"
Một Cội Cây Rừng - Ajahn Chah PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Một Cội Cây Rừng - Ajahn Chah PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
MỘT CỘI CÂY RỪNG
Những dụ ngôn của ngài Ajahn Chah
Nguyên tác: A Tree in a Forest. A Collection of Ajahn Chah's Similes Tác giả: Ajahn Chah
Dịch giả: Huỳnh Văn Thanh
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Nhà phát hành: Alpha books
Trọng lượng: 242g
Kích thước: 13,5 x 21 cm
Số trang: 184
Năm xuất bản: 01/2018
Giá bìa: 65.000đ
Thể loại: Phật Giáo
Thông tin ebook
Tạo ebook: Nguyen Thanh Liem
Ngày hoàn thành: 11/05/2020
Dự án Green–Book # 243
Ebook này được thực hiện để phục vụ cộng đồng yêu đọc sách!
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Cuộc đời của ngài Ajahn Chah
Phần 1
Kẻ lang thang
Vỏ chuối
Người mù
Chai thuốc
Trẻ con chơi đùa
Rắn hổ mang
Vỏ dừa
Nấu ăn
Người điên
Tách nước
Đập nước
Hố sâu
Quần áo bẩn
Ly uống nước
Kẻ nghiện rượu
Con vịt
Khoảng trống Gia đình
Phân bón
Lửa
Con cá
Con có và Con ếch Cái nơm cá
Người đánh cá Cây đèn pin
Xa lộ
Con ếch
Cây ăn trái
Hố rác
Món quà
Cỏ
Bàn tay
Cái hố
Ngôi nhà
Bà vợ
Chó sói
Con dao
Cái gút
Cái muôi múc canh Chiếc lá
Mái nhà dột
Bức thư
Khúc gỗ
Gỗ cây
Con giòi
Quả xoài
Thuốc và trái cây Nhà buôn
Dầu và nước
Trẻ mồ côi
Chiếc xe bò
Hồ nước
Nước mưa
Dòng sông
Con đường
Tảng đá
Ốc vít
Cây con
Con dao bén
Con rắn
Con nhện
Dòng nước chảy phẳng lặng Quả ngọt
Cái bình thủy
Người khát nước
Cây gai
Cái bẫy
Lữ khách
Những cội cây
Con rùa
Cành và rễ
Lúa
Con trâu
Gà rừng
Cái sân đầy gia súc
Phần 2
Hàng trăm thứ
Tổ kiến
Vườn táo
Quả táo
Măng tre
Gậy lớn, gậy nhỏ
Người mù
Cái thân và sức quyến rũ của nó Cơm
Lò gạch
Chiếc cầu
Tượng Phật
Xây nhà và Nhuộm vải
Xe cộ
Con mèo
Con gà trong chuồng
Trẻ con
Cây cong
Cái khay bẩn
Trên lầu, dưới lầu
Những giọt nước
Con vịt
Con sâu
Mùi phân
Vật quí
Vết thương ngoài da
Ngã từ trên cây
Lá rụng
Anh nông phu và Bà mẹ Quả bóng
Bằng hữu
Trái cây trong tay
Trái cây
Giỏ rác
Chệch đường
Lên tỉnh
Tiêu hóa tốt
Nhà ga trung tâm
Sợi tóc trong tô canh Sợi tóc che cả ngọn núi Gian đại sảnh
Nắm bùn
Gà trống hay gà mái? Dược thảo
Chủ và Khách
Cục sắt nóng
Thanh sắt nóng và Thỏi kẹo Quán trọ
Chủ nhà
Đứa trẻ vô minh
Đứa bé con
Cái đầu ngứa
Chiếc chìa khóa
Dùng chì đổi vàng
Chia tay bạn cũ
Công tắc đèn và Cái bát Rắn mối
Mất cái gì đó?
Lá sen
Hoa sen
Cục nước đá
Quả xoài
Chị bán hàng
Thịt
Miếng thịt ở kẽ răng Con cuốn chiếu
Con cuốn chiếu và Con gà Tiền, Sáp và Phân gà Con khỉ
Ổ kiến lửa
Bà nội
Ông lão nói dối
Miếng giẻ cũ
Nông phu
Khách dự tiệc
Chiếc máy may
Miếng bánh
Trồng cây ăn trái Mũi thuốc độc
Cây bút quý
Con hổ dữ
Than đỏ và Con chim Con khỉ hiếu động Sông và Suối
Sợi thừng
Cát và Muối
Học sinh tiểu học Đập tràn
Miếng dằm dưới chân Con ngựa bất kham Cái gốc cây
Bánh ngọt
Quả xoài ngọt
Quả đu đủ ngọt
Máy ghi âm
Tên trộm và Võ sĩ
Tên trộm và Sát nhân Tấm lưới dày
Cội cây
Cây mọc ra ngoài
Hư ngụy
Dây nho
Con kên kên
Nước trong hũ tro
Con trâu
Giếng và vườn cây ăn trái Khúc gỗ
Sai đường
THÔNG TIN SÁCH
Ajahn Chah sinh năm 1918 tai một làng quê đông bắc Thái Lan. Ngài trở thành sa di lúc còn niên thiếu và đã thụ giới tỳ khưu vào năm hai mươi tuổi.
Ngài đã tu theo hanh đầu đà trong nhiều năm, sống trong rừng, vừa khất thực vừa du hóa khắp nơi.
Ajahn Chah đã viên tịch trong tĩnh lặng sau thời gian dài ngã bệnh, vào ngày 16 tháng Giêng năm 1992, tại thiền viện của ngài, Wat Pah Pong, ở Ubon Ratchatani.
Người ta thường hỏi về cách hành thiền của tôi, rằng tôi chuẩn bị tâm như thế nào khi ngồi thiền. Không có gì đặc biệt hết, tôi để yên cho tâm ở tại nơi mà từ hồi nào tới giờ nó vẫn ở. Họ hỏi, thế thì thầy hẳn là một vị A la hán? Tôi có biết đâu, tôi như cây cổ thụ đầy lá, hoa và trái, chim chóc tới ăn và làm tổ trên thân cây, nhưng cây không hay biết gì về thân phận của nó, nó cứ sống tự nhiên như vậy, thế thôi.
Ajahn Chah
Lời giới thiệu
Ajahn Chah nhắc nhở chúng ta rằng ngay chính Đức Phật cũng chỉ có thể chỉ ra con đường, chứ không thể tu thay cho chúng ta được, bởi vì chân lý là điều bất khả tư nghị (không thể dùng lời mà diễn tả được) cũng không thể mang ra biếu tặng. “Tất cả các lời pháp”, Ajahn Chah đã dạy, “chỉ là những dụ ngôn, có ý giúp cho tâm nhìn thấy chân lý. Nếu đã có Phật trong tâm, chúng ta sẽ quán sát thấy vạn pháp, là đồng thể tính với chúng ta”.
Các dụ ngôn mà Ajahn Chah thường sử dụng để giảng pháp xuất phát từ kinh nghiệm bao la của ngài về cuộc sống. Cách thức tu hành của ngài đơn thuần chỉ là quán sát, luôn rộng mở để đón nhận và ý thức mọi việc đang xảy ra ở nội tâm cũng như ngoại cảnh. Ngài nói rằng pháp môn của mình chẳng có gì đặc biệt. Như lời ngài nói, ngài giống như một cội cây rừng. “Một cội cây đang là như nó đang là”. Và Ajahn đã là như ngài đã là. Nhưng chính từ chỗ “chẳng có gì đặc biệt” đó đã nảy sinh một hiểu biết thâm sâu về thế gian này.
Ajahn Chah thường nói, “Pháp đang hiển lộ trong mọi khoảnh khắc, nhưng chỉ khi tâm an tĩnh, chúng ta mới có thể hiểu được, vì rằng Pháp đang giảng dạy vô ngôn”. Ajahn Chah đã có khả năng phi thường này, khả năng đón nhận lời Pháp vô ngôn và truyền đạt chân lý của nó đến với thính chúng bằng hình thức dụ ngôn mới mẻ, dễ hiểu, đôi khi hài hước, lắm lúc thi vị, nhưng luôn điểm trúng hồng tâm, gây choáng váng và mang đến nguồn cảm hứng: “Chúng ta cũng giống như những con sâu; giống như những chiếc lá rụng; tâm của chúng ta cũng giống như nước mưa”.
Các lời pháp của Ajahn Chah chứa đầy những dụ ngôn như vậy. Sẽ là một ý hay nếu thu thập lại dưới dạng một quyển sách nhằm khơi nguồn cảm hứng cho những ai muốn có một bóng mát thư giãn để tránh khỏi “cái nóng của thế gian”, và tìm chỗ nghỉ ngơi dưới “một cội cây rừng”.
Cuộc đời của ngài Ajahn Chah
“Tất cả các lời pháp chỉ là những ẩn dụ và so sánh, nhằm giúp tâm nhìn ra chân lý”.
Ajahn Chah
Ajahn Chah sinh năm 1918 tại một làng quê đông bắc Thái Lan. Ngài trở thành sa di lúc còn niên thiếu và đã thụ giới tỳ khưu vào năm hai mươi tuổi. Ngài đã tu theo hạnh đầu đà trong nhiều năm, sống trong rừng, vừa khất thực vừa du hóa khắp nơi.
Ngài đã tu thiền dưới sự độ dẫn của nhiều bậc thầy, trong số đó có Ajahn Mun, một thiền sư đắc đạo, đáng tôn kính vào thời ấy. Ajahn Mun đã ảnh hưởng sâu đậm lên Ajahn Chah, mang đến cho sự tu tập thiền định của ngài phương hướng và sự rõ ràng, những điều mà Ajahn Chah vẫn còn đang thiếu. Sau này, Ajahn Chah trở thành một thiền sư liễu ngộ, biết chia sẻ sự nhận chân về Pháp của mình với những ai muốn tầm cầu. Cốt tủy lời pháp của ngài hết sức đơn giản: hãy nhiếp tâm, đừng bám chấp vào bất cứ điều gì, hãy buông bỏ và đầu hàng với cung cách hiện hữu của vạn pháp.
Ajahn Chah đã viên tịch trong tĩnh lặng sau thời gian dài ngã bệnh, vào ngày 16 tháng Giêng năm 1992, tại thiền viện của ngài, Wat Pah Pong, ở Ubon Ratchatani.
Phần 1
Chúng ta phải nói về Pháp như vậy, bằng cách sử dụng các dụ ngôn, bỏi vì Pháp vốn không có hình tướng. Nó vuông hay tròn? Quý vị không thể nói được. Cách duy nhất để nói về nó là thông qua những dụ ngôn như thế này.
Ajahn Chah
Kẻ lang thang
Khi không có nhà, chúng ta giống như người lang thang không định hướng ở ngoài đường, rẽ theo lôi này một thời gian và rồi rẽ sang lối khác, ngừng lại một lúc và rồi lại tiếp tục đi. Cho đến trước khi chúng ta trở về ngôi nhà đích thực của mình, bất kể làm gì chúng ta cũng cảm thấy không thoải mái, giống như một người rời làng đi xa. Chỉ khi trở về đến nhà mình, anh ta mới thật sự thoải mái, thật sự dễ chịu.
Không thể tìm được bất cứ nơi chôn an tĩnh thật sự nào trên thế gian này. Đó là bản chất của thế gian. Thay vì thế, hãy tìm nơi chôn ấy trong chính quý vị.
Khi nghĩ đến Đức Phật và việc Ngài đã nói những lời chân thật ra sao, chúng ta cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn và tôn kính sâu xa. Bất cứ khi nào nhìn thấy được chân tướng của điều gì đó, chúng ta hiểu lời pháp của Ngài, mặc dù chúng ta chưa bao giờ thật sự tu tập theo Pháp. Cho dù chúng ta đã có hiểu biết về lời pháp, đã học tập và tu hành theo những lời pháp đó, nhưng nếu vẫn chưa nhìn thấy được chân lý của chúng, khi ấy chúng ta vẫn giống như kẻ lang thang không định hướng.
Vỏ chuối
Khi quý vị nhìn thấy mọi sự vật trên thế gian này giống như những vỏ chuối, chẳng có giá trị gì lớn lao, quý vị sẽ bước đi thong dong trên thế gian này mà không bị động tâm, không bối rối hay lo âu, không bị tổn thương dù ở bất kỳ phương diện nào bởi vô số những điều đến rồi đi, cho dù chúng là sướng hay khổ. Đây là con đường dẫn quý vị đến giải thoát.
Người mù
Thân tâm không ngừng sinh diệt, các pháp hữu vi đều mang trạng thái không ngừng biến đổi. Lý do khiến chúng ta không thể nhìn thấy điều này đồng nghĩa với chân lý là bởi vì chúng ta cứ ôm giữ lòng tin vào cái giả tạo, không thực. Điều này cũng giống như việc được một người mù dẫn đường. Làm sao chúng ta có thể đi xa một cách an toàn cùng với anh ta? Người mù sẽ chỉ dẫn chúng ta đi vào rừng, đi vào những bụi rậm. Làm sao anh ta có thể dẫn dắt chúng ta đi một cách an toàn khi bản thân anh ta không thể thấy đường? Cũng vậy, tâm chúng ta đã bị nhiễm trược bởi các pháp hữu vi, tạo nên khổ đau khi tìm kiếm hạnh phúc, tạo nên khó khăn khi tìm kiếm sự thoải mái. Một cái tâm như vậy chỉ có khổ đau và khó khăn. Quả thật chúng ta muốn thoát khỏi khổ đau và khó khăn, nhưng thay vì vậy chúng ta lại tạo ra chính những điều đó. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là than thở. Chúng ta tạo ra những cái nhân bất thiện, và sở dĩ chúng ta làm như vậy là vì chúng ta không hiểu sự thật của sắc tướng, của các pháp hữu vi, và cố gắng bám chấp vào chúng.
Chai thuốc
Chúng ta có thể so sánh việc tu hành với chai thuốc mà bác sĩ cho bệnh nhân của ông ta uống. Trên chai thuốc có ghi những hướng dẫn chi tiết về cách dùng, nhưng cho dù bệnh nhân có đọc những lời chỉ dẫn đó hàng trăm lần, anh ta cũng sẽ chết nếu đó là tất cả những gì anh ta làm. Anh ta sẽ chẳng thu được lợi ích nào từ thuốc. Và trước khi chết, anh ta có thể than thở một cách đắng cay rằng bác sĩ chẳng giỏi chút nào, rằng loại thuốc đó chẳng chữa được bệnh cho anh ta. Anh ta nghĩ rằng bác sĩ là tên lang băm hay loại thuốc đó vô giá trị, trong khi anh ta chỉ dành thời gian để ngắm nghía chai thuốc và đọc các lời hướng dẫn mà thôi. Anh ta đã không uống thứ thuốc đó vào theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân thật sự nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc đều đặn theo toa, anh ta sẽ bình phục.
Bác sĩ kê toa là để tiêu trừ các bệnh ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Lời pháp của Đức Phật được nêu ra là để chữa những chứng bệnh của tâm và mang nó về với trạng thái khỏe mạnh tự nhiên của nó. Do đó có thể xem Đức Phật là vị bác sĩ kê ra những phương thuốc chữa trị các căn bệnh của tâm, những căn bệnh đang có trong mỗi con người chúng ta, bất kể là ai. Khi quý vị nhìn thấy những căn bệnh này của tâm, việc xem Pháp là phương tiện trợ duyên hay phương thuốc chữa bệnh là hết sức ý nghĩa.
Trẻ con chơi đùa
Nếu đã quán sát bản chất của trái tim, chúng ta sẽ hiểu rằng trái tim này đúng là như vậy, không thể khác được. Chúng ta biết rằng con đường của tâm chính là những gì nó đang là. Đấy là tự tính của nó. Nếu hiểu rõ điều này, chúng ta có thể buông bỏ các suy nghĩ và cảm xúc. Và chúng ta tự nói với mình rằng “đó đúng là cách nó đang là”. Khi tâm thật sự hiểu, nó buông bỏ mọi thứ. Suy nghĩ và cảm xúc vẫn còn đó, nhưng chúng sẽ bị mất đi sức mạnh.
Điều này cũng giống như bị quấy rầy bởi một đứa trẻ đang thích đùa nghịch mọi thứ, khiến chúng ta hết sức bực mình, đến độ phải la rầy và phát vào mông của nó. Nhưng sau đó chúng ta hiểu rằng chơi đùa và nghịch ngợm là điều rất tự nhiên đối với một đứa trẻ, do đó chúng ta để mặc cho nó thoải mái. Chúng ta buông bỏ và các phiền não của chúng ta cũng tan biến. Tại sao chúng tan biến? Bởi vì giờ đây chúng ta chấp nhận con đường tự nhiên của trẻ con. Cách nhìn của chúng ta đã thay đổi, chúng ta chấp nhận tự tính của vạn pháp. Chúng ta buông bỏ và trái tim chúng ta trở nên tĩnh lặng, an bình hơn. Chúng ta giờ đây đã có chính tư duy (hiểu đúng).
Rắn hổ mang
Hoạt động của tâm giống như một con rắn hổ mang. Nếu chúng ta không đụng chạm gì đến nó, nó chỉ đi theo con đường của nó. Mặc dù nọc rắn có thể cực độc, nhưng chúng ta không bị ảnh hưởng bởi chất độc đó. Chúng ta không đến gần nó hay chộp bắt nó nên nó không cắn chúng ta. Nó làm những gì mà một con rắn hổ mang tự nhiên sẽ làm. Đó là cách đang là của nó. Nếu sáng suốt, quý vị sẽ để nó yên. Nói cách khác, quý vị cho phép cái bất thiện đúng như nó đang là - quý vị cho phép nó đi theo thiên tính tự nhiên của nó. Quý vị cũng làm như vậy với cái thiện. Đừng bám chấp vào ái (yêu) hay ố (ghét), cũng giống như quý vị không phá phách gì con rắn hổ mang.
Bậc trí giả sẽ có thái độ này đối với những trạng thái khác nhau đang dấy sinh trong tâm của mình. Khi cái thiện dấy sinh, chúng ta cho phép nó là thiện. Chúng ta hiểu tự tính của nó. Cũng vậy, chúng ta cho phép cái bất thiện là cái bất thiện. Chúng ta cho phép nó đang là đúng theo thiên tính tự nhiên của nó. Chúng ta không chấp giữ nó bởi vì chúng ta không cần đến bất cứ gì cả. Chúng ta không muốn cái ác. Chúng ta không muốn cái thiện. Chúng ta không muốn cái nặng hay cái nhẹ, hạnh phúc hay khổ đau. Khi ham muốn của chúng ta đã tịch diệt, sự tĩnh lặng sẽ được xác lập kiên cố.
Vỏ dừa
Ham muốn là một phiền trược, nhưng nếu không ham muốn, chúng ta không bắt đầu tu hành theo Đạo. Giả sử quý vị đến chợ để mua dừa, và khi xách chúng về nhà, có người hỏi:
“Anh mua mấy quả dừa đó làm gì vậy?”.
“Tôi mua về để ăn”.
“Anh sẽ ăn luôn vỏ dừa chứ?”.
“Dĩ nhiên là không!”.
“Tôi không tin. Nếu không ăn vỏ dừa, sao anh lại mua chúng?”. Chà, quý vị sẽ nói sao? Quý vị trả lời câu hỏi đó như thế nào?
Chúng ta tu hành bắt đầu bằng ham muốn. Nếu không có ham muốn, chúng ta sẽ không tu. Việc suy ngẫm theo hướng như vậy có thể khởi sinh trí huệ. Ví dụ, những quả dừa này: Quý vị sẽ ăn luôn vỏ dừa chứ? Dĩ nhiên là không. Thế thì tại sao quý vị lại giữ chúng? Chúng hữu ích vì chúng là cái vỏ chứa đựng những thứ bên trong. Nếu sau khi ăn xong, quý vị ném những cái vỏ đó đi thì chẳng có chuyện gì xảy ra.
Việc tu hành của chúng ta cũng vậy. Chúng ta sẽ không ăn vỏ dừa, nhưng chưa đến lúc để liệng chúng đi. Trước tiên chúng ta giữ chúng, chúng ta cũng làm như vậy đối với lòng mong cầu. Đây là cách tu tập. Nếu có ai cho rằng chúng ta ăn vỏ dừa, đó là chuyện của họ. Chúng ta biết những gì mình đang làm.
Nấu ăn
Trước tiên chúng ta huấn luyện cho thân và khẩu giữ giới hạnh tránh khỏi điều bất thiện. Một số người nghĩ rằng để có giới hạnh thì phải nhớ những câu kinh bằng tiếng Pali và tụng ngày tụng đêm, nhưng thật ra tất cả những gì quý vị phải làm là khiến cho thân và khẩu của mình trở nên trong sạch, không gây ra điều gì đáng xấu hổ. Điều đó không khó hiểu. Nó giống như việc nấu ăn vậy - cho một chút cái này, một chút cái kia vào cho đến khi nó vừa và ngon. Một khi nó đã ngon rồi, quý vị không phải thêm bất cứ thứ gì nữa. Những thành phần thích hợp thì đã được cho vào rồi. Cũng vậy, việc quan tâm để hành động thích hợp và nói lời thích hợp sẽ mang đến cho chúng ta giới hạnh thiện bổ - giới hạnh chính là như vậy.
Người điên
Giả sử một sáng nọ quý vị đi làm và có người phía bên kia đường hét toáng lên sỉ vả. Khi nghe lời sỉ vả này, tâm của quý vị thay đổi ngay, không còn được như bình thường nữa. Quý vị chẳng còn cảm thấy vui vẻ chút nào, quý vị thấy tức giận và bị tổn thương. Người đàn ông đó cứ lẽo đẽo theo và không ngừng mắng nhiếc quý vị. Quý vị rất tức giận, thậm chí khi về nhà quý vị cũng vẫn còn giận dữ, hận thù, và muốn trả đũa.
Mấy ngày sau, một người khác đến nhà quý vị và nói lớn, “Này! Cái người đã mắng chửi anh hôm nọ là một người điên. Anh ta cứ mắng chửi hết người này đến người kia, ai cũng bị anh ta mắng hết. Đâu có ai thèm để ý đến lời anh ta nói”. Ngay khi nghe được lời này, quý vị thấy nhẹ nhõm. Sự giận dữ và tổn thương mà quý vị chất chứa bên trong mình suốt mấy ngày qua đã tan biến hoàn toàn. Tại sao? Bởi giờ đây quý vị đã biết được chân tướng của vấn đề. Trước đó quý vị không biết, cứ nghĩ người đó là một người bình thường, do đó quý vị có ý sân hận anh ta. Cái biết như vậy khiến quý vị khổ. Ngay khi quý vị hiểu được chân tướng, mọi chuyện thay đổi: “Ồ, anh ta bị điên! Điều đó giải thích hết mọi chuyện!”.
Khi hiểu được điều này, quý vị cảm thấy thoải mái. Nhờ đã biết nên quý vị có thể buông bỏ. Nếu không biết chân tướng đó, quý vị bám chấp vào nó. Khi nghĩ cái người đã mắng chửi mình là người bình thường, quý vị có thể giết chết anh ta. Nhưng khi hiểu ra sự thật, rằng anh ta không tỉnh trí, quý vị cảm thấy hết sức thoải mái. Đây là tri kiến về chân lý.
Người nhìn thấy Pháp cũng có kinh nghiệm tương tự. Khi chấp thủ, sân hận, mê lầm tan biến, chúng tan biến theo cùng một cách như vậy. Chừng nào chưa hiểu được thực tướng của vạn pháp, chừng đó chúng ta còn suy nghĩ, “Mình có thể làm gì? Mình có rất nhiều ham muốn và sân hận”. Đây chưa phải là thật kiến (cái biết rõ ràng). Điều đó giống như khi chúng ta nghĩ người điên đó là người bình thường. Nhưng cuối cùng hiểu ra anh ta là người điên thật sự, chúng ta liền vơi hết mọi lo âu. Không ai có thể chỉ cho quý vị điều này. Chỉ khi tâm tự thân nhìn thấy thì nó mới có thể nhổ bỏ được bám chấp.
Tách nước
Nhiều người đến gặp tôi có địa vị rất cao trong xã hội. Trong số họ có thương nhân, những người tốt nghiệp đại học, giáo viên và viên chức nhà nước. Tâm thức của họ đầy ắp những suy nghĩ về vạn pháp. Điều đó giống như một tách nước. Nếu tách chứa đầy nước bẩn, nước hôi, nó vô dụng. Chỉ sau khi người ta đổ bỏ nước cũ đi thì cái tách đó mới trở nên hữu ích. Quý vị phải làm trống cái tâm ý kiến của mình, khi ấy quý vị sẽ thấy. Việc tu hành của chúng ta nằm ngoài chuyện thông minh và ngu đần. Nếu quý vị nghĩ mình khôn ngoan, giàu có, quan trọng hay là một bậc thượng thừa về Phật học, quý vị đang che lấp chân lý vô ngã. Tất cả những gì quý vị thấy sẽ là cái tôi của mình — Tôi và của tôi. Nhưng Phật đạo là sự buông bỏ cái ngã. Người quá thông minh sẽ chẳng bao giờ học được. Trước tiên họ phải giải thoát mình ra khỏi sự khôn ngoan của mình, phải làm trống “cái tách” của mình đã.
Đập nước
Việc rèn luyện sự quán chú là tập làm cho tâm trở nên kiên cố và vững vàng. Điều này mang đến sự bình an cho tâm. Tâm của chúng ta thường loạn động, rất khó kiểm soát. Tâm chạy theo dục lạc của ngũ căn một cách mông muội, giống như dòng nước chảy không định hướng. Thế nhưng, con người biết cách chế ngự dòng nước sao cho nó trở nên hữu ích. Họ biết cách làm đập chắn nước, tạo ra những hồ chứa nước và những con kênh dẫn nước lớn - tất cả những điều này nhằm tạo dòng chảy cho nước, sao cho nó không còn chảy hoang làm mất đi sự hữu ích.
Tâm cũng vậy, một cái tâm đã được đắp đập và được hướng dẫn dòng chảy, thường xuyên được huấn luyện, sẽ hữu ích vô cùng. Đức Phật đã tự dạy cho mình rằng, “Tâm đã được kiểm soát sẽ mang lại chân hạnh phúc, cho nên hãy huấn luyện tốt tâm mình vì những lợi ích cao cả nhất”. Tương tự, các loài vật mà chúng ta thấy chung quanh mình, như voi, ngựa, trâu bò... - đều phải được huấn luyện trước khi có thể sử dụng chúng để làm việc. Chỉ sau khi đã được huấn luyện sức mạnh của chúng mới trở nên hữu ích cho chúng ta.
Tương tự, tâm đã được huấn luyện sẽ mang lại công đức nhiều gấp bội so với tâm chưa được rèn luyện. Đức Phật và chư vị đại đệ tử của Ngài, tất cả đều khởi đầu theo cùng một cách giống như chúng ta - bằng những cái tâm chưa được rèn luyện. Nhưng sau đó, hãy nhìn cách họ trở thành những bậc thánh nhân đáng được tôn kính. Và chúng ta có thể thu được biết bao lợi ích từ những lời pháp của họ. Thật vậy, hãy nhìn những lợi ích đến với toàn thể thế gian từ các vị ấy, những con người đã huấn luyện tâm để đạt đến giải thoát. Tâm đã được kiểm soát và rèn luyện là trợ cụ rất tốt giúp ích cho chúng ta trong mọi ngành nghề, trong mọi hoàn cảnh. Tâm đã được rèn tập sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên quân bình, làm cho công việc trở nên dễ dàng, giúp phát triển cũng như nuôi dưỡng lý trí nhằm điều khiển các hành động của chúng ta. Sau hết, hạnh phúc của chúng ta sẽ tăng lên theo đó khi chúng ta đi theo con đường chính hạnh trong việc tu tâm.
Hố sâu
Phần lớn người ta chỉ muốn làm những việc thiện để tạo công đức, nhưng họ lại không muốn từ bỏ việc làm sai. Điều đó đúng là “cái hố này quá sâu”.
Giả sử có một cái hố, và đang có vật nằm dưới đáy. Bây giờ, bất kỳ ai thò tay xuống cái hố đó mà không chạm được đến đáy thì sẽ nói rằng cái hố này rất sâu. Nếu cả trăm hay cả ngàn người cho tay vào cái hố đó, tất cả họ cũng đều nói cái hố này rất sâu. Chẳng một ai nói rằng cánh tay mình quá ngắn! Chúng ta phải quay trở lại với cái tôi của mình. Chúng ta phải lùi một bước và nhìn lại chính mình. Đừng trách cái hố đó quá sâu. Hãy nhìn vào chính cánh tay của quý vị. Nếu có thể hiểu được điều này, quý vị sẽ tiến bộ trên con đường đạo và sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Quần áo bẩn
Khi mặc quần áo bẩn, cái thân của chúng ta bị bẩn theo, tâm chúng ta cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, nếu chúng ta giữ cho thân sạch và mặc quần áo sạch sẽ, tươm tất, điều đó khiến tâm chúng ta trở nên khoan khoái và vui vẻ.
Do vậy, khi không giữ gìn giới hạnh, thân nghiệp và khẩu nghiệp của chúng ta trở nên ô uế, đó là nguyên nhân khiến tâm đau khổ và nặng nề. Chúng ta đã xa rời chánh hạnh nên không thấu suốt được cốt tủy của Pháp trong tâm mình. Bản thân các thiện nghiệp của thân và khẩu phụ thuộc vào cái tâm đã được rèn luyện theo chính pháp, bởi vì tâm ra lệnh cho thân và khẩu. Do đó, chúng ta phải tiếp tục tu hành bằng cách huấn luyện tâm mình.
Ly uống nước
Làm cách nào quý vị có thể tìm được chính tư duy? Tôi có thể trả lời quý vị thật đơn giản bằng cách dùng cái ly nước mà tôi đang cầm trên tay đây. Đối với chúng ta, nó có vẻ sạch và hữu ích, dùng để uống và giữ nước. Chính tư duy là nhìn thấy đây là cái ly nứt vỡ, y như thể nó đã bị tan nát hết rồi. Sớm muộn gì thì nó cũng sẽ bị bể nát thôi. Nếu quý vị giữ sự hiểu biết này trong lúc đang sử dụng nó - rằng tất cả nó chẳng qua chỉ là sự kết hợp của những yếu tố đi chung với nhau bên trong hình tướng này và rồi sẽ phân ly - khi ấy, điều gì xảy ra với cái ly đó không còn quan trọng nữa, quý vị cũng sẽ chẳng thấy có chút phiền não nào. Tương tự, thân ta cũng giống như cái ly uống nước vậy. Nó cũng sẽ vỡ tan và chết. Quý vị phải hiểu điều đó. Thế nhưng, khi làm như vậy, không có nghĩa là quý vị nên đi và kết liễu chính mình, cũng như quý vị sẽ không dùng đến cái ly và đập bể nó hay ném nó đi. Cái ly là để sử dụng cho đến khi bể nát theo con đường tự nhiên của riêng nó. Tương tự, cái thân là phương tiện để sử dụng cho đến khi nó đi theo con đường của riêng nó. Nhiệm vụ của quý vị là nhìn thấy con đường tự nhiên của vạn pháp là gì. Sự hiểu biết này có thể giúp quý vị được tự do trong mọi cảnh ngộ vô thường của thế gian.
Kẻ nghiện rượu
Bất kỳ ai luyến chấp các cảm giác ngũ quan cũng đều giống như một kẻ nghiện rượu đang phá nát các lá gan của mình. Anh ta không biết điểm dừng. Anh ta cứ đắm chìm và tha hồ mà uống, về sau phải gánh chịu bệnh tật và khổ đau.
Con vịt
Việc tu hành của quý vị cũng giống như việc nuôi một con vịt. Bổn phận của quý vị là phải cho nó ăn uống. Việc con vịt phát triển nhanh hay chậm là chuyện của nó, không phải của quý vị. Hãy buông bỏ và chỉ làm công việc của mình. Công việc của quý vị là tu tập. Nó phát triển nhanh hay chậm, chỉ cần biết như vậy thôi. Đừng cố ép buộc nó. Kiểu tu hành này có thiện căn.
Khoảng trống
Người ta muốn đạt đến niết bàn (nibbana), nhưng khi quý vị bảo rằng ở đó chẳng có gì hết, họ bắt đầu có những suy nghĩ khác. Hãy nhìn vào mái và nền nhà ở đây. Hãy nghĩ mái nhà là “cái đang trở thành” và nền nhà cũng là “cái đang trở thành”. Quý vị có thể đứng trên mái hoặc đứng trên sàn, nhưng trong khoảng trống ở giữa mái và sàn đó thì chẳng có nơi nào để đứng cả. Ở đâu không có sự đang trở thành, ở đó có sự trống không, và một cách thẳng thừng, chúng ta nói rằng niết bàn chính là sự trống không này. Người ta nghe thấy như vậy và họ có hơi giật mình chùn bước. Họ không muốn đi nữa. Họ sợ mình sẽ không được thấy con cái hay người thân của mình.
Đó là lý do tại sao mỗi khi chúng ta chúc phúc cho thế nhân rằng, “Cầu chúc cho quý vị trường thọ, đẹp, hạnh phúc và khỏe mạnh”, họ hết sức vui vẻ. Nhưng nếu quý vị bắt đầu giảng về sự buông bỏ và tính không, họ không muốn nghe. Quý vị có bao giờ nhìn thấy một người rất già mà vẫn có ngoại hình đẹp, sức khỏe tốt hay thật nhiều hạnh phúc chưa? Chưa thấy! Nhưng chúng ta chúc, “Sống thọ, đẹp, hạnh phúc và khỏe mạnh”, tất cả họ đều rất vui. Họ bị chấp ái vào cái sẽ trở thành, luyến ái cái vòng sinh tử luân hồi. Họ thích đứng trên mái hay trên sàn. Mấy ai dám đứng trong không gian trống không ở giữa đó.
Gia đình
Nếu quý vị muốn tìm Pháp, điều đó chẳng liên quan gì đến rừng rậm, núi non hay hang động cả. Nó chỉ có trong tâm. Nó có ngôn ngữ trải nghiệm riêng. Có một sự khác biệt rất lớn giữa quan niệm và kinh nghiệm trực tiếp. Với một ly nước nóng, bất kỳ ai cho ngón tay vào đó cũng sẽ có kinh nghiệm như nhau - nóng - điều mà người ta có thể gọi bằng nhiều từ khác nhau trong những ngôn ngữ khác nhau. Tương tự, bất kỳ ai nhìn sâu vào tâm cũng sẽ có trải nghiệm giống nhau, bất luận quốc tịch, ngôn ngữ hay văn hóa của anh ta là gì. Nếu qua trái tim mình, quý vị đạt được hương vị của chân lý, của Pháp, khi đó quý vị trở thành người trong một đại gia đình bởi vì quý vị đã nếm được tinh túy của tâm, điều vốn như nhau đối với tất cả mọi người.
Phân bón
Các phiền não, uế trược của chúng ta giống như chất phân bón hữu ích cho việc tu tập của chúng ta. Điều này cũng giống như việc lấy các loại phân, như phân gà và phân trâu bò chẳng hạn, để bón cho các cây án quả, để chúng ra quả ngọt và sum suê. Trong khổ có lạc; trong hỗn độn có tĩnh lặng.
Lửa
Chẳng có cái gì xảy ra một cách lập tức, do đó lúc đầu chúng ta chẳng nhìn thấy thành quả nào trong việc tu tập của mình. Điều này cũng giống như ví dụ mà tôi thường nói với quý vị về một người cố đánh lửa bằng cách cọ xát hai cục đá với nhau. Anh ta nói, “Người ta bảo có lửa ở trong này!”. Thế rồi anh ta bắt đầu chà mạnh chúng một cách hãng hái. Chà đi chà lại, lòng kiên nhẫn của anh vẫn không dứt, anh muốn có được ngọn lửa đó. Nhưng mãi chưa thấy lửa, anh nản lòng và ngừng tay giây lát. Anh ta bắt đầu làm lại, nhưng nhiệt tình ban đầu của anh đã nguội mất rồi, cho nên công việc diễn ra thật chậm chạp. Anh ta đã không giữ được việc này đủ lâu. Anh chà đi chà lại cho đến khi thấy mệt và rồi ngừng tay hẳn. Không chỉ mệt, anh còn càng lúc càng nản chí hơn. “Chẳng có lửa nào trong này cả!”, cuối cùng anh quyết định bỏ cuộc hoàn toàn.
Anh đã làm công việc đó, nhưng chẳng có đủ sự bền bỉ để làm bật ra ngọn lửa. Lúc nào ngọn lửa cũng ở đó, nhưng anh đã không đi đến cùng. Cho đến khi chúng ta có thể đạt được sự tĩnh lặng, tâm vẫn sẽ như trước. Vì lẽ đó, thầy thường nói, “Cứ tiếp tục hành. Cứ tiếp tục tu tập!”. Có thể chúng ta nghĩ, “Nếu chưa hiểu thì làm sao tôi hành được đây?”. Chỉ đến khi chúng ta có thể đạt được chính hạnh, trí huệ mới nảy sinh. Do đó chúng ta nói hãy tiếp tục. Nếu tu hành không ngừng nghỉ, chúng ta sẽ bắt đầu suy nghĩ về những gì mình đang làm, và quán xét việc tu hành của mình.
Con cá
Chúng ta không muốn mong cầu, nhưng nếu không có mong cầu tại sao lại tu? Chúng ta phải có lòng mong cầu tu hành. Muốn và không muốn đều là những phiền não, đều là những chướng ngại, những ảo tưởng lầm lẫn, thiếu trí huệ. Phật cũng có lòng ước muốn. Lúc nào ước muốn cũng có ở đó, đó chỉ là một tình trạng của tâm mà thôi. Nhưng, bậc tuệ giác có lòng mong cầu mà không luyến chấp. Các khao khát của chúng ta cũng giống như chuyện bắt một con cá lớn bằng lưới - chúng ta phải chờ cho đến khi con cá bị đuối sức, mới có thể vớt nó một cách dễ dàng. Nhưng chúng ta phải luôn canh chừng để nó không thoát được.
Con có và Con ếch
Nếu chấp ái dục trần, quý vị sẽ giống như con cá bị mắc câu. Khi người câu cá đến, quý vị vẫy vùng, nhưng quý vị không thể thoát ra được. Thật ra quý vị không phải bị mắc câu giống như con cá, mà là giống như con ếch. Con ếch thì nuốt trọn lưỡi câu vào bụng. Con cá thì chỉ bị mắc câu trong miệng.
Cái nơm cá
Nếu nhìn thấy rõ tác hại và lợi ích của mọi việc, quý vị sẽ không phải chờ ai nói cho mình biết cả. Thử lấy câu chuyện người đánh cá đang tìm trong cái nơm cá của mình. Anh ta biết có gì trong đây. Anh ta có thể nghe thấy nó đang kêu lõm tõm bên trong. Nghĩ rằng đó là con cá, anh ta thò tay vào nơm, thì ra đó là một con vật khác. Anh không thể thấy nó, cho nên anh không biết chắc đó là con gì. Đó có thể là con lươn, nhưng đó cũng có thể là con rắn. Nếu bỏ nó đi, anh có thể hối tiếc, vì nếu là con lươn, nó rất ngon cho bữa cơm tối. Trái lại, nếu đó lại là con rắn, nó có thể cắn anh. Anh quả thật rất phân vân. Nhưng ước muốn của anh rất mạnh, ngộ nhỡ đó lại là một con lươn thì sao? Giây phút mà anh lôi nó ra khỏi nơm và thấy đó là con rắn, anh không ngần ngại ném nó ngay. Anh không phải chờ cho đến khi có ai đó la lớn, “Ê, đó là con rắn! Liệng nó đi!”. Phản ứng của tâm cho anh biết phải làm gì một cách rõ ràng còn hơn cả lời nói. Tại sao? Bởi vì tâm nhìn thấy sự nguy hiểm - con rắn có thể cắn và làm anh bị đau đớn hay mất mạng. Đâu cần phải có ai nói cho anh biết, đúng không? Cũng vậy, nếu chúng ta tu tập cho đến khi nhìn thấy vạn pháp đúng như chúng đang là, chúng ta sẽ chẳng còn chấp vào những điều bất thiện lành nữa.
Người đánh cá
Việc hành tập quán sát sẽ dẫn chúng ta đi đến sự hiểu biết. Chúng ta hãy lấy ví dụ một người đánh cá kéo lưới lên và có một con cá lớn mắc trong đó. Quý vị nghĩ anh ta suy nghĩ ra sao trong việc kéo nó lên? Nếu sợ bị vuột con cá, anh ta sẽ hôi hả và cố giữ cho bằng được tấm lưới, đồng thời chộp và giật mạnh nó lên. Trước khi anh ta kịp có nó, con cá lớn đó đã thoát. Người đánh cá đã cố gắng hết sức mình.
Người xưa dạy rằng chúng ta phải làm điều đó thật chậm rãi, cẩn thận thu lưới để không bị vuột mất cá. Đây cũng là cách thức trong việc tu hành của chúng ta. Chúng ta phải từ từ cảm nhận con đường của mình, cẩn thận thu lưới, không để tâm xao lãng. Đôi khi chúng ta cảm thấy không thích làm điều đó. Chúng ta không muốn nhìn, không muốn biết, nhưng chúng ta vẫn cứ hành trì. Chúng ta tiếp tục cảm nhận về nó. Đây là sự tu trì. Cho dù cảm thấy thích thiền hay không, chúng ta vẫn tiếp tục việc hành thiền.
Nếu chúng ta nhiệt tình với việc tu hành của mình, sức mạnh của lòng tin sẽ mang đến năng lượng cho những gì chúng ta đang làm. Nhưng ở giai đoạn này, trí huệ của chúng ta vẫn chưa khởi sinh. Mặc dù hết sức năng nổ, nhưng chúng ta vẫn chưa thu được nhiều lợi ích từ việc tu hành. Chúng ta có thể tiếp tục việc đó trong một thời gian dài, và một cảm giác sẽ dấy sinh, rằng chúng ta sẽ không tìm được Đạo. Chúng ta có thể cảm thấy mình không thể tìm được sự tĩnh lặng, hoặc chúng ta chưa có đủ trợ duyên để thực hiện việc tu trì này. Hoặc chúng ta có thể cảm thấy cái Đạo này đúng là bất khả thi. Do đó chúng ta bỏ cuộc!
Đến lúc này, chúng ta phải hết sức, hết sức cẩn thận. Chúng ta phải sử dụng đức kiên nhẫn và lòng chịu đựng. Giống như việc kéo con cá lớn - chúng ta từ từ tìm cách, chúng ta phải kéo nó lên một cách cẩn thận. Sự nỗ lực đó sẽ không phải là quá khó, do đó chúng ta tiếp tục kéo nó lên một cách tập trung. Sau cùng, con cá đuôi sức không còn vùng vẫy nữa, và chúng ta có thể bắt nó một cách dễ dàng. Chúng ta hãy tu tập một cách từ từ và cẩn thận. Chúng ta thực hiện việc quán sát cũng cùng một cách như vậy.
Cây đèn pin
Trong Phật giáo, chúng ta không ngừng được nghe giảng về sự buông bỏ và việc không luyến chấp vào bất cứ điều gì. Điều này có nghĩa là cầm nhưng không giữ chặt. Lấy cây đèn pin này làm ví dụ chẳng hạn. Chúng ta thắc mắc: “Đây là cái gì?”. Và chúng ta cầm nó lên: “Ô, đây là cây đèn pin”. Thế rồi chúng ta đặt nó xuống trở lại. Chúng ta cầm lấy vạn pháp cũng theo cùng một cách thức như vậy. Nếu không cầm vào bất kỳ cái gì hết, chúng ta có thể làm gì bây giờ? Chúng ta không thể thiền hành (pháp thiền trong lúc đi) hay bất cứ điều gì khác, do đó trước tiên chúng ta phải nắm được các pháp hữu vi. Đó là sự ham muốn, vâng, đúng như vậy, nhưng sau đó nó dẫn đến sự viên mãn.
Cũng giống như việc quý vị đến đây nghe pháp. Trước tiên quý vị phải muốn đến đây. Nếu không muốn, quý vị sẽ không có mặt ở đây trong ngày hôm nay. Chúng ta làm mọi chuyện là vì tham ái, nhưng khi tham ái dấy sinh, chúng ta không giữ chặt lấy nó, cũng giống như chúng ta không giữ chặt luôn cây đèn pin. Đây là ý nghĩa của việc “cầm mà không giữ”. Chúng ta biết và rồi chúng ta buông bỏ. Chúng ta không dại dột bám chấp vào các pháp hữu vi, mà là chúng ta “cầm” chúng bằng trí huệ và rồi buông bỏ chúng. Thiện hay bất thiện, chúng ta cũng đều buông bỏ hết.
Xa lộ
Cứ nghĩ rằng chúng ta là những hành (sankhara, tức những vật do nhân duyên kết hợp mà thành), hay chúng ta là hạnh phúc và khổ đau, thật là một cách nhìn sai lầm. Cách nhìn như vậy chưa phải là sự hiểu biết đầy đủ và rõ ràng về tự tính của vạn pháp. Sự thật là chúng ta không thể ép buộc mọi sự vật hay hiện tượng diễn ra theo mong ước của mình. Chúng đi theo con đường của Tự Nhiên.
Sau đây là một so sánh đơn giản: Giả sử quý vị đang đi ngay giữa đường, với xe hơi và xe tải đang lao nhanh về phía quý vị. Quý vị không thể nổi giận với dòng xe cộ đó được, rồi hét lớn lên, “Đừng chạy về phía này! Không được chạy về phía này!”. Đó là một xa lộ. Quý vị không thể ra lệnh như vậy được. Vậy, quý vị có thể làm gì? Quý vị hãy đi vào trong lề. Đường là nơi xe cộ qua lại. Nếu quý vị không muốn xe cộ qua lại trên đường, quý vị sẽ khổ.
Điều đó cũng tương tự các pháp hữu vi. Chúng ta nói chúng gây phiền não cho chúng ta, giống như khi chúng ta đang ngồi thiền mà nghe có tiếng động. Chúng ta nghĩ, “Ồ, tiếng động đó quấy rầy tôi!”. Nếu chúng ta hiểu rằng tiếng động đó đang quấy rầy mình, ngay khi đó chúng ta sẽ khổ vì nó. Nếu quán sát sâu hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy chính chúng ta mới là người đang bước ra ngoài và gây phiền cho tiếng động đó. Tiếng động cũng chỉ là tiếng động. Nếu chúng ta hiểu theo cách như vậy, khi ấy chẳng có thêm điều gì về nó cả. Chúng ta để yên cho nó là nó. Chúng ta hiểu rằng tiếng động đó là một lẽ, còn chúng ta lại là một lẽ khác. Đây chính là sự hiểu biết đích thực về chân lý. Quý vị nhìn thấy cả hai mặt, thế nên quý vị có sự an tĩnh. Nếu quý vị chỉ nhìn thấy một phía, quý vị sẽ khổ. Một khi quý vị nhìn thấy cả hai phía, quý vị đang đi theo Trung Đạo. Đây là sự chính hạnh trong tu tâm. Đây là những gì mà chúng ta gọi là làm cho chính tri kiến của mình.
Cũng vậy, bản chất của tất cả các pháp hữu vi là vô thường và thiên hóa, nhưng chúng ta lại cứ muốn bám chấp vào chúng. Chúng ta ôm giữ và khao khát chúng. Chúng ta muốn chúng là có thật. Chúng ta muốn tìm kiếm chân lý bên trong những sự vật vốn không có thật. Bất cứ khi nào ai
đó nhìn sự vật theo cách như vậy và chấp các pháp hữu vi là mình, khi ấy người đó sẽ khổ. Đức Phật bảo chúng ta phải suy ngẫm về điều này.
Con ếch
Càng xao lãng việc tu hành, càng xao lãng trong việc đến chùa để nghe Pháp bao nhiêu, tâm của quý vị sẽ càng dễ bị trầm mịch nhiều bấy nhiêu, giống như con ếch nhảy vào một cái hố. Ai đó cầm cần câu đến và thế là xong đời con ếch. Nó chẳng còn cơ hội. Tất cả những gì nó có thể làm là vươn cổ ra đớp mồi và bị mắc câu. Do đó, hãy coi chừng kẻo quý vị cũng bị lọt vào cái hố giống như con ếch. Có thể ai đó cầm cần câu đến và câu quý vị lên.
Ở nhà, bị quấy rầy bởi con cháu và tiền bạc, của cải, quý vị thậm chí còn lâm vào cảnh tệ hại hơn cả con ếch! Quý vị không biết phải làm sao để thoát khỏi những thứ đó. Khi tuổi già, bệnh tật và cái chết đến, quý vị sẽ làm gì? Đây là lưỡi câu sẽ bắt được quý vị. Quý vị sẽ tránh đi đường nào?
Cây ăn trái
Đôi lúc, khi cây ăn trái trổ hoa, một cơn gió nhẹ làm xao động cành lá, khiến bông hoa rơi rụng. Một số bông vẫn còn và trổ thành quả xanh. Cơn gió thổi qua và một số chúng cũng bị rụng. Những quả khác vẫn có thể trở thành quả sắp chín, hoặc một số thậm chí đã chín cây, trước khi chúng rụng.
Và với con người cũng vậy. Giống như hoa và quả trong cơn gió, họ cũng bị rụng trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Một số người chết lúc vẫn còn trong bụng mẹ, một số khác chỉ sống được một vài ngày sau khi ra đời. Một số người sống được vài năm rồi chết đi, chẳng bao giờ đạt được sự trưởng thành. Có những người chết đi ở độ tuổi thanh niên. Những người khác sống được đến già rồi mới qua đời. Khi suy ngẫm về con người, hãy nghĩ đến tự tính của trái cây trong cơn gió - cả hai đều vô thường.
Tâm chúng ta cũng tương tự như vậy. Một ấn tượng trong đầu khởi sinh, thu hút sự chú ý và nở hoa trong tâm, thế rồi cái tâm đó rụng - giống như quả rụng.
Đức Phật thấu hiểu bản chất vô thường này của vạn pháp. Ngài đã quán sát hiện tượng của trái cây trong cơn gió và suy ngẫm điều này ở chư tăng ni đệ tử của Ngài. Ngài thấy rằng, về thực chất, họ cũng đồng tự tính như vậy - vô thường! Làm sao có thể khác đi được? Đây chính là con đường của vạn pháp.
Hố rác
Nếu tâm của quý vị tĩnh lặng và tập trung, đó là một phương tiện trợ duyên hết sức quan trọng. Nhưng nếu quý vị ngồi đó chỉ để đạt được sự tập trung, sao cho quý vị cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ, thì quý vị đang lãng phí thời gian của mình. Tu hành là ngồi và cho phép tâm thức trở nên tĩnh lặng cũng như đạt sự tập trung, và rồi sử dụng điều đó để quán sát tự tính của thần tâm, để thấy một cách rõ ràng. Mặt khác, nếu quý vị chỉ đơn thuần là làm cho tâm trở nên tĩnh lặng, thì trong suốt thời gian đó nó an bình và chẳng có phiền não nào hết. Nhưng việc này cũng giống như lấy một tảng đá đậy lên cái hố rác bốc mùi. Khi quý vị lấy tảng đá đó ra, cái hố vẫn còn đầy ắp rác rến nồng nặc. Quý vị phải sử dụng sức tập trung của mình, không phải để sung sướng tạm thời, mà là để quán sát chính xác tự tính của thân và tâm. Đây mới chính là những gì thật sự giúp quý vị đạt được sự giải thoát.
Món quà
Chúng ta phải quán sát cái thân bên trong thân. Bất luận bên trong thân là gì, chúng ta cũng phải bước tới và nhìn vào nó. Nếu chỉ nhìn vào bên ngoài, chúng ta sẽ không thấy rõ, hoặc chỉ nhìn thấy tóc, móng tay... và chúng đúng là những thứ xinh xắn khiến chúng ta say mê. Do đó, Đức Phật dạy chúng ta phải nhìn vào bên trong, để thấy cái thân bên trong thân. Hãy nhìn cho thật kỹ và chúng ta sẽ thấy nhiều điều đáng ngạc nhiên bên trong cái thân, bởi vì mặc dù chúng đang ở bên trong chúng ta, nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy chúng. Bất kể đi đâu chúng ta cũng đều mang chúng theo, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn không biết gì về chúng.
Việc đó giống như thể chúng ta đến thám bà con họ hàng và được họ tặng quà. Chúng ta cầm lấy và cho gói quà đó vào giỏ, rồi ra về mà không hề mở ra xem để biết có cái gì trong đó. Cuối cùng, đến khi mở gói quà ra, chúng ta thấy trong đó toàn là rắn độc!
Cái thân của chúng ta cũng giống như vậy. Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài của nó, chúng ta nói nó thật là đẹp, thật là thanh mảnh. Chúng ta quên khuấy cái tôi của mình. Chúng ta quên mất sự vô thường, sự khổ và sự vô ngã. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong cái thân ấy, nó thật đáng ghê sợ. Nếu nhìn theo đúng thực tại, không cố gắng tô điểm chút nào hết, chúng ta sẽ thấy rằng nó quả thật đáng buồn và chán ngắt. Khi ấy cảm giác lãnh đạm sẽ dấy sinh. Cảm giác mất hết hứng thú này không có nghĩa là chúng ta cảm thấy thù ghét thế gian. Điều đó chỉ đơn giản là tâm chúng ta đang trống không, trong suốt, tâm chúng ta đang buông bỏ. Chúng ta nhìn thấy tất cả các pháp hữu vi là không có thực hoặc có tính phụ thuộc. Cho dù chúng ta muốn chúng phải là như thế nào, chúng cũng vẫn đi theo con đường riêng của chúng. Những gì không ổn định thì không ổn định. Những gì không đẹp thì không đẹp.
Do đó, Đức Phật dạy rằng khi trải nghiệm sắc, thanh, hương, vị và xúc, chúng ta phải buông bỏ chúng. Cho dù đó là hạnh phúc hay khổ đau, tất cả cũng vẫn là một. Do đó, hãy buông bỏ chúng!
Cỏ
Quý vị phải quán sát để tìm sự tịnh yên. Thường thì ý của người đời mỗi khi họ nói đến hai chữ bình an chỉ là sự trầm lắng, sự dịu lại của tâm thức mà thôi, chứ không phải sự trầm lắng của các phiền não, nhiễm trược. Các phiền não chỉ đơn thuần là tạm thời bị đè nén xuống, giống như những ngọn cỏ bị tảng đá đè lên. Nếu quý vị lấy tảng đá đó đi, cỏ sẽ nhanh chóng mọc trở lại. Những ngọn cỏ thật sự không bị chết đi, chúng chỉ là bị đè xuống mà thôi.
Cũng như vậy khi ngồi thiền. Tâm thì tĩnh lặng, nhưng các phiền não không thật sự tĩnh lặng. Do đó, định (samadhi) không phải là điều chắc chắn. Để tìm thấy sự tĩnh lặng thật sự, quý vị phải phát triển trí huệ. Định là một dạng của tĩnh lặng, giống như tảng đá đè lên cỏ. Đây chỉ là sự bình an tạm thời. Sự bình an của trí huệ cũng giống như việc đặt tảng đá xuống và cứ để nó y nguyên ở đó. Bằng cách này, cỏ không thể mọc trở lại. Đây là sự tĩnh lặng thật sự, sự trầm lắng của các phiền não và nhiễm trược, sự tĩnh lặng kiên cố xuất phát từ trí huệ.
Bàn tay
Người nghiên cứu giáo lý và người thực hành thiền định có sự hiểu lầm nhau. Thường thì, những người chú trọng nghiên cứu giáo lý nói những lời đại khái như thế này, “Những tỳ khưu chỉ thực hành thiền định là đi theo tư kiến của mình. Họ chẳng có cơ sở gì trong lời dạy của họ hết”.
Thật ra, xét theo nghĩa nào đó, cả hai cách học và hành này đích thị cũng là một. Chúng ta có thể hiểu rõ điều này nếu suy nghĩ việc đó cũng giống như hai mặt của một bàn tay. Nếu chúng ta ngửa bàn tay ra, có vẻ như lưng bàn tay đang biến mất. Thật ra, lưng bàn tay chẳng biến đi đâu hết. Nó chỉ là nằm ẩn ở bên dưới mà thôi. Khi chúng ta úp bàn tay lại, điều đó cũng xảy ra tương tự cho lòng bàn tay. Lòng bàn tay chẳng đi đâu hết. Nó chỉ là đang nằm ẩn bên dưới mà thôi.
Chúng ta phải nhớ lấy điều này khi nghĩ đến việc tu hành. Nếu nghĩ rằng nó “biến mất”, chúng ta sẽ chấp theo việc nghiên cứu giáo lý, trong hy vọng sẽ gặt hái được kết quả. Cho dù có nghiên cứu về Pháp nhiều đến bao nhiêu, quý vị vẫn sẽ chẳng bao giờ hiểu được, bởi quý vị sẽ không biết đúng theo Chân Lý. Khi hiểu được thực tướng của Pháp, chúng ta sẽ bắt đầu buông bỏ. Đây là sự đầu hàng, sự gỡ bỏ chấp ái, không còn bám víu nữa, hay nếu vẫn còn bám chấp đi chăng nữa, điều đó sẽ trở nên càng lúc càng ít dần. Có sự khác biệt như vậy giữa học và hành.
Cái hố
Thỉnh thoảng, đối với một số quý vị, có vẻ như tôi đã mâu thuẫn với chính mình khi giảng pháp, nhưng cách giảng của tôi hết sức đơn giản. Điều đó cũng giống như tôi gặp một người đang đi trên con đường mà anh ta không biết rõ lắm, nhưng lại là con đường tôi đã từng qua lại nhiều lần. Tôi nhìn thấy anh ta sắp té xuống một cái hố nằm ở phía bên phải của con đường, do đó tôi đã chỉ cho anh ta là hãy đi phía bên trái. Cũng vậy, nếu thấy ai khác sắp bị té vào cái hố nằm phía bên trái, tôi bảo người đó hãy đi phía bên phải. Lời chỉ dẫn có khác nhau, nhưng tôi đều dạy họ đi cùng một hướng trên con đường đó. Tôi dạy họ buông bỏ cả hai cực đoan và quay trở về điểm giữa, nơi mà họ sẽ đi đến chân Pháp.
Ngôi nhà
Tất cả đệ tử của tôi đều là con cái của tôi. Tôi chỉ biết lòng yêu thương từ ái và hạnh phúc của họ trong tâm. Nếu tôi khiến quý vị phải khổ đau, đó là vì có ý tốt cho quý vị mà thôi. Tôi biết trong số quý vị có những người học cao, hiểu rộng. Những người có học vấn và kiến thức bình thường vẫn có thể tu hành thật dễ dàng. Nhưng những người có kiến thức rộng thì cũng giống như người có ngôi nhà rất lớn phải dọn dẹp sạch sẽ. Khi đó, họ sẽ có một không gian sống hết sức thoải mái. Hãy nhẫn nại. Kiên nhẫn và chịu đựng là cốt lõi trong việc tu hành của chúng ta.
Bà vợ
Đừng giống như một bà vợ đang rửa chén bát với vẻ càu nhàu trên gương mặt. Cô ấy chăm chú vào việc rửa bát đĩa đến độ không nhận ra chính cái tâm của mình đang bị bẩn! Quý vị có bao giờ nhìn thấy cảnh này chưa? Cô ấy chỉ thấy bát đĩa. Cô ấy đang nhìn ra xa khỏi bản thân mình. Một số quý vị có lẽ đã từng trải nghiệm điều này. Đây chính là nơi quý vị phải nhìn vào. Người ta tập trung vào việc rửa bát đĩa, nhưng họ lại để cho tâm của mình bị uế trược. Vậy là không đúng. Họ đang quên khuấy chính mình.
Chó sói
Ngày kia, Đức Phật nhìn thấy một con chó sói từ trong rừng chạy ra chỗ ngài đang ngồi. Nó đứng yên một lúc, rồi bỏ chạy vào bụi rậm, và rồi lại chạy ra. Thế rồi nó chạy vào một cái hang, để rồi lại chạy ra lần nữa. Lúc thì nồ đứng, lúc thì nó lại chạy, rồi nó lại nằm, thế rồi nó nhảy chồm lên... Con chó sói đó đang bị bệnh chốc lở. Khi nó đứng, chốc lở cắn vào da của nó, thế nên nó chạy. Khi chạy, nó cũng chẳng thấy dễ chịu chút nào, nên nó nằm. Thế rồi nó lại nhảy dựng lên, chạy vào bụi rậm, chạy vào thân cây rỗng, chẳng bao giờ chịu đứng yên.
Đức Phật nói, “Này các tỳ khưu, các ông có thấy con chó sói lúc chiều nay không? Nó đứng cũng khổ, chạy cũng khổ, ngồi cũng khổ, nằm cũng khổ. Chui trong bụi rậm, vào thân cây rỗng hay vào hang, nó cũng khổ. Nó đổ lỗi là do đứng không thoải mái, nó trách là do ngồi không thoải mái, nó đổ thừa là tại việc chạy và việc nằm; nó đổ thừa cho cội cây, bụi rậm và hang đá. Thật ra vấn đề không nằm ở cái nào trong số những thứ này. Con chó sói đó đang bị chứng chóc lở. Vấn đề nằm ở cái chứng chóc lở đó”.
Chúng ta cũng giống như con sói đó. Sự khó chịu của chúng ta là do cái nhìn sai trái. Bởi chúng ta không tập luyện việc câu thúc ngũ quan cho nên chúng ta trách cứ sự khổ của mình là do ngoại cảnh. Cho dù chúng ta sống ở Thái Lan, Mỹ hay Anh quốc, chúng ta cũng đều không hài lòng. Tại sao vậy? Bởi chúng ta còn mang tà kiến trong lòng, chỉ có vậy thôi! Cũng chính con sói đó, nếu chữa hết chứng chốc lở thì nó sẽ hài lòng, bất luận nó đang đi đâu, do đó chúng ta cũng sẽ hài lòng, bất luận chúng ta đến đâu, một khi chúng ta đã giải trừ được tà kiến.
Con dao
Một con dao thì có lưỡi dao, sống dao và cán dao. Quý vị có thể nào chỉ cầm lưỡi dao lên không thôi (chứ không cầm cán dao hay sống dao)? Quý vị có thể nào chỉ cầm cán dao hay sống dao lên không thôi? Cán, sống và lưỡi đều là những phần của cùng một con dao. Khi quý vị cầm con dao đó lên, cả ba phần đều được cầm lên theo cùng lúc.
Cũng vậy, nếu quý vị chọn những gì là thiện, cái ác tất sẽ theo sau. Người ta chỉ muốn tìm cái thiện lành và cố gắng ném bỏ cái ác, cái xấu, nhưng họ không chịu hiểu rằng chẳng có gì là thiện hay bất thiện cả. Nếu quý vị không chịu hiểu như vậy, quý vị sẽ không có được hiểu biết đích thực. Nếu quý vị chọn cái thiện, cái bất thiện sẽ theo sau. Nếu quý vị chọn hạnh phúc, sự khổ đau sẽ theo sau. Hãy huấn luyện tâm mình cho đến khi nó vượt khỏi thiện và ác. Đó là lúc kết thúc việc tu hành.
Cái gút
Chúng ta quán thấy hạnh phúc và khổ đau là bấp bênh và vô thường, và hiểu rằng tất cả các cảm xúc khác nhau đều không lâu bền, và không nên luyến chấp vào đó. Chúng ta hiểu các pháp hữu vi theo cách này bởi vì đó là hiểu biết của trí huệ. Chúng ta hiểu rằng vạn pháp là như vậy, đúng theo tự tính của chúng.
Điều đó cũng giống như việc cầm lấy một sợi dây thừng đang bị thắt gút. Nếu chúng ta kéo nó đúng chiều, cái gút sẽ lỏng ra và bắt đầu tan biến. Nó sẽ không còn chặt và căng nữa.
Điều này tương tự như việc hiểu rằng vạn pháp không phải lúc nào cũng đi theo cách mà chúng đã luôn luôn là. Trước đây, chúng ta buộc mọi thứ luôn phải đi theo một cách nào đó, và khi làm như vậy, chúng ta đang kéo cái gút càng lúc càng chặt hơn. Sự thắt chặt như vậy là khổ. Sống theo cách đó hết sức căng thẳng. Do đó chúng ta nới lỏng cái gút ra một chút và thư giãn. Tại sao chúng ta nới lỏng nó? Việc phải luôn luôn đi theo cách đó chẳng phải là một điều kiện.
Chúng ta sử dụng lời pháp về vô thường làm nền tảng cho mình. Chúng ta xem hạnh phúc và khổ đau đều là không thường hằng. Chúng ta xem chúng không phải do duyên sinh. Tuyệt đối chẳng có cái gì là thường hằng cả. Với sự hiểu biết như vậy, chúng ta dần dần thôi tin tưởng vào những tâm trạng và cảm xúc khác nhau đang diễn ra trong tâm. Sự sai lầm sẽ giảm đi theo cùng mức độ với việc chúng ta ngừng tin tưởng vào nó. Đây chính là ý nghĩa của việc tháo cái gút đó ra. Nó tiếp tục trở nên càng lúc càng lỏng hơn. Sự chấp thủ, luyến ái sẽ dần dần bị tiêu trừ.
Cái muôi múc canh
Nếu chỉ lắng nghe những lời giảng về Pháp mà không thực hành, quý vị sẽ giống cái muôi múc canh nằm trọng nồi canh. Nó luôn nằm trong nồi canh, nhưng chẳng biết được hương vị của canh. Quý vị phải suy ngẫm và thiền.
Chiếc lá
Ngay bây giờ chúng ta đang ngồi trong một khu rừng bình yên. ở đây, nếu không có gió, chiếc lá vẫn nằm yên. Khi có gió thổi, nó rung rinh và phất phới.
Tâm cũng giống như chiếc lá đó. Khi giao tiếp với pháp trần (cảm xúc của tâm), nó cũng rung rinh và phất phới theo tự tính của cảm xúc đó. Và chúng ta càng thiếu hiểu biết về Pháp bao nhiêu, tâm sẽ càng không ngừng chạy theo các pháp trần nhiều bấy nhiêu. Với cảm xúc hạnh phúc, nó sẽ bị lôi cuốn theo hạnh phúc. Với cảm xúc khổ đau, nó liền chạy theo sự khổ đau. Nó không ngừng quay cuồng theo gió.
Mái nhà dột
Đa số chúng ta chỉ nói về tu hành mà không thật sự tu hành. Điều này cũng giống như người có mái nhà dột một bên, cho nên anh ta ngủ ở phía bên kia nhà. Khi ánh nắng chiếu xuống phía bên đó, anh ta lăn sang phía khác, trong đầu lúc nào cũng nghĩ, “Khi nào mình mới có được ngôi nhà tươm tất như những người khác đây?”. Nếu khắp cả mái bị dột, khi ấy anh ta bèn ngồi dậy và bỏ đi. Đây không phải là phương cách, nhưng đó lại là cách mà hầu hết mọi người đang làm.
Bức thư
Chỉ cần biết cái gì đang diễn ra trong tâm của quý vị, không vui cũng không buồn về nó, không luyến chấp. Nếu quý vị khổ, hãy nhìn nó, hãy biết nó, và buông bỏ hết. Điều này giống như một bức thư - quý vị phải mở bức thư đó ra trước khi có thể biết được có gì bên trong nó.
Khúc gỗ
Nếu chúng ta cưa một khúc gỗ và thả nó xuống sông, nó liền trôi theo dòng nước. Nếu khúc gỗ đó không bị mục hay không bị vướng vào hai bên bờ sông, thì cuối cùng nó sẽ ra được biển lớn. Cũng vậy, tâm tu hành theo Trung Đạo và không luyến chấp vào bất kỳ cực đoan nào, ái lạc hoặc ái khổ, chắc chắn sẽ đạt được tĩnh lặng đích thực.
Khúc gỗ trong ví dụ của chúng ta chính là tâm. Hai bên bờ sông tiêu biểu cho một bên là ái (yêu thương), một bên là ố (ganh ghét). Hoặc quý vị có thể nói một bên bờ là lạc (hạnh phúc), còn bờ bên kia là khổ (khổ đau). Đi theo Trung Đạo là để nhìn thấy ái, ố, lạc, khổ đúng theo những gì chúng thật sự đang là - để hiểu rằng chúng chỉ là những cảm xúc. Một khi đã đạt được hiểu biết này, tâm sẽ trôi một cách nhẹ nhàng về phía chúng mà không bị vướng mắc. Đây là sự tu tập của cái tâm hiểu biết, cái tâm không nuôi dưỡng bất kỳ cảm xúc nào đang khởi sinh, cũng không luyến chấp vào chúng. Tâm khi ấy sẽ xuôi theo dòng sông một cách tự do, không bị chướng ngại, và cuối cùng thì chảy vào “biển lớn” Niết bàn.
Gỗ cây
Nếu quý vị không chịu khó tu dưỡng tâm của mình, khi đó nó vẫn còn buông lung, phóng túng, chạy theo những cách tự nhiên của nó. Có thể huấn luyện cái tự nhiên đó để nó trở nên hữu ích. Hãy so sánh điều này với cây rừng. Nếu cây mọc theo trạng thái tự nhiên của chúng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể dùng chúng để làm nhà. Chúng ta không thể cưa thành những tấm ván hay bất kỳ thứ gì khác có ích để làm nhà. Thế nhưng, nếu một người thợ mộc muốn làm nhà, anh ta sẽ thu thập vật liệu và sử dụng nó sao cho có lợi. Trong thời gian ngắn, anh ta có thể làm được một ngôi nhà.
Thiền và việc phát triển tâm cũng như vậy. Quý vị phải thu thập cái tâm chưa thuần hóa, giống như người thợ mộc thu thập một thân cây trong trạng thái tự nhiên của nó, và huấn luyện cái tâm tự nhiên đó sao cho nó trở nên tinh tế hơn, thấu suốt hơn, và trở nên nhạy bén hơn.
Con giòi
Sự hài lòng không phụ thuộc vào việc có bao nhiêu người trong chúng ta đang hài lòng. Nó nảy sinh từ chính tư duy. Nếu có chính kiến, khi ấy bất luận đang ở đâu, chúng ta cũng đều thấy hài lòng.
Nhưng phần lớn chúng ta đang mang tà kiến (cách nhìn sai lầm). Điều đó cũng giống như con giòi đang sống trong đông phân trâu. Nó sống trong chỗ dơ bẩn, thức ăn của nó là chất bẩn, nhưng điều đó thích hợp cho con giòi. Nếu quý vị lấy cây que và hất nó ra khỏi đông phân, nó sẽ cảm thấy lúng túng và bò ngoằn ngoèo trở lại ngôi nhà của nó.
Chúng ta cũng không khác gì. Tôn sư dạy chúng ta phải nhìn thấy đúng, nhưng chúng ta cảm thấy lúng túng và khó chịu trong lòng. Chúng ta nhanh chóng quay trở lại với các thói quen và quan điểm cũ, bởi vì đó là nơi chúng ta cảm thấy an toàn, thoải mái. Nếu không nhìn thấy những hậu quả tai hại của tà kiến, chúng ta không thể lìa bỏ chúng được. Tu hành thật khó khăn, do đó chúng ta phải lắng nghe. Chẳng có điều gì khác để tu cả. Nếu có chính kiến (cách nhìn đúng đắn), khi ấy bất kể đi đâu, chúng ta cũng hài lòng.
Quả xoài
Chúng ta nói giới, định, tuệ là con đường mà tất cả các bậc Thế Tôn đều bước đi để đạt đến giác ngộ. Tất cả đều là một. Giới là định, định là giới. Định là tuệ, tuệ là định. Nó giống như quả xoài. Khi nó là hoa, chúng ta gọi nó là hoa xoài. Khi nó trở thành quả, chúng ta gọi nó là quả xoài. Khi nó chín, chúng ta gọi nó là quả xoài chín. Tất cả đều là một quả xoài, nhưng nó biến dịch không ngừng. Quả xoài lớn phát triển từ quả xoài non, quả xoài non trở thành quả xoài lớn. Quý vị có thể gọi chúng là những quả khác nhau hay tất cả là một. Giới, định và tuệ có liên quan đến nhau giống như vậy. Tóm lại, tất cả đều là con đường dẫn đến giác ngộ.
Quả xoài, ngay từ khoảnh khắc xuất hiện đầu tiên dưới dạng bông hoa, đơn giản là phát triển để chín. Vậy là quá đủ, chúng ta nên nhìn thấy nó như vậy. Bất kể người ta gọi nó là gì, điều đó không thành vấn đề. Một khi đã sinh ra, nó phát triển cho đến chín, và rồi đi đâu? Chúng ta nên suy ngẫm điều này.
Một số người không muốn mình già. Khi đã lớn tuổi, họ tiếc nuôi. Những người này không nên ăn xoài chín! Tại sao chúng ta muốn xoài phải chín? Nếu chúng không chín kịp lúc, chúng ta giú chín chúng bằng phương pháp nhân tạo. Nhưng khi chúng ta già, lòng chúng ta lại tràn đầy tiếc nuôi. Một số người khóc, họ sợ già hay chết. Nếu đã như vậy, thì họ không nên ăn xoài chín. Tốt nhất họ chỉ nên ăn những hoa xoài! Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể thấy được Pháp. Mọi chuyện trở nên rõ ràng, chúng ta đạt được thanh tịnh.
Thuốc và trái cây
Đối với những người chưa tu hành, chúng ta không nên giận dữ với họ. Đừng nói lời chống đối họ. Chỉ nên khuyên bảo họ mà thôi. Họ sẽ đến với Pháp khi căn cơ phát triển. Việc đó cũng giống như bán thuốc chữa bệnh. Chúng ta quảng cáo thuốc và những người bị nhức đầu hay đau bụng sẽ đến mua. Với những ai không thích uống thuốc của chúng ta, cứ mặc kệ họ. Họ giống như trái cây chưa chín. Chúng ta không thể ép buộc chúng chín và ngọt được - do đó chỉ cần cho phép chúng là như vậy. Nếu nghĩ như vậy, tâm chúng ta sẽ trở nên thoải mái. Do đó chúng ta không cần phải ép buộc ai cả. Chỉ đơn thuần là quảng cáo thuốc của chúng ta và chỉ có vậy thôi, chấm hết. Khi ai đó bị bệnh, anh ta sẽ đến và mua thuốc về uống.
Nhà buôn
Quý vị phải làm mọi việc với sự thấu suốt và hiểu biết. Khi quý vị hiểu thấu rõ ràng, sẽ chẳng cần phải dùng đến hạnh nhẫn hay sự áp chế bản thân. Quý vị gặp những khó khăn và bị đè nặng do bỏ sót điểm then chốt này. An tịnh xuất phát từ việc làm mọi thứ một cách trọn vẹn bằng cả thân và tâm. Bất kể cái gì chưa làm đều để lại cho quý vị cảm giác không hài lòng. Những điều này trói buộc quý vị bằng sự lo âu, bất kể quý vị đi đâu. Quý vị muốn hoàn tất hết mọi việc, nhưng đó lại là một điều bất khả thi.
Xin lấy trường hợp của quý vị thương buôn đã thường xuyên đến đây để nghe pháp. Họ nói, “Ô, khi nào trả hết nợ nần và thu xếp ổn thỏa công việc, con sẽ xin quy y”. Họ nói như vậy, nhưng đến bao giờ thì họ mới trả xong nợ và thu xếp ổn thỏa công việc đây? Chuyện đó chẳng bao giờ kết thúc. Họ trả các món nợ của mình bằng một khoản vay khác, họ trả xong khoản vay đó và rồi nợ tiếp. Thương nhân đó nghĩ rằng nếu trả xong nợ, anh ta sẽ hạnh phúc, nhưng chuyện trả nợ thì biết đến bao giờ mới kết thúc? Đó là cách mà thế gian phỉnh phờ chúng ta. Chúng ta cứ chạy lòng vòng mãi như vậy, mà chẳng bao giờ nhận ra cái vòng luẩn quẩn nan giải của mình.
Dầu và nước
Dầu và nước khác nhau theo cùng một cách giống như người khôn và người ngu khác nhau. Đức Phật đã sống với sắc (hình sắc), thanh (âm thanh), hương (mùi), vị (vị), xúc (chạm) và thụ (suy nghĩ). Ngài đã là một bậc arahant (A la hán), cho nên Ngài có thể quay lưng với chúng thay vì hướng về phía chúng. Ngài đã quay mặt đi và buông bỏ từng chút một, bởi vì Ngài hiểu rằng tâm chỉ là tâm và suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Ngài không lẫn lộn và không trộn chúng vào nhau.
Tâm chỉ là tâm. Suy nghĩ và cảm xúc chỉ là suy nghĩ và cảm xúc. Hãy để mọi thứ như vậy đúng như chúng đang là. Hãy để sắc tướng cứ chỉ là sắc tướng, hãy để âm thanh cứ chỉ là âm thanh, hãy để suy nghĩ cứ chỉ là suy nghĩ. Tại sao chúng ta lại bận lòng chấp chặt vào chúng? Nếu chúng ta cảm nhận và suy nghĩ theo cách này, khi đó có sự tách biệt và không còn luyến chấp nữa. Các suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta sẽ nằm ở phía bên này, còn tâm chúng ta nằm ở phía bên kia. Cũng giống như dầu và nước - chúng cùng nằm trong cái chai, nhưng chúng là những phần riêng biệt.
Trẻ mồ côi
Rốt cuộc, người ta trở nên lo lắng thái quá. Tại sao? Bởi vì họ không biết. Họ chỉ chạy theo các tâm trạng và không biết làm thế nào để chăm sóc tâm của mình. Khi tâm không có ai chăm sóc, nó giống như một đứa trẻ thiếu mẹ cha chăm sóc. Trẻ mồi côi thì không có nơi nương tựa, và do vậy, đứa bé đó sống hết sức bấp bênh. Cũng vậy, nếu tâm không được chăm sóc, nếu không có rèn luyện hay làm chín chắn nhân cách bằng chính tư duy, điều đó quả thật rắc rối.
Chiếc xe bò
Giả sử chúng ta có một chiếc xe và có một con bò để kéo. Bánh xe không lớn, nhưng vết bánh xe để lại thì rất dài. Con bò càng kéo chiếc xe đi xa bao nhiêu, vết bánh xe càng dài bấy nhiêu. Các bánh xe thì tròn, nhưng các vết bánh xe thì lại dài. Nếu chỉ nhìn vào chiếc xe khi nó đứng yên, người ta không thể thấy được có điều gì đó dài liên quan đến bánh xe, nhưng một khi con bò bắt đầu kéo, chúng ta nhìn thấy các vết bánh xe trải dài ở phía sau. Chừng nào con bò vẫn còn kéo, chừng đó bánh xe vẫn tiếp tục lăn. Nhưng rồi một ngày con bò bị mệt và được tháo ách ra. Con bò thì bước đi nhởn nhơ, còn chiếc xe vẫn nằm lại chỗ đó. Các bánh xe không còn quay nữa. Rồi đến lúc chiếc xe bị hư nát. Các bộ phận của nó quay trở về với tứ đại: đất, nước, lửa và gió.
Những ai chạy theo thế gian này thì cũng vậy. Nếu người ta muốn tìm kiếm sự bình yên bên trong thế gian này, họ sẽ phải tiếp tục đi, đi không ngừng, giống như các bánh xe của chiếc xe bò. Chừng nào chúng ta còn chạy theo thế gian, chừng đó chúng ta vẫn chẳng có sự ngơi nghỉ. Chỉ cần chúng ta thôi chạy theo nó, các bánh xe sẽ không còn quay nữa. Có sự ngừng lại ở ngay đây. Khi không ngừng chạy theo thế gian, các vết bánh xe cũng sẽ không ngừng được tạo ra. Việc tạo ra kamma (nghiệp) xấu cũng giống như vậy. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục chạy theo những lôi mòn, chừng đó vẫn không có sự ngừng nghỉ. Đây chính là sự tu hành theo Pháp.
Hồ nước
Hãy chú tâm hằng niệm và cho phép vạn pháp diễn ra theo dòng chảy tự nhiên của chúng, khi ấy tâm sẽ trở nên tĩnh lặng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nó sẽ trở nên an tịnh giống như một hồ nước trong veo và tất cả các loài thú sẽ đổ xô nhau đến uống nước. Khi ấy quý vị sẽ nhìn thấy rõ chân tướng của vạn pháp trên thế gian này. Quý vị sẽ nhìn thấy nhiều điều kỳ diệu và lạ lùng đến và đi. Nhưng quý vị vẫn sẽ như bất động. Đây chính là hạnh phúc của Đức Phật.
Nước mưa
Thật ra tâm, cũng giống như nước mưa, hết sức tinh khiết. Thế nhưng, nếu chúng ta nhỏ mực màu xanh vào, nó sẽ hóa thành màu xanh. Nếu cho mực màu vàng vào, nó sẽ hóa thành màu vàng.
Tâm cũng phản ứng giống như vậy. Khi một xúc trần thoải mái rớt vào trong tâm, tâm thấy thoải mái. Khi xúc trần đó là không thoải mái, tâm trở nên không thoải mái. Tâm sẽ bị đục, giống như nước đã nhiễm màu.
Khi nước trong tiếp xúc với mực màu vàng, nó hóa vàng. Khi tiếp xúc với mực màu xanh, nó hóa xanh. Nó sẽ luôn luôn đổi màu. Thật ra nước đã hóa xanh hay hóa vàng có tự tính là sạch và trong. Đây cũng là bản chất tự nhiên của tâm - sạch, trong và tịnh khiết. Nó trở nên rối loạn chỉ vì chạy theo các ấn tượng ngũ quan. Nó bị lạc lối trong những trạng thái của mình.
Dòng sông
Chẳng có gì sai trong chuyện cái thân trở nên già đi và mắc bệnh tật. Nó chỉ là đi theo tự tính của mình. Do đó, không phải cái thân khiến chúng ta khổ, mà là chính sự suy nghĩ mê lầm của chúng ta. Khi chúng ta nhìn thấy cái đúng trở thành mê lầm, điều đó tất sẽ dẫn đến sự hỗn độn, bối rối.
Giống như nước sông chảy một cách tự nhiên từ cao xuống thấp. Nó chẳng bao giờ chảy ngược được. Đó là tự tính của nó. Nếu chúng ta đứng cạnh bờ sông, nhìn thấy nước chảy xuôi nhanh theo dòng và mong muốn một cách điên rồ rằng nó phải chảy ngược, chúng ta tất sẽ khổ. Chúng ta sẽ khổ bởi ác kiến của mình, tức sự suy nghĩ “trái ngược với dòng chảy”. Nếu có chính kiến, chúng ta sẽ thấy rằng nước phải chảy xuôi. Chúng ta phải nhận ra và chấp nhận sự thật này, bằng không chúng ta vẫn sẽ luôn luôn mang tâm trạng kích động và bối rối, cũng như tâm sẽ chẳng bao giờ tìm được sự bình an.
Cái thân của chúng ta cũng giống như dòng sông phải chảy xuôi. Nó trải qua tuổi thanh niên, già lão và cuối cùng là chết. Đừng để cho chúng ta mong ước nó phải khác đi. Nó chẳng phải là điều mà chúng ta có quyền năng để điều chỉnh. Đừng chống lại dòng chảy đó!
Con đường
Bất luận quý vị đang ở đâu, hãy tự tri bằng thái độ tự nhiên và chú ý. Nếu nghi ngờ nảy sinh, cứ để cho chúng đến và đi. Khi quý vị gặp những phiền não, chỉ cần nhìn thấy chúng và vượt qua chúng bằng cách buông bỏ. Điều đó hết sức đơn giản - không chấp giữ điều gì hết.
Điều đó cũng giống như việc quý vị đang bước đi trên một con đường. Thỉnh thoảng quý vị sẽ gặp những trở ngại. Khi quý vị gặp phải những phiền não, chỉ cần biết rằng có chúng và vượt qua chúng bằng cách buông bỏ. Đừng nghĩ đến nữa những chướng ngại mà quý vị đã vượt qua. Đừng bận tâm về những chướng ngại mà quý vị chưa gặp. Hãy luôn luôn giữ lấy sự hiện sinh. Đừng bận tâm về chiều dài của con đường hay về đích đến của mình. Vạn sự đều vô thường. Bất kể quý vị đã vượt qua cái gì, cũng đừng chấp thủ nó. Sau cùng, tâm sẽ đạt được sự quân bình tự nhiên của nó. Thế rồi nó sẽ tĩnh lặng, cho dù quý vị đang ngồi nhắm mắt hay đang bước đi quanh một thành phố lớn.
Tảng đá
Lời pháp mà người ta ít thấu hiểu nhất và cũng là lời pháp mâu thuẫn nhất với tư kiến của họ chính là hãy buông bỏ và làm cho tâm trống không. Khi hiểu lời pháp này theo nghĩa của thế gian, chúng ta thấy bối rối, lúng túng và nghĩ rằng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Có thể giải thích lời pháp đó theo cách như vậy, nhưng ý nghĩa thật của nó thì gần với điều này hơn: Việc này cũng giống như vác một tảng đá nặng. Được một lúc thì chúng ta bắt đầu cảm thấy sức nặng của nó, nhưng chúng ta không biết làm thế nào để buông bỏ. Cho nên chúng ta cứ phải chịu đựng gánh nặng này. Nếu ai đó bảo chúng ta hãy liệng nó đi, chúng ta nói, “Nếu liệng bỏ nó, tôi sẽ chẳng còn gì!”. Nếu họ nói ra tất cả những lợi ích thu được khi đã liệng bỏ nó đi, chúng ta ắt cũng sẽ không tin, mà chỉ tiếp tục nghĩ trong đầu rằng, “Nếu liệng bỏ tảng đá đi thì tôi sẽ chẳng còn gì hết”. Do đó chúng ta cứ tiếp tục vác tảng đá nặng ấy cho đến khi cảm thấy nặng đến độ không thể vác được nữa, quá mệt và đuôi sức, chúng ta đành liệng nó đi.
Sau khi liệng nó xong, chúng ta trải nghiệm được những lợi ích của việc buông bỏ. Chúng ta cảm thấy khoan khoái và nhẹ nhõm hơn, chúng ta hiểu được việc vác một tảng đá nặng nề đến mức nào. Trước khi buông bỏ tảng đá, có lẽ chúng ta không thể hiểu được những lợi ích của việc buông bỏ. Sau đấy chúng ta có thể bắt đầu vác "những gánh nặng lần nữa, nhưng giờ đây chúng ta biết kết quả sẽ như thế nào, do đó chúng ta có thể buông bỏ dễ dàng hơn. Sự hiểu biết này - rằng việc vác những gánh nặng đi tới đi lui là vô ích, và việc buông bỏ mang lại sự thoải mái, nhẹ nhõm - là một ví dụ về việc tự tri.
Sự kiêu mạn, cảm giác về cái tôi mà chúng ta đang bám chấp, cũng giống như tảng đá nặng đó. Nếu nghĩ đến chuyện buông bỏ cái tôi, chúng ta sợ không có nó thì sẽ chẳng còn gì hết. Nhưng cuối cùng, khi buông bỏ được nó, chúng ta nhận ra sự thoải mái và thanh thản của việc không còn bám chấp nữa.
Ốc vít
Nếu quý vị nhìn thấy chân lý thông qua thiền định, khi ấy đau khổ sẽ bị tháo tung ra, giống như một ốc vít. Khi quý vị tháo một con ốc, nó sẽ lỏng ra. Nó không còn bám chặt được nữa khi quý vị vặn nó theo chiều ngược kim đồng hồ. Tâm cũng lỏng ra như vậy. Nó buông tay, nó thải bỏ. Nó không còn bám chặt vào thiện ác, vào tiền tài của cải, khen và chê, sướng và khổ. Nếu chúng ta không hiểu chân lý đó, việc này cũng giống như con ốc vít lúc nào cũng cứ bám chặt. Quý vị đang xiết chặt nó cho đến khi nó đè nát quý vị, và quý vị khổ đau vì mọi điều. Khi đã tháo hết những thứ đó, quý vị được giải thoát và đạt được tĩnh lặng.
Cây con
Khi thiền, quý vị phải luôn hằng niệm, cũng giống như khi trồng một cây con. Nếu trồng một cây con xuống nơi nào đó, thế rồi ba ngày sau quý vị lại nhổ nó lên và mang trồng ở chỗ khác, nó sẽ chết, không lớn lên nổi và chẳng cho ra quả nào.
Thiền cũng vậy. Nếu quý vị thực hiện một cuộc bế thất tịch cư suốt bảy ngày liền để thiền và rồi sau khi xuất quan, suốt bảy tháng ròng quý vị nhởn nhơ khiến tâm “bị bẩn”, và rồi quay trở lại thực hiện một kỳ bế quan bảy ngày khác nữa, điều đó cũng giống như cây con kia vậy. Sự hành thiền của quý vị sẽ không thể nào phát triển được, và nó sẽ chết, không mang lại chút kết quả thật sự nào.
Con dao bén
Khi nói rằng tâm đã tịnh, chúng ta cảm thấy như thể nó đã dừng lại, rằng nó không còn chạy khắp nơi. Điều đó cũng giống như chúng ta đang có một con dao bén. Nếu chúng ta chặt vào mọi thứ một cách tùy hứng, như vào đá, gạch và thủy tinh chẳng hạn, con dao của chúng ta sẽ mau chóng bị cùn. Chúng ta phải cắt hay chặt chỉ những thứ có ích để chặt.
Tâm chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta cho phép tâm của mình lang thang chạy theo những suy nghĩ và cảm xúc vô ích hay vô giá trị, tâm sẽ bị đuối sức bởi nó chẳng có dịp nào để nghỉ ngơi. Nếu tâm không có lực, trí huệ sẽ không nảy sinh, bởi vì tâm không có khí lực là tâm không có sức tập trung.
Con rắn
Người ta muốn hạnh phúc, không muốn khổ đau. Nhưng thật ra, hạnh phúc là một hình thức tinh tế của khổ đau. Còn chính sự khổ đau thì thuộc trạng thái thô lậu. Chúng ta có thể so sánh điều này với con rắn. Đầu rắn là khổ đau, đuôi rắn là hạnh phúc. Đầu của con rắn quả thật rất nguy hiểm, nó có răng nọc. Nếu chúng ta chạm vào nó, nó sẽ cắn ngay. Nhưng cho dù chúng ta không thèm để ý đến cái đầu mà chỉ nắm vào đuôi của nó, nó cũng sẽ quay lại và cắn như thường, bởi vì cả cái đầu lẫn cái đuôi đều là của cùng một con rắn.
Tương tự, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, sung sướng lẫn u sầu, đều sinh ra từ cùng một con rắn: ái dục (ham muốn). Do đó, khi chúng ta hạnh phúc, tâm vẫn không an lạc thật sự.
Ví dụ, khi có được những thứ mình thích, chẳng hạn, của cải, danh vọng, lời khen hay hạnh phúc, tất nhiên chúng ta sẽ trở nên vui thích. Nhưng tâm vẫn chứa đựng một sự bất an nào đó bởi nỗi sợ hãi đánh mất chúng. Chính nỗi sợ đó không phải là trạng thái an tĩnh, về sau chúng ta có thể thật sự đánh mất thứ đó và khi ấy chúng ta thật sự khổ đau. Như vậy, nếu chúng ta không hiểu, mặc dù đang hạnh phúc đi chăng nữa, sự khổ đau cũng vẫn gần kề. Điều đó cũng giống như đang cầm vào đuôi rắn - nếu không bỏ tay ra chúng ta sẽ bị nó cắn. Như vậy, cho dù đó là đuôi rắn hay đầu rắn, tức là, thiện nghiệp hay ác nghiệp, tất cả đều chỉ là những tính chất của Luân hồi, của Vô thường.
Con nhện
Việc quan sát một con nhện có thể làm khởi sinh trí huệ. Con nhện dệt lưới trong bất kỳ ngõ ngách thuận tiện nào và đứng vào giữa tấm lưới, thật yên lặng. Có một con ruồi bay đến đậu vào tấm lưới nhện. Ngay khi con ruồi vừa chạm vào và làm rung rinh tấm lưới - bụp! - con nhện nhảy xổ ngay vào và dùng tơ quấn lấy con ruồi. Nó đem cất giấu con mồi và rồi quay trở lại tư thế tập trung một cách im lặng ở giữa tấm lưới của mình.
Điều này chẳng khác tâm chúng ta chút nào. Tâm chúng ta có thể so sánh với con nhện, và những tâm trạng cũng như các xúc trần chính là các loài côn trùng khác nhau. Các giác quan không ngừng tác động lên tâm. Khi bất kỳ giác quan nào trong số chúng tiếp xúc với cái gì đó, điều đó lập tức truyền đến tâm. Thế rồi tâm quán sát và nghiên cứu một cách thấu đáo, sau đó nó quay trở về chỗ trung tâm của mình.
“Quay trở về với chỗ trung tâm” có nghĩa là sống một cách hằng niệm với ý thức rõ ràng, luôn luôn cảnh giác và làm mọi việc bằng sự chính xác - đây là cái trung tâm của chúng ta. Thật ra chúng ta chẳng cần phải làm gì nhiều. Chúng ta chỉ cần sống thận trọng theo cách này. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta sống với đầu óc lơ là, khinh suất rằng “Không cần phải thiền tọa hay thiền hành gì hết!”, và do đó hãy quên hết việc tu hành của chúng ta. Chúng ta không thể thiếu quan tâm hay buông lung được. Chúng ta phải luôn giữ vững sự cảnh giác, giống như con nhện chờ để chộp bắt côn trùng làm thức ăn. Đây là cách chúng ta an trụ - cảnh giác, hành động bằng sự chính xác, và luôn luôn ý thức một cách chăm chú bằng trí huệ.
Dòng nước chảy phẳng lặng
Có bao giờ quý vị nhìn thấy nước chảy chưa? Có bao giờ quý vị nhìn thấy nước lặng chưa? Nếu tâm của quý vị tĩnh lặng, nó sẽ giống như nước chảy nhưng phẳng lặng. Khi tâm tĩnh lặng, quý vị có thể phát huy trí huệ. Tâm của quý vị sẽ giống như nước đang chảy, nhưng vẫn phẳng lặng. Do đó tôi gọi đó là “dòng nước chảy phẳng lặng”. Trí huệ có thể khởi sinh từ chỗ này.
"""