" Luận Đề Về Cao Bá Quát - Nguyễn Duy Diễn PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Luận Đề Về Cao Bá Quát - Nguyễn Duy Diễn PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : LUẬN ĐỀ VỀ CAO BÁ QUÁT Tác giả : Giáo sư NGUYỄN DUY DIỄN Nhà xuất bản : THĂNG LONG Năm xuất bản : 1952 ------------------------ Nguồn sách : Nguyễn Hữu Hoan Đánh máy : Đỗ Trung Thực Kiểm tra chính tả : Phạm Thu Phương, Hoàng Thị Xoan Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 02/09/2019 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn Giáo sư NGUYỄN DUY DIỄN và nhà xuất bản THĂNG LONG đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC TIỂU SỬ CAO BÁ QUÁT ĐỀ 1 1) DÀN BÀI 2) BÀI LÀM 3) ĐỀ TÀI ĐỀ NGHỊ ĐỀ 2 1) DÀN BÀI 2) BÀI LÀM 3) ĐỀ TÀI ĐỀ NGHỊ ĐỀ 3 1) DÀN BÀI 2) BÀI LÀM 3) ĐỀ TÀI ĐỀ NGHỊ ĐỀ 4 1) DÀN BÀI 2) BÀI LÀM 3) ĐỀ TÀI ĐỀ NGHỊ Giáo sư NGUYỄN DUY DIỄN LUẬN ĐỀ VỀ CAO BÁ QUÁT THĂNG LONG 1952 TIỂU SỬ CAO BÁ QUÁT Họ Cao ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc (tức là tỉnh Bắc Ninh bây giờ) vẫn là một cự tộc, nối đời khoa hoạn. Trong họ đó, xưa kia, có Cao bái Hiên làm tới Binh Bộ Thượng Thư dưới triều vua Lê, kiêm lĩnh chức Tham Tụng (Thủ tướng) trong phủ Chúa Trịnh. Sau đó, nhiều người khác trong dòng họ Cao đều rất giỏi về văn chương, và đã sung vào nhiều chức quan trọng khác dưới các triều vua. Kế tới đời ông đồ Cao, tuy đã nấu sử, sôi kinh, nhưng gặp hồi loạn lạc cuối Lê, không ra thì cử được để tiến đạt, ông đành ở nhà đóng vai ẩn sĩ, rồi sau khi trong nước đã bình định, ông mở trường dạy học. Bà đồ Cao là một người đàn bà hiền từ – Một tay bà tần tảo nên ông đồ có thể yên tâm mà chuyên công đèn sách. Ông bà đồ Cao sinh được, một lúc, hai người con trai. Người ra trước, ông bà đặt tên là Cao bá Đạt – Người ra sau, đặt tên là Cao bá Quát. Vì đẻ sinh đôi, ông Đạt và ông Quát đều lắm tật bệnh – Hết chứng sài nọ, lại tiếp đến chứng sài kia – Nhưng từ ba tuổi trở đi, thì hai ông đều khỏe mạnh. Hai người tư chất rất mực thông minh nên học đến đâu hiểu tới đấy. Nhất là ông Quát đã tỏ ra trác tuyệt ngay từ khi còn ít tuổi : Lời văn hùng hồn, ý văn rất mạnh. Không những thế, ông lại còm có thêm tính khí ngang tàng, không chịu ràng buộc trong một khuôn sáo nào nhất định. Khoa Tân-mão niên hiệu Minh-Mệnh thứ 12 (1831) Cao bá-Quát đỗ Á nguyên 1tại Trường Thi Hanoi – (ông anh là Cao-bá-Đạt thì bị hỏng, nhưng đến khoa sau Minh-Mệnh thứ 15 (1834) thì đỗ Cử-Nhân). Đỗ khoa hương rồi, ông Quát lên đường vào kinh thi Hội. Khoa thi này ông Quát không đỗ chỉ vì có lỗi « huề hiệp văn thư »2. Sự thực thì ông Quát chỉ có để quên trong tráp tờ nhận thực của Lý-trưởng. Sau đó trải hai khóa nữa, Cao-bá-Quát đều bị trượt cả, không phải vì văn bài kém, mà chỉ vì người ta hùa nhau ghét ông nên tìm cớ đánh hỏng mà thôi – Thi càng không đỗ, ông càng hiểu rõ tâm địa người đời và càng dùng lời nói, hoặc câu văn để chửi một cách trắng trợn và hết sức chua chát. Sau khi đã đỗ Á nguyên và trước khi vào kinh lĩnh chức Hành Tẩu Bộ Lễ, khoảng 10 năm trời (từ Minh-Mệnh thứ 13 (1832) đến năm Thiệu-Trị 1 (1841)). Cao-bá-Quát (còn gọi là Cao-chu-Thần nữa) đi ngao du đó đây, lấy văn chương trêu ghẹo người thiên hạ. Ông đã trở nên một kẻ lãng sĩ trong áng giang hồ. Thời kỳ này chính là thời kỳ lang bạc của Cao-chu-Thần vậy. Niên hiệu Thiệu-Trị nguyên niên (1841), Cao-bá-Quát, do sự tiến cử của quan tỉnh Bắc-Ninh được vào kinh sung chức Hành Tẩu Bộ Lễ. Đó là một chức nhỏ, nhưng vì muốn làm vui lòng thân mẫu, nên ông đành ra nhậm chức. Trong thời kỳ nhậm, chức Cao-bá-Quát vẫn giữ nguyên tính cũ, không bao giờ, vì một cớ nào đó mà ông có thể chịu uốn nắn cái phong cốt thẳng thắn, cái tính tình phòng nhiệm để a-rua nịnh hót hòng bước lên chức trọng. Tuy lĩnh một chức nhỏ trong bộ máy chính-trị triều đình Huế (cái triều đình rất trọng đẳng cấp tôn ty), nhưng nếu có sự không hợp lý, ông can đảm mang ra hài hước, bất chấp mọi người, kể cả vua Thiệu-Trị, hoặc Tự-Đức. Vì một chuyện xảy ra ở trường thi Thừa-Thiên (nơi ông được cử làm một trong những chân sơ khảo) ông bị buộc vào tội chữa bài cho một thi-sĩ, nên bị cách chức và bị đầy vào Đà-Nẵng (Tourane bây giờ). Thời kỳ đi đầy này kéo dài khá lâu, ông đã nếm hết mọi mùi tân khổ. Gập khi có sứ bộ Đào-trí-Phúc sang Tân-Gia-Ba công cán, ông được lệnh rời khỏi Đà-Nẵng, theo sứ bộ để phù tá công việc. Ở Tân-Gia-Ba về, ông được phục hồi nguyên chức, nghĩa là lại làm Hành Tẩu Bộ Lễ. Vài năm sau ông được thăng lên chủ sự (vẫn là một chức rất nhỏ trong triều đình). Bấy giờ ở Kinh, Tùng Thiện Công Miên Thẩm (tức sau làm Tùng Thiện Vương) cùng các quan Đại thần như Phan Thanh-Giản, Trương-Đăng-Quế, Hà-Tôn-Quyền, v.v… thành lập Thi Xã Mặc Vân. Thi Xã đó nổi tiếng từ Nam chí Bắc. Vì biết tài lỗi lạc của Cao-Chu-Thần, nên Tùng Miên Thẩm và Tuy Lý Vương đến mời ông tham dự, ông từ chối. Đã có lần ông lắc đầu bịt mũi ngâm hai câu thơ : « Ngán cho cái mũi vô duyên, Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An ». Dám ví thơ thi xã với thuyền mắm Nghệ An thì đủ rõ ông can đảm đến bực nào. Nhưng sau cùng vì hai ông Tùng và Túy hết mực tha thiết mời mọc ông năm lần, bảy lượt ; cảm vì sự tấm lòng, chuộng tài ít có, ông đành phải gia nhập thi xã Mặc Vân. Vua Tự Đức là một người rất trọng văn chương nên khi lên ngôi ngài đã tỏ lòng hâm mộ Cao chu Thần – Nhưng dù vậy Cao chu Thần vẫn không quên tìm cách chế riễu, châm biếm vua một cách thấm thía. Trong thời kỳ này, Vua, cũng như các quan triều thần đều ghét ông chỉ vì ông trực ngôn, dám nói sự thực, không kiêng nể. Năm Tự Đức thứ 7 (1854) Cao chu Thần bị đổi ra làm giáo thụ Quốc Oai (Sơn tây) – nhưng thực ra nó là một hình thức bị đầy ải thì đúng hơn, vì Quốc Oai là một nơi rừng núi, học trò lơ thơ và hầu hết đều dốt nát, đần độn. Uất hận, một phần vì cảnh điêu đứng, nghèo khổ của dân chúng trước mắt, một mặt vì quân quyền chuyên chế, bất công, nên ông gia nhập làm tham mưu cho Lê Duy Cự, nổi lên chống triều đình. Phong trào thoạt đầu khá mạnh 3. Quân đội của Cao bá Quát tấn công nhiều nơi, nhưng vì tổ chức còn lỏng lẻo, nên bị quân triều đình diệt tan – Cao bá Quát bị bắt và bị điệu về chém tại nguyên quán, tức làng Phú-Thị Kinh Bắc (Bắc-Ninh) cùng với hai con trai ông là Cao-bá-Thông và Cao-bá-Phùng. Cao-bá-Đạt lúc đó đang làm tri huyện ở Nông-Cống cũng bị bắt – khi điệu đi nửa đường ông tự vẫn chết. Cao-bá-Nhạ là con trai Cao-bá-Đạt chạy trốn được, liền đổi tên họ, và lấy vợ, ẩn náu ở chân núi Hương-Sơn – Nhưng chừng hơn 8 năm sau, có người biết tố giác, nên Cao-bá-Nhạ bị bắt. Trong khi bị giam, ông có làm bài minh oan thống thiết nhan đề là « Tự tình khúc » Sau đó ông bị án tử hình và bị xử ngay tại làng Phú-Thị. 4 ĐỀ 1 Hãy trình bày : « Địa vị hát nói trong văn chương Việt Nam – và địa vị của Cao Bá-Quát trong văn chương hát nói ». 1) DÀN BÀI Vào bài : Văn chương Việt-Nam chúng ta có nhiều loại : thơ, phú, hành, ký, lục bát, song thất, đối, v.v… Trong các loại vừa kể trên thì hát nói là đặc biệt hơn cả. Nó đã chiếm một địa vị quan trọng vì những lý do sau đây. Thân bài : 1) Địa vị hát nói trong văn chương Việt Nam a) Về phương-diện hình thức - Hát nói phối hợp tất cả các loại văn nói trên : câu đối, phú, lục bát, v.v… Nhiều đoạn còn xen cả tản văn nữa. - Dài ngắn không hạn chế. Một câu không nhất định phải mấy chữ. Hoặc một bài không nhất định phải mấy câu. Nhiều bài có mưỡu, nhiều bài lại không cần có mưỡu nữa. - Một bài hát nói có thể làm toàn bằng chữ nôm, hoặc có thể xen chữ nho cũng vẫn được. Trong việc cho xen chữ nho như vậy, đặc biệt là ở chỗ bài hát không bị « lai căng » mà trái lại, khi hát lên, nó còn gợi dậy được sự đường hoàng, trang trọng. Tóm lại : về hình thức, hát nói là một loại văn vượt khỏi khung khổ, mà vẫn ở trong khung khổ, phá thể-cách mà vẫn ở trong thể cách. Hình thức của nó vì thế rất đặc biệt. b) Về phương diện ý tưởng Các loại văn khác, ý tưởng hầu hết đều gò bó, hướng theo luân lý và lễ giáo. Sự diễn đạt của tác giả, vì vậy, phải đóng khung trong một lề lối chật hẹp. Hát nói, là một loại « đứng » ngoài phạm vi « nhà trường » – do đó, người nghệ sĩ được phép diễn đạt một cách thoải mái những ý tưởng và tình cảm mình. Ý tưởng và tình cảm đó thường thường hướng vào những điểm sau này : lập công, đợi thời, ngán đời, ăn chơi, tình tự, tả cảnh, v.v… 2) Địa vị Cao-Bá-Quát trong văn chương hát nói Cao-Bá-Quát là một nhà thơ trác tuyệt. Cái tài lỗi lạc của ông hiện lên rõ rệt nhất qua những bài hát nói. Những bài hát nói của ông tuy ít, có chừng 5, 7 bài (mà chúng ta biết được), cũng đủ cho ta nhận thấy cái phong phú của ông về ý tưởng, cái tế nhị của ông về tình cảm, và cái đặc biệt của ông về kỹ thuật. a) Ý tưởng phong phú - Ý tưởng yếm thế : « Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy, Cảnh phù-du trông thấy cũng nực cười ». - Ý tưởng hoài nghi : « Khoảng giời đất cổ kim, kim cổ, Mảnh hình hài không có, có không ». - Ý tưởng yêu đời : Ông sống cuống quýt, ông sống vội vàng vì sợ cuộc đời chóng hết : « Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay, Sực nhớ chữ « Cổ nhân bỉnh chúc ». 5 Ý tưởng yêu đời có được, một phần lớn, cũng là do ông tin ở thuyết Tiền định và ở luật Tuần hoàn của hóa công : « Tuế tự dương hồi, xuân cánh tại, Khổ nết rồi âu phải cam lai. Thôi thì thôi tiền định an bài, Sầu cho nát lòng người chi nữa… » Chính vì thế mà ông theo thuyết « tự nhiên » của Lão Tử : « Ngộ thử thời hành thử sự, Dẫn hành tàng xuất xứ cũng tùy nghi ». - Ý tưởng tự cao : « Dưới thiều quang thấp thoáng bóng Nam San, Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ ». b) Tế nhị về tình cảm Canh cái phong phú về ý tưởng. Cao bá Quát còn có thêm một ưu điểm nữa đó là cái nghệ thuật diễn đạt tình cảm rất tế nhị – Ít khi ông bộc lộ bằng cách trực tiếp kể lể những tình cảm của mình. Thường thường ông diễn đạt tình cảm bằng những hình ảnh : « Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh, Rầu rĩ lắm xuân về, oanh nhớ ». Hoặc diễn đạt bằng điển cố – nhưng điển cố đã được « linh động hóa » một cách Việt-Nam như trong ca dao : « Nước sông Tương một giải nông sờ, Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi ». Một đôi khi phải nói thẳng tình cảm của mình, thì ông giản dị và thành thực rất đáng khen. Do đó giá trị gợi cảm của lời thơ hết sức thấm thía : « Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi, Chữ chung tình biết nói cùng ai… » Hoặc : « Thôi công đâu chuốc lấy sự đời, « Tiêu khiển một vài chuông lếu láo ! » c) Kỹ thuật Hầu hết, ông thường dùng thể phú (nói thẳng ý nghĩ và tình cảm, nên không dùng đến mưỡu – ông bắt thẳng vào câu hát ngay). - Kỹ thuật đặt câu : Câu của ông đặt già giặn, chắc chắn, thích hợp với từng ý tưởng định diễn đạt. - Kỹ thuật dùng chữ : Mỗi chữ đều được cân nhắc đặt vào đúng chỗ nên không có những chữ thừa. Bất cứ tiếng gì, dưới bút ông, cũng trở nên những tiếng của « thần minh » cả. Tỉ dụ : « Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười, Tiêu khiển một vài chuông lếu láo ». - Kỹ thuật dùng điệp chữ một cách lý thú : « Duy cầm, duy kỳ, duy tửu, duy thi, Thú vui thú phong hoa tuyết nguyệt ». Hoặc : « Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ, Mảnh hình hài không có có không ». Kết luận : Nhìn chung, với một tâm hồn phóng túng, một nguồn tình cảm dồi dào và tế nhị, một kỹ thuật dùng chữ « táo bạo », Cao bá Quát đã tìm thấy ở thể hát nói một « chỗ » thích hợp để với tài năng của mình – và ông đã đạt tới một chỗ vinh dự ngang hàng với Nguyễn công Trứ – Trong một vài điểm, ông còn đi xa hơn cả Nguyễn công Trứ nữa. 2) BÀI LÀM Vào bài : Văn chương Việt Nam chúng ta trước đây đã được diễn đạt dưới nhiều hình thức : thơ phú, câu đối, lục bát, song thất, v.v… Trong những hình thức trên đây thì hát nói là một thể rất đặc biệt, đặc biệt vì nó là một thể do sự phát minh của ta cũng như lục bát, hay song thất. Ngoài ra nó đã nghiễm nhiên chiếm cứ một địa vị quan trọng vì những lý do sau đây. Thân bài : 1) Về phương diện hình thức nó là sự kết tinh của các thể nói trên như : đối, phú, thơ, lục bát, song thất, v.v… Trong nhiều bài, nó còn xen cả những câu tản văn nữa. Do đó, hình thức của nó không bị ấn định một cách quá chặt chẽ đến nỗi ý tưởng bị bóp nghẹn, khô cứng như ở trong thơ. Mỗi một câu của nó không hạn định số chữ, có thể là 4 chữ « Tính đâu tính lạ » : - Có thể là 5 chữ hoặc 7 chữ : « Nhân sinh quí thích chí 6 (5 chữ) Chẳng gì hơn vũ nữ ca nhi » (7 chữ) - Có thể là 6 chữ và 8 chữ : « Người đâu tên gọi là gì ? (6 chữ) Hỏi ra chích chích, chi chi nực cười » (8 chữ) - Có thể là 10 chữ : « Răng không nhuộm, vợ không lấy, lụa là không mặc ». Nhiều khi vượt hẳn khuôn khổ để tiến tới 14 hoặc 15 chữ : « Khi cà phê, khi nước đá, khi thuốc lá, khi đủng đỉnh ngồi xe… » (14 chữ) Hoặc : « Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác, chén chú chén anh, chén tôi, chén bác ». (15 chữ) Hoặc còn nhiều hơn : « Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc khi miếng trầu, khi chè chuyên năm bẩy chén, khi kiều lẩy một đôi câu… » Một câu đã không hạn định số chữ, đến cả một bài lại cũng không hạn định số câu nữa. Tỷ dụ : bài « Trong thiên Hạ » của Nguyễn Khuyến có 11 câu, bài « Phong lưu nhất » của Trần tế Xương có 7 câu, bài « Hóa nhi đa hí lộng » của Nguyễn Công Trứ có 13 câu. Bài « Ngồi mà nghĩ » của Dương Khuê có 15 câu, v.v… Có bài có « mưỡu » như bài Tạo vật bất tri (của Nguyễn công Trứ) Thấy lão đá (của Nguyễn Khuyến), v.v… nhưng có bài lại không có mưỡu nữa như bài Tang bồng là cái nợ (của Nguyễn công Trứ) Tính đâu tính lạ (của Nguyễn Khuyến) Phong lưu nhất (của Trần Tế Xương, v.v…) Ngoài ra, trong một bài hát nói có thể dùng, toàn chữ nôm như bài « Cái tình là cái dại » (vô danh), « Tính đâu tính lạ » (của Nguyễn-Khuyến), « Phong lưu nhất » (Trần tế Xương) hoặc có thể cho xen những câu chữ hán vào như trong bài : « Gan lì già xọc » (Phạm văn Ái), « Ba vạn sáu nghìn » (Nguyễn công Trứ), « Thế sự phù trầm » (Cao bá Quát), v.v… Nhưng có một điểm rất đặc biệt, là những câu chữ hán xen vào trong bài hát đã không lạc lõng, « lai căng », mà trái lại, khi ngâm lên, hoặc khi ca lên (đi kèm với đàn, phách) thì không khí của bài hát càng trở nên đường hoàng, trịnh trọng, hoặc hào hoa, phóng dật. Những câu chữ nho ấy giống như những bức đại tự sơn son thiếp vàng được treo lên gian giữa phòng tiếp khách vậy. Đây ta hãy đọc một câu làm tỉ dụ : « Thấy lão đá lạ lùng muốn hỏi Cớ làm sao len lỏi tới chi đây ? Hay là vui hoa cỏ nước non này Chừng những muốn dan tay nào hội lạc Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc Thương hải thùy tri ngã diệc âu Thôi thôi đừng kể truyện đâu đâu Túi vũ trụ mặc đàn sau gách vác ». (Phỗng đá, Nguyễn-Khuyến) Sau khi phác họa, chúng ta thấy rằng, về hình thức, hát nói là một thể riêng, không giống một loại nào của Tàu. Nó tự do phóng khoáng, vượt khỏi khuôn khổ mà vẫn ở trong khuôn-khổ, phá thể-cách mà vẫn ở trong thể-cách. Vì thế nó giữ một địa vị đặc biệt trong văn chương Việt-Nam chúng ta ngang hàng với Phong dao và Lục bát. 2) Ý tưởng trong hát nói Hình thức hát nói đã đặc biệt, đến ý tưởng diễn đạt trong đó lại đặc biệt hơn. Trong thơ, hay phú, ý tưởng hầu hết đều bị gò bó trong khuôn khổ luân lý và lễ giáo. Hát nói là một thể đứng ngoài phạm vi « nhà trường ». Hình thức của nó rộng rãi bao nhiêu, thì ý tưởng của nó cũng tự do, phóng khoáng bấy nhiêu. Người nghệ sĩ đã tìm thấy ở đây một chỗ thích hợp để có thể bộc lộ ý tưởng và tình cảm một cách thoải mái. Vì vậy chúng ta có thể tìm thấy, qua những bài hát nói, cái bản ngã thực của con người nghệ sĩ kèm theo những ý tưởng về : Sự lập công, đợi thời, ngán đời, hoài nghi, ăn chơi, tình tự, v.v… cùng với những tình cảm dồi dào đối với tâm sự, đối với cuộc đời, và nhất là đối với Thiên Nhiên trước sự đổi thay của bốn mùa hoa cỏ. 3) Địa vị Cao bá Quát trong văn chương hát nói Vì những lý do đã trình bày trên, nên thể văn hát nói đã được Cao bá Quát, một thi sĩ trác tuyệt của chúng ta, ưa chọn. Để có thể nhận định một cách cụ thể về địa vị của ông trong thể văn này, chúng ta cần phải phân tách những ưu điểm của ông trước đã. Nếu đem so sánh với Nguyễn công Trứ, hay Nguyễn Khuyến, hoặc Trần Tế Xương, thì số bài hát nói của ông mà chúng ta tìm thấy, tương đối, rất ít-chỉ có chừng 5, 7 bài thôi. Nhưng với 5, 7 bài ấy, chúng ta cũng thừa đủ để có thể nhận thấy cái phong phú của ông về ý tưởng, cái dồi dào, tế nhị của ông về tình cảm, và cái đặc biệt của ông về kỹ thuật. a) Cái phong phú của ông về ý tưởng Qua những bài hát nói, Cao bá Quát đã diễn đạt những ý tưởng phức tạp của ông – những ý tưởng mà ông đã thâu nhận được ở triết học Phật giáo (yếm thế) Trang Tử (hoài nghi), Lão-tử (tự nhiên) để rồi tiến tới những ý tưởng tự cao rất lý thú. Đây ta hãy lắng nghe luận điệu yếm thế của ông : « Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy những nực cười ». Ông còn có những ý tưởng hoài nghi, hoài nghi, cả tương lai, cả quá khứ, cả hiện tại, hoài nghi đến cả sự thực tại của chính mình nữa, có thể nói được rằng tất cả nỗi hoài nghi của Montaigne, Pascal, Trang tử đều có thể bị nằm gọn trong hai câu dưới đây kèm theo cái sắc không, cái ngã và cái vô ngã của đạo Phật : « Khoảng trời đất cổ kim kim cổ, Mảnh hình hài không có, có không ». Ông yếm thế, ông hoài nghi, để rồi nhiều lúc bị huyễn hoặc vì cái ý tưởng rằng cuộc đời quá nhanh chóng, ông thấy hoang mang, cố bám víu lấy cuộc đời, sống, vội vàng, sống gấp rút một cách rất cảm động : « Như chiêm bao, như bóng sổ như gang tay, Sực nhớ chữ « cổ nhân bỉnh chúc ». Ý tưởng yêu đời như trên đây một vài khi cũng còn thấy vụt xuất hiện qua những lời thơ tài hoa của ông lý tưởng yêu đời đó có được, một phần lớn cũng là do ông tự an ủi bằng thuyết tiền định và sự tuần hoàn của vũ trụ : « Tuế tự dương hồi, xuân cánh tại Khổ hết rồi âu phải cam lai Thôi thì thôi tiền định an bài Sầu cho nát lòng người chi nữa ». Có lẽ vì tin ở luật tuần hoàn nên ông thích « phó mình » cho cuộc đời để hướng theo thuyết « tự nhiên » của Lão tử : « Ngộ thử thới, hành thử sự Dẫu hành tàng xuất xứ cũng tùy nghi Thực tài ứng biến tri cơ ». Một đôi khi ông vụt có những tư-tưởng coi thường cả cuộc đời, coi thường cả vũ trụ, để kiêu hãnh, tự cao một cách rất lý thú : « Dưới thiều quang, thấp thoáng bóng Nam San, Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ ». b) Tế nhị về tình cảm Cạnh cái phong phú về ý tưởng, Cao bá Quát còn có thêm một ưu điểm nữa : đó là cái nghệ thuật diễn đạt tình cảm một cách rất tế nhị. Ít khi ông bày giải một cách trực tiếp, thường thường ông diễn đạt bằng những hình ảnh thấm thiết. Một tỷ dụ : trong bài « giai nhân nan tái đắc » (người đẹp khó có lần được gặp lại), để bộc lộ những tình cảm nhớ nhung, đau khổ tác giả đã kín đáo dùng mùa xuân để chỉ giai nhân và con chim oanh để chỉ người tài tử (người đó rất có thể là tác giả). Mùa xuân đã đi qua, chỉ còn lại chim oanh ngẩn ngơ trong cái bao la của cuộc đời và sự sống : « Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh, Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ ». Ở đây câu thơ đã có cùng một lúc, cái giá trị của trường thơ « tượng trưng » (symbolisme) và cái giá trị của trường thơ « ấn tượng » (Impressionnisme). Một vài khi ông còn diễn đạt tình cảm bằng điển cố, nhưng điển cố đó đã được « linh động hóa » một cách rất Việt-Nam, như có phảng phất cái ý nhị trong ca dao : « Nước sông Tương một giải nông sờ, Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi… » Trong những trường hợp cần phải trực tiếp trình bày những tình cảm của mình, thì ông dản dị và thành thực, vì thế, lời thơ có được một giá trị gợi cảm rất mạnh : « Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi, Chữ chung tình biết nói cùng ai ? » Hoặc : « Thôi công đâu chuốc lấy sự đời, Tiêu khiển một vài chuông lếu láo… » c) Kỹ thuật Hát nói có ba loại : « Phú, tỷ, hứng ». Loại được ông hay dùng nhất là loại Phú (bộc lộ thẳng ý tưởng), vì vậy những bài ca trù của ông thường thường không hay có « Mưỡu » (tức là câu tổng mạo). Nếu nhìn vào những bài hát nói của ông, ta thấy có hai điểm về kỹ thuật rất đáng chú ý : đó là cách đặt câu và cách dùng chữ. Cách đặt câu : Không giống Hồ-xuân-Hương ở chỗ đảo ngược địa vị những tiếng trong một câu Cao bá Quát hầu hết đều đặt câu một cách hiền lành theo lối cổ điển : chủ từ, động từ, túc từ : « Chữ « công danh » đã tạc với non sông, Cơ vinh hiển hẹp gì trong phú tái ». Hoặc : « Thôi thì thôi, tiền định an bài, Sầu cho nát lòng người chi nữa… » Nhưng có một điểm hiếm có – và có lẽ chỉ riêng Cao bá Quát làm nổi – là tác giả, với những câu đặt hiền lành như thế, mà vẫn « giữ vững » được cái phong vị rất thơ để thích hợp với từng ý tưởng diễn đạt. Văn ông trác tuyết, một cũng ở điểm đó : « Có bao lăm, ba vạn sáu nghìn ngày, Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay, Sực nhớ chữ : « cổ nhân bỉnh chúc ». Hoặc : « Thành thị ấy, mà giang hồ ấy Đâu chẳng là tuyết, nguyệt, phong hoa. Bốn mùa xuân lại thu qua ». Muốn cảm thông được trọn vẹn thì phải hát lên, nghe những tiếng « chiêm bao », « bóng sổ », « gang tay » dồn nhau, tai đã khoái, khi nghe thấy « tuyết, nguyệt, phong, hoa » tình càng nổi, thú càng hứng, kịp khi thấy đóng bài bằng câu : « xuân lại, thu qua » thì tâm hồn trở lại, hòa hợp với tiếng phách, cung đàn, để cùng tan ra, bâng khuâng trong dư vang của bản nhạc đương tắt. Kỹ thuật dùng chữ : Kỹ thuật đặt câu của ông lý thú bao nhiêu, thì kỹ thuật dùng lời của ông cũng lý thú bấy nhiêu. Đối với Cao bá Quát, không có tiếng gì, mà ông không sử dụng nổi. Từ chữ mềm mại, duyên dáng, đến chữ cộc cằn, thô thiển, dưới bút ông, đều trở thành những « tiếng của thần minh » cả. Đây ta hãy trích một vài tiếng ra làm tỉ dụ : « Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười ». Hoặc : « Tiêu khiển một vài chuông lếu láo ». Hoặc : « Chén rượu thánh, câu thơ thần thích chí ». Dùng chữ đã « bạo », đến việc dùng điệp chữ của ông còn « táo bạo » hơn : « Duy cầm, duy kỳ, duy tửu, duy th¡, Thú vui thú phong hoa tuyết nguyệt ». Hoặc : « Khoảng trời đất cổ kim kim cổ, Mảnh hình hài không có có không ». Tóm lại, dùng chữ « táo bạo » và « đắc địa » như thế càng chứng tỏ nguồn sinh lực dồi dào, mạnh mẽ, cùng với thiên tài trác tuyệt, hiếm có của ông. Kết luận : Sau khi đã trình bày, ta không khỏi không nhận rằng, với một tâm hồn phóng túng, một nguồn tình cảm dồi dào và tế nhị, với một kỹ thuật đặt câu điềm tĩnh, một kỹ thuật dùng chữ táo bạo, Cao bá Quát quả đã tìm thấy ở thể hát nói một hình thức hay hơn nữa, một phương tiện thích hợp với tài năng của mình. Ông đã đạt tới một chỗ ngồi vinh dự trong Văn Học sử ngang hàng với Nguyễn Khuyến, Nguyễn công Trứ, hay Trần tế Xương. Trong một vài điểm, có lẽ ông còn tiến xa hơn cả các nhà thi sĩ trên đây nữa. 3) ĐỀ TÀI ĐỀ NGHỊ Vua Tự Đức có viết : « Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường ». Riêng về phương diện họ Cao, lời phê bình đó có đúng không ? Chứng minh và bình luận. ĐỀ 2 Hãy so sánh văn chương Hát nói của Cao Bá Quát với văn chương hát nói của Nguyễn công Trứ ? Những điểm giống nhau và những điểm khác nhau giữa hai nhà thơ đó. 1) DÀN BÀI Vào bài : Có những người cực đoan cho rằng văn chương hát nói của Cao bá Quát khác hẳn văn chương hát nói của Nguyễn công Trứ – Có những người cực đoan khác lại cho rằng văn chương hát nói của Cao bá Quát giống hệt văn chương hát nói của Nguyễn công Trứ. Để có thể nhận định về những lời phê bình này chúng ta cần phải so sánh văn chương hát nói của hai thi sĩ trên đây với một thái độ khách quan hơn. Thân bài : 1) So sánh những điểm giống nhau giữa Cao bá Quát và Nguyễn Công Trứ a) Về ý tưởng và tình cảm : hai nhà thơ đó có nhiều điểm giống nhau. - Ý tưởng yếm thế : « Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười ». (Cao bá Quát) « Khi sinh ra miệng đà khóc thé, Trần có vui sao chẳng cười khì ». (Nguyễn công Trứ) - Ý tưởng hoài nghi : « Khoảng trời đất cổ kim kim cổ, Mảnh hình hài không có có không ». (Cao bá Quát) « Cái hình hài đã chắc thiệt chưa, Mà lẽo đẽo không sầu chi rứa mãi ? » (Nguyễn công Trứ) - Tin và sự tuần hoàn của kiếp người : « Tuế tự dương hồi Xuân cánh tại, Khổ hết rồi âu phải cam lai ». (Cao bá Quát) « Của trần hoàn không có có không, Kho vô tận không không rồi lại có ». (Nguyễn công Trứ) Cả hai người cùng nhận thấy cuộc đời là ngắn ngủi cần phải sống, sống vội vàng, sống gấp rút : « Như chim bao, như bóng sổ, như gang tay, Sực nhớ chữ « Cổ nhân bỉnh chúc ». (Cao bá Quát) « Người ở thế dẫu trăm năm là mấy ». (Nguyễn công Trứ) Hoặc : « Ôi ! nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao. Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào ; Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín ». (Nguyễn công Trứ) Cả hai cùng yêu Thiên nhiên, thích hành lạc và đa tình : - Yêu Thiên nhiên : « Đâu chẳng là tuyết nguyệt phong hoa, Bốn mùa xuân lại thu qua ». (Cao bá Quát) « Gió hiu hiu mặt nước như tờ, Trăng chênh chếch đầu non mới ló ». (Nguyễn công Trứ) - Thích hành lạc : « Cao sơn lưu thủy, thi thiên trục Minh nguyệt thanh phong tửu nhất thuyền Dang tay người tài tử khách thuyền quyên Chén rượu thánh, câu thơ thần thích chí ». (Cao bá Quát) « Ngâm cùng trăng gió vài câu kiểng, Tính với giang sơn mấy chuyện đời Thú gì hơn nữa thú ăn chơi… Đàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu Khi đắc chí ngao du, ờ cũng phải… » (Nguyễn công Trứ) - Đa tình : « Nước sông tương một giải nông sờ, Cho kẻ đấy người đây mong mỏi ». (Cao bá Quát) « Thương thay người ở đôi quê, Kẻ đi thì nhớ, kẻ về thì thương… » (Nguyễn công Trứ) b) Về kỹ thuật Cả hai người cùng thường có một lối đặt câu hiền lành cổ điển, không đảo lộn câu một cách quá hiểm hóc : « Nhắn ông Nguyệt sẵn cầm dây xích Khách giai nhân xe với khách văn nhân Sắc tài ai kẻ cầm cân ». (Cao bá Quát) « Nhà nước yên thi sĩ được thong dong, Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch Tiêu dao nơi hàm cốc thâm sơn… » (Nguyễn Công Trứ) Hoặc : « Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí Thơ một túi gieo vần Đỗ Lý Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh Đàn Bá Nha gẩy khúc tính tang tình Cờ Đế Thích đi về xe, pháo, mã ». (Nguyễn Công Trứ) Tuy lối đặt câu hiền lành, nhưng tao nhã và lý thú biết bao nhiêu. Cả hai người đặt câu hiền lành, nhưng khi dùng chữ, thì rất táo bạo, kỳ thú : « Tiêu khiển một vài chuông lếu láo, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười ». (Cao bá Quát) Hoặc : « Chén rượu thánh câu thơ thần thích chí ». (Cao bá Quát) « Đủ lếu láo với người thiên hạ, Tính đã quen đài các bấy lâu ». (Nguyễn Công Trứ) Hoặc : « Vừa sinh ra miệng đã khóc thé, Trần có vui sao chẳng cười khì ». (Nguyễn Công Trứ) Hoặc : « Ba mươi năm cút kít đã về già ». (Nguyễn Công Trứ) 2) Những điểm khác nhau Cao bá Quát rất ít nói tới phụng sự Vua để lập công. Nguyễn Công Trứ thường nhắc nhở tới ý tưởng ấy luôn : « Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, Hết hai chữ « Trung Trinh » báo quốc ». Hoặc : « Một mình để vì dân vì nước Túi kinh luân từ trước đến nghìn sau Hơn nhau một tiếng công hầu ». Cao bá Quát thường viết theo tình cảm, theo bản năng, Nguyễn Công Trứ thường hay dùng lý trí để phân tách, để lý luận : « Trót đã mang một tiếng anh hào, Lại muốn chút cuộc nhân sao phải ». Hoặc : « Trong trần thế thiệt là cảnh giả, Dứt tài tình chẳng uốn lắm ru ». Vì thế văn của Cao Bá Quát xúc tích trầm tĩnh, văn của Nguyễn Công Trứ trải rộng xôn xao : « Cuộc tỉnh say bầu rượu, chén trà, Cơm đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống ». Hoặc : « Sông Xích bích vừng trăng vằng vặc, Thầy Tô tìm thú cũ qua chơi ». Nhiều khi quá đà Nguyễn Công Trứ đi tới chỗ kể lể dài dòng, nhiều câu bằng phẳng như văn xuôi : « Trông đó đó hãy suy cho kỹ, Dẫu xưa nay nao có trừ ai ». (Vịnh nhân sinh) Hoặc : « Đọc đến chuyện Nam Xương liệt nữ, Dẫu tình ngay song lỷ cũng là gian ». Kết luận : Nói rằng văn hát nói của Cao bá Quát giống của Nguyễn Công Trứ không đúng, mà bảo khác hẳn nhau lại cũng không đúng nữa. Nếu so sánh về tài thì mỗi người có một vẻ đặt biệt. Tuy có giống nhau ở ít nhiều điểm, nhưng mỗi người vẫn trưng lên một mầu sắc riêng-mà không ai có thể bắt chước được. Cao bá Quát và Nguyễn công Trứ quả là hai tay cự phách trong « làng » Hát nói Việt Nam chúng ta. 2) BÀI LÀM Vào bài : Có những người cực đoan cho rằng văn chương hát nói của Cao bá Quát khác hẳn văn chương hát nói của Nguyễn công Trứ. Có những người cực đoan khác lại cho rằng văn chương hát nói của Cao bá Quát giống hệt văn chương hát nói của Nguyễn công Trứ. Nhóm người trên chủ trương sự khác nhau như vậy là vì họ dùng đời sống tương phản nhau giữa hai nhà thơ ấy để làm khởi điểm. Nhóm người dưới thì lại chỉ căn cứ vào một số ý tưởng hoặc một số câu văn giống nhau giữa hai nhà thơ đó để làm tài liệu cho sự phê bình. Để có thể nhận định cái đúng và cái không đúng của hai lối phê bình này, chúng ta thấy cần phải đọc lại những bài hát nói của hai thi sĩ trên đây, và mang ra so sánh với một thái độ khách quan, bình tĩnh. Thân bài : Sau khi đã đọc lại một cách cẩn thận, chúng ta thấy rằng văn chương hát nói của Cao bá Quát và của Nguyễn công Trứ có nhiều điểm giống nhau, nhưng đồng thời lại cũng có nhiều điểm khác nhau nữa. 1) Những điểm giống nhau Về phương diện ý tưởng và tình cảm, ta thấy hai nhà thơ đó đều khơi nguồn từ triết lý đạo Phật, Trang Tử, Lão Tử, để rồi đi tới chỗ ưa chuộng hành lạc và tự cao. a) Ý tưởng yếm thế Cao bá Quát và Nguyễn công Trứ thường phát lộ ý tưởng yếm thế, vì cả hai cùng thấy rằng cuộc đời ngắn ngủi đã thế lại còn đầy rẫy những chuyện khôi hài, hoặc đau xót : « Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười ». (Cao bá Quát) « Khi sinh ra miệng đà khóc thé, Trần có vui sao chẳng cười khì… » (Nguyễn công Trứ) b) Ý tưởng hoài nghi Vì yếm thế nên cả hai cùng hoài nghi, hoài nghi cuộc đời, để rồi tiến tới hoài nghi cả sự thực tại của ngay chính mình nữa : « Khoảng trời đất cổ kim kim cổ, Mảnh hình không có có không… » (Cao bá Quát) « Cái hình hài đã chắc thiệt chưa, Mà lẽo đẽo khóc sầu chi rứa mãi ! » (Nguyên công Trứ) c) Tin vào sự tuần hoàn Có nhiều lúc, trước những sự thăng, trầm, vui, khổ, hai ông đều cố tự an ủi mình bằng cách tin tưởng vào sự tuần hoàn của kiếp người : « Tuế tự dương hồi xuân cánh tại, Khổ hết rồi âu phải cam lai ». (Cao bá Quát) « Của trần hoàn không có có không, Kho vô tận không không rồi lại có ». (Nguyễn công Trứ) d) Cuộc đời ngắn ngủi Dù thế, hai ông vẫn không sao xóa nhòa được trong trí cái ngắn ngủi của cuộc đời. Hình ảnh đó luôn luôn theo dõi trong trí não và phát lộ qua lời thơ : « Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay, Sực nhớ chữ « cổ nhân bỉnh chúc ». (Cao bá Quát) « Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao… » (Nguyễn công Trứ) Vì cuộc đời ngắn ngủi như gang tay, nên hai ông cùng sống vội vàng, sống cuống quýt bằng cách đắm say thiên nhiên, thích hành lạc, và đa tình : - Yêu thiên nhiên : « Đâu chẳng là tuyết nguyệt phong hoa, Bốn mùa xuân lại thu qua ». (Cao-bá-Quát) « Trên cung Quảng xa đưa hương quế Giời biêng biếc, nước xanh xanh một vẻ Khen hóa công khéo vẽ nên đồ Một năm được mấy mùa thu ». (Nguyễn công-Trứ) - Thích hành lạc : « Dang tay người tài tử khách thuyền quyên, Chén rượu thánh câu thơ thần thích chí ». (Cao-bá-Quát) « Tính với giang sơn mấy chuyện đời, Thú gì hơn nữa thú ăn chơi… » (Nguyễn công-Trứ) - Và đa tình : « Mái tây hiện nguyệt gác chênh chênh, Rầu rĩ lắm xuân về, oanh nhớ ». Hoặc : « Chữ chung tình biết nói cùng ai ». (Cao-bá-Quát) « Sầu ai lấp cả vòm trời, Biết chăng chẳng biết hỡi người tình chung ». (Nguyễn công-Trứ) Hoặc : « Càng tài tử càng nhiều tình ái ». (Nguyễn công-Trứ) e) Về kỹ thuật Ngoài ít nhiều điểm về ý tưởng và tỉnh cảm, Nguyễn công-Trứ và Cao-bá-Quát còn có những điểm giống nhau về kỹ-thuật. Cả hai thường thường đều theo lối đặt câu hiền lành, dễ hiểu, không đảo lộn chữ một cách quá lắt léo. « Nhắn ông Nguyệt sẵn cầm dây sích Khách giai nhân xe với khách văn-nhân Sắc tài ai kẻ cầm cân ». (Cao-bá-Quát). Hoặc : « Rầu rĩ lắm ; xuân về, oanh nhớ ». (Cao-bá-Quát) « Nhà nước yên thì sĩ mới được thong dong Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng-Thạch Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch. Tiêu dao nơi hàm cốc thâm sơn… » (Nguyễn-công-Trứ) Hoặc : « Thơ một túi gieo vần Đỗ Lý, Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh » Đàn Bá Nha gẩy khúc tính tang tình, Cờ Đế thích đi về xe, pháo, mã ». (Nguyễn công Trứ) Lối đặt câu hiền lành, nhưng không tầm thường. Nó vẫn gợi dậy được tất cả cái ý nhị, cái tao nhã của ý thơ – Đó là một điểm đặt biệt của cả hai nhà thi sĩ đó. Đặt câu hiền lành, nhưng khi dùng chữ thì cả hai người rất táo bạo, kỳ thú : « Tiêu khiển một vài chuông lếu láo » Hoặc : « Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười » Hoặc « Chén rượu thánh, câu thơ thần thích chí ». (Cao bá Quát) « Đủ lếu láo với người thiên hạ, Tính đã quen đài các bấy lâu ». Hoặc : « Vừa sinh ra miệng đã khóc thé Đời có vui sao chẳng cười khì ». Hoặc : « Ba mươi năm cút kít đã về già ». (Nguyễn công Trứ) Phải là những người nắm vững được ngôn ngữ, thấu đáo được cái mãnh lực kỳ diệu của từng chữ mới có thể « dám » hạ những tiếng « thô, kệch » một cách ý vị đến như thế. 2) Những điểm khác nhau Cạnh những điểm giống nhau như đã trình bầy trên, Cao bá Quát và Nguyễn công Trứ lại có những điểm khác nhau nữa. Điểm khác nhau rõ rệt nhất là Cao bá Quát rất ít khi nói tới những việc phụng sự vua, nước để lập công, mong chiếm chức công hầu khanh tướng. Trong những bài hát nói, Cao bá Quát chỉ giãi bầy cái bản ngã tài hoa, phóng túng của mình. Ngoài ra, ông không bầy tỏ – hay rất ít bầy tỏ – những ý định của ông về tương lai. Nguyễn công Trứ, trái lại, qua đa số những bài bát nói, đều trình bầy rõ rệt cái hoài bão của mình. Cái hoài bão ấy luôn luôn qui tụ vào một điểm chính : Phụng sự vua, nước, để đạt tới công danh, chiếm cho được chức công hầu khanh tướng : « Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, Hết hai chữ trung trinh báo quốc ». Hoặc : « một mình để vì dân vì nước Túi kinh luân từ trước đến nghìn sau Hơn nhau một tiếng công hầu ». Có thể nói được rằng những bài hát nói của Nguyễn công Trứ là những bức gương phản chiếu rõ rệt cái tính « Hiếu danh » và « hiếu chiến » của ông. Ngoài ra, Cao bá Quát thường giãi bầy ý tưởng và tình cảm một cách kín đáo – văn của ông già giặn và điềm tĩnh. Đến cả những lúc cao hứng tự đắc nhất ông cũng chỉ viết : « Dưới thiều quang thấp thoáng bóng Nam San, Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ ». Nguyễn-công-Trứ, trái lại, thường hay dùng lý trí để phân tách, để kể lể, để lý luận : « Trót đa mang một tiếng anh hào, Lại muốn chút cuộc nhàn sao phải ! » Hoặc : « Trong trần thế thiệt là cảnh giả, Dứt tài tình chẳng uổng lắm ru ! » Nhiều khi văn Nguyễn-công-Trứ trở nên dào-dạt, xôn xao, đẹp một cách bất ngờ : « Cuộc tỉnh say bầu rượu chén trà, Cơn đắc ý thùng thùng đói tiếng trống… » Nhưng lại cũng nhiều khi, vô tình, ông quay ra kể lể một cách dài dòng. Lời văn, vì vậy bằng phẳng như văn xuôi : « Trông đó, đó hãy suy cho kỹ, Dẫu xưa nay nao có trừ ai ». Hoặc : « Đọc đến chuyện Nam-Xương liệt nữ, Dẫu tình ngay song lý cũng là gian… » Về nhược điểm cuối cùng này, ta ít thấy dấu vết trong tác phẩm Hát nói của Cao-bá-Quát. Kết luận : Sau khi đã nhận định từng điểm ta thấy rằng hai lối phê bình trên đây đều đúng mà lại cũng không đúng cả. Nếu đem so sánh về tài năng, thì mỗi người có một vẻ đặc biệt. Tuy có giống phau ở ít nhiều điểm – điều đó rất dễ hiểu vì hai người đều sống cùng một thời đại, hưởng thụ cùng một nền văn hóa – nhưng mỗi người đều trưng rõ những sắc thái mà ít ai có thể có được, hoặc có thể bắt trước được. Nỗi vui buồn, đau khổ, hoặc hoài nghi, yếm thế, dưới ngọn bút của mỗi người, đều tiến tới chỗ độc đáo. Vì thế, Cao-bá-Quát và Nguyễn-công-Trứ quả là hai tay cự phách, xứng danh là « bậc thầy » trong « làng » hát nói Việt-nam chúng ta. 3) ĐỀ TÀI ĐỀ NGHỊ « Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy Cảnh phù du trông thấy những nực cười Thôi công đầu mà chuốc lấy sự đời Tiêu khiển một vài chuông lếu láo… » Bình giảng bốn câu thơ trên đây của Cao-bá-Quát và sau đó, so sánh cái yếm thế của ông với cái yếm thế của Nguyễn-công-Trứ. ĐỀ 3 Anh nhận định ra sao về cảnh nghèo của Nguyễn Công Trứ trong bài « Hàn Nho Phong Vị Phú » và cảnh nghèo của Cao bá Quát trong bài « Tài Tử Đa cùng ». 1) DÀN BÀI (có kèm theo tài liệu cần thiết) Vào bài : Cao bá Quát và Nguyễn công Trứ sống xấp xỉ đồng thời. Hai ông cùng chịu một cảnh nghèo xơ xác gần trọn một kiếp người (cái nghèo còn theo dõi ám ảnh hai ông cả sau khi hai ông đã xuất chính nữa) Nguyễn công Trứ giãi bày cái nghèo của mình qua thơ, ca, và đầy đủ hơn cả trong bài « Hàn nho phong vị phú » Cao bá Quát thì giãi bầy trong bài « Tài tử đa cùng » Nhìn vào hai bài phú đó ta nhận thấy có mấy điểm sau này : Hai ông giống nhau ở chỗ tả cái nghèo và nỗi cực nhục trước nhân tình thế thái – nhưng khác hẳn nhau ở hoài bão. Nguyễn công Trứ cố chí dùi mài kinh sử để đạt chức công hầu, khanh tướng – Cao bá Quát căm hờn, đả phá quân quyền chuyên chế vì đó chính là nguyên do của sự nghèo túng xác xơ của mình. Thân bài : 1) Những điểm giống nhau a) Mô tả cảnh nghèo Cùng sống một hoàn cảnh, nên hai người cùng tả cảnh nghèo qua nhiều điểm giống nhau : - Nhà cửa : « Kìa ai bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ Đầu kèo mọt tạc vẻ sao ; trước cửa nhện giăng màn gió Phên trúc ngàn nửa bếp nửa buồng Ống nứa đựng đầu kê, đầu đỗ » (Nguyễn công Trứ) Còn đây, ta hãy nghe Cao bá Quát tả căn lều của ông : « Lều nho nhỏ kéo tấm gianh lướp tướp, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa, đèn con con gon chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung vừng trăng tỏ… » - Và tả quần áo : Nguyễn công Trứ viết : « Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu. Khăn lau giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú ». Cao bá Quát thì : « Áo Trọng Do bạc thếch, giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao… Túi thanh bạch ngược xuôi miền khách địa, trăm nghìn đường chỉ nhện dệt thưa mau ». b) Tả nhân tình thế thái Nguyễn công Trứ uất hận : « Thân thỉ to to nhỏ nhỏ, ta đã mỏi cẳng ngồi trì… Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ ». Cao bá Quát uất hận không kém : « Cơm Xiểu Mẫu hẩm xì ; đòi tuế nguyệt phải ngậm ngùi tân khổ… » 2) Những điểm khác nhau Nhưng đến đoạn kết, thì hai nhà thi sĩ của chúng ta đã nêu lên hai hoài bão khác nhau – Hai hoài bão đó có thể được coi là then chốt cho quan niệm hành động ở tương lai của mỗi người. Nguyễn Công Trứ tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo bằng « phương tiện » thông thường của mọi người : cố gắng dùi mài kinh sử để thi đậu, thi đậu để rồi làm quan phụng sự vua – do đó, ông sẽ đạt cùng một lúc, công danh, lẫn no ấm – Để vững dạ, ông lấy chuyện ông Phó Duyệt, ông Bạch Lý-Hề, chàng Khuông-Hành, chàng Vũ, Trần Bình, Hàn-Tín, v.v… đặt làm những khuôn mẫu để tiến tới : « Tiếc tài-cả phải phạn ngưu bản trúc, dấu xưa ông Phó, ông Hề. Cần nghiệp nho khi tạc bích tu huỳnh thuở trước chàng Khuông, chàng Vũ ». Cao-bá-Quát, trái lại, không giản dị như Nguyễn công Trứ – ông nhận định hoàn cảnh mình và hoàn cảnh xã-hội một cách thấu triệt hơn – Do đó, ông căm hờn, ông uất hận, để rồi ông trút nỗi căm hờn và uất hận ấy vào nền tổ chức quân quyền chuyên chế. Theo ý ông, đó chính là căn nguyên của mọi điều khổ cực, nghèo túng mà ông phải chịu. Đây ta hãy nghe ông chế giễu, khinh bỉ những nhóm người xu phụng quân quyền một cách nhục nhã : « Ngan nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn. Quản bao kẻ mảng cái giàm danh, áo giới lân chùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ ». Ở đây là lời khinh bỉ nhưng đồng thời cũng còn là những lời mà ông vận động giai cấp quan liêu cùng ông tái lập lại một chế bình đẳng hơn, nhân đạo hơn. Và sự yên vui, no ấm chỉ có thể xây dựng trên một căn bản tổ chức hợp lý. Ý chí đảo lộn chế độ quân chủ chuyên chế đó đã được ông biểu lộ rõ rệt : « …Đeo vòng thư kiếm, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài… gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cầm tú ». Kết luận : Cùng một cảnh nghèo, mà hai nhà thi sĩ của chúng ta đã nảy ra hai hoài bão khác nhau. Một đàng hướng tới chỗ vinh thân phì gia, đạt chức công hầu khanh tướng. Một đàng là hướng tới chỗ đả phá một chế độ, để xây dựng lại một chế độ. Nguyễn-công-Trứ sau này làm quan, Cao bá-Quát sau này làm loạn : sự nghiệp quả đã nấp sau câu vân từ thủa thư sinh bạch diện. 2) BÀI LÀM Vào bài : Nguyễn-công-Trứ và Cao-bá-Quát là hai nhà thơ trứ danh vào bậc nhất thế kỷ thứ 19. Hai ông đã phải chịu đựng một cảnh nghèo xơ xác gần trọn cả kiếp người. Cái nghèo đó còn theo đuổi và ám ảnh hai ông cả sau khi hai ông đã ra xuất chính nữa. Nguyễn-công-Trứ đã giãi bầy cảnh nghèo của mình qua thi ca, và đầy đủ hơn cả là trong bài « Hàn nho phong vị phú ». Cao-bá-Quát cũng không quên ghi lại cảnh bần hàn của mình qua bài phú thống thiết « Tài tử đa cùng » Đọc kỹ hai bài phú đó, ta không khỏi không nhận thấy mấy điểm quan trọng : Hai ông giống nhau ở chỗ mô tả gia cảnh và những nỗi cực nhục trước nhân tình thế thái. Nhưng về hoài bão gây nên do áp lực của cảnh nghèo thì hai ông khác hẳn nhau. Nguyễn-công-Trứ mong đạt chức công hầu để vinh thân phì gia, Cao-bá-Quát thì căm hờn, uất hận, ông cố tâm lật đổ chế độ hiện hữu để tiến tới một chế độ rộng rãi, và bình đẳng hơn. Sự no ấm, từ đó, mới có thể phát hiện được. Bây giờ, chúng ta bắt đầu đi vào chi tiết để nhận định từng điểm đã được nêu lên trên đây. Thân bài : 1) Những điểm giống nhau Cùng sống trong một hoàn cảnh, cũng chịu đựng một chế độ xã hội, nên hai ông đã mô tả cảnh nghèo qua nhiều điểm giống nhau, mà chúng ta tạm nêu lên đây một vài điểm để làm tỷ dụ. Đây ta hãy nghe Nguyễn-công-Trứ phác họa nhà cửa của ông : « Kìa ai bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ Đầu kèo mọt tạc vẻ sao, trước cửa nhện chăng màn gió Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng Ống nứa đựng đầu kê, đầu đỗ… » Còn đây là căn lều của Cao-bá-Quát – nếu có khác, chỉ là ở chỗ diễn tả một cách xúc tích và lời thơ thống thiết hơn : « Lều nho nhỏ kéo tấm gianh lướp tướp, ngày thê lương giọt nặng hạt mưa sa… Đèn con con gon chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung vừng trăng tỏ… » Và về y phục, Nguyễn công Trứ viết : « Áo vải thô năng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu. Khăn lău giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú ». Nguyễn công Trứ vờ bông đùa, để ngụ ý mỉa mai chua chát, Cao bá Quát cũng diễn tả lại nhưng với một cách nghiêm nghị và uất hận hơn : « Áo Trọng Do bạc thếch, giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao… Túi thanh bạch ngược xuôi miền khách địa trăm nghìn dường chỉ nhện giăng mau ». Trong hoàn cảnh nghèo túng ấy, có một điều tủi cực hơn cả là sự khinh thị của mọi người, nhất là bọn người trọc phú. Nguyễn công Trứ đã cảm thấy tất cả nỗi nhục nhã đó, và đã viết : « Thân thỉ to to nhỏ nhỏ, ta đã mỏi cẳng ngồi chờ. Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ ». Về điểm này, Cao bá Quát cũng đã từng phải nếm qua, và đã phác họa lại với một nỗi uất hận không bờ bến : « Cơm Xiểu Mẫu hẩm xì, đòi tuế nguyệt phải ngậm ngùi tân khổ ». Qua hai bài phú trên đây, ta thấy cảnh ngộ của Nguyên công Trứ và của Cao bá Quát giống nhau ở nhiều điểm. Cả hai người đã phác họa lại với một nỗi ngậm ngùi, chua chát hiếm có. Nhưng đến đoạn kết thì hai nhà thi sĩ của chúng ta đã nêu lên hai hoài bão khác xa nhau. Hai hoài bão ấy là hiện thân rõ rệt của hai thái độ trước cuộc đời. Nguyễn công Trứ tìm cách thoát ly cảnh nghèo bằng phương tiện thông thường của mọi người. Cố gắng dùi mài kinh sử để thi đậu, thi đậu để làm quan phụng sự cho vua. Nhờ đó, ông tin sẽ có thể đạt được cùng một lúc công danh lẫn no ấm. Nguyễn công Trứ quả là một chiến sĩ cuồng tín của chế độ quân chủ chuyên chế. Trong lúc nghèo khổ nhất, ông đã không dám oán thán, mà chỉ dám hy vọng, say mê hy vọng. Để vững dạ, ông đã lấy chuyện ông Phó Duyệt, ông Bạch Lý Hề, chàng Khuông Hành, chàng Vũ, Trần Bình, Hàn Tín, những con người hàn vi buổi thiếu thời, và sau này thành những vị công hầu, khanh tướng ăn lương vua, hưởng lộc nước làm mục đích cho những hành động của mình. Cao bá Quát, trái lại, không giản dị như Nguyễn công Trứ. Ông nhận định hoàn cảnh mình và hoàn cảnh xã hội một cách rộng rãi và thấu triệt hơn. Vì nhận định như vậy nên ông căm hờn, ông uất hận, để rồi ông trút nỗi căm hờn, uất hật đó vào chế độ quân chủ chuyên chế, chế độ mà ông cho là căn nguyên của mọi điều khổ cực, nghèo túng, bất công mà ông phải chịu – Ông chế giễu, nhưng đồng thời, ông cũng trực tiếp giác ngộ những nhóm người xu phụng quân quyền bằng cách nêu cao sự ê chề, nhục nhã : « Ngán nhẽ kẻ tham bề khoá lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn. Quản bao kẻ mảng cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ ». Ở đây giọng chế giễu còn có ẩn thêm một lời kêu gọi thống thiết những tay chân của chế độ quân quyền chuyên chế mau mau cùng ông tái lập lại một chế độ bình đẳng hơn, nhân đạo hơn, bởi sự yên vui, no ấm chỉ có thể xây dựng trên một căn bản tổ chức hợp lý. Ý chí đảo lộn chế độ quân chủ chuyên chế đã được ông biểu lộ rõ rệt như ban ngày : « Đeo vòng thư kiếm, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài… Gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú ». Kết luận : Sau khi đã phân tách từng điểm, ta thấy rằng cùng một cảnh nghèo, cùng sống dưới một chế độ, mà hai nhà thi sĩ của chúng ta đã theo đuổi hai hoài bão hoàn toàn khác nhau. Một đàng hướng tới chỗ quyết tâm phụng sự vua, trung thành với phong kiến, để đạt chức công hầu, khanh tướng. Một đàng là hướng tới chỗ đả phá phong kiến để xây dựng một chế độ nhân đạo hơn. Nguyễn công Trứ sau này làm quan – Cao bá Quát sau này làm cách mạng. Sự nghiệp quả đã nấp sau bài phú từ thuở thư sinh bạch diện. 3) ĐỀ TÀI ĐỀ NGHỊ Phê bình Cao bá Quát, ông Ôn như Nguyễn văn Ngọc viết trong tập Đào Nương ca như sau. « Chữ hạ nhẹ nhàng, câu đặt tròn trĩnh, khí giọng đi một cách mạnh mẽ mà văn hoa » Hãy dùng thi ca ông để chứng minh. ĐỀ 4 Cao Bá Quát có phải là một nhà cách mạng không ? Dùng văn chương và hành động ông để dẫn chứng. 1) DÀN BÀI (Có kèm theo tài liệu hướng dẫn) Vào bài : Phê bình Cao bá Quát, ông Dương quảng Hàm, trong V.N.V.H.S.Y, cho ông là một kẻ « bất đắc chí », ông Trúc Khê Ngô Văn Triện, trong Cao bá Quát, cho ông chỉ là một người kiêu căng quá chớn – và phủ nhận hẳn những dư luận cho ông là một nhà cách mạng. Để định đoạt một cách dứt khoát về « tính cách » của Cao bá Quát, trước hết chúng ta phải nhận định thế nào là một nhà cách mạng đã. Thân bài 1) Định nghĩa cách mạng Cách mạng là lật đổ một chế độ cũ, để thiết lập một chế độ mới mà người ta tin là hoàn hảo hơn. Bởi vậy cách mạng phải có hai phần : phần phá hoại và phần xây dựng. Nếu thiếu phần xây dựng, cách mạng lúc đó sẽ chỉ còn là một cuộc phá rối mà thôi. 2) Phần phá hoại của Cao bá Quát : Những yếu tố đã thúc đẩy Cao bá Quát đối lập với chế độ quân chủ chuyên chế Cảnh nghèo túng của Cao bá Quát. Và sự nghèo túng của những người chung quanh – Đi thi bị đánh trượt một cách oan ức – Khi xuất chính bị kìm hãm – không phải vì ông dốt mà vì ông « quá » giỏi – Chế độ quân chủ dưới triều Tự Đức càng ngày càng mục nát – Ở trong triều thì các quan to tranh dành nhau – Ở ngoài thì dân chúng loạn lạc, đói khổ. Vua Tự Đức, bất lực trước uy thế của Trương Đăng Quế. Việc đổi ông đi làm giáo thu ở miền rừng núi tỉnh Sơn tây, càng làm cho ông thấy rõ sự độc tài bất công của tổ chức quân quyền độc đoán. a) Phương tiện hành động Mực sống xã hội, dưới phong kiến, một phần rất lớn bị quân quyền chi phối. Ông vua nào nhân, thì dân chúng sung sướng, no ấm – ông vua nào ác, thì đời sống dân chúng lầm tham, khổ sở. Loạn lạc có hay không, một phần, cũng do lực lượng quân chủ mạnh hay yếu, và nhà vua nhân hay ác. Có lẽ vì thế, mà ngay từ khi hoa niên, sống trong cảnh nghèo túng, khổ cực, Cao bá Quát đã quan niệm rõ điểm đó – Chính vì thế mà ông hướng vào quân quyền để khinh thị, để đả phá. Dẫn chứng cau ông đôi với vế của Vua Minh Mệnh ra : « Nước trong leo lẻo cá đớp cá ». Ông đáp : « Trời nắng chang chang người trói người ». Quả rõ rệt ! Hình ảnh « người trói người » trong một ngày nắng chang chang thực là chuyên chế, độc ác, và vô nhân đạo. Khi ông xuất chính, thái độ đả phá quân quyền của ông càng rõ rệt. Câu : « Ngán cho cái mũi vô duyên, Câu thơ Thi-Xã, con thuyền Nghệ-an ». Không phải ông chỉ có ý bông đùa, mà thực ra ông còn có dụng ý khinh thị cái tổ chức của vua Tự Đức và những người bám gót quân quyền một cách a rua, đáng thương hại. Nhiều khi sự uất hận của ông lên đến cực điểm, ông đã trút ra những câu lăng mạ đám người trên đây một cách trắng trợn, độc ác. (Nhắc lại câu đối ông chửi ngọt ông Nguyễn-công-Trứ) – Nhắc lại tờ khai làm chứng của ông về cuộc cãi lộn giữa hai vị tai to, mặt lớn trong triều – Ở đây, ông đã dùng cả đến chữ « cẩu » để gọi họ). Rồi khi ông bị đổi đi làm giáo thụ Sơn-tây, xa triều đình, ông liền hướng sự lăng mạ của ông vào những người đại diện cho chế độ quân quyền tại đó : « Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng ». Chống lại chế độ quân chủ chuyên chế với tất cả sự hăng hái, đó là hành động của Cao-Bá-Quát. Ông quyết liệt và không bao giờ lùi bước. Phải là một người có một ý thức cách mạng mới dai dẳng, bền bỉ được đến như thế. Ông không chỉ đả phá, mà ông còn dành một phần thơ, văn để vận động quần chúng. Ai mà không rung động khi đọc lại bài « Đạo phùng ngà phu » (đi đường gặp người đói). Lời thơ ở đây đã có được cái giá trị của những lời thơ của Đỗ Phủ : « Cùng kế phải quay về Đường mây nghìn dậm khơi Ngày hai cố chiếc tráp, Ngày ba nhịn đói dài Gặp ai vẫn tươi tỉnh Muốn nói, nhưng nghẹn lời ». 7 Sau đó, ông đã vận động quần chúng đứng lên khởi cuộc cách mạng chống quân quyền áp bức để thiết lập lại một chế nhân đạo hơn. b) Phương diện xây dựng của Cao-Bá-Quát Cao-Bá-Quát quyết tâm đánh đổ một chế độ, để xây dựng một chế độ mới. Chế độ đó như thế nào ? Nhìn vào câu : « Đeo vòng thư kiếm, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài… Gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú… » Và hai câu thơ để trên lá cờ lệnh của cuộc cách mạng ta có thể tạm kết luận : Đó là chế độ quân chủ « Vị dân », chứ không phải… là chế độ độc tài áp bức như dưới triều Tự Đức. Lý tưởng cuộc cách mạng của ông là thiết lập lại chế độ Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang mà ông nhắc nhở tới luôn và coi là căn bản của sự tự do, và no ấm. Kết luận : Hai quan điểm : Phá hoại và xây dựng đã được Cao-bá-Quái nêu lên rõ rệt qua thi, ca, và hành động của ông. Tuy cuộc khởi nghĩa của ông không thành, nhưng căn cứ vào tư tưởng và hành động, ta thấy ông thực xứng đáng với danh từ « chiến sĩ cách mạng cực đoan nhất » thế kỷ 19. 2) BÀI LÀM Vào bài : Cao bá Quát là một trong những nhà thi sĩ có những tư tưởng, và hành động đặc biệt nhất thế kỷ thứ 19. Khi viết về ông, giáo sư Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, kết luận : « Cao bá Quát là một kẻ bất đắc chí » – Ông Trúc Khê, trong tập Cao bá Quát, cho Cao chu Thần chỉ là một người kiêu căng quá chớn, và hoàn toàn phủ nhận những dư luận đã nêu Cao chu Thần lên làm một nhà cách mạng. Để có thể định đoạt dứt khoát về « tính cách của ông », trước hết chúng ta phải nhận định thế nào là một nhà cach mạng đã. Thân bài : 1) Thế nào là chiến sĩ cách mạng ? Chiến sĩ cách mạng là người quyết tâm phả đổ một chế độ để thiết lập một chế độ mới thích hợp hơn. Bởi vậy, người chiến sĩ cách mạng có hai nhiệm vụ : Phá hoại và xây dựng. Sau khi đã định nghĩa ? Chúng ta thử xem Cao bá Quát, qua hành vi và tư tưởng có hướng vào hai quan điểm đó không ? 2) Phần phá hoại của Cao bá Quát a) Áp Lực Trước khi nói tới mục tiêu mà Cao bá Quát nhằm để phá đổ, chúng ta phải xét xem những yếu tố nào chính đã gây ra trong ông cái chủ trương phá hoại đó. Yếu tố thứ nhất không ai có thể chối cãi được đó là sự cùng túng của ông và của giai cấp ông (về điểm này, bài thơ « Gặp người đói giữa đường » đã minh chứng một cách rõ rệt cùng với bài phú « Tài Tử Đa Cùng » của ông). Trong bài « Gặp người đói giữa đường », tác giả cho ta thấy tình cảnh chung của từng lớp trí thức trong nước mà vị lang y nọ là đại biểu. Vị lang y thất nghiệp, đã phải cầm cố chiếc tráp để nuôi miệng – Rút cục « ăn » hết tráp, vị lang y đói dài, chỉ còn biết nhỏ lệ, một mình đi thất thểu trên con đường vô định – Cùng với cảnh nghèo túng, Cao bá Quát còn nuôi trong tâm trí cái uất hận bị đánh trượt trong kỳ thi hội một cách hết sức vô lý. Khi xuất chính ông có dịp nhìn thấy rõ sự thối nát trong triều đình, cùng với sự kéo bè, kéo cánh của nhóm này, phe kia để bênh-vực, hoặc ám hại lẫn nhau. Ngoài ra, các vị triều thần, một số đông, đã kém cỏi mà còn hay huênh hoang, tự đắc, nên ông không ngại công kích họ một cách quyết liệt. Trong khi đó thì ở ngoài, dân tình đói khổ – Vua Tự Đức, vì nhận thấy mình bất lực – liền rở lối khủng bố lương dân để hòng cứu vãn lại thanh thế. Ngoài ra chúng ta cũng không quên ghi một yếu tố có dính líu trực tiếp tới cá nhân Cao bá Quát, đó là việc vua và triều thần ghét bỏ ông – (nguyên do cũng chỉ vì tính trực ngôn, và cái thái độ không xu nịnh của Cao chu Thần mà thôi) chính vì thế ông cứ phải giữ mãi cái chức : Hành tẩu bộ lễ 8 để rồi năm tự Đức thứ 7, ông bị thiên ra làm Giáo Thụ Quốc Oai – Đây thêm một hành vi chuyên chế nữa của vua Tự Đức. Hành vi đó đã làm cho sự căm giận của ông thêm chín muồng, và thúc đẩy ông dùng võ lực lật đổ vua để thiết lập lại một chế độ hoàn hảo hơn. b) Mục tiêu đả phá và phương tiện hành động (Phản động lực) Mực sống xã hội, dưới chế độ phong kiến, một phần rất lớn bị quân quyền chi phối. Ông vua nào nhân, dân chúng được thái bình, no ấm. Ông vua nào ác thì dân chúng loạn lạc khổ sở. Vì nhận thấy thế, nên Cao bá Quát đối lập hẳn lại chế độ quân chủ độc tài của vua Minh Mệnh Thiệu Trị và Tự Đức chế độ đã gây ra sự nghèo túng của ông và của mọi người chung quanh, cùng với cảnh loạn lạc ngày ngày diễn ra trước mắt. Ngay từ buổi hoa niên, Cao bá Quát đã quan niệm thấy rõ điểm đó, nên ông hướng vào quân quyền để khinh thị, để châm biếm. Bài Vịnh Con Voi với hai câu thơ : « Còn một cái kia sao chả đắp, Hay là thầy lý « bớt » đi rồi… » …là mũi tên đầu tiên ông bắn vào đại diện chính quyền thối nát tại hương thôn. E rằng những bài thơ đả kích của mình không thể vượt qua Hoàng Thành để tới được tai vua nên nhắm lúc Vua Minh Mệnh bắc tuần, ông đã mượn một cớ cỏn con để nói to những tư tưởng của mình. Và vế đối : « Trời nắng chang chang người trói người ». …là cả một hình ảnh cụ thể phô bày ra trước mắt để cho nhà Vua hiểu rõ cái tính cách chuyên chế và vô nhân đạo của mình. Đó chính là mũi tên thứ hai, Cao bá Quát đã nhằm bắn vào thành trì kiên cố của quân quyền độc đoán. Khi ông xuất chính, làm việc cạnh triều đình, thái độ đả phá quân quyền chuyên chế của ông càng rõ rệt hơn. Câu : « Ngán cho cái mũi vô duyên, Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An ». Không phải chỉ có ý trào phúng, mà thực ra, ông còn dụng tâm khinh thị cái tổ chức Thi Xã Mặc Vân của Vua Tự Đức và những bọn tôi đòi đáng thương hại của quân quyền ; dù trong bọn người đó có cả Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế ông cũng không e sợ. Nhiều khi sự uất hận của ông lên đến cực điểm ông đã trút ra những lời lăng mạ đám người tôi đòi cuồng tín của quân quyền trên đây bằng những lời trắng trợn, độc ác. Ông đã mượn cớ phải làm chứng một cuộc cãi lộn giữa hai vị tai mắt trong triều, để có dịp gọi tất cả là « chó » (cẩu). Rồi khi ông bị đổi đi làm giáo thụ ở Quốc Oai, xa triều đình, ông liền hướng sự đả kích của ông vào những người đại diện cho chế độ quân quyền tại đó : « Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng ». Ông không chỉ dùng văn chương-để đả phá hơn nữa, ông còn biết coi văn chương là một lợi khí để vận động quần chúng, hay ít ra, vận động giai cấp sĩ phu, giai cấp hiện đương bị bạc đãi nhất. Ai trong chúng ta không rung động khi đọc lại bài « Đi đường gặp người đói » của ông. Lời thơ ở đây đã có được cái giá trị của những lời thơ Đỗ Phủ. « Cùng kế phải quay về Đường mây nghìn dậm khơi Ngày hai cố chiếc tráp, Ngày ba nhịn đói dài Gặp ai vẫn tươi tỉnh Muốn nói, nhưng nghẹn lời ». Ông không muốn chỉ làm cách mạng bằng văn chương, mà hơn thế, ông đã dùng lực lượng võ trang để chống lại chế độ áp bức hiện hành, hy vọng lập lại một chế độ nhân đạo hơn. c) Phương diện xây dựng của Cao bá Quát Bây giờ chúng ta tự hỏi : nếu công cuộc khởi nghĩa đó thành công, Cao bá Quát sẽ thiết lập chế độ nào để thay thế ? Chế độ lý tưởng của Cao bá Quát không hề ghi lại trong những tập sách lớn, giống như chế độ lý tưởng của Rousseau hay Karl Marx. Về phương diện tư tưởng, người Á Đông kín đáo hơn. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không thể tìm thấy lý tưởng về chính trị và xã hội của ông. Về chính trị, ông vẫn chủ trương chế độ quân chủ, nhưng là một thứ quân chủ « vị dân ». Ông vua sẽ không phải là một người ích kỷ, hống hách tác oai, mà cần phải biết phục vụ nhân dân, coi sự yên vui và no ấm của nhân dân là căn bản cho mọi công việc hành động mình. Ông đã nói rõ tư tưởng đó bằng cách nêu cao các vua Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang lên làm lý tưởng cho chế độ chính trị mà ông hằng mơ tưởng ở tương lai. Một chứng cớ rõ rệt là, trên lá cờ lệnh của cuộc khởi nghĩa, ông đã chẳng ghi hai vế câu đối : « Bình Dương, Bồ-Bản vô Nghiêu-Thuấn, Mục-dã Minh-Điều hữu Võ, Thang ». Ở Bình-dương và ở Bồ-Bản không có những bậc vua hiền như Nghiêu Thuấn, thì ở Mục-dã, ở Minh-điều phải có những tay cách mệnh Võ, Thang. Ông không cần phải nói nhiều về vua Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, bởi vì bất cứ a¡ đã cắp sách đi học, đều hiểu rõ cái chủ trương « vị dân » của các vua đó qua Bắc Sử rồi. Có lần ông đã nói một cách khúc triết hơn : « Đời gặp hôn quân, ám chúa, làm sao ta lại không có gan làm những sự nghiệp Võ, Thang ». Tưởng những lời nói trên đã bộc lộ rõ rệt cái chí hướng xây dựng của ông lắm, chúng ta còn muốn đòi hỏi ở ông một đường lối dứt khoát hơn thế nữa ? Về phương diện xã hội, ông chủ trương đi tới một sự bình đẳng giữa những người dân, tất cả sẽ cùng ấm no sung sướng. Về quan điểm này, ông đã trình bày khá rõ rệt trong bài phú « Tài tử đa cùng » : « Đeo vòng thư kiếm quyết xoay bạch ốc 9(tượng trưng lê dân) lại lâu đài 10 (tượng trưng quyền quý) ; Gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm 11 (tượng trưng lê dân) sang cẩm tú 12 (tượng trưng quyền quý) ». Kết luận : Sau khi đã xét lại hành động và tư tưởng Cao bá Quát, ta thấy lời ông Dương Quảng Hàm và ông Trúc Khê đều có chỗ hẹp hòi như nhau. Cao bá Quát đã nêu rõ hai quan điểm : phá hoại và xây dựng. Ông phá hoại chế độ quân quyền chuyên chế để tiến tới một chế độ quân chủ « vị dân » như kiểu vua Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang – và chủ trương một sự bình đẳng giữa các người dân về đời sống tinh thần cũng như về đời sống vật chất. Tuy cuộc khởi nghĩa của ông không thành, nhưng với tư tưởng và hành động đã trình bầy trên ông thực xứng đáng với danh từ : « Chiến sĩ cách mạng cực đoan nhất thế kỷ thứ mười chín ». 3) ĐỀ TÀI ĐỀ NGHỊ I) Hãy bàn về tính cách lãng mạn và tính cách thực tế, tranh đấu trong thi ca của Cao bá Quát. Và thử tìm những lý do đã gây ra sự mâu thuẫn đó trong tâm trạng của Cao chu-Thần. II) Bàn về Cao bá Quát, ông Dương Quảng Hàm có viết trong V.N.V.H.S.Y (năm thứ nhì) : « Cao bá Quát là một nhà văn hào có nhiều ý tưởng mới lạ, lời lẽ cao kỳ ». Lời bàn đó có đúng không ? chứng minh và bình luận (Tú tài phần thứ 1, Ban khoa học, Khóa 9-6-1952). 13 Notes [←1] Tức là đỗ thứ nhì (sau giải nguyên). [←2] Mang giấy tờ sách vở vào trường thi. [←3] Người ta gọi cuộc khởi nghĩa này là : « giặc châu chấu ». [←4] Chứ không phải chết đầy ải ở miền sơn cước như dư luận từ trước đến giờ. [←5] « Cổ nhân bỉnh chúc » : người xưa cầm đuốc. Trong bài « Xuân dạ, yến đào lý viên » của Lý-Bạch có câu : « Bỉnh chúc dạ du » là cầm đuốc chơi đêm (cuộc đời đã ngắn ngủi, nếu đêm lại ngủ thì phí bao nhiêu thời giờ). [←6] « Nhân sinh quí thích chí» : người ta sống ở đời chỉ cốt được thích chí là hơn. [←7] Trúc khê dịch, nguyên bản chữ hán là : « Linh đinh vọng qui lộ Cực mục vẫn man man Nhị nhật điền khôn khíp Tam nhật xuyết ung xan Phùng nhân đãn ngu hỷ Dục ngôn thanh lũ can ». (Cao-bá-Quát) [←8] Về sau ông có nhúc nhích lên được chức Chủ Sự, nhưng nó vẫn chỉ là một chức « tiểu tốt » trong triều đình. [←9] Nhà nghèo. [←10] Nhà sang trọng. [←11] Áo vải xanh. [←12] Gấm vóc. [←13] Hãy xem Dàn bài trong cuốn Luận quốc văn tú tài của Nguyễn duy Diễn và Nguyễn sỹ Tế, do Thăng Long xuất bản. """