"Mindhunter: Kẻ Săn Suy Nghĩ PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mindhunter: Kẻ Săn Suy Nghĩ PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo MINDHUNTER -KẺ SĂNSUYNGHĨ —★— Tác giả: John E. Douglas, Mark Olshaker Người dịch: Thanh Hoa Phát hành: MintBooks Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam 2022ebook©vctvegroup Thân tặng những đồng đội cũ và hiện tại trong Đơn vị Khoa học hành vi và Hỗ trợ điều tra của FBI ở Quantico, Virginia, cùng những đồng liêu và cộng sự trên con đường sự nghiệp. Những hành động xấu xa sẽ lộ ra, Dù đất đá có che giấu chúng khỏi mắt mọi người. - Hamlet, WILLIAM SHAKESPEARE Lời tác giả Cuốn sách này là nỗ lực của cả nhóm và nó không thể hoàn thiện nếu không có những tài năng tuyệt vời và sự tận tụy của từng thành viên trong nhóm. Các nhân vật trọng yếu trong nhóm là biên tập viên Lisa Drew, điều phối viên của dự án và Carolyn Olshaker, “giám đốc sản xuất” (và là vợ của Mark). Ngay từ đầu, họ đã có chung suy nghĩ với chúng tôi và mang đến cho chúng tôi sức mạnh, sự tự tin, tình yêu và những lời tư vấn thú vị, nuôi dưỡng tinh thần của chúng tôi trong nỗ lực thực hiện cuốn sách. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành và lòng ngưỡng mộ sâu sắc đến Ann Hennigan, nhà nghiên cứu tài ba của chúng tôi; Marysue Rucci, trợ lý tài năng, chăm chỉ và luôn luôn vui vẻ của Lisa và đặc vụ Jay Acton, người đầu tiên nhận ra tiềm năng của cuốn sách và giúp đỡ thực hiện nó. Xin gửi lời tri ân đặc biệt đến bố của John, Jack Douglas, vì hồi ký của ông cũng như ghi chép tỉ mỉ của ông về sự nghiệp của con trai mình, giúp cho việc sắp xếp nội dung dễ dàng hơn rất nhiều; và xin tri ân bố của Mark, bác sĩ Bennett Olshaker, vì những lời khuyên và hướng dẫn trong các vấn đề y khoa pháp lý, tâm thần học và luật pháp. Chúng tôi vô cùng may mắn khi có được gia đình tuyệt vời, tình yêu và sự bao dung của họ dành cho chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi muốn bày tỏ sự trân trọng, ngưỡng mộ và những lời cảm ơn chân thành đến tất cả đồng nghiệp của John tại Học viện FBI ở Quantico. Phẩm chất cũng như sự đóng góp của họ đã hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp của John nên cuốn sách này xin dành tặng cho họ. - JOHN E. DOUGLAS VÀ MARK OLSHAKER, Tháng 7, 1995 HAI MƯƠI NĂM SAU John E. Douglas và Mark Olshaker Hơn hai thập kỷ qua, đã có nhiều thay đổi kể từ khi chúng tôi viết cuốn sách đầu tiên cùng nhau, Mindhunter - Kẻ săn suy nghĩ: Bên trong Đơn vị Điều tra Tội phạm hàng loạt tinh nhuệ của FBI. Nhưng nhiều thứ thì vẫn như xưa. Chúng tôi đã mất nhiều người bạn thân thiết và đồng sự mà chúng tôi từng nhắc đến trong cuốn sách này: Robert Ressler, cộng sự ban đầu của John trong nghiên cứu về những tên sát nhân hàng loạt và miêu tả nhân dạng; Roy Hazelwood, chuyên gia về tội phạm tình dục của Cục[1] và là một trong những nhân tài xuất chúng ở Quantico; cùng với Ken Baker, một cựu chiến binh của Cơ quan Mật vụ, từng làm việc với Đơn vị Hỗ trợ điều tra của John - ISU - và đã đóng góp rất nhiều để phân tích tính cách của kẻ ám sát. Bố mẹ chúng tôi cũng đã qua đời nên bây giờ chúng tôi trở thành “thế hệ trước”. Nói đến việc này thì một thế hệ chuyên viên miêu tả nhân dạng mới của FBI đã xuất hiện - không còn bị “chôn” trong những văn phòng sâu 18m dưới mặt đất (mà chúng tôi thường nói là sâu hơn người chết những mười lần) mà làm việc ở một tòa nhà văn phòng của Chính phủ đối diện Căn cứ Thủy quân lục chiến Quantico qua Quốc lộ 1. Nhóm chuyên viên này hiện nay được gọi là Đơn vị Phân tích hành vi, viết tắt là BAU[2]. Như nghề bác sĩ, công việc miêu tả nhân dạng vẫn nằm đâu đó giữa hai lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Và cũng như bác sĩ, một số chuyên viên miêu tả nhân dạng giỏi và giàu kinh nghiệm hơn những người khác. Trong những năm sau khi Mindhunter - Kẻ săn suy nghĩ được xuất bản, trên truyền hình và mạng Internet có hằng hà sa số người tự nhận là chuyên viên miêu tả nhân dạng, nhưng đa số họ không có chuyên môn cụ thể hay kinh nghiệm thực thụ. Thường thì họ gây họa nhiều hơn là giúp đỡ, và chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp mà các chuyên viên miêu tả nhân dạng xuất thân từ ngành giáo dục đã diễn giải sai chứng cứ và khiến việc điều tra hoặc chiến lược của luật sư biện hộ đi theo hướng sai hoàn toàn. Phải nhớ rằng một chuyên viên miêu tả nhân dạng tài giỏi và có kinh nghiệm hợp tác với một cơ quan thi hành luật địa phương có chuyên môn cao có thể cho ra các kết quả giúp nhanh chóng bắt được kẻ gây án cũng như việc khởi tố thành công hơn. Một số nghi phạm liên quan đến các tội ác mà chúng tôi đề cập đã bị bắt, chúng ta sẽ thảo luận việc bắt giữ Kẻ đánh bom trường học - máy bay, Kẻ sát nhân sông Xanh[3] và Kẻ sát nhân BTK sau. Larry Gene Bell bị tử hình vì đã sát hại dã man hai nạn nhân Shari Faye Smith mười bảy tuổi và Debra May Helmick chín tuổi. Những tên sát nhân cuồng dâm Jerome Brudos, Joseph Christopher và Arthur Shawcross, cùng James Earl Ray, kẻ đã ám sát Martin Luther King Con[4], tất cả đều đã chết rục trong tù. Những người bị kết tội giết người oan John Hinckley Con và Arthur Bremer đã được trả tự do. “Sát nhân đường mòn trên núi” David Carpenter và ông ba bị khủng khiếp Charles Manson đều đang ở độ tuổi tám mươi và vẫn ở sau song sắt khi chúng tôi viết những dòng này. Và Joe Del Campo, cộng sự của John trong công tác giải quyết các vụ án từ những ngày làm đặc vụ đường phố ở Milwaukee, gần đây đã tham gia một mùa trong chương trình thực tế Kẻ sống sót. Bạn không bao giờ biết một cựu đặc vụ có thể làm được những gì. Bất cứ tác giả nào cũng sẽ lấy làm hài lòng khi có một cuốn sách vẫn được in và bán suốt hơn hai mươi năm, chúng tôi cũng không ngoại lệ. Phản ứng của độc giả thật sự rất tuyệt vời và là niềm tự hào cũng như mãn nguyện của chúng tôi và gia đình. Chúng tôi hy vọng thành công liên tiếp của Mindhunter - Kẻ săn suy nghĩ - những cuốn sách kế tiếp, các chương trình truyền hình và bộ phim mà các nhà sản xuất thừa nhận đã lấy cảm hứng từ cuốn sách và hiện nay là một sê-ri phim trên Netflix[5] dựa trên Mindhunter - Kẻ săn suy nghĩ - là nhờ vào những bí ẩn đầy cuốn hút và những câu chuyện sống còn mà chúng tôi đã kể. Tuy khoa học, công nghệ và những kỹ thuật điều tra đã có nhiều tiến bộ vượt bậc sau hai mươi năm, nhưng các vấn đề cơ bản về trí não và động cơ của con người vẫn và sẽ luôn như thế. Chúng tôi thường được hỏi là tại sao tác phẩm viết về tội ác thực sự lại có sức hấp dẫn với độc giả và khán giả đến thế, bất kể chủ đề khủng khiếp và kết cục bi thảm của chúng. Chúng tôi tin rằng đó là vì về bản chất, tội ác thực sự liên quan đến những điều cơ bản và quan trọng của cái mà chúng tôi gọi là “điều kiện tạo nên con người”, chúng là những bản năng và cảm xúc mà tất cả chúng ta đều có: yêu, ghét, ghen tỵ, thù oán, tham vọng, ham muốn, vui và buồn, sợ hãi, thất vọng, cảm giác về sự vĩ đại và quyền cá nhân… thường đi kèm với nỗi tự ti và căm ghét bản thân đã ăn sâu vào con người. Các tác phẩm viết về tội ác thực sự thể hiện điều kiện tạo nên con người một cách rõ ràng: những người bình thường hành động theo những bản năng và cảm xúc này nhưng ở mức cực hạn khủng khiếp. Theo đó, mọi bí ẩn chúng tôi thuật lại, mọi vụ việc chúng tôi báo cáo, mọi kết quả chúng tôi theo dõi, trở thành vở kịch đạo đức của chính nó, thêm anh hùng, kẻ phản diện và nạn nhân là hoàn chỉnh. Sau khi nghỉ hưu, mỗi khi John nhận tư vấn cho một vụ việc, dù là làm cho bên khởi tố hay bên biện hộ, dù được trả công hay tình nguyện, tiêu chí của ông luôn là: “Người thuê tôi có thể là quý vị, nhưng tôi làm việc vì nạn nhân”. Đó luôn luôn là trách nhiệm hàng đầu của chúng tôi. Bây giờ, hãy điểm qua một số vụ án đã khép lại kể từ lần xuất bản đầu tiên của Mindhunter - Kẻ săn suy nghĩ. Vụ án gây xúc động nhất với chúng tôi, thậm chí đến lúc này, vì suýt chút nữa John đã mất mạng, chính là vụ Kẻ sát nhân sông Xanh ở bang Washington. Gary Leon Ridgway nhận tội giết tổng cộng bốn mươi tám phụ nữ, sau đó thừa nhận đã giết ít nhất bảy mươi mốt người - nhiều người trong số đó bỏ nhà ra đi, hành nghề mại dâm hoặc là những nạn nhân yếu đuối khác - dọc theo đoạn đường Sea-Tac Strip tai tiếng ở Đại lộ Thái Bình Dương. Bản mô tả Đối tượng vô danh, hay UNSUB[6], ban đầu tương đối rõ ràng: một kẻ độc thân, thuộc tầng lớp công nhân, có thể là tài xế xe tải đường dài, kẻ có thể dễ dàng cho người khác đi nhờ xe, có một chiếc taxi riêng, nơi hắn có thể bóp cổ nạn nhân rồi vứt xác họ xuống hẻm núi sông Xanh hoặc những nơi khác dọc các tuyến đường hắn đi. Nhưng John và các đồng sự FBI cảnh báo đơn vị đặc nhiệm là bản mô tả không phải yếu tố chính, hành vi sau khi thực hiện tội ác mới quan trọng. Đây là kẻ sẽ tìm cách tham dự vào việc điều tra rồi trở lại hiện trường gây án và/ hoặc nơi bỏ xác để hồi tưởng các ảo vọng của hắn với những phụ nữ này. Vì cuộc điều tra rất toàn diện nên John cảm thấy có khả năng, vào thời điểm nào đó, họ đã chọn và thẩm vấn trúng Đối tượng vô danh thực sự, đặc biệt nếu hắn vô tình phù hợp với bản mô tả. Có thể hắn có mối quan hệ yêu ghét phức tạp với các cô gái “bán hoa” và bỏ nhà đi bụi, từ đó cảm thấy “trừng phạt” họ là điều đúng đắn. Vì vậy, John khuyên không nên dựa vào các bài kiểm tra phát hiện nói dối để loại trừ các nghi phạm. Hơn nữa, máy phát hiện nói dối cũng không hoàn toàn đáng tin, đó là lý do tại sao kết quả kiểm tra hiếm khi được chấp nhận là chứng cứ trước tòa. Tuy máy này có thể phát huy hiệu quả với người bình thường, nhưng nói dối với một cái hộp kim loại dây nhợ lỉa chỉa lại chẳng phải chuyện lớn gì với một kẻ chống đối xã hội. Gary Ridgway bị bắt ngày 30 tháng Mười một năm 2001 khi đang rời khỏi nhà máy xe tải Kenworth ở thành phố Renton, Washington, nơi hắn làm thợ phun sơn. Bị bắt vì cáo buộc dẫn gái mại dâm, sau đó hắn được liên hệ với bốn nạn nhân thông qua ADN, chứng minh giá trị của ngành khoa học mới nổi đó. Năm 1982, tên tài xế xe tải này từng bị bắt vì cáo buộc liên quan đến mại dâm, một năm sau lại trở thành nghi can trong vụ sông Xanh. Hắn được làm kiểm tra phát hiện nói dối và vượt qua trót lọt, bị loại khỏi diện nghi ngờ của cảnh sát về sau. Sau đó, việc phân tích cho thấy có thể bài kiểm tra không được diễn giải đúng. (Bất ngờ chưa!) Các điều tra viên điều tra về hắn một lần nữa vào năm 1987, việc này cũng không lạ với một vụ án đã lâu chưa phá được, vào thời điểm đó họ đã lấy mẫu tóc và nước bọt của hắn. Hai mươi tư năm sau, chính những phân tích ADN từ các mẫu lưu trữ trong hệ thống này cuối cùng đã phá được vụ án. Năm 2003, Ridgway nhận tội cho bốn mươi chín cáo buộc giết người cấp độ I có tình tiết tăng nặng; một cáo buộc được thêm vào khi hắn điều đình nhận tội. Đổi lại, hắn nhận các mức án tù chung thân không giảm án thay vì tử hình. Sau khi vụ án khép lại, mọi người nhận thức được điểm chính yếu khiến bản mô tả nhân dạng bị sai chính là dự đoán Đối tượng vô danh độc thân. Trên thực tế, Ridgway đã kết hôn ba lần và có vô số bạn gái, tất cả họ đều nói về sở thích tình dục thái quá của hắn. Hắn từng tham gia Hải quân trong Chiến tranh Việt Nam và có quan hệ thường xuyên với các cô gái làng chơi ở đây. Xét việc hắn mắc bệnh lậu từ một trong những cuộc mua vui này, đây có thể là nguyên nhân khiến hắn cảm thấy mình có quyền trừng phạt gái làng chơi - một dạng sự kiện châm ngòi thường thấy ở loại sát nhân hàng loạt này. Sau nhiều năm, nhiều nghiên cứu được tiến hành, các chuyên viên mô tả nhân dạng không còn vội vàng kết luận một tên sát nhân hàng loạt - dù có dành phần lớn thời gian chạy xe trên đường - không nhất định là người độc thân. Trong chương 13 (Trò chơi nguy hiểm nhất), độc giả sẽ gặp thợ làm bánh người Alaska Robert Hansen, kẻ có thể tách biệt hoàn toàn cuộc sống hôn nhân của mình với đam mê tìm gái làng chơi, đưa họ đến những nơi hoang dã bằng máy bay riêng của hắn rồi săn họ như săn thú. Kẻ sát nhân tự nhận là BTK ở Wichita, Kansas, Dennis Rader, cũng là một kẻ đi săn nhưng hắn theo dõi con mồi trong nhà riêng của họ, tự hào vì khả năng đầy nghệ thuật là “Trói, Hành hạ và Giết”[7] cả nhà nạn nhân rồi vẽ lại hiện trường gây án của mình một cách chi tiết. John và các đồng nghiệp Roy Hazelwood, Ron Walker nhận ra những bức vẽ này và ngôn ngữ mà Rader dùng để miêu tả các vụ án cho thấy đây có thể là một cựu nhân viên cảnh sát hoặc cảnh sát tha hóa, thậm chí có thể muốn làm cảnh sát. Những tên sát nhân hàng loạt thích thú trước quyền lực của bản thân đối với nạn nhân, vì vậy chúng thường ghen tị với quyền lực mà chúng cho rằng các nhân viên cảnh sát sở hữu. Từ quan điểm điều tra, điểm kỳ lạ trong vụ BTK là các vụ giết người xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn sau đó lại im ắng. Thường thì trong trường hợp này, chúng tôi nghĩ có khả năng Đối tượng vô danh đã chuyển sang khu vực khác, bị giam giữ vì tội danh không liên quan đến các vụ giết người hàng loạt hoặc đã chết. Nhưng với BTK thì các vụ án lại diễn ra sau nhiều năm im ắng. Hắn giết năm người vào năm 1974, sau đó giết hai người vào năm 1977, rồi lặn mất cho đến khi giết một người vào năm 1985 và một người vào năm 1986; hắn chờ hơn năm năm trước khi giết nạn nhân cuối cùng vào năm 1991. Rất ít, thậm chí chẳng có kẻ nào trong những tên sát nhân này một lúc nào đó nhận ra tội lỗi của mình và quyết định hoàn lương, nên phải có lý do khác. Rader có thể tự kiểm soát và sống dựa vào ảo tưởng từ những lần giết người trước càng ngày càng lâu hơn chăng? Thế giới lại nghe tin đồn về hắn vào năm 2004. Khi đó hắn khoe khoang về công việc của mình và thừa nhận một vụ án mà trước đó chưa bao giờ được liên hệ với hắn. Chúng tôi không ngạc nhiên khi Rader không thể ngăn mình liên lạc với giới truyền thông. Với phần lớn những kẻ săn mồi hàng loạt vì tình dục này, tội ác mà chúng gây ra là khía cạnh quan trọng nhất, khiến chúng hài lòng nhất và “thành công” nhất trong đời. Nếu liên lạc với cơ quan chức năng hay giới truyền thông là một trong những yếu tố đặc trưng của chúng - hành động mang đến sự hài lòng cho chúng - thì không bao giờ chúng dừng lại. Cuối năm 2004, như để chứng minh sự tồn tại của BTK, Đối tượng vô danh đã gửi cho cảnh sát thành phố Wichita giấy phép lái xe của một nạn nhân cùng một con búp bê nữ, tay chân bị trói và đầu bị trùm túi ni-lông - một ví dụ khác về “nghệ thuật” của hắn. Thư hắn gửi cho các nhà chức trách ngày càng nhiều và trên một lá thư trong số đó, hắn hỏi liệu có thể tìm ra hắn từ tư liệu trên một chiếc đĩa mềm mà hắn định gửi cho một đài truyền hình địa phương hay không. Thông qua hệ thống liên lạc được sắp đặt trước với phần tin rao vặt trên tờ báo Wichita Eagle, cảnh sát thừa nhận họ không thể tìm ra hắn. Ngày 16 tháng Hai năm 2005, một bưu kiện với tên người gửi là BTK được gửi đến chi nhánh KSAS của Đài truyền hình Fox, trong đó có một sợi dây chuyền vàng, tờ bìa phô tô của một cuốn tiểu thuyết về một tên sát nhân thường trói và nhét giẻ vào miệng nạn nhân, một số ghi chú, trong đó có một tờ hướng dẫn liên hệ thêm thông qua báo Wichita Eagle… và một đĩa mềm Memorex. Nội dung của chiếc đĩa gây thất vọng vì quá nhàm chán: chẳng có thông tin gì về các vụ án mạng, chỉ có một tập tin viết rằng “Đây là một bài kiểm tra” và đề nghị cảnh sát hãy xem những tờ giấy ghi chú. Trái với những gì đã bảo BTK, Sở Cảnh sát Wichita có thể phân tích siêu dữ liệu của chiếc đĩa - một từ mà chúng tôi chưa từng nghe khi mới viết cuốn sách này - và phát hiện ra nó đã được sử dụng trên máy tính của nhà thờ Christ Lutheran, người cuối cùng chỉnh sửa đĩa là “Dennis”. Tìm kiếm trên mạng cho ra kết quả Dennis Rader là chủ tịch hội đồng nhà thờ. Xe của Rader, một chiếc jeep Cherokee màu đen, trùng khớp với mô tả về chiếc xe được ghi nhận đang rời khỏi nơi đặt một trong những bưu kiện của BTK. Nhằm xác định xem có sự liên hệ về ADN với Rader hay không, văn phòng công tố quận đã xin lệnh kiểm tra một mẫu phết tế bào cổ tử cung của con gái Rader tại phòng khám thuộc Đại học bang Kansas khi cô là sinh viên ở đây. Cục Điều tra bang Kansas phân tích mẫu này và phát hiện có mối quan hệ huyết thống với một mẫu lấy từ một trong các nạn nhân của BTK. Sau khi bị bắt, cuối cùng Dennis Rader cũng nhận tội, và giống như Gary Ridgway, hắn điều đình nhận tội để tránh án tử. Bản mô tả nhân dạng ban đầu dành cho Kẻ sát nhân BTK từ nghiên cứu trước kia của Đơn vị Khoa học hành vi thuộc FBI dự đoán kẻ gây ra tội ác tàn bạo như vậy có khả năng độc thân, nhưng bản mô tả cũng nói “Nếu Đối tượng vô danh có bạn gái hoặc đã kết hôn, có thể đó là một phụ nữ rất thụ động, phục tùng và/hoặc ở vị trí phụ thuộc vào chồng”. Kết quả cho thấy đây là một đánh giá khá chính xác. Dennis Rader không phải cảnh sát mà là một nhân viên pháp lý của thành phố Park, bang Kansas - nhiệm vụ của người này là bảo đảm cỏ trên sân nhà bạn không mọc quá cao, chó nhà bạn được xích và vỉa hè trước nhà được cào sạch sau một đợt tuyết rơi. Rader cực kỳ nghiêm khắc trong việc đưa trát hầu tòa, có một gia đình đã than phiền rằng hắn an tử con chó của họ mà không có lý do gì. Trước khi làm công việc này, hắn từng tham gia Không quân, có bằng cử nhân ngành xét xử tư pháp của Đại học bang Wichita và làm việc cho một công ty an ninh nhà ở. Quý vị bắt đầu nhìn ra lộ trình của hắn rồi chứ? Không chỉ vậy, các buổi thẩm vấn trong tù về sau để lộ ra khi còn nhỏ hắn từng ngược đãi động vật nhỏ và lấy cắp đồ lót từ các nạn nhân nữ của hắn. Sau khi phiên tòa và việc kết án đã xong, John có cơ hội thẩm vấn Rader ở Cơ sở Cải tạo El Dorado ở thành phố El Dorado, bang Kansas. Có một câu hỏi cứ ám ảnh John là tại sao Rader cứ ngưng rồi lại tái phạm những vụ giết người man rợ. Khi Rader thuật lại thì nguyên nhân rất đơn giản và khá “con người” theo cách riêng của hắn. Một buổi trưa nọ, vợ hắn là Paula bất ngờ về nhà và thấy hắn đang mặc quần áo phụ nữ cùng đồ lót của các nạn nhân, nhưng Paula không thể biết chỗ đồ lót đó từ đâu ra. Cô bị sốc và cảm thấy ghê tởm. Hắn cố gắng thanh minh cho sở thích “vô hại” này và nói rằng hắn cũng đấu tranh tâm lý để vượt qua. Cô dọa sẽ bỏ hắn nếu việc này còn tái diễn. Khó nói việc này có đủ để hắn “kiêng” hay không, nhưng chắc chắn Rader đã nhận ra nếu hắn cho Paula cái cớ để báo cảnh sát hay bất kỳ ai, người ta sẽ nhanh chóng liên hệ hắn và những món kỷ vật với các vụ giết người BTK. Hắn có thể bằng lòng với những ký ức, tranh vẽ và kỷ vật trong một khoảng thời gian nhưng cuối cùng, ham muốn trở nên quá mạnh và Rader lại tiếp tục đột nhập vào nhà người khác, trình diễn màn trói và hành hạ nạn nhân. Một lần nữa, hắn lại bị vợ bắt quả tang đang mặc đồ của nạn nhân. May cho hắn, Paula vẫn không liên kết hai sự việc với nhau. Tuy Paula quả thực khớp với mô tả là một người vợ thụ động và phụ thuộc, nhưng cô cũng đủ dũng khí để yêu cầu ly hôn ngay khi sự thật về gã chồng bị phơi bày. Từ thái độ khăng khàng rằng phải có một danh xưng trước công chúng của Dennis Rader mà John biết với tư cách là BTK, hắn theo dõi và ngưỡng mộ những tên sát nhân hàng loạt khác. Hóa ra Rader thần tượng Harvey Glatman, “Kẻ sát nhân Những trái tim cô độc” vào thập niên 1950 ở Los Angeles, dụ dỗ phụ nữ tới căn hộ của mình hoặc một nơi nào đó với lời đề nghị dối trá làm người mẫu ảnh cho các tạp chí truyện hư cấu, sau đó trói, tấn công tình dục, bóp cổ họ rồi vứt xác họ ở nơi vắng vẻ. Cuối cùng hắn bị bắt vào năm 1958 sau khi một phụ nữ hắn định bắt cóc thoát được và chạy đến chỗ cảnh sát. Hắn bị xét xử, định tội và xử tử trong phòng hơi ngạt của nhà tù tiểu bang San Quentin vào ngày 18 tháng Chín năm 1959. Dennis Rader trích dẫn câu nói của Harvey Glatman “Sợi dây trói là tất cả”. Câu này có nghĩa là gì? Sợi dây trói tượng trưng cho sự kiểm soát tuyệt đối. Ảo tưởng hay ho nhất là giữ cho các nạn nhân còn sống và bị chế ngự vô thời hạn, dù hai tên này biết rằng điều đó là không thể. Khác biệt về quãng thời gian “hành nghề” giết người của Glatman và Rader đơn giản là do may mắn mà thôi. Rader hay Gary Ridgway chẳng hạn, đều không tài trí vĩ đại gì. Chúng chỉ bị ám ảnh bởi những tội ác mình gây ra và may mắn không bị phát hiện sớm. Nhưng trớ trêu là việc Rader ngưng hoạt động lại giống với một tên sát nhân hàng loạt khác mà cho đến thời điểm xuất bản cuốn sách này, danh tính của hắn vẫn chưa bại lộ. Có lẽ hắn thông minh hơn cả ba tên này cộng lại. Trong chương 17 (Ai cũng có thể là nạn nhân), chúng tôi thảo luận về Unabomber, kẻ bấy giờ vẫn chưa bị phát hiện, đã gửi một loạt bom thư tới các giảng viên đại học và người làm trong lĩnh vực công nghệ. Ba nạn nhân chết và hai mươi ba người khác bị thương. Hắn thậm chí còn đưa được một thiết bị vào khoang chứa hàng của một máy bay phản lực chở khách của hãng American Airlines chuẩn bị rời khỏi Chicago, nhưng gói bưu kiện bắt đầu bốc khói trước khi phát nổ và viên phi công đầy cảnh giác đã cho máy bay đáp khẩn cấp kịp thời. Khác Dennis Rader, Unabomber không tự đặt cho mình danh xưng này. Cái tên này xuất phát từ bí danh dành cho những vụ án lớn của FBI: UNABOM là viết tắt của UNiversity và Airline BOMber[8]. Khi tiến hành mô tả nhân dạng Đối tượng vô danh này, có sự bất đồng ý kiến giữa FBI và lực lượng đặc nhiệm đang ngày càng lớn mạnh. Họ cho rằng khả năng cao hắn có liên quan đến ngành hàng không - có lẽ là một thợ cơ khí có chuyên môn chế tạo bom - còn bản mô tả mà John dựng lên lại giả sử có thể hắn liên quan đến một trường đại học, vì hắn có vẻ rất thông minh trong kỹ năng chiến lược và chế tạo bom. Đối tượng vô danh cũng đưa ra những manh mối sai và đồ vật không liên quan như mảnh gỗ và vỏ cây. Sau khi Unabomber bắt đầu gửi thư cho New York Times để phàn nàn về sách lược của những doanh nghiệp lớn và việc phá hủy môi trường do các sự cố như vụ tràn dầu Exxon Valdez, John càng tin vào xuất thân hàn lâm của hắn vì giọng điệu và văn phong của hắn. Những lời phàn nàn rõ ràng và việc sử dụng gỗ trong các quả bom đưa đến kết luận rằng hắn là kẻ theo phong trào Tân bảo thủ, tự phong, phản đối công nghệ. Cuối cùng, sau nhiều năm đánh bom gián đoạn, Unabomber gửi cho New York Times một tối hậu thư. Hắn sẽ dừng các hoạt động nếu Times và Washington Post chịu đăng “bản tuyên ngôn” về công nghệ của hắn. Nếu không hắn sẽ tiếp tục. Có nhiều cuộc tranh cãi và tự vấn lương tâm vì yêu cầu này - cả trong báo giới và lực lượng thi hành luật, và những hội nghị song phương. Ban giám đốc của Times và Post lo lắng việc này sẽ tạo ra tiền lệ. Ngày nay, báo chí lại trở thành con tin của những kẻ tâm thần nguy hiểm muốn mọi người phải lắng nghe ý kiến của chúng sao? Lực lượng thi hành luật cũng quan ngại không kém, họ vẫn luôn như thế, về việc khuyến khích những kẻ bắt chước và đáp ứng yêu cầu của kẻ giết người. Tại Đơn vị Hỗ trợ điều tra ở Quantico thì quan điểm rõ ràng hơn: công chúng thường là cộng sự đắc lực nhất. Khi tất cả manh mối logic và hợp lý đều thất bại, hãy cho công dân cơ hội giúp phá giải vụ án. Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno đồng ý với kiến nghị của ISU[9]. Hệ tư tưởng này rất hiệu quả trong quá khứ. Quý vị sẽ thấy rõ hơn trong phần sau, chúng tôi thuật lại việc đặc vụ và chuyên viên mô tả nhân dạng Jana Monroe, khi cố gắng phá giải vụ án mạng ba người ở vịnh Tampa, đã nảy ra ý tưởng đăng lại những chỉ dẫn lộ trình mà bà tin là do chính Đối tượng vô danh viết, trên những tấm bảng quảng cáo được cho mượn. Việc này đã giúp bắt giữ, khởi tố và định tội Oba Chandler, kẻ đã bị tử hình vì tội ác của mình. Vụ án Unabomber đi đến một kết cục mà nhiều người biết đến hiện nay. Sau khi các tờ báo đồng ý đăng bài tiểu luận Xã hội công nghiệp và tương lai dài 35.000 từ của hắn trong các chuyên mục đặc biệt, một phụ nữ tên Linda Patrik thuyết phục người chồng làm cố vấn cho trẻ vị thành niên/nhân viên xã hội của mình, David Kaczynski, rằng bài viết nghe rất giống với những ý tưởng mà anh trai Ted của anh ấy từng nói đến. Cô vốn đã nghi ngờ người anh chồng. Theodore “Ted” Kaczynski là thạc sĩ Toán học tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Michigan, sống nhiều năm trong những cánh rừng xa xăm ở Montana như một người tu khổ hạnh trong căn nhà gỗ nhỏ xíu, không có điện và nước máy. Mark tâm sự với David Kaczynski về sự dằn vặt mà anh và Linda trải qua khi quyết định tố cáo anh mình. Trước khi chỉ chứng anh mình, David đã cẩn thận thỏa thuận với nhà chức trách để bảo đảm Ted sẽ không bị tử hình. Tuy cả hai chúng tôi đều mong nhiều kẻ sát nhân hàng loạt và sát nhân săn người bị phán tử hình, nhưng chúng tôi không thể trách cứ David và Linda vì quyết định và hành động trượng nghĩa của họ. Hiện tại, Ted đang lĩnh nhiều án tù chung thân tại nhà tù liên bang siêu an ninh ở thành phố Florence, bang Colorado. Chiến lược dành cho Oba Chandler hay chiến lược kiểu bản tuyên ngôn của Unabomber có hiệu quả trong việc chỉ chứng và ngăn chặn BTK trước đó không? Chúng ta không bao giờ biết, nhưng chúng tôi nghĩ có khả năng sẽ hiệu quả. Dù tội ác của chúng hoàn toàn khác nhau, nhưng điểm chung của thiên tài tâm thần Ted Kaczynski và kẻ tầm thường vô vị nhưng biến thái Dennis Rader chính là cảm giác tự phụ lớn lao. Không kẻ nào chịu nổi khi tài năng của mình không được công chúng thừa nhận, và đó chính là nguyên nhân thất bại của cả hai. Rất dễ bình luận sau khi sự việc diễn ra, và có một điều chúng tôi học được trong ngành này là mọi vụ án đều rõ ràng sau khi đã được giải quyết. Các điều tra viên rất miễn cưỡng trong việc cung cấp những chi tiết của vụ án mà chỉ có kẻ phạm tội mới biết. Nhưng nếu cảnh sát thành phố Wichita công bố một số bức vẽ, bảng mô tả hiện trường phạm tội và những cách thức liên lạc khác của BTK, có khả năng ai đó ở nơi Dennis Rader làm việc, nhà thờ, trong các mối quan hệ xã hội của hắn hay thậm chí ở nhà có thể nhận ra tác phẩm của hắn, hoặc ít nhất là có đủ hoài nghi để báo cho cảnh sát. Từ khi chúng tôi viết cuốn sách này, tỷ lệ của một số loại tội phạm nhất định đã thay đổi. Tội phạm bạo lực nhìn chung có xu hướng giảm, nhưng số kẻ sát nhân săn người vì mục đích tình dục hầu như không thay đổi. Chúng tôi tin lý do là vì loại bệnh lý tội phạm này không phản ứng với các điều kiện xã hội hoặc kỹ thuật điều tra cải tiến rõ rệt như những loại tội phạm khác. Suốt mười sáu năm qua, chúng tôi thấy quan ngại về vấn đề khủng bố trong và ngoài nước, một vấn nạn chỉ mới bắt đầu khi chúng tôi khởi tố vụ đánh bom tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma năm 1995. Các vụ xả súng ngày càng nhiều đến mức đáng báo động, không giống như vụ giết người năm 1966 của Charles Whitman từ đỉnh tòa nhà trường Đại học Texas. (Dù khi khám nghiệm tử thi Whitman đã phát hiện ra một khối u nhỏ trong não, nhưng chúng tôi tham khảo ý kiến các chuyên gia thần kinh uy tín và xác nhận vị trí khối u không ảnh hưởng đến các khu vực chịu trách nhiệm kiểm soát loại hành vi này.) Như đã nói ở trên, dù loại hình tội phạm có thay đổi nhưng chúng tôi nhận thấy các động cơ cơ bản không có gì khác. Dù là những kẻ đánh bom như Ted Kaczynski, Charles Whitman hay xả súng ở trường học, hay vô số tên khủng bố tôn giáo đã và đang gây đau khổ khắp thế giới, thứ chúng tôi đang khám phá là những bộ não có suy nghĩ giống nhau. Đó là những kẻ lấy hành động tấn công bạo lực số đông làm tuyên ngôn khẳng định bản thân hoặc tuyên ngôn chính trị để bù đắp cho sự tuyệt vọng, bi ai, thất bại và/hoặc thiếu mục đích sống của chúng. Một lần nữa, có thể nỗi tuyệt vọng đó liên tục mâu thuẫn với cảm giác rằng bản thân chúng vĩ đại hơn người khác và quyền cá nhân của chúng không được trọn vẹn; nhưng những con người này, không có ngoại lệ, đều chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt muốn trở nên có tiếng nói và tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình. Có thể chúng có dũng khí riêng - việc chọn chết vì nguyên do nào đó, dù là nhận định sai lầm ra sao, cũng không phải một quyết định thường thấy - nhưng chúng cũng nhận ra bạo lực là cách duy nhất để chứng tỏ sức mạnh. Trong những năm John nghỉ hưu ở Cục và bắt đầu nhận các vụ án từ bên ngoài, quan điểm của ông đã mở rộng - cũng như Mark, điều này thể hiện rõ trong các cuốn sách tiếp theo. Ở Đơn vị Hỗ trợ điều tra, các đặc vụ chỉ có thể xử lý vụ án do các sở cảnh sát và văn phòng quận trưởng giao phó, chứ không phải do bị cáo đề nghị. Nhưng khi John mở rộng phạm vi công việc, chúng tôi bắt đầu thấy được nhiều điều từ phía bị cáo và nhận ra không phải cuộc điều tra chính thức nào cũng toàn diện hay chính xác. Những vụ án như giết ba bé trai tám tuổi ở bang Arkansas năm 1993 của Bộ ba Tây Memphis[10]; vụ giết bé gái sáu tuổi JonBenet Ramsey ở thành phố Boulder, bang Colorado vào ngày Giáng sinh năm 1996 vẫn chưa được phá giải; và vụ giết Meredith Kercher hai mươi mốt tuổi, sinh viên trao đổi người Anh, ở thành phố Perugia, Ý - nữ sinh viên người Mỹ Amanda Knox và bạn trai người Ý Raffaele Sollecito bị truy tố và buộc tội trong vụ này - là minh chứng sống động cho hậu quả khủng khiếp khi việc điều tra của cảnh sát có xuất phát điểm sai, với quan điểm và định kiến cố hữu thay vì những gì mà bằng chứng hướng đến. Không bảo toàn hiện trường vụ án và chứng cứ đầy đủ, kỹ thuật thẩm vấn không thích hợp có thể dẫn đến những lời thú tội sai lệch; khoa học rác và việc tin vào những nhân chứng trong tù[11]- những người có mục đích riêng, không phụ thuộc vào sự thật - tất cả các yếu tố này có thể, và thực sự đã và đang, góp phần đưa đến những lần kết tội sai. Gần đây, khi bắt đầu phản ánh về những vụ án giúp mở rộng tầm mắt mà John đã điều tra và chúng tôi đã phân tích, đưa vào cuốn sách, chúng tôi phải đối diện với những ý tưởng và ấn tượng đã hình thành từ lâu trong tâm trí mình. Trong chương 7 (Trái tim của bóng tối), quý độc giả sẽ đọc về buổi thẩm vấn mà John và Bob Ressler tiến hành với William Heirens tại trại giam Stateville ở thành phố Crest Hill, bang Illinois, khi họ đang tiến hành nghiên cứu bước đầu về những kẻ sát nhân liên hoàn. Heirens là “Sát nhân son môi” khét tiếng ở Chicago thời hậu Thế chiến II, kẻ đã thừa nhận và bị kết án vì tội ác man rợ giết và phân xác bé gái sáu tuổi Suzanne Degnan. Sau buổi thẩm vấn, John hoang mang tột độ vì Heirens khăng khăng mình vô tội đến mức, như chúng tôi đã viết, “khi trở lại Quantico, tôi lục tìm tất cả hồ sơ của vụ án. Ngoài lời thú tội và những chứng cứ đầy thuyết phục khác, tôi nhận thấy cảnh sát đã tìm ra các dấu vân tay chìm của hắn ở hiện trường vụ Degnan. Nhưng Heirens đã có quá nhiều thời gian ngồi trong khám, suy nghĩ và cho chính mình những câu trả lời mà nếu cảnh sát tiến hành kiểm tra phát hiện nói dối vào lúc đó, có lẽ hắn sẽ vượt qua trót lọt.” Nhiều năm sau khi viết những lời trên, chúng tôi tiến hành một phân tích chi tiết và cuối cùng cho ra kết luận rằng lý do cho hành động của William Heirens là có khả năng hắn vô tội. Đúng là hồi đại học hắn từng phạm tội đột nhập gia cư bất hợp pháp, nhưng dù có sở hữu súng, hắn lại không gây ấn tượng rằng hắn là một người bạo lực hay kẻ sát nhân cuồng dâm. Hắn chắc chắn không khớp với bản mô tả nhân dạng mà John sẽ đưa ra nếu ông ấy xử lý vụ án ban đầu. Nhưng cảnh sát có vẻ không còn hứng thú với đối tượng họ tình nghi nhất sau khi đã bắt Heirens, công chúng thì hài lòng khi một kẻ giết người man rợ đã bị bắt. Xét đến kinh nghiệm tích lũy suốt hơn hai thập kỷ trong bản phân tích điều tra tội phạm và mô tả nhân dạng toàn thời gian của John cũng như danh tiếng của Sở Cảnh sát Chicago trong những thập niên 1930 và 1940 - họ thường đánh đập để buộc nghi phạm nhận tội, trong đó có William Heirens và một người Mỹ gốc Phi hoàn toàn vô tội mà họ đã bắt trước đó khi điều tra, chúng tôi biết việc ngụy tạo và trình bày chứng cứ dễ dàng đến thế nào và hiểu việc mô tả nhân dạng chỉ có giá trị tương đương thông tin và chứng cứ mà cơ quan thi hành luật địa phương cung cấp. Vì thế, khả năng Heirens thực sự vô tội ngày càng đáng tin hơn. Nhưng như nhiều tình huống tương tự, cuối cùng không có giải pháp nào. Khi William Heirens tám mươi ba tuổi, ngồi xe lăn, qua đời ngày 5 tháng Ba năm 2012 tại Trung tâm Cải tạo Dixon ở thành phố Dixon, bang Illinois, ông ta là phạm nhân bị giam lâu nhất trên cả nước Mỹ. Tuy có lẽ từng có thôi thúc thoáng qua là thay đổi hoặc cập nhật những khía cạnh cụ thể trong nội dung của phiên bản mới, nhưng chúng tôi tự hào về những gì mình đã viết vào giữa thập niên 1990 và cảm thấy điều tốt nhất cho cuốn sách là cập nhật thông tin bằng phần giới thiệu này thay vì chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào. Cũng như những điều cơ bản trong tâm trí và động cơ của con người, những yếu tố cần thiết của một cuộc điều tra tội phạm hiệu quả cũng không thay đổi. Dù có nhiều thuận lợi nhờ tiến bộ trong công nghệ, máy tính, ADN, huyết thanh học và khoa học điều tra tội phạm phóng hỏa - và việc đánh giá lại những công cụ tiêu chuẩn như dấu vân tay và phân tích đạn đạo - vẫn không có gì thay thế được một thanh tra giỏi và phân tích điều tra. Việc này bao gồm xem xét hiện trường vụ án và tất cả chứng cứ, nghiên cứu về nạn nhân, gõ cửa từng nhà hỏi thông tin và theo dõi mọi manh mối hợp lý. Tóm lại, chúng ta không bao giờ được loại bỏ yếu tố con người ra khỏi việc phá án. Điều đã đúng từ hơn hai mươi năm trước vẫn đúng cho đến tận hôm nay, và sẽ còn đúng trong tương lai xa nhất chúng ta có thể tưởng tượng ra: Hành vi phản ánh tính cách. Dấu hiệu tốt nhất cho thấy bạo lực trong tương lai chính là bạo lực trong quá khứ. Để hiểu được “họa sĩ”, chúng ta phải nghiên cứu “tranh” của họ. Tội ác phải được đánh giá toàn diện. Không gì có thể thay thế kinh nghiệm và nếu bạn muốn hiểu được tâm trí của tội phạm, bạn phải tiến thẳng vào tâm trí họ và học cách giải mã những gì họ nói với bạn. Và trên hết: Tại sao + Bằng cách nào = Ai. Còn bây giờ, mời quý vị tham gia vào chuyến đi săn cùng chúng tôi. DẪN NHẬP Chắc hẳn tôi đang ở địa ngục Chắc hẳn tôi đang ở địa ngục. Đó là lời giải thích hợp lý duy nhất. Tôi bị trói và đang trần truồng. Cơn đau thật quá sức chịu đựng. Tay chân tôi đang bị một lưỡi dao cắt sâu vào. Tất cả các lỗ trên người tôi đều bị nhét thứ gì đó. Tôi bị nghẹn và nôn mửa vì có thứ gì đó nhồi vào cuống họng. Những vật nhọn đang đâm vào dương vật và trực tràng của tôi, có cảm giác như chúng đang xé người tôi ra. Toàn thân tôi đầm đìa mồ hôi. Rồi tôi nhận ra điều đang xảy ra: tôi đang bị hành hạ tới chết bởi tất cả những kẻ sát nhân, kẻ cưỡng hiếp và sàm sỡ trẻ em mà tôi đã bỏ tù trong suốt sự nghiệp của mình. Bây giờ thì tôi là nạn nhân và không thể phản kháng. Tôi biết cách thức hoạt động của chúng; tôi đã nhìn thấy không biết bao nhiêu lần. Chúng có nhu cầu phải thao túng và chế ngự con mồi. Chúng muốn mình có thể quyết định nạn nhân nên sống hay chết hoặc chết như thế nào. Chúng sẽ giữ cho tôi sống khi cơ thể tôi còn có thể chịu đựng, làm tôi tỉnh lại sau khi tôi ngất hoặc gần chết, luôn gây ra càng nhiều đau đớn và thống khổ càng tốt. Một số kẻ có thể làm như thế suốt nhiều ngày. Chúng muốn cho tôi thấy chúng nắm toàn quyền kiểm soát và tôi hoàn toàn chịu sự điều khiển của chúng. Càng la khóc, van xin được tha, tôi càng tiếp thêm năng lượng cho những mong muốn đen tối của chúng. Nếu tôi van xin được tha chết hoặc gọi cha gọi mẹ, chúng sẽ khoái trá vô cùng. Đây là cái giá tôi phải trả cho sáu năm săn lùng những gã đàn ông xấu xa nhất hành tinh. Tim tôi đang đập liên hôi, người tôi nóng như lửa. Tôi cảm nhận một cú đâm cực mạnh khi chúng thọc cái que nhọn sâu hơn vào dương vật của tôi. Cả cơ thể tôi co giật trong cơn đau tột cùng. Xin Chúa, nếu con vẫn còn sống, hãy để con chết quách đi. Và nếu con đã chết, xin hãy giải thoát con khỏi những cực hình chốn địa ngục thật nhanh. Rồi tôi thấy một ánh sáng trắng cực mạnh, giống như ánh sáng mà tôi nghe nói người ta sẽ nhìn thấy khi cận kề cái chết. Tôi mong nhìn thấy Chúa, thiên sứ hay quỷ dữ - tôi cũng đã nghe về chuyện đó. Nhưng tất cả những gì tôi thấy chỉ là ánh sáng trắng rực rỡ đó. Quả thực tôi có nghe một giọng nói - xoa dịu và trấn an, âm thanh êm ái nhất mà tôi từng nghe. “Đừng lo, John. Chúng tôi đang cố gắng làm mọi chuyện tốt hơn.” Đó là điều cuối cùng tôi còn nhớ. §•§ “John, anh có nghe tôi nói không? Đừng lo. Hãy bình tĩnh. Anh đang ở bệnh viện. Tình trạng của anh rất nghiêm trọng nhưng chúng tôi đang cố gắng cứu chữa”, đó mới là điều người y tá đã nói với tôi. Cô ấy không biết tôi có nghe được cô ấy nói không, nhưng cô ấy liên tục lặp lại cầu đó bằng giọng nói êm dịu. Tuy lúc đó tôi không biết, nhưng tôi đang ở trong phòng cấp cứu của bệnh viện Thụy Điển tại Seattle, hôn mê và dùng máy duy trì sự sống. Tay chân tôi bị buộc lại. Các loại dây, ống và ống tiêm tĩnh mạch cắm vào người tôi. Người ta không hy vọng tôi sẽ sống. Đó là vào đầu tháng Mười hai năm 1983, và tôi ba mươi tám tuổi. Câu chuyện bắt đầu ba tuần trước đó, ở bên kia của đất nước. Tôi đang ở New York, phát biểu về việc mô tả tính cách tội phạm - trước khoảng 350 người thuộc Sở Cảnh sát New York, Sở Cảnh sát Vận tải, và các Phòng Cảnh sát quận Nassau và Suffolk ở đảo Long Island. Tôi đã thực hiện bài nói này hàng trăm lần và sắp nói hết cả bài mà không cần suy nghĩ. Đột nhiên, tôi bắt đầu nghĩ lan man. Tôi nhận thức được mình vẫn đang nói, nhưng mồ hôi bắt đầu tuôn đầm đìa và tôi nhủ thầm Làm sao mình có thể xử lý hết những vụ án này đây? Tôi chuẩn bị kết thúc vụ án Wayne Williams sát hại trẻ em trong loạt án mạng vì phân biệt chủng tộc “bằng súng cỡ 22 ly” ở hai thành phố Atlanta và Buffalo. Trước đó, tôi được gọi đến hỗ trợ vụ “Sát nhân đường mòn trên núi” ở San Francisco. Khi đó, tôi có tham vấn Sở Cảnh sát Scotland Yard về vụ điều tra “Tên đồ tể ở Yorkshire” tại Anh. Tôi đi đi về về Alaska, xử lý vụ án Robert Hansen - một thợ làm bánh ở thành phố Anchorage tìm kiếm các cô gái làng chơi, đưa họ lên máy bay đến nơi hoang vắng rồi săn họ. Tôi đã điều tra một kẻ phóng hỏa hàng loạt nhắm đến những nhà thờ Hồi giáo ở Hartford, bang Connecticut. Và tuần tiếp theo, tôi phải bay đến Seattle để cố vấn cho Đội đặc nhiệm sông Xanh về một vụ có vẻ là một trong những án giết người hàng loạt lớn nhất lịch sử nước Mỹ, kẻ sát nhân chỉ nhắm vào gái điếm và những người tạm trú ở khu vực biên giới Seattle và Tacoma. Trong sáu năm qua, tôi đã và đang phát triển một phương pháp mới để phân tích các vụ án và tôi là người duy nhất ở Đơn vị Khoa học hành vi làm việc toàn thời gian về các vụ án. Những người khác trong đơn vị chủ yếu là trợ giáo. Tôi đang xử lý khoảng 150 vụ điều tra cùng lúc mà không có hỗ trợ, và tôi chạy xe từ văn phòng tại Học viện FBI ở Quantico, Virginia khoảng 125 ngày một năm. Tôi chịu áp lực khủng khiếp từ cảnh sát địa phương, còn bản thân họ cũng chịu áp lực phá án không kém từ cộng đồng và gia đình nạn nhân, những người mà tôi luôn thấy thương cảm vô cùng. Tôi cố gắng sắp xếp khối lượng công việc để ưu tiên cho một số vụ án, nhưng yêu cầu mới cứ ập tới mỗi ngày. Các cộng sự của tôi ở Quantico thường nói tôi giống như một gã trai bao vì không thể từ chối các khách hàng. Trong bài diễn thuyết ở New York, tôi tiếp tục nói về các loại tội phạm - tính cách nhưng tâm trí tôi cứ nghĩ về Seattle. Tôi biết không phải mọi người trong đội đặc nhiệm đều muốn tôi có mặt ở đó, đó là chuyện thường tình. Cũng như trong từng vụ án lớn mà tôi được gọi đến để cung cấp một dịch vụ mới mà đa số cảnh sát và nhiều quan chức trong Cục vẫn cho rằng không khác gì ma thuật, tôi biết tôi phải nói làm sao để họ nghe theo. Tôi phải nói thật thuyết phục nhưng không tỏ ra quá tự tin hay ngạo mạn. Tôi phải cho họ biết tôi nghĩ họ đã làm rất cẩn thận, chuyên nghiệp, đồng thời cố gắng thuyết phục những ai còn hồ nghi rằng FBI có thể giúp đỡ họ. Và có lẽ điều làm tôi nản lòng nhất, không như những đặc vụ FBI truyền thống chuyên xử lý “Chỉ nói sự thật thôi, thưa bà”[12], công việc của tôi đòi hỏi phải xử lý ý kiến. Tôi sống với nhận thức rõ rệt rằng nếu tôi sai, tôi có thể khiến cả cuộc điều tra hàng loạt đi chệch hướng và thêm nhiều người bị giết. Tệ không kém là việc đó sẽ khiến chương trình mới về mô tả tính cách tội phạm và phân tích vụ án mà tôi đang cố bắt đầu bị đình trệ. Còn cả việc đi lại nữa. Tôi đã có nhiều dịp đến Alaska, đi qua bốn múi giờ, kết nối với một chuyến bay đáng sợ gần mặt nước và hạ cánh trong bóng tối, ngay khi tôi vừa tới đó gặp gỡ cảnh sát địa phương xong, tôi lại lên máy bay để đáp xuống Seattle. Cơn hoảng loạn lơ lửng đó có lẽ kéo dài chừng một phút. Tôi cứ tự nhủ Này Douglas, bình tĩnh lại nào. Và tôi đã làm được. Tôi nghĩ không ai trong căn phòng đó biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng tôi không thể rũ bỏ cảm giác có chuyện gì đó bi thảm sắp đến với mình. Tôi không thể rũ bỏ linh cảm này và khi trở về Quantico, tôi đến văn phòng nhân viên nhân sự và lấy bản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phụ cùng bảo hiểm bảo đảm thu nhập trong trường hợp tôi bị tàn tật. Tôi không thể nói chính xác lý do tôi làm vậy, ngoại trừ cảm giác khiếp sợ tuy mơ hồ nhưng vô cùng mạnh mẽ đó. Cơ thể tôi kiệt sức; tôi tập thể dục quá nhiều và có lẽ uống rượu nhiều hơn mức cần thiết để đương đầu với áp lực căng thẳng. Tôi đang bị khó ngủ và khi ngủ được thì lại bị đánh thức bởi cuộc gọi từ ai đó cần sự giúp đỡ của tôi ngay lập tức. Khi ngủ trở lại, tôi cố ép bản thân mơ về vụ án với hy vọng nhìn thấu điều gì đó. Bây giờ nghĩ lại, có thể dễ dàng nhận ra tôi sắp gặp phải chuyện gì đấy, nhưng lúc đó, dường như tôi chẳng thể làm gì với tình trạng của mình. Ngay trước khi ra sân bay, có điều gì đó xui khiến tôi ghé qua trường tiểu học nơi vợ tôi, Pam, đang dạy môn tập đọc cho các học sinh khuyết tật, để nói với cô ấy về hợp đồng bảo hiểm bổ sung. “Sao anh lại nói với em việc này vào lúc này?” Cô ấy lo lắng hỏi tôi. Nửa đầu bên phải của tôi đau kinh khủng, vợ tôi nói mắt tôi đỏ ngầu và trông lạ lắm. “Anh chỉ muốn em biết mọi thứ trước khi anh đi”, tôi đáp. Lúc đó, chúng tôi có hai đứa con gái nhỏ. Erika tám tuổi và Lauren mới lên ba. Trong chuyến đi tới Seattle này, tôi đi cùng hai đặc vụ mới là Blaine McIlwain và Ron Walker để giải thích cho họ về vụ án. Chúng tôi đến Seattle vào buổi tối và nhận phòng ở khách sạn Hilton tại trung tâm. Khi giở hành lý ra, tôi thấy mình chỉ có một chiếc giày màu đen. Tôi đã quên mang theo chiếc kia hoặc đã làm mất trên đường đến đây. Sáng mai tôi có buổi nói chuyện với Sở Cảnh sát quận King, và tôi quyết định mình không thể đến đó mà không có đôi giày đen. Tôi thuộc tuýp người ăn mặc chải chuốt nên trong cơn mệt mỏi và áp lực, tôi bị ám ảnh với việc phải có đôi giày đen để mang cùng bộ vest. Vì thế, tôi ào ra đường, lùng sục khắp nơi đến khi tìm được một tiệm bán giày còn mở cửa, rồi trở lại khách sạn với một đôi giày đen phù hợp, và mệt mỏi hơn gấp bội. Hôm sau, sáng thứ Tư, tôi nói chuyện trước các cảnh sát và một nhóm người đại diện của cảng Seattle cùng hai nhà tâm lý làm việc tại thành phố này, vốn được mời đến để giúp đỡ điều tra. Mọi người rất quan tâm đến bản mô tả nhân dạng tên sát nhân tôi đưa ra, việc có thể có nhiều hơn một kẻ phạm tội và hắn hay bọn hắn là kiểu người gì. Tôi cố gắng nói với họ rằng trong một vụ án kiểu này, bản mô tả nhân dạng không quan trọng đến thế. Tôi khá chắc chắn rằng kẻ sát nhân thuộc kiểu người nào, nhưng cũng chắc chắn sẽ có nhiều người dễ dàng trùng khớp với mô tả. Tôi nói với họ là trong chu trình án mạng đang diễn ra này, điều quan trọng hơn là bắt đầu chủ động hành động, dùng những kết quả điều tra mà cảnh sát nỗ lực thực hiện cùng truyền thông để lừa nghi phạm vào tròng. Ví dụ, tôi đề nghị cảnh sát có thể tổ chức nhiều buổi gặp mặt cộng đồng để “thảo luận” về các vụ án. Tôi có lý do để tin chắc tên sát nhân sẽ xuất hiện tại một hoặc nhiều buổi gặp mặt này. Tôi cũng cho rằng điều đó sẽ giúp giải đáp câu hỏi là chúng tôi có đang đối mặt với nhiều hơn một hung thủ hay không. Một mánh khác tôi muốn cảnh sát thử là thông cáo với báo chí rằng có nhân chứng chứng kiến một trong các vụ bắt cóc. Tôi cảm thấy cách đó sẽ khiến kẻ sát nhân xuất đầu lộ diện để thực hiện “chiến lược chủ động” của hắn và giải thích tại sao hắn lại bị nhìn thấy ở khu vực lân cận. Điều mà tôi chắc chắn nhất là dù kẻ nào đứng sau những vụ giết người này thì hắn cũng sẽ không dừng lại. Sau đó, tôi tư vấn cho cả đội cách thương thuyết với những đối tượng tình nghi - cả những người họ điều tra ra và những kẻ điên rồ đáng thương không tránh khỏi việc lộ diện trong một vụ án nhiều người quan tâm. McIlwain, Walker và tôi dành thời gian còn lại trong ngày đi xem xét các địa điểm vứt xác và khi trở về khách sạn tối hôm đó, tôi hoàn toàn kiệt sức. Bên những ly rượu ở quầy bar của khách sạn, nơi chúng tôi đang cố thư giãn sau một ngày dài, tôi nói với Blaine và Ron rằng tôi cảm thấy không khỏe. Tôi vẫn bị đau đầu, tôi nghĩ tôi bị cúm và nhờ họ thay tôi làm việc với cảnh sát vào hôm sau. Tôi nghĩ mình sẽ khỏe hơn nếu ngủ cả ngày hôm sau nên khi chúng tôi tạm biệt nhau, tôi treo biển báo Không làm phiền lên cửa và nhắn với hai cộng sự là tôi sẽ gặp lại họ vào sáng thứ Sáu. Tôi chỉ nhớ lúc đó tôi cảm thấy rất mệt, tôi ngồi ở mép giường và bắt đầu cởi quần áo. Hai cộng sự của tôi trở lại Tòa án quận King vào thứ Năm để tiếp tục theo dõi những chiến lược tôi đã soạn ra hôm trước. Theo yêu cầu của tôi, họ để tôi một mình cả ngày để ngủ cho lại sức. Nhưng khi tôi không có mặt để ăn sáng vào thứ Sáu, họ bắt đầu lo lắng. Họ gọi lên phòng tôi. Không ai trả lời. Họ đi lên và gõ cửa. Vẫn không một tiếng động. Cảm thấy bất an nên họ trở xuống quầy lễ tân và yêu cầu quản lý đưa chìa khóa phòng. Họ trở lên, mở cửa phòng và vướng dây xích chống trộm mà tôi đã gài. Nhưng họ nghe thấy tiếng rên yếu ớt trong phòng. Mọi người đá tung cửa ra rồi ùa vào. Họ thấy tôi đang nằm trên sàn trong tư thế như một con ếch, quần áo cái có cái không, có vẻ đang cố với tới chiếc điện thoại. Nửa người bên trái của tôi đang co giật, Blaine nói khi đó người tôi nóng như lửa đốt. Khách sạn gọi cho bệnh viện Thụy Điển, họ lập tức điều một xe cấp cứu đến. Trong lúc đó, Blaine và Ron vẫn nói chuyện với người ở phòng cấp cứu qua điện thoại, báo cho họ các chỉ số sinh tồn của tôi. Tôi sốt đến 41 °C, mạch 220 nhịp. Nửa người bên trái của tôi đã tê liệt, và tôi tiếp tục co giật khi ở trong xe cấp cứu. Báo cáo y tế mô tả lúc đó mắt tôi như mắt búp bê - mở trừng trừng, không chuyển động và phân tán. Vừa đến bệnh viện, họ lập tức chườm đá cho tôi và tiêm nhiều liều lớn phenobarbital vào tĩnh mạch để kiểm soát cơn co giật. Bác sĩ nói với Blaine và Ron là liều lượng thuốc mà ông ấy dùng cho tôi có thể làm cả thành phố Seattle ngủ mê. Ông ấy cũng nói với hai đặc vụ rằng tuy họ sẽ cố gắng hết sức, nhưng có thể tôi sẽ chết. Phim chụp CAT[13] cho thấy não phải của tôi bị đứt mạch máu và chảy máu do cơn sốt cao. “Nói dễ hiểu”, bác sĩ bảo, “thì não anh ấy đã bị rán giòn.” Hôm đó là ngày 2 tháng Mười hai năm 1983. Chương trình bảo hiểm mới của tôi vừa có hiệu lực vào hôm trước. Trưởng đơn vị của tôi, Roger Depue, đến trường Pam dạy để đích thân báo tin cho cô ấy. Rồi vợ tôi và bố tôi, Jack, bay đến Seattle với tôi, gửi các con tôi cho mẹ tôi là Dolores trông nom. Hai đặc vụ từ Văn phòng Thực địa ở Seattle của FBI, Rick Mathers và John Biner, đón họ ở sân bay và đưa thẳng đến bệnh viện. Lúc đó họ mới biết tình hình nghiêm trọng dường nào. Bác sĩ cố gắng chuẩn bị tâm lý cho Pam đón nhận tin tôi qua đời và nói rằng nếu có sống, có thể tôi cũng bị mù và sống đời thực vật. Là người theo Công giáo, cô ấy gọi một mục sư đến để làm lễ cho tôi lần cuối, nhưng khi biết tôi là tín đồ của Giáo hội Trưởng lão, ông ấy từ chối ngay. Vì vậy, Blaine và Ron mời ông ấy về tìm một mục sư khác không đặt nặng vấn đề này. Họ nhờ ông ấy đến cầu nguyện cho tôi. Tôi vật vờ giữa sự sống và cái chết trong cơn hôn mê suốt cả tuần. Quy định của phòng cấp cứu chỉ cho phép người nhà vào thăm nên đột nhiên các đồng nghiệp ở Quantico, Rick Mathers và những người khác ở Văn phòng Thực địa Seattle đều trở thành họ hàng gần. “Gia đình chị lớn thật đấy”, một y tá bảo Pam với vẻ hơi châm biếm. Về mặt nào đó, “gia đình lớn” không hoàn toàn là chuyện đùa. Ở Quantico, một số đồng nghiệp do Bill Hagmaier của Đơn vị Khoa học hành vi dẫn đầu và Tom Columbell ở Học viện Quốc gia đã tổ chức quyên góp để Pam và bố tôi có thể ở lại Seattle cùng tôi. Trong khoảng thời gian ngắn, họ đã nhận tiền đóng góp của nhân viên cảnh sát trên khắp cả nước. Đồng thời, mọi người cũng sắp xếp chuẩn bị đưa thi hài tôi về Virginia bằng máy bay để chôn trong nghĩa trang quân đội ở Quantico. Đến cuối tuần đầu tiên, Pam, bố tôi, các đặc vụ và vị mục sư đứng thành vòng tròn quanh giường bệnh, nắm tay nhau và nắm lấy tay tôi, cầu nguyện cho tôi. Đêm đó, tôi tỉnh lại. Tôi nhớ lúc đó mình rất ngạc nhiên khi thấy vợ và bố, không hiểu tại sao mình lại ở bệnh viện. Thời gian đầu, tôi không nói chuyện được; nửa mặt bên trái bị xệ và nửa người bên trái vẫn tê liệt. Khi tôi nói lại được, lúc đầu giọng tôi vẫn lè nhè. Sau một khoảng thời gian, tôi có thể cử động chân và dần dần cử động được nhiều bộ phận khác. Cổ họng tôi đau rát vì bị nhét ống của máy duy trì sự sống. Thuốc của tôi chuyển từ phenobarbital sang Dilantin để kiểm soát các cơn co giật. Sau tất cả xét nghiệm, chụp hình và chọc dò tủy sống, cuối cùng họ đưa ra chẩn đoán lâm sàng: viêm não vi rút hoặc trầm trọng hơn bởi căng thẳng cũng như sức khỏe yếu. Tôi rất may khi còn sống. Nhưng quá trình phục hồi rất đau đớn và khiến tôi nản lòng. Tôi phải học lại cách bước đi. Trí nhớ tôi bị xáo trộn. Để giúp tôi nhớ tên bác sĩ điều trị chính là Siegal, Pam đã mang vào một bức tượng hình chim hải âu nhỏ làm bằng vỏ sò, đứng trên một cái đế bằng bần. Sau đó, khi bác sĩ tới kiểm tra tình trạng tâm thần và hỏi xem tôi có nhớ tên ông ấy không, tôi lè nhè “Tôi nhớ, bác sĩ Hải Âu”. Dù được hỗ trợ rất nhiều, nhưng tôi cảm thấy vô cùng chán nản với quá trình phục hồi. Tôi chưa bao giờ có thể ngồi yên thư giãn hay chậm rãi làm mọi việc. Giám đốc FBI William Webster gọi đến để khích lệ tôi. Tôi nói với ông rằng tôi nghĩ mình không thể bóp cò súng được nữa. “Đừng lo chuyện đó, John”, vị giám đốc đáp. “Chúng tôi muốn trí tuệ của anh.” Tôi không nói với ông rằng e là trí tuệ của tôi cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Cuối cùng, tôi xuất viện về nhà trước Giáng sinh hai ngày. Trước khi đi, tôi dùng mấy tấm bảng để viết lời cảm ơn sâu sắc dành cho các nhân viên phòng cấp cứu và chăm sóc đặc biệt vì đã làm tất cả để cứu tôi. Roger Depue đón chúng tôi ở sân bay Dulles và đưa về nhà ở Fredericksburg. Tại đó, một lá cờ Mỹ và biểu ngữ to với dòng chữ “Mừng John về nhà” đang đợi tôi. Từ cân nặng bình thường là tám mươi tám ký, tôi chỉ còn bảy mươi hai ký. Các con tôi, Erika và Lauren, rất lo vì vẻ ngoài của tôi và tôi ngồi xe lăn nên suốt một thời gian dài sau đó, hai đứa rất sợ mỗi khi tôi đi xa. Giáng sinh khá buồn. Tôi không gặp được nhiều bạn bè; chỉ gặp Ron Walker, Blaine McIlwain, Bill Hagmaier và một đặc vụ khác ở Quantico, Jim Horn. Tôi không phải ngồi xe lăn nữa nhưng đi lại vẫn còn khó lắm. Tôi không thể nói chuyện lâu, dễ khóc và không thể nhớ gì. Khi vợ hoặc bố tôi đưa tôi đi dạo quanh Fredericksburg, tôi thường chú ý đến một tòa nhà nào đó và không biết liệu có phải nó mới được xây không. Tôi cảm giác như mình là bệnh nhân đột quỵ và băn khoăn liệu tôi có thể làm việc lại hay không. Tôi cũng buồn và giận cơ quan của mình vì những gì họ bắt tôi trải qua. Tháng Hai năm ngoái, tôi đã trao đổi với một trong những Phó giám đốc Cục là Jim McKenzie. Tôi nói mình không thể tiếp tục cáng đáng và hỏi xem ông ấy có thể điều vài người đến hỗ trợ không. McKenzie thông cảm với tôi nhưng cũng rất thực tế. “Anh biết cái tổ chức này mà”, ông nói. “Anh phải làm việc đến khi gục ngã thì mới có người nhận ra.” Không chỉ cảm thấy mình không được hỗ trợ, tôi còn nghĩ mình chẳng được trân trọng tí nào. Ngược lại là đằng khác. Năm ngoái, sau khi cật lực xử lý “Các vụ sát hại trẻ em” ở Atlanta, tôi bị Cục khiển trách vì một câu chuyện đăng trên một tờ báo ở thành phố Newport News, Virginia ngay sau khi Wayne Williams bị bắt. Tay phóng viên hỏi tôi nghĩ gì về Williams với tư cách một nghi phạm, tôi trả lời là trông hắn “ổn” và nếu hắn tiếp tục, có lẽ hắn vẫn ổn trong ít nhất vài vụ án. Dù chính Cục đã yêu cầu tôi trả lời phỏng vấn, nhưng họ lại bảo tôi nói chuyện không phù hợp về một vụ án treo. Họ bảo tôi từng bị khiển trách vì tham gia một bài phỏng vấn của tạp chí People vài tháng trước. Đúng là thói quan liêu của Chính phủ. Tôi bị đưa ra trước Văn phòng Điều tra Trách nhiệm Nghiệp vụ ở tổng cục tại Washington và sau sáu tháng đệ trình giấy tờ các kiểu, tôi nhận một lá thư khiển trách. Sau đó, tôi sẽ nhận một lá thư khen ngợi dành cho vụ án. Nhưng lần này là sự công nhận từ Cục vì đã giúp phá giải vụ án mà khi đó báo chí gọi là “vụ án thế kỷ”. Có rất nhiều việc mà một nhân viên thi hành luật pháp khó có thể chia sẻ với ai, kể cả vợ hoặc chồng. Khi bạn suốt ngày nhìn những thi thể hoặc cơ thể bị thương nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ em, đó không phải là thứ bạn muốn mang về nhà. Trên bàn ăn tối, bạn không thể nói “Hôm nay ba điều tra một kẻ sát nhân cuồng dâm rất thú vị. Để ba kể cho cả nhà nghe.” Vì vậy, chúng ta thường thấy cảnh sát và y tá hay hấp dẫn lẫn nhau - họ là những người có thể phần nào hiểu được công việc của nhau. Và thường thì khi ra ngoài cùng bọn trẻ, vào công viên hoặc rừng chẳng hạn, tôi thấy một cái gì đó và nghĩ rằng Giống hệt như vụ án đó, lúc tìm thấy đứa bé tám tuổi. Tuy rất lo cho sự an toàn của các con, nhưng nhìn thấy những thứ đó, tôi cũng cảm thấy khó mà xúc động trước những vết thương tuy nhỏ nhưng nghiêm trọng mà đứa trẻ nào cũng bị. Khi tôi về nhà, Pam kể rằng một trong hai cô con gái bị ngã xe đạp và phải khâu vết thương, trong đầu tôi sẽ nhoáng lên hình ảnh khám nghiệm xác một đứa trẻ cỡ tuổi con bé và nghĩ đến mọi đường khâu của nhân viên pháp y nhằm khép vết thương của cô bé lại để chôn cất. Pam cũng có bạn bè tham gia hoạt động chính trị ở địa phương, điều mà tôi chẳng hứng thú chút nào. Với lịch trình đi lại của tôi, kết quả là cô ấy phải gánh trách nhiệm nuôi dạy bọn trẻ, thanh toán các hóa đơn và quản lý ngôi nhà. Đây là một trong nhiều vấn đề hôn nhân của chúng tôi vào lúc đó, và tôi biết ít nhất con gái lớn Erika nhận thức được sự căng thẳng giữa chúng tôi. Tôi không thể rũ bỏ nỗi oán giận với Cục vì đã để việc này xảy ra với tôi. Khoảng một tháng sau khi tôi về nhà, tôi ra sân sau đốt lá. Trong một phút bốc đồng, tôi trở vào, thu gom hết các bản mô tả nhân dạng mình đã tích trữ trong nhà, các bài báo mình đã viết, mang ra ngoài rồi ném hết vào đống lửa. Cảm giác như một sự giải phóng cảm xúc vậy. Vài tuần sau đó, khi có thể lái xe lại, tôi đến Nghĩa trang Quốc gia Quantico để xem nơi tôi có thể đã yên nghỉ. Các ngôi mộ được sắp xếp theo ngày mất và nếu tôi chết vào mùng 1 hoặc 2 tháng Mười hai, tôi sẽ nằm xuống một vị trí rất tệ. Tôi để ý vị trí của tôi ở gần một cô gái trẻ bị đâm chết trên lối xe chạy vào nhà, cách không xa nơi tôi sống. Tôi có tham gia điều tra vụ án của cô gái và vụ đó vẫn chưa được giải quyết. Khi trầm ngâm đứng đó, tôi nhớ rằng mình nhiều lần khuyên cảnh sát phải theo dõi các nghĩa trang khi nghĩ kẻ giết người có thể đến đó, để rồi cảm thấy thật trớ trêu nếu họ đang theo dõi nơi này và cho rằng tôi là một nghi phạm. Bốn tháng sau khi ngã bệnh ở Seattle, tôi vẫn đang tạm nghỉ việc. Trong chân và phổi của tôi hình thành nhiều cục máu đông do biến chứng của bệnh và nằm một chỗ quá lâu, tôi vẫn cảm thấy mình đang vật vã để sống qua từng ngày. Tôi vẫn không biết liệu mình có đủ sức đi làm lại không và nếu có thì liệu tôi đủ tự tin không. Trong lúc đó, Roy Hazelwood ở bộ phận trợ giáo của Đơn vị Khoa học hành vi, đang làm gấp đôi năng suất và kiêm luôn nhiệm vụ xử lý các vụ án mà tôi đang điều tra. Tôi trở lại Quantico lần đầu vào tháng Tư năm 1984 để nói chuyện với một nhóm gồm khoảng năm mươi chuyên viên mô tả nhân dạng tại chức đến từ các văn phòng thực địa của FBI. Tôi bước vào phòng học, chân mang dép lê vì bàn chân vẫn sưng do máu đông, và nhận được một tràng pháo tay của những đặc vụ đến từ khắp cả nước. Phản ứng ngẫu hứng và chân thành của những người mà hơn ai hết hiểu được công việc của tôi và điều tôi đang cố gắng làm trong Cục. Lần đầu tiên trong suốt nhiều tháng trời, tôi cảm thấy mình được yêu quý và trân trọng. Tôi cũng cảm thấy như mình vừa trở về nhà. Một tháng sau đó, tôi quay lại làm việc toàn thời gian. CHƯƠNG 1 Trong tâm trí của kẻ giết người Đặt mình vào vị trí của tên thợ săn. Đó là điều tôi phải làm. Hãy nghĩ đến một trong những bộ phim về thế giới tự nhiên: một con sư tử trên bình nguyên Serengeti ở châu Phi. Nó thấy một bầy linh dương đông đúc bên một vũng nước. Nhưng bằng cách nào đó - chúng ta có thể thấy điều đó trong mắt nó - con sư tử chọn ra một con trong cả ngàn con linh dương. Nó đã tự rèn luyện để nhìn ra sự yếu ớt, khả năng dễ bị tấn công, một điều gì đó ở một cá thể của bầy linh dương biến cá thể đó trở thành con mồi béo bở nhất. Với một số người nhất định cũng thế. Nếu tôi là một trong số họ, tôi sẽ đi săn mỗi ngày, tìm kiếm nạn nhân, tìm kiếm nạn nhân cơ hội[14]. Giả sử tôi đang ở trong một khu mua sắm có hàng ngàn người. Tôi vào khu trò chơi điện tử và khi lướt qua hơn năm mươi đứa trẻ đang chơi ở đó, tôi phải là một thợ săn, tôi phải là người mô tả nhân dạng[15], tôi phải mô tả được nhân dạng của con mồi tiềm năng đó. Tôi phải suy ra ai trong số năm mươi đứa trẻ này yếu đuối và có khả năng trở thành nạn nhân. Tôi phải xem cách ăn mặc của đứa trẻ. Tôi phải tự rèn luyện khả năng phát hiện các manh mối thầm lặng mà đứa trẻ đang để lộ. Và tôi phải rất, rất giỏi thì mới có thể làm tất cả những điều đó trong chớp nhoáng. Sau đó, khi đã quyết định, khi đã hành động, tôi phải biết cách đưa đứa trẻ ra khỏi khu mua sắm một cách lặng lẽ và không gây nghi ngờ khi cha mẹ đứa trẻ có thể chỉ ở cách đó hai cửa hàng. Tôi không được phép phạm bất cứ sai lầm nào. Chính sự phấn khích của chuyến đi săn khiến những kẻ này phạm tội. Nếu bạn có thể có phản ứng da điện[16] khi đọc tài liệu về một trong những gã này, lúc hắn tập trung vào nạn nhân tiềm năng của mình, tôi nghĩ bạn cũng sẽ có phản ứng tương tự khi nhìn con sư tử đó trong thế giới hoang dã. Và dù chúng ta đang nói đến những kẻ săn trẻ em, thiếu nữ hay người già, gái điếm hay bất kỳ nhóm đối tượng khả định nào khác - hay những kẻ có vẻ không có đối tượng ưa thích cụ thể nào - cũng không quan trọng. Tất cả chúng đều giống nhau, theo nhiều cách. Nhưng chính những điểm khác biệt của chúng, và những manh mối về phẩm chất cá nhân mà chúng để lại đã dẫn lối cho chúng tôi đến một vũ khí mới trong việc diễn giải những loại tội ác bạo lực nhất định, cũng như truy tìm, bắt giữ và khởi tố kẻ thủ ác. Tôi dành phần lớn sự nghiệp đặc vụ FBI của mình để nỗ lực phát triển thứ vũ khí đó, và đó là nội dung của cuốn sách này. Trong mọi vụ hung án kể từ buổi đầu của văn minh, vẫn luôn tồn tại câu hỏi cơ bản, đầy nhức nhối đó: Loại người nào có thể làm ra chuyện như thế? Công việc mô tả nhân dạng và phân tích hiện trường phạm tội mà chúng tôi thực hiện tại Đơn vị Hỗ trợ điều tra của FBI sẽ cố gắng trả lời câu hỏi đó. Hành vi phản ánh tính cách. Không phải lúc nào cũng dễ dàng, và không bao giờ dễ chịu, khi đặt mình vào vị trí của những gã đó - hay trong tâm trí chúng. Nhưng đó là việc mà tôi và các đồng nghiệp phải làm. Chúng tôi phải cố gắng cảm nhận cảm xúc của từng tội phạm. Mọi thứ chúng tôi nhìn thấy tại một hiện trường vụ án đều cho chúng tôi biết chút gì đó về đối tượng vô danh - hay UNSUB theo ngôn ngữ của ngành cảnh sát - đã thực hiện hành vi phạm tội. Bằng cách nghiên cứu càng nhiều vụ án càng tốt và nói chuyện với các chuyên gia - cũng chính là kẻ thủ ác - chúng tôi đã học được cách diễn giải những manh mối này như cách một bác sĩ đánh giá những triệu chứng khác nhau để chẩn đoán một bệnh hay tình trạng cụ thể. Và cũng như việc một bác sĩ có thể bắt đầu hình thành chẩn đoán của mình sau khi nhận ra vài khía cạnh của một căn bệnh mà họ từng thấy, chúng tôi có thể đưa ra nhiều kết luận khác nhau khi nhìn thấy những đường nét bắt đầu hiện ra. Có một lần vào đầu những năm 1980, khi tôi đang chủ động phỏng vấn những tên sát nhân trong tù cho nghiên cứu chuyên sâu của chúng tôi, tôi cùng những tội phạm bạo lực ngồi thành một vòng tròn trong Trại Cải tạo bang Maryland cổ xưa, bằng đá, theo phong cách Gothic, ở Baltimore. Mỗi kẻ là một trường hợp thú vị - một kẻ giết cảnh sát, một kẻ giết trẻ em, một kẻ buôn ma túy và những kẻ thi hành luật - nhưng tôi quan tâm nhất đến việc phỏng vấn một kẻ cưỡng hiếp, giết người về cách thức hành động của hắn nên tôi hỏi những tù nhân khác xem họ có biết ai ở nhà tù mà tôi có thể nói chuyện không. “Có, có thằng Charlie Davis”, một trong các tù nhân nói, nhưng mấy kẻ còn lại đều cho rằng hắn sẽ không chịu nói chuyện với đặc vụ liên bang. Một người đi tìm hắn trong sân nhà tù. Điều làm mọi người ngạc nhiên là Davis thật sự đến và tham gia vào cuộc nói chuyện, có lẽ vì tò mò hoặc buồn chán chứ chẳng vì lý do nào khác. Chúng tôi có một lợi thế trong nghiên cứu này, đó là tù nhân có nhiều thời gian và chẳng có gì nhiều để làm với ngần đó thời gian. Thường thì khi tiến hành phỏng vấn trong tù - và điều này luôn đúng ngay từ đầu - chúng tôi cố gắng tìm hiểu trước về đối tượng phỏng vấn càng nhiều càng tốt. Chúng tôi xem xét hồ sơ của cảnh sát, ảnh chụp hiện trường vụ án, biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản tại tòa; bất cứ thứ gì có thể cung cấp thông tin về động cơ hoặc cá tính của đối tượng. Đó cũng là cách chắc chắn nhất để bảo đảm đối tượng sẽ không chiêu trò vì lợi ích cá nhân hoặc chỉ đang tự mua vui cho bản thân, mà sẽ nói thẳng ra với người điều tra. Nhưng trong trường hợp này, rõ ràng tôi chưa chuẩn bị nên tôi thừa nhận luôn điều đó và cố gắng biến nó thành lợi thế cho mình. Davis là một gã to con dềnh dàng, cao khoảng 1m90, tuổi tác đầu ba mươi, râu cạo nhẵn nhụi, ăn vận gọn gàng. Tôi mở lời bằng cách nói: “Anh có lợi thế so với tôi, Charlie. Tôi không biết anh đã làm những gì.” “Tôi đã giết năm người”, hắn trả lời. Tôi yêu cầu hắn miêu tả các hiện trường vụ án cũng như những gì hắn đã làm với các nạn nhân. Lúc này tôi mới biết, hóa ra Davis từng làm tài xế xe cấp cứu bán thời gian. Vậy nên việc hắn sẽ làm là siết cổ người phụ nữ, đặt xác cô ấy ở vệ đường trong khu vực hắn phụ trách lái xe, thực hiện một cuộc gọi nặc danh sau đó trả lời cuộc gọi đó và nhặt thi thể lên. Không một ai biết rằng khi hắn đặt nạn nhân lên cáng thì kẻ thủ ác đang có mặt ngay đó, giữa mọi người. Chính sự kiểm soát và sắp đặt vụ việc ở mức độ này là điều thực sự làm hắn hưng trí và phấn khích tột cùng. Bất cứ điều gì tương tự mà tôi có thể học hỏi về kỹ thuật đều cực kỳ đáng giá. Hành động siết cổ cho tôi biết hắn là kẻ giết người bộc phát, rằng suy nghĩ ban đầu của hắn là cưỡng hiếp nạn nhân. Tôi nói với hắn: “Anh biết rất rõ về cảnh sát. Anh thích làm cảnh sát, thích được ở vị trí có thực quyền thay vì làm một công việc nhàm chán kém xa khả năng của anh.” Hắn cười, nói rằng cha hắn từng là trung úy cảnh sát. Tôi đề nghị hắn miêu tả cách thức hành động: lấy ví dụ hắn theo dõi một cô gái trẻ có ngoại hình xinh xắn, thấy cô ấy đánh xe vào bãi đậu của một nhà hàng chẳng hạn. Thông qua những người quen trong ngành cảnh sát của cha mình, hắn có thể kiểm tra biển số xe. Sau đó, khi đã biết tên chủ xe, hắn sẽ gọi cho nhà hàng để chuyển lời nhắn rằng cô ấy quên tắt đèn xe. Khi cô gái bước ra ngoài, hắn bắt cóc cô - đẩy cô vào xe hắn hoặc xe cô, còng tay cô rồi lái đi. Hắn miêu tả năm vụ sát hại theo thứ tự, gần như đang hồi tưởng những chuyện tốt đẹp. Kể đến vụ cuối cùng, hắn đề cập rằng hắn đã để cô gái ngồi ở ghế trước và che người cô ấy lại, một chi tiết mà lần đầu tiên hắn nhớ ra. Tại thời điểm đó, tôi xoay chuyển tình thế một chút. Tôi bảo: “Charlie, để tôi nói anh nghe vài điều về bản thân anh: Anh gặp rắc rối trong các mối quan hệ với phụ nữ. Anh gặp khó khăn về tài chính khi anh giết người đầu tiên. Khi đó anh đã gần ba mươi tuổi và anh biết khả năng của mình vượt trội hơn hẳn công việc anh đang làm nên mọi thứ trong cuộc đời anh thật chán chường và không thể kiểm soát.” Hắn chỉ gật đầu. Cho đến lúc đó thì mọi chuyện vẫn tốt. Tôi chưa nói gì quá khó để phỏng đoán. “Khi đó anh uống rất nhiều rượu”, tôi nói tiếp. “Anh nợ tiền. Anh cãi nhau với những người phụ nữ mà anh sống chung. [Hắn chưa kể với tôi là hắn có sống với ai đó, nhưng tôi khá chắc là có.] Vào những đêm tồi tệ nhất, anh sẽ ra ngoài đi săn. Anh sẽ không trả đũa bạn gái cũ của mình nên anh phải xả cơn tức đó lên người khác.” Có thể thấy ngôn ngữ cơ thể của Davis đang dần thay đổi, trở nên cởi mở hơn. Vì vậy, với những thông tin ít ỏi có được, tôi tiếp tục: “Nhưng nạn nhân cuối cùng này lại là một vụ giết người nhẹ nhàng hơn nhiều. Cô ấy khác với những người còn lại. Anh để cô ấy mặc lại quần áo sau khi cưỡng hiếp. Anh trùm đầu cô ấy. Anh không làm thế với bốn nạn nhân trước. Không như những người kia, anh cảm thấy không thoải mái với nạn nhân này.” Khi nhóm tội phạm bắt đầu lắng nghe kỹ hơn, bạn biết bạn đã có chút tiến triển. Tôi học được điều này từ những cuộc phỏng vấn tại nhà giam và có thể tận dụng hết lần này đến lần khác trong các tình huống thẩm vấn. Tôi thấy mình đã hoàn toàn thu hút sự chú ý của hắn. “Cô ấy nói với anh điều gì đó khiến anh cảm thấy giết cô ấy thì thật tồi tệ, nhưng anh vẫn giết.” Đột nhiên, mặt hắn đỏ gay. Dường như hắn đang rơi vào trạng thái xuất thần và tôi có thể thấy hắn đang hồi tưởng hiện trường lúc đó. Hắn chần chừ nói với tôi rằng cô gái ấy bảo chồng cô ấy có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cô ấy thấy lo cho chồng; anh chồng đang bệnh và có lẽ sắp chết. Đây có thể là mưu mẹo của cô gái, hoặc không - tôi không tài nào biết được. Nhưng rõ ràng điều đó đã tác động đến Davis. “Nhưng khi đó tôi không cải trang. Cô ta biết tôi là ai nên tôi phải giết cô ta.” Tôi ngừng lại một lúc rồi hỏi: “Anh đã lấy thứ gì đó của cô ấy, phải không?” Hắn lại gật đầu, sau đó thừa nhận hắn đã lục lọi bóp của cô gái. Hắn lấy ra tấm hình cô ấy chụp với chồng và con trong dịp Giáng sinh và giữ nó. Tôi chưa từng gặp hắn nhưng tôi bắt đầu hiểu được hắn một cách rõ ràng nên tôi hỏi: “Anh đã tới nghĩa trang, phải không Charlie?” Hắn đỏ mặt, điều này cũng xác nhận phán đoán của tôi là hắn có theo dõi báo chí về vụ việc nên biết nạn nhân của mình được chôn ở đâu. “Anh tới đó vì cảm thấy không hề dễ chịu về lần giết người này. Và anh mang theo một thứ tới nghĩa trang, anh đặt nó trên nấm mộ đó.” Những tù nhân khác hoàn toàn im lặng, lắng nghe hết sức chăm chú. Họ chưa từng thấy Davis như vậy. Tôi lặp lại: “Anh mang thứ gì đó tới ngôi mộ. Cái gì vậy, Charlie? Anh mang tấm ảnh đó tới, phải không?” Hắn lại gật, rồi gục đầu xuống. Đây không hẳn là trò ảo thuật lôi con thỏ ra từ cái nón như những tù nhân khác nhìn nhận. Rõ ràng tôi đang phán đoán, nhưng những phán đoán của tôi dựa trên nhiều kiến thức, nghiên cứu và kinh nghiệm mà tôi và các đồng nghiệp đã ghi chép vào lúc đó và tiếp tục thu thập. Ví dụ, chúng tôi nghiệm ra điều người ta thường nói rằng những kẻ giết người đến thăm mộ nạn nhân thường đúng sự thật, nhưng không nhất định vì những lý do mà chúng ta đã nghĩ lúc đầu. Hành vi phản ánh tính cách. Một trong những lý do khiến công việc của chúng tôi thậm chí là cần phải liên quan đến bản chất hay thay đổi của tội ác bạo lực. Chúng ta đều biết về những vụ giết người liên quan đến ma túy từng làm náo loạn hầu hết các thành phố ở nước ta, những vụ án liên quan đến súng đã trở thành chuyện thường ngày và là nỗi hổ thẹn của cả quốc gia. Nhưng đa số các vụ phạm tội, đặc biệt là những vụ bạo lực nhất, xảy ra giữa những người có quen biết nhau theo cách nào đó. Hiện nay, chúng ta không còn thấy nhiều vụ việc như thế. Khoảng những năm 1960, tỷ lệ phá án giết người ở đất nước này là hơn 90%. Nhưng chúng ta không còn thấy tỷ lệ đó nữa. Hiện nay, bất chấp nhiều tiến bộ ấn tượng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bất chấp thời đại máy tính đã đến, bất chấp ngày càng nhiều sĩ quan cảnh sát được đào tạo tốt hơn và có khả năng tốt hơn, tỷ lệ tội phạm giết người vẫn đang tăng và tỷ lệ phá án đang giảm. Ngày càng nhiều tội ác do “người lạ” thực hiện và nhắm vào “người lạ”, và trong nhiều vụ việc, chúng ta không biết động cơ là gì để điều tra, ít nhất là không biết động cơ rõ ràng hay “hợp lý” nào. Ngày trước, đa số các vụ giết người và tội phạm bạo lực tương đối dễ lĩnh hội đối với các nhân viên thi hành luật, chúng là kết quả của việc biểu lộ thái quá những cảm xúc mà tất cả chúng ta đều có: sự giận dữ, lòng tham, sự ghen ghét, lợi ích, báo thù. Một khi vấn đề cảm xúc này được giải quyết, tội ác hoặc tội ác liên hoàn sẽ kết thúc. Ai đó sẽ chết nhưng chỉ có thế và thường thì cảnh sát biết mình đang tìm ai và cái gì. Nhưng có một loại tội phạm bạo lực mới nổi lên trong những năm gần đây - những tội phạm gây án hàng loạt, những kẻ thường không dừng lại cho đến khi bị bắt hoặc bị giết, những kẻ học hỏi từ kinh nghiệm và thường ngày càng giỏi gây án, liên tục hoàn thiện kịch bản của mình từ tội ác này đến tội ác khác. Tôi nói “nổi lên” là vì có lẽ hắn vẫn luôn tồn tại ở mức độ nào đó, mãi từ thập niên 1880 ở Luân Đôn với Jack Đổ tể, thường được xem là sát nhân hàng loạt đâu tiên thời hiện đại. Và tôi gọi “hắn” là vì, nhiều lý do mà chúng ta sẽ thảo luận sau, gần như tất cả những kẻ giết người hàng loạt đều là đàn ông. Trên thực tế, tội phạm giết người hàng loạt có thể là hiện tượng đã tồn tại lâu hơn nhận biết của chúng ta. Những câu chuyện và truyền thuyết đã lưu truyền qua nhiều thế hệ về phù thủy, người sói và ma cà rồng có thể là cách lý giải cho những nỗi oán giận ghê gớm đến mức không ai trong những thành phố nhỏ và khép kín ở châu Âu và châu Mỹ thuở sơ khai có thể lĩnh hội những hành vi lệch lạc mà hiện nay chúng ta xem nhẹ. Quái vật hẳn phải là những sinh vật siêu nhiên. Chúng không thể giống chúng ta. Những tên cưỡng hiếp và giết người hàng loạt cũng thường gây hoang mang nhất, khiến mọi người bất an nhất và khó bắt nhất trong tất cả những tên tội phạm bạo lực. Phần vì chúng thường bị kích động bởi những yếu tố phức tạp hơn nhiều so với những yếu tố cơ bản mà tôi vừa liệt kê. Điều này khiến cho cách thức hành động của chúng khó hiểu hơn, làm chúng không có những cảm xúc bình thường như lòng trắc ẩn, cảm giác tội lỗi hay ăn năn. Đôi khi, cách duy nhất để bắt chúng là học suy nghĩ giống như chúng. Để không ai nghĩ rằng tôi sẽ tiết lộ những bí mật điều tra được bảo vệ kỹ lưỡng, vốn có thể là “cẩm nang” cho những kẻ sẽ trở thành tội phạm, thì tôi xin cam đoan điều đó. Tôi sẽ nói đến cách chúng tôi phát triển phương thức mô tả tính cách tội phạm thông qua hành vi, phân tích tội phạm và chiến lược khởi tố, chứ tôi không thể biến cuốn sách này thành một tài liệu hướng dẫn dù tôi có muốn vậy chăng nữa. Lý do thứ nhất là phải mất đến hai năm để chúng tôi đào tạo những đặc vụ đã có kinh nghiệm và kỹ năng cực tốt được chọn vào đơn vị của tôi. Lý do thứ hai là dù tên tội phạm có nghĩ mình biết nhiều thế nào đi nữa thì càng cố tránh bị phát hiện hay đánh lạc hướng chúng tôi, hắn sẽ càng để lộ nhiều manh mối về hành vi để chúng tôi điều tra. Như nhân vật Sherlock Holmes của Ngài Arthur Conan Doyle đã nói từ nhiều thế kỷ trước, “Tính lập dị gần như luôn là một manh mối. Một tội ác càng không có gì đặc biệt, và bình thường, thì càng khó phá án.”[17] Nói cách khác, càng biết nhiều về hành vi thì bảng mô tả và phân tích nhân dạng mà chúng tôi có thể giao cho cảnh sát địa phương càng hoàn thiện. Bản mô tả nhân dạng mà cảnh sát địa phương dùng để điều tra càng rõ ràng, họ càng dễ loại trừ các nghi phạm và tập trung tìm ra hung thủ thực sự. Điều này lại dẫn tới một tuyên bố miễn trừ trách nhiệm khác cho công việc của chúng tôi. Trong Đơn vị Hỗ trợ điều tra, một bộ phận của Trung tâm Phân tích Tội phạm bạo lực Quốc gia của FBI tại Quantico, chúng tôi không bắt tội phạm. Để tôi lặp lại: Chúng tôi không bắt tội phạm. Cảnh sát địa phương là người bắt tội phạm và xét đến những áp lực khủng khiếp mà họ phải chịu thì đa số họ đã làm rất tốt công việc của mình. Chúng tôi cố gắng hỗ trợ cảnh sát địa phương tập hợp điều tra, sau đó gợi ý một số kỹ thuật chủ động giúp dẫn dụ tội phạm xuất đầu lộ diện. Một khi họ đã bắt được tội phạm - tôi nhấn mạnh lại là họ, không phải chúng tôi - chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra một chiến lược giúp công tố viên làm lộ bản tính thực sự của bị cáo trước tòa. Chúng tôi có thể làm việc này nhờ nghiên cứu và kinh nghiệm chuyên môn. Trong khi một sở cảnh sát địa phương ở khu vực Trung Tây có thể lần đầu trông thấy những điều khủng khiếp này trong một vụ điều tra giết người hàng loạt, đơn vị của tôi có lẽ đã xử lý hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn vụ tương tự. Tôi luôn nói với các đặc vụ của mình thế này: “Muốn hiểu họa sĩ thì phải xem tranh.” Chúng tôi đã xem rất nhiều “bức tranh” trong nhiều năm và trò chuyện với những “họa sĩ tài ba” nhất. Chúng tôi bắt đầu phát triển công việc của Đơn vị Khoa học hành vi của FBI theo phương pháp cụ thể, đơn vị này sau trở thành Đơn vị Hỗ trợ điều tra vào cuối những năm 1970 đầu những năm 1980. Và tuy đa số các cuốn sách thường tô son điểm phấn và làm cho công việc của chúng tôi có vẻ kịch tính, như tác phẩm đáng nhớ Sự im lặng của bầy cừu của tác giả Tom Harris mà phần nào mang tính tưởng tượng và thiên về tạo hiệu ứng kịch tính hơn, nhưng các tiền đề của chúng tôi lại thực sự xuất phát từ các tác phẩm văn học trinh thám hư cấu hơn là từ vụ việc thật. C. Auguste Dupin, vị thám tử nghiệp dư anh hùng trong tác phẩm kinh điển Án mạng trên phố Morgue[18](1841) của Edgar Allan Poe, có thể là chuyên viên mô tả nhân dạng đầu tiên trong lịch sử. Câu chuyện này có lẽ cũng khắc họa lần đầu một kỹ thuật chủ động được chuyên viên mô tả nhân dạng sử dụng để tìm ra một đối tượng vô danh và minh oan cho người đàn ông vô tội bị bắt giam vì những vụ giết người. Như các đặc vụ trong đơn vị của tôi 150 năm sau, Poe hiểu được giá trị của mô tả nhân dạng khi chỉ chứng cứ pháp y không đủ để giải quyết một vụ án đặc biệt dã man và dường như không có động cơ. “Thiếu nguồn lực thông thường”, tác giả viết, “nhà phân tích đã tự đưa mình vào tâm trí của đối thủ, tự xem mình là đối thủ, và nhờ đó mà thường xuyên thấy được, ngay lập tức, các phương pháp duy nhất có thể dẫn dụ hắn vào sai lầm hoặc khiến hắn hấp tấp dẫn đến tính toán sai.” Còn một điểm tương đồng nhỏ khác cũng đáng nhắc đến. Ngài Dupin thích làm việc đơn độc trong phòng mình, đóng cửa sổ và kéo kín rèm để ngăn ánh sáng và sự xâm phạm từ thế giới bên ngoài. Trong vấn đề này, tôi và đồng nghiệp không có lựa chọn. Văn phòng của chúng tôi tại Học viện FBI ở Quantico nằm sâu dưới lòng đất vài tầng, trong một không gian không có cửa sổ vốn được thiết kế làm trụ sở an ninh cho các quan chức thi hành luật liên bang trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Đôi khi, chúng tôi tự gọi mình là Hầm Phân tích Tội phạm bạo lực Quốc gia. Ở độ sâu 18m, chúng tôi thường nói mình nằm sâu hơn người chết những mười lần. Tiểu thuyết gia người Anh Wilkie Collins đã bắt đầu công việc mô tả nhân dạng này trong những tác phẩm tiên phong như Cô gái áo trắng[19] (dựa trên một vụ án có thật) và Viên đá mặt trăng[20] . Nhưng chính nhân vật bất tử Sherlock Holmes của Ngài Arthur Conan Doyle là người đã đưa hình thức phân tích điều tra tội phạm này cho cả thế giới biết trong bối cảnh thành phố Luân Đôn thời Victoria mờ ảo dưới ánh đèn bằng khí đốt. Dường như lời khen ngợi tốt nhất có thể dành cho bất kỳ ai trong chúng tôi chính là được so sánh với nhân vật hư cấu này. Tôi xem đó là một vinh dự thực sự vào vài năm trước, khi tôi đang điều tra một vụ giết người ở Missouri, một tít báo của tờ St. Louis Globe-Democrat đã gọi tôi là “Sherlock Holmes hiện đại của FBI”. Thật thú vị khi nhận thấy trong khoảng thời gian mà Holmes đang điều tra những vụ án phức tạp và khó khăn của ông, Jack Đồ tể ngoài đời thực đang giết những cô gái làng chơi ở khu East End của thành phố Luân Đôn. Hai người đàn ông ở hai phía đối lập của luật pháp, và ranh giới giữa thực tế với trí tưởng tượng, đã hoàn toàn thao túng suy nghĩ của công chúng, đến mức một số câu chuyện về Sherlock Holmes “hiện đại” do những người hâm mộ Conan Doyle viết đã đưa vị thám tử vào bối cảnh của những vụ giết người chưa có lời giải ở Whitechapel. Năm 1988, tôi được đề nghị phân tích các vụ án của gã Đồ tể cho một chương trình truyền hình phát sóng toàn quốc. Tôi sẽ thuật lại những kết luận của mình về Đối tượng vô danh nổi tiếng nhất lịch sử này trong phần sau của cuốn sách. Phải đến hơn một thế kỷ sau tác phẩm Án mạng trên phố Morgue và hơn nửa thế kỷ sau Sherlock Holmes, việc mô tả hành vi mới rời khỏi các trang sách và diễn ra trong đời thực. Đến giữa thập niên 1950, thành phố New York rung chuyển bởi nhũng vụ nổ của “Kẻ đánh bom điên rồ”, kẻ chịu trách nhiệm cho hơn ba mươi vụ đánh bom trong suốt mười lăm năm. Hắn tấn công những công trình công cộng nổi bật như ga tàu Grand Central, Pennsylvania và Hội trường Âm nhạc Radio City. Là một đứa trẻ sống ở Brooklyn tại thời điểm đó, tôi nhớ rất rõ vụ này. Hết cách, năm 1957, cảnh sát gọi một chuyên gia tâm thần học ở khu Greenwich Village, tiến sĩ James A. Brussel, nghiên cứu những bức ảnh chụp hiện trường đánh bom và phân tích tỉ mỉ những lá thư châm chọc mà kẻ đánh bom gửi cho các tờ báo. Ông ấy đưa ra một số kết luận chi tiết từ kiểu hành vi chung mà mình nắm bắt được, gồm các sự thật rằng thủ phạm bị hoang tưởng, căm ghét cha mình, yêu mẹ mình đến mức ám ảnh và sống trong một thành phố ở bang Connecticut. Ở cuối bảng mô tả, Brussel hướng dẫn cảnh sát như sau: Tìm một gã đàn ông đậm người. Trung niên. Sinh ra ở nước ngoài. Theo Công giáo La Mã. Độc thân. Sống với một anh/em trai hoặc chị/em gái. Khi tìm thấy hắn, có khả năng hắn đang mặc một bộ vest hai hàng nút. Nút cài chỉn chu. Từ những chi tiết tham khảo trong một số lá thư, dường như có khả năng kẻ đánh bom hiện là hoặc từng là nhân viên tại Consolidated Edison, công ty điện lực thành phố, và có bất bình với công ty này. So sánh bản mô tả với những đối tượng đã được khoanh vùng này, cảnh sát tìm được cái tên George Metesky, người từng làm ở Con Ed trong thập niên 1940 trước khi các vụ đánh bom bắt đầu. Khi họ đến thành phố Waterbury, bang Connecticut vào một buổi chiều để bắt một người đàn ông đậm người, độc thân, trung niên, sinh ở nước ngoài, theo đạo Công giáo La Mã, sự khác biệt duy nhất so với bản mô tả là hắn không sống với một người anh/em hoặc chị/em mà sống với hai cô em gái còn độc thân. Sau khi một nhân viên cảnh sát yêu cầu hắn thay trang phục để đi đến đồn, hắn đã bước ra khỏi phòng ngủ vài phút sau đó trong một bộ vest hai hàng nút - nút cài đàng hoàng. Diễn giải việc đưa ra những kết luận chính xác một cách khó giải thích của mình, tiến sĩ Brussel nói rằng một chuyên gia tâm thần học thường xem xét một người, sau đó cố gắng đưa ra một số dự đoán hợp lý về cách người đó phản ứng trong một tình huống cụ thể. Khi lập bản mô tả, Brussel nói, ông đã đảo ngược quá trình này, cố gắng dự đoán một người thông qua chứng cứ từ những hành động của hắn. Nhìn lại vụ Kẻ đánh bom điên rồ từ quan điểm của chúng tôi sau gần bốn mươi năm thì vụ việc dường như khá đơn giản. Nhưng tại thời điểm đó, đây là một dấu mốc thực sự trong quá trình phát triển của ngành mà sau này được gọi tên là khoa học nghiên cứu hành vi trong điều tra tội phạm và tiến sĩ Brussel - sau đó đã hợp tác với Sở Cảnh sát Boston trong vụ Kẻ siết cổ ở Boston - chính là người tiên phong thực thụ trong lĩnh vực này. Tuy thường được xem là diễn dịch, nhưng điều mà các nhân vật hư cấu Dupin[21] và Holmes, cũng như tiến sĩ Brussel ngoài đời thực cùng chúng tôi sau này, đang làm lại mang tính quy nạp nhiều hơn - đó là quan sát những yếu tố cụ thể của một vụ án để từ đó đưa ra những kết luận lớn hơn. Khi tôi đến Quantico năm 1977, các trợ giáo trong Đơn vị Khoa học hành vi, những người tiên phong như Howard Teten, đang bắt đầu áp dụng ý tưởng của tiến sĩ Brussel vào những vụ án được các chuyên viên cảnh sát chuyển đến cho họ trong các lớp học ở Học viện Quốc gia. Nhưng bấy giờ, cách làm này chỉ mang tính chủ quan và không hề được hỗ trợ bằng các nghiên cứu tỉ mỉ. Tình hình là như vậy khi tôi bắt đầu công việc tại đơn vị. Tôi đã nói việc chúng tôi có thể đặt mình vào vị trí và tâm trí của sát nhân giấu mặt là rất quan trọng. Qua nghiên cứu và kinh nghiệm của mình, chúng tôi thấy - dù khó khăn và khổ sở - việc đặt mình vào vị trí của nạn nhân cũng quan trọng không kém. Chỉ khi hiểu rõ cách nạn nhân phản ứng với những điều khủng khiếp đang xảy đến với mình, chúng tôi mới có thể thực sự hiểu hành vi và phản ứng của kẻ thủ ác. Để hiểu được thủ phạm, ta phải xem xét vụ án. Đầu thập niên 1980, Sở Cảnh sát của một thị trấn nhỏ ở miền quê Georgia mang đến cho tôi một vụ án gây sốc. Một bé gái mười bốn tuổi xinh xắn, một majorette[22] ở trường trung học cơ sở địa phương, bị bắt cóc từ trạm xe buýt ở trường cách nhà khoảng hơn 90m. Vài ngày sau, xác cô bé được tìm thấy ở một khu vực rừng cây dành cho các cặp yêu đương cách nhà chừng 16km trong tình trạng quần áo xốc xếch. Cô bé đã bị tấn công tình dục, nguyên nhân cái chết là chấn thương do lực đánh mạnh vào đầu. Gần xác cô bé là một tảng đá to dính máu. Trước khi đưa ra bản phân tích, tôi phải tìm hiểu về cô bé càng nhiều càng tốt. Tôi nhận thấy tuy rất xinh xắn, đáng yêu nhưng đây vẫn là một cô bé mười bốn tuổi có ngoại hình đúng với độ tuổi, chứ không trưởng thành như một số trẻ vị thành niên khác. Những người quen biết đều chắc chắn cô bé không phải hạng dễ dãi hay thích tán tỉnh, không đời nào sử dụng ma túy hay uống rượu và là một người ấm áp, thân thiện với bất cứ ai từng tiếp xúc. Phân tích pháp y cho thấy cô bé vẫn còn trinh trước khi bị cưỡng bức. Đây đều là những thông tin thiết yếu với tôi, vì chúng giúp tôi hiểu được cô bé phản ứng thế nào sau khi bị bắt cóc, và từ đó hiểu được tên tội phạm phản ứng với cô bé ra sao trong tình huống đó. Từ đây, tôi kết luận rằng việc giết người không theo kế hoạch của gã, mà là một phản ứng hoảng loạn do bất ngờ (dựa vào tâm lý hoang tưởng méo mó của kẻ tấn công) vì cô bé không lấy gì làm hân hoan với hắn. Điều này lại giúp tôi tiến gần hơn đến tính cách của gã sát nhân, và bản mô tả nhân dạng của tôi giúp cảnh sát tập trung vào một nghi phạm của một vụ cưỡng bức từ năm trước trong một thị trấn lớn hơn gần đó. Việc hiểu được nạn nhân cũng giúp tôi đề ra chiến lược cho cảnh sát dùng khi thẩm vấn đối tượng tình nghi đầy khó khăn này, kẻ mà tôi dự đoán đã vượt qua một bài kiểm tra phát hiện nói dối trước đó. Tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về vụ án hấp dẫn nhưng đau lòng này sau. Còn lúc này, quý độc giả chỉ cần biết rằng cuối cùng gã đã nhận tội giết cô bé và cả vụ cưỡng hiếp trước đó. Hắn bị định tội và kết án, và khi tôi viết những dòng này, hắn đang nằm trong danh sách chờ tử hình ở Georgia. Khi truyền đạt về những yếu tố của mô tả tính cách tội phạm và phân tích hiện trường vụ án cho các đặc vụ FBI hoặc chuyên viên thi hành luật tham dự Học viện Quốc gia, chúng tôi cố gắng dẫn dắt họ suy nghĩ về toàn bộ câu chuyện của vụ án. Roy Hazelwood, đồng nghiệp của tôi, dạy khóa mô tả nhân dạng cơ bản nhiều năm trước khi nghỉ hưu năm 1993, thường chia bản phân tích ra thành ba câu hỏi và cụm từ khác nhau - cái gì, tại sao và ai: Cái gì đã xảy ra? Câu hỏi này bao gồm mọi thứ có thể có giá trị, về mặt hành vi, trong vụ án. Tại sao sự việc lại diễn ra theo cách này? Ví dụ, tại sao lại phân xác sau khi giết? Tại sao không có món đồ giá trị nào bị lấy đi? Tại sao không có dấu hiệu đột nhập? Lý do cho các yếu tố quan trọng về mặt hành vi trong vụ án là gì? Và sau đó là: Ai có thể phạm tội ác này vì những lý do trên? Đó là nhiệm vụ chúng tôi tự đặt ra cho mình. CHƯƠNG 2 Họ của mẹ tôi là Holmes Họ của mẹ tôi trước khi kết hôn là Holmes, bố mẹ tôi suýt chọn tên đó làm tên lót của tôi thay vì cái tên Edward phổ biến. Khi nhìn lại, ngoài chuyện đó ra thì không có gì nhiều trong những năm tuổi trẻ của tôi cho thấy một tương lai cụ thể với tư cách một kẻ săn suy nghĩ hay chuyên viên mô tả nhân dạng tội phạm. Tôi sinh ra ở Brooklyn, New York, gần biên giới với khu Queens. Bố tôi, Jack, là thợ in làm cho tờ Brooklyn Eagle. Khi tôi tám tuổi, vì lo lắng về tỷ lệ tội phạm đang tăng cao, bố đã đưa cả nhà đến Hempstead, Long Island, nơi ông trở thành Chủ tịch Công đoàn In Long Island. Tôi có một chị gái lớn hơn tôi bốn tuổi, Arlene, chị ấy đã sớm là ngôi sao sáng của gia đình, cả về mảng học vấn và thể thao. Sự học của tôi không có gì nổi bật – thường được điểm B-/C+ - nhưng tôi lịch sự, dễ tính và luôn được các thầy cô ở trường Tiểu học Ludlum yêu quý dù điểm số chỉ thường thường. Tôi chủ yếu thích động vật và nhiều lần nuôi chó, mèo, thỏ, hamster và rắn - mẹ tôi vô cùng bao dung vì tôi nói tôi muốn trở thành bác sĩ thú y. Vì nỗ lực này của tôi hứa hẹn một nghề nghiệp chính đáng nên mẹ đã khích lệ tôi. Ở trường, có một hoạt động mà tôi thể hiện được năng khiếu, chính là kể chuyện và bằng cách nào đó, nó có thể đã góp phần biến tôi trở thành một điều tra viên tội phạm. Các thanh tra và chuyên viên phân tích hiện trường phạm tội phải thu thập nhiều manh mối lộn xộn và có vẻ không liên quan đến nhau, rồi biến chúng thành một câu chuyện mạch lạc, nên kể chuyện là một tài năng quan trọng, đặc biệt trong các vụ điều tra giết người mà nạn nhân không thể tự kể lại câu chuyện của mình. Dù sao thì tôi cũng thường dùng tài năng của mình để trốn làm một số việc. Tôi nhớ có một lần vào năm lớp Chín, tôi quá lười, không thèm đọc một cuốn tiểu thuyết để trình bày bản thu hoạch về sách trước cả lớp. Vì vậy, khi tới lượt mình (bây giờ tôi vẫn không dám tin tôi có gan làm chuyện đó), tôi đã bịa ra tiêu đề của một cuốn sách không có thật, bịa ra một tác giả không có thật, và bắt đầu kể cầu chuyện về một nhóm người đi cắm trại quanh ngọn lửa trại trong đêm. Tôi vừa kể vừa bịa và thầm nhủ Mình có thể kéo dài đến chừng nào đây? Tôi kể rằng có một con gấu lén lút theo dõi nhóm người cắm trại, chuẩn bị tấn công bất ngờ, rồi ý tưởng tắt ngóm ở đoạn này. Tôi phát hoảng và không còn lựa chọn nào ngoài thú nhận với giáo viên rằng tôi đã bịa ra toàn bộ câu chuyện. Đó hẳn là cảm giác tội lỗi, chứng tỏ tôi không hoàn toàn có xu hướng phạm tội. Tôi đứng đó, bị vạch trần là kẻ nói xạo, biết mình sắp rớt môn, sắp xấu mặt trước cả lớp và có thể mường tượng ra mẹ tôi sẽ nói gì khi biết chuyện. Nhưng điều làm tôi cảm thấy ngạc nhiên và thú vị là giáo viên và các bạn trong lớp đều thích câu chuyện! Và khi tôi nói tôi đã bịa ra câu chuyện, tất cả hô hào: “Kể nốt đi. Cho tụi này biết chuyện gì xảy ra tiếp theo đi.” Vậy nên tôi tiếp tục và nhận được điểm A. Tôi không kể chuyện này với các con mình suốt một thời gian dài vì tôi không muốn chúng nghĩ rằng những việc sai trái cũng có lợi, nhưng từ sự việc đó, tôi đã học được rằng nếu có thể khiến mọi người tin vào ý tưởng của bạn và khiến họ hứng thú, bạn thường có thể thuyết phục họ. Bài học này đã giúp tôi vô số lần trong công việc nhân viên thi hành luật khi tôi phải thuyết phục cấp trên hoặc Sở Cảnh sát địa phương về giá trị của dịch vụ mà chúng tôi cung cấp. Nhưng phải thừa nhận rằng ở mức độ nào đó, tài năng này chính là thứ mà những tên lừa đảo và tội phạm săn người dùng để sinh tồn. Nhân tiện, nhóm người cắm trại hư cấu của tôi cuối cùng cũng thoát khỏi con gấu, điều này khác xa kết luận mà mọi người đoán trước vì tình yêu thực sự của tôi là động vật. Bởi vậy, để chuẩn bị trở thành bác sĩ thú y, tôi đã trải qua ba mùa hè ở các nông trại sản xuất sữa tại phía bắc New York, trong chương trình Nông trại Cornell do trường thú y trực thuộc đại học tài trợ. Đây là cơ hội tuyệt vời cho bọn trẻ con thành phố hòa mình với thiên nhiên và để có được đặc quyền này, tôi đã làm việc 70-80 giờ/tuần với giá 15 đô la/giờ, trong khi các bạn học của tôi đang tắm nắng ở bãi biển Jones. Nếu tôi không bao giờ vắt sữa một con bò nào khác, tôi sẽ không cảm thấy khoảng trống to tướng trong cuộc đời mình. Công việc thể chất này đã giúp tôi có thể hình lý tưởng để chơi thể thao, vốn là một đam mê mãnh liệt khác của tôi. Ở trường Trung học Hempstead, tôi ném bóng cho đội bóng chày và chơi vị trí tiền vệ phòng ngự chặn trong môn bóng bầu dục. Khi nhìn lại, hoạt động thể thao này có lẽ là lần đầu tiên tôi bộc lộ hứng thú với việc mô tả tính cách. Trên mô đất mà tay ném đứng, tôi nhanh chóng nhận ra ném được những cú mạnh và chính xác mới là một nửa cuộc chơi. Tôi có cú bóng nhanh rất tốt, và một cú slider khá ổn, nhưng rất nhiều tay ném trung học làm được điều đó, hoặc tương tự. Cái chính là có thể làm tay đập của đối phương rối trí, và tôi nhận thấy để làm được việc đó, chủ yếu phải ra vẻ tự tin và khiến cho anh chàng đứng ở ô đập bóng càng bất an càng tốt. Nhiều năm sau, mẹo này trở nên hữu ích theo cách tương tự khi tôi bắt đầu phát triển các kỹ thuật thẩm vấn. Hồi trung học tôi đã cao 1m88, tôi tận dụng chiều cao làm lợi thế cho mình, về tài năng, chúng tôi là một đội thường thường trong một đoàn gồm toàn đội giỏi, và tôi biết tất cả phụ thuộc vào tay ném, phải cố gắng trở thành người dẫn dắt trận đấu và tạo đà chiến thắng. Với một học sinh trung học mà nói thì tôi kiểm soát bóng khá tốt, nhưng tôi quyết định không để các tay đập đối thủ biết điều này. Tôi muốn ra vẻ thờ ơ, không quá dễ đoán để họ không xỉa mũi chân vào đất và bám chặt gôn. Tôi muốn họ nghĩ rằng nếu làm vậy, họ có nguy cơ bị ném trúng, và tệ hơn là do thằng khùng đứng cách đó 18m. Quả thực Hempstead có một đội bóng bầu dục giỏi, tôi là một tiền vệ nặng 85kg trong đội. Và một lần nữa, tôi nhận ra khía cạnh tâm lý của trò chơi mang lại lợi thế cho mình. Tôi đoán mình có thể đối đầu với mấy người to con hơn nếu tôi hầm hè, lầm bầm và cư xử như một thằng điên. Không lâu sau, cả đám tiền vệ trong đội cũng hành xử y hệt. Sau này, khi tôi thường xuyên làm việc trong các phiên tòa xử án sát nhân mà bệnh tâm thần được dùng làm lý do biện hộ, nhờ kinh nghiệm của bản thân mà tôi biết cư xử như điên không có nghĩa là không biết bản thân đang làm gì. Năm 1962, chúng tôi đấu với Trung học Wantagh trong giải Thorpe, giành cúp đội bóng bầu dục trung học phổ thông giỏi nhất ở Long Island. Mỗi đứa trong đội đối thủ nặng hơn chúng tôi gần hai mươi ký, có vẻ chắc chắn đội tôi sẽ bị dập tơi tả trước khi đến lượt tấn công. Vì vậy, trước trận đấu, chúng tôi luyện tập một loạt kỹ thuật với mục đích chính là làm rối trí và hù dọa đối thủ. Chúng tôi dàn thành hai hàng, người đầu tiên đứng trong một hàng để chặn - chính xác là để đẩy - người đầu tiên ở hàng kia. Chiến thuật này kết hợp với những tiếng lầm bầm, gầm gừ và la hét đau đớn. Từ vẻ mặt của cầu thủ Wantagh có thể thấy chúng tôi đã đạt được mục đích. Chắc hẳn họ đang nghĩ: “Nếu mấy thằng hâm này ngu tới mức làm như vậy với đồng đội, có trời mới biết tụi nó sẽ làm gì với tụi mình.” Thực ra, toàn bộ chuyện này đã được sắp xếp tỉ mỉ. Chúng tôi luyện tập những cú ném người trong môn đấu vật để trông như bị nện xuống đất rất mạnh, nhưng lại không đau. Khi bước vào trận đấu thực, chúng tôi cứ giữ mức độ điên khùng như bình thường để tỏ vẻ chúng tôi vừa được thả khỏi nhà thương điên để chơi trong buổi chiều này và sẽ quay lại ngay lập tức khi trận đấu kết thúc. Suốt trận, điểm số hai đội đuổi nhau sát nút, nhưng khi kết thúc, chúng tôi đã thắng với tỉ số 14-13, và giành giải Thorpe năm 1962. Lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò “thực thi pháp luật” của tôi, thực ra là trải nghiệm đầu tiên trong việc mô tả nhân dạng “thực sự” của tôi, xảy ra năm tôi mười tám tuổi, khi làm vệ sĩ gác cửa cho một quán rượu và hộp đêm ở Hempstead có tên Gaslight East. Tôi làm tốt đến mức sau đó cũng được giao cho vị trí này tại Câu lạc bộ Lướt ván ở Long Beach. Ở cả hai nơi, tôi có hai nhiệm vụ chính là không cho những người dưới độ tuổi được phép uống rượu - nghĩa là nhỏ tuổi hơn tôi - vào cửa và ngăn chặn ẩu đả xảy ra ở khu vực uống rượu. Tôi đứng ở cửa, yêu cầu bất kỳ ai mà tôi cảm thấy tuổi tác đáng nghi trình chứng minh thư, sau đó hỏi ngày tháng năm sinh xem có khớp không. Đây là thủ tục khá phổ biến nên tất cả đều có sự chuẩn bị. Hiếm có đứa nào đã chịu khó làm chứng minh thư giả lại bất cẩn đến mức không nhớ ngày tháng năm sinh ghi trên đó. Nhìn thẳng vào mắt trong khi hỏi là một kỹ thuật hiệu quả với nhiều người, đặc biệt là con gái vì họ thường có trách nhiệm xã hội hơn ở tuổi đó. Nhưng ai muốn vào vẫn có thể vượt qua bước kiểm tra nếu tập trung diễn xuất một chút. Trong khi đặt câu hỏi cho từng nhóm nhóc con đứng đầu hàng, điều tôi thực sự làm lại là kín đáo quan sát thật kỹ những người đứng hàng thứ ba hay bốn - tôi nhìn họ khi họ đang chuẩn bị trả lời, xem xét ngôn ngữ cơ thể của họ, chú ý phát hiện họ có vẻ lo lắng hay ngập ngừng không. Ngăn chặn ẩu đả thì khó khăn hơn, và để làm việc này, tôi lại dựa vào kinh nghiệm chơi thể thao của mình. Nếu họ thấy ánh mắt bạn cho biết bạn không dễ chơi và công khai cư xử như một kẻ gàn dở, đôi khi cả những gã to con cũng sẽ dè chừng việc đánh nhau với bạn. Nếu họ nghĩ bạn đủ gai góc nên không lo lắng về an toàn bản thân, bạn sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm hơn rất nhiều. Ví dụ, gần hai mươi năm sau, khi chúng tôi đang tiến hành thẩm vấn trong tù để phục vụ cho nghiên cứu quan trọng về những kẻ sát nhân hàng loạt, chúng tôi ngộ ra kẻ ám sát điển hình nguy hiểm hơn nhiều, ở những khía cạnh trọng yếu cụ thể, so với kẻ sát nhân hàng loạt. Vì không giống như sát nhân hàng loạt chỉ chọn nạn nhân mà hắn nghĩ mình có thể xử lý, rồi làm mọi cách để không bị bắt, kẻ chuyên ám sát lại quan tâm đến “nhiệm vụ” của mình và thường sẵn sàng chết để hoàn thành nhiệm vụ. Điều thứ hai nên làm để tạo ấn tượng nhất định với mọi người - chẳng hạn như bạn vô lý và điên rồ tới mức có thể làm chuyện không lường trước được - là phải duy trì kiểu tính cách đó trong suốt thời gian làm việc, chứ không chỉ khi bạn nghĩ có người đang nhìn mình. Khi tôi thẩm vấn Gary Trapnell, tên cướp có vũ khí và không tặc khét tiếng, tại nhà tù liên bang ở Marion, Illinois, hắn tuyên bố rằng có thể lừa bất kỳ nhà tâm thần học nào trong tù tin hắn mắc bất cứ hội chứng tâm lý nào mà tôi chỉ ra. Mấu chốt để làm được việc đó, hắn nói với tôi, là luôn hành xử như thể mình bị tâm thần, kể cả khi ở một mình trong phòng giam, để nếu bị thẩm vấn, hắn không cần “nghĩ” cách giả bệnh, điều vốn sẽ khiến hắn bị bại lộ. Vì vậy, thật lâu trước khi nhận được lời khuyên của “chuyên gia” này, dường như tôi có bản năng suy nghĩ như tội phạm. Khi không thể dọa người ta đừng đánh nhau trong quán rượu, tôi cố gắng dùng những kỹ thuật mô tả nhân dạng nghiệp dư của mình để làm điều tốt nhất có thể và ngăn cuộc ẩu đả trở nên nghiêm trọng. Với một chút kinh nghiệm, tôi nhận ra thông qua quan sát tỉ mỉ hành vi và ngôn ngữ cơ thể, tôi có thể liên hệ chúng với hành động sẽ dẫn đến ẩu đả nên có thể dự đoán cá nhân nào sắp gây chuyện hay không. Trong trường hợp đó, hoặc khi có nghi ngờ, tôi luôn hành động trước, dùng yếu tố bất ngờ và nỗ lực để đưa người muốn gây hấn rời quán trước khi hắn biết chính xác chuyện gì đang xảy ra với mình. Tôi luôn nói rằng đa số những kẻ giết người vì tình dục và cưỡng hiếp hàng loạt trở nên điêu luyện trong việc chi phối, thao túng và kiểm soát - những kỹ năng mà tôi đang cố gắng thành thạo trong một ngữ cảnh khác. Nhưng ít nhất là tôi đang học hỏi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi vẫn muốn làm bác sĩ thú y, nhưng không đủ điểm vào Cornell. Nơi tốt nhất mà tôi có thể theo học chương trình tương tự là bang Montana. Vì vậy, tháng Chín năm 1963, anh chàng xuất thân Brooklyn và Long Island là tôi đây đến Trung tâm của Big Sky country![23] Cú sốc văn hóa khi đến thành phố Bozeman quả thực quá lớn. “Con gửi lời chào từ Montana”, tôi viết trong một bức thư gửi về nhà vào thời gian đầu, “ở đây đám đàn ông rất thô bạo còn mấy con cừu thì rất nhát”[24]. Cũng như nhận định của tôi về Montana, là hiện thân của đủ mọi định kiến và những lời sáo rỗng về cuộc sống ở miền tây và vùng biên giới, tôi, một kẻ đến từ miền đông, trong mắt những người tôi gặp ở đó cũng hệt như vậy. Tôi tham gia chi nhánh của Sigma Phi Epsilon[25] tại đây, trong đó hầu như chỉ có bọn con trai địa phương, nên tôi nổi bần bật. Tôi bắt đầu đội nón đen, mặc đồ đen, mang bốt đen và để tóc mai dài giống một nhân vật bước ra từ Câu chuyện phía Tây[26] , đó cũng là vẻ ngoài mà dân bản địa hình dung về người New York giống tôi thời đó. Vì vậy, tôi tận dụng tối đa chuyện này. Ở những buổi họp mặt, người dân địa phương sẽ mặc trang phục miền tây và nhảy điệu two-step, trong khi tôi dành những năm gần đây để xem Chubby Checker trên ti vi và biết hết mọi biến thể của điệu twist. Vì chị gái Arlene của tôi hơn tôi bốn tuổi nên từ lâu chị ấy đã chọn tôi làm bạn tập nhảy và tôi nhanh chóng trở thành người hướng dẫn trong trường khiêu vũ. Tôi cảm thấy mình như một nhà truyền giáo đến vùng sâu vùng xa, nơi chưa từng biết tiếng Anh. Tôi vốn không giỏi giang gì nhưng lúc này điểm của tôi thấp toàn tập vì tôi không hề tập trung vào việc học. Tôi đã làm vệ sĩ gác cổng ở một quán rượu tại New York, nhưng ở Montana, tuổi được phép uống rượu là hai mươi mốt, một điều bất lợi với tôi. Tiếc thay, tôi không để điều đó cản trở mình. Lần phạm luật đầu tiên của tôi xảy ra khi một người bạn trong hội sinh viên và tôi đi chơi cùng hai cô nàng xinh đẹp gặp nhau ở Trung tâm dành cho những bà mẹ chưa kết hôn. Trông họ có vẻ trưởng thành so với tuổi. Chúng tôi dừng ở một quán rượu, tôi đi vào mua một lốc sáu chai bia. Người pha chế bảo tôi “Cho tôi xem chứng minh thư của cậu” nên tôi đưa cho anh ta cái thẻ Nghĩa vụ quân sự[27] được làm giả rất tỉ mỉ. Từ kinh nghiệm làm vệ sĩ gác cửa, tôi biết một số nguy cơ và sai lầm khi dùng danh tính giả. Người pha chế nhìn tấm thẻ và nói “Brooklyn hả? Mấy đứa ở miền đông tụi mày toàn bọn xạo sự đúng không?” Tôi bật cười, trong dạ bồn chồn, nhưng mọi người trong quán đều xoay lại nhìn nên tôi biết đã có nhân chứng. Tôi quay lại chỗ đậu xe và chúng tôi vừa lái xe vừa uống bia, nhưng tôi không hề biết một trong hai cô nàng đã đặt mấy lon bia trên cốp xe. Đột nhiên, tôi nghe tiếng còi cảnh sát. Một viên cảnh sát chặn xe chúng tôi lại. “Xuống xe ngay.” Thế là chúng tôi bước xuống xe. Ông ta bắt đầu soát người chúng tôi, và dù lúc đó tôi biết việc soát người này là bất hợp pháp nhưng tôi chắc chắn sẽ không càm ràm gì với ông ta. Khi viên cảnh sát cúi người, súng và dùi cui lộ ra trước mắt tôi, và trong đầu tôi nhoáng lên một suy nghĩ điên rồ rằng trong một tích tắc, tôi có thể chộp lấy cái dùi cui, đập lên đầu ông ta, lấy khẩu súng và bỏ trốn. May mắn cho tương lai của mình là tôi đã không làm thế. Nhưng biết ông ta sắp soát đến mình, tôi lấy cái chứng minh thư ra khỏi ví, nhét nó vào quần trong. Viên cảnh sát đưa cả bốn đứa tôi về đồn, chia ra mỗi đứa một nơi và người tôi túa mồ hôi đầm đìa vì tôi biết họ đang làm gì, tôi sợ thằng bạn sẽ khai ra tôi. Một viên cảnh sát bảo tôi: “Nhóc, giờ thì nói đi. Nếu tên pha chế ở quán không hỏi chứng minh thư của cậu, chúng tôi sẽ quay lại đó. Trước đây chúng tôi đã gặp phiền phức với hắn rồi.” Tôi đáp: “Ở chỗ tôi, người ta không phản bội người khác. Chúng tôi không làm chuyện như vậy.” Tôi giả vờ nói chuyện như George Raft[28], nhưng trong lòng thì đang nghĩ Dĩ nhiên anh ta có đòi tôi cho xem chứng minh thư và tôi đã giơ ra chứng minh thư giả chứ sao! Trong lúc đó, cái thẻ chầm chậm trượt xuống trong quần, đâm vào da tôi. Không biết họ có cởi đồ chúng tôi để lục soát không. Ý tôi là, đây là khu vực biên giới, có Chúa mới biết họ sẽ làm gì. Vì vậy, tôi nhanh chóng đánh giá tình hình và giả vờ ốm. Tôi nói với họ tôi cảm thấy không khỏe, phải vào nhà vệ sinh. Họ để tôi đi một mình, không ai giám sát, nhưng tôi đã xem quá nhiều phim ảnh nên khi vào nhà vệ sinh, nhìn vào gương, tôi e là họ đang quan sát mình từ phía bên kia. Tôi nép sang một bên, thọc tay vào quần lôi ra cái chứng minh thư, rồi đến chỗ bồn rửa tay và giả vờ nôn mửa để phòng trường hợp họ đang theo dõi. Tôi đi sang bồn cầu và nhấn nước xả cái thẻ Nghĩa vụ quân sự xuống cống, rồi trở ra, tự tin hơn hẳn. Cuối cùng tôi bị phạt bốn mươi đô la và hưởng án treo. Lần thứ hai tôi chạm mặt với cảnh sát Bozeman là vào năm hai đại học, và lần này còn tệ hơn. Tôi đến xem một cuộc thi cưỡi ngựa chứng với hai đứa khác đến từ miền đông và một đứa ở Montana. Cuối trận, chúng tôi ra về trên một chiếc Studebaker năm 1962, trong xe có bia, và thế là lại xảy ra chuyện. Khi đó tuyết rơi nặng hạt. Thằng bạn cầm vô lăng đến từ Boston, tôi ngồi ở ghế phụ phía trước, và thằng Montana ngồi giữa. Tóm lại, thằng lái xe đã chạy qua một biển báo dừng và - có gì lạ đâu - ở ngay đó có một viên cảnh sát. Người ta hay nói cảnh sát chẳng bao giờ có mặt khi bạn cần - nhưng điều đó không đúng ở Bozeman năm 1965. Thằng bạn trong hội sinh viên của tôi - thật không tin nổi - không chịu dừng xe! Nó chạy luôn trong khi viên cảnh sát bám sát sau lưng. Mỗi lần chúng tôi rẽ và rời khỏi tầm nhìn của viên cảnh sát trong chốc lát, tôi liền ném mấy lon bia ra ngoài xe. Chúng tôi chạy tiếp, đến một khu dân cư, xe nhảy chồm chồm trên mấy vạch giảm tốc. Chúng tôi gặp hàng rào chắn đường; viên cảnh sát hẳn đã điện đàm cho trạm gác phía trước. Chúng tôi chạy vòng qua rào chắn, leo lên bãi cỏ của một ngôi nhà. Suốt quãng đường tôi liên tục la hét “Dừng xe lại ngay! Cho tôi xuống xe!” nhưng thằng ngốc đó cứ chạy miết. Chiếc xe xoay tròn, tuyết vẫn rơi trắng trời, tiếng còi hụ vang lên ngay sau lưng chúng tôi. Xe chạy đến một ngã tư. Thằng lái xe đạp thắng, xe xoay tròn một vòng, cửa bung ra và tôi bị văng khỏi xe. Tôi bám vào cửa, mông tôi lết trong tuyết, rồi đột nhiên có người kêu lên “Chạy đi!” Thế là chúng tôi chạy thục mạng mỗi đứa một hướng. Tôi chạy vào một ngõ hẻm, trông thấy một chiếc xe tải chở hàng, tôi liền leo lên. Tôi đã ném cái nón đen đi trong lúc chạy, tôi đang mặc một cái áo khoác hai mặt màu cam và vàng kim, thế là tôi cởi áo, xoay mặt màu vàng kim ra ngoài để ngụy trang. Nhưng người tôi đầy mồ hôi và hơi thở làm mờ hết kính cửa sổ xe. Tôi nghĩ Khỉ thật, họ sẽ thấy mình mất. Tôi cũng sợ chủ xe có thể trở lại bất kỳ lúc nào, mà ngoài này họ có thể có súng. Vì thế, tôi lau một mảng nhỏ trên kính để nhìn ra, xung quanh chiếc xe chúng tôi bỏ lại đang diễn ra đủ chuyện: xe cảnh sát, chó đánh hơi, cái gì cũng có. Họ đang vào ngõ hẻm, mấy ngọn đèn pin chiếu lên chiếc xe tải, còn tôi thì sắp ị ra quần luôn rồi. Nhưng không thể tin được là họ lái xe lướt qua và để tôi lại đó! Tôi trở về trường thì mọi người đã nghe về vụ việc, hóa ra hai thằng ở miền đông và tôi thoát được, nhưng họ bắt được thằng ở Montana và nó đã khai hết ra. Nó khai tên cả bọn, và cảnh sát tìm đến từng đứa. Khi họ tìm tới tới, tôi nài nỉ rằng tôi không điều khiển chiếc xe, rằng tôi rất sợ và đã xin đứa lái xe dừng lại. Trong khi đó, thằng lái xe đến từ Boston bị tống vào phòng giam với chiếc giường cứng ngắc, bánh mì và nước lã, cùng những thứ khác có liên quan, còn phần tôi, vận may kỳ diệu của tôi tiếp tục mỉm cười và tôi chỉ bị phạt thêm bốn mươi đô la vì tội sở hữu rượu, và hưởng án treo. Nhưng họ báo cho nhà trường và bố mẹ chúng tôi, bên nào cũng vô cùng tức giận, và việc học của tôi sẽ không khá lên chút nào. Điểm trung bình của tôi chỉ là D, tôi rớt môn diễn thuyết vì không bao giờ lên lớp - đây là môn tôi luôn bị điểm thấp vì tôi luôn cảm thấy khả năng nói chuyện là tài sản quý nhất của mình - và tôi không tìm được cách nào để thoát khỏi vũng lầy này. Cuối năm hai, rõ ràng cuộc phiêu lưu của tôi ở miền tây hoang dã đã chấm dứt. Nếu quý độc giả thấy rằng ký ức của tôi về giai đoạn này toàn là những rủi ro và sai lầm thì đúng vậy, lúc đó tôi cũng cảm thấy thế. Tôi rời trường về nhà, sống trước ánh mắt thất vọng của bố mẹ. Mẹ tôi rất buồn khi biết tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ thú y. Như thường lệ, khi không biết làm gì, tôi lại dựa vào tài nghệ thể thao của mình và nhận công việc bảo vệ hồ bơi vào mùa hè năm 1965. Khi mùa hè kết thúc và tôi không trở lại trường, tôi tìm được công việc quản lý câu lạc bộ thể dục thể thao tại khách sạn Holiday Inn ở Patchogue. Không lâu sau khi bắt đầu công việc ở đây, tôi gặp Sandy, một nữ phục vụ cocktail tại khách sạn. Cô ta trẻ đẹp, có một đứa con trai nhỏ, và tôi ngay lập tức mê mẩn. Khi mặc bộ đồng phục nữ phục vụ cocktail, trông cô ta vô cùng ấn tượng. Hình thể của tôi vẫn đẹp nhờ chăm tập thể dục và có vẻ cô ta cũng thích tôi. Khi đó tôi sống ở nhà và cô ta gọi cho tôi suốt. Bố tôi nói với tôi: “Đứa quỷ quái nào gọi cho con suốt ngày suốt đêm thế hả? Trong điện thoại lúc nào cũng nghe tiếng con nít la khóc.” Sống cùng bố mẹ không cho tôi nhiều cơ hội hành động, nhưng Sandy nói nếu làm việc tai khách sạn thì tôi có thể thuê một phòng trống với giá rất rẻ. Thế là một ngày kia, chúng tôi cùng thuê một phòng. Sáng sớm hôm sau, điện thoại reo. Cô ta trả lời và tôi nghe được “Không! Không! Tôi không muốn nói chuyện với anh ta đâu!” Khi thức dậy, tôi hỏi: “Ai gọi vậy?” Cô ta trả lời: “Lễ tân. Họ nói chồng em đang ở đây và đang lên đây.” Lúc này tôi tỉnh hẳn. Tôi nói to: “Chồng em? Ý là sao, chồng em hả? Em chưa bao giờ nói em vẫn đang có chồng!” Cô ta phân trần rằng chưa từng nói là mình đã bỏ chồng, rồi lại giải thích là họ đang ly hôn. Hay thật, tôi nghĩ khi tai bắt đầu nghe tiếng chân chạy điên cuồng trên hành lang. Gã chồng bắt đầu đập cửa. “Sandy! Tôi biết cô đang ở trong đó, Sandy!” Căn phòng có một cửa sổ chớp bằng kính mở ra hành lang và hắn đang kéo các thanh chắn, muốn giật chúng khỏi khung cửa. Tôi thì đang tìm chỗ để nhảy xuống - chúng tôi đang ở tầng hai - nhưng chẳng có cái cửa sổ nào. Tôi hỏi: “Hắn có súng hay vũ khí gì không?” “Đôi khi hắn thủ dao trong người”, cô ta nói. “Mẹ kiếp! Hay thật đấy! Tôi phải ra khỏi đây. Mở cửa đi.” Tôi lấy thế, giơ hai tay lên. Cô ta mở cửa. Gã chồng xộc vào. Hắn phóng thẳng đến chỗ tôi. Nhưng hắn thấy tôi đứng trong bóng tối, và chắc là nhìn tôi to và dữ tợn lắm, nên hắn đổi ý, dừng lại. Nhưng hắn vẫn la ó: “Thằng khốn! Mày biến khỏi đây ngay!” Tôi đoán hôm nay mình đã ra vẻ đàn ông đủ rồi - mà trời vẫn còn sớm - nên tôi lịch sự nói “Vâng. Tôi cũng định biến đây.” Tôi lại gặp may, thoát khỏi một rắc rối khác mà không trầy xước miếng nào. Nhưng không thể trốn tránh sự thật rằng mọi thứ trong đời tôi sắp tiêu tùng. Tôi cũng vô tình làm nứt trục bánh xe chiếc Saab của bố tôi khi đua với chiếc MGA màu đỏ của thằng Bill Turner bạn tôi. Một sáng thứ Bảy nọ, mẹ vào phòng tôi, cầm theo lá thư từ cơ quan Nghĩa vụ quân sự, nói rằng họ muốn gặp tôi. Tôi xuống chỗ tòa nhà Whitehall ở khu Manhattan để kiểm tra thể lực quân sự với 300 người khác. Họ bảo tôi gập gối hết cỡ và có thể nghe tiếng răng rắc khi tôi ngồi xuống. Tôi đã phẫu thuật lấy sụn ở đầu gối ra do chơi bóng bầu dục, giống Joe Namath, nhưng hẳn anh ta có luật sư giỏi hơn. Họ tạm thời chưa có quyết định cho tôi, nhưng cuối cùng tôi được thông báo là quả thực Chính phủ cần tôi. Thay vì thử vận may trong Quân đội, tôi nhanh chóng đăng ký vào Không quân dù như vậy nghĩa là phải đi lính bốn năm, nhưng tôi tính toán ở đó sẽ có cơ hội học tập tốt hơn. Có lẽ đó chính là thứ tôi cần. Rõ ràng tôi đã không trân trọng các cơ hội học tập có được ở New York và Montana. Bấy giờ, tôi còn một lý do khác để đăng ký vào Không quân. Đó là năm 1966 và Việt Nam đang mạnh lên. Tôi không quá quan tâm đến chính trị, tự nhận mình là một người theo chế độ dân chủ của Kennedy vì bố tôi là viên chức trong Công đoàn In ở Long Island. Nhưng ý tưởng bị bắn khi hỗ trợ cho một mục tiêu mà tôi chỉ hiểu một cách mơ hồ không hay ho cho lắm. Tôi nhớ một thợ cơ khí trong Không quân từng kể rằng họ là quân chủng duy nhất mà các quan chức - tức là các phi công - tham chiến còn các binh nhì ở hậu phương hỗ trợ. Không hề có ý định trở thành phi công nên tôi thấy chuyện đó rất ổn. Tôi được đưa tới Amarillo, Texas, để tham gia huấn luyện cơ bản. Phi đội (tên gọi lớp huấn luyện Không quân) gồm năm mươi người của chúng tôi được chia đều thành nhóm người đến từ New York như tôi, và nhóm người đến từ Louisiana ở miền nam. Viên sĩ quan hướng dẫn luôn canh chừng nhóm người miền bắc và phần lớn thời gian tôi nghĩ việc đó cũng là hợp lý. Tôi thường đánh bạn với những người đến từ miền nam, tôi cảm thấy họ dễ thương và dễ chịu hơn những đồng hương New York. Với nhiều thanh niên, huấn luyện cơ bản là một trải nghiệm rất căng thẳng. Với tinh thần kỷ luật mà tôi đã trải qua với các huấn luyện viên trong những môn thể thao đồng đội va chạm, và với tư cách một kẻ ngu ngốc mà tôi tự thừa nhận suốt mấy năm qua, tôi thấy cú đánh của sĩ quan hướng dẫn như một trò đùa. Tôi có thể nhìn ra hết những màn giễu võ dương oai và đòn tâm lý của ông ấy, và tôi vốn đã có thể lực tốt nên việc huấn luyện cơ bản đối với tôi tương đối dễ dàng. Tôi nhanh chóng được công nhận là một tay thiện xạ với súng MI6, đây có thể là kết quả từ mục tiêu tôi đặt ra khi làm tay ném hồi trung học. Trước khi vào Không quân, kinh nghiệm bắn súng duy nhất của tôi là dùng súng hơi BB bắn vào những ngọn đèn đường hồi còn thiếu niên. Trong thời gian huấn luyện cơ bản, tôi lại có thêm danh tiếng rất ngầu khác. Khí thế hừng hực nhờ cử tạ, lại thêm quả đầu cạo sát, tôi trở thành “Gấu Nga”. Có một gã ở phi đội khác cũng nổi danh vì lý do tương tự, và có đứa nào đó nảy ra sáng kiến tuyệt vời là nếu chúng tôi đấu với nhau thì sẽ rất có lợi cho tinh thần của cả căn cứ. Trận đấu đó là một sự kiện lớn ở căn cứ. Chúng tôi ngang tài ngang sức và không bên nào chịu rút lui. Cuối cùng chúng tôi đập nhau tơi tả và mũi tôi bị gãy lần thứ ba (hai lần đầu là do chơi bóng bầu dục hồi trung học). Dù trận đấu có ích hay không thì tôi cũng kết thúc với vị trí thứ ba trong số năm mươi người ở phi đội. Sau đợt huấn luyện cơ bản, tôi phải làm một loạt bài kiểm tra và được báo là đạt yêu cầu vào trường đào tạo ngăn chặn tín hiệu vô tuyến. Nhưng trường này đã đủ học viên và tôi không muốn chờ lớp tiếp theo khai giảng nên họ cho tôi làm nhân viên đánh máy - dù tôi không biết đánh máy. Có một vị trí trống trong bộ phận Nhân sự tại Căn cứ Không quân Cannon, cách đó khoảng 160km, bên ngoài thành phố Clovis, New Mexico. Thế là tôi đến đó, dành cả ngày dài để gõ những tờ quyết định xuất ngũ - DD214 - bằng hai ngón tay, làm việc cho một viên trung sĩ ngốc nghếch và tự nhủ Mình phải ra khỏi chỗ này. Một lần nữa, đây là lúc vận may của tôi xuất hiện. Kế bên phòng Nhân sự là phòng Quân chủng đặc biệt. Khi tôi nói cụm từ này, đa số mọi người nghĩ đến các Lực lượng Đặc biệt như Mũ nồi xanh. Nhưng đây là Quân chủng đặc biệt, cụ thể là Quân chủng đặc biệt - Thể thao. Với kinh nghiệm của tôi, bộ phận đó có vẻ là một cách hay để bảo hộ đất nước khi cần. Tôi bắt đầu rình mò, đến cửa nghe lén và nghe một người trong đó nói “Chương trình này thất bại chắc rồi. Chúng ta không có người phù hợp.” Tôi tự nhủ, cơ hội đây rồi! Thế là tôi giả vờ đi loanh quanh, tình cờ gõ cửa phòng họ và nói “Xin chào, tôi là John Douglas, cho phép tôi giới thiệu một chút về kinh nghiệm của mình.” Trong khi nói, tôi nhìn họ để thăm dò phản ứng và “mô tả” mình theo kiểu người mà họ muốn. Và tôi đã thành công, vì họ cứ nhìn nhau như thể “Đúng là phép màu! Anh ta chính là người chúng ta muốn!” Bởi thế mà họ chuyển tôi khỏi bộ phận Nhân sự và từ đó về sau, tôi không bao giờ phải mặc đồng phục nữa, họ trả thêm lương cho tôi với tư cách một binh nhì quản lý tất cả chương trình thể thao, tôi đủ điều kiện tham gia chương trình Vận hành tự khởi[29], trong đó Chính phủ chi trả 75% học phí để tôi đi học vào buổi tối và cuối tuần - và tôi đã học, ở Đại học Đông New Mexico ở Portales, cách đó 40km. Vì phải làm tốt hơn xếp hạng trung bình loại D ở đại học, tôi phải đạt toàn điểm A trong chương trình này. Nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình có mục tiêu để phấn đấu. Tôi làm rất tốt công tác đại diện Không quân trong nhũng môn thể thao có luật thi đấu nghiêm ngặt như quần vợt, bóng đá và cầu lông nên cuối cùng họ cho tôi quản lý sân gôn và cửa hàng dụng cụ thể thao của căn cứ dù tôi chưa từng đánh gôn lần nào trong đời. Nhưng thật sự trông tôi rất phong độ khi mặc những chiếc áo nỉ hiệu Arnold Palmer và quản lý tất cả các giải đấu. Một ngày nọ, chỉ huy căn cứ vào sân và muốn biết ông ấy nên dùng quả bóng nén nào cho giải đấu này. Tôi không hiểu ông ấy nói gì và cũng giống như bài báo cáo sách hồi lớp Chín gần mười năm trước, tôi bị bại lộ. “Anh quản lý chỗ này như thế nào hả?” Ông ta muốn biết. Ngay lập tức tôi bị đuổi khỏi sân gôn và chuyển sang bộ phận điêu khắc trang sức của phụ nữ, nghe có vẻ thú vị cho đến khi tôi phát hiện ra nó có nghĩa là gia công đá. Tôi cũng được yêu cầu quản lý bộ phận làm gốm của phụ nữ và hồ bơi của các sĩ quan. Tôi nghĩ, trong khi các sĩ quan bay sang Việt Nam để ăn đạn thì tôi ở đây lấy ghế ngồi và khăn tắm cho những người vợ thích tán tỉnh của họ và dạy con họ học bơi, họ còn trả thêm tiền cho việc này trong khi tôi lấy bằng đại học? Một nhiệm vụ khác của tôi có vẻ liên quan đến những ngày làm vệ sĩ gác cửa trước đây. Hồ bơi nằm cạnh quầy rượu của các sĩ quan, ở đó thường có nhiều phi công trẻ đang huấn luyện với Bộ Tư lệnh Hàng không Chiến thuật. Nhiều lần tôi phải tách những gã phi công say rượu, điên cuồng ra khỏi nhau hoặc khỏi tôi. Khoảng hai năm trong thời gian phục vụ ở Không quân, khi tôi đang lấy bằng đại học, tôi biết đến một hiệp hội chuyên giúp đỡ trẻ em khuyết tật ở địa phương. Họ cần người giúp đỡ trong các chương trình giải trí nên tôi đã tình nguyện tham gia. Mỗi tuần một lần, cùng với hai nhân viên, tôi đưa khoảng mười lăm em đi trượt pa tanh hoặc chơi gôn và bowling mini hoặc một hình thức thể thao nào đó mà các em có thể phát triển kỹ năng và tố chất cá nhân. Đa số trẻ em ở đây gặp nhiều khó khăn như bị mù hoặc hội chứng Down, hay vấn đề nghiêm trọng trong việc kiểm soát vận động. Đây là dạng công việc rất mất sức, ví dụ như trượt pa tanh vòng quanh sân khi mỗi tay bế một đứa, cố gắng để các em không tự làm mình bị thương, nhưng tôi vô cùng yêu thích công việc này. Thực ra, hiếm có trải nghiệm nào khác trong đời khiến tôi thấy hứng thú như vậy. Khi tôi dừng xe ở trường mỗi tuần, bọn trẻ đều chạy ra chào tôi, vây quanh chiếc xe, tôi sẽ xuống xe và ôm chúng. Cuối mỗi buổi, tất cả đều buồn khi thấy tôi đi và tôi cũng buồn khi phải đi. Tôi cảm thấy mình đang nhận được rất nhiều từ chương trình này, tình thương và tình bạn, trong thời điểm mà tôi không nhận được gì từ bất kỳ nơi nào khác nên tôi bắt đầu đến trường vào buổi chiều để đọc truyện cho bọn trẻ nghe. Chúng hoàn toàn trái ngược với những đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường mà tôi tiếp xúc ở căn cứ, những đứa đã quen là trung tâm của sự chú ý và được bố mẹ đáp ứng mọi thứ mà mình muốn. Bọn trẻ “đặc biệt” của tôi biết trân trọng bất cứ thứ gì mọi người làm cho các em, và dù khuyết tật nhưng các em luôn rất thân thiện và hào hứng khám phá. Tôi không hề biết họ quan sát tôi phần lớn thời gian tôi ở cùng bọn trẻ. Công việc hẳn đã bộc lộ chút gì đó về khả năng quan sát của tôi mà tôi chưa từng phát hiện! Bất luận thế nào, khả năng của tôi đã được các thành viên của khoa Tâm lý học Đại học Đông New Mexico đánh giá, sau đó họ trao cho tôi một suất học bổng bốn năm chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. Tuy tôi cũng từng nghĩ đến ngành tâm lý học công nghiệp, nhưng tôi yêu quý bọn trẻ và cảm thấy đây có thể là một lựa chọn tốt. Thực ra, tôi có thể ở lại Không quân và trở thành một sĩ quan với sự nghiệp chuyên gia tâm lý học. Tôi nộp đề nghị của trường đại học lên ban nhân sự dân vận của căn cứ nhưng sau khi cân nhắc họ quyết định Không quân không cần người có bằng cấp về giáo dục đặc biệt. Tôi cho rằng việc này hơi lạ vì có rất nhiều người phụ thuộc ở căn cứ, nhưng họ đã quyết định như thế. Bởi vậy, tôi từ bỏ suy nghĩ gây dựng sự nghiệp với ngành giáo dục đặc biệt, nhưng vẫn tiếp tục công việc tình nguyện mà tôi rất thích. Giáng sinh năm 1969, tôi về thăm gia đình. Tôi phải lái xe 160km trở về Amarillo để đáp chuyến bay đến New York, mà chiếc Volkswagen Beetle của tôi không thể kham nổi đoạn đường đó. Vì vậy, bạn thân tôi ở Không quân là Robert LaFond đổi cho tôi chiếc Karmann Ghia của cậu ấy để tôi đi. Tôi không muốn bỏ lỡ bữa tiệc Giáng sinh của đơn vị Quân chủng đặc biệt, nhưng đó là cách duy nhất tôi có thể về Amarillo đúng giờ để lên máy bay. Khi đáp chuyến bay ở La Guardia, bố mẹ đón tôi. Vẻ mặt họ rất nghiêm trọng, gần như bàng hoàng, tôi không hiểu tại sao. Nói cho cùng thì tôi đang thay đổi cuộc đời mình một trăm tám mươi độ và cuối cùng cũng cho họ một lý do để không thất vọng về tôi. Nhưng chuyện là họ nhận được báo cáo về một tài xế chưa xác định danh tính chết gần căn cứ của tôi trong một chiếc VW trùng khớp với mô tả về chiếc xe của tôi. Cho đến khi bố mẹ thấy tôi xuống máy bay, họ không biết là tôi còn sống hay đã chết. Hóa ra Robert LaFond, cũng như nhiều người khác, đã say và ngủ quên ở bữa tiệc Giáng sinh. Những người ở đó nói một vài sĩ quan và binh sĩ đã đưa cậu ấy vào xe của tôi với chìa khóa cắm trong ổ và khi tỉnh lại, cậu ấy định lái xe rời khỏi căn cứ. Khi đó có tuyết rơi, trời lạnh cóng; cậu ấy tông thẳng vào một chiếc xe trên đó có một nữ quân nhân và các con của cô ấy. May mắn là họ không bị thương, nhưng trong chiếc xe cà tàng của tôi, Robert va người vào vô lăng, văng qua kính chắn gió và chết. Sự cố này đã ám ảnh tôi. Chúng tôi chơi rất thân, tôi đau đớn nghĩ rằng chuyện đó có lẽ đã không xảy ra nếu cậu ấy không cho tôi mượn chiếc xe xịn. Khi trở lại căn cứ, tôi phải nhận đồ dùng cá nhân của cậu ấy, đóng thùng tất cả tài sản và gửi về cho gia đình cậu ấy. Tôi cứ trở lại nhìn chiếc xe hỏng của mình, mơ thấy Robert và vụ tai nạn. Tôi đã đi cùng vào ngày cậu ấy mua quà Giáng sinh cho bố mẹ mình ở Pensacola, Florida, một món quà được gửi đến cùng ngày các sĩ quan Không quân đến nhà để thông báo rằng con trai họ đã chết. Nhưng không chỉ đau buồn, tôi còn rất giận dữ. Giống như sau này khi trở thành điều tra viên, tôi cứ dò hỏi xung quanh đến khi thu hẹp số đối tượng xuống còn hai người mà tôi nghĩ có trách nhiệm trong chuyện này. Tôi tìm thấy họ trong văn phòng, tóm lấy, ấn họ vào tường. Tôi bắt đầu đánh họ, từng người một. Người ta phải lôi tôi ra khỏi họ. Tôi giận điên người, đến mức không thèm bận tâm nếu có phải ra tòa. Tôi chỉ quan tâm chuyện họ đã giết bạn thân của tôi. Phiên tòa quân sự là một sự việc rối rắm, vì họ phải xử lý lời buộc tội chính thức của tôi với hai người kia. Đồng thời, sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu giảm dần và họ đang cho các binh nhì chỉ còn vài tháng nghĩa vụ được xuất ngũ sớm. Thế là để dẹp yên mọi chuyện theo cách tốt nhất có thể, ban nhân sự cho tôi xuất ngũ sớm vài tháng. Khi còn tại ngũ, tôi đã lấy bằng đại học và bắt đầu học thạc sĩ ngành tâm lý học công nghiệp. Bấy giờ, tôi đang sống nhờ trợ cấp của Luật G.I. trong một căn hộ không có cửa sổ dưới tầng hầm, giá bảy đô la một tuần ở Clovis, chiến đấu với những binh đoàn bọ nước dài gần 7cm cứ lập đội hình tấn công mỗi khi tôi vào phòng và mở đèn. Không thể sử dụng cơ sở vật chất của căn cứ nữa, tôi dọn vào một phòng tập rẻ tiền, xập xệ, không khí và bài trí cũng không hơn gì căn hộ của tôi. Mùa thu năm 1970, tôi gặp một người ở phòng tập tên là Frank Haines, hóa ra là một đặc vụ FBI. Anh ta điều hành một cơ sở vệ tinh một người ở Clovis. Chúng tôi trở nên thân thiết trong thời gian tập luyện cùng nhau. Hóa ra anh ta đã nghe về tôi từ chỉ huy căn cứ đã nghỉ hưu và bắt đầu thuyết phục tôi nộp đơn vào Cục. Nói thật, tôi chưa từng suy nghĩ nghiêm túc về công việc thi hành luật. Tôi đang lên kế hoạch làm việc trong ngành tâm lý học công nghiệp sau khi tốt nghiệp. Làm việc cho một công ty lớn, xử lý những vấn đề như nhân sự, hỗ trợ nhân viên và kiểm soát căng thẳng, có vẻ đem lại một tương lai chắc chắn, có thể dự đoán trước. Lần duy nhất tôi có liên hệ trực tiếp với FBI cho đến lúc đó là ở Montana, khi một cái rương tôi vận chuyển về nhà bị trộm mất. Một đặc vụ thực địa ở đó đã thẩm vấn tôi vì nghĩ rằng có thể tôi đã dàn xếp vụ này để lấy tiền bảo hiểm nhưng không có kết quả gì. Nếu FBI chuyên xử lý những vụ việc như vậy thì tôi thấy công việc đó chẳng có gì nhiều để làm. Nhưng Frank khăng khăng rằng tôi sẽ là một đặc vụ giỏi và liên tục khích lệ tôi. Anh ta mời tôi đến nhà ăn tối vài lần, giới thiệu tôi với vợ và con trai anh ta, cho tôi xem súng và séc lương của anh ta, chẳng cái nào tôi có thể sánh bằng. Phải công nhận, so với cuộc sống xoàng xĩnh của tôi thì Frank sống như một ông hoàng. Vì vậy, tôi quyết định thử xem thế nào. Frank ở lại New Mexico, và nhiều năm sau, chúng tôi gặp nhau khi tôi ra mặt làm chứng trong một vụ án giết người mà anh ta điều tra, trong đó một phụ nữ bị giết hại dã man và đốt xác để tránh bị phát hiện. Nhưng vào mùa thu năm 1970, tôi không hề nghĩ tới loại hành động này. Frank gửi đơn của tôi đến văn phòng thực địa ở Albuquerque. Họ cho tôi làm bài kiểm tra tiêu chuẩn dành cho những người không phải luật sư. Bất chấp điều kiện thể chất tốt và cơ hình cơ bắp của tôi, cân nặng 100kg của tôi vẫn thừa 11kg so với giới hạn của FBI dành cho chiều cao 1m88. Người duy nhất trong Cục có thể vượt qua tiêu chuẩn cân nặng chính là ngài giám đốc huyền thoại J. Edgar Hoover. Trong hai tuần, tôi không ăn gì ngoài gelatin Knox và trứng luộc để giảm xuống số cân cần thiết. Tôi cũng phải cắt tóc ba lần mới đạt chuẩn để chụp hình thẻ nhân viên. Nhưng cuối cùng, vào tháng Mười một, tôi được bổ nhiệm một chức vụ tập sự, với mức lương khởi điểm là 10.869 đô la. Cuối cùng, tôi cũng thoát khỏi căn phòng không cửa sổ, u ám dưới tầng hầm. Tôi tự hỏi liệu bấy giờ tôi sẽ nghĩ gì nếu biết mình sẽ dành phần lớn thời gian ở Cục trong một căn phòng không cửa sổ dưới tầng hầm khác, theo đuổi những câu chuyện còn u ám hơn nhiều. CHƯƠNG 3 Đặt cược vào những hạt mưa Nhiều người nộp đơn, vài người được chọn. Đó là thông điệp chúng tôi nghe đi nghe lại khi là những tân binh. Gần như mọi người có hứng thú với sự nghiệp thi hành luật pháp đều tha thiết muốn trở thành một đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, nhưng chỉ những người giỏi nhất mới hy vọng có được cơ hội đó. Di sản lâu năm và đầy tự hào của Cục khởi nguồn từ năm 1924 khi một luật sư vô danh của Chính phủ tên là John Edgar Hoover tiếp quản một cơ quan thối nát, thiếu tiền viện trợ và quản lý tệ hại. Cũng chính ngài Hoover này - đã bảy mươi lăm tuổi lúc tôi gia nhập Cục - vẫn điều hành cơ quan giờ đã trở thành tổ chức được kính trọng hết mực này và chỉ huy với phong thái mạnh mẽ, kiên cường. Vì vậy, tốt nhất là chúng tôi đừng làm Cục thất vọng. Một bức điện tín từ ngài giám đốc hướng dẫn tôi hãy đến trình diện tại phòng 625 trong tòa nhà bưu điện cũ trên đại lộ Pennsylvania ở Washington lúc 9 giờ sáng ngày 14 tháng Mười hai năm 1970, để bắt đầu mười bốn tuần huấn luyện sẽ biến tôi từ một công dân bình thường thành một đặc vụ của FBI. Trước sự kiện này, tôi về nhà ở Long Island, bố tôi tự hào đến mức treo một lá quốc kỳ trước nhà. Với những hoạt động của tôi mấy năm qua, tôi không có bộ quần áo thường dân nào ra hồn nên bố đã mua cho tôi ba bộ vest tối màu gồm màu xanh, đen và nâu, mấy cái áo sơ mi trắng và hai đôi giày da, một đôi màu đen, một đôi màu nâu. Rồi bố chở tôi xuống Washington để bảo đảm tôi đến đúng giờ trong ngày đầu tiên đi làm. Không mất nhiều thời gian để quen với những quy định và truyền thống của FBI. Đặc vụ thực hiện buổi lễ nhậm chức của chúng tôi bảo chúng tôi lấy phù hiệu ra nhìn khi đọc lời thề với Cục. Chúng tôi đồng loạt cất lời, nhìn vào người phụ nữ đeo băng che mắt đang cầm chiếc cân công lý khi long trọng tuyên thệ sẽ hỗ trợ và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ trước mọi kẻ thù, trong và ngoài. “Nâng phù hiệu lên gần hơn! Gần hơn nữa!” Người đặc vụ ra lệnh, đến khi chúng tôi đều nhìn phù hiệu đến lé mắt. Lớp tân binh của tôi toàn là người da trắng. Năm 1970, rất ít đặc vụ FBI là người da màu và không có phụ nữ. Tình trạng này không thực sự được cải thiện cho đến sau thời gian điều hành dài dằng dặc của Hoover, và thậm chí sau khi qua đời, ông ấy vẫn tiếp tục toát ra sức ảnh hưởng âm thầm và mạnh mẽ. Đa số mọi người đều trong độ tuổi 29-35 nên tôi là một trong những người trẻ nhất khi mới hai lăm tuổi. Chúng tôi được tuyên truyền là phải canh chừng các điệp viên Xô Viết, họ sẽ muốn thỏa hiệp với chúng tôi và moi móc các bí mật của chúng tôi. Chúng tôi được nhắc nhở phải đặc biệt cẩn thận với phụ nữ! Công tác tẩy não này hiệu quả đến mức tôi đã từ chối cuộc hẹn với một phụ nữ vô cùng xinh đẹp, làm việc trong tòa nhà, người đã mời tôi đi ăn tối. Tôi sợ đó là một sự dàn xếp và tôi đang bị thử thách. Học viện FBI ở căn cứ Hải quân tại Quantico, Virginia chưa được hoàn thiện và đi vào hoạt động nên chúng tôi luyện bắn súng và thể chất ở đó và học lý thuyết trong tòa nhà bưu điện cũ ở Washington. Một trong những điều đầu tiên mà các tân binh được dạy là một nhân viên FBI chỉ bắn để giết. Tư duy nền tảng của nguyên tắc này vừa nghiêm ngặt vừa hợp lý: Nếu anh rút vũ khí ra, tức là anh đã quyết định bắn. Và nếu anh quyết định tình huống đủ nghiêm trọng để bắn, tức là anh quyết định nó đủ nghiêm trọng để lấy mạng một người. Trong tình huống nước sôi lửa bỏng đó, anh hiếm khi có cơ hội lên kế hoạch cho phát súng hay rèn luyện trí óc và ý định bắn chỉ để ngăn chặn một đối tượng hoặc khiến hắn ngã xuống là quá liều lĩnh. Anh không được liều lĩnh một cách không cần thiết vì bản thân hay một người có khả năng trở thành nạn nhân. Chúng tôi được huấn luyện nghiêm khắc không kém về luật hình sự, phân tích dấu vân tay, tội phạm bạo lực và tội phạm kinh tế, kỹ thuật bắt giữ người, sử dụng vũ khí, chiến đấu tay đôi và lịch sử về vai trò của Cục trong việc thi hành luật quốc gia. Nhưng một trong những bài mà tôi nhớ nhất đến tương đối sớm trong quá trình học tập. Chúng tôi đều gọi bài đó là “luyện nói bậy”. “Đóng cửa chưa?” Giáo viên hướng dẫn hỏi. Sau đó ông ấy phát cho chúng tôi một danh sách. “Tôi muốn các anh học những từ này.” Theo tôi nhớ thì danh sách đó gồm toàn tinh hoa trong ngôn ngữ Anglo-Saxon như cứt, quan hệ, khẩu giao cho nữ, khẩu giao cho nam, âm đạo và dương vật. Việc chúng tôi phải làm là ghi nhớ những từ này để nếu chúng được nói ra ở thực địa - chẳng hạn như trong lúc thẩm vấn một nghi phạm - chúng tôi sẽ biết phải làm gì. Và chúng tôi phải bảo đảm bất cứ báo cáo nào có chứa bất kỳ từ nào trong số này được nộp cho “chuyên viên xử lý các trường hợp khiêu dâm” - tôi không đùa đâu - thay vì thư ký bình thường. Chuyên viên này theo truyền thống là một phụ nữ lớn tuổi, trưởng thành và dày dạn hơn, có thể chịu được cú sốc khi thấy những từ và cụm từ này. Phải nhớ rằng, trong khoảng thời gian này, nơi đây toàn là đàn ông, và trong năm 1970, tính mẫn cảm của quốc gia hơi khác so với ngày nay, ít nhất là trong Cục Điều tra Liên bang của Hoover. Chúng tôi thật sự phải làm bài kiểm tra chính tả về những từ này, sau đó bài làm được thu lại và - tôi đoán - chấm điểm trước khi bị đốt hết trong thùng rác bằng kim loại. Bất chấp sự ngớ ngẩn này, tất cả chúng tôi đều tin tưởng tuyệt đối vào việc đấu tranh với tội phạm, và đều nghĩ mình có thể tạo ra khác biệt. Sau khoảng phân nửa thời gian huấn luyện tân binh, tôi được gọi vào văn phòng của Phó Giám đốc huấn luyện, Joe Casper, một trong những trung úy đáng tin cậy của Hoover. Mọi người trong Cục gọi ông là Con ma thân thiện, nhưng biệt danh này rõ ràng được dùng theo kiểu mỉa mai hơn là yêu mến. Casper bảo rằng tôi làm rất tốt trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng lại dưới mức trung bình trong lĩnh vực “truyền tin”, phương pháp và thuật ngữ mà qua đó các bộ phận khác nhau của tổ chức truyền tin cho nhau. “Thưa ngài, tôi muốn là người giỏi nhất”, tôi đáp. Những anh chàng háo thắng như tôi lúc này được mô tả là có ngọn lửa xanh tỏa ra từ dưới mông. Điều này có thể giúp bạn thăng tiến nhưng cũng có thể biến bạn thành đối tượng bị để ý. Nếu một người tỏa lửa xanh thành công, anh ta sẽ vươn lên đỉnh thế giới. Nhưng nếu không thì thất bại đó sẽ kéo dài và rất nhiều người biết đến. Có thể Casper nghiêm khắc nhưng ông ta không ngốc và đã thấy rất nhiều kẻ háo thắng trong sự nghiệp của mình. “Anh muốn làm người giỏi nhất à? Đây!” Nói rồi ông ta ném cho tôi toàn bộ tập sách về những thuật ngữ và bảo tôi phải thuộc hết khi trở lại Cục sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Chuck Lundsford, một trong hai cố vấn của Học viện ở lớp chúng tôi, biết chuyện và tìm gặp tôi. “Anh đã nói gì khi vào đó?” Anh ta hỏi. Tôi kể cho anh ta nghe. Chuck chỉ đảo mắt. Cả hai chúng tôi đều biết tôi đang gặp khó khăn. Tôi về nhà bố mẹ trong các kỳ nghỉ. Khi cả nhà đang vui vẻ, tôi phải vùi đầu vào tập sách hướng dẫn các phương pháp truyền tin. Giáng sinh năm đó không giống một kỳ nghỉ chút nào. Khi tôi trở lại Washington vào đầu tháng Một, vẫn lo lắng về hậu quả của sự háo thắng, tôi phải làm bài kiểm tra viết về những gì tôi đã học. Tôi không thể diễn tả được sự nhẹ nhõm khi cố vấn khác của chúng tôi, Charlie Price, nói rằng tôi đạt 99%. “Thật ra anh đạt 100%”, Charlie nói riêng với tôi, “nhưng ngài Hoover nói không có ai hoàn hảo.” Sau khoảng phân nửa thời gian trong chương trình mười bốn tuần, mỗi người chúng tôi được hỏi về nơi mình ưa thích cho nhiệm vụ văn phòng thực địa đầu tiên. Đa số các đặc vụ FBI được phân bổ vào 59 văn phòng thực địa trên khắp cả nước. Tôi cảm thấy có mùi thử thách trong việc lựa chọn này - một trận cờ lớn giữa những tân binh và bộ chỉ huy - và như mọi lần, tôi cố gắng suy nghĩ giống đối phương. Tôi đến từ New York và không mong muốn trở lại đó. Tôi đoán L.A., San Francisco, Miami, có thể là Seattle và San Diego, sẽ là những nơi được chọn nhiều nhất. Vì thế, nếu tôi chọn một thành phố không thuộc hàng đầu, nhiều khả năng tôi sẽ được đưa đến nơi tôi chọn đầu tiên. Tôi chọn Atlanta. Tôi được phân đi Detroit. Khi tốt nghiệp, chúng tôi được phát giấy chứng nhận vĩnh viễn, một cây súng lục ổ xoay 38 ly Smith & Wesson Model 10, sáu viên đạn và lời hướng dẫn ra khỏi thành phố càng nhanh càng tốt. Tổng bộ rất sợ những đặc vụ non nớt sẽ gặp rắc rối ở Washington, ngay dưới mũi ngài Hoover, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến mọi người. Tôi nhận được một món đồ khác là cuốn sách nhỏ có tên Hướng dẫn sinh tồn ở Detroit. Đây là một trong những thành phố có sự phân cực chủng tộc cao nhất cả nước, vẫn hỗn loạn do hậu quả của những cuộc bạo động năm 1967 và có thể giành danh hiệu thủ đô tội phạm của cả nước với hơn 800 vụ giết người mỗi năm. Thực tế, trong văn phòng, chúng tôi đã có một trò chơi tàn nhẫn, cá cược xem đến cuối năm có chính xác bao nhiêu vụ giết người. Như hầu hết các đặc vụ mới khác, tôi bắt đầu công việc đầy phấn khởi và lòng tin nhưng nhanh chóng nhận ra mình phải đối mặt với cái gì. Tôi đã có bốn năm ở Không quân, nhưng vụ việc có thể coi là ẩu đả chỉ là tôi nằm trên giường trong bệnh viện ở căn cứ kế bên những cựu binh chiến tranh Việt Nam khi phẫu thuật mũi vì bị thương do chơi bóng bầu dục và quyền anh. Vì vậy, trước khi đến Detroit, tôi chưa từng ở vị trí bị xem là kẻ thù. FBI bị ghét ở rất nhiều nơi; họ thâm nhập vào khuôn viên các trường đại học và thành lập nhiều mạng lưới mật thám ở các đô thị. Với những chiếc xe hơi màu đen, chúng tôi là những người bị đánh dấu. Ở nhiều khu vực, người ta ném đá chúng tôi. Mấy con chó chăn cừu Đức và Doberman cũng không ưa gì chúng tôi. Chúng tôi được báo không nên đến một số khu vực trong thành phố mà không có viện trợ và vũ khí đầy đủ. Cảnh sát địa phương cũng căm tức chúng tôi. Họ cáo buộc Cục đã hớt tay trên họ các vụ án, đưa ra các thông cáo báo chí khi một vụ án chưa hoàn tất, rồi thêm các vụ án do cảnh sát phát vào con số thống kê tỷ lệ phá án riêng của FBI. Éo le thay, trong năm đầu làm tân binh của tôi, năm 1971, khoảng 1000 đặc vụ mới được tuyển mộ, và phần lớn sự huấn luyện thực tế của chúng tôi không phải do Cục mà là nhờ các cảnh sát địa phương, họ đã che chở cho chúng tôi. Phần lớn thành công của các đặc vụ thuộc thế hệ của tôi chắc chắn là nhờ sự chuyên nghiệp và rộng lượng của các nhân viên cảnh sát trên khắp nước Mỹ. Các vụ cướp ngân hàng đặc biệt phổ biến. Vào các ngày thứ Sáu, khi ngân hàng dự trữ tiền mặt để dành cho các ngày thanh toán, theo tính toán của chúng tôi, trung bình có từ hai đến ba vụ cướp có vũ khí, đôi khi lên đến năm vụ. Trước khi kính chống đạn được sử dụng rộng rãi trong các ngân hàng ở Detroit, tình trạng giao dịch viên bị giết và bị thương rất tồi tệ. Chúng tôi có một vụ án được ghi hình trên camera giám sát của ngân hàng, một người quản lý bị bắn và giết chết tại bàn làm việc, theo kiểu hành quyết, trong khi một cặp đôi ngồi đối diện người này, đang nộp đơn vay tiền, thì trông hoàn toàn vô vọng. Tên cướp không hài lòng khi người quản lý không thể mở két sắt hẹn giờ. Và nạn nhân không chỉ có các viên chức ngân hàng có thể tiếp cận số tiền hàng chục ngàn đô la. Ở một số khu vực nhất định, nhân viên ở những nơi như cửa hàng McDonald cũng gặp rủi ro tương tự. Tôi được điều về Đơn vị Phản ứng Điều tra tội phạm, nghĩa là trên thực tế, phản ứng với những tội ác đã xảy ra, chẳng hạn như cướp ngân hàng hay tống tiền. Trong đơn vị đó, tôi làm việc với Đội UFAP - Đội Ngăn chặn hành vi đi lại bất hợp pháp để tránh bị khởi tố. Công việc này hóa ra lại là trải nghiệm tuyệt vời vì đội này hành động rất nhiều. Ngoài chuyện cá cược số vụ giết người hằng năm trong văn phòng, chúng tôi còn có cuộc thi trong đơn vị xem ai có thể bắt nhiều tội phạm nhất trong một ngày. Tương tự cuộc thi mà những nhân viên bán xe hơi bày ra xem ai bán được nhiều nhất trong một khoảng thời gian quy định. Một trong những công việc bận rộn nhất của chúng tôi vào giai đoạn đó được gọi là Phân loại 42: lính đào ngũ. Việt Nam chia thành hai miền và sau khi đa số binh lính đào ngũ vắng mặt, họ không muốn trở về theo cách tệ hại nhất. Chúng tôi có nhiều vụ tấn công nhân viên thi hành công vụ được đưa vào Phân loại 42 hơn bất kỳ loại hình tội phạm bỏ trốn nào. Cuộc chạm trán đầu tiên với một UFAP diễn ra khi tôi truy tìm một lính bộ binh đào ngũ đến ga-ra sửa xe mà anh ta làm việc. Tôi báo danh tính và nghĩ rằng anh ta sẽ lặng lẽ bám theo tôi. Rồi đột nhiên, anh ta rút con dao tự chế với cán quấn băng keo đen để tấn công tôi. Tôi lùi lại, tránh được cú đâm. Tôi nhào về phía anh ta, ném anh ta vào cửa ga-ra bằng kính, đè anh ta xuống đất, đầu gối tì lên lưng và chĩa súng vào đầu anh ta. Trong khi đó, quản lý ga-ra la ó tôi vì đã bắt mất một người thợ giỏi. Mình đang dấn thân vào chuyện gì thế này? Đây có đúng là sự nghiệp mà mình đã hình dung? Có đáng liều mạng để kiếm tiền theo kiểu hạ lưu này? Ngành tâm lý học công nghiệp bỗng nhiên tốt đến lạ. Việc truy lùng lính đào ngũ thường mang đến cảm xúc ngổn ngang và gây oán giận giữa quân đội và FBI. Đôi khi chúng tôi thực hiện một lệnh bắt, xác định vị trí đối tượng và bắt anh ta ngay trên đường. Giận điên người, anh ta ngăn chúng tôi lại, dùng khớp ngón tay gõ lên cái chân giả của mình và bảo chúng tôi rằng anh ta được trao huân chương Trái tim tím và Sao bạc vì cái chân giả đó ở miền nam Việt Nam. Có một điều cứ tái diễn là những người lính đào ngũ tự nguyện quay lại hoặc do Lục quân chọn thường xuyên được đưa sang Việt Nam như một hình phạt. Sau đó, nhiều người trong số họ tạo dựng được danh tiếng trong chiến đấu nhưng quân đội không hề nói cho chúng tôi biết. Vì vậy, chúng tôi chỉ biết họ vẫn là lính đào ngũ. Điều này khiến chúng tôi vô cùng phẫn nộ. Tệ hơn nữa là khi chúng tôi đến địa chỉ cư trú đã đăng ký và được vợ hoặc cha mẹ, những người mắt đẫm lệ và hoàn toàn có quyền tức giận, cho biết đối tượng đã hy sinh anh dũng. Chúng tôi đang truy lùng những người đã chết, bị giết trong quá trình chiến đấu, và quân đội chưa bao giờ thèm cho chúng tôi hay. Dù bạn theo nghề gì thì khi đối mặt với thực tế, bạn bắt đầu nhận ra mọi chuyện lớn nhỏ mà người ta chưa từng dạy bạn trong trường hay lớp huấn luyện. Ví dụ như bạn làm gì với cây súng của mình trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như khi sử dụng toa lét công cộng? Bạn vẫn giắt súng trên thắt lưng và để xuống sàn? Bạn cố gắng treo nó lên cửa buồng vệ sinh? Có một khoảng thời gian, tôi cố gắng để súng trên đùi, nhưng cách đó làm tôi vô cùng hồi hộp. Đó là điều mà mỗi chúng ta phải đối mặt nhưng lại không thể thoải mái thảo luận với những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm hơn. Khi tôi đi làm được một tháng, việc này trở nên khó khăn. Khi chuyển đến Detroit, tôi mua một chiếc Volkswagen Beetle khác, éo le thay kiểu xe đó lại trở thành phương tiện được những kẻ giết người hàng loạt lựa chọn. Ted Bundy có một chiếc và đó là một trong những thứ khiến hắn cuối cùng bị bại lộ thân phận. Dù sao đi nữa, tôi đã dừng xe ở một trung tâm mua sắm địa phương để vào cửa hàng trang phục nam mua một bộ vest. Biết mình sẽ mặc thử quần áo nên tôi cho rằng tốt nhất là để súng ở nơi nào đó an toàn. Tôi nhét nó vào ngăn đựng găng tay, rồi vào cửa hàng. Thế này nhé, chiếc Volkswagen Beetle có một số đặc điểm thú vị. Vì nó là loại xe có động cơ nằm phía sau nên bánh xe sơ cua được cất trong cốp trước. Vì bấy giờ, đâu đâu cũng có kiểu xe này - chưa kể nó rất dễ đột nhập nữa - nên bánh xe sơ cua rất hay bị trộm. Nói cho cùng, ai cũng cần một cái bánh xe sơ cua. Nhưng không kém phần quan trọng, cốp trước được mở bằng một công tắc nằm trong ngăn đựng găng tay. Tôi chắc chắn quý vị có thể đoán được đoạn cuối câu chuyện. Tôi trở ra xe và thấy cửa sổ bị vỡ. Khi tôi dựng lại vụ phạm tội cực kỳ tinh vi này, kẻ trộm bánh xe đột nhập, thò tay vào ngăn đựng găng tay để mở cốp trước lấy bánh xe, nhưng đã thấy một phần thưởng còn lớn hơn nhiều. Tôi suy luận theo hướng này vì súng của tôi đã mất nhưng bánh xe còn nguyên. “Chết tiệt!” Tôi tự nhủ. “Mình mới đi làm chưa tới ba mươi ngày mà chưa gì đã cung cấp vũ khí cho kẻ thù rồi!” Và tôi biết làm mất súng hoặc giấy chứng nhận đồng nghĩa với việc bị khiển trách. Thế là tôi đến gặp người giám sát của mình, Bob Fitzpatrick. Fitzpatrick là một người vạm vỡ, giống như một người cha. Ông ấy ăn mặc bảnh bao và giống một huyền thoại sống trong Cục. Ông ấy biết tôi đang gặp nguy và cảm thấy khốn khổ thế nào. Vụ mất súng phải được báo cáo cho Văn phòng Giám đốc, đúng là không còn gì bằng vì đó sẽ là vết đen đầu tiên trong hồ sơ nhân viên của tôi. Ông ấy nói chúng tôi phải nghĩ ra cái gì đó thật sáng tạo, xoay quanh chuyện tôi vô cùng lo lắng về việc giữ bình yên nơi công cộng nên không muốn liều lĩnh khiến bất cứ ai trong cửa hàng cảnh giác nếu họ đột nhiên thấy một cây súng và nghĩ họ đang bị cướp. Fitzpatrick cam đoan rằng tôi không được cân nhắc đề bạt trong vài năm tới nên thư khiển trách không ảnh hưởng đến tôi miễn là từ giờ tôi không làm gì sai nữa. Tôi cố gắng làm thế, nhưng khẩu súng đó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Khẩu Smith & Wesson Model 10 mà tôi trả lại cho kho vũ khí Quantico gần hai mươi lăm năm sau khi tôi nghỉ hưu thực ra là khẩu súng thay thế cho vũ khí ban đầu của tôi. Ơn trời là khẩu súng đầu tiên chưa bao giờ xuất hiện trong một vụ án nào. Thực ra, về cơ bản là nó đã biến mất. Tôi sống cùng hai đặc vụ khác cũng độc thân là Bob McGonigel và Jack Kunst trong một căn nhà phố có sẵn nội thất ở thành phố Taylor, bang Michigan, một vùng ngoại ô phía nam Detroit. Chúng tôi là bạn tốt của nhau, sau này Bob là phù rể trong đám cưới của tôi. Anh ấy cũng là một gã kỳ quặc. Anh ấy hay mặc vest nhung và áo sơ mi màu tím oải hương, kể cả trong những cuộc điều tra. Có vẻ như anh ấy là người duy nhất trong toàn Cục không sợ Hoover. Sau này, Bob làm công việc tay trong, khi đó cậu chàng không phải mặc vest nữa. Anh ấy bắt đầu công việc ở Cục với vai trò thư ký, đi theo “đường trong” để trở thành một đặc vụ. Một số người giỏi nhất ở FBI bắt đầu với công việc thư ký, trong đó có một sổ người tôi chọn vào Đơn vị Hỗ trợ điều tra. Nhưng trong một số nhóm nhất định, những người từng làm thư ký lại bị ghét, như thể họ được đặc biệt ưu ái để trở thành đặc vụ. Bob là người giỏi nhất về lĩnh vực cuộc gọi ghi âm mà tôi từng biết. Đây là một kỹ thuật chủ động mà chúng tôi đã phát triển để bắt tội phạm, đặc biệt hữu ích khi yếu tố bất ngờ là quan trọng nhất. Bob là một nghệ sĩ giả giọng tài ba. Nếu nghi phạm đang ở giữa đám đông, anh ta sẽ nói giọng Ý. Đối với Đảng Báo Đen[30], anh ấy có thể đi ngang qua như một người thường nào đó. Anh ấy cũng có phẩm chất của một người thuộc Quốc gia Hồi giáo, giọng Ireland, giọng người Do Thái di cư, một người Anglo-Saxon da trắng theo đạo Tin lành ở Grosse Pointe. Anh ấy không chỉ giả giọng cực chuẩn, mà còn thay đổi từ ngữ và cách diễn đạt để phù hợp với nhân vật. Bob làm việc này giỏi đến mức có lần anh ấy gọi cho Joe Del Campo - một đặc vụ khác mà quý vị sẽ biết đến trong chương tiếp theo - và thuyết phục Joe rằng anh ấy là một chiến sĩ da màu muốn trở thành người đưa tin cho FBI. Thời đó, chúng tôi gặp nhiều áp lực trong việc phát triển các nguồn lực hỗ trợ trong nội thành. Bob hẹn gặp Joe, Joe nghĩ rằng anh ấy có thông tin quan trọng. Không ai đến gặp Joe và hôm sau, trong văn phòng, anh ta giận điên khi Bob chào hỏi bằng giọng giống hệt trong cuộc gọi ghi âm! §•§ Bắt người xấu là một chuyện nhưng tôi nhanh chóng nhận ra mình có hứng thú với quá trình tư duy đằng sau tội ác. Mỗi khi bắt ai đó, tôi sẽ hỏi hắn nhiều câu, chẳng hạn như tại sao hắn lại chọn ngân hàng này hay điều gì khiến hắn chọn nạn nhân này. Chúng ta đều biết bọn trộm thích trộm ngân hàng vào chiều thứ Sáu vì đó là lúc ngân hàng có nhiều tiền nhất. Nhưng ngoài lý do đó, tôi muốn biết những quyết định nào được đưa ra trong quá trình lên kế hoạch và thực hiện vụ cướp? Nhìn tôi hẳn là không đáng sợ lắm. Cũng giống hồi còn đi học, mọi người cảm thấy thoải mái mở lòng với tôi. Càng thẩm vấn những gã này, tôi càng hiểu ra các tội phạm thành công đều giỏi mô tả. Mỗi gã có một bản mô tả loại ngân hàng mà mình thích - kết quả của quá trình tư duy thấu đáo và nghiên cứu tỉ mỉ. Một số gã thích những ngân hàng nằm gần đường lớn hoặc đại lộ liên bang để dễ tẩu thoát, chúng có thể chạy xa nhiều cây số trước khi cảnh sát kịp tổ chức truy đuổi. Một số gã lại thích chi nhánh nhỏ, nằm tách biệt, chẳng hạn như những chi nhánh tạm thời trong các xe rờ-moóc. Nhiều kẻ sẽ quan sát một ngân hàng trước để nắm được bố cục, để biết có bao nhiêu người làm ở đó và có khoảng bao nhiêu khách hàng trong sảnh vào một thời điểm nhất định. Đôi khi chúng liên tục ghé thăm các chi nhánh ngân hàng cho đến khi tìm được một nơi không có nhân viên nam thì ngân hàng đó sẽ trở thành mục tiêu. Các tòa nhà không có cửa sổ nhìn ra đường là lý tưởng nhất, vì không ai bên ngoài có thể trông thấy vụ cướp đang diễn ra và nhân chứng bên trong không thể biết chiếc xe nào là phương tiện tẩu thoát. Những kẻ giỏi nhất đã rút ra kết luận rằng đưa một tờ giấy với dòng chữ “Đây là một vụ cướp” sẽ tốt hơn so với phát thông báo rộng rãi đến nhiều người, vung vẩy một khẩu súng, và chúng luôn nhớ lấy lại tờ giấy trước khi đi nhằm thủ tiêu chứng cứ. Loại xe tốt nhất dùng để đào tẩu là xe ăn trộm và tình huống hay nhất là cho xe đậu sẵn để không bị chú ý là đã chạy đến và đậu lại ở hiện trường. Tên cướp đi bộ đến ngân hàng, sau đó lái xe rời đi khi xong việc. Một tên cướp đặc biệt thành công khi cướp một ngân hàng mà hắn có thể theo dõi trong một thời gian, và nếu các điều kiện ở đó vẫn như cũ, hắn sẽ tấn công lần nữa trong vài tháng sau. Trong số các cơ sở vật chất công cộng, ngân hàng là địa điểm lý tưởng nhất để xử lý việc ăn cướp. Nhưng khi tiến hành điều tra sau những vụ án, tôi liên tục bị bất ngờ khi có biết bao người chểnh mảng việc gắn phim vào camera an ninh, biết bao người đã vô tình đặt chuông báo động ở chế độ yên lặng rồi quên đặt lại hoặc vô tình chạm vào chuông báo động nhiều lần đến mức cảnh sát phản ứng chậm vì đoán đó chỉ là một tai nạn khác. Việc này giống như treo một tấm bảng ghi Hãy đến cướp của tôi đi! trước một tên tội phạm tinh vi. Nhưng nếu bắt đầu phân tích các vụ án - lúc đó tôi chưa đưa thuật ngữ này vào quá trình điều tra - ta có thể bắt đầu thấy các thói quen hành động lặp đi lặp lại. Khi đó, ta có thể bắt đầu áp dụng các biện pháp chủ động để bắt bọn người xấu. Ví dụ, nếu ta nhận ra một loạt vụ cướp ngân hàng đều khớp với nhau và nói chuyện với số lượng tội phạm đủ nhiều để hiểu điều gì trong mỗi vụ trộm hấp dẫn bọn chúng, ta có thể cũng cố, một cách đầy đủ và rõ ràng, tất cả những ngân hàng trong tầm ngắm, trừ một nơi. Hiển nhiên nơi này sẽ được cảnh sát và/hoặc FBI giám sát liên tục, bên trong bố trí các nhóm cảnh sát mặc thường phục. Trên thực tế, ta có thể buộc tên cướp phải chọn ngân hàng mà ta đã chọn và sẵn sàng đón hắn. Khi áp dụng kiểu chiến thuật chủ động này, tỷ lệ phá các vụ cướp ngân hàng tăng lên đáng kể. Những ngày đó, dù chúng tôi làm gì, đều là dưới sự giám sát của J. Edgar Hoover, hệt như những người tiền nhiệm của chúng tôi đã trải qua từ năm 1924. Trong thời đoạn của những lần bổ nhiệm vô nghĩa và những phiên tòa diễn ra theo ý đám đông, khó mà chuyển tải mức độ kiểm soát và quyền lực của Hoover, không chỉ ở FBI mà còn với những lãnh đạo trong Chính phủ, giới truyền thông và công chúng. Nếu bạn muốn viết một cuốn sách hay kịch bản phim về Cục, chẳng hạn như tác phẩm bán chạy số một trong thập niên 1950, Câu chuyện về FBI của Don Whitehead, hay bộ phim chuyển thể nổi tiếng của James Stewart, hay sản xuất một sê-ri như FBI của Efrem Zimbalist Con vào thập niên 1960 thì phải được ngài Hoover đích thân chấp thuận và chúc may mắn. Tương tự, nếu bạn là một nhân viên cấp cao của Chính phủ, bạn sẽ luôn bị một nỗi sợ đeo bám rằng ngài giám đốc “biết gì đó” về bạn, đặc biệt khi ông ấy gọi tới với giọng điệu thân thiện để cho bạn biết FBI đã “phát giác” một tin đồn không hay mà ông ấy sẽ làm hết khả năng để bảo đảm nó không bị công bố rộng rãi và gây thiệt hại. Không nơi nào mà sự thần bí của ngài Hoover mạnh mẽ hơn ở các văn phòng chi nhánh FBI và trong ban giám đốc Cục. Có một sự thật mà mọi người đều công nhận là FBI có được uy tín và sự ngưỡng mộ là nhờ ông ấy. Gần như một mình ông ấy đã xây dựng cả cơ quan này thành như hôm nay, đấu tranh không mệt mỏi để tăng ngân sách cho Cục và tiền lương cho mọi người. Ông ấy vừa được nể trọng vừa được kính sợ, và nếu bạn không nghĩ nhiều về ông ấy thì hãy giữ suy nghĩ đó cho riêng mình. Nguyên tắc rất nghiêm ngặt và các cuộc điều tra chi nhánh là trận chiến đẫm máu. Nếu những thanh tra không tìm ra đủ những điều cần cải thiện, Hoover có thể nghi ngờ họ không hoàn thành công việc, nghĩa là họ cần một số lượng thư khiển trách nhất định từ mỗi cuộc điều tra, dù tình hình bảo đảm sẽ có đủ số thư hay không. Việc này giống như chỉ tiêu phát hành vé phạt xe. Sự việc trở nên tệ hại đến mức các đặc vụ chịu trách nhiệm, gọi là SAC, sẽ tìm những kẻ thế mạng là những người không được đề bạt trong vài năm tới để thư khiển trách không ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ. Có một lần, trong một câu chuyện đã mất đi tính hài hước sau vụ đánh bom tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma khủng khiếp năm 1995, sau một cuộc điều tra, chúng tôi nhận được một cuộc gọi về lời đe dọa đánh bom văn phòng FBI. Cuộc gọi được truy dấu đến một buồng điện thoại ngay bên ngoài tòa nhà liên bang ở Trung tâm nơi đặt văn phòng thực địa. Các nhà chức trách từ tổng bộ đến, tháo dỡ toàn bộ buồng điện thoại và muốn so sánh vân tay trên các đồng xu trong điện thoại với vân tay của 350 người tại văn phòng. May cho tất cả chúng tôi, lý lẽ đã chiến thắng và việc kiểm tra vân tay không diễn ra. Nhưng đó là ví dụ về sự căng thẳng mà các chính sách của ngài Hoover có thể gây nên. Mọi thứ đều có quy trình hoạt động tiêu chuẩn. Dù tôi chưa từng có cơ hội gặp riêng ngài Hoover nhưng trong văn phòng tôi đã (và vẫn đang) treo một tấm hình của ông ấy, được đích thân ông ấy ký tên. Thậm chí có cả một quy trình tiêu chuẩn để nhận một tấm hình như vậy khi làm một đặc vụ trẻ. SAC sẽ bảo bạn nhờ thư ký của ông ấy viết giùm bạn một lá thư nịnh nọt, nói rõ rằng bạn tự hào thế nào khi được làm một đặc vụ FBI và ngưỡng mộ ngài Hoover ra sao. Nếu bức thư viết đúng chuẩn, bạn sẽ nhận được một tấm hình với lời chúc tốt đẹp để cho tất cả mọi người thấy được mối liên kết cá nhân của bạn với vị lãnh đạo. Có những quy trình khác mà chúng tôi không bao giờ biết chắc chúng từ đâu ra, liệu chúng là chỉ thị trực tiếp của ngài Hoover hay chỉ là sự diễn giải thái quá những mong muốn của ngài giám đốc. Người ta kỳ vọng các đặc vụ làm thêm giờ và mọi người phải làm hơn mức trung bình của văn phòng. Chắc quý vị đã thấy tình trạng tiến thoái lưỡng nan ở đây. Tháng này qua tháng khác, như một sơ đồ hình kim tự tháp điên rồ, số giờ làm việc cứ tăng lên. Những đặc vụ gia nhập Cục với phẩm hạnh và nghị lực cao nhất sẽ buộc phải học cách phóng đại phiếu chấm công của mình. Không được hút thuốc hay uống cà phê trong văn phòng. Và như sức mạnh của một người tiếp thị tận cửa, người ta không khuyến khích các đặc vụ quanh quẩn ở văn phòng, thậm chí là để gọi điện thoại. Vì vậy, mỗi người tự tạo thói quen làm việc riêng xoay quanh quy định này. Tôi dành nhiều thời gian xem xét các vụ án ở bàn làm việc cá nhân trong thư viện công cộng. Một trong những người ủng hộ lớn nhất Kinh Phúc âm theo Thánh Edgar là SAC của chúng tôi, Neil Welch, biệt danh là Ngài Nho. Welch là một người cao lớn, khoảng 1m93, đeo kính gọng sừng. Ông nghiêm nghị và khắc kỷ, không hề ấm áp, dễ chịu chút nào. Ông có một sự nghiệp xuất sắc trong Cục, đến các văn phòng thực địa chính ở Philadelphia và New York, và những văn phòng khác nữa. Có tin đồn rằng ông sẽ thay thế Hoover khi (hoặc tôi nên nói là nếu) ngày đó cuối cùng cũng đến. Ở New York, Welch thành lập một nhóm, là nhóm đầu tiên sử dụng hiệu quả các luật liên bang chống âm mưu RICO (Luật về các Tổ chức gian lận, lũng đoạn và hủ hóa) để chống lại tội phạm có tổ chức. Nhưng trở về Detroit, ông luôn tuân thủ luật. Welch và Bob McGonigel sẽ đụng độ nhau, một cách tự nhiên và hiển nhiên, việc đó xảy ra vào thứ Bảy, khi chúng tôi ở nhà. Bob nhận được cuộc gọi rằng Ngài Nho muốn gặp anh ấy ngay, cùng với người giám sát nhóm chúng tôi, Bob Fitzpatrick. Thế là McGonigel vào văn phòng, Welch nói dạo gần đây có người cứ sử dụng điện thoại gọi đến New Jersey. Dùng điện thoại vào việc riêng là trái luật. Thực ra, việc anh ấy làm từ trước đến nay có thể diễn giải theo hai cách, nhưng ở FBI, cẩn thận vẫn hơn. Welch, một người có thể rất nóng nảy, bắt đầu một cách bình thường, dùng những kỹ thuật thẩm vấn hiệu quả buộc đối tượng vào thế khó. “Được rồi, McGonigel, mấy cú điện thoại đó là thế nào hả?” Thế là Bob bắt đầu thú nhận mọi cú điện thoại mà anh ấy có thể nghĩ đến vì sợ Welch còn nắm được thông tin gì đó nghiêm trọng hơn về mình, và có lẽ anh ấy có thể làm SAC nguôi giận bằng cách thú nhận những lỗi vặt vãnh. Welch vươn hết chiều cao ấn tượng của mình, chồm qua bàn và chỉ tay đe dọa. “McGonigel, để tôi cho cậu biết: cậu có hai lỗi. Thứ nhất, cậu là một cựu thư ký. Tôi ghét bọn thư ký! Thứ hai, nếu tôi còn thấy cậu mặc cái áo sơ mi màu oải hương nào nữa, đặc biệt trong lúc điều tra chi nhánh, tôi sẽ đá đít cậu lên xuống đường Đông Jefferson. Và nếu tôi còn thấy cậu đến gần một cái điện thoại nào, tôi sẽ tống cậu vào lõi thang máy. Giờ thì biến khỏi văn phòng tôi ngay!” Bob trở về nhà, hoàn toàn nản chí, tin rằng mình sẽ bị sa thải. Jack Kunst và tôi thực sự thấy tiếc cho anh ấy. Nhưng hôm sau, Fitzpatrick nói với tôi rằng sau khi McGonigel đi, anh và Welch ngồi đó cười đến sái quai hàm. Nhiều năm sau, khi tôi chỉ huy Đơn vị Hỗ trợ điều tra, mọi người thường hỏi tôi là - với những gì chúng tôi biết về hành vi của tội phạm và phân tích hiện trường vụ án - liệu có ai trong chúng tôi có thể thực hiện vụ sát nhân hoàn hảo không. Tôi luôn nói với họ là không, dù với những gì mình biết, hành vi của chúng ta sau vụ việc thường vẫn khiến chúng ta bại lộ. Tôi nghĩ vụ việc giữa McGonigel và Welch chứng tỏ rằng kể cả đặc vụ FBI hàng đầu cũng không miễn nhiễm với áp lực từ người thẩm vấn giỏi. Nhân tiện, từ lúc rời khỏi văn phòng của SAC trưa thứ Bảy đó, Bob mặc những cái áo có thể nói là trắng nhất thành phố… cho đến khi Neil Welch được điều động sang Philadelphia. Đa phần ảnh hưởng của Hoover trong việc khiến Quốc hội chấp nhận những yêu cầu cấp kinh phí của ông có liên quan đến những con số thống kê mà ông có thể trình bày. Nhưng để ngài giám đốc có thể sử dụng những con số này, mọi người ngoài đây phải làm việc hiệu quả. Đầu năm 1972, có tin đồn Welch hứa với sếp sẽ có 150 cuộc bắt giữ tội phạm đánh bạc. Dường như đó là hạng mục cần đẩy mạnh số lượng ở thời điểm này. Thế là chúng tôi sắp đặt một kế hoạch tinh vi với các mật thám, thiết bị nghe lén và hoạch định như trong quân đội, tất cả dành cho ngày Chủ nhật diễn ra giải Super Bowl, ngày đánh bạc bất hợp pháp lớn nhất cả nước. Đội Dallas Cowboys, thua sít sao trước Baltimore Colts vào năm ngoái, sẽ đối đầu với đội Miami Dolphins ở New Orleans. Việc bắt các nhà cái cá cược là quá trình cực nhanh và chính xác vì họ sử dụng giấy cháy (cháy ngay lập tức) hoặc giấy từ khoai tây (tan trong nước). Hành động lần này hứa hẹn sẽ là một vụ hỗn loạn vì mưa suốt cả ngày. Kế hoạch của chúng tôi đã bắt được hơn 200 kẻ đánh bạc vào chiều mưa hôm đó. Tại một thời điểm, tôi bắt một đối tượng, còng tay, ngồi sau xe, đưa hắn về kho vũ khí mà chúng tôi đang giữ tất cả những kẻ đánh bạc. Hắn là một gã có sức thu hút, thân thiện. Hắn cũng bảnh trai; nhìn giống Paul Newman. Hắn nói với tôi: “Dịp nào """