"Hoàng Hoa Thám - Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hoàng Hoa Thám - Bài Học Xương Máu Của 25 Năm Đấu Tranh PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : HOÀNG-HOA-THÁM (BÀI HỌC XƯƠNG MÁU CỦA 25 NĂM ĐẤU-TRANH) Tác giả : VĂN-QUANG Nhà xuất bản : SỐNG-MỚI Năm xuất bản : 1957 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : Kiều Tiên, Thu Hà, ut_com, chucthanhlam, Mekhoaibi, pptv_88, manhdlk, kenk25, QuynhTrang171 Kiểm tra chính tả : Tô Thuý Nga, Nguyễn Ngọc Kim Quyên, Ngô Thanh Tùng Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 14/12/2019 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả VĂN-QUANG và nhà xuất bản SỐNG MỚI đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC GIỚI THIỆU I. Sơ lược thân-thế và sự-nghiệp Hoàng-Hoa-Thám 1) Từ giao-thương đến những cuộc chiến-tranh xâm-lược 2) Nguyên-nhân sự suy sụp của Nam-Triều 3) Bài học sỹ-tử Cần-Vương Hội 4) Những căn-nguyên và trạng-thái của cuộc chiến-tranh Việt-Pháp từ 1862 đến 1913 5) Khu căn-cứ địa Yên-Thế « Trai Cầu Vồng Yên-Thế » 6) Đường lối chủ-trương kháng-chiến của Nghĩa-quân II. Kế-hoạch bình-định của Pháp 1) Galliéni với chiến-thuật « Vết dầu loang » 2) Công-tác chính-trị của Pháp 3) Hoạt-động quân-sự của Pháp 4) Công tác kinh-tế và vấn-đề tổ-chức cai-trị của Pháp 5) Từ khởi cuộc đặt con đường xe lửa Hà-Nội – Lạng-Sơn đến trận đánh Lũng-Lạt (1888-1894) 6) Những mưu toan bạo động trong vòng đai sắt 7) Kế-hoạch phong tỏa biên thùy và bao vây Yên-Thế của Pháp 8) Kế-hoạch phá rối hậu-phương, uy-hiếp đô-thị của Đề Thám 9) Thẳng tay đàn áp : Trận đánh Kẻ-Thượng (tháng 4 và 5 năm 1895) 10) Trận đánh Yên-Thế tháng 10 và 12 năm 1895 11) Hội-đồng Đề-Hình năm 1908 và phong trào Nghĩa Hưng chống Pháp 12) Vụ trại lính pháo thủ năm 1908 III. Những ngày phiêu bạt 1909-1910 IV. Những phút cuối cùng của một đời cách-mạng ĐOẠN KẾT 1) Một cuộc cách-mạng « có chánh-nghĩa » cũng có thể bị thất-bại nếu không biết lãnh đạo phong-trào đi đúng đường lối. 2) Đường lối quân-sự đúng, nhưng đường lối chánh-trị sai lầm hoặc không có cũng thất bại 3) Tập hợp được mọi lực-lượng đánh địch nhưng không khéo điều-khiển, lãnh-đạo, để bạn lợi-dụng lại, cũng làm cho phong-trào đổ vỡ 4) Không thể có phong-trào bột phát mà thắng-lợi và chánh-sách khủng-bố có thể có kết-quả nhất thời VĂN-QUANG HOÀNG-HOA-THÁM (BÀI HỌC XƯƠNG MÁU CỦA 25 NĂM ĐẤU-TRANH) NHÀ XUẤT-BẢN SỐNG-MỚI 92/2 CAO-THẮNG SAIGON ẤN SON của HOÀNG HOA-THÁM GIỚI THIỆU HOÀNG-HOA-THÁM, anh-hùng dân-tộc 25 năm chống ngoại-bang xâm-lược. Trước đây đã nhiều sách nói đến nhưng chưa tác-phẩm nào trình bày ra được những nét chính để giúp cho chúng ta một bài học về đoạn đời lịch-sử của ông. Quyển HOÀNG-HOA-THÁM này của Văn-Quang do nhà xuất-bản Sống-Mới ấn-hành, tuy chưa đầy đủ lắm, phần vì tài liệu còn thiếu sót, mớ bị thực-dân xuyên-tạc, mớ bị thất lạc trong những ngày đen tối của dân-tộc vừa qua. Song, với sự sưu tầm và nhận xét theo một quan-niệm mới, quyển sách nầy ra đời, tác-giả đã thành-công trên hai điểm thiết thực sau đây : - Về phần lịch-sử, cho chúng ta được biết khá nhiều về tài-liệu xác thực. - Về phần học-tập, đã đem lại cho chúng ta, một phần nào về những ý-nghĩa và tính quan-trọng, nói chung là những bài học xương máu trong cuộc chiến-đấu trường kỳ ròng-rã 25 năm của người anh-hùng dân-tộc ấy. Chúng tôi nhận thấy là một tác-phẩm có ích và rất cần thiết ở trong giai đoạn lịch-sử nầy, vậy xin viết mấy lời trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc, đặc-biệt là với các bạn hiện đang theo việc gươm súng để phục vụ chính-nghĩa quốc-gia và hạnh-phúc dân-tộc. Gia-Định, mùa mưa năm Đinh Dậu 1957 THÁI-BẠCH I. Sơ lược thân-thế và sự-nghiệp Hoàng Hoa-Thám HOÀNG-HOA-THÁM tên thật là Trương-Văn-Thám, con của Trương-Văn-Vinh ở thôn Lang-Trung (Yên-Thế). Mẹ Thám (không rõ tên là gì) là người làng Ngọc-Cục, gần Lang Trung. Năm 18 tuổi, Thám lấy vợ và sinh được một đứa con trai, tức Cả Trọng. Năm 20 tuổi, Thám tình nguyện sung vào đoàn nghĩa binh của lãnh-binh Bắc-Ninh Trần-Quang Soạn để chống Pháp. Năm 23 tuổi, Thám theo cha nuôi là Ba Phúc đi Vân Nam vận-động nghĩa-binh rồi sau đó lại về giúp việc cho Cai Kinh ở Lạng-Sơn. Thấy Thám là người có thiên-tài về quân sự, Cai Kinh phong cho Thám làm Đốc-Binh. Từ ấy mọi người quen gọi Thám là Đề-Thám. Ngày 6 tháng 7 năm 1888, Cai Kinh bị giết ở Lạng-Sơn, Đề-Thám liền tụ-tập nghĩa-quân đánh phá suốt vùng Võ Giàng, Quế-Dương, Hiệp-Hòa, Việt-Yên, v.v… Quân Pháp hốt hoảng chống đỡ và treo giải-thưởng trong dân gian lấy đầu Thám cùng họa hình Thám dán khắp nơi. Tháng Tư năm 1889, Đề-Thám tập-họp được hơn 500 tay súng và một số quân bạch-binh về tụ-tập ở làng Đình Tảo thuộc Nhã-Nam làm lễ tế cờ, khao-binh, uống máu ăn thề, rồi chia quân ra lập đồn ải khắp vùng Phủ-Lạng- Thương, Vĩnh-Phúc-Yên, Thái-Nguyên, Bắc-Giang, lấy Yên Thế làm căn-cứ địa kháng-chiến lâu dài. Năm 1890, nghĩa-binh Đề-Thám bị quân Pháp tiến đánh vào tới đại bản-doanh phải rút lui và phân-tán vào rừng sâu, quân Pháp bị hại nặng. Năm 1892, quân Pháp lại tiến đánh căn-cứ địa của Thám, lần này cả hai bên đều thiệt hại nặng. Quân Pháp bao vây chặt chẽ, nhưng nghĩa-binh cũng rút lui được vào rừng. Thấy dẹp nghĩa-quân bằng quân-sự không xong, Pháp phối-hợp hành-quân với những công-tác chính-trị đặc-biệt. Lê-Hoan Tổng-đốc được cử ra đặc-biệt hành-động chia rẽ, ám-sát các cán-bộ nghĩa-quân và tuyên-truyền khủng-bố dân-chúng. Năm 1893, Lê-Hoan dụ hàng Ba-Phúc, tổ-chức mưu-sát Đề-Thám, nhưng công-việc bại-lộ, bị Thám tương kế tựu kế mai phục đánh úp, quân Pháp và khố xanh bị hại nặng ở Hữu-Thuế, khoảng 15 tháng 5 năm 1894. Nhờ tài thao-lược của vợ ba là Đặng-Thị-Nhu (em nuôi Thân-Văn-Luận tức Thống-Luận), người làng Vạn-Vân, Đề Thám củng-cố lại lực-lượng và tháng 8 năm 1894, Đề-Thám cho xây đắp đồn, lũy khắp vùng Yên-Thế để phòng-thủ lâu dài. Một mặt lại sai Thống-Luận, Đốc Kế, Lĩnh-Túc, Đề Huỳnh Đốc-Thu phối hợp với nghĩa-quân Bàng Kình đi tấn công các trục giao-thông và đồn lẻ vùng Phủ-Lạng-Thương. Pháp sai đại-tá Grimaud đi dẹp nhưng bị thiệt hại nặng ở Bố-Hạ, phải rút quân về. Cũng trong khoảng thời-gian này (1894), Thám nhận thấy bạo-động chưa có lợi nên chủ hòa và nhờ trung-gian Giáo-sĩ Valesco điều đình với chính-phủ Bảo-hộ. Tuy trá hàng nhưng Đề-Thám vẫn ngấm ngầm hoạt động gây thêm lực-lượng và cơ-sở quân-sự. Mặt khác, Thám tổ-chức những trận đánh tiêu-hao những đồn bót lẻ tẻ trong suốt vùng biên-giới Việt-Hoa và cả trong trung-tâm thành phố lớn : - Ngày 23-3-1895, Thống-Luận đánh úp đồn Phả-Lại. - Ngày 30-4-1895, Đốc Thu lẻn vào tận Bắc-Ninh trá làm lính khố đỏ giết chết 3 công-chức Pháp. - Ngày 15-9-1895, tấn-công làng Phú-Liêm ở gần Phủ Lạng-Thương. Chính-phủ Bảo-hộ dò biết âm-mưu của Đề-Thám, nên quyết tâm triệt-hạ, sai một danh-tướng thời bấy giờ là Đại tá Galliéni (chỉ-huy đạo-quân bộ binh thứ hai) đi dẹp. Lê Hoan cũng mang quân theo trợ chiến. Quân Thám chống cự rất hăng, nhưng vì yếu thế nên phải rút khỏi khu căn-cứ địa và phân-tán thành từng toán nhỏ. Nghĩa-quân tản mát mất khá nhiều và tướng sĩ ra quy hàng ngày một thêm đông, làm giảm thanh-thế nghĩa-quân. Năm 1897, Thám lại cầu hòa lần thứ hai, nhưng quân Pháp không chịu, cố truy-kích nghĩa-quân hòng tiêu-diệt nốt lực-lượng Cần-Vương. Sau vài trận đụng chạm mạnh bị thua thiệt lớn, Pháp phải nhận cho Thám cầu hòa và tháng 8 năm 1898, Thám được chính-thức công-nhận là chủ ấp Phồn-Xương. Tuy bề ngoài làm ra vẻ trung-thành với Pháp, nhưng Đề Thám, bề trong, vẫn ngấm ngầm hoạt-động. Một mặt phái cán-bộ vào tổ-chức những cơ-sở ở các đô-thành lớn như Hanoi, Hà-Đông, Phủ-Lạng, Bắc-Ninh, v.v… Lần này Đề-Thám chủ-trương gây thế-lực và ảnh-hưởng trong lòng địch hơn là đánh úp những đồn lẻ tẻ và trục giao-thông bên ngoài, đảng Nghĩa-Hưng ra đời : - Ngày 17-11-1907, vụ Cửa Nam ở Hanoi bị bại lộ. - Ngày 27-6-1908, vụ đầu độc trại lính công-binh Pháp nửa chừng bị lộ. Kế-hoạch tấn-công Hanoi phải bỏ qua. Cán-bộ và đảng viên bị bắt bớ khủng-bố và Hội-đồng Đề hình họp từ 29-6-1908 tới 27 tháng 11 năm 1908 để xử một vụ án Cách-mạng quan trọng nhất thời bấy giờ : - 10 án tù từ 1 đến 5 năm. - 4 án chung-thân. - 26 án tội-đồ từ 5 đến 20 năm. - 18 án tử-hình (6 người vắng mặt). 12 người bị xử là : Lang Seo, Đội Hổ, Đội Đàm, Cai Ngà, Cai Tốn,Tư Bình, Dương Bế, Đội Nhàn, Bếp Xuân, Cai Lê, Lái Vinh, Lái Hiên. Sang năm 1909, Pháp muốn trừ hẳn Đề-Thám, huy động lực-lượng rất mạnh đánh vào khu căn-cứ địa. Bị bao vây và tiến đánh khắp nơi, quân Thám tan-rã, tướng tá nghĩa-quân phần bị chết, phần ra hàng mất gần hết. Cai Sơn đánh với Đại-úy Pagès ở Bố-Hạ, bị thua chạy vào rừng. Cả Trọng đánh với Daufès và Bouchet ở Đền Vương bị một nghĩa quân bắn lầm mà chết trận. Cả Huỳnh đánh với Poilevey ở Thanh-Nhâm rất hăng. Bộ tướng là Lãnh Thái và Lãnh Thuận tử trận, Huỳnh bị thương, rút về Nải Từ rồi cũng chết luôn tại đó. Lý Thu, Đề Bào, Hai Huân ra hàng, thế là Thám bị cô lập, chỉ còn cô Ba và Cả Dinh là người tâm phúc ở bên mình. Tình thế ngày càng trở thành bất lợi cho Thám. Bị săn đuổi gắt gao, Thám phải ẩn trốn, di chuyển luôn luôn, không dám ở chỗ nào nhất định lâu dài. Cuộc sống thật là chật vật gian lao. Nghĩa-quân dần dần mất cả tin-tưởng chủ tướng. Tháng 10 năm 1909, Cả Dinh trúng kế Lê-Hoan ra hàng Pháp, mang theo cả võ-khí và 6 người tâm-phúc. Tháng 11 năm ấy, cô Ba bị bắt với đứa con gái nhỏ (Hoàng-Thị-Thế). Sau đó Cai Sơn lại làm phản, nghĩa-quân hoàn-toàn tan rã, Đề-Thám ở đâu cũng không ai biết. Kẻ nói Thám bị bộ-hạ Lương-Tam-Kỳ hạ sát, kẻ nói Thám chết già ở Lộc-Bình (Lạng-Sơn). Không ai biết rõ cái chết của Đề-Thám ra sao, nhưng một điều rõ nhứt là phong-trào Nghĩa-Hưng (con đẻ của phong-trào Cần Vương) đã tan-rã hoàn-toàn. Cuộc đời cách mạng của 25 năm đấu-tranh quyết-liệt với quân thù, Thám tuy không thành-công, cũng để gương sáng cho hậu thế noi theo. Nhưng tại sao Đề-Thám thất-bại, tại sao phong trào Cần-Vương sụp đổ, tại chiến-thuật, chiến-lược quân-sự, tại khí-giới, tại tướng lãnh hay bị dân-chúng bỏ rơi ? …Đó là phần chánh của cuốn sách này mà bạn đọc sẽ tìm thấy ở những trang sau… 1) Từ giao-thương đến những cuộc chiến-tranh xâm-lược Những phát minh khoa học và kỹ nghệ ở Âu-Châu về thế kỷ thứ XIIX và đầu thế kỷ thứ XIX ngày càng tiến bộ mau lẹ, đưa đà sản xuất lên một mức độ rất cao. Vấn đề thương-mại từ trong phạm-vi xứ sở được mở rộng ra ngoại quốc. Nhờ những tiến-bộ của hàng-hải thương-thuyền, vấn đề giao thương xuyên lục địa không còn là giấc mơ trong trí tưởng tượng của loài người… Các công ty thương mại Âu-Châu đã tổ chức liên tiếp những cuộc khám phá, thăm thị trường Á-Châu. Qua đại dương, họ đã đặt chân lên Ấn-Độ, Nhật-Bản, Trung-Hoa, Việt-Nam, v.v… và họ đã thấy một thị trường khổng lồ. Song song với những tham vọng đất đai, nguyên liệu và nhân công của phường buôn, Giáo hộ Thiên Chúa Giáo cũng nhận thấy sự cần thiết phải bành trướng phạm vi ảnh hưởng của Hội-Thánh ra khắp năm châu. Thương thuyền và hàng hóa của phường buôn đã giúp ích rất nhiều cho Hội-Thánh thực hiện được sự nghiệp thiêng-liêng này. Dân chúng Á-Châu nghèo nàn, lạc hậu, rên siết dưới chế độ vua, chúa không khỏi chóa mắt vì những hàng hóa mới lạ, những tiện nghi khoa học và lý thuyết bác ái hấp dẫn từ phương trời Âu đưa tới. 2) Nguyên-nhân sự suy sụp của Nam-Triều Việt-Nam là một trong những quốc gia hậu tiến, tất nhiên cũng chịu chung một định luật với những nước Á Châu khác. Nam-Triều đứng trước thế lực ngoại bang ngày một lan tràn không khỏi lo ngại cho uy tín cổ truyền phong kiến, nên đã từ tiêu cực ngăn cản đến thẳng tay đàn áp. Thói thường kẻ cùng chung số phận, tất phải cùng chung hành động. Giáo sĩ và phường buôn đứng lên… phản-kháng Nam Triều và yêu-cầu chính quốc can thiệp… Cuộc chiến tranh thuộc địa mở màn và phần thắng lịch-sử nhất thời đã nghiêng về phía ngoại bang. Dưới triều Tự-Đức, phường buôn và giáo-sĩ Gia-Tô ngoại-quốc bị ngăn-cấm và khủng bố rất gay-gắt. Nước Pháp ỷ vào công dựng nghiệp cho nhà Nguyễn (?) kịch liệt phản-kháng rồi mượn cớ bảo-vệ kiều-dân, đem hạm-đội viễn-chinh mở một cuộc chiến-tranh trừng-phạt nhưng sự thật là xâm chiếm hẳn nước ta làm thuộc địa. Đứng trước nguy-cơ mất nước, triều đình đã tỏ ra hoàn toàn bất lực. Vua chỉ ham văn-chương, kẻ tả-hữu thì hủ bại, chia rẽ, tranh giành ảnh-hưởng. Dân gian đói rét loạn-lạc khắp nơi : giữa dân-chúng và vua, quan đã mất hết những sợi dây tình-cảm thiêng liêng trói chặt để tạo thành một thế kháng-chiến mạnh mẽ lâu dài. Thời cuộc Trung-Hoa dưới đời Mãn-Thanh cũng đổ nát bét be, dân gian nổi lên vận-động lật đổ triều-đình, bát quốc liên-minh đánh phá suốt dọc bờ biển từ Nam chí Bắc. Các quốc-gia Á-Châu nói chung đã quá chán ghét chế-độ phong-kiến lỗi thời, vua chúa không còn ai trông cậy được vào ai để dựa dẫm cứu cánh cho nhau : - Năm 1862, liên-quân Pháp – Y-Pha-Nho bắn phá cửa bể Đà-Nẵng. - Năm 1867, mất lục-tỉnh miền Nam. - Năm 1885, mất luôn miền Trung rồi miền Bắc. Quan quân kháng-cự lẻ loi như cây mất gốc, vỡ chạy tán-loạn. Bè phái ngày càng chia rẽ, kẻ phế vua này, người lập vua khác, kẻ cầu ngoại-viện, kẻ chủ-trương bất hợp tác… Một vài vị văn quan, võ tướng trung-quân ái-quốc trước cảnh giang-sơn đổ vỡ đành tự sát để giữ trọn tiết nghĩa hiếu-trung. Vận-mạng Nam-Triều coi như đã được định-đoạt bởi một trào-lưu lịch-sử. Định-mệnh đã buộc nhân-dân Việt-Nam phải trải qua một thời nô-lệ, sống tàn-nhẫn nhất dưới thời-kỳ phồn-thịnh nhất của chế-độ thuộc-địa… 95 năm đã qua, ngót một thế kỷ đấu-tranh quyết-liệt, biết bao chiến sĩ cách-mạng đã hy sinh cho sự nghiệp cứu-quốc. Có người thành-công, nhưng cũng có những người thất-bại, hoặc vì yếu-đuối hoặc vì đi lệch dòng lịch-sử… Song thành hay bại, họ đều là những đứa con yêu của đất nước, những kẻ có công với hậu-thế, xứng đáng với tiền nhân ? 3) Bài học sỹ-tử Cần-Vương Hội Sau khi triều-đình đã tan-vỡ, vua, quan chạy trốn, hoặc bị bắt cầm tù, một số trí-sĩ và võ-quan lẻ-tẻ, vẫn cố cầm-cự gây lại phong trào chống ngoại-xâm từ Nam chí Bắc. Vang dội nhất thời bấy giờ là phong-trào Duy-Tân của cụ Phan Bội-Châu ở ngoại-quốc và cuộc kháng-chiến anh-dũng của nghĩa-quân Cần-Vương ở trong nước. Trong số sỹ-tử Cần-Vương đã cầm-cự oanh-liệt nhất với quân Pháp trong khoảng thời-gian từ 1888 đến năm 1913 có Hoàng-Hoa-Thám là gây được một áp-lực tương-đối mạnh-mẽ suốt 25 năm đấu-tranh gian-khổ. Nhưng phong-trào non-yếu, nghĩa-quân bị bao vây và đánh tan… Hoàng-Hoa-Thám chết, chấm dứt một thời oanh liệt của sỹ-tử Cần-Vương. Người dân Việt-Nam không mấy ai lại không biết tiếng Đề-Đốc Hoàng-Hoa-Thám với mệnh danh « con hùm Yên Thế ». Không biết vô tình hay hữu ý người đời đã liệt nghĩa quân và vị lãnh-tụ Cần-Vương sau cùng là hạng giặc cướp. Đã đành cổ-nhân thường có thói quen coi các bậc danh tướng như Hùm nên mới có câu Hổ oai tướng quân, Ngũ Hổ tướng, v.v… Song hổ chỉ là một con vật hung tợn, không thể có nhân-tính của một người, nhất lại là một người đánh giặc, cứu nước, gieo tự-do hạnh-phúc hơn là gây khủng khiếp hãi hùng cho trăm họ. Tuy nhiên, tiếng Hùm thiêng Yên-Thế cũng đã một phần nào được dựa vào ảnh-hưởng trực tiếp của phong-trào trong dân-chúng mà chúng tôi sẽ có dịp nhắc lại sau nầy. Nhưng dẫu sao đối với một vị anh hùng cứu quốc, sự nghiệp lẫy lừng như Đề-Thám mà dùng chữ Hùm phải chăng là đã mắc mưu tuyên truyền của giặc ? Nếu nói rằng phong-trào Yên-Thế là tiêu biểu nhất của cuộc kháng-chiến Cần-Vương thì cuộc thất bại của phong trào ấy cũng là bài học tiêu biểu nhất cho hậu-thế : - Một cuộc vận-động cách-mạng chống xâm lược phiến diện, chỉ trông vào thực-lực quân-sự nhất thời không thể nào đi đến thắng-lợi. (Cái thất-bại ỷ vào ngoại-viện của cụ Sào-Nam tức Phan-Bội-Châu và thuyết canh tân của cụ Phan-Chu-Trinh lại hoàn-toàn trái ngược hẳn về nguyên-tắc với phong-trào Yên-Thế). - Hoàng-Hoa-Thám là một nhà quân-sự có thiên-tài, nhưng thời-thế chẳng chiều lòng hay vì lý-do chính-trị mà phải chịu thất-bại… trước quân thù hay trước sự lãnh-đạm gần như trung lập của quảng-đại quần-chúng thời bấy giờ ? Tình-hình càng ngày càng đen tối, bất-lợi hết sức cho chủ-trương quân-sự thuần-túy, các cuộc khởi nghĩa kế-tiếp nhau tan-rã gần hết. Năm 1887, Trần-Bá-Lộc đánh tan nghĩa-quân Bình-Định và Phú Yên. Thủ-lãnh Mai-Xuân-Trường bị bắt, đem đi hành hình. Cụ Phan-Đình-Phùng thất bại liên-tiếp chạy về Hà-Tĩnh rồi mất năm 1895. Sau đó, Nguyễn-Tán-Thuật bị bại ở Bãi-Sậy phải trốn sang Trung-Quốc (1897). Dư đảng Cần-Vương chỉ còn lại có một mình Hoàng Hoa-Thám. Nhưng chẳng bao lâu cũng bị dẹp tan… Phong-trào Cần-Vương là một bài học đấu-tranh lâu dài và gian-khổ, tuy thất-bại nhưng tiếng vang vẫn còn dư-âm trong lòng mỗi một người dân Việt-Nam thiết-tha với sự nghiệp giải-phóng, thành-khẩn với tiền-đồ dân-tộc… Những ai đã từng được đặt chân lên khắp vùng Yên-Thế, mắt nhìn những di-tích còn lại của thời xưa, mà chẳng bùi ngùi xúc-động. Mặc cảm kích-thích mãnh-liệt như thúc giục… phải làm một cái gì… một việc gì… khó nói cho hết được nên lời. Kẻ hậu-sinh cũng bỗng-nhiên cảm thấy mình có trách nhiệm không noi theo cũng phải tìm tòi, suy-ngẫm những nguyên-nhân thành bại của ông, cha ! 4) Những căn-nguyên và trạng-thái của cuộc chiến-tranh Việt-Pháp từ 1862 đến 1913 Như trên đã nói, cuộc chiến-tranh Việt-Pháp khởi sự hoàn-toàn do Đế-quốc Pháp muốn xâm-chiếm hẳn nước ta làm thuộc địa. Triều-đình và sĩ-phu nước ta chủ-trương chống lại và cuộc chiến-tranh bùng nổ. Tính-chất cuộc chiến-tranh giữa Việt-Nam và Pháp rõ ràng là một cuộc chiến-tranh nhược-tiểu dân-tộc chống đế quốc hùng-mạnh xâm-lược. Chính-nghĩa tất nhiên về phần nước ta. Nhưng cũng không nên quên nếu không biết giương cao ngọn-cờ chính-nghĩa thì cũng rất dễ bị địch lợi dụng : Nước ta ở dưới một chế-độ phong-kiến đang suy tàn. Địch là một Đế-quốc đang thời kỳ phát-triển với bao cám dỗ bề ngoài. Pháp ỷ vào sức mạnh súng ống tối-tân và bạn đồng-minh tư-bản Y-Pha-Nhon Hòa-Lan, Bồ-Đào-Nha, chủ trương đánh mau thắng mau. Ý muốn của Pháp là tiêu-diệt toàn-bộ chủ-lực của ta, chiếm các đô-thị lớn, các trục giao thông và cửa bể. Sau đó mới càn-quét một lượt những khu kháng-chiến lẻ-tẻ còn sót lại. Quân ta tuy đông, nhưng súng ống thô-sơ, lòng dân và vua, quan chia rẽ, triều-đình lại chủ-trương trận-địa chiến và cố-thủ thành-trì, nên lực-lượng bị tiêu-diệt thảm-thương từ Nam chí Bắc. Trạng-thái cuộc chiến-tranh giữa ta và Pháp ở thời-kỳ quan quân (vua và quan cầm binh), là trạng-thái của một cuộc chiến-tranh nặng tính-chất trận-địa chiến. Thế yếu, lại đánh mặt đối mặt tất nhiên phải thua… và kết-quả là vua quan chạy trốn, thành-quách tan-hoang… Pháp đã hoàn-toàn làm chủ được tình-thế, nhưng chưa hẳn đã được cùng bọn tôi tớ toạ hưởng miếng mồi ngon. Sĩ-phu trong nước nổi dậy phát-động một phong-trào phò vua, cứu nước, lấy hang sâu rừng rậm làm căn-cứ địa chiêu binh luyện mã. Biết thế yếu không thể công-khai đánh với kẻ thù, nghĩa-quân áp-dụng một chiến-thuật mới… chiến-thuật du kích : trà trộn với dân, ẩn-hiện bất thường, thoắt đánh thoắt lui làm cho quân Pháp vỡ-mật bay hồn… Trạng-thái cuộc chiến-tranh giữa Việt-Nam và Pháp ở thời-kỳ này đã chuyển sang một hình-thức khác : hình-thức chiến-tranh du-kích chống trận địa chiến. Chiến-thuật du kích là một hình-thức đấu-tranh gay-go và gian-khổ nhưng lại rất thích-ứng cho những quốc-gia nhỏ yếu chống những quốc-gia hùng-mạnh. Nghĩa-quân Cần-Vương đã áp-dụng chiến-thuật du-kích như thế nào và tại sao họ thất-bại ? Muốn đi đến một kết luận khách-quan và đúng-đắn không gì bằng mở lại trang sử 90 năm qua… 90 năm đầy máu và nước mắt ! 5) Khu căn-cứ địa Yên-Thế « Trai Cầu Vồng Yên-Thế » Câu dân-ca cổ-truyền đã giới-thiệu một phần nào tầm quan-trọng của khu Yên-Thế thời bấy giờ. Người con trai Yên-Thế đã dựa vào địa-thế của vùng này mà tung-hoành phỉ-trí một thời, cho đến nay, non sông vẫn còn lưu-truyền câu ca « …Trai Cầu Vồng Yên-Thế ! » Yên-Thế là một vùng thuộc Trung-Châu Bắc-Việt, cách Hà-Nội chừng 50 cây số về phía Tây-Bắc. Khu Yên-Thế nằm lọt giữa dải núi đá Cai Kinh (Lạng-Sơn – Bắc-Giang) và dẫy núi trùng trùng điệp điệp miền thượng-lưu sông Cầu và sông Thương. Vùng Yên-Thế thượng hay Thượng-Yên là những rừng rậm cao từ 100 đến 150 thước. Vùng Hạ-Yên là cảnh đồng bằng, ruộng xanh bát-ngát, làng-mạc đông-đúc, cây cối xanh um, lác đác vài ngọn đồi cao không quá 50 thước. Cảnh Yên-Thế khác hẳn cái bằng phẳng tầm thường của đồng bằng mà cũng không giống cái hùng-vĩ của núi rừng Thượng-du. Rừng Yên-Thế không cao nhưng rậm-rạp, cây-cối, lau lách, tre nứa chằng chịt đan thành những hàng rào dày đặc, bóng nắng không mấy chỗ lọt tới đất. Trong một năm có đến 8 tháng rừng Yên-Thế ẩm-ướt, ngột-ngạt như địa-ngục ở trần-gian. Vắt, muỗi, rắn, rết, chỗ nào cũng có, sẵn-sàng gieo bệnh hoạn, chết chóc cho bất cứ ai qua lại. Miền Thượng-Yên quả thực là một vùng đất chết cho đoàn quân viễn-chinh Pháp quen sống trong tiện nghi khoa-học đầy đủ ở đô-thị. Phía Đông Yên-Thế giáp Lạng-Sơn, phía Tây giáp Bắc Kạn – Thái-Nguyên, phía Nam giáp Bắc-Giang – Đáp-Cầu Bắc-Ninh, phía Bắc liền với Thất-Khê và Cao-Bằng là một vùng hiểm trở, vách núi cheo-leo, thác ghềnh quanh co, có đường thông suốt qua địa-giới Trung-Hoa như màng nhện. Tóm lại, ta có thể nói rằng Yên-Thế là một căn cứ địa vô cùng thuận-lợi cho sự hoạt-động của Nghĩa-quân về cả hai mặt : Công và Thủ. Đặc-điểm về mặt quân-sự của Yên-Thế là : Hiểm trở, và Thông suốt. Trong sáu địa-hình binh-pháp thì Yên-Thế có đến hai đặc-điểm mà lại là hai điểm lợi-hại nhất. Năm Tự-Đức thứ 36 tức là năm 1882, dương-lịch, Cai Kinh phái Ba Phúc (cha nuôi Đề-Thám) đến Yên-Thế tổ-chức vùng này thành căn-cứ địa thứ 3 sau… Lũng-Lạt (Cai Kinh) và Kẻ-Thượng (Ba-Kỳ). Ba-Phúc được Đề-Thám giúp rất đắc-lực, chẳng bao lâu Yên-Thế đã trở thành một căn-cứ khu quan-trọng vào bực nhất thời bấy giờ. Nghĩa-quân có thể uy-hiếp trực-tiếp thường-xuyên vùng Trung-Châu, đồng bằng và con đường xe lửa Hà-Nội – Lạng Sơn, mạch máu giao-thông chiến-lược nối liền đồng bằng với thượng du Bắc-Việt. Nhờ ở địa-thế hiểm-trở, từ 1886 trở đi, nghĩa-quân đã lớn mạnh và khởi đánh khắp vùng Bắc-Ninh-Giang và Vĩnh Phúc-Yên, làm cho các đồn quân chiếm đóng Pháp phải luôn luôn đặt trong tình-trạng báo-động. Nghĩa-quân xây đắp rất nhiều chiến lũy trong rừng sâu và mở rộng tầm hoạt-động đến tận Đáp-Cầu là nơi tập-trung các đồn binh quan-trọng của Pháp. 6) Đường lối chủ-trương kháng-chiến của Nghĩa-quân Không thấy một cuốn sách nào nói rõ về đường lối chủ trương kháng-chiến của Nghĩa-quân Cần-Vương về mặt chính-trị, quân-sự, kinh-tế, xã-hội, v.v… cho nên cũng khó bàn về vấn-đề này một cách tỉ-mỉ và có hệ-thống hẳn hoi. Ngoài mục-đích đánh Pháp và tôn quân của phong-trào do danh-nghĩa « Cần-Vương » nêu lên một cách quá tổng quát, người ta chỉ thấy những tài liệu thuật lại các trận đánh lớn ở vùng này, vùng nọ, thân thế các vị anh hùng và những gương hy-sinh đẫm máu. Lãnh trách-nhiệm lịch-sử trong một giai-đoạn mà một chế-độ lỗi thời đang chết (phong-kiến) nhường bước cho một chế-độ đang thời phồn-thịnh (tư bản) không thể không có một đường lối chủ-trương thích-ứng. Lịch-sử là định luật tiến-hóa của xã-hội mà trào-lưu là động-cơ thúc-đẩy. Thích-ứng với trào lưu thì tồn-tại, trái lại thì hư mất. Nhìn lại quá trình biến-diễn của phong-trào Cần-Vương, đặc-biệt là phong-trào Yên-Thế, kẻ hậu-sinh đã thất-vọng khi đi tìm hiểu những đường lối chủ-trương cụ thể của ông cha… Thời-gian chỉ còn lưu lại một vài dấu tích phai mờ trên dải rừng Yên-Thế, một vài cuốn sách mơ hồ xuyên-tạc, đôi ba lời truyền khẩu vô căn-cứ, vô trách-nhiệm… Đại-khái người ta chỉ biết nghĩa-quân đã có một vài liên lạc với Triều-đình Mãn-Thanh, qua sự trung-gian của vài viên « bại tướng » kiêm « thổ » phỉ Lưu-Vĩnh-Phúc, Lương Tam-Kỳ, Lục-A-Sung, v.v… Những bạn đồng-minh bất đắc dĩ này đã làm hại cho phong-trào không ít. Họ mượn cớ giúp ta đánh Pháp để tự do qua lại biên-giới, cướp bóc dân-gian và… đầu hàng phản bội. Về mặt vận-động tuyên-truyền và tổ-chức, hoàn-toàn không thấy sách nào nói đến một cách xác-thực và có hệ thống. Song, căn-cứ vào những câu truyền tụng « Con Hùm Yên-Thế », ám-chỉ vị lãnh-tụ Hoàng-Hoa-Thám và thái-độ của dân-chúng khi tiếp xúc với nghĩa-quân, nói chung đều sợ hãi hơn là yêu mến thân-mật, ta cũng có thể đoán được một phần nào chính-sách tuyên-truyền vận-động quần chúng thời bấy giờ đã lấy sức mạnh mà lôi kéo nhiều hơn là thuyết-phục, lôi kéo. Công-tác chính-trị và kinh-tế, xã-hội gần như bị bỏ rơi hẳn. Riêng về mặt quân-sự thì hoàn-toàn thích-ứng với hoàn cảnh và có nhiều kế-hoạch táo bạo. Song cũng có những chủ-trương quá sớm gây đổ vỡ từng bộ phận, ảnh-hưởng rất nguy-hiểm đến sự mất còn của toàn bộ mà chúng tôi sẽ bàn đến ở những phần sau… Tóm lại, về mặt đường lối chủ-trương kháng-chiến, vì đã quá thiên về quân-sự, nên cuộc đấu-tranh trở thành phiến diện, cô-lập, không thu-hút lại được đại-đa-số dân-chúng tham-gia làm hậu-thuẫn. Kết-quả là phong-trào bị đàn áp rồi tan rã… II. Kế-hoạch bình-định của Pháp Trái hẳn với cuộc kháng-chiến hỗn-độn của phong-trào Cần-Vương, quân-đội và chính-phủ Pháp có hẳn một chương-trình bình-định đại quy-mô và toàn-diện, chia ra từng giai-đoạn, rất thâm độc. Sau khi đã dùng đủ mọi âm-mưu chiến rồi hòa, hòa rồi lại chiến, vừa đánh vừa nghỉ-ngơi, quân Pháp đã dần dần chiếm được hết các cửa bể, đô-thị và đường giao-thông quan-trọng. Song song với việc đặt một nền-tảng thống-trị ở những khu chiếm-đóng, Pháp đã nghiên-cứu rút tỉa kinh-nghiệm vạch ra một kế-hoạch bình-định những vùng hoạt-động của nghĩa-quân. Kế-hoạch ấy bao gồm luôn cả việc tiễu-phỉ suốt dọc biên-thùy Hoa-Việt. 1) Galliéni với chiến-thuật « Vết dầu loang » Người vạch ra kế-hoạch bất-hủ này là viên Đại-tá Galliéni, kẻ đánh những đòn rất nặng vào phong-trào Cần Vương từ 1892 đến 1896. Thực-dân Pháp tán-tụng Galliéni như một ông thánh sống. Bước thang danh-vọng của Galliéni đã tiến từ một sinh-viên sỹ-quan đến chức thống-chế đều nhờ ở tài thao lược và lòng tận-tụy đi… đàn-áp tiêu-diệt các lực-lượng cách-mạng dân-tộc nhược-tiểu Mã-đảo, Việt-Nam và Phi châu. Lyautey đã tôn Galliéni như một ông thầy và nói : « Tôi là tông-đồ, là kẻ cầm cờ theo ý-kiến và đường lối của người ». 1 Thống-chế Franchet d’Espérey, trong một bài diễn văn đọc tại Viện Hàn-lâm Pháp đã giới-thiệu Galliéni với các thính-giả của ông như sau : « …Đại-tá Galliéni đã chiến-thắng vẻ-vang ở Soudan, lại được ủy-nhiệm sang Bắc-kỳ bình-định hết khu-vực này đến khu-vực khác ». Chính Lyautey đã được đi theo Đại-tá trong một cuộc hành-binh thăm dò dọc biên-giới Trung-Hoa. Ông hết sức ngưỡng-mộ phương-pháp bình-định với một kế-hoạch tiến quân táo-bạo, song song với việc mở chợ cấp phát đất-đai, v.v… khiến cho công cuộc này tiến-tới mau lẹ và lan rộng như một vết dầu loang, một vùng đại văn-minh rộng lớn. Đại-tá luôn luôn lo lắng để ý thực-hiện vấn-đề cộng-tác với người bản xứ. Phương-châm của Đại-tá là cộng-tác, không chống lại ! Chiến-thuật Vết dầu loang 2: Phương-châm của chiến-thuật Vết dầu loang dựa trên hai nguyên-tắc căn bản : - Tổ-chức bộ máy cai-trị của nước nào phải hoàn-toàn phù-hợp với tính-chất của nước ấy, hợp với dân-chúng và mục-đích đã đặt ra. - Tất cả ngành tổ-chức cai-trị đều phải chạy theo đà tiến-triển tự-nhiên của xứ-sở. Nhờ hai nguyên-tắc đó mà người ta nhận thấy một phương-pháp có thể thích-ứng ở chỗ này lại trở nên vô dụng ở nơi khác. Một chủ-trương đúng-đắn ở hiện tại, tương-lai có khi phải hủy-bỏ vì một vài biến-chuyển nào đó làm đảo lộn cả tình-thế. Công-tác chính-trị là một công-tác vô cùng mềm dẻo, nhất là khi sử-dụng trong công-cuộc khai-thác thuộc-địa. Cho nên tất cả mọi biến-chuyển chính trị hay kinh-tế đều kéo theo một cuộc biến-đổi về nội-trị. Phương-pháp tốt nhất để hoàn-thành nhiệm vụ bình định bằng những phương tiện quá ư hạn chế ở thuộc-địa là phương-pháp phối-hợp : quân-sự và chính-trị. Galliéni nói : « …Chúng ta phải nhớ rằng, trong mọi « cuộc chiến-tranh thuộc-địa » đều có mang những mầm mống làm cho « dân bản-xứ » nổi dậy… cho nên chúng ta cần phải phá-hoại. Đó là một điều bất-hạnh, vì thế, chúng ta chỉ được phá-hoại để sẽ kiến-thiết lại tốt đẹp hơn. Chúng ta phải luôn luôn gượng nhẹ đối với dân bản-xứ và « đất đai » của họ, bởi lẽ chúng ta xây-dựng cơ-đồ trên đất ấy và « dân » ấy sẽ là những người cộng-sự chính-thức để xây dựng tốt-đẹp… Công-tác phối-hợp chính-trị và quân sự phải mang lại thái-bình. Đó là vấn-đề đầu tiên chúng ta đem tới cho họ ». 2) Công-tác chính-trị của Pháp Galliéni đã liệt công-tác chính-trị vào hàng quan-trọng nhất trong mọi ngành tổ-chức bình-định xứ-sở. Trọng tâm của công-tác này là tìm hiểu địa-phương và dân chúng. Miền trung-châu và thượng-du Bắc-Việt có nhiều dân-tộc thiểu-số, phong-tục tập-quán và nguyện-vọng khác nhau, Pháp đã thận-trọng nghiên-cứu từng thành phần dân-tộc để đặt kế-hoạch bình-định và tổ-chức cai-trị cho từng địa phương. Trong bất cứ một khối dân-tộc nào, hay một nhóm người nào, ngay cả trong một gia-đình cũng có những quyền-lợi và tư-tưởng phù-hợp và mâu-thuẫn. Nếu có những phong-tục tập-quán phải duy-trì tôn-trọng thì cũng có những quan-niệm dị-đồng, những lý-do đối lập trở thành hiềm-khích. Pháp đã triệt-để lợi-dụng khai-thác gây mâu thuẫn giữa dân tộc nầy với dân-tộc khác, nâng-đỡ nhóm này để tiêu-diệt nhóm kia. Nhờ có một khối óc khoa-học, điều tra và nghiên-cứu, Pháp nhận thấy rõ-rệt xu-hướng của từng lớp dân chúng thời bấy giờ. Galliéni kết luận : « Việc tìm hiểu nguyên nhân của từng phong trào phiến loạn cũng rất cần thiết. Thường thường, dân bản xứ ác cảm với chúng ta vì một lẽ rất tự nhiên là họ không thích làm tôi tớ người Âu. Những phần tử đó đã bị một vài cá nhân vì quyền lợi riêng hay vì tham vọng mua chuộc lôi kéo (?) Bí quyết của công cuộc bình định là làm sao tiêu diệt bọn đầu lãnh và trấn tĩnh bọn a tòng, lầm lẫn bằng mọi thủ đoạn, hoặc doạ nạt, hoặc vu khống ». Tóm lại, mọi hoạt động chính-trị của Pháp đều nhắm tới một mục đích duy nhất : đưa dân Việt Nam lên một cái sàng để lọc sẩy, phân biệt, khai thác những phần tử đắc dụng, cô lập hay tiêu diệt những người vô ích cho công cuộc cai trị. Những phần tử được Pháp chú ý hơn cả, theo lời Galliéni là khối cần lao. Từng lớp này dễ bị dụ dỗ và lầm lẫn nhưng quyền lợi lại rất gắn bó với Nhà nước Bảo hộ (?) Đối với các giai tầng khác, chính sách của Galliéni cũng rất rõ rệt : - Những phần tử nguy hại, mệnh danh là « trùm phiến loạn », Galliéni ra lệnh cho các thuộc viên phải tìm mọi cách cô lập và phá hoại uy thế của họ bằng đủ mọi phương tiện, chính-trị, quân sự, v.v… một cách liên tục cho đến phải đầu hàng hay tiêu diệt. - Những thành phần bị liệt vào loại nghi ngờ là quan lại bản xứ và các người có chức sắc của Triều đình. Đối với các quan lại bản xứ, cần phải kiểm soát chặt chẽ về mọi hành vi, hoạt động do lòng tham lam hoặc do một tư-tưởng chính nào thúc giục. Galliéni cho rằng sự có mặt của bọn người này trong bộ máy cai trị của Nhà nước Bảo hộ sẽ gây nhiều phiền phức nhưng vẫn bó buộc phải duy trì vì hai lẽ : - Dân bản xứ quen trực tiếp với người đồng chủng. - Đứng sau tấm bình phong đượm mầu bản xứ, Pháp dễ điều khiển hơn là ra mặt trực tiếp. Kinh nghiệm đã cho thấy chỉ cần thận trọng một chút trong sự tuyển lựa và khéo kích thích lòng tự ái hay lòng tham của họ là có thể biến họ trở thành những người cộng sự trung thành, không có gì đáng ngại. Đối với những người có chức sắc của Triều đình trước đây mà sự có mặt của Pháp ngày nay làm cho phá sản, đều bị gán là những phần tử có ít nhiều tư tưởng chính-trị. Sự quy phục bề ngoài không đủ che đậy những bất mãn trong lòng. Hễ có dịp, những sự uất ức này sẽ biểu lộ ngay ra thái độ và hành động. Đối với loại chức sắc, Galliéni quả quyết chỉ cần một bộ máy mật thám mạnh mẽ và một chút nghị lực khôn ngoan cũng đủ làm cho tê liệt. Xem như trên, chúng ta thấy rõ hai vấn đề nổi bật trong các hoạt động của Pháp : - Điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng từng vấn đề, từng địa phương, các thành phần dân tộc, nhứt là những phong tục, tập quán, những mâu thuẫn về quyền lợi và tư tưởng. - Ấn định được một chính sách chính-trị cụ thể đối với từng loại, căn cứ vào sự phân tích nói trên. Đồng thời chúng ta cũng nên thừa nhận một sự kiện lịch sử thời bấy giờ. Qua bao nhiêu năm loạn lạc, chinh chiến, đói khổ, lòng dân đi từ chỗ ghét cá nhân đến không ưa chế độ phong kiến. Tư tưởng « trung quân » phải chăng chỉ còn trong thiểu số những người được hưởng bổng lộc triều đình và một số văn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho học : « Hay tám vạn, nghìn tư kệ, vô quân thần, phu tử chẳng ra người ». Đám dân cần lao, nói chung là nông dân, sống cay cực dưới ách vua chúa, quan lại hà khắc. Giặc cướp nổi lên tứ tung. Trật tự và an ninh xã hội bị xáo lộn… đến mức đòi hỏi phải có một cuộc cách-mạng xã-hội, một sự thay đổi hoàn toàn bộ máy cai trị, một chế độ kinh tế mới mẻ hơn. Trong bánh xe lịch sử thế-giới, một số các quốc-gia thời bấy giờ đã tiến hành những cuộc cách mạng và tiêu-biểu nhất là cuộc cách-mạng ở Pháp năm 1789, nơi mà chế-độ phong-kiến bị lật đổ hoàn-toàn. Ở Nhật, cuộc các-mạng Duy-Tân ra đời, thế lực của nhà vua bị hạn chế bởi một quy chế mới : Quân-chủ lập-hiến. Người Pháp đã đến đúng lúc chế-độ phong-kiến Việt Nam đang thời suy sụp. Họ lợi-dụng triệt để lòng ham muốn được sống dễ chịu hơn của dân ta để thực hiện âm-mưu xâm-chiếm thuộc-địa. Lẽ tất nhiên cũng còn nhiều yếu-tố này, khác, hoặc thuận lợi hoặc cản trở công cuộc bình-định của Pháp, song về căn bản họ đã thành-công nhất thời trong việc « chia để trị ». Đó là ảnh hưởng của sự bất-đồng tư-tưởng và quyền-lợi của xã-hội Việt-Nam thời bấy giờ. 3) Hoạt-động quân-sự của Pháp Nguyên-tắc tuyệt-đối của mọi hoạt-động quân-sự của Pháp đều nhằm vào mục-đích duy nhất : Chiếm cứ toàn bộ đất đai đã đoạt được. Như thế có nghĩa là Pháp không dung thứ một lực-lượng chống đối nào cả. Mọi lực-lượng hay tổ chức cứu quốc của Việt-Nam đều bị đặt trong mục-tiêu quân-sự của Pháp. Nói chung, các công-tác quân-sự của Pháp bao gồm hai hình-thức : Lâu dài và Chớp nhoáng. Trong hai hình-thức nói trên, Pháp áp-dụng lối Lâu-dài nhiều hơn hết mà Galliéni đã mệnh danh là hình-thức thiêng-liêng và mầu nhiệm. Việc thực hiện hình-thức Lâu dài được chia ra từng giai đoạn hẳn hoi và theo dõi từng bước : Khởi sự là công cuộc đặt những cứ điểm thường trực trong vùng chiếm cứ, nhằm những trung-tâm chính-trị, quân-sự hay kinh-tế, nhất là những trục giao-thông hay những vùng tiếp-tế của nghĩa-quân. Tiếp theo là những cuộc hành-binh càn quét liên tục bằng những đơn-vị chính quy nhỏ hoặc bằng những « lực-lượng dân-chúng quy nhuận » có võ-trang do quân Pháp tiếp-tế và phụ lực. Phương-pháp của những cuộc hành-binh này là lấy cứ điểm địa-phương làm bàn đạp. Phạm-vi hoạt-động mở rộng tới đâu thì cứ điểm thường-trực nhích theo tới đó, cứ thế mà bành-trướng khu an-toàn ra mãi. Phương-pháp này còn được kích-thích bằng những thủ-đoạn treo giải thưởng về cướp vũ-khí hay lấy đầu nghĩa-quân. Đó là tất cả nội-dung chiến-thuật Vết dầu loang của Galliéni. Đối với một đạo quân xâm-lược trên đất địch thì hậu phương có an-toàn, tiền phương mới có đà tiến lên được. Các sỹ quan Pháp đều nhận được mệnh-lệnh phải tiếp-xúc với dân-chúng, tìm hiểu những kẻ lạ mặt, lợi dụng những kẻ quy thuận rồi vạch ra một mục tiêu hành binh mới. Galliéni cho rằng đó là một phương pháp ít gây tổn thất cho địa phương về mọi mặt, thu phục được nhân tâm và làm cho ảnh hưởng của Pháp bắt rễ dần dần trên khắp dải đất Việt Nam. Vì chú trọng đến ảnh hưởng chính-trị, Pháp rất thận trọng trong sự lựa chọn địa bàn quân sự và cán bộ chỉ huy địa phương. Nhiệm vụ đòi hỏi ở những sỹ quan này nhiều đức tính như trí thông minh, tháo vát, hoạt động, thận trọng, táo bạo, điềm tĩnh và sáng suốt. Pháp rất sợ những thất bại quân sự có thể làm tan vỡ hay sứt mẻ thanh thế của mình, làm lợi khí cho nghĩa quân khai thác. Công tác chính-trị và hành chính đi liền với các hoạt động quân sự. Khi đã bình định xong một vùng, Pháp lập ngay một cơ quan cai trị. Lúc đầu, các cơ quan này được các đơn vị quân sự chính quy bảo vệ. Chừng nào xét ra không cần thiết nữa, Pháp mới trao lại nhiệm vụ ấy cho lính bản xứ (khố xanh, lính tập…) hoặc cho các tổ chức dân chúng có vũ trang. Riêng vấn đề vũ trang cho các dân tộc thiểu số vùng thượng du Bắc-Việt để chống lại thổ phỉ và nghĩa quân Cần Vương, Galliéni đã phải tốn bao giấy mực mới thuyết phục được viên Toàn quyền và Bộ trưởng Thuộc địa Pháp. Galliéni dám thực hiện kế hoạc táo báo này nhờ đã nắm vững sự bất mãn của dân chúng đối với nghĩa quân đã dung túng và liên kết với một vài nhóm giặc cỏ Lương Tam Kỳ, Lục-A-Sung, Lưu-Vĩnh-Phúc, v.v… tàn phá, nhũng nhiễu suốt vùng thượng du Bắc-Việt, mà chúng tôi sẽ nói rõ ở các đoạn sau. Trong công cuộc chiến đấu, người ta cần liên kết và tập họp được mọi lực lượng để tăng cường sức mạnh cho mình và cô-lập địch nhưng không phải vì thế mà liên-kết bừa-bãi, không điều-kiện, dong túng cho những tàn-tích thổ phỉ cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng. Hình thức Chớp-nhoáng là một hình thức đặc-biệt chỉ áp dụng cho những mục-tiêu quân-sự rõ-rệt và chọn-lọc. Lực lượng hoàn-toàn dựa vào những đơn-vị quân-sự chính-quy và phương-pháp mang tính-chất quân-sự thuần-túy. Mục đích chiến-đấu phải được quy-định rõ-ràng và thời-hạn hành-binh không bao giờ quá ba tháng, trừ trường-hợp đặc biệt phải kéo dài không kể. Sở dĩ cần ấn-định thời-hạn tối đa kể trên là để tránh cho quân-đội khỏi mỏi-mệt, rã-rời, có thể dẫn tới tan vỡ từng bộ phận hay toàn-thể. Cơ-cấu-tổ-chức những đơn-vị tham-chiến cũng tùy theo mục-đích và hoàn-cảnh mà thay đổi. Thông thường thì toàn-bộ gồm có một đơn-vị chủ lực lính Pháp, phụ lực bởi những đạo-binh bản xứ và cũng có thể thêm vài toán dân binh địa-phương dùng làm hướng-đạo hay càn quét. Galliéni mệnh-danh cho hình thức này là hình thức « Tuyệt-đối đặc-biệt », chỉ được sử dụng trước một đội binh đối phương hùng-hậu và nguy-hiểm, có những điểm tựa vững chắc, có tổ-chức thành trận địa hẳn hoi trong rừng hoặc trong một vùng hay trung-tâm chiến-lược, ảnh-hưởng trực-tiếp đến công cuộc trị-an và lôi kéo dân chúng về quy thuận. Tóm lại, công tác chính-trị và quân-sự là hai nhiệm-vụ chánh-yếu trong thời kỳ khởi sự chiếm đóng và chinh phạt. Sự thành công của hai công tác phối-hợp này có một giá-trị quyết-định lớn lao đến chương trình tổ chức cai-trị và mở màn cho một công-tác mới vô cùng quan-trọng : công-tác Kinh-tế và Xã-hội. 4) Công tác kinh-tế và vấn-đề tổ-chức cai-trị của Pháp Hai vấn đề này xen làm một và cùng nhắm một mục đích chung : thỏa mãn nhu cầu dân sinh và tạo điều kiện thích ứng cho sự mở mang khai thác tài nguyên và nhân lực trong xứ. Công cuộc mở mang kinh tế để vơ vét và tổ chức cai trị là những việc rất phức tạp và tế nhị. Nói chung, các sĩ quan không thể đảm nhiệm được nên cần phải phối hợp hay nhường hẳn lại địa phương cho một tổ chức cai trị dân sự đảm nhiệm. Song ở đây có một điểm lạ là một kế-hoạch kinh tế và tổ chức cai trị trong vùng trung-châu – thượng du Bắc-Việt lại do chính Galliéni, một viên võ quan vạch ra từ những nguyên-tắc căn-bản đến chi-tiết của từng vấn đề. Trước Galliéni, quân Pháp hoặc đã thất bại hoặc vấp phải nhiều trở lực trầm-trọng trong công cuộc bình-định, đánh dẹp nghĩa-quân Cần-Vương ở suốt dọc biên-thùy Hoa – Việt. Từ 1892 trở đi, Galliéni đã biết lật ngược lại tình thế, Galliéni đã biết nghiên cứu tỉ mỉ địa-bàn hoạt-động và tiến đánh nghĩa-quân toàn-diện trên ba mặt : chính-trị, quân sự, kinh-tế. Công-tác kinh-tế của Galliéni hay nói chung là của Pháp có hai hình thức nhưng sự thật chỉ là một vấn-đề : Khai thác thuộc địa. Một mặt, Galliéni lo thỏa-mãn nhu-cầu dân-sinh như mở chợ, cấp phát ruộng đất cho những tay sai bản xứ, khuyến khích tiểu công-nghệ, tiểu thương-mại, khai hoang. Mục đích công-tác này bề ngoài có vẻ nâng cao mực sống của dân-chúng, làm nẩy nở những nhu-cầu mới lạ về dân-sinh nhưng thực chất lại khác hẳn. Nó chỉ dọn đường, tạo điều kiện cho hàng-hóa Pháp tràn vào thị trường trong xứ, gây một tâm lý chuộng lạ, làm tê liệt nền sản xuất bản xứ còn trong thời kỳ phôi thai. Ảnh hưởng khốc hại này đến nay vẫn còn tồn tại nặng nề trên đất nước. Nhưng nếu khách quan mà nhận xét, trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chính sách kinh tế của Pháp lại là tiến bộ so với nền kinh tế phong kiến, đè nặng trên vai dân chúng hằng mấy thế kỷ. Nguyên nhân của những cuộc cách mạng lật đổ ngai vàng vua chúa ở những nước Âu châu cũng chỉ vì chế độ phong kiến đã trở thành lạc hậu, thoái trào, không thích hợp với đà tiến và hoàn cảnh mới. Xâm lược Việt Nam, Pháp đã làm lung lay đến tận nền tảng chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Vì chiếm cứ thuộc địa, mọi hoạt động của Pháp chỉ là thay thế một cơ cấu chính-trị tàn bạo này bằng một tổ chức chính-trị khác khoa học hơn nhưng cũng thâm độc hơn. Do tính chất tương đồng nên sau khi bình định, kẻ chiến thắng quay lại ve vuốt kẻ thất bại, thực dân Pháp lợi dụng ngay những tàn tích của hệ thống cũ. Và toàn thể dân Việt lại chìm đắm dưới hai tầng áp bức của thực dân và phong kiến. Vấn đề tổ chức cai trị của Pháp cũng dựa trên sự điều tra, nghiên cứu tình hình và tâm lý địa phương mà thay đổi. Đặc biệt tại Bắc-Việt, nghĩa quân và dư đảng Cần-Vương hoạt động rất mạnh mẽ nên Pháp chỉ dám đặt tên cho tổ chức cai trị của mình bằng một danh từ khá bùi tai : « Nhà nước Bảo hộ ». Ở vùng thượng du, vấn đề ranh giới Việt – Hoa còn nhiều chỗ lẫn lộn và địa thế hiểm yếu có lợi cho sự hoạt động và bánh trướng của nghĩa quân, thêm vào đó sự nhũng nhiễu của thổ phỉ, Pháp không dám trao nhiệm vụ cai trị cho tổ chức dân sự. Sau mấy lần thất-bại liên-tiếp về việc bình-định và tổ chức cai-trị ở thượng-du do sự mâu thuẫn giữa cơ quan dân-sự và quân-sự gây nên, Lanessan đã có sáng-kiến hơn mấy viên toàn-quyền trước là đặt vùng biên-giới thường trực dưới một cơ-quan cai-trị quân-sự. Do đó, tổ-chức « đạo quan binh » (territoire militaire) ra đời và Galliéni được phái sang Việt-Nam năm 1892 phụ-trách đạo quan binh thứ hai, tức là vùng Lạng-Sơn, Cao-Bằng, Bắc-Kạn, một vùng bất-an nhất thời bấy giờ. Nội-dung cuốn sách này chỉ bàn đến những hoạt-động của nghĩa-quân và chánh sách bình-định của Pháp nên ở đây chúng tôi chỉ nói về tổ-chức cai-trị của các « đạo quan binh ». Trong một « đạo quan binh », đơn-vị cai-trị căn-bản là khu (Secteur). Viên sỹ-quan cai-trị « đạo quan binh » có nhiệm-vụ quân-sự gần như tuyệt-đối : phải trực-tiếp lo đánh dẹp khắp nơi trong địa-phương của mình và xây đồn đắp lũy bảo-vệ các khu cai-trị. Sự đặt suốt dải biên-thùy Việt-Hoa dưới quyền những tổ-chức quân-sự làm ảnh-hưởng trực-tiếp đến phong-trào khởi nghĩa ở trong nước. Nghĩa-quân gần như bị bao vây, cắt đứt mất những đường liên-lạc sang Trung-Quốc. Những đồn ải của Pháp mọc lên nhan nhản như những vết dầu loang mỗi ngày một lan tràn ảnh-hưởng ra khắp châu, quận, làng mạc, từ biên-thùy đến nội-địa khiến cho địa-bàn hoạt-động của nghĩa-quân ngày một bị bó hẹp và lùi xuống trung-châu Bắc-Việt. Tất cả kế-hoạch bình-định của Pháp dựa trên ba công tác nói trên, phối-hợp và liên-quan trực-tiếp với nhau thành ba ưu-thế tuyệt-đối để đàn áp phong-trào chỉ có hai yếu-tố để cầm cự : - Chánh-nghĩa cứu quốc - Địa-thế hiểm-trở. Trong hai yếu-tố nói trên thì chánh-nghĩa cứu-quốc một phần đã bị Pháp xuyên-tạc và một phần bị thổ-phỉ lợi-dụng. Địa-thế lại không phải là một trở-lực không thể vượt qua đối với một đội quân có vũ-khí tối-tân và có tổ-chức hẳn hoi. Cái thất-bại của phong-trào Yên-Thế cũng như toàn-thể phong-trào Cần-Vương nói chung như đã có tiền-định bởi trào-lưu song cũng phải có những nguyên-nhân thúc đẩy. Nguyên-nhân đã một phần nào rõ-rệt và sau đây là những biến-diễn của từng giai-đoạn lịch-sử. Những dòng sử đau đớn nhất trên trang sử 1862-1943 từ khởi sự cuộc xâm lăng đất nước : từ tiếng súng đầu tiên bắn lên cửa bể Đà Nẵng… đến ba cuộc hành-quân táo-bạo… chấm dứt một phong-trào « phò vua cứu nước »… 5) Từ khởi cuộc đặt con đường xe lửa Hà-Nội – Lạng-Sơn đến trận đánh Lũng-Lạt (1888-1894) Mặc dầu Pháp đã chiếm-đóng hoàn-toàn vùng đồng bằng và trung-châu, nghĩa-quân Cần-Vương vẫn hoạt-động ráo-riết ở miền thượng trung-châu và suốt miền thượng-du Bắc-Việt. Việc tiếp-tế giữa hai miền đồng bằng và thượng du của quân Pháp từ Hải-Phòng lên Phủ-Lạng Thương (Bắc Giang) bằng con sông Thương và từ Phủ-Lạng-Thương lên Lạng-Sơn, Cao-Bằng bằng đường quốc-lộ số 4 gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt-hại vật-chất. Nghĩa quân hoạt-động dọc quốc-lộ từ Suối-Ghềnh, Làng-Nác, Mẫu-Sơn ở phía Đông và suốt dải núi Cai Kinh ở phía Tây làm tê-liệt mạch máu giao-thông chiến lược này. Năm 1888, chính-phủ Pháp khởi công đặt một con đường sắt từ Hà-Nội lên Lạng-Sơn để tăng cường tiếp-viện cho các đạo-binh ở biên-giới. Một điều quan-trọng nên nhớ là từ những phái-đoàn công-giáo sang Việt-Nam thuyết-giáo từ thế-kỷ thứ XVI, XVII và XVIII trở đi, đến 1885, chính-phủ Pháp mới thực sự chú-trọng đặt vấn-đề chiếm hẳn Việt-Nam làm thuộc-quốc. Kỷ-nguyên ấy mở đầu bằng việc cắt cử Paul Bert sang làm toàn-quyền và từ 1885 đến 1888 Pháp vẫn không sao làm chủ được tình thế ở miền Bắc-Việt-Nam. Việc đặt con đường xe lửa Hà-Nội – Lạng-Sơn (1888) có một ý-nghĩa quân-sự tuyệt-đối hơn là nhắm mục-đích kinh tế, giao-thông. Phải mất 7 năm ròng rã Pháp mới thực-hiện được chương-trình này. Có lẽ cũng nhận thấy tầm quan-trọng chiến-lược của con đường xe lửa nói trên mà nghĩa-quân đã tập-trung mũi nhọn vào Phủ-Lạng-Thương và Lạng-Sơn gây cho Pháp nhiều thiệt hại về nhân-lực và vật liệu. Năm 1891, viên Toàn quyền Lanessan quyết định càn quét hết những tổ-chức kháng chiến còn lại nên chia miền thượng-du Bắc-Việt ra làm bốn « Đạo quan binh » là Mon Cay, Đông-Triều, Lạng-Sơn, Cao-Bằng và Lao-Kay. Đồng thời, Pháp cũng phái sang Việt-Nam một danh tướng đã từng đánh đắm cuộc kháng chiến anh-dũng của nghĩa-quân Soudan trong bể máu và nước mắt… đại-tá Galliéni. Tháng Chạp năm 1893, Galliéni được phái lên chỉ-huy đạo quan binh thứ hai ở Lạng-Sơn với nhiệm-vụ bình-định hai khu Lạng-Sơn – Cao-Bằng và bảo-vệ con đường xe lửa Hà-Nội – Lạng-Sơn. Đạo binh thứ hai chạy dọc theo biên thùy Việt-Nam và Quảng-Tây, có những pháo lũy Lạng-Sơn, Đồng-Đăng, Nà Chầm, Thất Khê và Cao-Bằng. Dân chúng địa phương toàn là dân tộc thiểu-số : Thổ, Mán, Nùng, v.v… Nhờ ở hoàn-cảnh địa-dư hiểm yếu và dân-chúng địa phương lạc hậu, tổ chức xã hội còn sơ sài, mượn danh nghĩa giúp đỡ nghĩa-quân Cần-Vương, bọn cướp hoặc ở địa phương hoặc ở Trung-Hoa tràn sang đã tha hồ tung-hoành ngang dọc khắp nơi, coi mạng người như ngóe. Nghĩa quân mải miết đánh phá từ Làng-Nác đến Suối Ghềnh theo dọc đường xe lửa, đành làm lơ trước những hành-động tai hại của bọn này. Nguy hiểm hơn nữa là viên chỉ-huy nghĩa-quân khu căn cứ Cai-Kinh ở Lũng-Lạt (Lạng-Sơn) lại còn chứa chấp cả thổ-phỉ ở ngay tổng-hành-dinh làm cho dân-chúng oán ghét, hiểu sai-lạc cả chủ-trương phò vua giúp nước. Galliéni đã nắm ngay tình-trạng sơ hở ấy mà khoét một lổ hổng lớn lao giữa lòng dân và quân kháng-chiến. Nhân một vụ ba kiều-dân Pháp là Roty, Bouyer và Humbert Droz bị nghĩa-quân bắt cóc đòi tiền chuộc, một số bị giết chết làm đình trệ hẳn việc đặt con đường xe lửa thiết-yếu, Galliéni quyết-định mở một cuộc hành-quân vào Lũng-Lạt. Tuy không có một hệ-thống tổ-chức chặt-chẽ với nhau, nhưng Lũng-Lạt và Yên-Thế là hai điểm tựa nhau rất can hệ. Mất Lũng-Lạt thì Yên-Thế cũng ví như người mặc áo rét để hở lưng, tránh sao khỏi lạnh. Lũng-Lạt có ước chừng 1.300 tay súng, đáng kể là một lực-lượng to tát của nghĩa-quân. Galliéni tổ-chức ba đạo quân tinh-nhuệ ném vào trận đánh. Chiếm được Lũng-Lạt tức là làm chủ được cả vùng núi Cai-Kinh và bảo-vệ được đoạn chót của con đường xe lửa. Để đề-phòng mọi bất-trắc ở cánh trái, Galliéni đã huy động cả một đội lính cơ của viên Tri-huyện Lục-Nam để càn quét vùng Bảo Dài. Được rảnh tay ở mặt này, Galliéni tập-trung hết binh-lực vào chiến-trường chính. Mồng 6 tháng 12 năm ấy, Galliéni đến Phủ-Lạng Thương, phái Thiếu-tá Barre đi do thám tình-hình. Nghĩa-quân bị uy-hiếp ở Len-Đai rút về tập-trung ở Lũng-Lạt, mang theo cả ba Pháp-kiều bị bắt cóc. Sự biến-chế phòng-thủ chia ra làm bốn đội chiến-binh, mỗi đội 200 tay súng và một đơn-vị chỉ-huy gồm 40 người ở Tổng-hành dinh. Hai chi-đội, mỗi chi 100 tay súng án-ngữ hai ngả chính đi vào Lũng-Lạt phía Phố Bình-Gia và Hung Liên. Một tiểu-đội canh gác ở gần Bắc-Sơn, nơi có dân chúng qua lại. Một phần quân canh nữa được phái lên quan sát ở những ngọn núi cao trông ra khắp vùng. Khu trung tâm Lũng-Lạt chia làm 4 góc sát thành núi, mỗi góc có một đội chiến-binh chống giữ. Trận địa dài chừng 4.200 thước và rộng chừng 600 thước là vùng núi rừng hiểm-trở, một vùng kinh-khủng cho những đoàn vận-tải và xe lửa Pháp từ trung-châu lên thượng-du Bắc-Việt. Ngày mùng 8 tháng Chạp năm 1893, Đại-úy Delaunay và một trung-đội lính Pháp tiến vào Trấn-Yên, bị nghĩa-quân phục-kích, Delaunay chết tại trận với ba lính Pháp, một số lớn bị thương phải bỏ chạy. Thiếu-tá Barre sau khi chiếm được Len-Đai, phân binh làm ba đạo tiến vào ba đường Trấn-Yên, Hung-Len và Bản Lộ. Lợi-dụng tình-trạng phân-hóa của ba đạo quan này, chưa kịp tập-trung ở mục tiêu đã định, nghĩa-quân đánh thốc vào cánh quân của Đại-úy Brodiez ở Trấn-Yên. Bị bao vây mất đường tiếp-tế, Brodiez phải rút khỏi Trấn-Yên. Hết lương thực và gần hết cả đạn, đêm 13 rạng ngày 14 tháng Chạp, Brodiez cố chết tháo chạy về Trí-Lệ, bỏ cả quân-cụ và quân-trang ở mặt trận. Sau trận này Galliéni phải triệu Thiếu-tá Barre về và phái Trung-tá Chapelet lên Hung-Len cầm quân thay Barre. Tất cả nỗi lo lắng của Galliéni đổ dồn về mặt tiếp-tế vì mở cuộc hành-quân đi sâu vào rừng núi không phải là chuyện có thể tiếp-tế được dễ-dàng. Trên những vách núi cheo-leo, sự chuyển-vận chỉ có thể thực-hiện được ở… trên lưng người. Vấn-đề bắt phu lại vấp phải sự phản-đối của viên cai-trị dân-sự địa-phương… sợ dân-chúng bất-mãn. Kho tàng tập trung ở những địa-điểm sát mặt trận lại làm bằng lá rất khó giữ được an-toàn. Nghĩa quân nắm được yếu-điểm này và đêm mồng 10 tháng Chạp mở một trận đột kích đốt cháy kho quân-nhu lương thực Than-Moi, làm cho kế-hoạch đánh Lũng-Lạt của Galliéni phải hoãn lại một tháng. Sau mấy phen phản-đối cơ-quan cai-trị dân-sự và thượng-tố lên thượng-cấp cũng không giải-quyết được vấn- đề, Galliéni phát cáo dọa từ-chức… bỏ mặc kế-hoặc bình định cho cơ-quan cai-trị dân-sự địa-phương. Tháng Giêng năm 1894, Galliéni mới được « sở-ý như cầu » trực-tiếp bắt phu tiếp-tế xây-cất nhà kho, v.v… Ba đạo quân có ba đoàn tiếp-tế riêng đi theo. Đạo thứ nhứt do Thiếu-tá Famin trông coi, đạo thứ hai do Trung-tá Chapelet, và đạo thứ ba Galliéni trực-tiếp chỉ-huy lấy. Cả ba đạo đều được biên chế phù hợp với trận địa ở núi rừng và trang bị mạnh như nhau. 8 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng năm 1894, Galliéni hạ lệnh xuất-quân, phân binh tiến bằng ba đường vào Lũng Lạt. Quân Pháp định giữ hết sức bí-mật, ngày giờ tiến quân và hướng xuất-phát để tranh-thủ lấy yếu tố « bất ngờ ». Không một cánh quân nào để đồ vật rơi vãi hay dấu tích hành quân trên lối đi, nhưng những đài quan-sát nghĩa quân cũng nhận xét được một phần nào hành-động của Pháp. Nhất là một đơn-vị pháo-binh và kỵ-binh đã bị khám phá bởi nghĩa quân ngay từ khi mới đặt chân vào khu căn cứ. Trước lực-lượng hùng-hậu của địch, các đơn-vị nghĩa quân bố phòng ở tiền đồn phải gấp rút về Lũng-Lạt tổ chức lại trận địa. Quân Pháp chiếm những địa điểm này không phí một viên đạn, vì nghĩa-quân không chú trọng chống giữ ở Trấn-Yên, Mõ Nhài… Trường hợp nguy kịch nghĩa-quân sẽ rút lui khỏi Lũng Lạt bằng con đường phía Tây sang địa phận Lương-Tam-Kỳ. Yên trí với kế hoạch này, Hoàng-Thái-Ngân (chỉ-huy khu Cai-Kinh) ra lệnh cho nghĩa-quân bám chắc lấy vị-trí đánh một trận quyết-liệt rồi mới chịu rút. Không ngờ ! cái không ngờ của quân Pháp sửa-soạn rất công-phu từ phút đầu khởi sự trận đánh lại có thể có một giá-trị tuyệt-đối đến như thế. Đêm 18 rạng ngày 19, Thái-Ngân đã phóng thích ba tên Pháp bị bắt để chúng tìm lấy đường chạy, rồi đặt hết hy vọng vào con đường thông sang Chợ-Mới. Tất cả mọi lực lượng đều quay về phía Bắc-Sơn và Trấn-Yên, không ngờ bị Famin bọc hậu rồi tuốt do ngả phía Tây tiến vào trận địa, bít mất con đường duy-nhất để thoát ra khỏi vòng vây. Hai đạo quân, của Chapelet và Galliéni lại cũng ào tới một lúc, thế là vòng vây đã khép chặt ngay ở trước mặt… Súng bắt đầu nổ từng loạt thưa thớt và rải-rác… Nghĩa quân nấp sau những pháo-lũy ken bằng thân cây và đá, cố cầm cự ở Tràng-Lang và Hưng-Vũ. Vòng vây càng siết chặt, tiếng súng nổ càng rền mau ác liệt… Galliéni không dám xông-xáo sợ chết quân nhiều. Một mặt cho hành binh thăm dò lực-lượng, một mặt hết sức theo dõi vị trí của đạo quân Famin và Chapelet, chờ cho « đâu vào đấy đã » mới ra lệnh xung phong sát phạt… Cuộc mèo săn chuột giữa rừng kéo dài từ sáng cho đến tối, Pháp không dám vào, mà nghĩa quân chỉ mong có thế. Hai mươi ba giờ đêm, sương mù buông xuống dầy đặc, núi rừng trùm trong khói mờ và bóng tối. Nghĩa-quân lợi- dụng ngay tình thế phân tán thành từng tốp nhỏ mạnh ai nấy chạy tán-loạn ra ngoài. Cuộc rút lui thật là hỗn-độn. Tuy không vấp phải sức phong tỏa nào mạnh mẽ của Pháp, nghĩa quân cũng bị thiệt hại khá nhiều bởi những loạt súng vu vơ của quân Pháp bắn chặn đường. Tờ mờ sáng, Galliéni xua quân xông vào Lũng-Lạt chỉ còn thấy một khoảng trống không, nhà cửa vắng ngắt, pháo-lũy đổ nát không một bóng người… Trên các đường thông sang Chợ-Mới, Vũ-Bích, Vũ-Sơn và Vũ-Lệ đâu đâu cũng thấy dấu vết của một cuộc rút lui vô trật tự, xác chết bỏ lại vô số ở dọc đường… Lẽ tất nhiên là Galliéni ra lệnh truy kích mau lẹ, kết quả thật là thảm thương… Các đoàn dân-chúng có võ-trang trong vùng Vũ-Đích, Vũ-Sơn, Vũ-Lệ và Tam-Trì vâng theo lệnh Galliéni và kích-thích bởi lòng oán-giận nghĩa quân chứa chấp thổ-phỉ hợp nhau thành từng toán đông mai phục trên khắp ngả đường hiểm yếu. Vấp phải thành trì bao vây của đám dân này, nghĩa quân bị thiệt-hại vô kể và Hoàng-Thái-Ngân lọt vào vòng vây ở Vũ-Địch bị trúng đạn chết tại trận cùng với một người tâm-phúc. Vài ngày sau, một toán nghĩa quân của Đề-Thám phái từ Trí-Lễ lên tiếp-cứu (không dè Lũng-Lạt bị chiếm đóng), bị đánh chặn bất thình-lình ở Trấn-Yên vỡ chạy tán-loạn trước tầm súng của đội sơn pháo 80 ly thuộc quân-đoàn Chapelet… Khu căn cứ Cai-Kinh tức Đồng-Nai hoàn toàn bị tiêu diệt… Galliéni cho xây một loạt đồn trại pháo đài ở khắp nơi hiểm yếu trên các ngọn núi, trấn át các ngả giao thông và làng mạc đông đúc. Ngày 22 tháng Giêng năm ấy, Galliéni tuyên bố cuộc bình-định đã hoàn thành tốt đẹp ở Cai-Kinh… Trong trận này, cái yếu-tố thành-công của quân Pháp là có dân chúng địa phương làm hậu thuẫn. Phàm trong việc binh thì điều tra địch tình và nuôi quân là hai vấn-đề khó khăn hơn hết. Đạo quân đi đánh xứ người, làm thế nào điều-tra được tình-hình đối phương, lấy được lương thực đối phương nuôi quân mình nếu không có dân chúng địa phương hợp tác ! Nhờ sự chỉ dẫn của dân chúng địa phương Galliéni mới tạo được cái bất ngờ : cho Famin bọc hậu và bít lối thoát sang Chợ-Mới, làm hoang mang tinh thần nghĩa-quân trong vòng vây Lũng-Lạt. Lại cũng nhờ các đoàn vận-tải dân sự ngày đêm chuyển tiếp lương-thực, đạn dược từ Than-Moi tới khắp địa điểm đóng quân, Pháp mới thực hiện được kế-hoạch bao vây Lũng-Lạt. Trái lại, nghĩa-quân không có cơ sở quần-chúng sâu rộng nên đã bị khép vào thế cô lập. Đài quan-sát trên núi cao làm thế nào có thể thấy xa, trông rộng được xuống khắp một vùng rừng rậm um tùm. Nếu có con mắt thần của dân-chúng chăng ở khắp các ngả đường, nghĩa-quân đã không bị tiến đánh « bất ngờ » và bít mất lối thoát. Nếu có bàn tay khổng lồ của dân chúng phá tan kế hoạch tiếp vận của quân Pháp thì Galliéni liệu có dám cất quân tiến vào Lũng-Lạt ? Mất Lũng-Lạt, Yên-Thế bị khép vào một tình thế vô cùng nguy-hiểm, cánh mặt đã hở hoác khiến cho vùng Thượng Yên không còn là một vùng bất-khả xâm-phạm. Số phận Yên-Thế như đã được định đoạt trước rồi… 6) Những mưu toan bạo động trong vòng đai sắt Tháng 4 năm 1894, tình-hình nghĩa quân Yên-Thế bị dồn vào một thế vô cùng bất-lợi. Đề-Thám nhận thấy hoàn cảnh chưa thể ra tay chống đối với quân Pháp nên cầu hòa. Nhờ khéo lợi-dụng vai trò của giáo-sỹ Valesco, Giám-mục địa-phận Bắc-Ninh, và đưa ra đề-nghị đúng lúc tình-hình nội-trị Pháp ở chính-quốc và thuộc-địa có nhiều mâu-thuẫn nên Đề-Thám đã tranh-thủ được nhiều điều-kiện rất tốt cho kế-hoạch « dưỡng sức » chuẩn-bị thời cơ. 3 Việc triệu hồi viên Toàn-quyền Lanessan và bổ-nhiệm Rousseau sang thay (vì một nguyên nhân hết sức nhỏ mọn : cho người phụ thuộc xem một bản tài-liệu mật) kéo dài khá lâu để Đề-Thám bắt bí chánh-phủ Pháp phải chịu những khoản có thể gọi là « lép vế » : - 15.000 đồng tiền chuộc hai kiều-dân Pháp bị bắt cóc trên đường xe lửa Kép là Chesnay và Logion. - Làm chủ đất một vùng ở Yên-Thế gồm 22 làng với 2.600 xuất đinh, ruộng nương trù-phú. Việc tiếp nhận những điều-kiện nghị hòa của Đề-Thám gây một công-phẫn sôi nổi trong hàng ngũ quân-đội Pháp, nhất là các tướng lãnh cao-cấp đã từng trực-tiếp cầm quân đánh dẹp nghĩa-quân. Đề-Thám còn sống tức là cuộc kháng-chiến vẫn còn, Pháp cũng không lạ gì cái gai ấy và nhân cơ-hội được tạm rảnh tay ở trung-châu mở một cuộc « tấn-công không đổ máu » đại quy-mô suốt dọc biên-thùy. Trong khi ấy, Đề Thám cũng không kém phần hoạt-động, ngấm ngầm gây lực-lượng… ở cả trong lòng địch. 7) Kế-hoạch phong tỏa biên thùy và bao vây Yên-Thế của Pháp Sau khi đánh tan nghĩa-quân ở Bảo Đài và Đồng-Nai (Cai Kinh), bằng một cuộc hành-binh vào Lũng-Lạt, Pháp đã hoàn-thành được chương-trình bảo-vệ con đường xe lửa Hanoi – Lạng Sơn. Việc tiếp-vận giữa hai miền đồng bằng và thượng-du qua trung-châu đã giải-quyết được rất nhiều công-tác quan trọng chánh-trị và quân-sự cho Pháp. Dân-cư đến tụ tập làm ăn buôn bán ở dọc đường xe lửa ngày một đông, làm nẩy nở ra nhiều được thị-trấn mới mẻ thịnh-vượng. Ảnh hưởng kinh-tế làm vững thêm thế-lực của Pháp. Nghĩa-quân tuy không ra mặt, nhưng ngấm ngầm phá hoại ảnh-hưởng của Pháp ở khắp nơi bằng cách tuyên truyền, khủng-bố những người quy thuận hay lừng chừng với sự-nghiệp cứu-quốc. Pháp biết, nhưng tảng lờ bỏ qua. Sự thực thì dã-tâm tiêu-diệt hết lực lượng Cần-Vương của Pháp thật là sâu xa độc địa. Galliéni đã đẻ ra chiến thuật Vết dầu loang lại cũng là kẻ thực-hiện chiến thuật này khôn ngoan hơn ai hết. Tháng 3 năm 1894, Galliéni tình nguyện sang Trung Quốc để ngoại-giao giải-quyết hai vấn-đề tối quan-trọng : - Phân định ranh-giới Việt-Hoa. - Phối-hợp tiêu diệt cuộc cách-mạng Cần-Vương. Tuy chính-phủ Pháp đã đặt một người làm lãnh-sự ở Long-Châu là Bons d’Anty, làm đại-diện cho Pháp trong những cuộc thương-thuyết nhưng người này không thể am hiểu tường tận tình-hình rối ren ở biên-thùy bằng Galliéni. Nhờ ở tài ngoại-giao và nhất là nhờ có một thái-độ dễ thu phục lòng người, Galliéni đã làm xiêu lòng được hai võ quan cao-cấp Trung-Hoa ở Long-Châu là : Tô-Công-Báo, Thống-đốc khâm-sai Thanh-triều và Tô-Nguyên-Châu, Đại tướng Tư-lệnh Quảng-Tây. Cuộc thương-thuyết buổi đầu vấp phải một vài khó khăn vì viên quan cai-trị dân-sự là Lưu-Thái, vấn-đề phân ranh giới phải hoãn-lại. Nhưng đến tháng 6 năm ấy, Galliéni lại sang Long-Châu và mọi việc đều được thu xếp ổn-thỏa nhờ sự can-thiệp khôn khéo của Thiếu-tá Famin. Các nhà chức-trách Long-Châu bằng lòng phong-tỏa nghĩa-quân ở nội-địa biên-thùy Quảng-Tây, cùng thẳng tay trừng-trị bọn thổ-phỉ qua lại trong vùng. Ranh-giới Việt-Hoa được phân chia rõ rệt, và Pháp cắt cho Trung-Hoa địa phận Đèo-Luông mặc dầu dân-chúng địa-phương toàn là người thổ. Để được lòng Pháp về mặt tảo trừ thổ-phỉ, Tô-Công-Báo và Tô-Nguyên-Châu chiêu hàng bọn « thổ-phỉ xuất xứ Trung-Quốc » đóng binh ở Việt-Nam và phong cho chức tước này khác. Lục-A-Sung và dư đảng Lưu-Vĩnh-Phúc cũng không mong gì hơn. Vốn vẫn liên-lạc với nghĩa quân và thuộc lầu địa thế Cao-Bằng, Lạng-Sơn, bọn này, sau khi đầu hàng nhà cầm quyền Quảng-Tây đã mật liên lạc với Pháp phá-hoại rất nhiều cơ-sở nghĩa-quân ở ba tỉnh Cao-Bằng, Lạng-Sơn và Bắc-Kạn. Âm mưu khép chặt cửa ải Việt-Hoa của Pháp đã hoàn thành và mọi mưu toan xếp đặt giữa Đề-Thám ở Yên-Thế và Tôn-Thất-Thuyết ở Long-Châu cũng tan ra mây khói. Tháng 4 năm ấy, Galliéni lại thân-hành đi thanh-tra giặc biên-thùy từ Lạng-Sơn lên Cao-Bằng, sang Bắc-Kạn, xuống Chợ-Chu, Thái-Nguyên… nghĩa là vòng quanh Yên-Thế. Nhận thấy những đồn ải biên-thùy dầu xây đấp bằng đá, gỗ và lợp lá, không thể chống cự lại với súng đạn một cách chắn chắn, địa điểm còn thưa thớt, hoặc không đúng vị-trí lợi-hại. Galliéni ra lệnh thay đổi lại hết tình-trạng cũ. Một mặt cho đặt thêm đồn lũy ở sát cửa ải thông sang Trung Quốc như Nam-Quan, Tà-Lùng, Thủy-Khẩu, Bản-Cà, Trùng-Khánh, Trà-Lĩnh, Nà-Giang, Sóc-Trạng, v.v… Một mặt xuất công quỹ xây lại tất cả pháo lũy bằng xi măng trộn đá và gạch. Về mặt chánh-trị, Galliéni hết sức thực-hiện phương châm « người địa-phương cai-trị địa-phương », đề-nghị thuyên chuyển hết quan lại người Kinh về miền xuôi, đặt quan lại Thổ, Mán, Nùng, v.v… lên làm tay chân ở thượng du và trung-châu. Riêng đồng-bào thiểu-số ở thượng-du là Galliéni dám phát cho súng đạn để mua chuộc, xúi giục đánh lại nghĩa quân. Yên-Thế đã lọt vào giữa một màng lưới nguy-hiểm bao bọc bởi một vòng đai sắt, mỗi ngày một siết chặt thêm. 8) Kế-hoạch phá rối hậu-phương, uy-hiếp đô-thị của Đề-Thám Bề ngoài tuy làm ra vẻ quy thuận Pháp, nhưng bề trong Đề-Thám vẫn ngấm ngầm nghĩ cách đánh đuổi quân Pháp ra khỏi lãnh-thổ. Biết rõ Pháp đang tấn-công mình một cách lặng lẽ và chậm chạp, Thám nhận thấy cần phải đánh tan cái uy-thế của Pháp, ngày một lan tràn, bằng những mưu toan táo bạo ở ngay trong lòng địch và tập kích các đô-thị từ nhỏ đến lớn. Muốn thực-hiện được kế-hoạch này, Thám đã đặt hết tâm trí vào hai vấn-đề then chốt : - Củng-cố khu căn cứ địa Yên-Thế, tích-trữ lương-thảo, mộ quân tuyển tướng, mua sắm vũ-khí tối-tân, xây đắp pháo-lũy bí-mật trong rừng sâu và hô hào dân chúng địa phương ủng-hộ phong-trào. - Tổ-chức và phát-triển cơ-sở trong lòng địch, địch vận lính khố đỏ, lính khố xanh, lôi kéo những thành-phần bất mãn, chống Pháp. Cả hai vấn-đề nói trên Thám đều được vợ Ba giúp đỡ rất đắc-lực. Thám nuôi hy-vọng sẽ kéo dài được tình thế giằng co với Pháp. Vừa quy-thuận vừa đánh tỉa và gây được cơ sở nội-ứng ở đâu là Thám « sử dụng » liền. Đêm 23 tháng 3 năm 1895, Thống-Luận chỉ-huy một đoàn nghĩa binh chèo thuyền đánh úp đồn Phả-Lại và đốt phá ra tro tất cả nhà cửa của dân chúng ở quanh đồn để cảnh-cáo những kẻ quy-thuận Pháp. Lửa cháy rực trời, đàn bà trẻ con kêu khóc như ri… xô nhau mà chạy tán loạn như ong vỡ tổ… Đêm 30 tháng 4 năm ấy, Đốc-Thu và 12 nghĩa quân tình-nguyện trá làm lính khố đỏ lỏn vào Bắc-Ninh bắn chết ba viên chức Pháp là : - Moulhoud, nhân-viên thương-chánh. - Verdene, lính sen đầm (Gendarme) - Jean, đội sen đầm. Đêm 15 tháng 9 cũng năm ấy, Lĩnh-Túc kéo quân đến đốt phá làng Phú-Liêm ở gần Phủ Lạng-Thương để cảnh-cáo làng này đã không chịu nộp thóc cho nghĩa-quân. Một số tay sai của Pháp bị cắt cổ chết tại trận… Thanh thế nghĩa-quân do đó lại được vang dội nhưng ảnh hưởng về mặt chính-trị rất ít. Trong lòng dân chúng cảm thấy một niềm sợ sệt hơn là kính-mến. Cái mầm bất phục ấy lan tràn mau chóng ở trung-châu và cũng là nguyên-nhân của cuộc chạy trốn thảm hại của Thám sau này… không làng nào đón rước… Cũng bởi quá « ăn non » nên cơ sở phát-triển được đến đâu thì lại « cụt » luôn ở đó. Pháp không rời mắt theo dõi Thám nên biết ngay những hành-động trên đều do Thám chủ mưu mặc dầu Thám hết sức chối cãi không hề biết đến những « đám giặc cỏ ấy ». Hành-động của Thám làm cho Galliéni hết sức bất mãn với nhà cầm quyền dân-sự không chịu nghe lời đề-nghị của mình, đặt Yên-Thế vào khu-vực quân-sự, tức là đạo quan binh. 9) Thẳng tay đàn áp : Trận đánh Kẻ-Thượng (tháng 4 và 5 năm 1895) Biết rằng cất quân đánh Đề-Thám lúc bấy giờ có hại nhiều hơn là có lợi bởi lẽ chưa thực sự hiểu rõ tình-hình Yên-Thế mạnh yếu như thế nào. Vả lại, bọc hậu Yên-Thế khi căn cứ Kẻ-Thượng còn nguyên vẹn ở phía Tây Bắc rất tốn kém về nhân lực và quân-nhu. Dầu sao Galliéni cũng nhận thấy không thể kéo dài tình trạng duy-trì một « miền quy-thuận » bất trắc như vậy nên phải tính trước là hơn. Giữa hai khu Yên-Thế và Kẻ-Thượng phải diệt một trước và Galliéni đã chọn Kẻ-Thượng làm mục-tiêu tiến quân để triệt hẳn cánh tay trái của Đề-Thám ở phía Nam Bắc-Kạn và Tây Bắc Thượng-Yên. Galliéni mở rộng một gọng kìm lớn lao bằng ba mũi dùi : Từ Lạng-Sơn lên Đồng-Đăng, qua Phố Bình-Gia và châu Na-Rì vào Kẻ-Thượng. Từ Thái-Nguyên thốc lên Vũ-Nhai, Chợ-Mới vào Kẻ Thượng. Galliéni quả quyết rằng Ba-Kỳ ở Kẻ-Thượng đã dong túng tàn quân của Hoàng-Thái-Ngân, và giam giữ ba tên Pháp bị bắt mà Ngân đã thả ra ở Lũng-Lạt là Humbert Duz, Roty và Bonyer. Ngoài ra, những vụ bắn phá bưu-điện Chợ-Mới, giết Hirlet và bắt cóc Sabot ở đó càng làm cho Pháp thấy càng phải phế bỏ tình-trạng quy-thuận của Ba-Kỳ. Sau khi tranh-thủ được sự đồng-ý của chánh-phủ Pháp đặt vùng Kẻ-Thượng vào khu-vực quân-sự thuộc đạo quan binh thứ hai, Galliéni cân nhắc lợi hại một lần nữa rồi quyết định kế-hoạch tấn-công. Hai vấn-đề khó khăn hiện ra trước mắt là : - Chỉ còn một tháng nữa là tới mùa suối ngập lụt không thể hành-binh xuyên sơn được nữa. - Bứt dây lại sợ động rừng, đánh Kẻ-Thượng rất có thể sẽ làm cho các vùng quy-thuận của Đề-Thám và Lương Tam-Kỳ cùng nổi dậy tiếp cứu và như thế mặt trận sẽ lan tràn ra khắp cả vùng Tây-Bắc và Tây-Nam thượng du. Galliéni định dời trận đánh sang mùa thu nhưng lại sợ chánh phủ Pháp chịu bỏ tiền ra chuộc mạng những kẻ bị bắt làm « mất mặt » tướng sĩ Pháp. Thứ hai là sẽ bỏ lỡ một dịp thuận tiện để chiếm đóng suốt dọc Sông-Cầu, thiết lập một đường giao-thông giữa Thái-Nguyên và Phủ-Thông vừa ngắn vừa tiện lại hết sức thuận-lợi cho những cuộc hành binh sau nầy. Do đó, Galliéni nêu ra ba nguyên-tắc căn-bản cho trận tiến công Kẻ-Thượng là : - Trận đánh phải chớp nhoáng và dồn dập. - Phải chuẩn-bị đầy đủ, tránh bị tổn-thất bởi tên đạn và cả bệnh tật. - Chỉ tuyên chiến trong phạm-vi ba tổng thuộc địa phận của Ba-Kỳ mà thôi. Quân Pháp xuất quân ngày 11 tháng 4 và hẹn tập trung ở Kẻ-Thượng vào ngày 24. Lập tức nghĩa quân nổi lên một loạt phối-hợp tác-chiến với Kẻ-Thượng và trong ngoài cùng đánh : suốt miền thượng-du khói lửa mịt mù… gay cấn. Từ ngoại biên-thùy, có tin nghĩa-binh của dư-đảng Cần Vương do ông Tôn-Thất-Thuyết lãnh-đạo sẽ đánh thốc xuống Cao-Bằng ; Từ trong nội-địa, Đề-Thám cũng phái quân lên Chợ-Chu hợp lực với một số quân của Lương-Tam-Kỳ tỏa ra chận đường quân Pháp ; - Ở phía Bắc Phố Bình-Gia sang Kẻ-Thượng. - Ở Lũng Két giữa Cao-Bằng sang Phủ-Thông. - và đẩy lui quân Pháp ở Lũng-Táo và Cốc-Tẻm. Galliéni hốt hoảng chỉ-thị cho Trung-tá Vallière ở Cao Bằng phải đánh chặn tất cả những đoàn quân « ở ngoài vào » để cho cuộc hành-binh ở Kẻ-Thượng có thể tiếp tục được đúng với thời-hạn đã định. Công-dụng của những cứ-điểm nhỏ rải rác khắp nơi dọc biên-thùy đã được dịp thử thách. Một số nhỏ nghĩa quân bị đánh chẹn ngay ở vòng đầu phải rút lui sang mất cả. Thế là Lương-Tam-Kỳ vội rút quân về Chợ-Chu đóng vai « trung lập ». Đề-Thám cũng chỉ còn cách án binh bất động để theo đuổi mục-đích xa của mình ở trung-châu và đô-thị lớn. Kẻ-Thượng bị cô-lập và cũng bị đánh bất ngờ như Lũng Lạt, nghĩa là Galliéni xua quân phá rừng xuyên sơn đổ xuống khu pháo-lũy trung-tâm bằng ba mặt ép lại. Pháo binh Pháp đặt trên núi cao chõ xuống bắn tung hết pháo-lũy này đến lô-cốt khác, lửa bốc cháy rực cả một khu rừng. Lúc ấy, vào khoảng 4 giờ sáng 24 tháng 4 năm 1895, ngày sinh nhật của Galliéni. Nghĩa-quân vừa bắn vừa rút lui thành từng tốp nhỏ : quân Pháp tiến rất chậm và thận-trọng. Tới chừng tiếng kèn xung-phong nổi lên thì nghĩa quân đã rút khỏi vòng vây, để lại trên trận địa 50 xác chết và một lá cờ Cần-Vương Nghĩa Đảng… Những yếu-tố quyết-định thắng bại trong trận này cũng giống hệt trận Lũng-Lạt không hơn, không kém. Lĩnh-Nguyên, bộ hạ của Ba-Kỳ bị tử trận ở Hòa-Mục. Còn lại bao nhiêu đều chạy tản mát mất cả. Sabot được cứu thoát và Pháp rất hài lòng đã không phải bỏ tiền ra chuộc như thường-lệ. Từ một địa điểm đóng quân ở trong rừng, Galliéni tươi cười đọc đi đọc lại một mảnh giấy vừa gửi đến : « Quan Toàn quyền đã say sưa về « bước ngoặt » xảy ra ở Kẻ-Thượng. Ngài cùng chia chung nỗi xúc-động của báo chí và giới công-chức đã chống lại cuộc hành-quân này. Những kết-quả thâu lượm được, đúng như chúng ta dự đoán đã làm cho Ngài vô cùng cảm-động và tin-tưởng ở chúng ta. « Hanoi, ngày 30 tháng 4 năm 1895 Ký tên : Thống-tướng DUCHEMIN » 10) Trận đánh Yên-Thế tháng 10 và 12 năm 1895 Nhờ địa thế lợi hại, Yên-Thế đã oanh liệt đánh lui nhiều cuộc tấn công của Pháp : - Năm 1885, Trung tá Dugenne bị đánh bật ra ở khắp mặt trận, phải bỏ chạy. - Năm 1889, Thiếu tá Dumont và Piquet bị Đội Văn chặn đánh kịch liệt, trước khi chịu hàng. - Năm 1890-91, ba cuộc tấn công liên tiếp của Tướng Godin và Đại tá Frey đều bị thiệt hại nặng nề, Pháp quân thiệt hơn 200 lính chết và bị thương, mới chiếm được đồn Nhã-Nam và Hữu Thuệ. Nhận thấy tiến đánh Đề-Thám theo kiểu cũ không lợi, Pháp buộc lòng nhận cho Thám cầu hòa để rảnh tay chăng một mành lưới chung quanh Yên-Thế bằng một loạt các cứ điểm nhỏ. Sau khi đã đánh bật nghĩa quân ra khỏi Lũng-Lạt và Kẻ Thượng, phá vỡ cái thế chân vạc tam giác của nghĩa quân, Pháp mới dám tính đến chuyện trừ Đề-Thám. Tháng 9 năm 1895, Galliéni đề nghị sát nhập khu Thượng-Yên vào đạo quan binh thứ hai. Đến đây, thiết tưởng cũng cần nêu lên cái mâu thuẫn giữa hai phe quân sự và hành chính trong nội bộ chính quyền Pháp ở Đông Dương. Phe quân sự do Galliéni đề xướng chủ trương đánh toàn lực và tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân. Phe hành chính có viên Toàn quyền Đông Pháp ủng hộ, chủ trương dụ dỗ thuyết phục và tước đoạt khí giới các đơn vị chủ lực tác chiến và các thủ lãnh. Giữa hai phe, tất nhiên phe hành chính có nhiều thế lực hơn nên chủ trương dụ hàng được lấy làm nguyên tắc và mục đích của cuộc hành binh vào Yên-Thế : - Chỉ được tiến đánh khi mọi biện pháp dụ dỗ đã thất bại. - Triệt để đề phòng không được để xảy ra những vụ bắt cóc kiều dân Pháp làm lợi khí cầu hòa, nhất là trên đoạn đường xe lửa Lạng-Sơn, thường có dân chúng người Âu qua lại. Một mặt cho sửa soạn chiến trường và điều động binh mã, một mặt, Galliéni gửi cho Đề-Thám một bức thư nói rõ về việc Chính quyền Pháp cho quân chủ lực lên thay thế lính khố xanh ở Nhã-Nam và Bố-Hạ. Bức thư còn nhấn mạnh đến việc quân Pháp sẽ trực tiếp chặn đứng mọi « hành động cướp bóc » xuất phát tự Yên-Thế. Đề-Thám nhờ đó mà đoán được âm mưu của Gallieni định san bằng khu căn cứ cuối cùng của nghĩa quân. Đề Thám viết thư trả lời đại khái hứa giữ đúng những lời đã cam kết nhưng cũng vẫn lo xây đắp củng cố pháo lũy trong rừng sâu, phái cảm tử quân ra hoạt động phá rối hậu tuyến Pháp và đánh úp các đoàn xe lửa, tìm bắt cóc các kiều dân Pháp làm lợi khí điều đình sau nầy. Ngày 10, 13 và 17 tháng 10, cảm tử quân tập kích một đồn khố xanh và thân binh ở Bắc-Giang. Một số làng đã quy thuận quân Pháp, có vũ trang cũng đánh phá. Đoạn đường xe lửa Phủ-Lạng-Thương lên Bắc Lệ cũng bị đánh úp liên tiếp. Nghĩa quân lúc đó có chừng 300 tay súng cừ khôi. Thanh thế vững chắc lan tràn khắp một vùng phía Nam Thái-Nguyên, Bắc Bắc-Ninh, Đáp-Cầu và Tây Bắc Phủ-Lạng Thương. Dân chúng trong vùng đều đã được tuyên truyền giác ngộ khá sâu rộng về ý thức cứu quốc và bảo vệ khu căn cứ. Suốt trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 10 quân Pháp mở cuộc hành binh thăm dò chung quanh miền Nhã-Nam, Bố-Hạ và đặt trận tuyến. Pháo binh và bộ binh rộn rịp suốt ngày đêm. Một không khí căng thẳng bao trùm trên khắp núi rừng Yên-Thế. Galliéni đưa ra hai điều kiện quy thuận : - Giải tỏa phòng thủ Yên-Thế, - Nộp khí giới. Đề-Thám không thừa nhận hai điều kiện sỉ nhục đầu hàng nói trên nhưng để tranh thủ thời gian chuẩn bị, Thám xin hẹn để được nghỉ-ngơi và yêu cầu quân Pháp hãy rút ra khỏi Hạ-Yên. Galliéni nóng ruột muốn đánh nhưng chưa dám tiến quân, vì còn cần chuẩn-bị sẵn-sàng đối phó với mọi bất thường và chờ những đạn trái phá có sức công phá đặc-biệt mới phát-minh ở Pháp gửi sang, Galliéni đặt tổng hành dinh ở Nhã-Nam, ngày đêm lo lắng về hai vấn đề : - Quân Thám thừa cơ rút khỏi vòng vây. - Thám xuất binh đánh trước. Những toán quân thám thính Galliéni cố len-lỏi điều-tra tình hình bố trí quân-sự của Thám nhưng không sao lượm được kết-quả trong rừng sâu núi thẳm. Viên công sứ Bắc-Giang và Tổng-đốc Lê-Hoan ở Bắc Ninh cũng không tìm được tin-tức của nghĩa-quân ra sao, làm Galliéni càng thêm lo lắng. Ngày 20 tháng 11, Pháp nhận thêm được viện binh đổ bộ trên tầu Biên-Hòa xuống. Galliéni phân binh thành 3 đạo : Đạo thứ nhứt do Thiếu-tá Hoblingue chỉ huy có 4 đội của Bichemin, Domec, Grandmaison, và Mathieu. Đạo thứ hai do Thiếu-tá Rondony phụ trách gồm 4 đội của Tiffau, Abel, Savy và Adeline. Đạo thứ ba dưới quyền Thiếu-tá Roget có 3 đội của Buleux, Berth và Rémond. Mỗi đạo còn được tăng cường thêm những đơn vị pháo binh và công binh trợ chiến. Ngày 21-11-1895, Galliéni gởi cho Đề-Thám một bức thư… nguyên văn như sau : * Tôi lấy làm tiếc mà nhận thấy rằng ông đã không trả lời dứt khoát và rõ-ràng những điều tôi gửi ông. Ngay trong bức thư đầu tiên tôi đã báo ông rõ là tình-thế ở Yên-Thế đã hoàn toàn thay đổi. Đây không phải lúc nói đến quyền sở hữu của ông ở bốn tổng này nữa. Tôi đã nhận được lệnh chiếm đóng khu-vực này. Tôi muốn đề-nghị với ông những phương pháp để ông được Chính-phủ Bảo-hộ tha thứ nhưng tôi muốn ông phải trả lời cho rõ-ràng những câu hỏi của tôi. Trái lại, tôi sẽ coi như ông không muốn, như bao lần ông đã làm, thực tâm quy-thuận và phục tùng mệnh-lệnh Chính-phủ Pháp. - Ta đã nói rõ : ông phải giải tỏa những pháo lũy ở Yên Thế để tôi cho quân tới chiếm đóng. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét tương lai của ông và quân lính thuộc hạ. Ông có thể lập ấp trong một miền khác hoặc tham chính với Chính quyền Bảo hộ, tùy theo những điều kiện mà chúng ta sẽ xét định sau. Ông đã không trả lời. - Ông phải nộp khí giới. Điểm này ông cũng không trả lời. - Tôi cũng nói với ông về chuyện Đốc Thu và Lĩnh Túc. Nếu ông tự tay trừng phạt hai tên ấy, ông sẽ tỏ được lòng trung với Chánh phủ Bảo hộ. Đốc Thu và Lĩnh Túc đã gây cho ông nhiều lầm lẫn và phá hoại mọi vấn đề ở Yên-Thế. Nếu ông không đủ quyền hạn cần thiết để nghiêm trị hai tên nói trên, Chính phủ Pháp sẽ vui lòng tha thứ cho bộ hạ của chúng nhưng không thể nào dung tha cho Đốc Thu và Lĩnh Túc là những kẻ không bao giờ chịu nhận quy hàng. Việc này cũng không được ông trả lời. - Để ông có thể liên lạc với bọn Thống-Luận và Thống Trự, tôi đã cấp giấy thông-hành cho bộ hạ ông đến ngày 22 này là hết hạn. Tôi cố chờ đón hôm đó. Nhưng người của ông không thể bị bắt ở dọc đường vì tôi đã báo đi khắp nơi và cũng đã điện cho các vị công sứ Bắc-Giang và Thái Nguyên ra lệnh cho khắp vùng được biết. Tôi yêu cầu ông trả lời tất cả những ý-kiến của tôi. Trái lại, tôi sẽ cho rằng ông không bao giờ muốn quy-thuận và chấp nhận những khoản của Chính quyền Bảo hộ vì lượng khoan hồng, muốn quên những lỗi lầm ông đã phạm phải và cũng muốn mọi vấn-đề phải được cấp-tốc giải quyết dứt hẳn, lần này ở Yên-Thế. Ký tên : GALLIÉNI * Cũng trong khoảng thời gian từ 20 đến 23, Galliéni ra lệnh cho quân tiền-đạo mở những cuộc hành binh trinh sát vào Yên-Thế. Các đơn-vị ở hậu tuyến ráo riết đào hầm và làm các bao đất trú phòng. Ngày 22, một pháo thuyền đổ bộ lên Bố-Hạ, những đạn trái phá có chất mê-li-nít (mélinite). Ngày 23 và 24, Galliéni vẫn hoài công chờ đợi một bức thư trả lời của Đề-Thám. Ngày 25, Galliéni gởi tiếp cho Đề Thám một bức tối hậu thư, lời lẽ rất khiếm-nhã, như sau : * Thư gửi ông Đề-Thám, ngày 25-11-1895 : Chiếu theo lệnh quan Toàn quyền Đông Pháp và Thống tướng Tổng-Tư-lệnh, tôi gửi tới ông những điều kiện dứt khoát về chuyện quy hàng : - Ông phải chuyển giao lại tất cả những pháo lũy và cứ điểm ở Yên-Thế. - Nộp toàn bộ vũ-khí tại các pháo lũy nói trên. Những thuộc hạ của ông muốn quy thuận, nếu được ông cho biết rõ lý-lịch tốt, đều được xung vào các cơ binh khố xanh hay khố đỏ. - Ông phải trở về sống dưới luật pháp chung và phục tùng Chính quyền Bảo hộ. Việc đầu thú sẽ tiến hành ở Bắc Ninh, trước sự hiện diện của các nhà chức trách Pháp-Việt theo các nghi thức quy định. - Ông sẽ được phép di cư tới huyện Yên-Dũng, làng Bình-Yên để sống với gia đình và khai phá vùng hoang vu ấy. Ông sẽ được cấp phát dụng cụ nông trang cần thiết và được quyền giữ 40 tên quân với điều kiện phải đăng ký, chụp hình, vũ khí phải ghi số kiểm soát. Tôi không nhắc đến chuyện Thống-Luận và Thống Trự nữa vì ông không đủ quyền hạn buộc chúng tuân theo. Hạn ba ngày ông phải trả lời thư này. Đến ngày 28, ông không nhận những điều khoản nói trên, tôi sẽ cắt đứt cuộc thương thuyết và coi ông là một kẻ thù của Chính phủ Bảo hộ. Ký tên : GALLIÉNI * Vì phải tuân theo mệnh lệnh cấp trên, Galliéni đã không tạo được cái bất ngờ cho Đề-Thám trong trận đánh. Xét về mặt quân sự, báo trước cho đối phương thời hạn động binh là một điều thất sách. Galliéni biết vậy nhưng vẫn phải làm. Trong cuốn sổ tay, Galliéni đã ghi rõ sự lo ngại của mình : « Sự bắt buộc phải tuân theo chỉ thị nhận được, báo cho hắn (chỉ Đề-Thám) biết trước thì giờ tấn công, thật là tai hại về mặt quân sự ». Ngày 27, ba đạo quân Hoblingue, Rondony, Roget nhận được lệnh sẵn sàng tiến quân sáng 29. Ngày 28, Galliéni nhận được một lá thư của Đề-Thám đại khái Thám hứa sẽ phái một viên lãnh binh đại diện cùng 30 tay súng tới Tổng hành dinh của Galliéni để điều đình. Trong thư Thám xin được ở lại Phồn-Xương như cũ. Galliéni đã trả lời Đề-Thám vắn tắt như sau : « Tôi không thể thay đổi một điều khoản nào trong thư ngày 25 tháng 11 đã gửi cho ông. Do đó, tôi không thể tiếp viên lãnh binh và bộ hạ ông ở Nhã-Nam. Nếu ông không đích thân đến Nhã-Nam ngày hôm nay, trước khi mặt trời lặn, nộp số vũ-khí mà tôi biết rất rõ số lượng, tôi sẽ coi ông là phản loạn và thù-nghịch. Tôi buộc lòng phải cương-quyết hành-động ». Chiều đó, không thấy Thám trả lời, Galliéni điện lên Bộ Tư lệnh : « …Đề-Thám đã trả lời bức thư của tôi. Hắn hứa phái 30 tay súng và một lãnh binh đến Nhã-Nam. Tôi đã trả lời không tiếp chúng, nếu Thám không đích thân tới. Đề-Thám xin được ở lại Phồn-Xương. Số người và vũ khí đưa ra không đúng sự thực. Mọi biện pháp tuân theo chỉ thị của quan Toàn quyền, đều đã được thi hành. Rất tiếc điều đình không có kết quả. Trận đánh khởi diễn sáng mai ». Trước đó vài giờ, Galliéni đã đánh một bức điện cho Tướng Duchemin : « …Do liên lạc rất khó khăn với các đơn vị đã tiến xa vào rừng, nên quá 5 giờ chiều tối không thể thay đổi mệnh lệnh được nữa ». Tướng Duchemin nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề hơn Galliéni trong việc hành binh chống Đề-Thám nên tức tốc phái Thiếu tá Lyautey đích thân mang chỉ thị đến Nhã Nam cho Galliéni. 8 giờ sáng ngày 29, Galliéni đích thân cầm quân tiến vào Phồn-Xương, Đề-Thám đã rút đi tự bao giờ. Galliéni đặt bản doanh mặt trận ở Phồn-Xương thúc quân vào rừng. Trận đánh chính thức bắt đầu. 11 giờ trưa, tiếng súng nổ ở phía đạo quân Rogat. Đội binh Rémond bị chặn đánh bất thần trước một hào lũy của nghĩa-quân, vỡ chạy tán loạn. Rémond phải hy sinh chạy lên hàng đầu, củng cố tinh thần cho đám quân còn sót lại, đang bò sát dưới mặt đất không sao ngóc đầu lên được nữa. Nhờ có tiếng súng làm định hướng, các đội quân Pháp lần lần tìm ra được hào lũy của nghĩa quân. Các đội trinh sát leo lên các ngọn cây trông chừng cho các khẩu đại bác hoạt-động. Lá cây che khuất, khói súng mù mịt, pháo lũy nghĩa quân như chìm đắm trong một bức màn dày đặc không sao độ được địch. 1 giờ 30, pháo binh Pháp bắt đầu công hạ bằng đạn có chất mê-li-nít. Tiếng kèn « La Casquette » bỗng vang ở phía đạo quân thứ nhứt báo hiệu. Trái phá đã rơi nhầm vào trận tuyến của đội lính này gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Đánh trong rừng rậm, tung quân ra bao vây mục tiêu không nhìn rõ, sự bắn nhầm là một điều không thể tránh được, Galliéni đành ra lệnh « án binh bất động » và cố thủ tại chỗ. Các đội tuần sát được lệnh tiến rất chậm tìm được mục tiêu của địch. Đội quan sát của đơn vị pháo binh và đơn vị lê-dương bị thiệt hại nặng nề hơn cả. Từng loạt súng vô hình ở phía hào lũy trung tâm chốc chốc lại nhả đạn rất trúng vào sau lưng quân Pháp. Đạo quân thứ ba của thiếu-tá Roget còn đương lúng túng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan thì đơn vị Adeline thuộc binh đội thứ hai cũng bị chận đánh kịch liệt. Quân Pháp sa vào giữa tầm hỏa lực của nghĩa quân ở vị trí tiền tuyến Bãi-Mẹt. Hai đơn vị xung phong của Trung úy Muller và Figear lọt trọn vào một khu rừng rậm và bị bao vây tứ phía. Muller và Figear phải cố chết tháo lui. Đại úy Adeline vội ra lệnh cho thân binh trở lại cách hào lũy của nghĩa quân 150 thước. 4 Theo hướng phía súng nổ, Thiếu tá Rondony lần được đến vị trí của Đại úy Adeline. Rondony cho thiết lập lại hệ thống liên lạc giữa các đơn vị. Tuy nhiên, giữa đạo quân thứ hai của Rondony và do quân thứ nhất của Hoblingue, mọi sự thông tin gần như đứt đoạn vì khu rừng quá rậm rạp, không sao len lỏi qua được. Cuối cùng đạo quân thứ nhất cùng tiến được một quãng nhờ sự xông xáo của đơn vị tuần sát do Đại úy Grandmaison chỉ huy. Nhưng Grandmaison vừa tiến đến Dô Khua thì vấp phải sự kháng cự của một pháo lũy nghĩa quân trong một bụi cây dầy đặc. Grandmaison phải rút quân dưới lằn mưa đạn. Tóm lại, trong suốt ngày 29, cả ba đạo quân Pháp chỉ tiến được có 1.500 thước chung quanh một vòng kính 300 thước và cũng tìm chưa ra hào lũy mơ hồ, hư thực ra sao. Đêm dần xuống, núi rừng Yên-Thế chìm trong bầu không khí im lặng, huyền bí, đầy cạm bẫy của con người và tạo vật. Galliéni không dám thúc quân tiến thêm. Kinh nghiệm những trận đánh năm 1891 và 92 đã cho Galliéni một bài học : không thể liều lĩnh với Đề-Thám giữa khung cảnh núi rừng âm u, rậm rạp. Để tránh những tổn thất nặng nề, Bộ Tham mưu của Galliéni làm một bài toán rất thận trọng : - Có thể quyết đoán hào lũy của nghĩa quân đã ở trong vòng vây và chỉ một trận xung phong quyết liệt là giải quyết xong. - Cuộc xung sát sẽ ác liệt và gây nhiều tổn thất. Lệnh của Duchemin do Lyautey mang đến 4 giờ chiều chỉ cho phép Galliéni « buộc đối phương phải rút khỏi vị trí hơn là tiêu diệt toàn bộ lực lượng ». Suy tính lợi hại, Galliéni đánh một bức điện cho Duchemin như sau : « …Trời đã về chiều. Để tránh tổn thất nặng, tôi không muốn tấn công hào lũy đêm nay. Đạo binh thứ hai và thứ ba đã đến sát vị trí địch cùng 8 pháo đài mạnh mẽ sẵn sàng oanh tạc. Tôi dự tính để đạo thứ hai và thứ ba chiếm lĩnh pháo lũy đối phương vào sáng mai. Đạo thứ nhất sẽ chận đường sông Soi không cho địch thoát. Tóm lại, trận chiến khả quan, ta tiến 1.500 thước và dồn địch trong vòng vây bó hẹp. Hiện còn lo địch lợi dụng đêm tối thoát vòng vây. Lyautey đã gặp tôi hồi 4 giờ. Ký tên : GALLIÉNI ». Cũng chiều hôm đó, Galliéni ra lệnh cho các đội binh dự chiến phải sẵn-sàng để tiến công vào sáng sớm hôm sau, bằng cách dọn sạch những chướng ngại thiên nhiên ở trước mặt và tuần canh thâu đêm. Nếu gặp địch chỉ được dùng bạch binh đẩy lui, tuyệt đối không được bắn một phát súng nào, trong đêm tối. 6 giờ sáng ngày 30, Galliéni thân hành đến địa điểm tiếp giáp của hai đạo quân Rondony và Roget, ra lệnh cho các viên chỉ huy hãy tìm mọi cách nối lại liên lạc giữa hai đạo quân, khoảng cách nầy có thể sẽ là lối thoát của Đề-Thám… Lệnh tiến quân vừa phát ra, quân Pháp có pháo binh yểm trợ, rầm rộ tiến vào khu pháo lũy. Đội binh Mathieu xông lên trước, chỉ thấy một công sự phòng thủ… bỏ không, lặng ngắt như tờ. Đạo binh thứ hai tiến vào Bãi-Mẹt, có đại bác bắn mở đường, xông xáo giữa một hào lũy vắng teo, đổ rụi, giấy má tứ tung. 9 giờ 45, trái phá vẫn nổ rền vào khu pháo lũy, tiền quân Pháp sục sạo khắp nơi nhưng cũng không gặp một bóng nghĩa quân nào. Cả ba đạo quân Pháp cùng chạm trán trong giữa khu pháo lũy, ngẩn ngơ trong cảnh : « Đánh người… mà tình cờ ta lại gặp ta ». Rồi theo các khoảng cách giữa hai đạo binh thứ nhất và thứ hai, Galliéni thấy rõ những dấu vết còn lại của một cuộc rút lui có trật tự. Khoảng cách do Galliéni đã đoán trước, đã ra lệnh phải nối liền nhưng không làm sao được như ý muốn. Nghĩa quân đã như những bóng ma, tuột khỏi vòng vây trong đêm tối. Sau khi đã ra lệnh càn quét trong suốt vùng Yên-Thế vô hiệu quả, Galliéni đề ra một chương trình tổ chức cai trị khu Yên-Thế, rất nguy hiểm : Yên-Thế sẽ đặt thành một trung tâm quân sự dưới quyền cai trị của một võ quan cấp tá. Phạm vi mở rộng đến trung tâm Chợ-Phong, khu Vạn-Linh và dọc đường xe lửa Than-Mọi và Kep. Ngoài những cứ điểm cũ, sẽ đặt thêm một đồn chính ở Phồn-Xương, có pháo binh thường trực và sẵn sàng di động. Một hệ thống giao thông liên lạc với những đường độc đạo, xuyên sơn mới và những đường dây thép mới cũng được đề ra để thu hẹp địa bàn hoạt động của nghĩa quân và mở rộng phạm vi kiểm soát của quân chiếm đóng… Trận đánh đã kết thúc đúng như dự đoán của viên Toàn quyền Đông Pháp. Thám không phải dễ trị như Hoàng Thái Ngân, Ba-Kỳ, v.v… Trong trận nầy rõ ràng là Pháp vừa đánh vừa sợ, chỉ muốn Đề-Thám về hàng yên ổn hơn là động binh. Nhưng Galliéni không muốn kéo dài tình trạng giằng co với nhà lãnh tụ Yên-Thế. Trong những văn kiện trao đổi với Thám, Galliéni dùng toàn những lời lẽ hách dịch, trịch thượng, ngụ ý muốn gò cuộc thương thuyết thành một mặt trận hơn là đi đến một thỏa thuận, dù là thỏa thuận tạm thời. Galliéni hiểu rõ là Thám không bao giờ chịu sống chung với Pháp. Lòng yêu nước của Thám thật kiên trì và sôi nổi. Galliéni không tạo được cái thế bất ngờ cho nghĩa quân Yên-Thế như trong trận Lũng-Lạt và Kẻ-Thượng. Galliéni lại không bọc kín được vòng vây. Hơn nữa là Pháp quân lại bắn lộn lẫn nhau. Galliéni đã bại trận hay đã thắng. Điều nầy cần xét về ảnh hưởng của trận đánh hơn là kết quả của chiến trường. Trong chiến trận, nghĩa quân không có gì đáng gọi là thua. Sự tổn thất của hai bên tương đối nhẹ. Nhưng nếu xét về ảnh hưởng và hậu quả của trận đánh thì bất lợi cho nghĩa quân nhiều. Một số tướng lãnh mất tinh thần, bị truy kích ráo riết, phải ra hàng, trong đó có Thống-Luận anh ruột cô Ba. Hàng ngũ nghĩa quân bị sứt mẻ. Thêm nữa, việc rút lui khỏi pháo lũy cũng gây một tâm lý bại trận trong dân chúng. Pháp tuy không tiêu diệt được nghĩa quân nhưng chiếm lãnh trận địa Pháp gây được áp lực đối với dân chúng và nhất là việc mở mang thêm hệ thống giao thông trong rừng làm cho sự hoạt động gây lại cơ sở của nghĩa quân bị thu hẹp, ảnh hưởng tai hại đến những cuộc kháng cự sau nầy. Sau trận đánh Yên-Thế, Galliéni mãn hạn được về Pháp. Vì bất mãn với nhà cầm quyền cai trị về chủ-trương bình định nên Galliéni hồi hương dù phái hành-chính và quân-sự hết sức khuyên ở lại. Trên phương-diện làm tướng, Galliéni tuy được các cơ quan quân-sự và hành-chính coi như một vị thần, cũng không bì được Đề-Thám. Gạt bỏ yếu-tố chính nghĩa ra ngoài, Galliéni vẫn còn thua Thám rất xa về chí quyết chiến và tinh-thần bền bỉ. Hoàn cảnh của Thám còn bạc bẽo hơn Galliéni rất nhiều nhưng Thám đã tận-tụy theo đuổi mục đích đến cùng, không hề bất bình than thở. Trận Yên-Thế chính thức chấm dứt, nhưng đơn-vị khố xanh vẫn tiếp tục tạo thành suốt mặt trận từ Bắc-Ninh lên Bắc-Giang sang Tam-Đảo. Nghĩa quân phải phân tán, ẩn núp trong rừng và di động luôn luôn. Dân chúng trong địa bàn tảo-thanh bị khủng bố dã mãn dưới bàn tay khát máu của tên Tổng đốc Bắc-Ninh : Lê-Hoan. 11) Hội-đồng Đề-Hình năm 1908 và phong trào Nghĩa-Hưng chống Pháp Tháng chạp năm 1896, Toàn quyền Rousseau qua đời. Paul Doumer được cử sang thay thế. Với một chương trình mở mang kinh tế thực dân quy mô rộng lớn, Doumer đã làm thay đổi hẳn bộ mặt xã hội và chính-trị xứ này. Pháp đã mệnh danh Doumer là người sáng lập chấn thanh ra khối Liên hiệp Pháp. Những chủ trương kinh tế mới của Doumer đã làm lay động đến tận gốc rễ phong trào Cần-Vương mỗi ngày một tan vỡ. Chính kiến trong lực lượng Cần-Vương bị chia rẽ. Mâu thuẫn ngày trở nên trầm trọng về mặt chính thể cũng như về đường lối chủ trương. Phe Cần-Vương với chính thể quân chủ thủ cựu chủ trương đánh đến cùng có Hoàng Hoa-Thám làm lãnh tụ. Phe Duy-Tân lúng túng, úp mở giữa chính thể quân-chủ và dân-chủ, chủ-trương xuất ngoại gây lực-lượng và tranh thủ ngoại-viện (Phong-trào Đông-Du) có cụ Phan-Bội-Châu làm thủ lãnh. (Vai trò của Cường-Để chỉ có tính-cách tượng trưng. Thực ra Kỳ-Ngoại-Hầu gần như không hoạt-động gì). Phe bất bạo-động với chủ-trương Pháp – Việt đề huề, đấu-tranh hợp pháp có cụ Phan-Châu-Trinh cầm đầu. 5 Tình-trạng chia rẽ nầy là một bất lợi cho sự thống-nhất lực-lượng cách-mạng trên toàn lãnh-thổ và sự-nghiệp đoàn kết toàn-dân. Tình-hình quốc-tế lúc bấy giờ trái lại rất thuận tiện cho sự tuyên-truyền vận-động cách-mạng : Nhật Bản thắng Nga Hoàng trên khắp các mặt trận Đối Mã, Cao-Ly, Lữ-Thuận và Liêu-Đông, gây một tâm lý tự cường cho các dân tộc nhược tiểu Á châu. Cuộc cách mạng dân quyền Trung-Hoa ngày càng thắng lợi. Các nhà cách mạng trong nước đã biết lợi dụng triệt để tình hình nói trên để vận động quần chúng. Đề-Thám cũng không bỏ lỡ thời cơ để gây lại phong trào Yên-Thế. Năm 1901 Thám lại nghị hòa một lần nữa… Lúc ấy, Toàn quyền Doumer giằng co bưng bịt tình hình rối ren ở Đông Pháp để xin Quốc hội chuẩn y một ngân khoản 200 triệu quan nên cũng không mong gì hơn là giảng hòa với Thám. Lần nầy, cũng lại do Đức Giám mục địa phận Bắc-Ninh Velasco đứng làm trung gian thương thuyết. Ngày 27-4-1901, Đề-Thám chính thức ra trình diện ở Nhã-Nam trước mặt các tên Lê-Hoan, Tổng đốc Bắc-Ninh, Moret, Thanh tra dân sự vụ, Quennec, Công sứ Bắc-Giang và Chéon, Đổng lý văn phòng Phủ Thống sứ Bắc-Kỳ. Bốn năm lặng lẽ trôi qua… Yên-Thế im lìm sống trong một khung cảnh thái bình giả tạo cho đến năm 1905, tức là năm Thành Thái thứ 17, cuộc bạo động bùng nổ trong lòng địch… Nhờ có cuộc vận động của phong trào Duy-Tân sôi nổi từ Nam chí Bắc nên phong trào Cần-Vương Yên-Thế cũng có đà phát triển. Đề-Thám gây được một số cơ sở quần chúng và binh lính trong hàng ngũ địch. Nghĩa quân cũng được trang bị bằng vũ khí tối tân mua được ở ngoại quốc. Lực lượng mỗi ngày một mạnh. Để họp với trào lưu, Thám lập Đảng Nghĩa-Hưng thay cho phong trào Cần-Vương đã lỗi thời… Để phá tan bầu không khí thái bình, càng lâu càng có lợi cho Pháp ru ngủ dân-chúng, Đề-Thám chủ-trương đánh bạt quân Pháp ra khỏi Hà-Nội bằng một trận « nội-công, ngoại kích » cực kỳ táo bạo. Vụ Cửa Nam năm 1907, Lý Nho, Lang-Seo và Đổ-Đàm được Thám ủy thác cho nhiệm-vụ tổ-chức nội ứng ở Hà-Nội, vận-động binh-lính và gây lực-lượng vũ trang. Các cuộc mật đàm diễn ra ở căn nhà đường Neyret. Thời gian hành sự được ấn-định vào ngày 17-11-1907. Căn nhà khả nghi nầy đã bị viên thanh tra dân sự vụ Miribel (thay thế Morel) theo dõi từ lâu. Thấy tình hình có vẻ khẩn trương, Miribel yêu cầu tòa-án phái một đội quân cảnh-binh tới bao vây căn nhà để lục soát nhưng viên chưởng lý phản đối viện lẽ không đủ bằng cớ xác đáng. Việc huy động ồ-ạt như vậy sẽ làm hoang mang dân chúng ở Đô thành và mất uy tín của Chính phủ Bảo hộ. Miribel hốt hoảng cấp báo lên Thống tướng Piel. Piel cũng không dám quyết định, chỉ ra lệnh tước hết đạn trong các đơn-vị lính ta. Tuy nhiên, kế-hoạch bạo-động cũng phải bỏ dở có thể coi như một thất bại về tổ-chức. 12) Vụ trại lính pháo thủ năm 1908 Lần nầy các cơ sở Nghĩa-Hưng giữ được bí-mật địa điểm. Kế hoạch bạo-động mật định như sau : - Thời-gian : 9 giờ đêm 22 tháng 5 năm 1908. - Đúng giờ hẹn, binh lính các trại sẽ tháo hết các phù hiệu rồi vác súng tiến ra hai ngả đón hai đạo nghĩa binh từ Sơn-Tây và Gia-Lâm tới. - Cai Ngà sẽ tháo hết bộ-phận kích hỏa ở các khẩu đại bác trong trại làm tê liệt hết dàn pháo binh của địch. Mọi việc đã sắp đặt xong xuôi, chỉ còn chờ lệnh. Bỗng nhiên, trong hàng ngũ sĩ quan nẩy ra cuộc tranh luận sôi nổi về hai vấn đề còn nghi hoặc : - Nghĩa binh ở ngoài vào có đông không ? - Quân đội Pháp sẽ phản ứng mạnh, yếu như thế nào ? Điều qua tiếng lại, không một ai giải quyết được nỗi thắc mắc tai hại nhưng rất tự nhiên của mọi người. Một viên đội nhất định bỏ hàng ngũ ra về. Lý Nho buộc lòng hủy bỏ lệnh hành động và giải tán anh em. Giữa lúc ấy, lửa cháy rần rật ở phía đường Sơn-Tây. Tiếng hò reo nghe mỗi lúc một xa dần. Nghĩa quân vừa đánh vừa rút lui về căn cứ địa. Kế hoạch hoàn toàn thất bại, nhưng không một ai bị bắt. Một tháng sau, Đảng Nghĩa-Hưng lại chuẩn bị kế hoạch tiến công Hà Nội một lần nữa. Lần này Thám phái một số lãnh binh về tận thủ đô để chỉ huy quân lính và đốc thúc đảng viên trong lòng địch. Thời gian lựa chọn là 9 giờ đêm 27-7-1908. Đúng giờ hẹn, Cai Ngà sẽ bắn ba phát đại bác làm hiệu lệnh rồi hiệp lực với Cai Hiền đem binh lính đánh phá ra mặt thành Cửa Bắc. Một toán nghĩa binh sẽ do mặt Cầu Giấy đánh thốc vào thành chiếm đoạt các doanh trại và kho súng đạn. Đội Đàm và Đội Hổ sẽ đem quân trợ lực tiêu diệt những thành phần binh lính Pháp đoạt lấy lừa ngựa và các đại bác đem ra trấn ở Cầu Doumer và Cầu Giấy, chẹn các ngả đường tiếp viện của Pháp ở Sơn-Tây, Bắc-Ninh và Hải Phòng. Một toán binh lính khác sẽ trấn ở bãi Phúc-Xá, đốt phá khu dân sự Pháp. Một đơn vị nghĩa binh rất hùng hậu sẽ đánh vào ga Gia-Lâm, phá hủy nhà ga và trung tâm điện tín. Một bộ phận đầu bếp lãnh nhiệm vụ đầu độc tất cả binh sĩ Pháp trong trại bằng cách trộn độc dược vào thức ăn. Công việc này chưa biết giao cho ai phụ trách. Đêm 26, Dương-Bé triệu tập một cuộc hội-nghị bất thường trong trại để trao cho mọi người ám hiệu liên lạc và chỉ định bốn nhân-viên làm việc ở Câu-lạc-bộ hạ sĩ quan Pháp lãnh trách nhiệm đầu độc. Cả bọn đều ngơ-ngác nhìn nhau không ai đủ can-đảm nhận sứ-mệnh thiêng liêng ấy cả. Dương-Bé nổi nóng và hằn-học dọa sẽ trừng phạt những kẻ trốn tránh nhiệm vụ… 9 giờ 30 sáng 27 tháng 6, viên trung-úy Delmont Bebet chỉ-huy Đệ-lục bộ-đội công-binh đang ngồi làm việc trong phòng giấy bỗng cánh cửa mở mạnh rồi một tên lính ta chạy vào vừa nói vừa thở : - Thưa Trung-úy, đêm nay quân phiến loại sẽ tấn-công vào thành. Chúng sẽ băng qua vườn trại hạ-sĩ quan, có lính pháo thủ ta làm nội ứng. Chúng dọa giết những ai không chịu theo chúng. Delmon Bebet trợn mắt hỏi : - Tại sao mày biết chuyện ? Tên phản phúc vội kể lại cuộc hội nghị bất thường đêm 26 và « xin bề trên che chở » bằng cách giả vờ tống giam y về một tội gì đó. Kế-hoạch được thi hành ngay lập tức. Tên phản bội được quân Pháp đem xuống trại giam như ý muốn. Thấy bạn đồng đội bị bắt bất ngờ, ba tên hầu bàn ở Câu-lạc-bộ hạ sĩ-quan, đêm trước đã từ chối lệnh của """