"
Lũ Trẻ Đường Tàu PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lũ Trẻ Đường Tàu PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Edith Nesbit (15/08/1858 - 04/05/1924) ngày nhỏ là một cô nhóc tinh quái, lớn lên tính cách cũng chẳng giống ai. Bà là một trong những thành viên sáng lập Hội Fablan; nhà bà trở thành trung tâm của giới văn sĩ và những người theo chủ nghĩa xã hội thời bấy giờ. Lũ trẻ đường tàu là tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, được liên tục tái bản trong cả thế kỷ qua, cùng 6 lần chuyển thể thành phim.
GIỚI THIỆU
Một tối, cha đi khỏi nhà cùng hai ngườỉ đàn ông lạ mặt và không trở về. Mẹ lẳng lặng gói ghém đồ đạc đưa lũ trẻ về sống tại Ba Ống Khói, ngôi nhà nằm bên một nhà ga tưởng tượng ở miền quê Yorkshire. Từ ngày về đây, đường tàu đã trở thành trung tâm cuộc sống ba chị em Bobbie, cuốn chúng vào những chuyến phiêu lưu mạo hiểm nhưng vô cùng kỳ thú: Cứu cả đoàn tàu thoát khỏi tai nạn trong trận lở đất, giúp ông người Nga tha hương tìm gia đình, cứu em bé nhà "ông sà lan" thoát khỏi đám cháy... Nhưng đằng sau những chiến tích rực rỡ vẫn là một nỗi buồn thầm lặng khôn nguôi. Bởi vì, bao giờ cha sẽ về ?
Câu chuyện về ba đứa trẻ nghèo sống bên dường tàu đã cuốn độc giả vào một thế giới tinh nghịch, trong trẻo mà đầy cảm động, một xâu chuỗi khéo léo những tình tiết tưởng như rời xa nhau nhưng hóa ra lại đồng quy ở kết thúc đầy bất ngờ nơi cuối truyện.
Đến từ nuớc Anh và sau hơn một thế kỷ ra mắt, Lũ trẻ đường tàu của Edith Nesblt vẫn luôn là một tượng đài tác phẩm thiếu nhi kinh điển không thể bỏ qua, một viên ngọc còn lại mãi trong ký úc nhiều thế hệ độc giả trẻ thế giới.
Dành tặng con trai yêu quý của tôi PAUL BLAND, kiến thức của con về ĐƯỜNG TÀU là chỗ dựa đáng tin cậy cho hiểu biết đầy thiếu hụt của tôi.
E.NESBIT
LŨ TRẺ ĐƯỜNG TÀU
NGUYỄN TÂM dịch
HOA QUÂN TỬ thực hiện ebook
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh, The Railway Children của E. Nesbit, NXB Wordsworth Classics.
Bản quyền bản tiếng Việt Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, 2012.
Chương 1
Mọi chuyện bắt đầu
Chúng vốn không phải là trẻ con đường tàu. Tôi không cho là chúng từng suy nghĩ về đường tàu, có chăng thì chúng coi đó chỉ là phương tiện để tới sân khấu ảo thuật Maskelyne và Cooke, đi xem kịch câm, tới vườn bách thú và bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud. Chúng là những đứa trẻ ngoại ô bình thường, sống cùng cha mẹ trong một biệt thự bình thường có mặt trước xây bằng gạch đỏ, cửa chính lắp kính màu, tiền sảnh lát đá hoa, một phòng tắm có nước nóng lạnh, chuông điện, cửa sổ lớn, tường sơn trắng, và "mọi tiện nghi hiện đại", như đám môi giới nhà đất thường nói.
Có ba đứa trẻ. Roberta là chị cả. Tất nhiên là mẹ thì không bao giờ phân biệt các con nhưng nếu có đứa nào mẹ chúng yêu nhất thì đó là Roberta. Giữa là Peter, nó mơ ước lớn lên sẽ làm nghề lái tàu; và em út là Phyllis, con bé luôn muốn mình có sức khỏe đáng nể.
Mẹ chúng không có thói quen cả ngày gọi cho mấy bà rỗi việc nói mấy chuyện tầm phào cũng không quen ngồi nhà ôm điện thoại chờ mấy bà kia gọi lại. Hầu như lúc nào bà cũng có mặt để chơi với các con, đọc cho chúng nghe, giúp chúng làm bài tập. Ngoài ra, bà cũng hay viết truyện cho các con khi chúng ở trường rồi đọc cho chúng nghe sau bữa trà. Bà bao giờ cũng sáng tác những bài thơ ngộ nghĩnh vào dịp sinh nhật bọn trẻ và những dịp long trọng khác, như là lễ rửa tội cho lũ mèo con, trang hoàng lại ngôi nhà búp bê, hay khi bọn trẻ bị quai bị.
Ba đứa trẻ may mắn này luôn có mọi thứ chúng cần: quần áo đẹp, lò sưởi ấm áp, một phòng trẻ con đầy đồ chơi với giấy dán tường có hình Ngỗng Mẹ. Chúng có một cô bảo mẫu tốt bụng và vui vẻ, một con chó của riêng chúng tên là James. Chúng còn có một người cha hoàn hảo - ông chẳng bao giờ giận dữ, chẳng bao giờ thiên vị và luôn sẵn sàng cho một trò chơi - ít nhất thì khi nào không thể ông luôn có lý do tuyệt vời, giải thích cho bọn trẻ một cách thú vị và buồn cười đến nỗi chúng tin chắc ngay là ông không thể.
Các bạn sẽ nghĩ rằng chúng hẳn là đã rất hạnh phúc. Và đúng là như vậy. Nhưng chúng không biết chúng hạnh phúc nhường nào
cho đến khi cuộc sống vui tươi trong ngôi Biệt thự Đỏ trôi qua và kết thúc. Và chúng phải sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Sự thay đổi khủng khiếp xảy ra hết sức bất ngờ.
Vào lần sinh nhật thứ mười của Peter. Trong số các món quà nó nhận được có một cái xe lửa tinh xảo hơn bất cứ thứ gì nó có thể mơ ước. Những món quà khác cũng rất đẹp nhưng cái xe lửa đẹp hơn tất cả.
Vẻ đẹp hoàn hảo của nó tồn tại được đúng ba ngày. Sau đó, hoặc là do lỗi của Peter, hoặc Phyllis đã hơi mạnh tay hay vì nguyên nhân nào đó, chiếc xe bỗng vỡ bung ra với một tiếng nổ mạnh đến nỗi con James lao vụt ra ngoài và biến mất cả ngày. Toàn bộ cư dân muông thú trên con thuyền Nô-ê cạnh đó đều vỡ tan từng mảnh. Ngoài ra không có gì khác bị tổn thương trừ cái xe lửa tội nghiệp và cảm xúc của Peter. Mọi người trong nhà bảo nó đã khóc. Nhưng tất nhiên là những cậu bé lên mười rồi thì không dễ khóc, dù thảm họa có nặng nề đến mức phủ bóng đen lên đời các cậu đi chăng nữa. Peter nói rằng mắt nó đỏ vì nó bị cảm lạnh. Điều này hóa ra lại đúng, mặc dù khi nói thế Peter không hề biết. Ngày hôm sau nó không được ra khỏi giường mà phải nằm yên đó. Mẹ đã bắt đầu sợ rằng nó có thể mắc bệnh sởi thì bỗng nhiên nó ngồi dậy nói, "Con ghét cháo trắng, con ghét nước đại mạch, con ghét bánh mì và sữa. Con muốn dậy ăn cái gì đó hẳn hoi."
"Thế con muốn ăn gì ?" mẹ hỏi.
"Bánh nướng nhân thịt bồ câu ạ," Peter háo hức nói, "một cái bánh nướng bồ câu to. Thật to vào."
Mẹ liền bảo đầu bếp làm một cái bánh bồ câu to. Thế là có ngay cái bánh. Bánh làm xong liền được cho vào lò nướng. Khi bánh chín, Peter ăn một ít. Ăn xong, bệnh của nó khá hơn. Mẹ đã sáng tác một bài thơ để nó vui trong khi chờ bánh chín. Mở đầu bài thơ cho biết cậu bé Peter can đảm không may thế nào. Tiếp theo là:
Cậu có chiếc xe lửa quý
Yêu xe với trọn lòng thành,
Giá trời cho đây điều ước
Ước gì xe lại nguyên lành.
Rồi một hôm kia, bạn ạ
Ôi trời tệ hại xiết bao
Bỗng chốc thằng đinh vít ốm
Cả nồi hơi vỡ đánh ào !
Não lòng cúi nhặt xe lên
Cậu chạy ù ngay tới mẹ,
Dẫu lòng chẳng dám tin rằng
Xe lại hồi sinh nhờ mẹ.
Hành khách không may tử nạn
Cậu chẳng hề chút bận tâm,
Xe, xe là tất cả
Hơn hàng đoàn lũ cư dân.
Thế là giờ đây bạn biết Peter ngã bệnh vì sao
Bánh rồi sẽ an ủi cậu
Nỗi buồn rồi sẽ qua mau.
Quấn mình chăn ấm nệm êm
Nằm ườn chả dậy đúng giờ,
Lòng đã quyết bằng cách đó
Quên đi nỗi buồn trong mơ.
Còn nếu mắt cậu hoe đỏ,
Ấy là do cậu cảm thôi.
Bánh bồ câu thơm điếc mũi,
Cậu đâu cần đợi được mời.
Cha ở vùng nông thôn ba bốn ngày vừa mới về. Niềm hy vọng sửa được chiếc xe giờ đây dồn cả vào ông. Cha có những ngón tay cực khéo léo. Ông có thể sửa bất cứ thứ gì. Ông từng là bác sĩ thú y cho con ngựa gỗ bập bênh. Có lần ông đã cứu nó khi mọi giúp đỡ dường như vô vọng. Con vật khốn khổ đã bị coi như đồ bỏ đi rồi, thậm chí ông thợ mộc còn nói là không thể làm gì hơn. Cũng chính cha đã chữa cái nôi của búp bê khi không ai chữa được. Và chỉ cần ít keo, vài mẩu gỗ, một con dao nhíp là ông có thể giữ cho toàn bộ cư dân của con thuyền Nô-ê gắn chặt vào trục như trước, nếu không nói là chặt hơn.
Peter vốn biết nghĩ cho người khác nên đã không hề để lộ chút gì về chiếc xe lửa của mình mà đợi cho đến khi cha ăn xong bữa tối và hút điếu xì gà kết thúc bữa ăn. Nghĩ cho người khác là ý tưởng của mẹ, nhưng Peter là người thực hiện. Ngoài ra, làm thế còn phải rất kiên nhẫn nữa.
Cuối cùng mẹ nói với cha, "Anh à, giờ anh đã nghỉ ngơi và thấy thoải mái rồi thì mẹ con em muốn kể cho anh nghe một tai nạn xe lửa nghiêm trọng và xin anh lời khuyên."
"Được rồi," cha nói, "bắt đầu đi nào !"
Peter kể lại câu chuyện và bày ra những gì còn lại của con tàu. "Hừm," cha nói sau khi đã xem xét kỹ lưỡng.
Bọn trẻ nín thở chờ đợi.
"Có hy vọng không cha ?" Peter ấp ứng hỏi nhỏ.
"Hy vọng à ? Nhiều ra phết ! Hàng tấn hy vọng," cha nói vui, "nhưng còn cần vài thứ ngoài hy vọng - một miếng đồng, ừ, hoặc hợp kim hàn vá một cái van mới. Có lẽ nên để việc này lại tới lúc nào thích hợp hơn. Nói cách khác là cha sẽ dành cả chiều thứ Bảy để sửa con tàu và tất cả các con sẽ phải giúp cha đấy."
"Con gái có thể giúp chữa tàu không ạ ?" Peter hỏi đầy nghi ngờ.
"Tất nhiên là có rồi. Con gái cũng thông minh như con trai, con đừng quên chứ ! Con có muốn trở thành người lái tàu hỏa không, Phil ?"
"Mặt con lúc nào cũng sẽ bị nhọ, đúng không ạ ?" Phyllis hỏi, vẻ thiếu nhiệt tình, "mà con sợ sẽ làm hỏng một cái gì đó mất." "Con rất thích việc ấy," Roberta nói. "Cha có nghĩ là lớn lên con có thể lái tàu không ? Hay thậm chí làm người giữ lửa cũng được ?"
"Con muốn nói là người đốt lò chứ gì," cha vừa nói vừa kéo và vặn cái xe lửa. "Ồ, nếu lớn lên con vẫn muốn làm việc đó, chúng ta sẽ nghĩ cách giúp con thành một cô đốt lò. Cha nhớ hồi cha còn nhỏ..."
Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa.
"Ai chứ !" cha nói. "Nhà của một người Anh là pháo đài của anh ta, tất nhiên, nhưng cha ước gì họ xây những biệt thự liền vách có hào bao quanh và cầu rút."
Ruth - cô giúp việc phòng khách có mái tóc đỏ - bước vào nói rằng có hai ông muốn gặp ông chủ.
"Thưa ông, tôi đã đưa họ vào thư viện," chị ta nói.
"Mong rằng chỉ là việc đăng ký mua quà lưu niệm cho cha xứ," mẹ nói; "không thì là quỹ nghỉ hè cho dàn đồng ca. Tiễn họ về
nhanh đi anh à. Cũng hết buổi tối rồi và đã gần đến giờ cho các con đi ngủ."
Nhưng có vẻ cha không thể tiễn họ nhanh được.
"Con ước gì chúng ta có một con hào và cầu rút ?”, Roberta nói; "lúc đó, nếu không muốn có người đến, chúng ta có thể kéo cầu lên và chẳng ai vào được. Con sợ cha sẽ quên chuyện hồi cha còn bé nếu họ ngồi lâu quá."
Mẹ cố gắng lấp chỗ trống bằng cách kể cho chúng một truyện cổ tích mới về nàng công chúa có đôi mắt màu xanh lá cây nhưng khó quá, vì chúng có thể nghe được giọng của cha và những người kia từ thư viện vọng ra. Giọng của cha vang to hơn và khác cái lối ông thường nói với những người đến nhà mình về chuyện quà lưu niệm hay quỹ nghỉ hè.
Rồi chuông thư viện rung và mọi người thở phào.
"Họ sắp về rồi," Phyllis nói; "cha nhấn chuông để tiễn họ về đấy."
Nhưng thay vì tiễn ai đó về, Ruth lại xuất hiện và chị ta trông khá kỳ cục, bọn trẻ nghĩ vậy.
"Thưa bà, ông chủ muốn bà vào ngay phòng đọc. Ông trông như người chết, thưa bà. Tôi cho là ông có tin xấu. Bà nên chuẩn bị đón tin xấu nhất, thưa bà... có thể là ai đó trong gia đình vừa qua đời hay ngân hàng phá sản hay..
"Được rồi, Ruth," mẹ nói nhẹ nhàng, "chị có thể đi." Sau đó mẹ vào thư viện. Có tiếng nói chuyện. Rồi chuông lại rung, và Ruth đi gọi xe. Bọn trẻ nghe thấy tiếng giày bước ra, xuống thềm. Xe chuyển bánh và cửa trước đóng lại. Mẹ bước vào. Khuôn mặt thân yêu của mẹ trắng bệch như cổ áo đăng ten, mắt mẹ to và sáng khác thường, miệng mẹ khép chặt trông như một đường đỏ nhợt - đôi môi mẹ mỏng hơn, trông không còn là môi nữa. "Đến giờ ngủ rồi," mẹ nói. "Ruth sẽ cho các con đi ngủ”. "Nhưng mẹ đã hứa là chúng ta sẽ ngủ muộn vì hôm nay cha về mà," Phyllis nói.
"Cha được gọi đi có việc," mẹ nói. "Đi, các con yêu, ngay lập tức."
Bọn trẻ hôn mẹ rồi bước ra. Roberta nấn ná ôm mẹ thật chặt và thầm thì.
"Không phải tin xấu, đúng không mẹ ? Là ai đó chết... hay..." "Không ai chết cả, không," mẹ nói, bà gần như đẩy Roberta ra. "Mẹ không thể kể cho con nghe điều gì tối nay, con yêu. Đi, con, đi ngay."
Nên Roberta đi.
Ruth chải tóc cho hai đứa con gái và giúp chúng thay quần áo. (Thường mẹ vẫn tự mình làm việc này.) Khi Ruth tắt đèn đi ra thì thấy Peter, vẫn mặc nguyên quần áo trong ngày, đợi ở cầu thang.
"Em hỏi cái đã, Ruth, có chuyện gì vậy ?" thằng bé hỏi. "Đừng hỏi gì kẻo tôi phải nói dối," Ruth tóc đỏ trả lời. "Cậu sẽ sớm biết thôi."
Khuya hôm ấy mẹ vào phòng hôn ba đứa con đang say ngủ. Roberta là đứa duy nhất tỉnh giấc nhưng nó nằm yên như khúc gỗ, không nói gì.
"Nếu mẹ không muốn cho bọn mình biết là mẹ khóc, bọn mình sẽ không biết," nó tự nhủ khi nghe trong bóng tối hơi thở của mẹ. "Sẽ như vậy."
Khi bọn trẻ xuống ăn sáng sớm hôm sau, mẹ đã đi rồi. "Đi Luân Đôn”, Ruth nói, và để chúng ngồi ăn sáng.
"Có gì đó tồi tệ xảy ra rồi” Peter nói lúc đập trứng. "Tối qua Ruth bảo em sẽ sớm biết thôi."
"Em hỏi chị ta chắc ?" Roberta nói, vẻ khinh thường. "Chứ còn gì !" Peter giận dữ đáp. "Chị có thể đi ngủ mà không quan tâm mẹ có lo lắng hay không. Nhưng em thì không thể. Thế đấy !"
"Chị không nghĩ ta nên yêu cầu người khác làm điều mà mẹ không bảo ta”, Roberta nói.
"Đúng thế, thưa quý cô ngoan ngoãn," Peter nói, "không phải thuyết giáo."
"Em không phải là quý cô ngoan ngoãn”, Phyllis nói, "nhưng em nghĩ lần này Bobbie đúng."
"Tất nhiên, chị ấy lúc nào chả đúng. Theo ý chị ấy," Peter nói. "Ồ, không”, Roberta kêu lên, đặt thìa xuống.
"Đừng hục hặc với nhau nữa. Chị chắc là có một tai họa khủng khiếp đang xảy ra. Bọn mình đừng làm nó tồi tệ hơn nữa đi !" "Thế ai khơi mào trước chứ ?" Peter hỏi.
Roberta cố kềm chế, trả lời, "Chị, chị cho là thế, nhưng..." "Vậy thì xong," Peter đắc thắng tuyên bố.
Tuy nhiên, trước khi đi học nó đấm nhẹ vào giữa hai vai chị và bảo chị vui lên.
Bọn trẻ về nhà vào giờ ăn lúc một giờ, nhưng mẹ vẫn chưa về. Đến giờ uống trà cũng vậy.
Phải đến gần bảy giờ mẹ mới về. Trông mẹ mệt mỏi đến nỗi bọn trẻ cảm thấy không thể hỏi bà bất kỳ câu nào. Bà chìm vào trong ghế bành. Phyllis gỡ những cái cặp ghim dài ra khỏi mũ mẹ trong khi Roberta cởi găng tay và Peter tháo đôi giày đi bộ rồi lồng đôi dép nhung mềm đi trong nhà vào chân mẹ.
Khi mẹ uống trà xong, và Roberta lấy chút nước hoa xoa hai bên thái dương mệt mỏi đến phát ốm của mẹ, bà mới nói, "Bây giờ, các con yêu của mẹ, mẹ muốn nói với các con điều này. Mấy ông tối qua đã mang đến tin rất xấu. Cha sẽ vắng nhà một thời gian. Nên giờ mẹ lo lắng lắm, mẹ muốn tất cả các con giúp mẹ, và đừng làm mọi việc khó khăn thêm."
"Vâng, nếu mà chúng con làm được gì !" Roberta nói, cầm tay mẹ áp vào mặt mình.
"Các con có thể giúp mẹ rất nhiều," mẹ nói, "nếu các con ngoan ngoãn, vui vẻ và không cãi nhau khi mẹ vắng nhà" - Roberta và Peter liếc nhìn nhau vẻ hối lỗi - "vì mẹ sẽ phải vắng nhà nhiều."
"Chúng con sẽ không cãi nhau đâu ạ. Nhất định không," cả ba nói. Và chúng cũng thực sự nghĩ thế.
"Vậy," mẹ tiếp tục, "mẹ muốn các con không hỏi mẹ bất kỳ câu nào về việc này, và không hỏi bất kỳ ai khác bất kỳ câu nào." Peter ngồi khép nép, rê giày trên thảm.
"Các con cũng sẽ hứa với mẹ thế chứ ?" mẹ lại nói.
"Con đã hỏi Ruth," Peter đột nhiên nói. "Con xin lỗi, nhưng con đã hỏi mất rồi."
"Và chị ấy nói gì ?"
"Chị ấy nói con sẽ sớm biết thôi."
"Các con không cần biết bất kỳ điều gì về việc này," mẹ nói; "đó là chuyện làm ăn, mà chuyện làm ăn thì các con chẳng bao giờ hiểu được, đúng không ?"
"Đúng ạ," Roberta nói. "Đó là chuyện nhà nước ạ ?" Bởi vì cha làm việc ở một cơ quan nhà nước.
"Phải rồi," mẹ nói, "bây giờ đã đến lúc đi ngủ, các con yêu của mẹ. Và các con đừng lo lắng. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi." "Vậy mẹ cũng đừng lo lắng, mẹ nhé," Phyllis nói, "tất cả chúng con sẽ ngoan như cún con."
Mẹ gật đầu và hôn các con.
"Bọn mình sẽ bắt đầu ngoan từ việc đầu tiên mình làm sáng mai," Peter nói khi chúng lên gác.
"Tại sao không phải là bây giờ ?" Roberta hỏi.
"Chẳng có gì để ngoan vào lúc này, chị khờ ạ," Peter nói. "Bọn mình có thể bắt đầu tỏ ra ngoan ngoãn," Phyilis nói, "và đừng nói nặng lời với nhau."
"Ai nói nặng lời chứ ?" Peter bẻ lại. "Bobbie biết thừa là khi anh nói 'chị khờ' thì cũng y như anh nói Bobbie thôi."
"Ừ." Roberta nói.
"Không, em không nói chuyện đó. Em muốn nói về... cha gọi là cái gì í nhỉ ?... hạt giống yêu thương ! Chúc ngủ ngon." Hai con bé gấp váy áo gọn gàng hơn mọi ngày - đó là cách ngoan ngoãn duy nhất mà lúc này chúng có thể nghĩ ra. "Em nhớ là," Phyllis vừa nói vừa vuốt thẳng cái áo choàng không tay, "chị thường nói nếu chẳng có chuyện gì xảy ra, giống như trong sách ấy, thì thật tẻ nhạt. Bây giờ thì đã có chuyện rồi đấy."
"Chị không bao giờ muốn điều gì xảy ra làm mẹ buồn," Roberta nói. "Mọi thứ vô cùng đáng sợ."
Mấy tuần sau mọi thứ vẫn vô cùng đáng sợ. Mẹ hầu như vắng nhà suốt. Bữa ăn nào cũng buồn chán và nhạt nhẽo. Cô hầu phòng bị sa thải, và bác Emma đến chơi. Bác già hơn mẹ nhiều. Bác sắp sang Đức làm gia sư. Bác đang tất bật chuẩn bị quần áo, mà cái nào cũng xấu xí, màu xám xịt, được bác bày ra khắp chốn, còn cái máy may dường như xòe xòe suốt ngày và gần như suốt cả đêm. Bác Emma tin rằng bọn trẻ phải được cho chơi ở nơi phù hợp với chúng. Và chúng không chỉ đền đáp lòng tin của bác không thôi. Chúng nghĩ nơi phù hợp của bác Emma là ở đâu đó không có mặt chúng. Do đó chúng ít khi gặp bác. Chúng thích chơi với những người làm.
Chơi với họ vui hơn. Ông đầu bếp nếu gặp lúc tâm trạng phấn chấn, có thể hát những bài hát buồn cười, và chị hầu phòng, nếu không phải lúc bị quở trách, có thể bắt chước tiếng một con gà mái vừa đẻ trứng hay tiếng mở sâm banh, rồi lại có thể meo meo như hai con mèo đang tỉ thí. Những người làm không hề kể cho bọn trẻ tin xấu mà hai người kia mang đến cho cha. Nhưng họ nói bóng gió rằng họ có nhiều điều để kể nếu họ được phép - và điều này không dễ chịu chút nào.
Một hôm Peter làm một cái bẫy treo trên cánh cửa phòng tắm. Nó hoạt động miễn chê khi Ruth đi qua khiến chị hầu tóc đỏ túm lấy Peter mà bạt tai thằng bé.
"Mày rồi sẽ chẳng nên cơm cháo gì đâu," chị ta giận điên lên, "mày là thằng mất dạy, mày ấy ! Nếu mày không sửa cách cư xử thì mày rồi cũng lại vào chỗ ông bố quý hóa của mày cho mà xem. Tao nói thẳng cho mày biết thế !"
Roberta nhắc lại những lời này cho mẹ. Ngày hôm sau Ruth bị sa thải.
Rồi một hôm mẹ về nhà và lên giường nằm hai ngày liền. Bác sĩ đến thăm bệnh còn bọn trẻ lầm lụi khổ sở quanh nhà, tự hỏi có phải đến hồi tận thế rồi hay chăng.
Đến hôm mẹ xuống ăn sáng, mẹ rất xanh xao, trên mặt mẹ xuất hiện những nếp nhăn trước kia chưa từng có. Bà ráng hết sức mỉm cười tự nhiên, và nói, "Bây giờ, các con yêu của mẹ, mọi chuyện được quyết định rồi. Chúng ta sẽ rời ngôi nhà này đến sống ở nông thôn. Đó là một ngôi nhà trắng nhỏ rất đáng yêu. Mẹ biết là các con sẽ thích."
Một tuần đóng gói bận tít mù sau đó - không chỉ đóng gói quần áo như khi đi biển, mà cả bàn ghế đủ loại, mặt bàn mặt ghế bọc bằng bao bố còn bốn chân thì bọc bằng rơm.
Tất cả đồ đạc đã được đóng gói. Những thứ ta vẫn thường để ở nhà khi đi nghỉ. Đồ sứ, chăn, chân nến, thảm, khung giường, nồi niêu xoong chảo, thậm chí cả tấm chắn lửa lò sưởi và que cời nữa.
Ngôi nhà trông như cửa hàng bán đồ gia dụng. Tôi cho là bọn trẻ rất thích cảnh này. Mẹ rất bận, nhưng không quá bận đến mức không thể nói chuyện với chúng, đọc cho chúng nghe, và thậm chí
bà viết cả một bài thơ khích lệ Phyllis lúc nó ngã khi đang cầm tuốc nơ vít và bị đâm vào tay.
"Mẹ không gói cái này à ?" Roberta hỏi, chỉ vào cái tủ khảm trai và dát đồng rất đẹp.
"Chúng ta không thể mang hết đi được”, mẹ bảo.
"Nhưng chúng ta lại mang toàn đồ xấu xí," Roberta nói. "Chúng ta mang những đồ cần thiết," mẹ giải thích, "chúng ta phải làm người nghèo một thời gian, con yêu ạ."
Khi những đồ đạc xấu xí cần thiết đã được đóng gói, được những người khuân vác mặc tạp dề vải len tuyết màu xanh lá cây chuyển lên xe tải, hai đứa con gái cùng mẹ và bác Emma ngủ ở hai buồng dự phòng có nội thất đẹp đẽ. Giường đã chuyển đi hết rồi. Một chỗ ngủ được dọn cho Peter trên xô pha phòng khách.
"Con thấy thế này mới vui," Peter nói, thích thú ngọ nguậy lúc mẹ đắp chăn cho nó. "Con thích chuyển nhà. Ước gì mình chuyển nhà mỗi tháng một lần."
Mẹ bật cười.
"Mẹ thì không !" bà nói. "Chúc ngủ ngon, Pete của mẹ." Khi mẹ quay ra, Roberta nhìn thấy khuôn mặt mẹ. Nó sẽ không bao giờ quên nét mặt ấy. "Ôi, mẹ," nó tự nhủ lúc lên giường, "mẹ dũng cảm biết bao ! Con yêu mẹ vô cùng ! Phải dũng cảm lắm mẹ mới có thể cười được khi trong lòng đang cảm thấy như thế !" Ngày hôm sau tất cả các hộp đã đầy, cơ man nào hộp là hộp; và chiều muộn ngày hôm đó một chiếc xe đến đưa họ ra ga. Bác Emma tiễn họ. Bọn trẻ lại cảm thấy như chúng đang tiễn bác, và chúng khoái chí về chuyện đó.
"Nhưng mà, tội nghiệp mấy đứa trẻ Đức mà bác sẽ dạy quá !" Phyllis thầm thì. "Cho gì thì cho em cũng chẳng muốn bị như chúng đâu !"
Thoạt đầu bọn trẻ thích thú nhìn qua cửa sổ, nhưng trời tối dần, chúng buồn ngủ ríu mắt, và không đứa nào biết chúng đã ở trên tàu bao lâu khi mẹ khẽ lay chúng và giục, "Dậy thôi, các con, ta đến rồi."
Chúng tỉnh giấc, vừa rét vừa rầu rĩ, đứng run rẩy trên ke ga gió lùa trong khi hành lý trên tàu được khuân xuống. Sau đó đầu máy
lại phì phà phì phụt kéo theo các toa tàu lên đường. Bọn trẻ dõi theo những ngọn đèn đuôi của toa công cụ mất hút trong bóng tối. Đây là con tàu đầu tiên bọn trẻ nhìn thấy trên đường tàu đó, nó rồi sẽ trở lên rất thân thiết với chúng. Lúc này chúng chưa biết rằng chúng sẽ yêu mến đường tàu biết bao, nó sẽ trở thành trung tâm cuộc sống mới của chúng nhanh đến thế nào, nó sẽ mang lại những đổi thay, những điều kỳ diệu gì.
Chúng chỉ run và hắt hơi, hy vọng quãng đường tới nhà mới không xa. Mũi Peter lạnh chưa từng thấy. Mũ của Roberta cong lên và quai mũ hình như chặt hơn bình thường. Dây giày của Phyllis lại tuột.
"Đi," mẹ nói, "chúng ta phải đi bộ. Ở đây không có xe." Đường đi tối và lầy lội. Mặt đường gồ ghề khiến bọn trẻ hơi loạng choạng, và một lần Phyllis ngã phải vũng nước, mẹ đỡ nó lên, nó ướt rượt đến là khổ sở. Không hề có đèn đường và con đường đang lên dốc. Chiếc xe thồ đi túc tắc phía trước và bọn trẻ bám theo tiếng bánh xe nghiến lạo xạo. Khi mắt đã quen với bóng tối, chúng có thể lờ mờ nhìn thấy đống hộp lắc lư trước mặt.
Một cái cổng dài mở ra cho xe đi qua. Sau đó con đường có vẻ như đi ngang qua cánh đồng và bây giờ nó xuống dốc. Một vật to lớn, cục mịch, tối tăm hiện lên bên phải.
"Nhà ta kia rồi," mẹ nói. "Không hiểu sao bà ấy lại đóng các cửa chớp nhỉ ?"
"Bà ấy là ai vậy mẹ ?" Roberta hỏi.
"Người mẹ thuê tới lau dọn, sắp xếp đồ đạc và chuẩn bị bữa tối."
Có một bức tường thấp có cây cối bên trong.
"Đó là vườn," mẹ bảo.
"Trông như cái chảo hứng mỡ đầy những bắp cải đen ấy," Peter nhận xét.
Chiếc xe đi dọc theo bức tường, vòng ra sau nhà rồi lóc cóc vào một sân lát đá và dừng lại trước cửa hậu.
Không cửa sổ nào sáng đèn.
Tất cả đập cửa, nhưng không có ai ra.
Ông đánh xe nói hẳn là bà Viney đã về nhà.
"Bà thấy đấy, tàu về muộn thế cơ mà," ông ta nói.
"Nhưng bà ấy cầm chìa khóa”, mẹ nói. "Chúng tôi biết làm thế nào bây giờ ?"
"Ồ, có khi bà ấy để dưới bậc cửa cũng nên” - người đánh xe nói; "mọi người vẫn làm thế mà." Ông ta nhấc cái đèn trên xe xuống và cúi tìm.
"Đây, nó đây, đã bảo mà," ông ta nói.
Ông ta mở cửa bước vào và đặt đèn lên bàn.
"Bà có nến không ?"
"Tôi không biết cái gì ở đâu nữa," giọng mẹ kém vui. Người đánh xe quẹt diêm. Có một ngọn nến ở trên bàn, và ông châm nến. Dưới ánh sáng mỏng mạnh le lói, bọn trẻ nhìn thấy một cái bếp rộng tuềnh toàng có sàn lát đá. Không rèm cửa, không thảm trải cửa lò. Cái bàn bếp mang từ nhà nằm giữa phòng. Ghế tựa để hết ở một góc, nồi niêu xoong chảo, chổi, bàn chải, bát đĩa ở một góc khác. Không củi lửa, cái vỉ lò đen thui đầy tro lạnh. Người đánh xe quay ra sau khi đã khuân đống hộp vào, có tiếng sột soạt đây đó hình như ngay trong nhà.
"Ôi, cái gì đấy ?" hai đứa con gái kêu lên.
"Là chuột cống thôi," người đánh xe nói. Ông ta đi ra và sập cửa khiến luồng gió lùa đột ngột thổi tắt cây nến.
"Ôi trời," Phyllis kêu lên, "ước gì chúng ta không đến đây !" và làm đổ một cái ghế.
"Chỉ là chuột cống thôi chứ có gì đâu !" Peter nói trong bóng tối.
Chương 2
Mỏ than của Peter
“Vui chưa !" mẹ nói trong bóng tối, sờ soạng tìm diêm trên bàn. "Lũ chuột nhắt tội nghiệp hẳn đã sợ chết khiếp, mẹ không tin đó là chuột cống đâu." Mẹ đánh một que diêm, châm lại nến và cả nhà nhìn nhau trong ánh sáng lắt lay.
"Ồ," mẹ nói, "các con thường muốn có sự kiện xảy ra, bây giờ thì có rồi đấy. Quả là một cuộc phiêu lưu, phải không ? Mẹ đã dặn bà Viney chuẩn bị cho chúng ta một ít bánh mì bơ, thịt và vài thứ cho bữa tối. Chắc bà ấy dọn lên bàn bên phòng ăn rồi đấy. Nào ta sang đó đi."
Phòng ăn mở thông sang bếp. Trông nó tối hơn bếp khi họ cầm một ngọn nến bước vào. Bởi vì bếp quét vôi trắng, còn phòng ăn ốp gỗ sẫm màu từ sàn đến trần. Chạy suốt trần là những thanh xà đen nặng nề. Cả một mê cung hỗn độn đồ đạc phủ bụi - những thứ từ phòng ăn của ngôi nhà cũ, nơi chúng đã sống từ khi mới lọt lòng mẹ. Tưởng như đã từ thuở nào, ở nơi xa lắc nào.
Rõ ràng là ở đây có bàn ăn và ghế, nhưng không hề có bữa tối.
"Chúng ta sẽ xem những phòng khác”, mẹ nói; và họ đi. Phòng nào cũng toàn đồ đạc kê dọn dở chừng, que cời lò, gắp than, bát đĩa và đủ thứ linh tinh trên sàn, mỗi đồ ăn là không có. Thậm chí trong chạn thức ăn chỉ có một hộp bánh đã gỉ, một cái đĩa vỡ đựng vôi bột.
"Bà ta tệ thật !" mẹ nói; "bà ta cầm tiền đi thế mà không cho chúng ta chút gì để ăn."
"Vậy là ta sẽ không có bữa tối ạ ?" Phyllis sững sờ hỏi, bước lùi lại và giẫm ngay phải cái đĩa đựng xà phòng làm nó kêu răng rắc. "Ồ, có chứ," mẹ nói, "có điều ta phải mở một cái thùng lớn mà ta để ở hầm chứa. Phil, đi cẩn thận kẻo vấp. Peter, cầm nến cho mẹ."
Bếp mở thông xuống hầm chứa. Có năm bậc thang gỗ dẫn xuống. Nó không giống hầm chứa chút nào, bọn trẻ nghĩ vậy, bởi vì trần của nó cũng cao như trần bếp. Một giá thịt muối treo trên trần. Có củi, và than. Và những cái thùng lớn. Peter cầm nến đứng yên
một bên trong khi mẹ cố gắng mở một thùng to được đóng đinh rất cẩn thận.
"Búa đâu hả mẹ ?" Peter hỏi.
"Đây," mẹ trả lời, "ở trong thùng, chắc thế. Nhưng ta còn có một cái xẻng xúc than và que cời lò."
Mẹ cố mở thùng bằng mấy thứ dụng cụ đó.
"Để con làm”, Peter đề nghị, nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn. Ai cũng nghĩ thế khi nhìn người khác cời bếp, mở hộp hay tháo một nút dây.
"Mẹ sẽ đau tay mất," Roberta nói; "để con."
"Giá mà cha ở đây nhỉ” Phyllis nói, "cha sẽ mở trong chớp mắt. Sao chị lại đá em, Bobbie ?"
"Đâu có," Roberta nói.
Liền đó cái đinh dài đầu tiên đã bật ra trong tiếng kèn kẹt. Rồi một chốt được gạt lên, một chốt nữa, cho đến khi cả bốn cái được gạt lên với đám đinh dài lóe lên đáng sợ như những cái răng thép trong ánh nến.
"Đây rồiiiii," mẹ reo lên, "trước tiên là có nến đã này ! Các con gái, đi châm nến đi. Các con tìm mấy cái đĩa đặt nến. Nhớ nhỏ vài giọt nến xuống đĩa thì mới dính vào được."
"Đốt mấy cây hả mẹ ?"
"Các con thích đốt bao nhiêu thì đốt," mẹ vui vẻ. "Cái chính là các con vui. Không ai có thể vui trong bóng tối trừ bọn cú mèo và chuột sóc."
Vậy là hai đứa đi châm nến. Que diêm đầu tiên bắt lửa vào ngón tay Phyllis, nhưng, như Roberta nói, nó chỉ là một nốt bỏng nhỏ thôi, nếu em là một người La Mã tử vì đạo thì em còn bị thiêu cháy nữa cơ, nếu chẳng may em sống vào thời những vụ đó được coi là mốt.
Khi phòng ăn đã rực sáng nhờ mười bốn ngọn nến, Roberta đi lấy than và gỗ rồi nhóm lò.
"Tháng Năm rồi mà trời vẫn lạnh thế này," con bé nói y như người lớn.
Ánh lửa bếp lò và ánh nến làm cho phòng ăn trông khác hẳn. Giờ thì có thể nhận ra trên các bức tường ốp gỗ tối màu, đây đó có khắc những vòng nguyệt quế và vòng tròn móc vào nhau.
Hai đứa con gái vội vã "thu dọn" phòng. Nghĩa là đặt ghế tựa sát tường, xếp các đồ linh tinh vào một góc và che kín lại bằng cái ghế bành da lớn cha thường ngồi sau bữa tối.
"Đâyyyyy !" mẹ reo lên khi bước vào với một khay đầy thức ăn. "Cũng không đến nỗi nào ! Mẹ sẽ kiếm ngay một cái khăn trải bàn rồi..."
Khăn trải bàn ở trong một hộp có khóa hẳn hoi, mở bằng chìa chứ không phải bằng xẻng, và khăn trải xong thì một bữa ăn thịnh soạn được bày ra.
Cả nhà đều quá là mệt, nhưng tất cả đều phấn chấn trước bữa tối đầy thức ăn ngon lành. Có bánh quy loại Marie và loại thường, cá mòi, mứt gừng, nho khô nấu, mứt vỏ hoa quả và mứt cam.
"Thật may là bác Emma đã gói tất cả đồ ăn còn lại trong chạn cho mẹ con mình," mẹ nói. "Phil, không được đặt thìa mứt vào đĩa cá mòi nhé."
"Không đâu, mẹ," Phyllis nói, vội đặt thìa vào đĩa bánh Marie. "Chúng ta sẽ uống chúc sức khỏe bác Emma," Roberta đột ngột lên tiếng; "không có bác gói thức ăn cho thì chúng ta biết làm gì chứ ? Vì sức khỏe bác !" Và mọi người cạn chén với rượu gừng và nước đựng trong chén trà vẽ hình cây liễu bởi vì không tìm thấy ly đâu.
Bọn trẻ đều cảm thấy là đã cư xử có phần không phải với bác Emma. Bác không phải là người ấm áp đáng yêu như mẹ, nhưng nói đi thì phải nói lại, chính bác là người chu đáo gói hết đồ ăn còn lại cho chúng mang đi.
Cũng chính bác Emma là người đã hong khô khăn trải giường cho chuyến đến nơi ở mới, và cánh thợ chuyển đồ đã đặt các khung giường vào cùng một chỗ, nhờ đó lắp lại giường cũng nhanh.
"Chúc ngủ ngon, đàn gà con của mẹ," mẹ nói. "Mẹ chắc là không có chuột. Nhưng mẹ sẽ để cửa phòng mẹ mở, nếu có chuột thì các con chỉ cần hét lên, mẹ sẽ vào nói cho nó biết mẹ nghĩ gì về nó."
Sau đó mẹ vào phòng mình. Roberta thức đến lúc nghe thấy chuông đồng hồ điểm hai tiếng. Âm thanh như là tiếng đồng hồ nhà thờ ở đâu đó rất xa vọng lại, nó luôn luôn nghĩ thế. Và nó cũng nghe thấy mẹ vẫn còn đi lại trong phòng bà.
Sáng hôm sau Roberta đánh thức Phyllis bằng cách kéo nhẹ tóc em, nhưng cũng đủ mạnh để đạt được mục đích. "Co...ó...gi...i...ì...a...à ?," Phyllis hỏi, vẫn chìm trong giấc ngủ. "Dậy đi ! Dậy đi !" Roberta giục. "Bọn mình đang ở nhà mới, em nhớ chưa ? Không có người giúp việc gì hết. Nào, dậy mà bắt đầu ngoan đi. Bọn mình sẽ đi xuống êm như chuột và làm mọi việc đâu vào đấy trước khi mẹ dậy. Chị đã đánh thức Peter. Mình mặc quần áo xong là Peter cũng xong đấy."
Thế là chúng mặc quần áo, lặng lẽ, nhanh chóng. Hiển nhiên là không có nước trong phòng, nên chúng xuống dưới rửa ráy trong chừng mực chúng cho là cần thiết dưới vòi nước của cái bơm tay trong sân. Đứa này bơm cho đứa kia rửa. Bắn tung tóe nhưng thú vị.
"Còn thích hơn là rửa bồn," Roberta nói. "Cỏ len lên giữa các tảng đá này, rêu trên mái nhà mới lấp lánh chưa kìa, ôi lại còn cả hoa nữa."
Mái của gian bếp dốc xuống khá thấp. Trên mái lợp rạ, có rêu mọc, có hoa đá cạn trắng, hoa quế trúc, thậm chí cả một lùm hoa cờ tía ở góc đằng kia.
"Ở đây đẹp hơn hơn hơn rất nhiều biệt thự ở Edgecombe," Phyllis trầm trồ. "Không biết vườn trông thế nào nhỉ ?" "Giờ chưa phải lúc nghĩ đến vườn đâu," Roberta nói với quyết tâm mạnh mẽ. "Vào nhà bắt đầu công việc thôi."
Bọn trẻ đốt bếp lò và đặt ấm nước, rồi chúng sắp xếp bát đĩa cho bữa sáng. Chúng không tìm thấy những đồ vật cần thiết nên gạt tàn thủy tinh biến thành lọ đựng muối tuyệt vời, và giá như có bánh mì thì đựng vào cái khuôn nướng trông còn mới kia có vẻ hợp.
Khi mọi thứ xem ra đã hoàn tất, bọn trẻ đi ra ngoài đón buổi sáng rạng rỡ trong lành.
"Giờ bọn mình vào vườn đi," Peter khỏi xướng. Nhưng chẳng hiểu sao chúng không tìm thấy vườn. Chúng vòng đi vòng lại quanh nhà. Sân ở sau nhà, ngang qua sân là tới chuồng ngựa và khu nhà phụ. Ba mặt còn lại của ngôi nhà đều hướng ra cánh đồng. Không hề có một mét vườn nào ngăn cách ngôi nhà với cánh đồng cỏ mọc le te xanh mướt. Nhưng rõ ràng đêm hôm trước chúng có thấy bức tường bao quanh vườn cơ mà.
Đây là miền đồi trung du. Phía dưới bọn trẻ có thể nhìn thấy đường ray và cái miệng ngoác ra đen ngòm của đường hầm. Ga tàu khuất tầm mắt không nhìn thấy. Có một cây cầu lớn với những vòm cầu cao bắc ngang cuối thung lũng.
"Quên cái vườn đi," Peter nói; "đi xuống xem đường tàu thôi. Có thể có tàu qua đây."
"Đứng đây cũng nhìn được mà," Roberta từ tốn nói; "ngồi nghỉ một lát đã."
Và cả ba ngồi xuống phiến đá lớn màu xám nhô lên trên bãi cỏ. Rải rác trên sườn đồi có rất nhiều phiến như thế. Lúc tám giờ mẹ ra tìm đã thấy chúng ngủ say trong nắng ấm.
Bọn trẻ đã nhóm lò cháy hồng và đặt ấm nước lên bếp lúc chừng năm giờ rưỡi. Vậy nên đến tám giờ thì bếp đã tàn được một lúc và nước đã cạn cháy cả ấm. Chúng cũng không nghĩ ra là phải rửa tách chén trước khi bày lên bàn.
"Nhưng không sao, ý mẹ là mấy cái chén và đĩa lót ấy," mẹ nói. "Vì mẹ đã tìm thấy một phòng khác - mẹ quên khuấy là có cái phòng đó đấy. Quả là phép màu. Và mẹ đã đun nước pha trà bằng xoong rồi."
Căn phòng bị bỏ quên mở ra bếp. Đêm trước vì trời tối và luýnh quýnh mà bốn mẹ con cứ tưởng cửa phòng là chạn bát. Đó là một phòng vuông nhỏ, trên bàn mọi thứ đã được bày biện tình tươm. Một miếng thịt bò rán nguội, cùng bánh mì, bơ, pho mát và một chiếc bánh nướng.
"Ăn sáng bằng bánh nướng !" Peter kêu lên; "tuyệt quá đi mất !"
"Không phải là bánh nướng bồ câu," mẹ nói; "chỉ là bánh táo thôi. Ờ, đây là bữa tối mà lẽ ra hôm qua chúng ta được ăn. Và có vài dòng của bà Viney. Con rể bà ấy bị gãy tay, nên bà ấy phải về nhà sớm. Sáng nay bà ấy sẽ đến lúc mười giờ."
Đó là một bữa sáng tuyệt vời. Thường thì chẳng ai bắt đầu ngày mới với bánh táo nguội, nhưng bọn trẻ đều nói chúng thích bánh hơn thịt.
"Mọi người thấy đấy, nó giống bữa trưa hơn là bữa sáng," Peter nhận xét, đưa đĩa lấy thêm, "bởi vì chúng ta dậy sớm quá."
Ngày trôi qua bằng việc giúp mẹ dỡ và sắp xếp đồ đạc. Sáu cái chân nhỏ ê ẩm vì chạy đi chạy lại trong khi chủ chúng mang quần áo, bát đĩa và đủ loại đồ vào đúng chỗ. Tới sâm sẩm tối mẹ mới bảo, "Thôi ! Hôm nay thế là đủ rồi. Mẹ sẽ nằm nghỉ một tiếng để đến bữa tối thì tỉnh như sáo."
Bọn trẻ nhìn nhau, vẻ mặt mỗi đứa đều hiện lên cùng một ý nghĩ. Ý nghĩ đó gồm hai phần, như những mẩu thông tin trong cuốn Hướng dẫn trẻ tìm hiểu, gồm một câu hỏi và một lời đáp. H: Chúng ta sẽ đi đâu ?
Đ: Đến đường tàu.
Vậy là bọn trẻ đi ra đường tàu. Đang bắt đầu đi thì chúng nhìn thấy nơi cái vườn giấu mình. Nó ở ngay phía sau chuồng ngựa, có bức tường cao bao quanh.
"Ồ, quên cái vườn đi !" Peter kêu. "Sáng nay mẹ bảo em nó ở đâu rồi. Mai nó vẫn còn ở đấy mà. Giờ ra đường tàu đi." Lối xuống đường tàu thoai thoải dốc qua thảm cỏ thấp mềm mại. Đây đó những bụi kim tước và những tảng đá màu vàng xám nổi lên như những miếng mứt vỏ trái cây trên mặt bánh ga tô. Lối đi kết thúc bằng một đoạn dốc đứng và một hàng rào gỗ - và kìa, đường tàu đây rồi, với ánh kim loại lấp lánh của thanh ray, những đường dây điện tín, những cột điện và bảng tín hiệu. Bọn trẻ leo lên trên hàng rào. Bỗng nhiên một âm thanh ầm ầm ù ù khiến chúng nhìn dọc theo đường tàu về bên phải, nơi cái mõm tối của đường hầm mở ra trên một vách đá. Khoảnh khắc sau đó một con tàu từ miệng hầm lao ra với tiếng rú rít khùng khục, ầm ĩ phóng qua. Bọn trẻ cảm thấy luồng gió cuốn theo chuyển động của đoàn tàu và những hòn cuội bên đường ray nhảy lên lạch cạch dưới gầm tàu.
"Ôi !" Roberta nói, hít một hơi dài; "giống như một con rồng lao vụt ra ấy. Các em có thấy nó quạt chúng ta bằng đôi cánh nóng không ?"
"Em cho rằng tổ rồng giống như đường hầm kia nhìn từ bên ngoài", Phyllis nhận xét.
Nhưng Peter bảo, "Em nghĩ ta không nên đến gần đường tàu như thế này. Đây là môn thể thao xé gió dữ dội nhất !" "Hơn cả tàu đồ chơi, đúng không nào," Roberta nói.
(Tôi phát mệt vì gọi Roberta bằng tên khai sinh. Sao tôi lại gọi thế nhỉ. Không ai gọi con bé như vậy. Mọi người đều gọi nó là Bobbie, không hiểu sao tôi không thể.)
"Em không biết; khác nhau chứ," Peter đáp. "Nhìn tận mắt toàn bộ đoàn tàu thì thấy rất kỳ lạ. Nó cao kinh khủng, nhỉ ?" "Mình toàn nhìn thấy chúng bị ke ga cắt mất một nửa," Phyllis nói.
"Không biết con tàu đó có đi Luân Đôn không nhỉ," Bobbie trầm ngâm. "Cha đang ở Luân Đôn."
"Bọn mình xuống ga hỏi xem”. Peter đưa ra ý kiến.
Thế là bọn trẻ đi.
Chúng đi dọc đường tàu, nghe tiếng dây điện tín u u trên đầu. Khi bạn ở trên tàu, dường như chỉ có một quãng ngắn ngủn từ cột điện này đến cột điện kia, và cột này nối tiếp cột kia đuổi theo đường dây khiến bạn khó mà đếm được. Nhưng khi bạn phải đi bộ thì các cột điện có vẻ ít và cách xa nhau.
Cuối cùng bọn trẻ đã tới ga.
Cho đến lúc này thì chưa đứa nào từng tới nhà ga bao giờ, trừ những lần đi tàu hay đợi tàu, và lần nào cũng có người lớn trông nom, mà người lớn vốn chẳng có hứng thú gì với nhà ga, họ chỉ mong sớm đi khỏi đó.
Chúng cũng chưa từng tới gần trạm phát tín hiệu để có thể phân biệt được các dây nhợ và nghe tiếng "pinh pinh" bí hiểm, tiếp theo là tiếng lách cách gọn chắc của máy móc.
Các thanh tà vẹt mà đường ray gối lên làm thành lối đi tuyệt vời. Chúng cách đều nhau một khoảng vừa vặn để làm thành những tảng đá kê bước trong trò thác sủi bọt được Bobbie nhanh trí bày ra.
Sau đó, vào ga không qua phòng bán vé mà theo kiểu trinh sát, lẻn qua đầu dốc ke ga, mới thú vị làm sao.
Cũng thú vị không kém khi nhìn lén vào phòng người trực cổng. Trong đó có những ngọn đèn và tấm niên lịch đường sắt trên tường, một người ngủ gà ngủ gật sau tờ báo Tuần tin đường sắt.
Có rất nhiều đường ray giao cắt nhau chạy qua ga. Một số chạy vào sân ke rồi dừng khựng lại, như thể chúng làm việc mệt quá rồi và muốn nghỉ hưu. Những toa hàng đứng trên đường ray, phía bên kia là đống than đồ sộ, không phải là than đổ thành đống như
trong gian chứa than ở nhà, mà như cả một tòa nhà chắc chắn với các bức tường than lớn vuông vức ở phía ngoài trông như gạch xếp, và xếp cao mãi cho tới lúc trông giống như trong bức tranh "Những thành phố miền châu thổ" trong cuốn Những câu chuyện từ Kinh Thánh cho con trẻ. Có một đường vôi trắng gần đỉnh bức tường than.
Ngay sau đó, khi nhìn thấy người trực uể oải bước ra khỏi phòng lúc kẻng treo trên của ga vang lên hai hồi tươi vui, Peter lễ phép chào, "Cháu chào chú !" rồi mau mồm mau miệng hỏi vạch trắng trên bức tường than là để làm gì.
"Để đánh dấu mức than," người trực nói, "để biết có đứa nào ăn cắp than không. Vậy nên đừng có đút than vào túi rồi chuồn đấy, quý ông trẻ tuổi ạ."
Lúc bấy giờ đó có vẻ như chỉ là câu đùa vui, và Peter ngay lập tức cảm thấy đây là một người thân thiện, chẳng có ý xấu về mình. Sau này nghĩ lại, Peter nhận ra rằng lời đó mang một nghĩa khác.
Bạn đã từng vào bếp một nông trại vào hôm họ nướng bánh chưa ? Và nhìn khối bột nhào để canh lò cho nở ? Nếu có, và nếu lúc ấy bạn hãy còn trẻ con nên luôn hứng thú với mọi thứ mình nhìn thấy thì hẳn bạn còn nhớ lúc đó bạn không sao kìm mình được bèn thọc ngón tay vào khối bột tròn mềm nở lên trong cái xoong như chiếc nấm khổng lồ. Và hẳn bạn còn nhớ ngón tay bạn để lại vết lõm trên bột, và rồi, từ từ nhưng rất chắc chắn, vét lõm biến mất, khối bột lại trông y hệt như trước khi bạn động vào. Tất nhiên trừ phi ngón tay bạn quá bẩn, trong trường hợp này đương nhiên bạn sẽ để lại một vết đen nho nhỏ.
Nỗi buồn mà bọn trẻ cảm nhận về sự vắng mặt của cha cùng tâm trạng không vui của mẹ cũng hệt như vậy. Nó gây nên một vết hằn sâu, nhưng vết hằn không kéo dài.
Chúng nhanh chóng quen với việc cha vắng nhà, mặc dù chúng không quên ông, và chúng cũng quen với việc không đến trường, việc ít thấy mẹ - bây giờ mẹ suốt ngày đóng cửa trong phòng viết trên gác, viết hoài viết mãi. Bà thường xuống vào bữa trà và đọc to những câu chuyện vừa viết. Những câu chuyện hết sức thú vị.
Những tảng đá, ngọn đồi, thung lũng, cây cối, con kênh, và hơn hết là đường tàu, đều mới mẻ và hấp dẫn đến nỗi ký ức về cuộc
sống trước đây trong ngôi biệt thự gần như đã thành giấc mơ. Mẹ bảo chúng không chỉ một lần rằng nhà hiện "khá túng bấn". Nhưng có vẻ mẹ chỉ nói vậy thôi. Những người lớn, thậm chí các bà mẹ, thường đưa ra những nhận xét không có ý nghĩa gì đặc biệt, như thể nói chỉ để mà nói. Trong nhà luôn đủ thức ăn, và bọn trẻ vẫn mặc những bộ quần áo đẹp đẽ trước kia.
Nhưng tháng Sáu có ba ngày mưa, buốt như dao chích, lạnh cóng. Không ai dám ra ngoài, mọi người rét run. Bọn trẻ lên gõ của phòng mẹ.
"Ồ, có việc gì thế ?" tiếng mẹ hỏi.
"Mẹ," Bobbie nói, "con nhóm lò được không ? Con biết nhóm mà."
"Không, vịt con của mẹ. Chúng ta không được phép đốt lò trong tháng Sáu, than rất đắt. Nếu lạnh các con lên gác xép mà chơi. Sẽ ấm người lên đấy."
"Nhưng, mẹ, đốt lò chỉ mất một tí than thôi mà”.
"Một tí chúng ta cũng không có tiền mua đâu, gà yêu của mẹ”, mẹ vui vẻ nói. "Giờ thì đi chơi đi, các con yêu, mẹ đang bận bù đầu đây."
"Mẹ giờ toàn bận thôi anh nhỉ”, Phyllis thầm thì với Peter. Thằng bé không trả lời, chỉ nhún vai và suy nghĩ.
Tuy nhiên ý nghĩ đó không thể nán lại lâu trong đầu khi có những đồ vật thích hợp để làm thành hang ổ một tên cướp trên gác xép. Peter sắm vai tên cướp, tất nhiên. Bobbie là phó thủ lĩnh trong toán cướp đầy tiếng tăm và khi cần thì lại thành phụ huynh của Phyllis - con bé bị bắt cóc - và muốn chuộc con bé thì phụ huynh phải ngay lập tức trả một khoản lớn bằng đậu ngựa.
Cả bọn xuống uống trà, hào hứng vui sướng như những tên lục lâm thứ thiệt.
Nhưng khi Phyllis định phết thêm mứt dẻo và bơ vào bánh mì, mẹ bảo, "Mứt hoặc bơ thôi, con yêu, không được ăn cả mứt lẫn bơ. Giờ mẹ con ta không có tiền để hoang phí thế con ạ."
Phyllis ăn lát bánh mì bơ trong im lặng, lát tiếp theo nó ăn bánh mì với mứt. Peter hòa ý nghĩ với trà loãng.
Sau bữa trà, chúng lại lên gác thượng và Peter nói với hai đứa kia.
"Em nghĩ ra cái này hay lắm."
"Cái gì vậy ?" hai con bé nhũn nhặn hỏi.
"Em không nói," lời đáp thật bất ngờ.
"Ồ, không sao," Bobbie nói; và Phyllis tiếp lời, "Thế thì anh đừng nói."
"Bọn con gái lúc nào cũng nhặng xị hết cả lên," Peter nói. "Chị muốn biết thế bọn con trai thì sao”, Bobbie nói với vẻ coi thường rõ rệt. "Chị chả thèm quan tâm tới ý tưởng ngốc nghếch của em."
"Rồi hai người khắc biết," Peter đáp, không biết chính xác điều thần kỳ nào đã khiến nó giữ bình tĩnh đến vậy; "chỉ vì muốn tốt cho hai người nên em không biết có nên kể ra không. Nếu hai người không hay to chuyện thì em đã kể rồi. Nhưng giờ thì em không kể gì nữa. Vậy xong !"
Và thuyết phục mãi thằng bé mới chịu nói ra, mà cũng chỉ nói một tí chút. Nó bảo, "Lý do duy nhất em không kể cho hai người ý tưởng em sẽ thực hiện là vì nó có thể là việc làm sai trái, và em không muốn lôi hai người vào việc này."
"Nếu sai trái thì em đừng làm, Peter," Bobbie nói; "để chị làm cho."
Nhưng Phyllis lên tiếng, "Em cũng muốn làm điều sai trái nếu anh chị làm."
"Không," Peter nói, cảm động vì sự hy sinh này, "nó là hy vọng duy nhất, và em sẽ thực hiện nó. Tất cả những gì em yêu cầu là nếu mẹ hỏi em đâu thì hai người đừng hớt lẻo."
"Bọn chị biết gì đâu mà hớt lẻo," Bobbie giận dữ.
"Ô, có chứ, hai người biết chứ !" Peter nói, đánh rơi một hạt đậu ngựa qua kẽ tay. "Em vô cùng tin tưởng hai người. Hai người biết đấy, em sẽ lên đường phiêu lưu một mình. Có thể một số người nghĩ việc đó là sai trái, em thì không. Nếu mẹ hỏi em đâu, nhớ nói em đang chơi ở mỏ nhé."
"Mỏ nào ?"
"Chỉ nói mỏ thôi thì ai biết mỏ nào chứ ?"
"Em có thể kể cho bọn chị, Peter."
"Thôi được, là mỏ than. Nhưng dù có bị tra tấn hai người cũng không được để từ đó lọt qua môi đâu đấy."
"Em không phải dọa," Bobbie nói, "chị nghĩ em phải để bọn chị giúp."
"Nếu em tìm ra mỏ than, hai người sẽ phải giúp chuyển than đấy," Peter nhún nhường hứa.
"Hãy giữ bí mật của anh nếu anh thích," Phyllis nói.
"Hãy giữ nó nếu em có thể," Bobbie tiếp lời.
"Em sẽ giữ, nhất định thế," Peter khẳng định.
Giữa bữa trà và bữa tối là khoảng thời gian nghỉ ngơi, kể cả trong những gia đình tham công tiếc việc nhất. Vào giờ đó, mẹ thường viết, còn bà Viney về nhà.
Hai tối sau khi ý tưởng của Peter nảy ra, nó bí mật ra hiệu cho hai đứa con gái vào lúc nhá nhem tối.
"Đi theo em," thằng bé nói, "mang theo cả Roman Chariot đi." Roman Chariot là cái xe nôi rất cũ, vứt xó hàng năm trời trên gác xép nhà xe. Bọn trẻ tra dầu cho đến khi nó lướt êm không tiếng động như xe đạp, và sửa lại tay đẩy như mới.
"Theo người chỉ huy can đảm của các bạn," Peter ra lệnh, dẫn đường xuống dốc hướng về nhà ga.
Trên bãi cỏ nhìn xuống nhà ga có những tảng đá nhô đầu lên như thể chúng cũng thích ngắm đường tàu giống bọn trẻ. Trong một hốc nhỏ giữa ba tảng đá có một lùm mâm xôi và thạch nam khô.
Peter dừng lại, đưa chân mang chiếc giày sứt sẹo lật lùm cây lên mà nói, "Đây là lớp than đầu tiên từ mỏ của Thánh Peter. Chúng ta sẽ lấy xe nôi chở về. Hãy khẩn trương lên. Phải tuân thủ chính xác mọi mệnh lệnh. Bất kỳ viên than có hình khối nào cũng được cắt theo ý khách hàng”.
Xe nôi được xếp đầy than. Xếp xong lại phải dở ra vì nó nặng đến nỗi ba đứa trẻ không thể đẩy lên dốc, ngay cả khi Peter tự thắng cương vào tay xe bằng dây đeo quần, rồi một tay túm chặt thắt lưng ra sức kéo còn hai đứa con gái đẩy phía sau.
Mất ba chuyến mới chở hết số than từ mỏ của Peter về đống than của mẹ trong hầm. Sau đó Peter đi một mình, lúc quay về nó đen sì và bi hiểm.
- Em ở mỏ than về" thằng bé nói; "tối mai chúng ta sẽ chuyển những viên kim cương đen về bằng xe nôi”.
Một tuần sau đó bà Viney bảo với mẹ là chỗ than còn lại đốt mãi mà không thấy hết.
Bọn trẻ ôm nhau cố nén tiếng cười khi nghe tin đó ở cầu thang. Chúng quên khuấy rằng Peter từng băn khoăn không biết việc khai thác than là đúng hay sai.
Rồi đến một đêm đáng sợ khi trưởng ga xỏ đôi giày đi trên cát cũ của ông đã dùng trên bãi biển vào vào kì nghỉ hè, rón rén đi ra sân nơi có đống than của Sodom và Gomorrah (những thành phố tội lỗi bị Chúa trừng phạt trong kinh Thánh) với vạch vôi trắng chạy quanh. Ông rón rén tới đó rình như mèo bên hang chuột. Có vật gì nhỏ nhỏ màu đen đang lạch cạch sờ soạng trên đống than.
Trưởng ga nấp trong bóng tối của một toa công cụ có ống khói thiếc nho nhỏ đề hàng chữ
G.N & S. R
34576
Lập tức quay về Đường tránh Thạch Nam Trắng
và ông cứ nấp ở đó chờ tới lúc vật nhỏ bé trên đống than ngừng lạch cạch sờ soạng, tiến ra rìa đống, thận trọng tụt xuống, kéo theo vật gì đó. Rồi cánh tay của trưởng ga giơ lên, bàn tay chộp lấy một cái cổ áo jacket và thế là Peter bị túm chặt với cái bao thợ mộc cũ đầy than trong nắm tay run rẩy.
"Vậy là cuối cùng tao đã tóm được mày, đúng không, tên trộm nhãi ranh ?" trưởng ga nói.
"Tôi không phải là trộm," Peter nói cứng cỏi hết mức. "Tôi là người khai thác than."
"Đi mà nói với Lực lượng Thủy quân Hoàng gia ấy," trưởng ga đáp.
"Gặp ai tôi cũng sẽ nói thế thôi, vì đó là sự thật," Peter nói. "Mày đang ở hiện trường," ông kia túm cổ Peter nói. "Ngậm mồm lại, thằng lõi con ghê gớm, ra đồn."
"Ồ, không," một giọng sợ hãi kêu lên trong bóng tối, không phải giọng Peter.
"Đừng ra đồn cảnh sát," một giọng khác vang lên.
"Chưa," trưởng ga nói. "Trước hết ra ga đã. Rõ ràng là một băng nhà nghề. Còn những đứa nào nữa ?"
"Chỉ có chúng cháu thôi”, Bobbie và Phyllis bước ra khỏi bóng tối của một toa chở hàng nhãn Stayeley Colliery, mang trên mình cái huyền thoại viết bằng phấn trắng, "Bị bắt trên Đường 1".
"Ông có ý gì khi theo dõi người ta kiểu này ?" Peter giận dữ. "Thì rốt cuộc cũng phải có ai đó theo dõi mày chứ," trưởng ga nói. "Đi ra ga."
"Ôi, xin đừng !" Bobbie nói. "Ông có thể quyết định xử chúng cháu ngay bây giờ không ? Tội của chúng cháu cũng nặng như Peter vậy. Chúng cháu giúp chở than đi, và chúng cháu biết em lấy than ở đâu."
"Không, bọn chị không biết," Peter nói.
"Có, bọn chị biết," Bobbie nói. "Bọn chị biết hết, nhưng giả vờ là không biết để em hài lòng."
Đến đây thì Peter không thể chịu được nữa. Nó khai thác than. Nó vác than. Nó bị bắt và bây giờ nó biết rằng chị và em gái nó đã giả vờ để làm "hài lòng" nó.
"Đừng giữ tôi !" thằng bé nói. "Tôi không thèm chạy đâu." Trưởng ga buông cổ áo Peter ra, đánh một que diêm, nhìn chúng trong ánh sáng chập chờn.
"Giời ạ," ông hỏi, "các cháu là lũ trẻ ở ngôi nhà Ba Ống Khói trên kia. Ăn mặc cũng đàng hoàng. Nói xem điều gì khiến các cháu làm việc này ? Các cháu đã từng đến nhà thờ hay học giáo lý hay thứ gì khác chưa mà không biết ăn cắp là xấu ?"
Ông nói nhẹ nhàng hơn hẳn, và Peter trả lời, "Cháu không nghĩ đây là ăn cắp, cháu hầu như tin chắc là không. Cháu nghĩ nếu lấy từ phía ngoài đống thì có lẽ đúng là ăn cắp. Nhưng lấy ở giữa đống thì cháu nghĩ là có thể coi như khai thác than. Ông phải mất hàng nghìn năm thì mới đốt hết chỗ than đó đặng vào đến giữa đống."
"Không hẳn. Nhưng các cháu lấy để chơi hay để làm gì ?" "Nếu chơi thì chúng cháu không việc gì phải tha bao tải nặng thế này lên dốc," Peter phẫn nộ đáp.
"Vậy tại sao ?" Giọng của trưởng ga ân cần đến nỗi Peter bèn bộc bạch, "Ông biết mấy hôm vừa rồi lạnh ra sao chứ ? Vâng, mẹ nói nhà cháu quá nghèo không thể mua than để đốt lò. Hồi ở ngôi nhà trước đây chúng cháu bao giờ cũng có lò sưởi khi trời rét, thế mà..."
"Đừng !" Bobbie thầm thì ngắt lời.
"Được," trưởng ga nói, đoạn xoa cằm nghĩ ngợi. "Ông cho các cháu biết ông sẽ làm gì. Ông bỏ qua lần này. Nhưng cháu, quý ông trẻ tuổi ạ, hãy nhớ ăn cắp là ăn cắp, cái gì của ông thì không phải là của cháu, dù cháu gọi đó là khai thác. Chạy về nhà đi."
"Ý ông là ông sẽ không làm gì chúng cháu ạ ? Ôi, ông tốt quá," Peter hào hứng nói.
"Ông đúng là đáng yêu," Bobbie tiếp lời.
"Ông đúng là dễ thương," đến lượt Phyllis.
"Được rồi, được rồi," trưởng ga nói.
Và họ chia tay.
"Đừng nói chuyện với em," Peter nói khi cả ba leo dốc. "Hai chị em là gián điệp, là đồ phản bội. Hai chị em là thế đấy !" Nhưng hai đứa con gái quá sung sướng vì có Peter cùng về Ba Ống Khói an toàn và tự do chứ không phải tới đồn cảnh sát nên không hề bận tâm câu nói của nó.
"Bọn chị đã nói bọn chị cũng như em rồi còn gì nữa," Bobbie nói nhẹ nhàng.
"Ờ, như làm sao được."
"Lẽ ra những chuyện như thế này có thể bị đưa ra tòa rồi đấy”, Phyllis nói. "Đừng cố chấp, Peter. Bí mật của anh rất dễ phát hiện đâu phải lỗi của bọn em." Nó khoác tay anh và thằng bé để yên như thế.
"Dù sao cũng có rất nhiều than trong kho rồi," Peter nói. "Ồ, không !" Bobbie nói. "Chị không nghĩ chúng ta nên tự hào về điều đó."
"Em không biết," Peter lấy hết tinh thần đáp. "Ngay cả lúc này em cũng không hoàn toàn chắc rằng khai thác là phạm tội." Hai đứa con gái thì đã hoàn toàn chắc. Và chúng cũng chắc rằng Peter tin chắc như thế dù thằng bé khó tiếp nhận điều này đến đâu chăng nữa.
Chương 3
Ông cụ lịch lãm
Sau cuộc phiêu lưu của Peter với mỏ than, có lẽ bọn trẻ nên tránh xa nhà ga thì tốt hơn. Nhưng không, bởi chúng không thể tránh xa đường tàu. Chúng đã sống cả đời ở một con phố nơi ô tô, xe buýt ầm ì suốt ngày đêm và bất cứ lúc nào cũng có thể thấy xe hàng của người bán thịt, bán bánh và giá nến (tôi chưa từng nhìn thấy xe hàng của người làm giá nến, còn bạn ?). Ở đây trong không gian tĩnh lặng sâu thẳm của vùng nông thôn mơ ngủ, thứ duy nhất chạy qua là các chuyến tàu. Dường như đó là những gì cuối cùng còn lại nối bọn trẻ với cuộc sống cũ xưa kia. Thẳng dưới dốc, đối diện với Ba Ống Khói là đoạn đường hằng ngày sáu bàn chân nhỏ vạch một lối đi qua đồng cỏ mọc đầy giống cỏ thấp xanh rì. Chúng bắt đầu biết đoàn tàu nào sẽ qua vào giờ nào, và đặt tên cho các đoàn tàu đó. Chuyến 9 giờ 15 phút lên được gọi là Rồng Xanh. Chuyến 10 giờ 7 phút xuống là Giun Của Wantley. Chuyến tàu nhanh nửa đêm sầm sập lao qua khiến bọn trẻ đôi khi choàng dậy khỏi giấc mơ được gọi là Nỗi Sợ Hãi Bay Trong Đêm. Một lần Peter thức dậy trong ánh sao lạnh buốt, nhìn thấy đoàn tàu qua rèm cửa, thằng bé tức thời bật ra cái tên đó.
Ông cụ lịch lãm đi trên chính Rồng Xanh. Ông là một ông cụ lịch lãm trông rất tử tế, và có vẻ như ông cũng tử tế, hai cái "tử tế" này khác nhau nhé. Ông có khuôn mặt hồng hào khỏe mạnh, cạo râu cẩn thận, mái tóc bạc phơ, cổ áo hình thù là lạ, và đội cái mũ ống chẳng giống ai. Tất nhiên bọn trẻ lúc đầu không nhận ra những thứ này. Điều đầu tiên chúng chú ý là bàn tay ông.
Đó là vào một buổi sáng, bọn trẻ ngồi trên hàng rào đợi Rồng Xanh. Nó đã muộn ba giờ mười lăm phút theo đồng hồ Waterbury của Peter, món quà nó được tặng trong lần sinh nhật vừa rồi.
"Rồng Xanh đi đến nơi cha mình đang ở," Phyllis nói; "giá nó là rồng thật thì chúng ta có thể chặn nó lại nhờ cõng tình yêu của chúng mình tới cho cha."
"Bọn rồng không cõng tình yêu của con người đâu," Peter nói. "Có, chúng có cõng chứ, miễn ta dạy chúng cẩn thận. Chúng nhận tình yêu rồi mang trên lưng giống như chó cảnh ấy," Phyllis
nói, "và mình để đồ ăn của chúng trên tay mình cho chúng ăn. Sao cha chẳng bao giờ viết cho chúng mình nhỉ ?"
"Mẹ bảo là cha bận lắm," Bobbie nói; "nhưng ít lâu nữa cha sẽ viết thôi, mẹ nói thế."
"Em bảo này”, Phyllis gợi ý, "lát nữa Rồng Xanh đi qua chúng mình cùng vẫy chào nhé. Nếu nó là rồng thần, nó sẽ hiểu và mang tình yêu của chúng mình tới cho cha. Còn nếu không, ba cái vẫy tay cũng có mất gì đâu. Đừng bỏ lỡ dịp này."
Do đó khi Rồng Xanh phì phò lao ra miệng hang, tức là đường hầm ấy, cả ba đứa đứng trên hàng rào ra sức vẫy vẫy khăn mùi soa, chẳng bận tâm khăn sạch hay không sạch. Có điều mấy cái khăn tay thực tế là không sạch.
Từ toa tàu hạng nhất, một bàn tay vẫy lại. Một bàn tay rất sạch, cầm một tờ báo, bàn tay của ông.
Từ đó, đã thành lệ vẫy tay giữa bọn trẻ và tàu lúc 9 giờ 15 phút.
Bọn trẻ, đặc biệt là hai đứa con gái, thích nghĩ rằng có thể ông cụ lịch lãm kia có biết cha, và hay gặp cha "trong công việc" dù cuộc hẹn kín đó có diễn ra ở đâu đi nữa, và kể cho cha nghe sáng nào ba đứa con cha cũng đứng trên hàng rào ở một miền quê xanh tươi xa lắc, vẫy tay gửi tình yêu của chúng tới cha, dù mưa hay nắng.
Bởi vì bây giờ chúng có thể ra ngoài trong mọi thời tiết, hồi còn sống trong biệt thự chúng có vậy đâu. Đây là công của bác Emma, và bọn trẻ ngày càng cảm thấy mình đã không công bằng với bà bác kém duyên, chúng nhận ra rằng mấy đôi ghệt dài và áo mưa mà lúc bác mua cho thì chúng đã cười bác, giờ hóa ra lại có ích biết chừng nào.
Bây giờ mẹ lúc nào cũng rất bận với việc viết lách. Bà đã gửi đi nhiều phong bì dài màu xanh đựng tác phẩm của mình và cũng nhận được những phơng bì lớn đủ cỡ đủ màu. Thỉnh thoảng bà thở dài khi mở phong bì và nói, "Lại một truyện quay về ngủ. Ôi không, ôi không !"
Những lúc đó bọn trẻ rất buồn.
Thỉnh thoảng bà huơ huơ một phong bì mà nói, "Hoan hô, hoan hô, một biên tập viên sáng suốt. Ông ta đã nhận truyện của mẹ, bằng chứng đây."
Thoạt đầu bọn trẻ nghĩ rằng "bằng chúng" là bức thư của biên tập viên sáng suốt kia, nhưng rồi chúng hiểu ra rằng bằng chứng là tập giấy nhỏ dài in truyện của mẹ.
Cứ khi nào có một biên tập viên sáng suốt là có bánh nho cho bữa trà.
Một hôm Peter xuống làng mua bánh nho để đánh dấu sự sáng suốt của một biên tập viên cho truyện Trái đất của trẻ em thì nó gặp trưởng ga.
Peter cảm thấy không thoải mái bởi vì giờ nó đã có thời gian nghĩ lại về vụ mỏ than. Thằng bé không thích chào trưởng ga, như người ta thường làm với bất kỳ ai mình gặp trên đường làng vắng vẻ, bởi vì nó cảm thấy mặt nóng bừng, nóng đến cả hai tai, khi nghĩ rằng có thể trưởng ga không thèm nói chuyện với đứa ăn cắp than. "Ăn cắp" là một từ xấu, nhưng Peter cảm thấy từ ấy đúng. Nên nó nhìn xuống, im lặng.
Nhưng chính trưởng ga đã mở lời "Chào cháu" khi ông đi qua. Peter đáp lại, "Cháu chào ông." Rồi cậu nghĩ, "Có thể ban ngày ông không nhận ra mình. Không thì ông đã chẳng lịch sự thế."
Cảm giác mà ý nghĩ đó gây ra quả là không dễ chịu. Và cậu chạy theo trưởng ga mà chưa biết mình sẽ làm gì. Ông đã đứng lại khi nghe tiếng giày vội vã của Peter thậm thịch trên đường. Cậu chạy lại gần ông, thở hổn hển với đôi tai đỏ tía như mào gà, và nói, "Cháu không muốn ông lịch sự với cháu khi gặp cháu nếu ông không biết cháu là ai."
"Sao ?" trưởng ga không hiểu.
"Cháu nghĩ có thể ông không biết chính cháu là người đã lấy than," Peter tiếp tục, "khi ông nói 'Chào cháu'. Nhưng đúng là cháu. Cháu xin lỗi."
"Dào ôi," trưởng ga nói, "ông hoàn toàn không để bụng chuyện mấy viên than quý hóa kia đâu. Chuyện qua rồi còn để bụng làm gì nữa. Mà cháu đi đâu vội thế ?"
"Cháu đi mua bánh nho cho bữa trà," Peter đáp.
"Ông cứ tưởng là gia đình cháu không có điều kiện," trưởng ga nhận xét.
"Đúng thế ông ạ," Peter tự tin đáp. "Nhưng nhà cháu luôn luôn có dăm ba đồng nửa xu cho bữa trà mỗi khi mẹ bán được một câu
chuyện hay bài thơ hay đại loại thế."
"Ồ," trưởng ga thốt lên, "thế mẹ cháu viết truyện có phải không ?"
"Hay nhất trong số những truyện ông từng đọc nhé," Peter đáp.
"Hẳn cháu rẩt tự hào có người mẹ thông minh như thế ?". "Vâng, nhưng hồi mẹ chưa phải thông minh như thế thì mẹ thường chơi với chúng cháu nhiều hơn."
"À," trưởng ga nói, "giờ ông phải đi có việc. Các cháu cứ đến ga thăm nhà ông khi nào các cháu muốn nhé. Còn về than, nó là một từ mà ồ, không, không, chúng ta không bao giờ được đề cập đến nữa, nhớ chưa ?"
"Cảm ơn ông”, Peter nói. "Cháu rất mừng là mọi việc giữa chúng ta đã rõ ràng."
Và nó đi qua cầu vào làng mua bánh, cảm thấy như trút được gánh nặng vẫn mang theo trong lòng kể từ cái đêm bàn tay ông trưởng ga túm áo nó khi nó đang lấy than.
Hôm sau, khi chúng gửi ba cái vẫy tay tới cha qua Rồng Xanh, và ông già lịch lãm vẫy lại như thường lệ xong, Peter tự hào dẫn đường tới ga.
"Chúng ta có nên không ?" Bobbie hỏi.
"Sau vụ than, ý chị ấy định nói thế," Phyllis giải thích. "Hôm qua em gặp ông trưởng ga," Peter không ngần ngại kể, và vờ không nghe thấy Phyllis nói; "ông có ý mời chị em mình xuống chơi bất cứ lúc nào chị em mình muốn."
"Sau vụ than á ?" Phyllis nhắc lại. "Chờ em tí, dây giày của em lại tuột rồi."
"Nó lúc nào chả tuột” Peter nói, "và ông trưởng ga quân tử hơn đứt em đấy, Phil ạ - em thì chỉ đá đểu người khác là tài." Phyllis buộc lại dây giày và im lặng đi tiếp. Nhưng vai con bé rung lên và tức thời một giọt nước lớn trượt qua mũi rơi tóe xuống bề mặt kim loại của đường ray. Bobbie nhìn thấy.
"Sao, sao vậy, em yêu ?" con bé dừng ngay lại và vòng tay ôm lấy đôi vai đang rung lên.
"Anh ấy bảo em kh...ô...ô...ông quân tử," Phyllis nức nở. "Em chẳng bao giờ bảo anh ấy không dịu dàng. Thậm chí khi anh ấy
buộc Clorinda của em vào bó củi và châm lửa đốt để Clorinda tử vì đạo."
Đúng là Peter đã gây nên trò tàn bạo này một hai năm trước. "Ồ, chính em đã khơi mào, em biết đấy", Bobbie thẳng thắn nói, "về chuyện than và về mọi việc. Em có nghĩ là nên rút lại tất cả những lời mình nói từ lúc vẫy tay và rồi xí xóa mọi chuyện không ?" "Em sẽ làm thế nếu Peter làm thế," Phyllis vừa nói vừa sụt sịt. "Được rồi” Peter nói; "xí xóa mọi chuyện. Đây, dùng mùi soa của anh, Phil, vì Chúa, nếu em lại đánh mất khăn như mọi khi. Không biết em đã làm gì với chúng nữa."
"Cái khăn của em lần trước bị anh lấy," Phyllis tức mình nói, "để buộc cửa chuồng thỏ còn gì nữa. Anh đúng là đồ vô ơn. Đúng y như câu trong quyển thơ, một đứa con không răng còn độc địa hơn một con rắn. Không răng ý nói là vô ơn đấy. Cô Lowe bảo thế."
"Được rồi," Peter sốt ruột nói, "anh xin lỗi. Được chưa ? Bây giờ em có đi không ?"
Chúng đến ga và chuyện trò vui vẻ suốt hai giờ với người trực cổng. Chú ta là người tốt bụng và xem ra trả lời không biết mệt những câu hỏi bắt đầu bằng "Tại sao...", những câu hỏi mà nhiều người có địa vị cao trong xã hội tỏ ra ngán ngẩm.
Chú bảo chúng nhiều điều mà chúng không biết, chẳng hạn như, cái vật dừng để móc các toa xe lại với nhau gọi là móc nối còn những ống giống như con rắn lớn phía trên móc nối là để dừng tàu.
"Nếu tàu đang chạy mà ta nắm được một ống và kéo ra thì cô ấy sẽ đứng khựng lại," người trực nói.
"Cô ấy là ai ạ ?" Phyllis hỏi.
"Tất nhiên là đoàn tàu rồi," người trực trả lời. Từ đó bọn trẻ không bao giờ gọi đoàn tàu là "nó" nữa.
"Và cô cậu biết trong toa có những thứ có dòng chữ đề 'Sử dụng khi không cần thiết bị phạt năm bảng' rồi đấy. Nếu sử dụng khi không cần thiết thì tàu sẽ dừng lại đấy."
"Còn nếu sử dụng khi cần thiết thì thế nào ạ ?" Bobbie hỏi. "Thì nó cũng sẽ dừng lại thôi," chú ta nói, "nhưng không cần thiết nếu không phải bị cướp. Một lần có một quý bà, cũng lớn tuổi rồi, nghe ai bảo đó là chuông phòng điểm tâm giải khát. Thế là bà ấy đã ấn chuông khi không cần thiết, dù đôi thì cũng đâu phải
chuyện gì nguy hiểm đến tính mạng. Khi tàu dừng và bảo vệ đến xem có ai đang gặp nguy hiểm, bà ấy nói, 'Ồ, thưa ông, lấy cho tôi một cốc bia nâu nặng và một bánh ngọt nhân lý gai'. Bà ấy nói thế, còn tàu thì chậm bảy phút so với lịch trình."
"Thế người bảo vệ đã nói gì với quý bà ấy ạ ?"
"Chịu," chú ta đáp, “nhưng dù bác ta nói gì đi nữa thì tôi cá là bà ấy cũng không dễ quên ngay đâu."
Những cuộc chuvện trò thú vị như thế làm thời gian trôi rất nhanh.
Có một đôi lần ông trưởng ga bước ra từ ngôi đền thiêng sau phòng có ô cửa bán vé, và rất vui khi gặp bọn trẻ.
“Cứ như chuyện mình lấy than chưa bao giờ bị phát hiện ấy," Phyllis thầm thì với Bobbie.
Ông cho mỗi đứa một quả cam và hứa hôm nào rảnh sẽ dẫn chúng lên trạm phát tín hiệu.
Vài chuyến tàu qua ga, giờ Peter mới để ý thấy tàu cũng đánh số như ô tô.
"Đúng..” người trực kể, "tôi biết có một chàng trai thường giữ số của mỗi con tàu anh ta gặp vào cuốn sổ màu xanh lá cây có bốn góc bọc bạc, ấy là nhờ có ông bố bán hàng văn phòng phẩm lắm tiền".
Peter nghĩ rằng nó cũng có thể ghi số tàu, dù nó không phải là con trai người bán văn phòng phẩm. Vì nó không có sẵn cuốn sổ xanh lá cây bốn góc bọc bạc nên người trực cổng đưa cho nó một phong bì vàng, nó bèn ghi vào đó và cảm thấy đây là khởi đầu của bộ sưu tập vô cùng thú vị.
Tối hôm đó vào lúc uống trà thằng bé hỏi mẹ xem bà có cuốn sổ bìa da xanh lá cây bốn góc bọc bạc nào không. Mẹ không có. Nhưng khi biết Peter muốn có cuốn sổ để làm gì, mẹ đưa cho thằng bé một cuốn bìa đen nho nhỏ. "Nó bị mất vài trang," mẹ nói, "nhưng còn ghi chép được rất nhiều số, khi nào nó hết mẹ sẽ đưa con cuốn khác. Mẹ rất hài lòng vì các con thích đường tàu, chỉ có điều nhớ là không được đi trên đường ray đâu đấy."
"Không được đi trên đó nếu tàu đang chạy tới phải không mẹ ?" Peter hỏi sau một thoáng tư lự, những ánh mắt thất vọng gặp nhau.
"Không, tuyệt đối không”, mẹ nói.
Rồi Phyllis hỏi, "Mẹ, hồi bé mẹ có bao giờ đi trên đường ray không ?"
Mẹ là một bà mẹ trung thực và tự trọng, nên bà phải trả lời, "Có."
"Đấy, mẹ cũng đi còn gì ?" Phyllis nói.
"Nhưng các con yêu, các con không biết mẹ yêu các con chừng nào. Mẹ biết làm gì nếu các con bị tai nạn đây ?"
"Mẹ yêu chúng con hơn bà yêu mẹ hồi bé chứ ?" Phyllis hỏi. Bobbie ra hiệu cho nó dừng lại, nhưng Phyllis chẳng bao giờ hiểu ý, dù những tín hiệu đó có rõ ràng đến mấy.
Mẹ im lặng một lúc. Bà đứng lên rót thêm nước vào ấm trà. "Chưa từng có ai yêu ai nhiều hơn bà ngoại yêu mẹ," cuối cùng bà nói.
Sau đó bà lại im lặng. Bobbie đá mạnh vào chân Phyllis dưới gầm bàn, bởi vì nó hiểu đôi chút những suy tưởng khiến mẹ im lặng, suy tưởng về thời mẹ còn nhỏ, khi mẹ hãy còn là cả thế giới đối với bà ngoại. Dường như chạy đến bên mẹ mỗi khi gặp điều phiền toái là điều thật dễ dàng và tự nhiên. Bobbie lờ mờ hiểu rằng mọi người vẫn không thôi chạy về bên mẹ mình mỗi khi gặp khó khăn ngay cả khi họ đã lớn. Con bé nghĩ mình hơi hơi hiểu ra rằng mình sẽ buồn lắm khi không còn mẹ để chạy về.
Vậy nên con bé đá Phyllis. Phyllis lập tức hỏi, "Chị đá em như thế để làm gì, Bobbie ?"
Thấy thế mẹ khẽ cười, thở dài và nói, "Thôi được rồi. Mà các con phải biết đường nào tàu về đấy. Và đừng đi trên đường ray gần đường hầm hay các chỗ ngoặt nhé."
"Tàu nào cũng chạy bên trái như tàu chở hàng," Peter giải thích, "nên nếu chúng con đi bên phải, chúng con chắc chắn sẽ biết tàu đang đến."
"Rất tốt," bà nói, và tôi tin chắc bạn nghĩ là bà không nên nói thế. Nhưng bà nhớ lại hồi chính mình còn nhỏ, nên bà đã nói thế. Dù là các con bà, hay bạn hay bất kỳ đứa trẻ nào trên đời thì cũng không thể hiểu chính xác nỗi lòng bà khi bà nói ra hai tiếng đó. Chỉ rất ít người trong các bạn, như Bobbie, có thể hiểu phần nào thôi.
Đúng sau hôm đó mẹ không dậy được vì đau đầu. Bàn tay mẹ nóng như lửa, bà không ăn được gì, cổ họng đau rát. "Nếu tôi là bà, tôi sẽ gọi bác sĩ," bà Viney nói. "Có nhiều chuyện không hay xảy ra mới đây mà ai cũng biết. Chị cả của tôi, bà ấy bị cảm lạnh rồi bệnh chạy vào trong, hai năm trước đúng dịp Giáng sinh, từ đấy bà ấy chẳng bao giờ được như xưa nữa." Lúc đầu mẹ không đồng ý. Nhưng tối đến mẹ cảm thấy yếu đi nhiều, và Peter được cử đi đến ngôi nhà trong làng có ba cây kim tước ngoài cổng, trên cổng là tấm bảng đồng thau có chữ BS. w. w. Forrest.
BS. w. w. Forrest đi ngay lập tức. Ông nói chuyện với Peter trên đường về. Ông có vẻ là người đàn ông rất chi hiểu biết và thú vị. Ông quan tâm đến đường sắt, đến thỏ, đến những điều thực sự quan trọng khác.
Khám cho mẹ xong, ông kết luận là bệnh cúm.
"Bây giờ, thưa Quý cô Mặt Mày ủ Dột," ông nói đùa với Bobbie, "bác cho là cháu muốn làm y tá trưởng hả ?"
"Tất nhiên ạ," con bé đáp.
"Vậy thì bác sẽ kê vài thứ thuốc. Giữ lò sưởi cháy đều, nấu cho mẹ ít nước thịt bò hầm để mẹ uống ngay khi hạ sốt. Giờ mẹ có thể ăn nho, nước cốt bò... xô đa và sữa. Và cháu nên trữ sẵn một chai rượu mạnh. Rượu mạnh loại tốt nhất. Loại rẻ còn tệ hơn thuốc độc."
Con bé bảo bác sĩ liệt kê tất cả các thứ ra giấy. Ông đồng ý. Khi Bobbie chìa cho mẹ xem tờ giấy, mẹ bật cười. Đó là tiếng cười, Bobbie khẳng định, mặc dù nó hơi kỳ cục và yếu ớt. "Vớ vẩn," mẹ nằm trên giường nói, cặp mắt ánh lên như ngọc, "mẹ không thể trả tiền cho tất cả các thứ linh tinh đó. Bảo bà Viney ninh một lạng xương cổ cừu cho các con ăn bữa tối mai và mẹ sẽ dùng ít nước xuýt. Bây giờ mẹ muốn thêm chút nước, con yêu. Con mang chậu vào lau tay cho mẹ nhé."
Roberta vâng lời. Khi làm xong mọi việc giúp mẹ đỡ khó ở, nó đi xuống với các em. Má nó đỏ bừng, môi mím lại, cặp mắt long lanh gần như mắt mẹ.
Nó kể cho các em điều bác sĩ dặn và điều mẹ nói.
"Bây giờ," kể xong Bobbie nói tiếp, "không ai làm thay cho mình được, mình phải tự làm việc này. Chị chỉ có một đồng si linh để
mua thịt cừu."
"Cần gì thịt cừu," Peter nói, "bánh mì và bơ là đủ sống rồi. Nhiều người phải sống trên đảo hoang một thời gian dài mà lương thực còn chả bằng chúng ta ấy chứ."
"Tất nhiên," chị nó tán đồng; và bà Viney được giao một đồng si linh vào làng mua rượu mạnh, xô đa và thịt bò để hầm lấy nước, mua được càng nhiều càng tốt.
"Nhưng thậm chí nếu chúng ta chẳng ăn gì nữa thì cũng không thể mua được toàn bộ những thứ này chỉ với số tiền dành cho bữa tối”, Phyllis nói.
"Không," Bobbie nhíu mày, "phải tìm cách khác. Bây giờ suy nghĩ đi. Tất cả phải cố mà nghĩ."
Bọn trẻ liền suy nghĩ. Và lúc này chúng đang thảo luận. Rồi khi Bobbie lên ngồi với mẹ, nhỡ ra mẹ cần gì, hai đứa em liền bận rộn với kéo, một tấm ga trải giường trắng, một chổi sơn, một lọ sơn Brunswick đen mà bà Viney dùng để sơn vỉ lò và tấm chắn cửa lò. Không làm được đúng thứ chúng muốn với tấm ga đầu, hai đứa bèn rút tấm khác trong tủ quần áo ra. Chúng không hề biết mình đang làm hỏng những tấm ga tốt đắt tiền. Chúng chỉ biết mình đang làm một việc tốt. Nhưng làm gì thì sau bạn sẽ rõ.
Giường của Bobbie được chuyển sang phòng mẹ và trong đêm nó thức dậy vài lần để cời lửa, mang sữa và xô đa vào cho mẹ. Mẹ cứ nói mê suốt.
Một lần mẹ đột nhiên tỉnh giấc mà gọi to, "Mẹ ơi, mẹ ơi !" và Bobbie biết mẹ gọi bà, nhưng mẹ quên mất là có gọi cũng chẳng ích gì vì bà không còn nữa.
Sáng sớm, Bobbie nghe thấy mẹ gọi tên mình, nó bèn nhảy bổ khỏi giường chạy đến bên mẹ.
"Ôi, ồ, à... chắc là mẹ đã ngủ say như chết," mẹ nói, "vịt con tội nghiệp của mẹ, con mệt mỏi quá chừng. Mẹ thật ghét phải chất hết những phiền toái này lên con."
"Đâu có phiền gì ạ !" Bobbie khẽ nói.
"Ôi, đừng khóc, con yêu," mẹ nói; "một hai hôm nữa mẹ sẽ khỏe thôi mà."
Bobbie nói "Vâng," và cố mỉm cười.
Khi ta đã quen ngủ một mạch mười tiếng thì nếu phải thức dậy ba bốn lần trong đêm ta sẽ thấy như thức cả đêm. Bobbie cảm thấy hoàn toàn mụ mẫm, mắt đau nhừ nhưng nó vẫn dọn phòng, sắp xếp mọi thứ gọn gàng trước khi bác sĩ đến.
Giờ đã là tám rưỡi.
"Mọi việc ổn chứ, cô y tá nhỏ ?" ông lên tiếng ở cửa trước. "Cháu kiếm được rượu mạnh chưa ?"
"Cháu có rượu mạnh," Bobbie đáp, "trong một chai vuông nhỏ” "Tuy nhiên bác không thấy nho hay nước cốt bò," ông nhận xét.
"Không," Bobbie nói chắc nịch, "nhưng mai bác sẽ thấy. Và có một ít thịt bò hầm trong lò để lấy nước đấy ạ."
"Ai dạy cháu làm thế ?" ông hỏi.
"Cháu thấy mẹ làm hồi Phil lên quai bị."
"Tốt lắm," bác sĩ nói. "Bây giờ để bà giúp việc ngồi trông mẹ, cháu đi ăn sáng tử tế đi rồi lên giường ngủ một mạch đến bữa tối nhé. Chúng ta không thể chăm nom thêm một y tá trưởng ốm đâu." Ông đúng là một bác sĩ tốt.
Khi chuyến tàu 9 giờ 15 phút ra khỏi đường hầm buổi sáng hôm đó, cụ ông lịch lãm ngồi trong toa hạng nhất đặt báo xuống để sẵn sàng vẫy ba đứa trẻ trên hàng rào. Nhưng sáng nay không có ba đứa, chỉ có một. Và đó là Peter. Peter cũng không ngồi trên hàng rào như thường lệ. Thằng bé đứng trước hàng rào trong tư thế giống như một diễn viên trưng ra các con thú trong vườn xiếc, hay như một giáo sĩ tốt bụng cầm cây đũa chỉ vào bức tranh có cây đèn thần, bức tranh "Những cảnh từ Palestin", mà giải thích này nọ.
Peter cũng đang chỉ trỏ và cái mà nó hướng vào là một tấm vải trắng rộng đóng đinh vào hàng rào. Trên mặt vải là những chữ to màu đen cao hơn ba mươi xăng ti mét. Một số chữ nghiêng ngả bởi vì Phyllis quá hồi hộp lúc quét sơn đen Brunswick lên vải, nhưng vẫn rất dễ đọc.
Và đây là điều mà cụ ông lịch lãm và vài người khác trên tàu đọc được trên tấm vải: "Hãy nhìn ra sân ga." Khá nhiều người nhìn ra ga và thất vọng vì họ không thấy gì khác thường. Cụ ông thoạt đầu cũng chỉ thấy ke ga lát gạch, rồi nắng, quế trúc, lưu ly quanh
sân ga. Cho đến khi tàu bắt đầu phì phò dồn toa thì cụ ông mới thấy Phyllis. Con bé vừa chạy vừa thở không ra hơi.
"Ôi con bé kêu, "cháu cứ nghĩ lần này không gặp được ông cơ. Dây giày của cháu toàn tuột làm cháu ngã hai lần liền. Đây, ông cầm lấy đi ạ."
Nó nhét bức thư ấm hơi người vào tay cụ ông khi đoàn tàu lăn bánh.
Cụ ông tựa lưng vào ghế mà mở bức thư. Đây là những gì ông đọc được:
KÍNH GỬI QUÝ ÔNG MÀ CHÚNG CHÁU không biết tên... Mẹ ốm và bác sĩ nói mua cho mẹ những thứ ở cuối bức thư này, nhưng mẹ bảo không có tiền mua nên dặn chỉ mua thịt cừu cho chúng cháu còn mẹ sẽ uống nước xuýt. Chúng cháu không biết ai ở đây ngoài ông vì cha đi vắng và chúng cháu không có địa chỉ. Cha sẽ trả ông, còn nếu cha mất hết tiền hay có làm sao đấy thì khi nào lớn lên Peter sẽ trả ông. Chúng cháu hứa danh dự. Cháu-nợ-ông tất cả các thứ mẹ cần.
Peter đã ký
Ông đưa giúp gói đồ cho ông trưởng ga nhé vì chúng cháu không biết ông về chuyến tàu nào ? Ông cứ bảo "gửi cho Peter, người đã xin lỗi về chuyện than" là ông ấy sẽ biết ngay. Roberta
Phyllis
Peter
Tiếp theo là bản liệt kê những thứ bác sĩ yêu cầu.
Ông đọc qua bức thư một lần, và nhướng lông mày. Ông đọc lần hai và thoáng mỉm cười. Đọc xong lần thứ ba, ông đút thư vào túi rồi tiếp tục đọc Thời báo.
Vào sáu giờ tối hôm đó, có tiếng gõ cửa sau. Ba đứa trẻ lao ra mở và đứng đó là người trực cổng thân thiết, người đã kể cho chúng nhiều điều thú vị về đường tàu. Chú ta đặt một giỏ hòm mây xuống sàn bếp bằng đá.
"Ông cụ trên tàu nhờ tôi mang đến ngay lập tức," chú nói. "Cảm ơn chú rất nhiều," Peter nói, và rồi, vì người gác cứ nấn ná, nó bèn nói thêm, "Cháu rất tiếc là không có đồng hai xu nào đưa cho chú, như cha, nhưng..."
"Cậu đừng có nói tới chuyện đó," chú ta giận dữ nói. "Tôi thèm gì hai xu chứ. Tôi chỉ muốn nói tôi rất tiếc mẹ cậu không được khỏe và muốn hỏi tối nay bà cảm thấy trong người thế nào. Tôi đã kiếm cho bà ấy ít hoa tầm xuân, rất thơm. Hai xu cơ đấy," chú ta nói và lấy ra một bó tầm xuân giấu trong mũ, y như một ảo thuật gia," sau đó Phyllis đã nhận xét thế.
"Cảm ơn chú rất nhiều," Peter nói, "cháu xin lỗi chú về chuyện hai xu nhé."
"Không có gì," người trực cổng nói, không thật lòng lắm nhưng lịch sự, và quay ra.
Bọn trẻ mở cái hòm. Thoạt đầu là lớp rạ, rồi vỏ bào mịn. Tiếp theo là tất cả các thứ bọn trẻ đã yêu cầu, rất nhiều. Còn lại là bao nhiêu thứ chúng không nghĩ đến, như là đào, rượu poóc tô, hai con gà, một hộp giấy đựng bó hồng đỏ cuống dài, một chai dẹt, cao, màu xanh lá cây đựng nước oải hương, ba chai vuông nhỏ hơn nước hoa và còn có cả một bức thư nữa.
"Các cháu Roberta, Phyllis và Peter yêu quý," bức thư viết; "đây là những thứ các cháu cần. Mẹ các cháu nhất định muốn biết chúng từ đâu ra. Nói với bà là một người bạn nghe tin bà ốm đã gửi tới biếu. Khi bà khỏe lại, các cháu phải thú thật với bà mọi chuyện. Và nếu bà nói các cháu không nên yêu cầu ông, hãy nói rằng ông thấy các cháu làm vậy là hoàn toàn đúng đắn, rằng ông hy vọng bà sẽ thứ lỗi cho ông vì đã tự tiện cho phép mình có một niềm vui lớn."
Bức thư ký G.P. gì đó mà bọn trẻ không luận ra được. "Em nghĩ chúng ta đúng," Phyllis nói.
"Đúng ? Tất nhiên là chúng ta đúng”, Bobbie tiếp lời. "Nhưng mà," Peter nói, hai tay đút túi quần, "em không muốn kể cho mẹ nghe toàn bộ sự thật lắm."
"Khi nào mẹ khỏe thì chúng ta mới kể cơ mà," Bobbie nói, "mà khi mẹ khỏe rồi thì sẽ vui đến nỗi chẳng ai để ý tới chuyện nhỏ đó. Ôi, xem những bông hồng này, chị phải mang lên cho mẹ mới được."
"Và tầm xuân nữa”, Phylllis nói, khịt mũi rõ to, "đừng quên tầm xuân."
"Quên làm sao được chứ," Roberta nói. "Có lần mẹ kể với chị là hồi mẹ còn nhỏ ở nhà bà ngoại có một hàng rào tầm xuân tốt lắm."
Chương 4
Tên trộm trên tàu
Phần còn lại của tấm ga thứ hai và chỗ sơn còn lại vừa đủ để kẻ một băng-rôn mang dòng chữ: "Mẹ sắp khỏe, cảm ơn ông", và cái băng-rôn ấy được trưng ra trước Rồng Xanh khoảng hai tuần sau khi cái giỏ kỳ diệu đến nhà. Cụ ông nhìn thấy, liền vẫy tay vui vẻ từ trên tàu. Và khi công việc này xong thì bọn trẻ nhận thấy đã đến lúc phải kể cho mẹ nghe chúng đã làm gì khi mẹ ốm. Và việc này xem ra không dễ dàng như chúng tưởng. Nhưng phải làm. Và chúng đã làm. Mẹ rất giận. Bà hiếm khi giận song lần này bà giận chưa từng thấy. Thật khủng khiếp. Còn khủng khiếp hơn nữa là bà bỗng nhiên bật khóc. Mà khóc thật dễ lây. Tôi tin là thế, cũng như bệnh sởi và ho gà. Tiếng to tiếng nhỏ, tất cả ngay lập tức hòa mình vào bữa tiệc nước mắt.
Mẹ ngừng khóc trước tiên. Bà lau khô mắt rồi nói, "Mẹ xin lỗi đã nổi cáu với các con, các con yêu, vì các con chưa hiểu chuyện." "Chúng con không định quậy, mẹ ơi", Bobbie nức nở còn Peter và Phyllis sụt sịt.
"Bây giờ nghe mẹ này," mẹ nói; "đứng là chúng ta nghèo. Nhưng chúng ta đủ sống. Các con không được kêu ca với bất kỳ ai về hoàn cảnh nhà mình, làm vậy là không đúng. Và các con không không, không bao giờ được xin người lạ cái gì. Các con sẽ luôn luôn nhớ điều đó chứ ?"
Bọn trẻ ôm mẹ, áp những cái má ướt nhoét vào mẹ và hứa rằng sẽ nhớ.
"Mẹ sẽ viết một bức thư cho ông cụ của các con, bảo ông rằng mẹ không tán thành, ồ, tất nhiên là mẹ sẽ cảm ơn lòng tốt của ông cụ. Mẹ không tán thành là không tán thành việc các con làm, các con yêu của mẹ, chứ không phải ông cụ. Ông cụ là người tốt. Các con có thể đưa bức thư cho ông trưởng ga nhờ chuyển cho ông cụ rồi chúng ta sẽ không nói về chuyện này nữa."
Khi chỉ còn mấy đứa với nhau, Bobbie nói: "Mẹ thật tuyệt vời, phải không ? Các em đã thấy người lớn nào nói xin lỗi vì đã nổi cáu chưa."
"Vâng," Peter nói, "mẹ đúng là tuyệt vời; nhưng lúc nào mẹ cáu thì cũng sợ thật."
"Mẹ giống như Báo thù và Sáng suốt trong bài hát ấy," Phyllis nói. "Em muốn ngắm mẹ nếu lúc đấy trông mẹ không quá đáng sợ như vậy. Khi mẹ giận giận thật là giận ấy, trông mẹ tuyệt đẹp." Chúng mang thư đến trưởng ga.
"Ông nhớ là các cháu nói chỉ có bạn bè ở Luân Đôn thôi mà," ông bảo.
"Chúng cháu mới kết bạn với ông ấy ạ," Peter trả lời. "Nhưng ông ấy không sống ở đây ?"
"Không ạ, chúng cháu biết ông ấy khi ông ấy đi tàu." Sau đó trưởng ga lui vào ngôi đền thiêng sau ô cửa bán vé, và bọn trẻ ra phòng trực nói chuyện với người trực cổng. Chú ta cho chúng biết vài điều thú vị, thí dụ như tên chú là Perks, chú có vợ và ba con, và đèn phía trước tàu gọi là đèn đầu, đèn phía cuối tàu gọi là đèn đuôi.
"Thế thì”, Phyllis nói thầm, "các con tàu chính là rồng ngụy trang, có đầu và đuôi hẳn hoi."
Chính vào hôm đó lần đầu tiên bọn trẻ nhận thấy các con tàu không giống nhau.
"Giống nhau ?" chú Perks nói, "Chúa phù hộ cô, giống làm sao được, thưa cô. Chẳng giống nhau hơn là cô giống tôi đâu. Cái đầu tàu nhỏ không có toa chở than vừa đi qua kia kìa, là xe tăng đấy. Cô ta phải đi để tránh tàu đằng Maidbridge lại. Đó có thể là cô. Còn kia là tàu hàng, to, khỏe, mỗi bên có ba bánh nối với nhau bằng trục để gia tăng lực. Đó có thể là tôi. Còn tàu trên đường chính có thể là quý cậu trẻ tuổi này khi cậu lớn và thắng mọi cuộc đua ở trường. Cậu sẽ thế đấy. Tàu chính vừa có cả tốc độ lẫn sức mạnh. Đó là chuyến tàu 9 giờ 15 phút".
"Rồng Xanh," Phyllis nói.
"Giữa chúng tôi với nhau chúng tôi gọi cô ta là Ốc Sên, thưa cô," người trực nói. "Cô ta thường chạy sau những tàu khác." "Nhưng tàu đó màu xanh lá cây mà," Phyllis nói.
"Phải rồi cô ạ," Perks đáp, "cũng có mùa ốc sên chuyển màu xanh lá cây đấy."
Trên đường về nhà ăn tối, bọn trẻ nhất trí rằng người trực cổng là người bạn lý thú nhất.
Hôm sau là sinh nhật Bobbie. Buổi chiều con bé được yêu cầu một cách lịch sự nhưng cương quyết là tránh ra một chỗ cho đến bữa trà.
"Chị không được xem chúng em làm gì chừng nào mọi việc chưa xong xuôi đấy. Đó sẽ là một bất ngờ hoành tráng," Phil bí mật nói.
Thế là Roberta đi ra vườn một mình. Con bé cố gắng giữ thái độ biết ơn nhưng lại cảm thấy thà được làm cùng các em, dù đó là việc gì đi nữa, còn hơn phải ở một mình suốt buổi chiều sinh nhật, dù cho bất ngờ đó có hoành tráng thế nào đi nữa.
Giờ đây con bé đang ở một mình, có thời gian nghĩ ngợi và một trong những điều nó nghĩ nhiều nhất là mẹ đã nói gì trong đêm sốt mê man khi tay mẹ nóng như lửa và mắt mẹ sáng rực.
Đó là, “Ôi, sẽ lấy gì thanh toán hóa đơn khám bệnh đây." Con bé đi quanh quẩn trong vườn giữa những khóm hồng chưa có nụ nào đơm bông, những bụi tử đinh hương và những cây lý chua châu Mỹ. Càng nghĩ về hóa đơn khám bệnh, nó càng thấy bứt rứt.
Bây giờ Bobbie đã quyết định. Nó đi ra ngoài qua lối cửa bên của khu vườn và leo lên đồng cỏ tới nơi con đường chạy dọc bờ kênh. Nó đi tiếp đến cây cầu bắc qua kênh dẫn đến làng, rồi đợi ở đấy. Trong nắng chiều, thật là dễ chịu khi tì khuỷu tay lên mặt cầu bằng đá ấm áp nhìn xuống dòng kênh xanh. Bobbie chưa nhìn thấy con kênh nào trước đó ngoài kênh Regent, nhưng màu nước ở đó không trong xanh chút nào. Con bé cũng chưa ra sông nào khác ngoại trừ sông Thames. Nhưng sông Thames lẽ ra đẹp hơn nhiều nếu nước sông được làm sạch.
Có thể bọn trẻ sẽ yêu con kênh như yêu đường tàu nếu không có hai lý do. Một là chúng phát hiện ra đường tàu trước, vào đúng buổi sáng đầu tiên khi ngôi nhà và cả vùng nông thôn với những đồng cỏ xanh mướt, những tảng đá nằm yên trên cỏ và những quả đồi bao la đều mới mẻ với chúng. Mãi mấy ngày sau chúng mới nhìn thấy con kênh. Hai là mọi người ở đường tàu đều tốt với chúng, ông
trưởng ga, chú trực cổng, và ông cụ hay vẫy tay với chúng. Còn những người sống trên kênh lại không tốt bụng chút nào. Những người sống trên kênh, tất nhiên là dân lái sà lan. Họ lái những chiếc sà lan chậm chạp ngược xuôi, hoặc đi bên cạnh con ngựa già ì ạch lê bước trên đường lầy lội bùn đất, ra sức kéo sợi dây dài nối với sà lan.
Peter có lần hỏi giờ một người lái sà lan, vậy mà người đó nói "đường của mày đấy à ?" bằng giọng dữ tợn đến nỗi thằng bé không dám đứng lại để phân bua rằng nó cũng có quyền đi trên đường sà lan như chính ông ta vậy. Thực ra lúc đó nó thậm chí không nghĩ đến chuyện đáp lại ngay nữa là.
Một lần khác bọn trẻ muốn tới kênh câu cá thì bị một thằng bé trên sà lan ném than vào chúng và một cục trúng gáy Phyllis lúc nó cúi xuống buộc lại dây giày. Mặc dù cục than không hề làm Phyllis đau chút nào, song nó khiến con bé chẳng còn muốn câu gì nữa.
Tuy thế, ở trên cầu, Roberta cảm thấy rất an toàn, bởi nó có thể nhìn xuống dòng kênh và nếu có thằng nhóc nào đó định ném than, nó có thể tránh sau thành cầu.
Lúc này có tiếng bánh xe, chính là chiếc xe con bé chờ đợi. Là tiếng chiếc xe kéo nhỏ của bác sĩ. Trên xe, tất nhiên, là bác sĩ.
Ông kéo dây cương cho xe dừng lại và chào lớn tiếng, "Xin chào, y tá trưởng ! Cháu muốn đi nhờ không ?"
"Cháu muốn gặp bác," Bobbie đáp.
"Sức khỏe mẹ cháu không xấu đi chứ, bác hy vọng thế ?" ông hỏi.
"Không ạ... nhưng..."
"Ổn rồi, lên xe đi cháu, chúng ta dạo một vòng."
Bobbie leo lên xe và chú ngựa con bờm nâu bị buộc phải quay đầu. Điều này làm nó bất bình vì nó đang mong chờ bữa trà của mình - ý tôi là bữa yến mạch.
"Thích quá đi mất," Bobbie nói khi chiếc xe bay dọc đường bờ kênh.
"Chúng ta có thể ném một viên đá xuống bất kỳ ống khói nào trong Ba Ống Khói của cháu," bác sĩ nói lúc họ phóng qua ngôi nhà. "Vâng," Bobbie nói, "nhưng phải khéo mới ném trúng."
"Sao cháu biết bác không khéo ?" bác sĩ vui vẻ nói. "Bây giờ thì cháu nói đi, có chuyện gì sao ?"
Bobbie mân mê cái móc của tấm vải chắn bùn.
"Nào, nói đi cháu," bác sĩ giục.
"Việc này khá khó nói, bác biết đấy, Bobbie thận trọng, “bởi vì mẹ đã dặn rồi.”
“Mẹ dặn gì ?''
"Mẹ dặn chúng cháu không được kêu ca với bất cứ ai là nhà mình nghèo. Nhưng bác không phải bất cứ ai đúng không ạ ? “Hẳn là không rồi””, bác sĩ mỉm cười. "Sao nữa cháu ?” "Và cháu biết gọi bác sĩ là rất tốn kém – ý cháu là rất đắt và bà Viney kể với mẹ rằng tiền khám chữa bệnh của bà ấy chỉ mất hai xu một tuần vì bà là thành viên câu lạc bộ”
“Thì sao ?”
“Bác ơi, bà ấy bảo cháu bác là một bác sĩ tốt, cháu đã hỏi làm thế nào bà có thể trả tiền cho bác sĩ, bởi vì nhà bà ấy còn nghèo hơn nhà cháu nữa. Cháu đến nhà bà bà ấy rồi nên cháu biết mà. Thế là bà kể chuyện về câu lạc bộ và cháu nghĩ là nên hỏi bác... và ôi, cháu không muốn mẹ lo lắng. Nhà cháu có thể vào câu lạc bộ như bà Viney không ạ ?"
Bác sĩ im lặng. Gia đình ông cũng chẳng mấy khá giả, nếu không thì ông đã hài lòng khi có thêm một gia đình mới tham dự. Do đó tôi cho rằng cảm xúc của ông giây phút này khá là phức tạp. "Bác không giận cháu chứ ?”, Bobbie lí nhí.
"Giận ? Sao bác có thể giận cháu ? Cháu là một cô bé rất sáng suốt. Giờ cháu nghe này, đừng lo lắng. Bác sẽ thu xếp ổn thỏa cho mẹ cháu, dù có phải lập một câu lạc bộ mới đặc biệt dành riêng cho bà thì bác cũng làm. Cháu nhìn xem, đây là nơi cầu máng bắt đầu."
"Cầu... gì ạ ? Tên của nó ấy ?" Bobbie hỏi.
"Cầu dẫn nước," bác sĩ bảo. "Xem kìa."
Con đường leo lên cầu bắc qua dòng kênh. Bên trái là vách đá dốc đứng có những cây và lùm bụi mọc trên kẽ đá nứt. Từ chỗ này, con kênh rẽ trái chạy quanh đỉnh đồi và đổ về cây cầu của riêng nó, một cây cầu lớn với những vòm cao vắt qua thung lũng.
Bobbie hít một hơi thật dài.
"Hùng vĩ quá phải không ạ ?" con bé nói. "Chẳng khác nào mấy bức tranh trong cuốn Lịch sử Roma vậy."
"Đúng !" bác sĩ nói, "chính xác là giống như thế. Người Roma là bậc thầy về cầu máng. Nó là kiệt tác tuyệt mỹ của kỹ thuật." "Cháu cứ tưởng kỹ thuật chỉ là làm tàu hỏa thôi cơ." "Ờ, có nhiều ngành kỹ thuật khác nhau - làm đường, cầu và đường hầm là một ngành. Làm công sự là một ngành khác. Ồ, chúng ta phải quay về rồi. Nhớ là cháu không được lo lắng về hóa đơn kẻo lại phát ốm, lúc ấy thì bác sẽ phải gửi cho cháu một cái hóa đơn dài như cầu máng đấy."
Khi Bobbie chia tay bác sĩ ở đỉnh đồi cỏ trải dài từ đường xuống Ba Ống Khói, con bé không thấy mình làm điều gì sai. Nó biết rằng mẹ có thể nghĩ khác. Nhưng tự đáy lòng nó cảm thấy lần này mình đúng. Với cảm giác hạnh phúc thực sự, Bobbie trèo xuống con dốc nhấp nhô đá sỏi.
Phyllis và Peter đón chị ở cửa sau. Chúng đều sạch sẽ và gọn gàng khác thường. Phyllis cài một chiếc nơ đỏ trên đầu. Chỉ vừa đủ thời gian cho Bobbie chỉnh đốn quần áo và buộc lên tóc một cái nơ xanh trước khi chuông reo.
"Xong !" Phyllis hô, "điều bất ngờ đã sẵn sàng. Bây giờ chị đợi chuông reo lần nữa là vào phòng ăn nhé."
Và Bobbie đợi.
"Tinh, tinh," chiếc chuông nhỏ reo vang ! Bobbie bước vào phòng ăn, cảm thấy hơi xấu hổ. Ngay khi cửa mở, con bé như thấy mình lạc vào thế giới mới của ánh sáng, hoa và tiếng hát.
Mẹ và Peter và Phyllis đứng thành một hàng cuối bàn. Cửa chớp đều đóng lại và mười hai ngọn nến trên bàn, mỗi ngọn tượng trưng cho một tuổi của Bobbie. Bàn ăn phủ đầy các loài hoa, và ở chỗ của Bobbie là một vòng hoa lưu ly dày cùng mấy gói nhỏ vô cùng thú vị. Mẹ cùng Peter và Phyllis đang hát, theo giai điệu đoạn đầu của bài Ngày thánh Pattrick. Bobbie biết rằng mẹ đã viết lời dành cho sinh nhật của nó. Đó là cách thể hiện thân thương mẹ vẫn dành cho mỗi dịp sinh nhật, bắt đầu từ sinh nhật 4 tuổi của Bobbie khi Phyllis mới sinh, Bobbie nhớ nó đã thuộc lời bài hát để cho cha “ngạc nhiên”. Con bé tự hỏi liệu mẹ có còn nhớ không, lời bài hát đó như sau:
Cha yêu quí con vừa lên bốn
Con chẳng muốn lớn hơn số bốn
Bốn là số đẹp nhất cha à
Hai cộng hai bằng một cộng ba
Hai cộng hai là điều con muốn
Mẹ với Pete thêm Phil cùng cha
Điều cha muốn là một cộng ba
Mẹ bên con có Phil cùng Pete
Hãy tặng con gái cha nụ hôn
Cho bài hát con vừa nhập môn
Và bài hát mẹ và các em nó đang hát là:
Roberta yêu quí
Nỗi buồn theo gió đi
Nếu ta cùng ngăn nó
Tránh xa đường Bobbie
Ngày sinh nhật của Bob
Ngày chung vui cả nhà,
Tặng Bob thật nhiều quà.
Hát bài của riêng ta.
Cho niềm vui đến thăm
Và số phận đồng hành
Những ngày tươi đẹp nhất
Theo Bob tròn tháng năm.
Với bầu trời rực rỡ
Bên người thân sum vầy !
Và mừng sinh nhật này,
Bob vô cùng yêu quý !
Khi bài hát kết thúc họ cùng hô, "Ba niềm vui cho Bobbie !" ba lần thật to. Bobbie cảm thấy mình sắp khóc đến nơi - bạn biết cái cảm giác kỳ quặc khi sống mũi cay cay và lan sang mi mắt chứ ? Nhưng mọi người cùng ùa lên ôm hôn con bé, không để nó có thời gian mít ướt.
"Bây giờ con bóc quà đi nào," mẹ nói.
Đó là những món quà thật đẹp. Một cuốn sổ gài kim chỉ hai màu xanh đỏ mà Phyllis đã làm vào những lúc bí mật. Quà của mẹ là một cái ghim nhỏ cài cổ áo tuyệt đẹp có hình hoa mao lương, lâu
nay Bobbie vẫn ước gì có cái ghim như thế nhưng chưa bao giờ nghĩ có ngày được sở hữu nó. Còn một đôi lọ hoa thủy tinh xanh dương của bà Viney mà Bobbie đã thấy và say sưa ngắm nghía trong cửa hàng của làng. Ba tấm thiệp chúc mừng sinh nhật với những hình vẽ ngộ nghĩnh và lời chúc tốt đẹp
Mẹ đặt vòng hoa lưu ly lên mái tóc nâu của Bobbie.
"Giờ nhìn lên bàn đi con," mẹ bảo.
Trên bàn là một cái bánh ga tô phết kem trắng có xếp chữ "Bobbie yêu quý" bằng kẹo hồng. Có bánh nho và mứt dẻo; nhưng điều tuyệt nhất là hầu khắp cái bàn lớn được phủ đầy hoa - hoa quế trúc xếp quanh khay trà - quanh mỗi đĩa có một vòng hoa lưu ly. Chiếc ga tô có một vòng tử đinh hương trắng, và ở giữa bàn là một hình gì đó được xếp từ những bông tử đinh hương, quế trúc và đậu chổi.
"Đây là cái gì ?" Bobbie hỏi.
"Là bản đồ đấy chị, bản đồ đường sắt !" Peter phấn khích. "Nhìn này những dải hoa tử đinh hương là đường ray, 1 nhà ga bằng hoa quế trúc. Hoa đậu chổi là con tàu, kia là các trạm phát tín hiệu, và con đường chạy đến đây, những bông cúc đỏ mũm mĩm này là chúng ta đang vẫy cụ ông, ông kia, bông păng xê trong tàu hoa đậu chổi ấy."
"Và đây là 'Ba Ống Khói' làm bằng hoa báo xuân tía," Phyllis nói. "Nụ hồng nhỏ xíu đó là mẹ chờ chúng ta về dùng bữa trà khi chúng ta về muộn. Peter đã nghĩ ra mọi thứ, và tất cả hoa này hái ở nhà ga. Chúng em nghĩ thế chị sẽ thích hơn."
"Và đây là quà của em," Peter nói và đặt ngay con tàu hơi nước yêu quý của mình lên bàn trước mặt Bobbie. Toa than lót giấy trắng mới tinh và chất đầy kẹo.
"Ôi, Peter," Bobbie kêu lên, choáng ngợp bới lòng hào hiệp ấy, "chẳng phải con tàu nhỏ quý giá mà em rất thích đây sao ?" "Ồ, không," Peter vội nói, "không phải tàu. Chỉ kẹo thôi." Bobbie không thể ngăn một thoáng thay đổi trên gương mặt - không phải vì nó thất vọng khi không được nhận con tàu mà bởi vì nó đã biết rằng con tàu quý giá thế nào đối với Peter, và lúc này nó cảm thấy mình thật ngốc nghếch khi nghĩ thế. Nó cũng cảm thấy mình quá tham lam mong chờ cả tàu lẫn kẹo. Vậy là một thoáng
thay đổi lướt qua. Peter đã nhìn thấy. Thằng bé lưỡng lự một phút; rồi khuôn mặt nó cũng thay đổi, và nó nói, "Em định nói là không phải cả đoàn tàu. Em sẽ cho chị một nửa nếu chị thích."
"Em tốt quá," Bobbie kêu lên; "món quà này thật tuyệt vời." Con bé thấp giọng và tự nhủ thầm, "Một sự hy sinh to lớn của Peter vì mình biết rằng em không định thế. Được rồi, mình sẽ nhận nửa hỏng đem đi sửa rồi tặng lại Peter vào sinh nhật."
“Mẹ yêu quý, con muốn cắt bánh," con bé nói thêm, và bữa trà bắt đầu.
Buổi sinh nhật mới vui vẻ làm sao. Sau bữa trà mẹ cùng chơi với chúng - bất cứ trò nào chúng thích - và đương nhiên trò đầu tiên là bịt mắt bắt dê. Bobbie mải đùa nghịch mà không hay biết vòng hoa lưu ly bị xoắn lại lủng lẳng ở một bên tai từ lúc nào. Gần đến giờ đi ngủ, ba đứa ngồi bên nghe mẹ đọc câu chuyện thú vị mẹ mới viết.
"Mẹ đừng thức khuya làm việc, mẹ nhé !" Bobbie nhắc lúc chúc mẹ ngủ ngon.
Và mẹ nói không, mẹ sẽ không thức khuya - mẹ chỉ viết thư cho cha rồi đi ngủ.
Nhưng khi Bobbie rón rén đi xuống lấy quà lên phòng - con bé cảm thấy không thể xa chúng cả đêm - thì nó thấy mẹ không ngồi viết mà gục đầu xuống hai cánh tay trên bàn. Bobbie thật ngoan, đã nhẹ nhàng quay gót, nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, "Mẹ không muốn mình biết mẹ buồn, mình sẽ không biết, mình sẽ không biết." Nhưng điều đó để lại một dấu chấm hết buồn cho ngày sinh nhật.
Buổi sáng hôm sau Bobbie bắt đầu nghĩ làm sao để bí mật mang con tàu của Peter đi sửa. Và cơ hội đến ngay chiều hôm đó. Mẹ đi tàu đến thị trấn mua đồ. Lần nào tới đó mẹ cũng đều rẽ vào bưu điện. Chắc là để gửi thư cho cha, vì mẹ không bao giờ đưa cho bọn trẻ hay nhờ bà Viney bỏ thư, và mẹ cũng không bao giờ vào làng. Peter và Phyllis đi cùng mẹ. Bobbie muốn viện cớ ở nhà nhưng chịu không nghĩ ra cớ gì. Và đúng vào lúc nó đành quy hàng, váy của nó móc vào cái đinh to ở cửa bếp làm rách một miếng to tướng đằng trước. Tôi bảo đảm với bạn rằng đây thực sự là do sơ ý. Do đó mọi người thông cảm cho con bé và để nó ở nhà, vì không còn thời
gian thay đồ, bởi vì đã khá muộn rồi và mọi người còn phải vội vã ra ga cho kịp tàu.
Khi cả nhà đã đi, Bobbie mặc bộ đồ hằng ngày rồi đi xuống đường tàu. Nó không muốn ra ga nên đi dọc đường tàu đến cuối ke ga nơi đầu máy đỗ khi tàu về, ở đó có bể nước và một vòi da dài mềm như vòi voi. Con bé giấu mình sau một bụi cây phía bên kia đường tàu. Con tàu đồ chơi gói trong giấy nâu. Nó kẹp gói giấy dưới nách và kiên nhẫn đợi.
Khi chuyến tàu tiếp theo về và dừng lại, Bobbie đi qua đường ray, đến bên con tàu. Nó chưa bao giờ lại gần tàu đến thế. Con tàu trông to lớn hơn và dữ tợn hơn nó tưởng làm cho nó cảm thấy mình rất chi nhỏ bé, và rất yếu ớt như thể chỉ cần sẩy một cái là bị trọng thương dễ như không.
"Giờ mình đã biết lũ tằm cảm thấy ra sao," Bobbie tự nhủ. Người lái tàu và người đốt lò không nhìn thấy con bé. Họ đang cúi người sang phía bên kia, kể cho người trực nghe chuyện về một con chó và một cái chân cừu.
"Thưa bác," Roberta nói, nhưng tàu đang xả hơi nước nên không ai nghe thấy tiếng nó.
'Thưa bác, bác lái tàu," nó nói to hơn, nhưng đúng lúc đó con tàu tình cờ lên tiếng, và tất nhiên ai mà nghe được giọng nói nhỏ thanh thanh của Bobbie.
Xem ra chỉ còn cách leo lên tàu mà kéo áo họ. Bậc lên rất cao, Bobbie tì đầu gối leo lên buồng lái. Con bé loạng choạng bò dưới chân một đống than to dẫn đến cửa toa than. Đầu máy cũng chẳng hơn gì những kẻ tùy tòng của mình; nó gầm lên quá cỡ cần thiết. Và đúng lúc Roberta ngã xuống đống than, người lái tàu quay lại mà không nhìn thấy con bé và liền cho tàu khởi động, khi Bobbie đứng dậy được thì con tàu đang chuyển động - không nhanh, nhưng quá nhanh nên con bé không thể tụt xuống.
Mọi ý nghĩ khủng khiếp cùng ập đến trong chớp mắt kinh hoàng ấy. Giả sử đây là tàu nhanh, chạy hàng trăm dặm không đỗ. Nếu đúng như thế thì sao ? Nó sẽ quay về nhà bằng cách nào ? Trong khi nó không có tiền để mua vé về.
"Và mình chẳng có phận sự gì ở đây. Mình là một tên trộm đường tàu - mình chính là như thế” Bobbie nghĩ. "Mình sẽ không bất
ngờ nếu họ nhốt mình vì việc này." Con tàu chạy mỗi lúc một nhanh. Một cái gì đó chặn trong cổ họng làm Bobbie không cất lên lời. Con bé cố thử hai lần. Hai người đàn ông quay lưng lại phía Bobbie.
Họ đang làm gì đó với những thứ trông giống vòi nước. Bỗng nhiên con bé thò tay ra và túm được tay áo gần nhất. Người đó giật mình quay lại, ông ta và Bobbie trân trân đứng nhìn nhau chừng một phút. Rồi cùng một lúc cả hai lên tiếng phá vỡ sự im lặng.
Ông ta nói, "Có một bất ngờ đây !" còn Bobbie òa lên khóc. Người còn lại nói ông ta quá bất ngờ - hay đại loại thế - mặc dầu rất ngạc nhiên, nhưng rõ ràng họ không phải là người xấu. "Cô là một con nhỏ quậy phá đây, không sai vào đâu được” người thợ đốt lò nói, và người lái tàu bảo, "Tôi thì gọi đây là một đứa bạo gan” nhưng họ cho nó ngồi xuống một cái ghế sắt trong buồng lái, bảo nó thôi khóc và kể cho họ nghe nó muốn gì. Bobbie ngừng khóc ngay khi ngừng được. Có một điều an ủi nó là cái ý nghĩ Peter sẽ đổi hầu hết đồ chơi của mình để có được vị trí của nó - trên một con tàu thật - đang chạy thật. Bọn trẻ thường tự hỏi liệu có người lái tàu nào tử tế đến mức cho chúng lên đầu máy hay không, đúng như nó bây giờ. Bobbie lau khô mắt và khịt mũi một cách dứt khoát.
"Giờ thì” ông đốt lò nói, "kể đi. Cháu định làm gì, hả ?" "Ôi, xin bác," Bobbie khịt mũi, và lại im.
"Cố lần nữa đi," ông lái tàu động viên.
Bobbie cố lần nữa.
"Thưa bác lái tàu”con bé kể, “cháu đã gọi các bác từ dưới đường tàu, nhưng các bác không nghe thấy, cháu chỉ leo lên để kéo tay bác, cháu định kéo nhẹ thôi nhưng cháu bị ngã vào đống than, cháu rất xin lỗi đã làm các bác sợ. Ôi, xin đừng giận, cháu xin đấy !" con bé lại khịt mũi.
"Bọn ta không giận," ông đốt lò nói, "bọn ta chỉ quan tâm thôi. Chả phải ngày nào cũng có một cô bé rách trời rơi xuống đống than của chúng ta, phải không Bill ? Cháu làm thế để làm gì hả ?”
"Vấn đề ở chỗ đó," ông lái tàu tán đồng, “cháu làm thế để làm gì ?"
Bobbie nhận ra nó đã nín hẳn. Ông lại vỗ vào lưng nó mà bảo, "Thế, vui lên, bạn nhỏ. Chuyện không tồi tệ như thoạt tiên đâu, bác đảm bảo đấy."
"Cháu muốn," Bobbie nói, phấn khởi vì được gọi là "bạn", "cháu chỉ muốn hỏi các bác có thể làm ơn sửa giúp cháu cái này không ạ ?" Nó nhặt gói giấy nâu từ đống than và cởi dây bằng những ngón tay nóng đỏ run rẩy.
Bàn chân và bắp chân Bobbie rát đỏ vì lửa buồng đốt, nhưng hai vai cảm thấy luồng không khí lạnh buốt quạt qua. Con tàu lắc lư hết bên nọ sang bên kia, khi họ phóng qua gầm cầu tiếng động cơ như gào trong tai Bobbie.
Người đốt lò xục xẻng vào đống than.
Bobbie mở tờ giấy nâu lấy con tàu đồ chơi ra.
"Cháu nghĩ là," con bé nói vẻ đăm chiêu, "có thể các bác sửa được cái này cho cháu - bởi vì bác là lái tàu."
Người lái tàu nói rằng ông ta sẽ đi đầu xuống đất nếu ông ta khéo tay thế.
"Tôi mà khéo tay thế thì tôi đi đầu xuống đất," người đốt lò tiếp lời.
Nhưng rồi người lái tàu cũng cầm món đồ chơi lên ngắm nghía, và người đốt lò tạm ngừng tay xẻng để cùng xem xét. "Xem ra cháu khá không biết điều," ông lái nói, "cái gì khiến cháu nghĩ là chúng ta sẽ mày mò sửa cái đồ chơi rẻ tiền này cho cháu ?"
"Cháu biết điều mà," Bobbie đáp; "chỉ là mọi người ở đường tàu rất tử tế và tốt bụng, cháu không nghĩ là các bác sẽ từ chối. Phải không bác ?" nó nói thêm khi nhìn thấy hai người nháy nhau theo kiểu không có ý gì xấu xa.
"Nghề của bác là lái tàu, không phải sửa tàu, nhất là con tàu nhỏ xíu như thế này," Bill nói. "Bây giờ các bác sẽ gửi cháu về với bạn bè và gia đình vì họ đang lo lắng cho cháu, rồi thì ta cho qua và quên đi tất cả nhé ?"
"Nếu các bác cho cháu xuống ga sau," Bobbie bạo dạn nói mặc dù trái tim nó đập hoảng loạn trong khi bàn tay siết chặt, "và cho cháu vay tiền mua vé hạng ba, cháu sẽ trả các bác sau - cháu hứa
danh dự. Cháu không phải là kẻ lợi dụng lòng tốt như trên báo đâu, không hề."
"Cháu là con cái nhà tử tế, không có gì phải nghi ngờ điều đó," Bill nói, bỗng nhiên thấy mủi lòng. "Các bác sẽ giúp cháu về nhà an toàn. Còn về con tàu nhỏ này, Jim, cậu có người bạn làm hàn phải không ? Xem ra chỉ một mẩu que hàn là xong thôi."
"Đó chính là thứ mà cha nói," Bobbie hăm hở giải thích. "Cái này để làm gì ạ ?"
Con bé chỉ vào bánh xe nhỏ bằng đồng thau mà Bill quay trước khi nói.
"Đó là cái xi lanh."
"Xi... gì ạ ?"
"Xi lanh để bơm đầy nồi hơi."
"Ôi," Bobbie nói, ra sức ghi nhớ để về kể cho các em; "hay quá đi mất."
"Đây là cái phanh tự động," Bill tiếp tục, phấn khởi vì con bé tỏ ra hứng thú. "Cháu quay cái tay cầm nhỏ nhỏ này, cháu chỉ cần dùng một ngón tay là được - thế là đoàn tàu khẩn trương dừng lại. Cái đó trên báo người ta gọi là Sức mạnh Khoa học đấy."
Bill chỉ cho nó hai mặt số nhỏ, giống như mặt đồng hồ, và bảo nó một mặt số xác định lượng hơi nước dẫn vào như thế nào, còn mặt kia cho biết phanh hoạt động ra sao, tốt hay không tốt.
Tới lúc Bobbie nhìn thấy người lái tàu đóng van hơi nước bằng một cái tay cầm lớn bằng thép sáng bóng, nó đã biết về hoạt động bên trong của một con tàu nhiều hơn tất cả những gì đã biết trước kia, và Jim đã hứa rằng anh vợ của anh họ bác ta có thể hàn con tàu đồ chơi, không thì bác ta cũng sẽ biết tàu trục trặc gì. Ngoài những hiểu biết mà Bobbie thu hoạch được, con bé cảm thấy nó và Bill cùng Jim sẽ là bạn suốt đời, họ hoàn toàn và mãi mãi tha thứ cho việc nó đã tự tiện ngã vào đống than quý giá trong toa than của họ.
Ở ga đầu mối Stacklepoole, con bé và hai người chia tay với những lời chào hỏi sẻ chia ấm áp. Họ gửi con bé cho trưởng tàu của một chuyến tàu ngược hướng - một người bạn của họ - và con bé sung sướng được biết các trưởng tàu làm gì trong sự vội vã bí mật của họ, và hiểu rằng, khi bạn kéo dây báo động trong các toa xe, dù
cần thiết hay không cần thiết, một bánh xe sẽ quay ngay dưới mũi trưởng tàu và một cái chuông réo lên bên tai ông. Bobbie hỏi trưởng tàu tại sao cái van của ông tanh mùi cá thì biết ông phải chở rất nhiều cá mỗi ngày, và nước trong những khe dưới sàn tàu là nước chảy ra từ các hộp cá bơn sao, cá tuyết, cá thu đào và cá ốt me.
Bobbie về đến nhà vừa kịp bữa trà, nó cảm thấy dường như đầu mình vỡ tung với vô số hiểu biết được nạp vào từ lúc chia tay mẹ và các em. Xin cảm tạ cái đinh vì đã làm rách áo ! "Chị đi đâu về thế ?" "Tới ga chứ đâu nữa," Bobbie đáp. Nó không hé một lời về cuộc phiêu lưu cho đến tận ngày đã hẹn, nó lẳng lặng dẫn chúng tới ga vào lúc tàu 3 giờ 19 phút về ga, và tự hào giới thiệu các em với những người bạn của mình, Bill và Jim. Người anh vợ của anh họ Jim đã không phụ lòng tin thiêng liêng vào mình. Con tàu đồ chơi, nói không ngoa, lại đẹp như mới.
“Tạm biệt, ôi, tạm biệt," Bobbie nói, đúng lúc con tàu reo hồi còi từ biệt “Cháu sẽ luôn luôn yêu quý các bác, cũng như anh vợ của anh họ Jim !"
Và khi bọn trẻ leo đồi về nhà, Peter ôm con tàu, giờ nó lại là chủ nhân, duy nhất của con tàu, trong khi Bobbie kể với trái tim ngập tràn niềm vui câu chuyện nó đã làm một tên trộm tàu như thế nào.
Chương 5
Những tù nhân và những người bị giam cầm
Đó là vào ngày mẹ đi Maidbridge. Mẹ đi một mình, và bọn trẻ ra ga đón bà. Vốn thích đường tàu nên đương nhiên chúng có mặt cả giờ trước khi chuyến tàu của mẹ về, kể cả về đúng giờ, điều mà ai cũng biết rất khó xảy ra. Tất nhiên là chúng sẽ có mặt thật sớm, nếu đó là ngày đẹp trời, để hân hoan nhìn ngắm cánh rừng, đồng cỏ, những tảng đá và dòng sông hiện ra trước mặt. Nhưng hôm ấy lại trúng vào một ngày mưa và quá lạnh đối với thời tiết tháng Bảy. Cơn gió lạnh lùa những đám mây màu tía sẫm chạy tan tác khắp bầu trời "như những đàn voi trong mơ", theo cách nói của Phyllis. Và mưa buốt như kim châm nên gần tới ga chúng phải co cẳng chạy. Sau đó mưa rơi mau hơn, nặng hạt hơn, đập xiên vào các ô cửa sổ phòng bán vé và gian phòng lạnh giá có dòng chữ Phòng Đợi Chung trên cửa. "Giống như trong một lâu đài bị bao vây vậy !", Phylis nói “nhìn tên của kẻ thù bắn vào tường thành kìa !”
“Nó giống nước bắn ra từ vòi tưới cây hơn nhiều !”, Peter nói. Bọn trẻ quyết định đợi ở phía tàu xuôi vì ke ga tàu ngược đầy nước, và mưa thì đang hắt vào khu lán nhỏ lạnh lẽo nơi hành khách đứng đợi tàu ngược.
Một tiếng đồng hồ đầy những chuyện thú vị, vì co hai chuyến tàu xuôi, một chuyến ngược cho bọn trẻ xem trước khi tàu của mẹ xuất hiện.
"Có thể đến lúc ấy mưa sẽ tạnh, Bobbie nói; "song chị vẫn thấy may mà mình mang sẵn áo mưa và ô cho mẹ."
Chúng đi vào căn phòng trống gọi là Phòng Đợi Chung và thời gian trôi qua khá vui vì chúng bận chơi trò quáng cáo. Hẳn bạn biết trò chơi này chứ ? Nó có phần giống trò Crambo câm. Mỗi người chơi lần lượt ra ngoài, sau đó quay lại và diễn như trong một tin quảng cáo nào đó. Những người khác phải đoán xem đó là quảng cáo gì. Bobbie bước vào ngồi dưới ô của mẹ, thể hiện vẻ mặt láu lỉnh, và mọi người biết rằng đó là con cáo ngồi dưới cái ô trong quảng cáo. Phyllis cố làm một cái thảm thần bằng áo mưa của mẹ, nhưng cái áo không cứng và phẳng như cái thảm nên chẳng ai đoán được. Mọi người nghĩ rằng Peter đã quá đà khi bôi đen mặt bằng bụi
than và làm những điệu bộ nghều ngào nói mình là hình quảng cáo cho mực viết xanh đen.
Lại đến lượt Phyllis, con bé đang cố sao cho trông giống con Nhân sư trong quảng cáo Tên-Anh-Ta-Là-Gì cho các tuyến du lịch ngược sông Nin thì tiếng chuông báo tàu qua lảnh lót vang lên. Bọn trẻ ùa ra xem. Trên tàu là người lái và người đốt lò - Bill và Jim, những người mà bọn trẻ tính vào danh sách bạn thân thiết nhất. Họ hỏi han nhau thật thân mật. Jim hỏi thăm về con tàu đồ chơi. Bobbie khăng khăng nài Jim nhận một cái bọc ẩm và dính mỡ gói thứ kẹo bơ cứng do con bé tự làm.
Xúc động bởi sự quan tâm này, người lái tàu hứa sẽ cân nhắc việc cho Peter đi cùng họ một ngày nào đó như Bobbie đã xin. "Lùi lại, các bạn," bỗng người lái tàu kêu lên, "tàu chạy đấy." Và con tàu rời ga. Bọn trẻ nhìn theo đèn đuôi cho tới khi nó biến mất sau khúc ngoặt. Chúng trở lại không gian trống trải bụi bặm của Phòng Chờ Chung, tiếp tục trò quảng cáo đầy lý thú. Ba đứa trẻ cứ nghĩ chúng sẽ chỉ nhìn thấy ở đó một hai người thôi, những người còn trụ lại trong đám hành khách đã vứt vé đi về. Nhưng hóa ra trên ke ga trước cửa ga có một đám đông đang xúm đen xúm đỏ.
"Ố ồ !" Peter háo hức kêu, "có chuyện gì đó rồi ! Ra xem đi !" - J
Bọn trẻ chạy ra ke ga. Khi đến chỗ đám đông, tất nhiên là chúng chả nhìn thấy gì ngoài bức tường toàn lưng và khuỷu tay của những người đứng vòng ngoài. Ai cũng xì xào bàn tán. Rõ ràng đã có chuyện xảy ra.
"Tôi thấy gã này còn kinh hơn cả bọn đầu đường xó chợ," một ông trông có vẻ là nông dân nói. Peter có thể trông thấy khuôn mặt đỏ lựng, râu ria nhẵn nhụi của ông ta.
"Nếu các vị hỏi tôi, tôi sẽ trả lời đây là việc của cảnh sát," một thanh niên xách cặp đen lên tiếng.
"Không được; nên đưa vào bệnh viện thì hơn..."
Tiếp theo là giọng của trưởng ga, đanh thép và oai vệ, "Nào mời các vị tránh ra nào. Xin cứ để việc này cho tôi."
Nhưng đám đông không nhúc nhích. Và sau đó một giọng nói vang lên, thấm vào trí não bọn trẻ. Một ngôn ngữ xa lạ. Hơn nữa, là
thứ ngôn ngữ bọn trẻ chưa nghe thấy bao giờ. Chúng đã nghe thấy tiếng Pháp, tiếng Đức. Bác Emma biết tiếng Đức, bác thường hát một bài về bedeuten và zeiten, bin và sin. Cũng không phải tiếng Latinh. Peter đã học tiếng Latinh bốn học kỳ.
Dù sao, cũng may là chẳng ai trong đám đông hiểu thứ tiếng đó hơn bọn trẻ.
“Gã ta nói gì thế nhỉ ?" Ông nông dân hỏi, giọng nặng trình trịch.
“Tôi nghe như tiếng Pháp ấy," trưởng ga đã có lần đến Boulogne nói.
"Không phải tiếng Pháp đâu ạ !" Peter kêu lên.
“Thế thì nó là tiếng gì ?" nhiều giọng lao nhao hỏi. Đám đông nghiêng lại phía sau xem ai nói và Peter lách lên trước, nên khi họ lại túm lại thì nó đã chui được vào vòng trong cùng.
“Cháu không biết là tiếng gì," Peter nói, "nhưng cháu biết không phải là tiếng Pháp ạ." Và nó nhìn thấy cái nằm chính giữa đám đông. Đó là một người đàn ông, chính cái ông đã nói thứ tiếng xa lạ kia, Peter không nghi ngờ gì nữa. Ông ta tóc dài, cặp mắt thất thần, mặc bộ quần áo cũ nát theo kiểu. Peter chưa từng thấy. Với đôi tay và đôi môi run rẩy, ông ta lại nói khi nhìn thấy Peter.
“Không... không phải tiếng Pháp," Peter nói.
"Cậu biết tiếng Pháp thì thử nói với ông ta xem," ông nông dân nói.
“Parlay voo Frongsayay ?" (ông biết nói tiếng Pháp không ?) Peter bắt đầu một cách tự tin. Khoảnh khắc sau đó đám đông lại lùi lại vì người đàn ông đã rời khỏi bức tường mà ông ta đang tựa lưng, rướn người về phía trước nắm lấy hai bàn tay Peter và bắt đầu tuôn ra một dòng thác ngôn từ mà Peter không hiều một chữ nào, cậu chỉ nghe được âm thanh của nó.
“Đấy,””, cậu nói và quay lại, hai bàn tay vẫn nắm trong tay người đàn ông ăn bận tồi tàn, để ném một cái nhìn đắc thắng lên đám đông. “Đấy mới là tiếng Pháp ạ”
“Ông ta nói gì ?”
“Cháu không biết ạ””, Peter phải thừa nhận.
“Ồ, vui lòng tránh ra xa nào” trưởng ga nói, “tôi sẽ xử lý trường hợp này”
Vài hành khách hoặc rụt rè hơn hoặc ít thóc mách hơn đành từ từ tản ra. Bobbie và Phyllis tiến sát vào chỗ Peter. Cả ba đều được dạy tiếng Pháp ở trường. Và lúc này, chúng ao ước mình học giỏi tiếng Pháp biết bao. Peter lắc đầu với người đàn ông xa lạ và đồng thời siết tay ông ta một cách nồng hậu, nhìn ông ta càng trìu mến càng tốt. Một người trong đám đông, sau một lát phân vân, bỗng nhiên nói “”thôi chịu””, và đỏ bừng mặt, lách đám đông, bỏ đi.
Trưởng ga nắm tay người đàn ông, bất ngờ nhưng không thô bạo. Nhưng ông ta giật lại và gập lưng xuống ho hắng, run rẩy, cố đẩy trưởng ga ra.
"Ồ, xin đừng" Bobbie nói, "ông không thấy ông ấy sợ hãi sao ? Ông ấy nghĩ rằng ông sẽ bắt nhốt ông ấy. Cháu biết ông ấy nghĩ thế - ông cứ nhìn mắt ông ấy xem"
"Nhìn cứ như mắt một con cáo khi sa bẫy," ông nông dân nói. "Ồ, cháu thử xem ạ !" Bobbie tiếp tục; "Cháu thực sự biết vài từ tiếng Pháp mà, nếu cháu tập trung thì cháu sẽ nhớ lại." Thỉnh thoảng, trong những giây phút cực kỳ cấp thiết, chúng ta có thể làm những điều kỳ diệu - những điều mà trong đời sống hằng ngày chúng ta có mơ cũng khó lòng làm được. Bobbie chưa bao giờ mon men đến gần nhóm được xếp vào diện đỉnh về môn tiếng Pháp, nhưng chắc chắn là con bé đã học được ít nhiều mà không tự biết, vì lúc này, nhìn vào cặp mắt thất thần khiếp đảm kia, nó đã thực sự nhớ lại, và hơn nữa, nói được, vài từ tiếng Pháp. Con bé nói - "Vous attendre. Ma mère parlez Francais. Nous - tiếng Pháp 'tử tế' là gì nhỉ ?" (“ông đợi nhé. Mẹ biết nói tiếng Pháp. Chúng cháu…) Không ai biết.
"Bong là 'tốt", Phyllis nói.
"Nous être bong pour vous"
Tôi không biết người đàn ông có hiểu những lời con bé nói không, nhưng ông ta hiểu sự dịu dàng khi bàn tay con bé đặt vào tay ông, và sự trìu mến khi bàn tay kia vuốt nhẹ tay áo sờn của ông.
Con bé nhẹ nhàng kéo ông về phía ngôi đền thiêng của trưởng ga. Hai đứa em theo sau, và trưởng ga đóng cửa trước mặt đám đông. Họ đứng lại trong phòng bán vé, vừa nhìn cánh cửa màu vàng đóng kín vừa bàn tán, rồi từng người, từng đôi lầm bầm bỏ đi.
Trong phòng của trưởng ga, Bobbie vẫn nắm tay ông ngoại quốc và vuốt tay áo ông.
"Ông này đi tàu không vé," trưởng ga nói, "thậm chí còn không biết mình đi đâu. Chắc là ông phải giao ông ta cho cảnh sát thôi." "Ồ, không !" bọn trẻ đồng thanh kêu lên. Và bỗng nhiên Bobbie chen vào giữa ông ngoại quốc và những người khác, vì con bé đã thấy ông ta khóc.
Thật là may mắn bất thường khi nó lại có một chiếc mùi soa trong túi. Và còn bất thường hơn nữa là lần này chiếc khăn khá sạch. Đứng trước mặt ông, nó rút chiếc khăn ra đưa cho ông, tránh không để những người khác nhìn thấy.
"Đợi đến khi mẹ về," Phyllis nói; "mẹ nói tiếng Pháp tuyệt hay. Ông sẽ thích nghe cho mà xem."
"Cháu chắc rằng ông ấy không làm gì để đến nỗi phải vào tù," Peter nói.
"Trông thì chưa thể biết," trưởng ga nói. "Được, cho ông ta chờ tới khi mẹ các cháu đến cũng được. Ông cần biết ông ta là người nước nào, đó là điều ông cần."
Sau đó Peter nghĩ ra một cách. Nó rút từ túi ra một phong bì đựng toàn tem nước ngoài đầy tới phân nửa. "Đây rồi," nó nói, "chúng ta hãy cho ông ấy xem..."
Chúng chỉ cho ông một cái tem Ý, rồi chỉ từ ông sang cái tem và ngược lại, nhướng lông mày ra ý hỏi. Ông ta lắc đầu. Chỉ sang cái tem Na Uy - màu xanh nước biển - ông lại ra hiệu không phải. Sau đó là một cái tem Tây Ban Nha, đến đây thì ông ta cầm lấy phong bì và tay run run tìm kiếm. Cuối cùng, với một cử chỉ ra hiệu trả lời, ông chìa một con tem Nga ra.
"Ông ấy là người Nga," Peter kêu lên, "hay là ông ấy giống như cái người trong truyện của Kipling, mọi người biết đấy. Nước Nga là một nơi khủng khiếp. Nên ông ấy mới sợ thế. Họ đối xử tồi tệ với ta không vì lý do gì - mẹ bảo thế."
Con tàu từ Maidbridge kéo còi.
"Cháu sẽ ở lại với ông ấy chờ mọi người đưa mẹ vào," Bobbie nói.
"Cháu không sợ sao, cháu bé ?"
"Ồ, không”, Bobbie nói, nhìn người lạ, tuồng như nhìn một con chó lạ tính khí thất thường. "Ông sẽ không đánh cháu, đúng không ?"
Con bé mỉm cười với ông ta, và ông mỉm cười lại, nụ cười nhăn nhúm, kỳ cục. Ông ta lại ho. Nghe tiếng xình xịch nặng nề của chuyến tàu về, trưởng ga và Peter liền cùng Phyllis ra đón mẹ. Bobbie vẫn nắm tay ông khách khi mọi người quay lại cùng mẹ.
Người Nga đứng lên cúi chào rất trịnh trọng.
Sau đó mẹ nói tiếng Pháp, và ông ta trả lời, lúc đầu ngập ngừng, nhưng rồi các câu ngày một dài hơn.
Bọn trẻ, nhìn khuôn mặt hai người, biết rằng ông ta đang kể với mẹ những điều làm bà vừa giận dữ vừa thương cảm lại vừa phẫn nộ.
"Sao hả, mẹ bọn trẻ, đầu đuôi ra làm sao ?" ông trưởng ga không thể kìm nén sự tò mò lâu hơn.
"À," mẹ nói, "không sao. Ông ấy là người Nga, ông đã đánh mất vé. Và tôi sợ rằng ông ấy đang ốm nặng. Nếu ông không phiền, tôi sẽ đưa ông ấy về nhà tôi bây giờ. Ông ấy kiệt sức thật rồi, để mai tôi chạy xuống kể cho ông mọi chuyện nhé."
"Tôi hy vọng rằng cô sẽ không nhận ra mình đã đưa về nhà một con rắn ngủ đông," trưởng ga nghi ngại nói.
"Ồ, không”mẹ nói vui vẻ và mỉm cười; "tôi chắc chắn không có chuyện đó đâu. Sao lại thế được chứ ? Ông ấy là một người nổi tiếng ở Nga đấy, ông ấy viết sách - sách hay lắm - tôi có đọc mấy cuốn trong số đó; tôi sẽ kể tất cả cho ông ngày mai."
Mẹ lại nói tiếng Pháp với người Nga kia, và mọi người có thể nhìn thấy sự ngạc nhiên, niềm vui và lòng biết ơn trong đôi mắt ông. Ông đứng dậy, lịch sự cúi chào trưởng ga và đưa tay một cách vô cùng trịnh trọng cho mẹ. Mẹ khoác tay ông, nhưng ai cũng thấy là mẹ đỡ ông chứ không phải ngược lại.
"Các con gái chạy về nhà đốt lò sưởi trong phòng khách lên đi," mẹ nói, "còn Peter phải đi mời bác sĩ cho mẹ."
Nhưng chính Bobbie là người đi mời bác sĩ.
"Cháu ghét phải kể với bác," Bobbie nói không ra hơi khi con bé chạy đến tìm bác sĩ lúc ông đang mặc độc chiếc sơ mi để nhổ cỏ cho luống hoa păng xê, "nhưng mẹ đưa về một người Nga ốm yếu,
và cháu chắc là ông ấy sẽ phải vào câu lạc bộ của bác. Cháu khẳng định ông ấy chẳng có đồng nào. Chúng cháu tìm thấy ông ấy ở ga." "Tìm thấy... ông ấy bị lạc sao ?" bác sĩ hỏi, cầm lấy áo khoác. "Vâng," Bobbie kể, không định trước, "đúng như vậy ạ. Ông ấy kể cho mẹ câu chuyện buồn, cảm động về cuộc đời ông ấy bằng tiếng Pháp; và mẹ bảo liệu bác có vui lòng quá bộ đến khám ngay cho ông ấy không nếu bác ở nhà. Ông ấy ho lắm, và còn khóc nữa." Bác sĩ mỉm cười.
"Ồ, không," Bobbie nói; "xin đừng. Bác sẽ không thể cười nếu nhìn thấy ông ấy đâu. Cháu chưa thấy người đàn ông nào khóc bao giờ. Bác không biết nó như thế nào đâu."
Bác sĩ Forrest ước gì vừa rồi ông đừng mỉm cười.
Khi Bobbie và bác sĩ về đến Ba Ống Khói, ông người Nga đang ngồi trên chiếc ghế bành mà trước cha thường ngồi, duỗi hai chân về phía ngọn lửa cháy rực, nhấp chén trà mẹ pha cho.
"Ông ấy xem ra đã kiệt quệ, cả trí lực và thể lực," bác sĩ nói; "ho nặng, nhưng không có gì quá nghiêm trọng. Ông ấy phải lập tức lên giường, và giữ lò sưởi cả đêm cho ông ấy nhé."
"Tôi sẽ đốt lò trong phòng tôi; đó là phòng ngủ duy nhất có lò sưởi," mẹ nói. Mẹ nhóm lò xong, bác sĩ liền giúp người ốm lên giường. Có một cái rương to màu đen trong phòng mẹ mà chưa đứa nào thấy mở bao giờ. Bảy giờ, sau khi đã đốt lò, bà mở rương lấy ra vài bộ đồ quần áo nam giới và treo gần lò sưởi vừa nhóm lên. Bobbie vào mang thêm củi cho lò sưởi, nhìn thấy nhãn trên áo ngủ, lại nhìn vào cái rương để mở. Mọi thứ trong đó đều là quần áo đàn ông. Và nhãn trên sơ mi ghi tên cha. Vậy là cha không mang quần áo theo. Và cái áo ngủ là một trong những áo mới của cha. Bobbie nhớ lại là nó được may ngay trước sinh nhật Peter. Vậy tại sao cha không mang quần áo đi ? Bobbie nhảy ra khỏi phòng, nghe thấy tiếng chìa xoay trong ổ khóa của chiếc rương. Trái tim con bé đập hoảng loạn. Tại sao cha không mang quần áo theo ? Khi mẹ ra khỏi phòng, Bobbie hai tay ôm chặt quanh eo mẹ, thầm thì...
"Mẹ... cha không... không chết, có phải không ?"
"Con yêu, không ! Điều gì làm con có ý nghĩ khủng khiếp ấy ?" "Con... con không biết," Bobbie nói, giận dữ với chính mình, nhưng vẫn bám vào ý nghĩ đó, nó không nhìn thấy bất kỳ cái gì mẹ
không muốn nó nhìn.
Mẹ vội vã ôm ghì nó. 'Cha vẫn hoàn toàn, hoàn toàn khỏe mạnh vào lần mẹ nghe tin gần đây nhất," mẹ nói, "cha sẽ về một hôm nào đó. Đừng tưởng tượng điều kinh khủng đó, con yêu !"
Lúc sau, khi ông người Nga đã ngủ yên, mẹ vào phòng các con gái. Mẹ sẽ ngủ trên giường Phyllis, còn Phyllis thì có một cái đệm trên sàn, đúng là một cuộc phiêu lưu hết sức thú vị cho con bé.
Mẹ vừa bước vào, hai cái bóng trắng nhỏ đã ngồi dậy, hai giọng nói háo hức, "Mẹ, giờ mẹ kể hết cho chúng con nghe về quý ông người Nga đi."
Một hình thù trăng trắng nhảy bổ vào phòng. Đó là Peter, nó kéo tấm chăn theo sau như đuôi một con công trắng. "Chúng con cứ chờ mãi," nó nói, "và con phải cắn vào lưỡi để khỏi ngủ, lúc nãy con suýt nữa ngủ mất và phải cắn thật mạnh, đau chưa từng thấy. Kể đi mẹ. Một câu chuyện dài hấp dẫn mẹ nhé." "Tối nay thì mẹ không thể kể chuyện dài được," mẹ nói; "mẹ mệt lắm."
Bobbie nghe giọng là biết mẹ đang khóc, nhưng hai đứa kia thì không biết.
"Vâng, mẹ kể dài được đến đâu thì kể ạ," Phyllis nói, Bobbie quàng hai tay quanh người mẹ và rúc sát vào mẹ.
"Ừ, nó là một câu chuyện đủ dài để viết thành sách, Ông ấy là nhà văn; ông đã viết những cuốn sách rất hay. Nhưng các con biết là ở Nga thời Sa hoàng không ai dám nói gì về những kẻ giàu có làm điều sai trái, hay những điều phải làm cho người nghèo khá hơn, hạnh phúc hơn. Ai nói sẽ phải vào tù”.
"Nhưng họ không thể làm thế” Peter nói; "nghĩa là chỉ bị đi tù nếu làm điều sai trái thôi chứ.”
"Hoặc khi quan tòa nghĩ là họ sai” mẹ nói. "Phải, ở Anh là thế. Nhưng ở Nga thì khác. Ông đã viết một cuốn sách hay về những người nghèo và cách giúp đỡ họ. Mẹ đã đọc cuốn ấy. Không có gì trong đó ngoài lòng tốt và sự tử tế. Và họ bắt ông vào tù vì cuốn sách. Ông đã bị giam ba năm trong ngục tối khủng khiếp, hầu như không có ánh sáng, đâu đâu cũng ẩm thấp và khó chịu. Một mình trong tù ba năm liền."
Giọng mẹ khẽ run run rồi bỗng dừng lại.
"Nhưng, mẹ ơi," Peter nói, "thời này sao có chuyện như thế được ạ. Nghe như chuyện trong sách lịch sử ấy - tòa án dị giáo, hay đại loại vậy."
"Nó là sự thật”mẹ nói; "sự thật khủng khiếp. Sau đó họ đưa ông ấy ra và đày đi Xibêri, người tù này xích vào người tù kia - những con người độc ác, những người đa phạm đủ loại tội - thành một hàng dài, và họ đi, đi, đi mãi, hàng ngày liền, hàng tuần liền, cho đến khi ông nghĩ họ sẽ không có điểm dừng. Những tên coi tù đi đằng sau vung roi - phải, roi - đánh họ nếu họ mệt mỏi. Một số người phải lết đi, một số người gục ngã, và khi không thể đứng lên đi tiếp, họ bị đánh và để mặc cho chết. Ôi, thật khủng khiếp ! Cuối cùng ông bị đưa đến khu mỏ và phải làm ở đó suốt đời - suốt đời, chỉ vì viết một cuốn sách thật hay, tử tế, cao quý."
"Ông đã trốn thoát như thế nào ạ ?"
"Khi chiến tranh xảy ra, một số tù nhân được phép tình nguyện xung quân. Và ông đã tình nguyện. Nhưng có cơ hội là ông bỏ trốn ngay và..."
"Nhưng như thế là hèn nhát, phải không ạ ?" Peter nói, "Bỏ trốn ấy ạ ? Nhất là trong chiến tranh."
"Thế con nghĩ ông ấy nợ gì một đất nước đã đối xử như thế với mình ? Nếu có nợ, ông chỉ nợ vợ con ông ấy thôi. Ông không biết chuyện gì xảy ra với họ."
"Ôi," Bobbie kêu, "ông luôn lo nghĩ cho họ và đau khổ vì họ suốt thời gian ở tù chứ ạ ?"
"Phải, ông luôn lo nghĩ cho họ và đau khổ vì họ suốt thời gian ở tù. Ông biết họ cũng có thể vào tù không vì bất kỳ lý do nào. Ở Nga người ta làm những việc như thế đấy. Khi ông ở hầm mỏ, mấy người bạn đã tìm cách báo cho ông biết là vợ và các con ông đã trốn thoát sang Anh. Do đó sau khi đào ngũ ông tới đây tìm họ."
"Ông có địa chỉ của họ không ?" Peter hỏi rất thực tế. “Không; chỉ biết là nước Anh thôi. Ông định đi Luân Đôn và nghĩ là phải chuyển tàu ở ga chúng ta. Sau đó ông phát hiện ra mình bị móc mất vé và ví.”
"Ôi, mẹ có nghĩ ông ấy sẽ tìm được không ? Ý con là vợ con ông ấy, chứ không phải vé viếc các thứ."
"Mẹ hy vọng thế. Ôi, mẹ hy vọng và cầu mong cho ông ấy tìm lại được vợ con."
Lần này cả Phyllis cũng nhận thấy giọng mẹ run run. "Sao mẹ thương ông thế ạ ?" con bé hỏi.
Một hồi lâu mẹ không trả lời. Rồi mẹ chỉ nói, "ừ," rồi như thể mẹ đang chìm trong suy nghĩ. Bọn trẻ im lặng.
Và giờ mẹ dặn, "Các con yêu, khi các con cầu nguyện, mẹ nghĩ các con nên xin Chúa xót thương tất cả những tù nhân và những người bị giam cầm."
"Xót thương," Bobbie chậm rãi nhắc lại, "tất cả những tù nhân và những người bị giam cầm. Đúng không, mẹ ?"
"Đúng rồi," mẹ nói, "tất cả những tù nhân và những người bị giam cầm. Tất cả những tù nhân và những người bị giam cầm."
Chương 6
Cứu tinh của con tàu
Hôm sau ông người Nga đã khá hơn. Và hôm sau nữa tình hình sức khỏe của ông lại thêm tiến triển. Đến ngày thứ ba ông đã có thể ra vườn. Một cái ghế xích đu được đặt sẵn cho ông, và ông ngồi đó trong bộ quần áo của cha. Bộ quần áo quá rộng so với khổ người ông, nhưng khi mẹ lên gấu quần và tay áo thì khá vừa vặn. Khuôn mặt nhân hậu của ông không còn vẻ mệt mỏi kinh hoàng nữa, ông mỉm cười với bọn trẻ mỗi khi thấy chúng. Chúng ước gì ông có thể nói tiếng Anh. Mẹ đã viết thư cho những người mà mẹ nghĩ có thể biết ở đâu đó trong nước Anh có vợ con ông người Nga đang sống, chứ không phải những người mẹ từng biết trước khi đến sống ở Ba Ống Khói - mẹ không bao giờ viết cho bất kỳ ai trong số họ, ngoài những người lạ - nghị sĩ và biên tập viên các báo, và thư ký các hiệp hội.
Bà cũng không viết lách nhiều, chỉ chỉnh sửa lại những tác phẩm đã viết lúc ngồi dưới nắng bên cạnh ông người Nga, và thỉnh thoảng trò chuyện với ông.
Bọn trẻ rất muốn bày tỏ thiện cảm với ông, người phải vào tù và đi đày ở Xibêri chỉ vì đã viết một quyển sách hay về những người nghèo khó. Chúng có thể mỉm cười với ông, tất nhiên; chúng có thể và chúng đã làm. Nhưng nếu ta mỉm cười quá thường xuyên, nụ cười sẽ có xu hướng rập khuôn như nụ cười của linh cẩu. Và trông nó không còn thân thiện nữa, mà chỉ là ngớ ngẩn. Vậy nên bọn trẻ thử cách khác, chúng mang hoa về tặng ông cho đến khi quanh chỗ ông ngồi có không biết bao nhiêu những bó hoa nhỏ bắt đầu héo, nào là cỏ ba lá, hoa hồng, rồi hoa chuông, đủ cả.
Sau đó Phyllis nảy ra một ý. Con bé bí mật ra hiệu cho Bobbie và Peter rồi dẫn chúng ra sân sau, trong chỗ khuất giữa cái bơm và ang nước, nó nói, "Anh chị có nhớ chú Perks đã hứa tặng em những quả dâu đầu tiên trong vườn nhà mình không ?" Perks, hẳn bạn còn nhớ, là người trực ga. "Em nghĩ là chúng chín rồi đấy. Mình xuống xem đi."
Mẹ đã xuống ga vì bà hứa kể cho trưởng ga về người tù Nga. Nhưng thậm chí sự hấp dẫn của đường tàu cũng không thể ngăn
bọn trẻ quẩn quanh bên vị khách lạ thú vị kia. Vậy nên ba ngày nay chúng chưa đến ga.
Giờ chúng đã đến.
Thật ngạc nhiên và thất vọng khi Perks tiếp chúng rất lạnh nhạt.
"Rồng tới nhà tôm thế này thật vinh dự quá " chú ta nói khi chúng thò đầu vào cửa phòng trực. Và tiếp tục đọc báo. Một sự im lặng khó chịu.
"Ôi," Bobbie thở dài, nói, "rõ ràng là chú đang giận.
"Gì chứ, tôi ? Không phải tôi !" Perks trịch thượng nói; "chuyện đó chẳng là gì đối với tôi."
"Chuyện gì chẳng gì với chú ?" Peter vì quá lo lắng mà nói líu cả lưỡi.
"Không có gì chẳng là gì. Dù chuyện xảy ra ở đây hay ở đâu," Perks nói, "quý cô quý cậu thích có bí mật của mình, thì cứ việc, đây hoan nghênh. Tôi nói thế đấy."
Căn phòng chứa bí mật trong mỗi trái tim nhỏ nhanh chóng được kiểm tra trong khoảng lặng sau đó. Ba cái đầu cùng lắc. "Bọn cháu không có bất kỳ bí mật nào giấu chú hết," cuối cùng Bobbie nói.
"Có thể có, có thể không," Perks nói; "nó chẳng là gì với tôi. Và tôi chúc quý cô quý cậu một buổi chiều tốt lành." Chú ta giơ tờ báo lên chặn giữa họ và tiếp tục đọc.
"Ô, không !" Phyllis tuyệt vọng nói; "thế này đúng là kinh khủng ! Dù có chuyện gì, làm ơn cho bọn cháu biết đi." Không có câu trả lời. Tờ báo lại được gập lại và Perks đọc sang cột khác.
"Cháu thấy thế là không công bằng," Peter đột nhiên nói. "Thậm chí những người phạm tội còn không bị trừng trị khi chưa biết lý do - ngoại trừ ở Nga."
"Tôi chả biết gì về nước Nga sất."
"Ô, có, chú biết, mẹ chả xuống kể với chú và ông Gills về ông người Nga rồi còn gì ?"
"Quý cậu tưởng tượng ra à ?" Perks phẫn nộ
"Quý cậu có nhìn thấy ông ấy mời tôi bước vào phòng ông ấy, ngồi xuống ghế và nghe quý bà nói không ?"
"Chú muốn nói là chú không được nghe ?"
"Nửa chữ cũng không. Tôi đã đánh bạo hỏi chuyện. Nhưng ông ấy gạt phắt đi. “Việc chính phủ, Perks", ông ấy nói thế đấy. Tôi cứ nghĩ một trong mấy người sẽ chạy xuống đây kể cho tôi nghe đấy, các người chả chạy ngay xuống đây khi muốn gì đó từ Perks già này còn gì," - Phyllis đỏ bừng mặt nghĩ đến những quả dâu - "khi các người muốn biết về các đầu máy xe lửa, tín hiệu hay những điều hay ho khác chẳng hạn," Perks nói.
"Bọn cháu không biết là chú không biết."
"Bọn cháu cứ tưởng mẹ đã kể cho chú rồi."
"Bọn cháu không kể cho chú vì nghĩ đấy là tin cũ rồi." Cả ba cùng nói một lúc.
Perks nói không sao nhưng vẫn còn cầm tờ báo. Phyllis bất ngờ giật tờ báo khỏi tay Perks rồi quàng tay ôm cổ chú ta. "Chúng ta hãy hôn nhau và lại là bạn nhé."
"Bọn cháu xin lỗi," Bobbie và Peter nói.
Cuối cùng Perks cũng chấp nhận lời xin lỗi.
Sau đó họ cùng nhau bước ra, ngồi dưới nắng trên bờ cỏ xanh giờ chạm vào đã khá nóng bên đường tàu, và ở đó, có lúc một đứa nói, có lúc cả ba cùng nói, chúng kể cho chú trực cổng nghe câu chuyện về người tù Nga.
"Ồ, tôi phải nói rằng”, Perks nói; nhưng rồi chú ta lại bỏ lửng câu nói - dù chú đang định nói gì.
"Vâng, thật tồi tệ, nhỉ ?" Peter nói, "cháu không lấy làm lạ khi chú tò mò muốn biết ông người Nga là ai."
"Tôi không tò mò, mà cũng chẳng quan tâm," chú trực cổng đáp.
"Vậy mà em cháu cứ tưởng ông Gills đã kể cho chú nghe. Ông ta thật quá đáng," Bobbie nói.
"Tôi không trách ông ấy về điều này, cô ạ," chú trực cổng nói; "tại sao nào ? Tôi hiểu lý do ông ấy làm thế. Ông ấy ở phe Nga trong cuộc chiến tranh này. Còn tôi ở phe Nhật. Tất nhiên là ông ấy không từ bỏ phe mình vì những câu chuyện kiểu như thể này. Đó không phải là bản tính con người. Một người sống chết gì cũng nhất quyết bảo vệ phe mình. Chính trị phe phái là đấy chứ đâu. Tôi cũng sẽ làm đúng như thế nếu cái ông tóc dài đó là người Nhật."
“Nhưng người Nhật không làm những việc độc ác như thế," Bobbie nói.
"Có thể không," Perks thận trọng; "nhưng quý cô không thể chắc chắn gì về người ngoại quốc đâu. Tôi thì tôi tin là họ cùng một giuộc thôi."
“Thế sao chú lại ở phe Nhật ?" Peter hỏi.
"Ô, này cậu, cậu biết là cậu phải chọn phe này hay phe kia mà. Như là đảng Tự do hay đảng Bảo thủ ấy. Cái chính là chọn phe mình và ủng hộ nó, dù có xảy ra chuyện gì đi nữa."
Còi tín hiệu vang lên.
“Tàu 3 giờ 14 phút xuôi đấy," Perks nói. "Các cô cậu nằm thấp xuống khi cô ấy chạy qua nhé, sau đó chúng ta lên chỗ tôi xem đám dâu chín chưa. Tôi đã kể với các cô cậu về chúng rồi đấy."
"Nếu có quả nào chín chú cho cháu nhé," Phyllis nói, "chú không ngại nếu cháu đem chúng lặng cho ông người Nga nghèo chứ ?"
Perks lim dim mắt, rồi nhướng lông mày.
"Tức là vì mấy quả dâu mà các cô cậu xuống chiều nay, hả ?" chú ta nói.
Đây là thời điểm khó khăn của Phyllis. Trả lời "vâng" nghe thật sống sượng và tham lam, và không tử tế với Perks. Nhưng con bé biết rằng trả lời "không phải" thì nó sẽ thấy tự dằn vặt. Nên... "Vâng," Phyllis đáp, "đúng thế."
"Giỏi !" chú trực nói, "nói sự thật và hổ thẹn với..
"Nhưng nếu biết chú chưa nghe được câu chuyện thì bọn cháu đã xuống ngay hôm sau rồi," Phyllis vội vã thêm.
"Tôi tin cô," Perks nói, và nhảy qua đường tàu rộng chừng mét tám ngay trước mặt đoàn tàu đang tiến vào.
Hai cô bé sợ cảnh đó, nhưng Peter lại thích. Rất thú vị. Ông người Nga thích những quả dâu đến nỗi ba cái đầu nhỏ lại háo hức tìm kiếm sự ngạc nhiên khác cho ông. Nhưng có cố đến mấy chúng cũng không nghĩ được gì thơ mộng hơn những quả anh đào dại. Và ý tưởng này xuất hiện vào sáng hôm sau. Bọn trẻ đã nhìn thấy cây anh đào nở hoa vào mùa xuân, và chúng biết phải tìm quả anh đào ở đâu vì đã đến mùa anh đào chín. Anh đào mọc tít trên sườn vách đá nơi mở ra miệng hầm. Có đủ mọi loại cây ở đó,
bu lô, sồi, phỉ, điểm vào giữa là những cây anh đào nở hoa trắng như tuyết và bạc ròng.
Miệng đường hầm cách Ba Ống Khói một thôi đường, nên mẹ cho phép bọn trẻ lấy giỏ đựng theo đồ ăn trưa. Cái giỏ cũng dùng để mang anh đào về nếu chúng kiếm được. Bà còn cho chúng mượn chiếc đồng hồ bạc của bà để chúng về kịp bữa trà. Chiếc Waterbury của Peter đã chết từ ngày bị nó đánh rơi vào ang nước. Và bọn trẻ lên đường. Khi leo lên tới đỉnh vách, ba đứa cúi mình qua hàng rào nhìn xuống chỗ đường ray, dưới đây cái "hẻm núi" như Phyllis gọi.
"Nếu không có đường ray ở dưới đây thì nó giống một nơi chưa có dấu chân người nhỉ ?" con bé nói.
Hai bên sườn vách là đá xám lởm chởm như bị ai chặt. Thực ra phần đỉnh vách là một thung lũng hẹp đã được đào sâu hơn cho ngang với miệng hầm. Cỏ và hoa mọc trên vách đá, hạt do chim đánh rơi vào kẽ đá, đâm rễ mọc thành lùm bụi và cây cối lửng lơ trên sườn vách. Gần đường hầm là một dải cầu thang dẫn xuống đường tàu, đó là những tấm gỗ đóng chặt vào đất, một lối đi rất dốc và hẹp, giống một cái thang hơn là bậc tam cấp.
"Mình nên xuống đi," Peter nói; "chắc chắn đứng ở bậc thang sẽ dễ hái anh đào. Mọi người có nhớ chúng ta đã đứng đó hái hoa anh đào về cắm trên mộ con thỏ không ?"
Thế là chúng đi dọc theo hàng rào thẳng đến cái cổng nhỏ đung đưa trên đỉnh cầu thang. Vừa gần đến nơi thì Bobbie nói, "Suỵt. Đứng lại ! Có gì đấy ?"
"Đấy" là một âm thanh thực sự kỳ cục - nó êm đềm, mơ hồ như tiếng gió thổi qua những cành cây, vo vo ve ve như tiếng đường dây điện tín. Âm thanh đó cứ lao xao, thầm thì. Khi bọn trẻ lắng nghe thì nó lặng đi, rồi lại bắt đầu.
Và lần này nó không dừng lại, nó phình ra to hơn, soàn soạt và ầm ầm bao trùm tất cả.
"Trông kìa..." Peter đột ngột kêu lên, "cái cây kia kìa !" Cái cây mà Peter chỉ là một trong những cây có lá nhám màu xám và hoa trắng. Quả anh đào chín có màu đỏ tươi, nhưng khi ta hái xuống thì chúng sẽ làm ta thất vọng vì chúng nhanh chóng chuyển sang màu đen trước khi ta về tới nhà. Và, khi Peter chỉ, cái cây đang chuyển động - không phải như cây thường chuyển động
khi có gió, mà giống như một vật biết đi và đang đi xuống sườn vách.
"Nó đang di chuyển !" Bobbie kêu lên. "Ô, nhìn kìa ! Những cây khác cũng thế. Giống như rừng trong Macbeth ấy."
"Là ma làm đấy," Phyllis nghẹt thở. "Em biết là đường tàu này bị yểm bùa mà."
Cánh tượng này thực sự có vẻ ma quái. Bởi vì tất cả các cây trong vòng hai mươi mét ở sườn vách đối diện cứ như đang di chuyển từ từ xuống dưới đường tàu, cái cây lá xám dẫn đầu, hệt như người chăn cừu già dẫn một đàn cừu màu xanh lá cây.
"Gì thế nhỉ ? Ôi, gì thế nhỉ ?" Phyllis hoảng hốt; "như ma làm ấy. Em sợ lắm. Chúng ta về nhà đi."
Nhưng Bobbie và Peter bám chặt lấy thành rào chắn và nín thở theo dõi. Phyllis cũng không nhúc nhích một bước.
Đám cây vẫn tiếp tục di chuyển. Vài hòn đá và cục đất lở lộc cộc rơi xuống đường ray tít bên dưới.
"Cả bọn đang đi xuống," Peter cố lên tiếng, nhưng nó biết ngay là chẳng ai nghe được gì trong tình huống này. Và, đúng lúc nó nói, một tảng đá khổng lồ trên có cây mọc đang đi, từ từ đổ về phía trước. Đám cây dừng lại, đứng yên run rẩy. Khi đổ về phía trước cùng với tảng đá, chúng dường như phân vân trong khoảnh khắc, rồi cả đá, cả cây, cà lùm bụi, lao thẳng từ sườn vách xuống đường tàu đánh sầm một cái, âm thanh cách xa nửa dặm cũng nghe thấy được. Một đám bụi bốc lên.
"Ô," Peter nói, giọng thảng thốt, giống hệt lúc cho than vào gian chứa nhỉ ? Nếu gian chứa không có mái và mình có thể nhìn xuống dưới.
"Xem nó tạo nên cả một gò đất lớn chừng nào kìa !" Bobbie nhận xét.
"Đúng, nó chắn ngang đường tàu xuôi”, Phyllis bổ sung. "Phải xúc nó đi mới được”, Bobbie nói.
"Phải," Peter chậm rãi. Nó vẫn còn cúi người qua hàng rào. "Phải," nó nhắc lại, chậm hơn nữa.
Sau đó nó đứng thẳng lên.
“Chuyến tàu 11 giờ 29 phút vẫn chưa chạy qua. Chúng ta phải báo cho nhà ga, kẻo sẽ xảy ra một tai nạn hết sức kinh hoàng."
"Chạy đi nào," Bobbie nói, đoạn co cẳng chạy.
Nhưng Peter kêu lên, "Quay lại đã !" và nhìn đồng hồ của mẹ. Trông nó cuống quýt hết cả lên, mặt trắng bệch khác thường. "Không kịp đâu," thằng bé nói "tàu chỉ còn cách hai dặm, đã hơn mười một giờ rồi."
"Chúng ta không thể," Phyllis nói không ra hơi, "chúng ta không thể leo lên cột điện để làm gì đó với đường dây sao ?" "Nhưng ta có biết làm thế nào đâu," Peter trả lời.
"Họ vẫn làm thế hồi chiến tranh," Phyllis nói; "em biết mà, em từng nghe có chuyện đó rồi mà."
"Họ chỉ cắt dây thôi, cô ngố ơi," Peter nói, "làm thế chả được tích sự gì. Nếu có leo được lên thì chúng ta cũng không thể cắt dây, mà có leo được đâu cơ chứ. Nếu có vật gì đỏ đỏ, ta có thể xuống đường tàu để vẫy."
"Nhưng tàu sẽ không nhìn thấy chúng ta chừng nào chưa qua khúc ngoặt, mà khi qua rồi thì nó cũng nhìn thấy đống đá như thấy chúng ta," Phyllis nói; "còn rõ hơn, bởi vì nó to hơn ta nhiều."
"Giá mà có vật gì đỏ đỏ," Peter nhắc lại, "ta có thể chạy tới khúc ngoặt vẫy."
"Chúng ta vẫn có thể vẫy mà."
"Nhưng họ sẽ chỉ nghĩ đấy là mình vẫy tàu như mọi khi thôi. Vì mình vẫn thường vẫy như thế. Dù sao cũng cần phải xuống dưới xem sao."
Bọn trẻ lần theo những bậc dốc đứng. Bobbie tái xanh và run run. Khuôn mặt Peter tóp lại. Mặt Phyllis đỏ bừng đầy lo lắng. "Ôi, em nóng quá !" con bé nói; "em cứ nghĩ rằng sẽ lạnh; ước gì chị em mình không mặc..." con bé ngừng một thoáng rồi nói nốt bằng một giọng khác hẳn, "cái váy lót bằng vải flanen." Bobbie dừng lại ở chân bậc thang.
"Ồ, phải rồi," con bé kêu lên; "váy màu đỏ mà ! Mình cởi ra đi." Bobbie và Phyllis cuộn váy lại kẹp dưới nách rồi ba chị em chạy dọc đường tàu, men theo đống đất đá vừa đổ, đám cây cối bị gãy, vặn, giập nát. Chúng chạy hết sức mình. Peter dẫn đầu, hai đứa con gái không xa phía sau. Bọn trẻ đến chỗ ngoặt che khuất đống đất đá khiến cho tàu đến trên đoạn đường ray thẳng tắp dài nửa dặm không thể nhìn thấy được.
"Nào," Peter nói, cầm cái váy flanen to nhất.
"Anh không..." Phyllis ấp úng, "anh không xé nó ra đấy chứ ?" "Im ngay” Peter nói vừa dứt khoát vừa nghiêm túc.
"Ồ, xé chứ," Bobbie nói, "nếu cần thì phải xé ra thôi. Em không thấy sao, Phil, nếu mình không dừng được đoàn tàu thì sẽ xảy ra tai nạn chết người đấy. Ôi, khủng khiếp ! Đưa đây chị, Peter, xé ở cạp không được đâu !"
Bobbie cầm lấy chiếc váy flanen từ tay Peter và xé cách cạp chừng hơn hai phân. Rồi cũng xé cái còn lại như thế. "Rồi !" Peter nói, xé tiếp chiếc váy. Nó xé mỗi chiếc váy thành ba mảnh. "Bây giờ, chúng ta có sáu lá cờ." Nó nhìn đồng hồ. "Còn bảy phút nữa. Mình phải có cán cờ."
Những con dao mà người lớn đưa cho trẻ con, vì lý do ngớ ngẩn nào đó, hiếm khi là loại thép tốt và sắc. Nên chỉ còn cách bẻ các cây con. Chúng nhổ bật rễ hai cây con, tuốt sạch lá.
"Mình phải rạch một lỗ trên cờ để xỏ cán vào," Peter nói. Thế là chúng rạch lỗ. Con dao đủ sắc để rạch vải flanen. Hai lá cờ được cắm vào đống đất đá lổn nhổn giữa những thanh tà vẹt. Phyllis và Roberta mỗi đứa cầm một lá, đứng sẵn sàng vẫy ngay khi đoàn tàu xuất hiện.
"Em sẽ cầm hai chiếc” Peter nói, "vì chính em nghĩ ra cách vẫy một vật màu đỏ."
"Nhưng váy là váy của bọn em," Phyllis toan nói, nhưng Bobbie đã ngắt lời:
"Ôi, ai vẫy thì quan trọng gì chứ, cốt là cứu được đoàn tàu." Có thể là Peter tính không đúng đoàn tàu chạy từ nhà ga đến chỗ chúng mất bao nhiêu phút, hoặc là tàu bị trễ. Nên dường như bọn trẻ đã phải đợi rất lâu.
Phyllis sốt ruột. "Em cho là đồng hồ sai và tàu đã chạy qua rồi," nó nói.
Peter nguội dần cái khí phách anh hùng đã khiến nó chọn cách trưng ra hai lá cờ. Bobbie bắt đầu thấy mệt mỏi vì chờ đợi. Con bé tưởng như cả ba đã đứng đó hết giờ này qua giờ khác, cầm trong tay những lá cờ nhỏ bé ngớ ngẩn bằng vải flanen đỏ mà chẳng ai thèm bận tâm. Con tàu sẽ chẳng để ý tới. Nó phóng qua chúng,
lượn quanh chỗ ngoặt và đâm sầm vào cái gò tệ hại đó. Mọi người sẽ chết.
Cánh tay con bé trở nên lạnh giá và run rẩy đến nỗi khó mà giữ được ngọn cờ. Và rồi vọng lại tiếng ầm ầm, o o của đường ray, một luồng hơi nước trắng hiện ra phía xa xa.
"Đứng cho chắc," Peter hét, "và vẫy loạn lên ! Khi tàu đến bụi cây kim tước lớn thì bước lùi lại nhưng vẫn tiếp tục vẫy ! Không đứng trên đường tàu, Bobbie !"
Con tàu xình xịch xình xịch lao đến rất nhanh.
"Họ không nhìn thấy chúng ta ! Họ không nhìn thấy chúng ta ! Hỏng rồi !" Bobbie kêu lên.
Hai lá cờ nhỏ cắm trên đường nghiêng ngả trong khi con tàu lại gần làm đống đá giữ chân cột rung chuyển, long lên. Một ngọn cờ từ từ xuôi nghiêng rồi đổ xuống đường. Bobbie nhảy ra túm lá cờ để vẫy; bàn tay con bé không run nữa.
"Ra khỏi đường tàu đi, chị ngố điên !" Peter gào rách họng. Dường như con tàu lao đến nhanh chưa từng thấy. Nó gần lắm rồi.
"Thế không ăn thua," Bobbie lại nói.
"Lùi lại !" Peter hét, kéo tay Phyllis giật lại.
Nhưng Bobbie hét, "Chưa được, chưa được !" và tiếp tục vẫy hai lá cờ ngay trên đường ray. Đầu tàu trông đen thui và to vật vã. Giọng nó gào thét chói tai.
"Này, dừng lại, dừng lại, dừng lại !" Bobbie kêu khẩn thiết. Không ai nghe thấy con bé. Ngay cả Peter và Phyllis, bởi con tàu đang lao tới đã nhấn chìm giọng con bé trong một biển âm thanh. Sau này Bobbie thường tự hỏi liệu con tàu có nghe thấy tiếng mình không. Dường như là nó có nghe bởi vì tàu giảm tốc rất nhanh, chạy chậm dần rồi đứng lại, cách hai lá cờ Bobbie vẫy trên đường ray không đến hai mươi mét. Bobbie nhìn thấy con tàu khổng lồ đen sì khựng lại, nhưng không hiểu sao con bé không thể dừng vẫy cờ. Khi người lái tàu và thợ đốt lò xuống tàu, Peter cùng Phyllis tiến đến gặp họ, thao thao bất tuyệt kể cho họ nghe câu chuyện đầy hồi hộp về gò đất đá xấu xí ngay gần khúc ngoặt, song Bobbie vẫn cứ đang vẫy hai lá cờ tuy mỗi lúc một lảo đảo yếu ớt.
Khi mọi người quay về phía Bobbie, con bé đang nằm ngang đường tàu, hai tay dang ra phía trước vẫn còn nắm chặt hai cán cờ flanen đỏ nhỏ bé. Người lái tàu bế con bé lên tàu, đặt trên nệm toa hạng nhất.
"Cô bé bị ngất đấy mà," ông ta nói, "tội nghiệp. Bác sẽ xem xét cái gò của mấy đứa rồi chở mấy đứa về ga, gọi bác sĩ khám cho cô bé."
Thật là kinh khủng khi nhìn Bobbie nằm bất động, gương mặt trắng bệch, cặp môi tím tái hé mở.
"Em tin rằng lúc chết người ta sẽ như thế này," Phyilis thầm thì.
"Đừng nói linh tinh !" Peter nghiêm giọng.
Chúng ngồi bên Bobbie trên tấm nệm màu xanh da trời, con tàu đang chạy lùi. Trước khi nó đến ga, Bobbie đã thở dài và mở mắt, co người lại và bắt đầu khóc. Thấy vậy hai đứa em nó vui sướng quá chừng. Chúng từng nhìn thấy Bobbie khóc rồi, nhưng chúng chưa bao giờ thấy chị ngất, hay bất kỳ ai khác ngất. Chúng không biết làm gì khi chị bất tỉnh, song lúc này Bobbie chỉ khóc thôi và chúng có thể vỗ vỗ lưng chị, bảo chị đừng khóc nữa, như chúng thường làm. Và giờ đây, khi Bobbie đã ngừng khóc, hai đứa có thể cười sao chị nhát thế, đến nỗi ngất đi luôn.
Khi tàu về tới ga, cả ba đã là những anh hùng của cuộc tụ họp sôi động trên ke ga.
Những lời khen bọn trẻ nhận được như là "nhanh trí", "linh cảm chính xác", "sáng suốt khéo léo" đủ làm người khác ganh tị. Phyllis phổng hết cả mũi. Trước kia con bé chưa bao giờ là một anh hùng thực sự, nên cảm giác đó mới dễ chịu làm sao. Tai Peter đỏ lựng lên. Nó cũng rất khoái trá, dĩ nhiên. Chỉ mình Bobbie là ước gì người ta đừng làm thế. Con bé muốn về nhà.
"Các cháu sẽ nhận được tin từ Công ty về việc này, chắc chắn thế," trưởng ga nói.
Bobbie ước gì không phải nghe lại câu đó. Nó kéo áo khoác cảa Peter.
"Ôi, đi thôi, đi thôi ! Chị muốn về nhà."
Và bọn trẻ bỏ về. Lúc chúng về, trưởng ga, người trực cổng, bảo vệ, thợ đốt lò và hành khách đồng thanh hoan hô.
"Chị thấy không” Phyllis kêu; "họ hoan hô chung đấy !’ "Ừ," Peter nói. "May mà em đã nghĩ ra cách vẫy thứ gì đó màu đỏ."
"May mà bọn em mặc váy lót bằng vải đỏ !" Phyllis nói. Bobbie không nói gì. Con bé đang nghĩ vẻ cái gò đáng sợ, về con tàu đang vô tư lao tới.
"Chính chúng ta đã cứu đoàn tàu” Peter nói. "Họ mà chết thì thật kinh khủng !" Phyllis nói, rất hài lòng; "phải không, Bobbie ?" "Đổi lại, chúng ta chẳng lấy được quả anh đào nào” Bobbie nói. Hai đứa em nghĩ rằng chị chúng khá vô tâm.
Chương 7
Vì lòng dũng cảm
Tôi hy vọng bạn không ngại nghe tôi kể nhiều về Roberta. Thực sự là tôi ngày càng thích con bé. Càng quan sát, tôi càng yêu con bé. Và tôi nhận ra rằng mọi nét ở con bé tôi đều thích.
Thí dụ, con bé luôn nóng lòng muốn làm cho người khác vui, nóng lòng tới mức hơi kỳ cục. Và biết giữ bí mật, ưu điểm có phần hiếm thấy. Chẳng những thế, con bé còn biết lặng lẽ cảm thông với người khác. Những từ này có vẻ khá tầm thường, tôi biết, nhưng thật ra không tầm thường đâu. Nó có nghĩa là một ai đó biết bạn đang buồn nên yêu bạn hơn, song không làm phiền bạn bằng cái điệp khúc ca đi ca lại rằng mình rất tiếc về chuyện của bạn. Đó chính là Bobbie. Con bé biết rằng mẹ buồn, rằng mẹ không nói cho nó biết nguyên nhân. Do đó con bé càng yêu mẹ hơn và chẳng bao giờ thốt ra một lời để mẹ biết cô con gái nhỏ của bà mong mỏi biết điều gì đã làm mẹ buồn đến như vậy. Việc này cần thực hành trong đời sống hằng ngày. Nó không dễ dàng như bạn tưởng.
Dù đang làm gì - kể cả những việc thú vị thường ngày - như đi dã ngoại, chơi đùa với các em, ăn bánh nho trong bữa trà, trong đầu Bobbie luôn luôn thấp thoáng ý nghĩ này. "Mẹ đang buồn. Tại sao ? Mình không biết. Mẹ không muốn mình biết. Mình không cố tìm hiểu. Nhưng mẹ đang buồn. Tại sao ? Mình không biết. Mẹ không..." vân vân, chúng cứ trở đi trở lại như một giai điệu mà ta không biết kết thúc ở đâu.
Ông người Nga vẫn là mối bận tâm lớn của cả nhà. Tất cả các biên tập viên và thư ký hiệp hội, các thành viên Nghị viện đều trả lời thư của mẹ một cách lịch sự nhất có thể; nhưng không ai biết vợ con ngài Szezepansky có thể ở đâu. (Tôi đã bảo bạn tên của ông người Nga chưa nhỉ ?)
Bobbie có một phẩm chất nữa mà mỗi người sẽ gọi một cách khác nhau. Có người gọi đó là xía mũi vào chuyện người khác, có người gọi là "giúp đỡ người hoạn nạn", có người lại gọi là "lòng thương người". Đó chính xác là cố gắng giúp đỡ mọi người.
Con bé vắt óc nghĩ cách giúp ông người Nga tìm vợ con. Giờ ông đã học được vài từ tiếng Anh. Ông có thể nói "Chào buổi sáng",
"Chúc ngủ ngon", "Xin mời", "Cảm ơn" và "Đáng yêu" khi bọn trẻ mang hoa cho ông, và "Ngon lắm" khi chúng hỏi ông ngủ có ngon không.
Nụ cười của ông khi ông nói tiếng Anh, như Bobbie cảm thấy, "quá hiền từ với mọi thứ". Con bé thường nghĩ đến khuôn mặt ông bởi vì nó tin rằng khuôn mặt ấy sẽ giúp nó nghĩ ra cách giúp ông. Nhưng không phải. Tuy thế, sự hiện diện của ông làm Bobbie vui vì con bé nhận thấy nó làm mẹ vui hơn.
"Mẹ thích có ai đó để quan tâm, dù không phải các con của mẹ," Bobbie nói. "Và mình biết mẹ không thích cho ông mặc quần áo của cha. Nhưng mình cho đó là 'nỗi đau đẹp', không thì mẹ đã chẳng đưa chúng cho ông."
Rất nhiều đêm sau hôm bọn trẻ cứu đoàn tàu khỏi tai nạn bằng cách vẫy những lá cờ đỏ, Bobbie thường thức giấc giữa cơn mê sảng, run rẩy khi mơ thấy lại gò đất khủng khiếp, và con tàu vô tư tội nghiệp đang lao tới đó - nó cứ nghĩ mình đang làm nhiệm vụ, và mọi thứ đều rõ ràng và an toàn. Sau đó là niềm vui ấm áp khi nhớ lại mình cùng Peter, Phyllis và những cái váy đỏ đã cứu tính mạng bao người như thế nào.
Một sáng nọ có thư đến. Thư gửi cho Peter, Bobbie và Phyllis. Bọn trẻ mở thư một cách tò mò háo hức vì chúng hiếm khi nhận được thư.
Thư viết:
CẬU VÀ HAI CÔ THÂN MẾN,
Chúng tôi muốn tổ chức một buổi tặng quà nho nhỏ để ghi nhớ việc các cô cậu đã dũng cảm và kịp thời cảnh báo nguy hiểm cho đoàn tàu vào ngày -- tháng này, nhờ thế tránh được điều mà ai cũng biết chắc chắn sẽ là một tai nạn nghiêm trọng. Buổi tặng quà sẽ được tổ chức ở nhà ga vào lúc ba giờ ngày ba mươi tháng này, nếu thời gian và địa điểm phù hợp với các cô cậu.
Trân trọng,
Jabez Inglevvood Chủ tịch Công ty Siêu Đường sắt Bắc Nam. Chưa bao giờ có thời khắc tự hào hơn trong cuộc đời ba đứa trẻ. Chúng chạy đến mẹ đưa bức thư và bà cũng thấy rất tự hào, điều này khiến chúng vui hơn bao giờ hết.
"Nếu họ tặng tiền thì các con phải nói, 'Chúng cháu xin cảm ơn, nhưng cho phép chúng cháu từ chối món quà này" mẹ dặn. "Mẹ đi giặt mấy bộ đồ bằng lụa mút xơ lin Ấn Độ cho các con ngay đây” mẹ nói thêm. "Các con phải tươm tất vào những dịp như thế này."
"Phil và con giặt cũng được ạ," Bobbie nói, 'còn mẹ là cho chúng con nhé."
Giặt giũ là công việc khá thú vị. Tôi tự hỏi bạn đã giặt bao giờ chưa ? Lần giặt đặc biệt này diễn ra ở bếp sau nơi có một bàn đá và một bồn đá lớn dưới cửa sổ.
"Chúng ta sẽ cho chậu vào bồn” Phyllis gợi ý; "rồi giả vờ là mấy bà thợ giặt ngoài sông như mẹ đã thấy ở Pháp." "Nhưng họ giặt trong nước sông lạnh chứ không phải nước nóng," Peter nói, tay đút trong túi quần.
"Vậy thì cứ coi đây là một con sông nóng," Phyllis nói; "bưng cái chậu giúp em một tay, ông anh tốt bụng ơi."
"Anh muốn biết bụng tốt thì giúp được em một tay thế nào đấy," Peter đùa nhưng vẫn giúp.
"Bây giờ thì chà và vò, vò và chà nào," Phyllis nói, nhảy tung tăng trong lúc Bobbie cẩn thận xách một ấm nước nặng từ trong bếp lò ra.
"Ồ, không !" Bobbie hoảng hồn; "các em đừng vò vải mút xơ lin. Phải cho xà phòng đun sôi vào nước nóng và quấy cho sủi bọt lên - sau đó khoắng đồ mút xơ lin vào rồi bóp, thật nhẹ nhàng, vết bẩn sẽ sạch hết. Chỉ những đồ thô như khăn trải bàn và ga trải giường thì mới phải vò."
Khóm tử đinh hương và hoa hồng phấn ngoài của sổ đung đưa trong gió nhẹ.
"Một ngày khô ráo đẹp trời, thật là dễ chịu," Bobbie nói như người lớn. "Ôi, chị nghĩ tuyệt vời sao khi chúng ta mặc những đồ mút xơ lin Ấn Độ này !”
"Vâng, em cũng thế", Phyllis nói, khoắng khoắng bóp bóp mớ đồ mút xơ lin rất khéo.
"Bây giờ mình sẽ bóp hết nước xà phòng. Không được vắt đâu đấy - xong rồi đến mục giũ. Chị sẽ cầm quần áo để em và Peter đổ nước trong chậu đi và lấy nước sạch vào."
"""