" Học Viện Thành Công PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Học Viện Thành Công PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo HỘI MÊ SÁCH Tải eBooks miễn phí tại https://hoimesach.com Nhận eBooks miễn phí qua Zalo: https://zalo.hoimesach.com Group: https://facebook.com/groups/mesachhoi HỌC VIỆN THÀNH CÔNG Og Mandino Tiêu Tiểu Long, Trương Ánh Nguyên dịch ------------------------- NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ Số 9 - Ngõ 26 - Phố Hoàng Cầu - Q. Đống Đa - TP. Hà Nội VPGD: Số 278 Tôn Đức Thắng - Q. Đống Đa - TP. Hà Nội ĐT: (024). 66860751 - (024). 66860752 Email: nxbdantri@gmail.com Website: nxbdantri.com.vn Chịu trách nhiệm xuất bản: BÙI THỊ HƯƠNG Chịu trách nhiệm nội dung: LÊ QUANG KHÔI Biên tập: Nguyễn Thu Mai Trình bày: Bích Trâm Bìa: Phương Thảo Thực hiện liên kết: CÔNG TY TNHH VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT (First News) Địa chỉ: 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP. HCM In 2.000 cuốn, khổ 16 x 24 cm tại Công ty Cổ phần In Khuyến Học Phía Nam (Lô B5-8, Đường D4, KCN Tân Phú Trung, Xã Tân Phú Trung, H. Củ Chi, TP. HCM). XNĐKXB số 2585-2022/CXBIPH/4-69/DT - QĐXB số 2141/QĐXB NXBDT cấp ngày 5/9/2022. In xong và nộp lưu chiểu quý IV/2022. ISBN: 978-604-378-928-7. Với sự khiêm tốn và tình yêu, xin dành tặng cho hơn mười triệu độc giả trên toàn thế giới đã hoan hỉ mang cuốn sách của tôi về nhà... và đem lòng yêu mến nó. “Tôi bị thuyết phục rằng”, Zacchaeus bộc bạch, “cuộc sống chỉ là một cuộc chơi, trên thế gian này, một cuộc chơi mà không ai phải thua, dù hoàn cảnh hay tình thế khó khăn đến đâu đi nữa. Tôi tin rằng mọi người có thể vui hưởng quả ngọt hay chiến thắng nhưng tôi cũng tin chắc chắn là, như mọi cuộc chơi khác, một người không thể tham gia vào điều kỳ diệu gọi là sự sống này chỉ với hy vọng sẽ được thỏa mãn trừ phi người ấy hiểu một số quy luật đơn giản.” Og Mandino – The Greatest Success in the World CHÀO MỪNG ĐẾN HỌC VIỆN THÀNH CÔNG Xin chúc mừng! Nếu bạn đã quá chán nản khi tham gia các “trường dạy đời” từ trước đến nay thì tôi có tin tốt lành cho bạn đây. Bạn vừa được chuyển trường! Cuộc đời bạn chuẩn bị thay đổi – tốt đẹp hơn! Hãy quên chuyện hôm qua, tháng trước và năm rồi, cùng những trang nhật ký u sầu toàn thất bại và thất vọng đi. Tất cả đã là quá khứ. Đây là cái ngày mà bạn bắt đầu tin là sẽ không bao giờ tới và giờ nó tới rồi đây! Đây là ngày mà bạn bắt đầu chuyển hướng cuộc đời. Đây là ngày mà bạn khởi sự học hỏi những bí mật vĩ đại của những thành công từ các chuyên gia và, quan trọng hơn, biết làm thế nào sử dụng điều bạn học để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người bạn yêu quý. Henry David Thoreau từng viết: “Chính lúc chúng ta bước vào những trường học lạ thường, lúc chúng ta không rời bỏ việc học tập là khi chúng ta bắt đầu trở thành những người trưởng thành”. Qua những trang viết của quyển sách này bạn sẽ được vào một “ngôi trường lạ thường”, nơi được thiết kế để cung cấp cho bạn những thông tin giá trị sẽ lấp đầy khoảng trống lớn trong cuộc đời bạn và những người hướng dẫn bạn, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là đội ngũ giảng dạy vĩ đại nhất được tập hợp lại để dạy về chủ đề thành công và làm thế nào đạt được nó. Dale Carnegie, J. Paul Getty, bác sĩ Maxwell Maltz, Napoleon Hill, P. T. Barnum, Norman Vincent Peale, Tiến sĩ Wayne W. Dyer, W. Clement Stone, Dorothea Brande, Richard DeVos, Benjamin Franklin, Lord Beaverbrook, Joyce Brothers – đó chỉ là vài ví dụ trong số năm mươi trí tuệ sắc sảo được tập hợp cùng nhau lần đầu tiên trong lịch sử để thỏa mãn mơ ước của tôi nhiều năm qua – xuất bản một cuốn sách về thành công đỉnh cao mà chỉ những bậc thầy đã được công nhận về chủ đề đó mới được phép cố vấn, giảng dạy và hướng dẫn bạn. Rõ ràng những năm tháng bạn bỏ ra ở trường học đã dạy bạn nhiều điều. Nhưng trong suốt những giờ học trên lớp đó, chưa có thậm chí chỉ một tiết học năm mươi phút nào mà bạn được giảng giải hay chỉ cho cách áp dụng những gì được học để đạt được một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, trọn vẹn và thành công. Đó là mục đích duy nhất của quyển sách này và với tiềm năng của bạn chúng ta sẽ cùng nhau thành công. Thành công! Một từ kỳ diệu – như vàng hay tình yêu hay Shangri-la, nó gợi lên những viễn cảnh khác nhau nhưng lúc nào cũng đầy hấp dẫn trong tâm trí mỗi chúng ta. Cuộc sống của bạn thiếu vắng nó? Thậm chí nếu có, bạn cũng vẫn mơ mộng về những điều tuyệt diệu sẽ xảy ra nếu có chăng một lần số phận mỉm cười với con đường của bạn và ban cho bạn phần hào phóng hơn, tiền bạc, địa vị, quyền lực, tự do, và thậm chí có lẽ còn chạm tới danh tiếng nữa, phải không? TẠI SAO THÀNH CÔNG LẠI QUÁ KHÓ Mỗi người chúng ta là một phép màu. Trong mỗi người chúng ta, ánh sáng dẫn đường của hy vọng không bao giờ tắt. Thợ cơ khí, người điều hành, người bán hàng, sinh viên, người mẫu, nhà văn, thợ mộc, kỹ sư tin học, chủ cửa hàng, doanh nhân, người thu hoạch trái cây, nhà đầu tư cổ phiếu, nội trợ – ở chừng mực nào đó, đều ấp ủ những giấc mơ và mong ước giống nhau – đó là không còn mong muốn gì nữa, được sống trong một căn nhà tốt hơn, không phải nợ ai, lái chiếc xe hơi láng coóng, thỉnh thoảng dùng bữa trong một nhà hàng sang trọng, đi nghỉ ở những nơi đẹp và lạ, trong tủ có vài bộ trang phục được thiết kế riêng, cho con đi học ở những ngôi trường tốt nhất. Tại sao không chứ? Chẳng phải từ khi chào đời chúng ta đã được bảo rằng mình đang sống trong vùng đất của những cơ hội không giới hạn sao? Tại sao không chứ? Câu trả lời thật rõ ràng nhưng thật đau đớn. Hầu hết chúng ta tuyệt nhiên không có một chút ý tưởng nào về cách bắt đầu biến giấc mơ thành hiện thực! Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đã có tất cả những công cụ cần thiết để tạo nên một cuộc đời hoành tráng, nhưng chúng hiệu quả thế nào đây... nếu bạn không biết cách sử dụng chúng? Và làm sao bạn có thể tạo dựng một cuộc đời đáng sống nếu không có bất kỳ kế hoạch hay bản mẫu thiết kế nào? Chưa một lần – từ thời tiểu học lên cấp hai rồi cấp ba, thậm chí cả những nơi danh giá nhất của bậc học cao hơn – bạn được hướng dẫn những kỹ thuật đơn giản về việc thiết lập các mục tiêu, thúc đẩy bản thân bạn và người khác, xử lý tai họa, loại bỏ những thói quen tự chuốc lấy thất bại, sử dụng thời gian theo cách có lợi, rèn luyện sức mạnh của chọn lựa, phát triển lòng tự tin, làm những việc mình e sợ, hay hình thành nên ý chí nhiệt huyết, tổ chức cuộc đời, tích lũy của cải, khiến người khác trao cho mình thứ mình muốn, trông như một người chiến thắng, cách dạy con, về xử lý căng thẳng, để tâm đến hạnh phúc của mình,... và nhiều nhiều nữa. Chính cách bạn xoay xở để tồn tại đã trao cho bạn lòng can đảm và đức tin. Vậy nhưng dù chúng ta có cố gắng miệt mài, những thiếu sót vẫn cứ ám ảnh chúng ta. Chúng ta nhận thức về chúng một cách rõ ràng và đau đớn mỗi khi mở tivi hay cầm một tờ báo, tạp chí lên. Chúng ta cố gắng một cách dũng cảm hòng phớt lờ sức ảnh hưởng và thành công của rất nhiều người khác, nhưng chúng ta buộc phải thừa nhận, dù chỉ trong những khoảnh khắc đen tối của nội tâm, rằng Hendrik van Loon đã đúng khi viết: “Trong lịch sử cũng như trong cuộc đời, chỉ có thành công là được nói tới”. Vậy là, đã quá trễ để vươn tới đỉnh thành công hay đến với vinh quang? Bạn có nên rúc vào cái xó nhỏ tự ti của mình và để mặc thế giới bỏ rơi bạn? Không! Không bao giờ! TÀI SẢN LỚN NHẤT CỦA BẠN Chúng ta kiểm kê nhé. Bạn có học được bất kỳ điều gì trong những năm đầu đời ở trường giúp bạn thay đổi cuộc đời theo hướng tốt hơn, khi xét đến tuổi tác, kỹ năng, kinh nghiệm, màu da, tình trạng tài chính, hay quan điểm về bản thân, nếu bạn bắt đầu từ bây giờ? Chỉ duy nhất một điều, nếu bạn thôi nghĩ về chuyện đó và đó là điều duy nhất bạn cần! Hãy chú ý nghe nhà viết tiểu luận, sử gia, nhà viết tiểu sử và triết gia vĩ đại người Anh Thomas Carlyle giải thích. Nghĩ lại thì tất cả những gì một trường đại học hay thậm chí trường ở bậc cao nhất mang lại cho ta vẫn không gì khác hơn ngôi trường đầu đời đã làm: dạy ta đọc. Chúng ta học đọc bằng nhiều ngôn ngữ, ở nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau; chúng ta học bảng chữ cái và các ký tự trong mọi loại sách. Nơi cho chúng ta kiến thức, kể cả kiến thức mang tính lý thuyết, chính là những quyển sách. Quan trọng là chúng ta đọc gì, sau tất cả những điều các giáo sư đã nỗ lực truyền tải cho ta. Trường đại học đúng nghĩa ngày nay là một pho sách! Theo lời Carlyle thì quyển sách bạn đang cầm trên tay là một “Học viện Thành công” vì nó tập hợp có chọn lọc những trí tuệ, kỹ thuật, nguyên tắc từ những quyển sách vĩ đại nhất trên thế giới viết về sự thành công. Ở đây bạn sẽ khám phá ra những quặng vàng nguyên chất, chỉ chờ bạn chạm tới và tuyên bố chúng là của bạn. Ở đây bạn sẽ được giảng dạy bởi chính những quý ông, quý bà mà thông điệp của họ đã tồn tại qua thử thách của thời gian và kiểm chứng thực tế, đó là những nguyên tắc thật sự hiệu quả. Xin nhớ rằng bạn không cần phải chấp nhận và cố gắng thử hết hàng trăm ý tưởng và những kỹ thuật thành công bạn được học. Có khi chỉ một là đủ để bạn làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời và sự nghiệp. Những gì cần ở bạn trong khi học ở đây chính là khả năng đọc, cộng với một khát khao cháy bỏng làm được điều gì đó to lớn hơn cho đời mình. Và đừng quá bận tâm nếu ngọn lửa khát vọng đó mất nhiệt một chút khi bạn bắt đầu nghiên cứu. Nhiệt huyết sẽ lại dần tăng lên khi bạn bắt đầu nhận ra mình sẽ đạt được nhiều đến chừng nào trong những năm sắp tới. LÀM SAO ĐỂ GẶT HÁI NHIỀU NHẤT TỪ QUYỂN SÁCH NÀY Hãy đọc từ đầu tới cuối. Đừng bỏ qua bất cứ bài học nào. Chúng đã được sắp xếp theo thứ tự hợp lý nhất sau nhiều lần xem xét thận trọng, để hỗ trợ bạn trong quá trình chuyển biến dần dần từ con người hôm nay thành con người mà bạn sẽ trở thành. Vì bạn sẽ được tiếp xúc với một kho tàng kiến thức, nên sẽ dễ “nuốt” hơn nếu bạn ngấm từng chút một. Để có hiệu quả tối đa tôi khuyến nghị nên đọc một bài mỗi ngày, và cố gắng đọc càng gần giờ ngủ càng tốt. Những điều thần kỳ sẽ xảy ra khi bạn để tiềm thức hoạt động, bạn sẽ không ngờ lượng kiến thức lưu lại khi bạn thức dậy sáng hôm sau sẽ nhiều đến chừng nào đâu. Đừng hấp tấp. Bạn sẽ được hướng dẫn từ từ qua tám học kỳ, như trong một chương trình đại học thông thường, cộng thêm hai học kỳ thực tập sau khi tốt nghiệp, để bạn có thể đương đầu với thành công, một khi đã đạt được. Nếu bạn là nữ, sự nhấn mạnh quá mức về những căng thẳng ở phái nam trong một vài bài học có thể làm bạn khó chịu. Đừng để nó cản trở bạn rút ra được điều hay từ mỗi bài học. Thường thì những phần đó đã được viết từ rất lâu trước phong trào giải phóng phụ nữ diễn ra nửa sau thế kỷ 20. Chỉ nên nhắc nhở bản thân rằng sự thiên vị, nếu có thể hiện ra, chỉ là một sản phẩm ngây thơ của thời đại khác. Tạ ơn trời là thành công không giới hạn cho riêng một giới nào. Một điều nữa là, hãy cố hết sức tránh sa vào cái bẫy khi đọc quyển sách này theo cùng một cung cách như bạn vẫn đọc phần lớn những tác phẩm hư cấu hay thậm chí phi hư cấu khác. Tất cả các giáo sư của bạn đều vô cùng tận tụy và là những cá nhân năng nổ, thế nên luôn hiện hữu một mối nguy là có thể bạn bị hấp dẫn bởi nhân cách, sự truyền cảm, và nét hấp dẫn của họ, say sưa với lời nói của họ như một kiểu giải trí và quên mất mục đích chính khi tham gia những buổi giảng này: là lĩnh hội những công cụ cần thiết để có được thành công. Làm sao để tránh mối nguy này? Đơn giản thôi. Mỗi khi mở sách ra hãy luôn cầm sẵn bút hoặc bút chì trong tay. Khi đọc được một câu hay một đoạn ý nghĩa hãy gạch chân nó! Chỉ một động tác đơn giản này thôi sẽ giúp tăng gấp ba những gì đọng lại của tư tưởng hay nguyên tắc đó và cũng khiến bạn dễ tìm lại về sau. Bạn cũng có thể đánh một dấu sao bên cạnh những gợi ý hay những phương pháp mạnh mẽ nào đó mà bạn thấy đầy lôi cuốn; đánh một dấu chấm than hay dấu chấm hỏi bên cạnh điều bạn không đồng tình. Sau cùng, đây sẽ là một quyển sách giáo khoa riêng của bạn để có một tương lai tươi sáng hơn. TẤT CẢ TÙY THUỘC VÀO BẠN Không như thông thường, học viện này không có lễ tốt nghiệp, không có văn bằng chứng nhận bạn đã học xong, cũng không có bất kỳ bài kiểm tra cuối khóa hay chứng chỉ nào. Phần thưởng duy nhất bạn nhận được cho những nỗ lực ở đây sẽ là cuộc đời bạn đã tốt đẹp hơn đến thế nào – về mức độ bình an, hài lòng và tự hào, cũng như thành tựu vật chất. Lịch sử đầy những câu chuyện về những người đã xác lập một kỷ nguyên mới trong đời họ nhờ đọc được một cuốn sách. Có thể tên bạn cuối cùng cũng sẽ được đưa vào danh sách vinh quang và ấn tượng ấy. Nhưng tất cả tùy thuộc vào bạn. Không ai có thể sống thay cho bạn. Không ai có thể thành công giùm bạn! Đó là việc của bạn! Og Mandino NĂM NHẤT HỌC KỲ MỘT Không cần đề phòng ai ngoài bản thân bạn; chúng ta là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính mình. – Charles Spurgeon – Để lập kế hoạch cho tương lai một cách khôn ngoan, bạn cần phải hiểu và trân trọng quá khứ. JO COUDERT Bài 1 NHÌN LẠI NƠI BẠN ĐANG ĐỨNG Bạn đã sẵn sàng tiến bước đầu tiên đến một cuộc đời tươi đẹp hơn chưa? Nếu rồi thì tôi thành tâm hy vọng rằng hai câu nói trong lời giới thiệu vẫn còn vang lên trong đầu bạn. “Không ai có thể sống thay cho bạn. Không ai có thể thành công giùm bạn!” Như Jo Coudert đã viết trong tác phẩm cổ điển trác tuyệt, Lời khuyên từ một kẻ thất bại (Advice from a Failure), mà bài học mở đầu này đã trích dẫn: “Thế giới này không dễ sống. Thế giới này không dễ gì mà sống tử tế được. Trong thế giới này không dễ mà hiểu bản thân ta, mà yêu mến bản thân ta. Nhưng phải sống, và trong đời sống có một người mà bạn tuyệt đối phải chịu sống cùng”. Người đó dĩ nhiên là bạn. Nhưng bạn là ai? Bạn là gì? Đáng buồn là hầu hết chúng ta hiểu rõ phương thức và lý do một chiếc xe hơi hoạt động hơn là hiểu về bản thân mình. Chẳng hạn như, nếu ai hỏi bạn làm việc gì, bạn có thể đáp rằng bạn là nhân viên kinh doanh, kỹ sư tin học, người mẫu, nhà đầu tư cổ phiếu, tài xế xe tải, thợ mộc hay là bất cứ nghề nghiệp nào khác. Bạn có thể đã sai! Việc mà bạn, việc mà tất cả chúng ta đều làm là sống – và càng sớm biết được mình là ai và vì sao mình trở thành người như hiện tại, thì bạn sẽ càng sớm có khả năng đương đầu với những thử thách làm thui chột đường thành công của bạn, tính cho đến nay. Vậy nên, chúng ta bắt đầu luôn nhé. Tôi gọi hắn là X, vì khi câu chuyện của hắn bắt đầu, X là nạn nhân của bệnh mất trí nhớ hoàn toàn. Hắn không nhớ nổi tên mình, cuộc sống trước đó, hay vì sao hắn ở nơi này. Phỏng đoán có khả năng nhất là hắn là một phi công và đã có tai nạn xảy ra. Khi xuất hiện, hắn như đang ở trong một hang tối, rõ ràng hắn không bị gãy xương vì hắn có thể cử động các chi, nhưng trí óc của hắn trống rỗng và hắn nhanh chóng rơi vào trạng thái mất nhận thức. Hắn đã ở trong hang tối bao lâu rồi hắn cũng không biết. Yếu đuối và bất lực, hắn lơ mơ ngủ, rồi lại cử động một chút, rồi lại mơ màng. Vì hắn cảm thấy ấm áp, không thấy đói, cũng hoàn toàn dễ chịu nên hắn không cố vực mình dậy. Hắn mãn nguyện để mặc mọi thứ diễn ra. Nhưng thiên đường biến mất cũng nhanh như lúc có được, và một ngày nọ hắn thức dậy và nhận ra bản thân đang bị kéo ra ánh sáng không chút e dè. Nỗi lo sợ bao trùm hắn, hắn hét lên trong kinh hoảng. Lần đầu tiên sau vụ tai nạn, hắn sợ hãi cho mạng sống của mình. Đó là một nỗi sợ nguyên sơ, ám ảnh chạy đến từng tế bào, từng mao mạch. Ra khỏi bóng tối, não hắn như bị thiêu đốt bởi những tia nắng và mắt hắn như mù. Âm thanh dội vào tai. Lạnh đến từng lỗ chân lông. Tất cả những gì hắn biết là những người dân địa phương lôi hắn ra khỏi chỗ trốn đang đưa hắn xuống địa ngục. Dù rõ ràng là họ không có ý giết hắn. Họ ủ ấm cho hắn và cho hắn nằm; rã rời, hắn ngủ thiếp đi. Hắn ngủ suốt mấy ngày mấy tuần sau đó. Hắn yếu đến nỗi thậm chí không thể nhấc đầu lên, tất cả sức lực tập trung vào bên trong thân thể trong nỗ lực sống sót. Không thể nói và để xin người dân rủ lòng cho hắn mọi thứ cần thiết, hắn cứ gọi to mỗi khi thức dậy, bất lực òa khóc khi không ai tới. Đó có vẻ không phải là hành động đáng ngưỡng mộ nhưng hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của hắn: yếu ớt và bất lực; ở giữa những người xa lạ mà ý định và hành động của họ là gì hắn không rõ; trí óc chỉ ở mức hoạt động cơ bản; mắt chỉ mới nhìn thấy lại; chỉ biết rất ít về những gì diễn ra: hắn còn sống và hoàn toàn phụ thuộc. Nhưng dần dần cơn hoảng loạn lắng xuống và tâm trí của hắn đôi khi thoát khỏi trạng thái mù mờ. Khi đã có lại chút sức lực, sự tập trung của hắn thỉnh thoảng chập chờn hướng ra bên ngoài, hắn cố tập hợp những manh mối xem mình đang ở đâu và liệu những người dân này có thân thiện không. Hắn chú ý rõ ràng có một người được giao chăm sóc hắn và thường cô ta sẽ đến khi hắn cần gì đó, dù đôi khi người xuất hiện lại là trợ tá cho cô ta, một người đàn ông. Vì cô đủ dịu dàng khi chăm sóc hắn và thậm chí còn có vẻ mến hắn nữa, hắn bắt đầu cảm thấy phần nào an tâm về tình cảnh của mình. Khao khát được yên ổn và giản tiện như khi còn ở trong hang vẫn chưa dứt nhưng bớt thôi thúc hơn. Môi trường mới ngày càng thu hút sự quan tâm của hắn hơn. Và hắn có một lần thành công, khiến hắn cảm thấy có động lực khi tin rằng hắn có thể thích nghi. Hắn để ý cô gái cười với hắn, và hắn cười lại. Điều này có vẻ khiến cô gái sung sướng và cô gọi những người khác đến xem. Hắn sốt sắng cười với họ, nghĩ thầm nếu đó là điều họ muốn thì hắn sẽ làm. Thời gian trôi qua, X lấy lại sức lực nhưng rất chậm và hắn không làm gì khác ngoài ngủ. Những khi tỉnh táo, hắn nằm ngửa nhìn lên trần và suy ngẫm xem hắn đã đáp xuống miền đất nào và hắn sẽ phải đối mặt với kiểu người nào khi có thể ngồi dậy và đi loanh quanh. Hắn tin chắc người phụ nữ chăm sóc hắn là điển hình cho người dân ở đấy nên cố cóp nhặt mọi dấu hiệu từ cách hành xử của cô ta. Hắn lắng nghe giọng của cô ta để đoán xem cô ta đang vui hay có gì không hài lòng. Hắn chú ý thái độ của cô khi chăm sóc hắn để đoán xem mình sắp phải đương đầu với một kẻ thù địch hay một người hòa bình. Hắn tính quãng thời gian từ khi ra hiệu hắn đói đến khi cô ta mang thức ăn đến, qua đó hắn biết sau này mình sẽ phải chiến đấu giành miếng ăn hay có được thức ăn hắn cần không khó khăn gì. Hắn nghe lỏm mọi cuộc nói chuyện xung quanh, dù hắn không hiểu ngôn ngữ đó, để có thể biết đây là nơi mọi người phải tranh chấp để có phần hơn hay là nơi mọi người cư xử bình đẳng và vui vẻ với nhau. Hắn quan sát biểu hiện của người phụ nữ khi cô coi sóc nhu cầu của hắn để tìm hiểu người nơi này sống theo đạo đức khắt khe hay tự nhiên. Vì biết sinh mạng mình phụ thuộc vào việc người dân có chấp nhận hắn khi hắn có thể đi lại loanh quanh giữa bọn họ hay không, nên hắn cực kỳ quan tâm tới việc người phụ nữ nghĩ gì về hắn. Hắn đánh giá thái độ của cô qua những chỉ dấu xem liệu cô thích hắn hay không, liệu hắn có dễ nhìn và hấp dẫn không, liệu hắn có gây cảm tình và được yêu thích hay sẽ bị lờ đi. Vậy nên điều chiếm lấy tâm trí hắn là hắn bắt đầu chấp nhận điều gì ở bản thân hắn được cô ta chấp nhận và ghét những gì của bản thân mà cô ta không thích. Hắn không hề nhận ra là hắn đã dùng cô ta như một tấm gương phản chiếu xem hắn là kiểu người nào. Do phụ thuộc vào cô ta, khi cô đi khỏi, hắn cứ tự hỏi trong tuyệt vọng liệu cô ta có trở lại không. Một cảm giác sợ hãi sớm dâng trào trong hắn rằng cô đã bỏ rơi hắn. Hắn đã được cô quan tâm nhiều đến mức phải mất một thời gian dài hắn mới nhận ra rằng cô cũng còn cuộc sống riêng, rằng cuộc đời cô không chỉ tập trung riêng vào hắn, họ là hai người khác nhau. Ban đầu hắn xem cô ta chỉ như là phần mở rộng của mình, là đôi chân phục vụ hắn, là đôi cánh tay đưa đồ ăn vào miệng hắn. Sự yếu ớt đã khiến hắn tự cho mình là trung tâm đến mức quá đáng, như mọi người ốm khác vẫn tự cho mình là như vậy. Gần gũi nhau nhiều, sự thân mật hình thành giữa X và người phụ nữ. Họ phát triển một loại ngôn ngữ bằng các dấu hiệu và âm thanh riêng giữa họ. Cô ta luôn cảm thông với nhu cầu của hắn, nhưng giờ hắn đã hiểu cô rõ hơn, biết tâm trạng và đọc ra được biểu hiện của cô. Thỉnh thoảng họ cười, và đôi khi họ im lặng cùng nhau. Họ chơi những trò chơi nhỏ và trêu chọc lẫn nhau. Một lần khi đang chơi, hắn nắm chặt cô gái để thể hiện sức lực của hắn đã tăng lên. Hắn giật thót khi thấy cô ta giằng lại, chau mày và nói nặng lời. Hắn không cố ý làm cô đau. Hắn xác định rằng người dân ở đó không thích những hành vi gây hấn và hắn tốt nhất nên cố kìm lại bất kỳ cơn bốc đồng nào theo hướng đó bên dưới lớp chăn mền. Với người đàn ông, hắn cũng dần yêu mến và tin tưởng khi biết rõ anh ta hơn, X có thể chơi với anh mạnh bạo hơn, hắn thích điều này vì nó giúp rèn luyện cơ thể như hắn cần. Với cả hai, hắn học cách tình yêu được thể hiện như thế nào trong nền văn hóa này, và hắn cố bắt chước họ, vì hắn nhận ra hành vi yêu thương của họ có ý nghĩa sống còn với hắn. Nếu hắn không thể khiến những người thân thiết nhất với hắn quan tâm thì hắn không còn trông mong điều gì tốt đẹp từ những cư dân khác, vậy nên hắn luôn để ý bất kỳ gợi ý nào và hắn nỗ lực làm vừa lòng họ. Giờ đây cả hai bên đều thấy rõ ràng hắn sẽ sống và sẽ còn sống rất lâu nữa với những người này, nên X lên kế hoạch học ngôn ngữ. Điều này mang lại những hệ quả mong muốn và không mong muốn: thỏa mãn được việc giao tiếp ngày càng dễ dàng hơn, nhưng hắn có cảm giác cách giao tiếp trực tiếp không lời giữa hắn với người phụ nữ sẽ mất. Hắn lưu luyến điều đó, như khi hắn nhớ về cái hang và khi hắn sẵn sàng với những sự thân mật nồng ấm khác khi hắn dần có thể tự chăm sóc bản thân thành thạo và khá khẩm hơn, nhưng hắn biết hắn không còn được bất lực và luôn phụ thuộc nữa. Người phụ nữ cũng biết điều này, và cô bắt đầu chỉ ra rằng hắn có nghĩa vụ giữ gìn bản thân sạch sẽ. Lần đầu tiên kể từ khi ở cùng họ đến giờ, X nhận ra mình có quyền kiểm soát, rằng hắn có thể chọn thực thi hay không. Có một cảm giác dễ chịu khi thử nghiệm giới hạn tự trị này, và trận chiến của ý chí dường như sắp bùng nổ. Nhưng người phụ nữ nỗ lực giữ sự hài hước và thoải mái, X coi trọng ảnh hưởng và sự chấp thuận của cô nên quyết định cố gắng hết mình để làm vừa lòng cô. Không có gì ngạc nhiên, một khi X trở nên con người hơn, một trong những động thái đầu tiên như một con người của X là đem lòng yêu người phụ nữ. Hắn hỏi cưới cô, nhưng cô nói rằng không chỉ hắn sẽ cần được chăm sóc trong một thời gian dài mới tự lo cho bản thân được, mà cô cũng đã kết hôn với người đàn ông ấy rồi. Hắn xem lời từ chối đầu tiên này không khác gì trở ngại của một bệnh nhân quyết định kết hôn với nữ y tá chăm sóc mình. Lần thứ hai, hắn sắp đặt một cách tiếp cận thẳng thắn. Hắn bảo người đàn ông rằng hắn định kết hôn với cô gái và hắn sẽ rất cảm kích nếu anh không đến ngôi nhà này nữa. Người đàn ông bật cười và cứ tiếp tục trở lại mỗi đêm. Nghiền ngẫm vấn đề và tự hỏi liệu hắn có phải viện đến bạo lực, nghĩa là loại bỏ người đàn ông hay không, X cân nhắc các khả năng. Một phát hiện không mong muốn chút nào là người đàn ông khỏe hơn và có lẽ sẽ đoán biết được ý đồ của hắn, anh ta sẽ ra tay trước và khiến X bị liệt dương, không còn khả năng thay thế vị trí của anh ta nữa. Nguy cơ bị hoạn, dù chỉ là trong suy nghĩ cũng làm X sợ hãi và từ bỏ bất kỳ kế hoạch nào hòng thay thế vị trí người đàn ông. Thực tế thì X nói một cách nào đó đã đi đến thái cực đối nghịch. Về lý thuyết, nếu bạn không thể đánh bại họ thì hãy ở cùng họ, hắn lên kế hoạch đồng nhất mình với người đàn ông và nỗ lực trở nên giống anh ta hơn. Đoạn này kết thúc với việc họ trở thành bạn tốt của nhau và cùng ngưỡng mộ người phụ nữ. X ở cùng họ khoảng bốn năm trong tình cảnh khó xử này, và hắn nhận ra tốt nhất nên mở rộng chân trời của mình. Qua đó, hắn bắt đầu mạo hiểm đi xa hơn phạm vi của người phụ nữ. Tất nhiên, ban đầu hắn không thể đi bộ được chút nào, nhưng khi cơ bắp của hắn mạnh dần, hắn cố bước những bước ngắn với sự trợ giúp của người phụ nữ, và giờ hắn bước đi khá tốt mà không cần sự giúp đỡ của cô nữa. Hắn ra ngoài đi dạo để xem thứ này thứ nọ trong làng, nhưng vẫn đủ gần để có thể nhờ trợ giúp khi cần. Hắn bắt đầu quen với những người xung quanh nhà, quan sát động tác của họ, gia tăng vốn từ vựng và học một số kỹ năng. Cho đến giờ theo hắn quan sát, hắn đã đúng khi cho rằng người phụ nữ là tiêu biểu cho những cư dân khác, và hắn xác nhận được nhiều kết luận mà hắn rút ra được lúc trước khi chỉ ở cùng người phụ nữ. Một trong những điều dễ chịu nhất là những người khác cũng thấy hắn hấp dẫn và đáng yêu, điều này làm hắn vui vẻ tin vào bản thân. Hắn dễ dàng kết bạn với người dân xứ này. Họ thích nụ cười và sự quyết tâm của hắn. Họ tán thành những nỗ lực học hỏi và chinh phục thế giới mà hắn thấy mình cần làm. Mỗi thành công lại cho hắn dũng khí để thử tìm một thành công xa hơn nữa, người đàn ông và người phụ nữ đã dạy dỗ hắn rất tốt, đủ để mỗi khi X thất bại, hắn biết học hỏi từ đó và lại tiến bước. Việc càng ngày càng có thể tự dựa vào bản thân là một sự thỏa mãn đối với X, sau một thời gian dài bất lực, và bởi vì hắn chẳng có mấy vấn đề nên đó là quãng thời gian yên bình. Những người chăm sóc hắn tự hào rằng hắn đã học được đến chân tơ kẽ tóc rồi và họ không cố kìm giữ hắn nữa. Nhưng họ vẫn ở đó khi hắn vượt quá sức mạnh và khả năng của hắn, nên hắn phải thể hiện cả sự phụ thuộc và không phụ thuộc sao cho tốt nhất. Văn hóa ở đây không đơn giản như X mong đợi. Đầu tiên X có xu hướng dễ dàng khái quát hóa về con người và cuộc sống của họ, nhưng cuối cùng hắn đành chấp nhận tính phức tạp và sự mâu thuẫn. Hắn không còn chăm chăm tìm câu trả lời mà bắt đầu hứng thú với những câu hỏi. Hắn nhận ra rằng tìm nơi tham vấn sẽ có ích hơn là những kết luận. Hắn háo hức thu thập những dữ kiện. Và thời gian trôi qua, X trở nên hòa nhập rất tốt. Nếu nhớ về thời kỳ đầu, họa hoằn mới có điều gì có nguy cơ sai lầm và một số lo sợ cứ rỉ rả xuất hiện. Nhờ học được nhiều điều trong mười hai năm ở đây, X bắt đầu có cảm giác mình biết mọi điều, hắn giật mình nhận ra rằng người đàn ông và người phụ nữ có thời đối với hắn là người thông suốt tất cả thật ra chẳng biết nhiều. Rõ ràng là hắn đã vượt qua họ và họ hẳn đã hết sự hữu ích cho hắn. Hắn nhận ra sức lực và nhiệt huyết của hắn giờ không dành cho hai người họ, mà dành cho những người bạn. Những người bạn của hắn hiểu hắn, hiểu những tâm trạng của hắn, những sở thích nhanh chóng thay đổi của hắn, những mối quan tâm, tính nóng vội của hắn. Hắn cảm thấy tội lỗi khi quay lưng lại với người đàn ông và người phụ nữ đã cứu mạng hắn, nhưng hắn tự nhủ rằng hắn không hề yêu cầu họ đưa hắn đến thế giới này. Không yên bình như giai đoạn trước đó, đây là thời kỳ sục sôi. Mãi cho đến khi chuyện này kết thúc và X nhìn lại, hắn biết rằng chuyện phải như vậy. Những xáo động trong X đã khiến tinh thần phản kháng trỗi dậy là do kiến thức đã thôi thúc hắn phải hướng ra bên ngoài, phải rời ngôi nhà này, phải cắt đứt bản thân hắn với người phụ nữ và người đàn ông ấy nếu hắn muốn biết mình là ai và mình thuộc về nơi nào. Đó là thời gian thử giương buồm nhưng con thuyền vẫn còn buộc vào cầu cảng. Lòng biết ơn với người phụ nữ và người đàn ông như ngày xưa giờ trở lại. Hắn thấy họ thật thông tuệ, và khi không thông tuệ thì họ cũng thật rộng lượng. Hắn thấy họ đã cố hết sức và họ yêu thương hắn. Hắn thấy mình cũng yêu thương họ và điều này không làm hắn mất đi thứ gì mà còn khiến hắn giàu có thêm. Họ đã cưu mang hắn hai mươi mốt năm ròng và giờ họ biết phải để hắn ra đi. Công việc của họ đã kết thúc. Việc của hắn là đi tìm những người của riêng hắn. Trong đời hắn chưa bao giờ làm một chuyện gì khó khăn hơn là phải rời xa họ. Thành công sẽ không bao giờ là thành công nếu bạn chưa tiếp thu được năm thành tố cơ bản. HOWARD WHITMAN Bài 2 ĐỊNH HÌNH THƯƠNG HIỆU THÀNH CÔNG RIÊNG CỦA BẠN Ngày nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thành công cũng tương tự như định nghĩa về con người, và có những người đã khẳng định với bằng chứng đáng kể, rằng thất bại lớn nhất trong đời chúng ta là thành công, vì chúng ta cứ ngày càng đánh đồng thành công với của cải vật chất. Những câu kiểu như “Tôi từng giàu và tôi cũng từng nghèo – giàu thì tốt hơn!” cứ được người ta dùng để thể hiện cái tính cách doanh nhân hết lần này đến lần khác, chúng ta luôn mỉm cười và gật đầu đồng tình một cách ghen tị. Nhưng thành công chỉ có vậy thôi sao? Howard Hughes có hạnh phúc hơn hay tự thấy bình yên hơn chút nào không khi ông kiếm được gấp đôi số tiền một triệu đô-la đầu tiên? Liệu ngôi sao điện ảnh mà két an toàn chứa hàng tá kim cương có hài lòng với đời mình sau khi bỏ rơi người chồng thứ tư để đến với người thứ năm? Bạn định nghĩa thế nào về thành công? Có lẽ bạn quá bận rộn mưu sinh nên chưa từng thoáng nghĩ tới điều này. Nhưng nếu bạn tham dự trường đại học này để cải thiện cuộc sống của mình, tôi hy vọng thế, thì sẽ không là quá sớm khi trao cho bạn những phương hướng để suy ngẫm và có lẽ là tự bạn thích nghi. Bạn đã làm theo lời tôi khuyên chưa, bạn đang đọc quyển sách này và tay cầm chiếc bút bi hay bút chì phải không ạ? Tôi mong là thế, vì có rất nhiều giá trị cần học hỏi và ghi nhớ từ tác giả xuất sắc Howard Whitman khi ông tiết lộ năm thành tố để có được thành công đích thực trong quyển sách Thành công ở bên trong bạn (Success Is Within You). Có hai tiêu chuẩn chính đánh giá thành công: 1. Người khác có nghĩ bạn thành công không? 2. Bạn có nghĩ vậy không? Hai tiêu chuẩn này liên quan đến nhau như ống hút và ly sô-đa kem. Nếu bạn muốn thưởng thức trọn vẹn một ly sô-đa kem thì tốt nhất nên có cả hai. Nhưng nếu chỉ được có một thứ, thì chắc chắn có một ly sô-đa kem tốt hơn là chỉ có ống hút, vì chỉ mỗi ống hút không có giá trị gì cả. Và cũng thật là vô giá trị, còn phù phiếm nữa, khi cả thế giới nghĩ bạn là người thành công, còn bạn thì không cho là vậy. Cốc sô-đa kem của thành công chính là trong thâm tâm bạn biết bạn thành công. Được như thế thì bạn không nhất thiết cần sự công nhận của thế giới ngoài kia. Vấn đề phát sinh khi chúng ta cứ cố định hình thành công của mình qua những đặc điểm của thế giới bên ngoài, dù tận đáy lòng ta không muốn những đặc điểm đó. Chúng ta thành công cho ai, cho bản thân chúng ta hay cho người khác? Thành công, nếu có ý nghĩa, phải là một thứ riêng tư. Thành công của người này khác với người kia do tính cách khác nhau; thực ra, nó khởi nguồn sâu thẳm từ nơi sinh ra chính tính cách, và thường cần phải thăm dò thật sâu ta mới tự biết được quan điểm cá nhân về thành công của chính mình thật ra là gì. Chúng ta thường chiếu theo những hình mẫu thành công ở thế giới bên ngoài mà không suy nghĩ hay phân tích, cũng như thỏa hiệp trong những mặt khác của cuộc sống. Nhưng một số người dũng cảm trong chúng ta đã có can đảm nghĩ về điều này và có đôi khi nói về những hình mẫu thành công vừa trung thực, vừa can trường, vừa cá nhân. William Faulkner, nhà văn đoạt giải Nobel từng nói rằng: “Tôi sinh ra làm kẻ lãng du. Tôi hạnh phúc nhất khi không có gì. Tôi có một chiếc áo bành tô với những túi áo lớn. Trong đó chứa một đôi vớ, một cuốn Shakespeare rút gọn và một chai rượu whiskey. Thế là tôi hạnh phúc, tôi chẳng muốn gì và không phải gánh trách nhiệm gì nữa”. Người ta có thể phủ nhận định nghĩa về thành công này. Tức là, người ta có thể phủ nhận điều này đối với bản thân mình, nhưng không thể phủ nhận nó đối với Faulkner. Đó là một phát ngôn bộc trực, điển hình cho kiểu thẳng tính của người vùng Mississippi. Cá nhân tôi có đôi chút mỏi mệt khi thấy tên Albert Schweitzer mỗi khi ai đó muốn đưa ra hình ảnh của một vị thánh trên trần gian. Và điều thú vị đáng chú ý là ngay chính Schweitzer cũng thấy mỏi mệt vì điều đó. Vào ngày sinh nhật thứ tám mươi của ông năm 1955, các buổi lễ được người ngưỡng mộ Schweitzer tổ chức khắp thế giới. Số tiền gây quỹ (hơn hai chục ngàn đô-la ở Hoa Kỳ và nhiều hơn ở các nơi khác) được gửi đến làm quà mừng sinh nhật cho vị bác sĩ nhỏ nhắn, cư xử hòa nhã, đã từ bỏ danh tiếng trên toàn cầu đổi lấy sự ẩn dật ở chốn tối tăm nhất châu Phi, nơi ông là mục sư chăm nom cho dân địa phương. Ở bệnh viện của ông tại Lambaréné, Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp, năm trăm người cùng hát mừng, chuông ngân vang, người hâm mộ mang theo hoa tụ tập để chúc mừng sinh nhật ông, danh tiếng chiếu rọi lên người vị bác sĩ tốt bụng ở châu Phi tối tăm còn sáng hơn các thành phố lung linh ở châu Âu. Nhưng Schweitzer bình luận trong buổi sinh nhật: “Tôi thật tiếc vì cái mớ hổ lốn này. Tôi mệt biết nhường nào”. Đó là một người đàn ông có ý niệm vĩ đại của riêng mình về thành công – nhưng thế giới không để ông theo đuổi nó. Tại châu Âu, thời biến động những năm giữa thế kỷ 19, một người coi thường phong tục tập quán, một người lãng mạn trong từng hơi thở, nhà văn George Sand, trong một bức thư tuyệt phẩm đã viết về định nghĩa thành công rằng: Người ta hạnh phúc khi sau những nỗ lực tự thân, ta biết được những thành tố của hạnh phúc – là khẩu vị đơn giản, một sự can đảm nhất định, sự tiết chế đến độ nào đó, tình yêu công việc, và trên hết cả là một lương tâm trong sáng. Hạnh phúc không phải giấc mộng mơ hồ, giờ tôi đã biết chắc chắn. Nhờ sử dụng đúng đắn kinh nghiệm và tư duy, ta có thể rút ra cho mình nhiều điều, bằng sự quyết đoán và kiên nhẫn, ta thậm chí có thể phục hồi sức khỏe của ta... thế nên hãy để cuộc sống diễn ra như nó vốn là, và đừng bạc bẽo. Những người thâm trầm nhất trong chúng ta cuối cùng kết lại rằng thành công cá nhân phải tồn tại bên trong nếu nó có tồn tại. Nó không hình thành nên từ những dấu hiệu ngoại lai hay vẻ ngoài, mà chỉ hình thành nên từ những giá trị cá nhân vô hình xuất phát từ một triết thuyết chín chắn. Một trong những điều làm cả thế giới ấn tượng nhất về Mahatma Gandhi là những bức ảnh chụp các vật dụng của ông được công bố sau khi ông qua đời: một cặp mục kỉnh, một đôi xăng-đan, vài bộ quần áo đơn giản, một chiếc guồng quay sợi và một cuốn sách. Nhưng thế giới biết rằng một trong những người giàu có nhất đã qua đời. Có lẽ thế giới trong những mạch nguồn ý thức của nó đã phần nào nhận ra ẩn ý trong câu nói đơn giản của Henry David Thoreau: “Sự giàu có của một người tương ứng với những thứ anh ta có thể để yên”. Bản thân Gandhi thường nói về sự tiết giảm nhu cầu. Cuộc sống với ông dường như là một quá trình buông bỏ dần những nhu cầu, để từ một đứa trẻ khóc trong nôi cần mọi thứ, con người, nếu sống một cuộc đời thành công, sẽ dần lớn lên thành một người trưởng thành hầu như không còn cần gì nữa. Điều này không có ý nói nên lấy nghèo đói làm mục tiêu cuộc đời, hay một người tu khổ hạnh khước từ mọi tiến bộ hay sở hữu vật chất thì sẽ trở thành mahatma, một thánh nhân. Nhiều thánh nhân có khối tài sản khổng lồ như: Andrew Carnegie, Jacob Riis, Julius Rosenwald, Samuel Mather, gia đình Guggenheim và Russell Sage. Tất cả những vị này đã đạt được thành công cá nhân thực sự, cả về bên trong lẫn bên ngoài. Họ đã cố gắng để vừa có sô đa kem vừa có ống hút. Có những thành tố thường hằng nhất định ở thành công đích thực, dù là thành công của Andrew Carnegie hay Mahatma Gandhi. Đây là những thành tố thiết yếu, độc lập với của cải hay thành tựu, đói nghèo hay khổ hạnh. Đây là những thành tố đóng vai trò động lực cho thành công, là xương sống và những đường gân của nó. Thành tố thường hằng đầu tiên là mục đích. Một người phải biết rằng dù làm gì đi nữa, anh ta cũng đang hướng đến một mục tiêu. Vô mục đích là kẻ thù tồi tệ nhất của thành công. Một người khó có thể cảm thấy thành công khi đang ở trong một vũng lầy. Nhưng chừng nào còn có mục đích, người đó sẽ cảm thấy những nguồn năng lượng và tư duy sáng tạo đang đưa anh ta tới nơi nào đó, và ta có được sự thỏa mãn trên hành trình đó, cũng như sẽ vấp phải nỗi tuyệt vọng bất cứ lúc nào ta cảm thấy rằng mình “chẳng đi về đâu”. Một bản tin gần đây từ Biloxi, Mississippi minh họa chân thực cho vai trò của mục đích để khiến cuộc đời trở nên đáng sống. Một thiếu nữ hai mươi tư tuổi, làm vũ công ở một thị trấn nhỏ đầy sắc màu, đã nhảy khỏi cầu tàu để tự tử. Sau này cô giải thích rằng mình làm vậy vì đã “chán ngán cuộc đời”. Một chàng trai nhìn thấy cô nhảy từ cầu tàu xuống nước. Quên rằng mình không biết bơi, anh cởi áo khoác và lao xuống nước theo cô trong nỗ lực mù quáng nhằm cứu một người đồng loại. Anh bắt đầu vùng vẫy dưới nước và sắp chìm đến nơi, thì cô vũ công trẻ quên ngay nỗi tuyệt vọng của mình, sải tay bơi về anh. Khi anh đang sặc nước và thở hổn hển, cô chộp lấy anh và kéo vào bờ an toàn. Thay vì kết thúc đời mình, cô lại cứu mạng một người khác. Trong khoảnh khắc quyết định, nhìn thấy chàng trai trẻ vật lộn giành lấy sự sống, đời cô đột nhiên có được điều mà trước đây thiếu vắng: mục đích. Thế nên cái bị nhấn chìm dưới nước ở cầu cảng đó chỉ đơn thuần là nỗi tuyệt vọng chứ không phải tinh thần của cô. Trong một khoảnh khắc xúc động lóe lên, cô nhận ra sự khác biệt giữa việc không biết sống vì điều gì và có một mục đích sống, khi kéo được chàng trai lên bờ an toàn, cô cũng được đưa đến bệnh viện, được chữa trị, và ra về với niềm vui sống mới. Không phải ai cũng gặp phải sự đối đầu khắc nghiệt hay thiếu mục đích sống như vậy. Nhưng mỗi chúng ta đều biết có những lúc cuộc đời chợt sôi nổi và đầy hứng thú vì ta đang đến nơi nào đó, và cũng có những khi hoàn toàn ngược lại, cuộc đời thật tối tăm ở cuối con đường mà chúng ta vẫn gọi là Đoạn Kết. Thành công đích thực phải luôn có một chiều hướng mục đích không đổi; nếu không thì dù có sống, người ta cũng không thể sống một cách thành công. Thứ hai, thành công hoàn toàn không đơn điệu; không phải giờ nào ngày nào cũng chỉ có một kiểu thành công giống nhau. Đúng hơn là có những khi lên cao và những lần xuống thấp. Một cuộc đời thành công sẽ có những ngày hay thậm chí những năm dài thất bại. Chắc chắn có những thời điểm mất trắng hoàn toàn. Thế không có nghĩa là bạn đã tàn đời mà những thất bại không thể tránh khỏi chỉ đơn thuần chứng minh cho một thực tế là thành công không phải chuyện dễ dàng gì. Các bác sĩ tâm thần nói về những kiểu người bị “rối loạn ám ảnh cưỡng chế”, không thể chịu đựng một giây phút thất bại nào. Thực ra những người như vậy chưa từng nếm trải thành công thật sự. Họ thà cứ nếm một khẩu vị xoàng xĩnh nhưng ổn định. Họ sợ rằng ngay cả một thất bại nhỏ nhất cũng sẽ xô ngã sự tự tin dễ lung lay của bản thân. Nếu lòng tin vững như bàn thạch thì người ta sẽ có thể đón nhận thất bại đôi khi vẫn xảy ra; trong thực tế, khi tiếp xúc đủ gần với thực tại, một cá nhân trưởng thành sẽ biết đôi khi thất bại là không tránh khỏi và anh ta ít tốn năng lượng vào việc mải lo sợ về chúng để có thể dành năng lượng đó cho sự thành công anh ta tìm kiếm. Trong quá trình lớn lên, mỗi chúng ta không sớm thì muộn phải biết rằng không phải ngày nào cũng là ngày Giáng sinh, thế nên chúng ta cũng nên biết rằng trên con đường dẫn đến thành công không phải mọi nỗ lực đều cho ta vương miện vinh quang. Thành tố thường hằng thứ ba của thành công là cái giá của nó. Thành công không miễn phí. Một trong những khía cạnh kỳ lạ của cuộc đời chúng ta, một khía cạnh có phần huyền bí, là sự bất lực về mặt thể chất trong việc tận hưởng những gì mình không tự kiếm được. Những chiếc ghế trong phòng khám các bác sĩ tâm thần đã in sâu dấu vết của những phụ nữ trung niên quen được chiều chuộng, họ có tất cả những thứ họ muốn nhưng lạ thay lại tự thấy mình không thể tìm được niềm vui sống. Ngày nào đó sẽ có một bác sĩ khám phá tính cách con người bằng một chiếc cân cực kỳ vi tế mà tôi chắc chắn là có tồn tại. Nếu ông ta tìm ra và xem xét nó thật kỹ, tôi tin ông ta sẽ ghi rằng trên một đĩa cân là niềm vui, còn đĩa bên kia là nỗ lực. Niềm vui khi thành công dường như phải có nỗ lực đạt được nó để cân bằng – và đó là một khía cạnh nhỏ bé kỳ diệu trong phẩm cách con người mà mỗi chúng ta đều có. Thành tố thiết yếu thứ tư, mà thiếu nó thì thành công không phải là thành công, là sự thỏa mãn. Cái sướng cho người này là cái khổ cho người khác; và người này có thể thấy thỏa mãn khi cóp nhặt của cải, trong khi với người khác thì đó là sáng tác một bài thơ. Nhưng chắc chắn một người không thể khẳng định mình thành công khi không thấy thỏa mãn chút nào với của cải hay thơ phú. Thành công phải được tận hưởng. Dù đó có là chiến thắng trong nước mắt thì trên đỉnh vinh quang cũng phải là nụ cười. Sự thỏa mãn của thành công không cần thể hiện để người khác biết, miễn sao bản thân mình biết là được. Một giáo viên phổ thông dạy học với đồng lương xoàng xĩnh và sự tôn trọng dành cho nghề giáo ngày càng giảm sút hiện nay, cộng đồng có thể nghĩ rằng anh ta chẳng thành công gì cho cam, nhưng nếu trong thâm tâm anh ta có cảm giác vui sướng, tin chắc rằng mình đã làm tốt việc mình yêu thích, thì anh đã có được một thành tố thiết yếu của thành công. Thành tố này phụ thuộc nhiều vào thái độ riêng của cá nhân hơn là bằng chứng công khai. Một mục sư có thể cảm thấy sự thỏa mãn của thành công trong thâm tâm nếu trong các vòng tròn tĩnh lặng, ông giúp được đồng loại hiệp thông với Chúa; tương tự như một nhà sản xuất cảm thấy sản phẩm của mình là tốt nhất trong số sản phẩm cùng loại, một vận động viên bóng chày chuyên nghiệp khi anh ta yêu thích một trận đấu, một bà nội trợ nếu việc nhà của cô có chủ đích và đầy sáng tạo chứ không tẻ nhạt. Sự thỏa mãn, phát sinh chủ yếu từ thái độ, luôn sẵn có trong tất cả mọi người, bắt nguồn từ sâu thẳm như một hạt nhân từ lõi vỉa quặng tâm hồn chúng ta. Nhân tố cơ bản cuối cùng của thành công là tính tâm linh. Thật khó hình dung được ai đó cảm thấy thành công mà lại không có cảm giác gì liên quan đến mục đích to lớn của cuộc sống và “tác giả” của những mục đích đó. Dù là một gã ma cà bông thành công hay là một chủ ngân hàng thành công, thì muốn cảm nhận trọn vẹn niềm vui thành công, anh ta phải có một sự xác tín, tuy khó thấy, rằng anh ta đang hòa hợp với Thượng đế. Anh ta phải cảm nhận bằng cách nào đó những luồng hiện diện của Thượng đế đang tỏa khắp châu thân và nhận ra sự hiện diện của mình trong đó nữa. Đây cũng lại là chuyện cá nhân. Tâm linh của một gã ma cà bông thành công và tâm linh của một chủ nhà băng thành công khó mà cất lên ở cùng một quãng tám, nhưng dù khá xa nhau trên khuông nhạc, nó vẫn có một sự hòa hợp. Đó không phải là sự chênh lệch về quan điểm hay thiên hướng có thể kể ra, mà thực tế là cả hai cùng hòa điệu với cuộc đời và với Đấng Tạo Hóa. Thành công không phải là chiếc áo bó cứng. Không có khuôn mẫu nào cho tất cả. Nó không phải là con dấu cứng nhắc. Nó là của riêng mỗi người, giống như vân tay hay võng mạc. Tất cả những gì chúng ta cần là dũng khí để nhận ra và là chính mình. Cảm thấy hối tiếc với bản thân và tình cảnh hiện tại không những rất phí năng lượng mà còn là thói quen tồi tệ nhất của bạn. DALE CARNEGIE Bài 3 NGHĨ VỀ NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP Tài sản lớn nhất của bất kỳ trường đại học nào, kể cả ngôi trường của chúng ta ở đây, là độ tín nhiệm từ đội ngũ giảng dạy. Trong bài 1 bạn đã gặp Jo Coudert, người biên tập nhiều sách giáo khoa trong các lĩnh vực tâm lý học và y khoa, đặc biệt có tài trong việc trình bày một tài liệu mang tính cá nhân và phức tạp như bạn đã thấy. Quyển sách của cô, Lời khuyên từ một kẻ thất bại, liên tục nằm trong danh sách bán chạy kể từ khi được xuất bản vào năm 1965. Ở bài 2, đó là Howard Whitman, phóng viên chiến trường, nhà báo nghiệp đoàn, nhà bình luận truyền hình, nhà sản xuất chương trình và tác giả của hàng trăm bài viết đề cập đến các vấn đề về đời sống gia đình và quan hệ con người. Ông cũng đã nhận được ba giải thưởng của Quỹ Vì Tự Do. Và giờ bạn sắp được nghe chuyện từ một người mà tên tuổi đã phổ biến hầu khắp mọi nhà ở thế giới văn minh trong suốt gần nửa thế kỷ. Quyển Đắc nhân tâm (How to Win Friends and Influence People) ông viết đã cán mốc mười triệu bản in, lúc đầu là một quyển giáo trình mà Dale Carnegie soạn ra để dạy các khóa học cho người lớn (ban đầu học phí là năm đô-la một đêm) cho các lớp YMCA1. Chủ đề: tự tin vào bản thân và làm sao phát triển nó để xử trí những vấn đề khác. 1 YMCA (Young Men’s Christian Association) là viết tắt cho Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc giáo. Tổ chức này được thành lập tại London năm 1844 với mục tiêu ứng dụng các giá trị Cơ Đốc giáo vào nếp sống hằng ngày. Hiện YMCA có 125 chi hội cấp quốc gia với 58 triệu hội viên. Tuy nhiên, triết lý của Dale Carnegie không chỉ đơn thuần là học cách thu phục người khác để kiếm lợi cá nhân. Sự thông thái, trí tuệ thường thức, khả năng quy giản thành công thành những điều thiết yếu tối thiểu nhất, đã cứu được hàng ngàn cuộc đời khỏi thất bại và tự thán. Cảm thấy buồn tủi cho bản thân và tình cảnh hiện tại sao? Hãy nghe Dale Carnegie giảng, trong một tác phẩm best-seller khác, Quẳng gánh lo đi và vui sống (How to Stop Worrying and Start Living). Tôi biết Harold Abbott từ nhiều năm nay. Ông từng là quản lý hoạt động giảng dạy của tôi. Lần nọ, chúng tôi gặp nhau ở thành phố Kansas và ông chở tôi về trang trại của tôi ở Belton, Missouri. Trong chuyến đi đó, tôi đã hỏi làm thế nào để không phải lo lắng và ông kể cho tôi nghe một câu chuyện đầy cảm hứng mà tôi sẽ không bao giờ quên. Câu chuyện như sau: “Trước tôi cũng hay lo lắng, nhưng một ngày mùa xuân năm 1934, khi đang rảo bước xuống đường West Dougherty ở thành phố Webb tôi chứng kiến một cảnh tượng khiến mọi âu lo bỗng chốc tan biến. Chuyện chỉ xảy ra trong vòng mười giây đồng hồ, nhưng trong mười giây đó, tôi đã học được cách sống còn nhiều hơn những gì đã học được trong suốt mười năm. Hai năm trước đó, tôi có mở một cửa hàng tạp hóa ở thành phố Webb. Cửa hàng này không chỉ làm tôi thua lỗ toàn bộ số tiền tiết kiệm mà tôi còn phải gánh một khoản nợ đến bảy năm sau mới trả hết. Lúc đó, cửa hàng tạp hóa của tôi vừa mới đóng cửa vào thứ Bảy tuần trước; và tôi đang chuẩn bị đến ngân hàng Merchants & Miners vay tiền để đi Kansas tìm việc. Tôi lê bước như một kẻ bại trận, hoàn toàn mất hết niềm tin và ý chí chiến đấu. Rồi đột nhiên, tôi thấy có một người đang đi trên đường – người ấy không có chân. Ông ngồi trên một cái bục gỗ nhỏ gắn những bánh xe và dùng hai thanh gỗ cầm ở tay đẩy mình tiến về phía trước. Tôi nhìn thấy đúng lúc ông vừa băng qua đường và đang chuẩn bị nhấc người vài centimét để leo lên vỉa hè. Khi nhấc được cái bục gỗ nhỏ lên, ông bắt gặp ánh mắt tôi đang nhìn. Ông nở một nụ cười rạng rỡ và vui vẻ nói: ‘Xin chào. Buổi sáng đẹp trời quá phải không?’. Khi đứng nhìn người đàn ông đó, tôi chợt nhận ra mình thật giàu có. Tôi còn cả hai chân. Tôi có thể đi lại dễ dàng. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã tự than thân trách phận quá nhiều. Tôi tự nhủ nếu người đàn ông kia không có chân mà vẫn sống tự tin, vui vẻ và hạnh phúc, thì tôi – với đôi chân lành lặn – chắc chắn cũng sẽ làm được như thế. Tôi thấy ngực căng lên. Tôi chỉ định vay ngân hàng Merchants & Miners một trăm đô-la. Nhưng lúc đó tôi đã có đủ can đảm để hỏi vay hai trăm. Tôi đã định nói rằng mình muốn đến Kansas để thử tìm một công việc. Nhưng giờ đây tôi đã tự tin tuyên bố rằng mình muốn đến thành phố Kansas để nhận một công việc. Tôi đã vay được tiền; và tôi đã có việc làm. Đến giờ tôi vẫn dán những lời này lên tấm gương trong phòng tắm để đọc khi cạo râu mỗi sáng: Tôi buồn vì chẳng có giày Cho đến khi nhìn thấy một người đàn ông trên đường không có chân.” Có lần, tôi hỏi Eddie Rickenbacker về bài học lớn nhất anh đã học được khi cùng những người đồng hành lênh đênh trên chiếc bè gỗ giữa Thái Bình Dương suốt hai mươi mốt ngày, mất phương hướng một cách vô vọng. Anh nói: “Bài học lớn nhất tôi rút ra từ trải nghiệm đó là nếu bạn vẫn có đủ nước ngọt để uống và đủ thực phẩm để ăn thì đừng bao giờ phàn nàn về bất cứ điều gì”. Tờ Time có đăng bài báo viết về một trung sĩ bị thương trong trận Guadalcanal. Bị một mảnh đạn găm vào cổ họng, viên trung sĩ này đã được truyền máu bảy lần. Anh viết cho bác sĩ một mẩu giấy hỏi: “Tôi sẽ sống đúng không?”. Bác sĩ trả lời: “Đúng vậy”. Anh lại viết một mẩu giấy khác: “Liệu tôi còn có thể nói được không?”. Một lần nữa anh lại nhận được câu trả lời có. Vậy là anh viết tiếp: “Thế thì tôi còn phải lo lắng về cái quái gì nữa chứ?”. Tại sao ngay bây giờ bạn không dừng lại và tự hỏi: “Mình đang lo lắng về cái quái gì vậy?”. Có thể bạn sẽ thấy điều mình lo lắng chẳng có gì to tát, thậm chí thật vớ vẩn. Khoảng 90% những điều xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là tốt đẹp, chỉ khoảng 10% không như mong đợi. Nếu muốn hạnh phúc, tất cả những gì chúng ta phải làm là chú tâm vào 90% điều tốt đẹp, và bỏ qua 10% điều không như ý. Còn nếu chúng ta cứ muốn chuốc lấy lo âu, cay cú và bệnh loét dạ dày thì hãy cứ tập trung vào 10% bất hạnh kia và bỏ qua 90% điều tuyệt vời còn lại. Các từ Suy Ngẫm và Tạ Ơn được khắc ghi trong nhiều nhà thờ thời Cromwell ở Anh quốc. Những từ ngữ này cũng phải được ghi khắc trong tâm khảm chúng ta: Suy Ngẫm và Tạ Ơn. Suy ngẫm về những điều chúng ta phải trân trọng, và tạ ơn Chúa vì tất cả những ân huệ và phẩm vật Người trao cho. Jonathan Swift, tác giả của quyển Gulliver phiêu lưu ký (Gulliver’s Travels), là một người bi quan và chán chường bậc nhất trong nền văn học Anh. Ông thấy buồn vì đã được sinh ra trên đời, đến nỗi thường mặc đồ đen và nhịn ăn vào mỗi dịp sinh nhật. Tuy nhiên, trong nỗi chán nản, người bi quan nhất nền văn học Anh vẫn ca ngợi sức mạnh lớn lao mà sự vui vẻ và niềm hạnh phúc có thể mang lại cho sức khỏe của con người. Ông tuyên bố: “Những bác sĩ giỏi nhất thế gian là Bác sĩ Ăn Uống, Bác sĩ Tĩnh Lặng và Bác sĩ Vui Vẻ”. Bạn và tôi có thể được hưởng sự chăm sóc miễn phí của “Bác sĩ Vui Vẻ” từng ngày, từng giờ, bằng cách lúc nào cũng nghĩ đến sự giàu có không kể xiết của mình – những tài sản còn vượt xa kho báu của Alibaba trong cổ tích. Liệu bạn có bán đi đôi mắt của mình để đổi lấy một tỷ đô-la? Bạn sẽ chấp nhận lấy gì để đánh đổi đôi chân của bạn? Đôi tay của bạn? Thính lực của bạn? Những đứa con của bạn? Gia đình của bạn? Hãy cộng tất cả những tài sản đó, bạn sẽ thấy mình không bao giờ muốn đổi những gì đang có để lấy cả đống vàng của gia đình Rockefeller, Ford và nhà Morgan gộp lại. Nhưng chúng ta có biết trân trọng những gì mình đang có không? À, không. Như Schopenhauer đã nói: “Chúng ta ít khi nghĩ đến những gì mình có mà chỉ luôn nghĩ đến những gì mình thiếu”. Vâng, khuynh hướng “ít khi nghĩ đến những gì mình có mà chỉ luôn nghĩ đến những gì mình thiếu” là bi kịch lớn nhất trên đời. Nó có thể gây ra đau khổ còn nhiều hơn tất cả những cuộc chiến tranh và bệnh tật trong lịch sử. Nó khiến John Palmer sống ở Paterson, New Jersey, “từ một chàng trai dễ mến trở thành một lão già gắt gỏng” và suýt nữa phá tan gia đình anh. Tôi biết điều đó, bởi chính anh đã kể cho tôi nghe: “Không lâu sau ngày giải ngũ, tôi bắt đầu tự kinh doanh. Tôi làm việc cật lực ngày đêm. Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp thì rắc rối nảy sinh. Tôi không thể mua được nguyên vật liệu và cũng rất khó bán sản phẩm. Tôi sợ rằng mình sẽ phải từ bỏ công việc kinh doanh. Tôi lo lắng đến nỗi từ một chàng trai dễ mến trở thành lão già gắt gỏng. Tôi trở nên cáu gắt và chua chát – lúc đó tôi không biết; nhưng giờ nghĩ lại mới thấy suýt nữa tôi đã phá hoại hạnh phúc gia đình mình. Rồi một ngày nọ, một nhân viên của tôi – một cựu binh khuyết tật trẻ tuổi – nói với tôi rằng: ’Johnny này, anh nên tự cảm thấy xấu hổ với chính mình. Anh cư xử như thể mình là người duy nhất trên đời gặp rắc rối. Cứ cho là anh sẽ phải đóng cửa tiệm một thời gian, thế thì đã sao? Anh có thể làm lại từ đầu khi mọi chuyện trở lại bình thường. Anh có nhiều thứ để trân trọng. Ấy thế mà anh luôn càu nhàu. Anh ơi, anh có biết tôi luôn ao ước được như anh biết chừng nào! Nhìn tôi đây này. Tôi chỉ còn một cánh tay, và một nửa gương mặt đã bị bắn nát, nhưng tôi đâu có phàn nàn. Nếu không ngừng ngay việc ca thán và cằn nhằn, anh sẽ mất đi không chỉ công việc kinh doanh của mình, mà cả sức khỏe, gia đình và bạn bè nữa!’. Những lời khiển trách đó đã vực tôi dậy từ bờ vực thẳm. Nó khiến tôi nhận ra mình yên ổn đến mức nào. Ngay lúc đó tôi hạ quyết tâm sẽ thay đổi và trở lại là chính mình trước kia – và tôi đã làm được”. Một người bạn của tôi, Lucile Blake cũng suýt rơi vào bi kịch nếu cô không kịp nhận ra rằng phải biết hạnh phúc với những gì mình đang có, thay vì lo lắng về những gì mình không có. Cách đây nhiều năm, tôi gặp Lucile khi hai chúng tôi cùng theo học khóa viết truyện ngắn ở trường Báo chí Đại học Columbia. Vài năm trước đó, cô đã gặp một cơn chấn động lớn trong đời. Khi ấy, cô đang sống ở Tucson, Arizona. Câu chuyện cô kể cho tôi như sau: “Ngày ấy tôi sống trong guồng quay: học organ ở Đại học Arizona, quản lý một trường chữa các tật về nói trong thị trấn, dạy một lớp cảm thụ âm nhạc ở Desert Willow Ranch, nơi tôi cư ngụ. Tôi đến tham dự các bữa tiệc, khiêu vũ, cưỡi ngựa dưới ánh sao. Thế rồi, một buổi sáng, tôi quỵ ngã. Vì tim của tôi! Bác sĩ nói: ’Cô sẽ phải nằm trên giường trong một năm, tĩnh dưỡng hoàn toàn’. Ông ấy thậm chí còn không động viên cho tôi tin rằng mình sẽ khỏe lại. Nằm trên giường suốt một năm! Trở thành phế nhân. Có thể chết! Tôi hoang mang cực độ. Tại sao điều này lại xảy đến với tôi? Tôi đã làm gì nên tội? Tôi than khóc và rên rỉ, trong lòng trào dâng cảm giác cay đắng và muốn nổi loạn. Nhưng tôi vẫn nằm nghỉ như lời khuyên của bác sĩ. Một người hàng xóm của tôi, họa sĩ Rudolf, nói với tôi: ’Bây giờ cô cho rằng cả một năm nằm trên giường là một thảm kịch. Nhưng không phải thế đâu. Cô sẽ có thời gian để suy nghĩ và hiểu rõ mình hơn. Trong vài tháng tới, cô sẽ phát triển tâm hồn nhiều hơn toàn bộ quãng đời trước đó của cô!’. Tôi dần trấn tĩnh lại, và cố gắng hoàn thiện những nhận thức về giá trị. Tôi đọc các sách truyền cảm hứng. Một hôm, tôi nghe phát thanh viên trên đài nói: ’Bạn chỉ có thể thể hiện được những gì có trong chính tâm thức của bạn’. Tôi đã nghe những lời như thế nhiều lần trước đây, nhưng bây giờ chúng mới chạm được và bám rễ trong tâm trí tôi. Tôi hạ quyết tâm sẽ chỉ sống với những suy nghĩ tích cực về niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe. Ngay khi thức dậy mỗi sáng, tôi ép bản thân phải nhắc lại những điều mình cần biết ơn. Thân thể tôi không đau đớn. Tôi có một đứa con gái nhỏ dễ thương. Tôi có thể nhìn, có thể nghe, được thưởng thức những bản nhạc hay trên đài, có thời gian đọc sách, có thức ăn ngon, bạn bè tốt. Tôi đã rất vui vẻ và có nhiều người tới thăm đến nỗi bác sĩ phải đặt một tấm biển quy định mỗi lần chỉ được một người vào thăm – và chỉ được vào những giờ nhất định. Chín năm trôi qua và giờ đây, tôi đã sống một cuộc sống trọn vẹn và tích cực. Tôi rất biết ơn một năm nằm trên giường ấy. Đó là năm hạnh phúc nhất và hữu ích nhất của tôi ở Arizona. Từ đó đến nay, tôi tạo thói quen mỗi sáng nghĩ về những điều tốt đẹp mà tôi đang có, và điều này đã trở thành một trong những thói quen quý giá nhất của tôi. Tôi cảm thấy thật xấu hổ vì chỉ mới học được cách sống khi suýt phải đối diện cái chết.” Lucile bạn tôi có thể không nhận ra, nhưng cô đã hiểu được bài học mà Tiến sĩ Samuel Johnson rút ra từ cách đây hơn hai trăm năm. Ông nói: “Thói quen nhìn mọi việc một cách tích cực còn quý giá hơn kiếm được một ngàn bảng mỗi năm”. Những lời ấy, hãy nhớ, được thốt ra từ miệng một người không phải giàu có và quá ư lạc quan, mà bởi một người đã từng nếm trải những lo âu, đói khát và nghèo túng trong hai mươi năm – và cuối cùng trở thành một trong những tác giả lỗi lạc và là người có tài nói chuyện nổi tiếng nhất thời đó. Logan Pearsall Smith đã gói trọn trí tuệ uyên thâm trong vài lời sau: “Có hai điều cần phải hướng tới trong cuộc sống: Thứ nhất, có được những gì bạn muốn. Sau đó, tận hưởng nó. Chỉ những người khôn ngoan nhất mới làm được điều thứ hai”. Bạn có biết làm sao để ngay cả việc rửa bát trong bếp cũng trở thành một trải nghiệm xúc động? Vậy hãy đọc quyển sách truyền cảm hứng về lòng can đảm phi thường của Borghild Dahl với nhan đề Tôi muốn nhìn thấy (I Wanted to See). Cuốn sách là tác phẩm của một phụ nữ đã trải qua cảnh mù lòa suốt nửa thế kỷ. Bà kể: “Tôi chỉ còn một mắt trái với nhiều sẹo đến nỗi tôi phải nhìn mọi thứ qua khe nhỏ của mắt đó. Tôi chỉ có thể đọc sách bằng cách dí sát vào mặt và cố sức căng mắt về phía góc trái đó”. Nhưng bà không hề than thân trách phận, cũng không muốn bị coi là “khác biệt”. Hồi nhỏ, bà rất muốn chơi nhảy lò cò với những đứa trẻ khác, nhưng lại không thể nhìn thấy những vạch kẻ. Vì thế, đợi các bạn về hết, bà liền xuống sân và vừa bò vừa kề sát mặt xuống đất để có thể nhìn thấy những đường kẻ. Nhờ cách đó, bà có thể nhớ nằm lòng từng khoảng sân chơi và không lâu sau đã chơi trò này rất giỏi. Khi tập đọc ở nhà, bà cầm những quyển sách được in khổ to và dí sát mắt đến nỗi lông mi chạm cả vào trang sách. Cuối cùng bà đã tốt nghiệp Đại học Minnesota và lấy thêm một bằng Thạc sĩ ở Đại học Columbia. Công việc đầu tiên của bà là dạy học ở một ngôi làng nhỏ ở Twin Valley, Minnesota, và bà phấn đấu cho tới khi trở thành giáo sư ngành báo chí và văn học của Đại học Augustana ở Sioux Falls, South Dakota. Bà dạy ở đó suốt mười ba năm, giảng cho các câu lạc bộ của phụ nữ và nói chuyện trên radio về các tác phẩm văn chương và tác giả. Bà viết: “Trong ký ức của mình, tôi luôn nơm nớp lo sợ sẽ bị mù hoàn toàn. Để vượt qua nỗi sợ hãi đó, tôi đã chọn một thái độ sống vui vẻ, gần như lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười”. Rồi vào năm 1943, khi đã năm mươi hai tuổi, một điều kỳ diệu đã xảy đến với Borghild Dahl: Bà có thể nhìn rõ hơn trước bốn mươi lần, sau một ca phẫu thuật ở Bệnh viện chuyên khoa Mayo Clinic danh tiếng. Một thế giới mới mẻ, thú vị và đáng yêu mở ra trước mắt bà. Giờ đây, ngay cả việc rửa bát trong bồn nước ở bếp cũng khiến bà bồi hồi xúc động. Bà viết: “Tôi bắt đầu nghịch những bọt xà phòng trắng xóa trên bát đĩa. Tôi nhúng tay vào chậu và vớt lên những bong bóng xà phòng bé nhỏ. Tôi hướng chúng về phía ánh sáng và có thể nhìn thấy trong đó là những sắc màu rực rỡ như cầu vồng”. Khi nhìn qua ô cửa sổ phía trên bồn rửa bát, bà thấy “những chú chim sẻ đang vỗ những đôi cánh màu xám đen, bay trong làn tuyết rơi dày trắng xóa”. Ngây ngất trước những bong bóng xà phòng và những chú chim sẻ, bà đã viết lời kết cho quyển sách của mình như sau: “Tôi thầm nhủ: ’Lạy Thiên Chúa, Cha chúng con ở trên trời, con tạ ơn Người. Con tạ ơn Người’”. Hãy tưởng tượng mình tạ ơn Chúa vì có thể rửa bát đĩa, nhìn thấy ánh cầu vồng trong bong bóng xà phòng và chim sẻ bay trong tuyết! Chúng ta nên tự xấu hổ với chính mình. Những năm tháng trong đời mình chúng ta được sống trong một xứ sở thần tiên đẹp tuyệt vời, nhưng lại quá mù quáng đến nỗi không nhận ra điều đó, có lẽ vì quá đầy đủ nên không biết hưởng thụ nó. Nếu bạn muốn quẳng gánh lo đi và vui sống thì hãy: Hãy nhớ đến những phúc lành bạn có được, chứ không phải những rắc rối! Trong tất cả chúng ta có những hạt giống tự hủy hoại mà nếu để chúng sinh trưởng sẽ chỉ đem lại bất hạnh. DOROTHEA BRANDE Bài 4 NHẬN RA NHỮNG DẤU HIỆU THẤT BẠI CỦA BẠN Bài học này có thể đau đớn với bạn. Thậm chí bạn có thể thấy đôi chút chột dạ, nhất là khi bạn nhận ra đôi nét tính cách tưởng chừng vô hại nhưng đột nhiên lại khiến bạn thấy rằng chúng đang hủy hoại bất kỳ cơ hội thành công nào – để đạt đến khả năng tiềm ẩn đích thực của bạn. Khi chiếc xe hơi của bạn hỏng hóc, thợ máy phải xác định được nguyên nhân gây hỏng rồi mới sửa. Khi bạn bệnh, bác sĩ cũng phải chẩn đoán căn bệnh qua những biểu hiện và triệu chứng rồi mới tiến hành chữa trị. Tuy nhiên, bạn có thể toàn gặp thất bại suốt cuộc đời và không ai có thể giúp bạn, đơn giản vì bạn trong tiềm thức luôn cứ cố ngụy trang cho những nguyên nhân thất bại của mình thậm chí với cả bản thân! Quyển sách của Dorothea Brande Tỉnh lại và Sống đi! (Wake Up and Live!) được xuất bản vào năm 1936, ở tận đáy của thời kỳ Đại suy thoái. Nó là chiếc phao cứu sinh cho một quốc gia đang đắm chìm trong cơn tuyệt vọng của chính mình và những thông điệp của quyển sách ngày nay vẫn còn nguyên ý nghĩa như trong những năm tháng đen tối đó. Hãy hết sức chú ý người phụ nữ tuyệt vời sau, cô đã học được cách làm sao thay đổi cuộc sống sau khi phát hiện một số sự thật chấn động về bản thân và về tất cả chúng ta. Và nếu sự thật mất lòng, hãy nên tôn trọng. Đó là lý do vì sao bạn lại ở đây, phải không nào? Để biết về bản thân. Để chữa cho bạn khỏi thất bại. Từ những nguyên tắc của Schopenhauer và Freud, của Nietzsche và Adler, tất cả chúng ta trở nên rành rẽ những thuật ngữ như Ý chí sống (Will to live) và Ý chí quyền lực (Will to power). Những thuật ngữ này – đôi khi gần như cường điệu – thể hiện những cách dẫn dắt sinh vật hướng tới sự hoàn thiện và phát triển, tương ứng với những sự thật của trải nghiệm mà mỗi chúng ta đều quen thuộc. Chúng ta đã thấy trẻ em đấu tranh để thể hiện bản thân và cá tính; cũng như thời còn trẻ, chúng ta luôn hài lòng khi có một cơ hội để thử những sức mạnh đang trỗi dậy trong bản thân; sau cơn bệnh dài chúng ta cảm thấy một sự sung sức trở lại dâng tràn trong huyết quản. Chúng ta biết rằng bất cứ người bình thường nào trong những hoàn cảnh không may cũng sẽ có vẻ nghèo nàn, đau buồn, tủi hổ, với những điều kiện mà đôi khi người ta sẽ thấy còn tệ hơn là chết; và chỉ có sự hiện diện của một ý chí phải tiếp tục sống mới có thể lý giải cho sự bám víu bền bỉ vào quyền được thở và tồn tại đơn thuần của một người ở trong những tình cảnh như vậy. Hơn nữa, trước tiên chúng ta phải trải nghiệm rồi sau đó mới chuyển sang nhận biết quá trình trưởng thành trong chính chúng ta. Cá nhân chuyển từ tuổi ấu thơ sang thanh niên, từ tuổi thanh niên sang trưởng thành; và ở mỗi cuộc khủng hoảng như vậy, chúng ta nhận thấy những hoạt động và những sở thích của thời kỳ trước được thay thế bằng những cái mới, rằng Tự nhiên đang chuẩn bị cho sinh vật đảm nhiệm vai trò mới của nó trong đời, thực sự giúp chúng ta hòa hợp với những yêu cầu dành cho chúng ta bằng cách cho ta thấy những hạnh phúc và phần thưởng trong giai đoạn sắp đến sẽ thay thế những gì chúng ta bỏ lại. Nhưng ý tưởng về một ý chí khác, một ý chí đối nghịch, Ý chí thất bại, Ý chí chết không dễ dàng được chấp nhận. Suốt một thời gian, đó là một trong những nguyên lý của các nhà phân tâm học, chẳng hạn như không cá nhân nào có thể thực sự tiêu hóa nổi trong trí tưởng tượng cái ý niệm anh ta có thể chấm hết. Ngay cả những ước mơ được chết và nguy cơ tự sát của những bệnh nhân trầm kha cũng chỉ dựa trên ý nghĩ báo thù: Cách lý giải là bệnh nhân đó nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục sống, tuy vô hình nhưng có thể thấy được sự ăn năn và hối hận của những kẻ khiến anh ta cảm thấy bị bạc đãi vì cái chết của anh ta. Thực ra Freud đã phân tích các bệnh nhân bị kiệt quệ vì chiến đấu lâu ngày sau Thế chiến thứ nhất và công bố một chuyên khảo mà trong đó ông phát biểu rằng thỉnh thoảng ông tìm được những giấc mơ thật sự cho thấy ước ao được chết. Chuyên khảo này có đủ một số suy đoán và đề xuất tuyệt vời nhất của Freud; nhưng với sự xuất hiện trong những nghiên cứu tâm lý phổ thông ý niệm rằng có thể có một dòng ý nghĩ hướng đến cái chết chảy qua cuộc đời chúng ta, thì dường như luận án này chưa từng được đề cập. Vậy nhưng chết đi cũng là một trải nghiệm giống như sinh ra và lớn lên; và nếu Tự nhiên chuẩn bị cho chúng ta trước mỗi giai đoạn mới của cuộc đời bằng cách triệt đường những ham muốn cũ và mở ra những viễn cảnh mới, thì có vẻ không quá khó để nghĩ rằng chúng ta luôn từ từ nhẹ nhàng hòa hợp với sự buông bỏ sau cùng những gì chúng ta giữ gìn yêu quý như những sinh vật đang sống. Và việc ngừng đấu tranh, từ bỏ mọi nỗ lực, giải phóng ham muốn và tham vọng sẽ là những động thái bình thường trong một cơ thể đang nhẹ nhàng được khuyến dụ rời khỏi cuộc sống mà nó đang chiếm giữ. Vì lý do này chúng ta được quyền nhìn vào Ý chí thất bại như một thực tế. Bây giờ, nếu mãi đến cuối đời ta mới thấy mình trì trệ, sợ sệt, muốn tìm hoạt động thay thế, nỗ lực không hết mình, thụ động và cam chịu, hay đắm đuối trong bệnh tật và mệt mỏi, nếu những thứ đó chưa hề cản trở ta trong khi chúng ta nên ở trong tình trạng hoàn toàn sung sức, thì chẳng có lý do gì để công kích Ý chí thất bại này như thể nó là kẻ tử thù của tất cả những gì tốt đẹp và hiệu quả của chúng ta – mà quả thật là vậy. Nhưng nếu xuất hiện khi còn trẻ hay hoàn toàn trưởng thành thì nó là triệu chứng của thứ gì đó sai lầm – một sự sai lầm sâu thẳm bên trong – của cuộc đời một người, giống như ngủ gà gật không đúng lúc là triệu chứng của một cơ thể không khỏe mạnh. Và nếu dễ thấy tên ác nhân hiểm độc như nó là, khi nó xuất hiện không đúng lúc thì sẽ dễ chiến đấu hơn. Nhưng hầu như ta luôn thấy ổn với quyền năng của nó trước khi ta họa hoằn có chút nghi ngại ngờ ngợ rằng tất cả những điều đó lẽ ra không nên xảy đến với ta. Chúng ta cũng đã quen nói về thất bại, thất vọng, sợ hãi như những thứ tiêu cực, khi bị thôi thúc phải tranh đấu với dấu hiệu của thất bại thì cũng giống như việc phải chiến đấu với cối xay gió. Khi còn trẻ, chúng ta hiếm khi tự mình nhận ra những triệu chứng. Chúng ta lý giải sự chần chừ không muốn bắt đầu là tính rụt rè tự nhiên của lính mới tò te, nhưng sự chần chừ đó cứ tồn tại, năm tháng qua đi, rồi chúng ta chợt tỉnh khi đã mất hết tinh thần để thấy được rằng cái từng là sự khiêm cung ý nhị tuổi trẻ trong chúng ta giờ là thứ gì đó hoàn toàn khác lạ, ủy mị và thật đáng tởm. Hay chúng ta thấy tự nhiên như ở nhà khi phải gánh trách nhiệm bào chữa cho việc chúng ta sao chưa bao giờ làm việc một cách sốt sắng. Chúng ta không thể bỏ mặc thứ này thứ nọ tương đối đơn độc và không phòng vệ. Rồi gia đình lớn lên, ly tán, và chúng ta bị bỏ một mình, hoạt động thay thế khiến chúng ta bận rộn đã rời bỏ chúng ta không thương xót, và chúng ta phát ốm, kinh hoàng với ý tưởng phải quay lại thực hiện những dự định đã bỏ dở từ lâu. Hoặc chúng ta sẽ viện mọi lý do hay ho nhất để không làm. Hầu hết chúng ta ở trong tình thế cần phải chọn giữa làm việc và chết đói, công việc chúng ta có thể tìm được khi tình thế buộc ta phải bắt đầu kiếm sống không phải là công việc lý tưởng phù hợp cho chúng ta. Khi kết hôn và gánh vác trách nhiệm nuôi sống gia đình, những nhu cầu thiết yếu tất thảy đều trở nên cấp bách hơn. Chúng ta có thể sẵn lòng chờ trong đôi ba năm nếu không ai ngoài ta phải chịu đựng, nhưng yêu cầu người khác làm vậy sẽ cần viện đến nhiều sự ích kỷ và nhiều can đảm hơn chúng ta có thể. Đặc biệt là ở Mỹ, khi kết hôn vì tình yêu là luật, hầu hết người trẻ bắt đầu đời sống hôn nhân mà vốn liếng chẳng có gì nhiều ngoài sức khỏe, tuổi trẻ và trí tuệ. Chúng ta quen với suy nghĩ kiểu châu Âu, rằng đòi hỏi tiền hồi môn, tiền cưới từ nhà gái thì có phần hèn mọn và vụ lợi quá. Vậy nhưng cứ chăm chăm dựa vào số tiền dự phòng ít ỏi, mà để xây dựng một gia đình mới thì đòi hỏi nhiều hơn mới đáp ứng được nhu cầu, và việc chúng ta không có những phong tục như tiền hồi môn có thể là một lý do khiến nước Mỹ, vốn được tán dương là Miền Đất Cơ Hội, lại đầy những người đàn ông và đàn bà ở tuổi trung niên phí phạm bản thân vào kiếp lao dịch, những vị trí lấp vào cho có không đem lại niềm vui cho họ, lúc nào họ cũng trông đợi một tương lai mà hứa hẹn hạnh phúc nhất cũng là những năm tháng sống đơn điệu, còn ác mộng tệ hại nhất là thất nghiệp kéo theo nghèo đói. Nhu cầu vớ lấy công việc đầu tiên tìm được là đủ để lý giải vì sao quá ít người trong chúng ta từng cố tìm cách để các kế hoạch của mình được thành tựu. Trước nhất, chúng ta thường có một ý hướng chắc chắn không để đi chệch khỏi mục tiêu thực sự, mặc cho thực tế là chúng ta phải kiếm sống với một công việc không phù hợp. Chúng ta dự định sẽ luôn để mắt đến những hoài bão của mình và thực hiện nó bằng mọi cách – ngày đêm, sớm tối, kể cả ngày nghỉ. Nhưng công việc chín giờ mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần quá mệt và đòi hỏi nhiều; phải có sức mạnh như siêu nhân để đi làm việc một mình trong khi cả thế giới đang đi chơi, và dù sao thì chúng ta cũng chưa bao giờ thấy bất kỳ bằng chứng nào rằng chúng ta sẽ thành công nếu cứ tiếp tục. Thế là ta không hề nhận ra mình đã bị cuốn vào dòng chảy Ý chí thất bại. Chúng ta cứ di chuyển mà không thấy rằng mình đang xuôi theo dòng. Hầu hết chúng ta đều che giấu thất bại của mình; chúng ta che giấu tốt nhất là với chính bản thân mình. Không khó để lờ đi thực tế chúng ta làm ít hơn nhiều so với khả năng có thể, rất ít những thứ chúng ta đã lên kế hoạch dù là khiêm tốn được thực hiện trước một độ tuổi nào đó, và chắc hẳn tất cả không bao giờ như ta hy vọng. Một lý do khiến ta dễ lừa dối bản thân là trên đường đời chúng ta dường như ngầm đi đến một sự đồng thuận giữa những người đàn ông kiểu như bạn bè và người quen. “Đừng nhắc đến thất bại của tôi”, chúng ta ngầm cầu xin, “và tôi sẽ không bao giờ thốt ra tí gì về việc anh không làm hết tất cả những điều mà tôi nên kỳ vọng ở anh”. Và chúng ta lướt qua thế giới mà không đóng góp gì, không khám phá tất cả những gì chính chúng ta phải làm, không tận dụng từng giây từng khắc khả năng của chúng ta, dù là bẩm sinh hay học được. Nếu chúng ta xoay xở để trở nên tương đối thoải mái, để nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ nào đó, mùi vị của “có uy quyền chút đỉnh” và yêu thương chút đỉnh, thì chúng ta cho rằng mình đã kiếm được một món hời, chúng ta ưng bụng với Ý chí thất bại. Chúng ta thậm chí còn tự thấy kiêu hãnh với sự khôn ngoan của mình, mà chẳng mảy may nghi ngờ là chúng ta đã bị lừa một vố đau đến thế nào, rằng chúng ta chịu yên ổn là vì khoản đền bù cho cái chết chứ không phải phần thưởng cho cuộc sống. Nếu trò chơi tinh vi mà tất cả chúng ta đang chơi với bản thân mình và chơi với nhau không bao giờ đi đến kết thúc – không dừng lại đôi chút để chúng ta chợt nhận ra chúng rốt cuộc cũng chỉ là trò chơi – Ý chí thất bại sẽ thôi thúc ta xuống dốc từ từ cho đến khi ta quỵ lụy dưới chân nó và không ai mong phản kháng lại. Nhưng trò chơi đôi khi có cách giải tán của nó, ngay khi cao trào nhất; và chúng ta đột ngột tự hỏi sao chúng ta lại làm vậy, sao chúng ta có thể chơi trốn tìm như thể cuộc sống của ta phụ thuộc vào nó, ta muốn hướng đến một cuộc sống thực sự nào trong khi chẳng làm gì hết, hoặc chỉ bận rộn với công việc không đem lại gì hơn ngoài miếng ăn. Đôi khi khoảnh khắc ấy trôi qua và bị quên lãng mãi cho đến một thời gian dài sau đó, nếu có nhớ lại chút nào. Nhưng một số người chúng ta không bao giờ quên nó. Nếu chúng ta tiếp tục trò chơi, thì nó sẽ hóa thành một cơn ác mộng, và tâm trí ta chỉ nghĩ đến việc làm sao để thoát ra khỏi nó và trở về thực tại. Rồi đôi lúc ác mộng càng đắm chìm hơn; chúng ta hết thử rồi lại thử những con đường trông như thể sẽ đưa ta đến tự do, nhưng rồi chỉ thấy ta trở về giữa Khu vườn Gương của Alice, lại tiếp tục thử tìm rồi lại tìm lối. Nhưng ta có thể thoát ra, lại khá giống Alice, bằng cách dường như trước hết là quay ngược lại: chấp nhận rằng có thể có một Ý chí thất bại, mà chúng ta có lẽ là nạn nhân. NHỮNG NẠN NHÂN CỦA Ý CHÍ THẤT BẠI Nếu Ý chí thất bại báo hiệu sự hiện diện của nó với những triệu chứng đồng nhất và không thể nhầm lẫn như những triệu chứng của bệnh sởi hay cảm lạnh, nó hầu như có thể được chữa tận gốc, hay từ lâu đã có một kỹ thuật để chiến đấu với nó hiệu quả. Nhưng không may triệu chứng của nó rất khác nhau và nhiều vô kể. Nếu bạn muốn kéo một chàng thị dân trung niên ăn chơi ưa tiệc tùng, khiêu vũ, rạp hát ra khỏi cuộc vui không dứt và giới thiệu anh ta với một triết gia râu ria bụi bặm, quần áo tuềnh toàng, nhà cửa lụp xụp đang nằm mơ mộng dưới ánh nắng, rồi nói: “Tôi muốn hai người quen nhau; hai người có nhiều điểm chung” thì bạn sẽ bị cho là đồ tâm thần, nhưng bạn đã đúng. Anh chàng ăn không ngồi rồi hay mơ mộng, hướng nội, với anh chàng thích nhảy nhót hướng ngoại – theo quan điểm trần tục là những cực đối lập nhau – được thúc đẩy bởi cùng một kiểu động lực; họ không nhận thức rằng cả hai đều cố hướng tới thất bại. Cuộc sống của họ có một mẫu số chung. “Đừng hành xử như thể ta sẽ sống cả ngàn năm”, Marcus Aurelius tự cảnh tỉnh trong câu cách ngôn của mình. Tất cả những ai đang mắc vào vòng kiềm tỏa của Ý chí Thất bại sẽ hành động như thể họ còn cả hàng ngàn năm để sống. Dù mơ mộng hay khiêu vũ, họ cũng đang tiêu tốn thời giờ quý báu như thể nó vô tận. Nhưng vì có rất nhiều cách để thất bại, cũng giống như có rất nhiều khoa và phân khoa của những kiểu tâm lý học, nên chúng ta thường không nhận ra sự hiện hữu của Ý chí thất bại ở người khác hay của chính chúng ta. Sau đây là một vài trong vô số cách “hành xử như thể bạn có ngàn năm để sống”: Chẳng hạn như, có những người ngủ nhiều hơn mức cần thiết để có sức khỏe hoàn hảo từ hai đến sáu tiếng mỗi ngày. Trong bất kỳ trường hợp cá nhân nào, trừ phi thời gian ngủ vượt xa mức bình thường, không thì rất khó để nói chắc rằng người ta không có gì để làm nếu chỉ dựa vào một giấc ngủ dài bất thường. Nhưng khi tính đến sự ép buộc được đưa vào, có thể chắc chắn ai đó là nạn nhân đích thực của thất bại. Những người cảm thấy cáu gắt hay vật vờ nếu không được ngủ sớm, những người mỗi sáng vẫn lo âu tính từng giờ đồng hồ ngủ được đêm hôm trước, than thở không ngừng về bất kỳ cơn gián đoạn nào, về từng giờ mất ngủ, từng tiếng cửa phòng đóng mở không đúng lúc, sẽ muốn ngủ nhiều hơn khả năng phục hồi thông thường. Khi một người trưởng thành mở rộng điều này, biến việc chợp mắt thêm một, hai giấc mỗi ngày trở thành thói quen, thì việc chẩn đoán lại càng dễ dàng. Kế tiếp, nằm trong số những kẻ thất bại khó nhận thấy, người “hướng nội” là những người sống mê đắm trong cõi mộng: Họ để một số hoạt động trôi qua trước mắt mà hầu như chẳng tham gia, hay chiều theo những hoạt động nhằm giết thời gian chỉ cho được những thứ không có tính xây dựng và thứ yếu nhất: những kẻ bài bạc, những kẻ mọt sách đến bệnh hoạn, những người chơi giải ô chữ suốt ngày, những người chơi xếp hình liên tu bất tận. Lằn ranh giữa thú tiêu khiển và sự ám ảnh không khó nhận ra một khi ta biết nó ở đó. Những kẻ yêu thất bại dễ nhận diện nhất là những kẻ rượu chè say sưa. Có thể viết cả quyển sách về họ, nhưng đã có quá nhiều rồi. Khi nhậu nhẹt thường xuyên đến độ xuất hiện một kẻ suốt ngày lơ mơ, hay nói sâu hơn là một kiểu sống như chết rồi, thì ai cũng có thể thấy rõ sự hiện diện của Ý chí thất bại. Nhưng có hàng ngàn người thể hiện những triệu chứng bạc nhược kiểu vậy mà họ hầu như không chú ý: Tất cả những ai uống say đều biết sáng hôm sau sẽ rất tồi tệ, gặp vấn đề gì cũng mơ mơ màng màng mãi cho đến khi cơn say chấm dứt; những người mà với họ lần say nào cũng có nghĩa là cảm thấy khó ở, dù nặng hay nhẹ. Bất kỳ ai đã biết sẽ có hậu quả như vậy rồi nhưng vẫn tiếp tục cho bản thân tiếp xúc với chúng thì tức là đã bị kết án phải khao khát gây bất lợi cho chính mình, tối thiểu là vậy. Mà dù uống gì cũng vậy thôi. Nếu cà phê làm bạn khó chịu, nếu bạn không hấp thu được sữa, nhưng bạn vẫn uống, thì bạn có thể thoát khỏi sự chê trách dành cho những kẻ hay uống rượu mạnh, nhưng bạn cũng cùng loại. Và rõ ràng ăn uống thiếu khôn ngoan cũng được xếp vào chung một kiểu. Chuyển sang kiểu người năng động, có thể nói rằng người hướng ngoại đeo đuổi thất bại như là sự nghiệp căn bản của họ sẽ tìm được quá nhiều cách để thực hiện đến mức không thể kể xiết. Nhưng, như ví dụ đã dẫn, đó là những người đi xem phim hay đi nhà hát không ngơi nghỉ, khiêu vũ suốt đêm, tất cả những người thật buồn chán nếu khi không có một tiệc trà, tiệc tối hay tiệc cocktail,... Không, dĩ nhiên không gì có thể cưỡng lại sự thư giãn và thú tiêu khiển khi chúng đang sẵn sàng mời gọi, sau một quãng thời gian làm việc đóng góp. Nhưng những người phản đối cách phân loại này quá sớm và quá tức giận, kêu rằng người ta phải có sự giải trí, đã tự đưa mình vào con đường chết khi bày ra một giá trị bất thường. Rồi có những người nửa thất bại nửa không, khó mà xếp loại, như thợ thêu hay đan len, dù công bằng mà nói đôi khi một nhiệm vụ nhẹ nhàng chỉ đòi hỏi sự khéo léo tay chân thì có thể làm trong khi trí óc luôn bận tâm giải quyết một vấn đề thực sự cũng được. Hoàn toàn thành thực với bản thân là tất cả những gì cần thiết để khám phá xem liệu những hoạt động nhịp nhàng có thể tận dụng theo cách này hay cách khác không. Nếu hoạt động đều đều uể oải được hình thành, hay nói theo một cách khác, nếu công việc chỉ cần có chút tỉ mỉ, yêu cầu chú ý nhận thức vừa phải để không hình thành nhịp điệu tự động nào, thì thực sự rất hiếm khi được xếp vào hoạt động sáng tạo đích thực, hay cùng loại với công việc sáng tạo. Về những người trò chuyện vô thưởng vô phạt, chúng ta dễ nhận thấy những người khác sa vào kiểu trò chuyện như vậy hơn là tự thấy mình trong đó. Thảng hoặc, chúng ta giật mình nhận ra chúng ta đang kể đi kể lại một câu chuyện vặt với cùng một người bạn và chú ý chuyện đó được ít ngày. Đó là một vết trượt nho nhỏ. Chẳng có hồi tưởng, chẳng có nụ cười gượng nào trên môi những người phải nghe ngăn chúng ta lại khi chúng ta cứ thao thao bất tuyệt theo thói quen – những chủ đề lòng vòng không hồi kết, những ý kiến giống nhau cứ máy móc lặp đi lặp lại, những tranh luận nhạt nhẽo để ủng hộ những điều có thời là quan điểm nhưng giờ không khác gì định kiến. Đôi khi chúng ta nói ra lời cầu kỳ đến nỗi làm người nghe thấy khó chịu. Hẳn phải may mắn lắm mới thức tỉnh được bạn bè ở phương diện này. Bạn có biết một điều gây sốc là bạn cứ mãi mãi nói những lời như: “Ý tôi là”, “Tất nhiên”, “Tôi hình dung rằng”, “Bạn có biết?”, “Bạn biết đó”, “Thực tế là”. Cứ lắng nghe cách mình nói chuyện một lúc xem, bạn sẽ phát hiện ra những từ đệm này sẽ xuất hiện hết lần này đến lần khác trong khi bạn nói chuyện, mà chẳng làm tăng thêm phần mới mẻ hay giá trị gì cho quan điểm. Ở đây, cũng giống như các thể loại khác, rất dễ để thấy có gì đó sai khi một người gặp quá nhiều ví dụ về cái khó. Một người nói chuyện quá kích động thì rõ ràng là có vấn đề tâm thần. Nhưng có những hình thức rất tế vi của cùng một rắc rối đó, thường ẩn kín nhiều năm vì chúng ta cứ lặp đi lặp lại nhưng khán giả thay đổi liên tục, nên hiếm khi hé lộ cho chúng ta. Vẫn còn có những cách để rơi vào Ý chí thất bại rất mơ hồ và không thể nhận thấy, dù là người hướng nội hay hướng ngoại thì hầu như cũng đều dễ mắc như nhau. Chẳng hạn, hãy xem vô số người cứ thong thả làm những công việc chỉ đòi hỏi một phần nhỏ khả năng và học vấn của họ, và những người cứ tự cuốn mình đi không ngơi nghỉ, vắt kiệt sức vì những chi tiết vô dụng. Đó là những người tham gia những khóa đào tạo sau đại học, trở lại học xá hết năm này qua năm khác như một đám “Người Hà Lan bay”2. Có những người con trai, con gái, mẹ, vợ “đầy hy sinh” (cha hiếm khi được kể ra, vì một số lý do, dù thỉnh thoảng cũng có một người chồng như vậy), họ dành hết cuộc đời mình cho những người trưởng thành khác, nhưng vì họ chưa bao giờ thực sự phát triển được điều gì giá trị nhất với chính họ, nên sự dâng hiến của họ không tạo thêm sự phong phú mà chỉ là một chút dễ chịu không mấy quan trọng ở những đối tượng mà họ “hy sinh” cho. Có những người đảm nhận những nhiệm vụ mà với họ là vượt xa khả năng, hay có dính tới một vấn đề “nghiên cứu” bề ngoài: Chẳng hạn, ở New York có một người đàn ông tập hợp những chi tiết về tiểu sử một chính khách người Ý mơ hồ từ năm thứ hai đại học. Nhà tiểu sử giả tạo ấy giờ đã gần năm mươi mà vẫn chưa viết được một từ nào về Cuộc Đời cuối cùng ấy. 2 Flying Dutchman – Người Hà Lan bay: Là tên con tàu ma mà theo truyền thuyết phải chịu số phận đi luẩn quẩn trong một vùng biển mà không bao giờ có thể cập bờ. Có lẽ loại vĩ đại nhất trong số những người lấy thất bại làm mục tiêu là những người Duyên Dáng Vô Cùng. Khi bạn thấy mình có vẻ duyên dáng hơn mức tình huống đòi hỏi, bạn có thể tự cam đoan với bản thân: “A, một kẻ thất bại!”. Ở đây tôi không chỉ trích sự nhiệt tình chân thật, sự thân thiện, hay tính cách dễ thương thật tình. Chúng ta đang nói về những Harold Skimpoles đời thực3, những kẻ ưa tán tỉnh nhưng vô trách nhiệm, có lẽ thiếu suy nghĩ nhưng lại tỏ ra đáng yêu quá mức, kể cả với người lạ! Chỉ khi nghĩ lại người ta mới nhận ra rằng chẳng có lý do đúng đắn nào cho cảm xúc nhất thời cả. Một người trưởng thành lành mạnh không cần tình cảm trìu mến hay ham mê với mọi người ngẫu nhiên quen biết. Trừ phi có ý định phạm tội, không ai kể cả trong mơ muốn trêu đùa với kiểu phản ứng như vậy. Những nạn nhân này chịu áp lực từ nhu cầu khó khăn phải thể hiện sự quyến rũ cũng như không bị quy kết là sắt đá; họ phải tiếp tục càng ngày càng quyến rũ hơn để bù đắp cho vẻ hấp dẫn uể oải của mình, hay phải đối diện với sự thật – chấp nhận rằng họ đã không hoàn thành trách nhiệm tương xứng. Chừng nào còn chưa nhìn ra sự không tương xứng này thì họ có thể tiếp diễn mà không chấp nhận thực tế là họ đang thất bại. 3 Một nhân vật ác có vẻ quyến rũ lạ lùng trong tác phẩm Bleak House của Charles Dickens. Vậy nên tất cả những kiểu này và vô vàn những cách khác hòng lấp đầy thời gian với những hành động dường như chẳng hề có mục đích gì, hay những thói quen có mục đích sai lầm, tất cả những điều như vậy là kết quả của việc quy phục Ý chí thất bại. Vậy nên, hãy nhớ rằng những hoạt động này tuy rõ ràng không có mục đích, nhưng trong mỗi trường hợp đều có một ý định sâu xa, có thể phát biểu theo nhiều cách. Chúng ta có thể nói rằng ý định hiển nhiên nhất là lừa thế giới tin rằng chúng ta đang chứng tỏ hết khả năng của mình. Điều này đặc biệt đúng với các trường hợp mà cuộc sống bên ngoài có hàng ngàn vấn đề nhỏ nhặt, hay một công việc nhọc nhằn được thực hiện tận tâm. Chắc chắn không ai có thể đòi hỏi chúng ta làm nhiều hơn những gì chúng ta đang làm! Có phải chúng ta quá bận rộn đến nỗi không còn một tí thời gian hay sức lực nào để làm thứ gì khác nữa? Một nhiệm vụ vô vị, không ý nghĩa và không làm vừa lòng mà ta phải thực hiện một cách tỉ mỉ không phải là nghĩa vụ của ta chăng? Đó là những câu hỏi mà chỉ cá nhân mới có thể trả lời thành thực với bản thân, thường là trong những khi mất ngủ hay đang khi dưỡng bệnh, khi trí óc thường quá mê mải với những việc vặt vãnh tìm thời gian ngừng lại và xem xét. Về lâu về dài ta thấy chỉ khác đôi chút cách người khác bị dối lừa khéo léo ra sao, nếu chúng ta không làm việc mà chúng ta được trời phú cho giỏi nhất, hay làm tốt việc mà chúng ta gánh vác như là đóng góp của cá nhân ta với thế giới. Những kẻ lãng phí thời giờ, những tay chơi và cả những người làm việc cật lực phần lớn đều hướng đến việc lừa dối bản thân, hướng đến việc lấp đầy từng xó xỉnh và từng giây phút còn thức để không còn chỗ cho một nỗi nghi ngờ sự vô dụng nào lọt qua. Và ban đêm, dĩ nhiên họ đã quá kiệt sức, không thể nhìn nhận thực tế. Vậy nên những nạn nhân này cho thấy một cảnh tượng đáng sợ một khi họ được nhìn – như là những người mất trí khổ sở, bị nhồi nhét một tập hợp vô nghĩa những thứ rác rưởi, kỳ quặc và những cảm giác, trải nghiệm, thú vui và nhiệt huyết vặt vãnh, tủn mủn, những cảm xúc giả tạo, trong một cỗ quan tài lố bịch là một cuộc đời không thể thay đổi được của họ. Dù có làm ra vẻ mục đích cao sang gì đi nữa thì động cơ ở đây đã rất rõ ràng cho mọi trường hợp nói trên: ý định, thường là không cố ý, ở đây là lấp đầy cuộc sống với hàng mớ hoạt động hạng hai hay hoạt động thứ yếu đến nỗi không còn thời gian để làm công việc mà mình có khả năng tốt nhất. Ý định đó nói tóm lại là muốn thất bại. Chúng ta thường chính là kẻ thù tồi tệ nhất của bản thân mình khi ngu ngốc dựng lên những trở ngại khó khăn trên con đường dẫn đến thành công và hạnh phúc. LOUIS BINSTOCK Bài 5 CHINH PHỤC 10 NGUYÊN NHÂN PHỔ BIẾN DẪN ĐẾN THẤT BẠI Giúp bạn “biết ta” thêm một chút chính là mục đích chủ yếu của học kỳ đầu tiên này. Đó luôn luôn là một điều khó truyền bá vì rủi thay, chúng ta hầu hết không thể biến khả năng thành lợi thế. Chúng ta khi thì quá đề cao, khi lại quá xem thường chúng; chúng ta trở nên tự mãn, chúng ta để chúng suy tàn. Chúng ta đôi khi còn không nhận ra là chúng có tồn tại. Có những người mơ về những nghề nghiệp hấp dẫn đến lạ thường như diễn viên, ca sĩ, họa sĩ, nhà văn và cảm thấy chỉ cần kiên trì là đủ, họ không bao giờ có thể cam chịu nổi việc mình không phải là thiên tài – hay thậm chí chỉ là có tài thôi; họ không bao giờ chấp nhận rằng thành công đích thực dành cho họ có thể ở những lĩnh vực khác. John Keats, nhà thơ người Anh, từng viết: “Thất bại, theo nghĩa nào đó, là con đường dẫn đến thành công, bởi vì mỗi lần khám phá ra điều gì sai thì sẽ dẫn ta đến việc nghiêm túc tìm kiếm những điều đúng, và mọi kinh nghiệm mới mẻ đều chỉ ra một hình thức lỗi lầm nào đó mà sau rồi chúng ta sẽ cẩn thận tránh được”. Đáng tiếc là Keats không mô tả cách hầu hết chúng ta đương đầu với nghịch cảnh. Không phải ai cũng học được từ những thất bại, cũng như nhanh chóng tiếp nhận những lỗi lầm đã mắc để không lặp lại chúng nữa. Muốn thực hiện những chuyện này một cách hiệu quả, chúng ta cần chỉ dẫn. Từ quyển sách được tôn vinh khắp nơi, Đường dẫn đến cuộc sống thành công (The Road to Successful Living), giáo sĩ Do Thái quá cố được kính trọng Louis Binstock, từ thánh đường Shalom danh tiếng ở Chicago sẽ giới thiệu cho bạn những trở ngại chính mà có thể bạn đã vô ý dựng nên trong đời mình, những lỗi lầm bạn có thể gây ra, hết lần này đến lần khác, khiến bạn đau khổ mỗi ngày. Sau khi tự kiểm khảo bản thân, bạn sẽ sẵn sàng hơn để bước vào Học kỳ hai. Những nguyên nhân gây thất bại rất rộng và khó hiểu: nền văn hóa mà chúng ta sống trong đó, những định nghĩa của chúng ta về hai từ thành công và thất bại, sự hình thành tâm lý cá nhân của chúng ta. Nhưng thường thì thất bại và cách tiếp cận thất bại lại phổ biến hơn và có hình thái rõ ràng. Không phải ai cũng là học giả, không phải ai cũng là thánh thần; chúng ta không phải là các nhà phân tâm học: chúng ta phải đối mặt với thế giới như cách nó trình diện với chúng ta. Xét đến những tương tác hằng ngày, có mười nguyên nhân phổ biến dẫn đến thất bại. Mười nguyên nhân này là cơ bản. Biết về chúng, chinh phục chúng – dù chỉ một số – bạn sẽ loại bỏ những trở ngại trên con đường dẫn đến thành công đích thực. Không ai có thể làm thay bạn. Bạn phải tự dọn đường cho mình. Người khác có thể giúp, nhưng sự nghiệp này thực sự là của một mình bạn. Trở ngại thứ nhất là chiêu trò xưa cũ đổ lỗi cho người khác. Nó không giống như việc lo ngại người khác nghĩ gì (hay có gì, làm gì). Đó là việc thực sự gắn chặt trách nhiệm vào ai khác. (Một bác sĩ đã dành hai mươi năm chữa bệnh ở châu Phi cho biết điểm khác nhau giữa thầy mo và bác sĩ là khi một người bị bệnh, thầy mo khiến người đó hỏi: “Ai đã làm tôi bị thế này?”, trong khi bác sĩ thì khiến anh ta đặt câu hỏi: “Điều gì làm tôi bị thế này?”). Thật thô sơ và ấu trĩ khi cứ tìm nguyên nhân gây ra sợ hãi và thất bại ở bên ngoài bản thân. Hầu hết những đầu óc thô sơ luôn tìm kiếm một “ai”, nếu có nghi ngờ một “cái gì” thì họ cũng tin rằng nó có sự sống, có “ai” ở trong nó. Chúng ta đôi khi tin tưởng rằng thành hay bại là chuyện may rủi, như thể vận số là do thánh thần can thiệp vào chuyện của người phàm. Hiếm khi những trí óc thô sơ lại tự tìm trong chính bản thân mình và đặt câu hỏi: “Điều gì trong tôi chịu trách nhiệm cho chuyện này?”. Trí óc càng tinh vi, càng học cao và văn minh, thì sẽ biết hỏi rằng: “Điều gì trong tôi khiến tôi nghĩ (hay không nghĩ) như vậy, cảm thấy (hay không cảm thấy) như vậy, làm (hay không làm) hành động như vậy?”. Nhưng ngay cả bây giờ cũng hiếm có người sẵn sàng thừa nhận ngay rằng: “Có thể lỗi do tôi”. Hầu hết chúng ta lúc đầu cứ phản ứng theo kiểu thô sơ hay ấu trĩ với bất kỳ tình huống nào liên quan đến sai hỏng hay thất bại. Hầu hết trẻ con đều có bản năng đổ lỗi cho anh chị em chúng: “Anh ấy bảo con làm vậy” hay thậm chí: “Anh ấy làm đó” là phản ứng phổ biến khi hình phạt đang treo lơ lửng. Một học sinh có thể đổ lỗi cho giáo viên về sự bất tài của mình trong việc học hay hạnh kiểm (“Cô ấy luôn nhắm vào con”); tay đua mô tô luôn khẳng định: “Đó là lỗi của gã kia”; một ông chồng luôn la mắng vợ: “Sao em lúc nào cũng sinh sự vậy?”; nhân viên thì một mực nói: “Công ty không tôn trọng tôi”. Lời than thở gây hoang mang nhất của nhân loại luôn là: “Ai đã gây ra cơ sự này cho tôi?”. Thói đổ lỗi cho người khác không chỉ giải thích cho có lẽ đến một nửa thất bại của chúng ta, mà còn lý giải cho thất bại trong việc học hỏi từ những thất bại đó nữa. Chúng ta không nhận ra thất bại là gì, và do đó không xử trí được nó. Thay vì vậy chúng ta tạo ra một bù nhìn rơm, vật nó xuống đôi lần, và lãng phí ngày này tháng nọ trong một cuộc chiến không thể thắng. Cuộc chiến mà lẽ ra chúng ta phải đấu tranh là với bản thân ta; cuộc chiến đó, nếu can đảm đương đầu thì chúng ta không thể nào thua cuộc. Trở ngại thứ hai trái hẳn với điều thứ nhất: khuynh hướng sẵn sàng đổ lỗi cho bản thân, nhận lỗi về mình bất chấp nguyên do. Sao tôi lại ngốc như vậy? Sao tôi lại ngờ nghệch thế này? Sao mình lại chen vào việc đó? Sao mà mình cứ luôn lỡ lời? Sao mình cứ nói điều sai trái? Mình đúng là một đứa lơ mơ! Chúng ta thực sự không tin rằng chúng ta là những kẻ ngốc hay ngờ nghệch. Đây là cách dễ dàng và nhanh chóng để xua đi một thất bại mà có thể phải suy nghĩ sâu xa và đòi hỏi cân nhắc nhiều hơn những gì chúng ta sẵn lòng thừa nhận với bản thân. Thay vì vật lộn với vấn đề đằng sau thất bại đó và cố gắng tìm cách giải quyết – để ngăn nó tái diễn – thì chúng ta lại đổ lỗi cho chính mình (như thể chúng ta sinh ra đã là những kẻ thất bại!) và cứ để nó như vậy. Đây là cách suy nghĩ độc hại và hành xử nguy hiểm. Nó cắm rễ sâu những cảm giác tự ti và bất an, sau rồi sẽ mọc lên như cỏ dại át hẳn “khu vườn gọn ghẽ của trí óc”. Abraham Lincoln, người đã thất bại trong nhiều chuyện nhưng còn lâu mới là một kẻ thất bại, từng nói rằng: “Mối quan tâm lớn của tôi không phải là bạn có thất bại hay không, mà là bạn có hài lòng với sự thất bại của mình hay không”. Sự hài lòng này là trạng thái tê liệt. Bạn sẽ thấy bản thân mình hạnh phúc trong thất bại; và bạn sẽ luôn hướng đến thất bại. Khi Thiếu tướng William F. Dean được thả sau thời gian bị phía địch giam giữ, một phóng viên hỏi điều gì giúp ông trụ vững được trong ba năm khốn khổ đó. “Tôi chưa bao giờ thấy buồn cho bản thân, đó chính là cách để vượt qua”, ông trả lời. Sự tự thương hại đánh gục nhiều người hơn bất cứ điều gì khác; và tôi phải nói rằng tự đổ lỗi còn tệ hại hơn nữa, vì đó là một trong những nguyên nhân chính yếu của tự thương hại. Hay chúng ta có thể đi từ tự đổ lỗi tới tự hạ mình rồi tự xem thường bản thân, thậm chí còn dẫn đến tự hủy hoại. Tự đổ lỗi thái quá mở ra cánh cửa cho những cảm giác tội lỗi. Theo thói quen đổ lỗi cho bản thân sau những thất bại rõ ràng, sẽ đến lúc bạn tìm cách đổ lỗi cho mình vì thất bại của người khác. Trong nghiên cứu của tôi, nhiều người vợ đã than thở rằng: “Đó là lỗi của tôi!” trong khi rõ ràng là lỗi của người chồng. Nhiều người mẹ khóc lóc: “Tôi đã sai từ đâu?” khi rõ ràng thất bại của một đứa con có thể gây căng thẳng đến mức hủy hoại gia đình. Và thói tự đổ lỗi đóng lại cánh cửa tới khả năng tự phát triển bản thân. Sau cánh cửa đóng ấy tính cách của một người có thể mãi mãi triệt thoái, nó có thể héo hon trong cơn u sầu cực độ. Như một chú hươu bị lóa mắt vì ánh đèn xe, nó có thể đứng bất động, không cảm giác hay ý chí, mất tinh thần và không thể cử động để tự đưa mình đến nơi an toàn. Người ta nghiệm ra Vạn Lý Trường Thành, đã tồn tại nhiều thế kỷ, trải dài suốt mười tám ngàn dặm qua các bình nguyên và hoang mạc, là một trong những công trình đồ sộ nhất trong lịch sử nhân loại – và cũng là biểu tượng cho sự thất bại của Trung Quốc trong việc trở thành một quốc gia tiến bộ. Tường thành là một rào chắn; người Trung Quốc tự cô lập chính mình phía sau tường thành và hướng vào bên trong. Tự đổ lỗi có thể là Vạn Lý Trường Thành của cuộc đời chúng ta. Hết viên đá này đến viên đá khác của thói tự chỉ trích, tự coi thường, tự hạ mình, tự khinh rẻ; rồi đến một ngày chúng ta thấy mình quá hạn chế và rụt rè đến mức bị cô lập với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Chúng ta trở thành bạn đồng hành với tử thần. Trở ngại thứ ba là không có mục tiêu. Bác sĩ William Menninger phát biểu rằng: Một người phải biết anh ta muốn đi về đâu nếu anh ta muốn lên đường. Rất dễ bị trôi nổi vô định. Một số người đi học như thể họ nghĩ họ đang làm ơn cho gia đình. Trong công việc, họ làm một cách buồn tẻ, chỉ hứng thú mỗi khi lĩnh lương. Họ không có một mục tiêu. Khi bất kỳ ai cản đường, họ liền dừng lại rồi bỏ đi. Người có điểm đến và có chuyện để làm sẽ tận dụng mọi hoàn cảnh. Họ luôn sẵn sàng đối mặt với những gì xuất hiện trên con đường dẫn tới mục tiêu của họ. Họ biết mình muốn gì và luôn sẵn lòng nỗ lực thêm chút nữa. Tác giả William Saroyan cho chúng ta thấy hình ảnh một nhân vật – Willy trong Thời khắc của đời bạn (The Time of Your Life) – hiện thân của con người sống không có mục tiêu thực tế. Willy rất cuồng trò pinball. Trong suốt vở kịch, Willy chiến đấu với cái máy. Trong cảnh cuối cùng, anh ta rồi cũng thắng chiếc máy. Đèn xanh đỏ nhấp nháy, chuông vang lên sáu lần, một chiếc cờ Mỹ tung ra, Willy chào cờ và nhặt lấy sáu đồng kẽm mà người pha chế rượu đưa cho, rồi nói: “Tôi biết tôi làm được mà!”. Thành công. Không mục tiêu đã đủ tệ rồi, nhưng mục tiêu thấp kém thì còn tệ hơn. Chắc chắn không có chuyện không mục tiêu. Willy có mục tiêu đấy chứ. Là đánh bại chiếc máy. Anh ta đã thành công. Nhưng với cái giá là thất bại trong mọi chuyện khác. Câu chuyện của anh ta giống như chuyện xưa kể rằng có một chú chó khoác lác rằng nó có thể chạy nhanh hơn bất kỳ con vật bốn chân nào khác. Rồi nó lập tức rượt theo một con thỏ, nhưng bị bỏ lại đằng sau. Những con chó khác cười nhạo nó. Nó chỉ cười nhạt: “Đừng quên rằng con thỏ chạy vì mạng sống. Còn tôi chỉ rượt bắt nó cho vui vậy thôi”. Chúng ta hiếm khi thấy những người này ở dạng thuần túy như vậy, nhưng có những người mà mục tiêu cuộc đời chỉ là vui thú; những người không làm gì ngoài chuyện giải trí cho bản thân, thường trả giá bằng những người khác, và luôn trả giá bằng chính bản thân đích thực của họ nữa. Họ phí phạm tài năng thiên phú vào những trò vui không chút giá trị; họ rắc hết số muối là năng lượng của họ lên khắp miếng thịt cuộc đời, rồi nhận ra rằng muối giờ đã mất vị. Hay – chuyển sang một hình ảnh ẩn dụ khác – họ đồng thời nhắm đến nhiều mục đích, vung vãi tài năng của họ là những viên đạn chì và cường điệu hóa bất cứ gì họ tình cờ săn được. La hét và bắn là tất cả những gì họ ao ước. Rồi có một số người mà mục tiêu là một “đột phá” mơ hồ lúc nào đó trong tương lai. Như Micawber4, họ chờ điều gì đó thay đổi, trong khi đó họ khước từ mọi thứ khác. Thứ gì ở dưới hay bên cạnh họ thì không phải là thứ phù hợp với họ, họ không thích nó. Họ chờ đợi Bạch Mã Hoàng Tử, hay Cánh Buồm Đỏ Thắm. Và bản năng sống của họ tiêu biến dần, lý trí thui chột dần và cơ thể nhũn nhão, khi Hoàng Tử hay Cánh Buồm đến, họ không còn sẵn sàng nữa. Kết cục, tất cả đều là phù hoa. 4 Một nhân vật trong tiểu thuyết David Copperfield của Charles Dickens, là một viên thư ký nghèo nhưng luôn lạc quan mong đợi vận số đổi đời trong tương lai. Theo Richard L. Evans của tờ Detroit Times, điều mà chúng ta chờ đợi không phải lúc nào cũng rõ ràng, có lẽ họa hoằn lắm, nhưng một số người trong chúng ta cứ một mực đợi chờ mặc ngày tháng tuổi trẻ trôi qua, cơ hội vụt mất và cuộc đời trôi đi – rồi nhận ra chúng ta cứ mãi mãi chờ đợi có gì đó sắp xảy ra... Nhưng trên thế gian này khi nào chúng ta định bắt đầu sống như thể chúng ta hiểu mình phải sống gấp rút cho kịp? Đó chính là lúc này, là hôm nay, thế hệ này... chứ không phải kỷ nguyên vàng son trong quá khứ, không phải kỷ nguyên không tưởng của tương lai... Đó chính là lúc này... dù chúng ta có hồi hộp hay thất vọng, bận rộn hay chán chường. Cuộc sống là đây... và nó đang trôi qua... Ta còn chờ gì nữa? Nhưng cẩn trọng vẫn cần thiết: trở ngại thứ tư là chọn sai mục tiêu. Người Trung Quốc có câu chuyện kể về một người đàn ông ở Bắc Kinh mê vàng, ông khao khát có thật nhiều vàng. Một ngày, ông thức dậy rồi ăn mặc nghiêm chỉnh và đi ra một khu chợ đông đúc khi mặt trời đã lên cao. Ông bước thẳng tới một tiệm vàng, giật một túi đầy những đồng tiền vàng rồi khoan thai bỏ đi. Những viên cảnh sát bắt giữ ông ta không khỏi thắc mắc: “Sao ông lại trộm vàng giữa thanh thiên bạch nhật như vậy? Mà lại còn trước sự chứng kiến của nhiều người nữa?”, họ hỏi. “Tôi không thấy ai cả”, người đàn ông đáp. “Tôi chỉ thấy vàng thôi.” Khi vàng hay vinh quang, quyền lực hay vị thế trở thành một ý tưởng bất di bất dịch trong đầu, chúng ta sẽ mù quáng không chỉ trước nhu cầu của người khác – ở nhà cũng như ngoài chợ – mà còn mù quáng trước cả nhu cầu của chúng ta, những nhu cầu nội tại bên trong chúng ta nữa. Tôi đã gặp và trò chuyện với hàng trăm người đàn ông và phụ nữ được xem là rất thành công, nhưng theo như nghiên cứu khó xâm phạm của tôi, những người đó tự nhận có cảm giác thất bại tràn trề. Họ chỉ chăm chăm hướng về một mục tiêu và để cho nó là hình ảnh cho sự tự thỏa nguyện; họ đã đạt được mục tiêu và rồi nhận thấy đó không phải là điều tâm hồn họ cần. Nó thường chính là thứ hủy hoại tâm hồn họ. Đây quả là một nỗi buồn to lớn: Sau nhiều năm đấu tranh, bạn khám phá ra rằng việc đạt được mục tiêu mà bạn nỗ lực giành lấy đó không đem lại hạnh phúc. Thường thì đó là vấn đề muôn thuở về nghề nghiệp: làm nghề y, làm nghề luật hay làm nhà quản lý, mỗi nghề đều hứa hẹn thành công và hạnh phúc toàn vẹn, nhưng có thể khiến người ta mỏi mệt và vỡ mộng, mất hết hy vọng. Và khi người ta đến tuổi ngũ tuần, lục tuần, họ biết đã quá trễ để quay đầu lại, để tìm ra sự thỏa mãn trong một cuộc đời khác. (Vẫn có những tâm hồn hiếm hoi dám gom tất cả dũng khí đối diện sự thật và từ bỏ một “thành tựu” cả đời để quay đầu đi theo tiếng gọi đem lại cho họ sự bình yên. Nhưng, tôi e rằng, hầu hết chúng ta sẽ cứ canh cánh trong lòng sự bất mãn. Ngay cả Tolstoi cũng không hoàn toàn hạnh phúc khi từ bỏ cuộc đời của một bá tước và trở về quê). Hầu hết chúng ta, dù bất mãn hay không, cũng đều nhận ra rằng chúng ta phải tiếp tục đi đến cuối con đường. Chúng ta khởi đầu tồi tệ và thỏa hiệp với những lỗi lầm qua năm tháng, nhưng không còn lựa chọn khả dĩ nào khác. Đây là một nghịch lý nguy hiểm: Hầu hết chọn lựa của chúng ta, từ nghề nghiệp đến chuyện gia đình, đều diễn ra lúc chúng ta còn trẻ; người mang trọng trách lại không dễ có được lời khuyên, anh ta phải tự tìm hiểu xem ý nghĩa cuộc đời rốt cuộc là gì. Thường anh ta đã không còn khả năng thay đổi khi nhận ra đâu mới là hạnh phúc. Nó đòi hỏi sự trung thực lớn lao và suy nghĩ nghiêm túc để có một lựa chọn tự tin và chắc chắn trước khi quá trễ. Quá nhiều người trong số chúng ta để cho lựa chọn tự diễn ra – vì gia đình hay hoàn cảnh – để rồi sau đó hối hận. Nhà thuyết giáo vĩ đại, Phillips Brooks, đã từng luận bàn: Có một chàng trai cứ đều đều đắm chìm trong việc mà anh ta gọi là công việc pháp luật. Nó không dẫn tới đâu. Nghề này không đòi hỏi gì ở anh hơn những gì anh muốn từ nó. Anh làm việc đó vì nó là một nghề đầy vinh dự và được tôn trọng; vì truyền thống gia đình hay một số người đặt để anh ở đó. Hãy để anh một lần có thêm dũng khí; hãy để anh một lần thoáng nghĩ lại xem mình ở đó thật ra là vì điều gì, mình có thể làm thật tốt điều gì với niềm say mê, bổn phận của mình là gì, và những câu hỏi như vậy có lẽ sẽ đưa anh ta đến với chiếc băng ghế của người thợ mộc hay đến một xưởng rèn. Trang Tử, một hiền giả của Trung Quốc, một hôm đang câu cá bên bờ sông Bộc. Sở vương sai hai vị đại phu đến mời ông ra làm quan. Trang Tử vẫn thản nhiên cầm cần câu cá. Khi được van nài trả lời, ông bảo: “Tôi nghe đâu nước Sở có con rùa thần, chết đã ba ngàn năm rồi. Nhà vua đem mai rùa đặt vào khay vàng thờ nơi miếu đường của tổ tiên. Tôi hỏi các ngài: rùa muốn sau khi chết được sùng kính như vậy, hay là thích lúc còn sống, được ngoáy đuôi dưới ao đìa hơn?”. Hai vị đại phu đáp rằng: “Chắc chắn là thích ngoáy đuôi dưới ao đìa hơn”. “Vậy các ngài đi đi!”, Trang Tử tiếp lời. “Tôi cũng chỉ muốn được ngoáy đuôi dưới ao đìa thôi!” Trở ngại thứ năm là chọn lối tắt. Cây bút kỳ cựu chuyên mục thể thao Arch Ward tường thuật: “Tuần rồi tại Forest Hills, vận động viên mười sáu tuổi Maureen Connolly vừa đánh bại Doris Hart tại vòng bán kết nội dung Đơn nữ giải Mỹ mở rộng. Đối thủ của Hart, theo như đánh giá của các chuyên gia, chưa từng chơi tốt hơn. Nhưng nhà vô địch Wimbledon và hạt giống giải này không phải là đối thủ của cô gái California và thua trắng. Mary Hardwick Hare, nhà cựu vô địch giải Anh và cúp Wightman, nhanh chóng đến phòng ăn tối để chúc mừng Connolly. Maureen nói: ’Chị Mary này, nếu chị rảnh khoảng nửa giờ thì em muốn luyện tập với chị!’. Họ tập hơn một giờ đồng hồ. Ngày hôm sau, Maureen trở thành nhà vô địch”. Ward bình luận: “Hầu hết chúng ta có thể học được qua câu chuyện tại San Diego, cô gái trong giây phút vinh quang chiến thắng lại nói: ’Tôi muốn luyện tập!’”. Dòng điện sẽ theo tuyến nào ít điện trở nhất, nhưng bóng đèn rực sáng là nhờ điện trở. Nhiều người trong chúng ta theo bản năng thường chọn cách ngắn nhất, dễ nhất, nhanh nhất đến với thành công, để rồi chỉ thấy rằng thành công là thứ hão huyền, rằng bóng đèn không rực sáng. Có quá nhiều lời nhàm chán về việc phải làm việc chăm chỉ, chúng ta sẽ không nhắc nữa. Làm việc chăm chỉ hiếm khi thú vị. Nhưng chinh phục được sự vật, trí tuệ hay tâm hồn thì thú vị; nó đưa đến sự tốt lành, hạnh phúc. Và không có sự chinh phục nào đạt được mà không cần làm việc chăm chỉ, không có sự chinh phục nào đem lại niềm vui thực sự nếu nó không đòi hỏi phải cần cù. Lối tắt, đường đi ít điện trở nhất quá nhiều lần phải chịu trách nhiệm cho sự thành công không viên mãn và chóng phai. Lối tắt quá nhiều lần phải chịu trách nhiệm cho việc lựa chọn mục tiêu không phù hợp mà chúng ta đã thảo luận ở trên. Tôi quen một người là biên tập viên tạp chí, một biên tập viên giỏi; nhưng mười lăm năm nay anh biết mình sinh ra là để làm giáo viên. Muốn dạy học thì trước tiên phải lấy được bằng thạc sĩ; rồi khởi đầu ở vị trí thấp tại một trường nhỏ; làm việc cật lực một thời gian dài và chấp nhận lương thấp. Anh ta tinh ý chọn ngay việc viết lách và biên tập; được trả thù lao nhanh chóng và mở ra một tương lai tốt đẹp cho anh ta với công việc ở tạp chí. Anh ta cố ý chọn lựa như vậy và không phải chịu khổ sở; anh là một người có năng lực và được kính trọng. Nhưng anh không hạnh phúc trọn vẹn; anh không cảm nhận được sự thành công. Anh dễ dãi chấp nhận điều đó và nhìn nhận thất bại một cách hoàn toàn hợp lý, nhưng nó vẫn là một thất bại. Có những lối tắt khác. Một trong số đó là từ chối tuân theo những lề luật về sự đứng đắn và trung thực. Nhiều doanh nhân tốt thu nhập cao có thể giàu có và quyền lực, nhưng sẽ được kính trọng và hạnh phúc hơn nhiều nếu họ chọn con đường dài lâu tuyệt đối chính trực về đạo đức và đứng đắn về luân lý. Thói quen xử lý sắc bén, quyết liệt dường như là cần thiết cho thành công; chắc chắn nó nhanh hơn và có lợi hơn. Nhưng phần nào trong họ giờ đây đã bị cắt lìa với hạnh phúc. Có thể gọi đó là hạnh phúc không? Hành xử sắc bén và vô đạo đức thường “thành đạt” – chính vì phần lớn nhân loại nhận thức trực quan rằng sự đứng đắn và trọng danh dự là điều cần thiết cho thành công; do đó họ tương đối ngây thơ, và ở mức độ nào đó còn nhân từ với kẻ nói dối và lừa đảo. Barnum nói đúng chỗ này: Mỗi phút lại có một kẻ dễ bịp ra đời. Và tạ ơn Chúa vì những kẻ dễ bịp đứng đắn ấy: họ là muối của đất5. Họ là những người mà khả năng hạnh phúc chưa bị tiêu diệt. 5 Trích Kinh thánh: “Các con là muối của đất, nhưng nếu muối mất chất mặn đi, thì lấy gì làm cho mặn lại?” (Matthew 5:13). Trở ngại thứ sáu chính xác là cái ngược lại của trở ngại thứ năm: chọn đường dài. Có một câu châm ngôn xưa nói rằng: đường dài nhất lại là đường ngắn nhất. Điều đó có thể đúng trong chuyện tình yêu nhưng không phải lúc nào cũng đúng trong cuộc đời. Người ta kể rằng có lần Einstein khi được yêu cầu giải thích thuyết tương đối, ông trả lời rằng có lẽ ví dụ đơn giản nhất mà ông có thể đưa ra là câu chuyện sau: Chàng trai ở bên cô gái mình yêu thì một giờ cứ như mới một phút, nhưng cũng chàng trai đó phải ngồi cạnh lò sưởi đỏ lửa chỉ một phút cũng thấy như đã một giờ. Tuy nhiên, chúng ta đang nói về thực tế chứ không phải thuyết tương đối. Những nhà bình giảng Kinh thánh ngày xưa giải thích lý do vì sao Chúa không dẫn con dân Do Thái tới Đất Hứa theo con đường thẳng ngắn nhất, đi lên miền Philistines, chỉ mất mười một ngày thong dong, thay vào đó Người lại dẫn họ đi một đường vòng qua những vùng đất hoang dã mất hơn bốn mươi năm, là vì những con người nô lệ đó cần tự mình chuẩn bị dần dần để sử dụng và tận hưởng tự do một cách thông thái. Nhưng chúng ta đều biết họ (toàn bộ thế hệ người trưởng thành rời khỏi Ai Cập) đã chết nơi những miền hoang dã. Họ phải đi quá lâu để tới Đất Hứa và rồi không bao giờ đến được đó. Hết lần này đến lần khác, tôi tiến hành nghi thức cuối cùng trong lễ tang một người tuổi tầm năm, sáu mươi đột ngột qua đời, ngay khi ông ta mới nghĩ đến việc sử dụng khối tài sản vất vả làm lụng và những năm tháng còn lại vào việc thực hiện và tận hưởng tất cả những điều ông mơ ước thuở bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Người nhà mắt đẫm lệ nói với tôi sau chặng đường dài cực nhọc và khó khăn, đấu tranh và hy sinh, ông đã đạt tới thành tựu to lớn của đời mình, và tim họ quặn đau khi nhận ra rằng ngay khi có thể nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống thì ông lại ra đi. “Thật đáng tiếc”, họ than khóc. Và tôi nghĩ thật đáng tiếc vì ông ta không dừng lại trên đường sớm hơn; không chịu thỏa mãn với ít thành công vật chất nhưng bản thân lại mãn nguyện sớm hơn. Đường dài nhất không hẳn là đưa ta về nhà nhanh nhất. Nếu bạn cứ mãi chờ đợi và du hành quá lâu, bạn sẽ không bao giờ tới nhà. Trở ngại thứ bảy là thờ ơ với những điều nhỏ bé. Một giai thoại về Tổng thống McKinley – câu chuyện có thể chỉ là lời truyền miệng nhưng rất liên quan – minh họa cho ý này. Tổng thống đang gặp phải một vấn đề tiến thoái lưỡng nan; ông phải chọn một trong hai người đàn ông ngang tài ngang sức cho một vị trí ngoại giao cấp cao. Cả hai đều là bạn cũ. Ông hồi tưởng và nhớ lại một sự kiện có thể giúp ông quyết định. Một đêm mưa gió, McKinley lên một chiếc tàu điện công cộng và ngồi vào chiếc ghế trống duy nhất mãi cuối xe, thì một bà già làm nghề giặt ủi leo lên tàu điện với một giỏ quần áo nặng. Bà đứng ở giữa lối đi, dù tuổi tác bà đã cao và dáng vẻ thật đáng thương nhưng không ai nhường chỗ cho bà. Một trong hai ứng viên của McKinley, khi đó còn rất trẻ, ngồi gần chỗ bà; anh ta cắm cúi đọc báo và ra vẻ chăm chú vào tờ báo để có thể phớt lờ bà già ấy. McKinley bước ra lối đi, nhấc giỏ đồ của bà và dẫn bà ngồi vào chỗ của mình. Người đàn ông kia không bao giờ nhìn lên, không bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra; cũng không hề biết rằng hành động ích kỷ nhỏ bé này về sau sẽ lấy đi của anh ta vị trí đại sứ, tột đỉnh tham vọng của anh ta. Có hàng trăm câu chuyện nhấn mạnh tầm quan trọng của những việc nhỏ bé. Cánh cửa để mở, tài liệu không được ký, một vài hòn than cháy chưa được dập tắt trong lò sưởi; Edison mất bằng sáng chế vì nhầm lẫn một dấu thập phân. Những trận chiến sống còn bị thất bại vì “thiếu một chiếc đinh”. Chúng ta thường xúc động trước những bài hát nói rằng: “Chính những điều nhỏ bé mới làm nên chuyện”, nhưng chúng ta lại ngay lập tức phớt lờ những điều nhỏ bé. Tại một buổi cầu nguyện ở một nhà thờ cổ miền quê, một người ngoan đạo nghe âm vang một giọng khẩn nài tha thiết: “Xin hãy dùng con, lạy Chúa, xin hãy dùng con – nhưng trong khả năng có thể”. Những ý tưởng lớn, món tiền lớn, sự kiện lớn, cú làm ăn lớn: Chúng ta cảm thấy muốn đắm chìm và vờn quanh chúng; những thứ (gọi là) nhỏ bé thì dành cho những người (gọi là) nhỏ bé. Sự thật là không có ai, không có công việc nào là nhỏ bé cả. Mỗi người, mỗi việc mỗi khác: dễ xử lý, dễ tiếp cận, hay có một kết quả ít quan trọng hơn. Nhưng mọi thứ đòi hỏi sự chú ý và cần được thực hiện đều lớn như nhau. “Nếu không có con dao sắc”, một bếp trưởng người Pháp bộc bạch, “tôi cũng chỉ là một người đầu bếp bình thường khác thôi”. Đây quả là tin tốt cho thợ học việc nào biết mài sắc những con dao của anh ta. Nhà điều hành giỏi luôn chú trọng đến những việc nhỏ bé: anh ta biết rằng nếu quản lý tồi chúng có thể trở thành vấn đề lớn. Với một cuộc phẫu thuật, không có điều gì là nhỏ nhặt, mỗi một chi tiết vặt vãnh nhất cũng là vấn đề sinh tử. Với một luật sư, một biên bản ghi chép mơ hồ và rối rắm có thể khiến khách hàng phải trả giá bằng tự do, thậm chí là cái chết. Với một giáo sĩ, không có vấn đề nào là nhỏ: trong tâm hồn một con người không có gì là không quan trọng. Chúng ta phải trân trọng từng chi tiết; chúng ta phải chú ý đến chúng. Oscar Hammerstein II một lần được nhìn cận cảnh tượng Nữ Thần Tự Do từ trên trực thăng. Ông nhìn rõ chi tiết phần đầu bức tượng và thấy rằng nhà điêu khắc đã chạm khắc rất tỉ mỉ kiểu tóc của nữ thần. Từng lọn tóc đều ở đúng vị trí của nó. Vào thời đó nhà điêu khắc khó mà nghĩ đến sẽ có người nào – trừ những chú chim mòng biển – có thể thấy được mái tóc. Nhưng ông ta vẫn tạo tác cẩn thận mái tóc giống như đã làm khuôn mặt, cánh tay và ngọn đuốc. Kinh Tân Ước cũng kể câu chuyện dụ ngôn về một người đàn ông quý tộc, thấy một người đầy tớ xử trí một nhiệm vụ nhỏ mà mang lại thành công khác thường, ông nói với người đó: “Hay lắm người đầy tớ giỏi giang kia; vì ngươi đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì ngươi hãy cầm quyền cai trị mười thành phố”. Trở ngại thứ tám là ngừng quá sớm. Gần đây tôi có đọc một câu chuyện trên tạp chí (tác giả khẳng định có thật) tên là “Viên sỏi thành công”. Thất chí, thể xác rã rời, Rafael Solano ngồi bệt trên tảng đá bên bờ một dòng kênh cạn nước và tuyên bố với hai anh bạn: “Thế là hết”, anh than thở. “Tiếp tục cũng chẳng ích gì. Thấy viên sỏi này không? Đã là viên thứ 999.999 tôi nhặt rồi, chẳng có viên kim cương nào cả. Tôi có nhặt thêm một viên nữa thì sẽ là viên thứ một triệu – nhưng để làm gì? Tôi bỏ cuộc thôi.” Đó là vào năm 1942; ba người đàn ông đã trải qua hàng tháng trời hy vọng tìm được kim cương tại một con kênh ở Venezuela. Họ phải khom lưng mỏi gối nhặt từng viên đá, ao ước và hy vọng tìm thấy dấu hiệu của kim cương. Quần áo họ sờn rách, những chiếc mũ rộng vành tả tơi, nhưng họ chưa hề nghĩ đến việc dừng lại cho đến khi Solano nói: “Thế là hết”. Một người trong số họ rầu rĩ nói: “Thì cứ nhặt thêm một viên nữa cho chẵn một triệu xem nào”. “Được rồi”, Solano nói, rồi khom lưng nhặt một viên sỏi, giơ về phía trước. Nó to gần bằng một quả trứng gà. “Đây”, anh nói, “viên cuối cùng”. Nhưng viên đá này nặng, rất nặng. Anh nhìn kỹ lại. “Các cậu ơi, là kim cương!”, anh la lên. Harry Winston, một nhà kim hoàn ở New York đã trả cho Rafael Solano hai trăm ngàn đô-la cho viên sỏi thứ một triệu đó. Được đặt tên là Người Giải Phóng, đó là viên kim cương lớn nhất và thuần khiết nhất từng được tìm thấy. Có lẽ Rafael Solano không cần phần thưởng nào khác; nhưng tôi nghĩ anh hẳn phải biết hạnh phúc là điều nằm ngoài vấn đề tiền bạc. Anh đã đặt ra con đường cho mình; trở ngại chống lại anh; anh vẫn bền chí; và anh chiến thắng. Anh không chỉ thực hiện được những gì đã đặt ra – chính bản thân việc đó là phần thưởng – mà còn thực hiện nó khi phải đối mặt với thất bại và hoàn cảnh tối tăm. Câu cách ngôn của một người thợ săn già dạy cho chúng ta rằng một nửa số lần thất bại trong đời là do ta thả dây cương ngay khi con ngựa đang nhảy chồm lên. Elihu Root từng nói: “Người ta không thất bại; họ từ bỏ cố gắng”. Thường không phải khởi đầu sai lầm mà chính kết thúc sai lầm mới tạo ra khác biệt giữa thành công và thất bại. Từ bỏ khi ta đang tiến lên phía trước đúng là khờ khạo; nhưng từ bỏ khi chúng ta bị bỏ lại đằng sau thì còn khờ khạo hơn. Cần phải có ý chí để duy trì thêm chút nữa. Cần phải có sự khôn ngoan để biết rằng giới hạn của thành công không phải là vận may hay những lần gián đoạn giữa cuộc chơi, mà là chinh phục thất bại. Có câu: “Rắc rối với hầu hết chúng ta là chúng ta ngừng cố gắng những khi cần cố gắng”. Câu chơi chữ cũng hàm chứa sự thông thái. Trở ngại thứ chín là chôn vùi quá khứ. Chúng ta không bao giờ thoát khỏi ký ức; chúng ta chỉ có thể đối mặt chúng một cách thành thực. Tôi có đọc ở đâu đó và ghi lại câu nhận xét thông thái này: Cả đời chúng ta phải sống với ký ức, và càng lớn tuổi chúng ta càng phụ thuộc vào chúng nhiều hơn, cho đến một ngày đó là tất cả những gì chúng ta còn lại. Dù chúng có thể là phiền muộn, cay đắng, tủi nhục, giày vò hay chúng có thể là cổ vũ, đồng cảm, tự trọng, an ủi. Những gì đã trải qua là những điều sẽ lộ ra, dù chúng ta cố tình hay bị buộc phải chấp nhận chúng. Ký ức từ quá khứ có thể truyền cho chúng ta dũng khí, tự tin và sức sáng tạo; hay chúng có thể làm chúng ta mờ mắt dưới một tấm vải liệm tối tăm của buồn chán và thua cuộc. Ngay cả những niềm vui từ quá khứ cũng trói buộc chúng ta: Tôi biết nhiều người rất tự hào về tên tuổi, thành tựu, tài sản của tổ tiên đến nỗi không dám khơi mở những đường hướng mới cho bản thân mình. Tôi biết có người bị làm hư vì một thành công quá sớm đến nỗi không còn động lực nào để hoàn thiện nữa. Nhưng ký ức làm ta nản lòng thì thường gặp hơn. Ký ức về nỗi đau, mất mát, hay thất bại trước đó có thể khiến cho cuộc sống dường như không đáng sống nữa. Đây thường chỉ là tình trạng tạm thời – chúng ta có thể thấy ở gia quyến người quá cố hay ở những người tù mới được tự do, hay ở những người tị nạn đã phải trải qua tất cả những chuyện khủng khiếp của đời sống hiện đại và chưa bao giờ biết đến những niềm vui của nó. Và những ký ức phiền muộn dường như đóng băng, chai sạn đi; chúng ta mang chúng như gánh nặng, và chúng ta mất đi khả năng chuyển hóa chúng thành năng lượng sáng tạo. Một bác sĩ tâm thần lỗi lạc ghi nhận về một bệnh nhân bất an sau vài phiên chữa trị đã thú nhận: “Nằm trên trường kỷ mà đào sâu quá khứ thì dễ hơn là ngồi trên ghế mà đối mặt với hiện tại”. Thậm chí việc thức tỉnh và bước tới tương lai còn khó hơn. Bận tâm về quá khứ luôn là một cách trốn tránh. Một câu chuyện cười xưa của giới thợ săn kể rằng: Hai thợ săn đang đi săn thì gặp một con sư tử, nhưng nó không tấn công họ mà lại vẫy đuôi và lẩn vào bụi cây đi mất. Một người hoảng sợ quá lắp bắp nói với người kia: “Anh đi tiếp xem nó đi đâu. Tôi trở lại xem nó từ đâu tới”. Chúng ta thường phản ứng giống người thợ săn nọ. Vấn đề của ngày mai không thể biết được; chúng có thể gây ra một nỗi đau mới. Ngày hôm qua đã kết thúc; chúng vẫn còn gây đau đớn, nhưng nỗi đau đã trở nên quen thuộc, hầu như dễ chịu. Điều dễ dàng và ít bất trắc là án binh bất động, là cố tìm ra những điều dễ chịu trong những đau khổ mà ta đã quen thuộc đó. Chẳng sớm thì muộn chúng ta sẽ nhận ra bản thân mình không thể tiến tới trước; chúng ta bị sa lầy trong bãi cát lún những điều ta hối tiếc. David Livingstone, nhà phiêu lưu vĩ đại, có lần tuyên bố: “Tôi sẽ đi bất cứ nơi nào còn ở phía trước”. Đó là một ý tưởng luôn có khả năng thực hiện. Có những khi ta buộc phải lui lại một hay hai bước để định hướng lại bản thân. Nhưng chiều hướng của chúng ta phải là tiến về trước, bản năng của chúng ta nên là vì sự tiến bộ. Hãy nhớ rằng cuộc sống luôn phát triển, và khi ngừng phát triển, khi sợ điều mới, ta cũng từ chối cuộc đời. Trở ngại thứ mười là ảo tưởng về thành công. Thành công là một nữ thần tính khí thất thường; chúng ta nghĩ là có được nàng, nhưng chỉ nàng mới biết rõ. Một trong những bối cảnh được ưa thích trong văn chương hiện đại là bi kịch khi thành công quá dễ dàng, thành công quá nhanh, sắp thành công, bản sao lỗi của thành công. Phần lớn chúng ta bị một sự kiện, một thành tích đánh lừa; nó có mọi dấu hiệu của thành công, và những người khác hành xử như thể đó là một thành công, nhưng nó không làm ta thỏa lòng. Chúng ta nhún vai bỏ qua nghi ngờ của mình; chúng ta đồng tình rằng mình đã đến được thành công; chúng ta đeo một mặt nạ và chúng ta chấp nhận ý kiến có độ phổ biến cao của chúng ta. Ngay lúc đó chúng ta không còn cố là chính mình nữa. Chúng ta chấp nhận những lời khen ngợi hay tiền tài, đánh đồng đó là hạnh phúc và xem như thể thành công là của chúng ta. Thành tựu cao hơn dường như không còn cần thiết. Chúng ta tự nguyện từ bỏ con đường đúng đắn tới thành công đích thực. Napoleon nhận thức được điều này (cũng có giúp ông đôi chút); ông từng nói: “Khoảnh khắc nguy hiểm nhất là lúc chiến thắng”. Thành quả của thành công bấp bênh nhất khi nó có vẻ lâu dài. Như vậy ta sẽ tự tin thái quá; và khi một vấn đề mới nổi lên chúng ta bối rối và cay đắng: Sao tôi lại gặp rắc rối ngay lúc này, khi gần như đã thành công rồi? Câu trả lời là thành công rất khó đoán định, phải liên tục theo đuổi nàng; không thể có được nàng mãi mãi. Chiến thắng sẽ mất đi giá trị trừ phi ta dùng nó như một phương tiện dẫn đến những kết quả to lớn hơn. Bản thân nó chỉ tạm thời, và là một vinh quang cơ bản là vô ích. Talleyrand có lần nhận xét: “Một người có thể làm mọi chuyện với một thanh kiếm trừ việc ngồi lên nó”. Điều này cũng đúng với thành công. Và khi ta mất đi thói quen tiếp tục dấn bước, thành công có thể làm hại ta nhiều hơn là có lợi khi nó một lần nữa đến với ta. Giới đua ngựa thích kể câu chuyện về con ngựa Broadway Ltd. (con trai của Man o’ War – một trong những con ngựa đua vĩ đại nhất mọi thời đại), từng được chủ nó mua với giá sáu mươi lăm ngàn đô-la năm 1928. Con Broadway Ltd. chưa từng thắng cuộc đua nào (chúng ta nên nhớ rằng có vẻ nó thích đi săn, hay thậm chí là thồ sữa hơn, nhưng dĩ nhiên nó không được hỏi ý gì); trái tim nó không để vào công việc. Cuối cùng, vào năm 1930, trong cuộc đua với giải thưởng chín trăm đô-la, nó ngoặt qua khúc quanh và trước mặt là đoạn đường thẳng. Lần đầu tiên dẫn đầu một mình, nó gục chết. Chúng ta không thể chịu đựng được thành công hão huyền trừ phi chúng ta quá ngốc để nhìn nhận bản thân thành công chung là một kết thúc. Vấn đề là hầu hết chúng ta không học được cách thoát khỏi mớ rối rắm những quan niệm về thành công thông tục và thành công cá nhân: Chúng ta không ngừng hướng đến các mục tiêu mà chúng ta nghĩ những người khác sẽ công nhận, và chúng ta đau đớn nhận ra họ không biết chút gì về thành công đích thực. Tolstoi để lại cho chúng ta một câu chuyện sâu sắc, một câu chuyện ngụ ngôn của thế kỷ 20 trong tác phẩm “Một người cần bao nhiêu ruộng đất?”. Người nông dân Pakhom cứ nhất mực cho rằng anh ta sẽ thành công khi có nhiều đất đai như lãnh địa bao la mà các quý tộc Nga sở hữu. Thời cơ đã đến, anh nghe nói có chỗ sẽ cấp cho anh số đất rộng bằng chu vi mà chính anh có thể vòng quanh bằng cách chạy hết mức từ bình minh đến hoàng hôn. Anh hy sinh tất cả những gì mình có để đi tới nơi xa xôi có chuyện cấp đất. Sau nhiều khó khăn, anh tới nơi và sắp xếp cho cơ hội lớn ngày hôm sau. Điểm xuất phát đã được định sẵn. Pakhom chạy như tên bắn khi bình minh ló dạng. Dưới ánh nắng ban mai, anh chẳng nhìn sang trái hay sang phải gì cả, cứ cắm cúi chạy như lên đồng về phía mặt trời chói lòa và hơi nóng như thiêu đốt. Không dám dừng lại nghỉ ngơi hay ăn uống, anh tiếp tục cuộc chạy cực nhọc và kiệt sức đó. Và khi mặt trời khuất bóng, anh loạng choạng hoàn thành vòng chạy. Thắng rồi! Thành công rồi! Giấc mơ cả đời đã thành hiện thực! Nhưng ở bước cuối cùng, anh gục chết. Tất cả số đất anh cần giờ đây chỉ là ba tấc đất mà thôi. HỌC KỲ HAI Những gì làm hôm nay sẽ chuẩn bị cho đời sau – Thánh Jerome – Thành công nghĩa là bạn phải bước ra khỏi lối vạch sẵn và hành quân về nơi có tiếng trống hiệu cho chính bạn. KEITH DEGREEN Bài 6 CHẤP NHẬN THÁCH THỨC CỦA THÀNH CÔNG “So với những gì chúng ta nên trở thành, chúng ta chỉ nhận ra được một nửa. Ngọn lửa trong ta lụi tàn dần, các kế hoạch bị xem đi xem lại, chúng ta chỉ đang dùng một phần nhỏ nguồn lực trí tuệ và sức mạnh của bản thân.” Những lời lẽ u buồn này của William James, nhà triết học và tâm lý học, được viết cách đây hơn năm mươi năm, vẫn là lời nhắc nhở đối với tất cả chúng ta, những người vẫn chưa làm được gì ngoài tồn tại giữa cả biển người tầm thường. Chúng ta sống trong một thời đại mà “trung bình” được chấp nhận là một tiêu chuẩn đánh giá công việc, và sau đó chúng ta quan sát, với sự kinh ngạc sầu muộn pha lẫn chán nản, mỗi khi có ai đó bước ra khỏi đám đông và nhận tất cả phần thưởng cho sự xuất sắc của mình. “An toàn” và “đảm bảo” trở thành lý tưởng, trong thế giới đầy những bất trắc tương lai hầu như hoàn toàn nhấn chìm khao khát phát triển bản thân của chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn phải phát triển, vẫn phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vẫn phải sẵn sàng dùng hơn 90% tiềm năng mà chúng ta chưa bao giờ dùng, như James đã nói. Chúng ta không hiện diện trên Trái đất này chỉ để không hơn gì những thứ thực vật biết đi. Tiến sĩ Abraham Maslow, một nhà tâm lý học lỗi lạc khác, viết rằng: “Người ta có thể lựa chọn: lùi về phía an toàn hay tiến lên hướng phát triển. Phát triển phải được chọn lại hết lần này đến lần khác, nỗi sợ hãi phải được vượt qua hết lần này đến lần khác”. Tiến hay lùi? Điều gì phù hợp với bạn? Câu trả lời của bạn nên được phát biểu to và rõ sau khi một trong những tác gia và nhà diễn thuyết hàng đầu của Mỹ, Keith DeGreen, giới thiệu cho bạn một nhân vật trong quyển sách nổi bật của mình, Kiến tạo một môi trường thành công (Creating a Success Environment), nhân vật này có lẽ khá quen thuộc với bạn. Khi Calvin tỉnh dậy, anh, xin lỗi nhé, sợ muốn chết. “Hẳn là nó đây”, anh nghĩ. “Chắc mình đã chết và lên thiên đường rồi.” Anh nhìn xung quanh. Quang cảnh bao la, trắng xóa, mù mịt và khó mà nói chắc đó là gì. Nhưng nó trông như, à, trông như một gara khổng lồ. “Calvin Lo Xa phải không?”, một giọng nói cất lên phía sau anh. Calvin giật nảy mình. Anh nhìn quanh và thấy đằng sau anh là một người đàn ông cao lớn, để râu, mặc tuyền đồ trắng. Anh ta đang cầm một kẹp hồ sơ. “Anh ở đâu ra vậy?”, Calvin hỏi. “Tôi làm việc ở đây”, người đàn ông nói. “Nhưng lúc nãy anh đâu có ở đây.” “Chúng ta lên đây bằng những cách khác nhau”, anh ta trả lời. “Lên đây?”, Calvin hỏi. ”Đây là đâu? Tôi đang ở đâu? Tôi chết rồi sao? Đây là thiên đường à?” “Không, không”, người đàn ông nói. “Anh chưa chết, đây không phải là thiên đường. Đây chỉ là một trạm dừng, một điểm kiểm tra thôi. Anh ở đây để làm dịch vụ cấp phép và trả lời một số câu hỏi cho cuộc khảo sát mới mà chúng tôi đang tiến hành.” “Một cuộc khảo sát?”, Calvin hỏi. “Đúng vậy. Về một chính sách mới. Kể từ khi chúng tôi gửi mẫu Rapth Nader6 xuống đó, chúng tôi cần quan tâm hơn đến sự hài lòng của khách hàng. Nhà Chế Tạo nói rằng tốt nhất chúng tôi nên giải quyết mọi chuyện trước khi bị khởi kiện.” 6 Một nhà chính trị và luật sư người Mỹ. “Anh là… anh là…?”, Calvin lắp bắp. “Không, tôi không phải người đó, tôi chỉ là một trong các Kỹ Sư. Công việc của tôi là đặt ra cho anh các câu hỏi hóc búa, Calvin ạ.” Calvin lại nhìn quanh. “Khi nào tôi có thể về lại?”, anh hỏi. “Khi anh trả lời được các câu hỏi.” “Câu hỏi nào cũng được hả?”, Calvin hỏi. “Không, anh phải cho tôi những câu trả lời chính xác, Calvin à.” Đột nhiên, Calvin tập trung chú ý hoàn toàn vào người Kỹ Sư. “Anh thấy đó, đây là một chính sách mới. Chúng tôi thấy rằng thật vô lý khi cứ lãng phí không gian cho các thiết bị không được sử dụng đúng đắn.” “Ý… ý anh là...”, Calvin lắp bắp, “nếu tôi không thể trả lời các câu hỏi theo cách anh muốn, tôi sẽ chế… chết…?”, Calvin nói không ra hơi. “Chính xác”, Kỹ Sư nói. “Giấy phép của anh sẽ bị thu hồi và anh sẽ bị triệu hồi về vĩnh viễn. Anh sẵn sàng trả lời các câu hỏi của mình chưa Calvin?” “Tôi nghĩ là rồi”, Calvin trả lời đầy e ngại. “Rất tốt, hãy ngồi xuống và chúng ta sẽ bắt đầu.” BẠN CÓ THẬT SỰ TIN RẰNG BẠN ĐƯỢC ĐƯA ĐẾN ĐÂY ĐỂ THẤT BẠI? Kỹ Sư nhìn vào bảng ghi chép của mình: “Vậy, Calvin, hãy cho tôi biết mục đích của anh ở dưới đó là gì?”. “À, tôi... ừm... anh biết đấy”, Calvin lẩm bẩm. “Tôi muốn làm việc chăm chỉ và không gây tổn thương cho bất kỳ ai, tôi muốn hòa hợp với mọi người và tránh xa các rắc rối.” “Còn những tài năng của anh thì sao hả Calvin, anh có tài năng gì?” “À, tôi có tài năng gì hả. Cũng không nhiều nhặn gì… Tôi giỏi quan tâm lắm. Tôi là kiểu người thận trọng, anh biết đó.” “Không! Không! Không!”, Kỹ Sư la lên. “Câu trả lời của anh sai bét rồi. Anh không nhớ câu chuyện về các tài năng sao?” “Vâng, tôi nghĩ vậy”, Calvin nói. “Nhà Chế Tạo cho ba người đàn ông, mỗi người được số tài năng khác nhau. Với người thứ nhất, Ngài cho năm thứ tài năng. Người thứ hai được hai thứ tài năng. Và người cuối cùng chỉ được có một.” “Đúng rồi”, Kỹ Sư nói. “Vài năm sau, Nhà Sản Xuất kiểm tra kết quả của từng người. Ngài kiểm tra người đàn ông có năm tài năng, và cảm thấy hài lòng khi biết rằng người này đã nhân lên gấp bội cả năm tài năng bằng cách làm việc chăm chỉ và ứng dụng từng cái một. Ngài kiểm tra người đàn ông có hai tài năng, cũng hài lòng khi thấy anh ta làm việc tích cực, sử dụng và nhân lên gấp bội các tài năng. Nhưng khi kiểm tra người cuối cùng, Ngài đã rất tức giận. Vì người đàn ông này đã chôn vùi tài năng của mình dưới danh nghĩa là bảo vệ nó. Và đó là lúc Nhà Sản Xuất nói ra những lời lẽ nặng nề nhất mà Ngài từng nói: ’Thằng đầy tớ tồi tệ và lười biếng kia!’, Ngài hét lên. ’Sao ngươi dám không dùng đến món quà mà ta đã ban cho ngươi hả?’. Anh có hiểu ý nghĩa câu chuyện không, Calvin?” “Tôi nghĩ là có”, Calvin nói. “Tôi nghĩ tôi hiểu.” “Tôi không biết chúng tôi sẽ phải làm gì với anh nữa, Calvin ạ. Tôi không biết nữa.” GIÀU CÓ GÌ SAI? Quan niệm đã theo chúng ta hàng ngàn năm: Sự nghèo khó tạo nên hoặc thể hiện sự trong sạch. Quan niệm này có lẽ đúng, nhưng không có gì chắc chắn rằng nó hàm ý nghèo khó là con đường cứu rỗi duy nhất, tuy nhiên mỗi chúng ta đều có cách định nghĩa riêng. Tôi ngờ rằng niềm tin rằng giàu là sai mang tính xã hội hơn là dựa vào kinh sách. Nó là sự hợp lý hóa mà những kẻ chọn không làm việc để trở nên giàu có áp đặt ra. Nó là một triết lý mà tất cả chúng ta đều phải sống theo ở một mức độ nào đó trong suốt cuộc đời. Có phải giàu có vốn là sai? Tất nhiên là không. Việc đạt được các giá trị vật chất chẳng có gì sai trái hơn là không đạt được chỉ vì chúng ta không thật sự khao khát nó. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì với tiền bạc và chúng ta tạo ra của cải bằng cách nào. Ở mức độ nào đó, tiền bạc là thước đo giá trị dịch vụ mà chúng ta thực hiện cho người khác, sự làm giàu này thật cao quý. Ở mức độ nào đó, chúng ta buộc phải sử dụng tiền bạc cho những dịch vụ mà chúng ta thích, cung cấp cho họ sự ấm áp, thoải mái, an toàn hết khả năng có thể, thì sự chi tiêu sẽ trở nên đầy cảm hứng và tuyệt diệu. BẠN CÓ CẦN XUỐNG ĐỊA NGỤC TRƯỚC KHI LÊN THIÊN ĐƯỜNG? Mỗi Chủ nhật, ông ngồi trên ngai vàng bọc nhung đỏ, trên một bệ vàng, trong một nhà hát cũ được trang trí công phu giữa lòng Harlem. Ông trình bày thông điệp với những kẻ trung thành, trái tim của những người đang lắng nghe đầy ắp niềm tin. Ông là “Đức cha Ike”. Ông vô cùng nổi tiếng với các tín đồ vì đã nhiều lần tìm ra một chủ đề mà tất cả mọi người đều đồng tình. Những kẻ thật sự nghèo khổ biết, rõ hơn chúng ta nhiều, sự thật về câu nói đã trở nên nổi tiếng khi được Đức cha Ike nhắc lại: Chúng ta không cần xuống địa ngục trước khi lên thiên đường. Thật đáng kinh ngạc khi phần lớn loài người đều tin rằng một cá nhân để có được sự hạnh phúc vĩnh cửu, trước hết cần trải nghiệm một cuộc đời khó khăn. Chúng ta cần phải chịu đựng đau khổ để đạt được thành quả, họ nói vậy. Nhưng thật quá sức mâu thuẫn khi chấp nhận một triết lý như vậy. Một mặt, chúng ta thấy bản thân mình được đặt vào thế giới này, được trang bị đầy đủ để có những đóng góp quan trọng cho sự thành công riêng của chính chúng ta. Nhưng triết lý về chịu đựng đau khổ sẽ đòi hỏi chúng ta không được sử dụng những công cụ hay tài năng mà chúng ta được trời phú đó. Nếu loài người ở đây để chứng tỏ điều gì, thì chúng ta phải chấp nhận thách thức của việc sử dụng những công cụ và tài năng mà chúng ta sở hữu. Mục đích của chúng ta là tạo nên một cuộc sống thành công và hạnh phúc nhất cho bản thân. Thay vì trở thành một tấm áo choàng chịu đựng đau khổ, chúng ta nên xem sự tồn tại của mình như một buổi tổng duyệt trang phục cho hạnh phúc mãi mãi mà chúng ta xứng đáng có được. CHẲNG PHẢI HIỆN DIỆN Ở ĐÂY LÀ SỰ CHO PHÉP DUY NHẤT BẠN CẦN SAO? Một thầy tu dòng Tên ngày xưa từng nói: “Tốt hơn nên xin được tha thứ thay vì được cho phép”. Bạn nhớ không, người ta luôn luôn mong đợi một sự tầm thường mà không cần người khác cho phép. Còn sự xuất sắc khác, như thường khi, lại đòi hỏi phải được ai khác ủng hộ. Hiện tượng này dường như xuất phát từ niềm tin của chúng ta rằng cá nhân chúng ta có phần không xứng đáng với thành công, nếu chúng ta không nhận được sự cho phép từ người khác. Niềm tin này có thể bắt nguồn từ việc ngày bé chúng ta phải vâng lời người lớn. Các nhà giáo dục gọi nó là quá trình “xã hội hóa”. Đó là khoảng thời gian mà một đứa trẻ học cách đứng im trong hàng, trả lời tên của mình khi được gọi tên theo bảng chữ cái, nói chuyện khi được gọi đến, và những sự tuân thủ khác phù hợp với những quy định và mong đợi áp đặt lên anh ta. """