" Lén Nhặt Chuyện Đời PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lén Nhặt Chuyện Đời PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Lén Nhặt Chuyện Đời Tác giả: Mộc Trầm Phát hành: Nhà xuất bản Thế Giới —★— Mọt Truyện Group Vui lòng quét mã QR để truy cập Lời tâm sự L ật từng trang sách, ta như ngồi ngẫm nghĩ bên góc hiên chùa, trong khung cảnh mùa thu dịu vợi, lắng nghe tiếng gió như giấc mộng ai nói qua tập sách của tác giả Mộc Trầm. Lén nhặt chuyện đời là một tác phẩm đầu tay, với ngôn từ chuyện phiếm, qua góc nhìn bao quát dưới mái chùa cổ kính xứ Huế. Có lẽ, Lén nhặt chuyện đời trong từng mẩu chuyện mà Mộc Trầm được mọi người chia sẻ, xúc cảm, hiểu và thương, để lưu lại chút kỷ niệm như người bạn tri âm. Rồi từ đây, từng con chữ, từng góc nhìn trong từng chiếc lá vàng đang rơi trên hiên chùa, khiến cho tâm tư tình cảm gói trọn trong những áng văn chương, du dương trầm hùng như: Nói nghe nè, Trụ trì rồi, Thất tình phải làm sao, Lỡ mai này mồ côi,... tất cả trao truyền qua nét bút của người xuất gia trẻ, gởi vào đây chút ân tình thi vị. “... Ngày ấy ta đi là quyết định Có sai, có đúng, chẳng phân minh Lòng thôi đã đủ nhiều đau đớn Hãy để ta đi! Dứt cuộc tình!...” Vâng, giới trẻ ai đã gặp tác giả Mộc Trầm, hay chỉ đọc qua trang nhà Facebook, hay trên các tờ báo Phật giáo cũng đủ để yêu, để thương, để chiêm nghiệm, để dung chứa và rung động giọng văn thơ mộc mạc chân thật, như cái tên mà tác giả muốn cho ta cảm nhận, như làn khói trầm quyện tỏa giữa không gian và thời gian vô tận. Để rồi hôm nay, sau bao ngày ấp ủ, tinh túy sản sinh ra người con tinh thần đầu tiên. Kính mong, những ai yêu thương người con Lén nhặt chuyện đời, luôn giữ gìn và yểm trợ cho khói trầm này mộc mạc và thơm tỏa nhân gian. Kính trân trọng. THÍCH MINH THẾ Hỷ Tâm Hải Triều Mùa Thu Hà Nội Ngày 22/10/2019 Lời giới thiệu P hải chăng bạn muốn trở thành người khác biệt thì bạn phải chấp nhận sự cô đơn, cái giá rất đắt phải trả cho những ai muốn thoát ra vùng an toàn, thoát ra khỏi sự sắp đặt của ai đó. Tôi gọi đó là “chất điên” trong tâm hồn mỗi người, họ dám làm điều mình thích, dám ước mơ, dám lặng lẽ một mình đứng khóc trong sự “chênh vênh” tột độ, không người ủng hộ, không người thấu hiểu và cái quan trọng nhất là chẳng biết sự chọn lựa của mình là sai hay đúng. Quyển sách Lén nhặt chuyện đời của tác giả Mộc Trầm, sẽ hàm chứa tất cả những điều đó, sự dí dỏm trong một tâm hồn chông chênh, lạc nhịp. Vì rằng, ẩn sâu trong sáu chương của tập sách đều mang chung một màu tâm sự “Đời, nhiều khi tỉnh, cứ giả vờ đang say” - Vội cả tình yêu và đợi chờ, Làm nhanh còn kịp; Ngày ấy ta đi... nếu bạn muốn tìm một sự đồng cảm, vỗ về hay chỉ là sự rảnh rang muốn được ngồi “chơi với con chữ” thì tập sách Lén nhặt chuyện đời cũng là một sự chọn lựa phù hợp mà tôi muốn gợi ý. Sách hay đôi khi không chỉ ở nội dung mà nó còn bao hàm cả câu chuyện về cuộc đời của người viết sách. Tôi đồng ý viết lời giới thiệu cho tác giả cũng bởi vì quyển sách này được ra mắt trong khoảng thời gian chông chênh nhất của bản thân - Mộc Trầm tâm sự. Đơn giản, tôi thấy mình trong đó, chấp nhận cô đơn để tạo nên những điều khác biệt, tôi nghĩ bạn cũng vậy. GIÁC MINH LUẬT Chủ Nhiệm CLB Nhân Sinh (Los Angeles; CA - 22/10/2019) “Quyển sách này, tặng cho những tháng ngày chông chênh của tuổi trẻ, để khẳng định rằng, không có gì là không ổn.” Đầu T ại vùng ngoại ô xứ Đan Mạch xưa, người thợ kim hoàn Per Enevoldsen đã cho ra mắt một món đồ trang sức lấy ý tưởng từ Pandora - người phụ nữ đầu tiên của nhân loại mang vẻ đẹp như một ngọc nữ phù dung, kiêu sa và bí ẩn trong Thần thoại Hy Lạp. Vòng Pandora được kết hợp từ một sợi dây bằng vàng, bạc hoặc bằng da cùng với những viên charm được chế tác đa dạng, tỉ mỉ. Ý tưởng của ông, mỗi viên charm như một câu chuyện, một kỷ niệm đáng nhớ của người sở hữu chiếc vòng. Khi một viên charm được thêm vào sợi Pandora là cuộc đời lại có thêm một ký ức cần lưu lại để nhớ, để thương, để trân trọng. Lén nhặt chuyện đời ra mắt trong khoảng thời gian chông chênh nhất của bản thân, hay nói cách khác là một cậu bé mới lớn, vừa bước ra khỏi cái vỏ bọc vốn an toàn của mình. Những câu chuyện trong Lén nhặt chuyện đời là những câu chuyện tôi được nghe kể lại, hoặc vô tình bắt gặp, hoặc nhặt nhạnh ở đâu đó trong miền ký ức rời rạc của quá khứ, không theo một trình tự hay một thời gian nào nhất định. Mỗi một câu chuyện là một viên charm lấp lánh, kiêu kỳ, có sức hút mạnh mẽ đối với một người trẻ như tôi luôn tò mò với những điều dung dị trong cuộc sống. Tôi âm thầm nhặt những viên charm ấy về, kết thành sợi Pandora cho chính mình. Lén ở đây không phải là một cái gì đó vụng trộm, âm thầm sợ người khác phát hiện. Mà nó là lặng lẽ. Tôi lặng lẽ nghe, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ đi tìm và lặng lẽ viết nên quyển sách này. Tôi vẫn thích dùng từ Lén hơn, vì đơn giản, tôi thấy bản thân mình trong đó. Lén nhặt chuyện đời được chia thành năm chương: chương thứ nhất nói về tình yêu của cả giới trẻ và người tu sĩ; chương thứ hai viết về gia đình; chương thứ ba dành cho những người trẻ; chương thứ tư là những câu chuyện bên đời, những bài tâm sự của người tu sĩ; chương năm là thơ và chương cuối cùng là tâm sự của bản thân khi tôi đã về già. Nếu ai nghĩ Lén nhặt chuyện đời sẽ giảng thuyết về chân lý, định hướng cho người trẻ hay chữa lành những vết thương... thì đã tìm sai chỗ, bản thân chưa bao giờ nghĩ quyển sách này sẽ làm được điều đó. Đây chỉ là những câu chuyện, những suy nghĩ về cuộc đời của một người trẻ đang chông chênh. Đôi khi, tôi hóa thành một ông già của năm chục năm sau kể về những ký ức thời vụng dại. Chỉ mong sao, đọc Lén nhặt chuyện đời, người ta có thể tìm được đâu đó những viên charm phù hợp với bản thân mình. Quyển sách này sẽ là dấu ấn lớn nhất đối với cuộc đời của bản thân. Mỗi bài viết là một viên charm của Pandora Lén nhặt chuyện đời và Lén nhặt chuyện đời cũng sẽ là một viên charm lấp lánh trong sợi Pandora của cuộc đời tôi. Quyển sách này, xin được nhớ về những người Thầy của tôi, về Từ Quang, về gia đình, và tất cả những ai đã hiện diện trong thời thanh xuân của tôi. Để nhắc rằng, tôi đã từng có mặt trong cuộc đời của họ, và họ có mặt trong quyển sách này của tôi. Cảm ơn đã tìm đến sợi Pandora Lén nhặt chuyện đời, và nào, hãy cùng tôi bắt đầu đi tìm những viên charm, nhặt lên và xâu vào sợi Pandora của mình thôi! Tây Nguyên cuối Thu - 2019 Mộc Trầm … Ngày ấy rời đi ta chùn bước Quay đầu lại hỏi, có còn thương? Đời người trăm mối, ngàn tơ bận Cảnh cũ - người xưa… Bỏ! Lên đường!... Khi bạn thân thất tình M ới hôm bữa, thằng bạn nói chung cũng thân nhẹ. Thân kiểu ngày xưa đạp xe đi học, đứa này lỡ đạp mạnh rách quần, đứa kia cởi áo cho bịt lại. Một ngàn năm sau vài ba cuộc tình lúc sâu lúc cạn, nó nhắn tin quen kiểu cộc lốc xưa nay mở đầu với cái icon mặt buồn: - Ê mày… - Mới chia tay nữa hả mậy? - Sao mày biết? - Tao ngửi. - Mà tao kể cho mày nghe đỡ buồn thôi, chứ mày đi tu, có yêu đâu mà biết, tao cũng không mong mày khuyên tao đâu. - Ê nhóc, dẹp ngay cái suy nghĩ đó nha cưng. Tao nói cho mày nghe, tao khác mày, ở chỗ cái đầu tao không có tóc với bộ đồ tao mặc không màu mè như tụi mày, với cái khác nữa là tao sống bằng lý tưởng. Còn lại không khác chi tụi mày, nghĩa là cũng đều là con người bình thường, máu trong người cũng đỏ, nước mắt chảy liếm cái cũng biết mặn, ai nhéo cái cũng biết đau. Không phải tu rồi là trở thành cục đá, không biết yêu thương hờn giận. Tu kiểu đó là trật đường. Mới hôm bữa xong, tao nằm viện, mấy anh chị Gia Đình Phật Tử qua thăm. Mấy ảnh mới nói giỡn, nói Thầy bệnh tim gì mà nằm viện miết, chắc mai mốt gắn cái tim rô bốt vô là khỏi nhập viện. Cái có cái chị ngồi bên nói, gắn trái tim rô bốt vô rồi là không còn thương yêu chi hết. Tao nghe chị nói ngồi nghĩ mà thấy hay. Đúng con người mình có trái tim là để thương yêu, để chia sẻ và đồng cảm. Tu là tập thương yêu rộng lớn. Tao nói với mày, một vị Thầy hay Sư cô nào dám đứng lên vỗ ngực nói mình chưa từng có tình cảm cá nhân với người khác giới nào, tao khẳng định người đó tu trật đường rầy. Nhiều người cứ nghĩ là tu là không biết yêu, tu là không biết cảm tình nam nữ gì nữa. Hễ thấy ai lộ chút tình cảm đó ra là chế trách kêu tu kiểu gì lạ vậy. Ủa, chứ tu là phải mặt lạnh như tiền hay ngồi im như ông Phật mới gọi là tu à? Thầy tao từng dạy, mấy đứa con tu tới chừng nào mà thấy nước mắt mình còn rơi, máu mình còn chảy, là mấy đứa con tu đúng đường. Còn mà thấy chuyện gì cũng lạnh tanh, dửng dưng trước cuộc đời, cho là mình tu rồi nên bất động thì làm ơn cởi áo tu ra giùm, trật đường rầy rồi. Tu kiểu đó phí cơm thí chủ. Nói thật với tụi mày, tu cũng biết yêu. Ngoài tình yêu rộng lớn ra cũng khao khát riêng cho mình một tình yêu riêng chứ, con người mà. Tu là thiếu thốn tình cảm, nhiều khi thương một ai đó đến đau lòng, nhưng rồi cũng để đó, biết làm sao được. Tao cũng từng yêu, huynh đệ tao cũng từng yêu, và cũng từng đau vì yêu. Nhưng rồi cũng nhờ cái áo này cản lại, và cũng không muốn mất đi cái giá trị của cái áo này. Mày có biết tại sao thường xuyên thấy mấy Thầy mấy cô hay rờ lên trên đầu không? Là để tự nhắc bản thân mình là người tu rồi, nên phải gác lại những cái riêng tư đó qua một bên, giữ cho riêng mình thôi. Và đến bây giờ tao vẫn tự hào là người biết yêu, đã từng yêu, nhưng không bao giờ vì nó mà vấy bẩn cái áo tao đang mặc. Đó là chuyện của tao, còn tới lượt mày. Mày thất tình, kệ xác mày, nhưng với tư cách là bạn, tao khuyên mày một điều. Cái mày đang có là tuổi trẻ, nên tất cả những gì mày gặp trong quãng đời tuổi trẻ thì phải biết trân trọng. Yêu nhiệt tình, và đau cũng phải nhiệt tình. Tao mới đọc bài của Thầy Mộc Tư xong, ổng nói tình yêu tốt nhất là cứ như một kẻ say, cứ ngà ngà say vậy mà sống sót qua những cơn đau của ái tình. Mỗi người trong cuộc đời này mình gặp, ai rồi cũng chỉ đi chung một đoạn đường rồi rẽ hướng, không ai là bên cạnh mình mãi mãi. Cũng có lúc gặp hết những người trên cuộc đời, đi đến cuối đường mới thấy có người đứng đợi mình ở đó. Nên cứ đau thật nhiều rồi tiếp tục yêu nha nhóc. Thất tình phải làm sao? G iới trẻ giờ, có nhiều cái đau, vì thất nghiệp, vì hết tiền, vì deadline,... nhưng đau nhất, vẫn là thất tỉnh. Chỉ cho vài cách, sau cơn thất tình vẫn còn sống sót. Thất tình, chẳng biết định nghĩa cái thất tình ra làm sao. Chỉ biết là chiều hôm đó, trời sắp mưa, mây nặng, lòng người cũng nặng hơn mây. Dòng tin nhắn hiện lên, người ta nói buông tay, mình thì buông điện thoại. Sức mình không đủ giữ, biết trả lời làm sao? Trời trút nước. Thế là thất tình. Thất tình mà có tiền, mua vé máy bay chạy qua Ý. Ngồi dưới tháp nghiêng ăn bánh Pizza, nhìn lên tháp tự vấn lòng, tháp có nghiêng bao đời nay vẫn không đổ, sao lòng mình vì một người mà sụp đổ nát tan? Thất tình mà có tiền, đi mua cho mình mớ quần áo, về bận thử từng bộ, săm soi trước gương mới thấy mình đẹp. Không như trước kia mặc gì phải theo ý người ta. Mà mình đẹp vậy, thiếu gì đứa yêu, cớ gì cứ phải đau vì một người? Thất tình mà có tiền, mua đống đồ ăn về để tủ lạnh. Khóc, buồn, xong lấy đồ ra ăn. Có còn ai ngắm nữa đâu mà sợ mập? Vừa ăn nước mắt vừa chảy, chẳng biết món này vì sao bữa nay lại mặn. Nhìn lại mình, đã đến lúc lo cho bản thân. Quên họ đi là vừa. Thất tình, thường khóc lóc kêu gào, nghĩ thiếu người ta mình không sống nổi. Lúc đó, lấy sợi dây quấn vô cổ siết thật mạnh. Thả dây ra mới nhận thấy một điều, thiếu oxi con người mới chết, chớ thiếu người yêu, chẳng đứa nào chết cả. Thất tình, sáng ngủ chẳng thèm dậy, bởi chẳng thấy tin nhắn người xưa chào ngày mới. Nằm luôn chẳng muốn đi làm. Một tuần sau sếp nhắn tin, nói thôi gửi tiền em ở nhà nghỉ cho khỏe, có người khác làm hộ em rồi. Lúc đó mới khóc, lại thấy rằng, thất nghiệp mới chết, thất tình chẳng chết đâu. Thất tình, chạy vô chùa đứng trước cổng, ngó vô trong nhìn tượng Phật, hỏi lòng mình chừng nào mới nhẹ tênh? Hỏi Phật, vì sao độ ta không độ người? Vội cả tình yêu và đợi chờ G iới trẻ thời nay sống vội, yêu vội, rồi xa nhau cũng phải vội. Hình như là sợ, ngoài kia còn nhiều người đẹp, còn nhiều người tốt quá, nên thôi yêu lẹ lẹ, còn người tiếp theo. Ông bà mình ngày xưa, lấy nhau về do hai bên gia đình sắp đặt. Bên này có con trai, bên kia có con gái, rồi ráp lại mần sui. Chưa một lần thấy mặt, chưa một ngày được yêu, vậy mà cũng có với nhau mấy mụn con, sống với nhau tới răng long đầu bạc. Còn thời nay, mặc sức lựa chọn, mặc sức tìm hiểu, mặc sức yêu. Chọn đã đời được một đứa dẫn về, nói ba mẹ, con lấy đứa này. Có không ưng bụng cũng phải gật đầu. Bởi thử mà không gật đầu đi, một là nó đi bụi, hai là yêu đứa đồng giới. Có dám hó hé gì đâu, phải đồng ý thôi. Dắt người yêu về, ba mẹ hỏi đã quen nhau lâu chưa, rồi tính chuyện tương lai thế nào, cưới hỏi ra sao, lấy nhau về làm gì sống, lúc nào sinh con? Hai đứa nắm tay nhau. Dạ, tụi con quen cũng lâu rồi, hai ba ngày gì đó, lâu quá con không nhớ nữa. Lúc đang đi ăn bún riêu, nó ngồi bàn bên cạnh, thấy nó cười mà răng còn dính cọng hành, con thấy dễ thương nên quyết định cưới. Còn cưới xin là chuyện hệ trọng, đời người chỉ có một lần nên tụi con tính tuần sau cưới luôn cho tiện. Xong gom tiền cưới tụi con đi du lịch, nhiều thì đi nước ngoài cho biết tây biết ta, còn ít thì xuống dưới Đầm Sen hôn nhau giữa hồ, vậy cho lãng mạn. Sau đó, hai vợ chồng sẽ chí thú làm ăn. Vợ con sẽ đi phát tờ rơi mấy cây đèn xanh đèn đỏ, có tiền ngày nào ăn ngày đó. Đỡ lập kế hoạch tương lai hay bàn chuyện kinh doanh này nọ lâu quá, lỡ thất bại thì mất tiền. Còn con sẽ chạy xe ôm, vừa được đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều người, ngoại giao quan hệ rộng, biết đâu có ngày gặp được người tốt, thấy con thật thà, tuyển con vào làm giám đốc một công ty nào đó thì sao. Còn con cái, thì tụi con không đẻ, vất vả mấy tháng trời lại phải chăm nom. Sau rảnh rỗi thì đi xin con nuôi, lựa đứa nào lớn lớn chăm ngoan, vừa kế nghiệp, vừa được nó chăm sóc lúc về già. Tụi con tính vậy được không ba má? Ông bà già nghe xong, tụt huyết áp, nói không nên lời. Tối ngủ khóc một dòng sông. Chọn kỹ, tính lâu vậy đó. Rồi cũng xa nhau. Mạng xã hội phát triển, các thứ công nghệ cao nổi lên vượt bậc, thì đồng nghĩa tính kiên nhẫn và thấu hiểu lẫn nhau cũng dần đi xuống. Tiếp xúc với tốc độ mạng quá nhanh, lâu dần người ta mất đi kiên nhẫn, không muốn đợi chờ một thứ gì đó quá chậm. Chỉ cần một cú bấm, tất cả mọi thông tin đều hiện lên trước mặt. Người ta không đủ thời gian để ngồi lắng nghe nhau và thấu hiểu. Đọc đâu đó trên mạng vài ba cái tin nhảm nhí rồi đâm ra nghi ngờ, chỉ cần một câu nói lưng chừng, một hành động vô ý, liền kết oán cho người ta đã hết thương mình. Quên đi bản thân phải mở lòng, và người ta cần chia sẻ. Nên cứ vậy mà mất kiên nhẫn để đợi tiếng nói từ trái tim nhau. Đau một chút là buông. Gia đình bất trắc, cứ lục tìm google hỏi coi tại sao gia đình tui lục đục, sao con vợ tui lạnh lùng, sao thằng chồng tui khó chịu. Mà quên mất rằng chỉ có mình mới biết được nguyên nhân, chỉ có bản thân mới tìm ra cách giải quyết. Quên rằng chỉ cần lắng nghe nhau là mọi chuyện sáng tỏ. Cứ ôm cái google đó, rồi lạc nhau khi nào không biết. Buông tay rồi, lại hối hả đi tìm người mới. Chỉ một bức ảnh lung linh, một tin nhắn ngọt ngào là lại tiếp tục yêu, tiếp tục ra mắt. Thật ra, không phải sự tan vỡ nào cũng vì ảnh hưởng của thời đại. Có thể cơ chế bản năng của con người, lúc yêu nhau luôn khoe ra những gì đẹp nhất cho đối phương thấy, giấu nhẹm những thứ xấu xa bên trong. Đến khi cưới nhau về, mặc định là người ta đã là của mình thì không cần phải giữ, nên những thứ xấu xa kia mặc tình lộ rõ. Rồi người ta thất vọng, chết giữa hai bờ hình ảnh của quá khứ và hiện tại. Chịu chấp nhận thì sống chung, không chấp nhận được thì rời bước. Đôi khi hôn nhân, nó như là đi vào một con đường. Bên ngoài thì thấy con đường trơn tru sạch sẽ, bước vào mới thấy nó lầy lội khó khăn. Nếu bước không được thì chọn một con đường khác để đi. Hoặc như mặc một chiếc áo, không vừa thì cởi ra, thay chiếc khác. Để chiếc áo đó cho người vừa vặn hơn mặc, không cần phải cố vận vào để bản thân phải khó chịu, để áo cũng phải rách đi. Tư tưởng thời nay có thể thoáng hơn xưa rất nhiều. Có thể yêu, có thể tìm hiểu, thậm chí có thể lên giường để rút ngắn tiến độ, để hiểu nhau hơn. Cũng chẳng sao cả. Tất cả là do ý thức và trách nhiệm. Nếu cảm thấy đủ ý thức, dám nhận lãnh trách nhiệm khi có gì xảy ra thì cứ mặc. Còn nếu không, vẫn muốn lên giường để hiểu nhau mà không phải chịu trách nhiệm thì phải dùng tới những thứ văn minh. Thứ văn minh đó là cái gì, giới trẻ thời nay tự hiểu. Vả lại, đừng nghĩ yêu lâu, yêu nhiều thì càng hiểu nhau, cưới về càng hạnh phúc. Sai lầm. Yêu sương sương, đủ sâu, rồi cưới. Thì khi cưới về thấy nhau vẫn còn thú vị, vẫn còn cái để bản thân khám phá, vẫn còn quá nhiều cái chưa biết về nhau, thì hôn nhân mới ý nghĩa. Còn yêu đã yêu đời, tất tần tật mọi thứ đối phương mình đều biết. Cưới về nhìn nhau rất đỗi bình thường, khác chăng chỉ là ngủ phải chung giường. Còn lại, chẳng còn gì khám phá. Rất nhiều trường hợp yêu thật lâu, cưới không phải vì cần họ nữa, mà là vì tiếc khoảng thanh xuân đã dành cho người đó. Tình yêu vậy rồi cũng nhạt đi, mất hẳn. Cho nên, đừng mong sẽ gặp đúng người trong tình yêu. Mỗi một người sẽ cho bản thân một cảm giác và một ký ức riêng. Dẹp đi cái chuyện tim có bốn ngăn chỉ chứa được vài người. Yêu nhiều yêu ít không quan trọng, sâu là được. Đừng nghĩ ai cũng là người cuối cùng và sẽ cùng bản thân đi đến cuối đường. Đôi khi người ở lại ngắn nhất lại là người khó quên nhất. Việc gì vội cũng được, nhưng đừng vội khi yêu. Tội ta, tội người. Gặp nhau đã khó, cớ gì không để lại trong nhau những ấn tượng tuyệt vời? Trên con đường tình yêu, đừng bước nhanh. Bởi có lúc ta lỡ bỏ qua thứ gì đó bên đường, mà biết đâu đó lại là thứ ta đang cần. Mà cũng đừng lo, đã là một nửa quả táo thì chắc chắn sẽ có một nửa quả còn lại. Nhiều khi đi hết đường mới thấy có người đứng đợi mình ở đó. Chỉ có điều, không biết nửa quả còn lại đã bị nuốt hay chưa... Phía sau tấm Cà - sa T ôi kiểm tra hộp thư, nhận được một tin nhắn: “Thưa Thầy! Con có một chuyện mong Thầy cho con lời khuyên làm sao là đúng! Con đi học đại học ở Sài Gòn và anh học kinh tế có công việc ổn định. Chúng con ở cùng dãy trọ, cũng không tiếp xúc nhiều, mỗi lần gặp là con gật đầu chào. Anh người điềm đạm nhỏ nhắn, hiền lành, cũng không mấy khi anh tiếp xúc với ai. Dần dà chúng con trở thành bạn của nhau, chia sẻ cuộc sống động viên nhau cố gắng. Không biết từ khi nào con quan tâm anh, anh cũng có suy nghĩ đồng cảm, quan tâm cảm xúc và cũng mến con, cho cơ hội bước vào cuộc sống của nhau. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên cho đến khi ba của anh ấy từ quê vào chơi. Anh ấy ăn chay trường, hay đi chùa và sống rất khoa học, anh chưa nói cho con biết. Anh ấy im lặng, nhắn cho con tin nhắn rằng: “Thời gian qua có một chuyện anh chưa nói với em, đó cũng là lý do anh làm việc sai trái này. Anh ăn chay trường và có ý nguyện xuất gia một ngày nào đó. Nhưng việc quen biết em đã khiến anh rung động, là em đã khiến anh rung động. Đó là điều khiến anh sợ, khiến anh cảm thấy không an toàn, rằng anh sẽ quên đi ý nguyện của mình. Anh muốn dừng lại tình cảm này. Vì không biết phải nói thế nào nên đã chọn cách im lặng. Thật lòng xin lỗi vì đã làm em mất niềm tin. Lần này thôi sẽ không làm phiền em nữa. Cảm ơn vì đã lo lắng cho anh, em cũng vậy, giữ gìn sức khỏe, nhớ ăn uống đầy đủ, đừng thức khuya quá, đừng khóc vì những người không xứng đáng. Mong em sớm tìm được người xem em là tất cả, và sống thật hạnh phúc. Thời gian qua cám ơn em vì tất cả! Tạm biệt N!” … Con làm phiền anh nhiều, nhắn tin, điện thoại anh cũng không nghe. Ngay cả tình bạn con cũng không thể có. Con muốn hiểu anh ấy gặp chuyện gì, cùng nhau vượt qua, nếu đó là ý nguyện của anh con sẽ ủng hộ, chỉ cần một điều là anh hạnh phúc.” “Hì. Chào bạn. Đầu tiên phải cảm ơn bạn vì đã chia sẻ câu chuyện của bạn với mình. Phải nói trước với bạn rằng mình chỉ là một người tu sĩ bình thường, không kinh nghiệm lắm trong chuyện giải tỏa các vấn đề tình yêu. Nhưng đọc được câu chuyện của bạn, mình nghĩ là sẽ giúp được bạn chút gì đấy. Đúng như bạn nói, đó là tình yêu. Tình yêu đơn giản là cần có nhau trong cuộc đời. Trước tiên, bạn phải biết rằng, anh ấy yêu bạn rất nhiều. Vì sao, bởi vì anh ấy yêu bạn, nên mới không muốn bạn khổ, không muốn bạn buồn khi anh ấy rời xa, và cho dù có rời xa, thì anh ấy vẫn mong bạn hạnh phúc và tìm được một người xứng đáng. Nếu như anh ấy không yêu bạn, anh đã im lặng ra đi, để mặc bạn đau khổ, chơi vơi, lạc lõng với hàng vạn câu hỏi không thể trả lời chứ đừng nói đến là một lời tạm biệt như anh ấy đã từng. Chắc chắn là bạn còn yêu anh ấy, rất nhiều đúng không? Mình rất mừng vì bạn đã nói câu sẽ ủng hộ anh ấy để anh được hạnh phúc. Nếu bạn yêu anh ấy, thì hãy yêu cả ước mơ và tương lai anh ấy, cho dù tương lai đó không có hình bóng bạn. Thử nghĩ xem nếu như anh ấy không đi xuất gia, cho dù bạn có giữ được anh ấy đi nữa, bạn cũng chỉ giữ được cái xác thôi, trái tim không còn dành cho bạn. Cho dù anh ấy còn yêu bạn rất nhiều nhưng anh ấy dám bỏ qua tình yêu ấy để thực hiện lý tưởng của mình thì chắc chắn lý tưởng kia còn lớn hơn tình yêu anh dành cho bạn. Vậy nên có giữ được anh thì bạn cũng chỉ giữ được một phần nhỏ của trái tim người đàn ông đó. Nếu bạn có tìm hiểu đạo Phật thì chắc bạn biết công chúa Da Du Đà La là vợ của Thái tử trước khi đi tu. Biết chồng mình có chí nguyện xuất gia, nhưng nàng vẫn không cản. Người đàn bà nào cũng mong muốn mình có một hạnh phúc trọn vẹn, muốn mình là người duy nhất chiếm được tình yêu đó. Bởi vì, tình yêu chính là sự ích kỷ. Một bên là hạnh phúc của mình, một bên là hạnh phúc của chồng, nhưng nàng vẫn chấp nhận hy sinh để chồng mình xuất gia. Lặng thầm theo dõi bước chân Thái tử cho đến ngày ngài thành Phật. Và nàng được xem là người đàn bà tuyệt vời nhất. Tại vì sao nàng làm được như vậy bạn biết không? Đó là vì nàng nghĩ cho hạnh phúc của nhiều người. Xuất gia là lý tưởng, xuất gia là con đường đem đến hạnh phúc cho bản thân và mọi người nên thà mình chịu hy sinh để mọi người được hạnh phúc. Mình nghĩ là bạn sẽ làm được. Bạn yêu và muốn anh ấy hạnh phúc hay muốn anh ấy ở bên bạn mà đau khổ? Vậy nên hãy để anh ấy đi một cách ung dung không vướng bận nhất. Nếu bạn muốn anh ấy đi một cách không lo lắng gì về bạn, bạn có thể nhắn một tin nhắn cho anh ấy, nói là em vẫn ổn, em tôn trọng sự lựa chọn của anh và vẫn hạnh phúc khi anh được hạnh phúc, và anh nhớ rằng hãy làm nhiều người khác hạnh phúc bằng chí nguyện của mình, nếu không thì anh đang phụ lòng của em đấy! Nếu bạn làm được như vậy, anh ấy sẽ yên tâm ra đi không vướng bận. Chứ bạn im lặng, anh ấy nghĩ bạn đang đau đớn, anh ấy nghĩ mình là người có lỗi thì vô tình, đã không có được anh ấy mà còn làm anh đau khổ. Mạnh mẽ lên bạn nhé. Sự hy sinh của bạn sẽ là cao cả nếu như bạn làm người đưa tiễn tuyệt vời. Có thể bạn sẽ đau, đau một tháng, một năm, hay vài năm. Nhưng khi người ấy thành công và hạnh phúc bạn vẫn sẽ vui vì sự thành công đó có hình bóng bạn. Hãy thể hiện sự quan tâm bằng sự ủng hộ. Đừng làm sao để anh ấy nghĩ rằng anh ấy đã làm bạn buồn. Điều bạn cần làm là phải cho anh biết bạn vẫn sống tốt, vẫn vui vẻ, không bi lụy và vẫn ổn khi không có anh ấy, thì anh ấy sẽ yên tâm về bạn. Bạn có đau, có nhớ, nhưng xin chỉ một mình bạn biết. Bởi vì, không một sự hy sinh nào là dễ dàng cả. Bởi nếu hi sinh mà dễ dàng thì nó sẽ không thiêng liêng như khi người ta nhắc về nó. Còn tình bạn có còn không là nhân duyên. Mà nhân duyên cũng từ bạn mà ra. Thử hỏi nếu anh ấy tu mà suốt ngày bạn cứ nhắn tin nói nhớ nói thương, yêu đương nhắc chuyện ngày xưa thì anh ấy còn dám liên lạc với bạn nữa không. Vậy nên hãy ủng hộ hết mức có thể. Mình nghĩ là một nhà báo, bạn đủ thông minh để biết cách làm sao giữ được tình bạn này. Chúc bạn mạnh mẽ! À, xin lỗi bạn, mình có thể chia sẻ câu chuyện này được không? Không biết bạn có phiền không? Vì biết đâu, giữa cái mớ thế thái nhân tình ngoài kia, cũng có người đang chênh vênh giống bạn. Thì sao?” Chia tay vậy, để làm gì? G iới trẻ giờ yêu nhau, sau khi chia tay, chặn hết facebook zalo của người cũ. Xong rồi lại lập một cái facebook mới, vô âm thầm theo dõi coi người ta có đăng hay nhắc gì đến mình. Để làm chi? Giới trẻ giờ yêu nhau, đi đâu hay làm gì cũng chụp choẹt đủ kiểu đăng lên facebook cho bàn dân thiên hạ thấy, khoe hai đứa hạnh phúc như thế nào. Đến khi chia tay, vừa khóc vừa lục lại facebook xóa hết hình ảnh liên quan đến những kỷ niệm hai đứa đã từng. Rút kinh nghiệm, sau này có yêu ai, đăng hết ảnh có mặt nhau vào chung một album. Lỡ có chia tay, xóa một lần cho dễ. Đỡ mất công. Giới trẻ giờ yêu nhau, chia tay xong, đi lục lại những bí mật thầm kín của người cũ, kể ra cho mọi người đều biết. Nói xấu người cũ một cách thậm tệ. Đem cả những thói hư tật xấu, những thứ mà lúc còn yêu nhau sẵn sàng bỏ qua tất cả bây giờ đem phơi bày. Nói cho đã, làm cho sướng. Người kia vẫn im lặng. Đến tối về, tự hỏi lòng, làm vậy để được gì? Tại sao không chọn cách rời xa mà trong lòng vẫn giữ cho nhau hình ảnh đẹp? Giới trẻ giờ yêu nhau, khi chia tay không còn là tất cả của nhau nữa lúc người ta có người mới, thay vì chúc phúc vui mừng thì mình lại đi bới móc, tìm mọi cách để họ chia xa. Thách thức kiểu như, tui sẽ chống mắt coi, mấy người được bao lâu. Rồi khi họ đám cưới, trang điểm thật đẹp, mặc đồ thật xinh, để người ta thấy tiếc khi bỏ rơi mình. Phong bì không bỏ tiền mà lại để vào đó tấm hình hồi hai đứa còn mặn nồng bên nhau. Làm hết vậy rồi, hỏi lòng có thực sự vui? Giới trẻ giờ yêu nhau, lúc giận dữ, lúc bản ngã dâng lên, kiên quyết đòi chia tay. Đến một lúc bỗng nhiên yếu lòng, đêm nằm đọc lại những tin nhắn của nhau, nhập dòng tin chúc họ ngủ ngon như ngày trước rồi lại xóa, đâu dám gửi. Tự nhiên bữa đó lỡ bấm nút gửi, người ta đọc, chỉ nhắn lại một câu, có còn là gì của nhau đâu, thà đừng nhắc, có khi còn dễ quên. Thấy lòng mình lạc như những dòng tin nhắn. Giới trẻ giờ yêu nhau, tận dụng hết những mối quan hệ liên quan giữa mình và người đó để níu kéo lúc chia tay. Có thể gọi cho bạn bè, nói mày làm ơn kêu nó quay lại, đừng đi nữa. Hay là gọi cho ông bảo vệ công ty của người ta, dặn mỗi lần họ đi làm, nhớ nhắc quay lại với cháu nha. Cùng quẫn hơn, dặn bà bán cháo lòng đầu hẻm mà hai đứa hay ăn, nói bà chừng nào thấy họ ghé quán ăn, nhớ nhắc quay lại với cháu mới bán nha. Vậy đó. Tại sao hồi còn nhau, không thật lòng nắm giữ? Làm ơn, khi yêu nhau thì yêu cho thiệt tấm lòng. Kiếm được nhau giữa thế giới này là kỳ tích. Cứ rút ruột mà yêu. Lỡ có lạc nhau, không còn gì hối tiếc. Mà đã lỡ chia xa, thì rời đi trong văn minh lịch sự. Đã mang tiếng là giới trẻ học nhiều thì càng phải văn minh. Giữ hình ảnh đẹp nhất cho nhau khi có thể. Rủi gặp lại, còn dám nhìn nhau mà cười. Đừng đánh mất danh dự bản thân chỉ vì một người không xứng đáng. Chỉ cần còn thương nhau T rong một tuần, có hai người phụ nữ đến tìm tôi. Người phụ nữ thứ nhất. Đi một mình, trong một buổi chiều trời chuyển gió, cô thất thểu đến trước mặt tôi, đôi mắt sưng húp. “Thầy có thể cho con vào điện chùa ngồi nghe kinh cho nhẹ lòng chút được không?” Tôi hẫng giọng, “Có chuyện gì phải không?” “Không ạ, chỉ là con muốn vô chùa nghe kinh cho đầu óc tươi tỉnh tí thôi ạ.” Tự nhiên nước mắt cô lăn dài. “Chắc chắn là có chuyện, nếu được chị cứ nói cho nhẹ lòng.” “Thật sự con không biết phải nói như thế nào, trong đầu con bây giờ không còn nghĩ được gì hết. Con không biết phải giải quyết cách sao nữa Thầy ạ.” Tôi im lặng. “Cách đây vài năm, con có phát hiện chồng con ngoại tình, với một người khác. Sau vài lần bắt gặp và làm lớn chuyện, anh hứa sẽ bỏ. Nhưng cách đây vài ngày, vẫn tin nhắn tình cảm đó, anh giấu và xóa tin nhắn đó đi. Con lên nhờ tổng đài để xem tin nhắn đó, và họ vẫn tiếp tục với nhau... Bây giờ con phải làm sao?” Người phụ nữ thứ hai. Theo cô là ông bố ruột, từ ngoài quê vào, khi nghe con mình có chuyện. Ông bố mở lời. “Thầy ạ, thật sự, phận làm cha mẹ ai thấy con mình sa cơ lỡ vận cũng đau lòng, nhưng gì thì gì cũng là con mình, sao bỏ được. Con dại cái mang. Nó sai cũng mong nó sửa được. Tôi vào đây cũng muốn bên cạnh nó những lúc này, không khéo nó lại nghĩ quẩn. Đưa nó vào gặp Thầy cũng là một lý do, tìm cho nó một lời khuyên trấn tĩnh.” Cô gái này chắp tay, hàng nước mắt chảy. “Trước tiên con xin sám hối, con xin sám hối những lỗi lầm con đã tạo. Bởi những việc con làm không dễ gì tha thứ được. Chính con đã phá hoại tất cả, con đang rất ân hận. Chỉ xin Phật cho con được một lần sửa sai chính mình.” “Chị có thể kể được chứ?” “Thưa Thầy, giữa cái cuộc sống này, công việc, ngoại giao, bè bạn, các mối quan hệ xung quanh, cũng có lúc mình không giữ được mình. Và con cũng vậy, con đã phạm phải một điều đi sai với luân lý, trái với đạo nghĩa. Con phải lòng với người khác một thời gian dài và đã đi quá xa với họ. Cho tới khi chồng con phát hiện, anh vẫn im lặng. Con biết ảnh im lặng, là vì hai đứa nhỏ. Nhưng sâu thẳm trong con bây giờ đã thấy mình sai rồi, con ôn hận lắm rồi, có cách nào để con làm lại không Thầy?” Hai người phụ nữ, giống nhau ở chỗ, đứng trước khoảnh khắc lòng người sắp vỡ đôi, và khác khác nhau, người phản bội và người bị phản bội. Tôi nói nhiều lắm. Nhưng chung lại, cho mỗi người một câu hỏi. Người phụ nữ thứ nhất. “Thầy hỏi chị, chị còn thương anh ấy không? Câu trả lời chị tự biết. Nếu còn, hãy bỏ qua tất cả.” Người thứ hai. “Đừng phân vân nữa, chuyện xin lỗi là đương nhiên. Nhưng chị hãy hỏi anh ấy rằng, anh có còn thương em không? Nếu còn, anh ấy sẽ bỏ qua tất cả.” Đừng trách duyên phận, đừng trách số trời, chỉ trách tại lòng người không chịu giữ nhau, và không đủ bao dung để chứa hết lỗi lầm nhau. Đừng bàn đến chuyện còn duyên hay hết nợ. Chỉ tự vấn mình rằng, có còn thương nhau như cái thuở ban đầu không? Nếu còn thương, thì bỏ qua tất cả. Bởi duyên có thể là tại trời, nhưng phận là tại lòng người. Thương ta hay chiếc áo? B ữa tôi có công việc phải vào gặp gỡ một vài huynh đệ tại một ngôi chùa trong Sài Gòn. Phải nói Phật tử ở đây dễ thương vô cùng, hiếu khách, chu đáo, chăm sóc tận răng. Tôi đến chùa thì Thầy trụ trì đi vắng, tiếp tôi có hai chị Phật tử còn trẻ, chắc hơn tôi vài tuổi, bận hai bộ đồ màu hường da heo ra mời tôi vào phòng khách. Bước lên cầu thang, tôi đi trước, hai chị đó theo sau. Bỗng có một chị mặt cũng dễ thương, nắm tà áo dài sau của tôi lại, tôi giật mình, chỉ kêu: “Áo Thầy dính gì nè Thầy ơi, để con gỡ ra cho Thầy.” “Dính mỡ đó chị, để Thầy tự chùi.” “Thôi để con chùi cho Thầy ơi, áo Thầy đẹp quá!” Tự nhiên thấy kỳ, đã không cho rồi còn nắm tà áo không thả. Nhìn vô người ta tưởng mình thiếu nợ. Tôi quay lại. “Cho chị cái áo bận đi ăn đám cưới luôn đó, lấy hông?” Chắc thấy ngại, nên buông. Lên tới phòng khách, chị ấy rót nước, còn chị kia đi giặt khăn. Giờ tôi mới để ý. Hường toàn tập. Kẹp tóc hường, móng tay hường, bộ đồ hường, chỉ có cái môi đánh đỏ hơi đậm. Tôi cười nhẹ. Chị hỏi sao cười. Tôi kêu “Hơi đậm.” Lúc sau tôi ra hành lang đứng chơi, chị bẽn lẽn từ trong đi ra, đứng sau lưng tôi. “Thầy, nói thiệt với Thầy con theo dõi Thầy lâu rồi, mấy bài của Thầy bài nào con cũng share hết. Mà không dám nói chuyện với Thầy, do con nghe mấy người nói Thầy chảnh lắm, không biết có phải không. Bữa nay không ngờ khách của Thầy con lại là Thầy, gặp Thầy con mừng gần chết.” “Dạ. Đúng rồi đó chị, Thầy chảnh từ nhỏ rồi, bỏ không được.” “Kia là chị của con, chị em con thích Thầy lắm luôn. Mà nhìn Thầy ở ngoài khác trong hình quá. Nhưng nhìn Thầy vẫn đẹp Thầy ạ.” “Vậy hả chị, ai cũng nói vậy hết trơn. Hình Thầy đăng bài lên phải cà mặt cà đồ nửa tiếng đồng hồ mới được vậy đó chị.” Được mấy câu thì gặp Thầy trụ trì về. Tối đó ở lại chùa. Không biết cách nào chị có số zalo tôi, kết bạn rồi nhắn tin. Tin nhắn đầu tiên là, “Zalo cho bí mật nha Thầy?” Tôi hỏi có chuyện gì không? “Nếu con tỏ tình, Thầy có đồng ý không? Con yêu Thầy mất rồi.” Tôi trả lời ngay, “Có.” Chị thả tim ngập tràn. Tôi tiếp. Không để chị trả lời. “Nhưng với một điều kiện. Ngày mai chị phải giới thiệu Thầy là người thương của chị với Thầy trụ trì nhé?” “Ơ chết, không được Thầy ơi, làm thế sao con dám nhìn mặt mọi người nữa.” “Chị. Thế này nhé. Khi một người yêu thật lòng thì bằng mọi giá họ phải bảo vệ tình yêu của mình và càng muốn cho mọi người biết tình yêu của họ đẹp như thế nào. Còn như giấu giếm tình yêu thì chỉ có hai trường hợp: thứ nhất là chị bắt cá hai tay, thứ hai là chị yêu không thật lòng. Thầy vào vấn đề chính nhé. Chị thương Thầy, là thương khi Thầy còn mặc cái áo tu và trong hình dáng này, hoàn cảnh này. Có thể chị thấy Thầy thanh cao, thấy Thầy thoát tục rồi chị thương. Nhưng chị nghĩ lại, nếu như Thầy không tu nữa mà về với chị, trong một bộ dạng khác, không nghề ngỗng, không làm ra tiền lo cho chị, thì chị nghĩ sao? Đương nhiên tình yêu lúc đầu khi được đền đáp chị sẽ cảm thấy hạnh phúc và không bận lòng những chuyện đó, nhưng lâu dài thì khác, chị sẽ thấy chán ngán khi tình yêu không phải chỉ là ngồi ở nhà nhìn nhau là đủ. Chưa kể, chị còn mang tiếng đi yêu người tu sĩ. Chị ạ, Thầy đã bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ gia đình để mặc được cái áo này, thì không một ai có quyền cởi được chiếc áo này của Thầy ra. Thầy nói thật, cho dù Thầy có yêu ai đến mấy Thầy cũng chưa chắc bỏ đời tu được huống gì chị là ai? Thầy không có tình cảm với chị. Không một người đàn bà nào chấp nhận đem tiền hằng ngày về nuôi một ông chồng bất tài vô dụng. Tình yêu là san sẻ, là cùng nhau gầy dựng. Xin lỗi chị. Yêu người tu không có tội, tội là khi mình làm gì ảnh hưởng đến họ đó chị ạ.” Chị ấy chặn tôi. Ngày hôm sau, tôi kể lại với Thầy trụ trì nhưng không nói tên ai. Thầy ấy nói ngay tên chị ấy. Tôi hỏi sao thầy biết? “Không phải lần đầu.” Tôi thấy mắc cười, Sài Gòn cứ vội, vội cả tình yêu và đợi chờ. Trách người bỏ ta, hóa ra trách mình M ột cậu bé vào gặp tôi. Cậu nói cậu thất tình, cậu oán trách người yêu cũ, cậu hận người cũ vì đã bỏ rơi mình, cậu hận đến tận xương tận tủy, tận tim gan, không xứng đáng với tình yêu mà cậu trao đến. Và điều cậu nhục nhã nhất, đó là lần đầu tiên bị người khác bỏ. Vì trước đây, cậu chỉ bỏ người. Tôi cười, hỏi cậu ấy, nhìn lại bản thân mình, có gì xứng đáng để giữ người ở lại? Trách người làm chi, khi bản thân chưa thật sự tốt. Vả lại, chì chiết người khi không còn nhau nữa. Bản thân có đáng để người yêu? Đừng trách một người tại sao ra đi mà không lời từ biệt. Đơn giản là người đã hết thương, hết coi ta là tất cả, họ sợ nói lời cuối, sợ ta lại níu tay rồi người đi không được. Hoặc có thể người vẫn còn thương, vẫn còn day dứt mãi, nhưng sợ cái cảnh lúc buông tay, sợ giây phút không còn của nhau nữa. Nên thôi, im lặng mà rời đi. Đừng trách một người tại sao lại phụ bạc. Chỉ là bên ta họ hết thấy an toàn. Họ cần một chiếc áo vừa hơn, một đôi giày hợp ý. Và vai ta, đã thôi còn vững chãi. Đừng trách một người sao lại hết yêu. Đâu, họ vẫn còn yêu đấy chứ. Chỉ là người họ yêu không phải là ta thôi. Đừng trách một người sao im lặng. Vì biết có nói ra, cũng chẳng giải quyết gì. Biết nói gì đây khi lòng đã nguội lạnh. Dằn vặt nhau ư, được gì chứ? Ngọt ngào với nhau ư? Thấy dối lòng. Đừng trách một người sao mà vội thay đổi. Nhìn lại mình đi. Mình của những năm tháng sau này có còn là người mà ngày đầu người ta gặp, người ta thương? Vì chính ta thay đổi, người mới đi thôi. Đừng trách một người vì sao chẳng níu ta lại như những ngày xưa nữa. Chỉ là ta may mắn xuất hiện đúng vào lúc người ta chông chênh nhất, người bất giác đưa tay, và ta vội vàng nắm. Để rồi mãi đến hôm nay, cảm giác chông chênh người đã không còn nữa, thì người buông. Là do ta ảo tưởng, chứ thật ra, họ đâu có thương mình. Đừng trách... và đừng bao giờ trách. Nếu đã bỏ qua tất cả để đến với nhau, thì tại sao khi rời nhau không chịu bỏ qua tất cả. Có khi người đã buông ta lâu rồi, mà ta cứ còn giữ mãi rồi oán trách. Thanh xuân của ta có mặt họ, oán trách họ cũng như oán trách chính thanh xuân của mình. Chi bằng buông đi, và tiếp tục yêu nữa. Ngẫm (1) YÊU M ỗi người yêu một cách, và có cách riêng để tận hưởng tình yêu của mình. Nhưng thông thường có hai loại tình yêu, yêu để tính chuyện tương lai và yêu để thỏa vời cảm xúc. Yêu cho tương lai, họ yêu nhau theo tiến trình tiếp cận, tìm hiểu, chấp nhận và kết hôn. Tình yêu này biết hạ cái tôi của mình xuống, thứ cần giữ là niềm tin của nhau chứ không phải giá trị bản thân, bao gồm cả sự bao dung và tha thứ. Yêu cho tương lai hướng đến sự trưởng thành, bắt buộc con người ta phải toan tính nghĩ ngợi cho sự lâu dài. Họ yêu say đắm, nhưng nhẹ nhàng. Như biển càng sâu, càng im lặng. Yêu để chiều cảm xúc, loại tình yêu hướng đến bản năng và dục vọng, đôi khi là để lấp trống trái tim. Tình yêu này con người ta thường yêu mạnh mẽ, yêu hoang dại và điên cuồng, bỏ vào đó chút ghen tuông, ích kỷ, và chiếm hữu. Họ lao vào tim nhau như những con thú, yêu nồng nàn, thắm thiết, xong rồi thôi. Ấy vậy mà nhiều người chọn cho mình cách yêu cảm xúc, bởi nó sâu đậm, nó chân thành và đau. Khi xa nhau, tình yêu cho tương lai thường đau âm thầm mà dai dẳng, chỉ chợt ngó thấy bóng hình của ngày xưa, nghe tiếng nói của người cũ thì trong tim lại nhói. Còn tình yêu cảm xúc, khi xa nhau họ đau dữ dội, như thể mất nhau cuộc đời chỉ còn đêm tối. Day dứt một thời gian dài, thế mà rồi cũng lại quên. Tự tin bắt đầu lại cuộc tình mới. Có gặp lại nhau, vẫn xem nhau là bạn. Vẫn đi chơi cùng nhau, cùng ăn tối, cà phê, dạo bước, đi bên nhau cũng như cái ngày xưa cũ. Chỉ không còn là tất cả trong nhau. Mà nói gì nói, yêu kiểu gì thì khi mất nhau, cái thấy rõ nhất, là nỗi đau. Rồi sẽ có ngày M ấy đứa nó hay cằn nhằn tui, nói sao tui cứ trù ẻo ba mẹ nó. Vu Lan về mà nó đi làm ở xa, tui nhắn tin, nói có về dự Vu Lan không? Nó kêu con bận quá, chắc không về được Thầy ạ. Tui nói Vu Lan là phụ, về nhà với ba mẹ là chính. Sao biết chắc năm sau mình còn được cài cái bông hồng đỏ nữa không. Rồi năm sau, chắc gì còn có người đợi mình hẹn năm sau con lại về tiếp? Tết, có mấy đứa ở miết trong chùa. Từ trước tết tới hết Rằm tháng giêng. Trưa ba mươi, tui kêu tụi nó chạy về ăn cơm với gia đình, thắp cây hương rước ông bà tổ tiên. Tụi nó không biết sao, chứ đối với bản thân, Tết đẹp nhất là trưa ba mươi, thắp ngọn nến, bà nội cầm mấy nén hương đứng trước mâm cơm trên bàn thờ, tay run, mắt đỏ, giọng lạc đi. Nhất là cái năm đầu tiên không còn ông Nội. Tự nhiên thấy rần rần trong từng thớ thịt, nhớ tổ tiên, nguồn cội. Hoặc là tối Giao thừa, tui biểu tụi nhỏ về, đón Giao thừa xong vô lại. Có đứa làm biếng, tui la, biết Giao thừa năm sau có còn ai đón cùng nữa không mà hẹn. Rồi ngày lễ, tui nói tụi nhỏ gọi điện về chúc mẹ một câu. Nó nói tụi con lớn rồi, làm vậy thấy sến. Với lại, trước giờ không chúc, nay bày đặt lên, ngại thấy mồ. Tui mắng liền, bây lớn gì lớn, không có mẹ bây mà bây to đùng để đứng đây cãi à. Thử nghĩ một năm nào đó, người ta chở mẹ đi chơi rần rần ngoài phố. Bây không có ai để chở rồi bây có tủi thân không? Hay đợi mua bông cúc về để lên bàn thờ? Tụi nó làm, nhưng giận. Mấy đứa này, chưa trải qua mất mát nên chưa biết trân trọng. Bữa đó, nhóc Phật tử chùa tui bỏ nhà đi, nó không chịu đi học. Đâu chừng mấy ngày sau thấy mẹ hớt ha hớt hải chạy xuống chùa hỏi, tui nói không thấy nó ở chùa. Rồi ngồi kể sự tình, khóc như mưa. Tui nói để đó, tui kêu nó về. Một lúc sau ba nó chạy vô, nói con làm ở xa lắc, cách nhà mấy chục cây. Nghe nói xong là chạy đi tìm mấy bữa rày, không ăn không uống, cứ nghĩ nó ở chùa. Tui thỉnh nó về gấp. Ngồi phân tách mấy tiếng đồng hồ cho nó hiểu. Tui dùng chiêu cuối. Hỏi bây có bao giờ nghĩ, bây đang đi chơi với bạn ngoài đường, rồi có người gọi, nói mẹ bây ở nhà đột quỵ, hay đi tìm bây rồi xe quẹt ngoài đường phải cấp cứu chưa? Nó khựng lại, nói chưa bao giờ con nghĩ đến đó. Rồi lập tức chạy về xin lỗi ba mẹ. Tụi trẻ, cứ nghĩ ba mẹ nó sẽ sống quài quài với tụi nó. Rồi tụi nó cứ mặc tình rong chơi, chẳng biết ba mẹ nó nghĩ gì. Cứ vô tư đi, rồi sẽ có ngày... Mà thôi không nói nữa. Tết mùa ký ức T ết mùa năm đó, là Tết mùa ngây thơ. Ngày nhỏ chẳng biết là sẽ khi nào mới tới Tết, chỉ đợi tới ngày nội đứng trước bàn thờ trong bếp, thắp mấy cây nhang trên miệng lò, rồi thấy tờ vàng mã cháy bay bay là mừng húm, biết Tết đang về gần đến đít. Tết mùa năm đó, là Tết mùa ăn ngon. Trước tối ba mươi, nội nấu nồi thịt kho tàu sôi rùng rục trong bếp. Miếng thịt vàng nâu, cái trứng vịt trồi nổi, ngun ngút khói, thơm lừng. Trưa ba mươi, dọn lên mâm cơm rước ông bà, mà có lẽ cái gia đình miền Nam nào cũng vậy, cũng phải có đĩa thịt kho, tô canh khổ qua nhồi thịt, cái bánh chưng, chén củ kiệu... Tết mùa năm đó, là Tết mùa mặc đẹp. Mẹ dẫn đi mua mấy bộ đồ mới, cứ săm soi, đếm ngày coi chừng nào được mặc. Mấy mùa Tết sau, tới bây giờ vẫn chưa mua cho mẹ được bộ nào mặc Tết. Tết mùa năm đó, là Tết mùa đoàn viên. Cả nhà, ông bà nội, ba mẹ và tôi nữa, đêm Giao thừa đứng trước sân ngó lên trời, cầu cho một năm gia đình hạnh phúc, con cháu giỏi giang. Ngoài xa kia, pháo cứ bắn đùng đùng. Tết mùa năm đó, là Tết mùa lo âu. Ông nội cứ ho, ho rất nhiều. Bà nội đưa viên thuốc đêm Giao thừa, nói anh uống đi, qua Tết rồi mình đi khám coi. Tết mùa năm đó, là Tết mùa đau thương. Trưa ba mươi phải dọn thêm một mâm cơm lên bàn thờ ông nội. Bà nội cầm mấy nén hương đứng trước bàn thờ tổ tiên, tay run run, mắt đỏ, giọng nghẹn ngào. Nhìn hình ông bà mà hỏi, ba mẹ có gặp anh chưa? Tết mùa năm đó, là Tết mùa mất mát. Thắp nén hương dâng trời đất trong khoảnh khắc giao thời. Bà nội quay vô bàn thờ ông nội, rót chén trà, mời ông chồng ly trà năm mới. Mới năm ngoái còn đi ra đi vô ho sằng sặc, năm nay chịu ngồi một chỗ uống trà rồi hen... Tết mùa năm đó, là Tết mùa ký ức. Cứ rưng rức trong tim mỗi năm đón Tết về. Chuyện cái nồi cơm điện C hùa tôi có một chú điệu, năm nay chú học lớp tám, quê chú ở tận trong miền Tây, năm lớp sáu là má chú gửi chú ra chùa, tít ở ngoài miền Trung. Ngày chú vào chùa cũng là ngày má con từ đây cách biệt. Cả ngàn cây số giờ đây sao mà xa quá, thăm thẳm như sương mù tháng mười giăng kín cả lối má về. Má và chị hai vừa khuất sau cánh cổng, bàn tay vừa vẫy xong bỗng khựng lại, chú ôm cánh cổng chùa khóc nức nở, bấu chặt vào thanh sắt như níu lại. Cổng đóng rồi, con bỗng hóa bơ vơ. Chú, một cậu nhóc thông minh, học Kinh rất mau thuộc, đặc biệt chú nấu ăn ngon cực kỳ. Chú bảo có lẽ là do chú ảnh hưởng từ má, từ nhỏ chú đã phụ má bán quán ăn, thành ra những món ăn của chú rặc mùi quê, cộng thêm cái chất miền Tây đặc sệt, nấu canh mà không ngọt thì hổng có phải là miền Tây. Có đôi lần tôi cũng lân la hỏi về gia đình chú, không hiểu sao mỗi lần nhắc về gia đình, mắt chú có gì đó xa xăm, đảo nhẹ qua khoảng không rồi lại sáng bừng mà kể. Tía chú làm chủ của một cửa hàng bán đồ làm nông, má chú có quán ăn nho nhỏ kế bên, chị Hai chú bây giờ là cô sinh viên của trường đại học Cần Thơ. Gia đình vậy mà hạnh phúc. Tôi có hỏi tại sao mấy năm trời mà không thấy tía chú ra thăm, lúc nào cũng thấy má với chị Hai ra thăm thôi? Chú bỗng cúi gằm mặt xuống giọng lí nhí, “Chưn tía em bị tật, đi đứng khó khăn lắm!” Chú ngửa mặt lên nhìn tôi, cười nhẹ, rồi nói tiếp, “Bởi vậy má em đâu có cho đi đâu, cứ ở trỏng lo buôn bán chớ ra đây xa thấy mồ, sao tía em chịu được.” Chú nói, mà tay cứ quơ quơ trên nền đất, như muốn viết cái gì đó... Lòng tôi bỗng thắt lại, hèn gì, mỗi lần chú mượn điện thoại gọi về nhà, lúc nào cũng hỏi “Hổm rày tía có té nữa hông?” Vậy là đã hai năm rồi chú chưa gặp tía, có chăng cũng là giây phút ngắn ngủi tía con nhìn nhau qua cái màn hình điện thoại, rồi vội tắt, sợ nói lâu, cầm lòng hông đậu. Rồi bỗng một ngày giữa cái mùa lá rơi lả chả, gió cứ lùa từng cơn. Tôi bước ra khỏi phòng kéo dây kéo áo ấm lên tới cổ. Chợt nghe có tiếng cười nói bên phòng chú. Ghé ngang, tôi thấy bóng một người đàn ông da đen sạm, nhỏ con, ngồi trên chiếc võng, còn chú ngồi bên dưới thao thao kể mấy chuyện trên chùa. Chú thấy tôi đứng ngoài cửa, vội nói lớn “Đây là tía em nè.” Tôi hơi ngạc nhiên rồi cúi đầu chào chú, nói mấy câu xã giao chào hỏi. Tôi có để ý dưới chân phải chú không có hai ngón cuối cùng. Mãi đến sau này tôi mới biết, chú bị giật điện trong lúc sửa đồ, cháy rồi cắt bỏ cả hai ngón. Tôi có hỏi ba chú ở chơi khi nào vô lại, tía chú nói chiều ăn cơm xong rồi về luôn. Thoáng chút, tôi thấy chú điệu ngó ra cửa, im lặng không mở lời. Ngoài kia, gió vẫn thổi. Hôm ấy là tôi nấu cơm, làm thêm vài món đãi vị khách miền Tây. Đến năm giờ chiều, các món ăn đã được sắp cả trên bàn, mùi thơm phức, chỉ còn chờ cơm chín nữa là nhập tiệc. Bỗng một chú đi tới chỗ cái nồi cơm điện, mở nắp ra rồi la lên, “Trời ơi, có cắm điện đâu mà cơm chín!” Tôi tưởng chú này nói đùa, bởi chính tôi là người bắt nồi cơm ấy lên và cũng chính tay tôi cắm điện vào. Quy trình trong đầu tôi còn rõ mồn một, làm gì có chuyện cơm chưa chín. Tôi còn cười, “Bớt giỡn nha, hổng có vui.” Nhưng tới sát cái nồi cơm tôi mới chưng hửng. Chết rồi. Sao lại có chuyện chưa cắm phích trong khi tôi là người làm chuyện đó. Chỉ có thể là ông điệu nào nghịch rồi rút dây chọc tôi đây mà. Tôi triệu tập ngay ba nhóc điệu trong chùa, nhưng chỉ có hai chú xuống, chú miền Tây kia không thấy đâu. Tôi hỏi, hai chú này đều đáp không có làm, có cả bằng chứng ngoại phạm. Vậy tôi đinh ninh là cậu nhóc miền Tây kia. Tôi đi lên phòng chú, đi ngang qua cánh cửa bên hông bếp nghe có tiếng rục rịch, tôi mở ra, ông điệu đứng phía trong nhìn tôi với đôi mắt sợ sệt. Hàm răng cắn chặt vào tay áo để khỏi bật thành tiếng. Tôi gằn giọng, “Em làm gì ở đây?” Mắt chú nhìn tôi chăm chăm không trả lời. Tôi hỏi có phải chút rút dây nồi cơm không, chú lại im lặng. “Tại sao?” Lúc này nước mắt chú tuôn ra, chảy xuống chiếc áo đà, rồi nức nở. “Tại... tại tía em nói ăn cơm xong là đi về quê. Mà em không muốn tía đi, em rút dây để cơm đừng có chín, để… để tía ở lại chơi với em...” - chú òa khóc lớn, mấy chú xung quanh lại gần dỗ. Lòng tôi nghẹn lại, không còn biết giận là gì. Tôi bảo chú lên phòng. Cậu nhóc vừa đi vừa quẹt nước mắt, tôi còn đứng đó, tự nhiên thương chú vô cùng. Nhưng rồi, vé xe cũng đã đặt, công việc trong đó đăng đăng đê đê hổng ai lo. Tía chú phải đi. Nhìn người đàn ông cứ khập khiễng bước dần về phía xe khách, mắt chú cứ lưng tròng. Tía chú quay đầu lại, cậu nhóc chỉ kịp nói một câu mà có lẽ cũng chưa trọn, “Tết rồi con sẽ về với tía.” Giờ này, cơm rồi cũng đã chín, thơm phức, nhưng chú cũng chẳng kịp ăn với tía một bữa. Có lẽ cuộc sống này vội quá, vội cả tình thân, vội cả lòng người. Để tiếng khóc trẻ thơ cứ cất mãi, rưng rức, dai dẳng. Là vậy. Có những cái nó hiện ra trước mắt và đong đầy quá, mình chưa nhận thấy nó quan trọng. Đến khi rời xa rồi mới ngậm ngùi nói tiếc, nói nhớ, nói thương. Chú không thiếu tình thương của tía, chẳng thiếu tình thương của má. Chỉ là tạm thời để lại sau lưng, đi theo con đường mình chọn. Lâu lâu cuộc đời có bắt bẻ thì quay lại, à, vẫn còn có nơi để mình trở về. Ừ thì Tết này về đi em, về mà cảm nhận tình thân, về mà được nhỏ bé, về mà được khóc không sợ ai bắt nạt. Ở cái miền Tây xa xôi kia có mâm cơm nóng đang đợi em, nóng mãi, ấm mãi, như mâm cơm chiều nay còn dang dở... Ngẫm (2) BẠN M ình đã từng rất thân với nhau, mặc dù chưa đến mức xem nhau là tri kỷ, nhưng cảm thấy vui những lúc ở cùng nhau. Bạn cho tôi năng lượng vượt qua những tháng ngày tẻ nhạt, khiến tôi quên đi lo lắng khi gặp bạn. Và tôi thấy hạnh phúc khi trên thế giới này, có thêm một người nữa để hiểu mình. Hình như là khi tình bạn thân đến một lúc nào đó, họ cần một khoảng trống dừng lại để gọi là tạm thời quên nhau. Như ăn hoài một món ăn cũng có lúc ngán, vài ba năm ăn lại, vẫn mùi vị đó, mới nhớ trước kia mình cũng từng thích. Bây giờ vẫn vậy, chỉ là không xem nó quan trọng như ngày xưa. Không biết là tại tôi cứng nhắc hay tại bạn vô tình. Cái lưng chừng không rõ đó nó lại là bức tường ngăn cách nhau. Mình không còn trò chuyện thân thiết như xưa, không còn thao thao kể cho nhau nghe về cuộc sống mỗi người, không còn la cà chọc phá nhau khi tạt nhẹ qua phòng. Đổi lại tất cả bây giờ, chỉ là sự im lặng. Im lặng, Không phải là không có gì để nói, mà là muốn mở môi thấy thừa thãi lạ kỳ. Không phải là không muốn nói, mà chỉ là trong nhau mình đã lạc mất rồi. Không phải là vô tâm, mà đơn giản đứng bên nhau, khoảng cách lớn vô cùng. Có lẽ cả bạn và tôi, đủ trưởng thành để không phải chạy theo nhau thắc mắc tại sao mình im lặng như thời con nít. Mà ai nấy tự hiểu, chỉ là muốn dừng lại, trước khi mọi thứ tồi tệ hơn. Để lỡ sau này có xa nhau, cái mình nhớ lại, là câu chuyện khi mình còn thắm thiết. Tôi giận bạn, nhưng chỉ ít thôi. Tôi giận mình, nhiều hơn chút. Tôi giận mình không thể giữ được tình bạn này. Tôi giận mình vì giữa cái thế nhân lòng người đầy tráo trở, tôi để lạc đi một người hiểu mình. Và tôi giận, giận bản thân không biết cách trân trọng thứ tình cảm mà con người ta hằng ca ngợi. Thôi tạm biệt nhé bạn tôi, chỉ là tạm thời mình im lặng, nhưng bạn và tôi vẫn là bạn. Tình bạn thuộc âm thầm trong ký ức của ngày hôm qua. Lỡ mai này mồ côi MẸ N gày còn nhỏ, mẹ đối với con là tất cả, thế giới của con chính là mẹ. Con cứ rúc đầu trong người mẹ, hổng có nơi nào ấm bằng lòng mẹ, hổng mùi nào thơm bằng mùi của mẹ. Sau này lớn đi xa rồi mới thấy, hễ khi nào vấp ngã, mùi của mẹ lại vực con đứng lên. Và cứ vậy, mùi của mẹ là hương liệu để kết nên sự trưởng thành. Ngày còn nhỏ, đi đâu con cũng kè kè ở bên mẹ. Mẹ đi xa một chút, lại khóc lại la, sợ mẹ đi xa, sợ lạc mất mẹ. Lớn lên rồi, chính con lại là đứa xa mẹ, không còn phải sợ mẹ đi xa. Chỉ sợ mình đi mãi, quên mất đường về nhà. Ngày còn nhỏ, con biết chải tóc cho mẹ, biết khóc khi mẹ bệnh, biết ôm chặt mẹ và nói con thương mẹ nhất trên đời. Lớn lên rồi, tự nhiên thấy mẹ phiền, mẹ lắm chuyện, lo những thứ không đâu, bao nhiêu con tự mình lo được. Ngày còn nhỏ, con thích được mẹ tắm bằng nước ấm, tắm xong chạy ù vô phòng quấn lấy cái mền. Thích ngồi học bài còn mẹ bơm mực cây bút máy, mùi mực thơm thơm theo con suốt mấy năm tiểu học. Lớn rồi lại thấy nhớ cái hơi nóng trong phòng tắm, thèm ngửi cái mùi mực ngày xưa còn thơm ngầy trong cặp. Ngày còn nhỏ, hễ trời đến sẩm chiều, con ra ngồi ngoài cổng chờ mẹ đi làm về. Thấy xa xa đầu ngõ dáng mẹ với chiếc nón tai bèo, con chạy lại quấn quít, hỏi mẹ có mua gì về không. Lớn lên rồi con cũng như mẹ ngày xưa đi đi về về, tất bật với guồng xoay của cuộc đời. Cũng đã quên rằng ở nhà góc cửa mẹ cũng chờ con. Cái cửa nhà đã chứng kiến hai thế hệ đợi chờ như thế. Ngày còn nhỏ, tối đi ngủ con hay kể mẹ nghe chuyện trường chuyện lớp, chuyện học hành, bè bạn. Rồi mẹ dạy phải ứng xử này kia, con ngoan ngoãn lặp lại lời mẹ dạy. Lớn lên rồi, nhiều khi mẹ hỏi còn không muốn kể, chẳng phải khó khăn gì, chỉ là kể ra, sợ mẹ lại thêm một chút buồn. Ngày còn nhỏ, con hư mẹ hay đánh đòn. Đánh xong mẹ lại khóc, con sợ nhất nước mắt của mẹ, không mặn nhiều, nhưng đủ xan xát trái tim con. Lớn lên rồi, con cũng hư nhưng cuộc đời thay mẹ mà đánh, tự nhiên thấy lạ, mẹ đánh để con lớn lên, còn cuộc đời vì con lớn lên mà đánh. Ngày còn nhỏ, con từng hỗn với mẹ, rồi cũng thôi, vì lòng mẹ đủ rộng, chứa hết lỗi lầm con. Khi xa nhà, bôn ba rồi mới thấy, mẹ là mẹ, cũng là người duy nhất chịu được cái hỗn hào của con. Ngày còn nhỏ, con hỏi mẹ một câu đến cả trăm lần, mẹ kiên nhẫn trả lời con hết trăm lần. Đến khi lớn, một câu hỏi của mẹ, con chẳng muốn trả lời. Ngày còn nhỏ, con khát, mẹ cho uống, con đói, mẹ cho ăn, con đi, mẹ xỏ dép, con ngủ, mẹ giăng mùng, con học, mẹ soạn vở,... tất cả mọi thứ mẹ làm vô điều kiện. Lớn lên rồi mới thấy, cuộc đời cũng làm vậy với con, nhưng theo sau là một trời điều kiện. Rồi, lớn lên, rời xa mẹ, mới biết những tháng ngày bên mẹ, là bình yên, là hạnh phúc. Con của mẹ nó nhát hèn, cứ mỗi lần cuộc đời bắt bẻ, lại cứ xách va li chạy về nhà. Hổng khóc cũng hổng mét mẹ chi, chỉ là bước qua cánh cửa nhà, mọi gian nan ngoài kia đều trở thành vô nghĩa. Cũng là cách ở bên mẹ được vài ngày, vì biết đâu, lỡ mai này mồ côi... Lỡ mai này mồ côi, chắc con ghét mùa Vu Lan dữ lắm, vì tới Vu Lan, con không được quyền cài hoa đỏ. Lỡ mai này mồ côi, con đi luôn chẳng muốn trở lại nhà, bởi mỗi lần trở lại, trước hiên nhà chẳng còn mẹ đợi con. Lỡ mai này mồ côi, cuộc đời la, con chẳng thèm bật khóc, hay có đánh con cũng im nhẫn chịu. Bởi khóc rồi, chẳng có người dỗ con, hay đánh rồi, chạy về nhà, trống hoắc. Lỡ mai này mồ côi, cái va li to đùng cũng để đó. Bởi có muốn đi đâu, xếp đầy đồ, nhưng mất mẹ thì cũng thành rỗng tuếch. Lòng đã trống, ở nhà nào cũng là nhà trống. Lỡ mai này mồ côi, cái cửa nhà cũng khóc. Vẫn đứng đấy sương phai cùng gió lạnh, nhưng chẳng còn mẹ mở lách cách chợ đò mỗi sớm mai. Lỡ mai này mồ côi, lúc đói lòng vẫn thèm ăn mâm cơm của mẹ. Ngàn mâm cơm ngoài kia không bằng tô canh bí, đĩa rau xào. Vẫn thèm mẹ la rằng sao ăn ít, thèm bé nhỏ dẫu cho đầu có trắng hay mắt mờ, răng rụng. Lỡ mai này mồ côi, con ghét ngao du gặp người này người nọ, bởi có là ai hay thành gì chăng nữa, cũng mang bên mình thân phận trẻ mồ côi... BA Hồi còn bé, con ghét ba nhất nhà, con ghét mùi thuốc lá, con ghét mùi rượu bia, ghét cái tiếng xe về khuya ồn ào sau ngõ. Hồi còn bé, con thích nhất đi sở thú. Mỗi cuối tuần, ba chở con đi. Ngồi trước cái xe máy, ngửa mặt lên cứ hỏi, sao ba có râu còn con không có. Còn đòi tập lái xe, nói mốt lớn lên, con chở ba đi sở thú. Bữa quay lại chỗ đó, cái chỗ hằng tuần ba chở con đi. Cái gốc cây ba hay đậu xe nó đã già, cằn cỗi. Giật mình mới thấy, lớn rồi hổng còn được ngồi trước xe. Con lớn rồi cũng có râu, nhưng râu ba lại điểm thêm sợi bạc. Hồi còn bé, ba dạy con lớn lên đàn ông phải cứng rắn, phải hiên ngang trước cuộc đời. Nhưng ngày con đi học, xa nhà, ba gọi cho con. Lần đầu tiên con nghe ba khóc, vì nhớ con. Hồi còn bé, nửa đêm dở chứng thèm kem, ba dắt xe xuống đường tìm chỗ bán kem cho con. Lớn lên rồi, kem ngon không thiếu, nhưng lại chẳng tìm được cái vị của ngày xưa. Chắc mỗi mình ba biết chỗ mua nó, có mùi của khói xe, mùi của tay ba cầm đến tận về nhà. Hồi còn bé, tối ba hay chở con đi dạo phố, ba nói Gia Lai đẹp nhất vào ban đêm. Con sau này cũng vậy, có đi đâu cũng phải về Gia Lai, vì ở đây có gia đình, có căn nhà, có cái cửa luôn đón con trở về. Hồi còn bé, ba nói ba hối hận khi cãi lời ông nội, không chịu theo cái nghiệp bác sĩ của nhà mình. Ba dạy con lớn lên, phải thay ba làm tròn ước nguyện của ông nội, phải giữ được cái nghề tâm huyết đó. Không biết Vu Lan này, rồi Vu Lan 10 năm nữa, 20 năm nữa, con có được hãnh diện khoe mình cài hoa đỏ nữa hay không. Xin ba mẹ, cho phép cho con một đời này được làm đứa con bất hiếu, không ở bên ba mẹ đến trọn đời. Cảm ơn Ba, người đàn ông thầm lặng. Cảm ơn Mẹ, người phụ nữ tuyệt vời. Rồi cũng sẽ có một ngày nào đó, ba lại về với đất, mẹ đi với mây trời, con sẽ lùi một bước, cúi đầu. Ừ thì, hóa mồ côi... Mùa Vu Lan năm Mậu Tuất - 2019 Anh em ta ngày ấy M ấy nhóc! Giờ mà anh gọi tụi em bằng sư đệ nữa thì cũng không đúng, mà gọi mày tao như ngày xưa người ta biểu mình tu mà giang hồ, thôi thì mình gọi bằng anh em cho thắm thiết tha, khi chỉ có tụi mình, còn trước mặt mọi người cứ tùy duyên nhỉ! Bữa Tết anh về chùa, tự nhiên không thấy đứa nào, còn mỗi Bin nó đi học suốt ngày, Hoàng cũng vậy, tối tối ăn cơm mới thấy có tiếng người, chùa buồn hiu. Xách va li về mà cũng không thấy đứa nào ra đón, mừng rỡ như ngày xưa. Riết rồi tự nhiên thấy thèm cảnh tụi em ngày xưa đá banh rầm rầm trước ngõ, trễ giờ tụng kinh, anh la hoài. Cũng thói quen, tối dạo vòng lên cái dãy phòng “cô nhi viện”, muốn gõ cửa kiểm tra coi tụi này nó làm gì trong đó. Vậy mà quên, đứng trước cửa phòng cười cái rồi đi. Có kêu cũng chẳng ai mở, phòng giờ bỏ không. Ngó lơ sang nhà tắm, thấy mấy bộ đồ treo trong đó, nghĩ đứa nào ở dơ làm biếng không chịu giặt đồ, định cất giọng lên la, rồi chợt nhớ, đồ mình chớ ai. Hồi trước, công phu khuya, chuông điện kêu inh ỏi. Đứa thì vừa mặc áo vừa quẹt nước miếng còn chảy, đứa thì quên cột dây chân, đứa thì chỏm tóc lề xề còn dính trong miệng, hài hài vậy mà vui. Nay công phu chuông điện cũng kêu như bữa, chỉ có cu Bin thất thưởi xách áo chạy lên sau, cô nhi viện im lìm như chuông cháy. Hổm rày anh bận nhiều việc, Tết cũng có thấy mấy em vô chùa, hỏi thăm vậy chớ đã kịp rảnh ngồi nói chuyện với đứa nào đâu. Tự nhiên tối nay nhớ mấy đứa, viết vài dòng ôn lại ngày anh em còn gần gũi, sẵn có vài lời nhắn nhủ chút cho vui. Vậy thôi chứ không có gì. Hùng, đứa anh la nhiều nhất. Cái từ “nghiệp nặng” của chùa mình dành cho em là chính xác. Không có chuyện gì là Thầy với anh không góp ý. Cái thằng, coi vậy mà cũng được, càng tu càng chuyển tướng. Dung mạo cũng khả quan, không còn khả nghi như ngày trước. Coi luề xuề vậy mà nấu ăn ngon, sáng sáng lại đập cửa hỏi anh bữa nay nấu món gì, đi chợ đã rồi về anh chỉ nấu. Tự nhiên nay xuống bếp, hổng ai gây lộn, cũng buồn. Có lẽ anh với em là xung đột nhiều nhất, tính anh thì hay để ý rồi la, còn em thì cứ vô tư theo kiểu điếc không sợ súng, nên “hầu tòa” không biết bao nhiêu bận. Vậy mà cũng lạ, bữa trước bữa sau cũng anh em, cũng lân la vô phòng anh xin sữa. Quý, đứa anh thương nhiều nhất. Từ ngày em vô chùa, chức hotboy của anh cũng mất. Em làm anh cũng nở mày nở mặt, dạy gì nhớ đó, Kinh Luật học răm rắp. Mà cũng là đứa bày ra nhiều trò ma quái nhất, ranh ma nhất. Ở với Thầy thì như là công tử, mà về nhà đi học rồi dang nắng, bữa vô chùa mặt đen thui, ngập ngừng vô chào anh mà nhận đâu có ra. Anh thích em ở cái ham học hỏi, cái gì không biết cứ hỏi, hỏi dồn dập, hỏi người ta đến sân si cũng hỏi. Vậy mà tốt. Em cũng là đứa chọc anh tức nhiều nhất, điên đảo nhất. Bây giờ không còn ở chùa nữa, mấy cái anh dạy ngày xưa lấy ra xài dần, nó không có nghĩa chỉ dùng trong chùa không đâu, khó khăn cứ lấy ra mà thực tập, bởi mấy thứ đó, anh học từ Thầy chứ đâu. Hưng, đứa ăn nhiều nhất chùa, nói theo giới trẻ, em là đứa ăn được cả thế giới. Cũng thuộc dạng hotboy của chùa, tiếc là chỉ đứng sau anh và anh Quý. Em được cái làm biếng người đời gọi là nhớt thây. Sai em làm một việc gì thì phải la hét, có khi hóa làm Tiêu Diện trợn mắt le lưỡi thì may ra em mới làm. Nhưng có cái thông minh, học Kinh cũng nhanh thuộc. Em vô chùa thấy cũng mập như xưa, ngó lên đầu không thấy chỏm tóc, cũng buồn. Anh thấy có mấy người, tu không được cái ra đời lại, họ mặc cảm, không dám gặp lại ai, nói gì về lại chùa. Vậy mà mấy đứa em của anh lại được. Coi hình khóa tu mùa đông thấy mấy em có tham gia, chùa lễ cũng có vào, anh thấy vui. Ừ, mình vậy đó, ai nói gì nói, nhân duyên mà ai biết được, hết duyên thì dừng lại. Bình tĩnh sống đi em. Anh nghe người ta thường nói, đi tu là một cái nghiệp, là cái duyên của mỗi người. Còn theo Thầy Từ Quang mình nói, đi tu là cả một lý tưởng, cả một sứ mạng thiêng liêng. Thành thử ra ai mà đi hết con đường thì mình mừng cho người đó, còn ai lỡ duyên mà dang dở thì cũng đứng sau hộ cho người đi tiếp. Anh em tụi mình, xuất gia mỗi người một lý do khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người mỗi cảm nhận về môi trường xuất gia khác nhau. Nên việc làm quen với môi trường đó và hòa nhập với những con người đó là điều vô cùng khó. Như Thầy mình nói, ngoài kia có thể tụi em là những con ngựa hoang, nhưng vô chùa rồi, là phải tuân theo kỷ cương, giới luật, phép tắc, thanh quy,... mà tụi em là tuổi mới lớn, tuổi ăn tuổi ngủ, nên việc làm theo nhất nhất là không thể. Anh từng nghe sư ông Làng Mai dạy như này, khi xuất gia, chúng ta có bốn ơn lớn là: ơn Thầy tổ, ơn cha mẹ, ơn quê hương, ơn thí chủ. Thầy tổ dạy dỗ, cha mẹ sinh ra, quê hương thanh bình, thí chủ cung dưỡng, cũng chỉ mong chúng ta có khả năng tiếp nối sự nghiệp của Phật. Dù biết rằng khi mình hoàn tục vẫn là người có ích, vẫn có khả năng cống hiến cho xã hội, nhưng cái ơn mà trong suốt thời gian mình làm tu sĩ đó vẫn chưa trả xong, vì sự nghiệp của mình còn đang dang dở, mà mọi người thì trông chờ vào sự thành công của mình để họ được nương tựa. Cho nên mình không cho phép mình thất bại! Mình không được rơi rụng như bông xoài, mà phải kết trái ngọt làm đẹp cho cuộc đời! Anh không giỏi hơn tụi em đâu, hồi anh mới tu cũng vậy. Chỉ là anh may mắn hơn ở chỗ, khi anh vấp ngã có nhiều vị minh sư bên cạnh, bảo ban dạy dỗ, lấy đó làm động lực để anh đi tiếp, mới có cái để kể lại cho tụi em nghe. Thôi thì có về cũng được, lấy khoảng thời gian ở chùa, Thầy trò, huynh đệ làm khoảng thời gian đẹp trong cuộc đời đằng đẵng của mình. Đừng có tự ti mặc cảm chi hết, phải tự hào nữa là khác. Tự hào mình đã từng được sống cái đời sống thanh cao, được học những điều mà ở ngoài kia con người ta có bỏ tiền ra cũng chưa chắc học được. Anh biết cũng có lúc tụi em ghét anh nhiều lắm, bởi anh xét nét quá. Nhưng thôi, bây giờ mỗi đứa một nơi, sau này gặp có cái mà ôn lại. Với lỡ như sau này cuộc đời có bắt bẻ mà không tìm được ai bớt gánh, cứ tìm đến anh. Hay là lâu quá rồi thèm được nghe la hét, cứ về gặp anh, anh sẵn sàng la hét. La để tỉnh, để thấy ngoài kia họ la mình để vùi dập, không ai muốn tốt cho mình đâu. Vậy thôi, huynh đệ sống bao lâu viết vài dòng sao hết chữ. Nhớ tụi em, anh viết mấy lời, lấy làm động lực mà sống tốt, sống cho đẹp, cho hay. Có thành gì hay làm gì thì để sau này người ta nhắc lại vẫn không xấu mặt Thầy tổ mình, huynh đệ mình. Mong tụi em chân cứng đá mềm, bởi ngoài kia cuộc đời nó dữ lắm, không yên bình như chùa mình đâu. Cầu mong những gì tốt đẹp nhất đến với tụi nhóc. Phụ nữ những vai diễn cuộc đời "P hụ nữ chúng tôi cần được 364 ngày được tôn trọng, chứ không cần một ngày để tôn vinh.” Tôi nhớ là đã đọc được câu nói này ở đâu đó. Một cái tát mạnh vào những người hay khoe mẽ, nói đúng hơn là thích sống theo phong trào của xã hội. Cách đây nửa năm, tôi có viết bài “Thứ đàn bà”, nhiều người cũng ra vẻ khó chịu, nói tôi thiên vị, chỉ trích đám mày râu. Trong khi phụ nữ đàn bà là loại người khó hiểu, rắc rối, và chẳng có gì đáng để tôn vinh. Ngay cả những ngày như tám tháng ba hay hai mươi tháng mười, họ cũng cảm thấy tiếc và hầu như không muốn tặng quà hay hoa cho người phụ nữ của họ. Cuộc đời của người phụ nữ mà nói, trải qua ba thân phận. Có mười tám năm đầu được làm công chúa, sống với ba mẹ, được yêu thương chiều chuộng. Nâng niu như vàng như bạc, chỉ cần nước mắt con gái chảy, ba mẹ sẵn sàng kéo con vô khỏi cánh cửa nhà, không để cho giông tố ngoài kia vùi dập con mình. Có duy nhất một ngày được làm hoàng hậu, đó là ngày cưới. Ngày hạnh phúc nhất của một đời con gái, diện bộ váy mộng mơ nắm tay người đàn ông mà họ cho là hoàng tử, bước đi trong sự tung hô và chúc phúc của mọi người. Vâng, họ chỉ được làm hoàng hậu khi mặc chiếc váy cưới, còn khi cởi nó ra, cũng đồng nghĩa với việc đó là lúc họ bắt đầu đối mặt với gian truân, sóng gió, và một trời trách nhiệm. Và cả cuộc đời còn lại, họ phải làm nô tỳ. Lấy chồng về, phải lo cho chồng, chiều chuộng chồng, cả mẹ chồng, cả em chồng, gia đình chồng. Ngày xưa ở với mẹ, ngủ mặt trời lên hẳn còn là sớm. Về nhà chồng, gà vừa gáy đã là muộn. Ngày xưa ở với mẹ, việc gì cũng để mẹ lo, con chỉ việc học, chỉ việc chơi và chỉ việc làm con của ba mẹ. Về nhà chồng, việc gì cũng tới tay. Suy nghĩ chung của những bà mẹ chồng: tôi bỏ trầu cau mâm quả tiền bạc để rước cô về, thì cô phải phục vụ cho gia đình nhà tôi. Rồi có con, lại lo cho con. Chồng thương còn đỡ, gặp phải những ông chồng mang danh phụ bạc, một lý do đưa ra duy nhất để họ tiếp tục sống, là chỉ vì tương lai con mình. Con lớn lên, phải dựng vợ gả chồng, lo cho cuộc sống của con chu toàn tươm tất. Lại đến lo cho cháu, con lớn nó phải đi làm còn lo cho cuộc sống của nó, nó lại quăng con cho mình nuôi. Cứ vậy, cả cuộc đời, vì chồng, vì con, vì cháu. Ủa! Nhiêu đó chưa đủ để họ nhận một cây bông à. Mấy ông chồng? Có mấy ông chồng, ngộ lắm. Ngày thường đánh vợ như điên, chửi mày là con này con kia, thứ này thứ nọ. Tới lễ mua cây bông, giả vờ đưa vợ, chụp đăng facebook, nói ngày dành cho vợ. Nhỏ vợ cầm chưa hết ngạc nhiên, câu sau tiếp tục chửi. Rồi chưa hết, mấy đứa nhỏ, xúm nhau mua bông, tặng cô, tặng nhỏ bạn, tặng người yêu, tặng luôn con nhỏ chị người yêu nữa. Trong khi đó, mẹ nó đưa nó đi học hằng ngày, mưa gió gì cũng chở nó đi, hằng ngày thức khuya dậy sớm lo cho nó từng chút, nó để quên sau cánh cửa nhà. Mẹ nó cũng chờ, chẳng chờ chi, mong nó về hỏi hôm nay mẹ có mệt không, có vui không, hay chờ nó chúc một câu thôi cũng được. Nhưng thôi, chắc ở trường không ai dạy nó chúc gì với mẹ. Mấy ông chồng, vợ mấy ông, là người đẻ con ra cho ông, nấu mâm cơm đợi chồng về, ngồi chờ chồng lúc nửa đêm về với mùi nước hoa lạ, dọn cái đống ói mửa của chồng rồi cạo gió, thay đồ. Người đàn bà hằng ngày chiều chuộng lo giữ trong ấm ngoài êm mà mấy ông cho là quê mùa, ngày lễ chỉ đứng ngó mấy bà hàng xóm được chồng chở đi chơi. Tối về coi họ khoe mấy món quà chồng họ mua. Thế là hết ngày lễ. Ngược lại, có những ông chồng lãng mạn vô cùng, những đứa con tinh tế hết sức. Chẳng cần khoe mẽ mà ngày lễ gia đình vẫn hạnh phúc để người ngoài nhìn vô đến phát ghen. Họ chẳng cần một ngày tặng bông tặng hoa tặng quà, nói mấy lời chúc vu vơ. Rồi bao nhiêu ngày còn lại đối xử như một người ở đâu. Họ cần 365 ngày được thương yêu, được tôn trọng. Làm gì làm phải nhớ, không có phụ nữ cũng chẳng có mấy ông mình đâu. Một lời thương yêu không làm nên người phụ nữ, nhưng để giữ được họ, không thể thiếu những lời thương yêu. Xin được gởi những gì an lành và bình yên nhất đến một nửa thế giới này. Đặc biệt là phe áo dài Việt Nam, những người bà, người mẹ, người chị thật an yên trong 364 ngày còn lại. Quại L à cái tiếng gọi Ngoại của Bình Định mình. Nghe nó quê, nó mùi, nó giản dị gì đâu. Nói không biết có ai buồn con không, chứ con vẫn thích cái tiếng Quại của Bình Định mình hơn, bởi nhỏ giờ con quen kêu vậy, thấy nó đặc biệt hơn mọi người. Ừ thì tui không có Ngoại như mấy người, tui chỉ có quại, ông quại, bà quại của tui, được không? Quại. Con ngồi viết mấy dòng này là lúc con đang ở xa quại gần nửa ngàn cây số, lúc con đang trông đứng trông ngồi về cái miền đất đỏ xa xôi kia, và cũng là lúc quại đang gồng mình với cái căn bệnh vô phương cứu chữa. Giữa mấy cái lúc như thế này, thật sự con chẳng còn thiết tha học hành gì nữa, muốn bỏ hết, bỏ hết để chạy về với quại được lúc nào hay lúc đó. Bởi, có thể là tối nay, ngày mai, hay ngày mai nữa, quại bỏ con mà đi. Bữa đang lo Phật đản, con gọi về cho mẹ, mẹ nói quại nhập viện, phải mổ gấp, con cứ tưởng mấy căn bệnh huyết áp lâu nay, hay quại đau vài bữa rồi cũng thôi. Mẹ nói quại ung thư, ác tính. Rồi bữa con về nhà, mẹ với dì Trinh khóc, nói về sắp xếp việc nhà rồi vô với quại, bởi quại không còn sức nữa, quại về nhà nằm, chờ con cháu ở xa nó về. Thằng cháu này nó bất hiếu, nghe quại bệnh nặng vậy cũng xách giỏ đi học, chớ hề gọi hỏi thăm một tiếng. Cái tối nay nhớ về quại, cả ông quại nữa, muốn chạy về quá chừng. Từ nhỏ đến lớn, con ở với nhà nội, chỉ có mỗi lần hè tết, mẹ dắt con vô rẫy, thăm quại. Con còn nhớ, hồi con còn nhỏ xíu, mỗi lần mẹ dắt con vào, tới ngay cái đầu đường đất đỏ dẫn vô rẫy, nghe tiếng xe của mấy cậu chở con vào là quại đã đứng ngay đó, vẫy tay đón tụi con về. Chưa kịp xuống xe là quại ôm đầu con hôn lên đầu lên trán, vuốt má vuốt môi, nói quại nhớ con quá trời quá đất, rồi gọi với vô trong, thằng Bảo nó vô nè ông ơi. Cái tuổi thơ của con không thể không nhắc đến cái vùng quê nghèo của quại, bạt ngàn là cà phê, và đất đỏ. Hồi đó, mỗi lần vô, con tha hồ lăn lộn ngoài cái sân đất đỏ phơi cà phê, mấy hạt còn xanh, mấy hạt vừa chín đỏ, rồi tới cái bãi trấu vỏ cà suốt ngày suốt buổi. Mỗi lần vô là mỗi lần quại làm gà, con ưa nhất cái món gà kho sả của quại, hổng có mùi nào thơm bằng cái mùi đó, thêm cái mùi khói bếp quại lục đục sau hè bên chảo gà đã chín rục. Hồi nhỏ, con cứ chê nhà quại nghèo, hông có bằng nhà nội, nhà nội là nhà xi măng, còn nhà quại bằng gỗ. Rồi là ngủ cứ phải giăng mùng kín, xong lấy bông gòn nhét lỗ tai, chứ để mấy con đen đen gì đó bò vô trong. Quại cứ cười nói, mai mốt tới mùa cà phê quại xây nhà xi măng cho con vô chơi cho sạch, khỏi lấm đất nữa. Còn là hình ảnh của mấy lần kéo bạt đi hái cà phê cùng ông quại, bà quại, mấy dì mấy cậu. Hái hổng được nhiêu mà té, té lên té xuống, té hết bồn cà phê này qua bồn cà phê khác. Rồi ông quại cõng con, ngồi trên vai ông quại, vừa cõng con vừa hái. Và cũng còn là mấy câu chuyện hồi xửa hồi xưa quại hay kể, kể mà cười đau ruột. Chắc mấy em sau này không có đứa nào được quại kể chuyện như con hồi đó. Hồi đó có mình con là cháu đầu, nhà con ở thành phố, mỗi lần trong rẫy, quại nhớ con, quại lại xách giỏ lên thăm. Trong cái xách nhựa hay đi chợ của quại mang ra lúc nào cũng có đồ ăn của nương của rẫy, mùa bơ thì mấy trái bơ xanh, mùa sầu riêng thì bao sầu riêng nức mũi, mãng cầu cũng có và không bao giờ thiếu con gà quại mới bắt. Chỉ đem lên cho cháu mình ăn, sợ nó thèm. Bên nội con thì nhà cao cửa rộng, điều kiện vật chất mọi thứ đều hơn hẳn cái vùng quê đất đỏ. Mỗi lần quại ra là phải khép nép, ngó lên ngó xuống, vô nhà hổng dám bước sợ cái chân đất đỏ làm dơ nhà. Thăm con thăm cháu xong phải xách giỏ về liền, nói không ai cơm nước cho ông quại. Chứ thật ra sợ, sợ phiền nhà nội. Với cái cuộc sống tiện nghi quại không quen. Quại quen với mùi khói bếp, với đàn gà, với cái phủi đít ngồi ăn cơm rồi. Về rồi, chuẩn bị bước ra khỏi nhà nội, quại còn nhét cho con tiền, nói thích ăn gì con mua, hết điện vô xin quại. Rồi ôm đầu con hôn, nói thương bay lắm, nghỉ hè vô chơi với quại nghe con. Mẹ con thấy quại cứ đi đi về về vội vàng như vậy, mỗi lần quại đi là khóc. Thương mẹ mình, mà vì ai, chỉ vì nhớ con, nhớ cháu quá thôi mà. Còn nhiều, nhiều lắm, con kể không hết được... Bữa ba mẹ con xây nhà mới, quại bệnh vậy đó, mà cũng ra thăm, coi cái nhà nó cất ra sao. Chắc đó cũng là lần cuối cùng quại đi thăm con cháu. Bây giờ quại cũng bệnh, nhưng là nặng hơn mấy lần trước. Có nhớ hồi lâu, quại bệnh nằm trên giường, mấy cậu phá, quại nằm khóc, quại đau. Có con, con ngồi nói chuyện, con khuyên quại niệm Phật. Quại nghe lời con, quại chịu niệm Phật, quại niệm suốt đêm, dây chuỗi con cho quại, quại cầm mãi trên tay. Con không mong quại khỏe, con chỉ mong quại sẽ ra đi nhẹ nhàng. Bởi cả đời quại đã khổ lắm rồi. Từ đất Bình Định lên Đắk Lắk khai hoang mở đất, chỉ có quại với ông quại, mở rộng cả một vùng, xong chia lại hết cho con cháu. Cả một đời khổ vì con vì cháu rồi, bây giờ đến lúc quại phải sống cho mình, cho dù là vài ngày ngắn ngủi. Rủi mai này, con vào đến cổng mà không thấy quại ra đón, hay thấy quại chống cái gậy ba chân khập khiễng đứng cười. Hổng ai sai cu Thịnh nó đi hái mãng cầu vô ngào đường cho thằng Bảo nó ăn, thì cái vùng quê đất đỏ đó nó còn chi ý nghĩa nữa? Vài ngày nữa rồi con về với quại, không biết có kịp không, con nguyện tất cả năng lượng an nhiên và tự tại nhất đến với quại. Cây tre già chưa biết khi nào đổ, nhánh chuối già chẳng biết lúc nào lay. Con cháu về hết với quại rồi, chỉ còn có mình con. Con về sau cũng được, miễn là quại an nhiên. Cả đời này, không bao giờ con quên cái hình ảnh người đàn bà xách cái giỏ nhựa đựng trái cây còn lấm đất, đội nón lá, chân mang đôi dép lào màu đất đỏ đứng ngoài cổng nhà con, nói quại nhớ con quá, quại ra thăm... Về nhà với mẹ N ay nó thi tốt nghiệp, nó lên chùa ở, tính cũng cả tuần. Thiệt ra trước giờ ấn tượng nó nhất. Bởi mỗi lần lên chùa ở, đâu được mấy bữa là đòi về, nói về với mẹ, con nhớ mẹ rồi. Bữa nay cũng vậy, mới xong ngày thi thứ nhất, nó lên chào kêu con về nhà với mẹ, nhớ mẹ rồi Thầy ạ. Tui hỏi, chừng nào lên lại. Nó nói về chút thôi, cho mẹ thấy mặt, yên tâm cái rồi đi. Nói chớ mấy bữa nay mẹ con lo dữ dằn lắm, con thi con còn chưa lo mà mẹ con lo thấy sợ luôn. Tui nói nè, về nhà, ghé mua cái gì cho mẹ. Tô bún, đĩa bánh xèo, hay cây bông hồng cũng được. Biết sao không, nuôi mười hai năm trời để bước chân tới cái kỳ thi tốt nghiệp, hổng có mẹ thì có ai. Hổng phải mẹ lo vì con rớt đâu, mà mẹ lo là vì lỡ có gì con của mẹ không bình tĩnh được thôi. Chớ thiệt ra, rớt cũng được, ở nhà mẹ nuôi. Nó nói mẹ con lạ lắm, mỗi lần có tiền về cho mẹ là cứ cất, kêu mua bộ đồ ngủ hay cái giày cái dép gì không bao giờ mua, cứ nói dối mua rồi. Mà có bao giờ thấy đâu. Bởi vậy nên con cứ mua để đó. Mà nghĩ lại, tốt nghiệp xong mấy tháng nữa rồi đi học xa, ở nhà lo lắm, mẹ yếu rồi, mà cứ ham làm, chưa bao giờ xa mẹ lâu cả. Nhìn vô mắt nó, nó thương mẹ nó thiệt. Tui nói nè, con trai á, gần gũi mẹ được lúc nào hay lúc đó. Nói cái này, hơi mất lòng xíu mà thiệt, phụ nữ, họ chỉ cần con thôi, chồng có hay không cũng được. Còn ở với mẹ thì cứ tranh thủ, bởi vì càng lớn, thời gian ở bên mẹ càng ít đi. Với lại, sau này có gia đình, tình cảm còn phải xẻ đôi, có chắc là thương mẹ nhiều hơn không? Cuộc đời mẹ có nhiều cái sai, nhưng chỉ có thương con là điều duy nhất đúng. Nên con trai phải nhớ, chẳng có người đàn bà nào cầm tiền của con mà rơi nước mắt đâu. Ngoại trừ mẹ. Còn cả cuộc đời để chơi. Nên thi xong rồi, thì về nhà với mẹ. Nội N gày mai là ngày giỗ nội, cái ngày giữa tháng sáu của bảy năm về trước, Nội xa con vĩnh viễn. Chiều nay con về thăm nhà, thăm Nội. Nhìn lên bàn thờ Nội mà con nhớ Nội vô cùng. Không biết ở bên kia Nội có khỏe không, công việc Nội thế nào, Nội sống có an vui không? Tự nhiên tối nay con nhớ Nội đến nghẹn lòng. Hồi con còn học tiểu học, ngày nào Nội cũng đi tập thể dục ở cái quảng trường đối diện rồi sẵn đón con đi học về. Cứ hễ bước ra cổng trường là thấy Nội đứng đó, lên xe Nội đèo. Suốt mấy năm tiểu học, cái cổng trường, cả con đường đi học, toàn là hình bóng Nội. Con là cháu đích tôn, Nội thương con nhất nhà. Con còn nhớ hồi đó, có lần con hư, mẹ đánh, đòi đuổi con ra khỏi nhà, đóng cửa lại. Con ngồi một góc trước sân khóc, Nội sợ con bỏ đi thật, cứ đứng sau cánh cửa nhìn ra. Trước thì Nội cũng la vì con hư, sau Nội lại la mẹ lần sau không được đuổi con đi nữa. Con hư nhiều, Nội đánh con cũng nhiều, nhưng chỉ để ba mẹ thấy, chứ Nội đánh đâu có đau. Mà tính con nít hay làm lố, khóc cho to. Con lên cấp hai cũng là lúc Nội đổ bệnh. Nội đi mổ về cũng vẫn còn chở con đi học được. Cho đến khi xạ trị, Nội yếu dần, rồi trở nặng. Những ngày cuối trên giường, Nội thích nói chuyện với mấy đứa con, bé Quỳnh, cu Bo, cu Bin,... mắt Nội mờ dần mà vẫn nhớ. Nghe tiếng mấy đứa cháu về là kêu vô, hỏi mấy đứa học hành ra sao, thi cử thế nào. Cái vẫy tay chào mấy đứa cháu trên giường của Nội, thắt tim con đến tận giờ. Cái ngày hai mươi tháng sáu năm đó, lạnh Gia Lai đến xé lòng, trời còn không đổ nắng, mây cũng chẳng chịu giăng. Không còn ai đưa đón con đi học, lúc tủi hờn chẳng có chỗ dựa nương... Hồi đó, con thích đi tu, Nội không chịu, Nội nói cháu đích tôn, đi tu rồi nhà này ai ở. Vậy mà những ngày cuối trên giường bệnh, Nội nói học cho giỏi, mốt Nội cho con đi. Đó là lời chấp thuận cuối cùng của Nội. Ngày xả tang Nội cũng là ngày con cạo tóc đi tu. Ngày về nhà quỳ trước bàn thờ Nội, con khóc nhiều. Hai năm trước trên giường Nội đồng ý, hai năm sau ngày tang dứt đầu đã phủi tóc xanh. Con nhớ lời Nội năm xưa mà con khóc. Cảm ơn Nội đã đồng ý cho con. Lỡ mà hồi đó Nội không cho, thì có lẽ con có lỗi nhiều lắm. Sáng nay về thắp nhang cho Nội, con lại bùi ngùi. Mỗi lần đi ngang qua nhà cũ, con dừng lại, căn nhà xương máu, chắt chiu của Nội, căn nhà Nội trút hơi thở cuối cùng bên con cháu, thấy chỗ nào cũng có Nội. Rồi mỗi lúc đi ngang qua bệnh viện, con lại nhớ Nội. Nơi mà Nội làm việc cống hiến cả cuộc đời. Nhìn qua cái văn phòng ngày xưa của Nội, hồi còn nhỏ Nội dắt con vào chơi. Con thấy chỗ đó Nội vẫn ngồi, uy nghiêm bên bàn làm việc, trong trí nhớ của con. Mỗi lần giữa cuộc đời con vấp ngã, con lại nghĩ về Nội, để có động lực, có niềm tin. Con vẫn tin rằng, sau lưng con, Nội luôn luôn dõi bước, luôn luôn bên cạnh đứa cháu mình. Bởi, hơi thở của Nội, là sự trưởng thành của con. Nội mãi tuyệt vời. Cho dù bây giờ Nội ở đâu, những lúc con yếu lòng, văng vẳng ở đó cũng có lời vỗ về của Nội. Nội, là nơi thiêng liêng và bình yên nhất của gia đình và những đứa cháu. Con nhớ Nội nhiều! Mẹ đón con về H ai đứa là bạn của nhau, cũng không thân lắm, kiểu xã giao dăm ba ngày hẹn nhau vài chầu rượu. Hôm đó, Tùng gây gổ với bọn côn đồ lạ, ẩu đả mạnh. Bên kia rút dao, lao vào đâm Tùng một nhát. Nhân thấy bạn bị đâm, chạy lại đỡ cho bạn. Rồi thêm vài nhát nữa. Ngày đó, hai đứa còn trẻ lắm. Mẹ của Nhân với Tùng lên chùa, xin được gửi vong linh hai thằng con trai mình vào chùa cho nhẹ nhàng mà siêu thoát. Ngày cầm di ảnh con, hai bà mẹ chỉ nhìn xa xăm. Kịp chảy vài giọt nước mắt lăn dài, rồi rơi xuống. Tan nát lòng. Người ta thường nói, mất cha mất mẹ thì gọi là mồ côi, mất vợ mất chồng thì là góa phu góa phụ, còn mất con thì chẳng có một từ nào để gọi. Bởi, nỗi đau quá lớn, chẳng có gì để gọi tên. Nhân là con út trong nhà, mới 29 tuổi, cũng ở cái xứ này, chỉ còn một người mẹ giáo viên sắp nghỉ hưu. Ngày Nhân mất, mẹ không bước nổi ra cửa nhà. Chôn cất xong, cứ kiếm đại chỗ nào đi, đi đã rồi về, vô thẳng phòng. Không dám ngó lên bàn thờ con. Vì sợ, sợ gọi con mà không lời đáp trả. Nhà Tùng cũng trong cái tỉnh này, nhưng tận cuối, cách chùa tới hai ba trăm cây. Chiều nay người đàn bà đau khổ đó - mẹ Tùng - đến gặp tôi. Bà xách trên tay bó bông và bịch trái cây, khuôn mặt hốc hác, khuôn người nhỏ nhắn, đen nhẻm, khắc khổ. """