"
Làng Quê Đang Biến Mất PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Làng Quê Đang Biến Mất PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Làng Quê Đang Biến Mất
- Tạ Duy Anh -
Công ty phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
Số trang: 344
Ngày xuất bản: 05/2014
Giá bìa: 78.000 đ
Chủ dự án & Chụp pic: Phi Phi Yên Vũ
Type:
P1: Duong Lam Hàng P2: Mai Ice
P3: Trân Nguyễn P4: Prince Ashitaka P5: Linh Linh
Beta: Phi Phi
Tạo prc: Annabelle Tran
Nguồn:
fb/groups/chamchilamebookfree
Ebook: Đào Tiểu Vũ's eBook - http://www.dtv-ebook.com
“Làng quê đang biến mất?” – tập bình luận xã hội của Tạ Duy Anh là tâm huyết của một nhà văn trước những vấn đề gây nhức nhối cho xã hội, đang tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, được phát tiết qua góc nhìn văn hóa. Trong từng câu chuyện, ta dễ dàng nhận ra những trăn trở của ông đối với những đổi thay của con người, của văn hóa làng xã – những điều mà trước nay đã trở thành chuẩn mực, truyền thống truyền qua bao đời. Ở đó ta thấy được cả sự luyến tiếc xót xa trước môi trường
văn hóa đang ô nhiễm, đang bị hủy hoại trầm trọng, nơi mà những thói hư tật xấu lên ngôi thống trị. Là sự dửng dưng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, là sự giả dối được đặt nặng hơn sự trung thực, là sự tham lam, ích kỷ chỉ biết vun vén cho cá nhân mình.
“Nói một cách dễ hiểu nhất thì chúng ta đang cùng nhau đồng loạt bỏ mặc cho làng quê yêu dấu biến mất, với một sự vô cảm đáng sợ. Và như vậy cũng sẽ biến mất phần không gian đặc sắc nhất của văn hóa Việt.”
- (Làng quê đang biến mất)
Mạng chó, mạng người
Ung dung nhìn người khác chết Xấu hổ quá
Sống với tin đồn
Nhớ về một vụ án
Bàn góp chuyện Đàn Xã Tắc
Đối diện với cõi mù tăm
Kinh doanh hiếu hỉ
Nhắm mắt tin mù
Đừng để Phật bỏ chùa
Bà già nghèo và ngành điện
Ba mươi ngàn tỉ và những câu hỏi Bao giờ thì bình đẳng trước pháp luật ? Đã đến lúc phải nói ra
Thảm họa được báo trước !
Một quốc gia nhỏ chỉ ăn rồi chơi Loanh quanh chuyện lãi và lỗ Tiền, đất và người
Trời nào im lặng mãi được
Xăng dầu và câu chuyện minh bạch
Ô tô rồi, bao giờ đến nhà đất ? Chúng ta đang rỗng két
Dân mệt lắm rồi
Cháy nhà ra mặt… gì ?
Xử lý án oan, hai chiều suy ngẫm Đang rất có vấn đề
Khi quyền lực bị thả nổi
Luật có rồi, giờ phải làm gì ? Tang tóc giữa thời bình
Chuyện bi hài mang tên xe biển xanh Dựa vào đâu bây giờ?
Đại gia và nỗi khổ siêu xe
Khi các “Tay to”ôm vô lăng
Thương... cho gậy vào đầu
Giáo dục và chuyện đứa con bị bỏ rơi Sĩ tử thời công nghệ cao
Bi hài chiếc bằng đại học
Tình thầy trò và gương mặt của nền giáo dục Kính thưa các trẻ con
Tình yêu, tình dục và clip sex
Trẻ con nhà nghèo gửi ở đâu?
Nhờn dư luận
Sống với thế giới ảo
Thiên thần và quỷ dữ
Hoa hồng và axit
Hội chứng hành hạ trẻ con
Phác thảo một địa ngục
Gà rác
Rượu độc, thực phẩm bẩn và giống nòi Việt Đừng tự làm chuột bạch
Ném tất cả xuống sông
Tiền có là tất cả
Yđức và chuyện mò kim đáy bể
Tản mạn về chuyện xử án
Lại chuyện sửa Quốc ca
Luận bàn về đổi tên nước
Lý sự kiểu Tàu
Nhân quốc khánh, nhớ về những chuyện khác
Thiên hạ và chúng ta, sau mọi chuyện sẽ là chuyện gì ?
Luận chơi về “Mã đáo thành công”
Thế giới của tôi
Mạng chó, mạng người
Chỉ mất trí thì mới hỏi mạng một con chó - cho dù là chó có giá bằng cả tòa nhà – với mạng một con người thì thứ gì quý hơn. Chỉ cần nghĩ hay hỏi như vậy đã có thể coi là kẻ độc ác, vô đạo đức. Không vật gì trên trần gian có thể so ngang với một con người, về mọi phương diện.
Nhưng hóa ra, điều hiển nhiên bất khả bàn cãi đó cũng vẫn chỉ là trên... lý thuyết! Chí ít thì cũng là trên lý thuyết của khá nhiều người Việt, vốn từ cùng một bọc chui ra nên được gọi là đồng bào.
Do dốt ngoại ngữ mà đến giờ này tôi vẫn không biết trên thế giới có truyền thuyết nào đẹp, độc đáo và cảm động như truyền thuyết về cái bọc trăm trứng. Tôi luôn cho mình quyền tự hào về cái gốc rễ sinh tồn độc nhất, vô nhị đầy nhân văn đó.
Vì thế khi những đồng bào của mình bị chính những đồng bào khác, cũng là của mình, đánh chết thê thảm chỉ vì một vài con chó chả đáng giá bao nhiêu, tôi cảm thấy bị sốc.
Sốc vì những người chết kia có đáng phải chết? Sốc vì mạng một vài con chó quý hơn mạng một vài con người, hóa ra không còn là điều giả định tệ hại,
mà có thật, trước bàn dân thiên hạ. Tôi nhớ là mình đã ngồi ôm đầu, không muốn nghĩ về bất cứ điều gì, bởi mọi thứ đều nằm ngoài những khả năng chịu đựng của lý trí thông thường. Nhưng vì là đồng bào của cả người chết và người ra tay sát hại họ, nên tôi không thể cứ né tránh mãi câu hỏi: vì sao cơ sư,̣ lại nên nông nỗi ấy?
Tôi bèn đặt mình vào từng vị trí, đưa ra những phản biện để hy vọng tìmđược câu trả lời.
Ở vị trí những người ra tay đánh chết kẻ trộm chó, tôi thấy hành động đó chẳng có gì quá đáng. Con chó không chỉ là con vật trông nom, giữ gìn cho sự an toàn của gia đình tôi, người nó thực sự
còn là một tài sản. Cả một bầy con thơ vợ dại cùng nhiều việc trọng đại trông cả vào con chó. Ấy là chưa kể con chó là con vật tình cảm. Nó trung thành với chủ, sao chủ lại nỡ bỏ rơi khi nó gặp hoạn nạn? Liệu làm như vậy có đáng là người trọng tình trọng nghĩa? Vả lại, với cái bọn trộm chó, có đứa nào ra gì về phẩmcách, đạo đức. Rặt một bọn lười chảy thây, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, thậmchí khi cần sẵn sàng xuống tay giết người. Phải có ai ra tay trừ diệt chúng, cứu vớt người bị hại. Phải cho vài đứa chết để răn đe hàng trăm đứa khác vẫn ngông nghênh ngoài vòng pháp luật. Pháp luật không ra tay thì những người bị hại cần phải tự tìm lấy công lý. Đó là lẽ
thường tình có gì mà phải ầm ĩ lên. Cũng là công bằng đấy thôi. Mà bọn trộm cắp đó - nếu các vị nhìn thấy sự hung tợn đầy vẻ sát nhân của chúng - thì hơn gì con chó nhà tôi? Tôi đánh chết nó vì một con chó còn hơn nó có thể giết người vì một cái bánh mì! Biết bao vụ bọn trộm chó đánh chết chủ khi bị phát hiện, hẳn mọi người vẫn nhớ. Ai trách thì cứ trách, rằng tôi ác, tôi coi chó hơn người, tôi thích bạo lực với đồng loại của mình... Nhưng liệu cái kẻ bị tôi đánh chết kia và cả những người bênh hắn có trả lời được tôi câu hỏi: ai khiến tên trộm chó kia đang giữa đêm hôm lẻn vào nhà tôi để bắt trộm con chó cơ nghiệp của tôi? Hắn có gan ăn cắp thì có gan chịu đòn, chẳng
may bị chết cũng là đáng số.
Ở vị trí của tên trộm chó, tôi thấy đó là một nghề nguy hiểm nhưng khá béo bở. Tôi chẳng được học hành hay có nghề ngỗng gì, mà nếu có nghề thì cũng còn lâu mới xin được việc. Các loại kỹ sư còn thừa đầy ra kia, đến đâu cũng bị xua đuổi như những của nợ chỉ vì không có tiền lo lót, thớ tôi là cái gì mà mơ?
Nhưng tôi cũng phải sống, cũng thích ăn ngon, mặc đẹp. Ở đời ai chả thích những thứ đó. Thế mà chỉ cần chẹt cổ hoặc câu được vài con chó trong một đêm, là có thể rủng rỉnh tiền bạc cả tuần. Mà nghề trộm chó cũng thú vị lắm. Nó đòi hỏi mạo hiểm - như bốc đầu xe ấy - và phải có chút khả năng ảo thuật. Mỗi
con chó bị bắt, bị câu, bị thòng lọng thít cổ... ngoài việc hứa hẹn những món tiền, nó còn như vừa hoàn thành một phi vụ của siêu nhân. Không tin các vị cứ thử xem. Tôi tin rằng trong máu các vị đều có vài giọt mang mầm ăn cắp, chỉ có điều các vị không phải đẩy vào hoàn cảnh lộ diện ra như tôi. Hoặc các vị ăn cắp theo kiểu khác, sang trọng và sạch tay hơn. Còn tôi, phải rình mò, đối mặt với đủ thứ tai nạn, trong đó sợ nhất là cơn xót chó của những gia đình từng bị tôi hỏi thăm. Tôi xác định, nếu chẳng may phải vào tù, hoặc tệ hơn là bị đánh chết, thì cũng tự chịu. Còn hơn là đói khát và bị xua đuổi phải lao động vất vả. Xã hội có biết bao kẻ như tôi mà cứ ăn
sung mặc sướng, thử hỏi chúng nó hơn gì tôi về phẩm hạnh?
Sau khi phân thân như vậy, tôi rơi vào tình trạng không biết kết thúc cuộc tranh cãi về lý lẽ như thế nào trong chính bản thân mình? Trộm chó đương nhiên là một hành vi xấu xa bỉ ổi, không thể chấp nhận. Nhưng chỉ vì một vài con chó, liệu có đáng để ra đòn trừng phạt khốc liệt như những gì đã xảy ra? Mà những người ra tay mạnh nhất, phần nhiều không phải là người trực tiếp bị mất chó. Rõ ràng là trong xã hội Việt Nam đang có hiện tượng tính mạng con người bị coi rẻ. Đây mới thực sự là điều đáng sợ.
Tôi bèn nhìn ra rộng hơn xung quanh mình để tìm một gạch nối bí ẩn
nào đó dẫn đến lời giải. Không tính những cuộc giết tróc man rợ liên quan đến nạn trộm chó với cảnh tượng hãi hùng hàng ngàn người khao khát lao vào đấm đá để thỏa mãn cơn vấy máu đồng loại, thì xã hội đã đầy rẫy cảnh bạo lực: bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực công sở... Trẻ em lột quần áo nhau ra giữa đường để tra tấn nhau, vợ chồng đánh nhau, đốt chết nhau cả khi đang trên giường, sếp đánh nhân viên dưới quyền hoặc đánh nhau vỡ mặt ngay trong cuộc nhậu, công an đánh chết dân, dân đánh chết công an. Thế rồi trí thức chân yếu tay mềm cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay... là chuyện cơm bữa.
Vì thế, chuyện đám đông đánh chết
cẩu tặc chỉ là một trong chuỗi những sự kiện mang tính bạo lực, nằm ngoài khả năng kiểm soát của lý trí cộng đồng.
Bất chấp mọi bao biện, không thể cổ vũ cho thói quen ưa bạo lực. Nhưng quan trọng hơn là phải tìm ra căn nguyên dẫn đến thói quen nguy hiểm đó để tìmcách ngăn ngừa từ xa hoặc tiến tới loại bỏ nó.
Theo tôi nó là hệ quả của quá trình phát triển có quá nhiều chuẩn mực bị lệch hoặc bị bỏ qua. Nhưng có lẽ nguy hiểm nhất là thói giả dối đang tràn ngập và được đề cao trên thực tế trong xã hội của chúng ta ngày nay. Muốn tiến thân thì phải biết nói dối. Nói dối càng hoàn hảo càng được trọng dụng. Thế là người ta
thi nhau học cách nói dối. Khi cả xã hội phải tìm cách nói dối, tất yếu nó đẩy sự trung thực, tình thương người, lòng vị tha, tính tự trọng, thói quen chấp pháp... bật ra ngoài, như những thứ vô dụng. Hoặc những thứ thuộc về nhân phẩm ấy bị làm cho biến dạng, méo mó, dẫn đến quá trình tích tụ ẩn ức xã hội.
Hậu quả là những thông điệp văn hóa, đạo đức truyền đi bị sai lạc. Người ta không còn tức khắc lượng định được cái gì là quý giá (mạng người chẳng hạn), cái gì chỉ là thứ tầm thường (con chó chẳng hạn). Thêm vào đó còn có nguyên nhân là xã hội đang mất lòng tin trong khi pháp luật thường xuyên bị lợi dụng để làm bình phong cho những hành
động phi pháp của những người có tiền, có thế lực. Người ta không tin có thể nhờ cậy pháp luật, không tin nó được áp dụng vô tư, công bằng, nhanh chóng. Họ tự giải quyết lấy những việc đáng ra chỉ pháp luật mới được phép can thiệp. Nhiều người tìm thấy ở những dịp như vậy cơ hội để giải tỏa, trút bỏ vô vàn bức xúc, những bức xúc tích tụ lâu ngày, chưa biết cách nào làm cho nó tan đi.
Dù thế nào thì những gì đã và đang xảy ra với chỉ riêng nạn cẩu tặc cũng là thảm họa pháp lý và đạo đức. Cả thủ phạm và nạn nhân đều đáng bị nguyền rủa. Đây có thể còn là nỗi xấu hổ lớn nhất của văn hóa Việt, cho đến giờ này.
Nỗi xấu hổ cũng dán nhãn ngoại.
Tôi không có chút ý gì miệt thị việc suy tôn thần tượng xảy ra với cá nhân hoặc nhóm người nào đó. Nếu thần tượng là những nhân vật tạo ra sự thay đổi lành mạnh thì việc suy tôn họ là công bằng và trên thực tế cũng rất cần thiết. Bởi vì thần tượng là một hiện thực xã hội và tôn vinh thần tượng là nhu cầu tinh thần có thật, cần được tôn trọng. Vì thế tôi phải nói ngay rằng, sự kiện chàng trai kỳ diệu không chân không tay tên là Nick Vujicic đến Việt Nam để truyền thông điệp vĩ đại về bản lĩnh sống và niềm hy vọng, là một sự kiện văn hóa đẹp đẽ, đáng hoan nghênh. Không nghi ngờ gì nữa, Nick xứng đáng là tấm gương lớn về lòng quả cảm vượt lên số phận của
con người. Sẽ còn hàng ngàn trang sách, clip, phim truyện, bản nhạc... viết về anh hoặc lấy cảm hứng từ anh. Sẽ có hàng triệu thanh thiếu niên trên toàn thế giới coi anh là tấm gương lớn để định hướng cuộc đời mình. Với bản thân tôi, người từng phải vượt qua nhiều sự khốn khổ do bệnh tật, đói khát thời bé để sống, thì Nick là hiện thân của niềm an ủi bất tận.
Nhưng khi xem Nick qua màn ảnh, nghe những giới thiệu về anh, nghe chính những gì anh chia sẻ thì tôi lại cứ nhớ đến Nguyễn Công Hùng, người vừa mới từ giã cõi đời không lâu (2012). Tôi thấy Nick và Hùng có nhiều điều khá giống nhau, trừ sự nổi tiếng. Hỏi 10 đứa trẻ, trong đó có con trai tôi, thì số biết kỹ
càng về Nick Vujicic chiếm phần lớn so với số ít ỏi biết lơ mơ về Nguyễn Công Hùng. Tôi tò mò thử xem ký ức cộng đồng còn lại những gì về anh, thì chỉ thấy vài chục bài báo, trong đó đáng chú ý nhất là từ điển Wikipedia tiếng Việt. Tại đó có một đoạn viết về anh như sau:
“Nguyễn Công Hùng sinh tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi mới 2 tuổi, vì mắc căn bệnh hiểm nghèo khiến anh bị liệt toàn thân. Nhưng anh vẫn cố gắng đi học, đến năm học lớp 7, anh phải nghỉ vì bệnh ngày càng trầm trọng, cơ thể chỉ còn chưa đầy 20 kg. Năm 15 tuổi, Nguyễn Công Hùng liệt gần như hoàn toàn, chỉ còn cử động được 2 ngón tay rồi cuối
cùng là 1 ngón tay. Bằng nghị lực của mình, Nguyễn Công Hùng vẫn tự học để đến năm 21 tuổi (2003), anh mở Trung tâm tin học dành cho người khuyết tật. Nguyễn Công Hùng còn sáng lập trang website mang tên www.nghilucsong.net với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới, 100.000 bài viết được sẻ chia. Năm 2005, Nguyễn Công Hùng được Tạp chí Công nghệ Thông tin e-Chip trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin.”
Những thông tin cô đọng, khô khan theo kiểu từ điển ấy chưa miêu tả được một phần nhỏ so với những gì mà Hùng
phải vượt qua để sống và cống hiến cho cộng đồng. Nếu thấy tận mắt thân hình còm cõi, tiều tụy, chân tay chỉ là những khúc xương bất động, bị biến dạng bởi chất độc da cam của Hùng, thì bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ anh chỉ còn việc nằm chờ chết. Vì thế mọi nỗ lực của anh như những gì chúng ta biết chưa bao giờ đầy đủ, cũng là trên cả mức phi thường. So với Hùng, về mọi khía cạnh, thì Nick có còn may mắn hơn rất nhiều. Cơ thể Nick không bị hủy hoại ngày ngày bằng sự ngấm độc và những cơn đau khủng khiếp. Nick không bị áp lực đè nặng phải vật lộn kiếm cơm áo, điều nằm mơ Hùng cũng không thoát. Nhưng hóa ra may mắn nhất với Nick là anh có một cộng đồng
không chỉ biết cưu mang, có khả năng tiếp sức vô tận cho anh mà cũng cái cộng đồng ấy đã biết đưa anh lên thành thần tượng tầm vóc thế giới, cho dù có kèmvào đó cả mục đích thương mại của những ông chủ cá mập về truyền thông. Đến lượt Nick tha hồ mang nước Úc vĩ đại tới bất cứ chân trời nào có sự hiện diện bằng muôn nghìn cách của anh.
Còn với Nguyễn Công Hùng, ngoài một bộ phận cư dân mạng và những người cùng cảnh ngộ coi anh là tấmgương của sự vượt khó, chẳng bao giờ, cho đến tận lúc chết năm ba mươi tuổi, anh có được một sự tôn vinh xứng dáng từ chính những người cùng thế hệ với mình, điều đáng lẽ phải xảy ra? Đã có
diễn đàn nào thu hút hàng triệu khán giả để anh chia sẻ kinh nghiệm sống của mình, những kinh nghiệm chắc chắn là kỳ diệu và có khả năng làm thức tỉnh những điều tốt đẹp ở con người? Vì không có cơ hội ấy mà giờ đây mọi bí mật quý giá từ anh vĩnh viễn không thể đến với cộng đồng, nhất là thế hệ tương lai. Sự thất thoát này phải bị xem như thất thoát một tài nguyên quý giá! Đã có nhà tài trợ nào đứng ra tổ chức những cuộc đưa đón anh như họ đang làm với Nick, với các ca sĩ Hàn Quốc, cầu thủ bóng đá Anh... để nhân đó truyền bá rộng rãi hình ảnh của Việt Nam đến mọi ngóc ngách thế giớni? Đây không phải là lời trách móc, mà chỉ thể hiện một sự đáng tiếc lớn. Đáng tiếc
cả về mặt văn hóa và khía cạnh quảng bá hình ảnh quốc gia.
Hay là người Việt không có giá bằng các tộc người khác?
Đây là câu hỏi nghiêm túc dành cho tất cả mọi người sinh sống trên dải đất hình chữ S. Nó cho thấy rõ nhất một điều, người Việt luôn luôn - hoặc vô tình, hoặc cố ý - làm bé mình lại bằng cái tâmthế mặc cảm toàn diện. Biểu hiện này muôn hình vạn trạng, trong đó có cả thói huênh hoang, khệnh khạng, hợm hĩnh một cách bệnh hoạn mỗi khi ra nước ngoài. Một kiểu “đánh trước” dự phòng, bởi cứ tưởng làm thế là người ta sợ không dámcoi thường mình mà không biết nó thảmhại đến nhường nào về mặt tầm vóc!
Nhưng biểu hiện đáng bàn nhất là tâm lý hướng ngoại, vọng ngoại, sùng ngoại. Một vật nào đó, dù bé hay lớn cứ phải có tem tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức thì mới được chú ý. Bét nhất thì cũng là những chữ như giun dế chứ nhất định không thể là chữ Việt. Chữ Việt, hàng nội, mất sang? Dễ dàng thấy biểu hiện này ở bất cứ đâu và có lẽ đó là một trong những điều kém cỏi nhất của người Việt. Tự hạ giá mình đến thế thì mong ai sẽ nâng mình lên?
Trở lại với sự kiện Nick đến Việt Nam. Sau buổi diễn thuyết đầu tiên về niềm hy vọng, thay cho màn chào hỏi đầy tính xã giao, chàng trai không chân không tay có buổi diễn thuyết thứ hai “nặng
cân” hơn xét từ phía khán giả: gần 3.000 các doanh nhân hàng đầu của Việt Namhồi hộp chờ đợi để được Nick truyền cho nghị lực không chịu bỏ cuộc trước khủng hoảng kinh tế. Thầy Nick cũng sẽ định hướng và “dắt” các học trò danh giá của Việt Nam vượt qua thử thách. Nếu không tận mắt xem truyền hình, không tận tai nghe cô phát thanh viên nhắc lại thông điệp buổi diễn thuyết chật cứng khán giả thuộc hàng VIP, tôi sẽ không tin. Không tin rằng người Việt lại đã đến mức suy nhược ý chí thảm hại như vậy? Một đất nước vẫn được mệnh danh là kiên cường nhất thế giới về khả năng thoát hiểm, vậy mà giờ đây giới tinh hoa trên thương trường, những niềm hy vọng của người
dân Việt lại phải cần đến chàng thanh niên Úc tật nguyền lên dây cót tinh thần dạy cho những điều sơ đẳng về bản lĩnh để không bỏ của chạy lấy người khiến kinh tế quốc gia sụp đổ?
Nick thật chân thành, hồn nhiên và dễ thương. Tôi không mảy may nghi ngờ điều đó. Nhưng tôi không thể cưỡng lại lý trí để không đặt mấy câu hỏi: chẳng biết có bao nhiêu vị khán giả ngồi nghe Nick diễn thuyết cảm thấy hổ thẹn, thay vì thể hiện sự mãn nguyện hoặc cười nhăn nhở trước ống kính cốt để khoe đẳng cấp của mình? Chuyện gì hơn cả sự hài hước đang xảy ra?
Hay là nỗi xấu hổ cũng cần phải dán nhãn ngoại quốc?
Ung dung nhìn người khác chết
Đầu đề bài viết này không phải là sáng tạo của cá nhân tôi. Tôi đã nhặt được nó một cách dễ dàng trên mạng khi tìm hiểu về các vụ chết người, có vụ thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng với số lượng lớn, mà không ai phải chịu trách nhiệm?
Năm nào cũng xảy ra những chuyện rụng rời như vậy. Có năm tới vài vụ. Sự kiện em sinh viên Đinh Thị Phương Thảo tử vong vì bị nước cống cuốn trôi ngay giữa trung tâm một thành phố hiện đại nhất nước, hóa ra không phải là trường hợp hi hữu. Chỉ cần bóp trán chút xíu để
huy động bộ nhớ cũng có thể kể ra hàng trang danh sách những vụ chết người kiểu như vậy. Nghĩa là người chết không biết vì sao mình phải chết, còn người gián tiếp gây ra cái chết đó thì vẫn cứ nhăn nhở cười nói, ung dung thanh thản sống những ngày tháng tươi đẹp, không bị cắn rứt mảy may.
Cách đây dăm bảy năm, một thiếu phụ bị điện giật chết khi vô tình đi sát cột điện tại một khu phố cũ của Hà Nội. Không ai phải chịu trách nhiệm lương tâm hay hình sự về cái chết đau lòng đó. Cái cột điện cũ nát thì nó phải rò điện - đơn giản thế, mọi người đều biết tại sao nạn nhân không biết để tránh xa nó ra! Giả sử có lời bào chữa vô tâm như vậy
trước một phiên tòa giả định, thì người nói là kẻ vô hình. Vì không có công cụ để có thể gọi ra đích danh tên tuổi của họ. Nó được mặc định là vô hình với các trường hợp tương tự từ trong cấu trúc của quy chế trách nhiệm hiện hành. Khỏi cãi!
Vừa mới năm 2012, một cây xà cừ quá nặng phần ngọn, bật gốc đổ trên đường Lò Đúc, đè chết tươi một lái xe taxi. Nó được mặc nhiên coi là tai nạn thông thường. Thì mưa bão, cây đổ, ai mà ngăn ngừa được! Kẻ nào xấu số thì đành chấp nhận thiệt thân. Nhưng nếu là ở một đô thị khác tại một đất nước văn minh, luật pháp rạch ròi, mọi vấn đề đều quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân,
thì phải có ai đó mất chức, ra tòa, bị phạt tiền...
Người ta sẽ không dễ dàng chấp nhận lời bào chữa cây đổ khi có cơn giông là thảm họa khách quan, nằm ngoài mọi sự lường trước. Còn ở ta, mặc dù mỗi năm chi nhiều tỉ cho việc kiểm tra, cưa cắt cành cây trước mỗi mùa mưa bão để nó không bị đổ khi gặp gió to, nhưng chết vì đổ cây thì đừng mơ quy trách nhiệm cho ai, mà nên tự trách mình, rằng ai bảo mưa bão lại cứ ra đường! Thậm chí ngay cả thân nhân người chết cũng mặc nhiên coi đó chỉ là thiên tai!
Trước khi vụ em Thảo bị chết oan uổng chỉ vì một cái cống giống như cái bẫy rất nhiều người biết, đã có không ít
trường hợp chết vì cái hố nước do các đơn vị thi công công trình tạo ra và chúng đều được báo chí lên tiếng với mục đích cảnh báo rất mạnh mẽ. Sau đây chỉ là vài ví dụ:
Hai bé trai chết đuối ở hồ cải tạo dự án kênh Ba Bò, TP. Hồ Chí Minh - ít nhất ba chục tờ báo viết/ báo mạng vào cuộc, chưa kể hàng ngàn trang cá nhân link bài chuyển cho nhau.
Hai đứa trẻ chết tại công trình kè chắn sóng biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng - cũng không biết bao nhiêu tờ báo, trang mạng giật tít lớn, chạy nhiều ngày.
Hai cháu bé chết đuối do lỗi của
đơn vị thi công tuyến đường 11 là liên danh LICOGI và CAPTRACO.
Ba cháu bé chết đuối bởi một hố nước do đơn vị thi công tại thôn Thạch Lỗi - xã Thanh Xuân - huyện Sóc Sơn - TP. Hà Nội...
Với mỗi sự kiện như vậy, báo chí và dư luận đều quan tâm nhiều ngày liền. Nhưng cũng chỉ ở mức quan tâm suông vậy thôi. Bởi việc lớn hơn, mang tính ngăn ngừa thực sự là phải có ai đó bị trừng phạt, thì lại không thuộc thẩmquyền của dư luận. Có lẽ vì thế mà chuyện đau lòng cứ lặp đi lặp lại, như là điều không thể loại bỏ.
Những vụ tai nạn chết người
thương tâm vừa nêu, đều có nguyên nhân từ thói vô trách nhiệm của các đơn vị thi công và sau khi sự việc xảy ra, mặc gia đình nạn nhân đau đớn, mặc dư luận lên tiếng, kẻ thủ phạm không chỉ vô can, mà còn ung dung đứng ngoài cuộc.
Giờ trở lại vụ nữ sinh Đinh Thị Phương Thảo bị cuốn xuống rạch Suối Nhum và tử nạn.
Cuộc đời phơi phới tương lai của cô tân khoa bị cắt ngang chỉ vì một cái cống nước không được rào chắn hay đặt biển cảnh báo - những việc mang tính bắt buộc và cũng rất dễ làm. Ai trong trường hợp của em thì cũng sẽ phải chết. Bởi vì khu vực nguy hiểm đó hóa ra đã được phản ánh nhiều lần, do đã có nhiều khách
qua đường vào lúc trời mưa bị nước cuốn trôi, đến nỗi người có tên là Hoàng “Không nhớ đã bao nhiêu lần nhảy xuống con suối này cứu người rồi nữa” nhưng không một ai động lòng. Không một ai cả! Những người trách nhiệm thì chừng nào gia đình, vợ con họ còn an toàn do không phải đi qua đoạn đường đó, thì họ chẳng việc gì phải vội. Những người thuộc số nạn nhân tiềm ẩn thì chỉ cần mình may mắn là đủ. Điều đó đang nói lên thứ còn nguy hiểm hơn, đó là sự vô cảm trước tính mạng của người khác đang trở thành thói quen bình thường trong xã hội.
Sau khi em Thảo chết tức tưởi, ta hãy nghe sự “day dứt” lương tâm của ông
giám đốc Trung tâm Quản lý đô thị Đại học quốc gia (TP. Hồ Chí Minh): “Vụ emsinh viên bị nước cuốn chết khiến tôi day dứt. Chúng tôi có một phần trách nhiệm, đó là khi nhận phản ánh đã không xử lý ngay, không gắn đèn chiếu sáng, tiến trình thi công chậm”.
Nghe cái ngữ điệu thản nhiên ấy, có cảm giác người nói đang day dứt về cái chết của một con gà! Hay mạng người ở cái đất nước này cũng chỉ rẻ như gà. Bởi vì, nếu nó có giá hơn thì người ta đã không hững hờ, dửng dưng, lạnh lùng trước cái chết biết trước của người khác như vậy.
Nhưng đó có lẽ là những lời bàn thừa. Bởi vì, lại như những vụ trước, sẽ
chẳng có ai phải “day dứt” lâu hơn quãng thời gian từ sự kiện đó đến khi xảy ra vụ tương tự tiếp theo.
Cho đến nay chưa một ai bị quy là thủ phạm gây nên những cái chết vừa kể. Những đại gia thì dùng tiền để lo trên, lót dưới, ém dư luận sao cho mọi chuyện qua đi. Những người khác thì bám lấy lập luận rủi ro trong thi hành công vụ là chuyện khó tránh để bào chữa cho hành vi thực chất phải bị quy là tội phạm của mình. Còn lại thì đá trách nhiệm hết chỗ này sang chỗ khác, với đủ thứ lý do, cho đến khi sự việc không còn thu hút quan tâm của dư luận rồi tìm cách cho chìmxuồng. Kết quả cuối cùng luôn chỉ là “rút kinh nghiệm”. Người chết thì chết rồi.
Thân nhân của họ thì biết thừa chẳng thể đủ sức, đủ tiền bạc mà đòi công lý. Trên thực tế với kiểu quy định trách nhiệmchung chung như hiện nay, cũng rất khó có thể đưa được kẻ chịu trách nhiệm ra tòa.
Nhưng hiện thực đó, cho dù rất đau lòng, có thể chưa phải là hậu quả lớn nhất. Sau những gì đã xảy ra, điều đáng sợ hơn đang thành hiện thực mang tính toàn xã hội: đó là sự vô cảm tập thể, đi kèm theo nó là thói quen coi rẻ mạng sống của người khác. Từ việc không có hàng rào quanh những hố thi công, không đặt biển báo, không lắp đèn chiếu sáng, không làm lan can, không trang bị phao cứu sinh, bình chữa cháy... vì chúng tốn
kém, ảnh hưởng tới lợi nhuận, cho đến hành vi cẩu thả khi tham gia giao thông, chế biến thực phẩm thối, độc hại, bán sữa có chất gây ung thư, dùng bạo lực với con trẻ mới có vài tháng tuổi... đều là biến thái của thói quen coi thường mạng sống người khác.
Buồn thay, những hành vi còn hơn cả tội ác ấy lại cứ sẵn có đất màu mỡ, nhiều chỗ bị bỏ hoang, để tự do phát triển: đó là tính mù mờ, hai mặt của những quy định pháp lý và sự ngăn chặn không tương xứng từ phía toàn xã hội.
Khi người ta thản nhiên nhìn người khác chết, cùng có nghĩa là cái chết đang ở ngay bên cạnh họ. Khi cả xã hội rơi vào trạng thái vô cảm, cái xã hội đó đang
để tương lai phía sau mình và sự rủi ro nằm sẵn ngay trên giường của mỗi phòng ngủ.
Chúng ta có thể bỏ ngoài tai những lời cảnh báo như vậy nhưng nên nhớ là không có cách nào thay đổi được nội dung của nó.
Xấu hổ quá
Phải chờ vụ việc lùi xa một chút, tôi mới dám đọc nội dung và xem clip về vụ cướp bia xảy ra ở vòng xoay TamHiệp, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Xấu hổ và nhục nhã quá! Chỉ có thể thốt lên như vậy. Ví thử ngay lúc này đây có một người nước ngoài hỏi tôi vì sao lại xảy ra chuyện đó ở một đất nước luôn dạy người ta “đói cho sạch, rách cho thơm”, có lẽ tôi chỉ biết cúi mặt để che giấu đi những tổn thương của mình, vẫn biết rằng hàng trăm người lao vào cướp bia kia chỉ là một “bộ phận nhỏ”, không thể nào đại diện cho phẩm giá của người Việt,
nhưng nói cho cùng đó cũng chỉ là một cách tự an ủi. Không ai trong chúng ta, dù hoàn toàn vô can, được biện hộ bởi cái hành động nhơ nhuốc ấy.
Cứ nhớ lại cách người Nhật dìu nhau qua hoạn nạn trong vụ động đất sóng thần, rồi ngẫm đến hành động cả trăm người Việt xông vào cướp bia từ chiếc xe gặp nạn mà não lòng, không còn muốn nghĩ tiếp nữa. Chẳng cần phải lý luận dài dòng cũng có thể rút ngay ra kết luận: nước Nhật giàu có, ngăn nắp là phải, còn chúng ta cứ nghèo mãi cũng chẳng oan.
Hãy nói với nhau thẳng thắn và tàn nhẫn như vậy để không ai được né tránh, thay vào đó phải đối mặt với sự thật là
tất cả đang bị sỉ nhục mà hành động khẩn cấp. Không ai được yên tâm, tự phụ về những mặt tốt của cộng đồng như là điểmtrội văn hóa và không cần phải làm gì hơn nữa cũng đủ để chúng ta ngẩng cao đầu! Thay vì làm thế, xin hãy cúi xuống mà suy ngẫm. Đã đến lúc, nhân vụ việc vừa rồi, cần phải vạch mặt, chỉ tên những điểm u tối, nhếch nhác có thật, vẫn ẩn khuất trong tâm hồn mỗi người Việt.
Chúng ta có cả một kho tàng những lời dạy bảo về đạo lý sống mà tổ tiên để lại. Toàn những lời vàng ý ngọc về tính thật thà, lòng cưu mang nhau khi hoạn nạn, tinh thần chia ngọt sẻ bùi những lúc tai ương, giặc giã. Trong trường hợp xe bia bị lật vừa rồi, ông bà cũng đã có sẵn
cho con cháu cách thức mà một người tử tế phải hành động. Nó được cô đọng trong câu mà tôi tin bất cứ ai cũng được nghe từ tấm bé. Cái câu ấy như sau: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Đau ở đây có thể là ốm, có thể là chẳng may gặp nạn. Hành động cả tàu (cả bầy) cùng bỏ cỏ là để bày tỏ niềm lo lắng, chia sẻ với đồng loại không may kia. Bỏ cỏ còn có thể hiểu là để nhường nhịn phần của mình; là không còn tâm trạng nào dành cho việc ăn uống khi trong cộng đồng có người bất hạnh. Hiểu theo nghĩa nào thì cũng thấy cái đẹp hiển lộ, cụ thể ở đây là sự đùm bọc, xúm tay vào chăm lo cho nhau, cho những người không may trong những hoàn cảnh éo le. Phải chăng vì
biết hy sinh cho nhau như vậy mà tổ tiên mới bền bỉ tồn tại và giữ được cho con cháu cái cơ đồ không đến nổi nào như chúng ta đang thừa hưởng?
Thế mà từ bao giờ cái sự tệ hại vẫn có cửa rộng thênh thang để bước thẳng vào ngay giữa thanh thiên bạch nhật như những gì vừa xảy ra tại Biên Hòa, ngược lại mọi đạo lý tối thiểu? Áp vào câu tục ngữ vừa nêu, chúng ta chỉ có thể hiểu, cả tàu ngựa rình chờ một con trong đàn bị đau, mong cho nó gặp nạn để giành giật cái phần cỏ vốn là bèo bọt của nó! Xấu hổ quá! Lại chỉ biết kêu to lên như vậy.
Liệu ai còn chút lòng tự trọng không thấy xấu hổ? Điều gì thậm tệ hại
đang ngự trị trong tâm hồn cộng đồng và vì sao nó không gặp những cản trở mạnh mẽ từ những kháng thể hình thành bởi văn hóa? Câu trả lời xin dành cho những nhà giáo dục của đất nước luôn giỏi diễn thuyết. Bởi vì giáo dục đã đóng góp phần lớn vào tổng số những hành động phản cảm mà mọi người vừa chứng kiến.
Trong bài viết rất ít tham vọng này, đầu tiên chúng tôi muốn mọi người làmrõ tên của một hành động. Báo chí và nói chung dư luận đều gọi đó là vụ “hôi bia”, theo chúng tôi không đúng. Hôi của là hành động lợi dụng người khác sơ hở (do mải đánh nhau, do mải sơ tán những thứ vật dụng khác mà phải bày của nả tênh hênh giữa trời đất và không kiểm
soát được) để cuỗm đi một vài thứ. Kẻ hôi của thường lén lút, cố lẩn nhanh vào đám đông hay bóng tối để mong không ai biết hành động của mình. Còn với việc cả trăm người lao vào khuân bia khi chiếc xe gặp nạn, ngay trước mắt chủ xe, bất chấp mọi lời van xin của anh ta, thì rành rành là ăn cướp, cướp ngày, cướp giữa đường giữa chợ, thậm chí là ăn cướp một cách đê hèn. Cấp độ nặng của tội rõ ràng cao hơn ăn cướp thông thường như từ điển về tội phạm định nghĩa là “Công khai cưỡng đoạt tài sản của người khác”.
Nếu không làm rõ ra như vậy, chúng ta sẽ không thấy hiện tượng cướp bia như vừa xảy ra, thực tế đã là một
loại tội phạm, man rợ và nguy hiểm ở mức nào. Tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này không chỉ ở hậu quả hình sự do nó gây ra, mà còn khích lệ một lối sống bầy đàn rừng rú, thích cưỡng đoạt, cắn xé theo kiểu dã thú, đề cao bản năng tranh cướp, sống vô chính phủ ngay giữa lòng xã hội văn minh.
Vấn đề tiếp theo mà chúng tôi muốn mọi người cũng nên lưu tâm thích đáng, là phải có ngay hành động đáp trả mạnh mẽ từ phía xã hội và luật pháp với những kẻ đang tâm làm nhục cộng đồng. Khởi tố vụ án không thôi là chưa đủ. Giả sử tới đây một vài kẻ phải trả giá thích đáng cũng là chưa đủ. Ngoài sự trừng phạt mang tính thực thi luật pháp, theo tôi
cần thêm sự trừng phạt của xã hội. Tôi rất cảm kích và đồng tình với hành động của em sinh viên nào đó treo băng rôn lên án những kẻ cướp bia. Đáng lẽ nó nên được làm ở mức quy mô lớn hơn, chẳng hạn với cộng đồng sinh viên. Phải nhân cơ hội này đánh thức liêm sỉ trong giới trẻ. Bởi vì nguy cơ về một lối sống vô cảm đang hiện diện dưới những hình thức khác nhau mà theo chúng tôi, đỉnh điểm của nó chính là hành động ăn cướp tập thể như vừa xảy ra.
Con người sở dĩ biết hành động phải lẽ, biết dừng lại khi đến ranh giới của sự tệ hại, phần nhiều không phải do họ sợ bị trừng phạt, mà vì nó được ngăn bởi bức tường đạo đức. Ngoài ra, và bền
vững hơn, chính là cảm giác của họ về sự xấu hổ. Cảm giác xấu hổ là chỉ số nhạy cảm và chính xác nhất xác định một việc gì đáng làm hay phải tránh xa. Con người còn biết xấu hổ, tức là còn hy vọng vào nhân tính ở họ (Những người lao vào cướp bia, cười nói hỉ hả trên nỗi đau của người khác, là những người liệt mất cảm giác xấu hổ, ít nhất là tại thời điểm đó). Cảm giác này mang tính di truyền văn hóa, nhưng phần nhiều là do giáo dục. Còn cơ hội nào tốt hơn để chúng ta giáo dục con em mình về những việc làm đáng xấu hổ mà một người có văn hóa, một công dân chân chính không được phép nhúng tay vào.
Vì không có cách gì xóa đi được
nỗi xấu hổ đã kịp làm méo mó hình ảnh đất nước, mà xã hội chúng ta không thể để cho một cuộc cướp bóc tập thể như vậy lặp lại trên tinh thần ấy, chúng tôi đề nghị cần phải tiếp tục bêu gương những khuôn mặt thuộc loại xấu xa nhất - bất kể đàn bà hay đàn ông - mà camera vô tình ghi được trong vụ cướp bia, cho phép truyền tải rộng rãi trên các loại phương tiện thông tin, truyền thông. Họ không đáng bị thù hận, thậm chí không đáng bị trừng phạt bằng các hình thức tù tội. Nhưng họ đáng bị nguyền rủa, đáng bị bài xích, đáng bị phán xét về mặt đạo đức, văn hóa trên diện rộng.
Cũng là dịp để chúng ta phơi bày công khai một thói xấu có nguy cơ làm
nhiễm bẩn tinh thần dân tộc và đầu độc các thế hệ con cháu.
Sống với tin đồn
Trước hết người viết bài này xin kể hầu bạn đọc một chuyện hoàn toàn có thật. Bà già nọ đi chợ và mua một miếng thịt bò. Trên đường về, do chen lấn vì tắc đường, do đủ thứ nguyên nhân khiến bà đánh rơi miếng thịt ở đâu đó. Khi phát hiện miếng thịt bò bị mất, bà già liền quay lại tìm. Bà cứ hỏi xem mọi người có ai nhặt được miếng thịt bò thì cho bà xin lại. Rồi mọi người thấy bà như đang tìm gì đó thì cũng quay ra hỏi thăm. Bà trả lời bị mất miếng thịt bò, bà đang đi tìm miếng thịt bò chả may bị rơi mất, nhưng đông người quá nên không tìm
thấy. Chuyện chỉ có thế. Vậy mà chẳng hiểu sao, bắt đầu từ ai đó, chuyện bà già mất thịt bò nhanh chóng biến thành chuyện có một chuyến đò bị đắm. Rồi có một chuyến đò bị đắm do chở quá đông người. Rồi một chuyến đò bị đắm chết rất nhiều người đi chợ... Cái tin đồn cứ thế lan nhanh như cháy đồi, không ai có thể kiểm soát khiến cả vùng tin rằng hômđó có một con đò bị đắm, hàng mấy chục người chết đuối. Điều nguy hiểm và tức cười ở chỗ, sau khi phát hiện ra chỉ là tin đồn, những người quanh khu vực đó thì quên ngay. Nhưng tốc độ của tin đồn thì nhanh hơn cả gió, đã kịp đi rất xa, khiến vài năm sau vẫn có người hoàn toàn tin rằng, ở một nơi nọ đã có một con đò chở
người bị đắm.
Không ai đủ sức, đủ kiên nhẫn để có thể cải chính triệt để cái tin vu vơ kia. Đó cũng là một đặc điểm nữa của tin đồn, sau cái đặc điểm mang tính nhận dạng “là được truyền miệng mà không rõ nguồn gốc”, biến tất cả thành những kẻ nặc danh.
Bi hài nhất cho thể loại tin đồn có lẽ là chuyện xảy ra cách nay ít lâu về việc bố chồng loạn luân với nàng dâu và bị dính chặt vào nhau đến mức không sức nào gỡ ra được phải đưa đi bệnh viện. Từ một tin đồn ác ý, thành một tin báo chí đã khiến mọi người và cả thế giới khoa học kinh ngạc, bán tín bán nghi các ghi chép về lịch sử y khoa nhân loại,
rằng hàng trăm ngàn năm chưa thấy một hiện tượng tương tự ở bất cứ đâu!
Những ai đã đọc một tờ báo (tôi không tiện nêu tên) cách nay khoảng 10 năm, sẽ vẫn đinh ninh rằng ông bà Bill Clinton đã ra tòa chia tay và tài sản mà ngài cựu tổng thống Hợp chủng quốc được chia chỉ là một con chó! Tờ báo kia đã cẩu thả đăng lại một tin đồn có chủ ý đùa cợt của báo chí nước ngoài mà không kiểm chứng. Và rồi nó thành tin chính thức ở một vùng lãnh thổ cách xa nước Mỹ cả vạn dặm.
Sự việc đang nóng nhất hiện nay liên quan đến tin đồn là chuyện bộ lư đồng của một gia đình ở Quảng Ngãi có giá tới 300 tỉ đồng! Người ta không cần
biết 300 tỉ đồng là một tài sản lớn cỡ nào, liệu có ai dám bỏ ra để mua thứ mới chỉ có giá trị phỏng đoán, mua vì mục đích gì mà hấp tấp còn hơn cả ném tiền xuống cống như vậy... nhưng cứ người nọ mắt tròn mắt dẹt mỗi khi kể với người kia như vậy, cho đến khi nó được các trang mạng phụ họa, lan ra cả thế giới. Cũng chẳng ai hỏi lại tin ấy lấy ở đâu, cái người mua ấy tên là gì, chủ nhân của bộ lư nói gì... bởi đã hỏi đến thế thì chẳng cái gì thành tin đồn được nữa. Tin đồn là loại tin vu vơ, chỉ tiếp nhận một chiều. Tin đồn - khi đã thoát khỏi điểmxuất phát - là thứ tin có khả năng lan truyền vô hướng, về cơ bản là vô đích, vô vụ lợi (trừ kẻ tung tin ban đầu với chủ
ý nào đó). Vì thế mà không ai ngăn chặn và cũng không thể ngăn chặn được. Sau đó nó tồn tại dưới những dạng tùy biến (có hàng vạn phiên bản) rồi tự mất. Nhưng trước khi biến mất, tin đồn luôn kịp gây ra những hệ lụy không ai lường trước được, ở cấp độ nguy hiểm khác nhau, nhiều khi tới mức thảm họa, cho cá nhân hay bộ phận dân cư nào đó. Vì thế, với tin đồn, tất cả đều tự nguyện biến thành một thứ nạn nhân, trước hết là con tin của sự hiếu kỳ.
Tốc độ của tin đồn phụ thuộc vào tốc độ của truyền thông. Thời xa xưa là rỉ tai nhau. Thời gần đây là kể công khai ở chỗ đông người. Còn ngày nay Internet khiến tin đồn lan truyền với tốc độ ánh
sáng. Vì thế mà tác hại của nó cũng lan nhanh và rộng hơn rất nhiều, trở thành một thứ ám khí vô hình nhắm vào mọi đối tượng.
Trong bài viết này chúng tôi không có khả năng và điều kiện để giải mã hiện tượng tin đồn. Vả lại cũng đã có người nói thuyết phục hơn. Chúng tôi muốn chỉ ra một khía cạnh khác, đó là từ hiện tượng tin đồn, nghĩ về một số mặt kémcỏi của con người nói chung và người Việt chúng ta nói riêng.
Qua theo dõi sự lan truyền và khả năng nhân bản của tin đồn, chúng tôi nhận ra những môi trường sau đây là đất sống màu mỡ của nó:
- Thói hóng hớt những chuyện giật gân, chuyện của người khác. Thói quen này mang tính nhân loại, nhưng người Việt chúng ta thuộc số các dân tộc nghiện nặng.
- Thói thích mình là người quan trọng.
- Thói tào lao, nói mà không suy nghĩ xem mình nói thế để làm gì. Thực ra đây cũng là biểu hiện của thói vô tổ chức, vô trách nhiệm.
- Thói đố kỵ. Đây là thói xấu nhất chống lưng cho tin đồn. Một ai đó đang gặp may, một đại gia nào đó đang phất, nhất định có nhiều người đố kỵ. Và thế là chỉ cần hở ra tin gì bất lợi cho họ, lập
tức nó được thói đố kỵ chế lại thành đủ thứ tai nạn, tai họa, thực chất là chuyển theo những mong muốn không thành lời của mình, cầu cho họ lụn bại. Vì thế mới có chuyện nhiều người thích thú, thích chí khi kể lại những đau khổ, đổ vỡ hay thất bại của người khác. Cứ để ý mà xem, ngay cả khi kể về một thảm họa đắm đò, cháy nhà, cướp tiệm vàng, mất cắp, bị cướp giật nào đó… không ít người chúng ta thấy âm thầm hoan hỉ, trước hết vì mình không thuộc số nạn nhân. Nhưng đáng bàn hơn, sự hoan hỉ ấy phản ánh cái mầm ác vẫn còn nằm sâu trong tâm địa, chẳng qua phải che dấu nó đi. (Mừng cho người ta gặp may có ba trăm tỉ đồng thì ít, mà hả hê vì gia chủ có
thể gặp đại hạn với bộ lư đó thì nhiều). Theo một cơ chế theo tính bản năng, nó sẽ chuyển sự phóng đại vô lối, tùy thích vào các tin đồn. Từ miệng một người mà tin đồn có thể đã tới dăm bảy phiên bản, thì khi hàng triệu người truyền nhau, chẳng hiểu nó còn bị méo mó đến đâu. Thói quen đáng xấu hổ này, với người Việt chúng ta, đã có thể được coi là căn bệnh giống nòi. Nếu không chữa chạy thì khó mà phát triển được.
- Thói ích kỷ. Nhiều khi biết cái tin đồn nào đó rất ác ý, rất nguy hiểm, rất vô văn hóa nhưng cứ thổi phồng nó lên, thành cái loa tự nguyện để thỏa mãn một nhu cầu giải tỏa nào đó của bản thân, thậm chí chỉ để cho sướng miệng.
Tạm thời khép lại ở tận cuối cùng (với bình luận này) là thói thêu dệt, ngồi lê mách lẻo. Nó là sản phẩm của căn bệnh lười biếng, nhàn cư vi bất thiện.
Những thói xấu vừa kể, có chung ở mọi dân tộc. Nhưng ở những dân tộc có nền giáo dục tốt, môi trường xã hội trong lành, ý thức cao về nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ cho tương lai, chăm chỉ làm việc thì những thói xấu đó bị kìm chế tối đa, bị bài xích và nó trở thành nỗi xấu hổ dưới góc độ văn hóa. Khi người ta biết rằng mình mắc những thói tật đó là đáng xấu hổ, với bản thân và với cộng đồng, thì họ sẽ tìm cách tránh xa. Tin đồn cũng vì thế mà mất dần đất tồn tại, bị cắt từ gốc rễ.
Nhưng đó sẽ còn là mơ ước lâu dài, mang tính lý tưởng. Trên thực tế rất khó triệt tiêu được tin đồn, nếu không muốn nói thẳng rằng nỗ lực đó là vô vọng. Vì thế, cách tốt nhất là phải coi nó như một sản phẩm của xã hội, là một phần tất yếu của phát triển, phải tìm cách chấp nhận và chung sống với nó, khắc chế tối đa tác hại do nó gây ra.
Cho đến nay, chúng tôi thấy biện pháp hữu hiệu hơn cả là xã hội phải thật minh bạch và dân chủ về thông tin.
"""