"Kho Báu Bị Nguyền Rủa - Michel Bussi PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kho Báu Bị Nguyền Rủa - Michel Bussi PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Kho báu bị nguyền rủa Tác giả Michel Bussi Người dịch Nguyễn Thị Tươi Phát hành Nhã Nam Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Ngày xuất bản 13/07/2020 Bốn phía chân trời, Đóng đinh câu rút thế giới. — Cầu nguyện, Georges BRASSENS (lời của Francis JAMMES) Bạn có thể nói tôi là người mơ mộng Nhưng tôi không phải là kẻ duy nhất Mong rằng ngày nào đó bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi Và thế gian này sẽ chỉ là một. — theo Tưởng tượng, John LENNON Dành tặng các nhà địa lý học, các bạn bè, đồng nghiệp, những người thám hiểm thế giới. — Có chuyện gì không ổn sao, Leyli? Cô xinh đẹp. Cô có ba đứa con xinh đẹp. Bamby, Alpha, Tidiane. Mẹ con cô đã êm ấm rồi. — Êm ấm ư? Toàn bộ những điều đó chỉ là bề ngoài thôi. Vớ vẩn cả thôi. Không, ồ không, chúng tôi không tạo thành một gia đình tốt đẹp. Chúng tôi thiếu điều căn bản nhất. — Một người cha ư? Leyli khẽ bật cười. — Không, không. Một người cha, hay thậm chí là nhiều người cha, thì cả bốn chúng tôi đều không cần đến. — Vậy mẹ con cô còn thiếu điều gì nữa? Đôi mắt Leyli hé mở, giống như một bức rèm để lọt vào một tia nắng mặt trời và chiếu rọi một căn phòng tăm tối, biến bụi bặm thành những ngôi sao. — Ông thật tọc mạch quá, ông bạn thân mến ạ. Chúng ta chỉ vừa mới quen biết nhau, thế mà ông lại tưởng rằng tôi sẽ tiết lộ với ông bí mật lớn nhất của tôi sao? Ông không trả lời. Bức rèm trên đôi mắt Leyli đã khép kín trở lại, lại nhấn chìm căn phòng trong bóng tối. Chị quay về phía biển, nhả ra một làn khói thuốc để nhuộm đen những đám mây. — Còn hơn cả một bí mật, quý ông tò mò thân mến ạ. Đó là một lời nguyền. Tôi là một người mẹ xấu xa. Ba đứa con của tôi đã bị kết án. Hy vọng duy nhất của tôi là một trong số chúng, có thể là một trong số chúng, thoát được lời nguyền đó. Chị nhắm mắt lại. Ông vẫn hỏi tiếp: — Lời nguyền đó, ai đã gieo nó? Đằng sau cánh cửa chớp đóng kín tạo bởi hai mí mắt chị, sấm chớp đùng đoàng. — Ông. Tôi. Cả trái đất này. Không ai vô tội trong vụ này hết. Ngày trừng phạt o6h48 p Lặng lẽ, chiếc sà lan lướt đi bên dưới chiếc xe buýt số 22. Leyli, trán áp vào cửa kính, ngồi ở hàng ghế thứ hai đằng sau tài xế, ngắm nghía những kim tự tháp khổng lồ bằng cát trắng được chiếc tàu đáy bằng chở đi xa dần, tưởng như người ta đang đánh cắp cát của chính mẹ con chị, tưởng như sau khi đã lấy đi của mẹ con chị tất cả những thứ khác, người ta lấy luôn cả bãi biển, từng hạt cát một. Xe buýt số 22 vượt qua con kênh Arles-Bouc và tiếp tục ngược lên đại lộ Maurice-Thorez. Ý nghĩ của Leyli vẫn nhùng nhằng theo nhịp tiến của chiếc sà lan. Chị vẫn luôn hình dung con kênh này như một vết sẹo bị rách toạc, và thành phố Port-de-Bouc giống như một mẩu đất chậm rãi trôi dạt về phía biển, và ngày nay nó bị chia cắt khỏi phần còn lại của lục địa bởi một eo biển rộng chừng hai chục mét. Trong tương lai là cả một đại dương. Thật ngốc quá, Leyli tự trấn an trong khi xe rẽ vào đường tránh, bốn làn đường của quốc lộ 568 và dòng xe cộ nườm nượp không dứt tách Port-de Bouc khỏi phần còn lại của thế giới nhiều hơn rất nhiều so với con kênh hiền lành dưới bóng cây nơi vài chiếc sà lan biếng nhác đang lượn lờ. Còn chưa đến 7 giờ sáng. Ngày đã thức dậy nhưng mới chỉ mở hé một bên mắt mờ mịt. Qua cửa kính xe buýt, ánh đèn nhợt nhạt của xe cộ trên đường xuyên qua hình ảnh phản chiếu khuôn mặt chị. Ít nhất là lần này, Leyli tự thấy mình xinh đẹp. Chị đã cố gắng. Chị đã thức dậy từ hơn một tiếng trước để tết lên tóc mình từng hạt từng hạt ngọc trai nhiều màu, giống như mẹ chị, Marème, thường làm ở Ségou, bên dòng sông, trong những tháng hè khi mà mặt trời thiêu đốt mọi thứ, tuy nhiên cũng là những tháng mà Leyli được tách khỏi ánh nắng mặt trời. Chị muốn mình trông quyến rũ. Đó là điều quan trọng. Patrice, đúng hơn là anh Pellegrin, nhân viên phụ trách hồ sơ của chị ở Văn phòng nhà đất FOS-IMMO, không vô cảm với những màu sắc của chị. Với nụ cười của chị. Với niềm vui sống của chị. Với gốc gác người Fula của chị. Với gia đình lại tạp của chị. Chiếc xe buýt số 22 chạy dọc theo đại lộ Groupe-Manouchian, đi qua trước thành Agache. Gia đình chị. Leyli nhấc cặp kính râm lên rồi khẽ trải những bức ảnh trên đầu gối. Để khiến Patrice Pellegrin xúc động, những bức ảnh này là một vũ khí cũng quan trọng không kém gì vẻ quyến rũ của chị. Chị đã chọn lựa chúng một cách cẩn thận, những bức ảnh chụp Tidiane, Alpha, Bamby, cũng như những bức ảnh chụp căn hộ của chị. Patrice đã kết hôn chưa? Anh ta có con không? Anh ta có dễ bị tác động không? Và nếu có, thì anh ta có tầm ảnh hưởng không? Chị đang gần đến đích. Xe buýt số 22 đi qua trung tâm thương mại, luồn lách giữa một siêu thị Carrefour rộng lớn, một nhà hàng Quick, một quán Starbucks. Chỉ trong vòng vài tháng, từ buổi hẹn trước của chị tại Văn phòng nhà đất, cả chục biển hiệu mới đã mọc lên. Chừng ấy những khối lập phương bằng tôn giống hệt nhau, tuy nhiên lại có thể nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên, cặp sừng màu trắng của một tiệm Buffalo Grill, bông hoa màu cam của một cửa hàng Jardiland, mái hình chóp của khách sạn Red Corner. Trên mặt tiền bằng sắt và kính của một tổ hợp chiếu phim, vóc dáng khổng lồ của Johnny Depp trong vai diễn Jack Sparrow đang nhìn chị chằm chằm; trong một lát hình ảnh phản chiếu khiến chị có cảm giác Johnny cũng có mái tóc tết đầy những hạt ngọc trai như chị. Mọi thứ ở đây đều giống nhau, mọi thứ đều giống với nơi khác. Xe xuôi xuống phía kênh Caronte, giữa hai vùng biển, biển Địa Trung Hải và đầm nước mặn Berre, rồi rẽ vào phố Urdy-Milou, nơi có trụ sở của FOS-IMMO tại địa phương. Leyli quan sát hình ảnh phản chiếu của mình lần cuối. Ánh sáng ban ngày yếu ớt xóa dần bóng chị trong tấm gương bằng kính. Chị phải thuyết phục Patrice Pellegrin rằng chị không giống như tất cả những địa điểm vô hồn này, những nơi chốn giống như bất cứ nơi nào mà lại chẳng phải nơi nào, chính chị, cũng như chúng, là người ở đây lại cũng là người ở nơi khác. Chị phải thuyết phục Patrice rằng chị là duy nhất, chỉ đơn giản thế thôi. Tuy nhiên, càng nghĩ nhiều về chuyện này, chị càng không còn chắc chắn rằng anh chàng nhân viên ở FOS-IMMO kia tên là Patrice. o6h49p Bamby đứng trước mặt François. Hiệu ứng phản chiếu của những tấm gương trong căn phòng Shéhérazade tại khách sạn Red Corner làm tăng số góc nhìn lên gấp bội, như thể có cả chục chiếc camera đang ghi hình cô và chiếu lên những bức tường, lên trần nhà, từ phía sau lưng, từ phía trước mặt, từ dưới lên trên. François chưa bao giờ gặp cô gái nào xinh đẹp đến thế. Ít ra là từ hai chục năm nay. Từ khi ông không còn đi khắp thế giới và chỉ bằng vài đô lẻ tự tặng cho mình những ả điếm Thái Lan hoặc Nigeria có lẽ sẽ vào chung kết Hoa hậu Thế giới nếu sự ngẫu nhiên của cuộc đời khiến họ được sinh ra ở phía lề đường bên kia. Từ khi ông ổn định cuộc sống cùng với Solène, Hugo và Mélanie, từ khi ông cho xây căn nhà ở Aubagne, từ khi ông thắt cà vạt mỗi sáng để đi kiểm tra các tài khoản của Vogelzug và chỉ đi công tác nước ngoài chưa đầy hai lần mỗi năm. Từ giờ trở đi, ông không bao giờ còn đi xa quá Maroc hay Tunisia nữa. François thầm tính toán số tháng trong đầu, đã gần một năm nay ông không lừa dối Solène. Ông đã trở nên chung thủy mà gần như không ý thức được điều đó. Ở Vogelzug, giữa những pasionaria⦾ đấu tranh cho những người nhập cư trái phép, ông hiếm khi có cơ hội ngắm nhìn những cô nàng ăn mặc theo kiểu gái điếm, phô bày những đường cong và bộ ngực lấp ló. Lại càng ít có cơ hội ôm họ trong vòng tay. Cô gái đang uốn éo trước mặt ông tự xưng là Bamby. Một cái tên của người Fula. Cô hai mươi tư tuổi, sở hữu thân hình của một công chúa châu Phi và đang viết một luận án nhân chủng học về các luồng di trú. Cô đã liên hệ với ông một cách ngẫu nhiên, ông nằm trong mẫu điều tra gồm năm mươi người có chuyên môn về điều tiết người di cư, tạo nên tập đối tượng nghiên cứu của cô. Năm mươi giờ phỏng vấn được ghi lại bằng máy ghi âm… trong đó có cuộc phỏng vấn của ông, một giờ đồng hồ độc thoại ngoại trừ vài câu đưa đẩy, tại các phòng làm việc của Vogelzug. Có vẻ như Bamby say mê với hành trình của ông, François còn thêm thắt vào đó, những niềm tin chắc chắn, những hành động, những tâm trạng của ông từ khi thời kỳ vô tư lự của những chuyến đi không hành lý nhường chỗ cho thời kỳ của kinh nghiệm, của sức mạnh tuổi tác, của thành công, của quyến rũ. Cô đã nhờ ông đọc lại bài viết của mình, qua email, trước khi họ gặp lại nhau mười lăm ngày sau đó, một buổi tối tranh luận lành mạnh, lần này thì không có máy ghi âm, nhưng cả hai lại tự cho phép mình ôm siết người kia hồi lâu trước khi chia tay. Hãy gọi cho tôi nếu cô muốn… Cô nàng nghiên cứu sinh xinh đẹp đã gọi lại cho ông. Cô bận ngập đầu. Luận án, những giờ thực hành áp dụng kiến thức đã học ở trường đại học, không còn thời gian nào để có bạn trai nữa, không phải lúc này, thế nên chúng ta hãy tranh thủ thời gian thôi. Thật trùng hợp: François cũng gần như có cùng một triết lý như thế. Hãy tranh thủ thời gian thôi. Hẹn gặp nhau ở đây, tại khách sạn Red Corner gần nhất. Vừa vào đến phòng, François đã nằm dài ra giường, giả vờ một cơn mệt mỏi bất ngờ có thể quy cho ba ly vodka nhỏ xíu mà ông đã nốc cạn trong quầy bar bên dưới các căn phòng cho thuê nhằm mục đích giải trí này. Tranh thủ thời gian ư? Đã phải mất nhiều giờ đồng hồ, người đẹp mới để mình bị ông thuần hóa. Bamby ngồi xổm bên cạnh ông, không giả vờ e thẹn mà thể hiện sự dịu dàng khó cưỡng. Cô chỉ dừng ở việc vuốt ve ông, tại vùng giữa gáy và cổ, nơi những sợi tóc giống như một lớp lông tơ. Cô mặc một chiếc váy dài bằng vải wax⦾ màu vàng rực, ôm sát người, dài đến tận mắt cá chân nhưng lại để lộ cả khoảng phía trên bộ ngực và đôi vai trần màu nâu. Một mặt dây chuyền nhỏ bằng bạc lẩn dưới lớp vải co giãn màu vàng. — Đó là một con chim à? — Một con cú. Ông muốn xem không? Cô nghiên cứu sinh xinh đẹp chậm rãi để tuột xuống lớp vải đặc trưng châu Phi, giống như một cánh buồm hạ, nó chững lại một lát trên những đường cong cơ thể, rồi rơi xuống đến tận eo. Đột ngột. Cô không mặc gì bên trong… Bộ ngực cô lộ ra, lộng lẫy, gần như không thực; con chim cú nhỏ run rẩy trong thung lũng. Chiếc váy dài màu nắng bồng bềnh trên thắt lưng cô, cù vào rốn, bám vào hông. Bamby nhỏm dậy, đưa ngón tay lướt dọc cổ François, vấp vào chiếc cúc đầu tiên trên áo sơ mi của ông, hạ xuống, hạ xuống đến tận khóa chiếc quần jean. Con nhóc này đã quyết định khiến ông phát điên rồi đây! Có lẽ cô chỉ trẻ hơn con gái ông một chút. Chuyện này không làm ông thấy chướng. François tự biết mình vẫn còn quyến rũ, với mái tóc ngả hoa râm, với dáng vẻ khiến người khác cảm thấy an toàn. Ông cũng biết rõ sức quyến rũ của đồng tiền. Liệu tiền có liên quan gì đến chuyện này không? Bamby uốn éo trước mặt ông. Mỉm cười. Chơi đùa như một con bướm có cơ bay mất bất cứ lúc nào. François buộc mình đắm chìm vào những ý nghĩ, để trấn tĩnh lại, để không lao bổ vào cô nàng này, hòa theo nhịp điệu của cô. Liệu Bamby có nhận tiền không? Không, tất nhiên là không. Đơn giản nhất là gặp lại cô. Thỉnh thoảng. Đối xử với cô như với một công chúa. Một món quà. Một bữa ăn tại nhà hàng. Một khách sạn đẹp hơn cái khách sạn Red Corner ngoại ô này. Ông ngưỡng mộ những cô gái được ưu đãi cả sắc đẹp lẫn trí thông minh như cô. Ông đã nhận thấy rằng trái ngược với vẻ bề ngoài, điều đó khiến họ còn tử tế hơn những cô gái khác, bởi vì họ khiến người khác ghen tị nhiều đến nỗi cảm thấy mình buộc phải trở thành cô bạn gái tử tế không ai có thể chê trách, để khỏi đi đến kết cục là bị ném đá đến chết, buộc phải học cách khiêm tốn như một phương thức sinh tồn. Những thiên thần, mà rất ít đàn ông có đặc quyền được chạm vào. Ông ta có giọng nói dịu dàng, ông ta rất thích nói chuyện. Chủ yếu là ông ta thích nghe bản thân nói. Vợ ông ta tên là Solène. Ông ta có một con gái một tuổi. Mélanie. Một vết sẹo nhỏ hình dấu phẩy bên dưới núm vú trái. Nỗi phấn khích của François càng tăng thêm khi Bamby xáp lại và lách ngón tay vào bên trong áo sơ mi của ông, cởi hai cái cúc, dừng lại nấn ná trên hai núm vú. Cô vuốt ve ông hồi lâu, và lần đầu tiên, cho phép ông đặt tay lên ngực mình, trong vài giây, trước khi phác một động tác lùi ra xa, như thể việc tiếp xúc vừa rồi khiến cô bị bỏng. Hoặc như thể cô còn muốn tiếp tục chơi đùa, François muốn diễn giải theo cách này hơn. Bamby nhìn ông bằng ánh mắt thách thức, rồi quay người với một sự chậm rãi đầy tính toán. — Em đi lấy cốc nước. Đôi bàn tay François chợt cảm thấy bơ vơ, nhưng đến lượt đôi mắt ông ngây ngất. Kiên nhẫn nào, ông thầm ra lệnh, sẽ có đủ cho tất cả các giác quan. Thị giác là giác quan được ưu đãi đầu tiên. Vừa bước đi trong phòng, Bamby vừa thả cho chiếc váy vàng rực rơi xuống tận gót chân, bằng một động tác đầy nhục cảm. Cô không mặc gì ở trong. Cả bên trên lẫn bên dưới. Cô đi ra xa, lướt qua ô cửa sổ lắp kính, tạo ra một dòng thác sắc màu trên da thịt. Một lát sau, Bamby quay trở lại, trên tay cầm cốc nước, tặng cho François một mặt tiền khỏa thân hoàn toàn khiến ông nghẹt thở. — Ông có thích không? – Bamby thì thầm bằng giọng ngây thơ. François nhỏm người ngồi tựa vào gối. Đó là bí quyết của ông đối với phụ nữ. Không bao giờ đóng vai kẻ chinh phục. Lại càng không khi mà ông chắc chắn là mình đã thắng. Ông chăm chú nhìn cô bằng ánh mắt đầy ngưỡng mộ, giống như khi ta đón nhận một món quà mà ta xiết bao mơ ước, đến nỗi phải giả vờ là mình không xứng đáng được nhận. — Người đẹp của tôi, cô nàng vô cùng xinh đẹp của tôi, con én nhỏ của tôi, em định làm gì với một lão già như tôi? — Im nào, François. Bamby tiến lại phía ông. Toàn bộ trang phục trên người cô chỉ còn lại tấm khăn voan choàng trên tóc. Khi họ gặp nhau lần đầu tiên, chiếc khăn này đã khiến François ngạc nhiên, nó hoàn toàn không ăn nhập với tính cách của cô nàng sinh viên phóng khoáng. Điều đó càng làm tăng thêm nét khó hiểu ở cô. Bamby đã dìm câu hỏi của ông trong một tiếng cười. — Ông không thấy là như thế này em xinh hơn sao? Tất nhiên rồi, cô nàng lẳng lơ tuyệt diệu này nói đúng. Tấm voan che khuất khuôn mặt hình trái xoan của cô, phủ bóng lên đôi gò má tròn trĩnh chẳng khác nào một cái khung giúp ta tập trung ánh mắt nhiều hơn vào phần kiệt tác của bức tranh, đôi mắt mảnh hẹp như hai chiếc lá ô-liu, hai chiếc thuyền lấp lánh ánh xà cừ trong màn đêm mascara, giữa hai hàng lông mi dày rợp, hai viên ngọc trai đen tỏa ra ánh nhìn mật ngọt. Mùi thơm nồng của gia vị bao bọc căn phòng. Những chiếc loa được giấu kín liên tục phát ra những giai điệu phương Đông. François lo lắng, có lẽ ở đây có gắn camera chăng? Bamby chậm rãi thực hiện những động tác lắc hông theo điệu nhạc, khiến François hình dung ra rằng ngay khi cô quyết định, sẽ đến lượt ông phải khiến cho cơ thể lõa lồ kia run rẩy. Rằng cô sẽ chỉ còn là một nhạc cụ trong tay ông, một nhạc cụ đặc biệt mà chỉ những nghệ sĩ kỳ tài hiếm hoi mới được phép chơi. — Ông thích em bởi vì em xinh đẹp. Bamby có chất giọng gần như trẻ con. Không phải chất giọng khàn khàn của những ca sĩ hát nhạc Phúc âm. — Ngoài điều đó ra, tôi chưa biết gì về em cả. — Vậy ông hãy nhắm mắt lại. François vẫn mở to mắt. Bamby chậm rãi cởi bỏ chiếc khăn ra khỏi mái tóc. Mái tóc dài, đen, được tết thành từng lọn. — Em muốn ông nhắm mắt để yêu em. Cô gái trẻ bước lên giường. Dứt khoát xóa bỏ mọi khoảng cách e thẹn, cô kẹp chặt thân trên François giữa hai đùi mình, ưỡn ngực lên ngang tầm mắt ông, rồi rướn chỗ kín của cô đến khi chỉ còn cách chòm râu lún phún của ông vài centimet. Từ khắp làn da Bamby tỏa ra mùi wusulan, thứ hương được phụ nữ Mali dùng để ướp lên quần áo và mái tóc của họ, cũng như thấm đẫm lên da thịt mình để mê hoặc tình nhân. — Em muốn ông yêu em theo kiểu mò mẫm. Được thôi, François chấp nhận trò chơi. Đây không phải là lần đầu tiên ông làm tình với đôi mắt bị bịt kín. Ông từng thường xuyên làm trò này, với Solène, thuở ban đầu. Rồi sau đó thì thôi. Chính vì chuyện này mà ông ở đây, chỉ vì chuyện này thôi. Ông nhắm mắt lại. Bamby quấn chiếc khăn quanh mắt ông, trong khi François, như một người mù, vụng về tìm cách chạm vào quầng vú cô bằng đầu lưỡi, nựng nịu chúng trong lòng bàn tay. — Ngoan nào, ngài quản trị. – Bamby nói bằng chất giọng bé gái khó cưỡng. Bàn tay mềm mại của cô nắm lấy cổ tay ông, giống như người ta kéo những ngón tay của một thằng bé ranh mãnh ra khỏi hộp kẹo. Tách. Lúc đầu, François không hiểu. Phản ứng đầu tiên của ông là phác một cử chỉ để kéo dải băng đang che kín mắt mình ra. Không thể được, vì một bên, rồi cả hai bên cổ tay ông đều bị xích chặt. Trong một tích tắc, ông nhận ra rằng sau khi thắt chiếc khăn quanh mắt ông, Bamby đã còng tay ông lại, giả vờ đang chơi một trò ranh mãnh. Ông suy ra rằng còng tay đã được chuẩn bị từ trước, được gắn vào thành giường, đằng sau chiếc gối. Cô ả này đã lên kế hoạch mọi việc. Chết tiệt… Cô ta muốn gì ở ông? — Ngoan nào, anh chàng thích phiêu lưu của em. – Bamby nói tiếp. – Trò chơi mới chỉ bắt đầu thôi. Ông ta mơ ước được sống trong một ngôi nhà ở phía trên Marseille, tại Aubagne. Ông ta đã nhắm được một mảnh đất, ở dưới chân công viên Coueste. Ông ta thích gọi các cô gái là con bướm của anh, con chim én của anh, con chuồn chuồn của anh. Ông ta mê thích wusulan, ông ta không chịu chạm vào ta nếu thân thể ta không tỏa ngát mùi hương đó. Ông ta rất đòi hỏi, thậm chí đôi khi còn bạo lực. François vẫn nuôi hy vọng trong khi Bamby cởi nốt những chiếc cúc còn lại trên áo sơ mi của ông, khi cô lướt thân người cô sát qua người ông, khi cô để mùi hương của mình vấn vít trên cơ thể ông. Đây chỉ là một trò chơi. Chỉ càng thêm phấn khích mà thôi! Cô nhóc này có thể muốn gì ở ông được chứ? Ông chẳng có gì phải tự trách mình cả. Ông không có quá 200 euro trên người. Tống tiền ông chăng? Cô ta cứ việc làm thế đi! Bây giờ, khi Mélanie và Hugo đã trưởng thành, chuyện này sẽ càng giúp ông có cớ để rời bỏ Solène. Ông gần như đã cảm thấy yên tâm, cảm thấy thích thú vì được phó mặc bản thân vào tay một cô gái xinh đẹp như thế. Ở tuổi bốn mươi chín, ông không bao giờ còn tự đặt mình vào cảnh hiểm nguy, ông vừa đạt đến điểm cân bằng khiến ông rất đỗi an tâm này… thì cảm thấy nhói đau ở cánh tay. Một mũi tiêm! Vào tĩnh mạch. Ả khốn này vừa tiêm thứ gì đó vào máu ông! François hoảng hốt, giằng mạnh đôi tay bị còng, lưỡng lự không biết có nên la hét hay không, mặc dù ông biết rằng mấy căn phòng chết tiệt này đều được nhồi lớp cách âm, tạo thành một nơi tách biệt để các cặp tình nhân có thể ở chung mà không phải so sánh cường độ khoái cảm của nhau. Và nghĩ kỹ lại, Bamby chẳng tiêm thứ gì vào người ông cả. Ông chỉ cảm thấy… máu mình bị hút ra. Cô ả này đã lấy máu ông! — Sẽ không lâu đâu. – Giọng nói bình thản của Bamby thì thầm. – Chỉ một lát thôi. François chờ đợi. Hồi lâu. — Bamby? Không còn ai đáp lời ông. Dường như ông chỉ nghe thấy tiếng khóc. — Bamby? Ông bắt đầu đánh mất khái niệm thời gian. Ông ở đây bao nhiêu phút rồi? Chỉ có một mình ông trong phòng này chăng? Lần này, ông phải gọi người giúp, cho dù người ta có thấy ông trong tình cảnh này thì cũng mặc kệ. Có xấu hổ thì cũng mặc kệ. Ông có phải đưa ra những lời giải thích thì cũng mặc kệ. Thế giới nhỏ bé yên bình của Solène có sụp đổ thì cũng mặc kệ. Mélanie có biết rằng ba mình ngủ với một đứa con gái bằng tuổi nó thì cũng mặc kệ. Nói cho cùng, ông chẳng biết gì về đứa con gái đó cả. Có lẽ cô ta đã thao túng ông ngay từ đầu, với câu chuyện nghiên cứu sinh tiến sĩ, mẫu điều tra và phỏng vấn của cô ta? Nghĩ cho cùng, cô ả này quá khiêu gợi để có thể học lên đến tiến sĩ… Ông sắp sửa hét lên thì cảm thấy có ai đó bên cạnh mình. Ông cố gắng tập trung, cố gắng nhận biết mùi hương wusulan của Bamby, nhưng những làn hương gia vị tỏa khắp căn phòng Shéhérazade chết tiệt này đã lấn át tất cả; ông cố gắng lắng nghe những tiếng chân, một hơi thở, tiếng một mặt dây chuyền cọ xát vào làn da trần, nhưng những âm thanh độc tấu không dứt của đàn oud không cho phép ông nghe thấy bất cứ tiếng động nào. — Bamby? François không cảm thấy gì nữa ngoài cú nhói đau ở cổ tay, chỉ như một vết xước, còn không đau bằng khi ông tự cắt vào da mình lúc cạo râu. Ông chỉ hiểu ra khi cảm thấy thứ chất lỏng ấm nóng chảy dọc cánh tay phải của mình. Với sự chính xác của một tay thợ cạo, người ta đã cắt mạch máu ở cổ tay ông. o 8h30p Trong hành lang dài, mấy chiếc ghế tựa kê trước mỗi cánh cửa gợi cho Leyli nhớ đến những buổi chờ đợi dài dằng dặc vào những lần gặp mặt giữa phụ huynh và giáo viên ở trường phổ thông, sau đó là ở trường trung học. Chị thường là người đến cuối cùng, nhận cuộc hẹn muộn nhất, ngồi chờ một mình, hơn một tiếng đồng hồ, trước khi bị tống khứ sau hai phút gặp gỡ bởi một giáo viên tiếng Anh hoặc giáo viên Toán cũng đang sốt ruột muốn về nhà. Bamby rồi đến Alpha, chuyện đó vẫn lặp lại. Cô độc trong hành lang, giống như sáng nay. Phải nửa tiếng nữa văn phòng của FOS-IMMO mới mở cửa, nhưng người ta đã để cho chị vào mà không vặn hỏi gì. Trước 9 giờ và sau 18 giờ, trong các văn phòng bằng kính của các khu phố thương mại, đám phụ nữ da đen là những bóng ma có thể hoán đổi được. Leyli nhất quyết phải là người đến đầu tiên. Chưa đến 8h30, ngồi trên một trong số những chiếc ghế ngoài hành lang, chị nhìn thấy Patrice Pellegrin xuất hiện đằng sau cánh cửa thang máy. — Chị Maal? Nhân viên tư vấn của FOS-IMMO tiến bước trong hành lang dẫn đến văn phòng làm việc của mình, đầy ngạc nhiên, như thể anh ta mới đi vào đây lần đầu tiên. — Chị Maal à? Nhưng phải ba mươi phút nữa tôi mới mở cửa! Ánh mắt của Leyli khiến anh ta hiểu rằng không sao cả, rằng chị có vô khối thời gian, rằng anh ta không phải xin lỗi. Tuy nhiên, Patrice Pellegrin vẫn ấp úng. — Ơ, thôi được rồi, tôi xin lỗi, tôi sẽ quay lại ngay, tôi đi lấy cốc cà phê đã. Leyli tặng cho anh ta nụ cười tươi tắn nhất của chị. — Anh mang cho tôi mấy chiếc bánh sừng bò được không? Mười phút sau Pellegrin quay lại, mang theo một chiếc khay trên đó chất chồng hai cốc cà phê espresso, một túi bánh ngọt, hai chai nước quả và một chiếc giỏ đầy: nào bơ, nào mứt, nào bánh mì mới làm. — Đằng nào chị cũng đã đến đây rồi, hãy vào đi. Chị sẽ ăn sáng cùng với tôi. Rõ ràng là nụ cười của Leyli, những sắc màu ấm nóng của chiếc áo dài châu Phi và những lọn tóc tết gắn ngọc trai đã có tác dụng. Chị không dám thổ lộ với Patrice rằng mình có thể uống hàng lít trà nhưng không bao giờ uống cà phê, ngạo mạn là thứ vũ khí mà ta cần sử dụng một cách dè sẻn. Chị vừa nhúng chiếc bánh sừng bò vào thứ chất lỏng màu đen vừa hy vọng rằng ruột bánh sẽ hút hết cả cốc cà phê. Qua ô kính rộng của văn phòng, họ có thể nhìn ra toàn cảnh khu Port-de-Bouc, những tòa nhà chồng chất trên bán đảo, những trung tâm thương mại kết nối chúng với lục địa, những con đê vươn dài như những xúc tu bập bềnh trên mặt biển. Đèn đường vụt tắt, đèn giao thông nhấp nháy, cửa sổ các căn hộ sáng lên. — Tôi rất thích dậy sớm hơn mọi người. – Leyli thì thầm. – Khi đến Pháp,lúc đầu tôi làm công việc dọn dẹp trên đỉnh tháp CMA CGM trong khu Euroméditerranée, đêm nào cũng vậy. Tôi rất thích công việc đó. Tôi có cảm giác mình đang trông chừng cho thành phố, đang ngắm nó thức dậy, những ô cửa sổ đầu tiên sáng lên, những người đi bộ đầu tiên, những chiếc xe hơi đầu tiên, những khách qua đường đầu tiên, những chuyến xe buýt đầu tiên, từng ấy cuộc đời lại tiếp diễn còn tôi thì sắp đi ngủ, ngược chiều với cả thế giới. Pellegrin mơ màng thêm một lúc nữa trước toàn cảnh thành phố. — Còn tôi, tôi sống ở bên kia, về phía Martigues, một ngôi nhà sát đất. Tầm nhìn xa không quá hàng trắc bách diệp quanh nhà. — Ít ra anh cũng có một khu vườn. — Vâng… Và để tận hưởng nó, tôi đi khỏi nhà từ sớm, trước khi mọi nơi ở Marseille đều bị tắc nghẹt. Tôi đến sớm để nghiên cứu hồ sơ. — Trừ phi có một người thuê nhà đến ngáng chân anh. — Đồng hành với tôi thì đúng hơn! Patrice Pellegrin là một anh chàng béo tròn trạc tuổi bốn mươi, có dáng dấp tự tin khiến người khác yên lòng của một gã đã có vợ, một gã mà cô gái nào đã tìm được rồi sẽ không sẵn sàng buông ra, sẽ nhanh chóng có với anh ta một hoặc hai đứa nhóc để chắc chắn là có thể giữ chặt anh ta mãi mãi. Một gã không nhất thiết là đang tán tỉnh một cô gái khi nói chuyện tử tế với cô nàng. — Còn tôi, tôi sống ở dưới đó. – Leyli vừa nói vừa chỉ về phía tám tòa tháp màu trắng trong khu Les Aigues Douces xếp thẳng hàng trước biển Địa Trung Hải, chẳng khác nào những quân cờ domino bằng đường. — Tôi biết. – Anh chàng nhân viên tư vấn trả lời. Họ tiếp tục trò chuyện vài phút nữa cho đến khi ăn xong bữa sáng, trước khi Pellegrin ngồi vào sau bàn làm việc. Anh lấy ra một tập hồ sơ và mời Leyli ngồi xuống phía bên kia. Một chiếc bàn làm việc xấu xí bằng gỗ thông sáng màu có đánh véc-ni ngăn cách họ. Giờ ra chơi đã hết. — Thế nào, chị Maal, tôi có thể làm gì cho chị? Cả Leyli cũng đã chuẩn bị hồ sơ của mình. Chị dàn ra trước mặt anh chàng nhân viên của FOS-IMMO một loạt những bức ảnh chụp căn hộ của mình, vừa dàn vừa bình luận. — Tôi không có gì để thông tin thêm với anh, anh Pellegrin ạ, anh cũng biết rõ như tôi rằng tất cả các căn hộ F1 đều giống nhau cho dù chúng nằm ở tòa nhà số mấy: hai mươi lăm mét vuông, một phòng khách kiêm phòng bếp, một phòng ngủ. Anh bảo bốn chúng tôi sống thế nào trong đó được đây? Chị giơ ra trước mũi Pellegrin bức ảnh chụp chiếc ghế sofa được biến thành giường ngủ mỗi tối, bức ảnh chụp phòng của mấy đứa trẻ nơi Bamby, Alpha và Tidiane cùng ngủ. Những đồ đạc vương vãi hoặc xếp chồng lên nhau, nào quần áo, sách vở và đồ chơi. Leyli đã bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để sắp xếp những bức ảnh trông như ngẫu hứng này, sao cho có đủ độ bừa bãi để Patrice Pellegrin nhận thức được tính cấp bách của tình trạng và chỉ vừa vặn để chứng tỏ với anh rằng chị là một người mẹ tốt, ngăn nắp, với những chồng sách vở được phân loại, những chồng quần áo được gấp gọn, bên trong nhà sạch sẽ không che vào đâu được. Chỉ có một mối lo duy nhất, Patrice ạ, đó là cảnh chung đụng. Patrice có vẻ lưu tâm thực sự. Qua ô cửa kính, mặt trời đột nhiên bước qua cái vóc dáng đồ sộ bằng tôn lượn sóng của rạp phim và khiến căn phòng tràn ngập ánh nắng, chẳng khác nào một chiếc đồng hồ mặt trời thông báo rằng các phòng làm việc đã mở cửa. Gần như theo phản xạ, Leyli lấy từ trong túi xách ra một cặp kính đen. Cặp kính có hình chim cú, hai mắt kính tròn xoe được nối với nhau bằng một cái mỏ màu da cam, bên trên có gắn hai cái tai nhỏ nhọn hoắt màu hồng. Cặp kính khiến Patrice thích thú. — Ánh mặt trời làm chị khó chịu sao? Anh bước đến hạ rèm xuống, không yêu cầu giải thích thêm. Leyli đánh giá cao hành động này. Thông thường, mỗi khi đeo lên mắt một trong những cặp kính mà chị sưu tầm, có giá tối đa là 5 euro, khi ánh mặt trời chiếu rọi sỗ sàng, chị sẽ nhận thấy những phản ứng sượng sùng, những người hung hãn thì coi chị là một ả thích phô trương, những người trầm mặc thì nghĩ chị là một phụ nữ bất hạnh. Leyli không trách giận gì họ. Ai có thể ngờ được sự thật là gì cơ chứ? Còn Pellegrin, dường như anh chỉ thấy đó là một hành động kỳ quặc đầy tính giải trí. Ngay khi văn phòng chìm trong ánh tranh tối tranh sáng, Leyli bỏ kính ra. — Tôi hiểu, chị Maal ạ. Nhưng… – Đôi mắt anh lại nhìn vào chồng hồ sơ sặc sỡ chồng chất lên nhau cao ngất, chỉ toàn những hồ sơ đề nghị chỗ ở dành cho người thu nhập thấp. – Nhưng những gia đình đang chờ đợi như gia đình chị, thì chỗ tôi đây có đến vài trăm. — Tôi đã tìm được việc làm. – Leyli nói. Patrice Pellegrin có vẻ vui mừng thật lòng. — Một hợp đồng không xác định thời hạn, tại khách sạn Ibis ở Port-de Bouc. – Chị nói thêm. – Dọn dẹp các phòng ngủ và phòng ăn, đúng công việc tôi yêu thích! Tôi bắt đầu làm từ chiều nay. Nếu anh tìm được giúp tôi một căn hộ rộng hơn, tôi có thể trả tiền thuê nhà. Tôi có hợp đồng lao động ở đây, anh có muốn xem không? Chị đưa ra một tờ giấy, Pellegrin ra ngoài vài giây để chụp một bản, rồi trả lại cho chị. — Tôi không chắc như thế này đã là đủ, chị Maal ạ. Đây là một điểm cộng, nhưng… – Anh lại chăm chú nhìn vào chồng hồ sơ. – Tôi… tôi sẽ gửi email cho chị ngay khi nào có tin tức mới. — Anh đã nói thế với tôi từ lần trước rồi. Và tôi vẫn đang chờ đây! — Tôi biết… Ờ… lý tưởng nhất thì chị cần diện tích bao nhiêu? — Ít nhất là năm mươi mét vuông… Anh ghi hết lại vào một tờ giấy. Không hề nhíu mày. — Ở Les Aigues Douces? — Hoặc ở nơi khác, với tôi thế nào cũng được, miễn là rộng hơn. Pellegrin tiếp tục ghi chép. Leyli không thể biết được liệu đề nghị của chị có bị anh chàng nhân viên tư vấn coi là phi lý hay không. Anh ta khiến chị nghĩ đến một ông bố đang nghiêm trang ghi lại danh sách những món quà Noel điên rồ mà đứa con đòi hỏi. Pellegrin cuối cùng cũng ngước mắt lên. — Khu Les Aigues Douces không đến nỗi khó khăn quá chứ? — Chúng tôi có bãi cát, chúng tôi có biển. Nó giúp chúng tôi chịu đựng được những thứ còn lại. — Tôi hiểu. Patrice có vẻ xúc động thật lòng. Anh vẫn ngần ngại nhìn vào chồng hồ sơ, chuyện đó đã trở thành một cái tật cố hữu. Có thể anh thường giở trò với mỗi người thuê nhà, và trong những kẹp hồ sơ chết tiệt kia chỉ đựng toàn giấy trắng. Anh hiểu, anh hiểu. Chẳng khác nào một ông Malaussène⦾ bị thuyên chuyển sang quản lý nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Leyli vặn vẹo những lọn tóc tết với ngọc trai bằng cách xoắn chúng quanh các ngón tay. — Cảm ơn anh. Anh thật tốt bụng, Patrice ạ. — Ờ… tôi tên là Patrick. Nhưng không sao đâu… Cả chị cũng vậy, Leyli ạ, chị cũng… Leyli không để anh nói hết câu. — Anh tốt bụng, nhưng nói chung, tôi thà gặp phải một gã khốn còn hơn! Tôi sẽ giở bài quyến rũ với gã, nhưng có lẽ gã sẽ dám lôi hồ sơ của tôi lên vị trí trên cùng, sẽ mắng mỏ các thư ký, sẽ đương đầu với cấp trên. Còn anh, anh lại quá trung thực. Nói cho cùng, thật tồi tệ vì tôi đã gặp phải anh. Leyli vừa tuôn một tràng vừa nở nụ cười đầy quyến rũ. Patrick Pellegrin giữ nguyên chiếc bút lơ lửng trong không trung một lát, tự hỏi phải chăng chị đang nói đùa, rồi phá lên cười. — Tôi sẽ cố gắng hết sức. Tôi hứa với chị như thế. Ít ra Patrick cũng có vẻ không được chân thành bằng Patrice. Anh đứng dậy và Leyli hiểu rằng chị cũng phải làm như thế. Anh nhìn chằm chằm vào cặp kính hình con cú hất ngược lên trán người tìm thuê nhà trong một lát. — Món đồ này thể hiện rất đúng con người chị, chị Maal ạ. Chị đến đây từ lúc còn chưa bình minh. Chị ghét ánh mặt trời. Chị là một loài chim đêm đúng không? — Tôi đã từng như thế. Tôi đã như thế trong một thời gian dài. Anh nhìn thấy một màn u sầu lướt qua trước mắt. Patrick Pellegrin liền kéo tấm rèm trong phòng làm việc lên, để tiếp đón, dưới ánh mặt trời Địa Trung Hải, hàng người đề nghị thuê nhà dài dằng dặc hằng ngày, còn Leyli hạ cặp kính hình con cú xuống mắt rồi bước ra ngoài. V Đúng lúc Patrick Pellegrin gấp tập hồ sơ Leyli Maal lại và chuẩn bị đặt nó lên chồng một trăm lẻ mấy hồ sơ khác sẽ được ủy ban hành chính xem xét trong ba ngày tới, với cùng lắm là chục căn hộ có thể cho thuê, thì cánh tay anh khựng lại. Hồ sơ của Leyli Maal không có cơ may nào để được chấp thuận trước vài tháng nữa, kể cả với công việc mà chị mới tìm được! Tuy nhiên, Patrick vẫn thấy bất đắc dĩ nếu phải đặt nó vào cùng với các hồ sơ khác. Như thể việc đó sẽ khiến Leyli Maal bị liệt vào hàng vô danh cùng với vài trăm bà mẹ đơn thân gốc Phi khác đang vật lộn để nuôi sống gia đình mình, đang tìm một mái nhà, một công việc để có thể giật gấu vá vai lo cho những dịp cuối tháng. Leyli Maal là người đặc biệt. Patrick trầm tư hồi lâu, mắt nhìn xuống cốc cà phê mà anh đã uống cạn và cốc cà phê của Leyli, trong đó đang bập bềnh một miếng bánh màu xám bẩn thỉu, bao quanh là những vụn bánh mềm nhũn. Leyli Maal là người không thể bị xếp loại. Trước hết, Patrick tự hỏi, Leyli Maal có đẹp không? Có, đó là điều không thể phản bác. Chị lanh lợi, sống động, ngẫu hứng đầy quyến rũ, nhưng Patrick nhận thấy đằng sau những ánh lấp lánh trong mắt chị là gánh nặng của những năm tháng rải đầy sự cố, bên trong chiếc váy dài bảy sắc cầu vồng của chị là một cơ thể mệt mỏi không còn phô bày ra trước bất cứ người đàn ông nào. Anh đang tự huyễn hoặc mình chăng? Không thể nào đưa ra câu trả lời dứt khoát được, nhưng có một câu hỏi khác ám ảnh anh. Leyli Maal có thành thật không? Qua cửa sổ, anh nhìn thấy chị đi vào nhà chờ xe buýt điểm Urdy-Milou, đứng đó, chờ đợi trong vài phút, rồi lên chuyến xe số 22, chật cứng chẳng khác nào một cái chuồng nhốt đầy gà. Anh đưa mắt nhìn theo chị cho đến khi chiếc xe buýt biến mất ở góc đại lộ Maritime, bối rối vì những cảm giác lẫn lộn của bản thân. Anh cảm thấy có sự đồng cảm bất ngờ đối với người phụ nữ giản dị và tự nhiên đó, thậm chí có lẽ anh sẽ dễ dàng đem lòng yêu chị, tuy nhiên, mặc dù không biết tại sao, anh tin chắc là Leyli đã không nói thật với anh. Patrick ngắm nhìn những chiếc xe tải chạy dọc theo bờ kênh Caronte một lát, rồi đóng tập hồ sơ Maal lại. Sẽ có khoảng chín mươi chín bộ hồ sơ khác chất chồng lên nó trước khi hết ngày. o9h01 p Thiếu tá Petar Velika quan sát từng chi tiết trong căn phòng Shénérazade với cảm giác sửng sốt pha lẫn kinh tởm. Người đàn ông trần truồng nằm dài trên giường, cứng đờ, lạnh lẽo, nhợt nhạt vì mất máu, như thể được tạc từ một tảng đá trắng tinh, nổi bật trên nền đỏ của ga trải giường, những tấm thảm họa tiết Ba Tư, những bức màn trướng nâu ánh vàng treo trên tường. Đôi mắt ông nấn ná hồi lâu trên hai cánh tay bị còng vào cột chống chiếc giường có tán che. — Trời ơi… Tuy nhiên, Petar Velika từng chứng kiến rất nhiều hiện trường vụ án khác, và thường là những vụ án mạng không hề có dàn cảnh. Sau khi trốn khỏi Nam Tư của Tito lúc mười lăm tuổi và để một nửa gia đình ở lại Bjelovar, ông đã vào trường cảnh sát khi mới hai mươi tuổi và chỉ mất vài tháng để tạo cho mình danh tiếng của một anh chàng rắn như thép, vững như đồng, trong như gương. Ba mươi năm sau, với phần lớn số năm dành để thu nhặt xác chết ở khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Marseille, ông vẫn chưa quen được với chuyện này. — Ông ta bị mất máu trong hơn một giờ đồng hồ. – Julo, đang đứng bên cạnh ông, nói thêm vào. — Thế à? — Căn cứ vào những vết đứt trên cổ tay ông ta, tôi cho rằng ông ta mất chừng năm mươi đến sáu mươi mililit máu mỗi phút. Nếu ta nhân lên với một tiếng đồng hồ thì sẽ có kết quả ngay thôi, ba nghìn sáu trăm mililit, tương đương gần một nửa tổng lượng máu trong cơ thể người, kể từ lúc đó các cơ quan nội tạng bắt đầu ngừng hoạt động, từng cơ quan một. Velika chỉ còn lơ đễnh nghe những lời nói của viên cảnh sát phụ tá mà người ta cử đi bám đuôi ông. Một gã trai khá ổn chừng hai mươi ba tuổi, vừa mới tốt nghiệp trường cảnh sát. Ông tự hỏi điều gì đã thôi thúc một anh chàng xuất sắc như thế này xin được phân vào một phòng thảm hại như phòng do ông chỉ đạo. Julo Flores. Một trung úy cảnh sát tốt bụng, lịch sự, nhanh nhẹn, hiểu biết, gần như không gì có thể làm cho phật ý và thậm chí còn được trời phú cho chút khiếu hài hước. Toàn những thứ khiến ông khó chịu! Vừa thỉnh thoảng gật đầu trước mặt viên phụ tá, thiếu tá Velika vừa quan sát hai cảnh sát khác đang bận rộn trong căn phòng Shéhérazade. Ảo giác về việc người ta vừa bị dịch chuyển ra ngoài dòng thời gian được tạo ra một cách hoàn hảo: một kiểu án mạng theo nghi lễ được thực hiện trong cung điện của một vị quốc vương Hồi giáo, hình phạt dành cho một tên hoạn quan dám chạm tay vào ái phi của quốc vương. Mùi hương thảo mộc xộc đầy lỗ mũi ông. Không người nào có phản xạ tắt thứ nhạc phương Đông đang phát ra từ những chiếc loa vô hình. Gót giày các cảnh sát nghiến lên những tấm thảm len, ánh đèn LumiLight lướt qua những chiếc bồn sứ và những lọ dầu argan. Căn phòng Ghénérazade không hề mạo danh cái tên của nó, người ta tưởng như mình đang ở giữa một khu chợ tại Bagdad. Ông nói với Mehdi và Ryan, hai người họ đang bận rộn lấy các dấu vân tay. — Tôi mở cửa sổ được chứ? — Vầng… Velika kéo rèm và đẩy cánh cửa ra. Phép mầu đột ngột tan biến. Cửa sổ mở ra một khoảng sân bằng bê tông, một khu để thùng rác, tiếng nhạc ngoại lai kia bị át đi bởi tiếng kêu của lũ mòng biển, tiếng những chiếc xe tải và xe buýt không ngừng lướt đi trên quốc lộ. Ông quay đầu và nhìn hồi lâu vào những biển hiệu bên cạnh trung tâm thương mại: nhà hàng Starbucks, siêu thị Carrefour, rạp chiếu phim. Những lọn tóc tết của Johnny Depp được trưng ra trên một áp phích dài năm mét rộng bốn mét. Phương Đông đã tan biến trong màn khí thoát ra từ những ống xả. Trước mặt ông không có tháp giáo đường nào, chỉ có những tòa tháp chung cư và những tháp xilô trên bến cảng. Cung điện của quốc vương Hồi giáo chỉ là một khối lập phương lợp tôn lượn sóng. Phép mầu của hiện đại. — Thưa sếp. – Julo rụt rè lên tiếng đằng sau ông. – Đây là Serge Tisserant, quản lý khách sạn. Trước mặt viên thiếu tá là một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, thắt cà vạt, có dáng dấp của một tay bán ghế sofa hoặc lò sưởi; kiểu như một tập catalog biết nói. — Anh đến đúng lúc lắm. – Petar vừa nói vừa đưa mắt nhìn lướt quanh những bức màn trường màu tía. – Anh sẽ giải thích cho tôi biết nguyên tắc hoạt động của chuỗi khách sạn Red Corner này, hình như chúng mọc lên như nấm mấy năm vừa qua. Viên thiếu tá vừa mỉm cười vừa quan sát Julo, anh đứng đằng sau hai người họ và ghi chép vào chiếc máy tính bảng hình chữ nhật không to hơn một cuốn sổ bỏ túi là mấy, siêu phẳng, một vật dụng mới lạ được coi là thứ thay thế cho những tập giấy mà ông đã quen vứt khắp nơi. — Đây là một khái niệm kiểu mới về khách sạn. – Viên quản lý giải thích. — Kể cho tôi nghe về thứ đó đi. — À thì, đó là một thương hiệu nhượng quyền thương mại đang phát triển gần như khắp nơi trên thế giới. Ở tầng trệt có một quầy bar, và trên các tầng có các phòng nghỉ. Nguyên tắc, có thể nói như thế, là tự phục vụ. Khách hàng chỉ cần một thẻ tín dụng là có thể mở cửa phòng mình, cũng dễ dàng như việc trả phí đường cao tốc. Khách hàng được tính hóa đơn theo mười lăm phút một, rồi theo nửa giờ, rồi theo giờ. Thẻ tín dụng sẽ được ghi nợ khi ông rời khách sạn, giống như trong một bãi đỗ xe. Trong những phút tiếp theo, một nữ nhân viên quét dọn sẽ đến dọn sạch mọi thứ, và thế là căn phòng lại trống. Không cần đặt phòng, không cần tên, không có dịch vụ phòng. Một khách sạn truyền thống, ông thấy đấy thưa thiếu tá, nhưng tiện lợi hơn. Petar lại đưa mắt nấn ná nhìn hồi lâu vào khung cảnh bài trí theo phong cách phương Đông của căn phòng. — Hừm… Cách bài trí phòng trong khách sạn của ông, dù sao cũng không giống với cách bài trí của các phòng Formula 1⦾ nhỉ? Khuôn mặt Tisserant biểu lộ lòng tự hào nghề nghiệp được kiềm chế ở mức hoàn hảo. — Đây là một nét độc đáo khác của Red Corner! Các phòng được bài trí theo chủ đề. Ông đã có thời gian đi một vòng chưa? Chúng tôi có phòng Louxor, phòng Taj Mahal, phòng Montmartre, phòng Quán trọ lữ hành, phòng Điện hạ… Viên quản lý dường như đang trong đà đọc thuộc lòng toàn bộ tờ gấp quảng cáo khách sạn. Petar cắt lời anh ta, hẳn là Julo đã tải toàn bộ các tài liệu liên quan xuống rồi. — Các phòng được cá nhân hóa sao? Các phòng đều giống nhau ở tất cả các khách sạn Red Corner trên thế giới, đúng không? Ngài Catalog lại tiếp tục vênh váo. — Chính xác là giống hệt nhau! Chuyến đi giống nhau, cảnh lạ nước lạ cái giống nhau, cho dù ông đang ở nơi nào trên hành tinh này. Câu chuyện có vẻ khiến Julo thích thú, Petar nhận thấy điều đó. Thậm chí khiến anh bị thu hút. Nói cho cùng, có lẽ đây chính là thiết kế lý tưởng dành cho những thanh niên mơ mộng chỉ nhận được đồng lương chết đói chăng? Còn ông, kiểu bài trí tạm bợ bằng giấy bồi này khiến ông choáng váng. Nếu đã thế, tại sao không làm luôn một phòng Vukovar⦾ đi? Trong phòng, hai viên cảnh sát vẫn tiếp tục bận rộn. Ryan đang tìm cách cưa đứt chiếc còng tay để giải phóng cái xác. — Trong các phòng có camera không? — Ông đùa sao? – Viên quản lý thốt lên, không còn làm chủ được vai diễn của một thợ tiểu thủ công bị phật ý nữa. – Tất cả các phòng nghỉ của chúng tôi đều đảm bảo sự riêng tư tuyệt đối cho khách. Bảo mật, riêng tư, cách âm… Ái chà, Petar nghĩ, khả năng tự xưng là chúng tôi của những nhân viên một hộp đêm sẽ thay thế họ sau chưa đầy sáu tháng. — Thế còn ở bên ngoài? — Chúng tôi có ba camera ở bãi đỗ xe và một camera trước cửa, ghi hình 24/24 giờ. — OK, chúng tôi sẽ kiểm tra. Và phiền anh… – Ông nhìn thẳng vào mắt người đối thoại. – … hãy tắt giúp tôi điệu nhạc Nghìn lẻ một đêm ẽo ợt này đi! — Tôi sẽ thử xem. – Tisserant ấp úng. – Ờ… Nhạc nền ở đây cũng được điều khiển tập trung. — Vậy thì, hãy đề nghị Sydney, Honolulu hoặc Tokyo tắt âm thanh đi! V Cuối cùng, tiếng nhạc trong phòng cũng tắt, cái xác được đưa đi, mùi hương thảo dược đã bay hết và đa số cảnh sát cũng đã rút. Petar tựa người vào khung cửa sổ, nơi duy nhất có thể ngồi trong phòng ngoại trừ tấm đệm đã biến thành một mảng bọt biển đẫm máu. Viên thiếu tá nói với người phụ tá. — Tôi nghe câu nói đây, Julo, tôi tin chắc là cậu đã tra cứu cả chục trang web, tấn công các mạng xã hội, và đã biết danh tính đầy đủ của anh chàng tội nghiệp này. Trung úy Flores chỉ mỉm cười. — Trúng phóc, thưa thiếu tá! Nạn nhân tên là François Valioni. Bốn mươi chín tuổi. Đã kết hôn. Hai con. Hugo và Mélanie. Ông ta sống ở Aubagne, đường Coueste. Petar châm một điếu thuốc, ông nhả khói về phía trung tâm thương mại. — Cậu nhanh thật đấy, Julo ạ. Vừa nhanh vừa chính xác. Rốt cuộc, tôi sẽ tin vào tác dụng của cái kho dữ liệu chết tiệt đó. Viên trung úy đỏ mặt, ngần ngừ một giây. — Ờ… nghĩa là thế này, thưa sếp, chủ yếu là tôi tìm thấy ví của nạn nhân trong túi áo vest của ông ta. Petar phá lên cười. — Tuyệt vời! Thôi được, tiếp tục đi, còn gì nữa không? — Một chi tiết lạ lùng. Chính Ryan đã nhận ra nó, một vết tiêm ở cánh tay phải, nhưng không phải mũi tiêm vớ vẩn đâu. Người ta… người ta đã lấy máu của ông ta! — Gì cơ? — Khi máu vẫn còn trong người ông ta, đương nhiên. – Petar đánh giá cao chút hài hước tàn nhẫn của viên phụ tá. Tiếp xúc lâu với ông, anh chàng này bắt đầu tự buông thả dần dần. – Rất có khả năng kẻ sát nhân, trước khi cắt mạch máu cổ tay, đã lấy máu của ông ta bằng một bộ đồ nghề. Julo trưng ra một kim tiêm, một ống nghiệm nhỏ và một tăm bông vấy máu, tất cả đựng trong một chiếc túi nilon trong suốt. — Một bộ đồ nghề có giá chừng mười lăm euro, chúng tôi đã tìm thấy nó trong thùng rác. Thứ này cho biết nhóm máu của ông ta trong vòng chưa đầy sáu phút. Petar ném mẩu thuốc vào khoảng không. Hẳn nó sẽ rơi xuống mui những chiếc xe đậu xung quanh mấy thùng chứa của khách sạn Red Corner. — Chờ đã, Julo, nếu tôi tóm tắt lại, thì gã này, François Valioni, đã hoàn toàn tự nguyện vào phòng Shéhérazade, nhiều khả năng là cùng với kẻ sắp sát hại ông ta, rồi để cho kẻ đó còng tay ông ta vào giường, sau đó kẻ sát nhân lấy máu của ông ta, chờ xem kết quả, tiếp đó, cắt cổ tay ông ta rồi chuồn đi, để lại sau lưng một xác chết theo chuẩn đạo Hồi. — Ta có thể tóm tắt như thế. — Chết tiệt… Petar dừng lại một lát để suy nghĩ, rồi nói tiếp bằng giọng mia mai: — Có thể chúng ta đang dây với một kẻ tìm người hiến máu. Đó là một chuyện khẩn cấp, là vấn đề sống còn. Hắn xét nghiệm một người hiến máu tiềm năng, và bởi vì máu ông ta không tương thích, hắn nổi cáu và hạ sát ông ta. Valioni thuộc nhóm máu gì? — O+. – Trung úy Flores trả lời. – Giống như hơn một phần ba dân Pháp. Hoặc đây là một phim Chạng vạng remake. Petar đảo mắt ngạc nhiên. — Một câu chuyện về ma cà rồng. – Julo giải thích. — Thế à? Thế tại sao cậu không thể nói là Dracula như tất cả mọi người? Thôi được, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc hỏi xem mấy chiếc camera bên ngoài đã nhìn thấy những gì. Người cùng François Valioni vào phòng này chắc chắn là một cô gái. Tôi thấy khó có khả năng người cha trung hậu đó lại phiêu lưu ở đây với một gã bạn trai. Julo Flores vẫn đứng trước mặt cấp trên. Anh lấy ra hai chiếc túi nhỏ trong suốt. — Chúng tôi cũng tìm thấy thứ này trong túi áo Valioni. Petar cúi người để xem xét kỹ những thứ đựng trong hai cái túi niêm phong. Trước tiên, ông phát hiện ra một chiếc vòng màu đỏ, bằng nhựa, có đục lỗ, kiểu vòng người ta thường đeo vào cổ tay trong các khách sạn all inclusive⦾, rồi nhìn lâu hơn vào chiếc túi thứ hai có chứa… sáu vỏ ốc. Sáu vỏ ốc gần như giống hệt nhau, hình bầu dục, màu trắng và có ánh xà cừ, dài chừng ba centimet, xẻ dọc ở giữa bởi một khe hẹp hình răng cưa. — Tôi chưa bao giờ nhìn thấy loại giáp xác này trên các bãi biển ở đây! – Viên thiếu tá bình luận. – Bí ẩn số 2. Anh chàng François trung hậu của chúng ta có thể nhặt được những thứ này ở đâu nhỉ? — Ông ta đi công tác, thưa sếp. — Cậu tìm được cả nhật ký công việc của ông ta sao? — Không, nhưng trong ví ông ta có những tấm danh thiếp. François Valioni đứng đầu bộ phận tài chính của một tổ chức hỗ trợ người nhập cư, Vogelzug. Vẻ bất đắc chí của Petar Velika đột nhiên nhường chỗ cho thái độ quan tâm thực sự. — Vogelzug, cậu chắc chứ? — Tôi có thể cho ông xem thẻ nhân viên của ông ta, có ảnh ông ta trên tấm thẻ, và… — Được rồi, được rồi… – Nỗi tò mò của Petar Velika bỗng biến thành thái độ hấp tấp đầy lo lắng. – Để tôi ở một mình vài phút, tôi phải tổng kết lại… Này, đi mua cho tôi một cốc cà phê ở quán Starbucks cạnh đây nhé. Trung úy Julo Flores, lúc đầu thì ngạc nhiên, ngần ngại rồi hiểu ra rằng cấp trên của mình không nói đùa, anh rời khỏi căn phòng. Ngay khi viên phụ tá đi đủ xa, Petar Velika kiểm tra để chắc chắn là chỉ còn mình ông, rồi lấy điện thoại ra. Bàn tay ông khẽ run. Vogelzug. Không thể là trùng hợp ngẫu nhiên được. Ông vẫn ngắm nghía các tòa nhà, bến cảng, khu công nghiệp, và ở phía bên kia, ngay gần đó, là bến du thuyền. Sự pha trộn giữa nghèo khổ thuần chất và những gì đồng tiền mang lại. Rắc rối mới chỉ bắt đầu thôi. o 10h01 p — Chúng cháu có thể uống thêm coca không, ông nội? Jourdain Blanc-Martin gật đầu. Ông sẽ không bắt lũ cháu phải nhịn uống coca hay bất cứ thứ gì khác, nhất là vào ngày sinh nhật của chúng. Ông đang đứng ngoài hiên, cách khu vui chơi của lũ trẻ một đoạn, tay cầm một cốc cà phê espresso. Rốt cuộc, mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ. Hơi khó khăn khi phải tự thú nhận điều này, nhưng ông thấy lo lắng về việc tổ chức sinh nhật cho Adam và Nathan, hai đứa con song sinh của Geoffrey con trai ông, người đang cô đơn vì vợ vừa đi Cuba hai tuần, còn nhiều hơn là về việc tổ chức hội nghị chuyên đề của Frontex ba ngày nữa sẽ diễn ra ở Cung hội nghị thành phố Marseille. Hơn một nghìn đại biểu tham dự. Bốn mươi ba nước thành viên. Các nguyên thủ quốc gia, những ông chủ doanh nghiệp… Cứ như thể toàn bộ những nỗ lực đã đổ ra xung quanh người nhập cư không còn thực sự khiến ông quan tâm. Hẳn là đã đến lúc dứt khoát trao quyền cho Geoffrey, anh cả trong số ba đứa con trai của ông, để ngồi trong một chiếc ghế vải gập và ngắm mặt trời lặn trên bến cảng Port-de-Bouc. Để nhấm nháp một cốc cà phê không phải do nữ thư ký mang đến. Để nghe tiếng cười của những đứa trẻ, không phải là qua hệ thống loa của bộ thoại rảnh tay trên một chiếc xe hơi. Bữa tiệc sinh nhật này diễn ra vô cùng tốt đẹp, nhưng phải nói rằng ông đã trả cho nó một cái giá cao. Năm hoạt náo viên phục vụ mười bốn đứa nhóc. Chỉ toàn các bạn cùng lớp ở trường Montessori les Oliviers. Các bậc phụ huynh không phải dạng thiếu thốn, tuy nhiên đã bị ông làm cho kinh ngạc khi ông đón họ trước bể bơi được đặt trên tầng sáu trong biệt thự của mình, biệt thự Lavéra, từ đó có thể nhìn ra vịnh Fos, cảng Port-Saint-Louis du-Rhône, ranh giới của vùng Camargue, đến tận các bãi biển tại mũi Carro. Hãy đến tay không, thiệp mời ghi rõ, không mang theo quà, chỉ cần mang quần áo bơi. Những đài phun nước soda, những kim tự tháp bánh kẹo, cơn mưa giấy màu. Một bữa tiệc xa hoa dành cho lũ nhóc con. Từ túi áo bên phải của Jourdain vang lên tiếng đàn violon chơi bài Adagio của Barber⦾: chuông điện thoại di động của ông. Ông không nghe máy. Không phải bây giờ. Ông ngạc nhiên trước tài khéo léo của các hoạt náo viên. Một người đóng vai Peter Pan, một cô gái khá nhỏ nhắn đóng vai tiên Tinkerbell, cô gái thứ ba đóng vai một người da đỏ, còn tất cả lũ trẻ được cải trang thành cướp biển. Ở giữa bể bơi, có buộc một hòn đảo lớn bơm hơi, được khoảng chục con cá sấu nhựa bảo vệ. Lũ trẻ chèo thuyền làm bằng những tấm đệm giữa lũ bò sát vô hại, để đến được hòn đảo và lấy những đồng tiền vàng bằng sô-cô-la rải đầy bề mặt đảo. Rõ ràng là chúng rất thích. Jourdain bỏ lơ lũ thủy thủ nhóc con một lát, để ngắm nghía quang cảnh trải rộng đằng trước hàng hiên. Ở hướng chính Nam, sừng sững những tòa chung cư trong khu dân nghèo của Les Aigues Douces, khu phố nơi ông đã lớn lên. Bên dưới ông, cách hàng rào chừng vài trăm mét, dưới chân căn biệt thự của ông, cảng biển Renaissance trải dài. Tầm nhìn tuyệt đẹp trông ra Escaillon, du thuyền của ông, và Maribor, du thuyền nhỏ hơn và nữ tính hơn của con dâu ông. Chỉ vài trăm mét, thế nhưng lại là hai thế giới, nơi mọi thứ đối lập nhau. Hai thế giới kín bưng. Ông đã mất năm mươi năm để chuyển từ thế giới này sang thế giới kia. Đó là niềm tự hào tột đỉnh của ông, vì đã gây dựng được cơ nghiệp cách tòa nhà nơi ông sinh ra chưa đầy một kilomet, đã leo lên tất cả các bậc thang mà không phải bỏ xứ mà đi, vì có thể từ trên cao nhìn xuống những tòa nhà từng đổ bóng đè bẹp tuổi thơ ông, giống như một tù nhân mua ngôi nhà ngay cạnh nhà tù nơi anh ta từng bị giam giữ để tận hưởng thấm thía hơn cảm giác tự do. — Chúng cháu có thể uống thêm coca được không, ông nội? — Cháu muốn uống bao nhiêu cũng được, cháu yêu ạ. Nathan đã uống đến cốc thứ tư. Nó đã không còn giống với đứa em song sinh nữa. Mỗi năm nó tăng thêm một kilo. Đó là một cách tiện lợi để phân biệt chúng, mặc dù Geoffrey vẫn tiếp tục nhầm lẫn hai đứa con trai, cứ hai lần lại nhầm một lần. Geoffrey đi khắp thế giới phục vụ Vogelzug, ba tuần mới về nhà một lần vào chủ nhật để ôm hôn mấy đứa con và ngủ với vợ, Ivana, một cô gái Slovenia rất xinh đẹp quan tâm đến đồ chơi của bản thân nhiều hơn là đồ chơi của lũ trẻ, chiếc du thuyền nhỏ hạng sang và chiếc Jaguar F-Type, có lẽ rốt cuộc cũng sẽ lừa dối thằng con ngốc nghếch to xác của ông, vì tin chắc rằng chính nó cũng không ngại làm như thế trong các khách sạn Hilton và Sofitel trên trái đất này. Khi Jourdain thành lập tổ chức của ông, vào năm 1975, trên thế giới mới chỉ có chưa đầy năm mươi triệu người di cư vì các lý do liên quan đến công việc, chiến tranh, nghèo đói. Con số một trăm năm mươi triệu người đã bị vượt qua vào năm 2000, và đường đồ thị vẫn tiếp tục leo lên theo cấp số mũ. Loại nguyên liệu nào, loại năng lượng nào, loại của cải nào có thể huênh hoang là đã đạt được đường tăng trưởng đều đặn đến như thế trong vòng năm mươi năm vừa qua? Ông hy vọng rằng thằng nhóc Geoffrey ngốc nghếch này, với trách nhiệm gánh vác tổ chức, sẽ có việc khác để làm thay vì chơi bời với đám gái điếm. Bản Adagio của Barber vẫn tiếp tục dìu dặt. Jourdain tiến về phía hàng hiên, vừa để trả lời điện thoại vừa để tránh xa những tiếng la hét của lũ trẻ bắt đầu khiến ông khó chịu. Peter Pan và cô tiên nhỏ Tinkerbell không thể giữ nổi lũ quái vật sáu tuổi quá hai mươi phút với trò săn tìm kho báu dưới nước. Những đứa trẻ ngoan ngoãn được nuôi dạy theo phương pháp Montessori nhập tâm vào vai diễn và ra sức giáng những nhát kiếm bằng mút vào nhau, làm các viên kẹo dâu Tagada tung tóe trong nước chẳng khác nào chừng ấy giọt máu và biến các que xiên kẹo thành súng phóng lao để đâm chết những con cá sấu vô hại, hoặc thành cần để câu các đồng tiền vàng bằng sô-cô-la trên đảo. Jourdain đóng cánh cửa kính hàng hiện lại sau lưng và đọc tên người gọi hiển thị trên màn hình điện thoại. Petar Velika. Có chuyện gì mà… — Ông Blanc-Martin? — Chính ông ta đây. — Velika đây. Tôi rất biết là ông không muốn tôi gọi vào điện thoại riêng của ông, nhưng… — Nhưng sao? Jourdain nhìn ra xa, nơi mũi bán đảo dấn sâu ra biển, đến tận điểm cuối cùng của con đê chắn sóng, đối diện với pháo đài Bouc, gần như khép kín vũng tàu. — Chúng tôi đang có trong tay một xác chết. Ông sẽ không thích đâu. Một nhân viên cấp bậc khá cao trong tổ chức của ông. François Valioni. Jourdain dằn mông lên một chiếc ghế gập bằng gỗ teak, làm nó suýt đổ. Tiếng kêu của lũ chim mòng biển hòa lẫn với tiếng la hét của lũ trẻ, đã bị chặn lại sau cánh cửa bằng kính. — Anh nói tiếp đi. — Một án mạng. Chúng tôi tìm thấy Valioni sáng nay. Hai mắt bị băng kín. Tay bị còng. Tĩnh mạch bị cắt đứt. Trong một phòng của khách sạn Red Corner. Theo phản xạ, Jourdain quay đầu nhìn về phía trung tâm thương mại của Port-de-Bouc, dù không thể nhìn thấy nó từ hàng hiên nhà ông. Ông đã tiêu tốn vài chục ngàn euro cho việc phục hồi khu rừng, để tầm nhìn phía Bắc biệt thự của ông chỉ dừng lại ở những rặng thông biển chạy dọc theo con kênh nối Arles với Bouc. — Các anh có manh mối nào không? – Ông hỏi. — Còn hơn thế nữa. Người ta vừa mang đến cho tôi những cuộn phim lấy từ camera giám sát. Ở đầu kia điện thoại, Petar Velika nheo mắt để nhìn rõ hình ảnh số hóa: một tấm mạng che khuất phần lớn khuôn mặt của cô gái đang nhìn chăm chăm vào camera trước của khách sạn Red Corner, rồi gần như quay ngoắt ngay lập tức, như muốn để lại một đầu mối hấp dẫn, nhưng không đủ. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định với Blanc-Martin: — Chúng tôi nhìn thấy rõ là Valioni vào khách sạn cùng với một cô gái. Một cô gái rất xinh đẹp. Jourdain đi xa hơn nữa, kiểm tra để biết chắc là không có ai quanh quẩn gần đó, rằng không có bất kỳ Thuyền trưởng Hook, Ông Smee hay tộc trưởng da đỏ nào xông ra từ vương quốc tưởng tượng đằng sau lớp kính. — Vậy thì, các anh hãy xác định danh tính, tìm ra rồi tóm cổ cô ta. Nếu cô ta đã để lại hình ảnh của mình cho các anh, thì hẳn là việc đó không khó lắm. Petar nói chữa. — Cô ta… Cô ta choàng một tấm khăn, một thứ khăn lạ lùng có họa tiết chim cú… Lan can bằng bê tông cao hơn một mét, nhưng Jourdain Blanc-Martin cảm thấy mình như bị hút vào khoảng không. — Anh có chắc không? — Về điều đó thì có. Jourdain để mặc cho ánh mắt mình lướt trên những tòa nhà của Les Aigues Douces, tất cả đều giống nhau, được xây nên chẳng khác nào từng ấy ngọn tháp của một pháo đài trắng trước biển Địa Trung Hải, một thành trì dở dang với những bức tường không bao giờ được xây xong. Một chiếc khăn có in hình chim cú, Blanc-Martin nhớ lại. Hai mắt bị băng kín. Tĩnh mạch bị cắt đứt. Một cô gái rất xinh đẹp… Một linh cảm tồi tệ thì thầm với ông rằng cô ta sẽ tiếp tục tấn công, tiếp tục giết người, tiếp tục làm đổ máu. Chừng nào cô ta còn chưa tìm thấy thứ mà cô ta tìm kiếm. o 10h27 p Khi ra khỏi cầu thang, bằng bàn tay rảnh rang còn lại, Leyli quờ quạng tìm công tắc điện. Bàn tay chị trượt trên lớp son tróc lở trước khi sờ thấy nó ở thềm nghỉ tầng tám của tòa H9 trong khu Les Aigues Douces. Leyli nhăn mặt trước sàn nhà lát gạch nứt nẻ, hàng lan can han gỉ, những vết ẩm và vết mốc rộp lên trên gờ tường. Công ty FOS-IMMO đã sơn lại mặt tiền các tòa nhà vào mùa hè năm ngoái, nhưng đến phải nghĩ rằng họ không còn đủ sơn để sơn các khoang cầu thang. Hoặc giả, chị vừa nghĩ vừa ngắm nghía những hình trái tim, đầu lâu, bộ phận sinh dục được phụt son trên các bức tường, tòa thị chính đã lập ra một ủy ban để tranh luận về việc bảo tồn những bức tranh graffiti, nhân chứng của di sản nghệ thuật đô thị vào giai đoạn đầu thế kỷ này. Chị có gì mà phải than thở chứ? Sau vài thiên niên kỷ nữa, người ta sẽ đến thăm cái thềm nghỉ cầu thang nhà chị giống như ngày nay mọi người đi thăm hang động Lascaux. Leyli thích nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực! Nói cho cùng, có thể trò quyến rũ của chị sẽ có tác dụng với Patrick Pellegrin và anh ta sẽ tìm được cho chị căn hộ trong mơ đó, có thể đã có một email đang chờ chị rồi… năm mươi mét vuông… tầng trệt… khu vườn nhỏ… căn bếp rất… — Cô Maal? Giọng nói, hay đúng hơn là một tiếng hét the thé, vang lên từ tầng dưới. Khuôn mặt một cô gái hiện ra trong cầu thang, dưới đó hai mươi bậc. Kamila. Chỉ còn thiếu có cô ta nữa thôi! — Cô Maal này. – Cô gái nhắc lại. – Các con cô có thể bật nhạc nhỏ hơn được không? Trong tòa nhà này có một số người đang phải ôn bài. Mục đích là để rời bỏ nó một ngày nào đó. Kamila Saadi. Cô hàng xóm tầng dưới. Sinh viên tâm lý học. Năm thứ ba, giống như Bamby. Vả lại, Kamila làm mọi thứ giống như Bamby. Bởi một trong số những sự ngẫu nhiên lạ lùng của cuộc đời, Kamila đến tòa nhà này từ hai năm trước, theo sắp xếp của FOS-IMMO. Tổ chức cho thuê nhà ở xã hội cố gắng xếp vào Les Aigues Douces các sinh viên, những người về hưu, những người thất nghiệp, những người cháy túi đến từ các khu dân cư khác, nơi không thể nào từ chối và cố trưng ra một vẻ ngoài đa dạng. Trước khi gục ngã và rời khỏi đây. Kamila đã nhận ra cô bạn hàng xóm tầng trên giữa sáu trăm năm mươi sinh viên cùng cô lèn chật ních các giảng đường khoa tâm lý của đại học Aix-Marseille. Trong suốt một năm, hai đứa đã cùng đi tuyến xe buýt số 22, ôn lại cùng những bài học giống nhau, ăn chung những chiếc bánh kebab. Kamila và Bamby đã làm mọi việc cùng nhau, nhưng Kamila có đuối hơn một chút. Kamila và Bamby giống nhau, cùng một kiểu tóc dài thả suông hoặc tết lại, cùng đôi mắt đen hình quả hạnh có ánh hạt dẻ, cùng nước da nâu, nhưng Kamila không xinh bằng Bamby. Hai đứa cùng qua những kỳ thi, nhưng chỉ có Bamby mới đạt kết quả tốt trong các bài thi cuối kỳ. Hai đứa giao du với cùng một hội bạn, nhưng Bamby là người đi chơi với cậu đẹp trai nhất. Tình bạn đẹp đẽ của hai đứa dần dần biến thành cảm giác ghen tị xấu xa. Ấy thế mà khi chúng mới chơi cùng nhau, Leyli đã sợ rằng Bamby sẽ chuyển sang ở cùng Kamila, rằng sàn nhà họ sẽ trở thành trần nhà của con bé. — Keen’V. – Kamila nhấn mạnh. – Canardo, Soprano, đủ rồi, cháu đã qua tuổi đó rồi. Và Gaël Faye, Leyli thầm nói thêm. Bamby rất thích Gaël Faye. Và Sư phụ Gims mà Tidiane hâm mộ, Seth Gueko dành cho Alpha, hoặc vào một số giờ là Goldman, Balavoine, Renaud, Leyli đắm mình vào kênh âm nhạc Nostalgie trong khi ủi quần áo. Ở nhà các gia chủ, ban đêm, chị thường đeo tai nghe khi làm việc, nhưng ở nhà mình, chị sẽ không tự tước bỏ thú vui đó của bản thân! Khi ta sống trong diện tích hai mươi lăm mét vuông, âm nhạc là phương cách duy nhất để mở rộng các phòng ra. Trên thềm nghỉ trước cửa nhà Kamila, cánh cửa nhà đối diện mở ra và xuất hiện một người đàn ông chừng năm mươi tuổi mà Leyli đã gặp vài lần trong cầu thang. Hình như ông ta vừa thức dậy, trên người mặc một chiếc áo thun nhàu nhĩ, kiểu áo mà ta tròng lên người vào buổi sáng để đi làm rồi vẫn mặc nguyên để lăn ra giường vào giữa buổi chiều. Khuôn mặt ông ta cũng nhăn nhúm chẳng khác gì chiếc áo, và đôi mắt xanh của ông ta, màu xanh rất nhạt, dường như vẫn còn lạc trong những giấc mơ. Một chòm râu ngốn hết phần cằm và cổ, trong khi những sợi tóc hoa râm hiếm hoi phải vật lộn với chứng hói đầu. Chiếc áo thun ôm sát làm nổi bật phần bụng tròn trĩnh. — Còn tôi. – Người hàng xóm lên tiếng. – Tôi chẳng nghe thấy gì cả. Ông ta buông một nụ cười đồng lõa. Rõ ràng là, Leyli vừa tự nhủ vừa nghĩ đến nụ cười của Patrick, sáng nay đám đàn ông ai cũng rạng rỡ. Ông ta cũng dành cho Kamila nụ cười giống hệt. — Sáng nay tôi đi làm lúc 6 giờ, tôi ngủ ở đây cả chiều. Nếu tiếng nhạc quá to, thì chắc là tôi phải nghe thấy rồi, người đẹp ạ. Ông ta có một giọng nói lạ lùng, khàn khàn, như sau khi ta la hét quá nhiều. Sắc giọng đó khiến người khác không muốn phản bác, lại càng không muốn làm ông ta phải nhắc lại. Kamila nhún vai và đóng sập cửa căn hộ lại. Người đàn ông lạ mặt bước lên các bậc cầu thang rồi đưa tay ra trước mặt Leyli. — Tôi là Guy. Guy Lerat. Đồng thời, vẫn bằng cử chỉ chìa tay ra, ông ta túm lấy hai cái túi đi chợ mà chị đang xách. Sữa chua, bánh ngọt giá rẻ, mứt Nutella làm nhái, cả một mớ những thứ tồi tệ chị mua ở Lidl để chất đầy tủ lạnh. Guy đứng trên ngưỡng cửa, ngượng ngùng, trong lúc Leyli tìm chìa khóa rồi mở cửa. Chị thấy rất xúc động khi con người to lớn nhút nhát này không dám mạo hiểm vào nhà chị. — Thôi nào, ông vào đi. Người đàn ông ngập ngừng. — Ít ra thì cũng mang đồ vào tủ lạnh cho tôi… Ông ta đặt một bàn chân vào miền xa lạ. — Có đúng là. – Leyli vừa hỏi vừa đỡ lấy hai chiếc túi từ tay ông ta. – Tiếng nhạc không làm phiền ông không? — Tôi cũng không biết nữa. – Ông ta đáp lại bằng sắc giọng khàn. – Tôi đeo nút bịt tai chống ồn khi ngủ! Mắt Guy ánh lên ranh mãnh và Leyli phá lên cười khi nghĩ đến vẻ bực bội của Kamila. Cô ả cáu kỉnh đó chắc chắn sẽ tìm cách trả thù. — Cô biết đấy, tôi làm việc với máy móc, ở nhà máy lọc dầu, trên một giàn khoan. Người ta đã tính toán được rằng chúng tôi phải chịu đựng hơn một trăm decibel dội vào tai suốt cả ngày. Mặc dù chúng tôi có đội mũ bảo hộ, nhưng dù sao cũng phải nói chuyện với nhau chứ. Tất cả chúng tôi đều bị khản giọng. Họ bảo đó là do tiếng ồn, chúng tôi cũng tin họ, họ đảm bảo với chúng tôi rằng đó không phải là do amiant, thế cũng tạm được, nhưng từ giờ cho đến khi họ phát hiện ra chúng tôi bị một bệnh gì đó còn đáng sợ hơn trước khi về hưu thì… Leyli gật đầu đầy thông cảm, chị đi lên trước ông ta, vào trong bếp và bắt đầu sắp xếp những thứ đồ vừa mua, trong khi Guy ngắm nghía căn hộ vỏn vẹn chỉ bao gồm hai phòng. Đầu tiên, ông ta đưa mắt nhìn phòng ngủ chật hẹp có cánh cửa mở ra cho thấy bốn chiếc giường chồng lên nhau. Căn phòng khiến người ta có cảm giác về một phòng ngủ lạ lùng, nơi có lẽ đứa trẻ sẽ đổi giường năm năm một lần nhưng không phải chia tay với chiếc giường cũ. Trên chiếc giường đầu tiên rải rác mấy con thú nhồi bông, một Buzz Lightyear⦾ đồ chơi, một mô hình tàu vũ trụ Faucon Millenium, những cuốn truyện tranh, những tập ảnh cầu thủ bóng đá và những cuốn truyện thần thoại Hy Lạp; trên chiếc giường bên trên, được trải một tấm phủ màu xanh lá-vàng-đỏ, chễm chệ chân dung các ca sĩ nhạc reggae châu Phi, mấy đôi giày thể thao, một tút thuốc lá; trên giường bên cạnh có treo hai chiếc túi mà người ta có thể nhìn thấy qua lớp nilon trong suốt những đồ lót bằng đăng ten, những chiếc áo ngực màu hồng, những đôi giày nhũ lấp lánh. Chiếc giường cuối cùng trống không. Thậm chí còn không có tấm phủ đệm. Trần trụi và bẩn thỉu. Như thể nó được dành cho một đứa trẻ còn chưa ra đời. Guy tự hỏi tại sao, trong cảnh chung đụng hỗn tạp như thế, ba đứa trẻ kia lại không giành mất chiếc đệm thứ tư. — Ông muốn uống trà không? – Leyli hỏi. Guy không trả lời nhưng rời mắt khỏi căn phòng ngủ, như vừa bị bắt lỗi. — Ông đừng để ý nhé, nhà cửa bừa bãi quá, Leyli nói tiếp. Ba đứa trẻ ở trong đó, ông có hình dung được không? Tidiane mười tuổi, ông có nhìn thấy chồng sách mà tuần nào nó cũng mang từ thư viện về không? Hoàn toàn trái ngược với Alpha, anh trai nó. Ánh mắt chị dừng lại ở chiếc giường bên trên. — Trường học và Alpha… Một câu chuyện phức tạp… Tôi đã cố cầm cự hết khả năng, để nó đi học cho đến năm mười sáu tuổi, nhưng từ hai năm nay, ngoại trừ âm nhạc, bạn bè và thể thao… Tôi không lo lắng gì về nó, ông thấy đấy, Alpha là một đứa biết xoay xở, nó luôn tìm ra một lối để lách qua. Chỉ mong cho nó đi đúng đường. Leyli xúc động, giọng chị bối rối. Guy đang lắng nghe chị. — Còn Bamby, con bé sắp hai mươi hai tuổi rồi. Nó vừa lấy bằng tốt nghiệp đại học ngành tâm lý. Nó đang lưỡng lự giữa lựa chọn tìm việc làm và học tiếp, nhưng việc làm trong lĩnh vực tâm lý… Con bé giúp tôi bằng những công việc tạm thời, chỗ này chỗ khác. – Ánh mắt cô lướt về phía chân dung ba đứa con treo trong phòng. Tidiane đang cười toe, Alpha lừng lững cao hơn hai đứa còn lại cả một cái đầu, còn Bamby đang nhìn chăm chú vào ống kính bằng đôi mắt nai to tròn. – Nó có thể xin một chân phục vụ bàn trong các quán bar trên bãi biển không khó khăn gì. Thế nào, uống trà nhé? Guy vẫn đang lưỡng lự. Ông ta bước một bước về phía phòng lớn. Một chiếc ghế sofa được sắp xếp gọn gàng không chê vào đâu được, và ông ta đoán rằng Leyli ngủ ở đó, bằng cách biến nó thành sofa giường. Một chiếc bàn nhỏ, bốn chiếc ghế, một máy vi tính, một cái gạt tàn, nhưng nhất thiết không thể bỏ qua hai chi tiết khác thường. Trước hết là một chiếc giỏ lớn đan bằng liễu, trong đó chất đầy những cặp kính mát, đủ các sắc màu và hình dạng. Tiếp đó là những bức tượng nhỏ, hàng vài chục con chim cú được bày gần như khắp nơi trong phòng. Bằng gỗ, bằng thủy tinh, bằng đất. — Bộ sưu tập cá nhân nho nhỏ của tôi. – Leyli cất tiếng, đầy tự hào. – Có chính xác là một trăm hai mươi chín con. — Tại sao lại là chim cú? — Ông thích chúng sao? Ông cũng là một loài chim đêm chăng? — Loài chim của bình minh thì đúng hơn. Leyli lại mỉm cười và bước về phía ấm nước đang tỏa khói. — Thế nào, món trà thì sao? — Để lần khác đi. Guy bước một bước về phía cửa ra vào. Leyli tỏ vẻ phật ý. — Ông nên biết rằng sẽ là vô cùng xúc phạm khi từ chối lòng hiếu khách của một phụ nữ người Fula! Người ta đã tìm thấy trong sa mạc những nhà thám hiểm với thân hình bị chặt khúc bằng dao rựa chỉ vì lý do đó đấy. Guy vặn vẹo người. Có vẻ càng lúc ông ta càng cảm thấy khó chịu. Đôi mắt ông ta dừng lại ở khung tranh bên trên máy vi tính. Một buổi hoàng hôn trên sông, hẳn là một dòng sông ở châu Phi nếu căn cứ vào cái bóng sẫm màu của những con thuyền độc mộc và những túp lều. — Tôi nói đùa đấy. – Leyli giải thích. – Ông ngại chuyện gì vậy? — Không có gì… chỉ là… Tôi không quen. — Quen với chuyện gì? Với cảnh hỗn độn? Với lũ trẻ? Với lũ chim cú? Với việc một cô gái trẻ vừa gợi cảm vừa giàu có như tôi lại tiếp cận ông và mời ông vào cung điện của cô ta để cùng uống một ly sâm panh chăng? — Với châu Phi. – Guy buông thõng. Ông ta đã gần như ra khỏi căn hộ nhưng vẫn đứng đó, căng thẳng dùng chân móc một mẩu gạch lát sàn bị bong lên. Leyli cũng đứng, tay cầm ấm trà. — Ôi chà, cái đó thì tôi không ngờ đấy. Hãy nói rõ xem, ông hàng xóm tốt bụng của tôi. Đột nhiên, Guy như thể đang dồn hết dũng khí trong người. Những lời nói ông ta tuôn ra gần như gây gổ. — Tôi không cần phải trình bày với cô! Tôi đã dành cả tuổi trẻ để đi đi về về giữa Vitrolles và Gardenne, suốt ba mươi năm nay tôi làm công nhân trên bến cảng Port-de-Bouc, ba phần tư bạn bè của tôi là người Pháp gốc Algerie, chúng tôi dành các kỳ nghỉ cuối tuần để đi săn vịt trong hồ Berre, tất cả chúng tôi đều bỏ phiếu cho cùng một đảng và chủ yếu là đảng Cộng hòa. Cô hiểu tôi muốn nói gì rồi đấy… Cô có vẻ tốt bụng, tôi chẳng có gì chống lại cô, lại càng không có gì chống lại các con cô, nhưng, chết tiệt thật, nói với cô thế nào bây giờ… Tôi không thật sự là kiểu người thích qua lại với người Ả Rập… — Người Fula không phải là người Ả Rập. — Người da đen, người da màu, người gốc Phi, đám râu rậm, cô muốn gọi là gì cũng được. — Ông thấy tôi rậm râu sao? Thôi nào, hãy ngồi xuống chiếc ghế thấp đó đi, uống một cốc trà và cẩn thận đừng có để bị bỏng đấy. Guy nhún vai bực bội, nhưng không thể cưỡng nổi sức mạnh lan tỏa từ Leyli. — Ông đã cứu vớt thể diện tôi trước mặt cô ả Kamila đó, ông không thể từ chối cốc trà tôi mời. Hơn nữa tôi đang ăn mừng công việc mới. Hợp đồng không xác định thời hạn đầu tiên của tôi từ ba năm nay. Chiều nay tôi bắt đầu đi làm. Bằng bàn tay còn rảnh rang, trong lúc Guy ngồi xuống, chị tháo bức tranh vẽ cảnh hoàng hôn trên sông xuống. Chị đưa ánh mắt nhìn lần cuối về phía khu bếp, phòng khách, rồi nấn ná hồi lâu ở phòng ngủ của bọn trẻ. Yên tâm. Chị đã không để lại bất cứ dấu vết nào, không phạm bất cứ sai lầm nào. Nỗi ám ảnh đó luôn giày vò chị mỗi khi chị để ai đó vào nhà mình. Chị phải thường xuyên nghĩ đến mọi chuyện, nghĩ đến từng chi tiết, không để bất cứ chuyện gì là ngẫu nhiên, sắp xếp tất cả chính xác như nó phải thế. Mời một người xa lạ vào nhà mình cho phép chị kiểm tra để chắc chắn rằng người ta không thể nhận thấy bất cứ điều gì. Nhìn bề ngoài, ông hàng xóm rụt rè này, con gấu to lớn luôn miệng xin lỗi vì thái độ phân biệt chủng tộc này, ông ta đã không đoán ra gì hết. Leyli kéo một chiếc ghế và ngồi xuống trước mặt Guy. — Đây là Ségou, chị giải thích. Ở Mali. Đó chính là nơi tôi được sinh ra. Nghe này… Leily - 1 Ségou, bởi vì tôi ngờ rằng, ông hàng xóm thân mến ạ, rằng ông chưa bao giờ nghe nói đến nó, đó là một thành phố nhỏ cách Bamako hai trăm kilomet, nhưng phải mất đến hơn năm giờ đồng hồ đi xe khách, một con đường lớn trải nhựa giống như không bao giờ có thể ra khỏi Bamako, như thể thành phố mọc lên nhanh hơn tốc độ di chuyển của xe hơi, mặc dù cuối cùng xe hơi sẽ thắng cuộc và rơi vào cảnh lạc lõng giữa sa mạc. Nhưng Ségou trước hết chính là dòng sông, sông Niger hùng vĩ, dường như còn rộng lớn hơn cả thành phố, gần giống như biển. Chúng tôi sống trong một túp lều nằm ở khu bán đồ gốm, gần sông. Cha mẹ tôi làm những bình, những lọ, những chum vại, bằng thú đất sét lấy bờ sông. Chúng tôi bán những thứ đó cho khách du lịch trong các khách sạn. Nhưng trước cuộc cách mạng năm 1991, không có nhiều du khách lắm nên chủ yếu là chúng tôi phải bán cho những người chào hàng. Hoạt động lớn nhất của Ségou, Guy ạ, là những chiếc thuyền độc mộc. Thuyền của ngư dân đi dọc sông, hướng về phía Mopti hoặc Koulikoro. Nhưng ở Ségou thì chủ yếu thuyền độc mộc đi ngang sông. Trên dòng Niger không có cầu, suốt hàng mấy nghìn kilomet không có một cây cầu nào. Thế là, mọi người băng từ bờ bên này sang bờ bên kia, mang theo lương thực, tiền bạc, gỗ, đá, gạch, vật nuôi, và ở mỗi bên bờ sông, nhất là ở phía Ségou, đều hình thành một cái chợ khổng lồ họp thường xuyên với nào lừa, nào chó, với những người dân bán đủ thứ, đôi lúc có cả lạc đà khi một người Touareg phiêu lưu đến tận đó, và lũ trẻ con xúm xít xung quanh như thể chúng chưa bao giờ nhìn thấy những con vật ấy. Khi một chiếc thuyền độc mộc đến nơi, đứa nhanh chân nhất sẽ được quyền chào bán đồ trang sức, đồ gốm, thuốc lá, bao cao su, bất cứ thứ gì… Đứa nhanh chân nhất chính là tôi! Có thể lũ con trai chạy nhanh hơn khi chơi bóng, nhưng để lao người xuống nước và lội bì bõm, nhiều khi nước dâng lên đến tận đầu vú, vừa giơ cao túi hàng hóa vừa mỉm cười, vừa cười thành tiếng, vừa la hét, thì đúng thế, Guy ạ, chính tôi là đứa nhanh nhất, bạo dạn nhất. Tôi bán được nhiều đồ gốm hơn tất cả đám anh em họ của tôi cộng lại. Người qua lại trên sông biết tôi cả, họ thích thú khi nhìn thấy tôi lặn ngụp, lội bì bõm, cảm ơn họ, vớ lấy những tờ franc CFA mà họ ném cho tôi rồi nhét vào chiếc ví tiền đeo trên cổ. Từ sáu đến mười một tuổi, tôi là nàng công chúa nhỏ trên bãi sông ở Ségou, cô cháu gái thân thương của các chủ thuyền độc mộc, tình yêu nhỏ bé của các ngư dân, người đưa cho họ những chai nước mát, những trái chà là để mút mát và những hạt cola để nhai, là vầng mặt trời của họ như họ vẫn thường nói, cô bé bán hàng chân trần, đã xuống dưới nước khi người ta tưởng tôi vẫn còn ở trên bờ, đã lên đến bờ khi những đứa trẻ khác chỉ mới dám nhúng đầu gối xuống nước. Nửa người, nửa cá, kiên cường không biết mệt mỏi hơn cả thủy triều. Những mảng đỏ xuất hiện vào một buổi sáng tháng Tư, mười lăm ngày trước sinh nhật lần thứ mười một của tôi. Lúc đầu, tôi nhận thấy những cái mụn nhỏ trên vùng bụng, giống như vết đỉa cắn, rồi sau đó là những mảng rộng hơn, trên hai cẳng chân, trên lưng, trên mông tôi, những mảng đó dừng lại ngang tầm đôi bầu vú nhỏ nhắn mới nhú. Rồi những mảng đó bắt đầu lan rộng và hòa vào nhau, giống như những vết bẩn gặm nhấm một mảnh vải. Ba tôi đưa tôi đến trạm y tế ở đằng sau giáo đường Ségou. Ông bác sĩ, một người Pháp mặc quần và áo vest may bằng cùng thứ vải mà chúng tôi dùng làm lều, người đã sống ở đó ba mươi năm mà vẫn không có vẻ gì là quen được với cái nóng, đã nhìn tôi rồi trấn an tôi. Không nghiêm trọng đâu, chỉ là dị ứng thôi, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả khi chứng kiến đủ thứ bẩn thỉu trôi bập bềnh trên sông, lẽ ra người ta phải cấm trẻ con tắm ở đó, cấm phụ nữ giặt quần áo ở đó và cấm lũ súc vật tè xuống đó. Chỉ là một phản ứng của làn da với thứ nước bẩn thỉu ô nhiễm ấy, nhưng ông muốn rằng tốt hơn hết tôi nên đến Bamako, bệnh viện Touré. Ở đó, tôi được khám xét và một phụ nữ đến phòng bệnh trắng toát để thăm tôi, với một nụ cười vô cùng tử tế khiến tôi khiếp sợ. Từ cửa sổ phòng bệnh, tôi chỉ nhìn thấy dinh tổng thống Koulouba sừng sững ngay trước mặt, và trường đại học nơi tôi không bao giờ được đến học. Người phụ nữ đó, sau khi nói chuyện rất lâu với ba tôi, đã đến giải thích với tôi rằng tôi nhiễm một căn bệnh do lội bì bõm quá nhiều trên sông, một căn bệnh ngoài da. Không có gì nghiêm trọng, bệnh sẽ được chữa khỏi dễ dàng, những mảng đỏ sẽ tự biến mất, nhưng với điều kiện tôi không được quay lại bơi lội trên sông Niger nữa, và nhất là không được phơi nắng. Căn bệnh dị ứng đã khiến da tôi trở nên nhạy cảm, tôi đang bị nổi mề đay cấp tính và ánh mặt trời chiếu vào sẽ có nguy cơ khiến tôi bị sẹo suốt đời. “Chỉ cần chờ cho da cháu tự lành lại,” bà y tá vừa nói vừa đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ có kẻ ô vuông bằng mực xanh, “phải đợi ít nhất là ba tháng.” Và bà nhét thêm vào tay tôi một tờ lịch nhỏ bằng bìa cùng một chiếc bút chì màu xám, để mỗi tối tôi tô màu cho một ngày đã qua. Lúc đầu, tôi không hiểu lắm, về ý nghĩa của khoảng thời gian ba tháng, lại càng không hiểu “không phơi nắng” có nghĩa là gì. Tôi chỉ ý thức được điều đó khi trở về lều. Ba tôi, người đã cố gắng chọc cho tôi cười suốt dọc đường về bằng cách cù tôi bằng những chiếc lá cây bao báp mà đám phụ nữ bán ở mỗi chặng dừng, đã gọi điện về Ségou. Mẹ tôi cùng các anh chị em họ của tôi đã sửa soạn một chiếc lều cho riêng mình tôi, với mấy cái gối, vài tấm ga to và đồ đạc mây tre đan. Ba tôi đã giấu một con búp bê mà ông mua ở chợ Bamako, và chỉ tặng nó cho tôi ở cửa lều, cùng với một bộ đồ hàng nấu ăn bằng đất sét nung mà ông đã tự tay làm. — Con sẽ phải ở đây gần một trăm ngày, công chúa nhỏ của ba ạ. Ngoại trừ cánh cửa, từ căn lều chỉ nhìn được ra bên ngoài qua một ô cửa lớn hình tròn. Tất cả đồ chơi và quần áo của tôi được đặt trong góc đối diện. Trong bóng râm. — Mọi người sẽ chăm sóc con, Leyli ạ, tất cả mọi người sẽ chăm sóc cho con. Một trăm ngày rồi sẽ trôi qua nhanh thôi. Chẳng mấy chốc, con sẽ lại được chạy nhảy, chơi đùa với bạn bè, còn chạy nhanh hơn cả lũ ciwara⦾ ấy chứ. Điều này có nghĩa là tôi phải giam mình ở đây? Cuối cùng, mọi người đều đi khỏi và tôi còn lại một mình trong lều, với yêu cầu duy nhất là tránh xa luồng sáng rọi qua ô cửa sổ tạo thành một hình tròn ánh sáng trên mặt đất nện. Tôi di chuyển những đồ đạc nhỏ bé của mình theo nhịp điệu chậm rãi của mặt trời nóng bỏng. Đó là ngày đầu tiên. Sau vài giờ đồng hồ, tôi đã thấy chán ngán muốn chết. Vậy thì, làm sao tôi có thể hình dung rằng ba tháng bị giam trong cái nhà tù bằng đất sét kia lại trở thành ba tháng đẹp đẽ nhất cuộc đời tôi? Nhưng bởi vì cuộc đời chẳng bao giờ ban tặng cho ta thứ gì mà không đòi hỏi ta đáp trả, làm sao tôi có thể ngờ rằng ba tháng đó cũng chính là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ của tôi, trong suốt phần đời còn lại? Lời nguyền dành cho tôi vì đã muốn xích lại gần hạnh phúc. o 10h29p — Ông muốn uống gì, thưa sếp? Trung úy Julo Flores đứng trong dòng người xếp hàng chờ đợi ở quán Starbucks, điện thoại dán vào tai. Thiếu tá Petar Velika trả lời anh bằng giọng nửa ngạc nhiên, nửa khó chịu. — Tôi không hề đổi ý từ khi cậu đi khỏi đây, nhóc ạ. Một cốc cà phê, tôi nói rồi còn gì! — OK, thưa sếp, nhưng nói thế cũng không giúp tôi được bao nhiêu. Một quãng im lặng bối rối thay cho câu trả lời mà Julo đang chờ đợi, viên trung úy có cảm giác giống như một thầy giáo vừa đặt một câu hỏi hết sức đơn giản cho một học sinh thậm chí còn không hiểu nghĩa của câu hỏi. Anh cố gắng giải thích thật mềm mỏng. — Tôi đang ở quán cà phê Starbucks, thưa sếp, và họ có cả chục lựa chọn. Ông thích một cốc Guatemala Antigua không? Hay một cốc Organic Ethiopia? Hay một cốc Kati Blend? Hay một… Dàn xếp không xong, viên thiếu tá bùng nổ trước khi anh chàng cảnh sát dưới quyền kịp liệt kê hết. — Cậu tự xoay xở đi! Mẹ kiếp, khi tôi muốn uống cà phê, tôi vào một quán bar và gọi một ly đen nhỏ, không cần hỏi ông chủ xem có phải cà phê đó được hái ở Mozambique và xay ở Nepal hay không! — OK. – Julo ôn tồn nhượng bộ trước khi gác máy. – Tôi sẽ cố gắng xoay xở! Julo đã không bước chân vào quán bar nào từ nhiều năm nay, nhưng ngược lại, anh rất thích cà phê Starbucks, nơi pha trộn giữa các thế hệ ngoan ngoãn đứng chờ, từ những cậu sinh viên mà một bữa ăn chỉ được hình dung là sẽ dọn ra trên một chiếc khay, những nhân viên văn phòng thắt cà vạt vừa ngốn ngấu bữa sáng vừa không ngừng bấm điện thoại bằng tay kia, cho đến những bà già chọn bánh và trà với sự chậm rãi hết mức. Dòng người chậm chạp tiến lên. Julo xem xét kỹ danh sách các loại cà phê mà không có ý tưởng gì về thứ mình sẽ mang về cho cấp trên. Petar Velika khiến anh mê mẩn. Julo vẫn luôn gặp khó khăn trong việc lựa chọn, lúc nào anh cũng cần bằng chứng, luôn cần tra cứu cả đống dữ liệu trước khi đưa ra các giả thuyết; anh cảm thấy mình như một cái máy tính mạnh mẽ và hiệu quả, nhưng chỉ có khả năng đưa ra những lập luận đã được lập trình sẵn. Ngược lại, Petar hành động theo bản năng, không đếm xỉa đến các biên bản ghi nhận khách quan nhưng lại có khả năng phát hiện ra dấu vết xác đáng trong nháy mắt, ông xem thường các lý thuyết tâm lý nhưng lại có khả năng nắm bắt tính cách của một nghi phạm chỉ sau ba câu nói. Julo những ước ao rằng mình có thể, giống Petar, tiếp cận một vụ điều tra như một tay tài tử, như một cảnh sát cục cằn hơn là một con kiến nhỏ chăm chỉ, uể oải đối đầu với các bí ẩn, thản nhiên khoanh tay đứng yên và thể hiện sự ác ý tuyệt đối để thoát hiểm êm đẹp. Cuối cùng, một cô gái có mái tóc buộc kiểu đuôi ngựa xòa ra ngoài chiếc mũ lưỡi trai màu xanh vừa mỉm cười thật tươi vừa ghi yêu cầu của anh. Stéphanie. Cái tên được ghi ở tạp dề, bên trên ngực trái. — Đang là giờ cao điểm. Anh sẽ phải chờ một chút đấy. Julo ngưỡng mộ các nữ nhân viên phục vụ của hệ thống Starbucks chẳng khác nào anh thích món bánh chuối của họ. — Không sao đâu, Stéphanie ạ. – Anh vừa nói vừa mỉm cười đáp lại. Có lẽ Julo sẽ không bao giờ tự cho phép mình gọi một nữ nhân viên phục vụ bằng tên riêng ở một nơi nào khác ngoài quán cà phê Starbucks. Chỉ là có đi có lại thôi. Anh biết rõ câu hỏi quen thuộc mà cô nàng nhân viên phục vụ xinh đẹp sẽ hỏi sau khi anh gọi đồ xong. — Tên anh là gì? Trong khi cô ta viết Julo và Petar lên hai cái cốc, viên trung úy ngồi vào một chiếc ghế cao gần đó, bật máy tính bảng có kết nối 4G và đặt nó lên đầu gối. Một bức ảnh chụp chiếc vỏ ốc phóng to hiện lên theo chế độ toàn màn hình. Anh có vài phút để bắt đầu quan tâm đến đời sống của các loài nhuyễn thể. Nhiều giây sau, anh đã tập trung đến nỗi không ngẩng đầu lên khi Stéphanie cất tiếng gọi to tên của hai khách hàng. — Bamby. Bamby và Alpha. Hai cà phê. Đã xong! V — Anh chàng để máy tính bảng trên đầu gối kia, trông không tệ nhỉ. Bamby rời mắt khỏi người đàn ông đang ngồi trên chiếc ghế cao gần quầy thu ngân và quan sát em trai mình đặt hai cốc cà phê xuống. — Đó là một tay cớm! – Alpha trả lời. Để ngồi xuống được, cậu tìm cách gập đôi cái thân hình khổng lồ để nhét hai đầu gối vào giữa ghế tròn và chiếc bàn. Alpha cao hơn một mét chín mươi. Mười lăm tuổi, cậu đã cao đến mức này, và khi đó trông cậu chẳng khác nào một sợi dây leo dài nhằng, và đã dành toàn bộ tuổi vị thành niên trong các phòng tập thể hình, bơi ngoài biển, dùng xe ba gác để chuyên chở những thùng đồ đến tất cả các kho hàng trong khu, để chuyển từ vóc dáng gầy gò sang vóc dáng của một gã khổng lồ. Nhiệm vụ đã hoàn thành. Mười bảy tuổi, Alpha đã trở thành một vận động viên đồ sộ, chín mươi kilo cơ bắp, cặp đùi vạm vỡ giấu trong những chiếc quần thể thao thùng thình và những múi cơ ngực cuồn cuộn phô ra bên dưới chiếc áo thun không tay bó sát. — Làm sao em biết được? — Em biết, thế thôi. Và tốt hơn hết là chị đừng có chiếu tướng anh ta nữa. Bamby làm theo. Em trai cô nói đúng, mặc dù cô thấy chàng cảnh sát trẻ rất đáng yêu và mặc dù anh ta không hề ngẩng đầu lên khi nghe thấy nhân viên phục vụ gọi tên hai chị em cô. Cô quay lại, cầm lấy hai bàn tay em trai và nhìn thẳng vào mắt Alpha. Nỗi căng thẳng giảm đi. Sau một khoảng im lặng dài, cô để các ngón tay mình thoát ra và tháo mặt dây chuyền đang đeo trên cổ. Cô đặt mặt dây chuyền hình tam giác bằng gỗ mun lên mặt bàn. Góc nhọn quay xuống dưới, theo truyền thống của người Fula, nó tượng trưng cho nữ tính và khả năng sinh sản. Alpha cũng làm tương tự với thứ trang sức giống hệt đeo trên cổ mình, những góc nhọn của mặt dây chuyền quay lên trên, thể hiện nam tính, hai tinh hoàn và dương vật. Cậu đặt hình tam giác của mình chồng lên hình tam giác của chị gái, tạo thành một ngôi sao sáu cánh. Ngôi sao đen của hai chị em. Mục đích duy nhất của họ. Mục tiêu duy nhất của họ. — Chị không chắc mình có thể làm được. – Bamby nói. Alpha lại cầm hai bàn tay chị gái trong đôi bàn tay to lớn và nóng hổi của mình vì vừa cầm hai cốc giấy đựng cà phê. — Chúng ta không được lựa chọn. Chúng ta là chỉ là những cọng lông. Cuốn theo chiều gió. Bamby run rẩy. Alpha lại gần và ôm choàng lấy cô. Một võ sĩ hạng nặng âu yếm một võ sĩ hạng ruồi. Tuy nhiên, Alpha biết rằng chị gái mạnh mẽ hơn cậu. Vẫn luôn là như thế. Bamby nhìn xoáy vào mắt Alpha. — Tất nhiên, em trai ạ, chúng ta không thể lùi được nữa. Từ đêm đó, chúng ta đã giải phóng con quái vật. Nhưng… nhưng chị lo lắng chính là về em. Alpha dùng đầu ngón tay chỉnh lại hình tam giác màu đen của mình để nó hợp với hình tam giác của chị gái thành một ngôi sao hoàn hảo. Cậu thong thả đưa cốc cà phê lên môi, rồi dịu dàng nói: — Chúng ta đã thảo luận kỹ từng chi tiết, mọi cơ may đều nằm ở phía chúng ta, giống như những nhà du hành vũ trụ phóng một quả tên lửa đến một thiên hà khác. Chúng ta chỉ còn việc làm đúng theo kế hoạch mà thôi. Hai cánh tay Alpha choàng lấy vai Bamby, cậu siết chặt cô vào bộ ngực vạm vỡ của mình hồi lâu. — Em tự hào về chị, chị gái yêu quý ạ. — Chúng ta sẽ bị nguyền rủa. – Bamby thì thầm. — Chúng ta đã bị nguyền rủa rồi. Đến lượt Bamby cầm cốc của mình lên. Thứ chất lỏng nóng hổi chảy trong cổ họng khiến cô có cảm giác như một dòng dung nham đang ngốn ngấu những đám cỏ dại trên một cánh đồng hoang. Có lẽ một chầu tắm vòi sen với thứ nước bỏng rẫy cũng có tác động như thế đối với làn da cô chăng? Cô gượng mỉm cười. — Hai cọng lông chim nhỏ đã bị kết án chăng? Hai hạt cát bị dập vùi trong luồng gió harmattan⦾ chăng? Hai hạt phấn hoa chấp chới trong gió trước khi rơi xuống gốc cây chăng? Alpha nói đùa. — Không phải lúc nào cũng thế đâu, Bamby ạ. Không phải lúc nào cũng thế. Một số hạt phấn sẽ bay xa vài trăm kilomet trước khi tìm thấy bông hoa cần thụ phấn, bất chấp những bức tường, những vùng biển và biên giới. Bamby đã thuộc lòng bài diễn văn của em trai. Vài giây nữa, cậu sẽ nhắc đến cái thuật ngữ bác học để chỉ việc thụ phấn nhờ gió: phong môi. Bamby rất ghét những khi em trai cô tỏ vẻ trí thức, khỏa lấp phức cảm nổi loạn của mình trước tất cả uy quyền của trường học bằng những lý thuyết to tát và che giấu tình trạng thiếu văn hóa bằng cách nói ra những điều tìm thấy trên trang wiki. Đó là nhược điểm của những gã trai quá đẹp mã và vạm vỡ. Muốn tỏ ra mình là tay ranh mãnh. Nhược điểm cố hữu của Alpha, đó là tưởng rằng mình thông minh hơn người khác, trong khi cậu chỉ khỏe hơn họ. Cô buột miệng thành một tiếng thở dài mơ hồ nhưng không thoát khỏi tai cậu em trai. Cậu cố kiềm chế để không phá lên cười. — Ok, người đẹp, em làm chị mệt mỏi với những câu chuyện của em rồi. Nhưng chị hãy kiên nhẫn, chỉ hai giây thôi. Em đang chờ một người. Một người sẽ biết cách giải thích cho chị tốt hơn em. Chỉ cần… Cậu đưa mắt nhìn về phía anh chàng cảnh sát vẫn đang cắm cúi với chiếc máy tính bảng, như thể đó chính là một mối đe dọa. Bamby nhìn theo ánh mắt em trai, không hiểu gì. Cô cảm thấy mệt mỏi. Cà phê khiến cô lợm giọng. Giọng cô trở nên gay gắt hơn. — Thế nếu kế hoạch của chúng ta không thực hiện được thì sao? Nếu rốt cuộc chúng ta phải vào tù thì sao? Nếu chúng ta không sống sót được thì sao? Khi đó, mẹ sẽ chỉ còn một mình, vô cùng cô độc. Cô đặt bàn tay lên hình tam giác màu đen, như muốn bẻ gãy ngôi sao. Alpha giữ tay cô lại. — Chúng ta làm tất cả những việc này là vì mẹ, chị gái thân mến ạ. Vì mẹ. Chị đừng quên điều đó. — Thế còn Tidiane? — Em sẽ giải thích với nó. Cả hai cùng im lặng hồi lâu. Chính nữ nhân viên phục vụ của quán Starbucks, bằng giọng của một người bán báo tuyên bố số vé trúng độc đắc, là người phá vỡ khoảng im lặng đó. — Julo và Petar. Hai cà phê đúng không? Đã xong! Áp chặt bàn tay mình lên tay chị gái, Alpha ra hiệu cho cô im lặng, trong lúc viên cảnh sát xếp gọn chiếc máy tính bảng, cầm lấy hai cốc cà phê rồi đi ra phía cửa. Khi anh chàng đi qua trước mặt họ, Bamby quay mặt đi, rồi ngẩng lên để ngắm nghía bộ mông xinh xắn của Julo. Anh vừa ra khỏi quán thì một người đàn ông da đen bước vào, anh ta nhiều tuổi hơn Alpha nhưng cũng cao lớn gần như thế. Đầu anh ta cạo trọc lóc, trừ một lớp lông tơ ngả hoa râm ở hai bên thái dương. — Bamby, giới thiệu với chị đây là Savorgnan. Bằng vài câu ngắn gọn, Alpha giải thích rằng Savorgnan là người nhập cư bất hợp pháp. Savorgnan đến từ Bénin, một đất nước bé nhỏ nói tiếng Pháp kẹp bên cạnh đất nước Nigeria khổng lồ. Một trong số những quốc gia nghèo nhất hành tinh, không có dầu mỏ, không có đường nhựa, chỉ có một hải cảng ở phía Nam để trốn theo đường biển, và một khu rừng ở phía Bắc để ẩn náu trước khi vượt qua sa mạc và đi đến tận đây. Savorgnan đến đây hai tháng trước, đi cùng với đám anh em họ ở Cotonou: Bola – một kỹ thuật viên tin học, Djimon – một kiến trúc sư, Whisley – một nhạc sĩ zouk châu Phi, Zahérine – một nhà nông học. Alpha và Savorgnan ôm nhau tưởng mãi không dứt. Bamby thấy cái ôm đó thật gượng gạo. Đôi mắt cô cụp xuống, nhìn vào hai hình tam giác họ đã đặt chồng lên nhau. Để đạt đến ngôi sao của họ, cả Alpha cũng sẽ phải chênh vênh giữa cái tốt và cái xấu. Bước đi trên một sợi dây. Đánh mất tâm hồn mình. — Savorgnan đã để lại vợ và hai đứa con ở quê nhà. – Alpha nói thêm, như thể đó là bằng chứng tuyệt đối nhất của lòng dũng cảm. – Babila, Safy và Keyvann. Bamby không thể ngăn mình phản ứng. Cô nhìn thẳng vào mắt Savorgnan hồi lâu. — Vậy là anh đã bỏ rơi vợ con anh để đi nhập cư trái phép sao? Anh thấy rằng việc đó biến anh thành một anh hùng? Bực mình, Alpha phác một động tác để bảo chị gái mình im lặng, nhưng Savorgnan giữ cậu lại. Từ anh ta như thể toát ra một vầng hào quang dìu dịu của một đạo sĩ Hồi giáo. — Ước mơ của cô là gì, hả người đẹp? Bamby im bặt, ngạc nhiên. — Ờ… — Còn tôi, ước mơ của tôi, đó là chữ nghĩa. Tôi đọc. Tôi viết. Tôi chỉ làm độc một việc đó suốt ngày. Tôi không chỉ mơ mình trở thành phóng viên, hay thậm chí là biên tập viên, phóng viên viết thời luận, tiểu thuyết gia. Không, người đẹp ạ. Tôi muốn là người dẫn đầu. Giải Goncourt hoặc không gì hết! – Anh ta phá lên cười lớn. – Tay chơi đàn guitar, Whisley, anh ta muốn trở thành Presley hoặc Marley. Từ đồng âm thôi mà! Zahérine thì lý trí hơn, anh ta chỉ muốn trở thành nhà nghiên cứu nông nghiệp để giảm bớt nạn đói trên thế giới, hoặc ít ra là ở châu Phi, bắt đầu từ Bénin. Nhưng cô chưa trả lời tôi. Ước mơ của cô là gì, công chúa? Chắc chắn cô phải có một ước mơ chứ. Chỉ một ước mơ thôi sao? Bamby nghĩ. Khiêu vũ chăng? Âm nhạc chăng? Thời trang chăng? Nghệ thuật chăng? Gặp được một hoàng tử bạch mã chăng? Trở thành triệu phú và tặng cả một cung điện cho mẹ cô chăng? Đi vòng quanh thế giới chăng? — Tôi có… nhiều ước mơ lắm… Savorgan đeo đôi kính nhỏ mắt vuông lên, khiến anh ta trông càng có vẻ đạo mạo hơn. — Mọi người đều có những ước mơ, Bamby ạ. Và điều quan trọng không phải là hiện thực hóa chúng, mà chỉ cần có thể tin vào chúng. Tin rằng có tồn tại một khả năng, một cơ may nhỏ. Khi cô sinh ra ở Bénin, khi cô ở lại Bénin, ở Cotonou hoặc ở Porto-Novo, cô sẽ chôn vùi niềm hy vọng nhỏ nhoi đó. Cô vứt bỏ nó vĩnh viễn dưới đại dương. Trong tổng số mười triệu người Bénin, tại sao lại không có những cậu nhóc Zidane, những cậu nhóc Mozart, những cậu nhóc Einstein chứ? Tại sao người Bénin lại không được sinh ra với mầm mống của tài năng? Nhưng thử kể cho tôi nghe tên một người Bénin được giải Nobel xem nào? Một người Bénin giành được huy chương Thế vận hội? Hay thậm chí là bất kỳ diễn viên người Bénin nào? Cô hiểu không, Bamby, chúng tôi chỉ muốn một phần ước mơ của mình thôi mà! Bamby nói lúng búng: — Ngay cả ở đây. Ngay cả ở nước Pháp. Anh biết đấy, những ước mơ như thế… — Tôi biết. Họ rất hiếm hoi, những người thực sự nuôi ước mơ ấy. Những người tìm vàng. Những kẻ ương bướng không cam chịu. Những kẻ điên rồ tin vào số phận của mình. Từ thành phố Abomey quê hương, năm người chúng tôi đã ra đi. – Anh ta lại phá lên cười và uống một hơi cạn sạch cốc cà phê mà Alpha đã đi mua cho anh ta. – Người phương Tây tin rằng nếu họ không đóng cửa cố thủ, thì toàn bộ châu Phi sẽ đổ đến đất nước họ. Một nỗi sợ hãi ngu ngốc làm sao! Phần lớn dân cư đều muốn ở lại nơi họ đang sống, nơi họ được sinh ra, cùng với người thân và bạn bè, khi mà họ vẫn còn chút gì đó để mà sống sót. Họ bằng lòng với chút gì đó. Chỉ có vài kẻ điên rồ mới tìm cách phiêu lưu. Chỉ có khoảng một trăm đến hai trăm nghìn người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải mỗi năm, chưa đầy một phần mười nghìn dân cư châu Phi, thế mà người ta lại gọi đó là xâm lược hay sao? Alpha kéo ống tay áo Savorgnan như để nhắc anh ta rằng họ đang vội. Em trai Bamby đã đeo cặp kính mát lên mắt, khoác chiếc áo blu-dông da lên người, đầy đủ lệ bộ của thằng nhóc cầm đầu. Anh chàng người Bénin không nhúc nhích. — Những kẻ điên rồ đó vẫn luôn tồn tại. – Anh ta vừa nói vừa nhìn Bamby chằm chằm. – Những kẻ sẵn sàng mạo hiểm tất cả để được nhìn thấy những gì xảy ra ở bờ bên kia đại dương. Trên vách núi bên kia. Cô hiểu tôi muốn nói gì không, Bamby? Odysseus, bộ Lông Cừu Vàng, Christophe Colombo… Những người đó sinh ra với khát vọng tìm kiếm trong đầu. Cách đây vài năm, khi các nhà khoa học tìm kiếm ứng cử viên để lên Sao Hỏa, với niềm tin chắc là những người đi lên đó sẽ không bao giờ sống sót trở về Trái Đất, họ vẫn tìm được hàng ngàn người tình nguyện. Lần này, Alpha đứng dậy. Cậu nhìn xung quanh, đầy cảnh giác, như thể chuyện sống còn của cả nhóm chỉ phụ thuộc vào sự cảnh giác của riêng cậu. Người hiểu biết, dự đoán và quyết định nhanh chóng. Bamby mỉm cười. Một lần nữa, em trai cô lại làm quá mọi chuyện lên. — Một điều cuối cùng thôi, anh bạn ạ. Một điều cuối cùng. – Savorgnan nhìn sâu vào mắt Bamby. – Ngược với điều mà mọi người đều tin chắc khi gặp những người nhập cư bất hợp pháp lam lũ trên phố, những người ra đi không phải là những người nghèo khổ nhất, không phải những người không có gì để mất, mà là những người có cơ may thành công, họ là những nhà vô địch, những nhà vô địch được các gia đình chọn lựa, những hiệp sĩ được người thân dành cho mọi thứ để họ có thể chiến thắng trở về. Alpha túm lấy tay anh ta. — Thôi được rồi, cậu nói. Các nhà vô địch, và chính nhờ những nhà vô địch như anh mà tôi sẽ chiến thắng. Cậu sắp sửa nói thêm nhưng Savorgnan đã ngăn lại. — Cậu sẽ nói với tôi về kế hoạch của cậu sau, anh bạn ạ. Kế hoạch không thể thất bại của cậu. Còn lúc này, tôi không có lòng dạ nào để nghe cả. Anh ta lục lọi trong túi áo, siết nắm tay lại và đặt một chiếc vòng tay trổ lỗ màu xanh lá cây lên mặt bàn. — Cảnh sát đã bắt Bola và Djimon, một giờ trước. Họ sẽ khó tránh được việc bị trục xuất. Nhất là Djimon. Với vết sẹo rạch ngang mặt, họ có thể dễ dàng nhận diện anh ấy. Sáu tháng nỗ lực, hàng ngày cận kề với cái chết, để rồi lại quay trở lại điểm xuất phát. Alpha nhân dịp đó để rút tay ra. — Chính vì thế, Savorgnan ạ, chính để tránh điều đó mà cả hai chúng ta sẽ phải thống nhất với nhau. Bamby nhìn Savorgnan cũng đứng dậy, Alpha choàng tay qua vai anh ta. Em trai cô lại đóng vai vị thủ lĩnh trẻ quá tự tin vào bản thân. Sức mạnh luôn là một quân sư tồi, cô nghĩ. Vẻ tự tin đầy nam tính này tạo ra những gã trai lực lưỡng luôn được người ta cử đi làm những công việc bẩn thỉu, những gã kỵ sĩ không đồng xu dính túi luôn lao lên hàng đầu, những mầm mống anh hùng không biết sợ mà người ta biến thành những kẻ đánh bom cảm tử. Alpha đeo mặt dây chuyền hình tam giác màu đen lên cổ, Bamby cũng làm tương tự, vừa làm vừa run. — Chúc chị may mắn, chị gái yêu quý. — Chúc em may mắn, Alpha. Hẹn gặp lại em tối nay. Không được để mẹ nghi ngờ bất cứ điều gì. — Mẹ quá tha thiết với việc chúng ta giữ gìn hình ảnh về một gia đình mẫu mực. Chị đừng lo. Cậu nở một nụ cười tin tưởng. — Cẩn thận nhé, em trai. — Cẩn thận nhé, Bamby. o 10h47 p — Cà phê của ông đây, thưa sếp. — Cảm ơn. Petar Velika chìa tay ra mà không thèm quay lại và cầm lấy cốc cà phê trung úy Julo Flores đưa cho ông. Vài cảnh sát khác đang bận rộn ở tầng trệt của khách sạn Red Corner. — Tôi đã mua cho ông một cốc Kati Blend. – Julo nói thêm. – Cà phê theo mùa. Có vị chanh, thảo dược và các loại quả mọng. Viên thiếu tá dừng cốc cà phê cách môi vài centimet. — Cậu nói nghiêm túc đấy chứ? — Thứ này được nhập thẳng từ Đông Phi. Duy nhất trên thế giới! Petar nhíu mày và sững sờ quan sát viên cảnh sát phụ tá. — Ông thích cốc của tôi hơn không? – Julo đề nghị. – Cà phê Verona. Cuộc gặp gỡ giữa châu Mỹ Latin và Indonesia, với chút chấm phá của thịt quay kiểu Ý. Petar cụp mắt nhìn xuống cốc đồ uống màu đen. — Cà phê của các cặp tình nhân. – Julo tiếp tục giải thích. – Nó rất hợp với sô-cô-la và… Anh đột ngột dừng sững lại vì nhận ra rằng các ngón tay của viên thiếu tá co quắp nắm chặt cốc cà phê, như thể ông đang lưỡng lự không biết có nên ném nó vào chiếc màn hình khổng lồ treo bên trên máy bán đồ giải khát tự động hay không. Anh đưa mắt nhìn một vòng quanh phòng. Dường như mọi thứ ở Red Corner đều được tự động hóa. Cánh cửa, camera, máy bán rượu, bán bao cao su và dầu massage. Petar Velika chỉ đặt cốc cà phê lên mặt bàn trước mặt ông, rồi nói với viên cảnh sát gần nhất. — Ryan, cậu có thể cho tôi xem băng ghi hình được không? Anh chàng cảnh sát trẻ gõ ngón tay trên một máy tính xách tay có kết nối với màn hình khổng lồ. — Tôi không thể nói cho cậu biết họ đã làm thế nào. – Viên thiếu tá giải thích với Julo. – Nhưng các chàng trai này đã kết nối được băng ghi hình của các camera giám sát vào chiếc TV này. Cậu ngồi đi. Buổi chiếu phim sắp bắt đầu rồi. Họ ngồi xuống hai chiếc ghế bành sọc màu hồng và vàng, kê hai bên một cái bàn tròn bằng gỗ đánh véc-ni. Một lát sau, hình ảnh do camera bên ngoài ghi lại được chiếu lên màn hình. Petar đã kịp cho dừng đoạn phim ở đúng thời điểm François Valioni đi qua đằng trước camera giám sát. 0h30. Valioni bước lên trước, dáng vẻ thoải mái, quàng tay quanh eo một cô gái thấp hơn ông ta một chút. — Dừng lại, Ryan! Hình ảnh sững lại. — Đây là thời điểm duy nhất cô gái này nhìn thẳng vào camera. – Petar giải thích. Julo nheo mắt trong lúc cấp trên của anh nhăn mặt nhấp môi vào cốc cà phê. Hình ảnh duy nhất cho phép nhận dạng cô gái đã vào khách sạn Red Corner cùng với Valioni sao? Không ổn rồi, viên trung úy nghĩ. Cô gái trùm một chiếc khăn dài phủ trên mái tóc, chiếc khăn rộng lùng thùng với những nếp gấp che khuất gần hết khuôn mặt. Chiếc khăn khiến cô ta trở nên khó có thể nhận diện, người ta chỉ nhìn thấy đôi mắt sẫm màu dường như đang thách thức các khán giả tương lai, một khuôn miệng được trang điểm rất đậm, một chiếc cằm thon. Ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu trung úy Flores, đó là cô gái có khuôn mặt thiên thần này không thể là kẻ giết người! Anh cố gắng xua đuổi cái linh cảm ngớ ngẩn đó. — Thật lạ lùng, đúng không sếp? Tại sao lại nhìn chằm chằm vào camera như thế nếu chính cô ta là kẻ đã cắt mạch máu của Valioni. Viên thiếu tá không hề động đến cốc cà phê. Ông đưa mắt nhìn theo Ryan đi đi lại lại giữa mấy chiếc ghế bành, bứt rứt chẳng khác nào một nhân viên phục vụ đến đưa cho họ thực đơn các món cocktail. — Hình ảnh chỉ kéo dài một phần tư giây, Julo ạ. Và con nhóc khốn kiếp đó chỉ cho chúng ta nhìn thấy những gì nó muốn, tôi cảm thấy cô ta hoàn toàn biết rõ mình đang làm gì với tấm mạng che mặt đó. — Đó không phải là một tấm mạng che mặt, thưa sếp. – Ánh mắt Petar trượt trên tấm khăn. — Một tấm khăn voan, nếu cậu thích gọi thế hơn, hoặc một tấm khăn trùm đầu. Cậu muốn gọi thế nào tùy cậu, nhưng… — Nhìn kỹ xem, thưa sếp. Viên thiếu tá quay sang phía viên cảnh sát phụ tá, giận dữ. Thằng nhóc này nhanh nhẹn, hiệu quả, ranh mãnh. Nhưng có chút hỗn xược. — Có các họa tiết in trên nền vải. – Julo giải thích. – Trông như những con chim cú. Những họa tiết chim cú kín đáo màu be và màu đỏ son. — Tôi nhìn thấy rồi. Thế thì sao? — À thì… Hình ảnh chim cú trên một tấm mạng che mang tính tôn giáo, tôi không biết liệu có quá… — Liệu có quá đúng quy định không chứ gì? Cậu đang ngầm nói ý đó đúng không? Petar Velika quay ngoắt đi và nói với trung úy El Fassi. — Ryan? Xét từ góc độ kinh Koran, có được phép vẽ các họa tiết lên một tấm mạng che mặt không? Những bông hoa nhỏ chẳng hạn? Hoặc những con vật? Trung úy El Fassi lại gần: — Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện này! Tôi được học về kinh Koran từ hồi còn đi nhà trẻ. Thưa thiếu tá, phải chăng vì ông là người Croatia mà tôi có thể yêu cầu ông kể với tôi tên mười hai thánh tông đồ? Petar thở dài. — OK, Ryan, hãy miễn cho chúng tôi bài thuyết trình của cậu, và cố gắng một chút xem nào. — Nếu ông vẫn muốn biết, có lẽ tôi cho rằng chuyện đó là không được phép, tuy nhiên… Viên trung úy quan sát tấm mạng che mặt trên màn hình một cách chăm chú hơn. — Các họa tiết đó rất kín đáo. Có lẽ còn có cả hình chuột Mickey trên tấm khăn đó. Nhưng nói thật là cũng không chướng mắt lắm. — Kiến thức thần học của cậu thật đáng kinh ngạc, Ryan ạ! Chúng đã giúp chúng ta tiến triển được một bước xa. Cậu sẽ trích ra cho tôi những bức ảnh phóng to chụp mắt cô ta, môi cô ta, mũi cô ta, cằm cô ta, tất cả những gì chúng ta có thể khai thác được. Với một chút may mắn, chừng đó là đủ để nhận dạng cô nàng bọ ngựa⦾ của chúng ta rồi. Một chi tiết khiến Julo khó chịu. Cái cách mà cô gái đó nhìn như thách thức vào ống kính máy quay. Như thể mọi thứ đều đã được tính toán, cái tích tắc khi máy quay hướng thẳng vào cô ta, trong thoáng chốc. Nếu không muốn bị nhận ra, cô ta chỉ cần không ngước mắt lên, giấu mình dưới tấm khăn choàng. Dường như cô nàng lạ mặt này đã cố tình để lại cho họ một manh mối, một dấu vết về cô ta, nhưng là một dấu vết mờ nhạt và ám muội, không đủ để nhận dạng. Chẳng khác nào những kẻ giết người hàng loạt trong tiểu thuyết, Julo nghĩ, những kẻ thách thức cảnh sát bằng cách gửi thư cho họ. Để giúp đỡ khi họ quá đỗi lúng túng. Hay để lôi kéo họ đi theo một hướng điều tra sai lầm? — Cho dù chúng ta có nhận dạng được cô ta, Julo nói, thì cũng không nhất thiết có nghĩa rằng cô ta là kẻ giết người. Thiếu tá Velika lại vừa cúi xuống nhìn cốc cà phê của mình. Ông ngước mắt lên rồi trả lời. — Cô ta vào khách sạn Red Corner cùng với François Valioni. Họ cùng lên một phòng. Vài giờ sau, Valioni được tìm thấy trong tình trạng bị trói trên giường và bị cắt mạch máu. Tôi không biết cậu còn cần thêm gì nữa. — Có thể cô ta chỉ đóng vai lôi kéo con mồi vào bẫy. Chúng ta không có dấu vết gì cho thấy cô ta đã ra khỏi Red Corner, trên bất cứ camera giám sát nào. Có thể Valioni vẫn còn sống khi cô ta rời đi, và kẻ sát nhân đã đến gặp ông ta sau đó. Petar thích thú lắng nghe các giả thuyết của viên cảnh sát phụ tá, rồi đột nhiên phá lên cười. — Cậu đúng là kẻ đang yêu, anh chàng Romeo của tôi ạ! Tôi là người hành động theo cảm tính, còn cậu là người làm theo khoa học, ấy thế mà cậu lại quẳng cho tôi cả một mớ lý thuyết vớ vấn bởi vì cô ả đó có một đôi mắt to u sầu, một khuôn miệng trái tim và dáng dấp nhỏ nhắn của một cánh chim yếu đuối. Viên trung úy đỏ mặt. Gã khốn Petar này rõ ràng là người tinh tế nhất, đồng thời cũng là tay thô thiển nhất trong cả đội cảnh sát. Anh ho húng hắng, uống cạn cốc cà phê trước ánh mắt đầy chế giễu của Petar. Cà phê Verona. Cà phê của những kẻ đang yêu… Julo tìm cách đánh trống lảng. Một câu hỏi đang chực chờ ngay đầu lưỡi anh. — Thay vì nói những điều hoang tưởng như thế, tốt hơn hết sếp hãy cho tôi biết về cái tổ chức nơi François Valioni làm việc, Vogelzug. Hình như ông có thông tin về nó. Hiệu quả ngay lập tức. Khuôn mặt thiếu tá Velika chuyển từ vui thích sang nghiêm nghị, một hình mặt cười đảo ngược khuôn miệng như dấu ngoặc đơn của ông. Ông có vẻ bối rối đến nỗi uống hết nửa cốc Kati Blend mà không hề nhăn mặt. Ông chỉ giải thích bằng vài câu. — Vogelzug là một trong những tổ chức lớn nhất bảo vệ người di cư ở châu Âu. Hàng trăm nhân viên ở châu Âu và châu Phi. Vogelzug có nghĩa là chim di cư trong tiếng Đức. Có vẻ như mỗi năm, hơn năm tỷ cá thể chim bay qua Địa Trung Hải mà không có người nào bắt chúng xuất trình hộ chiếu hoặc giấy phép cư trú. Cậu có hiểu được ý nghĩa biểu tượng của nó không? Trụ sở của Vogelzug được đặt ở Marseille, nhưng ta bắt gặp các chi nhánh của nó ở khắp nơi xung quanh Địa Trung Hải. Dĩ nhiên là họ phải làm việc với các cơ quan hải quan, cảnh sát và các chính trị gia. Họ đã ký những thỏa thuận chính thức với Frontex, cơ quan quản lý biên giới châu Âu. Thế được chưa, Romeo? — Tuyệt vời, thưa sếp! Tôi sẽ cố gắng đào sâu xem vị trưởng bộ phận tài chính của chúng ta làm gì trong lòng tổ chức này. Và ông nên biết rằng Romeo đã không để mất thời gian trong lúc chờ lấy cốc cà phê Verona ở quán Starbucks. Anh bật máy tính bảng rồi đặt nó trước mặt họ, trên chiếc bàn thấp. Trên màn hình hiện ra chiếc vỏ ốc tìm thấy trong túi áo của François Valioni. — Tôi đã cho chạy một phần mềm nhận diện hình ảnh. Tôi đã nghĩ nó sẽ phải quay như chong chóng suốt nhiều giờ, và chúng ta sẽ tìm thấy hàng triệu hình ảnh những loài nhuyễn thể giống như thế. — Thế rồi sao? – Petar sốt ruột. — À thì hoàn toàn không phải vậy. Chỉ trong vài giây, tôi đã có được câu trả lời. Tôi đã tìm thấy các anh em song sinh của loài ốc vùng triều này! Ông đứng vững nhé, sếp, mẩu vỏ ốc vỏn vẹn ba centimet này là một kho báu của thiên nhiên thuộc loại vô cùng hiếm trên thế giới. Người ta chỉ tìm thấy nó tại một số địa điểm nhất định trên hành tinh này. """