" Mở Mắt Trời Vẫn Xanh - Catherine Ryan Hyde & Kiệm (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mở Mắt Trời Vẫn Xanh - Catherine Ryan Hyde & Kiệm (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội] Ebooks Nhóm Zalo MỞ MẮT TRỜI VẪN XANH ———★——— Nguyên tác WHEN YOU WERE OLDER Tác giả CATHERINE RYAN HYDE Người dịch KIỆM Phát hành BÁCH VIỆT Xuất bản NXB LAO ĐỘNG ebook©vctvegroup 08-04-2020 Chương I SỤP ĐỔ 15 tháng 9 năm 2001 Đã bốn ngày từ khi tòa tháp đôi sụp đổ, tôi tỉnh dậy vào buổi sáng và thấy một gã khổng lồ đứng đó, ngay cuối giường. Tôi gần như hét lên theo một cách ẻo lả nhất, nhưng tất cả những gì thoát khỏi lồng ngực là sự im lặng. Không có tiếng thét nào cả. Tốt. Bởi nếu có thì sẽ làm cho tên khổng lồ kia sợ hãi và trốn tịt xuống gầm giường. Chỉ mất một hai giây để tôi nhận ra đó là ai. Và tồi tệ hơn, là tôi đang ở đâu. Rồi tôi thực hiện thói quen mới được hình thành của mình từ sau sự kiện 11/9, thường là sau một giấc ngủ ngắn vạ vật trong xe của ai đó: liệt kê lại những việc đã xảy ra trong đầu. Những điều đã mất, những điều đã thay đổi. Chẳng còn New York, chẳng còn nghề ngỗng, chẳng còn người mẹ nào nữa, chẳng còn bạn bè nào khi mà tất cả bọn họ đều ra đi cùng hai tòa tháp, tất cả mọi thứ tôi làm để mãi mãi rời bỏ Kansas, cuối cùng đều là vô nghĩa. Tôi quay về nơi khỉ ho cò gáy này, nơi mà tôi đã thề sẽ không bao giờ trở lại. Và mắc kẹt ở nơi đây. Những cơn ác mộng cứ tiếp diễn nhau một cách “trơn tru”. Mọi thứ tốt đẹp đều biến mất. Tôi lại ngước nhìn gã khổng lồ gầy gò, là anh tôi, Ben. Tôi cũng đoán trước mình sẽ chạm mặt anh, có điều… Tối qua khi tôi về tới nhà thì đã muộn - tất nhiên, muộn theo tiêu chuẩn của Ben - và lúc đó anh đã đi ngủ rồi. Anh vẫn không nhìn thẳng vào mắt người khác. Nhưng cũng không giả vờ bằng cách nhìn vào điểm giữa hai chân mày như dân kinh doanh vẫn làm. Mọi hành động của Ben đều không được bình thường cho lắm. Anh quay hẳn đầu đi và nhìn xuống đất theo một góc bốn mươi độ, mắt dán vào sàn nhà. Đấy. Một điều chẳng hề thay đổi. “Chào anh,” tôi nói. “Em phải đưa anh đi làm. Dậy đi.” Đó là những lời đầu tiên chúng tôi nói với nhau sau sáu năm. Tôi ngồi dậy, vẫn mặc chiếc quần đùi ngắn, chớp mắt. Tôi không được ngủ đủ giấc. Hoàn toàn không. Mắt giống như đang có bụi vậy, và dạ dày tôi thì gầm gào. “Em có xe không?” Ben hỏi. Tôi biết anh đang lo lắng. “Em không.” “Thế làm sao em chở anh đi làm được?” “Cô Jespers nói rằng em có thể dùng xe của mẹ.” “À.” “Nhưng cô ấy không biết mẹ để khóa ở đâu. Anh có biết không?” “Có,” Ben đáp. “Anh biết.” “Thế chỉ cho em đi?” “Ừ.” “Luôn đi. Luôn và ngay chứ?” “Mẹ để chìa khóa ở cái móc chỗ cửa trước ấy.” “Tốt.” Tôi nói, Có tiến bộ. Câu này thì tôi không nói ra. “Thế… ờm… anh có nhận ra em là ai không?” “Có,” Ben đáp. “Anh nhớ được em à?” “Ừ.” “Em là ai?” “Em của anh.” “Đúng rồi. Tốt. Anh nhớ tên em chứ?” “Ừ.” “Thế sao anh không nói tên em ra?” “Vì em không bảo anh phải nói. Chỉ hỏi xem anh có nhớ không thôi mà.” “Thực ra, ý em là, sao anh không nói. Anh thử nói xem nào?” “Rusty*.” Cái biệt danh cũ, lâu rồi, cứa vào lòng tôi như một thanh sắt lởm chởm. Lởm chởm, và tất nhiên là… gỉ sét. “Giờ em được gọi là Russell.” “Vì sao?” “Vì em lớn rồi.” “Anh phải đi làm. Anh phải ở chỗ làm lúc 7 giờ kém 15 phút. Không thể muộn được. Ông McCaskill sẽ không thích anh đi muộn.” “Hẳn rồi. Được thôi. Thì đi làm. Thế anh ăn chưa?” “Rồi.” “Ăn gì?” “Ngũ cốc.” “Anh dậy lúc nào thế?” “Từ lúc năm giờ.” “Em có nghe thấy chuông báo thức đâu.” “Anh không đặt. Cũng không cần. Sáng nào anh cũng dậy lúc năm giờ.” “Sao anh chưa vào xe?” Tôi hỏi, lên giọng một chút để anh nghe thấy, nhưng cũng cố gắng ghìm xuống một chút, tránh làm phiền hàng xóm. Chiếc Buick cũ của mẹ tôi bắt đầu khởi động. Tôi có thể cảm thấy thứ rung động đặc thù dưới mông. Không nhẹ nhàng lắm. Tôi mở cửa phía lái xe, trườn người ra ngoài và nói với Ben, đang đứng cạnh cửa ga-ra, nhất quyết không vào xe. “Đây không phải loại cửa tự đóng được,” Ben nói, giọng rất to, không quan tâm đến việc hàng xóm có đang ngủ hay không. Giọng anh có vẻ mất kiên nhẫn. Như thể tôi phải biết rõ việc đó. Như thể tất cả mọi người đều phải hiểu chuyện theo cái cách mà Ben nghĩ vậy. “Anh đợi ở cửa ga-ra cho đến khi mẹ lái xe ra. Rồi anh đóng cửa. Sau đó anh mới vào xe.” Tôi thở dài, cẩn thận lùi xe ra khỏi ga-ra. Tôi không lái xe nhiều năm rồi. Và thực ra là bằng lái của tôi còn hết hạn từ lâu. Nhưng bây giờ không phải lúc để nói đến những việc như thế. Ben ngồi vào ghế bên cạnh, vắt dây an toàn qua vai. Tôi lùi chiếc Buick của mẹ lần nữa. “Em không được ra đường lớn,” anh nói. Và trước khi tôi kịp hỏi là vì sao, thì đã được nghe câu trả lời, “Em không được ra đường lớn cho đến khi thắt dây an toàn.” Tôi gật lia lịa, rồi thắt dây an toàn vào. Đó là cách nhanh chóng nhất, đỡ căng thẳng nhất để giải quyết vấn đề. Tôi vừa lái vừa ghé mắt nhìn Ben. Cố gắng quan sát xem sau sáu năm, anh đã thay đổi bao nhiêu. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thứ tôi có thể thấy chỉ là anh trông già hơn thôi. Anh cao gần hai mét, tất nhiên tôi không trông đợi sẽ có thay đổi gì về điều này. Vẫn lêu nghêu, vẫn gầy gò, vẫn dài ngoằng, vẫn các cử động vụng về, tựa như một thứ ví dụ kỳ lạ nhất trên thế giới về một chú ngựa non; mặc dù bản thân Ben trông không còn trẻ nữa. Mái tóc nâu của anh cũng dài hơn và bù xù. Có thể chỉ đơn giản là anh chẳng chăm chút, nhưng mái tóc đó trông như một phong cách có chủ ý. Một kiểu tóc để tạo vẻ bất cần, lạnh lùng. Các cô gái trẻ tuổi thường sẽ thấy Ben thật cuốn hút. Đặc biệt là khi anh không nói gì và chỉ đứng yên một chỗ. Họ nghĩ rằng anh là kiểu bí ẩn, kín đáo một cách hấp dẫn, cho đến khi anh mở miệng. Họ sẽ ngay lập tức nhanh nhanh chóng chóng tránh xa anh, để quay lại với những việc quan trọng của mình. “Rẽ ở đây,” Ben nói. “Anh có quên gì không thế?” “Không.” “Em nghĩ anh có quên đấy.” “Là gì vậy?” “Anh quên nói với em là rẽ bên nào.” “Bên này,” anh nói, chỉ về bên phải. Mỗi con đường, mỗi tòa nhà mà chúng tôi đi qua, đều gợi lại những cảnh tượng thường xuất hiện trong cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi: đột nhiên tỉnh dậy và thấy mình lại ở cái thị trấn nhỏ bé đến mức đáng sợ này, nơi mà tôi bị cầm tù trong mười tám năm đầu đời. Tôi cố gắng nghĩ theo hướng đó. Đây là một giấc mơ tồi tệ. Sẽ dễ dàng và đỡ khó chịu hơn là chấp nhận việc trước mắt chính là thực tại. Giọng của Ben làm tôi giật mình. “Em muốn biết… à?” “Hả?” “Em muốn biết… điều gì đó đúng không?” “Ồ. Anh muốn nói gì hả. OK*. Nói đi.” “Có một thành phố lớn này. Có những tòa nhà rất to. Và ai đó đã lái máy bay. Đâm thẳng vào mấy cái tòa nhà đó. Ý anh là, hai cái máy bay. Và thế là chúng cháy. Chúng ở đây là mấy tòa nhà, không phải máy bay. Mà thực ra là cả hai.” “Em biết, anh ạ. Em đã ở đấy mà.” “Thế á? Nhưng em có bị cháy đâu.” “Em đứng đủ gần để thấy thôi, chứ không gần đến mức để bị cháy.” “Ồ,” Ben nói. “Em muốn biết… gì khác nữa không?” “Có.” Tôi nói, mặc dù không thực sự nghĩ vậy. “Em đã đi đâu thế?” Tôi hít một hơi, dài và sâu, rồi chầm chậm thở ra. Tôi biết sớm muộn gì anh cũng sẽ hỏi. Nhưng tôi đã nghĩ câu hỏi đầu tiên sẽ là về Mẹ. “Em đi học đại học. Anh biết mà.” “Ồ. Thế là em đã… gì ấy nhỉ? Khi mà hoàn thành ấy? Ở trường ấy.” “Tốt nghiệp.” “Ừ. Thế em đã tốt nghiệp chưa?” “Rồi.” “Khi nào thế?” “Cách đây hai năm.” “À.” Im lặng, có chút gượng gạo, chúng tôi đi qua hai khu nhà nữa. “Rồi sau đó em đến New York.” “New York! Đó là tên của cái thành phố lớn với những ngôi nhà cao tầng…” “Đúng rồi, anh ạ. Em biết mà.” “Em có muốn biết một thứ khác nữa không?” Anh không quan tâm đến việc tôi trả lời là muốn hay không. “Anh biết rất nhiều về việc đóng gói tạp hóa đấy nhé. Không dễ như người ta nghĩ đâu. Có rất nhiều thứ em phải biết. Như là em không nên để quá nhiều chai lọ thủy tinh cùng nhau bởi vì chúng có thể đụng vào nhau và vỡ. Và không để trứng ở đáy túi. Bánh mì cũng không để ở đáy. Hoa quả ở đáy thì có thể được, nếu là hoa quả cứng như dừa, chứ không phải loại mềm như là đào. Và mọi thứ phải cân bằng, nếu không người ta sẽ khó xách đi được. Đồ đạc cũng không thể quá nặng, không là đáy túi sẽ bị thủng. Anh cá là em không biết rằng việc đó cần nhiều kiến thức như thế.” “Chắc vậy.” Tôi nói, đột nhiên thấy thèm thuốc quá thể. Tôi đã không hút thuốc trong hơn bốn năm. Mà thậm chí lúc chứng kiến hai tòa tháp đôi đổ xuống tôi cũng không cảm thấy thèm thuốc như bây giờ. “Anh cá là anh biết nhiều hơn em.” Tôi thậm chí không hiểu là anh đang giận dỗi hay tự hào nữa. Hoặc là cả hai. “Chắc chắn rồi.” “Anh cá em không nghĩ rằng có bất kỳ thứ gì anh lại biết nhiều hơn em.” “Trước đây việc gì anh cũng biết rõ hơn em.” “Thế à? Anh không nhớ.” “Anh đã từng như vậy.” “Nhưng anh không nhớ. Kia rồi. Ngay kia. Siêu thị Gerson. Ngay góc kia rồi.” Tôi rẽ vào bãi đỗ xe. Dừng lại, chờ Ben ra ngoài. Nhưng có vẻ anh chẳng vội vã gì. Tôi ghé nhìn đồng hồ. Ben còn ba phút. Anh tháo dây an toàn, nhưng không có vẻ gì sẽ ra ngoài. “Này,” anh nói, “Muốn biết cái này không?” “Ừ.” Tôi đáp. Nhưng đã biết rằng mình sẽ không thích. “Khi nào thì mẹ về?” Phổi tôi tự dưng tràn đầy không khí. Bình thường thì vẫn có khí trong phổi thôi, nhưng trong trường hợp này, khả năng chứa khí của chúng làm tôi ngạc nhiên. Có thực sự phải làm việc này ngay trước khi Ben đi làm không? “Mẹ không về đâu.” Ben lắc đầu, “Mẹ luôn về mà.” “Nếu có thể thì mẹ đã về rồi. Nhưng không, bà không thể về nữa.” “Không đúng. Em không hiểu mẹ bằng anh. Mẹ luôn về. Anh chỉ muốn biết khi nào thôi.” Rồi anh nhảy ra khỏi xe, đóng cửa cái rầm sau lưng. Tôi nhìn anh di chuyển đôi chân lòng khòng về phía cửa, như kiểu đôi chân ấy hoàn toàn không thuộc về anh vậy. Tôi đã nhìn cái dáng đi ấy một thời gian rất dài trước khi đi học đại học, nhưng không bao giờ có thể quên được cách mà anh từng bước đi trước kia. Vô cùng bình tĩnh đến mức nguy hiểm. Một thứ nam châm thu hút những cô gái cũng như rắc rối. Và hồi đó thì những cô gái không bao giờ vội vã rời đi. Siêu thị chỉ mới bật một nửa số đèn. Rõ ràng là chưa mở cửa. Ben đập vào cánh cửa tự động vừa lúc một người phụ nữ đến. Cô mở cửa với một chiếc chìa khóa và kéo một cánh ra, vừa đủ để Ben lách người vào. Và tôi nghĩ. Đó là anh trai mình. Làm gì được chứ? * * * Tôi chậm chạp lái xe về nhà… Ngôi nhà mà tôi vẫn cương quyết không muốn gọi nó là tổ ấm… và tôi thấy đèn bếp sáng trong một cửa hàng bánh nhỏ ở góc đường. Không biết đã mở cửa hay chưa. Cửa hàng này mới mở. Hoặc, ít nhất là ít hơn sáu năm tuổi. Tôi khá chắc chắn rằng trước đây góc đấy từng là cửa hàng giặt khô. Tôi rẽ vào và đậu xe trước cửa. Con đường trống vắng một cách kỳ lạ khi đã gần bảy giờ sáng. Giống như trong những bộ phim giả tưởng cũ, khi bạn nhận ra rằng mình là người duy nhất còn sống. Chuyện gì đã xảy ra với cái quan niệm luôn phải dậy sớm của cái đất Kansas này vậy? Rất nhiều ca làm ở đây bắt đầu từ bảy giờ sáng thay vì chín giờ như ở các thành phố lớn. Nhưng nếu mọi người đã dậy thì chắc họ trốn ở chỗ nào hết rồi. Tôi đọc tên quán, cái tên được dán cẩn thận vào một trong những cửa sổ hướng ra đường. TIỆM BÁNH NAZIR. Không thể tiếp tục giữ cái ý nghĩ: chẳng có gì thay đổi ở nơi này được nữa. Cửa không đóng, nên tôi thò đầu vào. “Cửa hàng có mở không?” Tôi gọi. Một cô gái trẻ ló đầu ra khỏi căn bếp nhập nhoạng phía sau bàn thanh toán. Tóc đen, buộc gọn phía sau, nhưng không có lưới bao tóc hay mũ làm bếp. Đôi mắt đen, không phải nâu đen mà là đen nhánh, trừ khi ánh sáng ở đây làm sai lệch màu sắc đó. Áo phông trắng, với tay áo xắn lên tận vai. Cô trông thật nhỏ. Gầy và nhỏ. “Không hẳn,” cô đáp lại. Giọng miền khác, ở đâu thì tôi không biết. “Ở đây mở vào lúc bảy giờ. Nhưng… anh cần gì? Bánh phô mai tươi Đan Mạch vẫn trong lò, nhưng bánh rán thì xong rồi. Anh chỉ muốn cà phê với bánh vòng rán thôi phải không?” Đột nhiên tôi thèm một cốc cà phê với một chiếc bánh rán còn hơn cả muốn trốn khỏi thị trấn này như lúc bé. Hơn cả muốn một điếu thuốc khi nói chuyện với Ben. Đã bao ngày rồi tôi chưa tận hưởng một thú vui nhỏ nào, hay cảm thấy bất kỳ một cảm xúc gì. Đột nhiên cà phê và bánh rán lại tỏa sáng như một vùng đất hứa. Tôi sẽ phát điên lên vì thèm thuồng cho đến khi được nếm chúng. Tôi muốn nói rằng, Cô không biết tôi thèm chúng tới mức nào đâu, cà phê với bánh rán. Nhưng tôi không muốn cô gái kia nghĩ rằng mình là một thằng quái gở hay đại loại vậy. “Ừ, thế là ngon rồi,” tôi nói. Tôi đóng cánh cửa lại phía sau lưng và bước đến quầy. Tủ bày bánh vẫn chưa có bánh rán. Chúng vẫn nằm trên khay phía sau, cùng với cô. “Anh muốn dùng gì?” Cô hỏi. “Có bánh tráng kem đường, bánh xoắn, phủ đường bột, phủ quế… chưa có loại nhân mứt. Tôi chưa làm kịp.” Một lần nữa tôi cảm thấy khó nghe vì chất giọng lạ lạ của cô. “Thế có gì ngon nhỉ?” Tôi hỏi, cảm thấy mình “giỏi nói chuyện” như Ben vậy. “Cái gì cũng ngon. Nhưng bánh tráng kem đường vẫn đang nóng đấy. Ăn bánh rán còn nóng bao giờ cũng đặc biệt ngon miệng hơn.” “Cho tôi loại đấy đi.” Cô rút một tờ giấy ăn để lót tay và lấy ra một chiếc bánh, đặt lên một chiếc đĩa nhỏ cho tôi, với tờ giấy ăn vẫn cuốn quanh. “Anh tự lấy cà phê nhé. À, có cần đường với sữa không để tôi lấy?” “Không. Không cần đâu. Cà phê đen là được rồi. Cảm ơn. Bao tiền nhỉ?” “Tôi chưa bật máy đếm tiền. Anh có thể trả lúc nào ăn xong.” Thực sự thì tôi muốn cầm cà phê với bánh đi luôn. Nhưng vì không thể trả tiền trước bảy giờ, nên tôi ngồi lại. Tôi nhấp một ngụm cà phê. Đen, đắng, và mạnh, có vẻ như được làm từ một loại hạt nhập khẩu hảo hạng. Chắc chắn không phải loại cà phê thường được mua ở trạm xăng, thứ mà tôi vẫn dùng bao ngày tháng nay. Cắn một miếng bánh rán, và mắt tôi như lộn ngược vào trong, theo nghĩa đen, ngon đến mức như thế đấy. Tôi nhìn lên và bắt gặp ánh mắt cô thợ đang nhìn mình. “Cô vừa tạo ra một thứ ma thuật đấy,” tôi nói. “Chỉ là bánh vừa ra lò nên ngon hơn thôi mà.” Tôi ngồi im lặng trong một hai phút gì đó, mắt hướng ra ngoài cửa sổ, vài chiếc xe qua lại, nhưng có vẻ không nhiều. Tôi ăn uống ngấu nghiến, bánh rán với cà phê giống như một chiếc phao cứu sinh vậy. Như thể tôi là một người đang hấp hối mà vẫn nghĩ rằng, dù chỉ một chút ít ỏi thôi, mình vẫn tự cứu mình được. Rất nhanh chóng và dễ đoán, tôi “xử” gọn chiếc bánh và cốc cà phê. Và tôi muốn nữa. Tôi đứng dậy tự rót thêm cà phê cho mình. “Một cái nữa chứ?” Cô gái bán bánh hỏi. “Anh trông có vẻ đói.” “Được vậy thì tốt quá.” “Có mấy cái bánh nhân phô mai tươi kiểu Đan Mạch sắp xong rồi đây.” Tôi nhìn cô luồn tay vào chiếc găng nướng bánh dài và kéo một chiếc khay ra khỏi lò. Cô đặt chiếc khay lên bàn gỗ, dùng một chiếc muôi dẹt nhẹ nhàng đẩy chiếc bánh phô mai Đan Mạch to nhất, đẹp nhất lên trên. Tôi nhanh chóng đem chiếc đĩa giấy đến nhận bánh, để không lãng phí chút thời gian nào. “Cẩn thận,” cô nói. “Nóng đấy.” Tôi mang chiếc bánh về chỗ ngồi, ngắm nhìn cô thợ lấy một tảng bột lớn ra cắt, tay đưa dao nhanh thoăn thoắt thành những miếng nhỏ mà tôi cũng không hiểu là để làm gì. Tôi tự hỏi không biết có phải cô ít tuổi hơn tôi không, và nếu ít hơn thì là bao nhiêu. “Tôi mới thấy anh ở đây đấy,” cô nói, với chất giọng mà tôi vẫn không nhận ra là ở vùng nào. “Không, tôi ở đây lâu rồi. Sinh ra ở đây. Nhưng đi học đại học sáu năm trước và không về đây nữa.” “Cho đến giờ,” cô nói, nhìn lên trong khi vẫn làm. “Ừ, cho đến bây giờ.” Tôi không định nói thêm gì nữa trừ khi được hỏi. “Tại sao lại là bây giờ?” Cô hỏi sau một lúc. “Mẹ tôi mất.” “Ôi. Tôi xin lỗi. Đáng lẽ tôi không nên hỏi.” “Không, không sao đâu. Tôi đã tự hứa với mình là tôi không còn gì để làm ở đây nữa. Và tôi đã gây dựng một cuộc sống hoàn toàn mới cho mình đấy chứ. Rồi tất cả những điều đấy đều đột nhiên biến mất, và giờ tôi lại ở đây, bế tắc lắm.” “Tại sao lại bế tắc? Tại sao anh không thể đi tiếp, sau khi lo xong cho mẹ anh?” “Bởi vì người anh em của tôi cần được chăm sóc. Và không ai muốn làm việc đấy cả.” “Em anh nhỏ tuổi hơn anh nhiều lắm à?” “Không. Thực ra, đấy là anh tôi. Tôi nghĩ anh vừa tròn ba mươi. Trừ khi tôi tính sai một năm. À không, không sai. Hơn tôi sáu tuổi. Đúng rồi, đúng là vừa tròn ba mươi. Vừa tháng trước thôi.” Và tôi thậm chí còn không thèm gửi cho anh một tấm thiệp hai đô-la. “Nếu như đấy là anh của anh, thì… ồ!” Cô đột nhiên kêu lên. “Tôi biết anh là ai rồi. Anh là em của Ben.” Những thị trấn nhỏ đúng thật là nhỏ. Tuyệt. “Cô biết Ben à?” “Có, ai chả biết Ben. Chuyên gia gói đồ tại siêu thị Gerson. Anh ấy rất dễ thương. Ai cũng thích. Tôi có nghe kể về mẹ anh ấy. Cũng là mẹ của anh. Đó là một câu chuyện buồn. Bà ấy còn trẻ quá. Tôi rất lấy làm tiếc.” Tôi không biết phải nói gì nên đành im lặng. Tôi nhìn cô đặt từng khay bánh rán lên tủ bày. Nhưng ngay khi cô làm xong, tôi thấy có vẻ hơi ít bánh. Hơi ít so với một tiệm bánh ăn nên làm ra. Nhưng dựa vào lượng khách đến sau giờ mở cửa - một hai phút gì đó sau bảy giờ - thì đây không có vẻ gì là một tiệm đắt khách cả. “Anh trông không giống Ben,” cô nói, vẫn chăm chú vào việc đang làm. “Anh ấy rất cao. Còn anh thì trông rất...” “Bé?” “Tôi định nói là nhỏ người.” “Chúng tôi không phải anh em ruột, mà là anh em cùng mẹ khác cha.” Cô tựa đôi tay trần lên trên quầy kính trong suốt và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi tránh đi. Không hiểu tại sao mình làm vậy. “Tôi đã nghe một vài tin đồn về em của Ben, nhưng có thể đó chỉ là mấy lời đồn thổi trong một thị trấn nhỏ, và có khi cũng chẳng đúng.” “Mọi thứ đều có thể,” tôi nói. “Thế cô nghe người ta nói gì?” “Rằng anh làm việc ở tầng một trăm linh năm của một trong hai tòa Trung tâm Thương mại Thế giới, vậy nên tôi nghĩ rằng có thể là em của Ben đã mất rồi.” “Cái cuối thì không đúng rồi.” “Phần còn lại thì đúng chứ?” “Không. Tôi làm việc ở tầng một trăm linh tư.” “Thật á?” “Trong những ngày nhạy cảm này thì không ai đùa về vấn đề này đâu.” “Thế là anh không ở chỗ làm khi việc đấy xảy ra.” “Tôi đang định đi làm lúc đấy.” Tôi dừng lại một lúc, tính toán xem mình có thật sự sẵn sàng để tiếp tục câu chuyện này hay không. Cẩn trọng như thể đang dùng một cái que dò độ sâu kiểu cũ đo một bình xăng vậy. “Tôi đang cố gắng hết sức để ra khỏi nhà. Rồi điện thoại reo. Tôi thì đang muộn làm. Tôi đã định không nghe rồi. Gần như vậy. Nhưng vì lí do nào đó tôi dừng lại, nghe điện. Đó là ông hàng xóm cạnh nhà tôi. Gọi để nói với tôi về mẹ. Và rằng ông đang giúp Ben, nhưng ông không thể tiếp tục được nữa. Thế nên tôi gọi xin nghỉ làm và đặt vé máy bay. Tất nhiên là mọi chuyến bay đều bị hủy trước buổi trưa…” Tôi cẩn thận không nhìn cô khi nói mà nhìn xuống chiếc bánh phô mai Đan Mạch. Tôi chạm vào nó, nguội bớt rồi, ăn được rồi. Tôi lại ngấu nghiến, chỉ mất sáu miếng cắn là đã hết cái bánh. Ngon tuyệt vời. Xong xuôi, tôi ngước lên, cô vẫn tư thế đó nhìn tôi. “Vậy là mẹ anh đã cứu anh,” cô nói. “Không có chủ đích. Nhưng cũng đúng.” “Làm sao anh biết là không có chủ đích?” “Làm sao mà bà biết được.” “Làm sao anh biết được những thứ người ta biết chứ? Con người có thể làm tất cả mọi thứ nếu như có điều gì đó đủ quan trọng với họ. Nếu một người mẹ có thể nhấc nổi một chiếc ô tô để cứu con trai mình, thì mẹ anh cũng có thể qua đời đúng lúc chỉ để cứu con bà.” Tôi không muốn nói về mẹ. Ngắn gọn thì, tôi chưa thể chấp nhận được sự thật đó trong suốt bốn ngày vừa qua. Tôi vẫn đang ở trong giai đoạn đầu tiên của nỗi đau: từ chối chấp nhận. Mẹ tôi mất đi vẫn chỉ là do tôi đang mơ mà thôi. Một giấc mơ tồi tệ, một cơn ác mộng. Nhưng vẫn chỉ là một giấc mơ. “Cô thực sự nghĩ điều đó có thể xảy ra à?” Tôi hỏi, uống một ngụm lớn cạn cốc cà phê. Cô bước ra, và trong một giây phút tồi tệ tôi nghĩ rằng cô sẽ đi thẳng đến phía tôi. Rằng cô sẽ làm cử chỉ gì đó với tôi, cố gắng an ủi tôi. Một loại tương tác giữa người với người nào đó mà tôi không chịu được. Nhưng không, cô chỉ bật đèn lên ở khu khách ngồi. Tôi nheo mắt, giơ một tay lên che. “Xin lỗi,” cô nói. “Nhưng chẳng bao giờ biết được. Ở một thế giới như thế này, anh chẳng bao giờ biết chuyện gì có thể, chuyện gì không. Nên tôi nhận ra rằng, đừng nói rằng điều đó có thể, bởi vì ta không chắc. Nhưng cũng không thể nói là không thể, bởi ta cũng có biết được đâu.” Đột nhiên, tôi muốn rời khỏi đây quá. “Chỗ này hết bao nhiêu vậy?” “Tiệm đãi,” cô nói, bước trở lại phía sau quầy. “Thật á? Vì sao vậy?” “Bởi vì mẹ anh vừa mới qua đời, và anh từ New York về đây để chăm sóc anh trai Ben của anh. Nên tôi nghĩ rằng ít nhất ai đó có thể mời anh một cốc cà phê và thứ gì đó để ăn.” Tôi cảm ơn cô và chạy. Gần như là chạy. Tự hỏi không biết cô có nhận ra rằng đột nhiên tôi vô cùng muốn chạy đi. Tôi nhìn lại qua khung cửa sổ, cô vẫn đang nhìn tôi. Nhìn tôi rời khỏi nơi đấy. Tôi đọc tên tiệm bánh lần nữa - Nazir. Cái tên đấy và chất giọng của cô giải thích mọi thứ. Giải thích cho câu hỏi cô từ đâu đến. Giải thích cho việc tại sao không ai đến uống cà phê và ăn bánh vào buổi sáng hôm đấy. Tôi quay lại ghé đầu qua cửa. “Cô ở đâu?” Tôi hỏi. “Wichita.” “Ý tôi muốn hỏi cô là người gốc ở đâu cơ. Không phải là tôi soi mói hay gì đâu.” Đôi mắt đen của cô như xuyên cháy qua tôi. “Anh có để ý.” “Không phải theo hướng tiêu cực.” Cô lại nhìn xuống cái bàn gỗ. “Ai Cập,” cô nói. “Chúng tôi là người Ai Cập. Nhập tịch. Không phải là khủng bố.” Tôi không hỏi “chúng tôi” là gồm những ai. “Tôi xin lỗi. Tôi thực sự không có ý tọc mạch.” “Thế anh làm gì ở đấy?” Hoàn toàn không liên quan. Tôi ngớ người ra. “Tôi làm gì ở đâu cơ?” “Trên tầng một trăm linh tư của tòa Trung tâm Thương mại Thế giới.” “À. Cái đấy hả. Quảng cáo Hatcher, Swift & Dallaire. Đó là một công ty quảng cáo. À… Có lẽ phải nói nó đã từng là một công ty quảng cáo. Một công ty tốt. Tôi may mắn vì đã được làm ở đấy.” “Anh còn quá trẻ để làm một nhân viên quảng cáo ở New York đấy.” “Thế nên mới bảo là may mắn.” * * * Tôi lái xe về nhà với ý nghĩ rằng, ở New York, mọi người sẽ hiểu được sự khác biệt giữa một tên khủng bố và một người Ai Cập nhập tịch. Thậm chí còn có thể thông cảm nữa. Nhưng đây không phải New York. Tôi đoán rằng Tiệm bánh Nazir gặp vấn đề với khách hàng vào khoảng… à, khoảng bốn ngày. Trừ khi tiệm lúc nào cũng vắng khách như thế. Khi về nhà, tôi cuộn mình trên tấm thảm phòng khách. Theo đúng nghĩa đen. Tôi không nhớ mình vào phòng khách lúc nào. Lúc nhận ra thì đã thấy mình nằm đấy. Trên tấm thảm, cuộn tròn như đứa trẻ trong bụng mẹ. Tôi không nghĩ mình đã ngã xuống đó, bởi có đau đớn gì đâu. Có lẽ là tôi gục xuống đấy. Nhưng tôi chẳng nhớ gì cả. Lắc đầu, toát mồ hôi, và cuối cùng, tôi gục mặt xuống đầu gối, cổ họng thoát ra một tiếng gào từ trong sâu thẳm. Một tiếng gào như thắt chặt mọi thứ cơ bắp tồn tại trong cơ thể. Một phản ứng chậm. 14 tháng 9 năm 2001 Đã ba ngày kể từ khi hai tòa tháp đổ xuống, và tôi vừa cuốc bộ vừa giơ tay xin đi nhờ xe cũng được khoảng một tiếng đồng hồ rồi. Ý tôi là, tính từ lần đi nhờ xe gần nhất, chứ không phải toàn bộ thời gian. Nếu tính toàn bộ thời gian, có lẽ tôi phải đi nhờ xe được ba ngày rồi. Ba ngày trước, khi còn gần New York, ngón tay cái đưa ra đã giúp tôi được chào đón như một người dân sống sót sau trận chiến đầy danh dự, một trận chiến vô cùng hợp cách. Nhưng giờ tôi đang ở rất xa New York. Tôi chỉ còn khoảng năm dặm là về đến nhà. Đã gần chín giờ, trời đã tối. Người ta không thích cho đi nhờ xe khi trời tối, nhất là cho nam giới. Trời tối không cho phép họ nhìn kĩ mặt mũi của người khác. Một chiếc xe giống kiểu như Jeep hay Land Rover, cũ kĩ và cồng kềnh, chạy tới. Tôi quay lại khi nghe thấy tiếng động cơ đang tới gần, và giơ ngón tay cái ra. Đèn pha chiếu thẳng khiến tôi lóa mắt. Tôi nheo mắt và nhìn chiếc xe vọt qua không thèm chậm lại. Rồi chỉ sau có một tích tắc, tiếng phanh vang lên như một con quái vật đang trượt dài trên đường hòng hãm lại. Khi tôi đang không hiểu tại sao chiếc xe phanh gấp, thì người lái xe lùi lại nơi tôi đứng. Tôi chờ đợi, anh ta nghiêng người kéo chiếc cửa sổ cũ kỹ, lạc hậu xuống. “Rusty?” “Ồ.” Tôi đáp. “Là cậu à, Larry.” Larry Del Veccio là bạn cùng trường trung học với tôi. Có vẻ như đây là một sự trùng hợp tuyệt vời. Nhưng trong một thị trấn chỉ có 2.250 dân, thì cũng chẳng đáng ngạc nhiên cho lắm. “Giờ tôi được gọi là Russell,” tôi đáp. Hoàn toàn chẳng để làm gì. “Xin lỗi vì mấy cái đèn pha. Tôi để mức sáng nhất vì chế độ đèn trung bình hỏng rồi. Vào đi. Về nhà, đúng không?” “Tôi về… ừ. Về… vẫn cái nhà đấy đấy. Nhà mẹ tôi. Cậu biết rồi đấy.” Tôi không muốn gọi nó là nhà mình, theo nghĩa tổ ấm. “Vào đi.” Tôi thấy mình đờ đẫn đẩy chiếc ba lô đeo kềnh càng ra ghế sau, như thể đang quan sát bản thân qua cặp mắt của ai đó. Cơn buồn ngủ lập tức ập đến. “Rất tiếc về chuyện của mẹ cậu,” Larry nói trong khi rồ ga con quái vật to lớn của cậu ta để quay về đường cao tốc. “Cảm ơn.” “Chẳng ai ngờ được cả.” “Ừ.” “Bà ấy còn trẻ quá. Trông còn khá là trẻ.” “Bà năm mươi tư tuổi.” “Thế là trẻ mà. Ý tôi là, mấy ai qua đời ở tuổi đó đâu.” “Ừ.” Larry lấy trong túi áo ra một bao Marlboro và châm lửa bằng chiếc bật lửa du lịch. Tôi nghĩ rằng cậu đang cố gắng tỏ ra bận rộn. Cuộc nói chuyện với tôi khiến cậu thấy gượng gạo. “Vince và tôi có qua gặp Ben,” Larry nói, cố gắng bắt chuyện lần nữa. “Cậu thật tốt. Anh ấy thế nào?” “Tôi không biết nữa. Có lẽ là vẫn thế.” “Thế anh ấy có hiểu nổi không? Về mẹ của bọn tôi ấy?” “Với Ben thì khó nói lắm. Nếu anh ấy hiểu, thì có lẽ là do bọn tôi không thấy được điều đó. Mà, này. Cậu đã ở New York, đúng không? Người ta bảo là cậu ở New York. Rằng cậu làm việc trong tòa Trung tâm Thương mại Thế giới, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là tin đồn nhảm ở những thị trấn nhỏ như thế này thôi.” “Không, thật đấy. Mặc dù chỉ đúng trong quá khứ. Tôi đã làm việc ở đấy. Còn giờ thì không ai làm việc ở trong đấy nữa ngoại trừ mấy tay chuyên gia điều tra và đội cứu hỏa. Tất nhiên là tùy thuộc vào việc cậu định nghĩa ‘trong đấy’ là như thế nào.” “Ừ. Tôi biết mà. Thế… cậu ở đâu, khi chuyện xảy ra?” “Ở nhà. Lúc đấy đang bị muộn làm, vừa mới ra khỏi nhà thôi.” “Ồ. Thế là đáng lẽ cậu đã…” “Ừ. Đáng lẽ là thế. Nhưng, may là tôi không sao.” “Thế, cậu có nghe thấy tiếng gì không, qua ti vi hay thế nào đó…?” “Tôi sống ngay bờ bên kia sông, phía hạ Manhattan. Tôi đã thấy toàn bộ.” “Cậu thấy toàn bộ cơ à?” Tôi không trả lời. Không phải vì tôi quyết định sẽ không trả lời, mà là không biết nói gì. Thay vào đó tôi nhìn Larry dí chiếc bật lửa vào cuối mẩu thuốc, bật lên, và cố gắng bập môi vài cái cho đến khi mẩu thuốc cháy lại. Cậu ta mở cửa sổ để nhả khói. “Thế cậu thấy thế nào?” Larry hỏi. Và tôi nghĩ, khốn nạn. Giờ là khóa điều trị tâm lý à? Nghĩ bụng, Mày thật sự cần một câu trả lời à? Mày nghĩ tao có thể nói là tuyệt vời lắm à? Tao chứng kiến vụ khủng bố và nói tuyệt vời? Rồi tôi nhận ra rằng tất cả chỉ là do mình đang quá mệt mỏi, không phải lỗi của Larry. Nên tôi không nói gì. Larry kéo một hơi dài điếu Marlboro đang tại vị giữa hai đầu ngón tay của cậu. “Chúa ơi,” cậu nói. “Chắc phải kinh khủng lắm.” “Này. Tôi xin lỗi. Nhưng tôi mệt quá rồi. Mấy ngày không ngủ liền. Ý tôi là, tôi có ngủ một hai tiếng gì đó, nhưng hầu như là thức trắng. Rong ruổi suốt ngày đêm. Bọn mình sẽ gặp lại nhau mà. Lúc đấy kể chuyện sau. Giờ tôi chỉ cần được ngủ một lúc thôi.” “Sớm thì mới được. Tôi sắp đi rồi.” “Đi đâu…?” “Không biết. Chưa có quyết định. Tôi là Vệ binh quốc gia, được sáu năm rồi. Gần bằng quãng thời gian cậu đi. Bọn tôi đã chuẩn bị trong sáu năm trời. Ba người từ Norville: tôi và Paul Kager, và Vince Buck. Cậu nhớ mấy thằng đấy, đúng không? Bộ ba Vệ binh quốc gia. Bọn tôi sẽ là lứa đầu tiên ra chiến trường. Tôi nghĩ họ sẽ phòng thủ một vài trọng điểm ở Mỹ trước. Nhưng nếu có chiến tranh thì Vệ binh sẽ là đám đầu tiên có mặt ở chiến trường. Cậu biết đấy, ở Afghanistan. Tôi hi vọng là thế. Tôi muốn cho chúng biết hậu quả của việc chúng đã làm.” “Nghe có vẻ vô nghĩa,” tôi nói. Không phải là về chuyện phòng thủ. Mà là về việc “cho chúng biết hậu quả”. Thực sự thì tôi không muốn nói. Không muốn nói bất kỳ thứ gì. Lúc đấy tôi chỉ nghĩ vậy thôi, chỉ nghĩ trong đầu thôi. Nhưng rồi suy nghĩ lại bật ra thành tiếng. “Hả?” Larry hỏi. “Nói gì?” Rõ ràng rằng, với cách mà cậu ấy hỏi, cậu ấy đã nghe rõ thứ tôi vừa buột miệng. “Ôi, khốn kiếp, Larry. Tôi xin lỗi. Bây giờ tôi đang giống như một thây ma ấy. Tôi không biết mình đang nói gì nữa.” Một khoảng lặng dài. Và tôi cảm thấy bàn tay của cậu vỗ nhẹ lên vai mình. “Ừ, rồi. Giờ, ta về nhà thôi.” Tôi nhìn lên và thấy cậu rẽ vào lối vào của căn nhà mà tôi đã từng sống trong mười tám năm. Từ ngày tôi về đây từ nhà hộ sinh cho đến ngày tôi đi học đại học, chắc mẩm trong trái tim rằng tôi sẽ rời cái nơi khỉ ho cò gáy này để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, không bao giờ phải quay trở lại. Tôi vẫn cương quyết không muốn gọi nó là nhà. * * * Ngay lập tức tôi sang nhà Jespers, hàng xóm với nhà tôi, vì nghĩ Ben đang ở với họ. Tôi đứng trước thềm cùng chiếc túi quá khổ ngay cạnh chân, gõ cửa, đoán là Phil sẽ ra trả lời. Nhưng thay vào đó là vợ ông, Patty. Cô trông tàn tạ, chưa nói đến việc đã già hơn sáu tuổi so với lần cuối tôi gặp. Mái tóc dài chưa được chải, và cô dùng tay vén tóc lòa xòa trước mặt. Tôi khá chắc là tôi thấy những sợi bạc mà trước đây không có. “Ôi, Chúa ơi,” cô nói. “Ôi, ơn Chúa, cháu không sao cả.” “Vâng. Cháu xin lỗi vì mất thời gian quá mới về được đây.” “Trời ơi, không phải lỗi của cháu.” Cô tiến tới và ôm chặt tôi thắm thiết mà tôi sẽ thấy hạnh phúc hơn nếu thoát ra được. “Ý cô là, không có máy bay. Và thậm chí mấy chỗ cho thuê xe cũng hết xe ấy.” “Vâng. Cháu cũng nghe bảo vậy. Từ tất cả những công ty cho thuê xe mà cháu gọi.” “Trời ơi, thật nhẹ nhõm làm sao khi gặp cháu. Và, trước tiên, trước khi cô nói thêm bất kỳ cái gì, cô rất, rất tiếc về việc của mẹ cháu. Tội nghiệp cháu, cháu chắc phải đau lòng lắm. Cô không muốn nói điều này, nhưng… xin đừng hiểu nhầm cô chú, cháu à… ai cũng yêu quý Ben. Không bao giờ cô chú để cậu ấy một mình, cho dù chỉ là dăm ba ngày gì đó. Nhưng, thực sự, cháu à, cô chú không biết làm cách nào. Thực sự cô chú không đủ kiên nhẫn. Không đủ. Cô chú đã nuôi hai đứa trẻ lớn lên rồi, và thế là quá đủ cho những câu kiểu ‘Đến đấy chưa?’ rồi.” “Vâng. Thế Mark dạo này thế nào ạ?” Một trong những gã mà tôi học trung học cùng, chưa kể là còn bằng tuổi và là hàng xóm của nhau trong mười tám năm. “À, khỏe, nhưng giờ nó đang đòi đi nhập ngũ. Cô đang muốn vặn cổ nó đây.” “Khắp nơi người ta đều muốn làm vậy mà,” tôi nói. “Ừ, cô nghĩ là người ta biết rằng cần phải làm điều gì đó.” Và tôi nhận ra rằng mình không còn chút sức lực nào để tán gẫu nữa. Mặc dù chủ đề vừa rồi là do tôi gợi ra. Phải cẩn thận hơn mới được. “Nhưng… còn Ben. Cô có nói với anh ấy về…” “À, chắc chắn rồi, cháu à. Cô chú nói với nó tất cả mọi thứ, theo cách tử tế nhất có thể, cô chú thậm chí còn đưa nó đến bác sĩ của mẹ cháu để ông ấy có thể giải thích cho Ben về bệnh phình động mạch chủ. Và trên đường về nó hỏi, phải đến lần thứ một trăm rồi, là khi nào mẹ nó về. Cô chú thật sự không thể… trời, cô chú chỉ là không thể chịu nổi nữa.” “Thế bảo anh ấy ra đây vậy.” “À, nó không ở đây.” “Anh ấy không ở đây á?” Ông Jespers nói là… “Cô chú cố gắng hết sức rồi, Chúa biết là cô chú đã cố gắng như thế nào. Nhưng cháu biết anh cháu rồi đấy. Mọi thứ phải đo ni đóng giày. Phải đúng như cách nó làm hàng ngày. Nên cô chú để nó về nhà ngủ trên giường của nó, và mấy đêm trước chú Phil cũng ngủ trên sô pha đằng nhà cháu, để nếu như nó cần cái gì buổi đêm, hay là sợ hãi gì đó. Nhưng tối nay thì cô chú biết, từ khi cháu gọi, là cháu sẽ về sớm thôi. Ben ngủ lúc tám giờ. Tối nào cũng như tối nào. Tám giờ. Không sớm hơn một phút. Không muộn hơn một phút. À chờ đã, để cô lấy cho cháu chìa khóa.” Và rồi dáng cô biến mất sau cánh cửa, tôi đứng đó, hơi run run. Tôi nhìn lên cái đèn treo chống bọ vàng vọt và nheo mắt lại. Quá mệt mỏi nên trong một giây phút, tôi mất cảm giác với tất cả mọi thứ xung quanh. Mọi thứ trở nên trắng xóa, theo cái cách mà chỉ tích tắc sau là bạn sẽ mất hết ý thức. Một phần trong tôi ước gì cô không quay lại, bởi tôi không còn chút sức lực nào để đợi cô nữa. Nhưng điều đó sẽ thật ngu xuẩn làm sao. Tôi cần chìa khóa để vào nhà. Một lúc sau cô chạy ra, nhấn chiếc chìa khóa vào tay tôi. “Cháu sẽ phải đưa nó đi làm buổi sáng đấy. Nó đi làm sớm lắm.” “Ben có việc làm cơ à?” “Ồ, có chứ. Có chứ, cháu à. Cháu không biết sao? Ben đã làm việc gói đồ trong siêu thị gần hai năm rưỡi rồi. Mọi việc đều rất ổn. Ai cũng thích nó. Nhưng sẽ cần ai đó đưa đón nó. Nó không đi xe buýt được. Mẹ cháu đã thử dạy nó đi xe buýt, nhưng nó lạc suốt. Lần nào cũng như lần nào. Có lần mẹ cháu mất nửa ngày để tìm được nó, mặc dù cả thị trấn đều biết chuyện và đổ đi tìm giúp.” Đứa con cả của mẹ có một công việc gói đồ, ngay lúc “cục cưng” còn lại của bà có việc làm tại một trong những công ty quảng cáo tốt nhất New York. Với những gì tôi biết về tình trạng của Ben thì điều này quả thật kỳ lạ. Tôi cần phải thoát khỏi cuộc trò chuyện này. Tôi cần phải ngủ. “Nhưng cháu không có xe.” “Dùng xe của mẹ cháu ấy.” “Ồ. Đúng rồi. Thế cô biết mẹ cháu để chìa khóa ở đâu không?” “Không, cô không biết. Xin lỗi cháu. Nhưng chắc là Ben biết đấy.” Hẳn rồi. Hãy trông chờ vào điều đấy. “Vâng, thế chúc cô chú ngủ ngon,” tôi nói. “Cháu cảm ơn vì đã chăm anh ấy.” “Thực sự là việc không đặng thì đừng, cháu à, nhưng ơn Chúa cháu về nhà rồi. Cô chỉ có thể nói vậy được thôi. Chú Phil với cô quá già để có thể trông nom Ben rồi. Cô nghĩ cháu sẽ làm tốt hơn đấy, vì cháu còn trẻ. Chúc cháu may mắn.” “Vâng, cảm ơn cô,” tôi nói. “Cháu sẽ cần chút may mắn đấy.” Câu đấy thì tôi không đáp lại. Tôi đi tắt qua thảm cỏ về ngôi nhà tuổi thơ, nghĩ rằng, Cô không nghĩ là cái câu cuối đấy đáng lẽ ra không cần phải nói à? * * * Đèn trong nhà đã tắt, nhưng khi tôi mở cửa chính bằng chìa khóa rồi bước vào phòng khách, tôi có thể nhìn thấy mọi thứ rõ ràng. Quá rõ ràng. Căn phòng tràn ngập một thứ ánh sáng mờ ảo. Trong cái trạng thái nửa tỉnh nửa mê của tôi, trông như thể một thế lực siêu nhiên nào đó đã tạo ra cảnh đấy. Nhưng cũng không mất quá nhiều thời gian để nhận ra rằng phòng nào cũng có đèn mờ. Tôi bước đến bệ lò sưởi trước, để ngắm những bức ảnh. Bố mẹ trong đám cưới. Bố mẹ, Ben và tôi, hồi bốn năm tuổi gì đó. Tôi nhìn thấy sự tập trung chăm chú trong mắt Ben, nơi một tia thách thức và nghịch ngợm lóe lên. Tám năm đầu đời tôi biết Ben là như thế. Rồi sau đó tôi sống với Ben “mới” trong mười năm tiếp. Tôi tự hỏi không biết mình sẽ gặp ai vào sáng mai, mặc dù thứ minh mẫn sót lại trong đầu cho biết rõ ràng rằng tôi sẽ gặp Ben nào. Rồi một bức ảnh tôi thắng cuộc thi điền kinh toàn bang hồi trung học, và Ben năm mười hai tuổi, đang giữ trong tay một con cá hồi dài hai mươi inch trong một chiếc xuồng chòng chành (trong ảnh thì không chòng chành, nhưng tôi nhớ là vậy) trên hồ Council Grove. Tôi nhìn lại ảnh bố mẹ, và một ý nghĩ kỳ lạ, khó chịu ập đến. Tôi mồ côi rồi. Tôi lắc đầu. Mồ côi là để chỉ những đứa trẻ bơ vơ, những đứa trẻ còn phải phụ thuộc vào ai đó. Tôi đã trưởng thành, trưởng thành và mất cả cha lẫn mẹ. Rất nhiều người trưởng thành cũng thế, nhưng phần lớn họ lại nhiều tuổi hơn tôi. Kỳ lạ là, cái chuỗi suy nghĩ đó không khiến mắt tôi cảm thấy cay cay. Nhưng điều tiếp theo thì có. Tôi nhìn vào chiếc lò sưởi, đột nhiên một mảnh ký ức về làng Giáng Sinh trang trí của gia đình tôi hiện về. Năm nào mẹ cũng bỏ hết ảnh và đồ lặt vặt xuống, làm làng Giáng Sinh bằng cách treo lên những món trang trí được cất đi cả năm trên gác mái, chỉ chực chờ dịp nghỉ lễ là tỏa sáng. Mẹ dùng hàng chồng sách làm những ngọn đồi nhỏ, rồi phủ chúng bằng lưới thép mỏng cùng mền bông. Những ngôi nhà tí hon có lỗ ở phía sau để gắn đèn Giáng Sinh, chúng sẽ ngự trị và tỏa sáng trên những ngọn đồi nhỏ. Một chiếc xe trượt tuyết ngựa kéo nhỏ sẽ dành cả mùa đi từ đỉnh đồi bông xuống hồ bằng kính mà nó không bao giờ tới được. Trên mặt hồ, một chú chồn nhỏ bằng sứ đang trượt băng, cùng một gia đình hươu, cao tầm một inch, đang uống nước bạc. Và đó là lúc tôi gần như òa lên. Nhưng lại cố gắng kìm lại. Tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị cho những cảm xúc như thế. Chúng sẽ làm tôi sụp đổ và tôi sẽ không gượng dậy nổi. Có thể sẽ gục ngã mãi mãi. Tôi cần phải nghỉ ngơi và phải đủ mạnh để chống lại những xúc cảm này. Tôi lững thững bước về phía nhà bếp cũng đang tỏa ra thứ ánh sáng nhờ nhờ, hòng tìm thứ gì lót bụng. Và rồi chúng lại đến một lần nữa, những cảm xúc ấy. Trên cánh tủ lạnh, là những miếng nam châm hình đồ ăn (một bắp ngô, một quả dâu, một củ cà rốt, một cây kem ốc quế, một quả chuối), giữ năm tấm bưu thiếp tôi gửi cho mẹ từ New York. Ban đầu, tôi chỉ chú ý đến sự tẻ nhạt và thiếu sáng tạo của chúng. Tòa nhà Empire State, trung tâm Rockefeller, tượng Nữ thần Tự do, cầu Brooklyn. Tôi đã cẩu thả và qua loa đến thế khi chọn những thứ này à? Hoặc là tôi đã nghĩ rằng những lựa chọn đấy có vẻ sẽ phù hợp với nơi này, cái nơi chán nhất thế giới trong mắt tôi. Và giờ tôi đứng ở cái đáy của thế giới ấy, cùng những tấm thiệp trông thật thảm hại. Tấm bưu thiếp thứ năm là bức ảnh tòa Trung tâm Thương mại Thế giới. Tháp đôi. Một luồng điện xẹt qua người tôi. Nó lăn tăn dưới da hàng giây, rồi theo một cách ma quái và chậm chạp, biến mất dần. Tôi lấy tay tách tấm bưu thiếp khỏi cửa tủ lạnh, làm rơi miếng nam châm hình kem ốc quế lên tấm vải phủ bếp. Tôi cúi nhặt, cảm thấy cơn chóng mặt thoảng qua, và gắn lại tấm bưu thiếp lên trên cánh tủ, quay mặt có ảnh vào trong. Để tôi không nhìn thấy tòa tháp nữa. Tất nhiên, lời nhắn sẽ lộ ra với vị trí như vậy. Ngày 30 tháng 4 năm 1999. “Mẹ,” trên đấy viết, “đây là công việc cả đời con mơ ước. Con đang ở trên đỉnh thế giới. Chúc con may mắn nhé mẹ. Yêu mẹ, Rusty.” Rusty? Tại sao tôi lại ký là Rusty cơ chứ? Tôi phải bỏ cái tên đấy đằng sau khi đi học đại học rồi chứ nhỉ. Thật đáng ngạc nhiên là, đó không hẳn là điều mà tôi muốn chỉ ra. Ngược lại thì đúng hơn. Một sự tréo ngoe không tưởng. Tôi gửi những tấm bưu thiếp đó từ nơi mà tôi coi là thế giới đích thực, thứ thế giới duy nhất quan trọng với tôi, và chỉ đơn thuần là tôi ném đám bưu thiếp đó xuống một vực sâu không đáy. Như thể địa chỉ trên những tấm bưu thiếp đó không hề tồn tại, hoặc ít nhất, không hoàn toàn có thật. Có thể đó là lý do vì sao tôi ký “Rusty”. Đã là thế giới tưởng tượng, thì quan trọng gì cơ chứ? Và giờ đây tôi đang đứng ở cái vực sâu không đáy đấy. Tệ hơn là nơi này đem đến cái cảm giác quá thực. Còn cái nơi mà tôi tin tưởng bằng tất cả sự thành kính, đầu tư tất cả sức lực, đã sụp đổ như một tòa tháp dựng từ những lá bài. Tôi lắc đầu một chút, cố gắng gạt đi bất kì thứ ý nghĩ và cảm xúc lạc điệu nào để tự nhủ rằng, mình sẽ tốt hơn thôi nếu ăn gì đó. Ngạc nhiên thay, tủ đầy thức ăn. Đủ các loại nồi khác nhau, một ít được bọc giấy nhôm, số khác là bọc ni lông, số khác thì lại được đậy bằng nắp nhựa Pyrex cùng loại với hộp. Và đồ nhựa nữa. Rất nhiều dao muỗng và đĩa nhựa. Rồi tôi nhận ra mình không nên ngạc nhiên. Gia đình, bạn bè, hàng xóm, đã mang thức ăn cho Ben. Chắc chắn rồi. Người ta thường làm thế với những gia đình có người mất, dù cần hay không. Kể cả khi những con người đau buồn còn lại không phải một người như Ben. Tôi lục lọi qua đống đồ ăn và chọn cho mình một hộp mỳ với thịt nghiền và sốt giống như kem. Nhìn nó giống như một món bò nấu kiểu Nga đích thực, khác xa so với bất cứ thứ gì mua ở những siêu thị nhỏ cạnh trạm xăng. Tôi đun nóng một ít trong lò vi sóng. Nhưng chỉ ăn được hai, ba miếng. Nó có vị như đồ hộp hỗn hợp. Nước sốt thì giống loại chất hóa học nào đó. Như bơ và sữa trộn vào nhau đi kèm với hương vị nhân tạo. Nhưng đó chưa phải là phần tệ nhất. Nó có vị rất quen thuộc. Có vị như tuổi thơ của tôi. Như quá khứ của tôi. Tôi đổ hết phần còn lại vào sọt rác và ném chiếc đĩa vào bồn rửa. Rồi tôi đi thẳng đến phòng ngủ cũ của mình, giờ đây là phòng xem ti vi, với hai chiếc ghế dựa cùng máy khâu của mẹ trên cái bàn ở góc. Nhưng hộp trưng bày thành tích của tôi thì vẫn ở đó, với tất cả những danh hiệu điền kinh được phô ra. Cửa đến phòng của Ben đang đóng, nhưng một chút ánh sáng lọt ra dưới khe cửa cho tôi biết rằng đèn ngủ phòng anh sáng nhất nhà. Có thể là sáng hơn tất cả những bóng đèn trong nhà hợp lại. Tôi không mở cửa mà để yên cho Ben ngủ. Tôi lại bước vào phòng mẹ, dù biết mình không muốn ngủ ở đó, đồng thời cũng ý thức rằng nhà chẳng còn chỗ nào ngủ được ngoài nơi này. Tôi lôi từ trong ba lô ra đôi giày chạy, đồ lót sạch, và quần áo bẩn sau chặng đường dài. Tôi dùng phòng tắm của mẹ, chiếc bồn tắm khổng lồ làm tôi quyết định tắm táp bây giờ là tuyệt vời nhất. Rồi cứ thế xả nước. Sâu, và nóng. Tôi đặt người xuống bồn tắm, mắt nhắm lại. Thở dài. Thứ tiếp theo tôi nhận ra là mình bật dậy khỏi bồn tắm, vội vã hít thở, nhổ nước ra khỏi mồm, khỏi mũi. Thật quá nguy hiểm. Tôi quá buồn ngủ để có thể tắm tử tế. Tôi đành lau khô người và mặc quần đùi vào. Một chiếc áo phông sẽ là chuẩn nhất để mặc đi ngủ, nhưng không còn cái nào sạch cả. Tôi hít sâu vào và nằm lên giường của mẹ. Nơi mà trước đây tôi không được phép lên. Trừ khi gặp ác mộng. Và trong đầu mình, tôi nói với mẹ, thầm lặng, rằng có lẽ tình cảnh bây giờ cũng chẳng khác là bao. 13 tháng 9 năm 2001 Hai ngày sau vụ khủng bố, tôi đi nhờ được một xe lúc hơn năm rưỡi một chút. Tôi biết là đang trên đường xuyên bang số 70, phía tây thành phố Indianapolis, nhưng không rõ còn ở trong bang Indiana hay đã đi tới Illinois từ đêm qua rồi. Có rất nhiều thứ bí ẩn trong màn đêm. Có thể đó là lý do vì sao nhiều người sợ thứ ánh sáng từ mấy chiếc xe ngược chiều tiến đến. “Tôi thường không cho đi nhờ đâu,” người lái xe nói, thậm chí trước khi tôi được phép vào xe. Ông khoảng sáu mươi, mái tóc có lẽ trước kia có màu vàng, hoặc xám, hoặc cả hai, cắt theo kiểu cổ điển có phần cũ kĩ. Ông mặc một chiếc áo len da cam không thể sáng hơn. “Nhưng tôi biết người ta đang khó mà đi đâu được. Đi về nhà chẳng hạn. Có phải cậu cũng thế không?” “Vâng, thưa chú, đúng thế. Cháu đang cố gắng từ New York về Kansas, nhà có đám tang, và cháu đã đặt vé máy bay, nhưng… chú biết đấy.” “Thế thì vào đi.” Ông nói. Chúng tôi ngồi trong im lặng hồi lâu. Bao lâu thì có lẽ tôi khó mà nói được. Có thể là mười phút, cũng có thể đã nửa tiếng. Thậm chí có khi tôi ngủ gục một lúc ngắn nào đó mà không biết. “Chỗ nào ở Kansas?” Người lái xe đột nhiên hỏi, làm tôi giật mình. “Thị trấn khỉ-ho-cò-gáy,” tôi nói, quên béng mất là không nên nói từ đó. Quên mất rằng một vài thứ chỉ nên giữ trong đầu. “Cháu xin lỗi. Ý cháu là Norville. Thị trấn Norville ở Kansas.” “Tôi tự hỏi…” “Hồi còn trẻ con, chúng cháu luôn gọi nó là thị trấn khỉ-ho-cò-gáy. Chú biết đấy. Nghe gần giống nhau mà*. Không thể cưỡng lại được.” Ông không nói gì, mặc dù tôi đoán rằng trước kia lúc còn trẻ ông là người có thể cưỡng lại những điều như thế. Nhưng ông chỉ bảo, “Tôi chưa bao giờ nghe đến Norville ở Kansas cả”. “Vâng, có nghĩa là điều cháu nói đúng rồi đấy.” Lại một khoảng lặng dài nữa. Đủ dài để đẩy tôi lại trạng thái bị con đường thẳng tắp trước mặt thôi miên. “Khó khăn đấy nhỉ,” người đàn ông đứng tuổi nói, làm tôi giật mình lần nữa. “Khi lại có một đám tang đúng lúc xảy ra những chuyện này. Ai đó thân thiết với cậu à?” “Mẹ cháu.” “Trời ạ. Xin lỗi vì tôi đã hỏi.” “Không sao đâu ạ. Cũng đúng mà, thời điểm thật tệ. Đặc biệt là khi gần như tất cả mọi người cháu biết đều ở một trong hai tòa tháp đấy.” Người lái xe có vẻ nghĩ ngợi nhiều về điều tôi vừa nói. Như thể đang nghi ngờ độ chính xác của nó. “Tòa nào vậy?” Ông hỏi, một câu hỏi thật lạ. “Tòa phía bắc. Tòa Trung tâm Thương mại số Một.” “Có ai cậu quen còn sống không?” “Chỉ một người. Chú ấy cũng như cháu, đi muộn. Văn phòng của cháu ngay trên… ờm… mấy tầng bị đâm thẳng vào. Trên đài nói rằng họ không tìm được ai sống sót phía trên khu vực bị đâm.” Thú vị thật. Thú vị ở chỗ là tôi nói về nó như thể tôi đang mô tả về câu chuyện trong phim tôi vừa xem hai ngày trước vậy. Chúng tôi lại không nói gì trong vài phút. Ngoài cửa sổ, ánh sao mờ dần, và những tia nắng đầu tiên của bình minh đang phản chiếu qua gương, về phía tây, ngay sau lưng chúng tôi. Điện thoại tôi đổ chuông, và cảm giác giống như ai đó vừa thả một thứ vô cùng nặng vào trong dạ dày của tôi từ trên cao, rất cao vậy. Có thể là một tảng bê tông, hoặc là một cái đe. Đừng, đừng là Kerry, tôi nghĩ. Tôi nhìn vào màn hình. Là Kerry. “Chú không phiền nếu cháu nghe điện thoại chứ?” Tôi hỏi người lái xe. “Không, tại sao?” “Cháu không biết. Cháu nghĩ là sẽ mất lịch sự.” “Cứ nghe đi.” Tôi mở nắp điện thoại. “Kerry,” tôi nói. Miệng khô khốc. Giống như một “tấm vải nỉ”. Tôi có thể nghe tiếng mạch đập trong tai. “Họ tìm thấy anh ấy rồi,” cô nói. Nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn một bộ giáp cho việc này. Nên lời của cô như đập vào bộ giáp và rơi xuống vậy. “Jeff á?” “Còn ai nữa hả Russell? Còn ai mà em có thể gọi cho anh và nói, ‘Họ tìm thấy anh ấy rồi’ nữa hả?” Đúng, đó là một câu hỏi ngu xuẩn. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy cô ấy như vậy. Không có lý do gì để cô giận dữ như thế với tôi cả. Nhưng chồng cô vừa mất, tôi quyết định cân nhắc tình hình và bỏ qua việc đấy. “Họ thực sự tìm thấy thi thể của anh ấy à? Anh nghĩ không thể tìm được ở dưới…” “Anh ấy nhảy xuống.” Tôi cảm thấy lưỡi đau rát, giống như vừa ngậm một miếng chanh vô cùng chua vậy, và cảm giác dạ dày mình đang lộn nhào. Tôi mở miệng muốn nói, nhưng không nói được gì. Nên nhắm mắt lại và cố gắng không nghĩ đến cảnh tượng đấy. Cái cảnh tượng tôi đã thấy qua ống nhòm hai ngày trước. Chắc chắn, đó không phải là Jeff. Không thể. Nhưng quan trọng gì đâu. Bởi đó có lẽ là một ai khác. “Khi nào anh quay lại?” Kerry hỏi, với một chất giọng thiếu thốn, đòi hỏi mà tôi chưa bao giờ biết trước đây. Nhưng một lần nữa, đó là khoảng thời gian đặc biệt, theo cái nghĩa không thể xấu hơn. “Anh còn chưa về đến nơi mà.” “Nhưng… anh nghĩ sao? Anh nghĩ sẽ phải ở đấy bao lâu?” “Anh không biết.” “Sẽ cần khoảng… bao lâu nhỉ? Năm ngày gì đó để chuẩn bị cho tang lễ à?” “Kerry. Anh chưa biết ai sẽ chăm sóc Ben.” Đó là một lời nói dối. Tôi đã biết rồi. Chỉ có mình tôi có thể làm được việc đó. “Em cần anh ở đây,” cô nói, lắp bắp. Tim tôi đau quặn, nó muốn nhảy đến bên cô… nhưng rồi nó quay lại và chạy như một con chó sói hoang đang hốt hoảng. Tôi liếc nhanh người lái xe. Đó là lý do vì sao tôi không muốn người gọi là Kerry. Đó là lý do tôi không muốn nghe điện. Ừ thì. Một trong số rất nhiều lý do. “Chúng ta nói chuyện sau được không?” “Đang có việc gì à, Russell?” Cô hỏi giữa những cái nấc. “Không có gì. Không có gì đâu. Anh đang đi nhờ xe. Một người đàn ông tốt bụng đang chở anh qua Indiana…” “Illinois,” người đàn ông tốt bụng đó nói. Trong trường hợp tôi còn chưa rõ ông có đang nghe mình nói hay không. Mà, làm sao lại không nghe được? Đây là ghế trước của một chiếc ô tô con. “Illinois. Và sẽ tốt hơn nếu chúng ta nói chuyện riêng sau.” “Thật tồi tệ, Russell. Anh đang nói gì vậy? Anh sẽ quay lại đúng không?” “Anh sẽ nói sau nhé.” “Em sẽ gặp lại anh, đúng không? Bởi vì em không còn gì ở đây cả. Em mất tất cả rồi, Russell. Anh sẽ quay lại. Đúng không?” Tôi cố gắng nuốt “tấm vải nỉ” ở miệng vào trong họng, cố gắng hết sức. Im lặng kéo dài quá lâu, và chúng tôi đều biết điều đó. “Anh ấy là bạn thân nhất của anh, Kerry.” “Anh nói gì cơ?” “Anh không thể ở bên em khi anh ấy đã mất. Em biết rồi đấy.” “Em nghĩ em bệnh mất thôi,” cô nói. Và, mặc dù rất kỳ lạ, tôi cứ ngồi trong xe, giữ chiếc điện thoại bên tai, chợt nhận ra rằng tôi không hề biết người phụ nữ này. Nhận ra rằng hiện tượng hấp dẫn - tất cả các loại hấp dẫn, không chỉ là của mình tôi - chỉ là một dạng ảo ảnh. Dưới cái ảo ảnh đấy là con người thật. Nhưng con người thật nào? Con người nào? Đó là phần mà bạn không biết. Cho đến khi quá muộn. “Anh sẽ gọi khi nào xuống xe. Em có thể gọi cho ai khác trước không? Bất kỳ ai có thể ở với em bây giờ?” Một vài tiếng khịt mũi lớn. “Em có thể gọi mẹ. Xem mẹ có nhà không.” “Em gọi anh trước khi gọi mẹ em à?” “Em nghĩ…” “Thôi. Anh sẽ gọi sớm nhất có thể.” Tôi cúp máy. Một sự im lặng khó chịu. Bạn phải nói cái gì với một người lạ vừa nghe được câu chuyện vừa rồi? Ông ấy sẽ nói gì? Chắc chắn là không gì rồi. “Chú không nói gì nãy giờ rồi.” Tôi mở lời sau một lúc. “Không phải việc của tôi,” ông nói. Tôi nhìn trời bắt đầu sáng lên. “Cháu nghĩ đáng lẽ cháu nên để hộp thư thoại trả lời.” “Có thể tôi sai,” ông nói, “và nếu như tôi sai thì tôi xin lỗi. Và kể cả nếu tôi đúng đi chăng nữa, tôi biết đây không phải việc của tôi. Nhưng có vẻ cậu đang ngoại tình với vợ của bạn thân. Và tôi không biết phải nói gì với một thằng đàn ông như thế. Kể cả khi đó không phải vấn đề của tôi. Chỉ là tôi tình cờ gặp phải thôi. Nếu không thì…” “Cháu chưa bao giờ đụng vào cô ấy. Bọn cháu chưa bao giờ làm gì cả. Chưa bao giờ. Và không bao giờ. Nó chỉ là thứ… chú biết đấy… nó chỉ là cảm giác thôi. Chỉ là cảm giác thôi.” “Ở chỗ tôi ấy,” ông nói, khớp tay siết chặt đến nhợt nhạt trên vô lăng, “không thằng nào được phép có cảm giác với vợ của bạn thân.” Một thoáng tức giận trong lòng khiến chính tôi cũng ngạc nhiên. “Ồ,” tôi đáp. “Cảm ơn vì đã cho cháu biết. Có vẻ chú biết rất nhiều thứ, vậy… chú có thể cho cháu biết làm thế nào để không có cảm giác không?” Một khoảng lặng dài. Tôi thấy ông nghiến răng. Rồi tôi nhìn vào gương và thấy góc trời đỏ hỏn. Có vẻ như người đàn ông đang cho tôi đi nhờ chỉ chực chờ tìm chỗ nào đó để đá tôi xuống. Rồi tôi thấy tay phải của ông thò ra về phía tôi, giống như thể là ông đang chờ tôi bắt tay vậy. Mà đúng là như vậy, tôi từ từ nhận ra, giống như mặt trời đang từ từ nhú lên. “Chấp nhận lời xin lỗi của tôi chứ?” Ông hỏi. “Ồ,” tôi đáp. Ngớ người ra một chút. Tôi vẫn chưa bắt tay. “Cậu nói đúng,” ông nói. “Hoàn toàn đúng. Tôi xin lỗi. Trái tim cảm thấy những thứ mà nó muốn. Không thể điều khiển nó được. Tôi nghĩ là những thứ mà cậu thực sự sẽ làm mới là thứ cậu phải chịu trách nhiệm. Vậy nên… tha lỗi cho sự nổi giận đường đột của tôi chứ?” “Không có gì phải tha thứ đâu,” tôi nói, mắt nhìn vào bàn tay. Và nắm lấy nó. Một bàn tay chai sạn và khô ráp. “Tất cả mọi người đều đang hoang mang. Nên dễ xúc động hơn bình thường.” “Tôi hiểu.” Lại im lặng một quãng dài. Tôi thấy ông lấy một chiếc tăm được gói trong giấy ra khỏi túi áo len và để lại tờ giấy trong đó. Tôi nghĩ rằng ông sẽ xỉa răng. Nhưng không, ông chỉ ngậm mà thôi. Như một điếu thuốc nhỏ nhất thế giới, không có thứ khói thuốc độc hại, cũng không cần lửa luôn. Côn trùng bay đập vào kính chắn gió. Chúng tôi đi qua một vùng ruộng, và từng con bọ cứ thế lao vào tấm kính, mỗi con đều để lại một vệt màu trắng để đánh dấu cái chết của mình. “Hơn thế nữa,” ông nói, như thể chúng tôi chưa bao giờ dừng nói chuyện. “Cậu đã nói với cô ấy điều nên nói. Không phải khi bạn cậu đã mất.” Tôi nhìn chong chong vào đám bọ. “Không cao cả như thế đâu,” tôi nói. Tôi nhớ một chuyện cười mà bạn tôi, Mark, kể cho tôi hồi tiểu học. Thực ra thì, Mark cũng chẳng thân đến mức được gọi là bạn. Ở ngay cạnh nhà nhau, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thực sự hợp nhau. Thứ cuối cùng mà con bọ nhìn thấy khi nó đập vào kính chắn gió là gì? Mông đít của nó. Tôi không nghĩ đấy là một câu chuyện buồn cười. Có lẽ là vì tôi quá nhạy cảm, hoặc có thể chỉ đơn giản là tôi có cảm nhận về sự công bằng quá tiến bộ. Vấn đề với cái chuyện cười đó là nó chỉ hay khi bạn không phải là một con bọ. Có thể ai đó thấy kì lạ, nhưng tôi không thể không đặt mình vào tình huống con bọ đó được. Này, đó là mông đít của chú Joe. Đó là bạn tôi Hector trên cái tấm chắn gió. Không hài hước chút nào. “Nó giống như thế này,” tôi nói. “Cháu có một cái… ác cảm… với cô ấy. Từ khi… chú biết đấy. Sau khi việc đấy xảy ra. Nó giống như nơi mà chú đến để cai thuốc ấy, mỗi lần chú đụng tay vào thuốc thì sẽ bị điện giật. Không. So sánh như thế không đúng lắm. Bởi vì điện giật chỉ là những cơn khó chịu vặt vãnh. Đây là một cảm giác to tát hơn. Giống như khi chú ăn rất nhiều một loại thức ăn nào đó rồi bị bệnh vậy. Có thể không phải là do thức ăn khiến chú bệnh. Nếu chú ăn ba đĩa mỳ Alfredo và bị đau bụng. Và cả đêm đấy chú nôn ra mỳ, thì chú sẽ không bao giờ ăn cái món đấy nữa. Đảm bảo đấy. Nó sẽ thành phản xạ luôn. Thế nên cháu không đáng được khen ngợi vậy đâu.” Chúng tôi nhìn vào tấm kính chắn thêm một lúc lâu nữa. Trời đã sáng. Chính thức là sáng rồi. Người lái xe già nhai một đầu tăm. Tôi không hiểu làm thế nào mà ông có thể nhìn đường với tất cả đám xác bọ trên kính như vậy. Và như thể đọc được suy nghĩ của tôi, ông nói, “Tôi sẽ phải dừng ở trạm xăng tiếp theo. Phải lau kính chắn gió cho tử tế. Không thể phun nước rửa được, làm thế chỉ tệ hơn, sẽ bôi bẩn ra khắp nơi. Cực kỳ bất tiện.” “Ít ra là còn tốt hơn so với thứ lũ bọ phải chịu.” Ông cười, hơi khịt mũi. “Cũng đúng.” “Cháu đã nói dối cô ấy.” Tôi đang trong trạng thái thành thật thú tội hoàn toàn. Và cả hai người trong cuộc đối thoại này đều hiểu điều đấy. “Cô ấy bảo cháu lấy cái kính thiên văn ra. Cháu có một cái kính thiên văn. Một gã ở công ty cho cháu. Gọi là kính thiên văn nhưng không được dùng vào mục đích thiên văn mấy. Ở thành phố cũng chẳng thể thấy nổi ánh sao nào. Có lẽ gã dùng để nhìn trộm, mấy trò đồi bại. Còn cháu dùng nó để nhìn hai tòa tháp. Chủ yếu là Tòa phía bắc. Tòa tháp của cháu, cháu vẫn gọi nó như vậy. Thực sự nó là giấc mơ của cháu… khi được làm việc ở đấy. Cháu thường cố gắng tìm tầng một trăm linh tư bằng chiếc kính thiên văn, và tìm đến cửa sổ văn phòng mình. Cháu thích quan sát như thế. Lúc đầu là vậy. Nhưng cũng lâu rồi cháu không dùng đến nó. Kerry biết cháu có cái kính đấy. Và cô bảo cháu lấy ra. Lúc đó chúng cháu đang nói chuyện qua điện thoại. Cô ấy đang xem trên ti vi, còn cháu thì nhìn ra cửa sổ. Cháu sống ở Thành phố Jersey, ngay bờ bên kia sông, phía hạ Manhattan. Chúng cháu đã thấy chiếc máy bay thứ hai đâm vào khi đang nói chuyện. Chúng cháu quá hốt hoảng… việc này không thể xảy ra được. Nên cô ấy nói, “Lấy cái kính thiên văn của anh ra đi.” Và cháu làm thế. Và cháu nói với cô ấy rằng cháu không thấy gì cả. Chỉ toàn khói thôi.” Im lặng. Tôi nghĩ ông ấy đang chờ đợi. Chờ tôi tự nói tiếp. “Nhưng cậu đã nhìn thấy thứ gì đó.” “Cháu thấy một người nhảy xuống.” Và chỉ thoáng qua, tôi thấy ông làm dấu Thánh. “Và cháu cứ nghĩ, phải nóng đến thế nào vậy? Ở trong văn phòng. Trong đấy sẽ phải nóng đến thế nào? Đang ở tầng thứ một trăm lẻ mấy đấy. Chắc chắn là sẽ chết, chẳng cần phải nói cũng biết. Rõ ràng là như vậy. Biết chắc mình sẽ chết, cách này hay cách khác. Vậy mà vẫn nhảy xuống, bỏ qua cả thứ bản năng sinh tồn sâu thẳm. Phải nóng đến như thế nào trong văn phòng? Và đó là văn phòng của cháu. Ý cháu là, cháu không thấy chính xác một người nào đó. Nhưng có ý nghĩa gì đâu khi đó là văn phòng cháu vẫn làm việc. Cháu biết Jeff đang trên đó, với tất cả những người cháu quen biết. Nên cháu nói với cô ấy tất cả những gì cháu thấy là khói.” Lại có thêm bọ đập vào kính. Tôi tự hỏi liệu có đến một nghìn con bọ chết ở tây Illinois sáng nay không, và liệu cộng đồng bọ có tiếc thương cho chúng không. Liệu bạn bè, người thân của chúng có bị chấn thương tâm lý, và bị chẩn đoán chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương không. Ừ. Dù chỉ là mấy con bọ, nhưng tôi đã hình dung ra những điều tệ như thế đấy. “Cậu sẽ không bao giờ gặp lại cô ấy nữa,” người lái xe già nói. “Đúng không?” “Không, cháu sẽ không gặp nữa. Và cháu còn không biết liệu đó có phải một điều đúng đắn không. Cô ấy cần sự an ủi. Còn cháu thì không thể an ủi cô ấy. Và chúng cháu đã từng là bạn. Ý cháu là, trước khi những cảm xúc nổi lên, chúng cháu đã từng là bạn. Và cô ấy cần một người bạn lúc này. Nên chẳng có gì là cao thượng cả. Chỉ là cháu không thể làm được điều đấy thôi. Cháu không thể.” “Cậu đang tự làm khó mình quá đấy,” ông nói. Nhưng tôi nhận ra giọng ông cũng chẳng chắc chắn lắm với lời mình nói ra. “Không. Cháu không nghĩ vậy. Cháu nghĩ là cháu cứng rắn vừa đủ thôi.” Ông để tôi xuống sau khi đi thêm khoảng bốn mươi dặm nữa, bởi ông phải đi xa hơn về hướng bắc, ngược hướng với tôi. Tôi chẳng bao giờ biết ông ở đâu cả. Cũng không biết tên ông. Ông cũng không biết tên tôi. Tôi nghĩ như vậy tốt hơn. 12 tháng 9 năm 2001 Một ngày sau khi hai tòa tháp sụp đổ, con đường xuyên bang qua Pennsylvania đầy những tấm biển tự tay làm. Cứ mỗi một dặm lại có một tấm biển. Càng đi càng nhiều. Tất cả đều cùng một câu: “Chúa phù hộ nước Mỹ”. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Bây giờ, khi nhớ lại, có lẽ tôi nên ngậm miệng vào. Lúc đấy, tôi không nhìn thấy gì ngoài những tấm biển. Người lái xe của tôi tầm bốn mươi, có thể già hơn một chút, đi chiếc BMW thể thao. Có thể đó là thứ khiến cho ông ta vượt qua được nỗi buồn tuổi trung niên. Tôi không chắc lắm, vì tôi cũng đang có một đống khủng hoảng đây. “Thật là khó chịu,” tôi nói. “Cái gì khó chịu cơ?” Một thứ giọng gằn. Cộc cằn. Giống như từ một gã nghiện thuốc lá. Mặc dù cả người ông ta lẫn trong xe đều không có mùi thuốc. “Những cái biển đấy.” Một khoảng im lặng dài. Dài và… không tốt. “Cậu có vấn đề với cái câu ‘Chúa phù hộ nước Mỹ’ à?” “Vâng.” “Là gì?” “Không phải nó mâu thuẫn với chính nó sao?” “Không hề. Tôi không thể tưởng tượng nổi là có. Giải thích xem. Hãy khai sáng cho tôi. Làm ơn.” “Ừ thì,” tôi nói, không biết phải bắt đầu từ đâu. “Đó là Chúa. Nếu như Chúa có tồn tại, thì Ngài là của tất cả mọi người. Tại sao lại đòi hỏi Chúa phải về một phe nào đó?” “Chẳng có gì sai khi đòi hỏi Ngài bênh vực lẽ phải cả.” Giọng của ông ta gằn lên sau từng từ. Và tôi nhận ra điều đấy có ý nghĩa gì. Nhưng đã quá muộn để dừng lại rồi. “Được thôi. Hãy đòi hỏi Ngài về phía lẽ phải. Thế sao không nói, ‘Chúa phù hộ tất cả những người yêu hòa bình trên thế giới’. Có tốt hơn không? Như thế thì tất cả những nạn nhân sẽ được phù hộ chứ không phải những kẻ ác. Nhưng cái ý niệm cho rằng nước Mỹ luôn luôn là lẽ phải thật là nực cười. Chúng không ghét chúng ta vì chúng ta là đất nước tự do. Chúng ghét chúng ta vì hàng trăm thứ quyết định sai lầm về mặt đối ngoại. Tôi chỉ không thể đòi hỏi Chúa phải quan tâm đến tất cả chúng ta với thứ tình cảm ngọt ngào êm dịu bất kể việc chúng ta đã hành xử thế nào được.” “Thật là một đám lời lẽ ủy mị không yêu nước,” ông ta nói. “Và đó là một thứ nữa mà tôi không hiểu. Lòng yêu nước. Không phải là tôi ghét hay không yêu thích nước Mỹ. Tôi thích đất nước này. Nhưng tôi sống ở Thành phố New York. Tại sao không phải là Chúa phù hộ Thành phố New York, hay bang New York? Thêm nữa chúng ta sống trên Trái Đất, nhưng không có sự phù hộ nào dành cho cả cái địa cầu này cả. Tại sao chỉ có mỗi cái thứ biên giới quốc gia này được quan tâm đến thế?” Tôi thực sự không thể dừng lại được. Mặc dù tôi có thể thấy rằng mình đang khiến cho người đàn ông bên cạnh bực tức, và ông ta lại đang cho tôi đi nhờ. “Tôi sẽ nói cho chú biết tại sao. Bởi vì Trái Đất không có quân đội. New York cũng không. Đó là thứ giúp chúng ta an toàn. Làm bạn với quyền lực giúp chúng ta ít bị tổn thương hơn.” “Mày chỉ toàn nói những thứ nhảm nhí,” ông ta nói. “Tôi chắc chắn rằng chú sẽ thấy an toàn hơn nếu cho rằng những gì tôi nói là nhảm nhí.” Tôi cảm thấy lục cục dưới bánh xe, và chợt nhận ra rằng chúng tôi đã rời khỏi đường chính và tấp vào một vạt đất bên đường. “Đi ra,” ông ta nói. Thở dài. Tôi mở cửa và bước ra ngoài, và ông ta rồ ga quay trở lại đường thậm chí trước khi tôi kịp đóng cửa. Người đàn ông bốn mươi tuổi đó ngoặt xe thật mạnh lên vỉa hè rồi điều chỉnh lại đầu xe, và quán tính nhờ cú ngoặt đã đóng cửa giúp ông ta. Tệ hơn là ba lô của tôi vẫn đang ở trên đấy. “Này!” Tôi hét to. “Ba lô của tôi!” Tôi nhảy lên xuống, vẫy tay hy vọng ông ta sẽ nhìn qua gương chiếu hậu. Nhưng không. Tôi thở dài, bắt đầu đi về hướng tây cùng ngón tay cái chĩa ra, lưng quay về phía đường chính. Không phải là cách tốt nhất để đi nhờ xe. “Không nhận xét cái khỉ gì nữa,” tôi nói to. “Giữ cái đống cảm xúc chết tiệt đó cho riêng mày thôi, Russell. Thằng ngu.” Khoảng một phần tư dặm nữa, tôi thấy chiếc ba lô của mình bị ném chỏng chơ bên đám cỏ ven đường. * * * Và tới cuối buổi sáng phải cuốc bộ, không bắt được xe đó, điện thoại của tôi reo. Là Kerry. “Anh sẽ không đoán được ai vừa gọi em đâu,” cô nói, giọng như lạc đi, dao động giữa sự vui mừng lạ lùng và phấn khích nguy hiểm. “Không phải Jeff. Không may là không phải. Nhưng đoán đi.” “Anh chịu. Nói đi.” “Stan Harbaugh.” “Ông ấy vẫn còn sống?” “Ông ấy vẫn còn sống!” “Thoát được?” “Không, ông ấy không ở trong đấy. Bị muộn giờ làm. Anh sẽ không tin được đâu. Ông ấy vừa mới đặt chân vào thang máy. Thật đấy. Ông ấy vừa mới nhấc chân định bước lên thang máy, chứ thậm chí còn chưa vào hẳn, thì máy bay đâm vào. Thế là ông ấy chạy ngay ra ngoài. Cùng với những người khác nữa. Ông ấy bảo em đưa số điện thoại cho anh. Anh có cái gì để ghi lại không?” “Cứ nói đi. Anh không quên được đâu.” “À, ừ, đúng rồi. Em quên mất là anh không quên.” Kerry đọc cho tôi số. “Mà, này. Anh thấy chứ? Những thứ kỳ lạ xảy ra. Phép màu xảy ra. Không gì là chắc chắn cả, anh biết chứ?” “Ừ,” tôi nói. “Chẳng bao giờ biết được.” Ý cô ấy là có thể Jeff vẫn sống. Cho dù là Jeff gọi cô từ văn phòng chỉ mấy phút sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào. Cho dù sau đó không thấy anh gọi lại nữa. “Anh nên gọi cho Stan,” tôi nói. Tôi hy vọng thứ lo lắng khiến tôi dập máy sẽ được cô hiểu thành tôi đang rất muốn gọi cho Stan Harbaugh. Không, không hề. Tôi đứng ngay ven đường và bấm phím. Một tiếng chuông chờ. Và rồi một chiếc xe đỗ lại cạnh tôi, nên tôi tắt máy. Người đàn bà dừng xe bên cạnh tôi chắc phải ở tuổi tám mươi rồi. Thế vẫn có vẻ trẻ quá. Chín mươi có lẽ là con số chuẩn xác hơn. Bà nhỏ thó, lưng còng, và tôi lo lắng rằng bà có khi nhìn còn không quá được bảng điều khiển trên xe. Nhưng tôi cũng đã phải đi bộ cả buổi sáng rồi, và nếu như bà đã lái xe được một quãng xa như vậy, thì chẳng tội gì mà tôi không vào cả. “Cháu cảm ơn bà vì đã dừng xe,” tôi nói. “Thường thì không.” Tôi nhận thấy bà hơi giật giật. Đầu bà gật rất nhanh ra sau rồi lại ra trước. Như thể nó không liên quan gì đến cơ thể vậy. “Nhưng lúc này không ai đi đâu được, nên tôi cố gắng giúp thôi. Tôi không thể tin nổi tất cả những thứ này. Cậu có thể không? Cậu có thể tin được những gì đã xảy ra không?” Bà quay lại đường chính và tăng tốc, vẫn chạy dưới tốc độ tối đa cho phép khoảng hai mươi dặm một giờ. Có thể đó chỉ là một câu hỏi bâng quơ. Nhưng tôi lại nghĩ ngợi nghiêm túc về nó. Thời gian này thì khó mà không nghiêm túc về bất kỳ thứ gì. “Giống như một giấc mơ vậy,” tôi nói. “Cháu thấy như mình đang nằm mơ.” “Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ thấy một thứ như vậy xảy ra trong cuộc đời mình. Chưa từng có thứ gì như thế này xảy ra trước kia.” “Thực sự thì, không hẳn là thế.” Giây phút tôi buột miệng, tôi biết là tôi lại để cảm xúc lấn át, ngay sau khi vừa tự hứa với bản thân là sẽ không làm vậy nữa. “Sao lại thế? Khi nào mà những việc như thế này đã từng xảy ra vậy? “Không có gì đâu. Cháu xin lỗi. Xin hãy quên nó đi.” “Không, thật ấy chứ. Cứ nói đi. Tôi muốn nghe xem cậu có ý gì.” “Vâng. Thì khủng bố có gì mới đâu. Chiến tranh và bạo lực cũng vậy. Bà cứ nhìn vào Trung Đông xem. Hay những gì xảy ra ở Rwanda những năm bốn mươi vậy. Hay là…” “Ồ,” bà đáp. “Ý tôi là ở đây cơ.” Chắc chắn rồi. Chắc chắn là bà muốn nói ở đây rồi. Ở đây thì luôn luôn khác biệt. Đấy, tôi đã cố gắng không nói ra miệng, và tôi làm được. Tôi nhớ lại một câu chuyện mẹ từng kể cho tôi về Winston Churchill. Hoặc ít nhất là theo cách mà bà nhớ. Có ai đó tranh luận với ngài Thủ tướng về thiệt hại gần một triệu người trong Thế chiến thứ hai. Churchill sửa lại và nói rằng tổng số người chết là hơn sáu chục triệu người. Người đàn ông kia trả lời: “À, nếu như tính cả những người nước ngoài.” Tôi không thể không tự hỏi rằng tại sao những thứ như thế khiến cho người ta có nhiều lòng yêu nước hơn, còn tôi thì lại ít đi. “Lẽ ra tôi nên tính cả những nơi đấy,” bà nói. “Cháu nên biết giữ mồm giữ miệng. Cháu xin lỗi.” “Không. Không cần phải xin lỗi. Cậu nói đúng. Tôi nên tính cả những nơi đấy nữa. Ta sẽ cần dừng lại đây và mua ít xăng. Sẽ cần thêm xăng đấy.” “Vâng,” tôi nói. “Cháu cũng muốn dừng lại nghỉ ngơi một chút.” Và trong khi chạy vào nhà vệ sinh nam ở trạm xăng, tôi lấy số của Stan ra và bấm máy. Ông nhấc máy chỉ sau một hồi chuông. “Stan?” “Russell. Chúa ơi. Mừng quá cậu gọi. Kerry nói với tôi có thể cậu sẽ gọi. Tôi đã hy vọng thế. Có phải cậu gọi lúc trước không?” “Vâng. Xin lỗi. Cháu có việc đột xuất.” Tôi không biết phải nói gì tiếp theo. Và tôi cần phải đi vệ sinh. Nên tôi cứ thế giải quyết, với chiếc điện thoại kẹp giữa vai và tai. “Russell, tôi nghĩ chỉ chúng ta thoát thôi. Số còn lại có lẽ là không.” “Không, không biết được. Đừng kết luận sớm quá. Cháu cũng đâu có biết chú vẫn còn sống cho đến tận lúc này.” “Nhưng có người biết,” Stan nói. “Tôi gọi như điên khắp nơi, nhưng số còn lại… không ai nghe ngóng được bất kỳ thứ gì từ họ cả. Không hề.” Một khoảng lặng dài, đủ thời gian để tôi đi ra bồn rửa tay. Tôi nhìn mình trong gương. Tóc tai rối bù, râu ria lởm chởm, chưa cạo râu từ buổi sáng trước, mắt đỏ mọng, như thể là cả ngày ngồi khóc vậy. Nhưng không, tôi có khóc đâu. Hoặc… trong tích tắc tôi nghi ngờ bản thân. Có thể một lúc nào đó tôi khóc mà không biết. Nhưng điều đó thật điên rồ. Nếu có thì tôi phải biết chứ. Đúng không? “Kerry có nói với tôi về mẹ cậu,” tiếng của Stan vang lên bên tai trái tôi. “Tôi rất tiếc về chuyện của mẹ cậu.” “Vâng, cháu cảm ơn,” tôi nói, với ý nghĩ thực sự muốn rửa mặt trong đầu, nhưng không chắc phải làm thế nào để nước khỏi vào điện thoại. Đó là khi tôi nhận ra rằng tôi hoàn toàn không để tình cảm của mình vào cuộc nói chuyện. Một thứ khác nữa đột nhiên hiện ra trong đầu khi tôi đứng đó nhìn vào tấm gương nhà vệ sinh bẩn thỉu: tôi thực sự không biết Stan Harbaugh. Ý tôi là, tôi đã gặp ông ta. Làm việc với ông ta. Nhưng không hề có thứ gì vượt quá một cuộc nói chuyện ba mươi giây trong thang máy. Đó là một người đồng nghiệp già cả đáng kính, hơn tôi hai mươi tuổi. Không có nhiều điểm chung, nhưng giờ giữa chúng tôi có sự kết nối. Mãi mãi. Như những đồng đội trong chiến tranh. Khi tôi tám mươi, có lẽ tôi vẫn còn nhận được thiệp Giáng Sinh từ Stan. Đó là một sự gắn kết không gì có thể phá vỡ nổi. Thật kỳ lạ khi buộc phải có mối liên kết với một người gần như xa lạ. “Cậu có muốn biết sự thật không?” Stan hỏi. “Vâng,” tôi đáp. Nhưng trong lòng thì không. “Tôi quên mẹ mất cái cuộc họp. Tôi quên mất Sturgis dặn chúng ta đến vào lúc tám giờ rưỡi. Lúc đấy tôi còn không nghĩ là đã muộn, tôi nghĩ mình tới sớm cơ. Thậm chí sau khi chạy ra ngoài tôi vẫn nghĩ là còn sớm. Mãi đến cuối buổi chiều tôi mới nhận ra. Đáng lẽ tôi phải ở đấy lúc tám rưỡi. Nếu Sturgis không triệu tập cuộc họp đó sớm như vậy, tất cả đều đã sống.” “Nhưng ông ấy đã làm rồi.” Tôi phải nói cái gì đây? Tôi có thể nói cái gì đây? “Ghi số của cháu lại nhé.” “Tôi có trên máy rồi.” “Ồ vâng. Được rồi.” “Cậu đang ở đâu?” “Cháu không chắc. Cháu nghĩ là Pennsylvania.” “Làm thế nào mà cậu đi được đến đấy vậy?” “Giơ ngón cái ra xin đi nhờ. Đấy là tất cả những gì cháu có thể làm.” Và vào lúc nhẹ nhàng nhất trong những khoảnh khắc trò chuyện đó, Stan Harbaugh không thể kìm nén nổi mà bắt đầu khóc. “Tại sao không phải chúng ta, Russell? Tại sao lại là họ mà không phải chúng ta?” “Cháu thực sự không biết,” tôi nói, muốn ngừng cuộc trò chuyện. “Cậu có nghĩ rằng chúng ta còn điều gì đó quan trọng phải làm trong cái thế giới này không? Cậu có tin vào điều đó không?” “Có thể. Cháu không chắc lắm. Cháu sẽ phải nghĩ về điều đấy. Chú này, cháu phải đi rồi. Cháu xin lỗi. Người cho cháu đi nhờ xe đang đổ xăng, và cháu phải quay lại trước khi bà ấy đi. Bà ấy già rồi. Bà ấy có thể sẽ quên cháu và tất cả mớ đồ đạc cháu đang để trên xe bà.” “Ừ, được rồi,” ông nói, nhưng giọng ông lạc đi, có vẻ như không chịu được khi tôi dập máy. “Gọi cho tôi sau nhé?” “Vâng, chú cháu mình nói chuyện sau,” tôi nói. Và dập máy. Tôi biết sẽ quá đau đớn nếu tôi ép mình gọi lại ông lần nữa. Nhưng tôi sẽ làm. Hoặc ông sẽ làm. Hoặc cả hai. Trong cuộc đời của ông, của tôi bây giờ, thì người còn lại là một phần quan trọng. Hai người duy nhất sống sót. Khi tôi quay trở lại xe, bà cụ chỉ vừa khó nhọc hoàn thành việc thanh toán tiền xăng bằng thẻ tín dụng. Còn việc đổ xăng vào xe thì chưa có vẻ gì là sẽ xong sớm cả. “Đây, để cháu làm cho,” tôi nói, nhận ra rằng đáng lẽ mình phải làm việc này sớm hơn. “Để cháu làm cho.” “Ừ, thật là tốt bụng. Cậu thật là một chàng trai tốt bụng.” Chỉ trong một khoảnh khắc, tôi tự hỏi, liệu điều bà nói có phải là sự thật không. * * * Cuối buổi chiều ngày hôm đấy, ngay trước khi mặt trời xuống núi, tôi đi nhờ một người phụ nữ trung niên trong một chiếc xe thùng Volkswagen kiểu cũ. Một di tích thực sự của lịch sử. Đáng lẽ ra tôi nên biết mình sẽ không bị từ chối bởi việc thiếu lòng yêu nước bởi chủ sở hữu của một chiếc xe như vậy. “Thật là tồi tệ,” cô nói, thậm chí không cần quan tâm đến việc giới thiệu bản thân, không bắt tôi phải kể câu chuyện của tôi, hoặc là những câu chuyện lặt vặt nhảm nhí. Cô phải nói to để át tiếng động cơ căng cứng. “Nhưng thứ còn tồi tệ hơn là thứ mà chúng ta sẽ đáp trả. Ném bom xóa sổ đất nước nào đó khỏi bản đồ. Đúng không?” “Em cũng nghĩ vậy. Đúng thế đấy,” tôi nói to. “Tôi biết là chúng ta sẽ không bao giờ… Cái này chỉ mang tính lý tưởng thôi. Nhưng tôi ước là chúng ta sẽ không làm gì cả.” “Không gì cả?” “Đó sẽ là tấm gương cho cái thế giới này.” “Tuyệt vời,” tôi nói. “Cái gì tuyệt vời cơ?” “Em không chắc. Chỉ là em nghĩ em vừa gặp được một người trái ý kiến với mình thôi.” “Cậu không nghĩ chúng ta không nên làm gì à?” Thở dài. Tôi đang quá đỗi mệt mỏi rồi. “Em đang nghĩ đến trường hợp nếu mình là lãnh đạo. Kiểu như, nếu hàng xóm của em ném một trái bom xăng sang nhà em, và em phải quyết định sẽ làm gì. Em không nghĩ mình sẽ ngồi yên không làm gì cả. Chị nghĩ chị có làm thế không? Ý em là, nếu hắn ta vẫn nhởn nhơ ngoài kia, có thể đang lên kế hoạch quấy nhiễu em lần nữa.” Cô nghĩ ngợi một lúc. “Tôi sẽ không đánh bom nhà anh ta và tiêu diệt gia đình anh ta.” “Không, em cũng không làm thế. Nhưng em sẽ gọi cảnh sát.” “Ừ thì vậy, nhưng cậu sẽ gọi ai trong trường hợp này?” “Em cũng không rõ. Nhưng em nghĩ khái niệm công lý có tồn tại. Ở giữa việc không làm gì và xóa sổ một đám người khỏi bản đồ chính là công lý. Chúng ta có thể tìm ra ai chịu trách nhiệm cho việc này, đưa ra tòa án quốc tế Hague và buộc họ phải chịu hình phạt quốc tế.” “Nhưng chúng ta sẽ không làm thế,” chị nói. “Không. Tất nhiên là không rồi.” “Tôi xin lỗi, tôi chỉ biết nói vậy thôi. Chứ nghe thật là ngu ngốc. Và thiển cận.” “Không. Em nghĩ nó hay ho đấy. Hơn là chị nghĩ.” Và, ngay khi tôi nghĩ rằng mình đã dừng được cuộc trò chuyện, chị hỏi tôi đã ở đâu lúc 8 giờ 46 phút và 9 giờ 03 phút sáng hôm trước. Tôi phải hít vào một hơi sâu và kể lại toàn bộ câu chuyện của mình một lần nữa. 11 tháng 9 năm 2001 Tôi mở mắt và nhìn đồng hồ báo thức. Lúc đấy là 8 giờ 13 phút sáng. Đáng lẽ tôi phải có mặt lúc tám rưỡi ở chỗ làm để dự buổi họp của Sturgis. Rõ ràng tôi đã nhấn vào cái nút lùi giờ báo thức ít nhất năm lần mà không nhận ra. Vài phút tiếp theo là một bài thể dục trên giường. Tắm nhanh. Cạo râu nhanh. Mặc quần áo cũng nhanh. Chỉ để nhận ra một điều, thật là lãng phí năng lượng. Chẳng để làm gì cả. Kiểu gì thì cũng muộn rồi, dù có làm gì đi chăng nữa. Kể cả giờ tôi có đang đứng trên nhà ga, chờ đón chuyến tàu điện ngầm đi chăng nữa, thì vẫn sẽ muộn. Hay có đang trên tàu chuẩn bị rời ga đến chỗ làm thì vẫn vô vọng mà thôi. Vậy nên tôi dành chút thời gian nhấp bốn năm ngụm cà phê đang rất nóng, vốn đã được hẹn giờ tự pha sẵn. Tôi muốn gọi cho Sturgis và nói với ông rằng tôi sẽ bị muộn, đồng thời nói lời xin lỗi. Nhưng lúc đó đã gần 8 giờ 35 phút, và tôi nghĩ mọi chuyện sẽ tệ hơn nếu tôi làm gián đoạn cuộc họp. Khỉ thật. Khỉ thật. Khỉ thật. Đây là điều tồi tệ nhất. Tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ nhất. Thứ tồi tệ nhất có thể xảy ra trong suốt quãng thời gian tôi có mặt trên cuộc đời này. Công việc này có ý nghĩa với tôi hơn cả chính cuộc sống của tôi, hơn cả thế giới này. Vì sao tôi cứ mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác vậy? Vì sao? Tôi ngồi đó một hai giây, tay ôm đầu, rồi đi ra cửa. Chuông điện thoại reo. “Tuyệt vời,” tôi nói to. “Thật là vô cùng hoàn hảo.” Tôi gần như đã không nhấc máy. Nhưng rồi lại nghĩ, đó là Sturgis. Có khi Sturgis đang tự hỏi tôi ở đâu. Rồi lại nghĩ, không, không thể. Ông sẽ gọi điện thoại di động, vì nghĩ rằng tôi gần đến nơi rồi. Nên tôi nghĩ, kệ. Kệ xác. Rồi lại nghĩ, kiểu gì cũng đã lỡ buổi họp rồi. Kiểu gì cũng muộn rồi còn gì. Thế nên tôi lại quyết định nhấc máy. Nếu như đó là một cuộc gọi quan trọng, tôi sẽ nói người ta gọi vào di động của tôi và nghe trên đường ra ga tàu. “A lô?” Tôi nói. Giọng có chút khó chịu. “Rusty?” Giọng đàn ông, “Rusty phải không?” Tôi thấy nhói trong lồng ngực. Không lâu sau là một cảm giác đè nặng vô cùng. Giống như ai đó dùng kìm kẹp chặt tim tôi vậy. Lúc đó, tôi hoàn toàn không biết rằng cái kìm đó sẽ ở nơi tim tôi khá lâu, và tôi sẽ bất lực xoay sở thế nào để kiềm chế nó. Tôi chỉ biết rằng, bằng cách nào đó, bởi một lý do nào đó, tôi nhận được một cuộc gọi từ cái thế giới mà tôi đã bỏ lại phía sau. Cái nơi tưởng như không có thật với tên gọi là Kansas. Bởi không ai gọi tôi là Rusty cả. Không phải trong cái thế giới thực tôi đang sống đây. “Đây là… Russell. Tôi là Russell Ammiano.” “Rusty. Tốt. Phil Jespers đây. Từ Norville. Có nhớ chú không?” “Ồ. Chú Jespers. Đúng rồi. Hẳn rồi. Bố của Mark. Là… hàng xóm nhà cháu.” “Ừ.” “Cháu đang khá là…” “Từ từ đã, con trai. Chuyện này rất là khó nói. Rất tệ. Chú chỉ mong là… ôi, chết tiệt… thôi, không quan trọng chú mong muốn cái gì cả, đúng không? Cháu đang ngồi đấy chứ? Cháu nên ngồi xuống cái đã.” Đó là khi cơn nhói ở tim trở thành cơn đau do bị cái kìm nào đó kẹp vào. Có lẽ có điều gì đó xảy ra với Ben, tôi nghĩ. Buồn. Rất buồn. Nhưng tôi sẽ chịu được. Nhưng còn người mẹ tội nghiệp của tôi… Tôi ngồi xuống. “Về mẹ cháu,” ông nói. “Mẹ cháu?” “Ôi, Chúa ơi, Rusty. Đáng lẽ không phải chú gọi. Đáng lẽ bác sĩ nên gọi. Nhưng chú đã bảo, ‘Không, để tôi.’ Chú nói, ‘Rusty biết tôi. Tốt hơn là để nó nghe tin từ người quen.’ Giờ chú chỉ mong là chú im mồm lúc đấy.” Ngừng một lúc lâu. “Mẹ cháu?” Tôi hỏi lại lần nữa. “Chú rất tiếc, Rusty. Bà ấy mất rồi.” Một lúc trôi qua. Tôi nghĩ vậy, bởi không chắc là bao nhiêu thời gian đã trôi qua. “Không phải chứ… có vẻ như… ý cháu là… Đã xảy ra chuyện gì vậy?” “Thì, chú không biết rõ lắm, nhưng bác sĩ nghĩ rằng có thể là do đột quỵ hoặc phình động mạch não. Ông ấy sẽ khám. Ông ấy đang tìm hiểu. Sẽ biết sớm thôi.” Lại một khoảng lặng nữa. “Thế Ben đang ở đâu?” Tôi hỏi. “Đang ở với cô chú. Ngay lúc này thì cô chú có thể giúp đỡ nó được. Nhưng không được lâu đâu. Có Chúa chứng giám, Rusty, chú không muốn mang tất cả tin xấu đến cùng một lúc. Chú căm hận điều đấy như căm hận ma quỷ vậy. Nhưng chú vẫn phải nói. Cháu cần phải quay lại đây và trông nom nó thay cô chú. Càng sớm càng tốt.” Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Văn phòng ngay phía bên kia sông thôi. Tôi nghĩ, không thể được. Tôi đã đi làm muộn rồi. Ghé nhìn đồng hồ. 8 giờ 39 phút sáng. “Cháu không thể rời bỏ cuộc sống của cháu hiện tại để chăm sóc Ben được,” tôi nói. “Trời, thế thì dành một phút để nghĩ xem ai có thể chăm sóc Ben đi cháu. Bởi chú chắc chắn rằng cô chú không thể. Và ai đó phải làm được điều đấy. Cháu này. Dù gì thì cháu cũng phải về nhà, để thu xếp cho mẹ cháu. Khi cháu ở đây, cháu sẽ phải quyết định về việc của Ben. Có thể cháu sẽ cho Ben ở trong một cái loại nhà gì đó. Nhưng không ai ra quyết định thay cháu được. Hoặc có thể cháu sẽ tìm được người nào khác ngoài cô chú để trông nom nó. Nhưng thế nào đi chăng nữa, cháu phải về đây. Nhanh lên đấy.” Tôi cảm thấy sự giằng xé dần bị rút cạn khỏi cơ thể mình. Không còn lại gì. Ông ấy nói đúng. Không làm gì khác được. Tôi chỉ cần gọi cho Sturgis và nói với ông ta là mẹ tôi qua đời. Sẽ chẳng phải là tôi muộn giờ làm nữa. Chẳng phải là ngủ quên nữa. Mẹ tôi mất. Tôi không thể đến được. Ông ấy sẽ thông cảm. Ai cũng sẽ thông cảm. Khoan đã. Mẹ tôi mất rồi ư? “Đúng rồi,” tôi nói. “Cháu sẽ lên mạng, và đặt một chuyến bay. Cháu sẽ báo cho chú sau. Để cháu đọc cho chú số di động của cháu.” “Chú có rồi. Bên thành tủ lạnh của mẹ cháu. Cùng với số đang gọi này.” “Vâng. Thế… Cháu sẽ gọi lại sau.” “Rusty? Chú rất tiếc. Patty cũng gửi lời chia buồn. Mark cũng vậy.” Trời ơi. Tôi phải là một thằng khốn nạn thế nào đây. Tôi dập máy và đặt vé máy bay. Không mất chút thời gian nào. Đắt kinh khủng, nhưng làm thế nào được bây giờ? Vé bay trong ngày luôn như vậy. Và tôi không biết phải làm sao… để về từ sân bay ở Wichita. Nhà Jespers sẽ đón tôi? Quá xa. Sẽ mất bao nhiêu để thuê xe nhỉ. Nhiều đấy. Nhưng tôi vẫn chưa gọi cho Sturgis. Tôi lại ghé mắt nhìn đồng hồ trên tay. 8 giờ 44 phút sáng. Tôi bấm số gọi nhanh. Chắc sẽ vào hộp thư thoại, bởi ông ấy đang họp. Nhưng ông ấy có vẻ như đã nhìn thấy tên người gọi. Bởi ông nhấc máy. “Chúa ơi,” ông nói. “Cậu ở cái chỗ khỉ gió nào vậy?” “Ở nhà.” “Ở nhà á? Cậu làm cái quái gì ở nhà?” “Mẹ tôi mất rồi.” Những tiếng tôi phát ra từ miệng thật kỳ lạ. Và tôi nghĩ ông sẽ không tin. Bởi chính tôi cũng không tin. “Ôi, Chúa ơi. Tệ thật. Đã xảy ra việc gì vậy?” “Đó là… họ vẫn chưa chắc chắn. Có thể là phình động mạch não hoặc đột quỵ. Mà thế này, tôi đã đặt chuyến bay. Tôi phải về.” “Chắc chắn cậu phải về. Phải về. Lo mọi thứ cho cẩn thận đi. Không phải quan tâm đến chúng tôi. Chúng tôi tự lo được. Chúa ơi. Tôi rất tiếc, Russell.” “Tôi sẽ gọi sau khi sắp xếp được khi nào có thể quay lại làm việc.” “Không sao. Cứ về đi.” Dập máy. Tôi ngồi đó một hai phút, tay ôm đầu, lòng bàn tay day mạnh lên hai mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên và mở mắt ra, nhìn mọi thứ thật buồn cười. Lấm chấm. Mất một lúc tôi mới nhận ra rằng đó không phải loại ảo ảnh quang học nào. Khói và lửa thực sự đang bốc ra từ tòa tháp phía Bắc. Tôi đã kể lại câu chuyện này không biết bao nhiêu lần. Nhiều hơn số lần tôi có thể đếm được. Nhưng chưa bao giờ kể phần này. Chưa bao giờ tôi trả lời câu hỏi về việc tôi cảm thấy gì lúc đấy. Giờ tôi sẽ nói ra đây. Nhẹ nhõm. Một con sóng đi qua, quét sạch mọi thứ trong lòng tôi. Tôi đã cười to một tiếng ngắn. Và rồi nói lớn, ngay trong căn phòng, rằng “Tất nhiên rồi”. Đáng lẽ ra tôi nên biết đó chỉ là giấc mơ thôi. Mẹ tôi đột nhiên mất đi và tôi phải từ bỏ toàn bộ cuộc sống mà tôi đã phải làm việc vô cùng vất vả mới có được, để quay trở lại Kansas chăm sóc Ben? Đáng lẽ ra đến đấy là tôi phải biết rồi. Tôi không cần phải nhìn lên và thấy tòa tháp của tôi đang cháy để biết rằng đây chỉ là một giấc mơ. Giờ thì mọi thứ có lý hơn rất nhiều. Chỉ có điều việc này không giống mơ lắm. Nhưng tôi cũng tự điều đình với bản thân rằng có nhiều giấc mơ thật tới nỗi bạn chỉ nhận ra đó là mơ sau khi tỉnh dậy. Điện thoại di động reo. Tôi vẫn đang cầm nó trong tay phải. Giật mình. Tôi nghe máy. Là Kerry. “Ôi, Chúa ơi. Anh đây rồi. Anh trả lời rồi. Không gọi được ai cả. Khoan đã. Anh đang ở đâu? Đang ở chỗ làm đúng không?” “Không, anh đang ở nhà.” “Bật ti vi lên. À không. Chờ đã. Anh có thể nhìn thấy qua cửa sổ.” Nhưng đã quá muộn. Tôi đang bước nửa đường đến cái ti vi rồi. Nên tôi cứ thế mà bật lên thôi. Và ngay khi đứng dậy, bước đi, tôi biết. Mình đang tỉnh. Đây không phải một giấc mơ. Chỉ đơn giản là nhận thức được thế thôi. “Jeff gọi em,” cô nói, “bọn em nói chuyện một lúc, nhưng anh ấy bị mất sóng”. Tôi cố gắng vừa nghe Kerry nói vừa nghe ti vi. “Một cái máy bay?” Tôi hỏi, chỉ lờ mờ cảm thấy rằng tôi đang nói với cái ti vi chứ không phải Kerry. “Em đã cố gọi lại,” Kerry tiếp tục, “nhưng tất cả đường dây đều bận. Tất cả số của mọi người ở văn phòng đều không gọi được. Rồi em nhớ ra, nên gọi Jeff bằng số di động của anh ấy. Nhưng lạ lắm, Russell.” Cô bắt đầu khóc, nhưng vẫn nói. “Anh ấy nói ở đây quá nóng. Và anh ấy yêu em. Đó là tất cả những gì anh ấy nói. Nên em gọi anh. Bởi em cũng chỉ còn biết mỗi số của anh nữa. Anh có thấy cái gì đang xảy ra không?” “Khoan đã,” tôi nói. Không thể nào mà tôi tiếp thu tất cả những việc này cùng lúc được. “Làm cách nào em gọi tới số của tất cả mọi người trong… như là… trong một phút vậy?” Im lặng, ngắn thôi. “Không phải một phút đâu, Russell.” Tôi ghé nhìn đồng hồ. 9 giờ 03 phút sáng. Thế quái nào. 9 giờ 03 phút sáng. “Russell, lấy cái kính thiên văn của anh ra. Nói cho em biết anh nhìn thấy gì đi.” Nhưng tôi chỉ đứng đó. Trong một giây, tôi chỉ đứng đó. Tôi không muốn đi lấy cái kính thiên văn. Nếu lấy nó ra tôi sẽ phải nhìn. “Ôi, Chúa ơi,” Kerry hét lên. “Anh có thấy không?” Tôi ngước lên để thấy cảnh chiếc máy bay thứ hai lao vào Tòa tháp phía Nam đập vào mắt. “Em có thấy không?” Tôi hỏi. Tôi không biết làm cách nào mà cô thấy được. Kerry sống ở trung tâm Manhattan cơ mà. “Em đang xem trên ti vi. Ôi, Chúa ơi!” Chúng tôi cùng thấy chiếc máy bay thứ hai xuyên qua Tòa tháp phía Nam. Xuyên qua. Như là có một cánh cửa nào đó mở ra cho nó vào. Theo một góc nào đó, với quầng lửa xung quanh chiếc máy bay, như thể nó sẽ bay ra một lần nữa. Nhưng tôi không thể nhớ nổi rằng mình nhìn thấy những việc đấy qua cửa sổ, hay là nhớ lại do xem trên ti vi. “Russell,” Kerry gào lên. “Cái gì đang diễn ra vậy? Tại sao?” “Không thể như thế được,” tôi nói. Dù sao đó cũng là một giả thuyết. “Đây có thể là một giấc mơ không?” “Không, không phải mơ mộng gì đâu. Lấy cái kính thiên văn của anh đi.” “Chờ đấy,” tôi nói, và vứt điện thoại lên ghế. Tôi đi lấy kính thiên văn. Và đây là thứ tôi thấy. Khói. Từng tảng khói nối tiếp nhau. Xám và đen. Rồi cả hai màu. Và khói không chỉ đến từ các vệt máy bay đâm, mà còn từ cửa sổ các tầng trên cao. Từ đường bao mái. Giống như là khói đến từ đường bao mái vậy. Giấy nữa. Tôi nhìn thấy rất nhiều giấy. Giống như một cuộc diễu hành bằng giấy, ngoại trừ việc tôi có thể nhận ra rằng mỗi cái bông giấy li ti đó là tập hợp của nhiều tờ giấy khác. Rồi tôi nhìn thấy anh ta. Ai? Tôi không biết. Một người nào đó. Đó không phải người làm cùng tôi, tôi biết, bởi anh ta ở ít nhất hai tầng bên trên văn phòng của tôi. Chắc là ba tầng. Anh ta đứng trên một cửa sổ vỡ. Sát mép tường. Rồi có vẻ như anh ta… rơi về phía trước. Thật dũng cảm. Anh ta cố tình làm vậy. Không phải là mất thăng bằng. Mà là anh đã nhảy xuống. Tin tôi đi. Tôi có một cái kính thiên văn. Tôi biết mình đang nói gì. Tôi nhìn thấy mà. Tôi hướng cái kính thiên văn theo hướng anh ta rơi xuống. Tôi thấy cà vạt của anh bay lên trên, thẳng đứng cạnh cổ. Tôi thấy cánh chiếc áo khoác của anh tung bay phía sau đôi tay dang rộng. Rất rộng. Như thể anh có thể bay vậy. Chiếc áo tung ra. Gần như chạm vào cổ tay anh. Không hẳn. Nó khiến cho anh ta trông như có cánh. Trong một khoảnh khắc, tôi nghĩ, anh ta sẽ bay lên. Anh ta sẽ không chủ động nhảy xuống như vậy nếu không nghĩ rằng mình có thể bay được. Anh ta sẽ bay. Nhưng không. Tôi mất dấu của người đàn ông đó sau một tòa nhà, lúc anh ta rơi được hơn nửa đường. Tiếng Kerry hét lên vọng ra từ phía chiếc ghế. Tôi cầm chiếc điện thoại lên và đặt vào tai. Cô hét lên, “Anh nhìn thấy cái gì? Russell? Anh nhìn thấy cái gì?” “Không thấy gì cả,” tôi nói. “Toàn khói. Anh không nhìn thấy gì cả. Tất cả những gì anh có thể thấy chỉ là khói mà thôi.” Chương II CÂU HỎI KHÓ 15 tháng 9 năm 2001 Khoảng bảy giờ tối. Ngày trọn vẹn đầu tiên tôi… ở nơi đây. Tôi lục lọi đống giấy tờ của mẹ. Một tập hồ sơ nhỏ được tìm thấy từ ngăn kéo trong phòng ngủ của bà. Tôi không thực sự biết mình đang tìm kiếm thứ gì. Chỉ biết là nếu tìm thấy, tôi sẽ nhận ra ngay. Đó là một tập giấy nhỏ với dòng chữ: Quyết định “cuối cùng”. Chỉ thế thôi. Với dấu ngoặc quanh từ cuối cùng. Như thể có khi đó không phải là bản cuối như mẹ tôi nghĩ vậy. Phía trong, tôi tìm thấy một vài giấy tờ cho tôi biết rằng bà muốn được hỏa thiêu. Đã trả tiền rồi. “Whoa!” Tôi nói to. Giống như kiểu “Bingo!”, nhưng từ này thì quá là lỗi thời. Hay, “Uầy!”, nhưng thế thì lại quá trẻ con. Nhưng thế này là tốt rồi. Ý tôi là, đó là việc tốt nhất trong các việc có thể xảy ra từ khi mẹ tôi qua đời. Tôi ngập tràn trong một thứ cảm giác xa lạ. Mới đây thôi, giống như tôi được nghỉ ngơi một lúc để sửa soạn cho sự thay đổi. Ít nhất cũng có một việc tốt đẹp. Tốt hơn những gì tôi mong muốn. “Em nói gì cơ?” Ben gọi vọng vào. Anh đang ngồi một mình trong phòng xem ti vi. Xem hoạt hình, với âm thanh bật rất to. Thậm chí ở phòng khách tôi vẫn có thể biết được Vịt Daffy nghĩ rằng giờ là mùa săn “thỏ”, còn Thỏ Bugs thì nghĩ rằng giờ là mùa săn vịt, và cả hai đều nghĩ rằng Elmer Fudd nên bắn đứa còn lại. Cứ sau mỗi một tiếng súng săn trong phim, thì Ben lại cười, giọng cười trầm thấp. “Không có gì đâu anh. Em tìm thấy cái này thôi.” “Thứ gì không tốt à?” “Không. Nó tốt. Rất tốt.” Có rất nhiều lý do để đây là việc tốt. Tôi vẫn đang đếm cái đống lý do đấy khi nói với Ben. Tốt, bởi nó đồng nghĩa với việc tôi không phải tìm cách xoay sở hàng nghìn đô-la để chi trả cho một đám tang truyền thống. Tốt hơn nữa bởi tôi không phải mệt mỏi lo lắng rằng mình đã chọn sai, làm những điều mà mẹ không muốn. Còn một lý do nữa. Tôi lo ngại về sự kết hợp giữa hai thứ: Ben và một đám tang truyền thống. Thì đấy, với cái nắp quan tài mở, và người mất đi được mặc quần áo, được trang điểm để có vẻ ngoài giống như đang còn sống. Ben sẽ phản ứng thế nào trước cái cảnh đấy? Anh vẫn đang chờ mẹ tôi về. Rõ ràng là như vậy. Tôi cứ có một cơn ác mộng về việc anh sẽ nhấc mẹ khỏi quan tài và đưa mẹ về nhà, rồi không ai có thể cản anh lại. Điều may mắn cuối cùng là: một lễ tưởng niệm, với một bức ảnh đẹp và một hũ tro, không mất thời gian đến thế, sẽ hợp với Ben hơn. Có thể sẽ phải đợi một tháng nếu cần, thậm chí là hai tháng. Cho anh ấy thời gian để thích nghi. Tôi ngước lên và thấy anh đứng chỗ cửa vào phòng xem ti vi, đầu gần chạm vào khung cửa trên. “Em tìm thấy gì?” “Một vài kế hoạch mẹ làm.” “Sao lại tốt?” “Vì nó giúp em biết mẹ muốn em làm gì.” “Ồ. Nghĩa là sao?” Giờ, làm sao để bạn trả lời câu hỏi đó đây? Đôi khi sự thật không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. “Chuyện dài lắm.” “Tại sao em không hỏi mẹ khi mẹ về?” “Vì… Anh này… mẹ sẽ không quay lại đâu.” Ben không chú ý đến lời tôi nói mà quay trở lại phòng xem ti vi. Tôi quyết định mình sẽ làm một người em tốt và không để mọi việc cứ thế trôi qua. Tôi ngồi với Ben trong phòng ti vi, cầm điều khiển lên và tắt tiếng bộ phim hoạt hình anh đang xem. “Này!” Anh nói. “Anh đang xem!” “Nhưng em muốn nói chuyện với anh.” “Cứ bật tiếng lên.” “Em không thể nghĩ và nói với anh khi mà ồn thế được.” “Thế chỉnh nhỏ tiếng đi.” “Nhưng anh sẽ chỉ nghe Thỏ Bugs mà không phải em.” “Không. Anh sẽ nghe.” “Hứa chứ?” “Ừ. Hứa.” Tôi bật tiếng lên và chỉnh xuống mức nhỏ nhất có thể nghe được. Tôi thấy Ben nghiêng người để cố gắng nghe rõ hơn. Nhưng sau đó phim kết thúc và đến giờ quảng cáo, nên tôi lại tắt tiếng, và Ben quay đầu lại phía tôi. Có điều ánh mắt vẫn hướng về tấm thảm. “Em không nghĩ anh hiểu về việc ai đó chết,” tôi nói. “Hả?” “Có nghĩa là anh không bao giờ được gặp lại họ nữa.” Ben không trả lời. “Như là Sandy ấy. Anh nhớ Sandy không?” Tôi hỏi. “Không.” “Con chó nhà mình ấy. Con chó giống Collie ấy. Nhớ không?” “Không.” “Ồ. Tệ thật. Em đã nghĩ anh có thể nhớ Sandy.” “Nhưng anh không nhớ mà.” “Để em tìm một bức ảnh. Có thể sẽ giúp anh nhớ được.” Tôi nhảy lên và vội vàng chạy ra phòng khách, hy vọng rằng album ảnh cũ vẫn còn nguyên ở chỗ mà nó hay yên vị - trong khoang dưới cùng của cái bàn, ngay cạnh chiếc ghế bành. Tôi mở cánh cửa tủ có nắm tay bằng đồng, thò tay vào, đây rồi. Tôi chạm vào nó ngay lập tức. Một quyển sổ lưu niệm cũ to, với bản lề bằng da. Nó sống trong gia đình này còn lâu hơn tôi nhiều. Tiếng ti vi lại to dần lên lần nữa. Là chương trình mèo Sylvester và chim Tweety. Tôi lục lọi đống ảnh của bố mẹ, cố gắng hết sức để không bị cảm xúc ảnh hưởng. Cảm xúc có thể đợi sau. Ngay lúc này tôi còn một việc quan trọng phải làm cho người anh của mình. Đây rồi, Sandy, nhìn giống hệt Lassie. Một cô chó xinh đẹp. Trái tim tôi cảm thấy đau nhói khi nhìn vào bức ảnh. Khi tôi sinh ra thì đã có Sandy rồi. Đôi lúc tôi nghĩ nó là thứ đầu tiên tôi nhìn thấy khi vừa mở mắt. Có khi lúc đầu tôi còn tưởng nhầm mình là một con chó không chừng. Tôi yêu Sandy vô cùng, và cái chết của nó đã làm tôi suy sụp. Lúc đó tôi mới sáu tuổi. Tôi không hiểu về sự sống hay cái chết. Tôi chỉ muốn gặp lại Sandy một lần nữa, và tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao không ai giúp mình. Trong bức ảnh đó, Sandy ở cạnh tôi. Tôi còn chưa được hai tuổi. Dựa vào cô chó xinh đẹp đó, túm vào bộ lông theo cái cách dễ là đã khiến nó đau, trong khi nó đang cười, đầy kiên nhẫn và tự hào. Tôi học đi bằng cách nắm lấy bộ lông của Sandy như vậy. Tôi cầm quyển album vào phòng xem ti vi. Tôi vặn nhỏ tiếng ti vi xuống cho đến mức gần như không nghe thấy. “Này!” Ben nói. “Anh đang xem!” “Đây là Sandy.” Tôi đặt album lên đùi anh. Đôi mắt anh rời khỏi ti vi, lần đầu tiên tôi có thể nhớ được. Anh chạm vào bức ảnh. “Ồ!” Anh nói. Nín lặng. Kính cẩn. “Đó là một con chó ngoan! Đó là một cô chó đẹp!” Bingo. Uầy. Tôi làm được rồi. “Thấy chưa? Anh nhớ mà.” “Không.” “Thế làm sao mà anh biết đó là một cô chó ngoan?” “Ừ thì. Chỉ cần nhìn thôi. Nhìn nó ấy.” Ít nhất thì mình cũng đã cố gắng, tôi nghĩ. Lần sau tôi không nên vui mừng sớm như thế. “Này, Ben. Chờ đã. Nếu anh không nhớ Sandy, làm sao anh biết đấy là một con chó cái?” Tôi không hề dùng một từ nào chỉ giới tính cả. Ben không trả lời trong một lúc lâu. Rồi anh nói, “Đó là một câu hỏi khó”. Anh đóng quyển album bằng gỗ lại và để nó xuống thảm, mắt quay lại ti vi. Tôi thở dài. “Hãy thử cách khác vậy. Có thể thay vì chờ gặp lại mẹ theo cách cũ, cách mà anh vẫn quen, thì anh nên thử cách mới xem sao.” Tôi khá chắc là anh không nghe. Cho đến khi anh nói, “Hả?” “Như kiểu là, có thể anh sẽ không nhìn thấy mẹ nữa. Nhưng anh vẫn cảm thấy mẹ ở đây.” “Tại sao anh lại không nhìn thấy mẹ nữa.” Ben có vẻ kích động. Đột nhiên hoảng hốt. “Ý em là, anh có thể sẽ cảm thấy mẹ đang nhìn anh. Anh biết đấy. Vẫn ở bên anh.” “Nhưng tại sao anh lại không nhìn thấy mẹ nữa?” Ben đứng dậy khó khăn trên đôi chân mình và bắt đầu đi loanh quanh theo cái cách của riêng Ben. Tôi đã quên tiệt những chuyện này. Và giờ thì tôi được nhắc nhớ lại ngay. Anh trai Ben của tôi không đi theo đường thẳng. Cũng không đi vòng tròn, mặc dù kết quả thì như nhau. Ben đi không nghỉ theo hình vuông. Chân trái, rồi chân phải, quay một góc chính xác chín mươi độ, và lặp lại. Quanh quanh cái hộp vô hình mà anh vụng về tạo ra. Chỉ cần anh lỡ mất một bước là sẽ ra khỏi cái hộp đó. Nhưng không bao giờ chuyện đó xảy ra. Cho đến khi anh bình tĩnh lại và sẵn sàng. “Tại sao anh sẽ không nhìn thấy mẹ nữa?” Anh rên rỉ. “Ben, em…” “Em nói đi, tại sao anh sẽ không nhìn thấy mẹ nữa. Tại sao anh sẽ không nhìn thấy mẹ nữa?” Và tôi nhớ lại ngay. Sau “cái hộp loanh quanh” sẽ là màn “đĩa vấp”. Một khi Ben bùng nổ rồi nhắc lại một câu hỏi nhiều hơn hai hay ba lần, thì anh sẽ đứng chôn chân một chỗ, không hề cử động gì một lúc. Tôi biết đó sẽ là một đêm dài. Tuyệt vời, Russell, tôi nghĩ. Mày đã làm một việc “tuyệt vời”. Trong khoảnh khắc, tôi không nhớ phải giải quyết những tình huống kiểu này thế nào - tôi chỉ đang nhớ được từng bước một - tôi bật dậy và cố gắng dừng Ben lại. Tôi đứng trước mặt anh để buộc anh dừng lại. Và rồi tôi nằm thẳng cẳng dưới sàn, mắt nhìn lên trần nhà, tự hỏi cơ lưng mình đã bị vặn xoắn đến đâu với cơn đau đang âm ỉ phía sau lưng. Anh không đánh tôi. Thậm chí còn không đẩy tôi ra. Anh chỉ đơn giản là không dừng lại. “Anh,” tôi nói, có chút hoảng hốt theo Ben. “Dừng lại.” “Nhưng tại sao anh lại không nhìn thấy mẹ nữa?” Tôi lẻn ra khỏi phòng ti vi, vào phòng khách, hít vào một hơi sâu. Tôi vẫn có thể nghe thấy Ben đang lặp lại câu hỏi đó. Lần nữa, rồi lần nữa. Lần nữa. Rồi lại lần nữa. Mẹ và tôi thường làm gì ấy nhỉ? Đúng rồi. Tôi biết câu trả lời mà. Không phải là chúng tôi làm gì. Mà là mẹ làm gì. Rồi tôi chợt nảy ra một ý kỳ lạ. Tôi đang cố nói với Ben hãy cảm nhận mẹ vẫn ở bên anh. Liệu tôi đã sẵn sàng để thử cái cách mà tôi định nói với anh chưa? “Mẹ à,” tôi nói. “Trước đây mẹ làm như thế nào vậy?” Tôi tập trung một trăm phần trăm toàn bộ trí lực của mình vào câu hỏi ấy. Bởi tôi không bao giờ quên điều gì, nên nếu như tôi không nhớ một chuyện gì đó, thì là bởi tôi chưa cố gắng đủ mà thôi. “Bánh quy,” tôi nói to. Khi Ben cứ mãi như thế, mẹ của chúng tôi sẽ làm bánh quy. Và cơn giận dỗi của Ben sẽ kéo dài đúng bằng khoảng thời gian mẹ nướng bánh và để bánh nguội một chút. Rồi mẹ sẽ mang bánh đến cho Ben và nói, “Này, con này. Bánh quy.” Để khi anh đã mệt lắm rồi, thì một sự mất tập trung nhỏ thôi cũng đủ để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn đấy. Bánh quy chính là cái sự mất tập trung nhỏ đấy. Chỉ có một vấn đề. Tôi không biết làm bánh quy thế nào. “Mẹ, giúp con đi?” Tôi hỏi. Và rồi tôi nhớ lại. Khi chúng tôi còn bé, mẹ làm bánh từ đầu đến cuối. Nhưng sau khi phải trông nom Ben trong một thời gian dài, thì việc đó không khả thi nữa. Nên mẹ chỉ dùng cái loại vẫn bán ở siêu thị, những thanh bột bánh đóng gói. Bởi dù sao thì Ben cũng chẳng nhận ra được sự khác biệt giữa bột mẹ làm và loại ở siêu thị. Tôi chạy vào bếp. Ngay cả khi ở trong bếp thì tôi vẫn nghe được tiếng Ben. “Nói cho anh! Nói cho anh tại sao anh sẽ không nhìn thấy mẹ nữa!” Tôi nhìn vào ngăn lạnh và không thấy thanh bột nào cả. Mấy ngày nay tôi “may mắn” quá mà. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, có khi chúng không được giữ ở tủ đá. Thế thì chắc là ở tủ mát thôi. Tôi mở cánh ngăn tủ mát, tránh nhìn vào mấy tấm bưu thiếp. Đây rồi. Tôi phải nhấc hai đĩa mỳ ra để nhìn thấy thanh bột. Và cuối cùng cũng tìm thấy. Hai phần ba thanh bánh quy sô cô la trong túi đựng thực phẩm. Có vẻ may mắn hơn rồi đấy. Tôi nhìn hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Nhưng không dễ dàng gì cả, bởi một vài từ đầu tiên của mỗi câu đã bị cắt đi do lần sử dụng trước. Nhưng tôi vẫn đọc được nhiệt độ lò nướng. Ba trăm năm mươi độ. Và tôi biết rằng phải cắt nhỏ bột thành những miếng tròn khoảng một inch và rồi cắt mỗi khoanh thành bốn miếng hình múi cau. Sau đó nướng trong… phần này thì bị cắt mất. Tôi chỉ có thể nhìn thấy hai. Nhưng mà, hai gì? Mười hai phút? Hai mươi hai phút? Tôi cố nhắc mình không hoảng hốt, không vội vàng. Bởi vì dù sao thì Ben cũng có vội vàng gì với cơn giận dỗi của anh đâu. Vấn đề là thời điểm. Lúc cuối cùng mới quan trọng. “Làm mát trên giá.” Không có cái giá nào cả, mặc dù tôi lục tung tất cả những tủ đựng có trong bếp lên. Phải làm mát trên thứ khác rồi. Tôi cắt tám miếng bánh, rồi ngồi ôm đầu trên bàn ăn ở bếp khi nướng bánh vì không muốn quay lại phòng ti vi với Ben. Không thể. Chỉ là tôi không thể nào tách mình khỏi cơn giận dỗi của anh được. Nhìn anh như vậy, nghe anh như vậy, chỉ khiến tôi cảm thấy chính mình đang tụt dốc không phanh, giống như anh vậy. Một lúc sau, tôi lấy tay bịt tai lại. Khó, rất khó. Mười lăm phút sau, tôi dùng một chiếc xẻng bếp lấy bánh ra một chiếc đĩa nhựa vàng, còn giọng của Ben thì lúc này đã bắt đầu khàn đi, nhẹ hơn. Thực ra là không nghe thấy gì cả. Nhưng tôi vẫn biết anh đang nói gì. Tôi đứng ở cửa phòng ti vi, với bánh quy trong tay. Có lẽ anh đã ngửi thấy mùi, tôi thấy anh lỡ một nhịp bước. “Anh này. Em làm bánh quy này.” Ben dừng lại. Chúa ơi. Anh dừng lại. Thật khó để diễn tả cái cảm giác nhẹ nhõm lúc ấy. Nãy giờ Ben khóc. Mắt đỏ, mặt vẫn đầy nước mắt. Mũi thì thòng lòng. Trông nhem nhuốc vô cùng. Không phải chỉ một ít. Cả xô nước mũi luôn ấy. Tôi lấy cho anh khăn giấy từ phòng ngủ của mẹ, và khi tôi quay lại, anh đang ngồi trên một chiếc ghế ăn bánh quy. Tôi đưa anh năm sáu cái khăn giấy, nhưng anh chỉ giữ chúng một bên tay và dùng tay còn lại bốc bánh ăn. Nên tôi lấy lại, rồi dùng chúng lau mũi anh. Thật là một khoảnh khắc khổ sở trong cái mối quan hệ anh em này. Tôi vứt mấy cái khăn giấy đi và ngồi đó nhìn Ben ăn. “Cho em một cái bánh được không?” Tôi hỏi. “Ừ.” Và, sau khi dừng lại một lúc lâu, anh mới cầm đĩa đưa về phía tôi. Nhưng tất cả những gì tôi có thể nghĩ là hai dòng nước từ mũi anh. “Thôi, không cần đâu,” tôi nói. “Của anh tất đấy.” “Bánh của mẹ ngon hơn.” Vâng, và đấy là kết quả của việc tốt bụng. Nếu như tôi thực sự là một người tốt bụng. “Đều từ một loại bột thôi mà anh.” “Nhưng bánh của mẹ nướng vừa đủ. Còn mấy cái này thì cháy. Đây này.” Anh cho tôi xem đáy bánh. Ben nói đúng. Cạnh đen hết cả. “Xin lỗi. Em cố gắng hết sức rồi. Có điều em không phải là thợ làm bánh.” Kỳ lạ là, ngay lúc nói điều đấy, tôi nghĩ đến cô gái làm bánh nọ. Cho dù tôi mới chỉ gặp cô một lần. “Không sao đâu. Anh sẽ đưa phần cháy cho…” Tôi chờ anh nói nốt. Nhưng không, anh chẳng nói gì cả. Có điều anh tiếp tục chuyển động tay theo luồng suy nghĩ. Bóc mấy cạnh cháy ra, và ngồi xuống sàn. Xuống tầm ngồi của một con chó. Vậy ra, anh có nhớ đấy chứ. Mặc dù có thể là anh không ý thức được rằng mình có nhớ. Hoặc có thể tôi khiến anh nhớ lại bằng cách cho anh xem ảnh. Hoặc… không. Bạn có thể nghĩ về chó bao nhiêu tùy thích, nhưng nếu chưa bao giờ có một con chó, thì cho dù bạn có cố nhớ đến đâu, bạn sẽ không tự động đưa cho chúng phần thức ăn thừa hơi-khó-ăn của mình. Không phải bản năng. Đó là thói quen. “Ai?” Tôi hỏi. “Ai gì cơ?” Như thể anh đã hoàn toàn quên cái việc mình định làm rồi. Ben đặt mấy cái cạnh cháy ra phần ngoài rìa đĩa. “Anh định đưa cái đấy cho ai?” Ben nghĩ ngợi một lúc. “Đó là một câu hỏi khó,” anh nói. Anh nhìn lên màn hình ti vi. Hết hoạt hình rồi. Tôi ghé nhìn đồng hồ. 8 giờ 7 phút. Thật là hữu dụng khi bà Patty Jespers nói: “Không sớm hơn một phút. Không muộn hơn một phút.” Tôi nhìn mắt anh đảo quanh. “Mấy giờ rồi?” Anh hỏi, giọng lo lắng. “Tám giờ bảy phút.” Anh ném đĩa xuống sàn. Bánh quy lăn theo mọi hướng có thể. “Quá giờ ngủ rồi.” “Chỉ là vài phút thôi mà.” “Nhưng anh ngủ lúc tám giờ.” “Nhưng…” “Anh phải đánh răng. Ngày mai anh phải đi làm. Không để mệt được. Ông McCaskill sẽ không thích anh mệt mỏi.” Anh nhanh chóng rời đi - theo cái cách nhanh chóng tốt nhất mà Ben biết - còn tôi thì nhặt lại mấy cái bánh vương vãi khắp nhà. Chỉ còn một cái nữa thì Ben gọi. “Em phải dỗ anh ngủ đấy.” “Hẳn rồi,” tôi nói to. Nhưng không phải nói với Ben. Tôi hạ giọng. “Chắc chắn là phải dỗ anh ngủ rồi.” Và tôi sẽ còn phải hôn vào trán anh, ngay gần chỗ có tóc. Theo cái cách mà mẹ vẫn làm. Ben cẩn thận chỉ cho tôi chỗ để tôi hôn đúng. “Ngủ ngon,” tôi nói. “Này. Em này. Muốn biết… cái này không?” “Chắc chắn rồi. Cái gì vậy?” “Tại sao anh lại không nhìn thấy mẹ nữa?” Tôi cố gắng không thở dài. Nhưng tiếng thở dài đã tự mình buột ra. “Ngủ ngon anh nhé. Gặp lại sáng mai.” Tôi tắt đèn. Nhưng chừa lại cái đèn-ngủ-sáng-nhất-thế-giới của Ben. Bởi phòng của Ben không được tối, đèn phải được bật cả ngày lẫn đêm. 16 tháng 9 năm 2001 Tôi ghé cửa hàng bánh Nazir vào 6 giờ 40 phút sáng hôm sau. Dừng sững lại phía ngoài. Con đường, thị trấn, trông còn có vẻ vắng vẻ hơn cả buổi sáng hôm trước. Nhưng kể ra thì, giờ đang là Chủ nhật. Có lẽ đấy là lý do. Đột nhiên tôi nhớ ra là tiệm bánh có thể không mở vào ngày Chủ Nhật. Có rất nhiều cửa hàng nhỏ đóng cửa vào Chủ Nhật trong cái thị trấn theo Công giáo này. Và có thể cái ánh sáng ở nhà bếp kia cũng giống như đèn ngủ của Ben vậy - không bao giờ tắt. Nhưng rồi qua cửa sổ, tôi thấy đầu cô thợ bánh nhấp nhô khi cô đi đến chỗ lò nướng. Tôi đỗ chiếc Buick cũ của mẹ vào bãi, rồi tắt máy. Rồi tôi nhận ra có vấn đề với cửa sổ của tiệm bánh: Ngay trên từ NAZIR, ai đó đã ném trứng sống vào tấm kính, khiến lòng trứng chảy dài từ cửa xuống viên gạch phía dưới. Tôi tự hỏi không biết cô đã biết chưa. Tôi đi đến cửa trước. Cô ngẩng đầu lên, ra hiệu cho tôi ra phía cửa bên. Tôi vòng qua khu vực đỗ xe bé tí của cửa hàng bánh và thấy nơi để vào bếp. Cửa đang mở. Cô cười khi thấy tôi đi vào. Đó là một cảm giác tuyệt vời. Như thể đã lâu rồi mới có người làm điều đó vậy. “Nào nào,” cô nói. “Anh đã quay lại, em của Ben.” Tôi quá mệt mỏi và chán nản nên gần như đã chấp nhận rằng đây là tên mới của mình, thế nên tôi không trả lời lại. """