"
Luận Đề Về Nguyễn Khuyến - Vũ Khắc Khoan PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Luận Đề Về Nguyễn Khuyến - Vũ Khắc Khoan PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : LUẬN-ĐỀ VỀ NGUYỄN KHUYẾN Tác giả : VŨ KHẮC KHOAN
Nhà xuất bản : TAO-ĐÀN
Năm xuất bản : 1960
------------------------
Nguồn sách : Nguyễn Hữu Hoan
Đánh máy : Đỗ Trung Thực
Kiểm tra chính tả : Tô Thúy Nga, Vũ Minh Anh Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 26/08/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả VŨ KHẮC KHOAN và nhà xuất bản TAO-ĐÀN đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
LƯỢC-DẪN VỀ NGUYỄN KHUYẾN (1835-1910) I. THỜI-ĐẠI
1) Yếu tố thời-đại có liên-lạc với thế-hệ 1862 2) Những yếu-tố thời-đại có liên-lạc với thế-hệ (1884) II. NGUYỄN KHUYẾN
1) Tiểu-sử
2) Văn-nghiệp
3) Tính-tình
4) Tư-tưởng
5) Tâm sự
III. Ý-NGHĨA NỘI-DUNG THI-PHẨM NGUYỄN KHUYẾN 1) Đối với thời-cuộc
2) Đối với người đời
3) Đối với gia-đình
4) Đối với bè bạn
IV. NGHỆ-THUẬT CỦA NGUYỄN KHUYẾN
1) Tả tình
2) Trào-phúng
3) Nghệ-thuật tả cảnh
V. ĐỊA-VỊ CỦA NGUYỄN KHUYẾN
PHẦN LUẬN-ĐỀ
ĐỀ I
ĐỀ II
1) Nhập-đề
2) Thân bài
3) Kết-luận ĐỀ III
ĐỀ IV
1) Nhập đề 2) Thân bài 3) Kết-luận ĐỀ V
1) Nhập-đề 2) Thân bài 3) Kết-luận ĐỀ VI
ĐỀ VII
1) Nhập đề 2) Thân bài 3) Kết-luận ĐỀ VIII
1) Nhập đề 2) Thân bài 3) Kết luận ĐỀ IX
1) Nhập-đề 2) Thân-bài 3) Kết-luận ĐỀ X
ĐỀ XI
1) Nhập-đề 2) Thân-bài
3) Kết-luận
ĐỀ XII
1) Nhập-đề
2) Thân-bài
3) Kết-luận
THƠ VĂN TRÍCH TUYỂN 1) TỰ TRÀO
2) CHỢT HỨNG
3) TỰ-TRÀO NĂM BẢY MƯƠI TƯ 4) THAN GIÀ
5) DI CHÚC
6) CHỐN QUÊ
7) CẢNH TẾT
8) CẢNH LÊN LÃO
9) NƯỚC LỤT
10) LỤT NĂM ẤT-TỊ
11) GỬI BÁC CHÂU CẦU
12) NƯỚC LỤT THĂM BẠN 13) KHÓC ÔNG DƯƠNG-KHUÊ 14) QUỐC KÊU CẢM HỨNG 15) ÔNG PHỖNG-ĐÁ
16) MẸ MỐC
17) CHƠI NÚI AN-LÃO
18) ĐÊM MÙA HẠ
19) THU ẨM
20) THU VỊNH
21) THU ĐIẾU
22) HỎI THĂM QUAN TUẦN MẤT CƯỚP
23) GỬI ÔNG NGŨ-SƠN, ĐỐC HỌC HƯNG-YÊN 24) MỪNG ÔNG NGŨ-SƠN LÀM ĐỐC HỌC HƯNG-YÊN 25) HỘI TÂY
26) THẰNG BÁN TƠ TRONG TRUYỆN KIỀU 27) TIẾN-SĨ GIẤY
28) NHỜI VỢ PHƯỜNG CHÈO
VŨ KHẮC KHOAN
Giáo-sư Trường Trung-Học Chu Văn An LUẬN-ĐỀ VỀ NGUYỄN KHUYẾN
Lược-dẫn về Nguyễn Khuyến
Các luận-đề có dàn bài và bài mẫu Tác-phẩm tuyển lựa
(DÙNG TRONG CÁC KỲ THI TRUNG HỌC)
IN LẦN THỨ I
XUẤT-BẢN TAO-ĐÀN
Lược-dẫn về Nguyễn Khuyến.
Phần luận-đề…
ĐỀ I : Thái-độ của Nguyễn Khuyến đối với thời-cuộc nước nhà từ khi Pháp tổ-chức nền bảo-hộ.
ĐỀ II : Xét đoán đời sống vật-chất và tinh-thần của thi sĩ Nguyễn Khuyến khi về trí-sĩ
ĐỀ III : Qua đèo Ngang, Bà Huyện Thanh-Quan có câu : « Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc ». Đêm hè nghe tiếng cuốc kêu, Nguyễn Khuyến lại có câu : « Năm canh máu chảy đêm hè vắng ». Hãy xét sự biến-chuyển trong tâm-trạng của sĩ-phu V.N. giữa hai tiếng cuốc kêu đó.
ĐỀ IV : Văn-học-sử cho rằng : « Nguyễn Khuyến chỉ trích thói đời một cách nhẹ nhàng, kín đáo, rõ ra bậc đạt nhân quân-tử ». Chứng minh lời phê-phán đó qua văn thơ của Nguyễn Khuyến.
ĐỀ V : Mối cảm thu của Nguyễn Khuyến qua ba bài « Thu Ẩm », « Thu Điếu », « Thu Vịnh ».
ĐỀ VI : Tính-tình, tâm-trạng và cảnh-ngộ của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương.
ĐỀ VII : Chứng-minh sự phân-biệt về văn thơ của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương qua các thì phẩm.
ĐỀ VIII : Phân-tích và phê-bình bài thơ « Đêm mùa hạ » của Nguyễn Khuyến.
ĐỀ IX : Xét nghệ-thuật tả cảnh của Nguyễn Khuyến qua thơ văn của ông.
ĐỀ X : Phân-tích tình bạn của Nguyễn Khuyến, dựa vào thơ-văn của ông.
ĐỀ XI : Hai khuynh-hướng trào-phúng và tình-cảm trong thi tài Nguyễn Khuyến thì Nguyễn Khuyến đã thành công trong khuynh-hướng nào ?
ĐỀ XII : Bình-giảng bài ca trù của Nguyễn Khuyến. Phần thơ văn trích-tuyển.
LƯỢC-DẪN VỀ NGUYỄN KHUYẾN (1835- 1910)
I. THỜI-ĐẠI
Nguyễn Khuyến là người của hai thế-hệ 1. Ông là người trẻ nhất của thế-hệ 1862, thế-hệ những người đã trưởng thành khi Pháp xâm-lăng Việt-Nam, và người già nhất của thế-hệ 1884, thế-hệ những người khi lớn lên, khi trưởng thành thì hòa-ước 1884 đã ra đời, cuộc xâm-lăng đã hoàn tất.
Nghiên-cứu ảnh-hưởng của thời-đại trong trường-hợp Nguyễn Khuyến, người ta không những phải đề-cập tới những yếu-tố liên-hệ với thế hệ 1862 mà cả những yếu-tố liên-hệ với thế-hệ 1884.
1) Yếu tố thời-đại có liên-lạc với thế-hệ 1862 Ảnh-hưởng của những yếu-tố xã hội, kinh-tế và văn hóa bị lu mờ trước ảnh hưởng của yếu-tố lịch-sử : cuộc xâm lăng của Pháp báo hiệu tự những tiếng đại-bác nổ vào Đà Nẵng năm 1848, đã thực-sự bắt đầu năm 1858 để rồi tiếp diễn như một vết dầu loang trên toàn quốc – 1862, 1874, 1883 2– và chỉ chấm dứt với sự ký-kết hòa-ước cuối cùng – hòa-ước Patenôtre, 1884 – công-nhận nền bảo-hộ của Pháp trên toàn-thể lãnh-thổ Việt-Nam.
Trước sức tấn-công vũ-bão của quân-đội Pháp, sĩ-phu Việt-Nam – đẳng-cấp trí-thức, đẳng-cấp có trách-nhiệm – bắt đầu phân-tán. Có thái độ quyết-chiến, có thái độ đầu
hàng, có thái độ hòa-hoãn. Phản-ảnh sang địa-hạt văn chương, những thái-độ đó sẽ trở thành những khuynh hướng :
a) Khuynh-hướng kháng-chiến : Trong khuynh-hướng này, người ta ghi tên Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa. Bởi căn-bản tư-tưởng tiềm-tàng trong văn chương của những tác-giả này vẫn đề cao nghĩa trung-quân ái-quốc, để lên án những người cộng-tác với Pháp, nên khuynh-hướng này còn có thể mệnh-danh là khuynh-hướng đạo-lý.
b) Khuynh-hướng đầu hàng : Người tiêu-biểu là Tôn Thọ Tường.
c) Khuynh-hướng hòa-hoãn : Hoặc chủ hòa với Pháp để lợi dụng sự giúp đó của Pháp, hoặc chủ trương tạm hòa để cải cách nội bộ gây lực-lượng. Ở trong khuynh-hướng này người ta có thể xếp những Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ.
2) Những yếu-tố thời-đại có liên-lạc với thế-hệ (1884)
Thế-hệ 1884 là một thế-hệ giao-thời 3ra đời trong cơn quốc-nạn lớn lên trước sự đã rồi : nước mất, nhà tan.
Ngày 13 tháng 5 năm Giáp-Thân (6-6-1884), hòa-ước Patenôtre ra đời, đánh dấu bước chót của cuộc xâm lăng. Từ đó đến khoảng năm 1913, Pháp đi vào giai-đoạn tổ-chức nền bảo-hộ trên toàn quốc Việt-Nam, thực-hiện cả một chính-sách, hầu đạt mục-đích của mình về mọi mặt thông thương, thực-dân, đầu-tư cũng như nguyên-liệu. Chính-sách
đó, có tính-cách toàn-diện bao gồm mọi phương-diện chính trị, kinh-tế, văn-hóa, giáo-dục. Sự thực-hiện chính-sách đó đã làm thay đổi rõ rệt cơ-cấu xã-hội Việt-Nam và tất-nhiên ảnh-hưởng mạnh-mẽ vào tâm-não thế-hệ 1884.
Dưới đây, chúng ta hãy kiểm-điểm lại những điểm quan trọng trong chính-sách của Pháp, những điểm có liên-lạc với thế-hệ 1884, thế-hệ mà Nguyễn Khuyến đã trở thành một bậc đàn anh :
a) Chính-trị :
- Một mặt, Pháp nhằm việc tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Hàm Nghi bị bắt vào năm 1888. Năm 1896, Phan Đình Phùng tạ thế. Hoàng Hoa Thám bị hại vào năm 1913. Phong trào Cần Vương tan rã.
- Một mặt khác, Pháp can-thiệp vào việc lựa chọn vua, buộc những vị này ký những đạo-dụ để sửa đổi hòa-ước Patenôtre, hầu nắm trọn quyền trực-trị trong tay. 4
- Đồng thời, Pháp phải tổ chức nền trực-trị này thiết-lập một guồng máy hành-chính và chuyên môn mới để thay-thế cho guồng máy cũ.
b) Kinh-tế :
Vì mục-đích của cuộc xâm-lăng có tính-cách kinh-tế, nên về phương-diện này, chính-sách của Pháp được bố-trí và thực-hiện kỹ-lưỡng và tích-cực.
Nông-nghiệp được khai-thác theo đại quy-mô vụ vào việc sản-xuất và cung-cấp nguyên-liệu cho Pháp (đồn-điền lúa, dừa, cà-phê, cao-su, trà…) Thương-nghiệp được đặc-
biệt phát-triển. Những hãng buôn, xuất-nhập cảng mọc lên như nấm. Và để phục vụ mục-đích thông-thương, hệ-thống giao thông – nhất là những con đường tiến lên biên-giới Hoa Việt được cải-thiện mở-mang. Công-nghiệp cũng được chú
trọng. Nếu công-nghiệp căn-bản như lò đúc gang, đúc thép bị tuyệt-đối ngăn cấm, nếu công-nghiệp chế-biến có bị giới hạn vì quyền-lợi kỹ-nghệ Pháp, thì công-nghiệp khai-thác lại được tích-cực phát triển vì mục-đích nguyên-liệu. 5
c) Văn-hóa giáo-dục :
Giai-đoạn này là giai-đoạn giao-thời. Một mặt, Pháp mở trường thông-ngôn và trường hậu-bổ để đào-tạo cấp-tốc những cấp thừa-hành bản-xứ. Một mặt khác, để sửa soạn thiết-lập một nền học-chính mới thay thế cho nền giáo-dục cũ vẫn áp-dụng từ xưa tại Việt-Nam, năm 1906, một đạo
dụ được ban-hành sửa đổi phép học phép thi.
Theo đạo-dụ này thì phép học chia làm ba cấp : cấp ấu học lấy bằng tuyển-sinh làm tốt-nghiệp, cấp tiểu-học lấy bằng khóa-sinh làm tốt-nghiệp, cấp trung-học, dạy ở tỉnh luyện học-sinh đi thị Hương. Chương trình học vẫn lấy chữ Nho làm gốc, nhưng thêm những môn thường-thức, chữ quốc-ngữ và chữ Pháp. Chương trình thi Hương và thi Hội cũng đổi lại thêm những môn thường-thức bằng chữ quốc ngữ và những bài dịch bằng chữ Pháp.
Như đã nói ở trên, chương trình này chỉ áp-dụng trong lúc giao-thời. Năm 1915, trường thi Nam-Định bị đóng cửa. Năm 1918, trường thi Huế cũng bị đóng cửa. Nền học cũ như thế là bị dứt-khoát bãi bỏ. Và chương-trình trên sẽ lại
được sửa đổi hoàn-toàn cho thích-hợp với chính-sách chung và mục-đích xâm-lăng của Pháp.
Kết-quả là những tư-tưởng cổ-truyền tại Việt-Nam như Khổng-giáo, Lão-giáo và Phật-giáo lại càng trở nên suy-tàn.
Những khuynh-hướng xuất-thế (như Lão-giáo, Phật giáo) thường vẫn là nơi nương-tựa tinh-thần của sĩ-phu Việt-Nam mỗi khi không gặp thời-vận, thì nay đã tỏ ra vô hiệu không thể đem lại an-ủi cho tâm-sự bi-đát, ý-thức bất lực trước thời-cuộc biến-chuyển, của những con người mất nước. Trong khi đó, khuynh-hướng nhập-thế – tiêu-biểu nhất là Khổng-giáo – thì qua một cuộc thử-thách với làn sóng văn-minh cơ-khí Âu-Tây đã tỏ ra hoàn-toàn thất-bại. Tuy trong giai-đoạn xâm-lăng – giai-đoạn của thế hệ 1862 – sự hiện-diện của ngoại-nhân có kích-thích lòng ái-quốc của toàn dân, nghĩa trung-quân của sĩ-phu, và gián-tiếp phục hưng lại tinh-thần đạo Khổng vốn đã bắt đầu xuống dốc từ thế-hệ Cao Bá Quát, nhưng càng về sau, với thắng-lợi-của Pháp, với sự tổ-chức nền đô hộ của Pháp, thì : « Sĩ khí rụi rè, gà phải cáo… » và đạo Khổng đã rõ rệt suy-tàn.
Khoảng đầu thế-kỷ thứ XX – lúc Nguyễn Khuyến đã sắp tạ-thế – một số trí-thức trong thế-hệ 1884, trong cơn khủng-hoảng của tinh-thần, bỗng bắt gặp một luồng tư tưởng mới gián-tiếp tự Âu-Tây đưa lại và trực-tiếp do những cuốn tân-thư – hoặc phiên dịch, hoặc khảo-luận – của những nhà văn tiến-bộ sáng-tác, như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Những tác-phẩm này thảy đều đặt lại vấn đề ý-thức-hệ và vẽ ra những chân trời tư-tưởng mới. Đạo Khổng vì vậy mà càng thất-thế và một số sĩ-phu Việt-Nam
giác-ngộ cũng vì vậy mà tìm được những hướng tư-duy mới mẻ ảnh-hưởng bởi những nhà văn cách-mạng như Montesquieu, Rousseau… và đồng-thời rời bỏ căn-bản Cần Vương trong công cuộc chống Pháp để hướng về những căn bản tiến-bộ hơn đặt trọng-tâm vào quyền-lợi của dân-tộc và tự-do của con người.
*
Nói tóm lại, tất cả những thay-đổi vừa phân-tích ở trên về phương-diện chính trị, kinh-tế và văn-hóa giáo dục do sự tổ-chức nền đô-hộ Pháp gây ra đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt xã-hội Việt-Nam. Những đẳng-cấp cũ phân hóa ; những từng lớp mới manh nha – những thầy thông, thầy ký, ông cò, ông nghị… những nhân vật của Tú Xương. Một nếp sống mới bắt đầu xuất-hiện. Những giá-trị cũ sụp-đổ : « Ông nghè ông cống cũng nằm co » trong khi đó, những giá-trị mới chưa xác định, thành hình.
Sống trong giai-đoạn hỗn-tạp giao-thời này băn-khoăn đau-khổ nhất vẫn là những người trí-thức. Hàng-ngũ lệch lạc, tinh-thần phân-tán, thái-độ phức-tạp. Hoặc đầu hàng. Hoặc tích-cực tranh-đấu tuyệt-vọng trong hàng ngũ Cần Vương. Hoặc tìm những phương-hướng tranh-đấu mới. Nhưng đa-số thì hoang-mang trước thời-cuộc, tìm quên lãng trong thú vui lãng mạn, hay tỏ nỗi bất-mãn với mình, với đời qua những lời bất-đắc-chí, chế riễu.
Ở địa-hạt văn-học, do vậy mà nẩy-nở ra nhiều khuynh hướng khác nhau :
- Khuynh-hướng đầu hàng : Tiêu biểu nhất là Hoàng Cao Khải với tác-phẩm Tây Nam Đắc Bằng, một vở tuồng đề cao sự cộng-tác Pháp Việt, tượng-trưng bởi mối tình bằng hữu Bá Đa Lộc – Nguyễn Ánh.
- Khuynh-hướng tranh-đấu : Những tác-giả trong khuynh hướng này đã dùng văn-chương để truyền-bá những tư-tưởng tranh-đấu tiến-bộ, đoạn-tuyệt hẳn với chủ nghĩa Cần-Vương. Tiêu-biểu là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…
- Khuynh-hướng tiêu-cực : Hoặc ca-tụng thiên-nhiên, những thú vui lãng-mạn như Chu Mạnh Trinh… Hoặc riễu mình, riễu đời như Trần Tế Xương…
*
Đối với mỗi thế hệ, ở nơi kết-hợp những sự kiện chính trị, kinh-tế, văn-hóa, giáo-dục, xã-hội – gọi chung là thời đại – thường phát-sinh ra một số vấn-đề, Những vấn-đề đó, trong địa-hạt văn-chương sẽ trở thành những luận-đề chính
của tác-phẩm, nó chứng nhận nỗi băn-khoăn của thế-hệ về vấn-đề và nhiều khi nó lại còn chứng-nhận cả những cố gắng của thế hệ để giải-quyết vấn-đề.
Thế-hệ Nguyễn Du băn-khoăn trong sự lựa chọn giữa Hiện-tại và Dĩ-vãng. Thế-hệ Nguyễn Công Trứ bận tâm về việc xây-dựng sự-nghiệp. Thế-hệ Cao Bá Quát thắc-mắc giữa hai thế sống xuất và xử. Thế-hệ 1862 quyết-định thái
độ trước cuộc xâm-lăng. Thế-hệ 1884 hoang mang, phân tán…
*
Như đã nói ở trên, Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1910 là người của cả hai thế-hệ 1862 và 1884. Những vấn-để đặt ra cho cả hai thế-hệ đều đã đặt ra cho chính cá nhân ông. Nghiên-cứu văn-chương của ông, chúng ta lấy nhận xét trên làm tiêu-chuẩn và đặt trọng tâm vào những suy-cảm của ông đối với những vấn-đề của thời-đại – nói một cách khác, thái-độ của ông đối với thời-cuộc – trong và sau cơn quốc-nạn, trong khi Pháp xâm-lăng Việt-Nam và khi cuộc xâm-lăng chấm-dứt, Pháp bắt đầu tổ-chức nền đô-hộ trên toàn cõi Việt-Nam.
Như vậy, trước tiên chúng ta phải nghiên-cứu dòng-dõi, tiểu-sử, tính-tình, tư-tưởng và nhất là tâm-sự của Nguyễn Khuyến.
II. NGUYỄN KHUYẾN
Những nét chính của : Tiểu-sử, Tính-tình, Tư-tưởng, Tâm-sự.
1) Tiểu-sử
- Dòng-dõi : Sinh năm 1835, hiệu là Quế-Sơn, người làng Yên-Đổ, huyện Bình-Lục, tỉnh Hà-Nam. Tổ-phụ là Nguyễn Mại, đậu tiến-sĩ triều Lê. Thân-phụ là Nguyễn Lệ, ba lần đậu tú-tài. Năm gần 40 tuổi sinh hạ Nguyễn Khuyến. (Lúc đầu tên là Nguyễn Văn Thăng, sau trượt kỳ thi hội, đổi tên là Nguyễn-Khuyến).
- Thuở hàn-vi : Thông minh, chăm học từ thuở nhỏ. Năm 15 tuổi đậu kỳ khảo-hạch ở tỉnh. Hai năm sau sửa soạn hương-thí thì cha mất, phải cư tang, cửa nhà sa sút,
phải dạy học nay đây mai đó để kiếm ăn. Sau được cụ Nghè Phạm Văn Nghị chu cấp cho ăn học. Năm 1864 đậu giải nguyên. Năm 1871 đậu hội-nguyên và đình-nguyên và thành danh Tam-Nguyên Yên Đổ.
- Thời-xuất-chính (1871-1885) : Bắt đầu được bổ Nội Các thừa-chỉ rồi Đốc-học Thanh-Hóa rồi Bố-chánh Quảng Nam và Quảng-Ngãi. Sau vua Tự-Đức biết ông thanh liêm và học cao nên triệu về kinh làm Sử-quán Toản-tu. Năm 1882, việc ngoại-giao với Pháp trở nên khó khăn nhất là ở Bắc-Kỳ, Nguyễn Khuyến được cử ra Hà-Nội làm Thương Biện lo việc giao-thiệp với Pháp. Sau đó ông được cử giữ chức Tổng-Đốc Sơn-Hưng-Tuyên (Sơn-Tây, Hưng-Hóa, Tuyên Quang). Năm 1883, hòa-ước Harmand được ký-kết. Năm 1884 hòa-ước Patenôtre ra đời. Năm 1885, Hàm-Nghi truyền hịch Cần-Vương. Nguyễn Khuyến lấy cớ đau mắt từ chức, rút về ở ẩn.
- Thời trí-sĩ (1885-1910) : Ông sống thanh-bần nơi thôn dã, Pháp mấy lần ủy cho Hoàng Cao Khải rồi Vũ Văn Báo mời ông ra cộng-tác, ông thảy đều từ chối. Tuy nhiên để tránh sự nghi-ngờ của Pháp, ông đã giúp Lê Hoan chấm giải thi thơ tổ-chức tại Hưng-Yên và có lần ngồi dạy học trong dinh Kinh-lược Hoàng Cao Khải. Ông mất vào khoảng đầu năm 1910.
2) Văn-nghiệp
Ông sáng-tác trong thời-kỳ trí-sĩ. Về văn Hán ông để lại Quế-Sơn Thi Văn Tập. Và văn nôm, thơ văn của ông không nhất-định ở loại nào : Đường luật, hát nói, lục bát, song
thất lục bát, câu đối… và cũng không nhất định ở một khuynh-hướng nào : trào phúng, tâm-sự, tả cảnh, tự thuật… Ông lại thường sáng-tác bằng Hán-văn rồi lại dịch ra Việt-văn.
3) Tính-tình
Dựa vào những bài tự thuật, tự-trào của ông, chúng ta có thể biết rằng ông là người chất-phác giản-dị, hồn-nhiên. Dặn lại con cháu trước khi tạ-thế, ông viết :
« Môn sinh chớ tống tiền đạt giấy,
Bạn với thày cũng vậy mà thôi.
Khách quen con chớ có mời,
Lễ đưa điếu phúng con thời chớ thu ».
Ông không phân-biệt giầu, nghèo, sang, hèn. Trong bài tả-cảnh lên lão, ông viết rất tự nhiên :
« Anh em làng xóm xin mời cả,
Xôi bánh trâu heo cũng gọi là.
Chú Đáo bên Đình lên với tớ,
Ông Từ xóm Chợ lại cùng ta ».
Nhưng cái tính giản-dị, chất-phác đó cũng có thể đi đôi – tuy có vẻ mâu-thuẫn – với một điểm đặc-biệt và sâu kín trong tính-tình của ông : đó là điểm tự cao. Hoặc ông cho đời thiếu người xứng-đáng là bậc trí kỷ, thiếu người hiểu nổi tâm-hồn của ông :
« Câu thơ nghĩ đắn-đo muốn viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa ? »
Hoặc ông tự-cao về tài học lỗi-lạc :
« Học chẳng có rằng hay chi cả,
Cưỡi đầu người kể đã ba phen ».
Và cũng vì ông tự-cao, cho nên ông bất chấp dư-luận :
« Đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ rằng khờ cũng thây ! »
4) Tư-tưởng
Ông mang truyền thống Nho-giáo trong người, cho nên đã tỏ ra hiểu rõ lẽ xuất xử của một bậc sĩ-phu chân-chính. Khi gặp thời, ông không từ nan một việc gì dầu khó khăn nguy-hiểm để giúp đời, giúp nước. Nhưng khi hoàn-cảnh không thuận-tiện chính tà lẫn lộn, ông đã biết cự-tuyệt công-danh phú quý, rút lui về nơi thôn dã, an bần lạc đạo. Ngay khi ở ẩn, ông vẫn xử sự như một nhà nho, không rứt bỏ hẳn cuộc thế. Ông không chịu ảnh-hưởng của Phật-giáo và mặc dầu vẫn thú-nhận cái mãnh-lực quyến-rũ của khuynh-hướng siêu-thoát Lão Trang, những khi muốn quên lãng thực-tại : « Tựa gối bên mành toan hóa bướm ».
Hoặc những khi yên lặng một mình đối cảnh thiên nhiên, tận hưởng cái đẹp tịch-mịch của tầng đợt « sóng biếc », tầng chiếc « lá vàng », cái đẹp âm-thầm của một « ánh trăng » lọt kẻ « song thưa »… nhưng ngay những khi đó, hay ngay sau những khi đó, ông lại tỏ ra hối-hận. Ông định đắm mình vào một giấc mơ « hồ điệp – Trang Chu », nhưng lại sực tỉnh vì « gió thu lạnh lẽo » của thời-cuộc vẫn đang hiu-hắt, luôn luôn nhắc nhở ông tới thực-tại :
« Tựa gối bên mành toan hóa bướm,
Gió thu lạnh lẽo, lá vàng rơi… »
Nói tóm lại, ông vẫn không thể quên đời, quên nhiệm vụ một nhà nho, ngay khi an bần lạc đạo. Cũng vì thế, lấy cái cười « nhẹ nhàng kín đáo », ông thường làm thơ trào phúng cố-gắng một phần nào :
« Cầm chính đạo (để) tịch tà cự bí ».
(Nguyễn Công Trứ)
Ông không phải là một nhà nho thiển-cận. Ông đã phân biệt được rõ rệt hai ý-tưởng mà thường thường người ta hay lầm lẫn : trung quân và ái quốc. Không một ai có thể nghi ngờ được lòng yêu nước của ông, nhưng ông vẫn cả tiếng mạt sát những vị vua « bù nhìn » mà ông mệnh danh là « vua chèo ». Mượn lời vợ một kép hát, ông viết :
« Vua chèo còn chẳng ra gì,
Quan chèo vai nhọ, khác chi thằng hề ».
Xét tính tình và tư-tưởng của ông, cố giáo-sư Dương Quảng Hàm cho rằng ông là bậc đạt-nhân quân-tử. Nhận xét của Dương Quảng Hàm tuy vắn tắt mà thật là xác-đáng vậy.
5) Tâm sự
Phân-tích dòng dõi, tiểu-sử, tính-tình và tư-tưởng của Nguyễn Khuyến, sau khi đã nghiên-cứu những nét chính thời-đại của ông, chúng ta sẽ hiểu rõ được tâm-sự của thi sĩ.
Là người trẻ nhất của thế-hệ 1862 6, Nguyễn Khuyến ít để lại dấu-tích văn-chương bên cạnh những bậc đàn anh Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Phan Thanh Giản… Trong
suốt thời kỳ cuộc xâm-lăng diễn-tiến, ông yên-lặng làm tròn bổn-phận của một kẻ sĩ, của một bề tôi. Nhưng ông lại đã có dịp đóng vai chứng-nhân của một giai-đoạn lịch-sử nghiêm trọng, để nhận thấy nỗi bất-lực của đẳng-cấp sĩ-phu – qua nỗi bất-lực của chính cá-nhân ông – trước thời-cuộc biến-chuyển. Cái ý-thức bất-lực này sẽ in hẳn vào tâm-não ông, sẽ là một thành-phần quan-trọng trong tâm-sự của ông và sẽ luôn-luôn ngăn bước quyết-định của ông những lúc, nung-nấu bởi mối hờn vong quốc, ông nuôi mộng hành động tích-cực.
Năm 1885, được tin Hàm-Nghi rút ra chiến-khu Tân-sở truyền-hịch Cần-Vương, mặc dầu nghe thấy – gián-tiếp qua tiếng cuốc kêu ròng rã suốt đêm hè – tiếng gọi của non sông, ông vẫn chỉ có thể có được một hành-động tiêu-cực : ông từ chức Sơn-Hưng-Tuyên Tổng-Đốc, rút về ở ẩn nơi thôn-dã. Ông biết trước rằng công cuộc Cần-Vương sẽ tan rã…
Từ đó Nguyễn Khuyến âm-thầm sống nốt quãng đời thừa, bên cạnh thế-hệ 1884 mà ông nghiễm-nhiên trở nên một bậc đàn anh không những về tuổi tác mà cả về danh vọng. Cũng như họ, ông thấy chướng tai gai mắt về những đổi thay trong nhân-tình, ngoài xã-hội. Cũng như họ, ông mang nặng mối hờn vong quốc. Nhưng tâm-sự của ông thê thảm gấp bội, bởi bên cạnh cái ý-thức bất lực đang dày vò, lại còn ám-ảnh thêm một mặc-cảm :
Mặc-cảm hữu-trách, ông cho rằng sở dĩ cái cảnh nhục nhã :
« Cậy sức cây đu nhiều chị bám,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo ».
có diễn ra hàng ngày, trên khắp Đất Nước, thì cũng do nơi bất-lực của cả một thế-hệ – thế-hệ 1862 trong đó có ông – của cả một đẳng-cấp, đẳng-cấp sĩ-phu, đẳng-cấp của ông. Chính thế-hệ của ông, chính đẳng-cấp của ông phải chịu trách-nhiệm.
Ý-thức bất-lực và mặc-cảm hữu-trách, hai điểm tâm-lý này sẽ phối-hợp, kết-tinh thành tâm-sự Nguyễn Khuyến và sẽ chi-phối mọi hành-vi, suy-nghĩ của ông, sẽ quyết-định thái độ của ông, đối với thời-cuộc, đối với người đời, đối với tất cả.
III. Ý-NGHĨA NỘI-DUNG THI-PHẨM NGUYỄN KHUYẾN Kết-quả của sự phân-tích ở hai phần trên sẽ rọi sáng nội-dung thi-phẩm Nguyễn Khuyến, sẽ làm nổi bật lên ý nghĩa chính của thi-phẩm, sẽ cho chúng ta thấy rõ thái-độ của thi-sĩ đối với thời cuộc, và rộng ra đối với người đời, đối với bạn bè, đối với gia-đình.
1) Đối với thời-cuộc
Trong giai-đoạn đất nước bị tàn-phá bởi cuộc xâm-lăng, yên lặng bên cạnh thế-hệ 1862, ông làm tròn bổn-phận vì vua vì nước. Nhưng đến khi nhận thấy người Pháp đã thủ thắng và bắt đầu thiết-lập chế-độ bảo-hộ trên toàn quốc, ông rút lui về ở ẩn, chủ-trương bất hợp-tác, cố-gắng : « Giữ
son sắt êm đềm một tiết »
Rất nhiều khi, những lúc đêm khuya canh vắng, những lúc nghe vang lại một tiếng cuốc kêu, rồi liên tưởng đến điểm xưa tích cũ, mối hờn vong quốc vẫn dằn-vặt tâm-sự ông. Ông thốt lên :
« Năm canh máu chảy đêm hè nắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ ».
Ý-tưởng gia-nhập hàng ngũ Cần-Vương, hành-động tích cực lẩn-vẩn nơi tâm-trí :
« Ban đêm ròng rã kêu ai đó ?
Giục khách giang-hồ dạ ngẩn-ngơ… »
Nhưng phần vì tuổi-tác, phần vì bệnh-tật 7, và phần nữa là do nơi ý-thức bất-lực tác-động, người « khách giang hồ » vẫn âm-thầm sống lặng nơi thôn-dã.
Cuối cùng, ông tìm được một lẽ sống trong thái-độ tiêu cực bất hợp-tác của ông. Nhận thấy nỗi hoang-mang tràn ngập tâm trí, đa số sĩ-phu trước thời-cuộc, ông quyết nêu mình lên làm một tấm gương trong sạch cho đàn em trong thế-hệ soi chung. Ông biết rằng đẳng-cấp của ông đã suy
tàn, đang tan rã, sắp mệnh-chung, nhưng ông vẫn cố-gắng, bằng thái-độ dửng-dưng trước mồi công-danh phú-quý, giữ trọn tiết-tháo của đẳng-cấp cho tới cùng. Ông tuyên-bố : « Tấm gương trinh vằng-vặc quyết không nhơ ».
Cho nên trong cái « đêm oi-ả » đầu mùa Pháp-thuộc đó, nếu ông Tú Vị-Xuyên có trắng-trợn nói thẳng :
« Thiên hạ có khi đang ngủ cả,
Tội gì mà thức một mình ta ».
Thì riêng Nguyễn Khuyến vẫn trong mắt ngồi yên, chịu dựng tất cả cái cảnh bực-bội :
« Tiếng dế kêu thiết tha,
Đàn muỗi bay tơi tả ».
Ông chờ đợi « một tiếng gà » báo-hiệu một rạng đông sáng lạng cho đất nước. Bĩ cực tất tới tuần thái lai. Đêm dài đến mấy, nhưng với thời-gian mặt trời sẽ rạng đông. Ông tin như vậy vì ông đặt tin-tưởng vào những thế-hệ đàn em. Ông viết : « Túi vũ trụ mặc đàn em gánh vác ».
Niềm tin của ông không phải là một sự không tưởng. Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã bắt đầu chuyển hướng tư-duy…
2) Đối với người đời
Vốn tính tình hiền lành, chất-phác, gia dĩ lại xử-sự như một bậc đạt-nhân quân-tử, đối với người đời, Nguyễn Khuyến không câu-chấp mà thường tỏ ra khoan-hồng, đại lượng. Hơn nữa lại mang nặng trong lòng mặc-cảm hữu trách, nên ông cho rằng cái cảnh vong quốc chướng tai gai mắt, nếu có diễn ra thì chính ông cũng có dự phần trách nhiệm. Cho nên, nếu có phải cầm bút công-kích người đời, ngòi bút trào-phúng của ông bao giờ cũng nhẹ-nhàng những khi trực-tiếp và trong đa số trường-hợp thì kín-đáo bởi gián-tiếp. Công-kích, chế giếu, nhưng bao giờ ông cũng vẫn giữ thái-độ của nhà một nho chính-thống cầm bút để tịch tà cự bí, để chấn-chỉnh nhân tâm, để cải-thiện thói đời.
3) Đối với gia-đình
Tình của ông đối với gia-đình cũng giản-dị, không vồ vập nhưng thắm-thiết, có thủy có chung. Tình này chỉ biểu lộ ra trong những dịp quan-trọng. Khóc vợ, ông viết :
« Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, sẵn váy quai cồng, tất-tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ-đần trong mọi việc ».
« Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất-vơ vất-vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật-gù tay đũa tay chén, cùng ai kể-lể chuyện trăm năm ».
Con ông là Nguyễn Hoan mất trước ông : trong dịp này ông có làm đôi câu đối khóc con, lời lẽ vừa là của một bậc đại-khoa khóc một bậc đại-khoa, vừa là chân thành của người cha khóc con :
« Nghìn năm bia đá bảng vàng, than ôi người ấy ! Trăm tuổi răng long đầu bạc, khổ lắm con ơi ! »
4) Đối với bè bạn
Cách cư-xử của Nguyễn Khuyến đối với bè bạn đã theo đúng lối cư-xử của người quân-tử, tuy đạm bạc, nhưng có thủy có chung. Bài thơ ông khóc ông Nghè Vân Định là một dẫn chứng cho nhận xét này.
IV. NGHỆ-THUẬT CỦA NGUYỄN KHUYẾN
Ông viết đủ các loại : tả tình, tả cảnh, trào phúng, tự thuật ; dưới nhiều hình-thức : ca trù, lục bát, song thất lục bát, đường luật, ngũ ngôn. Nhưng mặc dầu ở loại nào hay
dưới hình-thức nào, thơ văn của ông cũng có những đặc tính rõ rệt, chúng ta sẽ phân-tích dưới đây :
1) Tả tình
Thơ tả tình của Nguyễn-Khuyến rất kín đáo, phần vì tính tình của ông và phần nữa là do thời-cuộc. Ít khi ông trực tiếp kể lể tâm-sự và bao giờ cũng gián-tiếp mượn có để tả tình : ông mượn chuyện « Mẹ Mốc » để trình bày thái-độ của ông, một tiếng cuốc kêu để thổ-lộ nỗi lòng thắc-mắc, cái oi-bức của một đêm đầu hạ để tả thời thế, một tiếng gà gáy sáng để kín đáo nói đến lòng tin tưởng của mình nơi tương lai đất nước.
2) Trào-phúng
Vì bản tính hiền lành, vì còn bị ràng buộc bởi quan-niệm cổ-truyền của nhà nho về văn-chương : văn dĩ tải đạo, nên giọng trào phúng của ông không cay chua như giọng Hồ Xuân Hương và thiếu hẳn cái vẻ ác-liệt của Trần Tế Xương. Đối-tượng trào-phúng của ông thường là nhân tình thế thái, tham quan lại nhũng, những cảnh chướng tai gai mắt, và chính bản thân ông.
Về phương-diện cuối cùng, ông hay viết những bài thơ mệnh-danh là tự trào. Thật ra về loại này, ông không thành-công vì vẫn còn mang kín trong thâm tâm một chất tự-cao đáng kính. Đem bản thân mình ra làm trò cười cho thiên hạ, nhưng ông vẫn không quên ông đỗ Tam-Nguyên :
« Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ,
Thể cũng bia xanh, cũng bảng vàng ».
Bàn về văn trào-phúng của ông, giáo-sư Dương Quảng Hàm có viết rất xác-đáng : « Ông cũng hay giễu-cợt người đời, chỉ trích thói đời một cách nhẹ-nhàng kín-đáo, rõ ra một bậc đạt nhân quân-tử muốn dùng lời văn trào-phúng để khuyên răn người đời ».
3) Nghệ-thuật tả cảnh
Về phương-diện này, văn chương của ông có nhiều điểm đặc-sắc khiến những người nghiên-cứu sau thường hay mệnh danh ông là « thi-sĩ của nông-thôn », « thi-sĩ của mùa thu ». Muốn hiểu rõ, chúng ta hãy so sánh ông với một số thi-sĩ Việt-Nam khác cũng đã nổi-danh trong lãnh-vực tả
cảnh như Nguyễn-Du, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan…
a) Nguyễn Du :
Quan-niệm về thiên nhiên của Nguyễn-Du là một quan niệm lý-tưởng rất chủ-quan, và có tính cách một chiều ; ông chủ-trương : « Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ».
Cũng vì vậy trong suốt cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, những cảnh mô tả đều biến chuyển theo tâm-trạng của nhân-vật chính trong cảnh. Cũng phải nói thêm rằng quan niệm này là một quan-niệm thường có những thi-nhân đời trước. Người ta có thể dẫn-chứng bằng những cảnh trong Đường-thi, Chính Phụ Ngâm, v.v…
b) Hồ Xuân Hương :
Nữ-sĩ là người lập dị, không bao giờ chịu theo người khác và đứng trước một cảnh, hình như việc đầu tiên của
nữ-sĩ là kiểm-điểm lại cách đứng (để nhìn cảnh) của những người trước để rồi lập dị : « Đứng chéo trông theo cảnh hắt hiu ».
Cũng phải công-nhận rằng cái lối « đứng chéo » của nữ sĩ đã mang lại cho những bài thơ tả cảnh của nữ sĩ những hình nét màu sắc tân kỳ : cũng vì vậy người ngắm cảnh có cái cảm-giác thích-thú như vừa lạ-lùng, lại rất quen thuộc đối với cảnh.
c) Bà Huyện Thanh Quan : Quan-niệm của bà cũng-là một quan-niệm chủ-quan : bà nhìn cảnh bằng con mắt dĩ vãng. Trong ký-ức của bà đã in hẳn rất nhiều cảnh hoàn toàn thuộc về quá khứ, hoặc chính bà đã được nhìn thấy, hoặc qua những bức cổ-họa Trung Hoa hay qua những áng thơ cổ. Đứng trước thực-tại, bà chỉ dừng chân lại những khi nào thực-tại có những nét tương đồng với cảnh trong ký ức. Những lúc đó mô-tả đối với bà chỉ có nghĩa là sắp đặt lại thực-tại cho giống hệt những cảnh trong ký-ức. Cảnh vì vậy chỉ là một cái cớ ; cho nên giữa bà cảnh khó có thể có sự cảm-thông. Bà luôn luôn cô độc : « Một mảnh tình riêng ta với ta ».
d) Nguyễn Khuyến :
Quan-niệm của ông đối với thiên-nhiên, bị ảnh-hưởng bởi tính tình của ông cũng tương-tự như thái-độ của ông đối với người đời. Ông không cầu kỳ như Hồ Xuân Hương, không nệ cổ như bà Huyện Thanh Quan, không câu chấp như Nguyễn Du. Hơn nữa ông chỉ tìm thấy thư-thái trong tâm-hồn, quên lãng được thực-tại những khi một mình đối
diện thiên-nhiên, nên ông như không dám đòi hỏi quá nhiều ở thiên-nhiên. Thiên-nhiên là cảnh-tượng vĩ-đại :
« Một lá về đâu xa thăm thẳm,
Nghìn làng trông xuống bé con con… »
Hay nhỏ bé : « Lá bàng trước gió sẽ đưa vèo… » Hay bình-dị, tầm thường :
« Trâu già nấp bụi phì hơi nắng,
Chó nhách bên ao cắn tiếng người ».
Ông cũng trân-trọng ngang nhau. Ông đến với thiên nhiên như đến với một người bạn, và bởi không cầu kỳ, và bởi thiếu người tri-kỷ – do tính tự cao – thiếu người đối thoại, nên bạn nào cũng được – chỉ cần một sự hiện-diện nào đó để bớt cô-đơn ! – hoặc « chú Đáo bên Đình », hoặc « ông Từ xóm Chợ », hoặc « ba gian nhà cỏ », hoặc « một chiếc thuyền câu bé tẻo teo », hoặc một làn « ao thu lạnh lẽo », một ánh trăng thư lọt kẽ « song thưa », hay : « Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái ».
Đứng trước cảnh ông không phân ngôi chủ khách, lặng lẽ cảm-thông với cảnh để rồi cuối cùng, khi phải cầm bút tả cảnh, cảnh sẽ xuất-hiện dưới nét bút như hình dáng một người bạn thân, cảnh đã nổi bật lên với đầy đủ – và chỉ vừa đủ – hình dáng, nét, màu, âm-thanh… những nét tiêu-biểu.
Kết-quả là những bài thơ tả cảnh của Nguyễn Khuyến đọc lên một lần như chưa gây được quyến-luyến, nhưng càng đọc lại càng ưa thích, lại càng buộc người độc-giả phải suy nghĩ : Cảnh mô tả trong thơ đã có hồn.
Ủ Ễ Ế
V. ĐỊA-VỊ CỦA NGUYỄN KHUYẾN
Cũng như mọi thi-sĩ có một cuộc sống nội tâm phong phú, tác-phẩm của Nguyễn-Khuyến được trình bày dưới nhiều hình thức, nhiều khuynh-hướng ; địa-vị của ông trong văn-học-sử cũng vì vậy mà lại càng trở nên phức tạp.
Trước hết ông là một thi-sĩ cận kim có một sự-nghiệp văn-chương quan-trọng được lưu-truyền cho mãi đến bây giờ.
Ông lại là một nhà thơ mà tác-phẩm đã thoát-ly khỏi ảnh-hưởng của văn-học Trung-hoa. Ông là một nhà thơ tả cảnh có một quan-điểm nghệ-thuật đặc-biệt.
Thân-thế cùng văn-chương của ông lại còn cho phép chúng ta kết-luận rằng ông xứng-đáng tiêu-biểu cho một lớp nhà nho giữ trọn tiết-tháo trong một thời-đại nhiễu nhương. Ngay ở phương-diện trào-phúng, tuy nghệ-thuật của ông không có gì đặc-biệt, người ta vẫn nhận thấy sự hướng-dẫn của quan-niệm cổ-truyền về văn-chương mà một nhà nho chính-thống bao giờ cũng theo đúng khi cầm bút : đó là quan-niệm « Văn-dĩ tải-đạo ».
Trong hiện-tại, thơ văn của Nguyễn Khuyến vẫn còn tiềm-tàng những giá-trị bất-hủ. Nói đến mùa thu, người Pháp nghĩ đến Verlaine, người Trung-hoa nghĩ đến Đỗ-Phủ, thì người Việt-Nam nghĩ ngay đến Nguyễn Khuyến.
Hơn nữa cho đến bây giờ nếu phải đi tìm một thi-sĩ xứng đáng với danh-hiệu « thi-sĩ của nông-thôn » thì tên Nguyễn Khuyến cũng vẫn là một trong những cái tên mà người ta bắt buộc phải nghĩ tới.
Điểm bất hủ cuối cùng chính là điểm tình-cảm trong văn-chương của Nguyễn Khuyến. Thật vậy, tư-tưởng có thể thay đổi, nhưng tình cảm của con người chính là một yếu tố bất di dịch qua không gian và thời gian.
Nhận xét như vậy, chúng ta thấy ngay qua văn thơ của Nguyễn Khuyến, bên cạnh bộ mặt nghiêm-trang của một nhà nho thời cổ, luôn luôn hiện ra một bộ mặt thứ hai : bộ mặt của con người tình-cảm, đã khóc vợ, đã khóc con, đã khóc bạn bè nằm xuống trước mình, bộ mặt rất dễ thương, bởi đó là bộ mặt của con người muôn thuở.
PHẦN LUẬN-ĐỀ
ĐỀ I
« Dựa vào văn-chương của Nguyễn Khuyến, hãy tìm hiểu thái-độ của ông đối với thời cuộc nước nhà từ khi Pháp tổ-chức nền bảo-hộ trên toàn quốc Việt-Nam ».
BÀI LÀM MẪU :
Khoảng giữa năm 1884, hòa-ước Patenôtre ra đời, ghi dấu bước chót của cuộc xâm-lăng Pháp trên đất nước Việt Nam. Cuộc bảo-hộ bắt đầu. Về mọi phương-diện chính-trị, kinh-tế, văn-hóa giáo-dục, xã-hội Việt-Nam thay đổi lần lần. Năm 1885, nghe tin Hàm-Nghị xuất ngoại, truyền hịch Cần Vương, Nguyễn Khuyến rũ áo, cáo bệnh từ quan.
Từ năm đó đến năm ông mất – 1909 – lánh xa nơi đô thị phồn hoa, ông yên lặng hòa mình vào cuộc sống nơi thôn-dã, lo cái lo của người dân nơi đồng ruộng :
« Quai Mễ, Thanh Liêm đã lở rồi…
Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi ! »
Buồn cái buồn của người canh-tác chân lấm tay bùn :
« Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,
Chiêm mất đàng chiêm, mùa mất mùa ».
Và cũng cố-gắng vui cùng cái vui nơi thôn xóm được mùa, đợi Tết :
« Năm ngoái, năm kia đói tưởng chết,
Năm nay phong-lưu đã ra phết.
Thóc mùa thóc chiêm hãy còn nhiều… »
Rồi ca-tụng cảnh đẹp thiên-nhiên : nào « sóng biếc », « lá vàng » nào « từng mây xanh ngắt » nào « ngõ trúc quanh co »… hoặc :
« Lúc hứng uống thêm dăm chén rượu,
Khi buồn ngâm láo một vần thơ ».
Căn cứ vào nếp sống đó, người đương thời cho rằng Nguyễn Khuyến đã tìm thấy hạnh-phúc, hay ít nhất cũng đã lãng quên thời cuộc. Họ tự hỏi : cuộc sống vô danh nơi đồng nội, tư-tưởng xuất thế của Lão Trang… thế ra đã an-ủi nổi được một tâm-hồn vong quốc ?
Dư-luận bàn tán, hoặc cho ông là khôn, hoặc cho ông là dại. Thực ra dư-luận cũng có điều ngộ nhận. Vì đọc văn chương Nguyễn Khuyến – nơi ký-thác trung-thành tâm-sự – người thức-giả vẫn thấy gợn lên, những thắc-mắc tiềm-tàng kín-đáo giữa hai vần thơ. Sống giữa hai giai-đoạn giao-thời, đất nước chịu nhiều tang-thương biến đổi, kẻ sĩ Nguyễn Khuyến nhất-định không thể bình-thản trong tâm-tư.
Thật vậy, mặc dầu yếu ớt và dần dần thưa-thớt, lúc bấy giờ, tiếng súng Cần-Vương vẫn còn vang dội. Phan Đình Phùng vừa nằm xuống thì con « hùm xám Yên-Thế » lại đã gầm vang nơi chiến-khu Bắc-Việt. Nguyễn-Khuyến tuy ý
thức rõ-ràng được cái thế suy-tàn của đẳng-cấp mình qua sự lệch lạc của hàng ngũ Cần-Vương, nhưng vẫn không thể lãng quên mối hờn vong-quốc. Đêm đêm nghe một tiếng cuốc kêu, nhớ đến điển xưa, tích cũ, ông ngậm ngùi lên tiếng :
« Đêm đêm ròng rã kêu ai đó ?
Giục khách giang-hồ dạ ngẩn-ngơ… »
Nhưng ông cũng thừa biết rằng cái mộng « giang hồ » của ông sẽ không bao giờ thực-hiện : phần vì ý-thức rõ ràng được nỗi bất-lực của đẳng-cấp sĩ-phu trước làn sóng văn-minh cơ-khí, phần vì tuổi-tác, phần vì bệnh-hoạn, ông không thể gia-nhập hàng ngũ Cần-Vương. Ông ở lại, tự gắn cho mình một nhiệm-vụ, tự định đoạt cho mình một thái
độ.
Thái-độ đó cùng nhiệm-vụ đó, gián-tiếp mượn tình trạng một người đàn bà điên rồ là Mẹ Mốc, ông đã nêu rõ trong một bài ca-trù. Trước hết ông khuyên người đời đừng nên để ý đến bề ngoài : « Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc ».
Mẹ Mốc đâu có điên rồ. Sở dĩ : « Tấm hồng-nhan đem bột lấm xóa nhòa » chỉ vì người đàn bà này muốn : « Làm như thế để cho qua mắt tục » cũng như Nguyễn Khuyến. Mặc dầu sống ẩn-dật, mặc dầu :
« Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang ».
Nhưng ông vẫn có thái-độ mà ông giữ vững : « Trơ-trơ như đá, vững như đồng… »
Trước thời-cuộc biến-chuyển, trước sự tan rã của đẳng cấp sĩ-phu, đẳng-cấp hữu-trách trong nước, thái-độ đó là thái-độ bất hợp tác, thái-độ của một nhà nho không gặp vận, nhưng đã biết an bần lạc đạo để giữ trọn tiết-tháo và thanh-danh cho đẳng cấp của mình đang lúc suy-tàn.
Ở thái-độ đó, Nguyễn Khuyến lại đã tìm thấy cho mình một nhiệm-vụ có tính-cách giáo hóa : nêu cuộc sống của chính mình lên làm một tấm gương « vằng vặc ».
Sạch như tuyết, trắng như ngà, trong như tuyết, cho những đàn em cùng thế-hệ, cùng đẳng cấp, mà phần đông hoang-mang trước thời-cuộc, bơ vơ như những kẻ « lạc đường » :
« Đường đất xa khơi ai mách bảo ?
Biết đâu mà ngóng đến bao giờ ? »
Cũng vì vậy, Nguyễn Khuyến treo ấn từ quan rồi lần lượt chối từ lời mời cộng tác của những Hoàng Cao Khải, Vũ Văn Báo, những người trong phe thân Pháp… Ông quyết – cũng như người đàn bà điên rồ – Mẹ Mốc : « Giữ son sắt êm đềm một tiết ».
Lại có người nêu lên tính cách tiêu-cực của thái-độ Nguyễn Khuyến : thái-độ đó rất đẹp đối với một cá nhân, có thể nêu làm gương mẫu cho một số người noi theo, nhưng rút cuộc vẫn không có ích gì cho đại-sự. Chúng ta đã không phủ-nhận hoàn-toàn tính cách tiêu-cực đó : chúng ta đã hiểu tại sao Nguyễn Khuyến không thể có một thái-độ tích
cực hơn. Hơn nữa, để khỏi mắc lỗi bất công đối với cổ-nhân, để xác định rõ rệt giá-trị của thái-độ Nguyễn Khuyến, chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh vào khía-cạnh xây dựng của thái-độ.
Thật vậy, thái-độ đó không chỉ đề ra một kỷ-luật cá nhân cho riêng Nguyễn Khuyến mà còn buộc Nguyễn Khuyến tìm cách cảnh-tỉnh những ai đi ngược lại chính-
nghĩa, hành động trái với đạo-lý cổ-truyền. Nhận xét này giải-thích khuynh-hướng trào-phúng trong văn-chương của Nguyễn Khuyến : hơn một lần, thi-sĩ đã dùng cái cười đặc biệt của một bậc đạt nhân quân-tử, « kín đáo và nhẹ nhàng » để nhỏ-nhẹ khuyên nhủ người đời…
Thái-độ của Nguyễn Khuyến lại còn biểu-lộ tính cách xây dựng ở điểm ca-tụng niềm tin-tưởng nơi tương lai. Không khí Pháp-thuộc, ông cho rằng nếu có « oi-ả » như tiết trời một « đêm đầu hạ », thì người trong cuộc vẫn không có quyền tìm lãng quên trong giấc ngủ, trắng-trợn kiểu Trần Tế Xương :
« Thiện hạ có khi đang ngủ cả,
Tội gì mà thức một mình ta ? »
Người trong cuộc phải chịu đựng tất cả sự bực bội của cái cảnh :
« Tiếng dế kêu thiết tha !
Đàn muỗi bay tơi tả ! »
Tất cả cái « oi-ả » của một đêm dài, mở to-mắt mà thức : « Biếng nhắp năm canh chầy… » để mà đợi sáng. Đêm nào mà có thể kéo dài vô tận trong thời gian ? Ông tin như vậy vì đâu đấy đã rộn rã những tiếng gà gáy sáng : « Gà đã sớm rộn-rã… »
Niềm tin của Nguyễn Khuyến không là một ảo-tưởng. Bên kia trời đông, một dân-tộc đồng chủng đã vừa chiến thắng một dân-tộc Tây-Phương. Làn sóng tân-thư Khang Lương tràn vào nội-địa tư-tưởng Việt-Nam. Phan Bội Châu
vượt biên-giới sang Nhật. Phong-trào Đông-du, phong-trào Đông-kinh Nghĩa-thục bắt đầu rầm rộ trên toàn quốc.
Đêm sẽ chấm dứt. Mặt trời sẽ lại mọc huy-hoàng trên đất nước.
Cũng vì vậy, giữ vững thái-độ trong hiện-tại u-ám, hướng tầm tin-tưởng nơi tương-lai sáng-lạng, Nguyễn Khuyến có thể ung-dung hạ bút : « Túi vũ-trụ mặc đàn em gánh vác ».
ĐỀ II
« Khi về trí-sĩ, Nguyễn Khuyến thường nói đến cảnh già của ông. Hãy căn-cứ vào văn-thơ truyền lại mà xét đoán đời sống vật-chất và tinh-thần của thi-sĩ trong lúc đó ».
DÀN-BÀI VỚI CHI-TIẾT :
1) Nhập-đề
Sinh năm 1835, mất năm 1910, Nguyễn Khuyến thọ được tới 75 tuổi. Tuy-nhiên, vì thời-cuộc, năm 50 tuổi lấy cớ đau mắt ông xin về hưu : cuộc đời trí-sĩ của ông kéo dài suốt 25 năm cho đến khi ông mất. Giai-đoạn này, sống nơi đồng ruộng, sát với thiên-nhiên, ông có nhiều dịp đi sâu vào cuộc sống nội tâm của chính mình. Vốn mang sẵn một tâm hồn thi-sĩ tế nhị, giai-đoạn này vì thế là giai-đoạn ông sáng
tác nhiều nhất, hoặc để ngâm-vịnh phong-cảnh thôn-quê, hoặc để riễu đời nhưng nhất là để mô tả cảnh già của ông. Năm 53 tuổi ông viết :
« Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi có lẻ ba… »
Năm 74, ông lại viết :
« Năm nay tớ đã bảy mươi tư,
Rằng lão, rằng quan, tớ cũng ừ ».
Điểm đặc-biệt trong những thi-phẩm đó, chính là sự phản-ảnh khá rõ rệt cuộc sống vật-chất và tinh-thần của thi-sĩ. Nhận xét này sẽ được chứng-minh, dựa vào những thơ-văn trích-lục, bằng những dòng phân-tích dưới đây.
2) Thân bài
a) Cuộc sống vật-chất : Ông về trí-sĩ, sống ẩn-dật nơi quê nhà, sống hồn nhiên và trọn vẹn một cuộc sống giản-dị, sát với sinh-hoạt của dân cầy. Thơ ông không có tính-cách phù-phiếm của người ngoại cuộc, ca-tụng mơ-hồ sinh-hoạt nông-dân. Khởi từ thâm tâm đám dân cày, thơ ông có mầu sắc nồng nàn nơi quê hương đồng ruộng.
- Giản-dị : Mô tả nếp sống của ông (vốn đã quen cảnh nghèo từ lúc thiếu thời), ông viết :
« Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa dầu chè chả dám mua ».
- Sát với sinh-hoạt nông-dân : Có thể nói, ông là thi-sĩ của nông-dân. Như trong câu chuyện của một nông-dân, thơ ông đầy dẫy chi-tiết của cuộc sống nơi đồng ruộng. Nào là : ao sâu, vườn rộng, vườn cải, vườn cà, giàn mướp, giàn bầu. Viết thư hỏi thăm bạn, ông cũng không quên hỏi bạn :
« Mấy ổ lợn con rầy lớn bé ?
Vài gian nếp cái ngập nông sâu ? »
Mô tả cảnh lụt, ông cũng tỏ ra rất thiết-thực. Cũng như mọi nông-dân, cuộc sống vật-chất của ông tất-nhiên cũng bị ảnh-hưởng tai-hại của những vụ thiên-tai. Ông viết :
« Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi…
Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi !
Gạo năm ba bát, cơ còn kém,
Thuế một hai nguyên dáng chửa đòi… »
b) Cuộc sống tinh-thần :
Chịu ảnh-hưởng của cuộc sống vật-chất như vừa phân tích ở trên, cuộc sống tinh-thần của ông thường thường không phức tạp :
- Ông lo, cái lo của người dân cày :
« Mấy năm làm lụng vẫn chân thưa,
Chiêm mất đàng chiêm, mùa mất mùa,
Phần thuế quan thu, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa công bò ».
- Ông cũng bị ám-ảnh bởi những vụ lở đê lụt lội ; bởi cái viễn tượng đói kém :
« Quai Mễ Thanh-Liêm đã lở rồi,
Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi.
Gạo năm ba bát, cơ còn kém,
Thuế một hai nguyên dáng chửa đòi ».
- Nhưng cũng như mọi người nông-dân, cái vui của ông cũng hồn nhiên. Những khi được mùa :
« Năm ngoái, năm kia đói tưởng chết
Năm nay phong-lưu cũng ra phết
Thóc mùa thóc chiêm hãy còn nhiều ».
- Ông ao-ước : « Ta ước gì được mãi như thế ». Những khi năm hết, Tết đến, xuân sang :
« Trong nhà rộn-rịp gói bánh chưng
Ngoài cửa bi-bô rủ chung thịt ».
- Ông mong, ngây-thơ như một tâm hồn sống sát với thiên-nhiên : « Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết ».
c) Nhưng cuộc sống tinh-thần đó cũng không thể mãi mãi, bình thản : Ông còn là một kẻ sĩ, và tuy cố tìm sự bình-dị trong cuộc sống ẩn-dật nơi thôn quê để quên lảng cái hờn vong quốc, nhưng cái hờn vong quốc đó một đôi khi lại trỗi lên. Nghe một tiếng cuốc kêu, ông than thở :
« Khắc-khoải sầu đưa giọng lẳng-lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ ».
Tâm-sự đó dằn-vặt ông, trào ra ngòi bút :
« Nỗi ấy biết cùng ai ?
Cảnh nầy buồn cả dạ ! »
Những lúc đó thiên-nhiên đối với ông là một nguồn an ủi. Ông hòa mình vào cảnh vật thiên-nhiên để cố gây lại sự bình-thản trong tâm hồn.
Ông ca-tụng mùa thu, những cảnh câu cá giữa một trưa lành lạnh mùa thu :
« Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo ».
Ông ghi lại sự tế-nhị của mầu sắc mùa thu :
« Lưng giậu phất phơ mầu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng Trăng loe ».
sự tế-nhị của âm-thanh mùa thu : « Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo ».
Rồi sau những cơn bão-táp trong tâm-sự đó, ông lại gây được sự bình thản trong tâm hồn. Cảnh mênh mang của đồng tuộng đất nước đã đem lại cho ông một niềm tin tưởng vô điều-kiện vào những thế-hệ tương-lai. Ông tin-tưởng rằng cái hờn vong quốc của ông, của đẳng-cấp ông, một ngày kia phải rửa sạch. Giữa cái đêm lịch-sử dày đặc bóng đen, không khí oi bức, ông đã nghe vẳng lên, báo hiệu một bình-minh sáng-lạng, một tiếng gà rộn rã : « Gà đã sớm giục giã ! »
3) Kết-luận
Chúng ta vừa phân-tích, qua thi-văn của Nguyễn Khuyến, cuộc sống vật-chất và tinh-thần của thi-sĩ. Ngoài giá-trị nghệ-thuật của những thi-phẩm đó, chúng ta còn nhận thấy một giá-trị tiêu biểu cho thời-đại của tác-giả và nhất là cho cuộc sống cá-nhân của tác-giả. Chính ở điểm cuối cùng này mà ta có thể tìm thấy một bài học về giá-trị nhân-bản trong thi-phẩm của thi-sĩ : bài học tiết-tháo của một kẻ sĩ an bần lạc đạo, bài học của lòng tin-tưởng nơi tương-lai.
ĐỀ III
« Qua Đèo Ngang, bà Huyện Thanh Quan có câu : « Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc ». Đêm hè nghe tiếng cuốc kêu, Nguyễn Khuyến ại có câu : « Năm canh máu chảy đêm hè vắng ; Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ ». Hãy xét sự biến-chuyển trong tâm-trạng của sĩ-phu Việt-Nam giữa khoảng hai tiếng cuốc kêu đó ».
BÀI LÀM MẪU :
Tục truyền vua Thục-Đế xưa, mất nước, lúc chết đi hồn hóa thành con cuốc, ngày đêm ra-rả kêu gào nỗi niềm vong quốc của mình. Câu chuyện đó trở thành một điển-tích mà các thi-sĩ Trung-Hoa và Việt-Nam thường nhắc-nhở đến trong những trường-hợp tương-tự.
Một buổi chiều tà khoảng tiền bán thế-kỷ thứ 19, nữ-sĩ Thanh Quan dừng chân ở giữa đèo Ngang, nghe một tiếng cuốc kêu mà viết : « Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc… »
Tiếng cuốc đó lại vẳng lên, khoảng hậu bán cùng một thế-kỷ, giữa một đêm hè, khiến cho Nguyễn Khuyến cảm khích mà than :
« Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ… »
Cùng một tiếng cuốc nhắc đến cùng một nguồn điển tích mà đã khởi lên hai niềm tâm-sự khác biệt : tâm trạng của sĩ-phu Việt-Nam từ đầu đến cuối thế-kỷ thứ 19 thật đã chịu nhiều sự biến-chuyển. Dưới đây ta hãy phân-tích những biến-chuyển đó, khoảng giữa hai tiếng cuốc kêu trên.
Nếu tâm-trạng của giới sĩ-phu – đẳng cấp ý-thức nhất của xã-hội Việt-Nam thời trước – chỉ là niềm kết tinh những phản-ứng của sĩ-phu trong từng hoàn-cảnh lịch-sử, thì việc phân-tích tâm-trạng sĩ-phu Việt-Nam từ đầu đến cuối thế
kỷ thứ 19 tất không thể tách rời khỏi việc nghiên cứu những giai-đoạn lịch-sử quan-trọng trong khoảng thời gian đó.
Lược nhìn lịch-sử Việt-Nam, về thế-kỷ thứ 19, ta nhận thấy có thể phân ra làm hai giai-đoạn : tiền bán và hậu bán, lấy năm 1862 làm mốc phân chia.
Trong tiền bán thế kỷ, sự kiện quan-trọng nhất là việc Gia-Long lên ngôi. Sự kiện này chấm dứt non ba thế-kỷ nội loạn, đất nước phân chia (kể từ nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, năm 1527), nhưng lại gây ra một hoàn-cảnh chính-trị mới, đặt ra một tình-thế khó xử cho giới sĩ-phu. Sĩ-phu phải chọn lựa : cộng-tác với tân-triều hay thủ-trung với triều-đại cũ ? Lấy văn-chương làm chứng liệu, ta thấy thái-độ của sĩ-phu trong thời-kỳ quá độ này không hoàn toàn giống nhau. Ngoại trừ một số đã theo Gia-Long từ những ngày tranh đấu Gia-Định, đa số còn lại, nhất là những người miền Bắc đều đã bị dằn-vặt trong lương-tâm bởi hoang mang trong sự chọn lựa giữa hiện-tại với một triều-đại mới và quá-khứ kết-tinh quanh một triều-đại đã cáo chung. Trong khi Hồ Xuân Hương, với bản tính yêu đời, đã nhận hiện-tại, dẫu rằng chỉ để chế-giễu, mỉa-mai, chống đối, thì Nguyễn-Du, Phạm Quý Thích tiêu-cực quay về quá-khứ, dùng văn chương để ký thác tâm trạng hoài Lê. Nữ-sĩ Thanh Quan tuy bản thân không vướng mắc với ân lộc của triều-đại cũ, mà qua Đèo Ngang, nghe tiếng cuốc kêu cũng lòng mang
mang, nhớ lại triều xưa, nước cũ nhà Lê : « Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc ».
Sự-kiện lịch-sử quan-trọng thứ hai là chính-sách độc-tài của Minh-mạng. Triều Nguyễn ngày một vững chắc. Qua thời Gia-long, đến thời Minh-Mạng thì chính-sách đã trở nên chuyên chế. Chính-sách phân-quyền với chế-độ Tổng-Trấn đã nhường chỗ cho chính sách tập-quyền với sự bãi-bỏ chức Tổng-Trấn. Tuy nhiên chính-sách tập-quyền vào thời đó, phần thì được người lãnh đạo già tay là Minh-Mạng, phần thì thời cuộc quốc-tế chưa ảnh-hưởng tới thời-cuộc Việt-Nam, chưa gây hậu-quả tai hại, nên sĩ-phu vẫn có thể nức lòng nhập thế và Nguyễn Công Trứ vẫn có thể lấy văn-thơ ca tụng ý chí xây-dựng của nam-nhi.
Nhưng với Thiệu-Trị và Tự-Đức, chế độ đó đã đi đến chỗ cực đoan và với chính-sách bế quan tỏa cảng, đã trở nên nguy-hiểm. Nguyễn Trường Tộ dâng biểu điều trần. Cao Bá Quát « ngán đời » rồi uất-ức mà theo Lê Duy Cự chống đối.
Nếu lại dựa vào chứng-liệu văn-chương, thì phải nhận thấy ngay là luận-đề chính của đa số tác-phẩm trong thời kỳ nầy chính là xuất và xử.
Trong khi Nguyễn Công Trứ cương-quyết :
« Đố kỵ sá chi con Tạo,
Nợ tang bồng quyết trả cho xong ».
Thì Cao Bá Quát ngậm-ngùi than thở : « Làm chi cho mệt một đời ! »
Trong giai-đoạn hậu bán thế-kỷ thứ 19, sự-kiện quan trọng nhất xẩy ra chính là việc ký kết hòa-ước Nhâm-Tuất vào năm 1862 công nhận sự nhượng đất Nam Kỳ ; sĩ-phu trong nước phân làm hai nhóm : nhóm chủ chiến và nhóm chủ hòa, thỏa hiệp đầu hàng. Cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường đã để lại những chứng-liệu cho tâm trạng của hai nhóm sĩ-phu này.
Nhưng gần về cuối thế kỷ, sự mất nước đã hiển nhiên là một sự thực. Trừ một số sĩ-phu vẫn tích-cực theo đuổi công việc chống Pháp trong những phong-trào Cần-Vương ; những người khác lại một lần nữa phân làm hai nhóm ; nhóm hợp-tác mà đại-biểu là Hoàng Cao Khải, mà tác-phẩm Tây Nam Đắc-Bằng là một chứng liệu tự thanh-minh và nhóm bất hợp-tác, tiêu-cực chờ đợi, âm-thầm ôm-ấp trong lòng nỗi hờn vong quốc.
Giữa một đêm hè vắng lặng, Nguyễn Khuyến – đại-diện cho nhóm thứ hai – bỗng nghe vẳng lên một tiếng cuốc kêu. Tâm sự của một kẻ sĩ bất-lực, tâm-sự của một người trí thức mất tự-do của một người dân mất nước, tâm-sự Nguyễn Khuyến, trào lên ngọn bút. Thi-sĩ nghẹn ngào :
« Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ ».
Khoảng giữa hai tiếng cuốc kêu, tâm-trạng sĩ phu Việt Nam quả có biến-chuyển theo nhịp biến chuyển của lịch-sủ nước nhà. Tiếng cuốc đầu buồn não tố cáo một tâm-sự chán-chường, nhưng tiếng cuốc sau có thê-thảm hơn ; bởi
không chán-chường mà bất-lực, nghẹn-ngào, uất-ức : tiếng lòng của những con người vong quốc.
ĐỀ IV
« Văn-học-sử cho rằng : « Nguyễn Khuyến chỉ-trích thói đời một cách nhẹ-nhàng, kín-đáo, rõ ra bậc đại-nhân quân tử ». Chứng-minh lời phê-phán đó qua văn thơ của Nguyễn Khuyến ».
DÀN-BÀI CHI-TIẾT :
1) Nhập đề
Phê-bình Nguyễn Khuyến, cố giáo-sư Dương Quảng Hàm có viết trong Việt-Nam Văn-học Sử-yếu : « Nguyễn Khuyến chỉ trích thói đời một cách nhẹ nhàng kín đáo, rõ ra bậc đạt nhận quân-tử ».
Lời phê-bình của một người, thận-trọng như cố giáo-sư họ Dương tất-nhiên không thể là viển-vông, vu-khoát. Chúng ta có tìm thấy nhiều chứng-minh cho lời phê-bình đó qua văn thơ Nguyễn Khuyến.
2) Thân bài
a) Giọng trào phúng của Nguyễn Khuyến nhẹ-nhàng mỗi một khi ông phải trực-tiếp chỉ-trích.
- Hoặc Ông chỉ-trích tổng-quát thói đời : Đi xem cảnh Hội Tây ông viết :
« Cậy sức cây đu nhiều chị bám,
Tham tiền cột mở lắm anh trèo ».
Nhắc đến việc Vương Ông mắc oan trong « Đoạn Trường Tân Thanh », ông khéo léo lên án những tham quan nhũng lại đương thời của ông :
« Có tiền việc ấy mà xong nhỉ ?
Đời trước làm quan cũng thế a ? »
- Hoặc khi phải trực tiếp chỉ-trích một nhân-vật, giọng ông cũng nhẹ-nhàng, không hằn-học. Ta hãy nghe ông giễu một ông Đốc-học :
« Ông làm Đốc-học mấy năm nay,
Gần đó mà tôi vẫn chửa hay.
Tóc bạc răng long chừng bậc cụ,
Khăn thâm áo thụng cũng ra thầy.
Học trò kẻ chợ trầu dăm miếng,
Khảo khóa ngàu xưa quyển một chầy.
Bổng lộc như ông không mấy nhỉ,
Ăn tiêu nhờ được chiếc lương tây ! »
Ta chắc kẻ bị giễu, phải đọc đến câu cuối mới rõ thâm ý của tác-giả. Ta chắc kẻ bị chỉ trích là « ăn lương tây » không giận tác-giả, nhưng đã phải cúi đầu ngẫm-nghĩ…
b) Nhưng trong đa số trường-hợp, Nguyễn Khuyến không trực-tiếp chỉ-trích, ông dùng giọng gián-tiếp. Những lúc đó giọng thơ của ông vì thế trở nên kín-đáo.
Ông mượn một thứ đồ chơi của trẻ con dịp tết Trung Thu là ông tiến-sĩ giấy để chế giễu những ông nghè, ông cống của ngụy-quyền bảo-hộ :
« Khéo chú hoa-man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu vẽ mặt vang trong nước,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu ?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn ngàn thu.
Hỡi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu ».
Bực mình với viên Tổng-đốc Lê Hoan cố mời ông làm giám khảo trong dịp giải thưởng văn chương vịnh Kiều tổ chức tại tỉnh Hưng-Yên, ông mượn ngay câu chuyện Vương Ông mắc toan trong « Đoạn Trường Tân Thanh » để viết :
« Thằng bán tơ kia dở giói ra,
Làm cho bận đến cụ Viên già… »
Giọng thật là kín đáo, nhưng đọc lên ai mà không hiểu ông dùng danh hiệu « thằng bán tơ » để « kín đáo » chỉ Lê Hoan ?
3) Kết-luận
Nếu tính cách của người đạt-nhân là không thèm câu chấp, nếu tính cách của người quân-tử là không lúc nào lãng quên cái thiện ý răn đời để sửa chửa, để « phù thế giáo » thì lời phê bình giọng thơ trào phúng Nguyễn Khuyến của cố giáo-sư họ Dương thật là khám phá, bởi ngay trong khi chế giễu, chỉ-trích, công-kích, thi-sĩ Yên-Đổ, khác hẳn Trần Tế Xương, vẫn giữ vẹn cái cốt cách của một bậc « đạt
nhân quân-tử ».
ĐỀ V
« Tìm hiểu mối cảm thu của Nguyễn Khuyến qua ba bài « Thu ẩm », « Thu điếu », « Thu vịnh ».
DÀN-BÀI CHI-TIẾT :
1) Nhập-đề
Mùa thu là mùa mà các thi-sĩ từ Đông sang Tây thường hay gợi đến trong tác-phẩm của mình. Verlaine than khóc với mùa thu, Đỗ-Phủ khơi nguồn thơ trong không-khí mùa thu. Bà Huyện Thanh Quan nhìn cảnh vật qua ánh sáng vàng-vọt của những buổi chiều thu. Cuối thế kỷ thứ 19, chúng ta lại thấy có Nguyễn Khuyến đắm đuối trong màu sắc và âm-thanh của mùa thu. Khác với những tác-giả vừa kể trên, đã gắn liền mùa thu vào tâm-sự của mình, Nguyễn Khuyến đã chân-thành, trực-tiếp cảm thu, đã mô tả mọi khía cạnh âm-thanh và màu sắc của mùa thu, đã say-mê hưởng-thụ « chất thu » qua ba tác-phẩm « Thu điếu », « Thu ẩm » và « Thu vịnh ».
« Thu điếu »
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làng hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ-lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
« Thu ẩm »
Năm gian nhà cỏ thấp le-te,
Ngõ tối đêm khuya đóm lập-loè…
Lưng dậu phãt-phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng-lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy,
Độ dăm ba chén đã sau nhè.
« Thu vịnh »
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ-phơ gió hắt-hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào…
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
2) Thân bài
a) Mối cảm thu của Nguyễn Khuyến qua bài « Thu điếu » : Cảm-hứng ở đây bắt nguồn từ âm-thanh tế-nhị của mùa thu. Sự tế-nhị của âm-thanh đó, phải một tâm-hồn thi sĩ tinh-tế mới rung-cảm nổi, phải một thính-giác tinh-vi mới tế-nhận nổi ; (cũng nên để ý đến bệnh lòa của Nguyễn Khuyến, nguyên nhân của sự phát-triển thính giác). Những âm-thanh bé nhỏ đó đã gần sát biên-giới của im lặng : mô tả được lên, chính là đã mô tả được một khía cạnh đặc biệt của mùa thu Á-Đông, của mùa thu giữa một buổi trưa nơi
thôn xóm Việt-Nam (Dẫn chứng bằng những chữ trong bài thơ : trong veo, hơi gợn tí, sẽ đưa vèo, cá đâu đớp động dưới chân bèo).
b) Mối cảm thu của Nguyễn Khuyến qua bài « Thu ẩm » : Khác với bài trên mô tả tiếng thu, cảm-hứng trong bài « Thu ẩm » là ở nơi mầu sắc của mùa thu. Nếu đặc điểm của tiếng thu là tế-nhị, thì đặc-điểm mầu sắc của mùa thu là mờ-mờ, nhạt-nhạt, là « lập-lòe », « lóng-lánh ». Mầu sắc đó là mầu sắc của đom-đóm chập-chờn trong ngõ tối, của khói sương vương bờ giậu, của ánh trăng thu, của da trời xanh ngắt mùa thu. Mỗi cảm hứng đó dẫn đến một cảm
giác : cái cảm-giác « đỏ hoe » trong mắt của chính tác-giả, một ông già mắt lòa độc ẩm một đêm thu.
c) Mối cảm thu của Nguyễn Khuyến qua bài « Thu vịnh » : Nếu trong bài « Thu điếu » cảm-hứng là tiếng, nếu trong bài « Thu ẩm », cảm hứng là mầu, thì ở đây cảm hứng là tất cả :
- Cả mầu :
« Trời thu xanh ngắt…
… … …
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào,
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái… »
- Cả tiếng :
« Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
… … …
Một tiếng trên không ngỗng nước nào ? »
Những tiếng và màu ở đây đã được gạn lọc đến độ cuối cùng đễ hòa hợp cấu tạo thành « chất thu ».
Đến bài này mối cảm thu của Nguyễn Khuyến mới thật là trọn vẹn.
3) Kết-luận
Nếu đối với đa số thi sĩ, mùa thu chỉ là một cái cớ, chỉ là một cái bối cảnh, thì đối với Nguyễn Khuyến, mùa thu là một nguồn thi-hứng thuần túy. Chúng ta có thể kết-luận sau khi phân tích ba bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến ở trên : Nguyễn Khuyến thật xứng đáng với danh
hiệu « thi-sĩ của mùa thu ».
ĐỀ VI
« Hầu tìm hiểu tính-tình ; tâm-trạng và cảnh-ngộ của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương qua những bài thơ tự trào của hai ông ».
BÀI LÀM MẪU :
Mỗi khi mà hoàn-cảnh xã-hội và lịch-sử ghi những biến cố đổi thay quan-trọng khiến người thi-sĩ khó tìm cách thích-nghi với cuộc sống cá nhân của mình ; thì thường thường họ hay quay về với cuộc sống nội tâm hoặc dùng thơ văn để ký-thác tâm-sự, hoặc lấy ngay chính bản thân mình làm đề tài tự-trào. Cũng do đó một phần lớn mà loại thơ tự-trào đã xuất hiện nhiều trong thi-phẩm của những tác-giả thế-kỷ thứ 19, một thế-kỷ tương-đối ghi nhiều biến
cố lịch-sử và thay đổi xã-hội.
Tự trào là tự chế giếu mình. Loại thơ tự trào là một loại thơ mà tác-giả đã lấy ngay bản thân của mình làm đề tài hoặc để bông lơn riễu cợt, hoặc cũng có thể giấu kín bên trong một vài ý-tưởng mỉa-mai. Với loại thơ này thi-sĩ đã trực-tiếp phô bày nhiều khía cạnh của cuộc sống riêng tây của mình, và cũng do đó có thể để cho độc giả biết nhiều về tính tình, tâm trạng hay cảnh ngộ của mình một cách rõ rệt. Để hiểu rõ nhận xét cuối cùng này, chúng ta hãy nêu lên một vài trường-hợp đặc biệt, trường-hợp của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương.
Về tính tình thì không ai còn lạ gì cái nết hay chơi của ông tú Vị-Xuyên. Ông thú thật :
« Một chè, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta ».
Ông lại là người sành ăn chơi, điều này cũng lại chính ông đã viết rõ cho ta biết :
« Biết ngồi nhà hát, biết đi ả đầu,
Biết thuốc lá, biết chè tầu,
Cao-lâu biết vị, hồng lâu biết mùi ».
Nhưng vì sống trong cảnh ngộ vất-vả, nghèo túng, sống trong cảnh : « Tiền bạc phó cho con mụ kiếm ».
Cho nên đối với vợ, Tú Xương đã tỏ ra khéo léo mềm mỏng. Ông có tài nịnh bà Tú,tất nhiên cũng chỉ để lấy tiền hưởng lạc. Ông đã trắng trợn viết : « Vuốt râu ninh vợ, con bu nó ».
Trong khi đó, đối với những người khác thì Tú Xương đã tỏ ra ngông nghênh kiêu bạc : « Quắc mắt khinh đời cái bộ anh ! »
Trái hẳn lại với Tú Xương, qua những dòng thơ tự trào, Nguyễn Khuyến đã bộc-lộ những đức-tính hồn nhiên vui vẻ, trung hậu bình dân.
Cụ khiêm tốn mà nhận rằng :
« Nhập nhoèn bốn mắt tranh mờ tỏ,
Khập khểnh ba chân dở tỉnh say.
Còn một cái này thêm ngán nổi,
Đi đâu giở những cối cùng chầy ! »
Đối với ai, cụ cũng tỏ ra nhún-nhường. Ngày khao thọ ở làng, cụ viết :
« Anh em làng xóm xin mời cả,
Xôi, bánh, trâu, heo cũng gọi là.
Chú Đáo bên Đình lên với tớ,
Ông Từ xóm Chợ lại cùng ta ».
Có người cho cụ là bậc đạt nhân quân tử, tưởng cũng không quá đáng vậy.
Tâm trạng của thi-sĩ cũng dễ phô bày trong loại thơ tự trào. Tâm trạng của Nguyễn Khuyến, một người trí-thức bất lực trước cảnh vong quốc, đã được bộc lộ một cách sâu đậm qua hai vần thơ tự trào dưới đây :
« Cờ đương dở cuộc, không còn nước,
Bạc chửa thâu canh, đã chạy làng ».
Thê thảm hơn, tâm trạng của Tú Xương là một tâm trạng hoàn toàn bại vong, thi-sĩ tự mỉa :
« Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi,
Cứ việc ăn chơi chẳng học hành ».
Và tự thú :
« Thiên hạ có khi còn ngủ cả,
Việc gì mà thức một mình ta ».
Cuối cùng về phương-diện cảnh ngộ, thì những bài thơ tự trào của Tú Xương thật có giá-trị ngang những dòng khai gia-cảnh.
Ông nghèo :
« Ba luống vườn hoang bán sạch rồi
Gạo cứ lệ ăn đong bữa một ».
Ông có nhiều con, và gia-đình trông vào tài buôn bán của Bà Tú :
« Quanh năm buôn bán ở mem sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng ».
Sự túng thiếu trong gia-đình có lúc đã lên tới độ :
« Nhà ông đã bán rồi,
Vợ lăm-le ở vú,
Con tấp-tểnh đi bồi ».
Trong khi đó, Nguyễn Khuyến cũng cho ta biết nhiều chi tiết cảnh-ngộ qua những bài thơ tự-trào của cụ : Cụ không giầu, sống một đời sống thanh-bạch :
« Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,
Chiêm mất đàng chiêm, mùa mất mùa.
và luôn luôn chịu đựng kham-khổ :
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa giầu chè chả dám mua ».
Qua một vài vần thơ tự trào của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương, chúng ta đã tìm thấy những nét đặc biệt trong tính tình, tâm-trạng và cảnh ngộ của hai thi-sĩ. Cũng vì vậy, giá trị tài liệu của những bài thơ tự trào đã trở nên quan trọng, mỗi một khi ta muốn dựa vào tác-phẩm để đi sâu vào sự nghiên-cứu thân thế và tính tình tác giả.
ĐỀ VII
« Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương sống xấp-xỉ đồng thời và cùng chung một hoàn cảnh xã-hội. Cả hai nhà thơ đó, những lời văn hí-lộng và trào-phúng, nhưng văn của họ Trần thì đượm mầu châm-biếm chua-chát mà văn họ Nguyễn lại có vẻ hời-hợt nhã-đạm, tuy cười đời mà không có ác ý sâu cay. Tại sao lại có những điểm khác nhau như vậy ? Riêng về phương-diện trào-lộng, hãy lấy vài thí-dụ thi-phẩm của ông Tú Vị-Xuyên và của cụ Tam-Nguyên Yên
Đổ để chứng-minh sự phân-biệt ấy ». (Khóa 9-6-1952 Ban Sinh-ngữ và Cổ-Điển)
DÀN BÀI :
1) Nhập đề
Những người nghiên-cứu văn học theo quan-điểm duy vật thường tỏ ra lúng túng khi phải phân-tích những điểm khác-biệt giữa những nhà văn đồng thời. Trong những
trường hợp đó, yếu tố hoàn cảnh xã hội tất nhiên trở nên vô ích. Yếu tố quan trọng phải là đời sống cá nhân của từng tác giả.
Sự so sánh thi phẩm của hai thi-sĩ xấp xỉ đồng thời là Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương cho ta nhiều minh chứng cho nhận xét này.
2) Thân bài
- Thật vậy, cả hai đều chịu chung ảnh-hưởng một hoàn cảnh lịch-sử (Pháp thuộc), một hoàn cảnh xã hội (giao thời : văn hóa Âu-Á va chạm, giá-trị đảo lộn…) Cả hai đã ít nhiều cùng chung một thái độ : chán đời (dẫn chứng), một phản ứng : chế giễu thói đời (dẫn chứng).
- Nhưng đi vào chi tiết thì giọng thơ của ông Tú Vị Xuyên thật là chua chát, sâu cay mà giọng thơ của cụ Nghè Yên-Đổ lại nhã-đạm, kín-đáo, giễu đời mà không ẩn ác ý cay chua.
- Như đã nhận xét ở đoạn nhập-đề, sự khắc-biệt đó chỉ có thể tìm thấy nguyên nhân ở những điểm khắc biệt giữa hai đời sống cá-nhân của hai thi-sĩ.
a) Nguyễn Khuyến thành công về đường khoa cử : Giải Nguyên (1864), Hội-Nguyên và Đình-Nguyên (1871) : Tam Nguyên. Trần Tế Xương thất bại về đường khoa-cử : « Tam khoa chưa khỏi phạm trường-quy… »
b) Nguyễn Khuyến thành công về đường hoạn-lộ : Làm quan ở Huế, Thanh-hóa, Nghệ-An. 1883 : Làm Thương-Biện trông nom việc thương-mại với Pháp ở Hà-Nội. Tổng-Đốc
Sơn-Hưng-Tuyên. Nói tóm lại được trọng-dụng. Còn Trần Tế Xương thì hoàn toàn thất bại về đường hoạn-lộ.
c) Cuộc sống vật-chất của Nguyễn Khuyến tương-đối không vất-vả bằng Trần Tế Xương (dẫn chứng).
d) Cuộc sống tinh-thần của hai thi-sĩ cũng khác nhau ; Trần Tế Xương là người phóng đãng :
« Vị-Xuyên có Tú Xương,
Dở dở lại ương ương.
Cao lâu thường ăn quịt,
Thổ đĩ lại chơi lường ».
Ham ăn chơi, gần như trụy-lạc :
« Một trà, một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì hay cái ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà ».
Còn Nguyễn Khuyến thì đạm bạc, xử sự rõ ra người quân-tử, luôn luôn muốn giữ tấm lòng « sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết ».
e) Tú Xương sống nơi phồn hoa đô thị. Một phần lớn cuộc đời của ông, ông sống ở Nam-Định (nơi mà những chuyện « chướng tai gai mắt » xẩy ra nhiều nhất và rõ rệt nhất). Nguyễn-Khuyến trái lại, thường sinh-hoạt nơi nông
thôn, nơi mà con người tương-đối ít thay đổi, nơi mà nền phong-hóa xưa còn giữ lại được nhiều tập-tục.
f) Cuối cùng, sự khắc-biệt còn ở chỗ hai lứa tuổi quá xa cách. Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, hơn Tú Xương những
35 tuổi (1870). Nguyễn Khuyến nhìn đời bằng con mắt của một ông già dễ tha thứ. Tú Xương sấn-sổ hơn, bởi trẻ hơn Nguyễn Khuyến.
Những điểm khắc-biệt vừa nêu lên đã giảng giải rõ rệt sự khắc-biệt giữa hai giọng thơ trào phúng của hai thi sĩ. Dẫn chứng :
- Tự-trào thì :
Nguyễn Khuyến cởi mở :
« Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng ? »
Trần Tế Xương uất-hận :
« Khách hỏi nhà ông đến,
Nhà ông đã bán rồi.
Vợ lắm le ở vú,
Con tấp-tễnh đi bồi ! »
- Tả cảnh Hội Tây, 14 tháng 7, Nguyễn Khuyến kín đáo mỉa mai :
« Cậy sức cây đu nhiều chị bám,
Tham tiền cột mỡ lắm anh trèo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiều nhục bấy nhiêu ! »
- Tả cảnh lễ xướng danh một khoa thi cũ. Trần Tế Xương đứng hẳn về phe « một đàn thằng hỏng » để mà cay chua mô tả :
« Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,
Nó đỗ khoa này có sướng không ?
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng ».
Nguyễn Khuyến cười nửa miệng trước sự hãnh diện của lớp quan-liêu mới :
« Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hơi… »
Trong khi ấy Tú Xuyên ác nghiệt hơn, đã chỉ rõ mặt rõ tên người, ông chế giễu :
« Sơ khảo trường Nam bác cử Nhu,
Thật là vừa dốt lại vừa ngu… »
v.v… (có thể dẫn-chứng thêm)
3) Kết-luận
Sự so-sánh phân biệt giữa thi-phẩm của hai thi-sĩ đồng thời là Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương để tìm ra nguyên nhân sự khắc-biệt giữa giọng thơ của hai thi-sĩ đó đã giúp chúng ta chứng-minh được tầm quan-trọng của đời sống cá nhân tác-giả trong việc nghiên-cứu văn chương.
Để kết-luận, tưởng cũng nên nói thêm là chính những điểm khắc-biệt đó mới là những điểm tế-nhị, những bằng chứng hùng-hồn của sự phong-phú của một nền văn chương.
ĐỀ VIII
« Phân-tích và phê-bình bài thơ « Đêm mùa hạ » của Nguyễn Khuyến ».
DÀN BÀI :
1) Nhập đề
Người sành thơ thường ca tụng tính cách dung-dị và súc-tích của nghệ-thuật Nguyễn Khuyến. Bài thơ ngũ ngôn bát cú của thi sĩ dưới đây là một bằng chứng hùng hồn cho nhận xét đó :
« Tháng tư đầu mùa hạ,
Tiết trời thiệt oi ả,
Tiếng dế kêu thiết tha,
Đàn muỗi bay tơi tả,
Nỗi ấy biết cùng ai ?
Cảnh này buồn cả dạ,
Biếng nhắp năm canh chầy,
Gà đã sớm giục giã ».
2) Thân bài
a) Phân tích :
- Mới đọc qua một lần, ta tưởng bài thơ mô tả một đêm đầu hạ, oi bức, có muỗi bay, dế kêu, có người trằn-trọc suốt đêm không nhắm mắt để rồi giật mình nghe tiếng gà gáy sáng.
- Nhưng đọc kỹ những vần trắc « hạ, ả, tả, dạ, giã », những chữ kép « oi-ả, thiết-tha, tơi-tả, giục-giã » cho ta một cảm-giác uất-kết. Ở bài thơ tiết ra một không-khí bực bội – bực-bội ở ngoài trời mùa hạ và bực-bội cả trong tâm
sự của người cầm bút. Ta bắt để ý đến chữ « nỗi ấy ». Ta phải tự hỏi « nỗi ấy » là nỗi gì mà người mang « nỗi ấy » trong lòng đã không tìm nổi sự lảng quên trong giấc ngủ. Chúng ta linh cảm cái « nỗi ấy » không phải là cái nỗi khó chịu nhất thời của một người phải thức suốt một đêm oi-ả vào hè.
- Nếu ta hiểu rằng thi-văn thường là nơi tác-giả ký-thác tâm-sự – mà sự thấu-triệt trong mọi trường-hợp vẫn là mục-đích tối-hậu của sự nghiên-cứu tác-phẩm – thì trong trường-hợp Nguyễn Khuyến, cái « nỗi ấy » chính là tâm-sự của tác-giả. Tâm sự đó, phản ứng tất nhiên của một cá
nhân trong một thế sống phức-tạp, sẽ hiện ra rõ-ràng nếu chúng ta đi sâu vào thân-thế của Nguyễn Khuyến, thân-thế của một kẻ sĩ phải chịu đựng một cuộc sống ngang trái.
- Thân-thế tác-giả : Phác-họa qua những nét đại-cương cuộc sống của Nguyễn Khuyến, những nét đại-cương của bối cảnh lịch-sử lúc bấy giờ, để kết-luận rằng : Đêm mùa hạ chính là cái cảnh tối tăm, u-uất của xã-hội Việt-Nam trong thời đầu Pháp-thuộc và « nỗi ấy » chính là tâm-sự của một kẻ sĩ bất lực, của Nguyễn Khuyến trong cái cảnh vong-quốc đó.
b) Phê bình :
Nội-dung :
- Phản-ánh rõ rệt được tâm-sự của một đẳng cấp có trách-nhiệm lịch-sử lúc bấy giờ : đẳng-cấp sĩ-phu. Muốn quên mà vẫn không thể quên. Muốn làm nhưng lại ý-thức
được sự bất-lực. Muốn ngủ để quên oi bức, nhưng cũng lại vì oi bức, vì :
« Tiếng dế kêu thiết tha,
Đàn muỗi bay tơi tả ».
Mà : « Biếng năm canh chầy ».
- Tứ thơ, từ chỗ nghẹn ngào, u-kết tiến-triển theo tâm sự của người trong cảnh hướng tới một chân trời hé sáng. Đêm mùa hạ tàn theo lời thơ. Người đọc như tỉnh một cơn mơ kinh hoảng bởi tác-giả vừa nghe thấy, vẳng lên từ xa đưa lại : « Gà đà sớm giục giã ».
Bằng một tiếng gà gáy sớm, Nguyễn Khuyến nói lên, giữa một thời-đại bóng đêm oi-bức ngự-trị, lòng tin-tưởng mãnh liệt của mình nơi tương-lai sáng-lạng.
Hình-thức :
- Chúng ta thấy lại một đặc-tính trong kỹ-thuật của Nguyễn Khuyến, sự giản-dị đưa đến mức độ cuối cùng cả về thể thơ (ngũ ngôn), hình ảnh (muỗi bay tơi-tả), âm-thanh (tiếng dế kêu thiết-tha, gà đà sớm giục-giã), lẫn từ-ngữ (tất cả lời thơ đều làm bằng tiếng Việt).
- Sự giản-dị đó là kết-quả của một sự chọn lọc điêu luyện từng chữ, từng vần. Hãy để ý đến sức gợi-cảm của những chữ : « thiết-tha, tơi tả, giục-giã ». Hãy để ý đến điểm đặc-biệt trong cách gieo vần. Vần trắc đã được xử dụng. Những tiếng : « hạ, ả, tả, dạ, giã » gây một không khí hậm hực lê-thê mà cấu-kế với một tiếng gà đột ngột,
tưng bừng đã phá tán và để lại trong lòng độc-giả những dư-âm tươi sáng rộn ràng.
3) Kết luận
Tóm lại, kỹ-thuật vẫn là kỹ-thuật điêu-luyện của Tam Nguyên Yên-Đổ, một nhà thơ cổ điển. Nội-dung có hướng lạc-quan. « Đêm mùa hạ » là một tác-phẩm đặc-biệt của thời-đại bấy giờ.
Trong khi Tú Xương tiêu-cực rủa đời, Chu-Mạnh Trinh đắm đuối trong một mối tình tuyệt-vọng hướng về một Thúy-Kiều năm Gia-Tĩnh triều Minh, thì Nguyễn Khuyến bình tĩnh tin-tưởng ở tương-lai. Giữa cái đêm oi-ả, toàn dân nghẹn ngào trong bóng đen Pháp-thuộc đó, Nguyễn Khuyến đã giám đợi chờ, đã nghe thấy, đã lên tiếng cho mọi người cùng nghe thấy, một tiếng gà giục-giã, báo hiệu một Bình
Minh sáng-lạng cho Đất Nước.
ĐỀ IX
« Xét nghệ-thuật tả cảnh của Nguyễn Khuyến qua thơ văn của ông ».
DÀN-BÀI :
1) Nhập-đề
Đọc một bài thơ Nguyễn Khuyến, chúng ta không thể nhầm lẫn với bất kỳ một thi-phẩm của một tác-giả nào khác. Nhận xét này lại càng đúng trong loại thơ tả cảnh của ông. Nguyên-nhân của tính-cách đặc-biệt đó là ở nơi một
nghệ-thuật tả cảnh có nhiều điểm độc-đáo mà dưới đây chúng ta sẽ lần lượt phân tích.
2) Thân-bài
Những điểm căn-bản trong nghệ-thuật tả cảnh của Nguyễn Khuyến :
a) Bố-cục :
Một bài thơ tả cảnh cũng có thể ví như một bức họa, sự bố-cục những hình ảnh trong một bài thơ vì vậy mà quan trọng.
Nghệ-thuật bố-cục của Nguyễn Khuyến là một nghệ thuật cổ-điển, bình-diện thứ nhất, bao giờ cũng dành cho hình ảnh quan-trọng nhất có liên-lạc mật-thiết với đề-tài.
- Mô tả một cuộc đi câu về mùa thu, tác-giả nhập-đề : « Ao thu lạnh lẽo nước trong veo »
- Trong bài « Thu ẩm » thì hình ảnh đặt giữa là hình ảnh : « Năm gian nhà cỏ thấp le te » nơi mà tác-giả ngồi uống rượu.
- Mô tả mùa thu, hình ảnh quan-trọng và đặc-biệt đối với tác-giả chính là : « Trời thu xanh ngắt mấy từng cao ».
- Và phác-họa cảnh núi An-Lão, nét đầu tiên của tác-giả vẫn là một nét hình-dung toàn thể cái cảnh : « Mặt nước mênh-mông nổi một hòn ».
Hình ảnh quan-trọng được phác-họa xong trên bình diện thứ nhất, sang tới những bình-diện phụ-thuộc khác, tác-giả mới đi vào chi-tiết những « sóng biếc », « lá vàng », « từng mây lơ-lửng », « ngõ trúc quanh co », « lưng giậu »,
« làn ao », « cần trúc », « song thưa », « mảnh cây thưa thớt » và « ghềnh đá long-lanh »…
Và muốn để cho cảnh mô-tả trở nên linh-động, tác-giả như một người dẫn đường, chỉ lối cho độc-giả, từ chi-tiết nọ đến chi-tiết kia, đường lối luôn-luôn thay đổi khiến người ngắm cảnh không bao giờ chán mắt.
Trong bài « Thu điếu », ta thấy tầm mắt của tác-giả đi từ chi-tiết ngay trước mắt : « Sóng biếc theo làn hơi gợn tí ».
- Để rồi ngước lên nhìn thấy : « Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo ».
- Ngước lên cao nữa : « Từng mâu lơ-lửng trời xanh ngắt ».
- Nhìn ngang ra : « Ngõ trúc quanh co… »
- Và cuối cùng thu hẹp lại ở ngấn đọng trên mặt ao : « Cá đâu đớp động dưới chân bèo ».
Trong bài « Chơi núi An-Lão », cảnh được nhìn theo bước chân trèo núi. Bắt đầu là một cái nhìn tổng quát : « Mặt nước mênh-mông nổi một hòn ».
Cái nhìn đi vào chi-tiết, theo đà trèo núi :
« Mảnh cây thơ-thớt đầu như trọc,
Ghềnh đá long-lanh ngấn chửa mòn ».
Lên đến đỉnh núi, khách chơi núi đứng lại, cúi nhìn là một cái nhìn bao-quát sâu-thẳm :
« Một lá về đâu xa thẳm-thẳm,
Nghìn làng trông xuống bé con-con ».
b) Mầu sắc :
Về phương-diện này, nghệ-thuật của tác-giả tỏ ra rất chọn-lọc :
- Mầu sắc thích-hợp và đặc-biệt cho cảnh mô tả. Tưng bừng đôi khi đi đến chỗ tương-phản trong cảnh hè chói chang :
« Ngõ trước vườn sau um những cỏ,
Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê ».
Dịu-dàng, đạm-bạc, trong những cảnh mùa thu :
« Nước biếc trông như tầm khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào ».
Hoặc : « Ngõ tối đêm khuya đóm lập-lòe,
Lưng giậu phất-phơ mầu khói nhạ »t.
Hoặc : « Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo ».
- Tuy nhiên cũng phải nhận là mầu sắc bàng-bạc của mùa thu nơi thôn xóm là mầu sắc tác-giả ưa dùng (dẫn chứng).
c) Âm-thanh :
Nếu tác-giả không quên quan-niệm « thi trung hữu họa » thì tác-giả cũng không quên thiên-nhiên không phải chỉ là nét hình và mầu sắc mà còn là âm-thanh. Cho nên, cũng như ở địa hạt mầu sắc, âm-thanh tác-giả xử-dụng trong những bài thơ tả cảnh đều rất chọn-lọc.
Thích-hợp và đặc-biệt cho cảnh mô tả :
- Tả cảnh nhộn-nhịp của Tết, ông viết :
« Trong nhà rộn-rịp gói bánh chưng,
Ngoài cửa bi-bô rủ chung thịt ».
- Tả cảnh lụt, ông ghi nhận : « Tiếng sóng long-bong lượn trước nhà ».
Và : « Tiếng sáo vo-ve, triều nước vọng ».
- Mô-tả âm thanh của nông-thôn, ông viết :
« Trâu già trước giậu phì hơi nắng,
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người ».
Tuy nhiên phải nhận là âm-thanh ông ưa thích vẫn là thứ âm-thanh tế-nhị, thứ âm-thanh nằm kề nơi « biên-giới của yên lặng ». Loại âm-thanh đó, ông chỉ được nghe thấy trong tịch-mịch của mùa thu.
- Giữa một trưa mùa thu lành-lạnh, ông tế nhận :
« Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo…
Cá đâu đớp động dưới chân bèo ».
- Ông lắng mình trong bản nhạc tế-nhị đó để dần-dần đi tới chỗ yên-lặng, yên-lặng hoàn-toàn của thiên-nhiên :
« Nước biếc trông như tầng khói phả,
Song thưa để mặc bóng trăng vào ».
- Yên-lặng hoàn-toàn của tâm-hồn, đến nỗi nghe : « Một tiếng trên không, ngỗng nước nào ».
- Hứng khởi, định : « …vừa toan cất bút », nhưng rồi : « Nghĩ ra lại hẹn với ông Đào ».
3) Kết-luận
Ta vừa mới phân-tích và nêu lên những đặc-điểm trong nghệ-thuật tả cảnh của Nguyễn Khuyến. Nghệ-thuật đó bắt nguồn từ một quan-niệm về thiên-nhiên cũng đặc-biệt, khác hẳn với quan-niệm của Nguyễn Du và bà huyện Thanh Quan. Nguyễn Du buộc cảnh phải theo tình : « Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ».
Nữ-sĩ Thanh Quan coi cảnh là cái cớ nơi ký-thác tâm-sự hoài-cổ của bà. Nhưng Nguyễn Khuyến khác hẳn, đã có một quan-niệm khách-quan hơn về cảnh thiên-nhiên. Có lẻ vì thế mà ông đã vượt khỏi mọi ràng-buộc của chủ-quan để trực-tiếp ngắm cảnh, để có thể dễ-dàng hòa mình vào cảnh và cũng có thể mô-tả, với tất cả những điểm đặc-biệt về mọi phương-diện nét hình màu sắc và âm-thanh của nó, bất kỳ một khung cảnh thiên-nhiên nào…
ĐỀ X
« Hãy phân-tích tình bạn của Nguyễn Khuyến, dựa vào thơ văn của ông ».
BÀI LÀM MẪU :
Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, tình bạn thường được coi là một điều cần-thiết cho cuộc sống tinh-thần của con người, Người mưu đại-sự có bạn đồng-chí. Người đèn sách có bạn đồng-song. Người mang tâm-sự có bạn tri-kỷ. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nhận-xét này ở địa
hạt bằng-hữu, có giá-trị ngang một định-luật.
Riêng đối với Nguyễn Khuyến, năm ngoài 50 tuổi đã sớm thoát vòng bon-chen danh-lợi, thì ngoài câu thơ chén rượu, ngoài thú xuất thần khi một mình đối cảnh thiên nhiên, có lẽ chỉ còn có cái thú giao-du tâm đàm với những bạn cũ.
Nguyễn Khuyến làm thơ thăm bạn, tiễn bạn, tặng bạn, giễu bạn và khóc bạn. Và mặc dầu tự nhủ :
« Câu thơ nghĩ đắn-đo muốn viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa ? »
Tình bạn đã nghiễm-nhiên trở thành một đề-tài quan trọng trong văn-chương của ông.
Nhưng vốn phức-tạp trong giọng điệu thi ca, khi trữ tình, khi kể-lể tâm-sự, khi trào-phúng… cho nên trong những vần-thơ đề cập tới mối tình bằng-hữu, giọng ông cũng phức-tạp không kém và tình bạn cũng vì vậy mà đã được biểu-lộ qua văn thơ của ông dưới nhiều hình-thức khác nhau. Vốn người chất-phác, hay đùa, gia-dĩ lại thường sống trong cảnh cô-đơn nơi thôn dã, nên khi cầm bút gửi lời thăm bạn, ông hay trào-phúng nhẹ-nhàng, bông đùa dí-dỏm.
Đấy là để gửi một ông bạn Đốc-học tỉnh Hưng-Yên lâu ngày vắng tin :
« Ông làm Đốc-học mấy năm nay,
Gần đó mà tôi vẫn chưa hay.
Tóc bạc răng long chừng bậc cụ,
Khăn thâm áo thụng cũng ra thầy.
Học-trò kẻ chợ trầu dăm miếng,
Khảo khóa ngày xưa quyển một chầy.
Bổng lộc như ông không mấy nhỉ ?
Ăn tiêu nhờ được cái lương tây ! »
Và đây là để hỏi thăm một ông bạn khác, vừa mới mắc nạn bị « Kẻ cướp nó lèn » :
« Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông,
Nó lại lôi ông đến giữa đồng ;
Lấy của, đánh người, quân tệ nhỉ ?
Xương già, da cóc, có đau không ?
Bây giờ trót đã xầy da trán,
Ngày trước đi đâu mất mẩy lông.
Thôi cũng đừng nên ky-cóp nữa,
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông ».
Nhưng riễu nhau không chỉ để mà đùa, còn cho bớt niềm cô-độc : Nguyễn Khuyến không có ác-ý.
Đối với bạn, thi-sĩ thật ra rất thực lòng. Ông cố-gắng thông-cảm với bạn, lo cái lo, buồn cái buồn của bạn. Chân tình đó được biểu-lộ trong những vần thơ dẫn chứng dưới đây, ông sáng-tác vào một dịp thiên-tai, vỡ đê, nước sông tràn-ngập cả một vùng đồng chiêm Bắc-Việt :
« Ai lên nhắn nhủ bác Châu Cầu,
Lụt lội năm nay bác ở đâu ?
Mấy ổ lợn con rầy lớn bé ?
Vài gian nếp cái ngập nông sâu ? »
Giọng thơ ân-cần, thăm hỏi rồi trở nên an-ủi, tiềm-tàng một chút ngùi-ngùi – cái ngùi-ngùi của một ông già chợt nghĩ đến một người tri-kỷ đồng tuế :
« Phận thua suy tính càng thêm thiệt,
Tuổi cả chơi bời họa sống lâu ».
Bài thơ kết-liễu bằng những vần mô tả chính tình-trạng của người gửi thư :
« Em cũng chẳng no mà chẳng đói,
Thung-thăng chiếc lá rượu lưng bầu ».
Độc-giả có cảm-tưởng đọc một bức thơ thực-sự của một ông già mà câu chấm dứt bao giờ cũng là những câu thường lệ : « Còn về phần tôi cũng được đôi chữ bình yên… » Ý thơ chân-thành, lời thơ giản-dị, mối tình bằng-hữu giữa người gữi và người nhận thật không thể bộc-lộ thắm-thiết hơn ! Mối tình đó đã đi đến chỗ tâm-giao.
Nguyễn Khuyến lại còn khóc bạn. Con người ẩn-sĩ bất đắc-chí đó đã cô-độc lại càng cảm thấy vô cùng đơn-chiếc, khi nghe tin một người bạn – đồng tuế, đồng môn, đồng khoa, đồng đẳng-cấp, đồng tình và dĩ-nhiên đồng cảnh-ngộ – là Dương Khuê nằm xuống. Lời thơ đầu tiên là một lời nấc-nở : « Bác Dương thôi đã thôi rồi ! »
Lời thơ tiếp theo than-thở nỗi-niềm cô-độc : « Nước mây man-mác ngậm-ngùi lòng ta ».
Tác-giả thành-thực không chối cải : nghe tin dữ mang lại, chưa nghĩ đến bạn, tác-giả đã vội nghĩ ngay đến mình. Nhưng tác-giả không ích-kỷ. Vì đối với tác-giả, phải kéo lê kiếp sống thừa trong những ngày « oi-ả » quốc phá gia vong đó, cũng chỉ là một điều bất đắc dĩ : « Ai chẳng biết chán đời là phải ! »
Nhưng : « Vội-vàng chi đã mải lên tiên ? »
Vì còn tác-giả, còn người ở lại ? Còn nỗi-niềm tâm-sự của người ở lại ? Kể-lể với ai bây giờ ? Vui với ai bây giờ ? Buồn với ai bây giờ ?
« Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua, không phải không tiền không mua. Câu thơ nghĩ đắn-đo muốn viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa ?
Giường kia treo những hững-hờ,
Đàn kia gẩy những ngẩn-ngơ tiếng đàn ! »
Nguyễn Khuyến chỉ còn biết ngậm-ngùi :
« Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương.
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan ! »
Đoạn kết tuy an-ủi nhưng thấm buồn. Người « lên tiên » thế là đành phận. Người ở lại cảm thấy lẻ-loi, lạnh-lẽo và đồng-thời lại còn cảm thấy cái giờ « lên tiên » của chính mình cũng đã sắp điểm.
Giọng thơ tố-cáo một chất trữ tình hiếm có trong văn chương nhà nho Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến đứng trước một trong bốn cái đau khổ hằng-cửu của kiếp làm người : Cái chết. Tình bạn cũng vì vậy mà bộc-lộ đến độ cuối cùng vì cái đau khổ đó, cái chết đó lại là cái chết của một người bạn.
Khi cười, khi khóc, khi ân-cần, khi thăm dò an-ủi, nhưng qua những vần thơ còn để lại, Nguyễn Khuyến lại đã để lại một gương-mẫu bằng-hữu chân-thành. Không vồ vập quá đổi, nhưng khoan-hồng, giản-dị, hồn-nhiên, nhưng có thủy, có chung, tình bạn của Nguyễn Khuyến xứng-đáng tiêu-biểu cho thứ tình giao-du của bậc đạt-nhân quân-tử mà cổ-nhân thường vẫn ca-tụng là đạm-bạc như một dòng nước chảy.
ĐỀ XI
« Xét riêng về hai khuynh-hướng trào-phúng và tình cảm trong thi-tài Nguyễn Khuyến thì theo ý anh (hoặc chị), Nguyễn Khuyến đã thành-công trong khuynh-hướng nào ? »
DÀN BÀI CHI-TIẾT :
1) Nhập-đề
- Thi-nghiệp của Nguyễn Khuyến bao gồm nhiều khuynh-hướng, nhiều sắc-thái phức-tạp : trào-phúng, tình cảm, thời-thế, đạo-lý… Nhưng hai khuynh-hướng quan trọng hơn cả là trào-phúng và tình-cảm.
- Nhiều sách văn-học-sử xếp tác-giả vào khuynh-hướng trào-phúng. Chính ông cũng gián-tiếp giới-thiệu cái khía cạnh đó trong thi-tài của ông bằng câu khen-ngợi tài trào phúng của Trần Tế Xương : « Kế dư chi hậu kỳ Xương hồ ! »
- Thực ra, ngoài những thi-phẩm tự-trào hay chỉ-trích thói hư tật dởm của người đời, Nguyễn Khuyến vẫn còn một thành-phần thi-nghiệp rất quan-trọng thuộc loại thi-ca thuần-túy : tả cảnh, tả tình.
- Hơn nữa đối chiếu mức thành-công giữa hai khuynh hướng và nhận-xét kỹ về cốt tính nghệ-thuật trong thơ Nguyễn Khuyến, ta lại phải nhận rằng Nguyễn Khuyến đã thất-bại một phần nào trong khuynh-hướng trào-phúng, và đã thành-công rực-rỡ trong khuynh-hướng tình-cảm.
2) Thân-bài
a) Nguyễn Khuyến đã thất-bại phần nào trong khuynh hướng trào-phúng :
Lý-thuyết tổng-quát : Theo quan-điểm chung của văn học hiện-đại – và cũng là quan-điểm của một số tác-giả thời trước : Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Giai, Trần Tế Xương – thì mỗi bộ môn nghệ-thuật nên có một phạm-vi, những đặc-tính và một tác-dụng riêng. Người ta tránh không pha trộn nhiều loại thi-ca với nhau và nhất là người ta chủ trương : làm nhà thơ trào-phúng thì đừng kiêm-nhiệm chức-vụ của một người giảng dạy đạo-đức. Nói như thế không có nghĩa là bảo nhà trào-phúng được quyền vô đạo đức. Không, thơ trào-phúng như mọi thứ văn thơ, vẫn phải có căn-bản đạo-đức. Có điều trong thơ trào-phúng, căn-bản đạo-đức đó phải kín đáo lẩn chìm xuống dưới, chứ không phô bày khoa trương lên trên. Bởi trưng đạo-đức ra như thế, người ta có thể gán cho những danh-hiệu là đạo-đức giả, đạo-đức dởm, đạo-đức suông… Và nếu giảng-dạy đạo đức thì làm ngay thơ đạo-đức hoặc sách đạo-đức cho xong. Mối lo-toan đạo-đức chỉ làm cho cái cười không viên-mãn, kém sâu-sắc.
Ứng-dụng vào Nguyễn Khuyến : Gia-dĩ Nguyễn Khuyến lại là một nhà nho chính-thống, nên khi cầm bút giễu đời, ông vẫn không quên mục-đích « tải đạo » của văn-chuơng. Nụ cười trào-phúng của ông cũng vì thế mà kém phần ác
liệt. Nó « nhẹ-nhàng và kín-đáo » đúng như lời nhận xét của cố giáo-sư Dương Quảng Hàm.
- Kín đáo :
« Có tiền việc ấy mà xong nhỉ ?
Ngày trước làm quan cũng thế a ? »
- Nhẹ-nhàng :
« Hỡi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu ? »
Mối lo toan răn đời đã làm giảm bớt hiệu lực trào-phúng so-sánh với những vần thơ trực tiếp, sấn-sổ của một Trần Tế Xương sau này.
Giải-thích : Nguyễn Khuyến là một ông già (thế-hệ Trần Tế Xương) có danh-vọng xã-hội (Tam-Nguyên), có chức-vụ cao đẹp (làm thầy, làm quan) ; sống nơi yên-hàn chất-phác (đồng quê). Trong khi đó Trần Tế Xương lăn-lóc chốn thị thành, nơi bị va chạm trước nhất, xáo-trộn mạnh nhất trước làn sóng xâm-lăng của Pháp. Mặc dầu chỗ cao đẹp trong thiện-ý của nhà nho Nguyễn Khuyến, mặc dầu tác-dụng đạo-đức của cái cười mô-phạm của ông có thể thích-hợp với một số người, ta vẫn phải nhận rằng ông đã thất-bại một phần nào trong loại thơ trào-phúng.
b) Nguyễn Khuyến đã thành-công lớn trong khuynh hướng tình-cảm :
Khái-quát : Trong thi-ca thuần-túy tả cảnh, tả tình, Nguyễn Khuyến đã đạt tới một nghệ-thuật cao-siêu. Nghệ thuật đó gồm trong những « đức tính văn-chương » : đơn giản, trong-sáng, tự-nhiên, tinh-tường, thuần-túy. Những
đức-tính văn-chương ấy, bất luận trong một nền văn chương cổ-điển nào cũng phải trọng-vọng. Ngoài ra trong thơ tình-cảm, Nguyễn Khuyến cũng đã bỏ được rất nhiều ước-lệ khuôn sáo cũ, thoát-ly ảnh-hưởng của Hán-học để trở về với hồn thơ dân-tộc.
Dẫn chứng : Đọc thi-ca của Nguyễn Khuyến, khởi đầu ta va chạm với một bề ngoài rất khiêm-nhượng, nhưng thực ra bên trong thông-thái, tân-kỳ vô cùng, chứng tỏ tác-giả đã khắc-phục được thi-pháp khó-khăn của thơ Đường-luật :
- Đơn-giản trong sáng :
« Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo ».
- Tinh-tường tế-nhị :
« Tiếng sáo vi-vu triều nước vọng,
Con thuyền len-lỏi bóng trăng trôi ».
- Tự-nhiên :
« Đi đâu cũng thấy người ta nói,
Mười chín năm nay lại cát bồi ».
- Thanh-thoát, mơ-màng :
« Tựa gối ôm mành toan hóa bướm,
Gió thu thổi rụng lá vàng rơi ».
- Cảm-động :
« Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan ».
Người ta còn nói tới tính-cách Việt-Nam trong thơ Nguyễn Khuyến : khung-cảnh, nhận-vật, ý-nghĩ, tình-cảm…
Giải-thích : Nguyễn Khuyến sống gần thiên-nhiên. Nết người điềm-đạm mực thước. Hay suy-tưởng tuy nhẹ-nhàng thôi. Hay quan sát chiêm ngưỡng. Rất thông thái (đậu Tam nguyên) để vượt lên cái thông-thái đạt được cái bình-dị của nghệ-thuật, nghĩa là bình dị mà không tầm thường.
3) Kết-luận
Phải nên coi Nguyễn Khuyến là nhà thơ tình-cảm trước khi nhận ông là nhà thơ trào-phúng.
ĐỀ XII
« Bình-giảng bài ca-trù dưới đây của Nguyễn Khuyến : « Mẹ Mốc »
« So danh-giá ai bằng Mẹ Mốc,
Ngoài hình-hài gầm vóc cũng thêm ra.
Tấm hồng-nhan đem bôi lấm xóa-nhòa,
Làm như thế để cho qua mắt tục.
Ngoại-mạo bất cầu như mỹ-ngọc,
Tâm trung thường thủ tự kiên kim.
Nhớ chồng con muôn dặm trông tìm,
Giữ son sắt êm đềm một tiết
"""