"
Lược Sử Nước Mỹ Thời Kỳ Tái Thiết 1863-1877 PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lược Sử Nước Mỹ Thời Kỳ Tái Thiết 1863-1877 PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Dành tặng Daria
GIỚI THIỆU
X
em lại cách diễn tả quá khứ là việc làm cơ bản và cần thiết để nghiên cứu lịch sử. Nhưng không có lúc nào trong lịch sử Hoa Kỳ như trong vòng 25 năm qua đã có một quan điểm rộng rãi bị đảo ngược như công cuộc Tái Thiết, một thời kỳ lịch sử đầy kịch tính và gây tranh cãi sau Nội Chiến. Từ những năm 1960, sự thay đổi sâu sắc vị trí người da đen (NDĐ) trong xã hội Hoa Kỳ, bằng chứng mới phát hiện, và những định nghĩa thay đổi về lịch sử cùng kết hợp làm
thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về công cuộc Tái Thiết. Từ đầu thế kỷ 20 các nhà sử học bắt đầu tìm hiểu về cuộc Tái Thiết với những công trình nghiên cứu đầu tiên là của William A. Dunning, John W. Burgess và các học trò. Cách diễn giải của trường phái Dunning có thể tóm tắt như sau: Khi cuộc Nội Chiến chấm dứt, dân da trắng miền Nam chấp nhận thực tế thất bại về quân sự, sẵn sàng thực thi công lý đối với những người nô lệ được giải phóng, và bày tỏ ý muốn được tái hội nhập vào đời sống của cả nước. Trước ngày ông mất, Tổng thống Abraham Lincoln đã theo đuổi tiến trình hòa giải theo từng khu vực, và trong thời kỳ Tái thiết của Tổng thống (1865-1867) người kế vị ông là Andrew Johnson tìm cách thực thi những chính sách khoan dung của Lincoln.
Nhưng, những nỗ lực của Johnson bị nhóm cấp tiến theo đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội cản trở và làm thui chột. Với lòng căm thù phi lý những người mà họ gọi là “phản loạn” ở miền Nam và sự ham
muốn củng cố sự lớn mạnh của Đảng trên bình diện quốc gia, năm 1867 những người CH Cấp tiến triệt tiêu các chính quyền miền Nam do Johnson tạo lập và thúc đẩy việc trao quyền bầu cử cho NDĐ ở Miền Nam bại trận. Tiếp đến là thời kỳ nhớp nhúa bẩn thỉu của cuộc Tái thiết do Quốc hội hay Tái thiết Cấp tiến (1867-1877), một thời kỳ đầy rẫy tham nhũng gây ra bởi bọn “carpetbagger” từ miền Bắc và bọn “scalawags” da trắng vô nguyên tắc của miền Nam, cùng những NDĐ dốt nát, chưa sẵn sàng để được tự do và thực thi các quyền lợi chính trị mà người phương Bắc áp đặt cho họ. Sau những chuỗi đau khổ không cần thiết, cộng đồng da trắng miền Nam liên kết lại để lật đổ các chính quyền địa phương và tái lập quyền “tự quản” (home rule), trại ra là “uy thế của NDT”. Nói chung, cuộc Tái thiết đánh dấu thời kỳ đen tối nhất trong suốt lịch sử Hoa Kỳ.
Trong những thập niên 1920 và 1930, những nghiên cứu mới về sự nghiệp của (Tổng thống) Andrew Johnson và những điều tra mới về các chính sách kinh tế của đảng Cộng Hòa tăng thêm sự khinh chê công cuộc Tái thiết. Những người nghiên cứu viết tiểu sử Johnson đề cao ông là người dũng cảm bảo vệ quyền tự do theo Hiến pháp, có những hành động đáng khen hơn đáng trách. Đồng thời, các sử gia thuộc trường phái tiến bộ (progressive school) xem các ý thức hệ chính trị của những người Cấp tiến cực đoan chỉ phục vụ cho những mục tiêu kinh tế bẩn thỉu và mô tả họ như là đại diện cho chủ nghĩa tư bản phương Bắc lợi dụng vấn đề quyền lợi NDĐ để nuôi dưỡng sự thống trị kinh tế miền Nam của chúng.
Lần đầu tiên Trường phái Dunning xuất hiện, với những tiếng nói bất mãn nổi lên, từ một nhóm những kẻ sống sót từ thời đại Tái thiết
và một hội nam sinh sử học NDĐ. Năm 1935, nhà hoạt động kiêm học giả da đen W.E.B. Dubois xuất bản quyển Tái Thiết của Người Da Đen ở Mỹ, một công trình nghiên cứu khổng lồ coi cuộc Tái thiết như một nỗ lực lý tưởng nhằm xây dựng một trật tự chính trị đa sắc dân và dân chủ từ đống tro tàn của chế độ nô lệ, cũng như sự tranh đấu kéo dài giữa tư bản và lao động nhằm khống chế các nguồn tài nguyên kinh tế của miền Nam. Cuốn sách của ông kết thúc với sự kết tội một nghề nghiệp quên không nhắc tới nhân vật trong bi kịch Tái thiết - người nô lệ được giải phóng. Du Bois viết, “Có một sự kiện và chỉ sự kiện đó giải thích thái độ của các nhà văn hiện giờ về công cuộc Tái thiết: họ không chấp nhận NDĐ cũng là con người”. Bằng nhiều cách, cuốn Tái Thiết của Người Da Đen ở Mỹ dự đoán nhiều khám phá về học vấn mới nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được biết đến.
Bất kể sự tồn tại lâu đời và vị thế mạnh mẽ trong trí tưởng tượng của người dân, sự truyền bá cung cách diễn tả cổ truyền là điều bắt buộc, nhận thức trên vẫn là nền tảng như lời một môn sinh Trường phái Dunning về “sự bất lực của NDĐ”.
Một khi nền học vấn mới và kinh nghiệm hiện đại cho thấy những định kiến kỳ thị chủng tộc không thể tồn tại, những vết tích quen thuộc đổi khác, thì những câu hỏi mới sẽ được đặt ra đột ngột, và tất cả sẽ qua đi.
Tuy nhiên, học vấn chẳng những phải tiến hóa mà còn cần có sự thay đổi sâu sắc về nền tảng chính trị của quốc gia và thái độ đối với chủng tộc để giáng đòn chí tử cho Trường phái Dunning. Nếu những lối diễn giải cổ truyền phản ánh, và giúp hợp pháp hóa, trật tự chủng
tộc của một xã hội trong đó NDĐ bị tước quyền công dân và bị đối xử phân biệt trên mọi mặt của cuộc sống, thì chủ nghĩa xét lại công cuộc Tái thiết mang dấu ấn của phong trào đấu tranh cho dân quyền. Vào những năm 1960, trào lưu xét lại dâng cao, lần lượt phá tan mọi giả thuyết dựa trên quan điểm truyền thống. Trước hết, các học giả đưa ra một bản tường trình có xem xét lại chặt chẽ về chính trị quốc gia. Những công trình mới miêu tả Andrew Johnson như là một chính trị gia cố chấp, kỳ thị chủng tộc, không có khả năng đối phó tình huống chưa từng xảy ra với ông trên cương vị tổng thống, và bênh vực những người Cấp tiến - được xem như những nhà cải cách lý tưởng tận tụy với việc tranh đấu chân chính cho quyền lợi của NDĐ - là không có mục đích trả thù và không làm bình phong cho giới tư bản phương Bắc. Hơn nữa, pháp chế công cuộc Tái Thiết không là tác phẩm của phe đảng cực đoan nhưng được Quốc hội và toàn miền Bắc ủng hộ rộng khắp.
Đáng ngạc nhiên hơn nữa là hình ảnh chỉnh sửa về luật lệ Cộng hòa ở miền Nam. Bộ mặt kỳ thị chủng tộc cũ được tô vẽ lại cho chương trình Tái thiết đến nỗi phải mất cả chục năm để chứng minh các tiêu cực của cái gọi là “luật lệ NDĐ” chỉ là ảo tưởng, và Tái thiết thể hiện sự “tối mắt của một chính quyền ngay thẳng”. Việc xây dựng hệ thống trường học công lập, việc thực thi các quyền công dân bình đẳng cho NDĐ, và nỗ lực khôi phục kinh tế miền Nam sau chiến tranh đã xóa bỏ quan niệm đây là “thời kỳ bi thảm” do chính phủ cai trị tồi rộng khắp. Những kẻ xét lại chỉ ra tệ nạn tham nhũng trong việc tái thiết miền Nam còn lu mờ trước băng đảng Tweed, scandal Credit Mobilier, và các Đường Dây buôn lậu rượu whiskey ở
miền Bắc thời kỳ sau Nội chiến. Đến cuối thập kỷ 1960, cuộc Tái thiết được xem là thời kỳ của những tiến bộ chính trị và xã hội cho NDĐ. Nếu nó là “thời đại bi thảm” thì cũng vì việc cải tổ không được đẩy mạnh, đặc biệt trong lãnh vực cải cách ruộng đất phía Nam.
Ngay cả về các mặt chủ nghĩa xét lại đạt đỉnh cao nhất thì vẫn có người chê bai. Các sử gia uy tín nhất cũng gọi những thành quả của sự cải tổ sau Nội chiến là “hời hợt” vì chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc vẫn tồn tại và vô hiệu hóa các nỗ lực đem công lý cho NDĐ; thất bại trong phân chia ruộng đất đã không cho phép họ được quyền tự trị và vô hiệu hóa các quyền chính trị và dân sự của họ. Trong những thập niên 1970 và 1980, một thế hệ mới học giả hình thành, gồm những NDT và NDĐ, tỏ vẻ nghi ngờ mọi vấn đề của thời kỳ. Những nghiên cứu gần đây về chính trị và ý thức hệ thời Tái thiết đã nhấn mạnh “chủ nghĩa bảo thủ” nơi các nhà hoạch định chính sách thuộc đảng Cộng Hòa ngay cả khi ảnh hưởng của phe Cấp tiến mạnh nhất, và sự tồn tại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cùng chế độ liên bang bất kể quyền công dân ngày càng nới rộng cho NDĐ và quyền lực quốc gia. Các nghiên cứu cho thấy quân đội và Cục những người được giải nô còn giúp những chủ nô cũ ép buộc họ trở về lao động trên các nông trường. Đồng thời, các nghiên cứu lịch sử xã hội miền Nam còn cho thấy sự tồn tại của giai cấp chủ điền cũ và sự tiếp nối giữa Miền Nam Cũ và Miền Nam Mới. Sự diễn giải hậu xét lại cho thấy có hiện tượng xa rời những gì được báo cáo trong thời kỳ Tái thiết. Vì bất kể những khác biệt, các nhà sử học truyền thống và xét lại cùng đồng ý ở điểm cuộc Tái thiết đã đem lại ít nhiều đổi thay cơ bản. Năm 1979, tóm lược các bài đã viết trong suốt một
thập kỷ, C. Vann Woodward nhận xét các sử gia giờ đây hiểu cuộc Tái thiết miền Nam buộc phải mang tính chất “phản cách mạng và bảo thủ” như thế nào.
Khi nhấn mạnh quan điểm cuộc Tái thiết là một phần quá trình tiến hóa của xã hội miền Nam hơn là một hiện tượng nhất thời, các nhà hậu xét lại có được sự đóng góp bổ ích cho việc nghiên cứu thời kỳ này. Tuy nhiên, nói cuộc Tái thiết là “bảo thủ” chưa thuyết phục được mọi người vì người này thì bảo phải mất cả một thế kỷ để thực thi những yêu cầu cơ bản, người khác nói “chưa làm được gì”. Chủ đề tiếp nối cho phép hình dung một thời đại đầy xáo trộn và nhiều sai lệch trong đổi thay xã hội và chính trị. Cách nay hơn nửa thế kỷ, Charles và Mary Beard gọi sự chuyển giao quyền lực từ giới “quý tộc nông thôn miền Nam” sang các “nhà tư bản và nông dân tự do miền Bắc” do cuộc Nội chiến mang lại là cuộc “Cách Mạng Hoa Kỳ lần 2”. Và trong sự chuyển đổi mới nhất các tiền đề trình diễn, những thay đổi về quyền lực tương đối các giai cấp xã hội lại trở thành chủ đề trọng tâm của các bài viết lịch sử. Tuy nhiên, khác với vợ chồng Beard đã bỏ qua vai trò NDĐ, các học giả hiện đại có khuynh hướng nhìn việc giải nô là một đặc trưng cách mạng của thời kỳ.
Quyển sách này rút gọn quyển Tái Thiết: Cuộc cách mạng dở dang ở Hoa Kỳ, 1863-1867 do tôi biên soạn, nói về thời kỳ Tái thiết một cách toàn diện. Vì sách dày hơn nên có vô số vấn đề được đề cập nhưng cuốn sách mỏng hơn này vẫn có những chủ đề chính yếu được diễn tả cùng cách thức thống nhất với quyển kia. Đầu tiên, trọng tâm là NDĐ. Họ không là nạn nhân thụ động của NDT nhưng
là những tác nhân tích cực trong chương trình Tái thiết. Tuy có hạn chế về việc sở hữu đất đai, họ được hưởng sự độc lập tối đa để củng cố gia đình và cộng đồng ngay sau khi chế độ nô lệ chấm dứt và họ tiến tới đòi quyền bình đẳng. Sự kiện có nhiều NDĐ tham gia các việc công ở miền Nam từ sau năm 1867 là một tiến bộ cơ bản trong những năm Tái thiết.
Sự biến đổi các nông nô thành những lao động tự do là một ví dụ bi thảm nhất về những đổi thay chính trị và xã hội mà cuộc Nội chiến và các chính sách bãi nô đem lại. Chủ đề thứ hai là dò tìm cách thức xã hội miền Nam được tái định hình có tính đến những điểm khác biệt giữa các địa phương. Đến cuối thời kỳ Tái thiết, một cấu trúc xã hội mới được hình thành và có nhiều hệ thống tổ chức lao động được củng cố. Hơn nữa, tiến trình đổi thay chính trị và xã hội gắn bó chặt chẽ với các chính sách Tái thiết, vì các nhóm NDT và NDĐ đều dựa vào chính quyền tiểu bang và địa phương để củng cố vị thế mình trong trật tự xã hội mới.
Chủ đề thứ ba của cuốn sách này là sự tiến hóa các quan hệ thuộc về chủng tộc, tương quan giữa giai cấp và màu da ở miền Nam sau chiến tranh. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc lan tỏa khắp nước Mỹ giữa thế kỷ 19. Ở cấp trung ương và địa phương, nó tạo rào cản cho mọi cải cách. Tuy thế, vẫn có một số NDT ở miền Nam sẵn sàng kết hợp với NDĐ vì mục tiêu chính trị. Những người Cộng Hòa phương Bắc đến, có lúc họ liên kết số phận những người nô lệ cũ với lý do tồn tại của Đảng và ý nghĩa thắng lợi của Liên bang trong cuộc Nội chiến. Thêm nữa, đối với những vấn đề mấu chốt liên quan đến đất đai và lao động cùng sự đối nghịch dai dẳng giữa các
chủ điền muốn tái kiểm soát lực lượng lao động và NDĐ đòi hỏi sự độc lập về kinh tế, vấn đề chủng tộc không thể tách rời khỏi giai cấp. Như một tờ báo ở Washington năm 1868 đã viết, “Không thể tách rời vấn đề màu da khỏi vấn đề lao động; lý do là vì đại đa số người lao động… khắp các tiểu bang miền Nam là người da màu, và hiện nay hầu như tất cả người da màu là dân lao động”.
Những chương sau nhắm tới sắp xếp câu chuyện phương Nam vào một bối cảnh quốc gia. Chủ đề thứ tư của cuốn sách là sự nổi lên một quốc gia có nhiều quyền hành rộng lớn hơn, và một loạt mục tiêu mới, gồm cả quyết tâm lập nên quyền công dân chung cho cả nước, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả công dân Mỹ bất kể màu da.
Từ những yêu sách thời kỳ chiến tranh, tình trạng hoạt động xã hội thôi thúc cải cách có gốc rễ ăn sâu vào các chính sách thời hậu chiến. Và cuộc Tái thiết dẫn tới nhiều thay đổi về luật pháp và trong Hiến Pháp, thay đổi các quan hệ giữa Liên bang và các tiểu bang và xác định lại ý nghĩa quyền công dân Hoa Kỳ. Nhưng vì những điều này đe dọa tính tự chủ truyền thông của các tiểu bang, sản sinh ra tệ nạn tham nhũng chính trị có liên quan đến những quyền mới của NDĐ, nên gặp phải sự chống đối và như vậy làm suy giảm hậu thuẫn cho công cuộc Tái thiết.
Cuối cùng, nghiên cứu này có xem xét ảnh hưởng của nền kinh tế và cấu trúc giai cấp ở miền Bắc đến Tái thiết. Cuộc Tái thiết miền Bắc ít được chú ý đến so với cuộc Tái thiết ở miền Nam. Điều này cho thấy ít có tư liệu lịch sử về cơ cấu chính trị xã hội của toàn miền
trong những năm này. Dù sao, chúng ta không thể hiểu rõ cuộc Tái thiết nếu không tìm hiểu trong phạm vi miền Bắc và cả nước. Báo cáo về công cuộc Tái thiết được bắt đầu từ năm 1863 lúc bản Tuyên Bố về Giải Nô được ban hành, không phải là từ năm 1865. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp hai chủ đề chính của công trình nghiên cứu này - hoạt động của thường dân da đen và tình trạng quốc gia mới được trao quyền - để cho thấy Tái thiết không ở một thời gian nhất định, mà là sự khởi đầu của một tiến trình lịch sử lâu dài: sự thích nghi xã hội Mỹ với việc chấm dứt chế độ nô lệ. Sự phá bỏ định chế trọng tâm về đời sống ở miền Nam trước chiến tranh đã vĩnh viễn biến đổi tính chất của cuộc chiến và đưa đến những xung đột và tranh luận có ảnh hưởng sâu rộng về vai trò những người nô lệ cũ và con cháu họ trong đời sống người dân Mỹ, và ý nghĩa của sự tự do họ đã giành được. Đây là những vấn đề cuộc Tái thiết phải thường xuyên giải quyết.
1
THẾ GIỚI DO CHIẾN TRANH TẠO DỰNG
❖ SỰ RA ĐỜI CHÍNH SÁCH GIẢI PHÓNG NÔ LỆ
N
gày 1 tháng 1 năm 1863, mặt trời rực rỡ chiếu trên bầu trời không một bóng mây của thủ đô Washington, D. C. Sau nhiều ngày bão tuyết thổi qua toàn vùng duyên hải phía dông của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Tại Tòa Bạch Ốc, hầu như suốt ngày Tổng thống Abraham Lincoln chỉ bận tiếp khách đến chúc mừng năm mới. Cuối cùng vào lúc chiều tối, Tổng thống lui về văn phòng để ký một văn kiện rất quan trọng, Bản Tuyên bố trả tự do cho người nô lệ, gọi tắt là Tuyên bố giải phóng nô lệ. Đối tượng của bản tuyên bố này gồm trên ba triệu người nô lệ. Đàn ông, đàn bà và trẻ em được tuyên bố “kể từ nay được tự do”, không kể khoảng 450.000 nô lệ ở các tiểu bang trung thành với Chính phủ Liên bang là các bang Delaware, Kentucky, Maryland và Missouri cùng 275.000 nô lệ tại tiểu bang Tennessee do quân đội Liên bang chiếm đóng và hàng chục nghìn nô lệ khác ở rải rác trên các vùng quân đội Liên bang kiểm soát tại hai tiểu bang Louisiana và Virginia.
Gần hai thế kỷ rưỡi qua đi kể từ ngày 20 người nam và nữ da đen đầu tiên được tàu Hà Lan đưa đến bang Virginia. Từ những hạt giống bé xíu này đã nảy sinh những chùm quả độc của hiện tượng nô lệ trên các đồn điền. Ngay cả khi hiện tượng nô lệ như là sự phỉ báng cho một quốc gia chủ trương tự do và bình đẳng, lao động của nô lệ đã góp phần đáng kể cho sự phát triển nhanh chóng của nền cộng hòa non trẻ, mở mang về phía Tây, sản xuất bông vải là tiền đề của cuộc cách mạng công nghiệp ở thời kỳ đầu. Vấn đề nô lệ đã gây chia rẽ giữa các tôn giáo, cắt đứt các mối ràng buộc về chính trị giữa các khu vực và cuối cùng làm tan rã những mối quan hệ trong Liên bang. Trên nguyên tắc chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa nô lệ, một đảng chính trị mới đã lên nắm quyền hành vào những năm 1850, đưa vào Nhà Trắng một người con của một bang chủ trương giải phóng nô lệ là bang Kentucky, nhưng người này đã lớn lên trên các cánh đồng của bang Illinois tự do (không có nô lệ); ông cho rằng Hoa Kỳ không thể tồn tại mãi với phân nửa đất nước có nô lệ và phân nửa kia là người tự do. Trong cuộc khủng hoảng sau khi Lincoln thắng cử, 11 tiểu bang theo chủ trương nô lệ ly khai, rút khỏi Liên bang, dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu nhất từ trước đến giờ tại Tây bán cầu vào năm 1861.
Bản Tuyên bố giải phóng nô lệ không những là đỉnh cao của nhiều thập kỷ đấu tranh mà còn gợi lên những quan điểm của đạo Thiên Chúa về một thời đại tiến bộ không giới hạn cho một quốc gia cuối cùng vừa gột sạch tội lỗi của chế độ nô lệ. Ngay cả những nhà biên tập của tờ The New York Times cũng phải viết đây là bước ngoặt trong đời sống người Mỹ, “một thời đại trong lịch sử… của đất
nước này và cả thế giới”. Vì, “trả tự do cho người nô lệ” có ý nghĩa nhiều hơn việc chấm dứt một chế độ lao động, nhiều hơn cả việc xóa bỏ không bồi thường hệ thống tập trung tài sản tư hữu lớn nhất của quốc gia. Nổ ra với mục đích bảo toàn Liên bang, cuộc nội chiến giờ đây đem lại những đổi thay sâu rộng trong cuộc sống ở miền Nam và xác định lại vị thế người da đen trong xã hội Mỹ cùng ý nghĩa xác thực nhất của tự do trong nền cộng hòa Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hiểu theo một nghĩa khác thì bản Tuyên bố chỉ công nhận cái đã xảy ra trong các nông trại và đồn điền ở miền Nam. Như có người nói, chiến tranh là bà đỡ cho cuộc cách mạng, chế độ nô lệ đã bắt đầu phân hủy từ trước năm 1863. Khi quân đội Liên bang chiếm đóng các phần đất ngoại vi phe (nổi dậy) Liên minh miền Nam, hàng ngàn người nô lệ da đen đầu tiên là từ bang Virginia sau đến bang Tennessee, Louisiana và nhiều nơi khác, đã lũ lượt kéo nhau qua phía chiến tuyến của quân đội Liên bang. Ngay ở trung tâm của Liên minh miền Nam, cuộc xung đột làm suy yếu “thể chế lạ kỳ” của miền Nam. “Sự bắt ép thanh niên da trắng gia nhập quân đội đã buộc vợ con họ cùng những người già cả ốm yếu tật nguyền phải trông nom việc đồng áng, quyền uy của họ bị chính những người nô lệ coi thường. Ngày càng có nhiều báo cáo về tình trạng mất tinh thần và hành vi bất phục tùng (của người nô lệ) khắp nơi toàn miền Nam.
Nhưng nhìn chung, chính việc quân đội Liên bang đến chiếm đóng làm tan rã chế độ nô lệ vì người da đen nhanh chóng hiểu ra rằng sự hiện diện của lính chiếm đóng làm mất đi quyền lực áp bức của cá nhân người chủ và cộng đồng chủ nhân các nô lệ. Tại đồn
điền Magnolia ở bang Lousiana, quân đội Liên bang đến chiếm đóng năm 1862 đã gây ra vụ đình công, và tệ hại hơn: “… chẳng những đám nô lệ da đen từ chối làm việc mà chúng còn dựng những giá treo cổ ở các khu, nói rằng được lệnh đuổi cổ chủ nhân khỏi đồn điền, treo cổ họ thì sẽ được tự do”. Một nhà báo phương Bắc đã viết như sau vào năm 1862: “Chế độ nô lệ ở bang Louisiana đã biến mất vĩnh viễn và sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, bất kể ngài Lincoln hay một người nào khác có nói gì chăng nữa về đề tài này”.
Theo lời kể của W.E.B. Du Bois: “Trong khi chính phủ Hoa Kỳ chỉ chậm chạp lúng túng làm theo yêu cầu của người nô lệ da đen”. Chính quyết tâm của người nô lệ nắm lấy thời cơ do chiến tranh tạo ra đã gây bối rối cho chính quyền Lincoln và là gánh nặng cho quân đội Liên bang. Trong bài phát biểu tại buổi lễ đăng quang nhiệm kỳ (Tổng thống) lần thứ nhì Lincoln thừa nhận chế độ nô lệ “dù sao” cũng là nguyên nhân gây ra chiến tranh. Nhưng ông cũng hiểu tầm quan trọng sống còn của việc giữ lại trong Liên bang các bang vùng ven có chế độ nô lệ, giành được sự ủng hộ của đa số cử tri ở phương Bắc, và việc làm suy yếu Liên minh miền Nam bằng cách hứa hẹn với những người miền Nam còn do dự khả năng tái hội nhập Liên bang cùng với tài sản nguyên vẹn kể cả nô lệ. Năm 1861, chính sự phục hưng Liên bang chứ không phải bản Tuyên bố đã đem lại sự cổ vũ rộng khắp cho các nỗ lực chiến tranh.
Tuy vậy, khi Liên minh miền Nam bắt nô lệ làm lao công chiến trường và sự hiện diện của quân đội Liên bang khiến người nô lệ ồ ạt rời bỏ các đồn điền thì chính sách đầu đã tỏ ra thất bại. Ngày càng có nhiều vị chỉ huy quân đội chấp nhận kế hoạch do Tướng
Benjamin F. Butler khởi xướng tại bang Virginia, sử dụng những nô lệ chạy trốn làm lao công trong các đạo binh của Liên bang, gọi họ là “đào tẩu chiến tranh”. Đồng thời những người theo chủ nghĩa bãi nô và các đảng viên Cộng hòa cấp tiến thừa nhận sự ly khai (của các bang miền Nam) là cơ hội ngàn vàng để tiêu diệt chế độ nô lệ. Sự công khai ủng hộ của những nhóm này đặt ra câu hỏi về mục đích tối thượng của sự tranh chấp trước đường lối chính trị của miền Bắc.
Mục tin thời sự thường nêu ra những bước thủ tiêu chế độ nô lệ của Quốc hội và Tổng thống. Tháng 3 năm 1862, Quốc hội thông qua điều luật cấm quân đội không được trao trả những kẻ chạy trốn về cho chủ cũ. Quận Columbia và các vùng lãnh thổ tiến tới bãi bỏ chế độ nô lệ (có bồi thường cho những chủ nhân trung thành với Liên bang), sau đó là Luật tịch thu thứ hai, giải phóng những người nô lệ sống trên vùng đất quân đội Liên bang chiếm đóng hoặc đã chạy đến vùng đất của Liên bang nếu người chủ cũ bất trung thành (với Liên bang). Cuối cùng vào tháng 9 (1862) Bản Tuyên bố tạm thời bãi bỏ nô lệ ra đời, và ngày 1 tháng 1 năm 1863, nghị định cuối cùng được ban hành, thể hiện một bước ngoặt trong đường lối chính sách quốc gia đồng thời về tính chất của cuộc chiến. Thật ra, nó đã biến cuộc chiến giữa các đạo binh thành cuộc tranh chấp giữa các thành phần xã hội. Tháng 12 năm 1861, Lincoln đã nhắc nhở Quốc hội đừng để cuộc nội chiến trở thành “cuộc đấu tranh cách mạng bạo tàn không chút hối hận”. Bản Tuyên bố giải phóng nô lệ đã nói rõ đúng ý nghĩa của nó.
Trong bản Tuyên bố có ít điều khoản cần thiết nói về việc thực thi thủ tiêu chế độ nô lệ mà chỉ đề cập nhiều đến sự thu nhận ồ ạt dân da đen vào quân đội. Đến ngày cuộc nội chiến chấm dứt đã có khoảng 180.000 người da đen phục vụ trong quân đội Liên bang. Đông nhất là từ những tiểu bang vùng ven vì đối với những nô lệ ở vùng này con đường duy nhất dẫn đến tự do là gia nhập quân đội Liên bang.
Mặc dù bị buộc trong biên chế những đơn vị riêng toàn người da đen dưới sự chỉ huy của sĩ quan da trắng và lĩnh lương ít hơn lính da trắng, các binh sĩ da đen giữ vai trò cốt yếu để chiến thắng cuộc nội chiến đồng thời xác định những hậu quả của cuộc chiến. Năm 1864 một vị nghị sĩ quốc hội nhận xét “kết quả hợp lý” từ việc tham gia quân đội của người da đen là “từ nay về sau người da đen đảm nhiệm một quy chế mới trong chúng ta”. Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, nhiều nhóm người da đen được đối xử bình đẳng trước luật pháp, ít nhất là luật pháp quân sự. Cũng trong quân đội mà rất nhiều người nô lệ trước đây được học đọc, học viết, dưới sự dạy dỗ bởi các giáo viên các tổ chức cứu trợ xã hội của miền Bắc thuê mướn hoặc trong các lớp học và hội đoàn giáo dục do chính các binh sĩ tổ chức và tài trợ. Đối với những ai có tài năng và tham vọng, quân đội đã thật sự mở rộng cửa để họ thăng tiến và được kính trọng. Từ trong quân đội đã xuất hiện nhiều chính trị gia da đen trong thời kỳ tái thiết, bao gồm ít nhất 41 đại biểu trong các kỳ đại hội hiến pháp của tiểu bang, 60 nhà lập pháp, ba phó thống đốc tiểu bang, và bốn vị dân biểu Quốc hội. Theo thời gian, những đóng góp to lớn của người da đen cho Liên bang trong cuộc nội chiến cũng dần phai mờ
trong tâm trí mọi người nhưng nó vẫn tồn tại trong nhận thức của cộng đồng về lịch sử của đất nước. Một chủ nông trại ở bang Alabama nhận xét vào năm 1867: “Thiên hạ nói bọn Yankee không thể thắng được miền Nam nếu không được bọn da đen trợ giúp”. Đây là điểm mấu chốt chứng tỏ người da đen có quyền đòi sự bình đẳng về quyền công dân trong thời kỳ tái thiết.
Đối với những người ủng hộ “thể chế kỳ lạ” của miền Nam thì cuộc nội chiến là một thời kỳ khủng khiếp có thật. Những người nhạy cảm nhất trong số họ nhận thức rằng chưa bao giờ họ biết rõ những kẻ nô lệ của mình. “Tôi đã tưởng là chúng sống hạnh phúc, thỏa mãn và gắn kết với chủ”, một chủ nông trại trồng lúa ở bang Nam Carolina, A.L.
Taveau phân bua chỉ hai tháng sau ngày chiến tranh kết thúc. Nếu đúng là vậy thì tại sao những người nô lệ đã bỏ chủ “đúng lúc (người chủ) cần tới họ để chạy sang chiến tuyến của kẻ địch mà họ chẳng hề quen biết?” Giờ thì Taveau đã hiểu ra: dân da đen đã từ bao thế hệ đã qua trông đợi “Con người đem lại tự do cho mọi người”.
❖ MẶT TRONG CỦA CUỘC NỘI CHIẾN
Giống như một trận động đất dữ dội, cuộc nội chiến và sự tiêu hủy chế độ nô lệ đã vĩnh viễn thay đổi bộ mặt đời sống ở miền Nam, để lộ những vết rạn nứt sâu rộng ngay dưới bề mặt. Xã hội da trắng cũng đổi thay không kém gì xã hội của người da đen, và những hận thù truyền thống trở nên kịch liệt hơn, những tranh chấp lâu đời đều thay đổi ý nghĩa, và nhiều nhóm có ý thức chính trị ra đời.
Từ những ngày đầu định cư chưa bao giờ thấy miền Nam hoàn toàn là dân da trắng, và đến thế kỷ 19, toàn vùng được chia ra thành những khu vực kinh tế chính trị rất khác biệt. Vành đai trồng trọt bao gồm những phần đất màu mỡ phương Nam đã giúp phát triển nông nghiệp hội nhập với thị trường thế giới bằng những nông sản như bông vải, lúa gạo, đường và thuốc lá. Vùng này chứa số đông những dân nô lệ cùng với các nhà trồng trọt là những người thống trị xã hội và chính trị miền Nam, nắm trong tay phần lớn của cải và tài nguyên kinh tế trong vùng. Một số dân da trắng miền Nam sinh sống trong các vùng sâu, vùng xa hoặc vùng cao, là nơi những chủ nông trại nhỏ và người chăn nuôi gia súc không có hoặc có rất ít nô lệ; họ làm nông nghiệp, chủ yếu là đa canh để tự cung tự cấp về mặt lương thực thực phẩm. Vùng cao nội địa bao gồm xứ Piedmont, nơi có nhiều người nô lệ, và các vùng đồi núi có những cộng đồng nhỏ người da trắng sống cách biệt khỏi các phần đất phía Nam. Đa số những gia đình người dân ở đây chỉ biết canh tác để tự cung tự cấp; họ tự lao động, không thuê mướn hay sử dụng nô lệ.
Tại miền Nam, các bang ở vùng ven không theo những phương thức canh tác chuyên biệt. Vùng núi Appalachian phía Nam bao la với vẻ đẹp cực kỳ trải dài từ phía tây bang Virginia qua một phần của các bang Kentucky, Tennessee, Bắc Carolina, Georgia, và Alabama. Vùng trồng bông vải với nhiều đồn điền sử dụng nô lệ trải từ phía tây các bang Carolina qua bang Louisiana và Đông Texas. Toàn vùng phía tây bang Tennessee có nhiều đồn điền bông vải; vùng ở giữa có những nông trại trung bình trồng bắp và nuôi thú để
bán cho các chợ. Về phía đông là đồi núi với các hộ gia đình canh tác để tự nuôi thân, không có hoặc có rất ít nô lệ.
Ở cả hai bang Mississippi và Nam Carolina nhiều chủ nông trại nhỏ có nuôi một hay hai nô lệ, và ngay cả vùng núi cao cũng có nô lệ làm việc trong các gia đình quyền quý; họ là những điền chủ, những nhà chuyên môn, nhà buôn và nhà kinh doanh tỉnh lẻ. Bên ngoài vành đai canh tác nông nghiệp đa số các điền chủ có rất ít tài sản kinh tế. Vậy mà chế độ nô lệ đã ảnh hưởng đến xã hội toàn miền Nam, và cả cư dân miền núi cũng đồng tình với các điền chủ về vấn đề này, trước hết là uy thế của người da trắng. Chừng nào vấn đề nô lệ và thông lệ của các chủ đồn điền không đụng chạm đến quyền lợi các nhà nông và tính độc lập của địa phương thì mọi mâu thuẫn giữa người da trắng với nhau cũng chỉ ở dạng tiềm ẩn.
Chính vì khủng hoảng do sự ly khai và cuộc nội chiến đã làm cho đại đa số những nông dân hay tiểu điền chủ ý thức rằng họ cũng là một giai cấp chính trị. Cuộc bầu cử đại biểu ở các hội nghị về ly khai mùa đông 1860-1861 có nhiều người thuộc thành phần này chống lại việc ly khai. Khi chiến tranh bùng nổ, đa số dân cư vùng cao, nội địa theo phe Liên minh miền Nam. Nhưng ngay từ lúc đầu, tại vùng núi phía Nam sự không trung thành đã chín muồi. Các quận, hạt phía tây bang Virginia tự động tách khỏi tiểu bang năm 1861 và chỉ hai năm sau gia nhập Liên bang như là một bang mới. Ở phía đông bang Tennessee, do từ lâu sống xa cách, hàng ngàn người đã băng qua các dãy núi để đến với quân đội Liên bang. Nhiều hội đoàn kín từ miền Bắc nở rộ trong vùng núi Ozark ở phía bắc bang Arkansas. Trên 8.000 người dân nơi đây đã gia nhập quân đội Liên bang.
Sự bất mãn lớn dần trong dân chúng sống ngoài vùng núi. Không phải chỉ vì lòng trung thành với Liên bang mà còn vì tác động của chiến tranh và các đường lối chính sách của Liên minh miền Nam mà tình cảm hòa bình và tranh chấp xã hội ngày một gia tăng. Trong mọi xã hội chiến tranh đòi hỏi hy sinh nhưng ai cũng muốn sự hy sinh này phải đồng đều. Nhưng chính quyền Liên minh miền Nam thì lại thiên vị đối với giai cấp điền chủ. Chế độ nô lệ tan rã buộc chính quyền Liên minh miền Nam đưa ra những chính sách duy trì thể chế và những chính sách này làm chia rẽ xã hội người da trắng.
Tiểu điền chủ và người làm công tại các bang phía Nam cảm nghĩ rằng các chủ đồn điền ít đóng góp cho cuộc chiến. Người ở vùng cao, nội địa, cho rằng mình bị buộc đóng quá nhiều thuế; đặc biệt họ than phiền về thuế trên hiện vật và đặc quyền dành cho sĩ quan quân đội tịch thu lương thực thực phẩm để nuôi quân. Suốt thời kỳ chiến tranh, hàng ngàn gia đình sống trong vùng cao, nội địa, nhất là những gia đình có người phục vụ trong quân đội lâm cảnh nghèo đói. Dân chúng ở các bang Virginia và Nam Carolina nổi loạn để cướp lương thực. Tại hạt Randolph, bang Alabama, nhiều đám đông phụ nữ xông vào cướp các kho chứa bắp của chính phủ “để gia đình khỏi chết đói”. Nhưng trên hết chính sách cưỡng bức tòng quân đã gây bất mãn lớn trong giới làm công và tiểu điền chủ: họ cho rằng cuộc chiến giành độc lập cho miền Nam là cuộc “chiến tranh của nhà giàu nhưng người nghèo phải đánh nhau”. Đầu năm 1862, Liên minh miền Nam đưa ra luật cưỡng bức tòng quân đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, gồm những quy định cho phép người bị gọi nhập ngũ được dùng người thay thế, và một người da trắng
mạnh khỏe có thể được thay thế bởi 20 nô lệ da đen. Chính cái kiểu “luật lệ theo giai cấp” này đã làm cho dân chúng vùng cao, nội địa tức giận, vì giá cả thuê người thay thế cứ leo thang vùn vụt, vượt khả năng của nhiều gia đình da trắng. Trong khi đó các đồn điền giàu có thì luôn có sẵn các nô lệ để thay thế cho con em họ khỏi phải làm nghĩa vụ quân sự.
Tại nhiều vùng nội địa rộng lớn phía Nam, sự thất vọng, trốn tránh nghĩa vụ đã dần thay thế cho nhiệt tình ban đầu đối với cuộc chiến và cuối cùng dân chúng đã tỏ sự chống đối chính quyền Liên minh miền Nam; đây là một cuộc nội chiến trong lòng cuộc nội chiến. Đến khi chiến tranh kết thúc, đã có khoảng 100 ngàn người đào ngũ; như một sĩ quan nhận xét, “họ toàn là những người thuộc tầng lớp nghèo, không nuôi nô lệ, dùng chính sức lao động của mình để sinh sống và nuôi gia đình”. Tại miền trung và miền tây bang Bắc Carolina, nơi mà dân da trắng lúc mới xảy ra các tranh chấp đã từng ủng hộ hết mình Liên minh miền Nam - khoảng 10.000 người đã được phong danh hiệu “Anh hùng nước Mỹ” - có một đường “xe lửa ngầm” dùng để giúp binh lính Liên bang đi lạc thoát về với đơn vị của mình.
Hơn bao giờ hết, phần đất cao, nội địa phương Nam tự chia rẽ từ 1861 đến 1865. Những người dân thường, làm công, tiểu điền chủ giúp đỡ cả những binh sĩ của Liên minh miền Nam lẫn những lính đào ngũ, trốn quân dịch. Những vùng nội địa các bang Tennessee, Alabama và Mississippi vì nằm trên các giao lộ chiến lược quân sự hai bên qua lại thường xuyên nên đã trở nên hoang tàn. Ở những nơi khác, các toán lính đào ngũ xâm nhập đồn điền,
nông trại, xưởng của những người có cảm tình với chế độ miền Nam để cướp bóc gia súc, phá hại mùa màng trong khi binh lính quân đội và dân quân Liên minh miền Nam chuyên đi phá phách và săn đuổi những gia đình ủng hộ Liên bang. Trong cuộc “nội chiến trong lòng nội chiến” cả hai phía đều phạm các tội ác tàn bạo nhưng vì vùng nội địa thuộc quyền kiểm soát của Liên minh miền Nam nên những người theo Liên bang bị tổn thương nhiều nhất, ở vùng phía đông bang Tennessee, hàng trăm người bị tòa án quân sự bắt giam, của cải của họ bị tịch thu “để bần cùng hóa những kẻ nghèo đói”.
Như thế, chiến tranh đã vẽ lại bản đồ kinh tế chính trị của miền Nam thuộc dân da trắng. Sự tàn phá bởi chiến tranh và các đường lối chính sách của Liên minh miền Nam đã đẩy vùng nội địa miền Nam vào cảnh nghèo đói tồi tệ, từ đây đe dọa sự độc lập về kinh tế của người làm công, tiểu chủ và mở đường cho sự bành trướng của ngành trồng bông vải và thuê mướn lao công. Chiến tranh đã chấm dứt tình trạng cô lập của các vùng đất nội địa, làm suy yếu tính địa phương nhưng khơi dậy tính tự giác về chính trị. Từ sự chống đối của những người ủng hộ Liên bang xuất hiện những chính trị gia da trắng lỗi lạc nhất thuộc đảng Cộng hòa, những nhà lãnh đạo thời kỳ tái thiết. Phải kể đến những vị thống đốc của miền Nam thuộc đảng Cộng hòa như Edmund J. Davis, trong chiến tranh đã gây dựng đội Kỵ binh Texas số 1 cho quân đội Liên bang; William W. Holden, người tuy thất bại trong cuộc bầu cử thống đốc bang Bắc Carolina năm 1864 nhưng là rường cột của chủ nghĩa cộng hòa trong tiểu bang; và William G. Brownlow, một mục sư Tin Lành và chủ báo ở Knoxville đã có những bài phát biểu nảy lửa ở miền Bắc chống lại
Liên minh miền Nam. Những vùng khác như Đông Tennessee và miền Tây bang Bắc Carolina cùng những hạt riêng lẻ vùng đồi núi nhiều bang khác cũng đều theo đảng Cộng hòa từ sau chiến tranh và trở thành những thành trì của đảng này đến tận thế kỷ 20. Tuy nhiên, lòng trung thành của họ lúc đầu với Liên bang sau là đảng Cộng hòa không có nghĩa là họ chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ ( mặc dù trong chiến tranh họ sẵn sàng “hy sinh” từ bỏ nô lệ để bảo vệ Liên bang) và thăng tiến quyền lợi của người da đen. Nhà báo phương Bắc Sidney Andrews mùa thu năm 1865 viết: “Chủ nghĩa liên bang ở vùng nội địa trước hết dựa trên sự căm ghét những kẻ phản loạn cùng một số người thuộc giai cấp thống trị đã đem lại tàn phá do chiến tranh cho toàn vùng”.
❖ SỰ ĐỔI THAY Ở MIỀN BẮC
Đối với Liên bang, cuộc nội chiến cũng là thời điểm để thay đổi. Các tiểu bang phương Bắc tuy không phải trải qua cuộc cách mạng nào nhưng cũng đã bị ảnh hưởng nhiều của cuộc chiến. Các chính sách của chính phủ Liên bang với quyền lực ngày càng to lớn trong suốt cuộc chiến đã tạo ra những vận hội kinh tế chưa từng có cho một số người nhưng lại khiến những người khác chống đối. Giống như ở miền Nam, người miền Bắc cũng có những phản ứng khác nhau đối với cuộc nội chiến và hậu quả dẫn đến sự phân chia về giai cấp, chủng tộc và xu hướng chính trị; họ cũng ít nhiều bị cuộc chiến thay đổi.
Nếu cuộc nội chiến đã tàn phá kinh tế miền Nam thì ngược lại nó đã đem lại sự phồn thịnh chưa từng có cho miền Bắc. Hỏa xa phát triển nhanh chóng nhờ nhu cầu vận chuyển quân và các khí tài và
nhất là khi giao thông trên sông Mississippi bị gián đoạn. Do nhu cầu của quân đội, kỹ nghệ chế biến đóng gói thịt phát triển. Thành phố Chicago trở thành trung tâm của ngành đường sắt và lò mổ thịt, phát triển nhanh về dân số, xây dựng, ngân hàng và sản xuất công nghiệp. Đến năm 1865 Chicago đã là trung tâm thương mại hàng đầu của miền Trung Tây (Midwest). Các nhà máy dệt may ở các tiểu bang vùng New England (Đông Bắc Hoa Kỳ) và vùng Mid-Atlantic làm việc ngày đêm để cung cấp chăn mền và quần áo cho quân đội, thu về những khoản lợi nhuận kếch xù. Nông nghiệp cũng phát triển, cho dù nhiều thanh niên ở các nông trại bị gọi nhập ngũ nhưng nhờ có máy móc và dân nhập cư thay thế nên các vùng trồng trọt được mở rộng về phía Tây.
Nhiều sự đổi thay sâu sắc về cấu trúc diễn ra cùng lúc kinh tế miền Bắc phát triển trong thời chiến. Chiến tranh đã thúc đẩy sự hình thành giai cấp tư sản công nghiệp Mỹ, gắn kết tài sản của giai cấp này với đảng Cộng hòa và Nhà nước Liên bang. Ngoài những khoản lợi nhuận từ các hợp đồng kinh tế của chính phủ, Quốc hội còn đưa ra những chính sách xúc tiến phát triển công nghiệp xa hơn nữa và đã vĩnh viễn thay đổi điều kiện tích lũy vốn. Để huy động các nguồn tài chính của Liên bang, chính phủ phát hành tiền giấy, một món nợ quốc gia khổng lồ cùng cho ra đời một hệ thống Ngân hàng quốc gia. Để huy động vốn ngân sách, chính phủ tăng thuế suất và đặt thêm thuế khóa mới trên hầu hết các ngành sản xuất và tiêu thụ. Để bù đắp số lao động phải nhập ngũ, một cơ quan trung ương được đặt ra khuyến khích di dân nhập cư bằng những hợp đồng lao động. Nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, đạo luật cấp đất
để định canh định cư (Homestead Act) được ban hành theo đó dân di cư được cấp đất công, và đạo luật cấp đất mở trường (Land Grant College Act) khuyến khích các bang mở trường đại học nông nghiệp và cơ khí. Và để củng cố thêm cho Liên bang, Quốc hội mạnh tay, cấp đất và cấp công khố phiếu cho việc mở mang trong nước, đặc biệt cho ngành hỏa xa xuyên lục địa. Năm 1869, đường sắt được mở sang phía Tây, mở rộng thị trường cả nước và đưa vốn đầu tư sang miền Tây, báo trước sự diệt vong của thổ dân Da Đỏ đang sống trên vùng đồng bằng rộng lớn miền Trung Tây Hoa Kỳ. Các chính sách của Liên bang thể hiện tinh thần tích cực phát triển kinh tế không hề thấy trong những năm trước nội chiến.
Chính phủ Liên bang mở rộng quyền hành đồng thời phân cấp nền kinh tế và chế độ quản lý từng mảnh; những biện pháp này dẫn đến việc hình thành quốc gia Hoa Kỳ hiện đại. Trước ngày xảy ra nội chiến chính quyền Liên bang hầu như hoàn toàn không có quyền lực. Tất cả công việc của chính phủ đều được giải quyết tại tiểu bang và ở cấp địa phương; có thể suốt cả đời người dân không gặp một ai là viên chức chính phủ trung ương. Nhưng rồi những yêu cầu của chiến tranh đòi hỏi phải có một chính phủ mới, như lời Thượng nghị sĩ George S. Boutwell nói sau này. Chính phủ mới có nhiều trách nhiệm, ngân sách và bộ máy hành chính to lớn hơn. Năm 1860, quân đội Liên bang có khoảng 16.000 quân nhân các cấp nhưng sau khi cuộc chiến nổ ra, chính phủ đã gọi nhập ngũ, huấn luyện, trang bị và phối hợp công tác của hằng triệu người. Ngân sách Liên bang tăng vọt từ 63 triệu đô la năm 1860 lên trên một tỷ đô la năm 1865. Khi chiến tranh chấm dứt đã có 53.000 người làm
việc cho chính phủ trung ương kể cả những nhân viên hải quan, thuế vụ. Chính phủ Liên bang mặc nhiên trở thành người tuyển dụng lớn nhất nước.
Đặc biệt sau ngày công bố Bản Tuyên bố giải phóng, quyền lực chính phủ trung ương được củng cố thêm ý nghĩa đạo đức. Những người Cộng hòa tán dương sự trưởng thành nhanh chóng của chính quyền trung ương, xem đây là kết quả bổ ích nhất của chiến tranh. Thượng nghị sĩ John Sherman tuyên bố: “Chính sách của đất nước này cần phải biến mọi thứ thành của quốc gia, quốc hữu hóa đất nước để chúng ta yêu đất nước của chúng ta”. Tại Quốc hội, các đảng viên Cộng hòa cấp tiến đều chấp nhận theo chủ nghĩa yêu nước tự do của Sherman. Theo họ, đất nước là nhà bảo trợ cho sự tự do; có người đã đặt ra câu hỏi có nên duy trì “chế độ tiểu bang” hay không. Cuộc chiến chứng minh rằng tự do dễ bị hạn chế bởi các nhà cầm quyền ở tiểu bang hơn là ở cấp quốc gia. Tờ The Nation (Dân tộc), tạp chí thành lập năm 1865 bởi những người chủ trương bãi bỏ nô lệ, đã viết trong số 2:
“Chiến tranh xảy ra đánh dấu thời kỳ củng cố đất nước dưới hình thức dân chủ… Tính chất duy nhất về mặt lịch sử, chính trị và lãnh thổ của tổ quốc đã được phê chuẩn bằng chính máu của các công dân… Vấn đề hàng đầu của chiến tranh là sự chọn lựa giữa một đất nước duy nhất, không chia cắt với một liên minh lỏng lẻo, dễ thay đổi của những tiểu bang độc lập.”
Điều chưa từng xảy ra là chiến tranh đã huy động mọi nguồn lực của các nhà cải cách phương Bắc. Đặc biệt là phụ nữ, họ như là có động cơ thúc đẩy tự nguyện làm nhiều việc, chủ yếu là làm việc cho ủy ban Y tế Hoa Kỳ là cơ quan chuyên lo về cứu thương cho binh sĩ,
và phong trào cứu trợ người được giải phóng. Mặc dù phái nam nắm giữ quyền chỉ huy cao nhất của những tổ chức này, phái nữ qua các năm chiến tranh cũng dần dà quan tâm nhiều hơn đến những biến cố trong xã hội và có ý thức về độc lập và thành quả trong khi họ sẵn sàng lao vào công việc huấn luyện ngay trong tổ chức của mình. Tuy những bực tức lo âu về thuế khóa trước ngày chiến tranh nổ ra có phần lắng dịu, phụ nữ giờ đây tin rằng mình có quyền bầu cử, xem như một sự thừa nhận những đóng góp của họ cho chiến thắng của Liên bang và bãi bỏ chế độ nô lệ.
Chiến tranh cũng đem lại chút hy vọng về một sự đổi thay cho thiểu số người da đen tại các bang tự do. Năm 1860, dân số dân da đen ở miền Bắc không tới 250.000 người, dưới hai phần trăm dân số toàn miền; vậy mà họ cũng bị kỳ thị hầu như ở tất cả các bang: không có quyền bầu cử, không được tới trường và ở những nơi công cộng, và chỉ được lao động chân tay; họ sống chui rúc tại các khu ổ chuột, kém vệ sinh tại các thành phố lớn như New York, Philadelphia và Cincinnati. Cho tới năm 1850, dân da đen ở phương Bắc không dám nghĩ sẽ có cuộc sống bảo đảm và bình đẳng.
Cuộc nội chiến đã làm thay đổi đột ngột cách suy nghĩ của họ, từ sự bi quan của những năm 1850 sang một tinh thần yêu nước mới và niềm tin nơi một xã hội rộng mở. Ngay trước ngày có bản Tuyên bố giải phóng, một người da đen ở bang California đã tiên đoán cái ngày mới ấy cho dân da đen:
“Mọi sự cho thấy điều kiện sống của chúng ta rồi đây sẽ thay đổi; chúng ta phải chuẩn bị đón ngày ấy và có thái độ khác với cái chúng ta đã làm cho đến nay… Mối quan hệ của chúng ta với chính quyền này đang biến đổi từng ngày… Những sự việc
cũng như thành kiến cũ cũng đã qua. Cuộc cách mạng đã bắt đầu, và thời gian sẽ chứng minh nó sẽ đi đến đâu”.
Sự giải phóng càng làm người da đen gắn bó hơn với đất nước Hoa Kỳ. Frederick Douglas trong suốt cuộc đời chỉ cổ vũ cho cái mà một sử gia gọi là “Sự chống đối của người da den là một truyền thông vĩ đại” - ý tưởng cho rằng dân da đen là một bộ phận gắn kết của Hoa Kỳ, do vậy họ phải được hưởng các quyền và vận hội như những công dân da trắng. Giờ đây Douglas nổi lên như một người phát ngôn hàng đầu cho người da đen; ông được đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc; các bài diễn văn của ông được báo chí phương Bắc đăng tải. Trong suốt cuộc chiến, Douglas luôn kêu gọi sự giải phóng nô lệ phải dẫn đến việc chấm dứt kỳ thị các dân da màu, xây dựng bình đẳng trước pháp luật, và quyền bầu cử cho dân da đen - sự chấp nhận toàn diện và đầy đủ người da đen “vào cộng đồng vĩ đại của đất nước Hoa Kỳ”.
Cuộc chiến khích động người da đen tiến tới những lĩnh vực trước đó chỉ có người da trắng. Tháng 2 năm 1865, John S. Rock ở Boston trở thành luật sư da đen đầu tiên làm việc tại Tòa án Tối cao. Dần dà, rào cản về màu da bị tháo gỡ. Năm 1863, California là tiểu bang đầu tiên cho phép dùng nhân chứng người da đen trong các vụ xử án hình sự; đầu năm 1865, bang Illinois cho phép người da den được đến cư ngụ tại tiểu bang, làm nhân chứng trong các phiên tòa; bang Ohio bãi bỏ luật kỳ thị người da đen; bang Massachusetts sửa lại luật cho thoáng hơn đối với người da đen. Và tại những thành phố lớn như New York City, San Francisco, Cincinnati và Cleveland ngay từ thời kỳ chiến tranh người da đen đã được quyền
đi tàu điện. Những người chủ trương cải cách cho rằng đây là những bước tiến căn bản của một nền cộng hòa tái sinh từ trong chiến tranh. Tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp rõ ràng bảo đảm sự bình đẳng của người da đen trước pháp luật.
Đảng viên Cộng hòa đã đem vào cuộc chiến ý thức hệ dựa trên tính ưu việt của lao động tự do đối với lao động nô lệ, cho thấy ở miền Bắc lao động hưởng lương có cơ hội hưởng quy chế ngang với các tiểu điền chủ và thợ thủ công. Năm 1861, Lincoln đẩy cuộc đấu tranh cho ý thức hệ lao động tự do. Ông nhấn mạnh chế độ nô lệ chỉ kìm giữ người lao động luôn ở một trình độ không thay đổi. Ngược lại, ở miền Bắc “không có người lao động tự do nào bị gắn chặt với điều kiện làm công cố định… Họ cùng với gia đình làm việc cho bản thân mình tại các nông trại, trong xưởng, cửa hàng, hay gia đình; họ hưởng mọi thành quả lao động; họ không cần xin vốn hay thuê lao động hoặc nuôi nô lệ”. Đây là một tầm nhìn về xã hội đã trở nên lạc hậu do cuộc cách mạng công nghiệp và sự xuất hiện của giai cấp lao động hưởng lương thường xuyên. Thật vậy, ngay cả khi chiến tranh biện minh cho hệ tư tưởng lao động tự do, nó tăng cường những xu hướng làm thay đổi xã hội của những nhà sản xuất nhỏ. Wendell Philips, một người theo chủ trương bãi bỏ nô lệ, viết năm 1864: “Người nhỏ tuổi nhất trong chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy được cái nền cộng hòa đã có khi chúng ta sinh ra”.
Với Lincoln và hàng triệu người dân các thị trấn nhỏ và nông thôn (chiếm đa số tại các bang phía Bắc), ý thức hệ về lao động tự do có vẻ rất hợp lý. Với chiến thắng của miền Bắc trong cuộc nội chiến, ý thức hệ này lan rộng và trở thành chính sách của đảng
Cộng hòa và là đề tài bàn cãi của miền Nam thời hậu chiến. Triển vọng sắp tới là miền Nam sẽ có một lực lượng lao động tự do, dân chủ và giàu có, mô hình các nông trại nhỏ thay thế cho các đồn điền, vốn và di dân từ phương Bắc đổ về miền Nam. Và điều khiển sự biến đổi to tát này là một thể chế quốc gia nhân từ và mạnh mẽ. Chỉ hai ngày sau khi công bố Tuyên bố giải phóng nô lệ, một tờ báo chủ trương bãi bỏ nô lệ đã viết: “Thật khó có thể hình dung nổi sự quang vinh và sức mạnh của nền cộng hòa Mỹ. Tính vĩ đại của nó làm lu mờ cả thế giới”.
Như thế cuộc nội chiến đã củng cố chính quyền quốc gia qua việc giải phóng nô lệ và vì lợi ích của nhân loại đã xác định quốc gia là sự liên kết các nhóm và giai cấp trong xã hội. Sự hình thành của giai cấp tư sản công nghiệp, những người ủng hộ đảng Cộng hòa gồm cả nam lẫn nữ, và cộng đồng da đen ở phương Bắc đòi hỏi một tình hình mới trong đời sống người Mỹ với những đổi thay do chiến tranh đem lại. Nhưng những điều này lại khích động sự chống đối từ thời chiến. Sự giàu có của các kỹ nghệ gia và người nắm cổ phiếu trở nên nỗi bất công đối với các công nhân bị ảnh hưởng của hệ thống thuế má hà khắc và lạm phát. Tiến trình hình thành quốc gia gặp phải sự chống đối từ truyền thông về quyền tự trị của địa phương và văn hóa đa dạng. Ngay cả những biến đổi nhỏ cho người da đen phương Bắc - chưa nói tới những đổi thay do Tuyên bố giải phóng đem lại cũng gặp phải sự chống đối từ những người cổ vũ cho tính ưu việt của người da trắng.
Đảng Dân chủ, tổ chức bảo thủ nhất của thời đại, liên kết những tư tưởng chống lại các đổi thay từ cuộc nội chiến. Bị những người
Cộng hòa gán cho tội bất trung và không thể đưa ra chính sách khả dĩ thay thế cho đường lối của chính phủ Lincoln, đảng Dân chủ tồn tại nhờ những phong tục tập quán mà chiến tranh đe dọa phá bỏ. Sức mạnh lớn nhất của đảng Dân chủ tập trung ở thung lũng Ohio nơi có nhiều nông trại trồng hạt dẻ và rất gắn bó với miền Nam, các cộng đồng dân nhập cư theo Công giáo tại các đô thị, và những cử tri không ưa thích lối cải cách toàn diện có khuynh hướng đồng nhất văn hóa.
Để tập hợp những nhóm này, đảng Dân chủ từ những năm 1850 đưa ra lời kêu gọi chống lại đảng Cộng hòa vì đảng này cổ vũ cho những đặc quyền về kinh tế và nền chính trị tập trung, đe dọa quyền tự do cá nhân và truyền thông chính quyền có quyền lực giới hạn. Trong chiến tranh, đảng Dân chủ đưa ra chiêu bài kinh tế dựa trên sự bất bình đẳng về thuế khóa, giá biểu vận tải đường sắt cao, và sự trợ giúp của chính phủ Liên bang và tiểu bang cho các công ty tư nhân. Tính ưu việt của người da trắng là chiêu bài ý thức hệ cuối cùng của liên minh Dân chủ. Khi chiến tranh sắp chấm dứt, tờ Enquirer (Người tìm hiểu) ở Cincinnatti đưa tin: “Chế độ nô lệ đã chết; người da đen thì không. Đây chính là điều bất hạnh”.
Những yếu tố tạo nên sự chống đối chiến tranh và hậu quả của nó cùng xảy ra trong vài ngày khủng khiếp của tháng 7 năm 1863. Tại Thành phố New York nổ ra cuộc biểu tình chống lại lệnh gọi nhập ngũ, một cuộc xuống đường lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ ngoại trừ cuộc nổi dậy ở miền Nam. Tuy nhiên cuộc biểu tình này cũng nói lên sự lớn mạnh của giai cấp tư sản công nghiệp và đảng Cộng hòa bị xem như là người đã gây ra chiến tranh; có nhiều vụ
bạo loạn ác liệt xảy ra để phản đối Tuyên bố giải phóng nô lệ cùng những người chủ trương và người da đen.
Đoàn biểu tình lúc đầu tấn công phòng trình diện nhập ngũ, sau họ đập phá tất cả biểu tượng về trật tự mới do đảng Cộng hòa và cuộc nội chiến đề ra. Mục tiêu tấn công của các đám biểu tình gồm các viên chức chính phủ, các nhà máy và kho bãi, bến cảng, dinh thự các yếu nhân Cộng hòa giàu có, kể cả những biểu tượng tinh thần cải cách như Nhà giữ trẻ mồ côi da màu bị thiêu rụi. Cuộc bạo loạn nhanh chóng chuyển thành tàn sát chủng tộc; rất nhiều người da đen bị giết ngay trên đường phố hoặc phải chạy trốn vào khu Công viên Trung Tâm (Central Park) hay bơi qua sông ẩn náu tại bang New Jersey. Chỉ khi quân đội Liên bang chiến thắng trận Gettysburg trở về dẹp loạn thì trật tự mới được tái lập.
Tương tự như cuộc nội chiến tại miền Nam, sự nổi loạn chống lệnh cưỡng bức nhập ngũ cho thấy ở cả hai miền di sản của chiến tranh Nam Bắc đầy sự nhập nhằng. Liệu một xã hội đầy sự thù ghét chủng tộc có thể bảo đảm công lý cho người nô lệ được giải phóng? Liệu có thể biến đổi miền Nam theo khuôn mẫu miền Bắc trong khi miền Bắc lại đang chia rẽ vì những đổi thay do cuộc nội chiến gây ra không? Di sản đáng chú ý nhất của cuộc nội chiến chỉ là Liên bang được bảo tồn và nô lệ được giải phóng nhưng chúng đã đặt ra nhiều câu hỏi không trả lời được. Kết quả của chiến tranh là một thể chế quốc gia hùng mạnh hơn và ý tưởng lớn mạnh giữa những người Cộng hòa về quyền bình đẳng của người da đen. Bù lại một số hệ quả nảy sinh như chủ nghĩa địa phương, “mackeno” (mặc kệ nó,
không phải chuyện của mình), kỳ thị chủng tộc, những lực cản tồn tại trong đời sống người Mỹ ở thế kỷ 19.
Do vậy, có hai hệ thống xã hội, mỗi cái đều có chia rẽ nội bộ, cùng tồn tại và bước vào thời kỳ tái kiến thiết, cùng gặp vô số khó khăn do cuộc nội chiến để lại. Sidney Breese, một luật sư và chính trị gia ở bang Illinois nhận xét: Tất cả mọi người Mỹ “phải sống trong một thế giới mà cuộc nội chiến đã tạo thành”.
2
DIỄN TẬP CHO CUỘC TÁI THIẾT
❖ TÌNH TRẠNG KHÓ XỬ ĐỐI VỚI TÁI THIẾT TRONG THỜI CHIẾN T
rong những di sản cuộc nội chiến để lại không có cái nào lại gây chia rẽ lớn như một loạt câu hỏi về thực chất công cuộc tái kiến thiết đất nước. Với điều kiện nào để tái hội nhập Liên minh miền Nam với Liên bang? Ai là người sẽ đưa ra những điều kiện này, Quốc hội hay Tổng thống? Hệ thống lao động nào sẽ dùng để thay thế những người nô lệ trong các đồn điền? Dân da đen sẽ giữ vị thế nào trong đời sống chính trị xã hội của miền Nam và của cả nước? Nhưng có một kết luận chắc chắn nhất: một miền Nam được tái thiết
sẽ không còn chế độ nô lệ. Kết luận này cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Bản Tuyên bố giải phóng nô lệ đã hoàn toàn biến đổi chẳng những tính chất cuộc nội chiến mà còn vấn đề tái thiết. Bởi vì các bang ly khai ở miền Nam không thể có lại vị trí xưa kia mà không có những thay đổi sâu rộng về xã hội và chính trị. Nhưng phải mất gần một năm kể từ khi tuyên bố giải phóng nô lệ ra đời đến ngày Tổng thống Lincoln công bố chương trình toàn diện về tái thiết. Ngày 8 tháng 12 năm 1863 Lincoln ký Bản Tuyên bố ân xá và tái thiết theo
đó Nhà nước xóa bỏ toàn diện và phục hồi các quyền ngoại trừ quyền giữ nô lệ cho những ai tuyên thệ trung thành và cam kết chấp nhận sự bãi bỏ chế độ nô lệ. Một vài nhóm người gồm những viên chức dân sự và sĩ quan cao cấp của Liên minh miền Nam không được kể trong diện này. Thế nhưng liệu trong một bang chỉ có khoảng 10% cử tri bỏ phiếu năm 1860 được xem là trung thành thì có thể lập ra một chính quyền tiểu bang mới không? Và hiến pháp mới của những bang này sẽ phải ghi từ bỏ chế độ nô lệ nhưng có thể có những biện pháp tạm thời đối với người da đen: “nhất quán… với điều kiện hiện thời như lao động, không có đất đai, thuộc thành phần vô gia cư”.
Một số người chủ trương bãi nô chỉ trích Kế hoạch mười phần trăm vì không đề cập đến quyền bầu cử và bình đẳng của người da đen trước luật pháp. Dường như Lincoln muốn nói đến những cựu đảng viên Đảng Whig ở miền Nam đa số là những chủ nô lớn nhưng không chịu ly khai; họ có thể sẽ chấp nhận biện pháp khoan dung của chính phủ Liên bang. Tuy họ sẽ không đồng ý để người da đen có quyền bầu cử nhưng sẽ bằng lòng trở lại với Liên bang để giám sát và điều hòa việc chuyển tiếp từ chế độ nô lệ qua lao động tự do. Kế hoạch này đã gặp phải sự chống đối của những người Cộng hòa cực đoan khi thực sự đi vào hoạt động tuy rằng chỉ một số ít có ý kiến khi ban hành, về vấn đề then chốt của năm 1863 - sự giải phóng nô lệ - Lincoln và những người cực đoan của đảng Cộng hòa đã có sự thống nhất.
Sẽ là điều sai lầm nếu cho rằng Kế hoạch mười phần trăm là một chính sách nóng vội và khó thực hiện mà Lincoln không chịu từ bỏ.
Thay vì chỉ là phác họa cho một miền Nam tái thiết, nó là công cụ để rút ngắn thời gian chiến tranh và củng cố sự ủng hộ cho việc bãi nô. Điều vô lý là những chính phủ tiểu bang thành lập theo các điều kiện Lincoln đưa ra làm sao có thể hoạt động. Báo Thế Giới ở New York gọi đây là “những kim tự tháp lộn ngược” vì làm sao mà số phận của một tiểu bang lại do một vài ngàn cử tri quyết định? Nhưng về mặt thuần túy quân sự, nếu có 10% cử tri vào năm 1860 không ngả theo Liên minh miền Nam thì cũng đã tăng cường cho nỗ lực chiến tranh của Liên bang và làm nhụt ý chí chiến đấu của Liên minh miền Nam. Không một ai, cuối cùng là Lincoln, tin tưởng bản Tuyên bố giải phóng năm 1863 đưa ra kế hoạch hậu chiến toàn diện cho miền Nam. Nhưng việc thành lập các chính quyền trung thành đã dẫn đến hậu quả không lường trước, gây chia rẽ trầm trọng giữa những người ủng hộ Liên bang tại miền Nam, với những diễn đàn chính trị có sự tham gia của nhiều nhóm trước giờ bị gạt ra ngoài, giờ đây đòi chia sẻ quyền lực chính trị, khiến cho người da đen và những đồng minh cấp tiến lên tiếng đòi thay đổi nhanh chóng xã hội miền Nam.
Bốn tiểu bang theo chế độ nô lệ và một phần bang Virginia (bang Tây Virginia) từng ở lại trong Liên bang và không bị chi phối bởi bản Tuyên bố giải phóng nô lệ và kế hoạch mười phần trăm là những bang đầu tiên nêu ra những rắc rối do kết hợp tái thiết với việc bãi nô. Dân số da đen ở các bang vùng ven ít hơn so với các bang ở miền Nam, và vấn đề nô lệ ít quan trọng đối với kinh tế. Tất cả các bang vùng ven gồm những vùng kinh tế phát triển nhanh dựa trên cơ sở lao động tự do và nhạy cảm với những chính sách chống nô
lệ. Tuy nhiên, ở tất cả các bang có nô lệ, chủ nô chi phối chính trị trước chiến tranh. Suốt cuộc chiến tranh, các bang Delaware và Kentucky chỉ còn chút ít nô lệ. Ngược lại, các bang Tây Virginia, Maryland và Missouri trải qua cuộc tái thiết với sự xuất hiện của nhiều giai cấp có quyền lực luôn nôn nóng loại bỏ chế độ nô lệ và cách mạng hóa chính trị tiểu bang. Kinh nghiệm của các bang vùng ven đem lại sự hiểu biết chi tiết những khả năng và hạn chế của công cuộc tái thiết không có sự tham gia của những người theo Liên minh miền Nam và dân da đen.
Có nhiều yếu tố tiêu biểu cho chủ nghĩa hợp nhất tại vùng ven: hỗn hợp nhiều thái độ thù địch đối với chế độ cầm quyền thời kỳ trước chiến tranh, cam kết những thay đổi dân chủ cho những người da trắng theo chủ nghĩa hợp nhất (Liên bang), sự miễn cưỡng đẩy mạnh việc bãi nô cho những người da đen, việc đặt ra ngoài vòng pháp luật hàng loạt cựu viên chức sĩ quan Liên minh miền Nam. Rõ nét nhất là tại bang Maryland vốn đã bị chia rẽ nặng nề như ở miền Nam. Tiểu bang này có 87.000 nô lệ tập trung ở các quận hạt phía Nam, nơi có nhiều đồn điền trồng thuốc lá. Vùng này kinh tế trì trệ nhưng các nhà lãnh đạo chính trị thì thống trị cả tiểu bang nhờ có sự phân chia quyền lập pháp cổ hủ đã làm giảm ảnh hưởng của thành phố Baltimore và những hạt có nhiều chủ điền da trắng.
Vì bị quân đội Liên bang chiếm đóng ngay từ khi cuộc nội chiến mới nổ ra, Maryland đã phải kinh qua sự phân hóa của chế độ nô lệ trong nội bộ và sự vận động những người da đen tự do chống lại chế độ. Tại đây ý tưởng bãi nô phát triển nhanh trong cộng đồng da trắng. Hugh Lennox Bond, một lãnh tụ phe bãi nô nhận xét, “Đại
quân áo xanh đã đem lại vô số ý tưởng lớn”. Những ý tưởng này được những tiểu điền chủ, những kỹ nghệ gia và người lao động da trắng ở Baltimore tiếp thu. Một chủ nô cay đắng nói, “Có vẻ như những người lao động da trắng rất hài lòng vì những chủ nô da trắng không lao động đang mất dần nô lệ và buộc phải ra đồng làm việc”.
Phấn khởi nhờ những lời cam kết trung thành của cử tri với các hiến binh quân đội, những người ủng hộ Liên bang chủ trương bãi nô không bồi thường thắng cuộc bầu cử tại bang Maryland năm 1863 và đòi một hội nghị lập hiến để xây dựng lại bang mình. Đại hội cho thiết lập hệ thống giáo dục công lập và miễn phí, miễn 500 đô la trị giá tài sản bị tịch thu để trả nợ, và quy định thành phần đại diện lập pháp là người da trắng, điều này làm giảm quyền lực của các hạt có nhiều đồn điền. Chỉ những ai đã thề trung thành với Liên bang gồm cả lời thề chưa bao giờ mong muốn phe Liên minh miền Nam thắng trận.
Ngoại trừ một số ít người ủng hộ bãi nô, ít ai quan tâm đến số phận những người nô lệ nay được tự do. Nhiều đại biểu nói rằng ủng hộ bãi nô không có nghĩa là đồng tình với việc người da đen được bình đẳng. Các trường học vẫn chưa nhận học sinh da đen, và luật pháp chưa sửa đổi quy chế có trước chiến tranh cho phép buộc các trẻ da đen tập việc. Chỉ một tháng sau ngày 1 tháng 11 năm 1864, ngày luật bãi nô được thi hành, hàng ngàn người nô lệ cũ bị gắn kết với các ông chủ da trắng; một sự bất công khích động người da đen phản đối, phá hại mối quan hệ giữa bang Maryland và chính quyền Liên bang.
Đầu năm 1865, phe chống nô lệ củng cố vị thế mình bằng cách tước bỏ quyền bỏ phiếu của những người đã từng phục vụ trong quân đội miền Nam hoặc chỉ cần nói lời ủng hộ Liên minh miền Nam. Không ai còn nghĩ tới việc bành trướng cơ sở của Liên bang bằng cách cho phép dân da đen khi đó chiếm 1/5 dân số Maryland được bỏ phiếu.
Khác với những bang vùng ven, nhóm các bang Liên minh miền Nam vùng phía Bắc đặc biệt là Tennessee trải qua thời kỳ tái thiết dưới sự kiểm soát của quân đội. Nhưng đây cũng không phải là ngoại lệ. Công cuộc tái thiết bang Tennessee không khởi sự tại vùng đồi núi phía đông có xu hướng thiên về Liên bang mà tại vùng trung tâm và phía tây, nơi người dân vẫn còn cảm tình với Liên minh miền Nam. Sau khi quân đội Liên bang chiếm giữ thành phố Nashville vào tháng 2 năm 1862, Lincoln bổ nhiệm Andrew Johnson, một chính trị gia miền Nam ủng hộ Liên bang làm tổng đốc quân sự. Johnson trở thành người hùng quốc gia vì ông đã quyết định ở lại Thượng nghị viện khi bang Tennessee ly khai. Johnson nổi tiếng là người cực đoan nhờ câu nói: “Phản bội là điều ghê tởm và những kẻ phản bội phải bị trừng trị”.
Mặc dù Tennessee không bị chi phối bởi Tuyên bố giải phóng nô lệ, cuối năm 1863 Johnson tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ trong tiểu bang. Sự thay đổi quan điểm của Johnson không xuất phát từ cảm tình với người da đen mà là do ông căm ghét Liên minh miền Nam và những chủ nô; ông cho rằng giới chủ nô đã xô đẩy người da trắng nghèo khổ phải nổi loạn. Ông nói với tướng John M. Palmer: “Thây kệ bọn người da đen; tôi chỉ đánh bọn quý tộc phản trắc, chủ
nhân của chúng”. Nhưng những người da trắng trung lưu ở bang Tennessee hầu như tuyệt đối theo phe Liên minh miền Nam, trong khi cộng đồng da đen tự do ở Nashville thì vận động ủng hộ cho chính phủ (tiểu bang) của Johnson và chấm dứt nô lệ; ông cũng đã giảm bớt các thành kiến. Đến năm 1864, Johnson đề cập tới vấn đề thăng tiến cho cả dân da trắng lẫn da đen tại bang Tennessee. Phát biểu trong một cuộc gặp mặt người da đen vào tháng 10, Johnson đơn phương quyết định chấm dứt chế độ nô lệ ở bang Tennessee, ông nói: “Tôi sẽ là một Moses của các bạn; tôi sẽ dẫn dắt các bạn vượt qua Biển Đỏ của chiến tranh thoát cảnh nô lệ để tiến tới một tương lai sáng sủa hơn trong hòa bình và tự do”.
Tháng 11 năm 1864, Andrew Johnson trúng cử Phó Tổng thống nhờ các lá phiếu của đảng Cộng hòa. Sự kiện ông được đứng trong danh sách ứng cử viên của đảng Cộng hòa chứng tỏ đảng này muốn “ban thưởng” cho những người miền Nam đứng về phía Liên bang, đồng thời phát triển tổ chức về phương Nam. Tháng 3 năm 1865, Johnson nhận nhiệm vụ Phó Tổng thống; William Brownlow thì được bầu làm thống đốc đầu tiên của bang Tennessee tự do. Vì chính quyền của Brownlow chỉ được sự ủng hộ từ phần đất phía đông tiểu bang nên ông phải tìm cách củng cố quyền lực bằng một cuộc thăm dò ý dân với mục đích, như lời ông nói, “ngăn ngừa mọi hành động phản loạn”. Luật bầu cử ra đời, chỉ cho phép những người nam da trắng được “công khai biết đến là có cảm tình với Liên bang” được quyền bầu cử. Đối với người da đen, Brownlow thúc Nghị viện tiểu bang dành một vùng lãnh thổ để họ cư trú; vùng đất này có tên gọi là “lãnh thổ của những người được giải phóng”.
Trong số các tiểu bang tiến hành tái thiết từ trong thời chiến chỉ có bang Louisiana là nằm ở sâu trong miền Nam (phần đất phía đông nam Hoa Kỳ). Lincoln đặt hy vọng nhiều nhất ở bang này nhưng cũng chính nó đã đem lại những thất vọng to lớn nhất cho ông. Số phận nghiệt ngã đã khiến ông và chính phủ Liên bang quyết định tái thiết một bang nằm giữa vùng trung tâm của phe ly khai vốn từng được biết là “bang bị chia rẽ trầm trọng về các mặt kinh tế, văn hóa và chủng tộc… nhiều phe phái chính trị, thối nát, và thỉnh thoảng xảy ra bạo lực”.
Khác với bang Tennessee, quân đội Liên bang lúc đầu chiếm đóng một cứ điểm của những người ủng hộ sự kết hợp. Khi đạo quân của tướng Benjamin F. Butler chiếm đóng thành phố New Orleans tháng 4 năm 1862, khối Liên bang trở thành người chủ của thành phố lớn nhất miền Nam. Thành phố này có dân số trên 144.000 người đại đa số là dân da trắng bao gồm nhiều người sinh trưởng ở nước ngoài và người từ phương Bắc giỏi nghiệp vụ ngân hàng, buôn bán và các ngành nghề chuyên môn. Quân đội Liên bang cũng chiếm đóng các “xứ đạo” trồng mía đường (đơn vị hành chính của bang Louisiana được đặt tên theo họ đạo Thiên Chúa Giáo) ở phía Đông Nam tiểu bang. Nhưng những chủ điền ở đây khác với giới quý tộc chủ đồn điền bông vải: họ được chính phủ trung ương ưu đãi về thuế nên tình cảm của họ thiên về những người Whig thân Liên bang.
Nhưng cũng giống như nhiều tiểu bang khác, những người ủng hộ Liên bang ở Louisiana cũng chia ra nhiều phe nhóm. Nhóm Bảo thủ gồm chủ yếu các chủ điền mía đường và các nhà buôn giàu có;
lúc đầu họ muốn giữ lại chế độ nô lệ nhưng sau họ đòi hỏi bồi thường cho những nô lệ được trả tự do và được giữ quyền lực chính trị truyền thống. Hiệp hội tiểu bang tự do lại có cái nhìn cấp tiến hơn: Bang Louisiana tự do phải hơn một tiểu bang chỉ có bãi bỏ nô lệ mà thôi. Hội viên bao gồm những người nhập cư, thợ thủ công, nhà buôn nhỏ, các nhà chuyên môn có xu hướng cải cách, và giới trí thức, những người từ phương Bắc hoặc lấy vợ là người miền Bắc, và các viên chức chính quyền Liên bang. Những người này chấp nhận lý tưởng lao động tự do và cho rằng việc bãi bỏ nô lệ cần thiết để biến đổi miền Nam lạc hậu theo khuôn mẫu cấp tiến của miền Bắc. Đối với họ, cuộc nội chiến là cơ hội tốt để lật đổ giai cấp cầm quyền gồm bọn phản động và những nhà quý tộc.
Tháng 8 năm 1863, Tổng thống Lincoln phê duyệt chương trình của Hiệp hội tiểu bang tự do; ra lệnh cho Tướng Nathaniel P. Banks tổ chức hội nghị lập hiến để bãi bỏ chế độ nô lệ tại bang Louisiana. Tháng 12, Lincoln cho áp dụng một phần Kế hoạch mười phần trăm khoan dung ở bang Louisiana để đẩy mạnh công cuộc tái thiết nhưng ngược lại nó đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa những người cấp tiến và người ôn hòa trong Hiệp hội về vấn đề quyền của người da đen trong bang Louisiana tự do.
Thành phố New Orleans có cộng đồng người da đen tự do sinh sống lớn nhất toàn vùng trung tâm miền Nam. Họ có tài sản, địa vị xã hội, giáo dục và lịch sử độc đáo khác xa chẳng những người nô lệ mà còn những người da màu tự do ở những nơi khác. Phần đông những người dân này là hậu duệ của những người Pháp định cư với phụ nữ da đen, hoặc của những di dân da trắng lai đen giàu có từ
Haiti đến. Mặc dù không có quyền bầu cử, họ được hưởng nhiều quyền hơn những người da đen tự do ở các bang khác, trong đó có quyền tự do đi lại và làm chứng trong các vụ kiện người da trắng. Trước ngày nổ ra nội chiến, họ có tài sản gộp chung ước tính trị giá hai triệu đô la và những nghề chuyên môn như xây lát gạch (thợ nề, thợ hồ), thợ mộc, đóng giày dép, và cuốn thuốc lá, xì gà.
Cộng đồng này, với ý thức truyền thống về tính tập thể và mạng lưới những cá nhân ủng hộ trường học, viện mồ côi cùng những tổ chức xã hội hoàn toàn do tư nhân tài trợ, đã sẵn sàng tiến tới dưới sự chỉ huy của chính quyền Liên bang. Cuối năm 1863, một đại hội các dân da đen được tổ chức để nghe các diễn giả nói chuyện. Trong số này có P.B.S. Pinchback, phó thống đốc tương lai của tiểu bang, kêu gọi trao cho người da đen tự do các quyền lợi chính trị. Ở điểm này người da đen tự do chỉ mới đòi quyền lợi cho họ mà thôi. Một nhà bình luận biết rõ những người da đen tự do đã viết về họ như sau:
Họ lái cuộc đấu tranh của họ khỏi cuộc tranh đấu của người da đen nói chung vì họ tin sẽ dễ đạt thành công hơn nếu không gộp chung số phận của tất cả người da đen. Họ tự cho rằng mình gần giống người da trắng hơn, tiến hộ hơn những người da đen nô lệ về mọi mặt. Đây là một sai lầm lạ kỳ vì trong một xã hội luôn có sự kỳ thị những ai mang trong mình dòng máu dân châu Phi, cho dù chỉ là một thiểu số.
Đến tháng 1 năm 1864 Tổng thống Lincoln có vẻ như ủng hộ người da đen tự do được quyền ghi danh cử tri ở bang Louisiana. Nhưng đối với tướng Banks, ngay cả một thiểu số người da đen được đi bầu thì cũng không thể chấp nhận vì việc này sẽ làm ông mất hậu thuẫn của những người da trắng cho công việc tái thiết
bang Louisiana theo Kế hoạch 10%. Trong lúc này, hai đại diện cộng đồng người da đen tự do là Arnold Bertonneau, đại lý rượu vang giàu có, và Jean-Baptiste Roudanez, kỹ sư làm việc ở một đồn điền, đến thủ đô Washington để xin cho người da đen tự do được quyền bầu cử. Ngày 12 tháng 3 năm 1864, Lincoln tiếp hai người đại diện này và ngay hôm sau ông viết thư riêng gửi cho thống đốc bang Louisiana là Michael Hahn đề cập tới đại hội lập hiến sắp được tổ chức ở bang này. Trong thư ông viết: “Tôi chỉ muốn đề nghị riêng với ông, có nên cho phép một vài người da đen thật thông minh, nhất là những người đã chiến đấu anh dũng trong hàng ngũ chúng ta, được phép đi bầu… Nhưng đây chỉ là gợi ý cho ông, không công khai”. Rõ ràng không phải là một sự hậu thuẫn mạnh cho người da đen tự do được quyền bầu cử.
Hội đồng lập hiến thông qua dự luật xóa bỏ trật tự xã hội cũ. Các đại biểu gồm những người làm nghề chuyên môn, nhà kinh doanh nhỏ, thợ thủ công, công chức, và một nhóm nông dân cùng công nhân nhưng không một chủ điền. Hiến pháp chấp thuận lấy thành phố New Orleans làm thủ đô tiểu bang theo kiểu mẫu một đô thị trong khối Liên bang, tăng quyền lập hiến của thành phố hơn hẳn những quận hạt bằng cách dựa trên số cử tri thay vì dân số. Ngoài ra, hiến pháp mới cũng quy định số giờ làm việc tối thiểu là chín giờ mỗi ngày, hệ thống thuế khóa cấp tiến và hệ thống giáo dục miễn phí. Tất nhiên hiến pháp cũng quy định bãi bỏ chế độ nô lệ. Trong bài diễn văn vị chủ tịch hội đồng nói về sự bãi bỏ này: “đây là sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của nền văn minh… phân chia rạch ròi
giữa quá khứ cũ kỹ và mệt mỏi với một tương lai mới và vinh quang”.
Tuy nhiên, “Thành kiến đối với người da đen vẫn duy trì liên tục, một sự kỳ thị ghê tởm và bẩn thỉu”, là nhận xét của một người viết thư cho Bộ trưởng Ngân khố (Liên bang) Salmon P. Chase. Ngay cả những người từng cổ vũ cho sự bãi nô cũng đòi trục xuất tất cả dân da đen khỏi tiểu bang mặc dù lúc đó có nhiều binh lính da đen đang canh gác bên ngoài hội trường. Các đại biểu hầu như phớt lờ đề nghị của Lincoln. Kết quả là chia rẽ ngày càng trầm trọng giữa những người theo chế độ Liên bang: phe cấp tiến ra mặt chống đối chính quyền của Banks.
❖ VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI VÀ LAO ĐỘNG TRONG THỜI NỘI CHIẾN
Trong số những hậu quả của việc giải phóng nô lệ, điều quan trọng nhất là tổ chức lại nền kinh tế xã hội ở miền Nam cho cả người da trắng lẫn người da đen. Chế độ nô lệ trước tiên là một chế độ lao động. Đảng Cộng hòa hô hào lao động tự do thay thế lao động nô lệ nhưng ít ai biết phải chuyển tiếp như thế nào. Tờ Thời Báo New York trong một số tháng 3, 1863 viết: “Nếu Bản Tuyên bố giải phóng nô lệ trả tự do cho người da đen thì cũng phải có nhiệm vụ cho họ công ăn việc làm… Đây là việc rất khó khăn và rộng lớn”.
Cuộc nội chiến đang diễn ra, quân đội Liên bang lần lượt kiểm soát từ bang Virginia và bang Nam Carolina tiến về vành đai các đồn điền nằm dọc theo sông Mississippi, về lý thuyết, Đạo luật tịch thu thứ nhì đe dọa tước bỏ hết quyền sở hữu tài sản của phe Liên minh miền Nam, nhưng vì ngại một cuộc tịch thu rộng lớn có thể khiến các điền chủ và người da trắng phương Nam trung thành với Liên
bang nổi giận nên Lincoln không cho thi hành triệt để. Chính phủ Liên bang cũng không tịch biên đất đai của chủ đất trốn thuế hoặc thu hồi đất hoang. Vì vậy vấn đề đất đai và lao động da đen trước đây là nô lệ nay được giải phóng đã gây nhiều tranh cãi giữa những chủ nô cũ, tư lệnh quân đội, các nhà kinh doanh phương Bắc cùng những người chủ trương cải cách.
Tính đến năm 1865, hằng trăm ngàn nô lệ trải khắp miền Nam đã được giải phóng và trở thành những lao động tự do dưới sự bảo trợ của chính phủ liên bang. Cuộc “tập dượt tái thiết” nổi tiếng nhất diễn ra ở vùng quần đảo Sea Islands bang Nam Carolina. Khi hải quân Liên bang đến chiếm đóng cảng Port Royal tháng 11 năm 1861, hầu như tất cả cư dân da trắng đều bỏ chạy vào đất liền, để lại khoảng 10 ngàn nô lệ da đen vốn đã quen tự tổ chức làm việc với nhau; họ trồng lúa và bông vải theo khoán công việc mỗi ngày, không có sự giám sát của chủ điền.
Những người da đen ở đây rõ ràng đã ý thức được sự tự do. Lúc các chủ điền da trắng bỏ chạy, những nô lệ này đã xông vào các tòa nhà lớn và phá hỏng các máy chế biến bông vải; họ không chịu tiếp tục trồng loại “hoa màu nô lệ” tức cây bông vải nữa mà chỉ trồng ngô (bắp) và khoai tây làm lương thực để ăn. Nhưng họ không thể tự vạch cho mình con đường đi tới lao động tự do vì theo chân hải quân là các sĩ quan quân đội phương Bắc, nhân viên Kho bạc, các nhà đầu tư, và đội quân giáo viên trẻ cùng các mục sư gọi chung là nhóm Gideon, toàn là những người trẻ mới tốt nghiệp từ các trường Harvard, Yale, trường dòng, đến tham gia phong trào bãi bỏ chế độ
nô lệ. Mỗi nhóm đều đưa ra ý kiến riêng về việc chuyển đổi nô lệ thành lao động tự do.
Nhóm Gideon tuy được biết đến nhiều nhất nhưng chẳng có quyền hành gì. Trong khi đó những người có ảnh hưởng mạnh nhất vẫn là các nhân viên kho bạc, các sĩ quan quân đội, và những nhà buôn bị lôi kéo bởi giá cao của bông vải đã đề nghị thuê nhân công từ những người nô lệ cũ. Trong hai năm 1863 và 1864, nhân viên kho bạc bán đấu giá những lô đất tại Sea Islands còn nợ thuế. Mặc dù nhóm Gideon cố gắng đòi sự ưu đãi cho người da đen tự do, họ chỉ được mua lại rất ít đất. Cuối cùng thì những đồn điền rộng lớn đã lọt vào tay các sĩ quan quân đội, viên chức chính phủ, những tay “cò đất” phương Bắc và các công ty bông vải. Một tổ hợp các nhà đầu tư kinh doanh ở Boston (bang Massachusetts) đã mua 11 đồn điền. Nổi bật nhất trong số các nhà đầu tư này là Edward Atkinson, đại lý cho sáu nhà máy dệt tại bang Massachusetts, và Edward s. Philbrick, phó tổng giám đốc Công ty Hỏa xa Boston & Worcester.
Chính tinh thần cải cách cộng với lòng ham muốn lợi nhuận, một nét đặc trưng của người Mỹ, đã thúc đẩy Atkinson và Philbrick rời bỏ miền Bắc xuống phương Nam để kinh doanh. Trong con mắt những nhà kinh doanh “chống nô lệ” này, Port Royal là nơi thích hợp nhất dể chứng minh rằng “bãi bỏ nô lệ không có nghĩa là bãi bỏ bông vải” và người da đen tự do sẽ lao động hiệu quả hơn và sinh lợi nhiều hơn lúc còn là nô lệ. Philbrick đến Sea Islands để giám sát thử nghiệm tạo một mô hình môi trường lao động tự do trong đó người lao động da đen không còn bị khai thác mà cũng không phụ thuộc chính phủ. Ông chống mọi nỗ lực đòi cho người da đen được mua
đất dưới giá thị trường; ông từng nói: “không ai… biết quý tài sản nếu chưa từng phải làm việc để có nó”. Nhưng Philbrick đã quên một điều: suốt 250 năm qua người nô lệ cũ đã làm việc cật lực trên mảnh đất đó!
Thí nghiệm về lao động tự do có thành công không? Một người trong nhóm Gideon, William C. Gannett tin là có; ông nói người da đen có cuộc sống tốt hơn xưa rất nhiều - lò sưởi bằng gạch xây thay thế cho lò sưởi bằng gỗ; quần áo tươm tất; bữa ăn phong phú dồi dào hơn trước. Philback thì không chắc chắn lắm tuy ông đã thu về 20.000 đô la cho riêng mình năm 1863. Nhưng những lao động tự do này vẫn tỏ ra thích trồng cây lương thực thay vì cây bông vải. Năm 1865, Philbrick nhận xét năng suất cây bông vải lúc này kém xa năm năm trước. Ông quyết định chia nhỏ các đồn điền trồng bông vải để bán lại cho tá điền và bỏ về Massachusetts. Cuối cùng, thí nghiệm cho thấy có sự nhập nhằng trong quan niệm về lao động tự do và các lợi ích đối nghịch nhau được che dấu dưới nỗ lực xây dựng lại xã hội miền Nam. Các nhà đầu tư phương Bắc thì hiểu lao dộng tự do có nghĩa là làm công có lương trên các đồn điền; những người da đen thì lại nghĩ họ canh tác trên đất của mình và cuộc sống của họ không phụ thuộc thị trường.
Mặc dù có sự quan tâm quá mức của những người đương thời và sử gia, cuộc tái thiết ở Sea Islands không đem lại kết quả như mong muốn. Nó chỉ bao hàm một nhóm nhỏ nô lệ được tự do và không chịu ảnh hưởng của các chủ nô cũ và sự ra đi ồ ạt của người nô lệ sang phía Liên bang. Quan hệ lao động ở miền Nam cũng không rõ ràng, đặc biệt là ở phía Nam bang Louisiana. Tại đây,
người da đen cũng chỉ muốn có đất để tự nuôi thân. Thế nhưng vẫn còn nhiều chủ điền có thiện cảm với Liên bang; họ muốn quân đội Liên bang sớm tái lập trật tự tại các đồn điền. Tướng Banks, tư lệnh quân đội Liên bang tại Louisiana, nghĩ rằng duy trì các đồn điền sẽ giúp quân đội giải quyết vấn đề những người da đen tị nạn, phục hồi nền kinh tế của tiểu bang, và tạo ra phong trào Tiểu bang tự do với sự trợ giúp rộng rãi của những người da trắng. Khi Banks ban hành những quy định về lao động vào năm 1863, nhiều chỉ trích cho rằng quy chế lao động này chẳng khác gì thời nô lệ. Banks tuyên bố những nô lệ cũ phải từ bỏ nếp sống lang thang và lười biếng, và ký hợp đồng lao động với những chủ đồn điền trung thành với Liên bang; họ sẽ được trả công bằng giá trị 5% hoa màu thu hoạch hằng năm hoặc ba đô la mỗi tháng, cộng lương thực và chỗ ở cùng chăm sóc y tế. Một khi đã ký hợp đồng lao động, họ không được phép rời đồn điền mà không có sự đồng ý của chủ.
Tùy theo cách nhìn của mỗi người, hệ thống do Banks đề ra là “bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi từ lao động nô lệ qua lao động tự do” và cũng có thể là công cụ để Banks lôi kéo các chủ đồn điền da trắng tham gia tái thiết qua việc sử dụng quân đội Liên bang tái lập trật tự tại các đồn điền. Có nhiều người than phiền các sĩ quan hiến binh quá nhiệt tình trong việc bắt giữ những người lang thang da đen như thể nhiệm vụ của họ chỉ để tuần tra nô lệ hơn là giám sát thực thi việc bãi nô. Sau đó, Banks tuyên bố đã gửi nhiều nhóm da đen tự do đến làm việc tại các đồn điền trong vùng để “xác định xem người da đen muốn gì”. Các sứ giả Banks gửi đi điều tra về báo cáo rằng “những người nô lệ cũ chỉ muốn gia đình họ được
tôn trọng, con cái được đi học, chấm dứt mọi hình phạt thể xác, và được trả tiền công thỏa đáng”. Viên tướng quân đội khoe tất cả những gì người da đen muốn đều được thỏa mãn nhờ chính sách ông đưa ra.
Việc cưỡng bách lao động tự do là một hiện tượng không bình thường từ những đòi hỏi của chiến tranh, ý thức hệ và chính trị. Người da đen bực bội vì phải ký hợp đồng hằng năm, tiền công thấp, nên làm việc thất thường, dành nhiều thì giờ chăm lo cho mảnh vườn của riêng họ, và thường xuyên không vâng lời người chủ. Các chủ điền thì nghĩ rằng lệnh cấm hình phạt thể xác đã vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống vì người da đen sẽ không chịu lao động nếu không có kiểu hình phạt này. Hơn nữa hệ thống do Banks đặt ra chỉ để đáp ứng yêu cầu của quân đội vì khi cần thì quân đội sẽ trưng binh những lao động da đen làm việc trên các đồn điền. Vì những lý do này, quân đội đã không thể phục hồi nông nghiệp của tiểu bang. Một chủ điền đã viết: “Các xứ đạo trồng mía một thời thịnh vượng nay chìm trong đen tối, u ám… các đồn điền bỏ hoang; hàng rào và các tòa nhà bị phá dỡ… người da đen bị sung vào quân đội hoặc lang thang khắp nơi… Đó là do chiến tranh, là nội chiến”. Nhưng chính sách về lao động da đen do Banks đề xướng cũng được áp dụng trên toàn thung lũng sông Mississippi sau khi thành phố Vicksburg rơi vào tay quân đội Liên bang tháng 7 năm 1863.
Tuy các địa phương có cách áp dụng chính sách khác nhau, đa số các sĩ quan quân đội vẫn hành xử như thể những nô lệ được giải phóng vẫn lao động tại các đồn điền. Thảng hoặc có nơi le lói một chút hy vọng cho họ. Nơi thử nghiệm lớn nhất về tính độc lập kinh tế
của người da đen là Dải Davis (Davis Bend), nơi tập trung những đồn điền bạt ngàn của Tổng thống Liên minh miền Nam Jefferson Davis và em trai Joseph (Joe). Trước cuộc nội chiến, anh em nhà Davis đã thử lập một cộng đồng kiểu mẫu gồm những gia đình người da đen ăn uống đầy đủ và ở nhà khang trang hơn những người da đen khác trong tiểu bang; họ còn được trao quyền tự quản khá rộng rãi. Những chủ đồn điền khác tỏ vẻ chế nhạo và gọi họ là “dân da đen tự do của Joe Davis”. Nhưng mô hình này có hiệu quả và làm tăng uy tín gia đình Davis. Sau chiến tranh, một nhóm da đen được giải nô đã làm đơn xin trả tự do cho Jefferson Davis bị cầm tù. Trong đơn họ viết “mặc dù ông ấy (Jefferson Davis) cố tìm cách giữ chúng tôi làm nô lệ… nhưng chúng tôi biết rõ ông rất tử tế đối với các nô lệ ở đồn điền của ông”.
Chiến tranh đã phá hủy hệ thống “kiểu mẫu” về nô lệ tại Dải Davis. Khi quân đội Liên bang đến, Joe Davis bỏ trốn; những người nô lệ đứng lên làm chủ. Năm 1863, Tướng Grant quyết định biến Davis Bend thành “thiên đường” của người da đen. Năm sau, toàn vùng biến thành khu định cư của những nô lệ được giải phóng và đến năm 1865 thì dải Davis Bend trở thành khu kiểu mẫu nổi tiếng về tính tự lực khi những người lao động da đen đã sản xuất được bình quân 2.000 kiện bông và thu về 160 ngàn đô la lợi nhuận. Cộng đồng có bộ máy tự quản riêng, thẩm phán và cảnh sát đầy đủ.
Dải Davis Bend chứng minh không phải mọi người da đen, nếu được quyền lựa chọn, sẽ né tránh thương trường và bông vải. Không riêng gì Davis Bend mà cả quần đảo Sea Islands của Nam Carolina là nơi diễn tập cuộc tái thiết về mặt quan hệ lao động. Tuy
có vẻ thất bại nhưng thí nghiệm về mô hình lao động tự do ở bang Louisiana và thung lũng Mississippi chẳng những đã thu hút rất đông người da đen mà còn xác lập một hệ thống canh tác nông nghiệp dựa trên các hợp đồng lao động ký mỗi năm - mô hình này còn tiếp tục nhiều năm sau chiến tranh, với quân đội và Cục về những người được tự do. Hầu như được ngầm định, quân đội đã có những quyết định quan trọng giải quyết những vấn đề phức tạp nhất từ cuộc nội chiến. Họ áp dụng những chính sách về lao động gây chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa do quá trình tái thiết ngay trong thời chiến và những rắc rối liên quan đến sự giải phóng nô lệ.
❖ CHÍNH SÁCH GIẢI PHÓNG NÔ LỆ VÀ CUỘC CHIẾN KẾT THÚC Khoảng giữa năm 1864, một cư dân da trắng ở Chattanooga nhận định đời sống trong phần đất phía Nam quân đội Liên bang chiếm đóng có phần khác với khi xưa. Có giáo viên miền Bắc dạy học cho người da đen; hàng trăm ngàn nô lệ cũ giờ đây làm việc được trả công. Tuy vậy, diễn tiến các sự kiện ở miền Nam như muốn chia rẽ những người Cộng hòa ở phương Bắc. Với chủ đề giải phóng nô lệ là một yếu tố cấu tạo sự trung thành với Đảng, các cuộc tranh luận chính trị tập trung vào số phận những người được tự do trong thời hậu chiến. Những diễn biến ở bang Louisiana khiến nhiều đảng viên Cộng hòa lo ngại.
Năm 1864, những đảng viên Cộng hòa cấp tiến quan tâm nhiều đến quyền bình đẳng trước pháp luật của người da đen được giải phóng hơn là quyền đi bầu và việc kiểm soát các chính phủ tiểu bang ở phương Nam bởi những người chân chính theo chủ nghĩa kết hợp. Bang Louisiana thiếu cả hai yếu tố này. Hệ thống lao động
do Banks đề ra và quan điểm bài da đen rõ rệt của những người ủng hộ Banks khiến cho nhiều người Cộng hòa tin chắc rằng các chính quyền thành lập do Kế Hoạch 10% của Lincoln không hề có sự đối xử công bằng với những nô lệ được giải phóng.
Từ sự bất mãn về những diễn biến ở bang Louisiana và mối lo âu về số phận những nô lệ được tự do, dự luật Wade-Davis ra đời vào tháng 7 năm 1865, dự kiến đưa ra trước Quốc hội để biểu quyết. Dự luật đề nghị tạm hoãn công cuộc tái thiết ở mỗi tiểu bang đến khi nào đa số những người nam da trắng cam kết ủng hộ Hiến pháp của Liên bang. Sau đó, một đại hội lập hiến sẽ được tổ chức nhưng quyền đi bầu sẽ giới hạn cho những người đã tuyên thệ chưa bao giờ giúp đỡ phe Liên minh miền Nam. Dự luật cũng chỉ bảo đảm bình đẳng trước pháp luật nhưng không đảm bảo quyền bầu cử cho người da đen. Ngại rằng dự luật này sẽ buộc phải gạt bỏ chính quyền hiện hữu ở bang Louisiana, Lincoln phủ quyết ngầm dự luật và bị các tác giả của nó là những người cấp tiến như Benjamin F. Wade, thượng nghị sĩ bang Ohio và Henry Winter Davis, dân biểu (đại biểu ở Hạ nghị viện) bang Maryland phản đối; trong một bản tuyên bố họ lên án Tổng thống tiếm quyền một cách “độc tài”.
Bất chấp những lời lẽ gay gắt của Wade và Davis, Lincoln vẫn duy trì mối giao hảo với những đảng viên Cộng hòa cấp tiến. Giữa họ, các điểm đồng thuận - quyết tâm thắng cuộc chiến và bảo đảm bãi bỏ chế độ nô lệ - đã thắng những bất đồng. Tuy nhiên những tranh luận về công cuộc tái thiết lại chia rẽ họ. Lincoln xem cuộc tái thiết là một chiêu bài để thắng cuộc chiến và bảo đảm việc giải phóng nô lệ; ông nhắm thiết lập những chính quyền tiểu bang được
hậu thuẫn rộng rãi ở miền Nam hòng làm suy yếu Liên minh miền Nam. Những người cấp tiến trong đảng Cộng hòa thì muốn cuộc tái thiết phải thay đổi toàn diện cơ cấu xã hội ở miền Nam. Vì thế họ muốn trì hoãn tiến trình tái thiết cho đến khi chiến tranh chấm dứt và chỉ cho những người đã cam kết trung thành được quyền bầu cử. Dự luật Wade-Davis chỉ cho những người da trắng có quyền bầu cử, nhưng nhiều đảng viên cấp tiến tin rằng người da đen sẽ có được quyền này. George S. Boutwell cho rằng những người nô lệ được giải phóng là những người ủng hộ đáng tin tưởng nhất cho Liên bang. Không phải những đảng viên Cộng hòa cấp tiến đã biến vấn đề quyền bầu cử của người da đen thành trung tâm điểm của các hoạt động chính trị mà là người da đen tự do ở thành phố New Orleans đã vận động để dành được quyền này.
Ngay sau đại hội lập hiến năm 1864 ở bang Louisiana, tờ Tribune (Diễn đàn) ra đời ở New Orleans để các đảng viên cấp tiến bày tỏ quan điểm. Người sáng lập tờ báo là Louis C. Roudanez, con trai một nhà buôn giàu có người Pháp với một phụ nữ da đen mới được tự do. Louis tốt nghiệp y khoa tại Viện Đại học Paris (Pháp) và trường Đại học Darmouth. Tháng 11 năm 1864, một chính khách nổi tiếng trong cuộc tái thiết, Jean-Charles Houzeau, được mời làm chủ bút cho tờ báo. Sinh ra trong một gia đình quý tộc tại Bỉ, Jean Charles vốn là một nhà thiên văn kiêm nhà báo di cư sang Hoa Kỳ và sinh sống tại bang Texas từ năm 1858. ông chống lại việc bang này ly khai với Liên bang và dọn sang bang Louisiana năm 1864.
Nhận xét về bác sĩ Roudanez và những người cộng tác với tờ Tribune, ông viết “đây là những người tiên phong của dân gốc châu
Phi tại Hoa Kỳ”.
Ngay cả trước khi Houzeau tham gia vào tờ báo, tờ Tribune đã bày tỏ quyết tâm tranh đấu cho quyền bầu cử của những người da đen, những “cộng sự viên kín”. Nhưng chính Houzeau là người đã biến Tribune thành tờ báo có uy tín lớn trong phe Cộng hòa ở miền Bắc và qua tờ báo ông đã chuyển những thông điệp bao gồm một chương trình mạch lạc đòi hỏi quyền bầu cử, sự bình đẳng trước pháp luật, xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong nhà trường và trên xe điện ở New Orleans, và phân chia các đồn điền cho người nô lệ được giải phóng. Ông đã biến sự liên minh giữa người da đen tự do và nô lệ được giải phóng thành nền tảng chính trị của tờ báo, xem đây là biện pháp ngăn ngừa không để cuộc cách mạng do nội chiến tạo ra trở thành một cuộc phản loạn. Tờ báo tự nhận xét không thể quay ngược một khi đã cam kết đòi quyền bầu cử cho người được tự do và cũng đã lôi kéo luôn đảng cấp tiến ở bang Louisiana. Tháng 12 năm 1864, nhiều cuộc xuống đường rầm rộ diễn ra ở New Orleans và nghe các diễn giả phát biểu, trong đó có nhà cấp tiến da trắng là Thomas J. Durant và hai người da đen tự do, Oscar J. Dunn và James H. Ingraham. Dunn tuyên bố: “Chúng tôi xem mọi người da đen và da màu đều là nạn nhân”.
Vì thế, trong khi cuộc nội chiến sắp chấm dứt, cộng đồng da đen thông hiểu chính trị và nhanh nhạy nhất nước đã thoát ly toàn diện khỏi các giới chức quân đội và dân sự của bang Louisiana tự do. Tại Washington, mọi người đều tỏ cảm tình với những nguyện vọng của họ. Sự tiếp xúc với nhóm người có văn hóa và thành đạt về kinh tế đã làm phai mờ những giả định chủng tộc phổ biến ngay trong nội
bộ đảng Cộng hòa và đã khiến Lincoln nghĩ tới chủ nghĩa bình đẳng cho công cuộc tái thiết. Do bang Louisiana mà vấn đề tái thiết vẫn chưa được giải quyết. Tháng 3 năm 1865 trong lúc Quốc hội ngưng họp thì nhóm cấp tiến nỗ lực thuyết phục nhân dân miền Bắc ủng hộ quyền bầu cử của người da đen.
Bất chấp vấn đề bang Louisiana đang bế tắc, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 38 là một sự kiện lịch sử. Năm 1864, Thượng viện đã thông qua Tu chính án 13, bãi bỏ chế độ nô lệ trên toàn quốc. Ngày 31 tháng 1 năm 1865, Hạ nghị viện bằng số phiếu thuận/nghịch chênh lệch lớn, 119/56, cũng đã thông qua bản Tu chính án này, và gửi đến các tiểu bang để phê chuẩn. “Vấn đề của thời đại đã được giải quyết”, Dân biểu Cornelius, một chiến sĩ chống chế độ nô lệ, tuyên bố. Nhưng cũng giống như bao thành quả khác của cuộc nội chiến, Tu chính án giải quyết được một vấn đề nhưng lại dẫn đến một loạt vấn đề khác. “Tự do là gì?” James A. Garfield sau này đặt câu hỏi. “Phải chăng nó chỉ là ân huệ không bị xiềng xích?… Nếu chỉ có thế thì tự do chỉ là một trò hề cay đắng, một ảo tưởng tàn nhẫn”. Nhiều đảng viên Cộng hòa khi ấy tin tưởng Tu chính án 13 sẽ đem lại cho người da đen quyền công dân với mọi quyền lợi căn bản được chính quyền Liên bang bảo vệ.
Ngay cả phong trào bãi nô cũng không quyết định được Tu chính án là đoạn kết hay sự khởi đầu. William Lloyd Garrison khi đề nghị giải tán trong vinh quang Hội Chống nô lệ Hoa Kỳ tại buổi họp thường niên vào tháng 5, 1865 tuyên bố: “Cảm ơn Chúa, tâm nguyện của tôi về sự thủ tiêu chế độ nô lệ đã hết”. Nhưng Frederick Douglas đáp lại: “Chế độ nô lệ chưa bị thủ tiêu chừng nào người da
đen chưa được cầm lá phiếu”. Kết cuộc, Hội Chống nô lệ Hoa Kỳ chưa thể giải tán, và Wendell Phililips được bầu làm chủ tịch Hội. Một khẩu hiệu mới được trưng ra: “Không có tái thiết nếu người da đen chưa dược bỏ phiếu”.
Đằng sau các cuộc tranh luận này là câu hỏi lớn hơn khi chế độ nô lệ đã bị thủ tiêu: Liệu người nô lệ được tự do có sẵn sàng hành xử như những công dân và tham gia vào thị trường cạnh tranh không, hay là khi đó chính phủ Liên bang vẫn còn phải giúp đỡ họ một cách đặc biệt? Mặc dù các nhà cải cách đều chấp nhận mở rộng quyền lực quốc gia trong cuộc chiến nhưng đa số lại có ý tưởng để nó phát triển tự nhiên. Trợ giúp sẽ sinh ra lệ thuộc, William C. Gannett, một giáo viên ở khu Sea Island cảnh báo: “Người da đen sẽ mau chóng tự cứu rỗi chừng nào họ buộc phải tự lo”.
Mặt khác, một nhóm người cấp tiến chủ trương chính phủ Liên bang phải can thiệp: phân chia đất đai cho người nô lệ cũ. Vị dân biểu ủng hộ ý kiến này nhiều nhất là George W. Julian, chủ tịch ủy ban Công thổ Hạ nghị viện. Ông nói, nếu không cải cách ruộng đất thì người nô lệ được giải phóng sẽ lại bị “ràng buộc bởi chế độ tiền công cũng tàn nhẫn chẳng khác gì chế độ nô lệ. Sự thành lập Cục vấn đề người được tự do vào tháng 3 năm 1865 tượng trưng niềm tin của những người Cộng hòa ở chính quyền Liên bang sẽ gánh vác nhiều trách nhiệm hơn đối với những nô lệ được giải phóng, kể cả việc giao đất cho họ.
Cục Vấn đề người được tự do có nhiệm vụ phân phát lương thực, quần áo, chất đốt cho những người nô lệ cũ nghèo khổ và giám sát những vấn đề liên quan đến đời sống của họ ở miền Nam.
Thời gian hoạt động của Cục Vấn đề người được tự do được ấn định một năm. Thượng nghị sĩ Charles Summer ở bang Massachusetts đã đề nghị cho Cục được hoạt động thường xuyên và ngang cấp Bộ nhưng gặp nhiều ý kiến chống đối. Xét về một góc độ thì Cục vấn đề người được tự do hứa hẹn đổi đời cho người nô lệ cũ. Quốc hội cũng đã cho phép phân chia các đồn điền bị tịch thu và những khu đất bỏ hoang thành những thửa đất rộng 40 mẫu Anh (acre = 4.047 mét vuông) để cho người nô lệ được tự do và dân tị nạn thuê và sau cùng là mua. Luật thành lập Cục vấn đề người được tự do dự kiến chính phủ cũng sẽ trợ giúp một số người da đen trở thành điền chủ độc lập trên vùng đất phương Nam “lao động tự do”.
Trong lúc Quốc hội đang thảo luận thì vị tướng chiến thắng William T. Sherman lại làm vấn đề đất đai thêm phức tạp. Ngày 12 tháng 1 năm 1865, với sự cổ vũ của Bộ trưởng Chiến tranh Edwin M. Stanton khi đó đang đi thị sát thành phố Savannah (bang Georgia) - nơi quân Liên bang dưới sự chỉ huy của Sherman đã chiếm đóng từ tháng 12 năm 1864 - Sherman triệu tập 20 lãnh đạo cộng đồng da đen của thành phố, đa số là mục sư đạo Tin Lành. Buổi nói chuyện cho thấy những lãnh đạo da đen này hiểu rất rõ ý nghĩa của tự do. Garrison Frazier, một mục sư Tin Lành đã chịu cảnh nô lệ hơn 60 năm trước khi mua được sự tự do vào năm 1857, định nghĩa tự do là “đặt chúng tôi ở vị trí được hưởng những thành quả lao động của chúng tôi”, ông nói: “Cách tốt nhất là chúng tôi có đất, để chúng tôi cày bừa bằng chính sức lao động của chúng tôi”. Bốn ngày sau, Sherman ký ban hành Lệnh chiến trường đặc biệt số
15, đặt vùng Sea Islands và một phần đất thấp ven biển trồng lúa ở phía Nam thành phố Charleston vào sâu nội địa khoảng 30 dặm (48 km), thành vùng định cư tuyệt đối của người da đen. Mỗi gia đình được nhận 40 mẫu Anh; sau đó Sherman lại cho phép họ được thuê mướn những con la của quân đội. Đến tháng 6, khoảng 40.000 người nô lệ được tự do đã định cư trên 400.000 mẫu Anh “đất của Sherman”. Ngay lúc này trên vùng duyên hải các bang Nam Carolina và Georgia đã có sự hình thành một xã hội phương Nam cấp tiến hơn cả khi chế độ nô lệ chấm dứt.
Lúc này cuộc chiến bước sang giai đoạn cuối. Quân lính của Sherman tiến vào bang Nam Carolina, đem lại “luồng gió mới của cuộc giải phóng nô lệ”. Nhà cửa, kho xưởng của các chủ điền bị cướp bóc; một giám thị bị giết, và tại một đồn điền các phu da đen chẳng những từ chối nghe theo lệnh của chủ da trắng mà còn la hét và “ca hát theo kiểu cách của họ”, như một chủ điền kể lại.
Ngày 18 tháng 2 năm 1865, thành phố Charleston bang Nam Carolina thất thủ. Trong số các binh đoàn quân Liên bang tiến vào chiếm đóng có Trung đoàn 54 bộ binh Massachusetts gồm toàn binh sĩ da đen; họ vừa đi vừa hát bài “Thân xác John Brown”. Năm tuần sau thành phố này được chứng kiến lễ hội tự do; tất cả mọi cộng đồng da đen túa ra đường nhảy múa, ca hát. Trên bốn ngàn người da đen - gồm binh sĩ, lính cứu hỏa, những người buôn bán lẻ, trẻ em, học sinh cầm các biểu ngữ ghi “Chúng tôi không có ai là chủ; chỉ biết có chúng tôi”. Ngược về phía Bắc, cảnh lễ hội tương tự cũng diễn ra khi các binh đoàn của tướng Grant tiến vào thành phố Richmond, bang Virginia ngày 3 tháng 4. Hàng ngàn người da đen
xuống đường, nhảy múa, cầu nguyện, ca hát “Xiềng xích nô lệ cuối cùng cũng bị chặt đứt”. Tổng thống Lincoln, không để ý tới vấn dề an ninh, đi bộ trên các đường phố ở Richmond, có chừng một chục thủy thủ đi kèm. Mỗi bước ông đi ông đều bị những người nô lệ cũ vây quanh; họ tung hô ông như đấng “Cứu Thế”, quỳ gối trước mặt ông làm ông lúng túng cố đỡ họ đứng lên. Một người da đen ở Richmond đã nói thẳng thừng với người chủ nô cũ, “mọi cái đều bình đẳng… Đất đai nay thuộc sở hữu của người Yankee, và họ chia đều cho người da màu chúng tôi”. Ngày 9 tháng 4, 1865, tướng Grant chấp nhận sự đầu hàng của tướng Lee (quân đội Liên minh miền Nam) tại Appomattox.
Cuộc tái thiết nổi cộm giữa hàng loạt các biến cố lịch sử liên tiếp xảy ra như là vấn đề trung tâm cần giải quyết. Nhưng, như James G. Blaine nhận định sau này, Lincoln không có kế hoạch “cố định” cho cuộc tái thiết. Tổng thống đã chấp thuận những chính sách khoan dung của Tướng Banks ở bang Louisiana và các đạo luật loại trừ của Andrew Johnson ở bang Tennessee, cũng chỉ vì ông muốn sớm chấm dứt chiến tranh và bảo đảm việc hủy bỏ chế độ nô lệ hơn là có kế hoạch tái thiết miền Nam thời hậu chiến. Cuộc tái thiết đang lúc có chiến tranh cũng không đem lại kết quả. Các chính quyền thân Liên bang được tạo ra trong lòng phe Liên minh miền Nam tại bang Virginia, Tennessee, Arkansas, và Louisiana, nhưng chẳng được sự hậu thuẫn rộng rãi của công chúng mà cũng không có sự chuẩn thuận của Quốc hội.
Ngày 11 tháng 4, tại Nhà Trắng, Tổng thống Lincoln đọc bài diễn văn mà sau này người ta gọi đó là bài diễn văn cuối cùng của ông.
Đây là lần đầu tiên ông lên tiếng công khai ủng hộ quyền bầu cử của người da đen. Bằng lời nói thận trọng và ngắn gọn, ông nói: “Tôi rất mong muốn những người thật thông minh và những người đã chiến đấu trong hàng ngũ chúng ta được quyền đi bầu”. Bài diễn văn điển hình phong cách của Lincoln - ông bảo tồn hậu thuẫn của quần chúng và sự đoàn kết trong đảng bằng cách quay về phía những người cấp tiến mà không nói gì về một miền Nam bại trận. Tờ Thời Báo New York nhận định Lincoln thấy chưa phải lúc để phát biểu các chính sách về cuộc tái thiết. Bốn ngày sau, Tổng thống Lincoln bị John Wilkes Booth, một diễn viên kịch, ám sát chết trong khi đang xem một vở bi hài kịch tại rạp hát Ford ở thủ đô Washington.
Nhiều năm trước ngày tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ, Charles I. Reason, một người chủ trương bãi nô đã tiên đoán việc bãi bỏ chế độ nô lệ sẽ tạo nhiều “thử thách” cho người nô lệ được tự do. “Rồi đây họ sẽ phải chịu đựng thành kiến là nô lệ, và thành kiến này sẽ không dễ tan biến đi”. Trong một xã hội dựa vào lý tưởng chủ quyền cá nhân và sự bình đẳng trong cạnh tranh, liệu có thể cùng tồn tại chế độ nô lệ và quyền công dân không?” Khái niệm mơ hồ về “tự do” biến đổi theo mỗi vùng nhưng ở đây sự giải phóng nô lệ có nghĩa là đòi hỏi quyền bình đẳng và bầu cử của người da đen. Nếu người da đen không có được những quyền này thì có thể giai cấp chủ nô trước đây sẽ tái lập sự bá chủ về chính trị. Những câu hỏi này được nhắc tới nhiều lần khi cuộc nội chiến sắp sửa chấm dứt nhưng chẳng có câu trả lời.
Hơn nữa, rõ ràng không chỉ người da trắng bàn cãi những vấn đề này mà cả người da đen nữa. Isaac Brinckerhoff, một mục sư Tin
Lành ở phương Bắc thuộc bang Florida do quân đội Liên bang kiểm soát tổ chức một loạt buổi nói chuyện về Hiến pháp Hoa Kỳ và những nguyên tắc của chính quyền Cộng hòa. ông nhận xét, “người da đen rất quan tâm đến những vấn đề này. Khi tôi hỏi người hầu già da đen của tôi là lão Meredith có thích các bài giảng của tôi không, ông ấy xòe hai bàn tay nói ‘tôi đều lớn khôn hơn mỗi lần được nghe.’ Vậy là có thêm một quần chúng mới trên diễn đàn chính trị và họ cũng sẽ phải định nghĩa ‘tự do’ là gì”.
Khi cuộc tái kiến thiết sau chiến tranh bắt đầu, Sidney George Fisher, một luật gia bảo thủ ở Philadelphia, nhận xét chiến tranh đã để lại nhiều vấn đề chưa được giải quyết:
“Có vẻ như số phận chúng ta sẽ không thoát nổi vấn đề người da đen. Chúng ta vừa mới bãi bỏ chế độ nô lệ thì một đảng chính trị đang lớn mạnh lại đưa ra vấn đề bầu cử của dân da đen. Như vậy thì câu hỏi ‘chúng ta phải làm gì với người da đen’ còn lâu mới có câu trả lời. Thật vậy, không thể có giải pháp nào thỏa mãn cả miền Bắc lẫn miền Nam”.
Fisher hiểu sẽ có cuộc tranh chấp tiếp nối theo sau việc bãi nô. Frederick Douglas nhận định: “Thật vậy, công việc chưa thể xong với sự ra đi của chế độ nô lệ; ngược lại, tất cả mới chỉ bắt đầu”.
3
Ý NGHĨA CỦA TỰ DO
T
ự do đến với người da đen ở các vùng lãnh thổ miền Nam theo nhiều cách khác nhau, ở nhiều vùng rộng lớn thì chế độ nô lệ đã tan rã trước khi tướng Lee đầu hàng còn ở những nơi khác thì mãi đến mùa xuân năm 1865 người nô lệ mới được nghe nói đến giải phóng. Lúc đầu họ rất vui mừng khi được tự do. Houston H. Holloway, một nam nô lệ đã bị mua đi bán lại ba lần trước ngày anh vừa tròn 20 tuổi vào năm 1865, nhắc lại cái ngày khó quên ấy tại nơi anh sinh sống trong bang Georgia: “Tôi cảm thấy mình như chim sổ lồng. Amen. Amen. Amen! Chưa bao giờ tôi được vui sướng như ngày hôm ấy!”.
Một mục sư da đen nhận định, “Con tim người da đen vốn đã khát khao tự do từ lâu rồi”. Nhưng, tự do là gì? Chúng ta cần phải định nghĩa câu này”, O. Howard, Cục trưởng Cục vấn đề người tự do nói trước một đám đông người da đen năm 1865. “Đây là một vấn đề rất dễ hiểu sai”.
Người da đen vừa thoát khỏi cảnh nô lệ thì hiểu cuộc sống mới từ kinh nghiệm làm nô lệ và nhìn vào xã hội tự do quanh mình. Như mục sư da đen Henry M. Turner phát biểu “Tự do có nghĩa là ta được hưởng quyền lợi chung với những người khác”. Henry Adams thì nói với người chủ cũ: “Nếu tôi không được hoạt động giống như người da trắng thì tôi không có tự do. Tôi cần phải hoạt động như người da trắng nghèo khổ, nếu không tôi vẫn chỉ là nô lệ”.
Nhưng cuộc giải phóng nô lệ đã đem lại cho người da đen những ý tưởng mới: không chịu sự kiểm soát của người da trắng; có quyền tự chủ với danh nghĩa cá nhân và là thành viên của cộng đồng. Trước chiến tranh, những người da đen tự do đã có nhà thờ, trường học và tạo lập những hội đoàn công ích của riêng họ, trong khi người da đen nô lệ thì chỉ nghĩ về gia đình và tôn giáo họ theo. Khi được tự do, người nô lệ cũ cùng người da đen tự do củng cố, mở rộng những thể chế này và tiến tới sự độc lập về kinh tế. Suốt thời kỳ tái thiết, người da đen đặt nền móng cho một kiểu xã hội riêng có gốc rễ từ thời nô lệ nhưng cơ cấu và giá trị thì từ hệ quả của giải phóng.
❖ TỪ NÔ LỆ ĐẾN TỰ DO
Suốt một thời gian dài sau cuộc nội chiến người da đen được giải phóng vẫn còn bị ám ảnh về cảnh nô lệ đã trải qua. Họ vẫn còn căm hận những sự bạc đãi và nhất là cảnh sống nô lệ. Một mục sư người Scotland đến Richmond, ông David Macrae, kể lại ông rất ngạc nhiên khi nghe một nô lệ cũ than phiền vì bị đối xử tồi tệ “mặc dù chưa hề bị đánh đập”. “Vậy tại sao anh lại nói anh bị đối xử tàn
tệ?” Macrae hỏi. Anh nô lệ được tự do trả lời: “Vì tôi bị giữ làm nô lệ”.
Bằng rất nhiều kiểu, những người nô lệ vừa được tự do luôn tìm cách thoát khỏi quyền lực của người da trắng. Họ tìm mọi dịp để không làm theo những quy định đã từng áp đặt cho họ. Tự do họp mặt; làm những nghi thức tôn giáo cho riêng họ mà không có sự giám sát của người da trắng; nuôi chó; mua súng đạn, rượu; và không nhường đường cho người da trắng. Họ ăn mặc theo ý thích riêng; phụ nữ da đen mặc quần áo lòe lẹt, mang ô (dù), đầu đội mũ và choàng khăn sặc sỡ. Nhiều người da trắng than phiền tính “xấc láo” và “bất trị” của đám người được tự do không còn ngoan ngoãn như khi còn là nô lệ. Tại đồn điền Bradford ở bang Florida liên tiếp xảy ra những vụ đụng độ. Đầu tiên là người đầu bếp da đen nói thẳng với bà chủ “nếu bà muốn ăn cơm thì hãy tự nấu lấy”. Còn những người nô lệ cũ khác đang làm việc trên đồng ruộng cũng bỏ đi, đến gặp các binh lính phương Bắc để nghe nói chuyện về “tự do”. Chị hầu gái trong gia đình cũng dắt con đi nghe. Khi bà chủ nói ở nhà làm việc thì chị nói lại, “chúng tôi được tự do rồi; chúng tôi muốn làm gì thì đó là quyền của chúng tôi”.
Người nô lệ căm ghét nhất là luật lệ không cho phép họ tự do đi lại. Muốn đi đâu thì phải có giấy phép để trình cho các toán tuần tra. Khi được giải phóng, họ tự do đi lại. Khoảng nửa dân số nô lệ cũ ở miền Nam sau ngày có Tuyên ngôn giải phóng nô lệ đã ùa ra đường, đổ xô về các thành phố và thị trấn phương Nam trong và sau chiến tranh. Khoảng giữa các năm 1865 và 1870, dân số da đen tại 10 thành phố lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ đã tăng gấp đôi,
trong khi dân số da trắng chỉ tăng có 10%. Các thị trấn nhỏ vốn trước đây không cho phép người da đen tới thì nay cũng tràn đầy. Những di dân tự do da đen đến đô thị tìm việc thường gặp thất vọng nặng nề. Họ đứng đầy tại các chợ lao động và trông đợi có được việc làm, thường là lao động phổ thông với giá rẻ mạt. Họ sống trong những căn nhà ổ chuột ở ngoại vi các thành phố lớn, trước sự đe dọa của bệnh tật và các tệ nạn xã hội khác. Hậu quả là một sự đổi thay lớn lao về cuộc sống thành thị. Trước chiến tranh, dân da trắng và dân da đen cùng sống rải rác khắp các thị trấn phương Nam nhưng giờ đây với công cuộc tái thiết thì cảnh quan đô thị phương Nam hoàn toàn thay đổi.
Một điều người da đen được tự do quan tâm nhất là tìm lại người thân đã bị bán đi xa trong thời kỳ nô lệ. Một nhân viên Cục vấn đề người được tự do viết: “Công cuộc giải phóng nô lệ chưa thể hoàn tất cho đến khi các gia đình bị ly tán bởi chế độ nô lệ được đoàn tụ”. Một người nô lệ cũ ở bang Texas viết thư nhờ Cục vấn đề người được tự do tìm lại những người thân gồm anh chị em, các cháu trai, gái, chú, dì, và gia đình “anh chị sui” mà anh ta không được gặp lại kể từ ngày anh bị bán đi ở bang Virginia 24 năm trước. Một mẩu tin nhắn trên báo Người da màu bang Tennessee xuất bản tại Nashville đăng như sau:
“Khoảng năm 1849, Thomas Sample mua và đem đi làm nô lệ con gái của tôi là Polly và con trai tên… Tôi xin hậu tạ 100 đô la cho ai giúp mỗi đứa con tôi trở về Nashville, hoặc cho biết hiện nay chúng đang ở đâu”.
Tuy bị chia ly nhưng người da đen luôn giữ các mối liên hệ gia đình chặt chẽ suốt thời kỳ nô lệ. Nhiều gia đình người da đen được
tự do ngoài việc nuôi nấng con cái và những người thân còn nhận nuôi thêm con nuôi, thường là con cái của bạn bè hoặc người thân đã qua đời.
Một đặc trưng khác của sự “đổi đời” này là phụ nữ da đen không còn lao động ngoài đồng như nam giới dưới thời nô lệ. Nhiều đồn điền vắng bóng người phụ nữ da đen cùng cày cấy như xưa kia. Có nhiều lý do nhưng rõ nét nhất là phụ nữ da đen giờ đây muốn dành nhiều thời gian để chăm sóc con cái và chu toàn nhiệm vụ nội trợ như nấu cơm, khâu vá và giặt giũ. Tuy nhiên, hiện tượng phụ nữ da đen bỏ lao động để làm nội trợ cũng chỉ có tính giai đoạn mà thôi vì đa số thuộc thành phần nghèo, lại xảy ra suy thoái vào những năm 1870 nên sau này hầu như mọi người nữ cũng lao động giống như phái nam để mưu sinh. Suốt thời kỳ này có nhiều phụ nữ và trẻ em da đen cùng đi làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, ở những gia đình khá giả hơn thì phụ nữ ở nhà lo việc nội trợ và trẻ em thì tới trường nhưng vào những kỳ nghỉ hay vụ mùa thì tất cả cùng ra đồng làm việc. Tự họ quyết định ra ngoài làm việc hay ở nhà; không ai bắt buộc.
Đối với người da đen, thoát khỏi sự kiềm chế của người da trắng là yếu tố cần thiết của tự do. Cơ cấu tổ chức gia tộc người da đen cũng thay đổi sau ngày giải phóng nô lệ. Mặc dù các nhà sử học không nhắc tới điều người nô lệ da đen vốn theo mẫu hệ nhưng do chủ nô quyết định mọi việc cho cả nam lẫn nữ, mặc nhiên đem lại sự bình đẳng về giới tính cho họ. Và khi được giải phóng, với người chồng, người cha quyết định hầu hết mọi việc thì gia đình người da đen đã dần chuyển qua phụ hệ một cách vô ý thức.
Những vụ việc bên ngoài tổ ấm gia đình là nguyên nhân chính cho sự đổi đời. Quân đội Liên bang tuyển dụng trực tiếp nam thanh niên da đen. Cục vấn đề người được tự do khi lập danh sách các hộ da đen cũng chỉ định người nam làm chủ hộ để ký các hợp đồng lao động chẳng hạn, và nam lao động thường được trả tiền công nhiều hơn nữ lao động. Sau năm 1867, người nam da đen được tham gia bồi thẩm đoàn, bỏ phiếu, điều hành văn phòng, và được thăng cấp trong đảng Cộng hòa. Người nữ da đen, cũng giống như nữ da trắng, không có những quyền này. Các mục sư, thầy giảng, nhà báo, và chính trị gia da đen thường nói tới nhiệm vụ của phụ nữ là giữ cho gia đình luôn là “chốn an bình và tiện nghi” cho chồng, cha… và đòi hỏi phụ nữ phải biết phục tùng chồng.
Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ da đen đều chấp nhận quyền uy của người chồng trong gia đình. Nhiều phụ nữ đã đưa những xích mích trong gia đình ra trước cơ quan pháp luật. Văn phòng Cục vấn đề người được tự do lưu trữ cả trăm đơn từ khiếu nại của phụ nữ da đen tố cáo chồng hoặc cha đánh đập họ, ngoại tình hay không trợ giúp nuôi dạy con cái. Một số phụ nữ da đen cũng kiện ông chồng đã ký hợp đồng lao động để lĩnh tiền công thay cho họ, đòi được tự tay lĩnh tiền, và không chịu trách nhiệm về các khoản nợ nần của chồng. Nếu sự bãi bỏ chế độ nô lệ chẳng những thể chế hóa gia đình người da đen mà còn phát sinh tình trạng căng thẳng ngay trong gia đình họ thì người nam và nữ da đen cùng muốn duy trì sự ổn định cho cuộc sống gia đình và đây chính là nền tảng cho một cộng đồng da đen mới được phát triển.
❖ XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG DA ĐEN
Đối với người da đen, “nhà thờ” tức là tôn giáo, có ý nghĩa quan trọng thứ nhì, sau gia đình. Thời kỳ tái thiết cũng là lúc họ củng cố và biến đổi tôn giáo. Khi chế độ nô lệ bị tiêu hủy, những người da đen ở thành thị lập tức nắm quyền kiểm soát các nhà thờ của họ. Một kiểu sống đạo mới của người da đen dược hình thành.
Trước chiến tranh, tất cả người da đen, nô lệ hay tự do, đến nhà thờ đều phải ngồi ở phía cuối hay đứng ngoài hành lang trong khi hành lễ. Họ không được dự các lớp học giáo lý ngày chủ nhật và tham gia việc điều hành nhà thờ. Tại những thành phố lớn mặc dù có nhiều người da đen họp thành giáo đoàn riêng và xây dựng nhà thờ cho riêng họ, luật lệ vẫn buộc họ phải có mục sư da trắng dẫn dắt. Sau ngày được giải phóng hầu như tất cả người da đen đều rời bỏ các giáo đoàn có hai chủng tộc. Toàn cảnh tôn giáo ở miền Nam đã thay đổi lớn; người da đen giờ đây có những nhà thờ và sinh hoạt tôn giáo cho riêng họ. Có hai nguyên nhân cùng kết hợp dẫn đến sự hình thành một tôn giáo độc lập cho người da đen: Người da trắng từ chối sự bình đẳng đối với người da đen trong giáo đoàn; và người da đen muốn được tự khẳng định.
Trên toàn miền Nam, người da đen thoát khỏi nô lệ đem hết của cải của mình để mua đất và xây dựng giáo đường. Khi chưa có giáo đường họ thường cử hành các nghi lễ tôn giáo trong các kiến trúc thô sơ đa dạng: một toa xe lửa bỏ phế, như trường hợp nhà thờ Tin Lành Baptist đầu tiên ở Atlanta (bang Georgia) hoặc một lùm cây như nhà thờ Tin Lành Baptist đầu tiên ở Memphis (bang Tennessee). Giáo đường xây dựng đầu tiên của người da đen là một kiến trúc giữa đống đổ nát trên đường Calhoun ở thành phố
Charleston (bang Nam Carolina); đến năm 1866, có thêm 10 nhà thờ nữa được xây dựng ở miền Nam. Ở vùng nông thôn, thường chỉ có một giáo đường để các hệ phái Tin Lành của người da đen luân phiên sử dụng. Đến cuối thời kỳ tái thiết, năm 1877, đại đa số người da đen phương Nam không đến các giáo đường có nhiều người da trắng dự. Tại bang Nam Carolina trước ngày cuộc nội chiến nổ ra, có khoảng 42.000 người da đen theo giáo phái Methodist (Hội Giám lý) đến các nhà thờ của người da trắng nhưng đến những năm 1870 chỉ còn khoảng 600.
Nhà thờ là thể chế xã hội đầu tiên người da đen tạo dựng ở Hoa Kỳ; giáo đường là trung tâm của mọi sinh hoạt: trường dạy học, nơi sinh hoạt xã hội, hội họp chính trị, v.v… ở nông thôn, nhà thờ còn là nơi tổ chức lễ hội, vui chơi ngoài trời và du ngoạn. Ngoài ra nhà thờ cũng là một thứ tòa án thuộc giáo hội phổ biến những giá trị đạo đức, dàn xếp những bất hòa trong gia đình, kỷ luật những ai phạm tội ngoại tình hoặc làm bậy. Tại các cộng đồng da đen, giáo sĩ (thầy giảng) hay mục sư là người được kính trọng nhất, được quý mến vì có tài hùng biện, tổ chức và xét đoán công minh những vấn đề của cộng đồng và của cá nhân.
Vì thế, các giáo sĩ giữ vai trò trọng tâm trong đời sống chính trị suốt cuộc tái thiết. Charles H. Pearce, người chỉ đạo công việc tái thiết ở bang Florida nhận xét không thể tách rời tôn giáo khỏi chính trị: “Không vị mục sư nào ở Bang này có thể làm tốt nhiệm vụ nếu không biết quan tâm đến nguyện vọng chính trị của giáo dân”. Những giáo sĩ không có mưu đồ chính trị nhiều khi cũng bị lôi cuốn vào hoạt động chính trị. Đôi khi họ bị buộc phải làm nhiệm vụ ghi
danh cử tri cho những người da đen mù chữ hoặc phải tranh cử cho một chức danh nào đó. Đã có trên 100 vị mục sư da đen thuộc các hệ phái Tin Lành đến từ miền Bắc hoặc ngay tại miền Nam, có nguồn gốc là người da đen tự do hoặc nô lệ, đã được bầu vào các vị trí lập pháp trong thời kỳ tái thiết.
Suốt thời kỳ tái thiết, chính những nhận thức về tôn giáo của người da đen đã tạo nên chính kiến về các sự vụ việc xảy ra và ngôn từ họ dùng để nói lên khát vọng về sự công bằng và chủ quyền. Người da đen thừa hưởng một phong thái đặc biệt thuộc tín ngưỡng đạo Thiên Chúa ngay từ thời còn là nô lệ. Họ tin Jesus là đấng Cứu Chuộc đem lại sự an ủi khi họ gặp bất hạnh; theo Cựu ước thì họ là dân được Chúa chọn, tương tự như dân Do Thái ở Ai Cập được Chúa cứu khỏi ách nô lệ. Một vị tuyên úy da trắng kể lại năm 1866: “Họ cho rằng họ rất giống ‘con cái nhà Israel’ trong sách Thánh Kinh”.
Một loạt tổ chức xã hội, hội đoàn ái hữu, từ thiện được thành lập cùng với sự lớn mạnh của tôn giáo riêng cho người da đen. Ngay từ thời kỳ đầu của tái thiết, người da đen đã có hàng ngàn tổ chức như trên: hội mai táng, câu lạc bộ hùng biện, nhà nghỉ của hội Tam Điểm (tổ chức mang tính chất tôn giáo chuyên làm việc từ thiện), đội phòng cháy chữa cháy, đoàn kịch, và hiệp hội kinh doanh. Những tổ chức này thể hiện tinh thần cùng nhau tự cải tiến của người da đen, và tinh thần này cũng lan tỏa đến những người không là thành viên của tổ chức, những người cùng khổ trong xã hội. Những năm 1865 và 1866, dân da đen ở những thành phố lớn như Nashville, Jackson, New Orleans, Atlanta và ở nhiều vùng nông thôn đã quyên
góp tiền để lập nhà nuôi trẻ mồ côi, tổ chức bếp từ thiện, trung tâm tìm việc làm, và gây quỹ giúp người nghèo.
Có lẽ sự khát khao về giáo dục là nét nổi bật nhất trong việc tự cải tiến của dân da đen được tự do. Trước chiến tranh, toàn miền Nam, ngoại trừ bang Tennessee không cho phép người nô lệ được đến trường; theo thống kê năm 1860 trên 90% dân số da đen đều mù chữ; chỉ một số ít do tự học (nhờ thiện cảm của chủ nô) hoặc là người tự do được quyền đi học. Tính ham học của người da đen, cho bản thân họ và con cái của họ, làm người da trắng ngạc nhiên. Một giáo viên từ miền Bắc dạy học ở bang Florida cho biết có một bà lão tuổi ngoài 60 rất ham học: “mới biết đọc mà bà ta ôm sách cả ngày, đọc suốt đêm, chỉ mơ thấy sách và khi tỉnh giấc thì chỉ nghĩ đến sách mà thôi”.
Các hội từ thiện miền Bắc, Cục vấn đề người được tự do, và chính quyền các bang sau năm 1868 đều là những tổ chức tài trợ cho giáo dục của dân da đen trong thời kỳ tái thiết nhưng chính người da đen đã khởi xướng. Họ đã tổ chức các lớp học ngay từ lúc đầu, có khi ngay tại các nhà kho bỏ hoang, phòng chơi bi-da, hay như ở New Orleans và Savannah họ đã biến các “chợ nô lệ” cũ thành trường sở. Nhiều nhân viên Cục vấn đề người được tự do rất ngạc nhiên khi thấy ở vùng nông thôn người da đen đã có những lớp học tổ chức tại các giáo đường, trong các căn hầm nhà, hay tại tư gia. Họ còn ngạc nhiên hơn khi thấy ở nhiều nơi, các em học sinh da den đang chỉ cho cha mẹ cách đánh vần, hay dạy học cho các lao động trong giờ nghỉ trưa.
Trên toàn cõi miền Nam vào những năm 1865 và 1866, người da đen lập quỹ mua lại đất, xây dựng trường học và trả lương giáo viên. Có những cộng đồng da đen tự định ra các thứ thuế để có tiền, và nhiều trường tự quy định học phí nhưng lại miễn cho học sinh con nhà nghèo. Nhiều thợ thủ công da đen tình nguyện xây trường không lấy tiền công, và có những gia đình tự nguyện cung cấp nơi ăn ở ngoài tiền lương cho các giáo viên, ước tính đến năm 1870, dân da đen đã tự chi trả trên một triệu đô la cho giáo dục; một việc làm rất đáng tự hào của các cộng đồng da đen. Một cư dân da đen ở thành phố Selma (bang Alabama) viết về một cô giáo da đen năm 1867: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn cô Lucy Lee, một nô lệ cũ, đã là người tiên phong mở lớp dạy học cho con em chúng tôi mà không có sự trợ giúp của những hội đoàn phương Bắc”.
Tất nhiên các giáo viên da đen đầu tiên không tránh khỏi sự chê bai của những người miền Bắc vì họ chỉ biết lõm bõm, không đủ khả năng để dạy. Một giáo viên da đen tự biện bạch, “biết làm sao hơn được vì chưa bao giờ tôi được cắp sách tới trường. Tôi chỉ biết lõm bõm đôi ba chữ nhưng vì không có ai nên tôi phải nhận đi dạy!”. Một điều chắc chắn là những giáo viên da đen này rất nhiệt tình và can đảm nữa. Ở nhiều nơi nhất là vùng nông thôn họ thường gặp phải sự chống đối lẫn đe dọa của cư dân da trắng khi họ đến mở trường cho người da đen. Những giáo viên này ngoài việc dạy học còn đảm nhiệm nhiều công việc khác như giúp những nô lệ được tự do viết đơn, làm hợp đồng, và giúp việc nhà thờ, v.v… Nhiều giáo viên cũng tham gia công việc chính trường. Trong thời gian tái thiết có ít nhất 70 giáo viên da đen trở thành nghị viên của tiểu bang. Nghị viên
Benjamin S. Turner ở bang Alabama là một ví dụ điển hình: Xuất thân là một nô lệ, ông tham gia làm chính trị sau khi được tự do và đã tài trợ xây một trường học ở Selma.
Trường học xây dựng bởi người da đen trong thời kỳ tái thiết là biểu tượng cho sự ra đời của một kiểu cộng đồng mới kết hợp những người da đen tự do với những người da đen được tự do (giải phóng khỏi ách nô lệ), dân da đen miền Bắc với dân da đen miền Nam. Người da đen miền Bắc vốn được tự do từ lâu còn tại miền Nam thì người da đen tự do tập trung ở các thành phố phần đông là tại bang Louisiana. Nhìn chung, người da đen tự do vì được đi học nên có trình độ văn hóa, và điều kiện kinh tế tốt hơn người da đen gốc nô lệ. Tuy cả hai nhóm người da đen này chung sống trong cộng đồng, giữa họ nảy sinh loại tình cảm khá phức tạp. Người da đen tự do một mặt truyền bá kiến thức cho người da đen mới được tự do, mặt khác lại không muốn hội nhập với họ. Có nhiều gia đình da đen tự do giàu có tuy góp tiền xây nhà thờ, trường học cho người được giải phóng nhưng không muốn bị đồng hóa, không cho con họ học chung với con của những gia đình nô lệ cũ. Và cũng có trường hợp con trai, con gái những gia đình da đen tự do nổi tiếng trong xã hội sẵn sàng về nông thôn để dạy học cho con em các gia đình trước đây là nô lệ. Những cô cậu này còn trẻ, ở độ tuổi trên dưới hai mươi; họ là những mục sư và thầy cô giáo đầy nhiệt tình. Nhiều người trong số họ sau này trở thành những nghị viên thành phố và tiểu bang, hoặc viên chức chính phủ.
❖ Ý NGHĨA KINH TẾ CỦA TỰ DO
Người da đen được giải phóng khỏi ách nô lệ chứng tỏ sức mạnh của sự tự do nổi bật nhất trong kinh tế. Tự do mang lại cho họ ý niệm rõ ràng về mình là “một giai cấp lao động trong nhân dân” từ lâu đã bị bóc lột tàn tệ. Người da trắng trước nay vẫn cho rằng dân da đen không muốn lao động nhưng ngược lại người da đen lại nói chính các chủ điền da trắng “lười biếng”, không lao động và chỉ biết hưởng thụ thành quả lao động của người nô lệ da đen. Sự thật thì người da đen được tự do làm việc tương đối ít hơn lúc họ còn là nô lệ mặc dù giờ đây họ được trả công lao động. Lý do: “Tại sao chúng tôi phải làm việc như xưa kia, từ tờ mờ sáng đến tối mịt ở ngoài đồng? Chúng tôi không còn là nô lệ, và chúng tôi chỉ làm việc cho chúng tôi”.
Tự do đối với người da đen được giải phóng không chỉ là lao động ít giờ và có tiền công; nó còn có ý nghĩa về điều kiện lao động của họ. Không còn phụ thuộc chủ nô; làm việc theo nhu cầu của cá nhân và cho gia đình. Mong muốn của đa số là lĩnh canh hơn là làm thuê đổi lấy tiền công, hoặc thuê đất canh tác thay vì cấy rẽ. Nói chung, họ muốn có đất để tự canh tác. Đối với họ, “có đất” là biểu hiện của sự độc lập hoàn toàn.
Đây cũng là tâm trạng của tất cả những nô lệ cũ ở khắp nơi: ở Haiti, quần đảo Ca-ri-bê thuộc Anh và Tây Ban Nha, hay Brazin, v.v.. Tất cả đều như không muốn lao động trên các đồn điền họ đã làm nô lệ.
Nhưng có một điểm khác biệt với người nô lệ cũ ở Hoa Kỳ: họ muốn chính phủ Liên bang cấp đất cho họ. Họ đòi được chia một mảnh đất từ đồn điền của các chủ nô cũ. Tại một hội nghị ở
Alabama, một đại biểu lên tiếng nói: “Những tài sản mà các chủ nô có là do chúng tôi ‘đổ mồ hôi sôi con mắt’ làm ra”.
Năm 1865 tại nhiều nơi miền Nam, hàng trăm người nô lệ cũ không chịu ký hợp đồng lao động hoặc rời đồn điền của chủ nô; họ nói giờ đây đất đai thuộc về họ, và đồn điền là tài sản chung của họ. Tại bang Tennessee, những nô lệ cũ trong một đồn điền nọ chẳng những chiếm đoạt ruộng đất mà còn chiếm ngụ cả nhà ở của chủ điền. Cũng có những người da đen được giải phóng rời bỏ đồn điền để sang một bang khác hay về những vùng nông thôn hẻo lánh kiếm đất hay thuê đất để trồng trọt nhưng con số này rất ít vì nhiều lý do: Không có tiền; chủ điền da trắng không bán hoặc nhượng đất. Và họ phải chấp nhận làm thuê hoặc lĩnh canh.
Nhiều người da đen được tự do có chút ít vốn tìm đến các thành phố lớn để mở tiệm buôn bán các mặt hàng “thượng vàng hạ cám”. Họ đi về nông thôn mua các nông sản phẩm như đường, phô mai, cá mòi, và vải vóc, v.v… để về bán lại. Họ nhanh chóng nắm bắt quy luật cung và cầu của thị trường và biết cách chi phối thị trường. Họ cũng dành dụm tiền bạc để xây nhà thờ, trường học và gửi con em đi học.
Những người da đen thành thị thì làm công nhân trong các nhà máy, cơ xưởng và dần dà ý thức được quyền lợi của họ. Trong thời kỳ tái thiết đã xảy ra những vụ đình công đòi tăng lương của lao động da đen như công nhân nhà máy ở Richmond, thợ giặt nữ ở Jackson, phu bốc vác ở New Orleans và Savannah, thợ cơ khí ở Columbus (bang Georgia). Tại nông thôn, các lao động cũng ra yêu
sách đòi có hợp đồng tập thể với mức tiền công cao và đồng nhất cho tất cả các phu đồn điền.
Tuy nhiên, những ký ức về thời kỳ nô lệ trên các đồn điền đã khiến những lao động da đen được tự do từ chối làm những việc có lợi nhuận cao như trồng bông vải. Họ nói “bông vải là hoa màu của sự nô lệ”. Một nô lệ cũ ở bang Georgia nói thẳng thừng với người chủ thuê mướn anh ta: “Nếu ông muốn trồng bông vải thì ông tự làm lấy đi”.
Trái lại, họ chỉ muốn trồng các cây lương thực để tự nuôi sống chứ không cần biết giá trị của bông vải trên thị trường. Warren Kelsey, đại diện một công ty chế biến bông vải ở miền Bắc nhận xét:
“Tham vọng duy nhất lúc này của người da đen được tự do là sở hữu một khoảnh đất nhỏ đủ để xây cất một căn nhà, sống bình an và được hưởng những thú vui đơn sơ. Nếu muốn họ sẽ canh tác bông vải ngay trên thửa đất của mình theo khả năng và sở thích chứ không phải làm theo giờ giấc người khác quy định. Trường hợp họ thích trồng ngô hay khoai thì họ có thể bỏ cây bông để trồng ngô, khoai; không bị cấm cản. Đó là ý tưởng, nguyện vọng và mong muốn của người nô lệ cũ”.
Nhưng có đất không thôi cũng chưa thể bảo đảm cuộc sống thoải mái cho người da đen. Họ cần phải có vốn và khả năng thâm nhập thị trường. Hơn nữa, nếu cơ cấu chính trị địa phương không thiện cảm thì họ phải chịu sưu cao thuế nặng cùng những chính sách gò bó, không để họ được phát triển kinh tế. Việc tái phân bố ruộng đất rõ ràng không phải là liều thuốc trị bách bệnh mà nó còn có tác dụng sâu xa đến nền kinh tế phương Nam, làm suy yếu sức mạnh kinh tế chính trị của giai cấp thống trị miền Nam cũ, và buộc
người nô lệ được giải phóng phải từ bỏ ý muốn được tự chủ về kinh tế để chấp nhận đi làm công ăn lương.
Chính ý muốn độc lập về kinh tế của người da đen chẳng những làm lung lay các nền tảng kinh tế chính trị phương Nam mà còn đẩy người được giải phóng vào thế đối kháng với những chủ nô cũ muốn lập lại kỷ cương lao động trong các đồn điền và những nhà kinh doanh phương Bắc muốn thúc đẩy sản xuất cây bông vải. Nhiệm vụ trọng tâm của các cộng đồng da đen là xác định rõ ý nghĩa của tự do. Những nguyện vọng của họ, từ quyền tự quyết về gia đình đến việc xây dựng nhà thờ, trường học có được thỏa mãn hay không phụ thuộc việc họ có muốn lao động hay không và biết khai thác những tài nguyên kinh tế của miền Nam.
Dân Da Đen được tự do chào mừng Tổng thống Lincoln tuyên bố Bộ Luật Bãi Nô: Ảnh chụp tại phía bắc bang Virginia, gần Winchester [báo Thế Giới qua Tranh Ảnh (Le Monde Illustré), 21/3/1863]
"""