" Khi Nào Cướp Nhà Băng - Stephen J. Dubner PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Khi Nào Cướp Nhà Băng - Stephen J. Dubner PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Khi Nào Cướp Nhà Băng Tác giả: Stephen J. Dubner, Steven D. Levitt Người dịch: Nguyễn Hoài An Nhà xuất bản: Nxb Thế giới Nhà phát hành: Alpha books Định dạng: Bìa mềm Số trang: 392 Ngày phát hành: 28/06/2016 ——————————————— Nguồn: Ebookvie Epub (02/2019): @lamtam, tve-4u.org KHÔNG CHỈ LÀ NHỮNG CHUYỆN TẦM PHÀO Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner chắc hẳn là hai cái tên không hề xa lạ với độc giả Việt Nam, với những tựa sách Kinh tế học hài hước, Siêu kinh tế học hài hước, Tư duy như một kẻ lập dị do Công ty Cổ phần Sách Alpha dịch sang tiếng Việt và xuất bản trong những năm trước đây. Khi nghe đến cái danh “nhà kinh tế học”, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đó là những cây bút hàn lâm, cao siêu và phân tích những vấn đề thuần túy chuyên môn. Nhưng với Steven và Stephen, đó không phải là cách họ viết sách. Trái lại, hai tác giả sẵn sàng quan tâm mổ xẻ đủ mọi thứ vấn đề, mà thoạt nghe chẳng có chút gì liên quan đến kinh tế, chẳng hạn như chuyện tỷ lệ tội phạm ở Trung Quốc hay chuyện đi lậu vé xe lửa ở Ấn Độ. Chính vì vậy, khi đặt tên cho cuốn sách đầu tiên mà hai người hợp tác, Linda, chị của Steven D. Levitt, đã chơi chữ bằng cách ghép từ “freak” (có nghĩa là kỳ dị, kỳ quái) với “economics” (có nghĩa là kinh tế) và thế là cái tên “Freakonomics” ra đời. Có lẽ vì thấy việc viết về những chủ đề cụ thể và xuyên suốt là chưa đủ để thỏa mãn đam mê viết lách, Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner đã cùng nhau lập ra một trang blog để có thể viết về đủ mọi thứ mà họ quan tâm. Tên của trang blog cũng là Freakonomics, đúng như tựa cuốn sách đã làm nên thương hiệu của Steven và Stephen. Trang blog này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả và chẳng mấy chốc, đã có hàng nghìn bài viết được xuất bản, mang lại những góc nhìn thú vị (và tất nhiên là kỳ dị, thậm chí là ngược đời) về những vấn đề trong cuộc sống mà ít ai trong chúng ta nghĩ tới. Ví dụ, bạn có bao giờ từng nghĩ tới việc tại sao chúng ta không bao giờ boa cho tiếp viên hàng không hay chưa? Hay thời điểm nào trong tuần là lúc thích hợp nhất để cướp nhà băng? Câu hỏi đã lạ và câu trả lời mà hai tác giả mang lại cũng “dị” không kém. Và dù các bạn hoàn toàn có thể đọc (bằng tiếng Anh) những bài viết của Steven và Stephen miễn phí trên blog của họ, nhưng với triết lý “nước đóng chai”, hai tác giả đã quyết định tập hợp và chọn lọc những bài viết trên blog để tạo thành cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay. Cuốn sách thậm chí còn mang tính giải trí hơn nhiều, vì là nhiều bài viết tập hợp lại và mỗi bài viết đề cập đến những khía cạnh khác nhau của cuộc sống dưới góc nhìn của hai tác giả. Chắc chắn, khi đọc cuốn sách này, bạn đọc sẽ bắt gặp những khoảnh khắc khiến các bạn ồ lên vì thú vị, thậm chí là bật cười vì sự độc đáo và hài hước của câu chuyện mà các tác giả mang lại. Không chỉ tầm phào, đó còn là những thực trạng có phần phi lý đang tồn tại ngay trước mắt mà chúng ta không hề hay biết (hoặc không đủ hài hước để nhận ra, cũng có thể là như vậy!). Trong quá trình biên tập, chúng tôi một lần nữa đã chọn lọc lại và lược bớt một số nội dung không phù hợp với bối cảnh và ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, tinh thần và những nội dung chính mà hai tác giả muốn truyền tải qua cuốn sách này vẫn được giữ nguyên vẹn. Hy vọng bạn đọc sẽ có những phút giây thư giãn và giải trí cùng chuyến hành trình chu du qua thế giới kinh tế học hài hước của Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả! Tháng 5/2016 CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA BLOG VÀ NƯỚC ĐÓNG CHAI CÓ ĐIỂM GÌ CHUNG? Mười năm trước, khi chuẩn bị xuất bản cuốn sách Kinh tế học hài hước(1), chúng tôi quyết định mở một trang web đồng hành cùng cuốn sách. Tên trang web chẳng có gì phải tưởng tượng xa xôi, đó là freakonomics.com. Và ngẫu nhiên làm sao trang web lại có tính năng blog. Levitt lúc nào cũng lạc hậu cỡ vài năm so với thiên hạ. Anh chưa bao giờ nghe nói đến blog, chứ đừng nói đến chuyện đọc hay viết blog. Dubner giải thích ý tưởng. Nhưng Levitt vẫn không thấy thuyết phục cho lắm. “Bọn mình cứ thử xem sao”, Dubner cuối cùng đành nói. Thời điểm đó, chúng tôi mới bắt đầu cộng tác với nhau, thế nên Levitt chưa kịp ngộ ra rằng sáu từ đó là cách mà Dubner dùng để thuyết phục anh làm đủ việc mà anh chưa bao giờ có ý động đến. Vậy là chúng tôi thử viết blog. Đây là bài blog đầu tiên của chúng tôi: Tháo cũi sổ lồng cho con Ông bố bà mẹ nào cũng nghĩ rằng con mình đẹp nhất trần đời. Có vẻ quá trình tiến hóa đã khuôn định bộ não của chúng ta theo cách nào đó sao cho nếu ta cứ nhìn chằm chằm vào mặt con mình hết ngày này qua ngày khác, thì khuôn mặt chúng sẽ bắt đầu xinh đẹp lên. Con cái nhà khác mà dính thức ăn trên mặt thì trông thật kinh, nhưng thức ăn dính trên mặt con mình thì lại đáng yêu chết đi được. Xem nào, chúng tôi cũng đã nhìn chằm chằm bản thảo cuốn Kinh tế học hài hước nhiều đến độ trong mắt chúng tôi nó thật tuyệt vời - bất kể trên đó nào là mụn cóc, thức ăn dính mặt và đủ thứ hầm bà lằng khác. Rồi chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể có vài người quả thật muốn đọc nó và sau khi đọc nó, họ có thể thậm chí còn muốn bày tỏ ý kiến riêng về nó. Thế nên trang web này ra đời. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một chốn vui vẻ (hay ít nhất là cũng để tranh cãi trong vui vẻ) cho những người thỉnh thoảng ghé chơi. Và nó quả đúng là một chốn vui vẻ! Phong cách viết blog của chúng tôi có khuynh hướng xuề xòa, cá nhân và ngoan cố hơn so với cách chúng tôi viết sách; chúng tôi có thể thả lửng một câu hỏi hoặc đưa ra một câu trả lời chắc nịch. Chúng tôi viết những điều mà mình mới nghĩ được nửa chừng, rồi sau đó hối hận. Chúng tôi viết cả những điều chúng tôi đã nghĩ đi nghĩ lại, nhưng rồi sau đó vẫn hối hận. Thế nhưng, trên tất cả, viết blog cho chúng tôi một lý do chính đáng để tiếp tục giữ nguyên sự tò mò và cởi mở của mình với thế giới xung quanh. Không giống như bài viết đầu tiên, phần lớn các bài blog sau này đều được viết bởi một trong hai người, chứ không phải được cả hai chung tay viết như khi chúng tôi viết sách. Đôi khi chúng tôi mời bạn bè (và thậm chí cả đối thủ) viết bài, đôi khi lại tổ chức các “quorum” – diễn đàn hỏi đáp (đề nghị một nhóm người thuộc hàng tinh anh trả lời một câu hỏi khó) và các màn hỏi đáp Q&A. Trong suốt nhiều năm, tờ New York Times đã đăng các bài viết trên blog này, nhờ thế blog cũng có một nơi chốn đàng hoàng dù không được bảo đảm cho lắm. Nhưng rồi cuối cùng tòa soạn Times cũng hiểu ra và cho chúng tôi tách ra làm riêng. Một lần nữa chúng tôi lại một thân một mình. Suốt những năm qua, chúng tôi thường băn khoăn tự hỏi tại sao mình lại tiếp tục viết blog. Chẳng có một câu trả lời rõ ràng nào. Blog này không mang lại tiền cho chúng tôi; chẳng có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy nó giúp các cuốn sách của chúng tôi bán chạy hơn. Rất có thể nó còn ăn cả vào doanh số nữa, vì ngày nào chúng tôi cũng đăng không bài viết của mình. Nhưng dần dà, chúng tôi nhận ra tại sao mình lại tiếp tục làm việc này: độc giả của chúng tôi thích đọc blog và chúng tôi yêu quý độc giả của mình. Sự hiếu kỳ, khôn khéo và đặc biệt tếu táo của họ khiến chúng tôi tiếp tục viết blog, ở những trang tiếp sau đây bạn sẽ thấy vô số bằng chứng cho tinh thần này. Thỉnh thoảng có độc giả lại gợi ý chúng tôi nên in blog này thành sách. Ban đầu chúng tôi thấy đó là một ý kiến siêu ngớ ngẩn − cho đến một ngày cách đây không lâu, nó đột nhiên không còn có vẻ ngớ ngẩn nữa. Điều gì đã thay đổi? Dubner cho nhóc nhà anh đi trại hè ở Maine. Giữa chốn đồng không mông quạnh, hai bố con bắt gặp một nhà máy nước đóng chai rất lớn ở Poland Spring. Bản thân là người lớn lên giữa chốn hoang vu, Dubner luôn thấy thật lạ làm sao khi có quá nhiều người chịu bỏ kha khá tiền cho một chai nước. Tuy nhiên, họ đã làm vậy, với số tiền bỏ ra khoảng 100 tỷ đô-la một năm. Và đột nhiên một cuốn sách về các bài viết trên blog không còn có vẻ gì quá ngớ ngẩn nữa. Vậy là theo truyền thống của Poland Spring, Evian và các thiên tài khác của ngành sản xuất nước đóng chai, chúng tôi quyết định đóng chai một thứ có sẵn miễn phí và tính tiền các bạn món đó. Công bằng mà nói, chúng tôi thật sự lâm vào cảnh khốn đốn khi phải đọc toàn bộ blog và lọc ra những nội dung khá nhất (thật mừng khi thấy trong số 8 nghìn bài viết hầu hết là làng nhàng, chúng tôi quả thật cũng có được một vài bài viết tốt). Chúng tôi đã biên tập và cập nhật thêm nội dung cho các bài viết, sắp xếp chúng thành các chương để nội dung cuốn sách hợp lý hơn. Chẳng hạn, Chương 1, Chúng tôi chỉ đang cố giúp thôi mà, bàn đến việc xóa bỏ hình thức biên chế trong môi trường học thuật, những hình thái thay thế cho hình thái dân chủ và làm sao để suy nghĩ như một tên khủng bố. Chương 8, Khi đã là dân Jet, chỉ ra rằng một khi ta bắt đầu suy nghĩ như một nhà kinh tế, sẽ rất khó để bỏ lối suy nghĩ đó đi − bất kể chủ đề là sữa công thức cho trẻ em, những bộ phim hoạt hình hay món thịt gà ôi thiu. Suốt nhiều năm, chúng tôi đã có được cảm giác vui sướng vô hạn khi đưa những suy nghĩ xỏ xiên của mình thành bài viết. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ thích thú khi ghé mắt nhìn vào đầu óc chúng tôi để thấy sẽ thế nào nếu nhìn thế giới qua cặp kính mang màu Kinh tế học hài hước. CHƯƠNG 1. CHÚNG TÔI CHỈ ĐANG CỐ GIÚP THÔI MÀ! Một số - mà thực ra gần như tất cả - những ý tưởng hay nhất trong lịch sử thoạt nghe đều có vẻ điên rồ. Nói vậy chứ nhiều ý tưởng nghe có vẻ điên rồ lại đúng là điên rồ thật. Nhưng làm sao ta phát hiện ra được? Một trong những điều tuyệt vời nhất của blog là ta có một chỗ để thử nghiệm những ý tưởng điên rồ nhất của mình và chờ xem chúng bị hạ bệ chóng vánh thế nào. Trong tất cả những bài blog mà chúng tôi đã viết, bài đầu tiên của chương này là bài viết nhận được những phản hồi nhanh nhất, lớn tiếng nhất, giận dữ nhất. NẾU LÀ KHỦNG BỐ, BẠN SẼ TẤN CÔNG THẾ NÀO? (SDL(2)). Cơ quan An ninh Vận tải Hoa Kỳ (Transportation Security Administration – TSA) mới ra thông báo cho biết: lệnh cấm đối với hầu hết những món đồ không được mang theo hành lý xách tay lên máy bay sẽ vẫn có hiệu lực, riêng lệnh cấm mang hộp quẹt thì được dỡ bỏ. Trong khi chuyện cấm mọi người mang kem đánh răng, chất khử mùi hay nước suối qua cửa an ninh nghe có vẻ điên rồ, thì việc cấm mang hộp quẹt nghe chẳng có gì kỳ cục lắm. Tôi băn khoăn liệu các nhà sản xuất hộp quẹt có vận động hành lang ủng hộ hay phản đối sự thay đổi quy định này hay không. Một mặt, việc tịch thu 22 nghìn hộp quẹt một ngày có vẻ sẽ mang lại món lợi béo bở cho công việc kinh doanh; mặt khác, có lẽ sẽ chẳng còn mấy người mua bật lửa nếu họ không thể cầm theo nó đi đâu. Khi nghe các quy định này, tôi đã nghĩ đến những việc mình sẽ làm nếu muốn người dân sợ chết khiếp trong trường hợp tôi là một kẻ khủng bố có nguồn lực ít ỏi. Tôi sẽ nghĩ đến những điều thật sự có thể làm nỗi sợ hãi lan rộng. Một trong những điều khiến mọi người sợ là cái ý nghĩ họ có thể là nạn nhân của một cuộc tấn công. Với suy nghĩ này, tôi muốn làm một việc mà ai cũng nghĩ là có thể nhắm vào họ, ngay cả nếu xác suất thiệt hại cho từng cá nhân là rất thấp. Người ta thường đánh giá thái quá những chuyện có xác suất cực nhỏ, bởi vậy nỗi sợ hãi do hành động khủng bố tạo ra thường quá lớn so với rủi ro thật sự. Ngoài ra, tôi cũng muốn tạo ra cảm giác rằng có một quân đoàn khủng bố tồn tại; tôi sẽ tạo ra cảm giác này bằng cách thực hiện cùng lúc một loạt các vụ tấn công, rồi ngay sau đó giã thêm những đợt khác. Thứ ba, trừ phi những kẻ khủng bố nhất quyết tiến hành các sứ mệnh tự sát (tôi không hình dung nổi bọn họ sẽ làm thế), nếu không thì việc lên một kế hoạch sao cho những tay khủng bố dưới trướng bạn không phải bỏ mạng hay bị bắt trong lúc làm nhiệm vụ mới là tối ưu. Thứ tư, tôi cho rằng nỗ lực ngăn chặn hoạt động thương mại là hợp lý, bởi những đợt khủng hoảng kinh tế khiến mọi người có thêm thời gian suy nghĩ xem họ sợ hãi ra sao. Thứ năm, nếu bạn thật sự muốn làm nước Mỹ phải khốn đốn, thì hành động đó phải thúc đẩy Chính phủ Mỹ thông qua một loạt những điều luật tốn kém và vẫn giữ nguyên hiệu lực kể cả sau khi chúng đã thực hiện được mục đích của mình một thời gian dài. Nhìn chung, quan điểm của tôi là càng đơn giản càng tốt. Tôi đoán suy nghĩ này cũng đúng với khủng bố. Theo tinh thần đó, kế hoạch khủng bố tốt nhất mà tôi biết là kế hoạch mà cha tôi đã nghĩ ra sau khi những tay bắn tỉa D.C. tàn phá khắp một vùng hồi năm 2002. Ý tưởng cơ bản ở đây là trang bị cho 20 tay khủng bố xe và súng trường, rồi sắp xếp cho bọn chúng xả súng ngẫu nhiên vào những thời điểm đã định trên khắp cả nước – những thành phố lớn nhỏ, những khu ngoại ô... Bắt chúng di chuyển thật nhiều. Không ai biết vụ tấn công tiếp theo sẽ xảy ra khi nào và ở đâu. Mọi thứ sẽ hỗn loạn đến khó tưởng tượng nổi, đặc biệt khi xét đến nguồn lực ít ỏi đòi hỏi ở những tay khủng bố. Những tay này cũng cực kỳ khó tóm. Tất nhiên, tổn thất sẽ không khủng khiếp bằng việc đánh bom hạt nhân thành phố New York, song chắc chắn việc tìm một đống súng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc sở hữu một món vũ khí hạt nhân. Tôi chắc chắn nhiều độc giả còn có những ý tưởng hay hơn thế. Nếu được, tôi rất muốn nghe ý tưởng của các bạn. Các bạn hãy coi việc đăng chúng lên blog này là một dạng dịch vụ công ích. Tôi đoán những người phản đối và chiến đấu chống khủng bố sẽ đọc blog này nhiều hơn là những tay khủng bố thật sự. Vì vậy, việc công bố những ý tưởng này sẽ cho những người chiến đấu chống nạn khủng bố có cơ hội xem xét và lên kế hoạch cho các kịch bản trước khi chúng xảy ra. Bài viết này được đăng vào ngày 8/8/2007, ngày blog Freakonomics bắt đầu có một vị trí trên New York Times. Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Observer, người ta đã đề nghị Dubner giải thích tại sao Freakonomics lại là blog bên ngoài đầu tiên được New York Times quyết định đăng tải. Câu trả lời của anh hé lộ một chi tiết: anh từng làm việc ở tờ báo này và anh biết rõ những chuẩn mực cũng như quy định ở đây: “Họ biết tôi không đăng mấy thứ vớ vẩn trên blog.” Thế nhưng hóa ra đối với mọi người, bài viết kêu gọi ý tưởng tấn công khủng bố của Levitt lại đúng là vớ vẩn. Nó thu hút được nhiều phản hồi gay gắt đến độ New York Times phải đóng mục bình luận sau khi nhận được vài trăm bình luận. Đây là một bình luận điển hình: “Anh đùa tôi đấy à? Ý tưởng cho bọn khủng bố á? Anh tưởng thế này hay lắm đấy à? Anh đúng là một thằng đần.” Chuyện này khiến Levitt quyết định thử lại lần nữa vào ngày hôm sau. KHỦNG BỐ, PHẦN II (SDL). Ngày đầu tiên blog của chúng tôi xuất hiện trên New York Times, tôi đã viết một bài, và bài viết này đã dẫn đến email thù địch nhất mà tôi nhận được kể từ khi câu chuyện về tội ác nạo thai xuất hiện lần đầu cách đây gần chục năm. Những người viết thư cho tôi không hiểu tôi là một gã đần, một kẻ phản quốc hay cả hai. Vậy nên, hãy để tôi thử lại lần nữa. Nhiều phản ứng giận dữ khiến tôi băn khoăn người Mỹ bình thường nghĩ những tay khủng bố ngồi làm gì cả ngày. Tôi đoán [câu trả lời của mọi người] là bọn họ vạch ý tưởng cho các âm mưu khủng bố. Và bạn phải tin rằng sau các vụ bắn tỉa ở Washington, D.C., những kẻ khủng bố phải đần độn lắm mới chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện có lẽ âm mưu bắn tỉa không phải là ý kiến tồi. Vấn đề ở đây là: Có hằng hà sa số những chiến lược đơn giản đến không ngờ mà những tay khủng bố có thể thoải mái sử dụng. Nội việc đã sáu năm kể từ vụ tấn công khủng bố lớn gần đây nhất diễn ra ở Mỹ cho thấy những kẻ khủng bố rất kém cỏi, hoặc có thể mục đích của chúng không hẳn là khủng bố (một yếu tố riêng tác động đến thực tế này là những nỗ lực ngăn ngừa của chính phủ và lực lượng hành pháp; tôi sẽ đề cập đến vấn đề này sau). Nhiều email giận dữ mà tôi nhận được đòi tôi phải viết một bài giải thích làm sao chúng ta có thể ngăn chặn những kẻ khủng bố. Nhưng câu trả lời rõ ràng ở đây sẽ làm mọi người thất vọng: nếu những kẻ khủng bố muốn thực hiện kiểu khủng bố công nghệ thấp, chúng ta chỉ có nước bất lực ngồi nhìn. Đó là tình huống ở Iraq hiện nay và ở mức độ tương tự là Israel. Nó cũng ít nhiều là tình huống xảy ra với quân đội Cộng hòa Ireland cách đây không lâu. Vậy chúng ta có thể làm gì? Giống như người Anh và người Israel, nếu phải đối mặt với tình huống này, người Mỹ sẽ tìm ra cách sống chung với nó. Chi phí thật sự cho kiểu khủng bố này xét về nhân mạng mà nói tương đối nhỏ so với các nguyên nhân gây tử vong như tai nạn giao thông, đau tim, giết người và tự sát. Cái gây ra chi phí thực tế chính là nỗi sợ. Cũng như người dân ở các nước xảy ra tình trạng lạm phát cấp tính nhanh chóng học được cách sống chung với lũ, điều tương tự cũng xảy ra với nạn khủng bố. Rủi ro thật sự của nguy cơ thiệt mạng vì một cuộc tấn công khi đi xe buýt ở Israel cực thấp, vì vậy, như Gary Becker và Yona Rubinstein(3) đã chỉ ra, dân đi xe buýt “thành nghề” ở Israel không phản ứng gì nhiều trước nguy cơ xảy ra các vụ đánh bom. Tương tự, lương tài xế xe buýt ở Israel cũng chẳng tăng được thêm là bao. Trên hết, tôi cho rằng có vài việc hứa hẹn hơn mà chúng ta có thể làm. Nếu mối đe dọa xuất phát từ nước khác, chúng ta có thể sàng lọc cẩn thận những đối tượng nguy hiểm, không cho họ nhập cảnh vào đất nước. Đó là chuyện nhãn tiền mà ai cũng thấy. Chúng ta cũng có thể theo dõi tốt những rủi ro tiềm tàng sau khi những đối tượng này đặt chân vào, dù có lẽ hiệu quả của việc này kém rõ ràng hơn một chút. Chẳng hạn, nếu có kẻ nhập cảnh với tấm thị thực dành cho học sinh - sinh viên và không đăng ký nhập học, kẻ đó rất nên được giám sát chặt chẽ. Một lựa chọn khác là phương án mà người Anh đã sử dụng: lắp camera ở khắp nơi. Đây là việc rất phản tinh thần Mỹ, nên có thể nó sẽ chẳng bao giờ được áp dụng ở đây. Vả lại, tôi cũng không chắc liệu đây có phải là một cách đầu tư hiệu quả. Tuy vậy, các vụ tấn công khủng bố gần đây ở Anh cho thấy những chiếc camera này ít nhất cũng tỏ ra hữu dụng trong việc nhận diện thủ phạm sau khi sự đã rồi. Theo công trình của Robert Pape, một đồng nghiệp của tôi ở Đại học Chicago, yếu tố dự báo hành động khủng bố mạnh mẽ nhất là sự chiếm đóng lãnh thổ của một nhóm người. Từ góc nhìn này, việc đưa lính Mỹ vào Iraq có thể không giúp giảm nguy cơ khủng bố − mặc dù nó có thể phục vụ các mục đích khác. Dẫu vậy, cuối cùng tôi thấy rằng có hai cách có thể diễn giải cho tình huống hiện tại của chúng ta với khủng bố. Một là, lý do chính cho việc hiện chúng ta không bị khủng bố là vì các nỗ lực chống khủng bố của chính phủ đã thành công. Cách diễn giải kia thì cho rằng nguy cơ khủng bố không cao như thế và chúng ta đã chi tiêu thái quá cho cuộc chiến chống lại nó, hay chí ít cho cái có vẻ như là cuộc chiến chống nó. Đối với hầu hết các quan chức chính phủ, áp lực phải tỏ ra như thể mình đang cố chặn đứng khủng bố sẽ lớn hơn nhiều so với áp lực phải thực sự ngăn chặn nạn này. Chẳng ai có thể buộc tội giám đốc Cơ quan An ninh Vận tải Hoa Kỳ (Transportation Security Administration − TSA) nếu một chiếc máy bay bị một đầu đạn tên lửa bắn hạ, nhưng ông ta sẽ gặp rắc rối lớn nếu một tuýp thuốc đánh răng chứa chất nổ hạ gục chiếc máy bay. Do đó, chúng ta dồn thêm nhiều nỗ lực vào tuýp thuốc đánh răng dù rất có thể nó là mối đe dọa kém quan trọng hơn nhiều. Tương tự như vậy, một nhân viên CIA sẽ chẳng gặp rắc rối gì nếu một cuộc tấn công khủng bố xảy ra; anh ta/chị ta sẽ chỉ gặp rắc rối nếu không có báo cáo bằng văn bản liệt kê chi tiết khả năng xảy ra một cuộc tấn công như vậy, một báo cáo mà đáng lẽ sẽ được người khác theo dõi, nhưng họ lại chẳng bao giờ làm thế vì có quá nhiều báo cáo kiểu vậy. Tôi đoán, kịch bản thứ hai − nguy cơ khủng bố không lớn đến vậy − là kịch bản có khả năng cao hơn cả. Và điều này, bạn cứ ngẫm mà xem, chính là cái nhìn lạc quan về thế giới. Dù vậy, nó có lẽ sẽ vẫn khiến tôi trở thành một gã đần, một kẻ phản quốc hoặc cả hai. “CUỘC CHIẾN CHỐNG GIAN LẬN THUẾ” THÌ THẾ NÀO NHỈ? (SJD). David Cay Johnston, cây viết khá giỏi về chính sách thuế của Mỹ và các vấn đề kinh doanh khác cho tờ New York Times, cho biết Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (Internal Revenue Service – IRS) đang khoán ngoài việc truy thu các khoản thuế quá hạn cho bên thứ ba, tức các hãng dịch vụ thu thuế. “Trong 10 năm tới, chương trình thu nợ tư được kỳ vọng sẽ mang về 1,4 tỷ đô-la,” anh viết, “trong đó, các hãng thu thuế giữ lại khoảng 330 triệu đô-la, tương đương với khoảng 22 đến 24 xu trên mỗi đô-la thuế.” Con số này trông như một khoản chia quá lớn đến độ phải bỏ đi thì thật không đành lòng. Và cũng có thể mọi người sẽ lo chuyện các hãng thu thuế có thể tiếp cận hồ sơ tài chính của mình. Tuy vậy, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là IRS biết ai nợ tiền và biết phải tìm số tiền đó ở đâu, nhưng vì thiếu nhân lực nên không thể tiến hành truy thu. Bởi thế, cơ quan này phải thuê người khác làm việc này với một cái giá khá chát. IRS thừa nhận việc thu thuế theo kiểu khoán ngoài này đắt hơn nhiều so với thu thuế nội bộ. Cựu ủy viên Charles O. Rossotti từng phát biểu trước Quốc hội rằng nếu IRS tuyển thêm nhân viên, cơ quan này “có thể thu thêm 9 tỷ đô-la mỗi năm và chỉ phải bỏ ra 296 triệu đô-la − tức khoảng 3 xu trên mỗi đồng − để làm việc này”, Johnston viết. Ngay cả nếu Rossotti phóng đại con số lên năm lần, chính phủ sẽ vẫn có được thỏa thuận ngon ăn hơn nhiều khi tuyển thêm nhân viên thuế vụ, thay vì khoán cho một bên thứ ba với mức chia 22%. Thế nhưng Quốc hội, cơ quan giám sát ngân sách của IRS, nổi tiếng là miễn cưỡng với đề xuất cho cơ quan này thêm nguồn lực thực hiện phần việc của mình. Chúng tôi đã nhắc đến chủ đề này trong mục riêng của mình trên Times: Nhiệm vụ chính của bất kỳ ủy viên IRS nào là… xin Quốc hội và Nhà Trắng tăng thêm nguồn lực. So với sức hấp dẫn rõ ràng của việc yêu cầu IRS thu tất cả những đồng thuế mà người dân nợ chính phủ, việc ủng hộ một IRS vững mạnh hơn rõ ràng kém hấp dẫn hơn hẳn với hầu hết các chính trị gia. Michael Dukakis đã thử điều này trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1988 và, nói sao nhỉ, nó chẳng hiệu quả gì cả. Bị bỏ lại một mình với nhiệm vụ áp dụng một bộ quy định thuế chẳng ai ưa lên một nhóm công chúng biết rằng mình có thể khai gian tùy ý, IRS đã cố hết sức nhưng không đạt được kết quả cụ thể nào. Tại sao Quốc hội lại hành động như vậy? Có thể các nghị sĩ của chúng ta toàn là những người yêu lịch sử, khắc sâu tinh thần của nền cộng hòa đến độ nhớ quá rõ sự kiện Tiệc trà Boston(4) và lo sợ quần chúng nhân dân có thể nổi lên làm cách mạng nếu chính phủ ồ ạt thu thuế. Hãy lưu ý, ở đây chúng ta đang nói về việc thu thuế − nhiệm vụ của IRS, chứ không phải luật thuế − trách nhiệm của Quốc hội. Nói cách khác, Quốc hội vui vẻ đặt ra mức thuế, nhưng lại không muốn bị coi là thả lỏng thái quá cho những tay cớm xấu phải ra ngoài và thu những đồng thuế này. Vậy nên, có thể chính phủ cần đổi tên cho nỗ lực truy thu toàn bộ chỗ tiền thuế mà người dân đang nợ. Vì Quốc hội đã phê chuẩn những khoản ngân sách khủng cho Cuộc chiến chống khủng bố và Cuộc chiến chống ma túy, nên có thể giờ là lúc nên phát động một Cuộc chiến thuế − hay đúng hơn là một Cuộc chiến chống gian lận thuế. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ chỉ ra được gian lận thuế là một con quỷ cần phải tiêu diệt, nhấn mạnh rằng “khoảng cách thuế” (con số chênh lệch giữa số tiền thuế còn tồn đọng và số tiền thuế thu được) xấp xỉ bằng thâm hụt liên bang: Khi đó việc cho IRS thêm nguồn lực để truy thu thuế có khả thi hơn về mặt chính trị không? Họ có thể dán ảnh những kẻ gian lận thuế lên hộp sữa, tờ rơi ở bưu điện, hay thậm chí đưa lên chương trình truy nã America’s most wanted. Liệu chiêu này có phát huy tác dụng? Liệu một Cuộc chiến chống gian lận thuế được quản lý tốt có giải quyết được vấn đề? Dù thế nào đi chăng nữa, trước mắt, chúng ta sẽ vẫn phải bằng lòng để IRS giao nhiệm vụ thu thuế cho các hãng dịch vụ. Các hãng này sẽ giữ lại một phần, nhưng số tiền đó còn xa mới bằng số tiền thuế nợ. Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều tiền − tiền thuế thu được từ những người không gian lận − sẽ tiếp tục bị bòn rút. NẾU CÁC THƯ VIỆN CÔNG CỘNG KHÔNG TỒN TẠI, BẠN CÓ THỂ MỞ MỘT THƯ VIỆN NGAY HÔM NAY KHÔNG? (SJD). Ai ghét thư viện, xin giơ tay. Vâng, tôi chỉ nói vậy thôi. Ai có thể ghét thư viện chứ? Đây là một gợi ý: các nhà xuất bản sách. Có lẽ tôi sai, nhưng nếu bạn quan tâm đến sách vở, bạn sẽ hiểu tôi nói gì. Gần đây, tôi có ăn trưa cùng một vài người trong giới xuất bản. Trong số họ có người vừa mới dự hội nghị thủ thư toàn quốc, nhiệm vụ của chị là làm sao bán các dòng sách của mình cho càng nhiều thủ thư càng tốt. Chị cho biết có chừng 20 nghìn thủ thư tham dự và tiết lộ thêm chị đã thuyết phục được một hệ thống thư viện lớn, như thư viện Chicago hoặc thư viện New York, mua một đầu sách, điều này đồng nghĩa với việc chị có thể sẽ bán được cỡ vài trăm cuốn, bởi một số nhánh thư viện thường mua nhiều cuốn cho mỗi đầu. Nghe rất tuyệt đúng không? Chà… chưa chắc. Giới viết lách thường truyền tai nhau một câu chuyện dở khóc dở cười. Tại buổi ký tặng sách, một người đến trước mặt tác giả hồ hởi nói: “Ôi, tôi thích sách của anh lắm, tôi đọc nó ở thư viện, rồi sau đó đã bảo tất cả bạn bè đến đó đọc!” Và tác giả nghĩ trong đầu: “Quý hóa quá, sao anh không mua lấy một cuốn đi?” Thư viện đã mua, tất nhiên. Nhưng giả sử, trong vòng đời của cuốn sách đó, có 50 người sẽ đọc nó. Nếu thư viện không có cuốn sách ấy, chắc chắn không phải tất cả 50 người kia đều chạy ra hiệu sách mua nó. Nhưng hãy hình dung chỉ năm người mua thôi. Như vậy là tác giả và nhà xuất bản đã mất không doanh thu từ bốn cuốn. Tất nhiên, ta cũng có thể nhìn sự việc theo cách khác. Bạn có thể lý luận rằng, ngoài những cuốn thư viện đã mua, về lâu dài mà nói, thư viện có thể đẩy tổng doanh thu của cuốn sách tăng lên theo ít nhất là mấy kênh sau: 1. Thư viện giúp đào tạo những người trẻ trở thành người thích đọc sách; khi lứa độc giả này lớn lên, họ sẽ mua sách. 2. Thư viện giúp các độc giả tiếp xúc với tác phẩm của những tác giả mà nếu không có thư viện, họ sẽ chẳng bao giờ đọc đến; sau đó độc giả có thể mua những tác phẩm khác của tác giả này, hoặc thậm chí mua chính tác phẩm đó cho bộ sưu tập của mình. 3. Các thư viện giúp nuôi dưỡng văn hóa đọc nói chung; nếu thiếu chúng sẽ chẳng có mấy cuộc thảo luận, phê bình và bàn luận về sách, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ sụt giảm doanh số bán sách. Dù vậy, đây là điểm mà tôi muốn bàn tới: nếu bây giờ không có cái gọi là thư viện công cộng và không có những nhân vật như Bill Gates đề xuất mở thư viện ở các thành phố và thị tứ trên khắp nước Mỹ (giống như Andrew Carnegie từng làm), chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi đoán đó sẽ là một đòn đáp trả mạnh mẽ của các nhà xuất bản sách. Với tình trạng hiện thời của cuộc tranh luận về tài sản trí tuệ, bạn có thể hình dung ra các nhà xuất bản hiện đại sẵn lòng bán một bản in, rồi để chủ sở hữu bản in đó cho một số lượng không giới hạn người lạ mượn nó không? Tôi cho là không. Có lẽ họ sẽ đưa ra một thỏa thuận cấp phép: cuốn sách nếu mua thì có giá 20 đô-la, cộng thêm 2 đô-la mỗi năm cho những năm tiếp theo. Tôi chắc rằng còn nhiều kiểu sắp xếp tiềm năng khác. Và tôi cũng chắc chắn không kém rằng, giống như nhiều hệ thống phát triển theo thời gian, hệ thống thư viện cũng là hệ thống mà nếu bây giờ được xây dựng mới từ đầu, nó sẽ không hề giống như hiện tại. HÃY BỎ BIÊN CHẾ ĐI THÔI (KỂ CẢ BIÊN CHẾ CỦA TÔI) (SDL). Nếu từng có thời việc xét biên chế cho các giảng viên kinh tế là hợp lý, thì thời đó chắc chắn đã qua. Điều tương tự cũng có thể đúng với các ngành học khác ở trường đại học và thậm chí có thể còn đúng hơn nữa với các giáo viên phổ thông và trung học. Vậy biên chế có vai trò gì? Nó làm méo mó nỗ lực của con người, đẩy họ vào cảnh khi mới khởi đầu sự nghiệp thì có động cơ mạnh mẽ nhưng rồi sau này chỉ còn lại động cơ yếu ớt. Ta có thể hình dung ra một vài mô hình trong đó cấu trúc động cơ này có vẻ hợp lý. Chẳng hạn, một người thường cố gắng học hỏi nhiều thông tin để nâng cao năng lực, nhưng khi người đó đã nắm trong tay kiến thức, kiến thức đó sẽ không bị mai một và nỗ lực chẳng còn là yếu tố quan trọng. Mô hình này có thể là mô tả chính xác cho việc học đi xe đạp, nhưng sẽ là một mô hình tồi tệ trong học thuật. Từ quan điểm xã hội mà nói, việc động cơ của một người trở nên quá yếu ớt sau khi người đó được vào biên chế có vẻ là chuyện tệ hại. Những nhân viên được vào biên chế chẳng làm gì (hoặc chí ít là không làm những việc mà họ được trả lương để làm). Việc đặt ra động cơ mạnh mẽ trước khi có biên chế có lẽ cũng chẳng phải một ý kiến hay bởi ngay cả khi không có biên chế, các giảng viên trẻ vẫn có nhiều lý do để nỗ lực xây dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc. Ý kiến cho rằng chế độ biên chế bảo vệ những học giả đang làm những việc không được ưu ái về mặt chính trị làm tôi thấy thật lố bịch. Mặc dù tôi có thể hình dung ra tình huống xảy ra vấn đề này, song phải cố lắm tôi mới nghĩ ra được những trường hợp thực tế có liên quan. Chế độ biên chế đã hoàn thành tốt việc bảo vệ những học giả “ăn không ngồi rồi” hoặc có chất lượng làm việc kém, nhưng trong kinh tế liệu có thứ gì chất lượng cao mà lại gây tranh cãi tới độ sẽ đẩy một học giả tới chỗ bị sa thải? Vả lại, nói cho cùng, đó chính là mục đích tồn tại của thị trường. Nếu một tổ chức sa thải một học giả với lý do chủ yếu vì họ không thích cách tiếp cận hay hoạt động chính trị của người đó, thì sẽ có những trường khác muốn tuyển học giả đó về. Chẳng hạn, những năm trở lại đây trong ngành kinh tế, có nhiều trường hợp các nhà nghiên cứu tự tạo dữ liệu, biển thủ công quỹ... nhưng sau đó vẫn tìm được những công việc ngon ăn. Một lợi ích ngầm khác của chế độ biên chế là nó đóng vai trò như một công cụ cam kết để các trường và các viện sa thải những người làng nhàng. Chi phí không sa thải những người trong biên chế sẽ cao hơn so với sa thải nhân viên không có biên chế. Hãy hình dung một nơi mà bạn quan tâm đến hiệu quả hoạt động, ví dụ như một đội bóng chuyên nghiệp hay một hãng giao dịch tiền tệ. Ở những ngành này, bạn chẳng nghĩ đến việc cho ai vào biên chế. Vậy tại sao chúng ta lại làm vậy trong môi trường học thuật? Kịch bản hay nhất sẽ là khi tất cả các trường có thể phối hợp gỡ bỏ đồng thời chế độ biên chế. Có thể các trường và các viện sẽ cho những người làm việc yếu kém kia 1-2 năm để chứng minh họ xứng đáng có một suất trong đội ngũ giảng dạy trước khi sa thải họ. Sẽ có những người không làm việc hoặc làm việc không hiệu quả phải nghỉ việc hoặc bị thải hồi. Những nhà kinh tế còn lại của thời biên chế sẽ bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn. Tôi cũng đoán rằng lương bổng và tính lưu động của công việc sẽ không thay đổi nhiều. Nếu tất cả các trường không đồng lòng chấm dứt chế độ biên chế, chuyện gì sẽ xảy ra khi chỉ có một trường quyết định đơn phương gỡ bỏ biên chế? Như tôi thấy thì có vẻ như trường đó sẽ chẳng hề hấn gì. Trường đó hẳn sẽ phải trả thêm lương cho đội ngũ cán bộ giảng dạy để họ ở lại khi không có chính sách bảo đảm dưới dạng biên chế. Dù vậy, một điểm quan trọng là giá trị của biên chế tỷ lệ nghịch với hiệu quả công việc. Nếu trình độ của bạn vượt xa mức chuẩn, bạn gần như chẳng gặp phải rủi ro nào nếu chế độ biên chế bị xóa bỏ. Do đó, những người thật sự giỏi sẽ đòi tăng lương chút ít để bù cho việc không có biên chế, trong khi những người làm việc kém năng suất sẽ cần nỗ lực hơn nhiều mới có thể tiếp tục ở lại khoa khi biên chế không còn. Cách này đặc biệt hiệu quả đối với trường đại học vì tất cả những người có năng lực kém cỏi đều phải ra đi, những người giỏi giang sẽ ở lại và những người giỏi giang từ các tổ chức khác sẽ muốn gia nhập đội ngũ ở đây để được hưởng mức lương cao hơn ở ngôi trường không biên chế. Nếu Đại học C báo với tôi họ sẽ xóa biên chế của tôi nhưng tăng thêm 15.000 đô-la tiền lương, tôi sẽ sẵn lòng chấp nhận thỏa thuận này. Và tôi chắc chắn nhiều người khác cũng vậy. Bằng cách loại bỏ một thành viên không năng suất trong đội ngũ giảng viên theo biên chế trước kia, trường đại học có thể bù lương cho mười giảng viên khác với khoản tiền tiết kiệm được. TẠI SAO TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG KHÔNG ĐƯỢC BOA? (SJD). Hãy thử nghĩ đến tất cả những người làm dịch vụ thường được boa tiền: người xách hành lý ở khách sạn, tài xế taxi, người phục vụ bàn, những người đóng gói hành lý ở sân bay và đôi khi cả những nhân viên đứng quầy pha chế ở Starbucks. Nhưng tiếp viên hàng không lại là một ngoại lệ. Tại sao lại thế? Có thể do mọi người nghĩ rằng lương của các tiếp viên hàng không đã khá cao và họ chẳng cần tiền boa. Có thể do mọi người cho rằng họ cũng là một dạng nhân viên làm công ăn lương nào đó và dù sao thì cũng không nên nhận tiền boa. Cũng có thể có quy định về việc họ không được nhận tiền boa. Hoặc có thể đó là do vào cái thời khi hầu hết các tiếp viên hàng không là nữ và hầu hết các hành khách là nam, cùng với cái tiếng có phần bí hiểm (hoặc có thể hoang đường) về những doanh nhân đa tình và những tiếp viên hồ ly tinh, nên việc trao tiền cuối chuyến bay có thể làm dấy lên sự nghi ngờ về việc nữ tiếp viên đó đã làm gì để xứng đáng được boa. Tuy vậy, tôi vẫn luôn lấy làm lạ về ngoại lệ này. Đặc biệt khi các tiếp viên hàng không phải vất vả phục vụ không biết bao nhiêu người, chạy đi chạy lại tiếp nước, đưa chăn, gối, tai nghe... Tôi biết hầu hết mọi người đều chẳng mấy hài lòng với việc đi máy bay hiện nay và tôi biết thỉnh thoảng cũng có những tiếp viên chẳng mấy thân thiện, nhưng từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy hầu hết các tiếp viên đều làm tốt công việc của họ dù hoàn cảnh khó khăn. Điều này không có nghĩa là tôi ủng hộ tăng thêm một kiểu lao động được nhận tiền boa. Nhưng vì gần đây tôi bay khá thường xuyên và thấy các tiếp viên hàng không vất vả ra sao, nên tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy họ không được boa. Chí ít là tôi chưa bao giờ thấy ai boa cho tiếp viên hàng không. Và khi tôi hỏi các tiếp viên hàng không trên năm chuyến bay gần đây nhất về việc được nhận tiền boa, họ đều trả lời là chưa bao giờ. Phản ứng của họ trước câu hỏi của tôi đi từ chỗ giễu cợt, thách thức đến hy vọng. Thế nên, tôi nghĩ trên chuyến bay về nhà ngày hôm nay, mình sẽ để lại tiền boa thay vì hỏi câu hỏi này và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Cập nhật: Tôi đã thử và thất bại. “Tiếp viên hàng không không phải là bồi bàn”, tôi đã được bảo như vậy. Họ từ chối quyết liệt đến nỗi tôi thấy mình thật chẳng ra sao vì đã cố dúi tiền vào tay người phụ nữ ấy. TẠI SAO KHÔI PHỤC CHẾ ĐỘ QUÂN DỊCH LẠI LÀ Ý TƯỞNG TỆ HẠI (SDL). Một bài viết rất dài trên tạp chí Time có tựa đề: “Khôi phục chế độ quân dịch: Không phải liều thuốc trị bách bệnh”. Milton Friedman(5) chắc sẽ phải đội mồ sống dậy nếu nghe được gợi ý khôi phục chế độ quân dịch này. Nếu vấn đề là không có đủ người trẻ tình nguyện đi chiến đấu ở Iraq, thì sẽ có hai giải pháp hợp lý: 1) rút quân khỏi Iraq; 2) trả cho người lính mức lương tương xứng để họ sẵn sàng đăng ký tòng quân. Ý kiến cho rằng chế độ quân dịch là một giải pháp hợp lý đúng là một bước thụt lùi, không còn nghi ngờ gì nữa. Trước hết, chế độ này đưa “nhầm” người vào quân đội − những người chẳng hứng thú với đời sống quân ngũ, không được trang bị tốt cho cuộc sống quân ngũ, hay những người coi trọng việc khác. Từ góc độ kinh tế mà nói, mọi lý do trên đều chính đáng cho việc không muốn vào quân ngũ. (Tôi hiểu là còn có nhiều góc nhìn khác, chẳng hạn ý thức trách nhiệm hay nghĩa vụ với đất nước, nhưng nếu một người cảm thấy theo cách này, nó sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú của người đó đối với đời sống quân ngũ). Thị trường làm rất tốt việc phân công công việc. Thị trường thực hiện việc này thông qua tiền lương. Do đó, những người lính Mỹ nên được trả một mức lương tương xứng để bù đắp cho những rủi ro mà họ phải đón nhận! Quân dịch về cơ bản là một loại thuế nặng, tập trung, áp lên những người phải đi nghĩa vụ quân sự. Theo lý thuyết kinh tế, đây là một cách hoàn thành mục tiêu cực kỳ kém hiệu quả. Những người phê bình có thể viện lý do rằng cử đám trẻ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đi vào chỗ chết ở Iraq vốn dĩ là điều không công bằng. Mặc dù tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng việc có người sinh ra trong giàu có, người khác lại lớn lên trong nghèo khó là chuyện bất công, song với sự tồn tại tình trạng chênh lệch thu nhập ở đất nước này, bạn sẽ phải coi nhẹ khả năng ra quyết định của những người đăng ký tòng quân thì mới có thể nói rằng chế độ quân dịch hợp lý hơn chế độ tình nguyện đăng lính. Các nam nữ quân nhân nhập ngũ đang chọn lựa điều có lợi nhất cho mình trong những tùy chọn đặt ra trước mắt họ. Quân dịch có thể hợp lý khi đóng vai trò như một nỗ lực hạn chế tình trạng bất bình đẳng, nhưng ở một thế giới đầy rẫy sự bất bình đẳng, việc để mọi người chọn lựa con đường của riêng mình sẽ tốt hơn là định cho họ một con đường. Ví dụ hoàn hảo cho điều này là Quân đội Mỹ hiện đang thưởng “nóng” 20 nghìn đô-la cho những ai sẵn sàng lên tàu tham gia khóa huấn luyện cơ bản trong vòng 30 ngày sau khi đăng ký tòng quân (khoản thưởng này có lẽ có liên quan đến việc lần đầu tiên sau một thời gian dài, quân đội đã đạt được mục tiêu tuyển quân tháng). Thậm chí sẽ còn tốt hơn nữa nếu chính phủ buộc phải trả mức lương tương xứng cho những người lính thời chiến − tức là, nếu mức lương thời chiến cũng do thị trường quyết định và người lính có thể chọn giải ngũ bất cứ khi nào họ muốn, như ở hầu hết các công việc khác. Nếu được như thế, chi phí mà chính phủ phải chịu sẽ tăng vọt và phản ánh chính xác chi phí thật của chiến tranh, dẫn tới việc đánh giá đúng hơn liệu lợi ích mà hành động quân sự mang lại có lớn hơn chi phí hay không. Những người phê bình có thể viện lý rằng nếu quân đội có thêm nhiều người da trắng giàu có thì chúng ta sẽ chẳng có mặt ở Iraq. Có lẽ điều này đúng, nhưng nó không tự nhiên đồng nghĩa với việc chế độ quân dịch là một ý tưởng hay. Chế độ quân dịch sẽ khiến việc tiến hành chiến tranh kém hiệu quả hơn nhiều, điều này đáng lẽ đồng nghĩa với việc sẽ có ít cuộc chiến hơn. Nhưng cũng có thể nếu bạn tiến hành chiến tranh hiệu quả, cuộc chiến đó xứng đáng được tiến hành − dù nó không đáng bị tiến hành kém hiệu quả. Xin nói rõ, tôi không nói rằng cuộc chiến cụ thể này nhất thiết đáng tiến hành − chỉ là, về lý thuyết mà nói, điều này có thể đúng mà thôi. Cần nói thêm, hệ thống lính dự bị hiện tại cũng không phải là một ý tưởng hay. Về cơ bản, nó khiến chính phủ phải trả lương quá nhiều cho lính dự bị khi không cần dùng đến họ và trả lương quá thấp trong trường hợp ngược lại. Kiểu bố trí này chuyển tất cả rủi ro từ chính phủ sang lính dự bị. Từ góc độ kinh tế, một kết quả như vậy là không hợp lý bởi các cá nhân không nên hoặc không thích chịu rủi ro. Lý tưởng nhất là ta có một hệ thống trong đó tiền lương cho lính dự bị sẽ thật thấp trong thời bình và đủ cao trong thời chiến, để họ không còn bận tâm đến việc mình có bị gọi tòng quân hay không. ĐỀ XUẤT HỖ TRỢ DỊCH VỤ Y TẾ QUỐC GIA ANH QUỐC THEO KIỂU KINH TẾ HỌC HÀI HƯỚC (SDL). Trong chương đầu tiên của cuốn sách Tư duy như một kẻ lập dị(6), chúng tôi có kể lại cuộc gặp gỡ đáng tiếc giữa Dubner và tôi với David Cameron trước khi ông được bầu làm thủ tướng Anh không lâu (chúng tôi đùa Cameron về việc áp dụng cho giao thông những nguyên tắc mà ông chủ trương áp dụng cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe; ta thật không nên đùa với các vị thủ tướng!). Câu chuyện đó khiến một số người nổi xung, trong số đó có một tay viết blog kinh tế, Noah Smith, đã mắng chúng tôi một trận ra trò và bảo vệ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh quốc (National Health Service – NHS). Trước hết, tôi xin nói tôi chẳng có gì bài bác NHS, nhưng tôi cũng sẽ là người cuối cùng ủng hộ một hệ thống như thế ở Mỹ. Ai đã nghe tôi nói về chương trình ObamaCare(7) sẽ biết tôi không phải là người hâm mộ chương trình này. Chưa bao giờ. Tuy nhiên, chẳng cần cực kỳ thông minh hay cực kỳ mù quáng tin vào thị trường mới nhận ra rằng khi ta không tính phí mọi người thứ gì (bao gồm cả dịch vụ y tế), họ sẽ tiêu dùng quá tay thứ đó. Tôi đảm bảo với bạn rằng nếu những người Mỹ phải bỏ tiền túi ra trả cho mức giá điên rồ theo cách tính phí của các bệnh viện, thì tỷ trọng GDP rót cho dịch vụ y tế sẽ thấp hơn nhiều. Và tất nhiên, điều tương tự cũng đúng ở Anh. Smith kết thúc bài chỉ trích của mình như sau: Nhưng tôi không nghĩ Levitt có mô hình nào ở đây. Cái mà anh ta có là một thông điệp giản đơn (“tất cả các thị trường đều giống nhau”) và một niềm tin mạnh mẽ có từ trước trong thông điệp đó. Chỉ dựa trên những gì được đưa ra trong cuốn Tư duy như một kẻ lập dị, Smith có lẽ không biết rằng chúng tôi quả thật có một mô hình cho NHS. Và thực tế, tôi đã đề xuất mô hình đó với đội ngũ của Cameron sau khi ông rời cuộc họp. Mô hình này cực kỳ đơn giản. Cứ đến ngày 1 tháng 1 hằng năm, chính phủ Anh sẽ gửi một chi phiếu trị giá 1 nghìn bảng cho mọi công dân Anh. Người Anh có thể làm gì tùy thích với số tiền đó, nhưng nếu khôn ngoan, họ có thể để riêng nó ra nhằm trả cho chi phí y tế thực trả của mình. Trong hệ thống của tôi, các cá nhân buộc phải tự chi trả toàn bộ khi chi phí y tế không quá 2 nghìn bảng và 50% khi chi phí nằm trong khoảng 2 nghìn đến 8 nghìn bảng. Chính phủ sẽ trả toàn bộ chi phí vượt ra ngoài con số 8 nghìn bảng một năm. Từ phía một công dân mà nói, kịch bản tốt nhất là họ không phải sử dụng dịch vụ y tế, nhờ thế cuối cùng họ sẽ có 1 nghìn bảng còn dư. Xem nào, có đến hơn một nửa người dân Anh sẽ chi tiêu chưa đến 1 nghìn bảng một năm cho dịch vụ y tế. Trường hợp tệ nhất đối với một cá nhân là khi cá nhân đó phải bỏ ra hơn 8 nghìn bảng cho dịch vụ y tế, như vậy, cá nhân đó sẽ âm 4 nghìn bảng (cá nhân đó phải bỏ ra 5 nghìn bảng cho dịch vụ y tế, nhưng khoản tiền này được trừ đi 1 nghìn bảng mà chính phủ đã phát hồi đầu năm). Nếu quả thực người tiêu dùng nhạy cảm với giá (tức nguyên tắc kinh tế học cơ bản nhất sẽ giữ vai trò chi phối và đường nhu cầu dốc xuống), thì tổng chi tiêu cho dịch vụ y tế sẽ giảm. Trong mô hình mô phỏng mà chúng tôi thực hiện ở Greatest Good, chúng tôi ước tính tổng chi phí cho dịch vụ y tế có thể giảm khoảng 15%. Con số này tương đương với sự sụt giảm gần 20 tỷ bảng Anh. Sự sụt giảm này là nhờ (a) cạnh tranh có thể làm tăng hiệu suất và (b) người tiêu dùng sẽ hạn chế sử dụng những dịch vụ y tế giá trị thấp mà hiện họ đang sử dụng chỉ vì dịch vụ này miễn phí. Mọi người sẽ vẫn được bảo vệ trước những cơn bạo bệnh. Giống như bất kỳ chương trình nào khác của chính phủ, mô hình này cũng sẽ có người được và kẻ mất. Phần lớn người Anh sẽ được lợi hơn trong kịch bản mà tôi đưa ra, nhưng những người cần chi tiêu nhiều cho dịch vụ y tế trong một năm cụ thể sẽ chật vật hơn. Đó là vì hệ thống mà tôi đề xuất chỉ cung cấp bảo hiểm một phần − nhờ đó giữ lại động cơ để người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn thận trọng. Hệ thống y tế khi đó sẽ giống như các lĩnh vực khác của đời sống. Khi TV hỏng, tôi phải mua một chiếc TV mới. Tôi sẽ chật vật hơn một anh chàng có chiếc TV chẳng hề hấn gì. Khi mái nhà tôi cần thay, chi phí thay thế sẽ rất đắt đỏ và tôi sẽ chật vật hơn so với khi mái nhà không cần thay sửa. Chẳng có điều gì vô luân ở đây; đó chỉ là cách thức vận hành thông thường của thế giới này. Chắc chắn, đề xuất đơn giản này có thể cải tiến và sửa đổi thêm. Chẳng hạn, có thể khoản tiền mặt phát cho người cao tuổi vào đầu năm nên cao hơn khoản tiền mặt phát cho người trẻ. Có thể số tiền phát cho người bị bệnh mãn tính nên nhiều hơn... Tôi không biết liệu kiểu kế hoạch này có khả thi về mặt chính trị hay không, nhưng tôi đã thực hiện một dạng bỏ phiếu không chính thức ở khối cử tri Anh Quốc. Mỗi khi đi taxi ở London, tôi đều hỏi anh tài xế xem anh có ủng hộ đề xuất của tôi không. Những người tài xế có thể chỉ lịch sự cho có, nhưng khoảng 75% cho biết họ thích kế hoạch của tôi hơn hệ thống hiện tại. Có lẽ đã đến lúc làm một cuộc tiếp kiến thủ tướng nữa… HÌNH THÁI THAY THẾ CHO DÂN CHỦ? (SDL). Với việc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, có vẻ như tất cả mọi người đều nghĩ đến chuyện chính trị. Không giống như hầu hết mọi người, các nhà kinh tế thường thờ ơ với chuyện bỏ phiếu. Theo cách nhìn của họ, cơ hội phiếu bầu của một cá nhân có tác động đến kết quả của cuộc bầu cử là vô cùng nhỏ, nên chẳng có nghĩa lý gì khi làm vậy. Hơn nữa, có nhiều hệ luận lý thuyết, nổi tiếng nhất là Định lý sự bất khả của mũi tên (Arrow’s impossibility theorem), nhấn mạnh đến tính chất khó khăn của việc thiết kế ra những hệ thống chính trị/cơ chế bỏ phiếu có khả năng kết hợp các lựa chọn ưa thích của khối cử tri một cách đáng tin cậy. Thường thì những khám phá lý thuyết về ưu nhược điểm của hình thái dân chủ kiểu này sẽ chẳng làm tôi hào hứng. Thế nhưng, mùa hè năm ngoái, Glen Weyl, đồng nghiệp của tôi, đã đề cập đến một ý tưởng bằng những lời lẽ đơn giản và duyên dáng đến độ khiến tôi phải kinh ngạc vì trước đó chẳng có ai nghĩ đến nó. Theo cơ chế bỏ phiếu của Glen, tất cả cử tri đi bầu có thể bỏ bao nhiêu phiếu tùy thích. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là bạn sẽ phải trả tiền cho mỗi lần bỏ phiếu và số tiền phải trả là kết quả bình phương của số phiếu mà bạn bầu. Vì vậy, mỗi phiếu mà bạn bầu thêm sẽ có chi phí cao hơn phiếu bầu trước đó. Để tiện cho cuộc tranh luận, xin giả dụ rằng bạn phải trả 1 đô-la cho phiếu bầu đầu tiên. Khi đó, lần bỏ phiếu thứ hai sẽ có giá 4 đô-la. Lần bỏ phiếu thứ ba sẽ có giá 9 đô-la, lần thứ tư là 16 đô-la và cứ thế. Với 100 phiếu bầu, bạn sẽ mất 10 nghìn đô-la. Vậy nên, bất kể bạn thích một ứng viên nhiều đến mức nào, cuối cùng bạn sẽ vẫn chọn một số lần bỏ phiếu hữu hạn. Vậy cơ chế bầu bán này có điểm gì đặc biệt? Mọi người rốt cuộc sẽ bầu theo tỷ lệ tương ứng với mức độ quan tâm của họ đối với kết quả bầu cử. Hệ thống này không chỉ cho thấy bạn ưu ái ứng viên nào hơn mà còn cho thấy xu hướng ưu ái đó mạnh đến thế nào. Theo giả định của Glen, hệ thống này đạt được hiệu quả Pareto – hay nói cách khác, không một thành viên xã hội nào có thể trở nên sung túc hơn mà không làm cho một thành viên khác khốn đốn đi. Lời chỉ trích đầu tiên đối với kiểu cơ chế này có thể là nó thiên vị người giàu. Ở cấp độ nào đó, nó đúng trong mối tương quan với hệ thống hiện tại của chúng ta. Có thể đây không phải là luận điểm được lòng người, nhưng có một điều mà nhà kinh tế có thể đảm bảo, đó là người giàu tiêu dùng mọi thứ nhiều hơn − vậy thì tại sao họ không được tiêu dùng ảnh hưởng chính trị nhiều hơn? Trong hệ thống đóng góp cho chiến dịch tranh cử hiện tại của chúng ta, chẳng có gì phải nghi ngờ về việc người giàu đã sẵn có ảnh hưởng lớn hơn hẳn so với người nghèo. Vì vậy, việc hạn chế chi tiêu cho chiến dịch tranh cử kết hợp với cơ chế bỏ phiếu này có thể còn dân chủ hơn nhiều so với hệ thống hiện tại. Ý tưởng của Glen cũng có thể vấp phải một chỉ trích khác, đó là nó dẫn tới động cơ mạnh mẽ cho việc gian lận thông qua hình thức mua phiếu bầu. Việc mua những phiếu bầu đầu tiên của nhiều công dân không hứng thú với chuyện bầu cử sẽ rẻ hơn nhiều so với việc trả tiền cho phiếu bầu thứ 100 của tôi. Khi chúng ta áp giá trị đồng tiền vào phiếu bầu, có thể mọi người sẽ nhìn phiếu bầu thông qua lăng kính giao dịch tài chính và sẵn sàng mua bán chúng. Việc chúng ta đã tiến hành cơ chế “mỗi người một phiếu bầu” quá lâu, tôi cho rằng khả năng chúng ta nhìn thấy ý tưởng của Glen được áp dụng thực tế trong các cuộc bầu cử chính trị quan trọng là rất thấp. Hai nhà kinh tế học khác, Jacob Goeree và Jingjing Zhang, cũng khám phá ý tưởng tương tự với ý tưởng của Glen và thử nghiệm nó trong môi trường phòng thí nghiệm. Nó không chỉ hiệu quả, mà khi được cho lựa chọn giữa kiểu bỏ phiếu thông thường và hệ thống đặt giá này, những người tham gia thường lựa chọn hệ thống đặt giá. Cơ chế bỏ phiếu này có thể phát huy hiệu quả bất cứ khi nào có nhiều người cố gắng lựa chọn giữa hai phương án thay thế nhau − ví dụ, giữa một nhóm người đang cố quyết định nên đi xem bộ phim nào hay nên đi ăn ở nhà hàng nào, giữa những người sống cùng nhà đang cố quyết định nên mua chiếc TV nào trong hai chiếc TV... Trong những bối cảnh như vậy, số tiền thu được từ những người bỏ phiếu sẽ được chia đều và sau đó được hoàn trả cho những người tham dự. Tôi hy vọng sẽ có vài người trong số các bạn hứng thú áp dụng thử kiểu cơ chế bỏ phiếu này. Nếu bạn thử, tôi rất muốn biết kết quả ra sao! TRẢ THÊM LƯƠNG CHO CHÍNH TRỊ GIA CÓ GIÚP THU HÚT NHỮNG CHÍNH TRỊ GIA GIỎI HƠN KHÔNG? (SJD). Mỗi khi bạn nhìn vào một hệ thống chính trị và thấy nó không đạt yêu cầu, trong đầu bạn sẽ xuất hiện một ý nghĩ khó cưỡng: có lẽ chúng ta có những chính trị gia dưới chuẩn bởi công việc này đơn giản là không hấp dẫn đúng người. Và do đó, nếu mạnh tay tăng lương cho các chính trị gia, chúng ta sẽ thu hút được một lớp chính trị gia giỏi giang hơn. Đây là lý lẽ không được nhiều người ủng hộ vì nhiều lý do, một trong số đó là chính các chính trị gia mới là người phải đi vận động tăng lương cho mình và điều này không khả thi về mặt chính trị (đặc biệt ở những nền kinh tế còn nghèo). Bạn có thể hình dung ra các tít trên báo sẽ được giật thế nào rồi chứ? Nhưng ý tưởng đó hấp dẫn, đúng không? Bằng cách tăng lương cho các quan chức dân bầu và các quan chức khác trong chính phủ, bạn sẽ (a) cho thấy được tầm quan trọng thực sự của công việc; (b) thu hút được mẫu người tài năng, mà nếu không sẽ bước chân vào những lĩnh vực khác, được trả lương hậu hĩnh hơn; (c) cho phép các chính trị gia tập trung hơn vào nhiệm vụ mà họ đang nắm giữ, thay vì phải lo lắng về thu nhập của mình và (d) khiến các chính trị gia có đủ sức chống chịu trước ảnh hưởng của những món lợi tài chính. Một số nước đã áp dụng chính sách trả lương cao cho quan chức chính phủ − chẳng hạn như Singapore. Thông tin trên Wikipedia cho biết: Các bộ trưởng ở Singapore là những chính trị gia được trả lương cao nhất thế giới. Năm 2007, họ được tăng 60% lương, do đó lương của Thủ tướng Lý Hiển Long tăng lên 3,1 triệu đô-la Singapore, cao gấp năm lần mức lương 400 nghìn đô-la Mỹ của Tổng thống Barack Obama. Mặc dù người dân đất nước này lên tiếng phản đối cho rằng mức lương của chính trị gia cao so với quy mô quản lý đất nước, song chính phủ Singapore đưa ra lập trường vững chắc khẳng định mức tăng như vậy là cần thiết để đảm bảo cho chính phủ “hàng đầu thế giới” của Singapore giữ được hiệu quả thông suốt và không xảy ra tình trạng tham nhũng. Mặc dù gần đây Singapore có cắt giảm đáng kể tiền lương của các chính trị gia, song mức lương của họ vẫn rất cao. Nhưng có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc trả thêm lương cho chính trị gia thực sự nâng cao được chất lượng quản lý hay không? Một nghiên cứu của Claudio Ferraz và Frederico Finan cho rằng cách làm này quả thật giúp nâng cao chất lượng quản lý của các chính quyền đô thị như ở Brazil: Những phát hiện chính của chúng tôi cho thấy mức lương cao hơn làm gia tăng tính cạnh tranh trong môi trường chính trị và cải thiện chất lượng của các nhà làm luật trên các thước đo học vấn, kiểu nghề nghiệp trước đó và kinh nghiệm chính trị tại nhiệm sở. Ngoài sự chọn lọc tích cực này, chúng tôi cũng thấy rằng lương cũng ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của chính trị gia, điều này nhất quán với phản ứng hành vi khi việc nắm giữ nhiệm sở trở nên có giá trị hơn. Một nghiên cứu khác, gần đây hơn của Finan, Ernesto Dal Bó và Martin Rossi phát hiện rằng chất lượng công bộc của dân cũng được cải thiện khi họ được trả lương cao hơn, lần này là ở các thành phố của Mexico: Chúng tôi thấy rằng mức lương cao hơn sẽ thu hút những ứng viên có năng lực hơn xét theo các thước đo IQ, tính cách và xu hướng làm việc trong lĩnh vực công − nói cách khác, chúng tôi không tìm thấy chứng cứ cho thấy những tác động chọn lọc bất lợi lên động lực; lương cao hơn cũng dẫn đến tỷ lệ chấp nhận cao hơn, cho thấy tỷ lệ co giãn cung lao động ở khoảng 2 và một mức độ độc quyền mua tương đối(8). Khoảng cách và các nhược điểm của khu đô thị làm giảm đáng kể tỷ lệ chấp nhận, nhưng mức lương cao sẽ giúp khép lại khoảng cách tuyển dụng ở những thành phố có mức sống kém hơn. Tôi không hẳn cho rằng việc tăng lương cho các quan chức chính phủ Mỹ sẽ cải thiện được hệ thống chính trị của đất nước. Nhưng nếu việc để lương giáo viên thấp hơn mức mà một người có năng lực tương đương có thể kiếm được ở lĩnh vực khác là ý tưởng tồi, thì có thể cũng tệ chẳng kém nếu cứ mong chờ rằng sẽ có đủ chính trị gia và công bộc giỏi đảm nhận những công việc này trong khi họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi làm công việc khác. Còn có một ý tưởng cấp tiến hơn nữa mà tôi đã suy nghĩ suốt một thời gian dài. Sẽ thế nào nếu chúng ta tạo động cơ cho chính trị gia bằng những khoản lương hậu hĩnh nếu công việc họ làm tại nhiệm sở thực sự có ích cho xã hội? Một vấn đề lớn của chính trị là động cơ của chính trị gia thường không ăn nhập với động cơ của cử tri. Các cử tri muốn chính trị gia giải quyết những vấn đề đau đầu, dài hơi: giao thông, y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, các vấn đề địa chính trị... Trong khi đó, chính trị gia lại có động cơ mạnh mẽ để hành động vì lợi ích riêng (được bầu, vận động được tiền, củng cố quyền lực...), những mối quan tâm mà hầu hết đều có kết quả ngắn hạn. Vì vậy, dù chúng ta không thích cách các chính trị gia hành động, song họ chỉ đơn giản là đang đáp lại các động cơ mà hệ thống bày ra cho mình. Nhưng sẽ thế nào nếu thay vì trả cho chính trị gia một mức lương lẹt đẹt, từ đó khuyến khích họ lợi dụng thời gian ngồi ở nhiệm sở để thâu tóm những lợi ích cá nhân có thể đi ngược lại lợi ích tập thể, chúng ta tạo động cơ để họ làm việc chăm chỉ vì lợi ích tập thể? Tôi sẽ làm việc này như thế nào? Bằng cách cho các chính trị gia những tùy chọn theo kiểu “tùy chọn cổ phiếu”. Nếu một quan chức dân bầu hoặc được chỉ định làm một dự án nhiều năm và dự án mang lại những kết quả tốt cho cộng đồng, ngành giáo dục hay ngành giao thông, hãy viết cho họ một tấm séc hậu hĩnh sau 5 hoặc 10 năm, khi những kết quả này được chứng nhận. Bạn muốn thế nào hơn: trả cho bộ trưởng giáo dục Mỹ mức lương 200 nghìn đô-la/năm bất kể ông ta có làm được việc gì xứng đáng hay không − hay 10 năm sau viết cho ông ta một tấm séc 5 triệu đô-la nếu nỗ lực của ông ta quả thực giúp tăng điểm kiểm tra của học sinh Mỹ lên 10%. Tôi đã thử trình bày ý tưởng này với nhiều chính trị gia dân bầu. Họ không nghĩ nó hoàn toàn nhảm nhí, hay chí ít họ cũng đủ lịch sự để vờ như không. Gần đây, tôi có cơ hội nói chuyện về ý tưởng này với Thượng nghị sĩ John McCain. Ông chăm chú lắng nghe − gật đầu và mỉm cười một chút. Tôi không tin nổi ông lại thấy hứng thú đến thế. Điều đó khuyến khích tôi tiếp tục thao thao, thật chi tiết. Cuối cùng, ông chìa tay ra bắt tay tôi: “Ý tưởng rành mạch đấy, Steve,” ông nói, “ôm nó xuống mồ may mắn nhé!” Ông quay người và bước đi, môi vẫn mỉm cười. Tôi chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ khi bị cự tuyệt thẳng thừng như vậy. Tôi đoán đó là những gì người ta cần để trở thành một chính trị gia xuất chúng. CHƯƠNG 2. GIÁ XĂNG CAO! HOAN HÔ! HOAN HÔ! Nếu có điều gì mà các nhà kinh tế nghĩ rằng mình biết tuốt về nó, thì đó là giá cả. Đối với một nhà kinh tế, cái gì cũng có giá của nó. Người bình thường nghĩ về giá như cái mà ta phải càu nhàu khi đứng trong các cửa tiệm; các nhà kinh tế lại nghĩ về giá như thứ logic tổ chức mọi sự trong thế giới này. Bởi vậy, lẽ dĩ nhiên chúng tôi có nhiều điều để nói về chủ đề này suốt những năm qua. AI ĐÓ GHÉT TÔI CÓ GIÁ 5 ĐÔ-LA (SDL). Có một trang web − một trang xuẩn ngốc đến độ tôi thấy thật xấu hổ khi quảng bá không công cho nó thế này − tên là www.WhoToHate.com. Ý tưởng cốt lõi của trang web này là bạn sẽ trả cho nó 5 đô-la, viết tên của người bạn ghét và trang web sẽ viết thư gửi người đó thông báo rằng có người ghét họ. Hôm nay tôi đã nhận được một email ghét bỏ như thế, điều này có nghĩa là có ai đó ghét tôi đến mức sẵn sàng bỏ ra 5 đô-la để tôi nhận được một email như vậy. Từ góc độ kinh tế mà nói, trang web này đang cung cấp một sản phẩm thú vị. Liệu người chi 5 đô-la kia được lợi lộc gì từ hành động tuyên bố (dù hoàn toàn ẩn danh) sự căm ghét của họ hay không? Hay lợi lộc đến từ nỗi đau (thật sự hoặc tưởng tượng) từ phía người nhận khi người đó phát hiện ra một người ghét mình đến nhường đó? Đối với người ghét tôi đến mức chủ động thế này, nguồn cơn duy nhất làm họ thỏa lòng sẽ là kênh thứ nhất. Ngày nào tôi cũng thấy vô số kiểu thù ghét xuất hiện trước mặt mình − sự thù ghét dữ dội hơn nhiều so với cái email kỳ quái mà tôi nhận được sau khi ai đó phải bỏ ra 5 đô-la. Thực tế là việc người ghét tôi gọi tôi là Steve Levitt ở California (nơi mà tôi chỉ sống một thời gian rất ngắn khi đến Stanford vài năm trước) chỉ làm tôi phì cười. Nó khiến tôi suy nghĩ. Có lẽ trang web sẽ đắc lợi nếu để người thù ghét trả trên 5 đô-la. Việc trả 50 đô-la để thể hiện sự thù ghét và chuyển tiếp thông tin đó đến người mà mình ghét có thể thật sự truyền tải được thông điệp thù ghét đó. Dù vậy, có lẽ những người thù ghét sẽ thích gửi 10 tin nhắn 5 đô-la riêng lẻ để tạo ấn tượng rằng ai cũng hơi ghét bạn hơn là tạo ấn tượng có một người cực kỳ ghét bạn. Điều khiến tôi buồn ở trang web này là đối tượng mà nó có thể thực sự giáng một đòn đau là một cô cậu nhóc vô tội nào đó bị cô lập bởi sự thù ghét của bạn bè. Đối với một người mỗi ngày chỉ nhận được vài email, thì việc nhận được 10 hay 12 email nói rằng có những người vô danh tính nào đó ghét mình thật sự đáng nản. May sao rõ ràng là không có nhiều người cảm thấy thù ghét ai đến mức muốn bỏ ra 5 đô-la để cho đối phương biết được sự thù ghét đó. Danh sách 10 người bị ghét nhất hiện tại có một số cái tên nổi tiếng (tôi bỏ qua tên của những người tôi chưa bao giờ nghe nói đến vì sợ đó là những cô cậu nhóc vô tội mà tôi đã đề cập). Dưới đây là danh sách những người bị thù ghét với số lượng thù ghét đi kèm: George Bush (7); Hillary Clinton (3); Oprah Winfrey (3); Gloria Steinem (3); Barbara Boxer (2). Vậy là, ngay cả với những người ghét George Bush, cũng chỉ có 7 người sẵn lòng bỏ ra 5 đô-la! Để lọt vào top 10, bạn chỉ cần 2 người ghét mình. Chuyện đó chẳng phải là vấn đề với tôi vì tôi đã đi được nửa chặng rồi. NẾU HỌC ĐƯỢC CHIÊU CỦA CHUỖI DƯỢC PHẨM WALGREENS, CÁC TAY BÁN MA TÚY ĐÁ SẼ GIÀU TO (SJD). Cách đây không lâu, tôi có nói chuyện với một bác sĩ ở Houston, người thuộc mẫu bác sĩ gia đình − kiểu một quý ông đứng tuổi mà bạn chẳng còn gặp nhiều nữa. Tên ông là Cyril Wolf. Ông là người gốc Nam Phi, nhưng ngoài điều đó ra, ông còn khiến tôi có ấn tượng ông là một bác sĩ đa khoa Mỹ thuộc hàng tinh hoa với hàng chục năm tuổi nghề. Tôi đang hỏi ông đủ thứ − điều gì đã thay đổi công việc của ông những năm gần đây, chương trình y tế có quản lý đã ảnh hưởng đến ông như thế nào... − thì đột nhiên mắt ông vằn lên lửa giận, hàm ông nghiến chặt và giọng ông lên tông giận dữ. Ông bắt đầu nói về một vấn đề đơn giản nhưng rất hệ trọng công việc của mình: nhiều loại thuốc gốc(9) vẫn quá đắt đỏ, khiến bệnh nhân của ông không thể mua được. Ông giải thích rằng, nhiều bệnh nhân của ông phải tự bỏ tiền túi ra mua thuốc, thế nhưng thuốc gốc ở những chuỗi cửa hàng dược phẩm như Walgreens, Eckerd và CVS lại có giá cắt cổ. Thế nên, Wolf bắt đầu ngó nghiêng xung quanh và phát hiện ra hai chuỗi Costco và Sam’s Club bán thuốc gốc với giá thấp hơn rất, rất nhiều so với các chuỗi hiệu thuốc khác. Thậm chí, cả khi tính chi phí mua thẻ hội viên của Costco và Sam’s Club, sự khác biệt giá giữa các hãng vẫn sẽ khiến ta phải sửng sốt (hẳn nhiên, bạn chẳng cần phải là hội viên của một trong hai hiệu thuốc này mới được mua thuốc của họ, dù vậy nếu là hội viên, bạn sẽ được giảm giá hơn nữa). Đây là mức giá mà Wolf tìm được tại các hiệu thuốc ở Houston cho 90 viên thuốc gốc Prozac: Walgreens: 117 đô-la; Eckerd: 115 đô-la; CVS: 115 đô-la; Sam’s Club: 15 đô-la; Costco: 12 đô-la. Tôi không gõ nhầm đâu. Walgreens thực sự đã bán một lọ với giá 117 đô-la trong khi Costco tính giá 12 đô-la. Ban đầu tôi không tin. Tôi hỏi Wolf, thế quái nào lại có người chịu trả thêm 100 đô-la − có thể là mỗi tháng − để mua thuốc ở Walgreens thay vì Costco? Ông trả lời: Nếu một người nghỉ hưu đã quen mua thuốc ở Walgreens, ông ấy sẽ vẫn tiếp tục mua thuốc ở đó và ông ấy cho rằng giá thuốc gốc (hoặc có lẽ bất kỳ loại thuốc nào) ở tiệm nào cũng ngang nhau. Tôi đã định viết về chủ đề mất cân bằng thông tin, về sự phân biệt giá và đã thu thập được vài chi tiết liên quan: một bản tin truyền hình ở Houston nói về phát hiện của Wolf, một bản so sánh giá mở rộng của một phóng viên thời sự ở Detroit, một bản khảo sát người tiêu dùng và một báo cáo nghiên cứu về chủ đề này của Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein. Nhưng tôi đã quên béng mọi việc cho đến khi đọc được một bài viết toàn diện trên tờ Wall Street Journal, bài viết đã đo lường rất tốt sự chênh lệch giá giữa các chuỗi cửa hàng dược phẩm. Phần lớn giá chênh lệch không dữ dội như ví dụ của Wolf, nhưng vẫn rất lớn. Câu thú vị nhất trong bài viết đó có lẽ là câu: Sau cuộc gọi của phóng viên, CVS cho biết hãng này sẽ hạ giá thuốc simvastatin [từ 108,99 đô-la] xuống còn 79,99 đô-la, như một phần kết quả của cuộc “phân tích giá hiện thời”. Vậy đó, nó được gọi là “phân tích giá hiện thời”. Tôi sẽ phải khắc cốt ghi tâm thuật ngữ này vào lần tới khi lũ trẻ nhà tôi bắt gặp tôi đang cố tìm mua một món 2 đô-la trong khi tôi đã hứa mua một món 20 đô la. KHÚC GIAO HOAN MUA - BÁN XE MỚI This is paid content, please buy or subscribe to have full access. 25 TRIỆU ĐÔ-LA THÌ ĐỪNG HÒNG - NHƯNG 50 TRIỆU ĐÔ-LA THÌ TÔI SẼ SUY NGHĨ This is paid content, please buy or subscribe to have full access. PEPSI SẼ TRẢ BAO NHIÊU ĐỂ CÓ ĐƯỢC CÔNG THỨC BÍ MẬT CỦA COKE? This is paid content, please buy or subscribe to have full access. CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM ƠN BỎ TIỀN XU ĐI ĐƯỢC KHÔNG? This is paid content, please buy or subscribe to have full access. QUÁI CHIÊU CỦA TỔ CHỨC PLANNED PARENTHOOD(14) (SDL). Suốt một thời gian dài, phong trào bảo vệ mầm sống đã dần thấu hiểu sâu sắc cách thức mà mọi người phản ứng trước các động cơ. Những người biểu tình đứng phản đối bên ngoài các cơ sở y tế tỏ ra là một chiến lược rất đỗi hiệu quả trong việc nâng cao chi phí xã hội và đạo đức của việc phá thai. Hiện nay, một cơ sở y tế thuộc hệ thống Planned Parenthood ở Philadelphia đã tiến hành một chiến lược đáp trả rất khéo léo, chiến lược này có tên là Đặt tiền biểu tình. Chiến lược này được giải thích như sau: Mỗi khi những người biểu tình tụ tập bên ngoài trung tâm y tế của chúng tôi trên phố Locust, các bệnh nhân của chúng tôi lại bị họ công kích. Đối với các bệnh nhân, những tấm bảng biểu sinh động kia có ý gây hoang mang và hăm dọa... Tất cả chúng tôi đều bị gọi là kẻ sát nhân, đều phải nghe thuyết giảng về việc chúng tôi đang phạm tội ác và chúng tôi sẽ phải trả “giá đắt” cho hành động của mình. Chiến lược này [Đặt tiền biểu tình] vận hành như sau: Bạn quyết định số tiền mà bạn muốn đặt cho mỗi người biểu tình (tối thiểu là 10 xu). Khi người biểu tình xuất hiện trên vỉa hè của trung tâm, phòng khám Planned Parenthood Đông Nam Pennsylvania (PPSP) sẽ đếm và ghi lại số người tham gia mỗi ngày… Chúng tôi sẽ đặt một tấm biển phía ngoài trung tâm y tế, ghi lại số tiền bạn đặt sao cho những người biểu tình hoàn toàn ý thức được rằng hành động của họ đang làm lợi cho PPSP. Cuối chiến dịch hai tháng này, chúng tôi sẽ gửi cho bạn bản thông tin cập nhật về các hoạt động biểu tình và một thông báo nhắc bạn về số tiền mà bạn đã đặt. Tôi đoán các cơ sở nạo phá thai trên khắp cả nước sẽ nhanh chóng áp dụng phương thức này. Điều mà tôi thấy cực khéo ở phương pháp này là cách thức nó biến cơn thịnh nộ, nỗi tức giận và bất lực của những người hăng hái bảo vệ quyền lựa chọn [của phụ nữ] đối với người biểu tình trở thành động cơ tài chính có lợi cho những người ủng hộ quyền lựa chọn và đi ngược lại mong muốn của những người biểu tình. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng các khoản đóng góp sẽ cao hơn bởi những người đóng góp tiềm năng lúc này có thể có được niềm vui từ sự hiện diện của những người biểu tình, hoặc chí ít là cảm thấy đỡ khó chịu hơn. Nó tiếp thêm sức mạnh. Mặt khác, nếu tôi là người biểu tình, tôi sẽ chẳng ưa gì cái ý tưởng rằng những gì tôi làm có thể khiến Planned Parenthood thêm vững mạnh và khiến chuyện biểu tình chẳng còn mấy ý nghĩa. MẤT: 720 TỈ ĐÔ-LA. NẾU TÌM THẤY, XIN TRẢ LẠI. ƯU TIÊN NHẬN TIỀN MẶT (SDL). Theo chỉ số giá nhà S&P/Case-Shiller, giá nhà ở Mỹ năm 2007 đã giảm khoảng 6%. Theo tính toán sơ của tôi, điều đó có nghĩa là những người sở hữu nhà đã mất khoảng 720 tỷ đô-la. Con số này tương đương với khoảng 2,4 nghìn đô-la trên mỗi người dân Mỹ và 18 nghìn đô-la cho mỗi chủ sở hữu nhà bình thường. Tuy nhiên, nếu xét trong mối tương quan với các đợt sụt giá cổ phiếu, số tiền 720 tỷ đô-la mất đi trong một năm này có vẻ chẳng lớn lắm. Tổng số vốn hóa thị trường của tất cả các thị trường cổ phiếu ở Mỹ có tương đương với tổng giá trị thị trường nhà ở (đâu đó trong khoảng 10 đến 20 nghìn tỷ đô-la). Trong một tuần của tháng 10 năm 1987, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất hơn 30% giá trị. Con số 720 tỷ đô-la cũng bằng xấp xỉ số tiền mà chính phủ Mỹ đã chi cho cuộc chiến ở Iraq trong mấy năm đầu. Nếu là người có nhà, bạn sẽ cảm thấy tệ như thế nào về điều này? Đáng ra bạn phải cảm thấy rất tệ, nhưng tôi đoán bạn sẽ cảm thấy tệ hơn nhiều với kịch bản sau: giá nhà năm ngoái không hề giảm, nhưng một ngày bạn rút 18 nghìn đô la ra khỏi ngân hàng để trả tiền mua một chiếc xe mới và ai đó trộm mất chiếc ví có 18 nghìn đô-la trong đó. Cuối ngày, tài sản của bạn trong cả hai trường hợp đều như nhau (bạn bị mất 18 nghìn đô-la do giá nhà bị khấu hao hoặc do bị mất tiền), nhưng có một tổn thất tồi tệ về mặt tâm lý hơn nhiều so với tổn thất kia. Có rất nhiều lý do có thể giải thích cho việc tại sao việc mất tiền cho một tài sản như ngôi nhà chẳng mấy đau đớn. Trước tiên, tổn thất đó không hữu hình bởi chẳng ai thực sự biết ngôi nhà của mình đáng giá bao nhiêu. Thứ hai, người ta sẽ ít đau đớn khi tất cả những người khác cũng bị mất giá nhà như mình (tôi từng nghe một người rất giàu nói rằng ông ta chẳng quan tâm đến sự giàu có tuyệt đối của mình, mà chỉ quan tâm xem thứ hạng của ông trong danh sách những người giàu nhất trên Forbes là bao nhiêu). Thứ ba, bạn thật ra chẳng thể trách mình khi giá nhà giảm, nhưng bạn có thể cân nhắc lại về quyết định mang theo 18 nghìn đô-la tiền mặt theo người. Thứ tư, việc một tên trộm lấy được tiền của bạn sẽ khiến mọi việc tồi tệ hơn so với việc số tiền đó tự dưng bốc hơi, như khi giá nhà giảm. Và có lẽ cũng còn có nhiều lý do khác nữa. Khái quát hơn, nhà kinh tế Richard Thaler đã đưa ra cụm từ “tài khoản tâm trí” để mô tả cách thức mà theo đó mọi người dường như coi những tài sản khác là không thể thay thế được, dù về nguyên tắc có vẻ đáng ra chúng nên như thế. Mặc dù những người bạn là chuyên gia kinh tế của tôi thường chế nhạo tôi về chuyện này, song tôi chắc chắn có sử dụng tài khoản tâm trí cho mình. Đối với tôi, 1 đô-la ăn được khi chơi bài có ý nghĩa hơn nhiều so với 1 đô-la kiếm được khi thị trường chứng khoán lên giá. Và tương tự, 1 đô-la mất đi khi chơi bài cũng đau đớn hơn nhiều. Ngay cả những người phủ nhận ảnh hưởng của tài khoản tâm trí cũng thường là nạn nhân của những tài khoản này. Tôi có một người bạn thuộc nhóm này, anh thắng độ lớn trong một trận NFL(15)(so với những khoản cược thông thường của anh, nhưng chẳng đáng là bao so với khối tài sản mà anh nắm giữ), rồi ngày hôm sau anh xúc tiến mua ngay một ổ đĩa mới đắt đỏ. Tất cả những điều này có ý nghĩa như thế nào đối với giá nhà? Chà, nếu giá nhà bắt đầu tăng trở lại, người ta sẽ vui hơn nhiều nếu số tiền tăng lên ấy xuất hiện dưới dạng những gói tiền mặt nhỏ rơi trước cửa nhà kèm theo tờ báo sáng thay vì giá nhà tăng. Tôi cho rằng tất cả những người trả xong khoản nợ mua nhà đã khám phá ra điều này từ rất, rất lâu rồi. CA SĨ HÁT NHẠC POP NGƯỜI CANADA GIỐNG NGƯỜI BÁN NHẪN NHƯ THẾ NÀO? (SJD). Khá giống Paul Feldman, nhà kinh tế trở thành người bán nhẫn mà chúng tôi nhắc đến trong cuốn Kinh tế học hài hước, ca sĩ-nhạc sĩ Jane Siberry đã quyết định bán sản phẩm của mình cho công chúng qua một kế hoạch thanh toán dựa trên hệ thống tôn vinh. Cô cho người hâm mộ mình bốn lựa chọn: 1. Miễn phí (quà tặng từ Jane); 2. Tự quyết (thanh toán ngay bây giờ); 3. Tự quyết (thanh toán sau để bạn thực sự hiểu rõ quyết định của mình); 4. Tiêu chuẩn (mức giá hiện tại của ngày hôm nay là khoảng 0,99 đô-la). Sau đó, một cách khéo léo, cô đăng các con số thống kê về tỷ lệ thanh toán tính tới thời điểm hiện tại: % Nhận quà từ Jane: 17%; % Thanh toán bằng việc tự quyết mức giá: 37%; % Trả sau: 46%; Mức giá trung bình trên mỗi bài hát: 1,14 đô-la % Trả dưới mức đề nghị: 8%; % Trả ở mức đề nghị: 79%; % Trả trên mức đề nghị: 14%. Khéo léo hơn nữa, Siberry đăng tỷ lệ thanh toán trung bình cho mỗi bài hát khi bạn kéo tùy chọn thanh toán từ thực đơn thả xuống − một cách khác để nhắc nhở rằng: “Này, thích thì cứ lấy cắp bản nhạc này đi, nhưng đây là cách người khác đã hành xử trong thời gian gần đây đấy.” Có vẻ như Siberry hiểu rất rõ sức mạnh của động cơ. Điều này cho phép ít nhất hai điều thú vị xảy ra: mọi người tự quyết định trả bao nhiêu sau khi họ nghe nhạc và thấy được nó giá trị như thế nào với họ (có vẻ như mọi người thường trả nhiều nhất cho bài hát khi chọn tùy chọn này); và nó sử dụng kế hoạch định giá theo biến mà các nhà kinh tế học rất ưa thích, đặt kế hoạch này vào tay người tiêu dùng chứ không phải người bán hàng. Tôi nghĩ các công ty thu đĩa sẽ cần nhiều bằng chứng thuyết phục hơn nữa trước khi họ sẵn lòng thử mô hình này trên quy mô lớn. Có lẽ những người hâm mộ Jane Siberry và truy cập vào trang web của cô để nghe là những người có khả năng tự quyết cao và nhiệt tình hơn nhiều so với những người tải nhạc thông thường. Nhưng với việc các công ty ghi đĩa đang lâm vào cảnh tuyệt vọng, tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu thấy thêm những kế hoạch thanh toán thế này trong tương lai. Hai ngày sau... JANE SIBERRY PHẢN PHÁO (SJD). Rõ ràng là Jane Siberry không chút cảm kích những người thu hút sự chú ý cho trang web của cô, nơi cho phép mọi người trả tiền khi họ muốn tải nhạc của Siberry. Tôi thích ý tưởng và đã viết blog về nó. Nhưng đây là những gì Siberry viết trên MySpace(16) của cô hôm nay: Chính sách “tự định giá” của cửa hàng một lần nữa lại được chú ý, trang Freakonomics đã có một bài; ABC News thì email. Tôi không muốn bị chú ý. Tôi nghĩ tôi sẽ thay đổi chính sách định giá thành “mọi người có thể trả tôi bao nhiêu tùy thích, nhưng đừng mong tôi sẽ để mọi người nghe”. Ái chà! Xin lỗi nhé, cô Siberry. Có vẻ như chúng tôi có quan hệ không mấy tốt đẹp với các ca sĩ nhạc pop − có ai còn nhớ Levitt từng tuyên bố rằng Thomas Dolby sắp ra đĩa nhạc mới, và tuyên bố đó hóa ra đã sai toàn tập không? Tôi đoán là chúng tôi nên từ bỏ các ca sĩ nhạc pop và cứ bám lấy mấy tay buôn bán ma túy đá, các đại lý môi giới bất động sản và những kẻ cờ bạc bịp thì hơn. CÁC VẬN ĐỘNG VIÊN SẴN LÒNG ĐÓNG BAO NHIÊU TIỀN THUẾ? (SJD). Đường cong Laffer là khái niệm duy nhất cố gắng giải thích mức thuế suất mà tại đó doanh thu từ thuế sẽ giảm vì người có thu nhập hoặc sẽ chuyển đi nơi khác, hoặc quyết định kiếm ít hơn (hoặc theo tôi đoán, khai gian thêm). Nếu tôi là một học giả về thuế quan tâm đến khái niệm này, tôi sẽ xem xét thật kỹ hành vi hiện tại của các vận động viên chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Đấm bốc là môn thể thao đặc biệt thú vị vì nó cho phép người thượng đài chọn lựa địa điểm thi đấu. Nếu bạn là một golf thủ hoặc một vận động viên tennis chuyên nghiệp, bạn có thể bỏ qua một sự kiện thể thao nhất định vì chuyện thuế má, nhưng thường thì bạn sẽ chơi bất cứ khi nào có sự kiện diễn ra. Trong khi đó, một tay đấm bốc hàng đầu có thể chọn thi đấu ở nơi lợi lộc nhất cho mình. Đó là lý do thật thú vị khi đọc tin Manny Pacquiao có thể sẽ chẳng bao giờ đấu ở New York − với lý do chủ yếu, theo lời của nhà bảo trợ Bob Arum, là vì mức thuế mà anh này sẽ phải trả ở đây. Bài báo trên tờ Wall Street Journal viết: Manny Pacquiao đã giành chiến thắng trong các trận đấu ở California, Tennessee và Nevada, đó là chưa kể Nhật Bản và Philippines, quê hương anh. Nhưng khi Pacquiao ở New York tuần này để quảng bá cho trận đấu sắp tới − trận so găng vào tháng 11 ở Macau với Brandon Rios − đội hỗ trợ Pacquiao cho biết Trung tâm Barclays và The Garden sẽ là hai địa điểm mà anh này không thi đấu vì nếu đấu, Pacquiao sẽ phải trả thêm tiền thuế bang ngoài tiền thuế liên bang. “Anh ấy có mất trí [mới làm thế],” Bob Arum, người bảo trợ cho Pacquiao nói. Trong một bài báo trên tờ L.A. Times, Arum cho biết, Pacquiao có thể không bao giờ thi đấu ở bất kỳ địa điểm nào trên nước Mỹ nữa: “Khi thi đấu bên ngoài đất nước này, như trận so găng với Rios, Manny không phải trả thuế ở Mỹ nữa − ở đây, mức thuế đối với một vận động viên nước ngoài là 40%.” “Nếu kiểu đóng thuế theo số lượt xem này và những thứ khác diễn ra đúng như những gì chúng ta nghĩ, tôi không thể hình dung nổi chuyện Pacquiao sẽ đấu lại ở Mỹ.” Tất nhiên, bên cạnh thuế, còn có những yếu tố khác − chẳng hạn cá độ là một trong những lý do lớn khiến Macau trở thành trung tâm đấm bốc tầm cỡ. Nhưng bất kể bạn nghĩ thế nào về đường cong Laffer, thật khó bỏ qua sự chênh lệch về thuế suất trên thế giới, đặc biệt là đối với những vận động viên có khả năng kiếm được những khoản kếch xù trong một khoảng thời gian ngắn. Tháng 1, tay golf Phil Mickelson nói anh sẽ phải thực hiện một số thay đổi quyết liệt để đối phó với mức thuế cao của liên bang và bang California (nơi anh sinh sống). “Nếu bạn cộng tổng tiền thuế liên bang và nhìn vào tiền bảo hiểm tàn tật, bảo hiểm thất nghiệp, thuế an sinh xã hội rồi thuế bang, mức thuế của tôi sẽ vào khoảng 62-63%,” anh cho biết. Phần giải thích kế toán của anh đang bị gây khó dễ và Mickelson, một trong những golf thủ được yêu mến nhất, bị “cảnh cáo” vì công khai thể hiện sự bất mãn của mình về chuyện thuế má. Vậy nên, tháng trước, khi thắng những giải đấu liên tiếp ở Scotland (Giải Scotland mở rộng và giải Vô địch mở rộng), anh chỉ im lặng. Tuy nhiên, truyền thông đã lên tiếng thay cho anh. Trên Forbes, Kurt Badenhausen đã viết một bài (rất hay) về hóa đơn thuế của Mickelson ở Anh, ước tính anh đã trả tổng cộng khoảng 61% thuế trên số thu nhập gần 2,2 triệu đô-la. Và Badenhausen đã chỉ ra vấn đề thú vị này: Nhưng đó không phải là tất cả. Nước Anh sẽ đánh thuế cả phần thu nhập quảng cáo trong thời gian 2 tuần mà Phil ở Scotland. Nước này cũng sẽ đánh thuế mọi khoản thưởng mà anh nhận được khi thắng cũng như phần thưởng thứ hạng mà anh sẽ nhận được vào cuối năm, tất cả vào khoảng 45%... Anh Quốc là một trong số ít quốc gia thu thuế thu nhập quảng cáo của những vận động viên không phải là công dân Anh nhưng lại thi đấu ở Anh (Mỹ cũng vậy). Quy định này đã khiến ngôi sao điền kinh Usain Bolt không thi đấu ở Anh từ năm 2009, ngoài Thế vận hội mùa hè 2012 khi thuế được miễn theo điều kiện đăng cai Thế vận hội. Rafael Nadal của Tây Ban Nha cũng để chính sách đánh thuế của Anh Quốc quyết định lịch thi đấu tennis của mình. Và xin đừng quên Mick Jagger(17), một trong những “vận động viên” có sức bền vĩ đại nhất, nhiều năm trước đã phải chạy khỏi Anh vì những vấn đề liên quan đến thuế má. ĐỊNH GIÁ CÁNH GÀ (SDL). Hôm rồi, tôi dừng lại trước tiệm gà rán Harold’s Chicken Shack gần nhà. Tiệm này có một lớp kính chống đạn phân cách nhân viên và khách hàng. Harold’s sẽ chỉ làm gà khi bạn gọi món, vì vậy tôi có 5-10 phút ngồi không trong khi chờ đồ ăn. Một trong những món có trong thực đơn là phần ăn tối cánh gà. Với mỗi phần ăn, bạn sẽ được một phần khoai tây và xà lách. Phần ăn hai cánh có giá 3,03 đô-la. Phần ăn ba cánh có giá 4,50 đô-la. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai phần ăn này là một chiếc cánh gà, như vậy chiếc cánh gà đó khiến khách hàng mất thêm 1,47 đô-la. Tôi nghĩ điều này thật thú vị, bởi nếu hai chiếc cánh gà đầu tiên, có giá là 1,47 đô-la mỗi chiếc, thì khi đó mức giá ngầm định của phần khoai tây và xà lách sẽ là 9 xu. Vậy nên, có vẻ như Harold’s đang ngầm tính giá chiếc cánh gà thứ ba cao hơn hai chiếc cánh gà đầu tiên, điều này thật lạ vì các hãng thường chiết khấu theo số lượng. Tôi tiếp tục đọc thực đơn: Phần ăn hai cánh 3,03 đô-la Phần ăn ba cánh 4,50 đô-la. Phần ăn bốn cánh 5,40 đô-la. Phần ăn năm cánh 5,95 đô-la. Giá của phần ăn bốn và năm cánh phù hợp hơn với cách định giá thường thấy của các hãng. Vậy bạn nghĩ Harold’s tính giá bao nhiêu cho một phần ăn sáu cánh? 7 đô-la. Đây đúng là điều quái lạ nhất. Khi nhìn thấy những điều phi lý, dân kinh tế chúng tôi không thể không nghĩ đến một câu chuyện có thể lý giải cho hành vi có vẻ quá đỗi lạ lùng. Lẽ nào Harold’s định giá phần ăn sáu cánh cao vì lo lắng về tình trạng béo phì? Không thể nào, vì tất cả mọi món trên thực đơn đều là đồ chiên. Có phải chiếc cánh thứ sáu đặc biệt to hay thơm ngon hơn? Hay nhu cầu của những người gọi sáu cánh kém co giãn hơn(18)? Có lẽ ta có thể tìm thấy một vài manh mối trong cách định giá các món khác. Cá rán được bán đúng kiểu gà rán, cũng với khoai tây chiên và xà lách. Phần ăn với cá được tính giá như sau: Phần hai miếng: 3,58 đô-la Phần ba miếng: 4,69 đô-la Phần bốn miếng: 6,45 đô-la. Vậy là bạn sẽ mua được miếng cá thứ ba với giá rẻ, nhưng họ sẽ “chặt chém” bạn ở miếng thứ tư. Điều này rõ ràng cho thấy trong tư duy của Harold’s có một logic nào đó cho kiểu định giá này. Dù vậy, cuối cùng thì tôi đoán rằng chính người định ra những mức giá này cũng khá bối rối. Có một điều tôi nhận ra khi có cơ hội làm việc nhiều hơn với các doanh nghiệp, là họ hoàn toàn xa lạ với những yếu tố tự động tối đa hóa lợi nhuận lý tưởng của thuyết kinh tế. Sự bối rối lan rộng khắp các doanh nghiệp. Nói cho cùng, doanh nghiệp được hợp thành từ con người và nếu hầu suốt thời gian con người luôn bị kinh tế học làm cho rối tung thì tại sao điều đó lại không thể hiện ở các doanh nghiệp chứ? VÌ SAO KIWI LẠI RẺ? (SJD). Gần đây tôi ăn rất nhiều kiwi (có thể bạn cũng biết chúng còn được gọi là quả lý gai Trung Quốc). Ở cửa hàng bán đồ ăn ngon chỗ góc phố gần nhà tôi tại khu Tây Manhattan, tôi có thể mua ba quả với giá 1 đô-la. Chúng rất ngon. Nếu những cái nhãn không nói điêu thì chúng có xuất xứ từ New Zealand. Với giá 33 xu một quả, một quả kiwi New Zealand có giá chưa bằng giá cước phí gửi thư từ chỗ tôi sang khu Đông Manhattan. Làm sao chi phí trồng, hái, đóng gói và vận chuyển một quả kiwi đi khắp thế giới lại thấp đến vậy? Vấn đề trái cây càng thêm phức tạp khi tôi có thể mua một quả chuối nhập khẩu và một quả kiwi với giá gần bằng một quả táo được trồng đâu đó ngay phía bắc bang New York. Bởi vậy, tôi đã viết thư cho Will Masters, một nhà kinh tế nông nghiệp ở Tufts và là đồng biên tập tạp chí Agricultural Economics. Hầu hết các nhà kinh tế học đều trả lời những câu hỏi như vậy bằng thơ và Will chẳng phải ngoại lệ: Cung chết tiệt và cầu cũng chết tiệt: Heo quá rẻ mà giá thịt quá cao? Lúa bán tháo, mà bột mì quá đắt, Kẻ xấu xa là sức mạnh thị trường. Sự độc quyền luôn làm ta lo lắng, Cũng giống như Dịch vụ Bưu chính Mỹ: Họ có thể đưa ra cái giá hời, Nhưng có ai là người kiểm soát họ? Người trung gian bao đời nay mang tiếng, Cho mỗi khi lạm phát nổ ra, Lời giải thích rõ ràng hơn đã có, Từ Hyde Park, đó là những chuyên gia. Những góc nhìn hiện đại từ trường Booth, Cho ta biết thêm sự thật một chút, Thầy Levitt cùng với thầy John List Dạy ta thành nhà kinh tế quái chiêu. Nào ta hãy để dữ liệu lên tiếng, Không cần biết ngài Friedman nói gì Giá rau thế nào? Giá củ quả ra sao? Hãy lần theo động lực của thị trường. Như cái đuôi lại muốn vẫy cái đầu(19), Tư duy cận biên khiến nhiều điều sáng tỏ: Kẻ bán, người mua, nhà giao dịch, Cùng tương tác và giá cả sinh ra. Quả kiwi, ba mươi ba xu một quả, Đơn giản vì chẳng ai thèm cấm cả, Các trang trại và cửa hàng New York, Cứ nhập về và bán thật nhiều thêm. Bạn tôi ơi, ngược lại là quả táo; Bởi lý do, được sáng tỏ dưới đây: Dân thành thị không thích việc thu hái, Giảm chi phí, người nhập cư sẽ làm. Trái chuối kia lại là câu chuyện khác, Chẳng có hạt, nhờ lai tạo bao đời, Thu hoạch rẻ, mà vận chuyển cũng rẻ Ai quan tâm lương bèo bọt công nhân? Nhờ phương pháp sản xuất cho mỗi mùa, Trồng ở đâu và chuyên chở ra sao, Thỏa nhu cầu mà không tốn là bao, Dù chi phí khác cứ tăng ngày càng sốc. Người mua hàng cũng quan trọng chẳng kém, Vớ vẩn như chai dầu gội cao cấp, Mà giá chẳng thấy giảm bao giờ, Trả càng cao, thì giá trị càng cao. Hành động thế nào, thì hành vi thế đó, Có những thứ đơn giản “chỉ là vì”, Cũng giống như bí ẩn của cuộc đời, Một thói quen bắt nguồn từ lịch sử. Dù thế nào, giá là cuộc cạnh tranh, Cùng thuế má chính trị gia đã đặt, Quyết định liệu chúng ta có được thấy, Những quả kiwi rẻ tuyệt vời kia. Hoan hô! PETE ROSE ĐÃ DẠY CHÚNG TA MỘT BÀI KINH TẾ HỌC CƠ BẢN NHƯ THẾ NÀO? (SDL). Cách đây vài năm, Pete Rose đã ký lên một loạt quả bóng chày với câu đề tặng “Xin lỗi tôi đã tham gia cá độ”. Theo tin tức truyền thông, anh tặng những quả bóng này cho bạn bè và không bao giờ có ý định làm chúng để bán kiếm lời. Tuy nhiên, một người được tặng bóng đã quyết định đem đấu giá 30 quả bóng này. Có suy đoán cho rằng họ sẽ bán được hàng nghìn đô-la. Đúng lúc đó, Rose ra mặt và tặng cho chúng ta một bài cơ bản về kinh tế: miễn là có những mặt hàng thay thế, giá sẽ không quá cao. Khi nghe nói những quả bóng kia được đem ra đấu giá, Rose chào bán những quả bóng với dòng đề tặng tương tự với giá chỉ 299 đô-la trên trang web của mình, phá hỏng thị trường của những quả bóng sắp được đem ra đấu giá. Đúng là những quả bóng mới được ký không phải là những món hàng thay thế hoàn hảo, bởi người sưu tập vẫn có thể tuyên bố rằng mình đang giữ 1 trong 30 quả bóng gốc. Vì lý do đó, ta sẽ không mong giá của những quả bóng cũ kia sẽ giảm một mạch xuống còn 299 đô-la. Thực tế là cuộc đấu giá đã bị hủy, nhưng những quả bóng vẫn được bán cho những người chủ mới với giá 1 nghìn đô-la mỗi quả. GIÁ MÀ THƯỢNG ĐẾ ĐƯỢC DOANH NGHIỆP BẢO TRỢ (SJD). Trong sách Sáng thế ký(20), khi thế giới được tạo ra, không biết Thượng Đế sẽ giàu có đến độ nào nếu bán quyền đặt tên cho cỏ cây, muông thú và khoáng sản? Trong khi Thượng Đế phải làm việc quần quật suốt thời những doanh nghiệp bảo trợ chưa xuất hiện, thì Chicago White Sox(21)lại may mắn hơn nhiều. Mới đây, đội này vừa tuyên bố rằng trong ba mùa giải tiếp theo, các trận đấu của đội trên sân nhà vào các buổi tối sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ 11 phút thay vì 7 giờ 5 phút hoặc 7 giờ 35 phút như thường lệ. Bởi 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đã trả đội 500 nghìn đô-la để làm thế. Gần đây, tôi để ý thấy có nhiều quảng cáo xuất hiện ở những nơi không thể ngờ đến: chẳng hạn được dán tem trên trứng hoặc in trên túi nôn máy bay. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng có điều gì đó đặc biệt sáng tạo ở việc đóng dấu giá trị lên thời gian, đặc biệt là khi bạn có thể nắm lấy giá trị đó vì lợi ích của riêng mình. Có thể ngày mai tôi sẽ viết thêm về điều này. CƠ TRƯỞNG SULLENBERGER ĐỊNH NÓI GÌ (NHƯNG LẠI QUÁ LỊCH SỰ NÊN KHÔNG NÓI RA) (Bài viết của “Cơ trưởng Steve”). Cơ trưởng Steve là một phi công dày dạn kinh nghiệm bay quốc tế, anh làm việc cho một hãng hàng không lớn của Mỹ và là một người bạn của blog Freakonomics (vì những gì anh viết khá nhạy cảm, nên anh muốn để ẩn danh). Bài viết này được xuất bản ngày 24 tháng 6 năm 2009, sáu tháng sau “Phép màu trên sông Hudson”, đó là sự kiện cơ trưởng Chesley Sullenberger đã hạ cánh an toàn chiếc A320-200 xuống sông Hudson. Trước đó, sau khi cất cánh khỏi sân bay LaGuardia ở New York không lâu, cả hai động cơ của máy bay đều bị lũ chim phá hỏng. Sau khi đọc một số đoạn trích các bài phát biểu khác nhau của cơ trưởng Sullenberger, đặc biệt là những bài phát biểu cách đây vài tuần trước Ủy ban An toàn Vận tải Quốc gia, tôi muốn bổ sung thêm bài xã luận của mình. Cơ trưởng Sullenberger lúc nào cũng là người bặt thiệp. Anh không nhỏ nhen, đạo đức giả hay tự cao tự đại. Tuy nhiên, anh giống như hầu hết những cơ trưởng mà tôi biết, và nói chung, hầu hết phi công mà tôi biết. Tại sao lại vậy? [Đó là vì] Anh chẳng cần phải sống khác đi. Khi có người làm được những gì mà anh và vô số những người như anh đã làm được, tại sao phải lấy thế làm kiêu hãnh? Trong bài phát biểu, Sullenberger ngụ ý rằng những gì anh làm khi thực hiện vai trò “cơ trưởng” trên chuyến bay 1549 của US Airways chỉ đơn giản là công việc của anh. Anh thể hiện điều đó thành thực và chính xác hết mức có thể: “Xin đừng làm gì ầm ĩ hay vỗ tay tán dương, tôi chỉ làm phận sự của mình.” Thế nhưng, trong một số bài phát biểu của mình, anh cũng bóng gió rằng, anh phải mất hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời, để chuẩn bị cho một “sự kiện để đời” − điều khiển máy bay hạ cánh an toàn và êm xuôi xuống sông Hudson. Điều mà anh không nói ra là: Chúng tôi, những phi công, đang phải đối mặt với một cuộc chiến có nguy cơ sẽ thua ở phòng PR. Các bạn tin rằng chúng tôi kiếm được lương khủng và được đối đãi như ông hoàng? Đó chỉ là chuyện giả tưởng thôi. Tại sao chúng tôi lại thua cuộc chiến này trong thời gian lâu đến thế? Đơn giản thôi. Bởi hầu hết chúng tôi đều giống “Sully”; chúng tôi không muốn được vỗ tay hay làm ầm ĩ vì đã thực hiện công việc mà chúng tôi được huấn luyện để làm. Tuy nhiên, chúng tôi thật sự thấy rằng chúng tôi nên được trả lương tương xứng với những gì chúng tôi đã thực hiện để làm được công việc này và những gì chúng tôi tiếp tục làm mỗi ngày để duy trì nó. Phản ứng của cuộc tấn công phi công sắp lên đến đỉnh điểm. Những hãng hàng không khu vực, như Colgan Airlines với chuyến bay Buffalo [chuyến bay đã gặp nạn và làm tất cả 49 người thiệt mạng], thường tuyển những phi công ra giá thấp nhất. Tôi chẳng có ý xúc phạm gì họ nhưng đây không phải là chuyện cá nhân. Chính hệ thống là thứ có lỗi. Bài học cơ bản về lịch sử hàng không là: cho đến tận giữa thập niên 1980, một phi công trẻ đầu quân cho một hãng hàng không lớn thường sẽ trở thành kỹ sư chuyến bay (flight engineer − FE), rồi dành vài năm sau đó quản lý các hệ thống trên những chiếc máy bay thế hệ cũ. Nhưng chính nhờ vậy mà người phi công sẽ học được mọi thứ. Những “phi công” mới này thường ngồi ghế FE và làm phận sự của mình, đồng thời quan sát “phi công” điều khiển bay ngày này qua ngày khác. FE học hỏi được từ các phi công dày dạn kinh nghiệm về thực tế lái và hạ cánh xuống các sân bay O’Hares và LaGuardia. Họ học cách ra quyết định, ủy quyền và “quyền hạn tối thượng của cơ trưởng” thực tế theo quy định của luật. Khi cơ hội thăng tiến đến, họ sẽ trở thành cơ phó. Nhiệm vụ của cơ phó là hỗ trợ cơ trưởng khi bay; nhưng ngay cả trong thời gian làm nhiệm vụ cơ phó, họ vẫn có được sự xa xỉ là có các FE theo dõi họ − nói cách khác, họ được học thêm nữa. Khái niệm phi hành đoàn ba người này được coi như một tầng bảo vệ bổ sung; hiện nay nó chỉ còn là ký ức đẹp trên thị trường nội địa, nhưng lại được sử dụng chủ yếu trong các chuyến bay quốc tế. Mọi chuyện đã thay đổi. Ngày nay, các chuyến bay nội địa đang được chuyển cho các hãng hàng không khu vực như Colgan, American Eagle, Comair và Mesa thực hiện. Đội bay của những hãng này gồm các phi công non kinh nghiệm nhất, đặt giá thấp nhất và lại bay trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Ban quản lý các hãng hàng không thường nói rằng cách làm này hiệu quả và đây là kiểu bay thông thường. Tôi xin đánh cược cho điều ngược lại. Hãy thử một phép so sánh tương tự: bạn nhận được thông báo phải làm phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành(22) và thế là bạn lao lên mạng săn tìm mức giá rẻ nhất có thể và vội vàng lên lịch phẫu thuật vì bạn chỉ được hưởng mức giá rẻ đó vào hai ngày nhất định. Có ai trong chúng ta làm thế không? Không. Thế chúng ta làm gì? Chúng ta sẽ suy nghĩ kỹ càng, chẳng hạn, chúng ta hỏi ai là bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thành phố. Chúng ta hỏi: “Có bác sĩ nào đã làm phẫu thuật này 20-25 năm không?” Chúng ta không nói: “Để tôi dùng tay nào đó vừa tốt nghiệp trường y và được đẩy vội qua kỳ nội trú vì như thế sẽ rẻ hơn.” Tại sao chúng ta không áp dụng logic mà công chúng sử dụng để mua vé máy bay cho kịch bản phẫu thuật? Phẫu thuật bắc cầu là thủ thuật thông thường, đúng không? Có một số bác sĩ mỗi ngày thực hiện hai, ba, thậm chí là bốn ca phẫu thuật loại này. Vậy nên, chắc hẳn nó chẳng có gì là khó khăn. Tiến thêm một bước nữa: Có bao nhiêu bác sĩ phẫu thuật cứ chín tháng một lần phải thi lại để được chứng nhận là đủ tư cách như các phi công? Cứ chín tháng một lần chúng tôi phải lái thử trong mô hình mô phỏng để chứng minh kiến thức, sự thuần thục và khả năng của mình. Có bao nhiêu bác sĩ phẫu thuật cứ sáu tháng một lần phải để AMA (Hiệp hội Y tế Mỹ) kiểm tra sức khỏe thì mới được làm việc? Chẳng ai cả! Nhưng phi công thì có. Nếu không qua được kỳ kiểm tra sức khỏe, chúng tôi sẽ đi đời! Có bao nhiêu bác sĩ phẫu thuật (hoặc bất kỳ ngành nghề quan trọng nào, trong đó có cả các chính khách) phải kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn và ma túy? Chẳng ai cả. Bay qua Bắc Đại Tây Dương là chuyện chẳng có gì đáng nói đúng không? Vài chục năm trước thì đúng là không phải. Những phi công chúng tôi đã khiến nó thành chuyện bình thường như thế vì chúng tôi có kỹ năng, kinh nghiệm và được huấn luyện đặc biệt. Tài năng thiên phú ư? Không, không nhiều người trong chúng tôi có thứ đó. Nhưng sự chuyên tâm và tập trung làm tốt hết sức mình thì có. Từ khi các con tôi còn nhỏ, tôi đã nhiều lần nói với chúng đúng một điều: “Ba chẳng mong đợi sự hoàn hảo, ba chỉ mong chờ các con làm tốt hết sức mình.” Tôi mong chờ bạn đặt 100% nỗ lực vào tất cả những việc bạn làm. Đây là tín điều của mọi phi công mà tôi biết. Bay từ sân bay O’Hare của Chicago đến Denver là chuyện thường, đúng không? Chúng tôi, những phi công, đã làm cho nó trở nên như vậy. Nhưng liệu mạng sống của bạn trên bầu trời vùng trung tâm nước Mỹ có kém giá hơn trên bầu trời Đại Tây Dương không? Nếu bạn bay với một hãng hàng không khu vực giá rẻ thì chắc chắn là thế. Nếu bạn ngồi trên một chiếc máy bay như thế đi Denver và động cơ bốc cháy, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy “dễ chịu” hơn khi biết rằng chính bạn đã đảm bảo 15% cho việc đó bằng việc sục sạo tìm vé máy bay giá rẻ trên Internet. Bạn thấy tuyệt khi biết mình đang bay cùng phi hành đoàn non trẻ nhất, ít kinh nghiệm nhất, kiệt sức và đói rã ruột mà hãng hàng không khu vực này tìm được chứ? Tôi nói đói rã ruột? Đúng, tôi nói thế đấy. Bạn có biết những đoàn bay khu vực này có thể làm 12 đến 13 tiếng một ngày, nhưng hãng hàng không của họ không cảm thấy việc cung cấp đồ ăn cho họ là việc quan trọng? Họ đã có mức lương phúc lợi và giờ họ phải kiếm cả thời gian và tiền bạc khi chỉ có 25 phút trên mặt đất chỉ để nạp năng lượng cho mình. Đây là một thực trạng đáng buồn. Hãy nhớ, bạn đã mua vé máy bay rẻ nhất. HOAN HÔ GIÁ XĂNG CAO! (SDL). Bài viết này được xuất bản vào tháng 6 năm 2007, khi giá xăng thường ở Mỹ trung bình là 2,8 đô-la/gallon(23) và giá xăng đã tăng mạnh trong những tháng trước đó. Một năm sau, giá xăng chạm mức 4 đô-la. Khi chúng tôi viết những dòng này (tháng 1 năm 2015), giá đã giảm một mạch xuống còn 2,06 đô-la/gallon. Vì vậy, ngay cả khi không điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, giá xăng dầu hiện nay đã giảm 26% so với khi bài viết này ra đời. Trong khi đó, thuế xăng dầu liên bang vẫn giữ nguyên kể từ năm 1993. Suốt một thời gian dài, tôi luôn cảm thấy giá xăng dầu ở Mỹ quá thấp. Khá nhiều nhà kinh tế tin điều này và cũng tin vào việc cần tăng mạnh thuế xăng dầu. Lý do chúng ta cần tăng thuế xăng dầu là vì việc lái xe của tôi có liên quan đến đủ loại chi phí mà tôi không phải bỏ ra một xu − có ai đó đã trả chúng. Các nhà kinh tế học gọi đây là “tác động ngoại hiện âm”. Vì tôi không phải trả toàn bộ chi phí lái xe của mình nên tôi lái xe rất nhiều. Điều lý tưởng ở đây là chính phủ có thể khắc phục vấn đề này thông qua mức thuế xăng dầu giúp điều chỉnh động cơ lái xe riêng tư của tôi với chi phí xã hội đi kèm việc lái xe đó. Việc lái xe có thể có ba tác động ngoại hiện âm như sau: 1. Việc tôi lái xe làm tăng tình trạng tắc nghẽn giao thông đối với những lái xe khác; 2. Tôi có thể đâm vào xe khác hoặc người đi bộ; 3. Việc tôi lái xe góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nếu phải đoán, bạn sẽ đoán trong ba điều cân nhắc này, điều nào là lý lẽ vững chắc nhất cho việc tăng thuế xăng dầu? Câu trả lời, ít nhất dựa trên chứng cứ mà tôi tìm thấy, có thể khiến bạn ngạc nhiên. Câu trả lời rõ ràng nhất là tình trạng tắc nghẽn giao thông. Tắc nghẽn giao thông là hệ quả trực tiếp của việc có quá nhiều xe lưu thông. Nếu bỏ đi vài chiếc xe, những lái xe còn lại sẽ có thể đi nhanh hơn. Dưới đây là thông tin về tình trạng trạng tắc nghẽn giao thông trên trang Wikipedia: Cục Giao thông Vận tải Texas ước tính, trong năm 2007, 75% khu vực đô thị lớn nhất bị đình trệ lưu thông 3,6 tỷ giờ, dẫn đến 5,7 tỷ gallon (tức 21,6 tỷ lít) nhiên liệu bị lãng phí và 67,5 tỷ năng suất bị mất đi, chiếm khoảng 7% GDP của cả nước. Nghiên cứu cụ thể này không chỉ ra điều chúng ta thật sự cần biết để ước tính mức thuế xăng dầu (chúng ta cần biết việc thêm một người lái xe vào đám đông trên đường sẽ tác động nhiều như thế nào đến năng suất mất đi). Tuy nhiên, nó dẫn đến luận điểm: nếu tôi là một người phải lái xe đi làm, tôi sẽ được lợi hơn nếu hôm nay bạn quyết định nghỉ ốm. Một cái lợi tinh vi hơn của việc có ít lái xe trên đường là sẽ có ít va chạm hơn. Aaron Edlin và Pinar Mandic, trong một bài báo mà tôi tự hào được xuất bản trên tạp chí Political Economy, lập luận một cách thuyết phục rằng mỗi lái xe tăng thêm sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm của các lái xe khác lên khoảng 2 nghìn đô-la. Điểm chính ở đây là nếu xe của tôi không ở đó để đâm nhau, vụ va chạm có thể không bao giờ xảy ra. Họ kết luận rằng mức thuế phù hợp sẽ tạo ra 220 tỷ đô-la mỗi năm. Vì vậy, nếu họ đúng, việc giảm các vụ tai nạn xe cộ là lý do quan trọng để tăng thuế xăng dầu hơn là giảm tình trạng tắc nghẽn. Tôi không chắc mình tin vào lý lẽ này; nó hẳn là kết quả mà tôi sẽ chẳng bao giờ đoán nổi. Thế còn tình trạng nóng lên trên toàn cầu thì sao? Mỗi gallon xăng dầu mà tôi đốt sẽ thải ra carbon vào không khí và được cho là đẩy nhanh sự ấm lên toàn cầu. Nếu bạn tin vào bài viết về thuế carbon trên Wikipedia, chi phí xã hội cho 1 tấn carbon thải vào không khí là khoảng 43 đô-la. Nếu con số này là đúng, thì thuế xăng dầu cần thiết để bù cho hiệu ứng ấm lên toàn cầu là khoảng 12 xu/gallon. Theo báo cáo của Viện Khoa học Quốc gia, các phương tiện đi lại ở Mỹ đốt khoảng 160 tỷ gallon xăng và dầu diesel mỗi năm. Với mức 12 xu một gallon, tác động ngoại hiện âm của tình trạng ấm lên toàn cầu là 20 tỷ đô-la. Vì vậy, so với giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông và giảm số vụ tai nạn, đấu tranh chống ấm lên toàn cầu là yếu tố xa thứ ba để xét các lý do để tăng thuế xăng dầu (20 tỷ đô-la không phải là con số nhỏ; tuy nhiên, nó chỉ nhấn mạnh chi phí do tắc nghẽn giao thông và tai nạn cao ra sao mà thôi). Kết hợp những con số này lại cùng những lý do khác giải thích cho việc tại sao chúng ta nên tăng thuế xăng dầu (ví dụ như hỏng đường sá), có vẻ ta dễ chứng minh được việc cần tăng thuế xăng dầu lên ít nhất 1 đô-la/gallon. Năm 2002 (năm mà tôi có thể dễ dàng tìm thấy dữ liệu), mức thuế trung bình là 42 xu/gallon, tức chỉ khoảng 1/3 mức thuế đáng lẽ phải đánh. Giá xăng dầu cao đóng vai trò như thuế, trừ việc chúng dễ luân chuyển hơn và thêm doanh thu cho các nhà sản xuất, chiết xuất và phân phối xăng dầu thay vì vào két của chính phủ. Quan điểm của tôi là thay vì phàn nàn giá xăng dầu cao, chúng ta nên ăn mừng vì điều đó. Nếu bất kỳ ứng viên tổng thống nào xuất hiện ủng hộ đánh thuế 1 đô-la cho mỗi gallon xăng dầu, hãy bỏ phiếu cho ứng viên đó. Thêm một hệ quả từ giá xăng cao: Chúng dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông vì khi đó các lái xe chọn những xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu và ngày càng nhiều xe máy. Một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Injury Prevention phát hiện thấy: trong vòng 9 năm, chỉ riêng ở California, việc tăng giá xăng dầu lên 30 xu/gallon đã dẫn tới 800 ca tử vong có liên quan đến xe máy. CHƯƠNG 3. LÀM SAO ĐỂ CÓ NHỮNG NỖI SỢ HÃI SAI LẦM Trong Siêu kinh tế học hài hước, chúng tôi đã chỉ ra một trong những hành động nguy hiểm nhất mà ai cũng có thể thực hiện: đi trong cơn say. Nghiêm túc đấy! Dữ liệu cho thấy đi bộ một dặm trong tình trạng say xỉn nguy hiểm gấp tám lần lái xe một dặm trong tình trạng tương tự. Nhưng hầu hết mọi người chỉ cười và lờ chúng tôi đi. Khi nói đến chuyện đánh giá rủi ro, mọi người đoán trật lất vì đủ mọi lý do - từ thành kiến nhận thức đến sự chú trọng thái quá của truyền thông tới những sự kiện hiếm gặp. Suốt nhiều năm, chúng tôi đã tạo ra một thư mục blog về đủ các chủ đề khác nhau như nỗi sợ người lạ, sợ hết dầu và sợ cưỡi ngựa. WHOA NELLIE(24) (SJD). Gần đây, Matthew Broderick(25) bị gãy cổ khi cưỡi ngựa. Biến cố này khiến anh trở thành người thứ tư hay thứ năm mà tôi biết bị thương khi cưỡi ngựa trong vài tháng trở lại đây. Chuyện này làm tôi suy nghĩ: Cưỡi ngựa nguy hiểm như thế nào, đặc biệt là so với lái xe máy chẳng hạn? Vài thao tác tìm kiếm nhanh trên Google cho ra một báo cáo của CDC năm 1990: “Mỗi năm ở Mỹ ước tính có 30 triệu người cưỡi ngựa. Tỷ lệ chấn thương nghiêm trọng trên số giờ cưỡi ngựa cao hơn tỷ lệ chấn thương khi đi xe máy và đua ô tô.” Điều thú vị là những người bị thương khi cưỡi ngựa thường có hơi men, giống như những người bị thương (và làm bị thương người khác) khi điều khiển các phương tiện gắn máy. Vậy tại sao chúng ta chẳng nghe nói gì về nguy cơ khi ngồi trên lưng ngựa? Tôi có thể đoán được vài nguyên do: 1. Nhiều vụ tai nạn về ngựa xảy ra ở khu đất tư và chỉ liên quan đến một người; 2. Những tai nạn như vậy có lẽ thường không có báo cáo của cảnh sát ghi lại, như thường thấy ở các vụ tai nạn xe máy hay xe đua; 3. Kiểu người thường chú ý đến những hoạt động không an toàn thích ngựa hơn là xe máy; 4. Một vụ tai nạn xe máy nghiêm trọng có thể được đưa lên bản tin thời sự buổi tối hơn là một vụ tai nạn cưỡi ngựa − tất nhiên, trừ khi nạn nhân vụ tai nạn cưỡi ngựa đó là một Matthew Broderick hay một Christopher Reeve(26) nào đó. Tôi có thể nhầm về chuyện này, nhưng tôi không nhớ tai nạn bi thảm của Reeve lại được coi là hồi chuông báo động nên cấm hoặc điều chỉnh hoạt động cưỡi ngựa − trong khi đó, khi Ben Roethlisberger(27), chẳng hạn, bị thương khi điều khiển xe máy mà không có mũ bảo hiểm, toàn bộ vấn đề đều nhắm vào sự xuẩn ngốc trong hành động của anh ta. Tôi không nói Big Ben không ngốc nhưng với tư cách là người hâm mộ Steelers, tôi đoán mình mừng vì anh không cưỡi ngựa. ĐÁNG RA BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG PHẢI NÓI THẾ NÀY VỀ NGHIÊN CỨU GHẾ NGỒI TRÊN XE Ô TÔ CỦA TÔI (SDL). Trên blog chính thức của mình ở trang web chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Mỹ, Ray LaHood, đã bác bỏ nghiên cứu của tôi về ghế an toàn cho trẻ em. Nghiên cứu này phát hiện thấy ghế ngồi chẳng tốt hơn dây an toàn trong việc giảm tỷ lệ tử vong hay chấn thương nghiêm trọng cho trẻ từ 2-6 tuổi; nghiên cứu này dựa trên khối lượng dữ liệu trong gần 30 năm của Hệ thống Báo cáo Phân tích Tử vong Mỹ cũng như từ các cuộc kiểm tra va chạm mà Dubner và tôi đã tiến hành. Đây là câu trích mà tôi rất thích từ bài blog của ngài bộ trưởng: Bây giờ, nếu các bạn muốn cắt dữ liệu cho vui thì cứ bắt tay mà làm thôi. Nhưng là một người đã làm ông và là bộ trưởng của một cơ quan mà sứ mệnh số một là an toàn, tôi không có được sự xa xỉ ấy. Đọc bài blog của bộ trưởng, tôi ngạc nhiên khi thấy ông phản ứng với thử thách khác thế nào so với Arne Duncan hồi tôi nói với Duncan về công trình nghiên cứu của tôi liên quan đến việc giáo viên gian lận. Duncan, hiện là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ, khi đó đang phụ trách khối trường công lập của Chicago. Tôi cứ tưởng Duncan sẽ hành động như LaHood: gạt bỏ kết quả tìm được và thủ thế phòng vệ... Nhưng Duncan đã làm tôi phải ngạc nhiên. Ông nói tất cả những gì mà ông quan tâm là đảm bảo trẻ em được học hành nhiều nhất có thể và trò gian lận của các giáo viên cản trở điều đó. Ông mời tôi đến nói chuyện và cuối cùng chúng tôi đã tạo nên sự khác biệt. Nếu mục tiêu tối thượng trong trường hợp này quả thực là sự an toàn của trẻ em, ông LaHood có thể viết như sau trên blog của mình: Từ lâu, chúng ta đã dựa vào những chiếc ghế trẻ em để đảm bảo an toàn cho các em nhỏ. Các nghiên cứu hàn lâm từ trước cho đến gần đây đều xác nhận quan điểm cho rằng ghế trẻ em rất thành công trong mục tiêu này. Nhưng trong loạt bài nghiên cứu mới trên các tạp chí bình duyệt, Steven Levitt và những đồng tác giả với ông đã thách thức quan điểm này khi sử dụng ba bộ dữ liệu khác nhau do Bộ Giao thông thu thập được cùng các bộ dữ liệu khác. Tôi không phải là chuyên gia dữ liệu, nhưng tôi có một cơ quan để điều hành vì vậy tôi không có được sự xa xỉ tự mình phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, tôi là một người làm ông và sứ mệnh số một của cơ quan tôi là an toàn, vì vậy tôi đã đề nghị các nhà nghiên cứu trong cơ quan mình làm những việc sau: 1. Xem xét kỹ lưỡng những bộ dữ liệu đã thu thập được ở đây, trong cơ quan của chúng tôi, vốn là cơ sở cho công trình của ông Levitt. Có đúng những dữ liệu này cho thấy có ít hoặc không có chứng cứ cho thấy ghế trẻ em thực hiện tốt hơn dây an toàn trong việc bảo vệ trẻ em từ hai tuổi trở lên. Chuẩn đối sánh mà chúng tôi dùng để đo lường hiệu quả của ghế trẻ em luôn được áp dụng trên những trẻ em được để cho ngồi thoải mái. Có lẽ chúng tôi cần suy nghĩ lại về điều này? 2. Yêu cầu các bác sĩ tại bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, những người thường xuyên thấy ghế trẻ em hiệu quả, công bố dữ liệu của họ. Tôi hiểu rằng các bác sĩ này đã từ chối chia sẻ dữ liệu của họ với ông Levitt, nhưng vì lợi ích của việc tìm ra sự thật, các nhà nghiên cứu khác cần có cơ hội xem xét những gì các bác sĩ đã thực hiện. 3. Tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm sử dụng người nộm kiểm tra va chạm để xác định xem liệu dây an toàn của người lớn có thật sự vượt qua được mọi yêu cầu về kiểm tra va chạm của chính phủ không. Trong cuốn sách Siêu kinh tế học hài hước, các ông Levitt và Dubner báo cáo phát hiện của họ với một mẫu kiểm tra rất nhỏ; chúng ta cần thêm chứng cứ về dữ liệu này. 4. Cố gắng hiểu tại sao dù đã sau 30 năm nhưng phần lớn ghế trẻ em vẫn không được lắp đặt đúng. Sau từng ấy thời gian, chúng ta quả thật nên trách cứ các vị phụ huynh hay ai khác? 5. Sau khi tìm hiểu toàn bộ vấn đề, hãy cùng tìm ra sự thật và sử dụng nó làm kim chỉ nam cho chính sách công. Và nếu Bộ trưởng LaHood có hứng thú trong việc thực hiện theo bất kỳ hướng nào kể trên, tôi sẵn sàng đứng ra giúp đỡ bằng mọi khả năng của mình. CẬP NHẬT: Bộ trưởng LaHood chẳng bao giờ đếm xỉa đến đề nghị giúp đỡ của tôi. ĐẢM BẢO AN NINH QUÁ ĐÀ, PHIÊN BẢN ĐỔI TÃ (SJD). Gần đây tôi suy nghĩ về việc đảm bảo an ninh quá mức cần thiết. Việc này không chỉ bao gồm “màn kịch an ninh”(28) mà còn bao gồm nhiều trường hợp trong đó người ta đặt ra một lớp đảm bảo an ninh giữa tôi và các hoạt động thường nhật của tôi mà chẳng vì một lợi ích rõ ràng nào. Chẳng hạn, ngân hàng của tôi chắc chắn sẽ cho rằng nhiều và đủ kiểu biện pháp chống giả mạo là có giá trị. Nhưng sự thật là, chúng (a) có mục đích bảo vệ ngân hàng chứ không phải tôi và (b) cồng kềnh tới mức ngớ ngẩn. Nó ngớ ngẩn đến mức tôi có thể dự đoán được kiểu thanh toán bằng thẻ tín dụng nào sẽ kích hoạt thuật toán ngu ngốc của ngân hàng và làm đóng băng tài khoản của tôi vì ngân hàng không ưa mã bưu điện ở nơi tôi dùng thẻ. Đảm bảo an ninh quá mức cần thiết đã len lỏi cả vào cuộc sống thường nhật. Khi hội phụ huynh ở trường của lũ trẻ nhà tôi gửi danh sách thông tin liên lạc của phụ huynh vào mỗi dịp đầu năm học, danh sách này là một tập tin Excel có mật khẩu bảo vệ. Hãy nhớ danh sách này không có số an sinh xã hội hay thông tin ngân hàng − chỉ có tên, địa chỉ và số điện thoại của phụ huynh. Tôi có thể hình dung ra cảnh vài tháng sau bỗng đâu một hôm có một phụ huynh thật sự cần sử dụng danh sách này nhưng đã quên bẵng mật khẩu từ đời thuở nào. Ví dụ về việc đảm bảo an ninh quá đà lố bịch nhất mà tôi tình cờ gặp phải gần đây là tại Ga phố 13, điểm bắt tàu chính ở Philadelphia. Tôi chụp ảnh một thứ mà tôi nhìn thấy trong phòng vệ sinh nam: Vâng, đó là một trạm thay tã có khóa. Tấm biển viết tay phía trên thông báo “Hãy gặp tiếp viên để lấy khóa”. Tôi chắc chắn là chúng ta có thể nghĩ đến vài điều xấu có thể xảy ra trên khay thay tã không khóa và tôi đoán cũng như với hầu hết các hình thức đảm bảo an ninh quá đà, xuất phát từ một sự kiện bất thường nào đó khiến ai đó sợ chết khiếp (hay phải cậy nhờ đến luật sư). Ấy thế nhưng nó vẫn có thật… MỐI ĐE DỌA KHỦNG BỐ MỚI NHẤT (SDL). Chiến lược tốt nhất mà tôi tìm được để hạn chế sự trầm trọng của việc rà soát an ninh là vờ như mình là một kẻ khủng bố và suy nghĩ xem những điểm yếu thường nằm ở đâu trong hệ thống an ninh và làm sao để lọt qua. Tôi nghĩ mình đã tìm được cách để đưa một khẩu súng hay khối thuốc nổ vào Nhà Trắng trong suốt nhiệm kỳ của chính quyền tổng thống George W. Bush. Nhưng tôi chỉ được mời tới Nhà Trắng đúng một lần, vì vậy tôi chẳng bao giờ có cơ hội kiểm nghiệm thực tế lý thuyết của mình. Gần đây khi tới Ireland, tôi đã học được một phương thức chống khủng bố mới. Ngoài máy tính xách tay, các nhân viên an ninh ở Dublin sẽ yêu cầu bạn phải bỏ ra khỏi túi hành lý xách tay một vật mà trước đó tôi chẳng mảy may nghĩ là sẽ gây nguy hiểm: chiếc ô. Suốt đời mình, tôi không thể nghĩ ra nổi trò độc ác nào mà mình có thể làm với một chiếc ô − hay nói đúng hơn, trò độc ác nào tôi có thể làm với chiếc ô mà người ta phải ngăn lại bằng cách buộc tôi bỏ nó ra khỏi túi hành lý xách tay và đặt thẳng nó lên băng chuyền. Tôi đã hỏi nhân viên giám sát an ninh tại sao phải bỏ trực tiếp ô lên băng chuyền, nhưng giọng của cô ấy đục đến nỗi tôi chẳng thể nghe thấy câu trả lời. Tôi nghĩ tôi đã nghe loáng thoáng từ thọc đâu đó trong câu đáp của cô. Việc tìm hiểu những nguy cơ tiềm tàng mà một chiếc ô có thể gây ra làm giảm mạnh sự hữu dụng của tôi. Bây giờ, mỗi khi tôi bay trong nước Mỹ, nơi việc kiểm tra an ninh những chiếc ô trở nên thường tình như không có gì, tôi sẽ mất cả chuyến bay thấp thỏm lo sợ rằng một chiếc ô đỏ nào đó đã tìm được đường lên máy bay. Có một điều chắc chắn: Nếu tôi nhìn thấy một hành khách lôi chiếc ô ra khỏi túi hành lý xách tay của họ trong khi chiếc máy bay đang ở trên không, tôi sẽ phải tiền trảm hậu tấu vậy! """