"
Hiệu Ảnh Nishiura ở Enoshima PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hiệu Ảnh Nishiura ở Enoshima PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Hiệu ảnh Nishiura ở Enoshima Tác giả: Mikami En
Dịch: Như Nữ
Phát hành: Mintbooks
Xuất bản: NXB Văn Học 09/2018 Typer: Hà Du
Đóng ebook: Xù Kute
GIỚI THIỆU
Câu chuyện xảy ra tại một vùng đất kỳ lạ mang tên đảo Enoshima. Hiệu ảnh lâu đời Nishiura kinh doanh hơn một thế kỷ nay đã bị đóng cửa do cái chết bất ngờ của chủ tiệm Fujiko Nishiura. Được mẹ giao nhiệm vụ sắp xếp lại di vật của người bà đã mất vào mùa thu năm ngoái, cô cháu gái 23 tuổi Mayu đã quay trở lại hòn đảo chứa đựng biết bao hoài niệm ấy. Khi khám phá ngôi nhà trăm tuổi cũ kĩ kia, cô đã tìm thấy một túi ảnh được đánh dấu là “chưa chuyển phát”, chúng thực sự kích thích trí tò mò của cô gái trẻ.
Bốn bức ảnh được chụp ở bốn thời điểm khác nhau trong suốt 100 năm qua nhưng bố cục lại giống hệt nhau. Mặc dù thời đại thay đổi, trang phục khác nhau, vậy mà chẳng hiểu vì sao người đàn ông trẻ tuổi đang mỉm cười trong những tấm ảnh ấy trông giống nhau đến lạ. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Việc chụp ra những bức ảnh này là hoàn toàn không có khả năng. Cũng chẳng có người nào có thể trẻ mãi không già.
Chẳng lẽ chủ nhân của những bức ảnh ấy chưa từng quay trở lại để lấy chúng hay sao? Những câu chuyện ly kì cứ tiếp tục xảy đến. Và rồi, một anh chàng sinh viên trường y đến xin lại những tấm ảnh cũ. Anh ta có gương mặt giống hệt người đàn ông trong bức ảnh kia...
Sự trùng hợp rùng rợn này là sao?
TÁC GIẢ
Mikami En sinh năm 1971 ở Kanagawa. Tác phẩm Dark Violets của ông từng vượt qua ba vòng bình chọn cho giải thưởng tiểu thuyết Dengeki lần thứ 8. Năm 2002, ông ra mắt tác phẩm đầu tay, năm 2011 cho ra mắt bộ tiểu thuyết Tiệm sách cũ Biblia, xoay quanh quá trình đi giải đáp các bí ẩn trong một tiệm sách cũ. Seri Tiệm sách cũ Biblia được ông chấp bút đã bán hơn 6,4 triệu bản tại Nhật Bản và được chuyển thể thành phim. Các tác phẩm chính của ông gồm có bộ truyện Shadow Taker, bộ truyện Người lính giả danh, bộ truyện Tiệm sách cũ Biblia... Tác phẩm này là tập truyện đơn đầu tiên của ông.
Chỉ có câu chuyện thứ nhất của tác phẩm này là được đăng trên tạp chí Jaro số 54. Các phần còn lại là được viết mới. Cuộc đời của một con người sẽ không dễ dàng bị đảo lộn. Những cuộc đời đã bị đảo lộn rồi một ngày sẽ bình yên trở lại.
LỜI MỞ ĐẦU
Một chú mèo trắng cắm đầu ăn cơm trong chiếc đĩa để trên sàn nhà.
Có tiếng bước chân vọng xuống từ tầng hai. Chú mèo lơ đễnh ngẩng đầu lên, một người đàn ông mảnh khảnh đang bước về phía cuối hành lang. Nó biết người đàn ông này không có gì phải đề phòng. Có vẻ hôm nay người đàn ông ấy cũng mặc một bộ đồ màu lam, thế nhưng dưới đôi mắt mèo thì chẳng thể nhìn rõ được màu sắc gì cả. Sau tiếng bước chân, có tiếng nước chảy vọng ra.
Với loài mèo, con người là loài sinh vật sống bằng chân. Từ cử động của ngón và tiếng động do ngón chân tạo ra là có thể đoán được người đó đang làm gì, đang có tâm trạng gì. Người đàn ông vẫn di chuyển nhanh thoăn thoắt như mọi khi. Anh nhanh chóng thu dọn chén đĩa trên bàn, rửa nồi niêu đã sử dụng. Anh định nhân tiện dọn nốt đĩa thức ăn mèo. Này này, mèo tôi đây còn chưa ăn xong đâu đấy - mèo kêu lên kháng nghị. Thế là người đàn ông bèn vuốt ve lưng mèo như thể xin lỗi.
Ngay sau đó, người đàn ông đi ra khỏi nhà theo lối cổng sau. Ngôi nhà yên tĩnh trở lại và chú mèo thong dong ăn nốt bữa cơm của mình. Hiện tại, chỉ có mình mèo và người đàn ông đó sống trong ngôi nhà này. Cũng có thời khá nhiều người sống ở đây hơn, ngôi nhà rất náo nhiệt, nhưng chẳng biết tự khi nào họ đều dần đi khỏi. Mèo không biết người đàn ông luôn ra khỏi nhà vào khung giờ
nhất định ấy đi đâu và làm gì. Dù sao nó cũng chẳng có hứng thú biết điều đó.
Để lại chiếc đĩa trống không, mèo trắng lách mình qua khe cửa nhỏ. Nhanh chóng băng qua đoạn đường còn mờ tối ẩm ướt, nó chạy về hướng có ánh nắng mặt trời. Ngôi nhà mà mèo đang ở đã cũ nát, khác hẳn những ngôi nhà quanh đó. Nghe nói, từ xa xưa, trước khi mèo tới, đây là nơi sinh sống của rất nhiều người.
Phía bên phải có tiếng sóng biển, còn bên trái có tiếng bước chân con người. Chú mèo không muốn lại gần một người xa lạ, nhưng ra gần biển thì cũng chỉ có gió lạnh mà thôi. Cuối cùng, nó quyết định rẽ sang bên trái. Nơi đây là một hòn đảo được biển bao bọc bốn phía. Mèo đi lướt qua vô số người, nhưng trong mắt mèo, nó chỉ thấy toàn chân là chân. Chân to có, chân nhỏ có, chân không nhìn thấy ngón, chân chỉ nhìn thấy ngón... Và trong cái thời tiết giá lạnh như hiện nay thì những đôi giày dày và ấm là nổi bật nhất.
Mèo dừng bước chân để tránh một người đang đi từ phía đằng trước tiến lại. Người này to lớn lạ thường, chân của anh ta cũng được bọc trong một đôi giày màu đen.
Tiếng bước chân của người này trầm đục một cách kỳ lạ. Cộp, cộp, cộp. Tiếng bước chân truyền tải tâm trạng mịt mùng u ám như sương mù ban đêm, thứ tiếng mà thỉnh thoảng mèo lại nghe thấy. Người đàn ông sống cùng mèo đôi lúc cũng có bước đi như thế.
Có lẽ vì mèo dừng lại nên người đàn ông to lớn đối diện hiểu lầm. Anh ta ngồi xổm xuống và duỗi tay ra. Có vẻ anh ta định vuốt ve mèo. Tóc trên đầu anh ta ngắn hơn người khác một chút. Và không chỉ mỗi chân, mà cả người anh ta được bao bọc trong một bộ
đồ màu đen khiến anh ta trông như một cái bóng. Mèo chạy vụt đi. Nó ghét nhất là bị con người nhìn chằm chằm hay chạm vào lông mình.
Cuối con đường ấy là một sườn dốc lớn. Số chân người trong tầm mắt mèo tăng lên. Mèo cố gắng không lại gần họ mà bước đi trên làn đường rải sỏi. Xuống hết con dốc, mèo cảm thấy mùi của thủy triều nồng đậm trong không khí. Thật hiếm khi có ít người ở đó như thế, mặc dù vậy, thỉnh thoảng nó cũng gặp rắc rối khi bị mấy đứa trẻ đuổi bắt.
Trong lúc đang tìm một chỗ có nhiều ánh nắng, mèo đã đặt chân đến một cây cầu lớn dẫn ra khỏi đảo. Nó cũng nhận thức được một cách mơ hồ rằng, cây cầu này do con người tạo ra. Những loài động vật khác chẳng thể làm ra được thứ như thế này.
Mèo vẫn luôn sống trên mảnh đất này và chưa bao giờ qua bên kia cây cầu. Con người hoàn toàn không gượng ép nó, nhưng nó vẫn ở lại, bởi tự nó cảm thấy mảnh đất này là nơi dành cho mình. Có những thứ vô hình đã gắn kết mèo với hòn đảo này.
Rất nhiều người đã băng qua cây cầu lớn bắc qua biển để đến với nơi đây. Trong họ cũng có điều gì đó gắn kết bản thân với hòn đảo này. Mèo nghiêng tai lắng nghe, hầu hết những bước chân ấy đều rất nhẹ nhàng, dễ chịu, mang theo tâm tình vui vẻ, tươi sáng. Chỉ có người đàn ông có bước chân trầm đục lúc nãy là khác. Trong một ngày, mèo cũng chẳng gặp mấy người như thế.
Cộp, cộp.
Đột nhiên, mèo dựng thẳng đôi tai. Không ngờ hôm nay mèo có thể gặp tới người thứ hai như thế, quả là chuyện hiếm. Lần này là
một cô gái nhỏ nhắn hơn người lúc nãy. Cô gái ấy mặc trang phục màu trắng bồng bềnh tròn trịa, nhưng mèo biết cơ thể thực của cô gái khá mảnh mai. Trông cô gái này chẳng có gì là nổi bật cả, giống như cô đã cố tình làm cho mình trở nên như vậy. Cô gái có vẻ đang mang tâm trạng u ám. Mèo có cảm giác như đã gặp cô gái này trước đây, hoặc có lẽ mèo biết một người giống cô ấy. Nó ngồi trên thảm sỏi đã ngấm đủ ánh mặt trời, dõi theo chủ nhân của tiếng bước chân kia. Còn cô gái, cô ấy hoàn toàn không nhận ra sự tồn tại của mèo ta.
Rất có thể mèo sẽ gặp lại cô gái. Bởi không hiểu sao, những người có bước chân nặng nề, trầm đục thường hay đi đến ngôi nhà cũ mà mèo đang sống. Dường như có một thứ vô hình nào đó đã gắn kết họ với ngôi nhà ấy. Giống như ngoài nơi ấy ra họ không còn nơi nào khác để đi vậy.
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT
Những cơn gió biển mang theo cái lạnh mùa đông của Enoshima. Vừa bước trên cây cầu Benten nối liền hòn đảo và bờ biển, Katsuragi Mayu vừa kéo khóa chiếc áo phao trắng lên tận cổ. Cô đã chắc mẩm rằng nắng đẹp như vậy, hẳn là thời tiết sẽ ấm áp, nhưng cô đã sai vì thật ra ngoài trời vẫn còn lạnh lắm.
Mayu tiến dần từng chút một về phía đảo Enoshima đang ở hướng ngược sáng đằng xa. Những người cũng đang hướng đến hòn đảo ấy lần lượt bỏ xa bước chân nặng nề của Mayu. Trong tầm mắt cô lúc này là những gia đình với đầy đủ bố mẹ con cái và từng nhóm từng nhóm người ngoại quốc.
Hôm nay là ngày 10 tháng Một, thời điểm năm mới của năm 2015 đã qua đi. Trên bờ biển hầu như không còn nhìn thấy bóng người như thời điểm giữa mùa hè, thế nhưng số du khách đến với Enoshima vẫn khá nhiều. Có lẽ họ đến đền Enoshima trên đảo để đi lễ đầu năm muộn, hoặc cũng có thể họ đến vì đài ngắm cảnh hay vườn bách thảo nơi đây.
Đi hết cây cầu này sẽ bắt gặp một cổng đền Torii lớn ngay lối vào đảo. Và ở con dốc hẹp trước cổng vào, những hàng quán bán đồ lưu niệm, hàng ăn nối nhau san sát. Những khách du lịch đến đây đều từ con dốc này tiến vào sâu trong đảo, còn Mayu, mục đích của cô đến đây không phải để tham quan. Cô đang đến ngôi nhà nơi bà cô từng sống và giúp sắp xếp lại di vật của người.
Enoshima là một vùng đất kỳ lạ. Nơi đây có nhiều cây cối và cũng lắm những con dốc nhỏ hẹp. Chỉ đi qua một cây cầu thôi mà không khí đã khác hẳn với bờ biển Shonan đầy náo nhiệt, cảm giác như đã đến một nơi rất xa.
Ngày bé, mỗi lần có kỳ nghỉ dài, Mayu lại đến đây.
Không có đường cho ô tô lên đến đài ngắm cảnh trên đỉnh núi hay những hang đá ở phía bên kia hòn đảo, thế nên nếu muốn đến những nơi ấy chỉ còn cách đi bộ. Và nơi đây cũng đủ rộng cho một đứa trẻ như cô khi ấy đi hết được một vòng.
Ngày đó, cô rất thích hòn đảo này, và cho đến tận bây giờ, cô vẫn không ghét nó.
“Ơ kìa, là Ayomi... Mayumi? Tên em là gì nhỉ?”
Ai đó đang gọi Mayu với cái tên hơi khác. Một người đàn ông trông quen quen với mái tóc màu nâu đang đứng trước cửa hàng lưu niệm. Anh ta mặc một chiếc áo phông màu đen dài tay in hình đầu lâu, làn da bị cháy nắng như thể vừa đi tắm biển giữa mùa hè. Thoạt nhìn, người đàn ông này cũng khá trẻ, nhưng chắc chắn là đã không còn ở độ tuổi hai mươi nữa. Những món đồ trang sức thô kệch bằng bạc sáng lấp lánh trên cổ và các ngón tay anh ta.
“Em là Katsuragi Mayu. Chào anh.”
Cô nhẹ nhàng đáp lại và ngay lập tức người đàn ông cười lúng túng.
“Ồ, vậy sao. Tệ quá nhỉ, tôi nhớ tên kém lắm.”
Vừa nói, người đàn ông vừa treo một sợi dây móc khóa có ghi chữ “Enoshima” vào móc treo của quầy hàng. Đó là con trai một của
chủ quán này. Nghe nói vài năm trước anh ta đã tiếp quản công việc trong quán. Hòn đảo này nổi tiếng về danh thắng, nhưng tất nhiên nơi đây cũng có dân địa phương sinh sống.
Lần đầu tiên gặp gỡ Mayu khi cô mới vừa vào tiểu học, người đàn ông này khi đó cũng mới chỉ là một học sinh cấp ba. Anh mở một quầy kem di động chỉ bán đợt nghỉ hè, cố nâng cao tông giọng trầm thấp của mình một cách rất dễ mến để tiếp khách. Mỗi lần Mayu đi ngang qua, anh ta đều vẫy cô lại và lén đưa cho cô một cây kem ốc quế đầy bự. Nhìn bên ngoài trông anh ta khá lòe loẹt khoa trương, nhưng anh là một người tốt.
“Chuyện đó là bình thường mà anh.”
“Bây giờ em làm gì rồi? Chắc đang là sinh viên hả?” “Em đã đi xin việc năm ngoái rồi, giờ em đang sống một mình ở Fujisawa.”
“Ồ, vậy à, Fujisawa là vùng nào thế? Có gần biển không?” “Không ạ, nó là vùng núi. Nó gần nhà ga Zengyou trên tuyến tàu Odakyuu...”
Vừa nói câu được câu chăng với người đàn ông, Mayu vừa toát mồ hôi lạnh. Cô thực sự không thể nhớ nổi tên người đàn ông này. Đáng lẽ cô nên thẳng thắn hỏi ngay từ đầu mới phải, nhưng giờ thì lại để lỡ thời điểm mất rồi. Cứ như vậy, Mayu chẳng để tâm được vào cuộc nói chuyện. Đột nhiên, người đàn ông im bặt và nhìn Mayu chằm chằm.
“Mà này Mayu, có phải em không nhớ tên anh không?” Bị đoán trúng phóc, hai tai cô đỏ ửng cả lên.
“Em xin lỗi...”
“Không sao, anh cũng thế mà. Anh là Kenji, Tachikawa Kenji nhé.”
“À, vâng.”
Đến cả Mayu cũng chẳng rõ cô “vâng” cái gì nữa, nhưng ít nhất cô cũng đã biết tên của người đàn ông này. Trước đây, bà cô cũng từng bảo cô thật là người ít nói. Từ bé cô đã chẳng thể diễn đạt hết những điều mình suy nghĩ thành lời. Thế nhưng, thay vào đó chúng lại thể hiện hết trên mặt cô.
“Thế hôm nay em về đây có chuyện gì thế? Em đến chỗ bà Fujiko à?”
Fujiko là tên của bà cô. Bà sinh ra ở hòn đảo Enoshima này, lớn lên ở đây và cho đến tận lúc cuối đời, bà cũng không rời xa nơi đây. Bà đã mất vào mùa thu năm ngoái. Bà phát hiện bệnh ung thư phổi khi đã quá muộn.
“Em đến để sắp xếp lại những di vật của bà... À, mà anh có thấy mẹ em đi qua đây không ạ?”
Mẹ cô là con một, ông của cô cũng đã qua đời vài chục năm trước. Thế nên giờ đây cô cũng không còn họ hàng gần nào khác. “Anh không thấy đâu. Mà có lẽ anh mải sắp xếp hàng trong tiệm nên không để ý cũng nên.”
“Lạ quá!” Mayu nghĩ. Mẹ cô đã nói trong điện thoại đầy tự tin là sẽ đến trước để dọn dẹp nên cô cứ thong thả mà đi. Từ đây đến nhà bà cũng không có con đường nào khác, và nếu mẹ cô đi qua đây thì hẳn sẽ chào hỏi anh chàng này vài câu.
“Sao vậy, hôm nay cô Katsuragi cũng đến đây à? Cô ấy không bận làm việc này sao?”
Vừa nói Kenji vừa diễn tả điệu bộ như đang viết cái gì đó. Mayu bỗng thấy ngực đau nhói.
“Gần đây anh mới mua được nó đấy. Nó mới ra từ vài năm trước, khá nổi tiếng đấy. Tên nó là Ulysses... Cái gì nhỉ. Nó hay lắm...”
“Cảm ơn anh ạ.”
Mayu cảm ơn thật to để ngắt câu chuyện của anh.
“Mẹ em bận thì có bận... nhưng chắc giờ này cũng đã đến rồi. Nếu mẹ em không đến thì em biết làm sao bây giờ. Vì chỉ có mẹ em có chìa khóa thôi.”
Tốc độ nói của cô chợt nhanh bất thường, nhưng có vẻ anh không nhận ra việc cô vừa lảng sang chủ đề khác. “À, không sao đâu. Người quản lý ở đó luôn mở sẵn cửa sau mà.”
Mayu tròn mắt.
“Sao ạ, ngươi quản lý?”
Lần đầu tiên cô nghe nói đến người quản lý. Trước giờ mẹ cô chưa từng kể cho cô nghe điều gì về người này cả.
“Em không biết à? Trước khi nhập viện, bà Fujiko đã nhờ một người làm trong khách sạn* gần đấy trông nom phòng ảnh cẩn thận cho đến khi bà ra viện... hay cho đến khi bà chết và tiệm ảnh bị dỡ bỏ.”
“Cho đến khi bà chết và tiệm ảnh bị dỡ bỏ”, đúng là phong cách của bà. Bà vốn là người có thể nói rõ ràng cả những chuyện khó nói
nhất. Thậm chí bà còn nhận thức rõ về cái chết của mình và chuẩn bị cho những chuyện vô cùng nhỏ nhặt.
“Căn phòng được dọn dẹp rất gọn gàng, ngăn nắp đấy. Nó giống y như hồi bà Fujiko còn sống.”
Mayu vẫn biết bà và hàng xóm xung quanh rất thân thiết với nhau. Bởi bà đã sống trên hòn đảo này trong suốt một thời gian dài nên điều này cũng rất bình thường. Thế nhưng, cô không ngờ lại có người chăm nom cho ngôi nhà bà để lại như thế.
Nếu người đó nhân tiện chăm nom cho các di vật của bà một thể thì tốt biết mấy.
Mayu rất yêu quý bà, cô cũng thường xuyên liên lạc với bà. Thế nhưng, cô lại không muốn đến nhà của bà. Ngay cả trong đám tang bà, cô cũng nhốt mình ở nhà tang lễ, hoàn toàn không đến đây. Chỉ có hôm nay và ngày mai là ngoại lệ. Sau này, cô định sẽ không quay lại Enoshima cho tới tận khi nơi đó bị phá hủy.
Trong ngôi nhà đó có nhiều thứ mà cô không muốn thấy. “Mà Mayu này, trông em khác nhiều nhỉ, người lớn hơn hẳn rồi.” “Cảm ơn anh.”
Mayu liếc nhìn sang tủ kính trưng bày những món đồ lưu niệm tinh xảo từ vỏ sò và thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong đó, áo phao màu trắng, quần jeans và giày thể thao. Cô cao và gầy một cách không cần thiết, nên từ phần cổ trở xuống trông cũng không rõ là con gái cho lắm. Từ cổ trở lên cô cũng không trang điểm cho tử tế, còn mái tóc dài chấm vai này là kết quả của việc cô lười đi tiệm cắt tóc. Tuần trước cô đã dùng kéo cắt thủ công để cắt qua tóc mái.
Mặc dù cô cũng được người khác nói là đã lớn lên nhiều nhưng chưa có ai bảo cô trông xinh lên cả.
“Mà này, chẳng phải trước đây em hay đeo một cái máy ảnh ống kính đơn trước ngực còn gì. Hôm nay em không mang đến đây à?” Kenji vừa nói vừa dùng hai tay mô phỏng lại một chiếc máy ảnh. Mayu không tiện ngắt lời nên chỉ có thể giữ im lặng. Đã bốn năm rồi cô không đụng vào máy ảnh nữa.
“Về cửa sau ấy, sao nó lại không khóa thế ạ?”
Mayu hỏi một câu trước khi đi, Kenji bật cười lộ ra hàm răng trắng bóc.
“Em đến đó thì biết ngay thôi. Gửi lời chào của anh đến cô Katsuragi nhé.”
Mayu đi lên con dốc rải đầy sỏi. Đây là khu phố mua sắm bên trong khu đền chùa náo nhiệt nhất trên đảo. Trước đây các cửa hàng lưu niệm cũng rất nhiều, nhưng giờ nhìn lại thì thấy những cửa hàng ăn uống cũng đã mọc lên kha khá. Thậm chí còn có một hàng người xếp dài trước cửa bán bánh gạo nhân bạch tuộc.
Bước chân vào con đường hẹp giữa các gian hàng, ngay lập tức những tiếng ồn ào, nhộn nhịp ấy khuất hẳn. Con đường này vừa đủ cho hai người đi.
Dọc theo cống thoát nước, mấy mẹ con nhà mèo đang lững thững bước đi. Hòn đảo này có khá nhiều mèo, và hầu hết trong số chúng đều do người nơi khác mang đến đây, bị vứt bỏ lại và được người dân trên đảo chăm sóc. Có lẽ những chú mèo này đã quen với những vị khách du lịch đến đây nên khi Mayu tới gần, chúng
cũng chẳng chạy đi.
Phía trước cô lúc này là những bậc thềm đá đi xuống, ở đây tầm nhìn mở ra một không gian rộng lớn hơn.
Những bậc thềm này dẫn đến một con sông nhỏ không mấy người lui tới. Đỉnh núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trắng thấp thoáng đằng xa, phía sau những con sóng vỗ rì rào, vươn lên khỏi những dãy núi trùng điệp của Hakone. Có thể không mấy người biết điều này, nhưng từ Enoshima có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ rất rõ. Rất ít nơi có thể đồng thời nhìn thấy cả biển, Hakone và núi Phú Sĩ như ở đây.
Phía bên tay phải nơi Mayu đang đứng có một ngôi nhà hai tầng với lối vào khá hẹp. Chỉ có bức tường ngăn với mặt đường là được đổ bê tông, còn lại ngôi nhà vẫn giữ nguyên kết cấu bằng gỗ truyền thống. Giữa cánh cửa kéo to đùng và ô cửa sổ hình tròn là một tấm biển hiệu bằng gỗ bị sạm đen theo nắng và gió biển nơi đây.
“Hiệu ảnh Nishiura ở Enoshima”.
Tiệm ảnh này đã hoạt động suốt hơn trăm năm qua. Bà của Mayu, Nishiura Fujiko chính là bà chủ cuối cùng của hiệu ảnh này. Hiệu ảnh này đã chụp ảnh lưu niệm cho biết bao khách du lịch tới tham quan nơi đây. Đến thời mà ai cũng có máy ảnh cho riêng mình, hiệu ảnh chuyển sang việc rửa phim và in ảnh cho khách là chính.
Và đến khi mọi người đều chuyển sang dùng máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh với tính năng chụp ảnh chất lượng cao thì đến cả việc rửa ảnh, in ảnh cũng ít dần. Nghe nói trước đây Enoshima cũng có nhiều hiệu ảnh lắm, thế nhưng đến giờ hầu như chẳng còn lại được mấy.
Ô cửa kính đằng xa mờ mờ tối, không có dấu hiệu có người trong đó. Cửa vào vẫn còn đang khóa, quả nhiên mẹ của cô vẫn chưa đến.
Mayu nghiêng đầu thắc mắc không hiểu tại sao. Đúng lúc này, như thể canh sẵn thời điểm, điện thoại của cô bắt đầu đổ chuông. Mayu mở chiếc điện thoại di động, trên đó hiển thị tên Katsuragi Nanami, mẹ của Mayu.
Cô ấn nút nghe và hít sâu một hơi, vừa định nói thì... “Ôi, đã đến giờ hẹn rồi đấy nhỉ.”
Giọng mũi mang theo vẻ ngái ngủ chợt vang lên trước. Đầu kia điện thoại vẫn rất yên tĩnh, chắc hẳn mẹ cô chưa ra khỏi nhà. Mayu có một dự cảm không lành.
“Vâng, mẹ đang ở đâu thế? Con đến trước cửa nhà bà rồi.” Một chuỗi trầm mặc, sau đó là một vài tiếng vải sột soạt rất khẽ xen lẫn tiếng hít thở đều đều.
Mayu cảm thấy mẹ lại rơi vào giấc ngủ mất rồi. Mẹ cô giờ chắc chắn đang ở khu chung cư cao cấp, đồng thời cũng là nơi làm việc ở Yokohama và đang nằm trên chiếc giường nghỉ tạm. “Mẹ, dậy đi!”
“Ôi, mẹ xin lỗi, Mayu... mãi đến sáng mẹ mới xong bản thảo. Mẹ chỉ định nghỉ một chút rồi đi luôn, nhưng mà...”
Mẹ của Mayu, Katsuragi Nanami là một tiểu thuyết gia. Tác phẩm đầu tay của bà là một cuốn tiểu thuyết light novel dành cho thiếu nữ, thế nhưng phải đến khi cuốn tiểu thuyết kinh dị dài kỳ của bà trở nên nổi tiếng thì bà mới trở thành tác giả ăn khách. Thỉnh
thoảng bà cũng viết những thể loại khác như đuổi bắt những kẻ gian ác tới cùng trời cuối đất theo đúng nghĩa đen, theo đuổi tình yêu nồng cháy, chiến đấu đẫm máu với những con quái vật đáng sợ... tất cả đều quá khoa trương và nhàm chán, nhưng đều mạnh mẽ và mạch lạc dễ hiểu.
Ngày trước, dù có đi đâu Mayu cũng bị gọi là “con gái của tác giả Katsuragi”. Có thời kỳ cô phản kháng lại cách gọi đó, nhưng cũng có thời gian cô lại thấy tự hào về cái tên ấy. Còn bây giờ, khi đã tốt nghiệp đại học và bắt đầu sống tự lập một mình, cô chẳng ghét mà cũng chẳng thích cái tên ấy nữa. Cô chỉ muốn lặng lẽ giữ khoảng cách với nó.
“Thế bao giờ thì mẹ đến đây được?”
Mayu nhẫn nại hỏi. Việc mẹ cô không bao giờ chịu phá vỡ nhịp sống của mình, nói thẳng ra là quá ích kỷ và quay mọi người xung quanh như chong chóng đã là chuyện thường ngày ở huyện. Nếu lần nào cũng nổi giận với bà thì chỉ tổn hại sức khỏe của bản thân mà thôi.
“Mẹ không đến thì con không bắt đầu công việc được đâu.” “Mẹ lại không đi được nữa rồi. Mayu, con làm một mình đi.” “Dạ?”
Đầu óc cô liền trở nên trống rỗng.
“Mẹ chợt nhớ ra là sắp đến hạn nộp bản thảo tập hai của một bộ tiểu thuyết kinh dị. Ý tưởng mẹ đã có sẵn, từ giờ mẹ sẽ bắt tay vào thực hiện.”
Rõ ràng là bà nuốt lời, nhưng giọng điệu có gì đó thật mạnh mẽ.
Bởi bà tin chắc rằng chỉ cần liên quan đến bản thảo là mọi vấn đề khác đều được cho qua hết. Phải bình tĩnh, phải tỉnh táo! Mayu tự nhắc nhở mình.
“Nhưng mà mẹ đã nói là thứ Bảy, Chủ nhật này mẹ con mình sẽ xử lý di vật của bà mà. Cái nào thì bỏ đi, cái nào thì nhà mình nhận mang về, một mình con không tự quyết được đâu.”
Ngay trước khi mất, bà của Mayu đã nói chuyện xử lý ngôi nhà với mẹ cô. Thậm chí bà còn viết di chúc rất cẩn thận, rõ ràng. Toàn bộ khu nhà và bất động sản đều bán đi và tiền bán được sẽ đem gây quỹ. Nghe nói cũng đã có người mua lại toàn bộ mặt bằng và đang muốn mở một cửa hàng cà phê ở đấy. Những vật dụng, đồ đạc trong nhà xử lý như thế nào thì chỉ có mẹ của Mayu mới biết rõ.
“Con đừng nghĩ mọi việc khó khăn thế. Con chỉ cần dọn dẹp lại nhà cửa, những thứ nào có vẻ giữ lại được thì cho hết vào một cái thùng các-tông, nếu có món nào bà mượn của hàng xóm thì nhớ trả lại người ta. Thế là được rồi.”
Chỉ thế thôi là cũng quá trời công việc rồi. Trong hai ngày thứ Bảy với Chủ nhật có xong được không cơ chứ.
“Mẹ định để bố con đến thay, nhưng bố con đi công tác ở Thượng Hải đến tận thứ Tư tuần sau mới về cơ. Mà việc này mình cũng chẳng nhờ người ngoài được.”
“Người ngoài”, từ này làm Mayu nhớ đến những gì Kenji vừa nói.
“Nhắc đến mới nhớ, con vừa nghe nói ở đây có người quản lý, là sao hả mẹ?”
“À, đúng là có một người như thế. Người đó trước đây bà con đã
từng giúp đỡ nhiều. Thế thì có gì không biết, con cứ hỏi người ta nhé.”
Trong khi đang nói chuyện, tâm trí Mayu đã bị biển thu hút tự khi nào. Và đằng xa kia, ở phía đầu con đê chắn sóng có một người đang đứng.
Sao người kia lại đứng ở chỗ đó?
Một người đàn ông dong dỏng cao đang đứng quay lưng với Mayu và hướng về phía núi Phú Sĩ. Anh ta có mái tóc đen cắt ngắn như của một cầu thủ. Có lẽ vì nhìn từ đằng sau nên Mayu không rõ anh ta bao nhiêu tuổi. Có thể anh ta tầm tuổi Mayu, mà cũng có thể lớn tuổi hơn cô. Chiếc áo măng tô đen mỏng bị từng cơn gió lớn quật qua, vạt áo bay phần phật như những lá cờ. Mayu chẳng thể dời mắt khỏi dáng vẻ đó.
Đột nhiên, Mayu cảm thấy trống ngực đập thình thịch. Nếu bắt lấy khung cảnh này, lưu giữ nó lại bằng một cái gì đó... Trong một mặt phẳng vuông vắn...
Giá như có một chiếc máy ảnh ở đây...
Mayu bỗng giật mình tỉnh lại. Dư vị đau khổ tràn ngập trong miệng. Cô tuyệt đối không được nghĩ đến điều đó nữa. “Nhờ con cả đấy. Có gì không biết thì cứ gọi cho mẹ nhé.” Không biết từ lúc nào mà cuộc nói chuyện đã tới đoạn kết thúc. “Mẹ, chờ chút đã.”
Như mọi lần, Mayu chẳng chen vào được câu nào. Trong lúc cô còn đang hấp tấp muốn nói thêm gì đó thì đầu bên kia, mẹ cô đã nói:
“Thế nhé, gặp con sau.”
Và bà ngắt điện thoại.
Mayu thở dài, cất điện thoại đi. Nếu mẹ cô không đến, cô chỉ có thể làm việc này một mình.
Mayu lại nhìn về phía đê chắn sóng, nhưng người đàn ông lúc nãy đã biến mất như thể tất cả chỉ là một giấc mơ. Anh ta rơi xuống biển rồi chăng? Không, ở phía đấy mực nước chỉ đến chân một người lớn là cùng. Chắc anh ta đã đi xuống bãi đá ở bên kia bờ đê rồi.
Nhưng anh ta ra đó làm gì chứ.
Khu vịnh ấy thường không có mấy khách du lịch đến tham quan. Tất nhiên cảnh ở đấy khá đẹp, nhưng cũng chẳng phải cảnh đẹp hiếm lạ gì cả. Khung cảnh lúc nãy hiện lên trước mắt cô và cứ kéo dài mãi như tàn ảnh.
Lối cửa trước tiệm ảnh không vào được nên Mayu đi vòng ra phía sau nhà. Có thể do địa hình ở đây hơi dốc nên một góc nhà được chèn thêm bằng một tầng đá.
Phía sau cánh cửa hầu như không nhìn thấy chút ánh sáng mặt trời nào. Đúng như những gì Kenji nói, cửa vẫn mở. Đúng hơn là cánh cửa kéo đang hé ra một khoảng nhỏ. Mayu bất an kéo cánh cửa sang một bên. Bên trong phảng phất mùi khói thuốc lá đã ngấm sâu theo năm tháng. Cảnh vật nơi đây vẫn giống y như trước kia. Và đến bây giờ, Mayu như vẫn thấy gương mặt bà hiện ra rõ mồn một.
Một tiếng động lạnh lẽo vang lên. Theo sau đó là một vật thể nhỏ
đi ra từ sau bậc thềm quen thuộc. Một con mèo trắng với chiếc chuông được đeo trên cổ bằng sợi dây màu đỏ Nó không phải mèo hoang, mà giống như mèo nhà nuôi vậy
Bà nuôi mèo sao?
Mayu không nhớ rằng bà thích nuôi mèo. Mỗi lần cô về chơi cũng không thấy có con mèo nào cả. Chắc chắn mấy năm gần đây bà mới bắt đầu nuôi. Có lẽ tâm tính bà cũng đã thay đổi.
Có thể vì có người lạ xuất hiện nên chú mèo đột ngột dừng bước chân, mở to đôi mắt đầy cảnh giác. Và khi Mayu tiến vào trong, chú mèo lập tức chạy biến.
Cánh cửa sau để mở có thể là để chú mèo tự do ra vào. Và chắc người quản lý cũng đến cho nó ăn. Sau khi ngôi nhà này đổi chủ, không biết chú mèo sẽ ra sao. Nếu là bà, chắc chắn bà sẽ suy tính kĩ càng.
Mayu bước lên thềm nhà, cô kiểm tra từng gian phòng một. Tất cả đều được dọn dẹp gọn gàng ngăn nắp, như thể vẫn còn người sống ở đây vậy. Trước kia, tầng một là nơi gia đình Enomura sinh hoạt, tầng hai là chỗ ngủ cho các nhân viên trong hiệu ảnh. Thế nhưng, đến cuối cùng cũng chỉ còn lại một mình bà của cô.
Tiến vào trong bếp, Mayu nhìn thấy đĩa thức ăn cho mèo trống rỗng. Và khi định mang nó đi rửa, cô bỗng hít vào một hơi. Một chiếc bát và một đôi đũa chưa rửa nổi lềnh bềnh trong chậu nước. Từ độ lớn của cái bát thì có thể đoán đây là một người con trai.
Cái gì đây?
Mayu lần lượt mở từng túi rác để bên cạnh bồn rửa. Lon nước trà rỗng, túi khoai tây không, chai sữa tắm dành cho mèo, một chai
rượu mơ nhỏ, túi ni-lông đựng rau đã được buộc gọn, tất cả các loại rác đều được phân loại kĩ càng. Quả nhiên cô đã không lầm. Nhìn thế nào thì Mayu cũng thấy có người đang sống trong hiệu ảnh này. Và người đó có thể là một người đàn ông.
Phía sau cánh cửa vang lên vài tiếng động. Bước xuống gian phòng ở cuối hành lang, Mayu nhìn thấy một người đàn ông trung niên gầy nhỏ đeo kính gọng vuông, hất ngược tóc mái, đang đứng sau cửa kính. Nếu chỉ nhìn gương mặt ấy thôi sẽ thấy anh ta rất hợp với áo vest, thế nhưng thực tế, anh ta lại đang mặc một bộ đồ màu lam của người làm trong khách sạn.
Trước khi Mayu định mở cửa thì người đàn ông đã rút chìa khóa từ trong túi ra và mở cửa. Một cơn gió lạnh mang theo hơi biển từ ngoài ùa vào. Con ngươi đằng sau mắt kính ấy chuyển động như đang đánh giá người con gái trước mắt.
“Tôi, tôi là Katsuragi Mayu... Nishiura Fujiko là bà của tôi. Hôm nay, tôi đến là để sắp xếp lại di vật của bà.”
Nghe đến tên của Mayu, ánh mắt người đàn ông dịu xuống hẳn. Đến cả gương mặt của anh ta cũng hiền hòa hơn.
“Tôi biết. Tôi đã thấy cô hôm đám tang. Tôi là Shigeta. Tôi được bà Fujiko nhờ quản lý ngôi nhà này cũng như chăm nom cho những thứ bà ấy để lại.”
Đây chính là người quản lý mà khi nãy Kenji đã nhắc tới. Nói tới mới nhớ, cô có ấn tượng với gương mặt này. Trong đám tang của bà, so với những vị khách còn lại, anh có vẻ thương tiếc bà của Mayu hơn cả.
“Cảm ơn anh rất nhiều. Hiện giờ, anh đang sống ở đây sao?”
“Cô cũng nhận ra rồi nhỉ. Sau khi được bà Fujiko cho phép, giờ tôi đang sống ở tầng hai của ngôi nhà này. Như vậy, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn. Tất nhiên, khi nào việc mua bán, giải quyết ngôi nhà được quyết định xong, tôi sẽ chuyển đi ngay.”
Người đàn ông giải thích nhanh gọn. Có lẽ anh ta đã nhận được sự tin tưởng của bà và được bà nhờ vả chuyện quản lý nơi đây. Thế nhưng nói thẳng thì Mayu vẫn cảm thấy khó chịu. Cô phải sắp xếp di vật của bà trong một ngôi nhà có một người đàn ông xa lạ. Có lẽ lát nữa cô sẽ phải gọi điện hỏi lại mẹ cô rõ ràng.
“Ban ngày, tôi làm việc ở khách sạn ngay bên cạnh. Cô hãy sắp xếp di vật trong lúc tôi không có ở đây nhé.”
“À, vâng.”
Mayu thở phào nhẹ nhõm. Thật tuyệt khi cô không phải chạm mặt anh ta lúc sắp xếp, thu dọn đồ đạc nơi này.
“Mỗi ngày tôi đều đi làm lúc tám rưỡi, và quay về lúc chín giờ tối. Lúc nào rảnh rỗi tôi sẽ qua xem có giúp được gì không. Nhưng nếu có vấn đề gì thì cô cứ gọi điện cho tôi.”
Shigeta nói rồi rút từ trong túi ra một cuốn sổ, viết một dãy số lên một trang mới rồi xé nó và đưa cho Mayu.
“Phòng dành cho nhân viên trên tầng hai chỉ có vật dụng cá nhân của tôi. Thế nên tôi hy vọng nếu không có việc gì thì cô không vào trong đó.”
Giải thích hết mọi chuyện xong anh ta liền đi luôn. Có lẽ ở khách sạn, anh ta cũng rất giỏi việc tiếp khách. So với một khách sạn truyền thống của Nhật thì một khách sạn của nước ngoài có vẻ sẽ
hợp với anh ta hon.
Đột nhiên, Mayu nghe thấy một tiếng kêu mơ hồ từ trên cao vọng xuống. Mayu ngẩng đầu nhìn lên, con mèo trắng lúc nãy đang đứng trên cầu thang dẫn lên tầng hai. Nhận thấy ánh mắt của Mayu, nó quay người lại, tiếng từ chiếc chuông buộc ở cổ nó vang lên. Con mèo đang gặm tay vịn cầu thang, còn Mayu thì nhìn trân trân lên trần nhà. Nếu sắp xếp, thu dọn lại hết ngôi nhà này, cô chẳng thể tránh khỏi việc phải lên tầng hai.
Mayu nhận ra là mình cũng chẳng còn cách nào khác. Cô bước lên cầu thang, đi lên tầng hai. Chiếc cầu thang vang lên từng tiếng cộp cộp.
Ngay lúc khung cảnh tăng hai hiện ra, Mayu cắn chặt môi. Ở trên đó có một chiếc máy ảnh phản xạ ống kính đơn được đặt trên giá đỡ ba chân ngay giữa căn phòng, như thể có một người đang đứng đó. Thứ Mayu không muốn thấy nhất chính là máy ảnh. Thế nhưng lúc này đây cô lại chẳng thể chạy trốn được. Cô cũng chỉ còn cách chấp nhận sự thật mà thôi.
Tầng hai chính là studio của hiệu ảnh này. Một tấm phông nền cảnh đẹp ở Enoshima được treo kín một mặt tường. Những vị khách đến đây chụp ảnh kỉ niệm sẽ lên căn phòng này, tạo dáng và chụp ảnh trước tấm phông ấy.
Studio được đặt ở tầng hai vì vào thời kỳ người ta chuộng những bức ảnh có ánh sáng tươi mới, chụp ảnh ở trên này có thể lấy thêm một ít ánh sáng bên ngoài chiếu vào. Bây giờ bức tường bên trái và trần nhà đều đã bị bít lại, nhưng bà cô kể rằng trước đây hai bên tường đều có lắp cửa sổ thật to, thậm chí còn có cả giếng
trời nữa.
Tránh chiếc máy ảnh, Mayu tiến về phía góc studio. Cô đã thấy bình tĩnh hơn một chút. Không phải là cô không còn cái ý nghĩ muốn nhanh chóng ra về, mà giờ đây trong cô còn xen lẫn một chút hoài niệm những ngày quá khứ.
Cô dừng lại trước một chiếc bàn khá cũ. Những vật dụng mà bà cô dùng khi làm việc như những dụng cụ nhỏ khi chụp ảnh hay những chiếc máy ảnh dự bị... đều được xếp gọn gàng, ngăn nắp tại đây.
Có lẽ tất cả những thứ này đều cần phải bỏ đi hết thôi. Vì giờ cũng chẳng còn ai dùng đến chúng nữa.
Đột nhiên, trên một cái hộp vuông to có một vật lọt vào mắt Mayu.
“Nó, vẫn còn sao?”
Đó là một tấm ảnh đen trắng cũ. Trong tấm hình là một người phụ nữ tóc hoa râm mặc chiếc áo phông đen như của đàn ông đang tựa lưng vào cửa sổ và hút thuốc lá. Những tia nắng chiếu vào từ phía sau, nhưng hòa tan cùng những đường nét trên mặt người phụ nữ, đổ thành một chiếc bóng dài, đậm màu trên sàn nhà. Mái tóc ngắn khiến người phụ nữ có nét trung tính, nhưng đôi mắt hạnh dài và chiếc mũi nhỏ nhắn vẫn rất xinh đẹp. Chắc chắn, khi còn trẻ người phụ nữ ấy còn đẹp hơn nhiều.
Đó chính là bà Nishiura Fujiko của mười mấy năm trước. Dù mọi người có khuyên lơn như thế nào thì bà cũng không thể rời tay khỏi điếu thuốc cho đến lúc phải nhập viện.
“Cháu ít nói thật đấy.”
Ngay cả lúc nói chuyện với một đứa trẻ là Mayu khi đó, bà cũng không bỏ được điếu thuốc trên môi. Lúc ấy, cũng chính tại studio này, mùa hè đầu tiên khi Katsuragi Nanami vì hạn bản thảo đến gần mà gửi Mayu lại nhà bà ngoại.
Mùa hè năm ấy cũng là lần đầu tiên Mayu gặp bà ngoại. Bởi trước đó, mẹ cô, Katsuragi Nanami đã cắt đứt với gia đình. Mẹ Mayu vào những năm mười mấy đôi mươi đã tuyên bố muốn trở thành nhà văn, chống đối lại người cha nghiêm khắc và bước chân ra khỏi nhà. Sau này, bà ra mắt công chúng tác phẩm đầu tay, kết hôn và sinh ra Mayu. Người cha tới phút cuối vẫn không từ bỏ thái độ cứng rắn của mình, ông đã mắc bệnh mà qua đời, nên Nanami rốt cuộc cũng làm hòa với mẹ - người vốn từ đầu đã chẳng đồng ý mà cũng chẳng phản đối quyết định của bà.
Lúc mới đến hiệu ảnh, Mayu đã ngoan ngoãn phụ giúp bà dọn dẹp studio, thế nhưng dù bà cô có cố gắng bắt chuyện đến mấy thì cô cũng chẳng nói được mấy lời. Lúc dựa lưng vào khung cửa sổ đang mở để nghỉ ngơi một chút, bà ngoại cô đã nhận xét cô như thế.
“Nhưng mà cháu cũng tinh ý thật. Mấy chỗ nhỏ nhặt cháu cũng để ý thấy, cái gì nhìn một lần là cháu có thể nhớ luôn được. Có lẽ đôi mắt cháu sắc bén đấy.”
Đấy là lần đầu tiên Mayu nhận được lời khen từ người lớn. Bởi từ trước cô vẫn nghĩ mình khác với người mẹ hay được gọi một cách đầy kính nể là “cô Katsuragi”, còn bản thân cô lại chẳng có ưu điểm gì.
Niềm vui bất chợt ùa về, khiến Mayu cảm thấy lâng lâng. Và cho
đến tận bây giờ, cô vẫn thấy niềm hạnh phúc ấy mới mẻ như lúc ban đầu. Kể cả cái cảm giác muốn ngưng khoảnh khắc ấy lại, lưu nó vào một nơi nào đó cũng chưa hề phai nhạt trong cô.
Và như thể biết được suy nghĩ ấy của Mayu, bà cô đã đưa cho cô một chiếc máy ảnh ống kính đơn (SLR). Nó nhỏ hơn hẳn so với những chiếc máy ảnh khác, nhưng cầm nó trên tay, Mayu cảm thấy nó vẫn rất nặng. Cái xù xì, thô ráp của chiếc máy khiến cô cảm thấy thật thoải mái.
“Đây là chiếc máy ảnh của riêng bà, bà không dùng nó cho công việc. Ngày hôm nay cháu hãy đi quanh đảo và chụp những gì cháu thích đi. Bà sẽ rửa ảnh cho cháu.”
Đó là lần đầu tiên Mayu chạm vào máy ảnh. “Chụp ảnh”, khi mà cô còn đang lẩm nhẩm lại cái từ ấy, cô đã thấy ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt bà.
“Nếu cháu chụp ảnh tốt, cháu có thể lưu giữ những gì mình thích mãi đến về sau. Cháu có thấy nó thú vị không?”
Mayu vẫn im lặng gật đầu. Đúng là nó có vẻ rất thú vị. Sau đó, bà ngoại Mayu bắt đầu dùng nước vẽ trên tấm bảng đứng để giải thích cho cô, từ độ nhạy sáng, khẩu độ cho đến tốc độ màn trập, tiêu điểm... Thế nhưng hầu hết những điều đó Mayu đều không thể lý giải ngay được, và những bức ảnh cô chụp ngày hôm đó dù nhìn thế nào cũng thấy chúng thật xấu xí.
“Nó như thế này đây.”
Vừa nhìn bức ảnh được tráng ra, bà ngoại cô vừa nhẹ nhàng lên tiếng.
“Nếu cháu thích thì ngày mai lại thử tiếp xem sao.”
Thế là từ ngày hôm đó, Mayu bắt đầu ôm máy ảnh chạy khắp Enoshima. Sau này, cô được bà đưa thêm vài lời khuyên và cũng đã thành thạo hơn một chút. Cô cũng muốn được học rửa ảnh, nhưng bà cô không cho. Vì từ ngày xưa, hiệu ảnh Nishiura đã có quy định chỉ có nhân viên trong hiệu ảnh mới được dùng máy móc trong công việc.
Vào buổi sáng khi cô rời Enoshima về nhà, cô đã chụp bức hình cuối cùng này, chính là tấm chân dung của bà cô. Suốt mùa hè năm đó, tấm hình cô chụp thành công cũng chỉ có tấm này. Và khi Mayu còn đang tiếc nuối vì muốn được chụp nhiều hơn nữa, bà cô đã đeo chiếc máy ảnh của bà lên cổ cô.
“Bà cho cháu mượn nó vô thời hạn. Khi nào cháu không dùng nữa, hãy trả cho bà. Sau này nếu chụp được ảnh gì thì gửi phim cho bà. Bà sẽ rửa và in ảnh cho cháu.”
Nói rồi bà nhét hộp phim vào ba lô trên lưng Mayu.
Chiếc máy ảnh Mayu mượn bà năm đó, giờ đang được đặt trên chiếc bàn này. Đó là một chiếc máy ảnh Nikon EM*, trên thân máy vẫn còn nhãn hiệu “EM”. Nó là loại máy ảnh cỡ nhỏ, mặc dù có vài hạn chế nhưng vẫn là chiếc máy ảnh đầy thú vị. Trước khi tốt nghiệp trung học, Mayu đã mua một chiếc máy ảnh DSLR, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn dùng chiếc máy ảnh của bà.
Khi Mayu quyết định không chụp ảnh nữa cũng là lúc cô gửi trả lại chiếc máy ảnh Nikon EM này cho bà. Đó đã là chuyện hơn ba năm về trước, một tấm ảnh Mayu chụp đã dẫn đến một chuyện đáng tiếc mà cô không muốn nhớ lại. Và cũng kể từ đó, cô thậm chí
còn chẳng chạm đến máy ảnh của điện thoại nữa.
Chắc mình nên mang bức ảnh này về. Mẹ sẽ muốn thấy nó. Trong lúc đang tìm chỗ để cất bức ảnh của bà ngoại, Mayu thấy một chiếc hộp vuông dưới bức ảnh. Trên nắp hộp có dán một tờ giấy ghi “Ảnh chưa trả”.
Chưa trả? Thế là sao?
Ngồi xuống chiếc ghế bọc một lớp vải theo phong cách cổ điên, Mayu mả nắp hộp ra xem. Bên trong chiếc hộp có đến mấy túi ảnh có in tên “Hiệu ảnh Nishiura”. Và sau mỗi túi ảnh đều có ghi tên người kèm theo chữ “Ngài”.
Trong chiếc hộp đó chính là những bức ảnh mà khách đã đặt hàng ở hiệu ảnh. Có thể họ đến hiệu ảnh này để chụp ảnh, hoặc cũng có thể đến đây tráng phim rửa ảnh. Nhưng vì một lý do nào đó mà cửa hiệu không trả lại ảnh cho họ được và cứ giữ mãi trong chiếc hộp này.
“Làm thế nào đây?”
Mayu bối rối. Dù là những bức ảnh cũ nhưng không thể cứ đơn giản vứt chúng đi là được. Bởi dù sao đó cũng là đồ của khách hàng. Chỉ là việc liên hệ và trao lại những bức ảnh này sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Mayu cầm lấy túi ảnh trên cùng. Tên của vị khách này được viết trên phong bì là “Ngài Madori Masakazu”. Ngoài cái tên ra thì chẳng còn địa chỉ gì để có thể liên hệ được với vị khách này cả.
Băn khoăn mất một lúc, Mayu quyết định mở túi ảnh ra. Có thể bên trong sẽ có chút manh mối giúp cô trả lại những bức
ảnh này. Vả lại, cô cũng cần phải xác nhận lại một lần nữa xem bên trong có đúng là ảnh hay không.
Bên trong túi giấy chính là vài bức ảnh cùng với phim âm bản. Những tấm phim được cho vào trong một chiếc túi giấy bóng riêng. Có lẽ vị khách Madori Masakazu ấy đã mang mấy tấm phim này đến và chỉ nhờ dịch vụ in ảnh của cửa hiệu mà thôi. Có bốn bức ảnh với độ lớn chênh lệch nhau một chút. Và bức ảnh nào trong số chúng cũng chỉ chụp một người đàn ông trẻ tuổi.
Bức ảnh đầu tiên là một bức ảnh đen trắng khá cổ. Người đàn ông trong ảnh mặc một bộ đồ truyền thống màu trắng, đứng dựa lưng vào lan can cầu Benten nối giữa Enoshima và bờ biển Katase. Cây cầu bằng gỗ trông chật hẹp đến mức xe ô tô không thể đi qua, và thô sơ tới mức như sắp sửa bị những cơn sóng cuốn trôi.
Enoshima khi đồ cũng khá khác so với hiện tại. Nhà cửa thời bấy giờ hầu hết còn lợp mái rơm rạ, và cũng chẳng có nhiều nhặn gì. Cả hòn đảo trông khá nhỏ bé, ngay cả ngọn hải đăng trên đỉnh núi cũng không có. Chắc hẳn bức ảnh này phải được chụp từ trăm năm trước. Trông nó cổ tới mức có thể đem vào sách giáo khoa lịch sử được.
Các bức ảnh khác cũng có bố cục tương tự với bức đầu tiên này, vẫn là người đàn ông trẻ quay trở lại Enoshima, đứng chụp trên cầu Benten. Bức ảnh thứ hai mặc dù vẫn là ảnh đen trắng nhưng so với bức đầu tiên thì có vẻ thời điểm chụp là khá lâu về sau rồi. Trong bức ảnh, cây cầu Benten đã được xây dựng to đẹp hơn một chút. Nhà cửa trên đảo cũng nhiều hơn, và ngọn hải đăng trên đỉnh núi cũng đã được xây dựng.
Bức ảnh thứ ba là một bức ảnh màu. Góc bên phải phía dưới tấm ảnh còn ghi thời gian “1978/7/8”. Đến bức ảnh này, Enoshima đã có được dáng vẻ gần với dáng vẻ của hòn đảo mà Mayu biết đến. Cầu Benten cũng được tu sửa khang trang, đẹp đẽ hơn, thậm chí bên cạnh còn có làn đường cho ô tô đi như hiện tại. Chiếc cầu cổ ngày xưa với những nhịp cầu sắt đung đưa mang theo nét hoài cổ.
Sang bức ảnh thứ tư có vẻ là Enoshima của hiện tại. Ngọn hải đăng được thay mới, ngay lối vào đảo có một khu nghỉ dưỡng lớn được xây dựng. Và vẫn giống như ba bức ảnh trước, bức ảnh thứ tư này vẫn chụp một người đàn ông trẻ đứng dựa lưng trên cầu Benten.
Thế nhưng, họ là ai, và sao họ lại chụp những bức ảnh này? Mặc dù thời đại thay đổi, trang phục khác nhau, nhưng bốn người đàn ông vẫn chung kiểu tóc ngắn. Ấn tượng nhất chính là gương mặt trẻ trung và hàng lông mày đen bóng, toát lên vẻ cương nghị. Bất ngờ là rất khó để tìm được điểm khác biệt ở họ. Dù có mối liên hệ máu mủ nhưng giống đến mức này thì...
Giống như là cùng một người vậy.
Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Chắc chắn sẽ chẳng có chuyện ngớ ngẩn ấy xảy ra được. Nhìn kĩ thì ở tầm ảnh nào người đàn ông cũng có một nốt ruồi ở đuôi mắt phải. Cũng có thể đây là sự giống nhau một cách ngẫu nhiên chăng. Kể cả nói như vậy thì bốn người cùng giống nhau đến thế cũng là quá nhiều rồi.
Tất nhiên cũng có khả năng đây không phải là ảnh của bốn người khác nhau. Cũng có thể đây chỉ là lấy mặt của một người đàn
ông và ghép vào với bốn tấm ảnh. Thời mà người ta còn dùng máy ảnh cơ nhiều, việc cắt ghép ảnh có thể khá phức tạp, nhưng hiện tại, nếu sử dụng kỹ thuật số và thao tác trên máy tính thì việc này lại khá đơn giản.
Song, Mayu vẫn không thể nghĩ được hiệu ảnh lại nhận công việc như thế này. Ngay cả bà cô, người có thể sử dụng máy ảnh kỹ thuật số cũng không quen thao tác trên các phần mềm chỉnh sửa ảnh. Vả lại, hình trên phim lại giống hoàn toàn với những bức ảnh in ra này. Do đó, cô chẳng tìm thấy dấu vết nào của việc chỉnh sửa ảnh trước khi in ra cả.
Nói tóm lại, việc chụp ra những bức ảnh này là hoàn toàn không có khả năng.
Cũng chẳng có người nào có thể trẻ mãi không già.
“Thật ngu ngốc.”
Mayu nói thành tiếng để xua đi cái suy nghĩ vớ vẩn vừa rồi. Ngay lúc ấy, bỗng có tiếng chuông ở đâu vọng về. Mayu quay đầu nhìn lại thì thấy chú mèo lúc nãy xuất hiện ở cuối hành lang. Cô cảm thấy thật buồn cười. Lúc cô muốn đến gần thì nó lại chạy biến, lúc cô ngồi yên không động đậy thì nó lại chạy tới gần.
Không, thứ chú mèo để ý không phải là Mayu. Nó đang nhìn xuyên qua cầu thang, hướng xuống tầng một. Có vẻ nó cảm nhận được có cái gì đó ở ngoài kia.
Tiếng bước chân trên cầu thang vang lên. Thực sự là có ai đó đang lên studio này. Chỉ vài giây sau, một người đàn ông cao lớn mặc áo khoác đen xuất hiện. Đó chính là người đàn ông đứng trên đê chắn sóng mà Mayu đã thấy lúc trước. Khi đó, cô mới chỉ nhìn từ
đằng sau người đàn ông đó, còn lúc này, cô nhận ra rằng người đàn ông này cũng tầm tuổi mình. Gương mặt trẻ với mái tóc cắt ngắn. Đuôi mắt phải có một nốt ruồi.
Đây chính là người đàn ông trong những bức ảnh.
“Hiệu ảnh này vẫn còn làm việc chứ ạ?”
Một giọng nói thật nhẹ, nghe thật êm tai. Chợt Mayu nhận ra là mình đã đứng dậy từ lúc nào. Trống ngực cô đập thình thịch. “Hiện tại hiệu ảnh này không còn làm việc nữa. Trước đây bà của tôi vẫn còn làm việc nhưng...”
Có lẽ vì xúc động nên cô khó mở lời hơn bình thường. Người đàn ông này là ai, tại sao anh ta lại tới đây, và sao lại đến đúng lúc mình đang xem những bức ảnh ấy thế này...
“... Tháng Mười năm ngoái, bà tôi đã qua đời... Tôi chỉ đến để sắp xếp lại di vật của bà. Tôi phải thu xếp xong trong thứ Bảy và Chủ nhật này...”
Trước những câu nói lắp bắp của Mayu, người đàn ông vẫn bình thản và kiên nhẫn lắng nghe. Mayu rất muốn hỏi về bốn tấm ảnh kỳ lạ này, nhưng cô chẳng biết nên bắt đầu từ đâu cả.
“Thực ra, tôi rất muốn lấy lại những bức ảnh trước đây đã đặt ở hiệu ảnh này. Lúc nãy tôi vô tình đi qua, thấy cửa mở nên mới đi vào...”
“Anh là Madori Masakazu?”
Mayu bật thốt lên cái tên ghi trên túi đựng ảnh. Người đàn ông mở tròn mắt ngạc nhiên, như thể muốn hỏi tại sao cô biết cái tên đó.
“Thực ra, cái này...”
Chẳng còn cách nào khác, Mayu cho anh ta xem một trong số các bức ảnh lúc nãy. Đó chính là tấm ảnh cũ nhất trong túi. Đột nhiên, người đàn ông tiến sát lại.
“Gì thế này?”
Mayu lùi về sau theo phản xạ, nhưng lại bị chiếc ghế bọc vải cản trở. Người đàn ông cúi người xuống trước mặt Mayu và nhìn chằm chằm vào bức ảnh trên tay cô. Tấm lưng anh ta căng cứng lại, cái nhìn mạnh mẽ như thể muốn đốt cháy luôn cả bức ảnh.
“Vâng, đúng là nó. Chính là tấm ảnh này.”
Người đàn ông nói với vẻ vui sướng, ngay sau đó anh ta thả lỏng cơ thể. Lúc này, khoảng cách hai người khá gần. “Tôi là Madori Akitaka. Masakazu là ông của tôi.”
Mayu và người đàn ông đi xuống một căn phòng kiểu Nhật ở dưới tầng một, ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn thấp truyền thống. Trước đây, căn phòng này được dùng làm nơi tiếp khách của hiệu ảnh.
Câu chuyện của Madori Akitaka tốn khá nhiều thời gian, nhưng anh ta nói chuyện rất tuần tự và đặc biệt lịch sự với giọng điệu từ tốn. Mayu không ngờ một người có vẻ ngoài nam tính lại có tính cách thong dong đến vậy.
Theo như lời kể, anh ta đang là sinh viên Đại học Y, hơn Mayu một tuổi. Từ vài ngày trước, anh ta đã cùng bà mình đến biệt thự ở khu phố Đông trên đảo Enoshima. Anh ta vốn muốn đến để lấy lại những bức ảnh mà ông của anh ta đặt ở hiệu ảnh, tuy nhiên hiệu
ảnh đã đóng cửa nên anh ta cũng đang không biết phải làm sao. “Nửa năm trước, ông của tôi có đến đây nhờ rửa thêm mấy tấm ảnh. Nhưng ngay sau đó, ông đã bị đột quỵ và đột ngột qua đời. Tôi cũng không biết rõ hiệu ảnh ông đến lúc đấy là hiệu ảnh nào... Gần đây tôi mới tìm thấy tờ ghi chú của ông có ghi là hiệu ảnh Nishiura.” Nếu là nửa năm trước thì đó cũng là thời điểm ngay trước khi bà của Mayu nhập viện. Và khi đó, dù không làm việc đều đặn mỗi ngày nhưng bà vẫn tiếp tục công việc trong tình trạng sức khỏe xấu. “Những bức ảnh này thuộc về ông của anh sao?”
“Không, chúng thuộc về bà tôi. Bà luôn mang theo nó bên mình. Thế nhưng, những tấm ảnh gốc đều đã bị xước, mò hết cả nên ông tôi đã nhờ rửa lại những bức ảnh mới.”
“Tại sao... khi đó ông của anh lại chọn hiệu ảnh này vậy?” Ngoài hiệu ảnh Nishiura này, chắc chắn còn nhiều nơi khác cũng có dịch vụ rửa ảnh cho khách. Akitaka nghiêng đầu suy nghĩ. “Cái này... Có lẽ do ông bà tôi có duyên với hòn đảo này cũng nên. Trước khi kết hôn, bà tôi đã sống ở Enoshima. Và bà cũng gặp ông ở ngay nơi đây.”
“Bà của anh là người Enoshima này sao?”
“Không phải vậy. Bà tôi nói là bà đã bỏ nhà ra ngoài tự lập và đến làm việc ở đây. Dường như mối quan hệ giữa bà và mọi người trong nhà không được tốt. Sau đó, bà đã trúng tiếng sét ái tình với ông tôi khi đó đang đến hòn đảo này du lịch. Một năm sau thì bà quyết định bắt chuyện làm quen với ông.”
“Một năm sau?”
Mayu kinh ngạc. Tại sao tình yêu sét đánh mà phải chờ đến một năm sau mới nói chuyện?
“Dường như khi đó có quá nhiều người đến rồi đi và bà đã để lạc mất ông. Một năm sau, bà lại nhìn thấy ông khi ông quay lại đây, lúc đó bà đã đuổi theo ông đến tận nhà ga Enoden và tỏ tình với ông.”
Quả là một câu chuyện tình ly kỳ và hấp dẫn. Có lẽ, những bức ảnh này cũng có liên quan tới câu chuyện đó cũng nên. Mayu nhìn xuống những tấm ảnh đang được xếp lần lượt trên bàn. Có lẽ, đây chính là lúc thích hợp để hỏi xem bốn tấm ảnh này được chụp như thế nào.
“Ông của anh... ông Madori Masakazu cũng có trong những bức hình này chứ?”
“Vâng, tôi nghe nói ông đã chụp trong những buổi hẹn hò năm đầu tiên ông bà quen nhau. Hình như là bốn, năm năm sau chiến tranh... Đây, là bức ảnh này này.”
Akitaka chỉ vào tấm ảnh đen trắng cũ thứ hai. Tấm ảnh này chụp được cảnh ngọn hải đăng đang trong quá trình xây dựng. Sau đó, anh ta lại lần lượt chỉ vào tấm ảnh màu thứ ba và tấm ảnh mới nhất thứ tư.
“Đây là bố tôi. Khi cả nhà tôi đến Enoshima, chúng tôi muốn chụp lại một tấm hình giống với trước đây. Còn bức mới nhất này chính là tôi. Tôi chụp nó vào năm ngoái, khi tôi với ông đến biệt thự của chúng tôi.”
Quả nhiên, những người trong bốn tấm ảnh này đều có liên hệ
máu mủ với nhau. Và họ chụp lại những bức ảnh kỉ niệm giống với ngày xưa, ngay tại những vị trí cũ. Mặc dù vậy, Mayu vẫn còn nghi hoặc chưa được giải đáp.
“Mọi người... đều giống nhau nhỉ. Ví dụ như vị trí của nốt ruồi này, chúng đều rất giống nhau.”
“À, bố tôi không có nốt ruồi đâu. Nhưng tôi nghe kể lại là bà tôi khi đó đã dùng đồ trang điểm để vẽ thêm cho giống với ông tôi ngày trước.”
Mayu kinh ngạc ngẩng đầu lên. Cô nhìn chằm chằm vào đuôi mắt của Akitaka. Anh ta vừa cười vừa cọ cọ vào nốt ruồi của mình. “Nốt ruồi của tôi không phải do hóa trang đâu.”
Bị nhìn thấu suy nghĩ trong lòng, Mayu cảm thấy xấu hổ. Có vẻ nốt ruồi của anh ta đúng là thật. Nếu vậy thì trong trường hợp này, ông và cháu lại có những điểm di truyền giống nhau..ì không, vẫn còn một người nữa.
“Vậy, người trong tấm hình cũ nhất này là ai?”
Người đàn ông mặc bộ đồ truyền thống đứng trên cây cầu gỗ cũng có nốt ruồi. Nhắc đến đây, mắt Akitaka sáng lên: “Đúng vậy, chính là tấm hình này.”
Akitaka chống hai tay lên chiếc bàn và rướn người về phía trước. Ngực anh ta phập phồng như thể đang thở gấp. “Không biết ông ấy là ai nhỉ?”
“Gì cơ?”
Mayu bật thốt lên. Người đàn ông này vừa nói cái gì vậy? “Tôi vẫn luôn muốn lắng nghe ý kiến của chuyên gia về chụp
hình. Tôi cũng đã nhờ một người hiểu rõ lịch sử nơi đây xem giúp, nhưng nếu nhìn từ khung cảnh Enoshima khi đó thì bức hình này có vẻ được chụp từ đầu thời Chiêu Hòa*. Thế nhưng vào thời gian đó, gia đình Madori chỉ toàn là phụ nữ, không có người đàn ông nào tầm tuổi tôi cả. Tôi cũng đi hỏi họ hàng của mình, nhưng mọi người đều xác nhận rằng chắc chắn không có người nào như trong ảnh.”
Quả là một câu chuyện kỳ lạ. Mayu nhìn sát vào tấm ảnh. Nếu đây không phải là ảnh ghép thì chỉ có thể là một người khác giống họ mà thôi, kể cả là như vậy thì...
“Bức ảnh của cậu đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi.” Một giọng nói vang lên trong đầu khiến Mayu giật mình. Đột nhiên, cô lại nghĩ tới chuyện đó. Có thể chuyện khi ấy sẽ còn lặp lại. Dù cô đã thề sẽ không dính dáng gì đến chụp ảnh nữa, và cho dù suốt bốn năm qua cô cũng không hề đụng tới máy ảnh... “Tôi, không phải là chuyên gia về ảnh... Tôi cũng không phải nhân viên ở đây.”
“Thế nhưng cô hiểu rất rõ về ảnh đúng không? Chắc cô phải thích chụp ảnh lắm nhỉ.”
“Tôi rất ghét nó!”
Trước lời phủ định ngay tắp lự khiến chính cô cũng phải ngạc nhiên này, nụ cười trên môi Akitaka cũng tắt hẳn.
“Tôi xin lỗi.”
Mayu vội vàng cúi đầu xin lỗi. Trong lần gặp đầu tiên, sao cô có thể thể hiện tình cảm cá nhân ra thế chứ.
Vậy nhưng, ngay lúc đó Akitaka cũng vội vàng xua hai tay:
“Không, cũng tại tôi hỏi riêng tư quá... Nhưng, tôi không còn biết ai hiểu rõ về những bức ảnh ngày xưa cả. Thế nên, ít nhất cô có thể nói cho tôi những gì cô thấy từ bức ảnh này được không?”
Nói rồi, anh ta còn cúi đầu thấp hơn cả Mayu. Người mình xin lỗi lại nhờ vả kiểu này, Mayu dường như không thể từ chối được. “Vâng, tôi biết rồi.”
Mayu đáp lời trong cảm giác áy náy. Đột nhiên, cô cảm giác như có cơn gió thoảng qua gò má, giống như một cánh cửa nặng nề vừa hé mở.
Mayu nhìn lại những bức ảnh cũ một lần nữa. Nhắc đến thì cô vẫn chưa kiểm tra lại phim của bốn tấm ảnh này.
Mayu lục lại túi đựng ảnh, mở túi plastic đựng bốn tấm phim và xếp chúng lên bàn... bốn tấm?
“Sao không đủ?”
Trong túi chỉ có ba tấm phim. Mayu vội nhìn lại trong túi đựng ảnh và kiểm tra lại chiếc hộp đựng tất cả những tấm ảnh chưa trả để xem nó có rơi ở đâu không, nhưng tất cả đều không có. Chiếc túi plastic đựng phim vẫn được dán kín bằng băng dính. Như vậy tức là ngay từ đầu nó đã không được cho vào trong túi. Mayu cảm nhận thấy máu chảy rần rật trên mặt.
Khi cô giơ những tấm phim lên về phía ánh sáng ở cửa ra vào để kiểm tra, cô mới phát hiện, tấm phim còn thiếu lại chính là tấm phim của bức ảnh cũ nhất.
“Không có phim của bức ảnh này anh ạ.”
“Thế nghĩa là sao?”
Mayu nghẹn lời. Tất nhiên, khi khách hàng đến đây nhờ rửa ảnh thì chắc chắn họ phải mang cả phim đến rồi. Nếu không có phim thì bà đã chẳng in ra được những bức ảnh này. Nếu vậy thì giờ chỉ có một khả năng.
“Có lẽ bà của tôi... đã quên cho nó vào trong túi cùng những tấm phim khác.”
Trong trường hợp xấu nhất, có lẽ tấm phim đó đã mất rồi. Những tấm phim này là đồ của khách, và hiệu ảnh phải bảo quản chúng cho tới khi giao lại cho khách. Nhưng, dù bà có ốm yếu thế nào, cô cũng không thể tin một người nghiêm khắc trong công việc như bà lại gây ra một lỗi nghiêm trọng đối vậy được.
“Thành thật xin lỗi anh. Tôi nhất định sẽ tìm lại nó cho anh.” “Không sao. Đây cũng không phải lỗi của cô Katsuragi mà. Dù sao thì tôi cũng có ảnh ở đây rồi nên cũng không sao cả... Bà tôi chắc cũng không để ý đâu.”
Sao có thể không để ý được. Bà ấy đã giữ gìn nó cẩn thận mấy chục năm ròng cơ mà. Mayu thầm tự nhủ nhất định phải tìm ra nó. Khoan đã, nói vậy thì, vẫn còn một người biết rõ sự tình khi chụp những tấm ảnh này. Sao nãy giờ cô không nghĩ ra chứ. “Những bức ảnh này là của bà anh Madori đúng không. Nếu thế thì chắc bà anh phải biết rõ người trong bức ảnh này?” Chắc chắn chủ của những bức ảnh này phải biết rõ về nó rồi. Thế nhưng, Akitaka lại chau mày có vẻ rất khó xử.
“Thực ra hôm qua tôi cũng đã nói chuyện này với bà tôi. Vì bà cùng tới biệt thự với tôi... Thế nhưng, tôi cũng không chắc lắm. Tôi
không rõ là bà có biết hay không nữa...”
Mayu vẫn chờ Akitaka nói tiếp, vậy mà anh ta cứ im lặng mãi. “Như vậy là sao?”
Ngay lúc Mayu định cất tiếng hỏi, thì một người phụ nữ dáng người nhỏ bé, trông đã luống tuổi tiến vào trong hiệu ảnh. Mái tóc bạc trắng được tạo kiểu rất đẹp, một chiếc áo len cashmere màu be rất hợp với mái tóc và trên vai quàng thêm một chiếc khăn màu đỏ rực rỡ. Điều làm cô băn khoăn là bà mặc chúng cùng chiếc quần giữ nhiệt trơn láng, dù chất liệu của nó có vẻ tốt... Thêm nữa, trong cái lạnh như thế này mà bà ấy lại không mặc áo khoác.
Người phụ nữ ấy nhìn một vòng bên trong hiệu ảnh, đôi mắt bà mang theo vẻ hoài niệm xa xăm. Mayu vừa định đứng dậy thì Akitaka còn nhanh hơn, vội vã lao ra ngoài.
“Đây là bà tôi.”
Sau khi đỡ người phụ nữ tiến vào, Akitaka nhẹ giọng giới thiệu với Mayu. Hóa ra đây chính là người mà nãy giờ cả hai đang nhắc tới.
“Sao bà lại đi một mình thế này. Chị Seno đâu?”
Nghe thấy Akitaka hỏi, người phụ nữ chỉ tay ra bên ngoài. “Lúc nãy bà đi dạo đến bãi biển đằng kia kìa, rồi bà thấy ngôi nhà trông quen quen nên mới vào đây.”
Một giọng nói thật hiền từ. Mayu chợt nhớ, lúc nãy cô có nghe thấy Akitaka nhắc bà của anh cũng từng sống ở Enoshima này. Nếu vậy thì chắc bà cũng biết hiệu ảnh Nishiura này rồi. Kiến trúc nơi đây cũng chẳng có gì thay đổi mấy trong suốt năm mươi năm qua.
“Chào bà ạ...”
Mayu vừa cất tiếng chào, người phụ nữ đã lịch sự cúi đầu đáp lễ.
“Chào cô. Cô là người làm trong hiệu ảnh này sao?” “Không ạ. Cháu là cháu gái của bà Nishiura Fujiko...” “Chị Fujiko!”
Bà của Akitaka chập hai tay lại bộp một tiếng, vẻ mặt rất vui sướng.
“Lâu lắm rồi tôi không được gặp chị ấy. Phải, đã lâu lắm rồi đấy... Chị ấy có đang ở trên tầng hai chứ?”
Nói rồi, bà hướng mắt nhìn lên cầu thang dẫn lên tầng hai. Mayu chẳng biết trả lời ra sao. Có lẽ trước đây, họ đã từng là đồng nghiệp của nhau trên hòn đảo nhỏ này. Nhìn qua thì bà ấy cũng cùng tầm tuổi với bà của Mayu.
“Bà Nishiura Fujiko, bà ấy đã qua đời rồi ạ.”
Vừa nghe đến đó, bà của Akitaka sững người lại, thất thần trong chốc lát. Có lẽ bà ấy còn định hỏi nhiều điều khác nữa, nhưng cuối cùng bà ấy chỉ im lặng như thế mãi.
Rồi bà bắt đầu nhìn lại bức ảnh đen trắng treo trên tường. Lấy bối cảnh là một quán nhỏ đơn sơ ở tận sâu trong hòn đảo, bức ảnh chụp một cặp vợ chồng ngày xưa. Không ai biết cặp vợ chồng trong bức ảnh ấy là ai, và bức ảnh như vậy cũng chẳng quý hiếm gì, nó chỉ là một bức ảnh kỉ niệm có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Hiệu ảnh Nishiura này cho đến nay vẫn còn lưu giữ một lượng lớn những bức ảnh cũ từ ngày xưa. Sau khi được khách hàng cho phép, hiệu ảnh
đã in thêm những bức ảnh này để treo trong cửa hiệu như là những bức ảnh mẫu.
Đột nhiên, người phụ nữ quay sang nhìn Akitaka.
“Anh Masakazu đến đây làm gì thế?”
Mayu như không tin vào tai mình nữa. Sao bà ấy lại gọi cháu mình bằng tên của chồng? Thế nhưng, Akitaka, người bị gọi bằng tên của ông mình lại chẳng tỏ vẻ gì khác lạ.
“Cháu đến vì mấy tấm ảnh ạ. Bà mang theo nó suốt bao lâu nay... Bây giờ thì chúng cũng mờ lắm rồi, nên cháu đến đây nhờ in thêm mấy tấm nữa.”
“Ra là vậy. Nếu là ảnh thì anh nhờ hiệu này là nhất rồi đấy. Tay nghề của chị Fujiko là tuyệt nhất đấy.”
Vừa nói, bà ấy vừa ngước lên tầng hai. Dù lúc nãy Mayu có nói bà của cô đã sang thế giới bên kia, nhưng dường như người phụ nữ này chẳng nhớ được gì cả.
Mayu dần nhận ra vấn đề. Có lẽ bà ấy mắc hội chứng về nhận thức của người già. Và bệnh có vẻ đã khá nặng rồi. Thế nên lúc nãy Akitaka mới ấp úng khi nói không biết bà mình có biết chuyện mấy tấm ảnh hay không.
Bỗng dưng vai của cô bị vỗ nhẹ một cái. Khi cô quay lại đã thấy mặt Akitaka tiến sát lại gần.
“Tôi phải gọi điện cho quản gia một chút. Chắc bà ấy đang đi tìm bà tôi... Thế nên nhờ cô nói chuyện với bà tôi một lúc nhé.” “Sao cơ?”
Trong lúc Mayu còn đang lúng túng không biết làm thế nào thì
Akitaka đã rút điện thoại ra và bước ra ngoài. Dù anh ta có bảo cô nói chuyện thì cô cũng chẳng biết nói chuyện gì bây giờ cả. Nhưng dù sao cũng không thể đứng mãi thế này được. Mayu đỡ bà của Akitaka ngồi xuống bậc thang nối vào phòng khách.
Bà cụ hồn nhiên cười với Mayu, và cô cũng cười lại với bà. Bầu không khí hơi kỳ lạ xen lẫn một chút căng thẳng.
“À, phải rồi. Để tôi cho cô xem những tấm ảnh.”
Nói rồi không chờ Mayu trả lời, bà đã lấy những tấm ảnh nhàu nát từ trong túi ra, xếp trên bậc cầu thang. Đó là bốn tấm ảnh giống hệt với bốn tấm ảnh mà Mayu và Akitaka xem từ nãy tới giờ. Có lẽ vì bà ấy lúc nào cũng mang theo bên người nên giờ bốn tấm ảnh đã bị xước, nhàu tới mức mới nhìn thì không thể phân biệt ngay được tấm nào với tấm nào. Và giờ thì Mayu cũng hiểu vì sao chồng bà ấy lại nhờ in lại bốn tấm ảnh này.
“Bốn bức ảnh này chụp rất đẹp đúng không?”
Bà cụ nói với vẻ rất tự hào. Bà nhoẻn miệng cười như một đứa trẻ.
“Vâng... đúng thế ạ.”
Đó không đơn thuần chỉ là lời khen khách sáo. Bố cục của mấy tấm ảnh này đều rất tốt, người chụp đã chọn được góc đẹp, tạo cảm giác như cây cầu còn chạy dài mãi, và trong tấm nào thì gương mặt của người trong ảnh cũng rất đẹp.
“Những bức ảnh này quan trọng lắm đấy.”
Mayu nhìn xuống bức ảnh mới nhất chụp Akitaka. Mặc dù nó mới được chụp hồi năm ngoái, nhưng giờ cũng đã nhàu hết cả rồi.
Có lẽ từ lúc mắc chứng bệnh này, bà ấy đã luôn mang theo bốn tấm ảnh bên người. Chắc hẳn bà ấy phải còn nhiều ảnh khác nữa, thế nhưng bà ấy chỉ chọn bốn tấm này chắc chắn, nó phải rất quan trọng đúng như lời bà nói.
“Cái này, người trong bức ảnh này là ai thế ạ?”
Mayu chỉ vào bức ảnh cũ nhất, có vẻ như được chụp vào thời Chiêu Hòa.
“Là anh Masakazu. Anh ấy là chồng tôi.”
Bà ấy trả lời ngay lập tức.
Không đúng, thời điểm bức ảnh này được chụp thì chồng bà ấy có lẽ còn chưa ra đời nữa, có chăng cũng chỉ là một đứa bé sơ sinh là cùng. Không biết bà ấy nghĩ gì rồi lại tiếp tục chỉ vào ba bức ảnh khác.
“Những bức ảnh này cũng đều là anh Masakazu hết đấy.” Có vẻ bà ấy không phân biệt được người trong ảnh là ai. Vậy là Mayu lại chuyển sang câu hỏi khác.
“Ai đã chụp những bức ảnh này thế ạ?”
Chắc chắn phải có ai đó nhấn nút chụp ảnh cho những bức ảnh này chứ. Có lẽ hỏi câu này sẽ giúp Mayu biết thêm được điều gì đó. Lần này, phải mất một lúc bà ấy mới trả lời. Đầu tiên, bà ấy tách bức ảnh mới nhất chụp Akitaka ra một chỗ và nói:
“Bức ảnh này thì tôi không biết.”
Đây cũng chẳng phải là điều ngạc nhiên gì. Bởi Akitaka đã nói nó được chụp khi anh cùng ông của mình đến biệt thự ở trên đảo. Thế tức là khi đó không có bà ấy ở đây.
“Ba bức ảnh kia đều là tôi chụp.”
Thời gian chụp ảnh hoàn toàn khác nhau. Chuyện bà ấy có thể chụp được cả ba tấm ảnh này là không thể nào. Mayu cầm lấy bức ảnh cũ nhất và đưa cho bà cụ xem.
“Bức ảnh này cũng thế ạ?”
“Đúng thế. Cái này cũng là tôi chụp.”
Bà cụ trả lời đầy tự tin. Nếu bức ảnh này thực sự được chụp vào thời Chiêu Hòa thì chắc chắn bà ấy phải được sinh ra từ trước đó. “Lúc ấy tôi chụp như thế này này.”
Nói rồi, bà chu môi như một đứa trẻ, rồi thổi một hơi vào tấm ảnh. Mayu chỉ biết gật đầu trong trạng thái mơ hồ không hiểu bà đang làm gì cả.
Đúng lúc này thì Akitaka quay lại. Đi cùng anh còn có một người phụ nữ trung niên với mái tóc búi gọn và gương mặt tự nhiên không trang điểm. Khi nhìn thấy bà của Akitaka đang ngồi ở đây, người phụ nữ ấy thở phào một hơi. Có lẽ người phụ nữ ấy chính là người quản gia mà Akitaka đã nhắc đến. Cô ấy giúp bà của Akitaka mặc áo khoác mà mình mang đến, sau đó liên tục cúi rạp đầu trước Mayu và Akitaka.
“Trong lúc tôi nhận hàng chuyển phát gửi đến, bà đã đi ra ngoài theo lối cổng sau... Tôi rất xin lỗi vì chuyện lần này. Lần sau tôi sẽ chú ý hơn.”
Nói rồi, người phụ nữ cúi đầu thật sâu xin lỗi. Sau đó, cô ấy đỡ lấy tấm lưng tròn đầy của bà Akitaka ra về. Lúc về, bà của Akitaka còn vẫy tay mấy lần với Mayu. Cô cũng vẫy tay lại chào bà.
“Xin lỗi vì đã ép cô phải tiếp chuyện bà tôi.”
Vừa quay vào trong hiệu ảnh, Akitaka vừa nói lời xin lỗi. “Không đâu, nói chuyện với bà vui lắm. Tôi còn hỏi được về mấy bức ảnh nữa...”
“Bà tôi có kể gì không cô?”
“Bà anh nói là bà đã chụp cả bức ảnh cũ nhất đấy.”
“Bà cũng nói như thế với tôi. Thế nhưng chắc chắn không thể có chuyện đó được.”
Đúng là không thể có chuyện đó được. Thế nhưng, người đàn ông trong bức ảnh được chụp từ gần một trăm năm trước với gương mặt giống người nhà Madori là ai, và làm thế nào để chụp được bức ảnh ấy vẫn còn là một ẩn số.
“Tại sao anh Madori lại muốn biết về bức ảnh này thế ạ?” Cuối cùng, Mayu đã hỏi ra thắc mắc mà cô vẫn muốn hỏi từ nãy giờ. Thực ra cô cũng chẳng có ý đồ gì cả, thế nhưng câu hỏi này vẫn khiến Akitaka bối rối. Anh lẳng lặng nhìn lên không trung như thế đang tìm kiếm câu trả lời từ sâu trong con người mình. “Vì tôi chẳng biết gì về ông bà mình cả.”
Biểu cảm trên gương mặt anh cứng nhắc, nhưng giọng nói lại rất đỗi nhẹ nhàng.
“Ông tôi đã mất, bà tôi thì lại như thế. Chẳng còn ai nói chuyện trước đây cho tôi nữa. Ví dụ như họ thấy thế nào về gia đình này... có lẽ những bức ảnh sẽ nói cho tôi biết điều gì đó.”
Mayu dường như đã hiểu ra điều gì đó. Cảm giác ấy cũng giống như khi Mayu nhìn thấy bức ảnh cô chụp bà mình. Bức ảnh ấy cho
cô biết mối quan hệ giữa hai người. Và dù là một người ngoài cuộc không biết gì, khi nhìn bức ảnh ấy, họ cũng sẽ cảm nhận được một điều gì đó về tình cảm cô dành cho bà.
“Chụp ảnh chẳng phải là để lưu lại khoảnh khắc hay sao? Dù một ai đó mất đi, những bức ảnh của người đó vẫn có thể lưu giữ đến mãi về sau đúng không?”
“Nếu cháu chụp giỏi, cháu có thể lưu giữ những thứ cháu thích đến mãi về sau.”
Lời nói ngày nào của bà vang lên trong đầu. Những lời Akitaka vừa nói có gì đó giống với những lời này.
“Còn cô Katsuragi, sao cô lại đồng ý tiếp chuyện tôi hôm nay? Cô cũng không phải người làm trong hiệu ảnh này mà.” Mayu chẳng biết trả lời ra sao cả. Vì tôi muốn xin lỗi chuyện tấm phim, hay vì người nhờ tôi là một người đàn ông như anh... cô chẳng thể nghĩ ra một lý do gì hợp lý cả. Không phải vì cô ít nói, mà chỉ tại cô không thể nói được một câu trả lời mà đến chính cô cũng không nghĩ ra.
“Ôi...”
Đương lúc định đi vào trong nhà, Mayu dừng mắt trước một vật. Những bức ảnh nhàu nát vẫn còn đặt trên bậu cửa. Cô vừa nhặt từng bức ảnh vừa vuốt lại những nếp gấp trên đó.
“Bà tôi lại để quên mấy bức ảnh này rồi. Mặc dù bà rất thích mang theo nó bên mình, nhưng bà cũng quên chúng suốt.” “Nếu thế anh có nên đuổi theo đưa cho bà luôn không?” Trông bà đã rất hạnh phúc khi cho cô xem những bức ảnh này.
Chắc chắn chúng rất quan trọng đối với bà. Nếu bà biết là mình đã làm mất chúng, chắc bà sẽ sốc lắm.
“Cô nói đúng. Vậy cô chờ tôi một chút nhé. Tôi chạy theo đưa cho bà rồi sẽ quay lại.”
Lúc định đưa những tấm ảnh cho Akitaka, Mayu nhận ra một điều kỳ lạ. Mặt sau tấm ảnh có viết chữ gì đó.
“Gì đây nhỉ. Lần đầu tiên tôi thấy mấy chữ này... nhưng chắc là chữ của bà tôi.”
Akitaka cũng tròn mắt ngạc nhiên. Những nét chữ của phụ nữ được viết rất đẹp bằng bút máy. Có lẽ đã trải qua nhiều năm tháng nên màu mực xanh đã bắt đầu phai nhạt.
“1949/8/7 rửa ảnh.
1949/8/11 chụp ảnh.
1949/8/12 định hình, rửa ảnh.”
Có vẻ đây là những ghi chú về ngày chụp ảnh hay ngày rửa ảnh của bà. Mayu lật lại mặt kia của tấm ảnh thì thấy đó chính là tấm ảnh cũ nhất trong bốn tấm. Nếu những gì ghi ở mặt sau tấm ảnh này là đúng thì tấm ảnh này được chụp vào năm 1949.
“Tôi nghe nói khung cảnh này là vào đầu thời Chiêu Hòa thì phải...”
Dường như Akitaka vẫn chưa thể tin được vào con số này. Mayu cũng vậy. Bởi không khí trong tấm ảnh này quá khác so với những bức ảnh còn lại. Bộ trang phục người đàn ông này mặc cũng là bộ đồ truyền thống từ thời Chiêu Hòa.
Mayu tiếp tục lật mặt sau của tấm ảnh cũ thứ hai, tấm ảnh chụp ông Madori Masakazu để xác nhận. Quả nhiên, mặt sau của tấm ảnh này cũng có hàng chữ bằng bút máy tương tự.
“1950/10/22 chụp ảnh.
1950/10/23 định hình, rửa ảnh.”
“Bức ảnh này so với bức ảnh cũ nhất thì thời gian cũng không cách nhau là mấy nhỉ.”
Akitaka lẩm bẩm. Chỉ cách có một năm mà bối cảnh trong hai bức hình lại thay đổi hoàn toàn. Cây cầu, cột điện đã được xây mới, nhà cửa trên đảo cũng tăng lên. Rõ ràng ngày tháng ghi trên bức ảnh thứ nhất có vấn đề. Chắc chắn nó phải được chụp từ trước đó nữa.
Hai người lại tiếp tục lật mặt dưới bức ảnh màu chụp bố của Akitaka lên.
“1978/7/8 chụp ảnh.
1978/7/12 định hình, rửa ảnh (ngày đặt hàng).”
Ngày chụp ảnh và ngày được in cùng bức ảnh ở mặt trước trùng nhau. Như vậy thì chắc ngày tháng của bức ảnh này là chính xác. Ngày đặt hàng chắc cũng chính là ngày bức ảnh được mang đi để tráng phim, rửa ảnh.
Trong khi đó, bức ảnh mới nhất lại không ghi gì cả. Chắc chắn là vì bức ảnh này không phải do người phụ nữ đó chụp. Những dòng chữ này chính là bằng chứng cho lời bà của
Akitaka nói lúc nãy khi cho rằng chính bà đã chụp cả ba bức ảnh này. Có lẽ dù cho bây giờ trí nhớ của bà không còn minh mẫn nữa, nhưng chí ít những gì bà nói vẫn là sự thật.
“Lúc đấy tôi chụp như thế này này.”
“Đúng rồi!” Mayu đột ngột reo lên. Cô vội lấy lại bức ảnh cũ nhất và xác nhận lại ngày tháng viết đằng sau nó. Quả nhiên là vậy. Đột nhiên, mọi chuyện như được sáng tỏ, tầm nhìn được khai thoáng giống như khi nhìn thấy được ngọn núi Phú Sĩ ở bên kia bờ biển.
Từ chuyện tấm ảnh này không có phim, cho đến ngày tháng của nó có mâu thuẫn, tất cả đều đã có lời giải thích.
“Cô nhận ra được điều gì sao?”
Mayu gật đầu.
“Trước hết, anh hãy cứ trả lại mấy tấm ảnh này cho bà anh đi đã... Sau đó, tôi sẽ nói mọi chuyện cho anh.”
Ba mươi phút sau, hai người lại ngồi đối diện nhau trong phòng khách ở tầng một.
“Vậy... Cô đã nhận ra điều gì sao?”
Người lên tiếng trước là Akitaka. Đôi mắt đen láy sáng lấp lánh, và trông anh có vẻ bồn chồn, nôn nóng. Nhận thấy sự kỳ vọng trong ánh mắt của Akitaka, Mayu bỗng cảm thấy bất an. Nhưng cô cũng chẳng lùi bước được nữa.
“Chuyện về ngày tháng được ghi sau bức ảnh cũ nhất này...” Mayu nhìn xuống dòng ghi chú cô để trên bàn. Trước khi đưa lại bốn tấm ảnh cho Akitaka, cô đã chép lại ngày tháng được ghi trên ba tấm ảnh cũ. Kể cả bốn tấm ảnh mà ông Madori Masakazu nhờ in
lại vào nửa năm trước cũng được xếp ngay ngắn trên bàn. Mặc dù lúc nãy cô có thể đưa nó luôn cho Akitaka để anh đưa lại cho bà mình, nhưng câu chuyện này còn cần đến chúng nên cô đã giữ nó lại.
Dòng đầu tiên là “1949/8/7 rửa ảnh” đúng không. Dòng này có một chút kỳ lạ.”
“Thế nghĩa là sao?”
Akitaka thắc mắc.
“Rửa ảnh tức là in tấm phim đã được định hình lên một tờ giấy đặc biệt... nó cũng giống như in ấn vậy. Thông thường, sau khi chụp ảnh, phim sẽ trải qua công đoạn được định hình, tráng phim rồi mới in thành ảnh. Thế nhưng, bức ảnh này lại được in vào ngày 7 tháng Tám, chụp vào ngày 11, định hình vào ngày 12.”
“Thứ tự các bước bị thay đổi đúng không?”
“Không, không chỉ là bị thay đổi... mà vào ngày 12, khi bức ảnh này được đem đi định hình, nó đã được trải qua công đoạn rửa ảnh một lần nữa. Tức là nó đã trải qua hai lần rửa ảnh rồi.”
Vừa sắp xếp lại từ ngữ trong đầu, Mayu vừa cẩn thận giải thích từng chuyện một. Akitaka vẫn khoanh tay lắng nghe và suy nghĩ, nhưng nghe đến đây anh lại hít một hơi như muốn bỏ cuộc.
“Tôi không hiểu. Để in được ảnh thì cần có phim đúng không. Vậy lần rửa ảnh thứ nhất ngày 7 tháng Tám thì lấy phim ở đâu?” “Tôi chỉ nghĩ ra được một phương án duy nhất là nó được lấy từ những tấm phim có sẵn. Trong hiệu ảnh này có rất nhiều phim... thế nên có lẽ bà anh đã chọn một trong số đó.”
Bức ảnh treo trong phòng khách hiện tại cũng là một trong số những tấm ảnh như thế. Hiệu ảnh này đã kinh doanh từ hơn một trăm năm trước nên đến năm 1949, chắc hẳn cửa hiệu cũng đã có rất nhiều phim.
“Vậy tức là bức ảnh cũ nhất này vốn là bức ảnh của hiệu ảnh này sao?”
“Theo tôi thì bức ảnh ban đầu để tạo nên bức ảnh này đúng là như vậy. Còn bức ảnh này thì có hơi khác một chút... Bởi chắc chắn bức ảnh cũ này đã trải qua quá trình chỉnh sửa gương mặt.” “Chỉnh sửa?”
Mayu gật đầu.
“Lúc nãy bà của anh Madori đã thổi một hơi vào bức hình cũ nhất này, và sau đó nói là chính mình đã dùng cách này để chụp được nó. Có lẽ bà anh đang nói đến chuyện dùng phương pháp air brush*.
Trong trường hợp chỉnh sửa gương mặt trên ảnh chụp phim, người ta thường dùng phương pháp làm mờ một bức ảnh đã được in và vẽ thêm vào. Sau khi đã chỉnh sửa xong, bức ảnh đấy sẽ được chụp lại, tráng phim và rửa ảnh một lần nữa. Hiện nay, chỉ cần scan và chuyển bức ảnh sang dữ liệu số thì không cần đến nhiều công đoạn như vậy nữa.”
“Thế nên bức ảnh này mới có hai lần “rửa ảnh” đúng không?” “Vâng, bà anh đã chỉnh sửa một bức ảnh cũ của một người khác và chỉnh sửa sao cho giống gương mặt của ông anh thời đó. Tất nhiên, bà anh cũng phải lựa chọn bức ảnh của một người có tướng
mạo gần giống ông anh nhất.”
Nói đến đây, Mayu thở dài một hơi. Akitaka mở tròn đôi mắt, nhìn chằm chằm như muốn nuốt luôn cả tấm ảnh trước mắt. “Dùng cách này thì có thể chỉnh sửa được đến mức nào?” “Thực ra thì có thể chỉnh sửa bao nhiêu cũng được... Nhưng với kỹ thuật thời đó nếu làm quá thì có khả năng bức ảnh trông sẽ mất tự nhiên. Mấy việc như chỉnh sửa hình dáng mắt, hay xóa nếp nhăn, thay đổi một chút kiểu tóc... là giới hạn lớn nhất rồi. Còn mức độ như thêm nốt ruồi thì cũng bình thường.”
Akitaka gật đầu đồng ý, một lần nữa lại ngẩng đầu lên. Người đàn ông trong bức ảnh này cũng có nốt ruồi ở đuôi mắt, trông cũng rất giống ông của anh. Có lẽ bức hình này đã được chỉnh sửa như lời Mayu nói.
“Nhưng, tại sao bà tôi lại muốn bức ảnh này chứ?”
“Cái này, anh có thể nhìn từ ngày tháng chụp bức ảnh thứ hai, bức ảnh chụp ông của anh.”
Mayu chỉ vào tờ giấy ghi ngày tháng chụp ảnh. “1950/10/22 chụp ảnh” và “1950/10/23 định hình, rửa ảnh”.
“Bức ảnh này được chụp vào năm đầu tiên ông bà anh quen nhau đúng không... Đó là năm 1950. Còn thời điểm bà anh trúng tiếng sét ái tình với ông của anh là vào một năm trước đó, năm 1949 đúng không... Đó cũng chính là năm tấm ảnh đầu tiên này được tạo ra.”
“Ồ, đúng vậy. Năm 1949 hai người họ vẫn chưa quen nhau.” Mayu gật đầu.
“Có lẽ bà của anh dù để lạc mất ông anh nhưng vẫn mãi không quên ông, thế nên bà đã dựa vào kí ức của mình để làm ra tấm hình này. Vì đây chỉ là hình chỉnh sửa từ một bức hình của hiệu ảnh, nên vốn dĩ nó không có phim.”
Bức ảnh mà bà của Akitaka thực sự quý trọng chính là bức ảnh thứ hai chụp ông Madori Masakazu. Bức ảnh ấy có địa điểm giống với bức hình đầu tiên có lẽ cũng là từ chủ ý của bà. Biến bức ảnh ghép thành một bức ảnh thật - có lẽ đây chính là một kỉ niệm nhẹ nhàng của hai người khi lần đầu hẹn hò.
Akitaka lại nghiêng đầu.
“Tôi hiểu rồi.”
Mặc dù miệng nói thế nhưng dường nhưng Akitaka vẫn chưa thực sự hiểu được sự thật này.
“Nhưng mà bà hành động cũng kỳ cục nhỉ. Nghĩa là bà đã nhờ hiệu ảnh này rửa giúp bức ảnh đã cắt ghép chỉnh sửa đúng không. Sao bà lại có ý tưởng đó nhỉ?”
“Chuyện này...”
Giờ đến lượt Mayu lúng túng. Nhắc đến mới nhớ, cô đã quên giải thích một vấn đề cốt lõi.
“Tôi nghĩ đó là vì trước đây bà của anh Madori đã sống và làm việc ở hiệu ảnh Nishiura này.”
“Cô nói sao?”
Akitaka chẳng thốt nên lời. Dường như anh hoàn toàn không biết chuyện này.
“Lúc nãy, bà của anh đã nói rất rõ ràng là chính bà đã chụp bức
ảnh này. Ở hiệu ảnh Nishiura này có quy định chỉ có nhân viên của hiệu ảnh mới được sử dụng máy móc trong công việc. Mà việc chỉnh sửa ảnh, rồi lại chụp lại thì cần phải có những máy móc, dụng cụ ấy mới làm được.”
Bà của Akitaka đã gọi Nishiura Fujiko là “chị”. Ngày xưa, những người làm nghề này thường ở luôn trong hiệu ảnh mình làm việc. Khi đó, họ sẽ gọi chủ hiệu ảnh là “thầy” và gọi con trai, con gái của ông chủ là “anh”, “chị”. Cô từng nghe bà giải thích như vậy, nhưng đã quên khuấy mất cho tới lúc nãy.
“Nếu vậy thì bà tôi cũng từng sống ở đây sao?”
Akitaka trầm ngâm nói.
“Trong góc studio ở tầng hai có một phòng dành cho nhân viên. Tôi nghĩ bà anh đã từng ở trong căn phòng đó.”
Có lẽ, khi bà của Akitaka làm ra bức ảnh đầu tiên này thì bà của Mayu cũng đã giúp một tay.
Và có lẽ, lúc đó thái độ của bà cũng giống như khi cho cô mượn máy ảnh vậy, chỉ nói những câu cụt ngủn, cứng nhắc. Bà vẫn luôn là người như vậy.
“Bức ảnh thứ ba này, bức ảnh chụp bố tôi... cô có nhìn ra điều gì trong đó không?”
Mayu so sánh ngày tháng “1978/7/8 chụp ảnh”, “1978/7/12 tráng rửa ảnh (ngày đặt hàng)” trong tờ giấy nhớ với bức ảnh màu cũ. “Vâng, thời điểm này thì ông bà anh đã lấy nhau, và bà anh đã nghỉ việc ở hiệu ảnh nên chắc việc tráng phim, rửa ảnh là bà nhờ một hiệu ảnh nào đó làm cho. Bà anh còn viết thêm chữ ‘ngày đặt
hàng’ vào, chắc là để phân biệt với thời gian bà còn tự mình làm những việc đó.”
Mayu cảm thấy ánh nhìn nóng rực từ phía Akitaka. Có vẻ như thay vì nghe cô nói, anh lại nhìn cô chằm chằm. Và thế là mặt Mayu dần đỏ lên.
“Cách viết ngày tháng cũng như thời gian không mấy thay đổi. Có lẽ bà vốn là người rất cẩn thận. Xin lỗi, sao anh cứ nhìn tôi thế?” Không chịu nổi ánh nhìn của Akitaka, Mayu buột miệng hỏi.
Akitaka chớp chớp mắt như thể vừa mới hoàn hồn, có vẻ anh vừa nhìn cô trong vô thức vậy.
“Xin lỗi, không hiểu sao tôi xao nhãng đi mất. Cảm ơn cô. Nhờ cô, tôi có cảm giác mình đã hiểu rất nhiều chuyện của ông bà tôi.” Akitaka đan hai tay vào nhau, anh vừa nói vừa lựa chọn từ ngữ cho hợp lý.
“Tôi rất hay gặp những chuyện kỳ lạ này, nhưng tôi lại chưa từng tự mình đi tìm câu trả lời. Cô Katsuragi khác hẳn tôi nhỉ... Cô cũng đang làm công việc như thế này sao?”
“Công việc như thế này?”
“Nhân viên điều tra gì đó chẳng hạn.”
“À không. Công việc của tôi hoàn toàn khác.”
Quá ngạc nhiên nên giọng Mayu đột nhiên hơi lớn. Xấu hổ thật. “Tôi cũng chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường. Tôi làm kế toán.”
Mayu hiện đang làm cho một công ty nhỏ chuyên sản xuất linh kiện ô tô ở Tsujidou. Việc của cô cần phải nhớ nhiều, công việc
cũng khá nặng nhọc, nhưng đến giờ cô vẫn chưa gặp vấn đề gì quá khó khăn ở đó cả.
“Cô quả là một người sắc bén... Có vẻ như dù là chuyện nhỏ nhặt nhất cũng không qua được mắt cô.”
Mayu sững người. Đây là lần đầu tiên cô được một người điển trai trực tiếp khen ngợi như thế. Chỉ là vẻ mặt và giọng điệu của Akitaka xen lẫn chút buồn. Và cô để ý điều này hơn là lời khen kia.
Đang lúc Mayu định nói gì đó thì có tiếng chuông vang lên. Chú mèo trắng ở đâu nhảy xuống dưới bậc thềm, giơ chiếc chân trắng muốt hướng về phía con đường phía tây. Bầu không khí gượng gạo đột nhiên tan biến.
“Đã đến lúc tôi phải về rồi. Những tấm ảnh này, tôi nhận lại được chứ?”
Akitaka vừa chỉ vào những bức ảnh vừa hỏi.
“À vâng, tất nhiên rồi.”
Mayu lặng lẽ nhìn những ngón tay thon dài lần lượt cất bốn bức ảnh và ba tấm phim vào túi. Đây quả là một người kỳ lạ. Ở anh ta có chút gì đó hơi xa rời thực tế. Có lẽ giờ cô và anh ta cũng chẳng còn mối liên hệ nào nữa. Mayu cũng không có tính chủ động kiểu như hỏi số điện thoại liên lạc hay những hành động tương tự.
“Còn một chuyện này nữa, nó không liên quan đến chuyện những bức ảnh của bà tôi. Trước đây khi mới vào đại học, tôi và bố từng đến đây chụp ảnh kỉ niệm.”
“Thật vậy sao?”
Mayu đáp lời cho phải phép. Nếu là thời điểm đó thì chắc Mayu
cũng đang đến đây công tác. Có lẽ hai người đã từng gặp mặt cũng nên.
“Có phải là dịp nghỉ hè không ạ?”
“Chắc là dịp nghỉ lễ Tuần lễ vàng cũng nên.”
Có lẽ do kí ức đã mờ nhạt nên Akitaka trả lời không mấy tự tin. Nếu là dịp nghỉ Tuần lễ vàng thì chắc chắn Mayu không có ở đây.
“Thời điểm được chụp ảnh có cảm giác thật kỳ lạ. Nó giống như bản thân mình được lưu giữ tại giây phút ấy mãi mãi. Khi đó, tôi khá căng thẳng, mắt tôi không thể nào rời khỏi chiếc máy ảnh, đặc biệt là những chiếc máy ảnh hoành tráng như ở trong hiệu ảnh thì tôi lại càng không thể rời mắt được.”
Nhớ đến khoảng thời gian trước khi bỏ chụp ảnh, Mayu bỗng thấy ngực mình đau nhói. Cô cũng có một thời đầy nhiệt tình, muốn được lưu giữ từng khoảnh khắc cho người khác. Lúc đó, cô chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện hậu quả của việc ấy sẽ ra sao.
“Việc sắp xếp lại di vật ở đây chỉ có mình cô làm thôi sao?” “Vâng, vốn dĩ mẹ tôi cũng định tới, nhưng cuối cùng bà không đến được.”
Có lẽ mọi việc không thể xong trong hai ngày cuối tuần này được rồi. Chuyện về những tấm ảnh này cũng đã lấy đi của cô kha khá thời gian. Cũng chẳng có ai tới giúp cô cả...
“Nếu vậy thì tôi sẽ tới giúp cô.”
“Anh nói sao?”
Mayu không tin vào tai mình.
“Tôi thấy mình rất có duyên với hiệu ảnh này, hơn nữa cô cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong chuyện những tấm ảnh của bà. Thế nên, tôi muốn giúp cô để cảm ơn... Cô không phiền chứ?” “Vâng, được thế thì tốt quá.”
Mayu xấu hổ vì sự thay đổi thái độ đột ngột của mình. Lúc nãy cô vẫn còn cảm thấy khó chịu khi người quản lý ở bên cạnh, thế mà bây giờ cô lại nhận sự giúp đỡ của một người hoàn toàn xa lạ là Akitaka.
“Vậy, hẹn gặp cô ngày mai.”
Akitaka chìa tay ra. Phải mất một lúc Mayu mới nhận ra là Akitaka muốn bắt tay mình.
Dự cảm sau này sẽ không còn liên quan tới nhau nữa hóa ra đã trật lất. Có lẽ cô không hề sắc bén như anh khen ngợi. Mayu khẽ khàng bắt tay anh. Bàn tay ấy thật ấm áp.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI
Dù thế nào thì việc thu xếp di vật của bà cũng không thể kết thúc trong cuối tuần này được.
Đến lúc Katsuragi Mayu chấp nhận sự thật này thì cũng đã là trước buổi trưa ngày Chủ nhật.
Từ hôm qua, cô đã đến nhà của bà mình, bà Nishiura Fujiko, để phân loại xem đồ nào giữ lại, đồ nào vứt đi. Dù căn nhà vẫn được bài trí gọn gàng ngăn nắp, nhưng lại có rất nhiều đồ đạc. Thêm vào đó, đây còn là hiệu ảnh đã hoạt động cả trăm năm trên hòn đảo Enoshima này nữa. Ví dụ, ngay như căn phòng tối dùng để rửa ảnh ở tầng một. Nhìn thoáng qua chẳng có mấy đồ đạc, nhưng bắt tay vào dọn dẹp rồi mới thấy, dụng cụ, máy móc ở đâu cứ ùn ùn hiện ra. Mỗi lần như thế, Mayu lại phải dừng công việc, gọi điện về cho mẹ để xác nhận lại một lần nữa. Thực ra, cô cũng có thể hỏi người quản lý, người đã được bà cô nhờ vả, nhưng nhờ một người không quen biết gì khiến cô khó mà mở lời được.
“Con cứ làm theo phán đoán của mình, thấy nên bỏ đi thì cứ bỏ con ạ.”
Mặc dù mẹ cô đã nói rất nhiều lần như vậy, nhưng cô vẫn không thể tin được vào sự phán đoán của bản thân. Có những thứ, một khi đã vứt đi rồi thì không thể lấy lại được. Trong quá khứ, có những lần Mayu từng làm theo ý muốn của mình, kết quả là cô đã gây ra những chuyện không thể vãn hồi.
Mệt mỏi vì dọn dẹp trong căn phòng tối không cửa sổ, Mayu ra ngoài hành lang nghỉ tạm. Cô ngồi vào chiếc ghế được kê sẵn và nhón nhẹ gót chân. Có lẽ vì sàn nhà khá lạnh nên đầu ngón chân đi tất của cô giờ căng cứng. Đáng lẽ cô nên mang đôi tất dày sụ bằng lông mà cô thích nhất đến đây. Những sợi lông trên tất đã vón cục cả lại, trông rất lôi thôi, và sau một hồi cân nhắc lưỡng lự, Mayu đã quyết định để nó ở nhà. Nếu biết trước chỉ có mình cô đến đây, cô cũng chẳng cần phải ngần ngại như thế.
“Cô Katsuragi ơi.”
Một giọng nói ung dung vang lên. Mayu đứng dậy theo phản xạ. Một người đàn ông trẻ tuổi, cao ráo đang bước trên hành lang. Anh ta có gương mặt rất điển trai, mái tóc cắt ngắn và đuôi mắt phải có một nốt ruồi rất nổi bật.
Anh ta tên là Madori Akitaka, hiện anh ta đang ở tại một ngôi biệt thự trên hòn đảo Enoshima này. Nhờ có bức ảnh mà ông của Akitaka thuê hiệu ảnh rửa, hai người mới quen biết nhau. Hôm nay, Akitaka đến đây để giúp Mayu dọn đồ.
“Tôi tìm thấy cái này trong hộp đựng ảnh. Nó là cái gì vậy?” Nói đoạn anh đưa ra vài tấm giấy kính đen.
“A, đây là...”
Ánh mắt anh nhìn theo những tấm giấy kính khi Mayu đưa tay nhận lấy.
“Đây là một loại phim của ảnh. Chúng gọi là kính ảnh.” Khi giải thích những gì mình biết, Mayu trở nên hoạt bát hơn. “Trước khi phim chụp ảnh ra đời, người ta vẫn dùng kính ảnh.
Cũng giống như phim, một mặt của kính được được phủ một lớp hóa chất có chứa bạc bromua, và hình ảnh sẽ được định hình trên đó.”
Mayu lần lượt giơ từng tấm kính ảnh lên trước bóng đèn treo rủ từ trần nhà xuống để kiểm tra. Trong đó có nhiều bức, từ ảnh chụp quán nhỏ sâu trong đảo cho đến cảnh chụp Thái Bình Dương. Hầu hết những bức ảnh đều chụp bầu trời hay biển cả. Thời gian chụp những bức ảnh này chắc cũng phải vào mùa hè khi có ánh sáng đầy đủ. Bởi những tấm kính âm bản này tối thui như ban đêm vậy.
“Đúng vậy thật. Có ảnh thật luôn này. Tuyệt quá.”
Akitaka nói với giọng xúc động. Có lẽ vì muốn nhìn cùng một góc độ với Mayu nên anh tiến mặt lại gần cô. Có vẻ anh không có thói quen giữ khoảng cách với người khác. Nếu cứ chốc chốc cô lại đứng cách ra, e sẽ bị anh nghĩ là mình quá nhạy cảm, nên cô chỉ còn cách cố gắng chịu đựng cảm giác hồi hộp không yên này.
“Cô Katsuragi biết nhiều quá. Những điều này là bà cô hướng dẫn cho cô sao?”
“Không phải vậy, hồi còn học ở khoa Nhiếp ảnh trong trường đại học, tôi...”
Đang nói, Mayu bỗng im bặt. Vì quá khẩn trương mà cô đã nói thêm mấy lời dư thừa rồi.
“Vậy... tôi cũng sắp xếp lại những bức ảnh luôn nhé.” “Ở đây đã xong hết rồi sao?”
“Vâng. Dù có làm nữa thì cũng không xong được anh ạ.” Mayu nhét mấy tấm kính ảnh vào tay Akitaka, rồi cô bước ra
khỏi hành lang. Mỗi lần giẫm lên sàn nhà lạnh lẽo, cô lại cảm thấy chân mình như mất hết cảm giác.
Căn phòng truyền thống dùng để tiếp khách ở tầng một đang bày la liệt những tấm ảnh cũ ra khắp sàn nhà trải chiếu tatami. Trong đó có cả ảnh kỉ niệm khách chụp ở hiệu ảnh này, ảnh nhóm của những học sinh đi tham quan lấy bối cảnh đảo Enoshima nhìn từ bờ biển Katase, hay một lượng lớn những bức ảnh phong cảnh chụp được ở đâu đó trên hòn đảo.
Ban đầu, Mayu định chỉ giữ lại những bức ảnh chụp thành viên của gia đình Nishiura, những bức ảnh khác thì bỏ đi. Nhưng rồi cô nhanh chóng nhận ra là mình đã suy nghĩ quá đơn giản, bởi thật khó để phán đoán xem ai là người của nhà Nishiura qua những bức ảnh cũ này. Cô lật xem từng tấm ảnh một và đắm mình vào suy tư. Việc sắp xếp lại đống ảnh xem ra cũng chẳng tiến triển được mấy.
“Cô Katsuragi đã học chuyên sâu về ảnh đúng không?” Ngồi đối diện với Mayu ở phía bên kia của chồng ảnh, Akitaka vừa sắp xếp vừa bắt chuyện. Trong một khoảnh khắc, Mayu như sững người, nhưng rồi cô lại nhanh chóng tiếp tục công việc. “Vâng, đấy cũng là chuyện vài năm về trước rồi.”
“Thời điểm này sao?”
Tay của Akitaka vươn lại gần, đặt xuống trước mặt Mayu một tấm phim với kích cỡ trung bình được bảo quản cẩn thận trong túi plastic. Một tiếng kêu buồn thảm vang lên. Cô vội vàng dùng hai tay che chặt lấy tấm phim. Mặt cô đỏ phừng lên như sắp bốc hỏa đến nơi, thế nhưng sau lưng cô lại đổ mồ hôi lạnh toát.
Người được chụp trong tấm phim ấy chính là Mayu của sáu năm
về trước. Ngày cô vào đại học, cô đã chụp bức ảnh này ngay trước cổng trường. Ngày đó, cô mặc một chiếc áo khoác đi mưa và một chiếc quần váy ngắn, để lộ ra đôi chân vòng kiềng. Tóc mái của cô bị cắt ngắn cũn, và cô còn đeo thêm kính áp tròng có màu khác lạ để đôi mắt được nổi bật hơn. Trên cổ cô đeo một chiếc máy ảnh SLR. Khi đó, cô vừa mới mua được một chiếc máy ảnh Nikon D300 cũ. Ngày ấy, cô nổi bần bật giữa đám học sinh mặc đồ vest, và những người xung quanh đều nhìn cô một cách khó hiểu.
Người chụp bức ảnh ấy chính là bà của cô. Bà đã lặn lội từ tận Enoshima tới, bởi cô đã năn nỉ bà rằng cô rất muốn bà tới và lưu lại hình dáng mình trong ảnh giúp cô. Hồi đó, rất ít sinh viên đi nhập học có người nhà đi cùng như thế.
Đồng thời, ngay chính lúc đó, Mayu cũng nhấn nút chụp ảnh cho bà. Khi ấy, cô nghĩ sẽ thật là thú vị nếu hai người chụp ảnh cho nhau nên đã thực hiện luôn như vậy. “Cháu chỉ làm những chuyện kỳ quặc thôi nhỉ.” Bà cô đã nói với vẻ bất đắc dĩ. Ngày đó, cô đã cảm thấy rất vui sướng khi được ai đó nói là khác người hay kỳ quặc. Còn bức ảnh mà cô đã chụp sau đó ra sao, chính cô cũng chẳng nhớ nổi nữa. Có lẽ cô đã vứt nó cùng những bức ảnh khác rồi cũng nên.
“Xin lỗi, chắc cô không muốn bị ai nhìn thấy bức ảnh này đúng không?”
Giọng nói của Akitaka vang lên. Mayu hé tay, trộm liếc nhìn tấm phim bên dưới. Chỉ mới liếc qua thôi là cô đã thấy bụng dạ đau quặn lại rồi. Dáng vẻ bị đổi ngược trong phim âm bản của cô cứ như một người khác vậy.
“Cũng không hẳn là tôi không muốn người khác nhìn thấy nó, chỉ đơn giản là bản thân tôi không muốn nhớ lại mình ngày đó mà thôi. Tôi không thích mình ngày xưa... giống như là tôi hy vọng nó biến mất mãi mãi vậy.”
Trong một tích tắc, mặt Akitaka cứng ngắc lại. Có lẽ là do Mayu đã nói những lời kỳ quặc cũng nên. Thế nhưng, ngay lập tức anh lấy lại nụ cười mỉm nhẹ của mình như thể vừa rồi không có chuyện gì xảy ra.
“Người đứng bên cạnh là người quen của cô sao?”
Quả nhiên là sẽ bị hỏi câu này mà. Trong bức ảnh đó không chỉ có mình Mayu. Đứng bên cạnh cô khi đó là một người con trai trẻ tuổi, ăn mặc giản dị, gương mặt bị giấu sau kính mắt và chiếc mũ, hai tay cậu đút trong túi áo khoác dày. Sở trường của cậu ấy chính là làm cho mình không mấy nổi bật, nhưng nếu nhìn kĩ, có lẽ sẽ có người nhận ra cậu ấy có một khuôn mặt đẹp đến kinh ngạc và một làn da rất đỗi mịn màng.
“Tôi có cảm giác như đã gặp người này ở đâu rồi.”
“Vì cậu ấy là dân nghệ sĩ mà.”
“Nghệ sĩ ư?”
“Đó là người quen của tôi, tên là Nagano Rui. Cậu ấy cũng từng tham gia một vài bộ phim.”
Đã lâu lắm rồi Mayu mới lại nhắc đến cậu. Gương mặt ấy, cái tên ấy đã từng rất nổi tiếng, đến mức nhiều người còn nhận xét cậu chính là “diễn viên trẻ đầy triển vọng”. Thế nhưng tất cả đều chỉ là quá khứ từ sau khi cậu ấy biến mất vào bốn năm trước.
Nguyên nhân cậu ấy mất tích chính là do bức ảnh của Mayu. Và cũng từ đó, cô không đụng đến máy ảnh lần nào nữa. Cuộc đời cô đã từng gặp một thay đổi lớn, từ đó cô hầu I như cắt đứt liên lạc với tất cả mọi người thân quen, một quá khứ đen tối mà cô không muốn quay đầu nhìn lại.
“Không, không phải.”
Akitaka phủ định một cách chắc nịch.
“Không phải vì cậu ấy là nghệ sĩ. Tôi nhớ ra rồi. Lúc nãy tôi mới nhìn thấy những bức ảnh khác chụp cậu ấy.”
“Sao cơ?”
Akitaka quỳ thẳng người, với tay lấy từ trên tủ trà một chiếc hộp to. Trên nắp hộp có dán một tờ giấy ghi “Ảnh chưa trả”. Trong chiếc hộp ấy đựng những bức ảnh được khách hàng đặt tráng phim hay in thêm nhưng chưa tới nhận lại. Những bức ảnh chụp ông của Akitaka cũng được tìm thấy trong chiếc hộp này. Mayu đang định hôm nay sau khi việc dọn dẹp đã hòm hòm thì sẽ xem tới cái hộp.
“Xin lỗi, tôi đã rất tò mò về chiếc hộp này, thế nên cuối cùng tôi cũng không kìm được mà nhìn vào bên trong. Đây, chính là chiếc túi này. Bên trong có chứa những bức ảnh chụp anh Nagano.”
Nói rồi, Akitaka rút một túi đựng ảnh có in tên của hiệu ảnh ra và đưa cho Mayu. Dù Akitaka có nói bên trong đựng ảnh của Nagano Rui thì Mayu vẫn không thể tin được. Tại sao những bức ảnh ấy lại có ở nhà bà chứ, và ai đã cất công đến tận hiệu ảnh Nishiura này để nhờ bà in chúng?
Lật mặt sau của chiếc túi, Mayu thấy nét chữ của bà viết tên
khách hàng.
“Gì thế này?”
Mayu bật thốt lên. Cái tên trên đó ghi là “Kousaka Akiho”- bỗng chốc, Mayu thấy đầu mình trống rỗng. Cô thực sự vừa nhìn thấy cái tên đó sao?
“Cô biết người này sao?”
“Đấy là đàn chị học cùng trường đại học với tôi, chị ấy cũng học ở khoa Nhiếp ảnh, chúng tôi khá thân.”
Đúng là người mà bốn năm trước cô đã cắt đứt liên hệ sau sự việc đó. Từ ngày ấy, cô không gặp lại, cũng chẳng liên lạc với người này nữa. Nhưng không hẳn là giờ cô không biết người đó đang ở đâu hay làm gì.
Nếu có thể, Mayu hoàn toàn không muốn nhìn thấy bất cứ thứ gì có liên quan đến chuyện trong quá khứ đó nữa. Thế nhưng, cô cũng không thể cứ mù mờ mà kết thúc chuyện này ở đây được.
Mở chiếc túi ra, Mayu thấy bên trong có một chiếc thẻ nhớ SD và một bức ảnh. Có lẽ chị ấy đã nhờ bà in một tấm ảnh được chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số.
Nơi chụp ảnh chính là studio ở hiệu ảnh này. Trong tấm hình ấy, Rui đang quỳ gối xuống sàn nhà, đan các ngón tay vào nhau theo một hình dáng kỳ lạ và nhắm nghiền hai mắt. Mayu biết đây chính là tư thế cầu nguyện của cậu ấy. Rui lúc đó mặc một bộ đồ thể thao, và có lẽ khi chụp ảnh, người chụp đã sử dụng đèn chiếu sáng chuyên dụng.
“Tại sao... cái này...”
Mayu ngạc nhiên trước cả bố cục của bức ảnh. Chuyện gì cũng thật khó xảy ra. Cô càng không hiểu gì cả. “Cô Katsuragi!” Nghe thấy tên mình, Mayu giật mình tỉnh lại.
“Bốn năm trước đã có chuyện gì xảy ra vậy?”
Một câu hỏi trực diện đến mức khiến trái tim cô nghẹt lại. “Sao anh lại muốn biết chuyện đó?”
Mayu vô tình hỏi lại với giọng điệu sắc lẹm.
“Anh cảm thấy hứng thú sao?”
Ngay khi vừa hỏi câu này, Mayu đã cảm thấy mình đang hy vọng một câu trả lời từ đối phương. Dường như cô muốn Akitaka phủ định rằng anh không phải chỉ là hứng thú mà còn có một động cơ nghiêm túc nào đó. Thế nhưng Akitaka lại gật đầu.
“Đúng vậy, tôi có hứng thú với chuyện này.”
“Vậy sao?”
“Từ hôm qua tôi đã để ý thấy thái độ của cô rất mâu thuẫn. Mặc dù cô hiểu rất rõ về chụp ảnh, những lúc nói chuyện về nó cô cũng có vẻ rất vui, nhưng cô lại nói mình ghét máy ảnh.”
Hai má Mayu nóng rực lên. Và cuối cùng, cô cũng thốt lên những suy nghĩ trong lòng.
“Tôi thấy cô thật là kỳ lạ. Tôi tới giúp cô dọn đồ một phần cũng là vì điều này.”
Đầu óc cô trống rỗng, và lạnh lẽo. Đã lâu lắm rồi không còn ai hỏi cô về chuyện này nữa.
“Anh không hứng thú về chuyện của Rui mà anh để ý tới chuyện của tôi ư?”
“Đúng vậy. Chuyện của anh Nagano đấy tôi không biết gì cả. Tôi mới chỉ biết tên anh ta thôi.”
Thật thế sao. Mayu chợt nghĩ trong đầu. Hồi đó chuyện này ầm ĩ lắm cơ mà.
“Ngày đó tôi có nghe nói hình như có chuyện gì đó xảy ra nên anh ta đã giải nghệ. Nhưng lúc đó cũng đúng lúc tôi đi du học theo suất của khoa Y nên hầu như không biết đến tin tức trong nước nữa. Hơn nữa, ngay sau đó lại xảy ra một trận động đất lớn thì phải.”
Mayu gật đầu. Vì thế nên mọi người đã quên chuyện của Rui. “Nếu tôi nói tôi không thể kể chuyện này cho anh thì sao?” “Thì tôi lại tiếp tục dọn dẹp thôi.”
Akitaka với lấy tập ảnh còn chưa được xử lý và tiếp tục công việc phân loại.
Cho đến bây giờ, không ít người từng hỏi cô về chuyện khi xưa. Trong số đó, có người thực sự muốn san sẻ, giúp đỡ dù chẳng được cô nhờ vả gì, nhưng cũng có những kẻ chỉ đơn thuần muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình mà thôi. Cô đã quá mệt mỏi với những người như thế rồi.
Còn chàng trai này, anh ta lại chẳng giống loại nào trong hai loại người đó cả.
“Chỉ là, nếu cô thấy không phiền, tôi rất sẵn lòng lắng nghe.” Mayu bỗng có một cảm giác kỳ lạ. Anh chàng này không thân với Rui, cũng chẳng thân với mình. Anh ta chẳng có quan hệ gì cả. Thế nhưng, cô lại có cảm giác mình có thể nói chuyện này cùng anh
ta.
Dù sao cũng đã bốn năm rồi.
“Chuyện này cũng khá dài.”
“Không sao.”
Akitaka gật đầu.
Mayu nhận ra rằng, chỉ cần cô cảm thấy không thể tiếp tục được nữa, cô có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Và người đàn ông này tuyệt đối sẽ không tức giận. Anh sẽ lắng nghe những chuyện cô nói, và chỉ nghe những chuyện đó mà không tự ý suy diễn thêm điều gì khác nữa.
“Rui là bạn thời thơ ấu của tôi.”
Trái với suy nghĩ lúc đầu, cô đã có thể bắt đầu câu chuyện một cách trơn tru. Còn Akitaka, anh vẫn yên lặng lắng nghe, chờ cô nói tiếp.
“Bức ảnh do tôi chụp, đã làm đảo lộn cuộc đời của cậu ấy.” Nagano Rui có một tuổi thơ đặc biệt và một ngoại hình khác hẳn với những đứa trẻ khác. Mayu bắt chuyện với cậu là vì muốn cậu làm người mẫu chụp ảnh cho cô.
Hai người gặp nhau lần đầu vào đầu mùa thu năm Mayu mười tuổi ở công viên thiếu nhi bên trong khu chung cư nơi cô sống. Khi đó, Mayu đang cầm chiếc máy ảnh Nikon EM mượn của bà ngoại và chụp xung quanh. Trong lúc đang chụp hình, Mayu nhận thấy một cậu trai lạ mặt đang ngồi trên khung leo trèo cũ kĩ.
Cậu bé nhắm chặt hai mắt, đan hai tay vào nhau theo một hình thù kì dị như thể đang chơi trò tạo bóng bằng tay. Có vẻ cậu ấy
đang cầu nguyện. Lưng cậu hơi cúi về trước giống như đang cuộn tròn người, cậu chẳng động đậy gì cả, ngoài Mayu ra không còn ai nhận ra sự tồn tại của cậu. Cậu ấy tựa thể đã trở thành một phần của bộ khung leo trèo cho trẻ em kia rồi.
Mái tóc bồng bềnh ấy, hàng lông mi dài ấy - Mayu muốn lưu giữ khoảnh khắc này lại.
Mayu chắc chắn rằng khi đó cô đã chẳng tạo ra một tiếng động nào cả, thế nhưng khi cô đang giơ ống kính lên, cậu thiếu niên lại nhận ra sự có mặt của cô. Trong khoảnh khắc, ánh mắt hai người chạm nhau xuyên qua ống kính.
“Đó, là cái gì?”
Giọng cậu ấy cũng hay như giọng nữ cao soprano vậy. Chỉ là gương mặt cậu ấy chẳng thể hiện cảm xúc gì cả.
“Đây là máy ảnh.”
“Máy ảnh là gì?”
Một câu hỏi ngoài dự đoán của Mayu.
“Cái này... là máy dùng để chụp ảnh. Ánh sáng từ ống kính này đi vào trong máy, in hình lên phim và từ đó tạo thành ảnh... À, mà bây giờ người ta dùng máy ảnh kỹ thuật số rồi nên các quá trình cũng không giống vậy nữa.”
Mayu rụt rè nói. Nói về máy ảnh thì cô rất giỏi, nhưng nói chuyện với người khác thì cô không giỏi đến thế.
“Ảnh thì tớ biết. Trước đây trên đảo cũng có người có ảnh.” “Trước đây cũng có người có”. Thế tức là số người không chụp ảnh nhiều hơn à. Cậu ta còn chưa nhìn thấy máy ảnh bao giờ. Từ
trước đến giờ cậu ta đã sống ở đâu thế nhỉ.
“Tớ chụp ảnh cậu có được không?”
Ngay cả khi có nhiều thắc mắc như thế, Mayu vẫn ưu tiên mong muốn được chụp ảnh của bản thân hơn là tìm hiểu xem đối phương là người như thế nào. Cậu ấy ngước mắt nhìn lên trời và lẩm bẩm điều gì đó. Dường như cậu ấy đang nói chuyện với một người vô hình. Sau đó, cậu trai rụt rè nhìn xuống Mayu.
“Giờ cậu có thể chụp rồi. Giáo chủ nói hãy làm bạn với cậu.” Và thế là Mayu nhấn nút. Mấy chuyện như cậu thiếu niên ấy xin phép ai, và “Giáo chủ” là người nào cũng là chuyện của sau này. Kể từ ngày đó, cứ hết giờ học là Mayu lại ở cùng Rui. Cậu ấy ở cùng gia đình của cô chú, và ở cùng tầng chung cư với Mayu. Cậu không có bố mẹ, cũng không đến trường mà theo học gia sư. Cả bố mẹ của Mayu và cô chú của Rui đều rất bận rộn, chẳng mấy khi có thời gian dành cho con trẻ. Thành ra dù ở nhà ai, trong kí ức của Mayu cũng đủ toàn kỉ niệm về hai người các cô mà thôi. Rui chẳng mấy khi thể hiện cảm xúc của bản thân trước mặt mọi người, nhưng cậu bé có vẻ rất quấn quýt với Mayu. Một khi Mayu đã nói là mình làm cái này, cái này đi, thì cậu ấy sẽ im lặng đi cùng cô đến bất cứ đâu. Chưa bao giờ cậu ấy nói từ chối cô cả. Rui giúp cô làm bài tập về nhà, cùng cô đi mua đồ ở siêu thị gần đấy, hay có thể là đến công viên với cô. Tất nhiên, lúc nào cô cũng mang theo chiếc Nikon EM bên mình. Rui của ngày đó còn chưa ghét việc chụp ảnh. Mayu cũng vui vì mình như thể có thêm em trai, nhưng hơn hết, cô vui vì có Rui làm người mẫu cho cô chụp ảnh. Thực ra cách nói chuyện của Rui rất người lớn, cậu ấy cũng rất
thông minh. Chỉ là những chuyện thông thường thì cậu ấy lại chẳng biết gì cả. Cậu ấy chưa bao giờ chạm vào ti vi hay điện thoại, thậm chí còn chưa nghe đến trò chơi điện tử hay máy tính lần nào. Ngay cả chuyện lên xe buýt, tàu điện ngầm hay việc mua nước ở máy bán hàng tự động cũng rất khó khăn với cậu ấy.
Mayu hầu như không hỏi về quá khứ của Rui. Cô chỉ để tâm đến mỗi việc chụp ảnh, và dường như việc đó lại giúp cô hóa giải được sự phòng bị của Rui. Khi cô hỏi về chuyện này cũng đã là cuối mùa thu, lúc ấy cô đã chụp được mấy chục tấm của Rui rồi.
Nửa năm trước đó, Rui sống dưới sự bảo hộ của cảnh sát. Nghe nói cậu ít hơn Mayu một tuổi, nhưng cô cũng không biết rõ ngày tháng năm sinh của cậu. Trong thời gian được cảnh sát bảo hộ, cậu không có hộ khẩu. Cậu sinh ra trên một hòn đảo, dưới sự quản lý của một giáo phái, và sống một cuộc sống tách biệt với xã hội.
Người thành lập nên giáo phái ấy là một nhà truyền đạo được gọi là “Giáo chủ”. Mãi đến sau này, Mayu cũng đọc các sách về giáo phái này, nhưng cuốn sách ấy cứ lặp đi lặp lại mãi một điều rằng thế giới này sắp bị phá hủy bởi thiên tai, thảm họa, thế nên mọi người cần phải chuẩn bị sẵn cho ngày đó.
Trong cuốn sách, vị Giáo chủ này đã đưa ra những “lời tiên tri” về các trận thảm họa lớn sẽ xảy ra ở đâu, khi nào. Mặc dù cuốn sách viết bằng rất nhiều con số với những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, nhưng có vẻ cũng có những chuyện người ta lý giải được và đúng với sự thật. Nghe nói, có một thời giáo phái này thu nhận được rất đông tín đồ. Và bố mẹ của Rui cũng nằm trong số đó.
Vị Giáo chủ này sau nhiều lần bàn họp với mấy chục người thân tín của mình đã đi đến quyết định rời giáo phái đến một hòn đảo không người ở Ogasawara, nơi họ cho là an toàn nhất thế gian. Khi đó, tất cả tín đồ đã bán hết tài sản của mình đi, thế nhưng như vậy vẫn không đủ để mọi người trang trải cuộc sống. Rồi ông ấy bán quyền sở hữu đất đai với một số tiền khổng lồ khi không có sự hiện diện, đồng ý của những tín đồ cấp dưới. Sau này, sự việc bị phát giác và rất đông tín đồ đã rời khỏi giáo phái. Họ lập thành nhóm những người bị hại và khởi kiện giáo phải. Tất nhiên, sau đó giới truyền thông đã tìm đến hòn đảo này.
Ngay cả Mayu khi đó mới là học sinh tiểu học cũng nhớ rất rõ hình ảnh vị Giáo chủ đã thóa mạ, nguyền rủa những người khởi kiện mình và dáng vẻ chật vật của ông ấy trên ti vi. Thêm vào đó, về sau, việc này còn phát sinh một lượng lớn tiền thuế, thế nên cảnh sát và người của Cục thuế cũng vào cuộc.
Thế nhưng, vị Giáo chủ mà ngay lúc trước còn tuyên bố rằng “sẽ chiến đấu với ác ma để bảo vệ thế giới này” đã cùng những tín đồ là người trưởng thành chạy trốn trên một con thuyền trong giông bão. Kể từ đó, họ không quay về lần nào nữa. Nghe nói, thuyền của họ đã chìm trong cơn cuồng phong. Liệu cả giáo phái đó đã tự sát, hay đó chỉ là một tai nạn, cho đến giờ đây vẫn còn là một điều bí ẩn chưa có lời giải.
Sự việc này đã khiến rất nhiều người thiệt mạng, thế nên vị Giáo chủ này lại càng bị chỉ trích nhiều hơn nữa. Về phần những đứa bé còn sót lại trên đảo, sau này chúng đã được họ hàng đến đón đi và phải tham gia vào chương trình hòa nhập với cộng đồng.
Rui gặp Mayu đúng vào lúc này, khi cậu đang trong quá trình chuẩn bị để đến trường.
Với Rin, Giáo chủ không phải là kẻ lừa đảo mà trái lại, ông ấy còn là một nhà tiên tri hiền hậu luôn giữ nụ cười trên môi. Dù cho thân xác ông ấy không còn trên thế gian này nữa, linh hồn ông ấy vẫn còn sống mãi. Những lúc Rui thấy băn khoăn khi phải quyết định một điều gì đó, cậu sẽ xin ý kiến của Giáo chủ. Mặc cho những người lớn xung quanh có thuyết phục, giải thích thế nào, cậu cũng không từ bỏ tín ngưỡng này của mình. Cậu vẫn luôn tin rằng cha mẹ mình và những tín đồ khác đã xả thân hy sinh vì thế giới này.
“Việc hòa nhập cộng đồng của cậu ấy diễn ra tốt chứ?” Vẫn yên lặng lắng nghe từ nãy tới giờ, Akitaka bất chợt hỏi một câu.
“Có vẻ cậu ấy hiểu rằng đứng từ góc độ xã hội thì giáo phái của cậu đáng bị lên án, thế nên cậu ấy chẳng nói chuyện Giáo chủ cho ai cả, và cậu ấy cũng đã đến trường. Cậu ấy không phải là tuýp người biết cách chủ động bắt chuyện để kết bạn, thế nhưng cho đến lúc đó thì mọi chuyện vẫn ổn cả.”
Ở trường tiểu học, Rui cố gắng để mình không nổi bật trong mắt người khác. Cậu rất giỏi trong việc biến mình thành kẻ không tồn tại, và mặc dù cậu có vẻ ngoài thu hút thì cũng chẳng mấy ai để ý đến cậu cả. Có thể khi ở trên đảo, cậu đã được dạy rằng để bảo vệ thân thể yếu đuối khỏi ác ma, chỉ có cách biến mình trở nên vô hình, nên cậu làm vậy để bản thân biến mất khỏi ánh nhìn của mọi người.
“Anh Nagano sau này đã thân với cô Katsuragi chứ?” “Vâng, chúng tôi rất thân đấy. Cậu ấy quấn quýt tôi lắm, bởi chỉ có mình tôi mới được Giáo chủ của cậu ấy bảo phải chơi thân mà. Có lẽ, tôi như là chị gái, hay là mẹ cậu ấy vậy.”
Rốt cuộc, Rui cũng coi chỉ thị của Giáo chủ là lệnh tiễn để thể hiện cảm xúc của mình. Khi đó, cậu đã mất đi cả người thân lẫn nơi chôn nhau cắt rốn, những người xung quanh lại phủ nhận hết giá trị quan của cậu, thế nên chắc hẳn cậu ấy đã rất muốn có một người ở bên mà không mang thành kiến với mình.
“Cậu ấy rất dễ thương nên hồi đó tôi đã cảm thấy rất hãnh diện. Đặc biệt, khi vào trung học tôi luôn có cảm giác ưu việt hơn mọi người.”
Mới chỉ nhắc tới thôi là Mayu đã cảm thấy khó chịu rồi. Ngày đó, Rui đã khiến bọn con gái náo loạn cả lên. Dường như việc làm giảm sự tồn tại của bản thân lại được tụi con gái hồi đó đánh giá cao.
Hồi ấy, Mayu chỉ là một cô gái bình thường, không có sở trường gì ngoài việc chụp ảnh. Thế nên, khi thấy Rui đột nhiên có mặt trong lớp học của mình, cô đã hét thật to để tất cả phải chú ý. Và rồi, cô cũng cảm thấy thật tuyệt vời khi nhận được những ánh mắt ghen tị của các cô gái xung quanh, những cái nhìn mang theo chút hờn ghen, những lời dò hỏi về mối quan hệ giữa hai người...
“Cứ như vậy, chúng tôi đã cùng nhau học lên trung học...” Mayu lại tiếp tục nói như thể vừa được mở chốt vậy. Mọi chuyện bắt đầu từ một bức ảnh. Đó là bức ảnh đen trắng chụp Rui đứng trước cổng trường ngày cậu vào trung học. Và bức
ảnh ấy đã lọt vào mắt mẹ của Mayu. Khi đó, bà Katsuragi Nanami vừa hay đang viết một câu chuyện kinh dị với nhân vật chính là một thiếu niên xinh đẹp. Câu chuyện đó tên là “Trái lựu của Ulysses”, kể về một nhân vật chính có năng lực siêu nhiên, bị buộc một tội danh không có thực và phải lên đường chạy trốn. Quả đúng là phong cách của mẹ cô. Lúc nào cũng viết những cuốn tiểu thuyết có tính giải trí cao để phục vụ độc giả.
Dường như Rui trong bức ảnh hoàn toàn trùng khớp với những gì mà mẹ cô đã hình dung về nhân vật chính của cuốn truyện này, và bà đã đề đạt nguyện vọng muốn dùng nó trên trang bìa của cuốn sách. Bà nói vì bức ảnh này rất đẹp.
Mayu thực sự rất hào hứng. Cô vẫn luôn mong ước được trở thành một người có tài năng như mẹ mình. Việc được mẹ công nhận cũng đồng nghĩa với việc bức ảnh của cô rất đặc biệt.
Khi đó, Rui có vẻ không đồng ý, nhưng khi thấy Mayu hạnh phúc đến vậy, cậu đã thay đổi suy nghĩ. Cậu đồng ý, với điều kiện không được tiết lộ tên của cậu.
Sau này, “Trái lựu của Ulysses” đã bán rất chạy. Không chỉ nội dung mà ảnh trang bìa cũng ảnh hưởng đến doanh số bán cuốn sách. Mặc dù độc giả không biết người trong hình là ai, thế nhưng điều đó lại càng làm tăng thêm sự hiếu kỳ của họ.
Khi cuốn tiểu thuyết ấy được chuyển thể thành phim, nhà sản xuất của công ty điện ảnh đã đến gặp Rui. Hình ảnh của cậu trên trang bìa cũng đã đi sâu vào lòng độc giả, thế nên nhà sản xuất hy vọng có thể mời cậu làm nhân vật chính cho bộ phim này. Mặc dù ông ấy có thêm điều kiện là Rui cần phải tham gia một khóa huấn
luyện diễn xuất, và nếu kết quả không như mong muốn, cậu ấy sẽ phải thử vai lại một lần nữa, nhưng tính ra đây đã là những ưu đãi đặc biệt cho người mới rồi.
Mayu vô cùng vui mừng khi nghe Rui nói về chuyện này. Khi đó, cô cho rằng đây quả là cơ hội ngàn năm có một, không phải là cơ hội của Rui, mà là của cô.
Sau nhiều năm chụp ảnh cho Rui, Mayu tin chắc điều đó- Rui có tài năng. Cậu ấy đã có thể khiến mình không tồn tại trong mắt người khác thì cũng có thể làm điều ngược lại. Nếu cậu ấy trở nên nổi tiếng, thì nguyên cớ ban đầu chính là từ bức ảnh cô chụp, và như vậy, cô đã bước được một bước dài trên con đường trở thành nhiếp ảnh gia của mình. Khi đó, Mayu bắt đầu mang trong mình giấc mơ trở thành một nhà nhiếp ảnh.
Thế nhưng, Rui lúc đó lại định từ chối. Cậu ấy không nghĩ mình có thể làm được, và Giáo chủ cũng cảnh báo cậu nên dừng lại. Suốt thời gian đó, Mayu đã thuyết phục Rui rằng không phải ai cũng có được cơ hội như thế này, nếu cậu thấy không thích thì có thể dừng lại. Và hơn hết, cậu có thể ra khỏi nhà và sống tự lập... Rui khi đó cũng không hòa hợp lắm với cô chú mình. Họ cứ bắt ép cậu phải từ bỏ tín ngưỡng, còn cậu lại ngoan cố nhất quyết không chịu.
Ngày ấy, Mayu cứ lặp đi lặp lại rằng muốn thấy một Rui hoàn toàn mới. Thực ra Mayu chỉ muốn được chụp thêm nhiều tấm hình mới của cậu thôi, nhưng dường như câu nói ấy đã khiến Rui để tâm.
Và lần đầu tiên trong đời, cậu đã không làm theo chỉ thị của Giáo
"""