" Một Chỉ Dẫn Cho Người Bị Bối Rối PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Một Chỉ Dẫn Cho Người Bị Bối Rối PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo TỦ SÁCH TRI THỨC MỚI E. F. SCHUMACHER MỘT CHỈ DẪN CHO NGƯỜI BỊ BỐI RỐI Nguyễn Văn Trọng dịch và chú giải NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC ebook♥tudonald78 | 01/2023 Ebook này được thực hiện theo dự án “SỐ HÓA SÁCH CŨ” của diễn đàn TVE-4U.ORG TÁC GIẢ -------- E. F. SCHUMACHER (1911-1977) E. F. Schumacher sinh năm 1911 tại Đức và mất năm 1977 tại Thụy Sĩ. Năm 1930, ông nhận học bổng Rhodes Scholar sang học tập tại Anh. Ông cùng vợ định cư tại Anh năm 1937. Trong thời gian Thế chiến II, ông tham gia Nhóm cố vấn kinh tế cho Chính phủ Anh. Từ năm 1950 đến năm 1970, ông là cố vấn kinh tế cho ngành công nghiệp than của nước này. Ông rất nổi tiếng với tác phẩm Small Is Beautiful (1977) phê phán chủ nghĩa tư bản đạt mức sống cao về vật chất bằng cái giá hủy hoại nền văn hóa. Tuy nhiên tác phẩm A Guide for the Perplexed được hoàn tất trước khi ông mất (1977) mới là tác phẩm được ông xem là thành tựu quan trọng nhất của mình. (Dịch giả Nguyễn Văn Trọng: Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kiev năm 1965 với chuyên ngành vật lý lý thuyết. Bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học năm 1968 tại Kiev. Ông được Nhà nước phong hàm PGS (1984) và GS (1991). Ông đã dịch một số tác phẩm: J.S. Mill, Bàn về tự do (Nxb Tri thức, 2005); J.S. Mill, Chính thể đại diện (Nxb Tri thức, 2008); R. P. Feynman, Ý nghĩa mọi thứ trên đời (Nxb Tri thức, 2010); A.I. Herzen, Từ bờ bên kia (Nxb Tri thức, 2012); I. Berlin, Bốn tiểu luận về tự do (Nxb Tri thức, 2014); I. Berlin, Tất định luận và tự do lựa chọn (Nxb Tri thức, 2015)...) Tác phẩm Một chỉ dẫn cho người bị bối rối đề cập đến trạng thái tinh thần bối rối hoang mang của con người hiện đại do bị nhào nặn bởi một thế giới quan lầm lạc mà ông gọi là chủ nghĩa khoa học duy vật luận (materialistic Scientism). Theo Schumacher, bước ngoặt tinh thần này của con người hiện đại xảy ra vào thời kì Khai sáng ở phương Tây trong một quá trình đoạn tuyệt với tôn giáo nói chung và với Kitô giáo nói riêng. Schumacher đã lần lại lịch sử quan niệm về tôn giáo của con người thời cổ đại. Ông cho thấy các tôn giáo truyền thống đã bị con người thời hiện đại hiểu sai lệch như thế nào. Theo Schumacher thì việc đoạn tuyệt với Kitô giáo xảy ra ở xã hội phương Tây vào thời kì Khai sáng, do ảnh hưởng sâu sắc bởi triết gia Descartes (1596-1650). Descartes cho rằng: “Người nào tìm kiếm con đường trực tiếp đi đến sự thật, thì phải không bận tâm với bất cứ đối tượng nào mà người đó không có được một tính chắc chắn ngang bằng với những chứng minh của số học và hình học”. Chỉ những đối tượng như vậy mới phải thu hút sự chú ý của chúng ta “đến với tri thức chắc chắn và không chút nghi ngờ mà các sức mạnh trí tuệ của chúng ta hình như thích đáng tương xứng”. Descartes viện cớ rằng triết học “đã được trau dồi trong nhiều thế kỉ bởi những trí tuệ tốt đẹp nhất đã từng sống, mặc dù vậy vẫn chẳng có một sự vật nào được tìm thấy mà lại không là đề tài tranh cãi, và hệ lụy là không còn bị nghi ngờ nữa”, sự kiện ấy đã dẫn Descartes đến với điều chẳng khác gì là “cuộc thối lui khỏi minh triết” và hoàn toàn tập trung vào tri thức thật vững chắc và nằm ngoài mọi nghi ngờ giống như toán học và hình học. Mục lục E. F. Schumacher - Tiểu sử và tác phẩm Chương I: VỀ NHỮNG BẢN ĐỒ TRIẾT HỌC Chương II: CÁC TRÌNH ĐỘ HIỆN HỮU Chương III: NHỮNG BƯỚC TIẾN TRIỂN Chương IV: “THÍCH ĐÁNG TƯƠNG XỨNG” I Chương V: “THÍCH ĐÁNG TƯƠNG XỨNG” II Chương VI: BỐN LĨNH VỰC CỦA TRI THỨC 1 Chương VII: BỐN LĨNH VỰC CỦA TRI THỨC 2 Chương VIII: BỐN LĨNH VỰC CỦA TRI THỨC 3 Chương IX: BỐN LĨNH VỰC CỦA TRI THỨC 4 Chương X: HAI LOẠI VẤN ĐỀ Lời kết Chú thích Nulla est homini causa philosophandi, nisi ut beatus sit. Con người chẳng có lí do gì để triết lí, ngoại trừ với một cách nhìn về hạnh phúc SAINT AUGUSTINE E. F. Schumacher - Tiểu sử và tác phẩm E. F. Schumacher sinh năm 1911 tại Đức và mất năm 1977 tại Thụy Sĩ. Năm 1930, ông nhận học bổng Rhodes Scholar sang học tập tại Anh. Ông cùng vợ định cư tại Anh năm 1937. Trong thời gian Thế chiến II, ông tham gia Nhóm cố vấn kinh tế cho Chính phủ Anh. Từ năm 1950 đến năm 1970, ông là cố vấn kinh tế cho ngành công nghiệp than của nước này. Ông rất nổi tiếng với tác phẩm Small Is Beautiful (Nhỏ bé là đẹp) (1977) phê phán chủ nghĩa tư bản đạt mức sống cao về vật chất bằng cái giá hủy hoại nền văn hóa. Tuy nhiên tác phẩm A Guide for the Perplexed (Một chỉ dẫn cho ngưòi bị bối rối) được hoàn tất trước khi ông mất (1977) mới là tác phẩm được ông xem là thành tựu quan trọng nhất của mình. Tác phẩm Một chỉ dẫn cho người bị bối rối đề cập đến trạng thái tinh thần bối rối hoang mang của con người hiện đại do bị nhào nặn bởi một thế giới quan lầm lạc mà ông gọi là chủ nghĩa khoa học duy vật luận (materialistic Scientism). Theo Schumacher, bước ngoặt tinh thần này của con người hiện đại xảy ra vào thời kì Khai sáng ở phương Tây trong một quá trình đoạn tuyệt với tôn giáo nói chung và với Kitô giáo nói riêng. Schumacher đã lần lại lịch sử quan niệm về tôn giáo của con người thời cổ đại. Ông cho thấy các tôn giáo truyền thống đã bị con người thời hiện đại hiểu sai lệch như thế nào. Theo Schumacher thì việc đoạn tuyệt với Kitô giáo xảy ra ở xã hội phương Tây vào thời kì Khai sáng, do ảnh hưởng sâu sắc bởi triết gia Descartes (1596-1650). Descartes cho rằng: “Người nào tìm kiếm con đường trực tiếp đi đến sự thật, thì phải không bận tâm với bất cứ đối tượng nào mà người đó không có được một tính chắc chắn ngang bằng với những chứng minh của số học và hình học”. Chỉ những đối tượng như vậy mới phải thu hút sự chú ý của chúng ta “đến với tri thức chắc chắn và không chút nghi ngờ mà các sức mạnh trí tuệ của chúng ta hình như thích đáng tương xứng”. Descartes viện cớ rằng triết học “đã được trau dồi trong nhiều thế kỉ bởi những trí tuệ tốt đẹp nhất đã từng sống, mặc dù vậy vẫn chẳng có một sự vật nào được tìm thấy mà lại không là đề tài tranh cãi, và hệ lụy là không còn bị nghi ngờ nữa”, sự kiện ấy đã dẫn Descartes đến với điều chẳng khác gì là “cuộc thối lui khỏi minh triết” và hoàn toàn tập trung vào tri thức thật vững chắc và nằm ngoài mọi nghi ngờ giống như toán học và hình học. Schumacher nhận xét như sau: “Chấp nhận một thứ gì là chân lí, hàm nghĩa chịu nguy cơ lầm lẫn. Nếu tôi tự giới hạn mình ở những tri thức mà tôi xem là chân lí vượt ra ngoài mọi nghi hoặc, thì tôi giảm được nguy cơ lầm lẫn xuống mức tối thiểu, nhưng đồng thời tôi lại có nguy cơ ở mức tối đa bỏ qua những gì là huyền ảo nhất, quan trọng nhất và đáng giá nhất trong cuộc đời”. St. Thomas Aquinas, đi theo Aristotle, đã dạy bảo rằng: “Một tri thức mảnh mai nhất khả dĩ nhận được ở những thứ cao cả nhất, thì đáng mong ước nhiều hơn là tri thức chắc chắn nhất, thu được từ những thứ kém cỏi hơn”. Tri thức “mảnh mai” ở đây được đặt đối lập với tri thức “chắc chắn”, và chỉ ra tính bất xác định. Rất có thể nhất thiết là những thứ cao cả hơn không thể được tri giác với độ chắc chắn ngang bằng với độ chắc chắn mà các thứ kém cỏi hơn có thể được tri giác, trong trường hợp như vậy thì quả thực hẳn sẽ là mất mát rất lớn, nếu tri thức bị giới hạn ở những thứ nằm ngoài khả năng nghi hoặc. Thế nhưng khái niệm “cao cả hơn” và “thấp kém hơn” hàm nghĩa gì? Theo Schumacher, tổ tiên chúng ta nhìn thấy thế giới hiện hữu như một “Chuỗi của Hiện hữu”, có vẻ như phân chia một cách tự nhiên thành bốn khu vực: khoáng chất, cây cối, động vật và con người. Hiện hữu của cây cối cao hơn hiện hữu của khoáng chất, có một bước nhảy bản thể luận, có thể dùng từ ngữ “sự sống” để biểu tượng cho bước nhảy đó. Những động vật tiêu biểu như chó, mèo có hiện hữu cao hơn cây cối. Bước nhảy bản thể luận này có thể biểu tượng bằng từ ngữ “ý thức”. Con người có hiện hữu cao hơn động vật, mặc dù nhiều người thời hiện đại không thừa nhận điều này. Schumacher dùng biểu tượng “tự-ý-thức” để chỉ bước nhảy bản thể luận ấy. Trình độ hiện hữu cao hơn bao gồm tất cả những thành tố hiện hữu ở trình độ thấp hơn: Con người bao gồm cả khoáng chất, sự sống và ý thức vốn có ờ các trình độ thấp hơn. Tổ tiên chúng ta nhìn theo sơ đồ chuỗi trình độ hiện hữu như đánh giá theo chiều thẳng đứng: Con người ở vị trí cao nhất trong bốn trình độ hiện hữu nên phải thể hiện thái độ có trách nhiệm với cả thế giới. Những bước nhảy bản thể luận của các trình độ hiện hữu là những bí ẩn của thế giới: Con người có thể hủy hoại sự sống của cây cối, biến nó thành khoáng chất; thế nhưng con người không thể tạo ra sự sống từ khoáng chất. Các hữu thể ở trình độ cao hơn khoáng chất, thể hiện mình như các hữu thể có một “đời sống bên trong”, vô hình đối với các giác quan của con người. Khi ý thức được những bất toàn của mình, con người thời xưa tự hỏi: Liệu có chăng những Trình độ Hiện hữu ở trên con người? Schumacher nhận xét: “… Đại đa số của loài người, trong suốt lịch sử đã được biết cho đến tận thời gian mới đấy, người ta đã tin thật vững chắc rằng Chuỗi của Hiện hữu mở rộng lên trên vượt quá con người. Tín niệm phổ quát ấy gây ấn tượng mạnh cả về độ dài thời gian và cả về cường độ của nó. Những nhân vật của thời xưa, mà chúng ta vẫn còn xem như mình triết nhất và vĩ đại nhất, không những chia sẻ niềm tin ấy, mù con xem nó là quan trọng nhất và sâu sắc nhất trong tất cả các sự thật”. Có thể tình trạng vô tín ngưỡng ở con người thời hiện đại phần nào còn do ấn tượng mạnh mẽ trước những thành tựu huy hoàng của khoa học tự nhiên mà trước hết là vật lí học với mô hình theo kiểu cơ học Newton dựa trên toán học. Các thành tựu của khoa học vật lí đã dẫn đến những ứng dụng công nghệ, làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế phương Tây, tạo ra các tàu to súng lớn phục vụ cho các mưu đồ đế quốc chủ nghĩa. Các nhà khoa học sáng lập ra vật lí học hiện đại, như Newton, Einstein, Max Plank… không liên quan gì đến các ứng dụng công nghệ này. Tài năng của họ nhằm vào việc nhận thức thế giới, mà đối tượng nghiên cứu của vật lí là khoáng chất không chứa đựng các sức mạnh sự sống, ý thức và tự-ý-thức. Cho đến nay, khoa học không có bằng chứng nào về “thế giới bên trong” của các vật thể khoáng chất bất động, và nghiên cứu vật lí học dựa trên các biểu hiện bề ngoài của vật thể mà con người có thể quan sát được bằng các giác quan (hay có trợ giúp của các thiết bị tăng cường sức mạnh cho các giác quan). Khoa học vật lí vì vậy có bản chất là khoa học thường nghiệm. Các khái niệm và lí thuyết vật lí được đông đảo các nhà vật lí chấp nhận (còn được gọi là một paradigm1) là vì trong giai đoạn nhất định của quá trình phát triển chúng phù hợp tốt nhất với kết quả thường nghiệm. Trong lịch sử vật lí học, các paradigm đã trải qua khủng hoảng, cách mạng và biến đổi sâu sắc. Vì vậy, các nhà khoa học biết rõ rằng: Kết quả lí thuyết của paradigm phù hợp với quan sát thường nghiệm không thể “chứng minh” được chân lí nào, mà chỉ nhất thời củng cố niềm tin vào hiệu Ở quả của paradigm đang hiện hành. Schumacher nhận xét: “Ở điểm này, những gì chúng ta cần phải thấu hiểu - và viết vào tấm bản đồ tri thức của chúng ta - là điều sau đây: Vì vật lí học và các khoa học chỉ dẫn khác đặt cơ sở cho bản thân mình ở phương diện đã chết của tự nhiên, nên chúng không thể dẫn đến triết học, nếu triết học là đưa ra hướng dẫn về chuyện sống là thế nào. Vật lí học thế kỉ XIX bảo chúng ta rằng, sự sống là một tình cờ vũ trụ không có ý nghĩa hay mục đích. Các nhà vật lí tốt nhất của thế kỉ XX lấy lại những lời nói ấy và bảo chúng ta rằng, họ chỉ xử lí với các hệ thống đặc thù, bị cô lập chặt chẽ, nhằm chứng tỏ các hệ thống ấy vận hành ra sao, hay có thể tạo ra để vận hành thế nào, và rằng không cố những kết luận triết học tổng quát nào có khi nào lại có thể được (hay phải được) rút ra từ tri thức ấy”. Thế nhưng, con người thời hiện đại bị lóa mắt trước các thành công trong ứng dụng công nghệ lại tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của khoa học thường nghiệm. Anh/chị ta cho rằng không có gì huyền bí trong thế giới này, chỉ có những điều chưa được khoa học khám phá, nhưng rồi sẽ được khám phá trong tương lai xa hay gần mà thôi. Schumacher nhận xét rằng con người thời hiện đại nhìn vào các thế hệ trước, “ngoại trừ thế hệ mới đây, như là những người ảo tưởng đầy lâm li thống thiết, sống cuộc đời mình dựa trên những niềm tin phi lí tính và các mê tín dị đoan ngu xuẩn. Ngay cả các nhà khoa học lừng danh như Johannes Kepler hay Isaac Newton cũng có biểu hiện tiêu phí thời gian và năng lượng của mình vào những nghiên cứu vô nghĩa về những thứ không hề tồn tại. Trong suốt lịch sử, một lượng lớn sức khỏe khó kiếm được, đã bị tiêu phí vào việc tôn vinh các Thượng đế tưởng tượng - không những bởi các bậc tiền bối châu Âu của tôi, mà còn bởi tất cả các dân tộc ở mọi miền Ở trên thế giới vào mọi thời đại. Ở mọi nơi, hàng ngàn người có vẻ lành mạnh, đàn ông và đàn bà, tự bắt mình phải chịu những kiềm chế hoàn toàn vô nghĩa, như tự nguyện kiêng khem; tự giày vò mình bằng cuộc sống độc thân; lãng phí thời gian của mình vào những cuộc hành hương, những nghi lễ kì quái, những lễ cầu nguyện lặp đi lặp lại và những thứ tương tự; quay lưng lại với hiện thực - và một số người thực ra vẫn còn làm điều này ngay cả vào thời đại khai sáng hiện nay - mọi thứ chẳng để làm gì hết, mọi thứ đều từ tình trạng vô minh và ngu ngốc mà ra; chẳng có gì ngày nay được coi là chuyện nghiêm chỉnh cả, ngoại trừ tất nhiên là như các thứ để ở bảo tàng. Một lịch sử đầy lầm lạc biết chừng nào mà chúng ta đã thoát ra từ đó! Một lịch sử của việc cho là hiện thực, cái mà bất cứ đứa trẻ hiện đại nào cũng đều biết là hoàn toàn phi hiện thực và là chuyện tưởng tượng!”. Schumacher gọi thái độ như vậy của con người thời hiện đại là chủ nghĩa khoa học duy vật luận. Vũ trụ không còn được nhìn nhận như một cấu trúc ngôi thứ vĩ đại hay một Chuổi của Hiện hữu; nó được nhìn nhận đơn giản như một kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử; và con người, vốn theo truyền thống được hiểu như một tiểu Vũ trụ (tức là có cấu trúc Vũ trụ), không còn được nhìn nhận như một Vũ trụ; mà chỉ là một tạo vật có ý nghĩa, ngay dù cho là huyền bí đi nữa. Chúng ta được đưa cho khá nhiều định nghĩa về con người, khiến cho nó chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là một động vật thông minh đặc biệt với một bộ não khá lớn có thể đo đạc được, hoặc là một động vật biết chế tạo dụng cụ, hoặc là một động vật chính trị, hoặc là một động vật còn chưa định hình, hoặc đơn thuần là một con khỉ trần trụi. Chủ nghĩa nhân văn xuất hiện như một niềm tin vào bản chất tốt đẹp vốn có của con người để thực hiện sứ mệnh cao cả trên Trái đất, nhưng lại dựa vào chủ nghĩa khoa học duy vật luận. Tuy nhiên, các phương pháp khoa học thường nghiệm (vật lí và hóa học) có thể nghiên cứu mọi thứ thuộc thân xác tự nhiên, nhưng không thể thâm nhập vào thế giới vô hình bên trong của sự sống, y thức và tự-ý-thức ở con người, vốn là những bí ẩn khiến cho con người là con người. Con người thời hiện đại theo chủ nghĩa khoa học duy vật luận, cho rằng sự sống, ý thức và tự-ý- thức chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là những biểu hiện của các xếp đặt phức tạp ở các nguyên tử cấu tạo bộ não - một “đức tin” khiến cho anh/chị ta đặt tín nhiệm đặc biệt vào các giác quan, “dựa vào đầu óc” và bác bỏ, bất cứ can thiệp từ các “sức mạnh” tinh thần vô hình nào. Đức tin này được hình thành dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của học thuyết tiến hóa. Thực chất tiến hóa luận là gì? Nhiều nhà khoa học nhìn thấy tiến hóa luận trong sinh vật học là một ngôn ngữ mơ hồ và bao trùm nhiều nghĩa, được áp dụng để bao hàm bất cứ mọi biến đổi nào xảy ra trong thể tạng của một chủng loại có hệ thống trong động vật và cây cối… về chuyện đã có biến đổi trong thể tạng ở các giống loài động vật và cây cối trong quá khứ, thì điều này đã được chứng thực rất phong phú bởi các hóa thạch tìm thấy trong lớp vỏ Trái đất; với trợ giúp của việc xác định thời gian bằng phương pháp phóng xạ, chúng đã được xếp vào chuỗi nối tiếp lịch sử với tính xác định khoa học rất cao. Tiến hóa luận, như việc khái quát hóa trong pham vi khoa học miêu tả về biến đổi sinh học có thể xem như đã được xác lập không còn gì phải nghi ngờ nữa. Thế nhưng học thuyết tiến hóa là một thứ rất khác: nó khái quát hóa chọn lọc tự nhiên như nguyên nhân duy nhất của biến đổi giống loài, loại trừ mọi nguyên nhân khác. Schumacher nhận xét: “Tất cả những người gây giống động vật và cây cối đều biết chắc chắn rằng, chọn lọc, bao gồm cả “chọn lọc tự nhiên”, đều sinh ra biến đổi; cho nên sẽ là đúng đắn về mặt khoa học nếu nói rằng “chọn lọc tự nhiên đã được chứng minh là một tác nhân của biến đổi tiến hóa”. Quả thật chúng ta có thể chứng minh [điều này] bằng việc làm. Thế nhưng thật hoàn toàn không chính đáng, khi yêu sách rằng, việc phát hiện ra cơ chế ấy - chọn lọc tự nhiên - chứng minh rằng tiến hóa “mang tính tự động không còn để lại chỗ cho hướng dẫn và ý đồ kì diệu”. Có thể chứng minh được rằng người ta kiếm được tiền do nhặt được ở đường phố, thế nhưng không ai có thể xem đó là lí do có thẩm quyền để giả định, mọi thu nhập đều được kiếm bằng cách như vậy”. Schumacher dẫn ra ý kiến bình luận của Karl Stern (một nhà tâm lí học) về học thuyết tiến hóa như sau: “Nếu chúng ta trình bày Học thuyết tiến hóa dựa theo luận chứng trong cách phát biểu khoa học nhất, chúng ta sẽ buộc phải nói điều gì đó đại loại như: “Tại một thời điểm nhất định nào đó nhiệt độ của Trái đất như thế nào đó khiến cho nó thuận lợi nhất cho viêc tu tập lại các nguyên tử carbon và oxy với tổ hợp nitrogen-hydrogen, rồi do xảy ra tình cờ mà tạo thành các phân tử chùm, được cấu trúc thuận lợi nhất để đi tới sự sống, và từ điểm đó nó sẽ đi qua những quãng thời gian dài, cho tới khi được thông qua các quá trình chọn lọc tự nhiên để cuối cùng có được một hữu thể có khả năng chọn lựa tình yêu ở trên thù hận, và lẽ công hằng ở trên bất công, viết được thi phẩm như Dante, soạn được âm nhạc như Mozart, và tạo được các bức tranh như Leonardo”. Lẽ tất nhiên quan điểm như thế về nguồn gốc của Vũ trụ thật điên khùng. Nhưng tôi tuyệt nhiên không hàm ý điên khùng trong ý nghĩa câu chửi thóa mạ, mà chỉ hàm ý mang tính kĩ thuật của tâm lí. Quả thực quan điểm như vậy có nhiều điểm chung với một số phương diện nhất định của tư duy loạn thần kinh”. Tuy nhiên, vẫn còn là sự thật, rằng kiểu tư duy như thế này tiếp tục được đưa ra như một khoa học khách quan, không những cho các nhà sinh vật học, mà còn cho bất cứ ai háo hức muốn biết sự thật về nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích về sự tồn tại của con người trên Trái đất, và rằng đặc biệt là tại khắp mọi nơi trên thế giới, tất cả các trẻ em đều là đối tượng để truyền bá theo những đường hướng ấy. Theo Schumacher, nói chung, không thể nào dẫn xuất ra một ĐỨC TIN mà chỉ hoàn toàn dựa vào việc quan sát các biểu hiện bề ngoài của thế giới. Trong khi đó các nhà khoa học hiện đại vẫn cương quyết giới hạn đối tượng nghiên cứu của họ vào các biểu hiện bề ngoài. Điều này rất tốt đối với các khoa học có mục đích chỉ dẫn cho các ứng dụng thường nghiệm, nhưng không giúp gì cho con người xây dựng được một ĐỨC TIN để có một cuộc sống đúng đắn. Tình trạng này khiến cho chủ nghĩa nhân văn tất phải lâm vào bế tắc: Sứ mệnh “cao cả” mà chủ nghĩa nhân văn muốn thực hiện trên Trái đất không thể có được cơ sở nào tữ chủ nghĩa khoa học duy vật luận, vốn không hề biết đến các khái niệm “cao cả” hay “thấp hèn”. Rốt cuộc con người theo chủ nghĩa khoa học duy vật luận chỉ có một thước đo cho sự thành đạt ở cuộc đời này, ấy là sở hữu được sức mạnh vật chất thật nhiều như có thể. Định hướng tinh thần như vậy có xác đáng hay không là chuyện lựa chọn của mỗi người. Trong khi đó các tôn giáo lớn từ xưa đã có câu trả lời đầy đoan chắc: Hạnh phúc của con người là đi lên cao hơn, phát triển được những tính năng cao cả nhất, đạt được tri thức của các sự vật cao hơn và cao nhất, và nếu có thể thì “được nhìn thấy Thượng đế”. Nếu con người đi xuống thấp hơn, chỉ phát triển những tính năng thấp hèn hơn mà con người cùng chia sẻ với các động vật, khi ấy con người sẽ khiến cho bản thân mình bất hạnh sâu sắc, thậm chí rơi vào tuyệt vọng. Theo Schumacher, sức mạnh tự-ý-thức khiến cho con người là một hữu thể có “kết thúc mở” (open-endedness). Những thành tựu vĩ đại nhất của con người định nghĩa con người - không phải sự vận hành chung giống nhau, không phải một hành vi hay khả năng trình diễn trung bình nào đó, và chắc chắn không phải bất cứ thứ gì dẫn xuất ra từ việc quan sát các động vật. Tất cả mọi người không thể nào đều là xuất chúng, thế nhưng tất cả mọi người, thông qua tri thức về tính người thượng hạng, đễu có thể biết được, rằng con người có nghĩa là gì, và rằng cả họ nữa cũng phải có đóng góp. Thật tuyệt diệu được trở thành con người, như một người có khả năng là vậy. Và điều này chẳng đòi hỏi một trợ giúp nào từ khoa học. E. F. Schumacher đã đưa ra kết luận: “sống không cần tới các giáo hội, có thể hình dung được là chuyện khả dĩ, nhưng không thể nào sống được mà không có tôn giáo, tức là làm việc có hệ thống nhằm giữ được giao tiếp với các [hiện hữu] Trình độ Cao và phát triển hướng tới chúng, chứ không phải hướng tới “cuộc sống tầm thường” với tất cả niềm vui và nỗi đau, cảm xúc và thỏa mãn, tinh tế hay thô thiển - dù nó có thể là gì đi nữa. Cuộc thí nghiệm hiện đại sống không có tôn giáo đã thất bại, và một khi chúng ta hiểu ra điều này, thì chúng ta biết được những nhiệm vụ “hậu hiện đại” của chúng ta thực ra là gì”. Tác phẩm của Schumacher không nhằm thuyết giảng một ĐỨC TIN tôn giáo cụ thể nào (vốn dĩ là chuyện tự do lựa chọn của mỗi cá nhân), mà chỉ nhằm bác bỏ những định kiến thiếu căn cứ trong quan niệm về tôn giáo. Định kiến cho rằng tôn giáo gắn chặt với giáo hội và nhà thờ hay đền chùa cùng với các thần thánh có nhiều phép lạ - định kiến như vậy đã bén rễ vào con người thời hiện đại trong một thời gian lịch sử khá lâu ở châu Âu, kéo dài từ thế kỉ XVIII đến nay. Từ ngữ “tôn giáo” dường như đã bị “ô uế” thật sâu, khiên cho nhiều người không muốn gắn việc thuyết giảng một định hướng tinh thần với khái niệm tôn giáo! Tôi không có hiểu biết về ngôn ngữ học nên không biết vì sao người Trung Hoa (hay Nhật Bản?) lại dịch từ Religion là tôn giáo. Schumacher đã nhận xét: “Tôn giáo (Religion) là sự kết nối lại (re-legio) Con người với Hiện thực, bất kể Hiện thực ấy được gọi là Thượng đế, Sự thật, Allah, Sat-Chit-Ananda, hay là Niết bàn (Nirvana)”. Thế nhưng ngay cả một khái niệm được con người thời hiện đại sùng bái là KHOA HỌC, cũng gắn với những định kiến rất khác biệt. Bản thân tôi thời học sinh trung học cũng đã từng ngưỡng mộ vật lí học vì nó tạo ra “bom nguyên tử”! Mãi nhiều năm sau, đi sâu vào khoa học vật lí, tôi mới hiểu được rằng: thực chất của khoa học vật lí không hề nhắm tới ứng dụng kinh khủng ấy; các thiên tài đặt nền móng cho vật lí học hiện đại, như Newton và Einstein hướng tới nhận thức thế giới vật chất ngoại tại và chẳng hề dính dáng trực tiếp với các ứng dụng công nghệ. Thế nhưng công nghệ tinh xảo hiện nay vẫn đang làm lóa mắt những tâm hồn trẻ thơ thời hiện đại, khiến cho họ tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của khoa học thường nghiệm! Nguyễn Văn Trọng Chương I VỀ NHỮNG BẢN ĐỒ TRIẾT HỌC T rong một chuyến đi thăm Leningrad mấy năm trước đây2, tôi dùng bản đồ [thành phố] để xem mình ở đâu, nhưng tôi đã không làm được chuyện đó. Từ chỗ tôi đứng có thể nhìn thấy một số nhà thờ rất to, thế nhưng trên bản đồ chẳng có dấu vết nào của chúng. Cuối cùng, khi một hướng dẫn viên đến giúp tôi, anh ta nói: “Chúng tôi không trưng các nhà thờ trên bản đồ của mình”. Phản bác lại anh ta, tôi chỉ vào một nhà thờ rất dễ nhận ra. Anh ta nói: “Đó là một nhà bảo tàng, không phải là nhà thờ đang hoạt động”. Chúng tôi chỉ không trưng ra các “nhà thờ đang hoạt động” mà thôi”. Rồi sau mới thấy đối với tôi, đây không phải lần đầu tôi được trao cho bản đồ không trưng ra nhiều thứ mà tôi có thể nhìn thấy ngay trước mặt. Thông qua trường trung học và đại học tôi đã được trao cho những tấm bản đồ đời sống và trí thức, mà dựa vào đó thật khó tìm được dấu vết của nhiều thứ tôi quan tâm nhất, và đối với tôi hình như lại là những thứ có thể có tầm quan trọng bậc nhất hướng dẫn cho cuộc đời mình. Tôi nhớ rằng, rất nhiều năm tôi hoàn toàn bị bối rối, và chẳng có hướng dẫn viên nào đến giúp tôi. Sự bối rối hoàn toàn vẫn còn cho đến khi tôi hết nghi ngờ về tình trạng lành mạnh tri giác của mình, thay vào đó tôi nghi ngờ về tính đúng đắn của các bản đồ. Các tấm bản đồ, mà tôi được trao cho, khuyên bảo rằng tất cả các tổ tiên của tôi, ngoại trừ thế hệ mới đây, thực ra đều là những người ảo tưởng đầy lâm li thống thiết, sống cuộc đời mình dựa trên những niềm tin phi lí tính và các mê tín dị đoan ngu xuẩn. Ngay cả các nhà khoa học lừng danh như Johannes Kepler hay Isaac Newton cũng có biểu hiện tiêu phí thời gian và năng lượng của mình vào những nghiên cứu vô nghĩa về những thứ không hề tồn tại. Trong suốt lịch sử, một lượng lớn sức khỏe khó kiếm được, đã bị tiêu phí vào việc tôn vinh các Thượng đế tưởng tượng - không những bởi các bậc tiền bối châu Âu của tôi, mà còn bởi tất cả các dân tộc ở mọi miền trên thế giới vào mọi thời đại. Ở mọi nơi, hàng ngàn người có vẻ lành mạnh, đàn ông và đàn bà, tự bắt mình phải chịu những kiềm chế hoàn toàn vô nghĩa, như tự nguyện kiêng khem; tự giày vò mình bằng cuộc sống độc thân; lãng phí thời gian của mình vào những cuộc hành hương, những nghi lễ kì quái, những lễ cầu nguyện lặp đi lặp lại và những thứ tương tự; quay lưng lại với hiện thực - và một số người thực ra vẫn còn làm điều này ngay cả vào thời đại khai sáng hiện nay - mọi thứ chẳng để làm gì hết, mọi thứ đều từ tình trạng vô minh và ngu ngốc mà ra; chẳng có gì ngày nay được coi là chuyện nghiêm chỉnh cả, ngoại trừ tất nhiên là như các thứ để ở bảo tàng. Một lịch sử đầy lầm lạc biết chừng nào mà chúng ta đã thoát ra từ đó! Một lịch sử của việc cho là hiện thực, cái mà bất cứ đứa trẻ hiện đại nào cũng đều biết là hoàn toàn phi hiện thực và là chuyện tưởng tượng! Toàn bộ quá khứ của chúng ta, ngoại trừ quá khứ gần đây nhất, ngày nay chỉ còn thích hợp cho các nhà bảo tàng, nơi mà người ta có thể thỏa mãn trí tò mò về thói kì quặc và tình trạng thiếu hiểu biết của các thế hệ trước đây. Những gì tổ tiên chúng ta đã viết cũng chỉ thích hợp chủ yếu cho việc lưu trữ ở các thư viện, nơi các nhà sử học và các chuyên gia khác có thể nghiên cứu những di tích ấy và viết những cuốn sách về chúng. Tri thức của quá khứ được xem như thú vị và đôi khi gây cảm xúc, nhưng chẳng có giá trị gì đặc biệt để học hỏi đặng đối phó vơi những vấn đề của hiện tại. Tất cả những điều này và nhiều điều khác kiểu tương tự, tôi đã được dạy ở trường trung học và đại học, tuy không nhiều lời đến như vậy, không thật rõ ràng và thẳng thắn. Hẳn là không nên nói thẳng thừng ra - đối với tổ tiên thì cũng phải đối xử kính trọng; họ đâu có thể làm gì được với tình trạng lạc hậu của mình; họ đã rất cố gắng và đôi khi thậm chí cũng đã đạt được rất gần với chân lí trong một cung cách tình cờ nào đó. Mối bận tâm của họ với tôn giáo chính là một trong những dấu hiệu của tình trạng kém phát triển, không đáng ngạc nhiên với những người còn chưa đến độ trưởng thành. Tất nhiên, cũng có một lợi ích nào đó ở tôn giáo ngay cả vào thời nay, là điều vốn đã biện minh cho nó vào những thời đại trước đây. Cũng vẫn còn được cho phép, trong những dịp thích hợp, viện dẫn tới Thượng đế và Đấng sáng thế, mặc dù mỗi người có học đều biết rằng chẳng có Thượng đế thực sự, chắc chắn chẳng có ai có khả năng tạo ra bất cứ thứ gì, và rằng mọi thứ xung quanh ta đã đi vào tồn tại bởi một quá trình tiến hóa từ rất xa xưa, tức là bởi may rủi và chọn lọc tự nhiên. Thật không may là tổ tiên chúng ta đã không được biết về tiến hóa, và vì vậy họ đã sáng chế ra tất cả những huyền thoại kì khôi ấy. Những “tấm bản đồ” tri thức thực tế, được thiết kế cho đời sống thực tế, không trưng bày ra bất cứ điều gì, ngoại trừ những thứ được cho là khả dĩ chứng minh được có tôn tại. Có vẻ như nguyên tắc đầu tiên của những người lập bản đồ triết học” chính là: “Nếu còn nghi hoặc, hãy bỏ nó ra ngoài”, hoặc là đưa nó vào bảo tàng. Tuy nhiên, tôi lại thấy rằng, vấn đề chứng minh bao hàm điều gì là chuyện khá tinh tế và đầy khó khăn. Liệu có khôn ngoan hơn không, khi quay ngược lại nguyên tắc và phát biểu: “Nếu còn nghi hoặc, hãy trưng nó ra thật nổi bật”? Rốt cuộc thì những thứ nằm ngoài nghi hoặc, theo một nghĩa nào đó, là thứ đã chết rồi, chúng không còn chứa đựng thách thức cho cuộc sống. Chấp nhận một thứ gì là chân lí, hàm nghĩa chịu nguy cơ lầm lẫn. Nếu tôi tự giới hạn mình ở những tri thức mà tôi xem là chân lí vượt ra ngoài mọi nghi hoặc, thì tôi giảm được nguy cơ lầm lẫn xuống mức tối thiểu, nhưng đồng thòi tôi lại có nguy cơ ở mức tối đa bỏ qua những gì là huyền ảo nhất, quan trọng nhất và đáng giá nhất trong cuộc đời. St. Thomas Aquinas, đi theo Aristotle, đã dạy bảo rằng: “Một tri thức mảnh mai nhất khả dĩ nhận được ở những thứ cao cả nhất, thì đáng mong ước nhiều hơn là tri thức chắc chắn nhất, thu được từ những thứ kém cỏi hơn”3. Tri thức mảnh mai” ở đây được đặt đối lập với tri thức chắc chắn”, và chỉ ra tính bất xác định. Rất có thể nhất thiết là những thứ cao cả hơn không thể được tri giác với độ chắc chắn ngang bằng với độ chắc chắn mà các thứ kém cỏi hơn có thể đươc tri giác, trong trường hợp như vậy thì quả thực hẳn sẽ là mất mát rất lớn, nếu tri thức bị giới hạn ở những thứ nằm ngoài khả năng nghi hoặc. Những tấm bản đồ triết học mà tôi được cung cấp ở trường trung học và đại học không chỉ thất bại trong việc trưng ra “các nhà thờ đang hoạt động”, giống như tấm bản đồ Leningrad mà tôi đã đề cập; chúng cũng thất bại cả trong việc trưng ra số đông các khu vực “phi chính thống” của cả lí thuyết lẫn thực hành ở trong y học, nông nghiệp, tâm lí học và các khoa học xã hội cũng như chính trị, chẳng cần phải nhắc tới nghệ thuật và những cái-được-gọi-là các hiện, tượng huyền bí hay hiện tượng dị thường, mà việc nhắc tới chúng đã bị xem là dấu hiệu của khuyết tật trí tuệ. Ví dụ như tất cả những học thuyết nổi bật nhất được trưng ra trên “bản đồ” đều chấp nhận khả năng nghệ thuật chỉ như là tình trạng tự-thể- hiện hay trốn chạy khỏi hiện thực. Ngay cả ở trong tự nhiên cũng chẳng có gì mang tính nghệ thuật cả, ngoại trừ chuyện tình cờ; tức thị có ý nói rằng, ngay cả cái bộc lộ ra đẹp nhất cũng chỉ có thể được tính đến thật đầy đủ - chúng ta được bảo thế - bởi tính ích lợi của chúng được tái lập lại, gây tác động đến chọn lọc tự nhiên. Quả thực ở bên ngoài các “bảo tàng”, toàn bộ tấm bản đồ từ phải sang trái, từ trên xuống dưới đều được vẽ trong màu sắc công lợi: Thật khó có được điều gì trưng ra như đang tồn tại, trừ phi nó có thể được diễn giải như có lợi cho tiện nghi của con người hay có ích cho trận chiến vũ trụ để sống sót. Không đáng ngạc nhiên là càng quen thuộc kĩ càng đến từng chi tiết của tấm bản đồ, chúng tôi càng bị thu hút bởi chuyện bản đồ trưng ra cái gì và càng quen hơn với tình trạng vắng mặt của những thứ nó không trưng ra, chúng tôi lại càng trở nên bối rối, bất hạnh và yếm thế nhiều hơn. Tuy nhiên, vài người trong chúng tôi đã có được trải nghiệm tương tự như những gì được mô tả bởi Dr. Maurice Nicoll: “Một lần, trong lớp học kinh Tân Ước Hi Lạp vào các Chủ nhật do thầy Hiệu trưởng đảm nhận, tôi đã bạo dạn hỏi, bất chấp tật nói lắp bắp của mình, lời nói bí ẩn nào đó có nghĩa gì. Lời giải đáp thật quá rối rắm khiến cho tôi đã trải nghiệm được thời khắc đầu tiên ýthức của mình, - ấy là, tôi đột nhiên hiểu ra rằng chẳng một ai đã biết được điều gì… và kể từ đó tôi bắt đầu tự suy nghĩ cho bản thân mình, hay đúng hơn là đã biết được rằng tôi có thể… Tôi hồi tưởng lại thật rõ ràng cái lớp học ấy, những cửa sổ thật cao, được cấu tạo để chúng tôi không thể nhìn ra bên ngoài, những chiếc ghế băng, cái bục mà thầy hiệu trưởng ngồi trên đó, bộ mặt mảnh dẻ kiểu trường học của ông ta, thói quen chặc lưỡi nóng nảy và vung tay của ông ta - và đột nhiên khải huyền bên trong ấy của việc biết được rằng ông ta chẳng biết gì - chẳng biết gì tức là chẳng biết về những chuyện thực sự quan trọng. Đó là cuộc giải phóng bên trong đầu tiên của tôi khỏi sức mạnh của đời sống ngoại tại. Từ khi ấy, tôi đã biết chắc chắn - biết được rằng, cảm nhận xác thực mang tính cá nhân bên trong luôn là ngọn nguồn duy nhất của tri thức thực sự - rằng tất cả nỗi ghê tởm của tôi về tôn giáo như nó được dạy bảo cho tôi, [nỗi ghê tởm ấy] là đúng đắn.”4 Những tấm bản đồ được tạo ra bởi chủ nghĩa khoa học duy vật luận bỏ qua không giải đáp tất cả những câu hỏi thực sự quan trọng. Hơn thế nữa, chúng thậm chí còn không trưng ra con đường đi đến một lời giải đáp khả dĩ: Chúng bác bỏ giá trị của những câu hỏi. Tình thế khá tuyệt vọng vào thời niên thiếu của tôi một nửa thế kỉ trước đây; tình thế này hiện nay thậm chí còn tệ hơn nữa, bởi vì từ lâu rồi, việc áp dụng nghiêm ngặt phương pháp khoa học vào mọi đối tượng và lĩnh vực, đã hủy hoại mất ngay cả những tàn dư cuối cùng của nền minh triết cổ đại - ít nhất cũng ở trong thế giới phương Tây. Nhân danh tính khách quan khoa học, người ta đã lớn tiếng tuyên bố rằng “các giá trị và ý nghĩa chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là những cơ chế bảo vệ và phản ứng của những cấu tạo (formations)”5; rằng con người “chẳng qua chỉ là một cơ chế sinh-hóa phức tạp, được cung cấp năng lượng bởi một hệ thống đốt cháy truyền năng lượng vào những máy tính, cùng với sự tích lũy phi thường các tài khéo léo duy trì thông tin đã mã hóa”6; Sigmund Freud thậm chí còn quả quyết với chúng ta rằng “điều duy nhất mà tôi biết thật chắc chắn, ấy là những xét đoán giá trị của con người được dẫn dắt tuyệt đối bởi khao khát hạnh phúc, cho nên đó chỉ đơn thuần là một mưu toan bênh vực cho các ảo tưởng của họ bằng các luận cứ”7. Làm sao mà một người nào đó kháng cự lại được áp lực của những khẳng định nhân danh khoa học khách quan như thế, trừ phi như Maurice Nicoll, người đó đột nhiên nhận được “khải huyền bên trong ấy”: biết được rằng, những người nói ra những điều như vậy, dù có thể được học hành thế nào đi nữa, vẫn chằng biết gì về mọi thứ thực sự quan trọng? Người ta hỏi xin bánh mì và bọn họ lại đưa cho những hòn đá. Người ta cầu xin lời khuyên bảo về chuyện phải làm gì để “được cứu độ”, và bọn họ nói rằng ý tưởng cứu độ không có nội dung nào có thể hiểu được, và chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là chứng loạn thần kinh ấu trĩ. Người ta ao ước được chỉ dẫn sống thế nào như những con người có trách nhiệm, và bọn họ lại bảo rằng con người là những cỗ máy giống các máy tính, không có ý chí tự do cho nên chẳng có trách nhiệm gì. Dr. Victor E. Frankl, một nhà tâm lí học sáng suốt không gì lay chuyển nổi nói: “Mối nguy hiên tại thực ra không nằm ở việc mất đi tính phổ quát từ phía nhà khoa học, mà có phần nằm ở kì vọng của anh ta muốn yêu sách tính toàn thể… Vì vậy nên điều chúng ta phàn nàn không phải quá thiên về chuyện các nhà khoa học bị chuyên môn hóa, mà nặng hơn về chuyện các chuyên gia cứ tổng quát hóa”. Sau nhiều thế kỉ của chủ nghĩa đế quốc thần học, chúng ta nay đang có ba thế kỉ của một “chủ nghĩa đế quốc khoa học” hung hãn hơn từ trước tới nay, và kết quả là có một mức độ bối rối và mất phương hướng, đặc biệt là trong giới trẻ, vốn có thể dẫn tới sụp đổ nền văn minh của chúng ta bất cứ lúc nào. Dr. Frankl nói; “Chủ nghĩa hư vô đích thực của ngày nay là chủ nghĩa quy giản… Chủ nghĩa hư vô đương thời không khua gươm đao từ ngữ không-có-gì-hết; chủ nghĩa hư vô ngày nay được ngụy trang như [kiểu cách phát biểu] chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là. Hiện tượng con người như vậy quy về chỉ còn đơn thuần là hiện tượng phụ”8. Thế nhưng câu chuyện chúng ta là cái thứ gì và trở thành cái thứ gì vẫn còn là hiện thực của chúng ta. Ortega y Gasset có lần đã nhận xét rằng: “Cuộc đời là phát súng bắn thẳng vào chúng ta”. Chúng ta không thể nói: “Khoan đã! Tôi còn chưa thật sẵn sàng. Xin chờ cho tôi phân loại xong mọi thứ”. Những quyết định bị buộc phải đưa ra vào lúc chúng ta còn chưa sẵn sàng, các mục tiêu cần phải lựa chọn, khi chúng ta còn chưa thể nhìn thấy chúng rõ ràng. Điều này rất kì lạ và thật không hợp lí phải đối diện với nó. Những thực thể con người có vẻ như “được chương trình hóa” chưa thật đầy đủ. Con người không phải chỉ hoàn toàn bất lực khi mới sinh ra và vẫn như vậy trong một thời gian dài: Ngay cả khi đã lớn lên đầy đủ thì con người vẫn chưa vận động và hành động trên đôi chân vững vàng của các con thú. Con người lưỡng lự, hoài nghi, thay đổi quyết định, chạy luăng quăng chỗ này chỗ kia, không chỉ đơn giản chưa xác định được làm cách nào để đạt được cái mình muốn, mà trước hết, còn chưa xác định được mình muốn gì. Những câu hỏi như “Tôi phải làm gì? hay “Tôi phải làm gì để được cứu độ? là những cau hỏi kì quặc, vì chúng liên quan đến các cứu cánh, chứ không đơn thuần liên quan đến các phương tiện. Lời giải đáp kĩ thuật tựa như “Hãy nói chính xác cho tôi biết anh muốn gì và tôi sẽ bảo cho anh biết làm thế nào để đạt được nó”, [lời giải đáp như thế] cũng chẳng giải quyết được. Toàn bộ vấn đề là tôi không biết tôi muốn gì. Rất có thể tất cả những gì tôi muốn là được hạnh phúc. Thế nhưng lời giải đáp, “Nói cho tôi biết anh cần gì cho hạnh phúc, rồi tôi sẽ có thể khuyên anh phải làm gì” - lời giải đáp này lại cũng không giải quyết được, vì tôi không biết tôi cần gì cho hạnh phúc. Có thể ai đó sẽ nói “Anh cần có minh triết để được hạnh phúc” - nhưng minh triết là gì? “Để có hạnh phúc anh cần có sự thật khiến cho anh được tự do” - nhưng sự thật khiến cho tôi được tự do là gì vậy? Ai có thể bảo cho tôi biết tôi có thể tìm thấy nó ở đâu? Ai có thể hướng dẫn tôi đi đến nó hay ít nhất cũng chỉ ra hướng đi tôi phải theo? Trong cuốn sách này chúng tôi sẽ nhìn vào thế giới và cố thử nhìn nó như một toàn vẹn. Làm chuyện này đôi khi được gọi là triết lí, và môn triết học đã được xác định như tình yêu mến minh triết và cuộc tìm kiếm nó. Socrates đã nói: Ngạc nhiên là cảm nhận của một triết gia, và môn triết học bắt đầu với sự ngạc nhiên”. Ông ta cũng đã nói: “Không có thần linh nào là triết gia hay người tìm kiếm minh triết, vì thần linh đã minh triết rồi. Kẻ ngu tối cũng không tìm kiếm minh triết; vì anh ta chính là tội lỗi của ngu tối, cho nên anh ta chẳng là thần linh cũng không minh triết, nhưng vẫn thỏa mãn với bản thân mình”9. Một phương cách nhìn vào thế giới như một toàn vẹn, ấy là bằng phương tiện của “một bản đồ”, tức là có ý nói tới một loại kế hoạch hay phác đồ chỉ dẫn cho biết có thể tìm được những thứ khác nhau ở chỗ nào - tất nhiên không phải mọi thứ, vì như thế hẳn có thể khiến cho bản đồ cũng lớn như thế giới vậy - mà là những thứ nổi bật nhất, quan trọng nhất cho việc định hướng: những cột mốc nổi bật như đã từng có, những thứ không thể bỏ qua hay những thứ nếu bỏ qua, sẽ khiến anh rơi vào bối rối tổng thể. Phần quan trọng nhất của bất cứ cuộc điều tra hay thám hiểm nào, ấy là khởi đầu của nó. Như vẫn thường được chỉ ra, nêu làm một khởi đầu sai hay hời hợt, thì dẫu có dùng những phương pháp nghiêm cân nhat trong cac giai đoạn tiếp theo của việc nghiên cứu, chúng cũng không bao giờ cứu vãn được tình thế10. “Lập bản đồ” là một nghệ thuật thường nghiệm, vốn sử dụng tính trừu tượng ở mức độ cao, nhưng vẫn hướng về hiện thực với một thứ gì đó na ná như tự buông thả (self←abandonment). Phương châm của nó, theo một nghĩa nhất định, là “Chấp nhận mọi thứ; không bác bỏ điều gì”. Nếu thứ gì đó có ở đây, nếu nó có được bất cứ kiểu tồn tại nào, nếu người ta nhận thấy nó và quan tâm đến nó, nó phải được chỉ ra trên bản đồ ở chỗ thích hợp với nó. Lập bản đồ không phải là toàn bộ triết học, cũng như một tấm bản đồ hay sách chỉ dẫn thì không phải là toàn bộ môn địa lí. Nó đơn giản là một khởi đầu - chính là cái khởi đầu mà hiện nay đang thiếu, khi người ta hỏi: “Tất cả những thứ này có ý nghĩa gì?” hay “Tôi nên làm gì với cuộc đời tôi?” Tấm bản đồ của tôi, hay cuốn sách chỉ dẫn, được kết cấu dựa trên việc thừa nhận bốn Sự thật Vĩ đại - hay là những cột mốc - những thứ thật nổi bật, lan tỏa khắp nơi, khiến cho anh có thể nhìn thấy chúng ở bất cứ nơi nào anh từng ở; và nếu anh biết chúng nhiều, anh luôn tìm được định vị của mình thông qua chúng, và nếu anh không thể nhận biết chúng, anh sẽ thất bại. Có thể nói cuốn sách chỉ dẫn bàn về chuyện “Con người sống trong thế giới”. Điều khẳng định đơn giản ấy chỉ ra rằng chúng ta sẽ cần phải nghiên cứu: - “Thế giới”; - “Con người” - những trang bị của nó để gặp gỡ “Thế giới”; - Phương cách học hỏi về thế giới; và - “Sống trong thế giới này” có nghĩa là gì. Sự thật Vĩ đại về thế giới, ấy là một cấu trúc ngôi thứ của ít nhất bốn “Trình độ Hiện hữu” vĩ đại. Sự thật Vĩ đại về trang bị của con người để gặp gỡ thế giới, ấy là nguyên lí “thích đáng tương xứng” (adaequatio). Sự thật Vĩ đại về việc học hỏi của con người liên quan đến “Bốn Lĩnh vực của Tri thức”. Sự thật Vĩ đại về sống cuộc đời này, sống trong thế giới này, liên quan đến việc phân biệt giữa hai loại vấn đề, “hội tụ” và “phân kì”. Một tấm bản đồ hay cuốn sách chỉ dẫn, - xin hãy hiểu nó thật rõ ràng như có thể - không “giải quyết” các vấn đề và không “giải thích” những điều huyền bí; nó chỉ giúp nhận dạng chúng. Từ đây về sau, nhiệm vụ của mỗi người được xác định bởi những lời nói ra cuối cùng của Phật (Buddha): “Hãy làm việc siêng năng cứu vớt linh hồn mình”. Nhằm mục đích ấy, theo giới luật của các vị thầy Tây Tạng, “Một triết học toàn diện đủ để bao hàm toàn thể tri thức, là không thể thiếu được; Một hệ thống suy tưởng, vốn sản sinh ra sức mạnh tập trung trí tuệ vào bất cứ chuyện gì, là không thể thiếu được; Một nghệ thuật sống có thể làm cho người ta sử dụng hữu ích mỗi một hoạt động (của thân thể, ngôn từ và trí óc) như một trợ giúp trên con đường Đạo, là không thể thiếu được”11. II Các triết gia gần đây hơn của châu Âu hiếm khi là những người lập bản đồ chính xác. Ví dụ như Descartes (1595-1650), người mà triết học hiện đại chịu ơn rất nhiều, đã tiếp cận với nhiệm vụ tự đặt ra cho mình theo một phương cách rất khác. Ông nói: “Người nào tìm kiếm con đường trực tiếp đĩ đến sự thật, thì phải không bận tâm với bất cứ đối tượng nào mà người đó không có được một tính chắc chắn ngang bằng với những chứng minh của số học và hình học”. Chỉ những đối tượng như vậy mới phải thu hút sự chú ý của chúng ta “đến với tri thức chắc chắn và không chút nghi ngờ mà các sức mạnh trí tuệ của chúng ta hình như thích đáng tương xứng”12. Descartes, người cha của chủ nghĩa duy lí hiện đại, khẳng định rằng “chúng ta không bao giờ cho phép bản thân bị thuyết phục, ngoại trừ bởi bằng chứng ở Lí trí của chúng ta”, và đặc biệt nhấn mạnh rằng, “ông đang nói về Lí trí của chúng ta chứ không phải về trí tưởng tượng của chúng ta và cũng không phải vê các cảm giác của chúng ta”13. Phương pháp của Lí trí là “quy giản các đề xuất rắc rối và tăm tối từng bước một, đưa về những đề xuất đơn giản hơn, rồi khi đó với sự lĩnh hội trực giác về tất cả những thứ tuyệt đối đơn giản, cố thử đi ngược lên cao tới tri thức về tất cả những thứ khác thật chính xác bằng những bước đi tương tự”14. Đây là một chương trình được quan niệm bởi một trí tuệ vừa hùng mạnh lại vừa hạn hẹp thật đáng sợ, tính hạn hẹp ấy được chứng tỏ tiếp tục bởi Quy tắc: “Nếu trong vấn đề phải khảo sát, chúng ta đi đến một bước trong chuỗi bước đi, mà sự hiểu biết của chúng ta về nó không đủ tốt để có được một tri giác trực giác, thì chúng ta phải dừng lại ngay ở đó. Chúng ta không được toan tính khảo sát điều gì tiếp theo sau; như thế chúng ta sẽ không lãng phí bản thân mình vào lao động vô ích”.15 Descartes giới hạn mối quan tâm của mình vào tri thức và các ý tưởng, vốn là chính xác và chắc chắn, vượt ra khỏi khả năng bị hoài nghi, vì rằng mối quan tâm trước hết của ông là chúng ta phải trở thành “các chủ nhân và người sở hữu [thế giới] tự nhiên”. Không thứ gì có thể là chính xác, trừ phi nó được định lượng bằng cách này hay cách khác. Như Jaques Maritain bình luận: “Tri thức toán học về tự nhiên, đối với Descartes, không phải là thứ tự nhiên như là thế trong hiện thực, mà là một diễn giải nhất định của hiện tượng…, [diễn giải ấy] không trả lời những câu hỏi quy về những nguyên lí tiên khởi của sự vật. Đối với ông ta, tri thức [toán học] ấy là khải huyền về chính bản chất của sự vật. Đó là những thứ được phân tích cạn kiệt bởi khái quát hình học và chuyển động cục bộ. Toàn bộ vật lí học, tức là toàn bộ triết học về tự nhiên, chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là hình học. Như vậy [khái niệm] bằng chứng của Descartes đi thẳng tới chủ nghĩa cơ giới. Nó cơ giới hóa tự nhiên; nó thực hiện bạo lực đối với tự nhiên; nó triệt tiêu mọi thứ vốn tạo nên các vật biểu tượng cho tinh thần, vốn nói lên việc đồng tham dự thiên tài của Đấng sáng thế? [triệt tiêu mọi thứ] nói chuyện với chúng ta. Vũ trụ trở thành câm lặng”.16 Chẳng có đảm bảo nào rằng, thế giới được tạo nên theo cách thức, mà sự thật không còn nghi hoặc là toàn bộ sự thật. Và sự thật của ai, cách hiểu của aỉ phải là [sự thật toàn bộ] như vậy. Sự thật của con người. Của con người bất kì chăng? Có phải tất cả mọi người đều “thích đáng tương xứng” để nắm được toàn bộ sự thật? Như Descartes đã chứng tỏ, trí tuệ của con người có thể hoài nghi mọi thứ không nắm bắt được dễ dàng, và một số người có thiên hướng hoài nghi nhiều hơn những người khác. Descartes đã phá vỡ truyền thống, tạo nên một sự thanh lọc và đã quyết định khởi sự lại từ đầu, tự mình khám phá mọi thứ. Cái thứ ngạo mạn ấy trở thành “phong cách” của triết học châu Âu. Như Maritain nhận xét: “Mỗi một triết gia hiẹn đại là một Descartes trong ý nghĩa rằng ông ta nhìn bản thân mình như một khởi đầu về những bản đồ triết học trong tuyệt đối và có sứ mệnh đem đến cho người ta một nhận thức mới mẻ về thế giới”17. Sự kiện được viện ra rằng triết học “đã được trau dồi trong nhiều thế kỉ bởi những trí tuệ tốt đẹp nhất đã từng sống, mặc dù vậy vẫn chẳng có một sự vật nào được tìm thấy mà lại không là đề tài tranh cãi và hệ lụy là không còn bị nghi ngờ nữa”18, [sự kiện ấy] đã dẫn Descartes đến với điều chẳng khác gì là “cuộc thối lui khỏi minh triết”, và hoàn toàn tập trung vào tri thức thật vững chắc và nằm ngoài mọi nghi ngờ giống như toán học và hình học. Francis Bacon (1561-1626) cũng đã biện bạch trong một giọng điệu tương tự. Chủ nghĩa hoài nghi, một hình thức của thất bại chủ nghĩa trong triết học, trở thành mạch chủ đạo trong triết học châu Âu, vốn khẳng định, cũng không phải không có phần đúng, rằng khả năng trí tuệ của con người bị giới hạn nghiêm ngặt và thật vô nghĩa nếu quan tâm đến bất cứ điều gì ở ngoài khả năng của nó. Trong khi đó minh triết truyền thống đã xem trí tuệ con người tuy yêu ớt, nhưng là kết thúc mở (open-ended) - tức là có khả nàng vượt qua bản thân mình hướng đến tầm cao hơn và các trình độ cao hơn - [tuy nhiên] kiểu tư duy mới lấy làm tiền đề khẳng định cho rằng khả năng trí tuệ có giới hạn cố định và hạn hẹp, vốn có thể được xác định rõ ràng, nhưng ở bên trong giới hạn ấy nó lại sở hữu sức mạnh thực sự vô hạn. Xét từ quan điểm lập bản đồ triết học, điều này hàm nghĩa một tình trạng làm nghèo đi rất nhiều: Toàn bộ những miền thuộc mối quan tâm của con người, vốn đã từng cổ vũ cho những nỗ lực căng thẳng nhất của các thế hệ trước, đơn giản là không còn xuất hiện trên bản đồ nữa. Thế nhưng vẫn còn có cả một cuộc thối lui và làm nghèo đi thậm chí còn quan trọng hơn nữa: Trong khi minh triết truyền thống luôn trình bày thế giới như một cấu trúc ba chiều (được biểu tượng bởi cây thánh giá), ở đó tầm quan trọng không chỉ có ý nghĩa mà còn hết sức tự nhiên, ấy là phân biệt ở mọi lúc và mọi nơi giữa các sự vật “cao cả hơn” và “thấp hèn hơn” cũng như các Trình độ Hiện hữu, [tuy nhiên,] tư duy mới lại tranh cãi với thái độ cương quyết, nếu không muốn nói là cuồng tín, đòi tống khứ đi cái chiều thẳng đứng. Làm sao người ta có thể hiểu được rõ ràng và chính xác những nhận xét phẩm tính như “cao cả hơn” hay “thấp hèn hơn”? Liệu có phải nhiệm vụ cấp bách nhất của lí trí là đưa vào đó những đo lường định lượng hay không? Có thể là “toán học luận” của Descartes đã đi quá xa; cho nên Immanuel Kant (1724-1804) lao vào làm một cuộc bắt đầu mới. Thế nhưng Étienne Gilson, một vị thầy không ai sánh nổi trong lịch sử triết học, đã nhận xét: “Kant không phải di chuyển từ toán học sang triết học, mà từ toán học sang vật lí học. Như Kant đã tự mình kết luận ngay lập tức: “Phương pháp đích thực của siêu hình học về cơ bản là cùng một thứ như phương pháp mà Newton đã đưa vào khoa học tự nhiên và nó đã đạt được ở đây những kết quả thật thành công…”; [tác phẩm] Phê phán lí tính thuần túy là một miêu tả bậc thầy về chuyện cấu trúc của trí tuệ con người phải là gì để giải thích được sự tồn tại nhận thức của Newton về tự nhiên, và thừa nhận rằng nhận thức ấy là đúng với hiện thực. Không thứ gì có thể chứng tỏ được rõ ràng hơn nhược điểm tự nhiên của vật lí học cho bằng phương pháp triết học”19. Cả toán học lẫn vật lí học đều không thể hoan nghênh nhận xét phẩm tính về “cao cả hơn” và “thấp hèn hơn”. Cho nên chiều kích thẳng đứng biến mất khỏi các bản đồ triết học, vốn từ nay về sau tập trung vào thứ gì đó lảng tránh, như các vấn đề “Liệu có tồn tại những người khác hay không?” hoặc là “Bằng cách nào tôi có thể biết được chút gì đó?” hay “Liệu những người khác có những trải nghiệm tương tự như của tôi chăng?”, và như vậy không còn là bất cứ trợ giúp nào cho người ta trong nhiệm vụ đáng sợ của việc chọn lựa con đường đi qua cuộc đời của họ. Nhiệm vụ thích đáng của triết học được Etienne Gilson phát biểu như sau: “Nhiệm vụ thường trực của nó là thiết lập trật tự và điều chỉnh một vùng rộng lớn hơn từ trước đến nay của tri thức khoa học, và phán xét những vấn đề phức tạp hơn từ trước tới nay về hành vi của con người; nhiệm vụ không bao giờ kết thúc, ấy là giữ cho các môn khoa học cổ xưa ở trong những giới hạn tự nhiên của chúng, ấn định cho những môn khoa học mới vị trí và những ranh giới của chúng; cuối cùng, nhưng không hề kém quan trọng chút nào, ấy là giữ cho tất cả các hoạt động của con người, dù hoàn cảnh có thay đổi thế nào đi nữa, ở dưới sự thống trị của cùng một lẽ phải, vốn nhờ nó mà con người vẫn còn có sự phán xét các công việc của chính nó, và đứng sau Thượng đế, vẫn còn là chủ nhân số phận của chính nó”20. III Việc mất đi chiều kích thẳng đứng hàm nghĩa rằng, từ nay không còn có thể đưa ra câu trả lời nào khác hơn một câu trả lời mang tính công lợi, cho câu hỏi “Tôi phải làm gì với cuộc đời mình?”. Câu trả lời có thể mang tính cá nhân-vị kỉ nhiều hơn, hay mang tính xã hội không-vị kỉ nhiều hơn, nhưng không sao có thể không có tính công lợi được: cả [lời giải đáp] “Cứ làm cho anh được thoải mái như có thể”, lẫn [lời giải đáp] “Hãy làm việc vì hạnh phúc lớn nhất cho số đông nhất” [cũng đều như vậy]. Cũng không còn có thể xác định bản chất con người là khác hơn một động vật. Một động vật “cao cấp hơn” ư? Phải rồi, có thể lắm, nhưng chỉ ở một số phương diện nào đó thôi; trong nhiều phương diện khác thì nhiều động vật có thể được mô tả là cao cấp hơn con người, vì thế tốt nhất nên cố tránh dùng những thuật ngữ u ám như “cao cả hơn” hay “thấp hèn hơn”, trừ phi nói theo thuật ngữ tiến hóa luận. Trong ngữ cảnh của cuộc tiến hóa, [từ ngữ] “cao cấp hơn” nói chung có thể liên kết với [từ ngữ] “muộn hơn”, và con người chắc chắn là một kẻ đến muộn hơn, nên vì vậy có thể được cho là đứng đầu của bậc thang tiến hóa. Chẳng có điều gì như thế dẫn đến một câu trả lời giúp ích cho câu hỏi “Tôi phải làm gì với cuộc đời mình?”. Pascal đã nói: “Con người mong ước được hạnh phúc và chỉ tồn tại để được hạnh phúc”21, thế nhưng tư duy mới của các triết gia khẳng định cùng với Kant rằng, “con người không bao giờ có thể nói quyết đoán và chắc chẳn được cái gì là điều nó mong ước thực sự”, và nó không thể “xác định được chắc chắn điều gì có thể khiến cho nó hạnh phúc đích thực; vì để làm được chuyện này nó cần phải là [Thượng đế] toàn năng”22. Minh triết truyền thống đã có câu trả lời đầy đoan chắc: Hạnh phúc của con người là đi lên cao hơn, phát triển được những tính năng cao cả nhất, đạt được tri thức của các sự vật cao hơn và cao nhất, và nếu có thể thì “được nhìn thấy Thượng đế”. Nếu con người đi xuống thấp hơn, chỉ phát triển những tính năng thấp hèn hơn mà con người cùng chia sẻ với các động vật, khi ấy con người sẽ khiến cho bản thân mình bất hạnh sâu sắc, thậm chí rơi vào tuyệt vọng. Với thái độ chắc chắn không gì lay chuyển St. Thomas Aquinas chỉ rõ: “Không có người nào mong muốn và ráng sức làm một điều gì, trừ phi anh ta trước đó đã biết được điều này. Vì vậy một khi con người được Thượng đế huyền diệu hướng đến một điều thiện cao cả hơn so với cái thứ mà tình trạng yếu đuối của con người có thể đạt được trong cuộc đời hiện tại… thì trí tuệ của người ấy tất đã được hứa hẹn một điều gì đó cao cả hơn so với những thứ mà lí trí của anh ta có thể tiếp cận được trong cuộc đời này, cho nên anh ta có thể học được khao khát, và bằng nỗ lực của mình có thể hướng tới điều gì đó vượt lên trên toàn bộ trạng thái của cuộc đời này… Chính là với động cơ này mà các triết gia, nhằm giúp người ta dứt bỏ được những thú vui cảm giác để đến với đức hạnh, đá cố chứng tỏ rằng, còn có những điều tốt đẹp khác đáng để tâm đến hơn là những khêu gợi của cảm giác, việc thưởng thức những điều tốt đẹp ấy đem lại niềm vui sướng lớn hơn nhiều cho những ai hiến dâng bản thân mình hướng tới những đức hạnh tích cực hay đức hạnh tu hành23. Những lời dạy bảo này, vốn là minh triết truyền thống của tất cả mọi người ở khắp mọi miền trên thế giới, rõ ràng đã trở thành khó hiểu đối với con người hiện đại, mặc dù cả con người hiện đại nữa, cũng không ước mong gì hơn là bằng cách nào đó có thể vươn lên cao hơn “toàn bộ tình trạng của cuộc đời này”. Con người hiện đại hi vọng đạt được điều này bằng cách trở nên giàu có, di chuyển khắp nơi với tốc độ ngày càng nhanh, bằng cách đi lên mặt trăng và đi vào trong không gian [Vũ trụ]. Cũng đáng nghe thêm lần nữa St. Thomas Aquinas: “Có khát khao ở con người chung cho nó và các thú vật khác, ấy là khát khao thụ hưởng niềm vui sướng: và người ta đặc biệt ưa theo đuổi điều này bằng lối sống khoái lạc nhục dục, và khi thiếu chừng mực thì trở thành mất điều độ và trụy lạc vô chừng. Giờ đây, ở trong tầm nhìn [huyền diệu] ấy sẽ có được niềm vui hoàn hảo nhất, hoàn hảo hơn hẳn niềm vui cảm giác, cũng giống như trí năng cao hơn cảm xúc; giống như điều thiện, mà chúng ta cảm thấy vui sướng ở trong đó, vượt xa mọi thứ tốt đẹp của cảm giác, nó sẽ thấm sâu hơn và làm cho vui sướng liên tục hơn, và niềm vui sướng sẽ thoát khỏi nhiều hơn tất cả những hỗn hợp đi kèm theo tiếc nuối hay rắc rối của nỗi lo âu khắc khoải… Trong cuộc đời [trần tục] này chẳng có gì giống như niềm hạnh phúc tối hậu và hoàn hảo ấy ở cuộc sống của những người tu hành (contemplate the truth), trong chừng mực khả dĩ ở dưới [cõi trần gian] này. Vì thế các triết gia không có khả năng tiếp thu được tri thức đầy đủ về ân phúc lớn lao chung cuộc ấy, [ân phúc] đặt hạnh phúc tối hậu của con người vào việc tu hành đó, vốn là khả dĩ trong suốt cuộc đời này. Cũng vì lí do ấy, Sách thiêng tán dương tu hành hơn là các hình thức khác của cuộc song, khi Chúa của chúng ta đã nói (Luc. X. 42): Mary đã lựa chọn phần tốt hơn, ấy là tu hành, vốn không thể lấy đi khỏi bà ta được. Vì việc tu hành bắt đầu ở cuộc đời này, nhưng sẽ được làm trọn ở cuộc đời sắp tới: trong khi đó cuộc sống hoạt động và [mang tính] thường dân không siêu việt hóa được những ranh giới của cuộc đời này”24. Phần đông các độc giả hiện đại sẽ không muốn tin rằng hạnh phúc hoàn hảo lại khả dĩ đạt được bằng những phương pháp mà cái thế giới hiện đại của họ chẳng biết chút gì. Tuy nhiên, tin hay không tin chưa phải là chuyện được bàn tới ở đây. Vấn đề là: Không có các khái niệm phẩm tính của “cao cả hơn” và “thấp hèn hơn”, thì thậm chí không thể nào suy nghĩ được về việc chỉ dẫn con đường sống vượt ra khỏi chủ nghĩa công lợi cá nhân hay tập thể và thói vị kỉ. Khả năng nhìn thấy Sự thật Vĩ đại ở cấu trúc ngôi thứ của thế giới, khiến cho có thể phân biệt được giữa cao hơn và thấp hơn ở các Trình độ Hiện hữu, chính là một trong những điều kiện không thể thiếu để hiểu biết. Không có nó thì không thể tìm thấy được nơi mà mọi thứ có vị trí hợp lệ (legitimate) và thích đáng của mình. Mọi thứ, mọi nơi, chỉ có thể hiểu được, khi Trình độ Hiện hữu của nó được tinh đến đầy đủ. Nhiều thứ là đúng ở Trình độ Hiện hữu thấp, lại trở thành ngớ ngẩn ở trình độ cao hơn, và tất nhiên ngược lại cũng như vậy. Vậy nên chúng ta bây giờ bắt tay vào nghiên cứu cấu trúc ngôi thứ của thế giới. Chương II CÁC TRÌNH ĐỘ HIỆN HỮU N hiệm vụ của chúng ta là nhìn vào thế giới và thấy nó như một toàn thể. Chúng ta nhìn thấy những gì tổ tiên chúng ta vẫn luôn nhìn thấy: một “Chuỗi của Hiện hữu” vĩ đại, có vẻ như phân chia một cách tự nhiên thành bốn khu vực - “bốn vương quốc”, như thường được gọi như vậy - khoáng chất, cây cối, động vật và con người. “Cho đến khoảng chưa tới một thế kỉ trước đây, có lẽ đây đã là một khái niệm quen thuộc rộng rãi nhất về sơ đồ tổng quát của các sự vật, về khuôn mẫu các thành phần của Vũ trụ”25. Chuỗi của Hiện hữu có thể được nhìn như mở rộng xuống dưới, từ cái cao nhất xuống cái thấp nhất, hoặc nó có thể được nhìn hướng lên trên, từ cái thấp nhất lên cái cao nhất. Quan điểm cổ đại bắt đầu từ [Thượng đế] Huyền diệu và nhìn Chuỗi của Hiện hữu hướng xuống dưới, như khoảng cách ngày càng tăng với trung tâm và một tình trạng giảm dần các phẩm tính. Quan điểm hiện đại, phần nhiều chịu ảnh hưởng bởi học thuyết tiến hóa, có xu hướng khởi đầu từ vật thể bất động và xem con người như mắt xích cuối cùng của chuỗi, đã tiến hóa lên cấp độ xa nhất của các phẩm tính hữu ích. Đối với các mục đích của chúng ta thì hướng nhìn - nhìn lên hay nhìn xuống - là không quan trọng trong giai đoạn này, và theo đường lối của thói quen tư duy hiện đại, chúng ta sẽ bắt đầu từ trình độ thấp nhất, vương quốc của khoáng chất, và xem xét việc thu được thành công các phẩm tính, hay sức mạnh, khi chúng ta đi lên các trình độ cao hơn. Chẳng một ai gặp khó khăn trong việc thừa nhận khác biệt gây kinh ngạc và đầy bí ẩn giữa các cây cối đang sống với cây cối đã bị chết, và như vậy là rơi xuống Trình độ thấp nhất của Hiện hữu, vật thể bất động. Cái sức mạnh bị mất đi ấy là thứ gì vậy? Chúng ta gọi nó là “sự sống”. Các nhà khoa học cho rằng, chúng ta không nên nói về một “lực sống”, vì không có lực nào như thế được tìm thấy tồn tại cả; thế nhưng sự khác biệt vẫn tồn tại. Chúng ta có thể gọi nó là “x”, để chỉ ra một thứ gì đó có ở đây, cần phải nhận thấy và nghiên cứu, nhưng không thể giải thích nổi. Nếu chúng ta gọi trình độ khoáng chất là “m”, thì chúng ta có thể gọi trình độ cây cối là m + X. Cái yếu tố “x” này hiển nhiên đáng để chúng ta chú ý nhiều nhất, đặc biệt là một khi chúng ta có thể hủy hoại nó, mặc dù [bản thân] nó, cũng như khả năng tạo ra nó, hoàn toàn nằm ngoài tri thức của chúng ta. Ngay cả khi một ai đó có thể cung cấp cho chúng ta một đơn thuốc, một tập hợp các chỉ dạn về sự sống có thể đã được tạo ra như thế nào từ vật liệu không có sự sống, thì tính cách huyền bí của “x” vẫn còn lại, và chúng ta không bao giờ hết kinh ngạc về chuyện một thứ gì đó chẳng thể làm được gì, vậy mà giờ đây lại có khả năng thu được chất dinh dưỡng từ môi trường xung quanh nó, lớn lên và tự sinh sản, “đúng theo hình dạng”, như nó đã từng là như vậy. Không hề có một thứ gì trong các định luật, các khái niệm và các công thức của vật lí học hay hóa học giải thích được những sức mạnh như vậy, hay thậm chí chỉ là mô tả được, “x” là một thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ và bổ sung thêm vào, và càng suy nghĩ trầm tư (contemplate) sâu sắc hơn, thì càng thấy rõ ràng hơn, ở đây chúng ta đang đối diện với một thứ, có thể gọi là mội gián đoạn bản thể luận, hoặc giản dị hơn là một bước nhảy trong Trình độ Hiện hữu. Từ cây cối lên động vật cũng có một bước nhảy tương tự, một bổ sung thêm vào các sức mạnh, khiến cho một động vật đã hoàn toàn phát triển có khả năng làm được những việc, vốn hoàn toàn nằm ngoài phạm vi khả năng của một cái cây điển hình, đã phát triển hoàn toàn. Lại một lần nữa, những sức mạnh ấy là huyền bí, và nói thật nghiêm khắc, không có tên gọi. Chúng ta có thể quy cho chúng bằng một chữ “y”, vốn là một cách an toàn nhất, vì rằng bất cứ kí hiệu nào mà chúng ta có thể gắn cho chúng, đều có thể dẫn người ta đến suy nghĩ rằng, đây không đơn thuần là một gợi ý, mà là một mô tả thích đáng tương xứng. Tuy nhiên, chúng ta không thể trò chuyện mà không dùng lời nói, nên chúng ta sẽ gắn cho những sức mạnh huyền bí ấy kí hiệu ý thức. Thật dễ dàng thừa nhận ý thức ở một con chó, một con mèo hay một con ngựa, vì có thể giả định như chúng bị đánh ngất đi không còn ý thức, một điều kiện tương tự như điều kiện ở cái cây [không có ý thức]: các quá trình của sự sống vẫn tiếp tục, dù con thú đã mất đi những sức mạnh đặc thù của nó. Nếu như cây cối, trong thuật ngữ được sử dụng ở trên, có thể được gọi là m + x, thì động vật phải được mô tả như m + x + y. Lại một lần nữa, yếu tố “y” đáng để chú ý đến nhiều nhất; chúng ta có thể hủy hoại nó, nhưng không tạo được nó. Bất cứ thứ gì chúng ta có thể hủy hoại nhưng lại không tạo ra được, trong một nghĩa nào đó là thiêng liêng, và tất cả những “giải thích” của chúng ta về nó, thực ra chẳng giải thích được điều gì hết. Lại một lần nữa chúng ta có thể nói rằng “y” là một thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ và bổ sung thêm vào, khi so sánh với trình độ “cây cối” – một gián đoạn bản thể luận, một bước nhảy trong Trình độ Hiện hữu. Đi từ trình độ động vật lên trình độ con người, liệu ai có thể phủ nhận một cách nghiêm chỉnh chuyên ở đây cũng lại có những sức mạnh bổ sung? Những sức mạnh bổ sung ấy chính xác là gì, chuyện này đã trở thành chuyện gây tranh cãi trong thời hiện đại, thế nhưng sự kiện con người có thể làm được - và vẫn đang làm - vô số việc vốn hoàn toàn nằm ngoài phạm vi các khả năng của ngay cả những động vật phát triển cao nhất, [sự kiện ấy] không còn phải tranh cãi và cũng chưa bao giờ bị phủ nhận. Con người có những sức mạnh của sự sống giống như cây cối, những sức mạnh của ý thức giống như con thú, và hiển nhiên có thứ gì đó nhiều hơn nữa: cái sức mạnh huyền bí “z”. Nó là cái gì vậy? Làm thế nào xác định được nó? Có thể gọi nó là gì? Cái sức mạnh “z” ấy chắc chắn có dính líu đến sự kiện là con người không những có thể tư duy, mà còn có khả năng ý thức được tư duy của mình. Ý thức và trí thông minh, như là thế, có ảnh hưởng ngược lại bản thân chúng. Ở đây không chỉ đơn thuần là hiện hữu có ý thức, mà còn là hiện hữu có khả năng ý thức về ý thức của nó; không chỉ đơn thuần là một người suy nghĩ, mà còn là một người suy nghĩ có khả năng quan sát và nghiên cứu chính suy nghĩ của mình. Có một thứ gì đó có khả năng nói “Tôi” và hướng dẫn ý thức phù hợp với những mục đích riêng của nó; một ông chủ hay người kiểm soát, một sức mạnh ở trình độ cao hơn bản thân ý thức. Cái sức mạnh “z” ấy, ý thức tự gây ảnh hưởng lên bản thân mình, mở ra được những khả năng không có giới hạn về học hỏi, nghiên cứu, thám hiểm, phát biểu và tích lũy tri thức, [những việc làm] có mục đích. Chúng ta sẽ gọi nó là gì? Vì cần phải có kí hiệu lời nói, tôi sẽ gọi nó là tự-nhận-thức. Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, luôn cần nhớ rằng một kí hiệu lời nói như thế chỉ đơn thuần là “một ngón tay chỉ vào Mặt trăng” (sử dụng một câu nói của nhà Phật). Bản thân “Mặt trăng” vẫn còn là bí ẩn cao độ và cần phải được nghiên cứu hết sức nhẫn nại và kiên trì, nếu chúng ta muốn hiểu được điều gì đó về vị trí của con người trong Vũ trụ. Tổng quan ban đầu của chúng ta về bốn Trình độ Hiện hữu có thể được tổng kết lại như sau: - “Con người” có thể được viết là m + x + y + z - “Động vật” có thể được viết là m + x + y - “Cây cối” có thể được viết là m + x - “Khoáng chất” có thể được viết là m x, y và z đều vô hình; chỉ có m là hữu hình; những thứ này [(x, y, z)] cực kì khó hiểu thấu được, dẫu rằng các tác động của chúng là chuyện trải nghiệm hằng ngày. Như chúng tôi đã nhắc tới ở trên, thay vì lấy “khoáng chất” như cơ sở và tiến lên các Trình độ Hiện hữu cao hơn bằng cách bổ sung thêm các sức mạnh, chúng ta cũng có thể khởi đầu với trình độ cao nhất mà chúng ta trực tiếp biết được - con người - và đi xuống các Trình độ Hiện hữu thấp hơn bằng cách tuần tự lấy đi các sức mạnh. Khi đó chúng ta có thể nói: - “Con người” có thể được viết là M - “Động vật” có thể được viết là M - z - “Cây cối” có thể được viết là M - z - y - “Khoáng chất” có thể được viết là M - z - y - x Một sơ đồ “đi xuống” như thế sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta hiểu được hơn là sơ đồ “đi lên”, đơn giản là vì nó có thể dựa vào trải nghiệm trên thực tế. Chúng ta biết rằng tất cả ba yếu tố - x, y và z - có thể bị làm cho yếu đi và chết đi mất; trên thực tế chúng ta có thể tùy tiện hủy hoại chung. Tự-nhận-thức có thể biến mất trong khi ý thức vẫn tiếp tục; ý thức có thể biến mất, trong khi sự sống vẫn tiếp tục; và sự sống có thể biến mất, bỏ lại phía sau một vật thể bấtđộng. Chúng ta quan sát và trong một nghĩa nào đó có thể cảm nhận được quá trình suy giảm hiển hiện ra cho đến cực điểm tình trạng bị biến mất hoàn toàn của tự-nhận-thức, ý thức và sự sống. Thế nhưng đem lại sự sống cho vật thể bất động, đem lại ý thức cho vật thể sống, và cuối cùng là bổ sung sức mạnh của tự-ý-thức vào những hữu thể có ý thức, [tất cả những việc này] đều nằm ngoài sức mạnh của chúng ta. Điều gì chúng ta tự mình có thể làm được, chúng ta có thể hiểu được điều ấy theo một nghĩa nào đó; nhưng điều gì chúng ta tuyệt nhiên không thể làm được, thì chúng ta không thể hiểu được điều ấy - ngay cả “theo một nghĩa nào đó”. Cuộc tiến hóa như một quá trình xuất hiện tự phát, tình cờ các sức mạnh của sự sống, của ý thức và của tự-ý-thức, từ vật thể bất động mà ra, [cuộc tiến hóa như thế] hoàn toàn không sao có thể hiểu nổi. Tuy nhiên, ở giai đoạn này không cần phải đi vào những suy tưởng như vậy cho các mục đích của chúng ta. Chúng ta thử lướt qua những gì chúng ta có thể nhìn thấy và trải nghiệm được: Vũ trụ như một cấu trúc vĩ đại có ngôi thứ của những Trình độ Hiện hữu khác nhau có thể nhận ra được. Mỗi trình độ hiển nhiên là một dải rộng, cho phép [tồn tại] những hiện hữu cao hơn và thấp hơn ở trong cùng một dải, và việc xác định chính xác dải thấp hơn kết thúc ở đâu và dải cao hơn bắt đầu từ đâu, đôi khi có thể là chuyện khó khăn và gây tranh cãi. Thế nhưng sự tồn tại của bốn vương quốc không bị đặt câu hỏi bởi sự kiện, rằng một số đường phân ranh giới đôi khi còn gây tranh cãi. Vật lí học và hóa học xử lí với trình độ hiện hữu thấp nhất, “khoáng chất”. Ở trình độ này, x, y, và z - sự sống, ý thức và tự-nhận thức - không tồn tại (hoặc ít nhất cũng không hoàn toàn tất yếu, nên không thể nhận thấy được). Vật lí học và hóa học chẳng nói cho chúng ta được điều gì, tuyệt đối không nói được điều gì về chúng [x, y, z]. Nhưng môn khoa học ấy không có các khái niệm liên quan đến các sức mạnh như thế, nên không thể mô tả được các tác động của chúng. Nơi nào có sự sống thì có hình dạng, Gestalt26 là thứ tái tạo lại bản thân nó hết lần này đến lần khác từ hạt giống hay từ những khởi đầu tương tự - những thứ không sở hữu Gestalt này, nhưng phát triển nó trong quá trình trưởng thành lên. Ở trong sơ đồ của vật lí học hay hóa học chẳng có thứ gì khả dĩ so sánh được [với chúng]. Nói rằng sự sống chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là tính chất của những tổ hợp đặc thù nhất định của các nguyên tử, [nói thế] thì cũng giống như bảo rằng [vở kịch] Hamlet của Shakespeare chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là tính chất của một tổ hợp đặc thù các chữ cái. Sự thật là ở chỗ: Cái tổ hợp đặc thù ấy của các chữ cái chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là tính chất của [vở kịch] Hamlet của Shakespeare. Các phiên bản tiếng Pháp hay tiếng Đức của vở kịch “sở hữu” những tổ hợp khác nhau của các chữ cái. Điều dị thường về “các khoa học sự sống” là ở chỗ chúng hầu như không xử lí với sự sống như là thế, cái yếu tố x, mà dành sự chú ý vô hạn vào việc nghiên cứu và phân tích các tính chất lí-hóa của vật thể mang theo sự sống. Rất có thể là khoa học hiện đại không có phương pháp nào nắm bắt được sự sống như là thế. Nếu quả là như vậy thì hãy thẳng thắn thừa nhận điều này; chẳng có bào chữa nào cho việc làm bộ nói rằng sự sống chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là vật lí và hóa học mà thôi. Cũng chẳng có bào chữa nào cho yêu sách khẳng định rằng, ý thức chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là một tính chất của sự sống. Mô tả một động vật như là một hệ thống lí-hóa cực kì phức tạp chắc chắn là hoàn toàn đúng đắn, ngoại trừ việc nó bỏ ra ngoài “tính động vật” của động vật. Một vài các nhà động vật học ít ra cúng đã tiến xa, vượt ra khỏi trình độ ấy của sự ngớ ngẩn sống sượng, và đã phát triển khả năng nhìn các động vật như thứ gì đó cao hơn là các cỗ máy phức tạp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của họ hãy còn nhỏ bé đến tội nghiệp, và với việc “duy lí hóa” ngày càng gia tăng của phong cách sống hiện đại, thì ngày càng có nhiều động vật bị đối xử tựa như chúng chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là những cỗ máy động vật” (Đây chính là một ví dụ nói lên tình trạng các lí thuyết triết học dù ngớ ngẩn và chống lại lẽ thường đến đâu, vẫn có xu hướng sau một thời gian, trở thành “thực hành bình thường” trong đời sống thường nhật). Tất cả các “bộ môn nhân văn”, như để phân biệt với các khoa học tự nhiên, theo cách này hay cách khác, xử lí với yếu tố y - ý thức. Thế nhưng một phân biệt giữa ý thức “y” và tự-ý-thức “z” hiếm khi nào được vạch ra. Kết quả là tư duy hiện đại trở nên bất xác định ngày càng tăng về chuyện liệu có một khác biệt hiện thực nào đó giữa động vật và con người hay không. Một công việc rất lớn trong nghiên cứu đang được tiến hành về hành vi của các động vật nhằm mục đích hiểu biết về bản chất của con người. Chuyện này tương tự như việc nghiên cứu vật lí học với hi vọng hiểu được điều gì đó về sự sống “x”. Theo lẽ tự nhiên, vì con người như là thế, chứa đựng ba Trình độ Hiện hữu thấp hơn, nên một số điều về nó có thể được làm sáng tỏ bằng nghiên cứu khoáng chất, cây cối và động vật - thực ra là mọi thứ có thể biết được về nó, ngoại trừ cái thứ khiến cho nó là con người. Tất cả bốn yếu tố thành phần của nhân vật con người - m, x, y và z - đều đáng nghiên cứu; thế nhưng chẳng có mấy nghi ngờ về tầm quan trọng tương đối của chúng, khi nói về tri thức dẫn dắt cuộc đời của chúng ta. Tầm quan trọng ấy gia tăng theo trật tự được đưa ra ở trên, và khó khăn cũng như tình trạng bất xác định được loài người hiện đại trải nghiệm cũng gia tăng như thế. Liệu ở đây có thứ gì đó quả thực vượt ra ngoài cái thế giới vật chất, của các phân tử và nguyên tử cùng với các điện tử và vô số các hạt nhỏ bé khác, những tổ hợp hết sức phức tạp của chúng được gán cho việc tính đến mọi thứ một cách giản đơn, từ cái thô thiển nhất cho đến cái tuyệt vời nhất? Tại sao nói về những khác biệt cơ bản, “những bước nhảy” trong Chuỗi của Hiện hữu, hoặc là “những gián đoạn bản thể luận”, trong khi tất cả những gì chúng ta thật sự cảm thấy chắc chắn lại chỉ là những khác biệt về mức độ mà thôi? Chúng ta không cần thiết phải đấu tranh cho vấn đề liệu những khác biệt quá hiển nhiên và thật rõ ràng của bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại, sẽ nên được nhìn nhận tốt nhất như là các khác biệt về chủng loại hay như là các khác biệt về mức độ. Điều cần được hiểu thật đầy đủ, là ở đây - giữa các sức mạnh của sự sống, ý thức và tự-ý-thức có những khác biệt về chủng loại chứ không đơn thuần là về mức độ. Có thể dấu vết của những sức mạnh ấy đã tồn tại ở những trình độ thấp hơn, tuy con người chưa thể nhận ra được (hay còn chưa nhận thấy). Hoặc là có thể chúng được truyền dẫn vào, trong những dịp thích hợp, từ “một thế giới khác”. Đòi hỏi phải có được những lí thuyết về gốc gác của chúng là chuyện không thật tự nhiên đối với chúng ta, chỉ cần chúng ta thừa nhận phẩm tính của chúng, và trong khi thừa nhận phẩm tính của chúng thì không bao giờ được quên rằng, chúng nằm ngoài mọi thứ mà trí tuệ của chúng ta có khả năng tạo ra được. Không quá khó để đánh giá được khác biệt giữa “còn sống” và “không còn sống”; phân biệt ý thức với sự sống thì khó khăn hơn; nhận ra được, trải nghiệm được và đánh giá được khác biệt giữa tự ý-thức và ý thức (tức là giữa z và y) thì quả thực rất khó. Lí do cho tình trạng khó khăn không cần phải tìm đâu xa: trong khi cái cao hơn bao hàm, và trong một nghĩa nào đó hiểu được cái thấp hơn, thì không có hữu thể nào có thể hiểu được bất cứ thứ gì cao hơn bản thân nó. Một con người quả thực có thể kiên trì nỗ lực hướng tới cái cao cả hơn và trưởng thành thông qua thành kính, kính sợ, kinh ngạc, ngưỡng mộ và làm theo, rồi nhờ đạt tới trình độ cao hơn mà mở rộng được hiểu biết của mình - và đây là chủ đề chúng ta sẽ tập trung vào nhiều hơn ở phần sau. Thế nhưng, những người mà sức mạnh tự-ý-thức (z) kém phát triển, thì không thể lĩnh hội được nó như một sức mạnh tách biệt và có xu hướng xem nó chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là một mở rộng đôi chút của ý thức (y). Vì chúng ta được cung cấp khá nhiều định nghĩa về con người, khiến cho con người chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là một động vật thông minh đặc biệt với một bộ não khá lớn có thể đo đạc được, hoặc là một động vật biết chế tạo dụng cụ, hoặc là một động vật chính trị, hoặc là một động vật còn chưa định hình, hoặc đơn thuần là một con khỉ trần trụi. Chắc rằng những người sử dụng những thuật ngữ đó đều vui vẻ đưa cả bản thân mình vào trong các định nghĩa của họ, và họ có một số lí do để làm như vậy. Đối với những người khác, chúng đơn thuần thật khó nghe, giống như định nghĩa một con chó như một cái cây biết sủa, hay một cái bắp cải biết chạy. Không có gì dễ dẫn đến bạo lực trong thế giới hiện đại cho bằng việc nhân danh khoa học để đưa ra những định nghĩa sai trái và hạ nhục con người, giống như “con khỉ trần trụi”. Người ta có thể kì vọng gì ở nhưng tạo vật như thế, ở “những con khỉ trần trụi” khác, hay là ở chính bản thân người đó? Khi người ta nói về các động vật như “các cỗ máy động vật”, thì chẳng bao lâu sau họ sẽ bắt đầu đối xử với chúng theo cách phù hợp, và khi họ nghĩ về người ta như những con khỉ trần trụi, thì mọi cánh cửa đã mở ra cho việc tự do đi vào thói tàn bạo súc vật. “Một mẩu tạo vật thật kì diệu là con người! Biết bao cao thượng trong lí trí! Biết bao vô hạn trong năng lực!”. Vì sức mạnh của tự-ý thức (z), những năng lực của nó quả thực là vô hạn; chúng không bị xác định, giới hạn, hay “được chương trình hóa” một cách hạn hẹp, như ngày nay có người nói vậy. Werner Jaeger thể hiện một sự thật sâu sắc trong khẳng định rằng, một khi có một khả năng của con người được hiện thực hóa, thì khả năng ấy tồn tại. Những thành tựu vĩ đại nhất của con người định nghĩa con người - không phải sự vận hành chung giống nhau (common run), không phải một hành vi hay khả năng trình diễn trung bình nào đó, và chắc chắn không phải bất cứ thứ gì dẫn xuất ra từ việc quan sát các động vật. Dr. Catherine Roberts nói: “Tất cả mọi người không thể nào đều là xuất chúng, thế nhưng tất cả mọi người, thông qua tri thức về tính người thượng hạng, đều có thể biết được, rằng con người có nghĩa là gì, và rằng cả họ nữa cũng phải có đóng góp. Thật tuyệt diệu được trở thành con người, như một người có khả năng là vậy. Và điều này chẳng đòi hỏi một trự giúp nào từ khoa học. Hơn nữa, bản thân hành động hiện thực hóa những khả năng của một ai đó, có thể bao hàm một bước tiến lên xa hơn cái đã đạt được trước đó”27. Cái “kết thúc mở” này là kết quả đáng kinh ngạc của các sức mạnh tự-ý-thức (z) đặc thù ở con người, là thứ vừa khác biệt với các sức mạnh của sự sống và của ý thức, mà cũng chẳng có gì mang tính tự động hay cơ giới ở chúng cả. Những sức mạnh của tự-ý-thức theo lẽ tự nhiên là một tiềm năng vô hạn chứ không hẳn là một thực tại. Những sức mạnh ấy phải được phát triển và “hiện thực hóa” bởi mỗi con người cá nhân, nếu anh ta muốn trở thành con người thực sự, tức là hàm ý trở thành một nhân vật (person). Trên đây tôi có nói rằng con người có thể được viết là m + x + y + z. Bốn yếu tố ấy hợp thành một trật tự gia tăng về độ hiếm hoi và tính dễ tổn thương; Vật chất (m) không thể bị hủy hoại; giết chết một vật có nghĩa tước đoạt cái x, y, và z của nó, nhưng vật thể bất động vẫn còn lại; nó “trở về” với đất. Trong so sánh với vật chất bất động thì sự sống là hiếm hoi và quý giá hơn nhiều, cũng như vậy, trong so sánh với tính phổ cập và ù lì của sự sống thì ý thức là rất hiếm hoi và dễ bị tổn thương. Khi nói đến tự-ý-thức, thì đó là sức mạnh hiếm hoi nhất trong mọi sức mạnh, quý báu và dễ tổn thương ở mức độ cao nhất, một thành tựu tối thượng và nói chung là mong manh ngắn ngủi của một nhân vật, hiện diện ở một thời khắc và thật quá dễ dàng mất đi vào thời khắc tiếp theo. Việc nghiên cứu yếu tố z ấy đã từng là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại ở mọi thời đại - ngoại trừ thời đại hiện nay. Làm sao lại có thể nghiên cứu một thứ gì đó dễ tổn thương và mong manh ngắn ngủi đến thế? Làm sao lại có thể nghiên cứu cái thứ vốn thực hiện việc nghiên cứu? Làm sao quả thực Tôi có thể nghiên cứu được cái “Tôi”, vốn sử dụng chính cái ý thức cần thiết cho việc nghiên cứu? Những vấn đề này sẽ có ở phần sau của cuốn sách này. Trước khi chúng ta có thể hướng trực tiếp vào nó, thì tốt hơn là chúng ta hãy nhìn cận cảnh vào bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại: bằng cách nào sự can thiệp của các sức mạnh bổ sung theo lẽ tự nhiên dẫn đến những thay đổi ở đây, ngay cả khi những tương đồng và “tương hợp” vẫn còn lại. Vật chất (m), sự sống (x), ý thức (y), tự-ý-thức (z) - bốn yếu tố khác biệt nhau về bản thể, tức là khác nhau ở trong bản chất cớ sở của chúng, chúng không thể so sánh với nhau, không thể có cùng thước đo và mang tính gián đoạn. Chỉ có một thứ trong chúng là có thể được tiếp cận trực tiếp cho quan sát khoa học khách quan bằng năm giác quan của chúng ta. Tuy nhiên, ba thứ kia vẫn được chúng ta nhận biết, bởi vì tự bản thân chúng ta, mỗi người trong chúng ta, đều có thể kiểm chứng sự tồn tại của chúng, từ trải nghiệm bên trong của chúng ta. Chúng ta không bao giờ tìm thấy sự sống, ngoại trừ như là vật thể đang sống; chúng ta không bao giờ tìm thấy ý thức, ngoại trừ như là vật thể đang sống có ý thức; và chúng ta cũng không bao giờ tìm thấy tự-ý-thức, ngoại trừ như là vật thể tự-ý-thức, có ý thức, đang sống. Những khac biệt bản thể luận của bốn yếu tố này cũng tương tự như tính gián đoạn của các chiều kích. Một đường thẳng là mang tính một chiều; chẳng có việc chi tiết hóa đường thẳng, chẳng có việc tinh tế hóa nào trong cấu tạo nó và trong tính phức tạp của nó, mà lại có khi nào biến được nó thành một mặt phẳng. Cũng như vậy, không có việc chi tiết hóa một mặt phẳng hai chiều nào, không có việc gia tăng độ phức tạp, tinh tế hay kích thước nào, mà lại có khi nào biến được nó thành một hình khối. Tồn tại trong thế giới vật lí, như chúng ta biết, chỉ đạt được bởi các hữu thể ba chiều. Các vật thể một chiều và hai chiều chỉ tồn tại trong trí óc của chúng ta. Phát biểu theo cách tương tự, có thể nói được rằng chỉ có con người là có được tồn tại “hiện thực” trong thế giới này, trong chừng mực con người duy nhất sở hữu cái “ba chiều” của sự sống, ý thức và tự-ý- thức. Theo ý nghĩa ấy, các động vật, với chỉ có hai chiều - sự sống và ý thức - chỉ có được một tồn tại như hình bóng; và các cây cối, thiếu mất các chiều kích của tự-ý-thức và ý thức, liên hệ với con người như một đường thẳng liên hệ với hình khối. Trong thuật ngữ của sự tương đồng ấy, vật chất thiếu đi ba “chiều kích nhìn thấy được”, chỉ có đước hiện thực không hơn một điểm hình học mà thôi. Sự tương đồng ấy có thể cảm thấy không được tự nhiên xét từ quan điểm logic, nhưng nó chỉ ra một sự thật hiện sinh không thể tránh khỏi: cái thế giới “hiện thực” nhất mà chúng ta sống ở đó, chính là cái thế giới của những đồng loại con người. Không có họ, chúng ta ắt sẽ trải nghiệm một cảm giác trống rỗng vô cùng; bản thân chúng ta cũng khó mà làm người được, vì chúng ta được tạo ra hay được nhào nặn bởi các mối quan hệ với những người khác. Quần thể động vật có thể an ủi chúng ta chỉ vì trong giới hạn của chúng, chúng là những gợi ý, thậm chí là những biếm họa của các hữu thể con người. Một thế giới không có các đồng loại con người (fellow human beings) hẳn sẽ là một nơi chốn phi hiện thực của trừng phạt lưu đầy; không có các đồng loại con người cũng như động vật, thế giới ắt sẽ là một vùng đất hoang vu chết chóc, dù cho có đầy cây cỏ tươi tốt. Gọi nó là thế giới một chiều kích chắc cũng không phải là nói quá lời. Tồn tại của con người trong mỗi trường toàn là các vật thể bất động, nếu giả sử nó là khả dĩ, hẳn sẽ là một tình trạng hoàn toàn trống rỗng, hoàn toàn tuyệt vọng. Có thể xem việc đi theo mạch tư duy như vậy dường như là ngớ ngẩn; thế nhưng chắc cũng không đến nỗi ngớ ngẩn như quan điểm chỉ duy nhất các vật thể bất động là “hiện thưc” và đối xử với những chiều kích vô hình của sự sống, ý thức và tự-ý-thức như là những thứ “phi hiện thực”, “chủ quan”, nên là phi tồn tại về mặt khoa học. Một khảo sát đơn giản về bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại đã đưa chúng ta đến việc thừa nhận bốn yếu tố - vật chất, sự sống, ý thức và tự-ý- thức. Việc thừa nhận này mới là quan trọng, chứ không phải việc quy kết thật chính xác bốn yếu tố ấy với các Trình độ Hiện hữu. Nếu các nhà khoa học tự nhiên nói với chúng ta rằng, có một số hữu thể mà họ gọi là động vật, nhưng chẳng có dấu vết nào của ý thức ở chúng thì chúng ta chẳng cần tranh cãi với họ. Thừa nhận là một chuyện; đồng nhất hóa là chuyện hoàn toàn khác. Đối với chúng ta, chỉ có việc thừa nhận mới quan trọng, và chúng ta chỉ có ý định chọn ra những vật mẫu điển hình và đã phát triển đầy đủ từ mỗi Trình độ Hiện hữu cho mục đích của chúng ta thôi. Chúng trình diễn và chứng minh rõ ràng nhất những chiều kích vô hình của sự sống, ý thức và tự-ý-thức, và việc chứng minh này không bị xóa bỏ hay bị bác bỏ giá trị bằng bất cứ khó khăn nào của việc phân loại trong các trường hợp khác. Một khi chúng ta đã thừa nhận các khoảng trống và gián đoạn bản thể luận, vốn phân cách bốn “yếu tố” – m, x, y, z - giữa chúng với nhau, chúng ta cũng nhận thức rằng, không thể tồn tại “những chỗ nối” hay “các hình thức trung chuyển”: sự sống hoặc hiện diện hoặc vắng mặt; không thể có hiện diện-một nửa; cũng như vậy đối với ý thức và tự-ý-thức. Những khó khăn về việc nhận dạng thường bị gia tăng bởi sự kiện trình độ thấp hơn có biểu hiện trình diễn một kiểu bắt chước hay giả đò phỏng theo trình độ cao hơn, giống như một hình nộm cử động đôi khi có thể bị nhận lầm là người sống, hay một bức tranh hai chiều có thể trông giống như một hiện thực ba chiều. Thế nhưng cả những khó khăn của việc nhận dạng và việc phân ranh giới, cũng như việc bị lừa dối hay lầm lẫn, không thể được sử dụng như luận cứ nhằm chống lại sự tồn tại của bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại phô bày ra bốn “yếu tố”, mà chúng ta gọi là Vật chất, Sự sống, Ý thức và Tự-ý-thức. Bốn “yếu tố” ấy là những huyền bí bất khả quy giản vốn hết sức cần thiết phải quan sát và nghiên cứu thật cẩn trọng, nhưng không thể giải thích được, ngay cả “giải thích loại bỏ đi”. Trong cấu trúc ngôi thứ, [hữu thể] cao hơn không chỉ đơn thuần sở hữu các sức mạnh được thêm vào và vượt trên những sức mạnh sở hữu bởi [hữu thể] thấp hơn: nó cũng có sức mạnh ở tầm trên [hữu thể] thấp, sức mạnh tổ chức [hữu thể] thấp hơn, và sử dụng hữu thể thấp hơn đó cho các mục đích riêng của mình. Các hữu thể đang sống tổ chức và sử dụng vật thể bất động; các hữu thể có ý thức có thể sử dụng sự sống, và các hữu thể tự-ý-thức có thể sử dụng ý thức. Liệu có chăng những sức mạnh cao hơn tự-ý-thức? Liệu có chăng những Trình độ Hiện hữu ở trên con người? Ở giai đoạn này trong khảo cứu của mình, chúng ta chưa cần làm nhiều hơn việc ghi nhận sự kiện rằng, đại đa số của loài người, trong suốt lịch sử đã được biết của họ, cho đến tận thời gian mới đây, đã tin thật vững chắc rằng Chuỗi của Hiện hữu mở rộng lên trên vượt quá con người. Tín niệm phổ quát ấy gây ấn tượng mạnh cả về độ dài thời gian và cả về cường độ của nó. Những nhân vật của thời xưa, mà chúng ta vẫn còn xem như minh triết nhất và vĩ đại nhất, không những chia sẻ niềm tin ấy, mà còn xem nó là quan trọng nhất và sâu sắc nhất trong tất cả các sự thật. Chương III NHỮNG BƯỚC TIẾN TRIỂN B ốn Trình độ Hiện hữu thể hiện ra những đặc trưng nhất định theo một cung cách mà chúng ta sẽ gọi là những bước tiến triển. Rất có thể bước tiến triển gây ấn tượng nhất là chuyển dịch từ tính thụ động lên tính chủ động. Ở trình độ thấp nhất, trình độ của khoáng chất hay vật thể bất động, có tính thụ động thuần túy. Một hòn đá là hoàn toàn thụ động, một khách thể thuần túy, hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh và “tình huống ngẫu nhiên”. Nó không thể làm gì, không thể tổ chức chuyện gì, không thể sử dụng cái gì. Ngay cả các vật chất phóng xạ cũng hoàn toàn thụ động. Một cái cây phần nhiều là thụ động, nhưng không phải hoàn toàn thụ động; nó không phải là khách thể thuần túy; có một khả năng có giới hạn nào đó thích nghi được với các hoàn cảnh đang thay đổi: nó lớn lên về phía có ánh sáng và phát triển bộ rễ của nó hướng về chỗ đất ẩm ướt và có chất dinh dưỡng. Một cái cây có một phần nhỏ là một chủ thể với sức mạnh riêng để làm việc, tổ chức và sử dụng. Thậm chí có thể nói rằng có một trí tuệ chủ động ngầm ẩn ở trong cây cối - tất nhiên không được thật chủ động như ở động vật. Ở trình độ “động vật”, thông qua sự xuất hiện của ý thức, đá có một dịch chuyển mạnh mẽ từ thụ động sang chủ động. Các quá trình sống được gia tốc; tính chủ động trở thành tính tự trị nhiều hơn với bằng chứng là các động tác tự do và thường có mục đích - không chỉ đơn thuần từ từ hướng về ánh sáng, mà là hành động mau lẹ để nhận được đồ ăn hay để thoát khỏi mối nguy hiểm. Sức mạnh của việc làm, tổ chức và sử dụng được mở rộng ra vô độ; ở đây có được bằng chứng của một “đời sống bên trong”, của hạnh phúc và bất hạnh, tin cậy, e sợ, kì vọng, thất vọng và những thứ tương tự. Bất cứ hữu thể nào có một đời sống bên trong không thể là một khách thể đơn thuần: nó là một chủ thể tự thân, thậm chí có khả năng đối xử với những hữu thể khác đơn thuần như các khách thể, giống như con mèo đối xử với con chuột. Ở trình độ con người, ở đây có một chủ thể nói “Tôi” - một nhân vật: một thay đổi khác nhận thấy được từ thụ động sang chủ động, từ khách thể sang chủ thể. Đối xử với một nhân vật cứ tựa như anh ấy hay chị ấy đơn thuần chỉ là một khách thể, đó là sự đồi trụy (perversity), nếu không muốn nói là tội ác. Một con người, dù có bị đánh giá thấp đến đâu chăng nữa và bị nô dịch do hoàn cảnh, vẫn luôn có khả năng tự khẳng định và vượt lên trên các hoàn cảnh. Con người có thể đạt được một mức độ kiểm soát môi trường xung quanh, và như vậy là kiểm soát được cuộc sống của mình, bằng cách sử dụng các vật thể xung quanh cho mục đích riêng của mình, ở đây không hề có giới hạn nào khả dĩ xác định được đối với các khả năng của con người, ngay cả khi có những giới hạn thực tế ở khắp mọi nơi, [những giới hạn] mà con người thừa nhận và tôn trọng. Chuyển động tiến triển từ thụ động sang chủ động mà chúng ta quan sát thấy, khi xem xét tổng quan bốn Trình độ Hiện hữu, [chuyển động ấy] quả thực gây ấn tượng mạnh, nhưng chưa thật hoàn chỉnh. Một trọng lượng lớn của tính thụ động vẫn còn lại ngay cả ở con người có chủ quyền và tự trị nhiều nhất; trong khi con người chắc chắn là một chủ thể, thì về nhiều phương diện con người vẫn còn là một khách thể - phụ thuộc, tùy thuộc theo tình huống ngẫu nhiên, bị đưa đẩy bởi các hoàn cảnh. Ý thức được điều này, loài người luôn sử dụng trí tưởng tượng của mình, hay các sức mạnh trực giác của mình, để hoàn tất quá trình, để ngoại suy (như hiện nay chúng ta thường nói) đường cong [biểu thị] cho tới hoàn chỉnh. Theo cách như vậy người ta nhận thức một Hữu thể hoàn toàn chủ động, hoàn toàn có chủ quyền và tự trị; một Nhân vật ở bên trên tất các các nhân vật con người đơn thuần, tuyệt nhiên không phải là một khách thể, vượt lên trên mọi hoàn cảnh và tình huống ngẫu nhiên, hoàn toàn kiểm soát được mọi thư: một Thượng đế cá biệt, “một người Bất động Tạo ra chuyển động”. Bốn Trình độ Hiện hữu như vậy chỉ ra tồn tại vô hình của một Trình độ (hay các Trình độ) Hiện hữu ở bên trên con người. Một phương diện lí thú và đáng học hỏi của tiến triển từ thụ động sang chủ động là sự thay đổi gốc gác của chuyển động. Thật rõ ràng là ở trình độ của vật thể bất động thì không thể có thay đổi của chuyển động mà lại không có một nguyên nhân vật lí, và ở đây có một mối liên kết chặt chẽ giữa nguyên nhân và hiệu quả. Ở trình độ cây cối, chuỗi nhân quả phức tạp hơn: nguyên nhân vật lí sẽ có các hiệu quả vật lí giống như ở trình độ thấp hơn - gió làm cho cây nghiêng ngả dù cây đang sống hay đã chết - nhưng có những yếu tố vật lí nào đó không đơn giản như nguyên nhân vật lí, mà đồng thời như là kích thích tố. Các tia nắng mặt trời khiến cho cây hướng về phía mặt trời. Việc nghiêng quá nhiều theo một hướng khiến cho rễ cây ở phía đối diện lớn lên mạnh hơn. Ở trình độ động vật, tính nhân quả của chuyển động lại còn trở nên phức tạp nhiều hơn nữa. Một động vật có thể bị đưa đẩy khắp nơi giống như hòn đá; nó cũng có thể bị kích thích giống như cái cây; thế nhưng có một yếu tố nhân quả bổ sung thứ ba nữa đến từ bên trong: những cố gắng, hấp dẫn hay ép buộc nào đó hoàn toàn không thuộc loại vật lí; chúng có thể được gọi là các động cơ. Một con chó có động cơ, nên vận động không đơn thuần do các lực vật lí hay các kích thích tác động lên nó từ bên ngoài, mà còn do các lực có gốc gác từ “không gian bên trong” của nó: khi nhận ra ông chủ, nó nhảy lên vui mừng; khi nhận ra kẻ thù, nó bỏ chạy trong sợ hãi. Trong khi ở trình độ động vật, nguyên nhân động cơ cần phải hiện diện như vật thể để có hiệu quả, thì ở trình độ con người không cần phải như vậy. Sức mạnh tự-ý-thức bổ sung thêm một khả năng khác nữa về gốc gác của chuyển động - ý chí, tức là, sức mạnh chuyển động và hành động ngay cả khi không có ép buộc vật lí nào, không có kích thích tố vật lí nào và không có sức ép gây động cơ nào thực sự hiện diện. Có rất nhiều tranh cãi về ý chí. Ý chí được tự do như thế nào? Chúng ta sẽ đề cập đến chuyện này ở phần sau. Trong ngữ cảnh hiện tại, chỉ đơn thuần cần phải thừa nhận rằng, ở trình độ con người có một khả năng bổ sung thêm về gốc gác của chuyển động - là thứ dường như không tồn tại ở bất cứ trình độ thấp hơn nào, chuyển động dựa trên cơ sở của cái có thể gọi là “thấu hiểu bên trong trần trụi”. Một nhân vật có thể di chuyển đến chỗ khác không phải vì các điều kiện hiện tại tạo ra động cơ khiến anh ta làm như vậy, mà bởi vì anh ta dự báo trong đầu óc của mình những phát triển tương lai nào đó. Trong khi chắc chắn tất cả mọi người đều có những khả năng bổ sung thêm ấy ở một mức độ nào đó - được gọi là sức mạnh nhận biết trước và cùng với nó là sức mạnh dự báo các khả năng tương lai - thì hiển nhiên rằng những khả năng ấy rất không đồng đều và rất yếu ớt ở trong phần đông chúng ta. Có thể tưởng tượng ra một Trình độ Hiện hữu siêu-nhân-bản mà ở đó những khả năng này tồn tại thật hoàn hảo. Tri thức biết trước hoàn hảo về tương lai vì vậy có thể được xem như một thuộc tính Huyền diệu gắn với tự do tác động và hoàn toàn thoát khỏi thụ động. Bước tiến triển từ nguyên nhân vật lí đến kích thích tố rồi đến động cơ và ý chí, hẳn có thể được hoàn chỉnh bởi một sự hoàn hảo của ý chí có khả năng vượt trên tất cả các lực gây nguyên nhân vốn hoạt động ở bốn Trình độ Hiện hữu mà ta được biết. II Bước tiến triển từ thụ động lên chủ động tương tự và liên hệ gần gũi với bước tiến triển từ tất yếu đến tự do. Dễ dàng thấy rằng ở trình độ khoáng chất thì chẳng có gì ngoài tất yếu. Vật thể bất động là thứ như nó là thế và không thể là khác được; không có lựa chọn, không có khả năng “phát triển” hay bằng cách nào đó thay đổi bản chất của nó. Cái được gọi là [nguyên lí] bất xác định ở trình độ của các hạt thuộc hạt nhân nguyên tử chỉ đơn giản là một trình diễn khác của tất yếu, vì tính tất yếu tổng thể hàm nghĩa mọi nguyên lí sáng tạo đều không hiện diện. Như tôi đã nói ở trên, điều này tương tự như chiều kích bằng không - một loại không có gì hết, xét ở cực đoan hàm nghĩa chẳng còn lại gì để xác định. “Tự do” của [nguyên lí] bất xác định thực ra là cực đoan ở chiều ngược lại của tự do: một loại tất yếu chỉ có thể hiểu được dưới dạng thức của xác suất thống kê. Ở trình độ của vật thể bất động không hề có “không gian bên trong”, là nơi mà bất cư sức mạnh tự trị nào cũng có thể được tập hợp lại thành đội ngũ. Như chúng ta sẽ thấy, “không gian bên trong” là sân khấn của tự do. Chúng ta biết rất ít, nếu không muốn nói là chẳng biết gì, về “không gian bên trong” của cây cối, biết được nhiều hơn ở động vật, và biết khá nhiều về “không gian bên trong” của con người: không gian của nhân vật cá biệt, của sáng tạo, của tự do. Không gian bên trong được tạo nên bởi các sức mạnh của sự sống, ý thức và tự-ý thức; thế nhưng chúng ta chỉ có được trải nghiệm trực tiếp và cá biệt về “không gian bên trong” của chính chúng ta, cũng như cái tự do mà nó dành cho chúng ta. Quan sát kĩ cho thấy phần đông chúng ta, trong phần lớn thời gian, ứng xử và hành động mang tính cơ giới, giống như một cỗ máy. Sức mạnh tự-ý-thức đặc trưng của con người lim dim ngủ (asleep), và con người, giống như động vật, hành động - một cách thông minh ít hay nhiều - đơn thuần như phản ứng lại với những ảnh hưởng khác nhau. Chỉ khi nào con người sử dụng sức mạnh tự-ý-thức của mình, thì khi ấy con người mới đạt tới trình độ của một nhân vật cá biệt, đạt tới trình độ của tự do. Vào thời khắc ấy con người mới là đang sống, chứ không phải còn sống. Cũng vẫn còn có vô số các lực của tất yếu tích tụ lại trong quá khứ, vốn quyết định các hành động của con người; thế nhưng một vết rạn nứt nhỏ đã được tạo ra, một thay đổi mong manh của phương hướng đang được đưa vào. Bề ngoài nó còn có thể chưa nhận thấy được, nhưng nhiều thời khắc của tự-ý-thức có thể sinh ra nhiều thay đổi như thế và thậm chí biến thành một vận động nhất định vào phương hướng ngược lại với phương hướng trước đây. Hỏi một người có tự do hay không thì cũng giống như hỏi một người có phải triệu phú không. Anh/chị ta không phải, nhưng có thể trở thành một triệu phú. Anh/chị ta có thể đặt mục đích trở thành giàu có; tương tự như vậy, anh/chị ta có thể đặt mục đích cho mình trở thành tự do. Trong “không gian bên trong” của mình, anh/chị ta có thể phát triển một trung tâm sức mạnh khiến cho sức mạnh tự do vượt quá sức mạnh tất yếu của mình. Có thể tưởng tượng được một hữu thể hoàn hảo, luôn thực hành không thay đổi sức mạnh tự-ý-thức của mình, vốn là sức mạnh của tự do, ở mức độ đầy đủ nhất, không lay chuyển bởi bất cứ tất yếu nào. Đó hẳn là một Hữu thể Huyền diệu, một sức mạnh toàn năng và có chủ quyền, một Hợp nhất hoàn hảo. III Cũng có một bước tiến triển được ghi nhận và không thể nhầm lẫn, hướng đến tích hợp và hợp nhất. Ở trình độ khoáng chất không có tích hợp. Vật thể bất động có thể bị chia cắt thành nhiều mảnh mà không mất đi đặc tính hay Gestalt, đơn giản vì ở trình độ ấy chẳng có gì để mất. Ngay cả ở trình độ cây cối, sự hợp nhất yếu ớt đến nỗi nhiều bộ phận của cây thường có thể bị cắt bỏ và vẫn sẽ tiếp tục sống và phát triển như những hữu thể tách biệt. Động vật, ngược lại, là những hữu thể tích hợp cao hơn rất nhiều. Nhìn nhận như một hệ thống sinh thể, thì động-vật-cao-hơn là một hợp nhất, và bộ phận của nó không thể sống sót khi tách rời. Tuy nhiên, có ít tích hợp trên bình diện tinh thần; tức là có ý nói ngay cả động vật phát triển cao nhất cũng chỉ đạt được trình độ rất khiêm tốn về tính logic và nhất quán; bộ nhớ của nó về toàn cục còn yếu ớt và tính trí tuệ của nó chỉ như là hình bóng. Con người tất nhiên có nhiều hợp nhất bên trong hơn bất cứ hữu thể nào thấp hơn, mặc dù tích hợp, như tâm lí học hiện đại thừa nhận, không được bảo đảm từ lúc sinh ra, và vẫn còn là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của con người. Như một hệ thống sinh thể, con người được tích hợp hài hòa nhất; trên bình diện tinh thần, tích hợp ít hoàn hảo hơn, nhưng có khả năng cải thiện khá nhiều thông qua giáo dục trường học. Tuy nhiên, như một nhân vật cá biệt, một hữu thể có sức mạnh tự-ý-thức, con người nói chung được tích hợp khá nghèo nàn, đến nỗi con người trải nghiệm bản thân mình như một tập hợp của nhiều nhân cách khác nhau, mỗi nhân cách là một cái “Tôi” đang nói. Biểu hiện kinh đỉển của trải nghiệm ấy được tìm thấy trong bức thư của St. Paul gửi những người La Mã: Hành vi của chính tôi ngăn trở tôi. Vì tôi thấy bản thân mình không làm những gì tôi thực sự mong muốn, mà làm những gì tôi thực sự căm ghét. Chắc rằng nếu tôi làm những điều mà tôi không muốn làm, thì không thể nói rằng cái “Tôi” đang làm điều đó – hẳn phải là cái tội lỗi trú ngụ trong bản chất của tôi [đã làm]”.28 Tích hợp có nghĩa là tạo ra một hợp nhất bên trong, một trung tâm sức mạnh và tự do, khiến cho hữu thể không còn là một khách thể đơn thuần, chịu tác động của các lực bên ngoài, mà trở thành một chủ thể hành động theo “không gian bên trong” của riêng mình, đi vào không gian bên ngoài bản thân mình. Một trong những khẳng định kinh viện vĩ đại nhất về bước tiến triển tích hợp ấy được tìm thấy trong [tác phẩm] Summa contra Gentiles (Luận văn về đức tin phổ quát chống lại những người ngoại đạo) của St. Thomas Aquinas29: “Trong tất cả các vật, thì vật thể bất động nhận được vị trí thấp nhất, từ nó không thể lan tỏa ra tác động nào, ngoại trừ tác động của vật này lên vật kia: như lửa được tạo ra từ lửa khi một vật thể ngoại lai được chuyển thành lửa và nhận được phẩm tính và hình dạng của lửa. Vị trí kế tiếp với vật bất động thuộc về cây cối, khi sự lan tỏa tiến hành từ bên trong, vì nhựa cây bên trong chuyển thành hạt giống, nhờ có đất mà lớn lên thành cái cây. Như thế, chúng ta tìm thấy được những dấu vết ban đầu của sự sống: vì những vật đang sống là những vật tự vận động bản thân để tác động, trong khi những vật chỉ có thể chuyển dịch bởi các vật ngoại lai thì không hề có sự sống. Một dấu hiệu sự sống trong những cây cối, ấy là thứ gì đó ở bên trong chúng, tạo thành nguyên nhân của một hình dạng. Nhưng sự sống của cây cối là không hoàn hảo, vì tuy sự lan tỏa tiến hành từ bên trong, khiến lan tỏa mạnh lên từng chút một, và kết cuộc trở thành hoàn toàn ngoại lai: như vậy nhựa cây dần mạnh lên trong cây và sau đó trổ hoa, rồi có hình dạng của trái cây, khắc biệt với cành cây, dù vẫn hợp nhất ở đó; khi trái cây đã hoàn hảo và chín trên cây rồi rơi xuống đất, sàn sinh ra lực mầm mong của cái cây khác. Quả thực nếu chúng ta xem xét vật chất thật cẩn thận, chúng ta sẽ thấy rằng nguyên lí đầu tiên của sự lan tỏa là một thứ gì đó ngoại lai: vì chất nhựa bên trong của cái cây được hình thành thông qua rễ cây lấy từ đất trồng, khi cái cây lấy chất dinh dưỡng cho nó. Nhưng vẫn còn một hình thức của sự sống cao hơn của cây cối, đó là của linh hồn có cảm giác, một sự lan tỏa thích đáng hơn, dù bắt đầu từ bên ngoài, nhưng kết cục ở bên trong. Sự lan tỏa càng tiến xa xuyên thấu hơn vào bên trong: vì một khách thể có cảm giác tạo ấn tượng một hình thức của cảm giác bên ngoài, khi nó tiến lên đến trí tưởng tượng, và xa hơn nữa, thành nơi lưu trữ trí nhớ. Nhưng trong mỗi quá trình lan tỏa loại này, cái khởi đầu và cái kết thúc là ở trong các chủ thể khác nhau: vì không có sức mạnh cảm giác nào phản ánh lại trên bản thân nó. Trong khi mức độ này của sự sống, siêu việt vượt trên cây cối, đến mức càng nhiều lại càng mang tính thầm kín riêng tư; thế nhưng vẫn còn chưa phải là sự sống hoàn hảo, vì sự lan tỏa vẫn còn luôn từ một vật này sang một vật khác. Mức độ cao nhất của sự sống là thứ thuộc về trí tuệ: trí tuệ tự phản ánh lên bản thân mình, và có khả năng tự hiểu thấu. Tuy nhiên, có những mức độ khác nhau trong sự sống trí tuệ: rằng trí óc con người dẫu có khả năng nhận thức bản thân mình, nhưng có bước đi đầu tiên đến tri thức là từ bên ngoài - vì nó không thể thấu hiểu tách biệt khỏi hình dung tưởng tượng… Như thế, sự sống trí tuệ ở trong các thiên thần là hoàn hảo hơn, trí tuệ thiên thần có được tự nhận thức không đòi hỏi phải tiến lên từ thứ gì đó ngoại tại, mà tự biết bản thân mình một cách tự tại. Nhưng sự sống của họ vẫn chưa đạt được mức độ cao nhất của hoàn hảo… vì rằng ở trong họ thấu hiểu và hiện hữu chưa phải là cùng một thứ… Cho nên, sự sống hoàn hảo cao nhất thuộc về Thượng đế, sự thấu hiểu của Người không tách rời khỏi hiện hữu của Người…”30. Những khẳng định này, theo kiểu cách lập luận không quen thuộc lắm đối với độc giả hiện đại, khiến cho ta thấy rất rõ ràng rằng, “cao hơn” luôn hàm nghĩa và ẩn ý “bên trong nhiều hơn”, “nội tại hơn”, “sâu sắc hơn”, “thầm kín riêng tư hơn”; trong khi đó “thấp hơn” hàm nghĩa và ẩn ý “bên ngoài nhiều hơn”, “ngoại tại hơn”; “hình bóng nhiều hơn”, “ít thầm kín riêng tư hơn”. Kiểu đồng nghĩa này có thể tìm thấy được ở nhiều ngôn ngữ, rất có thể là trong mọi ngôn ngữ. Một vật càng “nội tại” nhiều hơn, thì có vẻ như càng ít nhìn thấy được hơn. Bước tiến triển từ tính chất nhìn thấy được lên tính chất vô hình như vậy là một khía cạnh khác của ngôi thứ vĩ đại ở các Trình độ Hiện hữu. Không cần thiết phải đi sâu vào chuyện này. Hiển nhiên là các thuật ngữ “nhìn thấy được” và “vô hình” không chỉ đơn thuần gắn với cảm nhận bằng mắt, mà gắn với tất cả các giác quan quan sát ngoại tại. Các sức mạnh của sự sống, ý thức và tự-ý-thức, mà chúng ta tập trung chú ý vào, khi xem xét bốn Trình độ Hiện hữu, [các sức mạnh ấy] hoàn toàn vô hình, không có màu sắc, âm thanh, “lớp da”, vị hay mùi vị, và cũng không có hình khối hay trọng lượng. Tuy nhiên, liệu có ai dám phủ nhận chúng như những thứ chúng ta chủ yếu quan tâm tới hay chăng? Khi tôi mua một túi hạt giống, mối quan tâm chính của tôi là những thứ ở trong túi đang còn [mầm] sống chứ chưa chết, và một con mèo đã mất ý thức, ngay cả khi nó vẫn còn sống, đối với tôi không phải là con mèo thực, cho đến khi nó lấy lại được ý thức. “Tính chất vô hình” của con người được Dr. Maurice Nicoll mô tả thật sắc bén: “Tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy trực tiếp thân thể của một cá nhân khác. Chúng ta nhìn thấy cặp môi chuyển động, mắt mở và nhắm, đường nét của miệng và khuôn mặt thay đổi, và thân thể tự nó thể hiên như một toàn vẹn trong hành động. Bản thân con người cá nhân ấy [vẫn] là vô hình… Nếu giả sử như khía cạnh vô hình của người ta có thể được nhận ra thật dễ dàng, giống như khía cạnh nhìn thấy được, thì chúng ta ắt đã sống trong một nhân loại mới. Như chúng ta đang hiện hữu, chúng ta đang sống trong nhân loại nhìn thấy được, một nhân loại của những biểu hiện bề ngoài… Tất cả các suy nghĩ của chúng ta, các xúc động, các cảm giác, các tưởng tượng, các mộng mơ, các giấc mơ, các tưởng tượng sáng tạo, đều là vô hình. Tất cả những thứ thuộc về sơ đồ, kế hoạch, những bí mật, những tham vọng, tất cả những hi vọng của chúng ta, nỗi sợ hãi, những nghi ngờ, những bối rối, tất cả những tác động gây ảnh hưởng, những suy đoán, nghiền ngẫm, trạng thái trống rỗng, bất xác định, tất cả những khát khao, mong muốn, vị ngon, xúc động mạnh, những thứ chúng ta ưa thích, không ưa thích, kinh tởm, lôi cuốn, tình yêu và thù hận - [những thứ ấy] tự thân chúng là vô hình. Chúng tạo thành một “bản ngã””31. Dr. Nicoll nhấn mạnh rằng, trong khi tất cả những thứ ấy tưởng chừng như thật hiển nhiên, nhưng lại tuyệt nhiên chẳng hề hiển nhiên: “Đó là một thứ cực kì khó thấu đạt được… Chúng ta không thấu đạt được rằng chúng ta là vô hình. Chúng ta không ý thức được rằng chúng ta đang ở trong thế giới của những người vô hình. Chúng ta không hiểu được rằng, trước khi có tất cả các định nghĩa khác về cuộc sống, thì cuộc sống là một bi kịch của những thứ nhìn thấy được và những thứ vô hình”.32 Có một thế giới bên ngoài mà ở đó các vật thể là nhìn thấy được, tức là các giác quan của chúng ta có khả năng cảm nhận được; và có một “không gian bên trong” mà ở đó các sự vật là vô hình, tức là chúng ta không thể cảm nhận trực tiếp được, ngoại trừ bản thân mình. Quan điểm thật quan trọng này trong mức độ nào đó chúng ta sẽ quan tâm tới ở một chương sau. Bước tiến triển từ khoáng chất hoàn toàn nhìn thấy được, đi lên tới nhân vật cá nhân, phần nhiều vô hình, [bước tiến triển ấy] có thể xem như chỉ dấu hướng về các Trình độ Hiện hữu ở bên trên con người, vốn ắt phải là hoàn toàn vô hình đối với các giác quan của chúng ta, giống như ở cực bên dưới của thang bậc là trình độ khoáng chất hoàn toàn nhìn thấy được. Chúng ta chẳng cần phải ngạc nhiên rằng, trong suốt phần lớn lịch sử nhân loại, đa số con người đều ngầm ẩn tin vào tính hiện thực của sự phóng chiếu này; họ luôn yêu sách rằng, vì chúng ta có thể học được cách “nhìn thấu được” vào phần vô hình của những nhân vật cá nhân xung quanh chúng ta, nên chúng ta cũng có thể phát triển được khả năng “nhìn thấu được” những hữu thể hoàn toàn vô hình đang tồn tại ở các trình độ bên trên chúng ta. (Trong tư cách người lập bản đồ triết học, tôi có nghĩa vụ đưa những chuyện quan trọng này vào bản đồ của mình, để thấy nó thuộc về chỗ nào và liên kết ra sao với các sự vật khác vốn quen thuộc hơn. Bất kể liệu có chăng [trong thực tế] một độc giả, một người du ngoạn hay người hành hương nào có nguyện vọng thám hiểm nó, ấy là chuyện của riêng họ). IV Mức độ của tích hợp, của tình trạng đồng bộ bên trong và của mức độ mạnh mẽ, liên quan chặt chẽ với thể loại của “thế giới” vốn tồn tại đối với hữu thể ở các trình độ khác nhau. Vật thể bất động chẳng có “thế giới” nào. Tính thụ động hoàn toàn của nó tương đương với tình trạng trống rỗng hoàn toàn ở thế giới của nó. Một cái cây có một “thế giới” của riêng nó - một ít đất trồng, nước, không khí, ánh sáng và có thể có những ảnh hưởng khác nhau nữa – một “thế giới” bị giới hạn bởi những nhu cầu sinh vật khiêm tốn của nó. Thế giới của bất cứ động vật nào cao hơn sẽ lớn hơn và phong phú hơn không sao sánh được, dù rằng vẫn chủ yếu được quyết định bởi các nhu cầu sinh vật, như các nghiên cứu tâm lí học động vật chứng tỏ khá đầy đủ. Thế nhưng ở đây cũng còn có một thứ gì đó nhiều hơn nữa - giống như tính tò mò - vốn mở rộng thế giới động vật vượt ra ngoài những giới hạn chật hẹp mang tính sinh vật của nó. Lại một lần nữa, thế giới của con người lớn hơn và phong phú hơn không sao sánh nổi; quả thực, đây là điều đã được khẳng định trong triết học truyền thống rằng, con người là capax universi33, có khả năng đưa toàn bộ Vũ trụ vào trải nghiệm của mình. Con người thực sự sẽ thấu đạt được gì, [chuyện này] còn phụ thuộc vào Trình độ Hiện hữu của mỗi một cá nhân riêng biệt. Nhân vật cá biệt càng “cao hơn” thì thế giới của anh ta hay chị ta càng lớn hơn và phong phú hơn. Ví dụ như một nhân vật cá biệt hoàn toàn bị quy định ở trong chủ nghĩa khoa học duy vật luận, phủ nhận tính hiện thực của những thứ “vô hình”, và giới hạn sự chú ý của mình thuần túy vào những gì có thể cân đong, đo, đếm được, [anh/chị ta] sống trong một thế giới rất nghèo nàn, nghèo nàn đến nỗi anh/chị ta sẽ trải nghiệm thế giới như một miền đất hoang vô nghĩa không thích hợp cho cư trú của con người. Cũng vậy, nếu anh/chị ta nhìn thấy chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là xếp đặt của các nguyên tử bên cạnh nhau một cách tình cờ, thì anh/chị ta nhất định phải đồng ý với Bertrand Russell rằng, chỉ duy nhất có một thái độ duy lí thôi, ắt sẽ là một thứ “tuyệt vọng không lối thoát”. Đã có câu nói rằng: “Trình độ Hiện hữu của anh lôi cuốn cuộc đời anh”34. Không có gì huyền bí hay phi khoa học đằng sau câu nói ấy. Ở Trình độ Hiện hữu thấp chỉ tồn tại một thế giới rất nghèo nàn và chỉ có thể sống một kiểu sống thiếu thốn mà thôi. Vũ trụ vẫn như nó vốn vậy; thế nhưng người nào, dù cho là capax universi, nhưng lại giới hạn bản thân mình vào những khía cạnh tháp kém nhất của nó - những nhu cầu sinh vật của mình, những tiện nghi vật chất hay trông chờ vào may rủi tình cờ - sẽ không sao tránh khỏi việc “lôi cuốn” vào một cuộn sống đáng tội nghiệp. Nếu anh/chị ta chẳng thừa nhận điều gì ngoài “cuộc đấu tranh sinh tồn” và “thói ham quyền lực” say sưa cố đạt cho được, thì “thế giới” của anh/chị ta sẽ là thứ phù hợp với mô tả của Hobbes về cuộc sống của con người như “cô độc, nghèo nàn, khó chịu, tàn bạo và ngắn ngủi”. Càng ở Trình độ Hiện hữu cao hơn, thì thế giới càng lớn lao hơn, phong phú hơn và kì diệu hơn. Nếu chúng ta lại ngoại suy vượt qua con người, chúng ta có thể hiểu được tại sao [Thượng đế] Huyền diệu đã được xem như không phải chỉ là capax universi, mà còn thực sự sở hữu toàn bộ Vũ trụ, hiểu rõ mọi thứ, toàn năng - “chẳng phải là năm con chim sẻ được bán với giá hai xu đó sao, nhưng không một con nào trong chúng bị quên lãng trước Thượng đế”35. Nếu chúng ta tính đến chiều kích “thứ tư” - thời gian - vào việc xem xét, một bức tranh tương tự sẽ xuất hiện. Ở trình độ thấp nhất thì chỉ có thời gian trong ý nghĩa độ lâu dài. Đối với các tạo vật được phú cho ý thức, thì có thời gian trong ý nghĩa của trải nghiệm; thế nhưng trải nghiệm bị giới hạn vào thời hiện tại, ngoại trừ ở những nơi quá khứ được tạo thành hiện tại thông qua kí ức (loại này hay loại kia), và tương lai được tạo thành hiện tại thông qua dự báo (lại một lần nữa có thể có những chủng loại khác nhau). Trình độ Hiện hữu càng cao, thì hiện tại càng “rộng mở hơn”, càng bao trùm được những gì là quá khứ và tương lai ở các Trình độ Hiện hữu thấp hơn. Ở Trình độ Hiện hữu cao nhất khả dĩ hình dung được, ắt phải có “cái hiện nay vĩnh cửu”. Một thứ gì đó giống như vậy rất có thể là ý nghĩa của trích đoạn sau đây trong Khải huyền: “Và tôi nhìn thấy vị thiên thần đang đứng cao trên mặt biển và trên mặt đất, đưa tay hướng lên trời và thề thốt rằng người sẽ sống vĩnh hằng mãi mãi, người đã tạo ra thượng giới cùng những thứ có ở đó, cả mặt đất và những thứ có ở đó, rằng sẽ không còn thời gian nữa”36. V Hầu như vô số “những tiến triển” đi xa hơn nữa có thể bổ sung vào những gì đã được mô tả; thế nhưng đây không phải là mục đích của cuốn sách này. Độc giả có thể đưa thêm vào đó bất cứ thứ gì mà mình đặc biệt quan tâm. Có thể độc giả quan tâm đến “những nguyên nhân tận cùng”. Liệu có chính đáng không, khi giải thích hay thậm chí mô tả một hiện tượng nhất định dưới dạng thức cứu cánh luận, tức là như đang theo đuổi một mục đích? Thật lố bịch khi giải đáp cho câu hỏi như vậy lại không viện dẫn đến Trình độ Hiện hữu mà hiện tượng đó xảy ra. Phủ nhận tác động cứu cánh luận ở trình độ con người thì cũng ngớ ngẩn giống như quy kết chuyện này ở trình độ của vật bất động. Do đó chẳng có lí lẽ nào để cho rằng những dấu vết hay tàn dư của tác động cứu cánh luận lại không thể tìm thấy được ở các trình độ trung gian. Bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại có thể được hình dung tương tự như một hình chóp đảo ngược, ở đó mỗi trình độ cao hơn bao hàm mọi thứ thấp hơn và mở ngỏ cho các ảnh hưởng từ mọi thứ cao hơn. Tất cả bốn trình độ đều tồn tại trong hữu thể con người, như chúng ta đã thấy, có thể miêu tả bằng công thức: Con người = m + x + y + z (khoáng chất + sự sống + ý thức + tự-ý- thức) Không đáng ngạc nhiên, khi nhiều lời dạy mô tả con người như đang sở hữu bốn “thân thể”, được gọi là: Thân thể vật chất (tương ứng với m); Thân thể ether (tương ứng với x); Thân thể mẫn cảm (astral body) Cái “Tôi” hay cái “Ngã” (hay Bản ngã hay Tinh thần) (tương ứng với y); (tương ứng với z); Dưới ánh sáng những hiểu biết của chúng ta về bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại, những mô tả như thế về con người như một hữu thể bốn phương diện, trở nên dễ dàng tiếp thu được. Trong một số lời dạy, m + x, được xem như một phương diện - thân thể sống (vì một thân thể bất động chẳng đáng quan tâm chút nào), cho nên những lời dạy ấy nói về con người như hữu thể có ba pbuơng diện, bao gồm thân thể (m + x), linh hồn (y) và Tinh thần (z). Vì người ta ngày càng hướng mối quan tâm đến thế giới nhìn thấy được, nên phân biệt giữa linh hồn và Tinh thần ngày càng trở nên khó duy trì và xó xu hướng bị bỏ đi hết; cho nên con người được miêu tả như một hỗn hợp của thể xác và linh hồn. Cùng với sự lên ngôi của chủ nghĩa khoa học duy vật luận, rốt cuộc thì linh hồn cũng biến mất khỏi mô tả về con người - làm sao mà nó tồn tại, khi nó không thể cân đong đo đếm được? - ngoại trừ như là một trong nhiều đặc tính kì lạ của những xếp đặt phức tạp các nguyên tử và phân tử. Tại sao lại không chịu chấp nhận cái-được- gọi-là linh hồn - một mớ các sức mạnh gây kinh ngạc - như một hiện tượng phụ của vật chất, cũng tương tự như từ trường đã được chấp nhận như thế? Vũ trụ không còn được nhìn nhận như một cấu trúc ngôi thứ vĩ đại hay một Chuỗi của Hiện hữu; nó được nhìn nhận đơn giản như một kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử; và con người, vốn theo truyền thống được hiểu như một tiểu Vũ trụ (tức là có cấu trúc Vũ trụ), không còn được nhìn nhận như một Vũ trụ; mà chỉ là một tạo vật có ý nghĩa, cho dù là huyền bí đi nữa. Nếu như Vũ trụ vĩ đại được nhìn nhận như chẳng phải gì khác, mà chỉ là những hỗn độn của các hạt không có mục đích và ý nghĩa, thì con người cũng phải được nhìn nhận như chẳng phải gì khác, mà chỉ là những hỗn độn của các hạt không có mục đích và ý nghĩa - những hỗn độn có cảm giác, quả thực có khả năng đau đớn, khổ não và tuyệt vọng, nhưng cũng chỉ là những hỗn độn như vậy thôi (bất kể con người ưa thích hay không ưa thích) - có vẻ như là một sự cố Vũ trụ không may mắn chẳng có bất kì hệ quả nào. Đây là bức tranh được chủ nghĩa khoa học duy vật luận hiện đại trình bày ra, và chỉ có một câu hỏi là, liệu nó có ý nghĩa nào về những gì chúng ta thực sự trải nghiệm hay không? Đây là một câu hỏi mà mỗi người phải quyết định cho bản thân mình. Những người nào đứng về phía kinh ngạc và ngưỡng mộ, trong ngạc nhiên và cả trong bối rối nữa, đang suy tưởng trầm tư về bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại, sẽ không dễ dàng bị thuyết phục rằng, ở đây chỉ có mở rộng ra đôi chút theo mặt phẳng nằm ngang thôi. Những người ấy sẽ thấy không sao có thể khép lại đầu óc của mình về “cao hơn” và “thấp hơn” - tức là nói về thang bậc theo chiều thẳng đứng và thậm chí cả các gián đoạn nữa. Nếu như họ sau đó thấy rằng con người là cao hơn bất kì xếp đặt nào, dù có phức tạp đến đâu đi nữa, dù có tiên tiến thế nào đi nữa, họ cũng sẽ nhìn nhận con người như một “kết thúc mở”, không phải ở trình độ cao nhất, nhưng với một khả thể rằng quả thực có thể dẫn lên cao tới sự hoàn hảo. Đây là một thấu hiểu quan trọng nhất suy ra từ suy tưởng trầm tư về bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại: Ở trình độ con người không hề có một giới hạn hay một cái “trần” có thể nhận ra được. Tự-ý-thức, vốn bao gồm sự khác biệt giữa động vật và con người, là một sức mạnh có khả năng không giới hạn, một sức mạnh không chỉ khiến cho con người là con người, mà còn cho nó một khả năng, thậm chí một nhu cầu, ráng trở thành siêu-nhân-bản (superhuman). Như giới Kinh viện thường nói, “Homo non proprie humanus sed superhumanus est”, có nghĩa rằng để hiện hữu là con người đích thực thì anh phải vượt quá khỏi con người đơn thuần. Chương IV “THÍCH ĐÁNG TƯƠNG XỨNG” I Đ iều gì khiến cho con người có khả năng biết được chút gì đó ở thế giới bao quanh anh ta? “Hiểu biết đòi hỏi một cơ quan thích đáng cho đối tượng”, Plotinus (mất vào khoảng sau năm 270) đã nói thế. Chẳng có điều gì có thể nhận thức được nếu thiếu một “công cụ” thích đáng để cho người nhận thức làm được việc này. Đây là Sự thật Vĩ đại về thích đáng tương xứng, vốn định nghĩa tri thức như là adaequatio rei et intellectus: hiểu biết của người nhận thức phải thích đáng tương xứng với sự vật cần được nhận thức. Lại cũng từ Plotinus mà có câu nói trứ danh: “Mắt không khi nào nhìn thấy được Mặt trời, trừ phi trước hết mắt phải trở nên giống như Mặt trời, và linh hồn không bao giờ có thể nhìn thấy Vẻ đẹp Nguyên khởi, trừ phi chính nó cũng có vẻ đẹp”. John Smith, người theo chủ nghĩa Plato (1618-1652), đã nói: “Cái điều khiến cho chúng ta có khả năng nhận thức và hiểu biết được đúng đắn các sự vật của Thượng đế, [điều đó] phải là nguyên lí sống động về sự thiêng liêng ở bên trong chúng ta”, chúng ta có thể bổ sung thêm vào câu nói này lời khẳng định của Saint Thomas Aquinas rằng: “Tri thức thu được trong chừng mực đối tượng nhận thức có ở bên trong người nhận thức”. Chúng ta đã thấy được rằng, theo một nghĩa nào đó, con người bao hàm bốn Trình độ Hiện hữu vĩ đại, cho nên ở mức độ nào đó có sự tương xưng hay “tình trạng bẩm sinh” giữa cấu trúc của con người và cấu trúc của thế giới. Đây chính là một ý tưởng từ thời cổ đại và thường được biểu đạt bằng cách gọi con người là một “tiểu Vũ trụ”, theo một cung cách nào đó “tương xứng” với “đại Vũ trụ” chính là thế giới. Con người là một hệ thống hóa-lí giống như phần còn lại của thế giới, và nó cũng sở hữu những sức mạnh vô hình và đầy huyền bí của sự sống, ý thức và tự-ý-thức, con người ghi nhận thấy ở nhiều hữu thể xung quanh nó một số thứ này hay tất cả chúng. Năm giác quan cơ thể của chúng ta khiến cho chúng ta “thích đáng tương xứng” với Trình độ Hiện hữu thấp nhất - vật thể bất động. Thế nhưng chúng cung cấp cho chúng ta không gì hơn là những dữ liệu cảm giác, để “hiểu được ý nghĩa” của những dữ liệu ấy chúng ta cần có những khả năng hay tài năng ở Cấp độ khác, chúng ta có thể gọi nó là “những giác quan trí tuệ”. Không có chúng thì chúng ta không thể nhận thức được hình dạng, khuôn mẫu, tính đều đặn quy củ, hài hòa, nhịp điệu và ý nghĩa, ấy là chưa nói đến sự sống, ý thức và tự-ý-thức. Trong khi các giác quan có thể được mô tả như tương đối thụ động, đơn thuần tiếp nhận bất cứ cái gì xảy ra, đi theo và phần nhiều bị kiểm soát bởi trí óc, còn các giác quan trí tuệ lại là trí óc trong hành động, sự sắc bén và phạm vi hoạt động của chúng là những phẩm tính của bản thân trí óc. Về mặt các giác quan thì tất cả mọi người khỏe mạnh đều có được thiên tư rất giống nhau, thế nhưng có lẽ chẳng có ai lại không nhận thấy sự thật rằng, có khác biệt rất nhiều trong sức mạnh và phạm vi hoạt động của trí óc con người. Cho nên thật không hiện thực chút nào nếu cứ cố xác định và vạch ra ranh giới các khả năng trí tuệ của “con người” như là thế - cứ tựa hồ như tất cả mọi người đều như nhau, giống như các động vật cùng giống loài. Các khả năng âm nhạc của Beethoven, ngay cả lúc bị điếc, là lớn hơn không sao so sánh được với các khả năng đó của tôi, và sự khác biệt không nằm ở thính giác, nó nằm ở trí óc. Một số người không có khả năng thấu đạt và đánh giá được một bản nhạc, không phải vì họ bị điếc, mà vì họ thiếu thích đáng tương xứng ở trong trí óc. Âm nhạc được thấu đạt bởi các sức mạnh trí tuệ mà một số người sở hữu được ở mức độ khiến cho họ có thể thấu đạt và ghi nhớ lại trong kí ức của họ toàn bộ một bản giao hưởng trong một lần nghe hoặc trong một lần đọc bản nhạc; trong khi đó những người khác có thiên tư quá yếu ớt nên chẳng thu nhận được chút nào, bất kể họ thường xuyên chăm chú nghe nó ra sao. Đối với những người được nói tới trước, bản giao hưởng cũng thật hiện thực y như đối với người nhạc sĩ sáng tác nó; đối với những người được nói tới sau thì lại chẳng hề có bản giao hưởng, nó chẳng phải gì khác mà chỉ là những tiếng ồn kế tiếp nhau ít nhiều êm tai, nhưng chẳng có ý nghĩa gì. Trí óc của những người kia thích đáng tương xứng với bản giao hưởng; còn trí óc của những người nọ là không thích đáng tương xứng, nên không có khả năng thừa nhận sự tồn tại của bản giao hưởng. Điều này cũng áp dụng được cho toàn bộ phạm vi các trải nghiệm con người trong khả thể và trên thực tế. Đối với mỗi người trong chúng ta chỉ có những sự kiện và hiện tượng nào là “tồn tại”, khi chúng ta sở hữu được khả năng thích đáng tương xứng, và chúng ta không có quyền giả định rằng, chúng ta nhất thiết thích đáng với mọi thứ và vào mọi thời điểm, và bất kể chúng ta có thể thấy mình ở vào điều kiện nào đi nữa, chúng ta cũng không có quyền quả quyết rằng, một thứ gì đó mà chúng ta không thể cảm nhận được là không hề tồn """