"
Kết Hôn Với Người Chết PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kết Hôn Với Người Chết PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
CORNELL WOOLRICH Nguyễn Thành Long dịch
—★—
KẾT HÔN
VỚI NGƯỜI CHẾT
PHÚC MINH & NXB VĂN HỌC ebook©vctvegroup
Mở Đầu
D
ễ chịu biết bao những đêm hè ở Caulfield.
Đêm thoảng hương hoa vòi voi, hoa nhài, hoa kim ngân và cỏ ba lá. Những vì sao nơi đây vừa ấm vừa thân thiện, chứ không lạnh lẽo và xa xăm như ở quê tôi; chúng như sà thấp xuống, tiến gần với chúng ta hơn. Làn gió thoảng khẽ lay động tấm màn bên khung cửa sổ để mở, mềm mại và nhẹ nhàng như nụ hôn của em bé. Và nếu chịu khó lắng tai nghe, ta sẽ nhận thấy nó mang theo tiếng xào xạc của những thân cây sum sê cành lá đang trở mình và tiếp tục say ngủ. Ánh đèn từ các ngôi nhà chiếu lên thảm cỏ bên ngoài và lát lên chúng những dải đồng dài. Mọi vật đều chìm trong cái lặng im, tĩnh tại của bình yên và an toàn tuyệt hảo. Ồ, đúng vậy, những đêm hè ở Caulfield rất dễ chịu.
Nhưng không phải với chúng tôi.
Những đêm đông cũng vậy. Cả những đêm thu và đêm xuân. Không phải với chúng tôi, không phải với chúng tôi. Ngôi nhà của chúng tôi ở Caulfield thật dễ chịu. Thảm cỏ xanh mướt lúc nào trông cũng như vừa được tưới nước, bất kể khi ấy đang là mấy giờ. Những vòng tròn lấp lánh, hút khí của bộ vòi phun nước cứ mãi quay đều, và quay đều; khi quan sát đủ kĩ, ta sẽ thấy chúng vẽ lên những dải cầu vồng ngay trước mắt. Lối đi cho xe vào sạch bóng, uốn vòng. Những cây cột chống hiên rực trắng dưới ánh mặt trời. Bên trong nhà, những thanh lan can trắng cong cong, đối xứng và thanh tao như cây cầu thang sẫm màu, bóng loáng trải từ trên tầng xuống. Những mặt sàn cổ đắt tiền sáng bóng xa-tanh, nếu dừng lại ngửi sẽ
thấy thoảng hương sáp và dầu chanh đặc trưng. Và sự mềm mại của tấm thảm. Gần như mỗi phòng đều có một chiếc ghế ưa thích đợi sẵn, để chào đón ta như đón một người bạn lâu năm mỗi khi ta vào phòng, dành chút thời gian bầu bạn với nó. Khách khứa đến thăm nhà sẽ phải thốt lên, “Còn nơi nào hơn nơi này được nữa? Đây là một mái ấm theo đúng chuẩn.” Vâng, ngôi nhà của chúng tôi ở Caulfield thật dễ chịu.
Nhưng không phải với chúng tôi.
Thật hạnh phúc làm sao khi được ngắm nhìn con trai chúng tôi, Hughie của chúng tôi, đứa con của anh và tôi, lớn lên ở Caulfield. Trong ngôi nhà rồi mai đây sẽ là của nó, trong cái thị trấn rồi mai đây cũng sẽ là của nó. Nhìn ngắm nó chập chững những bước đầu tiên, cho thấy rằng bây giờ nó đã biết đi. Được nghe và nâng niu mỗi câu từ mới mẻ, vụng về phát ra từ cặp môi của nó. Mỗi lần nó phát âm thêm một từ mới là lại chứng tỏ rằng giờ nó đã biết nói.
Nhưng chẳng hiểu vì sao, ngay cả điều ấy chúng tôi cũng không được hưởng. Ngay cả điều ấy cũng như bị nẫng mất, bị ăn cắp, theo cái cách mơ hồ nào đó tôi không thể nào diễn tả được. Đó là một thứ chúng tôi không đáng được hưởng, một thứ vốn không thuộc về chúng tôi.
Tôi yêu anh ấy vô cùng. Bây giờ, tôi đang nhắc đến Bill, người đàn ông của đời tôi. Và anh cũng yêu tôi. Tôi biết mình yêu anh, tôi biết anh cũng yêu tôi, tôi không nghi ngờ gì chuyện đó. Ấy nhưng, tôi cũng biết chắc chắn một điều, đó là, một ngày nào đó, có khi trong năm nay, có khi vào năm sau, anh ấy sẽ bất chợt gói ghém đồ đạc, rời đi và bỏ rơi tôi. Mặc dù anh ấy không muốn như vậy. Mặc dù anh ấy sẽ vẫn yêu tôi, yêu chẳng kém gì cái ngày tôi nói lời này.
Hoặc nếu như anh không đi, tôi sẽ là người ra đi. Tôi sẽ xách va li lên và bước qua cánh cửa kia, không bao giờ quay lại. Mặc dù tôi sẽ không muốn thế. Mặc dù tôi sẽ vẫn yêu anh ấy, yêu như cái ngày tôi nói lời này. Tôi sẽ bỏ lại đằng sau ngôi nhà của mình. Tôi sẽ bỏ lại đằng sau đứa con
của mình, trong căn nhà rồi mai đây sẽ là của nó, và tôi sẽ bỏ lại đằng sau con tim mình, cùng với người đàn ông mà tôi đã trao trái tim đó (làm sao tôi có thể mang nó theo được chứ?), nhưng tôi vẫn sẽ đi và sẽ không bao giờ quay lại.
Chúng tôi đã cố chống lại nó. Chúng tôi đã gồng người lên chống lại, theo mọi cách mà chúng tôi biết. Theo mọi cách trên đời. Chúng tôi đã đẩy lui được nó, cả ngàn lần chúng tôi đã đẩy lui được nó, nhưng rồi với một ánh mắt, một lời nói, một ý nghĩ, nó cứ thế quay lại, cứ ở mãi đó.
Sẽ chẳng ích gì dù tôi có nói với anh, “Anh không làm chuyện ấy. Anh đã một lần bảo với em như vậy. Một lần là đủ rồi. Đã muộn thế này rồi thì không cần phải nhắc lại làm gì nữa. Em biết anh không làm chuyện ấy. Ôi, anh yêu, Bill của em, anh không nói dối. Anh không bao giờ nói dối, dù là chuyện tiền bạc, hay chuyện danh dự, chuyện yêu đương.”
(Có điều đây chẳng phải chuyện liên quan đến tiền bạc, danh dự, hay yêu đương. Đây là một chuyện khác hẳn. Đây là chuyện giết người.) Chẳng có ích gì, bởi tôi không tin điều đó. Vào lúc anh ấy nói, có thể tôi sẽ tin. Nhưng một thoáng sau, hay một giờ sau, một ngày hay một tuần sau, tôi sẽ lại một lần nữa không tin. Chẳng có ích gì cả, bởi lẽ chúng ta không chỉ sống trong một khoảnh khắc duy nhất, chúng ta không thể sống như vậy. Những khoảnh khắc khác sẽ lại tiếp nối, rồi đến hàng tiếng, hàng tuần, và, ôi Chúa ơi, hàng năm.
Cứ mỗi lần anh ấy nói về chuyện đó, tôi biết mình không phải là thủ phạm. Tôi chỉ biết có vậy. Tôi biết rất rõ, quá rõ. Như vậy tức là chỉ còn… Và cứ mỗi lần tôi nói về chuyện đó, có thể anh ấy cũng biết mình không phải là thủ phạm (nhưng tôi không thể biết được, tôi không thể, không có cách nào để anh ấy giải thích cho tôi tin). Anh ấy biết rất rõ, quá rõ. Như vậy tức là chỉ còn…
Không ổn, không ổn chút nào hết.
Một đêm nọ, hồi sáu tháng trước, tôi khuỵu gối xuống trước mặt anh ấy, thằng bé ngồi giữa chúng tôi, trên cặp đầu gối khuỵu xuống của tôi. Tôi úp tay lên đầu đứa bé, và tôi thề với anh ngay tại đó. Nhỏ giọng lại để thằng bé không hiểu được.
“Nhân danh con em. Bill, em thề với anh trên tính mạng con em là em không làm chuyện ấy. Ôi Bill ơi, em không làm chuyện ấy…” Anh đỡ tôi dậy, choàng tay ôm lấy tôi và kéo tôi sát vào người anh. “Anh biết em không làm chuyện ấy. Anh biết mà. Anh còn có thể nói gì nữa đây? Anh biết nói với em thế nào nữa đây? Ra đây, nằm lên tim anh đi, Patrice. Có thể nó sẽ bày tỏ được với em tử tế hơn anh. Lắng nghe tim anh đi, em không cảm nhận được là nó tin em sao?”
Và trong khoảnh khắc, con tim ấy đã tin, trong cái khoảnh khắc đong đầy tình yêu của chúng tôi. Nhưng sau đó, khoảnh khắc khác lại đến, vẫn cái khoảnh khắc luôn đến sau đó. Và anh ấy bắt đầu nghĩ. Nhưng anh biết anh không làm chuyện ấy. Anh biết rất rõ không phải là anh. Như vậy tức là chỉ còn…
Rồi ngay cả khi vòng tay anh siết chặt quanh tôi, và bờ môi anh hôn lên mắt tôi, xua đi giọt lệ nhòa, thì anh đã không tin tôi. Anh ấy đã lại không tin rồi.
Không có lối thoát nào cho chúng tôi. Chúng tôi đã bị tóm gọn, bị mắc bẫy. Cái vòng tròn ấy lần nào cũng tàn bạo tự khép kín vòng quay và chúng tôi bị mắc kẹt bên trong, không thể nào mở đường thoát ra ngoài. Bởi nếu anh ấy vô tội, thì thủ phạm phải là tôi. Còn nếu tôi vô tội, thủ phạm sẽ phải là anh ấy. Nhưng tôi biết mình vô tội. (Ấy nhưng, có thể anh ấy cũng nghĩ như thế về bản thân.) Không có lối thoát nào cho chúng tôi.
Đôi khi, quá mệt mỏi với việc phải tìm cách xua đuổi nó, chúng tôi tuyệt vọng bỏ mặc tất cả, nhào về phía nó, thử chấp nhận nó, để giải quyết dứt điểm mọi sự.
Có lần, bởi không thể chịu đựng thêm nữa cái cảm giác suốt ngày bị một bóng ma vô hình nhòm ngó, anh đột nhiên bật dậy khỏi chiếc ghế đang ngồi bấy lâu, mặc dù suốt một giờ vừa qua chẳng ai nói câu gì. Anh ấy quẳng cuốn sách nãy giờ không hề đọc, chỉ vờ cầm lên thôi, quăng ra thật xa như mẩu gạch vụn. Anh đứng bật dậy thô bạo như thể sắp xông lên vật nhau với thứ gì đó mà anh nhìn thấy trước mắt. Và tim tôi dường như cũng điên cuồng bật tung ra ngoài lồng ngực cùng với anh.
Anh tiến ra đầu bên kia căn phòng và dừng lại - đứng im ở đó. Và anh nắm tay lại, giơ cao, và đánh rầm một tiếng như sấm nổ vào cánh cửa, mạnh đến mức nếu mấy tấm kính không đủ dày thì chắc đã vỡ tan thành từng mảnh rồi. Sau đó, anh quay lại và gào lên thách thức trong bất lực.
“Anh không quan tâm! Chuyện ấy chẳng có gì quan trọng! Em có nghe anh nói không? Chuyện ấy không quan trọng! Đã từng có người làm thế rồi. Rất nhiều lần. Và sau đó vẫn sống hạnh phúc. Tại sao chúng ta lại không làm thế? Hắn chẳng phải hạng tử tế gì. Hắn đáng bị như vậy. Hắn không đáng để chúng ta phải bận tâm đến lần thứ hai. Hồi đó cả thế giới này đều nói thế, bây giờ người ta vẫn nói như vậy. Hắn không đáng để chúng ta phải sống trong cái địa ngục này một phút nào cả…”
Và rồi anh rót cho mỗi người một ly, rót rất đầy, rất bất cần và đem chúng quay về phía tôi. Và tôi, khi ấy đã hiểu, đã đồng tình, đã hoàn toàn tán thành với anh, đứng dậy và ra giữa phòng với anh.
“Đây, em cầm lấy đi. uống đi. Ngửa cổ nốc đi. Nốc cho đến khi cạn hết đi. Một trong hai ta đã làm chuyện ấy. Nó không còn quan trọng nữa. Chuyện đã lỡ rồi. Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục sống.”
Và anh tự đập tay lên ngực mình, “Được rồi, anh đã làm chuyện ấy. Đây. Anh là thủ phạm. Giờ đã xong hết rồi. Cuối cùng cũng giải quyết xong rồi…”
Và rồi tự nhiên chúng tôi nhìn sâu vào mắt nhau, ly của rượu run rẩy
trên không, được hạ xuống, và rồi lại nâng lên.
“Nhưng anh không tin như vậy,” tôi khiếp đảm thì thầm.
“Còn em thì tin,” anh thì thào trong nỗi bàng hoàng.
Ôi, nó là mọi thứ, nó ở khắp mọi nơi.
Chúng tôi đã bỏ đi chơi xa, nhưng nó vẫn tồn tại ở mỗi nơi chúng tôi đến. Nó xuất hiện trong làn nước xanh sâu thẳm của hồ Louise, và trên cao, nơi những tầng mây trắng như lông cừu trên vịnh Biscayne. Nó lăn lộn không ngừng cùng những đợt sóng vỗ tại Santa Barbara, và lẩn khuất giữa những rặng đá san hô vùng Bermuda, dưới dạng một bông hoa thẫm màu hơn những bông còn lại.
Chúng tôi quay về nhà, và nó lại xuất hiện ở nơi chúng tôi vừa quay lại. Nó nằm giữa những dòng chữ in trên giấy của những cuốn sách mà chúng tôi đã đọc. Nhưng nó thò ra, đen ngòm, và các trang sách trở nên không thể đọc nổi. Anh ấy có đang nghĩ đến chuyện kia trong lúc mình đọc sách không? Giống như mình đang làm bây giờ vậy? Mình sẽ không ngước lên nhìn anh ấy, mình sẽ dán mắt vào cuốn sách này, nhưng… giờ anh ấy có đang nghĩ đến nó không?
Nó là bàn tay chìa tách cà phê sang bên kia bàn lúc ăn sáng, để chờ cái bình rót vào. Trong một thoáng nó đỏ rực như máu, thế rồi lại quay về với vẻ trắng nhợt như bình thường. Hoặc có khi, đối với người còn lại, nó lại xuất hiện trong bàn tay đối diện, cái bàn tay nghiêng bình cà phê; tất cả tùy vào vị trí ngồi bên bàn của người nhìn.
Một ngày nọ, tôi thấy ánh mắt anh nán lại trên tay mình, và tôi biết lúc ấy anh đang nghĩ gì. Bởi vì tôi cũng đã nhìn vào tay anh ấy theo kiểu tương tự vào hôm trước, và khi ấy tôi cũng nghĩ như những gì mà anh ấy đang nghĩ.
Tôi thấy anh ấy thoáng nhắm mắt lại để gạt bỏ ảo ảnh bệnh hoạn kia đi; và tôi cũng nhắm mắt để gạt bỏ những gì mà hành động ấy của anh đã
truyền tải cho mình. Thế rồi hai chúng tôi mở mắt ra và mỉm cười, bảo nhau rằng ban nãy chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Nó nằm trong những khung hình mà chúng tôi thấy trên màn ảnh ở rạp chiếu phim. “Ra khỏi đây thôi, anh… chán lắm rồi, còn em thấy thế nào?” (Có ai đó sắp sửa giết ai đó, trên màn ảnh, chuẩn bị diễn ra rồi và anh ấy biết cảnh ấy sắp đến.) Nhưng dù chúng tôi có đứng dậy và bỏ đi thì cũng đã quá muộn, bởi anh ấy biết tại sao chúng tôi lại rời đi, tôi cũng biết điều ấy. Và ngay cả nếu đến tận khi ấy tôi vẫn không biết thì cái việc kia, chính hành động rời đi của chúng tôi, cũng sẽ cho tôi biết. Thế nên rốt cuộc cẩn thận như thế cũng chỉ phí công. Nó lại hiện diện trong tâm trí chúng tôi.
Nhưng kể cả như thế, bỏ đi vẫn khôn ngoan hơn là ở lại.
Tôi nhớ một đêm nọ, cảnh ấy đến quá nhanh, diễn ra bất chợt hơn chúng tôi tưởng, chẳng có gì cảnh báo trước. Chúng tôi không kịp ra ngoài. Chúng tôi vẫn đang bước dọc lối đi, quay lưng với màn hình, thì tự nhiên vang lên một tiếng súng, rồi một giọng nói rên rỉ đầy cáo buộc, “Mày đã… mày đã giết tao.”
Đối với tôi, câu nói đó nghe như giọng của hắn và hắn đang nói với chúng tôi, với một trong hai chúng tôi. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy như tất cả khán giả đều quay đầu lại, nhìn về phía chúng tôi, nhìn chằm chằm chúng tôi, với vẻ tò mò lãnh đạm của một đám đông khi có người bị lọt vào tâm điểm chú ý.
Tôi thoáng thấy đôi chân như không chịu đưa tôi đi thêm bước nào nữa. Tôi luống cuống đứng đó một phút như thể sắp bất lực ngã lăn ra cái hành lang trải thảm. Tôi quay lại nhìn anh và thấy đầu anh đã co rụt lại trong giây lát, thụt xuống giữa đôi vai đầy tự vệ, không lẫn đi đâu được. Trong khi bình thường anh ấy luôn giữ thẳng đầu. Một thoáng sau, nó lại vươn thẳng lên, nhưng trong khoảnh khắc vừa rồi thì nó không thẳng, nó đã co rúm lại.
Thế rồi, như thể cảm thấy lúc đó tôi cần đến anh, bởi vì có thể anh cũng
cần đến tôi, anh choàng tay quanh eo, và đỡ tôi đi nốt cái hành lang, giữ cho tôi thăng bằng, hứa rằng sẽ đỡ tôi, mặc dù anh chẳng thể đỡ được tôi là mấy.
Ra đến sảnh chờ, mặt mày hai chúng tôi chẳng khác nào phấn bảng. Chúng tôi biết được điều ấy không phải vì đã nhìn vào nhau, mà nhờ mấy tấm gương treo bên phòng.
Chúng tôi không bao giờ uống rượu. Chúng tôi đủ khôn để hiểu là không nên. Tôi tin rằng chúng tôi linh cảm được rằng thay vì khép cánh cửa nhận thức lại, rượu sẽ chỉ khiến nó mở tung hết ra và để nỗi kinh hoàng tràn hẳn vào trong. Nhưng tôi nhớ vào đêm hôm đó, khi chúng tôi ra ngoài, anh ấy nói, “Em có muốn làm gì không?”
Anh ấy không nói đi uống rượu, chỉ nói là 'làm gì'. Nhưng tôi hiểu 'làm gì' tức là sao. “Vâng,” tôi lặng lẽ rùng mình.
Chúng tôi thậm chí không đợi cho tới khi về đến nhà; như vậy thì lâu quá. Chúng tôi vào một chỗ cạnh rạp chiếu phim, tiến lại gần quầy rượu, và nốc thứ gì đó vào họng. Ba phút sau chúng tôi đã lại ra khỏi đó. Thế rồi cả hai lên xe và lái xe về nhà. Và chúng tôi không nói nỗi câu nào suốt chặng đường đi.
Nó ẩn trong tận nụ hôn chúng tôi trao nhau. Bằng cách nào đó, chúng tôi đã để nó kẹt ngay giữa đôi môi mình, lần nào cũng vậy. (Mình hôn anh ấy mãnh liệt quá ư? Liệu việc đó có khiến anh ấy nghĩ là bấy giờ mình đã lại tha thứ cho anh ấy? Mình hôn anh ấy lớt phớt quá à? Liệu việc đó có khiến anh ấy nghĩ là bấy giờ mình đã lại nghĩ đến nó không?)
Nó ở khắp mọi nơi, nó tồn lại khắp mọi lúc, nó chính là chúng tôi. Tôi không biết trò chơi này là gì. Tôi chỉ biết tên của nó, người ta gọi nó là cuộc đời.
Tôi không chắc mình biết nó cần được chơi theo kiểu nào. Chưa một ai từng nói cho tôi biết cả. Chưa một ai từng nói cho người khác biết cả. Tôi
chỉ biết chúng tôi chắc chắn đã chơi sai cách. Chúng tôi đã phá vỡ quy tắc nào đó trong tiến trình chơi, và chẳng hề hay biết.
Tôi không biết mức cược là như thế nào. Tôi chỉ biết chúng tôi đã bỏ cuộc, trò chơi ấy không dành cho chúng tôi.
Chúng tôi đã thua. Tôi chỉ biết có vậy. Chúng tôi đã thua, chúng tôi đã thua.
Chương 1
C
ánh cửa đóng kín lại. Nó chứa đựng vẻ tàn nhẫn đầy dứt điểm, như thể từ nay về sau nó sẽ luôn bị đóng như thế. Như thể chẳng thứ gì trên đời này có thể khiến nó mở ra trở lại. Cửa có thể bộc lộ nhiều điều. Cánh cửa này có khả năng đó. Nó trơ lì, vô hồn; nó không dẫn đi đâu cả: Nó không phải là điểm bắt đầu của thứ gì cả, khác hẳn bản chất của một cánh cửa. Nó là điểm kết thúc của một sự vật.
Bên trên nút nhấn là một cái giá nhỏ hình chữ nhật, làm bằng kim loại, gắn vào mặt gỗ, mục đích là để trưng một cái thẻ tên. Nó hiện đang trống rỗng. Cái thẻ đã bị bỏ đi.
Cô gái đứng im trước cánh cửa. Im như tượng. Cô đứng im theo cái kiểu người đã phải đứng rất lâu; lâu đến mức quên cả cử động vì đã quen với trạng thái bất động. Ngón tay cô đặt trên nút nhấn chuông, nhưng nó không nhấn xuống. Không chút lực nào được tác động lên nó; không âm thanh gì được phát ra từ bộ ắc quy sau khung cửa. Cứ như thể cô giữ tay ở đó lâu quá rồi, thế nên cô quên không rụt nó về.
Cô trạc 19 tuổi. Một cô gái 19 tuổi buồn bã, vô vọng, chứ không phải một thiếu nữ tươi tỉnh, sáng sủa. Cô sở hữu những đường nét thanh nhỏ và yêu kiều, nhưng mặt cô có vẻ hơi hốc hác, màu da cô hơi tái, má cô hơi gầy. Sắc đẹp của cô vẫn ở đó, ẩn mình, sẵn sàng giành lại quyền ngự trị trên gương mặt khi có cơ hội, nhưng có thứ gì đã đẩy lùi, giữ chân nó ở một khoảng xa, không thể ngời lên đúng với bản chất của mình.
Mái tóc cô có màu nâu nhạt, èo uột và bơ phờ, như thể đã một thời gian
chẳng ai ngó ngàng gì đến. Gót giày của cô đã hơi mòn vẹt. Thò lên một bên giày là miếng vá dưới gót chiếc tất của cô. Quần áo cô chỉ để cho có, như thể chúng khoác lên người nhằm mục đích che lấy thân chứ không phải để hợp thời trang, hay thậm chí là để tạo sự hấp dẫn. Cô sở hữu một vóc dáng khá cao đối với một cô gái, khoảng một mét bảy hai, bảy ba gì đó. Nhưng cô lại quá gầy gò, ngoại trừ ở một nơi duy nhất.
Đầu cô hơi gục xuống, như thể cô đã quá mệt mỏi vì phải giữ thẳng nó. Hoặc như thể những cú đánh vô hình đã dần khiến nó gục xuống, gục theo từng đòn, từng đòn.
Cuối cùng, cô cũng cử động. Mãi tận bây giờ mới cử động. Tay cô buông xuống từ cái nút nhấn, cứ như bị chính trọng lượng của mình kéo xuống. Nó hạ xuống bên người cô, treo ở nguyên đó, đờ đẫn. Một bên chân xoay lại, như thể chuẩn bị bỏ đi. Đợi một lúc. Thế rồi bên chân còn lại cũng xoay nốt. Lưng cô giờ đã đối diện với cửa. Với cánh cửa không chịu mở. Cái cánh cửa như tấm bia mộ, cái cánh cửa của thời khắc lâm chung.
Cô chậm rãi đưa một bước bỏ đi. Sau đó lại đưa thêm bước nữa. Đầu cô giờ gục xuống sâu hơn hẳn. Cô chầm chậm rời khỏi đó và bỏ cánh cửa lại phía sau. Cái bóng của cô là phần cuối cùng của cô rời đi. Nó chậm rãi bám đằng sau cô, dựng thẳng lên tường. Đầu nó cũng hơi gục xuống; nó cũng quá gầy gò, nó cũng bị ruồng bỏ. Nó nán lại một lát sau khi cô đã biến mất hẳn. Thế rồi nó trườn xuống khỏi tường đuổi theo cô, và nó cũng biến mất nốt.
Ở đó chẳng còn lại gì ngoài cánh cửa. Cánh cửa im lìm, lì lợm, đóng kín.
Chương 2
B
ên trong bốt điện thoại, cô lại trở nên bất động.
Bất động như ban nãy. Đây là một bốt điện thoại thu phí, cửa được kéo lui lại để lấy không khí mà thở. Nếu ở trong cái bốt như thế này quá vài giây, thì sẽ rất ngột ngạt. Và cô đã đứng trong cái bốt này nhiều hơn vài giây rồi.
Cô cứ như con búp bê được dựng thẳng trong hộp quà, một bên hộp đã được mở để người ta có thể nhìn thấy thứ bên trong. Một con búp bê sờn rách. Một con búp bê ế ẩm, hạ giá, không có nơ tươi màu hay giấy gói. Một con búp bê không ai đem cho, cũng chẳng ai chịu nhận. Một con búp bê không ai buồn sở hữu.
Cô lặng im ngồi trong đó, mặc dù nơi này đáng ra phải là chỗ để trò chuyện. Cô đang đợi được nghe thấy điều gì đó, một điều không bao giờ xuất hiện. Cô giữ ống nghe chĩa về phía tai mình, và chắc hẳn lúc đầu nó đã được đặt sát tai cô, vuông góc với nó, đúng vị trí đặt ống nghe. Nhưng là từ lâu trước đó rồi. Cứ mỗi phút dài dằng dặc, tràn đầy thất vọng trôi qua, nó lại dần hạ xuống, và đến giờ thì đã hạ hẳn xuống vai cô, bám ở đó, héo hắt, ủ rũ, như một bông phong lan xấu xí, đen đúa, làm từ nhựa cứng gài trên ngực áo.
Cuối cùng sự im lặng vô danh cũng trở thành một giọng người. Nhưng không phải cái giọng cô muốn nghe, không phải cái giọng cô đang đợi chờ. “Tôi rất tiếc, nhưng tôi đã nói với cô rồi. Đợi đường dây này chẳng ích
gì đâu. Số máy đó đã bị ngưng sử dụng, và tôi không thể cho cô biết thêm bất cứ thông tin gì.”
Tay cô tuột xuống khỏi vai, kéo cái ống nghe theo cùng, và rơi vào trong lòng cô, chết lặng. Nó rơi xuống và không còn động đậy gì nữa, như thể cho đồng bộ với thứ gì đó mới chết đi trong cô.
Nhưng đôi khi, cuộc đời thậm chí còn không chịu cấp cho ta một tấm văn bia tử tế.
“Cho tôi xin lại đồng năm xu được không?” cô thì thầm. “Làm ơn đi. Tôi không gọi được cho người bên kia, và đó là… đó là đồng xu cuối cùng của tôi rồi.”
Chương 3
C
ô leo lên cầu thang trong căn nhà trọ như một con rối treo lủng lẳng dưới những sợi dây đã bị chùng. Ngọn đèn gắn trên tường, úp ngược xuống như một bông uất kim hương khô héo trong lớp kính lồi lõm hình chuông, tỏa ra ánh vàng tù mù. Đặt giữa cầu thang là tấm thảm đã bị mài mòn đến mức trông như rau quả thối, mọi họa tiết, sắc màu đều bị phai đi từ lâu, chẳng khác nào một kiểu phấn hoa hay nấm đóng cặn. Cái mùi cũng thật ăn khớp với hình ảnh. Cô leo ba đợt cầu thang, rồi quay người đi về góc nhà.
Cô dừng lại trước cánh cửa cuối cùng và lấy ra chiếc chìa khóa sắt dài. Thế rồi cô nhìn xuống chân cửa. Có một vật hình tam giác màu trắng nằm cạnh chân cô, thò ra từ khe cửa. Khi cửa mở ra bên trên, nó rộng thành một chiếc phong bì.
Cô vươn tay ra trong bóng tối, lần theo bức tường cạnh cửa và rồi đèn sáng lên. Nhưng nó chẳng chiếu sáng được là bao. Mà trong này cũng chẳng có bao thứ để nó chiếu rọi.
Cô đóng cửa rồi nhặt cái phong bì lên. Nó nằm úp xuống. Cô lật nó lại. Tay cô hơi run một chút. Tim cô cũng run theo.
Bên trên nó, được viết bằng nét bút chì vội vã, không nắn nót là một dòng chữ vỏn vẹn:
“Helen Georgesson.”
Đằng trước không có ‘cô’, cũng chẳng không có ‘bà’ không có tước danh xưng hô gì hết.
Cô như trở nên tràn đầy sinh lực hơn. Chút tuyệt vọng đờ đẫn biến mất khỏi đôi mắt cô. Chút căng thẳng hốc hác biến mất khỏi gương mặt cô. Cô nắm chặt chiếc phong bì, khiến nó hơi nhăn nhúm trong tay. Chưa bao giờ cô di chuyển nhanh nhẹn hơn lúc này. Cô đem nó ra giữa phòng, bên cạnh chiếc giường, nơi ngọn đèn chiếu sáng nhất.
Cô đứng im ở đó và lại nhìn nó, như thể cảm thấy hơi sợ nó. Trên mặt cô hiện lên vẻ háo hức cháy bỏng; trông chẳng lấy gì vui vẻ, thay vào đó là sự hối hả đầy tuyệt vọng.
Cô vội vã xé miếng gập, tay hất mạnh lên trời như thể đang dùng kim chi vô hình đan những mũi khâu dài trên đó.
Tay cô thò vào trong để lôi ra những lời lẽ nó chứa đựng, để đọc những gì nó nhắn nhủ. Bởi vì phong bì chứa đựng ngôn từ, nói được với ta bao điều; đó là tác dụng của phong bì.
Thất vọng làm sao, lúc thò ra, tay cô không cầm theo gì cả. Cô lộn ngược cái phong bì và lắc lắc, để làm rơi ra thứ nó đựng bên trong, thứ mới đầu đã ngoan cố lẩn tránh ngón tay cô.
Không có ngôn từ nào rơi ra, không có bức thư nào cả.
Có hai thứ rơi ra, đáp xuống giường. Chỉ có hai thứ.
Vật thứ nhất là một tờ năm đô la. Chỉ đơn thuần là một tờ năm đô la dửng dưng, vô danh tính, bên trên in hình Lincoln. Và bên cạnh bức hình đó, trong cái con dấu nhỏ gọn mà mọi tờ tiền đều có, là dòng chữ viết hoa cỡ nhỏ: Đồng tiền này là phương thức thanh toán hợp pháp cho mọi khoản nợ, công cũng như tư. Cho mọi khoản nợ, công cũng như tư. Sao mà người thợ in tiền có thể lường trước được rằng vào một ngày nào đó, ở đâu đó, cái câu ấy lại có thể khiến người khác tan nát con tim?
Và vật thứ hai là một dải vé tàu, nối tiếp nhau chạy từ điểm bắt đầu cho đến ga cuối, đúng kiểu vé bình thường. Các tấm vé lẻ có thể được xé dần ra trên đường đi. Tấm vé đầu tiên có đề 'New York'; chính là đây, nơi cô đang
sống. Và tấm vé cuối cùng có ghi 'San Francisco'; quê nhà của cô, một trăm năm trước - mùa xuân năm ngoái.
Không có vé khứ hồi. Đây là vé một chiều. Đi đến đó và… ở lại. Vậy là rốt cuộc chiếc phong bì cũng đã nói chuyện với cô, dù nó không chứa đựng con chữ nào. Năm đô la thanh toán nợ nần, mọi khoản nợ, công cũng như tư. San Francisco - và không quay lại nữa.
Chiếc phong bì rơi xuống sàn.
Suốt một lúc lâu, cô gần như không hiểu gì hết. Như thể từ trước đến nay cô chưa bao giờ nhìn thấy một tờ năm đô la. Như thể từ trước đến nay cô chưa bao giờ nhìn thấy một dải vé tàu như thế này. Cô cứ nhìn chúng không chớp mắt.
Thế rồi người cô bắt đầu hơi rung lên. Mới đầu còn không có âm thanh. Mặt cô thỉnh thoảng lại giần giật, dọc theo mắt và quanh khóe miệng, như thể biểu cảm của cô đang chật vật, muốn bùng nổ ra thứ xúc cảm dữ dội nào đó. Trong một, hai giây đó, trông cô mà cứ ngõ thứ tuôn trào ra sẽ phải là tiếng khóc. Nhưng thực tế thì không phải.
Đó là tiếng cười.
Mắt cô nheo lại thành những khe xiên và môi cô giãn ra, những tiếng khàn khàn đứt quãng vang lên. Như tiếng cười khàn. Như tiếng cười bị dầm mưa quá lâu, khiến cho nó mọc đầy nấm mốc và ôi thiu.
Cô vẫn cứ cười lúc mang chiếc va li cũ kĩ ra, đặt nó lên trên giường và hất mở nắp ra. Cô vẫn cứ cười lúc bỏ đầy đồ đạc vào trong và đóng lại. Có vẻ cô không cách nào ngắt được cơn cười. Nó mãi không chịu dừng. Cô cứ như đang cười trước một câu đùa dông dài nào đó, kéo dài mãi, dài mãi, kể mãi mà không bao giờ dứt được.
Nhưng tiếng cười đáng ra phải nghe vui vẻ, sôi động và tràn trề sinh lực.
Tiếng cười này thì lại không như vậy.
Chương 4
S
oát vé xong được mười lăm phút, đoàn tàu đã lăn bánh rất đều, thế mà cô vẫn chưa tìm được ghế ngồi. Các băng ghế đều chật cứng khách du lịch, các lối đi đều đông kín, ngay cả các khoang kín giữa những toa khách cũng chật ních; từ trước đến giờ cô chưa từng thấy con tàu nào như thế này. Ban nãy lúc ở rào chắn, cô đứng quá xa đằng sau, quá chậm chạp và lóng ngóng với chiếc va li cồng kềnh, và lên tàu quá muộn. Vé của cô chỉ cho phép lên tàu, chứ không cho cô chỗ ngồi ưu tiên nào hết.
Vừa bủn rủn, vừa mệt mỏi, vừa kiệt quệ, cô nặng nề lê bước, đi hết lối đi từ toa này đến toa khác, đi ngược hướng đi của con tàu, chao đảo, đong đưa từ bên này sang bên kia, bị chiếc va li nặng trĩu ghì chân lại.
Tất cả đều đông kín người đang đứng và giờ đã là toa cuối cùng rồi. Đằng sau không còn toa nào nữa. Cô đã đi qua tất cả. Không ai nhường chỗ cho cô. Đây là tàu suốt, có khi đi xuyên hết bang vẫn không dừng, và bây giờ mà hành xử lịch thiệp thì sẽ phải trả giá rất đắt. Đây không phải xe điện hay xe buýt, chỉ đi một lúc là xong. Một khi tỏ vẻ ga lăng và đứng dậy, ta sẽ phải đứng suốt hàng trăm, hàng trăm dặm.
Cuối cùng cô cũng dừng lại và ở nguyên nơi vừa dừng chân, bởi cô không thể quay lại nơi ban đầu. Đi tiếp cũng chẳng ích gì. Cô có thể thấy đến tận cuối toa tàu và không còn toa nào nữa.
Cô đặt va li xuống, song song với lối đi, thử ngồi lên cái cạnh lật ngang của nó như cô thấy rất nhiều người khác đang làm. Nhưng cô thoáng lảo đảo mạnh, bởi vì phần trên của cô quá nặng, thiếu chút nữa thì ngã nhào lúc
ngồi xuống. Thế rồi lúc ngồi xuống, cô ngả đầu vào thành ghế kế bên, và ngồi im như thế. Cô đã quá mệt mỏi, không còn muốn biết, quá mệt mỏi, không còn muốn quan tâm, thậm chí quá mệt mỏi, không thể nhắm mắt lại.
Điều gì khiến chúng ta dừng lại tại đúng thời điểm ấy, đúng nơi ấy? Điều gì đây, điều gì được nhỉ? Liệu có nguyên nhân gì không, hay chẳng có gì cả? Tại sao không dừng lại cách đó một mét, tại sao không dừng lại xa hơn một mét? Tại sao lại dừng đúng nơi này, mà không phải nơi khác?
Một số người nói: Đó chỉ là tình cờ, và nếu ta không dừng lại ở đó, ta sẽ dừng lại tại điểm dừng tiếp theo. Câu chuyện của ta khi ấy sẽ khác. Ta vừa đi vừa tự thêu dệt nên câu chuyện của riêng mình.
Nhưng một số người khác lại cho rằng: Ta không thể nào dừng lại ở bất kỳ chỗ nào khác ngoài chỗ này, ngay cả nếu ta muốn. Ý trời đã định sẵn, đã quyết là ta sẽ phải dừng lại ở đúng chỗ này chứ không phải chỗ nào khác. Câu chuyện của ta đang đợi sẵn ta ở đó, nó đã đợi ta ở đó cả trăm năm rồi, từ trước khi ta ra đời, và ta không thể thay đổi dù chỉ một dấu phẩy trong đó. Mọi việc ta làm đều là những việc ta bắt buộc phải làm. Ta là cành cây, và dòng nước ta trôi trên đó đã đưa đẩy ta đến đây. Ta là chiếc lá và làn gió nâng đỡ ta đã thổi ta tới đây. Đây là câu chuyện của ta và ta không thể trốn thoát khỏi nó, ta chỉ là nhạc sĩ, không phải quản lý sân khấu. Hoặc theo như cách nói của một số người là như vậy.
Trên mặt sàn, phía trước đôi mắt nhìn xuống của cô, sát vành tay ghế, là hai đôi giày dựng thẳng, đặt canh nhau. Phía bên trong, gần cửa sổ, là một đôi giày cao gót nhỏ nhắn, tươi tắn, gợi cảm, không có mặt sau, không có mặt bên, không có mũi giày, thật tình mà nói là gần như chẳng có gì ngoài cặp gót nhọn như dao găm và mấy cái quai buộc. Và ở phía bên ngoài, chỗ gần cô, là một đôi giày brogue* của nam, đem so với đôi giày kia thì trông thấp bè, kềnh càng và nặng nề hết sức. Đôi giày này được đặt gác lên nhau, do đôi chân mang chúng chập lại ở đoạn đầu gối.
Giày brogue: Kiểu giày đế thấp truyền thống có nguồn gốc từ Scotland và
Ireland.
Cô không nhìn thấy mặt của họ và cũng không muốn nhìn. Cô không muốn nhìn thấy khuôn mặt nào cả. Cô không muốn nhìn thấy gì cả. Suốt một lúc chẳng có chuyện gì xảy ra. Thế rồi một chiếc giày cao gót kín đáo nhích về phía một chiếc giày brogue, nhẹ nhàng thúc vào nó, như thể đang tế nhị muốn nói điều gì. Chiếc giày brogue vẫn nằm đơ ở đó; nó không hiểu bức thông điệp. Nó đã cảm nhận được cú thúc, nhưng không hiểu cái ý ẩn. Một bàn tay to lớn hạ xuống, ngập ngừng gãi phần tất bên trên chiếc giày brogue, rồi lại rụt lên.
Như thể cảm thấy mất kiên nhẫn trước sự ngờ nghệch ấy, chiếc giày cao gót lại thúc thêm lần nữa. Chỉ có điều lần này nó đâm một cú ra trò, dùng lực rất mạnh, và nhắm vào phần mắt cá không được bảo vệ, bên trên chiếc giày brogue như lớp giáp.
Lần này thì đã hiệu nghiệm. Tờ báo kêu sột soạt đâu đó phía trên, như thể vừa bị hạ xuống để xem sao lại cứ thúc nhau khó chịu như thế. Bên trên vọng lại một lời thì thầm, nói rất khẽ, ngoài cái tai người cần nghe ra thì không ai khác hiểu được nội dung.
Đáp lại nó là tiếng lầm bầm dò hỏi, nghe có vẻ nam tính.
Hai chiếc giày brogue đặt xuống ngang nhau trên mặt sàn khi cặp chân phía trên tách nhau ra. Thế rồi chúng hơi xoay về phía lối đi, như thể chủ nhân của chúng đã xoay thân trên lại để liếc nhìn về hướng đó.
Ngồi trên chiếc va li, cô mệt mỏi nhắm mắt, để tránh ánh nhìn đang chiếu lên người mình.
Khi cô mở mắt ra, đôi giày brogue đã bước ra ngoài khe ghế, và chủ nhân của chúng đang đứng thẳng người trên lối đi, ở phía bên kia. Con người này khá cao lớn, đến tận gần hai mét.
“Cô ngồi vào chỗ của tôi đây này,” anh ta mời. “Cứ tự nhiên, cứ ngồi chỗ tôi một lúc đi.”
Cô cố gắng tỏ vẻ lưỡng lự với nụ cười yếu ớt và cú lắc đầu do dự. Nhưng cái lưng ghế bọc nhưng trông hấp dẫn kinh khủng. Cô gái trẻ vẫn đang ngồi trên ghế nài cùng anh ta. “Cô cứ tự nhiên, cứ ngồi đi,” cô thúc giục. “Anh ấy muốn cô ngồi mà. Chúng tôi muốn cô ngồi. Cô không thể cứ ngồi mãi ở cái chỗ kia được.”
Cái lưng ghế bọc nhung trông hấp dẫn kinh khủng. Cô không thể nào rời mắt khỏi nó. Nhưng cô gần như quá mệt mỏi, không thể đứng dậy và chuyển lên ghế ngồi. Anh chàng kia phải thò tay xuống, nắm lấy tay cô, đỡ cô đứng dậy khỏi chiếc va li và dịch sang ghế.
Cô lại thoáng nhắm mắt trong giây lát, tận hưởng cảm giác hạnh phúc khôn tả khi được ngả lưng ra sau.
“Ổn rồi,” anh ta nói đầy nhiệt tình. “Tốt hơn rồi phải không?” Và cô gái bên cạnh cô, người bạn cùng ghế mới của cô, nói, “Ôi, cô mệt rũ ra rồi. Tôi chưa từng thấy ai kiệt sức đến như vậy.”
Cô mỉm cười để cảm ơn, và vẫn cố thoái thác thêm một chút, mặc dù hành động ấy đã được thực hiện, nhưng cả hai người họ đều gạt phăng lời từ chối của cô.
Cô đưa mắt nhìn họ. Giờ thì dù vẫn không muốn nhìn mặt ai, nhưng ít nhất cô muốn được thấy khuôn mặt của họ, mặc dù chỉ vài giây trước, cô chẳng muốn nhìn thấy bất kỳ gương mặt nào, ở bất cứ đâu, thêm bất cứ lần nào nữa. Nhưng lòng hảo tâm chẳng khác nào một liêu thuốc bổ dành cho cô.
Cả hai người này đều còn trẻ. Ừ thì cô cũng trẻ luôn. Nhưng cả hai người trông thật hạnh phúc, tươi vui, chìm đắm trong phước lành của thế giới, đó là điểm khác biệt giữa họ và cô. Nó hiển hiện trên người bọn họ. Bên trong cả hai bọn họ là một thứ ánh sáng nhuộm vàng đang rực cháy, một thứ còn hơn cả tâm trạng vui vẻ, hơn cả may mắn thông thường, và thoạt đầu cô không thể nhận ra nó là gì. Thế rồi chỉ một thoáng sau, ánh mắt
của họ, rồi mọi lần quay đầu của họ, và mọi động tác của họ đã để lộ tất cả: họ đang yêu nhau vô cùng sâu đậm. Nó tỏa ra ngời ngời trên người bọn họ, tựa như lửa lân quang.
Đó là tình yêu của tuổi trẻ. Tình yêu còn tươi mới, trinh nguyên. Cái tình yêu đầu đời luôn một lần ghé thăm tất cả, và sau đó không bao giờ quay trở lại nữa.
Nhưng, khi nói chuyện, tình yêu ấy lại được bộc lộ theo kiểu ngược đời, ít nhất là cô gái kia thể hiện như thế, còn chàng trai kia thì không; gần như mọi câu cô ta nói với anh ta đều là một lời xúc phạm thân thiện, một câu sỉ nhục nhẹ nhàng, một câu chê bai hòa nhã. Có vẻ cô gái ấy chẳng dành được cho anh ta dù chỉ một câu dịu dàng, hay thậm chí là cư xử lịch sự như người bình thường với nhau. Nhưng ánh mắt cô ta lại bộc lộ hết tâm can. Và anh ta hiểu. Bất chấp mọi lời xấc láo quá đà, anh ta vẫn dành tặng cô gái ấy một nụ cười đầy tôn thờ, đầy yêu thương, đầy thấu hiểu.
“Nào, anh đi đi,” cô gái nói, kèm theo một cú phẩy tay độc đoán. “Đừng có đứng đó như tên ngốc, hà hơi xuống gáy bọn em như thế. Đi kiếm việc gì đó để làm đi.”
“À, thế thì anh xin phép,” anh ta nói, và giả vờ dựng cổ áo dậy, như thể cảm thấy rét. Anh ta vu vơ nhìn dọc hai bên lối đi. “Chắc anh sẽ ra ngoài toa và hút một điếu xì gà.”
“Anh cứ hút hai điếu đi,” cô nàng nói tỉnh queo. “Xem em có thèm quan tâm không.”
Anh ta quay người và bắt đầu luồn lách qua lối đi chật ních người. “Anh ấy thật tử tế,” cô gái mới đến nói với giọng khen ngợi, liếc nhìn theo anh ta.
“Ôi, anh ấy cũng tạm chấp nhận được,” người bạn đồng hành của cô nói. “Anh ấy cũng có một số điểm tốt.” Cô ta nhún vai. Nhưng ánh mắt lại làm lộ rõ cô ta chỉ nói như vậy thôi.
Cô ta liếc nhìn ra sau để đảm bảo anh chàng kia đã ra khỏi tầm tai. Thế rồi cô hơi rướn về phía cô gái nọ, hạ giọng xuống đầy bí mật. “Tôi nhận ra ngay,” cô ta nói. “Chính thế mà tôi bắt anh ấy đứng dậy. Ý tôi là về cô ấy.”
Cô gái ban nãy ngồi trên va li thoáng cụp mắt xuống, cảm thấy bối rối, không bằng lòng. Cô không đáp lời.
“Tôi cũng thế. Cô không phải là người duy nhất đâu,” cô nàng vội vã nói tiếp, giọng hơi mang chút tự mãn, như thể không thể đợi thêm nữa, chỉ muốn nhanh chóng khoe ra.
Cô gái nói, “Ồ.” Cô không biết phải nói gì nữa. Nghe câu đáp thật đều đều, hời hợt; như cái kiểu ta hay nói “Thật vậy à?” hay “ừ, biết rồi.” Cô cố rặn ra một nụ cười đồng cảm, nhưng cô làm không được tốt cho lắm. Có thể do đã lâu cô không tập mỉm cười.
“Bảy tháng,” cô gái kia nói thêm.
Cô có thể cảm thấy cô ta đang dán mắt vào người mình, như thể chờ đợi một câu đáp tương tự, kể cả chỉ để nói cho có.
“Tám,” cô nói, gần như không nghe thấy được. Cô không muốn nói, nhưng rồi cô vẫn cứ nói ra.
“Tuyệt vời,” người bạn đồng hành tặng cô câu khen ngợi đó vì đã cung cấp mẩu thông tin đối xứng kia. “Tuyệt diệu.” Cô ta cứ làm như thể cái chuyện này có một hệ thống cấp bậc nào đó, và mình đã tình cờ được tiếp chuyện với một người ở đẳng cấp quyền quý cao hơn: một nữ công tước hay một hầu tước phu nhân, một người chức trọng quyền cao hơn mình ba mươi ngày. Và xung quanh họ là những người phụ nữ thường dân, bị ngó lơ đầy khinh mạn.
Tuyệt vời, tuyệt diệu, cô thầm lặp lại trong lòng, và tim cô bật lên một tiếng khóc hoảng sợ, câm nín.
“Thế chồng cô thì sao?” cô gái kia gặng hỏi. “Cô đi gặp anh ta à?” “Không,” cô nói, nhìn chăm chăm vào lớp nhung màu xanh lá của phần
lưng ghế phía trước. “Không.”
“Ồ. Cô để anh ta ở lại New York ư?”
“Không,” cô nói. “Không.” Cô thấy câu chữ như được nối tiếp nhau viết lên phần lưng ghế, và ngay khi được đọc xong là lại biến mất. “Tôi đã để mất anh ấy.”
“Ôi, tôi xin l…” Người bạn đi tàu hoạt bát của cô trông như lần đầu tiên biết đến mùi buồn đau, không tính những nỗi buồn chỉ như lúc bị hỏng búp bê hay đánh mất tình yêu non trẻ thuở học trò. Nó như một trải nghiệm mới mẻ, lan tỏa trên gương mặt rạng ngời của cô ta. Và ngay cả lúc bấy giờ, nó vẫn chỉ là nỗi buồn của người khác, không phải nỗi buồn của cô ta. Đó là cái ấn tượng mà cô gái ấy mang lại. Cô ta chưa bao giờ tự mình mang nỗi đau buồn nào cả, bây giờ không buồn, và sẽ không bao giờ phải buồn. Cô ta là một trong những trường hợp hiếm hoi được sao may mắn chiếu mệnh, lấp lánh bay xuyên qua thung lũng thẳm đen của thế gian.
Cô ta ngắt ngang cái câu cảm thông nói dở, cắn môi trên; chợt đưa tay ra và đặt lên trên tay người bạn đồng hành của mình một lúc, thế rồi lại rút nó về.
Sau đó, cả hai tế nhị không nói thêm gì về đề tài đó nữa. Cái đề tài rất cơ bản có tên sinh và tử, có thể mang lại cả niềm vui tột cùng lẫn đau thương tột cùng.
Người con gái rám nắng ấy có mái tóc vàng màu ngô. Cô ta buộc tóc tròn quanh đầu như một quầng hào quang bù xù. Cô ta có những đốm tàn nhang trông chẳng khác nào các đốm sơn vàng, do cây cọ của một người họa sĩ bất cẩn nào đó hất văng lên cặp má màu mơ, với một vệt thẫm vắt ngang sống chiếc mũi tí hon, đầy lanh lợi. Phần xinh đẹp nhất của cô ta chính là cái miệng. Và cho dù phần còn lại của gương mặt không thể bì được với vẻ đẹp vô song của nó, chỉ riêng cái miệng kia thôi cũng đã đủ để khiến cô ta trông rất đáng yêu, không cần gì khác điểm tô thêm, tự thân
mình thu hút mọi sự chú ý. Chỉ một ngọn đèn duy nhất là đủ khiến một căn phòng tầm thường trở nên rực sáng, mà không nhất thiết phải có nguyên cả ngọn đèn chùm. Khi nó nhoẻn cười, mọi thứ khác cũng nhoẻn cười theo. Mũi cô ta nhăn lại và cặp lông mày cong lên, mắt cô ta nheo đi, và các lúm đồng tiền xuất hiện ở nơi mà mới một phút trước còn chưa có gì. Cô ta trông như thể rất hay mỉm cười. Cô ta trông như thể có rất nhiều điều để khiến mình mỉm cười.
Cô ta không ngừng xoa chiếc nhẫn cưới trên ngón tay thứ ba. Trông như đang vuốt ve nó, mơn trớn nó. Chắc hẳn đến bây giờ cô ta đã không còn ý thức được mình đang làm việc đó; nó hẳn đã trở thành một thói quen không thể lay chuyển. Nhưng ban đầu, mấy tháng trước, khi chiếc nhẫn lần đầu được đeo vào, lúc nó mới xuất hiện ở đó, cô ta hẳn đã hãnh diện đến mức cảm thấy cần liên tục trưng nó ra với toàn thế giới - như thế muốn nói, “Nhìn tôi này! Nhìn xem tôi có gì này!” Cô ta hẳn yêu quý nó đến mức không thể nào rời tay khỏi nó được lâu. Và bây giờ, mặc dù lòng hãnh diện và tình yêu vẫn hoàn toàn chưa hao mòn, hành động này đã trở thành một cái tật không cưỡng lại được. Bất kể tay cô ta có làm động tác gì, hay cử chỉ gì, hành động kia luôn xuất hiện, hiện lên rõ ràng hơn cả trong mắt người quan sát.
Chiếc nhẫn có đính một hàng kim cương và rồi ở mỗi đầu là một viên lam ngọc để đánh dấu điểm dừng. Để ý thấy người bạn đồng hành đang liếc nhìn nó, cô ta xoay thêm nó về phía cô gái kia một chút, để cô có thể quan sát rõ hơn, đưa ngón tay phẩy qua nó, như thể để gạt bỏ hạt bụi giả tưởng cuối cùng nào còn bám lại trên đó. Cô ta phẩy ngón để giả vờ như không quan tâm đến nó lắm. Cũng giống như thái độ của cô nàng đối với anh chàng kia chỉ để giả vờ cô ta không quan tâm chút gì đến anh ta cả. Một cú phẩy dối trá như cuội.
Tầm mười phút sau, lúc anh ta quay lại, cả hai người bọn họ lại mê mẩn trò chuyện theo kiểu những người bạn mới. Anh ta lại gần chỗ họ, hành xử
theo kiểu bí bí ẩn ẩn nhưng lại đầy lộ liễu. Anh ta cẩn thận nhìn sang hai bên, như thể mang theo thông tin tuyệt mật gì đó. Thế rồi anh ta lấy cạnh bàn tay che một bên miệng lại. Và cúi xuống thì thầm, “Pat*, một cậu nhân viên vừa tiết lộ cho anh. Mấy phút nữa họ sẽ mở cửa toa nhà ăn. Đây là thông tin nội bộ đặc biệt, được báo sớm. Em biết với đám đông này thì chuyện gì sẽ xảy ra rồi đó. Anh nghĩ tốt nhất là chúng ta nên di chuyển lên phía cái toa đó nếu muốn có chỗ. Đợi người ta thông báo thì ở đây sẽ loạn lên ngay.”
Pat: Cách gọi thân mật của Patrice.
Cô ta lẹ làng nhảy bật dậy.
Anh ta ngay lập tức đưa cả hai tay ghìm cô ta lại, trông nghiêm túc đến nực cười. “Suỵt! Đừng có để lộ! Em định làm gì đấy? Tỏ vẻ thờ ơ vào chứ. Hành xử như thể em chẳng định đi đâu cả, chỉ đứng dậy để duỗi chân thôi.”
Cô ta nín một tiếng cười tinh quái. “Một khi đã ra toa nhà ăn thì em không tài nào hành xử như thể mình chẳng định đi đâu cả được. Nhìn em là lộ hết mà. Nếu anh ghìm được em xuống vận tốc chạy nước rút hai mươi mét là may mắn lắm rồi.” Nhưng để chiều cái ý định thực hiện chiêu trò gian xảo của anh ta, cô ta nhấc chân lên đầy khoa trương và rón rén bước ra ngoài lối đi, như thể lượng tiếng ồn mình gây ra có liên quan đến việc họ đang định làm.
Khi đi ngang qua, cô ta kéo tay áo cô gái bên cạnh mình thúc giục. “Đi nào. Cô sẽ đi với chúng tôi, phải không?” cô ta thì thầm đầy bí ẩn. “Thế mấy chỗ ngồi này thì sao? Chúng sẽ bị người khác chiếm mất mà, đúng không?”
“Nếu đặt hành lý lên trên thì sẽ không sao đâu. Đây, làm thế này này.” Cô ta nhấc va li của cô gái kia lên, nãy giờ vẫn được đặt ở lối đi, và hai người bọn họ đặt ngang nó lên trên ghế, chặn ngang toàn bộ. Bị chiếc va li choán chỗ, cô gái đã đứng dậy, nhưng vẫn chần chừ, vẫn
còn lưỡng lự chưa muốn đi với họ.
Cô vợ trẻ có vẻ hiểu được sự tình. Riêng khoản này cô ta rất nhạy bén. Cô ta bảo anh chồng đi trước, ra khỏi tầm tai, mở đường cho bọn họ. Thế rồi cô ta quay sang người bạn ngồi cùng ghế của mình, lịch sự trấn an. “Đừng lo về… bất cứ chuyện gì cả; anh ấy sẽ lo liệu mọi thứ.” Và rồi, để giảm thiểu sự xấu hổ của người kia, cô ta bí mật hứa với cô, “Tôi đảm bảo anh ấy sẽ lo liệu cho cô. Đằng nào thì họ tồn tại cũng chỉ để làm việc đó thôi mà.”
Cô gái kia cố ấp úng thốt ra một câu từ chối không thật tâm, nhưng chỉ càng chứng minh phỏng đoán vừa rồi là đúng, “Không, vấn đề không phải vậy… tôi không muốn…”
Nhưng người bạn mới kia đã coi việc cô chấp nhận là điều hiển nhiên rồi, và không phí thêm thời gian vào chuyện này nữa. “Nhanh lên nào, chúng ta sẽ để lạc anh ấy mất,” cô ta thúc giục. “Người ta đang lấp lối đi đằng sau anh ấy kìa.”
Cô ta đẩy cô tiến lên trước mình, nhẹ nhàng đặt bàn tay thân thiện lên hông cô.
“Bây giờ cô không thể lơ là bản thân được,” cô ta thì thầm. “Tôi biết mà. Họ cũng đã bảo với tôi như thế.”
Trong khi ấy, anh chồng đi trước đang dọn quang một con đường cho họ ở chính giữa lối đi đông kín, khiến mọi người phải nghiêng hẳn người vào chỗ mấy cái ghế để tránh lối. Ấy nhưng, không ai nhìn anh ta với vẻ giận dữ cả. Anh ta sở hữu thần thái ôn hòa nhưng vẫn cứng rắn.
“Có một anh chồng từng là thành viên đội bóng bầu dục kể cũng hữu ích,” cô dâu của anh ta bình phẩm đầy tự mãn. “Anh ấy có thể giải quyết mọi khó khăn. Cô hãy nhìn tấm lưng đồ sộ kia mà xem kìa.”
Khi họ ra đến chỗ anh ta, cô ta giận dỗi than phiền, “Anh không đợi em được à? Em có tận hai người cần cho ăn đây này.”
“Cả anh cũng thế,” anh ta buông một câu đáp chẳng mấy ga lăng. “Và cả hai người đó đều là anh.”
Nhờ tài nhìn xa trông rộng của anh ta, họ thuộc số những người đầu tiên được vào toa nhà ăn, nơi chỉ mấy giây sau khi cửa được mở là đã ken đặc người. Họ kiếm được một bàn cho ba người, nằm chéo với một bên cửa sổ. Những người không may mắn phải xếp hàng đợi ở lối đi bên ngoài, cánh cửa khi ấy đã lạnh lùng đóng sập trước mặt họ.
“Giới thiệu qua nhé, kẻo chúng ta ngồi vào bàn rồi mà vẫn chưa biết tên nhau,” cô vợ trẻ vui vẻ mở khăn ăn ra. “Anh ấy là Hugh Hazzard, còn tôi là Patrice Hazzard.” Mấy lúm đồng tiền của cô ta lại xuất hiện với vẻ chế nhạo. “Cái tên buồn cười nhỉ?”
“Em lễ phép chút đi,” người chồng trẻ làu bàu, trán vẫn không ngẩng lên khỏi tờ thực đơn. “Anh mới chỉ đang ướm thử em chứ vẫn chưa quyết định liệu có nên để cho em giữ nó hay không.”
“Giờ nó là của em rồi,” anh ta nhận được câu đáp với tính lô-gích đậm chất đàn bà. “Em vẫn chưa quyết định liệu mình có nên giữ nó hay không.” “Tên cô là gì?” cô ta hỏi vị khách của mình.
“Georgesson,” cô gái nói. “Helen Georgesson.”
Cô mỉm cười lưỡng lự với hai người bọn họ. Tặng cho anh ta mép ngoài nụ cười, và tặng cho cô vợ phần trung tâm của nụ cười. Không phải là nụ cười tươi tắn cho lắm, nhưng nó vẫn có hồn và lòng biết ơn, dù chỉ là chút ít.
“Hai người tử tế với tôi quá,” cô nói.
Cô nhìn xuống tờ thực đơn đang mở giữa hai tay, để họ không phát hiện ra chút cảm xúc khiến môi cô thoáng run rẩy.
“Được… như cô hẳn phải vui lắm,” cô buồn bã lẩm bẩm.
Chương 5
K
hoảng 10 giờ tối, khi mấy ngọn đèn trên trần toa tàu được tắt đi để những hành khách có thể ngủ được, thì hai cô gái đã trở thành những người bạn thân thiết. Họ gọi nhau là ‘Patrice’ và ‘Helen’. Như mọi người có thể đoán, Patrice chính là người đề nghị. Trong bầu không khí du hành ấm nóng, tình bạn nảy nở rất nhanh chóng. Đôi khi, chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ, nó đã phát triển toàn diện rồi. Thế rồi cũng bất chợt chẳng kém, nó bị ngắt ngang tại thời khắc chia ly tất yếu của những người đi đường. Nó gần như chẳng bao giờ tồn tại được lâu sau khi bị ngắt ngang. Đó là lý do mà cả trên tàu biển lẫn tàu hỏa, người ta ít câu nệ với nhau hơn, họ tin tưởng nhau mau chóng hơn, kể lể tất cả về bản thân; họ sẽ không bao giờ phải gặp lại những con người này nữa, và không phải lo về những quan điểm họ có thể đã hình thành trong đầu, bất kể là tốt hay xấu.
Phần lớn mấy ngọn đèn hông nhỏ, có gắn chụp đèn, được lắp riêng cho mỗi ghế, có thể tùy ý bật tắt, vẫn đang bật, nhưng toa tàu đã tối hơn và yên tĩnh hơn, rất dịu nhẹ, và một số người thì đã thiu thiu ngủ. Với chiếc mũ trùm kín mặt, chồng của Patrice đang ở trong trạng thái bất động, trên chiếc va li lại một lần nữa nằm dọc bên chỗ ngồi của mình, cặp chân vắt tréo của anh ta đặt chênh vênh trên đầu băng ghế trước mặt. Tuy nhiên, dựa vào tiếng khò khò thỉnh thoảng phát ra từ dưới mũ, anh ta trông vẫn có vẻ thoải mái. Anh ta đã ngưng chuyện trò với họ từ một tiếng trước, và nhìn vẻ ngoài thì chẳng ai thấy bận lòng cả. Đây chẳng khác nào lời bình phẩm bất nhã về độ cần thiết của đàn ông trong lúc cánh chị em trò chuyện.
Patrice đang đảm đương nhiệm vụ canh chừng, mắt đầy thận trọng và đăm đăm dán chặt vào cánh cửa phía cuối lối đi, đằng sau lưng họ, lờ mờ ở khoảng xa. Để thực hiện nhiệm vụ, cô quỳ thẳng lưng trên ghế, quay người lại, dõi mắt săm soi đằng sau ghế. Mặc dù tư thế này có phần bất thường, nhưng không hề cản trở nhịp trò chuyện của cô. Nó vẫn cứ diễn ra thoải mái và vô tư như trước. Chỉ có điều, vì bây giờ cô đã đứng cao người lên, ngoài ghế của cô thì băng ghế phía sau cũng có thể nghe được phần lớn cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, may mắn thay, có hai lý do khiến những người ngồi trên chiếc ghế đó không quan tâm lắm đến câu chuyện của hai cô nàng: họ đều là đàn ông và đang ngủ say.
Bỗng nhiên, một luồng sáng phản chiếu lướt dọc cái khung mạ crôm bóng láng trên cánh cửa Patrice chăm chú theo dõi nãy giờ. “Cô ta vừa ra ngoài rồi,” Patrice buông ra một tiếng nghe như gió rít, và thực hiện loạt động tác xoay thân, vặn người, và ngồi xuống ghế, như thể đây là sự kiện rất quan trọng, cần được phản ứng ngay lập tức. “Nhanh lên nào! Luôn đi! Giờ là cơ hội của chúng ta. Đi thôi. Trước khi người khác vào đó trước. Cách đây ba hàng ghế có một bà béo, nãy giờ cứ lần lượt lấy đồ ra. Bà ta mà vào được trước thì chúng ta coi như xong!” Bị phấn khích quá đà (và đối với cô ta, mọi thứ trên đời đều mang vẻ phấn khích đầy tuyệt diệu, hứng khởi), cô ta thậm chí còn nhẹ tay đẩy người bạn đồng hành và thúc giục, “Chạy đi! Giữ cửa cho chúng ta. Có khi nếu thấy cô ở đó sẵn rồi, bà ta sẽ thay đổi ý định.”
Rất độc ác và nhẫn tâm, cô ta lập tức chọc vài chỗ trên người của người chồng đang ngủ, thúc cho anh ta tỉnh lại.
“Nhanh lên! Hugh! Cái túi hành lý qua đêm! Bọn em sẽ lỡ cơ hội mất. Trên đó kìa, đồ ngốc. Trên cái giá đó.”
“Được rồi, em bình tĩnh nào,” anh chàng Hugh ngái ngủ làu bàu, mắt vẫn chôn kín dưới vành mũ. “Nói, nói, nói. Buôn, buôn, buôn. Đàn bà sinh ra chỉ để vận động cơ hàm.”
“Đàn ông sinh ra chỉ để ăn một cú thọc vào hàm, nếu anh ta không chịu nhanh cái tay lên.”
Anh ta cuối cùng cũng chịu đẩy mũ ra. “Em muốn anh làm gì nào? Em tự mình lấy nó xuống rồi còn gì.”
“Hãy bỏ cái cặp chân to đùng của anh ra để bọn em đi qua! Anh đang chắn đường.”
Anh ta thực hiện một động tác như rút câu, co gập chân về phía người, ôm lấy chúng, rồi lại dãn ra sau khi họ đã đi qua.
“Hai người đi đâu mà vội thế?” anh ta ngây thơ hỏi.
“Nghe có ngớ ngẩn không cơ chứ?” Patrice bình phẩm với cô bạn đồng hành.
Họ gần như chạy dọc lối đi, không buồn giải thích gì thêm cho anh ta. “Cái tên kia mặc áo cỡ 36 đấy, thế mà chẳng giúp ích được gì cho tôi lúc xảy ra trường hợp khẩn cấp cả,” cô ta than phiền trên đường đi, tay đong đưa bộ đồ nghề.
Anh ta tò mò quay đầu nhìn theo họ, hoàn toàn không hiểu gì hết. Thế rồi thốt lên, “Ồ.” Giờ anh ta đã hiểu họ đi đâu, mặc dù không rõ sao phải rối lên như thế. Sau đó anh ta lại kéo sụp mũ xuống mũi, tiếp tục giấc ngủ gà gật sau khi bị đám phụ nữ làm loạn lên phá ngang.
Vào lúc này, Patrice đã đóng cánh cửa mạ crôm lại đằng sau, và vặn nhẹ cái khóa bên trong để được riêng tư. Thế rồi cô ta trút ra một hơi thở dài dằng dặc. “Đó. Chúng ta vào được rồi. Và ai đang giữ thì là của người đó. Tôi sẽ ở trong này lâu tùy thích,” cô quả quyết tuyên bố, đặt cái túi hành lý qua đêm xuống và mở nắp ra. “Nếu có ai khác muốn vào đây, họ sẽ phải đợi. Đằng nào thì nơi này cũng chỉ có đủ chỗ cho hai người. Và kể cả nếu có hai người nào khác vào đây, họ phải là bạn thân.”
“Đằng nào chúng ta cũng gần như là những người cuối cùng còn thức rồi,” Helen nói.
“Đây, cô có muốn dùng không?” Patrice chìa ra một tay đầy khăn giấy xốp lau mặt lấy ra từ trong túi; cô chia chúng cho bạn mình. “Hồi ở bên Anh tôi nhớ mấy thứ này ghê lắm. Có kiếm đằng trời cũng không thể nào tìm được. Tôi cứ hỏi, hỏi suốt, nhưng mà người ta không hiểu ý tôi muốn nói đến thứ gì…”
Cô ta ngừng lại, đưa mắt nhìn người bạn đồng hành. “À, cô chẳng có gì cần phải lau đi nhỉ? Thế thì đây, bôi một chút này lên; sau đó cô sẽ cần lau nó đi.”
Helen cười phá lên. “Cô làm tôi buồn cười quá,” cô nói với vẻ ngưỡng mộ đầy tiếc nuối.
Patrice gù vai lại và nhăn nhó đầy tinh quái. “Đây giống như lần ăn chơi cuối cùng của tôi. Kể từ đêm mai chắc tôi sẽ phải hành xử thật đúng mực. Phải trầm tính và không say xỉn.” Patrice xị mặt xuống, và đan tay vào nhau, đặt lên trên bụng, giả làm một vị linh mục nghiêm trang.
“À, bởi vì cô phải gặp mặt gia đình nhà chồng,” Helen nhớ lại. “Hugh nói họ không đến mức như thế đâu; tôi chẳng việc gì phải lo lắng cả. Nhưng tất nhiên có thể anh ấy hơi thiên vị họ. Nếu anh ấy không như vậy thì tôi đã chẳng coi anh ấy ra gì.”
Cô ta bôi lên mỗi bên má một vòng tròn trắng bí hiểm, và thoa chúng ra khắp nơi, miệng há ra suốt lúc bôi trát, mặc dù bản thân cái hành động ấy không liên quan gì đến quy trình kia cả.
“Cô cứ dùng tự nhiên đi,” cô ta mời. “Cho ngón tay vào và lôi lấy một khối ra. Tôi không biết chắc nó có tác dụng gì, nhưng nó có mùi thơm, thế nên chẳng có gì để mà mất cả.”
“Điều cô nói với tôi có thật không vậy?” Helen vừa bắt chước cô ta vừa hỏi chuyện. “Việc cho đến nay họ thậm chí chưa bao giờ thấy mặt cô? Tôi không thể tin được.”
“Thề có Chúa, cả đời họ chưa lần nào thấy mặt tôi hết. Tôi gặp Hugh
bên Anh, như đã nói với cô hồi chiều rồi đó, chúng tôi kết hôn và tiếp tục sống bên đó cho đến gần đây. Cha mẹ tôi đã qua đời và tôi thì nhận được học bổng, theo học âm nhạc, còn anh ấy làm việc cho một cơ quan chính phủ; cô biết đấy, một trong số mấy cơ quan có tên viết tắt. Bố mẹ anh ấy thậm chí chẳng biết mặt tôi trông thế nào!”
“Cô thậm chí chưa từng gửi ảnh cho họ sao? Ngay cả sau khi đã kết hôn ư?”
“Chúng tôi chưa bao giờ chụp tấm ảnh cưới nào; cô biết lớp trẻ chúng ta thế nào rồi đấy. Bùm, bùm, bùm! Ào một cái là chúng tôi đã kết hôn xong. Mấy lần tôi định gửi cho họ một bức ảnh, nhưng chẳng có tấm hình nào khiến tôi ưng ý. Tôi hơi bị khớp mà, cô hiểu chứ; tôi muốn tạo ấn tượng ban đầu thật tốt. Thậm chí Hugh đã có lần thu xếp cho tôi chụp cùng một nhiếp ảnh gia, và lúc thấy mấy bản in thử thì tôi nói luôn, ‘Muốn gửi mấy tấm này về thì phải bước qua xác em!’ Bố mấy ông nhiếp ảnh gia Pháp! Tôi biết cuối cùng mình sẽ gặp họ thôi và ảnh chụp thì cứ… cứ… ít nhất là mấy tấm tôi chụp thì như thế. Thế là tôi nói với anh ấy rằng, ‘Em đã đợi lâu đến thế này rồi, giờ em sẽ không gửi tấm nào cho cha mẹ hết. Thay vào đó, em sẽ để dành để tạo sự bất ngờ, để họ được nhìn thấy em bằng xương bằng thịt khi họ được gặp mặt em. Như vậy, họ sẽ không có kỳ vọng sai lệch gì và sẽ không bị thất vọng.’ Hồi trước tôi còn kiếm duyệt toàn bộ thư từ của anh ấy nữa, không để cho anh ấy miêu tả tôi. Cô cứ tưởng tượng mà xem anh ấy tả kiểu gì: ‘Mona Lisa’, ‘thần Vệ Nữ trên mảnh vỏ sò’. Tôi bảo là, ‘Anh không được viết thế!’ và gạch bỏ nó đi mỗi khi phát hiện ra. Chúng tôi hay giành nhau kiểu đó, đuổi nhau chạy quanh phòng, tìm cách lấy lại bức thư hay để bức thư tránh xa tầm tay của tôi.”
Patrice trở nên nghiêm túc một lúc. Hoặc ít nhất là cố giữ vẻ nghiêm túc hết mức có thể.
“Cô biết không, giờ thì tôi lại có phần ước giá mà mình không làm chuyện ấy. Ý tôi là chơi trốn tìm với họ như thế. Giờ tôi lại thấy sợ. Cô có
nghĩ là họ sẽ thực sự thích tôi không? Nhỡ mà họ không thích thì sao? Nhỡ mà họ luôn hình dung tôi là một con người khác hẳn, và…” Cô ta chẳng khác nào cậu nhóc trong vở kịch trên sân khấu, cái cậu nhóc cứ lải nhải về một ông kẹ do chính mình nghĩ ra cho đến khi tự làm mình phát hoảng.
“Làm thế nào để giữ nước lại trong này nhỉ?” cô ta tự ngắt ngang lời mình, tay gõ nhẹ lên cái chặn nước bên trong bồn rửa. “Cứ mỗi lần tôi cho đầy nước bên trong, nó lại chảy tuột hết.”
“Tôi nghĩ là phải vặn nó một chút, sau đó nhấn nó xuống.” Patrice tháo chiếc nhẫn cưới trước khi thò tay vào. “Giữ giúp tôi cái này, tôi muốn rửa tay. Tôi luôn sợ sẽ làm mất nó. Đã có lần nó bị trôi tuột xuống cái lỗ thoát nước bên Anh, và người ta phải tháo nguyên một phần đường ống ra mới tìm lại được.”
“Trông nó đẹp quá,” Helen buồn bã nói.
“Đẹp thật nhỉ?” Patrice đồng ý. “Cô thấy không? Tên chúng tôi được khắc cạnh nhau, ở mặt trong của chiếc nhẫn. Một ý tưởng dễ thương đấy chứ? Cô đeo nó lên ngón tay giúp tôi một phút nhé, thế cho an toàn.”
“Chẳng phải làm thế sẽ gặp xui xẻo sao? Ý tôi là, cô tháo nó ra và để tôi đeo vào ấy?”
Patrice vênh váo hất đầu. “Tôi không thể gặp xui xẻo được,” cô tuyên bố. Nghe như thể một lời thách thức.
Còn tôi, Helen rầu rĩ nghĩ thầm, thì không thể nào gặp may mắn được. Cô mê mẩn dõi theo chiếc nhẫn chậm rãi trượt xuống hết chiều dài ngón tay mình, rất dễ dàng, không cần dùng lực. Việc này mang lại cho cô một cảm giác quen thuộc khác thường, như thể đáng ra nó phải được thực hiện từ rất lâu rồi, như thể nó đúng ra phải nằm ở đó, và bấy lâu nay cô cứ bị thiếu thốn.
Vậy ra cảm giác ấy là như thế này! Cô chua chát tự nhủ.
Con tàu vẫn xình xịch lăn bánh, nhưng vì họ đang ở trong này, tiếng gầm rú đầu tàu bị giảm xuống thành tiếng lanh canh khẽ khàng. Patrice bước lùi lại, cuối cùng cũng đã hoàn tất công việc rửa ráy. “Rồi đó, đây là đêm cuối cùng của tôi,” cô ta thở dài. “Vào giờ này đêm mai, chúng tôi sẽ về đến nơi, và điều tệ hại nhất sẽ trôi qua.” Cô ta nắm chặt lấy tay mình, hơi run rẩy vì sợ. “Tôi hi vọng họ thích người họ sắp sửa đón vào nhà.” Cô lo lắng liếc nhìn hình ảnh mình trong gương, chinh lại mái tóc. “Cô sẽ ổn thôi, Patrice,” Helen lặng lẽ trấn an. “Làm gì có ai lại không thích cô được chứ.”
Patrice ngoắc ngón tay lại và giơ lên cho cô xem. “Hugh nói bố mẹ anh ấy rất giàu có,” cô ta tiếp tục lan man. “Đôi khi như vậy làm mọi sự tồi tệ hơn hẳn.” Cô ta cười khúc khích khi nhớ lại. “Tôi đoán chắc là họ giàu lắm. Tôi biết họ thậm chí còn gửi cho chúng tôi tiền để trở về nhà. Suốt thời gian ở bên đó, chúng tôi luôn phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng chúng tôi được vui ra trò. Tôi nghĩ lúc duy nhất ta có thể vui vẻ được là khi ta phải thắt lưng buộc bụng, cô có nghĩ thế không?”
“Đôi khi… thì không đâu,” Helen nhớ lại, nhưng cô không trả lời. “Mà thôi,” cô bạn của cô lại tiếp tục nói, “ngay khi họ phát hiện ra tôi sắp sinh em bé, mọi chuyện lập tức được quyết định! Họ không chấp nhận để tôi sinh ở bên kia. Thực ra thì chính tôi cũng không muốn mấy, và Hugh cũng thế. Trẻ con cần được sinh ra ở nước Mỹ tươi đẹp, cô có nghĩ vậy không? Đó là điều tối thiểu ta có thể làm cho chúng.”
Đôi khi đó là tất cả những gì ta có thể làm cho chúng, Helen nhăn nhó nghĩ thầm, …và cho chúng mười bảy xu nữa.
Giờ đã đến lượt cô xong xuôi.
Patrice thúc giục, “Đằng nào chúng ta cũng đã ở trong này rồi, hãy ở lại đủ lâu để làm một điếu xì gà. Có vẻ chúng ta không giữ chân ai cả. Và nếu chúng ta mà nói chuyện ở ngoài kia, có thể người ta sẽ suỵt cho mình im
lặng; tất cả bọn họ đều đang cố ngủ.” Ngọn lửa nhấp nháy bùng lên từ chiếc bật lửa, tạo ra một bóng màu đồng phản chiếu trên gương và lớp crôm sáng loáng xung quanh. Patrice phà một hơi thở dài đầy khoan khoái. “Thật thích khi được nói chuyện với một cô bạn gái trước khi đi ngủ. Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp như thế này. Chắc phải kể từ hồi còn ở trường. Hugh nói rằng trong tâm can, tôi là người đàn bà nữ tính.” Cô ngưng lại giữa chừng và nghĩ về câu đó, đầu hơi nghiêng với vẻ khó hiểu. “Thế là tốt hay xấu nhỉ? Tôi phải hỏi lại anh ấy mới được.”
Helen không thể kiếm chế được nụ cười. “Tôi đoán là tốt. Tôi không muốn phải làm một người đàn bà nam tính đâu.”
“Tôi cũng không!” Patrice vội vã đồng tình. “Nó luôn khiến tôi mường tượng ra cái kiểu người nói năng bỗ bã và phun nước miếng phì phì từ khóe miệng.”
Cả hai cùng cười khúc khích một lúc. Nhưng tâm trí như cánh bướm của Patrice đã lại bay sang chủ đề tiếp theo lúc vẩy tàn thuốc vào trong thùng rác rồi. “Không biết liệu sau khi về nhà tôi có được hút thuốc thoải mái như thế này không nhỉ?” Cô nhún vai. “Mà thôi, vẫn còn có phía sau cái nhà kho.”
Và rồi tự nhiên cô lại nói về tình trạng chung của họ.
“Cô có sợ không? Cô biết đấy, về chuyện đó ấy?” Helen thừa nhận bằng ánh mắt.
“Tôi cũng thế.” Patrice đăm chiêu hút một hơi. “Tôi nghĩ mọi người đều thế, không ít thì nhiều, cô có nghĩ thế không? Đàn ông không nghĩ rằng chúng ta sợ. Tất cả những gì tôi cần làm là nhìn vào Hugh…,” mấy lúm đồng tiền của cô lõm sâu thêm với vẻ bông lơn… “và tôi có thể thấy anh ấy đã sợ hết phần cho cả hai rồi, thế nên tôi không để lộ là mình cũng đang sợ. Và tôi trấn an anh ấy.”
Helen tự hỏi cảm giác có người để cùng đem chuyện ấy ra nói là như
thế nào.
“Họ có hài lòng về chuyện này không?”
“Ôi, tất nhiên rồi. Họ sướng run người. Cô biết đấy, đứa cháu đầu tiên mà. Họ thậm chí không buồn hỏi chúng tôi có muốn quay về không. ‘Hai đứa sẽ trở về nhà,’ và đơn giản chỉ thế thôi.”
Cô chĩa phần còn lại của điếu xì gà về phía vòi nước, để dòng nước nhỏ tưới đẫm nó.
“Sẵn sàng chưa? Chúng ta quay lại chỗ ngồi nhé?”
Cả hai người họ đều đang thực hiện những việc lặt vặt. Cuộc đời chỉ có vậy thôi, một chuỗi những việc nho nhỏ không ngừng, kéo dài suốt đời. Và rồi tự nhiên một việc lớn nhảy vào - và những việc lặt vặt biến đi đâu hết rồi, chúng ra sao rồi, chúng là thứ gì vậy nhỉ?
Tay cô đặt lên cửa, kéo ngược cái then cài mà hồi nãy Patrice đã khóa lại, lúc họ bước vào trong này. Patrice đang ở đâu đó đằng sau, bỏ thứ gì đó trong bộ đồ trang điểm mở nắp, chuẩn bị đóng lại và mang theo. Cô có thể lờ mờ nhìn thấy hình ảnh cô ấy trong những tấm crôm lát trên tường trước mặt. Những việc lặt vặt. Những việc lặt vặt đã cấu thành nên cuộc đời. Những việc lặt vặt ngưng lại…
Các giác quan của cô đánh lừa bản thân. Không có thời gian để cho chúng đồng nhất được với việc đang xảy ra. Chúng lừa dối cô. Mới đầu, cô cứ ngờ ngợ rằng mình đã làm hỏng cánh cửa, làm nó bật ra ngoài. Đơn thuần chỉ bằng cách chạm vào cái then cài nhỏ bé. Cứ như thể cô đang khiến toàn bộ cánh cửa đổ ụp vào người mình. Như thể nó bật tung hẳn ra khỏi khung, bản lề và mọi bộ phận khác. Ấy nhưng nó không hề bật ra, không hề tự tách rời, không hề tẽ ra khỏi cái phần tường mà nó gắn bên trong. Thế nên cái cảm giác ngờ ngợ thứ hai, cũng sai lệch không kém và cũng chỉ diễn ra trong vài giây, là toàn bộ bức tường của căn phòng này, bao gồm cửa và mọi thứ khác, đang lật nhào xuống, đe dọa sẽ ụp lên người cô.
Ấy nhưng chuyện ấy cũng không hề xảy ra. Thay vào đó, nguyên cả căn phòng như lộn ngược lên trời, di chuyển trên một trục quay điên rồ, khiến cho bức tường trước mặt cô nãy giờ, đã biến thành mái trần trên đầu cô; khiến cho mặt sàn cô đứng trên từ nãy giờ biến thành bức tường thẳng trước mặt cô. Cánh cửa đã tuột hẳn khỏi tầm với; trở thành một cánh cửa sập đóng kín trên đầu, không cách nào với đến.
Mấy ngọn đèn tắt ngấm. Đèn đuốc đều đã biến mất, ấy nhưng những hình ảnh mà các giác quan của cô cảm nhận được, bấy giờ đang quay cuồng trong tâm trí, sinh động đến mức chúng như tự mình phát sáng trong bóng tối; cô phải mất một khoảng thời gian tương đối lâu mới nhận ra được mình đang chìm trong bóng tối kín bưng như hũ nút, không thể nhìn bằng mắt được nữa. Chỉ có thể quan sát sự vật qua dư ảnh của nỗi kinh hoàng tưởng tượng trong đầu.
Cô cảm thấy buồn nôn như thể đường ray thay vì làm từ các thanh thép cứng, đã mềm oặt ra, biến thành các dải ruy băng gọn sóng, còn con tàu thì vẫn cố chạy theo đường cong của chúng. Toa tàu như trồi lên thụp xuống, chẳng khác nào đi trên một đường ray dẫn qua nơi thắng cảnh, đi qua những khoảng trồi lên thụp xuống áp sát nhau, càng lúc càng nối đuôi nhau xuất hiện nhanh hơn, và nhanh hơn. Có tiếng nứt toác, cạ nhau xa xăm, dần tiến lại gần, càng gần càng nghe to. Nó gợi cho cô nhớ đến cái cối xay cà phê mình từng có, hồi còn nhỏ. Nhưng cái cối đó không hút cô vào trong mõm, nghiền nát mọi thứ trong tầm nhìn như cái toa tàu hiện đang làm.
“Hugh!” Cái sàn tàu tách lìa như đang gào lên đằng sau cô. Chỉ đúng một lần.
Sau đó thì sàn nhà trở nên im lặng.
Cô ý thức được vài điều nho nhỏ. Các mối nối tách lìa ra, và các khối kim loại nặng bị ép cong vào nhau trên đầu cô, cho đến khi khoảng không chứa đựng cô không còn là bốn khung vuông nữa, mà đã mang hình dáng chiếc lều. Bất chợt bóng tối thoáng ngập tràn một quầng tái nhợt đầy ma mị,
vừa nóng vừa chua lè. Hơi nước thoát ra. Sau đó quầng sáng kia lại nhạt nhòa, và bóng tối đen thẫm một lần nữa ập về. Một ngọn sáng màu cam bé xíu bừng lên đâu đó đằng xa. Thế rồi nó lại yếu ớt, mờ đi, và cũng biến mất.
Giờ không có bất cứ âm thanh nào nữa, không có bất cứ chuyển động nào nữa. Mọi thứ đều tĩnh lặng, mơ màng và chìm trong quên lãng. Đây là trạng thái gì vậy nhỉ? Giấc ngủ à? Hay là cái chết? Cô không nghĩ vậy. Nhưng đây cũng chẳng phải sự sống. Cô vẫn nhớ sự sống; mới vài phút trước vẫn còn sự sống mà. Sự sống chứa đựng rất nhiều ánh sáng, người, chuyển động, và âm thanh.
Đây chắc chắn phải là một thứ gì khác. Một giai đoạn chuyển giao nào đó, một tình trạng nào đó mà cho đến nay chưa ai nói cho cô biết cả. Không phải sự sống, cũng chẳng phải cái chết, mà là thứ gì đó ở trung gian.
Nhưng dù có là gì thì nó cũng chứa đựng đau đớn, chỉ toàn đau đớn, không có gì ngoài đau đớn. Cơn đau mới đầu còn nhỏ, nhưng rồi lớn dần, và lớn dần. Cô thử nhúc nhích, nhưng không thể. Một vật mảnh, tròn tròn, lạnh lẽo và ướt nước, nằm dưới chân đang ghì cô xuống. Nó vắt thẳng qua người cô, như một ống nước bị chệch ra khỏi khớp nối.
Con đau cứ lớn dần, lớn dần. Nếu có thể hét lên được có khi nó đã dịu đi. Nhưng dường như cô không thể làm thế.
Cô đưa tay lên miệng. Trên ngón tay thứ ba, cô đụng phải một vòng tròn kim loại nhỏ, một chiếc nhẫn đã được đeo vào. Cô cắn lên nó. Làm vậy cũng đỡ, giúp giảm đau đớn đi một chút. Cơn đau càng lớn, cô càng cắn mạnh…
Cô nghe thấy tiếng rên rỉ khẽ khàng của chính mình, và cô nhắm mắt. Cơn đau đớn biến mất. Nhưng nó mang mọi thứ khác theo cùng, mang cả suy tư, kiến thức, nhận thức.
Cô lại miễn cưỡng mở mắt ra. Đã được mấy phút chưa? Hay là mấy tiếng? Cô không biết. Cô chỉ muốn ngủ, ngủ thêm chút nữa. Suy tư, kiến
thức, nhận thức, tất cả cùng quay lại. Nhưng cơn đau thì không quay lại; có vẻ nó đã biến đi hẳn rồi. Thay vào đó là cái cảm giác chán ngán. Cô nghe thấy tiếng rên khe khẽ ư ử của mình, tựa như chú mèo con. Liệu đó có phải tiếng rên của cô không nhỉ?
Cô chỉ muốn ngủ, muốn được ngủ tiếp. Nhưng người ta lại gây ồn ào quá thể, không cho cô được ngủ. Đó là tiếng gõ leng keng, nện lên những tấm thiếc rời và cậy bỏ vật dụng. Cô hơi ngả đầu sang bên để phản đối…
Một cột ánh sáng yếu ớt từ đâu đó chiếu trên đầu cô. Nó cứ như một ngón tay dài, gầy gò, một nan hoa, thọc xuống tìm cô, chĩa vào người cô, cố tìm ra cô trong bóng tối.
Nó không chiếu trúng đích mà cứ tiếp tục thọc sai chỗ tìm cô, khắp xung quanh cô.
Cô chỉ muốn ngủ. Cô khẽ kêu lên một tiếng phản đối - nhưng có phải cô là người thốt lên không nhỉ? - và chợt mọi thứ nhốn nháo hẳn lên, tiếng nện nhanh hơn, tiếng cạy trở nên hỗn loạn hơn.
Thế rồi tất cả đồng loạt dừng lại, ngưng toàn bộ, và một giọng đàn ông vang lên ngay bên trên đầu cô, nghe trống rỗng và nhòe nhoẹt kỳ lạ, như thể đang nói qua một cái ống.
“Bình tĩnh nhé. Chúng tôi đến cứu cô đây. Chỉ thêm một phút nữa thôi, cô gái. Cô có chịu được không? Cô có bị thương không? Cô có bị đau không? Cô ở dưới đó một mình à?”
“Không,” cô yếu ớt nói. “Tôi… tôi vừa sinh con ở dưới này.”
Chương 6
Q
uá trình phục hồi chẳng khác nào tiến trình cân bằng hóa một giai đoạn chí điểm bị lệch chuẩn rất nghiêm trọng. Mới đầu mọi thời điểm đều là ban đêm, màn đêm địa cực triền miên, với các khoảng thời gian ban ngày ngắn ngủi, mỗi lần chỉ kéo dài tầm một, hai phút. Đêm là lúc cô ngủ và ngày là lúc tỉnh táo. Thế rồi dần dần, ngày dãn dài ra và đêm thu ngắn lại. Bấy giờ, thay vì có nhiều khung thời gian ngày chia nhỏ trong hai mươi bốn tiếng, chỉ còn có một khung ngày dài xuất hiện giữa mỗi chu kỳ, theo cái kiểu đúng chuẩn. Không bao lâu sau, nó thậm chí còn bắt đầu trùng lặp vào với nhau, kéo dài sau khi mặt trời đã lặn và lấn vào một hay hai tiếng đầu của buổi chiều tối. Bây giờ, thay vì trong một đêm xuất hiện nhiều khung thời gian ngày phân mảnh, nó đã trở thành trong một ngày có nhiều khung thời gian đêm phân mảnh. Những lần chợp mắt hay thiu thiu ngủ. Chí điểm đã bị đảo lộn.
Quá trình phục hồi còn tồn tại trên một chiều không gian thứ hai, song song với nó. Đồng hành cùng với thời gian là không gian vật lý. Ngày càng kéo dài thì kích thước của không gian xung quanh cô lại càng dãn nở ra. Ban đầu mỗi lần nhận thức của cô chỉ có thể ghi nhận được một vùng không gian nhỏ; cái gối đằng sau đầu cô, một phần ba phía trên giường, một gương mặt mờ nhạt nằm chếch ở bên mình, cúi nhìn cô, bỏ đi, và rồi quay lại. Và quan trọng hơn tất thảy mọi thứ khác là một hình hài nhỏ nhắn, được phép rúc trong tay cô, mỗi lần chỉ vài giây. Một thứ còn sống, ấm áp và là của cô. Khi ấy cô trở nên tràn trề sinh lực hơn bất cứ lúc nào khác. Nó là đồ
ăn, thức uống và ánh nắng mặt trời; nó là sợi dây kéo cô về với cuộc sống. Những thứ còn lại đều nhạt nhòa, chìm trong khoảng xa xám xịt, mờ sương trải rộng xung quanh.
Nhưng ngay cả cái vùng tâm điểm nhìn thấy được này cũng nới rộng ra. Bấy giờ nó đã nới ra đến chân giường. Sau đó nó nhảy vọt qua đó, lan đến cái vùng bao quanh của căn phòng, sàn phòng bị khuất tầm mắt. Thế rồi nó ra đến các bức tường của căn phòng, ở cả ba phía, và tạm không thể đi xa hơn được nữa, bị chúng chặn lại. Nhưng đó không phải do hạn chế hay thiếu hụt khả năng nhận thức nữa, mà là hạn chế của trang thiết bị. Ngay cả mắt người khỏe mạnh cũng không có khả năng nhìn xuyên tường.
Đây là một căn phòng dễ chịu. Một căn phòng vô cùng dễ chịu. Không thể ngẫu nhiên tạo ra được hiệu ứng như thế. Nó hết sức trực tiếp, hết sức ngập tràn; mọi yếu tố trong phòng đều được căn rất chuẩn: bao gồm màu sắc, kích thước, thanh âm, sự thanh thản và khỏe mạnh của cơ thể, và quan trọng hơn cả, cái cảm giác an toàn và được ở nơi thánh địa, cảm giác cuối cùng cũng được thuộc về đâu đó, cảm giác đã tìm được một chốn nương thân, một bến cảng, cảm giác được yên ổn. Bởi vậy, hẳn đây là một nơi ra đời nhờ kĩ năng và kiến thức khoa học, nhờ chúng mà đạt được cái hiệu ứng tích lũy được tâm trí cô đánh giá là dễ chịu.
Cái cảm giác tổng thể nó mang lại là một sắc ngà ấm áp, rực rỡ, chứ không phải màu trắng lạnh lẽo, vô hồn. Ở bên phải cô có một cửa sổ, với một tấm rèm mành. Và khi tấm rèm ấy được kéo lên, ánh mặt trời tràn vào, rắn đặc như phiến đá, chẳng khác nào một khối quặng đồng và vàng. Lúc chúng được buông xuống, các luồng tia xẻ nhỏ nhòe đi và tạo thành màn sương mờ ảo, các mảng đồng pha vàng lốm đốm bám trên toàn bộ cửa sổ như một vầng hào quang. Và có đôi lần họ kéo mấy tấm che áp hẳn vào nhau, tạo ra vùng không gian hoàng hôn xanh dịu bên trong căn phòng, và ngay cả như vậy cũng thật dễ chịu, giúp ta dễ dàng khép mắt và ngủ ngon.
Ngoài ra, lúc nào cũng có hoa đặt ở chỗ cô, ngay gần đầu giường. Màu
hoa không bao giờ xuất hiện đến hai lần. Hẳn chúng được thay đổi hàng ngày. Chúng có lặp lại, nhưng không bao giờ lặp lại liền nhau. Vàng, và hôm sau chuyển sang hồng, rồi ngày hôm sau nữa thì sang tím và trắng, và rồi ngày hôm sau lại quay về với vàng. Cô bắt đầu ngóng trông chúng. Chúng khiến cô muốn mở mắt ra để xem lần này sẽ là màu gì. Có khi đó là lý do chúng được đặt ở đó. Gương mặt sẽ mang chúng đến và chìa ra gần để cô ngắm chúng, và sau đó lại đặt về chỗ cũ.
Hàng ngày, những từ đầu tiên cô thốt ra là, “Cho tôi gặp con trai tôi.” Nhưng ngay sau đó, hay gần như ngay sau đó, sẽ luôn là, “Cho tôi ngắm mấy bông hoa của tôi.”
Được một thời gian sau thì bắt đầu có trái cây. Mới đầu thì không có luôn, mà phải đến một lúc sau, lúc cô bắt đầu có cảm giác thèm ăn trở lại. Chúng được đặt ở một chỗ khác, không được gần lắm, ở bên cửa sổ. Trái cây đặt trong một cái giỏ, trên quai xách được buộc một chiếc nơ xa-tanh. Trái cây cũng không bao giờ giống nhau. Nghĩa là chúng không bao giờ được sắp xếp theo cùng một kiểu hay tỉ lệ của các chủng loại giống nhau, và không bao giờ có bất cứ vết thâm hỏng nào dù là nhỏ nhất, thế nên cô biết hẳn mỗi ngày đều có trái cây mới. Cả cái nơ xa-tanh cũng không bao giờ giống nhau, thế nên có lẽ chiếc giỏ cũng thế. Một giỏ đầy trái cây tươi mới mỗi ngày.
Và ngay cả nếu cô không thấy chúng có ý nghĩa ngang với đám hoa, thì cũng bởi hoa là hoa và trái cây là trái cây. Nhìn ngắm chúng cũng vẫn thích theo kiểu riêng. Những trái nho xanh dương và xanh lá, cả mấy trái màu tím nữa, được ánh dương chiếu vào và ban tặng sự bóng lộn chẳng khác nào cửa sổ nhà thờ; những trái lê Bartlett, với phần má vàng mang sắc hồng trông cứ như đáng ra phải là của táo; những trái đào phủ lông vàng mướt; những trái quýt bé nhỏ linh lợi; những trái táo căng đầy máu nóng, trông cứ như ngả hẳn sang tím.
Ngày nào cũng thế, chúng được đặt trong tấm lót xanh thẫm mát rượi,
cứng cáp.
Cô không ngờ bệnh viện lại chăm sóc chu đáo đến thế. Cô không biết họ lại chu cấp những thứ như vậy cho bệnh nhân; kể cả những người chỉ có mười bảy xu trong ví - hoặc đáng ra sẽ như thế, nếu họ có ví lúc nhập viện.
Đôi khi cô nghĩ về quá khứ, nhớ lại nó, chiêm nghiệm lại nó, cho dù nó chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng nó khiến cho bóng tối tràn vào căn phòng, làm mờ đi các góc phòng sáng rõ, thậm chí khiến những cột nắng dày như xà nhà chiếu vào từ cửa sổ trở nên mỏng manh hơn, khiến cô muốn kéo chăn sát lại quanh vai mình, và thế là cô học cách tránh nghĩ về nó, tránh khơi dậy nó.
Cô nghĩ thầm.
Mình ở trên một đoàn tàu. Mình ở trong phòng vệ sinh với một cô gái trẻ.
Cô có thể nhớ được vẻ sáng bóng của lớp kim loại trên các món đồ trong phòng và các tấm gương. Cô có thể thấy gương mặt của cô gái kia; ba lúm đồng tiền xếp thành hình tam giác, mỗi má có một lúm, một lúm thì ở dưới cằm. Nếu thật sự cố gắng, cô thậm chí còn có thể cảm nhận lại sự lắc lư và rung chuyển, cái cảm giác chân hơi bấp bênh kia. Nhưng làm vậy sẽ khiến cô cảm thấy hơi buồn nôn, bởi vì cô biết tiếp theo, chỉ vài giây sau thôi, chuyện gì sẽ xảy ra. Giờ thì cô biết điều ấy, nhưng hồi đó thì không. Khi đến đoạn đó, cô thường vội vã tắt phụt hình ảnh mình mường tượng ra, như thể nó là chiếc công tắc đèn, để ngăn không cho xuất hiện điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Cô nhớ về New York. Cô nhớ về cánh cửa không chịu mở. Cô nhớ về dải vé một chiều rơi ra từ chiếc phong bì. Đó là lúc bóng tối thực sự quây lấy cô, đen đặc và nặng nề. Đó là lúc nhiệt độ căn phòng thực sự tụt xuống. Nó xảy ra mỗi khi cô cho tâm trí lui ra đằng sau chuyến tàu, nhớ đến New York, nhớ đến những gì ở phía bên kia dấu mốc đó.
Cô nhanh chóng nhắm mắt, nghiêng đầu trên gối, và xua đuổi quá khứ…
Hiện tại dịu dàng hơn hẳn. Và bất cứ lúc nào trong ngày, ta cũng có thể được thoải mái. Ta có thể thoải mái mà không cần phải cố gắng. Hãy ở trong hiện tại, hãy để hiện tại được tồn tại. Hiện tại là chốn an toàn. Đừng rời bỏ nó - bất kể theo chiều hướng nào, đi tới hay đi lui. Bởi vì ngoài kia, xung quanh nó chỉ có bóng tối, và ta không biết mình sẽ đụng phải thứ gì. Hãy ngồi im, nằm im, ở nguyên chỗ hiện tại.
Cô mở mắt ra và lại cảm thấy ấm áp. Ánh mặt trời tràn vào, dày, ấm áp và mạnh mẽ đến mức đủ sức đẩy một chiếc xe trượt băng từ khung cửa sổ xuống dưới sàn. Các chùm hoa đa sắc, giỏ trái cây thắt nơ. Sự im lặng êm dịu bao trùm xung quanh. Chẳng bao lâu nữa người ta sẽ lại đưa hình hài bé nhỏ kia vào, để nó rúc vào người cô, và cô sẽ nếm trải niềm hạnh phúc ấy, niềm hạnh phúc của một thứ mới mẻ, khiến ta chỉ muốn ôm lấy nó trong vòng tay và không bao giờ buông ra.
Hãy để cho hiện tại được tồn tại. Hãy để cho hiện tại được kéo dài. Đừng hỏi, đừng tìm kiếm, đừng nghi ngờ, đừng tranh cãi với nó. Hãy dồn toàn sức lực bấu víu lấy nó.
Chương 7
N
hững đóa hoa cũng chính là sai lầm chết người của cô, khiến cho thực tại kết thúc.
Một ngày nọ, cô muốn lấy một bông hoa. Cô muốn tách một bông ra khỏi đám còn lại, cầm trong tay, và thưởng thức mùi hương ngọt ngào của nó ngay bên dưới mũi mình; chỉ ngắm nhìn vẻ ngoài của chúng thôi, chỉ quan sát chúng theo cấu trúc nhóm đầy trừu tượng thôi không còn đủ nữa.
Lúc bấy giờ chúng đã được đặt lại gần cô hơn. Và bản thân cô cũng có thể cử động thoải mái hơn. Cô nằm ngang người lặng lẽ ngắm chúng được một lúc thì cái thôi thúc kia hình thành.
Có một bông nhỏ, đặt lủng lẳng dưới thấp, cong về phía cô, và cô tính sẽ với lấy bông hoa ấy. Cô quay hẳn sang, để cho người mình được lật hoàn toàn sang bên, và đưa tay về phía nó…
Bàn tay cô nắm lại quanh thân nó, và nó rung lên nhè nhẹ vì bị lực tác động. Cô biết mình sẽ không thể nào bẻ được thân hoa với chỉ một bàn tay, và đằng nào thì cô cũng không muốn làm như thế; không muốn làm tổn hại bông hoa, chỉ muốn mượn một lúc thôi. Thế là cô bắt đầu kéo dọc bông hoa lên khỏi bình, và trong lúc bông hoa dâng dần lên, chừng như mãi không bao giờ lên hết, nó khiến tay cô dâng cao lên, và dần giơ cao lên quá đầu.
Tay cô đập vào phía sau giường, cái chỗ gần cô đến độ có lẽ cô sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy nó nếu không quay hẳn đầu lại, có thứ gì trên đó xóc lên và rung rinh một chút, như thể đe dọa sẽ tách rời ra và rơi xuống.
Cô quay hẳn đầu lại, và thậm chí còn lùi lại khỏi phần sau giường một chút, chuyển sang tư thế nửa ngồi dậy, hành động mà trước giờ cô chưa bao giờ thử, để nhìn nó cho rõ.
Đó là một khung kim loại nhẹ, có hình chữ nhật, một cạnh gắn vào thanh trên cùng của giường, ba bên còn lại thì để không. Bên trong nó là một miếng giấy phẳng, chữ viết nắn nót, trông nhòe nhòe cho đến khi nó ngưng lắc lư sau khi bị cú va của cô thúc phải.
Nó chỉ cách đầu cô có mấy phân, ngay bên trên đầu cô bấy lâu nay, nhưng đến tận bây giờ cô mới nhìn thấy.
Đó là biểu đồ của cô.
Cô chăm chú quan sát nó.
Bất chợt thực tại và bao nhiêu sự an toàn của nó vỡ tan thành từng mảnh, và bông hoa rơi từ bàn tay chìa ra của cô trên mặt sàn. Ở trên cùng có ba dòng, được viết rất đối xứng. Phần đầu tiên của mỗi dòng được in ra và bỏ trống; phần còn lại thì được viết tay. Dòng trên cùng ghi, “Khu…”
Và theo sau là, “Thai sản.”
Dòng bên dưới có ghi, “Phòng…”
Và theo sau là, “25.”
Dòng dưới cùng có ghi, “Tên bệnh nhân …”
Và rồi nó là, “Patrice Hazzard.”
Chương 8
C
ô y tá mở cửa và nét mặt cô ta biến sắc. Nụ cười héo đi trên khuôn mặt. Từ tận đằng kia cũng có thể phát hiện ra mặt cô ta đã thay đổi, ngay cả khi cô ta chưa lại gần giường.
Cô ta tiến đến và đo nhiệt độ cho bệnh nhân. Sau đó cô ta vuốt thẳng cái biểu đồ.
Bọn họ chẳng ai nói gì cả.
Nỗi sợ hãi hiện diện trong căn phòng. Bóng tối cũng xuất hiện trong căn phòng. Thực tại không còn ở đây nữa. Tương lai đã thế chỗ nó. Mang theo nỗi sợ, mang theo bóng tối, mang theo sự xa lạ; thậm chí còn tệ hơn những gì quá khứ mang lại.
Cô y tá giơ nhiệt kế ra ánh sáng và nhìn nó. Và rồi lông mày cô ta nhíu lại. Cô ta đặt chiếc nhiệt kế xuống.
Cô ta hỏi thật thận trọng, như thể đã tính toán tông giọng và tốc độ nói trước khi phát ngôn ra. Cô ta hỏi, “Chuyện gì đã xảy ra vậy? Có chuyện gì làm cô thấy khó chịu à? Cô hơi sốt rồi đấy.”
Cô gái trên giường đáp lời bằng cách hỏi ngược lại. Giọng cô đầy sợ hãi, căng thẳng. “Cái thứ đó làm gì trên giường của tôi thế? Tại sao nó lại ở đó?”
“Mỗi bệnh nhân đều có một cái,” cô y tá nhẹ nhàng đáp. “Không sao đâu, chỉ là một…”
“Nhưng nhìn kìa… cái tên. Nó ghi là…”
“Cô thấy sợ khi nhìn thấy tên mình sao? Cô đừng nhìn vào nó. Đáng ra cô không được nhìn thấy nó. Suỵt, giờ thì đừng nói nữa.”
“Nhưng có chuyện này tôi… Nhưng chị phải nói cho tôi nghe, tôi không hiểu..
Cô y tá bắt mạch cho cô.
Và ngay lúc đó, nữ bệnh nhân bỗng nhìn xuống bàn tay mình, lạnh cứng người, tê liệt vì hoảng sợ. Cô nhìn vào vòng tròn nhỏ đính kim cương, bao lấy ngón tay thứ ba. Nhìn vào chiếc nhẫn cưới. Như thể cô chưa bao giờ nhìn thấy nó, như thể cô không hiểu nó đang làm gì ở đó.
Cô y tá thấy cô hoảng hốt kéo giật, tìm cách tháo bỏ chiếc nhẫn ra. Nhưng nó đâu dễ gì chịu rời ra.
Nét mặt cô y tá lại thay đổi. “Đợi một lát nhé, tôi sẽ quay lại ngay,” cô ta lo lắng nói.
Cô ta đưa bác sĩ vào cùng. Ngay khi họ bước qua bậu cửa, tiếng thì thầm của cô ta ngưng lại.
Ông bác sĩ lại gần giường, áp tay lên trán cô.
Ông ta gật đầu với cô y tá và nói, “Hơi sốt.”
Ông ta nói, “Cô hãy uống cái này đi.”
Nó có vị mằn mặn.
Họ đặt bàn tay cô dưới tấm chăn, để khuất tầm mắt. Đó là bàn tay đeo chiếc nhẫn.
Họ kéo chiếc cốc ra khỏi môi cô. Cô không muốn hỏi bất kỳ câu nào nữa, không muốn hỏi han gì nữa. Dù cô vẫn muốn hỏi, nhưng là vào lúc khác, chứ không phải bây giờ. Có chuyện này cần thông báo cho họ. Mới một phút trước cô vẫn còn nhớ, nhưng giờ nó đã biến mất khỏi đầu cô.
Cô thở dài. Để lúc khác, không phải bây giờ. Bây giờ cô không muốn làm gì ngoài đi ngủ.
Cô quay mặt về phía gối và ngủ thiếp đi.
Chương 9
M
ọi chuyện lại lập tức ùa về. Nó là thứ đầu tiên cô nhớ đến. Ngay khi liếc thấy mấy bông hoa, ngay khi liếc nhìn thấy mớ trái cây, ngay khi mí mắt cô mở ra và căn phòng xuất hiện. Mọi chuyện lại hồi về ngay tức khắc.
Có thứ gì đó nói với cô rằng: Hành xử dè dặt thôi, nói năng chậm vào. Cẩn thận, cẩn thận. Cô không biết nó là thứ gì hay vì sao nó nói thế, nhưng cô biết mình cần nghe lời dặn đó.
Cô y tá nói với cô, “Cô uống nước cam đi.”
Cô ta nói tiếp, “Từ hôm nay, cô có thể pha chút cà phê uống kèm với sữa. Mỗi ngày pha thêm một chút. Chắc sẽ tuyệt lắm nhỉ?” Hành xử dè dặt thôi, nói năng cẩn thận vào.
Cô nói, “Chuyện gì đã xảy ra với…?”
Cô nhấp thêm ngụm sữa màu be. Hành xử dè dặt thôi, nói năng chậm vào.
“Với ai?” cuối cùng cô y tá tiếp lời.
Ôi, cẩn thận nào, cẩn thận. “Có một cô gái khác trong phòng vệ sinh trên tàu cùng tôi. Cô ấy có làm sao không?” Cô nhấp một ngụm sữa nữa để dứt câu. Nào, giữ cái cốc cho vững tay; đúng rồi. Đừng để nó bị rung. Đặt nó xuống khay, đều tay và chậm thôi; đúng rồi.
Cô y tá lắc đầu cụt ngủn. Cô ta nói, “Không.”
“Cô ấy chết rồi à?”
Cô y tá không trả lời. Cô ta cũng đang hành xử dè dặt. Cô ta cũng đang
dò dẫm tìm cách nói, cô ta cũng đang không hấp tấp. Cô ta nói, “Cô có thân quen gì với cô gái đó không?”
“Không.”
“Cô mới gặp cô ấy trên tàu à?”
“Chỉ trên tàu thôi.”
Cô y tá giờ đã dọn xong đường. Đã an toàn để đi tiếp. Cô y tá gật đầu. Cô ta muộn màng đáp lại câu hỏi nêu ra trước đó hai câu. “Cô ấy đã chết rồi,” cô ta lặng lẽ nói.
Nữ y tá quan sát mặt cô với vẻ trông đợi. Lớp gạch lót vẫn được giữ nguyên hiện trạng; con đường không bị sụp đổ.
Cô ta đánh liều tiến thêm một bước.
“Có ai khác cô muốn hỏi thăm không?”
“Chuyện gì đã xảy ra với…?”
Cô y tá cất cái khay đi, như thể dọn sẵn hiện trường, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng.
“Với anh ấy à?”
Đúng là mấy từ ấy rồi. Cô mượn luôn chúng. “Chuyện gì đã xảy ra với anh ấy?”
Nữ y tá nói, “Cô chờ tôi một lát.” Cô ta đi ra mở cửa, và ra dấu với ai đó cô không nhìn thấy.
Ông bác sĩ bước vào, cùng với cô y tá thứ hai. Họ đứng đợi ở đó, như thể chuẩn bị giải quyết một ca cấp cứu.
Y tá đầu tiên nói, “Nhiệt độ bệnh nhân bình thường. Mạch bình thường.”
Y tá thứ hai pha thứ gì thứ trong một cái cốc.
Cô y tá đầu tiên, y tá của cô, đứng gần giường. Cô ta nắm lấy tay cô và siết chặt. Cô ta cứ nắm lấy nó như vậy, giữ chặt và rất kiên quyết.
Vị bác sĩ gật đầu.
Liếm đôi môi, cô y tá đầu tiên nói, “Chồng cô cũng không được cứu, cô Hazzard à.”
Cô cảm thấy mặt mình tái nhợt đi vì sốc. Da cô co khít lại như thể nó quá nhỏ so với người.
Cô nói, “Không, có gì không đúng rồi… Không, mọi người nhầm rồi…”
Vị bác sĩ kín đáo cử động. Ông ta và cô y tá thứ hai nhanh chóng tiến sát chỗ cô.
Có ai đó áp bàn tay mát dịu lên trán cô, ép cô nằm xuống, rất dịu dàng nhưng vẫn dứt khoát; cô không thể xác định được đó là tay ai. Cô nói, “Không, làm ơn để tôi nói cho mọi người nghe!”
Cô y tá thứ hai ấn thứ gì đó vào môi cô. Cô y tá đầu tiên nắm tay cô, siết chặt và rất ấm áp, như thể muốn nói, “Có tôi đây rồi. Đừng sợ gì cả, có tôi đây rồi.” Bàn tay trên trán cô mát dịu nhưng rất thuần thục. Nó ấn mạnh, nhưng không quá nặng; chỉ vừa đủ lực để giữ cho đầu cô nằm im.
“Làm ơn…,” cô uể oải nói.
Sau đó thì cô không nói thêm gì nữa. Cả bọn họ cũng không nói gì. Cuối cùng cô nghe tiếng vị bác sĩ thì thầm, như thể để chấm dứt câu chuyện, “Cô ấy nhận tin tốt đấy chứ.”
Chương 10
M
ọi chuyện lại ùa về. Sao mà nó không ùa về được chứ? Ta không thể ngủ liên tục cả ngày, chỉ theo từng giấc nhỏ thôi. Và đi cùng với nó lại là: Hành xử dè dặt thôi, nói năng cẩn thận vào.
Cô y tá, người cô quen nhất ở đây, tên là Allmeyer.
“Chị Allmeyer này, ngày nào bệnh viện cũng cắm hoa cho tất cả mọi người à?”
“Chúng tôi muốn thế lắm, nhưng không đủ chi phí để thực hiện. Mỗi lần cô thấy chỗ hoa này là lại tốn năm đô la đấy. Chúng chỉ dành riêng cho cô thôi.”
“Có phải bệnh viện ngày nào cũng để trái cây vào đây không?” Nữ y tá mỉm cười nhẹ nhàng. “Chúng tôi cũng muốn làm như thế lắm. Chúng tôi chỉ thèm được làm như thế. Mỗi lần cô thấy giỏ trái cây đó là lại tốn mười đô la. Đây là yêu cầu riêng, chỉ dành cho cô thôi.” “Thế thì ai…?” Nói năng cẩn thận vào, cô thầm nghĩ.
Cô y tá mỉm cười đầy tươi tắn. “Cô không thể đoán được sao? Chẳng khó lắm đâu.”
“Có điều này tôi muốn nói với chị. Có điều này chị phải để tôi nói chị nghe.” Cô bồn chồn quay đầu trên gối, hết sang bên này rồi đến bên kia, sau đó lại quay về chỗ cũ.
“Nào, cô gái, lại chuẩn bị có một ngày tồi tệ rồi sao? Thế mà tôi cứ tưởng chúng ta sẽ được tận hưởng một ngày tốt lành.”
“Chị tìm hiểu giúp tôi việc này được không?”
“Tôi sẽ cố.”
“Chiếc túi xách; túi xách mà tôi mang vào trong phòng vệ sinh trên tàu. Bên trong có bao nhiêu tiền vậy?”
“Túi xách của cô à?”
“Đúng. Chiếc túi xách mà tôi mang theo khi ở đó.”
Lát sau nữ y tá quay lại và nói, “Nó không sao cả; người ta đang giữ nó hộ cô. Có khoảng năm mươi đô la hay gì đó.”
Đó không phải túi xách của cô, mà là của cái cô gái kia.
“Có hai chiếc túi.”
“Đúng là có một cái túi nữa,” cô y tá thừa nhận. “Giờ nó không thuộc về ai cả.” Cô ta nhìn xuống với vẻ thương hại. “Bên trong chỉ có mười bảy xu,” cô ta thì thầm, gần như không thể nghe thấy.
Chuyện đó thì không cần phải nói. Cô biết quá rõ ấy chứ. Cô nhớ từ trước khi lên con tàu. Cô nhớ từ khi đang ở trên tàu. Mười bảy xu. Hai xu, một đồng năm xu, một đồng mười xu.
“Chị có thể mang mười bảy xu ấy đến đây không? Tôi chỉ nhìn thôi có được không? Tôi để nó ở đây, cạnh giường được chứ?”
Nữ y tá nói, “Tôi không chắc cứ ủ rũ như thế là tốt cho cô đâu. Để tôi xem người ta bảo sao.”
Nhưng rốt cuộc cô ta vẫn mang chúng đến, trong một chiếc phong bì nhỏ.
Chỉ còn mình cô với chúng. Cô dốc bốn đồng xu nhỏ từ chiếc phong bì vào lòng bàn tay. Cô siết chặt tay quanh chúng, giữ nguyên như vậy, nắm rất chắc, tạo thành một khối khó xử.
Năm mươi đô, một món tiền đầy tượng trưng. Tượng trưng cho một khoản còn lớn hơn nữa, không rõ là bao nhiêu.
Mười bảy xu, món tiền theo đúng nghĩa đen. Chẳng tượng trưng cho gì cả, bởi vì chẳng có gì nữa. Mười bảy xu và chẳng có gì khác cả. Nữ y tá quay lại, mỉm cười với cô. “Nào, ban nãy cô bảo muốn nói với tôi chuyện gì mà?”
Cô mỉm cười đáp lại, nụ cười rất nhạt. “Đợi thêm một thời gian nữa cũng được. Tôi sẽ nói với chị vào dịp khác. Có thể ngày mai, hoặc ngày kia. Nhưng không… không phải hôm nay.”
Chương 11
C
ó một bức thư trên khay đồ ăn sáng.
Cô y tá nói, “Thấy chưa? Giờ cô đã bắt đầu nhận được thư rồi đấy, chẳng khác nào người khỏe mạnh cả.”
Bức thư được đặt nghiêng về phía cô, dựa vào cốc sữa. Trên chiếc phong bì có đề:
'Cô Patrice Hazzard'
Cô thấy sợ hãi. Không thể nào rời mắt khỏi nó. Cốc nước cam run lên trong tay cô. Dòng chữ ghi trên đó như đang lớn hơn, lớn hơn, và lớn hơn, trong khi chiếc phong bì thì vẫn nằm im.
'CÔ PATRICE HAZZARD'
“Cô mở ra đi,” nữ y tá khích lệ. “Đừng chỉ nhìn như thế. Nó không cắn cô đâu.”
Đã hai lần cô thử mở bức thư, và cả hai lần nó đều rơi tuột xuống. Đến lần thứ ba thì cô xoay xở xé được một đường dọc bao thư. Patrice thân yêu!
Mặc dù gia đình chúng ta chưa bao giờ được thấy mặt con, nhưng giờ con đã là con gái của chúng ta rồi, con yêu ạ. Con là tất cả những gì Hugh để lại cho chúng ta. Giờ con là tất cả những gì chúng ta có, con và đứa bé. Ta không thể đến chỗ con, theo lời khuyên của bác sĩ. Ta không chịu nổi cú sốc, và bác sĩ không cho ta đến thăm con. Thay vào đó, con sẽ về với chúng ta. Hãy về sớm nhé, con yêu. Về nhà với chúng ta, nơi chúng ta đang cô đơn
và chìm trong mất mát. Như vậy sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận mọi chuyện hơn. Sẽ không còn lâu nữa đâu, con yêu. Chúng ta đã liên tục thư từ với bác sĩ Brett và ông ấy đã gửi những thông tin rất tích cực về quá trình phục hồi của con…
Phần còn lại không quan trọng nữa; cô để nó trôi ra khỏi đầu mình. Cô cảm thấy như đang có mấy bánh tàu hỏa lăn trong đầu mình. “Mặc dù gia đình chúng ta chưa bao giờ được thấy mặt con. Mặc dù gia đình chúng ta chưa bao giờ được thấy mặt con. Mặc dù gia đình chúng ta chưa bao giờ được thấy mặt con.” Một lúc sau, cô y tá nhẹ nhàng lấy bức thư ra khỏi mấy ngón tay lơ đễnh
của cô, rồi đút nó vào trong phong bì. Cô sợ hãi quan sát trong lúc nữ y tá đi quanh phòng.
“Nếu tôi không phải là cô Hazzard, liệu tôi có được phép ở lại phòng này không?”
Cô y tá vui vẻ cười phá lên. “Bọn tôi sẽ đuổi cô ra, sẽ tống thẳng cô ra ngoài, cho vào một trong những khu kia kìa,” cô ta nói, cúi sát về phía cô với vẻ dọa dẫm giả vờ.
Cô ta nói tiếp, “Nào, đỡ lấy cậu con trai của cô đi nào.”
Cô ôm chặt con trai mình, bao bọc lấy nó, rất mãnh liệt, gần như co quắp cả người lại.
Mười bảy xu. Mười bảy xu chỉ giúp ta trụ được một thời gian ngắn ngủi, chẳng giúp ích được gì nhiều.
Nữ y tá cảm thấy hứng khởi. Cô ta thử tiếp tục cái câu đùa lúc trước. “Sao cô lại hỏi thế? Cô định bảo với tôi rằng mình không phải cô Hazzard ?” cô ta bỡn cợt hỏi.
Cô ôm ghì lấy thằng bé, áp sát nó vào người mình để che chở. Mười bảy xu, mười bảy xu.
“Không,” cô nói bằng cái giọng nghèn nghẹt, úp mặt vào đứa bé, “tôi có định nói vậy với chị đâu. Tôi có định bảo như thế đâu.”
Chương 12
C
ô mặc một chiếc áo thụng dài, ngồi cạnh cửa sổ, dưới ánh mặt trời. Chiếc áo được may từ lụa xanh. Ngày nào cô cũng mặc nó mỗi khi ra khỏi giường. Trên túi ngực áo là một chữ viết lồng được thêu bằng lụa trắng; hai chữ 'PH' đan xen nhau. Còn có cả dép cùng bộ.
Cô đang đọc một cuốn sách. Trên trang trắng đầu sách, mặc dù cô đã đọc qua chỗ đó từ lâu, là dòng chữ, “Thân gửi Patrice, từ mẹ H.” Có một hàng các cuốn sách khác trên cái kệ cạnh giường. Mười hay mười hai cuốn gì đó; toàn sách có bìa rất sặc sỡ, ngọc lam, đỏ sậm, đỏ son, bạch kim, kèm cả nội dung vui tươi, nhẹ nhàng nữa. Giữa hai tấm bìa của chúng không có chút bóng đen tiêu cực nào.
Trên cái đĩa đặt tại cái bàn thấp cạnh chiếc ghế bành có một mớ vỏ cam và hai hay ba hột gì đó. Có một điếu xì gà đang cháy dở đặt trên một cái đĩa khác, nhỏ hơn, nằm cạnh cái đĩa trước. Điếu xì gà được đặt làm riêng, có một đầu bọc rơm, và hai chữ viết tắt 'PH' viết trên đó vẫn chưa bị hút mất.
Ánh mặt trời, tỏa xuống từ phía sau, trên đầu cô, khiến tóc cô trở nên mờ đục, mơ hồ, khiến nó gần giống như mớ bọt vàng bao quanh đầu cô. Vì bị lưng ghế chặn, nó nhảy vọt lên trước mặt cô, chảy xuống, và lại đọng thành một bể vàng nhỏ bên trên một mu bàn chân trần thò ra, nằm đó như nụ hôn ấm nóng, rực sáng.
Có tiếng gõ nhẹ trên cửa, và vị bác sĩ bước vào.
Ông ta kéo ghế ra và ngồi đối diện với cô, để cho phần lưng ghế dựng
thẳng phía trước để tăng thêm sự thân tình vui vẻ.
“Tôi được biết không bao lâu nữa cô sẽ rời khỏi chỗ chúng tôi.” Cuốn sách rơi xuống đất, vị bác sĩ nhặt nó lên giúp cô. Ông ta đưa lại cuốn sách cho cô, nhưng thấy cô có vẻ không cầm nổi, ông lại đặt nó lên trên kệ.
“Cô đừng quá lo lắng thế. Mọi thứ đều đã được thu xếp…” Cô cảm thấy hơi khó thở. “Đi đâu…? Tôi sẽ đi về đâu?”
“Ô, tất nhiên là cô sẽ về nhà.”
Cô đưa tay lên tóc và vuốt phẳng xuống một chút, nhưng rồi chúng lại xù lên ngay, bồng bềnh dưới ánh mặt trời như lúc trước.
“Đây là vé tàu của cô.” Ông ta lôi chiếc phong bì ra khỏi túi áo, định đưa cho cô. Tay cô rụt lại một chút, mỗi tay đặt ở một bên thành ghế phía sau. Cuối cùng, vị bác sĩ nhét chiếc phong bì vào giữa mấy trang của cuốn sách đánh rơi hồi nãy, để nó thò ra ngoài như một cái đánh dấu sách.
Đôi mắt cô mở to. To hơn trước khi ông ta bước vào căn phòng. “Khi nào thì tôi phải đi?” cô hỏi, gần như không còn chút hơi nào. “Thứ Tư, chuyến tàu đầu giờ chiều.”
Bất chợt cơn hoảng loạn liếm láp khắp người cô, như một ngọn lửa héo hắt, cô đặc, lạnh lẽo.
“Không, tôi không thể! Không! Bác sĩ, ông phải nghe tôi…!” Cô tìm cách tóm lấy tay ông ta bằng cả hai tay mình và bám chặt lấy nó. Vị bác sĩ vui vẻ nói với cô, như thể nói với một đứa trẻ. “Nào, nào, thôi nào. Sao tự nhiên cô lại thế này? Sao tự nhiên lại thế này?” “Không, bác sĩ ơi, không… !” Cô kiên quyết lắc đầu.
Ông ta kẹp tay cô vào giữa hai tay mình, giữ im nó đầy an ủi. “Tôi hiểu mà,” ông ta nhẹ nhàng nói. “Cô vẫn hơi run, cô chỉ vừa mới quen với mọi thứ. Cô cảm thấy hơi ngại khi phải từ bỏ môi trường quen thuộc để đến một
nơi xa lạ. Tất cả chúng ta đều bị như thế; đây là một phản ứng lo lắng thường gặp. Ôi, nhoằng một cái là cô sẽ quen ngay thôi mà.” “Nhưng tôi không thể làm chuyện này, bác sĩ,” cô thì thầm thiết tha. “Tôi không thể.”
Ông ta khẽ vuốt dưới cằm cô, để giúp cô can đảm hơn. “Chúng tôi sẽ đưa cô lên tàu và việc cô cần làm là ngồi trên đó. Gia đình của cô sẽ đợi ở ga bên kia để đón cô về.”
“Gia đình tôi.”
“Đừng có ủ rũ như vậy,” ông ta vui vẻ trêu.
Vị bác sĩ liếc ra sau, nhìn cái cũi.
“Còn đứa trẻ này thì sao?”
Ông ta ra chỗ nó, bế đứa bé lên; và mang nó đặt nó vào vòng tay của cô. “Cô muốn đưa thằng bé về nhà mà, phải không? Cô chẳng muốn nó phải lớn lên trong bệnh viện đâu nhỉ?” Ông ta bật cười đùa giỡn với cô. “Cô muốn thằng bé có một mái ấm, đúng không?”
Cô đỡ con trai về phía mình, gục đầu xuống.
“Vâng,” cuối cùng cô ngoan ngoãn nói. “Vâng, tôi muốn thằng bé có một mái ấm.”
Chương 13
L
ại một con tàu nữa. Nhưng hỡi ôi, giờ nó khác hẳn. Không còn lối đi chật cứng, không có bóng người xô đẩy, không có dòng thác người kiên nhẫn chịu đựng, lắc lư. Một gian riêng, một cái buồng nhỏ cho riêng cô. Một chiếc bàn nhỏ có dây ngoắc, có thể xếp lên, hạ xuống. Một cái tủ với cửa gắn gương dài ngang thân người, chẳng khác nào những ngôi nhà trên mặt đất. Trên giá là những hành lý được đặt ngay ngắn trong các hốc thụt vào trong, mới tinh, lần đầu được mang ra sử dụng, bọc da bóng loáng, phần kim loại hắt sáng long lanh, hai chữ 'PH' được khắc gọn gàng, đỏ thắm như son ở các góc tù. Có cả một ngọn đèn nhỏ có chụp để đọc sách khi khung cảnh xung quanh trở nên tối đi. Một bình hoa được đặt trong một khoảng chứa, không phải hoa tiễn biệt, mà là hoa chào mừng về nhà - coi như thay mặt tặng từ xa, ở ga khởi hành; kẹo trái cây bóng đựng trong hộp; một, hai tờ tạp chí.
Và bên ngoài hai khung cửa sổ rộng, gần như tạo thành một khung đồng nhất nối giữa hai bên tường, cây cối lặng lẽ trôi qua, xếp thành một hàng ngang ở khoảng xa, lốm đốm ánh dương; một bên xanh sẫm, một bên xanh nhạt như táo. Mây lặng lẽ trôi, có điều chậm rãi hơn đám cây một chút, như thể hai thứ này nằm trên hai băng chuyền tách biệt, ấy nhưng lại chuyển động gần như ăn khớp. Thỉnh thoảng, những bãi cỏ, cánh đồng và các gọn đồi dập dềnh lại xuất hiện ở đằng xa. Nhô lên một chút, rồi lại hạ xuống một chút. Con đường tương lai gợn sóng.
Và quan trọng hơn tất cả mọi thứ, trên cái ghế đối diện chỗ cô ngồi,
được bao bọc ấm áp trong tấm chăn xanh nhỏ, là một gương mặt nhỏ nhắn, một cặp mắt nhỏ nhắn đang nhắm lại - một thứ để nâng niu, để yêu thương. Thứ duy nhất trên thế giới đáng được thương yêu. Thứ duy nhất đáng để đi tiếp, dọc theo con đường gợn sóng bên ngoài.
Phải, giờ nó thật khác lạ. Và… so với lần này thì cô lại thích lần đi tàu đầu tiên hơn hẳn. Bây giờ, bạn đồng hành của cô là nỗi sợ hãi. Hồi trước không có nỗi sợ. Không có lấy một chỗ ngồi, không có lấy thứ gì để ăn, chỉ có đúng mười bảy xu. Và ngay đằng trước là tai ương, là nỗi kinh hoàng, là đôi cánh đang vỗ của tử thần, những thứ không ai biết, tiến lại gần theo từng dặm đường trôi qua.
Nhưng không có nỗi sợ. Không có cái cảm giác gặm nhấm ruột gan. Không có áp lực trái chiều, hết kéo theo hướng này rồi lại kéo theo hướng kia. Hồi trước có sự bình lặng, chắc chắn, biết rằng mình đi đúng đường, đi đúng con đường duy nhất.
Các bánh xe kêu lạch cạch, như mọi khi, trên mọi con tàu từng lăn bánh trên đời. Vậy nhưng giờ chúng lại như đang nói cho mình cô nghe: “Tốt nhất hãy quay lại, tốt nhất hãy quay lại. Lạch cạch, lạch cạch. Hãy dừng lại khi còn có thể, cô vẫn có thể quay lại.”
Một phần rất nhỏ trên người cô động đậy, phần nhỏ nhất trên người cô động đậy. Ngón tay cái của cô nhấc lên, rồi bốn ngón tay còn lại chậm rãi mở ra, và cái túm tái trắng chúng tạo thành suốt mấy tiếng vừa qua biến mất. Lộ ra ở ngay chính giữa là…
Một đồng xu đầu thổ dân*.
Đồng xu đầu thổ dân: Đồng một xu Mỹ, một mặt có in hình đầu thổ dân da đỏ, được đúc và lưu hành trong giai đoạn 1859-1909.
Một đồng xu đầu Lincoln*.
Đồng xu đầu Lincoln: Đồng một xu Mỹ, một mặt có in hình đầu Tổng thống Abraham Lincoln, được đúc và lưu hành từ năm 1909.
Một đồng năm xu bò bison*.
Đồng năm xu bò bison: Đồng năm xu Mỹ, một mặt có in hình bò bison, được đúc và lưu hành trong giai đoạn 1913-1938.
Một đồng mười xu đầu Nữ thần Tự do*.
Đồng mười xu đầu Nữ thần Tự do: Đồng mười xu Mỹ, một mặt có in hình đầu Nữ thần Tự do, được đúc và lưu hành trong giai đoạn 1916-1945. Mười bảy xu. Bây giờ cô thậm chí còn thuộc lòng ngày tháng ghi trên chúng.
“Lạch cạch. Hãy dừng và quay lại đi. Cô vẫn còn thời gian. Hãy quay lại đi.”
Một lần nữa, các ngón tay cô chậm rãi gập lại, ngón cái lướt tới và khóa chặt chúng vào.
Thế rồi cô đưa nắm đấm lên và lơ đễnh đập lên trán, giữ nguyên nó ở chỗ vừa đập một lúc.
Đột nhiên, cô đứng dậy, kéo chiếc va li hành lý và quay vòng nó lại, để cho cái góc ngoài cùng của nó hướng vào trong. Chữ 'PH' biến mất. Thế rồi cô cũng làm vậy với cái va li bên dưới. Chữ 'PH' thứ hai biến mất.
Nhưng nỗi sợ vẫn không biến mất. Nó không chỉ được in trên một góc người cô, mà còn lan tỏa khắp người.
Có một tiếng gõ nhẹ ngoài cửa, cô đứng bật dậy mạnh mẽ như thể nó là một tiếng đập vang rền.
“Ai đó?” cô hổn hển hỏi.
Giọng một anh nhân viên đáp lại, “Năm phút nữa sẽ đến Caulfield, thưa cô.”
Cô chồm dậy khỏi ghế và chạy ra cửa, hất nó mở toang. Anh ta đã bắt đầu đi dọc hành lang. “Không, đợi đã! Không thể như thế được…” “Nhưng thực sự là như vậy, thưa cô.”
“Nhưng mà nhanh quá. Tôi không nghĩ…”
Anh ta mỉm cười hiền lành. “Ga này nằm giữa Clarendon và Hastings. Đó là chỗ của nó. Và chúng ta đã đi qua ga Clarendon rồi, ngay sau đó tàu sẽ đến ga Hastings. Mấy ga này chưa bao giờ thay đổi kể từ ngày tôi làm việc ở tuyến đường này.”
Cô đóng cửa, quay ra sau, và dựa lưng vào nó, như thể đang tìm cách ngăn không cho thảm họa nào xâm nhập.
“Đã quá muộn để quay lại. Đã quá muộn để quay lại…”
Mình vẫn có thể bỏ ga, mình có thể bỏ qua ga này mà không xuống, cô nghĩ thầm. Cô chạy đến bên cửa sổ và nhìn về phía trước, theo góc hẹp, như thể hình ảnh nhà ga đang đến gần sẽ giải quyết được khó khăn cho cô theo cách nào đó.
Vẫn chưa thấy gì. Nó đang tiến đến rất từ từ. Một ngôi nhà, chỉ đứng một mình. Thế rồi lại một ngôi nhà nữa, vẫn chỉ đứng một mình. Thế rồi đến ngôi nhà thứ ba. Chúng bắt đầu xuất hiện dày đặc hơn.
Đi qua luôn, không xuống. Người ta không thể bắt mình xuống. Không ai có thể. Giờ chỉ còn thời gian để làm nốt việc này thôi.
Cô chạy đến cánh cửa và vội vã vặn cái khóa tí xíu dưới tay nắm cửa, khóa trái lại.
Các ngôi nhà ngày một nhiều, nhưng chúng đến chậm hơn. Chúng không còn lướt vèo qua nữa, cứ đi nhẩn nha. Một trường học trôi ngang; ngay cả từ đằng xa, cô vẫn có thể nhận ra nó là tòa nhà gì. Không tì vết, hiện đại, trông mới tinh, với cấu trúc bê tông đầy tính thiết thực, được chăm sóc cẩn thận, sáng loáng dưới ánh mặt trời; và gắn rất nhiều kính. Cô thậm chí còn có thể nhìn ra những chiếc xích đu nhỏ đong đưa trong sân chơi bên cạnh. Cô liếc sang cái bọc chăn nhỏ trên ghế. Đó là cái kiểu trường cô thích…
Cô không nói gì, nhưng giọng của cô vang lên ồn ã trong tai. “Ai cứu
tôi với; tôi không biết phải làm gì!”
Các bánh xe như chết lặng dần, như thể chúng bị hết dầu nhớt. Hoặc như một cái đĩa hát đã hỏng.
“Lạ-ch, cạ-ch, L-ạ-ch, cạ-ạ-ạ-ch.”
Mỗi vòng quay nghe như thể là vòng cuối cùng.
Bất chợt, ngay bên ngoài cửa sổ xuất hiện một gian nhà dài, chạy song song với họ, rồi tấm biển trắng treo trên nó bắt đầu trờ đến, ngược từng chữ một.
“D-L-E-I-”
Nó ra đến chữ F thì kẹt lại ở đó. Không nhúc nhích gì nữa. Cô thiếu điều muốn khóc thét lên. Con tàu đã dừng lại.
Tiếng gõ cửa vang lên ngay sau lưng cô, rung động của nó như đâm xuyên qua ngực cô.
“Đến Caulfield rồi, thưa cô.”
Thế rồi có ai đó vặn tay nắm cửa.
“Để tôi giúp cô khiêng đồ xuống nhé?”
Nắm tay siết chặt của cô càng siết lại quanh mười bảy xu kia, cho đến khi các khớp tay bị lực làm cho trắng dã và tái bợt đi.
Cô chạy ra ghế ngồi và nhấc tấm chăn xanh lên, cùng với thứ quấn bên trong nó.
Ngoài kia có người, ngay bên kia khung cửa sổ này thôi. Đầu họ ở dưới thấp, nhưng cô có thể thấy họ, và họ có thể thấy cô. Có một người đàn bà đang nhìn thẳng về phía cô.
Mắt họ giao nhau, mắt họ níu lấy nhau, giữ nguyên ở đó. Cô không thể quay đầu đi, cô không thể rút sâu vào bên trong toa xe. Cặp mắt kia chẳng khác nào đóng đinh cô ở vị trí đang đứng.
Người đàn bà ấy chỉ nhìn thẳng về phía cô. Bà hân hoan thốt lên báo
cho ai đó, bấy giờ đang khuất dạng. “Con bé kia rồi! Tôi đã tìm thấy con bé! Đây, chính toa tàu này!”
Bà giơ tay lên vẫy. Bà vẫy tay với cái đầu nhỏ bé, ngái ngủ, đang chớp mắt trong tấm chăn xanh, nghiêm nghị nhìn ra ngoài cửa sổ. Bà để ngón tay múa máy theo kiểu vẫy đặc biệt, dành cho những đứa trẻ nhỏ.
Không thể nào mô tả được vẻ mặt của bà ấy. Trông chẳng khác nào cuộc đời vừa bắt đầu lại sau khi bị gián đoạn, sau một thời gian tạm nghỉ. Nó hệt như khi mặt trời cuối cùng cũng ló dạng sau ngày đông ảm đạm.
Cô gái đang ôm đứa bé, gục đầu xuống gần đầu nó, như thể để tránh không thò đầu ra ngoài cửa sổ. Hoặc như thể họ đang trò chuyện, bí mật trao đổi thông tin gì đó, không để bất kỳ ai biết.
Cô đang làm như vậy.
“Vì con nào,” cô thì thầm. “Vì con nào. Và mong Chúa tha thứ mẹ.” Và rồi cô bế nó bước qua cánh cửa cùng mình, vặn mở khóa để anh nhân viên mệt mỏi bước vào.
Chương 14
Đ
ôi khi, trên dòng đời sẽ xuất hiện một dải ngăn cách. Sắc gọn, gần như tồn tại thật, hệt như nét quệt đen từ một cây cọ, hay đường kẻ trắng của một vệt phấn. Đôi khi, nhưng không phải thường xuyên.
Và nó đã xuất hiện trong cuộc đời cô. Nó nằm đâu đó trên hành lang toa tàu dài vài mét, giữa khung cửa sổ gian buồng trên toa tàu và thang xuống, nơi cô được khuất khỏi tầm mắt những người đứng đợi bên ngoài tầm một vài giây. Một cô gái rời khung cửa sổ. Một cô gái khác bước xuống những bậc thang. Một thế giới kết thúc, và một thế giới khác mở ra.
Cô không còn là cô gái ban nãy ôm con đứng cạnh cửa sổ tàu. Cô là Patrice Hazzard đang bước xuống mấy bậc thang.
Hoảng sợ, run rẩy, mặt tái nhợt đi, nhưng vẫn là Patrice Hazzard. Cô nhận thức được những điều ấy, nhưng chỉ gián tiếp mà thôi; cô chỉ để tâm đến những cặp mắt đang nhìn vào mắt mình từ cách đó vài phân. Tất cả mọi thứ khác đều là thông tin nền. Sau lưng cô, đoàn tàu tiếp chuyển bánh. Mang theo với nó hàng trăm hành khách đang sống. Và, mặc dù chẳng ai biết, trong một gian buồng trống trên đó, con tàu còn mang theo một bóng ma… Hai bóng ma, một bóng ma lớn và một bóng ma rất nhỏ. Giờ họ đã mãi mãi vô gia cư, vĩnh viễn không được ai đón. Cặp mắt nâu nhạt tiến đến gần chỗ cô. Đôi mắt trông thật tử tế; quanh viền mắt ánh lên nụ cười; chúng rất nhẹ nhàng, dịu dàng. Chúng hơi tổn thương một chút. Và đầy vẻ tin tưởng.
Chủ nhân của cặp mắt ấy đã ngoài năm mươi tuổi. Tóc bà đã bắt đầu bạc đi, chỉ có phần tóc bên dưới là quy trình bạc hóa chưa lan đến. Bà cao ngang Patrice và mảnh mai chẳng kém; và như thế là không ổn, bởi vì đó không phải là nét mảnh mai sành điệu, có được nhờ bỏ công thực hiện, các đường nét trên quần áo của bà cho thấy dáng vóc này mới xuất hiện gần đây, trong khoảng thời gian vài tháng qua.
Nhưng ngay cả những chi tiết ấy cũng chỉ là thông tin nền và người đàn ông trạc tuổi bà, đứng ngay sau vai bà cũng là thông tin nền nốt. Chỉ có gương mặt bà là thứ rõ ràng nhất, và cả cặp mắt trên đó, giờ đã đến rất gần. Nó nói lên rất nhiều điều dù chẳng phát ra âm thanh nào.
Bà nhẹ nhàng đặt tay lên má Patrice, mỗi tay một bên, đóng khung mặt cô vào giữa như thể đang phong tước, đang thực hiện lễ ban ơn thiêng liêng. Thế rồi bà lặng im hôn lên môi cô và cô có thể cảm nhận được rằng nụ hôn đó chứa đựng cả một kiếp đời. Kiếp đời của một người đàn ông. Trải qua bao năm tháng mới nuôi dưỡng được một người con trai, từ thuở ấu thơ, thời niên thiếu, rồi trở thành một người đàn ông trưởng thành. Trong nụ hôn ấy có vị mất mát đầy cay đắng của một người, bỗng mất hết tất cả chỉ trong khoảnh khắc. Dấu chấm hết cho mọi hi vọng và biết bao tuần lễ đau thương. Nhưng rồi nỗi mất mát ấy cũng được bù đắp, họ đã tìm thấy một cô con gái, và được bắt đầu lại với một cậu con trai khác, cậu trai nhỏ bé hơn. Không, vẫn với chính người con trai ấy; cùng máu mủ, cùng thịt da. Chỉ có điều cậu ấy đã quay về và bắt đầu lại từ đầu, bị nỗi mất mát làm mọi thứ trở nên buồn khổ hơn, mà cũng ngọt ngào hơn. Và có một mầm hi vọng mới đang đâm chồi.
Nó chứa đựng tất cả những điều ấy. Chúng đã được nó nói ra, chúng đã được nó truyền tải, và chúng được lồng vào trong nụ hôn kia để cô cảm nhận được.
Đây không phải là nụ hôn dưới một mái che ga tàu hỏa; đây là một lời thệ ước nhận nuôi.
Thế rồi bà hôn đứa bé. Và mỉm cười như thể đó là con trai của bà. Và một giọt pha lê nhỏ ban nãy không thấy đâu, giờ đang nằm trên bờ má hồng hào, nhỏ nhắn của thằng bé.
Người đàn ông tiến lên phía trước và hôn lên trán cô. “Ta là cha của con đây, Patrice.”
Ông nghiêng mình tới trước, sau đó lại thẳng người lên, nói, “Để ta mang hành lý của con ra xe.” Ông có phần mừng khi được rời khỏi khoảnh khắc xúc động này, đúng với bản chất đàn ông.
Người đàn bà vẫn chưa nói lời nào. Trong suốt quãng thời gian đứng trước mặt cô, môi bà không thốt ra dù chỉ một chữ. Có thể, bà đã thấy cái vẻ tái nhợt trên mặt cô; đọc được cái vẻ co rúm, lưỡng lự trong mắt cô.
Bà choàng tay quanh cô và kéo cô lại phía mình, chào theo cái kiểu ấm áp hơn, thoải mái hơn, đời thường hơn cái kiểu ban nãy. Bà kéo đầu cô gái lại, để gục lên vai mình một lúc. Và vừa làm như vậy, bà lần đầu mở miệng, thì thầm vào tai cô, để tiếp cho cô can đảm, để cô cảm thấy bình yên.
“Con đã về nhà rồi, Patrice. Chào mừng con trở về nhà, con yêu.” Và chỉ với vài từ vậy thôi, được nói ra đơn giản vậy thôi, mang ý nghĩa bất biến đến vậy thôi, Patrice Hazzard biết cuối cùng cô cũng đã tìm thấy mọi sự tử tế từng tồn tại trên cõi đời này, từ trước đến nay cũng như mãi mãi về sau.
Chương 15
V
ậy ra cảm giác được trở về nhà là như thế này đây; cảm giác được ở dưới một mái nhà riêng, trong một căn phòng riêng là như thế này đây. Bây giờ cô đã thay một chiếc váy khác, sẵn sàng xuống bàn ăn. Cô ngồi đợi trên chiếc ghế bành lưng cao, thế ngồi rất thẳng, trông hơi nhỏ thó trên lưng ghế trải rộng. Lưng cô dựa thẳng vào lưng ghế, chân cô buông xuống dưới sàn rất thẳng, cẩn thận đặt cạnh nhau. Cô đặt tay lên cái cũi mà họ đã mua cho thằng bé, cô đã thấy nó đợi sẵn lúc mới bước vào căn phòng. Thằng bé giờ đang nằm gọn trong cũi. Họ thậm chí đã tính trước đến cả việc này.
Họ để cho cô được ở một mình; cô cần được ở một mình thì mới có thể tận hưởng một cách trọn vẹn như thế này. Vài tiếng sau, cô vẫn còn nhấm nháp, đắm chìm trong nó, hít thở bản chất của nó. Không bút nào có thể tả nổi tác động của nó đối với cô. Đã vài tiếng trôi qua, thế mà thỉnh thoảng đầu cô vẫn chậm rãi quay từ bên này sang bên kia, đầy bao quát, đầy trầm trồ, chiêm ngưỡng bốn bức tường của căn phòng. Và thậm chí còn ngước lên trên, không quên mái trần. Một mái nhà che chở trên đầu. Một mái nhà để ngăn chặn mưa gió, sự lạnh lẽo và cô đơn. Không còn là mái nhà vô danh của căn hộ đi thuê, không phải như vậy. Đây là mái ấm gia đình. Bảo vệ ta, che chở ta, nuôi giữ ta, trông nom ta.
Và đâu đó dưới tầng, loáng thoáng vọng vào cặp tai tinh nhạy của cô, là tiếng nhộn nhịp êm dịu của một bữa cơm tối đang được chuẩn bị. Thỉnh thoảng nó lại khẽ xuất hiện qua tiếng một cánh cửa mở ra, và thêm lần nữa
khi nó đóng lại. Tiếng bước chân hối hả băng qua đoạn sàn gỗ không được trải thảm, rồi lại quay lại. Đôi lúc lại có tiếng lanh canh nhẹ của đồ gốm hay sành sứ. Thậm chí còn có giọng của người quản gia da màu, thoáng nghe rõ rệt như tiếng kèn hiệu. “Không, vẫn chưa sẵn sàng đâu, thưa bà Hazzard; cần thêm năm phút nữa.”
Và theo sau là lời khiển trách trêu đùa, nghe cũng rõ ràng chẳng kém, “Khẽ nào, thím Josie. Chúng ta đang có một em bé trong nhà; có thể nó đang ngủ đấy.”
Có ai đó đang bước lên cầu thang. Họ đang lên cầu thang để thông báo với cô. Cô hơi co người trên chiếc ghế. Giờ cô lại hấy hơi hoảng sợ, hơi lo lắng. Giờ cô sẽ không thể trốn tránh khoảnh khắc giáp mặt như lúc ở ga tàu hỏa. Giờ là cuộc gặp mặt thật sự, là lúc hòa nhập thật sự, là lúc được chào đón vào gia đình thật sự. Giờ là bài kiểm tra thật sự.
“Patrice con ơi, cơm chiều đã sẵn sàng rồi, con xuống lúc nào cũng được nhé.”
Khi ta trở về nhà, trong mái ấm của mình, đến tối ta sẽ được ăn 'cơm chiều'. Khi đến nơi công cộng hay đến nhà ai khác, ta có thể ăn bữa tối. Nhưng vào buổi tối, khi ở nhà mình, ta sẽ ăn 'cơm chiều' và không bao giờ ăn bất cứ thứ gì khác nữa. Tim cô mừng rơn lên như thể cái từ giản đơn đó là một lá bùa hộ mệnh. Cô nhớ đến hồi còn nhỏ, những năm tháng ngắn ngủi ấy kết thúc quá lẹ làng… Và tiếng gọi ăn cơm chiều, chỉ có cơm chiều thôi, không bao giờ ăn thứ gì khác.
Cô nhảy khỏi cái ghế và chạy ra mở cửa. “Con sẽ… con sẽ mang thằng bé xuống cùng, hay để nó nằm trong cũi cho đến khi con quay lại ạ?” cô hỏi, nửa háo hức, nửa lưỡng lự. “Con đã cho nó bú lúc năm giờ rồi mẹ ạ.”
Mẹ Hazzard nghiêng đầu thích thú. “Ồ, sao con không đưa thằng bé xuống cùng nhỉ, chỉ tối nay thôi? Hôm nay là buổi tối đầu tiên. Không cần phải vội đâu, con yêu, hãy cứ từ tốn.”
Một lúc sau, khi ra khỏi phòng, tay bồng đứa bé, cô dừng lại mấy giây, nấn ná miết ngón tay bên mép cánh cửa. Chỗ cô vuốt lên vuốt xuống không phải nơi có tay nắm cửa, mà là cái phần mặt liền.
“Canh chừng căn phòng giúp ta nhé,” cô kín đáo thì thầm. “Ta sẽ quay lại ngay. Hãy coi chừng nó. Đừng để ai… Nhé?”
Khi bắt đầu bước xuống cầu thang, cô biết về sau mình sẽ còn leo những bậc cầu thang này hàng trăm lần nữa. Cô rồi sẽ có lúc vội vã bước xuống, cô rồi sẽ có lúc chậm rãi bước xuống. Cô rồi sẽ có lúc bước xuống trong vui vẻ, sung sướng. Và có thể cô rồi sẽ có lúc bước xuống trong sợ hãi, lo âu. Nhưng bây giờ, tối nay, đây là lần đầu tiên cô bước xuống cầu thang này.
Cô ôm chặt thằng bé vào người và dò dẫm bước đi, bởi đối với cô những bậc thang này còn mới lạ, cô vẫn chưa quen với kích thước, với cảm giác mà chúng mang lại và cô không muốn bị sẩy chân.
Họ đứng quanh phòng ăn đợi cô. Không phải kiểu cứng nhắc, nghiêm nghị như mấy ông sĩ quan huấn luyện trong quân đội, mà là theo kiểu thoải mái tự nhiên, như thể không ý thức được mình đang tiếp đón cô trịnh trọng thế nào. Mẹ Hazzard đang rướn người phía trước, chỉnh nốt cái bàn, dịch thứ gì đó lại một tí. Cha Hazzard đang ngước nhìn về phía mấy ngọn đèn qua cặp kính vừa dùng để đọc sách ban nãy và lau sạch nó trước khi cất vào hộp. Còn có một người thứ ba trong phòng, người mà lúc cô bước vào thì đang quay lưng lại phía cô, lén lấy viên đậu phộng muối từ cái đĩa trên bàn.
Lúc nghe tiếng cô bước vào, anh quay về phía trước và trả lại viên đậu phộng. Trông anh có vẻ trẻ trung, cao ráo và thân thiện, và mái tóc thì… Một màn trập máy ảnh kêu đánh tách một tiếng trong tâm trí cô, và cuộn phim lăn lên trước.
“Cháu trai của chúng ta kia rồi!” Mẹ Hazzard vui sướng thốt lên. “Đích thân cậu trẻ xuống kìa! Nào, con hãy đưa thằng bé cho mẹ. Chắc con biết
người này là ai rồi chứ?” Và rồi bà nói thêm, như thể ngay cả lời giải thích gọn lỏn như vậy cũng hoàn toàn không cần thiết, “Bill.”
Nhưng đó là ai. Cô băn khoăn. Từ nãy giờ họ vẫn chưa nói gì cả. Anh tiến lên trước, và cô không biết phải làm gì, bởi anh gần bằng tuổi cô. Cô chìa tay ra nửa chừng, thầm hi vọng nếu cử chỉ này quá nghiêm túc, cũng sẽ không bị ai chú ý.
Anh nắm lấy tay cô, nhưng không phải để bắt tay. Thay vào đó, anh ấp nó trong hai tay mình, ủ ấm nó trong giây lát.
“Chào mừng chị trở về nhà, chị Patrice,” anh nói lặng lẽ. Và lúc nói điều này, ánh mắt nhìn thẳng, không chút dao động của anh mang vẻ gì đó khiến cô cảm tưởng trước giờ mình chưa từng được nghe ai nói điều gì thành thật, đơn giản, và trung thực đến vậy.
Và chỉ vậy thôi.
Mẹ Hazzard nói, “Từ bây giờ con sẽ ngồi ở đây nhé.”
Cha Hazzard nói một câu ngắn gọn, “Chúng ta rất vui, Patrice à,” và ngồi vào đầu bàn.
Còn anh chàng Bill, người không rõ là ai kia, ngồi đối diện cô. Bà quản gia da màu dành một phút dõi mắt nhìn qua cánh cửa và mỉm cười rạng rỡ. “Trông vậy mới ổn chứ! Đây đúng là điều mà cái bàn này cần bấy lâu nay. Vậy là cái ghế trống đã có ng…”
Thế rồi bà ta vội vã ngưng lại, hoảng hốt úp bàn tay lên miệng, và rời đi.
Mẹ Hazzard liếc xuống cái đĩa tầm một giây, rồi ngay lập tức ngước lên và mỉm cười, nỗi đau đã biến mất, nó không được phép nấn ná lưu lại nơi đây.
Họ không nói điều gì đặc biệt. Suốt bữa ăn, không ai nói điều gì đặc biệt. Trái tim mới là thứ phát ngôn chứ không phải bộ não, và nó nói chuyện với những trái tim khác quanh mình. Được một lúc thì cô quên
chuyện dè chừng lời lẽ, quên suy xét, cân nhắc. Mái ấm là như vậy đó, mái ấm chính là như vậy. Lời lẽ tuôn ra từ cô dễ dàng như tuôn ra từ bọn họ. Cô biết đó là điều mà họ đang cố giúp cô thực hiện. Và họ đang thành công. Sự lạ lẫm đã cùng với chỗ súp biến mất, không hẹn ngày trở lại. Không một thứ gì có thể đưa nó trở lại được nữa. Có thể sẽ có những vấn đề khác nảy sinh, dù cô hi vọng chúng sẽ không xuất hiện. Nhưng cái cảm giác lạ lẫm, cái sự bất an vì lạ nước lạ cái sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Họ đã thành công.
“Em hi vọng chị không thấy cái cổ trắng trên váy có vấn đề gì, chị Patrice. Em cố ý chọn những bộ ít sắc màu, em không muốn chị bị quá…” “Ồ, mấy bộ ấy dễ thương lắm. Thực ra thì trước khi bỏ đồ ra khỏi va li, chị còn chưa xem được quá nửa.”
“Thứ duy nhất em lo là kích thước, nhưng cô y tá của chị đã gửi cho em toàn bộ…”
“Giờ chị nhớ ra rồi, có hôm chị ấy đã lấy thước dây ra đo khắp người chị, nhưng không cho chị biết làm thế để làm gì…”
“Chị thích loại nào, chị Patrice? Sáng màu hay sẫm màu?” “Thực ra thì không.”
“Không, con cứ nói cho nó nghe đi, con yêu; từ nay về sau nó sẽ không phải hỏi lại con nữa.”
“Thế thì chị nghĩ là sẫm màu.”
“Vậy là chị và em giống nhau.”
Anh kiệm lời hơn ba người còn lại. Cô có thể cảm nhận được anh có phần hơi nhút nhát. Không phải là anh bị căng thẳng hay quá ngần ngại gì. Có thể bản tính anh như vậy; bản tính im lặng, không phô trương.
Vấn đề lúc này là, chính xác thì anh chàng này là ai? Giờ thì cô không thể hỏi thẳng ra được. Cô đã lờ đi ngay từ đầu, và đã muộn mất hai mươi phút để hỏi câu đó rồi. Không ai nhắc đến họ của anh chàng này, thế nên
chắc hẳn anh là…
Mình sẽ sớm biết thôi, cô tự trấn an bản thân. Chắc chắn là như vậy. Cô không còn sợ nữa.
Có lần, lúc đưa mắt về phía anh ta, cô thấy anh nhìn mình, và cô tự hỏi anh đang nghĩ gì trong đầu. Ấy nhưng sẽ là tự dối mình nếu không thừa nhận rằng cô biết rõ, rằng cô có thể nhận ra thông qua những đường nét còn lưu lại trên khuôn mặt anh. Khi ấy, anh nghĩ rằng cô có một gương mặt ưa nhìn, rằng anh thích nó.
Và rồi một lúc sau anh nói, “Cha à, đưa giúp con cái bánh mì qua đây với nhé.”
Thế là cô đã biết anh là ai.
Chương 16
N
hà thờ Tân giáo St. Bartholomew, nơi tụ họp giao thiệp nổi tiếng nhất trong số tất cả các nhà thờ ở Caulfield, vào một sáng Chủ nhật tháng Tư vàng óng.
Cô đứng cạnh bình đựng nước thánh, tay ôm con trai, người nhà và bạn bè thân thiết của họ đứng ngay bên cạnh.
Họ dứt khoát yêu cầu làm chuyện này. Cô thì chẳng muốn. Cho đến nay, cô đã trì hoãn tận hai lần, suốt hai Chủ nhật liền nhau, mặc dù mọi thứ đều đã được thu xếp. Lần đầu cô viện cớ bị nhiễm cảm mặc dù thực ra thì không. Lần hai thì lấy cớ đứa bé bị cảm nhẹ, và đúng là nó bị cảm thật. Hôm nay cô không thể trì hoãn thêm nữa. Kiểu gì thì cuối cùng họ cũng sẽ nhận thấy cô cố tình nại cớ.
Cô gục đầu xuống, chủ yếu nghe buổi lễ chứ không quan sát gì mấy. Như thể cô sợ phải công khai quan sát nó. Như thể cô sợ mình sẽ lập tức bị sét đánh cho ngã lăn xuống trước mặt tất cả mọi người vì cái tội báng bổ của mình.
Cô đội chiếc mũ rộng vành làm từ lông đuôi ngựa, có thể nhìn xuyên qua được phần nào, và nó đã hỗ trợ cô, giúp che mắt và phần trên khuôn mặt trong lúc cô gục đầu xuống.
Có lẽ mọi người sẽ nghĩ cô đang nhớ lại những ký ức đau thương. Đang buồn khổ.
Nhưng thực ra thì cô cảm thấy tội lỗi. Nhục nhã. Không đủ dày mặt để
nghênh ngang theo dõi cái trò nhạo báng này.
Một đôi tay chìa về phía cô, đỡ lấy đứa bé từ cô. Cánh tay của người đỡ đầu. Cô đưa thằng bé cho bà, đỡ lấy cái áo lễ ren dài mà - cô tí nữa thì nói là 'cha thằng bé' - một người lạ mặt có tên Hugh Hazzard đã từng mặc, và cha của anh ta, Donald, đã từng mặc trước anh ta.
Sau đó thì cô cảm thấy tay mình trống rỗng lạ thường. Cô muốn ấp chúng lên ngực để che chắn, như thể cô đang trần như nhộng. Cô gồng người lên để ép mình không làm như vậy. Thứ trần trụi không phải là cơ thể, mà là lương tâm cô. Cô lặng lẽ buông tay, hai tay nắm lấy nhau, mắt nhìn xuống.
“Hugh Donald Hazzard, ta rửa tội cho con…”
Họ đã diễn trò hỏi xem cô thích như thế nào. Đối với cô thì đây là một trò hề; nhưng với họ thì không. Tất nhiên cô muốn đứa bé được lấy tên của Hugh, đúng không? Vâng, cô e dè nói, đặt theo tên của Hugh. Thế còn tên đệm thì sao? Đặt theo tên cha cô à? Hoặc có thể hai tên đệm, mỗi ông một tên? (Thực ra khi ấy cô chẳng thể nào nhớ nổi tên của cha mình. Phải một thời gian sau cô mới nhớ lại được, mà phải rất khó khăn. Mike - một ông phu cất hàng, to lớn, gần như chẳng nhớ nổi dáng hình, bị giết trong một trận ẩu đả say xỉn tại Embarcadero hồi cô mới 10 tuổi).
“Một tên đệm là được rồi ạ. Đặt theo tên cha của Hugh,” cô e dè nói. Cô cảm thấy mặt mình bỏng rát và biết rằng nó hẳn đang đỏ bừng lên vì xấu hổ. Không thể để cho họ thấy được. Cô cúi ghì đầu xuống. “… Nhân danh Cha, và Con, và Thánh thần. Amen.”
Vị mục sư nhỏ vài giọt nước lên đầu đứa bé. Cô có thể thấy một, hai giọt bị rơi xuống sàn, thẫm thành những đốm như đồng xu. Một đồng mười xu, một đồng năm xu, hai xu… Mười bảy xu.
Đứa bé bắt đầu gào lên phản đối, hệt như vô số đứa bé khác từ suốt bao đời nay. Đứa bé đến từ một gian nhà thuê có kèm đồ đạc ở New York, giờ
"""