"
Lý Sự Cùn - Sách Minh Họa Về Những Ngụy Biện Trong Tranh Luận PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lý Sự Cùn - Sách Minh Họa Về Những Ngụy Biện Trong Tranh Luận PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
THÔNG TIN EBOOK
Tên sách
LÝ SỰ CÙN
Tác giả
Ali Almossawi
Dịch giả
Hiếu Tân
Thể loại
Triết Học Logic
Phát hành
Khai Tâm
Nhà Xuất Bản
NXB Hội Nhà Văn
Ebook
2020 kindlekobovn
—★—
NHỮNG LỜI KHEN NGỢI
Tôi yêu quyển- “Lý sự cùn - Sách minh họa về những ngụy biện trong tranh luận” này. Một tóm lược hoàn chỉnh vẽ những sai lầm. —ALICE ROBERTS, Tiến sĩ, Bác sĩ Giải phẫu, Nhà văn, và là người giới thiệu cuốn "Hành trình kỳ lạ của con người" (The Incredible Human Journey).
Những lý lẽ ngớ ngẩn, những minh họa tuyệt vời... lộng lẫy. —CORY DOCTOROW, BoingBoing.net
Nói một cách nghiêm túc, “Lý sự cùn - Sách minh họa về những ngụy biện trong tranh luận” nên có trong chương trình học của mọi ngôi trường. Twitter sẽ là một nơi có tính dân sự hơn.
—KEVIN TANG, BuzzFeed.com
Một cuốn sách vỡ lòng bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu những ngụy biện trong logic. Đưa nó cho những người hay cãi - đúng và sai - trong đời bạn.
—LAUREN DAVIS, io9.com
Bây giờ, hơn lúc nào hết, bạn cần cuốn cẩm nang có minh họa về những lý sự cùn, những lập luận sai logic, và những huênh hoang ngu ngốc này.
—DAN SOLOMON, Tạp chí mạng Fast Company
Truyền tay cuốn này với bạn bè của bạn. Động viên các thành viên trong gia đình bạn đọc lướt qua nó. Để nó rải rác ở những nơi công cộng. —JENNY BRISTOL, GeekDad.com
Một cuốn sách vỡ lòng tuyệt vời về những ngụy biện trong logic đã và luôn làm rối trí chúng ta...
—RON KRETSCH, DangerousMinds.net
Nguyên tắc đầu tiên là anh không được tự lừa mình, và bản thân anh là người dễ bị lừa nhất.
—Richard p. Feynman
SÁCH NÀY DÀNH CHO AI?
Cuốn sách này nhắm đến những người mới bước vào địa hạt suy luận có lý, đặc biệt là những người - mượn câu nói của Pascal - “bẩm sinh hiểu tốt nhất thông qua những hình ảnh thị giác”. Tôi chọn mười chín trong số những sai lầm thông thường nhất trong lập luận và hình dung chúng bằng những minh họa dễ nhớ, được bổ sung bằng nhiều thí dụ. Tôi hi vọng bạn đọc sẽ học được từ những trang này một số trong nhiều cạm bẫy thông thường nhất trong lập luận, để có thể nhận ra và tránh chúng trong thực tế.
LỜI NÓI ĐẦU
Sách vở viết về logic và những ngụy biện logic thì nhiều vô kể và thấu đáo. Một số sách như vậy nhằm giúp bạn đọc sử dụng những công cụ và những thí dụ điển hình hậu thuẫn cho việc lập luận tốt, và từ đó dẫn đến những cuộc tranh luận bổ ích hơn. Nhưng đọc về những việc không nên làm cũng là kinh nghiệm học tập hữu ích. Trong cuốn “Bàn về việc viết” (On Writing) của mình, Stephen King viết: “Người ta học được rõ ràng nhất những gì không nên làm nhờ việc đọc thứ văn dở”. Ông tả lại trải nghiệm của mình khi đọc một cuốn tiểu thuyết cực kỳ khủng khiếp nọ: “Nó thực sự giống với một liều vaccin phòng bệnh đậu mùa” [King], Nhà Toán học George Pólya - được trích dẫn - đã nói trong một bài giảng về dạy Toán rằng: “Ngoài việc [hiểu đúng] nó, người ta cũng cần biết [hiểu sai] nó là như thế nào” [Pólya]. Tác phẩm này nói một cách dễ hiểu về những việc mà người ta không nên làm trong tranh luận1.
Cái mới của sách này còn ở chỗ sử dụng những hình minh họa sinh động để mô tả một số sai lầm thông thường đang lan truyền nhiều trong những diễn ngôn của chúng ta ngày nay. Chúng được truyền cảm hứng, một phần bởi những ngụ ngôn như “Trại súc vật” (Animal Farm) của G. Orwell, và bởi những vô lý hài hước của những tác phẩm như truyện và thơ của Lewis Caroil. Không giống như những sách ấy, ở đây không có một câu chuyện kết nối những minh họa lại với nhau. Chúng là những cảnh rời rạc, chỉ được kết nối bằng phong cách và chủ để, để có thể dễ dàng phỏng theo và áp dụng lại. Mỗi ngụy biện trong số này chỉ có một trang giải thích, mà tôi hy vọng chúng sẽ dễ hiểu và dễ nhớ.
Cách nay nhiều năm, tôi dành nhiều thời gian viết những phần mềm chỉ dẫn cách sử dụng logic thuộc tính bậc nhất (first order predicate logic). Đó là một cách lập luận hấp dẫn, sử dụng nhiều Toán học hơn là chú giải thông thường bằng tiếng Anh. Nó đem đến sự chính xác ở những chỗ mơ hổ, cứng nhắc và dễ bị bỏ qua trước đây.
Cũng trong thời gian đó, tôi nghiên cứu kỹ một số sách về logic mệnh đề, cả Hiện đại và Trung cổ, trong đó có cuốn “Sự vô lý: Sổ tay vẽ ngụy biện logic” (Nonsense: A Handbook of Logical Fallacies) của Robert Gula. Quyển sách đó nhắc tôi về một danh sách những nguyên tắc chủ đạo mà tôi
ghi vội vào một cuốn sổ tay cách nay một thập kỷ - kết quả nhiêu năm cãi nhau với những người lạ trên mạng, trong đó có những câu như: “Xin đừng khẳng định mọi thứ như đúng rồi”. Điều này bây giờ với tôi là hiển nhiên, nhưng với một học sinh Trung học thì nó là một phát hiện đầy hứng thú.
Tôi nhanh chóng nhận ra rằng việc hệ thống hóa lập luận của một người có thể dẫn đến những ích lợi như làm cho tư duy và diễn đạt trở nên trong sáng, cải thiện tính khách quan và nâng cao độ tin cậy. Khả năng phân tích lý lẽ của người khác cũng có tác dụng như một thước đo, nhắc ta khi nào nên rút lui khỏi những cuộc thảo luận hết sức vô bổ.
Những vấn đề và những sự kiện tác động đến cuộc sống của chúng ta và xã hội mà chúng ta đang sống - như những quyền tự do công dân hay những cuộc bầu cử Tổng thống - thường gây ra những cuộc tranh cãi về các chính sách và niềm tin. Quan sát những cuộc tranh luận như thế, người ta có cảm tưởng rằng phần lớn chúng thiếu lập luận tốt.
Tất nhiên, logic không phải là công cụ duy nhất được sử dụng trong tranh luận, và việc biết rõ về những công cụ khác cũng rất hữu ích. Thuật hùng biện có vẻ đứng đầu bảng, tiếp theo là những khái niệm như “Trách nhiệm dẫn chứng” (burden of proof) và “Lưỡi dao cạo Occam” (Occam’s razor)2. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu về đề tài này.
Kết lại, các quy tắc logic không phải là những quy luật của thế giới tự nhiên. Chúng cũng không phải là toàn bộ lý lẽ của con người. Như Marvin Minsky quả quyết, bình thường, lập luận hợp lý thì khó giải thích bằng những nguyên tắc logic, như là những phép loại suy. Ông nói thêm: “Logic không giải thích nhiều cách chúng ta nghĩ thế nào hơn là ngữ pháp giải thích cách chúng ta nói thế nào” [Minsky]. Logic không tạo ra những sự thật mới. Đúng hơn, nó chỉ cho phép ta đánh giá chuỗi ý nghĩ đang có, xem có nhất quán và mạch lạc không. Chính vì lý do ấy mà nó tỏ ra là một công cụ hiệu quả trong việc phân tích và truyền đạt những ý tưởng và lý lẽ.
-A.A., San Francisco, tháng 10, 2013.
NGỤY BIỆN “LÝ LẼ SUY NGƯỢC TỪ HẬU QUẢ”
Ngụy biện với “lý lẽ suy ngược từ hậu quả” là nói lý lẽ để ủng hộ hay chống lại tính đúng đắn của một tuyên bố, bằng cách vin vào một hậu quả có thể có nếu nó đúng (hoặc sai). Nhưng sự thật là: nếu một mệnh đề dẫn đến một kết quả bất lợi thì không có nghĩa là nó sai. Tương tự, chỉ vì một mệnh đề có những kết quả tốt thì không thể bỗng nhiên nó là đúng. Như Giáo sư Sử học và nhà biên soạn sách Davis Hackett Fischer phát biểu: “Không có chuyện một phẩm chất tốt mà gắn vào một kết quả lại có thể chuyển sang cho nguyên nhân”.
Trong trường hợp kết quả là tốt, một lý lẽ như thế có thể gợi cho người nghe hy vọng, đôi khi dưới hình thức mơ tưởng. Trái lại, khi kết quả là xấu, lý lẽ này có thể lợi dụng nỗi sợ hãi của người nghe. Chẳng hạn, lấy lời của Dostoevsky: “Nếu Chúa không tồn tại, thì mọi chuyện đều được phép làm”. Chưa bàn đến tính khách quan của đạo đức, hậu quả rõ ràng đen tối của một thế giới quan thuần túy duy vật không nói gì về việc Chúa tồn tại là đúng hay sai.
Chúng ta nên luôn nhớ rằng những lý lẽ như thế là sai, chỉ khi chúng được dùng để ủng hộ hay phủ nhận tính đúng đắn của một tuyên bố, mà không phải khi chúng đề cập đến những quyết định hay những chính sách (Curtis). Chẳng hạn, một chính trị gia có thể phản đối một cách logic việc tăng thuế, vì sợ nó ảnh hưởng đến đời sống của những cử tri của ông ta.
Đây là một trong nhiều ngụy biện trong sách này có thể được mệnh danh “Cá trích đỏ” (đánh lạc hướng), bởi vì nó lái một cách tinh vi cuộc thảo luận khỏi mệnh đề ban đầu - mà trong trường hợp này, sang chính kết quả của mệnh đề.
NGỤY BIỆN “BÙ NHÌN RƠM”
Khoác cho ai danh hiệu “bù nhìn rơm” là cố tình chế giễu luận điểm của người ta nhằm tấn công vào hình biếm họa hơn là vào lý lẽ thật sự của người ấy. Xuyên tạc, trích dẫn sai, giải thích sai, đơn giản hóa quá mức luận điểm của đối thủ là các cách của lối ngụy biện này. Lý lẽ “bù nhìn rơm” thường phi lý hơn lý lẽ thật sự, làm cho nó dễ bị công kích hơn. Nó cũng có thể dụ người khác bảo vệ cho lý lẽ bị chế giễu hơn là lý lẽ thực ban đầu.
Chẳng hạn, một người hoài nghi thuyết Darwin có thể nói: “Đối thủ của tôi cố gắng thuyết phục bạn tin rằng chúng ta tiến hóa từ những con tinh tinh đang nhảy nhót trên cây kia. Thật nực cười!”.
Đây là một sự xuyên tạc những thuyết Sinh học tiến hóa thật sự tuyên bố: Nó nói rằng con người và tinh tinh có tổ tiên chung hàng triệu năm trước đây. Xuyên tạc một tư tưởng thi dễ hơn nhiều so với việc tìm chứng cứ để bác bỏ nó.
NGỤY BIỆN CẦU VIỆN THẨM QUYỀN BẤT XỨNG
“Cầu viện Thẩm quyền bất xứng” là cầu đến tính khiêm tốn của người ta - tức là nói cầu đến cái cảm giác rằng người khác hiểu biết hơn mình (Engel) - cảm giác này vốn rất thường, nhưng tất nhiên không phải luôn luôn là đúng. Người ta có thể cầu một cách hợp lý, đến những thẩm quyền thích đáng, như các nhà khoa học, học giả thường làm. Đa số những sự vật mà chúng ta tin, như nguyên tử và hệ mặt trời, là dựa trên những thẩm quyền đáng tin cậy; như mọi tuyên bố lịch sử cũng vậy - dẫn theo lời của C. S. Lewis. Một lý lẽ dễ rơi vào ngụy biện hơn khi nó viện đến một thẩm quyền bất xứng - tức một người không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đang bàn. Một sự cầu viện cũng đáng nói khác là cầu đến một thẩm quyền mơ hồ, trong đó một tư tưởng được gán cho một tập thể vô danh nào đó. Chẳng hạn: “Các giáo sư ở Đức đã chứng minh rằng cái này, cái kia là đúng..
Một kiểu cầu viện Thẩm quyền bất xứng khác là cầu đến cái khôn ngoan ngày xưa, trong đó một niềm tin được coi là đúng chỉ vì nó có xuất xứ từ thời xa xưa. Chẳng hạn: “Môn Tử vi đã được thực hành ở nước Trung Hoa cổ - một trong những nền văn minh tiến bộ nhất vẽ kỹ thuật vào thời ấy”. Kiểu cầu viện này thường bỏ qua sự kiện là có một số sự vật là đặc thù và thay đổi một cách tự nhiên theo thời gian. Chẳng hạn: “Ngày nay chúng ta ngủ không đủ giấc. Chỉ cách đây vài thế kỷ, người ta thường ngủ chín giờ mỗi đêm”. Có đủ thứ lý do tại sao con người ngủ nhiều hơn trong quá khứ. Việc họ đã làm không đủ là chứng cứ cho lý lẽ rằng ngày nay chúng ta cũng nên làm thế.
NGỤY BIỆN "LẬP LỜ, NƯỚC ĐÔI”
Lối ngụy biện “Lập lờ, nước đôi” lợi dụng tính đa nghĩa, mơ hồ của ngôn ngữ bằng cách thay đổi ý nghĩa của một từ trong lúc tranh luận, và dùng những nghĩa khác nhau để chống đỡ cho một kết luận vô căn cứ3. (Một từ mà ý nghĩa của nó không đổi trong toàn bộ quá trình lập luận được gọi là từ dùng đơn nghĩa).
Hãy xét lý lẽ sau: “Làm sao anh có thể nói .không tin (Thần thánh) khi anh suốt ngày cứ nhảy từ niềm tin này sang niềm tin khác: Nào lao vào đầu tư, nào tin tưởng vào bạn bè, thậm chí còn hứa hôn nữa?”. Ở đây, chữ “niềm tin’ nhảy từ nghĩa “tín ngưỡng mang tính tâm linh” sang nghĩa “việc sẵn sàng mạo hiểm”.
Loại ngụy biện này thường được dùng trong tranh luận về khoa học và tôn giáo, trong đó từ “tại sao” (why) thường được dùng theo lối lập lờ. Trong một ngữ cảnh, nó là một từ hàm ý tìm kiếm nguyên nhân - vốn là động lực chính của khoa học; trong một ngữ cảnh khác, nó hàm ý tìm kiếm mục đích, khi nó đề cập đến đạo đức và các lĩnh vực khác mà khoa học không có câu trả lời.
Chẳng hạn, người ta có thể lý luận: “Khoa học không thể nói cho chúng ta biết tại sao sự vật là như thế. Tại sao chúng ta tồn tại? Tại sao phải có đạo đức? Như vậy chúng ta cần một nguồn khác chỉ cho chúng ta biết tại sao mọi sự xảy ra”.
NGỤY BIỆN “SONG ĐỀ GIẢ"
Một ngụy biện với “Song đề giả” là một lập luận thể hiện một tập hợp giới hạn gồm hai phạm trù khả thể, và giả định rằng mọi thứ trong phạm vi đang thảo luận phải là một phần tử của tập hợp ấy5. Như vậy, bằng cách bác bỏ một phạm trù, bạn buộc phải chấp nhận phạm trù kia. Chẳng hạn: “Trong cuộc đấu tranh chống cuồng tín không có kẻ đứng ngoài. Bạn phải về phe chúng tôi, hoặc về phe bọn cuồng tín”. Trong thực tế, còn có một lựa chọn thứ ba - người ta có thể hoàn toàn trung lập, và lựa chọn thứ tư - có thể chống cả hai, và thậm chí lựa chọn thứ năm - người ta có thể đồng tình với những yếu tố của cả hai.
Trong tác phẩm “Con người kỳ lạ nhất” (The Strangest Man), Farmelo - người viết tiểu sử Paul Dirac kể lại một giai thoại mà có lần nhà Vật lý Ernest Rutherford kể với đồng nghiệp của ông, Niels Bohr: Một người mua một con vẹt từ cửa hàng bán thú cưng, nhưng rồi mang trả lại chỉ vì nó không biết nói. Sau nhiều lần như thế, cuối cùng chủ cửa hàng nói: “Ồ đúng rồi, ông đem trả là phải. Cho tôi xin lỗi. Ông cần một con vẹt biết nói. Tôi lại đưa cho ông con vẹt biết suy nghĩ”. (Farmelo)
Rutherford rõ ràng đã dùng giai thoại này để minh họa thiên tài trầm lặng của Dirac, nhưng người ta có thể hình dung làm sao có người dùng lối lập luận ấy để gợi ý rằng: một người chỉ có thể là nhà tư tưởng thầm lặng hoặc một kẻ đần độn lắm lời.
NGỤY BIỆN "LẤY CÁI KHÔNG PHẢI NGUYÊN NHÂN LÀM NGUYÊN NHÂN"
Lối ngụy biện này giả định một nguyên nhân cho một sự kiện, mà không có bằng chứng cho thấy nguyên nhân đó tồn tại. Khi hai sự kiện diễn ra nối tiếp nhau, hay đồng thời - có thể do trùng hợp, hoặc do một nhân tố chưa biết nào khác - người ta không thể kết luận rằng một sự kiện gây ra sự kiện kia nếu không có bằng cớ. “Trận động đất gần đây là do chúng ta không vâng lời nhà vua” là một lập luận tồi.
Ngụy biện này có hai kiểu đặc thù: “Sau cái này, vì thế do cái này gây ra” (post hoc ergo propter hoc), và “Với cái này, vì thế do cái này gây ra” (cum hoc ergo propter hoc). Với kiểu trước, vì sự kiện xảy ra trước sự kiện kia, nó được coi là nguyên nhân. Với kiểu sau, vì sự kiện xảy ra đồng thời với sự kiện kia, nó được coi là nguyên nhân. Trong nhiều môn học khác nhau, điều này được biết đến như việc lẫn lộn tương quan với nhân quả6.
Sau đây là một ví dụ được dẫn giải từ nhà viết hài kịch Stewart Lee: “Tôi không thể nói rằng: Bởi vì vào năm 1976 tôi đã vẽ một robot mà sau đó bộ phim ‘Chiến tranh giữa các vì sao’ xuất hiện, rằng chắc chắn họ đã sao chép ý tưởng của tôi”.
Và đây là một lập luận khác tôi mới thấy gần đây trên một diễn đàn mạng: “Tay tin tặc này đánh sập trang web của công ty đường sắt, và khi tôi kiểm lịch chạy tàu, anh biết không, mọi chuyến đều bị trễ”.
Điều mà người đăng tải nội dung này không nhận thức được, là tàu có thể bị trễ do đủ loại lý do. Bởi vậy, nếu không có bất cứ kiểm tra có tính khoa học nào, thì “sự can thiệp của tin tặc gây ra trễ tàu” là một suy luận vô căn cứ.
NGỤY BIỆN "GỢI LÊN NỖI SỢ HÃI"
Kiểu ngụy biện này lợi dụng Nỗi sợ hãi của người nghe bằng cách tưởng tượng ra một tương lai đáng sợ do chính họ gây ra nếu một mệnh đề nào đó được chấp nhận. Lẽ ra phải cung cấp bằng chứng rằng mệnh đề đó có thể dẫn đến một kết luận nhất định (mà có thể là nguyên nhân hợp lý cho nỗi sợ hãi), những lý lẽ như thế lại dựa trên lối nói cường điệu, những mối đe dọa, hoặc những dối trá trắng trợn. Chẳng hạn: “Tôi yêu cầu nhân viên của tôi trong cuộc bầu cử sắp tới phải bầu cho ứng viên mà tôi chọn. Nếu ứng viên khác thắng, ông ta sẽ tăng thuế và nhiều người trong số họ sẽ mất việc làm”.
Đây là một ví dụ khác, rút ra từ cuốn tiểu thuyết “Vụ án” (The Trial): “Anh phải đưa cho tôi tất cả đồ đạc có giá trị của anh trước khi cảnh sát tới. Nếu không, họ sẽ bỏ chúng vào trong kho, và mọi thứ trong kho thường bị mất”. Ở đây, mặc dù lý lẽ có vẻ giống như một lời đe dọa hơn (dù là một lời đe dọa tinh vi), nhưng ta vẫn thấy trong đó một nỗ lực nhất định để lập luận. “Không nên lẫn lộn loại ngụy biện này với những lời đe dọa hay mệnh lệnh mà rõ ràng không có ý đồ cung cấp bằng chứng, cho dù chúng cũng khai thác nỗi sợ hãi của người ta”. (Engel)
Khi một ngụy biện lợi dụng nỗi sợ hãi liên tục mô tả hàng loạt những sự kiện đáng sợ sẽ xảy ra do kết quả của việc chấp nhận một mệnh đề - mà không có mối liên hệ nhân quả rõ ràng giữa chúng - nó gợi nhớ đến lối ngụy biện suy diễn Thảm cảnh (Slippery Slope). Và khi người đưa ra lý lẽ cầu viện nỗi sợ hãi cung cấp một và chỉ một mệnh để thay thế cho mệnh đề bị tấn công, nó gợi nhớ đến lối ngụy biện với Song đề giả (False Dilemma).
NGỤY BIỆN "KHÁI QUÁT VỘI VÓ
Người ta phạm phải loại ngụy biện này khi đưa ra kết luận từ một mẫu ví dụ hoặc quá nhỏ, hoặc quá đặc biệt để đại diện. Chẳng hạn, hỏi mười người gặp trên đường phố họ nghĩ thế nào về kế hoạch giảm nợ công của Tổng thống thì không thể nào. đánh giá được cả nước nghĩ gì về việc ấy.
Mặc dù tiện lợi, lối ngụy biện bằng cách khái quát vội vã có thể dẫn đến những hậu quả đắt giá và thảm họa. Chẳng hạn, người ta cho rằng một giả định sai lầm trong kỹ thuật đã dẫn tới vụ nổ tên lửa Ariane-5 trong lần phóng thử đầu tiên: Phần mềm điều khiển đã được thử nghiệm hết sức kỹ lưỡng với mô hình Ariane-4 trước đó, nhưng không may chúng không bao trùm toàn bộ kịch bản có thể xảy ra với Ariane-5, vậy sẽ là sai khi giả định rằng có thể chuyển dữ liệu sang.
Việc tán thành hay phản đối những quyết định như thế thường dựa vào khả năng biện luận của các kỹ sư và các nhà quản lý, cũng như thí dụ này hay các thí dụ tương tự có thích hợp cho cuộc thảo luận về những ngụy biện logic hay không là tùy vào khả năng biện luận của chúng ta.
Có một thí dụ khác trong tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở diệu kỳ” - trong đó Alice suy luận rằng: Vì cô đang bập bềnh trong một bể nước gần một ga xe lửa, như vậy thì cứu hộ chắc phải gần đâu đây:
“Trong đời, Alice từng một lần đến bên bờ biển, và cô đã đi đến một kết luận tổng quát rằng: Bất cứ khi nào bạn đến bên một bờ biển nước Anh, bạn sẽ thấy những máy tắm trên biển, những trẻ em đang đào cát bằng những chiếc xẻng gỗ, thì thế nào cũng có những dãy nhà cho thuê, và sau chúng là nhà ga xe lửa”. (Caroll)
NGỤY BIỆN “CẦU ĐẾN SỰ THIẾU HIỂU BIẾT
Loại lý lẽ này giả định một mệnh để là đúng, chỉ đơn giản vì không có chứng cứ chứng minh rằng nó là sai7. Bởi vậy, việc thiếu vắng chứng cứ (absence of evidence) được hiểu là chứng cứ vẽ sự thiếu vắng (evidence of absence). Carl Sagan đưa ra ví dụ sau đây: “Không có chứng cứ thuyết phục nào chứng minh rằng UFO (Vật thể ngoài Trái đất) chưa từng viếng thăm Trái đất. Do đó UFO có tồn tại”. Tương tự, trước khi chúng ta biết Kim tự tháp được xây như thế nào, một số người kết luận rằng: trừ khi có chứng cứ ngược lại, chúng phải được xây bằng một sức mạnh siêu nhiên. Tuy nhiên, trách nhiệm dẫn chứng luôn ở chỗ người đưa ra quyết đoán.
Để logic hơn, và như nhiều người đã diễn giải, ta nên yêu cầu những gì dựa trên những bằng chứng từ quan sát trong quá khứ. Cái gì có vẻ thật hơn: Một vật thể bay qua không gian là vật nhân tạo do người làm ra hay hiện tượng tự nhiên, hay đó là những vật ngoài Trái đất đến từ một hành tinh khác? Vì chúng ta đã thường xuyên thấy cái trước và chưa bao giờ thấy cái sau, nên kết luận rằng UFO không phải là vật lạ đến từ vũ trụ nghe có lý hơn.
Một dạng đặc biệt của lối ngụy biện loại này là lý lẽ từ sự hoài nghi cá nhân: Khi một cá nhân không có khả năng tưởng tượng ra một cái gì đó, thì họ bảo rằng nó không có. Chẳng hạn: “Tôi không thể tưởng tượng chúng ta có thể thực sự đưa người lên Mặt trăng, nên điều đó không bao giờ xảy ra”. Để trả lời cho loại lý lẽ này, đôi khi là đập lại một cách hóm hỉnh: “Thế nên anh mới không phải là nhà Vật lý”.
NGỤY BIỆN "KHÔNG PHẢI NGƯỜI SCOTT CHÍNH CỐNG”
Lý lẽ này nảy ra khi có người tuyên bố quả quyết về một nhóm người hay vật, và sau đó bị đối phương đưa ra chứng cứ phản đối lời tuyên bố đó. Lẽ ra nên xem xét lại luận điểm của mình hoặc bác lại chứng cứ đó, thì người ta lại lẩn tránh sự công kích bằng cách định nghĩa lại tiêu chí của thành phần trong nhóm đó8.
Chẳng hạn: Có người cho rằng các lập trình viên là những người không có kỹ năng xã hội. Nếu một người khác xen vào và bác bỏ nhận xét trên bằng cách nói: “Nhưng John là một lập trình viên và anh ấy không hề vụng về trong giao tiếp xã hội”, việc này có thể làm bật lên câu trả lời: “Đúng nhưng John không phải là một lập trình viên thưc thu”.
Ở đây, không rõ thuộc tính của một lập trình viên là gì - loại người này không được xác định rõ, chẳng hạn như khi nói “những người có màu mắt xanh”. Sự mơ hồ cho phép những đầu óc bướng bỉnh định nghĩa lại mọi thứ theo ý mình.
Loại ngụy biện này được Antony Flew đặt ra trong cuốn sách của ông - “Suy nghĩ về việc suy nghĩ” (Thinking about Thinking). Trong đó, ông đưa thí dụ sau đây: Hamish đang đọc báo và gặp câu chuyện về một người Anh phạm một tội ác cực kỳ ghê tởm. Anh ta phản ứng bằng cách nói: “Người Scott thì không khi nào lại làm chuyện ấy”.
Ngày hôm sau, anh ta đọc báo và gặp cầu chuyện về một người Scott phạm một tội ác còn ghê tởm hơn. Thay vì sửa lại nhận xét của anh về người Scott, anh ta phản ứng bằng cách nói: “Người Scott chính cống thì không khi nào lại làm chuyện ấy”.
NGỤY BIỆN "VIN VÀO DUY TRUYỀN"
Ngụy biện “Vin vào Di truyền” phạm phải khi một lý lẽ bị giảm giá trị, hoặc được bảo vệ chỉ vì nguồn gốc của nó. Thật ra lịch sử của một lý lẽ hay nguồn gốc của người có lý lẽ ấy không có tác động gì đến hiệu lực của nó. Như T. Edward Damer chỉ ra: “Khi người ta chấp nhất vào nguồn gốc của một ý tưởng một cách cảm tính, thường họ sẽ dễ bị cảm xúc chi phối khi đánh giá giá trị của lý lẽ ấy”.
Hãy xem xét lý lẽ sau: “Tất nhiên, anh ấy ủng hộ những công nhân đình công. Dù sao thì anh ấy cũng cùng làng với họ”. Ở đây, lý do ủng hộ công nhân không dựa trên của ý nghĩa của cuộc đình công đó, mà lại vì người ủng hộ hóa ra cùng làng với những người đình công. Chúng ta bị dẫn đến chỗ suy luận rằng: lập trường của anh ta là vô giá trị.
Đây là một lập luận khác: “Là những người đàn ông, đàn bà sống ở thế kỷ 21, chúng ta không thể giữ những niềm tin của thời đại Đồ Đồng”. Người ta có thể hỏi: Tại sao không? Liệu chúng ta có vứt bỏ mọi tư tưởng có nguồn gốc ở thời đại Đồ Đồng, đơn giản chỉ vì nó sinh ra từ thời ấy?
Trái lại, người ta có thể cầu đến ngụy biện di truyền mang nghĩa tích cực. Chẳng hạn nói: “Quan điểm nghệ thuật của Jack là không thể bác bỏ. Anh ấy xuất thân từ dòng họ của những nghệ sĩ kiệt xuất”. Chứng cứ được dùng ở đây cũng thiếu hụt như ở những thí dụ trên.
NGỤY BIỆN “CÓ TỘI DO LIÊN ĐỚI"
Ngụy biện “Có tội do liên đới” dùng để vùi dập một lý lẽ vì nó đề xuất một ý tưởng được chia sẻ bởi một người hay nhóm người bị khinh miệt. Chẳng hạn: “Đối thủ của tôi kêu gọi một hệ thống y tế giống với hệ thống y tế của các nước Xã hội Chủ nghĩa. Rõ ràng là điều ấy không thể chấp nhận được”.
Hệ thống y tế được đề nghị có giống hệ thống y tế của các nước Xã hội Chủ nghĩa hay không không liên quan gì đến việc nó tốt hay xấu. Lý lẽ này hoàn toàn không hợp lệ.
Một lý lẽ khác, được nhắc đi nhắc lại đến phát ngán trong một số xã hội, như thế này: “Chúng ta không thể để cho phụ nữ lái xe, bởi vì nhân dân ở các nước Vô thần để cho phụ nữ của họ lái xe”. Về thực chất, điều mà những thí dụ này muốn cãi cho bằng được là: Có một nhóm người dứt khoát là tuyệt đối xấu. Vì thế, chỉ cần có một thuộc tính duy nhất chung với nhóm đó, anh cũng bị quy là một thành viên của nhóm đó, và người ta sẽ quàng lên anh mọi cái xấu liên quan đến nhóm đó.
NGỤY BIỆN "KHẲNG ĐỊNH KẾT QUẢ"
Một trong nhiều lý lẽ có hình thức hợp lệ có tên là “thức khẳng định.” (modus ponens). Nó có dạng sau đây: Nếu A thì C; A, do đó, C. Và biểu diễn dưới dạng công thức:
A-»C
A |-c
A được gọi là tiền lệ, C là hậu quả. Chúng làm thành hai tiền đề và một kết luận. Thí dụ:
Tiền đề: Nếu A thì C
Nếu nước được đun ở mực nước biển, thì nhiệt độ sôi của nó ít nhất là 100°C.
Nước này được đun ở mực nước biển, nên nhiệt độ sôi của nó ít nhất là 100°C.
Tiền đề: A Kết luận: C
Một lý lẽ như thế nghe có vẻ hợp lý. “Khẳng định kết quả” là ngụy biện có dạng:
Nếu A thì C; C, do đó, A.
Sai lầm nằm ở chỗ khẳng định rằng: Vì kết luận là đúng nên tiền đề phải là đúng - là điều mà trong thực tế cần được chứng minh. Chẳng hạn: “Người học Đại học thì thành công. John thành công vậy chắc hắn đã học Đại học”.
Rõ ràng, sự thành công của John có thể là kết quả của học tập trong nhà trường, nhưng cũng có thể là kết quả của việc nuôi dạy trong gia đình, hoặc do nghị lực của anh ta vượt qua nghịch cảnh. Nói chung, vi việc học Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, nên không thể nói rằng một người thành công thì chắc chắn đã phải qua Đại học.
NGỤY BIỆN “CẦU VIỆN ĐẠO ĐỨC GIẢ”
Cũng được biết đến dưới tên gọi tiếng Latin: “Tu quoque" (Mày cũng thế), loại ngụy biện này chống lại lý lẽ của ai đó bằng cách chỉ ra rằng nó mâu thuẫn với hành động hay lời nói trong quá khứ của anh/chị ta (Engel). Như vậy, bằng cách đáp lại lời buộc tội bằng một lời buộc tội, nó lái sự chú ý từ lý lẽ đang được nói đến sang bản thân người có lý lẽ đó. Đặc tính này khiên cho kiểu ngụy biện này trở thành một dạng đặc biệt của kiểu Ngụy biện Công kích cá nhân. Tất nhiên, việc một người không nhất quán với lập trường của mình không có nghĩa là lập trường của anh ta không thể là đúng.
Trong một tập của chương trình thời sự “Tôi có tin cho bạn đây” của Đài truyền hình Anh, có tình tiết một tham luận viên chỉ trích cuộc biểu tình phản đối lòng tham của các doanh nghiệp diễn ra ở Luân Đôn vì tính đạo đức giả của những người biểu tình, bằng cách chỉ ra rằng: trong khi tuyên bố chống lại Chủ nghĩa Tư bản, họ vẫn tiếp tục dùng smartphone và mua cà phê9.
Sau đây là một thí dụ khác từ phim của Jason Reitman - Cám ơn ông đã hút thuốc. Trong đó, một cuộc cãi vã lời qua tiếng lại nặng nề theo kiểu “Tu quoque” (Mày cũng thế) được kết thúc bởi tay lobby thuốc lá, miệng lưỡi dẻo quẹo Nick Naylor: “Tôi chỉ thấy buồn cười với cái ý nghĩ rằng quý ông từ Vermont gọi tôi là đạo đức giả, khi chính con người này - vào một ngày kia - tổ chức một cuộc họp báo kêu gọi chặt phá và đốt những cánh đồng thuốc lá ở Mỹ. Rồi ông ta nhảy lên một chiếc máy bay riêng, bay xuống Farm Aid10, tại đó ông ta lái một chiếc máy kéo trên sân khấu, trong khi ông ta than khóc cho sự sa sút của nông dân Mỹ”.
NGỤY BIỆN SUY DIỄN THẢM CẢNH
Ngụy biện “Suy diễn thảm cảnh” được sử dụng nhằm vùi dập một mệnh đề bằng cách lập luận rằng: nếu chấp nhận nó sẽ dẫn đến một chuỗi những sự kiện không mong muốn11. Mặc dù chuỗi sự kiện ấy là khả thể - mỗi bước chuyển tiếp diễn ra theo một xác suất nào đó - kiểu lập luận này ngẩm định rằng mọi chuyển tiếp là không tránh khỏi, trong khi lại không đưa ra bằng chứng nào để chống đỡ cho nó. Loại ngụy biện này lợi dụng nỗi sợ của người nghe và được liên kết với một số kiểu ngụy biện khác như: Gợi lên nỗi sợ hãi, Song đề giả và Lý lẽ suy ngược từ hậu quả.
Chẳng hạn: “Chúng ta không nên cho phép mọi người truy cập không kiểm soát vào internet. Rồi anh sẽ thấy, họ sẽ liên tục vào những trang web khiêu dâm và chẳng mấy chốc toàn bộ nền tảng đạo đức sẽ tan rã, và chúng ta sẽ bị hạ thấp xuống thành những con vật”. Hiển nhiên là, ngoài việc phỏng đoán vô căn cứ, không có chứng cứ nào cho thấy việc truy cập internet kéo theo sự tan rã nền tảng đạo đức của xã hội. Hơn nữa, lý lẽ này còn ngẩm định điều gì đó về hành vi của con người trong xã hội.
NGỤY BIỆN "CẦU VIỆN PHONG TRÀO”
Còn gọi là ngụy biện “Cầu viện số đông”, lý lẽ này tận dụng sự kiện là nhiều người (thậm chí đa số) tin vào một cái gì đó như bằng chứng rằng nó phải đúng. Loại lý lẽ này thường cản trở việc tiếp nhận những tư tưởng tiên phong ở công chúng rộng rãi. Chẳng hạn: đa số người ở thời đại của Galileo tin rằng Mặt trời và các hành tinh quay quanh Trái đất. Bởi vậy, Galileo bị chế giễu khi ông ủng hộ mô hình của Copernicus, mô tả đúng rằng Mặt trời là trung tâm của Thái dương hệ.
Gần đây, bác sĩ Barry Marshall đã phải dùng đến những biện pháp cực đoan - tự tiêm cho mình một liều vi khuẩn H. Pylori - để thuyết phục cộng đồng các nhà khoa học rằng nó có thể gây loét cơ quan tiêu hóa. Lý thuyết này của ông ban đầu đã bị gần như mọi người bác bỏ.
Quảng cáo thường xuyên dùng phương pháp này để dụ người ta chấp nhận điều gì đó, chỉ vì nó đã được nhiều người chấp nhận. Chẳng hạn: “Tất cả các thiếu niên ngầu lòi đều đã dùng keo xịt tóc này. Hãy là một trong số đó”. Mặc dù “trở nên ngầu” là một lời chào mời khích động, nhưng nó không khẩn thiết đến độ thúc bách người ta nên mua sản phẩm được quảng cáo. Các chính khách cũng dùng lối hùng biện tương tự để tăng động lực cho chiến dịch tranh cử của họ cũng như tác động đến cử tri.
NGỤY BIỆN “CÔNG KÍCH CÁ NHÂN"
Một ngụy biện “Công kích cá nhân” (từ tiếng Latin: ad hominem - vào con người) là một lập luận tấn công vào cá nhân người nói thay vì tấn công lý lẽ của họ, nhằm làm trệch hướng cuộc thảo luận và mất uy tín của lí lẽ12. Chẳng hạn: “Anh không phải nhà Sử học. Sao anh không bám lấy lĩnh vực của anh đi?” Ở đây, việc một người không phải là nhà Sử học không ảnh hưởng gì đến giá trị lý lẽ của anh ta (vì, tất nhiên, không thể cho rằng bất cứ ai không phải là nhà Sử học là tự nhiên sẽ sai trong chủ đề này). Bởi vậy, nó không hề củng cố được luận điểm của kẻ công kích.
Kiểu công kích cá nhân này có tên là lạm dụng việc “đánh” người. Một kiểu thứ hai là kiểu suy diễn - tấn công một người vì những lý do ngờ vực, thường bằng cách bình phẩm những ý đồ của họ. Chẳng hạn: “Ông không thật sự quan tâm đến việc giảm tỷ lệ tội phạm trong thành phố. Ổng chỉ muốn mọi người bầu cho ông”. Nhưng ngay cả nếu một cá nhân có thể được lợi vì lý lẽ của họ được chấp nhận, thì điều ấy không có nghĩa là họ sai.
Một cuộc công kích cá nhân đôi khi còn thành công trong việc thay đổi chủ đề thảo luận bằng cách chuyển thành cuộc cãi vã về đạo đức “Tu quoque”. Chẳng hạn, John nói: “Con người này tồi bởi vì hắn không có sự liêm chính. Không tin hãy hỏi xem tại sao hắn bị đuổi khỏi chỗ làm trước”. Jack đáp lại: “Thế sao không nói về khoản tiền thưởng béo bở ông ôm vẽ nhà năm ngoái, mặc dù một nửa công ty ông phải giảm biên chế?” Đến đây thi cuộc tranh luận đã hoàn toàn lạc hướng. Dù vậy, vẫn có những tình huống mà trong đó người ta có thể đặt câu hỏi một cách chính đáng về độ khả tín của một con người - như khi làm chứng ở tòa án.
NGỤY BIỆN “LÝ LUẬN VÒNG QUANH"
Ngụy biện bằng cách lý luận vòng quanh là một trong bốn kiểu lý lẽ không đề cập vào vấn đề - trong đó, người ta ngẩm ngụ ý, hoặc rõ ràng coi một trong những tiền đề là kết luận. Trong ngụy biện “Lý luận vòng quanh”, một kết luận hoặc là rành rành được dùng như một tiền đề, hoặc thông thường hơn, được diễn đạt lại bằng cách khác để nó có vẻ như là một mệnh đề khác, nhưng thực ra không phải. Chẳng hạn: “Anh hoàn toàn sai bởi vì anh nói rất vô lý”. Ở đây, hai mệnh đề là như nhau và là một, bởi vì “sai” và “vô lý” trong ngữ cảnh này nói cùng một ý. Lý lẽ chỉ đơn giản tuyên bố: “Bởi vì x, cho nên x”, cho nên nó là vô nghĩa.
Có khi lý luận vòng quanh dựa trên những tiền đề không nói ra, làm người ta càng khó nhận thấy hơn. Hãy nghe một người nói với một người Vô thần rằng: “Anh cần phải tin Thượng đế. Nếu không anh sẽ phải xuống Địa ngục”. Tiền đề không nói ra đằng sau vế “phải xuống Địa ngục” là: có tồn tại một Thượng đế đưa anh xuống đấy. Do đó, tiền đề “có tồn tại một Thượng đế đưa những người không tín ngưỡng xuống Địa ngục” hỗ trợ cho kết luận “có tồn tại một Thượng đế”. Như danh hài Josh Thomas bảo Peg trong loạt truyền hình Úc “Xin hãy thích tôi”: “Cậu không thể lấy Địa ngục ra mà dọa người Vô thần, Peg. Điều ấy vô nghĩa. Nó như thể một gã hippie dọa sẽ đấm cậu trong mùi hôi của cậu”.
NGỤY BIỆN “KẾT HỢP VÀ PHÂN CHIA"
Người ta mắc lỗi ngụy biện “Kết hợp” vì suy luận rằng: nếu các phần của một toàn thể có một đặc tính nào đó, thì toàn thể phải có đặc tính ấy. Nhưng theo diễn giải của Peter Milican: nếu một con cừu trong bầy cừu có một mẹ, thì không thể suy ra cả đàn cừu chỉ có một mẹ. Đây là một thí dụ khác: “Mỗi module trong hệ thống phần mềm đã qua một loạt phép thử đơn vị. Do đó, khi các module được tích hợp lại thì hệ thống phần mềm sẽ không vi phạm bất cứ bất biến nào đã được kiểm tra bởi những phép thử đơn vị ấy”. Sự thật là việc kết hợp các phần riêng lẻ lại với nhau để hình thành một hệ thống đã làm xuất hiện một mức độ phức tạp mới, do cách tương tác giữa các bộ phận, đến lượt nó có thể làm nảy sinh những cách mới gây ra sai hỏng.
Trái lại, lối ngụy biện “Phân chia” mắc phải khi suy luận rằng: một bộ phận của toàn thể phải có một thuộc tính nào đó, do cái toàn thể mà nó thuộc về tình cờ có thuộc tính ấy. Chẳng hạn: “Đội chúng ta vô địch. Mỗi cầu thủ của đội ta có thể đối đầu với mỗi cầu thủ đội bạn và đè bẹp anh ta”. Trong khi toàn đội vô địch có thể là đúng, nhưng điều này có thể là kết quả của việc toàn đội chơi ăn ý với nhau. Do đó, không thể lấy việc đội vô địch làm bằng cớ để cho rằng mỗi cầu thủ trong đội là vô địch được.
NHẬN XÉT CUỐI CÙNG
Cách đây nhiều năm, tôi được nghe một giáo sư giới thiệu cách suy lý diễn dịch bằng cách dùng một ẩn dụ tuyệt vời, mô tả chúng như những ống dẫn kín nơi mà chân lý vào ở đầu này rồi chân lý ra ở đầu kia. Tình cờ, nó gây cảm hứng cho minh họa bìa của cuốn sách này. Đọc đến cuối sách, tôi hy vọng khi buông nó ra, bạn không chỉ hiểu tốt hơn về lợi ích của những lập luận chặt chẽ trong việc mở rộng và làm tăng hiệu lực của kiến thức, mà còn hiểu tính phức tạp của những lý lẽ quy nạp trong đó có vai trò của xác suất. Đặc biệt với tính xác suất ấy, tư duy phê phán tỏ ra là một công cụ không thể thiếu. Quan trọng hơn, tôi hy vọng khi buông sách xuống, bạn sẽ có ý thức sâu hơn về sự nguy hiểm của những lý lẽ hời hợt, tấm thường và nông cạn đang lan tràn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào.
• • •
Tôi thấy việc duy nhất thích hợp để kết thúc cuốn sách, là gửi lời cảm ơn đến những người mà nhờ họ tôi có niềm vui được nhìn thấy dự án này tiến triển từ lúc còn ở dạng phôi thai đến khi nó chắp cánh: Cảm ơn tất cả mọi người đã gửi những bình luận và phê bình của họ (sự phản hồi chắc chắn đã làm cho cuốn sách hay lên); cảm ơn 700.000 bạn đọc đã mua ấn bản trực tuyến, gần 4.000 bạn đọc đã ủng hộ dự án bằng cách quyên vốn hoặc mua những cuốn xuất bản lần đầu, các nhà sách đã có lòng tốt nhập về ấn bản đầu tiên, cho dù nó còn tối tăm, khó hiểu; và đặc biệt, xin cảm ơn những bạn tình nguyện đã dịch ấn bản online sang tiếng nước họ.
Đây là một hành trình tuyệt vời, và tôi tin rằng nó chỉ là một trong nhiều hành trình sắp tới.
CÁC ĐỊNH NGHĨA
LÝ LẼ (argument): một tập hợp những mệnh đề nhằm thuyết phục thông qua lập luận. Trong một lý lẽ, có một tập hợp con các mệnh đề gọi là tiền đề, dùng để chống đỡ cho một mệnh đề khác gọi là kết luận.
mệnh đề (proposition): một tuyên bố - hoặc là đúng, hoặc là sai - nhưng không bao giờ là cả hai. Ví dụ: “Boston là thành phố lớn nhất ở Massachusetts”.
tiền đề (premiss): một mệnh đề dùng để chống đỡ cho kết luận của một lý lẽ. Một lý lẽ có thể có một hoặc nhiều tiền đề.
có thể sai (falsifiable): một mệnh đề hoặc một lý lẽ là có thể sai khi nó có thể bị bắt bẻ/ bị bác bỏ thông qua quan sát hoặc kiểm nghiệm. Chẳng hạn: Mệnh đề “Tất cả lá đều xanh” có thể bẻ lại bằng cách chỉ ra một chiếc lá không phải màu xanh. Tính có thể sai là dấu hiệu về điểm mạnh của một lý lẽ, hơn là điểm yếu của nó.
NGỤY BIỆN LOGIC (logical fallacy): một sai lầm trong lập luận được dùng để chuyển từ một mệnh đề sang mệnh đề kế tiếp, dẫn đến một lý lẽ sai. Ngụy biện logic vi phạm một hay nhiều nguyên tắc làm nên một lý lẽ tốt - như cấu trúc tốt, tính nhất quán, rõ ràng, trật tự, sự liên quan và hoàn chỉnh. Điều quan trọng cần chú ý là việc tìm ra một ngụy biện trong lập luận không giống như việc chứng minh kết luận sai của nó - kết luận có thể là đúng, nhưng cũng có lập luận tốt hơn để chống đỡ cho nó đứng vững.
ngụy biện Hình thức (formal fallacy): một sai lầm trong lập luận là phi logic bởi vì cấu trúc của nó là sai. Có thể phát hiện ra loại ngụy biện này bằng cách phân tích hình thức của mệnh đề, mà không cần phải đánh giá nội dung của nó. (Chẳng hạn, xem ngụy biện “Khẳng định kết quả”, trang 32).
ngụy biện Phi hình thức (informal fallacy): một sai lầm trong lập luận là phi logic vì nội dung và ngữ cảnh của nó, hơn là do hình thức của nó. Để được coi là Ngụy biện Phi hình thức, thông thường sai lầm phải thuộc loại cầu viện - tức lợi dụng đến một cái gì đó (gần như tất cả các ngụy biện trong sách này là Phi hình thức).
LÝ LẼ DIỄN DỊCH (deductive argument): một lý lẽ mà trong đó nếu các tiền đề là đúng thì kết luận cũng phải đúng. Ta nói kết luận được suy ra một cách tất yếu logic từ các tiền đề. Thí dụ: “Tất cả mọi người đều phải chết. Socrates là một con người. Do đó, Socrates cũng phải chết”. Một lý lẽ diễn dịch nhằm đạt đến tính hợp lý, nhưng tất nhiên, nó có thể không đạt.
hợp lý (valid): Một lý lẽ diễn dịch là hợp lý nếu kết luận thật sự được suy ra một cách logic từ các tiền đề của nó. Nếu không, ta nói nó không hợp lý (invalid). Tính từ hợp lý và không hợp lý chỉ dùng cho các lý lẽ, không dùng cho các mệnh đề.
vững (sound): Một lý lẽ diễn dịch là vững nếu nó hợp lý và các tiền đẽ của nó là đúng. Nếu một trong các điều kiện trên không thỏa mãn, thì lý lẽ ấy là không vững. Sự đúng đắn được xác định bằng cách nhìn xem các tiền đề và kết luận của lý lẽ có ứng với sự thật trong thế giới thực hay không.
LÝ LẼ QUY NẠP (inductive argument): Một lý lẽ mà trong đó nếu các tiền đề là đúng thì có thể kết luận cũng sẽ đúng13. Kết luận không được suy ra từ các tiến đế một cách tất yếu logic, mà có tính xác suất. Chẳng hạn: “Trong mọi thời gian chúng ta đo tốc độ ánh sáng trong chân không, lúc nào nó cũng bằng 3x1 o8 m/s. Do đó, tốc độ ánh sáng trong chân không là một hằng số vũ trụ”. Lý lẽ quy nạp thường đi từ các trường hợp đặc biệt đến tổng quát.
mạnh (strong): một lý lẽ quy nạp là mạnh nếu, trong trường hợp các tiên đề của nó là đúng, thì xác suất cao là kết luận của nó cũng đúng. Ngược lại, nếu không chắc chắn kết luận của nó là đúng, thì nó được coi là yếu. Vì dựa trên xác suất nên các lý lẽ quy nạp không phải là truth preserving (cái đúng của tiền đề được bảo tồn trong kết luận). Không phải từ những tiền đề đúng nhất thiết phải suy ra kết luận đúng.
chắc (cogent): một lý lẽ quy nạp là chắc nếu nó mạnh và các tiền đề của nó là thật sự đúng - tức là phù hợp với thực tế. Ngược lại, nó được coi là không chắc.
SÁCH THAM KHẢO
Aristotle, “Bắt bẻ ngụy biện” (On Sophistical Refutations), dịch bởi w. A. Pickard- Cambridge. http://classics.mit.edu/Aristotle/sophist_refut.html. Avicenna, “Những luận văn của Avicenna vê' logic” (Avicennas Treatise on Logic), dịch và biên tập bởi Farhang Zabeeh. The Hauge: Nijhoff, 1971.
Lewis Carroll, “Những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở diệu kỳ” (Alices Adventures in Wonderland), www.gutenberg.org/files/ 11/11-h/ll h.htm.
Gary N. Curtis, “Hồ sơ ngụy biện” (Fallacy Files), http://fallacyfiles.org.
T. Edward Darner, “Tấn công lập luận sai: Chì dẫn thực tế cho lập luận không mắc lỗi ngụy biện” (Attacking Faulty Reasoning: A Practical Guide to Fallacy-Free Arguments), ấn bản lần 6, NXB Wadsworth Cengage Learning, Belmont, CA, 2009.
s. Morris Engel, “Với lý lẽ tốt: Giới thiệu Ngụy biện Phi hình thức” (With Good Reason: An Introduction to Informal Fallacies), NXB Bedford/St. Martin’s, Boston, 1999.
Graham Farmelo, “Con người kỳ lạ nhất: Cuộc sống bí ẩn của Paul Dirac - Nhà thẩn bí vể nguyên tử” (The Strangest Man: The Hidden Life of Paul Dirac, Mystic of the Atom), NXB Basic Books, New York, 2011.
James Fieser, “Bách khoa toàn thư Triết học trên Internet” (Internet Encyclopedia of Philosophy), www.iep.utm.edu.
Stuart Firestein, “Sự ngu dốt đã thúc đẩy khoa học như thế nào” (Ignorance: How It Drives Science), NXB Oxford Univ. Press, Oxford, 2012.
David Hackett Fischer, “Những ngụy biện của các nhà Sử học: Tiến tới một logic của tư duy lịch sử” (Historians’ Fallacies: Toward a Logic of Historical Thought), NXB Harper & Row, New York, 1970.
Antony Flew, “Suy nghĩ vẽ việc suy nghĩ” (Thinking about Thinking), NXB Fontana/ Collins, Glasgow, 1975.
Robert J. Gula, “Sự vô lý: sổ tay về những ngụy biện logic” (Nonsense: A Handbook of Logical Fallacies), NXB Axios Press, Mount Jackson, VA, 2002.
Charles Hamblin, “Những ngụy biện” (Fallacies), NXB Methuen, London, 1970.
Stephen King, “Về cách viết: Ký ức của Craft” (On Writing: A Memoir of the Craft), NXB Scribner, New York, 2000.
Marvin Minsky, “Xã hội của trí tuệ” (The Society of Mind), NXB Simon & Schuster, New York, 1988.
George Pólya, “Giải một bài Toán như thê nào? Một khía cạnh của phương pháp Toán học” (How to Solve It: A New Aspect of Mathematical Method), NXB Princeton Univ. Press, Princeton, 2004.
Charlotte Pritchard, “Sôcôla có làm bạn thông minh hơn?” (Does Chocolate Make You Clever?), BBC News Magazine, 19/9/2012. http://bbc.co.uk/news/magazine-20356613.
Bertrand Russell, “Những vấn để Triết học” (The Problems of Philosophy), NXB Williams & Norgate, London, 1912. http://ditext.com/russell/russell.html.
Carl Sagan, “Thế giới bị quỷ ám: Khoa học như một ngọn nến trong bóng tối” (The Demon-Haunted World: Science as a Candle in the Dark), NXB Random House, New York, 1995.
Donald E Simanek, “Sử dụng và Lạm dụng logic” (Uses and Misuses of Logic).http:// lhup.edu/~dsimanek/philosop/logic.htm.
Peter Smith, “Nhập môn Logic Hình thức” (An Introduction to Formal Logic), NXB Cambridge Univ. Press, Cambridge, 2003.
VỀ TÁC GIẢ VÀ HỌA SĨ MINH HỌA
All Almossawi, Thạc sĩ Thiết kế Công nghệ, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Thạc sĩ Thiết kế Phẩm mềm của Đại học Carnegie Mellon. Anh sống ở San Francisco với vợ và con gái, tại đây anh giữ vị trí Nhà thiết kế Dữ liệu Thị giác trong Mozzilas Metric Team, và đôi khi cộng tác với Phòng Thí nghiệm Truyền thông của MIT. Trước đây, Ali dành thời gian ở cả Đại học Harvard và Viện Công nghệ Phẩn mềm (SEI), tại đây anh nghiên cứu nhằm tạo ra những mô hình dự đoán chất lượng mã nguồn. Các công trình của anh xuẫt hiện trên các tạp chí Scientific American, Wired, The New York Times, Fast Company và nhiều tạp chí khác.
Almossawi.com
Alejandro Giraldo có bằng Thiết kế đồ họa của ƯPB Medellin và bằng Chỉ đạo Nghệ thuật của ELISAVA (Trường Thiết kế và Công nghệ Barcelona). Anh sống ở Medellin, Colombia. Tại đây, anh làm việc cho nhiều dự án tự do.
AlejoGiraldo.com
Notes
[←1]
Còn về những việc nên làm, hãy tìm đọc cuốn “Tấn công luận điểm sai trái” (Attacking Faulty Reasoning) của T. Edward Damer.
[←2]
Nguyên tắc này nói rằng: Khi giải thích một hiện tượng nào đó, người ta không nên đưa ra bất kỳ phỏng đoán nào nhiễu hơn mức cần thiết, cũng còn gọi là “Nguyên tắc tiết kiệm" (The principle of parsimony).
[←3]
Phần minh hoạ dựa trên cuộc trao đổi giữa Alice với hoàng hậu Trắng trong tác phẩm Nhìn qua gương” (Through the Looking-Glass) của Lewis Caroll.
[←5]
Lối ngụy biện này còn được gọi là ngụy biện “loại trừ trung gian, ngụy biện “đen và trắng” hoặc “lưỡng phân giả”.
[←6]
Người ta đã chứng minh: Hóa ra ăn sôcôla và đoạt giải Nobel có mối tương quan chặt chẽ, dấy lên hy vọng cho những người ăn sôcôla (Pritchard, bbc.co.uk/news/magazine-20356613).
[←7]
Phần minh họa lấy cảm hứng từ câu trả lời của Neil deGrasse Tyson, cho một câu hỏi của cử tọa về UFO (bookofbadarguments.com/video/tyson).
[←8]
Khi một kẻ tấn công định nghĩa lại một phạm trù, dù biết rằng anh/chị ta làm thế là cố tình xuyên tạc nó, thì cuộc tấn công nhắc ta nghĩ đến ngụy biện “Bù nhìn rơm”.
[←9]
Đoạn trích này có trong: bookofbadarguments.com/video/hignfy.
[←10]
Một tổ chức có buổi hòa nhạc blues, country và rock hàng năm nhằm thúc đẩy nhận thức về nhu cầu bảo vệ và hỗ trợ các trang trại gia đình ở Hoa Kỳ.
[←11]
Ngụy biện “Suy diễn thảm cảnh” được mô tả ở đây là thuộc kiểu ngụy biện theo nhân quả.
[←12]
Phần minh họa được gợi hứng từ một cuộc tranh luận trên Usenet cách đây nhiều năm, trong đó có một lập trình viên quá hăng hái và bướng bỉnh tham gia.
[←13]
Trong khoa học, người ta thường đi theo phép quy nạp từ dữ liệu đến các quy luật, rồi đến các lý thuyết. Như vậy, quy nạp là nến tảng cùa rất nhíểu khoa học. Quy nạp thường được lấy để thừ một mệnh đề hay một mẫu (bởi vì nếu thử rộng râi hơn thì không thực tế), hoặc chỉ dùng suy lý (vì không có cách nào để thử).
"""