"
Kẻ Khủng Bố - John Hoyer Updike PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kẻ Khủng Bố - John Hoyer Updike PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
KẺ KHỦNG BỐ
Tác giả: John Updike
Người dịch: Huỳnh Kim Oanh & Phạm Viêm Phương Phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 04/2017
—★—
ebook©vctvegroup
23/03/2020
Hỡi Đức Jehovah, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất lấy sự sống tôi; vì về phần tôi, chết còn hơn sống!
Đức Jehovah trả lời cùng người rằng: Ngươi giận có nên không?
- John 4:3-4
Sự hoài nghi có sức đề kháng hơn đức tin bởi vì nó được giữ vững bằng giác quan.
- GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ
Del amor y otros demonios
(Về tình yêu và những con quỷ khác)
I
L
ũ ma quỷ, Ahmad nghĩ. Lũ ma quỷ này tìm cách tước đi Thượng Đế của mình. Suốt cả ngày, tại trường Trung học Trung tâm, lũ con gái cứ lắc lư, bỡn cợt và phô bày thân thể mềm mại và mái tóc quyến rũ. Những mảng bụng trần, được trang điểm bằng những chiếc khuyên rốn lấp lánh và những hình xăm màu tím tuốt dưới thấp, như muốn hỏi, Còn có thể thấy gì thêm? Bọn con trai đi khệnh khạng hay tà tà khắp nơi, trông đầy vẻ chán đời, cho thấy qua những cử chỉ xã hội đen ngổ ngáo và tiếng cười khinh miệt bất cần rằng nơi đây là cả thế giới - một hành lang chính bóng lộn ồn ào với những hàng tủ cá nhân bằng kim loại chạy dài và cuối phòng, một bức tường trống bị bôi bẩn bởi tranh vẽ nguệch ngoạc và bị sơn xóa lăn qua quá thường xuyên đến độ trông như dày lên mấy li.
Các giáo viên, những tay Do Thái bỏ giáo luật và Cơ Đốc giáo nhu nhược, trình diễn một màn dạy dỗ đức hạnh và tính khắc kỷ công chính, nhưng ánh mắt láo liên và giọng nói rỗng tuếch tố cáo sự thiếu vắng niềm tin ở họ. Họ được thành phố New Prospect và bang New Jersey trả lương để nói những điều này. Họ thiếu đức tin thực sự; họ không đi trên Chính Đạo; họ ô uế. Ahmad và hai ngàn học sinh khác có thể thấy họ sau giờ học hối hả chui vào xe trên bãi xe nứt nẻ, vương vãi rác, giống như những con cua nhợt nhạt hoặc sẫm màu rụt vào mai, họ chỉ là những đàn ông đàn bà giống như bất kỳ ai khác, đầy thèm khát và sợ hãi, và mê đắm những thứ có
thể mua được. Bọn ngoại giáo, chúng nghĩ sự an toàn nằm ở việc tích trữ những thứ của trần thế này, và ở những trò tiêu khiển suy đồi trên tivi. Họ là nô lệ cho hình ảnh, những hình ảnh giả tạo về hạnh phúc và sung túc. Mà thậm chí cả hình ảnh thực cũng là những bản mô phỏng tội lỗi về Thượng Đế, đấng duy nhất có khả năng sáng tạo. Nhẹ nhõm khi lành lặn thoát khỏi đám học sinh của họ được thêm một ngày nữa, đám giáo viên cất tiếng chào tạm biệt nơi hành lang và trong bãi xe nghe quá lớn, giống như cơn hào hứng dâng cao của bọn say xỉn. Các giáo viên bù khú với nhau sau khi rời trường. Nhiều người trong bọn họ có mí mắt đỏ ửng, hơi thở nồng nặc và thân hình béo phị của những kẻ quen uống rượu quá nhiều. Một số đã ly dị; một số sống với người khác không cưới hỏi. Cuộc sống bên ngoài trường của họ bừa bãi, phóng đãng và bê tha. Họ được chính quyền bang dưới Trenton, và chính quyền ma quỷ ở xa nữa dưới tận Washington, trả lương để truyền bá những giá trị dân chủ và đức hạnh, nhưng những giá trị mà họ tin thì vắng bóng Thượng Đế: sinh học, hóa học và vật lý. Giọng nói giả dối của họ dựa vững chắc vào dữ kiện và công thức của mấy thứ đó, vang vọng vào lớp học. Họ nói rằng tất cả xuất phát từ những nguyên tử mù lòa không chút từ bi, đã tạo ra sức nặng lạnh lùng của sắt, độ trong suốt của thủy tinh, vẻ tĩnh ì của đất sét, sự khích động của da thịt. Những điện tử tuôn chạy qua dây đồng và cổng máy tính và cả không khí bị kích thích, sinh ra tia chớp do tương tác của những giọt nước li ti. Chỉ những gì chúng ta có thể đo lường và suy diễn từ phép đo là có thật. Những thứ còn lại chỉ là giấc mơ thoáng qua mà chúng ta gọi là bản ngã của mình.
Ahmad mười tám. Đang là đầu tháng Tư; màu xanh, từng hạt từng hạt, lần nữa lại lẻn vào những khe hở có đất của thành phố xám xịt này. Cậu nhìn xuống từ tầm cao mới mẻ của mình và nghĩ rằng, đối với lũ côn trùng bé xíu trong cỏ, nếu chúng có ý thức giống như cậu, thì cậu cứ như là Thượng Đế. Trong năm qua cậu đã cao được cỡ tám phân, tới hơn mét tám - lại thêm những lực lượng vật chất vô hình, đang tác động ý chí của chúng lên cậu. Cậu sẽ không cao thêm nữa, cậu nghĩ, dù ở thế giới này hay thế giới bên kia. Nếu có thế giới bên kia, một con quỷ bên trong lầm bầm. Chứng cứ nào ngoài những lời dữ dội do thánh thần truyền tới cho Đấng Tiên tri Mohammed chứng minh rằng có thế giới bên kia? Nó ẩn giấu ở đâu? Ai sẽ đốt mãi mãi những nồi hơi của Địa ngục? Nguồn năng lượng vô tận nào sẽ duy trì Vườn địa đàng lộng lẫy, nuôi dưỡng những tiên nữ mắt huyền, làm căng mọng những trái cây trĩu nặng, làm hồi sinh những dòng suối và vòi nước phun mà ở đó Thượng Đế, như được mô tả trong chương chín của kinh Qur’an, tận hưởng niềm hoan lạc vĩnh cửu? Thế còn định luật thứ nhì của nhiệt động lực học thì sao?
Cái chết của bọn côn trùng và sâu bọ - thân xác của chúng bị đất, cỏ dại và nhựa đường hấp thụ nhanh chóng làm sao - nỗ lực một cách tai ác để nói với Ahmad rằng cái chết của chính cậu cũng sẽ nhỏ nhoi và dứt khoát như vậy. Đi bộ đến trường, cậu đã lưu ý thấy một dấu hiệu, một hình xoắn ốc in dấu trên vỉa hè bằng chất dịch màu vàng lấp lánh, chất nhầy đẹp đẽ từ thân thể của sinh vật cấp thấp nào đó, một con giun hay con ốc sên, mà chỉ dấu vết này là còn lại. Sinh vật này đang đi đâu, trên đường đi xoắn vào mà
chẳng tới mục đích nào? Nếu tìm cách rời khỏi lề đường nóng hổi đang nướng nó chí tử bằng ánh nắng thiêu đốt thì nó đã thất bại và di chuyển thành những vòng tròn định mệnh. Nhưng không có cái xác sâu nhỏ bé nào nằm lại giữa hình xoắn ốc đó cả.
Vậy thì cái xác đó bay đi đâu? Có lẽ nó đã được Thượng Đế chụp lấy mang thẳng đến Thiên đường. Thầy giáo của Ahmad, Shaikh Rashid, thầy tế tại thánh đường trên lầu nhà số 2781½ phố West Main, nói với cậu rằng theo những truyền thuyết thiêng liêng Hadith những chuyện như thế có xảy ra: Đấng Tiên tri Mohammed cưỡi con ngựa Buraq trắng có cánh, được thiên thần Gabriel dẫn qua bảy tầng trời đến một nơi, ở đó Ông cầu nguyện cùng Jesus, Moses và Abraham trước khi trở lại Trái đất, để trở thành vị ngôn sứ cuối cùng, ngôn sứ tối hậu. Chuyến đi của Ông ngày hôm đó đã được chứng minh bằng vết móng ngựa, sắc nét và rõ ràng, mà Buraq để lại trên Tảng đá bên dưới Mái vòm thiêng liêng ngay trung tâm thành phố Al-Quds, nơi bọn ngoại giáo và lũ phục quốc Do Thái gọi là Jerusalem - những nỗi khốn khổ của chúng trong lò lửa địa ngục Jahannan đã được mô tả rất rõ trong các chương bảy, mười một và năm mươi của pho Sách đứng đầu các Sách.
Shaikh Rashid đọc to với giọng phát âm tuyệt vời chương một trăm lẻ bốn, nói về Hutama, Lửa Hủy diệt:
Và điều gì cho ngươi biết Hutama là gì?
Đó là lửa của Allah, được nhúm lên thành ngọn,
Sẽ bốc cao lên tận quả tim;
Quả thật, lửa sẽ vây kín chúng lại;
Bên trong các cột lửa cháy tỏa rộng.
Khi Ahmad tìm cách từ những hình ảnh trong thứ tiếng Ả Rập dùng trong kinh Qur’an - các cột lửa cháy tỏa rộng, fī ‘amadin mumaddada, và khung vòm cao bên trên trái tim của những kẻ rúm ró trong nỗi kinh hoàng và căng mắt nhìn vào lửa được nhúm lên thành ngọn, nāru’l-laāhi ‘l-mūqada - chắt lọc ra dấu hiệu nào đó rằng Đấng rất mực khoan dung tại thời điểm nào đó từng nguôi giận, và cho Hutama tạm tắt đi, thì ông thầy tế cụp mắt xuống, cặp mắt có màu xám nhạt bất ngờ, mờ đục và khó đoán như đôi mắt của một phụ nữ da đen, và nói rằng những mô tả có tính linh thị của Đấng Tiên tri Mohammed chỉ là cách nói hình ảnh. Thực ra chúng nói về nỗi khốn khổ cùng cực khi bị tách khỏi Thượng Đế và lòng ăn năn cháy bỏng của chúng ta vì những tội lỗi đi ngược lại lời răn dạy của Ngài. Nhưng Ahmad không thích giọng của Shaikh Rashid khi ông ta nói điều này. Nó khiến cậu nhớ lại giọng nói thiếu thuyết phục của các giáo viên tại trường Trung học Trung tâm. Cậu nghe thấy tiếng nói của Satan ngấm ngầm trong đó, một giọng phủ nhận ẩn trong một giọng khẳng định. Đấng Tiên tri quả muốn nói đến lửa thực hữu khi Ông rao giảng về ngọn lửa không khoan dung; Mohammed có tuyên bố về ngọn lửa vĩnh cửu bao nhiêu lần cũng không đủ.
Shaikh Rashid không hơn Ahmad nhiều tuổi lắm - có lẽ mười tuổi, có lẽ hai mươi. Ông ta không có mấy nếp nhăn trên da mặt trắng trẻo. Ông ta e dè nhưng lại dứt khoát trong động tác. Trong những năm ông ta sống trước cậu, thế giới đã làm ông ta yếu mềm. Khi giọng điệu thầy tế trở nên nhuốm màu tiếng lầm bầm của lũ ma
quỷ đang gặm nhấm bên trong ông ta, Ahmad cảm thấy trong bản thân mình một khao khát muốn bật dậy mà bóp nát ông ta, như Thượng Đế đã nướng con giun tội nghiệp giữa hình xoắn ốc đó. Lòng tin của cậu học trò lớn gấp nhiều lần lòng tin của người thầy; Shaikh Rashid sợ không dám cưỡi con ngựa trắng có cánh của đạo Hồi giáo, sợ sức lao tới mạnh mẽ không cưỡng lại được của nó. Ông ta tìm cách làm dịu đi những lời của Đấng Tiên tri, làm cho chúng hòa vào với lý trí con người, nhưng chúng tự bản chất là không thể hòa lẫn được: chúng xâm phạm vào sự yếu mềm phàm trần của chúng ta như một lưỡi gươm. Đấng Allah là siêu việt vượt ra ngoài mọi cái riêng biệt. Không có Thượng Đế nào khác ngoài Người, Đấng Hằng sống, Đấng Tự tại; Người là ánh sáng mà so với nó mặt trời như đen thui. Người không hòa lẫn với lý trí của chúng ta mà làm cho lý trí của chúng ta phải phủ phục, trán lầm trong bụi và, giống như Cain, mang theo dấu ấn của bụi đó. Mohammed là một người phàm nhưng đã viếng thăm Thiên đàng và đàm đạo cùng các thực thể ở đó. Hành vi và suy nghĩ của chúng ta được viết trong tâm thức của Đấng Tiên tri bằng những chữ vàng, giống như những ngôn từ cháy sáng bằng điện tử mà máy vi tính tạo ra từ những điểm ảnh khi chúng ta gõ lên bàn phím.
Những hành lang của trường trung học bốc mùi nước hoa và hơi người, mùi kẹo cao su và thức ăn ô uế ở căng tin, và mùi của quần áo - vải bông vải len và chất liệu tổng hợp của những đôi giày chạy bộ, được sưởi ấm bằng da thịt trẻ trung. Giữa các giờ học ầm vang tiếng chuyển động; tiếng ồn được kéo trải mỏng che trên cái bạo
lực bên dưới, hầu như không kiềm chế được. Đôi khi trong cơn yên ắng vào cuối ngày học, khi cái huyên náo đắc thắng, chế giễu lúc tan học đã lắng xuống và chỉ những học sinh theo các hoạt động ngoại khóa là còn ở lại trong tòa nhà to lớn này, Joryleen Grant lại bước tới chỗ Ahmad tại tủ đồ của cậu. Vào mùa xuân cậu tập chạy bộ; cô bé tham gia câu lạc bộ hát bè của nữ sinh. So với mặt bằng chung của đám học sinh trường Trung tâm, chúng được coi là “ngoan”. Niềm tin tôn giáo giúp cậu tránh xa ma túy và thói hư tật xấu, tuy nó cũng khiến cậu hơi xa cách các bạn cùng lớp và những môn trong chương trình học. Cô bé lùn, tròn trịa và nói năng giỏi trong giờ học, làm hài lòng thầy cô. Có một vẻ tự tin dễ mến trong hình dáng tròn trịa màu nâu cacao của cô bé, được bó khít gọn gàng trong quần áo, mà hôm nay là cái quần bò được vá đắp và đính cườm, đã sờn đến bạc màu nơi bàn tọa, và chiếc áo sọc gân đỏ tươi ngắn ngủn vừa khoét sâu vừa cắt cụt cao hơn mức bình thường. Mấy chiếc kẹp nhựa màu xanh cố gắng kéo thẳng mái tóc bóng mượt của cô bé ra sau đầu; vành tai phải mũm mĩm đeo một dãy những khoen bạc nhỏ. Cô hát trong những chương trình họp mặt học sinh, những bài hát về Jesus hoặc về khát khao tình dục, cả hai đề tài đều thật ghê tởm đối với Ahmad. Nhưng cậu hài lòng thấy cô bé để ý đến cậu, thỉnh thoảng đến bên cậu giống như thúc lưỡi kiểm tra một cái răng nhạy cảm.
“Vui lên nào, Ahmad,” cô chọc cậu. “Mọi việc đâu có tệ như thế.” Cô bé so cái vai nửa trần, như thể nhún vai, để cho thấy cô đang đùa.
“Mọi chuyện không hề tệ,” cậu nói. “Tôi không buồn,” cậu nói với
cô bé. Thân hình dài ngoẵng của cậu ngứa ngáy bên dưới lớp áo quần - sơ mi trắng, quần bò đen bó - bởi vừa tắm xong sau buổi tập chạy bộ.
“Trông cậu quá nghiêm nghị,” cô bé nói. “Cậu phải học cách cười nhiều hơn.”
“Tại sao? Tại sao tôi phải vậy, Joryleen?”
“Người ta sẽ thích cậu hơn.”
“Tôi không quan tâm chuyện đó. Tôi không muốn người ta thích.” “Cậu có quan tâm,” cô bé nói với cậu. “Ai cũng quan tâm hết.” “Cậu quan tâm thì có,” cậu nói với cô bé, cười nhạo cô từ tầm
cao mới đây vừa đạt được. Nửa trên bộ ngực của cô đội lên như hai vết rộp to tướng bên trong cổ áo khoét sâu của cái áo hở hang mà mép phía dưới lại bày ra lớp mỡ bụng và đường viền quanh cái rốn sâu hoắm. Cậu mường tượng thân thể mượt mà của cô, sậm hơn màu kẹo caramel nhưng nhạt hơn sô cô la, bị nướng trong vòm lửa đó và bị cháy thành những vết bỏng rộp; cậu cảm thấy một cơn rùng mình thương hại, vì cô bé đang cố thân thiện với cậu, theo đúng ý tưởng của cô về chính mình. “Hoa hậu được ưa thích ạ,” cậu nói đầy khinh bỉ.
Điều này làm tổn thương cô, và cô quay đi, những cuốn sách dày để mang về nhà thúc lên ngực cô, khiến khe ngực trũng sâu hơn. “Cậu là đồ cà chớn, Ahmad,” cô bé nói, vẫn còn chút dịu dàng nào đó, như thăm dò, môi dưới cô vì sức nặng mềm mại hơi trễ xuống một chút. Nước bọt ở chân răng cô lấp láy do ánh sáng phản chiếu từ những bóng đèn huỳnh quang trên đầu luôn giữ cho hành lang sáng sủa và an toàn. Để cứu vãn cuộc đốp chát này, dù cô đã quay
đi để kết thúc, Joryleen nói thêm, “Cậu không quan tâm, cậu cũng không cố tình làm cho mình dễ coi hơn với một cái sơ mi trắng sạch mỗi ngày, giống như một tay thuyết giáo ấy. Cứ phải ủi đồ như thế làm sao mà mẹ cậu chịu được kia chứ?”
Cậu không thèm giải thích rằng bộ đồ ấy đã được tính toán kỹ nhằm phát ra một thông điệp không tham chiến, tránh xa cả màu xanh, màu của bọn Rebel, băng nhóm Mỹ gốc Phi ở trường Trung tâm, lẫn màu đỏ, màu luôn luôn xuất hiện ở bọn Diabolos, băng nhóm gốc Tây Ban Nha, dù chỉ là trên thắt lưng hoặc băng buộc đầu. Cậu cũng không nói với cô bé rằng mẹ cậu hiếm khi ủi quần áo, vì chị làm hộ lý tại bệnh viện cộng đồng Saint Francis và những lúc còn lại làm họa sĩ, gặp mặt con trai chưa tới một tiếng mỗi hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Sơ mi của cậu được tiệm giặt ủi hồ cứng rồi giao lại, và cậu thanh toán cho họ bằng tiền kiếm được nhờ đứng quầy tại cửa hàng Shop-a-Sec phố 10, hai buổi tối mỗi tuần, cũng như vào cuối tuần và những ngày lễ Cơ Đốc giáo, khi hầu hết bọn con trai ở tuổi cậu lang thang trên đường phố tìm chuyện quậy phá. Nhưng cậu biết, trang phục của cậu cũng chứa đựng sự phù phiếm, một sự chải chuốt xúc phạm sự tinh khiết của Đấng Bao quát.
Cậu có cảm giác rằng Joryleen không chỉ cố trở nên thân thiện: cậu gợi lên trong cô sự tò mò. Cô muốn đến gần để ngửi được cậu kỹ hơn, dù cô đã có bạn trai, một thằng “hư” có tiếng. Phụ nữ là con thú dễ dẫn dắt, Ahmad đã từng được Shaikh Rashid cảnh báo, và chính cậu cũng có thể thấy rằng trường trung học này và thế giới bên ngoài nó đầy chuyện hít ngửi - những con thú mù lòa giữa một
bầy đang đâm sầm vào nhau, tìm kiếm một mùi có thể làm chúng dễ chịu. Nhưng kinh Qur’an nói rằng không có sự dễ chịu nào ngoại trừ sự dễ chịu dành cho những người tin vào Thiên đường chưa ai thấy và tuân theo giáo luật cầu nguyện năm lần một ngày, mà Đấng Tiên tri đã mang về trái đất sau cuộc dạ hành trên tấm lưng rộng trắng toát của con Buraq.
Joryleen vẫn nhất định đứng yên đó, quá gần cậu. Mùi nước hoa của cô bé tắc lại trong mũi, đường khe giữa bộ ngực cô làm cậu khó chịu. Cô xốc lại mấy cuốn sách nặng trịch trong tay. Ahmad đọc trên mép cuốn sách giáo khoa dày nhất những từ viết bằng bút bi JORYLEEN GRANT. Môi cô bé, được tô màu hồng kim loại óng ánh làm cho có vẻ mỏng hơn, làm cậu giật mình khi mở ra ấp úng đầy bối rối. “Điều tớ muốn nói với cậu,” cô thổ lộ, ngập ngừng đến độ cậu phải nghiêng xuống cô để nghe rõ hơn, “là không biết cậu có muốn đến nhà thờ vào Chủ nhật này để nghe tớ hát đoạn solo trong ca đoàn không.”
Cậu giật mình, ghê tởm. “Tôi không cùng đạo với cậu,” cậu nghiêm mặt nhắc cô bé.
Phản ứng của cô lại vui vẻ, vô tư. “Ồ, tớ không đặt nặng mấy chuyện đó,” cô nói. “Tớ chỉ thích hát thôi.”
“Bây giờ cậu đã làm tôi buồn rồi đó, Joryleen,” Ahmad nói. “Nếu không coi trọng tôn giáo của mình thì cậu không nên đến nhà thờ.” Cậu đóng sầm tủ đựng đồ lại với vẻ giận dữ, phần lớn là giận chính mình vì đã gắt gỏng và khước từ cô, trong khi cô đã đưa ra lời mời và do đó, đã tự đặt mình vào vị trí dễ tổn thương. Mặt nóng bừng vì bối rối, cậu quay lưng lại chiếc tủ cá nhân vừa mới dập cửa để xem
xét thiệt hại mình vừa gây ra, và cô đã bỏ đi, cái mông quần bò sờn mòn và lấp lánh cườm sột soạt vô tư dọc theo hành lang. Thế giới thật khó khăn, cậu nghĩ, bởi vì ma quỷ làm đủ trò trong đó, làm rối tinh mọi thứ, làm cho kẻ ngay thẳng trở nên cong vẹo.
Khi được xây dựng vào thế kỷ trước, thế kỷ 20 theo cách tính của người Cơ Đốc giáo và thế kỷ 14 kể từ cuộc vượt thoát của Đấng Tiên tri Mohammed từ Mecca đến Medina, ngôi trường trung học trên gò nhỏ này vươn cao bên trên thành phố giống như một lâu đài, một cung điện học thức dành cho con cái của cả công nhân nhà máy lẫn giới quản lý, với những hàng cột và đường gờ trang trí công phu và một châm ngôn được khắc vào đá hoa cương, KIẾN THỨC LÀ TỰ DO. Bây giờ, tòa nhà ấy, đầy những vết sứt sẹo và amiăng lở lói, sơn pha chì cứng sáng bóng và những cửa sổ cao đóng lưới, nằm bên rìa một hồ gạch vụn rộng vốn từng là một phần khu trung tâm vằn vện những đường ray xe điện uốn lượn. Những đường ray này lấp lánh trong những ảnh chụp cũ, giữa những người đàn ông đội nón rơm đeo cà vạt và những chiếc xe hơi vuông chằn chặn thảy đều mang màu sắc xe tang. Quá nhiều bảng hiệu rạp chiếu phim nhô ra trên lề đường hồi ấy, quảng cáo những siêu phẩm Hollywood cạnh tranh nhau, đến độ người ta có thể phóng từ dưới bảng này sang bảng kế trong mưa bão mà hầu như không bị ướt. Thậm chí có một nhà vệ sinh công cộng ngầm dưới đất, treo biển QUÝ BÀ và QUÝ ÔNG bằng chữ sứ kiểu xưa, đi vào bằng hai cầu thang khác nhau từ lề đường phố East Main tại đại lộ Tilden. Mỗi bên có một người phục vụ già coi sóc, giữ cho nhà vệ sinh và
bồn rửa sạch sẽ; những cơ sở này bị đóng cửa vào thập niên 1960, sau khi biến thành hang ổ bốc mùi dành cho những vụ buôn bán ma túy, những tay dắt mối bạn tình đồng tính, những cuộc mua bán dâm và đôi khi trấn lột.
Thành phố này được đặt tên New Prospect cách nay hai thế kỷ, do tầm nhìn bao quát từ đỉnh cao bên trên con thác và cũng do tương lai của nó mà người ta phấn chấn mường tượng ra. Con sông chảy qua đó, với cái thác đẹp như tranh và đoạn ghềnh chảy xiết, sẽ thu hút ngành công nghiệp, đó là ý nghĩ khi đất nước còn non trẻ, và quả là, cuối cùng, sau nhiều khởi đầu thất bại và những vụ vỡ nợ, nó đã làm được điều đó - những nhà máy dệt, những xưởng nhuộm lụa, những lò thuộc da, những công xưởng làm ra đầu máy xe lửa, những xe không cần ngựa kéo và dây cáp để treo những cây cầu lớn bắc qua sông và cảng của Trung bộ Duyên hải miền Đông. Khi thế kỷ 19 bước sang thế kỷ 20, những cuộc đình công đẫm máu và kéo dài nổ ra; nền kinh tế không bao giờ khôi phục lại sự lạc quan từng giúp đám di dân từ Đông Âu, Địa Trung Hải và Trung Đông chịu đựng được những ngày lao động mười bốn giờ buồn tẻ, căng thẳng, điếc tai, độc hại. Các công xưởng dạt về phía Nam và phía Tây, nơi lao động rẻ hơn và dễ bắt nạt hơn, và chuyên chở quặng sắt và than cốc được gần hơn.
Những người sống ở nội ô thành phố bây giờ nói chung có nước da nâu, với nhiều sắc độ. Một bộ phận còn sót lại của những thương nhân da sáng nhưng hiếm khi là người Anglo-Saxon tìm được chút lãi nhỏ nhờ bán bánh pizza, ớt khô và thức ăn vặt được đóng gói sặc sỡ cùng thuốc lá và vé số bang ở khu trung tâm,
nhưng họ dần nhường chỗ cho những di dân mới người Ấn Độ và Hàn Quốc vốn ít cảm thấy bị buộc phải lánh về những vùng ngoại ô và ven thành phố hãy còn đa tạp chủng tộc mỗi khi màn đêm buông xuống. Những khuôn mặt da trắng còn thấy ở khu trung tâm trông đều lén lút và bẩn thỉu. Về đêm, sau khi mấy nhà hàng món ăn dân tộc loại sang đã tiễn hết giới thực khách ngoại ô đi rồi, một xe cảnh sát sẽ chặn đường hạch hỏi những khách đi bộ da trắng, với giả định rằng hoặc họ đang tìm chỗ mua bán ma túy hoặc không thì cần được khuyến cáo về những nguy hiểm ở khu vực này. Bản thân Ahmad là kết quả của một bà mẹ Mỹ tóc đỏ, dòng dõi Ireland, và một sinh viên trao đổi người Ai Cập mà tổ tiên đã bị hun đốt từ thời các pharaoh trên những cánh đồng trồng lanh và lúa đầy bùn của sông Nile ngập nước. Nước da của đứa con từ cuộc hôn nhân hợp chủng này có thể mô tả là màu nâu xám, một sắc thái hơi xỉn sáng hơn màu be; nước da người cha tinh thần của cậu, Shaikh Rashid, thì trắng bệch như sáp giống như hàng thế hệ chiến binh Yemen khăn áo kín mít.
Ở nơi mà xưa kia những cửa hàng bách hóa sáu tầng và những văn phòng san sát nhau của bọn Tin Lành và Do Thái bóc lột từng ghép thành một mặt tiền liên tục bằng kính, gạch và đá hoa cương, nay đã xuất hiện những lỗ trống được san bằng và những tủ kính bày hàng bị đóng ván che kín, loằng ngoằng những hình vẽ bằng sơn phun. Dưới mắt Ahmad, những chữ graffiti phình tròn ấy, những hình vẽ ba hoa phóng đại về vây cánh băng nhóm ấy khẳng định một vị thế mà thủ phạm gần như tuyệt chẳng có quyền tuyên nhận. Chìm trong vũng lầy của kiếp không Thượng Đế, những
thanh niên lầm lạc tuyên bố mình có một bản sắc, bằng cách vẽ bậy lên nhà người ta. Vài ba nhà hộp mới bằng nhôm và kính xanh đã được dựng lên giữa đống đổ nát, những món quà mua chuộc của bọn trùm tư bản Tây phương - những chi nhánh ngân hàng đóng trụ sở ở California hoặc Bắc Carolina, và những tiền đồn của chính quyền liên bang bị bọn phục quốc Do Thái thống trị, đang ra sức dùng phúc lợi và tuyển quân để ngăn kẻ bần cùng gây bạo loạn cướp bóc.
Thế nhưng khu trung tâm vào buổi chiều vẫn tạo ấn tượng tấp nập, hội hè: phố East Main trong những khu nhà quanh Tilden là một ngày hội của cảnh nhàn rỗi, đông nghẹt đám công dân da sậm quần áo sặc sỡ không ngừng dồn tới, một cuộc diễu hành hóa trang Thứ Ba Béo mà những người đã âu yếm tập họp lại đây đều sở hữu lãnh địa hợp pháp chẳng quá một phân ngoài lớp da của họ và bao nhiêu tài sản hèn mọn đã phô ra hết trên người. Niềm vui của họ là một sự thách thức. Giọng huyên thuyên, ba hoa của họ ồn ào huyên náo, thấm đẫm tình làng xóm, sự hào phóng quan tâm lẫn nhau của những kẻ chẳng có gì để làm và chẳng có chỗ nào để đi.
Sau Nội chiến, một vẻ lòe loẹt lộ liễu đã bước vào New Prospect với việc xây dựng một Tòa Đô chính tinh xảo, một khối trải rộng đầy những chóp tháp, có hơi hướng Moors, gồm những cổng vòm tròn và chi tiết bằng sắt kiểu rococo, bên trên là một ngọn tháp lớn theo kiểu mái hai mảng. Các mặt tường dốc lợp ngói ốp vảy cá nhiều màu sắc và có bốn mặt đồng hồ trắng, kích cỡ bằng cái bể vầy của trẻ con nếu được đưa xuống đất. Những máng xối và ống thoát nước bằng đồng cỡ rộng, kiệt tác của thợ thiếc lành nghề thời đó,
đã chuyển thành xanh xám theo thời gian. Cái tòa lâu đài dân sự này, mà những hoạt động bàn giấy chủ yếu từ rất lâu đã được chuyển tới những tòa nhà ít cao vời hơn, hiện đại hơn, kém hùng vĩ hơn, song có điều hòa nhiệt độ và dễ sưởi ấm hơn nằm phía sau nó, vừa mới được phong tặng danh hiệu báu vật kiến trúc quốc gia sau nhiều công sức vận động hành lang. Nó nằm trong tầm nhìn của trường Trung tâm, cách đó một khối nhà về phía Tây, khuôn viên từng một thời rất rộng của trường nay đã bị gặm mòn bởi những con đường được mở rộng và những đợt lấn chiếm xây nhà với sự cho phép của các viên chức ăn hối lộ.
Bên mép Đông hồ gạch vụn, nơi những bãi đậu xe thiếu hoạt động nằm xen kẽ với những đống gạch bị đập đổ mấp mô, có một nhà thờ tường dày bằng đá khoáng sắt đỡ một gác chuông bề thế, với một tấm biển nứt nẻ khoe khoang ca đoàn từng đoạt giải thưởng giáo xứ. Các cửa sổ của nhà thờ này, gán cho Chúa (thật báng bổ) một bộ mặt và đôi tay đang làm động tác, chân mang xăng đan, và áo choàng nhuộm - tóm lại, một thân xác con người với tất cả những uế tạp và vướng víu của nó - đã bị ố đen bởi bồ hóng công nghiệp qua bao thập niên và lại càng khó nhìn ra hơn bởi lưới dây kẽm bảo vệ. Hình ảnh tôn giáo giờ đây thu hút lòng căm ghét, như trong các cuộc chiến tranh thời Cải cách. Những ngày huy hoàng đoan chính của nhà thờ gồm các thị dân da trắng ngoan đạo ngồi trên băng ghế dài được phân chia ngôi thứ dưới trên nay cũng thuộc về quá khứ. Bây giờ giáo dân Mỹ gốc Phi mang tới thứ tôn giáo nhếch nhác, hò hét om sòm của họ, cùng với cái ca đoàn đoạt giải thưởng ưa làm đầu óc họ tan chảy trong một trạng thái mê ly du
dương cũng hão huyền như (Shaikh Rashid đưa ra hình ảnh so sánh đầy châm biếm) trạng thái lên đồng bước tới bước lui, lảm nha lảm nhảm của thứ đạo candomblé* ở Brazil. Đấy chính là nơi Joryleen hát.
Một ngày sau hôm cô mời Ahmad đến nghe hát trong ca đoàn, bạn trai cô, Tylenol Jones, đến gặp Ahmad trong hành lang. Mẹ nó, sau khi đẻ một đứa bé nặng năm ký, đã thấy cái tên đó trong một đoạn quảng cáo thuốc giảm đau trên tivi và thích âm đọc của chữ ấy. “Nè thằng Ả Rập,” nó nói. “Tao nghe nói mày xúc phạm Joryleen.”
Ahmad cố phân bua. “Có xúc phạm gì đâu. Tụi tôi chỉ nói chuyện chút đỉnh thôi. Chính cô ấy tới nói chuyện với tôi đấy chứ.” Thận trọng đưa tay ra, Tylenol chộp lấy vai của cậu thanh niên mảnh dẻ và bấm sâu ngón cái vào chỗ nhạy cảm bên dưới khớp vai. “Con nhỏ nói mày coi thường tôn giáo của nó.” Ngón cái của Tylenol bấm sâu hơn, vào những dây thần kinh vốn đã ngủ yên cả đời của Ahmad. Tylenol có khuôn mặt vuông, màu giống như chất nhuộm đồ đạc màu óc chó còn ướt trên mặt gỗ. Nó là hậu vệ cản bóng trong đội bóng bầu dục của trường Trung tâm và là vận động viên thể dục vòng treo vào mùa đông, nên bàn tay nó cứng như sắt. Ngón cái bấu chặt làm nhăn nhúm lớp sơ mi trắng phẳng phiu của Ahmad; cậu con trai cao hơn làm động tác bực bội toan thoát khỏi đòn kẹp thù địch ấy.
“Tôn giáo của cô ấy là thứ tôn giáo lầm lạc,” Ahmad nói với Tylenol, “và dù sao thì chính cô ấy nói chẳng để tâm gì đến nó mà chỉ muốn hát trong cái ca đoàn ngớ ngẩn đó.” Ngón cái cứng như
sắt vẫn tiếp tục bấm sâu vào, nhưng với một cơn kích động trào dâng Ahmad hất mạnh nó ra, cạnh bàn tay cậu chặt vào sớ thịt dày. Mặt Tylenol tối sầm lại và giật lên, gí lại gần hơn. “Đừng nói ngớ ngẩn này ngớ ngẩn kia với tao - mày mới ngớ ngẩn tới độ chả đứa chó nào thèm để ý mày, đồ Ả Rập.”
“Trừ Joryleen,” lời đáp bật ra tức thì, theo cơn kích động ban nãy. Ahmad cảm thấy nao núng trong lòng và e rằng mặt mình đang cứng đơ một cách đáng hổ thẹn vì sợ hãi, nhưng có một niềm hoan lạc thần thánh trong việc đối đầu dù với một kẻ thù vượt trội, để cho cơn thịnh nộ làm gia tăng khối lượng của ta. Cậu liều mạng tiếp, “Và tôi không hẳn nghĩ việc cô ấy chuyện trò với tôi là ‘để ý’ gì. Đó là sự thân thiện giản đơn mà hạng người như anh không hiểu nổi.”
“Hạng người như tao, là hạng gì? Hạng như tao không ưa gì hạng như mày, sự thật là vậy, đồ ngu ngốc nhà mày. Đồ bóng kỳ cục. Đồ lại cái.”
Mặt nó gí sát gần đến độ Ahmad ngửi thấy rõ mùi phô mai của món mì ống trong căng tin. Cậu ẩy vào ngực Tylenol cho nó lùi xa một chút. Lũ học sinh trường Trung tâm dần bu quanh, trong hành lang, đám nhóm cổ vũ và đám mọt vi tính, bọn Rasta tóc dài và bọn Goth áo quần đen kịt, lũ con gái không ai đoái hoài và những kẻ rỗi hơi, chờ có chuyện gì đó thú vị xảy ra. Tylenol thích có khán giả; nó thông báo, “Tao không thóa mạ những thằng Hồi giáo da đen, nhưng mày không đen, mày chẳng là cái quái gì mà chỉ là thứ đầu cứt tội nghiệp. Mày không phải thằng đầu giẻ rách, mày là thằng đầu cứt.”
Ahmad tính toán rằng chỉ việc chịu một cú ẩy trả từ Tylenol là sẽ
yên ổn thoát khỏi cuộc xung đột này, khi tiếng chuông đổi tiết sắp vang lên. Nhưng Tylenol không muốn ngừng chiến, nó bất ngờ thụi vào bụng Ahmad một cái thiếu điều tống sạch không khí ra khỏi người cậu. Vẻ ngạc nhiên, hụt hơi của Ahmad khiến bọn học sinh đứng xem cười ầm, kể cả đám Goth mặt phấn, bọn da trắng thiểu số tại trường Trung tâm vốn tự hào không bao giờ biểu lộ cảm xúc, giống như các người hùng nhạc punk-rock theo thuyết hư vô của chúng. Thêm vào đó, có những tiếng cười rúc rích trong trẻo từ mấy đứa con gái da nâu đẫy đà vui nhộn, mấy Hoa hậu được ưa thích, những đứa mà Ahmad tưởng là lẽ ra phải tử tế hơn. Một ngày nào đó chúng nó sẽ làm mẹ cả lũ. Một ngày nào đó gần đây thôi, mấy con đĩ non.
Cậu thấy mất mặt và không có chọn lựa nào khác ngoài nhao vào giữa đôi bàn tay sắt của Tylenol, cố đấm vào bộ ngực như tấm khiên và cái mặt nạ trì độn màu gỗ óc chó phía trên bộ ngực đó. Cuộc đọ sức hầu như chỉ toàn xô đẩy và ép và gầm gừ, vì một trận đấm đá va vào dãy tủ cá nhân sẽ gây huyên náo khiến cho các giáo viên và bảo vệ trường chạy đến. Trong giây phút trước khi chuông reo và mọi người phải tản về các lớp, Ahmad oán trách thằng kia thì ít - nó chỉ là thứ người máy bằng thịt, một thân xác đầy các loại dịch tiết và phản xạ đến độ không có chỗ cho đầu óc - mà trách Joryleen thì nhiều. Tại sao cô phải kể cho bạn trai cô biết toàn bộ cuộc nói chuyện riêng tư đó? Tại sao lúc nào bọn con gái cũng phải kể? Để khiến mình trở nên quan trọng, giống như những kẻ đã xịt lên những bức tường tội nghiệp mấy bức graffiti chữ tròn mập kia. Chính cô là kẻ nhắc đến tôn giáo, ỡm ờ mời cậu đến nhà thờ của
cô để ngồi với bọn da đen tóc quăn tít, còn mang vết cháy sém của lửa Địa ngục trên người giống như lớp da nâu trên đùi gà nướng. Khiến cho ma quỷ lại lầm bầm trong cậu, vì cái nỗi rằng Đấng Allah cho phép quá nhiều tôn giáo thối nát và lầm lạc một cách gớm guốc như vậy quyến rũ hàng triệu người xuống Địa ngục mãi mãi, mặc dù chỉ trong một ánh chớp Đấng Quyền năng có thể chỉ cho họ con đường, Chính Đạo. Cứ như (lũ ma quỷ của Ahmad lầm bầm trong khi cậu và Tylenol đẩy vờn nhau đồng thời cố không gây tiếng ồn) Đấng Độ lượng, Đấng Khoan dung, chẳng thấy cần cất công làm việc đó.
Chuông reo trong chiếc hộp nhỏ chống nghịch phá gắn cao trên bức tường màu trắng sữa. Gần đó trong hành lang một cánh cửa có ô kính mờ to bật mở; ông Levy, giáo viên tư vấn, xuất hiện. Áo khoác và quần của ông không đồng màu, giống như một bộ vest nhàu nát chọn bừa. Ông nhìn lơ đãng, rồi thì cảnh giác, vào đám học sinh đang túm tụm một cách đáng ngờ. Đám đông đặc cứng lại, im lặng tức thì, và Ahmad cùng Tylenol lùi xa nhau, nén lòng thù địch. Ông Levy, một người Do Thái đã nằm trong biên chế trường này gần như mãi mãi, trông có vẻ già nua và mệt mỏi, mắt có bọng, tóc lơ thơ xơ xác trên đỉnh đầu và vài sợi dựng đứng rối bù. Sự xuất hiện đột ngột của ông khiến Ahmad giật mình giống như sự cắn rứt của lương tâm: tuần này cậu có hẹn với ông Levy, để bàn về tương lai của cậu sau khi tốt nghiệp trung học. Ahmad biết cậu phải có một tương lai, nhưng nó có vẻ mơ hồ, và xua sạch hứng thú ở cậu. Chương ba nói: Chỉ đạo đúng đắn nhất là chỉ đạo của Allah.
Tylenol và băng nhóm của nó từ nay sẽ rình chờ cậu. Sau khi bị
hạ nhục gần như tới mức huề nhau, thằng đầu bò có hai ngón cái cứng như sắt này sẽ chỉ vừa lòng nếu như ít nhất nó đánh bầm đen được một con mắt hay làm gãy một cái răng hoặc một ngón tay - một cái gì đó nhìn thấy rõ. Ahmad biết rằng tự đắc về bề ngoài của mình là một tội lỗi: ái kỷ là một hình thức đua tranh với Thượng Đế, và đua tranh là điều Ngài không thể tha thứ. Nhưng làm thế nào cậu con trai lại không quý giá chất đàn ông chín muồi của cậu, tay chân vươn dài của cậu, mái tóc dợn sóng, dày, thẳng đứng của cậu, làn da nâu hoàn mỹ của cậu, sáng hơn da của ba nhưng không có màu hồng từng mảng tàn nhang của người mẹ tóc đỏ hay những người tóc sáng do tẩy màu vốn được nước Mỹ trung lưu coi như tột đỉnh của cái đẹp? Dù cậu tránh né, coi đó là bẩn thỉu và tội lỗi, khi gặp những cái nhìn hứng thú lưu luyến từ đám con gái da sẫm quanh cậu trong trường, nhưng Ahmad không mong thân thể cậu bị tổn hại. Cậu mong ước giữ nó y nguyên như Đấng Tạo hóa đã tạo ra. Sự thù địch của Tylenol một lần nữa trở thành lý do để rời khỏi tòa nhà địa ngục này, nơi bọn con trai bắt nạt và làm tổn thương người khác chỉ để vui thú, và bọn con gái ngoại đạo mặc quần xệ bó sát hầu như đủ thấp - chưa đầy bề ngang một ngón tay, cậu đã ước lượng thế - để bày cho thiên hạ thấy mép trên mớ lông mu quăn. Bọn con gái hư nhất, những đứa đã hoàn toàn sa ngã, còn có hình xăm ở nơi mà chỉ bạn trai của chúng mới được thấy, nơi mà thợ xăm phải châm kim hết sức thận trọng. Có vô số trò vặn vẹo ma quỷ một khi con người tự cho mình thoải mái tranh đua với Thượng Đế và tạo ra chính mình.
Cậu chỉ còn học hai tháng nữa thôi. Mùa xuân đang ở đâu đây
bên ngoài những bức tường gạch, những ô cửa sổ cao đóng lưới. Khách hàng trong tiệm Shop-a-Sec thực hiện những cuộc mua sắm độc hại khốn khổ với cảm hứng mới, một vẻ lăng xăng mới. Bàn chân cậu lướt trên đường chạy xỉ than cũ trong trường như thể mỗi bước sải đều được lót nệm riêng. Khi cậu dừng lại trên lề đường để ngẫm nghĩ về vết xoắn ốc của con sâu bị nướng và biến mất, quanh cậu nhú lên những nụ mầm xanh mới, tỏi và bồ công anh và cỏ ba lá, làm rạng lên những vạt cỏ ủ rũ mùa đông, và lũ chim chóc lượn những vòng cung thoăn thoắt, đầy phấn chấn, khám phá môi trường vô hình đương nâng đỡ chúng.
Ở tuổi sáu mươi ba, Jack Levy luôn thức giấc lúc khoảng ba bốn giờ sáng với mùi vị khiếp sợ trong miệng, cái miệng khô ran do hơi thở bị kéo lê qua đó trong khi ông mơ. Những giấc mơ của ông đầy điềm gở, thấm đẫm nỗi thống khổ của thế giới này. Ông đọc New Prospect Perspective, tờ nhật báo địa phương đói quảng cáo, đang hấp hối và The New York Times hay Post nếu có tờ nào bị bỏ lăn lóc trong phòng giáo viên, và, cứ như thể thấy vẫn chưa đủ chuyện Bush và Iraq hay những vụ giết người trong nước ở Queens và Đông Orange, những vụ giết đến cả trẻ em hai hoặc bốn hoặc sáu tuổi, cái tuổi quá nhỏ đến độ thấy việc chống trả và kêu la trước những kẻ giết mình, chính ba mẹ chúng, sẽ là báng bổ, cũng như việc Isaac cãi lệnh Abraham sẽ là báng bổ vậy - mỗi tối, khoảng từ sáu đến bảy giờ, trong khi bà vợ to béo chuyển các món ăn từ tủ lạnh sang lò vi ba và cứ đi qua đi lại trước màn hình nhỏ của chiếc tivi đặt trong bếp, ông bật chương trình tin tổng hợp và mục bình
luận của các hãng tin lớn; ông xem mãi cho đến khi các quảng cáo, toàn những thứ ông đã xem tới xem lui hoài, khiến ông phát bực đến độ tắt phụp cái máy ngu xuẩn ấy đi. Ngoài tin tức, Jack còn có nỗi sầu khổ riêng, nỗi sầu khổ mà ông “sở hữu”, như hồi này người ta vẫn nói - sự nặng nề của ngày sắp đến, cái ngày sẽ rạng lên xua tan đêm tối này. Khi ông thức giấc nằm đó, nỗi sợ hãi và ghê tởm vặn vẹo trong ông như những thành phần của một bữa ăn nhà hàng dở tệ - nhiều gấp đôi lượng thức ăn ta cần, theo kiểu người ta phục vụ thời nay. Nỗi khiếp sợ sập kín cánh cửa trở vào giấc ngủ, cái ý thức ngày mỗi sâu thêm rằng toàn bộ bổn phận còn lại cho thân xác ông trên trái đất này là chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết. Ông đã xong nhiệm vụ tán tỉnh và làm tình; ông đã là cha của một đứa con; ông đã làm việc để nuôi đứa con đó, Mark bé nhỏ nhạy cảm với đôi mắt u ám rụt rè và môi dưới trơn ướt, và để trang bị cho nó mọi thứ tạp nham lòe loẹt mà nền văn hóa thời đại buộc nó phải có, để cho bằng anh bằng em. Bây giờ nhiệm vụ còn lại duy nhất của Jack Levy là chết, để đóng góp một không gian nhỏ, một khoảng trống nhỏ để thở, cho cái hành tinh quá tải này. Nhiệm vụ đó lơ lửng trong không khí ngay bên trên khuôn mặt mất ngủ của ông, giống như mạng nhện với con nhện bất động ở ngay giữa.
Vợ ông, Beth, một phụ nữ đồ sộ tỏa quá nhiều nhiệt qua lớp mỡ, đang thở ồ ồ bên cạnh ông, âm khò khò không mỏi của bà trong cơn ngáy vươn vào vô thức cuộc độc thoại hằng ngày của bà, sản lượng chuyện tầm phào của bà. Khi, trong cơn giận dữ kiềm chế, ông thúc đầu gối hoặc khuỷu tay vào người bà, hoặc nhẹ nhàng úp bàn tay lên một bên mông bà bị lộ ra vì áo ngủ tốc lên, thì bà ngoan
ngoãn im lặng, rồi ông sợ rằng mình đã đánh thức bà, phá vỡ giao ước ngầm giữa bất kỳ hai người nào đồng ý ngủ chung với nhau, dù đã cách đây bao lâu đi nữa. Ông chỉ muốn đẩy bà lên đến cấp độ giấc ngủ mà ở đó hơi thở sẽ thôi rung trong mũi bà. Giống như chỉnh cây vĩ cầm mà ông thường chơi, hồi còn nhỏ. Một Heifetz mới, một Isaac Stern mới: đó có phải là điều mà ba mẹ ông đã hy vọng không? Ông đã làm họ thất vọng - một mảng sầu khổ nơi giao nhau giữa nỗi sầu của ông và của thế giới này. Ba mẹ ông rất đau lòng. Ông đã ương ngạnh nói với họ ông sẽ thôi học đàn. Cuộc sống trong sách vở và trên đường phố có ý nghĩa với ông hơn. Ông đã mười một, có lẽ mười hai khi bảo vệ quan điểm như thế, và không bao giờ cầm lại cây vĩ cầm, dù đôi khi, nghe qua đài phát thanh trên xe hơi một đoạn hòa tấu khúc của Beethoven hay Mozart hoặc nhạc Gypsy của Dvorak từng tập dượt trong một tiết mục cải biên cho học sinh, Jack ngạc nhiên cảm thấy kỹ thuật chạy ngón vẫn cố sống lại trong bàn tay trái của ông, đang vặn vẹo trên tay lái giống như một con cá hấp hối.
Tại sao phải tự hành hạ mình vậy? Ông đã sống ngon lành, còn hơn cả ngon lành: học sinh xuất sắc tại trường Trung tâm, khóa 1959, hồi nó còn chưa gây cảm giác quá giống một nhà tù, hồi vẫn có thể học và thấy tự hào với lời khen của thầy cô; chăm chỉ đi đi về về Cao đẳng Cộng đồng thành phố New York trước khi chia sẻ căn hộ SoHo với hai anh chàng và một cô gái cứ yêu lòng vòng hết anh này đến anh kia; sau khi tốt nghiệp, hai năm trong quân đội thời động viên, trước khi chiến sự Việt Nam nóng lên, huấn luyện cơ bản tại Căn cứ Dix, nhân viên văn thư tại Căn cứ Meade, bang
Maryland, ở đủ xa về phía Nam đường ranh Mason-Dixon nên gặp toàn dân miền Nam bài Do Thái, rồi đến năm thứ hai tại Căn cứ Bliss ở El Paso, trong cái gọi là bộ phận nhân sự, phân bổ nguồn nhân lực, bước đầu của việc hướng dẫn bọn trẻ vị thành niên; sau đó vào Đại học Rutgers để lấy bằng thạc sĩ dựa theo Đạo luật Quân nhân cắt giảm; từ đó trở đi, dạy lịch sử và khoa học xã hội ở trường trung học ba mươi năm trước khi trở thành giáo viên tư vấn thường trực trong sáu năm gần đây. Những dữ kiện trần trụi về sự nghiệp của ông khiến ông cảm thấy bị mắc kẹt, trong một lý lịch chật như cái quan tài. Không khí đen thui của căn phòng đã trở nên khó thở, nên ông rón rén chuyển từ nằm nghiêng sang nằm ngửa, giống như một thi hài được bày ra trong buổi viếng xác của dân Công giáo.
Đám khăn trải giường này ồn ào làm sao! - những con sóng va đập, sát lỗ tai ta. Ông không muốn đánh thức Beth. Sắp chết ngạt rồi, ông không thể đối phó thêm cả với bà. Trong chốc lát, giống như ngụm rượu đầu tiên trước khi những viên nước đá làm cho whisky thành lõng bõng nước, tư thế mới này làm dịu vấn đề. Nằm ngửa, ông có sự bình lặng của một người chết nhưng không có nắp quan tài sát trên mũi mình. Thế giới yên lặng - dòng người đáp xe vào thành phố làm việc hãy còn chưa khởi động, bọn kiếm ăn đêm hỏng giảm thanh xe cuối cùng đã bò vào giường. Ông nghe tiếng một chiếc xe tải lẻ loi sang số tại chốt đèn giao thông đang nhấp nháy cách đó một con phố, và cách đó hai phòng, tiếng bước nhảy êm ái sốt ruột của Carmela, con mèo cái bị triệt sản, bị cắt móng của Levy. Bị cắt móng, nó không được cho ra ngoài, vì sợ lũ mèo có móng sẽ giết nó. Bị giam trong nhà, ngủ suốt ngày dưới trường kỷ,
nó bị ảo giác vào ban đêm, tưởng tượng ra những cuộc phiêu lưu hoang dã trong ngôi nhà yên tĩnh, những trận đánh và những cuộc đào thoát, mà nó không bao giờ có được, chỉ vì người ta muốn tốt cho nó. Môi trường cảm giác trong những giờ khắc trước bình minh thật buồn tẻ biết mấy, và Jack Levy thấy mình thật cô đơn biết mấy, đến độ sự náo động lén lút của một con mèo bị thiến tự huyễn cũng xoa dịu ông hầu như đủ để đầu óc ông, được giải thoát khỏi nhiệm vụ canh gác, chìm lại vào giấc ngủ.
Nhưng, vẫn thao thức do bàng quang quấy rầy, ông lại nằm hứng chịu, cứ như một luồng phóng xạ kinh tởm, cái ý thức về cuộc đời mình như một vết nhơ không cần thiết - một sự việc tồi tệ, một lỗi lầm ngớ ngẩn kéo dài - áp đặt lên bề mặt lẽ ra là tinh khiết của giờ khắc quá sớm sủa này. Trong khu rừng tăm tối của thế giới này ông đã lỡ mất nẻo chính. Nhưng liệu có nẻo chính nào không? Hay việc sống tự nó đã là một sai lầm? Trong môn lịch sử giản lược mà ông thường truyền đạt, cho đám học sinh vẫn khó mà tin được rằng thế giới không hề bắt đầu bằng sự ra đời của chúng và sự bùng nổ các trò chơi máy tính, thậm chí những con người vĩ đại nhất cũng chẳng đi tới đâu, chỉ đi tới một nấm mồ, những viễn kiến của họ tan theo mây khói - Charlemagne, Charles V, Napoléon, và tay Adolf Hitler với cái tên bị nguyền rủa nhưng lại thành công đáng kể và đến nay vẫn được ngưỡng mộ, ít nhất trong thế giới Ả Rập. Lịch sử là một cỗ máy không ngừng nghiền nát loài người thành tro bụi. Nhiệm vụ tư vấn của Levy tái hiện lại trong đầu ông như một sự truyền đạt sai lệch lộn xộn chối tai. Ông thấy mình như bóng người già nua thảm hại trên bãi biển, gào lên với một đội tàu những người trẻ tuổi đang
giương buồm băng ra vũng lầy chết người của thế giới - những nguồn tài nguyên đang cạn dần, những tự do đang mất dần, những quảng cáo tàn nhẫn nhằm xây đắp nền văn hóa đại chúng lố bịch toàn bia và âm nhạc vĩnh cửu và những phụ nữ trẻ gọn mảnh mai khó ngờ.
Hay hầu hết các thiếu nữ, kể cả Beth, đều đã từng mảnh mai như các cô trong những mẩu quảng cáo Coca và bia? Chắc chắn bà ấy từng như thế, nhưng ông hầu như không nhớ gì - cố nhớ lại cũng như cố nhìn màn hình tivi trong khi bà lạch bạch tới lui dọn bữa ăn. Họ đã gặp nhau trong thời gian một năm rưỡi ông học tại Đại học Rutgers. Bà là một cô gái Pennsylvania, từ khu Đông Mount Airy phía Tây Bắc Philadelphia, học khoa thư viện. Ông đã bị hấp dẫn bởi vẻ nhẹ nhàng của bà, tiếng cười sôi nổi của bà, sự nhanh nhẹn tinh nghịch của bà trong việc biến mọi thứ, thậm chí cả cuộc tìm hiểu giữa hai người, thành chuyện đùa. Anh nghĩ chúng ta sẽ cho ra những thằng nhóc kiểu nào đây? Chúng sinh ra đã bị cắt nửa bao quy đầu rồi à? Bà là người Mỹ gốc Đức, Elizabeth Fogel, với một bà chị nhiều câu nệ hơn, ít dễ thương hơn, Hermione. Ông là người Do Thái. Nhưng không phải là người Do Thái kiêu ngạo, đắm đuối trong lời giao ước cổ xưa. Ông nội ông đã rũ bỏ mọi thứ tôn giáo ở Tân thế giới, đặt niềm tin vào một xã hội cách mạng, một thế giới nơi mà bọn quyền thế không còn có thể cai trị thông qua thói mê tín, nơi mà thức ăn trên bàn, nhà ở và nơi trú ngụ tươm tất, đã thế chỗ cho những lời hứa hẹn không đáng tin cậy của một Thượng Đế chẳng ai nhìn thấy.
Không phải là Thượng Đế của người Do Thái từng hứa hẹn gì
nhiều - một cái ly bị đập tan tại lễ cưới của ta, một lễ an táng nhanh trong tấm vải liệm khi ta chết, không có thánh, không có thế giới bên kia, chỉ một đời trung thành phục dịch cho một bạo chúa đã yêu cầu Abraham hiến tế sống đứa con duy nhất. Isaac tội nghiệp, kẻ ngu ngốc dễ tin, từng suýt bị chính cha của mình giết, đến khi già nua mù lòa lại bị lừa lấy mất lời chúc phúc bởi con trai Jacob và vợ ông, Rebekah, bà này vốn được trùm mạng mang từ Paddanaram đến cho ông. Gần đây hơn, ở đằng quê hương cũ, nếu ta tuân theo mọi luật lệ - và đối với người Do Thái chính thống thì danh sách các luật lệ ấy dài lê thê - ta nhận được ngôi sao màu vàng và tấm vé một chiều đến lò hơi ngạt. Không, cảm ơn: Jack Levy có niềm vui cao ngạo được là một trong những người nói “không” cao ngạo của Do Thái giáo. Ông đã khuyến khích thế giới này biến “Jacob” thành “Jack” và đã phản đối việc cắt bì cho con trai ông, dù một bác sĩ Mỹ đặc dẻo mồm tại bệnh viện đã thuyết phục Beth làm vậy, vì những lý do “thuần túy vệ sinh”, tuyên bố rằng nghiên cứu đã cho thấy việc đó sẽ làm giảm rủi ro mắc bệnh hoa liễu cho Mark và ung thư cổ tử cung cho các bạn tình của Mark. Một đứa trẻ một tuần tuổi, dương vật chỉ là một mẩu nhỏ tròn mập trên cái túi có viền đựng hai hòn dái, thế mà người ta đã toan cải thiện đời sống tình dục của nó và giải cứu cho những bé gái hãy còn chưa ra đời.
Beth là tín đồ Luther, một phái Tin Lành nhiệt tình đề cao đức tin hơn công việc và bia hơn rượu vang, và ông hình dung bà sẽ làm giảm bớt đức hạnh Do Thái giáo lì lợm của ông, thứ chính nghĩa thất thế lâu đời nhất vẫn còn hoạt động ở thế giới Tây phương. Jack đã xem việc kết hôn của ông và Beth, trên tầng hai Tòa Đô chính lố
bịch của New Prospect, chỉ có bà chị vợ và ba mẹ ông tham dự, như một sự ghép đôi sai lệch can trường, một cử chỉ của tình yêu trát bùn vào mặt lịch sử, giống rất nhiều sự kiện khác xảy ra năm 1968. Nhưng sau ba mươi sáu năm sống cùng nhau ở Bắc New Jersey, hai người tín ngưỡng và sắc tộc khác nhau đã bị nghiền thành một khối đồng nhất nhạt nhẽo. Họ đã trở thành một đôi đi mua sắm cùng nhau tại ShopRite và Best Buy vào cuối tuần, chỉ biết có mỗi thú vui là chơi bài bridge với ba cặp khác, đồng nghiệp ở trường trung học hoặc thư viện công cộng Clifton, nơi Beth làm việc một tuần bốn ngày. Có những tối thứ Sáu và thứ Bảy họ cố tạo hứng khởi bằng cách đi ăn ngoài, luân phiên đến những nhà hàng Tàu và Ý nơi họ là thực khách thường xuyên và phục vụ trưởng với nụ cười cam chịu dẫn họ đến một bàn trong góc nơi Beth có thể chui lọt; không bao giờ vào ngăn riêng. Không thì họ lái xe đến một khu chiếu phim rẻ tiền nào đó với mặt sàn nhớp nháp và bịch bắp rang cỡ trung bình giá bảy đô la, nếu có thể tìm thấy một bộ phim không quá bạo lực hoặc khiêu dâm hoặc nhắm quá lộ liễu vào lớp nam thiếu niên. Thời gian tìm hiểu và cuộc hôn nhân từ khi còn trẻ của họ cũng là thời kỳ sụp đổ của hệ thống hãng phim lớn và sự bùng phát những bộ phim nổi loạn dữ dội - Midnight Cowboy, Easy Rider, Bob and Carol and Ted and Alice, The Wild Bunch, A Clockwork Orange, Dirty Harry, Carnal Knowledge, Last Tango in Paris, Godfather phần một, The Last Show, American Graffiti - chưa kể đến những bộ phim cuối sự nghiệp của Ingrid Bergman hay phim Ý và Pháp vẫn đầy nỗi tức giận, thách thức và bản sắc quốc gia. Đấy là những bộ phim hay, chúng giúp cho một cặp vợ chồng thời thượng luôn cảnh giác về tinh thần, vẫn còn cảm giác đâu đây, tồn
lưu từ năm 1968, rằng thế giới này có thể được giới trẻ tưởng tượng lại. Thắm thiết nhớ lại những phát hiện chung kiểu ấy từ cái thời cả hai còn xa lạ với việc chia sẻ trong hôn nhân, bàn tay Jack đến tận bây giờ trong rạp chiếu phim vẫn mò qua tay bà đang đặt trên đùi và nắm lấy, nóng bỏng và mềm mại, trong khi khuôn mặt họ chìm trong những vụ nổ của bộ phim mới mẻ đại chúng giật gân nào đó, những cú sốc được lạnh lùng đo lường trong cái kịch bản trẻ con chế giễu tuổi già của họ.
Mất ngủ, tuyệt vọng, Jack nghĩ hay là mò tìm bàn tay Beth dưới lớp chăn, nhưng nếu cố tìm trong đống da thịt đang ngủ của bà ông có thể khuấy động bà và đánh thức cái giọng nói vẫn còn vẻ con gái, không mệt mỏi, thèm được chăm sóc. Với vẻ rón rén, gần như phạm tội, ông co chân lên trên tấm khăn trải giường dưới cùng và gạt chăn sang một bên rồi chuồn khỏi chiếc giường cưới. Bước ra khỏi tấm thảm cạnh giường, ông cảm thấy cái lạnh tháng Tư trên bàn chân trần. Hệ thống sưởi vẫn còn để ở chế độ ban đêm. Ông đứng nơi cửa sổ phủ rèm ren đã bị nắng hơ vàng mà ngắm nhìn khu nhà qua ánh sáng xám của đèn đường cao áp. Màu cam từ bảng hiệu Gulf tại trạm xăng mở cửa suốt đêm cách đó hai khối nhà là điểm nhấn có màu duy nhất trong khung cảnh sắp bình minh này. Đây đó trong khu, một ngọn đèn đêm điện áp thấp nhợt nhạt sưởi ấm cửa sổ căn phòng một đứa bé hoặc chiếu nghỉ cầu thang nào đó. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, dưới vòm đêm đen bóng loáng đang nhạt dần bởi vẻ mục rữa tăng dần là ánh rực thành phố, những đường nét mái nhà, những bảng hiệu, và những đường tàu tránh ngắn lại khi nhìn từ trên xuống cứ lùi mãi đến vô tận.
Căn hộ, Jack Levy nghĩ. Những ngôi nhà đã nén lại thành căn hộ, bị ép sát vào nhau bởi giá đất tăng cao và việc phân lô đất. Trong ký ức của ông những khoảng sân bên hông và phía sau nhà đã từng có cây trổ hoa và vườn rau, dây phơi quần áo và xích đu, giờ đây chỉ còn vài cây bụi xơ xác giành giật thán khí và đất ẩm giữa những lối đi bê tông, và bãi đậu xe rải nhựa đường cướp lấy những khoảng từng là lề cỏ rộng rãi. Nhu cầu của xe hơi có tính quyết định. Những cây thích hòe trồng dọc lề đường, những cây thạch thất hoang nhanh chóng bén rễ dọc các hàng rào và tường nhà, vài cây dẻ ngựa còn lại từ thời xe ngựa chở nước đá và xe tải chở than - tất cả những cây này, với những búp và lá non nhỏ xíu bày ra một lớp mầm xanh tươi tắn giống như lông tơ màu bạc trong ánh đèn, đang có nguy cơ bị bứng đi trong nỗ lực mở rộng đường lộ kế tiếp. Đường nét đơn giản của nhà nông trại kiểu thuộc địa hồi thập niên năm mươi và nhà liên kế của thập niên ba mươi nay đã kịp bị chồng chất thêm cửa sổ trồi ra trên mái, ban công sưởi nắng cơi thêm, cầu thang ngoài ọp ẹp để tạo lối đi lên hợp pháp tới những căn hộ một phòng được cải tạo từ những chỗ từng được coi là phòng dự trữ. Căn hộ vừa túi tiền ngày càng thu nhỏ kích thước giống như tờ giấy được gấp lại nhiều lần. Những phụ nữ ly dị bị bỏ rơi, những thợ thủ công mất việc khi các ngành công nghiệp chuyển qua chế xuất ngoài biên giới, những người da màu chăm chỉ đang cố chộp lấy nấc thang kế tiếp hòng leo ra khỏi các khu ổ chuột nội thành, chuyển vào khu này sống rồi không có khả năng thoát ra nữa. Những cặp vợ chồng trẻ lịch sự sửa sang lại những ngôi nhà liên kế ọp ẹp, tạo dấu ấn riêng bằng cách sơn hàng hiên, đường
viền đầu hồi và các khung cửa sổ bằng những màu lạ lùng - tím hoa cà, xanh lá cây tươi - và mảng màu tươi rói trên dãy nhà trở thành một lời lăng mạ đối với những cư dân lâu đời, một cử chỉ khinh miệt, một trò bôi bác ngứa mắt. Những hiệu tạp hóa góc phố hết cái này đến cái khác dọn đi, nhường sân cho những cửa hàng nhượng quyền với những hình biểu trưng và mẫu trang trí tiêu chuẩn hóa lòe loẹt bắt mắt, cùng những hình ảnh đủ màu khổng lồ khoe các thứ thức ăn nhanh gây béo phì. Dưới cách nhìn của Jack Levy, nước Mỹ được lót bằng mỡ và nhựa đường, một cái bẫy dính trải suốt từ bờ Đông sang bờ Tây mà tất cả chúng ta đều bị mắc vào. Ngay cả nền tự do được tán tụng của chúng ta cũng chẳng có gì nhiều để tự hào, khi phe cộng sản đã rơi khỏi cuộc đua; nó chỉ khiến cho bọn khủng bố dễ hoạt động hơn, thuê máy bay xe tải và lập những trang mạng. Lũ cuồng tín tôn giáo và đám mọt vi tính: kết hợp có vẻ kỳ lạ đối với cảm thức theo kiểu cổ của ông về sự tách biệt giữa lý tính và đức tin. Cái bọn bất lương đâm máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới đã được giáo dục rất tốt về công nghệ. Tên đầu sỏ có bằng của Đức về quy hoạch đô thị; lẽ ra hắn đi thiết kế lại New Prospect thì hơn.
Jack Levy tin rằng một kẻ tích cực và năng động hơn ông chắc sẽ biết lợi dụng những giờ khắc trước khi vợ thức, trước khi tờ Perspective được ném vào hàng hiên và bầu trời lấm chấm sao trên các mái nhà nhanh chóng chuyển sang màu xám bẩn thỉu. Ông có thể xuống nhà tìm một trong mấy cuốn sách đã đọc ba mươi trang đầu, hoặc pha chút cà phê, hoặc xem các nhóm tin tức sáng sớm trên tivi nói đùa và liến thoắng cho thông đờm trong cổ họng. Nhưng
ông thích đứng đây cho cái đầu trống rỗng, quá mệt đến độ không mơ nổi, chìm sâu vào khung cảnh dưới trăng này.
Một con mèo mướp - hay là một con lửng chó nhỏ nhỉ? - phóng qua mặt đường vắng, khuất dạng bên dưới một chiếc xe đang đậu. Jack không nhận ra được xe hiệu gì. Tất cả xe hơi thời nay trông đều giống nhau, không giống những cánh tỏa nhiệt lớn và những lưới bảo vệ mạ crôm nhăn nhở như hồi ông còn bé, cũng chẳng giống những lỗ thông giả trên chiếc Buick Riviera và cái mũi hình viên đạn trên chiếc Studebaker, những chiếc Caddy dài ngoằng tuyệt diệu của thập niên 1950 - thế mới là tuân thủ khí động lực học. Nhân danh khí động lực học và tiết kiệm nhiên liệu, tất cả xe hơi bây giờ đều mập lùn bè bè và có màu trung tính để che giấu bụi đường, từ Mercedes xuống tới Honda. Các bãi đậu xe lớn trở thành cơn ác mộng, không thể tìm thấy xe mình nếu không nhờ cái móc khóa nhỏ làm bật sáng đèn lên từ xa hoặc cho còi xe kêu inh ỏi lên làm phương sách cuối cùng.
Một con quạ ngậm cái gì đó dài dài màu nhạt trong mỏ lười biếng đập cánh bay lên sau khi chọc thủng túi rác xanh được bỏ ra ngoài từ tối qua để hôm nay xe rác đi gom. Một người đàn ông mặc vest vội rời hàng hiên đầu kia khối nhà và lên xe, chiếc SUV lùn mập hao xăng rú ga đi mất, không màng đến chuyện mình đang làm mất giấc ngủ hàng xóm. Có chuyến sớm ở sân bay Newark, Jack đoán. Ông đứng đó nhìn qua những ô cửa kính lạnh giá, thầm nghĩ, Cuộc sống. Đây là cuộc sống, sống trong căn hộ, nốc dầu mỡ, cạo râu vào buổi sáng, tắm để không làm những anh chàng khác ở bàn họp ghê tởm vì mùi cơ thể ta. Jack Levy mất cả đời mới nhận ra rằng
con người ta bốc mùi khó chịu. Khi còn trẻ, ông không bao giờ nghe mùi ấy trong mũi, ông không bao giờ nhận ra mùi ôi thiu mà ông đang tỏa ra lúc này, dù ông chỉ di chuyển nhẹ nhàng suốt ngày, thậm chí không đổ mồ hôi.
Ờ, ông vẫn sống, thấy những gì ông thấy. Ông cho đây cũng là điều tốt, nhưng đúng là đòi hỏi nhiều nỗ lực. Tay Hy Lạp đó là ai, trong cuốn sách của Camus mà đứa nào cũng say mê hồi còn học ở Cao đẳng Cộng đồng ấy? Hay có lẽ là ở Rutgers, trong đám học viên thạc sĩ. Sisyphe. Tảng đá lên dốc. Nó phải lăn xuống. Ông đứng đó, không thấy gì nữa mà bằng ý thức chống lại cái điều xác quyết rằng tất cả những thứ này một ngày nào đó sẽ ngừng lại đối với ông. Màn hình trong đầu ông sẽ hoàn toàn trống rỗng, nhưng tất cả sẽ tiếp tục mà không có ông, bình minh hé mở, xe cộ khởi động và sinh vật hoang dã tiếp tục kiếm ăn trong một cõi bị Con người đầu độc. Carmela đã lặng lẽ bước lên cầu thang và cọ vào mắt cá chân để trần của ông, kêu gừ gừ thành tiếng, đòi ăn sớm. Đây cũng là sự sống, sự sống chạm vào sự sống.
Jack cảm thấy mắt mình có gỉ và nặng nề. Ông nghĩ lẽ ra ông không nên rời khỏi giường; bên cạnh thân thể ấm áp đồ sộ của vợ hẳn ông có thể ngủ cố thêm được một tiếng nữa. Giờ ông phải vác theo nỗi mệt nhọc qua cả một ngày dài đã lên lịch chặt chẽ, người ta nhắm vào ông từng phút một. Ông nghe giường kêu cọt kẹt khi Beth trở mình và giải thoát tấm nệm khỏi sức nặng của bà. Cửa phòng tắm mở rồi đóng lại, chốt cửa kêu lách cách vào chỗ rồi tuột ra theo cái kiểu dễ bực mình của nó. Giá như còn trẻ thì ông hẳn đã cố sửa, nhưng nay Mark sống tận New Mexico, mỗi năm chỉ về nhà
một lần là cùng, nên cũng chẳng có nhu cầu được riêng tư mấy. Beth tắm rửa khiến cho nước kêu rì rầm run rẩy trong các đường ống chạy khắp nhà.
Một giọng đàn ông, rất nhanh và chồng lên tiếng nhạc, tuôn ra từ bàn cạnh giường; động tác đầu tiên của vợ ông khi thức dậy là bật cái thứ mắc toi đó lên rồi bỏ đi. Bà vẫn cứ tiếp cận qua thiết bị điện tử với một môi trường mà trong đó họ ngày càng bị cô lập hơn về thể xác, một cặp vợ chồng già với đứa con duy nhất đã bỏ đi mất, vây quanh họ trong công việc hằng ngày là lớp trẻ vô tâm. Beth tại thư viện bị buộc phải học kiến thức cơ bản về máy vi tính, cách tìm thông tin, in ra chuyển cho bọn trẻ quá ngốc hoặc quá lười đến độ không chịu mò tìm trong sách, ở nơi nào vẫn còn sách in về đề tài đó. Jack đã cố gắng phớt lờ toàn bộ cuộc cách mạng ấy, bướng bỉnh tiếp tục ghi chép bằng tay trong những buổi tư vấn, theo lối ông đã làm trong bao năm, và không thèm “gõ” những kết luận của ông vào ngân hàng dữ liệu vi tính hóa về hai ngàn học sinh của trường Trung tâm. Vì sự lơ là, hoặc sự cự tuyệt đó, ông thường xuyên bị các giáo viên tư vấn đồng nghiệp cự nự, nhất là, trong ban giáo viên tư vấn đã tăng gấp ba trong ba mươi năm qua, Connie Kim, một cô gái Mỹ gốc Hàn xinh xắn chuyên về các nữ sinh da màu trốn học, gặp rắc rối, và Wesley Ray James, một anh chàng da đen vừa năng nổ vừa nghiêm khắc, với những kỹ năng điền kinh cách đây chưa lâu - anh ta vẫn gầy như cây sậy - giúp anh ta có thể làm hình mẫu cho bọn con trai. Jack luôn hứa dành một hai tiếng đồng hồ để cập nhật, nhưng nhiều tuần trôi qua mà ông vẫn không tìm được thời gian. Cảm giác cần giữ bí mật về những gì mình được chia sẻ khiến
ông không chịu đưa các ý chính thu được sau các buổi gặp mặt riêng tư vào mạng lưới điện tử, phủ toàn trường cho ai cũng tiếp cận được.
Beth chịu khó học hỏi hơn, uyển chuyển và sẵn sàng thay đổi hơn. Bà đã chấp nhận lễ cưới tại Tòa Đô chính của họ cho dù, ngượng ngùng, bà đã thừa nhận với ông rằng bố mẹ bà sẽ tan nát cõi lòng bởi không có được lễ cưới trong nhà thờ như họ mong đợi. Bà không hề nói việc đó tác động gì tới cõi lòng của bà, và ông đáp, “Cứ đơn giản thôi. Không màu mè vớ vẩn gì cả.” Tôn giáo không có nghĩa gì với ông, và khi họ hợp nhất thành một thực thể hôn nhân nó ngày càng ít có nghĩa với bà. Bây giờ ông tự hỏi liệu mình có tước đi của bà thứ gì đó không, dù gớm guốc đến đâu, và phải chăng việc nói liến thoắng và ăn uống vô độ của bà là sự đền bù cho vụ đó. Kết hôn với một người Do Thái cao ngạo thật không dễ dàng gì.
Bước ra khỏi phòng tắm, áo choàng tắm to hàng mấy mét vuông quấn quanh người, bà thấy ông đứng lặng lẽ và bất động tại của sổ hành lang trên lầu, liền kêu to, đầy sợ hãi, “Jack! Có chuyện gì vậy?”
Một thói bạo dâm trìu mến nào đó trong ông đối với vợ giữ kỹ nỗi u sầu của ông, chỉ giấu nó phân nửa khỏi bà. Ông muốn Beth cảm thấy trạng thái tinh thần của ông là lỗi tại bà, dù lý trí nói với ông rằng không phải vậy. “Không có gì mới,” ông nói. “Anh lại thức dậy quá sớm. Và không ngủ lại được.”
“Đó là dấu hiệu trầm cảm, hôm nọ họ nói thế trên tivi. Oprah mời một bà từng viết sách. Có lẽ anh nên gặp một - em không biết nữa,
từ ‘bác sĩ tâm lý’ khiến những ai không giàu có đều hoảng hồn, bà đó nói vậy - anh nên gặp một loại chuyên gia nào đó nếu anh khổ sở đến thế.”
“Một chuyên gia về Weltschmerz*.” Jack quay sang mỉm cười với bà. Dù bà cũng đã ngoài sáu mươi - sáu mươi mốt so với ông sáu mươi ba - nhưng mặt bà không thấy nếp nhăn; những gì có thể là nếp gấp sâu trên mặt một phụ nữ gầy gò thì trên khuôn mặt tròn đầy của bà chỉ hơi hằn nét, được vuốt mịn tới mức mượt mà con gái nhờ lớp mỡ giúp cho da bà vẫn căng. “Không, cảm ơn cưng,” ông nói. “Cả ngày anh phân phát sự thông thái, anh không còn sức để dung nạp nó. Quá nhiều kháng thể.”
Qua nhiều năm ông đã nhận ra rằng, khi ông né tránh một đề tài, thì bà, để khỏi hoàn toàn bị lọt ra khỏi tầm chú ý của ông, sẽ nhanh chóng chuyển sang đề tài khác. “Nói về kháng thể, Herm hôm qua nói trên điện thoại - điều này tuyệt mật nghe, Jack, thậm chí em cũng không nên biết, hãy hứa là anh sẽ không nói với ai hết...”
“Anh hứa.”
“... chị ấy nói với em những chuyện này vì chị ấy phải trút bầu tâm sự mà em thì không nằm trong nhóm tai mắt ở miệt đó - chị ấy nói rằng sếp của chị sắp sửa nâng mức đe dọa khủng bố cho khu vực này từ vàng sang cam. Em cứ nghĩ nó sẽ được báo trên đài truyền thanh, nhưng không thấy. Anh nghĩ thế nghĩa là sao?”
Sếp của Hermione là Bộ trưởng An ninh Nội địa, một tên tay sai cánh hữu cải đạo với cái tên Đức nào đó kiểu như Haffenreffer, ở miệt Washington. “Có nghĩa là họ muốn chúng ta cảm thấy họ không chỉ ngồi không trên đống tiền thuế của chúng ta. Họ muốn
chúng ta cảm thấy họ kiểm soát tốt tình hình. Nhưng họ có kiểm soát được đâu.”
“Đó là điều khiến anh ưu tư hả, khi anh ưu tư?”
“Không, em yêu. Anh chả lo chuyện đó đâu, thật đấy. Chúng nó cứ làm gì chúng muốn. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, anh nghĩ toàn bộ vùng này cũng cần một quả bom ngon lành là hơn.”
“Ôi, Jack, anh không nên dù là chỉ đùa về chuyện đó, mấy gã trẻ tuổi tội nghiệp ở những tầng trên cùng kia gọi điện thoại di động cho vợ để nói họ yêu vợ.”
“Anh biết, anh biết. Anh không nên dù là chỉ đùa.”
“Markie cứ nói tụi mình nên chuyển đến sống gần nó ở Albuquerque.”
“Nó nói vậy nhưng nó không thực sự muốn vậy đâu cưng. Nó chẳng muốn mình chuyển đến sống gần nó đâu.” Sợ rằng nói thẳng ra sự thật này có thể làm tổn thương bà mẹ của đứa con trai, ông đùa, “Anh không biết tại sao lại vậy. Mình không hề đánh đập hay nhốt nó trong phòng xép.”
“Bọn chúng sẽ không bao giờ đánh bom sa mạc,” Beth nói tiếp, lập luận cứ như họ chỉ cần vài điểm tranh luận nữa là sẽ nhất trí chuyển đến Albuquerque.
“Đúng đó: bọn chúng, như em gọi, yêu sa mạc.”
Bà thấy phật lòng trước vẻ châm biếm của ông đến nỗi thôi kỳ kèo ông, ông nhận thấy điều đó với niềm nhẹ nhõm xen lẫn hối tiếc. Bà cũng ném lại được một cú hất đầu cao ngạo theo kiểu xưa và nói, “Trước những gì khiến mọi người lo lắng mà mình vẫn thản
nhiên đến cỡ đó thì chắc phải tuyệt vời lắm,” đoạn quay lại phòng ngủ để dọn giường và, với cùng cấp độ dụng sức mềm mại ấy, bà thay quần áo để đi làm ở thư viện.
Mình đã làm gì, ông tự vấn, để xứng đáng với sự trung thành như thế, sự tin cậy của vợ như thế? Ông thất vọng, một chút xíu, rằng bà đã không tranh cãi trước tuyên bố thẳng thừng của ông rằng con trai họ, một bác sĩ nhãn khoa thành đạt, với ba đứa con rám nắng, ngoan ngoãn đeo kính và một cô vợ tóc tẩy vàng, đặc Do Thái, bề ngoài thân thiện nhưng thực chất xa cách, quê ở Short Hills, không muốn bố mẹ anh ta ở gần. Giữa ông và Beth có nhiều chuyện hoang đường, và một trong số đó là Mark cũng yêu họ nhiều như họ - biết làm sao, tổ của họ chỉ có được một trứng - yêu anh. Thực tế, Jack Levy không thấy phiền gì chuyện xin đủ với chốn này; sau cả một đời ở một thị trấn công nghiệp cổ xưa đang hấp hối và biến thành một nơi hỗn tạp đầy rẫy dân Thế giới thứ ba, chuyển sang sống ở mấy bang miền Nam đầy nắng có thể tốt cho ông. Beth cũng vậy. Mùa đông vừa rồi ở Trung bộ Duyên hải miền Đông thật hung hãn, và cho đến giờ trong khoảng luôn luôn đổ bóng giữa một số nhà san sát nhau ở khu này vẫn còn những đống tuyết nhỏ đen nhẻm vì bụi.
Tại trường Trung tâm, phòng giáo viên tư vấn của ông là một trong những phòng nhỏ nhất - nguyên là một phòng xép dài chứa đồ tiếp liệu, những dãy kệ bằng kim loại xám vẫn còn đó, chất bừa bãi những cuốn danh mục trường đại học, danh bạ điện thoại, cẩm nang tâm lý học và hàng đống các số cũ tuần báo Metro Job Market
không trang trí, to cỡ tờ Nation, kể tên những nhu cầu việc làm và cơ sở giáo dục chuyên nghiệp ở khu vực này. Khi tòa nhà nguy nga này được xây dựng cách đây tám mươi năm, người ta không thấy cần dành không gian riêng cho việc tư vấn: tư vấn diễn ra ở mọi nơi, từ trong cùng là những bậc bố mẹ đầy yêu thương cho tới ngoài cùng là nền văn hóa đại chúng nặng mùi luân lý, với rất nhiều lời khuyên ở khoảng giữa. Mỗi đứa trẻ bị nhồi nhiều hướng dẫn đến độ sức nó không tiêu hóa nổi. Bây giờ, rất thường xuyên, Jack Levy trò chuyện với những đứa trẻ có vẻ như không có bố mẹ bằng xương bằng thịt - những chỉ dẫn chúng có được từ thế giới này hoàn toàn đến từ những bóng ma điện tử đang phát tín hiệu cho cả một căn phòng đông nghẹt, hoặc đang hát rap qua những nút tai nghe màu đen, hoặc được cài trong các mã lập trình rối rắm gồm những nhân vật hành động vặn vẹo co giật đi qua những thuật toán tạo vụ nổ của một trò chơi video. Các học sinh trình diện trước giáo viên tư vấn giống như một chuỗi đĩa CD mà bề mặt loang loáng chẳng để lộ manh mối nào về nội dung bên trong nếu không có thiết bị để xem.
Anh chàng lớp mười hai này, cuộc trao đổi ba mươi phút lần thứ năm trong buổi sáng dài mệt mỏi, là một thanh niên da nâu xám, săn chắc, cao, mặc quần bò đen và áo sơ mi trắng tinh. Màu trắng của chiếc áo sơ mi làm nhức mắt Jack Levy, đầu ông vốn đã mong manh do thức sớm. Bìa đựng hồ sơ học sinh của cậu trai ghi bên ngoài Mulloy (Ashmawy), Ahmad.
“Tên em thật thú vị,” Levy nói với cậu trai. Có điều gì đó khiến Levy thích cậu bé này - thái độ nghiêm trang kiên định, vẻ nhã nhặn
đầy cảnh giác ở đôi môi mềm, khá dày, và kiểu cắt chải cẩn thận của mái tóc, một nhúm tóc cứng tìm cách vươn thẳng lên từ trán cậu ta. “Ashmawy là ai?” ông giáo viên tư vấn hỏi.
“Thưa thầy, em xin phép giải thích được không?”
“Làm ơn giải thích giùm.”
Cậu trai nói với vẻ trịnh trọng đau khổ; Levy có cảm giác cậu ta đang bắt chước theo người lớn nào đó cậu ta biết, một tay nói chuyện trang trọng và trôi chảy. “Em là sản phẩm của một bà mẹ Mỹ trắng và một sinh viên Ai Cập sang Mỹ trong chương trình trao đổi; họ gặp nhau trong khi cả hai đang học tại cơ sở New Prospect của Đại học Bang New Jersey. Mẹ em, sau này đã trở thành hộ lý, vào thời điểm đó đang theo học tín chỉ để lấy bằng về nghệ thuật. Bà vẽ và thiết kế nữ trang vào giờ rảnh, có ít nhiều thành công, dù không đủ để nuôi chúng em. Còn ông ấy...” Cậu trai do dự, như đụng một chướng ngại trong cổ họng.
“Ba em,” Levy gợi lời.
“Chính xác. Ông ấy đã hy vọng hấp thụ những bài học về kỹ thuật tiếp thị và kinh doanh Mỹ, mẹ em kể với em như vậy. Nó không dễ như người ta nói với ông. Tên ông hồi đó - nay hiện là; em vẫn có cảm giác rõ ông còn sống - Omar Ashmawy, và tên mẹ em là Teresa Mulloy. Bà là người Mỹ gốc Ireland. Họ cưới nhau khá lâu trước khi sinh em. Em là con hợp pháp.”
“Được rồi. Tôi không nghi ngờ điều đó. Mà chuyện đó cũng không quan trọng. Kẻ không hợp pháp không phải là đứa bé, nếu em hiểu ý tôi.”
“Em hiểu, thưa thầy. Cảm ơn thầy. Ba em biết rõ rằng việc cưới
một công dân Mỹ, dù người đó không ra gì và vô đạo đức tới đâu, có thể giúp ông kiếm được tư cách công dân Mỹ, và đúng vậy thật, nhưng nó không giúp ông có được kiến thức công nghệ Mỹ, cũng không có được mạng lưới quen biết có thể dẫn đến sự thịnh vượng Mỹ. Tới hồi em lên ba, tuyệt vọng vì chẳng kiếm tiền được khá hơn mấy người lao công, ông nhổ trại - em dùng từ này có đúng không? Em gặp nó trong tự truyện của nhà văn Mỹ vĩ đại Henry Miller, mà cô Mackenzie giao cho chúng em đọc trong môn văn học Anh nâng cao.”
“Cô ấy làm vậy à? Chúa ơi, Ahmad; thời thế thay đổi quá. Hồi trước học sinh thường chỉ tìm được Miller dưới gầm bàn thôi. Em biết thành ngữ ‘dưới gầm bàn’ chứ?”
“Dĩ nhiên rồi. Em đâu phải người ngoại quốc. Em chưa từng ở nước ngoài.”
“Em đã hỏi về từ ‘nhổ trại’. Nó là một từ cổ, nhưng hầu hết người Mỹ đều hiểu nó nghĩa là gì. Nghĩa gốc là dời trại lính đi nơi khác.” “Em nhớ như là Miller dùng khi kể về một bà vợ đã bỏ ông ta.” “Phải. Không có gì lạ. Rằng bà ấy đã nhổ trại, ý tôi vậy. Miller chắc cũng không phải là ông chồng dễ chịu.” Những màn làm tình tay ba có bôi dầu với bà vợ trong cuốn Sexus. Khoa Anh văn có chỉ định đọc thêm Sexus không? Không có gì được để dành lại cho tuổi trưởng thành sao?
Cậu trai rẽ sang một hướng khác đáng ngạc nhiên từ những nhận xét lúng túng của ông thầy tư vấn. “Mẹ em nói rằng em không thể nhớ được ba em,” cậu ta nói, “vậy mà em nhớ.”
“Phải, lúc ấy em đã lên ba. Xét về mặt phát triển, em chắc đã có
vài ký ức.” Đây không phải là hướng trò chuyện theo dự định của Jack Levy.
“Một cái bóng sẫm, ấm áp,” Ahmad nói, chồm tới, đột ngột, trong cơn hăng hái. “Hàm răng đều, rất trắng. Một đường ria nhỏ, gọn. Em hưởng được thói quen ngăn nắp cá nhân từ ba em, chắc chắn vậy. Trong ký ức của em có một mùi ngọt ngào, chắc là nước thơm sau khi cạo râu, dù có hơi hướng gia vị gì đó trong đấy, có lẽ một món Trung Đông mà ông vừa ăn xong. Ông ấy da sậm, sậm hơn em, nhưng dáng gầy gò một cách tao nhã. Ông rẽ ngôi gần giữa đầu.”
Sự lạc đề cô ý này khiến Levy bối rối. Cậu bé này đang sử dụng nó để giấu điều gì đó - cái gì? Jack chỉ ra, giội nước lạnh lên cậu ta, “Có lẽ em nhầm một tấm hình với một ký ức.”
“Em chỉ có một hai tấm hình. Mẹ em có lẽ đã giấu một số tấm không cho em xem. Khi em còn nhỏ và chưa biết gì, bà không chịu trả lời nhiều câu hỏi của em về ba. Em nghĩ việc ông bỏ đi làm bà rất giận. Một ngày nào đó em sẽ đi tìm ông ấy. Không phải để đòi hỏi hay kết tội, mà đơn giản để nói chuyện, như hai người đàn ông Hồi giáo nói chuyện với nhau.”
“Ưm, cậu...? Em thích được gọi như thế nào? Mulloy hay...” - ông lại nhìn vào bìa đựng hồ sơ - “Ashmawy?”
“Mẹ em gắn tên bà vào cho em, trên bằng lái xe và thẻ an sinh xã hội của em, và căn hộ của bà là địa chỉ liên lạc với em. Nhưng khi ra trường sống độc lập em sẽ là Ahmad Ashmawy.”
Levy vẫn nhìn xuống bìa hồ sơ. “Vậy em làm sao để bảo đảm sự độc lập đó? Điểm số của em rất tốt, Mulloy, ở môn hóa và văn học
Anh vân vân, nhưng tôi thấy năm ngoái em có chuyển sang hướng học nghề. Ai khuyên em làm vậy?”
Chàng trai trẻ cụp mắt xuống - hai ngọn đèn đen nghiêm nghị, lông mi dài - và chà xát tai cứ như có con ruồi nhuế đậu. “Thầy của em,” cậu nói.
“Thầy nào? Một sự chuyển hướng đột ngột như thế này đáng ra phải được bàn bạc với tôi. Chúng ta có thể nói chuyện, em với tôi, cho dù chúng ta không phải là hai người đàn ông Hồi giáo.”
“Thầy của em không có ở đây. Ông ấy ở thánh đường. Shaikh Rashid, thầy tế. Chúng em cùng nhau nghiên cứu kinh Qur’an.” Levy cố trấn áp nỗi chán ghét, nói, “Phải. Tôi có biết thánh đường đó ở đâu không ấy à? Tôi e rằng mình không biết, trừ một cái rất to trên đại lộ Tilden mà người Hồi giáo da đen dựng lên trên đống đổ nát sau những vụ bạo loạn thập niên sáu mươi. Ý em muốn nói cái đó hả?” Giọng ông nghe bực bội, và ông không muốn thế. Cậu bé này không phải là người đánh thức ông dậy lúc bốn giờ sáng, cũng không phải là kẻ quấy rối đầu óc ông bằng những ý nghĩ về cái chết, hoặc làm Beth mập lên một cách đáng nản. “Phố West Main, thưa thầy, cách đại lộ Linden chừng sáu dãy nhà về phía Nam.”
“Đại lộ Reagan. Năm ngoái họ đổi tên nó như vậy,” Levy nói, thở ra giọng bất đồng.
Chàng trai không bắt vào chuyện đó. Với những người trẻ dưới hai mươi này, chính trị là một lĩnh vực bí hiểm, cõi của những người nổi tiếng. Các cuộc thăm dò cho thấy họ nghĩ Kennedy là tổng thống tốt thứ nhì sau Lincoln, bởi vì ông ta có tố chất ngôi sao, và
cũng vì dù sao thì họ cũng không biết bất kỳ ông nào khác, ngay cả Ford lẫn Carter, chỉ biết Clinton và cha con Bush, nếu họ phân biệt được Bush cha với Bush con. Cậu Mulloy này - đầu óc Levy bị nghẽn không nhớ nổi cái tên kia của cậu - nói, “Nó nằm trên con phố có nhiều cửa hàng, bên trên một thẩm mỹ viện và một nơi đổi chi phiếu. Lần đầu tìm nó không dễ đâu.”
“Và ông thầy tế ở nơi khó tìm đó bảo em chuyển sang hướng học nghề.”
Chàng trai lại do dự, bảo vệ điều gì đó mà cậu ta đang bảo vệ, rồi nói, đôi mắt to đen giương lên một cách táo tợn, tròng mắt khó phân biệt với con ngươi, “Ông ấy nói hướng lên đại học dẫn em tới những ảnh hưởng thối nát - văn chương xấu và triết học xấu. Văn hóa Tây phương vốn không có Thượng Đế.”
Jack Levy ngả người ra trên chiếc ghế xoay bằng gỗ kiểu xưa kêu rin rít, thở dài, “Giá mà được vậy.” Sợ rắc rối với ban giám hiệu và báo chí nếu họ nghe phong thanh ông nói với học trò điều này, ông rút lại: “Nhỡ miệng thôi. Một số người Tin Lành ưa rao giảng đã quấy rối tôi rất nhiều, đổ lỗi cho Darwin về những việc Chúa đã làm cẩu thả khi Người tạo ra vũ trụ.”
Nhưng chàng trai không lắng nghe, cứ theo đuổi luận điểm của cậu ta. “Và bởi vì không có Thượng Đế, nó bị ám ảnh bởi tình dục và những hàng hóa xa xỉ. Nhìn tivi mà xem, thầy Levy, xem cái lối nó luôn luôn sử dụng tình dục để thuyết phục thầy mua các thứ thầy không cần. Nhìn vào lịch sử mà nhà trường giảng dạy xem, toàn quan điểm thực dân thuần túy. Nhìn cách người Cơ Đốc giáo gây cuộc diệt chủng dân Mỹ Da đỏ và hủy hoại châu Á và châu Phi và
bây giờ đang truy đuổi người Hồi giáo mà xem, trong khi mọi thứ ở Washington đều do bọn Do Thái điều hành nhằm đứng vững ở Palestine.”
“Chà,” Jack nói, tự hỏi liệu chàng trai này có nhận ra cậu đang nói chuyện với một người Do Thái không. “Quả là một bản tổng hợp sự kiện không tồi để kéo em khỏi con đường đại học.” Khi Ahmad tròn mắt, chăm chăm nhìn những sự bất công quá đáng này, Jack nhận thấy rằng con ngươi của cậu không thuần đen mà nhuốm màu xanh trong sắc nâu, một chút Mulloy trong cậu ta. “Ông thầy tế đó có gợi ý,” ông hỏi, để cho chiếc ghế nẩy lại khiến ông khom người một cách tự tin trên bàn làm việc, “rằng một chàng trai thông minh như em, trong một xã hội khoan dung và đa dạng như vầy, cần phải đối mặt với nhiều quan điểm khác nhau không?”
“Không,” Ahmad nói với vẻ cộc lốc đáng ngạc nhiên, đôi môi mềm mại chúm lại thành một cái trề môi thách thức. “Shaikh Rashid không hề gợi ý điều đó, thưa thầy. Ông ấy cảm thấy kiểu tiếp cận theo chủ nghĩa tương đối như thế là tầm thường hóa tôn giáo, ngụ ý rằng nó không quan trọng lắm. Thầy tin điều này, em tin điều kia, tất cả chúng ta đều thân thiện với nhau - đó là kiểu của người Mỹ.”
“Đúng. Còn ông ta không thích kiểu của người Mỹ?” “Ông ấy ghét nó.”
Jack Levy, vẫn ngồi chồm tới, chống hai khuỷu tay xuống mặt bàn, đầy suy tư tựa cằm lên những ngón tay đan vào nhau. “Còn em, Mulloy, em có ghét nó không?”
Chàng trai trẻ lại rụt rè nhìn xuống. “Dĩ nhiên là em không ghét mọi người Mỹ. Nhưng kiểu của người Mỹ là kiểu của dân ngoại đạo.
Nó đang hướng thẳng tới một cuộc hủy diệt kinh khủng.” Cậu không nói, nước Mỹ muốn tước Thượng Đế của em đi. Cậu bảo vệ Thượng Đế của cậu khỏi ông già Do Thái hoài nghi, nhếch nhác, mệt mỏi này, và giữ gìn cả nỗi nghi ngờ rằng Shaikh Rashid tuyên bố những học thuyết của ông ta quá hùng hổ và chắc chắn bởi vì Thượng Đế đã bí mật trốn khỏi đôi mắt Yemen nhợt nhạt ấy, mang màu xanh xám ẩn hiện từ đôi mắt một phụ nữ da đen. Ahmad trong những năm thiếu cha với bà mẹ vô tín ngưỡng một cách vô tư lự đã ngày càng quen với việc trở thành kẻ duy nhất coi sóc Thượng Đế, xem Thượng Đế như kẻ đồng hành vô hình nhưng lại cụ thể. Thượng Đế luôn ở cùng cậu. Như chương chín nói, Ngoài Thượng Đế, các ngươi không có một vị bảo hộ hay một vị cứu tinh nào cả. Thượng Đế là một người khác ngay bên cạnh cậu, một người anh em sinh đôi dính liền nhau ở mọi bộ phận, cả trong lẫn ngoài, và cậu có thể cậy đến đối tượng đó trong mọi giây phút qua lời cầu nguyện. Thượng Đế là nguồn hạnh phúc của cậu. Tên quỷ già Do Thái này, đằng sau cung cách xảo quyệt, lõi đời, làm giọng cha chú của ông ta, lại mong muốn phá vỡ sự liên kết nguyên sơ đó và đoạt mất Đấng Bao dung và Đấng tạo sự sống khỏi cậu. Jack Levy lại thở dài và nghĩ trước sang cuộc hẹn kế tiếp - một thiếu niên lầm lạc, ẩm ương, nghèo túng nữa sắp trôi lạc vào vũng lầy thế giới này. “Này, có lẽ tôi không nên nói điều này, Ahmad, nhưng xét trình độ và điểm số của em, cùng thái độ chững chạc và nghiêm túc trên xa mức bình thường của em, tôi nghĩ rằng ông - gọi là gì ấy nhỉ? - thầy tế của em đã giúp em bỏ phí những năm trung học. Tôi ước gì em đã chọn hướng lên đại học.”
Ahmad chuyển sang biện hộ cho Shaikh Rashid. “Thưa thầy, không có nguồn tài chính nào cho chi phí đại học cả. Mẹ em tự cho mình là nghệ sĩ; bà chỉ học tới mức hộ lý, thay vì đầu tư thêm hai năm vào việc học khi em còn chưa đến tuổi đi học.”
Levy vò mái tóc thưa đã rối sẵn của ổng. “OK, chắc chắn rồi. Đây đang là thời khó khăn mà, an ninh được tăng cường, và những cuộc chiến tranh của Bush đang hút hết cái mà bình thường ra là lượng thặng dư. Nhưng, ta hãy đối mặt với nó, trên đời vẫn còn nhiều khoản học bổng dành cho những thanh niên da màu thông minh, có tinh thần trách nhiệm. Chúng ta có thể kiếm cho em học bổng nào đó, tôi tin chắc thế. Không được Princeton, chắc vậy, và có lẽ không được Rutgers, nhưng một nơi như Bloomfield hay Seton Hall, Fairleigh Dickinson hay Kean, có thể là rất tốt. Tuy nhiên, lúc này, đã quá nhiều nước chảy qua cầu. Rất tiếc tôi không được biết trường hợp của em sớm hơn. Hãy lấy được bằng tốt nghiệp trung học đã, rồi xem trong một hai năm em nghĩ gì về trường đại học. Em biết tìm tôi ở đâu mà, tôi sẽ làm hết sức mình. Cho tôi hỏi, em đã lên kế hoạch gì sau khi tốt nghiệp? Nếu em không có dự định việc làm, hãy nghĩ đến quân đội. Nó không còn là chỗ ngon lành đối với mọi người nữa, nhưng nó vẫn đem lại khá nhiều - dạy cho em một số kỹ năng, và giúp em đi học sau này. Nó đã giúp tôi đi học. Nếu em biết chút tiếng Ả Rập, họ sẽ trọng em đấy.”
Nét mặt Ahmad đanh lại. “Quân đội sẽ phái em chiến đấu chống lại những huynh đệ của em.”
“Hoặc cũng có thể chiến đấu vì huynh đệ của em. Không phải
mọi người Iraq đều là kẻ nổi loạn, em biết mà. Hầu hết không phải. Họ chỉ muốn tiếp tục làm ăn. Nền văn minh đã sinh ra từ đó. Họ đã có một đất nước đầy hứa hẹn, cho đến thời Saddam.”
Cặp mày của cậu trai, rậm và rộng như đàn ông trưởng thành dù sợi mịn hơn, nhíu lại cau có. Ahmad đứng dậy cáo lui, nhưng Levy chưa sẵn sàng cho cậu bỏ đi. “Tôi hỏi,” ông khăng khăng, “em đã thu xếp được công việc nào chưa?”
Câu trả lời thốt ra miễn cưỡng: “Thầy của em nghĩ em nên lái xe tải.”
“Lái xe tải? Loại xe tải gì? Có nhiều loại xe tải này nọ. Em chỉ mới mười tám; tôi tình cờ biết trong ba năm nữa em vẫn chưa thể lấy bằng lái cho loại xe đầu kéo hoặc xe bồn hoặc thậm chí xe buýt học sinh. Kỳ thi lấy bằng lái, loại CDL - tức bằng lái xe tải thương mại đó - rất khó. Chưa đủ hai mươi mốt tuổi là em không được lái xe ra khỏi bang. Em không thể chở những chất nguy hiểm.”
“Không được sao?”
“Theo tôi biết thì không. Trước em có nhiều thanh niên trẻ cũng quan tâm chuyện này; nhiều người đã từ bỏ ý định, bởi khía cạnh kỹ thuật của nó và mọi thứ quy định. Em phải gia nhập Nghiệp đoàn Lái Xe tải. Có nhiều rào cản, trong việc lái xe tải. Vô số côn đồ nữa.”
Ahmad nhún vai; Levy thấy rằng ông đã xài cạn vốn lịch sự và hợp tác của chàng thanh niên này. Cậu ta đã khép miệng hến. Được thôi, Jack Levy cũng sẽ làm thế. Ông đã ở Jersey lâu hơn cậu trai tự phụ kiêu căng này. Như ông hy vọng, chàng thanh niên ít kinh nghiệm cũng mở lời và phá vỡ im lặng.
Ahmad cảm thấy buộc phải biện minh với tay Do Thái khốn khổ
này. Mùi bất hạnh tuôn ra từ ông Levy như đôi khi tuôn từ mẹ Ahmad, sau khi một gã bạn trai phụ tình chị và trước khi người kế tiếp xuất hiện, và suốt nhiều tháng chẳng bức tranh nào của chị bán được. “Thầy em biết những người có thể đang cần tài xế. Em có thể nhờ người khác dạy nghề,” cậu ta giải thích. “Lương hậu hĩ lắm,” cậu nói thêm.
“Và giờ làm việc dài dằng dặc,” ông thầy tư vấn nói, đóng sập hồ sơ của cậu học sinh lại, sau khi viết tháu lên trang trên cùng “htc” và “ksn”, viết tắt của “hết thuốc chữa” và “không sự nghiệp”. “Cho tôi biết điều này đi Mulloy. Đức tin của em ấy - nó quan trọng với em lắm.”
“Vâng.”
Cậu trai này đang bảo vệ thứ gì đó; Jack có thể đánh hơi thấy điều ấy.
“Thượng Đế - Allah - là rất thực đối với em.”
Ahmad nói, chậm rãi, như thể xuất thần hoặc kể lại một cái gì đã thuộc lòng, “Người ở trong em, và bên cạnh em.”
“Tốt. Tốt. Rất vui khi nghe điều đó. Cứ giữ lấy. Tôi cũng tiếp xúc với tôn giáo ít nhiều, mẹ tôi vẫn thắp nến lễ Vượt Qua, nhưng tôi có một ông bố ưa chế giễu, vì vậy tôi theo gương ông và không giữ đạo. Thực ra tôi chưa hề có đạo để mất. Cát bụi về cát bụi là cảm giác của tôi. Rất tiếc.”
Chàng trai trẻ chớp mắt và gật đầu, hơi sợ hãi trước lời thú tội như thế. Mắt cậu tựa như những ngọn đèn đen tròn bên trên tấm sơ mi trắng tinh; chúng khắc vào ký ức của Levy và đôi khi trở lại giống như dư ảnh của mặt trời lúc hoàng hôn, hoặc ánh lóe chớp từ máy
chụp hình khi ta ngoan ngoãn tạo dáng, cố ra vẻ tự nhiên, nhưng nó bật ra sớm bất ngờ.
Levy tiếp tục: “Em bao nhiêu tuổi khi... khi em tìm thấy đức tin của em?”
“Mười một, thưa thầy.”
“Thú vị thật - đó là độ tuổi tôi tuyên bố thôi không học vĩ cầm nữa. Bất chấp bố mẹ tôi. Tự khẳng định mình. Mặc kệ mọi người.” Cậu trai vẫn trân mắt, từ chối mối đồng cảm này. “O.K.,” Levy thừa nhận. “Tôi muốn suy nghĩ về em một chút nữa. Có thể tôi muốn gặp lại em, cho em ít tài liệu có liên quan, trước khi em tốt nghiệp.” Ông đứng dậy và bất giác bắt tay chàng thanh niên có vẻ mong manh, cao, mảnh khảnh, điều mà không phải với cậu trai nào ông cũng làm vào cuối buổi nói chuyện, và thời nay thì sẽ không bao giờ làm với một cô gái - một cú chạm nhỏ nhất cũng có nguy cơ bị khiếu nại. Một số cô bé nóng bỏng ngớ ngẩn này hay tưởng tượng nhảm. Bàn tay siết lại của Ahmad mềm và ẩm đến độ khiến Jack giật mình: vẫn là cậu bé nhút nhát, chưa phải là người đàn ông. “Hoặc, nếu không,” vị giáo viên tư vấn kết luận, “chúc em có một cuộc sống tuyệt vời, anh bạn ạ.”
Sáng Chủ nhật, trong khi hầu hết người Mỹ vẫn còn nằm trên giường, dù một số đang cố gắng rời khỏi giường để đi lễ sớm hoặc chơi một ván golf theo kế hoạch trong màn sương, Bộ trưởng An ninh Nội địa nâng cấp cái gọi là mức độ đe dọa khủng bố từ vàng, chỉ có nghĩa là “hơi cao” sang cam, nghĩa là “cao”. Đó là tin xấu. Tin tốt là ở chỗ mức cao hơn này chỉ áp dụng cho một số khu vực cụ
thể trong Washington, New York và Bắc New Jersey; phần còn lại của cả nước vẫn ở mức vàng.
Ngài Bộ trưởng nói với cả nước, bằng giọng Pennsylvania hầu như đã được tinh luyện của ông, rằng những báo cáo tình báo mới đây, mà ông gọi là “chi tiết hài hòa và chặt chẽ một cách đáng lo ngại”, đã báo hiệu một cuộc tấn công vào những mục tiêu nhạy cảm ở các khu đại đô thị cụ thể thuộc miền Đông nói trên, mà “những kẻ thù của tự do đã nghiên cứu lâu nay với những công cụ do thám tinh vi nhất”. Các trung tâm tài chính, sân vận động thể thao, cầu, đường hầm, đường xe điện ngầm - chẳng có gì là an toàn. “Các bạn có thể rồi sẽ gặp,” ông nói với ống kính các máy quay truyền hình, trông như một ô cửa gắn ống kính màu nòng súng nơi mạn tàu, ở đầu bên kia chen chúc một biển công dân bồn chồn, tin cậy, “những vùng đệm đặc biệt để bảo vệ ngoại vi các tòa nhà không cho xe hơi và xe tải không phận sự đến gần; hạn chế đi lại tới các bãi đỗ xe ngầm bị ảnh hưởng; nhân viên an ninh sử dụng thẻ nhân viên và ảnh chụp kỹ thuật số để ghi nhận những người ra vào các tòa nhà; tăng cường hiện diện của lực lượng thực thi pháp luật; và rà soát gắt gao xe cộ, bao kiện, hàng chuyển phát.”
Ông nâng niu và nhấn mạnh cụm từ “rà soát gắt gao”. Nó gợi lên hình ảnh những người đàn ông lực lưỡng mặc áo liền quần xanh lá cây hoặc xanh xám đang tháo tung các xe cộ và bưu kiện, dùng sự hăng hái của họ xả ra nỗi bực bội hằng ngày của ngài Bộ trưởng trước khó khăn trong nhiệm vụ của ông. Nhiệm vụ của ông là bảo vệ một đất nước, dù nó không đồng ý, với gần ba trăm triệu con người vô chính phủ, hàng triệu cơn bốc đồng phi lý và những hành
động buông thả thường ngày chấp chới ngoài tầm nhìn ngay bên rìa phạm vi giám sát khả thi. Những cách biệt và thất thường tập thể của đám đông hỗn loạn này tạo thành một bề mặt xù xì hoàn hảo mà trên đó kẻ thù có thể phát triển một trong những âm mưu dai dẳng, lan rộng của y. Ngài Bộ trưởng thường nghĩ, phá hoại dễ hơn xây dựng rất nhiều, và hỗn loạn dễ hơn nhiều so với trật tự xã hội, đến độ những kẻ bảo vệ xã hội ắt hẳn luôn luôn tụt lại phía sau những kẻ hủy hoại nó, tựa như (hồi còn trẻ ông từng là cầu thủ của đội Lehigh) một đấu thủ nhận banh lẹ chân luôn có thể phóng trước một bước so với tay hậu vệ biên. “Và cầu Chúa phù hộ nước Mỹ,” ông kết luận trước công chúng như vậy.
Đèn đỏ bên trên ống kính máy quay tắt đi. Ông không còn lên sóng nữa. Kích cỡ ông đột ngột co lại; hiện giờ lời nói của ông chỉ được dúm kỹ thuật viên truyền hình và ban nhân viên trung thành quanh ông nghe thấy, trong cơ sở truyền thông chật hẹp, chống bom, nằm sâu hơn ba chục mét bên dưới đại lộ Pennsylvania này. Các quan chức nội các khác được phân những tòa nhà liên bang bằng cẩm thạch và đá vôi dài đến độ mỗi cái đều có đường chân trời của riêng nó, trong khi ông phải chui rúc làm việc trong một văn phòng nhỏ không cửa sổ dưới tầng hầm Nhà Trắng. Với tiếng thở dài mệt mỏi khó nhọc, Bộ trưởng quay khỏi ống kính. Ông là một gã to con, lưng là cả một tảng cơ lừng lững khiến các tay thợ may những bộ vest xanh đen cho ông đã vất vả càng thêm vất vả. Trên cái đầu to tướng, cái miệng của ông trông nhỏ một cách tàn bạo. Mớ tóc của ông, trên cùng cái đầu đó, trông cũng nhỏ xíu, giống như cái nón của ai khác bị ấn bừa vào. Giọng Pennsylvania của ông
không phải là tiếng làu bàu nuốt âm tiết đậm sắc địa phương giống như giọng Lee Iacocca hay giọng oang oang chói tai của Arnold Palmer; thuộc một thế hệ trẻ hơn họ, ông nói thứ tiếng Anh trung tính, quen thuộc với giới truyền thông, cái giọng mà chỉ vẻ trang trọng căng thẳng cùng vài sắc thái nào đó ở nguyên âm mới làm lộ ra cội nguồn của nó là một cộng đồng Thịnh vượng chung nổi tiếng vì sự nghiêm túc, vì nỗ lực nhiệt tình và sự phục tùng khắc kỷ, vì những tín đồ phái Quaker và những thợ mỏ than, vì những nông dân phái Amish và những tay trùm ngành thép theo phái Trưởng Lão biết kính sợ Chúa.
“Cô nghĩ gì vậy?” ông hỏi phụ tá Hermione Fogel, một phụ nữ Pennsylvania mảnh dẻ mắt hồng, sáu mươi tư nhưng vẫn còn trinh tiết.
Làn da trong suốt và cung cách run rẩy, bối rối của Hermione toát ra nỗi khát khao được trở nên vô hình, bản năng của một thuộc cấp. Trong tinh thần vui chơi bầy hầy mà Bộ trưởng vẫn quen dùng để bộc lộ tình cảm và sự tin cậy, ông đã mang bà theo từ Harrisburg và cho bà một chức danh không chính thức: Thứ trưởng Phụ trách Ví Phụ nữ. Đấy là một vấn đề có thật: ví tiền phụ nữ là lỗ cống dung chứa sự rối loạn và kho báu trầm tích với những tầng sâu có thể giấu đủ loại vũ khí khủng bố nhỏ gọn - dao xếp rọc thùng giấy, đạn khí độc phát nổ, súng gây tê dạng thỏi son. Chính Hermione đã góp công xây dựng quy cách khám xét đối với khu vực bóng tối quan trọng này, như thứ que gỗ đơn giản mà các nhân viên an ninh gác cửa có thể dùng rà soát những tầng sâu ấy mà không gây xúc phạm như lục soát bằng tay trần.
Đa số nhân viên an ninh được tuyển từ những cộng đồng thiểu số, và nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ có tuổi, ghê tởm khi thấy những ngón tay da đen hoặc nâu chực xâm nhập vào ví họ. Cái gã khổng lồ là thói phân biệt chủng tộc Mỹ đang ngủ thiu thiu, bị ru êm bởi bài ca của chủ nghĩa tự do chính thức suốt hàng bao thập niên, một lần nữa bị quậy lên khi những người Mỹ gốc Phi và Mỹ Latinh vốn (thường bị than phiền là) “thậm chí không nói được tiếng Anh cho tử tế”, giành được quyền khám xét, tra hỏi, đình hoãn, cho phép hoặc từ chối quyền ra vào và quyền được bay. Ở một xứ sở nơi các cổng an ninh ngày càng tăng, số người gác cổng cũng tăng bội theo. Đối với giới chuyên môn lãnh lương cao thường đi lại bằng đường hàng không và lui tới những tòa nhà chính phủ mới được tăng cường an ninh, có vẻ như tầng lớp hạ lưu da sậm đã được trao cho quyền lực chuyên chế. Những cuộc sống sung túc mà thậm chí cách nay một thập niên vẫn di chuyển thoải mái qua những vòng đặc quyền khép kín và hướng tiếp cận ưu tiên thì nay dường như mỗi bước mỗi gặp vướng mắc, trong khi mấy người gác cổng thận trọng đến phát rồ săm soi bằng lái xe và thẻ lên máy bay. Ở những nơi mà có thời chỉ cần phong thái tự tin, chiếc cà vạt và bộ vest đúng cách cùng danh thiếp có kích thước năm nhân bảy phân là mở được mọi cánh cửa, nay cái cần gạt không nhả ra nữa, cửa vẫn đóng. Làm thế nào mà sự vận hành trơn tru trôi chảy như nước của chủ nghĩa tư bản, ấy là chưa kể việc giao thương trao đổi trí tuệ và đời sống xã hội của các dòng họ lớn, có thể vượt qua được thói cẩn trọng tầng tầng dày đặc ngoan cố như thế? Kẻ thù đã đạt được mục tiêu của hắn: việc kinh doanh và giải trí ở phương Tây bị
ngưng trệ, ngưng trệ quá đáng.
“Tôi nghĩ nó diễn ra rất tốt, như thường lệ,” Hermione Fogel trả lời, cho một câu hỏi mà Bộ trưởng hầu như đã quên mất. Ông đang ưu tư: những đòi hỏi trái ngược nhau về an ninh và riêng tư, tiện lợi và an toàn, là món ăn hằng ngày của ông, nhưng khoản đền bù lại cho ông tính theo lòng ngưỡng mộ của công chúng thì gần như bằng không, còn đền bù về tài chính rõ ràng là khiêm tốn, trong khi ông có mấy đứa con sắp đến tuổi vào đại học và một bà vợ cứ phải giữ vẻ ngoài tươi trong héo giữa những vòng giao tế bất tận của Washington đầy đảng viên Cộng hòa. Trừ một phụ nữ da đen độc thân, một nghệ sĩ dương cầm tài hoa và viện sĩ thạo nhiều thứ tiếng đảm trách chiến lược toàn cầu dài hạn, các đồng sự của Bộ trưởng trong chính quyền đều xuất thân giàu có và đã kiếm thêm được nhiều tài sản trong khu vực tư nhân suốt tám năm ngồi chơi xơi nước dưới thời Clinton. Trong những năm no đủ đó ngài Bộ trưởng đã tìm đường ngoi lên từ những chức vụ công quyền lương thấp ở Hòn Đá Đỉnh Vòm. Bây giờ tất cả những ai theo Clinton, kể cả những người trong nhà Clinton, đang trở nên giàu nứt đố đổ vách nhờ những hồi ký bạch hóa của họ, trong khi ngài Bộ trưởng, trung thành và trơ như đá, bị trói vào việc bảo mật kín bưng, bây giờ và mãi về sau.
Chẳng phải ông biết bất cứ điều gì các chuyên gia về Ả Rập không nói với ông; thế giới mà họ theo dõi, thế giới của trò huyên thuyên trên mạng điểm xuyết bằng uyển ngữ thơ ca và lời lẽ huênh hoang vớ vẩn, đối với ngài bộ trưởng cũng xa lạ và đáng tởm như thế giới ngầm của mọi bọn cuồng công nghệ không bao giờ ngủ
khác, cả những kẻ có dòng máu da trắng và nền giáo dục Cơ Đốc. Khi bầu trời bị chẻ làm hai ở phương Đông và sẽ đỏ rực như một đóa hồng hoặc da thú nhuộm - việc lồng cụm từ phi-Qur’an “ở phương Đông” vào câu này trong kinh Qur’an, kết hợp với “những lời thú tội” thậm quá quắt và lộn xộn đủ loại của những đặc vụ bị bắt giữ, có thể mà cũng có thể không biện minh cho việc nâng cao mức độ cảnh giác quân sự lẫn cảnh sát cho những cơ quan tài chính chọc trời ngoạn mục ở bờ Đông, vốn vẫn hấp dẫn tâm lý mê tín của kẻ thù. Kẻ thù bị ám ảnh bởi những vùng đất thánh, và cũng tin chắc như đại cừu thù cộng sản trước đây rằng chủ nghĩa tư bản có một cơ quan đầu não, một cái đầu chỉ cần cắt cụt là chỉ còn lại lũ người trung thành ngoan ngoãn, chịu để người ta lùa mình vào một nền chuyên chế giáo điều và khổ hạnh.
Kẻ thù không tin được rằng nền dân chủ và chủ nghĩa tiêu dùng là cơn sốt trong máu của Người Bình Thường, kết quả tự nhiên của tinh thần lạc quan theo bản năng và lòng khát khao tự do của mỗi cá nhân. Ngay cả với một kẻ siêng đi nhà thờ như ngài Bộ trưởng, thuyết định mệnh theo-ý-Chúa và niềm tin quyết liệt vào thế giới bên kia cũng đã bị bỏ lại đằng sau trong thời sơ kỳ Trung cổ. Những ai vẫn bám chặt vào niềm tin ấy có một điều lợi: họ hăm hở chết. Những kẻ không đức tin quá yêu đời sống hiện tại: đó cũng là một câu kinh xuất hiện hoài trong trò tán gẫu trên mạng.
“Tôi sẽ bị chỉ trích vì điều này,” Bộ trưởng rầu rĩ tâm sự với người được gọi là Thứ trưởng của ông. “Nếu không có gì xảy ra, tôi là một kẻ phao tin đồn nhảm. Nếu có, tôi là một kẻ sống bám lười biếng ăn thuế nhân dân, đã để xảy ra hàng ngàn cái chết.”
“Chẳng ai nói như thế đâu,” Hermione trấn an ông, làn da vàng bủng của bà cô không chồng ửng lên vì cảm giác thương cảm. “Mọi người, ngay cả đảng viên Dân chủ, đều biết ngài đang làm một công việc bất khả thi nhưng tất phải làm, vì sự tồn vong của đất nước ta.”
“Gần như là vậy, chắc thế,” đối tượng ngưỡng mộ của bà thừa nhận, miệng ông mím lại còn nhỏ hơn nữa vì động tác nhăn mặt có ý thức. Thang máy êm ái đưa họ trở lên, cùng hai nhân viên an ninh vũ trang (một nam, một nữ) và bộ ba nhân viên mặc đồ xám, tới tầng hầm Nhà Trắng. Bên ngoài, chuông nhà thờ ngân vang trong ánh nắng trộn lẫn những tia Virginia với tia Maryland. Ngài Bộ trưởng ngẫm nghĩ thành lời, “Những người ngoài đó... Sao họ muốn làm những việc kinh khủng này? Sao họ ghét chúng ta thế? Có gì để ghét?”
“Họ ghét ánh sáng,” Hermione nói một cách trung thành. “Giống lũ gián. Giống lũ dơi. Sự sáng soi trong tối tăm,” bà trích dẫn, biết rằng lòng mộ đạo Pennsylvania là con đường đến được trái tim ông, “tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.”
B
II
ên trong nhà thờ bằng đá phiến thiết ám đầy bồ hóng bên cạnh hồ gạch vụn, chen đầy người mặc đầm vải màu nhạt và những bộ vest vai nhọn bằng sợi tổng hợp. Mắt Ahmad hoa lên, và không dịu đi tí nào khi nhìn những cửa sổ kính màu mô tả đám người ăn mặc giả dạng kiểu Trung Đông đang diễn tả những sự kiện trong hành trình của kẻ đối với họ là Thượng Đế đi qua cuộc đời ngắn ngủi và nhục nhã của ông ta. Thờ phượng một Thượng Đế mà ai cũng biết là đã chết, ý tưởng này đối với Ahmad chẳng khác gì một mùi hôi thối lẩn khuất không tìm được nguồn, một chỗ tắc nghẽn trong hệ thống ống nước, một con chuột chết đâu đó giữa các lớp vách. Thế nhưng các giáo hữu, nhiều người trong số họ thậm chí da còn tái hơn cậu trong chiếc sơ mi trắng tinh, lại tắm trong niềm hạnh phúc được tẩy rửa sạch sẽ trong buổi họp sáng Chủ nhật của họ. Những hàng dài nam nữ ngồi lẫn lộn, và khu vực bừa bộn kiểu sân khấu ở phía trước với đồ đạc có núm gắn cố định và bộ ba khung cửa sổ cánh cao phủ bụi vẽ hình một con bồ câu sắp đậu xuống đầu một người đàn ông râu trắng, và tiếng rì rầm chào hỏi cùng tiếng cọt kẹt khi những cặp mông nặng nề dịch chuyển trên băng ghế gỗ, toàn bộ khung cảnh ấy đối với Ahmad có vẻ giống một rạp hát trước khi chiếu phim hơn là một thánh đường Hồi giáo trang nghiêm, với những tấm thảm dày hút âm thanh, hốc tường lát men trống trơn và những điệu ngân ê a, lā ilāha illā Allah, phát ra từ những người đàn
ông tỏa mùi lao động nặng nhọc ngày thứ Sáu, mỗi khi làm các cử chỉ thờ phụng nhất loạt, nhịp nhàng, bị lại ép sát vào nhau như đốt của một con sâu. Thánh đường Hồi giáo luôn là lãnh địa của các ông; còn ở đây, đàn bà thống trị trong ánh lung linh mùa xuân của họ, da thịt mềm mại tràn trề của họ.
Cậu đã hy vọng đến đúng khi chuông mười giờ đổ để lẻn vào cửa sau thì sẽ không bị ai thấy, nhưng cậu được đón chào một cách kiên trì bởi một hậu duệ béo múp của dân nô lệ trong bộ đồ màu quả đào có nhánh huệ chuông đính vào một bên ve áo rộng. Gã da đen trao cho Ahmad một tờ giấy màu gấp gọn và dẫn cậu đi theo lối giữa hai hàng ghế, tới những băng ghế hàng đầu. Nhà thờ gần kín người, chỉ những băng ghế đầu - rõ ràng chẳng mấy ai ưa - là còn trống. Vốn đã quen thấy những người hành lễ ngồi xổm và quỳ dưới sàn nhà, làm tôn tầm cao của Thượng Đế phía trên họ, Ahmad cảm thấy dù đang ngồi mình vẫn cao đến hoa mắt, bất kính. Tác phong ngồi thẳng một cách uể oải của người Cơ Đốc giáo, giống như đang xem chương trình giải trí, tạo cảm giác rằng Chúa là một diễn viên giúp vui, khi ngưng biểu diễn, Người có thể bị đưa xuống khỏi sân khấu để cho màn khác lên.
Ahmad nghĩ sẽ chỉ có mình mình ngồi băng ghế này thôi, như để bù lại cho sự lạ lẫm của cậu, cho nỗi bồn chồn mà cậu có thể cảm thấy vì có mặt ở đây, nhưng một người dẫn chỗ khác lại tới, lăng xăng lùa theo lối đi trải thảm một đại gia đình da đen lô nhô chen chúc những cái đầu tết lọn buộc ruy băng của đám con gái nhỏ. Ahmad bị đẩy tuốt tới đầu kia băng ghế, và để ghi nhận cậu đã mất chỗ, ông trưởng tộc vươn tay qua đùi vài đứa con gái nhỏ để chìa
cho Ahmad bàn tay nâu to bè và một nụ cười chào đón lấp lánh chiếc răng vàng. Bà mẹ của lũ con này, quá xa không thể với tới người lạ mặt, cũng hân hoan tươi cười cùng một cái vẫy tay và gật đầu từ xa. Đám con gái nhỏ nhìn lên, bày ra những tròng mắt trắng hình bán nguyệt. Tất cả sự thân thiện kiểu da đen này - Ahmad không biết làm sao để khước từ nó, hoặc những kiểu xâm nhập xa hơn nữa mà buổi lễ này sẽ buộc cậu chịu đựng. Cậu thực sự ghét Joryleen đã dụ cậu vào cái bẫy lằng nhằng thế này. Cậu nín thở như để tránh bị lây sự ô uế và nhìn thẳng về phía trước, nơi những hình khắc lạ lùng trên cái mà cậu cho là thứ minbar của người Cơ Đốc giáo từ từ hiện rõ thành những thiên thần có cánh; cậu nhận ra vị thổi chiếc sừng dài trong số đó là Gabriel, và do đó đám quần tụ ấy chính là Ngày Phán xét đã khiến Mohammed bột phát ra những bài thơ xuất thần nhất của Ông. Ahmad nghĩ, quả là sai lầm khi kiếm cách mô tả công trình không thể bắt chước được của Thượng Đế Đấng sáng tạo, al-Khāliq, bằng những hình tượng mà chính từ đường vân đã thấy rõ chúng chỉ là gỗ, Đấng Tiên tri biết, chỉ có hình tượng bằng ngôn từ mới nắm bắt được linh hồn nhờ bản chất tâm linh của nó. Hãy bảo họ, nếu loài người và Jinn họp nhau lại để làm một kinh sách giống như Qur’an này, thì chúng sẽ không làm được một quyển giống như nó, mặc dù chúng cố gắng hỗ trợ lẫn nhau.
Cuối cùng buổi lễ cũng bắt đầu. Sau một khoảng im lặng đầy mong đợi, tiếng sấm ập xuống, vang dội. Nhờ những buổi tập trung tại trường Trung tâm mà khi nghe âm sắc giống như đồ chơi ấy, Ahmad nhận ra là tiếng đàn organ điện, kẻ họ hàng tội nghiệp của cây đại phong cầm đích thực mà cậu chợt thấy đang nằm đóng bụi
phía bên kia thứ minbar Cơ Đốc giáo. Tất cả đứng lên hát. Ahmad cứ thế đứng lên, như có xích buộc cậu với những người khác. Một đám người mặc áo choàng xanh, là ca đoàn, tràn theo lối đi giữa rồi lấp vào những khoảng trống đằng sau một lan can thấp mà có vẻ như giáo đoàn không dám vượt qua. Ca từ được hát lên, bị méo đi bởi nhịp điệu và giọng uể oải của đám zanj này, nói về một ngọn đồi xa và một cây thánh giá cũ kỹ xù xì theo như cậu hiểu. Từ trong trạng thái im lặng kiên định cậu nhận ra Joryleen trong ca đoàn, một nhóm phần lớn là đàn bà, các bà đồ sộ mà ở giữa họ Joryleen trông trẻ trung nhí nhảnh và lại còn khá mảnh mai. Rồi cô cũng nhận ra Ahmad trên băng ghế đầu; nụ cười của cô làm cậu thất vọng bởi vẻ lo lắng, thăm dò, vụt qua. Cô cũng biết cậu không nên có mặt ở đây.
Đứng lên, hạ xuống, mọi người trong hàng ghế trừ cậu và bé gái nhỏ nhất đều quỳ xuống rồi trở lại thế ngồi. Rồi tới phần xướng và đáp tập thể mà cậu không thể hòa theo, dù ông bố có chiếc răng vàng chỉ cho cậu trang ở mặt trước quyển thánh ca. Chúng con tin điều này điều nọ, tạ ơn Chúa vì điều này điều nọ. Sau đó vị imam Cơ Đốc giáo, một người đàn ông khuôn mặt nghiêm khắc, nước da màu cà phê với cặp kính không dây và cái đầu hói cao bóng nhẫy, đọc một câu cầu nguyện dài. Giọng khàn khàn được khuếch đại bằng thiết bị điện, vang dội cả từ phía sau cũng như phía trước nhà thờ; trong khi ông, hai mắt nhắm chặt đằng sau cặp kính, chúi sâu hơn nữa vào cõi tối đen mà trí óc ông nhìn thấy khi cầu nguyện, thì những giọng từ giáo đoàn đó đây hô lời hòa theo - “Thật là chính đáng!” “Quá đúng, thưa Cha!” “Ngợi ca Chúa!” Dâng lên như mùi mồ hôi trên da, tiếng lầm rầm tán thành tiếp tục theo sau bài thánh
ca thứ hai nói về những niềm vui khi đi cùng Jesus, nhà thuyết giáo bước lên minbar cao trang trí những thiên thần chạm khắc. Với giọng còn ngân vang hơn, đầu đưa đẩy khi vào, khi ra khỏi tầm hệ thống khuếch âm khiến giọng ông khi nhỏ tí khi ầm vang giống như đang gào lên từ cột buồm cao nhất của một con tàu bị bão quăng quật, ông nói về Moses, người dẫn dắt đám dân được Chúa chọn rời khỏi kiếp nô lệ nhưng chính mình lại bị từ chối không được vào Đất Hứa.
“Tại sao vậy?” ông hỏi. “Moses đã phụng sự Chúa, làm người phát ngôn khắp trong và ngoài Ai Cập. Người phát ngôn: Tổng thống của chúng ta ở Washington cũng có một người phát ngôn, các đầu não công ty của chúng ta trong các văn phòng cao vợi ở Manhattan và Houston, họ có những nam phát ngôn nhân, đôi khi là nữ phát ngôn nhân, vai trò người phát ngôn đến với họ một cách tự nhiên hơn, đúng vậy không, các anh em?”
Có những tiếng cười bật vang và tiếng cười rúc rích, khiến ông làm một đoạn lạc đề: “Ơn Chúa, những chị em yêu quý của chúng ta rất giỏi nói. Thiên Chúa không ban cho Eve sức mạnh ở bả vai và cánh tay như đàn ông chúng ta, nhưng người cho bà sức mạnh miệng lưỡi gấp đôi chúng ta. Tôi nghe có tiếng cười, nhưng đây là một vấn đề nghiêm túc, đó chẳng qua là sự tiến hóa, giống như người ta đang dạy con cái ngây thơ của chúng ta trong mọi trường công lập. Nhưng nghiêm túc đấy: không ai còn tự tin tự mình nói ra ý kiến của mình nữa. Quá nhiều rủi ro. Quá nhiều luật sư theo dõi và ghi lại những gì ta nói. Chà, nếu lúc này có ngay được một người phát ngôn thì chắc tôi đã ở nhà xem chương trình talk show
có ông William Moyers hoặc ông Theodore Koppel, và dùng suất ăn thứ hai, lấy thêm một lát bánh mì, hoặc hai, hoặc ba lát thứ bánh mì nướng dầm trứng sữa tưới đẫm xi rô thơm ngon mà Tilly thân yêu vẫn làm cho tôi những sáng sau khi bà ấy mua cho mình một chiếc váy mới, chiếc váy hay chiếc ví da cá sấu hảo hạng nào đó khiến bà ấy có chút cảm giác tội lỗi.”
Cố át những tiếng cười hưởng ứng tiết lộ này, nhà thuyết giảng nói tiếp, “Theo cách đó, tôi có thể để dành tiếng nói của tôi. Cách đó, tôi không phải tự hỏi thành tiếng với tất cả các bạn đang lắng nghe, tại sao Chúa không cho Moses vào miền Đất Hứa. Giá như tôi có một người phát ngôn.”
Đối với Ahmad có vẻ như đột nhiên, giữa đám đông kafir da sẫm đầy trông đợi và sôi nổi này nhà thuyết giáo lại ngẫm ngại một mình, vì đã quên mất tại sao ông ở đây, tại sao tất cả bọn họ ở đây, trong khi từ bên ngoài vọng vào tiếng máy thu thanh mở to đến mức lố lăng từ những chiếc xe hơi đang lao vút trên đường phố. Nhưng đôi mắt người đàn ông vụt mở sau cặp kính và huỵch một cái lao bổ vào cuốn Kinh Thánh mép phủ nhũ vàng đặt trên minbar, ông nói, “Lý do là đây; Chúa đã nêu ra trong sách Phục truyền luật lệ ký, chương ba mươi hai, câu năm mươi mốt: ‘Bởi vì tại giữa dân Israel, ngươi đã phạm tội cùng Ta, nơi nước Meribah-Kadesh, trên đồng vắng Zin, và vì ngươi không tôn Ta thánh giữa dân Israel.’ ”
Nhà thuyết giảng, trong tấm áo chùng xanh dương ống tay rộng và sơ mi thắt nơ đỏ ló ra ở cổ áo chùng, quan sát giáo đoàn với đôi mắt mở to kinh ngạc và Ahmad có cảm giác ánh mắt ấy đặc biệt tập trung vào cậu, có lẽ vì cậu không phải là một khuôn mặt quen thuộc.
“Điều đó nghĩa là gì?” ông nhẹ nhàng hỏi. “ ‘Phạm tội cùng ta’? ‘Không tôn Ta thánh’? Những người Israel đau khổ triền miên tội nghiệp này đã làm gì sai tại mạch nước Meribah-Kadesh, trên đồng vắng Zin đó? Ai biết giơ tay lên.” Không ai giơ tay, do bị hỏi bất ngờ, và nhà thuyết giáo hối hả tiếp, nhìn vào cuốn Kinh Thánh to tướng của ông lần nữa, lật một xấp trang có mép mạ vàng đến chỗ ông đã đánh dấu. “Tất cả nằm trong đây này, các bạn. Mọi thứ các bạn cần biết ở ngay trong đây. Cuốn Sách Thánh này kể lại một nhóm do thám tách ra từ đám dân mà Moses đang dẫn đường rời khỏi Ai Cập, họ đi sâu vào sa mạc Negev và lên phía Bắc đến dòng Jordan rồi trở lại và nói, theo chương mười ba trong sách Dân số ký, rằng vùng đất họ do thám được ‘đượm sữa và mật’, thế nhưng ‘dân sự ở trong xứ này vốn mạnh dạn, thành trì thật vững vàng và rất lớn’, và hơn nữa - hơn nữa, họ báo cáo - ‘con cái của Anak’ cũng ở đó, và họ là những người khổng lồ, bên cạnh họ ‘chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy’. Họ biết thế, và chúng ta biết thế, thưa các anh chị em - cạnh họ chúng ta chỉ là những con cào cào nhỏ bé già nua, những con cào cào sống trong cỏ dại vài ngày ngắn ngủi, trong cỏ khô trên đồng trước khi bị cắt, trong khu vực rìa sân bóng chày nơi chẳng ai từng đập được bóng, và sau đó chết đi, lớp vỏ ngoài của chúng, tinh vi chẳng kém mọi thứ khác mà Chúa lòng lành tạo dựng, bị nghiền vụn dễ dàng trong mỏ một con quạ hay chim én, mòng biển hay chìa vôi.”
Bây giờ hai tay áo xanh của nhà thuyết giáo bay phần phật và những hạt nước bọt li ti từ miệng ông lấp lánh trong ánh đèn bục giảng, và ca đoàn phía dưới ông lắc lư, bao gồm cả Joryleen. “Và
Caleb nói, ‘Chúng ta hãy đi lên chiếm xứ ấy đi’ - ‘vì chúng ta thắng được, dù khổng lồ hay không. Hãy đi làm việc đó!’ ” Và người đàn ông cao lớn da màu cà phê đọc, nhanh và sôi nổi, theo nhiều giọng: “ ‘Cả hội chúng cất tiếng la lên, và dân sự khóc lóc trong đêm đó. Hết thảy dân Israel lầm bầm cùng Moses và ông Aaron; cả hội chúng nói cùng hai người rằng: Chớ chi chúng tôi đã chết trong xứ Ai Cập, hay là đã chết trong đồng vắng này!’ ”
Ông trang nghiêm nhìn xuống giáo đoàn, đôi tròng kính là hai vòng sáng lóa, và lặp lại, “ ‘Chớ chi chúng tôi đã chết trong xứ Ai Cập!’ Vậy vì cớ nào Đức Jehovah lại dẫn chúng ta rời chốn nô lệ vào xứ hoang dã này” - ông nhìn vào sách - “ ‘đặng bị gươm mà ngã? Vợ và con nhỏ chúng tôi sẽ bị làm một miếng mồi.’ Miếng mồi! A, nghiêm trọng đây! Nào ta hãy lùa đám lừa - lũ bò và lừa của ta - trở lại Ai Cập!” Ông nhìn vào sách, đọc to một đoạn: “ ‘Rồi dân sự nói với nhau rằng: Chúng ta hãy lập lên một quan trưởng, và trở về xứ Ai Cập đi.’ Pharaoh đó, ông ta không quá tệ. Ông ta đã cho chúng ta ăn, dù không nhiều. Ông ta cho chúng ta chòi để ngủ, mãi tận đầm lầy với đủ loại muỗi. Ông ta cho chúng ta những séc phúc lợi, khá đều. Ông ta cho chúng ta công việc bưng dọn khoai chiên tại nhà hàng McDonald’s, với mức lương tối thiểu. Ông ta thật thân thiện, vị Pharaoh đó, so với bọn khổng lồ kia, những con cái dềnh dàng của Anak.”
Ông đứng thẳng, rũ bỏ màn đóng kịch trong chốc lát. “Và Moses cùng người anh em Aaron đã làm gì trước tất cả trò kêu ca ấy? Sách nói ngay đây, trong đoạn mười bốn câu năm sách Dân số ký: ‘Moses và Aaron bèn sấp mình xuống trước mặt cả hội dân Israel.’
Họ từ bỏ. Họ nói với dân chúng, đám dân mà họ có bổn phận dẫn đường nhân danh Thiên Chúa toàn năng, họ nói, ‘Có lẽ các người đúng. Chúng ta không còn chịu nổi nữa. Chúng ta đã lang thang khỏi Ai Cập quá lâu. Vùng hoang mạc này thật chịu hết xiết.’
“Và Joshua - các bạn nhớ ông ta chứ, con trai của Nun, thuộc chi tộc Ephraim, ông ta là một trong số mười hai người trong nhóm do thám, cùng với Caleb - và Joshua đứng lên nói, ‘Khoan đã. Khoan đã, các anh em. Đám người Canaan đó có được miền đất tốt. Đừng sợ dân Canaan đó, vì’ - và hiện tôi đang đọc đây - ‘vì dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta, bóng che chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Jehovah ở cùng ta. Chớ sợ chi.’ ” Long trọng, chậm rãi, nhà thuyết giáo lặp lại, “ ‘Đức Jehovah ở cùng ta. Chớ sợ chi.’ Và những người Israel bình thường phản ứng ra sao khi hai chiến binh dũng cảm đứng lên nói, ‘Hãy đi. Đừng sợ dân Canaan đó’? Họ nói, ‘Hãy ném đá chúng. Ném đá tụi bất lương ồn ào kia.’ Và họ nhặt đá lên - có đá lửa xấu xí và sắc cạnh rải rác - và định đập nát đầu và miệng của Caleb và Joshua thì có chuyện kỳ lạ xảy ra. Để tôi đọc cho các bạn nghe điều đã xảy ra: ‘nhưng sự vinh quang Đức Jehovah hiện ra trên hội mạc, trước mắt dân Israel. Đức Jehovah phán cùng Moses rằng: “Dân này khinh Ta và không tin Ta đến chừng nào, mặc dầu các phép lạ Ta làm giữa chúng nó?” ‘ Manna từ trời đã là dấu hiệu. Nước từ núi đá Horeb đã là dấu hiệu. Tiếng nói từ bụi cây bốc cháy đã là dấu hiệu rõ ràng. Những cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm đã là dấu hiệu. Những dấu hiệu, những dấu hiệu suốt ngày đêm, hăm bốn trên bảy, như kiểu nói hiện nay.
“Thế mà, dân chúng vẫn không có đức tin. Họ muốn quay trở lại
Ai Cập có vị Pharaoh thân thiện. Họ thích quỷ dữ mà họ biết hơn là Đức Chúa mà họ không biết. Họ vẫn say mê con bê vàng. Họ không phiền gì việc quay trở lại kiếp nô lệ. Họ muốn từ bỏ quyền công dân. Họ muốn quên đi những nỗi buồn trong ma túy và cách cư xử nhục nhã vào những tối thứ Bảy. Chúa nhân từ đã nói, ‘Ta không chịu đựng được đám dân này.’ Bộ tộc Israel này. Và Người đã hỏi Moses và Aaron, như thể chỉ để biết thông tin, ‘Ta sẽ chịu hội chứng hung dữ hay lầm bầm chống ta này cho đến chừng nào?’ Người không đợi trả lời; Người tự trả lời. Thiên Chúa, Người giết tất cả đội do thám trừ Caleb và Joshua. Người nói với mọi kẻ khác, hội chứng hung dữ đó, ‘Thây các ngươi sẽ ngã nằm trên đồng vắng này.’ Người tuyên án những kẻ khác, tất cả những ai hai mươi tuổi trở lên, những kẻ lầm bầm chống Người, phải chịu bốn mươi năm trên hoang mạc này - ‘và con cái các ngươi sẽ chăn chiên nơi đồng vắng trong bốn mươi năm, và sẽ mang hình phạt vì tội thông dâm của các ngươi, cho đến chừng nào thây của các ngươi ngã rạp hết trên đồng vắng.’ Hãy nghĩ về điều đó. Bốn mươi năm, không có giảm án phạt nhờ hạnh kiểm tốt.” Ông lặp lại, “Không giảm án phạt nhờ hạnh kiểm tốt, bởi vì các ngươi là một hội chúng hung dữ.”
Một giọng nam trong giáo đoàn la to, “Thật đúng, thưa Cha! Hung dữ!”
“Không giảm án phạt, bởi vì,” ông thầy tế Thiên Chúa giáo tiếp tục, “các ngươi thiếu đức tin. Niềm tin vào sức mạnh của Đức Chúa toàn năng. Đó là tội lỗi của các ngươi - để tôi cho các bạn cụm từ xưa kỳ diệu này trong trọn hai âm tiết của nó, tội-lỗi: ‘nhơn tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời.’ Moses cố làm dịu Người lại, phát
ngôn nhân van xin cùng thân chủ của mình. ‘Vậy xin Ngài, con khẩn cầu người,’ ông ta nói ở ngay trong Sách Thánh đây, ‘tha tội gian ác của dân này tùy theo ơn lớn của Chúa, như Chúa đã tha thứ từ Ai Cập đến đây.’
“ ‘Đừng hòng,’ Thiên Chúa đáp lại. ‘Ta phát mệt vì mọi sự tha thứ mà ta phải làm. Để thay đổi ta muốn chút vinh quang kia. Ta muốn thi thể của các ngươi.’ ”
Nhà thuyết giáo sụp xuống bục giảng với vẻ hơi uể oải, và đặt khuỷu tay lên cuốn Sách Thánh đồ sộ rìa mạ vàng. “Các bạn,” ông giãi bày, “các bạn có thể thấy điều Moses đang cố nói ra. Có gì khủng khiếp đến vậy, có gì...” - ông mỉm cười, phát âm từng chữ - “tội-lỗi đến vậy, trong việc đi vào lãnh thổ của kẻ thù, thám sát tình hình, trở về nhà và đưa ra một báo cáo trung thực, cẩn trọng? ‘Mọi thứ có vẻ không ổn. Những người Canaan và đám khổng lồ ấy kiểm soát chặt nguồn sữa và mật ong. Chúng ta nên rút lui.’ Nghe có vẻ rất hợp lẽ, đúng không? ‘Đừng chống đối người này. Ông ta có cổ phần và trái phiếu, ông ta có roi và dây xích, ông ta kiểm soát những phương-tiện-sản-xuất.’ ”
Vài giọng la to, “Thật chính đáng. Lẽ tự nhiên. Đừng chống đối người này.”
“Và để nhấn mạnh quan điểm của Người, Thiên Chúa đã giáng xuống tai ương và dịch bệnh, và người dân than khóc và quyết định - quá trễ - sẽ lên núi đối mặt với đám người Canaan bây giờ lại có vẻ không quá đáng ngại nữa, và Moses, phát ngôn nhân già nua tốt bụng đó, tay luật sư hiểu biết đó, khuyên họ, ‘Chớ đi lên đó, e các ngươi bị quân nghịch đánh bại chăng; vì Đức Jehovah không còn ở
giữa các ngươi nữa.’ Nhưng những người Do Thái ương ngạnh này, họ cứ đi lên, và chúng ta đọc thấy gì, trong câu cuối cùng của sách Dân số ký đoạn mười bốn? ‘Dân Amalek và dân Canaan ở trong núi này đổ xuống, đánh bại và phân thây dân Israel cho đến Hormah.’ ‘Cho đến Hormah’ - đó là một chặng đường dài. Đường đến Hormah dài lắm. Các bạn thấy đó, Đức Chúa đã ở cùng họ. Người đã cho họ cơ hội tiến lên với Người trong vinh quang của Người, vậy mà họ đã làm gì? Họ đã do dự. Họ đã phản bội Người bằng sự do dự của họ - sự thận trọng của họ, sự-hèn-nhát của họ - và Moses và Aaron phản bội Người bằng cách để cho mình bị người ta tác động, như những chính trị gia mỗi khi tới kỳ bầu cử - những người thăm dò ý kiến và bọn phát ngôn, chúng đã tồn tại ngay từ hồi đó, trong thời đại Kinh Thánh - và vì thế họ bị giữ lại không cho vào vùng Đất Hứa, Moses và Aaron bị bỏ lại ở đó trên ngọn núi nhìn xuống vùng đất Canaan giống như những đứa trẻ dán mặt vào cửa kính tiệm bán kẹo. Họ không thể vượt qua. Họ ô uế. Họ không đạt chuẩn. Họ không để cho Thiên Chúa hành động thông qua họ. Họ có thiện ý của con người, nhưng họ không đủ tin cậy vào Thiên Chúa. Thiên Chúa đáng tin cậy. Người nói Người sẽ làm được điều không thể, Người sẽ làm điều đó, đừng bảo Người rằng Người không làm được.”
Ahmad thấy mình cũng kích động lên cùng với tất cả những người khác trong giáo đoàn lúc này đang động đậy và lầm rầm, thoát khỏi vòng kiềm tỏa để dõi theo mọi khúc ngoặt trong bài thuyết giảng, kể cả mấy cô bé thắt bím trên băng ghế cạnh cậu lúc này đang lắc lư đầu tới lui như để làm dịu cơn đau ở cổ, một đứa ngước
nhìn Ahmad giống như một con chó mắt ốc nhồi đang tự hỏi liệu con người này có đáng để mình xin xỏ không. Đôi mắt cô bé sáng ngời như thể phản chiếu một kho báu mà nó đã phát hiện ra bên trong cậu.
“Đức tin,” nhà thuyết giáo tuyên bố bằng một giọng đã khàn đi sau con hùng biện, lạm sạm như cà phê bị bỏ quá nhiều đường. “Họ không có đức tin. Chính vì thế mà họ là một công đồng xấu xa. Đó là lý do người Israel bị giáng phạt dịch bệnh, nỗi ô nhục và thất bại trong chiến trận. Abraham, tổ phụ của bộ tộc, đã có đức tin khi ông giơ con dao lên toan hiến tế đứa con duy nhất của mình là Isaac. Jonah có đức tin trong bụng cá voi. Daniel có đức tin trong hang sư tử. Jesus trên thập giá đã có đức tin - Người hỏi Thiên Chúa tại sao lại bỏ rơi mình nhưng rồi ngay sau đó Người quay sang tên trộm trên thập giá bên cạnh mà hứa với kẻ đó, kẻ ác đó, ‘tên tội phạm chai lì’ đó, theo cách gọi của các nhà xã hội học, rằng ngay hôm đó hắn sẽ cùng Người ngụ ở Thiên đường. Martin Luther King có đức tin ở công viên Mali tại Washington, và trong khách sạn ở Memphis nơi James Earl Ray buộc mục sư King tuẫn đạo - ông đã đi đến đó để ủng hộ những công nhân vệ sinh đang đình công, những kẻ hèn mọn nhất, những tiện dân hì hục dọn rác của chúng ta. Rosa Parks đã có đức tin trên chuyến xe buýt ở Montgomery, Alabama.” Thân hình nhà thuyết giáo nhoài tới trước, vươn cao hơn, và giọng ông thay đổi khi có một ý tưởng chợt nảy ra. “Bà ấy chọn một ghế phía đầu xe buýt,” ông nói bằng giọng trò chuyện bình thường. “Đó là điều người Israel không làm. Họ sợ ngồi đầu xe buýt. Thiên Chúa đã nói với họ, ‘Chỗ đó, ngay sau lưng tài xế, vùng
đất của Canaan đầy sữa và mật ong, chỗ đó là dành cho các ngươi,’ và họ nói, ‘Không cảm ơn Thiên Chúa, chúng con thích chỗ đằng sau xe buýt. Chúng con đang chơi súc sắc, chúng con có nửa lít rượu Four Roses để chuyền tay nhau, chúng con có tẩu cần sa thân yêu, có kim tiêm heroin dễ chịu, chúng con có những cô bạn gái vị thành niên phê cần sa để sinh con hoang cho chúng con, rồi chúng con sẽ để trong hộp đựng giày đem bỏ tại cơ sở xử lý và tái chế rác ở ngoại vi thành phố - đừng phái chúng con lên ngọn đồi đó, thưa Chúa. Chúng con không địch nổi những người khổng lồ. Chúng con không địch lại Bull Connor và đám cảnh khuyển của ông ta. Chúng con sẽ ở lại đằng sau xe buýt. Ở đó tối và dễ chịu. Thật thoải mái.’ ” Ông trở lại giọng của chính mình và nói, “Đừng giống họ, các anh chị em. Hãy cho tôi biết anh chị em cần gì.”
“Đức tin,” vài giọng yếu ớt xướng lên, dao động.
“Cho tôi nghe lại lần nữa, lớn hơn. Tất cả chúng ta cần gì?” “Đức tín,” tiếng trả lời đồng nhất hơn. Cả Ahmad cũng tuyên bố từ này, nhưng nói nhỏ cho không ai nghe thấy, trừ bé gái cạnh cậu. “Tốt hơn rồi, nhưng chưa đủ lớn. Chúng ta có gì, anh chị em?” “Đức tin!”
“Đức tin vào cái gì? Cho tôi nghe nào, để những người Canaan phải run lên vì sợ.”
“Đức tin vào Chúa!”
“Phải, ôi, phải,” những giọng riêng lẻ thêm vào. Đó đây vài phụ nữ thổn thức. Người mẹ, còn trẻ và hấp dẫn, cùng băng ghế với Ahmad, đã lóng lánh nước mắt trên má, cậu thấy rõ.
Nhà thuyết giáo chưa tha họ hoàn toàn. “Chúa của ai?” ông hỏi, tự trả lời với vẻ phấn khích gần như trẻ con: “Chúa của Abraham.” Ông hít một hơi. “Chúa của Joshua.” Ông hít một hơi nữa. “Chúa của Vua David.”
“Chúa của Jesus,” một giọng từ phía đuôi nhà thờ cũ kỹ vọng tới. “Chúa của Mary,” một giọng nữ vang lên.
Một giọng khác đánh bạo, “Chúa của Bathsheba.”
“Chúa của Zipporah,” một người thứ ba kêu lên.
Nhà thuyết giáo quyết định đã đến lúc kết thúc. “Chúa của tất cả chúng ta,” ông nói oang oang, chồm sát vào cây micro như một ngôi sao nhạc rock. Ông chùi cái đầu hói bóng nhẫy bằng chiếc khăn tay trắng. Người ông đẫm mồ hôi. Mồ hôi khiến cái cổ áo hồ bột của ông rũ xuống. Nãy giờ ông đã vật lộn với lũ ma quỷ theo cung cách da đen của ông, vật lộn cả với bọn ma quỷ của Ahmad. “Chúa của tất cả chúng ta,” ông lặp lại, một cách buồn thảm, “Amen.”
“Amen,” nhiều người đáp, lòng nhẹ nhõm và trống rỗng. Một khoảng im lặng, và sau đó là tiếng chân nhẹ nhàng gọn khéo của bốn người đàn ông mặc vest sóng đôi tiến lên theo lối đi giữa để nhận những chiếc đĩa gỗ trong khi ca đoàn loạt soạt ồn ào đứng lên chuẩn bị hát. Một ông nhỏ con mặc áo chùng, bù đắp cho dáng thấp lùn bằng kiểu tóc xù phồng cao, giơ hai cánh tay lên trong tư thế sẵn sàng khi mấy ông nghiêm trọng mặc vest vải sợi tổng hợp màu nhạt đón lấy cái đĩa nhà thuyết giáo trao cho rồi tản ra, hai người đi dọc lối đi giữa, hai người ở hai bên cánh. Họ chờ người ta bỏ tiền vào cái đĩa được lót nỉ đỏ để làm dịu tiếng xu lanh canh. Từ “ô uế” bất ngờ từ bài giảng trở lại; bụng dạ Ahmad run lên bởi tội lỗi ô uế
của mình là vừa chứng kiến những kẻ ngoại đạo da đen đang thờ phượng thứ phi-Thượng-Đế của họ, tượng thần ba đầu của họ; nó giống như việc nhìn cuộc giao hợp của con người, những cảnh ướt át thoáng thấy qua vai những cậu trai xài ẩu máy vi tính ở trường.
Abraham, Noah: những tên này không xa lạ lắm với Ahmad. Đấng Tiên tri Mohammed trong chương ba đã khẳng định: Chúng tôi tin tưởng nơi Allah và nơi điều đã được ban xuống cho chúng tôi và điều đã được ban xuống cho Ibrahim và Isma’il và Ishaq và Ya’qub, và các bộ lạc và điều đã được ban xuống cho Musa và Isa và các Nabi từ Rabb của họ. Chúng tôi không kỳ thị phân biệt một ai trong họ. Những người quanh cậu đây cũng là Người dân Kinh sách theo kiểu của họ*. Tại sao các người phủ nhận lời Mặc khải của Allah? Tại sao các người cản trở ai có đức tin không cho theo Chính Đạo của Allah?
Đàn organ điện, dưới bàn tay của một người đàn ông mà sau gáy bày ra những cuộn thịt gấp nếp như muốn tạo thành một gương mặt nữa, buông từng âm thanh rỉ rả, rồi phụt ra một luồng giống như hắt một vệt nước lạnh giá. Ca đoàn, có Joryleen trong đó, ở hàng trước, bắt đầu hát. Ahmad chỉ để mắt vào cô, cái kiểu cô mở miệng thật rộng, cái lưỡi trong miệng thật hồng hào đằng sau những chiếc răng tròn nhỏ, giống như những viên ngọc lộ ra phân nửa. “Có Jesus, chúng ta có một người bạn tuyệt vời làm sao,” cậu hiểu những lời mở đầu này nói vậy, một cách chậm rãi, như thể đang kéo lê bài hát lên khỏi căn hầm chứa nỗi buồn nào đó. “Mọi tội lỗi và sầu khổ chúng ta phải mang!” Giáo đoàn sau lưng Ahmad chào đón những ca từ này bằng những âm thanh gầm gừ và lầm
bầm tán đồng: họ biết bài hát này, họ thích nó. Từ lối đi bên cạnh, một người da đen cao hơn hầu hết mọi người, mặc áo khoác vàng chanh, với bàn tay to bè khiến cho chiếc đĩa quyên tiền trông chỉ bằng cỡ cái đĩa lót tách, chuyền nó vào hàng ghế nơi Ahmad ngồi. Ahmad lẹ làng chuyền nó qua người khác, không bỏ gì vào cả; nó muốn bay khỏi tay cậu, thứ gỗ này nhẹ đến đáng ngạc nhiên, nhưng cậu hạ nó xuống ngang tầm cô bé bên cạnh cậu, đôi bàn tay nâu lóng ngóng của cô, không hẳn là tay của một em bé, thò ra chộp lấy nó và chuyền đi. Cô bé, vốn nãy giờ ngước nhìn lên cậu với đôi mắt chó con sáng rực, đã nhích lại gần để thân thể bé nhỏ dẻo dai của cô chạm vào thân thể cậu, dựa rất nhẹ nhàng đến nỗi hẳn cô bé nghĩ cậu sẽ không nhận thấy, vẫn cảm thấy mình là kẻ xâm phạm, cậu kiên quyết phớt lờ cô bé, nhìn thẳng tới trước như để đọc lời từ miệng các thành viên ca đoàn mặc áo chùng. “Quả là một đă-ặc ân khi mang mọi thứ đến trước Chúa trong lời cầu nguyện,” cậu hiểu ra được vậy.
Chính Ahmad cũng thích cầu kinh, thích cảm giác đang trút tiếng nói thầm lặng trong đầu vào khoảng im lặng đang chờ đợi bên cạnh, khiến bản thân mở rộng vô hình vào một chiều kích thuần khiết hơn ba chiều kích của thế giới này. Joryleen có nói với cậu cô sẽ hát một đoạn đơn ca, nhưng cô vẫn đứng trong hàng, giữa một bà mập già hơn và một phụ nữ gầy nhom màu da như da thuộc sấy khô, tất cả đang đu đưa nhẹ nhàng trong lớp áo chùng xanh lấp lánh, miệng họ cử động khá đồng nhịp, nên cậu không nhận ra được giọng nào là của Joryleen. Mắt cô theo sát người chỉ huy có mái tóc xù phồng cao, và không một lần liếc về phía Ahmad, dù cậu đã liều chịu lửa
Hỏa ngục khi nhận lời mời của cô. Cậu tự hỏi không biết Tylenol có nằm trong cái công đồng xấu xa sau lưng cậu không; vai cậu còn đau suốt một ngày tại chỗ Tylenol bấm vào. “ ‘... Tất cả bởi vì chúng ta không mang mọi thứ đến trước Chúa trong lời cầu nguyện’,” ca đoàn hát. Giọng của tất thảy những phụ nữ này, cùng với giọng trầm hơn của những đàn ông đứng ở hàng phía sau, có một cảm giác trực diện oai nghiêm, giống như một đội quân tiến tới không sợ bị tấn công. Nhiều cổ họng dồn lại thành một cỗ organ duy nhất, không gì đáp lại được, rầu rĩ, khác xa giọng đơn lẻ của một thầy tế ngâm nga nhạc kinh Qur’an, một thứ âm nhạc len vào những khoảng trống đằng sau mắt ta và ngấm vào sự im lặng của đầu óc ta.
Người chơi đàn điện tử lướt sang một điệu khác, một điệu vui nhộn chen đầy tiếng gõ, một tiếng gõ gỗ phát ra từ sau lưng ca đoàn, bởi một nhạc cụ, một bộ thanh gỗ, mà Ahmad không thấy được. Giáo đoàn chào đón bước chuyển nhịp này bằng tiếng lầm bầm tán thành, và cả ca đoàn bắt đầu đánh nhịp bằng bàn chân, bằng hông. Cỗ organ phát ra một âm thanh òng ọc như chùng xuống. Bài hát đang trút dần lớp bọc của ca từ lúc này đang trở nên khó hiểu hơn - điều gì đó về những thử thách, những cám dỗ và rắc rối bất cứ nơi đâu. Người phụ nữ khô quắt gầy gò cạnh Joryleen bước tới trước và, bằng giọng nghe như giọng đàn ông, một người đàn ông ẻo lả, hỏi giáo đoàn, “Chúng ta có thể tìm được một người bạn trung thành đến mức sẽ chia sẻ mọi ưu phiền của chúng ta không?” Đằng sau bà dàn hợp xướng tụng đúng một từ, “Lời nguyện, lời nguyện, lời nguyện.” Tay chơi organ nhún nhảy, có vẻ
chơi theo ý mình nhưng vẫn theo được dàn đồng ca. Ahmad chưa hề biết organ có nhiều nốt trên bàn phím đến vậy, những nốt cao và những nốt thấp, tất cả dính chùm hối hả bốc lên cao, lên cao. “Lời nguyện, lời nguyện, lời nguyện,” dàn hợp xướng vẫn tụng, để cho ông mập chơi organ phô diễn đoạn độc tấu.
Sau đó đến lượt Joryleen; cô bước tới trong tiếng vỗ tay lộp bộp, và mắt cô lướt qua mặt Ahmad trước khi hướng khuôn mặt trái xoan với cặp môi đầy đặn về phía đám đông đằng sau băng ghế của cậu và cao hơn, trên bao lơn tầng trên. Cô hít một hơi; tim cậu ngừng đập, lo lắng cho cô. Nhưng giọng cô rải ra một sợi chỉ sáng óng, “Chúng ta có yếu ớt và đầy gánh nặng, bị vướng hàng đống lo lắng không?” Giọng cô trẻ, mong manh và tinh khiết, với một chút run rẩy trước khi vơi bớt bồn chồn. “Đấng cứu thế quý giá, vẫn là nơi ẩn náu của chúng ta,” cô hát. Giọng cô dịu xuống thành một màu vàng lóa, với một chút khàn đục, rồi bất ngờ giải phóng bốc lên thành một tiếng ré chói tai giống tiếng thét của một đứa bé đang nài xin mở cánh cửa khóa cho nó vào. Giáo đoàn lầm rầm tán đồng những đoạn phá cách đó. Joryleen la to, “Bạn bè của ngươi co-ó coi thường, bỏ rơ-ơi các ngươi không?”
“Hê, này, có không?” người phụ nữ mập cạnh cô la to, hùa vào như thể đoạn đơn ca của Joryleen là cái bồn tắm ấm áp quá mời gọi đến độ khó kềm lòng không bước vào. Bà nhảy vào không phải để xô lấn Joryleen mà để kết hợp cùng cô; nghe được giọng khác bên cạnh mình, Joryleen thử vài nốt phối, hát hòa theo, giọng trẻ măng của cô trở nên tự tin hơn, đắm vào cảm giác quên mình. “Trong vòng tay người,” cô hát, “trong vòng tay người, trong vòng
tay người, người sẽ ôm và che chở ngươi; ở đó ngươi sẽ tìm thấy, ôi hạnh phúc thay vâng, một niềm an ủi.”
“Vâng, một niềm an ủi; vâng, một niềm an ủi,” bà mập lặp lại, rồi bước ra trong tiếng hô rộn nhìn nhận và yêu thương của đám đông, vì giọng của bà đưa họ lặn sâu xuống và rồi thoát ngay khỏi đáy cuộc đời của họ, Ahmad cảm thấy vậy. Giọng của bà đã sành sỏi nỗi đau khổ mà với Joryleen nói chung hãy còn ở phía trước, mới là một cái bóng phủ lên cuộc đời non trẻ của cô. Với thẩm quyền đó, người phụ nữ mập, mặt to như mặt một tượng thần cổ giáo bằng đá, bắt đầu lại, ở đoạn “Có Jesus chúng ta có một người bạn tuyệt vời làm sao.” Những lúm đồng tiền xuất hiện không chỉ phía dưới hai má bà mà còn ở hai khóe mắt, hai cánh mũi to bẹt của bà, khi mũi bà phồng ra theo một hướng dốc gắt. Bài thánh ca lúc này đã dội mạnh vào huyết quản và thần kinh của những người tập hợp ở đây đến độ có thể gặp được nó ở bất cứ điểm nào. “Mọi tội lỗi của chúng con, ý con muốn nói mọi tội lỗi và sầu khổ của chúng con - nghe thấy không, Chúa ơi?” Ca đoàn, cả Joryleen trong đó, vẫn vững vàng không nao núng trong khi bà mập xuất thần đánh hai cánh tay tới lui, vung vẩy một hồi trong vẻ đắc thắng hân hoan kiểu vờ hài hước của một người đang sải bước trên tấm ván xuống tàu sau khi vượt qua vùng biển đầy bão tố, và chĩa thẳng cánh tay vào những góc người quằn quại trên bao lơn, la to, “Nghe thấy không? Nghe thấy không?”
“Chúng tôi nghe, người chị em,” một giọng đàn ông đáp lại. “Nghe thấy gì, người anh em?” Bà trả lời câu hỏi: “Mọi tội lỗi và sầu khổ chúng ta phải mang. Hãy nghĩ đến những tội lỗi đó. Nghĩ
"""