa tắm ra, một điếu Marlboro Đỏ cháy lập lòe trong tay. Con co ro đứng đó.
“Tại sao?” Mẹ nhìn chòng chọc vào ti vi.
Mẹ châm điếu thuốc vào cốc trà và con lập tức hối hận vì đã kể. “Tại sao mày để tụi nó làm vậy? Đừng có nhắm mắt. Mày có buồn ngủ đâu.”
Ánh mắt mẹ chiếu lên con, giữa con và mẹ là làn khói xanh. “Con trai gì mà để cho tụi nó làm vậy hả?” Khói rỉ ra từ khóe miệng mẹ. “Mày chả phản ứng gì.” Mẹ nhún vai. “Để cho tụi nó làm vậy luôn.”
Con lại nghĩ về ô cửa sổ đó, nghĩ rằng mọi thứ dường như đều là một ô cửa sổ, ngay cả không khí giữa mẹ con mình.
Mẹ chụp vai con, trán mẹ ấn mạnh lên trán con. “Nín. Đụng chút là khóc!” Mẹ ở gần tới nỗi con ngửi thấy mùi tàn thuốc và mùi kem đánh răng nơi kẽ răng mẹ. “Có ai làm gì mày đâu. Không khóc nữa - tao biểu nín mà, mẹ mày!”
Cái tát thứ ba trong ngày khiến ánh mắt con bay sang một bên, con thoáng thấy màn hình ti vi trước khi đầu bật trở lại đối diện mẹ. Mắt mẹ đảo liên hồi trên mặt con.
Rồi mẹ kéo con vào lòng, cằm con ấn mạnh lên vai mẹ. “Con phải tìm cách, Chó Con à,” mẹ nói vào tóc con. “Con phải tìm cách vì mẹ không có đủ tiếng Anh để cứu con. Mẹ không thể nói gì để ngăn tụi nó. Con phải tìm cách. Con tìm cách không thì đừng có về méc mẹ nữa, nghe chưa?” Mẹ buông con ra. “Con phải ra dáng con trai, con phải mạnh mẽ lên. Con phải đứng lên không là tụi nó được nước lấn tới. Con có một bụng tiếng Anh rồi.” Mẹ áp tay lên bụng con, gần như thì thào, “Con phải lấy ra xài, nghe chưa con?” “Dạ, mẹ.”
Mẹ vén tóc con qua bên, hôn lên trán con. Mẹ quan sát con một lúc, có phần lâu hơn cần thiết, rồi lại ngả người ra xô pha và vẫy tay. “Lấy mẹ điếu nữa.”
Khi con quay trở lại mang theo điếu Marlboro và hộp quẹt Zippo, ti vi đã tắt. Mẹ chỉ ngồi đó nhìn ra ô cửa sổ xanh.
Trong bếp sáng hôm sau, con nhìn mẹ rót sữa vào một cái ly dài bằng đầu con.
“Uống đi,” mẹ nói, môi chu ra tự hào. “Sữa Mỹ đó, rồi con sẽ lớn nhanh thiệt nhanh. Chắc cú luôn.”
Con uống lấy uống để món sữa lạnh ngắt đó tới nỗi lưỡi tê lại không còn nếm được vị gì nữa. Mỗi buổi sáng từ đó về sau, mẹ con mình lặp lại nghi thức ấy: sữa đổ xuống quyện thành một dòng trắng mập, con uống cạn ly từng ngụm lớn cho mẹ nhìn thấy, hai mẹ con ấp ủ hy vọng cái màu trắng biến vào trong con sẽ làm lớn thêm một thằng nhóc da vàng.
Mình đang uống ánh sáng, con nghĩ. Mình đang rót ánh sáng đầy cơ thể. Sữa sẽ xóa sạch bóng tối trong mình bằng cơn lũ sáng trưng. “Thêm xíu nữa,” mẹ nói, gõ tay lên kệ bếp. “Mẹ biết là nhiều. Nhưng đáng lắm đó con.”
Con để cái ly lên kệ bếp kêu canh một tiếng, cười toét. “Thấy chưa?” mẹ nói, khoanh tay lại. “Con nhìn giống Siêu Nhân rồi đó!” Con cười toe toét, bọt sữa sủi trên môi.
Vài người nói lịch sử đi theo vòng xoắn ốc, không phải đường thẳng như ta hằng nghĩ. Chúng ta đi qua thời gian theo một quỹ đạo tròn, xa khỏi trung tâm chỉ để sau đó quay trở lại, đã cách thêm một vòng.
Ngoại Lan, qua những câu chuyện kể, cũng đang đi theo hình xoắn ốc. Khi con lắng nghe, sẽ có những khoảnh khắc mà câu chuyện thay đổi - không nhiều, chỉ là một chi tiết nhỏ như hột cát, như là lúc mấy giờ, màu áo của ai đó, hai lần không kích thay vì ba, một khẩu AK-47 thay vì khẩu 9 ly, cô con gái cười chứ không khóc. Những thay đổi trong lời kể sẽ xuất hiện - quá khứ không hề là một khung cảnh cố định và bất hoạt mà là một thứ được thấy lại. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn di chuyển theo hình xoắn ốc, chúng ta đang tạo ra một thứ mới từ cái đã qua. “Làm cho ngoại trẻ lại đi,”
ngoại Lan nói. “Làm cho ngoại đen lại chứ đừng để trắng tuyết thế này, Chó Con à. Đừng để trắng tuyết.”
Nhưng sự thật là con không biết, mẹ à. Con viết ra những giả thuyết rồi xóa đi và rời khỏi bàn. Con bắc ấm nước và để tiếng nước sôi khiến con đổi ý. Giả thuyết của mẹ là gì - về bất cứ thứ gì? Con biết nếu con hỏi mẹ, mẹ sẽ cười, tay che lấy miệng, một cử chỉ thường thấy nơi các cô gái ở làng mẹ hồi còn nhỏ, cử chỉ mẹ vẫn giữ suốt cuộc đời, ngay cả khi mẹ có hàm răng đều tự nhiên. Mẹ sẽ nói: Không, giả thuyết là cho những người có thừa thời gian và thiếu quyết đoán. Nhưng con có biết một giả thuyết của mẹ.
Mẹ con mình đang ngồi máy bay đi California - mẹ có nhớ không? Mẹ định cho ba con một cơ hội nữa, ngay cả khi mũi còn vẹo vì bao lần ba vung tay. Khi đó con lên sáu và hai mẹ con đi, còn ngoại Lan ở lại Hartford với bác Mai. Đến một lúc, máy bay rung lắc dữ tới độ con nảy lên trên ghế, cả thân người nhỏ xíu bay hẳn khỏi đệm, rồi bị dây an toàn giật ngược về. Con bắt đầu khóc. Mẹ choàng tay quanh vai con, áp người vào con, dùng cả trọng lượng chịu hết những rung chấn của máy bay. Rồi mẹ chỉ mấy dải mây dày ngoài cửa sổ nói, “Khi mình lên cao chừng này, mây biến thành đá tảng - cứng ngắc luôn - nên con mới thấy vậy đó.” Môi mẹ cọ khẽ vào tai con, giọng mẹ vỗ về, con quan sát những ngọn núi khổng lồ màu đá hoa cương vắt ngang chân trời. Phải, máy bay xóc là đúng rồi. Mẹ con mình đang bay qua đá, chuyến bay của mình là một chuyến đi siêu nhiên của ý chí. Vì quay trở lại với người đàn ông đó đòi hỏi thứ phép màu như vậy. Máy bay phải rung lắc, nó phải muốn tan tành nữa kìa. Khi đã thiết lập lại các quy luật vũ trụ rồi, con ngồi ngả ra nhìn trong khi mẹ con mình đâm qua hết ngọn núi này tới ngọn núi khác.
Chữ nghĩa, mẹ sở hữu còn không nhiều bằng đống xu tiền boa ở tiệm làm móng để dành trong can sữa dưới chạn bếp. Thường mẹ sẽ chỉ một con chim, một bông hoa, hay một cặp màn ren ở Walmart và chỉ nói là nó đẹp - dù nó có là gì đi nữa. “Đẹp quá!”[1] có
lần mẹ thốt lên, chỉ vào con chim ruồi đang đập cánh vo vo bên nhành lan màu kem trong sân nhà hàng xóm. Mẹ hỏi con chim này là chim gì và con trả lời bằng tiếng Anh - ngôn ngữ duy nhất con có để gọi tên nó. Mẹ chỉ gật đầu ngu ngơ.
Ngày hôm sau, mẹ đã quên tên của con chim đó, những âm tiết đã trượt khỏi lưỡi mẹ biến đi. Nhưng rồi khi từ thị trấn trở về nhà, con bắt gặp cái bình cho chim ruồi ăn ở sân trước, một quả cầu thủy tinh chứa thứ mật ngọt trong veo, xung quanh là những bông hoa nhựa đủ màu có các lỗ nhỏ xíu cho chúng thò mỏ vào. Khi con hỏi, mẹ lôi ra từ trong thùng rác một cái thùng các tông bị ép xẹp, chỉ vào con chim ruồi, đôi cánh đập tít mù và cái mỏ như mũi kim - một con chim mẹ không thể gọi tên nhưng vẫn nhận ra. “Đẹp quá,” mẹ mỉm cười. “Đẹp quá.”
Khi mẹ về nhà tối đó, sau khi ngoại Lan và con đã chia nhau xong chén cơm trà, ba người mình đi bộ bốn mươi phút tới C-Town bên hông đại lộ New Britain. Lúc đó đã gần đến giờ đóng cửa và các dãy kệ siêu thị đã sạch trơn. Mẹ muốn mua đuôi bò, làm bún bò Huế cho tuần lễ mùa đông lạnh căm sắp đến.
Ngoại Lan và con nắm tay nhau, đứng cạnh mẹ ở quầy thịt, trong khi mẹ dò từng tảng thịt vân mỡ sau lớp kiếng tủ. Không thấy đuôi bò đâu, mẹ bèn vẫy người trông quầy. Khi ông ta hỏi mẹ cần gì, mẹ dừng một đỗi khá lâu rồi nói, bằng tiếng Việt, “Đuôi bò. Anh có đuôi bò không?”
Mắt ông ta đảo nhanh qua từng khuôn mặt của cả ba người nhà mình rồi hỏi lần nữa, chồm tới gần hơn. Tay ngoại giật giật trong tay con. Mẹ lúng túng, đưa ngón trỏ ra sau hõm lưng rồi hơi quay người lại, cho ông ta nhìn thấy được bàn tọa mẹ, mẹ lúc lắc ngón tay và kêu ụm bò. Tay còn lại, mẹ làm thành một cặp sừng để trên đầu. Mẹ vặn người, uốn lưng và lắc hông thật nhập tâm để ông ta hiểu ra từng phần một màn trình diễn này: sừng, đuôi, bò. Nhưng ông ta chỉ cười, ban đầu còn che miệng, sau đó thì cười lớn hơn, oang oang. Mồ hôi trên trán mẹ loang loáng dưới ánh đèn huỳnh quang.
Một bà trung niên, tay cầm hộp ngũ cốc Lucky Charm, đi ngang nhà mình, cô nén cười. Mẹ đá lưỡi vào răng hàm, làm má ngoài phồng ra. Có cảm tưởng như mẹ đang chết đuối trong không khí. Mẹ thử nói tiếng Pháp, vớt vát chút gì còn sót lại từ hồi nhỏ. “Derrière de vache!” mẹ la, gân cổ gồ lên. Người bán hàng đáp lại mẹ bằng cách gọi với vào phòng trong, từ đó, một ông khác thấp người, da sẫm màu hơn xuất hiện và nói với mẹ bằng tiếng Tây Ban Nha. Ngoại Lan buông tay con và ra phụ mẹ - hai mẹ con cùng xoay vòng vòng kêu ụm bò, ngoại vừa làm vừa cười khúc khích.
Hai người kia rú lên cười, đập tay bôm bốp xuống bàn, khoe hàm răng to đùng trắng bóng. Mẹ quay sang con, mặt ướt đầm, năn nỉ. “Nói cho người ta đi con. Nói người ta mình muốn mua gì đi con.” Lúc đó con không biết đuôi bò tiếng Anh là gì. Con lắc đầu, người nóng lên vì xấu hổ. Hai người kia nhìn, tràng cười khùng khục giờ thu lại thành vẻ lo lắng bất an. Siêu thị sắp đóng cửa. Một người lại lên tiếng hỏi, đầu cúi xuống, chân thành. Nhưng mình đã quay bước đi. Mình từ bỏ đuôi bò, bỏ bún bò Huế. Mẹ lấy một bịch bánh mì Wonder Bread và một lọ mayonnaise. Cả ba không ai nói gì lúc tính tiền, những chữ mình có đột nhiên lại có vẻ sai ở bất kỳ đâu, ngay cả là trong miệng mình.
Trong lúc mình đứng xếp hàng, bên những thanh kẹo và tạp chí có một khay đựng nhẫn tâm trạng. Mẹ đưa tay cầm lên một cái nhẫn và, sau khi coi giá, quyết định lấy ba cái - mỗi người một cái. “Đẹp quá,” lát sau mẹ nói, gần như không ra tiếng. “Đẹp quá.”
Không đối tượng nào ở trong mối quan hệ thường trực với khoái cảm, Barthes viết. Tuy nhiên, đối với nhà văn, tiếng mẹ đẻ chính là một thứ như thế. Nhưng nếu tiếng mẹ đẻ ấy cùn lụt thì sao? Nếu thứ tiếng đó không chỉ là biểu tượng của khoảng không, mà bản thân nó là khoảng không, nếu cái lưỡi được mẹ đẻ ra đó bị cắt cụt? Người ta có thể có khoái cảm trong mất mát mà không để mất bản thân hoàn toàn không? Tiếng Việt con là tiếng Việt mẹ cho con, là tiếng Việt mà từ vựng và cú pháp chỉ đi đến lớp hai.
Hồi còn nhỏ, núp sau bụi chuối, mẹ nhìn ngôi trường nhỏ của mình đổ sụp sau một cuộc rải bom napalm của Mỹ. Ở tuổi lên năm, mẹ không hề đặt chân vào một lớp học nào nữa. Thế nên, tiếng mẹ
đẻ của mình không thể che chở cho mình - vì cả nó cũng mồ côi. Tiếng Việt của mẹ con mình là một tráp kỷ vật, một mốc đánh dấu nơi sự học của mẹ kết thúc, hóa thành tro. Nên, mẹ à, nói tiếng mẹ đẻ đối với mình là nói thứ tiếng Việt dở dang, nhưng là nói tiếng chiến tranh hoàn thiện.
Tối đó con tự hứa với lòng sẽ không bao giờ để mình thiếu chữ khi mẹ cần con nói thay mẹ. Vậy là con bắt đầu sự nghiệp thông dịch viên chính thức cho gia đình. Từ lúc đó, con sẽ điền vào những chỗ trống, những khoảng lặng, những ngắc ngứ của nhà mình bất cứ khi nào có thể. Con chuyển đổi giữa hai bộ mã. Con tháo tiếng của mình ra và đeo tiếng Anh của con vào, như đeo mặt nạ, để người ta nhìn thấy mặt con, và nhờ đó thấy được mặt mẹ.
Khi mẹ làm cho nhà máy đồng hồ được một năm, con gọi cho sếp của mẹ và nói, bằng những từ ngữ lịch sự nhất con có, rằng mẹ của con có nguyện vọng được giảm giờ làm. Vì sao? Vì mẹ của con kiệt sức, vì mẹ ngủ quên trong bồn tắm sau khi đi làm về, và con sợ rằng mẹ sẽ chết đuối. Một tuần sau mẹ được giảm giờ làm. Hay những lần khác, nhiều lần biết mấy, con gọi cho bên bán hàng Victoria’s Secret, đặt quần áo lót và vớ chân cho mẹ. Các bà trực tổng đài, sau một thoáng bối rối khi nghe giọng nói chưa dậy thì ở đầu dây bên kia, trở nên vui vẻ biết bao khi biết một thằng bé đang mua đồ lót cho mẹ nó. Họ chuyển giọng cưng nựng trong điện thoại, thường miễn tiền vận chuyển cho con. Và họ hỏi thăm con về trường lớp, những bộ phim hoạt hình con đang coi, họ kể cho con nghe về con trai họ, nói rằng mẹ của con hẳn phải vui lắm.
Con không biết mẹ có vui không. Con chưa từng hỏi.
Trở lại căn hộ, mình không có đuôi bò. Nhưng mình có ba cái nhẫn tâm trạng, lấp lánh trên ngón tay mỗi người. Mẹ đang nằm úp mặt xuống tấm mền trải trên sàn còn ngoại Lan ngồi cưỡi trên lưng mẹ, xoa bóp cho những bó cơ trên vai mẹ thôi căng cứng. Ánh sáng xanh lá từ màn hình ti vi khiến ba người mình như đang chìm dưới nước. Ngoại Lan đang thì thầm một bài độc thoại quen thuộc về một
trong những kiếp đời của ngoại, câu sau diễn lại ý câu trước, và chỉ tạm ngưng khi cần hỏi mẹ đau chỗ nào.
Hai ngôn ngữ sẽ loại bỏ lẫn nhau, Barthes nói, đời có ngôn ngữ thứ ba. Đôi khi từ ngữ chúng ta thật là khan hiếm, hay đơn giản là mất tích. Trong trường hợp đó, bàn tay, dù bị giới hạn bởi đường biên là da và sụn, có thể là ngôn ngữ thứ ba linh hoạt ở đầu cái lưỡi ngập ngừng.
Quả thật, tiếng Việt mình ít khi nào nói mình yêu ai đó, và khi nói, mình gần như chỉ nói tiếng Anh, I love you. Thương và yêu, ở nhà mình, thể hiện rõ nhất qua hành động: nhổ tóc bạc, hay áp người vào đứa con trai để hút lấy chấn động của máy bay và, do đó, cả nỗi sợ của nó. Hay như lúc này - khi ngoại Lan gọi con, “Chó Con, qua đây phụ ngoại chăm má con nè.” Và con với ngoại quỳ hai bên người mẹ, xoa mềm bó cơ tê cứng trên bắp tay mẹ, rồi lần xuống cổ tay, từng ngón tay. Trong một khoảnh khắc gần như quá ngắn ngủi không đáng nói tới, điều này có lý - rằng ba con người trên sàn, liên kết với nhau bằng những cái chạm, sẽ tạo thành hai chữ gia đình.
Mẹ rên lên vì đã khi con với ngoại giúp cho cơ mẹ giãn ra, gỡ mẹ ra chỉ nhờ sức nặng của cơ thể hai bà cháu. Mẹ giơ ngón tay lên và nói vào tấm mền, “Mẹ có vui không?”
Phải tới lúc nhìn thấy cái nhẫn con mới nhận ra mẹ đang nhờ con, một lần nữa, diễn dịch cho mẹ một phần khác thuộc về nước Mỹ. Con chưa kịp trả lời thì ngoại Lan cũng chìa bàn tay ngay trước mũi con. “Coi giùm ngoại luôn nè Chó Con - ngoại có vui không?” Có lẽ, bằng cách viết ra cho mẹ lúc này, con cũng đang viết cho tất cả mọi người - vì làm sao có không gian riêng tư nếu không có không gian nào an toàn, nếu cái tên thằng bé vừa bảo vệ nó mà lại vừa biến nó thành con vật?
“Vâng, có. Hai người đều vui,” con trả lời, dù không biết gì cả. “Hai người đều đang vui đó mẹ. Vâng,” con lặp lại. Vì tiếng súng, lời nói dối và đuôi bò - hay bất cứ cái tên nào mà mẹ muốn gọi chúa của mình - cần nói Vâng lặp đi lặp lại, nối tiếp nhau, thành vòng tròn, thành vòng xoắn ốc, không vì lý do gì ngoài để nghe thấy bản thân nó tồn tại. Vì tình yêu, lúc đẹp nhất, cũng lặp lại chính mình. Không phải thế sao?
“Ngoại vui!” Ngoại Lan vung tay lên trời. “Ngoại rất vui vì được đi thuyền. Thấy cái thuyền không?” Ngoại chỉ vào hai cánh tay mẹ, xoãi ra như mái chèo, hai bên là ngoại và con. Con nhìn xuống và đã thấy, mặt sàn gỗ nâu vàng xoáy tròn thành dòng nước ngầu đục. Con thấy nước rút yếu ớt, đặc quánh váng mỡ và cỏ úa. Con với ngoại không chèo mà trôi dạt trên dòng nước. Hai bà cháu bám vào một người mẹ lớn bằng cái xuồng con cho tới khi cơ thể người mẹ bên dưới cứng lại vì đã thiếp đi. Và ngoại lẫn con chẳng mấy chốc chìm vào im lặng trong khi con xuồng đưa cả nhà mình xuôi dòng sông nâu khổng lồ gọi là nước Mỹ này, cuối cùng cũng biết đến niềm vui.
Đó là một đất nước xinh đẹp tùy xem ta nhìn ở đâu. Tùy xem ta nhìn ở đâu, ta có thể sẽ thấy người phụ nữ đứng chờ trên rìa con đường đất, ôm trong tay một bé gái mới đẻ quấn trong cái khăn màu trời. Người phụ nữ đung đưa hông, bàn tay đỡ đầu em bé. Con đến với cuộc đời này, chị ta nghĩ, vì đâu còn ai đến nữa. Vì đâu còn ai đến nữa, nên chị bắt đầu ngâm nga.
Một phụ nữ, chưa tới ba mươi, đang ôm đứa con gái đứng bên rìa đường đất trong một đất nước xinh đẹp thì có hai người đàn ông bước đến, khẩu M-16 trong tay. Chị đang ở chốt kiểm soát, là một cánh cổng làm bằng cuộn dây kẽm gai và quyền cho phép thuộc về vũ khí. Sau lưng chị, những cánh đồng bắt đầu bén lửa. Một cuộn khói xuyên thủng bầu trời trắng như trang giấy. Một người tóc đen, người còn lại ria mép vàng như một vết sẹo bằng nắng. Mùi xăng hôi rình bốc ra từ bộ đồ rằn ri. Hai khẩu súng trường đung đưa khi họ đi tới chỗ chị, khóa nòng kim loại chớp dưới ánh trời chiều.
Một người phụ nữ, một đứa bé gái, một khẩu súng. Đây là một câu chuyện đã cũ, ai cũng biết một câu chuyện như thế. Một tình tiết phim quen thuộc mà ta có thể tránh đi nếu không phải vì nó đã ở đây, đã được viết ra.
Trời đổ mưa; đất quanh bàn chân trần của người phụ nữ lấm tấm những dấu ngoặc kép màu nâu đỏ - cơ thể chị dùng làm một lời nói. Chiếc sơ mi trắng bám vào bờ vai xương xẩu khi chị đổ mồ hôi. Cỏ quanh chị rạp xuống, như thể chúa đã ấn bàn tay của mình xuống đây, để dành chỗ cho ngày thứ tám. Chị được nghe kể, đó là một đất nước xinh đẹp, tùy xem ta là ai.
Nhưng không phải là chúa nào hết - dĩ nhiên rồi - mà là máy bay trực thăng, một chiếc Huey, một vị thần khác thổi cuồng phong
mãnh liệt tới nỗi, cách đó vài mét, một con chim sẻ xám xanh giãy đành đạch giữa đám cỏ cao, không sao bay thẳng lại được. Con mắt cô bé chứa đầy chiếc trực thăng trên trời, mặt cô bé là một trái đào rụng. Khăn choàng xanh màu trời cuối cùng cũng hiện rõ bằng mực đen, như thế này.
Đâu đó, sâu bên trong đất nước xinh đẹp này, ở trong cùng một ga ra gắn dãy đèn huỳnh quang, người ta kể, có năm người đàn ông ngồi quanh một cái bàn. Bên dưới những đôi chân đi sandal là những vũng dầu máy không in bóng thứ gì hết. Ở một đầu bàn là một đống chai thủy tinh túm tụm với nhau. Rượu vodka đựng bên trong lấp lánh dưới luồng sáng gắt khi đám đàn ông nói chuyện, khuỷu tay dịch chuyển đầy nôn nóng. Họ im bặt mỗi lần có ai trong đám liếc ra cửa. Cửa sắp mở đến nơi rồi. Đèn chớp một lần, nhưng vẫn sáng.
Vodka được rót vào các ly rượu nhỏ, vài ly có gỉ sét dính quanh mép vì cất trong hộp đạn bằng kim loại từ cuộc chiến trước. Những cái ly nặng nề đặt đánh cộp lên bàn, chất lỏng nóng cháy đã nuốt xuống bóng tối sinh ra từ cơn khát.
Nếu con nói người phụ nữ đó. Nếu con nói người phụ nữ đó đang rạp mình, lưng gập lại dưới cơn cuồng phong nhân tạo này, thì mẹ có thấy chị ta không? Từ nơi mẹ đang đứng, cách trang giấy này chỉ vài phân, nhưng là nhiều năm trời, mẹ có thấy dải khăn xanh bay phấp phới ngang qua hai xương vai, cái nốt ruồi dưới đuôi mắt trái khi chị nheo mắt nhìn hai người đàn ông, giờ đã đến đủ gần cho chị nhận ra không phải hai người đàn ông, mà chỉ là hai thằng con trai - mười tám, hai mươi cùng lắm? Mẹ có nghe được tiếng trực thăng, tiếng nó băm vằm không khí lớn đến nỗi át hết mọi tiếng la hét bên dưới? Gió quện đặc khói - và thứ gì đó nữa, than củi đẫm mồ hôi, vị hăng khác thường tạt về đây từ một cái chòi ở rìa cánh đồng. Một cái chòi chỉ vài khoảnh khắc trước còn đầy ắp tiếng người.
Bé gái, tai áp chặt vào ngực người phụ nữ, lắng nghe như thể đang áp tai lên cửa nghe lén. Có gì đó đang chảy bên trong người chị, một khởi đầu, hay đúng hơn, một trật tự mới trong cú pháp. Mắt nhắm, chị tìm kiếm, lưỡi mấp mé bên bờ một câu nói.
Cổ tay hằn gân xanh, thằng con trai giơ khẩu M-16 lên, khắp cánh tay lớp lông vàng nâu thẫm mồ hôi. Năm người đàn ông đang uống rượu và cười nói, hàm răng thưa rểnh như những cái miệng đầy xí ngầu. Thằng nhóc này, môi hơi xệch xuống, con ngươi màu xanh lá kéo lớp màng hồng hồng. Cậu binh nhất này. Những người đàn ông đã sẵn sàng quên đi, vài người còn vương mùi trang điểm của vợ trên ngón tay. Miệng cậu ta há ra khép lại liên hồi. Cậu ta đang hỏi một điều gì đó, có thể là hơn một điều, đang biến không khí quanh lời nói của mình thành cuồng phong. Có ngôn ngữ nào cho việc rơi ra ngoài phạm vi ngôn ngữ? Một hàm răng lóa lên, một ngón tay trên cò súng, cậu con trai nói, “Không. Không, lùi lại.”
Cái biển dài dài màu ô liu khâu vào ngực cậu ta đóng khung quanh một chữ. Mặc dù người phụ nữ không đọc được, nhưng chị biết nó báo hiệu một cái tên, được ba hoặc mẹ trao cho, nhẹ bẫng nhưng được mang theo suốt đời, như nhịp tim. Chị biết chữ cái đầu tiên là C. Như trong Gò Công, tên cái chợ trời mà chị vừa tới hai ngày trước, bảng hiệu đèn neon kêu ro ro ở cổng. Chị tới đó mua cho đứa con cái khăn mới. Mắc hơn là chị dự tính, nhưng khi chị thấy nó, sáng rực ánh ngày giữa những súc vải xám và nâu, chị liền nhìn lên trời, mặc dù lúc đó đêm đã buông, và trả tiền dù biết sẽ chẳng còn tiền để ăn. Xanh màu trời.
Khi cánh cửa mở ra, mấy người đàn ông đặt ly xuống, vài người tranh thủ uống cạn chỗ rượu. Một ông còng lưng có mái tóc bạc chải gọn qua bên dắt vào một con khỉ đuôi dài, to cỡ con chó, cổ dề tròng dây. Không ai nói gì. Cả mười cặp mắt dán vào con thú đang khập khiễng vào phòng, bộ lông đỏ sém đẫm mùi rượu và phân, do nó đã bị ép uống vodka và morphine trong chuồng nguyên buổi sáng.
Tiếng ro ro đèn huỳnh quang đều đều trên đầu họ, như thể đây là cảnh tượng mà ánh sáng đang mơ thấy.
Một người phụ nữ đứng bên rìa đường đất cầu xin, bằng thứ ngôn ngữ đã bị diệt bỏ vì súng đạn, xin được trở vào ngôi làng nơi
căn nhà của chị đang đứng, đã đứng nhiều thập kỷ. Đây là một câu chuyện nhân văn. Ai cũng biết. Mẹ có biết? Mẹ có biết mưa đã lớn hơn, mưa trổ từng nét làm đen màu khăn xanh?
Sức ép từ tiếng của cậu lính đẩy người phụ nữ lùi lại. Chị ta run rẩy, một cánh tay lơi ra, rồi nghiêm người lại, áp đứa bé gái vào lòng.
Một người mẹ và một cô con gái. Một mẹ và một con. Một câu chuyện đã cũ.
Ông già khòm lưng dẫn con khỉ vào dưới gầm bàn, tròng đầu nó qua cái lỗ khoét chính giữa bàn. Một chai rượu nữa được khui. Nắp chai vặn đánh tách còn mấy người đàn ông với tay lấy ly.
Con khỉ bị cột vào thanh ngang dưới bàn. Nó quẫy đạp. Một cái đai da buộc mõm nó lại, tiếng la của nó nghe chỉ như tiếng máy nhả sợi dây câu vung tít xa trên mặt hồ.
Thấy các chữ trên ngực cậu con trai, người phụ nữ nhớ ra tên của mình. Sở hữu một cái tên, rốt cuộc, là điều duy nhất cả hai cùng có. “Lan,” chị nói. “Tui tên Lan.”
Lan, theo tên của loài hoa. Lan, cái tên chị đặt cho bản thân, sau một đời không có tên từ lúc sinh ra. Vì mẹ chị chỉ gọi chị là Bảy, sau sáu đứa con khác của bà.
Chỉ sau khi bỏ trốn, ở tuổi mười bảy, khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt với người chồng gấp ba tuổi mình, Lan mới đặt cho mình cái tên đó. Một đêm, Lan pha cho chồng bình trà, cho vào một nhúm tim sen để giúp ông ta ngủ sâu hơn, rồi chờ tới khi vách lợp lá cọ rung lên dưới tiếng ngáy của ông ta. Dưới trời đêm lặng ngắt, cô lần mò từng cành cây thấp mà đi.
Mấy tiếng sau, cô gõ cửa nhà mẹ đẻ. “Bảy,” mẹ cô nói qua khe hở trên cửa, “gái không chồng như rác như rơm. Mày biết mà. Làm sao mày không biết?” Rồi cửa đóng lại, nhưng trước đó một bàn tay đầy mấu như thân gỗ đã kịp thò ra, ấn một cặp bông tai ngọc trai
vào nắm tay Lan. Gương mặt trắng bệch của bà mẹ biến mất sau cánh cửa, chốt khóa đánh cạch.
Tiếng dế kêu inh tai trong lúc Lan vấp váp đi về phía cột đèn đường gần nhất, rồi cô lần theo hàng cột đèn mờ mịt, hết cái này đến cái kia, cho tới khi bình minh lên, thành phố xuất hiện, nhòe nhoẹt sau màn sương.
Một ông bán xôi nếp bắt gặp cô, bộ đầm ngủ lấm lem rách ở cổ áo, và xúc cho cô một muỗng xôi ngọt bốc khói trên lá chuối. Lan ngồi sụp xuống đất nhai, mắt dán vào khoảnh đất giữa hai bàn chân đen.
“Con người đâu vậy,” người đàn ông hỏi, “con gái con đứa đi đâu lang thang giờ này? Con tên gì?”
Miệng cô tràn đầy âm thanh lung linh đó, âm điệu hình thành giữa vốc xôi đang nhai, trước khi nguyên âm cất lên, một tiếng a kéo dài, Laang. Hoa lan, cô chọn thế, không vì lý do gì. “Lan,” cô nói, xôi vãi xuống quanh miệng, như những vụn ánh sáng. “Tui tên Lan.”
Vây quanh thằng lính trẻ, người phụ nữ và em bé là màu xanh mướt miệt mài của vùng đất. Nhưng vùng đất nào? Biên giới nào vừa bị băng qua và xóa bỏ, chia cắt và sắp xếp lại?
Ở tuổi hai mươi tám lúc này, chị đã sinh ra một đứa con gái đang quấn trong một mảnh trời trộm về từ một ngày trong vắt. Đôi khi, vào buổi tối, trong lúc con ngủ, Lan nhìn ra bóng tối, nghĩ về một thế giới khác, nơi một phụ nữ bồng con gái mình đứng bên rìa đường, một vành trăng khuyết treo cao giữa bầu không khí trong lành. Một thế giới không có lính hay trực thăng và người phụ nữ chỉ đang đi dạo trong buổi tối mùa xuân ấm áp, và chị dịu dàng nói với con gái mình, kể cho nó nghe câu chuyện về một cô gái chạy trốn khỏi tuổi trẻ không có khuôn mặt chỉ để đặt cho mình cái tên theo một loài hoa khi nở ra trông như bị xé toạc.
Vì có số lượng đông đảo và cơ thể nhỏ bé, khỉ đuôi dài là loài linh trưởng bị săn bắt nhiều nhất Đông Nam Á.
Ông già tóc bạc giơ ly lên chúc rượu cả bàn, cười toe toét. Năm cái ly khác giơ lên cụng ly ông ta, ánh sáng rọi vào từng ly vì luật rượu là phải thế. Rượu trong tay những người chẳng mấy chốc nữa sẽ dùng dao mổ mở hộp sọ con khỉ ra như mở nắp lọ. Những người này sẽ thay phiên nhau xúc não của nó ăn, nhúng vào rượu hay nhai cùng tép tỏi để trong dĩa sứ, trong lúc con khỉ quẫy đạp liên hồi dưới chân. Sợi dây câu vung ra hết lần này đến lần khác nhưng không bao giờ chạm nước. Đám đàn ông tin rằng món ăn này tránh cho họ bị yếu sinh lý, rằng con khỉ càng quẫy đạp, thì hiệu quả càng cao. Bọn họ làm điều này vì tương lai dòng giống - vì con trai con gái họ.
Họ chùi miệng bằng khăn giấy in hình hoa hướng dương chẳng mấy chốc nhuốm màu nâu, rồi rách ra - ướt đẫm.
Sau đó, vào buổi tối, những người này sẽ về nhà, tươi mới, bụng căng đầy, rồi áp người vào vợ và người yêu mình. Hương hoa của đồ trang điểm - má kề má.
Giờ là tiếng nước nhỏ giọt. Một dòng nước ấm chảy lan xuống gấu cái quần màu đen của chị. Mùi hăng của amoniac. Lan đái ra quần trước mặt hai thằng nhóc - và chị ghì con bé chặt hơn. Quanh chân chị là một vòng tròn hơi nóng. Trong số động vật hữu nhũ, thì khỉ đuôi dài có bộ não gần với não người hơn cả.
Những hạt mưa thẫm lại khi lăn trên gò má dính đầy bùn đất của cậu lính tóc vàng, trước khi đọng lại bên nhau, như những dấu ba chấm, trên quai hàm cậu ta.
“Du Ét Ây năm bơ oăn,” chị nói, nước đái vẫn chảy xuống cổ chân. Rồi chị lặp lại, lớn hơn. “Du Ét Ây năm bơ oăn.”
“Nô bang bang.” Chị giơ bàn tay rảnh lên trời, như thể chờ ai đó kéo mình lên tận trên đó. “Nô bang bang. Du Ét Ây năm bơ oăn.” Mắt trái thằng nhóc khẽ giật. Một chiếc lá xanh rơi xuống mặt hồ xanh lá.
Cậu ta nhìn con bé, nhìn làn da quá hồng của nó. Con bé với cái tên Hồng, hay Rose. Bởi vì tội gì không lấy tên một loài hoa nữa? Hồng - một âm tiết mà miệng người phải ngậm vào toàn bộ cùng
lúc. Hoa lan và hoa hồng, bên nhau trên con đường trắng như hơi thở. Một người mẹ bồng một người con gái. Một bông hồng mọc ra từ một nhành lan.
Cậu ta nhận thấy tóc của Rose, những sợi tóc lạc đường màu vàng quế chuyển vàng hoe quanh thái dương. Thấy đôi mắt tên lính đặt lên con gái mình, Lan úp mặt con bé vào ngực, che chắn cho nó. Cậu ta nhìn đứa nhỏ, nhìn màu trắng hiện ra từ tấm thân màu vàng của nó. Mình có thể là cha đứa nhỏ lắm chứ, cậu ta sực nhận ra. Ai đó cậu ta quen có thể là cha nó - trung sĩ của cậu, trưởng đội, người bạn cùng trung đội, Michael, George, Thomas, Raymond, Jackson. Cậu nghĩ đến họ, khẩu súng trường siết chặt trong tay, mắt dán vào đứa con gái mang dòng máu Mỹ trước mũi khẩu súng Mỹ.
“Nô bang bang… Du Ét Ây…,” Lan lúc này đã chuyển sang thì thào. “Du Ét Ây…”
Khỉ đuôi dài có khả năng tự vấn và nội tỉnh, những đặc tính một thời từng được cho là chỉ thuộc về con người. Một vài loài đã thể hiện hành vi cho thấy khả năng phán xét, sáng tạo, thậm chí là sử dụng ngôn ngữ. Chúng có thể nhớ lại những hình ảnh trong quá khứ và áp dụng vào giải quyết vấn đề hiện tại. Nói cách khác, khỉ huy động ký ức để sống sót.
Đám đàn ông sẽ ăn cho tới khi con vật không còn gì cả, con khỉ lịm dần trong lúc họ xúc, tay chân nó nặng dần xụi xuống. Khi chẳng còn gì nữa, khi tất cả ký ức của nó đã tan vào dòng máu của đám đàn ông, con khỉ chết. Một chai rượu nữa được khui.
Sẽ có ai lạc mất trong câu chuyện ta tự kể cho mình? Sẽ có ai lạc mất trong chính chúng ta? Rốt cuộc, một câu chuyện cũng giống với việc nuốt. Mở miệng ra, nói thành lời, là chừa lại mỗi xương, mãi mãi không được kể đến. Đó là một đất nước xinh đẹp vì ta còn đang thở.
Du Ét Ây năm bơ oăn. Giơ tay lên. Đừng bắn. Du Ét Ây năm bơ oăn. Giơ tay lên. Nô bang bang.
Mưa tiếp tục rơi vì dinh dưỡng cũng là một sức mạnh. Người lính đầu lùi lại. Người lính thứ hai nhấc thanh chắn gỗ lên, làm hiệu cho người phụ nữ tiến lên. Những ngôi nhà sau lưng chị giờ chỉ còn là đống lửa. Khi chiếc Huey trở lên bầu trời, các thân lúa vươn thẳng trở lại, chỉ hơi xơ xác. Cái khăn ướt đẫm thành màu chàm đậm, vì mồ hôi và mưa.
Trong ga ra, trên bức tường sơn bong tróc lộ ra lớp gạch lốm đốm bên dưới, treo một cái kệ làm bệ thờ tạm bợ. Trên đặt những tấm hình lồng khung, của thần phật, của những kẻ độc tài và kẻ tử vì đạo, của những người đã chết - một người mẹ và người cha - tất cả nhìn thẳng, không chớp mắt. Trong những khung kiếng, bóng hình những người con trai ngả lưng trên ghế. Một người rót nốt cái chai lên mặt bàn nhớp nháp, rồi lau sạch. Một tấm vải trắng phủ lên cái đầu rỗng hoác của con khỉ. Đèn trong ga ra chớp một lần, nhưng vẫn sáng.
Người phụ nữ đứng giữa vũng nước đái của mình. Không, chị đang đứng trong cái dấu chấm kích cỡ người thật cho bản-án-câu của chị, còn sống. Thằng nhóc lính quay đầu, đi trở lại vị trí ở chốt kiểm soát. Thằng nhóc kia khẽ đưa tay lên vành nón sắt và gật đầu với chị, tuy ngón tay, chị nhận ra, vẫn để trên cò súng. Đó là một đất nước xinh đẹp vì mẹ còn ở đó. Bởi vì mẹ tên Rose, và mẹ là mẹ của con và năm đó là năm 1968 - năm con khỉ.
Người phụ nữ đi tới. Qua chỗ người lính, chị liếc một lần cuối khẩu súng trường. Họng súng, chị nhận ra, không tối hơn miệng con chị là bao. Đèn chớp một lần, nhưng vẫn sáng.
Con thức giấc khi nghe tiếng một con thú kêu than. Căn phòng tối tới mức con không biết mắt mình mở hay nhắm. Có gió lùa qua khe cửa sổ, và cùng với nó là bầu trời đêm tháng Tám, thơm ngát nhưng thoảng mùi thuốc tẩy của thuốc trừ sâu bệnh cho bãi cỏ - mùi của những vườn nhà ngoại ô được chăm sóc cắt tỉa - và con nhận ra mình không ở nhà.
Con ngồi dậy bên mép giường lắng nghe. Có thể là một con mèo, bị thương do đánh nhau với gấu mèo. Con giữ thăng bằng giữa không gian tối mù và đi ra hành lang. Có một vệt sáng đỏ len qua khe cửa ở đầu bên kia. Con thú đó ở trong nhà. Con áp tay lên tường, trong tiết trời ẩm cảm giác như chạm vào da ướt. Con đi tới bên cánh cửa và nghe, giữa những cơn thút thít, tiếng thở của con vật - giờ nặng nề hơn, một con thú có lá phổi to, to hơn con mèo rất nhiều. Con ngó qua khe cửa đỏ - và đó là lúc con nhìn thấy ông: gập người trên ghế đọc sách, làn da trắng và mái tóc còn trắng hơn nhuốm hồng, ửng lên dưới ánh sáng rọi qua chụp đèn màu đỏ. Và con chợt nhớ ra: con đang ở Virginia, đang nghỉ hè. Con lên chín. Người đàn ông đó tên Paul. Ông là ông ngoại con - và ông đang khóc. Một tấm ảnh lấy liền nhăn nhúm run rẩy trong các ngón tay ông.
Con đẩy cửa. Vệt sáng đỏ tỏa rộng. Ông nhìn lên con, hoang mang, người đàn ông da trắng với cặp mắt đẫm nước. Chẳng có con thú nào ở đây ngoài ông và con.
Paul đã gặp ngoại Lan năm 1967 khi ông đóng quân ở Vịnh Cam Ranh với Hải quân Hoa Kỳ. Họ gặp nhau trong một quán bar ở Sài Gòn, hẹn hò, yêu nhau, rồi một năm sau, cưới nhau ở ngay tòa pháp đình trung tâm thành phố. Cả tuổi thơ con, hình cưới của hai ông bà treo trên tường phòng khách. Trong hình, một cậu nông dân Virginia
ốm người, trẻ măng, với cặp mắt nai nâu, tuổi chưa đầy hai ba, đứng cười tươi rói phía trên người vợ mới, lớn hơn mình năm tuổi - tình cờ thay cũng là một cô gái nông dân quê ở Gò Công, mẹ của bác Mai, khi đó mười hai, đứa con từ cuộc hôn nhân sắp đặt. Khi con chơi với đống búp bê và lính đồ chơi, tấm hình đó lơ lửng trên đầu con, bức tượng thánh của một chấn tâm dẫn đến sự sống của con. Nhìn nụ cười đầy hy vọng của cặp vợ chồng, khó mà tưởng tượng tấm hình được chụp vào một trong những năm khủng khiếp nhất của cuộc chiến. Ở thời điểm chụp hình, khi bàn tay Lan đang đặt trên ngực Paul, chiếc nhẫn cưới ngọc trai như một đốm sáng, mẹ đã được một tuổi - đang chờ trong xe đẩy chừng một mét sau lưng người thợ chụp ảnh khi ánh đèn lóe lên.
Một hôm, trong khi con nhổ tóc bạc, ngoại Lan kể với con rằng khi mới tới Sài Gòn, sau khi chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân đầu tồi tệ, sau khi không kiếm được việc làm, ngoại đi bán dâm cho lính Mỹ đang nghỉ phép. Ngoại nói, với niềm kiêu hãnh cay chua, như đang tự biện hộ trước một bồi thẩm đoàn, “Nuôi con thì phải vậy thôi, phải kiếm cái ăn. Ai có quyền đánh giá tui hả? Ai?” Ngoại hất hàm, đầu ngoại nghểnh cao về phía một người vô hình nào đó bên kia phòng. Chỉ tới khi nghe ngoại buột miệng thì con mới phát hiện, ngoại quả thực đang nói với một người: mẹ của ngoại. “Tui có muốn đâu hả má. Tui muốn về nhà với má mà…” Ngoại chồm tới trước. Cái nhíp tuột khỏi tay con, rơi đánh cộc xuống mặt gỗ cứng. “Tui đâu có muốn làm điếm,” ngoại nức nở. “Gái không chồng như rác như rơm,” ngoại lặp lại câu tục ngữ mà cụ đã nói. “Gái không chồng…” Người ngoại lắc lư, mắt nhắm nghiền, mặt ngẩng lên trần nhà, như thể trở lại mười bảy tuổi.
Ban đầu con tưởng ngoại đang kể một trong những câu chuyện nửa thực nửa bịa của mình, nhưng những chi tiết trở nên rõ ràng hơn khi giọng ngoại lắp bắp, tập trung vào những khoảnh khắc kỳ lạ mà đặc thù trong câu chuyện. Chuyện mùi của những người lính, trộn giữa nhựa đường, khói thuốc và kẹo bạc hà Chiclet - mùi của cuộc chiến thấm sâu vào trong da thịt họ đến mức bám lại dù họ đã tắm rửa cật lực. Để bác Mai lại làng cho người chị chăm sóc, Lan thuê một căn buồng không cửa sổ ở nhà ông ngư dân bên bờ sông,
và tiếp những người lính kia ở đó. Chuyện ông ngư dân, sống bên dưới chị, thường rình mò chị qua khe hở trên tường. Chuyện mấy đôi giày lính nặng tới nỗi, khi họ thảy giày ra leo lên giường, tiếng thình nghe như những thân người ngã xuống, khiến chị nhăn mặt dưới những bàn tay mò mẫm của họ.
Ngoại Lan cứng người khi kể lại, giọng ngoại căng ra khi chìm vào vùng tâm trí thứ hai. Rồi ngoại quay sang con, một ngón tay lúc lắc trước môi. “Suỵt. Đừng nói cho má con.” Rồi ngoại búng mũi con một cái, cặp mắt sáng lên lúc ngoại cười nhăn nhở.
Nhưng Paul, vốn ngại ngùng nhút nhát, nói chuyện thường để hai tay trong lòng, lại không phải khách của chị - đó là lý do họ bắt vào nhau. Theo lời ngoại, hai người đúng là gặp nhau trong quán bar. Lúc Lan bước vào quán thì đã khá trễ, gần nửa đêm rồi. Chị vừa xong công việc ngày hôm đó và đang gọi một ly trước khi đi ngủ thì nhìn thấy “cậu trai ngơ ngác”, theo cách chị gọi, đang ngồi một mình ở quầy. Đêm đó có một buổi tụ họp tổ chức cho lính ở một trong các khách sạn sang trọng, và Paul đang đợi một cô bạn gái không bao giờ tới.
Họ nói chuyện trong lúc uống rượu và nhận ra nhau có chung tuổi thơ miền thôn quê, cả hai đều lớn lên ở một vùng “hóc bà tó” nước mình. Hai kẻ nhà quê không hẹn mà gặp này hẳn đã tìm thấy một ngôn ngữ chung xóa nhòa khoảng cách giữa hai thổ ngữ bị bỏ rơi của họ. Dù đi theo hai con đường khác nhau vô cùng, họ đều đã trở thành loài di thực ở một thành phố suy đồi chóng mặt, bị vây hãm trong những trận mưa bom. Sự đồng cảnh ngộ cho phép họ thấy nhau là nơi trú ẩn.
Một đêm, sau hai tháng từ lần đầu gặp gỡ, Lan và Paul sẽ náu trong một căn hộ một phòng ở Sài Gòn. Thành phố lúc đó đang bị chọc thủng bởi một đợt tiến công khổng lồ của quân Bắc Việt mà về sau sẽ gọi là Cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân khét tiếng. Cả đêm Lan nằm co ro, lưng tựa vào tường, Paul bên cạnh, khẩu súng 9 ly được cấp chĩa ra cửa trong lúc thành phố bị xé toạc bởi tiếng còi báo động và súng cối.
Mặc dù chỉ mới ba giờ sáng, cái chụp đèn khiến căn phòng mang cảm giác đây là những khoảnh khắc cuối cùng của một buổi hoàng hôn báo điềm gở. Dưới bóng đèn điện kêu o o, Paul và con phát hiện ra nhau qua ngưỡng cửa. Ông chùi mắt bằng lòng bàn tay và vẫy con lại bằng tay kia. Ông nhét tấm hình vô túi áo và lấy kiếng ra, chớp lia lịa. Con ngồi xuống cái ghế bành gỗ anh đào bên cạnh.
“Ông ngoại có sao không?” con hỏi, vẫn còn ngái ngủ. Nụ cười của ông có gì đó đau đớn đằng sau. Con nói để con về giường ngủ, nói vẫn còn sớm, nhưng ông lắc đầu.
“Không sao.” Ông sụt sịt và ngồi thẳng lại trên ghế, khuôn mặt nghiêm túc. “Chỉ là… à, ông chỉ đang nghĩ về bài hát con hát lúc tối, cái bài…” Ông nheo mắt nhìn sàn nhà.
“Ca trù,” con gợi ý, “mấy bài dân ca - mà ngoại từng hát.” “Đúng rồi.” Ông gật đầu lia lịa. “Ca trù. Ông đang nằm trong bóng tối chết tiệt trong kia và thề là ông liên tục nghe thấy nó trong đầu. Lâu lắm rồi ông mới nghe lại âm thanh đó.” Ông liếc sang con, dò xét, rồi lại nhìn xuống sàn. “Chắc ông điên rồi.”
Lúc tối hôm đó, sau khi ăn xong, con đã hát ông Paul nghe vài bài dân ca. Ông đã hỏi trong năm con học những gì, còn con thì nghỉ hè quá lâu đã trả hết cho thầy cô rồi, nên con nói con sẽ hát vài bài của ngoại Lan mà con còn nhớ. Con cố hết sức hát một bài hát ru cổ điển ngoại Lan từng hát. Bài hát lần đầu được trình bày bởi ca sĩ Khánh Ly nổi tiếng, miêu tả một phụ nữ đang hát giữa những xác người trải trên ruộng đồng. Tìm giữa những khuôn mặt người chết, người ca sĩ hát trong điệp khúc của bài hát, Xác nào là em tôi?
Mẹ có nhớ không, ngoại Lan thường tự nhiên hát bài hát đó? Có lần ngoại hát trong buổi sinh nhật Junior bạn con, mặt ngoại đỏ như thịt bò sống xay sau khi mới uống có một lon Heineken? Mẹ lắc vai ngoại, bảo ngoại thôi đi, nhưng ngoại cứ hát, mắt nhắm nghiền, vừa hát vừa lắc lư. Junior và gia đình nó không hiểu tiếng Việt - tạ ơn trời. Họ chỉ thấy bà ngoại điên của con lại đang lẩm nhẩm một mình những thứ không đâu. Nhưng mẹ con mình nghe được. Từ từ rồi mẹ đặt miếng bánh kem thơm xuống - vẫn còn nguyên không đụng
đến, ly cốc chạm nhau leng keng trong khi những xác người, đắp thịt từ miệng ngoại, chồng đống lên quanh mình.
Giữa những cái dĩa trống lem chút món ziti nướng còn sót lại, con hát bài hát đó còn Paul lắng nghe. Sau đó, ông chỉ vỗ tay, rồi bọn con dọn dẹp. Con đã quên mất Paul cũng hiểu tiếng Việt, đã học được ít nhiều hồi tham chiến.
“Con xin lỗi,” lúc này con nói, nhìn quầng sáng đỏ đọng dưới mắt ông. “Bài hát ngớ ngẩn ấy mà.”
Bên ngoài, gió đang lùa qua những cây phong, đám lá sạch tinh tạt vào vách tường ván ghép. “Mình pha cà phê hay gì đi ông.” “Ừ.” Ông ngập ngừng, suy tư gì đó, rồi đứng lên. “Để ông mang dép vào. Sáng nào ông cũng bị lạnh. Ông thề là người ông có gì đó không ổn. Già đi là vậy đó. Hơi nóng cơ thể mình rút sâu vào trung tâm cho tới khi một ngày nọ chân mình thành đá.” Ông suýt bật cười, nhưng rồi lại xoa cằm và giơ cánh tay lên, như thể định đánh gì đó trước mặt - rồi nghe tách, ánh đèn vụt tắt, căn phòng giờ ngập một màu tím lặng yên. Từ trong bóng tối giọng ông vang lên: “Ông mừng vì có con ở đây, Chó Con.”
“Sao họ lại nói da đen?” mẹ chỉ vào Tiger Woods trên ti vi và hỏi con, mấy tuần trước đó, khi con còn ở Hartford. Mẹ nheo mắt nhìn trái banh gôn trắng trên đế. “Mẹ ổng người Đài Loan, mẹ thấy mặt bả rồi, nhưng người ta lúc nào cũng nói da đen. Ít ra cũng phải nói là lai da vàng chứ ta?” Mẹ gấp gói bánh Dorito lại kẹp dưới nách. “Sao lại vậy?” Mẹ nghiêng đầu, chờ con trả lời.
Khi con đáp mình không biết, mẹ nhướng mày. “Sao lại không biết?” Mẹ lấy cái điều khiển vặn lớn âm lượng. “Nghe kỹ nè, rồi nói mẹ nghe sao không bảo ông này người Đài Loan,” mẹ nói, tay lùa qua tóc. Mắt mẹ dõi theo Woods đang đi tới đi lui trên màn hình, chốc chốc khom người để canh cú đánh. Lúc này không có ai nhắc gì về dòng máu của ông ta, và câu trả lời mẹ muốn không bao giờ đến. Mẹ kéo căng một sợi tóc trước mặt, quan sát. “Mẹ cần mua thêm ống cuốn.”
Ngoại Lan, đang ngồi trên sàn bên cạnh mẹ con mình, nói mà không nhìn lên khỏi trái táo đang gọt, “Thằng đó nhìn không giống Đài Loan. Nó giống Puerto Rico hơn.”
Mẹ liếc nhìn con, ngả người ra và thở dài. “Cái gì tốt đẹp cũng đều ở nơi khác,” hồi sau mẹ nói, rồi đổi kênh.
Năm 1990, khi mình tới Mỹ, màu da là một trong những thứ đầu tiên mình biết nhưng đồng thời cũng lại không biết gì. Khi đã bước vào căn hộ một phòng ngủ trong khu vực dân cư chủ yếu là người Mỹ La Tinh trên đại lộ Franklin mùa đông năm đó, quy luật của màu da, cùng với nó là khuôn mặt mình, đã thay đổi. Ngoại Lan, hồi ở Việt Nam được coi là đen, thì giờ thuộc số da sáng. Còn mẹ - da trắng đến mức có thể đóng vai “da trắng”, như cái lần mình ở thương xá Sears và bà nhân viên tóc vàng cúi xuống xoa đầu con và hỏi mẹ, con là “con ruột hay con nuôi”. Chỉ đến khi thấy mẹ lắp bắp, tiếng Anh lọng cọng, rồi bỏ đi mất, đầu cúi gằm, bà ta mới biết mình lầm. Ngay cả khi mẹ nhìn rất giống, cái lưỡi của mẹ cũng tiết lộ thân phận mẹ.
Ở Mỹ, có vẻ như người ta không thể “đóng vai da trắng” mà không có tiếng Anh.
“Không thưa bà,” con nói với bà ta bằng thứ tiếng Anh dạy trong nhà trường. “Đó là mẹ con. Mẹ đẻ con từ lỗ đít và con yêu mẹ nhiều lắm. Con bảy tuổi. Năm sau con tám tuổi. Con rất ổn. Con vui lắm còn bà? Giáng sinh vui vẻ chúc mừng năm mới.” Con tuôn một tràng hết tám mươi phần trăm những gì con biết vào thời điểm đó và con run lên vì vui sướng khi từ ngữ tràn ra khỏi miệng.
Mẹ tin, như nhiều bà mẹ Việt Nam khác, là nói về bộ phận sinh dục nữ, đặc biệt là giữa mẹ và con trai, được coi là cấm kỵ - nên khi nói chuyện về sinh đẻ, mẹ luôn nói là đẻ con ra từ hậu môn. Mẹ thường vỗ yêu lên đầu con và nói, “Cái đầu bự này xém nữa làm mẹ mày rách đít!”
Người nhân viên giật mình, làm mái tóc uốn nảy lên, rồi bà ta quay đầu bỏ đi, bước chân lộc cộc trên đôi giày cao gót. Mẹ nhìn
xuống con. “Con mới nói bậy bạ gì vậy?”
Năm 1966, giữa hai lần đến Việt Nam, Earl Dennison Woods, một trung tá Lục quân Hoa Kỳ đã đóng quân ở Thái Lan. Ở đó, ông gặp Kultida Punsawad, cô là người Thái và là thư ký cho văn phòng Lục quân Mỹ ở Bangkok. Sau khi hẹn hò một năm, Earl và Kultida chuyển tới Brooklyn, New York, kết hôn ở đó vào năm 1969. Earl sẽ trở lại Việt Nam một chuyến cuối, từ 1970 tới 1971, ngay trước khi Mỹ giảm dần can thiệp vào cuộc xung đột. Đến lúc Sài Gòn thất thủ, Earl chính thức từ giã binh nghiệp để bắt đầu cuộc đời mới, và quan trọng hơn cả, để chăm sóc đứa con trai mới sinh - chỉ sáu tháng sau khi chiếc trực thăng cuối cùng rời đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.
Tên khai sinh của cậu bé, theo một bản lý lịch trên ESPN mà con đọc hồi lâu, là Eldrick Tont Woods. Tên của cậu theo một công thức độc đáo, bắt đầu với E trong “Earl” và kết thúc bằng K trong “Kultida”. Ba mẹ cậu, sống ở Brooklyn trong ngôi nhà thường xuyên bị phá hoại vì cuộc hôn nhân pha trộn sắc tộc của mình, quyết định đứng ở đầu và cuối tên con trai họ, như hai cây cột. Tên đệm của Eldrick, Tont, là một cái tên Thái truyền thống do mẹ cậu đặt. Tuy nhiên, sau khi ra đời không lâu, cậu bé nhận một biệt danh mà chẳng mấy chốc sẽ trở nên nổi tiếng khắp địa cầu.
Eldrick “Tiger” Woods, một trong những tay golf nổi tiếng nhất thế giới, cũng như mẹ, là sản phẩm trực tiếp từ cuộc chiến ở Việt Nam.
Paul và con đang ở trong vườn ông hái húng quế tươi cho món pesto mà ông hứa chỉ cho con làm. Hai ông cháu đã tránh được nói về quá khứ, sau khi vừa lướt qua nó sáng hôm ấy. Thay vào đó, con với ông nói về trứng gà thả vườn. Ông ngừng giữa những lần hái lá, kéo nón sụp xuống trán và giảng giải, với sự sôi nổi kiên quyết, rằng chất kháng sinh gây nhiễm trùng trong những con gà mái công nghiệp, rằng ong đang chết dần và, không có chúng, đất nước sẽ
mất đi toàn bộ nguồn cung thực phẩm trong vòng không đầy ba tháng, rằng nên đun dầu ô liu trên lửa liu riu vì đốt cháy dầu sẽ giải phóng các gốc tự do có thể gây ung thư.
Chúng ta vòng tránh chính mình để có thể tiến lên.
Ở khu vườn kế bên, một người hàng xóm mở máy thổi lá. Đám lá phấp phới bay ra đường trong một loạt những tiếng loạt soạt nho nhỏ. Khi Paul khom người dứt một chùm rễ cỏ phấn hương, tấm hình trong túi áo ông rơi ra, đáp ngửa mặt trên cỏ. Một tấm hình trắng đen chụp lấy liền chỉ lớn hơn hộp diêm một chút, chụp một nhóm thanh niên mặt xệch đi vì cười. Dù Paul nhanh chóng nhét tấm hình lại vào túi ngay khi nó chạm đất, con vẫn nhìn ra hai khuôn mặt con biết rất rõ: Paul và ngoại Lan, tay ôm lưng nhau, mắt cháy bỏng một niềm hoan lạc thật hiếm hoi đến như giả tạo.
Trong nhà bếp, Paul đổ cho con một tô Raisin Bran với nước - đúng kiểu con thích. Ông ngồi phịch xuống bên bàn, cởi nón ra và với lấy một trong mấy điếu cỏ đã cuốn sẵn, xếp ngay ngắn như những gói đường cát dài dài trong một chén trà bằng sứ. Ba năm trước, Paul được chẩn đoán mắc ung thư, mà ông tin là do tiếp xúc với chất độc da cam trong thời gian đi lính. Khối u nằm ở gáy, ngay trên tủy sống. May mắn thay, bác sĩ phát hiện ra trước khi nó kịp lấn lên não. Sau một năm hóa trị thất bại, họ quyết định phẫu thuật. Cả quá trình, từ lúc chẩn đoán tới lúc hết triệu chứng, mất gần hai năm.
Ngả người trên ghế lúc này, Paul cụp tay bật một đốm lửa và rê nó dọc theo điếu thuốc. Ông rít, đốm lửa sáng lên trước mắt con. Ông hút như người ta hút sau khi dự đám tang. Trên tường nhà bếp sau lưng ông là tranh vẽ chì màu hình các vị tướng thời Nội Chiến mà con đã vẽ cho bài tập ở trường. Mẹ đã gửi cho Paul mấy tháng trước đó. Làn khói bay qua khuôn mặt nhìn nghiêng của Stonewall Jackson tô toàn màu cơ bản, rồi tan đi.
Ở Hartford, trước khi dẫn con tới nhà Paul, mẹ đã bảo con ngồi xuống giường mẹ và rít một hơi thuốc dài rồi nói thẳng ra. “Nghe nè. Không, nhìn mẹ đây nè, mẹ nghiêm túc đó. Nghe nè.” Mẹ để hai tay lên vai con, khói đặc lại quanh mình. “Ông không phải ông ngoại con đâu. Hiểu không?”
Những lời đó thấm vào con như được truyền qua mạch máu. “Tức là ông cũng không phải ba của mẹ. Hiểu chưa? Nhìn mẹ nè.” Khi chín tuổi, ta biết khi nào nên ngậm miệng, thế nên con ngậm miệng, nghĩ rằng mẹ chỉ đang buồn, rằng đứa con gái nào hẳn cũng từng nói điều này, một lúc nào đó, về cha của mình. Nhưng mẹ nói tiếp, giọng mẹ bình thản và nhẹ nhàng, như đá xếp, từng viên một, lên một bức tường dài. Mẹ nói khi ngoại Lan gặp Paul đêm đó trong quán bar ở Sài Gòn, ngoại đã mang bầu bốn tháng. Người cha thật sự chỉ là một khách mua dâm Mỹ nào đó khác - không mặt, không tên, không có gì cả. Trừ mỗi mình mẹ. Tất cả những gì người đó để lại là mẹ, là con. “Ông ngoại con không là ai hết.” Mẹ ngồi lui lại, điếu thuốc trở lại trên môi.
Cho tới thời điểm đó con đã tưởng mình, nếu không còn gì khác, ít nhất cũng có một mối dây với đất nước này, một ông ngoại, một người ông có khuôn mặt, có nhân thân, một người ông biết đọc biết viết, người vẫn gọi điện chúc mừng sinh nhật con, người đã góp phần tạo nên con, người có cái tên Mỹ chảy trong máu con. Giờ thì sợi dây đã bị cắt. Cả mặt lẫn tóc mẹ rối bời, mẹ đứng lên gẩy điếu Marlboro vào bồn rửa. “Cái gì tốt đẹp đều ở nơi khác, con ơi. Mẹ nói thật. Gì cũng vậy.”
Lúc này, người tựa lên bàn, tấm ảnh đút túi thật sâu, Paul bắt đầu kể con nghe điều con đã biết. “Nè,” ông nói, mắt mờ đi vì chất cần sa. “Ông không phải là ông đâu. Ý ông là…” Ông nhận điếu thuốc vào ly nước còn đầy nửa. Xèo một tiếng. Raisin Bran trong cái tô đất đỏ con vẫn chưa đụng đến kêu lách tách. “Ông không phải là người như mẹ con nói đâu.” Ánh mắt ông hạ xuống trong khi ông kể, nhịp kể đứt đoạn bởi những khoảng ngắt bất chợt, những lúc gần như thì thào, như một người lúc rạng sáng ngồi vệ sinh khẩu súng trường và nói chuyện một mình. Và con cứ để ông nói hết suy nghĩ trong đầu. Con để ông trút cạn. Con không ngắt lời ông vì khi chín tuổi ta không ngắt lời ai cả.
Một buổi tối nọ, trong chuyến đi cuối cùng đến Việt Nam, Earl Woods bị kẹt lại trong lửa đạn. Căn cứ hỏa lực của Mỹ mà ông đang ở sắp bị một đạo quân lớn Việt Cộng và Bắc Việt tràn vào. Phần lớn lính Mỹ đã di tản hết. Woods không chỉ có một mình - bên cạnh ông, cố thủ trong đoàn hai chiếc jeep là Trung tá Vương Đăng Phong. Phong, theo lời Woods miêu tả, là một phi công và chỉ huy dũng mãnh, với con mắt tinh tường luôn để ý mọi chi tiết. Ông cũng là một người bạn thân thiết của Woods. Khi kẻ thù tràn vào quanh căn cứ bỏ trống, Phong quay sang Woods, cam đoan với ông là họ sẽ sống sót vượt qua.
Bốn tiếng đồng hồ tiếp theo, hai người bạn ngồi trong hai chiếc jeep, bộ đồng phục màu ô liu thẫm mồ hôi. Woods ôm khẩu phóng lựu M-79 trong khi Phong giữ khẩu súng máy gắn trên xe jeep. Cứ như thế, họ sống sót qua đêm đó. Sau đó, hai người sẽ cùng uống rượu với nhau trong phòng Phong khi đã về doanh trại chính - và cười, thảo luận về bóng chày, jazz và triết học.
Suốt thời gian ở Việt Nam, Phong là người bạn tâm giao của Woods. Có lẽ mối thâm tình mạnh mẽ như thế là không thể tránh khỏi giữa những người gửi gắm mạng sống cho nhau. Có lẽ thân phận cùng làm kẻ khác trên quê hương mình đã khiến họ gần nhau hơn, Woods pha dòng máu da đen lẫn da đỏ Mỹ, lớn lên ở miền Nam nước Mỹ kỳ thị màu da, còn Phong là kẻ thù truyền kiếp của phân nửa đồng bào mình, làm lính trong một đội quân mà, về bản chất, thuộc quyền chỉ huy của các tướng lĩnh Mỹ da trắng. Dù thế nào, trước khi Woods rời Việt Nam, cả hai đã thề sẽ tìm gặp nhau sau khi trực thăng, máy bay ném bom và napalm kết thúc. Không ai ngờ đó sẽ là lần cuối họ thấy mặt nhau.
Vì mang quân hàm cấp cao, Phong bị nhà chức trách Bắc Việt bắt ba mươi chín ngày sau khi Sài Gòn về tay họ. Ông bị đưa đến trại cải tạo. Một năm sau, ở tuổi bốn mươi bảy, Phong qua đời. Mộ ông mãi cho tới một thập kỷ sau mới được phát hiện, con cháu ông bốc mộ đưa ông về chôn gần quê nhà - bia mộ cuối cùng chỉ ghi Vương Đăng Phong.
Nhưng Earl Woods nhớ đến bạn mình dưới cái tên “Tiger Phong” - hay gọi tắt là Tiger - Hổ, một biệt danh mà Woods đặt cho ông vì sự hung mãnh nơi chiến trường.
Vào ngày 30 tháng Mười hai năm 1975, một năm trước cái chết của Tiger Phong, cách buồng giam của Phong nửa vòng thế giới, Earl đang ở Cypress, California, ấp đứa con mới đẻ trong tay. Thằng bé đã có tên Eldrick nhưng, nhìn vào mắt đứa nhỏ, Earl biết thằng bé sẽ phải được đặt tên theo tên bạn thân nhất của ông, Tiger. “Một ngày nào đó, bạn cũ của tôi sẽ thấy thằng bé trên ti vi… và nói, ‘Đó hẳn là con của Woody,’ và chúng tôi sẽ lại tìm được nhau,” Earl về sau trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Tiger Phong chết vì suy tim, khả năng cao do thiếu dinh dưỡng và kiệt sức. Nhưng trong tám tháng ngắn ngủi từ 1975 đến 1976, hai mãnh hổ quan trọng nhất trong đời Earl Woods đã cùng tồn tại, trên cùng một hành tinh, một người ở đoạn kết mong manh của một đoạn lịch sử đẫm máu, người kia chỉ mới bắt đầu hành trình lập nên di sản của mình. Cái tên “Tiger”, mà cũng chính là Earl nữa, đã trở thành một cây cầu.
Khi Earl cuối cùng cũng nghe tin về cái chết của Tiger Phong, Tiger Woods đã thắng giải Masters đầu tiên. “Chao ơi, đau quá,” Earl nói. “Tôi lại nôn nao cảm giác ấy trong bụng, cái cảm giác vào trận ấy.”
Con nhớ cái ngày mẹ đi lễ lần đầu tiên. Ba của Junior là một người Dominica da sáng, mẹ nó người Cuba da đen, và họ đi lễ ở nhà thờ Baptist trên đại lộ Prospect, nơi không ai hỏi họ vì sao họ uốn lưỡi khi nói chữ r hay quê họ thật ở đâu. Con đã đi nhà thờ với nhà Ramirez mấy lần, những hôm đó con sẽ ngủ lại nhà họ tối thứ Bảy rồi dậy đi lễ, mặc bộ đồ đẹp Chủ nhật mượn của Junior. Ngày hôm đó, sau khi Dionne mời, mẹ quyết định đi - vì lịch sự nhưng cũng vì nhà thờ có phát những món thực phẩm sắp hết hạn do các siêu thị địa phương quyên góp.
Trong nhà thờ chỉ có hai mẹ con mình là da vàng. Nhưng khi Dionne và Miguel giới thiệu mình với bạn bè họ, mẹ con mình được chào đón bằng những nụ cười ấm áp. “Chào mừng đến với nhà của cha chúng tôi,” người ta lặp đi lặp lại. Và con còn nhớ đã tự hỏi vì sao chừng ấy người có thể chung một dòng máu, có thể cùng từ một người cha mà ra.
Con mê mẩn sự nhiệt tình, tông điệu và năng lượng chất chứa trong giọng mục sư, bài giảng về con thuyền Noah tô điểm những ngập ngừng, những câu hỏi tu từ được khuếch đại qua các khoảng lặng dài giúp làm tăng hiệu ứng câu chuyện. Con yêu bàn tay mục sư đưa qua đưa lại, chảy trôi, như thể câu từ của ông cần phải rũ khỏi người ông mới đến được với chúng ta. Với con, đó là một cách hiện thân mới, gần như phép màu, mà con chỉ mới được thấy sơ qua trong những câu chuyện của ngoại.
Nhưng hôm đó, chính bài hát mới cho con một góc khác để nhìn thế giới, tức cũng là nhìn mẹ. Khi tiếng piano và đại phong cầm vang lên hợp âm dày đầu tiên của “Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào”, mọi người trong giáo đoàn đứng lên, nhịp chân và vươn hai cánh tay lên trời, vài người xoay tròn. Hàng trăm chiếc bốt và giày cao gót nện xuống sàn gỗ. Giữa những vòng quay mờ mịt đó, những áo khoác và khăn choàng đảo tung, con cảm thấy cổ tay mình nhói lên. Móng tay của mẹ trắng toát cắn vào da con. Mặt mẹ - mắt nhắm - hướng lên trần, mẹ đang nói gì đó với những thiên thần trong bích họa trên đầu chúng ta.
Thoạt tiên, con không nghe được gì vì tiếng vỗ tay và reo hò. Mọi thứ như một chiếc kính vạn hoa đầy màu sắc xoay chuyển liên hồi trong khi tiếng rền của đại phong cầm và trompet từ ban kèn đồng lan khắp các hàng ghế. Con giãy tay khỏi nắm tay mẹ. Và khi nghiêng người lại gần, con nghe tiếng mẹ bên dưới bài hát - mẹ đang nói với ba của mẹ. Ba ruột của mẹ. Má đầm nước mắt, mẹ gần như la lên. “Ba ở đâu vậy?” mẹ thét hỏi bằng tiếng Việt, đổi từ chân này sang chân kia. “Ba ở cái xó nào? Tới đón con! Đưa con ra khỏi đây! Trở lại đón con đi.” Có khi đó là lần đầu tiên tiếng Việt được thốt ra ở nhà thờ đó. Nhưng không ai nhìn mẹ với vẻ thắc mắc. Không ai ngạc nhiên ngó lại người phụ nữ lai da trắng đang nói
tiếng của mình. Khắp các hàng ghế những người khác cũng đang la hét, vì hào hứng, vui sướng, giận dữ, hay tuyệt vọng. Chính trong bài ca đó, mẹ đã được phép buông bỏ bản thân mà vẫn không sai.
Con nhìn tượng thạch cao Jesus cỡ em bé lơ lửng trên cao bên mé bục giảng. Làn da ngài dường như rung lên vì những cái giậm chân. Ngài đang quan sát những ngón chân hóa đá của mình với vẻ mặt băn khoăn mệt mỏi, như thể vừa thức giấc từ một giấc ngủ sâu chỉ để thấy mình bị đóng đinh đỏ lòm và vĩnh viễn vào thế giới này. Con quan sát ngài thật lâu đến nỗi khi quay sang nhìn đôi giày thể thao trắng của mẹ, con thoáng tưởng mình sẽ thấy một vũng máu đỏ dưới chân mẹ.
Nhiều ngày sau, con sẽ nghe bài “Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào” vang lên từ nhà bếp. Mẹ đứng ở bàn, tập làm móng trên bàn tay ma nơ canh bằng cao su. Dionne đã cho mẹ một cuốn băng những bài nhạc phúc âm, và mẹ ngâm nga theo trong lúc làm việc, trong lúc những bàn tay không thân, ngón tươi màu kẹo ngọt, mọc khắp trên quầy bếp, xòe ra như những bàn tay trong nhà thờ hôm đó. Nhưng khác với những bàn tay sẫm màu ở giáo đoàn nhà Ramirez, những bàn tay trong bếp màu hồng và be, vì người ta chỉ sản xuất những màu ấy thôi.
1964: Khi ra lệnh đánh bom diện rộng xuống miền Bắc Việt Nam, Tướng Curtis LeMay, khi đó là tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ, đã nói ông ta dự định “đưa Việt Nam về lại thời kỳ Đồ Đá”. Như thế, tiêu diệt một dân tộc, là đưa họ lùi lại quá khứ. Quân đội Hoa Kỳ về sau đã ném hơn mười ngàn tấn bom xuống một đất nước không rộng hơn California bao nhiêu - vượt quá số lượng bom thả ra trong toàn Thế Chiến 2 cộng lại.
1997: Tiger Woods thắng giải Masters, giải vô địch lớn đầu tiên trong cuộc đời thi đấu golf chuyên nghiệp của ông.
1998: Việt Nam mở sân golf chuyên nghiệp đầu tiên, xây dựng trên một cánh đồng lúa ngày xưa từng bị Không quân Hoa Kỳ giội bom. Một trong những lỗ golf là hố bom cũ đã lấp bớt.
Paul kết thúc câu chuyện phần mình. Và con muốn kể cho ông. Con muốn kể là con gái ông, nhưng lại không ruột rà gì với ông, đã từng là một đứa trẻ lai da trắng ở Gò Công, tức là những đứa trẻ khác đã gọi cô bé là ma, gọi mẹ nó là đồ phản bội và đồ đĩ vì đã ngủ với kẻ thù. Kể là bọn chúng đã cắt mái tóc ánh sắc nâu của cô bé trên đường cô bé đi chợ về, tay bê những rổ đầy chuối và bí đao, để khi cô bé về đến nhà thì trên đầu chỉ còn vài lọn tóc lưa thưa trước trán. Kể khi đã hết tóc để cắt, chúng bèn trét cứt trâu lên mặt lên vai cô bé để làm cho cô nâu trở lại, như thể sinh ra với màu da sáng là lỗi lầm có thể đảo ngược. Giờ con nhận ra, có lẽ đây là lý do mẹ quan trọng việc người ta gọi Tiger Woods là gì trên ti vi, vì với mẹ màu da cần là một sự thật không đổi và bất khả xâm phạm.
“Có lẽ con không nên gọi ông là ông ngoại nữa.” Má Paul hóp vào khi ông rít điếu thứ hai, khiến nó tắt ngúm. Ông nhìn như một con cá. “Nói chữ đó, giờ chắc cũng hơi kỳ phải không?”
Con nghĩ ngợi một phút. Chân dung Ulysses Grant bằng màu sáp khẽ rung khi một cơn gió nhẹ lùa vào qua ô cửa sổ nhập nhoạng. “Không,” sau một lúc, con lên tiếng, “con không có ông nào khác. Nên con muốn tiếp tục gọi ông là ông ngoại.”
Ông gật đầu, không tranh cãi nữa, vầng trán trắng và mái tóc bạc nhuốm ánh chiều tà. “Dĩ nhiên. Dĩ nhiên,” ông nói khi tàn thuốc rơi vào cái ly, xèo một tiếng, để lại một làn khói mỏng cuộn lên theo cánh tay ông, như một đường gân ma mị. Con nhìn đám ngũ cốc nâu trong cái tô trước mặt, giờ đã nhũn hết ra.
Con muốn kể với mẹ nhiều lắm. Con từng ngu ngốc tới độ tin là hiểu biết sẽ giúp làm sáng tỏ, nhưng có những thứ bị lấp dưới quá nhiều những lớp cú pháp và ngữ nghĩa, quá nhiều những ngày và giờ, những cái tên đã chìm vào quên lãng, bị chối bỏ lẫn được cứu vớt, đến độ biết vết thương có tồn tại cũng vẫn là không đủ để lộ nó ra.
Con không biết mình đang nói gì nữa. Con đoán ý con muốn nói là, đôi khi con không biết chúng mình là gì hay là ai. Có những ngày con cảm thấy là một con người, trong khi những ngày khác con cảm thấy mình là một âm thanh thì đúng hơn. Con chạm vào thế giới nhưng không phải là con mà là một tiếng vọng của thứ từng là con. Mẹ có nghe được con chưa? Mẹ có hiểu được con không?
Khi mới bắt đầu viết, con ghét mình lúc nào cũng không chắc chắn, về những hình ảnh, cụm từ, ý tưởng, thậm chí cây viết hay cuốn sổ con dùng. Mọi thứ con viết đều bắt đầu bằng có lẽ hay biết đâu và kết thúc với tôi nghĩ hay tôi cho là vậy. Nhưng sự ngờ vực của con nằm khắp nơi mẹ à. Ngay cả khi con biết một điều gì đó chắc như đinh đóng cột thì con vẫn lo là điều con biết sẽ tan đi, sẽ không còn thực mãi, bất chấp con đã viết nó ra. Con lại đang đập nhỏ chúng mình ra để con có thể mang mình đến một nơi khác - nơi nào, cụ thể, con không chắc. Cũng như con không biết phải gọi mẹ thế nào - một phụ nữ da trắng, Á Đông, mồ côi, Mỹ, một người mẹ?
Đôi khi mình chỉ được đưa cho hai lựa chọn. Trong khi tìm hiểu, con đọc được một bài báo trên tờ Daily Times ở thành phố El Paso năm 1884, viết rằng một công nhân đường sắt da trắng phải ra tòa vì đã sát hại một người Trung Quốc không được nêu tên. Vụ án về sau được bãi bỏ. Thẩm phán Roy Bean trích luật Texas, tuy nghiêm cấm hành vi giết người, nhưng chỉ định nghĩa con người là người Da trắng, Mỹ gốc Phi, hay Mexico. Cơ thể da vàng vô danh kia không được coi là con người vì nó không có chỗ trên một tờ giấy. Đôi khi ta bị xóa trước cả khi được cho lựa chọn tuyên bố mình là ai.
Tồn tại hay không tồn tại. Đó là câu hỏi duy nhất.
Khi mẹ còn nhỏ, ở Việt Nam, đám trẻ con hàng xóm hay cầm muỗng cạo vào tay mẹ, vừa cạo vừa la, “Cạo cho hết trắng đi, cạo cho hết trắng đi!” Rồi từ từ mẹ học bơi. Mẹ lội sâu xuống dòng sông ngầu bùn, nơi không ai chạm được đến mẹ, không ai có thể nạo bỏ mẹ đi. Mẹ biến thành một cù lao mỗi lần hàng tiếng liền, về nhà, răng mẹ đánh lập cập vì lạnh, tay mẹ rộp lên và nhăn cả lại - nhưng màu trắng vẫn còn đó.
Khi được hỏi về gốc gác của mình, Tiger Woods tự nhận là “Cablinasian”, một từ ghép ông chế ra để chứa hết tất cả những dân
tộc đã tạo nên mình gồm Hoa, Thái, Đen, Hà Lan và bản địa Mỹ. Tồn tại hay không tồn tại. Đó là câu hỏi duy nhất. Là câu hỏi, đúng, nhưng đâu phải là lựa chọn.
“Ông nhớ có lần, tới thăm mấy bà cháu ở Hartford - lúc này chắc là mấy bà cháu từ Việt Nam qua được chừng một hai năm rồi…” Paul chống cằm nhìn ra cửa sổ, ngoài kia một con chim ruồi lượn lờ bên cái bình cho chim ăn bằng nhựa. “Ông đi vào căn hộ thấy con khóc dưới gầm bàn. Không có ai ở nhà - hay hình như có mẹ con - nhưng chắc mẹ con ở trong nhà tắm hay sao đó.” Ông ngừng nói, để ký ức ùa về. “Ông cúi xuống hỏi con có chuyện gì, và con biết con nói gì không?” Ông cười. “Con nói mấy đứa nhỏ khác sống nhiều hơn con. Tếu thật sự.” Ông lắc đầu. “Nói gì lạ đời hết biết! Ông không bao giờ quên được.” Ánh sáng chiếu trúng vào cái răng hàm bọc vàng của ông. “ ‘Tụi nó sống nhiều hơn, tụi nó sống nhiều hơn con!’ con la vậy đó. Từ ai mà con có cái ý đó không biết? Con mới có năm tuổi mà, Chúa ơi.”
Bên ngoài, tiếng vo ve của con chim ruồi nghe gần như tiếng thở của người. Cái mỏ của nó thọc vào vũng nước đường dưới đáy bình. Lúc này con nghĩ, sống như nó thật kinh khủng, phải chuyển động nhanh như thế chỉ để đứng yên một chỗ.
Sau đó, Paul với con đi dạo, con chó săn thỏ đốm nâu của ông lon ton ở giữa. Hoàng hôn vừa buông, không khí đậm đặc mùi cỏ ngọt và tử đinh hương nở muộn bung ra từng khóm trắng và hồng đậm xuôi bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Ông với con vừa quành qua khúc cua cuối cùng thì thấy một phụ nữ trung niên tiến lại, bộ dạng xoàng xĩnh, mái tóc vàng buộc đuôi ngựa. Bà ta chỉ nhìn Paul nói, “Coi bộ ông rốt cuộc cũng kiếm được một đứa dắt chó rồi. Tốt quá ha Paul!”
Paul dừng lại, đẩy gọng kiếng trên mũi nhưng rồi nó vẫn tuột trở xuống. Bà ta quay sang con, phát âm từng tiếng, “Chào. Mừng. Tới. Khu. Này.” Đầu bà ta nhấp nhô sau mỗi âm tiết.
Con nắm chặt sợi dây dắt chó và lùi lại, ráng nở nụ cười.
“Không phải,” Paul nói, tay ông huơ lên ngượng nghịu, như thể đang xua mạng nhện. “Đây là cháu ngoại tôi.” Ông để câu nói đó lửng lơ giữa cả ba người, cho tới khi nó đủ cứng cáp, một thứ dụng cụ, rồi ông lặp lại, vừa nói vừa gật đầu, với bản thân hay với người phụ nữ kia con cũng không chắc. “Cháu ngoại tôi đó.”
Không trễ một khắc, bà ta mỉm cười. Có hơi rạng rỡ quá. “Xin hãy nhớ cho.”
Bà ta bật cười, phẩy tay rồi mới chìa tay ra cho con bắt, cơ thể con giờ đã được nhìn đến.
Con để bà ta bắt tay mình.
“Ờ, bác là Carol. Chào mừng đến với khu này. Bác nói thật đấy.” Bà ta đi tiếp.
Ông với con về nhà. Cả hai không nói gì. Phía sau dãy nhà liên kế trắng, hàng cây vân sam đứng bất động trên nền trời phớt đỏ. Bàn chân con chó lệt xệt trên mặt bê tông, dây xích lanh canh khi nó kéo hai ông cháu về nhà. Nhưng trong đầu con chỉ nghe thấy tiếng Paul. Cháu ngoại tôi đó. Đây là cháu ngoại tôi.
Con bị hai người phụ nữ lôi đi, vào một cái hố tối hơn cả bóng đêm quanh nó. Chỉ khi một trong hai người hét lên con mới biết mình là ai. Con thấy đầu họ, mái tóc đen bết lại do ngủ dưới sàn nhà. Không khí gắt mùi hóa chất mê mụ trong khi họ chen nhau trong không gian mờ ảo bên trong xe. Mắt vẫn nặng vì ngái ngủ, con nhìn ra các hình thù phía trước: một cái tựa đầu, một con khỉ nỉ cỡ ngón tay cái treo kiếng chiếu hậu lắc lư, một mẩu kim loại, sáng lên rồi biến mất. Chiếc xe trượt ra khỏi lối đi trước nhà, và nhờ mùi acetone và sơn móng tay, con biết đây là chiếc Toyota màu nâu nhạt pha đỏ thẫm của mẹ. Mẹ và ngoại Lan ở ghế trước, la hét đòi cái gì đó không chịu lộ diện. Đèn đường vụt qua, từng luồng sáng giáng xuống mặt hai người.
“Thằng đó sẽ giết chỉ đó má. Lần này thế nào cũng giết,” mẹ nói, thở không ra hơi.
“Mình bay. Mình bay trực thăng thiệt nhanh.” Ngoại Lan đang ở sâu trong tâm trí ngoại, đầy những ám ảnh, đỏ và đặc quánh. “Mình bay đâu?” Hai tay ngoại bấu chặt cái gương chiếu hậu trong xe. Con có thể đoán qua giọng ngoại rằng ngoại đang cười, hay ít nhất là đang nghiến răng.
“Thằng đó sẽ giết chị con đó má.” Mẹ nghe như đang khoát tay khẩn thiết xuôi dòng sông. “Con biết Carl mà. Con biết lần này giết thiệt đó. Má nghe con không?”
Ngoại Lan lắc qua lại trước gương, làm tiếng gió tạt. “Mình đi khỏi đây hả? Mình phải đi thiệt xa, Chó Con!” Bên ngoài, đêm vụt qua như trọng lực theo phương ngang. Những con số xanh lá trên bảng điều khiển hiện 3:04. Ai che tay con lên mặt con? Lốp xe rít lên mỗi lần quẹo. Con đường trống trơn và có cảm giác như trong xe là cả một vũ trụ, là một toàn thể đang bay vụt qua bóng tối không gian sâu, trong khi ở ghế trước, hai người phụ nữ đã nuôi con khôn lớn đang mất trí. Qua kẽ ngón tay, màn đêm như tấm giấy thủ công
màu đen. Chỉ có hai mái đầu xơ xác đang lắc lư trước mặt con là rõ ràng.
“Mai ơi đừng lo.” Giờ thì mẹ đang nói một mình. Mặt mẹ gí sát kiếng chắn gió tới độ trên kiếng hiện một vành sương tỏa ra theo từng chữ mẹ nói. “Em tới nè. Mẹ với em tới nè.”
Sau một lúc mình ngoặt vào con đường đầy những chiếc Continental đậu hai bên. Chiếc xe bò từ từ rồi dừng lại trước một ngôi nhà liên kế tường ván ghép màu xám. “Mai,” mẹ nói, kéo thắng khẩn cấp. “Thằng đó sẽ giết Mai.”
Ngoại Lan, từ đầu giờ vẫn lắc đầu từ bên này qua bên kia, ngừng phắt, như thể những lời này cuối cùng cũng chạm đến một cái nút trong đầu ngoại. “Hả? Ai giết ai? Lần này ai chết?”
“Hai người ngồi trong xe!” Mẹ gỡ dây an toàn, lao ra và loạng choạng đi tới căn nhà mà không đóng cửa xe.
Có một câu chuyện ngoại Lan thường kể, về Bà Triệu, người nữ chiến binh huyền thoại dẫn đầu một đội quân đàn ông đẩy lùi quân Trung Quốc xâm lược nước Việt cổ. Nhìn mẹ, con nghĩ về bà. Về truyền thuyết kể lại rằng, với hai thanh kiếm trong tay, bà vắt cặp vú dài ba thước qua vai và chém sạch hàng chục quân thù. về việc chính một người phụ nữ đã cứu chúng ta.
“Giờ ai chết?” ngoại Lan quay lại, khuôn mặt ngoại, trông khắc khổ vì ánh đèn trên trần chiếu xuống, rung rinh trước cái tin mới này. “Ai sắp chết vậy Chó Con?” Ngoại lật tay sấp rồi lại ngửa, như thể mở một cái cửa khóa, để diễn tả sự trống rỗng. “Ai đó giết con? Làm chi?”
Nhưng con không nghe. Con quay tay cầm hạ cửa sổ xuống, quay mỗi vòng cánh tay lại nóng rẫy lên. Không khí mát mẻ tháng Mười một len vào. Bụng con thắt lại khi con nhìn mẹ bước lên thềm trước, cây dao rựa hơn hai tấc lấp loáng trong tay. Mẹ gõ cửa, la lên. “Ra đây Carl,” mẹ nói bằng tiếng Việt. “Thằng chó đẻ mày ra đây! Tao đưa chị tao về luôn. Mày muốn giữ cái xe thì giữ, trả lại chị tao.” Đến chữ chị tao giọng mẹ òa ra thành một tiếng nấc ngắn và vỡ vụn trước khi lấy lại bình tĩnh. Mẹ đập cửa bằng cán gỗ con dao rựa.
Đèn hiên bật sáng, bộ đầm ngủ hồng của mẹ đột nhiên hóa xanh lá dưới ánh đèn huỳnh quang. Cửa mở ra.
Mẹ lùi lại.
Một người đàn ông xuất hiện. Ông ta gần như nhào ra khỏi ngưỡng cửa còn mẹ lùi xuống các bậc thang. Lưỡi dao ở yên bên hông mẹ, như thể bị ghim chặt một chỗ.
“Nó có súng,” ngoại Lan giờ đã tỉnh hẳn, nửa thốt nửa thét lên từ trong xe. “Hồng! Súng đạn ghém đó. Nó bắn hai hòn ăn một lúc. Nó ăn phổi của con từ trong ra ngoài. Chó Con, nói cho má con đi.”
Tay mẹ giơ lên quá đầu, tiếng kim loại kêu đánh keng trên lối đi trước nhà. Người đàn ông khổng lồ, vai xuội xuống dưới chiếc áo nỉ màu xám của đội Yankees, bước tới chỗ mẹ, nói gì đó qua kẽ răng, rồi đá cây dao rựa đi. Nó biến mất vào đám cỏ trong chớp mắt. Mẹ thì thầm gì đó, người rúm lại, hai tay bụm cằm, tư thế mẹ hay làm sau khi nhận tiền boa ở tiệm móng. Người đàn ông hạ súng xuống trong khi mẹ run rẩy lùi về xe.
“Không đáng đâu Hồng,” ngoại Lan nói, hai tay làm loa miệng. “Con không đọ lại súng được. Không được đâu. Về đi con, về trực thăng đi con.”
“Mẹ,” con nghe mình nói, giọng vỡ ra. “Mẹ ơi về đi.”
Mẹ len chầm chậm vào ghế lái, quay lại nhìn con trân trân với ánh mắt như chỉ chực nôn. Một khoảng im lặng dài. Con tưởng mẹ chuẩn bị cười, nhưng rồi mắt mẹ đẫm nước. Nên con quay đi, nhìn sang người đàn ông đang dõi mắt đề phòng chúng ta, một tay chống hông, súng kẹp dưới nách, chúc xuống đất, bảo vệ gia đình mình.
Khi mẹ lên tiếng, giọng mẹ như mất hết sức lực. Con chỉ nghe thấy chỗ được chỗ mất. Không phải nhà bác Mai, mẹ giải thích, lúng túng với chùm chìa khóa. Hay đúng hơn, bác Mai không còn ở đó. Carl, bạn trai của bác, kẻ từng dộng đầu bác vào tường, cũng không còn ở đó. Đây là một người lạ, một người da trắng trọc đầu với khẩu súng săn. Mẹ nhớ lộn, mẹ nói với ngoại Lan. Một nhầm lẫn.
“Nhưng năm năm rồi con Mai có còn ở đây đâu,” ngoại Lan nói với vẻ dịu dàng bất chợt. “Hồng à…” Mặc dù không thấy, nhưng con
đoán chắc ngoại đang vén tóc mẹ ra sau tai. “Mai, nó chuyển tới Florida rồi, nhớ không? Mở tiệm riêng rồi.” Ngoại Lan ngồi thẳng người, vai ngoại giãn ra, ai đó đã bước vào cơ thể ngoại và bắt đầu điều khiển tay chân ngoại, môi ngoại. “Mình về nhà thôi. Con cần ngủ đi, Hồng.”
Động cơ khởi động, chiếc xe rồ lên quay đầu. Khi xe lao đi, từ hiên nhà, một thằng bé không lớn hơn con bao nhiêu cầm một khẩu súng đồ chơi chĩa về phía mình. Khẩu súng nảy lên, từ miệng thằng bé bật ra những tiếng nổ. Ba nó quay sang la nó. Nó bắn một lần, rồi hai lần nữa. Từ cửa sổ cỗ trực thăng của con, con nhìn nó. Con nhìn xoáy thẳng vào mắt nó và làm như mẹ vẫn làm. Con không chịu chết.
II
Ký ức là lựa chọn. Mẹ có lần nói vậy, khi đang xoay lưng lại với con, như một vị chúa đang truyền dạy cho con. Nhưng nếu mẹ là chúa, mẹ sẽ thấy hai đứa chúng. Mẹ sẽ nhìn xuống rừng thông này, nơi những ngọn cây mới tinh tươm cháy sáng ngời trên chóp, tỏa hơi ẩm dịu dàng trong màu vàng ửng cuối thu. Mẹ sẽ nhìn qua các nhánh cây, qua những đốm vàng cam len lỏi xuyên từng tầng lá, những chiếc lá hình kim rơi xuống, từng chiếc một, dưới đôi mắt chúa của mẹ. Mẹ sẽ dõi theo những chiếc lá kim đang lao qua tầng cuối cùng, xuống với mặt đất rừng đang nguội lại, đáp lên hai thằng con trai đang nằm cạnh nhau, máu trên má đã kịp khô.
Máu lấm đầy trên mặt cả hai, nhưng là máu của thằng nhóc cao hơn, thằng nhóc có đôi mắt xám đen như màu nước sông nơi ai đó phủ bóng lên. Đoạn kết của tháng Mười một thấm qua quần jean của chúng, chiếc áo len mỏng chúng mặc. Nếu mẹ là chúa, mẹ sẽ thấy chúng đang nhìn lên mẹ. Chúng đang vỗ tay hát bài “Đốm sáng nhỏ này của tôi”, phiên bản của Ralph Stanley mà chúng mới nghe buổi chiều hôm đó qua radio của thằng nhóc cao kều. Nó đã nói đó là bài hát ông già nó rất thích. Vậy là lúc này đầu hai đứa lắc qua lắc lại, hàm răng lóe lên giữa các nốt nhạc, và lớp máu khô trên hàm nứt ra, rụng lấm tấm xuống cổ họng chúng trong lúc bài hát trào ra từ bên trong theo từng bụm khói. “Đốm sáng nhỏ này của tôi, tôi sẽ cho nó tỏa rạng ngời. Đốm sáng nhỏ này của tôi, tôi sẽ cho nó tỏa rạng ngời… Trong nhà tôi khắp mọi nơi, tôi sẽ cho nó tỏa rạng ngời.” Mấy chiếc lá kim quay tròn và chấp chới quanh hai thằng nhóc trong luồng gió cực nhỏ do cử động chân tay chúng tạo ra. Vết rách dưới mắt thằng nhóc cao đã lại rách ra trong lúc nó hát, và một dòng đỏ sẫm giờ lan theo tai trái nó, uốn quanh cổ nó và biến mất dưới mặt đất. Thằng nhóc nhỏ con hơn liếc nhìn người bạn, nhìn cặp mắt sưng phù khủng khiếp ấy, và cố quên đi.
Nếu là chúa, mẹ sẽ bảo chúng thôi vỗ tay. Mẹ sẽ bảo chúng rằng người có hai bàn tay trống thì có thể làm việc hữu ích nhất là bám
cho chắc. Nhưng mẹ nào phải chúa.
Mẹ là một người phụ nữ. Một người mẹ, và con trai mẹ đang nằm dưới tán thông trong lúc mẹ ngồi bên bàn bếp ở đầu kia thành phố, một lần nữa chờ đợi. Mẹ vừa hâm lại, lần thứ ba, chảo mì dẹt xào hành lá. Hơi thở mẹ bám khói lên lớp kiếng lúc mẹ ngó ra cửa sổ, chờ cái áo len New York Knicks màu cam phóng vọt qua, vì thằng nhóc hẳn sẽ phải chạy, vì lúc này đã trễ lắm rồi.
Nhưng con trai mẹ vẫn đang nằm dưới những tán cây bên cạnh thằng nhóc mẹ sẽ không bao giờ gặp. Chúng ở cách chỗ cầu vượt đã đóng vài mét, nơi một cái bao nylon đập phành phạch lên tấm lưới mắt cáo giữa hàng trăm chai rượu mini vây quanh bên dưới. Hai thằng nhóc bắt đầu run, tiếng vỗ tay chậm dần, gần như không nghe ra nữa. Giọng chúng lắng đi khi gió lùa mạnh hơn bên trên chúng - lá lả tả rơi như kim của những chiếc đồng hồ bị đập tan.
Có những lần, vào tối khuya, con trai mẹ thức giấc mà tin rằng có một viên đạn ghim trong mình. Nó cảm thấy viên đạn ấy trôi nổi bên ngực phải, ngay giữa những rẻ sườn. Viên đạn đã ở đây từ muôn thuở, thằng nhóc nghĩ, còn già hơn cả bản thân nó - và những xương, gân, mạch máu của nó chỉ đơn giản là bọc quanh mảnh kim loại kia, gói kín nó lại bên trong thằng nhóc. Nằm trong bụng mẹ, thằng nhóc nghĩ, không phải mình, mà là viên đạn này, hạt giống này, còn mình nảy nở xung quanh nó. Ngay cả lúc này, khi cái lạnh len vào quanh người, nó cũng cảm thấy viên đạn chọc ra từ trong ngực, làm cái áo len của nó hơi nhô lên. Nó lần tìm chỗ gồ đó, nhưng như mọi khi, không thấy gì cả. Nó lặn rồi, thằng nhóc nghĩ. Nó muốn ở bên trong mình. Nó không là gì nếu không có mình. Bởi vì một viên đạn không ghim vào cơ thể nào cũng giống một bài hát không có người nghe.
Ở đầu kia thành phố, vừa nhìn ra cửa sổ, mẹ vừa nghĩ có nên hâm lại chảo mì lần nữa. Mẹ phủi vào trong lòng bàn tay những mẩu khăn giấy đã xé vụn, rồi đứng lên bỏ vào thùng rác. Mẹ trở lại ghế, chờ đợi. Cửa sổ đó, chính cái cửa sổ mà con trai mẹ một đêm nọ đã dừng bước ngó vào trước khi vào nhà, vuông ánh sáng hắt xuống người nó trong lúc nó nhìn khuôn mặt mẹ, đang ngó ra chỗ nó. Buổi đêm đã biến mặt kiếng thành mặt gương và mẹ không nhìn thấy nó
đứng đó, chỉ có những đường vân hằn trên má và trán mẹ, một khuôn mặt không hiểu sao bị cái tĩnh lặng tàn phá. Còn thằng nhóc, nó nhìn mẹ mình nhìn khoảng không, toàn bộ con người nó nằm gọn bên trong hình trái xoan ma mị là khuôn mặt mẹ nó, vô hình.
Bài hát đã kết thúc từ lâu, cái lạnh là lớp vỏ tê liệt bọc lấy thần kinh chúng. Bên dưới lớp quần áo, chúng nổi da gà, lông tơ mỏng manh trong suốt dựng lên, rồi oằn xuống dưới lớp vải sơ mi.
“Trev này,” con trai mẹ lên tiếng, máu thằng bạn còn đóng cứng trên má nó. “Kể mình nghe bí mật gì đi.” Gió, lá thông, kim giây. “Bí mật kiểu gì?”
“Thì… kiểu… một bí mật bình thường thôi. Không cần phải đáng ghét đâu.”
“Bí mật bình thường à.” Khoảng im lặng khi suy nghĩ, tiếng thở đều. Những vì sao bên trên chúng như vệt dơ khổng lồ trên tấm bảng đen ai đó chùi ẩu. “Cậu nói trước đi?”
Trên cái bàn ở đầu kia thị trấn, những ngón tay của mẹ ngừng gõ nhịp trên mặt formica.
“OK. Sẵn sàng chưa?”
“Rồi.”
Mẹ đẩy ghế, lấy chìa khóa và ra ngoài.
“Mình không sợ chết nữa.”
(Một khoảng lặng, rồi tiếng cười vang lên.)
Cái lạnh, như nước sông, dâng lên đến cổ họng chúng. Mẹ à. Mẹ từng nói với con ký ức là lựa chọn. Nhưng nếu mẹ là chúa, mẹ sẽ biết ký ức là cơn lũ.
Bởi vì con là con của mẹ, nên bao nhiêu điều về lao động con biết là bấy nhiêu điều về mất mát con hay. Và mọi điều con biết về cả hai thứ ấy con đều biết qua đôi bàn tay mẹ. Những đường nét một thời từng mềm mại ấy con chưa bao giờ được chạm vào, hai lòng bàn tay đã chai và phồng rộp từ lâu trước khi con ra đời, rồi bị hủy hoại thêm nữa sau ba thập kỷ làm việc trong những nhà máy và tiệm móng. Tay mẹ xấu xí lắm - và con ghét mọi thứ đã làm chúng thành ra như thế. Con ghét việc chúng là hậu quả và cái giá cho một giấc mơ. Ghét những khi mẹ về nhà, đêm này qua đêm khác, sụp người xuống xô pha, rồi chưa đầy một phút đã ngủ luôn. Con cầm nước lại cho mẹ thì mẹ đã ngáy rồi, đôi bàn tay đặt trong lòng như hai con cá bị lóc vảy dở dang.
Điều con biết là tiệm móng không chỉ là một nơi làm việc và xưởng làm ra sắc đẹp, đó còn là nơi trẻ con của dân ta lớn lên - không ít đứa, như anh Victor, sẽ bị suyễn sau nhiều năm liền hít cái thứ khí độc hại vào hai lá phổi vẫn đang còn phát triển. Tiệm còn là nhà bếp, nơi cánh phụ nữ ta ngồi chồm hỗm trên sàn ở những căn phòng phía trong, xúm xít quanh mấy cái chảo to lách tách và xì xèo trên bếp điện, mấy nồi phở lớn liu riu làm hấp hơi không gian chật chội sực mùi gừng, quế, bạc hà, đinh hương, bạch đậu khấu trộn lẫn với formol, toluene, acetone, Pine-Sol, thuốc tẩy. Là nơi mà các tin đồn, truyện dân gian, chuyện bịa và truyện cười từ cố hương ta được kể lại, thêm thắt, nơi mà tiếng cười bùng lên trong những căn phòng trong chỉ rộng bằng tủ đồ của người giàu, rồi nhanh chóng lụi đi để lại cái thinh lặng phẳng lì, rờn rợn. Đó còn là phòng học tạm bợ nơi ta đến, những ngày mới chân ướt chân ráo rời khỏi thuyền, máy bay, hay vực thẳm, lòng hy vọng tiệm này chỉ là trạm dừng tạm thời - cho tới khi chân ta đủ cứng, hay đúng hơn, cho tới khi hàm ta đủ mềm để nhả ra những âm tiết tiếng Anh - nơi ta cắm mặt vào những cuốn bài tập trên các bàn làm móng, làm bài về nhà ở các lớp tiếng Anh buổi tối ngốn của ta một phần tư lương.
Mình sẽ không ở đây lâu, có thể ta sẽ tự nhủ thế. Mình sẽ sớm có công việc đàng hoàng. Nhưng rất thường xuyên, đôi khi chỉ trong vòng vài tháng, thậm chí vài tuần, ta sẽ quay trở lại tiệm và xin trở lại làm, đầu cúi gằm, cái máy mài móng bỏ trong túi giấy cặp dưới nách. Và thường chủ tiệm, vì thương hại hay thông cảm hay cả hai, sẽ chỉ hất đầu về phía một cái bàn trống - vì luôn luôn có một cái bàn trống. Bởi vì không ai ở lại đủ lâu và lúc nào cũng có ai đó vừa đi. Bởi vì lương không có, bảo hiểm hay hợp đồng cũng không, cơ thể là thứ duy nhất ta dùng và thứ ta dựa vào để lao động. Bởi nó chẳng có gì, nó trở thành hợp đồng của chính nó, thành bằng chứng rằng ta đã hiện diện ở đây. Ta sẽ làm việc này nhiều thập kỷ - cho tới khi phổi hễ hít thở là sưng phồng lên, cho tới khi gan cứng xơ vì hóa chất - cho tới khi khớp giòn và đỏ tấy vì viêm - chằm đắp nên một thứ cuộc đời. Một người nhập cư mới, chỉ sau hai năm, sẽ biết được tiệm móng, rốt cuộc, là nơi giấc mơ trở thành cái nhận thức hóa vôi rằng thế nào là tỉnh dậy trong một thân xác Mỹ - dù có hay không tư cách công dân: đau nhức, độc hại, và tiền công thấp.
Con ghét và yêu đôi bàn tay tả tơi của mẹ vì những gì chúng không thể trở thành.
Hôm đó Chủ nhật. Con mười tuổi. Mẹ mở cửa tiệm và mùi acetone từ một ngày làm móng hôm qua tức thì xộc ngay vào mũi con. Nhưng mũi mình sớm quen với nó, như bao lần trước đó. Mẹ không phải chủ tiệm, nhưng nhiệm vụ của mẹ là trông tiệm mỗi Chủ nhật - ngày vắng khách nhất tuần. Vào trong, mẹ bật đèn, cắm điện các ghế làm móng mát xa, tiếng nước ùng ục bơm qua đường ống bên dưới ghế trong lúc con đi thẳng vào phòng giải lao để pha cà phê hòa tan.
Mẹ gọi tên con mà không ngẩng lên và con biết mình phải đi ra cửa, mở khóa, lật mặt bảng Đang mở cửa ra ngoài.
Đó là lúc con thấy bà. Khoảng bảy mươi tuổi, mái tóc trắng bị gió thổi tung trên khuôn mặt gầy với đôi mắt xanh như khoét rỗng, bà có ánh mắt của một người đã đi lố nơi cần đến nhưng vẫn cứ tiếp
tục đi. Bà ngó vào tiệm, cái ví da cá sấu màu đỏ rượu nắm chặt bằng cả hai tay. Con mở cửa và bà bước vào trong, có hơi tập tễnh. Gió đã thổi tuột cái khăn choàng ô liu khỏi cổ bà, và giờ nó máng trên một bên vai bà, thòng xuống đất. Mẹ mỉm cười đứng lên. “Tôi dúp dì được?” mẹ hỏi bằng tiếng Anh.
“Làm móng chân giùm tôi, cảm ơn.” Giọng bà mỏng quẹt, như bị nhiễu. Con phụ bà cởi áo khoác, treo lên móc, và đưa bà tới một cái ghế làm móng trong lúc mẹ bật máy sục khí trong bồn ngâm chân, cho các loại muối và thuốc tan vào nước đang sủi bọt. Mùi oải hương tổng hợp tràn ngập căn phòng. Con đỡ tay cho bà ngồi lên ghế. Bà có mùi mồ hôi đã khô trộn với mùi ngọt ngây ngấy của dầu thơm rẻ tiền, cổ tay bà phập phồng trong nắm tay con lúc bà hạ người vào ghế. Bà có vẻ còn yếu hơn bề ngoài nữa. Khi đã ngả người thoải mái trên ghế da, bà quay sang con. Con không nghe được tiếng bà vì máy sục nhưng có thể đọc thấy môi bà nói, “Cảm ơn.”
Khi máy sục đã xong, nước đã ấm, một màu ngọc lục bảo sủi đầy bọt trắng, mẹ bảo bà thả chân vào bồn.
Bà không nhúc nhích. Mắt bà nhắm lại.
“Thưa bà,” mẹ nói. Cửa tiệm mọi ngày rộn ràng tiếng người hay tiếng nhạc hay tiếng Oprah hoặc tin tức trên ti vi, lúc này im lặng. Chỉ có đèn trần khẽ o o trên đầu mình. Sau một đỗi, bà mở mắt ra, quanh tròng mắt xanh hơi ửng hồng và ươn ướt, đoạn bà chồm tới mò mẫm ống quần bên phải. Con lùi lại một bước. Ghế của mẹ kêu lúc mẹ cựa người, mắt dán vào những ngón tay bà. Những đường gân nhợt nhạt trên tay bà run lên khi bà xắn cao ống quần. Làn da bà bóng, như thể vừa đút vào lò nung. Bà cúi thấp hơn, nắm cổ chân và giật một cái, tháo rời toàn bộ cẳng chân dưới đầu gối.
Một cái chân giả.
Nửa dưới ống chân bà là một mẩu cụt nâu nâu, trơn và tròn như đầu ổ bánh mì - hay như chính nó: một cái chân bị cắt cụt. Con liếc nhìn mẹ, trông chờ một câu trả lời. Không lỡ một nhịp, mẹ lấy giũa ra và bắt đầu giũa bàn chân duy nhất của bà, khiến cái mỏm nhăn nheo bên kia rung lên theo từng động tác. Bà khách đặt cái chân giả sang bên, cánh tay vòng quanh bắp chân vẻ bảo bọc, rồi bà ngả
người ra, thở dài. “Cảm ơn,” bà nhắc lại, lớn hơn, với chỏm đầu của mẹ.
Con ngồi trên thảm chờ mẹ kêu đi lấy khăn nóng trong hộp sưởi. Suốt trong lúc làm móng, người phụ nữ xoay đầu qua hai bên, mắt nhắm hờ. Bà rên lên khoan khoái khi được mẹ mát xa bên bắp chân duy nhất.
Khi mẹ làm xong, quay sang con đòi khăn, bà nghiêng tới, chỉ vào chân phải, vào cái mỏm đang lủng lơ trên mặt nước, từ nãy đến giờ vẫn khô queo.
Bà nói, “Cô vui lòng,” và ho vào cánh tay. “Làm cả bên này nữa. Nếu không phiền quá.” Bà ngừng lời, nhìn ra cửa sổ, rồi xuống lòng mình.
Một lần nữa, mẹ không nói gì - mà quay sang chân phải của bà, khẽ đến gần như không thể nhận ra, rồi cẩn trọng vuốt ve dọc đoạn chân cụt, sau đó rưới một vốc nước ấm lên mỏm cụt, dòng nước mỏng chảy len lỏi trên lớp da dai sần. Nhỏ từng giọt. Khi mẹ xả xà bông gần xong, bà cất tiếng, thật khẽ khàng, gần như cầu xin, nhờ mẹ làm xuống dưới. “Nếu vẫn nguyên giá đó,” bà nói. “Tôi vẫn cảm thấy bên dưới. Thật ngốc nghếch, nhưng thật đấy. Thật đấy mà.”
Mẹ ngừng lại - một ánh gì thoáng qua mặt mẹ.
Rồi, vết chân chim bên khóe mắt chỉ hơi nhíu đi một chút, mẹ bóp các ngón tay quanh không khí nơi lẽ ra là bắp chân bà, xoa bóp như thể nó đang ở đó. Mẹ tiếp tục bóp xuống tới bàn chân vô hình, miết lên mu bàn chân xương xẩu trước khi đưa tay còn lại ôm gót chân, ấn khẽ xuôi gân Achilles, rồi bóp giãn các cơ mỏi cứng chạy dọc mặt sau cổ chân.
Khi mẹ quay sang con lần nữa, con chạy đi lấy khăn trong hộp. Không nói lời nào, mẹ luồn cái khăn vào dưới cẳng chân ma, thấm vào không khí từ trên xuống dưới, trí nhớ của cánh tay giúp mẹ liên tục thực hiện những cử động hiệu quả quen thuộc, làm hiện ra thứ không có đó, giống như những động tác của chỉ huy dàn nhạc khiến tiếng nhạc bằng cách nào đó hữu hình hơn.
Chân khô đi, bà khách gắn lại cẳng chân giả, kéo ống quần xuống và trèo ra khỏi ghế. Con lấy áo khoác cho bà và phụ bà mặc
lên. Mẹ định đi tới quầy tính tiền thì bà giữ mẹ lại, đặt một tờ một trăm đô gấp lại vào tay mẹ.
“Chúa phù hộ cho cô,” bà nói, mắt cụp xuống - rồi tập tễnh ra ngoài, chuông trên cửa đánh hai lần khi cửa đóng lại. Mẹ đứng đó, nhìn vào khoảng không.
Khuôn mặt Ben Franklin tối dần trong bàn tay hãy còn ướt nước của mẹ, mẹ nhét tờ tiền, không phải vào máy tính tiền, mà vào áo ngực, rồi cột lại tóc.
Tối đó, nằm sấp bụng trên sàn gỗ, kê mặt lên gối, mẹ nhờ con cạo gió cho. Con quỳ bên cạnh mẹ, lật cái áo thun đen mẹ mặc lên quá vai, gỡ móc áo ngực của mẹ ra. Bởi vì đã làm việc này hàng trăm lần rồi, nên tay con tự nó chuyển động. Khi dây áo ngực rơi xuống, mẹ cầm cái áo kéo ra từ dưới người rồi lẳng nó sang bên. Trĩu nặng mồ hôi sau một ngày làm việc, nó chạm sàn đánh thịch như một cái đai đầu gối.
Da mẹ bốc mùi hóa chất ở tiệm móng. Con lấy trong túi ra một đồng xu, nhúng vào lọ Vick VapoRub. Mùi bạch đàn tươi mát lan khắp bầu không và mẹ bắt đầu thả lỏng. Con nhúng hẳn đồng xu vào lọ, cho lớp dầu nhờn bóng phủ đều khắp, rồi chấm một lượng cỡ đầu ngón cái dọc theo lưng mẹ, xuôi xương sống. Khi da của mẹ đã óng lên rồi, con áp đồng xu dưới gáy mẹ rồi kéo ra ngoài, theo hai xương vai. Con cạo tới rồi cạo lui thành những đường đều đặn, chắc tay, như mẹ đã dạy con, cho tới khi những vệt đỏ hiện lên dưới lớp da thịt trắng, các vết hằn đậm dần thành tím vắt ngang lưng như những cái xương sườn mới, sẫm màu, trục xuất gió độc khỏi cơ thể mẹ. Thận trọng làm ra những tổn thương, cho mẹ lành trở lại.
Con lại nghĩ tới Barthes. Nhà văn là người chơi đùa với thân thể mẹ mình, ông nói sau cái chết của mẹ ông, hòng tồn vinh nó, tô điểm nó.
Con muốn điều này thành sự thật làm sao.
Vậy mà, ngay cả ở đây, khi viết cho mẹ, thực tế hiển hiện của cơ thể mẹ vẫn ngăn trở con day động nó. Ngay cả trong những câu viết
này, con đặt lên lưng mẹ hai bàn tay con và nhận thấy chúng đen thẫm làm sao trên bức nền trắng toát không thể thay đổi là làn da mẹ. Ngay cả lúc này, con còn thấy những nếp gấp trên hông và eo mẹ khi con xoa bóp cho hết căng cứng, những đốt xương nhỏ dọc cột sống mẹ, một dãy những dấu ba chấm không im lặng nào diễn dịch nổi. Ngay cả sau từng ấy năm, sự tương phản giữa màu da mẹ con mình vẫn khiến con bất ngờ - giống như một trang giấy trắng khi bàn tay con, cầm viết, bắt đầu di chuyển qua vùng không gian của nó, cố gắng tác động vào sự sống của nó mà không làm hại nó. Nhưng bằng cách viết, con đã làm hại nó. Con thay đổi, tô điểm và gìn giữ mẹ cùng một lúc.
Mẹ rên lên vào gối khi con ấn dọc hai vai mẹ, rồi lần xuống bóp những chỗ căng cứng. “Đã quá… Đã quá.” Sau một hồi, hơi thở của mẹ sâu hơn, đều lại, hai cánh tay xuôi xuống, và mẹ ngủ.
Mùa hè năm mười bốn tuổi, con có việc làm đầu tiên là thu hoạch cây thuốc lá ở một trang trại ngoại ô Hartford. Phần lớn mọi người đều không biết cây thuốc lá có thể mọc ở tít trên phía Bắc này - nhưng đặt thứ gì gần nước thì nó cũng tự nảy nở đến khi cao ngang một đội quân nhỏ. Dù vậy, có một vài thứ trở thành thực tế theo những cách mới lạ làm sao. Ban đầu do người Agawam thuần dưỡng, cây thuốc lá bản lá rộng sớm được dân định cư da trắng trồng làm nông sản, sau khi đuổi người bản địa ra khỏi vùng đất này. Giờ thì nó được thu hoạch chủ yếu bởi những người nhập cư không giấy tờ.
Con biết mẹ sẽ không cho con đạp xe suốt quãng đường tám dặm rưỡi ra vùng thôn quê, nên con kể với mẹ là con làm vườn trong một nhà thờ ở rìa thành phố. Theo tờ rơi bên ngoài trụ sở Hiệp hội Thanh niên Cơ đốc địa phương, công việc này cho con chín đô một giờ, tức là hơn mức lương tối thiểu thời bấy giờ gần hai đô la. Và vì con vẫn còn chưa đến tuổi lao động hợp pháp, nên con được trả công lén, bằng tiền mặt.
Đó là mùa hè năm 2003, tức là khi Bush đã phát động chiến tranh với Iraq, viện cớ những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt chẳng bao giờ xuất hiện, năm mà bài hát “Where Is the Love?” của Black Eyed Peas được phát trên mọi đài phát thanh mà đặc biệt là PWR 98.6, và mình sẽ nghe phát ra từ gần như mọi chiếc xe trong khu nếu đi ngủ mà không đóng cửa sổ, tiếng nhạc xen lẫn tiếng chai bia bể trên sân bóng rổ bên kia đường, khi đám con nghiện ném mấy cái chai không lên trời, chỉ để thấy ánh đèn đường khiến những thứ vỡ tan có vẻ như được phép màu biến hóa, miểng chai lóng lánh như kim tuyến trên lòng đường khi ngày lên. Đó là mùa hè Tiger Woods sắp giành danh hiệu Golf thủ của năm của hiệp hội golf PGA lần thứ năm liên tiếp và đội Marlins sẽ thắng Yankees (tuy con cũng chẳng quan tâm hay hiểu gì chuyện đó), đó là hai năm trước khi Facebook xuất hiện và bốn năm trước khi cái iPhone đầu tiên ra mắt, Steve Jobs vẫn còn sống, và những cơn ác mộng của mẹ chỉ mới bắt đầu tệ đi, và con thường bắt gặp mẹ vào một cái giấc trái khoáy nọ bên bàn bếp, trần truồng, mồ hôi như tắm, đang đếm mớ tiền boa để mua một cái “hầm bí mật”, mẹ nói, phòng khi ở Hartford có tấn công khủng bố. Đó là năm mà tàu vũ trụ Pioneer 10 gửi tín hiệu cuối cùng cho NASA trước khi vĩnh viễn mất liên lạc ở một nơi cách Trái đất 7,6 tỷ dặm.
Tuần năm ngày con thức dậy từ sáu giờ sáng và đạp xe nguyên một tiếng để tới trang trại, băng qua sông Connecticut, qua khu nhà ngoại ô với những bãi cỏ mới muốn chết, rồi tiến vào vùng hóc bà tó. Khi con đến gần trang trại, những cánh đồng trải ra hai bên khắp quanh con, dây điện thoại trĩu xuống vì đỡ bầy quạ đậu lố nhố bên trên, những cây hạnh nhân trắng mọc rải rác đang nở rộ, các rãnh tưới tiêu đến cuối mùa hè sẽ có hơn chục con thỏ chết đuối, xác bốc mùi nồng nặc trong bầu không khí nực nội. Cây thuốc lá mọc thành luống xanh tốt, vài luống cao ngang vai con, trải xa ngút tới độ mấy cái cây đứng ở rìa trang trại trông giống như cây bụi. Ở chính giữa tất cả là ba nhà kho lớn đùng không sơn phết, xây thành một hàng.
Con đạp xe trên con đường đất về phía nhà kho đầu tiên rồi dắt xe đi bộ qua cánh cửa để mở. Khi mắt đã điều tiết trong bóng tối mát lạnh, con thấy đám đàn ông ngồi thành một hàng sát tường,
những khuôn mặt sẫm màu nhấp nhô trên mấy cái dĩa giấy đựng món trứng lỏng le, nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha. Một trong số họ thấy con bèn vẫy lại, nói gì đó mà con không nghe ra. Khi con đáp mình không biết tiếng Tây Ban Nha, anh ta có vẻ ngạc nhiên. Rồi gương mặt anh ta thoáng vỡ lẽ và sáng bừng lên. “A!” Anh ta chỉ vào con rồi gật. “Chinito. ¡Chinito!” Vì là ngày đầu tiên đi làm, con quyết định sẽ không đính chính. Con giơ ngón cái lên với anh ta. “Si,” con nói, mỉm cười, “Chinito.”[2]
Anh ta nói mình tên là Manny, rồi chỉ về một cái bàn trên có khay nướng lớn đựng trứng ốp la lòng đào đặt trên bếp sưởi ga cạnh một bình thủy tinh đựng cà phê không còn nóng nữa. Con ngồi xuống giữa đám đàn ông, ăn trong im lặng. Ngoài con ra thì có hai mươi hai người làm công khác, phần lớn đều là dân nhập cư không có giấy tờ từ Mexico và Trung Mỹ, trừ một người tên Nico từ Cộng hòa Dominica. Còn có một thanh niên da trắng tầm hai mấy tuổi tên Rick đến từ Colchester, bị đưa vào danh sách tội phạm tấn công tình dục và thu hoạch thuốc lá là công việc ổn định duy nhất anh ta kiếm được. Phần lớn bọn họ làm công theo mùa, đi khắp đất nước lần theo những giống cây khác nhau dần dà theo nhau đến mùa thu hoạch. Ở trang trại này, người làm công ngủ trong khu trại gồm bốn nhà rơ moóc đặt cách bờ cây bao lấy trang trại chừng vài mét, khuất khỏi con đường lớn.
Rầm ngang nhà kho lúc này trống trơn, đó là nơi người ta sẽ đem phơi số lá thu hoạch được. Đến cuối tháng Chín, mỗi nhà kho sẽ trữ gần hai tấn lá, đến hai đợt như thế. Vừa ăn trứng lòng đào, con vừa xem xét cấu trúc căn nhà. Để lá mau khô, trên vách nhà kho cứ cách một tấm ván gỗ lại một tấm được mở lên, tạo thành những khe hở như xương sườn, cho nhà kho thoáng khí, và lúc này cái nóng của ngày phả lên cổ con, đưa theo nó mùi ngọt đắng của thuốc lá và mùi sắt trong đất đỏ. Những người này cũng có mùi cánh đồng. Trước cả khi ủng đặt xuống đất, cơ thể họ, dù vừa sau đợt tắm gội buổi sáng, cũng phảng phất mùi muối và cháy nắng từ ngày làm việc hôm trước. Chẳng mấy chốc cái mùi đó cũng sẽ thấm vào lỗ chân lông con.
Một chiếc Ford Bronco màu xanh rừng quẹo vào con đường trước nhà. Mấy người kia đồng loạt đứng lên và thảy dĩa đồ ăn với ly nước vào thùng rác. Họ đeo bao tay vào, vài người đổ nước lên nùi giẻ rồi nhét xuống dưới nón đội đầu.
Ông Buford bước vào. Một người đàn ông da trắng, lỏng khỏng, tầm bảy mươi tuổi, ông đội sùm sụp một chiếc nón Red Sox bên trên cặp kiếng phi công và nở nụ cười hớn hở. Hai tay chống hông, ông khiến con nhớ tới tên trung sĩ điên khùng trong phim Full Metal Jacket, cái tên bị chính binh nhất của mình bắn banh óc vì hành xử khốn nạn. Nhưng Buford cũng toe toét lắm, thậm chí còn đáng yêu nữa kìa, cho dù hơi gượng ép. Ông cười, một chiếc răng vàng lóe lên giữa hai môi, và nói, “Hội đồng Liên hiệp quốc của tôi hôm nay thế nào rồi? ¿Bueno?”
Con tiến lên và tự giới thiệu. Con bắt tay ông, ngạc nhiên trước bàn tay thô ráp và nứt nẻ. Ông vỗ vai con và nói con sẽ làm tốt thôi nếu bắt chước y như Manny, trưởng nhóm của con.
Đám đàn ông và con leo lên thùng sau ba chiếc xe tải và bọn con đi ra cánh đồng đầu tiên, nơi cây thuốc lá mọc cao nhất, những ngọn cây trĩu nặng chỉ mới chớm nghiêng đi. Hai chiếc máy kéo đi theo đằng sau, cây thuốc lá thu hoạch xong sẽ được chất lên đó. Đến khi ra tới nơi, đã có một nhóm mười người lom khom bên năm luống cây đầu tiên. Đó là đội cắt. Mang trong tay những con dao rựa sắc lẻm dưới ánh sáng bình minh, họ đi trước bọn con khoảng trăm mét, chém thật nhanh và ngọt các thân cây. Đôi lần, khi làm đủ nhanh, bọn con sẽ bắt kịp họ, tiếng dao chém mỗi lúc một lớn, cho tới khi có thể nghe tiếng phổi họ lao lực trong khi họ cắt, những thân cây đổ xuống thành từng đám xanh mướt quanh những cái lưng lom khom. Có thể nghe tiếng nước trong thân cây khi thép chém rách các màng, mặt đất thẫm đi khi luống cây cạn máu.
Con ở trong nhóm xiên, nhóm của những nhân công thấp bé. Nhiệm vụ của bọn con là thu lượm cây đổ, lá chưa gì đã héo đi dưới nắng. Bọn con chia làm các nhóm, mỗi nhóm ba người, hai người nhặt một người xiên. Việc của người xiên chỉ là đứng bên con ngựa xiên (là một chiếc xe đẩy gắn một mũi xiên tháo rời được) rồi xiên từng cây một vào một thanh gỗ cho tới khi đầy kín. Sau đó gỡ cái
mũi xiên ra, và một người nhặt sẽ đưa nguyên thanh gỗ đầy tới một chiếc máy kéo đang đợi, ở đó một người chất sẽ chất cả thanh gỗ lên rãnh. Người xiên sẽ lấy một thanh gỗ khác từ trong bao, gắn mũi xiên bằng thép vào, và tiếp tục xâu kín thanh gỗ mới.
Khi chiếc máy kéo đã chất đầy, nó sẽ chạy về nhà kho, ở đó hàng chục người, thường là những người cao nhất, sẽ chuyền từng thanh gỗ một cho nhau để gác lên rầm nhà phơi khô. Bởi có nguy cơ té từ độ cao lên tới mười hai mét, nên công việc ở nhà kho chính là vị trí nguy hiểm nhất. Đám thợ vẫn còn kể lại nhiều câu chuyện, ở các trang trại khác, rằng âm thanh đó mãi văng vẳng trong tai họ, tiếng huỵch của một thân người - một người nào đó, đang ngâm nga hay bàn về thời tiết hay càm ràm về một người đàn bà, về giá xăng ở Modesto, thì đột ngột nín lặng, lá sột soạt nơi tiếng nói vừa tắt ngúm.
Ngày đầu tiên đó, con đã khờ khạo từ chối đôi găng mà Manny đưa cho. Đôi găng quá to và xỏ vào thì lên gần tới cùi chỏ. Đến năm giờ chiều, tay con đã đen nhẻm và bê bết nhựa cây, đất, sỏi và dằm gỗ, nhìn cứ như đáy nồi cơm cháy khét vậy. Những con quạ lướt qua phía trên cánh đồng, trên bầu không khí nhiễu động vì hơi nóng, trong khi bọn con đầu trần làm việc nhiều giờ liền, bóng quạ vút qua đồng như những vật từ trời cao rơi xuống. Những con thỏ lớn nhảy ra nhảy vào các luống cây, và lâu lâu lại có một con bị dao rựa chém trúng và có thể nghe thấy, dù giữa bao nhiêu lưỡi dao leng keng, tiếng ré chói tai khi một thứ bị xóa khỏi mặt đất mà chúng ta đang đứng.
Nhưng công việc này bằng cách nào đó đã hàn lại một vết nứt trong con. Một công việc dựa trên chuỗi liên kết và hợp tác không thể phá vỡ, mỗi cái cây bị chặt, nhặt lên và mang đi, và đưa từ chỗ chứa này tới chỗ chứa khác bằng một nhịp điệu hoàn hảo tới mức mỗi thân thuốc lá, một khi đã rời mặt đất, sẽ chẳng bao giờ chạm đất lần nữa. Một công việc cần rất nhiều giao tiếp, con đã học được cách nói chuyện với đám đàn ông không phải bằng lưỡi, là thứ ở nơi đó hoàn toàn vô dụng, mà bằng những nụ cười, cử chỉ tay, thậm chí cả bằng im lặng và ngập ngừng. Con người, động từ, những khái
niệm trừu tượng, những ý tưởng được con biểu đạt bằng ngón tay, cánh tay, hình vẽ lên mặt đất.
Manny, trán nhăn lại, hàng ria mép gần như xám đi vì mồ hôi khô, gật gật đầu khi con cụp hai tay lại thành một bông hoa để nói lên tên mẹ, Hồng.
Từ tiếng Anh được nói thường nhất ở tiệm móng là sorry - xin lỗi. Đó là điệp khúc duy nhất cho đời làm việc trong dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Trước mắt con, hết lần này tới lần khác, các thợ làm móng cúi người trước bàn tay hay bàn chân của một người khách, nhỏ nhất chỉ mới bảy tuổi, mà nói, “Xin lỗi. Xin lỗi. Vô cùng xin lỗi,” trong khi họ không làm gì sai. Con đã thấy những người thợ, cả mẹ nữa, xin lỗi hàng chục lần trong suốt bốn mươi lăm phút làm móng tay, hy vọng tạo được chút thiện cảm để nhằm đến cứu cánh là một khoản boa - để rồi lại tiếp tục nói xin lỗi cả khi không nhận được gì.
Trong tiệm móng, xin lỗi là công cụ dùng để nịnh nọt cho tới khi chính từ đó trở thành một thứ tiền tệ. Nó không còn chỉ mang nghĩa mong tha thứ, mà còn là nài nỉ, nhắc nhở: Tôi ở đây, ngay đây, bên dưới ông/bà. Nó là khi ta hạ bản thân mình xuống để khách hàng thấy mình đúng, mình thượng đẳng và nhân từ. Trong tiệm móng, định nghĩa xin lỗi của ta bị biến đổi thành một từ hoàn toàn mới, một từ được tích thêm nghĩa và bị tái sử dụng vừa như một quyền năng vừa như một cách làm mất mặt mình. Lời xin lỗi đem lại tiền; lời xin lỗi, ngay cả khi ta không có lỗi, hay nhất là khi ta không có lỗi, xứng đáng với từng tiếng hạ mình mà miệng ta có thể thốt ra. Vì cái miệng phải ăn.
Thế nhưng không chỉ tiệm móng mới thế đâu mẹ. Ở những cánh đồng cây thuốc lá, bọn con cũng nói điều tương tự. “Lo siento,” Manny thường nói, mỗi khi đi ngang tầm mắt Buford. “Lo siento,” Rigo thường thì thầm, khi với tay cất lại con dao rựa lên bức tường nơi Buford đang ngồi đánh dấu các số liệu trên tấm bảng kẹp giấy. “Lo siento,” con thường nói với ông chủ, sau khi lỡ một ngày công vì ngoại Lan lại lên cơn, nhét hết quần áo của ngoại vào lò nướng bảo
phải xóa hết “bằng chứng”. “Lo siento,” bọn con nói một ngày nọ, khi màn đêm buông xuống mà cánh đồng chỉ mới thu hoạch được một nửa, còn chiếc xe kéo, động cơ chết ngắc, thì đứng trong bóng tối im lìm. “Lo siento, señor,” từng người bọn con nói khi đi qua chiếc xe tải đang phát nhạc Hank Williams ầm ĩ, Buford ngồi bên trong nhìn ra đồng cây héo hon của mình, trên bảng điều khiển xe dán tấm hình Ronald Reagan to cỡ lòng bàn tay. Và hôm sau đó, bọn con bắt đầu ngày làm việc không phải bằng câu “Chào buổi sáng” mà là bằng “Lo siento”. Âm thanh tựa tiếng bốt đạp bùn, lún xuống, rồi nhấc lên. Bùn lầy trơn nhẵn thấm ướt lưỡi khi bọn con xin tha thứ để được tiếp tục làm việc kiếm sống. Hết lần này tới lần khác, con viết cho mẹ mà hối hận vì cái lưỡi của mình.
Con nghĩ về đám đàn ông mồ hôi đầm đìa, cười đùa hát ca bên cạnh con giữa mênh mông cây thuốc lá. Về George, chỉ cần một ngàn đô nữa, chừng hai tháng làm việc, là có thể mua được cho mẹ mình căn nhà ngoại ô Guadalajara ở quê hương Mexico. Về Brandon, chuẩn bị tiễn con gái mười sáu tuổi Lucinda lên Mexico City học đại học để trở thành nha sĩ, như ước mơ từ bé của cô. Về Manny, chỉ một mùa thu hoạch nữa thôi là sẽ trở lại ngôi làng ven biển ở El Salvador, sẽ được chạm tay lên vết sẹo trên xương đòn của mẹ anh ta, nơi một khối u lúc đó vừa được cắt đi nhờ tiền lương anh ta kiếm được từ chặt cây thuốc lá trên đất Conneticut. Rồi anh ta sẽ dùng phần tiết kiệm còn lại mà mua một cái thuyền, và thử vận may bằng cách đi đánh bắt cá cờ kiếm. Xin lỗi, với những người này, là cuốn hộ chiếu để được ở lại.
Hết ngày làm việc, cái áo ba lỗ trắng của con dơ hầy những đất và mồ hôi, không khác nào con ở trần trong lúc dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà kho. Những ngón tay nhớp và rát nắm lấy ghi đông, con đẩy chiếc Huffy bạc đi trên con đường phủ đầy bụi đất, qua khỏi những khoảng thênh thang trống trải trước đó từng mọc đầy cây, mặt trời rực lửa treo thấp trên những ngọn cây. Và con nghe tiếng họ sau lưng, rạch ròi như các đài trên radio. “¡Hasta mañana, Chinito!” “¡Adios, muchacho!” Và con biết tiếng nào là của ai. Không cần ngoảnh lại, con cũng biết Manny đang vẫy tay, ngày nào cũng vậy, bàn tay ba ngón rưỡi tối thẫm trên nền trời cuối ngày.
Điều con muốn nói với họ, lúc con đạp xe đi, và lúc sáng hôm sau, sáng hôm nào cũng vậy, là điều con muốn nói với mẹ lúc này: Xin lỗi. Vì họ phải thật lâu nữa mới có thể thấy lại người thân, vì trong số họ một vài người có thể sẽ không sống sót vượt qua sa mạc biên giới mà trở về nhà, giữa đường đổ gục vì mất nước và nắng nóng hoặc mất mạng vì các băng đảng ma túy hay đám dân quân chống ma túy cánh hữu ở Texas và Arizona. Con muốn nói, Lo siento. Nhưng không thể. Vì tới khi đó chữ xin lỗi của con đã kịp biến thành một thứ gì khác. Nó đã trở thành một phần của tên con - không thể thốt ra mà không giả trá.
Đó là lý do con nói “xin lỗi” khi người con trai đó đến bên con một buổi chiều, người sẽ thay đổi những gì con biết về mùa hè, biết một mùa có thể mở ra sâu đến chừng nào khi ta từ chối theo ngày tháng bước ra khỏi nó. Người con trai đã cho con biết được có thứ còn tàn nhẫn và tuyệt đối hơn cả lao động - ham muốn. Tháng Tám đó, trên cánh đồng, chính cậu là người bước vào tầm mắt của con. Gần cuối ngày, con cảm thấy có một người làm công khác bên cạnh, nhưng vì mải đắm trong nhịp điệu ngày thu hoạch, con không thể ngừng tay nhìn người đó. Bọn con nhặt cây trong khoảng mười phút, sự hiện diện của cậu rõ nét dần bên rìa tầm nhìn cho tới khi cậu bước ra trước mặt con lúc con đang khom mình nhặt một thân cây héo. Con ngước nhìn cậu, hơn con một cái đầu, khuôn mặt lem nhem mà xương xương thanh tú, một cái nón sắt của lính chụp trên đầu, đội hơi lệch ra sau, như thể cậu vừa bước ra từ một câu chuyện của ngoại Lan, bước vào giờ khắc của con, và không hiểu sao lại mỉm cười.
“Trevor,” cậu nói, thẳng người lên. “Mình là Trevor.” Về sau con mới biết cậu là cháu nội Buford, tới làm việc ở trang trại để tránh ông già nghiện vodka của cậu. Và bởi vì con là con của mẹ, con nói, “Xin lỗi.” Bởi vì con là con của mẹ, lời xin lỗi ấy, khi đó, đã trở thành một phần nối dài của con. Đó là cách con Xin chào.
Ngày đầu tiên đó sau khi gặp cậu ngoài đồng, con lại thấy Trevor trong nhà kho. Nắng chiều đã nhuộm nhà kho một thứ ánh sáng màu xanh nhạt. Bên ngoài, tiếng rìu đập vào thắt lưng leng keng khi đám nhân công trèo lên mô đất trở về với đoàn nhà rơ moóc Airstream bên rìa rừng. Không khí mát mẻ, thoảng mùi chất diệp lục bốc lên từ những cây thuốc lá mới cắt giờ đang đong đưa dưới các thanh rầm trên đầu bọn con, vài cây vẫn còn đang rỉ nhựa, vẽ các xoáy ốc tin hin lên lớp bụi phủ sàn nhà kho.
Con không biết vì sao mình nấn ná bên chiếc xe đạp, thong thả kiểm tra nan hoa. Trevor ngồi trên băng ghế kê sát tường, tu một chai Gatorade màu vàng chanh.
Có gì đó nơi vẻ mặt cậu khi chìm vào suy nghĩ, vầng trán nhăn lại theo cặp mắt nheo, khiến cho vẻ ngây thơ của cậu mang biểu cảm khắc khổ, đau đớn như đang chứng kiến chú chó thân yêu phải cho an tử quá sớm. Nơi những góc cạnh lấm bùn và bụi bặm lại kề bên khuôn miệng tròn và đôi môi chảnh chẹ bặm lại thành một cái dẩu môi đỏ hồng nữ tính. Cậu là ai, con thầm nghĩ trong khi bóp bóp phanh xe.
Tuy nhiên, điều con cảm thấy lúc đó không phải là khao khát, mà là cái khả năng tồn tại niềm khao khát, như một xung động bị đè nén, một cảm giác dường như sở hữu trọng lực của riêng nó, giữ con đứng yên ở đó. Cái cách cậu nhìn con lúc đó ngoài đồng, khi bọn con làm việc cạnh nhau trong thoáng chốc, hai cánh tay quệt vào nhau trong lúc cây dồn lại thành một đống xanh mờ trước mặt con, đôi mắt cậu nấn ná, rồi lảng đi khi bị con bắt gặp. Con đã được nhìn thấy - con - kẻ hiếm khi được ai nhìn thấy. Con - kẻ được mẹ dạy là phải vô hình nếu muốn yên thân, kẻ hồi tiểu học từng bị phạt đứng góc lớp mười lăm phút, để rồi hai tiếng sau, khi mọi người đã về hết từ lâu, mới được phát hiện khi cô Harding ngồi ăn trưa ở bàn bỗng ngẩng lên từ món nui ống trộn rau củ và kêu thảng thốt.
"""