" Lịch Sử Của Sách - James Raven PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lịch Sử Của Sách - James Raven PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo JAMES RAVEN Đào Quốc Minh dịch Nguyễn Tuấn Quang hiệu đính —★— LỊCH SỬ CỦA SÁCH WHAT IS THE HISTORY OF THE BOOK? IPER & NXB DÂN TRÍ ebook©vctvegroup | 23-07-2021 JAMES RAVEN Ông là Giáo sư ngành Lịch sử hiện đại tại Đại học Essex và Nghiên cứu viên chính tại Trường Magdalene, Đại học Cambridge (Anh Quốc). Ông cũng đảm nhận vị trí Giám đốc của Cambridge Project for the Book Trust, một tổ chức uy tín tại Anh Quốc và trên thế giới chuyên hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, hội thảo và thuyết giảng công chúng liên quan tới thư tịch. Đến năm 2019, ông đã công bố 70 bài báo khoa học, xuất bàn 13 tựa sách và tham gia viết chung 32 tựa sách khác, hầu hết đề cập tới lịch sử tạo lập văn bản, xuất bản, lưu hành và thương mại sách. Hiện nay, James Raven cũng là thành viên Viện Hàn lâm đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Thư tịch Anh Quốc. “Đây là công trình vô giá về nguồn gốc, nền tảng lý thuyết, phương pháp luận cũng như các phát hiện và nguồn tư liệu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử của sách đang phát triển nhanh chóng, xuyên qua khoảng cách không gian và thời gian”. - ANN BLAIR - Giáo sư Sử học tại Đại học Harvard “Nhà soạn kịch Sheridan từng nói: ‘Muốn viết mạch lạc thì cần đọc thật nhiều’. Đối với James Raven, vấn đề thực sự phải là bắt tay vào viết càng nhiều càng tốt, vì kết quả của nó là việc đọc, một thực hành mang lại sự học tập suốt đời trong thư thái, và chính việc đọc chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tới các học giả trẻ đang dấn bước vào địa hạt nghiên cứu này”. - Đánh giá từ Tạp chí LIBRARY & INFORMATION HISTORY LỜI GIỚI THIỆU SÁCH NHƯ MỘT THỰC HÀNH CỦA LOÀI NGƯỜI: “LỊCH SỬ CỦA SÁCH” CỦA JAMES RAVEN [Lỗ] Ai Công hỏi về chính trị. Khổng Tử đáp: chính sự của vua Văn vương, Vũ vương đều ở trong điển tịch cả. Tử Tư “Không có sách, không có tri thức. Không có tri thức, không thể có chủ nghĩa cộng sản”. V. I. Lenin Những vai trò chính trị, tôn giáo và xã hội nào được gán cho sách - và liệu những vai trò này có liên quan thế nào đến hoạt động sử dụng và tiếp thu sách - vốn không chỉ là phương tiện truyền thông mà còn là vật chứa, nguồn phát, bộ điều khiển và bộ kiểm duyệt ký ức? James Raven Đây là câu chuyện về một trong các vật phẩm văn hóa quan trọng nhất của lịch sử loài người: sách. Câu chuyện kể về sự tiến hóa của chúng trong sự song hành với tiến hóa của lịch sử nhân loại. Trong sự tương tác đó, không chỉ có việc con người tạo ra các loại thư tịch mà bản thân sự tiến hóa của sách đã tham gia thúc đẩy đổi thay của xã hội người. Điều thú vị là tất cả các nền văn hóa đều coi chức năng lưu trữ tri thức là giá trị trung tâm của thư tịch. Bản thân mỗi cuốn sách là một vật phẩm văn hóa và sự tiến hóa của chúng là lịch sử thu nhỏ của sự chuyển giao các nền văn minh. Đi theo mỗi cuốn sách không chỉ là một phả hệ tri thức nó truyền tải, mà còn là lịch sử kỹ thuật, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng của một thời đại. Với ý nghĩa đó, thư tịch cung cấp hàm lượng tri thức lớn hơn nhiều những gì được ghi chép. Người kể câu chuyện này là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử của sách: James Raven (Emeritus Professor của Đại học Essex). Công trình ngắn nhưng quan trọng này là một nỗ lực của ông nhằm đưa ra góc nhìn mới, mang tính gợi mở về lịch sử của sách từ khung cảnh toàn cầu. Cuốn sách này là một trong những công trình đầu tiên giới thiệu khái quát về lịch sử thư tịch trong góc nhìn rộng lớn liên ngành và liên vùng địa lý, trong phổ không gian kéo dài từ 14.000 năm trở lại đây, thời điểm mà tác giả tin rằng đã xuất hiện những hệ thống ký tự đầu tiên. Như tác giả chỉ ra, lịch sử sách là một chủ đề liên ngành giữa văn học, lịch sử, truyền thông, thư viện, bảo tồn và thông tin; vì thế cuốn sách này dành một dung lượng đáng kể phác thảo đặc thù của ngành nghiên cứu lịch sử sách, phân tích các lý thuyết về phạm vi, nguồn gốc, phương pháp luận, và xu thế của ngành. Với ý nghĩa đó, đây là công trình dẫn nhập quan trọng cho bất cứ ai tìm về một lịch sử của thư tịch, muốn có cái nhìn khái quát về tiến hóa của sách và thực hành sách. Bản thân khái niệm “sách” cũng là vấn đề chưa từng được thống nhất giữa các xã hội, đặc biệt ở giai đoạn Tiền Cận đại. “Sách” có thể là một cuộn giấy thời cổ đại, một cuộn thẻ tre Trung Hoa, một tập hợp các trang viết trên da động vật hay một file dữ liệu trong ổ cứng máy tính (e-books). Đâu là sự khác biệt giữa một mảnh đất sét và một máy đọc sách kindle với một cuộn dây thừng thắt nút của người Inca trên dãy Andes. James Raven đã vượt qua các tiếp cận học thuật phổ biến về sách lấy châu Âu làm trung tâm, coi kỷ nguyên của sách chỉ thực sự bắt đầu thời Sơ kỳ Cận đại châu Âu với ứng dụng của kỹ thuật in ấn con chữ rời. Ông nhấn mạnh rằng, sách đã ra đời ở nhiều khu vực trên thế giới hàng nghìn năm trước đó, trong thời đại của các văn bản chép tay và in ván khắc. Từ đó, ông tham chiếu lịch sử của sách ở nhiều khu vực địa lý trong nỗ lực kể câu chuyện toàn cầu của sách. Tính chất toàn cầu này còn được phản ánh trong những đại tự sự của lịch sử thế giới hiện đại, nơi sách vượt qua các khuôn khổ bản địa, tham dự vào các làn sóng quốc tế: hiện đại hóa, đế chế thực dân, chủ nghĩa quốc gia, dân tộc, số hóa… Sách không biên giới, như chúng ta sẽ thấy, sẽ mở rộng các mạng lưới tri thức, học thuật, nghệ thuật, khoa học, tham gia vào việc tạo ra các làn sóng thực hành thư tịch toàn cầu. Chính vì sự tham dự của sách vào những bước chuyển lớn lao của văn minh nhân loại nên đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại lịch sử thư tịch, thời điểm mà câu hỏi về tầm ảnh hưởng và tiến hóa hình thức của sách đang đặt ra cấp thiết hơn lúc nào. Những chủ đề này không chỉ phản ánh các diễn ngôn lịch sử xã hội, tìm về nguồn gốc tri thức và sự tiến triển của chúng mà còn soi rọi mối quan hệ giữa tri thức với các dạng thức lưu trữ và truyền bá. Công nghệ số đang thách thức định nghĩa truyền thống (và thực hành truyền thống) về sách. Nhân văn số thức (digital humanities) tạo ra một cuộc cách mạng thông tin giống như cách thức mà sự bùng nổ in ấn tạo ra thời Khai sáng. Theo sau đó là những thay đổi trong hoạt động sáng tạo tri thức, hoạt động lưu hành và tác động của những ý tưởng lịch sử xã hội đó trên phạm vi toàn cầu. Sách, với tư cách là một thực hành của loài người, có sức mạnh ảnh hưởng tới sự tiến hóa của các xã hội. Chúng không chỉ phản ánh thay đổi của kênh biểu đạt tri thức mà còn là sự thay đổi trong thế giới quan, góc nhìn chính trị, sự thúc đẩy tinh thần, tôn giáo, ý thức hệ… Vua Triều Tiên Thái Tông đã tuyên bố vào năm 1403 rằng: Vương triều muốn thịnh trị thì sách vở càng phải được đọc nhiều… Mong muốn của ta là đúc được chữ in bằng đồng để in được càng nhiều sách càng tốt và để sách được cung cấp thật rộng rãi trong thiên hạ (James Raven, 2021). Có lẽ cả linh mục người Đức Martin Luther (1483-1546) - người tạo ra các cuốn Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Đức, học giả Fukuzawa Yukichi (1835-1901) - “Voltaire của nước Nhật”, và cả lãnh tụ vô sản nước Nga Vladimir Ilyich Ulyanov (1870-1924) đều sẽ đồng ý với vị vua này. Sách là một trong các vật phẩm hiếm hoi mà từ khi ra đời đã tồn tại và tiến hóa liên tục với xã hội loài người. Chúng cũng là thực hành mà từ người Ai Cập cổ đại tới giới trí thức nhà Minh, từ các chức sắc Inca tới kỹ sư công nghệ ở Silicon Valley cùng chia sẻ. Cùng với quá trình đó là những chuyển biến liên tục của thư tịch để có thể xuất hiện dưới hình dạng vật lý “chuẩn” hôm nay. Giấy và kỹ thuật in là ví dụ. Đó là những phát minh có tính cách mạng quyết định việc con người có sách và văn hóa đọc. Trong khi người hiện đại coi việc có giấy là đương nhiên thì hãy lắng nghe một học giả ở thế kỷ VI viết về những tấm papyrus: Xưa kia, danh ngôn của các bậc trí giả và tư tưởng của tổ tiên chúng ta từng không thể lưu lại được. Vì thời đó người ta làm sao mà có thể ghi chép lại mau lẹ câu văn khi vỏ cây thô cứng làm cho ngòi bút không thể đặt xuống dễ dàng?… vẻ đẹp cuốn hút của giấy… bề mặt trắng ngần mở ra khoảng trống mênh mông cho điều hay ý đẹp; giấy luôn luôn hỗ trợ ta mọi nơi mọi lúc; thật mềm mại để có thể cuộn lại với nhau mà khi mở ra sẽ trải thành dải rất dài. Các đoạn giấy nối không một nếp gợn, các mảng giấy luôn liền mạch; giấy mang màu tuyết trắng của vỏ cây non xanh, mặt giấy viết nhận dòng mực đen làm trang sức; trên đó, những con chữ thăng hoa… nơi lời văn được gìn giữ trong an toàn, được lắng nghe mãi mãi, chẳng bao giờ đổi thay. (James Raven, 2018) Bên cạnh sự tiến hóa của sách là quá trình thay đổi nhận thức của con người về sách, về các chức năng và quyền lực của thực hành sách. Khác với các giống loài tự nhiên khác, xã hội người được dẫn dắt bởi các đại tự sự. Sách là công cụ chủ đạo để khuếch đại các diễn ngôn đó, dù là Kinh Qu’ran hay cuốn sách “đỏ” Mao Tuyển. Mỗi xã hội và mỗi giai đoạn phát triển được định hình bởi khung cảnh thư tịch nhất định, từ Tứ Thư, Ngũ Kinh ở Trung Quốc thời cổ Trung đại cho tới Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản thời Hiện đại. Cuộc cách mạng in ấn ở châu Âu thế kỷ XV là ví dụ sống động về cách thức tương tác của văn hóa đọc, thư tịch với bước tiến văn minh. Việc sản xuất hàng loạt, giá rẻ và khả năng truyền bá rộng rãi của sách in tạo ra các mạng lưới tri thức mới (xét về tầm mức ảnh hưởng, có thể coi đó là phát minh “facebook” của thế kỷ XV). Thậm chí năm 1545, học giả Thụy Sỹ Conrad Gesner đã cảnh báo về “sự phong phú đến mức hỗn loạn và có hại của sách vở” (James Raven, 2021). Sự gia tăng nhanh chóng số lượng thư tịch (góp phần) tạo ra một loạt thực hành mới của loài người về thư viện, lưu trữ, biên mục, thương mại sách vở, bùng nổ tri thức, văn hóa Phục Hưng, thế kỷ Ánh sáng, bách khoa toàn thư, chiến tranh tôn giáo, sách cấm, máy chém và những giàn hỏa thiêu. Với sự phát triển của các nhà nước phức tạp, sách đã bước vào địa hạt trung tâm trong hoạt động của loài người. “Dẫn dắt” nhân loại không chỉ có Tứ Thư, Ngũ Kinh, Kinh Qu’ran… mà giờ đây còn có cả Kinh Thánh bằng tiếng Đức và bộ Bách khoa toàn thư Encyclopédie. Văn chương của Miguel de Cervantes (bằng tiếng Tây Ban Nha), William Shakespeare (bằng tiếng Anh)… đã phủ một lớp bản sắc văn hóa, chính trị, xã hội mới lên châu Âu “Latinh” cổ xưa, trong một kỷ nguyên được gọi là “cơn bão xuất bản”. Gottfried W. Leibniz (1646 - 1716), một thủ thư và là học giả đã mô tả về một “khối lượng sách khủng khiếp” ở giai đoạn này. Hệ quả của sự bùng nổ in ấn là một thuật ngữ mới ở thế kỷ XVIII, “chứng cuồng sách” (bibliomania). Theo sau là một loạt các yêu cầu mới đặt ra đối với người thực hành sách, bao gồm nhu cầu về ngành khoa học quản lí sách như thư mục học, vận hành thư viện… Điều quan trọng là sách không chỉ tạo ra những người cuồng tín thư tịch. Nó đã góp phần tạo ra châu Âu hiện đại. Từ tri thức, ngôn ngữ, tôn giáo, giáo dục, báo chí đó đã ra đời nước Pháp, nước Anh, nước Đức hiện đại. Sự thắng thế của phương Tây ở thế kỷ XIX - XX sẽ xác lập một nền văn hóa đọc mới trên toàn thế giới. Đi cùng với đó là quá trình “hiện đại hóa”, “chuẩn hóa” của thực hành sách được thúc đẩy qua vai trò của thư viện, câu lạc bộ sách, hội sách, chương trình đăng ký đọc, các hội nhóm tranh biện, các cộng đồng tôn giáo, các trường đại học, các trung tâm bổ túc văn hóa cho người lao động, chủ nghĩa thực dân, giáo dục đại chúng và các lớp bình dân học vụ… Sách dần có một bộ mặt toàn cầu. Lịch sử của sách thời hiện đại sẽ trở nên phức tạp gắn liền với sự tương tác và ảnh hưởng sâu rộng của chúng tới nhiều lĩnh vực. Từ cuối thế kỷ XVIII, văn hóa in ấn không chỉ có mỗi sách. Báo, tạp chí, tờ quảng cáo, truyền đơn… thậm chí còn bùng nổ hơn cả sách in. Văn hóa in ấn với tất cả các sản phẩm của nó, vì thế được coi là khung cảnh rộng nhất của việc trình bày văn bản, thông tin, bản đồ, biểu đồ, tin tức, quảng cáo, tuyên truyền. Thậm chí có thể coi đó là một lịch sử xã hội và văn hóa truyền thông bằng phương thức in ấn. Chính vì thế tác động của in ấn nằm trong các diễn ngôn lịch sử lớn của thời đại. In ấn in dấu lên nhiều lĩnh vực, tạo ra sự khuyếch đại đối với các thực hành ở quy mô chưa từng có trong lịch sử. Không phải ngẫu nhiên đi sau cơn bão in ấn ở châu Âu là cách mạng tư sản, chủ nghĩa dân tộc. Không phải ngẫu nhiên theo sau tân văn, tân thư cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là các cuộc chuyển dịch xã hội và cách mạng chính trị sâu rộng ở thế giới Đông Á. Hai trong số các ví dụ quan trọng nhất về sách và nền văn hóa in ấn này có thể kể đến sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc và xác lập không gian công cộng hiện đại. Đó là thời đại mà xã hội được dẫn dắt bởi những bản in như Sự thịnh vượng của các quốc gia, Nguồn gốc các loài, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản… Chúng không chỉ tạo ra “các diễn ngôn về văn minh, đức tin, trí tuệ, khoa học và tiến bộ” của thời đại mà còn tham gia dẫn dắt sự vận hành của xã hội loài người, cách mạng khoa học, kỹ thuật, ý thức hệ, cách mạng văn hóa, tư tưởng, chính trị, xã hội… Từ ý nghĩa này, sách đã góp phần định hình các xã hội và thúc đẩy hay níu giữ sự tiến hóa của chúng. Thư tịch ở Trung Hoa là một ví dụ. Kể cả ở giai đoạn Sơ kỳ Cận đại, số lượng sách phong phú không hề thua kém châu Âu. Lời mở đầu của một bộ sách thời Minh năm 1599 viết: Sách vở bây giờ nhiều vô cùng như biển nước, người ta làm sao mà đọc hết được? Thư tịch và hoạt động sử dụng thư tịch là một trong các yếu tố góp phần định vị vai trò của tầng lớp “Sĩ”, những người dẫn dắt xã hội. Bên cạnh đó cũng đừng quên những người thợ mộc khắc bản in, các xưởng in, thợ sản xuất mực, giấy, thương nhân buôn bán sách, tiệm sách và quán trà nơi sách được bàn luận. Ở một góc độ khác, sách mê tín, phù thủy, chiến tranh tôn giáo, tin giả… cũng tham gia định hình xã hội loài người. Đó là những cuốn sách gây hỗn loạn. Nhưng quyền năng của sách chưa dừng lại ở đó. Nó không chỉ tạo ra và lan truyền một thế giới tri thức, xác lập hay hủy hoại trật tự xã hội, đôi khi sách còn là một vật phẩm linh thiêng. Hành động hôn lên cuốn Kinh Thánh ở châu Âu được cho là mang đến một nguồn sức mạnh quyền năng hay sự bảo trợ như một thứ bùa hộ mệnh. Vì thế, các chiến binh Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo đã mang theo các cuốn kinh sách khi ra trận. Điều này cũng làm liên tưởng tới các “chiến binh” Nho giáo: tầng lớp “Sĩ”, với sự thiêng liêng của sách vở Thánh hiền mà họ thực hành. Trong sự thực hành đó, thư tịch rõ ràng là một động lực thay đổi lịch sử. Đồng thời, ở chiều hướng ngược lại, mỗi xã hội đều sở hữu một lịch sử phức tạp của quá trình kiểm soát: bản quyền, kiểm duyệt và lưu hành cho tới tác phẩm không chính thống (samizdat literature). Đó là lịch sử xung đột và bạo lực nhìn từ thư tịch. Chính nhu cầu quản lý sách sẽ tạo ra một loạt các thiết chế và lĩnh vực khoa học mới. Chúng ta đã nói về sự ra đời của các ngành thư mục học ở châu Âu thời Sơ kỳ Cận đại. Các thư viện công được chuẩn hóa sẽ được thành lập trên khắp nước Anh và nước Đức ở thế kỷ XIX. Đó là cơ sở để thế kỷ sau đó, người Thái sẽ cải tổ các thư viện hoàng gia “truyền thống” thành một thư viện quốc gia “hiện đại” thiết lập năm 1905; và Thư viện Trung ương Đông Dương (Bibliothèque centrale de l’Indochine) ra đời năm 1917 với vai trò tổ chức của người Pháp. Một lịch sử so sánh toàn cầu về hệ thống thư viện chắc chắn sẽ làm gia tăng hiểu biết của chúng ta về lịch sử tri thức, chuyển giao tri thức và hoạt động sáng tạo tri thức của các xã hội. Yếu tố quan trọng tiếp theo của thực hành sách là mối quan hệ giữa sách và độc giả. Điều này phản ánh hoạt động đọc và sự vận động của nó theo sau sự thay đổi thư tịch. Một trong các cách thức “chẩn đoán” một xã hội là “phẫu thuật” nó từ khía cạnh của hoạt động đọc sách. Ai là người đọc? Họ đọc gì? Đọc để làm gì? Đọc trên phương tiện gì và tác động của việc đọc đó? Trả lời cho những câu này sẽ góp phần định vị trình độ phát triển, bản sắc tri thức của mỗi thời đại. Quá trình tiến hóa của lịch sử đã mang lại cuộc cách mạng thực sự cho văn hóa đọc. Đó là sự gia tăng số lượng độc giả, từ một vài phần trăm thời Cổ Trung đại tới gần như toàn bộ dân số trưởng thành có khả năng đọc sách ở thời Hiện đại. Khi đó, sách, qua hoạt động đọc, sẽ đóng vai trò trực tiếp trong những chuyển giao của thời đại. Hành vi đọc cũng sẽ được thay đổi với không gian đọc, kỹ thuật đọc, thiết bị đọc, mạng lưới độc giả… Khi lượng sách trở nên phong phú, phát triển nhiều loại hình thì sự phân hóa của độc giả cũng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Khái niệm “thị hiếu đọc” sẽ xuất hiện, thống trị và dẫn dắt việc sản xuất sách - giờ đã trở thành một ngành “công nghiệp” chuyên môn hóa cao độ. Khi Khổng Tử biên soạn Kinh Xuân Thu, có lẽ ông không thể tượng tượng ra 2.500 năm sau, mọi thứ đã tiến xa đến thế. Sự biến đổi của sách giúp thay đổi niềm tin và hành vi của con người đối với hoạt động đọc. Ngược lại, với kỹ thuật hiện đại, chu trình tuần hoàn của các văn bản trở nên nhanh hơn. Quá trình toàn cầu hóa về sách vở, sách dịch, chuẩn hóa về kỹ thuật, bản quyền và mới nhất là sách điện tử đã tạo ra cuộc cách mạng trong cách thức văn bản được thu nhận, truyền tải, lưu hành, đọc, truy vấn, tìm kiếm và lưu trữ. Và đó mới chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện tương lai về sách vừa mới chỉ bắt đầu. Cuối cùng, sách tạo ra các làn sóng văn hóa, văn minh: từ truyền miệng sang văn hóa chép tay, văn hóa in ấn và văn hóa số*. Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu lịch sử sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phác thảo các mẫu hình tiến hóa của nhân loại. Dù lịch sử sách và sự phát triển của ngành lịch sử của sách là lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ từ những năm 1980, nhưng bản thân hoạt động này đã có từ hàng nghìn năm trước. Thông qua việc mở rộng phạm vi của lịch sử thư tịch từ khung cảnh địa lý, kỹ thuật và lịch đại, Lịch sử của sách gợi mở một góc nhìn mới mẻ, rộng lớn và có tính hệ thống trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử thư tịch trên phạm vi toàn cầu, mở ra những hướng mới cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử xã hội và lịch sử tri thức mà ở đó, sách là một thực hành của loài người. Sách đã thay đổi lịch sử loài người nhiều hơn chúng ta tưởng, và cuộc hành trình khám phá những thay đổi đó mới chỉ bắt đầu. TS. VŨ ĐỨC LIÊM Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội LỜI TỰA Cuốn sách này là một khảo sát mới mẻ và có tính gợi mở về những bước phát triển nhanh chóng trong ngành nghiên cứu lịch sử sách (book history). Nó xem xét vấn đề phạm vi của lịch sử của sách (history of the book) như cách nó được nhìn nhận bởi các nhà nghiên cứu lĩnh vực này trên khắp thế giới, cũng như xem xét các nền tảng lý thuyết và thực hành trong nghiên cứu. Những chương tiếp theo trong cuốn sách này sẽ phác họa tính đặc thù của ngành, đồng thời đi sâu phân tích các cuộc thảo luận về phạm vi, nguồn gốc, phương pháp và định hướng trong tương lai của nó. Mục đích của tôi là tìm kiếm các giới hạn của lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử sách thông qua những ví dụ còn gây tranh cãi trong việc nghiên cứu lịch sử của các ngành như thư mục học, văn học, truyền thông giao tiếp và nghiên cứu truyền thông. Chúng là các dẫn chứng gợi mở nhiều vấn đề cần thảo luận sâu hơn trong cuốn sách. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc đề xuất những hướng đi mới bằng cách luận giải các giai đoạn lịch sử và các chủ đề hiện vẫn chưa được chú ý nghiên cứu, trong khi vẫn có dư địa cho những thảo luận sâu sắc và đa chiều hơn. Thông qua đó, tôi sẽ đưa ra các ví dụ so sánh cùng các loại nguồn tư liệu cụ thể được xác định và giải thích, nhằm mục đích minh họa cho sự phát triển, ưu thế cũng như hạn chế tồn tại trong nghiên cứu. Xét trên thực tế là đã có một số lượng lớn các đóng góp nghiên cứu được công bố trong ngành lịch sử sách, việc lựa chọn các cá nhân và ví dụ được trích dẫn dù có thể không đảm bảo công bằng, song đó vẫn là việc rất cần thiết trong một cuốn sách ngắn gọn như thế này. Các ghi chú cũng được giới hạn chỉ ở những vấn đề thiết yếu và cụ thể. Phần danh mục cuối sách cung cấp hệ thống tài liệu tham khảo bao quát hơn, không chỉ các tác giả được đề cập trong cuốn sách mà cả tài liệu được đề xuất để độc giả có thể đọc thêm. Những tài liệu này được lựa chọn phù hợp với từng phần khác nhau của cuốn sách. Các trích dẫn tham khảo và đề xuất, cũng trình bày phù hợp với tiêu chí của các bộ sách lớn, chủ yếu viết bằng tiếng Anh hoặc đã được dịch sang tiếng Anh. Để tôn trọng tinh thần của phương pháp lịch sử toàn cầu trong cuốn sách này, tôi sử dụng cách viết BCE (Trước Công nguyên; viết tắt là TCN trong tiếng Việt) thay vì BC, sử dụng CE (Công nguyên) thay vì AD nhưng chỉ trong những trường hợp mà nếu thiếu những từ viết tắt này, có thể gây nhầm lẫn đối với độc giả. Tôi hy vọng rằng các sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu và độc giả nói chung sẽ nhận được nhiều lợi ích từ cuốn sách. Đây sẽ là một nghiên cứu vượt qua ranh giới của các chuyên ngành, giao thoa với lĩnh vực nghiên cứu văn học, lịch sử, truyền thông, thư viện và bảo tồn. Tôi đặc biệt nhấn mạnh tới tham vọng phát triển theo hướng toàn cầu của ngành lịch sử sách, qua đó đóng góp vào những tranh luận về văn hóa tinh hoa và văn hóa đại chúng, chủ nghĩa thực dân và giao lưu tư tưởng, công nghệ, tài chính, kinh tế trong ngành sản xuất sách, và những cách thức nghiên cứu về thực hành đọc có thể mở ra chân trời mới cho nghiên cứu lịch sử xã hội và lịch sử tri thức. Như Robert Darnton, một trong những nhà tiên phong của sự nghiệp này, đã viết rằng, lịch sử của sách có thể “tựa như một khu rừng mưa nhiệt đới chứ không phải một cánh đồng, nơi nhà thám hiểm sẽ khó có thể tìm đường vượt qua”. Chứng ta hãy cùng bắt đầu hành trình khám phá đó. LỜI CẢM ƠN Vì cuốn sách này sử dụng các dẫn chứng từ khắp nơi trên thế giới để tìm hiểu về các truyền thống khác nhau trong thư mục học, cổ văn tự học, nghiên cứu văn khắc và nghiên cứu thủ bản viết tay, tôi vô cùng biết ơn các đồng nghiệp vì những lời khuyên cùng phê bình của họ. Cuốn sách này nhận được sự hỗ trợ to lớn về mặt tri thức và chuyên môn của hàng chục học giả, nghiên cứu sinh và, dù không thể ghi nhận hết từng người một, tôi xin đặc biệt cảm ơn Nicolas Barker, Isabelle Baudino, John Bender, Ann Blair, Cynthia Brokaw, Roger Chartier, Sophie Coulombeau, Robert Darnton, Margaret Ezell, Roger Gaskell, Alexandra Gillespie, Anthony Grafton, James N. Green, Germaine Greer, David D. Hall, George w. Houston, Leslie Howsam, Joseph McDermott, Jason McElligott, David McKitterick, Anne McLaren, Ian Maclean, David Pearson, Eleanor Robson, Leon Rocha, Daniel Roche, Graham Shaw, David Simpson, Clifford Siskin, Peter Stallybrass, Michael F. Suarez, Dominique Varry, Germaine Warkentin, William Warner, James Willoughby và Henry Woudhuysen. Rất nhiều người trong số họ đã hào phóng cho bản thảo này những nhận xét sâu sắc, giúp chỉ ra các lỗi sai và nhiệt tình tham gia tranh luận về các vấn đề cụ thể (tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với William Zachs vì những phê phán sắc sảo tuyệt vời của anh và vì anh đã giúp tôi loại bỏ những đoạn ghi chú thừa thãi trong câu văn). Cả trong các nghiên cứu trước đây, tôi vinh dự nhận được sự chỉ dẫn hào phóng của Giles Barber, Jeremy Black, Don McKenzie, Michael Treadwell và Michael Turner. Tôi cũng biết ơn lòng kiên nhẫn lớn lao của các biên tập viên tại Nhà xuất bản Polity với sự hỗ trợ và khuyến khích của Andrea Drugan, Pascal Porcheron, Ellen MacDonald-Kramer và Ann Bone. Peter Burke là người đầu tiên đề nghị tôi viết cuốn sách này. Tôi đã nhận được rất nhiều từ tình bạn với ông và nghiên cứu tiên phong của ông vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho công việc của tôi. CHƯƠNG 1 PHẠM VI LĨNH VỰC LỊCH SỬ CỦA SÁCH Khi đã được công nhận rộng rãi là một nỗ lực học thuật liên ngành, “lịch sử của sách” (the history of the book) chỉ chính thức bắt đầu đời sống hiện đại của nó vào những năm 1980. Tuy vậy, ta cũng cần chú ý rằng lĩnh vực tri thức này đã khởi nguồn từ nhiều thế kỷ trước. Cho đến ngày nay, “lịch sử của sách” hay rộng hơn là “lịch sử thư tịch” là nguồn cảm hứng cho nhiều nghiên cứu về hệ quả lịch sử của hoạt động tạo tác, phổ biến và tiếp nhận văn bản, xét trong tất cả các hình thức vật chất của chúng, ở khắp các xã hội cũng như thời đại lịch sử. Nếu chia tách riêng lẻ từng vấn đề ra thì chúng không phải là những chủ đề nghiên cứu mới mẻ. Dù các học giả thuộc hàng loạt chuyên ngành khác nhau đang sử dụng danh xưng “lịch sử của sách” với tần suất lớn hơn nhằm mở ra các câu hỏi nghiên cứu hóc búa hơn về ý nghĩa và chức năng của sách trong lịch sử, thiết lập những quan điểm mới mẻ, đồng thời thúc đẩy một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành giúp mở rộng và xét lại các phương pháp và kết luận cũ. Về nhiều mặt, đề xuất cuối cùng này là khía cạnh hiệu quả nhất trong hoạt động nghiên cứu, khi nó kết hợp một đội ngũ rất đa dạng tham gia vào thảo luận và hợp tác nghiên cứu: các sử gia thuộc lĩnh vực văn hóa và xã hội, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, người quan tâm đến lý thuyết và thực hành biên tập văn bản, nhà thư tịch, nhà nghiên cứu bản thảo (codicologist), nhà cổ văn tự học (palaeographer), nhà nghiên cứu văn khắc (epigrapher), nhà văn hiến học (philologist), các thủ thư quản lý các sưu tập tài liệu quý hiếm, đặc biệt là, các nhà bảo tồn sách, nhà ngôn ngữ học, dịch giả, các nhà nghiên cứu lịch sử của khoa học, lịch sử tư tưởng và nghệ thuật, nhà nhân học, khảo cổ học, chuyên gia truyền thông và nghiên cứu về truyền thông đồ họa. Bằng các phương pháp khác nhau, các nhà nghiên cứu này tham gia nghiên cứu văn bản như là các sản phẩm dưới dạng vật chất tạo ra bởi quá trình cộng tác trong thiết chế con người. Cùng với ngôn ngữ, những văn bản vật chất và thông tin mà chúng thể hiện là những công cụ sẵn có mạnh mẽ nhất để xây dựng nên lịch sử của ngành ngữ nghĩa học (a history of meanings). Chúng ta cũng cần phải đánh giá phạm vi lịch sử của sách theo bề rộng thời gian. Đó là một lịch sử đã kéo dài 5.000 năm, không chỉ đơn giản là lịch sử về những thủ bản (codex) chép tay trên giấy hay chỉ là về sách in, đó là lịch sử về cách mà các cộng đồng người ở các khu vực khác nhau trên khắp thế giới, bằng những phương thức khác nhau, vì những lý do khác nhau và những kết quả rất khác nhau, đã đấu tranh để lưu giữ, lưu hành, thu nhận tri thức và thông tin. Việc cân bằng giữa các mục tiêu này, cùng các cân nhắc khác về thực tiễn, hoàn cảnh địa phương và tư tưởng, đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn chất liệu cũng như hình thức để ghi chép, vận chuyển, đọc và bảo quản ít nhất là từ thiên niên kỷ IV TCN, niên đại sớm nhất của hiện vật còn tồn tại và được một số học giả công nhận là cuốn sách hoàn chỉnh đầu tiên. Tương tự, cuốn sách mà độc giả cầm trên tay sẽ cố gắng chứng minh rằng, các vận động trong lịch sử của sách có tính toàn cầu, với hàng loạt công trình và dự án nghiên cứu mới đang đóng góp cho nỗ lực mô tả lịch sử của sách ở châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á và Nam Á, bên cạnh các khu vực cổ điển trong nghiên cứu. Ta cũng sẽ hiểu thêm rằng, một động lực rõ ràng và đang phát triển trong những diễn ngôn về lịch sử của sách là nhằm vượt khỏi những giới hạn địa-chính trị mang tính quốc gia-dân tộc, đế quốc chủ nghĩa hoặc các yếu tố khác - vốn là các đơn vị nghiên cứu theo truyền thống và thực dụng nhất - để theo đuổi và khẳng định quan điểm của ngôn ngữ học, mỹ học, đại dương học và tinh thần hậu thực dân, đó là livres sans frontiers - sách không biên giới. Thậm chí, không rõ ràng lắm ta còn có livres sans lecteurs, tức là sách không độc giả, mô tả kinh nghiệm của con người với sách trong lịch sử có liên quan đến hoạt động nhận thức hoặc sử dụng sách, nhưng không liên quan đến hoạt động đọc sách. Những động lực mới này đã đưa toàn bộ lịch sử của sách vào sự phát triển của chính khoa học lịch sử, vừa mang lại những đóng góp quyết định cho sự phát triển của nghiên cứu lịch sử giai cấp, dân tộc, giới và cảm xúc, vừa nhận thức lại lịch sử của tư tưởng, cách mạng, chính trị quốc gia và địa phương, đức tin và tôn giáo, của ngoại giao và nhiều lĩnh vực khác. Các nghiên cứu bên trong và bên ngoài đối tượng là cuốn sách vốn có tính vật chất, cùng một khối lượng đáng kinh ngạc các nguồn dữ liệu ngoài văn bản sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng các diễn ngôn lịch sử mới về hoạt động kiểm duyệt, bản quyền, khía cạnh kinh tế và địa lý của hoạt động xuất bản, mạng lưới phân phối, hoạt động sử dụng thư viện. Chúng cũng đóng góp cho hoạt động phân tích nguồn văn bản trong nghiên cứu các diễn ngôn lịch sử của sự đọc và tiếp nhận thông tin. Lịch sử của hoạt động sản xuất, lưu hành và truyền bá ảnh hưởng của sách giao thoa và thúc đẩy các nghiên cứu về diễn ngôn lịch sử của cách mạng, tư tưởng, niềm tin và thực hành tôn giáo, diễn ngôn lịch sử xã hội của tri thức, lịch sử của tính xã hội và hành vi cá nhân thân mật. Từ đầu thập niên 1990, dựa trên một di sản đa dạng, hàng loạt chương trình học về lịch sử của sách, nhiều trung tâm nghiên cứu lịch sử của sách cũng như các dự án xuất bản nhiều kỳ đã bùng nổ ở Anh, Pháp, các nước châu Âu, Hoa Kỳ và khu vực Australasian (bao gồm Australia, New Zealand, New Guinea và các quần đảo cận kề trên Thái Bình Dương). Hầu hết những người tiên phong của ngành này, từ những năm 1980 đã hướng sự chú ý vào châu Âu và Bắc Mỹ trong kỷ nguyên in ấn*. Trong bài tiểu luận năm 1982 của mình mang tên What is the History of Books? (Thế nào là Lịch sử của thư tịch?), Robert Darnton đã đề xuất rằng: “Lĩnh vực này thậm chí có thể được gọi là lịch sử xã hội và văn hóa truyền thông bằng phương thức in ấn” [1]. Trong hơn một thập niên, các nhà nghiên cứu về thời kỳ Trung cổ và cổ ngữ học đã dựa trên các nghiên cứu trước đó để dẫn dắt nhiều dự án hợp tác xuất bản và nghiên cứu về lịch sử của sách ở quy mô lớn hơn, đa phần ở phạm vi quốc gia. Việc xác lập tên gọi cho ngành học này có ý nghĩa to lớn. Lịch sử của sách vừa hưởng lợi lại vừa là nạn nhân của thái độ coi trọng hình thức trong thiết chế học thuật. Dù khái niệm “history of the book” có lẽ được dịch từ một khái niệm xuất hiện sớm hơn là “histoire du livre”, nhưng các truyền thống đa dạng trong nghiên cứu thư tịch học, văn học, sử học đã tác động đến sự phát triển của nghiên cứu lịch sử của sách tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Việc hiểu thấu đáo cách truyền đạt ngữ nghĩa thông qua văn bản thuộc phạm vi nghiên cứu lịch sử của sự đọc, nhưng bản thân nó lại phụ thuộc vào nhiều phương pháp lý thuyết, các loại nguồn tư liệu cũng như quan điểm lý thuyết khác nhau. Dù in ấn thống trị xuyên suốt lịch sử xuất bản sách, bản thân in ấn - gồm từ ngữ và hình ảnh - lại không phải là phương tiện giao tiếp đồ họa duy nhất từng được sử dụng để truyền tải thông tin. Văn bản còn có thể được khắc, ấn, ghi, viết, vẽ, dát, tạo khối hoặc in rập chữ, chạm khắc, in bản đúc, in thạch bản, hoặc sao chép ảnh ấn hay in kỹ thuật số v.v… Một ví dụ khác biệt đáng chú ý so với các diễn ngôn phổ biến về lịch sử của sách cuối thế kỷ XX là các nhà sử học nghiên cứu lịch sử tạo ra sách trong nhiều thế kỷ ở khu vực mà ngày nay bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka đều có đối tượng nghiên cứu chính là lịch sử truyền bá các thủ bản chép tay. Việc tạo lập văn bản viết tay là hình thức văn bản duy nhất cho đến tận giữa thế kỷ XVI; và vẫn còn được ưa chuộng ở Nam Á cho đến đầu thế kỷ XIX, gần ba thế kỷ sau khi các nhà truyền giáo Cơ Đốc du nhập máy in chữ đúc rời vào miền Tây của Ấn Độ. Các văn bản cổ viết bằng chữ Phạn (Sanskrit) còn lưu giữ được có số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng văn bản có độ tuổi tương đương viết bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp. Nhìn rộng hơn, dù các nhà sử học văn hóa và các nhà thư tịch học danh tiếng như Roger Chartier, Robert Darnton hay D. F. McKenzie đã công bố những nghiên cứu tiên phong về nhiều khía cạnh của lịch sử thư tịch từ những năm 1980 và 1990, giới nghiên cứu văn học mới tạo ra tác động thực sự đến sự phát triển của lĩnh vực này sau đó. Vào cuối thế kỷ XX, đối tượng và thao tác kỹ thuật trong phê bình văn học đã phân hóa thành nhiều nhánh. Khi các phương pháp tiếp cận lý thuyết mới phát triển trong nhiều khoa văn học trên khắp châu Âu và châu Mỹ, một số học giả vì phải từ bỏ nghiên cứu lý thuyết thuần túy đã kết nối khía cạnh nghiên cứu lịch sử của họ với lịch sử của sách. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một loạt cách tiếp cận mới với biên độ rộng lớn trong nghiên cứu văn học và phê bình văn bản cũng đóng góp vào nghiên cứu lịch sử quyền tác giả, lịch sử hoạt động xuất bản cũng như hoạt động tiếp nhận tri thức. Ngoài khía cạnh nghiên cứu được mở rộng nhờ vào các văn bản kinh điển trong kho lưu trữ truyền thống, hoặc những gì trên thực tế vẫn hiện diện như là một “truyền thống lớn”, bản thân tính kinh điển vẫn thu hút được mối quan tâm rộng rãi. Một kinh điển văn học, và đặc biệt là những gì, theo cả hàm nghĩa tích cực lẫn tiêu cực, được gọi là “kinh điển phương Tây”, là tập hợp các trước tác, tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc được thừa nhận phổ biến như là tác nhân lớn nhất trong việc định hình nền văn hóa. Lịch sử của sách hỗ trợ nhận diện và phân tích yếu tố “đại chúng”, “thiểu số”, “đặc thù thể loại” trong văn học, cùng với các ngành nghiên cứu về phụ nữ, giới, dị tính và tộc người. Những diễn ngôn lịch sử của sách phục hồi các yếu tố phi kinh điển, hay như nhà phê bình Margaret Cohen gọi bằng một hàm ý châm chọc là “những tác phẩm vĩ đại chưa được đọc” [2]. Việc nhiều khoa văn học giờ đây nhường chỗ cho các khoa Nghiên cứu Văn hóa, bao gồm cả nghiên cứu phim ảnh và truyền thông, đã và đang khuyến khích tạo thêm giao điểm mới với lý thuyết văn học, lý thuyết giới và văn chương của các ngôn ngữ ít quen thuộc, cũng như đổi mới góc nhìn của thế giới về những gì có thể dịch thuật và những gì không thể dịch thuật. Hệ quả của khuynh hướng học thuật này đã làm sống lại quan điểm lịch sử, đặc biệt là quan điểm lịch sử xã hội trong nghiên cứu văn học. Trong rất nhiều ví dụ nổi bật, Michael Warner và David Shields đã khéo léo diễn giải lại lịch sử của văn học, văn hóa và tri thức châu Mỹ thời kỳ lập quốc dựa trên các bằng chứng rất bao quát về cuộc bút chiến, xung đột và trao đổi được phản ánh qua tác phẩm in ấn, trong đó Shields “khám phá ra trong lịch sử của sách một sân khấu cho hoạt động xuất bản các bản viết tay” [3]. Nhờ kết quả của các nghiên cứu này mà lĩnh vực lịch sử của sách đã nhận được nhiều sự quan tâm và tiếp tục lan tỏa. Trong những năm gần đây, một làn sóng khác trong nghiên cứu lịch sử của sách vận động theo hướng so sánh có chủ đích hơn, nhấn mạnh các điểm nhìn phi châu Âu, ngoại Bắc Mỹ và hậu thực dân. Các nghiên cứu lịch sử mới mẻ đề xuất những đối sánh ở góc độ toàn cầu theo các cách thức dù chưa hoàn thiện nhưng bất khả thi nếu không có nền tảng tích lũy chuyên sâu từ các nghiên cứu về lưu trữ và thư tịch địa phương cũng như quốc gia. Trong khi, trước mắt là những câu hỏi mới về quá trình tạo tác, lưu hành và tiếp nhận thư tịch xuyên lục địa, xuyên đại dương, hoặc câu hỏi về các sáng tạo được bản địa hóa và truyền tải tri thức phi tập trung. Lịch sử của sách ở mọi khu vực, mọi thời kỳ còn đáp ứng nhu cầu hiểu biết về hoạt động xuất bản sách vì mục đích thương mại: Đầu tư in một cuốn sách như thế nào, một cá nhân hoặc cộng đồng đáp ứng chi phí nhân công ngành xuất bản và mua sách bằng cách nào và vì lý do gì, rồi điều gì giải thích các mức độ nhu cầu khác nhau? Cuốn sách này xác định những ẩn số, những mẫu hình nghiên cứu khác nhau, từ đó chỉ ra những thách thức trong tương lai. Đặc biệt, các so sánh phương Tây và phi phương Tây sẽ kiểm nghiệm hiểu biết của chúng ta về sự giống và khác nhau giữa hoạt động xuất bản thương mại với hoạt động xuất bản phi thương mại; về hoạt động xuất bản của các tổ chức với hoạt động xuất bản tư nhân; về vai trò của hoạt động in ấn sách với ấn phẩm khác không phải sách, bằng phương pháp in hoạt bản, in mộc bản, in khắc lõm với các phương pháp khác; cùng các hệ quả có tính tương đối của hoạt động xuất bản, phát hành và thậm chí các thực hành đọc khác nhau. Lấy ví dụ, nghiên cứu về kỹ thuật in mộc bản ở châu Á làm đa dạng thêm diễn ngôn một chiều về lịch sử ngành in ấn châu Âu khi gợi ý rằng, kỹ thuật đúc chữ chì, sắp chữ, hiệu chỉnh và tháo chữ khỏi khuôn sau khi in không phải lúc nào cũng là kỹ thuật in ấn hiệu quả nhất xét về mặt kinh tế. [4] Kết hợp lại với nhau, các diễn ngôn lịch sử của sách ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới góp phần tạo ra nhiều hệ thống tri thức học thuật mới mẻ, từ lịch sử hoạt động thu thập tin tức và báo chí quốc tế, đến lịch sử toàn cầu của từng công trình/tác phẩm cụ thể, hay lịch sử toàn cầu của chuyển giao công nghệ và tri thức. Lịch sử của sách giúp kiến tạo tri thức mới, xét lại, đã chỉ ra vấn đề và giúp đào sâu hơn các tự sự rộng lớn về thực hành, hành vi và tính chính danh, bao gồm các diễn ngôn lịch sử đa dạng về những cuộc lật đổ, cách mạng, cải cách và chinh phạt. Người ta dễ nhận ra các nghiên cứu về hoạt động tạo tác, lưu hành và tiếp nhận sách trong những khám phá gần đây về lịch sử nghi lễ, ngôn ngữ, khiếu hài hước và cảm xúc. Việc hiểu biết về sức mạnh mang tác động biến đổi của sách, đặc biệt là các văn bản in và viết tay bản địa đã có nhiều đóng góp trong cuộc tranh luận về sự kiến tạo truyền thống dân tộc, quá trình tưởng tượng các cộng đồng, quá trình tiếp xúc thực dân, nghiên cứu hậu thuộc địa và nghiên cứu yếu thế (subaltern). Dù sao thì các tranh cãi và phê bình đã và vẫn luôn song hành với lịch sử của sách, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, mở ra nhiều cuộc tranh luận lôi cuốn xoay quanh vấn đề phương pháp luận và các giả định. Lịch sử học, dù vô thức hay cố ý, vẫn gắn trọng tâm vào một số các giá trị phổ biến. Bởi vậy nên nhiều nghiên cứu có ảnh hưởng về lịch sử của sách đã bị phê phán là lỗi thời, hoặc chỉ mô tả lịch sử theo góc nhìn mục đích luận*. Những nhà nghiên cứu lịch sử của hoạt động sản xuất và tiếp nhận sách cũng phản đối việc không xem xét áp dụng các phương pháp tự sự cấp tiến hơn. Họ lập luận rằng, một số công trình đã cố tình diễn giải lịch sử như một con đường phát triển không thể tránh khỏi dẫn đến thời hiện đại, cũng như cố ý cộng gộp tất cả những khác biệt cục bộ hoặc khác biệt quan trọng vào một tổng thể toàn cầu hóa. Một số học giả khác lại chỉ trích theo hướng ngược lại. Trong cuốn sách cuối cùng của mình mang tên Divine Art, Infernal Machine (Nghệ thuật thiêng liêng, Cỗ máy địa ngục), Elizabeth Eisenstein cảnh báo về “thái độ nghi hoặc dễ thấy khi bàn đến lịch sử công nghệ phương Tây. Thái độ lạc quan hân hoan quá độ cùng với tư tưởng về tiến bộ lịch sử và những quan điểm mang màu sắc chủ nghĩa Whig* về tiến trình vận động lịch sử đã trở nên lỗi thời” [5]. Tuy vậy, mối quan tâm tới hạn chế đối với sự phát triển đó sẽ được thảo luận trong phần tiếp theo của cuốn sách. Nói thẳng thắn, với một số nhà quan sát, thậm chí một số người tham gia tranh luận, không phải tất cả các hoạt động nêu trên đều thuộc “sử học” chính thống. Và với một số người, chính việc chúng không phải là “sử học” mới là yếu tố quyết định. Sử học xem xét hồi cứu các trải nghiệm của con người trong quá khứ. Trong khi đó, một số nghiên cứu về lịch sử của sách lại có khả năng vượt qua cái ranh giới nghiêm ngặt đó của khoa học lịch sử, giống như cách nhiều nghiên cứu trong ngành “lịch sử của nghệ thuật” (history of art) hay kể cả “lịch sử của tư tưởng” (history of ideas) đã thực hiện: Tập trung vào câu hỏi nghiên cứu về vấn đề thẩm mỹ, vật chất hay triết học, hơn là chỉ tham gia nghiên cứu các hành vi và thái độ trong quá khứ. Trong các nghiên cứu liên quan nhiều đến lý thuyết phê phán (critical theory) và nghiên cứu biên tập (editorial scholarship), cũng như trong các điều tra cổ vật chi tiết về hoạt động sản xuất ghi chép và in ấn, rõ ràng chuyên ngành lịch sử của sách có nhiều hướng tiếp cận vốn không hoặc phần nhiều không phải là sử học. Mối quan tâm thuộc về sử học dường như không được đào sâu trong các phân tích về kết cấu sách, cùng các đặc điểm in ấn, ghép trang, chất liệu giấy và mực của chúng. Nhiều nghiên cứu về thủ bản (codicological studies) - chuyên ngành nghiên cứu các bản chép tay kết hợp cổ ngữ học và nghiên cứu bút tích - đã sử dụng các công nghệ mới để khám phá ra quá trình phát triển của phong cách và văn chương nhưng chỉ trong những bối cảnh lịch sử hạn chế. Đồng thời, nhiều nghiên cứu lý luận phê bình văn học cũng có sự đan xen với các vấn đề được các nhà nghiên cứu lịch sử của sách quan tâm, đặc biệt trong các vấn đề về tác giả, hoạt động đọc, quá hình tạo lập văn bản của tác giả và độc giả. Thế nhưng tính chất liên ngành rõ nét này thường là đối tượng bị phê phán hay hiểu lầm. Một ví dụ, Gérard Genette là người phổ biến khái niệm cận văn bản (paratext), thường dùng để chỉ tổng thể nhan đề sách, bìa, lời cảm ơn, trang thông tin mở đầu, lời tựa, tờ cuối sách, thông tin cuối sách, chú thích và nhiều thành phần khác của sách vốn không nhất thiết do tác giả tạo ra. Genette tuyên bố rằng: “Ở đây, chúng ta đang giải quyết nghiên cứu đồng đại (synchronic) chứ không phải nghiên cứu lịch đại (diachronic) - đó là nỗ lực nhằm tạo ra một bức tranh tổng quát, không phải là một diễn ngôn lịch sử về cận văn bản” [6]. Ông cho rằng: “Việc định nghĩa đối tượng trước khi nghiên cứu sự vận động biến đổi của chúng là cách làm phù hợp”. Như Roger Chartier nhận xét, trong một nghiên cứu đặt ra câu hỏi về phương pháp tiếp cận phi sử luận như thế, thì “đây là một lời nhắc nhở hữu ích nếu chúng ta muốn tránh những cuộc cãi vã đi sai hướng, thường được tạo ra bởi các nhà sử học phản đối cách tiếp cận cấu trúc luận mà họ xem là sử học kém chất lượng” [7]. Các ví dụ chính về tiếp cận kết hợp liên ngành trong những ngày đầu ngành lịch sử của sách hiện đại là công trình L’Apparition du livre (Sự ra đời của sách) của Lucien Febvre, Henri-Jean Martin cùng các tiểu luận sau đó của Darnton, McKenzie, Chartier và các học giả khác. Qua các phương thức khác nhau, hướng tiếp cận của họ kết nối những điểm nhấn lý thuyết cũng như trắc lượng thư mục (bibliometrics) giữa các nghiên cứu của các học giả Pháp và châu Âu lục địa với truyền thống lâu đời về nghiên cứu thư tịch và kinh viện dựa trên các bộ sưu tập tư liệu của thế giới Anh-Mỹ. Tại các nước nói tiếng Anh, thống kê thư mục quốc gia và hồi cố kiểu Anh được đi kèm với các thư mục phân tích tỉ mỉ - sẽ được đề cập thêm trong chương 3 - có nội dung nhấn mạnh vào các điều kiện kinh tế và vật chất. Tất cả những nhà nghiên cứu đều chú ý nắm bắt hoàn cảnh lịch sử của hoạt động tạo tác, lưu chuyển và tiếp nhận văn bản. Có thể dẫn chứng từ việc đọc sâu các ghi chép của tu viện, cho đến việc tìm hiểu nghề nghiệp của thợ làm văn phòng phẩm, nhà in, biên tập viên, chủ sở hữu các tờ báo và tạp chí. Các nghiên cứu hướng vào nền kinh tế xuất bản, hoạt động của thị trường tác phẩm văn viết song hành với các nghiên cứu về chế độ bảo trợ và kiểm duyệt, tìm hiểu sự khác biệt giữa ấn phẩm thương mại với ấn phẩm tự xuất bản (tư nhân), sự đa dạng vô biên của các nhóm độc giả với trải nghiệm đọc. Xem xét việc tiếng Anh sử dụng hai thuật ngữ, “history of the book” và “book history”, ta cần lưu ý đến sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này cũng như sự tương đồng với các hướng chuyên ngành lịch sử khác. “History of art” được định nghĩa là một ngành nghiên cứu về nghệ thuật, trong đó phân tích cách mà các “khuôn mẫu nhân quả” trong phong cách, biểu tượng và kỹ thuật ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển nghệ thuật. Đối lập với nó, “art history” được định nghĩa là một ngành nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử xã hội và văn hóa, trong đó các tác phẩm nghệ thuật là những bằng chứng vật thể giúp chúng ta hiểu về con người và các xã hội. Không phải tất cả các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật đều công nhận cách phân chia này, song nó giúp mang lại một sự phân chia song song trong nghiên cứu thư tịch: Giữa một bên là hướng nghiên cứu về sự phát triển kỹ thuật và cả ý nghĩa biểu tượng của sách như một đối tượng vật chất; với bên kia là các diễn ngôn lịch sử khác lấy sách làm bằng chứng để mô tả khái quát các sinh hoạt của con người trong quá khứ. Dù khác biệt trong cách nhấn mạnh chắc chắn tồn tại khi xây dựng ngành lịch sử về sách, nhưng nó không đồng nghĩa là có sự phân chia trong thực tiễn sử dụng hai thuật ngữ “history of the book” và “book history”. Thật vậy, với một số tác giả và những người ủng hộ, khá thất vọng là các thuật ngữ trên dường như luôn thay thế được cho nhau. Còn đối với một số người khác, thuật ngữ “book studies” (nghiên cứu về sách) dù khập khiễng, nhưng vẫn mở ra một lối thoát hữu ích ra khỏi các đường biên nhiều vấn đề chằng chéo của thuật ngữ “book history”. Nếu coi các học giả nói tiếng Anh đã bất cẩn hoặc không nhất quán khi xây dựng thuật ngữ, thì các đồng nghiệp người Đức của họ cũng có chung điểm yếu khi sử dụng thuật ngữ “Geschichte des Buchwesens” hoán đổi thường xuyên và ngẫu nhiên với thuật ngữ “Buchgeschichte”. Thuật ngữ “Buchwissenschaft” cũng được tách riêng để chỉ chung các “nghiên cứu về sách”. Thế nhưng sự phân biệt này không tồn tại ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Pháp và Ý, khi mọi nghiên cứu lịch sử về sách đều được dùng trong một thuật ngữ đơn nhất như “histoire du livre” hay “storia del libro”. Với tiếng Tây Ban Nha, thuật ngữ “historia del libro” có “sách” cũng dùng ở số ít và thường có thêm yếu tố “sự đọc” - “y de la lectura” - tương tự tiếng Pháp và tiếng Ý. Mặt khác, “história dos livros” trong tiếng Bồ Đào Nha lại có “sách” dùng ở số nhiều. Một điều rất trùng hợp và cũng xuất hiện trong nhiều ngôn ngữ khác là việc các thuật ngữ “book history” và “history of the book” tồn tại chung với các thuật ngữ khác trong các ngành lịch sử phân tích hình họa và thư mục. Chúng bao gồm lịch sử của xuất bản phẩm và hoạt động xuất bản, lịch sử của ấn phẩm in và hoạt động in ấn, thậm chí rộng hơn nữa là lịch sử thư viện và lịch sử hoạt động đọc. Một số cách phân biệt này, như chúng ta sẽ thấy sau đây, tuân theo các mô hình phân nhánh và đại diện cho các bộ phận cấu thành trong nghiên cứu lịch sử về sách (book history) hoặc chu trình sản xuất và phát hành. Nhưng một số khác biệt, trong số đó có truyền thống riêng, lại thường do các tạp chí chuyên ngành hoặc trung tâm nghiên cứu đóng góp. Rõ ràng, việc xây dựng thuật ngữ bao quát như vậy thường gây ra sự chồng chéo các phạm trù, đồng thời đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải tận dụng tri thức của các chuyên ngành khác nằm ngoài trọng tâm nghiên cứu của mình. Sôi động hơn nữa là việc chất vấn cách sử dụng thuật ngữ cho “lịch sử của sách” ở Trung Quốc, nơi những năm gần đây, mối quan tâm đến hướng nghiên cứu lịch sử của sách với phương pháp “phương Tây” đang gia tăng cùng các nỗ lực mới trong nghiên cứu so sánh, các hướng tiếp cận khác nhằm vào lịch sử của hoạt động sản xuất sách tại Trung Quốc cũng như tác động xã hội của quá trình đó [8]. Một số học giả nghiên cứu lịch sử thư tịch Trung Quốc như Paul Pelliot, Thomas F. Carter và Trương Tú Dân (Zhang Xiumin 张秀⺠) có sử dụng các nghiên cứu hoạt động in ấn ở châu Âu. Ngược lại, Febvre và Martin đã chứng minh họ có những hiểu biết nhất định về lịch sử của sách tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các phương pháp mới và nghiên cứu mới đều hưởng lợi từ chính truyền thống nghiên cứu văn bản Trung Quốc. Ví dụ, từ ghép chữ Hán 書籍 (shuji; thư tịch) được sử dụng để dịch khái niệm “book” trong nghiên cứu các diễn ngôn lịch sử châu Âu và châu Mỹ. Khái niệm này còn có thể bao quát để mô tả được cả, ví dụ, các giấy tờ có chữ viết tay hoặc chữ in không được đóng thành quyển [9]. Cụ thể hơn, ít nhất từ thời Tống (960 - 1279), từ 版本 (banben; bản bổn) đã được sử dụng để định nghĩa các phiên bản (thường là sách in) khác nhau của một văn bản có nội dung cốt lõi không thay đổi. Về mặt từ nguyên học, thuật ngữ này liên hệ tới một hình thức khảo cứu thư tịch vốn rất được coi trọng, nhất là vì người ta cần phải có các đặc quyền mới có thể tiếp cận những cuốn sách quý hiếm và tiếp thu kiến thức bí truyền từ chúng - cũng như giá trị trao đổi vô cùng lớn mà chúng có. Chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về thư tịch học so sánh, nhưng chính sự tồn tại các khái niệm mô tả sách và văn hóa coi trọng sách ở Đông Á đã làm nổi bật một nhận thức về sách rất khác so với lịch sử của sách phương Tây. Rõ ràng là, cảm thức về sự khác biệt, trong sự cân bằng giữa các giá trị vật chất và ý thức hệ với mối quan tâm đến giá trị tinh thần cùng tính thiêng liêng trong một thế giới tri thức hiện đại, phần lớn đã không bị lay chuyển bởi các vấn đề tôn giáo và hiện sinh. Định nghĩa lại về sách Một “cuốn sách” là gì khi hình thức của sách đã biến đổi từ những cuộn giấy (scrolls) dài thời cổ đại đến những bản viết tay dạng xếp (concertina codices) ở Trung Mỹ hay các sách viết trên lá cọ ở Nam Á? Đặc biệt ở Nam Mỹ và châu Phi, hiểu biết của chúng ta về hình thức sách thời sơ kỳ phải chống lại kiểu thái độ phân biệt có xu hướng phủ nhận các thành tựu trí tuệ, chính trị và kỹ thuật của các cộng đồng bản địa. Khái niệm “sách”, được viết và sao chép bằng nhiều cách khác nhau, với nhiều hình thức thể hiện ngôn từ phong phú từ văn xuôi, thơ ca cho đến kịch, từ điển, đề mục tra cứu, ấn phẩm định kỳ, báo in và không loại trừ cả sách bỏ túi pamphlet*, tất cả đều được giới nghiên cứu lịch sử của sách đưa vào tập hợp của sách. Thêm vào đó, khác với các định nghĩa phổ biến trên Internet cho rằng sách có hình thức giới hạn bởi mực, các tấm giấy, tấm da và các chất liệu khác; được viết tay, in ấn, minh họa hoặc bỏ trống; và “được đóng/buộc/dán để mở được về một phía”; chắc chắn định nghĩa về sách không chỉ là đơn giản như vậy. Vậy thì những đặc trưng nào cho phép chúng ta quy xét một đối tượng vật chất là một cuốn sách? Đâu là điểm chung giữa một tấm đất sét và một máy tính bảng kỹ thuật số? Nếu ta cho rằng giấy làm từ da động vật (như vellum làm từ da bê), vải tơ tằm hay vải từ xơ thực vật (như cây papyrus, cây gai dầu) cũng nằm trong định nghĩa về “sách”, thì ta cũng nên chấp nhận vỏ cây, lá cây, da động vật chưa được xử lý, đất sét và đất nung cũng là thành phần tạo nên một cuốn sách. Nhiều loại cổ vật trêu ngươi định nghĩa cố hữu của chúng ta - như là Khipus (hay quipus), loại văn bản tạo lập từ nút thắt dây thừng của người Inca vùng núi Andes, xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ X, hay sớm hơn là các hiện vật gốm và hệ thống chứa đựng ghi chép phức tạp của người Maya và người Olmec. Các hình thức trên đặt ra một thách thức lớn hơn với định nghĩa về sách và các vật liệu làm nên sách, rằng sách cũng bao chứa luôn các phương tiện ghi chép và phổ biến thông tin có thể di động, bền, dễ sao chép và dễ đọc (bao gồm cả tiếp thụ và truyền đạt thông tin). Khi xem xét chức năng và mục đích của sách, liệu sự có mặt hay vắng mặt của “ấn loát” trong “ấn phẩm” có tính chất quyết định? Và khi đứng trước các hình thức in ấn thông thường với in ấn có kết hợp chữ viết và hình minh họa gia tăng độ phức tạp, làm sao để chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa bao quát nhất về sách? Chúng ta có bao gồm trong đó các bản đồ và bản nhạc, tranh gấp đính kèm*, các tranh ảnh và minh họa rời đi cùng? Còn với báo chí, ấn phẩm định kỳ và tạp chí, với tất cả sự hiện diện vật lý tràn ngập và phổ biến toàn cầu của nó thì sao? Dù từ lâu vẫn được coi là một phần cơ bản trong nghiên cứu lịch sử của sách, nhưng các ấn phẩm in kiểu tờ đơn này, có khi chỉ là các áp phích, vé, hợp đồng thương mại hay thỏa thuận pháp lý, có nên được tính gộp là “sách” hay không? Còn các mẫu chữ thêu tay* vốn phổ biến như các bài tập trên lớp vậy, hay chữ in trên bao tải hoặc các vật chứa khác thì sao? Câu trả lời cho hầu hết những ai quan tâm đến lịch sử của sách là có. Lý do là, dù đối tượng tìm hiểu có là những chi tiết trong hoạt động biên tập văn bản hay là bối cảnh văn hóa hay chính trị của các hình thức “sách” cổ xưa lạ lẫm đi nữa, thì mối quan tâm chính vẫn là về một trong những phương thức truyền thông, về hoạt động sáng tạo và truyền bá rộng rãi các ý nghĩa thông qua những dạng thức (form) hình họa, đọc được, di động được, và có thể sao chép được. Dù được làm bằng đất sét, da hoặc vải xơ tự nhiên, hoặc được kích hoạt bởi màn hình kỹ thuật số, bộ xử lý trung tâm, bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên hoặc thẻ đồ họa, sách vẫn có tính chất là một vật di động. Sách có thể di chuyển trên khoảng cách rất ngắn hoặc rất dài và phục vụ con người ở các mức độ khác nhau, như những phương tiện truyền tải tri thức, thông tin và giải trí có độ bền. Cách định nghĩa nhấn mạnh vào tính di động như vậy có thể giúp ta loại trừ các áp phích dán tường và chữ khắc trên các thực thể bất động. Nhưng vẫn có một mối liên hệ không thể phủ nhận giữa các văn bản kiểu này với sách, đặc biệt là khi ta có thể tạo ra một cuốn sách từ rất nhiều các vật nhỏ bé vốn không phải là sách. Những nội dung và “văn bản” nằm trong sách vẫn có thể tái tạo và có khả năng chia sẻ, lưu trữ và bảo tồn, ngay cả khi các nhà xuất bản và các độc giả sau này khó hiểu hoặc thậm chí không thể hiểu được ý nghĩa của chúng. Những so sánh như vậy đặt ra câu hỏi về cách định nghĩa thế nào là một “văn bản” (text) trong mối liên hệ với hình thức vật chất và cách thức truyền tải của nó, đến các tham số của các yếu tố thiết kế của nó. Trong đó, liệu yếu tố văn bản là chất liệu lưu trữ hệ thống biểu ý quan trọng hơn, hay chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến các câu hỏi về tính di động hoặc về khả năng bảo lưu và đọc lại? Việc đọc, hiển nhiên là nền tảng của các trao đổi văn hóa biểu hiện bằng lịch sử của sách, có một diễn ngôn lịch sử riêng và đồng thời kế thừa vô số thách thức về nhận thức luận, phương pháp luận, luận giải và lưu trữ. Genette đã tiếp nối Philippe Lejeune khi ông mô tả paratext là “một vùng rìa của văn bản in mà trong thực tế kiểm soát toàn bộ hoạt động đọc văn bản của độc giả” [10]. Khi đánh giá các ảnh hưởng của hoạt động đọc, ông tiếp tục phân chia paratext, dựa trên hình thức sách phương Tây hiện đại, thành nội văn bản (peritext) hay nhan đề, đề tựa, lời nói đầu, lời tựa của tác giả, nhận xét sơ bộ, hệ thống ghi chú và minh họa, tất cả vốn nằm trong chính cuốn sách; và ngoại văn bản (epitext) là những gì nằm bên ngoài cuốn sách, bao gồm thư từ, nhật ký, nhật trình và các bài phỏng vấn liên quan. Lịch sử của việc đọc hàm chứa rất nhiều vấn đề phức tạp. Đó là bởi hành động đọc không được ghi chép lại khi diễn ra - ít ai chịu viết ra những gì họ làm. Một số độc giả ghi chú hoặc ký họa bên lề, một số người thuật lại hoạt động đọc của họ với người khác hoặc ghi trong nhật ký đọc, nhưng bằng chứng về thực hành đọc, hay tác động chính xác của văn bản đối với cá nhân tiếp nhận về cơ bản là hạn chế. Lịch sử của các loại hình đọc và các loại hình văn học bao hàm việc xem xét các động lực, kinh nghiệm, kỹ năng, năng khiếu, vị thế và kết quả. Thế nhưng lịch sử thực hành đọc trong hoạt động tiếp nhận văn bản cũng có thể tách khỏi lịch sử tương tác với sách, trong đó đối tượng vật chất có thể đã được thu thập, hiển thị hay sử dụng cho các lý do tượng trưng, suy tư, thẩm mỹ, tinh thần, tình cảm, tình dục, bệnh lý hay các lý do khác. Trong những trường hợp nhất định và ở những địa điểm rất khác nhau, việc sở hữu sách không nhất thiết đi cùng việc đọc thông thường. Do đó, một đóng góp đặc biệt của lịch sử của sách là ở sự đánh giá lại xem điều gì làm nên một văn bản, và ở việc tham gia một cách hiệu quả vào quá trình chất vấn tư liệu giúp định nghĩa thế nào là một cuốn sách. Ý nghĩa nội dung mà văn bản truyền tải đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi hình thức vật chất của cuốn sách, và hiển nhiên, như D.F. McKenzie đã lập luận trong quá trình khám phá “xã hội học văn bản”, hình thức trên thực tế đem đến (effect) ý nghĩa [11]. Việc người ta thường xuyên đọc sai động từ này thành “ảnh hưởng” (affect) bản thân nó cũng liên quan đến việc nhìn nhận các thay đổi hình thức văn bản cũng như các điều kiện cho việc đọc và tiếp nhận văn bản đó. Độc giả sách in biết rằng, dù đọc “cùng một cuốn sách” như các độc giả khác, việc đọc của họ vẫn có khác biệt rất lớn so với việc đọc những bản sách chép tay. Sự thay đổi các hệ định giá trị trong thời đại của chúng ta cũng mang lại những hiểu biết về mối quan hệ giữa hình thức của sách với các dấu hiệu truyền tải qua nó, và trong nó đã thay đổi và được mô tả khác nhau như thế nào ở mỗi thời đại khác nhau. Ví dụ, một “văn bản” ngày nay mang ý nghĩa mới là việc gửi tin nhắn “văn bản”, cũng giống như hoạt động xử lý văn bản và nhắn tin văn bản toàn cầu đã làm trẻ hóa và tái định hình danh từ “phông chữ”. Vào 30 năm trước, phông chữ in (font hay fount) chỉ là một khái niệm người ta buộc phải giải thích cho những người mới học ngành in ấn - nhưng giờ đây, nhờ việc sử dụng quá phổ biến, khái niệm này lại đang thúc bách sự giải thích cẩn thận hơn nữa từ các nhà sử học nghiên cứu lịch sử của sách [12]. Quá trình xét lại hình thức vật chất của sách thường có tính tiến bộ, có tác động hình thành nên ý nghĩa mới. Các bản in mới được thiết kế lại, in lại và đóng gói lại, có thể được dịch, bổ sung phụ chú mới hay hình ảnh đi kèm, và được truyền bá rộng rãi hơn. Tất cả chúng góp phần tái tạo văn bản trong các không gian mới có tính liên quốc gia, thậm chí toàn cầu, qua nhiều thế kỷ và ở các bối cảnh văn hóa rất khác nhau. Ở mỗi cấp độ, sự can thiệp của nhà sản xuất, nhà xuất bản hay các biên tập viên có thể tạo ra nhiều mối quan hệ thời gian-cụ thể giữa các loại văn bản, tác phẩm của cùng tác giả hoặc các tác giả tương tự hay các cộng đồng sách và độc giả khác. Nhưng ta cũng có thể nhận biết lịch sử ở một cấp độ rộng lớn hơn - đó là lịch sử văn hóa của một tác phẩm duy nhất qua không gian và thời gian. Đó là vấn đề được Roger Chartier phỏng đoán như là “tiểu sử của cuốn sách”, và tương tự, James Secord đã quan sát rằng các cuốn sách không có cuộc sống riêng hoàn toàn độc lập với chức năng sử dụng của chúng. Dù có là “tiểu sử” hay không, các nghiên cứu như phê bình của Isabel Hofmeyr với tác phẩm Pilgrim’s Progress (Con đường của người hành hương) của tác giả John Bunyan, sau khi được dịch và phổ biến khắp thế giới - đặc biệt tới châu Phi - đã phát triển các diễn ngôn lịch sử theo thời gian và không gian của tác phẩm gốc. Lịch sử của sách bồi đắp hiểu biết của chúng ta về quá khứ bằng các diễn ngôn lịch sử vi mô (micro histories) khi nó nghiên cứu sâu hơn các văn bản cụ thể và hoạt động tiếp nhận chúng, thường theo những hướng rất cụ thể. Đồng thời, bằng việc theo dõi lịch sử xuất bản và lưu hành từng văn bản theo cách chi tiết nhất có thể, góc nhìn lịch sử cũng mở rộng, bao hàm cả những tác động lâu dài và sâu rộng của tư tưởng tác giả dưới điểm nhìn lịch sử toàn cầu. Như thường được lưu ý, khái niệm “text” có gốc tiếng La tinh là texere, nghĩa là “dệt”. Do đó “văn bản” có thể hiểu là một hành động dệt có chủ đích của tác giả, hay của những can thiệp sau đó, và nó để ngỏ cho người tiếp nhận tự rút ra các cách diễn giải khác nhau, bất chấp các thay đổi về hình thức. Bằng việc coi thư mục học (bibliography) là “xã hội học văn bản” (sociology of texts), D.F. McKenzie khuyến khích ta suy nghĩ về văn bản như là phương tiện trao đổi ý nghĩa. Việc biên tập văn bản và tạo ra các ấn bản ủy quyền, hiểu như là bản sao đầy đủ và sát nhất với ý tưởng ban đầu của tác giả, đã củng cố sự phát triển của nhiều nghiên cứu thư tịch. Thế nhưng, ở nửa sau của thế kỷ XX, nhiều học giả đã thay đổi hoàn toàn bản chất của nghiên cứu thư tịch văn bản khi mở rộng hơn việc tìm hiểu, khảo xét quá trình cộng tác và diễn trình lịch sử của việc xuất bản, cũng như quá trình tiếp nhận văn bản vốn luôn biến đổi và bất định của các độc giả văn bản đó. Ý tưởng cũng có thể được chuyển tẳi bằng các hình thức vật lý vô cùng đa dạng, từ một chiếc vé nhỏ chỉ độ một ngón tay cho đến một bức áp phích cao hơn ngôi nhà. Việc thể hiện các con chữ của một văn bản viết có thể được sắp đặt, thay thế và được gán ý nghĩa cụ thể thông qua việc chèn hình ảnh và phân bổ không gian. Để tạo lập không gian mỗi trang, mỗi phân đoạn hay các thành phần khác của một cuốn sách, người ta có thể bổ sung vào trang đó, phân đoạn đó, thành phần đó rất nhiều thành tố cận văn bản (paratext), bao gồm bảng chỉ mục (index) để hỗ trợ tra cứu, cước chú (footnotes) và hậu chú (endnotes) để cung cấp nguồn trích dẫn/tham khảo, bìa áo và quảng cáo in kèm. Và bất kể kích thước, hình dạng của sách như thế nào, hay chúng có được đóng gáy không, tất cả các văn bản trong đó sẽ “không ổn định” vì việc diễn giải chúng sau cùng vẫn nằm ở phía người tiếp nhận. Độc giả luôn diễn giải văn bản qua các bộ lọc, điều khiển của các mối quan tâm vật chất và hoàn cảnh văn hóa quanh mình. Đối với hầu hết các nhà chuyên môn về lịch sử của sách, chính tính biến dị và tính ngẫu nhiên văn hóa của hình thức văn bản vừa là thách thức vừa là niềm vui trong nghiên cứu của họ. Hướng nghiên cứu so sánh đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực lịch sử của sách thời gian gần đây, từ việc phân tích ngữ âm của người Maya, đến việc khảo sát các hình thức khác nhau của kinh điển Phật giáo (sutra), từ sách lá cọ của người Sinhala* đến mộc bản (block prints) hay cuộn thangkha ở Tây Tạng và Mông Cổ. Nhiều văn bản khắc họa một vị Phật trên chất liệu vải bông hoặc vải lụa, sử dụng với mục đích truyền dạy và thờ phụng. Nghiên cứu mới về lịch sử của sách rất mạnh dạn, kích thích tranh luận và tập hợp, trong số hàng trăm dự án khác nhau, khảo sát về mối quan hệ giữa các kỹ thuật in mộc bản ở Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, việc in ấn trên vải bố ở châu Âu và các “văn bản” thương mại rất khác thường làm từ những khối gỗ lớn khắc nổi để tạo ra dấu ấn, gọi là mộc bản vải gói (tillet blocks). Còn có cả những nghiên cứu về các bài tụng kinh và nghi lễ đi kèm với tranh cầu an ở Nhật Bản, như các tranh in khắc gỗ hoso-e’ 細絵 cầu mong chống lại bệnh dịch và tai ương, hay tranh mô tip cá nheo namazu-e 納⾺祖 (ナマズ⼯)* cầu chống động đất được in sau trận động đất Edo năm 1855. Roland Barthes trong tuyển tập rất có ảnh hưởng Image, Music, Text (Hình ảnh, Âm nhạc, Văn bản) xuất bản bằng tiếng Anh năm 1977, đã lập luận rằng trong khi một “tác phẩm” văn học có thể “cầm trên tay”, một “văn bản” thì “nằm trong ngôn ngữ” và “chỉ tồn tại trong sự vận động của một ngôn ngữ”*. Tuy nhiên, ngày nay khi đọc lại Barthes, chúng ta có thể mở rộng các ví dụ vượt ra ngoài các nguồn tư liệu châu Âu và châu Mỹ cận hiện đại. Chúng ta có thể lấy ví dụ về hình thức sáng tạo văn bản trong các sách codex và da hươu ghi lại các phép tính toán học và phép tính lịch đại, các ký ức tập thể về nhân danh, địa danh của cư dân nền văn minh Mesoamerican và Aztec. Ở đây cũng vậy, văn bản là cấu trúc ngôn ngữ, nằm trong nhưng cũng được giải phóng khỏi “tác phẩm”, hay toàn bộ sản phẩm. Trên khắp thế giới và trong các xã hội từ thượng cổ đến hiện đại, các cấu trúc ngôn ngữ cực kỳ đa dạng lưu trữ các dấu hiệu truyền đạt ý nghĩa và cho phép chúng ta diễn giải. Những nan đề định nghĩa như vậy có thể phức tạp hóa công việc nghiên cứu các lĩnh vực lịch sử khác, nhưng riêng với lịch sử của sách, sự không xác định về mặt phạm vi vật chất cùng phương pháp luận trong định nghĩa này giúp tạo ra một phẩm chất đặc biệt trong nghiên cứu - thậm chí là mang lại lợi thế. Dù vậy, các nhà sử học vẫn sẽ tiếp tục tranh luận về giá trị lý luận sử học của một số khía cạnh trong lịch sử thư tịch, dường như đang phân biệt và xé lẻ việc nghiên cứu phân tích các hành động và hành vi con người, đồng thời các nhà nghiên cứu văn học sẽ tiếp tục đặt câu hỏi về ý nghĩa lý luận văn học của một số khía cạnh trong lịch sử của sách vốn thất bại trong việc chứng minh tính đặc thù lịch sử của các hình thức vật chất có ảnh hưởng thế nào đến ý nghĩa văn bản. Như vậy thì lĩnh vực lịch sử của sách đã khẳng định sự khác biệt so với ngành nghiên cứu biên tập văn bản (textual editorial studies), với thư mục học lịch sử, thư mục học mô tả và thư mục học phân tích truyền thống, dù không phủ nhận các lĩnh vực đó cũng là các chuyên ngành cơ bản và vẫn là các thành phần học thuật quan trọng. Ví dụ, phân tích thư mục thực hành là phương pháp kết hợp chặt chẽ kiến thức kỹ thuật với học thuật, cần thiết cho không chỉ sự hiểu biết về tính vật chất mà còn cả hiểu biết tính phức tạp ngữ cảnh của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, dù đi kèm nguy cơ tạo ra những giả định sai lầm và thành tựu học thuật kiểu “đốt cháy giai đoạn”, các tiến bộ lý thuyết mới đã mang tới những vấn đề trí tuệ mới mẻ và đầy tham vọng, khiến cho lịch sử của sách trở thành lĩnh vực nhiều tiềm năng và cơ hội cho thảo luận cũng như nghiên cứu. Làm thế nào và tại sao một số cộng đồng, tổ chức và cá nhân nhất định lại hỗ trợ cho những người sao chép, nhà in và nhà xuất bản chuyên nghiệp, mà đôi khi sự hỗ trợ đó không tương xứng với trình độ học vấn của cộng đồng mình? Những vai trò chính trị, tôn giáo và xã hội nào được gán cho sách - và liệu những vai trò này có liên quan thế nào đến hoạt động sử dụng và tiếp thu sách - vốn không chỉ là phương tiện truyền thông mà còn là vật chứa, nguồn phát, bộ điều khiển và bộ kiểm duyệt ký ức? Ở đâu, bằng cách nào và tại sao các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, nhà nước lại đầu tư vào các bộ sưu tập sách? Thật vậy, điều gì giúp phân biệt giữa người sưu tập với người sở hữu sách, trong khi người sở hữu sách thường, nhưng không phải lúc nào cũng là người sưu tập sách, trong khi người sưu tập sách lại luôn là người sở hữu sách? Các câu hỏi này là sự kết hợp giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa thực dụng, trong đó các cuốn sách thuộc mọi thể loại và hình thức đều được trân trọng ở giá trị lưu giữ các kiến thức, văn hóa, tâm linh, cũng như các nguyên tắc và thủ tục được chấp nhận rộng rãi trong đời sống nghề nghiệp, đời sống xã hội và chính trị. Cũng như, ghi chép lại những quan điểm có tính chất lật đổ và cách mạng vốn luôn tìm cách làm suy yếu các hệ thống đó. Từ những cuốn sách đầu tiên Hiểu biết về sách thời cổ đại chỉ dựa vào các bằng chứng rời rạc. Tuy nhiên, việc đặt ra câu hỏi và cố gắng trả lời chúng sẽ giúp thay đổi các suy nghĩ cùng giả định ta đang có. Ví dụ, khi chỉ dựa trên các tài liệu cổ ít ỏi và khó tiếp cận, ta có thể đánh giá thế nào về việc kiểm soát hoặc hạn chế trong sản xuất sách và thông tin, và sách được tiếp nhận theo những cách nào? Ai là người kiểm soát việc sản xuất? Sách có vị trí như thế nào trong lịch sử nhân loại? Mối quan hệ giữa văn bản viết tay và dạng thông tin truyền khẩu đã thay đổi ra sao? Mọi người đã biết đọc biết viết như thế nào? Nam nữ ở mọi thế hệ đã viết, khắc và in ấn các dấu hiệu và chữ viết lên nhiều đối tượng vật chất từ rất lâu trước khi tạo ra các cuốn sách làm bằng gỗ hoặc ngà, cuộn sách giấy papyrus, sách giấy da và các tờ giấy đính liền vào nhau. Hình thức bị chi phối bởi phép tắc chính tả, nghĩa là việc phát minh ra các hệ thống chữ viết mang lại các phương tiện giao tiếp được hình hóa trên vật liệu đa dạng. Xơ thực vật, da động vật, vải, vật liệu hữu cơ và các bề mặt khoáng chất khác lưu lại hàng loạt ký tự biểu thị ý nghĩa (biểu ý; ideogram) hay ký hiệu để biểu thị các âm thanh (biểu âm; phonogram) và biểu thị các từ ngữ (biểu từ; logogram). Các cuộc khai quật khảo cổ tại thung lũng Hoàng Hà phía bắc Trung Quốc đã phát hiện ra hàng ngàn mảnh mai rùa 3.300 năm tuổi được khắc những lời chiêm bốc, các ghi chép của hoàng gia về hoạt động tế lễ, săn bắn và quản lý hành chính. Các mảnh mai rùa khác hơn 4.000 năm tuổi được tìm thấy tại Trung Quốc đã khắc những ký hiệu đại diện cho 11 biểu tượng riêng biệt. Nhận định như vậy đã gây ra nhiều tranh cãi và liên quan đến lĩnh vực lịch sử chữ viết nhiều hơn là lịch sử của sách, nhưng niên đại xác định trên đã đẩy những mai rùa cổ đại này lên ngang hàng với những hiện vật khắc thời Đồ đá như xương khắc ký hiệu và đồ tạo tác từ hang động Grotte de Thaïs miền nam nước Pháp, vốn có thể có niên đại tới 14.000 năm tuổi. Các mai rùa Trung Quốc được các nhà tiên tri khắc chữ để bói toán trong các lễ tế từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XII TCN, và hình thức này được gọi là giáp cốt thư (pyro-osteomantic books). Các mai rùa này có lẽ được bảo tồn kỹ lưỡng để lưu giữ câu trả lời từ quỷ thần trong cái mà Eleanor Robson gọi là “một thư viện tra cứu về điềm báo và các hậu quả trong tương lai” [13]. Các mai rùa này có cùng niên đại với các văn bản sấm truyền khắc trên xương vai bò và mai rùa biển. Các hiện vật giáp cốt thư lưu giữ tại Thư viện Đại học Cambridge được ca tụng là “những văn bản viết bằng chữ Hán lâu đời nhất còn tồn tại”, ghi lại những câu hỏi tiên tri của triều đình nhà Thương (Shang; 商), triều đại từng cai trị Trung Nguyên từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XI TCN. Các tự vị (grapheme), hay là đơn vị nhỏ nhất của một hệ thống chữ viết, bao gồm các chữ cái tiền cận đại, chữ tượng hình, chữ số, dấu câu và các ký hiệu riêng lẻ khác cũng như là, về nguyên tắc, các khuôn khắc và đúc rời chữ in (typography) trong in ấn. Ngành minh văn học* sẽ giúp làm sáng tỏ và phân loại các ý nghĩa của chúng theo bối cảnh thời gian và văn hóa, mặc dù nó thường thể hiện sự chống lại phương pháp phân tích văn bản lịch sử. Dù chữ viết bản địa đã và đang tiếp tục phát triển trong các nền văn hóa truyền khẩu chủ yếu vài thế kỷ gần đây, đáng chú ý là các khu vực Bắc Mỹ, châu Phi, Trung Á và Nam Á, song về cơ bản có bốn trung tâm xuất hiện chữ viết cổ và độc lập được xác định là nơi phát tích của các hệ thống chữ viết: Đó là Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc và Trung Mỹ thời Tiền Columbus. Có nhiều suy đoán về các ký hiệu và chữ viết trong các tài liệu nay đã thất truyền. Nhiều phát hiện lẻ tẻ phân bố ở Trung Đông và Trung Quốc gợi ý cho chúng ta về sự tồn tại của những truyền thống văn chương giàu có và phong phú thời cổ đại, khiến chúng ta nhận thức rõ hơn về tác động của sự mất mát đối với quá trình nhận thức sách cổ. Hệ quả không thể tránh khỏi là, những gì còn may mắn được lưu lại có ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm của chúng ta về nguồn gốc và các hình thức sớm nhất của sách trong lịch sử. Tuy vậy, khả năng biến dị hình thức của sách cũng khuyến khích chúng ta xem xét tính linh hoạt của hình thức sách - của các vật chứa được sử dụng để lưu lại thông tin, thần thoại, truyện kể và tín ngưỡng tôn giáo. Những ghi chép bằng chữ tượng hình được lưu giữ tại thành phố Uruk thuộc nền văn minh Sumer cổ đại vào khoảng năm 3200 TCN thường được coi là những bộ sách đầu tiên trên thế giới. Có đến hàng nghìn tấm bảng đất sét phẳng dẹt in các ký hiệu và chữ viết biểu ý vẫn còn lại đến nay. Các ký tự hình nêm (cuneiform) ấn trên mặt đất sét này đã phát triển qua nhiều thế kỷ từ các viên đất sét (token) thời Đồ đá mới, dùng để tính toán của cải cũng như trao đổi hàng hóa và lao động. Khi số lượng các ngôn ngữ dùng chữ hình nêm tăng lên, những người ghi chép sổ sách ở thành Uruk và các thành thị khác bắt đầu thiết kế ra các bài tập chuẩn hóa dành cho các học viên, có nội dung gồm hàng trăm ký hiệu từ và số cùng hàng tá các hệ thống đo lường khác nhau, về mặt kỹ thuật, có thể nói rằng phương pháp ấn hoặc đục lỗ chữ hình nêm là hình thức in (ấn) vật lý đơn giản nhất (xem Hình 1). Chữ hình nêm trên đất sét nung được tìm thấy ở Sippar (gần Baghdad, Iraq) khoảng năm 600-500 TCN Hai ngàn năm trước khi chữ Latinh thống trị Đế quốc La Mã và châu Âu thời Trung cổ, chữ hình nêm đã trở thành một loại ngôn ngữ đóng vai trò “phương tiện giao lưu” phổ thông tồn tại và phát triển cùng với các ngôn ngữ và chữ viết bản địa. Giống như chữ Latinh, chữ hình nêm lan rộng khắp nơi, đến Trung Á, Bắc Phi, các lãnh thổ và hải đảo miền đông Địa Trung Hải, bao gồm cả đảo Síp. Đóng vai trò kết nối ngôn ngữ phổ thông và địa phương, các từ điển đa ngôn ngữ bằng chữ hình nêm phiên dịch các từ ngữ tiếng Sumer và Akkadia cùng các ngôn ngữ khác như tiếng Hittite, Hurri, Ai Cập, Ugarit và các ngôn ngữ Semite vùng Tây Bắc, báo hiệu sự khuếch tán của ngôn ngữ Aramaic*. Khi đi sâu hơn nghiên cứu về các sách cổ dạng này, các chuyên gia bắt đầu chấp nhận ý kiến cho rằng đã có một nền văn chương hình thành sớm tại đây. Chữ hình nêm vùng thung lũng sông Euphrates ghi lại các âm rất khác nhau của tiếng Sumer và tiếng Akkadia dùng trong hoạt động pháp lý, hành chính, trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng và các văn khắc hoàng gia. Các bảng đất sét ghi lại các chỉ dẫn, bộ luật, điềm báo, đơn thuốc và các bài giảng toán học dường như được dùng để hỗ trợ việc trang bị kiến thức, lễ nghi và hoạt động giải trí vốn thực hiện bằng lời nói. Chính sự cân bằng giữa hình thức trao đổi thông tin bằng lời và bằng văn bản này đã mê hoặc Harold Innes và ông đã thực hiện các công trình tiên phong trong ngành nghiên cứu giao tiếp và truyền thông (communications and media studies) trong những năm 1950, trong đó ông đề xuất một sự phân chia giữa các loại hình truyền thông “bền”, “gắn với yếu tố thời gian” - như bảng đất sét hoặc bảng đá - với các loại hình truyền thông “tạp”, “gắn với yếu tố không gian” như phát thanh, truyền hình và báo chí đại chúng hiện đại. [14] Các văn khắc chữ tượng hình Ai Cập (hieroglyphic) được biết đến sớm nhất, có niên đại cùng thời với các hiện vật chữ tượng hình Sumer và chữ hình nêm, được khắc trên xương, ngà voi hay viết trên gốm sét. Được tìm thấy trong một nghĩa địa Ai Cập cổ đại tại di chỉ cư trú Abydos, các hiện vật di động cỏ nhất mang chữ tượng hình Ai Cập từng được biết đến này đặt ra nhiều câu hỏi về cách sử dụng và đọc chúng, đặc biệt xét đến sự phức tạp của hệ thống chữ viết này - một số học giả cho rằng nguyên nhân là để bảo vệ đặc quyền tri thức cho giới tinh hoa. Các hiện vật này và hàng chục hiện vật khác còn tồn tại cho ta thấy, văn hóa chữ viết đã xuất hiện, song đời sống vận động của nó thế nào thì đáng tiếc vẫn chưa được làm rõ. Vài hiện vật trong số chúng, khi gợi ý rằng đã có các ghi chép tính toán lịch pháp, nghi lễ tôn giáo hay cung đình, sẽ đem đến nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời - dù ta cũng biết rằng từ thiên niên kỷ II TCN, đã có nhiều chất liệu hỗ trợ việc ghi chép hơn. Cũng trong thời gian gần đây, có nhiều nhóm nghiên cứu đã tìm cách đơn giản hóa chữ tượng hình Ai Cập và truyền bá các bảng chữ cái mới, dễ áp dụng hơn với các ngôn ngữ khác nhau. Đến thế kỷ I, các bảng chữ cái mới đã thay thế các chữ viết hình nêm và chữ tượng hình của giới thượng lưu. Loại hình chưa được giải mã là các hệ thống chữ tượng hình Crete và chữ Tuyến A (Linear A) nổi tiếng, xuất hiện lần đầu tiên trên các bảng đất sét ở đảo Crete (Hy Lạp) từ khoảng năm 1600 TCN. Hai thế kỷ sau, chúng được sử dụng trong các tài liệu hành chính của người Crete bằng ngôn ngữ Mycenae, một dạng Sơ khai của tiếng Hy Lạp, hiện được gọi là chữ Tuyến B (Linear B). Trên 5.500 bảng đất sét có chữ viết tượng hình đã được phát hiện ở các địa điểm Knossos, Pylos, Thebes và Mycenae, dù có lẽ chính trong giai đoạn này chúng đã phải cạnh tranh trước bước tiến của hệ thống chữ ký tự đơn giản hơn trên các phương tiện lưu trữ khác. Ostraka hay là các mảnh gốm có chữ được người Hy Lạp và Ai Cập cổ đại vạch lên hoặc viết lên bằng mực đã được sử dụng để ghi nháp, chép công thức và sổ sách kế toán ít nhất từ thời kỳ Tân Vương quốc trở đi. Cách đó hàng ngàn dặm ở cùng thời đại này, các ký hiệu khắc trên đồ gốm được tìm thấy ở An Dương (Trung Quốc) đã cho thấy những sự hiểu biết về chiêm tinh, hành chính, lễ nghi hoàng gia và nhà nước. Lụa có lẽ đã được sử dụng làm chất liệu viết từ thế kỷ VII TCN. Trong khi đó, nhiều hiện vật sách thẻ tre và gỗ được phát hiện có niên đại sau đó khoảng hai thế kỷ, hầu hết được buộc với nhau như tấm mành thành các cuộn sách. Là một chất liệu dẻo dai, nhẹ mà cũng cứng cáp và bền bỉ, tre được chọn dùng làm sách trên hầu khắp Trung Quốc cổ đại, ngoại trừ miền bắc, nơi khí hậu không cho phép trồng được tre - và cũng bởi từ thế kỷ I, những người làm sách đã dùng cây liễu, dương, thông hoặc tì liễu để thay thế. Sách thẻ tre buộc bằng dây có thể cuộn hoặc gấp lớp, được cất trong hộp gỗ, thường được niêm phong bằng dấu đất sét ở đầu dây buộc. Các dây buộc thẻ tre thời Thương còn được thể hiện trong cách viết chữ “sách” (ce; 冊}). Trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ học đã tìm được hàng ngàn sách thẻ tre và gỗ từ hàng trăm ngôi mộ cổ của các viên quan và học giả ở khắp các vùng miền của Trung Quốc. Lưu trữ rất nhiều văn bản khác nhau, nhiều cuốn sách vẫn ở trong tình trạng tuyệt hảo (xem Hình 2). Một cuốn sách thẻ tre (concertina) của Trung Quốc chưa từng được biết đến: Bản sao thế kỷ XVIII của Binh pháp Tôn Tử (ra đời vào khoảng năm 544 - 496 TCN) Cũng thú vị như các khám phá ra sách thẻ tre là việc khám phá hàng chục cuộn sách lụa trong cuộc khai quật một ngôi mộ có từ thế kỷ II TCN ở phía bắc của thành phố Trường Sa vào năm 1973*. Lụa nhẹ, bền dai, có khả năng chống thấm và linh động đã khiến nó được sử dụng để viết các bài văn và văn bản nhật dụng trong thời Hán. Những cuộn sách lụa ở Trường Sa bao gồm các bản sao Đạo Đức Kinh của Lão Tử ra đời từ thế kỷ IV TCN, một bộ sách Đạo giáo nổi tiếng khác của Trang Tử là Nam Hoa Kinh và Chiến Quốc Sách, một bộ sử từ năm 475 TCN - tất cả các văn bản này đã giúp mở rộng các phiên bản hiện đang có thêm hàng ngàn chữ. Mặc dù có lợi thế như vậy, nhưng lụa vẫn là một vật liệu đắt tiền và người viết cũng gặp khó khăn khi muốn tẩy xóa các chữ viết sai. Do đó, giấy làm từ sợi cây gai dầu bắt đầu thay thế các thẻ tre nặng nề và lụa đắt tiền, và trong suốt sáu thế kỷ tiếp theo, đã trở thành vật liệu chủ yếu trong hoạt động sản xuất sách. Những hiện vật giấy sớm nhất hiện còn, có lẽ được sử dụng để gói đồ chứ không phải để viết, là các mảnh giấy lấy từ một ngôi mộ ở Trường An, kinh đô của nhà Hán (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây), có niên đại khoảng năm 100 TCN. Tuy nhiên, được nhắc đến trong chính sử sáu thế kỷ sau đó là việc Thái Luân phát minh ra giấy vào năm 105 [15]. Thái Luân là một viên quan trong triều đình nhà Đông Hán được cho là đã trình tấu lên Hán Hòa Đế một phương pháp làm ra giấy. Lấy cảm hứng từ cách ong làm tổ, cách của ông sử dụng là lấy lớp trong vỏ cây dâu tằm và xơ cây gai dầu đem trộn với nước rồi giã nát*. Cuốn sách giấy lâu đời nhất còn sót lại là một bản sao kinh điển Phật giáo có tên Pháp cú thí dụ kinh được chép năm 256 (thời Tam Quốc), nhưng ít nhất một thế kỷ trước đó, chúng ta biết rằng các nhà sản xuất giấy tại Trung Quốc đã sử dụng các liềm seo dệt bằng gai chao đi chao lại trong các bể bột giấy để tạo từng tấm mỏng, sau đó trở thành giấy. Trong các thế kỷ sau, mây, rơm, đay và lanh đã được thêm vào để làm tăng độ bền và trang trí cho các tờ giấy. Vào cuối thiên niên kỷ I, kỹ thuật in mộc bản đã cho phép các biến thể của chữ Hán phổ biến ở Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Sự truyền bá công nghệ làm giấy của Trung Quốc về phía tây cũng từng bước làm suy thoái nghề sản xuất giấy từ vỏ cây bản địa ở tiểu lục địa Ấn Độ. Sách vỏ cây dương và lá cọ, được sử dụng để ghi chép hầu như tất cả các kinh điển Phật giáo hay Hindu, đã xuất hiện ở Nam Á từ khoảng thế kỷ II TCN. Sao chép sách là công việc rất cần thiết bởi vật liệu này bị hủy hoại nhanh chóng trong khí hậu ẩm ướt, hay bởi vì chúng cũng thu hút các loài gặm nhấm và côn trùng như thu hút độc giả vậy. Bước tiến của công nghệ làm giấy tiếp tục mở rộng đến miền bắc Pakistan và sau đó là Afghanistan từ thế kỷ VI. Giấy làm bằng vỏ cây gai dầu chắc chắn đã thay thế vỏ cây dương và lá cọ ở thời điểm người Mughal xâm nhập Ấn Độ vào thế kỷ XIII*. Những cuốn sách được lưu hành rộng rãi, trong đó nhiều cuốn có nguồn gốc từ Baghdad, đã báo hiệu một kỷ nguyên mới của giao tiếp văn bản và nền văn hóa thành văn. Bảng đất sét vẫn tiếp tục được sử dụng và lưu trữ trong nhiều thế kỷ, với một giai đoạn hồi sinh dưới thời Đế chế Ba Tư vào khoảng năm 500 TCN, nhưng vật liệu này cũng đã đạt đến ngưỡng giới hạn công nghệ của nó. Kích thước khối của bảng đất sét hạn chế lượng thông tin viết được trên đó. Cồng kềnh và nặng, đất sét còn dễ bị gãy vỡ và không phải là vật liệu lý tưởng cho việc di chuyển đường dài. Các mô tả hình ảnh và mẫu vật khảo cổ sớm nhất còn sót lại về các bảng sáp gỗ đến từ các thành phố hoàng gia Assyria vào thế kỷ VIII TCN. Chúng là tiền thân của loại bảng sáp tabula cevata thời Hy Lạp - La Mã. Để viết chữ, người ta sử dụng bút trâm bằng đồng hoặc sắt viết trên mặt bảng lõm đổ đầy sáp màu. Đuôi bút trâm bẹt cho phép là phẳng mặt sáp để tái sử dụng. Bảng có nhiều tấm làm bằng gỗ bạch dương (birch)* hay gỗ trăn (alder)* cũng rất phổ biến, được khâu lại với nhau hoặc được gấp và gắn với nhau bằng một cái kẹp. Một bức tranh tường phát hiện tại Pompeii mô tả một phụ nữ trẻ đang cầm một tập bảng sáp có bốn tấm gỗ, trong khi hiện vật những mảnh gỗ mỏng được phát hiện ở những vùng xa xôi của thế giới La Mã như tại Vindolanda ở miền bắc nước Anh có niên đại trước thời điểm xây dựng Bức tường Hadrian (khoảng năm 85-130). Một cuốn sổ nợ, tài liệu có niên đại xác định sớm nhất của nước Anh thời kỳ La Mã, năm 57, nằm trong số 400 bảng viết được tìm thấy gần đây trong một cuộc khai quật ở London, về sau, người La Mã đã thay thế giấy da bằng những tấm bảng gỗ tabula, tạo thành sổ viết hay membranae, một nguyên mẫu của sách có mặt gấp và đóng hiện đại. Sách làm từ giấy cói (papyrus) đã từng phổ biến trong hơn ba thiên niên kỷ. Bằng chứng về giấy papyrus lâu đời nhất còn tồn tại cho đến nay thực ra là một cuộn giấy không có chữ viết tìm được trong một ngôi mộ cổ ở Memphis gần Cairo (Ai Cập) ngày nay, niên đại khoảng năm 2950 TCN. Còn bản giấy papyrus có chữ viết sớm nhất còn lại đến từ một vài thế kỷ sau đó, với ngôn từ và hình họa thể hiện nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Người Ai Cập sử dụng chữ viết tượng hình để thể hiện các danh xưng, chữ số, sự vật trên các vật phẩm và tượng đài thần linh và người cao quý. Hình thức văn bản đó tương phản với các văn bản trên giấy cói khác dùng cho công việc hành chính hàng ngày - đây là vấn đề đang ngày càng được các nghiên cứu chuyên môn quan tâm tới. Chẳng hạn, vào năm 2013, các nhà khai quật khảo cổ đã phát hiện tại di chỉ cảng Wadi el-Jarf bên bờ Biển Đỏ hàng trăm mảnh giấy papyrus, trong đó có nhiều ghi chép về hoạt động cấp phát lương thực cho người lao động. Chúng có niên đại vào khoảng năm 2550 TCN, và sau đó được tái sử dụng làm vật độn giữa các khối đá. Giấy papyrus là vật liệu lưu giữ ngôn ngữ của nhiều dân tộc trong nhiều thế kỷ, trên thực tế kéo dài đến thiên niên kỷ I. Những tấm giấy papyrus sớm nhất còn tồn tại đến ngày nay đến từ Hy Lạp thế kỷ IV TCN. Giấy papyrus cũng được các thư lại Ai Cập sử dụng liên tục để ghi chép chữ tượng hình hay các hình thức chữ xuất hiện muộn hơn như chữ thảo Hieratic, hay chữ Demotic bình dân, bên cạnh chữ Aramaic vốn phổ biến hơn trong khu vực. Trong số những phát hiện quan trọng có 18 bản ghi chép trên giấy papyrus bằng chữ Hebrew, cùng với ghi chép bằng chữ Aramaic về việc buôn bán nô lệ từ giữa thế kỷ IV TCN, được phát hiện vào năm 1962 trong một hang động ở Wadi Dallyeh, ở khu vực Bờ Tây (Trung Đông) ngày nay. Các phát hiện này chứng minh những thay đổi to lớn trong cách các thư lại và người tiêu dùng sử dụng giấy papyrus qua từng thế kỷ. Theo truyền thống, giấy papyrus được cuộn theo chiều dài dao động từ khoảng 1,5 đến 6 mét, vốn đã rất cồng kềnh. Thế nhưng, người ta đã phát hiện ra những cuộn giấy có thể dài đến hơn 30 mét. Tuy vậy, từ thế kỷ I, nhiều nhà sản xuất và người sử dụng đã tạo ra những tập sổ bằng giấy papyrus được gập lại nhỏ gọn hơn, dễ vận chuyển hơn và dễ tra cứu hơn. Vào thế kỷ V, nhu cầu sử dụng thoái trào và chất lượng giấy papyrus đã suy giảm. Tuy thế, việc sản xuất giấy vẫn tiếp tục sau cuộc xâm lược của người Hồi giáo vào lãnh thổ Ai Cập năm 639, và giấy papyrus vẫn được người Ả Rập ưa chuộng cho đến thế kỷ X là muộn nhất. Văn bản giấy papyrus Ai Cập cuối cùng được viết bằng tiếng Ả Rập tồn tại vào những năm 1080, khi giấy da và nghề làm giấy địa phương đã phát triển nhanh chóng. Giấy papyrus có nhược điểm là dễ bị hủy hoại trong môi trường ẩm ướt, trong khi chất liệu giấy da và giấy làm từ sợi lại ít chịu giới hạn về phương diện địa lý. Mặc dù cuộn giấy papyrus rất bền, việc đóng mở nó sẽ khiến giấy bị mài mòn. Để tránh bị bào mòn thì giấy cói chỉ được viết một mặt, nhưng điều này vẫn không hiệu quả vì nó khiến cho cuộn giấy trở nên cồng kềnh hơn và khó lưu trữ. Vì những lẽ trên nên dù sách giấy papyrus vẫn tồn tại, một số nhà sản xuất sách từ giữa thế kỷ I đã thử nghiệm việc gấp các tờ giấy da thành các tay sách tám trang (gọi là quire hay gathering), trước khi xếp và khâu chúng lại với nhau thành một cuốn sách codex. Đến khoảng năm 300, các sách codex bằng giấy da đã trở thành hình thức sách thống trị khắp thế giới Địa Trung Hải, với Kinh Thánh là sản phẩm nổi bật nhất. Các độc giả Kitô giai đoạn Sơ kỳ ưa thích việc lật từng trang các cuốn codex để so sánh những lời chứng trong sách Phúc Âm hơn là dỡ từng cuộn giấy rườm rà và cồng kềnh ra để tra cứu. Khác với giấy da thô chưa thuộc ở giai đoạn trước đó, giấy da cuối thiên niên kỷ I, như loại giấy da thời Trung cổ, được làm sạch lông còn bám trên đó bằng cách ngâm trong nước vôi trước khi được lạng mỏng, làm căng và sấy khô, chà xát cho nhẵn mịn bằng đá bọt và cắt thành từng tấm. Giấy da trong một số cuốn Kinh Thánh xa xỉ giai đoạn Hậu kỳ cổ đại thậm chí được nhuộm màu tím, sau đó được những người chép sách viết lên bằng mực vàng hay bạc, như cuốn Codex Argenteus ra đời vào thế kỷ VI (xem Hình 3) hiện được bảo quản tại Uppsala (Thụy Điển) với 188 trong số 336 tờ sách (folio) gốc vẫn còn nguyên vẹn. Quá trình trang trí cũng diễn ra tương tự với những cuốn sách từ Hy Lạp cùng giai đoạn. Văn bản được viết bằng các chữ hoa đều đặn, rõ nét và có tính thẩm mỹ cao, chia thành nhiều cột và phản ánh các quy ước ngắt từ ngữ giai đoạn Hậu kỳ cổ đại. Việc sách giấy papyrus chỉ bảo quản được ở những nơi có khí hậu khô ráo hơn đã minh họa cho mối quan hệ giữa khả năng tồn tại của sách thời cổ đại với điều kiện khí hậu. Thầy thuốc kiêm triết gia La Mã Galen đã xem xét vấn đề này qua một lá thư vừa được tìm lại trong một quyển thủ bản Hy Lạp độc đáo còn sót lại từ thế kỷ XV. Galen đổ lỗi cho môi trường tự nhiên của thành Rome đã gây ra thảm kịch lưu trữ, mà trong đó “giấy papyrus trở nên hoàn toàn vô dụng và thậm chí không thể dỡ ra được khi chúng phân hủy đến mức dính kết lại vào nhau. Đó là vì vùng này vừa lầy vừa trũng, lại còn rất oi bức vào mùa hè” [16]. Giấy da được làm từ da động vật đã nhanh chóng thay thế giấy papyrus làm chất liệu chính của sách codex. Làm giấy da đòi hỏi nỗ lực và chi phí lớn hơn trong quá trình sản xuất, nhưng có khả năng chống ẩm tốt hơn - và chúng thậm chí không dễ bị cháy. Các cuộn sách Biển Chết là một ví dụ. Có niên đại trong khoảng từ thế kỷ III TCN đến thế kỷ I, bộ sưu tập này bao gồm một số cuộn giấy cói, nhưng hơn 85% trong số gần 1.000 cuộn giấy được làm từ da dê nuôi, bê non, dê núi và linh dương. Ở miền bắc Ấn Độ, cuộn sách giấy (paper scrolls) được làm từ phần vỏ trong của cây bạch dương cũng như bông vải, chủ yếu được sử dụng làm các tài liệu hành chính, sách tử vi, niên giám và được cuộn lại để lưu trữ. Những mẫu vật sớm nhất được phát hiện cho đến nay là 13 cuộn sách vỏ cây bạch dương có niên đại khoảng thế kỷ I từ vương quốc Phật giáo Gandhara, nằm ở khu vực giữa Afghanistan và Pakistan ngày nay. Ở những nơi khác, các thợ chép sách Ấn Độ sử dụng lá bối đa la (talipot), một loài cọ bản địa ở miền đông, miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. Các tấm lá bối được viết với bút trâm và mực sau khi luộc, phơi khô và đánh bóng. Hoạt động buôn bán lá bối phát triển rất sôi động, tập trung ở miền Nam Ấn. Trong đó, được nhắc đến nhiều nhất là các ghi chép về việc trồng cây đa la vì mục đích thương mại của nhà sư Trung Quốc Huyền Trang trong thời gian ông hành hương sang đất Phật vào thế kỷ VII. Codex Argenteus, một thủ bản viết tay vào thế kỷ VI, ban đầu bao gồm cả bản dịch Kinh Thánh sang ngôn ngữ Gô-tích của Giám mục Ulfilas vào thế kỷ IV Tuy nhiên, đến khoảng năm 1500, lá thốt nốt (palmyra) bắt đầu thay thế lá bối trở thành chất liệu của các thủ bản chép tay. Vì lá thốt nốt có độ bền cao hơn, các thợ chép sách dùng bút trâm sắt để khắc chữ. Người đọc sẽ quét lên các tấm lá này một miếng vải ngâm dầu và muội đèn, để lại mực bám vào các chữ được khắc. Dây được xâu qua các lỗ trên lá, làm thành những tập sách lá bối và lá thốt nốt có kích cỡ dài hẹp đặc trưng. Rất nhiều tạo vật khác tìm được ở Trung Đông, vùng Địa Trung Hải và Ấn Độ cổ đại cũng như các vùng khác nhau của Trung Quốc, đang chờ có những phân tích ngữ cảnh (contextual analysis) đầy đủ hơn. Tuy nhiên, điều cuốn hút các nhà sử học nghiên cứu sách cổ hơn cả lại là những cuộc khai quật và giải mã các hệ thống chữ viết biểu tượng ở châu Mỹ thời Tiền Columbus đang diễn ra. Nhiều phát hiện mới đang làm lung lay các khái niệm hiện đại về sách và làm gia tăng mức độ phức tạp của tri thức vốn có về mối quan hệ giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói, trong đó nhiều cuốn sách chứa đựng chữ tượng hình Aztec và Mixtec dường như không có sự kết nối với các hệ thống ngôn ngữ. Trong số các cụm văn bản viết khác nhau tại Trung Mỹ, chữ viết Maya khoảng hai thiên niên kỷ trước được giải mã rõ ràng nhất. Giải mã được ít hơn là chữ viết vùng Eo đất Tehuantepec (Isthmian) xuất hiện vào khoảng thế kỷ I, của nền văn minh Olmec và Zapotec vào thiên niên kỷ I TCN. Ghi chép văn bản ở Trung Mỹ đã có lịch sử khoảng 3.000 năm, với một ví dụ là Phiến đá khắc Cascajal, được tìm thấy tại Veracruz (Mexico) vào năm 1999, có niên đại thuộc về nền văn minh Olmec khoảng năm 900 TCN. Tuy nhiên, khối lượng nặng đến 22kg* của nó lại quá kém di động nên không thể coi là một cuốn sách được. Dù vậy, văn bản chưa được giải mã gồm 62 ký tự và chữ tượng hình cách điệu của phiến đá gợi ý về sự tồn tại một nền văn hiến cổ đại ở Trung Mỹ, có các văn bản viết và bản rập khắc đá linh động hơn, nhưng cũng dễ hỏng hơn và không còn lưu lại đến nay. Tương tự như vậy, các ngôn ngữ và chữ viết tượng hình có niên đại muộn hơn trên hàng ngàn công trình xây dựng và đền đài của người Zototec, Mixtec, Aztec và Maya cũng gợi mở về sự tồn tại của các thư lại và họa sĩ, một số thậm chí có lưu lại danh xưng rõ ràng trong các “thẻ tên”. Hình tượng thư lại còn được khắc họa trên đồ gốm văn minh Maya thời kỳ cổ điển (khoảng năm 250 - 900). Ngoài ra, hình ảnh các khay mực làm bằng vỏ ốc xà cừ và mũ còn được khắc họa và trang trí bằng bút lông. Cuộc khai quật một thư xưởng tại Aguateca ở Guatemala năm 1993 và những phát hiện khác sau đó cho thấy có thể đã từng tồn tại một mạng lưới “nhà sản xuất sách”. Cùng với các minh văn, các nhà khảo cổ học còn thu được các chày nghiền bột màu và các khay mực bằng vỏ ốc. Tên của một người chủ quyền quý ghi trên một khay mực là bằng chứng quan trọng cho thấy các thư lại Maya có địa vị cao và có thể mang cả dòng dõi hoàng gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến, nhất là mối liên hệ giữa truyền thống điêu khắc đền đài cổ xưa hơn với việc làm sách dễ đọc và linh động hơn. Thật đáng ngạc nhiên và cũng thật thất vọng khi có rất ít sách vở thuộc các nền văn minh Mesoamerica còn tồn tại đến ngày nay, mà tất cả - chỉ khoảng 20 cuốn - đều có niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. Niên đại đã xác định cũng chỉ là tương đối. Một thủ bản của người Mixtec còn tồn tại, được gọi là Codex Cospi, có niên đại từ năm 1350 đến năm 1520 và bao gồm khoảng 20 trang sách dạng gấp bằng da dê (xem Hình 4). Một cuốn sách của người Maya hiện mang tên Codex Madrid được làm từ một dải vỏ cây vả dài gần 7 mét, chứa các tài liệu lịch pháp, thiên văn và tiên tri được 8 đến 9 vị thư lại khác nhau thu thập từ nhiều nguồn. Các nghiên cứu gần đây xác nhận rằng cuốn sách này, giống như rất nhiều cuốn sách tương tự khác còn tồn tại, chứa đựng một phả hệ lịch sử lâu dài và gợi ý rằng chúng đã được sao chép, bổ sung qua nhiều thế hệ. Sách cổ vùng Trung Mỹ cho thấy chúng là một phương tiện chuyển tải ký ức tập thể rất tinh vi, mà việc tạo lập và quyền tiếp cận chúng đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Ngày nay khi đã bị tách rời khỏi các không gian chức năng nguyên thủy, những cuốn sách này cũng là những ví dụ đáng chú ý cho thấy nhận thức về nội dung ý nghĩa của sách có thể bị gián đoạn qua thời gian, qua các giai đoạn khác nhau, lúc thì bị lãng quên, khi lại bị hiểu lầm và lúc khác thì được quan tâm trở lại ngày một nhiều. Con số rất ít những cuốn sách còn sót lại của văn minh Mesoamerica ở Trung Mỹ thời Tiền Columbus này hiện đang được lưu giữ trong các bộ sưu tập sách tại châu Âu, nơi chúng bị bỏ quên trong một thời gian dài cho đến khi được phát hiện lại vào thế kỷ XIX. Codex Cospi, một thủ bản dạng tranh vẽ của nền văn minh Mesonamerican (khu vực Trung Mỹ) thời Tiền Columbus, được cho là bắt nguồn từ khu vực Puebla-Tlaxcala Chắc chắn, những đồ tạo tác và những cuốn sách cổ như vậy không nên bị coi là “nguyên thủy”, mà nên được hiểu theo hướng giúp bổ khuyết và làm vững chắc thêm hiểu biết của chúng ta về vai trò của các hình thức đồ họa trong giao tiếp. Nghiên cứu về các hình thức sách cổ, vốn dường như kỳ lạ và bí ẩn đó, giúp ta biết cách giải mã những nỗ lực sâu rộng của con người trong suốt tiến trình lịch sử và trên mọi không gian địa lý. Những cuốn sách cổ này còn thách thức các giả định trong vài thế kỷ qua của chúng ta về tính hiệu quả, tính hiệu lực và bối cảnh lịch sử cụ thể của sách, đặc biệt, trong bối cảnh chúng đã bị dịch chuyển khỏi địa điểm ban đầu nơi chúng được làm ra, được đọc và được lưu giữ. Lấy ví dụ các nghiên cứu đang thực hiện về sách da thú của người Lakota ở vùng đồng bằng Bắc Mỹ. Được biết đến với tên gọi “lịch mùa đông” (winter counts), các bộ biên niên sử cộng đồng này được vẽ trên da trâu, da hươu và da bò mô tả hình ảnh sự kiện lâu đời nhất ở trung tâm, mở ra ngoài theo đường xoắn ốc ngược chiều kim đồng hồ cho đến sự kiện sớm nhất. Giống như sách cổ Trung Mỹ, hầu hết các tấm “lịch mùa đông” hiện nay không còn thuộc về các cộng đồng từng sở hữu chúng và nội dung hàm chứa thông tin về các sự kiện xảy ra cách đây nhiều thế kỷ. Có tới 100 tấm “lịch mùa đông” vẫn còn được lưu giữ trong các bảo tàng quốc gia và địa phương, với niên đại và chủ đề rất khác nhau. Việc bị tách rời khỏi không gian bản địa cũng ảnh hưởng đến khả năng diễn giải dưới dạng thức của sách như các chuỗi hạt (beads strings) và chuỗi thắt nút (knotted strings) ở nhiều vùng khác nhau tại châu Mỹ. Chuỗi wampum (wampum beads) là chuỗi các vỏ sò hay vỏ ốc xâu thành dây đai đóng nhiều vai trò hơn là một đơn vị tiền tệ trao đổi của người bản địa Bắc Mỹ. Các cộng đồng người Mỹ bản địa cho rằng chuỗi wampum còn sử dụng để ghi chép và truyền đạt các truyện kể, các sự kiện lịch sử và giao ước, cũng như là làm quà biếu lễ. Germaine Warkentin, trong công trình tiên phong về lịch sử của sách Sơ kỳ, đã dựa trên kết quả các nghiên cứu về chuỗi wampum của mình chất để vấn lại khái niệm và gốc gác của sự “viết” và sự “đọc”. Bà cho rằng vấn đề quan trọng nhất là việc phân biệt xem các nền văn hóa có hay không có biểu hiện tính chất “sách vở” (bookishness). Ở đây tính chất “sách vở” được nhìn nhận trên phạm vi rất bao quát, kéo giãn và chồng lấn giữa văn tự dựa hên hình ảnh (biểu tượng ký hiệu tiền ngữ âm; semasiographic) với dựa trên ngữ âm (biểu thanh; phonographic), vốn bao gồm các hệ thống văn tự ngữ tố (logographic), âm tiết (syllabic) và ký tự (alphabetic) có giá trị bản địa [17]. Dù sao thì các nghiên cứu về chuỗi wampum đã hướng lịch sử của sách đến những trải nghiệm và hành vi văn hóa bao quát và sâu sắc hơn, đồng thời giúp đặt lại các câu hỏi nghiên cứu: Thế nào là sách, phả hệ, sự truyền bá và chức năng của chúng? Những người nào đã làm những gì với chúng, ở những thời điểm nào, bằng cách nào và tạo ra tác động gì? - Đó là những vấn đề được đề cập đến ở các chương sau trong cuốn sách này. Cách xa hàng ngàn dặm về phía nam, các thư lại của nền văn minh Inca Nam Mỹ đã tạo ra hình thức ghi chép bằng dây thắt nút rất phức tạp, gọi là khipu trong tiếng Quechua, tiền thân của chúng đã xuất hiện từ thế kỷ VII hoặc thế kỷ VIII. Khoảng 600 hiện vật khipu còn lại đến ngày nay có niên đại từ khoảng năm 1400 đến 1530, một số thu thập được trong các cuộc khai quật khảo cổ, đặc biệt trong các ngôi mộ cổ. Giống như các mảnh gốm ostraka ở Hy Lạp và Ai Cập, khipu cũng xuất hiện trong thị trường buôn bán cổ vật bất hợp pháp. Dây khipu được bện từ sợi bông hoặc lông lạc đà và được nhuộm màu, dù đến nay người ta vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa của những màu sắc đó. Khoảng 80% những chuỗi văn bản khipu còn tồn tại (về cơ bản) ghi lại số liệu và các phép tính. Nhưng phần còn lại được cho là mang các ghi chép có tính tường thuật. Việc giải mã khipu mới chỉ ở mức cơ bản và vẫn chưa làm hài lòng các nhà nghiên cứu, nhưng chúng ta cũng có các bằng chứng hấp dẫn về việc sử dụng chúng qua tư liệu thời kỳ thuộc địa, và việc so sánh sự trùng khớp giữa các phân đoạn khipu khác nhau đang mời chào các nỗ lực diễn giải mới. Trong những năm đầu sau cuộc chinh phục của Tây Ban Nha ở Trung và Nam Mỹ, nhờ dễ di chuyển, có thể điều chỉnh được và thích hợp với nhiều cách sử dụng khác nhau, khipu từng được coi như chứng cứ được chấp nhận tại các tòa án thực dân, cho tới khi chúng không còn được sử dụng nữa vào giữa thế kỷ XVI. Các ghi chép còn lại về các nhân chứng và bị cáo đang đọc dây khipu của họ - thường không cần phải nhìn vì họ dùng ngón tay lướt qua các nút thắt. Một trong những chuỗi khipu dài nhất được biết đến gồm có 762 dây, dường như đã được sắp xếp theo lịch đại với 730 dây được nhóm lại thành 24 cụm, mỗi cụm gồm khoảng 30 dây. Khi nghiên cứu những cuốn sách cổ như vậy, chúng ta phải biết rằng ngay từ “cổ” đã bao hàm trong đó một khoảng thời gian đằng đẵng; đã, đang và sẽ được khám phá lại và giải thích lại, thường là sau quá trình loại bỏ các tàn dư thực dân. Nhiều phát hiện quan trọng được bắt rễ từ làn sóng khai quật khảo cổ trong thế kỷ XIX, nhưng các kỹ thuật khai quật phục hồi điện tử gần đây đã tạo ra các kết quả tiến bộ hơn. Ví dụ từ việc đọc các văn bản đã bị đốt cháy và chôn vùi ở thành phố Herculaneum thời La Mã, đến việc giải mã chữ hình nêm Trung Đông và minh văn Trung Mỹ bằng phân tích kỹ thuật số, thao tác lắp ráp và so sánh. Những vấn đề này được thể hiện rõ trong trường hợp một hiện vật nổi tiếng là Codex Sinaiticus. Cuốn sách có niên đại từ giữa thế kỷ IV với 400 tấm giấy da còn lại đến ngày nay, là một trong những bộ Kinh Thánh tiếng Hy Lạp sớm nhất và hoàn chỉnh nhất. Được phát hiện lại tại Tu viện Thánh Catherine ở bán đảo Sinai (Ai Cập) vào năm 1844, cuốn codex này đã góp phần khơi dậy mối quan tâm đến sách cổ trong thế kỷ XIX. Nó cũng bị tách rời khỏi không gian bản địa và di chuyển đi rất xa, bị chia lẻ thành nhiều phần nằm rải rác trong các thư viện ở London, Leipzig và Saint Petersburg. Một số phần khác chưa từng được biết đến của cuốn sách cũng được phát hiện tại tu viện này vào năm 1975, chứng minh rằng chúng ta có thể đã làm thất tán, bỏ quên hoặc không nhận ra giá trị của những tài liệu quý giá đó. Một phiên bản kỹ thuật số được thiết lập nhờ sự hợp tác quốc tế đã giúp bổ khuyết nội dung văn bản, giúp người đọc so sánh hình ảnh các trang sách và kết cấu giấy da dưới các góc ánh sáng chính diện và chiếu nghiêng. Sự mất mát của các sách mở đầu Kinh Cựu Ước trong bộ Codex Sinaiticus nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng, sự mất mát có ảnh hưởng đáng kể đến tri thức. Tương tự như việc khám phá trở lại các tri thức cổ đại trong thời Phục Hưng, việc tái phát lộ những văn bản như vậy sau nhiều thế kỷ bị lãng quên và che giấu chứng thực cho những lỗ hổng của các tri thức hiện có. Yêu cầu cấp bách phải phục hồi, cũng nhu các tranh luận về quyền sở hữu và quyền truy cập chúng cũng trở thành một phần trong lịch sử văn bản và giao tiếp. Trong khi đó, cơ hội có các khám phá mới tương tự ở một số nền văn hóa khác lại có vẻ xa vời. Ở Nam Á, sách từ vỏ cây bạch dương và lá cọ bị hủy hoại thường xuyên trong môi trường nóng ẩm của tiểu lục địa Ấn Độ. Dù một số thủ bản được sao chép lại định kỳ trước khi được tiêu hủy theo nghi thức, vẫn chỉ có rất ít bản thảo từ thời cổ đại ở Ấn Độ còn lưu giữ được đến ngày nay, có chăng chỉ còn lưu giữ được vài phần rời rạc, như trường hợp 13 cuộn sách từ thế kỷ I vốn chỉ là một phần nhỏ của kinh điển Phật giáo vùng Gandhara. Khả năng bảo quản hạn chế này khiến chúng ta thất vọng vì không hiểu biết được nhiều về quy mô của nền văn hóa sách thời cổ đại cũng như mối quan hệ giữa lưu hành văn bản và văn hóa truyền khẩu. Thay vì mô tả một con đường phát triển liên tục hay tuyến tính, lịch sử của sách bao hàm các mô tả đứt đoạn về sự chôn vùi và tái khám phá, vô minh và giác ngộ - hoặc giác ngộ thấu triệt. Nó luôn đón chào những tiếp cận lịch sử xã hội mang tính dài hạn (longue durée) của lịch sử thành tựu tri thức vốn phát triển không đều, bất định, luôn có khả năng xét lại và đánh giá lại những hiểu biết sẵn có. CHƯƠNG 2 SƠ KỲ LỊCH SỬ CỦA SÁCH Các diễn ngôn sơ khởi về lịch sử của sách Nhận thức về hoạt động sản xuất và tiếp nhận sách đã bắt đầu từ rất sớm trong lịch sử. Vào thế kỷ I, Pliny “Già” sau khi được nhìn thấy các cuộn sách 200 năm tuổi viết trên giấy cói papyrus đã rút ra kết luận rằng giấy papyrus “quyết định sự bất tử của con người” [1]. Cho đến thời điểm đó, giấy papyrus đã trở thành chất liệu để viết phổ biến trong suốt 3.000 năm. Từ ngữ có vai trò quan trọng khi viết về lịch sử truyền thông bằng hình họa. Bản thân từ tiếng Anh để chỉ giấy - “paper” (papier trong tiếng Pháp và tiếng Đức) có gốc từ tiếng Latinh papyrus và tiếng Hy Lạp πάπυρος; (papuros) chỉ giấy cói papyrus. Được cho là bắt nguồn từ tên thành phố Byblos xứ Phoenicia, từ tiếng Hy Lạp βύβλος (bublos) trở thành biblos trong tiếng Latinh với nghĩa chỉ một cuộn giấy cói papyrus, sau này tiếp tục được dùng để chỉ các sách codex và Kinh Thánh (Bible). Nhiều thuật ngữ thư tịch học khác cũng có nguồn gốc từ thời cổ đại. Từ “chart” (biểu đồ) có gốc từ tiếng Latinh charta, khái niệm mà theo Pliny được dùng để chỉ một cuộn giấy papyrus không quá 20 tờ hay có tổng chiều dài trên 4,5 mét. Với từ library (thư viện), Pháp quan Cassiodorus* đã giải thích vào khoảng năm 537-538 rằng: “Thời cổ đại người ta gọi tên sách cổ là liber; cho đến nay chúng ta vẫn gọi vỏ cây gỗ mới xẻ là liber” [2]. Nghiên cứu sâu hơn về từ ngữ đem đến nhiều phát hiện thú vị hơn nữa. Các từ như biblos, volum và liber đều có nghĩa là “sách” theo nghĩa là một phần của một tác phẩm, trong trường hợp tác phẩm đó quá dài để viết vừa một cuộn giấy papyrus. Các “sách” trong Kinh Thánh do đó được hiểu là các phần của một cuốn Kinh Thánh đầy đủ. Mặt khác, từ tiếng Latinh explicare - nghĩa là “mở ra” - trước kia dùng để chỉ hành động mở cuộn giấy cói papyrus để đọc. Hay từ codex có gốc dùng để gọi tên các tập bảng sáp, vì người ta hình dung chúng trông giống như các tấm gỗ (“caudex” trong tiếng Latinh nghĩa là “thân cây”). Cách dùng từ này hẳn đã xuất hiện từ thời nhà thơ La Mã Martial (40-104). Cùng cách liên hệ này, ta có từ liber trong tiếng La tinh có nghĩa ban đầu là “vỏ cây”. Những nhận xét như vậy cuốn hút chúng tôi vào việc thành lập một bảng niên đại cho các hình thức thư tịch. Ví dụ, vào khoảng năm 84-86, khi hình thức sách cuộn vẫn còn phổ biến, Martial đã nhận xét rằng, hình thức sách tập codex bằng giấy da tiện lợi hơn cho di chuyển và sắp xếp. Một số cuộn sách khi đó được mở và đọc theo chiều dọc (giống như cách đọc văn bản “cuộn xuống” trên máy tính hiện đại), nhưng phổ biến hơn là các cuộn sách mở theo chiều ngang, chia văn bản thành từng cột giống như các sách codex về sau này. Cũng cần lưu ý rằng, mô tả đầy đủ sớm nhất về một cuộn sách là của nhà thơ Catullus* khi ông phản biện một nhà thơ khác về việc ông này, thay vì viết trên một tấm giấy phẳng được tẩy sạch lại viết trên một cuộn carta regia có hai tay cầm bằng ngà, bọc trong giấy da màu đỏ và buộc bằng dây thun đỏ.[3] Khoảng 200 năm sau, học giả pháp lý Ulpian nhận xét rằng hình thức sách quyển codex đã được chấp nhận rộng rãi. Ông cũng dự đoán rằng trong tương lai người ta sẽ nhớ về giấy papyrus như những kỷ niệm xưa cũ, thậm chí với cảm xúc lãng mạn lưu luyến. Giống như Cassiodorus viết vào năm 537, khi ông cho rằng giấy papyrus có địa vị xứng đáng không thể vượt qua trong việc lưu giữ những tư tưởng vĩ đại: “Xưa kia, danh ngôn của các bậc trí giả và tư tưởng của tổ tiên chúng ta từng không thể lưu lại được. Vì thời đó người ta làm sao mà có thể ghi chép lại mau lẹ câu văn khi vỏ cây thô cứng làm cho ngòi bút không thể đặt xuống dễ dàng?… vẻ đẹp cuốn hút của giấy… bề mặt trắng ngần mở ra khoảng trống mênh mông cho điều hay ý đẹp; giấy luôn luôn hỗ trợ ta mọi nơi mọi lúc; thật mềm mại để có thể cuộn lại với nhau mà khi mở ra sẽ trải thành dải rất dài. Các đoạn giấy nối không một nếp gợn, các mảng giấy luôn liền mạch; giấy mang màu tuyết trắng của vỏ cây non xanh, mặt giấy viết nhận dòng mực đen làm trang sức; trên đó, những con chữ thăng hoa… nơi lời văn được gìn giữ trong an toàn, được lắng nghe mãi mãi, chẳng bao giờ đổi thay” [4]. Các cuộn sách có thể được xếp đứng trong capsa, hay “hộp sách”, hoặc xếp theo chiều ngang trên kệ hay trong các hốc tủ. Hầu hết các tác phẩm gồm nhiều hơn một cuộn giấy đi với nhau, trong khi chủ nhân và các thủ thư cổ đại thường cất các cuộn sách có giá trị trong rương hay bọc chúng trong các ống da có buộc dây. Các hạn chế vật lý như chiều dài cuộn giấy và số cuộn giấy có thể buộc cùng nhau thành bó thường sẽ quyết định cách thức sắp xếp thư tịch, nhưng cũng gây ra nhiều chỉ trích. Các thẻ ghi nhan đề thường bị đặt sai chỗ, rồi việc trích dẫn từ các cuộn sách giấy papyrus bộc lộ nhiều khó khăn và thường kém chính xác. Các thảo luận nói trên - về hình thức và vật liệu làm sách cùng quá trình các sách codex dần được ưa chuộng thay thế cho sách cuộn - luôn đi cùng với nhận thức về các rủi ro trong quá trình bảo quản sách. Trong một lá thư mới được phát hiện, Galen* mô tả vụ cháy thành Rome xảy ra vào năm 192 đã ảnh hưởng như thế nào đến các cuốn sách và chủ sở hữu chúng: “Khi những cuốn sách của nhà ngữ pháp Philides bị tiêu hủy trong cơn hỏa hoạn, ông ta trở nên tiều tụy và chết vì chán nản cùng nỗi đau khổ. Không chỉ thế, suốt một thời gian dài, người ta đi khắp nơi trong trang phục màu đen - trông ốm yếu và nhợt nhạt như người chịu tang vậy” [5]. Tuy nhiên, điểm nhìn từ châu Âu này đã phủ bóng lên các mô tả và đánh giá cổ xưa hơn về hoạt động sản xuất cùng vai trò chức năng của sách. Cho đến thời điểm này, khi trả lời câu hỏi “Lịch sử của sách là gì?”, chúng tôi đã tạm gác lại các thảo luận về in ấn một cách có chủ ý, không chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh chiều dài và chiều sâu lịch sử của sách trước khi có phát minh nghề in, mà còn nhấn mạnh sự phong phú - nhưng thường bị coi nhẹ trong so sánh với châu Âu - của lịch sử thư tịch ở châu Á. Như đã nói ở trên, dù chúng ta vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn về lịch sử của sách làm từ lụa và tre, nhưng ta biết rằng phát minh nghề in ở Đông Á đã có trước phát minh kỹ thuật in hoạt bản ở châu Âu khoảng 800 năm. In ấn được cho là xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc từ khoảng năm 636 và chắc chắn từ sau năm 868. Do đó sẽ hữu lý khi cho rằng, có một diễn ngôn lịch sử về sách đã phát triển từ sớm, bất kể tồn tại những khác biệt trong điểm nhìn hay nguồn cảm hứng. Như nhiều học giả ở châu Âu và Bắc Mỹ đã nhắc nhở chúng ta - gần đây nhất là Cynthia Brokaw, Peter Kornicki và Joseph McDermott - rất nhiều công nghệ trong văn hóa sách toàn cầu có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đông Á. Giống như trường hợp chữ hình nêm Assyria hàng thế kỷ trước, hay là chữ Aramaic và chữ Sanskrit phát triển từ chữ cổ Brahmi ở Nam Á, Hán tự Cổ điển đã được dùng như một lingua franca* của Đông Á trong vòng trên dưới hai thiên niên kỷ. Giống như vai trò của chữ Sanskrit đối với việc ghi chép tri thức và các văn bản nhà nước, Hán tự được sử dụng ở cả Triều Tiên lẫn Nhật Bản làm ngôn ngữ của triều đình, của các nam giới quý tộc và sĩ phu, trong đó các kinh điển Trung Quốc được tôn kính nhất mực và xem như khuôn thước chuẩn mực về đạo đức và chính trị [6]. Giới tính cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Như ở Triều Tiên cho đến trước năm 1800, chỉ có nam giới viết văn bằng chữ Hán, trong khi nữ giới chỉ được viết bằng chữ Hàn. Việc trích dẫn kinh điển văn học Trung Hoa cũng được công nhận rộng khắp như là mẫu mực văn chương, do đó, các thành thị tại Đông Á đầu thời kỳ Trung đại đã chấp nhận sử dụng một hệ văn tự tương đối thống nhất và các hình thức văn bản tương đồng. Hoạt động viết, phân phối các thủ bản và bản sao không chỉ xuất hiện trước kỹ thuật in ấn mà còn tiếp tục song hành cùng sự hình thành và phát triển của nghề in. Tuy nhiên, từ thế kỷ VII, các nghệ nhân Trung Quốc, sau đó là Triều Tiên và Nhật Bản đã phát minh ra nhiều kỹ thuật mới dựa trên các công nghệ in khác nhau: khắc in thủ công các ký tự, in mộc bản và in hoạt bản [với khuôn] làm từ đất nung, gỗ và kim loại. Các cách thức in ấn này tỏ ra phù hợp với các đặc trưng của hệ thống các văn tự châu Á, tương tự như kỹ thuật in hoạt bản phù hợp với các văn tự sử dụng bảng chữ cái đơn giản hơn. Trên thực tế, kỹ thuật in mộc bản chứ không phải là kỹ thuật in hoạt bản kim loại mới là kỹ thuật in thống trị ở Đông Á cho đến đầu thế kỷ XX. Ngay cả ở Triều Tiên, dù kỹ thuật in chữ kim loại rời đã được triều đình phát triển, thì in mộc bản vẫn là kỹ thuật được sử dụng phổ biến hơn cả. Tại Trung Quốc thời Trung đại, kỹ thuật in mộc bản vẫn có khả năng hỗ trợ cho một giai đoạn phát triển mạnh của ngành xuất bản. Cho đến giai đoạn Sơ kỳ cận đại thì in ấn đã trở thành hình thức sản xuất sách chủ yếu và đã có ảnh hưởng rất lớn đến các diễn ngôn lịch sử của sách ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Ấn bản phẩm đầu tiên ở Nhật Bản sử dụng một loại hình in mộc bản ( ⽊版画; mokuhanga) có kết nối mật thiết đến tín ngưỡng, tình cảm cùng lời cầu nguyện. Mặc dù chưa có các nghiên cứu toàn diện, có vẻ như sự phức tạp của hoạt động sản xuất và tiếp nhận sách ở châu Á thời Cổ trung đại không thúc đẩy các nỗ lực xây dựng các diễn ngôn lịch sử về ngành sản xuất sách và những tác động của nó. Từ những gì chúng ta đã biết, có lẽ chúng ta cũng không nên đánh giá quá cao sự phát triển của nghiên cứu về sách ở châu Á cổ đại - thậm chí còn hơn cả với trường hợp châu Âu. Ngay cả vào giữa kỷ nguyên cách mạng in ấn đầu tiên, tại Trung Quốc, rất ít người tự viết ra lịch sử thư tịch của chính mình. Điều này cũng đúng với trường hợp Triều Tiên, nơi mà các nghệ nhân cung đình đã thử nghiệm in chữ đúc rời từ đầu thế kỷ XIII. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng, cũng giống như châu Âu thời Phục Hưng và sau Cải cách Tôn giáo, công nghệ mới luôn được đánh giá cao và thường gắn với các tư tưởng tiến bộ. Các vị vua đầu triều Joseon (vương triều Triều Tiên; 1392 -1910) đã nhanh chóng nhận ra giá trị của kỹ thuật in ấn trong hành chính và quản trị nhà nước. Một chỉ dụ năm 1403 của vua Taejong* giải thích: “Vương triều muốn thịnh trị thì sách vở càng phải được đọc nhiều… Mong muốn của ta là đúc được chữ in bằng đồng để in được càng nhiều sách càng tốt và để sách được cung cấp thật rộng rãi trong thiên hạ”. Ý thức về tri thức cũng nảy nở. Các học giả Trung Quốc từ thời cổ đại đã quan tâm đến việc phân loại sách, và tới thế kỷ I, Lưu Hâm* 劉歆 đã tạo ra hệ thống biên mục đầu tiên, về sau, nhiều học giả Trung Quốc tham gia vào việc đối chiếu các ấn bản và xây dựng ra các nguyên tắc phê bình văn bản, đặc biệt từ thế kỷ XI và thế kỷ XII khi sách in bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Kể cả như vậy thì người Trung Quốc và người Nhật Bản cũng chưa thực sự tỏ ra quan tâm đến lịch sử thư tịch và do đó không phát triển ngành này cho đến tận cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Các bộ biên niên sử và văn học châu Âu thời Trung cổ cung cấp cho chúng ta các tư liệu đa dạng về hoạt động sản xuất và sử dụng sách, bao gồm các tranh minh họa việc đọc, cầm giữ, lưu trữ sách và trên hết là trong hệ thống biểu tượng của các tranh vẽ và tranh tường tôn giáo. Các minh họa này - nhiều trong số đó nằm trong chính các cuốn sách - là các chứng cứ có giá trị về hoạt động sản xuất, lưu hành và đọc sách. Các nhà sử học và nhà nghiên cứu văn học thời hiện đại trong quá trình định vị hình thức biểu hiện và ý nghĩa của sách giai đoạn Tiền Cận đại đã làm việc nhiều với các tranh minh họa như bức vẽ Ezra* trong Codex Amiatinus vào thế kỷ VII. Là thủ bản Kinh Thánh sớm nhất còn lưu giữ được gần như hoàn chỉnh bằng tiếng Latinh Vulgate, chân dung Ezra trong sách có lẽ chính là của chủ nhân Cassiodorus đang ngồi trước giá sách của ông ở tu viện Vivarium. Rất lâu sau, ta được chiêm ngưỡng một bức tranh minh họa có tên Lady Hagiography (Nữ thần Thánh tích học) đang đứng trước các cuốn sách để mở trên giá sách trong một bản sao Anh ngữ vào giữa thế kỷ XV của cuốn Le Pèlerinage de l’homme (Chuyến hành hương của đời người) mà tác giả là Guillaume de Guileville. Những bức vẽ như thế này đã thúc đẩy tích cực các tranh luận về lịch sử vật chất và văn hóa của sách. Tuy nhiên, việc tạo ra và sử dụng các tranh ảnh như vậy ở thời đại của chúng cũng - theo những cách có lẽ vẫn chưa được công nhận hoàn toàn - góp phần vào các nghiên cứu về bản chất và lịch sử của “sách”. Bỏ qua các nhận xét về công nghệ mới cùng các khả năng của chúng, chúng ta có thể phóng đại mối quan tâm đến sách và in ấn ở châu Âu trong giai đoạn Sơ kỳ cận đại. Việc phát minh ra kỹ thuật in hoạt bản bắt đầu ở châu Âu vào những năm 1450 với vai trò của Johannes Gutenberg đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử, làm nền tảng cho các cuộc cách mạng tư tưởng, khoa học, tôn giáo và chính trị - như đánh giá rõ ràng của các nhà sử học sau này. Nhưng như Thomas Hobbes* lập luận trong phần mở đầu cuốn Leviathan phát hành năm 1651, “Phát minh ra In ấn, dù tài nghệ đấy, nhưng so với phát minh ra Chữ cái [mà ông đùa là của Cadmus]*, thì vẫn còn kém lắm”. Sự mập mờ và bí ẩn về phát minh kỹ thuật in ấn đã tạo ra rất nhiều các huyền thoại thời cận đại và các tranh chấp, sẽ là vấn đề được thảo luận sau. Ta có thể nói rằng, các tranh chấp đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay với nhiều giả thuyết mới, đôi khi vô căn cứ nhằm lý giải quá trình sáng tạo ra chữ in đúc trong thế kỷ XV cùng các tuyên bố mang nặng tính chính trị về địa điểm đầu tiên khai sinh ra kỹ thuật này. Những khám phá gần đây về kỹ thuật và nghề in dọc theo Con đường tơ lụa đã củng cố giả thuyết về sự chuyển giao công nghệ, đặc biệt với lập luận của Thomas F. Carter vào năm 1925 cho rằng, châu Âu đã tiếp xúc và ca ngợi kỹ thuật in của Trung Quốc từ rất sớm. Những lập luận như vậy, cùng với những giả thuyết đầy tính khiêu khích và rốt cục không có tính thuyết phục của Timothy H. Barrett, đã khuyến khích các học giả Trung Quốc, Hàn Quốc khẳng định rằng kỹ thuật in chữ rời của họ đã giúp khai sinh ra kỹ thuật tại châu Âu và thế giới ngày nay. Thực tế cho đến nay, các bằng chứng văn bản duy nhất cho thấy nhận thức của người châu Âu về in ấn ở Đông Á trước thời Gutenberg chỉ xuất hiện trong 8 ghi chép từ sau năm 1253 của các nhà lữ hành, tất cả đều không thấy mô tả gì về quy trình kỹ thuật in, dù một số có nhắc đến việc in tiền giấy của người Mông Cổ và người Trung Hoa [7]. Ghi chép đầu tiên về việc người châu Âu biết đến sách in ở Trung Quốc là vào năm 1513, khi Quốc vương Bồ Đào Nha tặng một cuốn sách in chữ Hán cho Giáo hoàng. Bất chấp nhiều bất đồng, các nhà nghiên cứu về lịch sử Sơ kỳ của sách đã khôi phục lại một mạng lưới những ý tưởng và sự kiện quan trọng mà các nhà sử học khác có thể chưa dành nhiều sự chú ý. Thực tế là một thế kỷ trước Thomas Hobbes, chỉ một vài cá nhân có địa vị mới có khả năng theo đuổi niềm đam mê với thư tịch, và nhờ họ mà chúng ta mới giữ được các thủ bản và các tác phẩm văn học cổ. Với trường hợp nước Anh, René Wellek* đã sớm thừa nhận các thành tựu văn học và thư tịch học của John Bale khi ông tham gia cùng John Leland* trong các chuyến hành trình thu thập sách từ hàng loạt tu viện những năm 1540. Bộ sách Illustrium majoris Britanniae scriptorium summarium (Danh mục các nhà văn lừng danh của Vương quốc Anh) ra đời năm 1548 và A Regystre of the Names of Englysh Wryters (Danh mục tên các tác gia Anh) ra đời năm 1549 của Bale là các bộ thư mục tiền thân cho thư viện ảo ngày nay. Bale trở nên nổi tiếng trong giới nghiên cứu thư tịch và cùng với Leland, ngày càng được nhiều nhà sưu tầm sách nhiệt huyết tôn vinh - nhờ việc ông thể hiện sự coi trọng thư tịch vượt xa vai trò một chủ sở hữu đơn thuần. Bale đã lên án thói tham lam của thầy tu “đã kết liễu các thư viện cùng những cuốn sách của chúng ta”*, đồng thời cũng phê phán những kẻ phá hủy các tu viện vì đã coi sách vở chỉ là “những món hàng”. Ngay từ thời điểm đó, Bale đã cho ta thấy cách giá trị thị trường có thể làm giảm giá trị văn hóa của sách như thế nào [8]. Thế kỷ của Hobbes cũng đem đến nhiều thay đổi trong cách đánh giá sách. Nhiều tác gia cho ta thấy biểu hiện ý thức đến lịch sử của sách cũng như đến các thách thức và cơ hội đi với nó. Cụ thể, xuất hiện các cuộc tranh luận (vẫn tiếp tục đến ngày nay) để phản ứng trước tình trạng “quá tải thông tin”, hay hiện tượng sản xuất thừa hay việc các ấn phẩm dễ dãi vẫn được xuất bản để đáp ứng nhu cầu thị trường đang ngày càng bị thương mại hóa. Nhiều tiếng nói nghiêm khắc đã cảnh báo chống lại thói si mê sưu tầm sách đang thành trào lưu. Theo chân các nhân chứng thời Trung cổ như Vincent xứ Beauvais (khoảng 1190-1264) và Richard de Bury - tác giả cuốn sách Philobiblon vào đầu thế kỷ XIV kêu gọi các giáo sĩ theo đuổi việc học tập và yêu mến sách - Ann Blair đã lập luận rằng, “sách với số lượng lớn” vẫn liên tục làm chúng ta kinh ngạc và bối rối, cũng như khiến nhiều tác giả phải tự suy ngẫm cách định nghĩa thế nào là một học giả chân chính. Liên quan tới trích dẫn về vấn đề này còn có Lời nói đầu trong cuốn Bibliotheca Universalis năm 1545 của Conrad Gesner, một nỗ lực quy mô lớn để biên mục mọi đầu sách với hơn 10.000 đầu sách được liệt kê ngay trong ấn bản đầu tiên. Gesner đã cảnh báo về “sự phong phú đến mức hỗn loạn và có hại của sách vở” mà các vị vua và các học giả phải tìm cách khắc phục. Cuộc tranh luận khi đi theo những lo lắng về sự thừa thãi sách vở đã dẫn đến việc cải tiến thêm nhiều cách đọc và sử dụng sách khác nhau, phát triển các công cụ mới để hỗ trợ học tập và ghi chép, hay thậm chí cả phương pháp mới để cắt lược văn bản. Sự bất bình trước nạn sưu tầm sách quá độ cũng phản ánh tâm trạng lo lắng việc sách ngày càng ít được sử dụng trong khi số lượng sách ngày càng tăng. Nhưng chúng cũng cho thấy một diễn ngôn lịch sử về sách phổ biến đương thời. Rất nhanh sau giai đoạn phát triển tăng vọt của hoạt động sản xuất và buôn bán sách vào nửa cuối thế kỷ XVII, những phát ngôn xoay quanh cơn bão xuất bản này đã xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí và thư từ khắp châu Âu. Bản thân là một thủ thư nổi tiếng, Gottfried Leibniz* đại diện cho tâm trạng của thời đại ông với đề xuất rằng, để kiềm chế “khối lượng sách khủng khiếp” này thì nên cấm những cuốn sách xấu trước khi chúng được in ra và rằng, vua Pháp Louis XIV nên đặt ra một danh sách các đầu sách chính thống dựa theo khuyến nghị của các chuyên gia được chỉ định. [9] Những tiếng nói phản đối như vậy chỉ bắt đầu sử dụng khái niệm “chứng cuồng sách” (bibliomania) từ đầu thế kỷ XVIII. Việc sử dụng từ này ở Anh - ban đầu là “bibliomanie” - xuất hiện sớm nhất từ năm 1719 khi Myles Davies viết trên tờ tin tức Athenae britannicae của ông rằng, một Ngài Menschen, khi đó là biên tập viên cho Thủ thư của Quốc vương Đan Mạch, “đã tuyên bố phản đối những kẻ mắc phải chứng cuồng sách, vì họ giữ quá nhiều sách: Đó là những kẻ sẽ không bao giờ đọc chúng, cũng như không cho bất kỳ ai khác được đọc”. Việc trao đổi này cũng chia rõ sự khác biệt giữa chứng cuồng các ấn phẩm mới - dòng thác lũ các đầu sách mới - với thị trường buôn bán trao đổi sách cổ đang lớn mạnh. Các nhà sưu tầm sách vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp các cảnh báo khắp châu Âu chống lại việc mua và đọc sách bừa bãi. Động lực để sưu tầm sách thì muôn hình vạn trạng. Người sưu tập sách có nhiều lý do từ mưu cầu tri thức, sở thích riêng, vì mong muốn cải thiện bản thân và cộng đồng, nhu cầu giải quyết một vấn đề thực tiễn hay là để giải trí. Chúng có thể kết hợp với các hoàn cảnh khác như nhu cầu thể hiện uy tín, địa vị, niềm tự hào gia đình hay mong muốn bảo tồn và truyền lại bộ sưu tập cho người thân hoặc cho tổ chức hay cộng đồng mà người sưu tập sách yêu mến. Nghiên cứu của David McMullen về lịch sử trí thức và thể chế Trung Quốc thời Trung đại cho ta biết rằng, nhiều người Trung Quốc từ thời Đường (618 - 907) đã lên tiếng phàn nàn vì có quá nhiều sách, nhưng vấn đề này dường như chỉ trở nên đậm nét hơn vào những năm cuối thời Minh (1368 - 1644), theo cách nào đó cộng hưởng với phương Tây cùng thời kỳ. Peter Burke đã chỉ ra sự tương đồng khi đối sánh việc biên soạn các bộ bách khoa toàn thư* ở Trung Quốc và châu Âu nhằm đáp ứng nhu cầu độc giả đại chúng đối phó với sự phát triển nóng của ngành in trong thế kỷ XVI [10]. Như lời bạt của một trong những bộ bách khoa toàn thư nổi tiếng thời Minh viết năm 1599 đã đặt câu hỏi, “sách vở bây giờ nhiều vô cùng như biển nước, người ta làm sao mà đọc hết được?” trước khi đề xuất lời giải bằng cách cô đọng tất cả thông tin một người cần biết trong một bộ sách 43 cuốn [11]. Nghiên cứu của Joseph McDermott về Trung Quốc thời sơ kỳ cận đại cũng cho thấy hiện tượng tương đồng với lịch sử châu Âu của Arm Blair, với nhiều ví dụ như của học giả Đường Thuận Chi 唐順之 (1507 - 1560), người Thường Châu (hạ lưu sông Dương Tử) phàn nàn rằng, sách vở viết và in giờ có quá nhiều. Vào cái thời mà ngay cả một tên bán thịt có tiền cũng có thể in được cáo phó đàng hoàng, một người cùng thời với họ Đường là Chúc Doãn Minh 祝允明 người Tô Châu thậm chí còn nói thẳng rằng, vì có quá nhiều sách vở tràn lan nên phải đốt bớt đi. Phải lưu ý là việc chúng ta biết nhiều hơn đến không gian hạ lưu châu thổ sông Dương Tử và nền văn hóa bác học của vùng này là nhờ vào các nghiên cứu thực hiện trên phạm vi địa phương. Và do đó, để phân biệt với các nghiên cứu phác thảo trước đây, các xu hướng nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn chưa có đủ khả năng để sử dụng các kết luận này bao quát cho toàn bộ Trung Quốc. Hướng tới Thư mục học Cùng với quá trình tan rã, tái phân phối các kho tàng sách cổ sau sự giải thể của các tu viện tại Anh và chiến tranh tôn giáo tại lục địa châu Âu, sự phát triển của thị trường đại chúng dành cho sách in đã giúp mở ra một thời đại mới cho việc sưu tầm và sở hữu các thủ bản cũng như sách in cổ. Nghiên cứu có tính kỹ thuật và chính xác về lịch sử của sách - và đặc biệt là hoạt động in ấn - bắt đầu được phát triển từ các ấn phẩm xuất hiện rải rác trong thế kỷ XVII, từ các sách hướng dẫn sưu tầm và sắp xếp sách cho đến các sách chỉ dẫn nghề in hay các nhóm tác phẩm mô tả những ngành nghề khác. Có thể lấy ví dụ trường hợp của Hieronymus Homschuch (1573 - 1616) là một thợ sửa bản in và phối kiểm bản thảo ở Leipzig. Tại đây ông đã xuất bản cuốn Orthotypographia bằng tiếng Latinh vào năm 1608, là tập sách hướng dẫn kỹ thuật đầu tiên về nghề in. Là công cụ hỗ trợ cho những người sửa bản in khác, bản dịch tiếng Đức do Tobias Heidenreich thực hiện ra đời năm 1634 và được tái bản nhiều lần cho đến tận năm 1744. Cuốn sách có tính chất chỉ nam này bao gồm bảng các dấu sửa bài cho người biên tập, chỉ dẫn các cách bình trang và chọn mẫu chữ in - bản dịch tiếng Đức thậm chí còn in thêm các bài thơ ca ngợi nghề in ấn. Như Anthony Grafton đã nhận xét, bản thân các tranh khắc của Moses Thym đi kèm với bản in đầu tiên của Hornschuch đã xây dựng một mô tả hấp dẫn về hoạt động của một nhà in. Một cuốn sách chỉ nam khác là Advis của Gabriel Naudé* xuất bản tại Pháp năm 1627, được John Evelyn dịch sang tiếng """