" Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam 1 PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam 1 PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM QUYỂN I Tác giả : Linh mục NGUYỄN HỒNG Nhà xuất bản : HIỆN TẠI Năm xuất bản : 1959 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : Nguyễn Thiên Nhật Kiểm tra chính tả : Nguyễn Thiên Nhật, Thư Võ Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 08/06/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn Linh mục NGUYỄN HỒNG và nhà xuất bản HIỆN TẠI đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC TUYÊN NGÔN THAY LỜI TỰA CHƯƠNG I. NHỮNG BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM I. GIÁO HỘI VIỆT NAM TRƯỚC THẾ KỶ XVI 1. Công cuộc truyền giáo vùng Đông Á trước thế kỷ XVI 2. Giáo hội Việt Nam trước thế kỷ XVI II. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO KHU VỰC NHÀ HẬU LÊ, NAM TRIỀU 1. Những cuộc gặp gỡ với Tây phương đầu thế kỷ XVI 2. Công cuộc truyền giáo dưới triều Lê Anh Tông (1556- 1573) 3. Ordonez de Cevallos và công chúa Mai Hoa III. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO KHU VỰC NHÀ MẠC, BẮC TRIỀU 1. Đoàn truyền giáo của cha Diego de Oropesa 2. Cha Bartolomé Ruiz IV. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO Ở MIỀN NAM NƯỚC VIỆT 1. Các Cha dòng Thánh Đa Minh người Bồ 2. Các Cha dòng thánh Đa Minh, Tây Ban Nha CHƯƠNG II. CHA BUZOMI, TÔNG ĐỒ XỨ NAM CHA BUZOMI, TÔNG ĐỒ XỨ NAM I. BÁCH HẠI TÔN GIÁO Ở NHẬT VỚI CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM 1. Bách hại tôn giáo ở Nhật năm 1614 2. Áo môn, trung tâm thương mại và truyền giáo 3. Hy vọng truyền giáo ở xứ Nam II. NƯỚC VIỆT NAM VÀO ĐẦU THẾ KỶ XVII 1. Chúa Nguyễn trong Nam 2. Tình trạng tôn giáo 3. Người dân Việt Nam và xã hội Việt Nam III. CHA BUZOMI VỚI NHỮNG THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN (1615-1618) 1. Những bông lúa đầu mùa 2. Những thử thách đầu tiên 3. Quan phủ Qui Nhơn IV. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO Ở QUI NHƠN VÀ QUẢNG NAM (1618-1622) 1. Công cuộc truyền giáo ở Qui Nhơn 2. Những khó khăn gặp phải 3. Công cuộc truyền giáo ở Quảng Nam V. NHỮNG THỬ THÁCH TIẾP TỤC CỦA GIÁO ĐOÀN XỨ NAM (1623-1626) 1. Những vu cáo phá hoại 2. Những thừa sai mới (1624) 3. Bà vương phi Minh Đức trở lại 4. Cha De Pina qua đời và lệnh tập trung các thừa sai về cửa Hội An (12-1625) CHƯƠNG III. CHA ĐẮC LỘ, TÔNG ĐỒ XỨ BẮC I. CHA ĐẮC LỘ 1. Ơn gọi đi truyền giáo 2. Trên đường vào khu truyền giáo 3. Thừa sai xứ Nam II. TÔNG ĐỒ XỨ BẮC 1. Xứ Bắc, vua Lê chúa Trịnh 2. Cha Baldinotti, Kẻ Chợ 1626 3. Cha Đắc Lộ và Pedro Marquez trên đường ra Bắc III. CỬA BẠNG : NHỮNG BÔNG LÚA ĐẦU MÙA 1. Hòn ngọc nước Chúa 2. Họ Cửa Bạng 3. Cờ chiến thắng trên núi Cửa Bạng IV. AN VỰC, ĐANG KHI CHỜ ĐỢI CHÚA TRỊNH TRỞ VỀ 1. Trịnh Tráng đem quân vào đánh xứ Nam 2. Sư cụ Gioankim và nhà thờ An Vực 3. Những giáo dân đầu tiên trong hoàng gia V. TRÊN ĐƯỜNG LÊN KẺ CHỢ 1. Trịnh Tráng rút quân 2. Được phép ở lại truyền giáo 3. Trên đường lên Kẻ Chợ CHƯƠNG IV. GIÁO ĐOÀN KẺ CHỢ VỚI NHỮNG THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN I. KẺ CHỢ : NHỮNG GIÁO DÂN TIÊN KHỞI 1. Những giáo dân tiên khởi 2. Cuốn sách bổn chữ Hán của Thầy sãi 3. Những ơn lạ 4. Lòng đạo đức của giáo dân và đời sống phụng vụ II. TINH THẦN TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN 1. Thầy sãi Antôniô 2. Vấn đề thầy giảng III. NHỮNG THỬ THÁCH 1. Những phao đồn vu cáo 2. Cảnh giam cầm quản thúc 3. Lệnh trục xuất IV. VĨNH BIỆT XỨ BẮC 1. Trên con thuyền biệt xứ 2. Công cuộc truyền giáo vùng Nghệ An 3. Trở lại Kẻ Chợ và vĩnh biệt xứ Bắc CHƯƠNG V. CHA ĐẮC LỘ TRỞ LẠI XỨ NAM VÀ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO Ở ĐÓ I. CHA ĐẮC LỘ TRỞ LẠI ĐÀNG TRONG 1. Cha Đắc Lộ trong thời kỳ ở Áo môn 2. Buzomi với lệnh trục xuất 1629 3. Giáo đoàn xứ Nam từ năm 1630 đến năm 1639 4. Cha Đắc Lộ trở lại xứ Nam và bị trục xuất (2-1640 – 9-1640) II. HAI LẦN BỊ TRỤC XUẤT, HAI LẦN TRỞ LẠI 1. Cha Đắc Lộ trở lại xứ Nam lần thứ hai và công cuộc truyền giáo ở các tỉnh vùng Nam 2. Lệnh trục xuất lần thứ hai (7-1641) 3. Trở lại xứ Nam lần thứ ba và tổ chức Thầy Giảng (1- 1642 – 9-1643) III. CHA ĐẮC LỘ TRỞ LẠI XỨ NAM LẦN THỨ TƯ 1. Hoạt động truyền giáo của các Thầy giảng 2. Bà Maria Minh Đức Tuần Thánh ở Hội An 3. Phái đoàn giáo dân ngoài Bắc 4. Công cuộc truyền giáo cho giới trí thức và quan lại CHƯƠNG VI. CHA ĐẮC LỘ VỚI NHỮNG TRANG SỬ MÁU ĐẦU TIÊN CỦA GIÁO ĐOÀN XỨ NAM I. NHỮNG ANH HÙNG XƯNG ĐẠO 1. Thầy giảng Andrêa, anh hùng tử đạo tiên khởi của giáo đoàn xứ Nam 2. Cụ già Andrêa và lệnh trục xuất cha Đắc Lộ 3. 35 Anh hùng xưng đạo phủ Qui Nhơn II. NHỮNG THỬ THÁCH CỦA CHA ĐẮC LỘ VÀ CÁC THẦY GIẢNG 1. Thăm viếng giáo dân miền hạ 2. Mùa Sinh Nhật 1644 với cảnh giam cầm quản thúc 3. Mùa chay 1645 và Nghĩa cử của chín giáo dân Quảng Bình, Quảng Trị 4. Mùa Phục Sinh 1645 ở kẻ Hội An và những nữ tu đầu tiên đến nước Việt III. VĨNH BIỆT XỨ NAM 1. Cha Đắc Lộ bị bắt giam 2. Vĩnh biệt xứ Nam 3. Thầy I-nha-xu và Vinh Sơn tử đạo CHƯƠNG VII. XỨ BẮC, CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN SAU CHA ĐẮC LỘ I. GIÁO ĐOÀN XỨ BẮC TRONG THỜI KỲ VẮNG MẶT CÁC THỪA SAI 1. Hoạt động của các thầy giảng 2. Những giáo dân xưng đạo 3. Những thừa sai đến tiếp tục II. GIÁO ĐOÀN XỨ BẮC DƯỚI QUYỀN CHA GASPAR D'AMARAL (1632-1640) 1. Lúa chín đầy đồng 2. Những thử thách 3. Công cuộc truyền giáo ở Lào III. GIÁO ĐOÀN XỨ BẮC DƯỚI QUYỀN CHA FELIX MORELLI (1640-1649) 1. Những thử thách tiếp tục 2. Bức thư quan trấn Quảng Tây 3. Bách hại 1649 IV. GIÁO ĐOÀN XỨ BẮC DƯỚI QUYỀN CHA HIERONIMO MAJORICA (1650-1656) 1. Giáo dân và xứ đạo 2. Tổ chức các thầy giảng 3. Cuối thời Trịnh Tráng V. CHA ONUPHRE BORGES VÀ LỆNH TRỤC XUẤT 1658, 1663 1. Những mây mù báo hiệu 2. Lệnh trục xuất 1658 3. Lệnh trục xuất 1663 CHƯƠNG VIII. XỨ NAM, CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN SAU CHA ĐẮC LỘ (1646-1665) I. GIÁO ĐOÀN XỨ NAM DƯỚI THỜI CHA METELLO SACCANO (1646-1655) 1. Cha Metello Saccano tới xứ Nam 2. Anh hùng xưng đạo ở Quảng Bình 3. Thêm cha Carlo della Rocca 4. Bách hại tiếp tục II. GIÁO ĐOÀN XỨ NAM DƯỚI THỜI CHA PHANXICO RIVAS VÀ PEDRO MARQUEZ (1655-1665) 1. Ông Phêrô Văn Nết xưng đạo ở Cát Dinh 2. Thời kỳ hòa hoãn, các cha đi thăm các họ 3. Bách hại lại nổi lên Ì Ề Á Ủ CHƯƠNG IX. NHÌN LẠI 50 NĂM TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN I. MỘT GIÁO HỘI THỊNH VƯỢNG NHẤT MIỀN ĐÔNG Á 1. 50 năm truyền giáo ở xứ Nam 2. 37 năm truyền giáo ở xứ Bắc 3. Những lý do thành công II. CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN VỚI NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM 1. Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ 2. Những tài liệu quí hóa về sử địa Việt Nam 3. Một nền văn chương Công giáo tiên khởi TỦ SÁCH THAM KHẢO I. DO CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN II. DO CÁC TÁC GIẢ KHÁC Linh mục NGUYỄN HỒNG LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM QUYỂN I HIỆN TẠI (CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN 1615-1665) 1959 LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM, IN LẦN THỨ NHẤT, NGOÀI 3000 CUỐN THƯỜNG VÀ 2000 CUỐN ĐẶC BIỆT, CÓ IN THÊM 200 CUỐN TRÊN GIẤY QUÝ DÀNH RIÊNG CHO NHÀ XUẤT BẢN – – HIỆN TẠI – – Nihil Obstat Đà Lạt, 1-5-1959 Jos. NGUYỄN NGÀ Cens. del. Imprimatur Saigon, die 30-5-59 Paulus LÊ TRUNG THỊNH Vic. del. TUYÊN NGÔN Là một Linh mục Công giáo, bao giờ cũng thành thực phục tòng Giáo hội. Vậy những danh từ dùng, cũng như những nhận xét về đời sống thánh thiện của các nhân vật trong sách này, không hề bao giờ có ý muốn đi trước Giáo hội. Linh mục NGUYỄN HỒNG THAY LỜI TỰA Tử Trường Tư mã Thiên đã lưu danh vạn đại với nhân loại nói chung, và dân tộc Trung Hoa nói riêng, là nhờ bộ Sử ký bất hủ của ông. Từ xưa tới nay, ai đọc bộ Sử ký cũng phải nhận chân giá trị sử khoa của nó. Tử Trường tiên sinh, ngoài cái thần trí thiên bẩm, đã hiến trót đời mình để sưu tầm, phân tách, tuyển lựa và hệ thống hóa tài liệu một cách khá khoa học. Chỉ nguyên nhìn vào việc : tiên sinh thân đi khắp chốn, đến tận nơi có sự kiện xảy ra để điều tra, sưu tầm những tài liệu chính xác, đã đủ làm tăng giá trị cho tác phẩm của Tiên sinh. Sử gia muôn thuở này còn có một đức tính tối quan trọng cho khoa chép sử : khách quan trước các tài liệu. Sử liệu có thế nào, Tiên sinh ghi chép như thế chứ không theo chủ quan phê phán một cách thiên lệch như nhiều sử gia sống trước Tiên sinh. Điểm nào tồn nghi thì để là tồn nghi chứ không hề võ đoán. Vấn đề nào có nhiều thuyết khác nhau thì kể cả ra để độc giả tự cân nhắc. Với bấy nhiêu đức tính cần thiết của một sử gia trên đây, cộng với giọng văn thành thực, đầy hùng khí, bộ Sử ký đã trở thành bất hủ và tên Tử Trường Tư mã Thiên còn lại mãi trong Sử vàng chói lọi chẳng những của riêng dân tộc Trung Hoa mà của cả nhân loại vậy. Được hân hạnh đọc bản thảo cuốn Lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam của Linh mục Nguyễn Hồng, kẻ cầm bút thiển cận này không thể không liên tưởng đến những đặc điểm của bộ Sử ký của Tư mã Thiên. Thực vậy, Linh mục Nguyễn Hồng đã từ lâu năm hằng lưu tâm đến vấn đề Truyền giáo ở Việt Nam bằng cách tìm tòi thu tập tài liệu ở ngay trong nước. Nhưng tiếc thay, các tài liệu Truyền giáo thời sơ khởi ít còn lưu lại ở Việt Nam. Các tài liệu sống thì không còn, mà các sử liệu ghi chép thì phần lớn đã đưa sang Roma hay Ba-lê mất cả. Do đó, muốn viết một bộ Sử truyền giáo cho hoàn toàn đầy đủ với những tài liệu hiện có ở trong nước thì thực là khó. Nhưng bao giờ trời cũng phù người có chí : cha được xuất ngoại du học ! Thế là cha có đủ phương tiện để hoàn tất bộ sử. Bắt tay ngay vào việc bằng cách sưu tầm tài liệu khắp các bảo tàng thư viện của Thánh Bộ Truyền giáo của Dòng Tên ở Roma, lại qua Ba-lê vào thư viện Hội các cha Thừa sai Ba-lê để hoàn bị tác phẩm. Với một chí kiên nhẫn, một lòng ham thích say sưa, với những nhìn xa thấy rộng của trời Âu, sau mấy năm trường tận tụy, cha đã hoàn tất bộ Lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam, mà hôm nay, quyển thứ I trong bộ sử ấy, khiêm tốn ra mắt đồng bào Việt Nam. Với những tài liệu chính xác, ghi chép một cách rất vô tư, hệ thống hóa một cách mạch lạc dưới ngọn bút trôi chảy, khúc triết và hùng kính, cuốn Lịch sử này có hi vọng làm thỏa mãn những đòi hỏi của toàn thể giáo hữu Công giáo Việt Nam. Hơn nữa, theo thiển kiến của kẻ hèn này, thì bộ Sử truyền giáo của Linh mục Nguyễn Hồng cũng sẽ không hổ thẹn khi nằm trên tay bất cứ một sử gia chuyên môn nào. Nhưng trí một người có hạn, óc cá nhân có mức nên tác giả cũng như kẻ cầm bút viết mấy lời này vẫn thành thực thầm ước được nghe lời chỉ giáo của chư độc giả bốn phương. Viết tại Cái Sắn Kênh Quí Hạ năm Kỷ Hợi Linh mục : MẬU HẢI CHƯƠNG I. NHỮNG BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM I. Giáo hội Việt Nam trước thế kỷ XVI : 1. Công cuộc truyền giáo vùng Đông Á trước thế kỷ XVI. 2. Giáo hội Việt Nam trước thế kỷ XVI. II. Công cuộc truyền giáo trong khu vực nhà Hậu Lê, Nam Triều : 1. Những cuộc gặp gỡ với Tây phương đầu thế kỷ XVI. 2. Công cuộc truyền giáo dưới triều Lê Anh Tông (1556- 1578). 3. Ordonez de Cevallos và Công chúa Mai Hoa. III. Công cuộc truyền giáo trong khu vực nhà Mạc, Bắc Triều : 1. Đoàn truyền giáo của Cha Diego de Oropesa. 2. Cha Bartolomé Ruiz. IV. Công cuộc truyền giáo miền Nam nước Việt : 1. Các Cha Dòng Thánh Đa Minh người Bồ. 2. Các Cha Dòng Thánh Đa Minh Tây Ban Nha. Hình đầu cuốn sách « Delle missioni… » của Cha Marini (1663). I. GIÁO HỘI VIỆT NAM TRƯỚC THẾ KỶ XVI 1. Công cuộc truyền giáo vùng Đông Á trước thế kỷ XVI Trước khi lên trời Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ sứ mệnh truyền giáo : « Chúng con hãy đi giảng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ». Trung thành với sứ mệnh, trong vòng không đầy một nửa thế kỷ sau, hầu hết các đô thị lớn của đế quốc Roma và Hy Lạp thời đó đã được nghe giảng tin lành. Đi xa hơn cả, thánh Tôma đã tới Ấn Độ. Sau khi đã đưa được nhiều vua chúa và dân chúng trở lại, vị tông đồ đã minh chứng tin lành bằng máu tử đạo của mình. Công cuộc truyền giáo và tử đạo của Ngài đã được tất cả các tử đạo lục nói đến. Năm 1548, người ta đã khám phá ra mộ của Ngài ở Méliapour có hình thánh giá và bảng ghi chú. 1 Theo nhiều tác giả, công cuộc truyền giáo của Ngài được một số môn đệ và nhất là các thừa sai ở Ba tư đến tiếp tục. Trước thế kỷ IV, tòa Tổng Giám mục « Catholicos Seleucie – Ctésiphon » đã có nhiều địa phận thuộc hạt trong vùng Đông Á, như đảo Socötora, Tích Lan, miền Malabar thuộc Ấn Độ và bao trùm cả những giáo đoàn vùng Tartaria và Trung Quốc. 2 Năm 1625 ở Tây ngân phủ, người ta khám phá ra một bia đá 1700 chữ, trên đầu có hình thánh giá, kể công cuộc truyền giáo do Olopen chỉ huy vào đầu thời kỳ nhà Đường (618-907). Theo lời ghi chú trong bia thì « năm 635, dưới triều nhà Đường, có nhiều tây giang đạo trưởng do Olopen dẫn đầu đến truyền đạo Cơ Đốc, mang theo nhiều sách vở và ảnh tượng ». Tiếp theo kể các mầu nhiệm của đạo và tường trình sự tiếp đãi tử tế của vua nhà Đường, công cuộc truyền giáo tiến triển, xây dựng các nhà thờ, rồi bị bách hại… Cuối cùng kết luận : « Bia này làm để ghi lại cho muôn đời sau nhớ những việc đã xảy ra đó, dựng năm 782 » nghĩa là gần 150 năm sau khi công cuộc truyền giáo của Olopen được mở đầu. 3 Qua một vài di tích trên đây về những bước đầu công cuộc truyền giáo vùng Đông Á, từ thế kỷ thứ XIII, chúng ta có những tài liệu chắc chắn và đầy đủ hơn. Đó là công cuộc truyền giáo ở Trung Quốc dưới triều nhà Nguyên. Mông Cổ, một dân tộc hiếu chiến và hung dữ, ở vào khoảng thượng lưu Hắc Long giang. Dưới quyền chỉ huy của Thiết Mộc Chân (Témoudjine) tức Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) Nguyên Thái Tổ, những đoàn kỵ binh thiện chiến người Mông Cổ xâm chiếm cả vùng Trung Á, Ba Tư và đe dọa các nước Tây phương. Thành cát tư hãn mất, người con thứ ba là A Loa Đài (Agotai) lên thay, hiệu Nguyên Thái Tông. Công cuộc chinh phục miền tây vẫn tiếp tục. Dưới quyền chỉ huy của Bathou, cháu Thành cát tư hãn, quân Mông Cổ xâm chiếm nước Nga, Ba Lan và tiến vào biên thùy nước Đức, đi đến đâu phá phách, giết hại vô kể. Các nước Âu châu đều rùng mình lo sợ 4. Đức Thánh Cha Innôcentê IV và vua thánh Louis, nước Pháp, sai sứ sang Mông Cổ. Sứ giả là các cha dòng thánh Phanxicô và Đa Minh. Một cuộc hành trình đầy vất vả và gian lao qua các nước Âu châu, sang Ba Tư, Tiệp Khắc, vùng Chaldêô, Ấn Độ, Trung Hoa, mới đến Mông Cổ. Một nửa các sứ giả kiêm thừa sai đã chết nửa đường. Lúc đó A Loa Đài, Nguyên Thái Tông đã mất. Con là Quí Do (Gouyouk) tức Nguyên Định Tông lên thay. Đứng đầu phái đoàn là Jean de Plan Carpin, trong buổi yết kiến ngày 12 tháng 7 năm 1246, đã trách Quí Do những cuộc xâm chiếm phá phách, giết hại của quân Mông Cổ. Quí Do sai sứ đề nghị đem quân giúp vua Louis trong cuộc nghĩa binh chiếm lại đất thánh. Ba năm sau (1249) vua Louis sai cha dòng thánh Đa Minh André de Longjumeau dẫn đầu sứ đoàn sang thương ước đồng minh với Nguyên Định Tông, đem theo nhiều lễ vật quí giá. Nhưng không may, Quí Do làm vua được ba năm thì chết, ngôi vua Mông Cổ về chi họ khác. Người em con chú (Bakhou) là Mông Kha (Mangouk hay Ergaltaï) lên làm vua, tức là Nguyên Hiến Tông. Công cuộc chinh phục vẫn tiếp tục. Ngừng ở phía tây, quân Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của Hốt Tất Liệt (Koubilaï) đi chinh phục tất cả vùng Trung Quốc của nhà Tống, đe dọa lãnh thổ Việt Nam 5. Năm 1251, đáp lại thư của Mông Kha sẵn sàng bắt tay với nhà vua để đánh quân Sarasinô, vua Louis sai hai Cha Dòng Thánh Phanxicô, Guillaume Ruysbrœck 6và Barthélémy de Cremone. Tất cả các Cha Dòng Thánh Phanxicô và Đa Minh đi sứ giả cùng đều mang sứ mệnh truyền giáo. Tìm cách để lôi cuốn vua Mông Cổ và triều thần nhà vua trở lại đạo, các Ngài đã gặp những vướng trở gây ra do các giáo dân thuộc giáo phái Nestorianô bị bắt làm tù binh đưa về kinh đô nhà Nguyên. Không những đời sống không xứng danh người có đạo của họ làm cho người Mông Cổ khinh chê đạo, họ còn dùng mọi mánh lới vu cáo để cản trở công cuộc truyền giáo của Giáo hội Công giáo. Cũng như sau này chúng ta sẽ thấy những người theo thệ phản giáo đã gây ra biết bao vướng trở và bách hại ở Nhật, Trung Quốc và nhiều nơi khác. Các Ngài đành phải trở về, sau những cuộc hành trình đầy gian lao nguy hiểm. Tuy không đạt được đích truyền giáo, nhưng ít nhất cũng ngăn lại làn sóng xâm lăng của nhà Nguyên trên những nước Âu châu. Năm 1261, hai thương gia thành Venêtia, Nicolas và Matteo Polo tới Trung Quốc được vua nhà Nguyên tiếp đãi tử tế. Lúc đó Mông Kha đã mất, Hốt Tất Liệt lên thay, hiệu là Nguyên Thế Tổ (Che-tsou). Muốn kết tình bang giao với Cha chung của Thế giới Công giáo. Thế Tổ sai một sứ giả theo hai thương gia họ Polo sang Roma yêu cầu phái các thừa sai sang truyền giáo. Giữa đường sứ giả mất. Để đáp lại thịnh tình, Đức Thánh Cha sai hai Cha Dòng Thánh Đa Minh sang. Nhưng giữa đường cả hai lâm bệnh phải trở về, chỉ có hai thương gia họ Polo là tới nơi, lần này thêm cả Marco Polo, con của Nicolas. 7 Không ngã lòng, năm 1288, Đức Thánh Cha Nicolas IV sai Cha Jean de Montcorvin, dòng thánh Phanxicô với chức Khâm sai đại diện tại triều Thế Tổ, mang theo cả ủy nhiệm thư gửi vua Ấn Độ, vua Ba Tư và cả cho thượng chủ giáo phái Nestorianô. Người cộng tác của cha là cha Nicolas de Pistoia. Qua Ấn Độ 13 tháng trời, rửa tội được gần 100 người, cha Nicolas ngã bệnh qua đời, chỉ có một mình cha Jean de Montcorvin là tới nơi 8. Kinh đô nhà Nguyên lúc đó ở Cambalik (Bắc Kinh). Cha được Nguyên Thế Tổ tiếp đãi long trọng. Nhưng trong 5 năm đầu, cha bị những người thuộc giáo phái Nestorianô dùng mánh lới vu cáo làm cản trở. Nhưng chân lý đã thắng, chiến thuật vu cáo bị phơi ra ánh sáng, một số bị kết án phát lưu. Công cuộc truyền giáo từ đó kết quả mau chóng : Cha xây cất hai thánh đường, mở một trường cho trẻ em hơn 150 học sinh công giáo. Số giáo dân lên tới sáu ngàn và nếu có nhân viên cộng tác có thể lên tới 3 vạn, trong đó có hoàng thân Georges, vua Karakorum, kinh đô của nhà Nguyên. Cha viết thư về Roma yêu cầu phái thêm nhân viên cộng tác. Được thư cha ngày 8-1-1305, Đức Thánh Cha Clementê V đáp lại một cách rộng rãi. Năm 1307, Ngài lập địa phận tổng hạt ở Cambalik và đặt cha Jean de Montcorvin làm Tổng Giám Mục đứng đầu các khu truyền giáo ở Đông Á. Bảy Cha dòng thánh Phanxicô được sắc phong Giám Mục, để qua Trung Quốc cộng tác với Đức Cha Jean de Montcorvin và sắc phong Giám Mục cho Ngài. Nhưng 3 vị bị chết dọc đường, một vị phải trở lại Ý, chỉ có Đức Cha Gerardo, Pellegrino và Andrea da Perusia là tới nơi (1308). Năm 1312, Đức Thánh Cha lại sai thêm 3 Đức Cha Tommaso, Hiêrônimô và Pietro di Firenze sang thay thế những vị đã chết dọc đường. Công cuộc truyền giáo mỗi ngày thêm kết quả, nhiều nhà thờ các họ được cất lên. Theo cha Odorico de Pordenone, sống 3 năm bên Đức Cha Jean de Montcorvin và đã rửa tội được gần hai vạn người, thì nhiều tu viện thánh Phanxicô được xây cất trong khắp Trung Quốc. Tính đến năm 1333, lúc Đức Cha Jean de Montcorvin qua đời, số giáo dân lên tới 10 vạn, nguyên mình ngài đã rửa tội được 3 vạn. 9 Đồng thời hoạt động truyền giáo của các Cha dòng thánh Đa Minh ở Ba Tư, Tiệp Khắc và Ấn Độ cũng được nhiều kết quả. Nhưng từ năm 1368 khi nhà Nguyên bị đổ, nhà Minh lên cầm quyền. Nhà vua ra lệnh triệt hạ các nhà thờ, cấm đạo. Công cuộc truyền giáo đang lên bị sụp đổ tai hại 10. Các thừa sai dòng thánh Phanxicô cố đương đầu được ít lâu. Nhưng năm 1410, việc trông coi địa phận tổng hạt Cambalik giao lại cho tổng giám mục Sultanyck của các cha dòng thánh Đa Minh. Cuộc chinh phục của Tamerlan trong các vùng Caspienne và Ấn Độ, đưa Islam lên đài chiến thắng thì tòa tổng giám mục đó từ sau giữa thế kỷ XV cũng bị tan vỡ. 11 Phải chờ sang đầu thế kỷ thứ XVI, với những cuộc khám phá và chinh phục « thế giới mới » của hai nước Bồ và Tây Ban Nha, sự xuất hiện Dòng Tên trên trường hoạt động truyền giáo với thánh Phanxicô Xaviê, công cuộc truyền giáo vùng Đông Á mới được tiếp tục. 2. Giáo hội Việt Nam trước thế kỷ XVI Nói đến công cuộc truyền giáo của các thừa sai ngoại quốc ở Việt Nam trong thời kỳ đầu, lịch sử Việt Nam chỉ để lại một tài liệu trong cuốn Khâm Định Việt Sử 12: « Năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Lê Trang Tôn nhà Lê (1532-1533) có một người Tây phương (dương nhân) tên là I-nê-khu, đi đường bể lén vào giảng đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy (về miền Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình ngày nay) ». Sự thiếu sót trong tài liệu Việt sử không làm chúng ta bỡ ngỡ, vì các nhà làm sử của nước ta phần nhiều là ở Quốc sử quán của nhà vua, trong việc ghi chép chỉ chú trọng những công việc của triều đại, còn những vấn đề khác, nhất là những việc vua quan không tán thành thì rất ít ghi lại. Nhưng đứng về phương diện khác thì nó lại là một tài liệu cổ kính hơn cả về giai đoạn truyền giáo đầu thế kỷ XVI. Chúng ta biết rằng từ đầu thế kỷ XVI, tàu buôn người Bồ đã bắt đầu đi lại buôn bán với người Việt và cũng đã có thừa sai Tây phương theo tàu buôn của họ vào truyền giáo cho dân chúng Việt Nam. Nhưng hầu hết tài liệu các Ngài để lại đều thuộc về nửa sau thế kỷ XVI, lúc mà tàu buôn người Bồ đã đi lại buôn bán đều đều và nhiều tổ chức truyền giáo đã được thành lập trong vùng Đông Á. Sang đầu thế kỷ XVII, với các thừa sai Dòng Tên, từ năm 1615, công cuộc truyền giáo được tổ chức đầy đủ và liên tục, các bản tường trình về khu truyền giáo được ghi ký rõ ràng, và gửi về trung tâm tỉnh dòng ở Áo môn đều đều. Nhờ đó, chúng ta có được những tài liệu chắc chắn và đầy đủ hơn. Nhưng trước thế kỷ thứ XVI ? Chúng ta có thể lùi lại về những thế kỷ xa xăm trước để tìm nguồn gốc đạo công giáo ở Việt Nam không, hay nói cách khác, tin lành đạo công giáo được truyền sang Việt Nam vào từ thế kỷ nào ? Một vài tác giả cho rằng ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội Kytô giáo đã có một số môn đệ của Thánh Tôma Tông đồ xứ Ấn, theo tàu buôn của các nước lân cận đến truyền giáo cho người Việt. 13 Nước Việt Nam lúc đó đang trong thời kỳ nội thuộc nước Tàu, chia làm 3 quận : Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Theo Đại Việt Sử ký thì một trong những vị quan thái thú ở đó, tên là Sĩ Nhiếp hay Sĩ Vương là người thờ Chúa trời đất, có xây một đền thờ trong dinh của ông ở tỉnh Thanh Hóa (quận Cửu Chân), trong đền thờ đó có hình Gia-tô thập tự. Ông chết năm 226, thọ 90 tuổi. 160 năm sau, khi người Lâm Ấp (Chiêm Thành) lên xâm chiếm đất Việt, mở mộ thấy xác vẫn còn nguyên như khi vừa mới chết 14. Con cháu của ông vẫn còn tiếp tục giữ đạo cho đến người cháu năm đời mới thôi. Chủ trương trên đây dầu sao cũng chỉ trong vòng ức thuyết vì chưa có những bằng chứng sử liệu chắc chắn, đầy đủ và xác thực 15. Người ta biết rằng liên lạc buôn bán giữa Ấn Độ và Trung Hoa, qua đường Giao Chỉ, đã bắt đầu từ thế kỷ I sau Thiên Chúa giáng sinh 16. Rất có thể những môn đồ của thánh Tôma theo những tàu buôn đó vào vùng Giao Chỉ và truyền đạo ở đó. Theo sử Trung Quốc thì năm 166 có một sứ giả nói là do « An Toun » (Marco Aurelio Antonino) sai đến cũng có qua xứ Giao Chỉ, và năm 226, cũng có một lái buôn tên là Ts'in Louen cũng theo đường Giao Chỉ lên Nam Kinh 17. Vào cuối thế kỷ X, quãng năm 980, có một số giáo sĩ người Chaldéo, thuộc giáo phái Nestorianô qua xứ Bắc lên Trung Hoa để thăm các giáo dân cùng giáo phái ở đó, nhưng không còn ai. Xứ Bắc theo tiếng gọi của họ là xứ Loukin, khi qua đó thì vừa lúc nhà vua mới chinh phục xong xứ Seuf 18. Loukin có lẽ là Lư Kinh, tức Hoa Lư (Ninh Bình, Yên Khánh hay Gia Viễn ngày nay) kinh đô của vua Lê Đại Hành (980-1005) và Seuf là đất Chiêm Thành. Sau khi phá được quân nhà Tống, Lê Đại Hành đem binh đánh lấy được kinh đô và bắt triều cống. Các giáo sĩ, không nói đến giáo dân ở xứ Bắc và nếu có trong đời Sĩ Nhiếp thì sau vì thiếu người truyền giáo tiếp tục nên dần tiêu diệt đi. 19 Những nhà chủ trương thuyết trên đây còn đem ra sử liệu minh chứng sau đây : đời vua Lê Anh Tông (1557- 1573) trong khi sửa một vài đền đài cổ, người ta gặp thấy trong bức tường một hình thập giá rất cổ. Đem trình nhà vua và biết rằng đó là hình ảnh của người có đạo Gia-tô thờ, nhà vua truyền phải trọng đãi các dương nhân thuộc giáo phái đó muốn vào nước ta truyền đạo. 20 Theo nhiều nhà chép sử truyền giáo miền Đông Á thì vào thế kỷ XIV, cha Odorico de Pordenone trong cuộc vượt biển từ Âu châu sang Á châu có đỗ lại ở tỉnh Bình Định lúc đó còn là đất của người Chiêm Thành, đời vua Chế A Nan (1318-1343) 21. Trước Cha, vào thế kỷ XIII, Marco Polo trên con đường từ Vân Nam xuống Chiêm Thành cũng qua đất Việt. Bản đồ nước Việt, do Cha Đắc Lộ vẽ (trang đầu cuốn « Lịch sử Truyền giáo xứ Đông Kinh », 1650) II. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO KHU VỰC NHÀ HẬU LÊ, NAM TRIỀU 1. Những cuộc gặp gỡ với Tây phương đầu thế kỷ XVI Những cuộc gặp gỡ giữa người Việt và Tây phương đã có ngay từ thời kỳ đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáng sinh. Miền Bắc Việt được coi là một trong những chặng liên lạc thương mại giữa đế quốc Roma, cũng như của Ấn Độ và những đế quốc vùng Trung Đông với Trung Quốc. Nhưng thực ra từ thế kỷ XVI, cuộc gặp gỡ đó mới thực hiện được một cách đều đều và liên tục. Chuyến mạo hiểm theo đường thủy qua vùng Đông Á của Vasco de Gama vòng qua Hảo vọng giác tới Ấn Độ năm 1498 mở đầu cho cuộc chinh phục đất đai, đặt trụ sở thương mại của người Bồ, người Tây Ban Nha và người Hòa Lan sau này trong cả vùng Đông Á. Để chiếm đoạt nguồn lợi hương liệu từ trước vẫn phải mua qua tay những lái buôn Ả Rập, quân đội Bồ dưới quyền chỉ huy của Afonso de Albuquerque đã chiếm Goa (17-2-1510) và Malacca (25-7-1511) đặt những trụ sở thương mại đầu tiên ở Ấn Độ và vùng Đông Ấn 22. Ba năm sau, một đoàn tàu của người Bồ đã tới đất Trung Hoa, năm 1521, đến Phi Luật Tân. 23 Năm 1524, Duarte Cœlho được sai làm sứ giả để điều đình một cuộc liên lạc thương mại giữa người Việt và người Bồ 24. Nguyên tháng 9 năm 1516 một đoàn tàu do Fernão Peres de Andrade chỉ huy, tiến lên vùng Quảng Đông, giữa đường gặp bão giạt vào vùng biển đất Chiêm Thành rồi phải trở về trú ở đảo Poulo Condor. Tàu của Duarte Cœlho cũng đi chuyến đó, gặp bão bị tách khỏi đoàn, giạt vào bờ biển nước Xiêm, đến năm sau 1517, Duarte Cœlho mới gặp đoàn tàu ở Quảng Đông 25. Đã quen biết lãnh thổ Xiêm, hai năm sau, 1959, ông được sai làm sứ giả qua Xiêm để điều đình một cuộc liên lạc thương mại. Để ghi nhớ mối bang giao giữa hai nước, ông đã dựng ở kinh đô Xiêm một cây thánh giá lớn có ghi biểu hiệu nước Bồ. 26 Năm năm sau, 1523, ông được sai làm sứ giả vào nước Việt. Lúc đó vào thời nhà Lê suy đồi, giặc giã nổi lên khắp nơi trong nước. Nguyên năm 1418, Lê Lợi mở cờ khởi nghĩa ở núi Lam Sơn, sau 10 năm quét sạch giặc Minh, đem lại độc lập cho nước nhà, năm 1428 xưng vương, tức vua Lê Thái Tổ, mở đầu cho triều đại nhà Lê. Qua những ông vua thông minh nhân chính như vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), vua Lê Hiến Tôn (1497-1504), từ vua Lê Uy Mục (1505-1509) trở đi, cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, nhà vua thì say đắm tửu sắc, các quan hà hiếp dân sự, giặc giã trộm cướp nổi lên khắp nơi. Dưới triều Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng (1516-1527) bên ngoài giặc Trần Cao, bên trong các quan triều làm loạn, Mạc Đăng Dung nhân cơ hội thu tất cả quyền bính trong tay rồi chiếm ngôi vua, lập ra nhà Mạc. Năm 1523 khi Duarte Cœlho đến thì vào lúc Mạc Đăng Dung đem quân đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hóa, sau khi vua Chiêu Tông cùng một số nội thần trốn ra ngoài Kinh lên vùng Sơn Tây để lo chuyện đánh nhà Mạc, vì câu chuyện bất bình bị Trịnh Tuy bắt đưa về Thanh Hóa. Trịnh Tuy thua trận chết, vua Chiêu Tông bị bắt và bị giết 27. Gặp lúc trong nước rối loạn, không hi vọng có thể gặp nhà vua để điều đình, Duarte Cœlho đành rút lui và có ghi lại ở vùng biển một hình thánh giá lớn để làm kỷ niệm. 33 năm sau, vào tháng 6 năm 1556, Fernão Mendes Pinto, thầy dòng Tên qua bờ biển nước Việt đã gặp thấy hình thánh giá đó ở cù lao Chàm, lúc đó người Mã Lai gọi là Poulo Campeilo 28. Hình thánh giá đó được khắc trên một tảng đá lớn, ngoài bốn chữ INRI 29còn ghi năm và tên của ông. 30 12 năm trước, tức năm 1544, Fernão Mendes Pinto cũng đã qua xứ Bắc, sau khi trốn thoát khỏi tay quân nhà Minh. Lúc đó, Mạc Đăng Dung sau khi chiếm ngôi vua Lê làm vua được 3 năm (1527-1530) truyền ngôi lại cho con là Mạc Đăng Doanh (1530-1540). Mạc Đăng Doanh chết, truyền ngôi lại cho con là Mạc Phúc Hải (1541-1546). Nhà Lê tuy mất ngôi nhưng lòng người vẫn tưởng nhớ công đức vua Lê Thái Tổ và Thánh Tông, triều thần nhiều người trốn tránh không chịu ra cộng tác với nhà Mạc. Lúc đó, Nguyễn Hoàng Kim, con Nguyễn Hoàng Dụ trốn sang Ai Lao, trú ở xứ Sầm Châu (thuộc Trấn nam phủ, Thanh Hóa) năm 1532 tôn Duy Ninh, con rốt vua Lê Chiêu Tông lên làm vua, tức vua Lê Trang Tôn. Được nhiều người cộng tác, trong đó có Trịnh Kiểm là một dũng tướng có tài cầm quân, năm 1540, ông cất quân đánh vùng Thanh Hóa Nghệ An. Ba năm sau thì chiếm được cả vùng. Năm 1545, Nguyễn Kim đem quân tiến đánh Sơn Nam, bị bỏ thuốc độc chết, binh quyền giao lại cho con rể là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm rút quân về Thanh Hóa, lập hành điện cho nhà vua ở đồn Vạn Lại. Từ đó Việt Nam chia làm hai : từ Thanh Hóa trở vào là Nam triều thuộc nhà Lê, còn từ Sơn Nam trở ra là Bắc Triều thuộc nhà Mạc. Sau Duarte Cœlho, năm 1535, Antôniô de Faria cũng đã vào cửa Hàn, và đã để ý đến cửa Hội An. Từ năm 1540 người Bồ đã bắt đầu đến buôn bán với vùng nam nước Việt. Năm 1546, trong cuốn Lusíadas, thi sĩ Camoens đã ca tụng cảnh đẹp thiên nhiên của Mékông xứ Cao Miên, vùng biển xứ Chiêm Thành và xứ Cauchichina 31. Nhưng nhất là từ sau năm 1555, người Bồ lập trụ sở thương mại ở Áo môn, liên lạc buôn bán lại càng tiến triển. Ở cửa Hàn và cửa Hội An, Nguyễn Hoàng, từ khi được vào trấn thủ đất Thuận Hóa, (1558) và sau kiêm cả trấn Quảng Nam (1566), muốn thế lực mạnh để đương đầu với họ Trịnh sau này, đã tìm hết cách lôi cuốn người Bồ đem đạn dược khí giới vào bán cho mình. Vua Lê trước thế lực của họ Trịnh mỗi ngày thêm mạnh cũng tìm cách liên lạc với người Bồ và người Tây Ban Nha để nhờ thế lực của họ mong trừ được họ Trịnh. Nhà Mạc cũng không chịu thua kém, nhiều lần cũng cho sứ giả sang Áo môn để yêu cầu người Bồ đến buôn bán ở Đông Kinh. 2. Công cuộc truyền giáo dưới triều Lê Anh Tông (1556-1573) Ngoài tài liệu Sử Việt về cha thừa sai I-nê-khu lén lút truyền giáo ở vùng Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình dưới triều Lê Trang Tông (1533-1548) trên đây, nhiều tác giả 32 cho rằng thánh Phanxicô Xaviê trong cuộc vượt biển qua Thái Bình Dương lên đất Nhật đã ghé qua Cửa Bạng vùng biển Thanh Hóa để tránh bão 33, nơi mà sau này cha Đắc Lộ sẽ bước chân đến để vào xứ Bắc. Ngày nay ở vùng Cửa Bạng có một thứ cua trên mu có hình chữ thập trắng. Theo truyện truyền khẩu dân chúng vùng đó thì thánh Phanxicô khi qua đó đánh rơi cỗ tràng hạt vẫn quen dùng. Đang khi Ngài nhớ tiếc cỗ tràng hạt kỷ niệm, nhìn bên mạn thuyền chỗ vừa đánh rơi thì thấy một con cua lớn đội lên trả lại cho Ngài. Để cám ơn, Ngài làm phép lành cho con cua đó và dấu Thánh Giá đã ghi lại trên mu. Dân chúng vùng duyên hải Cửa Bạng, Thanh Hóa vẫn gọi thứ cua đó là cua thánh Phanxicô. Dưới triều vua Lê Anh Tông (1556-1573), từ khi lập trụ sở thương mại ở Áo môn, liên lạc buôn bán người Bồ với Việt Nam mỗi ngày một tiến triển. Một năm, có tàu buôn người Bồ ở Áo môn gặp bão giạt vào vùng biển Thanh Hóa. Bị quan sở tại dẫn giải về Kinh, họ có dâng lên nhà vua một bức thư của một cha dòng thánh Phanxicô, viết bằng chữ Hán, xin phép đến giảng đạo trong vùng, kèm theo bức họa cuộc phán xét chung để làm quà tặng. Cha dòng thánh Phanxicô đó là ai ? Dưới thời Lê Anh Tông, các cha dòng thánh Phanxicô chưa lập tu viện ở Áo môn, cũng chưa có trụ sở ở Phi Luật Tân. Nhưng theo lịch sử của dòng thì lúc đó các ngài đã có một cư sở truyền giáo ở quần đảo La Sonde 34. Cha dòng thánh Phanxicô gửi thư cho vua Lê Anh Tông chắc phải là một trong những thừa sai đó. Mấy năm trước, trong khi sửa lại mấy ngôi đền cổ, gặp một hình thánh giá cũ từ lâu đời, người ta đã đem trình nhà vua và nhà vua truyền trọng đãi các dương nhân muốn vào nước truyền đạo 35. Được thư của Cha dòng thánh Phanxicô, nhà vua mừng lắm, liền viết thư yêu cầu đến truyền đạo. Vì thiếu thừa sai, Cha dòng phải viết thư xin lỗi và khất ít năm sau. Nhà vua liền viết thư yêu cầu Đức Cha Carneiro ở Áo môn 36sai thừa sai khác đến thay. Không có sẵn thừa sai, Đức Cha Carneiro đành bỏ lỡ dịp thuận tiện đó. Trong thư, nhà vua có kể một câu chuyện thập giá mới xẩy ra ở kinh đô để chứng tỏ dân chúng sẵn sàng theo đạo. Dạo đó ở kinh đô có một quan có đạo, được rửa tội trong khi đi sứ đến một khu buôn bán của người Bồ. Trở về ông thờ một cây thập giá cắm ở trước cửa nhà. Mỗi lần đi qua, ông đứng lại vái ba vái. Nhiều người thấy thế chế diễu. Một vài người bị nhà sư xui giục còn cả gan chặt đổ cây giá đó và định đem đốt đi. Nhưng họ bị phạt chết. Câu chuyện được truyền đi khắp nơi, dân chúng đua nhau dựng thập giá ở trước nhà và lòng sùng kính lên rất cao. Nhà vua cũng truyền đem thánh giá bị chặt đó để gần thánh giá mới khám phá trong ngôi đền cổ. 37 Câu chuyện trên đây tưởng không phải không có liên lạc với người Công giáo họ Đỗ, một trong những giáo dân Việt Nam tiên khởi 38. Trong cuốn gia phả họ Đỗ, làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thì con thứ cụ Đỗ Trung Kỉnh 39 tên là Đỗ Hưng Viễn, em cụ Đỗ Viên Đức và là anh cụ Đỗ Công Biều, là người theo đạo Hoa Lang. 40 Bản gia phả chép : Ngành thứ hai, đời thứ bảy, ông tổ là Đỗ Công Biều, đậu cống sinh khoa thi hương, Kỷ Dậu, năm Chính Tự thứ 7. Đến năm Chính Tự thứ 15 được đặc tấn Kim tử Vinh Lộc đại phu, chức Lại bộ Thuyên khảo Thanh lai ti viên ngoại lang. Cụ tên thụy là Mỹ trinh Hiền, hiệu là Túc lâm tiên sinh. Cụ là người con thứ ba. Thân mẫu họ Dương hiệu Từ Ái, sinh hạ được 3 con. Mộ chôn tại xứ Cồn Cổ Ngựa, kỵ ngày mồng 7 tháng 10. Người thiếp, mộ chôn tại xứ Cồn Xương, kỵ ngày 16 tháng 4. Con giai cả là Viên Đức, con giai thứ là Hưng Viễn, theo đạo Hoa Lang. 41 Cụ Đỗ Hưng Viễn đã được theo đạo và rửa tội trong trường hợp nào ? Chắc không phải do thừa sai đến truyền giáo trong vùng Thanh Hóa Nghệ An của nhà Lê. Theo sử liệu hiện có, dưới đời vua Lê Anh Tông (1556-1573), tuy nhiều lần nhà vua cho sứ giả lên Áo môn yêu cầu thừa sai, nhưng đều không kết quả. Chắc cụ đã trở lại trong một chuyến đi sứ đến vùng buôn bán của người Bồ. Bản gia phả chỉ nói cụ là người theo đạo Công giáo, không nói đến gia đình, con cháu. Có lẽ vì cụ trở lại trong trường hợp đặc biệt đó, tuy biết đạo và có truyền đạo cho vợ con, nhưng không biết rửa tội cho họ. Cụ là một trong những người Công giáo tiên khởi ở Việt Nam. Về cuối đời vua Lê Anh Tông, năm 1570, Trịnh Kiểm chết giao quyền cho con là Trịnh Cối, nhưng bị Trịnh Tùng là em cướp mất quyền. Trịnh Tùng từ khi nắm quyền trong tay, mỗi ngày một hống hách, vua Lê Anh Tông muốn trừ đi. Bên trong nhà vua mưu toan với một số cận thần, bên ngoài bắt liên lạc với người Bồ để mua súng đạn. Không may công việc bị vỡ lở. Lo sợ, vua Lê Anh Tông cùng với 4 hoàng tử chạy trốn vào Nghệ An. Trịnh Tùng biết tin, liền lập hoàng tử thứ 5 tức Duy Đàm mới có 7 tuổi 42 lên làm vua tức vua Lê Thế Tông, và cho người đuổi theo giết vua Lê Anh Tông và các hoàng tử. 3. Ordonez de Cevallos và công chúa Mai Hoa Vua Lê Thế Tông (1573-1599) lúc lên ngôi vì còn ít tuổi, nên người chị tục gọi là bà chúa Chèm thay em nhiếp chính 43. Trong thời kỳ bà cầm quyền, bà chăm lo đến công việc từ thiện và tôn giáo : lập nhà tế bần, sửa sang luật lệ các nhà sư cho nghiêm ngặt hơn. Bà rất có cảm tình với đạo Công giáo và cũng như vua Lê Anh Tông bà muốn bắt liên lạc với người Bồ nhờ họ tiếp viện giúp đỡ để trừ họ Trịnh. Thấy việc yêu cầu thừa sai ở Áo môn không được, bà sai sứ sang tận Goa, nhưng Đức Giám Mục ở đó lại gửi về Áo môn vì nước Việt thuộc khu vực truyền giáo của Giám Mục Áo môn. Chuyến thứ nhất bà sai sang Áo môn bị người Trung Hoa bắt giữ. Chuyến thứ hai (1579-1580) sứ giả là một người trong hoàng tộc. Sứ giả gặp Đức Cha Carneiro, và người ủy thác công việc đó cho các cha dòng thánh Phanxicô mới lập tu viện ở đó. Nhưng vì thiếu thừa sai, vấn đề lại phải gác lại. Sau này (1583) trung tâm tu viện ở Phi Luật Tân có nhiều nhân viên, đã sai một đoàn thừa sai do cha Diego de Oropesa dẫn đầu. Nhưng đoàn truyền giáo này đã đến hoạt động ở khu vực nhà Mạc, Bắc Triều, thay vì đến khu vực của nhà Lê, Nam triều. Sau khi thành lập tu viện thánh Phanxicô ở Manila, Phi Luật Tân, 1578, cha Pedro de Alfaro qua Trung Quốc để truyền giáo, nhưng bị bắt giữ lại ở Quảng Đông, cha phải qua Áo môn (15-11-1579) và lập một tu viện ở đó. Sau ít tháng thì sứ giả Việt Nam đến yêu cầu Đức Cha Carneiro cho thừa sai đến truyền giáo. Đức Cha Carneiro muốn giao khu vực nước Việt cho các cha dòng thánh Phanxicô. Nhưng lúc đó ở tu viện mới chỉ có 3 cha và 2 thầy. Cha Pedro de Alfaro viết thư về tu viện Manila để yêu cầu : « Đó là kho tàng châu báu mà chúng ta đã tìm kiếm từ lâu. Một khu đất mà Chúa đã chọn sẵn một mùa gặt phong phú. Dân chúng ở đó dễ đưa trở lại hơn người Trung Hoa vì ma quỉ không gây nhiều cản trở như ở đó ». Và theo cha, hơn nữa « xứ đó gần Trung Quốc, rất có thể tránh được nhiều khó khăn cho các thừa sai muốn vào truyền giáo cho vùng nội địa ». Nhưng nếu cha Pedro de Alfaro không đạt được mong muốn đó thì Chúa cũng đã cho cha được hân hạnh để lại nắm tro tàn trên đất Chiêm Thành, đất ngày mai của nước Việt. Dạo đó người Bồ và người Tây Ban Nha có nhiều chuyện đố kỵ nhau làm lây hại đến cả công cuộc truyền giáo. Tháng 6 năm 1580 cha Pedro de Alfaro, người Tây Ban Nha, bị người Bồ ở Áo môn trục xuất. Cha xuống tàu qua Goa để khiếu nại, giữa đường gặp bão, đắm tàu chết, xác giạt vào bờ biển Chiêm Thành. Dân chúng an táng cha một cách trọng thể theo nghi thức hỏa táng. 44 Cha Giovanni Battista da Pesaro thay cha Pedro de Alfaro chỉ huy tu viện mới. Cha lập một trường các thầy giảng. Thiếu thừa sai, cha tìm huấn luyện cho những người dân xứ để họ trở về làm chiến sĩ tiên phong trong khu vực của họ trong khi chờ đợi các thừa sai đến. Trong số các chiến sĩ đó cũng có một vài người Việt. 45 Trong suốt những năm 1580-1583, đang khi khu vực nhà Mạc được các cha dòng thánh Phanxicô đến truyền giáo thì ở khu vực nhà Lê vẫn chưa có thừa sai mong đợi, nhưng công cuộc truyền giáo đã được bắt đầu do mấy thầy giảng đã được huấn luyện ở Áo môn. Theo González de Mendoza, Ordonez de Cevallos và chính cha Giovanni Battista da Pesaro, thì Chúa đã ban nhiều ơn lạ qua tay các thầy. 46 Một thầy sau khi được học đạo ở Áo môn trở về 47 đã đến thăm một hoàng thân bị bất toại. Thầy kể tích Chúa chữa người bất toại trong Phúc âm thư và giơ mẫu ảnh Chúa lên trời thầy đeo trước ngực cho hoàng thân chiêm ngưỡng. Đầy lòng tin tưởng, hoàng thân đã kêu tên Chúa Giêsu xin Người chữa khỏi bệnh và hứa sẽ chịu phép rửa. Trong chốc lát, hoàng thân được lành mạnh. Một thầy khác, với mẫu ảnh Đức Mẹ thầy được cha Giovanni Battista da Pesaro ban cho ngày chịu phép rửa, cũng đã xin được ơn khỏi bệnh cho nhiều người. 48 Vào đầu năm 1583, bà chúa Chèm lại sai sứ giả sang Áo môn. Đức Cha Carneiro không có thừa sai, chỉ biếu một số ảnh và thánh giá. Sứ giả trở về đã làm nhiều thánh giá tương tự để cho dân chúng. Cha Martin Ignaciô de Loyola 49 lúc đó cũng có mặt ở Áo môn. Ít tháng sau được gọi về làm tu viện trưởng dòng thánh Phanxicô ở Malacca. Trong chuyến vượt biển, cha có ghé qua khu vực của vua Lê. « Đó là những người dân rất nhã nhặn tốt lành, đã được dọn sẵn để lĩnh nhận Tin lành Phúc âm và họ khao khát, yêu cầu được chịu phép rửa ». Cuối năm 1583 sau khi tổ chức tu viện ở Malacca, cha lên đường về Tây phương để yêu cầu Đức Thánh Cha Grêgoriô XIII và vua Philippô II phái thừa sai sang truyền giáo cho nước Việt. Năm 1586 cha trở lại Áo môn, đem theo một số thừa sai, hy vọng trong một thời gian vắn, tin lành sẽ được truyền bá trong khắp nước Việt và sẽ là cửa để các thừa sai vào nội địa Trung Hoa. Nhưng đến Áo môn thì theo lệnh của Philippô II, tu viện thánh Phanxicô người Tây Ban Nha ở Áo môn phải trao lại cho các cha dòng thánh Phanxicô người Bồ để chấm dứt những đố kỵ gây ra do những lái buôn Bồ ở đó, đồng thời ở nước Việt Nam cũng như cả vùng bán đảo Ấn Độ China, thừa sai Tây Ban Nha phải rút lui nhường hoạt động cho các thừa sai người Bồ. Cha Martin Ignaciô đành bỏ dở công việc qua Mễ Tây Cơ rồi trở về Tây Ban Nha, 15 năm sau được gọi làm Giám Mục ở Paraguay và chết năm 1612. Năm 1588-1589, bà chúa Chèm lại sai sứ giả sang Áo môn yêu cầu thừa sai. Lúc đó, Đức Cha Carneiro đang sẵn có hai Linh mục triều tuy đã già cả nhưng rất sẵn sàng hy sinh truyền giáo : Cha Afonso da Costa đã 50 tuổi và João Gonçalves de Sá đã 60. Hai cha theo sứ giả vào đất Thanh Hóa, được bà chúa Chèm tiếp đãi rất trọng thể. Hoạt động truyền giáo của các cha lúc đầu đã có nhiều hy vọng. Trong một cuộc tiến quân đánh nhà Mạc, các cha khuyên mang thánh giá ra trận và vẽ hình thập giá trên cờ. Thắng trận, theo ý các cha, bà cho tổ chức một cuộc rước kiệu trọng thể để kính thánh giá Chúa 50. Nhưng từ cuối năm 1589, từ khi vua Lê Thế Tông trưởng thành, lên cầm quyền, bị ảnh hưởng của Trịnh Tùng, các cha không còn được trọng đãi như trước. Vào cuối năm 1590 thì chuyến tàu của cha Pedro Ordonez de Cevallos 51 gặp bão, giạt vào bờ biển xứ Bắc. Cha và các bạn được đưa về kinh đô vua Lê ở An Trường. Câu chuyện cha Pedro Ordonez de Cevallos và công chúa Mai Hoa được bắt đầu. 52 Sinh ra tại Jaen, Andalousie, Tây Ban Nha, từ bé Pedro Ordonez đã ưa mạo hiểm. Lớn lên, cha qua nhiều nước Tây phương rồi sang đất thánh và những vùng Phi châu, như Guinea, Congo vòng sang Tân thế giới. Nhập ngũ, cha được thăng tới chức trung úy. Trong chuyến đưa xác Đức Giám Mục thành Chili về Tây Ban Nha, qua Cuba, tàu bị đắm. Thoát nạn, cha qua Mễ Tây Cơ để lấy tàu trở lại Nouvelle Grenade, giữa đường gặp bão giạt sang tận khu Oceania ; sau nhiều gian truân, cha qua thăm Trung Hoa, Áo môn (1- 5-1590) rồi Nhật Bản. Lúc bỏ Nhật để trở về Quảng Đông, giữa đường gặp bão, thuyền trôi xuống vùng bờ biển xứ Bắc. Có lẽ là vùng Cửa Bạng ngày nay. Bị bắt giải đến quan sở tại, Pedro Ordonez không chịu lạy 3 lạy, như các bạn đồng hành, mà chỉ mở mũ chào. Dẫn lên quan trên, Pedro Ordonez nhất định giữ thái độ hiên ngang đó, ông này thấy thế cho là một vị hoàng tử nên truyền dẫn về Kinh. Kinh đô vua Lê lúc đó ở An Trường chiếm một khu đất gồm những làng An Trường, Lam Sơn, Quảng Trị, Văn Lai và Phúc Lập, bên tả ngạn sông Chu, tỉnh Thanh Hóa. Ngày vọng lễ Sinh Nhật, 24-12-1590, cha được vua Lê Thế Tông cho vào yết kiến. Gặp vua, cha chỉ bái gối trái để chào. Nhà vua thấy thế, không giận, lại niềm nở tiếp đón, ân cần hỏi han. Theo cha, nhà vua còn trẻ, không có râu, mảnh khảnh, nước da hơi sạm, khôi ngô duyên dáng, cười má lõm đồng tiền, ngài mặc áo không có cổ, tay áo rộng và cộc, cuốn khăn vành đỏ có hai tua rủ xuống. Hôm sau, lễ Sinh Nhật, nhà vua sai dọn tiệc, ban quà cho cha và các bạn đồng hành. Nhân dịp cha nói về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế và Đức Bà Maria, Mẹ của Người. Nhà vua giới thiệu cho cha gặp bà chúa Chèm, vì bà thích được nghe vấn đề tôn giáo. Ngay từ lúc đầu, với cách xử sự lịch thiệp, hiên ngang, cha Ordonez de Cevallos đã được bà cảm mến. Nhân câu chuyện hỏi thăm về quê quán gia thế của cha, bà hỏi cha đã kết bạn chưa. Cha trả nhời, vì là Linh mục, nên theo luật không hề kết bạn. Bà buồn rầu nói : « Thật là một luật ác nghiệt ». Chiều chiều cha tiếp tục đến thuyết giáo về đạo cho bà nghe. Ít lâu sau bà tỏ ý muốn kết duyên với Cha và nhà vua cũng đề nghị với Cha vấn đề đó. Nhưng lần nào cũng như lần nào, cha đều tìm cách từ chối. 53 Được gặp hai Cha Afonso da Costa và João Gonçalves de Sá, cha Ordonez đem câu chuyện ra bàn hỏi. Với mong muốn có ảnh hưởng lớn trong công cuộc truyền giáo, cha João Gonçalves đã khuyên cha nên xin miễn chuẩn của Tòa thánh, còn các bạn đồng hành thì khuyên cha nên chiều ý bà để bảo vệ tính mệnh của Cha cũng như của họ, vì theo luật nước, những người cả dám từ chối ân huệ nhà vua rất có thể bị kết án đi đày. Trịnh Tùng 54 thấy Cha được nhà vua trọng đãi và hình như cũng đoán ra thâm ý của vua Lê Thế Tông, nên tìm cách trừ đi. Từ sau năm 1583, tuy Trịnh Tùng trong việc chống nhau với nhà Mạc, đã đổi được thế thủ ra thế công, nhưng chưa lần nào cử đại binh ra đánh Thăng Long. Đầu năm Tân Mão (1591) sau khi cho quân trấn thủ các cửa biển và các nơi hiểm yếu, liền cho lệnh tiến quân. Để dễ thu phục lòng người với danh nghĩa phù Lê, diệt Mạc, Trịnh Tùng cũng đưa nhà vua theo. Hai cha Afonso da Costa, João Gonçalves de Sá và các bạn đồng hành của cha Ordonez cũng phải đi theo quân đội. Chỉ có mình cha Ordonez ở lại kinh đô. Bà chúa Chèm từ khi được biết theo luật Giáo Hội Công giáo, cha Pedro Ordonez một khi đã hiến dâng, không còn được phép kết bạn, bà đã bảo cha : « Ta đã chẳng cấm các thầy sư không được kết bạn đó sao và nếu Chúa bên đạo cũng bắt như thế sao lại bắt người ta lỗi phạm ». Cảm mến đạo, bà yêu cầu cha tiếp tục thuyết giáo cho bà và các cung nữ nghe. Nghe tin Trịnh Tùng ra lệnh trục xuất cha và các bạn, bà buồn lắm và yêu cầu được chịu phép rửa ngay. Ngày 22 tháng 5, 1591 bà được chịu phép rửa với tên thánh là Maria. Theo gương bà nhiều nàng hầu và cung nữ đã được học đạo cũng xin chịu phép rửa. Tất cả 72 người. Ngày 12 tháng 7 thì vua Lê Thế Tông trở về, đang khi Trịnh Tùng cho quân tiếp tục tiến ra Bắc. Nhà vua và hoàng thái hậu nghe tin bà chúa Chèm đã theo đạo, tỏ ý không bằng lòng. Để làm dịu bất mãn của nhà vua, bà xin nhường chức tước đó cho ngài, chỉ xin một khu đất để lập một tu viện và suốt đời được tu trì ở đó. Đền của bà được sửa sang thành tu viện và khu chính cung được sửa làm nhà nguyện. Ngày 26 tháng 6 năm 1591, cha Ordonez đã dâng lễ đầu tiên ở đó và cũng là lễ khấn tạm của 51 nữ tu đầu tiên của dòng. Tên dòng là dòng Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Số người được rửa tội mỗi ngày một đông, nhà vua lại ban cho bà một giải đất bên kia sông suốt cho đến suối « Bạch », để họp dân giáo lại thành một làng Gia-tô. 55 Sau lễ Đức Mẹ lên trời 15-8, thì cha và các bạn bị trục xuất. Làng Gia-Tô mỗi ngày thêm đông, lên tới 400 nhân danh. Cuối năm 1591, bà Hoàng thái hậu trước khi chết cũng được chịu phép rửa với tên thánh là Maria. 56 III. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO KHU VỰC NHÀ MẠC, BẮC TRIỀU 1. Đoàn truyền giáo của cha Diego de Oropesa Ở miền Bắc, Mạc Đăng Dung sau khi chiếm ngôi, làm vua được 3 năm (1527-1530) thì truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (1530-1540). Qua Mạc Phúc Hải (1541-1546) đến Mạc Phúc Nguyên (1546-1561) vẫn chưa có thừa sai đến truyền giáo. Mãi năm 1581 dưới đời Mạc Mậu Hợp (1562-1592) nhà vua mới nhận được thư của cha bề trên tu viện thánh Phanxicô ở Áo môn yêu cầu cho vào truyền giáo. Thư viết bằng chữ Hán. Cha bề trên tu viện thánh Phanxicô ở Áo môn lúc đó là cha Giovanni Battista da Pesaro. Tháng 6 năm 1580 cha Pedro de Alfaro vị sáng lập tu viện, bị người Bồ trục xuất 57, cha lên thay nhưng sau ít tháng cũng bị trục xuất theo. Xuống Malacca cha lập tu viện Madre de Deos de la Bocca China 58. Nghe tin nước Bồ bị đặt dưới quyền vua Tây Ban Nha Philippô II, năm 1581 cha lại trở lên Áo môn. Nhờ một chuyến tàu buôn, cha đã gửi thư cho vua nhà Mạc kèm theo một mẫu ảnh cuộc phán xét chung. Cho rằng sự có mặt của các tây giang đạo trưởng ở nước mình bảo đảm liên lạc buôn bán của người Bồ và Tây Ban Nha, Mạc Mậu Hợp liền viết thư yêu cầu đến giảng đạo và sẽ cho xây dựng nhà thờ. Chờ đợi các thừa sai ở Tây phương sang, cha Giovanni Battista không thể sai ngay được. Năm 1583, cha bỏ Áo môn qua Malacca đi trở về Tây Ban Nha. Sau về Ý, cha lập nhiều tu viện mới và chết ở tu viện Santa Lucia, Napoli. Chờ đợi sốt ruột, vua Mạc liền viết thư yêu cầu Đức Cha Carneiro, giám mục ở Áo môn. Biết tu viện ở Phi Luật Tân 59 có sẵn nhiều thừa sai, Đức Cha chuyển lời yêu cầu của vua nhà Mạc cho cha bề trên ở đó, cha Pablo de Jesus. Mới có một số thừa sai ở Tây Ban Nha gửi sang, lại được ông Manuel de Santiago, một thương gia giàu có, mới xin nhập dòng và nguyện dâng một phần cơ nghiệp để tổ chức công cuộc truyền giáo cho nước Việt Nam, cha Pablo de Jesus quyết định phái một đoàn truyền giáo do cha Diego de Oropesa dẫn đầu, trong đó có cha Bartolomé Ruiz, Pedro Ortiz và Francisco de Montilla và 4 thầy : thầy Cristobal Gomez, một thủy thủ có tài, thầy Diego Jiménez, Francisco Villorimo và thầy Manuel Santiago, tuy còn thời kỳ nhà tập, nhưng cũng được hân hạnh dự vào chuyến đi đó. Ngày 1 tháng 5 năm 1583 thì con thuyền ra khơi lên xứ Bắc. Thuận buồm xuôi gió, không bao lâu đã tới bờ biển Việt Nam, thuyền ghé vào một cửa biển có lẽ một cửa ở Quảng Yên gần Cửa Cấm, Hải Phòng ngày nay. Vì ở vùng đó, gặp lúc trong nước không yên, hay có giặc cướp vùng bể đến quấy nhiễu, thấy thuyền lạ, dân chúng liền khua trống mõ, đem giáo mác ra đánh. Nhưng khi tới nơi, thấy các cha các thầy là những người hiền lành, họ liền xử đãi tử tế. Tuy vậy các cha cũng bị bó buộc bỏ thuyền lên ở một túp lều gianh trên bãi dưới sự canh gác của tuần đinh. Khám thuyền thấy không có gì, một vài tuần đinh tỏ vẻ bạc đãi. Không biết tiếng nói, không có thông ngôn, các cha làm hiệu tỏ ý muốn gặp nhà vua. Hiểu nhầm, tưởng các Cha muốn tế thần, họ dẫn các Cha đến một ngôi đền cách xa đấy độ nửa dặm. Họ cúi đầu lễ, bảo các cha theo. Nhưng các Cha không nghe lại còn tỏ ý phản đối. Quan sở tại được tin báo cũng đến xem sự thể. Phải vất vả lắm hai bên mới hiểu nhau. Biết là các tây giang đạo trưởng, quan sở tại bằng lòng cho các Cha ở lại và phi báo lên Kinh. Đang khi chờ đợi, ông yêu cầu các Cha cho dân chúng được xem nghi lễ tế trời của các tây giang. Các cha rất sẵn lòng chỉ yêu cầu dân chúng giữ yên lặng và kính cẩn đang khi hành lễ. Ông liền sai trang hoàng một gian nhà rộng rãi. Hôm sau, dân chúng quần áo chỉnh tề đến dự lễ rất đông. Cha Diego de Oropesa chủ lễ. Trong suốt giờ lễ, « quan sở tại và tất cả dân chúng dự lễ một cách nghiêm trang kính cẩn, yên lặng, không ai bảo họ là người chưa có đạo, mà đúng hơn là người có đạo đã lâu năm ». Ông còn sai tổ chức nhiều trò chơi nhảy múa để các cha giải trí, nhưng các cha từ chối. Hơn một tuần sau thì lệnh trên Kinh đưa xuống, quan mời các cha các thầy đến dinh, mặc áo thụng, làm nhiều nghi lễ rồi mới mở thư. Đại để nói : « những tây giang đạo trưởng mà khanh đã tâu trình và khen lao đời sống đạo hạnh, trẫm thầm nghĩ sự hiện diện của họ là một mối lợi lớn cho quốc gia, khanh có thể cho phép ở lại nếu họ muốn, nhưng đừng bắt buộc họ. Dầu thế nào, trẫm muốn họ được đến trước nhan trẫm để hưởng thấy lòng bao dung nhân từ của trẫm ». Các cha vội vã lên đường vào Kinh để yết kiến vua Mạc. Chẳng may, lúc ra khơi để vào cửa sông, gặp bão lớn, thuyền các Cha bị đánh giạt vào một hòn đảo ở Hải Nam. Cho là thuyền tây giang đến do thám, các cha các thầy bị tống giam. Bị dẫn từ tù này qua tù khác, lên đến tỉnh lỵ may nhờ một lái buôn trước đã dẫn qua buôn bán ở Manila và ở Áo môn nhận ra là các tây giang đạo trưởng. Ông ta liền nói với quan trấn : « các vị là đạo trưởng của vua nhà Castilana, ở Manila và Áo môn, ai cũng kính trọng, nếu họ biết tin các vị bị bạc đãi ở đất Trung Hoa, thì họ sẽ thù hằn bạc đãi lại những người Trung Hoa đến buôn bán ở đó. » Các cha các thầy được tha và thuê một chiếc thuyền buôn về Áo môn. Ghé lại Quảng Đông 3 ngày, các cha các thầy được tiếp đãi tử tế. 60 2. Cha Bartolomé Ruiz Trú ngụ tại tu viện của dòng Áo môn, không hề nản chí, các Cha các thầy lại nghĩ ngay đến việc trở lại xứ Bắc. Lúc đó, hai cha Agostinô de Tordesillas và Juan Pobre vì lý do sức khỏe phải bỏ Xiêm về Áo môn nghỉ. Trình bày những hy vọng phấn khởi, tính cách xử đối rộng rãi, tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhà vua, hai cha yêu cầu đoàn truyền giáo bỏ ý định trở lại xứ Bắc, qua Xiêm để tiếp tục hoạt động của hai cha. Nhưng cha Diego de Oropesa chủ trương trở lại xứ Bắc mà hi vọng kết quả cũng không kém, đằng khác sợ rằng không trở lại, nhà vua nước Việt sẽ bất mãn và khó khăn cho công cuộc truyền giáo sau này. Cuối cùng để đáp lại đòi hỏi cả hai khu vực, đoàn truyền giáo chia làm hai toán. Một toán 3 người : Cha Francisco de Montilla và thầy Diego Jiménez trong đoàn truyền giáo xứ Bắc với Cha Jeronimo de Aguilar, bề trên tu viện Áo môn dẫn đầu sẽ qua Xiêm. Cha này nhường chức lại cho cha Agostinô de Tordesillas ở Xiêm mới về. Còn một toán hai Cha và ba thầy còn lại dưới quyền Cha Diego de Oropesa sẽ trở lại xứ Bắc. Gặp chuyến tàu qua Xiêm, toán truyền giáo 3 vị lên đường ngay. Còn lại toán 6 vị qua xứ Bắc, đang khi chờ đợi chuyến tàu thì được lệnh bề trên tỉnh dòng gọi về Manila. Cha bề trên lúc đó là Juan de Plasencia thay Cha Pablo de Jesus. Vâng lời, các cha lấy tàu xuôi Phi Luật Tân. May mắn cuối năm đó, tu viện lại có thêm một số thừa sai ở Tây Ban Nha đến. Thấy thế Cha Bartolomé Ruiz liền xin bề trên cho trở lại xứ Bắc để tiếp tục công cuộc đã bắt đầu. Đầu năm 1584, cha và một cha mới ở Tây Ban Nha sang, theo tàu buôn của người Bồ lên xứ Bắc. Để tránh những phiền phức gặp phải trong chuyến trước vì thiếu thông ngôn, lần này hai cha đem theo một bà người Việt, có lẽ đã qua Áo môn và được rửa tội ở đó. Các Cha được Mạc Mậu Hợp tiếp đãi niềm nở, cho đất để làm nhà thờ. Đi truyền giáo với hai bàn tay trắng theo tinh thần khó khăn nghiêm ngặt của dòng, các cha hoàn toàn trông cậy ở Chúa quan phòng. Thấy các cha là những nhà tu hành, đi chân không, mặc áo thô, khác hẳn với những lái buôn Bồ, ăn mặc đồ lụa lĩnh gấm vóc thêu thùa, dân chúng rất kính nể và đem cơm dưa canh xuông nuôi các cha, như các nhà sư ở đó. Khi tàu buôn người Bồ nhổ neo thì cha kia cũng rút lui theo để lại cha Bartolomé Ruiz một mình 61. Phải là con người có ý chí hy sinh lắm để có thể sống một mình giữa những người hoàn toàn xa lạ từ tiếng nói, phong tục cho cả đến những tín ngưỡng tôn giáo, một mình để bắt đầu một công cuộc lớn lao đòi hỏi những cố gắng ghê sợ. Công việc đầu tiên là học tiếng nói. Đang khi chờ đợi, cha giảng bằng đời sống tu trì và đạo đức của mình. Không thể phát biểu hết bằng lời nói, cha giảng bằng cử chỉ và hình ảnh. Trong buồng cha treo sẵn rất nhiều hình ảnh về Chúa Giêsu, Đức Mẹ và những mầu nhiệm trong đạo. Với đời sống đạo hạnh tu trì, lại được Chúa giúp cho nhiều ơn lạ, cha được dân chúng rất kính nể. Họ đem người ốm đến để chật nhà cha để xin cha cầu kinh chữa cho. Nhưng một đe dọa xẩy đến cũng như nó sẽ xẩy đến cho nhiều vị truyền giáo sau này. Với những phương tiện dẫn thủy nhập điền còn thiếu sót, mỗi khi trời kém mưa, đại hạn, là mùa màng bị đe dọa. Cầu đảo không được là họ cho rằng thần thánh phạt vì tây giang đạo trưởng đến khuyên dụ người ta bỏ thần phật chỉ thờ một Chúa trời đất. Họ cầm gậy guộc đến nhà cha đe dọa nếu không xin trời mưa xuống, sẽ đánh chết. Chúa đã cứu cha, sau đó trời mưa xuống như trút liên tiếp tuần này sang tuần khác. Sợ lụt, họ lại đe dọa cha. Nhưng ít hôm sau trời tạnh ráo, mùa màng năm đó được nhiều hơn mọi năm. Từ đó số người đến nghe giảng mỗi ngày một nhiều, tuy không thiếu những khó khăn gây ra do một số người cố chấp và cố tình phá đạo, nhưng cha đã vượt thắng cả. Cảm phục cha họ đến nghe giảng, nhưng vẫn chưa có ai xin chịu phép rửa, họ đợi gương nhà vua. 62 Nhưng đang khi hi vọng gặt được một mùa màng phong phú thì một bàn tay đến phá cuộc. Họ là những người một quốc gia vẫn tự xưng là Công giáo. Năm 1578, Sebastianô vua Bồ tử trận, không người nối nghiệp, quyền trị nước thuộc chi tộc Castillana, tức vua Philippô II, Tây Ban Nha. Lòng đố kỵ giữa hai quốc gia đã sẵn có càng lên mạnh. Đang khi chờ đợi thời cơ để thu phục lại chính quyền trong nước, họ tìm cách bảo vệ những khu vực buôn bán ở vùng Đông Ấn. Mối hiềm khích liên lụy cả đến công cuộc truyền giáo. Họ không muốn các thừa sai Tây Ban Nha có mặt trong khu vực thương mại của họ. Họ đã trục xuất cha Pedro de Alfaro năm 1580. Năm 1585 (11-8) họ trục xuất tất cả các cha dòng người Tây Ban Nha ở đó và tịch thu tu viện của các ngài. Đồng thời trong chuyến tàu người Bồ vào buôn bán với vua Mạc năm 1586, họ cũng ra lệnh cho thuyền trưởng bắt giải cha Bartolomé Ruiz về Áo môn. 63 Sau khi trở lại Phi Luật Tân, cha được sai vào truyền giáo ở Nhật và trong thời kỳ bách hại, cha đã được chứng kiến cái chết anh hùng của cha Pedro Bautista. Bị trục xuất, cha lại về Phi Luật Tân, trung tâm của dòng và qua đời ở đó, thọ 80 tuổi. IV. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO Ở MIỀN NAM NƯỚC VIỆT 1. Các Cha dòng Thánh Đa Minh người Bồ Đang khi các cha dòng Thánh Phanxicô người Tây Ban Nha mở đầu công cuộc truyền giáo ở miền Bắc thì ở miền Nam nước Việt các cha dòng Thánh Đa Minh cũng cố gắng đem tin lành cho dân chúng ở vùng đó. Công cuộc truyền giáo ở đây được bắt đầu sớm hơn, ngay từ năm 1550 với cha Gaspar de Santa Cruz. Hoạt động truyền giáo của các cha một phần lớn ở trong khu vực người Chân Lạp (Cao Miên) và Chiêm Thành, vùng đất đai ngày mai của nước Việt ngày nay. Trước vua Lê Thánh Tông, nước Việt bắt đầu từ ải Nam Quan đứng lại ở đất Hóa Châu (Thuận Hóa). Năm 1470, vì vua Chiêm Thành sinh sự với nước ta, nhà vua mới cho quân xuống chiếm, rồi giữ lấy đất Đồ Bàn, Đại Chiêm, Cổ lũy, lập ra đất Quảng Nam. Trong suốt cuối thế kỷ XV sang thế kỷ XVI, biên giới miền Nam nước Việt vẫn đứng lại ở đó. Cuối thời Tiền Lê, các vua nhu nhược, trong nước giặc giã, đến khi Hậu Lê trung hưng lên, còn phải đương đầu với nhà Mạc, không thể nghĩ đến việc mở mang bờ cõi. Sau này, khi Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, và sau kiêm cả trấn Quảng Nam, năm 1611 mới đem quân xuống đánh Chiêm Thành đưa biên giới nước Việt xuống tận đất Ran-ran (Phú Yên). 64 Afonso de Albuquerque sau khi chiếm Malacca (1511) đã tổ chức thành một trung tâm thương mại cho vùng Đông Ấn. Là bạn thân của Albuquerque, cha Gaspar de Santa Cruz cũng là một trong những vị tiên phong truyền giáo, đồng thời với thánh Phanxicô Xavier. Cha đã có công rất nhiều trong công cuộc truyền giáo ở Malacca và tổ chức tu viện thánh Đa Minh ở đó 65. Cha cũng là người đầu tiên truyền giáo cho miền Nam đất Việt và cũng là người đầu tiên đến truyền giáo cho Trung Quốc (1555), trong giai đoạn thứ hai, sau công cuộc truyền giáo của các Cha dòng Thánh Phanxicô dưới quyền Đức cha Jean de Montcorvin ở Bắc Kinh thế kỷ XIII-XIV. Năm 1550, cha Gaspar de Santa Cruz theo tàu buôn người Bồ vào cảng Cần Cáo (Hà Tiên bây giờ). Công cuộc truyền giáo lúc đầu này không được kết quả mấy. Năm 1555 cha qua Trung Quốc, ở vùng Quảng Đông, cha thu lượm được nhiều kết quả hơn. Bị bắt giam rồi bị trục xuất cha trở về Malacca. Vì tuổi già, yếu sức, cha phải trở về Bồ Đào Nha nghỉ và chết ở đấy. Tiếp tục công cuộc của cha Gaspar de Santa Cruz, năm 1558, tu viện Malacca lại sai hai cha Lopez và Azevedo sang Cao Miên. Sau 10 năm hoạt động, các cha đã thu lượm được nhiều kết quả khả quan làm cho các nhà sư lo ngại, yêu cầu trục xuất hai cha. Một thời gian khá lâu sau, năm 1580-1586 mới lại có hai cha Georges de la Motte, người Pháp, và Luis de Fonseca, người Bồ, đến tiếp tục. Hình như hai cha cũng có qua truyền giáo ở vùng Quảng Nam lúc đó thuộc quyền Nguyễn Hoàng. Dạo đó Xiêm và Cao Miên luôn có sự xích mích. Trong một chiến cuộc cả hai cha bị rơi vào tay quân đội Xiêm. Bị giải về kinh đô Xiêm, Yuthia, với nhiều giáo dân khác, hai cha tiếp tục công cuộc truyền giáo cho các tù nhân ở đó. Bị vua Xiêm nghi ngờ, Cha Luis de Fonseca bị lính thị vệ đâm chết đang khi hành lễ trong một căn nhà lá dùng làm nhà thờ. Còn cha Georges de la Motte tuy bị nhiều vết thương nhưng cũng trốn ra tới vùng biển. Gặp một chiếc tàu buôn Tây Ban Nha, cha được chở về Malacca, nhưng giữa đường thì qua đời. Lúc đó là năm 1599. 66 2. Các Cha dòng thánh Đa Minh, Tây Ban Nha Tổ chức truyền giáo của các cha Đa Minh người Bồ ở Malacca bị người Hòa Lan làm cản trở và phá hoại, thì các cha dòng Thánh Đa Minh Tây Ban Nha ở Manila, Phi Luật Tân, đến tiếp tục. Năm 1588, hai cha Juan de Maldonado và Pedro de la Bastida cũng qua cửa Cần Cáo, Hà Tiên, vào truyền giáo cho người Cao Miên. Nhưng bị các nhà sư làm khó dễ nên hai cha lại phải rút lui. Khi ra gần cửa Cần Cáo thì Cha Pedro de la Bastida bị đâm chết, còn cha Juan de Maldonado bị nhiều vết thương nhưng trốn được qua đất Xiêm và chết trong tay cha Georges de la Motte, lúc đó đã bị bắt đưa về Xiêm và hoạt động truyền giáo bên các người Cao Miên cũng bị bắt đưa về Juthia. 20 năm sau vào khoảng 1608, nhiều cha dòng Thánh Đa Minh tiếp tục đến truyền giáo ở đó. Sử sách còn ghi lại tên các cha Afonso de Santa Cruz, Ignacio de Santa Maria và Jeronimo de Bethléem. Hoạt động của các cha không được nhiều kết quả, cũng như sau này các cha dòng Thánh Phanxicô và Dòng Tên đã đưa ra nhiều cố gắng mà vẫn không tổ chức được Giáo hội người Miên khả quan hơn, là vì các cha đã vấp phải một chướng ngại lớn : đạo Phật. Phật giáo là một tôn giáo có địa vị và ảnh hưởng lớn ở Cao Miên cũng như ở Xiêm và Miến Điện. Số nhà sư và tu viện rất nhiều. Họ được tôn trọng trong giới quần chúng và có ảnh hưởng lớn trong triều chính. Từ vua quan đến thứ dân đều qua một thời gian học hỏi tu luyện ở các chùa chiền. Di tích Angkor và các chùa chiền gặp thấy trên mỗi bước đi chứng tỏ Phật giáo đã từ lâu thâm nhập vào vùng đó và ăn sâu vào các tổ chức xã hội của người Cao Miên. Vì thế ngay từ lúc đầu và cho đến ngày nay tình trạng Công giáo ở mấy nước đó rất ít tiến triển. Ở vùng Quảng Nam, Thuận Hóa của Nguyễn Hoàng, từ sau khi người Bồ lập trụ sở thương mại ở Áo môn, liên lạc thương mại giữa Áo môn và cửa Hàn, cửa Hội An tiến triển đều đều. Thường thường các tàu buôn người Bồ đến buôn bán ở đó đều có mang theo một vài thừa sai. Trong thời kỳ người Bồ ở lại buôn bán, các cha cũng tìm dịp truyền giáo cho người Việt ở khu cảng. Nhưng vì thiếu tổ chức bền bỉ nên không đi đến kết quả khả quan. Hầu hết là các thừa sai dòng Thánh Phanxicô và Thánh Agostinô người Bồ có tu viện ở Áo môn. Năm 1595 khi hai cha Diego Aduarte và Alonzo Jimenez dòng Thánh Đa Minh qua cửa Hàn, cũng gặp hai cha Dòng thánh Agostinô. Hai cha đến ở đấy không phải để truyền giáo nhưng để coi sóc các lái buôn người Bồ đến buôn bán trú ngụ ở đó. Dạo đó vua Cao Miên là Chan Pouha Tan, yêu cầu viện trợ của người Tây Ban Nha ở Phi Luật Tân để chống lại với Prah Rama. Một số quân đội người Phi và Tây Ban Nha chừng độ 150 người được phái lên tiếp viện. Hai cha dòng thánh Đa Minh cùng đi theo làm tuyên úy. Không thu lượm được kết quả, chiến thuyền của Tây Ban Nha tạt lên cửa Hàn để tiếp lương. Cha Diego Aduarte lên thăm quan trấn, ông này yêu cầu cha ở lại, hứa sẽ xây nhà thờ, và cho tự do truyền đạo. Cha xin khất trả lời sau khi hỏi ý kiến cha Alonzo Jimenez và đồng thời muốn trở về cửa Hàn mừng lễ thánh Agostinô với hai cha dòng ở đó. Không may, đang khi đó một câu chuyện khác xẩy ra. Nhân câu chuyện thân phụ của ông làm trấn thủ ở Phi Luật Tân bị một toán cướp giết và cướp trốn vào vùng biển Quảng Nam, vị chỉ huy chiến thuyền Tây Ban Nha, Juan Suarez Gallinato sai một nhân viên tùy tùng, Grêgoriô de Vargas, đến yêu cầu quan trấn trả lại. Tức giận, ông này cho quân ra đánh phá tàu thuyền của người Tây Ban Nha. Cha Diego Aduarte thoát theo tàu ra khơi, còn cha Alonzo Jimenez bị bắt lại. Sau một thời gian ở lại với hai cha dòng thánh Agostinô, cha theo tàu buôn người Bồ về Phi Luật Tân. Trong thời gian ở lại, cha đã rửa tội được hai tù nhân bị kết án trảm quyết. CHƯƠNG II. CHA BUZOMI, TÔNG ĐỒ XỨ NAM I. Bách hại tôn giáo ở Nhật với công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. 1. Bách hại tôn giáo ở Nhật 1614. 2. Áo môn, trung tâm thương mại và truyền giáo. 3. Hy vọng truyền giáo ở xứ Nam. II. Nước Việt Nam vào đầu thế kỷ XVII. 1. Chúa Nguyễn trong Nam. 2. Tình trạng tôn giáo. 3. Người dân Việt và xã hội Việt. III. Cha Buzomi với những thử thách đầu tiên. 1. Những bông lúa đầu mùa (1615-1618). 2. Những thử thách đầu tiên. 3. Quan phủ Qui Nhơn. IV. Xứ đạo Quảng Nam và Nước Mặn (1618-1624). 1. Công cuộc truyền giáo ở Quảng Nam và Nước Mặn. 2. Những khó khăn gặp phải. 3. Cha Pina với giới trí thức Quảng Nam. V. Những thử thách tiếp tục của giáo đoàn xứ Nam. 1. Những vu cáo phá hoại. 2. Những thừa sai mới. 3. Bà Vương phi Minh Đức trở lại. 4. Cha Pina qua đời và lệnh tập trung các thừa sai về cửa Hội An. CHA BUZOMI, TÔNG ĐỒ XỨ NAM Qua những nhà truyền giáo tiên khởi trên đây, các ngài đi qua gieo vãi một chút hạt giống tin lành, nhưng thiếu một chương trình, một tổ chức bền bỉ, thiếu nhân viên cộng lực để tiếp tục, vì thế không mang lại được kết quả lâu bền, đáng kể 67. Phải chờ các thừa sai dòng Tên, các ngài thực là những người được hân hạnh đặt nền móng vững chắc, sâu rộng cho tòa nhà Giáo hội Việt Nam chúng ta ngày nay. Một cơ hội của Thiên Chúa quan phòng đã đưa các ngài đến với dân tộc Việt Nam : Cuộc bách hại tôn giáo ở Nhật. I. BÁCH HẠI TÔN GIÁO Ở NHẬT VỚI CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM 1. Bách hại tôn giáo ở Nhật năm 1614 Năm 1614, Daifusama, hoàng đế Nhật ra chỉ trục xuất tất cả các thừa sai ngoại quốc. Nơi đây, thánh Phanxicô Xavier tông đồ của nước Nhật cũng như của Ấn Độ và của cả vùng Đông Á, đã đặt chân tới ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15 tháng tám 1549. Sau đó 65 năm, các thừa sai dòng Tên, dòng Thánh Phanxicô, nối chí lớn của người anh cả, đã tổ chức Giáo hội Nhật thành một Giáo hội cường thịnh với con số hơn 123 thừa sai và 700 ngàn giáo dân 68. Nhưng mỗi lịch sử Giáo hội đều ghi đầu bằng một dấu thập giá. Để tranh thương với người Bồ và đồng thời làm cản trở hoạt động truyền giáo của Giáo hội Công giáo, những lái buôn Hòa Lan, theo Thệ phản giáo, đã tìm cách ảnh hưởng hoàng đế Nhật, gây nghi ngờ hoang mang để rồi xui giục cấm đạo. Họ làm cho hoàng đế Nhật tin rằng các cố đạo là tay sai của đế quốc Bồ. Nấp dưới danh nghĩa truyền giáo, các cố đạo do thám và tổ chức nội công cho việc thôn tính nước Nhật của hoàng đế Bồ nay mai. 69 Tin nghe, hoàng đế Nhật liền ra lệnh trục xuất tất cả các thừa sai ngoại quốc, mở đầu một cuộc bách hại đẫm máu kéo dài gần một nửa thế kỷ. Thiếu Linh mục bản quốc, thiếu người chèo chống chỉ huy, con thuyền Giáo hội Nhật bị tan vỡ trước những làn sóng dữ tợn của kẻ thù. Ngày nay sau bao năm cố gắng để chỉnh đốn lại con số giáo dân chỉ mới lên tới hơn 200 ngàn. 70 Lúc đó là năm 1614, hy vọng có thể cứu vãn tình trạng và bảo vệ tính mệnh của giáo dân Nhật bằng cách tuân phục sắc chỉ đó, các thừa sai công khai xuống tàu trở về Áo môn. Một số gần ba chục còn trốn tránh ở lại để nâng đỡ giáo dân trong những thử thách đang chờ đợi. Ra đi, nhưng sau đó, các thừa sai lại tìm cách bí mật trở lại để thay thế cho những người đã ngã. Mỗi chiếc đầu rơi lại có những chiếc đầu khác đến thay thế, để đang khi chờ đợi tia sáng hy vọng của mùa phục sinh, con thuyền trong cơn bão vẫn luôn luôn có người chỉ huy chèo chống. Nhưng cảnh núi sọ kéo dài, Giáo hội Nhật bước dần vào cơn hấp hối. Tỉnh dòng Nhật, một tỉnh dòng đầy hứa hẹn, trước đây đã có sáu học viện, hai đệ tử viện, hai chủng viện với ba cơ sở lớn và 64 cơ sở nhỏ 71, lúc đó chỉ còn lại một học viện ở Áo môn. 72 Là cư sở duy nhất còn lại của tỉnh dòng Nhật, học viện Áo môn dần dần trở thành một trung tâm truyền giáo quan trọng của các thừa sai dòng Tên vùng Đông Á. « Phải chính nơi đó, cha Đắc Lộ sau này viết, đã huấn luyện những người thợ anh hùng của nước Chúa, những người đã truyền bá khắp vùng Đông Á ánh sáng Phúc âm thư. Chính nơi đó đã sản xuất biết bao anh hùng tử đạo, triều thiên của tỉnh dòng chúng ta. Thật là một nơi đã được chúc phúc vì đã được hân hạnh có trong nguyên nước Nhật 87 anh hùng tử đạo. Các ngài là những người đã xưng danh Chúa Giêsu Kytô và đã chứng minh bằng máu, lòng trung thành mà các ngài đã khấn hứa với Thầy yêu quí của mình. » 73 2. Áo môn, trung tâm thương mại và truyền giáo Áo môn là một trung tâm truyền giáo của các thừa sai dòng Tên, nhưng trước hết Áo môn là một khu cảng, trung tâm thương mại của người Bồ. Hàng hóa từ Bồ được chở sang Goa, Ấn Độ, rồi chuyền qua Áo môn, để rồi phân phát đi Nhật, Việt Nam, Cao Miên, Phi Luật Tân và nội địa Trung Hoa. Lúc đầu vào quãng năm 1555, Áo môn chỉ là một làng nhỏ bé với mấy chiếc nhà gianh của lái buôn Bồ cất tạm để giao dịch chuyền hàng cho người Tàu vùng Quảng Đông. Chung quanh là khu sào huyệt của bọn lưu manh, sinh nhai bằng nghề trộm cướp trên đất hay trên mặt biển. Với sự yêu cầu của quan trấn Quảng Đông, người Bồ đã tiêu diệt được bọn cướp và được nhượng làm khu buôn bán. Nhận thấy là một nơi thuận tiện cho tàu bè đi lại và trú gió, trong ít năm họ đã tổ chức thành một khu thương mại sầm uất. Sau 10 năm dân số đã lên tới chục ngàn. Phần đông là người Tàu đến buôn bán cất hàng hoặc làm công cho các hãng buôn ngoại kiều, hầu hết là người Bồ, lúc đó ước chừng độ ngàn người. Một cơ quan hành chính được tổ chức để xét xử và chỉ huy buôn bán. 74 Năm 1562, nhờ những liên lạc tàu buôn giữa Goa và Áo môn, một số thừa sai dòng Tên đã qua đó. Năm 1565, cha Phanxicô Pérez, đang khi chờ đợi phép vào truyền giáo cho vùng Quảng Đông, đã lập ở đó một cư sở để các thừa sai vào đất Tàu hay qua nước Nhật có chỗ trú chân, đang khi tàu buôn đợi gió mùa ra khơi 75. Năm 1568, đức Cha Melchior Carneiro được sai đến, và năm 1576, Đức Thánh Cha Grêgoriô XIII ra sắc lập tòa giám mục Trung Hoa ở đó. 76 Khu nhà nhỏ bé của cha Pérez và 7 đồng chí dần dần trở thành học viện thánh Phaolô, có đủ các khoa học đạo đời và có quyền cấp bằng tiến sĩ, đồng thời cũng là nơi để các thừa sai của dòng trú lại học tiếng nói, phong tục, giao tiếp với các lái buôn hay sinh viên Tàu – Nhật đến trú ngụ ở đó, sửa soạn vào các khu truyền giáo vùng Đông Á. Năm 1602, một nhà rộng lớn nguy nga kính dâng Đức Mẹ được xây cất trong học viện và có thể kể là « một trong những nhà thờ đồ sộ huy hoàng hơn cả mà tôi đã thấy, ngay trong cả nước Ý, trừ đền thánh Phêrô ở Roma » như cha Đắc Lộ đã viết sau này. 77 3. Hy vọng truyền giáo ở xứ Nam Ở Áo môn, các cha bề trên tỉnh dòng theo dõi tình hình cuộc bách hại ở Nhật, cơn mây bao phủ núi sọ của Giáo hội Nhật mỗi ngày một đen tối, không một tia hy vọng báo hiệu mùa phục sinh. Một số giáo dân Nhật, để có thể bảo toàn đức tin, vịn cớ buôn bán để xin xuất ngoại. Họ tản mác đến các khu cảng vùng Đông Á, họp thành những họ đạo nhỏ. Không thể truyền giáo cho người Nhật ở trong nước, một số thừa sai ở Nhật bị trục xuất trước đây, cũng theo họ đến ở những nơi đó. Tại cửa Hội An cũng có một số giáo dân Nhật đến trú ngụ buôn bán. Họ trông đợi một thừa sai đến sống với họ. Cũng như cuộc bách hại Kytô mới chớm nở ở Giêrusalem là một dịp để phân tán các giáo dân Do Thái đi các trung tâm thương mại của đế quốc Roma, và thúc đẩy các thánh Tông đồ đem tin lành Cứu thế cho những người dân ngoại, thì trong Thiên Chúa quan phòng cuộc bách hại tôn giáo ở Nhật cũng là một dịp thúc đẩy các thừa sai đến với những dân vùng Đông Á còn đang trong bóng tối. Các thừa sai bên Tây phương vẫn tiếp tục kéo đến. Chính sách bế quan tỏa cảng của hoàng đế Nhật mỗi ngày một chặt chẽ. Không hy vọng có thể lẩn lút vào đất Nhật dễ dàng, một chương trình truyền giáo vùng Macassar, Hải Nam, Xiêm La, Việt Nam, Cao Miên được nêu ra. Giữa lúc đó thì ông Ferdinand Costa, thuyền trưởng có tên tuổi vùng Đông Ấn đến gặp các cha. Ông vừa ở cảng chúa Nguyễn về, trình bày những hy vọng đầy phấn khởi của một cuộc truyền giáo rất có thể ở xứ đó 78. Ông cũng không quên nhấn mạnh về tính tình dễ dãi của người dân xứ Nam : « họ xử đãi tử tế nhã nhặn với tất cả các ngoại kiều đến buôn bán ở đó, để cho ai nấy được tự do theo lối sống riêng của nước mình ». Chính vua xứ đó cũng ủy nhiệm cho ông khi trở về Áo môn, tìm cách dẫn dụ các thừa sai đến ở xứ Nam và ông yêu cầu các cha đừng từ chối lời yêu cầu chính đáng đó và lợi dụng thời cơ thuận tiện làm ích cho Giáo hội ». Cuộc liên lạc thương mại giữa người Bồ và người Việt bắt đầu từ giữa thế kỷ XVI, nghĩa là vào quãng 1540. Nhưng ngay từ sau khi đến Quảng Đông, năm 1516, Ferdinand Pérez và năm 1523 Duarte Cœlho đã để ý thăm dò vùng bờ biển nước Việt 79, năm 1535 Antôniô de Faria đã cho tàu cập bến cửa Hàn. Liên lạc thương mại được tiếp tục và càng ngày càng thắt chặt. Dạo đó, cửa Hàn và nhất là cửa Hội An, buôn bán giữa người Việt và người Trung Hoa, Nhật Bản đã rất sầm uất. Người Trung Hoa và Nhật Bản sống làm hai khu riêng biệt : « Mỗi khu có quan khu trưởng riêng và sống theo lối sống riêng của mình. Người Trung Hoa, thì theo luật lệ, thói tục Trung Hoa, người Nhật cũng vậy. » Nhận thấy có nhiều hy vọng trong cuộc buôn bán với người Việt. Đàng khác, chúa Nguyễn tỏ ra biệt đãi người Bồ, mong muốn cho họ tiếp tục cho tàu buôn hàng năm cập bến của chúa. Để có thể chống lại với chúa Trịnh Đàng Ngoài, chúa cần súng ống đạn dược của Tây phương, mà trước đây vẫn phải mua qua tay người Tàu hay người Nhật. Năm 1557, người Bồ được chúa Nguyễn cho phép lập cửa hàng ở cửa Hội An. Từ đó thường thường mỗi năm, một hoặc hai chuyến tàu rời Áo môn vào quãng cuối chạp sang giêng đem theo hàng hóa : súng ống, đạn dược, sinh diêm, đồ kim khí, tơ lụa, vải vóc, giấy nho… đến bán ở cửa Hội An hay cửa Hàn. Sau khi bán hàng hoặc giao hàng cho người Tàu hay Nhật đứng làm trung gian hay thông ngôn, vào quãng tháng tư tháng năm hay tháng 8 tháng 9, theo gió mùa họ lại trở về Áo môn. 80 Nghe biết câu chuyện, cha Buzomi, người thành Napoli, nước Ý, liền tình nguyện đến mở đầu công cuộc truyền giáo ở xứ Nam. Đầu năm 1516, cha cùng với cha Diego Carvalho, và thầy Antonio Diaz, người Bồ, với thầy Giuse và Paulô, người Nhật, xuống tàu bỏ Áo môn. Ngày 18 tháng giêng, lễ thánh Phêrô lập Tòa ở thành Roma, thì đoàn truyền giáo tới cửa Hội An. Đầu đề cuốn « Lịch sử xứ Đông Kinh » của Cha Đắc Lộ, bằng tiếng Ý, in năm 1650. Trang 170 trong cuốn « Lịch sử Truyền giáo xứ Đông Kinh » của Cha Đắc Lộ, bằng tiếng Ý, in năm 1650. II. NƯỚC VIỆT NAM VÀO ĐẦU THẾ KỶ XVII Muốn truyền giáo cho một dân tộc, trước hết các cha cần phải nhận định tính tình phong tục, tình trạng chính trị, xã hội, tôn giáo của dân đó ; đồng thời lo học tiếng nói để có thể truyền giáo cho họ. Cha Buzomi, trong các tờ tường trình về bề trên, cũng như các cha Christoforo Borri, Đắc Lộ, Marini, Tissanier sau này trong những cuốn sách xuất bản 81, đã có những nhận xét rất xác đáng, tinh tường về nước Việt Nam chúng ta vào đầu thế kỷ XVII. Ngày nay nhắc nhở lại công cuộc của các ngài, chúng ta cũng cần nhận định và xếp đặt nó trong khung cảnh và tình trạng của thời đó. 1. Chúa Nguyễn trong Nam Về tình hình chính trị Việt Nam lúc đó, cha Buzomi cũng như cha Đắc Lộ sau này, không khỏi bỡ ngỡ nhận ra tình trạng chia đôi và phân tranh của một dân tộc « cùng một quốc gia, cùng một phong tục và cùng một tiếng nói ». « Cách đây độ năm chục năm, cha Đắc Lộ viết trong cuốn « Những cuộc hành trình và truyền giáo » xuất bản ở Paris 1653, nước Cochinchina mới tách biệt khỏi xứ Tunquin 82. Trước đây, trong suốt 700 năm, cả hai là một lãnh thổ. Người mở đầu cuộc cách mạng đưa đến đấu tranh chia rẽ chính là ông tổ của nhà vua đang giữ chính quyền bây giờ. Ông được vua nước Tunquin, anh rể của ông sai vào trấn đất này. Sau đó, ông cho danh hiệu nhà vua đẹp hơn danh hiệu quan trấn và chức vị nhà vua cũng giá trị hơn chức vị của kẻ bầy tôi. Ông đã khởi loạn chống lại nhà vua của ông và tự xưng làm chúa nước này. Từ đó, ông dùng binh lực để bảo vệ ngôi báu, và truyền ngôi lại cho con cháu. Người xứ Tunquin đã nhiều lần đem quân vào đánh, nhưng đều không thu được thắng lợi nào cả… » 83 Giở lại những trang sử cũ, chúng ta thấy : 84 Nguyễn Kim khi chết để lại hai người con : Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, cả hai đều là tướng giỏi, đã lập được nhiều công trạng. Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền, bèn kiếm chuyện giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng thấy thế lo sợ, năm 1558 nhờ chị xin cho vào trấn đất Thuận Hóa, tìm chỗ trú thân. Là người khôn ngoan, có tài, có đức, biết dùng người và biết thương dân nên ai cũng mến phục, không bao lâu ông đã có một số binh lực trong tay. Năm 1570, Trịnh Kiểm chết trao quyền cho con trưởng là Trịnh Cối. Trịnh Cối say mê tửu sắc, tướng sĩ không mấy người phục. Em là Trịnh Tùng cướp mất ngôi. Thừa lúc hai anh em họ Trịnh đánh nhau, nhà Mạc đem quân vào đánh Thanh Hóa, và năm 1572 sai tướng vào đánh cả đất Thuận Hóa của Nguyễn Hoàng. Nhờ mưu giỏi, tướng tài giúp rập, Nguyễn Hoàng đánh tan được quân Mạc, thế lực mỗi ngày một chắc. Nắm được binh quyền của anh, năm 1591, Trịnh Tùng thấy thế quân đã mạnh, bèn cử đại binh ra đánh Thăng Long. Năm 1593, bắt được Mạc Mậu Hợp, lấy lại được kinh thành. Sau cuộc chiến thắng, Trịnh Tùng mỗi ngày một kiêu hãnh, ra mặt hiếp quyền vua Lê, tự xưng Bình An Vương. Thấy thế nhiều người không phục, khởi binh chống lại họ Trịnh. Nguyễn Hoàng đem quân theo giúp, thấy Trịnh Tùng tỏ ý ghen ghét. Để đề phòng một ám hại sau này, liền nhân cơ hội, đem bản bộ tướng sĩ giả cách nói là đi đánh giặc, rồi theo đường bể trở về Thuận Hóa. Lúc đầu còn yếu thế, Nguyễn Hoàng, bên ngoài vẫn chưa ra mặt chống họ Trịnh, nhưng bên trong tìm cách củng cố chính quyền, binh lực, luyện tập quân sĩ, phòng bị lương thảo, khí giới để có thể chống nhau với họ Trịnh sau này. Năm 1613 Nguyễn Hoàng chết, trao quyền cho con thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên tức chúa Sãi. Được nhiều tướng giỏi giúp việc, công cuộc binh đao, xây đồn đắp lũy phòng thủ được tiến mau lẹ. Chúa cũng tìm cách giao thương với người Bồ để mua súng ống đạn dược, João da Cruz, người Bồ cũng giúp chúa lập nhà đúc súng ở gần Huế, tục gọi là Phường Đúc. 85 Giữa lúc đó thì cha Buzomi đến truyền giáo cho xứ Nam (1614). Mãi lo củng cố binh lực để chống nhau với họ Trịnh, chúa Nguyễn không để ý đến vấn đề tôn giáo, các cha được tự do truyền đạo, lại còn được kính nể là khác. Muốn giữ liên lạc thương mại với người Bồ để có súng ống đạn dược, kim khí, mà các cha là những người ở các tàu buôn đó vào nước Việt. Sự có mặt của các cha ở trong xứ là bảo đảm sự trở lại của tàu buôn người Bồ và nếu khi cần thiết, nhà chúa rất có thể dùng các cha làm trung gian điều đình. Nhưng dựa vào một thế lực phần đời, tôn giáo cũng sẽ bị liên lụy một phần nào vào thế lực đó. Sau này, chúng ta sẽ thấy nhiều cuộc bách hại cấm cách thời kỳ đầu này, đều lên xuống một phần lớn theo nhịp giao thương giữa chúa Nguyễn và người Bồ hay những cuộc thắng bại của chiến cuộc. Tình trạng chia đôi còn gây nhiều khó dễ cho các thừa sai, nhất là trong việc liên lạc hoặc thuyên chuyển các nhân viên ở vùng này vùng khác. 2. Tình trạng tôn giáo Nhưng nếu tình trạng chính trị có ảnh hưởng, gây khó khăn cản trở hoặc trái lại giúp cho công cuộc truyền giáo được dễ dàng hơn, nó vẫn không phải vấn đề chính làm bận tâm các thừa sai. Muốn đem tin lành cứu chuộc, đạo thực của Con Thiên Chúa cho dân chúng Việt Nam, các ngài phải lo đương đầu và phá đổ trước hết những vướng trở của các tôn giáo đầy mê tín dị đoan của người dân Việt. Bị đầu độc và sống trong bầu khí đó từng bao thế hệ, họ khó lòng nhận ra được chính đạo. Nhiều khi còn vì mê tín dị đoan hay vì quá tự tôn với tôn giáo sai lầm thiếu sót của mình, họ đã vu cáo làm hại các thừa sai của đạo mới. Họ thúc đẩy chính quyền cấm đạo, triệt hạ các nhà thờ, xâm phạm đến tính mệnh của các ngài và của giáo dân. Đó là không nói đến các thầy sư thầy sãi, thầy cúng sống nhờ vào mê tín của dân chúng, thấy mối lợi bị phá đổ, tìm cách làm hại các ngài. Cũng như ở Trung Hoa, ba giáo phái chính ở Việt Nam lúc đó là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo : « Cả ba đều hoàn toàn trái ngược với luật Phúc âm thư ». 86 Trước hết, Nho giáo « tôn giáo, của giới thượng lưu trí thức ở Đông Kinh, của nhà vua, nhà chúa » 87. Theo cha Đắc Lộ, đứng về phương diện luân lý xã hội, gia đình, Khổng tử đã « đem lại và làm sáng tỏ nhiều phương châm về chính trị và luật tự nhiên, không có chi là trái với nguyên tắc của đạo Công giáo, người Công giáo không bỏ rơi cũng không phán quyết nó ». Nhưng đứng về phương diện thần học, gác ra ngoài vấn đề Đấng Tạo Hóa và với việc phủ nhận con người có hồn thiêng bất tử, học thuyết của ông đã « đi đến chỗ vô thần, mở rộng cửa cho tất cả những thói xấu, chỉ còn để lại một hình ảnh lu mờ, một bóng dáng bên ngoài của nhân đức ». 88 Nhưng, cản trở của công cuộc truyền giáo không phải chính Khổng giáo. Các tôn giáo, dầu sao, tuy thiếu sót và nhiều sai nhầm, nhưng đã giúp một phần lớn trong việc bảo tồn con người trong tình trạng tôn giáo, trong khi chờ đợi tin lành đích thực đến với họ. Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt có những đức tính, phong tục rất đáng khâm phục, nó đã giúp rất nhiều vào công cuộc truyền giáo. Cản trở, thực ra, chính là môn đồ của phái Nho giáo với óc hẹp hòi và câu nệ của họ. Với óc hẹp hòi, cho rằng trong vũ trụ chỉ có Trung Hoa là nước văn minh nhất nên cái gì cũng chỉ bắt chước người Tàu. Tất cả những người nước khác và nền văn minh của họ đều cho là kém. Ngoài Khổng giáo, Phật giáo, các tôn giáo khác đều cho là tả đạo. Vì quá câu nệ, quá trọng lễ nghi bên ngoài, những cái cổ truyền cổ hủ, việc cúng ông bà ông vải với những tệ tục về ma chay tống táng, thấy ai dạy điều gì khác với « lời sách của thánh hiền » hay thói tục của cha ông, vội cho là tà thuyết làm mê hoặc lòng người và hủy hoại lễ giáo phong tục ngàn năm. Với óc hẹp hòi câu nệ, lại thêm óc tự tôn và chuyên chế, giới nhà nho và giới cầm quyền bao lần đã làm cản trở công cuộc truyền giáo gây ra những cuộc cấm cách, bách hại, giam cầm các thừa sai và giáo dân. Bên cạnh Nho giáo là Phật giáo và Lão giáo. Phật giáo từ sau thế kỷ XV bước vào thời kỳ suy đồi, trở thành tôn giáo của thường dân. « Các tăng ni thường là những người bày ra các mối dị đoan, các lễ nghi phiền phức để cho bọn hạ lưu (nhất là đàn bà) đua theo, còn các giáo lý cao thâm của đạo Phật ít người hiểu nữa ». 89 Tuy không được vua chúa để ý đến như đời nhà Lý, nhưng những dấu vết thời phồn thịnh vẫn còn. Làng nào, các cha cũng thấy nhan nhản những chùa chiền thờ thần phật và các sư vãi sống trên mê tín của nhân dân không hơn gì những thầy pháp, thầy cúng, thầy bói của giáo phái thứ ba : Lão giáo. Lão giáo, theo cha Đắc Lộ là « một tôn giáo tai hại hơn cả, vì liên kết chặt chẽ vào công việc của quỉ thần » 90. Với óc mê tín dị đoan vào thần thánh, phù thủy, ảo thuật, bùa bèn, ấn quyết… mỗi khi đau ốm hay gặp tai nạn gì là nghĩ ngay đến thánh vật, ma làm, tìm ngay thầy cúng thầy bùa để bắt quyết, trừ tà hoặc các ông đồng bà cốt để cúng vái các cô các cậu. Các cha không khỏi đau lòng, khi thấy trên mỗi bước đi, nhan nhản những am cùng miếu, những cảnh đứng lạy gốc đa hay những cảnh cúng cháo bên đường, cho đến tệ tục băm vằm em nhỏ để hồn khỏi trở về đầu thai giết hại 91. Rồi trong việc ma chay tống táng hay những nghi lễ kính nhớ hương hồn người quá cố mà cha Tissanier cho đó là « bằng chứng lòng tin tưởng ở linh hồn bất diệt của người dân » 92 cũng pha trộn biết bao mê tín và gây ra những đồi phong bại tục, những cuộc hội họp ăn uống tốn tiền. Cũng vì mê tín dị đoan ở thần đánh thánh vật mỗi khi gặp tai nạn như lụt lội, hạn hán, mất mùa, dịch tễ là họ đổ ngay cho người Công giáo vì bỏ việc cúng tế quỉ thần nên giận phạt. Nhiều lần đã đi đến những cuộc bách hại cấm cách. Những việc cúng tế, đóng góp trong làng trong họ cũng đã gây biết bao phiền phức cho người theo đạo. Họ bảo theo đạo là bỏ ông bà cha mẹ là bất hiếu. Trong công cuộc truyền giáo, các cha cũng phải mất nhiều công để gột rửa óc mê tín dị đoan lâu đời truyền kiếp còn vương vấn trong đầu óc người tân tòng. 3. Người dân Việt Nam và xã hội Việt Nam Nếu những tôn giáo đầy mê tín dị đoan trên đây là những cản trở lớn cho công cuộc truyền giáo, các cha không khỏi mừng thầm khi nhận thấy tính tình « thuần hậu, tốt lành » của người dân Việt Nam 93. Cha Buzomi cho rằng, người Việt có những đức tính dung hòa giữa người Tàu và người Nhật. « Họ không quá nghiêng về văn chương, tính tình cũng không thâm hiểm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị, tính tình cũng không độc ác như người Nhật. Cả về tầm thước, họ không cao lớn như người Tàu, cũng không quá thấp như người Nhật » 94. Tuy dễ nghe dễ tin và nhiều mê tín, nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải : « Họ không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu » vì thế trong khi trình bày đạo lý, các cha có thể đưa về với lẽ phải, với chính đạo. Với lòng sùng đạo sẵn có, một khi trở lại, những người Công giáo Việt Nam lại là những người nhiệt thành đạo đức hơn ai hết. Đối với các ngoại kiều, và riêng với các cha, cha Christoforo Borri cho rằng người dân Việt rất nhã nhặn lịch sự : « Dân chúng ở nhiều nước vùng Đông Á thường coi những người Tây phương là tục tằn, tìm cách tránh mặt khinh bỉ thì ở xứ Nam, trái lại dân chúng kéo đến gặp chúng tôi, hỏi han chuyện vãn, mời chúng tôi dùng bữa với họ. Nói chung, họ cư xử với chúng tôi một cách lịch sự, thân mật của một dân tộc có một văn hóa cao » 95. Không có óc bài ngoại đó, nên các cha được giáo dân tôn trọng coi như những người cha trong nhà trong họ, được quí mến, vâng theo. Với tình nghĩa thầy trò, các cha có thể tìm dễ dàng những người cộng tác trung thành và quyến luyến trong hoạt động tông đồ giáo dân, mà tổ chức thầy giảng của Giáo hội Việt Nam là một tổ chức luôn được đề cao trong lịch sử truyền giáo. Các cha cho rằng những đức tính tốt đó một phần lớn nhờ ảnh hưởng luân lý và tổ chức xã hội gia đình của người dân Việt Nam. Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài, dân Việt Nam là một dân tộc văn minh : « Có một nền văn hóa rất cao. Họ có những vần thơ, những vở tuồng, những câu hát, những cuộc giải trí, và những ca vũ riêng của họ ». Các cha khen ngợi tổ chức hành chính và pháp luật của dân Việt Nam và theo cha Đắc Lộ « còn hơn cả các nước Tây phương, vì không có những nghi thức rườm rà, những giấy tờ lôi thôi, làm tổn phí thời giờ tiền bạc của đôi bên » 96. Nhưng các cha không khỏi than phiền về lối cai trị hà khắc, độc đoán của triều vua phủ chúa và của một số quan lại. Trong đời truyền giáo biết bao lần các cha gặp những nố các quan địa phương vịn vào những lệnh chỉ cấm cách để gây phiền nhiễu làm tiền giáo dân. Tổ chức làng mạc cũng được các cha để ý đến. Chúng ta sẽ thấy các cha thích ứng vào trong tổ chức xứ đạo. Tổ chức mà ngày nay người ngoại quốc mỗi khi học hỏi đến đều khâm phục. Tổ chức gia đình cũng giúp nhiều vào đời sống đạo đức của người dân Việt. Nhưng tục đa thê đã là một vướng trở rất lớn cho bao người không trở lại đạo. Các vương phi, cung nữ, hoạn quan trong triều, vì sợ mất địa vị, đã nhiều lần xúi giục gây ra những cấm cách bách hại. 97 Nhưng ngoài lối cai trị phong kiến độc đoán nhiều khi đến hà khắc, tệ tục đa thê và một vài tệ tục khác, còn nói chung, các cha rất có cảm tình với người dân Việt Nam và với xã hội Việt Nam. Các cha đã để chân vào nước Việt, trong một tình trạng chính trị, tôn giáo, xã hội, gia đình và với con người Việt Nam đó. Các cha đem đến cho chúng ta tin lành Phúc âm mà Chúa Cứu Thế đã đem đến cho nhân loại đã từ 16 thế kỷ nay, sau bao ngàn năm trông đợi. Giở lại những trang sử của thời kỳ đầu Giáo hội Việt Nam chúng ta lần theo những công lao vất vả của các thừa sai dòng Tên trong công cuộc xây dựng nền móng cho Giáo hội chúng ta nay. III. CHA BUZOMI VỚI NHỮNG THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN (1615-1618) 1. Những bông lúa đầu mùa Tuy cùng đi với cha Diego Carvalho, nhưng cha này, thực ra, được bề trên tỉnh dòng sai đến chỉ là để hoạt động truyền giáo tạm thời trong khu trú cư của giáo dân Nhật tại cửa Hội An : yên ủi giúp đỡ và bảo vệ đức tin của họ trong khi vì đức tin phải rời bỏ quê hương đến sống ở đất khách quê người. Là vị truyền giáo của người Nhật, cha Carvalho thông thạo tiếng nói và phong tục của người Nhật. Tuy bị trục xuất, nhưng cha vẫn mong muốn được trở lại. Mong muốn đó cha đã đạt được : sau hơn một năm sống bên giáo dân Nhật ở cửa Hội An, bề trên đã gọi cha về Áo môn để tìm đường lẩn lút vào đất Nhật. Ngày 24 tháng 2 năm 1624 cha đã được phúc triều thiên tử đạo sau 12 giờ chịu các cực hình ghê sợ. Sự có mặt của cha Carvalho và các thầy người Nhật tuy vậy rất có lợi cho cha Buzomi, trong những giao tiếp ban đầu một khi chưa biết tiếng nói và phong tục của người xứ mình đến. Trong số những giáo dân Nhật đến buôn bán, thế nào chẳng có nhiều người biết nói tiếng Việt, cha rất có thể nhờ họ làm thông ngôn và đồng thời giúp các cha học tiếng, tìm hiểu phong tục và tính tình người Việt. Sau khi tới cửa Hội An (18-1-1615) công việc đầu tiên của cha Buzomi là cất tạm một nhà nguyện cho giáo dân Nhật ở đó và cho người Bồ trong thời gian đến buôn bán, đồng thời cũng là trụ sở đầu tiên làm căn cứ truyền giáo cho vùng chung quanh. Lễ Phục Sinh năm đó, cha được sung sướng dâng lễ đầu tiên ở quê hương thứ hai của cha trong nhà nguyện mới và đón nhận 10 người tân tòng, những bông lúa đầu mùa của cha. Và ngay từ lúc đầu, cha Buzomi đã tìm được người cộng tác : « Cậu Agostinô trong số những người tân tòng đó, sau khi chịu phép rửa đã ở lại giúp việc các cha. Cậu là người đầu tiên trong tổ chức các thầy giảng ở xứ Nam và sau này ở xứ Bắc, một tổ chức đã đào luyện được rất nhiều người nhân đức xán lạn. Họ đã vượt thắng những thử thách trong các thời kỳ bách hại : tù đày, tra khảo, cho cả đến cái chết cũng coi thường. Nhờ đó danh Chúa được cả sáng và Giáo hội Việt Nam được tiếng thơm khắp nơi ». 98 Đã có trụ sở, nơi trú ngụ, lại thêm người cộng tác với một số giáo dân đầu mùa, cha Buzomi nghĩ đến công cuộc truyền giáo cho các vùng chung quanh, nhất là ở trấn Quảng Nam. Nhưng trong một đế quốc chuyên chính, tất cả quyền hành trong tay nho chúa, được lòng ông ta, công cuộc truyền giáo sẽ được dễ dàng, bảo đảm hơn. Vì thế ngay lúc đầu, cha đã cùng lái buôn Bồ lên kinh dâng lễ vật cho chúa Nguyễn. Dạo đó theo lệ, mỗi tàu buôn cập bến, phải có một lễ vật gì quí giá ở Tây phương đem sang để vào ra mắt nhà chúa. Kinh đô lúc đó còn ở làng Trà Bát tức Cát Dinh. Cha được chúa Sãi vương, con chúa Tiên, Nguyễn Hoàng, tiếp đãi niềm nở. Năm trước, chính nhà chúa đã ủy nhiệm cho quan thuyền trưởng Ferdinand de Costa về Áo môn dẫn dụ Gia-tô đạo trưởng đến trú ngụ ở xứ Nam để nối chặt và bảo đảm liên lạc thương mại cần thiết cho những chiến cuộc dự định chống chúa Trịnh ngoài Bắc nay mai. Chúa Sãi đã ban cho cha một tờ chiếu đóng dấu đỏ của triều đình cho phép cha được tự do truyền giáo trong khắp các vùng xứ Nam, lại còn nhượng đất đai cho cha làm nhà thờ và nơi cư trú. Trở lại cửa Hội An, cha tiếp tục công cuộc truyền giáo ở đó và nhất là tìm học hỏi phong tục tiếng nói của dân xứ, trước khi muốn đem tin lành đến cho họ. Cha có những nhận xét rất đúng về nền văn hóa Việt Nam. Theo cha, Việt """