" Một Chiến Dịch Ở Bắc Kỳ PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Một Chiến Dịch Ở Bắc Kỳ PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo MỘT CHIẾN DỊCH Ở BẮC KỲ Tác giả Bác sĩ Hocquard Dịch giả Thanh Thư Phát hành MEGA Nhà xuất bản Đà Nẵng ebook♥vctvegroup LỜI NGỎ Trước hết, chúng ta cùng điểm qua một số niên biểu quan trọng về chính sách đối ngoại và chính sách thực dân của Pháp ở Việt Nam để làm rõ hơn bối cảnh khơi nguồn cho tác phẩm Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) của bác sĩ Hocquard năm 1884. Ngày 20 tháng Mười một năm 1873: Francis Garnier hạ thành Hà Nội, cuộc công thành dẫn đến cái chết của Khâm mạng Bắc kỳ, Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Đúng một tháng sau, Francis Garnier bị giết (ngày 21 tháng Mười hai) khi lọt vào ổ phục kích của quân Cờ Đen. Ngày 15 tháng Ba năm 1874: ký Hiệp ước Philastre, tức Hòa ước Giáp Tuất. Hòa ước dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa một bên là Philastre (còn gọi là Hoắc Đạo Sanh) đại diện cho chính quyền thực dân Pháp; một bên là Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường, đại diện cho triều đình Huế. Hòa ước Giáp Tuất công nhận chủ quyền của Pháp tại Nam kỳ lục tỉnh (lãnh thổ đã bị Pháp chiếm đóng, theo điều 5). Ngoài ra, Hòa ước còn công nhận việc tự do theo đạo Thiên Chúa đối với người Việt Nam; quyền tự do đi lại và buôn bán đối với thương nhân Pháp; và lần đầu tiên, mô hình ngoại giao phương Tây được áp dụng tại Việt Nam. Hòa ước không mang lại sự yên bình ở Bắc kỳ và Trung kỳ khi mà nạn cướp bóc và giặc giã vẫn tiếp tục hoành hành; sự bất mãn và chống đối của quan lại, sĩ phu; sự hoạt động mạnh mẽ của quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc lãnh đạo... Tại Pháp, Chính phủ Freycinet quyết định tiến hành cuộc tấn công quân sự do đại tá hải quân Henri Rivière chỉ huy, mục tiêu là chiếm đóng và lập cơ sở của Pháp ở thượng lưu sông Hồng. Ngày 25 tháng Tư năm 1882, Henri Rivière công thành và chiếm được thành Hà Nội, sau đó chiếm thành Nam Định vào tháng Ba năm 1883, Henri Rivière bị giết ngày 19 tháng Năm năm 1883 trong khi truy đuổi quân Cờ Đen. Tại Paris, Chính phủ thứ hai của Jules Pérry* quyết định tiến hành cuộc bình định, viễn chinh Bắc kỳ bằng một chiến dịch quân sự quy mô trên diện rộng. Ngày 25 tháng Tám năm 1883: ký Hòa ước Quý Mùi đặt chế độ bảo hộ ở Trung kỳ, hay còn gọi Hòa ước Harmand (lấy theo tên của Frangois Jules Harmand - đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa Pháp), công nhận quyền bảo hộ (thuộc địa hóa) của Pháp trên toàn cõi Việt Nam. Ngày 30 tháng Ba năm 1885: Chính phủ Jules Férry sụp đổ vì vụ Lạng Sơn. Quân Pháp thất bại trước quân Thanh trong trận đánh Lạng Sơn (Pháp rút quân đêm 28 tháng Ba năm 1885), tin thất trận được cấp báo về Paris, Chính phủ Jules Férry sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ngày 13 tháng Bảy năm 1885, Phụ chánh Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra chiếu cần Vương, kêu gọi sĩ phu, văn thân và toàn dân đứng lên kháng chiến chống Pháp. Tại Việt Nam, Paul Bert có khoảng thời gian ngắn ngủi làm Tổng Trú sứ Bắc Trung kỳ từ tháng Tư đến tháng Mười một năm 1886, ông là "người được ủy thác mọi quyền lực của nước Cộng hòa" và "nắm quyền ra lệnh cho Tư lệnh thủy quân và lục quân, Tư lệnh hạm đội và tất cả các cơ quan của chính quyền bảo hộ"*. Có thể thấy khoảng thời gian trước khi ký Hòa ước Harmand (1883) cho đến khi có chức Tổng Trú sứ (1886) là giai đoạn bình định Bắc kỳ của người Pháp trước các lực lượng người Việt, quân Cờ Đen, quân Thanh... Hành trình của vị bác sĩ quân y Hocquard (từ ngày 11 tháng Một năm 1884 - ngày ông rời cảng Toulon, cho đến ngày 19 tháng Tư năm 1886 - ngày trở về Pháp) diễn ra đúng vào thời điểm này. Tổng cộng, ông ở Việt Nam khoảng hai mươi sáu tháng (giữa tháng Hai năm 1884 đến giữa tháng Tư năm 1886). Ký sự hành trình Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) xuất hiện lần đầu, bằng tiếng Pháp, trên tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) với nhan đề "Trente Mois au Tonkin" (Ba mươi tháng ở Bắc kỳ), được chia làm năm phần đăng từ năm 1889 đến năm 1891. Năm 1892, tác giả sửa nhan đề thành Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) để nhà xuất bản Hachette (Paris) in toàn bộ tác phẩm và 229 tranh khắc, bản đồ tuyệt đẹp về Việt Nam.* Ngay từ bìa sách, tác giả đã định danh mình là thiếu tá quân y, tham gia vào chiến dịch Bắc kỳ nhưng không trực tiếp tham chiến, chính vì vậy mà ông chỉ điểm sơ qua các chiến dịch quân sự và ít đi sâu vào chi tiết của nó. Qua những cuộc hành trình quân sự, ông tường thuật lại những điều mắt thấy tai nghe một cách chân thực và lôi cuốn nhất có thể trong vai trò người quan sát, người kể chuyện và nhà phân tích. Hocquard là một bác sĩ quân y, nhà nhiếp ảnh và là người thích phiêu lưu; không được xem là học giả như Gustave Dumoutier nhưng không vì thế tác phẩm của ông thua kém so với Essais sur les Tonkinois (Tiểu luận về dân Bắc kỳ)* của người đồng hương. Cùng thời gian đó, một công chức Pháp là Camille Paris phụ trách việc xây dựng đường điện báo nối Nam kỳ và Bắc kỳ công tác tại Huế, những quan sát và ghi chép của ông được xuất bản tại nhà xuất bản Ernest Leroux (Paris, 1889) với nhan đề Voyage d'exploration de Huê en Cochinchine, par la route mandarine (Chuyến thám hiểm từ Huế đến Nam kỳ bằng đường cái quan), bao gồm mười hai ảnh khắc và sáu tấm bản đồ về Việt Nam, thuật lại những điều trải nghiệm từ phía nam thành Huế đến Bình Thuận. Nếu đặt hai tác phẩm của Camille Paris và Hocquard cạnh nhau, chúng ta có một bộ sách giá trị mô tả sống động Việt Nam qua các tỉnh thành từ Bắc vào Nam: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phan Rang và Bình Thuận. Mỗi người mỗi phương pháp, mỗi điểm nhìn, nhưng qua các tác phẩm của họ độc giả ngày nay có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin quan trọng về đời sống thường nhật của người dân Bắc kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung hồi cuối thế kỷ XIX. Quay trở lại với Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) và Hocquard, vì là một quân nhân và đam mê viết lách, lại không hề nhắc đến vai trò nhiếp ảnh gia quân sự đo đạc địa hình ở Bắc và Trung kỳ, Hocquard có lẽ muốn đặt mình ra bên lề của quân đội. Ông tham gia chiến dịch quân sự một cách tự nguyện nhưng không tham chiến và chỉ kể về các cuộc hành trình của người bác sĩ cứu thương một cách khách quan nhất có thể. Hành trình của Hocquard như đã nói, qua tám tỉnh thành từ Bắc đến Trung kỳ; từ vùng châu thổ đến các bản làng miền núi, thị trấn đồng bằng; từ các con lộ đến đường mòn, các lối dọc ven sông; từ đồi trọc đến những cánh đồng lúa bát ngát. Là một bác sĩ, quân nhân, ông có điều kiện đi đó đây để chụp hình những nơi ông đặt chân đến, những người ông gặp ven đường, hoặc diện kiến... Con người và nhiếp ảnh chiếm vị trí trung tâm của tác phẩm và kết cấu của nó, chính vì vậy mà trong 225 ảnh trên toàn cuốn sách thì có hơn 40% số lượng ảnh chụp người: những nhạc công, cô bán hàng chợ, người bán thịt rong, thợ khảm, thợ cạo, thợ cày, cô bán than, ông lão mù, phu phen, người nông dân xay lúa, thợ gốm, thợ rèn, tổng đốc, sứ thần, đốc học, trưởng làng, sĩ quan Pháp, tù nhân, thổ phỉ, lính khố đỏ... Bên cạnh những bức tranh và mô tả về đời sống lao động, chân dung cá nhân... Hocquard cũng dành một phần không nhỏ cho các nghi thức tôn giáo và tập tục (đám ma, thờ cúng tổ tiên...), giải trí (trò chơi, âm nhạc...). "Hocquard bộc lộ tài năng nhất và cho thấy trải nghiệm của ông là quý giá nhất chính ở những đoạn mô tả cảnh sinh hoạt đời thường và mô tả những công cụ của nền văn minh vật chất." Hocquard là con người hiếu kỳ, vì hiếu kỳ nên ông tự tìm tòi để nâng cao vốn hiểu biết. Vì khao khát hiểu biết và thích quan sát, cộng thêm tài năng của một chuyên gia nhiếp ảnh, Hocquard đã mang đến cho chúng ta một tác phẩm tuyệt vời và độc đáo. Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) là một tác phẩm lớn, có giá trị sử liệu về con người, xã hội và phong tục Bắc kỳ, và cả Trung kỳ; một trong những công trình quan trọng nhất về văn hóa - lịch sử, về cách vận hành xã hội Việt Nam nói chung vào một thời đoạn. Nhan đề cuốn sách chưa cho thấy hết tầm quan trọng của giá trị nội dung: tìm hiểu/hiểu biết về lịch sử - văn minh - văn hóa vùng đất Bắc - Trung kỳ Việt Nam cuối thế kỷ XIX qua góc nhìn của một chuyên gia nhiếp ảnh nước ngoài - bác sĩ Hocquard, thiếu tá quân y. Trong quá trình chuyển ngữ, biên tập ấn bản tiếng Việt này, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi dịch các chức danh, tra cứu địa danh và nhân danh... Với những địa danh chưa tra cứu được hoặc tồn nghi, chúng tôi sẽ đánh máy theo nguyên bản tiếng Pháp. Dù đã rất cố gắng nhưng những sai sót là điều khó tránh khỏi, rất mong nhận được góp ý của bạn đọc để cuốn sách ngày càng hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sắp tới. NGUYỄN QUANG DIỆU Bác sĩ Hocquard CHƯƠNG I TỚI BẮC KỲ. - VỊNH HẠ LONG. - HẢI PHÒNG. - LÍNH KHỐ ĐỎ NAM KỲ VÀ BẮC KỲ. - BỆNH VIỆN HẢI QUÂN. - TỪ HẢI PHÒNG ĐẾN HÀ NỘI. - HÀ NỘI. – BẾN THUYỀN. - NHƯỢNG ĐỊA. - BA VÀ NHỮNG CHÚ BỒI AN NAM. - THỢ MAY BẢN XỨ. - THỢ KHẢM VÀ NGHỀ KHẢM. - MỘT CON LỢN RỌ MÕM. - HÀNG THỊT RONG. - TRANG PHỤC, TRANG SỨC VÀ KIỂU TÓC PHỤ NỮ AN NAM. - TRẺ EM. Ngày 3 tháng Một năm 1884, một bức điện của bộ* báo rằng, theo thỉnh nguyện cá nhân, tôi được chỉ định với vai trò bác sĩ cứu thương đồng hành cùng binh lính chi viện tới Bắc kỳ, dưới sự chỉ huy của thống tướng Millot. Tôi tới Toulon ngày 9, và ngày 11 lên Annamite, một tàu lớn của nhà nước, chở theo một tiểu đoàn bộ binh phòng tuyến 23, hai đơn vị pháo binh, khoảng sáu mươi sĩ quan đủ mọi cấp bậc, chưa kể thiết bị chất đầy khoang tàu và ba mươi con ngựa buộc trên boong. Về hành trình giữa Toulon và Bắc kỳ, tôi sẽ không nói thêm. Tôi chỉ theo hải trình cố định đã có từ lâu mà tàu lớn của hãng Messageries Maritimes vẫn thường đi. Các tàu đó chuyên chở thư tín của Trung Quốc và Nhật Bản, và các bến đỗ của họ bây giờ đã nổi tiếng như những trạm dừng của một tuyến đường sắt lớn Âu châu. Vả lại, chúng tôi được lệnh hành quân gấp: những sự kiện liên tục nổ ra ở Bắc kỳ trong giai đoạn này đòi hỏi phải có một biện pháp cấp thiết. Chúng tôi chỉ dừng lại trên đường để chất thêm than đốt dự phòng: ngày 15 tháng Hai, chúng tôi tiến vào vịnh Bắc bộ và trông thấy bờ biển An Nam. Rất nhanh sau đó, chúng tôi gặp Château-Renard,* một tàu hộ tống của hạm đội trên biển Đông mà đô đốc hải quân Courbet, hiện đang có mặt ở vịnh Hạ Long, phái tới hướng dẫn tàu chúng tôi băng qua các con lạch hiểm trở để đi vào vịnh. Château-Renard ném sang mạn tàu chúng tôi một dây cáp lớn để các thủy thủ buộc vào mũi của Annamite, và chúng tôi được kéo đi qua những bãi ngầm nhô lên mặt nước bủa vây tứ phía. Chúng tôi lướt sát những đỉnh đá nhọn phủ một lớp bọt trắng xóa. Ngồi gần thang lên xuống nơi boong tàu, rất gần với mặt nước, tôi không thể ngăn mình nghĩ tới việc chỉ cần hoa tiêu lơ đễnh chút thôi là chúng tôi văng xuống bãi đá ngầm ngay lập tức, bởi con tàu lớn chạy sát rạt những khối đá lởm chởm nhọn hoắt. Chúng tôi càng tiến sâu vào vịnh thì những bãi đá ngầm càng dâng cao. Giờ đây chúng là những khối đá granit khổng lồ, xám thẫm, cao chừng tám đến mười mét trên mặt nước. Những khối đá ấy có hình thù đa dạng và đáng kinh ngạc: hình trụ, hình tháp, hình nón, hình kim tự tháp với những đường nét quái dị. Chỉ có trên đỉnh núi đá là phủ một lớp thực vật gồm rêu và dây leo; còn phía dưới bị nước biển ăn mòn. Château-Renard kéo chúng tôi đi không chút do dự giữa một ma trận đá, đôi khi con tàu đó còn biến mất phía sau những khối đá vì đường quá ngoằn ngoèo. Sau chừng một giờ di chuyển khó nhọc, chúng tôi thả neo giữa vịnh Hạ Long, ở nơi đó chúng tôi được chiêm ngưỡng một cảnh tượng tuyệt diệu. Xung quanh và trải dài nhiều dặm, những khối đá xám mà chúng tôi vừa đi qua tạo thành một vành đai granit. Trong vùng vịnh rộng lớn núi đá bao bọc ấy, nước biển xanh màu lục nhạt, phẳng lặng như gương. Phía xa xa, biển gợn lên một đường bọt trắng mảnh mai dưới chân những khối đá granit chắn lấy đường chân trời. Giữa vùng nước lặng, tám tàu chiến của hạm đội thả neo một hàng chờ đón chúng tôi. Đứng trước là thiết giáp hạm của đô đốc, phía đuôi treo cờ tam tài và cột buồm lớn treo một dải cờ chiến nhỏ. Đô đốc Courbet đang đứng trên boong, vỏ những con tàu sơn trắng lóa, nổi bật trên nền xám của núi đá. Chạy xung quanh chúng là tàu tuần tra hơi nước của hạm đội có nhiệm vụ truyền mệnh lệnh, ca-nô mái chèo của các sĩ quan hải quân, thuyền con bản xứ với cánh buồm no gió trông như những cánh bướm. Ở vịnh Hạ Long chúng tôi phải rời Annamite để lên Dracq, một tàu hộ tống hạm đội nhỏ có mớn nước bé hơn, cho phép chúng tôi cập bến Hải Phòng. Việc chuyển quân giữa hai tàu diễn ra vào ngày 18 tháng Hai. Tất cả các ca-nô tàu chiến của hạm đội được huy động; sáu chiếc một cập mạn tàu Annamite. Binh lính mang theo hành lý và vũ khí xuống; khi đủ người thì sáu chiếc ca-nô được một tàu tuần tra nhỏ chạy hơi nước kéo đi một hàng. Dracq nhổ neo vào bốn giờ chiều; chúng tôi rời vịnh Hạ Long không đem theo ngựa, thuốc men, và mọi thiết bị y tế vì chúng sẽ được vận chuyển sau. Trong vòng nửa giờ, chúng tôi di chuyển giữa những núi đá. Hoa tiêu phải quen đường lắm mới giúp chúng tôi tránh được đầy rẫy những bãi ngầm và băng qua những con lạch nhỏ hẹp. Để làm khó thêm cho cuộc hành trình, mây đen ùn ùn kéo tới và bủa vây chúng tôi bằng một màn sương mù dày đặc đến nỗi không thể nhìn thấy xung quanh nữa. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bị mưa rào tấn công khiến cả người ướt như chuột lột dù được trang bị đồ cao su. Chúng tôi vào sông Hồng lúc đêm* xuống. Đi lại ở đây còn gian nan hơn cả trong vịnh Hạ Long. Gần cửa sông, cát và bùn dày đặc; tới nỗi độ sâu bị thay đổi liên tục; tàu vấp phải một bãi cát ngay ở chỗ ngày hôm trước nước vẫn sâu chừng sáu đến bảy mét. Chúng tôi hiểu rằng trong những hoàn cảnh như vậy thì cần phải trực gác. Ngay cả chỉ huy tàu và hoa tiêu cũng trực trên cầu tàu; liên tục thay đổi hướng đi theo chỉ dẫn của la bàn bởi vì chúng tôi không còn nhìn thấy gì nữa. Đáng lý phải tiếp tục tới Hải Phòng, nhưng cái đêm đen kịt này buộc chúng tôi phải thả neo giữa dòng sông; sống tàu đã ngập trong bùn sâu mười sáu centimét, không thể mạo hiểm đi tiếp. Ngày hôm sau, chúng tôi nhổ neo lúc rạng đông. Sương mù đã tan, và lần đầu tiên tôi nhìn thấy một góc của xứ Bắc kỳ vốn được nhắc đến rất nhiều ở Pháp. Ấn tượng ban đầu không đẹp mấy: nước sông Hồng đục ngầu, bề rộng con sông lên tới hơn tám trăm mét, nước chảy giữa hai bờ đất sét thấp lè tè, dưới một bầu trời xám xịt và âm u; đồng quê thì phẳng lặng tuyệt đối, chắn ở đường chân trời là những rặng núi cao xanh nhạt ẩn mình dưới những làn sương bồng bềnh. Con sông bất ngờ bẻ hướng, và đột nhiên chúng tôi nhìn thấy phía xa một dãy nhà màu trắng chạy dọc bờ sông: đã tới Hải Phòng rồi. Đi trên sông, nhìn từ xa thì dễ tưởng Hải Phòng là một đô thị lớn. Ngay sát bến thuyền là bệnh viện, nhà của ủy viên [bộ] hải quân, nơi ở của công sứ Pháp, các kho cảng và nhiều ngôi nhà gỗ nhỏ một tầng trang trí hoa mỹ như khách sạn. Những tòa nhà xinh đẹp đó được bố trí trên một đường thẳng duy nhất, hướng ra sông và tất cả đều có vườn cây tươi mát bao quanh. Ngay cạnh đó, dọc theo bờ sông là vô số ca-nô, ghe và sà-lan neo đậu. Những thuyền con chạy hơi nước và thuyền có mái chèo ngược xuôi trên sông đủ mọi hướng. Chúng tôi tưởng như đang ở trong một bến cảng sầm uất. Nhưng lên tới bờ rồi thì ảo tưởng đó tan biến; sau một vài ngôi nhà với vườn cây xanh mát là vùng đất mờ mịt tiếp giáp với thành phố của người An Nam. Nước sông tràn bờ đã biến vùng đất này thành một bãi đầm lầy khổng lồ, một nửa chìm trong nước khi thủy triều lên và bốc mùi hôi thối nồng nặc. (Ảnh:Ngôi nhà và trẻ con bên hai bờ sông Hồng) Làng của người An Nam* gồm khoảng một trăm túp lều thấp bé, tồi tàn, lợp mái tranh, tường bằng cọc tre giằng ở hai đầu và trát đất, trông xiêu vẹo. Đường phố đầy rác rưởi, nhỏ hẹp và chi chít những vũng nước hôi hám. Một bầy lợn con Bắc Hà xấu xí, mập như chó bulldog, cái bụng lủng lẳng, cái lưng trũng xuống, nghênh ngang giữa đường cùng với những con chó gầm gừ trông giống với chó chăn cừu xứ ta. Dân chúng là những phu khuân vác nghèo khổ làm những việc nặng nhọc ngoài bến cảng, họ chỉ mặc một manh áo rách vá chằng vá đụp không lấy gì làm sạch sẽ; và phần lớn đều có vẻ đầy chấy rận. Bệnh viện Hải Phòng nơi chúng tôi tới thăm có thể chứa được hai trăm giường. Bệnh viện được đặt trong tổ hợp tòa nhà lớn xây bằng gạch chỉ gồm một tầng trệt. Sàn nhà của các phòng được xây cách mặt đất sáu mươi centimét trên các cột trụ xi măng; theo lối này, không khí lưu thông giữa mặt đất và sàn nhà sẽ làm giảm đi ẩm ướt. Chạy quanh mỗi tòa nhà là một hàng hiên rộng được chống đỡ bởi một hệ thống cột. Hàng hiên này tạo thành lối đi dạo cho người bệnh, lại vừa ngăn được ánh nắng mặt trời thiêu đốt tường của các căn phòng. (Ảnh: Hà Nội, khu nhượng địa của Pháp năm 1884) Mỗi bệnh nhân có một giường sắt với giát giường, đệm, gối ôm, tấm ga và màn. Các bác sĩ hải quân và các bà xơ đảm nhiệm việc chăm sóc. Bệnh viện trang bị cả phòng tắm bồn và hoa sen và một quầy dược phẩm với đủ loại thuốc cần thiết. Trong số các thương binh của những trận chiến gần đây, chúng tôi thấy rất nhiều lính khố đỏ Nam kỳ từ Sài Gòn ra và rất nhiều người đã hy sinh trong trận đánh Sơn Tây.* Những binh lính bản xứ này là một đội quân trong lực lượng thuộc địa ở Nam kỳ tương tự như các trung đoàn lính tập Algérie.* Và cũng như vậy, họ chịu sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp, các cán sự hạ sĩ quan được mộ tuyển một phần là người Pháp, một phần là người bản xứ. Quân phục của họ khá đỏm dáng: một áo cánh vải đen dài không quá hông, một chiếc quần dài và rộng cùng màu, một dây lưng đỏ thắt nơ phía trước và hai dải rủ xuống đến giữa đùi. Họ đội một chiếc mũ tròn và dẹt bằng tre đan, quét sơn và tô điểm hoa văn bằng đồng. Cũng như mọi người An Nam, họ để tóc dài, túm một búi nhỏ phía sau gáy và cố định bằng lược đồi mồi hoặc lược gỗ. Trên mũ có hai sợi dây vải màu đỏ để buộc ra phía sau đầu hoặc thắt lại dưới cằm. Kiểu mũ này khiến cho binh lính An Nam trông giống như các nữ kỵ sĩ, hơn nữa họ lại còn không có râu như phần lớn đồng bào của họ. Lính khố đỏ Nam kỳ đã được gửi từ Sài Gòn ra để tham gia cuộc chinh phạt Sơn Tây. Họ đã sát cánh chiến đấu cùng với những tiểu đoàn lính tập Algérie đầu tiên được phái tới Bắc kỳ. Khi đám lính turco cao lớn, da màu đồng của chúng ta thoạt trông thấy những người lính bản xứ tóc búi nhỏ thó chiến đấu, họ đã phá lên cười và hò hét: "Melé, melé (hay lắm, hay lắm!) Các tiểu thư chiến binh!" Các "tiểu thư chiến binh" đã cho thấy khả năng của họ trong trận Sơn Tây và số thương binh được chăm sóc ở bệnh viện Hải Phòng đã chứng tỏ họ không ngại ngần xung trận. Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Bắc kỳ, ta đã cố gắng làm theo mô hình lính khố đỏ Nam kỳ để thành lập một lực lượng lính Bắc kỳ với một kiểu quân phục khác. Lính Bắc kỳ mặc áo cánh vải trắng với lai tay màu đỏ, quần xanh dương chỉ dài tới giữa cẳng chân, đội mũ chóp nhọn vẽ những đường tròn đồng tâm sơn lần lượt các màu xanh, trắng, đỏ. Số đăng ký của họ được ghi bằng màu đen trên một miếng vải trắng và đính vào bên ngực trái của áo cánh. Cũng như lính Nam kỳ, họ được trang bị kiếm thẳng của lục quân và súng trường. Họ đi chân đất và để cẳng chân trần. (Ảnh: Lính khố đỏ Nam kỳ) Chúng tôi không lưu lại lâu ở Hải Phòng; ngay hôm sau chúng tôi nhận lệnh khởi hành đi Hà Nội bằng tàu Pélican, một tàu kéo chạy hơi nước lớn bằng nửa chiếc du thuyền ở Paris. Mệnh lệnh tới lúc tám giờ; chúng tôi phải lên tàu lúc mười giờ. Không còn thời gian để chần chừ; chúng tôi người thì chuẩn bị lương thực, người thì lo vận chuyển hành lý. Đội cứu thương phải chia tách ra; con tàu quá nhỏ để có thể chứa hết tất cả chúng tôi; chỉ có năm người có chỗ trên tàu. Một tiếng còi hiệu, và chúng tôi lên đường, kéo theo một chiếc ghe An Nam chở hành lý. Trước đó, các ghe lớn này đã được trang trí mỗi bên mũi một con mắt to sơn trắng khiến chúng trông như những con cá mắc cạn. Chúng tôi tiến vào sông Tam Bạc, một phụ lưu của sông Hồng chảy qua ngoại ô Hải Phòng và lập tức nhìn thấy trước mắt là những cánh đồng lúa, mía, khoai lang và ngô trải dài tít tắp. Những khóm lúa hẵng còn xanh, nửa thân cây ngập dưới một lớp nước xâm xấp. Để giữ được lượng nước vốn rất quan trọng đối với cây lúa này, người ta phải be một bờ đất cao chừng ba mươi, bốn mươi centimét xung quanh ruộng, đồng thời nó cũng chính là đường ranh giới phân chia chủ quyền. Ruộng được chia ra rất nhỏ, mỗi mảnh không quá hai đến ba hécta. Trái lại, không một tấc đất nào lại không được tận dụng cho nông nghiệp, khắp nơi đất được đào xới như những vườn rau lớn vùng phụ cận Paris vậy. Đất ở đây là đất sét đỏ, không lẫn sỏi. Con sông khơi sâu dòng ở đất này, chảy giữa hai bờ thấp, đến nỗi cả vùng bằng phẳng thường xuyên bị lũ lụt. Mùa nước lớn, tất cả đồng ruộng đều ngập úng. Khi đó cũng chẳng thấy đường làng nữa mà chỉ còn thấy những con đê lớn cao từ một mét đến một mét rưỡi so với mặt đất. Những con đê này là những con đường duy nhất mà người dân bản xứ đi lại từ làng này qua làng khác; chúng rất hẹp, và con đê lớn nhất cũng rộng không quá bốn mét rưỡi. Bờ sông rất đông đúc; cứ một đoạn lại gặp một ngôi làng với những ngôi nhà nhỏ vuông vắn lợp tranh vách nứa. Dân chúng hầu như mặc quần áo rách rưới, ngồi xổm trước nhà, hai cánh tay thõng bên thân người. Nhìn từ xa, cái dáng điệu ấy khiến họ giống khỉ hơn là người. Nhà cửa được dựng giữa những vườn cau nhỏ và bao quanh là hàng rào tre gai um tùm. Mỗi lần chúng tôi đi qua một ngôi làng là chó chạy ra sủa thuyền, và một đám trẻ con ăn mặc xinh đẹp gào lên inh ỏi: "Ong quan! ong quan! sinon sapèque! (Ông quan! Ông quan! Xin ông một xu!)" Những vùng lân cận con sông có vẻ nhiều muông thú. Chốc chốc, con tàu lại làm từng bầy chim dẽ giun, vịt trời và cò bạch bay lên tán loạn. Những con cò bạch có kiểu bay rất lạ: chúng duỗi đôi chân dài và cái cổ trên một đường thẳng, đến nỗi, nhìn từ xa trông như một cây gậy trắng điểm thêm cặp cánh hai bên. Thủy thủ đoàn trên thuyền chúng tôi chỉ gồm một hạ sĩ hải quân và một hoa tiêu An Nam chỉ huy. Dòng sông trở nên rất quanh co, hoa tiêu tỏ ra lo lắng. Anh ta cứ đứng ở mũi thuyền và dùng một cây tre dài đo độ sâu. Chúng tôi vừa vượt qua hai chiếc ghe lớn chở lính và đạn dược bị kẹt trong bùn. Họ đang đợi thủy triều thường mỗi ngày lên rất cao để tiếp tục lên đường. Việc mắc kẹt trong bùn là thường xuyên ở xứ này. Đêm xuống rất nhanh. Ở Bắc kỳ không có hoàng hôn, chỉ nửa giờ trời đã tối đen. Sau khi thả neo chắc chắn, chúng tôi năm người nhồi nhét nhau trong một lán rộng không quá hai mét vuông, nằm trong chăn trải trên sàn, chúng tôi cố gắng ngủ. Ngày hôm sau, chúng tôi thức dậy mệt nhoài và rét cóng; trời đổ một cơn mưa phùn lạnh buốt xuyên thấu thịt da và khiến chúng tôi đông cứng. Không nhìn thấy gì trong tầm hai bước chân. Trên đầu chúng tôi là bầu trời xám chì, dưới chân là nước sông đỏ ngầu. Tất cả gợi lên một nỗi buồn ngao ngán. May sao mưa cũng ngừng và mặt trời ló dạng, sưởi ấm cho chúng tôi, đem lại chút niềm vui. Mực nước còn xuống thấp hơn hôm qua và hoa tiêu lo thuyền mắc cạn; anh ta chậm rãi tiến lên một cách tuyệt vọng, dừng lại ở mỗi khúc quanh để hỏi người dân ven sông về những đoạn nguy hiểm. Thật may là suốt dọc bờ sông, chúng tôi gặp được những dân chài bản xứ lội dưới bùn, họ đang nạo vét lòng sông để tìm tôm lớn và cua đồng. Những loài giáp xác này có nhiều trong các dòng sông ở đồng bằng Bắc kỳ: chắc chắn chúng được thủy triều đẩy từ biển vào. Chúng tôi dự tính đến Hà Nội lúc sáu giờ tối: nhưng tới mười một giờ chúng tôi mới thả neo. Chúng tôi đã mất trọn hai ngày để đi từ Hải Phòng tới Hà Nội. Khi đó đã quá khuya để vào thành phố: chúng tôi đành ngủ thêm một đêm và là đêm cuối cùng trong lán thuyền chật chội. Trời vừa sáng là chúng tôi dậy để lên boong ngắm cảnh bến cảng. Sông Hồng, với chiều rộng lên tới một cây số nằm đối diện Hà Nội, nhìn từ góc này là một bờ cao hai đến ba mét, rất khó tiếp cận. Trên bờ đó, song song với dòng sông là một con đường nhỏ trồng cây bàng, phía sau là những tòa nhà của khu nhượng địa Pháp nằm cạnh nhau và gần như trên cùng một đường thẳng. Xuôi theo dòng sông, đầu tiên là doanh trại cũ của thủy quân lục chiến, một tòa nhà xây hai tầng dùng làm bệnh viện, rồi tới những mái nhà tranh nhỏ làm kho lương. Bên cạnh là ba tòa nhà hai tầng bề thế, nơi ở của tổng tư lệnh, và giám đốc dân sự vụ. Xa hơn, phía trên vùng nhượng địa, bờ sông lúp xúp những túp lều tranh nhếch nhác. Thảng hoặc là một mái chùa nhỏ xây bằng gạch, tường quét vôi trắng và mái chạm trổ đối lập với những túp lều tồi tàn. Xa hơn nữa, vẫn theo dòng nước và ở tận cùng dãy nhà tranh của người An Nam chạy dọc bờ sông, ta thấy công trình lớn vuông vức có sân thượng hoành tráng hơn cả một biệt thự Pháp: đó là tòa nhà Hải quan, nằm cách vùng nhượng địa gần một cây số rưỡi và là điểm mút của thành phố nhìn từ con sông.* Sông Hồng rất sâu. Tàu thuyền có thể neo đậu lại bến, nhưng không có gì được bố trí để lên bờ, đến nỗi sau khi lội trong bùn đen và nhão ngập tới bắp chân, chúng tôi mấy lần suýt chết vì trèo lên bờ bằng những bậc thang đất sét đẽo bằng xẻng, vô cùng khó khăn. Bến đỗ khi đó cực kỳ náo nhiệt: hơn ba trăm cu-li bản địa được huy động bốc dỡ tàu thuyền từ vịnh Hạ Long tới, chở theo binh lính hoặc khí tài. Trên tấm áo rách mặc ngoài của họ là một mảnh vuông vải nhỏ màu trắng có đánh số và ghi chú bộ phận quản lý (quân nhu, bộ tham mưu, cứu thương, v.v...) Mỗi cu-li khuân vác có một đòn gánh dài và mang một sợi dây thừng. Để nhấc được một kiện hàng thì cần tới hai cu-li; họ buộc hành lý bằng dây thừng treo giữa đòn gánh, mỗi người gánh một đầu. Nếu kiện hàng quá nặng thì sẽ huy động đến bốn người khuân vác, họ bắt tréo hai đòn gánh thành chữ X và móc kiện hàng ở điểm tréo đó. Mọi công tác vận chuyển đều diễn ra trên lưng người: xe hơi tuyệt đối xa lạ. Mặt khác những con đê nhỏ đắp cao vút lại là những con đường duy nhất của người bản địa trong vùng thôn quê, chúng quá hẹp để chạy xe bốn bánh. Vùng nhượng địa Pháp được quây kín mọi bề bằng một hàng rào đất cao hai mét cắm cọc nhọn. Trên tường rào bố trí các lỗ châu mai nhỏ, cách đây không lâu lắm lính canh gác vẫn từ đó giám sát cả vùng quê.* Trước khi diễn ra vụ binh biến ở Sơn Tây cách đây chừng một tháng, quân Cờ Đen đã đổ về Hà Nội sau cái chết của đại tá Rivière, ngay trong đêm chúng cướp phá và đốt cháy nhà dân sát khu nhượng địa. Đội quân đồn trú Pháp ít ỏi không được phép ra khỏi khu vực một khi trời tối; khi cần mang lương thực đến đồn hoàng thành ở phía đầu kia thành phố thì các cu-li tải lương được một nửa đại đội lính vũ trang hộ tống vì sợ bị tấn công. Khu nhượng địa dài không quá một cây số và rộng chừng ba trăm hoặc bốn trăm mét. Một cổng lớn hai cánh dành để ra vào và ban đêm thì đóng lại. Cổng này có một bốt canh do mười lăm đến hai mươi người phụ trách, họ ở ngay cạnh đó, trong một nhà tập thể của lính gác xây bằng gạch. Những bức tường của tòa nhà này cũng trổ lỗ châu mai y hệt tường rào khu nhượng địa, trên sân thượng dựng một vọng gác lợp lá cọ. Ban đêm, khi cửa ngõ đã đóng lại, một lính canh sẽ giám sát từ vọng gác này; anh ta sẽ chất vấn người đến từ đằng xa và chỉ ai có mật khẩu mới được lại gần. Bước qua cổng khu nhượng địa, chúng tôi liền thấy một lối đi rộng trồng cây, chạy song song với sông Hồng. Bên trái là dãy nhà mà chúng tôi đã thấy khi còn ở dưới sông, bên phải là một dãy công trình giản dị hơn và lợp mái rạ. Một trong những ngôi nhà nhỏ đó là nơi trú ngụ của bốn bác sĩ hải quân, họ đã tới định cư ở Bắc kỳ từ hồi đầu cuộc chiến để phục vụ cho bệnh viện Hà Nội. Những quý ông này đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình. Họ nói rằng khu nhượng địa và trong hoàng thành đã đầy rẫy quân lính và họ không biết phải cho các sĩ quan ở đâu. "Bác sĩ trưởng trạm quân y và viên quản đốc quân đoàn viễn chinh đã tới từ một ngày trước nhưng vẫn phải cắm trại dưới một cầu thang. Các bạn chỉ còn một cách thôi, người đồng nghiệp ân cần nói, đó là vào ở trong nhà tranh với chúng tôi." (Bản đồ bao quát Bắc kỳ, tỷ lệ 1/2.000.000, theo tài liệu của sĩ quan đo vẽ địa hình thuộc binh đoàn viễn chinh) (Ảnh: Hà Nội, đồn lính canh lối vào nhượng địa) Chúng tôi nhận lời, càng biết ơn hơn nữa vì nhờ những vị chủ nhà giàu kinh nghiệm này mà chúng tôi sắm được những vật dụng thiết yếu để sinh hoạt. Vừa mới đến, chúng tôi đã hỏi họ dồn dập: "Làm sao mà sống được đây? Chúng tôi có phải tự nấu ăn không? Cái giường ở đâu? Chúng tôi có chăn màn để ngủ đêm nay không?" "Rất đơn giản," một trong số những người bạn mới của chúng tôi nói. "Lấy thằng bồi* của tôi đi, nó bập bõm được vài chữ tiếng Pháp; nó sẽ đưa các anh vào thành phố để mua sắm." Vừa nói, anh ta vừa gõ một tiếng coong lên chiếc cồng Trung Hoa đặt trong một góc nhà, và ngay lập tức một thằng bé bản địa chừng mười hai đến mười lăm tuổi chạy tới dõng dạc chào chúng tôi "bonjour; cap'taine" theo kiểu nhà binh. "Tôi phải nói trước với các anh là," anh bạn vừa cười vừa nói, "người An Nam gọi sĩ quan từ thiếu úy cho tới tướng tá đều là quan ba* tuốt. Nào, Ba, mày chuẩn bị đi. Đưa các ông này ra phố..." "Rõ, thưa quan ba," và nó biến mất. "Thằng bồi của tôi," bác sĩ X. lại nói, "nó tên là Ba, có nghĩa là 'số ba' trong tiếng An Nam. Dân bản địa không có tên; cha mẹ gọi con theo thứ tự ra đời. Ba là đứa con thứ ba. Cha mẹ nó tên là Nguyen Van-Xi, nhưng nó luôn giấu kỹ họ tên như mọi thằng bồi An Nam khác." "Kỳ lạ nhỉ." "Không có gì lạ cả, các anh sẽ hiểu một khi quen với phong tục đất nước này. Bọn bồi phục vụ người Âu phần lớn là những đứa du thủ du thực cần phải luôn để mắt cảnh giác. Chúng không ngủ ở nhà, mà ngủ trong phố, xong việc là chúng lo đi chơi bài hoặc chơi bacouën* bởi đó là trò mà người An Nam mê nhất. Chúng sẽ ăn cắp của ta bất cứ thứ gì có thể ăn cắp được, và, khi bị phát hiện thì chúng sẽ bỏ trốn không bao giờ quay lại. Một khi chúng đã trốn thì khó mà bắt lại lắm; bọn người bản địa đứa nào cũng giống đứa nào: đố mà tìm được thằng ăn cắp trong đám đông! Và anh chỉ còn biết than trời vì anh đâu hay họ tên nhà nó! Chính bởi vậy mà chúng che giấu họ tên rất kỹ." "Sao anh lại dùng mấy thằng trẻ ranh như vậy?" "Đơn giản vì chúng tôi không thể làm khác được. Thật khó để nói: nhưng mấy thằng nhóc vô lại mà chúng tôi đối xử như bọn man di đó, chúng học tiếng Pháp đủ để hiểu chúng tôi trong thời gian nhanh nhất đồng thời giúp chúng tôi hiểu ngôn ngữ của chúng. Cách đây ba tháng, cái thằng tên Ba mà các anh vừa gặp đó, nó không biết một từ tiếng Pháp nào và tuyệt đối không thể phục vụ tôi cái gì. Bây giờ thì không những nó hiểu tôi, mà nó còn nấu ăn như một đầu bếp trứ danh và là áo sơ-mi, cổ cồn như một cô thợ may xuất sắc. Nó là một thằng ma lanh, nhưng tôi không thể đuổi nó được, nếu có bắt gặp nó trộm đồ trong tủ thì tôi thề là tôi cũng sẽ nhắm mắt bỏ qua, để không tống khứ nó vì tôi rất cần nó." Vừa lúc đó thằng Ba trở lại. Nó đội một chiếc mũ nan lớn hình nón che khuất cả gương mặt nhỏ bé. Hai dải lụa đỏ rộng bằng bàn tay được đính trên nón và thắt lại thành một chiếc nơ to trước ngực. Phía ngoài chiếc áo veste trắng ban nãy, nó khoác một áo choàng lụa óng ánh như vải tuyn; chiếc áo này xẻ tà như áo sơ-mi và ống tay thì rất hẹp, cổ áo dựng đứng có nút cài phía trước. Ba thắt một dải dây lưng lụa đỏ, ngang hông buộc một cái túi thêu hạt cườm và sợi chỉ vàng; chân đi tất trắng tinh và giày sản xuất ở Pháp. Nó cầm một chiếc ô lớn cũng là hàng Pháp quốc. (Ảnh: Bồi phục vụ cho người Pháp) Phía sau Ba, một thằng bé chừng bảy, tám tuổi đứng bẽn lẽn, nó mặc sơ sài một tấm áo nâu và xách theo một chiếc giỏ lớn trống không. "Ba mặc đồ đẹp để đón tiếp các anh đấy", anh bạn X. nói; "Nó mặc như một ông quan vậy, nếu chúng ta không phải là chủ nhân của đất nước này và nếu luật pháp An Nam vẫn còn tồn tại thì hành động của nó đáng bị phạt ít nhất là một trăm roi." "Vậy ư!" Chúng tôi kêu lên, "Ở đây người ta không có quyền mặc thứ đồ người ta muốn sao?" "Không!" chủ nhà đáp, "Cách ăn mặc được luật pháp An Nam quy định một cách rất nghiêm ngặt, rồi các anh sẽ thấy. Một thằng bồi vớ vẩn không được mặc áo dài lụa kiểu này và nhất là dài như thế. Thằng con nhà cu-li này hiện đang vênh váo trong một bộ quan phục đấy.* Nhẽ ra nó phải mặc kéo* giản dị như thằng cu tội nghiệp đi theo nó kia kìa. Nó đáng phải bị đòn theo quy định như ở Pháp một tên nông dân phải ăn đòn nếu mặc y phục của tỉnh trưởng. Nhưng luật pháp xứ này đã bị xóa sổ vì chiến tranh, và thằng bồi của tôi cũng phù phiếm như đồng bào của nó, đã lợi dụng hoàn cảnh để khoác một bộ cánh mà nó vốn không có quyền, nhưng lại khiến cho kẻ thô tục thèm muốn. Chính vì thế mà các anh thấy nó mang theo chiếc ô to tướng. Chiếc ô ở đây thể hiện quyền uy: khi một ông quan xuất hiện giữa công chúng thì số lọng che mang theo sẽ tỏ rõ cấp bậc của ông ta, y hệt vạch sao trên ve áo sĩ quan ở ta vậy*." Chúng tôi ra khỏi khu nhượng địa với thằng Ba lanh lợi làm hoa tiêu và khúm núm theo sau ba bốn bước chân là chú bé áo nâu, chân đất, đầu đội cái giỏ, chạy lon ta lon ton. Chúng tôi đi đường đê lớn ngăn cách một bên là những ngôi nhà tranh vách đất tồi tàn và một bên là vũng nước phủ đầy lá súng. Khu nhượng địa ở ngay cạnh thành phố nhưng không nằm trong trung tâm. Xưa kia Hà Nội có tường thành và một hào nước bao quanh. Giờ đây bên sông chỉ còn lại một cửa ô với hai cột bằng gạch, trên đỉnh đắp hình lân, là bản mẫu của các pháo đài nữa thôi.* Đi qua cửa ô này sẽ thấy một đại lộ lớn trồng cây hai bên cùng những dãy nhà tranh: đó là phố Thợ Khảm.* Những người thợ may trong vùng mở cửa hàng trên phố này; họ là những người đầu tiên mà chúng tôi đến thăm, và vì: khi chúng tôi rời Pháp, chúng tôi chỉ có những khái niệm rất mơ hồ về Bắc kỳ; tôi không biết tại sao, chúng tôi đã hình dung rằng khí hậu xứ này giống với Nam kỳ và chúng tôi sẽ phải chịu cái nóng dữ dội suốt cả năm; cho nên chúng tôi chỉ mang theo ngoài bộ quân phục Pháp không mấy tiện lợi là vài bộ quần áo rất nhẹ. Ngay khi tới vịnh Hạ Long, hồi tháng Hai, chúng tôi đã bị choáng váng vì mưa và lạnh. Mùa đông ở Bắc kỳ không bao giờ băng giá, nhưng có những ngày nhiệt kế xuống hai hoặc ba độ. Quần áo bằng vải thô mang từ châu Âu sang thành ra không đủ ấm. May rằng khi tới Hà Nội, chúng tôi thấy các bạn đồng nghiệp hải quân mặc những bộ complet rất đẹp bằng vải flanelle do thợ may An Nam chế tác, và chúng tôi liền vội vàng bắt chước họ. Cửa hàng của một thợ may trông giống như cửa hàng của mọi tiểu thương ở Hà Nội: hàng hóa bày trong một căn nhà tranh nhìn không khác gì một cái lán mở ra đường phố: căn nhà được chia làm hai ô theo chiều dọc và ngăn bằng một tấm phên tre. Cửa hàng và xưởng nhìn ra phố; phía bên kia vách ngăn là chỗ sinh hoạt của gia đình. (Ảnh: Lối đi chính của khu nhượng địa) Chúng tôi thấy các nghệ nhân đang ngồi xếp bằng trên bàn làm việc, như mọi thợ may trên thế giới này. Ba giải thích cho họ điều chúng tôi muốn và để lại một bộ quần áo của chúng tôi làm mẫu. Họ nói với Ba là trả bảy piastre* (khoảng ba mươi franc) thì họ sẽ may trong vòng hai ngày một bộ complet cùng kiểu, bằng vải flanelle Sài Gòn. Thật sự quá rẻ, và tôi khuyên các bạn đồng nghiệp chuẩn bị đi Bắc kỳ hãy đợi khi nào tới đây rồi mới may đồ vì các bạn luôn có thể bàn bạc với một thợ may Hà Nội. Phố Thợ Khảm mang tên một trong những nghề thủ công chính của xứ này là khảm xà cừ trên gỗ quý. Những người thợ miệt mài với Ở nghề này thực sự là những nghệ sĩ. Ở Pháp người ta đã bắt đầu biết đến một vài tác phẩm của họ; nhưng thứ mà ta không hình dung được khi chưa chứng kiến họ thao tác, đó chính là sự kiên trì, thời gian, sự khéo léo buộc phải bỏ ra để làm nên những đồ dùng khảm óng ánh, những tráp phủ đầy hoa lá duyên dáng và những đường trang trí tuyệt vời chỉ với dụng cụ thô sơ mà họ có. Nghề khảm đòi hỏi nhiều loại thợ và mỗi thợ lại có sở trường riêng của họ. Những bộ phận khác nhau của bàn ghế hoặc một vật cần khảm nào đó trước tiên được các chuyên gia thợ mộc gia công và lắp ráp lại. Các miếng gỗ được lắp ráp với nhau không cần đinh mà bằng một hệ thống lồng ghép tương hỗ và một loại keo dán trộn sơn mài. Gỗ dùng để khảm có hai loại: hoặc là họ gỗ từ đàn (cẩm lai) mà ở xứ này gọi là trắc, hoặc là thứ gỗ mun rất hiếm được lấy từ núi rừng Thượng-Bắc kỳ. Gỗ mun được ưa thích hơn để làm khảm bởi vì thớ gỗ mịn nên giữ được xà cừ tốt hơn. Thêm vào đó, màu đen như mực của gỗ mun làm nổi bật những ánh khảm hơn là màu tím của gỗ trắc. Vì vậy, ở Bắc kỳ, đồ khảm trên gỗ mun đắt gấp ba lần so với khảm trên gỗ trắc. Sau khi được thợ mộc lắp ráp rồi thì vật dụng cần khảm được chuyển tới thợ vẽ. Người này phác thảo hoa văn trang trí xà cừ trên những tấm giấy trong mờ và gửi chúng cùng với vật dụng nọ tới thợ khảm. Bấy giờ thợ khảm đồ lại bản vẽ trên các mặt gỗ của vật dụng và chọn xà cừ cần thiết để thực hiện. Xà cừ dùng để khảm được lấy từ vỏ ốc lớn có kích cỡ tầm một cái đầu trẻ con. Ốc được đánh bắt ở các bãi của Côn Đảo và đưa về Hà Nội thì có giá chừng sáu mươi, bảy mươi xu một con. Thợ khảm dùng rìu chẻ vỏ ốc thành từng mảnh nhỏ từ hai tới năm centimét vuông, vỏ ốc có nhiều màu sắc óng ánh, từ xanh ngọc cho tới hồng. Phải thực sự có tài năng thì họ mới phối hợp được trong tác phẩm khảm những màu sắc khác nhau và từ sự tương phản đó tạo nên những hiệu ứng kinh ngạc. Sự khéo léo của một người thợ được thể hiện trên hết là ở cách mà họ phân bố các mảnh xà cừ. Ngoài những vỏ ốc vừa nói ở trên, thợ khảm còn sử dụng xà cừ của một loại trai vỏ lớn đánh bắt trong một vài con sông ở tỉnh Thanh Hóa. Xà cừ của loại trai này có màu óng ánh rất kỳ diệu: xanh dương, đồng, tím, vàng, v.v...; và có giá rất cao. Xà cừ chọn xong sẽ được tạo hình để trang trí cho vật dụng, các mảnh xà cừ được sắp xếp liền nhau, giống như một bức mosaic, để chúng được cẩn vào trong gỗ. Mảnh xà cừ thô trước tiên phải được mài bằng đá để tước bỏ hết các phần đục che mất ánh phản chiếu, sau đó đặt vào một mỏ cặp được cố định trên một khối gỗ to. Người thợ, ngồi xổm bên cạnh khối gỗ đó, giũa mảnh xà cừ sao cho nó đạt được hình dạng như ý. Chứng kiến những người An Nam sử dụng công cụ thô sơ để thực hiện công việc tinh tế này, ta mới tự hỏi làm sao họ có thể đẽo gọt những đường nét dài trên xà cừ có độ dày không quá nửa milimet và xoắn như tua cuốn của cây nho bằng những chiếc giũa to như đầu bút chì. Những chiếc giũa này chất lượng rất kém; chúng thường xuyên bị hỏng, và người thợ liên tục dừng lại để chỉnh bằng cách dùng con dao lớn nện lên chiếc giũa đặt trên một cái đe. Gọt xà cừ xong thì phải đục gỗ để khảm nó vào. Công đoạn này phần lớn được bọn trẻ con từ mười đến mười hai tuổi làm. Tranh phác thảo đã được đồ trên gỗ trước đó; những người thợ nhỏ dùng cái đục tạo những rãnh sâu chừng một milimét, theo đúng chỉ dẫn của bức hình. Để rạch những đường này thì bàn tay phải chắc chắn; bởi nếu rãnh quá sâu hoặc quá rộng thì xà cừ có thể sẽ không khít và tác phẩm sẽ chẳng ra gì. Ảnh: Thợ khảm chỉnh lại giũa Khi bức tranh đã được đục xong, người ta cố định vào đó những mảnh cắt xà cừ bằng một thứ keo nhựa thông; ngay sau đó họ hơ nhẹ tấm gỗ trên lửa để keo chảy ra và lấp đầy mọi chỗ trống. Cuối cùng người ta mài nhẵn mặt gỗ bằng một miếng vải và tác phẩm như thế đã hoàn thành. Ra khỏi căn nhà tranh của thợ khảm, chúng tôi hướng về khu phố Tàu. Những con phố vô cùng náo nhiệt và dân chúng thì ồn ã. Cu-li đi sát bên chúng tôi, họ gánh ở đầu đòn gánh những con lợn Bắc Hà nho nhỏ bị trói chặt, núng nính, mõm vùi trong một cái rọ tre thuôn nhọn. Xa hơn một chút là người bán thịt lợn rong đang rao hàng. Anh ta gánh mọi thứ trên vai, ở hai đầu một thanh tre dài; một đầu là chiếc bàn nhỏ để đặt thịt thà lên cắt, đầu kia là một hộp lớn đựng dụng cụ: cân, dao phay, dao thường, v.v... Cân thường dùng ở Bắc kỳ là loại cân một đĩa kiểu La Mã cổ. Cán cân được chia vạch tương ứng với trọng lượng khác nhau và đánh dấu bằng những chiếc đinh đồng nhỏ xíu. Lúc đó có hai người trung lưu đi tới, một đàn ông và một phụ nữ. Cả hai ăn mặc gần như giống nhau. Điều khiến tôi kinh ngạc nhất khi tới đất nước xa lạ này, chính là rất khó phân biệt được nam nữ nếu chỉ thoáng nhìn. Cả hai phái đều để đầu tóc như nhau. Y phục cũng gần như giống hệt nhau. Phụ nữ cũng như đàn ông, họ đội khăn xếp, mặc áo dài, quần rộng lùng thùng và dây lưng sặc sỡ với những dải buông xuống đầu gối. Diện mạo của họ cũng tương tự nhau, bởi vì đàn ông không có râu và cũng búi tóc như phụ nữ. Tuy vậy, vẫn có những phần khác nhau trên y phục để phân biệt; phái nữ đeo bông tai rủ xuống và nhẫn. Bông tai có dạng nút lớn ở hai đầu; phụ nữ bình dân thì dùng bông tai thủy tinh sặc sỡ; chỉ con gái và vợ quan lại mới được mang bông tai kim loại quý. Nhẫn được làm bằng sợi dây vàng buộc xoắn lại; họ thích chiếc nhẫn phải thít chặt lấy ngón tay và được đẩy lên thật cao. Một vài phụ nữ thượng lưu cũng đeo dây chuyền vàng hoặc bạc với những hạt ngọc trai bằng kim loại to như hạt đậu. (Ảnh: Người bán thịt rong) Nón của những người Bắc kỳ thật hoành tráng. Nó có hình dáng như cái nắp đậy tròn, đường kính khoảng sáu mươi bảy mươi centimét. Mỗi bên đính một chùm sáu hoặc bảy dây lụa thêu, dày như ống đựng bút, và thắt lại ở giữa ngực tạo thành dây quai nón dài xuống ngực. Ở chỗ buộc dây lụa và hai bên chiếc nón là hai quả tua bằng lụa đen hoặc vải mộc rất to, trông như hai cái tai khổng lồ vậy. Một số nón được làm khéo léo bằng lá cọ, phía trong lót một lớp lưới mắt cáo mỏng bằng cói, giá thành rất đắt, nhất là khi chúng được trang trí hai móc bấm bằng bạc chạm trổ để treo quả tua bằng lụa. Rất nhiều phụ nữ dán trong chiếc nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để soi mỗi khi họ bắt đầu ra phố và khi cần sửa sang lại khăn đội đầu. Chiếc nón còn là một phần phục trang mà những cô gái thanh lịch chăm chút nhất. Một số nón có giá không dưới mười đến mười lăm piastre (bốn lăm đến năm mươi franc). Khi người An Nam bình dân không đi chân đất thì họ sẽ mang một loại xăng-đan đế da với quai da buộc vào cổ chân. Quai được trang trí nhiều miếng đệm nhỏ bằng vải tạo thành một chữ V ôm lấy mu bàn chân, trong đó một điểm cố định ở đế dép giữa ngón cái và các ngón khác, hai điểm còn lại kéo dài tới tận hai bên rìa xăng-đan rồi đính vào phía dưới của ngón cái và phía sau của bốn ngón còn lại. Người An Nam mang loại xăng-đan này rất buồn cười: họ giữ chiếc dép bằng sợi dây luồn giữa ngón thứ nhất với ngón thứ hai và khi di chuyển phải siết hai ngón ấy lại như chúng ta kẹp một vật gì giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ vậy. Cách vận động ngón chân cái như vậy, nhất là khi nó choãi ra so với những ngón còn lại, tạo thành một đặc điểm thể chất của giống nòi An Nam. Người Trung Quốc gọi dân bản địa này là Giao Chỉ, nghĩa là "chân tõe ra". Phụ nữ mang xăng-đan đẹp hơn xăng-đan của đàn ông. Đế của chúng bằng gỗ phủ sơn đen và cong lên ở phía trước. Phần cong lên đó thường được trang trí hoa văn. Đi những đôi dép gót rời ra như vậy rất khó và mỗi bước chân lại vang lên kêu lạch cạch; nhưng phụ nữ ở đây lại có một dáng đi rất uyển chuyển. (Ảnh: Trú sở của Pháp tại Hà Nội) Loại dép mà tôi vừa nói tới là dép truyền thống của người An Nam; ở Bắc kỳ chỉ có người bình dân còn đi loại ấy. Tầng lớp trung lưu và quan lại thì đi giày vải hoặc giày Trung Quốc đế dày và mõm nhọn, hoặc là hài bằng da màu đen, thậm chí cả giày Tây nữa. Phụ nữ thượng lưu thì có loại giày hở gót, mũi nhọn và cong giống như giày Mã Lai hoặc Cao Miên. Họ ưa thích những đôi giày ngắn và hẹp hơn bàn chân, để khi xỏ vào thì lộ hết những ngón chân; họ bước đi loẹt quẹt khiến cho dáng người núng nính như phụ nữ Trung Quốc. Họ để chân trần đi giày; chỉ vào mùa đông thì người Bắc kỳ mới mang tất len, và trong những đôi tất ấy, ngón cái bị tách ra khỏi những ngón khác. Người An Nam vóc dáng nhỏ bé. Chúng tôi không gặp ai cao hơn lm60 cả; cơ thể họ mảnh mai, cơ bắp ít phát triển khiến cho họ có vẻ yếu ớt. Gương mặt của họ to bè; gò má nhô cao và cằm ngắn trông như hình thoi. Hình dáng to bè của gương mặt còn được tô đậm thêm bằng dải vấn đầu ở phụ nữ và khăn xếp phủ xuống giữa trán ở đàn ông, che hết hai bên thái dương. Cả đàn ông và phụ nữ đều có chiếc mũi bè và tẹt, lông mày thưa và mắt xếch. Ở những người này, vì mí mắt bị kéo lên phía thái dương nên đuôi mắt của họ gần như lúc nào cũng ti hí. Họ lắng nghe và hấp háy mắt như thể bị cận thị. Đó là giống người An Nam phổ biến nhất theo như bạn bè của tôi đã sống lâu năm ở xứ này khẳng định. Tuy vậy, người An Nam sinh ra đã có thị lực tốt và những đôi mắt đen rất biểu cảm, rất đẹp. Tiếc rằng họ thường xuyên bị viêm mắt: cứ mười lăm người An Nam tôi gặp trên phố thì ít nhất một người bị chột hoặc bị lác. Kia là một bà già đi qua: phía trước đôi mắt bệnh tật của bà là một lá chuối to buộc trên đỉnh đầu như một dải khăn phấp phới; bà đi sát những ngôi nhà vì sợ nắng; trên thái dương dán hai miếng thuốc bằng vôi. Đó là thuốc chữa mọi thứ bệnh rất được phổ biến: tôi đã từng gặp ba người đi đường dán thứ này trên trán, ngay phía trên đôi mắt. Theo Ba, đó là để chữa chứng nhức đầu. (Ảnh: Phụ nữ Hà Nội) Người An Nam có nhiều sắc da tùy theo địa vị: người bản địa thượng lưu thì da trắng như sáp vì họ chỉ ra phố khi có kiệu đưa, cu-li hay nông dân thì da đỏ như gỗ gụ vì họ không ngại dầm mưa dãi nắng hàng giờ. Dù màu da thế nào thì cũng hiếm khi được nguyên vẹn. Ở quan lại giàu có cũng như ở tầng lớp bình dân, bệnh ghẻ thường xuyên xuất hiện; ghẻ tha hồ hoành hành mà chẳng ai buồn diệt nó; người bản địa coi ghẻ như một người bạn tất yếu phải có vì sự hiện diện của nó chứng tỏ một sức khỏe tốt. Nhiều loại ký sinh trùng khác cũng sinh sôi trên đầu tóc đen mượt của họ. Khi nào bất tiện lắm thì người An Nam mới tìm cách diệt chúng. Họ tụ tập đông người, giữa trời nắng trước cửa nhà để bắt chấy rận cho nhau. (Ảnh: Phụ nữ Hà Nội và phía trong một chiếc nón ba tầm) Tóc người Bắc kỳ rất đẹp và rất dài: không hiếm khi thấy phụ nữ thả tóc xuống tận gót chân. Họ chăm sóc tóc rất cẩn thận, gội đầu thường xuyên với một loại nước sắc có bọt, và sau đó buộc phải ngồi xổm ngoài nắng phơi tóc cho khô. Đàn ông An Nam mọc râu khá muộn; họ không có râu dài và rậm như người Âu châu nên cằm luôn nhẵn nhụi và tuổi tác khó đoán. Tôi chắc chắn rằng bộ râu dài của người Pháp là một thứ gì đó đáng sợ đối với người bản địa; đó là một trong những lý do mà những nhà truyền giáo của chúng ta không bao giờ cạo râu. Trái lại, cũng vì lý do đó, người Bắc kỳ dường như luôn trẻ hơn so với tuổi thật. Tôi cứ cho những người bản địa hơn hai mươi tuổi chỉ chừng mười hai đến mười lăm. Người Bắc kỳ hiếm khi mập mạp như người Trung Quốc, nhưng họ cảm thấy ngưỡng mộ những người béo tốt mũm mĩm. Một kiều dân Pháp tới đây ngay sau đội quân viễn chinh và bụng của anh ta bắt đầu phình ra đáng kể, mỗi lần anh ta xuất hiện trên phố liền khiến cho người An Nam phải ngoái nhìn. Người nông dân đi chợ phải sững lại để nhìn anh ta đi qua, và các bà mẹ vừa chỉ trỏ cho đứa con một cách khâm phục vừa nói: "Ong ké boum leunl (Ông kẹ bụng lớn kìa!)". Phụ nữ bản địa nhỏ bé nhưng khỏe mạnh; tay chân thanh mảnh, và gương mặt họ sẽ duyên dáng hơn nhiều nếu không có hàm răng nhuộm đen. Trẻ em thì xinh đẹp cho tới bảy, tám tuổi; từ độ tuổi đó mũi của chúng bắt đầu bè ra, gò má nhô lên và đôi mắt xếch hẳn và chúng mang hết mọi đặc điểm của giống nòi An Nam. Ở Hà Nội có nhiều trẻ em là con của người Hoa và phụ nữ An Nam: những đứa trẻ lai này rất thông minh và mạnh mẽ. Thương nhân Trung Quốc tới Bắc kỳ đều vội vàng cưới một hoặc nhiều phụ nữ bản địa nếu điều kiện cho phép. Ở Viễn Đông, tục đa thê được chấp nhận. Người Trung Quốc cưới vợ vì tính toán hoặc vì ưa thích: mỗi người đàn bà họ cưới sẽ giúp họ buôn bán. Họ cũng cần phụ nữ bản địa vì ngôn ngữ; mỗi người vợ giữ hoặc kiểm soát một quầy hàng chi nhánh mà ông chồng lập ra khắp nơi trên đất Bắc kỳ. Họ cũng tự lập thành viên với chi phí rất thấp và hưởng lãi không đáng kể nhưng chắc chắn tận tụy với lợi ích của gia đình. Nhiều thương nhân còn có vợ con ở Trung Quốc nhưng họ chỉ trở về khi đã có của cải. Lúc ra đi, họ sẽ để lại cho người vợ bản địa sản nghiệp mà họ đã gây dựng. Ở Bắc kỳ, phụ nữ không bế con trên tay mà kẹp trên hông; thói quen này thật tai hại về mọi phương diện: nó làm lệch cơ thể người mẹ và bẻ cong đôi chân của đứa bé. Trẻ sơ sinh được cho bú tới hai, ba tuổi, nhưng lên hai tuổi thì đứa bé đã được cho ăn cơm nhai. Đứa bé được bón ăn một cách khá lạ lùng: người mẹ cho cơm vào miệng và nhai kỹ, sau đó ghé miệng sát miệng con và đẩy hết vào cho tới khi đứa bé không chịu nuốt nữa. Cha mẹ không bao giờ ôm hôn con cái: khi họ muốn tỏ sự âu yếm, họ ghé mặt sát mặt đứa bé và hít hà như một con chó hửi chó con. Lính ta thường muốn ôm hôn những đứa bé thơm tho trắng hồng ấy. Bọn trẻ bỏ chạy vì sợ, và mẹ chúng quở mắng: "Sao-lam!" (Xấu lắm!). Hồi đầu cuộc chinh phạt, quan lại loan tin trong làng rằng chúng tôi ăn thịt người và chúng tôi nhai ngấu nghiến trẻ con, nhưng những việc mà tôi kể đây chứng tỏ đầu óc những con người bình dân, ngây thơ và câu nệ này không tin vào mấy chuyện phi lý đó. Người ta không quan tâm tới áo quần của lũ trẻ lắm. Mùa hè chúng đi lại trên phố gần như trần truồng hoặc chỉ mặc một chiếc áo đơn sơ dài tới đầu gối. Cha mẹ chúng luôn buộc vào cổ chúng mấy đồng bạc hoặc bùa hộ mệnh để xua đuổi tà ma hoặc tránh bệnh tật. Những đứa bé xíu cạo trọc đầu. Đến mười tuổi thì chúng mới để mọc một chỏm tóc trên đỉnh đầu hoặc rủ xuống giữa trán. Đôi khi chúng buộc hai túm tóc lủng lẳng hai bên thái dương như tai của giống chó Spaniel. Người Bắc kỳ rất yêu con, nhất là con trai thì họ tỏ ra cực kỳ tự hào. Khi chúng tôi vào một túp lều, nếu bọn trẻ không cục cằn quá và nếu chúng tôi có thể ôm chúng để vuốt ve thì cha mẹ chúng lập tức mỉm cười chạy tới cảm ơn, bức rào cản vì thế được dỡ bỏ. (Ảnh: Ba trong trang phục quý phái) CHƯƠNG II HÀ NỘI. - KHÓ KHĂN TRONG ĐIỀU TRA DÂN SỐ. - PHỐ PHƯỜNG. - PHÍA TRONG MỘT NHÀ GIÀU AN NAM: BÀN GHẾ, GIƯỜNG. - THỢ THÊU VÀ NGHỀ THÊU. - NGHỀ ẢNH: BỨC BIẾM HỌA Ở BẮC KỲ. - NGHỆ SỸ ĐƯỢC ĐỐI XỬ RA SAO. - NHÀ BUÔN ÁO QUAN VÀ ĐỒ CÚNG CHO NGƯỜI CHẾT. - PHỐ TÀU. - TIỆM MỨT VÀ TIỆM BÁNH NGỌT. - RƯỢU GẠO. - KẸO VÀ BÁNH GA-TÔ. - NHỮNG NGHỀ VẶT TRÊN PHỐ: NHÀO LỘN, HÁT RONG, LẤY RÁY TAI VÀ MÁT XA. Hà Nội, thủ đô của Bắc kỳ có chu vi đến mười cây số và dân số hơn một trăm nghìn người, cần phải nói rằng số liệu này không có cơ sở chắc chắn: dù được quan lại giúp đỡ, chúng ta vẫn chưa thể tiến hành điều tra chính xác dân số; mỗi lần thử ta lại thu được một kết quả tuyệt đối vô nghĩa. Dân chúng sợ hãi lẩn tránh: "Tại sao chúng lại đếm người," họ nói vậy, "nếu không phải để đàn áp ta bằng thuế má bất thường, thì cũng là để biến ta và con cái ta thành cu-li, thành lính?" Hà Nội được chia thành nhiều khu phố, mỗi khu lại có một nghề riêng. Những thợ thêu tập trung vào một phố; những người làm mứt và bánh, thợ mộc, nhà buôn vải... cũng vậy. (Ảnh: Những nhạc công mù) Trong những khu phố giàu, như là phố Cờ Đen* - nơi tập trung tất cả các cửa hàng buôn bán nhỏ do người Hoa nắm giữ, con phố được giữ gìn sạch sẽ và san sát những ngôi nhà gạch xinh xắn. Mặt đường lát đá lớn, gồ ghề; hai bên là hai con rãnh nhỏ và sâu để thoát nước mưa và nước cống. Nhà của người Bắc kỳ đều giống nhau. Để hiểu sự sắp đặt bên trong thì chỉ cần biết phương châm của người An Nam: muốn sống hạnh phúc thì ở sâu trong nhà, quây quần cùng gia đình; tránh kẻ nhiều chuyện và tránh người dòm ngó như tránh dịch hạch. Nhà cửa An Nam hẹp và sâu; nhìn mặt tiền nhỏ trên phố ta sẽ không ngờ rằng phía sau là một tòa không gian lớn chia cắt bởi nhiều khoảng sân. Mái lợp bằng ngói tráng men* trên một hệ thống rầm xà. Điểm mút của những xà nhà được chạm khắc nếu gia chủ thuộc hàng quan lại cấp cao. Nếu gia chủ chỉ đơn thuần giàu có thì xà nhà được trang trí chữ An Nam* viết bằng mực đen và đỏ những câu "phúc lộc và an khang", hoặc là "trường sinh và trường thọ", hoặc có thể là một lời chúc dành cho gia chủ. Thông thường, mái nhà rất dốc và vươn khá xa ra ngoài phố. Mái nhà tựa trên hai bờ tường bên hông, tường này dâng cao hơn mái mỗi bên ít nhất là hai mét và kết thúc bằng những bậc thang. Không ai có thể giải thích cho tôi tại sao lại có cách bố trí kỳ lạ này. Tôi khá tin rằng mục đích là để bảo vệ mái nhà trước bão tố, ở Bắc kỳ vào lúc giao mùa thường có nhiều bão. Để che giấu những căn hộ riêng của mình tốt hơn, chủ nhà thường cho thuê căn mặt tiền, nhìn ra phố để một tiểu thương mở cửa hàng ở đó. Phía sau cửa hàng là một cái sân trải dài, rồi tới một cái lán dùng làm kho dự trữ hàng hóa hoặc, hiếm hoi hơn, làm chỗ ở cho nhà buôn và gia đình của họ. Sau khi đi qua sân của căn nhà thuê đó, chúng ta sẽ tới một cái sân khác, rộng hơn, khang trang hơn, thường được biến thành một sân vườn nội thất nhờ vào những cây cảnh hiếm có trồng trong chậu sứ. Thường đó là một khu vườn nguyên sơ, một cây đào dại, mấy chiếc lá rụng trên mặt hồ nhỏ có đàn cá bơi tung tăng. Căn hộ riêng của gia chủ giàu có An Nam nhìn ra chính khu vườn nội thất này. Căn hộ trước tiên gồm một phòng lớn, dạng phòng tiếp khách nơi chủ nhà đón tiếp người lạ, người cung ứng, tất cả mọi cuộc viếng thăm không có tính chất riêng tư. Căn phòng này trổ cửa rất lớn trông ra vườn, khung cửa thường được trang trí bằng tượng gỗ quý chạm trổ, hoặc trang trí bằng tranh vẽ hoa, lá, chim muông màu sắc sống động. Phòng tiếp khách là phòng lớn nhất và trang trí công phu nhất của ngôi nhà. Chính tại đây người ta tiếp đãi, mời trà bạn bè, tổ chức yến tiệc, coi kịch. Trên tường treo những bức hoành phi lớn bằng gỗ trắc, khảm chữ viết bằng xà cừ có độ lớn từ mười đến mười hai centimét, đó là những câu cách ngôn lấy từ sách cổ, hoặc hình chim, hoa gây ấn tượng đẹp hơn cả. Nếu gia chủ là quan, thì nơi đây sẽ bày lọng, phù hiệu phẩm hàm của ông ta, và những cây kiếm lớn có vỏ khảm trai, chuôi bằng đồng khảm men huyền mà ông ta đeo trong mỗi dịp nghi lễ chính thức. Cũng trong căn phòng này người ta bày bàn thờ tổ tiên, trên đó luôn thắp những ngọn nến Trung Hoa nhỏ màu hồng, hoặc những thẻ hương cắm trong một lư đồng khiến căn phòng tràn ngập một mùi thơm. (Ảnh: Rue des Pavillons-Noirs, nay là phố Mã Mây) Phía sau phòng tiếp khách là các phòng của phụ nữ, nhà phụ, bếp và cuối cùng là một sân sau với một cổng thông ra một con phố hẻo lánh. Mọi ngôi nhà An Nam đều có một lối ra thứ hai ẩn giấu trong bức tường đối diện với cổng chính. Nhà của họ chỉ có một tầng. Chỉ một vài căn nhà có mái khuất dưới một gác xép do một cầu thang dốc đứng dẫn lên. Chính trên căn gác này chủ nhà dùng để nghỉ ngơi hoặc hút thuốc phiện. Luật pháp cấm tư nhân và quan lại xây nhà tầng; chỉ cung điện nhà vua và chùa chiền mới được phép. Nội thất của một người giàu An Nam hoàn toàn sơ sài: ta thấy trong phòng tiếp khách những băng ghế gỗ với lưng ghế chạm trổ đẹp đẽ, những ghế bành cùng kiểu, một vài ghế đẩu nhỏ kiểu Tàu với mặt ngồi làm bằng đá hoa cương, một hoặc hai chiếc bàn, một vài chiếc giường treo màn chống muỗi. Không có gì khó chịu hơn một chiếc giường ngủ An Nam: nó gồm một tấm giát dài hai mét và rộng hai mét đặt trên bốn chiếc chân chạm trổ cao chừng hai mươi centimét so với mặt đất. Trên giát giường trải một tấm chiếu cói, thỉnh thoảng có lót đệm Cao Miên dày chừng hai lóng tay và cứng như một tấm gỗ. Người bản địa đặt dưới đầu một chiếc gối dạng hình hộp đan bằng cói và bọc da, hoặc nhiều gối nhỏ dài bốn mươi centimét, rộng năm mươi centimét như một cuốn sách gấp lại, và họ đặt chồng lên nhau. Ở bốn góc giường cố định bốn cây gậy lớn dùng để chăng màn; thứ màn này làm bằng vải lụa đỏ hoặc trắng, phần đỉnh màn thêu hoa văn trên một tấm nỉ đỏ rất ấn tượng. Tôi đã nói rằng mỗi một ngành nghề ở Hà Nội có một khu phố riêng. Điều này khiến cho các cuộc dạo chơi trong thành phố thêm bổ ích và đặc biệt hấp dẫn đối với người mới đến: chỉ cần mỗi ngày khám phá một con phố bằng cách thăm thú từ nhà này sang nhà khác cũng đủ thâu nạp một lượng kiến thức sâu sắc về những phương pháp tinh xảo mà người An Nam sử dụng trong các ngành nghề khác nhau. Một trong những ngành thương mại chính của Hà Nội là thêu thùa trên lụa. Thợ thêu tập trung trong một khu phố lớn cạnh thành An Nam [tức hoàng thành Thăng Long], trên đường từ khu nhượng địa tới hoàng thành. Họ đều mở cửa hàng trên phố và bày ra trước xưởng chế tác các sản phẩm: thảm, màn, hài, áo choàng lính và tấm lót ngực, tất cả những gì có thể thu hút khách qua đường. Người ta thêu trên nỉ hoặc vải lụa Tàu có màu sắc khác nhau; đồ thêu trên lụa có màu sắc rực rỡ và thường được điểm xuyết với chỉ vàng. Lụa để thêu được sản xuất tại Trung Quốc hoặc ở Bắc kỳ; lụa ở Bắc kỳ chất lượng thấp hơn, thường dùng cho đồ thêu rẻ tiền. Mỗi xưởng thêu có nhiều thợ. Ông chủ nhận đơn hàng, kích cỡ vải, bố trí hình vẽ và phối hợp màu lụa để tiến hành công việc. Miếng vải được căng ra trên một khung tre đặt trên hai cột chống, như trong nghề dệt thảm của ta vậy. Đường viền của bức tranh được tô bằng mực trên một tấm giấy Tàu, mảnh và mềm. Tấm giấy này được áp lên miếng vải, phía bên kia mặt cần thêu; người ta giữ căng nó nhờ một vài điểm khâu tạm lại. Sau đó ông chủ phân công công việc theo khả năng và sự tinh xảo của thợ, mỗi người một góc làm việc và chỉ cho họ màu sắc cũng như cách thêu đối với mỗi phần của bức tranh. Những người thợ ngồi xổm xung quanh khung thêu và bắt đầu làm. Họ thêu theo hình tấm giấy Tàu ép phía sau miếng vải, vừa tì bàn tay không được sạch lắm lên miếng vải đó. Thêu xong, họ cẩn thận giật những phần không thêu của tấm giấy ra. Khi mảnh vải thêu hơi dài thì cần tới sáu đến bảy thợ thêu cùng một tác phẩm. Có phụ nữ, trẻ em, đôi khi cả những thợ già vì tuổi tác nên mắt phải mang kính lớn, dày và tròn giống như kính của những người bị thong manh. Nốt thêu An Nam thực hiện theo nhiều cách khác nhau: có cái theo lối cũ, lại có những cái theo kiểu mắt cá; nhiều cái nữa dựa theo những mảnh vải màu sắc khác nhau để đạt được hiệu ứng nổi. Chốc chốc ông chủ lại quan sát tác phẩm và la lối thợ. Vừa thêu họ vừa trò chuyện, hoặc đôi khi ca hát, theo một điệu đơn giản và bằng giọng mũi, một bài vè nào đó mà đến điệp khúc thì tất cả đồng thanh hợp xướng. Những bức tranh thêu không quá đa dạng: chúng thể hiện hoa lá, chim muông và thường là bốn linh vật mà người An Nam tôn thờ, và ta cũng thấy những hình ảnh đó trên tường của mọi ngôi chùa. Bốn linh vật là: phượng, một giống đại bàng lớn với đôi cánh giăng ra, mỏ ngậm một dải băng buộc mấy cuốn kinh thư; lân, quy, mang trên lưng những thánh thư; long, có hình dạng như con bò. Người An Nam cho thấy một sự khéo léo tài tình trong việc phối hợp giữa chúng những màu sắc vô cùng rực rỡ của vải lụa, để tạo thành một tổng thể hài hòa mà không hề lòe loẹt. Phần lớn đồ thêu chế tác tại Bắc kỳ được xuất sang Trung Quốc, nơi rất ưa chuộng món hàng này. Tôi thường tự hỏi, khi nhìn người An Nam làm việc, rằng sản phẩm của họ có thể nào được đánh giá cao hơn trong các cửa hàng ở Âu châu hay không. Tôi cho rằng để đạt được kết quả đó cũng không phải quá khó khăn. Chỉ cần thay những tấm vải màu sắc lòe loẹt (đỏ chói, xanh lục đậm) mà họ dùng làm thảm, bằng vải màu nhã nhặn hơn là chúng ta có thể xuất sang Âu châu được. Bên cạnh phố thợ thêu là phố thợ vẽ; những người này phần lớn ở trong những lán tranh nhỏ mở toang ra phố. Họ làm việc trước một cái bàn đặt mọi kiểu lọ và mọi loại màu. Mọi thứ sơn đều được dùng làm hồ dán nếu đó là bột không tan trong nước, hoặc được dùng như màu nước nếu đó là aniline. Màu nước rất thông dụng ở Bắc kỳ; người An Nam dùng loại này không chỉ để vẽ mà trên hết là để nhuộm vải. Màu aniline không bền và nhanh phai dưới ánh nắng; nhưng người Bắc kỳ không bận tâm lắm. Mỗi cửa hàng đều để trong một góc nhà nhiều gói aniline; khi một chiếc áo dài, một khăn quấn đầu, một dây lưng bị bạc màu, họ nhanh chóng nhúng vào trong một bồn thuốc nhuộm, dễ dàng như giặt quần áo vậy. Lượng muối aniline tiêu thụ ở Bắc kỳ rất lớn. Tất cả muối này đều lấy từ Anh quốc, và nhất là Đức; các hãng Pháp phải nỗ lực lắm mới chịu được cạnh tranh. Họa sĩ treo tranh lên các bức tường của xưởng vẽ, từ trần nhà cho tới sàn nhà; chúng cũng được dùng như là biển hiệu. Những bức tranh này thể hiện, hoặc là những cảnh lấy từ các truyền thuyết cổ An Nam, hoặc là hoa lá chim chóc, nhiều nhất là hình thú vật tưởng tượng, như hiện thân là con hổ lớn lấy đà nhảy lên, đối với người An Nam là hiện thân của vị hung thần. Những con hổ này được vẽ với màu sắc huyền hoặc nhất; có những con màu đỏ, màu tím, màu trắng và xanh lá cây nữa với những sợi ria mép lớn và những móng vuốt ánh bạc. Bên cạnh mỗi con hổ, họa sĩ vẽ một thanh gươm đặt trên chiếc gối màu đỏ, biểu tượng của quyền lực. Phía sau thanh gươm này là một lá cờ tam giác nhỏ giống với những lá cờ xung phong của quan võ lúc ra trận, bên trên cờ ghi chữ "Ông Cọp" bằng Hán tự. Hậu cảnh là những đám mây lớn bao quanh một vầng trăng đỏ như máu. Người An Nam rất ưa chuộng thể loại tranh này, và hình ảnh ông Cọp hiện diện trong rất nhiều ngôi nhà ngay phía dưới bàn thờ nhỏ trong phòng tiếp khách. Đối với người bản địa, đó là một vị hung thần, có thể làm tất cả mọi điều, do đó phải xua đuổi những bản năng xấu của nó bằng cách cầu nguyện và cúng bái. Phần lớn tranh An Nam chỉ là những chữ trang trí không có thẩm mĩ và không màng tới phối cảnh hay màu sắc, học theo các mẫu mượn từ người Trung Quốc hay người Nhật Bản. Thợ thêu hay thợ vẽ An Nam đều không có khả năng sáng tạo một tác phẩm hoàn chỉnh. Họ chỉ sao chép một cách ít nhiều lệ thuộc vào một khuôn mẫu có sẵn, và hầu như không có ngoại lệ, họ sao chép khá kém cỏi. Họ không có sáng kiến nào và không phải là nghệ sĩ như thợ Trung Quốc và nhất là như thợ Nhật Bản. Tôi không muốn nói rằng họ không thể làm tốt như những người thợ ngoại quốc kia; tôi tin là họ không muốn lao tâm bởi vì quá giỏi thì họ sẽ chỉ có thiệt thòi. Ở Nhật Bản, nghệ nhân sau nhiều năm nỗ lực, cho ra được một tác phẩm đẹp thì được đồng bào đánh giá cao, coi như một bậc thầy trong nghệ thuật của anh ta. Ở Bắc kỳ, trái lại, người thợ tạo ra một sản phẩm đáng chú ý thì ngay lập tức bị quan huyện báo cho quan tỉnh; quan tỉnh liền bẩm lên nhà vua. Một ngày đẹp trời, theo lệnh của triều đình Huế, người thợ tài hoa bị bắt khỏi gia đình một cách tàn nhẫn và giải lên kinh. Anh ta bị giam giữ trong một cung điện: suốt cuộc đời còn lại phải làm việc cho triều đình, với một mức thù lao ít ỏi, thi thoảng lại bị quất roi mây. Ta hiểu rằng với những phong tục như vậy, nghệ sĩ Bắc kỳ phải cẩn thận che giấu tài năng trong khi nghệ sĩ ở nước khác được thỏa sức sáng tác. Họa sĩ An Nam không phải luôn sao chép tranh mẫu Trung Quốc hay Nhật Bản. Đôi khi họ cũng tái hiện những cảnh đời thực, và chính chúng ta đã từng làm đề tài cho họ. Sau khi Sơn Tây bị chiếm, chúng tôi thấy xuất hiện ở Hà Nội, trong những cửa hàng tranh, những bức họa lớn trên vải trúc bâu vẽ cảnh người Pháp vào thành phố. Bức họa có thể còn hơi non nớt; nhưng màu sắc rất đáng ngợi khen: thành trì được vẽ trong một góc của bức tranh với tường vàng chạy giữa núi hồng; nhưng điều thực sự thành công, đó là sự khắc họa các sĩ quan thủy quân lục chiến cưỡi ngựa dẫn đầu đoàn quân. Ta biết rằng các sĩ quan hải quân thường không có kinh nghiệm cưỡi ngựa. Họa sĩ đã vẽ họ trong thư thế gập cong người, đầu rạp xuống, những chiếc đinh thúc ngựa cày nát bụng con vật, trông họ như đổ máu lẫn mồ hôi để giữ vững yên cương. Những bức tranh này thành công tới mức ngay lập tức xuất hiện nhiều bức khác, nhưng lần này mô tả đời sống riêng tư. Ta thấy tranh vẽ một sĩ quan bản xứ ôm hôn một cô gái trẻ An Nam mang nhiều trang sức. Người con gái* cười ranh mãnh rút từ túi áo viên sĩ quan đẹp trai một nắm đồng piastre song anh này quá bận tâm nên không hề hay biết. (Ảnh: Tiêu bản vật phẩm của những nghề khác nhau ở Hà Nội) 58 Khi chúng tôi men theo bờ sông Hồng đi dạo trong Hà Nội, ở cuối phố Hàng Tre bày bán đồ gỗ là một một con phố vuông góc với sông, là nơi nương náu một trong những nghề độc đáo nhất Bắc kỳ - nghề bán quan tài.* Đây là một nghề cực kỳ thu lợi ở An Nam! Vả chăng người ta gần như không bao giờ sống tới già lão ở xứ này, nên nhất thiết phải giữ một bộ áo quan rất lâu từ trước, đặt trong một góc nhà. Một món quà đẹp đẽ mà con trai hiếu thảo có thể làm cho cha mẹ vào ngày sinh nhật họ, đó là tặng họ một chiếc quan tài trang nhã. Ta thường thấy trên con phố không mấy hấp dẫn với người Âu châu này một gia đình An Nam dừng lại trước một quầy hàng đám ma. Họ bàn luận; họ xem xét; cuối cùng họ bước vào. Những người già sờ mó vào mỗi áo quan, kiểm tra chất lượng gỗ, độ dày của tấm gỗ, miệng vẫn luôn cười đùa như thể đó chỉ là một đồ vật bình thường. Quan tài của người An Nam có dạng hộp chữ nhật lớn và rất hẹp; chúng được làm từ các tấm gỗ vô cùng dày dặn và tốt nhất là không có mấu; các tấm gỗ phải ráp lại với nhau một cách hoàn hảo. Đây là điều kiện tiên quyết, bởi vì một gia đình sẽ có thể giữ thi hài người chết trong nhà hai đến ba tháng. Người An Nam đối với người chết vô cùng kính cẩn. Con cháu phải có nghĩa vụ tổ chức tang lễ long trọng nhất có thể cho ông bà cha mẹ. Nhưng mai táng luôn đòi hỏi sự hợp tác của rất đông người (bê hòm, khóc tang, v.v...), và rất đắt đỏ. Thay vì tổ chức tang lễ linh đình cho cha mẹ như một bổn phận cần thiết thì người Bắc kỳ lại giữ thi thể bên trong quan tài bên cạnh họ, cho tới khi nào có đủ tiền để thực hiện nghĩa vụ tối cao kia. Bên cạnh những người đóng hòm là nơi cư ngụ của những người bán đồ trang trí cho người chết. Người bản địa tìm thấy trong những cửa hàng này các vật dụng để bỏ vào quan tài: những chiếc gối hình tam giác bằng giấy xám để kê chân tay, những mảnh vải cắt theo tang chế để liệm thi hài, những cuộn giấy Tàu mỏng mịn để chèn vào chỗ trống, nhựa nhai đen để trám kỹ mọi khe hở của ván gỗ. (Ảnh: Cổng một khu phố cổ) Các khu phố của Hà Nội hoàn toàn chia cách với nhau bởi những cánh cổng lớn choán cả chiều rộng phố và đến đêm thì đóng lại. Mỗi bên cổng dán điều lệ của cảnh binh và nghị định của quan tổng đốc. Các cửa ngầm giới hạn khu phố cổ có kiểu đóng đặc biệt: một bức tường đá chạy từ bên này sang bên kia hè phố; bức tường được trổ một ô cửa chữ nhật, đóng lại chắc chắn bằng bốn thanh xà gỗ đẽo vuông. Xà trên cùng và dưới cùng được khoan những lỗ cách đều để đút những thanh gỗ tròn song song với nhau. Những lỗ trên cùng rất sâu để có thể nâng mỗi thanh gỗ từ dưới lên trên sao cho đủ một người qua. Hệ thống này cho phép hoặc mở hẳn cánh cổng bằng cách dỡ hết các thanh gỗ, hoặc chỉ mở một lối hẹp bằng cách chỉ nâng lên một hay hai thanh gỗ. Những cánh cổng dẫn tới phố Tàu được trổ lỗ châu mai như tường thành; chúng vô cùng vững chắc, và người ta đã dựng phía trên một vọng lâu cho người lính gác và canh tuần đứng. Không thể vào khu phố Tàu một khi những cổng này đã đóng; cách bố trí này là một phương cách hay giúp cho các thương nhân hồi đó tránh được cuộc xâm lược của quân Cờ Đen vào Hà Nội. Trong lúc thành phố chìm trong máu lửa, chỉ người Trung Quốc biết giữ gìn phố phường của họ trước sự đột nhập của những tên cướp táo tợn này. Các cánh cổng luôn được khóa suốt ngày đêm, lính canh đứng gác trên những vọng lâu vòng tròn, con mắt sục sạo phía sau những lỗ châu mai để có thể phòng bị, các thương nhân vốn là đám dân quân và được vũ trang tận răng. Người Trung Quốc ở khu phố đẹp nhất của Hà Nội; họ quản lý những cửa hàng quan trọng nhất và phong phú nhất. Trước khi chúng ta đến đất nước này thì tất cả thương mại đều nằm trong tay họ. Dân Trung Quốc vui lòng tha hương để làm giàu; mỗi tỉnh của Trung Quốc đều có một xứ xuất khẩu ưa thích vì lý do thương mại và địa lý: ngay cả người từ Phúc Kiến hay Quảng Đông cũng sẵn lòng tới Bắc kỳ mở chi nhánh. Điều này dẫn tới, như ở Hà Nội chẳng hạn, có hơn năm trăm thương nhân Hoa kiều xuất thân từ hai tỉnh này. Ở nước ngoài, người Trung Quốc có thói quen lập hội hoặc phường; các phường mang tên thành phố hoặc vùng miền xuất thân của hội viên. Những hiệp hội này gần giống với tổ chức các phòng thương mại của ta: đứng đầu là một thủ lĩnh chịu trách nhiệm, người này được bầu bởi tất cả các thành viên hội đồng, nắm cương vị trong một thời gian nhất định; hội phường có các thành viên trong mọi thành phố lớn của đất nước mà họ sinh sống, và có hội viên thông tấn ở Trung Quốc lẫn nước ngoài. Mục tiêu trước hết của họ là tạo điều kiện cho đồng bào mới đến được an cư lập nghiệp trong xứ. Họ giúp những người này chọn nơi cư trú, cung cấp mọi thông tin cần thiết về vùng miền, cung cấp vốn và nhu yếu, thậm chí còn cho mượn tiền, chỉ cần một lời nói là họ san bằng tối đa mọi trở ngại ban đầu. Phường hội còn có một vai trò quan trọng khác: khi một thành viên được nhượng quyền cung ứng đáng kể và anh ta cần một khoản vốn lớn, thì mọi thành viên quyên góp tiền để có được khoản cần thiết. Sau khi công việc hoàn tất, lợi nhuận được chia sòng phẳng cho tất cả những người đã góp tiền, theo tỷ lệ đã đóng góp của mỗi người. Người Trung Quốc cực kỳ thông minh. Họ có tài buôn bán tuyệt vời: gọi họ là người Do Thái của vùng Viễn Đông quả không sai. Không ai biết cách kiếm lợi từ mọi thứ như họ. Đến nơi nào, họ lập tức học ngôn ngữ và tập quán của nơi ấy. Việc gì họ cũng coi là tốt, miễn sao đem lại lợi nhuận. Tùy theo nhu cầu, họ làm đầu bếp, thợ giặt, thậm chí cả cu-li. Không gì làm họ chán nản lúc khởi đầu. Họ biết lợi dụng người An Nam, những người bắt chước nền văn minh, phong tục, tập quán của họ và coi Trung Quốc như là một nước được trời ưu ái và dân Trung Quốc là thượng đẳng. Người An Nam nào cũng dành một tình cảm khâm phục sâu sắc và tự nhiên cho người Trung Quốc và kính trọng gọi họ là "anh cả". Mặc dù hai giống người này có vẻ như chung một gốc, nhưng họ vẫn có sự khác biệt sâu xa, những khác biệt đó xác nhận ở một vài điểm cái ý thức nhược tiểu của người An Nam. Người Trung Quốc nhìn chung cao lớn, hoạt bát; thân thể và áo quần luôn được chăm chút sạch sẽ; họ chu đáo, điềm tĩnh, đủ khả năng hoạt động thương mại lớn và có tầm nhìn xa; họ hám lợi, tiết kiệm, kiên trì, có thể hy sinh mọi thứ để làm giàu. Người An Nam trái lại thường nhỏ bé, ốm yếu, vẻ bạc nhược; họ bẩn thỉu, ồn ào; về tính cách họ chỉ là một đứa bé lớn xác ham thích mọi thứ và thậm chí sống ngày nào hay ngày đó, không bao giờ suy tính tương lai. Thực tế là điều kiện sống khổ sở kéo dài ở phương diện nào đó tạo nên tính vô lo của họ: tiết kiệm để làm gì, chắt bóp cho tuổi già làm gì, nếu như quan lại và cướp bóc sẽ lột hết của bạn trước khi bạn có thời gian tiêu xài? Tiếng An Nam có một câu tục ngữ tương tự như cách ngôn của Beaumarchais: "Chúng ta hãy cười lên đi để không phải khóc."* Chúng ta thấy ở Hà Nội và Hải Phòng, hồi đầu chiến dịch, bốn trăm đến năm trăm người Hoa tụ tập thành bang hội, sở hữu tài sản lớn và gần như nuốt trọn tất cả thương mại của vùng châu thổ. Chính họ đã đón tiếp và cho đoàn quân viễn chinh ăn ở bởi khi đó chúng ta vẫn chưa thể nhờ cậy được hai hay ba thương nhân Âu châu quyết tâm đến nước này thử vận may. Những thương nhân này chỉ có một số vốn vô cùng nhỏ bé và không hề biết hơn chúng ta về ngôn ngữ, phong tục của người bản địa, không có nơi trông cậy nào ngoài việc dựng sát bên trại lính một quầy bán rượu và đồ hộp. Những ngày đầu, thương nhân Âu châu buôn bán khá tốt: nhưng Hoa kiều, với sự nhanh nhạy quen thuộc đã lập tức nhận thấy một nguồn lợi mới trong loại hình buôn bán này. Họ liền mở quầy hàng Trung Quốc ngay cạnh quầy của đồng bào Âu châu chúng ta, bày bán đủ mọi loại hàng hóa của các hãng Pháp nổi tiếng nhất. Người Trung Quốc rất tiết kiệm và bằng lòng với thực phẩm bản địa; họ không cần thu lợi nhuận khổng lồ từ sản phẩm như người Âu châu; quả tình người Âu châu buộc phải dùng lương thực chở từ xa tới và vì thế giá cả đắt đỏ. Sự cạnh tranh vì thế bất khả: đồng bào của chúng ta hầu như tất cả phải đóng cửa hiệu. Chính vào thời điểm đó xuất hiện những lời phàn nàn của thương nhân Pháp buôn bán tại Bắc kỳ đối với người Trung Quốc; và kể từ đó họ phàn nàn chỉ càng gay gắt hơn. Đến nỗi người ta buộc tội chính phủ thuộc địa ưu ái sự bành trướng của Hoa kiều bằng cách cho phép họ bao thầu các công trình công cộng; một vài kiều dân của ta thậm chí đòi trục xuất tất cả Hoa kiều ra khỏi thuộc địa Bắc kỳ, viện dẫn sự việc diễn ra tại Úc làm ví dụ.* Dĩ nhiên những yêu sách này là quá đáng, ít nhất là đối với thời điểm đó, bởi lẽ: ở Bắc kỳ chúng ta không thể kêu gọi nhân công Pháp khai thác thuộc địa; người An Nam cần cù, rất khéo léo không chỉ trong kỹ nghệ mà cả trong nông nghiệp, dân chúng Bắc kỳ lại vô cùng đông đúc; không còn chỗ cho công nhân Pháp ở vùng thuộc địa mới này. Nơi này không mang thêm cơ hội thành công cho nhà buôn nhỏ Âu châu muốn tới đây lập nghiệp; bởi lẽ tất cả lợi nhuận anh ta có thể kiếm được sẽ tiêu tốn hết vào những nhu cầu ăn ở của chính anh ta, như tôi đã nói ở trên. (Ảnh: Cổng trên phố Quảng Đông [tức phố Hàng Ngang]) Nếu muốn thành công ở Bắc kỳ thì phải có một nguồn vốn đáng kể cho phép sử dụng nhân công bản địa giá rẻ nhằm tạo ra một ngành nghề vững vàng hoặc một hãng buôn tầm cỡ. Nhưng người Âu châu tới vùng Viễn Đông với mục tiêu này lại không biết ngôn ngữ, phong tục bản địa; họ buộc phải sử dụng một trung gian am tường mọi thứ để có thể khai thác các tài nguyên của xứ này; trung gian đó chính là người Trung Quốc, thông minh, buôn bán giỏi và, nếu họ không biết tiếng Pháp thì ít nhất cũng nói trôi chảy tiếng Anh. Như vậy, chừng nào chúng ta chưa áp đặt phong hóa và ngôn ngữ của ta cho người An Nam - đó là một quá trình lâu dài và khó khăn -, cũng như chừng nào chúng ta chưa học được ngôn ngữ và tập quán của thuộc địa mới này - một quá trình lâu dài hơn nữa -, thì người Trung Quốc sẽ là trung gian bắt buộc phải dùng cho việc khai thác vùng chiếm đóng. Và, quả thực, những hãng buôn lớn từ bấy giờ bắt đầu đi vào hoạt động ở Bắc kỳ đều dùng thương gia trung gian và quản lý chi nhánh là người Trung Quốc. Bên cạnh khu người Hoa là một con phố nhỏ mà lũ trẻ con thường ngây ngất đứng trước các cửa tiệm: đó là phố Hàng Đường của những người làm bánh kẹo và mứt. Một loạt quà bánh An Nam được bày trên các tấm gỗ kê trên giá. Có những núi đường nâu đặt trong những rổ tròn. Đường này là đặc sản của vùng: ở Bắc kỳ người ta trồng nhiều mía; nhưng người bản địa không biết làm đường tinh luyện mà chỉ làm ra đường hạt và có hai loại. Loại chất lượng kém hơn có màu sắc và mùi vị đúng như tên gọi của đường nâu; trong khi đường An Nam hạng nhất hoàn toàn trắng và hạt nhỏ. Cửa hàng mứt kẹo còn bán cả đường phèn trắng hoặc vàng, hoa quả dầm, kẹo nougat nâu có đậu phông thay cho hạnh nhân [mè xửng], hạt sen bọc đường, v.v... Họ cũng bán rượu gạo từng chum theo định lượng, nghĩa là bằng một gáo dừa cán tre. Thứ rượu này, như tên gọi của nó, là một sản phẩm chưng cất từ gạo; rượu màu trắng, mùi hơi khó chịu, nồng độ từ hai mươi lăm tới hai sáu độ. Người ta chưng cất rượu này với những dụng cụ rất tồi tàn nên cùng với rượu thì có cả mọi tinh chất khét lẹt; những chất này tạo cho rượu gạo một mùi vị ghê tởm; không một người Âu châu nào có thể uống mà không nhăn mặt. Tuy nhiên, đó lại là thức uống lên men duy nhất phổ biến của người An Nam. Có nhiều loại rượu gạo. Người ta chọn ra loại thượng hạng, tinh lọc qua nhiều lần chưng cất liên tiếp rồi đem ngâm với hạt sen. Thứ rượu này có mùi dễ chịu hơn, nhưng đắt đỏ; chỉ xuất hiện trên bàn của quan lại giàu có hoặc nhà vua.* Thứ rượu gạo bán ở cửa hàng kẹo mứt rất bẩn và vì vậy rất có hại cho sức khỏe; nó khiến người ta say một cách kỳ lạ và khủng khiếp. Nhiều lần chúng tôi gặp trên phố những người bình dân say khướt vì rượu gạo kém chất lượng. Mặt họ đỏ bừng, tương phản với làn da tái nhợt của người An Nam xung quanh nên dễ phát hiện từ đằng xa. Đôi mắt họ tóe lửa, lồi ra, và họ bước lừ đừ như người máy. Thường họ sẽ lăn lóc vào một xó nào đó, bọt sùi trên mép và ngủ suốt một đêm. Nhiều khi họ điên lên hoặc có biểu hiện động kinh. Nhưng phải nói rằng người bản địa đáng khen vì những cảnh này khá hiếm ở Bắc kỳ. Lính của chúng ta, những người luôn tò mò, rất muốn thử thứ rượu tồi tệ này. Gần như tất cả những ai uống một lượng vừa đủ cũng bị mê loạn, đòi tự sát. Phố Hàng Đường có vài cửa hiệu bánh ngọt khá tuyệt, kể cả đối với khẩu vị Âu châu. Mọi thứ đều có ở "chez le bon faiseur"* như bên Pháp. Bánh quy An Nam hảo hạng; chúng được làm từ bột gạo và đường, tán ra bằng một con lăn gỗ, sau đó nướng trên lửa nhỏ. Bánh được cắt thành từng miếng hình vuông nhỏ nhắn và bán theo gói chừng bốn đến sáu miếng trong một tấm giấy trắng ghi tên và khẩu hiệu của nhà sản xuất bằng chữ lớn màu đỏ. Ở tiệm bánh có một vài loại ga-tô tròn, lớn bằng một đồng piastre, làm từ bột gạo và táo Tàu rất ngon. Người An Nam còn sản xuất cả mạch nha, kẹo thơm berlingot và kẹo nougat đậu phông trắng rất giống với nougat hồ trăn của Montélimar. Mỗi cửa hàng có một biển hiệu treo cao, phía trên chỗ bày hàng hóa. Hoặc đó là một tấm gỗ vuông, sơn son và ghi tên nhà sản xuất bằng chữ vàng, hoặc là hai quả thanh yên tạc bằng gỗ rồi treo lên bằng một ruy băng đỏ hoặc xanh lá cây, đôi khi lại là hình Phật hoặc một vị thánh nào đó. Tất cả những biển hiệu này được tô điểm bằng khẩu hiệu đẹp viết chữ lớn bao xung quanh đối tượng chủ đạo. Ví dụ: Vạn Phúc; hoặc là: Hữu Hảo; và nhiều câu khác hấp dẫn tương tự. Nhưng trong một cuộc dạo chơi ở Hà Nội, không chỉ có những ngôi nhà và cửa hiệu là đáng để ngắm nghía. Các con phố và quảng trường tập trung một đám đông thợ nghề làm việc giữa thanh thiên bạch nhật khiến cho cố đô Bắc kỳ trở thành một trong những thành phố thú vị nhất thế giới. Chiếm hàng đầu trong những người nay đây mai đó này, tôi sẽ nói về những người bán thuốc dạo và những người hát rong. (Ảnh: Mặt tiền cửa hàng mứt kẹo) Vừa qua khỏi ngã tư, một đám đông hiếu kỳ xếp thành vòng tròn. Giữa vòng tròn này là một tấm chiếu vuông vức, một người chơi trống ngồi xổm trên đó. Hai đứa bé chừng mười tuổi, ăn mặc như các chú hề xiếc bên ta, chạy quanh cúi chào rất linh hoạt. Xa hơn một chút, phía trước túp lều vách đất, mái tranh thoải xuống che chắn và bảo vệ họ khỏi ánh mặt trời, ba người hát rong nghèo ngồi trên đất, chân khoanh lại theo lối thợ may. Đó là hai người đàn ông mù lòa và một phụ nữ. Hai người mù, một người chơi độc huyền cầm cho những âm thanh khá du dương, người còn lại dùng một cặp sênh sứa để gõ nhịp. Tiếng đanh của sênh sứa xen kẽ với âm thanh của hai chiếc trống có sắc điệu khác nhau do một trong hai nhạc công dùng một đoạn tre rỗng gõ lên. Người phụ nữ, người duy nhất mắt sáng, đóng vai trò dẫn đường và canh chừng thu nhập. Âm nhạc phụ họa cho một thể loại như là ngâm thơ với nhịp điệu chậm rãi, đều đều và gồm không quá ba nốt. Thỉnh thoảng, một tiếng kim loại vang lên giữa bộ ba nhạc cụ: một đồng xu rơi vào chiếc giỏ tre, đặt trước nhóm người hát rong. Những người hát rong, được kích thích bởi số tiền bố thí, rống lên càng lúc càng hăng. Người vui nhộn nhất trong số ăn mày đó là một anh hề mà tài năng bắt chước của anh ta suýt phải chịu một kết cục buồn thảm. Anh này nhỏ bé, trán hói, đầu nhỏ và nhọn hoắt, tóc húi cua, trừ hai chỏm lớn rủ xuống hai thái dương giống như bọn trẻ con An Nam. Đôi mắt bé tí nhấp nháy liên cục, tập trung vào mũi và dường như mất hút phía sau đôi mi đứt xiên xẹo. Các sĩ quan biết rất rõ anh ta, anh ta thường làm mặt hề với họ và mỗi tối đều xuất hiện trên đường họ đi. Người An Nam gọi anh ta là Con Gà, vì anh ta bắt chước y hệt tiếng gà trống gáy, tiếng gà mái cục tác và tiếng gà con chiêm chiếp. Anh ta còn diễn kịch câm các công trạng nhà binh, nhại thái độ và dáng đi cà tưng của quan lại. Không có gì vui hơn là xem anh ta phùng má, ưỡn bụng và lé mắt xấu tệ để bắt chước Pou-TAï*, vị thần đem lại sung túc ấm no như các bức tượng trong chùa chiền vẫn thể hiện. Trước khi đất nước này bị Pháp chiếm đóng, tài năng của anh ta đã làm lu mờ các nho sĩ; những người này buộc anh ta bị tống giam trong ngục thành với một chiếc gông trên cổ. Anh ta ở trong ngục đó nhiều năm, chắc chắn sẽ chết thảm nếu không được người Pháp phóng thích vào lúc Hà Nội bị chiếm. Bên cạnh những khu ổ chuột* này là những cửa hàng kỹ nghệ địa phương nhỏ bé khiến cho thành phố Hà Nội vô cùng thơ mộng. Trong số các cửa hàng mở ngay trên phố đó, lý thú nhất là hàng thợ cạo và hàng đấm bóp. Những người buôn bán cùng khổ này thường chọn một góc phố, trước một cửa hiệu đông khách để dựng hàng. Họ đứng đó, như những kẻ ăn bám, dưới mái hiên lớn của ngôi nhà và che mất quầy hàng của người ta. Đồ đạc của họ rất đơn sơ: trước tiên là một chiếc dao cạo bằng sắt, bản ngắn nhưng rộng, với phần sống dao dày, lưỡi dao rất sắc, được gắn vào một mẩu tre; sau đó là những dụng cụ nhỏ khác để trong một ống tre rỗng và dùng để ngoáy tai; bàn chải bông gắn trên sợi dây thép, một thìa nạo kiểu Âu châu, một cây đồng thau phía đầu gắn núm thủy tinh nhỏ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Người thợ cạo khô và rất nhanh gọn, bởi vì công việc dễ dàng, khách hàng đều giống nhau chỉ có vài sợi râu lơ thơ. Thợ và khách ngồi kiểu cưỡi ngựa trên ghế băng, mỗi người một đầu ghế. Họ đối mặt với nhau, và, trong khi chiếc dao cạo lướt đi trên mặt thì người khách quan sát hành trình của nó trong một tấm gương tròn nhỏ cầm trên tay trái. Bộ râu nhanh chóng được giải quyết. Người thợ đi thêm một đường cạo nữa ở hai bên thái dương để kết thúc, và tiến hành bước thứ hai. Đây là bước quan trọng nhất; phải xem cách người thợ dùng các dụng cụ của anh ta cẩn thận thế nào, thử chúng trên ngón tay, chỉnh tư thế cho khách, kiểm tra lỗ tai, vành tai, nhanh chóng nhận biết những chi tiết nhỏ nhất của bộ phận mà anh ta sẽ tiến hành công việc. Anh ta bắt đầu dùng thìa nạo tỉ mỉ, sao đó dùng bàn chải nhỏ phủi hai ba cái; cuối cùng anh ta đưa cây đồng thau gắn núm thủy tinh vào sâu tới tận màng nhĩ, nhẹ nhàng xoay đi xoay lại; đây chính là bước dễ chịu nhất nếu ta đánh giá qua nét mặt của người khách đang khép hờ đôi mắt và tỏ một vẻ thỏa mãn khoan khoái. Bổ trợ cho người thợ cạo chính là người đấm bóp trên phố. Thợ cạo và thợ đấm bóp sống hòa thuận với nhau, và khách thường xong hàng này sẽ sang hàng kia; sau khi cạo râu và lấy ráy tai thì phải đấm bóp, đó là quá trình trang điểm của người An Nam. Người thợ đấm bóp sẽ bắt đầu từ khuôn mặt khách: anh ta di ngón tay cái nhẹ nhàng trên mỗi phần của gương mặt, lắc nhẹ chiếc mũi, bóp da chỗ lông mày nhiều lần bằng ngón trỏ và ngón cái. Khẽ ấn thùy tai cho máu lên, xoa bóp chậm rãi bằng đầu ngón tay hai hốc mắt dưới đôi mi khép lại. Rồi anh ta tìm xuống đôi bàn tay khách, cầm từng ngón và bẻ răng rắc các khớp, sau đó chuyển sang da cánh tay, thân mình, chân thì xoa bóp mạnh hơn. Xong xuôi anh ta đập nhẹ một cái vào hai bên má người khách đang thiu thiu ngủ khiến cho khách giật mình tỉnh dậy. Bây giờ bạn thử nói xem, quá trình trang điểm của người An Nam hết sức tinh tế như vậy, tỉ mỉ đến cả gần nửa giờ như vậy thì có giá bao nhiêu? Tôi đã thấy người ta dúi vào tay thợ tất cả là sáu sapèque (khoảng năm xu), và thợ tỏ ra rất hài lòng với số tiền công đó. Các bạn nghĩ sao, hỡi các đồng nghiệp Âu châu? (Ảnh: Người thợ cạo) CHƯƠNG III BỐ TRÍ CHỖ Ở TRONG HOÀNG THÀNH HÀ NỘI. - ÔNG HAI, ĐẦU BẾP CỦA CHÚNG TÔI. - GIÁ CỦA MỘT ĐỒ NỘI THẤT. - CHIẾC BÀN TÍNH. - NHỮNG CHÚ BỒI KHUÂN VÁC. - BẾP NGOÀI TRỜI. - KHÔNG SỮA KHÔNG BƠ. - NGƯỜI AN NAM THÍCH TRỨNG RA SAO. - ĐẦU BẾP TÍNH TOÁN CHI TIÊU. - ƯU THẾ CỦA ĐẦU BẾP BẢN ĐỊA. - HOÀNG THÀNH HÀ NỘI. - ĐIỆN KÍNH THIÊN. - MỘT GÓC TRUNG TÂM. - MỘT CHÚT LỊCH SỬ. - ĐÓN TIẾP ĐẠI SỨ VUA AN NAM ĐẾN GẶP TƯỚNG MILLOT. - SỨ ĐOÀN AN NAM. - TẶNG PHẨM CỦA NHÀ VUA. - BÓNG BAY. - CHUYẾN THĂM TỔNG ĐỐC HÀ NỘI. - NGOẠI GIAO BẮC KỲ. - NHÀ TÙ. - PHÒNG ĐỢI. - CHÂN DUNG TỔNG ĐỐC. - RĂNG NHUỘM. - CÁI NHÌN CỦA MỘT ÔNG QUAN VỀ NGƯỜI PHÁP - KIỂU NGỒI KỲ LẠ CỦA GIỚI THƯỢNG LƯU BẮC KỲ. - LÀM SAO ĐỂ CHẶT HÒN ĐÁ LÀM HAI. "Quan ba, muốn bồi nấu ăn không?" "Mày biết nấu gì?" "Quan ba, con biết bifteck, trứng, gà, cá, biết rõ ẩm thực Lang Sa." "Thế mày muốn gì?" "Quan ba, trả cho con tám piastre một tháng." (Ảnh: Các chú bồi khuân vác.) Cuộc đối thoại khó tin này diễn ra ngày 1 tháng Ba năm 1884, trước một căn lều nhỏ dùng làm chỗ ở cho các bác sĩ cứu thương của lữ đoàn I trong hoàng thành Hà Nội. Bếp trưởng vui vẻ của chúng tôi, bác sĩ L. đã thuê một cấp dưỡng. Chúng tôi rời khỏi khu nhượng địa ngay buổi sáng để tới ở trong hoàng thành cách đó một dặm, về phía bên kia của thành phố. Cuộc dọn dẹp diễn ra không thể dễ dàng hơn: đúng giờ đã định, một đám cu-li bẩn thỉu tới dỡ đồ đạc của chúng tôi, bốc lên và chở đi trong nháy mắt, dưới sự chỉ đạo của chúng tôi, về nơi ở mới. Ở đây chẳng có gì ngoài bốn bức tường. Họ cấp cho chúng tôi một chỗ tạm bợ trong lúc chờ khởi hành đi Bắc Ninh, đó là một túp lều dài mái tranh vách đất mà công binh ngày xưa đã xây dựng để che chở cho một đại đội thủy quân lục chiến. Những lỗ hổng đục xuyên tường để làm cửa ra vào và cửa sổ; nhưng các cửa này chỉ được đóng bằng một cánh gỗ sơ sài. Không có bàn, không cả một chiếc ghế đẩu, không gì hết! Chúng tôi phải tự sắm sanh, tự xoay xở đúng như lính tráng vẫn thường nói. Trong khi bữa ăn được sắp xếp dưới sự chỉ đạo của cấp dưỡng, tức ông Hai - người được giữ lại ở đoạn trên, thì các chú bồi đưa chúng tôi đi đến các xưởng mộc trong thành phố. Chúng tôi tìm thấy mọi thứ vật dụng cần thiết được thợ xứ này chế tác theo mẫu phương Tây. Một chiếc bàn làm việc, một chiếc ghế bành, một chiếc bàn, mỗi thứ giá một piastre (bằng 4,75 franc); một chiếc giường hay chiếc tủ giá ba piastre; một chiếc ghế đẩu giá nửa piastre. Mọi vật dụng bằng gỗ ở xứ này đều sơn đen hoặc đỏ, tùy theo thị hiếu; ghế và ghế bành đan bằng mây. Ở phố Hàng Đào* chúng tôi mua những cái màn chống muỗi đẹp, gối, đệm, chăn len bọc vải bông của Anh hoặc Đức. Rồi chúng tôi qua khu chợ lớn người Hoa, ở đó chúng tôi mua đèn dầu và bấc để dành. Quả thật ở Hà Nội ta có thể tìm thấy mọi thứ như trong một trung tâm mua sắm lớn ở châu Âu. Trong khi chúng tôi thanh toán ở quầy, thì một người Hoa bụng to ghi từng món đồ bán đi vào quyển sổ hàng của ông ta bằng một cây bút lông nhúng trong mực Tàu; rồi ông ta dùng bàn tính nhanh chóng cộng số tiền. Cái bàn tính đó ta thường bắt gặp ở quầy hàng của mọi nhà buôn Trung Quốc, nó gồm những viên gỗ cẩm lai bé xíu xâu lại thành hàng và song song với nhau trong một khung gỗ. Phương pháp sử dụng thì y hệt như phương pháp mà người chơi billard ở châu Âu dùng để tính điểm vậy. Thu ngân, trước khi trả lại tiền thừa, đã dùng một hộp gỗ lắc lắc tiền xu của chúng tôi để chắc chắn rằng chúng không phải là giả. Từ khi chúng tôi bắt đầu mua sắm thì có một lũ oắt con ăn mặc lam lũ bám theo, mỗi đứa mang một chiếc rổ tròn nhỏ đan bằng tre buộc một sợi dây đeo vào cổ. Mỗi khi chúng tôi mua hàng, chúng lại la hét dồn dập: "Quan ba, con mang cho ạ!" "Quan ba, đưa cho con ạ!" Ban đầu chỉ có hai đứa, rồi bốn đứa theo chúng tôi. Bây giờ thì có tới hai mươi đứa bám đuôi chúng tôi. Một đứa đội chiếc ghế trên đầu, đứa khác mang nệm; có hai đứa biến mất giữa bốn chân của chiếc bàn làm việc. Chúng tôi để chúng đi giữa các sĩ quan tùy tùng và mấy chú bồi vì sợ chúng mang đồ đạc của chúng tôi tẩu thoát. Đoàn người của chúng tôi hùng hậu tới mức khi về đến hoàng thành, người lính gác vung lưỡi lê chặn lại vì anh ta nghĩ chắc chắn đang đụng độ với một băng cướp. Phải đến khi trung sĩ trưởng điếm canh can thiệp thì anh ta mới tránh đường cho chúng tôi. Về tới trại, chúng tôi thấy bữa tối đã sẵn sàng. Hai đã dựng một cái bếp ngoài trời với bốn cây tre và mấy mảnh chiếu. Anh ta đào một cái hố, đặt hai viên gạch và thế là có một bếp lò. Một thằng bồi ngồi bệt trên đất, lấy rác trong một thùng cũ cho vào lò lửa, phía trên là nồi gà hầm đang tỏa mùi thơm. Bác sĩ L. đang say sưa đánh lòng trắng trứng trong một cái cà mèn lính để làm một món ngọt theo phương thức của ông; ông quấn một chiếc khăn quanh hông thay cho tạp dề; đi ủng lớn và đội mũ kepi, điệu bộ của những người vui vẻ nhất trên đời. "Cười đi! Cười đi!" - từ đằng xa ông ấy đã hét lên với chúng tôi. "Các bạn chết chắc rồi! Ôi, các bạn, cái xứ Bắc kỳ mới lạ làm sao! Khắp cõi An Nam chẳng có lấy một mẩu bơ nào, trong Hà Nội này cũng chẳng có lấy một giọt sữa. Người ta có bò, nhưng người ta không lấy sữa; người An Nam không biết tới thứ đó. Chúng ta buộc phải nấu ăn với sữa đặc này và thứ bơ mặn tôi không biết ở đâu ra nữa, đựng trong những hộp thiếc hàn có giá cắt cổ. Và cả trứng nữa! Một câu chuyện nan giải khác! Ngoài chợ không thiếu trứng nhưng chẳng có một quả nào tươi! Tất cả đều chứa dòi bọ! Những kẻ man rợ này thích trứng như vậy. Hai phải tìm mãi mới ra một người bán trứng ăn được. Buồn cười nhất là, tôi mua chúng rẻ hơn một nửa: một quả trứng lộn thì một xu! Trứng tươi thì một xu hai quả. Ôi bọn An Nam này thật là ngu xuẩn!" Trong lúc chúng tôi nói chuyện thì Hai, được các tùy tùng và các chú bồi phụ giúp, đã dựng một bàn ăn dưới mái hiên, trước nhà. Chúng tôi ngồi trước món canh bốc khói, và bếp trưởng tiếp tục kể chuyện bếp núc. "Các bạn biết rằng chúng ta có khẩu phần ăn. Tôi đã lấy ở ban quản lý cho mỗi người trong chúng ta một phần thịt tươi, một phần thịt hộp, một phần đường, cà phê và rượu, là tất cả những thứ chúng ta không thể mua ở đây. Tôi đưa cho Hai, cấp dưỡng của chúng ta, mỗi tháng bảy piastre, cộng thêm hai xâu tiền chợ mỗi ngày ông ta sẽ dùng hai xâu tiền đó để cung cấp cho chúng ta trứng, gà vịt, cá, nói chung là tất cả những gì có thể thay đổi món ăn hàng ngày của chúng ta. Thêm nữa, tôi đã thuê một thằng bồi nhỏ hai piastre một tháng để nó kiếm củi và nước: Ông Hai đã lớn tuổi để làm những chuyện nhỏ nhặt này. Tất nhiên người của chúng ta sẽ theo chúng ta khắp nơi với đúng mức lương như vậy, và trong quân đội, chúng ta cũng sẽ được đối xử như ngày hôm nay." Quả thật đúng như vậy, vì bữa tối của Hai rất tuyệt vời! Người An Nam, giống như người Trung Quốc rất có năng khiếu bếp núc. Theo ý tôi, họ vượt hẳn các đầu bếp trứ danh người Pháp ở chỗ họ sử dụng rất ít vật dụng. Với một cái chảo và một cái nồi chúng tôi mua cho Hai, ông ấy đã chế biến được ba đến bốn món cho mỗi bữa ăn, trên một cái lò đặt ngoài trời xây bằng ba viên gạch. Tôi đã nói rằng người ta gửi chúng tôi đến ở trong hoàng thành Hà Nội. Nếu muốn hình dung một cách chính xác thành lũy thời chúng tôi đến ra sao, thì đó là một khoảng đất bằng, hình chữ nhật, cạnh dài nhất gần năm cây số. Khoảng đất này được bao quanh mọi phía bởi một tường lũy cao và dày xây bằng gạch. Tường lũy được bọc thêm ở phía ngoài bằng một con hào sâu ngập nước tù đọng.* Bức tường bao quanh được trổ sáu cổng* hoành tráng mà mỗi cổng lại dẫn ra phía ngoài bằng một cầu gạch bắc qua con hào. Đặt trên mỗi cổng đó là một chòi canh nhỏ có mái che, lối lên chòi canh là bậc thang bố trí phía trong tường thành. Trong chòi canh có lính được giao nhiệm vụ gác cổng. (Ảnh: Cửa Nam [Bắc] thành Hà Nội) Ở trung tâm khoảng đất mà tường thành giới hạn này lại có một khu vực kín thứ hai; khu vực này cũng được che chắn mọi phía bởi một bức tường gạch: đó chính là trung tâm hoàng thành, bao gồm cả Điện Kính Thiên.* Điện Kính Thiên là một công trình đồ sộ, chiều dài lớn hơn chiều rộng; được xây trên một mảnh đất vuông vức, bốn mặt có tường bảo vệ kiên cố. Một bậc thềm lớn dẫn lên sân; giới hạn mỗi bên của bậc thềm là lan can bằng đá granit chạm trổ tinh xảo những khối hình cuộn mà người An Nam cho là mây. Bậc thềm chia thành ba lối, một lối trung tâm và hai lối hai bên, bằng hai con rồng dài ít nhất hai mét và mỗi con được chạm trổ trong một khối đá granit xám duy nhất. (Ảnh: Hoàng thành Hà Nội - thềm rồng) Phía trong bức tường của khu trung tâm hoàng thành đối diện với thềm rồng này là một kiến trúc trổ ba cửa cạnh nhau. Đối với người hiểu phong tục An Nam thì cách sắp đặt này đủ để chỉ ra rằng đây là cung điện của nhà vua. Quan lại và các nhân vật của tiền triều không bao giờ được phép bước qua cửa chính, cửa này chỉ dành riêng cho vua, họ chỉ đi bằng cửa bên trái hoặc bên phải. Dưới thời vua Tự Đức, việc đi qua cửa dành riêng cho vua bị coi là khi quân phải chịu hình phạt xử tử. (Ảnh: Điện Kính Thiên ở Hà Nội) Trung tâm hoàng thành có lịch sử riêng của nó. Đó là nơi vị vua trẻ của An Nam, sau khi lên ngôi ít lâu đã tới minh thệ với hoàng đế Trung Hoa, tôn chủ của ngài, trước mặt sứ bộ triều đình Bắc Kinh được gửi đến để sắc phong cho vua An Nam quyền cai trị các tỉnh phía Bắc. Đây cũng chính là nơi lính của Francis Garnier lánh nạn sau khi vị chỉ huy này bỏ mạng. Để bảo vệ vành đai ngoài của hoàng thành cần số lượng lớn nhân sự do vành đai này có chu vi nhiều dặm; vì vậy trước tiên họ phải rút vào trung tâm hoàng thành; và họ sớm buộc phải từ bỏ phòng tuyến thứ hai này vì vẫn quá rộng; họ đã vội vã xây quanh điện Kính Thiên một tường bao bằng gạch có trổ lỗ châu mai, cho đến nay vẫn còn tồn tại. Phía trước trung tâm hoàng thành là một khối lập phương bề thế, bên trên vươn lên một tòa tháp cũng được xây bằng gạch và cao chừng sáu hoặc bảy mét. Tháp này có sáu mặt; phía trong bố trí cầu thang hình xoắn ốc đón ánh sáng qua các ô cửa sổ nhỏ trổ ra ở những độ cao khác nhau, cầu thang này dẫn tới một bề mặt nằm trên đỉnh tháp và từ đó có thể bao quát miền quê phụ cận.* Không xa nơi này là những tòa nhà lớn bằng gạch lợp mái ngói; đó là những kho gạo. Chính nơi đó ngài tổng đốc cất giữ sản phẩm thu thuế thường niên được người An Nam đóng một phần lớn bằng hoa màu thu hoạch. Bên cạnh các kho gạo là nơi ở của quan lại cấp cao của tỉnh, gồm tổng đốc và hai quan coi sóc tài chính và luật pháp (quan bố chánh và quan án sát). Hiện nay, chỉ có tòa nhà của quan bố chánh là còn đứng nguyên. Từ khi thành Hà Nội thất thủ vào tay Francis Garnier, quan lại An Nam phải ra ngoại thành sinh sống. Ngăn cấm họ vào kinh thành nghĩa là chúng ta triệt phá được ảnh hưởng của họ. Đối với dân chúng thì trong vòng thành kiên cố này phải là nơi ở của người có quyền lực; khi chúng ta đuổi quan lại ra khỏi nơi đó thì có nghĩa là chúng ta mạnh hơn họ. Vùng đất mênh mông được giới hạn ở trung tâm bởi Điện Kính Thiên, ở ngoại vi bởi vòng thành ngoài, hầu như khắp nơi đều bị bỏ hoang và không người ở. Đó là một vùng quạnh quẽ bao la, khiến cho kinh thành mang một vẻ buồn bã và hoang phế. Xưa kia nơi đây mọc lên rất nhiều nhà tranh là doanh trại của lính An Nam. Ước tính quân số của quân đội đồn trú Hà Nội là ba nghìn người, tất cả họ đều ở trong kinh thành. Nếu ta nghĩ rằng mỗi một người lính đó sống với gia đình, thì ta có thể hình dung sự náo nhiệt khủng khiếp ngự trị trong đồn lũy mênh mông này, mà ngày nay đã bị bỏ hoang và hủy hoại. """