" Làm Đĩ - Vũ Trọng Phụng full prc, pdf, epub, azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Làm Đĩ - Vũ Trọng Phụng full prc, pdf, epub, azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo VŨ TRỌNG PHỤNG Làm Đĩ TIỂU THUYẾT Hoàng Thiếu Sơn chú thích và giới thiệu NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC Hà Nội - 2005 Làm Đĩ - CUỐN SÁCH CÓ TRÁCH NHIỆM VÀ ĐẦY NHÂN ĐẠO Hoàng Thiếu Sơn I - LÀM ĐĨ RA ĐỜI ĐỂ LÀM GÌ au ba mươi năm bị ghi vào sổ đen, các tác phẩm của Vũ Trọng SPhụng đã lần lượt được tái bản thấm thoắt đã gần bảy năm rồi, duy có một vài tác phẩm vẫn còn chưa được thấy lại ánh sáng mặt trời trong đó có cuốn Làm đĩ này. Vì chỉ nghe cái tên sách là lắm người đã lấy làm sợ quá đi rồi. Nhưng sợ thế thì nghĩ cho cùng là vì người ta chưa thoát hẳn được cái thành kiến mà từ năm 1936 Thái Phỉ đã gây ra: văn Vũ Trọng Phụng là “văn chương dâm uế”[1]. Bốn chữ cái mà hai mươi năm sau, khi đất nước đã trải qua một cuộc cách mạng thành công rồi một cuộc kháng chiến thắng lợi rồi, Hoàng Văn Hoan còn mượn lại để gây ra cả một phong trào đấu tranh chống Vũ Trọng Phụng, mà không biết Hoàng Văn Hoan có đọc các tác phẩm hay không. Và cái việc vu hãm, phỉ báng người quá cố ấy - Vũ Trọng Phụng làm sao mà thanh minh được như đã tự do trả lời Thái Phỉ và Nhất Chi Mai trong sinh thời? - cuộc lên án ấy buồn thay lại đã có nhiều kẻ nghiên cứu, và nhất là nhiều kẻ dạy học gieo sâu vào nhận thức của bao nhiêu lớp sinh viên trong suốt ba chục năm trời gấp đôi cái cuộc trầm luân, cái kiếp phong trần của chị Thuý Kiều ấy. Đến nỗi ngày nay có nói đến “phục hồi” chân giá trị của Vũ Trọng Phụng vẫn còn không ít người cứ e dè, để riêng cuốn Làm đĩ ra một bên. Hôm nay cuốn sách đã ở trước mặt bạn đọc đây rồi, mong rằng sau khi đọc hết hai trăm rưỡi trang của nó, các bạn sẽ tự kết luận là có cảnh nào khêu gợi tình dục như trong bao nhiêu tiểu thuyết dịch của Mỹ và phương Tây và cũng có của một số nhà văn ta hiện đang cầm bút viết ra và đang bày bán câu khách đầy các quầy sạp, phố phường và như không ít cảnh diễn ra trên sâu khấu các nhà hát, màn ảnh các rạp chiếu bóng và các máy truyền hình hiện nay không? Cuối thế kỷ trước, Liep Nhikalaievits Tolxtoi, đã ngoài bảy mươi tuổi, trải qua khủng hoảng tinh thần, phủ nhận toàn bộ sự nghiệp văn chương lớn lao của đời mình gồm những Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina... vì cho là vô đạo đức, rồi quyết tâm xây dựng một nền văn học khác, lấy đạo lý làm kim chỉ nam, làm mục đích. Và mở đầu cho cái sự nghiệp không chỉ là đổi đời, mà là “đẻ ra lại trong một cuộc đời khác” Tolxtoi đã viết gì? Viết Sống lại, cuốn tiểu thuyết về “ả Maxlova” gái điếm bị ra tòa và kết án phát vãng đi Xibia. Xây dựng một nền văn hóa phục vụ việc chấn hưng đạo đức xem như là một nhiệm vụ thiêng liêng mà “đại văn hào của đất Nga” lại bắt đầu bằng cuốn sách về một gái điếm và không bỏ sót những cảnh sống nhầy nhụa, ê chề của các kẻ trụy lạc ấy. Sống lại có hiện thực trong các cảnh đời mô tả, nhưng xây dựng theo khuynh hướng chủ quan và không tưởng, nhưng ngót trăm năm nay vẫn được thế giới quý trọng vì tinh thần nhân đạo và ý thức trách nhiệm của tác giả, và nó cũng xứng đáng được như thế. Vũ Trọng Phụng viết Làm đĩ cũng xuất phát từ một ý thức trách nhiệm. Gần chục cuốn tiểu thuyết của mình có cuốn nào vũ Trọng Phụng thấy cần phải viết lời tựa đâu. Nhưng cuốn Làm đĩ, trước khi vào truyện đã có bốn trang “Thay lời tựa” nói rõ ràng: “Xã hội Việt Nam này, thật vậy, đã bắt đầu loạn dâm. “Sự làm giàu đùng đùng của các thầy lang chữa bệnh hoa liễu, sự phát đạt của những tiệm khiêu vũ, tăng số của bọn giang hồ, nạn hoang thai, những vụ án mạng vì tình mà hàng ngày các báo đăng lên mục tin đặc biệt, sự chán đời đến tự tử của một số nam nữ thiếu niên[2] nạn hiếp dâm, vân vân, đã đủ dẫn chứng cho lời than ấy. “Đứng trước tình thế ấy mà chỉ khoanh tay kêu: “Ôi phong hóa suy đồi” thì nào có ích gì cho ai? “Tìm một nền luân lý cho sự dâm giáo hóa cho thiếu niên. Biết rõ tình dục là những gì, đó là những việc phải làm ngay vậy. “Nam nữ thiếu niên vào lúc dậy thì, vào lúc xác thịt rạo rực lên vì sự biến đổi âm thầm và sự phát triển của những cơ quan sinh dục, là rất dễ lầm lỗi, rất dễ hư hỏng, nếu không được bậc cha mẹ chỉ bảo những điều cần biết và đề phòng mọi hoàn cảnh xấu xa hộ cho... Và Vũ Trọng Phụng khẳng định: “Vì những lẽ ấy mà truyện Làm đĩ ra đời”: Một tác phẩm xuất phát từ thiện ý như vậy thì dù có đạt được mục đích tác giả để ra hay không thì cũng đáng để người đời biết ơn rồi. Cuốn Làm đĩ này ra đời là kẻ viết bài này đã thực hiện được một phần nhiệm vụ mà chị Vũ Mỵ Hằng, con gái ông Phụng trao cho tôi: “cố gắng công bố cho đồng bào tất cả ngôn ngữ gì mà sinh thời ông Phụng đã viết. Tôi cũng xin thú thật là đa số các tác phẩm của ông đã hết lòng tin cậy trao lại cho Nhà xuất bản Văn học, riêng cuốn Làm đĩ này tôi đã có ý định dành cho một nhà xuất bản thuộc ngành giáo dục vì nghĩ là cuốn sách gần với chức năng xã hội của nhà xuất bản ấy, nhưng một người có trách nhiệm của nhà xuất bản đã thành thực bảo tôi “thông cảm là nhà xuất bản chúng em mà in Làm đĩ thì cũng khó ăn khó nói quá”. Tất nhiên là tôi rất “thông cảm” nhưng dù nhà xuất bản nào mà in Làm đĩ thì tôi cũng cho là đã phục vụ nền giáo dục, và các bạn đọc được phục vụ trước tiên trên là những cô giáo, thầy giáo có học trò và các mẹ, cha có con gái, con trai đang đến tuổi dậy thì. Nhất là dăm năm nay, nhà trường của chúng ta cũng đã phải thấy ra rằng giáo dục giới tính là quá cần thiết rồi. Mà không muốn thấy làm sao được trong lúc bệnh Sida đang lan nhanh như lửa cháy thảo nguyên, đe dọa sinh mệnh của toàn thể nhân loại ngày mai đây. Mà đến nay nhà trường ta mới có môn giáo dục giới tính thì chẳng phải là sớm sủa gì,“nước đến chân” rồi. Trong báo Tương lai ra ngày 11-3-1937, trả lời một độc giả[3] Vũ Trọng Phụng đã viết “hiện giờ bên Pháp dự án Sciller[4] đương ở thời kỳ thảo luận. Nay mai, chỉ nay mai thôi, nó sẽ ban hành ở Pháp và ở nơi đây. Đối với nạn mãi dâm, sẽ có khoản nam nữ giao cấu giáo dục (éducation sexulle)[5] cho các trường sơ đẳng”[6]. Hai tuần sau, cũng trên tờ báo Tương lai ngày 23- 3-1937 “Đáp lời báo Ngày nay”[7] Vũ Trọng Phụng nhắc lại: “Nay mai Pháp đình ưng chuẩn cho dự án của Sciller, thì những điều các ông cho là dâm uế đã được người ta giảng dạy cho trẻ con... Tôi tưởng các ông có học vấn như thế, hẳn là phải biết trước khi mọi người biết, mới là hợp lệ”. Vũ Trọng Phụng nói đến học vấn của kẻ bút chiến với mình vì người đó đã cố vạch ra cái mà họ gọi là “bẩn thỉu”,“nhơ nhớp”,“dơ dáng” trong văn Vũ Trọng Phụng, là vì người đó, Nhất Chi Mai đã cho Vũ Trọng Phụng là “văn sĩ nửa mùa”, chỉ lòe đời bằng cái học vấn “sơ học”! Đúng là Vũ Trọng Phụng chỉ được học hết có bậc sơ học, nghĩa là tiểu học Pháp - Việt ở trường Hàng Vôi, mà Nhất Chi Mai tức Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, thì đã đỗ cử nhân khoa học từ bên Pháp về, nhưng trong cuộc luận chiến không những có tính xã hội mà còn tính khoa học này, phải thấy là Vũ Trọng Phụng rất đúng, mà đến nay gần sáu mươi năm đã trôi qua lại càng rõ là nhà văn “sơ học” đã thấy đúng hơn ông nghè, ông cống Tây học nhiều, và điều đáng ngạc nhiên là Vũ Trọng Phụng quan niệm vấn đề sinh lý học đúng hơn ông cử nhân sinh vật học nhiều. Và như thế đã từ gần sáu chục năm rồi, nghĩa là sớm hơn các nhà giáo dục học của ta ngày nay cũng già nửa thế kỷ. II - BÚT CHIẾN VỀ “VĂN CHƯƠNG DÂMUẾ” CŨNG LÀ LUẬNCHIẾN GIỮA NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT VÀ NGHỆ THUẬT VỊ NHÂN SINH Tại sao lại có cuộc bút chiến dữ dội về văn chương dâm uế giữa Vũ Trọng Phụng với Thái Phỉ rồi với báo Ngày nay như thế. Thực ra thì đó là cuộc bút chiến giữa hai trường phái tiểu thuyết những năm 30 giữa phái lãng mạn với phái hiện thực. “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng viết xong tháng mười năm 1936, trước đó Khái Hưng và Nhất Linh đã xuất bản cuốn Đời mưa gió từ năm 1934. Cùng một chủ đề về gái giang hồ hai cuốn tiểu thuyết ấy đã đặt vấn đề khác hẳn nhau: Đời mưa gió tả lối sống phóng đãng của một gái giang hồ, Tuyết xinh đẹp, có học và thông minh, thích sống với cái “đời mưa gió” tuy có nhiều cơ hội trở lại cuộc sống yên lành, trong sạch, nhưng cứ ngựa theo đường cũ, không muốn hoàn lương vì chán cuộc đời bình dị như của mọi người. Làm đĩ không tả lối sống của gái giang hồ chút nào mà chỉ vạch lại cái cảnh ngộ đã làm cho Huyền - cô gái con nhà tử tế xinh đẹp, có học, thông minh phải sa chân, lỡ bước vào cuộc đời trụy lạc. Rõ ràng Đời mưa gió là cuốn tiểu thuyết lãng mạn hợp thị hiếu của bạn đọc thời ấy mà đa số là những học sinh, những tiểu công chức, trình độ học thức phần lớn ở bậc cao đẳng tiểu học Pháp - Việt và sống trong cảnh xã hội đang đổi mới theo hướng “Âu hóa”, đổi mới, làng nhàng và chỉ về hình thức. Trong khi ấy thì Làm đĩ là tiểu thuyết hiện thực đã không ngần ngại đặt ra một vấn đề: Tại sao lại có người phải làm đĩ, xã hội có nạn mại dâm? Chính tác giả trong “đoạn cuối” sách đã nói rõ ra với nhân vật chính của mình: “Đối với thiên hạ thì đời một người như em, đương ở chốn yên lành mà vào nơi chông gai, chỉ có đoạn ấy là đáng nói thôi. Tại sao con nhà tử tế hẳn hoi, con nhà quý phái nữa, mà rồi đến nỗi... trụy lạc, ấy người đời chỉ cần biết rõ những nguyên nhân ấy... chứ một quyển sách tả một đời trụy lạc kể từ lúc trụy lạc trở đi, thế thôi, thiết tưởng lại chẳng có ích gì cho đời... ”. Mục đích của cuốn Làm đĩ thật đã rõ ràng. Và nhận xét về cuốn Đời mưa gió “tả một cuộc đời trụy lạc kể từ lúc trụy lạc trở đi thế thôi” lại cũng xác đáng và công bằng. Thật ra thì các tác phẩm xuất bản trong mấy năm đầu của Tự lực Văn đoàn, những Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng mà Nhất Linh gọi là luận đề tiểu thuyết đã ảnh hưởng lớn đến việc đấu tranh giải phóng phụ nữ khỏi chế độ gia đình phong kiến và Nhất Linh và Khái Hưng đã là những nhà văn xã hội công kích không nhỏ: “Nhưng chỉ ít năm sau, chịu ảnh hưởng của văn hào Pháp André Gide thời bấy giờ rất lớn trên văn đàn thế giới, nên ra đời lối viết không cứ phải chăm chú đạo đức mà chỉ cốt phản ánh được cuộc đời, hai nhà văn Tự lực Văn đoàn bèn đổi hướng sáng tác và cho ra đời những Trống mái, Bướm trắng, và nhất là Đời mưa gió. Gần ba mươi năm sau đó, vào cuối đời mình, nhắc lại việc trước, tự đánh giá sự nghiệp của mình, Nhất Linh còn tiếc là giá sớm biết đừng gò ép ngòi bút vào các luận đề thì tiểu thuyết của mình đã có giá trị văn chương lớn hơn nhiều. Vũ Trọng Phụng viết Làm đĩ chính là viết cái loại mà Nhất Linh gọi là “luận đề tiểu thuyết ấy” không hơn không kém, nghĩa là đem văn chương ra phục vụ xã hội, còn Đời mưa gió thì đã là bước đầu mà các nhà văn Tự lực bỏ luận đề đó (cố chuyển bút mực sang lối viết không nghĩ đến đạo đức của Gide). Thời bấy giờ trong làng văn Việt Nam có cuộc bút chiến khá dữ dội giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh; Tự lực Văn đoàn cũng như Vũ Trọng Phụng không tham gia cuộc hỗn chiến ấy. Tự lực thì đứng ngoài thỉnh thoảng châm biếm như thói quen của mình, còn Vũ Trọng Phụng chỉ cắm cúi viết, đem lao lực và tài năng của mình ra phản ánh cuộc đời, mổ xẻ những ung nhọt của xã hội. Tuy vậy, viết Đời mưa gió Khái Hưng và Nhất Linh đã cố làm nghệ thuật vô tư theo kiểu Gide mà viết Làm đĩ. Vũ Trọng Phụng đã phục vụ cho đời đã “vị nhân sinh” trong một vấn đề quan trọng của cuộc đời. Và cái lý thú là hai cuốn tiểu thuyết lại cũng một chủ đề: gái giang hồ. Như là để cho người đời đem hai cuốn ra mà đối chiếu với nhau để thấy thế nào là “vị nghệ thuật” và thế nào là “vị nhân sinh”, rõ ràng sáng sủa, hơn đọc hàng loạt những bài văn chính luận cao đàm, hùng biện đại hải tràng giang của các chiến sĩ thuộc hai phái đối địch kia. Vũ Trọng Phụng đã có trách nhiệm trong ý định viết cuốn Làm đĩ, lại còn luôn nhớ đến trách nhiệm trong lúc viết. Từ khi cuốn sách ra đời cho đến nay đã gần sáu chục năm trời rồi, người viết bài này chưa hề thấy một ai trích một câu, một chữ nào của Làm đĩ để nói đến cái gì là dâm ô hay là khêu gợi dục tình dù là chỉ bóng bẩy như “tám chữ, bảy nghề”. Đọc Làm đĩ mà nghĩ đến cái gì bậy bạ thì chỉ đáng được cáo lời rủa trứ danh của quốc vương nước Anh Edward III: “Phải nguyền rủa kẻ nào nghĩ bậy về việc ấy - homi soit qui mal y pense” Trái lại, vì nghệ thuật tả Tuyết trong Đời mưa gió của Khái Hưng và Nhất Linh đã quá thành công theo ý muốn của hai tác giả mà hình ảnh cô gái nhẩy ấy đã thành mơ ước của không ít bạn đọc ở cái thời “vui vẻ, trẻ trung” thậm chí đã có ý kiến trong đám thanh niên là “đĩ mà đẹp thì còn hơn vợ mà xấu”, sắc đẹp và duyên dáng của Tuyết là cái “triết lý” chán chường của Tuyết, lối sống phóng đãng say sưa của Tuyết đã có sức cám dỗ không nhỏ, không những đối với nhiều người trong những năm 30, mãi mãi cả về sau nữa, đã có những giáo sư thời chúng ta lên lớp thì lên án, thậm chí mạt sát Khái Hưng, Nhất Linh không để vào đâu cho hết đúng với lập trường hết sức nhưng có hậu trường lại say Tuyết như điếu đổ, không những chỉ vì tài nghệ của các nhà văn Tự lực đã tả Tuyết mà còn thêm sức hút của các trái cấm từ lâu ngày nữa. Tác động của tiểu thuyết lãng mạn Tự lực Văn đoàn không chỉ đơn thuần là lãng mạn sướt mướt kiểu thế kỷ XIX mà còn pha chút chủ nghĩa Gide của thế kỷ XX ở Việt Nam là thế. “Đáp lời báo Ngày nay”, trong báo Tương lai ngày 25-3-1937 Vũ Trọng Phụng viết “Tôi không biết gọi gái đĩ là nàng - chữ ấy nó thi vị lắm, hoặc tô điểm cho gái đĩ ấy các thi vị mà gái đĩ ấy không có, đến nỗi đọc xong truyện người ta chỉ thấy gái đĩ làm gương cho thế gian noi theo... “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết thực sự là ở đời... Các ông muốn theo tiểu thuyết tuỳ thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì cũng đúng sự thực”[8]. Một đoạn văn luận chiến nhưng cũng là những lời khẳng định về sự khác nhau giữa hai quan niệm về tiểu thuyết mà Đời mưa gió và Làm đĩ là hai bức tranh minh họa; một bên là tiểu thuyết lãng mạn quá sức “tiểu thuyết” đi khá xa cuộc đời, một bên là tiểu thuyết hiện thực, tả lại “sự thực ở đời”, hay hơn nữa, một cuốn “phóng sự tiểu thuyết” cái loại tiểu thuyết mà Vũ Trọng Phụng đã khai sinh và đặt tên để gọi cuốn Cạm bẫy người của mình xuất bản năm 1935 và năm 1936 đem ra dùng lại để giới thiệu cuốn Làm đĩ: “hiến quốc dân thiên phóng sự tiểu thuyết này” vì muốn cho người đọc hiểu là nội dung của nó đã được rút ra từ đời thực như ở một thiên phóng sự, chứ không phải là hư cấu theo một nhận thức thiên vị nào. Là tiểu thuyết hiện thực, là phóng sự tiểu thuyết, Làm đĩ còn có một đặc tính nữa rất rõ là tiểu thuyết giáo huấn, vì mục đích của nó là nhắc cho những cô giáo, thầy giáo, những người mẹ, người cha sự cần thiết phải dạy cho nữ sinh, nam sinh, cho con gái con trai những điều cần biết về giới tính, về quan hệ nam nữ, về hôn nhân, gia đình. Và vì mục đích ấy mà Vũ Trọng Phụng đã hầu như không cần gì đến nghệ thuật tiểu thuyết cả, cứ chia sách ra những chương theo thứ tự thời gian: “đoạn đầu, tuổi dậy thì, ra đời, lấy chồng, trụy lạc, đoạn cuối” chẳng khác nào một cuốn sách giáo khoa khô khan, không hơn, không kém. III - TRONG GIÁO DỤC GIỚI TÍNH “PHẢI DẠY CON DẠY THUỞ CÒNTHƠ” Mở đầu cuốn tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng nhắc đến một cái dư luận chung của xã hội khi thấy một người con gái làm đĩ. “Tại nó hư... nó hư thì nó thế” nhưng Vũ Trọng Phụng hỏi lại ngay, hỏi đi rồi hỏi lại: “Thế nào là hư, tại sao mà hư? Nhưng mà vì sao nó hư?” Và gần hai trăm trang sách tiếp theo là để thuật lại cho ta biết, kể lại cho ta nghe những gì, những ai đã đưa Huyền một người con nhà tử tế, xinh đẹp, có học, thông minh nết na đến chỗ trụy lạc. Huyền đã thấy và đã nói “tuổi dậy thì, cái hoàn cảnh xấu, những bạn hữu xấu, một nền giáo dục sai lầm, ngần ấy cái đã làm cho em hóa ra đến nỗi như ngày nay”. Là một cô bé thông minh lên chín lên mười, Huyền đã thấy mẹ đẻ hết em này đến em khác, muốn biết em từ bụng mẹ mà ra theo đường nào thì cô bảo ra ở nách, u già thì bảo ở đít, và chị thì bảo ở bụng, hỏi vì sao mà đẻ thì họ bảo ăn no thì khắc đẻ; mỗi người trả lời một phách chỉ càng làm tăng tính tò mò của cô bé, mà vì thế mà có lần bố đã nọc Huyền ra đánh một trận nên thân lại cấm khóc. Bọn học trò con trai thì nói chuyện vợ chồng sinh, đẻ với nhau, tranh nhau nói với bạn gái tỏ ra mình cái gì cũng biết; lại như thằng Ngôn mới chục tuổi ranh đã chứng minh bố mẹ nó ăn nằm với nhau như thế nào ngay cả với bạn gái của nó bằng cái “trò chơi vợ chồng” trong gia đình nó bố mẹ ngủ với nhau ngay cạnh chỗ nó ngủ, cũng chẳng cần tắt đèn, họ không quan tâm đến tính nghịch ngợm, hay bắt chước của trẻ con. Những trẻ biết suy nghĩ thì cứ phải nghe người lớn chửi nhau dùng toàn những chữ gọi các bộ phận sinh dục và chỉ sự nam nữ giao hợp; mẹ Huyền là bà phán mà nựng con trai bé cứ mó máy bộ phận sinh dục của nó, thích chí lại giơ ra trước mặt chị nó mà bảo: “Ghét, ghét cái con bòi ông đây này!” Gia đình Việt Nam ta từ trước đây lúc nào cũng nói đạo đức nhưng người lớn đã giáo dục gì cho con em để sống có dạo đức cho ra con người. Đến lúc dậy thì, khủng hoảng, hoang mang, lo sợ, người con gái “có bao nhiêu nỗi khổ tâm mà không được đem nói với ai! Dẫu với mẹ cũng không làm sao hở môi được. Huyền hoảng hốt nhất là lúc thấy kinh lần đầu tiên, thử hỏi mẹ về vấn đề nam nữ thì mẹ chỉ bảo “bao giờ lấy chồng con sẽ biết” và Huyền ghi nhận là “cả sự giáo hóa về vấn đề ấy, gia đình em huấn luyện cho em từ trước đến sau chỉ một câu ấy mà thôi!”. Và trong khi đó thì chị em bạn gái, bạn trẻ con, đám tôi tớ cứ hễ động đến vấn đề ấy là cứ như nói cho sướng mồm như để khiêu khích tình dục vậy. Vì người lớn không dậy những điều mà con em đến tuổi dậy thì cần phải biết nên mới có những đứa trẻ nghịch đùa cơ quan sinh dục, thủ dâm, rồi có thể hiếp dâm nữa. Vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ bé, đến nay nhiều người còn chưa thấy là cần thiết, mà năm 1936 Vũ Trọng Phụng đã nhắc đi nhắc lại là rất quan trọng rồi. Cũng không khỏi có người cho là ngày nay xã hội văn minh, con người hiện đại hiểu biết nhiều và hiểu biết sớm không dễ hư như trong thời phong kiến mà cái giáo điều “nam nữ thụ thụ bất thân” cổ hủ đã bất lực không ngăn ngừa được những việc tai hại. Không phải xã hội loài người ngày nay cái gì cũng tốt đẹp hơn trước cả. Một tệ nạn khủng khiếp - nạn mãi dâm trẻ em đang lan ra, nhất là ở các nước châu Á chẳng phải là cái dã man, vô nhân đạo gấp bao nhiêu lần chế độ buôn nô lệ mà lịch sử đã xóa bỏ từ lâu rồi không? Trong đời người con gái, tuổi dậy thì là lúc mà vai trò gia đình quan trọng nhất. Huyền kể lại: “lần đầu em mặc cái quần trắng len lét qua mặt thầy em... thầy em trừng mắt gọi lại hỏi: “đồ đĩ! Tao đã cho mày ăn mặc như thế đấy à?” Thật là “nghiêm huấn rành rành”, nhưng mà cái ông bố ấy tối nào mà chẳng đi đến 3 giờ sáng mới về, rồi một hôm “oanh liệt rước cô vợ bé về nhà” một chị ả đào đã có mang, khiến vợ và các con nhỏ phải bỏ nhà về quê. Và Huyền nhớ lại vào một buổi tối trời rả rích mưa, mẹ ôm đứa em bé mà xì xụp khóc, anh đi theo bọn mất dạy bỏ cả học hành, bố cùng các bạn già phá gia chi tử đi tìm thú yên hoa hay đổ bát, mình thì cặm cụi ngồi viết bài Pháp văn tả cảnh gia đình hạnh phúc có bố ngồi đọc báo, anh ngồi học, mẹ đan áo, em bé chơi ngoan... Tìm cái bút chì, mở cặp sách của ông anh thì rơi ra một tập ảnh khiêu dâm, nam nữ trần truồng. Giáo dục của nhà trường dù có tốt, nhưng đã bị không ít gia đình hủy hoại đi bằng lối sống thường nhật của họ như vậy. Huyền có người anh họ xa là Lưu ở nhờ nhà mình để đi học và họ đã yêu nhau thành thật và đúng đắn, nhưng chưa dám hở môi ra với ai. Một đêm thức giấc sau những cơn mộng mị hãi hùng, thì chỉ có cách cái bức vách gỗ, nghe rộn lên “những sự thị uy của ái tình” giữa ông bố già và cô vợ bé: những cái hôn kêu choen choét, những hơi thở ì ạch, sự rung động lắc rắc của cái giường lò xo, những tiếng rú khoái lạc”, Huyền thở dài, rón rén bỏ xuống nhà dưới, tình cờ Lưu không ngủ được, cũng xuống và “đã xảy ra cái sự không thể không xảy ra được”. Kiểu ăn ngủ của người mình theo cách bố trí nhà cửa cộng thêm lối cẩu thả hớ hênh của những đôi vợ chồng, cha mẹ như thế thì làm sao ngăn ngừa một nhóc con như thằng Ngôn “vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay” lại làm sao lại không đẩy cô Huyền mới lớn lên vào cảnh “sóng tình dường đã xiêu xiêu”. Tả quan hệ giữa Huyền và Lưu, Vũ Trọng Phụng như muốn lưu ý bạn đọc đến cái điều quan trọng mà tục ngữ ta đã nhắc nhở từ ngàn xưa “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” và Vũ Trọng Phụng đã chẳng viết về vấn đề ấy cả một cuốn tiểu thuyết lấy nhau về tình đó sao? Tất nhiên Lưu và Huyền yêu nhau thật sự, biết rõ bổn phận đối với nhau, không để cho “mây mưa đánh đổ đá vàng” như Nguyễn Chẩn trong Hội chân lý đời Đường rồi hậu thân của y là Trương Quân Thụy trong Tây Sương ký[9] đời Nguyên nhưng mà rồi hậu quả đã đến với Lưu thật là khủng khiếp, Lưu đã phải trả giá việc ấy bằng chính tính mạng của mình. Qua mối tình bi thảm giữa Lưu và Huyền, Vũ Trọng Phụng có ý nhắc cho các nhà giáo nhớ đến tính chất giới tính, tính chất xác thịt của tình yêu, trái với quan điểm lãng mạn chủ nghĩa đã quá lý tưởng hóa tình yêu là tinh thần, là cao thượng; trong Thay lời tựa, tác giả viết: tình dục đã cần cho xác thịt cũng như sự ăn uống thì ái tình cao thượng chỉ là một thứ ái tình trong đó sự ham muốn của xác thịt không được thỏa mãn, nghĩa là nói tóm lại thì đó chỉ là thứ ái tình thất vọng mà thôi! Nó bị thất vọng thì người ta gọi nó là ái tình cao thượng, ái tình trong sạch, yêu trong lý tưởng “yêu bằng tinh thần” tiêu biểu nhất cho thứ ái tình ấy là mối tình Lan và Ngọc trong Hồn bướm mơ tiên. Quan niệm tình yêu như thế xa với sự thật trong đời và không giúp ích cho giáo dục thanh niên để ngăn ngừa những việc không tốt có thể xảy đến khi họ bắt đầu biết đến tình yêu. Nhắc đến quan hệ giữa tình yêu và tình dục, Vũ Trọng Phụng đã bị bao nhiêu lời buộc tội và ngày nay vẫn chưa hết bị buộc tội là “đồ đệ của thuyết Phờ-rớt phản động”. Những ai nói thế là rõ ràng chưa hiểu gì, hay chỉ biết loáng thoáng qua những nhận định rất sơ lược và lệch lạc về học thuyết của S.Freud (đọc là phơ roi, không phải Phờ rớt) mà thiên hạ chỉ truyền miệng nhau cho ra vẻ hiểu biết về khoa học mà thôi. Có âm dương, có vợ chồng, Dẫu từ thiên địa, cũng vòng phu thê. Ôn Như Hầu cũng tổng kết cho ra đấy; thánh thiện đến như các tôn giáo mà có giáo nào phủ nhận âm dương và vợ chồng, nghĩa là vật chất và giao hợp, thậm chí biết bao tôn giáo, tín ngưỡng đến nay vẫn còn thờ phụng những vật bắt nguồn từ thực khí nam nữ. IV - GIA ĐÌNH RỒI XÃHỘI ĐẨY CON NGƯỜI ĐẾN CHỖ “LÀM ĐĨ” Đoạn đường sa chân lỡ bước của Huyền bắt đầu từ chỗ lấy chồng. Trước tiên là không tự do trong hôn nhân. Kim - một viên tham tá, công chức hành chính trung cấp thời Pháp thuộc, hỏi Huyền làm vợ, bà mẹ tội nghiệp sợ chết đi để lại đàn con bơ vơ trong cảnh mẹ ghẻ con chồng van xin Huyền nhận lời, dù nhà trai đòi cưới chỉ trong nửa tháng. Huyền chưa kịp mở miệng, ông bố đã nổi cơn thịnh nộ đàn áp tức thì: “mày câm đi! ông là bố mày, ông có quyền gả chồng cho mày lắm, ông bắt mày ngồi đâu thì mày phải ngồi đấy!”. Đến bước đường cùng, chẳng có cách nào bảo vệ được tình yêu nữa, Lưu tự tử để lại thư tuyệt mệnh là đã chán đời không muốn sống và chẳng hề đả động gì đến tình yêu với người yêu cả. Mấy hôm sau thì Huyền về nhà chồng. Cái chết đột ngột như tiếng sét của Lưu thật đúng với tính cách của anh ta: mê đắm, cuồng si và lại được một cuốn phim kích thích dữ dội. Anh ta kể lại phim đó là “một chuyện tình, một thiên thảm sử ghê gớm trong đó có sự âu yếm nồng nàn đến nỗi đáng sợ như sự căm hờn hằn học, trong đó có đủ mọi ý vị của máu, của sự khoái lạc, và của cái chết... ”. Vũ Trọng Phụng không dựng đứng lên đâu. Thời tác giả viết Làm đĩ, các rạp chiếu bóng ở Việt Nam vừa chiếu cuốn phim nhan đề Maryerling dựng lại mối tình bi thảm của Rudolf thái tử đế quốc Áo - Hung, người thừa kế độc nhất của đế quốc lâu đời nhất châu Âu ấy, vì không thể kết hôn với người yêu là Maria Vetsera, đã cùng nhau tự tử năm 1889 ở Mayerling; trong cái thời lãng mạn ấy, cuốn phim đã gây chấn động dữ dội, còn hơn những tiểu thuyết ái tình bi thảm nữa. Mà thời ấy trong lúc báo chí cũng vừa đăng vụ Vi Văn Huyền con một viên quan tỉnh giàu có bậc nhất Bắc Kỳ đã giết chết người yêu rồi tự sát. Ngoài ảnh hưởng tai hại của gia đình, Vũ Trọng Phụng còn thấy rõ vai trò nguy hiểm của xã hội, qua những phương tiện truyền thông, những loại hình nghệ thuật nhất là phim ảnh mà tác động mạnh mẽ và tức thời vì bằng những hình ảnh cụ thể, lời nói kích động và âm thanh quyến rũ. về cái hại của tiểu thuyết tình lãng mạn, Vũ Trọng Phụng đã để cho Huyền nói khá nhiều, và về phim ảnh, phim ngày ấy đâu đã đến lõa lồ và hung bạo như ngày nay mà Vũ Trọng Phụng cũng đã để cho Huyền tự nhận định là “đã nhiễm phải ảnh hưởng của mấy tờ báo mà ngày nào người ta cũng bàn bạc om sòm về các ngồi sao chớp bóng... mà người ta cứ viết thẳng một cách ngây thơ chẳng ngượng ngòi bút là sex appeal... em đã làm cho một người phải ham muốn em... bằng cách khiêu dâm... Không, bằng sex appeal, nói thế hơn, vì nói tiếng mẹ đẻ thì việc ấy mất hết thi vị, không có vẻ mỹ thuật nữa mà lại dâm đãng một cách bản xứ, mặc lòng nghĩa lý của hai thứ tiếng vẫn chỉ là một!.. Vạn tuế cho bọn “văn sĩ” của mấy rạp chớp bóng!”. Chính cái tờ báo hàng ngày đã đăng một số truyện ngắn đầu tiên của Vũ Trọng Phụng là tờ Ngọ Báo đã khai trương thứ văn chương chớp bóng ấy bằng cách mỗi tuần vào ngày thứ năm ra một “phụ chương chớp bóng” bán đắt như tôm tươi. Cảnh vợ chồng Huyền với Kim lại thật là oái oăm; tối tân hôn, lang quân rất mực lịch sự, chẳng ép nài mây mưa gì cả, rồi cả tuần cứ như thế, thì ra anh chàng đang mắc bệnh giang mai, và đã thanh minh: “Đàn ông bây giờ mắc bệnh phong tình, đó có là sự quái gở gì đâu! Thiếu niên[10] mắc nhan nhản ra đấy. Mà họ còn năm lần bảy lượt. Đàn ông như tôi là đã ngoan lắm, mợ biết chưa”. Phải kiêng mọi quan hệ tình dục cho đến khi khỏi hẳn bệnh, thì không đêm nào là Kim không quấy rầy vợ bằng cách “nửa đời nửa đoạn” làm cho Huyền cứ bị khiêu khích dữ dội. Ban ngày thì Huyền được chồng đem đi dự các trò tiêu khiển của xã hội trưởng giả: xem phim, ăn hiệu, chợ phiên, nhảy đầm, đánh cá ngựa, nơi mà bọn nhà giàu ăn chơi “hiện nguyên hình là một lũ bợm đĩ dưới hình thức choáng lộn, và tiến bộ, và văn minh... lẫn lộn với bọn nam nhi cũng đánh phấn, bôi môi gần như đàn bà, và bọn đàn bà thì nhờ những mốt y phục tối tân kỳ lạ nó phô phang cả đùi lẫn ngực ra dưới làn voan mỏng một cách rất lịch sự”. Và chính ở giữa đám người ấy Huyền đã gặp Tân. Kim rối rít khoe với vợ Tân là bạn cũ, con một viên tổng đốc rất giàu lấy vợ từ năm mười tám, bỏ vợ sang Pháp du học rồi về nước chẳng làm gì cả,“sống một mình để hưởng hết mọi lạc thú ở đời”. Kim tấm tắc: “Thật là một người sung sướng nhất đời! Có danh vọng, có học thức, có tiền bạc, lại không bận bịu vợ con! Tự do đủ mọi đường, sướng thật”. Tân là thần tượng của Kim; và tự hào, đắc chí có một người bạn sang giàu như thế, đã đưa ô tô mình về đến tận nhà, Kim mắng vợ: “Mợ lại tiếp đãi người ta nhạt nhẽo như thế. Nói thế mà cứ cãi thì chó cũng không nhịn được!.. Thì mợ cứ tiếp đãi người ta cho mặn mà hơn nữa thì đã sao? Mợ là nhà quê đấy à? Mợ ngu đần xưa nay đấy à?”. Ít lâu sau thấy Huyền “tự nhiên như đầm, đáng mặt phụ nữ tân thời”, nghĩa là bạo dạn tiếp đãi Tân thân mật, Kim tỏ vẻ sung sướng lắm khen “tốt lắm, thế là rất phải” lại tiếp theo bằng một câu tiếng Pháp “Mình đã thành ra một phu nhân của giới thượng lưu rồi đấy”. Tân kiếm cớ mời Huyên đi Lạng Sơn, Huyền tỏ ý ngại, liền bị Kim mắng cho xối xả: “Nghi hoặc thì là người cả ghen... Thế thì lọ lắm! Sống cuộc đời mới, theo Âu hóa thì không được nghi ngờ như người cổ hủ... Thôi đi, mợ cũng hủ bại vừa chứ! Đừng hỏi nữa! Đồ ngu!..”. Thái độ sùng bái con Bê vàng của Kim đã đẩy vợ vào tay bạn, mở đường cho Huyền và Tân cùng nhau ngoại tình. Đến khi việc vỡ lở, Huyền mới thấy những người đàn ông ấy tàn ác đến thế nào. Kim bắt Huyền viết theo bản giáp của mình thảo ra “lời thú tội” đã ngoại tình và “xin cam đoan là chịu thôi không đòi hỏi những quyền lợi của người vợ chính thất”, lại kết bằng một câu: “Khi thảo giấy này tôi vui lòng mà thảo chứ không do chồng tôi bắt ép”. Lời thú lại còn có câu: “Tôi đã đem nhiều tiền của chồng ra cùng nhân tình tiêu hoang”, Huyền xin chồng đừng vu oan như thế, Kim hạ lệnh “Phải viết! Phải đúng như thế, không được sai một chữ! ít ra tôi cũng phải có một thứ khí giới đối phó với kẻ quyến rũ vợ tôi chứ, thưa bà!”. Kẻ sùng bái con Bê vàng đã trở mặt nhanh như chớp và đã đem hết mánh khóe pháp luật học được trong nghề cạo giấy cho Tây để trói buộc nạn nhân của mình chặt như con bò sắp bị đưa đi hạ thủ ở lò sát sinh vậy. Từ đó Huyền từ chức bà chủ nhà đã được hạ xuống thân phận tôi đòi chỉ được ăn ở với u già. Không chịu nổi cảnh hành hạ ấy, Huyền đến cầu cứu Tân thì được Tân nhắc lại cái quan niệm về tình yêu của y: “Tôi cho mục đích của ái tình không phải là hôn sự... Tôi sợ hôn nhân lắm... Tôi tin hôn nhân làm hại ái tình cũng như kẻ mộ đạo tin có Thượng đế vậy... Em muốn li dị chồng à? Để lấy Tân à? Ồ! Không! Không đời nào! Tất em đã rõ là anh thù ghét hôn sự!.. Yêu nhau thì phải lấy nhau, ấy những cái “gai” của ái tình chính là hôn sự. Cho nên ở những nước văn minh, cái lý tưởng của người đàn ông là có một người vợ chung tình để mà lừa vợ với một số nhân tình khác, cũng như cái lý tưởng của người đàn bà là có một người chồng mù lòa để cho mình san sẻ cái tinh hoa của ái tình cho một người nhân ngãi... ”. Và Tân “cười nhạt” khẳng định: “Lúc nào anh cũng có dăm bảy cô nhân tình!” và y nói là đều xem họ “là những thứ đồ chơi tạm bợ”. Và Tân báo cho Huyền biết là y lại sắp sang Pháp, y lấy hai chiếc nhẫn kim cương đưa cho Huyền. Căm thù bốc lên trong lòng người đàn bà bị đối xử như một gái điếm được trả tiền công, Huyền ném hai chiếc nhẫn vào mặt y rồi bỏ về. Ít lâu sau thấy báo chụp ảnh Tân đang ngồi chấm một cuộc thi hoa hậu ở Sài Gòn, biết y chưa đi sang Pháp, Huyền bỏ nhà chồng ra đi quyết vào giết chết cái tên lừa đảo, đểu cáng mà cái xã hội lố lăng thời đó coi là thần tượng. Nhưng mà tìm đâu ra được Tân để báo thù, rồi túi cạn tiền, không còn để trả tiền buồng, đành nghe lão chủ khách sạn dụ dỗ tiếp khách làng chơi, thế là bắt đầu sa xuống cuộc đời trụy lạc. Cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng tả con đường “làm đĩ” của Huyền và đã khẳng định rằng đẩy Huyền vào con đường ấy là hai kẻ đàn ông: anh chồng và thằng cha tình nhân, cả hai đều bỉ ổi, khốn nạn và ích kỷ đến cùng cực đều là nhân vật tiêu biểu của cái thời kỳ mà Vũ Trọng Phụng gọi là “thế kỷ đắc thắng cho chủ nghĩa cá nhân”. Cũng không khỏi có người nghĩ rằng chuyện cô Huyền là “chuyện muốn năm cũ kể chi bây giờ”. Chuyện Làm đĩ đâu phải chỉ là chuyện xưa, vì ngày nay lúc nào, trên báo chí, trên đài phát thanh, đài truyền hình mà không đề cập đến việc chống nạn mãi dâm, là vì không phải chỉ bán dâm và mua dâm, mà cả quan hệ tình dục bừa bãi cũng là đều góp phần vào việc truyền bệnh SIDA. Quan hệ tình dục cũng ở trong phạm vi đạo đức của xã hội loài người, xưa hay nay gì cũng thế cả. Năm 1993 này có ra đời một cuốn tiểu thuyết: Hoa nước mắt của Hoàng Ngọc Hà, kể chuyện một cô nữ sinh mới mười lăm tuổi mà phải nhảy xuống sông tự tử vì mẹ cứ đem trai về nhà mà bậy bạ từ khi con mới lên mười, rồi bỏ hẳn con đi theo trai, để con khổ sở, côi cút suốt năm năm trời đến khi con phải chấm dứt cuộc đời giữa cái tuổi mới lớn lên. Kẻ đàn ông quyến rũ người mẹ bỏ con theo hắn sao mà giống Tân trong Làm đĩ đến thế. Chắc là khi xây dựng Lâm, kẻ đàn ông phá hoại gia đình người ta đó, tác giả Hoa nước mắt không nghĩ đến Tân trong Làm đĩ nhưng mà sao hai kẻ ấy lại giống nhau, cũng chuyên đổ cái tốt mã ra quyến rũ thật nhiều con gái, đàn bà, nhưng chỉ xem họ là đồ chơi một lúc rồi thì “Sống chết mặc bay” chẳng thèm quan tâm mảy may đến số phận của họ và trâng tráo nói toạc ra với họ như thế, xem đó là một thứ nhân sinh quan văn minh, tiến bộ. Lâm của Hoa nước mắt, và Tân của Làm đĩ ra chào đời cách nhau năm mươi bảy năm mà như là tiền thân và hậu kiếp, chỉ khác nhau mầu sắc của cách sống ấy Tân mang nó từ Tây Âu về nên nom bề ngoài có vẻ lịch sự và Lâm thì nhập từ Đông Âu vừa chập chững bước vào kinh tế thị trường nên chưa kịp phấn son gì mấy cho cái bản chất trâng tráo của kẻ hãnh tiến xuất thân quê mùa. Ra đến nay, cái giống đàn ông như thế vẫn chưa tuyệt chủng, hồn Vũ Trọng Phụng chắc dám tin đâu là chúng sống dai đến thế để gây ra tai họa cho đàn bà, con gái. Ở trên có nhận định rằng Làm đĩ, đã được viết ít nhiều như một cuốn sách có tính giáo huấn, về mặt giáo dục giới tính: đọc nó chắc có bạn không khỏi ngạc nhiên trước ba trang sách thuật lại lời của một ông bác sĩ giảng giải cho bệnh nhân về giang mai, cách truyền bệnh, triệu chứng của bệnh, tai hại của bệnh, di truyền của bệnh, cách chữa bệnh, có thể một cuốn sách giáo khoa cũng chưa chắc đã nói đầy đủ cặn kẽ hơn: các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, nhất là các phóng sự thường không ngại đem cho người đọc những hiểu biết về các khoa học như vậy. Nhưng như thế thì có hại gì cho giá trị văn học của sách không? Cuốn Làm đĩ, tuy tác giả cố gò vào một luận đề xã hội và khoa học, nhưng bạn đọc vẫn cứ bị lôi cuốn như đọc bất kỳ một cuốn tiểu thuyết hay nào. Là vì các sự kiện, các biến cố diễn ra rất hợp lý, lại nhiều lúc rất bất ngờ, không những thế, các nhân vật lại rất sinh động, dù tác giả họ chỉ qua một câu nói như tả ông phán bố của Huyền hay qua những lời biện luận dài dòng như tả Tân; nói một câu hay một tràng thì chân tướng của họ cũng đều được vẽ ra như một bức tranh truyền thần tài hoa. Còn nhân vật chính có mặt ở gần hết các trang sách là Huyền thì được tả qua những diễn biến tâm lý rất đỗi phức tạp, từ tấm bé cho đến lúc lớn lên, lúc có người yêu rồi người yêu tự tử, lúc bị ép lấy chồng, phải tìm cách phải tự vệ, mà oán giận gia đình, mà gần như nổi loạn, toan tính việc trả thù gia đình, đến lúc bước vào con đường ngoại tình, rồi con đường trụy lạc: không chỉ tâm trạng Huyền được miêu tả mà rất nhiều lúc chính Huyền tự phân tích lòng mình, đánh giá phẩm chất của mình, kể cả kết án mình nghiêm khắc, rồi xót thương thân phận mình. Ít có cuốn tiểu thuyết mà nội tâm một nhân vật được phân tích nhiều và kỹ đến thế trong văn học ta: ít có cuốn tiểu thuyết trong văn học ta mà chỉ một mình nhân vật tự kể lại đời mình trong một tập ký sự sinh động, chân thật và chân thành, làm người đọc khi thì sửng sốt, lúc lại phẫn nộ, lúc nào cũng cảm động, xót thương vô cùng. VI - TẤM LÒNG VŨTRỌNG PHỤNG XÓT THƯƠNG NGƯỜI SANGÃ Viết Đời mưa gió Khái Hưng và Nhất Linh kết thúc bằng “một bữa tiệc ồn ào đầy những tiếng cười và đùa bỡn lả lơi”. Hai người nói chuyện Tuyết ốm, ho lao và đi biệt đâu mất, thì một “trang thanh niên nâng cao cốc rượu sâm banh mời và nói: “Xin ai nấy uống cạn với tôi một cốc rượu. Còn như câu chuyện cô Tuyết nào đó thì xin hai anh xếp mau lại cho. Sống ngày nay nhớ chi đến ngày xưa, tưởng chi đến ngày mai. Cô Tuyết ấy có chết đi đã có các cô Tuyết khác đẹp, xinh tươi hơn, phải không các em?”. “Phải lắm, phải lắm!”. Mọi người vỗ tay cười vang. Kết thúc Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng tả Huyền trao cho mình quyển vở ghi chép lại quãng đời trụy lạc của Huyền, hy vọng được “đem công bố cái mảnh đời tai hại ấy cho thiên hạ”. Và tác giả đã nghĩ ngay là nhờ tập bút ký ấy, có lẽ mà cái đời bỏ đi của Huyền cũng không đến nỗi là bỏ đi, đối với đàn bà con gái khác”. Cùng một chuyện gái giang hồ, hai kết luận hoàn toàn trái ngược nhau. Viết truyện gái giang hồ, Vũ Trọng Phụng biết là khó mà tránh được búa rìu của xã hội, nên đã để cho một nhân vật của mình rào trước: “Chẳng nên quên rằng quyển Kiều cũng đã bị kết án là sách hối dâm”. Mà đúng thế. Nguyễn Công Trứ mười bảy vợ, bảy mươi ba tuổi còn lấy một lúc hai nàng hầu non và khoái chí tự giới thiệu “ngũ thập niên tiền,nhị thập tam” mà lại mắng và rủa Kiều: Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa, Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm. lại thâm thuý rất đỗi nhà Nho, lấy luôn một câu Kiều để chửi Kiều: Nghĩ đời mà ngán cho đời! Nho nhã như Nguyễn Khuyến mà cũng hơi mỉa: Số kiếp, bài đâu mà lận đận. Rồi tự bình luận: Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi! Vốn có lòng “thương hoa tiếc ngọc” trong ít nhiều trường hợp mà Tản Đà vẫn ác với Kiều: Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng, Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan. Viết về một người “làm đĩ”, Vũ Trọng Phụng sao không nhớ lại những nho gia, thi sĩ ông cha ấy, và dù trong các văn phẩm của mình có mấy khi tỏ ra trữ tình bộc lộ lòng thương ai ghét ai đâu, thế mà xong cuốn tiểu thuyết này rồi, còn viết cố mười ba trang “đoạn cuối” nữa, để như là tâm sự riêng với nhân vật của mình: Cứ trông cái cách ông Trời đối phó với mọi sự giữ gìn chu đáo và mọi cuộc kiến thiết xa xôi của cả thế nhân mà đã đủ chán ngắt... Cho nên sau này dẫu em ngồi xe hơi hòm kính hay đi đẩy xe bò, có một vị khai quốc công thần quỳ dưới chân mình hay bị vài thằng chồng bồi xăm nó đánh, nó chửi, sẽ chết trên kiệu bát cống có nhiều ông Bắc đẩu bội tinh đi đưa, hay sẽ chết khốn nạn trong phục đường thì bất quá cũng đến vậy mà thôi. Ai hoài hơi đi lo lắng trên rừng xanh, có một chiếc lá vàng đã rụng!”. Thật không đọc Làm đĩ thì có ai dám ngờ rằng tác giả Số đỏ, Giông tố, Lục xì, Cạm bẫy người mà lại có một trang trữ tình xót xa, nhân đạo đến thế. Kết thúc Làm đĩ mà Vũ Trọng Phụng nhớ đến truyện Kiều và Thúy Kiều để xót thương thân phận cô Kiều của mình đúng như truyền thống nhân đạo của Nguyễn Du: Thương thay cũng một kiếp người, Khéo thay mang lấy sắc tài làm chi! Những là oan khổ lưu ly. Hay ngược thời gian vượt không gian như lòng xót thương của Liễu Kỳ Khanh bên Trung Quốc đối với chị em kỹ nữ đời Tống (thế kỷ XI). Hay như lòng xót thương của chúa Giê Su đối với nữ thánh Maria ở Magdala là người có tội là gái giang hồ, khi Chúa bảo các đồ đệ: “Ai trong số các người mà không tội lỗi hãy ném hòn đá đầu tiên vào người đàn bà ấy”. Lời nói mà Liep Nhikalaiêvít Tolxtôi đã mượn làm đề từ cho cuốn Sống lại về “ả Maxlova” của mình. Lời giới thiệu Làm đĩ Nhà xuất bản Văn học, tái bản 2005 THAY LỜI TỰA L àm đĩ là một thiên tả chân tiểu thuyết[11] mục đích là hô hào nhà đạo đức và bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm. Sở dĩ tác giả không theo phái người ưa văn hoa bay bướm gọi cái sự ấy là Ái tình, không theo hạng người rụt rè gọi là tình dục, nhưng lại gọi nó ra đây bằng cái tên tục của nó, ấy là vì tác giả có quan niệm rất chắc chắn rằng cái sự ấy gần xác thịt hơn là gần linh hồn, chia nó ra làm hai cũng được, gồm nó vào làm một lại càng đúng lẽ sinh lý, hai cái điều hòa tương trợ lẫn nhau, và khi sự khao khát của xác thịt có thỏa mãn thì ái tình tinh thần mới bền chặt được. Nói đến ái tình lý tưởng mà không đếm xỉa đến cái dâm, đó chỉ là việc của hạng mơ mộng hão huyền. Một thiên tiểu thuyết phụng sự cái dâm? Xin các nhà đạo đức hãy khoan buộc tội! Cái dâm lự nó không xấu, mà nó còn là cái điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin để Freud, Goethe, Schiller[12], Yên Đổ, Nguyễn Công Trứ, cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng đã đủ. Vậy thì, thưa các ngài - Ôi! Hỡi người đọc ta, phường đạo đức giả mà giống hệt ta, như anh em ta! - tại làm sao cái điều ấy, cái điều mà người ta tự cho mình là đứng đắn, đạo đức không dám nói ra miệng bao giờ, thì chính là cái điều mà bất cứ lúc nào người ấy cũng có thể phải nghĩ thầm trong bụng? Cái dâm thuộc về quyền sinh lý học chứ luân lý không kiềm chế nổi nó. Tình dục đã cần cho xác thịt cũng như sự ăn uống, thì ái tình cao thượng chỉ là một thứ ái tình mà trong đó sự ham muốn của xác thịt không được thỏa mãn, nghĩa là nói tóm lại thì đó chỉ là thứ ái tình thất vọng mà thôi! Nó bị thất vọng thì người ta gọi Nó là ái tình cao thượng, ái tình trong sạch, yêu trong lý tưởng, yêu bằng tinh thần. """