"
Lịch Sử Việt Nam 2: Từ Khởi Nghĩa Đến Nguyễn Suy Vong PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lịch Sử Việt Nam 2: Từ Khởi Nghĩa Đến Nguyễn Suy Vong PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : LỊCH SỬ VIỆT-NAM Q.II
TỪ LÊ-LỢI KHỞI NGHĨA ĐẾN NGUYỄN SUY VONG Tác giả : PHAN XUÂN HÒA
Nhà xuất bản : VĨNH THỊNH
Năm xuất bản : 1952
------------------------
Nguồn sách : scmn-vietnam.blogspot.com Đánh máy : Nguyễn T. Kiều Tiên
Kiểm tra chính tả : Thế Ninh, anfat3, Hoàng Thị Xoan Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 29/10/2018
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả PHAN XUÂN HÒA và nhà xuất bản VĨNH THỊNH đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
CHƯƠNG I : KỲ PHỤC HƯNG
Bài 1 : LÊ LỢI KHỞI NGHĨA
BÀI 2 : NHỮNG CHIẾN CÔNG ANH DŨNG CỦA LÊ LỢI
A) TỪ LAM-SƠN XUỐNG LẤY NGHỆ-AN, THANH-HOÁ, TÂN BÌNH VÀ THUẬN-HOÁ
B) TỪ TRUNG RA CHIẾM BẮC
BÀI 3 : LỜI BÌNH VỀ LÊ LỢI
CHƯƠNG II : THỜI KỲ THỐNG NHẤT
BÀI 4 : DÒNG LÊ PHỤC HƯNG
A) THỜI KỲ CƯỜNG THỊNH : TỪ LÊ THÁI-TỔ ĐẾN LÊ HIẾN TÔNG (1428-1504)
BÀI 5 : DÒNG LÊ PHỤC HƯNG (NỐI THEO)
B) THỜI KỲ SUY NHƯỢC : TỪ LÊ TÚC-TÔNG ĐẾN LÊ CUNG-HOÀNG (1505-1527)
BÀI 6 : LÊ THÁNH TÔNG MỘT ĐỨNG ANH-QUÂN BÀI 7 : NƯỚC CHIÊM-THÀNH SUY VONG
CHƯƠNG III : NHÀ MẠC
BÀI 8 : NHÀ MẠC CƯỚP NGÔI NHÀ LÊ
BÀI ĐỌC THÊM : GƯƠNG TRUNG NGHĨA
CHƯƠNG IV : LÊ TRUNG HƯNG
BÀI 9 : NAM TRIỀU VÀ BẮC TRIỀU
BÀI 10 : NHÀ MẠC MẤT NGÔI
BÀI 11 : HẬU-LÊ GIAO THIỆP VỚI NHÀ MINH
BÀI 12 : NHÀ MẠC Ở CAO-BẰNG
CHƯƠNG V : TRỊNH NGUYỄN PHÂN TRANH BÀI 13 : HỌ TRỊNH CHUYÊN QUYỀN
BÀI 14 : HỌ TRỊNH XƯNG CHÚA Ở BẮC VÀ HỌ NGUYỄN XƯNG CHÚA Ở NAM
A) TRỊNH Ở BẮC
B) NGUYỄN Ở NAM
BÀI 15 : NGUYỄN TRỊNH CHIẾN TRANH
BÀI 16 : CÔNG NGHIỆP HỌ TRỊNH Ở BẮC
BÀI 17 : CÔNG NGHIỆP HỌ TRỊNH Ở BẮC (NỐI THEO) BÀI 18 : CÔNG NGHIỆP HỌ NGUYỄN Ở NAM
BÀI 19 : CUỘC NAM TIẾN
CHƯƠNG VI : NGƯỜI TÂY PHƯƠNG VÀ CÁC GIÁO-SĨ ĐẠO GIA-TÔ ĐẾN ĐẠI-VIỆT
BÀI 20 : NGƯỜI TÂY PHƯƠNG ĐẾN ĐẠI-VIỆT BÀI 21 : CÁC GIÁO-SĨ VỚI SỰ TRUYỀN GIÁO BÀI 22 : NGƯỜI TÂY PHƯƠNG VỚI VĂN-HOÁ ĐẠI-VIỆT
BÀI ĐỌC THÊM : TIỂU SỬ CỐ ALEXANDRE DE RHODES VÀ PIGNEAU DE BÉHAINE
a) ALEXANDRE DE RHODES
B) PIGNEAU DE BÉHAINE
CHƯƠNG VII : CHÚA NGUYỄN SUY VONG BÀI 23 : TRƯƠNG PHÚC-LOAN CHUYÊN QUYỀN BÀI 24 : NGUỒN GỐC TÂY-SƠN
BÀI 25 : TÂY-SƠN LẤY QUI-NHÂN, QUẢNG-NGHĨA, BÌNH THUẬN VÀ QUẢNG-NAM
BÀI 26 : HỌ TRỊNH LẤY PHÚ-XUÂN
BÀI 27 : TÂY-SƠN GẶP TRỊNH, TÂY-SƠN HOÀ VỚI TRỊNH ĐỂ DIỆT NGUYỄN
BÀI 28 : NGUYỄN ÁNH ĐÁNH TÂY-SƠN
BÀI 29 : NGUYỄN VƯƠNG CẦU CỨU VỚI PHÁP
BÀI 30 : NGUYỄN HUỆ PHÁ QUÂN TIÊM LA
TÓM TẮT
BẢNG THỐNG KÊ CÁC THỜI ĐẠI TỪ HÙNG VƯƠNG ĐẾN NGUYỄN SUY VONG
THỜI SƠ KHAI
BẮC THUỘC LẦN THỨ 1
THỜI KỲ TỰ CHỦ 1
BẮC THUỘC LẦN THỨ 2
THỜI KỲ TỰ CHỦ 2
BẮC THUỘC LẦN THỨ 3
THỜI KỲ TỰ CHỦ 3
BẮC THUỘC LẦN THỨ 4
THỜI KỲ TỰ CHỦ 4
PHỤ TRƯƠNG
I. BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO (MỘT ÁNG VĂN KIỆT-TÁC CỦA NGUYỄN TRÃI)
II. 24 ĐIỀU RĂN DÂN CỦA LÊ THÁNH-TÔNG
III. ĐỆ NHẤT KHAI-QUỐC CÔNG-THẦN CỦA NHÀ TIỀN LÊ A) KHAI QUỐC CÔNG THẦN
B) MÃI QUỐC CẦU VINH
IV. LÒNG HY SINH CAO CẢ CỦA NGUYỄN TRÃI
Phan-xuân-Hòa
LỊCH SỬ VIỆT-NAM
Quyển II
TỪ LÊ-LỢI KHỞI NGHĨA
ĐẾN NGUYỄN SUY VONG
Soạn đúng theo chương-trình lớp ĐỆ-LỤC ban Trung Học của Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục
Đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục duyệt y làm sách Giáo-Khoa
Nhà xuất-bản Vĩnh-Thịnh
63, Lò Sú, 63
HANOI
CHƯƠNG I : KỲ PHỤC HƯNG
BÀI 1 : LÊ LỢI KHỞI NGHĨA
Nhà Minh, sau khi diệt nhà Hồ, thắng Hậu-Trần, lấy được Thuận-hoá (năm 1407), đặt quan cai trị An-nam, nào Hoàng Phúc, nào Trương-Phụ… áp dụng một chính sách tàn-khốc, mưu đồng hoá dân An-nam theo giống Tàu. Dân An-nam phẫn uất vô cùng : Nhiều nơi nổi dậy kháng Minh.
Trịnh Công-Chừng, Lê-Hành ở Hạ-hồng (thuộc Hải dương), Phạm-Thiện ở Tân-ninh (thuộc Kiến-an), Nguyễn-Tri ở Khoái-châu (thuộc Hưng-yên), Nguyễn Đa-Cấu, Trần-Nhuế ở Hoàng-giang (thuộc Nam-định) ồ ạt kéo quân ngược sông Lô đánh vào Phù-kiều (một bên sông Nhị) trong lúc nhiều nơi khác cũng lẻ tẻ nổi lên. Nhưng đâu đấy đều thất bại !
Hồi này, trong đất Lam-sơn (thuộc huyện Thuỵ-nguyên, phủ Thiệu-hoá, tỉnh Thanh-hoá) có một nông-gia tính khí khẳng khái, nuôi chí diệt giặc Minh, rửa hờn cho dân tộc. Nông-gia ấy là Lê Lợi.
Nguyên tằng-tổ Lê Lợi là Lê Hối, ở thôn Như-áng, huyện Lương-giang (Thanh-hoá) đi chơi thấy đất quanh núi Lam-sơn vừa rộng vừa tốt, mới dời nhà vào đấy. Lê Hối chăm non dọn gai góc, mở ruộng nương để cày cấy. Ba năm sau gây thành sự nghiệp. Con cháu một ngày một đông, tôi-tớ một ngày một nhiều.
Đời sau, Lê Đinh (Hoàng-tổ Lê Lợi) nối nghiệp cha, hiền hoà khoan-nhân, gần xa đều mến phục. Dân cư tuỳ phục đã có tới hơn nghìn.
Đến đời thứ 3 (Hoàng-khảo Lê-Lợi) Lê Khoáng cũng hiền lành, vui vẻ, chiêu đãi khách khứa, yêu thương dân chúng. Thế là đã 3 đời lập nghiệp tại Lam-sơn, làm chúa một phương.
Khoáng sinh được 3 con, Lê-Lợi là út. Anh mất sớm, Lê Lợi nối nghiệp cha anh, hậu đãi các tân khách, chiêu nạp hạng lưu vong. Ngoài ra Lê-Lợi ham mê kinh-sử, chuyên tâm về thao lược.
Tuy nhiên quân Minh định ra danh mục, hãm hại hạng mưu trí, Lê-Lợi giữ được bền lòng, mong đồ nghĩa cả.
Lê-Lợi thường nói : « Sinh ở đời, làm trai nên cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn thủa. Há bo bo chịu kiếp nô-lệ sao đang ! »
Song thấy thế giặc còn mạnh, Lê-Lợi thường hậu lễ nhún lời, đem vàng bạc của báu đút lót cho các tướng Minh là bọn Trương-Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ, mong chúng thư tâm hãm hại, để đợi thời hành động.
Đảng của giặc là Lương-Nhữ-Hốt đã có lần bàn với giặc : « Chúa Lam-sơn chiêu vong nạp bạn, chí nó chẳng nhỏ. Nếu thuồng-luồng gặp được mây mưa, tất không phải là vật ở ao đâu ».
Quả lời Lương Nhữ-Hốt nói không sai. Năm 1418 (đời vua Thánh-tổ nhà Minh) Lê Lợi (được 33 tuổi) thấy thời cơ đã thuận tiện, bèn một mặt truyền hịch khắp nơi, kể tội giặc Minh và kêu gọi lòng ái quốc của muôn dân hãy đoàn-kết diệt kẻ thù chung, một mặt xưng Bình-Định-vương, từ Lam-sơn
phất cờ khởi nghĩa.1
Bắt đầu tướng sĩ còn ít, mới có 200 quân thiết đột, 200 dũng-sĩ, và 300 nghĩa-sĩ, sức Bình-Định-vương địch với giặc Minh, không khác trứng chọi với đá. Nhưng với lòng kiên nhẫn, với mưu sâu chí cả, Bình-Định-vương đã lập được những chiến công anh dũng, (mà bài II dưới đây sẽ thuật), để sau 10 năm, quét sạch giặc Minh ra ngoài bờ cõi, đưa nền tự chủ giở về cho tổ-quốc.
BÀI 2 : NHỮNG CHIẾN CÔNG ANH DŨNG CỦA LÊ LỢI
A) TỪ LAM-SƠN XUỐNG LẤY NGHỆ-AN, THANH HOÁ, TÂN-BÌNH VÀ THUẬN-HOÁ
Năm 1418, nghe tin Bình-Định-vương (Lê-Lợi) khởi nghĩa ở Lam-sơn, tướng Minh là Mã Kỳ từ Tây-đô (Thanh-hoá) đem quân đánh. Bình-Định-vương lui quân mai-phục ở Lạc-thuỷ (Cẩm-thuỷ – Quảng-hoá), quân Minh bị đánh úp chết tới 3.000, binh lương khí giới mất rất nhiều. Vài tháng sau, quân Minh do Lý Bân chỉ huy, cũng bị tập kích ở gần Lam-sơn. Nhưng quân còn quá ít, lại bị nội phản, Bình-Định-vương phải bỏ vợ con và người nhà bị bắt, rút lên núi Chí-linh, ước thúc lại cơ đồ.
Năm sau, từ Chí-linh, Bình-Định-vương dẫn quân đánh đến Nga-lạc (Nga-sơn, Thanh-hoá) bắt được tướng địch là Nguyễn-Sao, xong lại rút về Chí-linh.
Giặc Minh vây Chí-linh, tình thế Bình-Định-vương trở nên nguy-ngập,vào giữa năm 1419. May có Lê-Lai2đổi áo mà Bình-Định-vương trốn thoát, về ẩn trong Lư-sơn (thuộc
Quảng hoá).
Năm 1420, Bình-Định-vương đánh xứ Thị-lang và Quan du. Rồi đem quân đóng Ba-lậm (thuộc Lôi-giang). Tại đây Bình-Định-vương được Nguyễn-Trãi3ra mắt, hiến kế « bình Ngô ».
Năm 1421, nhân lúc quân Minh vừa ở xa kéo đến Ba-lậm, còn nhọc mệt, Bình-Định-vương sai quân phá trại Minh giữa lúc đêm khuya, giết được binh-sĩ vô kể. Trần Trí bỏ chạy.
Hồi này tên Lỗ Bá-Luật, làm quan với giặc, sang dư thuyết bên Ai-lao để Ai-lao hiềm khích với An-nam : 30.000 quân Lào có trăm voi nửa đêm đến phá trại An-nam, song quân Bình-Định-vương đánh lui được ngay, đoạt voi 14 thớt và nhiều quân nhu. Duy tướng Lê Thạch xông theo đuổi giặc, giẫm phải chông, chết.
Sang năm 1422, Bình-Định-vương từ Ba-lậm đánh đồn Da-quan chém được tướng Phùng-Quý ; Mã Kỳ chạy thoát. Sau khi bị quân Minh Lào hai mặt vây đánh tại Khôi-sách, Bình-Định-vương phải rút lên Chí-linh, một lần nữa là 3.
Về Chí-linh lần này, lương thực không còn, phải đào củ hái rau, giết cả voi ngựa để nuôi quân. Bất đắc dĩ, Bình-Định vương giả vờ hoà với tướng giặc Sơn-Thọ, Mã-Kỳ để dựng lại cơ đồ.
Năm 1424, Bình-Định-vương xuống đánh vùng Nghệ-an. Bắt đầu đánh đồn Đa-căng, sau tiến vào địa hạt Trà-long (thuộc Tương-dương). Chém tướng Trần Trung ở núi Bô-liệp (thuộc Qui-châu) ; tri-phủ Cầm-Bành ra hàng.
Bọn Trần Trí, Phương-Chính đem cả thuỷ lục quân đánh. Bình-Định-vương sai tướng sĩ lên mạn khả-lưu (bắc ngạn sông Lâm-giang, thuộc Lương-sơn) đánh trống đốt lửa bên này sông mà quân lại phục nơi hiểm yếu bên kia. Mắc kế nghi binh, bọn Trần Trí thua, về giữ thành Nghệ-an. Bình-Định vương bắt sống được tướng Chu-Kiệt, chém được Hoàng
Thành.
Qua năm 1425, Bình-Định-vương cử quân vây thành Nghệ-an. Rồi dụ quân Minh đến cửa sông Đỗ-gia, dùng phục binh đánh phá. Giặc tan phần chạy ra Đông-quan, phần rút vào cố thủ trong thành Nghệ-an.
Đồng thời vây thành Nghệ-an và Tây-đô, quân Bình-Định vương vào hạ được hai thành Tân-bình và Thuận-hoá.
Thế là từ Thanh-hoá giở vào, quân Minh bị vây hãm trong mấy thành, Bình-Định-vương đoạt hết đất đai bên ngoài, tổ chức chính-trị an dân. Các tướng tôn Bình-Định-vương lên làm Đại Thiên Hành Hoá (thay giời làm mọi việc).
B) TỪ TRUNG RA CHIẾM BẮC
Năm 1426, Bình-Định-vương chia quân các ngả, chặn mối liên-lạc giữa các đồn Minh, và cản đường tiếp viện của Vân nam và lưỡng Quảng, một đạo thì tiến ra Đông-quan, phá quân địch ở Ninh-kiều (phía tây phủ Giao-châu), ở Ứng-thiên rồi ở Ninh-giang (khúc trên sông Đáy). Tướng Trần Trí chạy trốn, tướng Vị-Lang bị bắt sống, hơn 1.000 binh bị chém tại làng Nhân-mục.
Viện binh Vân-nam sang, bị tấn công, ở cầu Xa-luộc, chạy
vào thành Tam-giang (thuộc Bạch-hạc, Vĩnh-yên).
Minh-đế cách hết chức lũ bại tướng Trần-Trí, rồi cử Vương Thông với Mã-Anh đem 5 vạn quân sang cứu Đông-quan. Bọn này bị phục binh ở Cổ-lam và Tam-la phá vỡ. Tại Tuỵ-động (thuộc huyện Chương-mỹ) thượng-thư Trần-Hạp và nội-quan Lý-Lương bị giết, Vương Thông thu quân chạy vào thủ thế ở Đông-quan. Bình-Định-vương răn quân vây thành Đông
quan.
Quân Minh bị hãm vào thế cô trong mấy thành, vào cuối năm 1426, Vương Thông sai người nói với Bình-Định-vương tìm giòng họ Trần lập lên làm vua để bãi binh.
Nghĩ đánh mãi, dân tình khổ sở, Bình-Định-vương theo lời Vương-Thông, cho đón Hồ-Ông ở Ngọc-ma, đổi tên là Trần Cao4lập lên làm vua, Bình-Định-vương xưng là Vệ-Quốc công, cầu phong với nhà Minh. Song vì bọn An-nam theo Minh là Trần Phong, Lương Nhữ-Hốt, Trần An-Vinh, sợ khi quân Minh về Tàu sẽ bị giết, thuật lại chuyện Ô-Mã-Nhi làm gương5. Vương Thông nghe lời, cho nên ngoài mặt nói hoà, bên trong cho người đưa thư về Minh triều cầu cứu. Bắt được người mang thư, Bình-Định-vương cả giận, lại cất quân đánh Minh. Không bao lâu, hạ được Thị-kiều (thuộc Bắc-ninh), Tam-giang (thuộc Bạch-hạc), Xương-giang (thuộc Phủ-lạng thương) và Ký-ôn.
Năm 1427, Bình-Định-vương kéo quân đóng ở Bồ-đề, uy hiếp thành Đông-quan. Hồi này tướng nhà Minh là Thái-Phúc, Tiết Tụ giữ thành Nghệ-an và Diễn-châu kéo nhau đến hàng.
Cuối năm 1427, Minh-đế sai Liễu Thăng đem 10 vạn binh,
2 vạn ngựa, đi đường Quảng-tây sang đánh cửa Phả-luy (Nam-quan), lại sai Mộc Thạnh dẫn một toán quân khác theo đường Vân-nam đánh cửa Lê-hoa.
Quân Liễu Thăng hạ được Phả-luy, hạ luôn Ải-truy. Nhưng khi đi đến gần Chi-lăng (thuộc châu Ôn, tỉnh Lạng-sơn) bị đột kích rất hăng. Liễu Thăng bị chém ở núi Đảo-mã-pha cùng hơn vạn binh sĩ. Tướng Lương Minh cũng bị giết, Lý Khánh thì tự tử. Tướng Hoàng Phúc và Thôi Tụ, chạy đến Xương-giang, bị bắt sống. Còn Mộc Thạnh ở Lê-hoa – thấy mấy tên tỳ tướng mà Bình-Định-vương bắt được lại thả ra, đem giấy má ấn tín của Liễu Thăng đến – hoảng sợ, rút chạy, bỏ quân bị giết hại rất nhiều.
Thấy viện binh đã thua to, Vương Thông lại viết thư xin hoà.
Xét nên bãi binh sớm để bớt sự thiệt hại cho dân, Bình Định-vương thuận cho hoà. Và hơn 86.000 tướng sĩ nhà Minh được Bình-Định-vương cho hồi hương, vào cuối năm 1427.
Lê Lợi đã thành công, sau 10 năm chiến đấu một cách gian-lao mà dũng cảm.6
BÀI 3 : LỜI BÌNH VỀ LÊ LỢI
Người Minh nhân nhịp hai họ Hồ Trần phân tranh, đem quân sang lấn, ngoài mặt làm quân nhân nghĩa, bên trong ngấm ngầm tính việc xâm lăng, tàn hại nhân dân, cướp lấy của báu ! Rồi gồm nuốt đất đai, chia đặt quận huyện, thay đổi phong tục, hiếp trao quan tước. Dân ta đau khổ trăm đường.
Trong lúc ấy, những hạng quyền biến trí-thức đều náu hình lẩn bóng, tránh tiếng trốn đời, cốt giữ mình sao cho khỏi hại. Riêng Lê Lợi, không để quan tước dụ nổi, không để oai thế hiếp nổi, gặp lúc nhiễu nhương mà lòng càng vững, trải cơn cùng quẫn mà chí càng hăng, quyết thu lại đám dân tan tác cứu cho vận nước khỏi long đong. Lê Lợi quả là một bực thông minh trí dũng, rất xứng là Chúa tể của muôn dân.
Đi ngược dòng lịch-sử, xét qua trường hợp sáng nghiệp của tiền Triều, ta thấy Tiên-Hoàng nhà Đinh đánh tan 12 Sứ quân, thống nhất bản đồ, dựng nên nước ta, thật đã anh hùng !
Thế nhưng lỡ vì không cẩn thận đề phòng việc nhỏ, gây ra sự chẳng lành, nước cũng mất theo. Vua Thái-tổ nhà Lý, nhân vua Ngọa-Triều thất đức, bèn có thiên hạ ; về nghĩa Vua Tôi, sai, trái, danh, phận, không thể không mang thẹn ở trong trời đất. Vua Thái-tông nhà Trần, núp bóng Trần thủ Độ, nhân vua Chiêu-Hoàng quá yêu, tiếm đoạt ngôi báu ; về trong buồng the, ở lỗi đạo hằng, không thể không để cười cho hậu thế.
Chí như Lê Lợi thì tự núi Lam-sơn khởi nghĩa, giận giặc Tàu mà cất quân, lấy nhân giết lũ bất nhân, lấy chính đánh phường bất chính ; khôi phục thiên-hạ ở trong tay Minh ; lên ngôi vua như thế, thật là danh xứng với đức tài vậy.
Cân nhắc riêng về các võ-công oanh liệt ghi trong sử xanh từ cổ lai, ta thấy Lê Lợi đã là anh-hùng bực nhất của giang sơn.
Trưng Trắc đuổi giặc Hán, lập quốc xưng Vương. Cũng
không phải không đáng được muôn đời thờ phụng. Nhưng Trưng Trắc, tuy cũng nặng lòng vì nước, còn mang tiếng vì thù chồng mà dấy quân, để dựng nền tự-chủ có ba năm.
Triệu-Ẩu chống Ngô, lưu danh thiên cổ. Tiếc rằng khởi binh chưa đầy nửa năm đã thất bại mà tự tử.
Ngô Quyền diệt Nam Hán, cởi mở ách đô-hộ, dựng nền tự-chủ. Anh-hùng lắm thay ! Song Ngô Quyền là chủ tướng Ái-Châu, có quân sĩ quanh mình, lại kích thích bởi lòng tàn nhẫn của Kiều Công-Tiện mới dấy binh để rửa hờn mà được nước.
Lý thường-Kiệt bình Chiêm phạt Tống, mở rộng thêm bờ cõi7, lại Trần Quốc-Tuấn đại phá quân Nguyên, bảo tồn lãnh thổ. 2 vị đều là anh-hùng quán thế. Nhưng đương thời quốc gia tự-chủ, kỷ cương rõ rệt, quân-đội đường hoàng, được sẵn sàng chiến đấu chống xâm lăng : nỗi khó khăn hẳn nhẹ phần hơn Lê Lợi !
Còn Lê Lợi khởi nghĩa trong lúc non sông bị Minh chiếm. Khắp đó đây, giặc xây thành đắp luỹ, tổ chức chính trị, dùng đủ phương-tiện kiềm hãm sức quật cường của dân chúng. Ngoài ra, đưa danh lợi cám dỗ sĩ-phu, cám dỗ không được bắt buộc cho bằng được, nếu không hãm hại. Mỗi cử chỉ trái ý giặc, là mỗi mối nguy cơ đến tính mệnh. Dân trí lúc bấy giờ bị lung lạc xiết bao ! Vậy mà Lê Lợi, tránh được mọi nỗi hiềm nguy, ngấm ngầm gây sự nghiệp, khăng khăng lòng trừ địch cứu dân.
Từ sắt không có một thanh gây nên khí giới hàng kho, từ lính không một tên, dựng nên quân đội hùng cường. Một lòng
vì nghĩa cả, chiến đấu trong 10 năm liên tiếp, thua không chán nản, được chẳng kiêu căng.
Đi từ lúc thế cô quân ít, đặt mai phục, dùng kỳ binh, tiêu hao lực địch, đến lúc có binh hùng tướng mạnh, xuất trận như chẻ cây nứa, phá lũ giặc như bẻ cành khô.
Chạy địch biết bao phen, mất cả vợ con tôi tớ, mà rồi giặc hùng-hổ như Liễu Thăng, Lương Minh, cũng thua trận đều mất đầu, mưu trí như Thôi Tụ, Hoàng Phúc, cũng hết kế mà dương mắt.
Thiệt là một lòng vì nước vì dân, gian lao bao quản, Lê Lợi đã lập những kỳ công, chưa đời nào sánh kịp.
Đền thờ vua LÊ THÁI-TỔ (LÊ LỢI) ở bờ hồ Hoàn-kiếm.
Trong tận cùng là Đền, thờ ở trên gác. Trước cửa đền có một cột trụ đá xây cao chừng 10 thước tây. Trên đầu trụ, tượng vua Lê đứng cầm kiếm. Trước cột trụ, giữa sân, một nếp nhà đại-bái. (Ảnh chụp ngày lễ kỷ-niệm 22 tháng tám Tân Mão (1951) cho nên trước cửa đền và dọc theo cột trụ có treo Quốc kỳ và đề 1428, năm vua Lê lên ngôi hoàng-đế).
CHƯƠNG II : THỜI KỲ THỐNG NHẤT
BÀI 4 : DÒNG LÊ PHỤC HƯNG
A) THỜI KỲ CƯỜNG THỊNH : TỪ LÊ THÁI-TỔ ĐẾN LÊ HIẾN-TÔNG (1428-1504)
Lê Thái-tổ : Để hoà với nhà Minh, Bình-Định-vương (Lê Lợi) tôn Trần-Cao lên làm vua, lấy hiệu là Thiên-khánh. Khi chiến tranh chấm dứt, Trần Cao bỏ trốn vào châu Ngọc-ma (thuộc phủ Trấn-ninh) nhưng bị quan quân bắt về, phải tự thắt cổ mà chết.
Trần-Cao chết rồi, Bình-Định-vương lên ngôi hoàng-đế, tức Lê Thái-tổ, niên hiệu Thuận-thiên, quốc hiệu là Đại-Việt8 đóng đô ở Đông-kinh (Hà-nội).
Khi đầu, nhà Minh không phong cho Lê Thái-tổ, bắt tìm con cháu nhà Trần. Vua Thái-tổ bảo các quan viên và phụ lão trong nước làm tờ khai « con cháu nhà Trần không còn ai ». Nhà Minh mới chịu phong Vương cho Ngài. Từ đấy cứ 3 năm, một lần Đại-Việt phải cống nhà Minh hai người vàng gọi là « Đại thân kim nhân »9. Xử trí như vậy chỉ vì Bình-Định
vương muốn ôn hoà, tránh họa chiến tranh. Chứ thực ra người Tàu vẫn không xâm phạm vào chủ quyền Đại-Việt.
Sau khi thăng thưởng cho các công thần, Lê Thái-tổ sửa sang mọi việc :
Việc học : Đặt trường Quốc-tử-giám ở Kinh-đô ; đặt thầy dạy học ở các Phủ lộ. Mở khoa thi « Minh kinh » chọn nhân tài giúp nước.
Tôn giáo : Những người theo đạo Phật, đạo Lão, phải thi Kinh Điển của đạo ấy. Ai thi trúng mới được phép làm tăng, đạo-sĩ… Thi hỏng phải về tục làm ăn.
Pháp luật : Hình luật trong nước được sửa lại theo nhà Đường : đặt tội xuy, tội trượng, tội đồ, tội lưu, tội tử10. Những người thuộc hạng Bát nghị11, những người già từ 70 trở lên, trẻ từ 15 tuổi trở xuống, khi có tội được xét lại để tuỳ theo nặng nhẹ mà giảm bớt, tha bổng hoặc chuộc tiền. Đánh đổ bác, bắt được, phải chặt ngón tay mất ba phân ; đánh cờ phải chặt ngón tay mất 1 phân. Không có việc gì quần tụ lại rượu chè, phải phạt đánh 100 trượng ; những người dung chứa hạng này cũng phải phạt giảm xuống một bực.
Cai trị : Khi trước Đông-đô chia làm 4 đạo12, nay đặt thêm đạo Hải-tây, gồm những hạt Thanh-hoá, Tân-bình và Thuận-hoá. Mỗi đạo có quan Hành-khiển giữ sổ sách về quân dân. Dưới đặt Xã-quan coi việc các xã.
Đặt phép « quân điền »13để lấy công điền công thổ chia cho mọi người từ quan đại-thần đến người già yếu cô quả. Còn tư điền, quân phân mỗi xuất đinh một phần.
Vũ bị : Khi còn chiến tranh có cả thẩy 25 vạn binh. Nay rút xuống 10 vạn, chia làm 5 phiên : 1 phiên ở lại thì 4 phiên khác được về làm ruộng cứ lần lượt thay nhau như thế.
Lê Thái-tổ mất năm 1433, trị vì được 5 năm, thọ 49 tuổi.
Lê Thái-tông : lên nối ngôi năm 1434, mới có 11 tuổi. Mọi việc đều giao cho quan Phụ-chính Lê Sát quyết định. Lê Sát cậy quyền làm nhiều điều trái phép. Sau Thái-tông giết
bỏ Lê Sát, nhưng Thái-tông không người phò tá, lại ít tuổi, chẳng bao lâu say mê tửu sắc.
Về đời này, dân tình đói khổ vì đại-hạn, nước lụt, lại hoàng-trùng. Đôi ba nơi nổi loạn, may giẹp yên ngay. Tiêm la, Ai-lao, Chiêm-thành vẫn giữ sứ-thần đi lại, cống tiến.
Thái-tông chỉnh đốn lại thi cử : 5 năm một lần thi Hương, 6 năm một kỳ thi Hội. Phép thi kỳ đệ nhất làm 1 kinh-nghĩa. 4 bài Tứ-thư nghĩa, mỗi bài 300 chữ trở lên ; kỳ đề nhị làm Chiếu, Chế, Biểu ; kỳ đệ tam làm thi phú ; kỳ đệ tứ làm 1 bài văn sách 1.000 chữ trở lên. Năm 1442, mở khoa thi Tiến-sĩ. Những người thi đỗ được khắc tên vào bia đá để trong Văn
miếu.
Cuối năm 1442, Lê Thái-tông mất đã gây ra cái án Thị-Lộ làm hại gia-đình vị Khai-quốc công-thần Nguyễn-Trãi.14
Thái-tông làm vua được 9 năm, thọ 20 tuổi.
Thái-tông mất, thái-tử Băng-Cơ lên nối ngôi, tức Lê Nhân-tông mới có 2 tuổi. Bà Hoàng-thái-hậu ra cầm quyền.
Hồi này đặt ra 14 Điều Hộ Luật và việc tư điền.
Về cách thi cử, bỏ ám-tả và kinh nghĩa, chỉ thi viết và tính. Về giao-thông, đào sông Bình-Lỗ từ Thái-nguyên đến Phú-thọ.
Năm 1446, Lê Thụ và Lê Khả giẹp yên được giặc Chiêm thành15. Năm 1448, Xứ Bồn-man xin nội thuộc Đại-Việt, gọi là châu Qui-hợp.16
Thái-hậu nghe lời gièm pha, giết mất Lê Khả, Lê khắc Phục là những công-thần, làm nhiều người không phục.
Năm 1453, Nhân-tông mới bắt đầu thân chính. Ngài cấp ruộng cho con cháu những công-thần bị giết. Sai Phan phù Tiên viết Quốc-sử từ vua Trần Thái-tông đến thời kỳ thuộc Minh, cả thẩy 10 quyển.
Các vương hầu và các quan, ngoài số thuế được thu, tuỳ theo phẩm hàm, được lĩnh thêm tiền tuế-bổng.
Năm 1459, anh Lê Nhân-tông là Lạng-Sơn-vương Nghi Dân trước đã làm thái-tử, sau vì mẹ có tội mà bị truất, mưu với bọn Phạm Đồn và Phan Ban nửa đêm trèo thành vào giết Nhân-tông và Hoàng thái-hậu, tự xưng làm vua.
Nhân-tông làm vua 17 năm, thọ 19 tuổi.
Lên ngôi Nghi-Dân nghe lời dua nịnh, chém giết cựu thần, cho nên mới được 8 tháng, các quan đại thần Nguyễn Xí, Hinh Liệt, giết bỏ Nghi-Dân, Phạm Bồn và Phan Ban. Rước con thứ 3 vua Thái-tông là Bình-Nguyên-vương Tư-Thành lên ngôi, tức Lê Thánh-tông.
Lê Thánh-tông : lên ngôi năm 1460, niên hiệu Quang Thuận. Đến năm 1470 lại đổi niên hiệu là Hồng-Đức. Mất năm 1497, thọ 56 tuổi, làm vua 38 năm.
Lê Thánh-tông rất thông minh, làm nhiều việc khiến cơ nghiệp của Lê Thái-tổ để lại được thịnh-vượng (mà bài 6 sẽ nói riêng).
Lê Thánh-tông mất thì thái-tử Tăng lên nối ngôi, tức Lê Hiến-tông (năm 1497). Hiến-tông thông minh, hoà hiếu thường nói chuyện với các quan : « Vua Thái-tổ đã gây dựng cơ đồ. Vua Thánh-tông đã sửa sang mọi việc. Ta nay chỉ lo
gìn giữ nếp cũ mà mở mang sự nhân chính ra cho sáng rõ các công đức của ông cha trước ». Mất năm 1504, Hiến-tông làm vua được 7 năm, thọ 44 tuổi.
BÀI 5 : DÒNG LÊ PHỤC HƯNG (NỐI THEO)
B) THỜI KỲ SUY NHƯỢC : TỪ LÊ TÚC-TÔNG ĐẾN LÊ CUNG-HOÀNG (1505-1527)
Lê Hiến-tông mất năm 1504, con thứ 3 tên Thuần lên nối ngôi, tức Lê Túc-tông.
Túc-tông làm vua được 6 tháng thì mất, triều-đình tôn anh thứ 2 tên là Tuấn lên ngôi, tức Lê Uy-Mục.
Uy-Mục rất táo bạo, giết tổ-mẫu là bà Thái-hoàng thái hậu, giết Lễ bộ thượng-thư Đàm văn-Lễ và Đô-ngự-sử Nguyễn quang Bật, vì 3 vị này không chịu lập Uy-Mục lên ngôi, lúc Hiến-tông mất.
Đã bạo-ngược, lại say đắm tửu sắc, đêm nào Uy-Mục cũng cùng cung nhân uống rượu, đến khi say thì giết bỏ. Có khi bắt quân sĩ đánh nhau làm trò chơi. Sứ Tàu sang làm thơ gọi Uy-Mục là Quỷ-vương.
Uy-Mục tìm những người có sức mạnh làm túc-vệ ; bởi thế Mạc đăng-Dung thi đỗ đô-lực-sĩ được làm chức Đô-chỉ huy-sứ. Còn những tôn-thất công-thần thì bị đánh đuổi, triều thần chán nản, nhiều người bỏ quan trốn đi. Cơ nghiệp nhà Lê từ đây mỗi ngày mỗi suy nhược, để rồi mất vì nhà Mạc.
Năm 1509, Giản-tu-Công tên là Oánh, cháu vua Thánh tông về Tây-đô hội với các quan cựu thần, đem binh bắt Uy-
Mục và hoàng-hậu Trần-thị giết đi, rồi tự lập làm vua. Giản-tu-Công lên ngôi năm 1510, tức Lê Tương-Dực.
Tương-Dực hay chơi bời xa-xỉ. Làm điện 100 nóc, xây cửu-trùng đài, đóng chiến-thuyền bắt đàn bà chèo chơi. Lại tư thông với cung nhân tiền Triều. Sứ Tàu bảo Tương-Dực có tướng lợn, loạn sắp tới.
Đời này có quan Binh-bộ thượng-thư là Vũ Quyền viết bộ Đại-Việt thông-giám, 26 quyển cả thảy.
Trong nước giặc nổi khắp nơi. Trần Duy-Nhạc, Ngô văn Tổng làm loạn ở huyện Đông-ngạn và Gia-lâm ; đất Sơn-tây có Trần Tuân đánh phá ; tên Phùng Chương làm giặc ở núi Tam-đảo ; Trần công-Ninh ở huyện An-lãng ; Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê văn-Triệt ở đất Nghệ-an ; hung hăng nhất là Trần Cao ở huyện Thuỵ-dương (Hải-dương) tự xưng là Đế Thích giáng sinh, đem quân đóng ở Bồ-đề chực sang lấy Kinh-đô.
Giặc giã như thế mà vua không chịu sửa sang việc gì. Nguyên Quận-công Trịnh duy-Sản, vì hay can vua mà phải đánh. Trịnh duy-Sản bèn mưu cùng Lê Quang-Độ, Trịnh Chí Sấm giết Tương-Dực, hội triều-đình lại, lập con Mục-Y vương
là Quang-Trị, mới 8 tuổi. Võ-Tá hầu là Phùng Mại muốn lập cháu 3 đời vua Thánh-tông là con Cẩm-Giang vương tên Ỷ đã 14 tuổi. Trịnh duy-Sản bắt chém Phùng Mại. Lên ngôi 3 ngày, Quang-Trị bị anh Trịnh duy-Sản là Trịnh duy-Đại đem vào Tây-đô rồi bị giết. Bọn Trịnh duy-Sản lại phải lập Ỷ lên làm vua tức Lê Chiêu-tông.
Lê Chiêu-tông lên ngôi (1516) trong lúc Nguyễn Hoàng Dụ ở bến Bồ-đề được tin Trịnh duy-Sản đã giết Tương-Dực,
kéo quân về đốt phá kinh-thành, bắt giết tên Vũ như-Tô là người đốc việc làm đền đài cho Tương-Dực. Trịnh duy-Sản phải rước Chiêu-tông vào Tây kinh.
Giặc Trần Cao thấy triều-đình bỏ trống kinh-đô, kéo quân vào chiếm, tiếm hiệu làm vua. Nguyễn Hoàng-Dụ và Trịnh Tuy, sau khi đánh tan giặc Trần Cao, giở giáo chống nhau. Trần Chân bênh Trịnh Tuy đánh Nguyễn Hoàng-Dụ phải chạy vào Thanh-hoá. Rồi Chân cũng bị nghi làm phản mà bị giết. Bộ tướng của Chân đem quân phá kinh-đô. Để trị loạn, Chiêu-tông phải mời Mạc Đăng-Dung, lúc bấy giờ ở Hải dương về giúp.17
Giẹp yên các nơi hỗn loạn, Mạc Đăng-Dung thu cả quyền binh vào tay, ra vào hống hách.
Chiêu-tông thấy vậy chạy lên Sơn-tây thu xếp binh mã đánh Mạc Đăng-Dung. Không xong, chạy vào Thanh-hoá, Chiêu-tông bị Mạc Đăng-Dung bắt được, giết đi. Mạc Đăng Dung lập Hoàng-đệ là Xuân lên thay Chiêu-tông tức Cung hoàng, niên hiệu Thống-nguyên.
Chiêu-tông làm vua được 11 năm, thọ 26 tuổi.
Năm 1527, Mạc Đăng-Dung giết bỏ Lê Cung-hoàng và bà Hoàng thái-hậu, bắt các quan nhà Lê thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc.
Cơ-nghiệp nhà Lê do Lê Lợi dựng nên từ năm 1427 đến đây, vừa được 100 năm thì sụp đổ bởi những người kế nghiệp về sau, không đủ tài đức. Mãi đến năm 1532 mới lại trung hưng lên được (Xem Lê trung hưng ở Chương IV).
BÀI 6 : LÊ THÁNH TÔNG MỘT ĐỨNG ANH-QUÂN
Niên-hiệu Quang-Thuận : 1460-1469
Niên-hiệu Hồng-Đức : 1470-1497
Vua Lê Thánh-tông rất thông minh, thờ mẹ có hiếu18, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Làm được nhiều việc ích quốc lợi dân.
Văn trị : Từ trước Triều-đình vẫn theo nhà Trần : trên có Tả Hữu tướng-quốc, rồi đến Lễ Bộ, Lại Bộ, Nội Các viện, Trung-thư, Hoàng-môn, và 3 sở môn-hạ, lại có ngũ Đạo Hành-khiển để coi sổ sách quân dân các Đạo. Đến khi Nghi
Dân cướp ngôi (1459) đặt ra Lục bộ và Lục khoa (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Công, Hình). Mỗi bộ có quan thượng-thư đứng đầu, rồi đến Tả Hữu Thị-lang, Lang-trung, Viên-ngoại lang, Tư-vụ. Nay Thánh-tông đặt thêm lục Tự : Đại-lý-tự, Thái-thường-tự, Quang-lộc-tự, Thái-bộc-tự, Hồng-lô-tự, Thượng-bảo-tự ; Quan-lục-tự thì có Tự-khanh, Thiếu-khanh và Tự-thừa.
Định lệ tri-sĩ cho các quan. Ai làm đến 65 tuổi được xin về tri-sĩ. Nha lại làm đến 60 tuổi cũng được về tri-sĩ.
Thánh-tông chia nước ra làm 12 Đạo : Thanh-hoá, Nghệ an, Thuận-hoá, Thiên-trường, Nam-sách, Quốc-oai, Bắc giang, An-bang, Hưng-hoá, Tuyên-quang, Thái-nguyên, Lạng-sơn. Mỗi Đạo có tòa Đô, tòa Thừa, và tòa Hiến. Tòa Đô
có chánh Phó-Đô. Tổng-binh coi việc binh ; toà Thừa có Thừa-chính chánh phó-sứ coi việc Chính ; tòa Hiến có Hiến Sát chánh phó-sứ coi việc hình. Đặt ra chức thám-sát-ngự-sử
để xem xét công việc các Đạo cho khỏi sự nhũng lạm.19 Sau nhân lấy đất Quảng-nam (1470) của Chiêm-thành20
Thánh-Tông chia đất làm 13 xứ : Thanh-hoá, Nghệ-an, Sơn nam (trước là Thiên-trường), Sơn-tây (trước là Quốc-oai), Kinh-bắc (trước là Bắc-giang), Hải-dương (trước là Nam sách), Thái-nguyên, Tuyên-quang, Hưng-hoá, Lạng-sơn, An bang, Thuận-hoá, Quảng-nam. Ở những xứ hiểm yếu như
Nghệ-an, Thanh hoá, Tuyên-quang, Hưng-hoá, Thái-nguyên, Lạng-sơn, Quảng-nam, đặt chức Thứ-ngự-kinh-lược-sứ để phòng giữ. Các xứ chia ra phủ, huyện, châu, rồi đơn-vị ở dưới là hương, phường, xã, thôn, trang, sách, động, nguyên, trưởng, cả thẩy có 8.006 đơn-vị.
Thuế lệ : mỗi người đóng 8 tiền một năm. Ruộng, đất, bãi trồng dâu, mỗi thứ chia làm 3 hạng, theo mẫu đánh thuế.
Pháp luật : Sửa lại luật năm 1460, rồi đổi niên-hiệu là Hồng-Đức. Bởi thế Luật của Thánh-tông gọi là Luật Hồng Đức.
Canh nông : Vua Thánh-tông thường-thường sắc cho phủ, huyện hết sức khuyên dân cày ruộng trồng dâu. Đặt quan Hà-đê và Khuyến-nông coi việc cày cấy trong nước. Đốc dân phu khai khẩn những đất bỏ hoang. Lập ra 42 sở đồn
điền, đặt quan trông nom khai khẩn.
Y-tế : Thánh-tông lập tế sinh, nuôi người đau yếu già nua ; khi có dịch tễ, sai quan đem thuốc đi chữa.
Phong tục : Thánh-tông không cho làm chùa mới, để tiền của làm việc có ích cho đời thực-tế. Cấm những nhà có lễ tang, bày-cuộc hát xướng. Việc hôn, đã nhận lễ hỏi, phải chọn ngày cho rước dâu, không được để lâu 3, 4 năm. Ngoài ra Thánh-tông đặt 24 điều, sức dân xã thường thường giảng
đọc để giữ lấy thói tốt.21
Địa-dư : Thánh-tông sai quan các Đạo vẽ địa-đồ sông núi và ghi chép sự tích, rồi gửi về bộ Hộ để soạn Địa-dư nước ta.
Sử-ký : Thánh-tông sai Ngô sĩ-Liên viết bộ Đại-việt sử-ký chia làm 2 bản : Một bản kể từ Hồng-bàng đến Thập-nhị-sứ quân (có 5 quyền) ; một bản từ Đinh tiên-hoàng đến Lê Thái tổ (10 quyển).
Văn học : Thánh-tông thường ra làm chủ các kỳ thi Đình, lập ra lệ Xướng danh tiến-sĩ, và lệ Vinh quy. Mở rộng nhà Thái-học, phía trước làm văn-miếu, phía sau làm nhà Thái học, có cả phòng ốc để sinh-viên ở học.
Thánh-tông thích ngâm vịnh, cùng 28 văn-thần thành lập hội Tao-đàn, soạn ra nhiều tác-phẩm bằng văn nôm22. Lúc Thánh-tông đi đánh Chiêm-thành, Lão-qua và các Mường về, viết ra quyển « Thân chinh ký sự ».
Võ công : Thánh-tông nói : phàm một nước cường thịnh phải có vũ bị. Ngài bắt các quan tổng-binh chăm tập trận đồ, luyện sĩ tốt. Ngài đổi 5 vệ quân ra làm sáu Sở, mỗi Sở độ 400 quân. Cả thảy chừng 70.000 người : một phần giữ trật tự trong nước, một phần phòng bị dọc biên cương.
Thánh-tông đặt ra quân lính để tập thuỷ bộ trận (thuỷ có 31 Điều, bộ 42 Điều). 3 năm một kỳ thi võ. Tướng sĩ thi hỏng phải phạt.
Năm 1470, Thánh-tông vào đánh Chiêm-thành lấy một phần đất sát nhập vào Đại-việt, lập ra Đạo Quảng-nam.23
Năm 1479, Tù-trưởng xứ Bồn-man là Cầm-Nông xui
người Lão-qua (Luang-Prabang) đem binh quấy nhiễu miền tây nước ta. Thánh-tông sai thiếu-uý Lệ thọ-Vực cùng các tướng Trịnh Công-Lộ, Lê đình-Ngạn, Lê Lộng và Lê Nhân-Hiếu đem quân đuổi vua Lão-qua chạy ngược sông Cửu-long lên giáp nước Diến-điện. Một mặt cử Lê Niêm đánh Bồn-man. Nguyên xứ Bồn-man, về đời Lê Nhân-tông, năm 1448, đã xin nội thuộc Đại-việt đổi tên gọi là Châu Quy-hợp, sau là Trấn ninh phủ. Triều-đình Đại-việt vẫn để cho Tù-trưởng họ Cầm
được đời đời làm phụ-đạo. Nay Cầm-Nông cậy có Lão-qua giúp, làm phản. Nhưng Cầm-Nông chết trận ngay, dân Bồn man lại xin đầu hàng. Thánh-tông phong cho người họ Cầm Nông là Cầm-Đông làm Tuyên-uý đại-sứ và đặt quan cai-trị Bồn-man.
Vua Thánh-tông đã mở rộng thêm bờ cõi và gây cho nước ta một thời kỳ đại thịnh vượng nhất từ cổ lai.
Cảnh « Tam Quan » trước Văn Miếu thờ Đức Khổng-Tử do Vua Lý Thánh Tông lập tại Hà-nội năm 1054.
Những bia đá khắc tên những người thi đỗ Tiến-sĩ dựng
trong sân Văn Miếu Hà-nội. Các Tiến-sĩ được khắc tên vào bia đá khởi đầu từ năm 1442 đời Vua Lê Thái Tông. Bên kia bia đá, phía sau Văn Miếu Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) cho dụng nhà Thái Học làm ra các phòng ốc cho những ký sinh viên ở học. Có cả kho bí thư. (tức như bây giờ có Thư viện và ký túc xá)
BÀI 7 : NƯỚC CHIÊM-THÀNH SUY VONG
Khi Lê Thái-tổ trị vì, nước Chiêm-thành vẫn sai sứ qua lại. Sau Lê Thái-tổ băng hà, Thái-tông lên nối ngôi mới có 11 tuổi, việc nước phó thác cho quan Phụ-chính Lê Sát, làm nhiều đều bất chính, dân tình không phục. Vua Chiêm-thành là Bí-Cai nhân cơ-hội muốn mở lại biên cương, thu về đất cũ, bèn cất binh đánh mạn Quảng-nam. Nhưng bị quân Đại-việt vào giẹp yên ngay. Bí-Cai thua, xin triều cống như cũ.
Tuy nhiên Bí-Cai vẫn chưa tâm phục Đại-việt, thường cho quân quấy nhiễu đất Hóa-châu. Đã nhiều lần triều-đình Đại việt sai binh đàn-áp, Bí-Cai không chừa. Năm 1446, triều đình cử bọn Lê Thụ, Lê Khả dẫn binh đánh Chiêm-thành, chiếm được Đồ-bàn, bắt Bí-Cai và phi-tần đem về Đông-kinh. Rồi lập cháu vua Bồ-Đề là Ma-Ha-Qui-Lai lên làm vua. Tạm yên được vài chục năm.
Đến năm 1470, vua Chiêm-thành là Trà-Toàn lại đem lòng giở-giáo, cho người sang cầu cứu với nhà Minh, đồng thời đem quân đánh phá đất Hóa-châu.
Vua Lê Thánh-tông liền sai sứ sang Tàu kể tội Trà-Toàn quấy nhiễu. Rồi Ngài thân dẫn hơn 20 vạn binh cả thuỷ bộ vào đánh Chiêm-thành. Thánh-tông diệt được đại binh của Trà-Toàn ở cửa Thi-Nại (Qui-nhơn bây giờ). Trà-Toàn xin hàng. Thánh-tông không cho, tiến quân lên chiếm thành Đồ
bàn, bắt được Trà-Toàn giải về Đông-kinh. Nhưng mới đi được nửa đường thì Trà-Toàn chết.
Chiêm-thành bao phen gây chiến-tranh với Đại-việt, để rồi bị thất bại, vẫn không chịu thành-thực phục tòng, còn
quấy-nhiễu cướp phá luôn luôn. Thánh-tông bèn định tâm làm cho Chiêm-thành yếu thế, để tránh họa về sau : Thánh tông lấy đất Đồ-bàn, Đại-chiêm và Cổ-lũy sáp nhập vào Đại việt, lập thành đạo Quảng-nam (hiện là 3 tỉnh Quảng-nam, Quảng-nghĩa và Bình-định), đặt quan cai-trị. Còn khoảng đất Chiêm-thành, lấy giải núi chạy từ Hoành-sơn ra bể làm giới hạn, giở vào phía Nam, Thánh-tông chia làm 3 nước : một nước gọi là Chiêm-thành, một nước gọi là Hoá-anh, và một nước nữa gọi là Nam-phan.
Sau khi Trà-Toàn bị bắt, em Trà-Toàn là Trà-Toại trốn vào núi, sai người sang cầu cứu với nhà Minh. Nhà Minh sai sứ sang Đại-việt bảo phải giả đất Chiêm-thành, nhưng Thánh-tông không chịu, và bắt Trà-Toại giam ở Kinh-sư.
Nước Chiêm-thành đã phải cắt đất cho nhà Lý năm 1069 : Vua Chiêm-thành là Chế-Củ thua trận, dâng Lý Thánh-tông ba châu Địa-lý, Ma-linh và Bố-chính (thuộc địa-hạt Quảng bình và Quảng-trị bây giờ) : năm 1103, vua Chiêm-thành là Chế-ma-na do Lý Giác (làm phản ở Đại-việt) xui-giục đòi lại 3 châu vừa nói, nhưng Lý thường-Kiệt sang năm 1104 lại thu hồi được cho Đại-việt.
Năm 1306, vua Chiêm-thành là Chế-Mân dâng vua Trần Anh-tông châu Ô và châu Ri, sau đổi tên là Thuận-châu và Hoá-châu, làm sính-lễ để lấy Huyền-Trân công-chúa.
Rồi năm 1402, Chiêm-thành lại cắt đất cho nhà Hồ một lần nữa. Nguyên Hồ Quý-Ly sai tướng Đỗ-Mân đem binh đánh Chiêm-thành. Vua Chiêm-thành là Ba-Đích-Lai thua trận, chịu cắt đất Chiêm-đông (phủ Thăng-bình, tỉnh Quảng-nam)
và đất Cổ-luỹ (tỉnh Quảng-nghĩa). Hồ Quý-Ly chia đất ấy ra làm 4 châu : châu Thăng, châu Hoá, châu Tự, châu Nghĩa.
Ngày nay Chiêm-thành lại chịu mất đất cho nhà Lê, như trên đã nói, chỉ còn vẻn-vẹn một khoảng đất về phía Nam, lại bị chia xẻ làm 3 nước, có 3 vua.
Trước sức bành-trướng của dân Đại-việt, giống Chiêm thành đã suy nhược dần trong vòng 400 năm, để sau này, bị tiêu-diệt hoàn-toàn, dưới triều Nguyễn (năm 1697).
CHƯƠNG III : NHÀ MẠC
BÀI 8 : NHÀ MẠC CƯỚP NGÔI NHÀ LÊ
Năm 1527, Mạc đăng-Dung cướp ngôi nhà Lê, lên làm vua, đặt niên-hiệu là Minh-Đức.
Sợ lòng người còn nhớ nhà Lê, nên việc gì trong nước cũng làm theo nhà Lê, lại tặng phong cho những người đã vì nhà Lê mà tuẫn-tiết, lục dụng những con cháu cựu thần nhà Lê. Tuy nhiên phần đông quan nhà Lê vẫn không phục, kẻ trốn tránh lên sơn lâm, tụ tập những người nghĩa khí nổi lên đánh phá, như Lê công-Uyên, Nguyễn Ngã, Nguyễn thọ
Trường ở Thanh-hoá. Lê Ý ở Mã-giang ; có kẻ mắng chửi Đăng-Dung mà chịu chết chứ không chịu luồn cúi quân phản bội (xem bài GƯƠNG TRUNG NGHĨA).
Làm vua được ba năm, bắt chước lối nhà Trần, Mạc đăng Dung truyền ngôi cho con là Mạc đăng-Doanh, rồi về ở Cổ trai làm Thái-thượng-hoàng, nhưng vẫn giữ quyền quyết đoán mọi việc.
Đăng-Doanh lên ngôi đặt niên-hiệu là Đại-Chính, năm 1530. Đăng-Doanh làm vua được 7 năm, thì nhà Minh sửa soạn qua đánh.
Nguyên lúc Mạc đăng-Dung lên ngôi, có người qua Tàu kể với nhà Minh sự thoán nghịch của họ Mạc. Cũng muốn vin vào cớ giúp Lê diệt Mạc để xâm chiếm Đại-Việt như thời nhà Hồ, vua nhà Minh sai Cừu-Loan làm đô-đốc, Mao-Bá Ôn làm Tán-lý-quân-vụ đem quân đến đóng ở gần cửa Nam quan ; rồi truyền hịch các nơi : « Hễ ai bắt được cha con Mạc đăng-
Dung thì thưởng cho quan tước và hai vạn bạc » ; lại sai người đưa thư cho Mạc-đăng-Dung bảo đưa sổ ruộng đất nhân dân sang nộp và chịu tội. Mạc đăng-Dung liền cho bọn Nguyễn văn-Thái sang sứ nhà Minh để xin hàng.
Năm 1540, Mạc đăng-Doanh mất, truyền ngôi cho con là Mạc phúc-Hải, đổi hiệu là Quang-Hoa. Hồi này thấy nhà Minh sửa soạn qua đánh, Mạc đăng-Dung sợ hãi quá, giao việc nước cho Mạc phúc-Hải, rồi cùng bọn Vũ như-Quế, cả thảy hơn 40 người cởi trần trói mình lên chịu tội với nhà Minh ở cửa Nam-quan, lạy phục xuống đất nộp sổ điền thổ dân đinh ; lại cắt đất 5 động (động Tê-phù, Kim-lạc, Cổ-xung, Liễu cát, La-phù) và đất Khâm-châu dâng nhà Minh. Được tiền của họ Mạc, quan nhà Minh tâu Minh triều tha cho Đăng-Dung và phong chức Đô-thống-sứ.
Giết Lê Cung-Hoàng để cướp ngôi, cởi trần trói mình, lạy xin chịu tội với nhà Minh, lại còn cắt đất dâng và đút lót vàng bạc, Mạc đăng-Dung là một kẻ bất nghĩa, hèn nhát, phản quyền lợi quốc-gia, rất có tội với nòi giống. Thế cho nên không giữ được ngôi phú quý mà nhà Lê lại trung hưng lên được.
BÀI ĐỌC THÊM : GƯƠNG TRUNG NGHĨA
Khi Mạc đăng-Dung giết Lê cung-Hoàng và Hoàng thái hậu lên ngôi, trong triều thần, cũng có một số cúi đầu vâng lệnh kẻ tiếm quyền, đây là những hạng túi áo giá cơm bất cố liêm sỉ, thấy danh lợi là hoa mắt, không hiểu thế nào là chính là nghịch. Nhưng cũng có một số nhất định không chịu cúi
luồn quân phản bội, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Sử còn chép :
« Vũ công-Duệ, người làng Trịnh-xá, huyện Sơn-vi, tỉnh Sơn-tây, đỗ trạng-nguyên năm Hồng-đức thứ 23, làm quan Đô-ngự-sử rồi thăng lên chức Lại-bộ-thượng-thư, chửi mắng Mạc đăng-Dung, rồi ôm quả ấn của mình nhảy xuống cửa bể Thần-phù mà chết ;
« Nguyễn thiệu-Trí, người làng Xuân-lôi, huyện Lập thạch, phủ Tam-đái, tỉnh Sơn-tây, đỗ đệ-tam-giáp tiến-sĩ năm 1478 làm quan đến Hộ-bộ-thượng-thư, đã về trí-sĩ, khi Mạc đăng-Dung cướp ngôi nhà Lê, ông đã 92 tuổi, nghe thấy con trưởng đua theo nghịch-thần, liền từ bỏ, lập con thứ lên làm thừa-tự. Đoạn ông ngoảnh mặt về Lam-sơn khóc lạy, rồi tự vẫn ;
« Lê tuấn-Mậu, người xã Xuân-lôi, huyện Yên-phong, đỗ tiến-sĩ đời vua Thánh-tông làm quan hàn-lâm, đi sứ Minh, được thăng đô-ngự-sử, sau làm Lễ-bộ-thượng-thư. Khi Đăng Dung bắt vào chầu, ông thu trong tay áo một viên đá, nhằm mặt Đăng-Dung mà ném, nhưng không trúng, ông bị giết ngay ;
« Nguyễn thái-Bạt, người xã Bình-lang, xứ Cẩm-giàng, đỗ tiến-sĩ đời vua Chiêu-tông, làm quan Hàn-lâm-hiệu-lý ; thấy Đăng-Dung tiếm ngôi, ông liền giả đui mù, xin lại gần Đăng Dung để bàn chuyện. Đến lúc đã đứng gần kẻ thoán-đạt, ông nhổ vào mặt hắn cho hả cơn giận. Lẽ tất nhiên Thái-Bạt bị giết liền ;
« Đàm thận-Huy, hiệu Mặc-trai, người xã Ông-mặc,
huyện Đông-ngân, đỗ tiến-sĩ đời Hồng-Đức, làm quan Hàn lâm-hiệu-thảo, là một ngôi trong 28 vị sao của Tao-đàn. Đời vua Tương-Dực, đi sứ Minh về được thăng Lại-bộ-thượng-thư. Khi vua Chiêu-tông xuất hạnh, ông được mật chiếu về Bắc giang khởi binh. Ông đem hơn năm vạn người về cự nhau với quân Mạc ở sông Tây-kiều (thuộc Đông-ngàn). Sau vì thế cô, không địch nổi quân Mạc, ông uống thuốc tự tử. Khi Thận Huy chết, vị tướng đồng chí với ông là Nguyễn hữu-Nghiêm
vẫn còn cầm-cự ít lâu với quân Mạc ;
« Hữu-Nghiêm là người làng Phúc-khê, huyện Đông-ngàn, đỗ Thám-hoa đời Lê Uy-Mục. Hồi đó mới có 18 tuổi. Làm quan Hàn-lâm-thị-thư, rồi được thăng thượng-thư kiêm chưởng-viện-sự, vua Chiêu-tông xuất hạnh, cùng với Đàm thận-Huy, ông cử binh đánh Mạc ; Thận-Huy tự tử được ít lâu, ông quay về quê nhà thăm mẹ. Kịp khi quân Mạc đuổi tới
nơi, ông lạy mẹ, rồi bị giặc bắt đi. Đăng-Dung nhẫn tâm cho xe xé thây Hữu-Nghiêm ;
« Lê tuấn-Kiệt, người xã Tân-minh (Thanh-hoá) cũng đương làm quan, thấy Mạc đăng-Dung thoán-đoạt, liền bỏ quan về Thanh-hoá, tụ tập binh mã, đợi ngày đánh Mạc. Đăng-Dung cho người đem vàng lụa vào dụ hàng và hứa phong tước vương. Tuấn-Kiệt tức giận mắng rằng : « thằng Đăng-Dung là kẻ nghịch thần, tội nó rất lớn, trời đất không dung, quỉ thần đều tức. Ta chỉ muốn ăn thịt nó mà thôi, lẽ nào ta còn nhìn mặt nó ». Nói xong, sai chém người đến dụ, rồi kéo cờ dẫn quân đánh Mạc, sau chết tại sa trường.
« Ngoài ra còn nhiều vị khác trong hàng khoa-giáp, như Ngô Hoán (thượng-thư), Nguyễn văn-Vân (đô-ngự-sử),
Nguyễn duy-Tường (tham-chính-sứ), Nguyễn tự-Cường (quan-sát-sứ), Nghiêm bá-Ký (bình-lữ-bá), Lại kim-Bảng (đô ngự-sử), Lê vô-Cương (phó-đô-ngự-sử)… không chịu theo Mạc, bỏ quan tước trốn đi, hoặc tuẫn-tiết, để ngàn thu gương TRUNG NGHĨA còn chói lọi ».
CHƯƠNG IV : LÊ TRUNG HƯNG
BÀI 9 : NAM TRIỀU VÀ BẮC TRIỀU
Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, những người đã giúp Lê trung hưng.
Nhà Lê tuy mất ngôi cho nhà Mạc, năm 1527 nhưng lòng người còn tưởng nhớ đến công đức vua Thái-tổ và Thánh tông, cho nên, năm năm sau, lại trung hưng lên được.
Khi Mạc đăng-Dung giết Lê Cung-Hoàng tiếm ngôi, Nguyễn Kim là quan Trấn-thủ Nghệ-an, không chịu hàng Mạc, trốn sang Ai-lao, ở xứ Sầm-neua (thuộc Trấn-nam-phủ Thanh-hoá).
Nguyễn-Kim là con Nguyễn hoàng-Dụ tức An-Hoà-hầu, một công-thần của nhà Lê. Về đời Lê tương-Dực, giặc giã nổi khắp nơi, Nguyễn hoàng-Dụ từng cầm quân đánh giẹp, giữ Bồ-đề, bảo hộ lấy kinh-đô. Lúc trong triều rối loạn, các quan hiềm khích lẫn nhau, ông bị bọn Trần Chân, Trịnh Tuy đánh, phải chạy vào Thanh-hoá. Nguyễn hoàng-Dụ lại là cháu Nguyễn văn-Lang cũng làm quan với nhà Lê. Thế nghĩa là Nguyễn Kim thuộc dòng dõi đã từng đem công lực ra giúp Lê, nay thấy Lê sụp-đổ, không nỡ ngồi yên.
Năm 1532, Nguyễn Kim tìm được con rốt vua Chiêu-tông là Duy-Ninh, lập lên làm vua, tức Trang-tông và chiêu tập quân sĩ ở Sầm-châu, đợi ngày đánh Mạc.
Nguyễn Kim nghe tin Trịnh-Kiểm ở làng Sóc-sơn, huyện Vĩnh-lộc, phủ Quảng-hoá, tỉnh Thanh-hoá, là một tướng có
tài, liền mời Trịnh Kiểm ra giúp. Nguyễn Kim lại gả con gái là Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm.
Trịnh Kiểm nguyên là mã-phu cho một viên tướng của nhà Mạc. Không phục Mạc, Trịnh Kiểm lấy ngựa của chủ chạy về sinh quán, rèn luyện binh mã, đợi ngày gây nghĩa cả. Được Nguyễn Kim tin dùng, Trịnh Kiểm ra cùng Nguyễn Kim hiệp lực phò Lê.
Năm 1540, Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm tiến quân đánh Nghệ-an. Thu phục được hạt Nghệ-an rồi, năm 1542 đánh Thanh-hoá. Qua năm 1543, chiếm đoạt được đất Tây-đô. Quan Tổng-trấn nhà Mạc là Dương thập-Nhất ra hàng.
Năm 1545, Nguyễn Kim dẫn quân đánh Sơn-nam, lúc đi đến huyện Yên-mô, bị Dương thập-Nhất đánh thuốc độc mà chết. Binh quyền từ đấy giao cả lại cho con rể, tức Trịnh Kiểm vậy.
Trịnh Kiểm rút quân về Thanh-hoá, lập hành-điện ở đồn Vạn-lai (thuộc huyện Thuỵ-Nguyên Thanh-hoá) để vua ở, rồi chiêu mộ hào kiệt, luyện tập quân sĩ và trữ lương thực, lo việc đánh Mạc.
Những danh-sĩ Phùng khắc-Khoan (tức trạng Bùng), Lương Hữu-Khánh đều vào giúp nhà Lê lúc bấy giờ. Lực lượng đã khá, nhà Lê giữ hẳn được đất từ Thanh-hoá giở vào gọi là Nam Triều, họ Mạc chỉ riêng giữ từ Sơn-nam giở ra, gọi là Bắc Triều.
Nhà Lê và Nhà Mạc cầm cự nhau mãi đến năm 1592 (đời vua Lê Thế-tông) sau khi Mạc Mậu-Hợp bị Trịnh Tùng bắt được, nhà Mạc mới mất ngôi, và nhà Lê mới lại làm vua cả
Nam lẫn Bắc.
BÀI 10 : NHÀ MẠC MẤT NGÔI
Trong 3 năm (1540-1542), nhà Lê, do Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm phò tá, thu được Tây-đô làm căn cứ. Từ đấy, Đại việt, chia ra làm Nam triều và Bắc triều như bài trên vừa nói. Nam Bắc hai bên ngày nào đầy đủ binh lực là ngày ấy không đội trời chung.
Từ năm 1573, đến năm 1583, 10 năm luôn, quân nhà Mạc do Mạc kính-Điển, Nguyễn Quyền, Mạc ngọc-Liễn chỉ huy, khi vào đánh Thanh-hoá, khi đánh cả Thanh-hoá lẫn Nghệ-an.
Nhưng lần nào cũng bị hao binh tổn tướng, lại rút về. Khi Mạc kính-Điển mất, Mạc đôn-Nhượng lại vào đánh, cũng thua. Đến năm 1583, nhà Lê đã mạnh, đổi thế thủ ra thế công, cất binh ra đánh Mạc, thắng Mạc ở Sơn-nam, lấy được thóc gạo đem về. Sau, năm nào cũng ra đánh Mạc ; đánh trận nào được trận ấy, rồi quyết cử đại binh đánh Thăng
long.
Năm 1591, Trịnh Tùng đặt quân giữ các cửa bể, sai Thọ quận công Lê Hoà giữ Thanh-hoá, tự dẫn 5 vạn quân chia làm 5 đạo, tiến ra ngã Ninh-bình, Yên-mã và Tân-phong, Vua nhà Mạc là Mạc mậu-Hợp (Mạc phúc-Hải chết năm 1546, Mạc phúc-Nguyên lên thay, Phúc-Nguyên chết năm 1561, con lên ngôi tức là Mạc mậu-Hợp) điều động tất cả lực lượng được hơn 10 vạn đón đánh quân nhà Lê. Trịnh Tùng đánh quá hăng, quân Mạc đương đầu không nổi, rút về Thăng-long.
Trịnh Tùng kéo quân đuổi theo, đến gần Thăng-long thì vừa hết năm. Cho tướng sĩ nghỉ ăn Tết. Qua giêng tế Trời Đất xong Trịnh Tùng đem quân đánh Thăng-long. Mạc mậu-Hợp địch không nổi, chạy qua đóng quân ở làng Thổ-khối.
Thua như vậy mà Mạc mậu-Hợp vẫn không sửa sang võ bị, cứ say mê tửu sắc. Hồi này tướng nhà Mạc là Bùi văn Khuê có người vợ tên Nguyễn tự-Niên, tài sắc hơn người. Mạc mậu-Hợp muốn giết Văn-Khuê để lấy vợ. Văn-Khuê biết ý, bỏ Mạc-mậu-Hợp vào theo Trịnh phò Lê.
Được Bùi văn-Khuê về hàng, Trịnh Tùng rất mừng, cho Văn-Khuê đi tiền đội, kéo quân đánh Mạc.
Quân Mạc thua ở sông Thiên-phái (thuộc huyện Ý-yên và Phong-doanh, Nam-định) mất 70 chiếc thuyền. Lại thua ở sông Hát-giang, mất hàng nghìn thuyền.
Mạc mậu-Hợp được tin quân mình thua to, bỏ thành Thăng-long về Kim-thành (Hải-dương). Trịnh Tùng sai tướng sĩ vây Mạc mậu-Hợp ở Kim-thành lấy được của cải rất nhiều và bắt được mẹ Mạc mậu-Hợp đem về. Mạc mậu-Hợp giao quyền trị cho con là Mạc Toàn, tự mình cầm quân đánh Trịnh. Bấy giờ tướng nhà Mạc là bọn Đỗ Uông, Ngô Tạo, cả thảy 17 người về hàng nhà Lê.
Trịnh Tùng sai Phạm văn-Khoái đem quân đánh Mạc mậu-Hợp ở huyện Yên-dũng và Vũ-ninh. Mạc mậu-Hợp thua, vào ẩn trong một ngôi chùa ở huyện Phượng-nhãn, Văn Khoái bắt được đem về Thăng-long, chém, bêu đầu trong Thanh-hoá.
Con Mạc kính-Điển là Mạc kính-Chỉ ở Đông-triều được tin
Mạc mậu-Hợp bị bắt, bèn tự lập làm vua, chiêu mộ quân sĩ, con cháu họ Mạc, cả Mạc-Toàn cũng về theo Kính-Chỉ. Thanh-thế Kính-Chỉ khá to, nhưng rồi chẳng bao lâu cũng bị Trịnh Tùng đánh thua ở Cẩm-giàng, Thanh-lâm, và bị bắt.
Thắng Mạc rồi, Trịnh Tùng rước vua Lê giở ra Đông-đô.
Năm sau, tướng nhà Mạc là Mạc ngọc-Liễn lập con Mạc kính-Điển là Mạc kính-Cung lên làm vua, chiếm giữ châu Yên bắc ở đất Lạng-sơn. Trịnh Tùng cho quân lên đánh, bọn này phải chạy sang Long-châu (Tàu). Ít lâu Ngọc-Liễn chết có để thư lại dặn Kính-Cung rằng : « Nay họ Lê lại dấy lên được, ấy là số trời đã định ; còn dân ta có tội gì mà ta nỡ để khổ sở mãi về việc chiến tranh. Vậy ta nên đành phận lánh mình ở nước ngoài, chứ đừng đem lòng cạnh tranh mà lại mời người Tàu sang làm hại dân nước mình ».
Mặc dầu lời nói rất nhân hậu của Ngọc-Liễn, dòng dõi họ Mạc còn dằng dai, nhờ thế lực Tàu, mà chiếm đất Cao-bằng mãi đến năm 1657 mới mất hẳn.24
Kể từ Mạc đăng-Dung làm vua năm 1527 đến Mạc mậu Hợp mất ngôi năm 1592 (không kể thời gian đã mất ngôi vua, con cháu còn chiếm giữ Cao-bằng với sự giúp đỡ của Tàu), nhà Mạc chỉ đứng được 65 năm.
BÀI 11 : HẬU-LÊ GIAO THIỆP VỚI NHÀ MINH
Khi Trịnh Tùng đã đánh tan quân Mạc, thu phục được thành Thăng-long, rước vua Lê ra ở, người nhà Mạc sang kêu với vua nhà Minh rằng họ Trịnh nổi lên cướp ngôi, chứ không phải con cháu nhà Lê.
Vua nhà Minh sai quan đến Nam-quan xét xem việc thực hư thế nào. Vua Thế-tông (Duy Đàm) sai quan Hộ-bộ thượng-thư là Đỗ-Uông và quan Đô-ngự-sử là Nguyễn văn Giai lên Nam-quan tiếp quan Tàu. Sau lại sai 2 hoàng-thân Lê Cảnh, Lê Lựu cùng với quan Công-bộ tả-thị-lang là Phùng khắc-Khoan đem 10 người kỳ-mục 100 cân vàng, 1.000 cân bạc, cái ấn An-nam đô-thống-sứ của nhà Mạc và cái ấn An
nam quốc vương của nhà Lê ngày trước, sang cho quan nhà Minh khám. Nhưng quan nhà Minh bắt vua Lê Thế-tông phải thân hành sang hội ở Nam-quan.
Trịnh Tùng cắt bọn Hoàng đình-Ái, Nguyễn hữu-Liêu đem một vạn quân đi hộ giá, đưa vua sang phó hội. Nhưng lúc Thế-tông đến Nam-quan, thì quan nhà Minh lại không đến hội, đòi phải nộp người vàng và ấn vàng như tích cũ. Thế
tông chờ lâu không xong việc, phải trở về.
Đến tháng tư năm sau, sứ nhà Minh lại mời vua Thế-tông sang hội ở Nam-quan. Triều-đình sai quan thái-uý Hoàng đình-Ái đem 5 vạn quân hộ giá Thế-tông sang Nam-quan.
Đến khi Thế-tông giở về, triều-đình cử Công-bộ tả-thị lang Phùng khắc-Khoan làm chánh-sứ, thái-thường tự-khanh Nguyễn nhân-Thiệm làm phó sứ, đem lễ cống vua nhà Minh và xin phong.
Vua nhà Minh phong cho Thế-tông làm An-nam đô-thống sứ. Sứ-thần Phùng khắc-Khoan dâng sớ tâu rằng : « Đô thống-sứ là chức của họ Mạc, chứ vua Thế-tông là dòng dõi nhà Lê, mà phong cho chức ấy thì không xứng đáng ». Vua
nhà Minh nói giả lờ : vẫn biết họ Lê không ví như họ Mạc,
nhưng lúc đầu mới phong, hãy tạm cho chức ấy, rồi về sau sẽ phong vương.
Vua nhà Minh không chịu phong vương cho Thế-tông, nguyên vì khi Mạc cướp ngôi, nhà Lê đã có người qua nói cho nhà Minh biết. Kế năm 1535, Nguyễn Kim sau khi lập Trang tông lên ngôi, đã cho người sang dâng biểu lên vua nhà Minh biết dòng dõi họ Lê vẫn còn. Nhưng phải đi bộ lâu ngày, rồi xuống thuyền vòng qua Quảng-đông, sứ của Nguyễn Kim
phải mất hai năm mới đến kinh-đô nhà Minh (1537). Chính lúc này là lúc nhà Minh muốn cất quân sang đánh Đại-việt, song đánh thì lại sợ gặp tai hại như khi muốn diệt Hồ cướp nước gặp phải Lê Lợi tiễu trừ. Đương khi lưỡng lự, thì được họ Mạc đút lót vàng bạc. Vua nhà Minh mới không tính việc đánh Đại-việt nữa, mà muốn chia nước Đại-việt ra làm hai : cho cả Mạc lẫn Lê cai trị. Đây cũng là một cách làm cho Đại-việt phải chia lực lượng ra làm hai, để tiện nhịp qua đánh, thì không khó lắm. Theo chính-sách ấy, vua nhà Minh, năm 1540, mới phong cho Mạc đăng-Dung làm Đô-thống-sứ (hàm quan nhị phẩm nhà Minh). Giờ cũng lại phong cho Thế-tông chức ấy, trong lúc con cháu họ Mạc vẫn chưa dứt hẳn ở Cao
bằng.25
BÀI 12 : NHÀ MẠC Ở CAO-BẰNG
Sau khi Mạc mậu-Hợp và Mạc kính-Chỉ bị Trịnh Tùng bắt được (như đã nói trên Bài 10) con cháu họ Mạc lẻn trốn các nơi, tìm đường khôi phục lại cơ đồ.
Mạc kính-Chương xưng làm Tráng-Vương, chiếm đất từ
huyện Đông-triều đến Yên-quảng, năm 1596. Trịnh-Tùng sai quan trấn-thủ Hải-dương là Phan Ngạn dẫn quân đánh, bắt được Kính-Chương. Mạc kính-Dụng con Mạc kính-Chỉ, xưng làm Uy-Vương chiếm giữ Yên-bắc (Lạng-sơn) nhưng chẳng bao lâu, quân Trịnh cũng bắt được. Con Mạc kính-Cung trước đã chạy sang Long-châu, sau lại giở về đánh phá Cao-bằng, Lạng-sơn. Trịnh-Tùng sai quan lên đánh đuổi. Mạc kính-Cung chạy giở qua Tàu cầu cứu với nhà Minh. Nhà Minh cho đưa thư sang bắt nhà Lê phải để đất Cao-bằng cho con cháu họ Mạc. Nhà Lê thuận cho ; tuy vậy, dòng họ Mạc vẫn chưa cho là vừa ý.
Năm 1600, bọn Phan Ngạn, Ngô đình-Hàm và Bùi văn Khuê dấy quân ở cửa Đại-an, Trịnh-Tùng bỏ Thăng-long rước vua vào Thanh-hoá. Đảng họ Mạc bèn rước bà thứ mẫu của Mậu-Hợp là Bùi-thị về Thăng-long, tôn lên làm Quốc-mẫu, và cho người đón Mạc kính-Cung ở Cao-bằng xuống. Nhưng Trịnh Tùng ra đánh, lấy lại ngay được Thăng-long, bắt giết Bùi-thị. Kính-Cung phải chạy ra Kim-thành, rồi giở lên Cao bằng.
Năm 1623, Trịnh Tùng chết, con trưởng là Trịnh-Tráng nối nghiệp Chúa.
Em Trịnh Tráng là Trịnh Xuân ganh quyền với anh, nổi loạn phá kinh-thành. Trịnh Tráng phải rước vua vào Thanh hoá. Mạc kính-Khoan là cháu Mạc kính-Cung, nhận thấy sự tương tranh giữa anh em họ Trịnh, xưng làm Khánh-Vương ở đất Thái-nguyên. Trước kia Kính-Khoan đã bị quân Trịnh đánh, phải trốn lên ẩn trên Cao-bằng, nay lại kéo quân về, đóng ở Thổ-khối.
Được tin, Trịnh Tráng từ Thanh-hoá ra đánh, Kính-Khoan thua, lại chạy lên Cao-bằng.
Khi đã giẹp yên Đông-đô, Trịnh Tráng rước vua giở ra. Rồi sai con là Trịnh Kiều, năm 1625, lên đánh Cao-bằng, bắt được Mạc kính-Cung, đem về giết bỏ. Mạc kính-Khoan thì chạy sang Tàu, rồi dâng biểu xin hàng. Triều-đình phong cho Kính-Khoan làm thái-uý-thống-quốc-công, và cho giữ đất Cao-bằng, theo lệ cống tiến.
Năm 1638, Mạc kính-Khoan mất, con là Mạc-kính-Vụ không nhận chức của triều-đình, tự xưng làm vua, tức Thuận-Đức. Thỉnh-thoảng đem quân về cướp phá mạn Thái nguyên. Quan quân lên đánh đuổi mãi vẫn không trừ hẳn được. Năm 1667, Trịnh Tạc phải kéo đại-quân lên đánh. Mạc kính-Vụ mới chịu thua, chạy trốn qua Tàu. Nhưng rồi Mạc kính-Vụ lại lần mò cầu cứu với nhà Thanh, (vì hồi này, bên Tàu nhà Minh đã mất nước cho nhà Thanh từ lúc Trịnh Tráng lên làm Chúa). Sau khi thương nghị với sứ nhà Thanh, Trịnh Tạc chỉ giả cho họ Mạc 4 châu : Thạch-lâm, Quảng-uyên, Thượng-lang, và Hạ-lang.
Về sau Ngô tam-Quế phản nhà Thanh ở Vân-nam và Quảng tây. Mạc kính-Vụ cũng về đảng với Ngô tam-Quế. Nhân cơ hội, họ Trịnh, một mặt sai sứ sang kể tổi họ Mạc với nhà Thanh, một mặt sai quân lên đánh Mạc kính-Vụ. Mạc kính-Vụ cùng họ hàng chạy qua Long-châu, bị nhà Thanh bắt giải về giao giả triều đình Đại-việt. Họ Mạc đến đây mất hẳn.
CHƯƠNG V : TRỊNH NGUYỄN PHÂN TRANH
BÀI 13 : HỌ TRỊNH CHUYÊN QUYỀN
Trịnh Kiểm, từ lúc bố vợ là Nguyễn Kim chết, thu nhận tất cả binh quyền để tiếp tục việc giúp Lê diệt Mạc.
Năm 1548, vua Lê Trang-tông mất, Trịnh Kiểm lập thái tử Duy-Huyên lên làm vua tức Lê Trung-tông. Làm vua được 8 năm thì mất, Trung-tông không có con. Trịnh Kiểm lúc này thế lực đã khá, rất hống-hách, muốn tự xưng làm vua, nhưng e dân còn ái mộ dòng Lê mà không theo. Ngần-ngừ chưa biết tính sao ? Sau cho người lẻn ra hỏi ông Nguyễn-bỉnh-Khiêm tức trạng Trình ngoài Hải-dương26xem nên làm thế nào.
Ông Nguyễn bỉnh-Khiêm không nói gì, chỉ ngoành lại bảo đầy-tớ : « Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ ». Nói rồi lại sai đầy-tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa và đốt hương để ông ra chơi. Đoạn bảo tiểu : « Giữ chùa thờ phật thì ăn oản ».
Sứ-giả về thuật lại cho Trịnh Kiểm nghe. Trịnh Kiểm hiểu ý, mới cho người đi tìm con cháu họ Lê. Sau tìm được huyền tôn ông Lê Trừ là anh vua Thái-tổ, tên là Duy-bang ở làng Bố-vệ, huyện Đông-sơn, rước về, lập lên làm vua, tức Anh tông.
Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, giao quyền lại cho con trưởng là Trịnh Cối. Trịnh Cối say mê tửu sắc, tướng sĩ không phục. Em là Trịnh Tùng bèn cùng bọn Lê cập-Đệ, Trịnh Bách
rước vua về đồn Vạn-lại, rồi chia quân đánh Trịnh Cối.
Nhân thấy anh em Trịnh Cối đánh nhau, Mạc kính-Điển đem quân vào đánh Thanh-hóa. Trịnh Cối địch không nổi, hàng Mạc. Thừa thắng, Mạc kính-Điển tiến đánh An-trường là chỗ vua Lê đóng. Vua Lê dời về Đông-sơn, phong cho Trịnh Tùng làm Tả-thừa-tướng tiết-chế cho quân chống giữ với quân Mạc. Mạc kính-Điển đánh mãi không thắng nổi Trịnh Tùng, lại rút quân về Bắc.
Anh-tông phong cho Trịnh Tùng lên chức Thái-úy-trưởng quốc-công. Từ đấy, việc gì cũng do Trịnh Tùng quyết đoán. Anh-tông chỉ làm vua cho có tên. Lê cập-Đệ thấy Trịnh Tùng lộng quyền quá nỗi, mưu với Anh-tông trừ họ Trịnh. Trịnh Tùng biết ý, giết ngay Lê cập-Đệ, Anh-tông lo sợ, cùng 4 hoàng-tử chạy vào Nghệ-an.
Trịnh Tùng lâp hoàng-tử thứ 5 là Duy-Đàm lên làm vua, tức Lê Thế-tông. Rồi sai Nguyễn hữu-Liêu đem binh đuổi theo Anh-tông. Anh-tông bị bắt, đưa về huyện Lôi-dương và bị giết (năm 1573).
Sau khi diệt được họ Mạc, vua Thế-tông mất, truyền ngôi cho con là Duy-tân, tức Kính-tông (1600-1619). Kính-tông thấy Trịnh Tùng càng ngày càng kiêu-hãnh, mưu giết Trịnh Tùng. Sự cũng không thành, Kính-tông bị Trịnh Tùng bắt buộc phải thắt cổ tự tử.
Trịnh Tùng lập con vua Kính-tông là Duy-Kỳ lên ngôi tức Thần-tông (1619-1643), và tự xưng Bình-an-Vương, dựng nên nghiệp Chúa.
BÀI 14 : HỌ TRỊNH XƯNG CHÚA Ở BẮC VÀ HỌ NGUYỄN XƯNG CHÚA Ở NAM
A) TRỊNH Ở BẮC
Trong nước, ngôi nhà Mạc tuy đã dứt được, dòng họ Mạc còn qua cầu cứu với nhà Minh, nói là họ Trịnh nổi lên cướp ngôi chứ không phải là con cháu nhà Lê đã trung hưng. Trịnh Tùng phải thu xếp để vua Lê Thế-tông lên Nam-quan, đến 2 lần, hội với quan nhà Minh. Nhà Minh mới chịu phong cho Thế-tông làm « An-nam đô-thống-sứ » và nhường đất Cao
bằng cho họ Mạc.
Mọi việc khi đã giàn xếp được êm-thắm với nước Tàu, họ Trịnh chiếm giữ quyền chính-trị, mỗi ngày thêm kiêu-hãnh, lấn áp cả vua. Trịnh Tùng tự xưng làm Đô-nguyên-súy tổng quốc-chính, thượng-phụ Bình-an-vương. Cấp bổng cho vua
được thu thuế 1.000 xã gọi là lộc thượng-tiến, cấp cho vua 5.000 binh làm quân túc-vệ. Những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc quyền họ Trịnh. Vua chỉ cần đến, khi nào thiết triều hay là tiếp sứ Tàu mà thôi.
Họ Trịnh muốn dứt nhà Lê thì rất dễ. Song trên Cao-bằng còn con cháu họ Mạc lăm le báo thù, bên Tàu nhà Minh sẵn sàng kiếm cớ « phò Lê » để lôi thôi. Phía trong lại có họ Nguyễn thế lực cũng đã to. Cái cớ « phò-Lê thảo Trịnh » rất có thể làm cho mọi nơi nổi dậy nếu họ Trịnh xưng vương ; thế cho nên Trịnh Tùng đã khôn khéo không cần tước vị làm vua mà chỉ cốt có thực quyền nhà vua. Làm vua như Lê không quyền, chẳng khác gì một người thường dân ; họ Trịnh không làm vua, mà việc gì cũng lấy lịnh thiên-tử để sai khiến
mọi người thì chẳng khác gì chúa-tể trong nước, cho nên dân chúng gọi Trịnh là Chúa vậy.
B) NGUYỄN Ở NAM
Nguyễn Kim là người khởi nghĩa đánh Mạc giúp Lê, như bài 9 « Lê trung hưng » đã nói :
Ông có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng đều làm tướng lập được nhiều công. Nguyễn Hoàng là thái-úy Đoan-quận-công. Nhưng Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền, kiếm chuyện giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng sợ cũng sẽ bị ám-hại như anh, cho người ra Hải-dương hỏi ông Nguyễn bỉnh-Khiêm. Ông này bảo : « Hoành-sơn nhất đái vạn đại dung thân » (một giải Hoành-sơn kia có thể dung thân được muôn đời). Nguyễn Hoàng bèn nói với chị là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam.
Năm 1558, Trịnh Kiểm tâu vua Anh-tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận-hóa. Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái-tử (sau gọi là Kho cây khế) thuộc huyện Đăng-xương, tỉnh Quảng-trị.
Nguyễn Hoàng rất khôn ngoan, lại có lòng nhân đức, thu dùng hào-kiệt, yên ủi nhân dân, cho nên mọi người, ai cũng mến-phục.
Năm 1569, ông lại được cử trấn cả đất Thuận-hóa lẫn Quảng-nam.
Năm 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra Đông-đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp những dư đảng của họ Mạc, lập được
nhiều công. Trịnh Tùng có ý ghen ghét.
Năm 1.600, nhân bọn Phan Ngạn, Ngô đình-Hàm, Bùi văn-Khuê khởi binh chống lại họ Trịnh ở cửa Đại-an (Nam định) vì họ Trịnh quá kiêu-hãnh, Nguyễn Hoàng mới kéo cả tướng sĩ giả cách đi đánh giặc, rồi theo đường bể vào Thuận hóa. Một mặt đem con gái là Ngọc-tú gả cho Trịnh Tráng (con trai Trịnh Tùng) làm bộ hòa hiếu cho Trịnh Tùng khỏi để ý nghi ngờ, một mặt cho con trai thứ sáu vào trấn đất Quảng-nam, dựng kho tàng tích trữ lương thực, lập ra nghiệp Chúa ở xứ Nam, lưu truyền đời nọ qua đời kia : Nguyễn Hoàng (1600-1613) ; Nguyễn phúc-Nguyên (1613-1635) ; Nguyễn phúc-Lan (1635-1648) ; Nguyễn phúc-Tần (1648- 1687) ; Nguyễn phúc-Trăn (1687-1691) ; Nguyễn phúc-Chu (1691-1725) ; Nguyễn phúc-Trú (1725-1738) ; Nguyễn phúc-Khoát (1738-1765).
Nguyễn phúc-Khoát mất, thì Định-vương Nguyễn phúc Thuần lên thay, để Trương phúc-Loan chuyên quyền hại dân, cho Tây-sơn có cơ-hội khởi nghĩa… (quyển III sau sẽ nói đến).
BÀI 15 : NGUYỄN TRỊNH CHIẾN TRANH
Năm 1613, lúc sắp mất, Nguyễn Hoàng gọi người con thứ 6 là Nguyễn phúc-Nguyên, tức gọi Chúa Sãi, mà dặn rằng : « Đất Thuận-Quảng này phía bắc có núi Hoành-sơn, sông Linh-giang, bên nam có núi Hải-vân và Bí-sơn, thật là nơi trời cổ vũ cho người anh-hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yên nhân dân, luyện tập quân sĩ mà gây dựng cơ-nghiệp về muôn
đời ».
Vậy là từ khi Nguyễn Hoàng mất, Nguyễn phúc-Nguyên ngấm ngầm chuẩn bị ở phía Nam để gây thế lực, trong khi họ Trịnh lấn quyền vua Lê ở ngoài Bắc. Càng thấy Trịnh hống hách bao nhiêu, Nguyễn càng căm thù mà chuẩn-bị chiến tranh bấy nhiêu, vì chính tổ tiên Nguyễn (Nguyễn Kim nói trên, bài 9) mới thực là người gây ra nền tảng nhà Lê trung hưng kia mà !
Khi những đồn lũy đã kiên cố, binh lương đã đầy đủ, chúa Sãi mới ra mặt không thần phục họ Trịnh nữa, và sai tướng chiếm lấy nam Bố-chính (đất phía nam sông Linh-giang) để làm chỗ chống giữ. Từ đó Trịnh Nguyễn đánh nhau tai hại trong 45 năm.
Năm 1627, Trịnh Tráng cho quan vào Thuận-hóa giả tiếng nhà vua sai vào đòi tiền thuế. Chúa Sãi không nộp. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu và lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi cũng không chịu. Trịnh Tráng bèn cất quân vào đánh Chúa Nguyễn. Nhưng không thắng nổi Nguyễn, Trịnh lại rút quân về Bắc. Năm 1630, chúa Nguyễn đưa quân ra đánh Trịnh ở phía nam sông Linh-giang, mà Chúa Trịnh thì dẫn binh vào đánh Nguyễn ở cửa Nhật-lệ. Năm 1634 Trịnh vào đánh Nguyễn ở đất nam Bố-chính giết được tướng Bùi công-Thắng rồi tiến quân đến cửa Nhật-lệ. Năm 1648, lại vào đánh ở nam Bố-chính và cửa Nhật-lệ. Lần này Trịnh thua to, Nguyễn bắt được mấy tướng và 3.000 quân của Trịnh. Năm 1655, Nguyễn cho quân ra đánh đất bắc Bố-chính, tướng của Trịnh là Phạm tất-Toàn về hàng. Lần
này Nguyễn thu được 7 thuyền ở phía nam sông Linh-giang (tức sông Cả) nhưng rồi vì các tướng nghi-kỵ lẫn nhau mà Nguyễn lại rút quân về. Năm 1661, quân Trịnh qua sông Linh-giang đến làng Phúc-tự. Năm 1672, quân Trịnh vào phá lũy Trấn-ninh.
Cả thảy Trịnh Nguyễn đánh nhau 7 lần trong 45 năm (từ năm 1627 đến năm 1672) song cứ giằng-co không bên nào thắng bên nào. Rút cuộc đôi bên đóng quân giữ thế thủ lấy sông Gianh làm giới hạn Nam Bắc, cho đến thời kỳ Tây-sơn khởi nghĩa.
Xét qua nguyên-nhân đã làm cho đôi bên không phân thua được, ta nhận thấy, ngoài Bắc, Chúa Trịnh cho phép các quan thu lợi của một số dân làng, để tổ chức và nuôi quân đội. Số lợi thu được to nhỏ, tùy theo công lao tổ chức quân đội nhiều hay ít. Cho nên các quan ai cũng gắng sức ganh đua gây lực lượng. Cả một xứ, như vậy, là cả một tổ-chức vũ-bị lớn lao. Cho nên thế Trịnh rất hùng cường. Chúa Trịnh có tới hơn 10 vạn lính, 500 voi, 500 chiến thuyền, mỗi chiếc có ít nhất 3 khẩu đại-bác.
Đối với Trịnh, Nguyễn yếu hơn nhiều. Cả thảy Nguyễn chỉ có 4 vạn lính chia ra 15.000 giữ biên-thùy mạn bắc, 9.000 để ở trong triều, 6.000 làm túc-vệ cho các ông Hoàng, 1.000 chia giữ các tỉnh.
Tuy nhiên chúa Trịnh đã không diệt nổi Nguyễn là vì mấy lẽ sau đây :
1. Quân họ Trịnh phải đi đánh xa xôi, vận tải khó khăn, còn nhà Nguyễn phần nhiều chỉ giữ thế thủ ở đất mình.
2. Nhà Nguyễn tuy quân ít, nhưng giao-thiệp với người Bồ-đào-Nha cho nên biết cách võ trang và luyện-tập quân đội được chỉnh-tề.27
3. Nhà Nguyễn có tôi hiền phù tá, như Nguyễn hữu-Dật, Đào duy-Từ, Nguyễn hữu-Tiến, đánh giặc rất giỏi, lập mưu định kế, xây thành đắp lũy.
Nguyễn hữu-Dật là người làng Gia-miêu, huyện Tống-sơn, tỉnh Thanh-hóa, học rộng tài cao, và lại có tài hùng biện, đánh giặc giỏi, thật là một bực văn võ kiêm toàn.
Đào duy-Từ, người làng Hòa-trai, huyện Ngọc-sơn, phủ Tĩnh-gia, tỉnh Thanh-hóa. Vì ông là con nhà xướng hát cho nên không được đi thi. Ông phẫn tức, đi vào phía nam tìm đường lập công. Chưa được người tiến cử, ông vào chăn trâu cho một phú-gia ở làng Tùng-châu, phủ Hoài-nhân (nay là Bình-định) và làm bài « Ngọa long cương » để ví mình với Gia-cát-Lượng. Sau có quan Khâm-lý là Trần-đức-Hòa biết Duy-Từ có tài, đem về nuôi, gả con gái cho, rồi đưa dâng Chúa Sãi. Chúa dùng làm Nội-tán, phong Lộc-kế-hầu. Giúp chúa Nguyễn, Duy-Từ đã lập được nhiều công. Thành Trường-dực đắp dài theo con sông nhánh của sông Nhật-lệ chừng 10 cây số, chân rộng 6 thước, cao chừng 3 thước. Một bức thành to tát hơn nữa là thành Đồng-hới, xây năm 1631, dài từ núi Dân-mân đến cửa Nhật-lệ, cao chừng 6 thước, dài chừng 18 cây số, phía ngoài đóng nhiều cọc lim, phía trong xây 5 bực cho voi ngựa đi lại, quãng 12, 20 thước lại có nhà để súng đại-bác. Công cuộc xây dựng ấy đều của Duy-Từ.28
Nguyễn hữu-Tiến là người Thanh-hóa, làng Vân-trai,
huyện Ngọc-sơn, võ nghệ tinh thông, dụng binh rất có kỷ luật, cũng là một tướng đã ghi được nhiều công to đối với chúa Nguyễn.
BÀI 16 : CÔNG NGHIỆP HỌ TRỊNH Ở BẮC
Buổi đầu, việc gì nhà Trịnh cũng làm theo đời Hồng-đức (Lê Thánh-tông) vì còn bận rộn đánh giẹp họ Mạc. Sau lại phải đối phó với nhà Nguyễn ở phương Nam.
Từ đời Trịnh Tạc trở đi (1657) chiến tranh đã yên, các Chúa mới sửa sang mọi việc :
Bên nhà vua (Lê) gọi là triều-đình, bên phủ Chúa gọi là Phủ-liêu. Phàm việc chính-trị và quân-sự đều do Phủ-liêu quyết định.
Quan chế : Ngoài lục Bộ theo Hồng-đức, năm 1718, đời vua Dụ-tông, Trịnh Cương đặt thêm lục phiên bên phủ Chúa để coi mọi việc chính-trị. Về việc võ bị, trước có ngũ phủ mỗi phủ đặt một Đô-đốc-phủ có quan tả hữu Đô-đốc coi việc quân. Trịnh Tạc đặt thêm chức Chưởng-phủ-sự và thụ-phủ-sự để coi hết thảy các quân.
Quan lại, cứ 5 năm bị khảo hạch lại một lần, ai không xứng chức, bị giáng xuống.
Các quan về hưu-trí được ăn dân lộc. Nhất phẩm được mỗi năm 400 quan tiền dân-lộc của 4,5 xã ; nhị phẩm được 300 hoặc 250 quan của 2,3 xã ; tứ phẩm được 150 quan của một xã ; ngũ phẩm được 100 quan của một xã.
Các quan viên không được phép lập trại ở chỗ mình làm
việc, để tránh sự ỷ quyền thế hà hiếp lấy ruộng đất của dân.
Từ đời Trịnh Giang trở đi, các chúa chơi bời xa xỉ, lại có nhiều giặc giã, mới sinh ra lệ « bán phẩm hàng để lấy tiền » : từ tứ phẩm trở xuống, ai nộp 600 quan được thăng chức một lần. Những người chân trắng, ai nộp 2.800 quan, được bổ tri-phủ ; 1.800 quan, được bổ tri-huyện29. Như vậy chỉ có tiền là làm quan, chứ không cần tài năng, thành ra phẩm giá người làm quan bị kém dần đi.
Binh chế : Chúa Trịnh chia binh làm hai thứ :
1. Ưu binh lấy ở 3 phủ đất Thanh-hóa và 4 phủ đất Nghệ-an, lệ cứ 3 xuất, lấy 1 tên lính. Ưu binh đóng ở kinh thành, làm túc-vệ canh giữ đền vua, phủ Chúa. Được cấp công-điền, và thêm chức sắc.
2. Nhất-binh lấy ở tứ trấn đất Bắc (Sơn-nam, Kinh-bắc, Hải-dương, Sơn-tây), cứ 5 xuất đinh lấy một tên lính. Nhất binh dùng giữ các trấn và hầu hạ các quan. Nhất-binh chia 3 phần, 1 phần ở lính, thì 2 phần được về làm ruộng. Lần lượt thay phiên.
Hình luật : Cũng như đời tiền Lê, chia làm xuy, trượng, đồ, lưu, và tử. Trịnh Tạc không cho « chuộc tội » trừ những người được dự vào « Bát nghị »30. Trịnh Cương bỏ tội chặt tay, tùy theo nặng nhẹ đổi làm tội Đồ, Lưu.
Chia việc xử kiện làm hai : Mưu sát, đạo, kiếp gọi là « Đại tụng » : Hộ, hôn, ẩu đả, gọi là « tiểu tụng ». Những việc xử ở phủ huyện, phải đệ lên thừa-ty. Thừa-ty rồi đến Hiến-ty. Hiến-ty không xong lên Giám-sát xét. Ở Giám-sát và Đề-lĩnh không xong thì đến Ngự-sử-đài xét lại. Làm vậy có thể tránh
được sự hiềm thù thiên vị.
Thuế má : Trước lệ 6 năm làm sổ hộ tịch một lần, rồi tùy số dân đinh nhiều ít mà đánh thuế gọi là « Quý ». Mỗi xuất đinh đóng, hạng thì một quan, hạng thì quan tám mỗi năm, gọi là thuế-thân. Năm 1669, đời Huyền-tông, quan tham
tụng là Phạm công-Trứ xin đặt ra phép « bình lệ » nghĩa là làm sổ đinh nhất định một lần, đẻ thêm không kể, chết đi không trừ. Trịnh Cương bắt « đạc điền » để chia tiền thuế cho đều. Những việc tế-tự, việc sửa sang trường thi, việc làm cầu cống, đường sá, giữ đê điều… cứ tùy nghi mà bổ cho các xuất đinh lấy tiền cung ứng.
Năm 1723, quan tham-tụng Nguyễn công-Hãng theo phép « tô » (đánh thuế điền thổ) « Dung » (thuế thân) « Điệu » (sưu dịch) của nhà Đường mà sửa lại như sau :
- Tô : mỗi mẫu công điền phải nộp 8 tiền. Ruộng nào cấy hai mùa thì chia ba, quan lấy một phần thóc. Đất bãi mỗi mẫu nộp thuế một quan 2 tiền. Chỗ nào giồng dâu, thì nộp một nửa bằng tơ, chỗ nào không giồng dâu, nộp cả bằng tiền ; tư điền trước không đánh thuế, giờ ruộng hai mùa, mỗi mẫu 3 tiền, một mùa, hai tiền.
- Dung : mỗi xuất đinh đồng niên đóng 1 quan 2 tiền. Sinh-đồ.lão hạng (50 đến 60 tuổi) hoàng-đinh (17 đến 19 tuổi) đóng 1 nửa.
- Điệu : mỗi xuất đinh, mùa hạ đóng 6 tiền, mùa đông đóng 6 tiền. Quan dùng tiền ấy làm các việc, không phiền đến dân nữa.
Lập 23 sở tuần-ti để thu thuế các hàng hóa lưu hành
trong các sông : tre gỗ cứ 10 phần đánh thuế 1 phần, tạp hóa thu 1/40.
Trịnh Cương đặt quan Giám-đương để thu thuế muối, 10 phần thu 2. Trịnh Giang bỏ thuế muối năm 1732. Năm 1746, Trịnh Doanh lại đánh thuế muối, nhưng chia ra 50 mẫu ruộng làm 1 bếp, mỗi bếp nộp 40 hộc muối, đánh giá 3 tiền. Năm 1724 Trịnh Cương định lệ đánh thuế các thổ sản. Năm 1731, Trịnh Giang đặt các quan cùng Hộ-phiên làm sổ biên rõ đồng niên thu được bao nhiêu và chi ra bao nhiêu để liệu sự chi dùng cho vừa.
BÀI 17 : CÔNG NGHIỆP HỌ TRỊNH Ở BẮC (NỐI THEO)
Việc khai mỏ : Các mỏ trong nước đều do người Tàu khai. Phu Tàu lại hay nhũng nhiễu dân cư. Trịnh Cương định lệ những người Tàu sang khai mỏ, chỗ đông lắm chỉ được đến 300 người, chỗ đông vừa 200 người, chỗ ít 100 người mà thôi.
Đúc tiền : Nhà Lê trung hưng vẫn dùng tiền Hồng-đức và Trần nào cũng có sở đúc tiền. Trịnh Doanh bãi bỏ các sở đúc tiền ở ngoài, tránh sự nhũng lạm, chỉ để hai sở ở gần Kinh sư. Năm 1776, họ Trịnh lấy được đất Thuận-hóa mới mở lò đúc tiền ở Phú-xuân và đúc ra 3 vạn quan tiền Cảnh-hưng. Thời này có đúc bạc lạng, mỗi lạng 10 đồng (mỗi đồng giá 2 tiền) : có thể chặt lạng ra tiêu.
Đong lường : Năm 1664, ông Phạm công-Trứ định lại, lấy một cái ống gọi là Hoàng-chung-quản làm chừng. Cái ống ấy đựng được 1.200 hộc thóc đen gọi là một thược, rồi 10
thược làm một hạp, 10 hạp làm một thăng (trước kia 6 hạp là 1 thăng), 10 thăng làm một đấu, 10 đấu 1 hộc.
Việc in sách : Người ta học chữ nho bấy lâu vẫn dùng sách in của Tàu. Trịnh-Giang năm 1734 bắt khắc bản in, in sách ra phát cho mọi người, và cấm không được mua sách in của Tàu, để khuếch trương nghề in, đồng thời làm lợi cho nền tài chính quốc-gia.
Học : Vẫn giữ lệ thi hội, thi hương như trước. Nhưng thi hương hồi này rất hồ đồ, không nghiêm như đời Hồng-đức. Đời Dụ-tông, ai đi thi phải nộp tiền minh-kinh để làm nhà trường và cung đốn quan trường. Đời Cảnh-hưng lại thu tiền thông kinh, hễ ai nộp 3 quan là được đi thi không phải khảo hạch cho nên ai cũng đi thi, đi đông đến nỗi thí-sinh giày séo lên nhau, có người chết.
Trịnh Cương mở trường học võ : 3 năm thi một lần ; thi bắn cung, múa giáo, múa gươm, phi ngựa bắn cung, chạy bộ bắn cung ; hỏi nghĩa sách để xét học lực, hỏi phương lược để xét tài năng.
Năm 1740, Trịnh Doanh lập võ-miếu, chính vị thì thờ Vũ Thành-vương ; và lập miếu riêng thờ Quan Công. Xuân thu hai kỳ tế lễ.
Quốc sử : Trịnh Tạc sai quan tham-tụng Phạm công-Trứ soạn sách Việt-sử toàn thư, kể từ vua Trang-tông nhà Hậu Lê cho đến vua Thần-tông, chia làm 23 quyển. Sau ông Lê Hi và Nguyễn quí-Đức chép nối từ Huyền-tông đến Gia-tông thêm vào 13 quyển, gọi là Quốc-sử-thực-lục. Đến năm 1775 đời Cảnh-hưng, Trịnh Tâm sai Nguyễn Hoàn, Lê quí-Đôn, Ngô
thời-Sĩ, Nguyễn Du soạn thêm từ Hi-tông đến Ý-tông, gọi là QUỐC-SỬ-TỤC-BIÊN cả thảy 6 quyển.
Đánh dẹp các nơi : Từ khi Trịnh Giang lên nối nghiệp Chúa, giết vua Lê, hại cả các quan đại-thần như Nguyễn công-Hãng. Lê anh-Tuấn, làm nhiều điều tàn ác, lại hay tiêu dùng xa xỉ, dân tình khổ sở, cho nên giặc giã nổi lên các nơi.
Trong triều thì những tôn-thất như Lê-duy-Mật, Lê-duy Quy, Lê duy-Chúc, cùng với mấy triều-thần Phạm công-Thế, Võ Thước, định đốt kinh-thành trừ họ Trịnh. Nhưng sự vỡ lở, phải bỏ chạy lên thượng-du phía tây nam. Bên ngoài thì Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ nổi lên ở làng Ninh-xá (huyện Chí-linh), Võ trác-Oánh ở làng Mộ-trạch (huyện Dương-an), Hoàng công-Chất, Võ đình-Dung ở Sơn-nam, Nguyễn danh
Phương, Nguyễn Diên, Tê, Bồng, ở Sơn-tây, Nguyễn hữu-Cầu ở mặt Đông-nam.
Giặc giã như vậy mà Trịnh Giang cứ dâm dục vô độ, lại đào hầm ở dưới đất cho khỏi sợ sấm. Các quan Phủ-liêu là bọn Nguyễn quí-Cảnh, Nguyễn công-Thái, Võ công-Tế bèn truất bỏ Trịnh Giang mà lập em là Trịnh Doanh lên làm Chúa. Rồi nhờ có Hoàng nghĩa-Bá, Hoàng ngũ-Phúc, Phạm đình Trọng, Nguyễn-Phan, Bùi thế-Đạt, đánh giặc giỏi, dần dần tình thế mới yên.
Trong các tướng giặc hồi này, Nguyễn hữu-Cầu tức quận He là kịch-liệt nhất. Một mình một ngựa, phá vây như bỡn ; thường thường cướp thóc gạo của các thuyền buôn, đem phân phát cho dân nghèo. Bởi thế đi đến đâu, người theo đến đó, thanh-thế lừng lẫy ; triều-đình phải dẹp đến 10 năm mới
tan. Biện luận giỏi mà gan dạ thì có Phạm công-Thế, trong đảng Lê duy-Mật. Lúc Trịnh bắt được hỏi : ông là người khoa giáp, sao lại theo nghịch ? Công-Thế cười mà nói : « Đã lâu nay danh phận không rõ, lấy gì mà phán thuận nghịch ». Nói rồi giương cổ ra chịu hình.
BÀI 18 : CÔNG NGHIỆP HỌ NGUYỄN Ở NAM
Sau khi giữ vững được đất phương nam, từ sông Gianh giở vào, Chúa Nguyễn tự sửa sang xếp đặt lấy mọi việc như là một nước tự chủ vậy.
Quan chế : Chúa Sãi đặt tam ty coi việc chính-trị : Sá sai-ty, Tướng-thần-lại-ty, Lịnh-sử-ty, Sá-sai-ty giữ việc từ tụng, có quan Đô-trị, Ký-lục làm đầu. Tướng-thần-lại-ty giữ việc thu thuế và chi tiêu, có quan Cai-bạ làm đầu. Lịnh-sử-ty giữ việc tế-tự và cấp lương cho quân đội ở Chính-dinh, có quan Nha-uý làm đầu.
Ngoài các dinh, tuỳ theo nơi quan trọng mà đặt 1, 2 ty làm việc kiêm cả. Ở phủ, huyện đặt tri-phủ, tri-huyện thuộc hạ có đề-lại, thông-lại.
Đến đời Chúa thượng Nguyễn phúc-Lan lại đặt thêm chức nội-tả, ngoại-tả, nội-hữu, ngoại-hữu gọi là tứ-trụ để giúp Chúa trị dân. Bên võ thì đặt chức chưởng-dinh, chưởng-cơ, cai-cơ, cai-đội coi việc binh.
Thi cử : Năm 1647, Chúa Nguyễn mở khoa thi Chính-đồ và thi hoa-văn. Chính-đồ thì đệ nhất thi tứ-lục, đệ nhị thi thơ phú, kỳ đệ tam thi văn sách. Những quyển đậu chia ra ba hạng : hạng thứ nhất gọi là Giám-sinh được bổ tri-phủ, tri-
huyện ; hạng nhì gọi là Sinh-đồ được bổ huấn-đạo ; hạng thứ ba cũng gọi là Sinh-đồ được bổ Lễ-sinh hoặc nhiêu-học. Còn thi hoa-văn cũng thi ba ngày : mỗi ngày chỉ phải làm 1 bài thơ. Ai đậu, được bổ làm việc ở tam-ty.
Năm 1695, Chúa Nguyễn phúc-Chu mở khoa thi ở trong phủ Chúa gọi là thi Văn-chức và thi tam ty. Văn-chức thì thi tứ-lục, thơ phú và văn-sách ; tam ty thi về Sá-sai-ty hỏi việc binh lính, tiền-lương, từ-tụng ; về Tướng-thần-lại-ty và Lịnh
sử ty chỉ thi một bài thơ.
Năm 1740, Vũ-vương Nguyễn phúc-Khoát định lại phép thi : đậu kỳ đệ-nhất gọi là nhiêu-học, được miễn sai 5 năm ; đậu kỳ đệ-nhị và kỳ đệ-tam được miễn sai chung thân, đậu kỳ đệ-tứ gọi là hương cống được bổ tri-phủ, tri-huyện.
Việc vũ-bị : Chia quân làm 5 cơ : trung, tả, hữu, tiền, hậu cơ. Số quân độ non ba vạn người. Năm 1631, Chúa Sãi lập ra sở đúc súng đại-bác và mở trường bắn, tập voi, tập ngựa.
Việc thuế khoá : Điền thổ chia ra làm 3 hạng để đánh thuế. Hạng ruộng đất xấu gọi là thu-điền, khô-thổ, chịu thuế nhẹ hơn hạng đất thường. Công điền thì đem cấp cho dân cầy cấy để nộp thuế. Đất hoang ai khai khẩn thành ruộng, cho là tư-điền.
Đánh thuế các mỏ : mỏ vàng ở Quảng-nam, Thuận-hoá, mỏ bạc ở Quảng-nghĩa, mỏ sắt ở Bố-chính.
Các tầu ở Thượng-hải, Quảng-tây đến phải nộp 3.000 quan, lúc đi phải nộp 300 quan ; tầu ở Ma-cao, Nhật-bản lại phải nộp 4.000 quan, lúc đi nộp 400 quan ; tầu ở tiêm-la
(Siam), ở Lã tống lại, phải nộp 2.000 quan, lúc đi nộp 200 quan ; tầu ở các nước phương tây lại, phải nộp 8.000 quan, lúc về nộp 800 quan ; thuế này, 6/10 nộp vào kho, còn 4/10 nộp cho quan-lại đã coi việc thu thuế.
Chi thu tiền : Năm 1753, Chúa Nguyễn sai quan Chưởng thái giám Mai văn Hoan tính sổ vàng bạc và tiền thu vào, phát ra mỗi năm bao nhiêu ; từ đấy mỗi năm làm sổ thu tiêu một lần ; tiền thì dùng tiền đồng và tiền kẽm, khắc hai chữ « Thái Bình ».
BÀI 19 : CUỘC NAM TIẾN
Trong những công nghiệp của nhà Nguyễn, việc bành trướng lực lượng vào phương nam, mở rộng thêm bờ cõi, là việc đã thêu dệt được những trang sử đẹp đẽ nhất.
Lúc đầu Trịnh Kiểm chỉ cho Nguyễn-Hoàng vào trấn thủ Thuận-hoá thôi. Đến năm 1570, Nguyễn-Hoàng mới được kiêm lĩnh cả đất Quảng nam.
Năm 1611, Nguyễn Hoàng vào đánh Chiêm-thành lập ra phủ Phú-yên. Năm 1653, vua Chiêm-thành là Bà-Thấm sang quấy nhiễu Phú-yên, Chúa Hiền là Nguyễn phúc Tần sai quan Cai cơ là Hùng Lộc vào đánh Chiêm-thành. Bà-Thấm thua, dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn lấy đất từ Phan-rang trở ra làm Thái-ninh-phủ, sau đổi là Diên-khánh (Khánh hoà). Năm 1693, vua Chiêm-thành là Bà-Tranh bỏ không cống tiến, Chúa Nguyễn là Nguyễn-phúc-Chu sai quan tổng-binh là Nguyễn-hữu-Kính (con Nguyễn-hữu-Dật) đem binh đánh bắt được Bà-Tranh. Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm-thành làm
Thuận-phủ, cho thần-tử vua Chiêm là Tả-trà-viên, Kế-bà-tử làm chức Khâm-lý và 3 người con của Bà-Ân làm Đô-đốc giữ Thuận-phủ. Lại bắt bọn ấy đổi y phục theo người Đại-việt để phủ-dụ dân Chiêm-thành. Năm sau, đổi Thuận-phủ làm Thuận-thành-trấn. Năm 1697, chúa Nguyễn đặt ra phủ Bình
thuận, lấy đất Phan-Rang và Phan-Rí làm huyện Yên-phúc và Hoà-đa. Chiêm-thành bị Đại-việt hoàn toàn thôn tính từ đấy.
Sau khi lấy hết đất Chiêm-thành rồi, Chúa Nguyễn đã không để lỡ mất cơ hội nào là cơ hội có thể xâm nhập nước Chân-lạp.
Nước Chân-lạp ở vào quãng dưới sông Cửu-long, ruộng đất nhiều, mà dân Đại-việt lại bị đói khổ luôn, cho nên nhiều người vào khẩn đất làm ăn ở Mỏ-xoài (Ba-Rịa) và Đồng-nai (Biên-hoà).
Năm 1658, vua Chân-lạp mất, chú cháu tranh nhau quyền vị, sang cầu cứu với chúa Nguyễn. Chúa Hiền cho 3.000 quân sang đánh Mỗi-xuy (thuộc Biên-hoà), bắt được vua nước ấy là Nặc-ôn-Chân đem về. Sau tha Nặc-ôn-Chân, nhưng bắt phải triều cống và bênh vực người Đại-việt sang làm ăn bên ấy.
Năm 1674, người Chân-lạp là Nặc-ôn-Đài đi cầu viện nước Tiêm-la để đánh Nặc-ôn-Nôn. Nặc-ôn-Nôn chạy sang cầu cứu với dinh Thái-khang (Khánh-hoà), Chúa Hiền sai quân qua đánh phá được đồn Sài-côn31, rồi tiến quân vây thành Nam vang. Nặc-ôn-Đài chạy, chết trong rừng, Nặc-ôn
Thu được lập làm Chánh-quốc-vương đóng ở Long-Úc ; Nặc ôn-Nôn làm Đệ-nhị-quốc-vương, đóng ở Sài-côn, hàng năm
triều cống Đại-việt.
Năm 1679 có bọn quân nhà Minh ở Quảng-tây không chịu hàng nhà Thanh, đem 3.000 quân sang xin làm dân Đại-việt. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân-lạp, cho vào ở đất Đông-phố (tức Gia-định) đất Lộc-da (Đồng-nai thuộc Biên
hoà), ở Mỹ-tho (thuộc Định-tường), ở Ba-lan (thuộc Biên hoà) cầy ruộng làm nhà lập ra phường phố buôn bán vui vẻ.
Năm 1698, chúa Nguyễn là Nguyễn phúc-Chu sai ông Nguyễn hữu-Kinh làm kinh-lược đất Chân-lạp, chia đất Đông phố ra làm dinh, làm huyện, lấy xứ Đồng-nai làm huyện Phúc-long và xứ Sài-côn làm huyện Tân-bình, đặt Trấn-biên dinh (tức Biên-hoà) và Phiên-trấn-dinh (tức Gia-định), sai quan vào cai trị. Chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng-bình trở vào, để lập ra thôn xã, khai khẩn ruộng đất. Còn những người Tàu ở đất Trấn-biên, thì lập làm xã Thanh-hà, những người ở đất Phiên-trấn lập ra xã Minh-hương.
Lại có người khách Quảng-đông tên là Mạc Cửu, cũng không phục nhà Thanh, bỏ sang Chân-lạp, chiêu mộ lưu dân lập ra 7 xã gọi là Hà-tiên. Năm 1708, Mạc Cửu xin thuộc về Chúa Nguyễn, được phong làm chức tổng-binh giữ đất Hà
tiên. Đến khi Mạc Cửu mất, Chúa Nguyễn phong cho con Mạc Cửu là Mạc thiên-Tứ làm chức đô-đốc trấn ở Hà-tiên.
Về sau, trong nước Chân-lạp có chiến-tranh nhiều, từ năm 1699 trở đi, nhất là con cháu dòng Nặc-ôn tranh nhau ngôi vua, kẻ sang cầu cứu với vua Tiêm-la32, người qua cầu cứu với chúa Nguyễn. Rốt cuộc, mỗi khi có chiến-tranh thì quân cứu-viện của chúa Nguyễn cũng chiếm phần thắng lợi,
và nước Chân-lạp chịu dưới quyền bảo-hộ của Chúa Nguyễn. Năm 1755 vua Chân-lạp là Nặc-Nguyên dâng Chúa Nguyễn hai phủ Tâm-bôn và Lôi-lạp. Năm 1759, sau khi Nặc Nguyên mất, Nặc-Tôn nhờ Chúa Nguyễn che chở mà được làm vua, dâng chúa Nguyễn đất Tâm-phòng-long (hiện là đất Vĩnh
long, Sadec, Châu-đốc) để cảm ơn. Nặc-Tôn dâng riêng Mạc thiên-Tứ, người đã trực tiếp cầm quân giúp Nặc-Tôn, 5 phủ Hương-úc, Cần-bột, Trực-sâm, Sài-mạt, và Linh-quỳnh. Mạc thiên Tứ dâng lại Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho những phủ ấy sáp nhập cả vào Hà-tiên.
Thế là tất cả những đất Chân-lạp thuộc 6 tỉnh Nam-phần bây giờ do chúa Nguyễn khai hoá, đem sáp nhập vào nước Đại-việt, từ giữa thế-kỷ thứ 18 vậy.
Bản-đồ nước ĐẠI-VIỆT tiến vào Nam từ năm 1069 đến 1759
CHƯƠNG VI : NGƯỜI TÂY PHƯƠNG VÀ CÁC GIÁO-SĨ ĐẠO GIA-TÔ ĐẾN ĐẠI VIỆT
BÀI 20 : NGƯỜI TÂY PHƯƠNG ĐẾN ĐẠI-VIỆT
Từ thế-kỷ thứ 13, người Itali (Ý-đại-lị) tên là Marco-Polo làm quan ở triều Nguyên (đời vua Thế-tổ Hốt-tất-liệt) 17 năm, sau khi trở về nước, viết ra quyển sách « Les merveilles du monde » (thế-giới kỳ-quan) nói cho người Âu-châu biết trạng thái cường-thịnh của Trung-quốc, khiến châu Âu để ý đến Đông phương.
Kể từ thế-kỷ thứ 15, thuật hàng-hải đã tiến bộ, các nhà thám-hiểm châu Âu mới tìm đường giao-thông với các nước bên ngoài.
Christophe Colomo (Kha-luân-bố) vượt Đại-tây-dương tìm ra châu Mỹ. Vasco de Gama, người Portugal (Bồ-đào-nha) năm 1497, đi vòng quanh Cap de Bonne Espérance (Hảo vọng-giác) sang Ấn-độ. Năm 1521, lại có người Espagne (Tây-ban-Nha) tên là Magellan đi qua Ấn-độ-dương sang Thái-bình-dương vào Philippines (Phi-luật-tân).
Đông phương từ đấy đã được người châu Âu biết đến nhiều, và lui tới, hoặc mở cuộc thông thương, hoặc chiếm cứ làm thuộc địa.
Năm 1563, người Portugal (Bồ-đào-nha) thuê đất Macao (Áo-môn) của Tàu làm cửa biển thương-mại. Sau chiếm đứt một phần làm đất riêng, đặt quan cai-trị.
Người Espagne (Tây-ban-nha), theo bước Portugal sang Đông-phương, lấy đất Phi-luật-tân (Philippines) làm thuộc-địa năm 1568.
Năm 1596, người Hollande (Hoà-lan) sang lấy Nam dương quần-đảo (Indes Néerlandaises).
Về sau, dần dần, người Portugal, Pháp, Anh (Angleterre) đến ở đất Ấn-độ.
Thế rồi, từ các hải-cảng Hirada (Nhật-bản) Ma-cao (Tàu) Batavia, Batam (Java) Madras Surate (Ấn-độ), các nhà buôn phương tây lui tới nước Đại-việt.
Trước hết người Portugal đến mở cửa hàng ở phố Hội-an (Faifo) ở đấy đã có các người Tàu, người Nhật và người Hollande (Hoà-lan) đến buôn bán rất nhiều. Theo Maybon và Russier thì năm 1614, người Portugal (Bồ-đào-nha) tên là Jean de la Croix đến lập lò đúc súng ở Thuận-hoá.
Ngoài Bắc, trước đã có tầu của người Portugal (Bồ-đào nha) đi lại buôn bán. Nhưng mãi đến năm 1637, đời vua Lê Thần-tông, Thành-đô-vương Trịnh Tráng, mới cho người Hollande (Hoà-lan) đến mở cửa hàng ở Phố-hiến (gần tỉnh Hưng-yên). Người Nhật-bản, người Tàu, người Xiêm-la, đến buôn bán ở Phố-hiến kể có 2.000 nóc nhà, vui-vẻ lắm cho nên có câu tục truyền « thứ nhất Kinh-kỳ, thứ nhì Phố hiến ».
Năm 1672, người Anh (Angleterre) đem chiếc tầu Zant vào xin mở cửa hàng buôn bán. Chúa Trịnh cũng cho xuống ở Phố-hiến. Nhưng vì sự buôn bán không được thịnh lợi, người Anh chỉ ở đến năm 1697 thì thôi.
Còn người Pháp, năm 1680, có tầu vào Phố hiến. Năm 1682, lại cho chiếc tầu Saint Joseph ở Xiêm-la sang, đem phẩm vật dâng chúa-Trịnh. Năm 1686, người Pháp tên là Ver-ret đến mở cửa hàng ở Cù-lao Poulo-Condore (Côn-lôn). Năm 1749, người Pháp tên là P. Poivre đi chiếc tầu Marchault vào cửa Hội-an xin yết-kiến chúa Nguyễn dâng quốc-thư và phẩm vật, tỏ tình giao hiếu xin thông thương. Nhưng chẳng bao lâu công-ty Pháp ở Ấn-độ bãi đi, cho nên sự thông thương với Đại-việt cũng thôi.
Trong thời kỳ này, chúa Nguyễn ở phương nam muốn nhờ người Portugal (Bồ-đào-nha) bên ngoài thì chúa Trịnh muốn nhờ người Hollande (Hoà-lan), giúp khí giới và quân lính để chống nhau. Vì lợi quyền buôn bán, họ không ra mặt giúp hẳn, thành ra các Chúa không hậu đãi họ nữa. Cho nên sự buôn bán của người Âu-châu ở trong nước bẵng đi từ đầu thế kỷ 18.
BÀI 21 : CÁC GIÁO-SĨ VỚI SỰ TRUYỀN GIÁO
Các giáo-sĩ đạo Gia-tô bắt đầu lập giáo đoàn để truyền đạo trên đất Đại-việt từ năm 1615. Có chừng 180 giáo-sĩ đi giảng đạo cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Hai giáo-sĩ đầu tiên là Francisco Bussoni (người Pháp) đến Đà-nẵng, Phú-xuân và được phép mở giáo đường ở đấy, rồi vào Hội-an.
Năm 1618, Cristoforo Borri được giáo đoàn cử vào phía Nam (Mission de la Cochinchine). Cristoforo Borri nghiên cứu về phong tục, khí hậu, tài sản, chính trị, cách ăn mặc cho đến thuốc thang của bản xứ. Lúc trở về Âu châu Cristoforo
Borri (người Milanais) đã viết nhiều sách bằng tiếng Ý-đại-lị, Pháp, La tinh, Hoà lan, Anh và Phổ lỗ sĩ.
Năm 1625, Cố Giuliang Boldinolti vào Bắc Kỳ. Rồi trở về Macao viết bản tường trình về cuộc du hành ấy. Một giáo đoàn nữa được lập riêng cho xứ Bắc (Mission du Tonkin) do Cố Alexandre de Rhodes dẫn đầu.
Alexandre de Rhodes ở Nam ra Bắc, vào yết kiến Chúa Trịnh và đem dâng một chiếc đồng hồ quả lắc. Chúa Trịnh cho Alexandre de Rhodes được giảng đạo tại Kinh đô. Từ đấy các giáo-sĩ đến nhiều và người ta theo đạo cũng đông.
Nhưng vì nước ta vốn theo đạo Nho, lấy sự thờ cúng tổ tiên làm trọng, lấy sự cúng tế thành thần làm phải. Đột nhiên những người theo đạo Thiên-Chúa bỏ cả các thói cũ. Bởi thế Vua Chúa cho đạo ấy là tà đạo làm huỷ hoại phong hoá nước nhà, bèn xuống chỉ cấm không cho dân theo đạo ấy nữa.
Năm 1631, chúa Trịnh Tạc, bắt đuổi hết các giáo-sĩ ở ngoài Bắc.
Năm 1664, chúa Nguyễn Hiến ở trong Nam bắt giết những người đi giảng đạo tại Đà-nẵng.
Năm 1696, đời vua Lê Hi-tông, Trịnh Cán bắt đốt phá hết cả những sách đạo, nhà đạo, và đuổi những người giảng đạo ra ngoài nước.
Năm 1712, Trịnh Cương bắt những người theo đạo Gia-tô phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ « Học Hoà-lan đạo ». 33
Năm 1754, Trịnh Doanh lại nghiêm cấm ngặt hơn, bắt
giết tất cả các đạo-trưởng và đạo-đồ.34
Tuy Vua Chúa cấm dân theo đạo một ngày một nghiêm, nhưng người đi giảng đạo vẫn hết sức dụ cho được nhiều người theo đạo, gây ra Lương Giáo hai phe, ghen ghét lẫn nhau như cừu địch, đến nỗi bao người vô tội bị giết hại, mất cả sự hoà hiếu với các nước tây-phương.
Gọi là đạo Gia-tô, bởi đạo ấy của Đức Gia-tô (Jésus Christ) lập ra. Cũng gọi là đạo Thiên-Chúa, vì đạo này thờ một đức Chúa Trời, hoặc Cơ-đốc, do chữ Christ là bậc cứu thế.
Nguyên thủa xưa, toàn xứ Âu-la-ba không nhất định theo một tôn-giáo nào. Mỗi dân tộc thờ một vài vị thần do sự tưởng-tượng mà có, như Grèce (Hy-lạp) và Rome (La-mã) thờ thần Jupiter, thần Apollon… Dân Juifs (Do-thái) ở đất Tiểu-á-tế-á (nay là Palestine) thì thờ Jéhovah ở thành Jérusalem (Gia-lô-tan-linh). Dân Juifs tin rằng thần Jéhavah sinh hoá vạn vật và người, cho nên người chỉ nên thờ một vị thần ấy mà thôi. Đến khi dân La-mã kiêm tinh được cả đất Tiểu-á-tế-á, đất bắc-Aphiligia và đất tây nam Âu-la-ba, dân Juifs cũng thuộc về La-mã. Lúc này đức Gia-tô ra đời, nhân đạo Juifs mà lập ra đạo mới.
Đạo Gia-tô dạy người ta lấy sự yêu mến và tôn kính Thiên-Chúa làm gốc, lấy bụng từ-bi nhân thứ coi mọi người như anh em ruột thịt. Ông Saint Pierre sáng lập giáo-đường ở kinh-thành La-mã ; ông Saint Paul thì đi truyền đạo ở các xứ trong nước. Lúc đầu sự truyền đạo Thiên-Chúa gặp rất nhiều trở ngại. Vua La-mã dùng cực hình mà giết hại các giáo-sĩ và
những người theo đạo.
Mãi đến đệ tứ thế-kỷ, vua La-mã là Constantin mới cho giảng đạo Thiên-chúa tự do. Từ bấy giờ trở đi, đạo Thiên Chúa một ngày một thịnh, lập giáo-đường để thống nhất việc giáo, đặt giám-mục để coi việc giáo các nơi, sai giáo-sĩ đi truyền đạo khắp trong thiên-hạ. Chỗ nào có người là có các giáo-sĩ đến truyền đạo.
BÀI 22 : NGƯỜI TÂY PHƯƠNG VỚI VĂN-HOÁ ĐẠI-VIỆT
Vào thế kỷ thứ XVII, các giáo-sĩ người Âu, khi đến nước ta truyền giáo, thấy nước Đại-việt chỉ có chữ nôm, phỏng theo chữ Hán (của Tàu), một thứ chữ không có phương pháp viết nhất định, mà học lại tốn nhiều công phu, các giáo-sĩ bèn mượn các chữ cái La-mã mà đặt ra thứ chữ « quốc ngữ » bây giờ, để tiện việc dịch sách, soạn sách cho những người theo đạo học.
Quyển Tự-điển nhan-đề « Dictionnarium Annamiticum, lusitanum et latinum » (nghĩa là Tự-điển An-nam Bồ-đào-nha và Latinh) và quyển sách dạy đạo nhan-đề « Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn (muốn) chịu phép rửa tôi (tội) mà bvào (vào) đạo Thánh đức Chúa Blời (Trời) », là 2 quyển sách đầu tiên in bằng chữ quốc-ngữ, do Cố Alexandre de Rhodes soạn và được nhà in của giáo-hội La-mã do Giáo-hoàng Urbain thứ VIII lập ra từ năm 1627 (2 quyển sách nói trên in ra năm 1651).
Rồi đến lúc đức cha Bá-đa-lộc (Evêque d'Adran. Pigneau de Béhaine) qua giúp Nguyễn-vương sửa đổi cách phiên âm
mà thành cách viết nhất định như ngày nay.
Bá-đa-lộc soạn ra quyển Tự-điển Annam-Latinh. Quyển này sau được Cố Taberd kế tiếp soạn ra cuốn Nam-Việt Dương-hiệp tự-vựng (Dictionnarium Annamitico-Latinum) in năm 1838.
Từ đấy, sách viết bằng quốc-ngữ càng ngày càng nhiều. Sự in sách quốc-ngữ cũng từ đấy càng ngày càng mở mang. Năm 1838, cuốn Tự-điển của Cố Taberd không phải đem về in ở La-mã nữa, mà ở thành Sérampur (thuộc tỉnh Bengale Ấn-độ) cũng đã có nhà in đúc chữ quốc-ngữ rồi. Kế đấy, ngay cạnh nước Đại-việt, ở Bang-kok (kinh-đô Tiêm-la) nhà Chung cũng lập ra một nhà in in chữ quốc-ngữ. Những sách về đạo như Tân-ước, cựu-ước v.v… được xuất bản rất nhiều bằng quốc-ngữ. Do đó, số người biết đọc, biết viết chữ quốc-ngữ càng ngày càng nhiều.
Chữ quốc-ngữ học đã mau biết, viết đã nhanh, lại diễn tả tư-tưởng một cách rất rễ-ràng. Nếu chữ Hán là gốc rễ của nền văn-hoá Đại-việt, thì chính chữ quốc-ngữ đã làm cho cây văn-hoá kia mau sinh hoa kết quả vậy.
Các giáo-sĩ Gia-tô, bởi vậy, đối với cơ-nghiệp văn-hoá Đại-việt, có công rất to.
Chỉ tiếc, lúc giám-mục Bá-đa-lộc và các người Pháp giúp việc vua Gia-long là lúc ta có dịp tốt được tiếp xúc với văn minh châu Âu mà không biết lợi dụng thời cơ để thâu thập lấy những ưu-điểm của văn-minh ấy trên đường ngoại-giao. Trái lại, số đông « hủ nho » giữ lập trường « bế quan toả cảng » làm cho chữ quốc-ngữ là cái động cơ dẫn Đại-việt tiến
trên đường phú-cường theo Âu-châu bị tê-liệt đến nỗi phải đưa giang-sơn vào vòng nô-lệ người phương Tây trong bao lâu nay.
Thật vậy, nếu biết bắt lấy cơ-hội, gây thiện-cảm với người Tây phương, rồi, với chữ quốc-ngữ mới có, mở đường cho văn-minh Tây-phương lọt vào trong nước bằng cách phiên-dịch sách ngoại-quốc, tuyên truyền tư-tưởng mới, mở mang sự học cho phổ cập khắp các từng lớp dân chúng, thì chả bao lâu mà nước được phú cường.
Tóm lại, chữ quốc-ngữ, do các giáo-sĩ đặt ra cho ta, rất có thể – nếu ta biết dùng – là tên lính hùng dũng chiếm đoạt lấy sức mạnh văn-minh bên ngoài đưa vào trong nước tiêu diệt hủ-tục, cải hoá đời sinh-hoạt trên đường tiến-bộ cho
quốc dân.
BÀI ĐỌC THÊM : TIỂU SỬ CỐ ALEXANDRE DE RHODES VÀ PIGNEAU DE BÉHAINE
A) ALEXANDRE DE RHODES
Alexandre de Rhodes sinh ở Avignon năm 1591. Sang Ma-cao năm 1619 và đến Nam-kỳ năm 1624.
Đến Nam-kỳ, ông chăm chú học tiếng Đại-việt. 6 tháng sau, ông đã nói sõi và giảng đạo được bằng tiếng bản xứ. Đồng thời, ông nghiên-cứu rất kỹ-lưỡng về phong-tục tình hình người Đại-việt và viết ra nhiều sách cho người Đại-việt xem.
Được cử lập giáo-đoàn phía Bắc, ông đến Đông-kinh (Hà-
nội) vào tháng 3 năm 1627, và ở đấy 3 năm, thỉnh-thoảng lại lui tới miền nam của Chúa Nguyễn.
Năm 1645, nhiều giáo-sĩ bị giết ở Bắc. Ông thì bị cấm không được giở lại trong xứ nữa.
B) PIGNEAU DE BÉHAINE
Giám-mục Pigneau de Béhaine, tục gọi là Bá-đa-lộc, sinh ở Origny en Thiérache năm 1741. Sau khi tốt nghiệp ở trường Thày Dòng của Hội ngoại quốc truyền giáo (Société des Missions étrangères) ông được phái sang Viễn-đông, sung vào giáo-đoàn đàng trong (Mission de la Cochinchine) năm 1765.
Đến Hà-tiên năm 1767, ông được cử làm giám-đốc trường Thày dòng Hòn-đất (gần Hà-tiên). Năm 1768, ông bị giam vì đã chứa một ông Hoàng-tử Tiêm-la trốn qua. Năm 1769, nhà trường bị đốt phá, ông trốn sang Pondichéry (Ấn-độ).
Năm 1770, ông được phong làm Giám-mục (Evêque d'Adran).
Năm 1775, ông giở lại Nam-kỳ, được Mạc thiên-Tứ hậu đãi ở Hà-tiên. Năm 1777, ông gặp đức Nguyễn Ánh (đang trốn tránh Tây-sơn) và giúp Ngài lánh nạn ở Cù-lao Poulo Panjang (vịnh Tiêm-la). Đến tháng 11 năm ấy, Nguyễn
vương lấy lại được thành Gia-định, ông đến ở Tân-triều gần Biên-hoà. Nhưng đến tháng 3 năm 1783, thành Gia-định lại mất về Tây-sơn. Nguyễn-vương lại chạy ra vịnh Tiêm-la. Ông cũng phải chạy. Hai vị lại gặp nhau ở Poulo Panjang.
Sau khi bàn tính với Nguyễn-vương, ông đã đem hoàng-
tử Cảnh sang Pháp cầu viện năm 1787 và thay Nguyễn vương ký tờ hiệp-ước Versailles với Pháp-đình (Xem bài 23).
Giở về Đại-việt, ông theo giúp Nguyễn-vương đánh Tây sơn. Rồi mất tại Thi-Nại hôm 9-10-1799 trong khi Nguyễn vương đang vây thành Qui-Nhân.
CHƯƠNG VII : CHÚA NGUYỄN SUY VONG
BÀI 23 : TRƯƠNG PHÚC-LOAN CHUYÊN QUYỀN
Lúc đầu Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận-hoá, đóng đinh ở làng Ái-tử (thuộc huyện Đăng-xương, gần tỉnh-lỵ Quảng-trị). 13 năm sau (năm 1570) Nguyễn Hoàng dời vào làng Trà-bạt ở huyện ấy, tức là Cát-dinh. Đến năm 1626, Chúa Sãi là Nguyễn phúc-Nguyên sắp sửa chống nhau với Trịnh, dời dinh vào làng Phúc-an (thuộc huyện Quảng-điền, tỉnh Thừa-thiên) và đổi gọi Dinh là Phủ. Năm 1636, Chúa thượng là Nguyễn phúc-Lan lại dời phủ vào làng Kim-long (thuộc huyện Hương-trà, Thừa-Thiên). Năm 1687, Chúa Nguyễn là Nguyễn phúc-Trăn đem phủ về làng Phú-xuân tức đất Kinh-thành Huế bây giờ, gọi là Chính Dinh. Chỗ phủ cũ để làm thái-tôn-miếu thờ Chúa Hiến.
Năm 1744, Vũ-vương là Nguyễn phúc-Khoát mới xứng Vương hiệu, đổi Phủ ra làm Điện, sửa sang phép tắc, định triều-phục, chia nước ra làm 12 Dinh, như sau đây :
1. Chính-dinh (Phú-xuân)
2. Cựu-dinh (Ái-tử)
3. Quảng-bình-dinh
4. Vũ-xá-dinh
5. Bố-chính-dinh
6. Quảng-nam-dinh
7. Phú-yên-dinh (Đất Chiêm-thành)
8. Bình-khang-dinh (Đất Chiêm-thành)
"""