"
Một Giọt Nắng Nhạt PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Một Giọt Nắng Nhạt PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
NGUYỄN KHẢI
Tái bản lần thứ 4
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Một người bạn nói với tác giả:
- Cái đời mình, ngẫm lại, kể cũng được là một giọt nắng, nhưng nhạt và buồn, dẫu sao cũng là của một ngày trời đã có nắng.
I
Cái tuổi mười lăm của tôi nửa vui lại
có nửa buồn. Việc nước thì vui, việc nhà thì buồn. Bố tôi là một ông quan, chức quan thấp nhất trong ngạch cai trị thời Pháp thuộc. Là ông tri huyện. Mẹ tôi lại là vợ lẽ, “vợ lẽ với con thêm”, nên cái mùi vị phú quí chỉ là thoảng qua, làm ra vẻ có phú quí, chứ kỳ thực cái ăn, cái mặc thường ngày phải hết sức sẻn so mới vừa đủ. Hàng tháng bố tôi đều gửi tiền lương, lúc thì ông tự đến vừa thăm vợ con vừa đưa tiền, có dạo cả nửa năm chỉ
🙡 5 🙣
gửi tiền bằng măng-đa phải qua nhà dây thép lãnh chứ không thấy mặt ông ló tới. Sau này tôi mới hiểu ông gửi tiền cho mẹ con tôi phải vụng trộm, tới thăm càng vụng trộm. Lấy nhau có hôn thú, đẻ con có khai sinh mà vẫn vụng trộm. Một người đàn bà đã đem thân đi lấy lẽ là tội nghiệp hết sức, đau đớn hết sức. Thảo nào mẹ tôi từ trẻ tới già không mấy khi thấy bà cười. Lúc đủ thì lo sẽ không được đủ mãi, lúc thiếu thì lo thiếu nữa sẽ chết mất. Không biết có tình yêu, không biết có tình vợ chồng, một đời chỉ nhăm nhăm có cái miếng ăn, cho con và cho mình. Đời mẹ tôi là thế.
Cách mạng lên, các quan phải về vườn. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nóc phủ, nóc huyện. Cái danh ông quan đã đành là mất, nhưng còn cái đại gia đình gồm vợ lớn và vợ nhỏ, con thật và con thêm thì lấy gì mà ăn. Nên buồn và lo. Lo nhiều hơn buồn.
Năm 1945, mấy mẹ con tôi lại đang ở Hà Nội. Đợt chết đói tháng 3, người thành phố thì có gạo bông (gạo sổ), nhưng dân quê không
🙡 6 🙣
còn gì để ăn tràn về chật ních các phố phường. Cái năm ấy đến là lắm người bán cơm. Cơm gạo đỏ nắm thật nhuyễn như cái bánh dày, xếp thành ngọn trên các mẹt hàng rong, nom mà thèm. Nên mới luôn luôn xảy ra các vụ cướp cơm. Người cướp cơm vừa chạy vừa cắn từng miếng nhai nuốt vội vàng, chạy được một quãng là nằm lăn ra, có người chết ngay, chết vì nghẹn, chết vì đã quá mệt, chứ không ai nỡ đánh. Dọc đường Thành, nhìn vào các vòm cuốn đỡ chân cầu ngổn ngang toàn xác người. Xác người chết đói để vài ngày cũng không sình, không thối, chỉ khô đét lại, đen xì, mặt đen, cẳng chân cẳng tay đen, và hôi. Cái mùi hôi rất lạ lùng. Ngửi cái mùi hôi đó chỉ nôn khan thôi. Khắp thành phố cứ thoang thoảng có cái mùi hôi muốn nôn khan. Cái chết của con người đã mất vẻ trang trọng của nó, cái bí mật của nó, cái thiêng liêng của nó. Như xác con vật. Đi giữa những xác người mà lòng dạ cứ dửng dưng, chết nhiều quá nên không còn biết xúc động trước cái chết nữa. Hôm nay là người từ quê lên, ngày mai sẽ là người trong
🙡 7 🙣
thành phố, không còn gạo bông để ăn là chết liền. Có một tờ báo loan tin con người ta có thể ăn cỏ mà vẫn sống, có một loại cỏ nào đó, có một cách chế biến như thế nào đó. Nhưng ở thành phố làm gì có nhiều cỏ! Trong nước không có chiến tranh, lại cũng không phải là một bên tham chiến trong trận hỗn chiến toàn thế giới vừa mới chấm dứt mà phải chịu chết những hai triệu người trong vòng có mấy tháng! Còn hơn cả số người chết vì bom nguyên tử, nhiều hơn gấp sáu lần. Cái tội giết người không có tiếng nổ, không có cả máu, mấy anh thực dân Pháp và quân phiệt Nhật phải chia nhau mà gánh chịu. Có điều cái số phận của hai nước này cũng đang hồi bĩ. Một nước thì bị Đức chiếm đóng những bốn năm, thân bại danh liệt. Còn một nước thì bị thua trận hoàn toàn, lại bị thêm hai quả bom nguyên tử, đang là ông chủ của thuyết Đại Đông Á, phút chốc thành tên đầy tớ cho kẻ thua trận hôm qua. (Ngày 7 tháng 12 năm 1941, hạm đội mạnh nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương bị Nhật tiêu diệt trong có vài giờ tại Trân Châu cảng).
🙡 8 🙣
Trở lại câu chuyện Hà Nội mình mùa thu năm ấy. Tháng 3 mặt người Hà Nội u ám, sầu muộn, ngồi đâu cũng chỉ nói có một chuyện đói và chết đói. Bậc trí giả có thể nói những chuyện rộng lớn hơn: nước Nga đang thắng, nước Đức chắc là phải thua. Thằng Nhật rồi cũng thua. Nhật thua thì chính phủ thân Nhật phải đổ. Việt Minh sẽ lên cầm quyền. Ông Bảo Đại lúc ấy sẽ làm gì nhỉ? Sẽ đi đâu nhỉ? Đám thanh niên, tức là các ông anh mười chín, hai mươi tuổi hát nho nhỏ bài Diệt Phát Xít, bài Tiến Quân Ca, rồi thầm thì với nhau một cách bí mật, đi lại một cách bí mật trước con mắt tò mò và nể sợ của bọn trẻ con chỉ kém các bậc đàn anh đâu có vài tuổi. Tháng 3 là thế, đến tháng 8, tháng 9 Hà Nội đã là một thành phố của cờ và hoa, của ánh sáng và hội hè. Chưa bao giờ người ta được quyền nói nhiều như thế, được quyền viết nhiều như thế. Chỉ nói và viết rặt có chính trị thôi. Chính trị là một điều rất mới lạ, rất hấp dẫn, rất tự hào. Nói và viết những câu chữ tưởng như đại ngôn mà cả mọi người đều cảm động vì tất
🙡 9 🙣
cả đều nghĩ như thế, đều muốn như thế. Lũ trẻ con mới lớn, lứa tuổi bọn tôi, giọng thì vỡ ra, thân người cao ngỏng, chân dài tay dài, đi lại nguềnh ngoàng, lêu ngêu, chẳng học hành gì từ ngày Nhật đảo chính Pháp, thời thế lại đổi thay, cứ kéo nhau đi ròng ròng khắp các phố phường, quyên góp sách cho thư viện của Học sinh Cứu quốc, học hát, học chính trị, hoặc đi xem mặt các anh các chị Giải phóng quân vừa mới từ chiến khu trở về, hoặc ngồi nói leo chuyện thời cuộc với các anh lớn tuổi. Đi rã chân rã cẳng cả ngày đến bữa ăn cũng không nhớ, mà xem như không cần ăn, tối về đến nhà như người say, đầu óc đầy ắp bao nhiêu thứ chuyện, có bao nhiêu câu hỏi chả biết nên hỏi lại ai, căng thẳng trong niềm vui, trong hy vọng, và trong những mộng mơ hư nhiều thật ít chỉ có cái lứa tuổi 15 mới có thể có. Chỉ trong một ngày lũ chúng tôi đã muốn biến hóa thành rất nhiều loại nhân vật rồi. Là một chiến sĩ Giải phóng quân, đầu trần chân đất, da mặt vàng bủng vì bệnh sốt rét, lần đầu tiên đến Thủ Đô, đứng giữa một vòng người
🙡 10 🙣
quần là áo lượt sẵn sàng lăn xả vào ôm lấy anh, kiệu rước anh vì ngưỡng mộ. Là một nhà diễn thuyết đứng trên bục cao, một bàn tay nắm lại, một bàn tay vươn thẳng ra, đôi mắt như nhoáng lửa, nói những danh từ bí hiểm như sấm ngữ, nhưng chỉ cần ông ta hô to: “Hãy theo tôi!” là tất cả sẽ ùa theo không chút ngại ngần. Lại có lúc muốn làm anh lính thổi kèn, anh lính đánh trống trong đội kèn nhà binh chiều chiều bước theo cây gậy chỉ huy có bọc ngù đỏ của người đội trưởng, diễu dọc đường Tràng Tiền thổi các bài ca cách mạng. Hoặc làm anh lính hải quân, anh lính không quân dầu rằng mắt chưa nhìn thấy cái tàu chiến của mình bao giờ, cái máy bay của mình bao giờ. Nhưng đã có độc lập rồi tự khắc sẽ có tất cả. Có chính phủ của mình, có thủ tướng của mình, có quân đội, có ngoại giao như nhiều nước văn minh khác, chúng tôi bàn với nhau thế. Đại để trong mọi loại mơ mộng chúng tôi đều là những con người phi thường, những siêu nhân, chứ không một ai nghĩ rằng mình sẽ chỉ là một anh lính vô
🙡 11 🙣
danh trong cuộc kháng chiến, là người lao động bình thường trong sự nghiệp xây dựng. Vả lại, ngày ấy chúng tôi cũng chưa kịp nghĩ là rồi mình còn phải chiến đấu, lại chiến đấu rất lâu dài, những vài chục năm chứ không thể ngắn hơn. Ngày ấy xem như nước đã độc lập rồi, vua Bảo Đại đã thoái vị, Cụ Hồ Chí Minh, chỉ ít ngày sau chúng tôi đều gọi rất âu yếm là Bác Hồ, làm Chủ tịch nước, Có rối ren chút ít với Tàu, với Pháp rồi thì cũng sẽ được giải quyết êm đẹp. Chiến tranh thế giới vừa mới kết thúc, chả lẽ nước mình lại bắt đầu có chiến tranh? Các nước đều mệt cả. Pháp thì quá mệt. Tàu còn bận nội chiến. Nhật đã thành thuộc địa. Mỹ thì ở xa quá. Nước Mỹ lại giàu sang, lại đứng về phe dân chủ, không nhẽ họ tính chuyện đô hộ nước mình! Hoặc giả sẽ có nội chiến? Theo kinh nghiệm lịch sử - mấy ông anh hai mươi tuổi nhận định thế - mỗi lần thay đổi chính quyền thường khó tránh khỏi nội chiến. Nhưng ở nước ta vào lúc này ngoài mặt trận Việt Minh thì còn lực lượng chính trị nào khả dĩ dám đối chọi?
🙡 12 🙣
Việt Nam Quốc dân đảng chăng? Thời Pháp cai trị họ ở đâu nhỉ? (thời ông Nguyễn Thái Học thì đã xa quá). Thời Nhật cai trị họ làm gì nhỉ? Bây giờ nước được độc lập mới theo chân mấy anh Tàu Tưởng về nước đòi chia ghế với chính phủ cách mạng. Còn có Việt Nam Cách mạng đồng minh hội do ông Nguyễn Hải Thần làm đảng trưởng. Đảng này chỉ có cái chóp chứ không có cái nền, lại thêm ông thủ lãnh chỉ nói được bập bẹ tiếng Việt vì đã ở nước ngoài lâu quá. Gọi là có hai đảng đối lập nhưng chúng tôi cứ bỏ chung cả Việt quốc lẫn Việt cách vào một rọ cho đỡ rắc rối. Đảng Việt quốc có một tờ báo và một trụ sở tại đường Quan Thánh, sáng tối đều chào cờ cho dân đứng ngoài hàng rào xem. Cờ của họ giống cờ Quốc dân đảng bên Tàu, thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng, chỉ khác là mặt trời của cờ Tưởng có răng cưa giống như cái ru líp xe đạp, còn cờ Việt quốc có ngôi sao năm cánh trắng. Chiều chiều họ bắc loa ra ngoài phố rồi đứng bên trong châm chích, chửi rủa những điều mà người Hà Nội chúng tôi đang xem là
🙡 13 🙣
thiêng liêng. Nên mới sinh ra những vụ chửi lộn nhau, họ ở trong rào chửi ra, chúng tôi ở ngoài rào chửi vào, rồi ném đá, rồi hò hét, rồi cười đùa rầm rầm như một trò vui góp vào cái vui chung của ngày hội lớn.
Trong vụ chửi lộn nhau ở đường Quan Thánh, tôi chỉ buồn có một điều là có mấy ông nhà văn mình vốn yêu, vốn mê lại là người của bên kia hàng rào cả. Có lần, một anh lớn tuổi hỏi đùa tôi: “Mày có muốn làm văn sĩ nổi tiếng như mấy ông trong Tự lực Văn đoàn không?” là tôi liền nổi xung lên, nói láo nói lếu đủ điều với ông anh đó. Vì tôi cho rằng đùa như thế là sỉ nhục tôi.
Bên ngoài vui thế, rạo rực là thế, như người say, nhưng về đến nhà lại rất buồn. Một tối vừa ló mặt về đã nghe mẹ tôi bảo: “Lúc chiều cậu mày có tạt qua đây.” Tôi mừng rỡ, hỏi lại: “Cậu có cho tiền mợ không?” Mẹ tôi nói: “Không, cậu cũng túng lắm, cả mấy tháng không có lương, gia đình đã dọn về ở phố hàng Nâu rồi, con cái thì đông, tiêu
🙡 14 🙣
pha lại nhiều”. Tôi kêu lên: “ Thế mình lấy gì mà sống? Nhà mình đâu còn tiền!” Mẹ tôi nói: “Cũng còn một ít, mấy thứ vàng bạc chả biết lúc này bán có ai mua không?” Lúc ăn cơm tối với mẹ và em, tôi tuyên bố như một người đã trưởng thành: “Con xin với mợ được đi thoát ly, con sẽ lên chiến khu với một nhóm bạn. Gia đình cũng đỡ được một miệng ăn”.Vâng, tôi đã tự quyết định sẽ đi thoát ly, sẽ xông pha vào cuộc đời mưa gió như một nhân vật của Nhất Linh hay Khái Hưng. Người thì ghét nhưng văn của họ vẫn còn yêu. Trước một tin quan trọng là thế mẹ tôi vẫn chẳng vui lên một tí nào. Bà ngờ vực nhiều hơn: “Mày còn ít tuổi thì đã làm được cái gì mà người ta nhận.” Trời ơi! Nói chuyện với người già quả nhiên là khó. Đi làm cách mạng chứ có đi xin việc đâu mà nhận với không nhận. Thôi, chả nên bàn nữa. Cứ lặng lẽ chuẩn bị, lặng lẽ ra đi, tới một lúc nào đó, khi mẹ và em đã khóc hết nước mắt mới phóng về một lá thư, viết giữa cảnh rừng xanh núi đỏ chim hót vượn kêu, rằng đứa
🙡 15 🙣
con của các cụ đã là một chiến sĩ cách mạng, da hơi mai mái, người hơi ôm ốm, nhưng đã có một cặp mắt nhoáng điện, một giọng nói bốc lửa, một dáng đi dáng đứng khiến các đấng sinh thành phải tự hào. Vâng, quả tình tôi mới chỉ nghĩ được có thế về người chiến sĩ cách mạng, về cái Tôi - Cách mạng trong tương lai. Thôi, chả cần nói tới tương lai mà chỉ trong tháng tới, chỉ trong năm tới tôi sẽ còn phải trải qua nhiều cảnh ngộ chẳng xứng đáng một chút nào với những mộng mơ của cái thời mùa thu Tháng Tám.
🙡 16 🙣
II
Cho đến bây giờ, tôi đã là một ông
già, con cái gọi mình là ông già tức thị cũng là một thứ ông già rồi còn gì, nghĩ lại mấy tháng cuối năm 45 và gần hết một năm 46 vẫn còn ớn rợn. Sống gì mà nhục thế, mà khổ thế, mà kỳ cục thế. Con chẳng ra con, đày tớ chẳng ra đày tớ, bỏ đi không được, cứ nhẫn nhục mà sống, trơ tráo mà sống, là người thừa của gia đình, nói cũng thừa, cười cũng thừa, ra ra vào vào lại càng thừa. Thôi, cái chuyện buồn ấy để nói lui lại một chút, trước hết tôi xin thuật lại với bạn đọc trẻ tuổi hôm nay cái đận đi lên chiến khu của đám trẻ con chúng tôi ngày ấy, cách đây đã trên bốn
🙡 17 🙣
chục năm. Là có đi chiến khu thật, ngồi trên ba cái xe tay, thùng xe giống như xe xích lô đạp bây giờ, nhưng có cặp càng dài ở phía trước, người kéo tì tay lên càng xe mà chạy bước một, gọi là xe tay. Mỗi người đều mang theo hành lý của mình, chăn màn quần áo và cả sách để đọc những lúc rảnh rỗi. Người cầm đầu là một anh bạn cùng phố hơn tôi hai tuổi, anh mười bảy, đứa ít tuổi nhất là mười bốn. Xe chạy qua cầu sông Cái, qua phố Gia Lâm đi ngược lên phía sông Đuống. Đã đi được nửa buổi mà chưa thấy núi, chưa thấy rừng, nhìn ra xa vẫn chỉ là đồng ruộng và làng mạc. Vậy thì chiến khu ở đâu nhỉ? Đường đi không biết, địa điểm không biết, cứ ngỡ qua sông được một đoạn là rừng rồi, và sẽ gặp ngay các anh Giải Phóng quân đang luyện tập, sẽ có ngựa nghẽo, có cả súng lớn súng nhỏ, có doanh trại san sát và cờ đỏ sao vàng bay đỏ trời. Bàn tính với nhau một hồi, bí quá, chẳng thằng nào biết được gì hơn, mà đã bắt đầu nhớ Hà Nội rồi, cả nhớ nhà nữa, lại cho quay xe trở về, lại qua cầu, về được đến Bến Nứa
🙡 18 🙣
trời vừa tối. Mẹ tôi hỏi: “Người ta không nhận mày à?” Tôi đáp: ”Họ bảo chúng con còn ít tuổi quá”. Mẹ tôi nói: “Tao đã bảo có sai đâu, thôi ở nhà, tìm việc quanh quẩn trong Hà Nội mà làm. Lại được gần mẹ, gần em”. Cái chí viễn du coi như không thành, đành làm người chiến sĩ của đường phố vậy, tối tối về ăn cơm nhà, vẫn đám bạn bè cũ, vẫn những thói quen cũ, cũng là hay.
Khoảng nửa tháng sau, bố tôi lại lên Hà Nội, là do có việc phải về Hà Nội, chứ chẳng phải chỉ thăm có mẹ con tôi. Bố mẹ tôi ngồi trò chuyện ở phòng ngoài rất lâu, rồi nghe mẹ tôi thút thít khóc, hình như bố tôi nói gắt câu gì đó lập tức tiếng khóc nín bặt. Chỉ nghe có bố nói, nói thì thào lúc to lúc nhỏ những gì gì, chứ không nghe mẹ trả lời. Rồi ông gọi tôi ra, trỏ vào cái ghế, bảo: “Ngồi xuống kia!”
Tôi xin kể lại một chút về ông bố của tôi. Từ lúc tôi biết tới năm 15 tuổi, chưa lần nào tôi được nhìn thật rõ gương mặt của người đã đẻ ra mình. Cứ thấp tha thấp thoáng, hư hư thực
🙡 19 🙣
thực. Bố tôi ngồi ở huyện Thư Trì, thì mẹ con tôi ở Nam Định. Ông đổi về Kim Thành thì chúng tôi ở Hải Phòng. Ông về Kim Động thì chúng tôi lại trở về Hà Nội. Năm cách mạng, ông ở huyện Mỹ Lộc thuộc Nam Định. Nam Định là quê nội, có nhà thờ họ ở phố hàng Nâu. Tuy ông ở Mỹ Lộc nhưng mấy mẹ con tôi vẫn ở lại Hà Nội vì Mỹ Lộc kề gần thành phố quá. Bà cả ở huyện, bà hai ở thành phố, cách nhau có dăm ba cây sợ rằng sẽ có chuyện xô xát giữa hai bên. Ông tới thăm chúng tôi lúc thì mặc bộ đồ ta, khăn xếp, áo sa, và đi giày. Nếu là mặc theo lối ta, ông có đeo thêm cái bài ngà, nhưng bỏ bên trong vạt áo. Vợ chồng trò chuyện hàn huyên như thế nào anh em tôi không được rõ, chỉ khi ông gọi tôi mới dám ra. Tôi ngồi khép nép vào một góc, cách xa ông, càng xa càng tốt, lưng thẳng, đầu thẳng nhưng mắt vẫn nhìn xuống, đầu óc lù mù vì sợ hãi, vì ngượng ngịu. Tiếng ông hỏi như bay lướt trên chỏm tóc: “Học hành thế nào?”- “Thưa cậu, trung bình ạ.”- “Sao lại trung bình, không có môn nào giỏi à?”. Mẹ tôi nói
🙡 20 🙣
đỡ: “Môn văn nó giỏi, ông thầy dạy nói thế”. Ông dặn: “Học cho chăm, đừng có mải chơi, hiểu chưa?”- “Thưa, hiểu ạ”. Tôi chưa thấy ông ăn bao giờ, cũng chưa thấy ông ngủ bao giờ. Hiện ra rồi biến mất, như ông thánh ông thần chứ không phải là bố của mình nữa. Mắt ông ra sao nhỉ? Miệng ông ra sao nhỉ? Hàm răng có đều không? có trắng không ? Không thể biết, có dám nhìn thẳng bao giờ mà biết. Cho tới hôm nay tôi vẫn tự hỏi: “Bố tôi có thương anh em tôi không? Ông có ân hận vì đã đẻ ra chúng tôi không?”. Khi tôi phải về sống với bố và bà mẹ già ở phố hàng Nâu, có một buổi chiều bố tôi ra tận cửa đón một ông khách cực kỳ sang trọng, một quan thầy gì đó cũng phải về vườn như bố tôi. Ông khách đi xe tay tới, nhưng là xe của nhà, khăn xếp, áo đoạn và đội cái nón dứa. Ông nói tiếng miền Trung, cũng gọi bố tôi là quan lớn. Trò chuyện được một lúc, ông khách hỏi: “Quan lớn được mấy người con?”. Bố tôi thưa: “Bẩm cụ lớn, chúng con được bảy cháu, hai trai và năm gái”. Tức là không có hai anh em tôi trong
🙡 21 🙣
🙡 22 🙣
bảy người con được kể. Cuối năm 45, tôi phải từ giã mẹ và em, từ giã Hà Nội đã bắt đầu có cái căng thẳng của nhiều sự rối ren về chính trị để về một thành phố rất yên tĩnh là Nam Định, sống với cái gia đình chính thức nhưng xa lạ và đầy bất trắc.
Tôi xin kể lại một chút tình hình chính trị của Hà Nội những ngày ấy theo cái biết của mấy anh lớn và bọn trẻ con chúng tôi. Sau ngày lễ Độc lập ít hôm, chúng tôi nghe có tướng Lư Hán đến Hà Nội với tư cách là tổng chỉ huy mấy chục vạn quân Quốc dân đảng sang Việt Nam giải giáp quân đội Nhật từ phía bắc vĩ tuyến 16 trở ra. Gọi là kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Rồi lại nghe tướng Alessandri trốn sang Côn Minh hồi Nhật đảo chính nay cũng đã trở lại Hà Nội cùng với một ông ủy viên của cộng hòa Pháp quốc tên là Sainteny. Cả Pháp lẫn Tàu đều ở trong phe Đồng Minh cả, đều muốn được ủy quyền giải giáp quân đội Nhật để dễ bề độc chiếm Đông Dương là một xứ rất béo bở. Gọi là Đồng Minh nhưng là thứ đồng minh ăn theo, đồng minh tôi tớ,
🙡 23 🙣
mọi việc lớn nhỏ đều do phái bộ Mỹ đang đóng ở Trùng Khánh quyết định. Mỹ không thích Pháp trở lại Đông Dương nên mới cho anh Tàu đến Hà Nội nhận sự đầu hàng chính thức của Nhật. Trong buổi lễ trọng thể này không có mặt đại diện Pháp, chỉ có tướng Lư Hán. Các anh lớn tuổi có cho biết tướng Alessandri cũng được mời, mời như một người khách thường, không có cờ quạt gì nên ông ta từ chối không tới. Đại để là họ ghét nhau, có nhiều định kiến xấu về nhau. Pháp thì cho Tàu là anh hôi của, Đông Dương là xứ của Pháp, Pháp đi rồi Pháp lại về, đó là lý đương nhiên. Tàu thì cho Pháp là thằng hèn, bên chính quốc thì đầu hàng Đức, bên xứ thuộc địa thì đầu hàng Nhật, không xứng đáng trở lại cái vị trí là một cường quốc. Tôi không còn nhớ rõ vào cái ngày nào tôi nhìn thấy lính của tướng Lư Hán xuất hiện ở Hà Nội. Tháng thì nhớ, khoảng hạ tuần tháng 9. Họ là người chiến thắng tới nhận sự đầu hàng của kẻ chiến bại mà nom đến thảm. Quần áo lôi thôi màu vàng sẫm, lại quấn xà cạp, lại đi hài sảo, gồng gồng
🙡 24 🙣
gánh gánh mà gầy quá, mà đói quá, lại phù nề. Nhìn họ ngồi ở các góc phố mở xà cạp lấy giẻ chùi máu mủ ở những mảng lở loét quanh bắp chân cũng thương hại. Lính như thế nhưng sĩ quan thì khác. Họ chở từng xe tiền Quan kim đến mua lại các cổ phần của nhiều hãng buôn Pháp hoặc hùn vốn cho các thương gia Hoa kiều mở rộng sự buôn bán tại Hà Nội và các tỉnh. Và vơ vét tất cả những gì có thể vơ vét được. Cấp tướng thì thu thập kim loại quí, xe hơi, hàng mỹ nghệ, các cấp chỉ huy phía dưới thì lấy xăng từ các bồn xăng của Nhật, vốn là của Pháp trước ngày 9 tháng 3, bán lại cho lính Pháp, tháo gỡ máy móc các tàu cuốc, tàu hoa tiêu ở cảng Hải Phòng bán cho các thương gia người Hoa và người Việt. Binh lính thì bán tủ, giường, bàn, ghế, khung cửa, ống dẫn nước tại các nơi họ đóng quân, về sau họ dỡ cả ngói đem bán. Luôn luôn có tin xổng tù, tin bắt cóc, tin ám sát, tin nổ súng, tin cướp của. Toàn là tin cả, còn hư thực ra sao nào có rõ. Vì có nhiều lực lượng đối địch nhau cùng đóng ở một vùng
🙡 25 🙣
đất chả lấy gì làm rộng là Hà Nội. Có lúc là Pháp xổng tù, có lúc là Nhật xổng tù, lúc là quân Tàu nổ súng vào quân Pháp, lúc là tự vệ của ta nổ súng vào đám phỉ Tàu, rồi Việt quốc ám sát cán bộ của Việt Minh, Việt Minh mới khám phá một vụ giết người của Việt quốc. Một Hà Nội đầy bất trắc nhưng không một ai lo sợ. Cũng không một ai muốn ngồi trong nhà. Phải ra đường để nghe ngóng và nói lại những tin tức mới nhất cho nhau biết, để tranh luận về một vấn đề nào đó, để bênh vực bên này, để đả kích bên kia. Đọc báo, đủ các loại báo, dủ các khổ báo, có tờ to như cái khăn bàn, rồi tranh cãi, rồi diễn thuyết trước những nhóm nhỏ ở các góc phố. Các rạp hát vẫn diễn các vở cũ với những đào kép quen thuộc: Kim chung, Khánh Hợi, Mộng Dần... Các rạp chiếu bóng quảng cáo các phim Mỹ với những tài tử nổi tiếng: Marlène Dietrich, Shirley Temple, Tayrone Power... Loa ở trại Bảo An binh, buổi trưa buổi chiều đều có giọng của Thương Huyền hát trên đài phát thanh: Thiên Thai, Trương Chi và cả một bài gì đó tôi
🙡 26 🙣
chỉ còn nhớ được có một câu: Quan với quân lên đường... Một Hà Nội náo nhiệt, hỗn loạn, căng thẳng và vui vẻ đến thế mà phải từ giã nó thật là đau đớn hết sức.
Ngồi trên chuyến tàu tốc hành (ngày ấy còn có tàu tốc hành) từ Hà Nội xuôi Nam Định, tôi với bố tôi không hề nói với nhau một lời nào. Ông luôn luôn có một bộ mặt cau có với đứa con thêm của ông. Lúc ra đi, tôi mặc một cái quần soọc xanh, ông cau mặt, gắt: “Không còn quần nào khác hả, lại mặc cái quần của dân nhọ đít.” Ông không thích màu xanh, tôi nghĩ thế, tôi vào thay quần khác, màu sẫm và xách cái vali nhỏ lùi lũi lên xe tay ra ga, lùi lũi lên tàu và ngồi vào cái chỗ của mình, đầu cúi xuống, hai bàn tay đặt lên đùi, không dám ngẩng lên, không dám liếc ngang vì sợ chạm phải cái nhìn của ông, một cái nhìn khó chịu, bực dọc và chán nản. Làm sao lại thế nhỉ? Tôi có phải là con của ông không nhỉ? Tôi có giống ông chút nào không, hay chỉ là con riêng của mẹ tôi, đã có tôi rồi mới lấy ông? Vì mẹ tôi lấy ông là đi
🙡 27 🙣
thêm một bước nữa. Trước đó bà đã có một đời chồng, là một ông tham biện, làm ngành gì thì tôi không rõ, và đã có một người con trai. Hai người phải bỏ nhau vì gia đình bên chồng nghiệt ngã quá, ông kia lại chơi bời, tôi nghe mẹ tôi nói lại như vậy.
Phố hàng Nâu là một phố cổ của thành phố Nam Định, đường hẹp như sân nhà, đoạn có nhựa tráng, đoạn chỉ có đá dăm, hai bên đường chỉ có nhà một tầng, mái thấp, cửa bức bàn, lại có treo mành bên ngoài. Cũng có mấy ngôi nhà hai tầng, xây theo kiểu Tây, cửa sổ sơn xanh, tường quét vôi vàng, đỏm dáng một cách lạc lõng. Chắc là mấy nhà ông phán ông tham gì đó. Nhà tôi là nhà kiểu cổ, gian ngoài cách gian trong một cái sân hẹp, có xây một cái bể nhỏ, đặt một hòn giả sơn có gắn mấy ông ngư, ông tiều, ông sư, ông đạo sĩ, với dăm con cá vàng bơi uể oải trong đám nước xanh đục những rêu rong. Đồ đạc dùng trong nhà cũng hổ lốn đủ kiểu, có bộ tràng kỷ sơn son thếp vàng, lại có bộ sa lông đóng theo kiểu mới, sập gụ tủ chè và giường
🙡 28 🙣
nằm lùn tịt, gọng màn bằng sắt mở ra xếp vào, ly chén thìa đĩa cho bữa ăn tây, và bát lớn chén nhỏ, đũa son đũa ngà cho bữa ăn thường. Là cái thời nửa tây nửa ta, nửa Âu nửa Á, dạy con cái lạnh lùng, nghiêm ngặt theo kiểu nhà nho, nhưng bà lớn thì nhảy đầm với Tây cho ra người lịch sự, còn ông lớn mỗi lần lên Hà Nội đều ghé lại một hai đêm tại nhà bà đốc Sao để có dịp đùa giỡn với đám con em tươi trẻ của bà. Tại các gia đình viên chức nhà nước này, thói đạo đức giả thâm nhiễm vào mọi cung cách sinh hoạt của họ. Về ở với bố và mẹ già, trước hết tôi phải học lại cách nói năng thưa gửi. Tôi phải gọi mẹ già là mợ và gọi mẹ ruột là đẻ, để phân biệt kẻ trên người dưới. Nói với bố mẹ cũng phải trình, phải bẩm, nhà quan mà, dầu chỉ là một chức quan nhỏ. Cái sự ăn uống trong nhà không được nói “thưa hết” mà phải nói “thưa đủ”, “thưa vừa”. Có ông thông phán nhà bên cạnh có chuyện gì cần hỏi han hoặc vay mượn nhà bên này đều cho một anh người làm, sang thưa rất lễ phép: “Bẩm, quan con
🙡 29 🙣
sai con sang trình với bà lớn rằng...” Bên này cũng trả lời không kém vẻ quan dạng: “Anh về trình lại với quan rằng...” Cái mộng làm “quan lớn” để được kẻ dưới thưa trình, bạn bè vì nể, họ hàng xu nịnh là một thói tật tôi e rất khó sửa của dân mình.
Ngôi nhà phố hàng Nâu là nhà thờ tổ của họ. Người cai quản là bà Tư, tức là bà vợ thứ tư của ông nội tôi. Bà có hai người con, người con trai làm tham biện sau chết vì bệnh lao khi ông chưa tới ba mươi tuổi. Người con gái lấy chồng đốc tờ thú y, cả hai vợ chồng vào Nam kỳ sinh sống từ những năm 30. Bà Tư sống một mình tại ngôi nhà hoang vắng đã nhiều năm, khi gia đình bố tôi dọn về cùng ở bà vẫn tự nấu cơm ăn riêng, đi lại như cái bóng, cả ngày không hé răng trò chuyện với một ai. Nhưng bà cụ lại thương tôi, thường là sau mỗi bữa cơm đều tìm cớ gọi tôi lại để tôi được ăn thêm. Những lúc rảnh rỗi tôi lại chui vào cái góc nhỏ kê vừa đủ một bộ ngựa, có che mành bên ngoài, đọc cho bà nghe những truyện thơ Phạm Công Cúc Hoa, Nhị Độ Mai,
🙡 30 🙣
Thạch Sanh, rồi chuyện Chiêu Quân cống Hồ, chuyện Bao công xử án. Đối với tôi đó là những giây phút êm đềm nhất trong ngày, là bà với cháu, là sự vắng vẻ, yên tĩnh với những câu hỏi rất đỗi dịu dàng: “Con ăn thế còn đói không?”, “Con còn tiền tiêu vặt không?”, “Con đã viết thư cho đẻ con chưa?”. Tôi đã viết thư một lần cho mẹ tôi sau ngày về Nam được nửa tháng. Trong thư tôi vẫn gọi mẹ tôi là mợ, mẹ già là bà cả, than thân trách phận từ dòng đầu đến dòng cuối. Viết thư xong tôi để ngay trên bàn rồi nhân có việc gì đó phải chạy đi quên bẵng mất. Lúc quay lại đã thấy bà mẹ già đang xem thư, rồi bà đặt lá thư xuống, lấy bình mực chặn lên như cũ, vẫy tôi lại với giọng nói ngọt ngào: “Khoa lại đây mợ bảo”. Bà chỉ dặn tôi dầu là viết thư cũng không được gọi mẹ là mợ, mà phải gọi là đẻ, “Mợ đã dặn rồi, sao con mau quên thế”. Rồi bà mỉm cười: ‘Ở đây buồn lắm phải không?” Bà chỉ nói có thế, không mắng trách một lời nào. Xưa kia, người đàn bà nào biết giấu sự giận dữ, sự ghen tuông, sự căm ghét bên trong
🙡 31 🙣
cái vỏ dịu dàng, bình thản, còn tươi cười nữa được xem là người có bản lĩnh, có giáo dục, biết giấu mình đi để chỉ sống với cái không phải là mình. Thoạt đầu là giả nhưng sống mãi như thế sẽ thành thật. Cái thật của thời ấy là cái giả đã được huấn luyện đến trở thành quí phái, trở thành tự nhiên. Trong mấy tháng tôi sống với mẹ già, chưa bao giờ bà gắt với tôi một câu, đay nghiến cũng không, chỉ bảo ban bằng cái giọng rất dịu dàng và cười, trời ơi, cái nụ cười ấy cứ nhìn mà sởn cả chân tóc. Vì tôi biết bà rất ghét tôi. Nhưng ghét một thằng trẻ con chẳng có tội tình gì thì hẹp lượng quá. Bà không muốn tỏ ra là người hẹp lượng nên bà chỉ cười mỉm và nói năng thật dịu dàng. Còn bố tôi thì ông ghét tôi ra mặt, ông nhìn tôi bằng cặp mắt tóe lửa, gọi tôi bằng đủ thứ tên: “thằng mán tiền”, “thằng hậu đậu”, “thằng vô tích sự”. Quả tình nửa năm ở phố hàng Nâu tôi không còn là tôi nữa, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như đứa mất hồn, đi lại ngượng ngập, mặt mũi sầu thảm, đăm chiêu đến phát chán. Cho tới một buổi sáng. Tôi sẽ mãi mãi nhớ lại
🙡 32 🙣
cái buổi sáng khủng khiếp với những chi tiết không có cách gì quên được. Từ sáng sớm đã thấy mấy bà chị thì thào to nhỏ rồi bới tung quần áo trong cái tủ riêng, lại thấy cả bố tôi và bà mẹ già cũng đứng đó, rồi tất cả cùng ngồi quây lại quanh cái bàn ăn, vẻ mặt căng thẳng giận dữ. Chỉ có bà mẹ già là vẫn giữ được nụ cười nửa miệng nhưng lạnh lẽo hơn mọi ngày. Rồi nghe bố tôi gọi sẵng: “Khoa, mày lại đây!” Chuyện gì xảy ra thế? Tôi bước lại mà chân tay đã run rẩy, tự cảm thấy da mặt mình có lạnh đi, có tái đi. “Ngồi xuống kia!”, bố tôi hất hàm, chỉ vào một cái ghế tận đầu bàn. Tôi khép nép ngồi xuống, ngơ ngác nhìn ông bố, vẫn chưa hiểu có chuyện gì xảy ra, nhưng chắc là chuyện không hay rồi. Muốn đuổi tôi đi chăng? Càng tốt, tôi sẽ trở về Hà Nội ngay trong ngày, dầu ngày mai phải đi xin ăn mà sống tôi cũng không ngần ngại. Bố tôi hỏi: “Mày lấy tiền của các chị phải không? Mày tiêu gì mà cần đến tiền?” Tôi đáp nhú nhí, trong giọng đã có nước mắt: “Thưa cậu, không?” Bố tôi gầm lên: “Mày không lấy thì
🙡 33 🙣
ai vào cái nhà này mà lấy!” Bà mẹ già lại cười nụ và nói bằng cái giọng nhẻ nhót, rành rẽ: “Con muốn tiêu gì cứ xin cậu mợ, cậu mợ sẽ cho. Anh chị con không thiếu thì con cũng không thiếu. Hay là đẻ con có việc cần tiền?” Bố tôi vẫn quát tháo rầm rầm: “Tôi có để cho mấy mẹ con nó thiếu thốn bao giờ. Mà dù có thiếu, có đói cũng không được phép đi ăn cắp!” Tôi chắp tay nhìn bố tôi, van vỉ: “Thưa cậu, con chưa bao giờ đi ăn cắp!” Có thể cái nhìn của tôi lúc ấy nó thảm thương quá, nó tuyệt vọng quá, là kẻ đã cùng đường nên ông như mủi lòng, ông nghiêng mặt nói làu bàu trong miệng câu gì đó rồi đứng lên bỏ đi. Tôi lại đưa mắt nhìn sang bà mẹ già, bà chỉ cười nhạt, trong một thoáng bà nhìn lại tôi bằng cặp mắt rất lạnh lùng, rồi bà cũng đứng lên nói với các chị tôi: “Các cô này có làm gì thì làm, từ nay có tiền phải giữ cho cẩn thận”.
🙡 34 🙣
III
Bà mẹ già tôi có hai người con trai
và năm người con gái. Một anh cả, một anh út và năm bà chị giữa. Chị lớn lấy chồng từ năm 16 tuổi. Chàng rể nhà quan, một họ những quan là quan, lại là anh thợ may Tây, đã có vợ con ở quê rồi, tuổi cũng đã lớn. Cả họ đều lấy làm lạ, bàn luận xôn xao và hầu như không được một ai đồng tình. Bố tôi là con bà Ba, bà nội tôi chỉ có hai người con, một gái, một trai. Vì chuyện cưới xin lạ lùng này, chị em giận nhau. Sau này đất nước chia đôi, bác tôi ở lại Hà Nội vì các anh chị tôi đều là cán bộ kháng chiến, thành thử hai chị em không được gặp lại nhau cho tới lúc mất. Mẹ tôi thì
🙡 35 🙣
đoán chừng có thể bố tôi chơi bời nhiều, bà cả lại ham bài bạc nên phải vay mượn gì đó cái người sau này sẽ là ông con rể. Ông anh rể tôi có một cửa hàng cắt may lớn tại Hải Phòng. Sau này lại thêm một cửa hàng đóng giày da, lại một cửa hàng bán tạp phẩm cao cấp: tơ lụa và len dạ, mỹ phẩm và các đồ nữ trang bằng bạc, có cả một quầy bán bánh kẹo thượng hạng nữa. Ba cửa hàng nối liền nhau chiếm trọn một góc đường thuộc phố Paul Bert. Đại khái ông ta là người có tiền, có rất nhiều tiền, là một anh tư sản thương nghiệp cỡ trung bình vì còn có những cổ phần tại nhiều hãng kinh doanh khác. Mỗi lần ông anh rể về Nam Định chơi cả nhà nhộn nhịp như có đám giỗ. Anh kéo một chiếc ghế sa lông ra giữa nhà, ngồi co cả hai chân lên như ngồi trên ghế kỷ, hai tay đặt lên bụng, ngắm nhìn mọi người bằng con mắt ông chủ đến kiểm tra một cơ sở kinh doanh. Thấy tôi ra vào khép nép anh tỏ ý thương hại. Một bữa anh gọi tôi lại hỏi: “Em có nói được tiếng Pháp không?” Tôi trả lời: “Thưa anh, chỉ
🙡 36 🙣
chút ít.” Anh lại hỏi: “Em có nói được tiếng Anh không?” - “Thưa anh, cũng chỉ chút ít”. Anh ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Cũng chả sao, để giao dịch buôn bán chỉ học thêm vài tháng là đủ”.
Khoảng hai tháng sau, hai người chị và tôi đều ra Hải Phòng ở với ông anh rể, bố tôi cũng đi theo. Trong suốt mấy tháng ở phố hàng Nâu tôi hầu như không biết một chút gì tình hình bên ngoài. Không đi đâu hết, không có bạn bè, không có cả báo đọc. Ngày tổng tuyển cử đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập tôi cũng không được biết. Trước nhà chỉ treo có mỗi lá cờ nhỏ bằng giấy. Cũng không dám hỏi vì sao lại phải treo cờ vào đúng cái ngày ấy. Ngày qua tháng lại chỉ thấy người ngồi. Bà mẹ già ngồi ở ghế tràng kỷ gian ngoài, ngồi không. Bố tôi ngồi đọc tiểu thuyết Pháp ở cái ghế sa lông gian trong, gọi là đọc nhưng không thấy giở trang. Còn các chị tôi thì thêu thùa khâu vá những gì gì ở gian nhà trong cùng. Nếu bà mẹ già có đi đâu đó chỉ là đi xem bói. Nghe nói có ông nào
🙡 37 🙣
🙡 38 🙣
bà nào bói hay bà đều đến coi cả. Từ ngày có đi coi bói xem chừng trong nhà như vui hơn, nhất là về tối. Vì các ông thầy bà thầy đều cả quyết rằng con đường công danh của bố tôi chưa phải đã mãn. Hạ tượng xuống là để tô lại cho thêm sáng, thêm đẹp rồi lại tôn tượng lên một ngôi vị cao hơn. Tức là còn rất nhiều hy vọng, cơn loạn âm loạn dương này chẳng bao lâu cũng phải hết. Sấm đã dạy: “Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về...” Nửa năm ngồi trong bóng tối, trong im lặng của ngôi nhà thờ tổ như bị chôn sống. Lại thêm cái cảnh ngộ riêng, những nỗi niềm riêng. Nên ra được khỏi nhà là mừng rồi, còn đi đâu cũng được.
Nhưng niềm vui của tôi, những háo hức của tôi nhân có sự đổi thay không kéo dài được hai tháng. Là tại cái số kiếp không may mắn của tôi thôi chứ chẳng phải tại ai hết. Tôi bắt đầu bị lở ghẻ khắp người. Người ta bảo là bị giao nước. Đứng ở cửa hàng giày với hai bàn tay đầy mụn lở thì đo chân cho khách làm sao, viết biên lai làm sao, cầm tiền làm sao. Lại đau đớn, lại bứt rứt, mặt mũi cứ
🙡 39 🙣
nhăn nhó đến là khó chịu, đến là khó nhìn. Khách hàng tới đo giày hầu hết là người Pháp (người Pháp có một dạo như biến mất nay lại thấy xuất hiện), có cả người Trung Hoa, nhưng chắc là sĩ quan cấp cao của chính phủ Trùng Khánh, nên ăn mặc sang trọng, người cũng đẹp và chỉ nói có tiếng Anh. Tôi chỉ vừa đưa bàn tay sần sùi ra chưa kịp chạm vào chân họ, họ đã đứng vụt lên, đi lại giày rồi bước vội ra ngoài. Có một bà người Pháp vào mua hàng, hỏi tôi câu gì đó, bà ta nói nhanh, tôi lại chưa được nghe đầm nói bao giờ cứ giương mắt lên hỏi lại: “Quoi? Quoi?” (cái gì? cái gì?) Lẽ ra phải hỏi lại một cách rất là lễ phép: “Pardon?” (xin lỗi?) Cái bà đầm đó mắng tôi một trận, khiến chị bán hàng người Hoa ở gian bên cạnh phải chạy sang nhã nhặn xin lỗi giùm. Tôi không được đứng bán hàng nữa thì tôi làm gì nhỉ? Chẳng làm được cái gì cả. Là một thằng ăn bám trăm phần trăm, là một thứ của nợ của tội mà ông anh rể chỉ vì lòng thương người trong phút chốc buộc phải gánh lấy. Thoạt đầu tôi vẫn còn được ăn
🙡 40 🙣
chung với ông anh rể và các chị. Về sau chính tôi phải xin ăn lui lại với người làm vì trong người luôn luôn có mùi tanh. Suốt ngày tôi như biến mất vì đã chọn những góc tối của khu nhà rộng lớn để giấu mình. Chỉ khi đêm xuống, các gian hàng đã đóng cửa, tôi mới dám ló mặt ra lần mò vào một hộc tủ của cửa hàng giày lấy quần áo ra thay tắm. Phải tắm giặt cả giờ mới xong, người cứ cứng đơ như cá xát muối, khập khiễng bước vào chỗ nằm của mình là hai cái ghế nệm ghép lại. Từ lúc này cho tới sáng là của tôi, là cuộc sống của riêng tôi với những mộng mơ rực rỡ để bù lại những ý nghĩ đen tối của một ngày. Tôi thì thế nhưng hai bà chị của tôi như được lên thiên đường. Các tiểu thư con ông phủ ông huyện chỉ sống bằng tiền lương tháng và chút ít bổng lộc của bố thì buồn lắm. Vẫn chỉ là các cô gái phố phủ phố huyện thôi, ăn mặc như dân thành thị nhưng cung cách sinh hoạt của họ thì quê nhiều hơn tỉnh, thơ ngây, nông nổi và lãng mạn một cách não nùng. Cả hai bà chị tôi đều đẹp, một người đẹp dịu dàng,
🙡 41 🙣
một người đẹp sắc sảo, nên được ông anh rể hết sức cưng chiều. Ngay trong tuần lễ đầu các chị tôi đã phải thay hình đổi dạng cho xứng với gia thế, và xứng với cửa hàng, là một cửa hàng lớn của một thành phố lớn. Vì ông anh tôi trang điểm cho các cô em vợ không phải để họ đi dạo phố mà để bán hàng cùng với một cô người Hoa ở gian hàng bán tạp phẩm. Cô bán hàng người Hoa năm ấy cũng phải ngoài hai mươi tuổi, ăn mặc theo lối Thượng Hải, dáng người nhỏ nhắn, mềm mại, nói tiếng Anh tiếng Pháp đều thạo. Có lần cô ốm lâu, tôi phải mang tiền lương tháng đến đưa tận nhà ở phố hàng Cháo. Cả chục người sống chen chúc nhau trong một gian gác hẹp. Cô tiếp tôi cùng với bà mẹ trên cái phản nhỏ, vẻ mặt ngượng nghịu, lo lắng. Cái gia đình đông người ấy chỉ có một người đi làm là cô con gái lớn. Nghe ông anh tôi nói cô đã bị chớm lao, mà bệnh lao là dễ lây lắm. Nói thế tức là ông chủ đã muốn đuổi người làm rồi. Cô ta không được đi làm thì ai sẽ nuôi một bầy em nhỏ. Cũng nhiều kiếp người đến tội nghiệp!
🙡 42 🙣
*
* *
Tôi phải sống lẩn tránh, nhưng chỉ lẩn tránh những người thân của mình đang sống trên tầng gác, chứ vẫn thường ngày ngồi trò chuyện, thở than với anh em thợ đóng giày ở gian nhà trong. Mà họ thì có nhiều chuyện lắm. Chuyện gia cảnh, chuyện thời thế và cả chuyện của ông bà chủ nữa, vì họ biết tôi chỉ là thằng em hờ. Chuyện nhà chủ chả cần phải nghe anh em nói tôi cũng biết, vì chính mắt tôi nhìn thấy, tai tôi nghe thấy, toàn những chuyện buồn, hết sức buồn. Ông bố ở quê lên thăm con trai có một lần, ở lại có một buổi, nhưng trong cái buổi ấy đứa con đã lấy súng trong tủ sắt dọa bắn bố, còn ông bố thì phanh áo, nói bình thản: “Anh cứ bắn, vợ con anh ở nhà quê anh còn không thương thì thương gì cái thằng bố già này”. Ông già chít khăn, mặc áo dài trắng, quần chúc bâu trắng, đi dép Gia Định, cắp ô, thong thả bước xuống cầu thang, lững thững qua gian hàng bán tạp phẩm, dừng lại nhìn các bà chị sang trọng
🙡 43 🙣
của tôi một cách khinh bỉ, không nói một lời nào, đi thẳng. Còn bà chị ruột của ông anh rể thì lên chơi nhiều lần, mỗi lần ở lại một vài ngày, nói năng mạch lạc, rành rẽ như bà mẹ già của tôi. Có bữa tôi lên gác để lấy một cái gì đó, chợt nghe tiếng bà chị nói với ông em ở phòng bên: “Cậu đã giàu mà còn muốn sang chứ gì, lấy con quan là sang lắm. Nhưng quan đã bị cách thì cậu phải nuôi báo cô cả lũ. Nuôi suốt đời. Cái tiếng đã không có, cái miếng cũng chẳng còn”. Các chị tôi, xét cho cùng, cũng tội nghiệp. Xinh đẹp là thế, quí phái là thế, nhưng phù du biết bao, kỳ thực chỉ là một lũ ăn bám, như cách nhận xét của gia đình ông anh rể. Mà đã ăn bám thì hẳn phải bị khinh rồi. Cái thân tôi thì họ khinh ra mặt. Còn những người thơm tho kia thì họ khinh trong lòng.
Cái thế giới bên ngoài đối với tôi cũng không còn bị ngăn cách như mấy tháng ở phố hàng Nâu. Các ông thợ giày là báo hàng ngày của tôi, tin thực hay hư nào tôi có biết, nhưng cái thời thế qua nửa năm đã khó hiểu
🙡 44 🙣
thêm nhiều lắm. Sẽ hòa hay chiến? Là độc lập hay lại rơi vào vòng nô lệ? Tôi đến Hải Phòng chưa được một tháng thì có tin tàu chiến của Pháp đã đậu ở ngoài khơi, sắp tiến vào đổ quân lên đất Cảng. Nghe nói là bọn chúng đến để thay quân Tưởng theo một hiệp định mới được ký kết ở Trùng Khánh. Lại có người nói quân Tưởng sẽ không rút vì Đồng Minh đã cho phép họ ở lại Bắc Đông Dương vô thời hạn. Có vậy các đảng thân Tàu là Việt quốc với Việt cách mới có chân trong chính phủ, trong quốc hội. Sáng ngày 6 tháng 3, tôi còn nhớ cái ngày đó vì mấy anh thợ giày có nhà ở ngoại ô đến làm rất muộn, bảo rằng phải len lỏi qua rất nhiều vật chướng ngại vì chiến tranh sắp sửa nổ ra. Khoảng chín giờ sáng nghe có nhiều tiếng súng nổ nhưng cũng còn xa ở phía sông Cấm. Tiếng nổ mau dần, rõ dần rồi bất thần dồn dập, chát chúa như đã ngay ở đầu phố cùng với một cột khói đen ùn lên và tỏa rộng rất nhanh ở phía Cảng. Một anh thợ đứng sau tôi kêu to: “Kho đạn của thằng Tưởng cháy rồi! Pháp Tàu choảng
🙡 45 🙣
nhau rồi!” Hai anh cùng là Đồng Minh đánh lẫn nhau! Cái năm dân mình chết đói chẳng thấy có thằng Đồng Minh đếch nào ló mặt tới, bây giờ sao mà nhiều bạn nhiều bè đến thăm thế! Đó là lời bình luận của anh Mễ, là người bạn và cũng là người anh của tôi suốt mấy tháng tôi sống ở Hải Phòng. Ông anh rể tôi còn mặc nguyên bộ đồ ngủ chạy từ trên gác xuống hò hét chúng tôi đóng cửa hàng, rồi anh quay lại hỏi chị nấu bếp: “Gạo trong nhà còn bao nhiêu?” - “Dạ, thưa ông đủ ạ”. Anh tôi hét: “Đủ là bao nhiêu?” “Dạ, thưa ông đủ ăn vài ngày rồi người ta lại đưa gạo tới”. Anh tôi giậm chân đập tay: “Quân ngu, một lũ ngu, tôi đã nói với các người thời loạn này là phải trữ gạo. Gạo nuôi sống người chứ nuốt vàng mà sống được hả? Ngu!” Rồi anh lại chạy vọt lên gác, một lúc sau gọi cả vợ lên. Anh Mễ nháy mắt với tôi: “Thời này mấy ông nhà giàu cũng lắm cái phải lo. Có tiền đã chắc giữ được mà mua gạo”. Anh Mễ quê Kiến An, ra Hải Phòng ở với ông chủ làm nghề lợp mũ, đóng giày. Anh đã 27 tuổi mà chưa vợ con
🙡 46 🙣
gì, vì phải gởi tiền về nuôi một lũ em. Cũng nhờ sự chịu khó của anh và tay nghề giỏi mà cứu được cả nhà qua vụ đói năm vừa rồi. Cho đến hôm nay tôi còn nhớ rõ cái dáng đi lênh khênh hơi nhún nhảy của anh, cẳng chân cẳng tay dài và đen, tóc húi ngắn, gò má cao, mắt sâu màu nâu đục, và nụ cười trắng toát. Khi tôi về ở nhà ông anh thì anh Mễ đã làm ở cửa hiệu giày được hai năm. Anh là người cũ của cái nhà này. Thoạt mới quen, anh gọi tôi là cậu vì tôi là em vợ ông chủ. Về sau cái thằng em vợ ấy không khác gì đứa ở, còn tệ hơn cả đứa ở nên anh thương tôi lắm, gọi tôi là em xưng anh, nhưng cũng chỉ những lúc có riêng hai anh em thôi.
Nhiều lần tôi thấy ông anh rể tôi thức rất khuya để được tự ra mở cửa đón một người khách hoặc một nhóm người khách nào đó. Khách là sĩ quan Tàu có phiên dịch. Họ kéo nhau vào một phòng khách nhỏ phía trong gian hàng bán tạp phẩm trò chuyện cả giờ mới ra. Sở dĩ tôi biết vì tôi phải ngủ ở gian hàng bán giày để trông nom luôn cả ba gian
🙡 47 🙣
hàng trong đêm. Thấy cách đi đến của những người khách bí mật như một truyện trinh thám của Phạm Cao Củng, tôi liền hỏi anh Mễ, nghĩ rằng anh cũng sẽ tò mò như tôi vì anh không ở lại đêm bao giờ, nào ngờ anh nghe rất dửng dưng, rồi bảo: “Họ mua bán với nhau đấy” - “Mua bán gì mà lại chỉ đến vào đêm?” - “Mua súng, bán súng”. Nghe anh Mễ nói tôi mới biết là mấy cửa hàng sang trọng này chẳng ăn nhằm gì trong doanh thu hàng ngày của anh rể tôi. Ngày trước anh buôn kim cương và ngọc, bây giờ anh buôn súng, mua súng của Tàu bằng vàng, các đồ nữ trang bằng bạc, các đồ khảm rồi bán lại cho chính phủ, tất nhiên là lấy vàng. Tôi lại hỏi: “Chính phủ nào? Việt Minh phải không?” Anh cau mặt, nói gắt: “Nước mình đã có một chính phủ sao em không gọi là chính phủ lại gọi là Việt Minh. Bây giờ chỉ có bọn họ mới gọi đằng mình là Việt Minh.” Bọn họ chắc là mấy ông anh bà chị tôi, cả họ hàng hang hốc nhà tôi, chắc vậy. Nhưng phải trừ tôi ra. Vì tôi cũng là một thứ Việt Minh trẻ con lúc
🙡 48 🙣
cách mạng mới bắt đầu. Để chứng minh với anh Mễ rằng tôi không giống một ai trong gia đình, tôi liền rủ rỉ kể, mỗi ngày một ít, rằng tôi do tình cờ đã được tham dự vào cuộc mít tinh chiều ngày 17 tháng 8 tại Nhà hát lớn. Bữa đó là cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức để đốt các bằng sắc chứng chỉ của Pháp, bày tỏ lòng trung thành với chính phủ Trần Trọng Kim. Được nửa chừng thì một bà đeo kính râm bước lên, sau này tôi được biết là bà Diệu Hồng, hô hào cách mạng, và một lá cờ đỏ sao vàng rộng lắm, dài lắm, buông từ trên bao lơn xuống chiếm đến một phần ba bề mặt của nhà hát. Lại có một anh nào đó thổi kèn ác-mô-ni-ca bài Diệt Phát xít, rồi bài Tiến Quân Ca, phía dưới đã có rất nhiều người hát theo. Phút chốc trong hàng ngũ những người đi mít tinh xuất hiện đến là lắm cờ đỏ sao vàng, nhỏ thôi, bằng giấy bóng, đỏ rực cả một biển người. Đấy, ngày đầu tiên của Việt Minh, à quên, của cách mạng, là em cũng đã có mặt. Tay anh Mễ vẫn giữ chặt cái cốt giày kẹp trong gối khâu một đường lượn ở mũi,
🙡 49 🙣
🙡 50 🙣
miệng mủm mỉm cười, nói khẽ: “Thế là em hơn anh rồi. Hôm ấy anh vẫn ngồi đây khâu nốt một chiếc giày để kịp ngày hôm sau khách lấy”. Lại một bữa khác tôi khoe với anh là chính tôi cũng đã được dự ngày Độc Lập tại Ba Đình. Anh hỏi: “Có được nhìn rõ Cụ Hồ không?” Tôi nói: “Em ở xa quá, không nhìn thấy gì, chỉ nghe được Bác nói qua máy phóng thanh. Bác đọc được một đoạn rồi hỏi: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?” Anh Mễ bảo: “Cụ nói thân mật quá nhỉ, như người cha trò chuyện với các con”.
Sau ngày Tàu Pháp nổ súng được ít hôm, vào một buổi tối có hai chiếc xe hơi màu đen đỗ trước cửa hàng và từ trên xe đổ xuống một đám người tươi trẻ, rực rỡ. Anh chị tôi chạy ra đón và đưa họ lên gác. Trên đó đã bày sẵn một bữa ăn tối rất thịnh soạn. Đám khách này từ Hà Nội xuống và có báo trước ngày giờ tới. Nghe họ xưng hô với nhau thì như có họ hàng với chúng tôi, cũng là con ông cháu cha cả. Ngày ấy tôi còn khỏe mạnh nên vẫn sống chung với những người trong
🙡 51 🙣
gia đình. Nhưng không nghe ai giới thiệu tôi với những người khách mới tới. Cũng không được gọi ngồi vào bàn ăn nữa. Tôi biết cái phận của mình vội lánh sang buồng bên cạnh ngồi chơi với chị vú cùng với đứa con trai thứ hai của ông anh mới được một tuổi. Chủ khách rót rượu mời nhau, thăm hỏi chuyện này chuyện kia, có một anh nào đó khen hai chị tôi càng lớn càng đẹp, có điều số phận người đẹp trong thời loạn thường không được may mắn lắm. Vì nhân nói tới thời loạn nên họ quay sang bàn chuyện quốc sự một cách tự nhiên và thông thạo như người trong cuộc vậy. Một anh nói, anh này có giọng nói rất trẻ, rất trí thức:
- Mình xuất quân chậm thành thử mọi nước cờ đều sai cả. Nhưng bọn họ cũng chẳng được gì. Đã phải nhận là một quốc gia tự trị trong khối Liên hiệp Pháp thì cũng nhục quá.
Ông anh rể tôi:
- Cụ Hồ ký trước, ông Vũ Hồng Khanh ký sau, có chủ trương mới hả?
🙡 52 🙣
Người có giọng nói trẻ.
- Lẽ ra ông Nguyễn Tường Tam phải ký, nhưng ông lánh mặt, còn ông Khanh là ở vào cái thế không thể không ký.
Ông anh rể tôi:
- Vậy còn trách gì ai!
Một chị nào đó nói xen, cách nói rất kẻ cả: - Cho mình cục đá, mình không uống sec được. Bàn chính trị ở Hà Nội không chán sao, lại còn đến đây nói chuyện chính trị? Người có giọng nói trẻ:
- Thấy họ đầu hàng thằng Pháp sớm quá nên tức.
Bà chị kia:
- Các cậu có tin là quân của thằng Lư Hán chịu rút không?
- Còn lâu mới rút. Sẽ không bao giờ họ rút. Thằng Pháp có thế lực gì mà dám phản đối. Lại một người nói:
- Ông Nguyễn (Nguyễn Hải Thần) nói tiếng Việt quá tệ. Làm chính khách có tiếng mẹ đẻ nói cũng không sõi.
🙡 53 🙣
Bà chị có giọng kẻ cả:
- Thế nào ông chủ, ông ủng hộ ai, ủng hộ cụ Hồ, ủng hộ ông Lư Hán hay ông Sainteny?
Ông anh rể tôi cười xòa:
- Tôi ủng hộ cả ba ông. Một ông làm chủ thì khó thở, nhưng cả ba ông đều làm chủ thì mình tự do hơn nhiều. Họ còn mắc gài chân nhau.
Vẫn bà chị vừa hỏi:
- Dạo này buôn súng phải không? Ông anh rể:
- Nghe tin đâu mà nhanh thế?
Bà chị:
- Cậu tiếp tay cho cộng sản thản nhiên nhỉ! Ông anh rể:
- Tôi chỉ biết có bàn tay đưa tiền, còn nó là đỏ, là vàng hay trắng tôi đều không để ý.
Người có giọng nói trẻ:
- Miệng lưỡi con buôn rồi!
Giọng ông anh rể trở nên gay gắt, hỗn xược:
🙡 54 🙣
- Nén bạc đâm toạc tờ giấy. Các anh chị làm chính trị cũng là vì đồng tiền, đúng thế chứ? Các quan phụ mẫu áo gấm bài ngà bám đít thằng Tây cũng là vì tiền. Tôi đi buôn cũng là vì tiền. Có điều các ông thì giấu như mèo giấu cứt ấy, còn tôi thì thích nói trắng ra.
Sáng hôm sau tôi kể cho anh Mễ nghe câu chuyện chẳng lấy gì làm vui trong bàn tiệc, anh Mễ cứ cười mãi: “Họ ăn nói với nhau cũng thẳng thắn nhỉ. Mấy ông bà ở Hà Nội xuống đều là cánh Việt Quốc cả đấy” - “Sao anh biết ?” - “Họ là con cái quan lại nhưng ghét Pháp và ghét cả Việt Minh là bọn Việt Quốc chứ còn gì”. Rồi anh giải thích cho tôi nghe cái tài cái giỏi của Cụ Hồ đã ký được hiệp định sơ bộ với Pháp. Anh nói rất ngắn gọn và dễ hiểu, đại khái là có hai cái hay. Cái hay thứ nhất là Pháp phải công nhận mình đã có một chính phủ, là chính phủ Việt Nam ký với người đại diện của chính phủ Pháp, có phải không? Cái hay thứ hai là chỉ bằng một chữ ký Cụ đã đuổi được hai chục vạn quân Tưởng ra khỏi bờ cõi. Nước nó gần,
🙡 55 🙣
lại đông dân và rất nghèo. Nó mà ở lì thì dân mình chết hết.
Mấy tháng sau tôi bị bệnh, không dám tiếp xúc với ai thì anh Mễ là hi vọng, là niềm vui duy nhất của tôi trong mỗi ngày. Anh mua thuốc có diêm sinh để tôi thoa lên các vết lở nhưng không hợp, càng thoa vết lở càng tấy sưng, càng lan rộng. Về sau mỗi lần tới làm anh đều mang cho tôi một bó lá nhể gai dặn tôi nấu kỹ đem tắm mỗi tối. Nhưng cũng không đỡ. Anh xem xét các vết lở, nói nhỏ: “Em thử nói với ông anh cho đi khám đốc tờ xem, bệnh này phải tiêm mới khỏi”. Tôi cũng nói với anh tôi như thế, nhưng anh tôi bảo: “Cậu bị phá nước, ít lâu quen nước khắc sẽ khỏi chứ thuốc men gì.”
Tôi đã trải qua một lần khủng khiếp ở phố hàng Nâu. Nhưng còn phải trải thêm một lần nữa tại nhà ông anh rể mới dứt được nghiệp. Một buổi sáng, vẫn là một buổi sáng, anh gọi tôi vào căn phòng riêng mà mỗi tối anh tiếp những người khách lạ. Anh chỉ tôi ngồi vào cái ghế bọc nhung đỏ, nhưng người tôi bẩn
🙡 56 🙣
quá lại tanh nữa, quần áo cứng đơ vì mủ máu thấm ra và đã khô lại trong đêm. Tôi không dám ngồi, anh phải bảo hai ba lần mới dám ghé đít ngồi mớm vào mép ghế. Anh hỏi tôi nhẹ nhàng: “Em có người quen hay họ hàng gì ở Phòng không?” Tôi trả lời: “Thưa anh không, họ hàng bên đẻ em đều ở Hà Nội và Hưng Yên” - “Đêm qua có trộm vào gian hàng tạp phẩm em có biết không?” - “Thưa anh, em chỉ ngủ được một lúc vào khoảng một hai giờ sáng, vì các vết lở cương lên rất đau”. Anh lại hỏi, giọng đã cứng và gắt: “Thế tại sao lại mất một cúppông len?” Tôi đã run lắm: “Thưa anh, em không được biết”- “Hoặc là em đã lấy, hoặc là chị bếp hay chị vú lấy. Chị vú thì nằm cả đêm với cháu trên gác. Còn chị bếp thì ngủ trong buồng kho, chị ấy đã làm cho nhà này nhiều năm rồi”. Tôi nói mếu máo: “Thưa anh, em không dám lấy, em sống như thế này cũng đã khổ lắm.” Anh ngồi im lặng một lát rồi mở ngăn kéo cầm một xấp bạc một trăm, rút ra một tờ, đưa cho tôi, bảo: “Em cầm một trăm rồi sáng mai về Hà Nội cho đẻ em
🙡 57 🙣
chăm sóc thuốc thang cho. Ở đây không có ai trông nom cũng khổ. Bao giờ khỏe viết thư cho anh, anh sẽ gọi ra”. Anh vươn người qua bàn nhét tờ giấy bạc vào túi áo tôi. Tôi nói nhú nhí: “Em xin cám ơn anh chị, sáng sớm mai em xin đi”. Anh dặn “Cứ nằm nghỉ nhé, sáng sớm mai chị bếp sẽ mở cửa sau cho em ra. Phải đi sớm cho khỏi lỡ tàu.” Tôi ra đến cửa anh còn dặn thêm: “Không phải lên chào các chị nữa, các chị biết cả rồi.”
Vậy là xong. Phải ba mươi năm sau tôi mới gặp lại những người ruột thịt. Nhưng sẽ không bao giờ được gặp lại anh chị tôi ở Hải Phòng. Ông anh rể tôi mất năm 1970 bên Campuchia. Còn bà chị tôi và các con thì sống ở Pháp đã nhiều năm.
🙡 58 🙣
IV
Tôi trở lại Hà Nội vào trưa ngày 3
tháng 6 năm 46 sau trên nửa năm xa cách. Đường phố Hà Nội vẫn như xưa, nhưng trật tự hơn, thưa vắng hơn, chứ không nhốn nháo, ồn ào như thời mới cách mạng. Các công sở đều treo cờ đỏ sao vàng, trước cổng vào là những anh tự vệ mặc quần áo nâu hoặc vàng, đội mũ calô đính sao vuông, cầm súng có cắm lê đứng gác. Có nhiều tốp Vệ quốc đoàn đi lại ngoài đường đều mang theo súng. Lính Tàu vẫn còn, vẻ mặt thản nhiên. Lính Pháp xuất hiện nhiều, cả da trắng và da đen có khi cùng đứng gác với bộ đội mình trước nhiều tòa nhà. Gia đình tôi không còn ở nơi
🙡 59 🙣
cũ mà dọn về ở nhờ một gian nhà ông em họ của bố tôi, gần khu nghĩa địa Tây. Mẹ và em tôi đi vắng, nghe các em con ông chú nói thì bà mới có một gian hàng bán đồ khô ở chợ Hôm. Em tôi bỏ học đi theo mẹ, ăn cơm trưa tại chợ, tối mịt mới dọn hàng về. Nhìn lại đồ đạc chỉ còn một cái giường và cái tủ nhỏ. Mọi thứ quen thuộc với tôi từ ngày nhỏ đều không còn. Sách vở của tôi gom góp trong nhiều năm cũng không còn, chắc là bán hết dồn tiền làm vốn. Trên giường có một tờ báo Cứu Quốc ra ngày 1 tháng 6, báo tin Hồ Chủ tịch đã lên đường sang thăm nước Pháp vào sáng ngày 31 tháng 5. Cùng đi với Bác còn có phái đoàn của chính phủ ta sang thương thuyết với chính phủ Pháp tại Paris. Phái đoàn gồm nhiều người. Tôi chỉ nhớ trưởng đoàn là ông Phạm Văn Đồng, trong đoàn có ông Hoàng Minh Giám, ông Nguyễn Văn Huyên, ông Tạ Quang Bửu... Cùng đi trong chuyến máy bay này có cả tướng Salan được Cao ủy Pháp chỉ định theo Cụ Chủ tịch suốt cuộc hành trình. Tôi thầm nghĩ: Thế là Pháp phải công nhận
🙡 60 🙣
mình là một nước độc lập rồi. Chưa phải là nước đã độc lập thì nó mời mình sang thăm làm gì. Lại nghĩ tới lời giảng giải của anh Mễ về hiệp định sơ bộ. Trước ngày rời Hải Phòng tôi không gặp được anh Mễ. Dạo này anh nghỉ làm luôn, nghe nói mẹ anh ốm. Nhưng có người ở cùng phố với anh lại bảo tôi: “Chắc là nó bận gì đó chứ tôi có thấy nó về quê đâu.” Bữa ông anh rể gọi tôi vào cái buồng nhỏ để báo tin là tôi phải về Hà Nội, anh Mễ cũng không tới. Tôi muốn gặp lại anh để thở than, để khóc lóc và chào anh. Địa chỉ của anh tôi không có, địa chỉ của tôi ở Hà Nội anh cũng không có. Rồi đây anh em sẽ gặp lại nhau bằng cách nào, chỉ bằng tình cờ thôi. Cái sự tình cờ mong đợi ấy đã hơn bốn mươi năm qua chưa thấy xuất hiện. Bây giờ viết lại mấy dòng này may ra con anh, cháu anh đọc được mà hỏi ra tôi chăng?
Tôi ngủ thiếp đi lúc nào cũng không hay, chắc là phải ngủ đã lâu lắm. Như có tiếng ai khóc nho nhỏ đâu đây trong cái mê mệt của người ốm nặng, tôi liền mở choàng mắt nhìn
🙡 61 🙣
ngơ ngác xung quanh với một thoáng hoảng sợ: tôi đang nằm ở đâu thế nhỉ? Mẹ tôi ngồi ở cuối giường, võ vàng, gầy guộc, nhìn tôi nước mắt đầm đìa. Thằng em tôi ngồi trên cái ghế đẩu sau lưng mẹ, hai mắt nó cũng nhìn tôi chòng chọc như nhìn một cái xác chết. Mẹ tôi mếu máo: “Mợ cho con đi đẹp đẽ, mạnh khỏe là thế, bây giờ con về tiều tụy đến thế này ư. Họ đuổi con, có phải không?” Tôi ngồi dậy, kể vắn tắt cho mẹ tôi nghe cái nông nỗi của tôi ở phố hàng Nâu và sau đó ở nhà ông anh rể. Vì trong thư gởi mẹ hàng tháng tôi chỉ viết là tôi rất khỏe, vừa giúp anh chị trông hàng vừa đi học: “Con đã lớn, đã biết nghĩ, lại có việc làm, chỉ vài năm nữa là có thể đỡ đần được mẹ và em...”. Mẹ tôi sống trong cái hy vọng ấy. Bây giờ cơ sự lại ra thế này, một đứa bệnh tật, một đứa còn nhỏ, mẹ tôi lại không tháo vát, vốn liếng ít ỏi, rồi đây lấy gì mà nuôi nhau cho qua thì đói cho khỏi thì loạn. Đêm đó ba mẹ con tôi nằm chung một giường, chật chội, tanh tưởi, vì người tôi rất tanh nhưng chúng tôi sung
🙡 62 🙣
sướng vì không phải xa nhau nữa. Sống thì cùng sống, chết thì cùng chết, mẹ tôi nói thế. Cái bệnh lở của tôi vẫn chưa khỏi hẳn, trong người còn lở nhưng hai bàn tay đã sạch sẽ, trơn tru. Nhưng thật quái ác, mẹ và em lại bị lây. Đêm đêm ba mẹ con đun một nồi nước lá to, hai anh em tôi tắm trước, mẹ tôi tắm sau, rồi tắt đèn ngồi chụm đầu trên giường rì rầm trò chuyện. Gian hàng khô ngoài chợ nuôi hai mẹ con còn khó huống chi lại nuôi thêm một người thứ ba nữa nên cứ hao hụt dần, cuối cùng phải nhượng lại cho người khác lấy vốn về mở một ngôi hàng nước kề hông nhà máy Diêm. Lúc ấy gia đình tôi đã dọn về làng Vân Hồ, thuê một gian nhà lá vừa kê đủ một cái giường, là do ông chú mách. Ông chú tôi là người tốt bụng, bà vợ kế của ông cùng với hai người con của bà trước xấp xỉ tuổi tôi đều rất tốt, rất thương mẹ con chúng tôi. Nhưng lòng thương nào cũng có giới hạn. Gia đình người ta đang sống tự do rộng rãi, bỗng dưng phải gánh một bà chị dâu hờ với hai người con, cả ba đều ghẻ lở, đều nhăn nhó và rầu
🙡 63 🙣
rĩ, chỉ nhìn cũng đủ xúi quẩy, nói gì lại đến ở ngay nhà mình những mấy tháng. Lại thêm bà cả có lời nhắn ông em chồng không nên “nối giáo cho giặc”, nên nhân đó mới mời bà chị đến ở một nơi khác cho thuận cả đôi bên. Trước ngày rời nhà ông bố tôi có đến thăm ba mẹ con, vào một buổi chiều. Chỉ có mẹ tôi nói còn ông ngồi nín lặng. Rồi ông đưa mắt nhìn tôi, hỏi dửng dưng: “Nó có đỡ không?” Tôi trả lời: “Thưa cậu, cũng đã đỡ”. Trước khi về ông cũng có nói lúng búng một đôi lời, là do cái hoàn cảnh gì đó, là do tôi hư thân mất nết gì đó, là do mẹ tôi quen sống ỷ dựa gì đó. Rồi ông đứng lên ra về. Tôi ngước mắt nhìn lên chỉ kịp thấy một mớ tóc còn đen nhánh và cái lưng rất thẳng lướt qua vuông sân nhỏ rồi mất hút. Mẹ tôi vẫn ngồi quay mặt nhìn về phía tôi, hai mắt bà như khô lại, rực sáng. Tôi hỏi mẹ: “Cậu có cho tiền không?” - “Còn gì nữa mà cho, chắc cũng túng thiếu lắm”. Hai mươi chín năm sau tôi mới được gặp lại bố tôi tại thành phố Sài Gòn vừa được giải phóng. Tóc ông đã bạc trắng, đi lại yếu ớt, vừa
🙡 64 🙣
giận lại vừa thương, thương nhiều hơn giận. Bố tôi cười nói thản nhiên: “Lúc ấy là do cái hoàn cảnh...” Tôi cũng cười: “Cậu chả nên để ý cái chuyện đã qua làm gì. Còn được gặp cậu là con mừng rồi”. Mẹ già tôi ngồi cạnh, nói theo: “Mấy ngày này ông ấy cứ ôm khư khư lấy cái radio, vẫn tin là anh còn sống”. Rồi bà hỏi: “Mợ con có được khỏe không?” Tôi đáp lại lễ phép: “Thưa mợ, đẻ con vẫn còn khỏe”.
*
* *
Gian nhà mẹ tôi thuê ở Vân Hồ nằm trong một khu đất rộng, có nhiều gian nhà lá bám lúp xúp xung quanh một ngôi nhà gạch, thềm cao, xây theo kiểu mới nhưng đã cũ nát. Ông chủ ngôi nhà và cái xóm nhỏ đó làm nghề lái xe, có một cái xe chở khách chạy đường Hà Nội - Hải phòng. Cô em ruột đã hăm mấy tuổi vẫn chưa lấy chồng, người mập mạp, ăn nói dịu dàng, nhã nhặn, có gánh hàng bún riêu bán rong. Bán bún riêu mà ăn mặc đến là lịch sự, áo vải rồng thắt vạt, quần lĩnh, khăn nhung,
🙡 65 🙣
một ngón tay lại đeo nhẫn vàng. Cô ra hàng vào lúc chiều, trước hết là bán cho người trong xóm rồi mới gánh lên phố, lên đèn một chút đã trở về. Gánh hàng rất nặng, nào bếp lò, nào than củi, một nồi riêu to, một thúng bún to mà dáng đi vẫn uyển chuyển nhẹ nhàng, lại thêm tiếng rao rất dịu: “Ai bún riêu... ra” Những tiếng rao hàng ăn của Hà Nội vào lúc mờ sáng và lúc đêm xuống, người giọng gắt, người giọng khàn, có giọng lại lảnh lót như hát là những cung bậc không có cách gì quên được của một giọng Hà Nội thời thơ ấu. Xế với gian nhà của tôi là gia đình cô Tý, vợ bán chuối, còn chồng làm nghề gì đó tôi không rõ, sáng đi tối về, nửa say nửa tỉnh, ngày nào cũng cho anh em tôi một chút quà rồi bắc chõng ra sân nằm hát, hát ta chán lại hát tây. Cô vợ bụng chửa vượt mặt, sáng sớm đã gánh hai sảo chuối ra ngồi ở chợ Đuổi, tối mịt mới về lại lăn vào cơm nước hầu chồng, mà vẫn cười đùa, hàm răng nhuộm không kỹ nửa đen nửa trắng, như một người luôn luôn mãn nguyện. Kề sát vách là gian nhà ông thợ may ở với bà mẹ,
🙡 66 🙣
là thợ may tây hẳn hoi, có bằng sơ học Pháp Việt, nhận hàng về may một nửa ngày, còn một nửa ngày nằm đọc sách báo, am hiểu tình hình thời sự, thích trò chuyện với ông chủ nhà để có dịp được tranh cãi. Bà mẹ cao lớn, khỏe mạnh, người ở Trũ mãi trên Bắc Giang, có tính lười, hay uống rượu. Đêm nào bà cụ uống say thì mấy mẹ con tôi hết ngủ. Đầu dãy phía bên kia ngôi nhà gạch là túp nhà của ba bố con ông bán bánh mì. Hai người con trai anh lớn hai mươi, anh nhỏ mười tám, một bữa thổi ăn hai cân gạo còn kêu chưa được lưng bụng. Làm ít ăn nhiều, nay mai lại vợ con thì đến bao giờ mới mở mày mở mặt được, tôi nghĩ bụng thế. Về ở Vân Hồ được một tháng thì mẹ tôi bị bệnh đi ngoài, đi như tháo, một ngày vài chục lượt, chân tay lạnh ngắt, mặt đã trắng ra như sắp sửa bỏ anh em tôi mà đi. Ông thợ may hàng xóm nghe chúng tôi khóc tập tễnh chạy sang, vì chân ông bị thọt, vạch mắt mẹ tôi xem qua, rồi lại chạy tập tễnh ra xóm ngoài, được một lát đã thấy ông về vừa thở vừa bắt mẹ tôi nuốt một viên gì đó chỉ
🙡 67 🙣
nhỏ bằng hạt đỗ xanh, màu đen, bảo là sái thuốc phiện trị bệnh đi tả rất hiệu nghiệm. Quả nhiên lượt đi thưa dần, rồi cầm hẳn. Đến tối mẹ tôi đã ngồi dậy ăn được lưng cháo do bà mẹ ông thợ may nấu đưa sang. Mẹ tôi khỏi bệnh nhưng cứ yếu dần không ra ngồi hàng nước được. Em tôi cũng ốm vì lây bệnh lở của tôi, mếu máo khóc vì đau từ sáng đến tối. Mà tiền thì cứ hết dần. Mẹ tôi tính nếu trời không thương bắt phải chết thì sẽ chết cả ba mẹ con, sống khổ đến thế cũng chẳng nên sống. “Mợ thì đần độn, mẹ tôi vừa khóc vừa nói, các con còn nhỏ, học hành chẳng ra đâu vào đâu, tiền không có, họ hàng lúc này cũng chẳng nhờ vả ai được. Còn sống được ngày nào cứ sống, bao giờ không còn gì để sống nữa thì mẹ con sẽ thuê xe ra sông Cái, buộc dây vào tay nhau rồi cùng nhảy”. Tôi thở dài nhẹ nhõm. Thì ra cái khổ cũng có giới hạn của nó, khổ quá người ta có thể chết, mà đã chết thì hết cả mọi chuyện, hết lo, hết sợ, hết nhục, hết đói. Đêm đó tôi ngủ rất say, chả phải lo nghĩ gì thêm vì chúng tôi còn có thể
🙡 68 🙣
chết. Ai cấm được mình chết. Muốn chết lúc nào mà chả được. Nhắm mắt nhảy liều một cái, thế là xong. Chỉ sợ hãi chừng dăm bảy phút. Thằng em tôi không được cùng bàn, chả hiểu sao nó lại biết. Nó sợ lắm. Nó nói với tôi là nó sẽ không theo mẹ, theo anh cùng chết. Nó sẽ sống một mình. Sống một mình còn hơn là chết. Tôi hỏi: ‘Ai nuôi mày mà mày sống được?” Nó trả lời: “Em đi ăn xin, độ vài năm lớn lên thế nào chả có việc làm.” Nó kém tôi năm tuổi, năm ấy nó đã mười một. Nói thế chứ tôi cũng sợ, sợ lén lút thôi, và tôi đã xin với ông già có hai anh con trai lớn bán bánh mì cho tôi được cùng đi theo bán bánh. Mẹ tôi cũng bằng lòng, bao giờ hết cách mới nghĩ đến cái chết, chứ còn cách thì vẫn nên cố. Vả lại tôi cũng đã khỏe. Người khỏe mạnh mà ngồi đợi chết thì hèn quá. Đồ nghề của anh bán bánh mì thời ấy là một cái thùng nhỏ bằng mây đan, có quai đeo qua vai, xếp được vài chục cái bánh ủ trong một lần bao tải. Từ mờ sáng tôi đã theo mấy anh hàng xóm lên phố Huế đến lò bánh mì Gia Long
🙡 69 🙣
🙡 70 🙣
lấy hàng. Bữa đầu tôi chỉ dám nhận vài chục cái vì chưa quen khách. Thoạt đầu cũng ngượng ngịu, đang là anh học sinh bỗng chốc rơi xuống thành thằng bán bánh mì lỡ gặp bạn cũ mới khó ăn nói. Tôi đội cái mũ cát trắng kéo sụp xuống tận mắt, lùi lũi đi dọc phố Huế lên tận bờ Hồ, đứng thơ thẩn quanh đó một lúc đã bán được mười cái bánh. Rồi lại lộn về vẫn theo đường cũ, dừng lại mỗi nơi một chút quá trưa thì bán hết. Ấy là tôi đã cố tình dành lại hai chiếc thật vàng, thật ngon phần mẹ và em. Ngày đó cả mấy mẹ con đều vui. Lại có thể nghĩ đến tương lại được rồi. Tương lai rất giản dị, mẹ tôi lại ra ngồi hàng nước, nhưng sẽ bán thêm xôi buổi sáng, có thể nấu một nồi riêu ngon bán buổi tối cho thợ nhà máy Diêm làm theo tầm. Tôi vẫn bán bánh mì, về được sớm sẽ phụ giúp mẹ với em. Chỉ lạy trời, đừng có ốm đau, tằn tiện vài năm khéo chừng cũng dành được một cái vốn nho nhỏ. Từ cái vốn nhỏ mình sẽ...
Trong số bà con hàng xóm ở Vân Hồ, tôi rất mến hai người: Cô Thơm em ông chủ nhà, và
🙡 71 🙣
ông Long thợ may ở giáp vách. Ông là người có học, đã lấy một lần vợ nhưng không có con, rồi người vợ bỏ đi vì bà mẹ chồng tuy không ác nghiệt nhưng hay nói, lại hay để ý vặt vãnh chuyện này chuyện nọ. Ông sẽ không lấy vợ nữa, ông nói thế, chỉ hai mẹ con sống với nhau thôi. Ông nhận hàng tại các cửa hiệu may lớn về cắt may tại nhà, bà mẹ chợ búa thổi nấu, tối tối làm cút rượu cười nói oang oang. Ông Long chỉ ngồi may buổi sáng, cả buổi chiều ông lên phố nghe ngóng tin tức, đến các sạp hoặc mua hoặc đọc nhờ, tối về đầy ắp đủ mọi chuyện trong ngày của Hà Nội, của cả nước. Cuộc cách mạng nào cũng thế, luôn luôn có những người tuyên truyền và tổ chức tự nguyện và vô danh trong đội ngũ của mình. Họ không ở một đoàn thể nào cả, không sinh hoạt trong một tổ chức nào cả, là người dân tự do, cất tiếng nói chính trực để bình xét về mọi chuyện và có ảnh hưởng không nhỏ với những người xung quanh. Ông Long là một người như thế. Người đối thoại và tranh luận của mỗi tối với ông là ông chủ nhà. Ông chủ
🙡 72 🙣
nhà tên là Bảng, cùng tuổi với ông Long, trạc 35, 36 gì đó. Ông Long thì râu ria lởm chởm, lại đen đủi, đi lại tập tễnh nên như già hơn tuổi. Ông Bảng béo tốt, trắng trẻo, gương mặt tròn trịa, tính khí dễ dãi, nông nổi. Vì ông có chút ít tài sản, một cái xe chở khách, một khu đất với ngôi nhà gạch đã cũ nát và mấy túp nhà cho thuê nên cách nhìn thời cuộc của ông có cái khắc khoải riêng. Ông ngưỡng mộ Cụ Hồ, nhưng lại sợ Mặt trận Việt Minh, ông nghe đâu đó nói rằng Cụ là người không đảng phái, còn Việt Minh là cộng sản trá hình. Mà cộng sản họ không công nhận có tư hữu tài sản. Cộng sản bên Nga là như thế.
Ông Long trừng mắt, hỏi:
- Ông đã sang nước Nga bao giờ mà biết? Ông Bảng đáp:
- Tôi nghe những người đã từng ở Nga về nói thế.
Ông Long:
- Nước này chỉ có người đi Tây đi Tàu về,
🙡 73 🙣
chứ đã có mấy người đi Nga. Ông lại nghe mấy thằng Việt quốc nó nói nhảm rồi.
Mỗi người đều triệt để tin vào niềm tin của mình, không ai chịu nhượng bộ ai, rồi cả hai cùng to tiếng, mặt đỏ bừng bừng chỉ trỏ vào nhau mà nói là: “tay sai của Việt quốc”, “ăn lương tháng của Việt Minh” như hai thằng trẻ con quá lớn. Tưởng rằng họ phải giận nhau cả đời vì những lời lẽ đã mất hết chừng mực, nào ngờ chỉ chiều hôm sau đã thấy ông chủ nhà cởi trần, mặc quần soọc xanh, bụng vú thỗn thện đứng ở thềm hè réo gọi ông thuê nhà: “Ông thọt ơi! Tối rảnh lên uống nước nhá!”. Ông Long tập tễnh bước ra, cau mặt gắt: “Có chuyện gì?” Ông chủ nhà cười toe toét: “Mình vừa ở dưới Phòng lên, có nhiều chuyện lạ lắm” - “Vậy hả, lát nữa tôi lên.”
Lúc này đã vào tháng 8. Năm ngoái vào dịp này nước lên rất to, nhiều khúc đê bị vỡ, các anh thanh niên chạy rầm rập suốt đêm ngoài đường bảo rằng đi hộ đê. Năm nay xem chừng nước nôi êm ả. Chỗ nào cũng xôn xao chuyện Cụ Hồ đi Pháp quá lâu, đi từ tháng
🙡 74 🙣
6, nay đã là tháng 8 mà vẫn chưa có kết quả gì. Ông Long theo dõi chuyến đi của Bác hết sức chăm chú. Ông lo âu, hy vọng từng ngày qua tin tức trên báo chí và qua cả những lời đồn ông nghe được ở đâu đó nữa. Rồi ông phán đoán, ông bình luận, tranh cãi với tất cả những ai dám nghĩ ngược, nói ngược. Ở xóm tôi chỉ có ông Bảng là còn dám tranh cãi với ông đôi điều, tuy không đọc báo, chưa bao giờ tôi nhìn thấy tay ông cầm tờ báo, nhưng ông đi nhiều, nghe đủ mọi chuyện trên xe dưới bến. Những người khác chỉ biết nghe và lấy làm phải tất cả những gì “ông trí thức của xóm” đã nói, vì họ có được biết gì khác hơn đâu.
Lúc này cuộc sống gia đình tôi tạm gọi là dễ chịu. Mỗi sáng tôi lấy tới năm chục cái bánh, chạy thấp thoáng chỉ mới nửa buổi đã về nhà. Về sau tôi phải đổ bánh vào cái bao tải vắt lên vai mới đủ bánh bán cho những nhà đặt trước. Dầu là vậy mẹ con tôi vẫn chỉ ăn ngày một bữa, vào buổi trưa. Mẹ tôi thường nấu cơm vào cái chớp, nó giống như cái chảo nhưng sâu lòng và bằng đất, có nắp đậy,
🙡 75 🙣
thường là nấu bung nấu canh bằng chớp chứ không ai nấu cơm bao giờ. Và một nồi canh rau muống thật to. Canh rau muống nấu với chút mắm tôm đã ngọt lại thơm lừng. Tức là vẫn muốn sống, sống khổ một chút còn hơn chết. Mẹ và em đều khoẻ và vui, tôi lại kiếm đủ tiền chợ mỗi ngày, lại sẵn báo đọc, lại sẵn có người để hỏi han nên sự hiểu biết của tôi về thời thế rành mạch và chín chắn hơn trước nhiều lắm. Ông Long nói cả quyết với tôi rằng trước sau ta với Pháp cũng phải đánh nhau, dài hoặc ngắn là tùy theo lực lượng của hai bên. Thằng Pháp hiện nay cũng đã yếu lắm, nhưng mình lại còn yếu hơn nó nên còn là vất vả. Tôi hỏi nếu đã đánh nhau thì Bác Hồ còn sang thăm nước Pháp làm gì, còn cử phái đoàn sang thương thuyết với nó làm gì. Anh bảo, mình phải cố giành độc lập trong hòa bình, còn không thể có được trong hòa bình mới nói đến chiến tranh. Muốn làm chiến tranh là phải chuẩn bị, bây giờ mình đang gấp rút chuẩn bị đây. Tôi nói, anh em Vệ quốc đoàn mình còn lèo tèo, súng ống cũng chẳng có mấy
🙡 76 🙣
thì đánh Tây làm sao. Ông Long nói, trong Nam bộ anh em mình đã đánh Pháp từ tháng 9 năm ngoái, đã lập được chiến khu ở Tháp Mười và rừng U Minh, có cả căn cứ kháng chiến sát ngay Sài Gòn, mà có sao đâu, có bị tiêu diệt đâu. Mấy ngày sau ông gọi tôi sang nhà, vẻ mặt rạng rỡ, đắc thắng, nói một cách bí mật: “Tôi cũng thắc mắc như em về cách đánh Pháp, nhưng ta đã có cách rồi.”. Tôi hỏi: “Cách gì thế, Mỹ cho mình súng à?”. Ông trả lời: “Đánh du kích, bên Tàu, Hồng quân đánh nhau với Nhật cũng bằng cách đánh du kích”. Lần đầu tiên tôi được nghe “đánh du kích” là từ miệng ông thợ may hàng xóm nói ra. Cũng từ đó, tôi đọc các khẩu hiệu: Chuẩn bị trường kỳ kháng chiến, Ủng hộ kháng chiến Nam bộ, với một xúc động khác thường, như đã chợt nhận ra cái mệnh lệnh thiêng liêng đối với lứa tuổi bọn tôi trong nhiều năm tới.
*
* *
Bác đi vắng, ở nhà có cụ Huỳnh Thúc
🙡 77 🙣
Kháng lên thay, là quyền Chủ tịch nước. Bọn Việt Quốc vẫn tiếp tục phá phách không theo kiểu chính trị mà theo kiểu côn đồ. Họ có ba tờ báo: Việt Nam, Liên Hiệp, Thiết Thực, trên báo thì họ nói toàn điều đạo lý nghe cũng hay, nhưng trong thực tế các đảng viên của đảng họ lại cướp của, giết người, bắt cóc và gây rối các nơi công cộng. Các trụ sở của họ đều có hầm tra tấn, sân trước vườn sau là bãi tha ma chôn xác những người dân lương thiện. Tôi đi bán bánh mì được nửa tháng thì công an ta khám phá ra một sào huyệt của bọn chúng ở ngôi nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, dân đứng xem đông nghẹt, đám đông kéo dài ra mãi tận hồ Thuyền Quang. Người ta đồn có cả trăm xác chết được đào lên ở phía sau nhà. Chả có xác nào nguyên vẹn, từng mảnh, từng khúc được chôn rải rác thì đúng hơn. Theo ông Long thì số người bị chúng giết chỉ có hơn một chục. Một chục hay một trăm thì cũng thế, nếu được phép họ có thể xả súng liên thanh giết hết dân Hà Nội, vì dân Hà Nội ghê tởm và căm ghét họ. Nhưng thủ lĩnh của họ vẫn
🙡 78 🙣
"""