" Khao Khát Yêu Đương PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Khao Khát Yêu Đương PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo KHAO KHÁT YÊU ĐƯƠNG Yukio Mishima Phạm Phương dịch ISBN: 978-604-306-101-7 Dịch từ nguyên bản tiếng Nhật 愛 の 渇 き (Ai no Kawaki) của Yukio Mishima. Bản quyền tiếng Việt © Công ty Cổ phần Sách Tao Đàn, 2020. NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN Chương 1 Ngày hôm đó, Etsuko mua hai đôi tất bằng lông tái chế ở cửa hàng bách hóa Hankyu. Một đôi màu xanh đậm. Một đôi màu trà. Đều là những đôi tất đơn giản và không có hoa văn. Dù đã đến Osaka nhưng sau khi mua xong đồ ở ga cuối Hankyu, Etsuko nghĩ nên ngay lập tức lên tàu điện trở về, không nán lại xem phim, đi ăn hay uống trà. Đối với Etsuko, không gì đáng ghét bằng đường phố đông đúc ồn ào. Nếu muốn đi, chỉ cần xuống dưới cầu thang, đến ga ngầm Umeda1rồi từ đó đi đến Dotonbori và Shinsaibashi bằng tàu điện ngầm, cũng không có gì là phiền phức. Thêm nữa, băng qua ngã tư phía ngoài cửa hàng bách hóa chính là khu phố mang theo tất cả làn sóng đô thị, những lớp sóng phồn hoa đang tiến lại gần hơn. Bên đường, mấy cậu bé đánh giày cao to mời gọi khách. Người sinh ra và lớn lên ở Tokyo như Etsuko rõ ràng không mấy hiểu về Osaka. Chỉ có một sự lo sợ vô cớ rằng, ẩn giấu nơi đô hội kia là gì? Là giới quý tộc, lũ lưu manh, chủ công xưởng, người môi giới chứng khoán, gái bán hoa, kẻ buôn thuốc phiện, nhân viên công ty, lũ lừa đảo, chủ ngân hàng, chính quyền địa phương, các ông nghị, người kể chuyện Gidayu2, những người phụ nữ làm vợ lẽ, những bà nội trợ chặt chẽ tiền bạc, kí giả, người kể chuyện cười ở kịch quán, gái quán bar, người đánh giày. Tất cả họ đều tồn tại ở đây. Nhưng thực ra nỗi lo sợ của Etsuko không phải là về nơi phồn hoa đầy ắp những loại người ấy, mà có lẽ đơn giản chính là cuộc sống. Cuộc sống thì vô hạn, đầy rác rưởi lênh đênh, dễ đổi thay, tràn lan bạo lực nhưng vì lẽ gì lại luôn như mặt biển tràn đầy một màu xanh trong sạch như thế? Khi Etsuko đút hai đôi tất vào đáy chiếc túi mua hàng làm bằng vải hoa thì đột nhiên một tia chớp giáng xuống, cánh cửa sổ mở toang, nghe loáng thoáng tiếng các giá thủy tinh trong cửa hàng va đập xen lẫn tiếng sét rất rát. Gió thổi đến làm đổ tấm biển nhỏ, miếng giấy ghi dòng chữ “bán sản phẩm đặc biệt” rũ xuống phất phơ. Nhân viên cửa hàng chạy vội ra đóng cửa sổ lại. Trong cửa hàng tối om. Vốn dĩ đèn điện được bật cả ngày nhưng trong tình trạng hiện tại, suy nghĩ nhanh chóng muốn tăng độ sáng của đèn hoàn toàn có thể hiểu được. Dẫu vậy, tuyệt nhiên không có một hạt mưa nào rơi xuống. Etsuko luồn cánh tay vào quai chiếc giỏ bằng trúc. Quai giỏ cứ thế chà xát vào da từ cổ tay lên tận khuỷu tay3. Cô xoa hai lòng bàn tay vào má. Hai má trở nên nóng rõ rệt. Việc này vẫn thường xuyên xảy ra. Chẳng vì lý do gì, cũng không hẳn là bệnh tật, đôi má cứ như thể bất ngờ bị lửa thiêu. Bàn tay con gái vốn mềm yếu nay nổi lên những vết chai sần, cháy nắng. Như thể cứu vãn chút nữ tính còn lại, đôi bàn tay thô ráp cọ vào hai má ửng hồng. Điều này làm má Etsuko càng nóng hơn. Bây giờ dường như việc gì cũng có thể làm được. Đi qua ngã tư đó rồi cứ thế đi bộ như đang bước trên một tấm ván nhảy cầu, cảm giác như có thể nhào lộn rồi rơi tõm vào trong trung tâm thành phố. Mắt của Etsuko nhìn như dán vào đám người hờ hững đi qua đống hàng hóa bày biện hỗn loạn giữa những gian hàng. Một cách vô thức, cô nhanh chóng đắm đuối vào mộng tưởng. Người phụ nữ lạc quan này khuyết thiếu bản năng tưởng tượng ra sự bất hạnh của phái nữ. Sự nhút nhát của cô cũng từ đó mà ra. Điều gì mang đến dũng khí nhỉ? Tiếng sét hay là hai đôi tất mới mua? Etsuko rẽ đám đông, nhanh chóng bước xuống cầu thang. Cầu thang đông đúc. Xuống đến tầng hai rồi từ đó đến khoảng không gian rộng ở tầng một, gần với nơi bán vé tàu tuyến Hankyu. Cô nhìn ra ngoài cửa, trong một, hai phút đột ngột một cơn mưa trút xuống như thác. Cơn mưa như thể cứ rơi mãi như vậy từ rất lâu rồi làm toàn bộ vỉa hè ướt nhẹp, bắn lên những giọt nước mãnh liệt. Etsuko đến gần cửa ra. Lấy lại sự lạnh lùng thường có, cảm thấy rất yên tâm. Rồi như thoáng nhớ ra một điều khiến đầu choáng váng nhẹ. Cô không mang theo ô, không thể đi ra ngoài... Không phải là không thể đi, mà là thấy không cần phải đi nữa. Đứng bên cạnh cửa ra, cô nhìn nơi những dãy cửa hàng liên tiếp nhau, những biển chỉ đường và tàu điện nội đô nhạt nhòa trong màn mưa. Chưa lao vào cơn mưa mà vạt áo đã ướt hết rồi. Nơi cửa ra rất đông người. Một người đàn ông đội túi xách lên đầu chạy đến. Một người phụ nữ mặc Âu phục trùm tóc bằng khăn. Tất cả đều chạy đến chỗ Etsuko cứ như thể cô chính là lý do khiến họ tập trung ồn ào như vậy. Chỉ một mình cô không ướt. Những người có vẻ như dân văn phòng xung quanh cô, ai nấy đều ướt như chuột lội. Họ buông những tiếng oán trách thời tiết, những lời bông đùa, rồi họ cho rằng việc đội mưa chạy đến ít nhiều không phải là lựa chọn đúng đắn. Rồi với khuôn mặt dường như không biết nói gì thêm, họ đành đồng loạt hướng về phía cơn mưa. Etsuko cùng với những gương mặt ướp nhẹp ấy cũng ngẩng đầu nhìn mưa. Cơn mưa từ nơi cao vô hạn trút xuống giống như muốn nhắm thẳng đến gương mặt họ, rơi một cách rất có quy tắc. Tiếng sấm đã đi xa. Âm thanh của cơn mưa làm thính giác tê dại, trái tim cũng tê dại. Thỉnh thoảng có tiếng còi ô tô làm đứt mạch suy nghĩ của cô. Một tiếng hét chói tai từ chiếc loa phát thanh của nhà ga. Nhưng âm thanh này cũng chẳng át nổi tiếng mưa. Etsuko tách khỏi đám người trú mưa, xếp vào hàng dài những người đang chờ mua vé. Ga Okamachi của tuyến Hankyu Takarazuka từ ga Umeda đi khoảng ba, bốn mươi phút là tới. Tàu tốc hành không dừng ở đây. Sau khi nạn dân chiến tranh từ Osaka tràn đến, rất nhiều nhà ở xã hội được xây dựng bên ngoài thị trấn nên dân số của thành phố Toyonaka tăng đáng kể. Nơi Etsuko sống là làng Maiden cũng nằm trong nội thị Toyonaka, thuộc Osaka. Hiểu trên một phương diện nào đó thì không phải là một vùng quê. Tuy nói như thế nhưng muốn mua đồ một cách chu đáo hơn và rẻ hơn thì vẫn phải đi đến Osaka tốn hơn một giờ tàu. Ngày mai là tiết Thu phân, Etsuko rất muốn mua một quả bưởi đặt lên bàn thờ của người chồng Ryosuke. Bưởi là thứ quả anh rất yêu thích. Đáng tiếc, quầy bán hoa quả của cửa hàng bách hóa chẳng còn một quả bưởi nào. Thật tâm cô không muốn ra ngoài mua. Thế mà bị lương tâm lên án hay một sự thôi thúc ngấm ngầm nào đó mà cô lại đi vào nội đô rồi bị cơn mưa ngáng đường. Tất cả chỉ có thế. Hoàn toàn không có lý do nào khác nữa. Etsuko lên chuyến tàu chậm đi về hướng Takarazuka. Từ ghế ngồi nhìn ra ngoài song cửa, cơn mưa vẫn chưa ngừng rơi. Người đứng trước mặt đang đọc một tờ báo buổi chiều, mùi mực in kéo cô ra khỏi cơn mộng. Như một kẻ đang làm việc trái lương tâm, cô lén nhìn xung quanh. Chẳng có chuyện gì cả. Người lái tàu thổi lên một hồi còi run rẩy, tiếng con tàu nghiến vào đường ray nặng nề. Rồi cứ như thế, con tàu lại bắt đầu khởi hành, lặp đi lặp lại một cách đơn điệu. Ga nối ga. Con tàu uể oải tiến lên phía trước. Mưa đã tạnh. Etsuko ngoái cổ nhìn, từ trong những đám mây phóng ra vô số tia sáng huy hoàng. Ánh sáng giống như cánh tay trắng muốt mệt mỏi đặt lên những tòa nhà xã hội ở ngoại ô Osaka. Etsuko đi bộ giống như một bà bầu, cách đi khiến người ta cảm thấy như thể cô cố tình tỏ vẻ lười biếng. Tuy nhiên tự bản thân cô lại không ý thức được điều đó, vừa hay cũng chẳng có ai nhắc nhở, nên giống như miếng giấy bị một đứa nhóc nghịch ngợm lén lút dán lên cổ áo bạn bè, dáng đi đó thành hình ảnh đặc trưng của cô. Từ trước ga Okamachi đi qua cổng đền Hachimangu rồi ra khỏi con phố giàu có giống như một đô thị thu nhỏ, cuối cùng đến một nơi thưa thớt nhà cửa. Cũng nhờ những bước chân uể oải của mình mà màu sắc hoàng hôn ôm trọn lấy Etsuko. Khu nhà ở xã hội đã lên đèn. Một vùng dân cư vô vị với vô số những căn nhà hình thức giống nhau, nhỏ bé như nhau, sinh hoạt giống nhau, nghèo đói như nhau. Con đường đi qua nơi này dù là đường gần nhưng luôn bị Etsuko né tránh. Khi đi qua đó buộc phải liếc vào căn phòng của họ, có tủ trà, bàn trà, radio, chăn nệm. Có lúc đột ngột đập vào mắt cô là một bữa ăn nghèo nàn. Trong làn khói nóng nghi ngút của bữa ăn, cô cảm thấy cực kì tức giận. Trái tim của một người chỉ có khả năng thích nghi với hạnh phúc như cô, không thể nhìn nổi sự khốn cùng ấy, thứ lọt được vào mắt chỉ có thể là khung cảnh hạnh phúc mà thôi. Con đường tối tăm, lũ côn trùng bắt đầu cất lên những tiếng rỉ rả. Đâu đó trong vũng nước phảng phất sắc chiều tàn. Hai bên là ruộng lúa có những cơn gió hiu hiu mang theo hơi ẩm. Trên ruộng dập dờn những làn sóng lúa nhấp nhô, những bông lúa đã gục đầu, không giống như vẻ rực rỡ vàng ươm khi ban ngày, ban đêm trông chúng giống như một tập hợp vô số những thực vật buồn bã. Đi qua những con đường quanh co ảm đạm và vô nghĩa, vốn là đặc trưng chỉ có ở vùng quê, Etsuko đi vào con đường mòn ven suối. Vùng quanh đây toàn bộ đều thuộc làng Maiden. Nằm giữa con suối và đường mòn là một rừng trúc ken dày. Từ vùng này đến Nagaoka, sản vật nổi tiếng nhất chính là Trúc sào. Cuối rừng trúc hiện ra một cây cầu gỗ bắc qua con suối, chỗ đó chính là nơi bắt đầu con ngõ nhỏ. Etsuko đi qua cầu, đi qua trước nhà của người tá điền, ở giữa những cây phong và cây ăn quả, bao quanh bởi những cây trà cổ thụ, rẽ vào một khúc quanh co, bước lên một bậc đá. Nơi đó thấp thoáng một biệt thự, một nơi chẳng có gì nổi bật, lại có một người chủ có tinh thần tiết kiệm cao. Khi mở cánh cửa làm bằng gỗ rẻ tiền không mang lại chút nhã hứng nào sẽ đi vào bên trong nhà Sugimoto. Ở góc phòng, lũ trẻ con của cô em dâu Asako đang cười. Lũ trẻ đó vì cái gì mà cứ cười như thế?! Cô tuyệt nhiên không cho phép chúng cười kiểu thách thức, hỗn xược như vậy. Etsuko dùng dằng suy nghĩ đó trong đầu, cuối cùng chỉ đặt túi mua hàng lên bậc cửa. Sugimoto Yakichi đến làng Maiden mua hơn ba mươi ba nghìn mét vuông đất vào năm Chiêu Hòa thứ 9 (1934), năm năm trước khi lão thôi việc ở công ty Thương thuyền Kansai. Yakichi xuất thân là con trai của một tá điền ở ngoại ô Tokyo, tự làm thêm để trang trải học hành, sau khi tốt nghiệp đại học thì gia nhập công ty Thương thuyền Osaka - Kansai ở Dojima. Ổn định công việc liền đón vợ từ Tokyo xuống cùng sinh sống. Đem phần lớn tài sản đến Osaka, ba đứa con trai vẫn ăn học ở Tokyo. Năm Chiêu Hòa thứ 9 được thăng chức lên quản lý cao cấp, năm Chiêu Hòa thứ 13 trở thành giám đốc, năm tiếp theo chủ động từ chức rời khỏi công ty trong vinh quang. Thỉnh thoảng trong lúc đi tảo mộ bạn cũ tại khu nghĩa trang thành phố tên là Hattori, vợ chồng Sugimoto dần say mê vùng đất hiền hòa với địa thế nhấp nhô này, hỏi ra mới biết là làng Maiden. Họ tìm thấy một mảnh đất tuyệt đẹp ở rừng cây cổ thụ, bên một con dốc được bao trùm bởi rừng hạt dẻ và rừng trúc. Năm Chiêu Hòa thứ 10 thì xây dựng biệt thự ở đây, đồng thời giao phó khu vườn cây ăn quả cho một nghệ nhân làm vườn nổi tiếng. Tuy vậy, có chút trái với hi vọng của vợ và những đứa con trai nhà Sugimoto vẫn muốn biến biệt thự trở thành nơi ở thường xuyên, hưởng cuộc sống biệt trang nhàn tản, thì cả gia đình chỉ về đây vào mỗi cuối tuần bằng xe ô tô từ Osaka. Bởi vậy, nơi đây không khác gì một nơi tạm dừng chân chỉ để vui vẻ với ánh nắng và những cánh đồng. Trưởng nam nhà Sugimoto, Kensuke vốn là người không quan tâm đến những thú vui nghệ sĩ điền viên, trong lúc uể oải vì di chuyển nhiều đã lên tiếng phản đối hứng thú lành mạnh của cha mình. Từ tận đáy lòng anh ta rất coi thường điều đó nhưng kết cục thì lần nào cũng bị người cha gạt đi. Bất đắc dĩ, anh ta đành tham gia làm vườn với các em mình nữa. Những gia đình giàu có ở Osaka, với tính keo kiệt bẩm sinh cùng với lối sinh hoạt theo kiểu kinh kỳ, đã trở thành mảnh đất tốt lành cho triết lý bi quan phát triển rực rỡ. Điều đó thể hiện ở việc không ít người xây những biệt thự không phải ở những bãi biển nổi tiếng hay khu suối nước nóng mà ở vùng núi, trên những mảnh đất vừa ít tốn tiền vừa không phải nhờ vả quan hệ cũng dễ dàng có được. Sau khi Sugimoto Yakichi nghỉ việc thì cả gia đình chuyển hẳn về ở làng Maiden. Cái tên Maiden có lẽ mang nghĩa là “ruộng lúa”. Lợi dụng sự trù phú của vùng đất buồn tẻ vốn bị nước biển bao trùm thời viễn cổ này, nhà Sugimoto bắt đầu trồng cây ăn quả và rau củ trên hơn ba mươi ba nghìn mét vuông đất của mình. Với nhân lực là một hộ tá điền và ba người làm vườn cùng sự trợ giúp của một nghệ nhân làm vườn nghiệp dư, sau một vài năm những quả đào của nhà Sugimoto trở thành sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Sugimoto Yakichi đã từng có cái nhìn hững hờ với chiến tranh nhưng sau đó quan điểm này thay đổi một cách kì lạ. Bọn thị dân không biết lo xa nên khi chiến tranh kết thúc phải dùng đồ cấp phát miễn phí một cách dè sẻn hoặc phải mua gạo lậu với giá cao. Lão tiên đoán được điều đó nên mới có thể ung dung với cuộc sống tự cấp tự túc ở thôn trang này. Muốn vậy chẳng còn cách nào khác là phải nghỉ việc ở công ty. Nếu quy tất cả về thành tích của việc nhìn xa trông rộng thì lão cũng nghỉ việc công ty bằng chính suy nghĩ nhìn xa trông rộng này. Nhìn vẻ mặt của lão thì dường như mọi sự mệt mỏi hay đau khổ của một doanh nhân hết thời, giống như sự đau khổ và mệt mỏi của một kẻ tù tội, đều đã bị lão vất lại đằng sau. Rồi lão tìm thấy niềm vui từ việc nói xấu những người chẳng có oán thù gì đặc biệt với mình. Lão phỉ báng quân đội. Những lời phỉ báng đó càng dữ dội hơn sau khi bà vợ lão vì viêm phổi cấp tính mà sử dụng thuốc do một người bạn ở Bộ Tư lệnh quân sự Osaka giới thiệu, là loại thuốc mới được một trường quân y điều chế. Hiệu quả chẳng thấy đâu, người thì chết. Lão tự tay cắt cỏ, tự tay cày bừa, dòng máu nông dân trong người lại cuộn chảy. Hứng thú ruộng vườn trở thành một cảm xúc mãnh liệt. Không bị vợ nhìn, không bị xã hội giám sát, giờ đây ngay cả hỉ mũi cũng dám. Từ tận sâu trong cơ thể già nua ấy thường xuyên bị áo ghi lê, dây xích vàng đeo áo và dây đeo quần bức bách nên khi cốt cách nông dân được đánh thức, từ phía dưới khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm cẩn lộ ra khuôn mặt của một tá điền. Nếu nhìn vào khuôn mặt ấy sẽ thấy ánh mắt sắc lẻm và đôi lông mày giận dữ, đáng sợ hơn cả một con quỷ nhưng thực tế thì đó cũng chỉ là kiểu khuôn mặt của một ông lão nông dân mà thôi. * Có thể nói từ khi sinh tới nay, bây giờ Yakichi mới được làm chủ đất. Giờ đây, lão sở hữu đầy đủ nhà đất ruộng vườn. Trước kia, trong con mắt của lão, nông trang này cũng chỉ là một nơi để xây nhà, thế mà bây giờ, lão mới nhìn ra nơi đây chính là đất đai sinh lợi. Khi bản năng lý giải khái niệm sở hữu dưới hình thức đất đai quay lại thì cũng là lúc lão xác định được suy nghĩ rằng đang chạm cả đôi tay lẫn trái tim vào sự nghiệp của đời mình. Bằng suy nghĩ của một tên nhà giàu mới phất, lão nguyền rủa cha ông mình khi họ chẳng sở hữu một mét vuông đất nào. Từ tâm lý gần giống như muốn báo thù, lão già Yakichi liền xây một ngôi mộ tổ tiên rất to trong chùa Bodai ở quê nhà. Thế mà một cách đầy bất ngờ, ngay lập tức lão đưa mộ Ryosuke - con trai thứ hai của lão vào đấy. Nếu thế thì chẳng phải nên xây ở nghĩa trang Hattori ngay cạnh làng Maiden là tốt nhất hay sao? Lũ con trai chẳng mấy khi xuống Osaka chơi cũng không thể lý giải được sự thay đổi này của cha mình. Đối với trưởng nam Kensuke, thứ nam Ryosuke, con út Yusuke, hình ảnh người cha trong lòng họ ít nhiều có sự khác biệt, hình ảnh ấy vốn được dạy dỗ bởi chính người mẹ hiện giờ đã khuất núi của họ. Bà mẹ nhiều khuyết điểm ấy xuất thân trong một gia đình trung lưu ở Tokyo chỉ cho phép chồng mình học phong thái, lễ nghĩa của giới thượng lưu. Cho đến lúc chết, bà vẫn không chấp nhận việc chồng dùng tay hỉ mũi trước mặt người khác, móc gỉ mũi cũng bị cấm chỉ. Húp đồ ăn xì xụp và chép miệng bị cấm. Khạc đờm vào tro tàn trong lò than cũng bị cấm. Bà luôn nghĩ, nếu bao dung cho những hành vi như vậy thì sẽ sinh ra vô số tật xấu được ngụy biện là phóng khoáng. Sự thay đổi của Yakichi trong mắt của những đứa con trai mang một sự thống khổ, ngu ngốc nào đó, là một sự thay đổi hoàn toàn vá víu, lộn xộn. Bộ dạng cao ngạo khi còn là nhân viên cao cấp của công ty Thương thuyền Kansai có vẻ đã quay trở lại, nhưng sự linh hoạt mang tính công việc đã mất hẳn, lão trở nên cực kì độc đoán. Điều này hoàn toàn giống như tiếng hét giận dữ của người nông dân khi đuổi theo bọn trộm rau. Trong phòng tiếp khách rộng hai mươi chiếu có đặt một bức tượng bán thân của Yakichi, một bức chân dung sơn dầu được một danh họa nổi tiếng Kansai chấp bút treo trên tường. Tất cả đều lấy mẫu từ tấm ảnh của lão trong cuốn kỉ yếu dày bịch kỉ niệm 50 năm thành lập công ty cổ phần X. Đại Nhật Bản. Ngay trang đầu tiên trong cuốn sách đó, ảnh chân dung các đại giám đốc công ty được sắp xếp đều đặn. Cảm giác vá víu lộn xộn mà đám con trai của Yakichi cảm thấy, chính là tư thế tạo dáng của bức tượng bán thân có vẻ ngoan cố một cách thừa thãi, sự khoa trương mang đầy tính xã giao vờ vịt đã ăn sâu bén rễ vào đầu óc của lão già nhà quê này. Những lời phỉ báng quân đội phát ra từ sự kiêu ngạo đầy mùi bùn đất trưởng giả của lão được lý giải thành sự chân thành của lòng yêu nước. Bởi thế lão được các thôn dân thêm tôn trọng bội phần. Không thể chịu nổi cha mình như vậy, nhưng mỉa mai thay, trưởng nam Kensuke chính là người đầu tiên trở về ăn nhờ ở đậu lão Yakichi. Anh ta sống vô công rồi nghề, do bị hen suyễn mà được đặc cách miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng biết mình nhiều khả năng không được miễn trưng dụng4liền vội vàng nhờ mối quan hệ của cha, xin trưng dụng về bưu điện làng Maiden. Sau khi cùng vợ chuyển nhà về làng, mâu thuẫn thỉnh thoảng lại xảy ra, Kensuke thường xuyên cự cãi sự độc đoán của người cha ngạo mạn. Về điểm đó anh ta phát huy trọn vẹn thiên tính thích giễu cợt của mình. Khi chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ba người làm vườn phải ra trận chẳng còn lại ai. Gia đình của một trong ba người đó ở Hiroshima đã cử người em trai mới tốt nghiệp tiểu học đến làm thế vị trí của anh mình ở nhà Sugimoto. Tên người em là Saburo. Cậu nghe theo lời mẹ trở thành một tín đồ Thiên Lý giáo, trong đại lễ tháng Tư và tháng Mười gặp lại mẹ ở trại huấn luyện của giáo hội Thiên Lý, cậu phải mặc một chiếc áo có in dòng chữ trắng “Thiên Lý giáo” ở trên lưng rồi hành hương đến “Thánh đường.” ...Etsuko đặt túi mua hàng lên bậc cửa, vừa nhìn chút nắng hoàng hôn lọt vào trong căn phòng vừa cố gắng để những người bên trong nghe thấy tiếng động. Thế nhưng lũ trẻ vẫn tiếp tục cười mà không hề dừng lại. Tiếng cười đó nghe giống hệt như tiếng khóc. Tiếng cười ấy làm rung động không gian tối tăm tịch mịch trong phòng. Asako đang nấu cơm cũng không dừng tay. Cô ta là vợ của cậu em út Yusuke, người vẫn ở Siberia chưa về. Vợ chồng Yusuke dẫn theo mấy đứa con đến ở đây từ mùa xuân năm Chiêu Hòa thứ 23, sau khi chồng mất thì Etsuko được Yakichi gọi về vào đúng một năm trước đó. Etsuko đi về căn phòng rộng sáu chiếu của mình thì đột nhiên nhìn thấy bóng đèn ở cửa sổ nhỏ phía trên cửa lớn vẫn đang sáng. Cô nhớ là mình không hề quên tắt đèn. Cửa kéo đang mở. Bên kia bàn, Yakichi say sưa đọc một cái gì đó, lão có vẻ sợ hãi, quay lại nhìn về phía con dâu. Thấy màu đỏ của bìa cuốn sách lộ ra dưới tay lão, Etsuko hiểu ngay ra là lão đang đọc nhật kí của mình. “Con đã về rồi ạ.” Etsuko nói bằng một âm điệu rất vui vẻ, dường như không quan tâm đến sự việc trước mắt nhưng thật ra khi chỉ có một mình, khuôn mặt cô giống như biến thành người khác. Động tác vẫn nhanh nhẹn như một cô con gái trong nhà. Người phụ nữ góa bụa này thường được khen là một người thành thực. “Về rồi à? Muộn thế.” Yakichi chưa thể nói ra một cách thành thật rằng: “Sớm thế.” “Đói bụng lắm rồi. Tay chân buồn bực chẳng có gì làm, mượn cuốn sách của con đọc.” Lão đưa cuốn sách ra cho Etsuko xem, không biết lúc nào cuốn nhật kí đã biến thành cuốn tiểu thuyết. Đó là cuốn tiểu thuyết dịch được Kensuke cho mượn. “Cái này với ta thật là khó, ta chẳng hiểu sách này viết gì cả.” Lão mặc một chiếc quần cộc làm ruộng kiểu cũ, khoác ngoài chiếc áo sơ mi trắng kiểu nhà binh là chiếc áo ghi lê cũ. Bộ dạng này của Yakichi bao năm rồi không thay đổi nhiều. Bộ dạng khiêm nhường đến độ bỉ ổi này so với hình ảnh của lão trong thời gian chiến tranh, một hình ảnh mà Etsuko không biết, thì sự biến hóa quả là khó tin. Thêm nữa, thân thể suy yếu, ánh mắt vô lực, đôi môi có vẻ hợm hĩnh hơi mở ra một chút, khi nói chuyện thường nhễu nước bọt màu trắng, tích ở hai bên mép trông giống như một con ngựa. “Chẳng còn quả bưởi nào ạ. Con đã tìm đến bỏng mắt mà cũng không có quả nào.” “Thế à? Tiếc nhỉ?” Etsuko ngồi xuống chiếu, tay lồng vào đai lưng. Đi bộ khiến thân thể nóng bừng bên trong chiếc đai như thể căn phòng đang giam hãm nhiệt độ. Cô cảm thấy ngực mình ướt đẫm mồ hôi. Mồ hôi vừa nhiều vừa lạnh toát giống như mồ hôi vẫn rịn ra lúc ngủ. Mùi mồ hôi vừa tỏa ra không gian xung quanh trôi nổi, bồng bềnh vừa khiến bản thân cảm thấy ớn lạnh. Cô cảm thấy khó chịu như bị trói chặt. Khi cô ngồi xuống, cơ thể vô ý trở nên ngả ngớn. Bộ dạng trong một khoảnh khắc ấy, đối với người không quen biết, khó mà không để lại trong đầu họ một chút hiểu lầm. Yakichi bao nhiêu lần đã hiểu lầm điều đó thành gạ gẫm, nhưng rồi lão cũng hiểu, hành động đó của cô chỉ là vô thức do quá mệt mỏi mà thôi. Những lúc ấy, lão cũng phải tự kìm chế rất nhiều. Cô ngả người, tháo tất. Trong tất dính bùn. Mặt sau tất ngả sang màu đen nhạt. Yakichi không tìm được lời nói nào thích hợp bèn cứ lấy việc đang xảy ra trước mắt mà nói. “Tất bẩn quá rồi.” “Vâng, đường sá tệ quá ạ.” “Mưa lớn thế cơ mà. Phía Osaka chắc cũng mưa nhỉ?” “Vâng, lúc con mua đồ ở Hankyu thì trời đổ mưa.” Etsuko một lần nữa lại nổi lên ý nghĩ ấy. Tiếng mưa lớn đến nỗi như thể muốn làm tai điếc đặc, bầu trời đầy mây đen bị phong kín giống như thể cả thế giới đang chìm trong một không gian đầy mưa rơi. Cô im lặng. Căn phòng của cô chỉ có thế này thôi. Trước mắt Yakichi, không ngại ngùng cứ thế mà thay đồ. Bởi vì điện không đủ mạnh nên đèn trong phòng rất tối. Trong lúc Yakichi im lặng, Etsuko cũng hành động trong im lặng. Tiếng rít khi cởi dải đai áo bằng lụa giống như tiếng kêu của một sinh vật sống. Yakichi không chịu được sự im lặng này mãi. Sự im lặng này khiến lão cảm thấy Etsuko đang trách móc mình, bèn nhắc cô ăn cơm, sau đó quay trở lại căn phòng cách đó một dãy hành lang. Etsuko vừa buộc chiếc đai áo Nagoya5 vừa đi đến cạnh bàn. Một tay vòng ra phía sau ấn vào đai áo, một tay lật từng trang giấy trong cuốn nhật kí một cách đầy khinh bỉ. Trên môi nở một nụ cười bí hiểm. “Bố à, chắc bố không biết đây chỉ là đồ giả thôi. Cuốn nhật kí này ai mà biết là đồ giả chứ nhỉ. Con người ta có thể làm giả cả trái tim mình bằng một vài mánh khóe, chắc không ai tưởng tượng ra được.” Cô lật đúng đến trang của ngày hôm qua, cúi mặt xuống trang giấy đọc chăm chú. Thứ Tư ngày 21 tháng Chín Hôm nay là một ngày trôi qua trong vô sự. Một chút khó thở vì cái nóng còn sót lại cũng không có. Trong vườn tiếng côn trùng rỉ rả. Buổi sáng đến nơi cấp phát đồ dùng trong thôn để lấy một ít tương miso. Có đứa trẻ con ở đó bị viêm phổi, cuối cùng thì thuốc penicillin cũng đến kịp để cứu nó. Tuy là chuyện nhà người ta, nhưng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Ở quê như thế này, ai cũng cần một trái tim đơn thuần. Dường như tôi đã học được nhiều điều để trưởng thành hơn. Không có gì chán chường. Cũng không cảm thấy buồn tẻ. Thực sự là không buồn tẻ một chút nào. Đến lúc nông nhàn, cảm giác nghỉ xả hơi như một nông dân thật tốt. Sống trong sự bao bọc của bố, tôi cảm thấy như quay lại những năm tháng mười lăm, mười sáu tuổi. Sống trên đời này, chỉ cần một trái tim đơn thuần và một tâm hồn mộc mạc là đủ. Ngoài ra thì chẳng cần gì khác nữa. Trong cuộc đời, để rèn luyện cơ thể thì cần phải lao động, cuộc sống thành thị giống như một cái ao tù, lòng dạ nhiều toan tính tù túng giống như cái ao ấy sẽ hủy hoại từng thứ một trong tâm hồn ta. Tay của tôi cũng nổi chai sạn rồi. Bố lúc nào cũng khen ngợi tôi, nói đây mới chính là đôi tay của con người. Tôi không còn tức giận và u sầu nữa. Đến mức những bất hạnh đã từng làm khổ tôi, cả việc chồng đã chết, những ngày này, chẳng còn làm khổ tôi được nữa. Những ngày mùa thu thật yên bình, cảm giác của tôi trở nên rộng rãi hơn, muốn hướng về tất cả bằng một trái tim biết ơn. Về việc của S, người phụ nữ đó cũng có cảnh ngộ giống như tôi, nên tự nhiên trở thành bầu bạn. Người đó cũng mất chồng. Tôi có nhiều đồng cảm với người phụ nữ bất hạnh đó. Bởi vì S là một góa phụ mang trái tim đẹp đẽ, đơn thuần, chắc chắn trước sau gì cũng tái giá. Từ lâu rồi mong gặp gỡ, thong thả nói chuyện thế mà ngay cả ở Tokyo cũng như ở đây mãi mà vẫn chưa có cơ hội nào. Gửi cho tôi một lá thư cũng được, thế mà... “Chữ cái đầu tiên giống nhau nhưng chỉ cần thay đổi giới tính sang phụ nữ thì không ai biết được. Cái tên bắt đầu bằng S quá phổ biến. Không có chứng cứ thì không việc gì phải sợ hãi. Cuốn nhật kí này đối với tôi cũng chỉ là đồ giả mà thôi, nhưng thành thực mà nói phàm là con người không thể nào trở nên giả dối hoàn toàn được...” Khi viết ra những điều giả dối ấy, cô lần theo sự thành thật trong lòng mình, một lần nữa thử viết lại. “Khi vừa viết lại thì nhận ra điều đó cũng không hẳn là thật lòng.” Vừa biện bạch vừa viết lại. Thứ Tư ngày 21 tháng Chín Một ngày khổ sở. Tại sao lại có một ngày như thế này, chính bản thân tôi cũng cảm thấy thật kì quặc. Buổi sáng đến nơi cấp phát đồ dùng trong thôn để lấy tương miso. Có đứa trẻ ở đó bị viêm phổi, cuối cùng thì thuốc penicillin cũng đến kịp, có vẻ nó đã được cứu. Thật đáng tiếc! Giá mà đứa con của con mụ nói xấu sau lưng tôi chết đi thì tôi cũng được an ủi đôi phần. Cuộc sống ở quê cần một trái tim đơn thuần. Thế mà những người trong nhà Sugimoto, bằng trái tim yếu đuối, hủ lậu, dễ bị tổn thương, chọn cuộc sống thôn dã từng ngày trôi qua một cách khổ sở. Tôi yêu những trái tim đơn thuần. Không có gì trong thế giới này đẹp như những linh hồn đơn thuần trú trong những cơ thể đơn thuần. Nhưng đứng trước vực sâu ngăn cách giữa trái tim mình và những trái tim ấy thì có thể làm gì được nhỉ? Khó khăn khổ sở không biết để đâu cho hết tới mức như nỗ lực đẽo gọt đồng xu đến khi mặt sau và mặt trước trở nên giống nhau. Phương pháp đơn giản nhất là đục một cái lỗ. Đó chính là tự sát. Tôi thường quyết tâm đến thật gần họ giống như đánh cược bản thân. Đối tượng bỏ chạy. Họ chạy đến đâu cũng là bên phía vô hạn. Và cứ thế, tôi chỉ còn lại một mình trong sự chán chường. Ngón tay của tôi đã chai sạn. Thật là một trò hề đần độn. Những suy nghĩ bất cẩn này là một tín niệm của Etsuko. Để chân trần mà đi bộ thì chân sẽ bị xước. Để đi bộ thì cần có giày. Để sống tiếp thì cần có sự lầm tưởng rằng tất cả mọi thứ đều có thể. Etsuko vừa lật những trang giấy một cách hờ hững vừa lẩm bẩm trong lòng. Dù thế thì tôi cũng hạnh phúc. Tôi thật sự hạnh phúc. Bất kỳ ai cũng không thể phủ định điều đó. Trước tiên là vì họ không có chứng cứ gì để phủ nhận hạnh phúc của tôi. Cô lật trang giấy mờ tối về phía trước. Tiếp theo là đến một trang giấy trắng. Lại tiếp tục. Và đến cuối cùng, cuốn nhật kí đầy phúc lành của một năm kết thúc. * Bữa ăn của nhà Sugimoto có một thói quen kì lạ. Vợ chồng Kensuke sống ở tầng hai, một phần tầng dưới là của Asako và lũ trẻ, phần còn lại của Yakichi và Etsuko. Phòng của người giúp việc có Saburo và Miyo ở. Mỗi bữa nấu cơm, Miyo phải chia ra nấu bốn phần ăn, món ăn phụ cũng là bốn phần khác nhau. Bốn bữa ăn riêng biệt. Thói quen kì lạ này sinh ra từ sự ích kỉ của Yakichi, mỗi tháng lão cấp cho hai gia đình kia một ít tiền sinh hoạt phí, mặc cho họ tự xoay xở trong phạm vi món tiền đó. Lão nghĩ rằng mình không việc gì phải ăn phần ăn tiết kiệm giống như bọn họ. Từ sau khi Ryosuke chết, lão gọi Etsuko vốn đang không nơi nương tựa đến ở cùng chẳng qua chỉ là muốn cô sẽ trở thành người nấu ăn cho cả gia đình. Động cơ đơn giản chỉ có thế. Hoa quả và rau củ thu hoạch xong, đồ ngon nhất Yakichi dành cho bản thân, còn lại sẽ chia cho các gia đình khác. Trong các loại hạt dẻ, loại hạt nhỏ là ngon nhất, chỉ mình lão được nhặt. Các gia đình khác không thể động vào. Riêng Etsuko được lão chia cho một ít. Khi cho Etsuko nhận đặc quyền lớn như thế, bên trong con người Yakichi, bao nhiêu âm mưu đen tối đều hoạt động. Quyền nhận được những hạt dẻ ngon nhất, nho ngon nhất, hồng Fuyu ngon nhất, dâu tây ngon nhất, những quả đào trắng ngon nhất, vậy thì đổi lại Etsuko phải trả cho lão như thế nào mới xứng đáng đây?! Etsuko đến, đặc quyền đó nhanh chóng trở thành mục tiêu cho hai gia đình kia ghen ghét, đố kị. Lòng đố kị, ghen ghét đẻ ra những suy đoán ác ý. Và những lời nói xấu rất có lý ấy gây ra một loại ám thị, có vẻ chi phối hành động của Yakichi. Thế mà kết quả sự việc lại chứng minh một cách rất thuyết phục những suy đoán đó, khiến ngay cả chính những người đã từng suy đoán cũng khó mà tin được. Người đàn bà có chồng chết chưa đầy một năm, chưa gì mà đã ngã vào tay bố chồng ư? Người phụ nữ vẫn còn trẻ như thế, tái hôn cũng phải suy nghĩ kĩ càng, tại sao chỉ vì nông nổi mà làm ra hành động giống như chôn vùi nửa đời còn lại của mình như vậy nhỉ? Ngã vào tay một lão già đã sắp hết đời như thế?! Người phụ nữ không nơi nương tựa làm tất cả vì miếng ăn không phải là việc phổ biến gần đây hay sao? Do những lời ong tiếng ve ấy mà xung quanh Etsuko, một hàng rào đầy sự tò mò được dựng lên. Etsuko ở bên trong hàng rào ấy, chán chường, ủ rũ, giống như một con chim không biết bay, cả ngày vừa đi đi lại lại bằng bộ dạng thảm thương vừa phớt lờ con mắt người khác nhìn mình. Kensuke và vợ, Chieko ăn tối ở tầng hai. Chieko kết hôn do đồng cảm với người chồng theo chủ nghĩa thuận theo tự nhiên, họ cùng suy nghĩ rằng kết hôn là con đường tự tại cho bản thân được tự nhiên định sẵn, nên dù Kensuke là người cực kì vô dụng, Chieko cũng chưa từng cảm thấy vỡ mộng về cuộc sống hôn nhân của mình. Thanh niên và thiếu nữ luống tuổi yêu văn chương kết hôn bằng tín niệm: hành động ngu xuẩn nhất trong cuộc đời này chính là kết hôn. Vì vậy mà cho đến bây giờ, hai người này vẫn hay ngồi ở cửa sổ tầng hai ngâm nga thơ của Baudelaire. “Bố cũng thật đáng thương, đến tuổi này rồi mà trong lòng không ngừng gieo xuống hạt giống phiền não,” Kensuke nói. “Vừa nãy, anh đứng trước phòng của Etsuko, rõ ràng là vắng nhà thế mà đèn lại sáng. Anh thử rón rén bước vào xem sao, thế nào mà thấy bố đang chăm chú đọc trộm nhật kí của Etsuko, đến mức anh đứng ngay phía sau mà cũng không nhận ra. Bởi vì anh lên tiếng nên bố giật mình bật dậy. Sau đó bố lại làm bộ mặt nghiêm túc, lườm anh một cái. Nói đến bộ mặt đáng sợ, khuôn mặt lúc nổi giận của bố thực là đáng sợ, anh nhớ hồi nhỏ đã từng nhìn thấy. Bởi vậy mà bố đã nói như thế này với anh: ‘Nếu việc này mà đến tai Etsuko thì vợ chồng mày cũng cuốn gói ra khỏi nhà này cho tao.’” “Bố lo lắng điều gì mà đến mức phải xem trộm nhật kí của Etsuko nhỉ?” “Anh cảm thấy gần đây không hiểu tại sao tinh thần của Etsuko có chút không ổn định. Có lẽ bố cho rằng Etsuko đã phải lòng Saburo hay sao ấy, anh để ý thấy thế. Người phụ nữ khôn ngoan như thế, không thể để nhật kí hớ hênh vậy được?” “Saburo cái gì chứ, em không thể tin được việc đấy đâu. Nhưng mà em lúc nào cũng kính phục sự thấu hiểu của anh nên cứ để việc đó ở đấy xem xét thêm đã. Etsuko cũng là người mập mờ, việc muốn nói thì nói, việc muốn làm thì làm, dù sao chúng ta cũng ủng hộ, ngay cả người đó cũng trở nên thoải mái.” “Không như em nói thì mới thú vị đấy, chẳng phải từ sau khi Etsuko đến bố cũng trở nên mất hết ý chí hay sao?” “Không phải thế, tâm trạng bố không tốt kể từ sau cải cách ruộng đất6.” “Nói thế cũng đúng. Vì bố là con trai nhà tá điền, từ sau khi nhận ra mình đang sở hữu đất đai thì trở nên kiêu căng như một anh lính quèn được thăng chức hạ sĩ quan. Bằng sự kiêu hãnh ấy, bố khoe khoang giáo huấn mọi người rằng việc sở hữu đất đai cũng khó khăn như việc ba mươi mấy năm làm ở công ty vận tải đường thủy đã thăng lên đến chức giám đốc như thế nào. Lấy việc phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để trang trí cho quá trình đó cũng là một cách tiêu khiển của bố nhỉ? Lúc chiến tranh, tinh thần của bố rất tốt, nói chuyện phiếm về Tojo7 cứ như nói về chuyện của một người bạn cũ trong công ty vậy. Một nhân viên bưu điện như anh luôn cung kính lắng nghe điều đó. Chà, bố không phải là người chủ đất luôn vắng mặt trên mảnh đất của mình nhưng việc cái tay tá điền Okura đó trở thành chủ đất vì mua được miếng đất giá rẻ bèo là một cú sốc lớn với bố. Câu nói: Nếu thế thì bố không phải làm việc quần quật trong sáu mươi năm làm gì, từ đó trở thành câu cửa miệng của bố. Chẳng hiểu sao một lũ chủ đất đến đông như kiến, lẽ sống của bố giống như mất sạch ấy nhỉ8. Trong lúc bố cực kì buồn bã, cảm giác thật kinh khủng khi cho rằng mình là vật hi sinh cho thời thế. Trong lúc tinh thần chán nản như thế thì nghe được lệnh bắt tội phạm chiến tranh dẫn giải về Sugamo,nhìn bố trẻ ra bao nhiêu.” “Nói gì thì nói, Etsuko cũng hầu như không biết sự độc đoán của bố, vậy lại vui vẻ. Cô ta lúc thì cực kì ủ dột, lúc thì cực kì rạng rỡ, là người có cảm xúc khá lộn xộn. Ngoài chuyện của Saburo thì việc chưa hết tang chồng đã thành tình nhân của bố chồng, nghĩ thế nào cũng không thể hiểu nổi.” “Không phải thế đâu, chỉ là một người phụ nữ yếu đuối, đơn thuần một cách bất ngờ. Người phụ nữ giống như cây liễu không thể bay ngược gió, giữ gìn sự đoan chính của mình một cách thiếu thận trọng, không hiểu từ bao giờ đã nhầm lẫn đối tượng. Bị thổi bay trong cơn gió đầy bụi bặm, nhận nhầm người đàn ông khác là chồng mình.” Kensuke là người theo chủ nghĩa hoài nghi không có mối liên hệ nào với thuyết bất khả tri, luôn tự mãn với những lời giải thích ra vẻ cực kì hiểu đời của mình. Ba gia đình trải qua buổi tối một cách lạnh nhạt. Asako vướng bận lũ con, phải nằm cạnh để dỗ con ngủ sớm nên cũng ngủ luôn. Vợ chồng Kensuke ở tầng hai không xuống dưới. Từ khung cửa kính ở tầng hai có thể nhìn thấy phía xa xa, nơi những con dốc thoải rải rác ánh đèn từ khu nhà ở xã hội. Từ chỗ đó là ruộng lúa nhìn như một vùng biển mênh mông tối om, những ánh đèn nhìn như ánh sáng của một thị trấn bên bờ hòn đảo, sự thịnh vượng uy nghi của thị trấn đó dường như đã thành vĩnh cửu. Trong thị trấn, một nghi thức tôn giáo diễn ra trong tĩnh lặng. Những người bất động như đang nhập định dưới ánh đèn, trong lúc im lặng, bằng sự cẩn trọng, điềm tĩnh, cách giết người tốn rất nhiều thời gian ấy cứ từ từ diễn ra. Dù biết rõ rằng cuộc sống ở đó còn đơn điệu hơn, nghèo nàn hơn ở đây, thế mà mỗi khi nhìn vào nơi có ánh đèn của khu nhà ở xã hội, trong lòng Etsuko chưa bao giờ chán ghét. Chỗ ánh sáng dày đặc giống như những bầy côn trùng xúm xít bên khúc gỗ mục, khe khẽ nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng còi tàu tuyến Hankyu văng vẳng gần xa trong buổi đêm thôn dã. Lúc này, những con tàu giống như lũ chim đêm vì lý do nào đó được phóng sinh quá nhiều, với thân hình mảnh dẻ cất tiếng kêu hung bạo phi về tổ của mình bằng tốc độ phi thường. Tiếng còi tàu rung động màn đêm. Giật mình vì âm thanh đó, ngẩng lên nhìn bầu trời, le lói một ánh chớp xa xăm mơ hồ quét màu xanh lên một góc trời đêm rồi biến mất. Mùa này thời tiết lúc nào cũng thế. Từ lúc ăn cơm xong cho đến khi đi ngủ, không ai đến chỗ của Etsuko và Yakichi chơi. Trước đây để giết thời gian, Kensuke thỉnh thoảng đến nói chuyện phiếm, Asako cũng hay dẫn lũ con đến. Những lúc như thế, mọi người tập trung lại cùng nhau trải qua một buổi tối náo nhiệt. Nhưng dần dần Yakichi trở nên khó chịu ra mặt nên không ai đến nữa. Yakichi không muốn bất cứ người nào cản trở khoảng thời gian ở cùng Etsuko. Tuy nói thế nhưng trong những lúc ấy cũng không hẳn là làm gì. Thỉnh thoảng chơi cờ vây cả tối. Etsuko biết chơi cờ vây cũng là do Yakichi dạy. Ngoài việc này, Yakichi chẳng biết trò nào khác để có thể ba hoa dạy dỗ cho một phụ nữ trẻ tuổi. Đêm nay hai người cũng ngồi bên bàn cờ. Vì thích cảm giác quân cờ bằng đá nặng nề vướng vào móng tay nên Etsuko đảo tay liên tục trong bát đựng cờ, mắt như bị nhập hồn, nhìn chằm chằm lên bàn cờ. Nhìn qua thì có vẻ như đang tập trung với một hứng thú kì lạ nhưng thực ra cô đang nhìn vào những chỗ giao nhau rất chính xác của các đường kẻ đen và bị sự chính xác vô nghĩa ấy làm cho say đắm. Yakichi cũng nghi ngờ rằng: Liệu Etsuko có phải thật sự say mê cờ vây đến vậy không? Trước mặt lão không ngại ngùng gì, đắm chìm trong sự yêu thích ấy, khuôn miệng mỏng khẽ mở, xanh xao đến mức có thể nhìn thấy cả hàm răng trắng sáng. Quân cờ đá của cô đặt lên bàn cờ liền phát ra âm thanh giống hệt tiếng đập vào một con chó săn đang trong thế tấn công dữ dội. Những lúc đó, Yakichi cảm thấy có chút nghi ngờ, vừa lén nhìn gương mặt con dâu vừa nhẹ nhàng làm ra vẻ hòa hoãn như một cử chỉ dạy dỗ. “Khí thế lớn nhỉ, giống hệt như trận quyết đấu của Miyamoto Musashi với Sasaki Kojiro9 ở đảo Ganryo.” Hành lang sau lưng Etsuko có tiếng bước chân nặng nề. Không nhẹ nhàng như tiếng bước chân của phụ nữ, cũng không trầm đục như tiếng bước chân của đàn ông trung niên, mỗi bước chân đều mang theo sức nặng của sự trẻ trung và nồng nhiệt. Tiếng cót két khi bước chân dẫm lên sàn cầu thang cứ như tiếng rên rỉ, đôi khi giống tiếng la hét. Ngón tay đang chuẩn bị hạ cờ của Etsuko dừng lại. Nói đúng ra ngón tay của cô khó khăn lắm mới được quân cờ níu lại. Cô buộc phải đặt trọn ngón tay đang run rẩy cứ như không phải của mình lên quân cờ, nhờ đó mà che đậy được suy nghĩ. Việc đặt quân cờ xuống không khó khăn, khó khăn chính là không thể để bố chồng nghi ngờ những suy nghĩ không thích hợp này. Từ vách ngăn, Saburo trong tư thế quỳ gối, chỉ ló gương mặt vào nói với Etsuko. “Chúc cô ngủ ngon ạ.” “A...” Yakichi cúi đầu lảng tránh, vừa đặt quân cờ xuống vừa trả lời. Etsuko nhìn đôi bàn tay vừa thô ráp, gân guốc, vừa già cỗi vừa xấu xí ấy. Cô không trả lời Saburo. Saburo cũng không quay lại nhìn cô, cứ thế đóng cửa lại. Tiếng bước chân đi về phía gian phòng ngủ ba chiếu ở hướng tây đối diện với phòng của Miyo. Chương 2 Tiếng chó tru làm náo động buổi đêm yên tĩnh ở vùng quê. Trong phòng chứa đồ phía sau nhà, con chó già giống Setter tên là Maki đang bị xích lại. Phía sau khu vườn cây ăn quả là một khoảng rừng thưa, bầy chó hoang ào ào chạy qua. Maki vểnh tai nghe, tru lên một tiếng ghê rợn như thể tố cáo sự cô độc của mình. Lũ chó hoang dừng lại tru lên trả lời làm xôn xao một khoảng rừng trúc. Vì là người có thính lực khá tốt, Etsuko bị tiếng chó tru đánh thức. Nói là ngủ nhưng thực ra mới chỉ chợp mắt được không quá một tiếng. Trước khi trời sáng, một giấc ngủ dài giống như là nghĩa vụ. Etsuko tìm kiếm hy vọng kết nối với ngày mai. Một hy vọng bình thường nào đó, một hy vọng dù là nhỏ nhoi thôi cũng được. Nếu không có hy vọng thì con người sao có thể sống đến ngày mai. Ngày mai phải vá nốt quần áo, tấm vé của chuyến du lịch khởi hành vào ngày mai; ngày mai phải uống chỗ rượu ít ỏi còn lại trong chai, con người bố thí những điều đó cho ngày mai và được phép nghênh đón bình minh. Etsuko muốn bố thí điều gì cho ngày mai? Đúng rồi, cô muốn bố thí hai đôi tất, một đôi màu xanh đậm, một đôi màu trà. Hai đôi tất tặng cho Saburo nhưng đối với Etsuko mà nói, đó là tất cả ngày mai. Giống như một người phụ nữ có lòng tin sâu sắc, Etsuko phát hiện ra ý nghĩa lạnh lẽo trống rỗng của hy vọng ấy. Cô bám vào hai sợi dây yếu đuối, bám vào hai sợi dây màu xanh đậm và màu trà, treo lủng lẳng giống như quả khinh khí cầu “ngày mai” ảm đạm, tối tăm, to lớn, không thể lý giải, đích đến là nơi đâu cũng không rõ. Việc không rõ ấy là gốc rễ hạnh phúc, là lý do để tồn tại của Etsuko. Cho đến bây giờ, toàn thân Etsuko, bị bao quanh bởi cảm giác về ngón tay khô khốc, gân guốc, cứng queo của Yakichi. Qua giấc ngủ ngắn một, hai tiếng, cảm giác đó cũng không gột rửa được. Người phụ nữ bị một bộ hài cốt vuốt ve mơn trớn lại không thể chạy trốn khỏi sự vuốt ve ấy. Toàn thân Etsuko mong manh hơn cả lớp vỏ nhộng mà từ đó con bướm sắp thoát ra ngoài, khắp người như được sơn lên một lớp màu nước trong suốt không nhìn thấy được, trên lớp da thật còn lại một lớp da giả trong suốt và ẩm ướt. Etsuko nhìn quanh khi đôi mắt đã dần quen với bóng tối. Yakichi không ngáy, cô nhìn vào cái gáy giống như một con chim bị vặt trụi lông của lão. Âm thanh tích tắc của chiếc đồng hồ đặt trên bàn, tiếng một con dế ở đâu đó quanh sàn nhà như vẽ lên đường nét của thế giới trong đêm nay. Nếu không như thế thì đêm nay cũng không phải thuộc thế giới này. Đêm tối dựa vào Etsuko, ném Etsuko vào đống bùng nhùng như ném một con ruồi, dồn cô vào nỗi sợ cứng ngắc. Etsuko khó khăn lắm mới ngẩng đầu lên một chút, cánh cửa khảm trai của chiếc kệ trang trí ánh lên ánh sáng màu xanh. Hai mí mắt nặng nề, cô nhắm mắt lại. Kí ức quay trở về. Khoảng hơn nửa năm về trước, Etsuko vừa mới đến căn nhà này. Luôn ra ngoài đi tản bộ một mình, cô bị dân làng gọi là kẻ kỳ quặc. Chẳng thèm chú ý đến điều đó, Etsuko cứ đi tản bộ một mình như vậy. Từ lúc đó trở đi, dáng đi như bà bầu của cô bị người ta chú ý. Họ kháo nhau rằng dứt khoát là người đàn bà này có một quá khứ cực kì trụy lạc, đồi bại. Từ đất nhà Sugimoto, qua một con sông, đại khái có thể nhìn thấy nghĩa trang Hattori. Nếu không phải là tiết Thanh Minh10thì rất hiếm khi thấy người đến tảo mộ. Mỗi khi chiều buông, trên tầng đồi của khu nghĩa trang rộng lớn, từng hàng bia mộ đá trắng sắp xếp đều đặn, có thể nhìn thấy những cái bóng xinh đẹp của từng tấm bia mộ in trên nền đất. Khung cảnh khu nghĩa địa trù phú, nhấp nhô được bao quanh bởi khu rừng trên ngọn đồi, rạng rỡ và tinh khiết. Từ xa cũng có thể thấy ánh mặt trời phản chiếu lấp lánh trên nền thạch anh trắng của một ngôi mộ đá hoa cương. Etsuko yêu cái không khí tĩnh lặng, trang nghiêm của con đường đi bộ rộng rãi xuyên qua khu mộ, yêu không gian rộng lớn trải rộng trên khu mộ đặc biệt này. Sự thanh tĩnh rực rỡ, trắng xóa, cùng với mùi cỏ, mùi của chồi non mới nhú, như muốn lột trần linh hồn cô hơn bất cứ lúc nào. Bây giờ là mùa hái rau non và hoa dại. Etsuko vừa đi bộ trên con đường ven con suối vừa hái rau cúc tây và mộc tặc bỏ vào trong tay áo. Nước suối tràn vào một khoảnh đất, liếm vào đồng cỏ. Ở đó có rau cần nước. Trên con suối có một cây cầu, cắt ngang qua điểm cuối của đường cao tốc kéo dài liên tục từ Osaka đến trước cửa nghĩa trang. Etsuko đi trên con đường tản bộ hàng ngày, vòng quanh thảm cỏ hình tròn ở cổng vào nghĩa trang. Đây chẳng phải giống như thời gian chờ đợi thi hành án do phạm phải một tội lỗi nào đó hay sao? Etsuko đi qua một đứa trẻ đang chơi trò ném bóng. Đi thêm chút nữa, từ trong hàng rào sắt ven con suối, xuất hiện một bãi cỏ vẫn chưa được người ta dựng mộ. Etsuko ngồi xuống, nhìn cậu thiếu niên đang nằm ngửa, đắm chìm vào trang sách giơ lên trước mặt. Đó là Saburo. Cậu cảm thấy có bóng người đổ tối khuôn mặt mình liền theo phản xạ bật nửa người lên. “Cô chủ,” cậu nói. Đúng lúc ấy, rất nhiều rau cúc tây và mộc tặc từ tay áo Etsuko rơi lên mặt cậu. Trong một khoảnh khắc rất ngắn, biểu cảm trên gương mặt Saburo thay đổi. Đối với Etsuko mà nói, đó chính là hạnh phúc rạng rỡ, mát lịm giống như một phương trình đơn thuần có thể giải được một cách trọn vẹn nhất. Thực ra cậu nghĩ cỏ rơi trên mặt mình là trò đùa của Etsuko nên né tránh một cách hơi gay gắt. Sau đó từ biểu cảm của Etsuko, Saburo nhận ra sự việc chỉ là ngẫu nhiên, không phải cô cố ý trêu đùa, lập tức ánh mắt biểu hiện một lời xin lỗi vô cùng nghiêm túc. Rồi cậu gần như bò ra thảm cỏ giúp Etsuko nhặt hết những ngọn rau cúc tây đã rơi ra. Etsuko chợt nhớ ra: sau đó tôi đã hỏi như thế này: “Đang làm gì vậy?” “Dạ thưa đọc sách ạ.” Khuôn mặt đỏ hồng, cậu đưa ra một cuốn truyện kể lịch sử. Âm “ạ” ở đuôi câu khiến Etsuko nghĩ đến âm điệu tuân lệnh của quân nhân. Tuy vậy, năm nay cậu mới mười tám tuổi, chắc chắn là chưa từng làm quân nhân ngày nào. Người sinh ra ở Hiroshima như Saburo, bởi vì muốn bắt chước tiếng phổ thông nên mới có âm “ạ” như vậy. Sau đó Saburo thành thật thú nhận, vào làng lấy bánh mì ở nơi cấp phát, trên đường trở về vừa mới chui vào chỗ này trốn việc để đọc sách thì bị Etsuko bắt gặp. Sự thú nhận này còn dễ thương hơn cả sự biện hộ. “Tôi không nói cho ai biết đâu.” Etsuko nói. Cô nhớ đã hỏi về thiệt hại của vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima. Cậu trả lời rằng: nhà cách xa Hiroshima nên không có thiệt hại gì nhưng có một gia đình họ hàng bị chết cả nhà. Chỉ ngần đó thôi cũng đã cạn hết vấn đề để nói. Đối với tất cả những điều Etsuko muốn hỏi, hình như Saburo đều ngại ngùng. Lần đầu tiên thấy Saburo, có vẻ cậu tầm hai mươi tuổi. Trên bãi cỏ ở nghĩa trang, khi tôi cứ như thế mà nhìn thì cậu ấy bao nhiêu tuổi tôi cũng không nhớ nữa. Mặc dù bấy giờ vẫn là mùa xuân, thế mà cậu ấy lại mặc một chiếc áo sơ mi bằng vải bông đầy những mụn vá, phanh ngực, tay áo xắn lên. Chắc ống tay áo cũng rách không ít. Cậu ấy có cánh tay mà lũ con trai thành phố nếu chưa bước qua tuổi hai mươi lăm thì không thể nào có được, một đôi cánh tay thật đẹp đẽ. Và đôi cánh tay cháy nắng đã thuần thục ấy như thể cảm thấy ngượng ngùng với sự thuần thục của mình mà để đám lông màu vàng mọc lên dày đặc. Không hiểu sao Etsuko lại nhìn Saburo bằng ánh mắt có phần hơi trách cứ. Ánh mắt ấy không giống với ánh mắt bình thường của Etsuko nhưng ngoài việc làm thế cô cũng chẳng biết làm gì khác. Cậu ấy đoán ra việc gì chăng? Chắc chắn là không. Cậu ấy chỉ biết rằng có một người phụ nữ phiền phức là vợ của một người khác đến sống trong nhà người chủ nhân phiền phức của cậu. Giọng của cậu là giọng mũi lắp bắp có chút u sầu, rõ ràng là giọng nói của một đứa trẻ. Bởi vì bản tính ít nói nên mỗi lời cậu nói ra đều nhát gừng, thế mà lại đầy sức nặng giống như cách người ta luôn muốn đặt niềm tin vào người có tính cách chất phác bẩm sinh. Tuy nhiên, hôm sau gặp Saburo thì Etsuko có thể nhìn cậu mà trong lòng hoàn toàn dửng dưng. Tức là ánh mắt trách móc biến mất không dấu vết. Lại còn có thể cười. Ừ nhỉ! Chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Từ khi đến đây đã hơn một tháng, Yakichi cho Etsuko quần áo cũ để làm ruộng và một ít miếng vá quần. Yakichi rất bận, hôm đó làm việc đến tận khuya. Một giờ đêm khi công việc đã xong xuôi, Yakichi đến phòng Etsuko, lão khen sự nhiệt tình của cô, có thể vá quần áo thật khéo như thế, im lặng một lúc sau rồi lôi tẩu thuốc ra hút. “Gần đây, ngủ ngon nhỉ?” “Vâng, nơi này thật yên tĩnh, khác hẳn với Tokyo.” “Không nói dối chứ?” Yakichi nói một cách dồn dập, Etsuko phải thành thật trả lời. “Thật ra thì gần đây rất khó ngủ, chắc là do xung quanh quá tĩnh lặng.” “Điều đó thật tệ. Đáng lẽ không nên gọi về đây.” Yakichi thêm vào lời phàn nàn của mình một chút vị đắng ngắt nghe có vẻ bề trên. Khi Etsuko nhận lời đề nghị của Yakichi, quyết tâm về làng Maiden sống, nói chung cô cũng đoán ra những buổi đêm giống như thế này. Thế mà cô lại mong chờ điều đó. Sau khi chồng chết, Etsuko đã muốn chết theo giống như quả phụ Ấn Độ tuẫn tiết theo phu quân của mình. Ý nghĩ viển vông ấy rõ ràng là kì quặc. Không phải là chết theo chồng mà là tuẫn tiết vì ghen tuông. Hơn thế, thứ cô kì vọng không phải là một cái chết thông thường mà là một cái chết cực kì tốn thời gian, một cái chết từ từ, chầm chậm. Lẽ nào người có lòng ghen tuông sâu sắc như Etsuko mong có một đối tượng không hề e ngại cảm giác ghen tuông đó? Phải chăng phía sau sự thèm khát đáng khinh bỉ giống như truy tìm xác thối ấy là một thứ còn kinh khủng hơn thế, là một kiểu dục vọng độc chiếm đầy hân hoan đang ngọ nguậy. Cái chết của chồng... Đó là một ngày cuối mùa thu. Cho đến bây giờ vẫn như thể nhìn thấy chiếc xe tang đứng đợi ở cửa sau bệnh viện chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm. Người ta khiêng quan tài lên xe. Nước mắt đầm đìa. Mùi thơm, mùi nấm mốc, mùi của những xác chết khác trong hầm để xác, những bông hoa sen giả màu trắng uốn éo rợn người, vấy bẩn bởi màu nâu của bụi bặm, chiếc chiếu ngồi canh quan tài suốt đêm đã ẩm, chiếc giường đặt xác chết với lớp da bong tróc, bàn thờ có những bài vị liên tục được thay mới giống như một phòng chờ có những bệnh nhân đang đi ra đi vào, phu xe khiêng quan tài, leo lên bề mặt hơi nghiêng của tấm bê tông. Một gã phu xe đi giày nhà binh đóng phập chiếc đinh, âm thanh nghe như tiếng nghiến răng. Cánh cửa sau bệnh viện mở ra... Etsuko không biết thứ ánh nắng nào cảm động và tràn trề hơn ánh nắng đột ngột chói chang lúc đó. Đầu tháng Mười một, xung quanh ngập nắng vàng. Nắng giống như suối nước nóng mờ ảo, tràn ra khắp nơi. Cửa sau của bệnh viện đối diện với thị trấn trong thung lũng yên bình, nơi đã bị khói lửa chiến tranh thiêu rụi. Con đê nằm nghiêng nghiêng bị bao trùm bởi cỏ dại chết cháy của tuyến đường sắt Trung tâm. Một nửa thị trấn đã được lấp đầy bởi những ngôi nhà xây và những ngôi nhà gỗ mới, nửa còn lại là tàn tích những đám cháy nay rơi vào sự xâm chiếm của cỏ dại, rác rưởi và xà bần. Ánh nắng tháng Mười một tràn đầy thị trấn. Bánh xe ô tô phản chiếc ánh nắng sáng lóa, bon bon chạy trên đường juken11. Đó không phải là toàn bộ. Từ bên trong đống đổ nát, thứ giống như mảnh vỡ của chai bia phản chiếu ánh sáng chói mắt. Trong từng dấu vết của ánh nắng, bóng chiếc quan tài đổ xuống người Etsuko giống như thác nước. Xe tang nổ máy. Etsuko hạ rèm cửa rồi ngồi lên xe phía sau quan tài. Khi đến nhà hỏa táng, trong suy nghĩ của cô, dù là cái chết hay sự ghen tuông đều không còn tồn tại. Một chốc lát trước đây cô chỉ suy nghĩ về việc bị vô số tia nắng ập vào người. Trên đầu gối của tang phục, mang về bao nhiêu hoa cỏ mùa thu. Hoa cúc. Hoa đậu biếc. Hoa kết cánh. Còn có hoa cúc bướm ủ rũ sau một đêm dài mệt mỏi. Etsuko để mặc cho đầu gối của đồ tang bị lấm bẩn bởi phấn hoa màu vàng của loài hoa nào đó không biết tên. Lúc chìm trong ánh nắng ấy, cô có cảm giác gì? Được giải thoát từ sự ghen tuông, từ những đêm dài hầu như không ngủ, từ những cơn sốt không rõ nguyên nhân của chồng, từ bệnh viện chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm, từ những lời mê sảng ngớ ngẩn của chồng trong đêm thâu, từ mùi hôi thối, từ cái chết. Phải chăng Etsuko cảm thấy ghen tuông hơn với sự tồn tại của những tia nắng chan hòa trên mặt đất này? Ghen tuông có lẽ nào là thói quen cảm xúc do trải qua thời gian dài cô độc của cô? Sự giải thoát này chắc chắn là cảm giác phủ nhận mới mẻ, giống như giải thoát bằng cách liên tục phủ nhận ngay cả chính bản thân mình. Con sư tử vừa thoát ra khỏi chuồng sẽ sở hữu thế giới rộng lớn hơn một con sư tử vốn dĩ tự do. Khi bị bắt giam, đối với nó chỉ có hai thế giới tồn tại. Một là thế giới trong chuồng, hai là thế giới bên ngoài chuồng. Nó được trả tự do. Nó rống lên sung sướng. Đả thương con người, ăn thịt con người. Rồi nó thực sự bất mãn. Thế giới thứ ba, cái thế giới không phải ở trong chuồng hay ngoài chuồng, thực sự không tồn tại. Trái tim của Etsuko không thể cắt đứt dòng suy nghĩ đó. Cô chỉ còn biết thừa nhận. Ở cửa sau bệnh viện, ánh nắng ôm lấy Etsuko, đó chắc chắn là sự lãng phí của ông trời dành cho mảnh đất này. Đối với cô, bóng tối trong chiếc xe tang thật dễ chịu. Trong quan tài, bởi xe rung lắc mà từng thứ một cũng chuyển động. Có phải đó là âm thanh chiếc tẩu thuốc yêu quý của chồng đang va vào ván quan tài? Đáng lẽ nên bọc lại bằng thứ gì đó. Từ bên ngoài tấm vải bọc quan tài màu trắng, Etsuko sờ tay lên chỗ phát ra âm thanh. Âm thanh biến mất giống như một tiếng thở khẽ khàng. Etsuko vén rèm lên nhìn ra bên ngoài, quảng trường ảm đạm bê tông bị bao quanh bởi khu nghỉ và một tòa nhà giống như một chiếc lò lớn. Bỗng thấy một chiếc xe tang khác đang đi phía trước giảm tốc độ. Đã đến nhà hỏa táng rồi. Etsuko cố gắng nhớ lại khi đó mình đã nghĩ gì. Tôi không phải đến nơi thiêu chồng. Tôi đến nơi thiêu đi sự ghen tuông của mình. Nhưng dù có thiêu xác chồng thì sự ghen tuông của cô có cháy rụi được không? Sự ghen tuông giống như con virus bị chồng truyền cho. Thứ đó cưỡng đoạt xác thịt, cưỡng đoạt tinh thần, cưỡng đoạt xương cốt. Nếu thiêu cháy nó đi bản thân cô chẳng còn cách nào khác ngoài việc đi theo chiếc quan tài vào sâu bên trong tòa nhà giống như cái lò thiêu kia. Trước khi phát bệnh, ba ngày chồng không về nhà, anh đến công ty. Ryosuke không phải loại người vì ngoại tình mà có thể nghỉ việc. Anh cũng thường không chịu nổi việc quay trở về ngôi nhà có Etsuko đang chờ đợi. Một ngày năm lần Etsuko đến chỗ bốt điện thoại công cộng gần nhà, đứng đó lưỡng lự. Nếu gọi điện đến công ty, Ryosuke nhất định sẽ bắt máy. Trên điện thoại, anh sẽ không bao giờ dùng từ ngữ thô bạo. Nhưng những lời bao biện giống một con mèo vừa mềm mại vừa ngoan ngoãn, cố ý dùng giọng Osaka dỗ ngon dỗ ngọt, lời biện bạch giống như cách anh cẩn thận dụi tàn thuốc vào gạt tàn, chẳng phải sẽ làm tăng thêm sự khổ sở của Etsuko hay sao? Giá mà cô được nghe những lời thô bạo của anh. Nhìn qua thì tưởng người đàn ông to lớn hay nói những lời thô lỗ, thế mà Ryosuke lại là người có thể nói đi nói lại về những lời hẹn đáng vất vào sọt rác bằng giọng lưỡi tử tế khiến Etsuko không thể cự cãi được. Nếu mà phải nghe thêm một lần nữa, thà cố gắng không gọi điện thoại còn hơn. “Có việc này thật khó nói nhưng mà buổi chiều gặp bạn cũ ở Ginza. Rủ đi chơi mạt chược. Anh ta làm trong Bộ Công thương nên không thể thờ ơ... Cái gì? Hôm nay có về. Hôm nay xong việc sẽ về luôn. Nhưng công việc đang ngập mặt kia kìa. Cơm tối à? Thế nào cũng được. Tùy em. Đến khi anh về ăn thêm cũng được. Thôi nhé, anh Kawaji ngồi bên cạnh điện thoại, đang nói không thể chịu nổi vợ chồng mình rồi. Hiểu rồi, hiểu rồi. Được rồi, gặp sau nhé.” Gã công tử bột Ryosuke lại đang đứng giữa đám đồng nghiệp giả vờ hạnh phúc một cách thật vụng về. Etsuko đợi, cứ đợi mãi nhưng anh ta không về. Nếu anh ta có về cũng hiếm khi ngủ qua đêm ở nhà. Phải chăng cho dù một lần, Etsuko cũng nên trách mắng anh ta, kết tội anh ta? Cô chỉ ngước lên nhìn chồng mình bằng một đôi mắt buồn bã. Đôi mắt giống mắt một con chó cái, đôi mắt buồn bã vô ngôn, chọc giận Ryosuke. Sự đợi chờ của người vợ, tay của cô giống như đôi tay xin ăn của kẻ ăn mày, đôi mắt đó giống đôi mắt của ăn mày hơn là đôi mắt chờ chồng của người vợ. Cái đó còn bị Ryosuke nhồi thêm vào đầu cảm giác sợ hãi và buồn tẻ trong mối quan hệ vợ chồng vốn chỉ còn lại bản chất xấu xí sau khi tước bỏ hết những tiểu tiết đời thường. Anh ta thường quay tấm lưng ngoan cố, nói đúng ra là trì độn, giả vờ ngủ. Một đêm mùa hạ, trong lúc đang ngủ, Ryosuke bị vợ hôn lên người. Anh ta liền tát vợ. Vừa tặc lưỡi thì thầm giống như nói mê “không biết xấu hổ à?” vừa tát. Cái tát không cảm xúc giống như đập một con muỗi đậu trên cơ thể mình. Từ đêm mùa hạ đó, người chồng bắt đầu xúi giục lòng ghen tuông của Etsuko nổi loạn, làm cho nó trở nên đầy khoái cảm. Etsuko nhìn thấy số lượng cà vạt lạ của chồng ngày càng tăng lên. Một buổi sáng nọ, anh ta gọi vợ đến trước gương nhờ thắt cà vạt giúp. Điều này khiến Etsuko vui đến mức bất an, ngón tay run rẩy, cà vạt thắt không được chỉn chu. Thắt xong cà vạt liền bị Ryosuke mất hứng, đuổi ra xa. “Thế nào? Hoa văn đẹp không?” “Không để ý đấy, đồ mới mua à?” Etsuko đáp. “Gì vậy? Biểu cảm này là sao? Bây giờ nhận ra rồi đấy.” “Cũng hợp mà.” “Hợp nhỉ.” Anh ta dường như cố tình hướng ánh mắt của vợ đến ngăn kéo bàn, nơi có chiếc khăn tay của một người phụ nữ khác. Chiếc khăn thấm đẫm mùi nước hoa rẻ tiền. Từ đó nhiều thứ ghê tởm hơn nữa tỏa ra thứ mùi tệ hại như mùi lá hẹ từ bên trong căn nhà. Ảnh của người phụ nữ đó nằm trên bàn Ryosuke bị Etsuko dùng diêm đốt hết từng tấm một. Đấy là hành động nằm trong tính toán của Ryosuke. Khi trở về nhà, anh ta liền hỏi, đã làm gì với mấy tấm ảnh vậy? Etsuko một tay cầm thạch tín, một tay cầm cốc nước đầy. Anh ta gạt thuốc độc mà Etsuko muốn uống sang một bên, trong khoảnh khắc Etsuko ngã nhào lên trên tấm gương, bị mảnh gương vỡ cứa rách trán. Đêm đó chồng vuốt ve âu yếm cô mãnh liệt khiến cô không hiểu tại sao. Là sự mạnh bạo, sự nâng niu chỉ trong một đêm duy nhất? Là bức vẽ truyền thần rẻ tiền đang họa gương mặt của hạnh phúc? Vào đêm Etsuko lần thứ hai quyết tâm uống thuốc độc, chồng về nhà. Sau đó trong vòng hai ngày, anh ta phát bệnh, sau hai tuần thì chết. “Đầu đau quá, không thể chịu nổi cơn đau đầu này nữa,” cứ đứng ở cửa không bước vào nhà, Ryosuke nói. Quyết tâm uống thuốc độc vừa lúc nãy còn dữ dội của Etsuko bị dao động. Cô nghĩ Ryosuke về nhà chẳng qua vì muốn dày vò cô. Việc người chồng luôn trong trạng thái cáu kỉnh trở về nhà lúc nào cũng là hạnh phúc với cô thì đêm nay hạnh phúc đó hoàn toàn không tồn tại. Bằng cảm giác lạnh lùng, cô kéo cửa ra, ngồi xuống trước lối vào tối tăm, cảm thấy kiêu hãnh khi nhìn xuống cơ thể đã bất động của Ryosuke. Lấy cái chết làm mồi nhử, lòng kiêu hãnh dần dần được đền bù, thế mà từ lúc nào không rõ, cái chết này không cuốn gói một cách nhẹ nhàng ra khỏi cõi lòng cô. “Lại uống rượu à?” Ryosuke nhìn vợ lắc đầu. Tự anh ta cũng không để ý rằng, trong đôi mắt anh ta nhìn lên vợ khi đó, ánh mắt giống như con chó van xin của người vợ mà lúc nào anh ta cũng khinh bỉ lại có thể lây nhiễm. Ryosuke bây giờ cũng đang dùng ánh mắt im lìm, nóng bỏng và khao khát giống như ánh mắt của một con vật để nhìn trân trối vào người chủ nuôi, cố gắng hỏi xem nguyên nhân căn bệnh đang phát ra trên cơ thể mình là gì. Anh ta cảm thấy bất an khi từng bộ phận trên cơ thể mình trở nên khó hiểu. Đây là bệnh nhưng bệnh thì không chỉ có thế này. Từ đó trong vòng mười sáu ngày là thời gian hạnh phúc ngắn ngủi của Etsuko. Chuyến trăng mật và cái chết của người chồng cùng với một điều gì đó trong khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi này, có điểm gì giống nhau nhỉ? Etsuko cùng với chồng du lịch về miền đất chết. Giống như một chuyến du lịch trăng mật, chuyến đi này cũng đầy đau đớn bởi thứ dục vọng ngoan cố bất chấp sự khổ sở vì bị lạm dụng đến tận cùng cả thể chất và tinh thần. Trong lúc sốt cao nói mê sảng, người chồng nằm dài phanh ngực, bị tay nghề chuyên nghiệp của cái chết thuần phục, rên rỉ như một tân nương. Vài ngày sau, não bị chiếm đoạt, cười sằng sặc phô ra cái răng cửa bị máu từ lợi rỉ ra biến thành màu đất đỏ bẩn thỉu, liếc thấy cái lưỡi khô cong, đột nhiên phần thân trên bị đánh thức như đang tập một bài thể dục... Chuyến du lịch trăng mật trước đây, tại căn phòng tầng hai của một khách sạn ở Atami, buổi sáng hôm sau đêm tân hôn, Ryosuke cũng cười như thế. Anh ta mở cửa sổ, nhìn xuống bãi cỏ dập dờn một cách chậm rãi. Gia đình người Đức cùng ở khách sạn, đem theo một con chó săn lớn. Đứa con trai năm, sáu tuổi nhà đó dắt chó ra ngoài đi dạo. Lúc đó con chó nhìn thấy cái bóng của con mèo đi ngang qua bụi rậm liền ầm ĩ đuổi theo. Đứa con trai quên cả việc thả xích trong tay liền bị kéo đi dập mông xuống bãi cỏ. Ryosuke nhìn xuống cảnh tượng đó, cười vui vẻ một cách rất ngây thơ. Anh ta cười sảng khoái phô cả răng. Etsuko chưa bao giờ nhìn thấy Ryosuke cười lớn tiếng như vậy. Etsuko xỏ dép đi trong nhà, chạy về phía cửa sổ. Ánh nắng rực rỡ trên bãi cỏ, nhờ góc nghiêng khéo léo, ở cuối khu vườn nơi tiếp giáp với bãi biển, biển cũng trở nên rực rỡ. Hai người đi xuống sảnh. Trên giá treo tường có dán miếng giấy “Xin hãy tùy ý sử dụng”. Từng cuốn hướng dẫn du lịch nhiều màu sắc được để sẵn ở đó. Ryosuke tình cờ đi qua, liền tiện tay lấy một cuốn, trong lúc chờ ăn sáng, bên chiếc bàn cạnh cửa sổ hướng ra vườn, anh ta dùng giấy đó gấp nhanh một chiếc máy bay. “Nhìn này,” Ryosuke nói. Nói xong anh ta phi chiếc máy bay gấp bằng giấy của cuốn sách hướng dẫn du lịch về phía biển. ... Thật là ngu ngốc. Chắc đây là một trong bốn mươi tám tư thế làm tình khiến người phụ nữ biết thấu hiểu, yêu thích sự ngọt ngào của Ryosuke lên đỉnh. Những lúc trên giường, anh ta ngỡ rằng đã đưa vợ lên đỉnh bằng sự nghiêm túc. Cũng bằng sự nghiêm túc đó, anh ta ngỡ rằng mình đã lừa được người vợ mới cưới này. Cái gì là sự thật? Gia đình Etsuko vẫn còn tài sản. Sự giàu có truyền đời của gia đình chỉ có cha và chị gái, là con cháu danh tướng thời Chiến quốc, tài sản giống như một cục vón lại đầy ngoan cố. Chiến tranh kết thúc, thuế tài sản tăng, cha chết. Phần thừa kế của Etsuko chỉ là số chứng khoán ít ỏi đến mức đáng thương. Cho dù như thế đi nữa, buổi sáng trong khách sạn ở Atami, hai người họ hoàn toàn chỉ là hai con người. Bệnh sốt của Ryosuke lại đặt họ trở lại nơi cô độc chỉ có hai người như vậy. Etsuko không ngờ rằng, hạnh phúc lại trơ trẽn đến ghé thăm cô lần nữa, điều gì còn lại ở mọi ngóc ngách, thèm muốn điều gì, tận cùng của khoái lạc thấp hèn là cái gì. Mọi sự chăm sóc của cô dường như đều chịu sự giám sát dưới con mắt của người thứ ba nào đó. Khám bệnh thương hàn thì cần thời gian. Một thời gian dài, Ryosuke cho rằng mình đang bị cúm thể nặng và dai dẳng. Những cơn đau đầu không thể chịu nổi liên tục hành hạ, không ngủ được, không thèm ăn. Bất chấp điều đó, hai triệu chứng đặc trưng của bệnh thương hàn giai đoạn đầu là thân nhiệt và nhịp tim biến đổi bất thường lại không hề xuất hiện. Hai ngày đầu tiên đau đầu, toàn thân mệt mỏi, không sốt. Hôm sau lần trở về nhà đó, Ryosuke xin nghỉ ở công ty. Trong chuỗi ngày hiếm hoi ấy, Ryosuke như một đứa trẻ con đến nhà khác chơi, dọn dẹp nhà cửa một cách rất tử tế. Cảm giác bất an đáng ngờ sinh ra trong cơn mệt mỏi vì sốt. Etsuko mang cà phê đến căn phòng tám chiếu vốn dùng làm phòng sách của Ryosuke. Anh ta mặc nguyên áo khoác Kangasuri, giang chân tay theo hình chữ “đại”, cứ thế nằm đấy. Cắn vào môi nhiều lần giống như đang thử cảm giác ở môi. Môi không sưng lên thế mà cảm giác như thể đang sưng. Anh ta nhìn Etsuko bước vào rồi nói. “Không cần cà phê.” Thấy cô vẫn ngập ngừng, anh ta liền nói bồi thêm. “Nới giúp cái nút thắt trên đai áo trước đi, cứng không chịu nổi. Tự mình làm thì hơi khó khăn.” Từ rất lâu rồi, Ryosuke không thích Etsuko chạm vào người mình. Thậm chí kể cả việc mặc giúp áo com-lê, anh ta cũng không thích vợ làm. Hôm nay anh ta làm sao thế nhỉ? Etsuko đặt cốc cà phê lên bàn rồi ngồi xuống bên cạnh Ryosuke. “Làm cái gì vậy? Làm giống như gái massage đi.” Ryosuke đã nói như thế. Etsuko luồn tay xuống phần dưới cơ thể chồng, lần mò tìm chỗ nút thắt vụng về của chiếc đai vặn xoắn. Ryosuke không nhấc người lên. Phần thân mình nặng nề đó đè hết trọng lượng lên cánh tay gầy yếu của Etsuko. Cổ tay cô đau đớn. Tuy đau nhưng vẫn tiếc nuối khi việc này chỉ có thể làm trong vài giây ngắn ngủi. “Thế này chắc được rồi ạ. Bây giờ thì đi ngủ được rồi phải không ạ? Lên giường ngủ chắc sẽ tốt hơn.” “Bớt căng thẳng đi. Buộc như thế này thoải mái thật.” “Có sốt không?” “Cũng giống lúc nãy, nhiệt độ bình thường.” Lúc này, Etsuko bỗng nhiên dám làm cả những việc ngay cả bản thân cũng không ngờ tới. Cô hôn lên trán chồng, lấy môi mình đo nhiệt độ. Ryosuke im lặng. Ẩn trong mí mắt đang nhắm chặt là con mắt lờ đờ chuyển động. Da trán của anh ta thô ráp, bẩn thỉu và bóng dầu... Đúng rồi, chẳng mấy chốc dấu hiệu của bệnh thương hàn sẽ ập đến thiêu đốt cái trán này, làm nó khô đét vì mất đi bản năng vã mồ hôi, trở thành một cái trán vất đi... chẳng bao lâu nữa nó sẽ trở thành một cái trán của người chết không còn sinh khí. Đêm hôm sau, Ryosuke tự nhiên sốt đến 39°8. Hết kêu đau hông lại kêu đau đầu. Liên tục tìm kiếm chỗ lạnh trên gối để di chuyển đầu đến đó, trên vỏ gối bám đầy gàu và dầu tóc. Đêm đó, Etsuko thay cho anh ta một chiếc gối nước. Bởi vì chỉ có thể ăn đồ lỏng một cách khó khăn nên Etsuko ép nước táo cho chồng uống. Ngày hôm sau bác sĩ đến khám tại nhà, vẫn chỉ nói là bị cảm mạo đơn giản. Cứ như vậy, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy chồng quay về với mình, ở ngay trước mắt mình. Giống như khi vừa lội xuống nước, nhìn thấy một vật trôi nổi đến trước đầu gối mình, tôi cúi gập người, kiểm tra chỗ da thịt đau đớn khủng khiếp đó một cách cẩn thận. Giống như người vợ của ngư dân, ngày ngày đi ra bờ biển, một mình chờ đợi người chồng. Và cuối cùng thì nhìn thấy một xác chết dạt vào chìm trong rìa nước bên bờ đá của vịnh biển. Cái xác đó vẫn còn hơi thở. Tôi có nên ngay lập tức lao vào trong nước kéo nó lên không? Không, tôi đã không làm thế. Bằng sự nhiệt tình, bằng cảm xúc mãnh liệt và sự nỗ lực ngày đêm không mệt mỏi, tôi chỉ cúi xuống thật gần phía trên mặt nước. Cứ thế tôi canh chừng cái xác vẫn còn hơi thở ấy, cho đến khi nó hoàn toàn chìm nghỉm, không thể rên rỉ, gào thét thêm một lần nào nữa, cũng không còn thấy hơi thở nóng hổi bay lên. Tôi đã hiểu rồi. Nếu được hồi sinh, vật trôi nổi này ngay lập tức sẽ vất bỏ tôi, lại theo thủy triều đi ra phía biển xa vô tận, không bao giờ quay lại. Sự chăm sóc của tôi lúc chồng đau ốm chẳng có cảm xúc gì, nhưng ai biết điều đó chứ. Nước mắt của tôi trong lúc chồng hấp hối chỉ là nước mắt từ biệt với cảm xúc mãnh liệt thiêu đốt từng khoảng khắc của riêng tôi, nhưng cũng chẳng ai biết được đâu. Etsuko nhớ là đã đặt chồng nằm vào trong chiếc xe thuê, đi đến phòng khám nội khoa của Tiến sĩ Koishigawa vốn là người quen của chồng, rồi nhập viện. Vào ngày thứ ba sau khi nhập viện, người phụ nữ trong những bức ảnh kia đến thăm, Etsuko đã cãi vã kịch liệt với cô ta. Tại sao cô ta lại đánh hơi được chỗ này? Có phải nghe từ đồng nghiệp cùng công ty hôm trước đã đến viện thăm không nhỉ! Đồng nghiệp chắc chắn là không biết gì. Hoặc bọn đàn bà này mũi thính như mũi chó, đánh hơi được mùi bệnh viện không biết chừng... Lại thêm một người phụ nữ nữa đến. Sau đó lại có một người phụ nữ thứ ba đến. Rồi lại thêm một người nữa đến. Có lúc hai người phụ nữ chạm mặt nhau, nhìn nhau bằng đôi mắt khinh bỉ rồi họ bỏ đi. Etsuko không muốn bất cứ ai đến phá đám hòn đảo hoang nơi chỉ có cô và chồng. Cô cũng đã đánh điện về làng Maiden báo tin chồng hấp hối, hiện chỉ còn chút hơi tàn. Ngày xác định được bệnh của chồng, trong kí ức của Etsuko đó là ngày cực kì vui vẻ. Do là phòng khám nên tầng hai chỉ có ba phòng. Phía cuối dãy hành lang chính là một cửa sổ. Từ chiếc cửa sổ nhạt nhẽo này có thể nhìn xuống thị trấn vô vị phía dưới. Hành lang nồng nặc mùi thuốc sát trùng. Etsuko yêu thứ mùi này. Mỗi khi chồng ngủ được một lúc, cô lại đi đi lại lại ngoài hành lang, lấy hết sức hít thật đầy lồng ngực thứ mùi đó. Mùi của dung dịch khử trùng này còn khiến cô yêu thích hơn cả khí trời bên ngoài cửa sổ. Tác dụng của thứ thuốc gột rửa đi cái chết và bệnh tật, không phải là dấu hiệu của cái chết mà có lẽ chính là dấu hiệu của sự sống. Đây chính là mùi của sự sống. Thứ mùi đặc trưng mang theo sự tàn nhẫn và quyết liệt ấy gây ra kích thích đầy khoái cảm trong khoang mũi cô, như thể đang hít vào một cơn gió buổi sớm. Etsuko ngồi xuống bên cạnh người chồng loay hoay khổ sở với cái thân xác như đang tìm cửa ra trong căn phòng bị nhiệt độ phong kín. Đã mười ngày sốt liên tục bốn mươi độ. Giống như tuyển thủ marathon sắp chạy đến gần vạch đích, Ryosuke thở hổn hển, cánh mũi phập phồng. Sự tồn tại của anh ta trên giường đang biến thành một kiểu vận động bằng cách miệt mài chạy về phía Etsuko, còn cô thì cất tiếng động viên. “Chỉ một chút, một chút nữa thôi.” Mắt của Ryosuke chậm chạp mở ra, đầu ngón tay của anh ta muốn cắt miếng băng, những ngón tay giờ như cọng cỏ đã bị nhiệt độ hong khô cong, nắm chặt viền chăn như thể bị mùi của con súc vật đang ngủ trên đồng cỏ khô ấy làm cho nghẹt thở. Buổi sáng, Viện trưởng đến khám bệnh, phanh ngực chồng ra. Bộ ngực phập phồng điên cuồng đang cố gắng thở, chạm vào làn da thì có cảm giác nóng hổi giống như chạm ngón tay vào nước nóng phun lên từ lòng đất. Bệnh này không phải càng lúc càng nặng hay sao? Khi Viện trưởng đưa chiếc ống nghe bằng ngà voi áp vào ngực Ryosuke. Áp lực của thứ ngà voi ố vàng đó in dấu trên da làm nổi lên những vết lốm đốm trắng, khắp nơi trên da như bị mạch máu chảy đến tấn công, hiện những vết màu hoa hồng mờ và nhỏ. Etsuko hỏi: “Cái này là cái gì vậy ạ?” “Cái này...” Viện trưởng nói bằng chất giọng ồm ồm, ngược lại chứa đựng sự thân thiết của một người bạn, với bộ dạng cố gắng giải thích cho Etsuko hiểu, ông nói: “Chứng hồng ban, hồng là hoa hồng ấy, ban là phát ban. Sau đó thì...” Sau khi khám xong, Viện trưởng dẫn Etsuko ra bên ngoài cửa, nói chuyện thẳng thắn hơn. “Bệnh thương hàn đấy. Đúng là thương hàn không sai được. Kết quả kiểm tra máu cũng cho thấy thế. Anh Ryosuke bị nhiễm bệnh ở đâu nhỉ? Anh ấy có nói trong lúc công tác phải uống nước giếng, chẳng lẽ đấy là lý do?... Không sao đâu, chỉ cần tim không sao thì không sao đâu. Hôm nay làm thủ tục, ngày mai chuyển đến bệnh viện chuyên khoa thôi. Ở đây cả thiết bị và phòng cách ly đều không có.” Tiến sĩ vừa gõ ngón tay gân guốc vào bức tường có dán quy định phòng cháy vừa ngán ngẩm chờ đợi việc người phụ nữ mệt mỏi vì chăm sóc chồng đến mức mắt thâm quầng này lên tiếng cầu xin một điều gì đó. “Bác sĩ, xin bác sĩ, đừng bắt chồng tôi chuyển đi, cứ ở đây được không ạ. Bệnh đến mức này nếu di chuyển chắc chắn sẽ chết mất. Không có gì quan trọng bằng sinh mạng con người đâu. Bác sĩ. Đừng bắt chồng tôi chuyển đến bệnh viện truyền nhiễm. Chuyển đến bệnh viện đại học có được không? Bác sĩ...” Sự cầu xin ai oán như thế rỉ ra từ miệng Etsuko, Tiến sĩ tiếp tục chờ đợi xem cô sẽ nói gì tiếp theo bằng sự hiếu kì. Mặc dù vậy, Etsuko im lặng. “Cô đã mệt rồi,” Tiến sĩ nói thay cho lời kết thúc câu chuyện. “Không sao ạ,” Etsuko tỏ ra bộ dạng kiên cường. Etsuko không sợ bị lây bệnh. (Nói đến lý do không bị lây bệnh, cô cũng cho rằng chỉ một lý do duy nhất này là đủ). Cô quay lại ngồi trên chiếc ghế bên cạnh chồng tiếp tục đan len. Mùa đông sắp đến, cô đang đan cho chồng một chiếc áo len. Căn phòng này buổi sáng rất lạnh. Cô cởi dép xỏ ngón ở một bên chân, bằng mu bàn chân đi tất bên chân đó cọ vào mu bàn chân của chân bên kia. “Đúng rồi, đã chẩn đoán được chính xác bệnh rồi à?” Ryosuke thở hắt ra, bằng giọng điệu giống như đứa bé đang kinh hãi muốn nói điều gì đó, chỉ nghe thấy anh ta nói như thế. “Ừ!” Etsuko đứng lên làm ẩm miếng bông hay dùng để thấm nước vào chỗ môi nứt nẻ, xước xát vì sốt của chồng. Nhưng cô không làm thế mà cọ má vào má chồng. Cái má toàn là râu trên khuôn mặt bệnh tật giống như cát nóng bên bờ biển, thiêu đốt má của cô. “Không sao đâu, chắc chắn Etsuko sẽ chữa cho. Đừng có lo. Khi anh chết thì em cũng chết thôi.” (Lời thề dối trá này chẳng phải ai cũng nhận ra hay sao? Cho dù có người thứ ba hay là thần thánh chứng kiến đi nữa cũng chẳng làm cho ai tin được). Nhưng mà, việc như thế nhất quyết không thể xảy ra đâu. Anh chắc chắn sẽ khỏi bệnh.” Etsuko điên cuồng hôn lên đôi môi nứt nẻ bật máu của người chồng đang nổi giận. Đôi môi đang phả khí nóng liên tục giống như khí nóng ở núi lửa bốc lên. Đôi môi của Etsuko giống như hoa hồng nhiều gai nhọn, bị thấm máu từ môi chồng rỉ ra. Ryosuke ngước lên nhìn vợ mình. Xoay nắm vặn đã được bọc băng gạc, hé mở cửa, bằng một linh cảm nào đó, Etsuko lách người ra ngoài. Trong chiếc bóng của khung cửa đổ xuống sàn, nữ y tá nhìn thấy cô liền gọi lại. Rồi họ đi xuống sảnh. Đứng bên cạnh cửa sổ, một người mặc váy dài, khoác một chiếc áo choàng ngắn, chính là người phụ nữ trong mấy tấm ảnh của chồng. Nhìn qua thì giống con lai. Một hàm răng hết sức duyên dáng. Cánh mũi nhìn thẳng giống hình cánh chim. Giấy dầu bọc bó hoa cô ta mang theo dính lên móng tay sơn màu hồng rực. Lúc cô ta quay người lại, chân day trên nền nhà như một con vật đang chạy thì đứng khựng lại bằng hai chân sau. Tuổi tác chắc tầm bốn mươi. Giống như bị tuổi tác phục kích, ở đuôi mắt đột nhiên hiện ra vài nếp nhăn nhỏ. Lúc nhìn kỹ ra mới thấy chỉ tầm hai nhăm, hai sáu tuổi. “Xin chào,” cô ta nói. Âm điệu nhỏ, không phát hiện ra là giọng nói vùng nào. Etsuko nhìn ra suy nghĩ của bọn đàn ông ngu xuẩn, rằng ở cô có sự khó hiểu của một người phụ nữ hiếm có. Đó chính là người phụ nữ tự làm khổ bản thân mình. Đối với Etsuko, sự khổ đau, bản chất của sự khổ đau khiến ý nghĩ tà ác trở nên rất khó phát tác. Sự đau khổ của Etsuko, cùng với bản chất của sự đau khổ ấy, ngày ngày phình to ra một cách chẳng dây mơ rễ má gì. (Nói một cách không bình thường, nhưng mà) bây giờ nó đã trở thành một thứ còn độc đáo hơn thế nữa. Người phụ nữ này là một chiếc răng sâu đã bị nhổ. Đã không còn đau đớn gì. Giống như chữa bệnh bằng cách xóa đi lớp giả trang, lần đầu tiên người bệnh đối diện thẳng thắn với căn bệnh sắp giết chết mình. Thay vì nghĩ rằng người phụ nữ này là nguyên nhân sự đau khổ của mình thì ngược lại, Etsuko chỉ có thể nghĩ ra những suy nghĩ hèn yếu, coi nhẹ bản thân. Người phụ nữ đưa ra danh thiếp có ghi một cái tên đàn ông, nói rằng thay mặt chồng đến thăm người ốm. Trên danh thiếp chính là tên giám đốc công ty chồng. Etsuko nói rằng, không thể đưa vào gặp và phòng bệnh hiện đang bị cách ly. Sự u ám ở mi tâm người phụ nữ hiện ra. “Tôi chỉ muốn gặp mặt, nhìn qua tình trạng anh nhà để nói lại với chồng tôi thôi ạ.” “Chồng tôi bây giờ đang ở tình trạng không ai có thể gặp được.” “Nhưng mà phải cho gặp thì tôi mới có cái mà nói lại với chồng tôi chứ.” “Vậy bảo chồng cô đến đây gặp thì tốt hơn đấy.” “Chồng tôi thì được, tại sao tôi thì không được? Đừng nói chuyện vô lý kiểu đó có được không? Cô nói chuyện như là đang nghi ngờ gì tôi vậy.” “Vậy thì cô có thể nói với chồng cô rằng bất cứ ai cũng bị từ chối gặp, đã hài lòng chưa?” “Cách nói năng thật là kì cục. Cô là vợ đúng không? Là vợ của anh Ryosuke?” “Ngoài tôi ra chẳng có người đàn bà nào được gọi Ryosuke là chồng cả.” “Hãy thôi nói năng kiểu đó đi, vì tôi đã xin cô, vậy nên hãy cho tôi gặp một lần. Tôi xin cô đấy. Cái này, đồ chẳng đáng gì nhưng hãy trang trí lên gối của anh ấy.” “Cảm ơn.” “Cuối cùng cô có thể cho tôi gặp một lần không, tình trạng thế nào rồi, có đáng lo ngại không?” “Sống hay chết vẫn còn chưa biết được.” Lúc đó Etsuko nở nụ cười nhạo báng. Người phụ nữ quên cả cách cư xử lễ độ, nói năng trở nên hống hách. “Vậy thì tốt, tôi sẽ tự vào thăm mà không cần ai đồng ý hết.” “Xin mời, ở đằng đó, không sợ thì cứ từ từ mà đi,” Etsuko vừa quay đầu vừa nói. “Cô có biết bệnh của chồng tôi là gì không?” “Không!” “Là thương hàn đấy.” Người phụ nữ đứng khựng lại, mặt biến sắc. “Thương hàn sao?” Cô ta lẩm bẩm như thế. Một ả đàn bà ngu si. Phản ứng kinh ngạc giống như một quý bà cầu xin sự trường thọ khi nghe thấy bệnh lao phổi. Nếu là người đàn bà này có khi còn đưa thánh giá lên trước ngực cầu xin. Một mụ me tây! Còn do dự điều gì nữa? Etsuko mở cửa một cách đầy hoan nghênh, phản ứng này có vẻ nằm ngoài dự tính của người phụ nữ, Etsuko rất vui vẻ. Hơn thế nữa, Etsuko còn mời người phụ nữ ngồi xuống cạnh cái ghế ở đầu giường chồng mình. Người phụ nữ bồn chồn đi vào phòng bệnh. Nhìn thấy sự kinh sợ của cô ta với chồng mình làm Etsuko cảm thấy hả hê. Cô ta cởi áo khoác ngoài ra, lúng túng ở chỗ giá treo đồ giống như thể nơi đó dính đầy vi trùng, cực kì nguy hiểm. Nếu đưa đến tay Etsuko cũng rất nguy hiểm. Chẳng phải Etsuko vẫn giúp chồng đi vệ sinh hằng ngày bằng đôi tay ấy sao? Vậy thì không cởi ra là tốt nhất, cô ta vẫn mặc nguyên áo khoác như cũ. Sau đó, cô ta kéo chiếc ghế ra xa rồi mới ngồi xuống. Etsuko đọc cái tên trên danh thiếp cho chồng nghe. Ryosuke sau khi nhìn người phụ nữ thì im lặng. Cô ta vắt tréo chân vào nhau, khuôn mặt trở nên xanh xao, cũng không lên tiếng. Etsuko từ phía sau người phụ nữ nhìn chằm chằm vào biểu hiện của chồng. Cô đứng đó như một nữ y tá. Sự bất an làm cô cảm thấy ngột ngạt. Nếu chồng không yêu người phụ nữ này một chút nào thì làm sao đây? Sự đau khổ của tôi, tất cả đều trở thành vô ích. Chồng và tôi, chẳng khác gì đã cùng diễn một trò hề rỗng tuếch tự làm khổ nhau. Ở đó, kí ức của tôi biến thành một sới vật, có gã Sumo tự vật nhau với chính mình, cô đơn và trống rỗng. Bây giờ, nếu không nhìn ra một chút tình yêu với người phụ nữ này trong mắt chồng thì tôi cũng không thể sống tiếp được. Không chừng, chồng đã không còn yêu người phụ nữ này cũng như ba người phụ nữ mà tôi đã từ chối cho gặp mặt, trời ơi, cho đến bây giờ, kết cục như thế thật là đáng sợ. Ryosuke cứ ngước nhìn lên trên như vậy, khẽ ngọ nguậy bên trong chiếc chăn lông vũ. Chiếc chăn như sắp rơi xuống. Bởi vì Ryosuke di chuyển đầu gối nên chiếc chăn tuột dần khỏi giường. Người phụ nữ co đầu gối lại có vẻ sợ hãi. Tay cũng không đưa ra. Etsuko phải nhón chân, kéo chăn lên đắp lại cho chồng. Trong một vài giây, Ryosuke nhìn về phía người phụ nữ. Lúc đó, Etsuko đang kéo chăn nên không thể nhìn thấy biểu hiện ấy. Nhưng trực giác của cô cho biết khi đó chồng và người phụ nữ đó đã nháy mắt với nhau. Cái nháy mắt khinh miệt Etsuko... Kẻ ốm bệnh liên tục sốt cao ấy đã nhíu mày, cười mỉa và nháy mắt với người phụ nữ kia. Hơn cả trực giác, lúc đó Etsuko đã nhìn thấy chuyển động cơ mặt của chồng từ phía sau. Cô nhìn ra, rồi bằng một cảm giác giải tỏa thông thường cô đã lấy lại được sự an tâm mà không phải ai cũng hiểu nổi. “Anh chắc sẽ không sao đâu. Một trái tim khỏe mạnh như thế có thể khiến mọi thứ phải đầu hàng,” người phụ nữ nói bằng giọng điệu thành thật. Ryosuke nở một nụ cười hiền lành, cơ mặt chuyển động trên cái má đầy râu. (Nụ cười đó, Etsuko có lẽ chưa từng nhìn thấy trên mặt anh ta một lần nào), vừa thở hắt ra vừa nói. “Bệnh này, thật tiếc vì em không nhiễm bệnh. Nếu là em, chắc sẽ kiên nhẫn hơn anh.” “Chà, thẳng thừng nhỉ?” Người phụ nữ lần đầu tiên nhìn về phía Etsuko rồi cười. “Anh thì chả kiên nhẫn chút nào.” Ryosuke nặng nề nói. Rồi trầm mặc tỏ vẻ bất hạnh. Người phụ nữ đột nhiên cười rộ lên giống như tiếng một con chim nhỏ hót líu lo. Sau đó một vài phút cô ta ra về. Tối hôm đó chồng phát bệnh ở não. Trực khuẩn thương hàn đã ăn vào não rồi. Nghe thấy tiếng radio lớn phát ra từ phòng chờ tầng dưới. Một điệu jazz om sòm. “Không thể chịu nổi. Có người bệnh nặng như thế này thế mà mở radio một cách lố lăng như vậy...” Ryosuke vừa kêu đau đầu vừa nói một cách khó nhọc. Bóng đèn được che lại một nửa bằng khăn gói đồ giống như sợ bệnh nhân chói mắt. Etsuko đã đứng lên ghế, không cần nhờ y tá giúp đỡ mà tự mình buộc chiếc khăn gói đồ bằng vải xô lên. Ánh sáng không xuyên qua được lớp vải in vào mặt Ryosuke một cái bóng ốm yếu màu cỏ úa. Trong cái bóng này là đôi mắt xung huyết của anh ta đang ầng ậng nước mắt căm phẫn. “Em sẽ xuống dưới bảo họ tắt nó đi cho.” Etsuko nói như thế rồi đặt đồ đang đan dở xuống, đứng lên đi ra phía cửa. Sau lưng cô tiếng gầm phát ra. Tiếng gầm như tiếng của một con thú bị dẫm đạp. Lúc Etsuko quay đầu lại thì Ryosuke đã nhổm phần thân trên dậy, bóp mạnh vào chăn bằng hai tay giống như một hài nhi, trong mắt, đôi con ngươi giật giật nhìn chằm chằm ra phía cửa. Người y tá nghe thấy tiếng gầm liền đến phòng bệnh, thúc giục Etsuko thu dọn chiếc ghế gấp, rồi giúp một tay đỡ Ryosuke nằm xuống, đút hai tay anh ta vào trong chăn. Trong lúc ấy, bệnh nhân vừa kêu gào vừa cố gắng nhổm lên. Chỉ một lúc sau, con ngươi lại đảo qua đảo lại, gọi ầm ĩ: “Etsuko, Etsuko.” Khi nghe anh ta gọi tên, Etsuko như đọc được suy nghĩ trong sâu thẳm tâm hồn mình, trong bao nhiêu cái tên có thể gọi, anh ta đã gọi cái tên này mà ngay chính bản thân anh ta cũng không ý thức được. Hẳn là chồng cô có một tín niệm kì quặc rằng nếu gọi cái tên này chính là đang tuân thủ một quy tắc, cô bắt anh ta phải nói ra điều đó. “Nói lại một lần nữa đi.” Người y tá đi thông báo với Tiến sĩ nên đã không còn ở trong phòng. Etsuko dựa vào ngực Ryosuke, vừa lắc ngực anh ta một cách bạo liệt vừa nói. Ryosuke thở hổn hển, lại gọi tiếp. “Etsuko, Etsuko.” Đêm khuya hôm đó, Ryosuke vừa hét lên những từ ngữ không đầu không cuối, “Đen ngòm... Đen ngòm... Đen ngòm... Đen ngòm”, vừa phi từ trên giường xuống, gạt đổ hết chai thuốc và ấm nước ở trên bàn. Rồi anh ta đi bằng chân trần trên những mảnh thủy tinh rơi tán loạn ở dưới nền nhà. Bàn chân nhuốm máu. Người trong bệnh viện chạy đến, ba người đàn ông mới trấn áp được anh ta. Hôm sau, Ryosuke được tiêm thuốc an thần, rồi được chuyển bằng cáng lên xe cứu thương. Cơ thể hơn sáu mươi kilogram của anh ta không hề nhẹ chút nào. Thêm vào đó, trời mưa từ sáng đến giờ nên đoạn từ sảnh bệnh viện ra đến cửa, Etsuko phải cầm ô chạy theo che cho anh ta. Bệnh viện chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm... Trong cơn mưa, chỗ cái bóng của cầu vượt đường bộ in xuống mặt đường lỗ chỗ ổ gà có một tòa nhà buồn thảm. Khi đó, Etsuko đã nhìn tòa nhà ấy bằng một niềm hân hoan như thế nào nhỉ? Một nơi lý tưởng đúng như Etsuko mơ ước để bắt đầu cuộc sống như trên hoang đảo chỉ có cô và chồng. Dù là ai cũng không thể tìm thấy rồi đuổi theo họ đến nơi này. Ai cũng không thể xâm nhập vào nơi này. Bên trong chỉ có những người đang chiến đấu với vi khuẩn truyền nhiễm, lấy đó làm lý do tồn tại duy nhất. Chấp nhận sự triền miên của sinh mạng, chấp nhận việc không phải e ngại con mắt soi mói thô bỉ, điên cuồng của người đời. Nói mê sảng, tiểu tiện không kiểm soát, đại tiện ra máu, những bãi nôn, mùi xú uế... Những thứ đó lan tràn. Những thứ đó là sự xác nhận của những sinh mạng thô lỗ, vô đạo đức đang cầu xin từng giây một. Giống như gã con buôn hô to đại hạ giá ở chợ rau, không khí nơi này tràn ngập lời kêu gọi “còn sống, còn sống” từng khắc từng khắc vang vọng khắp nơi. Sinh mạng bỏ đi và nhặt lại, xuất phát và đến nơi, vội vàng ở bến đỗ nơi chiếc xe nhả hành khách cũ xuống và bốc hành khách mới lên. Đám đông di chuyển đó phải công nhận, phải gánh vác một hình thái rõ ràng của sự tồn tại mang tên bệnh truyền nhiễm. Ở đó giá trị sinh mạng của con người và vi khuẩn gần như tiệm cận, người bệnh, hộ lý cũng hóa thân thành vi khuẩn... Hóa thân thành những sinh mệnh không mục đích. Ở đó, để được thừa nhận, sinh mạng chỉ còn cách cố gắng tồn tại, bởi vậy mà không thể có chỗ cho những dục vọng phiền phức tồn tại. Ở đó, hạnh phúc đang thống trị. Như thể thứ đồ ăn rất dễ bị thối rữa, hạnh phúc đã thối rữa hoàn toàn, không thể ăn được nữa. Etsuko đã sống bên trong cái chết và mùi thối rữa này giống như một sự thèm muốn. Cô nhìn thấy chồng liên tục tiểu tiện không kiểm soát, ngay ngày hôm sau khi nhập viện đã đại tiện ra máu. Chứng xuất huyết dạ dày đáng lo ngại đã phát ra. Liên tục những ngày sốt cao thế mà cơ thể anh ta không gầy đi, cũng không trở nên xanh xao. Trên chiếc giường bệnh viện khô cứng, bần hàn, cái cơ thể nhẵn mịn, ửng hồng của anh ta đầy đặn giống như một đứa trẻ sơ sinh. Không chút khí lực hung bạo. Bằng sự ủ dột, lúc thì lấy hai tay ôm bụng lúc thì xoa lên ngực bằng cả bàn tay. Xòe ngón tay ra trước mũi một cách vụng về, rồi ngửi mùi đó. Nếu nói như thế... sự tồn tại của Etsuko đã trở thành một ánh mắt, một cái nhìn chằm chằm. Ngay cả việc nhắm đôi mắt đó lại cũng quên mất, giống như cửa sổ không có sự đề phòng mưa gió dội vào. Mấy người y tá cũng bất ngờ khi nhìn sự chăm sóc nhiệt tình của cô. Ở bên cạnh một người bệnh cởi trần đầy mùi khai của nước tiểu, vậy mà Etsuko một ngày chỉ ngủ một, hai tiếng tử tế. Lúc ngủ vừa nghe chồng gọi tên mình vừa nằm mơ bị kéo vào vực nước sâu không đáy. Giật mình bừng tỉnh. Bác sĩ đề nghị truyền máu như phương pháp cuối cùng. Sử dụng đến phương pháp không có tác dụng gì như thế là một cách gián tiếp khẳng định mọi hi vọng đã tiêu tan. Kết quả sau khi truyền máu, Ryosuke trở nên trấn tĩnh hơn, ngủ liên tục. Y tá đưa hóa đơn thanh toán đến. Etsuko liền đi xuống dưới sảnh. Một thiếu niên đội mũ lưỡi trai, sắc mặc rất xấu đang đứng chờ ở đó. Thiếu niên nhìn cô, im lặng bỏ mũ xuống rồi chào hỏi. Trên đầu thiếu niên, gần tai trái bị mất một mảng tóc. Mắt lé kim. Một cái mũi rất ít thịt. “Là cậu à?” Etsuko hỏi. Thiếu niên mân mê cái mũ, dùng chân trái chà xuống tấm lát sàn, giống như đang vẽ một hình tròn nhưng không trả lời. “Cái này nhỉ?” Etsuko vừa nói tiếp vừa đưa tờ hóa đơn thanh toán ra, thiếu niên gật đầu. Sau khi nhận được tiền, thiếu niên nhanh chóng rời đi, nhìn theo bóng lưng của chiếc áo khoác bẩn thỉu, Etsuko nghĩ đến việc dòng máu bây giờ đang chảy trong cơ thể Ryosuke chính là máu của thiếu niên này. Điều đó chẳng ích lợi gì. Nếu ép một người đàn ông thừa thãi máu phải bán máu thì cũng tốt. Bán máu của một đứa trẻ như thế thực là tội ác. Một người đàn ông thừa máu? Ngẫu nhiên Etsuko nghĩ đến Ryosuke đang nằm trên giường bệnh. Nếu có thể bán thứ máu đầy vi khuẩn và quá nhiều của Ryosuke thì tốt. Nếu máu đó có thể bán được cho bọn người bình thường, khỏe mạnh thì tốt. Ryosuke sẽ khỏe trở lại, còn lũ người khỏe mạnh kia sẽ trở nên ốm yếu. Rồi ngân sách thành phố sẽ ùn ùn đổ đến bệnh viện truyền nhiễm... Nhưng mà Ryosuke không được khỏe lại, nếu bình phục, anh sẽ lại bỏ đi. Bay đi mất dạng. Etsuko cảm thấy trong sự lẫn lộn mơ mơ thực thực, bản thân luôn lần theo những suy nghĩ bị chính mình khuấy đục lên. Đột nhiên mặt trời dường như lặn đi đâu mất, cảnh sắc xung quanh trở thành hoàng hôn. Ngoài cửa sổ là khoảng không gian tịch liêu đầy mây, trắng xóa. Etsuko đổ gục xuống hành lang, bất tỉnh. Do thiếu máu não. Cô bị bắt phải nghỉ ngơi tạm thời ở phòng y tế. Khoảng bốn tiếng sau, y tá đến thông báo Ryosuke đang hấp hối. Etsuko nâng mặt nạ truyền ôxy ở miệng Ryosuke lên, anh ta như đang muốn nói điều gì đó. Ryosuke nói chuyện liên tục một cách rất vui vẻ, đầy nhiệt tình bằng những từ ngữ không thể hiểu nổi ý nghĩa. Tôi đã nâng chiếc mặt nạ truyền ôxy lên đến hết mức có thể. Cuối cùng thì tay tôi trở nên cứng ngắc, vai của tôi cũng tê dại. Tôi cất tiếng thét chói tai: “Ai đó thay cho tôi với, nhanh lên.” Mấy hộ lý tập trung lại cố gắng thay tôi cầm chiếc mặt nạ. Thực sự thì tôi không mệt. Tôi chỉ cảm thấy sợ hãi. Những lời không nghe ra được mà chồng đang liên tục nói ấy hướng về cái gì? Tôi lại ghen tuông phải không? Hay là chính là tôi đang sợ hãi sự ghen tuông đó. Không thể nào mà biết được. Nếu lý trí bị cưỡng đoạt thì tôi có lẽ đã thét lên như thế này: “Chết nhanh lên, chết nhanh lên!” Cho dù là trong đêm tối, trái tim cũng liên tục đập thình thịch như một chứng cứ cho điều đó, khi không nhìn ra được cảm giác muốn dừng lại, nghe thấy hai bác sĩ đang đi tìm chỗ ngủ nói chuyện thì thầm với nhau rằng: “Không chừng là có tác dụng!” , không phải lúc đó tôi đã nhìn họ bằng ánh mắt căm ghét sao? Ryosuke mãi mà không chết. Một đêm nào đó sẽ là lần cuối cùng tôi và chồng đấu với nhau... Thời điểm đó đối với tôi mà nói, nếu chồng được hồi sinh thì hạnh phúc ảo tưởng giữa chồng và tôi cũng bị phế bỏ. Điều đó so với việc vất đi sinh mạng của chồng là hoàn toàn giống nhau. So sánh giữa việc nhìn thấy hạnh phúc sẽ đến và hạnh phúc đã vất đi, giữa việc nhìn thấy chồng thực sự đã chết và sinh mạng vất vưởng của chồng bây giờ, thì vế sau đơn giản hơn nhiều. Thật ra hi vọng của tôi treo trên sinh mạng đang chiến đấu từng khắc với tử thần của chồng và hy vọng anh ta chết đi, cũng như nhau mà thôi. Tuy nhiên, thân xác chồng vẫn đang sống. Đang muốn phản bội tôi... “Có lẽ vẫn còn chút hi vọng,” bác sĩ tỏ ra kỳ vọng. Một lần nữa kí ức đầy ghen tuông của tôi lại quay trở lại... Tôi ôm gương mặt Ryosuke bằng tay phải rồi tưới nước mắt lên đó. Tay trái của tôi mấy lần muốn tháo chiếc mặt nạ dưỡng khí từ miệng anh ta ra. Trên ghế, người y tá đang ngủ gật. Đêm tối lạnh lùng. Tín hiệu lúc đêm khuya của nhà ga Shinjuku ở nơi nào đó bên ngoài khung cửa sổ. Có thể nhìn thấy những ánh đèn từ biển quảng cáo xoay vần cả đêm. Vẳng tiếng còi tàu và tiếng bánh xe lẫn với tiếng xe cảnh sát đang chạy hết tốc lực, xuyên qua không gian. Tôi đề phòng khí lạnh luồn vào cổ áo bằng một chiếc khăn choàng... Bây giờ cho dù tôi tháo mặt nạ dưỡng khí ra thì cũng không ai biết được. Sẽ không một ai nhìn thấy hành động của tôi. Tôi không tin có đôi mắt ai đó ngoài kia đang nhìn tôi... Nhưng tôi không thể. Hai tay đặt lên chiếc mặt nạ, cứ để như thế cho đến lúc bình minh. Việc không thể xuống tay tức là trong lòng vẫn còn nhiều vướng mắc ngăn cản. Tình yêu ư? Nhất quyết là không phải. Tình yêu của tôi là nghiêm túc mong đợi cái chết của anh ta. Lý trí ư? Cái đó cũng không đúng. Lý trí của tôi chỉ cần xác thực không có người nhìn thấy tôi bỏ chiếc mặt nạ ra là đã đủ rồi. Sự nhát gan ư? Chắc chắn là không phải. Đến nguy cơ lây bệnh thương hàn tôi còn không sợ kia mà. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết những vướng mắc trong lòng ấy là gì. Nhưng việc đó cũng không cần thiết, tôi chỉ biết rằng thời khắc cái lạnh hung bạo nhất chính là trước khi mặt trời ngày mai ló rạng. Bầu trời trắng xóa. Khi bình minh gõ cửa, những đoạn đứt gãy của mây in lên bầu trời nơi hừng đông đỏ rực nhưng vẫn khăng khăng ủng hộ linh cảm về một ngày thời tiết xấu. Đột nhiên hô hấp của Ryosuke trở nên rối loạn. Giống như đứa bé no sữa mẹ, ngúng nguẩy ngoảnh mặt đi, sợi dây từ mặt nạ dưỡng khí rơi ra, chiếc mặt nạ rời khỏi mặt Ryosuke. Tôi không hoảng hốt. Để mặt nạ dưỡng khí bên gối, từ trong đai lưng, tôi lấy ra một chiếc gương nhỏ. Chiếc gương kiểu cổ, mặt sau bọc vải nhung đỏ, là vật kỉ niệm của người mẹ đã mất khi tôi còn nhỏ. Ghé cái gương ấy đến sát miệng Ryosuke, gương không mờ. Đôi môi như muốn nói điều gì đó bất bình, được kẻ một đường viền râu của Ryosuke đang phản chiếu rạng rỡ trong gương. Etsuko lo lắng rằng khi đến làng Maiden theo lời mời của Yakichi chẳng phải là tự chui đầu vào một bệnh viện chuyên trị bệnh truyền nhiễm khác sao? Đến đó chẳng phải chính là quay đầu về khoảng thời gian trước đây phải chịu đựng ở bệnh viện sao? Càng trải nghiệm không khí nhà Sugimoto, cô càng tự hỏi: mình vẫn luôn ở trong cái bệnh viện đó phải không nhỉ? Etsuko đang bị cầm tù bằng xiềng xích vô hình, chịu sự bào mòn của những linh hồn câm lặng. Để thúc giục chuyện vá lại quần áo, một đêm Yakichi đến phòng Etsuko. Đêm đó chắc chắn vào khoảng giữa tháng Tư. Cho đến khoảng 10 giờ đêm hôm đó, Etsuko, vợ chồng Kensuke, Asako cùng hai đứa con, Saburo và người hầu gái Miyo tập trung ở phòng làm việc rộng tám chiếu. Năm nay, công việc dán túi bọc quả Biwa làm muộn hơn mọi năm một chút. Hiện giờ họ đang bận rộn vì việc này. Mọi năm bắt đầu từ đầu tháng Tư, họ đã bắt đầu dán túi, nhưng năm nay do được mùa măng nên phải hoãn lại đến bây giờ. Từ khi quả Biwa to bằng đầu ngón tay, nếu không được bọc lại bằng túi giấy sẽ bị bọ cánh cứng hút hết nước. Bởi vậy mà họ phải dán mấy nghìn cái túi. Hồ bột mì đổ vào một cái xoong đặt ở giữa, những trang báo cũ chồng chất cao đến đầu gối, họ phải liên tục dán theo kiểu cạnh tranh xem ai nhanh hơn. Cho dù đột nhiên nhìn thấy một trang báo đầy hứng thú cũng không thể rời mắt để xem, nếu vậy, sẽ không đuổi kịp những người còn lại. Đặc biệt đáng xem là khuôn mặt tỏ ra phiền phức của Kensuke lúc có công việc làm thêm ban đêm này. Anh ta vừa dán túi, miệng vừa liên tục than phiền: “Bực không chịu được. Khổ như nô lệ vậy. Không hiểu sao lại bắt mình làm cái công việc chết tiệt này nhỉ. Ông già đã đi ngủ trước rồi đấy. Thật là vô tâm. Mọi người quá tử tế nên ông ấy bắt mọi người làm công việc này đấy. Thấy việc mạnh dạn đứng lên làm cách mạng thì sao? Vì không đòi tăng tiền công nên ông ta lúc nào cũng leo lên đầu lên cổ chúng ta. Này, Chieko, đòi tăng gấp đôi tiền công em thấy sao? Bởi vì ông ấy không trả công cho anh nên cho dù có tăng tiền công lên gấp đôi đi nữa thì cũng chẳng có gì khác biệt... Cái gì đây? Tạp chí này, cái gì mà Sự giác ngộ của người Nhật với sự kiện Hoa Bắc. Bất ngờ nhỉ? Còn cái gì nữa đây? Thực đơn bốn mùa trong lúc khẩn cấp...” Nhờ nói những chuyện như thế mà trong lúc mọi người dán được mười cái túi thì Kensuke khó khăn lắm mới dán nổi một, hai cái. Không chừng những lời lèm bèm bất bình như thế này của anh ta là để che giấu sự bối rối khi chính anh ta cũng nhận thức được rằng năng lực sống yếu kém của mình đã bị những người xung quanh phát giác. Anh ta sợ bản thân như vậy sẽ bị mọi người để ý, nên ra tay trước, tự làm trò cười cho thiên hạ. Chieko vốn dĩ luôn chân thành ngưỡng mộ người chồng, nắm trong tay niềm kiêu hãnh rằng: lý luận khẩu chiến của anh ta không thua kém một ai, nhờ vậy mà trong mắt cô luôn phản chiếu hình ảnh Kensuke như một người hùng có tính thích nhạo báng người khác. Nhìn ra được rằng việc một người phụ nữ thấu hiểu suy nghĩ của chồng là sự việc bình thường trên thế gian nên cô ta cùng với chồng mình lúc nào cũng đầy một bụng căm ghét bố chồng. Người phụ nữ thiên tài như thế trong lúc dán phần túi của mình, vẫn len lén thò tay sang phần túi của chồng để làm giúp anh ta. Vô tình nhìn thấy điều đó khiến khóe miệng Etsuko bất giác khẽ cong lên mỉm cười. “Etsuko làm nhanh thế.” Asako nói. “Báo cáo tiến độ nào.” Kensuke nói. Sau khi đếm số túi đã làm xong, Etsuko đứng thứ nhất, được ba trăm tám mươi cái. Trừ Asako không cảm giác gì, Miyo và Saburo bất ngờ một cách hồn nhiên thì vợ chồng Kensuke có vẻ không vui. Etsuko rất hiểu suy nghĩ đó của họ. Đặc biệt đối với Kensuke, con số giống như một đại từ chỉ năng lực sống này cực kì khó tin. “Ái chà chà, Etsuko có thể kiếm ăn bằng nghề dán túi ấy nhỉ?” Asako vừa nhận lấy toàn bộ số túi vừa hỏi: “Etsuko từng có kinh nghiệm dán phong bì à?” Etsuko không ưa gì những thành kiến giai cấp vẫn còn dây dưa trong đầu óc, được đặt lên trên những niềm tự hào vụn vặt nhà quê của những người này. Dòng máu danh tướng thời Chiến quốc chảy trong người Etsuko không tha thứ cho bản tính không biết thân biết phận của họ. Cô cố tình phản kháng, lật ngược tình thế. “Vâng, có đấy ạ.” Kensuke và Chieko quay mặt nhìn nhau. Đêm đó, câu chuyện tọc mạch về dòng dõi quý tộc của một Etsuko đầy khí chất tao nhã, thanh cao được họ đưa ra làm câu chuyện tranh luận trước khi ngủ. Khi ấy, Etsuko vẫn chưa chú ý đến sự tồn tại của Saburo. Thậm chí hình dáng rõ ràng của cậu như thế nào, cô cũng không nhớ nổi. Điều đó là chắc chắn. Saburo chẳng nói câu nào, thỉnh thoảng vừa mỉm cười trước những câu chuyện buôn dưa lê của những người xung quanh vừa lóng ngóng dùng đầu ngón tay dán túi một cách nhiệt tình. Lúc nào cậu cũng mặc âu phục cũ mèm rộng thùng thình mà Yakichi cho, cùng một cái áo sơ mi đầy mụn vá. Toàn bộ trang phục cậu mặc chỉ có duy nhất chiếc quần kaki trông có vẻ mới. Cậu đang quỳ dưới ánh đèn mờ tối. Cho đến tám, chín năm trước đây thì nhà Sugimoto vẫn sử dụng đèn khí đốt. Những người từng trải qua thời kì đó đều nói rằng, cảm giác ánh sáng của đèn khí đốt sáng hơn. Sau khi bị sức hấp dẫn của đèn điện lôi kéo, buộc phải phụ thuộc vào thứ điện yếu đến mức bóng đèn 100 watt chỉ có thể sáng ở mức 40 watt. Ban đêm mới nghe được radio nhưng tùy tình hình thời tiết, đôi lúc cũng không nghe được gì... Vâng, nếu nói không chú ý thì cũng không phải là sự thật. Trong lúc Etsuko dán chỗ túi của mình, mấy lần chú ý đến đầu ngón tay vụng về của Saburo. Đầu ngón tay vừa thô vừa to đó làm Etsuko tức điên lên. Nhìn sang bên cạnh. Chieko đang dán túi giúp chồng. Etsuko mơ hồ cảm thấy nếu mình có giúp Saburo thì cũng chẳng có gì kì lạ cả. Khi Etsuko có ý nghĩ đó thì, Miyo đang ngồi cạnh Saburo vừa làm phần việc của mình vừa thỉnh thoảng giúp Saburo. Etsuko nhìn thấy vậy thì cực kì an tâm. Khi đó tôi rất yên tâm. Đúng vậy, quả thực chẳng có cảm giác ghen tuông gì cả. Thậm chí còn cảm thấy một chút thích thú vì đã né tránh được trách nhiệm. Lần này, tôi đã cố gắng nhìn về phía Saburo có chủ ý. Nỗ lực ấy không có gì là khó khăn cả. Sự im lặng của tôi, bóng dáng cúi gập người của tôi, sự nhiệt tình của tôi, cho dù không nhìn Saburo nhưng chính tôi cũng đang vô tình mô phỏng sự im lặng, tư thế cúi người và sự nhiệt tình của cậu ấy. Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. 10 giờ tối, mọi người về phòng ngủ. Đêm đó, lúc một giờ, Yakichi đến phòng lúc Etsuko đang vá đồ. Mồm lão vừa ngậm tẩu thuốc vừa hỏi Etsuko ngủ có ngon không. Lúc ấy cô đã cảm thấy gì nhỉ? Mỗi đêm tai của lão già này đều vểnh lên hướng về phòng ngủ của Etsuko. Lỗ tai lão lắng nghe dấu hiệu thức giấc trong căn phòng cách một dãy hành lang. Trong lúc mọi người say ngủ thì có một cái tai không ngủ, giấu đi tiếng thở giống như một con vật cô độc khiến Etsuko phải nhận ra sự thân thiện của nó. Đôi tai của lão già chẳng phải giống như một cái vỏ sò được sự khôn ngoan rửa sạch hay sao? Trên mỗi con người, cái tai chính là bộ phận có hình dáng thú tính nhất, gắn trên người một lão già lại biến thành hóa thân của trí tuệ. Etsuko có phải cũng vì điều này mà cảm thấy sự quan tâm của Yakichi không phải hoàn toàn là khó coi không nhỉ? Có phải cô nghĩ rằng vì lão thông minh mà trong đầu lão sinh ra cảm giác phải yêu thương, chăm sóc người khác không nhỉ? Tiếng thơm gì đó cũng chỉ là trò dối trá. Yakichi đứng đằng sau Etsuko, nhìn lên tấm lịch treo tường. “Cái gì mà luộm thuộm thế này. Một tuần rồi vẫn y nguyên như cũ,” lão nói. Etsuko quay đầu lại một chút rồi nói. “Vâng, xin thứ lỗi ạ!” “Đừng có nói xin lỗi kiểu ấy chứ.” Lão vừa lẩm bẩm bằng âm điệu như thể tâm trạng đang rất tốt vừa lắng nghe âm thanh xé từng tờ lịch. Âm thanh đó rồi cũng đến lúc dừng lại. Bờ vai của Etsuko đột nhiên bị ôm lấy, cảm giác bàn tay lạnh lẽo như ống tre luồn vào trong ngực mình. Cô có chút phản kháng, nhưng không kêu lên tiếng nào. Không phải là không thể kêu mà là không kêu. Trong một khắc, sự buông xuôi của Etsuko, sự trụy lạc đơn thuần, sự lười nhác, tất cả sẽ được lý giải như thế nào đây? Etsuko muốn đón nhận việc này giống như người đang khát phải uống ngụm nước vừa đục ngầu vừa nổi váng gỉ sắt sao? Chắc chắn là không phải như vậy. Etsuko không khát. Sống trong tâm trạng không hi vọng vào bất cứ thứ gì đã trở thành đặc tính của Etsuko. Cô muốn quay trở lại căn cứ địa kiêu hãnh đáng sợ của mình chính là căn bệnh truyền nhiễm và bệnh viện chuyên chữa bệnh truyền nhiễm. Vì thế cô đã đến làng Maiden - một nơi tương tự như thế... Có lẽ Etsuko uống thứ nước đó theo quy luật tự nhiên, giống như người sắp chết đuối vô tình uống nước biển. Sống mà không hi vọng vào điều gì tức là đánh mất đi quyền được lựa chọn. Đã nói như thế tức là phải uống cạn, nước biển cũng phải uống cạn... Nhưng sau đó, không thể nhìn ra ở Etsuko có biểu hiện khổ sở của người đàn bà sắp chết đuối. Cho đến lúc chết, cái chết vì đuối nước của cô có lẽ đã phớt lờ những kẻ xung quanh. Cô không hét lên. Trở thành người đàn bà tự tay bịt kín miệng mình. Ngày 18 tháng Tư là ngày lên núi. Tại vùng này, đó cũng chính là ngày đi ngắm hoa. Ai cũng nghỉ cả ngày. Cả gia đình cùng nhau đi quanh núi để thăm hoa anh đào. Trừ Etsuko và Yakichi, gần đây mọi người trong gia đình Sugimoto đều chán ngấy ăn vụn măng gọi là jami. Vốn dĩ lão tá điền Okura sẽ chất số măng đang được giữ trong kho lên xe đẩy đem ra chợ bán. Tùy chất lượng mà chia ra làm loại một loại hai và loại ba. Giá cả được quyết định dựa theo chất lượng. Sau khi chất măng lên xe, đem ra chợ bán thì phải dọn dẹp nhà kho. Bởi vậy mà quét ra vô số măng vụn. Những người nhà Sugimoto từ tháng Tư cho đến tháng Năm phải ăn hết một vạc măng vụn này. Ngày lên núi sẽ là một ngày tuyệt vời. Cơm hộp nhiều tầng được sắp xếp đẹp mắt, tấm trải bằng vải hoa cũng được mang theo. Cả nhà dẫn nhau đi chơi núi. Đứa con gái lớn của Asako đang là học sinh tiểu học trường làng, rất vui vì hôm ấy trường học cũng nghỉ. Etsuko nhớ ra... Ngày hôm đó là một ngày ngập tràn cảnh sắc mùa xuân trong trẻo giống như bức tranh minh họa trong sách tập đọc ở trường tiểu học. Mọi người trở thành nhân vật trong bức tranh trong trẻo ấy. Hoặc là chính họ tự mình tiếp nhận vai trò đó. Trong không khí có mùi phân bón tràn đầy sự mến khách. Tình bằng hữu của những người ở quê có lẽ cũng đượm cái mùi phân bón này. Lại có rất nhiều côn trùng bay đến. Bọ cánh cứng, ong mật, và cả tiếng vo ve của lũ bọ cánh mềm, cơn gió bị nhấn chìm trong ánh nắng huy hoàng. Trong gió có những cánh nhạn phấp phới ở phía thinh không... Buổi sáng lên núi, ai cũng cực kì bận bịu chuẩn bị. Etsuko vừa làm xong cơm hộp sushi năm loại ngũ cốc, từ phía trong chấn song cửa sổ nhìn thấy con gái đầu của Asako đang chơi một mình trên khoảng sân lát đá. Bởi thẩm mỹ nghèo nàn của người mẹ mà cô bé đang mặc một chiếc áo khoác màu vàng trơn giống như màu hoa cải. Ngồi xổm, cúi đầu. Đứa bé gái tám tuổi ấy đang làm cái gì vậy? Nhìn kỹ ra thì trên mặt sân lát đá đặt một cái ấm sắt đang phả hơi nóng. Nobuko tám tuổi nhìn chăm chú vào thứ đồ đang chuyển động giữa kẽ đất và đá. Rót nước nóng vào trong cái tổ này sẽ nổi lên rất nhiều kiến. Bao nhiêu là kiến giãy giụa khi nước nóng nhấn chìm cửa vào tổ. Đứa bé tám tuổi, mái đầu tóc ngắn rụt xuống giữa hai đầu gối, nó chẳng nói năng gì cứ thế nhìn chằm chằm. Hai tay ôm má, tóc rũ xuống má cũng không buồn vén lên. Khi nhìn thấy cảnh tượng đó, trong lòng Etsuko bỗng thấy dễ chịu. Asako đã chú ý đến việc cái ấm sắt biến mất liền đứng ở cửa bếp gọi con gái. Etsuko nhìn vào bóng lưng nhỏ bé nơi có vạt áo khoác vàng hoa cải đang lật lên của Nobuko, cảm thấy như đang nhìn một hình bóng nào đó của chính bản thân mình. Từ hôm đó Etsuko có chút yêu mến đứa bé tám tuổi, có nét mặt khó coi giống như mẹ nó, bằng tấm lòng của một người mẹ. Đến lúc khởi hành thì gặp chút rắc rối về việc chọn người ở lại trông nhà. Cuối cùng thì Etsuko đưa ra một ý kiến thỏa đáng, Miyo chấp nhận ở nhà. Etsuko có chút kinh ngạc khi ý kiến ngẫu nhiên của mình được chấp nhận một cách vui vẻ như thế. Sự thực thì lý do không phải quá đơn giản sao? Chỉ bởi vì ý kiến của cô được Yakichi ủng hộ mà thôi. Ra khỏi đất nhà Sugimoto, mọi người xếp thành một hàng dọc rồi đi đến con ngõ nhỏ dẫn sang làng bên. Khi đi ra khỏi chỗ đó, điều khiến Etsuko giật mình chính là phản ứng ghê tởm một cách rất nhạy cảm khi vô ý đã cùng với họ biến thành một gia đình kiểu như thế này. Phản ứng mẫn cảm mang bản chất động vật này đến từ việc ngửi mùi và tiếp xúc thông thường, giống như kiến thợ đối với kiến thợ của tổ khác, kiến chúa đối với kiến thợ, kiến thợ đối với kiến chúa. Lẽ nào lại không bị chú ý. Không có chứng cứ nào cho thấy họ đang bị để ý... Tuy nhiên, một hàng người theo thứ tự ngẫu nhiên, Yakichi, Etsuko, Kensuke, Chieko, Asako, Nobuko (đứa con trai năm tuổi Nastuo được để ở nhà cho Miyo trông), cuối cùng là Saburo, lúc ấy đang cõng trên vai một bọc đồ lớn bọc trong tấm vải in hình những dây leo hoa cỏ, có vẻ quá nổi bật. Họ đã đi quá một chút qua nơi giáp ranh phía sau nhà. Chỗ đó, từ trước chiến tranh Yakichi đã trồng nho, sau chiến tranh, việc trồng trọt gác lại, trở thành mảnh đất bị bỏ hoang. Trên mảnh đất rộng hơn ba nghìn mét vuông này thì có hơn một nghìn mét vuông là rừng đào thấp, không được ai chăm sóc, nở đầy hoa. Số đất còn lại là ba căn nhà kính nghiêng ngả do bão, các tấm kính đã vỡ, bốn bức tường kính trống hoác. Thùng phuy tích nước mưa khô rang. Dây nho mọc tứ tán, đã sớm biến thành thực vật hoang dại... Ánh mặt trời tràn đầy trên rơm rạ vương vãi dưới đất. “Chỗ này trở nên kinh khủng quá. Phải bỏ tiền ra sửa sang lại mới được.” Yakichi vừa ấn cây gậy bằng song vào cột nhà kính vừa nói như vậy. “Bố à, bố lúc nào chẳng nói thế, vậy mà mấy cái nhà kính này cứ như thế này từ lâu lắm rồi.” Kensuke lên tiếng. “Ý mày là mãi mà tao không có tiền để sửa cái nhà kính này hả?” “Không phải thế đâu,” Kensuke tiếp tục nói với bộ dạng nhiệt tình, sung sướng. “Tiền ở chỗ bố lúc nào chẳng quá nhiều hoặc quá ít cho việc sửa cái nhà kính này.” “Ra là vậy. Dù là tiền cho mày đi nữa thì cho nhiều hay ít cũng là chuyện của tao.” Trong lúc đi ra bên ngoài, họ đến rừng tùng, nơi con dốc có bốn, năm cây anh đào núi mọc lẫn vào những gốc tùng. Vùng quanh đây không nơi nào có những hàng anh đào nổi tiếng nên nói đến chuyện ngắm hoa thì chỉ có thể trải khăn vải dưới vài gốc anh đào núi mà thôi. Từng bóng cây đang bị những người đến trước, có vẻ là nông dân chiếm chỗ. Bọn họ nhìn mấy người nhà lão Yakichi đều gật đầu cúi chào một cách đầy thiện cảm, nhưng nhường chỗ giống như ngày xưa thì không. Kensuke và Chieko thì thầm với nhau, nói xấu đám người kia. Dưới sự chỉ đạo của Yakichi, họ trải khăn vải ra một góc con dốc đại khái có thể nhìn thấy hoa... Những nông dân thân thiện... Một người đàn ông trông cỡ năm mươi tuổi, đeo cà vạt màu anh đào, mặc áo com-lê kẻ sọc ngang như bàn cờ, có vẻ là đồ nhà nước thanh lý, mang cốc và bình rượu sang mời họ uống. Kensuke cầm lấy cốc rồi uống một cách thoải mái. Tại sao vậy? Nếu là tôi thì tôi sẽ không uống đâu. Lúc đó Etsuko vừa nhìn Kensuke vừa ngây ngốc nghĩ. Việc không đáng phải suy nghĩ như vậy cũng khiến cô phải suy nghĩ... Tại sao anh Kensuke lại đi nhận cái cốc đó. Luôn mồm nói xấu người ta thế mà lại nhận lời mời uống rượu của họ... Nếu thực sự muốn uống rượu thì cho dù có nhận cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng mà nhìn thì hiểu, anh ta không hoàn toàn muốn uống. Anh ta thấy người kia không biết vừa bị mình nói xấu mà vẫn đến mời rượu mình, nên cứ vui vẻ mà uống thôi. Một niềm vui vô liêm sỉ, vụn vặt, đầy chán nản. Một niềm vui đáng bị chế giễu. Một niềm vui khiến người khác cười thầm trong bụng. Có những kẻ sinh ra chỉ có vai trò duy nhất như thế, nên có lẽ chính thần thánh cũng thích làm những việc chẳng ích lợi gì chăng? Rồi đến lượt Chieko cũng cầm lấy cốc. Lý do duy nhất chính là bởi vì chồng cô ta đã uống. Etsuko từ chối. Lại thêm một lý do nữa. Lý do bị đồn là người đàn bà lập dị lại tăng lên. Đối với sự hòa hợp của gia đình trong ngày hôm nay, cảm giác trật tự méo mó đã đạt thành. Etsuko không hẳn cảm thấy mất hứng thú hoàn toàn với mọi thứ. Sự vô cảm của bản thân ở bên cạnh sự phấn khởi không biết biểu lộ ra ngoài của Yakichi giống như hai vật thể, cô thỏa mãn với mối quan hệ vô cảm đó. Im lặng không phải là không có ai nói chuyện mà chính là cô đang thỏa mãn với bộ dạng buồn chán của Saburo. Ngược lại với vẻ ta đây biết tuốt của vợ chồng Kensuke là Asako trong bộ dạng một người mẹ đần độn, điều này cũng khiến cô thỏa mãn. Không ai khác ngoài Etsuko tạo ra trật tự này. Nobuko cầm một bông hoa dại nhỏ xinh, đến tựa vào đầu gối Etsuko. Bông hoa này là hoa gì nhỉ, cô bé hỏi bác dâu của mình như vậy. Etsuko cũng không biết hoa này là hoa gì nên đã hỏi Saburo. Saburo liếc qua bông hoa rồi ngay lập tức trả nó về tay Etsuko. “Vâng, đây là hoa Murasuzume ạ,” cậu trả lời. Cánh tay đẹp đẽ của cậu trả lại bông hoa cho Etsuko còn khiến cô bất ngờ hơn cả cái tên kì lạ của loài hoa này. Chieko là người thính tai, cô ta nghe được cuộc trao đổi liền nói. “Cái cậu này lúc nào cũng trưng ra khuôn mặt tỏ ra không biết gì, thế mà cái gì cũng biết. Hát một bài ca của Thiên Lý giáo đi. Cậu thuộc lòng được, thật khiến tôi khâm phục đấy.” Saburo cúi mặt, má đỏ bừng. “Này, hát đi chứ, có gì đâu mà ngại, hát đi.” Chieko vừa nói vừa với tay lấy một quả trứng luộc. “Nào, hát đi tôi sẽ cho cậu quả trứng này.” Saburo liếc nhìn quả trứng nằm trên ngón tay đeo nhẫn ngọc thạch rẻ tiền của Chieko. Trong đôi mắt đen như mắt một chú chó con, lóe lên một tia sáng sắc bén. Và cậu nói: “Không cần quả trứng. Tôi sẽ hát.” Sau đó cậu lại mỉm cười như muốn xin lỗi. “...mọi thứ trên thế giới này...” “Trước đó là gì nhỉ?” Chieko hỏi. “...mở rộng tầm mắt ạ.” Rồi cậu quay lại với biểu hiện có vẻ quá nghiêm túc, vừa phóng tầm mắt về phía làng bên, nhìn bao quát tất cả phong cảnh nơi đó vừa ngâm nga từng lời hát giống như đang tuyên thánh chỉ. Làng bên là một thung lũng nhỏ. Trong chiến tranh, nơi đó có đặt căn cứ địa của đội không quân thuộc biên chế lục quân. Từ ngôi nhà trông có vẻ cơ bắp đó, đám tướng tá sẽ đi đến sân bay “Ao đom đóm”. Ven con suối cũng có nhiều cây anh đào. Một trường tiểu học có khoảng sân nhỏ, ở đó cũng có anh đào. Nhìn thấy hai, ba đứa trẻ đang đu mình trên thanh xà ở sân cát. Bóng dáng chúng giống như những vụn chỉ bị gió làm vón lại thành cục. Saburo đang ngâm nga bài hát như thế này. Mở rộng tầm mắt nhìn vào mọi thứ trên thế giới này, Không thể hiểu hết những điều trong lòng là đương nhiên và chưa từng cất lời hỏi Không cần nhưng không phải là không thể Mỗi lần như thế đều có thánh thần hiện lên ở phía sau ta đọc lên một điều gì đó.” “Bài hát này lúc chiến tranh bị cấm nhỉ? Nhìn vào thế giới mà không hiểu hết được. Nói như thế, chẳng phải bao gồm cả Hoàng đế trong ấy sao. Quá logic ấy chứ. Bởi vậy mà bị cục thông tin cấm chỉ,” Yakichi bộc lộ kiến thức uyên thâm của mình. Ngày lên núi đó là một ngày không xảy ra việc gì lớn. Trong vòng một tuần, Saburo nhận liền ba ngày phép của năm để đi tham gia đại lễ ngày 26 tháng Tư của giáo hội Thiên Lý giáo. Cậu sẽ gặp mẹ ở giáo hội quê nhà rồi từ đó hành hương đến thánh đường. Etsuko chưa bao giờ đến giáo hội Thiên Lý giáo. Nhưng cô nghe được một câu chuyện rằng: Ở trung tâm thánh đường tráng lệ xây dựng bởi sự đóng góp công sức gọi là Hinokishin và sự quyên góp tiền bạc của các tín đồ, có một cái đài gọi là đài Cam Lộ. Trên đời này, vào ngày tận thế sẽ có rượu tiên rơi xuống. Trên mái có một cái lỗ thông thẳng lên trời giống """