"
Hãy Đi Đi, Xanh Biếc - Yutaka Kouno & Nguyễn Thị Thúy Hương (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Light Novel]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hãy Đi Đi, Xanh Biếc - Yutaka Kouno & Nguyễn Thị Thúy Hương (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Light Novel]
Ebooks
Nhóm Zalo
THƯ VIỆN EBOOK (TVE-4U)
—✥—
THỰC HIỆN EBOOK:
• Chụp sách: Hà
• Nguồn sách, Chuyển text, Tạo ebook: NYT
Yutaka Kouno
HÃY ĐI ĐI, XANH BIẾC
いなくなれ、群⻘ ~ Inaku Nare, Gunjou Nguyễn Thị Thúy Hương dịch
Phát hành: AMAK
Nhà xuất bản Hà Nội 2018
Phần mở đầu
Có những thứ chẳng bao giờ có thể đi đâu được. Cái xích đu đã gỉ sét, chiếc vòng cổ của chú chó đã chết, tấm giấy khen tít sâu trong ngăn kéo tủ, những khung xương mẫu trưng bày trong viện bảo tàng, tình yêu của những kẻ nhút nhát, bầu trời đêm thân thuộc… Tất cả chỉ nằm yên ở một chỗ. Chúng thu mình trong ký ức như những người đang co ro trước cái lạnh mà không hề suy tính gì đến tương lai, tuy thật buồn tẻ nhưng cũng có đôi chút bình yên trong đó. Và ít nhất là chúng không còn làm tổn thương đến bất cứ thứ gì nữa.
Thật may mắn là cuộc sống thường nhật của tôi cũng như vậy. Cuộc sống thường ngày của tôi vẫn đang diễn ra như thế và chẳng có gì phải buồn phiền cả, mọi sự bình thản, lặng lẽ như khi một tập phim kết thúc, lời kết hiện ra và hứa hẹn ngày mai sẽ chiếu tiếp, còn khán giả thì chờ chạy hết phần giới thiệu vai diễn rồi đứng lên, rời khỏi ghế ngồi. “Cậu rất giống tôi đấy.” Con mèo sống một triệu lần nói. “Giống ở chỗ nào?” tôi hỏi.
Con mèo sống một triệu lần nhăn nhó cười như thể đang đau khổ lắm. “Có vẻ như cậu cũng muốn sống mà tránh né tình yêu.”
Anh ta là một thanh niên cao gầy, trông như cái cột đèn đường với đôi chân dài, và đội một chiếc mũ to màu đen. Tôi nghe nói anh ta hơn tôi một tuổi nên chắc phải mười bảy tuổi rồi, nhưng trông anh ta không có vẻ gì giống là đang đi học cả. Anh ta thường ngồi trên sân thượng của trường học, vừa giở cuốn sách mượn được từ thư viện vừa uống nước ép cà chua đựng trong hộp giấy.
Chúng tôi ngồi sóng vai trên nền bê tông lạnh ngắt, dựa lưng vào tay vịn thép trắng. Tôi chợt nghĩ sắp đến lúc phải mặc thêm áo khoác rồi đây. Nhất là khi đứng trên sân thượng của một ngôi trường được xây ở lưng
chừng núi, nơi không có gì để cản gió. Bây giờ đã là giữa tháng Hai rồi. Từ giờ trở đi mỗi ngày trời sẽ càng lạnh thêm.
“Rốt cuộc thì tôi đã chẳng thể yêu ai được cả.”
Con mèo sống triệu lần nhấp môi vào cái ống hút của hộp nước ép cà chua rồi lại nhả ra ngay.
“Hoặc cũng có thể, từ đáy lòng, tôi chỉ yêu có mình cô ấy thôi. Tôi cũng không biết nữa. Tôi chẳng còn nhớ gì nên thế nào thì cũng như nhau cả.”
Anh ta không phải là mèo, đương nhiên rồi. Và chắc chắn, anh ta cũng không sống đến cả triệu lần. Nhưng dù kiếp trước anh ta là gì, anh ta đã sống đến lần thứ bao nhiêu thì cũng chẳng can hệ gì đến tôi. Anh ta đã tự xưng là “Con mèo sống một triệu lần” thì cứ coi là như vậy đi, tôi nghĩ.
“Cậu đã bao giờ tưởng tượng về nhân sinh của một con mèo nuôi hay chưa?”, anh ta hỏi tôi.
“Nếu là mèo thì không thể gọi là nhân sinh[1] được.”, tôi trả lời. “Tôi vẫn chưa quen lắm với ngôn ngữ của loài người. Cậu bỏ qua cho tôi nhé.”
“Ừm, tôi cũng xin lỗi.”
“Tôi thích những người thẳng thắn. Mà dù ở đâu thì chắc cũng không có người nào lại không thẳng thắn với một con mèo nuôi đâu nhỉ.” “Thế bây giờ anh đang được ai nuôi?”
“Làm gì có chuyện đó. Ở đây thì chỉ có mèo bị vứt bỏ và người bị vứt bỏ thôi.”
“Buồn nhỉ.”
“Đúng vậy. Nhưng vẫn còn tốt hơn vạn lần cuộc sống của một con mèo nuôi. Có lẽ nhanh chóng rũ bỏ sẽ tốt hơn là cứ quyến luyến mãi những mảnh vỡ của một tình yêu đã kết thúc.”
“Tôi thì không thể tưởng tượng được thứ gọi là tình yêu đã kết thúc.” “Cậu cứ như thể đang nói chuyện trong mơ vậy.”
“Cũng có thể là như thế”, tôi đáp.
Rồi tôi bâng quơ nhìn lên bầu trời và nghĩ. Nếu nói là như mơ thì cuộc sống ở đây mới là như mơ.
Trên cổng chính của trường chúng tôi treo tấm biển: “Trường cấp 3 Kashihara - Cơ sở 2”. Tôi không nhớ đã nghe cái tên này thốt ra từ miệng ai nữa, nhưng ở một hòn đảo nhỏ bé nơi chỉ có duy nhất một ngôi trường, thì trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày chẳng ai gọi nó bằng cái danh từ riêng ấy cả, chỉ cần gọi là trường học cũng đủ rồi.
Hòn đảo này tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Đối với chúng tôi, thế giới hầu như chỉ gói gọn trong hòn đảo nhỏ bé rộng chừng bảy kilômét vuông mà 70% diện tích của nó là vùng đồi núi không có người sinh sống. Tôi đã đến đảo này được gần ba tháng rồi nhưng vẫn hoàn toàn chưa cảm nhận được cuộc sống thực sự ở nơi đây.
“Đối với mèo nuôi thì được yêu cũng là một loại công việc. Mà cái gì đã thành công việc đều mệt mỏi cả, nên tôi đã chán ngấy với việc được yêu rồi.”, Con mèo sống triệu lần nói.
“Anh như đang nói chuyện trong mơ vậy.”, tôi trả lời.
Anh ta chỉ nhún vai và bỏ qua tai lời tôi vừa nói.
“Tôi đã sống một triệu lần, và cũng đã một triệu lần nghĩ về hạnh phúc.”
“Thế anh đã nghĩ ra được câu trả lời chưa?”
“Nếu tôi mà nghĩ ra được thì tôi đã chẳng phải nghĩ đến cả một triệu lần.”
“Đúng vậy nhỉ.”
“Nhưng ít ra thì tôi cũng đã có được chút linh cảm gì đó, ý tôi là sự cảm nhận thế nào được gọi là hạnh phúc đó.”
“Anh cũng nói được khá đấy chứ.”
“Con mèo nào chẳng biết nói. Cậu đã từng gặp con mèo nào mà không biết nói chưa?”
“Thế nào nhỉ? Mèo bình thường thì đâu có biết nói.”
“Im lặng cũng là nói đó.”
Anh ta nhìn tôi với ánh mắt như thể muốn hỏi “Cậu không hiểu cả điều bình thường đó à?” Anh ta nhấp môi vào ống hút của hộp nước ép cà chua rồi lại trở lại câu chuyện.
“Chúng ta cảm nhận được gió là do nó đang chuyển động. Thử tưởng tượng có một lá cờ màu vàng, trên đó có ghi chữ “hạnh phúc” thật to,
nhưng nó lại ở một nơi rất xa, trên đất liền thấp thoáng phía bên kia biển, nếu không có gió thổi thì nó cũng chỉ rũ cụp xuống mà thôi.” “Nhưng dù ở một nơi đã đủ đầy rồi đi nữa mà cứ chỉ ì ra một chỗ mãi thì cũng không thể gọi là hạnh phúc. Nhìn lá cờ tung bay, chính chuyển động đó mới là bản chất của hạnh phúc.” Con mèo sống triệu lần tiếp tục câu chuyện.
“Tôi hiểu điều anh muốn nói.”
“Thứ gọi là hạnh phúc, nó ngược hoàn toàn với việc được là một Con mèo nuôi, cậu có nghĩ thế không?”
“Và nó cũng ngược hoàn toàn với hòn đảo này.”
Ở đây chúng tôi không đi đâu được cả. Hoặc là trong ý niệm của tôi chưa hề có sự kết nối với bất cứ nơi nào khác.
“Đúng vậy.” Con mèo sống triệu lần nheo mắt, chun mũi cười. Sau đó chúng tôi nói tiếp những chuyện không đâu vào đâu. Ví dụ như sự khác nhau giữa tự do của một con mèo và tự do của gió, rồi cách nghĩ của những loài động vật không biết tiếng người. Đại khái là anh ta cứ nói suy nghĩ của mình còn tôi thỉnh thoảng chỉ thêm vài câu vào những câu chuyện ấy. Chắc là bình thường anh ta chỉ toàn đọc sách một mình nên đôi lúc cũng muốn có ai đó đến nghe những câu chuyện của anh ta. Tôi thì chỉ thích thỉnh thoảng đệm thêm vài câu, nhất là những câu không cụ thể, không ảnh hưởng đến thực tại, vô thưởng vô phạt, vì thế mà Con mèo sống triệu lần có vẻ cũng mến tôi.
Nhưng cũng đã sắp hết ngày rồi. Không chịu nổi cái lạnh nữa, tôi đứng lên.
“Cậu đã về rồi à?”
“Ừ. Ngày mai tôi sẽ lại qua đây nữa.”
Rồi chúng tôi nhanh chóng chào tạm biệt nhau.
“Tạm biệt anh.”
“Tạm biệt.”
Lúc này, trước mắt Con mèo sống triệu lần là bầu trời hoàng hôn, mặt trời đang lặn nhường chỗ cho một biển sao sáng lấp lánh. Thành phố nhỏ hiện ra như một chú mèo con đang nằm cuộn tròn vậy. Mái nhà có cái màu đỏ, có cái màu xanh nhưng tường thì quá nửa là màu trắng. Tôi cũng có
chút băn khoăn không hiểu vì sao người ta lại chọn một màu dễ bị bẩn như vậy cho tường bên ngoài. Tất cả phần sáng của tường đều đang nhuốm màu đỏ nhạt phản chiếu của hoàng hôn. Đây đó những cái bóng đậm màu cũng đã nhạt dần đi. Kéo thẳng dài từ thành phố ở dưới chân núi lên là những bậc thang dẫn lối đến ngôi trường của chúng tôi đang nằm ở lưng chừng núi.
Nơi đây được gọi là đảo Bậc Thang. Các bậc thang còn kéo dài lên đến tận đỉnh núi, nghe đồn là ở trên đó có căn nhà nơi bà phù thủy đang sống, nhưng có đúng là như vậy không thì tôi cũng không chắc.
•••
Đây là câu chuyện về đảo Bậc Thang.
Trên đảo này có khoảng hai nghìn người đang sinh sống. Ở đây có rất ít cửa hàng nên nhiều khi cũng cảm thấy bất tiện, nhưng bù lại thì nơi đây ít xảy ra sự vụ gì, và trong những đêm quang đãng có thể ngắm nhìn, tận hưởng bầu trời tràn ngập ánh sao. Chúng tôi vẫn đang sống yên bình ở đây, và cũng không ai có thể ra khỏi hòn đảo này.
Không ai biết tại sao chúng tôi lại đến đây. Tất cả mọi người đều mất đi hoàn toàn ký ức về lúc đó.
Ví dụ như tôi, tôi không có chút ký ức nào về những sự việc trong khoảng bốn ngày. Tôi đến đảo này vào khoảng cuối tháng Tám. Tôi chỉ còn nhớ đến lúc tầm ngày hai mươi lăm tôi ra khỏi nhà để đi đến hiệu sách và đang định đi cắt ngang qua công viên ở gần đó. Và ngày tôi nhớ được tiếp theo là ngày hai chín, khi tôi đã đứng trên bờ biển của đảo này mà chẳng hiểu nguồn cơn thế nào. Chắc chỉ có thể hiểu chuyện này như chuyện cô bé Alice cứ mải chạy theo con thỏ mà bị rơi xuống hố. Người dân ở trên đảo này chắc cũng vì mải chạy trên con đường của mình, không chú ý mà bị lạc vào đây.
Có vẻ như nơi này là đảo của những người bị vứt bỏ. Tôi nghe đồn như thế. Nhưng do ai, bằng cách nào mà bị vứt bỏ thì không ai biết. Quả thực khó có thể nghĩ được là ở xã hội hiện đại này lại có thể tồn tại cái gọi là đảo để vứt con người đến đó. Nhưng không hiểu sao khi nghe giải thích “Nơi đây là đảo của những người bị vứt bỏ” thì tôi lại có thể dễ dàng bị
thuyết phục bởi những lời nói đó ngay. Đặc biệt, tôi đã chấp nhận “À, tôi là một người bị vứt bỏ” mà chẳng một chút buồn hay xáo trộn gì. Rồi tôi còn nghĩ rằng mười sáu tuổi rồi mà không có đến một chỗ ở thì cuộc sống sẽ thật khó khăn, như thể tôi đang nghĩ chuyện của người khác chứ không phải là của mình vậy. Có lẽ khi ấy tôi chưa thực sự cảm nhận được thực trạng của mình.
Thực tế tôi hầu như không gặp phải vấn đề gì về chỗ ở, đồ ăn, thức uống. Từ đó đến nay, tôi đã sống gần ba tháng khá yên bình. Hàng ngày tôi đến trường học, ngôi trường duy nhất trên đảo, sống trong ký túc xá nằm ở dưới chân núi, khi thích thì làm thêm vài việc đơn giản và thỉnh thoảng nói chuyện với Con mèo sống triệu lần trên sân thượng. Nghĩ lại thì thấy giờ đây mỗi ngày trôi qua còn ổn định hơn cả trước khi đến đảo.
Nơi gọi là đảo Bậc Thang này có rất nhiều điều bí ẩn.
Không ai có thể trả lời chính xác nơi này đã được hình thành như thế nào, là nơi như thế nào. Thậm chí dù không phải là chính xác thì cũng không nghe thấy câu chuyện nào có sức thuyết phục về nó cả. Có người thì bực tức nói nơi đây là thế giới của kiếp sau, sau khi chết đi. Lại có người khác rất hưng phấn nói rằng đây là cơ sở thực nghiệm mà chính phủ đã bí mật tạo ra. Cũng có lời đồn rằng đây là đảo của công ty chuyên nhận lại những con người thừa, không còn cần thiết nữa với giá cao. Cũng có người cho rằng đây là giấc mơ. Dù thế nào thì tất cả cũng đều là những câu chuyện không có căn cứ.
Tôi cũng có một giả thuyết về hòn đảo này, một giả thuyết không có tính thực tế bằng hoặc hơn câu chuyện về thế giới của kiếp sau, sau khi chết, đó là do không có người cứu chứ không phải như lời đồn rằng có công ty chuyên nhận lại những con người thừa với giá cao. Nhưng có lẽ tôi sẽ không nói chuyện này với bất cứ ai. Tôi thậm chí cũng không muốn hiểu rõ sự thực về hòn đảo này. Con mèo sống triệu lần đã nói rằng chính sự chuyển động mới là bản chất của hạnh phúc. Nhưng tôi không thấy ghét sự tĩnh tại, ổn định ở nơi đây. Đây có thể là nơi xa với hạnh phúc nhưng nó cũng là nơi xa với cả bất hạnh. Mà không có bất hạnh thì cũng có thể nói rằng đó chính là hạnh phúc chứ.
Hòn đảo này, ít nhất là trong hiện tại, cũng vẫn đang trong sự tĩnh tại ổn định, vì thế tôi sẽ không đi tìm kiếm sự thật về đảo Bậc Thang làm gì cả. Tôi nghĩ vậy đấy.
Nhưng, điều kỳ lạ đã phá vỡ cuộc sống hàng ngày ổn định của tôi xảy ra vào lúc 6 giờ 42 phút, sáng ngày mười chín tháng Hai. Vào rạng sáng của ngày giao mùa sang đông, khi hơi thở ra đã giống như làn khói trắng, tôi đã gặp cô ấy. Ngay phút giây nhìn thấy gương mặt đó, tôi đã cảm thấy có một thứ gì lớn lao sắp thay đổi. Đó là sự thay đổi tôi không mong muốn. Cô ấy là Manabe Yuu.
Câu chuyện này chính thức bắt đầu từ lúc tôi gặp cô ấy.
Phần 1
ĐIỀU DUY NHẤT KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN
1
Chắc chắn lần gặp lại đó chẳng có gì là định mệnh cả.
Vì trên đảo Bậc Thang này chỉ có duy nhất một trường học nên cô ấy cũng chỉ có thể học ở đó mà thôi. Do đó muộn nhất thì cũng chỉ sau vài giờ nữa là chúng tôi sẽ gặp mặt nhau mà, nên tất cả chỉ có thể gọi bằng từ “ngẫu nhiên” thôi.
Nguyên cớ thì cũng chỉ là vì tôi đã mơ được ngắm bầu trời đêm ở ven biển. Tôi tỉnh dậy sớm hơn so với bình thường do có một giấc mơ có chút bi lụy và cũng không muốn vùi vào giường lần nữa nên tôi đã mặc áo khoác và ra khỏi phòng ký túc xá. Tôi định sẽ đi dạo một mình vào buổi sáng sớm. Từ trước đến giờ cũng đã có vài lần tôi làm như thế rồi. Bình minh trên đảo, trừ những ngày gió mạnh ra thì thật yên tĩnh, y như thư viện vào buổi sáng vậy, không khí cũng rất trong lành, rất tuyệt vời cho việc đi dạo.
Có lẽ là tại giấc mơ đó mà tôi đã chọn đi dạo trên một con đường nhỏ ven biển. Nói là ven biển nhưng chỗ này không có cả bãi cát, không thích hợp để diện đồ bơi. Trên con đường đơn điệu không có gì ngoài tiếng sóng vỗ rì rầm vào bức tường chắn sóng cao tầm ngang ngực tôi, nhưng tôi lại thích sự đơn điệu đó. Từ xưa đến nay, con người vẫn yêu những thứ như viên kim cương to đẹp có giá trị cao, nhưng khi người ta yêu thích cả những thứ như viên đá lăn lóc bên đường hay cái vỏ ống bơ méo mó thì nghĩa là con người cũng đang có tâm trạng đúng như bản thân vật đó, một tâm trạng cô đơn, lạc lõng.
Mặt trời bắt đầu ló ra từ đường chân trời báo hiệu bình minh lên. Nhưng bầu trời phía tây ở bên kia núi thì vẫn còn mờ tối. Cũng giống như con đường đơn điệu, buồn tẻ ở ven biển này, tôi thích cái khoảng thời gian khi bóng người đã bắt đầu đổ dài và đậm màu hơn nhưng ánh mặt trời thì không sắc nhọn như lúc hoàng hôn.
Tôi chợt nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo tay của mình. Nó đang chỉ 6 giờ 42 phút. Miệng thở ra một hơi trắng xóa, tôi cảm thấy mùa đông đã đến gần lắm rồi đây.
Đúng lúc đó…
“Nanakusa!”
Có ai đó gọi tên mình, tôi liền ngẩng mặt lên. Một cô gái đang đứng trên bức tường chắn sóng. Cô gái mặc bộ áo kiểu thủy thủ trông rất quen thuộc và đang đeo một chiếc cặp giản dị màu xanh đậm chéo qua vai. Giữa lúc ánh sáng còn lờ mờ, làn da trắng của cô ấy trông có vẻ yếu ớt, mái tóc tơ đen bay bay theo gió thổi nhẹ từ biển.
Cô ấy đang đứng trên bức tường chắn sóng và nhìn thẳng về phía tôi. Hình dáng ấy gây ấn tượng thật sâu sắc. Giữa cảnh tượng mờ tối này dường như chỉ còn có một mình cô ấy hiện lên. Tại sao từ nãy giờ tôi lại có thể nhìn sót một cô gái nổi bật như thế kia nhỉ. Thực ra thì tôi cũng hay nhìn sót những thứ quan trọng lắm.
“Manabe!”
Tôi đứng lặng người một cách vô thức. Thật quá đỗi ngạc nhiên. Mặt tôi tái nhợt đi. Cô ấy là Manabe Yuu. Có đúng thật không? Thật không thể nào!
Manabe không chút ngập ngừng đi về phía tôi.
“Lâu quá rồi không gặp cậu nhỉ, Nanakusa.”
“À… Ừ… Lâu lắm rồi không gặp.”
“Phải tròn hai năm rồi nhỉ?”
“Chắc là cũng phải tầm đó rồi.”
“Nanakusa không thay đổi gì nhỉ. Mình nhìn cái là nhận ra được luôn.” Chúng tôi cứ như là đang diễn thoại vậy. Manabe Yuu là Manabe Yuu, là cô gái đúng như trong ký ức của tôi, cả giọng nói, dáng đi, vẻ mặt, cái gì cũng đúng. Ngoài cô ấy ra thì tất cả mọi người không ai có kiểu nhìn trực diện như thế, họ thường nhìn chếch đi một chút. Chính vì thế cô ấy có chút gì khác biệt, không quen thuộc với thế giới này, cô ấy với thế giới này như thể là một bức ảnh ghép thiếu chuyên nghiệp vậy.
Cô ấy nhảy xuống khỏi bức tường chắn sóng và đứng ngay trước mặt tôi. “Bịch!” Tiếng tiếp đất vang lên trong khung cảnh còn ngái ngủ của
buổi sáng. Cô ấy nói:
“Mình có việc này muốn hỏi cậu.”
“Ừ.”
“Đây là đâu?”
“Là đảo Bậc Thang đó.”
“Mình chưa từng nghe về đảo này.”
“Hình như đảo này cũng không có cả ở trên bản đồ đâu.” “Tại sao mình lại đang ở một nơi như thế này?”
“Mình không biết.”
“Thế còn Nanakusa?”
“Cái này mình cũng không biết.”
“Việc của chính cậu mà cậu cũng không biết à?”
“Cái cậu này…”
Có vẻ chính Manabe cũng không hiểu tại sao cô ấy lại đang ở trên đảo. Chẳng có cách nào khác là phải chấp nhận việc này nên cô ấy gật đầu. “Mà, mình không muốn bị muộn giờ học đâu.”
“Ừ nhỉ.”
“Đây là Yokohama[2] à?”
“Biết nói thế nào nhỉ. Quả thật là mình cũng không biết rõ đâu.” Nhưng cũng có điều tôi biết. Đó là Manabe Yuu không biết chút gì về đảo Bậc Thang cả, sáng nay là lần đầu tiên cô ấy đến nơi này. “Có một chút thủ tục như thế này, cậu có đồng ý làm cùng mình không?” Tôi hỏi.
“Cái đó mất nhiều thời gian không?”
“Chỉ vài phút là xong thôi.”
“Ừ, được.”
Trên đảo Bậc Thang có một số quy định, và người dân trên đảo phải giải thích cho người mới đến về những quy định này. Hồi tôi mới đến đây cũng như vậy.
“Tên của cậu là gì?”
“Manabe Yuu. Cậu quên rồi à?”
“Đương nhiên là mình nhớ chứ nhưng đây cũng là một phần của thủ tục mà.”
Chắc là cô ấy không nghĩ là những người đã biết nhau rồi phải giới thiệu lại như thế, nhưng theo quy định ở đây thì việc đầu tiên là phải hỏi tên của người mới đến. Rồi tôi nói tiếp:
“Đây là đảo của những người bị vứt bỏ. Để ra khỏi đảo này thì Manabe Yuu phải tìm ra được thứ mà mình đã đánh mất.”
Đây là quy định cơ bản nhất của đảo Bậc Thang. Tôi không biết là do ai đã đặt ra. Người ta thường truyền miệng nhau rằng đó do bà phù thủy sống trên núi nhưng tôi cũng không biết thực sự có bà phù thủy như thế không.
“Đảo của những người bị vứt bỏ… Nghĩa là như thế nào?” “Đúng như những gì mình vừa nói đó, những người sống ở đây tất cả đều là bị vứt bỏ.”
Manabe nhăn mặt. Nhìn vẻ mặt ấy, tôi thấy điều mình nói đúng là mâu thuẫn.
“Vứt bỏ con người á, nghĩa là như thế nào?”
“Mình không biết nhưng nói rõ hơn thì ví dụ như bị người yêu vứt bỏ, bị công ty vứt bỏ…”
“Nanakusa cũng đã bị vứt bỏ à?”
“Ừ. Cả cậu cũng thế.”
“Cậu bị ai vứt bỏ vậy?”
“Mình không biết.”
“Có thể có chuyện đó sao? Chuyện mình bị vứt bỏ bởi một người mình không biết.”
Manabe Yuu có một cái tính là không thể ngừng hỏi. Có chuyện gì không hiểu là cô ấy cứ liên tục hỏi suốt. Cô ấy lúc nào cũng muốn có một đáp án hoàn hảo và luôn tin rằng trên thế giới này chắc chắn tồn tại đáp án đó. Nhưng sự thật thì vẫn luôn có cả những câu hỏi không thể trả lời được. Đặc biệt như tôi đây, từ trước đến giờ không có lấy một lần đưa ra được câu trả lời thẳng thắn.
“Câu hỏi của cậu rất thú vị đấy nhưng cậu không muốn bị muộn giờ học đấy chứ? Chúng ta vừa đi vừa nói chuyện nhé.”
“Chúng ta đi đâu?”
“Đến nơi của người biết rõ sự tình hơn mình một chút.”
“Đó là người như thế nào?”
“Đến nơi cậu sẽ biết.”
Manabe gật đầu và chúng tôi cùng bắt đầu đi.
“Mà cậu có thấy trời sáng nay lạ lạ không?”
“Thế cậu nghĩ bây giờ là tháng mấy?”
“Tháng Tám mà, sắp sang tháng Chín rồi.”
“Không phải, thực ra là đã tháng Hai rồi.”
Có vẻ như Manabe không có ký ức gì về ba tháng gần đây. Những người khi đến đảo Bậc Thang đều bị mất đi ký ức của phần thời gian ngay trước đó.
“Thật không thể hiểu nổi.” Manabe nói.
“Mình hoàn toàn hiểu được cảm giác của cậu lúc này.” Tôi trả lời. Tôi trộm thở dài một tiếng trong lòng. Lần này gặp lại cô ấy, tôi chỉ cảm thấy một sự lo lắng âm ỉ, có gì đó cứ bồn chồn, khó chịu, bực dọc trong tôi. Tôi cố nắm chặt tay chịu đựng, không để lộ ra những cảm xúc đó. Việc tôi gặp cô ấy ở ven biển vào lúc sáng sớm này thì chẳng có gì đáng nói, tất cả có thể coi là ngẫu nhiên. Điều mà tôi không thể hiểu nổi có tính sâu xa hơn cơ. Đó là, tại sao Manabe Yuu lại ở trên đảo này? Tôi không thể hiểu nổi và cũng không muốn hiểu. Không thể như thế được và cũng không nên thế. Thẳng thắn mà nói thì tôi hoàn toàn không muốn nhìn khuôn mặt cô ấy.
°°°
Lần đầu tiên tôi gặp Manabe Yuu là lúc học lớp bốn. À không, chính xác thì lần đầu tiên là trước đó một chút. Tôi và cô ấy học cùng trường tiểu học nên chắc chắn trước đó thế nào cũng đã từng có nói chuyện vài câu với nhau rồi. Tuy vậy, tôi chỉ nhớ rõ về người có tên Manabe Yuu đó là trong một lần trên đường về nhà vào một ngày mùa đông của năm lớp bốn.
Nói ngắn gọn, Manabe Yuu khi đó là một cô bé hay bị bắt nạt. Dù là học sinh tiểu học nhưng khi đã đến lớp bốn rồi thì cũng đã bắt đầu hình thành
một số đặc tính của xã hội, trong lớp cũng bắt đầu sinh ra bè phái và cần phải biết cách đọc vị khi nói chuyện. Manabe Yuu là một cô bé rất khù khờ trong những việc như thế. Tôi không hiểu đã có sự tình như thế nào nhưng cô ấy đã bị một bạn nữ đầu đàn trong lớp nhắm trúng, tôi không nhớ được tên bạn đó. Cái xấu tính của chúng được thể hiện rõ đến mức người bàng quan như tôi mà cũng có vài lần không thể im lặng đứng nhìn. Mặc dù hay bị nhắm vào các trò ác ý hết sức vô lý nhưng Manabe Yuu hoàn toàn không thể hiện tí cảm xúc nào ra ngoài cả, kể cả khóc lóc cũng không. Dù đồ tập thể dục bị nhúng vào vũng nước hay bị viết bậy bạ vào dép thì cô ấy cũng chỉ cúi đầu với nét mặt khó hiểu. Lúc đó tôi đã nghĩ cô ấy thật là can đảm. Nhưng bây giờ thì tôi sẽ hiểu khác.
Manabe Yuu ngây thơ trong sáng đến mức khó hiểu. Cô ấy không hiểu ra được lý do của những việc như thế, ví dụ, cô ấy không hiểu được vì sao bọn họ nhúng đồ thể dục của cô ấy vào vũng nước. Người mà không cảm nhận được ác ý như cô ấy thì không thể buồn hay tức giận được, vậy nên cô ấy chỉ cúi đầu mà thôi. Tôi, người không phải là đồng minh của chính nghĩa, cũng không định sẽ làm gì đó cho cô ấy. Tôi nhìn thấy nhưng giả vờ không thấy và cũng chẳng cảm thấy có tội lỗi gì cả. Thực ra cũng có vài lần tôi đã tưởng tượng xem nếu cô ấy kêu tôi cứu giúp thì tôi có thể làm gì được không, nhưng giờ thì tôi không còn nhớ được chi tiết, cụ thể nữa.
Thời tiểu học của tôi cũng có những lúc buồn như thế nhưng cũng có những lúc vô tư, trong sáng lắm. Ví dụ như chuyện về Milky. Milky là một chú chó nhỏ màu trắng, có bộ lông rất đẹp. Nó chắc là một chú chó bị bỏ rơi, vì tôi thấy nó không đeo vòng ở cổ. Thỉnh thoảng Milky hay vào sân trường chơi và mỗi lần thấy chú chó trong sân trường như vậy là mấy bạn cùng lớp tôi lại xôn xao hết cả lên. Tôi cũng đã có vài lần cho Milky ăn phần thừa bánh mỳ trong suất ăn của mình. Ở trước Milky, lũ bạn cùng lớp tôi đều trở thành những người bạn vô tư, trong sáng đúng như người lớn mong muốn, không còn có sự phân biệt như lúc ở trong lớp học. Đó chính là điểm đáng yêu của thời tiểu học. Trong thế giới nhỏ bé của tôi, Milky tượng trưng cho hòa bình. Chú chó trắng nhỏ đó chính là hiện thân cho thứ trật tự mà khó có thể diễn đạt được bằng lời. Trong khi đó, Manabe Yuu lại là hiện thân của sự trái lẽ thường.
Milky bị mất quá nhiều máu và chết.
Trên đường về nhà vào một ngày mùa đông.
Tôi đã nhận ra ngay khi nhìn thấy vụ tai nạn đó. Phía chân sau của nó dường như đã bị nghiền nát, chỗ lông mềm mại ở bụng vẫn còn phập phồng, hình ảnh thoi thóp đó của nó đã đọng lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Lúc đó đúng vào giờ tan trường nên rất đông học sinh nhanh chóng chạy lại xem Milky. Có ai đó đã thốt lên rằng chú chó thật đáng thương. Tôi cũng có cùng tâm trạng như vậy.
Ở đó, mọi người đều là người qua đường đứng lại xem, và tôi cũng không có ý định trở thành người có liên quan gì đến tai nạn của Milky. Thế nhưng có một người, chỉ duy nhất một người, là ngoại lệ. Đó là Manabe Yuu.
Cô ấy đã lại gần Milky và không chần chừ bế nó lên. Màu đỏ của máu loang trên bộ đồng phục màu trắng của cô ấy trông càng nổi rõ. Tôi còn nhớ khi thấy vậy đã có ai đó thì thào rằng bẩn quá. Còn tôi lại chẳng có chút đồng tình gì với câu nói đó. Đối với tôi, cô ấy trông thật đẹp.
Rồi cô ấy chạy đi. Tôi cũng vô thức chạy đuổi theo sau cô ấy. Giờ đây, tôi không thể nhớ nổi tâm lý lúc đó của mình là thế nào, nhưng lúc đó tôi đã đuổi theo cô ấy.
Manabe Yuu cứ chạy thẳng một mạch. Nét mặt cô ấy cũng không buồn, gương mặt nghiêm túc đó chỉ đang chăm chăm nhìn về phía trước. Nhìn vậy không ai có thể tưởng tượng được rằng Milky đang trong vòng tay của cô ấy có thể sắp chết.
“Sẽ ổn mà.” Cô ấy khẽ nói.
“Nhất định là sẽ ổn mà.”
Đó là câu nói đầu tiên của cô ấy mà tôi đã nhớ được.
Nhưng khi đến được bệnh viện dành cho động vật thì Milky đã không còn thở nữa. Bác sỹ lắc đầu và khi đó tôi chỉ còn thấy gương mặt đẫm nước mắt của cô ấy. Mặt cô ấy méo xệch đi và khóc nức nở rất to, như tiếng gầm của dã thú vậy. Vẫn nguyên trong bộ đồng phục dính bê bết máu, toàn thân cô ấy run lên, nước mắt rơi lã chã. Còn tôi thì không khóc. À mà có thể là tôi cũng đã khóc, tôi không nhớ rõ nữa. Tôi chỉ nhớ rõ hình dáng của cô ấy lúc đó thôi, còn bản thân tôi thế nào thì bây giờ tôi không thể nhớ nổi nữa.
Từ ngày hôm đó, tôi và cô ấy đã bắt đầu nói chuyện với nhau thân thiết hơn. Từ ngày đó cho đến khi cô ấy chuyển nhà đi vào kỳ nghỉ hè của năm lớp 8, ngày nào chúng tôi cũng chơi và nói chuyện cùng nhau.
Càng biết về cô ấy tôi càng thấy cô ấy thật đặc biệt. Thế giới trong mắt của cô ấy dường như luôn tràn đầy hi vọng. Với cô ấy thì nỗ lực sẽ nhất định được đền đáp, còn lý tưởng thì nhất định phải thực hiện, không có gì phải nghi ngờ hay băn khoăn về việc đó.
Tại sao?
Milky đã chết. Vậy mà tại sao cô ấy vẫn luôn tin vào chính nghĩa của thế giới này? Tôi đã rất nhiều lần thắc mắc nhưng chẳng lần nào dám hỏi cô ấy.
2
Chúng tôi đi hết con phố nhỏ nằm trên phần đất phẳng hiếm hoi của hòn đảo nhỏ hẹp này, rồi leo lên núi và bước từng bước một trên con đường bậc thang rất dài. Cứ mỗi lần đặt chân bước lên là chúng tôi lại thấy mình cao thêm và có thể nhìn thấy con phố nhỏ dần giữa cây và cây. Vừa leo bậc thang tôi vừa cố gắng làm cho Manabe Yuu tin rằng hôm nay là ngày 19 tháng Hai. Nhưng chắc là sẽ còn mất thêm thời gian để chính cô ấy thừa nhận rằng bản thân mình đã mất đi ký ức về các sự việc của ba tháng gần đây.
“Bệnh mất trí nhớ nghĩa là mình không biết cả việc mình đã quên à?” “Mình nghĩ là cũng tùy trường hợp nữa.”
Tôi không biết triệu chứng cụ thể của bệnh mất trí nhớ thế nào. Nhìn thấy cô ấy đang chau mày, tôi nói:
“Chắc cậu đang thấy khó chịu lắm nhỉ.”
“Cậu thấy là mình đang khó chịu à, chắc đúng là thế nhỉ.” Hiếm khi cô ấy trả lời không rõ ràng như vậy.
“Thì tất nhiên, không nhớ được gì cũng khiến người ta lo lắng chứ?” “Nói thế nào nhỉ? Mình không thích mơ hồ như thế. Vì nếu lỡ đã có hẹn gì quan trọng thì sao?”
“Dù cậu có nhớ ra hẹn gì thì cũng không thể thực hiện được mà. Vì chúng ta đâu thể ra khỏi đảo này.”
“Không thể ra khỏi đây nghĩa là thế nào?”
“Ô kìa, nghĩa là cứ mãi phải ở đây thôi.”
Tôi dừng bước ở giữa lưng chừng con đường bậc thang rồi quay lại nhìn. Bây giờ đã là 7 giờ 30 phút sáng, cuối cùng thì màn đêm cũng tan hết, cả thành phố và cả biển đều chan hòa trong ánh nắng ban mai. “Đảo này được bao quanh là biển hết nên không có đường ra nào đâu.”
“Nhưng có thuyền mà. Từ ngay đây cũng có thể nhìn thấy.” Đúng là trên biển đang thấp thoáng có vài con thuyền nhỏ, đó đều là thuyền đi đánh cá. Trên đảo này có rất nhiều ngư dân. Điều này cũng dễ hiểu vì nó phù hợp với vị trí địa lý của nơi đây.
Tôi nhún vai và nói:
“Mình nghe nói dù có định vượt biển bằng thuyền thì sau đó vẫn bị trở lại đảo thôi.”
“Thế nghĩa là thế nào? Có phải liên quan gì đến thủy triều không?” “Mình cũng không biết, nhưng có vẻ lý do đó cũng có tính thực tế đấy.”
Vì tôi chưa từng có ý định sẽ ra khỏi đảo này nên chỉ biết theo tin đồn vậy thôi, mà lời đồn đó thì tôi cũng không lắng nghe cẩn thận, nghiêm túc gì cho lắm.
“Nhưng từ đây có nhìn thấy đất liền mà.” Manabe chỉ về phía bên kia biển.
Đúng là phía cô ấy chỉ có đất liền. Do có sương giăng nên nhìn không rõ hẳn nhưng trông có vẻ bên đất liền đó cũng rất rộng lớn. “Ừ, nhưng chưa có ai có thể đi đến đó được.”
Rồi chúng tôi lại tiếp tục bước về phía trước.
“Nghe nói cách để ra được đảo này là phải tìm lại được thứ đã đánh mất.”
“Thứ đã đánh mất?”
“Cậu có nghĩ ra được cái gì không?”
“Thực ra ngay lúc này thì mình chẳng có gì trong tay cả.” “Đúng vậy nhỉ.”
Thật khó để trả lời thứ đã đánh mất là gì khi vừa mới bị thả vào đảo này vì có quá nhiều khả năng.
Manabe nói trong nhịp thở gấp.
“Thứ mà ngay lúc này mình nghĩ ra được đó là ký ức của ba tháng gần đây.”
“Trước mắt bây giờ thì đây là dự đoán đầu tiên nhất nhỉ.”
Cũng có nhiều người có suy nghĩ tương tự như vậy, vì mọi người ai cũng mất đi ký ức tại sao lại đến đảo này. Nếu có thể nhớ ra được cách đã đến nơi này thì có lẽ cũng sẽ nghĩ được cách để ra khỏi đây. Xét về logic thì tôi nghĩ điều này có thể hiểu được.
“Vậy có thể nhớ ra được ký ức đã quên không?”
“Trước tiên cậu cứ lấy đây làm mục tiêu đi, cũng tốt mà phải không?” “Thế cậu thì thế nào? Cậu có đang tìm kiếm cái gì không?” “Mình chẳng tìm kiếm cái gì cả.”
“Tại sao?”
“Cuộc sống ở đây cũng không tồi mà.”
Mọi thứ đều bình yên, yên ổn. Hằng sáng cũng không phải nghe những tin tức khiến mình cảm thấy khó chịu. Tôi không để tâm lắm khi hằng ngày phải bắt đầu bằng những câu chuyện tiêu cực kiểu như ở đâu có ai là tội phạm, hay những chuyện ngồi lê đôi mách về người nào đó… Trên đảo vẫn có thể bắt được sóng tivi và xem các tin tức nếu muốn, nhưng quả thật những thứ phát trên đó đều là những sự việc của một thế giới mà chẳng có liên hệ gì với chúng tôi, kiểu như tin tội phạm ở một đất nước xa xôi nào đó hay về một cuộc chiến xưa cũ… Do nó không có liên quan gì với chúng tôi nên dần dần mọi người cũng mất hứng thú để xem và chỉ còn nghĩ về cuộc sống hằng ngày của chính bản thân mình mà thôi.
“Nhưng cậu giỏi nhỉ.”
“Mình giỏi cái gì cơ?”
“À thì cậu không có bố mẹ mà vẫn sống được ở đây. Chắc là cậu vất vả nhiều lắm, phải lo chỗ ở này, tiền ăn này…”
Tôi lắc đầu.
“Thực ra là thế này, nếu chỉ là sống thôi thì ở đảo này không cần tiền đâu.”
“Tại sao?”
“Người mà cậu sắp gặp đây sẽ giải thích cho cậu hiểu về những chuyện như thế này.”
“Mình sẽ gặp ai?”
“Cô giáo của trường học ở đây.”
Trường học nằm ở trên con đường bậc thang là biểu trưng của đảo. Có quá nhiều bậc thang, mà nếu không buôn chuyện gì trên đường đi thì thật là chán ngắt. Sau một hồi lầm bầm về trọng lực, rồi cấu tạo cơ thể, tất nhiên cả về vị trí của ngôi trường nữa, rồi về bất cứ thứ gì trên thế gian này mà có thể nghĩ ra được, và khi bắt đầu cảm thấy chán rồi thì may quá đã thấy ngôi trường hiện ra trong tầm mắt.
“Đây rồi”, tôi nói.
Từ con đường bậc thang chúng tôi rẽ sang một con dốc phẳng. Phía trước đó là một khoảng sân hẹp và ba dãy phòng học nối tiếp nhau. Dãy bên phải dành cho học sinh cấp hai, dãy bên trái cho học sinh cấp ba, còn dãy chính giữa thì hầu hết đều là các phòng học trống, ngoài ra còn có phòng giáo viên, phòng y tế và nhà ăn cho học sinh nữa.
“Nhà ăn cho học sinh?”, Manabe hỏi với vẻ ngạc nhiên.
“Người ta mang thực phẩm lên cả chỗ như thế này à?”
“Ừ.”
“Ai mang đến?”
“Học sinh sẽ phân chia nhau làm và đây được coi như là một công việc làm thêm.”
Như vậy vừa nhân tiện đi học lại vừa có thể kiếm được một chút tiền tiêu vặt nên học sinh cũng rất thích. Có một chuyện rất khó tin là tôi cũng đã có duy nhất một lần thử làm việc này nhưng rồi phải hối hận ngay sau đó. Tôi không muốn nhớ lại cái nặng khủng khiếp của chiếc balo đựng đầy hành tây đó.
Chúng tôi đứng lại một chút ở lối vào sân để thở rồi thong thả đi vào phòng giáo viên nằm ở dãy phòng chính giữa.
Chúng tôi thay dép dùng để đi trong phòng dành cho khách rồi bước đi theo lối hành lang được lót vải sơn. Tiếng bước chân lộc cộc vang lên, hình như do đi không vừa nên chỗ đầu ngón chân hơi bị chấp chới. Tôi gõ cửa phòng có biển được ghi là Phòng giáo viên.
“Em là Nanakusa, học sinh lớp 10 ạ.”
Tôi nói vậy xong thì có tiếng trả lời từ trong phòng vọng ra “Em vào đi”. Tôi mở cửa. Chắc là do còn một tiếng nữa mới đến giờ học của buổi sáng nên trong phòng giáo viên mới chỉ có một người. Và thật may đó
chính là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi. Cô đang ngồi ở chiếc bàn phía trong cùng, trên bàn có cốc cafe vẫn đang bốc hơi ấm. Manabe vẫn đứng yên và nhìn chăm chú vào cô giáo. Tôi cảm thấy mình cần giải thích gì đó cho cô ấy nên nói:
“Người đó là giáo viên chủ nhiệm của lớp mình đấy. Cô tên là Tokume.”
Đó không phải là tên thật của cô. Không ai biết tên thật của cô cả. Cũng không có học sinh nào nhìn thấy khuôn mặt thật của cô vì cô lúc nào cũng đeo một cái mặt nạ màu trắng, loại mặt nạ che kín từ trên lông mày đến hết mũi. Cô ngồi trong phòng giáo viên của trường với hình tượng như đang tham gia lễ hội hóa trang như vậy thì quả đúng là sẽ tạo nên cảm giác kỳ lạ.
Manabe nói lí nhí:
“Lúc nào cô cũng đeo mặt nạ như vậy à?”
“Ừ.”
“Cô là một giáo viên kỳ quặc nhỉ.”
“Cô là một giáo viên tốt đấy. Chỉ là cô hay hóa trang vậy thôi.” Khi chúng tôi bước tới gần thì cô Tokume xoay lại ghế và hướng về phía chúng tôi.
“Xin lỗi các em vì trông cô như thế này.” Cô nói, khóe miệng khẽ cong lên cười sau tấm mặt nạ.
“Tại sao cô lại đeo mặt nạ như vậy chứ?” Manabe hỏi.
“Bạn ấy lúc nào cũng hỏi thẳng như vậy đấy ạ.”
Cô giáo hướng mặt nhanh về phía chúng tôi.
“Mình sẽ giải thích cho câu sau nhé.” Tôi nói.
Cô Tokume bị hội chứng sợ trường học. Trước khi đến đảo này cô cũng đã là một giáo viên, tôi không biết rõ lắm nhưng có lẽ đã có nhiều chuyện đã xảy ra khiến cô rất sợ phải đứng trước học sinh. Thật ra, cô đã có thể lựa chọn bỏ nghề giáo nhưng vì bản chất cô là một giáo viên rất nghiêm túc, cần mẫn và nhiệt huyết nên cô đã không thể làm vậy. Và nghe nói khi cô che mặt mình đi, giấu cả tên của mình nữa thì cuối cùng cô cũng có thể tiếp xúc được với học sinh. Tôi thấy cô thật đáng thương. Đối với tôi, việc cô không thể bỏ nghề giáo còn đáng buồn hơn là việc cô sợ trường học.
Cô Tokume cầm lấy tờ giấy A4 ở trên bàn.
“Em là Manabe Yuu nhỉ?”
“Vâng. Sao cô biết tên của em?”
“Ở đây ghi vậy mà.”
“Đó là gì thế ạ?”
“Là sơ yếu lý lịch của em.”
“Sao cô lại có được thứ đó?”
“Nó được bưu điện gửi đến. Phải cần có nó chứ? Vì em sẽ là học sinh ở đây mà.”
“Sơ yếu lý lịch phải là do tự bản thân em viết. Việc chọn trường cũng phải là do em chọn. Nhưng em không nhớ là em đã chọn chuyển trường.” Manabe thản nhiên trả lời.
Dù nói rõ ràng, thẳng thắn như vậy dễ bị coi là vô lễ nhưng cô ấy không cảm thấy như vậy. Vì thế, Manabe rất hay bị hiểu nhầm là người cứng nhắc, vô cảm. Tôi thì biết là không phải như vậy, chỉ là điểm chuyển đổi cảm xúc của cô ấy hơi đặc biệt một chút thôi.
“Cô biết chứ”, cô Tokume gật đầu.
“Chắc em đã quyết định thi vào một trường cấp ba và đã rất vất vả để thi đỗ, vậy mà đột nhiên lại bị chuyển trường thì tất nhiên sẽ cảm thấy bất mãn rồi.”
“Dạ, vấn đề không phải là như thế.”
“Thế là vấn đề gì vậy em?”
“Chỉ là em không thể hiểu được. Em thấy khó chịu khi không thể hiểu được như thế.”
Cô Tokume đặt tay lên cằm. Chắc là do chiếc mặt nạ nên lúc này trông cô như thể một tên trộm huyền bí cổ xưa đang làm điều gì xấu xa. “Cô rất tiếc nhưng cái đó chính là thứ mà từ nay trở đi em phải kiếm tìm.”
“Cái đó… là cái gì ạ?”
“Là việc em muốn hiểu đó. Không có ai khi mới đến đảo này mà hiểu cả. Từ giờ em sẽ phải mất thời gian để tìm ra nó từng chút một khi sống ở đây.”
Trong chốc lát, Manabe như bị nghẹn lời. Rồi sau đó, với một giọng thở dài, thong thả, cô ấy hỏi:
“Đảo Bậc Thang… là gì hả cô?”
“Không ai biết câu trả lời đâu em ạ. Ngoài bà phù thủy ra thì không ai biết cả.”
“Bà phù thủy ư?”
“Ở phía sau trường học này có con đường bậc thang dẫn lên đỉnh núi. Nghe nói là có một bà phù thủy đang sống trên đó. Hòn đảo này đang được bà phù thủy đó quản lý.”
Manabe nhăn mặt vẻ tức giận.
“Em không thể nuốt trôi được câu chuyện này.”
“À, không sao. Cô cũng vậy mà. Cô đã đến đây được 3 năm rồi mà vẫn còn chưa tin chuyện có bà phù thủy nào đó.”
“Nếu vậy thì…”
“Thế nhưng cũng chẳng có cách nào khác. Không phải chỉ riêng mỗi đảo Bậc Thang này mới là đặc biệt. Đời người cũng như vậy mà. Chúng ta sống theo những quy tắc đã được định ra từ lúc nào không rõ, bởi những người thống trị được sinh ra bằng một sức mạnh mơ hồ nào đó. Nếu thay bà phù thủy bằng quốc vương hay nhà chính trị thì em có thể hiểu được không?”
“Em vẫn không thể hiểu được.”
Manabe nói một cách mạnh mẽ.
“Không phải vấn đề về cái tên thưa cô. Em thấy khó chịu khi trong lòng không phục.”
Miệng cô lộ ra dưới chiếc mặt nạ, trông cô như đang cười. Nhưng vì không nhìn thấy được mắt cô nên khó phán đoán được đó là kiểu cười gì. “Thật là tuyệt vời. Thực sự cô nghĩ vậy. Nhưng với người trần mắt thịt, không phải là thần thánh thì không thể tự ý quyết định được hết tất cả mọi thứ. Em hiểu điều này nhỉ?”
“Vâng.”
“Bây giờ chỉ có một việc duy nhất mà em có thể quyết định được, đó là có học ở trường này hay không. Trên đảo Bậc Thang này chỉ có duy nhất
một trường học này thôi, nên nếu muốn đi học thì hiện tại chỉ có thể đến đây thôi.”
“Tôi thì rất hoan nghênh em”, cô Tokume nói.
Manabe im lặng trong chốc lát. Nếu đúng theo bản tính của cô ấy thì cũng sẽ chẳng lạ gì nếu cô ấy nói “Vậy em xin phép cô” rồi không chần chừ bước chân đi luôn.
Tôi nói chen ngang vào.
“Cậu cứ vừa học ở đây rồi vừa tìm cách ra khỏi đảo này cũng tốt mà. Mình vẫn luôn muốn học cùng với cậu đấy.”
Cô ấy nhìn tôi với ánh mắt có vẻ tức giận, nhưng rút cục cô ấy đang tức giận về cái gì thì tôi cũng không rõ.
“Nếu vậy thì cậu hứa với mình là sẽ cùng rời khỏi đảo với mình nhé?” Tại sao lại là “Nếu vậy thì?” Cách nối từ của cô ấy có vẻ hơi vô lý. Lằng nhằng quá, tôi gật đầu đại cho xong.
“Ừ, mình hứa đấy.”
Tôi chợt nhớ ra chút liên quan lạ lùng đến cái từ “hứa”. Thật ra từ trước đến nay cũng đã có vài lần tôi hứa không thực tâm rồi. Manabe quay lại phía cô giáo và trả lời “Em hiểu rồi ạ”.
°°°
Ở trên đảo Bậc Thang này thì bằng cấp không có ý nghĩa gì cả. Tuy thế lý do duy nhất khiến Manabe đi học thì chỉ có một. Ở đảo này, cuộc sống của học sinh sẽ được đảm bảo. Học sinh có thể được mượn miễn phí một phòng khu ký túc trong phố và không phải đóng tiền ăn khi ăn ở căng-tin học sinh hoặc ở ký túc. Ngoài ra còn được cấp cả sách giáo khoa, đồng phục và cả đồng phục thể dục nữa. Tuy nếu muốn có thêm gì khác thì phải tìm việc làm thêm nhưng nếu chỉ là sống thôi thì học sinh không cần đến tiền.
Tính đơn giản giữa mất và được thì chắc chắn ai cũng nhận thấy là trở thành học sinh của trường sẽ có lợi hơn. Chẳng cần phải có trí thông minh cũng nhận ra được điều đó. Chỉ cần dùng bản năng là có thể hiểu được.
Cũng giống như bất cứ ai đang ở giữa sa mạc mà được cho nước thì cũng sẽ nhận thôi.
Nhưng quyết định của Manabe Yuu đôi khi lại không theo logic nào cả, nên những lúc như thế tôi ở bên cạnh cô ấy lại phải ôm những lo lắng không đâu vào đâu.
°°°
Cô Tokume nói muốn nói chuyện một chút với Manabe về cuộc sống ở trên đảo này nên tôi một mình đi ra khỏi phòng giáo viên và đến dãy phòng dành cho khối cấp ba rồi đổi dép đi trong phòng của mình. Tôi cứ vậy bước lên cầu thang. Tầng một là phòng học đặc biệt kiểu như phòng học nấu ăn, lớp học bình thường thì ở tầng hai. Khối cấp ba tổng cả ba lớp chỉ có tám phòng học. Tôi bước tiếp lên cầu thang rồi đi qua tầng ba, nơi có thư viện, rồi với tay đến cửa để đi ra sân thượng.
Tôi mở cửa bước ra, nhiệt độ không khí ở đây cũng không có gì khác biệt lắm. Ở chỗ được nắng chiếu trực tiếp thậm chí ấm hơn trong phòng. Con mèo sống một triệu lần đang ngồi dựa vào cái tay vịn màu bạc. Anh ta đang đọc sách trong khi một bên tay đang cầm hộp nước ép cà chua giống như mọi lần. Không hiểu sao tôi có cảm giác như được trở lại cuộc sống thường ngày nên thấy vui vui. Không biết từ lúc nào tôi đã quen với cuộc sống ở chỗ này.
Tôi tiến lại gần Con mèo sống triệu lần.
“Anh đến trường lúc nào vậy?”
Còn gần một tiếng nữa mới đến giờ học. Anh ta ngẩng mặt lên khỏi quyển sách nhưng không trả lời câu hỏi của tôi.
“Cô gái chuyển trường đã đến rồi à?”
“Ừ, anh biết rõ nhỉ.”
“Tôi nhìn thấy người đó leo bậc thang cùng cậu mà. Có vẻ các cậu thân thiết nhỉ?”
“Ngày trước chúng tôi là bạn học cùng lớp.”
“Đó là chuyện trước khi đến đảo này nhỉ.”
“Tất nhiên rồi.”
Ở
“Ở đảo này hiếm mà gặp được người quen cũ đấy. Cậu nên coi trọng cái duyên hiếm hoi này.”
Tôi ngồi xuống cạnh anh ấy.
“Tôi không hiểu từ ‘duyên’.”
“Nói cách khác thì đó là may mắn.”
“Từ ‘may mắn’ tôi cũng không hiểu.”
“Nó có nghĩa kiểu như là ngẫu nhiên ý.”
“Ngẫu nhiên là ngẫu nhiên chứ.”
Giữa tôi và Manabe Yuu, dù là có duyên đặc biệt thì tôi cũng không nghĩ đó là may mắn.
Con mèo sống triệu lần cười khúc khích.
“Chẳng phải tâm trạng cậu đang rất vui đó sao?”
“Vậy à?”
“Đúng thế.”
Không thể như thế được.
Tôi không mong gặp lại Manabe. Chỉ riêng cô ấy là tôi không muốn gặp. Người khác xuất hiện trước mắt, tôi chỉ cần cười cái là xong, nhưng riêng với cô ấy, tôi không thể bình tĩnh được. Tuy vậy, tôi vẫn gật đầu và lại vô thức giả vờ bình thản như mọi khi.
“À, cũng có thể là như vậy. Có thể gặp lại người bạn cũ là một việc tốt mà.”
Con mèo sống triệu lần nhấp miệng vào chiếc ống hút của hộp nước ép.
“Cô ấy tên là gì?”
“Manabe Yuu.”
“Ra vậy. Cô bé tên Manabe đó có tính cách đặc trưng như thế nào?” Cái từ “tính cách đặc trưng” là cách nói tránh, còn nếu nói thẳng ra thì nó giống như là nói đến nhược điểm. Những người đến đảo này ai cũng có một nhược điểm nào đó. Ví dụ, cô giáo sợ trường học hay một người bạn có tật chuyên nói dối. Nơi đây chính là một cái thùng rác. Mà những cái mà bị vứt vào thùng rác thì chỉ toàn là những thứ đã bị hỏng hoặc bị khiếm khuyết ở đâu đó mà thôi.
ẳ
“Cô ấy rất thẳng thắn.”
“Thẳng thắn?”
“Cô ấy giống như một đường thẳng chân phương vậy, chỉ kéo dài thẳng về một hướng.”
“Tôi không hiểu.”
“Nói cách khác thì cô ấy là người mơ mộng hão huyền, là người theo chủ nghĩa lý tưởng ấy.”
Con mèo sống triệu lần lại nhấp môi vào hộp nước ép.
“Thảo nào. Nếu đúng vậy thì cô ấy sẽ dễ bị vứt bỏ ngay.” Những người theo chủ nghĩa lý tưởng trong sáng, không có mặt trái thì dễ bị ghét. Từ thời tiểu học đã như vậy rồi. Lời nói của Manabe Yuu lúc nào cũng đúng, câu hỏi thì lúc nào cũng thẳng thắn như muốn kết án nên không có một người bạn thân nào. Khi tôi lần đầu tiên biết được tính cách này của cô ấy thì cô ấy đã bị bỏ rơi bởi những người xung quanh rồi. Con mèo sống triệu lần nhìn xuống trang sách và nói với vẻ như không hứng thú gì.
“Cô bé đó có thể sẽ đi khỏi được đảo này.”
“Tôi nghĩ là còn khó lắm.”
“Ý cậu là việc ra khỏi đảo này ý à?”
“Nếu có thể dễ dàng ra khỏi đảo này thì đã chẳng thành như bây giờ.” Nếu vậy thì chẳng mấy chốc người dân sẽ biến mất hết khỏi đảo này. Tôi không biết rõ lắm nhưng nghe nói là mỗi tháng có một hoặc hai người biến mất khỏi đảo. Họ được trở về nơi trước khi được đưa đến đây, nhưng nơi thật sự mà họ đến thì không ai biết cả vì khi nhận ra họ không còn ở đây nữa thì họ đã biến mất khỏi nơi này rồi, và không có một chút manh mối nào cả. Do vậy chúng tôi chỉ có thể tin là họ đã được ra khỏi đảo mà thôi.
Con mèo sống triệu lần lật trang sách.
“Tôi muốn thử nói chuyện với cô bé đó quá.”
“Tôi giới thiệu nhé?”
“À không, không cần. Tôi chỉ có thể nói chuyện được với một người thôi.”
“Tại sao vậy?”
“Vì nếu nói chuyện với hai người thì tôi sẽ không còn biết bản thân tôi là ai nữa.”
Tôi cười. Tôi không nghĩ là mình sẽ nghe thấy những câu chuyện kiểu này từ anh ta. Con mèo sống một triệu lần không phải là Con mèo sống một triệu lần. Khi mới gặp, câu đầu tiên anh ta đã hỏi tôi là “Cuốn sách mà cậu yêu thích là gì?”. Tôi đã trả lời bằng tên một cuốn truyện tranh nào đó. Chỉ khi ở cạnh tôi thì anh ta mới là Con mèo sống triệu lần, còn ở trước mặt người khác thì có lúc anh ta thành Sherlock Holmes, có lúc anh ta thành Don Quixote, nghĩa là tên anh ta sẽ thay đổi tùy theo từng người anh ta nói chuyện.
Tôi có một chút tò mò là nếu được hỏi về cuốn sách yêu thích thì Manabe Yuu sẽ trả lời tên cuốn sách nào, vì thế tôi định khi nào đó sẽ để cho cô ấy có dịp nói chuyện với Con mèo sống triệu lần.
Anh ta hướng con mắt màu đen tuyền chăm chăm về phía tôi. “À, Nanakusa, khuyết điểm của cậu là gì vậy?”
Tôi nhún vai.
“Tôi có quá nhiều khuyết điểm đến nỗi tôi cũng không biết là gì nữa.” Tôi không muốn chuyển chủ đề câu chuyện sang nói về khuyết điểm của chính mình.
3
Bàn và ghế dành cho Manabe đã được đưa vào trong lớp học. Chắc vì thế mà lớp học sáng nay có chút xôn xao hơn bình thường. Tôi nghe thấy có những tiếng thì thầm “Cái bạn mới chuyển trường đến từ đâu nhỉ?”
Ngay sau khi chuông reo lên, cửa mở ra thì cô Tokume và Manabe Yuu bước vào. Ngay lập tức lớp học trở nên im phăng phắc.
“Từ hôm nay chúng ta sẽ có thêm một bạn mới.” Cô Tokume nói và viết nắn nót tên của người mới lên trên bảng đen.
Còn Manabe thì trông không có vẻ gì là đang lo lắng, căng thẳng cả. “Tên tôi là Manabe Yuu. Rất mong được mọi người giúp đỡ”, cô ấy nói vậy rồi cúi đầu chào.
Khi ngẩng đầu lên, cô ấy khẽ mỉm cười rất thân thiện.
“Từ giờ tôi và Nanakusa sẽ tìm cách để ra khỏi được đảo này. Tôi nghĩ là mọi người cũng mong muốn như vậy, vì thế mọi người hãy cứ thoải mái lên tiếng nhé.”
Cả lớp học như nín thở. Nói muốn ra khỏi đảo là điều cấm kỵ ở đây. Trước kia hầu hết các bạn trong lớp cũng đều nung nấu ý chí muốn ra khỏi đảo này nhưng giờ đây họ đã từ bỏ việc đó rồi. Và thật chẳng dễ chịu gì khi mục tiêu đã bị từ bỏ đó lại một lần nữa bị đập vào trước mắt.
“Đừng có nói đơn giản vậy”, có ai đó đã nói, bằng giọng thì thầm rất nhỏ.
Thật là tồi tệ, tôi nghĩ. Manabe sẽ không ngại việc tranh luận đâu. Cô ấy nhìn thẳng chằm chằm vào bạn học sinh đó, cậu ta tên là Yoshida.
“Tất nhiên tôi không biết việc ra khỏi đảo này sẽ khó như thế nào, nhưng lúc nào cũng vậy, tôi không có nhầm lẫn gì về mục tiêu tôi đã nói ra.”
Tôi biết là Manabe không có ác ý gì, kể cả ý muốn công kích, chỉ là cô ấy luôn thẳng thắn nói ra những gì mình nghĩ, nhưng lời nói thẳng thắn quá, trong nhiều trường hợp lại nghe như có ý công kích.
Trong thoáng chốc trông Yoshida rất ngạc nhiên. Tôi đã nhanh miệng nói trước khi cậu ta kịp phản biện.
“Manabe, cậu sai rồi.”
Manabe nhìn về phía tôi. Tôi thong thả tiếp tục nói, cố gắng để không biểu lộ cảm xúc của mình.
“Lời nói cũng có khả năng làm tổn thương người khác. Kể cả là lời nói vui vẻ hay lời nói tràn đầy tình yêu thương thì cũng không có lời nói nào là luôn luôn đúng cả.”
Cả lớp học lại một lần nữa nín thở. Vì tôi vốn không phải là học sinh nổi bật trong lớp lắm nên mọi người rất ngạc nhiên khi tôi lại đột ngột phát biểu như thế.
Bình thường thì tôi là như vậy nhưng khi có Manabe, tôi lại hành động khác thường như thế. Rất may lần này tôi đã giúp được Manabe và Yoshida tránh tranh cãi với nhau, mà hơn nữa không để lại vấn đề gì sau này.
Yên lặng một chút thì Manabe cũng khẽ gật đầu.
“Đúng là như vậy. Tôi đã sai khi nói là ‘lúc nào cũng vậy’. Xin lỗi nhé!”
“Ừm.”
“Nhưng, tôi vẫn chưa hiểu. Nói muốn ra khỏi đảo này thì có vấn đề gì à?”
Là có vấn đề đấy. Nói vậy nhưng chúng tôi yếu đuối nên đã từ bỏ và không thể giải thích vui vẻ, tận tình được.
“Thôi chuyện này để sau đi. Chúng ta không thể chiếm mất thời gian của mọi người vì chuyện của bạn được, đúng không?”
“À nhỉ, đúng là như vậy.”
Cô ấy lại một lần nữa cúi đầu xin lỗi.
“Em hãy về chỗ ngồi của mình đi”, cô Tokume nói.
Tôi thầm thở dài ở trong lòng. Dù là bản thân cô ấy không có ý đồ gì như vậy nhưng màn tự giới thiệu của Manabe Yuu quá thật. Chỉ trong một
chút thời gian ngắn ngủi cô ấy đã biểu lộ khá rõ ràng một phần tính cách của cô ấy.
Kiểu tính cách của cô ấy không thân thuộc với mọi người ở xung quanh.
Buổi học đã diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng bởi mục tiêu mà cô ấy đã đột ngột nói ra, dường như mọi người cũng không để ý lắm đến việc đó.
Chỉ nhìn thoáng qua thì có vẻ cô ấy ngồi học rất nghiêm túc, về cơ bản cô ấy là một học sinh chăm chỉ. Nếu cô ấy không nói gì thì đúng là như một học sinh chăm ngoan.
Ngay khi đến giờ nghỉ, cô ấy đã đến chỗ tôi và hỏi “Tại sao lại không được nói ra rằng muốn rời khỏi đảo chứ?”.
Không còn cách nào khác, tôi đành trả lời “Không, Manabe. Ai cũng có một nơi để thuộc về. Cá nước sâu thì có chỗ dành cho cá nước sâu. Gấu Bắc cực thì có chỗ của gấu Bắc cực. Dù có nói ở đáy biển quá tối tăm thì cũng không có lựa chọn hay ở Bắc cực quá lạnh lẽo nào khác. Hay nói cách khác, cá nước sâu cũng có thể ao ước có được bầu trời xanh, gấu Bắc cực cũng có thể muốn múa điệu hula của các cô gái Hawaii ở một đất nước phương Nam lắm chứ, nhưng chúng không thể có được điều đó. Vì thế nếu trước mặt chúng mình nói đến việc nhảy múa điệu hula dưới một bầu trời xanh thì chẳng phải sẽ làm tổn thương đến chúng mình sao.”
Nhưng có vẻ Manabe không hiểu rõ lắm những lời của tôi. “Nhưng ở trong lớp học này không có cá nước sâu cũng không có gấu Bắc cực, chúng ta đều là những học sinh mà.”
Bất giác tôi thở dài.
“Bọn mình, nếu so với cậu thì đúng là giống cá nước sâu và gấu Bắc cực đấy.”
Tôi đã cố nói đến vậy nhưng Manabe cũng không hiểu.
Tôi thì nghĩ là ở thùng rác thì có hạnh phúc của thùng rác, giống như ở biển sâu có hạnh phúc của biển sâu, ở Bắc cực có hạnh phúc của Bắc cực vậy. Nhưng thứ hạnh phúc đó, nếu không chịu chấp nhận cái thùng rác thì chắc chắn sẽ không hiểu được.
Đến giờ nghỉ trưa cô ấy vẫn lại nói tiếp về chủ đề đó. Chúng tôi ngồi đối diện nhau ở một góc trong phòng học sinh. Trước mặt chúng tôi là món
khoai tây tẩm bột rán vàng giòn. Bây giờ đang đúng vào mùa thu hoạch khoai tây.
“Mình nghĩ là gấu Bắc cực có màu trắng là để tự vệ”, Manabe nói. Tôi gật đầu đồng ý và rồi Manabe lại tiếp tục nói.
“Nhưng gấu Bắc cực thì có thiên địch nào? Chẳng phải nếu là ở Bắc cực thì gấu Bắc cực là mạnh nhất rồi hay sao?”
Tại sao câu chuyện lại thành ra như thế này. Cô ấy hễ có điểm gì thắc mắc sẽ lại hỏi rất thẳng nên câu chuyện sẽ cứ phát triển như vậy. Với vốn kiến thức mà tôi biết, thì tôi đang tự thắc mắc vì sao thành tích học ở trường cũng tốt vậy mà trên thực tế có phải tôi rất ngốc hay không. Khi tôi đang không biết trả lời thế nào thì từ phía sau có tiếng cất lên.
“Mình nghe nói là hình như chúng ta có thể bị ăn thịt bởi bọn cá kình đấy.”
Tôi quay người lại thì nhận ra đó là lớp trưởng. Cô ấy là lớp trưởng của lớp chúng tôi, tên họ là Mizutani, còn tên thật thì có liên quan đến loại hoa gì đó mà tôi cũng không nhớ rõ.
“Mà, thực ra lông của gấu Bắc cực trong suốt, dưới khúc xạ ánh sáng thì trông nó thành màu trắng thôi.”
Lớp trưởng có dáng người thấp, hay buộc túm tóc mái lên trên để lộ cái trán dô. Nếu cô ấy không phải là lớp trưởng thì chắc hẳn đã bị đặt biệt danh về cái trán dô đó rồi.
“Mình ngồi cạnh được không?”, cô ấy hỏi.
“Tất nhiên là được”, Manabe trả lời.
Lớp trưởng ngồi xuống cạnh tôi.
“Thật hiếm khi thấy Nanakusa ở phòng ăn. Chẳng phải cậu hay ở chỗ của “Nhiều tên” à.”
“Nhiều tên” mà cô ấy nói đến chính là Con mèo sống triệu lần. Anh ta cứ thay đổi tên tùy với từng người, ví dụ như Con mèo sống triệu lần, Sherlock Holmes, Don Quixote… Nên lúc không có mặt anh ta thì tôi hay gọi là “Nhiều tên”.
Nhà ăn này đông nên tôi thường mua sandwich rồi đến chỗ Con mèo sống triệu lần để ăn trưa. Với nhiều học sinh thì sân thượng là lãnh địa riêng của anh ta nên thường ít người lên trên đó.
Tôi lấy tay trái chống cằm và nói.
“Vì hôm nay là ngày đầu tiên Manabe đến học ở đây mà. Ít nhất thì mình cũng nên đi ăn trưa cùng bạn ấy chứ.”
Sau đó tôi cầm đũa bằng tay phải để cắt một góc món khoai tây tẩm bột chiên rồi đưa lên miệng ăn. Òa, thật là ngon!
“Các cậu quen nhau à?”
Sasaoka vừa hỏi vậy vừa ngồi xuống cạnh lớp trưởng, và Hori cũng ngồi xuống đối diện với cậu ấy. Sasaoka là bạn cùng lớp của chúng tôi, thoạt nhìn thì trông cậu ấy có vẻ là một người vui tính, hoạt bát. Nhưng cậu ấy lúc nào cũng đeo tai nghe ở một bên tai. Cái tai nghe đó nối với máy game di động ở trong túi áo của cậu ấy. Sasaoka nói rằng nếu không nghe nhạc game thì cậu ấy thấy thật buồn chán. Còn Hori là một cô gái có dáng người cao, ánh mắt có vẻ gì đó hơi ác ác và có một nốt ruồi giọt lệ ở dưới mắt bên trái. Cô ấy có vẻ kém giao tiếp nên lúc nào cũng cúi đầu lảng tránh, vì thế số lần nghe thấy cô ấy cất tiếng nói có thể nói là như đếm trên đầu ngón tay vậy. Bù lại thì cuối tuần nào cũng vậy, tôi luôn nhận được một bức thư rất dài của cô ấy. Vì ở đảo này không dùng được điện thoại di động nên đến bây giờ thì thư tay vẫn là cách liên lạc được thịnh hành.
Cả Sasaoka và Hori đều là học sinh chuyển trường đến đây giống như tôi và Manabe. Chúng tôi được đưa đến đảo này khi chưa biết nhau nên gọi là cùng chuyển trường thì nghe cũng không hợp lý lắm nhưng thôi cứ tạm cho là như vậy cũng được. Cùng là học sinh chuyển trường đến đây nên chúng tôi có nhiều cơ hội để sinh hoạt cùng nhau, Sasaoka còn ở chung ký túc xá với tôi nên rất thân thiết. Còn lớp trưởng thì luôn quan tâm chúng tôi đúng như là một lớp trưởng mẫu mực. Có lẽ chính vì thế mà chúng tôi hay tụ tập với nhau như thế này.
Sasaoka vừa dùng đũa chọc chọc vào món khoai tây tẩm bột chiên vừa nói.
“Các cậu có vẻ thân với nhau nhỉ. Lần đầu tiên mình thấy Nanakusa phản biện lại người khác như vậy đấy.”
“Bọn mình đã từng học chung ở trường tiểu học.”
Thật ra chúng tôi còn học chung cùng nhau đến giữa năm thứ hai ở trường cấp hai nhưng có lẽ chẳng cần thiết phải giải thích cặn kẽ đến như
vậy làm gì.
Tôi đã giới thiệu qua về ba người cho Manabe. Manabe và cả ba người đều lần lượt cúi đầu chào làm quen với nhau.
Sasaoka cười ngượng nhẹ và nói.
“Chuyện sáng nay ấy, chuyện rời khỏi đảo này, mình nghĩ là hay đấy, mình cũng muốn rời khỏi đảo.”
“Vậy à? Thế mà mình đã không nhận ra.”
Vì tôi thấy cậu ấy không có vẻ gì là không hài lòng về cuộc sống trên đảo này nên cũng có chút bất ngờ.
“À là vì khi có gì mới ra thì ở đây không thể mua luôn được vào ngày mở bán.”
“Ý cậu là game mới à?”
“Tất nhiên rồi.”
“Chỉ phải đợi khoảng một tuần thôi thì cũng được mà.”
“A, thế hóa ra cậu không biết được tầm quan trọng của ngày mở bán à?”
“Mình không biết. Có bao nhiêu game thì nội dung của chúng chắc cũng giống nhau hết thôi.”
“Cậu nói thế mà được? Chỉ riêng nó là game mới thôi cũng đã có một giá trị nhất định rồi. Cậu không thấy là giống như có hộp châu báu à? Cậu không háo hức chờ đợi à? Còn cứ nghĩ ai ai cũng đã biết nội dung của nó rồi thì chẳng phải sẽ thấy thất vọng sao? Còn nữa, các thông tin về last boss… sẽ ngay lập tức xuất hiện trên mạng.”
“Thế thì không xem mạng nữa là được mà.”
“Cậu này thật là… Cậu không thấy nó giống như người ta vẫn nói là dù không muốn bị con gái ghét nhưng nếu chẳng may cái váy có bị bay lên thì vẫn cứ muốn nhòm trộm không? Không có cách nào khác cả.” “Nghĩa là như thế nào?”, Manabe hỏi.
Sasaoka nhanh miệng cãi bay “Không, mình thì không nhìn đâu, đây chỉ là mình lấy ví dụ cho dễ hiểu thôi.” Nhưng Manabe cũng không thèm nghe cậu ấy nói nữa.
“Ở đây có thể mua được game mới à? Thế có kết nối với internet không?”
Tôi gật đầu.
“Ở đây có thể mua bán trực tuyến. Mỗi tuần một lần vào thứ Bảy sẽ có thuyền chở hàng hóa đến.”
“Địa chỉ ở đây là gì?”
“Cái này mình cũng không biết. Chúng cứ được gửi đến đảo Bậc Thang thôi, không cần cả số bưu điện luôn.”
“Chẳng phải cậu đã bảo là đảo này còn không được ghi cả ở trên bản đồ sao?”
“Cậu có tìm kiếm bằng Google map cũng không thấy đâu. Nhưng hình như là có được ghi trên bản đồ của Amazon thì phải.”
“Thế tại sao lại không thể ra ngoài đảo được? Chúng ta có thể xin đi nhờ thuyền là được mà.”
“Thuyền đó không chở người. Nghe nói cũng đã có người có ý định như vậy nhưng tất cả đều thất bại.”
“Nhưng nếu có mạng thì có thể kêu gọi cứu giúp được mà nhỉ?” Tôi đã nhắc lại lời của cô ấy. “Cứu giúp.” Không hiểu sao tôi cảm thấy có gì sai sai ở lời nói đó.
Cô ấy gật đầu mạnh.
“Đây giống như là bị bắt cóc vậy. Nếu có thể dùng được mail thì chúng ta sẽ báo cho cảnh sát biết.”
Thật là mới mẻ. Cho đến khi nghe cô ấy nói ra từ bắt cóc thì trước đó tôi hoàn toàn không nghĩ ra được như vậy. Chúng tôi bị miễn cưỡng đưa đến đảo này thì cũng có thể gọi là bị bắt cóc mà. Vậy à? Tôi đã bị bắt cóc à?
Lớp trưởng cũng đã từng quan tâm đến chuyện đó nên trả lời: “Không gửi được mail đi đâu, tất cả sẽ đều bị báo lỗi. Kể cả việc viết thông báo cũng không được. Internet ở đảo này về cơ bản là chỉ nhận thông tin được thôi.”
“Nhưng chúng ta có thể tìm kiếm được, mua bán trực tuyến được mà, đúng không? Nếu vậy thì là có gửi đi được đó chứ.”
“Dù đúng là vậy nhưng thực tế thì không gửi mail đi được.” Manabe cắn miếng khoai tây chiên trong điệu bộ có vẻ khó chịu. “Mình không thể hiểu được.”
Tôi vừa chọc chọc miếng cà chua được bày trang trí cùng vừa hỏi: “Cậu không thích gì à?”
“Ví như việc không có tường ý.”
“Tường á?”
Manabe mở to mắt nhìn về phía tôi.
“Giả sử dù có bị nhốt mà có tường thì chỉ cần phá tường ra là được. Thế nhưng ở đây lại không có tường.”
“Thay vào đó thì có biển mà.”
“Thế chúng ta có thể đi ra ngoài bằng thuyền đúng không?” “Ở mức độ nào đó thì là thế nhưng cũng vẫn không thể đến được đất liền ở phía bên kia đâu.”
“Đó, mình không thích cái cảm giác cứ có gì đó lờ mờ cản trở như thế.”
Manabe nhét nốt chỗ khoai tây tẩm bột chiên còn lại vào miệng. Đó là một miếng to nên má cô ấy phồng cả lên. Những hành động của cô ấy cứ hay làm tôi liên tưởng đến động vật hoang dã.
Cô ấy vừa nhồm nhoàm vừa chống cằm và nói:
“Ở đây có thể mua bán trên mạng được, thành phố cũng đẹp, đời sống của học sinh được đảm bảo, rồi món khoai tây tẩm bột chiên cũng rất ngon…”
“Ở đây rất tốt phải không?”
“Nhưng chúng ta đang bị bắt cóc đấy.”
“Điều này thì mình nghĩ là tùy theo cảm nhận của chúng ta thôi.” “Ít nhất thì suy nghĩ của mình đang bị chà đạp, coi thường.” Thực ra thì cũng đúng là như vậy. Cuộc sống trên đảo Bậc Thang này
giống như là đang được chăn thả vậy, cứ thoải mái chạy quanh trên thảo nguyên, lúc nào cũng có thể gặm cỏ nhưng cũng chẳng khác gì với việc đang được nuôi cả.
“Chúng ta bị miễn cưỡng tống vào đảo này và bị bắt phải sống ở đây. Vì môi trường như thế này sẽ không chắc chắn được có kẻ thù hay không, nhưng điều này cũng đang rất mơ hồ. Ở đây đúng như một thị trấn ở ngoại thành bình thường, chỉ là có chút bất tiện mà thôi. Ví dụ, nếu ở đây cũng có tường bao vây hoặc có người cầm súng canh gác thì tốt biết mấy.
Nhưng sự thật không như thế. Chúng ta không biết được chúng ta phải chiến đấu với cái gì.”
“Không phải là chúng mình, chỉ là cậu thôi.”
“Điều này thì quan trọng à?”
“Mình không thích cậu làm to chuyện về chủ ngữ không cần thiết như thế này.”
Manabe thường hay làm tôi tức điên. Tôi chẳng định chiến đấu với cái gì cả. Không có kẻ thù thì tốt hơn chứ. Mà nếu nó có đang ẩn náu ở bên kia màn sương thì cũng muốn vĩnh viễn không phải nhìn thấy nó.
“Nanakusa không thấy có gì bất mãn về môi trường này à?” Tất nhiên là có chứ. Đúng như Manabe nói, suy nghĩ của chúng tôi đang bị chà đạp, coi thường. Nhưng tôi không biết là đang bị ai coi thường. Kẻ thù thì lờ mờ. Nhưng tôi đã cảm nhận được tất cả những điều bất mãn này từ trước khi đến đến đảo Bậc Thang. Tôi đã cảm nhận được từ hồi còn là học sinh tiểu học, và khi thành học sinh cấp hai hay vào cấp ba thì cũng vẫn vậy. Việc có bất mãn gì đó thì cũng chẳng có gì là lạ. Việc không nhìn ra được kẻ thù thì cũng là đương nhiên. Không phải là chỉ riêng đảo này mới đặc biệt như thế. Manabe nói là có kẻ thù lờ mờ quanh đây nhưng tôi thì không nghĩ thế. Đảo Bậc Thang nhỏ hơn các nơi khác nên nếu có tổ chức như thế thì sẽ dễ nhìn ra thôi. Nhưng tôi không có ý định sẽ tranh cãi với Manabe. Lúc nào cũng vậy, với ai cũng vậy, tôi không muốn tranh cãi. Vì thế tôi chỉ cười mỉm.
“Nếu cậu muốn quay trở lại nơi trước khi bị đưa đến đây thì mình sẽ giúp cậu. Mình đã hứa như vậy rồi mà.”
Manabe có vẻ khó chịu.
“Không phải vậy, cậu đã hứa là sẽ cùng mình ra khỏi nơi này mà.” “À, ừ. Đúng là như vậy. Chúng ta cùng cố gắng nhé.”
“Mình không hiểu được quan hệ giữa các cậu là như thế nào.”, Sasaoka lầm bầm.
“Là bạn bè”, tôi trả lời. Tôi không biết câu trả lời nào khác như vậy cả. °°°
Bản thân tôi cũng không rõ quan hệ giữa tôi và Manabe Yuu là như thế nào. Vì chúng tôi đã biết nhau từ hồi còn ở trường tiểu học nên tôi nghĩ gọi là bạn thanh mai trúc mã của nhau cũng được. Tôi không hiểu rõ định nghĩa của từ bạn bè nhưng gọi như vậy cũng chẳng có gì là sai. Về cơ bản chúng tôi vẫn luôn giữ được mối quan hệ tốt đẹp, chưa từng có một lần nào cãi nhau đúng kiểu là cãi nhau. Tôi có cảm tình tốt về Manabe, điều này không phải là nói dối. Nhưng ngược lại, Manabe là người duy nhất hay làm tôi tức điên từ đáy lòng. Thực ra là tôi không thể đồng cảm được với Manabe Yuu. Về bản chất, chúng tôi hoàn toàn ngược nhau. Tôi cảm thấy trong quan hệ với cô ấy, tôi luôn bị phải chịu đựng. Ví dụ trước đây tôi đã nói:
Từ đồng nghĩa của từ “chịu đựng” là “từ bỏ”.
Còn Manabe thì trả lời từ trái nghĩa của từ “chịu đựng” là “từ bỏ”. Nếu không cam chịu thì với việc gì, với ai cũng có thể tiếp tục được một cách kiên trì. Tôi nghĩ là cô ấy đã có ý nói như vậy. Nhưng tôi thì biết bằng kinh nghiệm. Nghĩa là, nếu cam chịu, nếu không hi vọng gì cả thì việc gì cũng có thể chịu đựng được. Vì thế tôi gật đầu:
“Ra là vậy. Đúng là như vậy.”
Chúng tôi ngay từ đầu đã mâu thuẫn với nhau rồi. Nhưng tôi vẫn chưa tìm ra được từ nào để thể hiện đúng được mối quan hệ của hai chúng tôi.
4
Có vẻ như Manabe đang tạm mặc định rằng kẻ thù lờ mờ chưa rõ ràng kia chính là bà phù thủy. Sau khi tan học, cô ấy nói là muốn tìm hiểu về bà phù thủy, và tôi quyết định cũng sẽ đồng hành cùng cô ấy trong việc này. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi cứ đến thư viện là có thể thu thập được tài liệu về bà phù thủy. Nhiều chi tiết về bà phù thủy vẫn còn là bí ẩn.
“Nếu bà ấy ở trên núi thì chúng ta chỉ cần lên đó thôi nhỉ”, Manabe nói. Tôi lắc đầu.
“Bây giờ trời sắp tối rồi nên chúng ta sẽ để đến cuối tuần nhé.” Thời gian này trời nhanh tối hơn hẳn. Đoạn bậc thang từ phố lên trên trường học đã được lên đèn nhưng đoạn phía trên nữa thì không có đèn gì cả nên chúng tôi nên tránh buổi tối ra thì hơn. Thật may hôm nay là thứ năm rồi nên ngày kia, vào ban ngày chúng tôi có thể hành động được rồi. Manabe vẫn không hiểu và hỏi:
“Thế bây giờ thì làm như thế nào?”
“Bây giờ thì chúng ta tìm taxi đã.”
“Ở đảo này có taxi à?”
“À, chỉ có một xe taxi thôi.”
Nếu không tính cái xe tải để cho nông dân sử dụng thì ở đảo này chỉ có ba chiếc xe, và một xe trong số đó là taxi.
“Nhưng không phải là lên taxi để đi đến nhà của bà phù thủy đúng không?”
“Đương nhiên rồi, taxi đâu có leo bậc thang được.”
“Thế làm thế nào để tìm được cái taxi đó bây giờ?”
“À, tài xế taxi là người biết được hết mọi chuyện, miễn là chuyện ở trên đảo này.”
“Chuyện về bà phù thủy cũng biết à?”
Tôi gật đầu.
“Nghe nói là người tài xế này đã thương lượng với bà phù thủy để được làm taxi.”
“Thật thế à?”
“Như thế nào nhỉ, chính người tài xế đó đã nói như vậy.” “Tại sao cậu biết chuyện đó?”
“Chỉ là tình cờ thôi.”
Trên đảo này chỉ có ba xe: một chiếc xe tải nhẹ, một chiếc xe van nhỏ và một chiếc taxi. Khi tìm kiếm ở trên mạng thì tôi biết được là xe tải nhẹ và xe van nhỏ có thể mua trực tuyến được nhưng cách mua taxi thì lại không rõ. Chiếc taxi đang chạy trên đảo này không phải là một chiếc ô tô thông thường, mà đó là loại xe hoàn toàn chuyên dùng cho taxi: ghế được làm từ lò xo, còn tài xế thì có thể thực hiện đóng mở cửa sau của xe từ chỗ ngồi lái xe, chiếc công tơ mét tính tiền cước cũng được gắn với thiết bị không dây nên không cần kết nối đến đâu cả. Tôi tò mò không biết làm thế nào người tài xế có được chiếc xe đó nên trước đây đã thử đi taxi rồi.
“Trên đảo cũng không có nhiều con đường mà xe có thể chạy nên chắc là chúng ta sẽ tìm thấy nó ngay thôi”, tôi nói.
Con phố chính của đảo Bậc Thang này có hình đại khái giống như chữ S nằm ngang theo hướng Đông Tây. Phía Tây là ngọn núi - nơi có trường học, còn phía Đông là biển. Từ núi đến khúc quanh đầu tiên được gọi là phố học sinh, ở đó có hiệu sách, có quán cafe, có cửa hàng tạp hóa vẫn hay được gọi là cửa hàng tiện lợi, đi vào con đường nhỏ trong phố sẽ thấy có vài dãy ký túc xá, và vào thời gian này sẽ còn có cả quán mỳ ramen nữa. Tiếp đến rải rác có vài nhà dân và nổi bật lên là cánh đồng lúa. Còn từ vùng gần với khúc quanh thứ hai trở đi thì được gọi là phố ven biển. Bên đó là phố lớn, có một cửa hàng ăn, một quán rượu và một cửa hàng bánh mỳ. Ngoài ra cũng có cả phòng khám và nhà nghỉ nhỏ, ở cảng có cả bưu điện. Cửa hàng vận chuyển còn gọi là cửa hàng gạo thì có một chiếc xe tải nhẹ, còn cửa hàng được gọi là cửa hàng điện máy thì có chiếc xe van nhỏ.
Phố học sinh và phố ven biển có mối quan hệ đối lập một chút. Các bạn cùng lớp cũng chia ra làm hai phái, phái thích cafe ở phố học sinh và phái thích quán ăn ở phố ven biển. Người thích trung lập như tôi thì thích quán mỳ ramen mà phố nào cũng có.
Mục đích của taxi là để tiện di chuyển giữa hai phố này. Vì Manabe tôi đã định sẽ tìm cả món mỳ soba dành cho người mới chuyển đến ở cửa hàng tiện lợi, nhưng dường như cô ấy không có ý định sẽ sống lâu dài trên đảo này nên thay vào đó tôi đã mua bánh hoa quả ở trên phố học sinh rồi mang ra ghế ở ven đường ngồi ăn. Manabe thích nhón tay ăn các loại bánh. Nói chung cô ấy cũng không phải là người tinh tế lắm.
Đúng lúc chúng tôi ăn xong thì taxi đi qua, chiếc taxi màu xanh có đường viền cam lúc nào cũng được đánh bóng loáng. Tôi giơ tay lên vẫy, chiếc taxi đã dừng ngay trước mắt và mở cửa ra. Chúng tôi bước lên xe rồi tôi nói với tài xế:
“Xin cho chúng em đến phòng nhận đồ thất lạc.”
“Phòng nhận đồ thất lạc?”, Manabe lầm bầm. Nhưng thôi, để giải thích cho cô ấy sau vậy.
Cửa xe đóng lại, chiếc taxi hơi lùi lại một chút rồi chuyển hướng và chạy đi, anh tài xế nhấn vào công tắc của chiếc công tơ mét tính tiền cước. Anh tài xế là một thanh niên da trắng, đeo kính, trông trạc khoảng gần 30 tuổi. Người anh nhỏ nhắn, đại khái giống với Con mèo sống một triệu lần. Ở bảng đồng hồ phía trước ghế phó lái có một tấm bảng tên, nhìn vào đó có thể biết được tên của anh là Nonaka. Anh Nonaka hỏi: “Đồ bị mất của em được tìm thấy rồi à?”
Vì phòng nhận đồ thất lạc là nơi để nhận lại đồ đã bị mất mà. Tôi lắc đầu.
“Không, cô ấy vừa mới đến đảo này nên em định sẽ giới thiệu một lượt cho cô ấy.”
“Ra vậy, thế thì anh chạy chậm chậm thôi nhé?”
“Vâng. À thực ra em cũng có việc này muốn hỏi anh.”
Anh ấy nhìn lướt qua chúng tôi qua gương trên xe rồi hỏi: “Chuyện về bà phù thủy à?”
“Vâng.”
“Đến lúc này các em mới tò mò à?”
“Đến lúc này…”, Manabe lẩm bẩm.
Anh Nonaka gật đầu.
“Anh đã từng kể là anh đã nhận chiếc taxi này từ bà phù thủy khi còn ở tuổi thiếu niên mà.”
Bên ngoài cửa sổ xe trời đã tối hẳn. Ở phía trước là ánh đèn của quán mỳ ramen. Taxi đi chậm lại và lướt ngang qua cạnh nó. Trong quán mỳ, có hai học sinh nam đang ngồi cạnh nhau húp mỳ. Một người trong đó ngẩng mặt lên thì bắt gặp ánh mắt của tôi.
Anh Nonaka nói tiếp.
“Nhưng hồi đó anh không hỏi gì về chuyện của bà phù thủy cả, chỉ toàn nói ‘À, thế à’ thôi nên vì thế mà vẫn ấn tượng đến giờ.”
“Như thế anh đã từng gặp bà phù thủy rồi nhỉ?” Manabe hỏi. Anh Nonaka lắc đầu.
“Không, anh không gặp trực tiếp, anh chỉ gửi thư thôi.”
“Thư?” Manabe nhíu mày hỏi.
“Đúng thế, anh đề là “Gửi đến bà phù thủy ở trên núi” rồi thả vào hộp thư của bưu điện.”
“Và thế là anh đã được nhận taxi à?”
“Đầu tiên là anh nhận được điện thoại.”
“Từ bà phù thủy à?”
“Đúng thế.”
Chiếc taxi cua một vòng lớn sang bên trái theo cung đường rồi ra khỏi phố học sinh. Tuy nói đây là phố chính nhưng đường thì không có hai làn xe, ở hai bên đường là cánh đồng trải rộng. Đèn của taxi sáng rực giữa đêm tối. Ở phía trước nhìn loáng thoáng thấy ánh đèn của bên phố ven biển.
“Ở nhà anh có mắc điện thoại à?”
Anh Nonaka lắc đầu.
“Anh không có điện thoại. Ở đảo này chỉ có những chỗ đông người như bệnh viện, nhà ăn, bưu điện mới có điện thoại thôi, mà cũng toàn chỉ là loại điện thoại màu hồng nhét tiền xu ấy.”
Ở ký túc cũng có điện thoại. Nó cũng có màu hồng giống như vậy nhưng đương nhiên là không gọi ra ngoài đảo được. Số điện thoại cũng chỉ có ba chữ số thôi.
“Anh đã nhận được điện thoại của bà phù thủy ở phòng nhận đồ thất lạc.”
“Phòng nhận đồ thất lạc, anh đã vào đó rồi à?” Manabe hỏi. “Thế anh đã nói chuyện gì?”
“Anh nói là muốn có chiếc taxi, rồi sau đó nói chuyện một chút về đảo này.”
“Anh kể chi tiết hơn cho em nghe đi.”
“Đó là chuyện riêng tư mà.”
“Chuyện về đảo này mà cũng là chuyện riêng tư ạ?”
“Hai cái này không tách rời nhau được đâu.”
Manabe lại nhíu mày, có vẻ cô ấy không hiểu được ý của anh tài xế. “Em đang muốn ra khỏi đảo này.”
“Vậy à?”
“Em xin anh đấy, anh kể chuyện về bà phù thủy cho em nghe đi.” “Em tên là gì?”
“Em là Manabe Yuu.”
Chiếc taxi tăng tốc một chút và đi vào phố ven biển. Ở phố học sinh có nhiều ký túc còn ở đây thì chỉ toàn là các căn hộ nhà dân. Anh Nonaka nhìn chăm chú về phía trước và nói:
“Nếu muốn ra khỏi đảo thì em phải tìm ra được thứ đã đánh mất. Không có cách nào khác đâu.”
“Thứ đã đánh mất… nó là cái gì?”
“Anh không biết.”
“Bà phù thủy là người như thế nào hả anh?”
Anh Nonaka im lặng một lúc.
Chiếc xe cua sang bên phải và đi vào con đường ven biển. Biển được chiếu sáng bởi ánh chiều tà của hoàng hôn trông thật lấp lánh. Chạy đến cửa sông thì có một cây cầu bắc ngang qua con sông rộng, ở bên tay trái là một cái vịnh nhỏ, nhìn sóng lượn chạy trên mặt nước là cảm nhận được gió đang thổi.
Anh Nonaka nói:
“Bà phù thủy là một người rất đáng thương.”
“Đáng thương? Tại sao hả anh?”, Manabe hỏi.
“Vì bà ấy phải quản lý cái đảo này. Nếu là anh thì anh chịu.”
Manabe im lặng, có vẻ cô ấy đang suy nghĩ điều gì đó. Thay vào đó thì tôi lại hỏi tiếp.
“Sao anh lại muốn lái taxi?”
“Đây là chuyện riêng của anh.”
“Thế anh đã tìm được thứ anh đã đánh mất chưa?”
Anh ấy cười.
“Một câu hỏi thật khó, không thể trả lời đơn giản được.”
Taxi như nín thở, nhẹ nhàng giảm tốc rồi dừng hẳn. Bên ngoài cửa xe là ngọn hải đăng và bưu điện.
“Chúng ta đã đến nơi rồi.”
Đảo Bậc Thang thật là nhỏ, chạy chậm vậy mà đi chút đã đến nơi ngay rồi. Anh Nonaka tắt chiếc công tơ mét vẫn đang chỉ ở giá cước khởi điểm.
5
Gió thổi mạnh. Tôi run lên vì lạnh nên vội đút hai tay vào túi áo. Manabe mặc cho tóc bay, cô nhìn về phía tôi và hỏi:
“Phòng nhận đồ thất lạc… là gì vậy?”
Tôi lười rút tay ra khỏi túi áo nên dùng ánh mắt để chỉ về phía trước. “Nó ở đằng kia kìa.”
Trước mắt chúng tôi là một bưu điện nhỏ và ngọn hải đăng rất cao. Chính là ở phía ngọn hải đăng đó. Ngọn hải đăng màu trắng, nhưng khi nhìn gần thì sẽ biết nó được sơn trắng trên tường xây bằng gạch. Trên đó có vài cửa sổ nhưng do bị rèm che nên không rõ ở bên trong thế nào, thậm chí còn chẳng nhìn thấy ánh sáng lọt qua khe cửa. Ánh sáng của ngọn hải đăng xuyên thẳng qua bóng tối đen đặc của màn đêm vừa buông xuống.
Ngọn hải đăng có một cánh cửa ra ngoài bé xíu làm bằng gỗ. Cánh cửa này cũng được sơn màu trắng. Ở đúng độ cao tầm mắt tôi nhìn thấy một tấm biển bằng đồng thau, trên đó có ghi “Phòng nhận đồ thất lạc.”
“Nếu cậu biết đã đánh mất cái gì thì cậu có thể đến đây để nhận lại. Cậu chỉ cần nói tên của mình và đồ cậu đã đánh mất là được.” “Làm như vậy thì những người ở đó sẽ đưa trả thứ đồ mình đã đánh mất à?”
“Chắc là vậy.”
Manabe nhìn chằm chằm cánh cửa một lúc. Tiếng gió thổi ở bên tai chúng tôi. Tiếng gió khá to nhưng không hiểu sao tôi không cảm thấy ồn ào, ầm ĩ, giống như sau khi chạy hết sức thì người ta không còn nghe thấy được tiếng thở hổn hển của mình nữa.
“Nếu vậy thì những người ở đó biết mình đã đánh mất cái gì nhỉ?” Manabe đi thẳng về phía cánh cửa. Dường như cô ấy cũng chẳng để ý gì đến gió thổi mạnh. Khi đến nơi, không chần chừ, băn khoăn, cô ấy với tay đến tay nắm cửa.
“Khoan đã…” Tôi nói.
“Cửa này toàn bị khóa thôi. Thật ra là mình chưa bao giờ nhìn thấy lúc cửa này mở, và cũng chưa hề nghe kể ở bên trong đó như thế nào, người nào ở trong đó.”
Manabe đã cố xoay tay nắm cửa và đúng là nó không xoay chuyển gì thật. Rồi cô ấy gõ cửa vài lần và hét lên “Hãy mở cửa ra, có ai đó ở trong đó không?” Nhưng không có tiếng trả lời. Ngọn hải đăng chỉ lặng lẽ chiếu sáng phía bên kia biển, chẳng hề để mắt đến chúng tôi.
Một lúc sau, Manabe đập vào cánh cửa. Má tôi lạnh buốt, tôi đang định rủ cô ấy về thì cánh cửa ở bên cạnh mở ra. Đó là cửa của bưu điện. Một người phụ nữ có mái tóc dài xuất hiện. Tóc của cô ấy cũng bay bay theo gió. Tôi biết người phụ nữ này. Đó là cô Tokito. Cô ấy là nhân viên bưu điện, ban ngày hay chạy trên chiếc xe màu đỏ. Cô Tokito nhướng mày lên, hai tay cho vào túi áo khoác dạ. Với ánh đèn chiếu ra từ phía sau cánh cửa, tôi thấy hơi thở màu trắng từ miệng của cô ấy.
“Ô kìa, Nana đấy à, có chuyện gì thế?”
Ngay từ lần đầu gặp mặt, cô Tokito đã rất thân thiện với tôi. Có lẽ là vì ngày xưa trông mặt tôi giống như thú nhồi bông vậy.
Tôi đưa mắt sang Manabe và nói:
“Cháu xin giới thiệu về cô ấy một chút ạ.”
“Giới thiệu?”
“Cô ấy vừa mới đến đảo sáng nay ạ.”
“Ra vậy.”
Cô Tokito có vẻ rất tò mò, nhìn chăm chăm toàn thân Manabe. “Tên cháu là gì?”
“Cháu là Manabe Yuu.”
“Thế cô nên gọi cháu là Mana hay là Yuu?”
“Cô gọi cháu thế nào cũng được ạ.”
Cô Tokito cười và rút tay phải ra khỏi túi áo khoác rồi đưa tay về phía Manabe.
“Rất vui được biết cháu, Mana. Cô tên là Tokito. Công việc của cô là đóng dấu vào tem thư sau đó là chuyển đi đến các địa chỉ.” Manabe bắt lấy tay cô Tokito và nói:
“Cháu cũng rất vui được biết cô.”
“Tay của Mana lạnh như tay nắm cửa giữa mùa đông vậy.” “Vậy ạ? Thế mà cháu không hề nhận ra.”
“Các cháu có muốn vào trong và uống một cốc sữa nóng không?” “Dạ vâng, chắc chắn rồi ạ.”
Hai người buông tay ra. Manabe cười và hỏi:
“Cháu có việc muốn hỏi cô Tokito ạ.”
“Ồ, gì vậy?”
Cô Tokito với tay vào tấm bảng đang treo trên cửa của bưu điện, cô quay một vòng để đổi từ “Đang giờ làm việc” thành “Đang chuẩn bị”. “Chúng ta sẽ nghe tiếp câu chuyện trong căn phòng ấm áp nhé”, cô Tokito nói vậy và đi vào trong bưu điện.
Cô Tokito có vẻ không giỏi chịu lạnh. Trong góc của bưu điện nhỏ xíu này có một cái bếp dầu kiểu cũ. Ở trên đó là một ấm nước đang sôi, bốc hơi nghi ngút. Ngoài ra còn có một cái cửa không nổi bật lắm ở trước quầy gỗ, trên cửa là dòng chữ “Phòng nhân viên”. Cô Tokito mở cánh cửa ra, bên trong là một phòng kiểu Nhật rộng chừng bảy mét vuông, một phòng bếp đơn giản nằm ở góc phòng, còn chính giữa là một chiếc bàn kiểu Nhật thấp có bày vài quả quýt bên trên.
Cô Tokito tháo giày rồi đi vào phòng đó.
“Ở kia có đệm ngồi đó. Mời các cháu ăn quýt.”
Cô Tokito lấy hộp sữa giấy từ trong chiếc tủ lạnh nhỏ ra, rót vào chiếc nồi có một tay cầm màu cam. Tôi và Manabe thoáng nhìn nhau rồi cũng tháo giày ra.
“Đây đúng là một phòng nhân viên ấm cúng như ở nhà cô nhỉ.” “Vì đây cũng kiêm luôn nhà của cô mà.”
“Chỗ này có hai tầng phải không cô?”
“Cô ngại leo cầu thang lắm, vả lại bên trên là phòng kiểu Âu. Cô thích phòng dùng chiếu hơn. Gần đây cô cũng toàn ngủ luôn trên chiếc bàn thấp kia.”
Cô ấy nhóm lửa cho chiếc nồi một tay cầm rồi thoáng quay lại phía chúng tôi.
Ở
“Ở trong phòng ngủ của một phụ nữ, các cháu có ngại không?” “Dạ, rất ngại ạ”, tôi trả lời. Không hiểu sao từ xưa tôi đã rất ngại bước chân vào không gian sinh hoạt của người khác.
Tôi và Manabe trải đệm ngồi ra và ngồi vào bàn. Cái bàn này bao nhiêu năm rồi nhỉ? Ở chỗ tôi không có bàn kiểu này.
Tôi nhìn sang Manabe, trông cô ấy như đang thực sự băn khoăn xem có nên với tay lấy quả quýt ở trên bàn hay không.
“Cô ấy đã có ý mời rồi nên cậu muốn ăn không?”
Manabe gật đầu. Tôi, với kinh nghiệm từ ngày trước, đã biết là cô ấy sẽ thấy hứng khởi hơn khi được cho đồ ăn. Tôi thì chỉ ăn vài múi ở quả quýt mà Manabe đã bóc. Quýt này không được ngọt lắm, hơi chua. Không biết đây có phải là quýt được hái ở trên đảo này không. Tuy nếu đặt mua trên Amazon thì cũng có thể người ta sẽ vận chuyển cả quýt đến đây nhưng chắc chắn là cũng không có quýt chua. Tôi thì thích quýt chua nhiều hơn là quýt ngọt.
Cô Tokito nói:
“Cô chỉ có một chiếc cốc có quai thôi nên các cháu uống bằng cốc trơn được không?”
“Dạ, cốc nào cũng được ạ.” Tôi trả lời.
Trong khi Manabe đang ăn quýt thì cô Tokito đặt ba chiếc cốc trơn vào khay rồi mang ra và xếp lên bàn.
“Mời các cháu.”
Manabe cúi đầu và nói:
“Cảm ơn cô ạ.”
Tôi cũng cúi đầu và nhận lấy một cốc. Tôi thổi thổi vài hơi rồi đưa cốc sữa nóng lên miệng. Vị thật nhẹ nhàng dễ chịu. Tôi cảm thấy một vị ngọt tự nhiên như của mật ong vậy. Ở bên cạnh, Manabe như đang hít sâu rồi thở ra một hơi khác.
“Thật là ngon ạ.”
“Cô rất vui vì các cháu thích.”
“Cháu hỏi cô vài chuyện được không ạ?”
“Ừ, gì vậy cháu?”
“Bưu điện này có chuyển thư đến cho cả bà phù thủy không ạ?”
Cô Tokito cười khẽ.
“À, cứ ở trong đảo này thì có thể chuyển đến ai cũng được cháu ạ.” “Nếu thế thì cô cũng được gặp bà phù thủy rồi nhỉ?”
“Thư thì chỉ cần bỏ vào hộp nhận bưu phẩm thôi cháu. Nhân viên bưu điện thì không cần phải gọi chuông.”
Tôi hỏi:
“Cô đã leo bậc thang lên đến tận trên đó ạ?”
“Như vậy thì có chuyện gì không cháu?”
“À, không ạ.”
Cô Tokito trả lời quá nhanh gọn nên thành ra được một chút tôi đã bị bí lời rồi.
“Vì cháu nghe nói là không ai có thể leo hết được con đường bậc thang đó.”
“Nghĩa là như thế nào?” Manabe không hiểu.
Tôi giải thích cho cô ấy rằng đó là lời đồn mà tất cả mọi người đều biết.
Đường bậc thang dẫn đến nơi ở của bà phù thủy ở phía sau trường học. Con đường bậc thang đó không thể đi hết được vì khi leo lên tiếp sẽ có sương mù, không còn nhìn thấy được gì nữa và chẳng mấy chốc là bị buồn ngủ. Sau đó khi tỉnh dậy thì lại ở dưới chân bậc thang.
Cô Tokito đưa cốc lên miệng rồi sau đó nói:
“Cháu thấy chuyện đó nghe có vớ vẩn không? Mình cứ leo từng bước từng bước một thì một lúc nào đó sẽ lên đến trên đó mà.” À, nếu nghĩ thông thường thì đúng là như vậy nhưng…
Cô ấy chống cằm rồi nhìn tôi với ánh mắt như muốn trêu vậy. “Hoặc ý cháu muốn nói là bà phù thủy dùng ma thuật để kéo dài con đường bậc thang đó đến vô tận à?”
Tôi không thể trả lời sao cho thỏa đáng được.
Thực ra đã có lần tôi leo lên con đường bậc thang đó rồi. Khi đó tôi có một giả thuyết về đảo Bậc Thang và muốn thử gặp bà phù thủy nên đã leo con đường bậc thang ở phía sau trường học. Nhưng tôi đã không thể gặp được bà phù thủy.
Những gì tôi đã trải nghiệm gần như đúng với lời đồn. Chỉ có một điều duy nhất đã xảy ra mà không có trong lời đồn nhưng tôi không muốn đưa nó ra làm chủ đề nói chuyện.
Dù sao đi nữa thì tôi đã leo từng đó nhưng vẫn không thể đến được nơi ở của bà phù thủy. Đảo này quả thật là rất đặc biệt.
Cô Tokito khẽ lầm bầm:
“Thôi, dù có hay không có bà phù thủy đó cũng được mà.” Sau đó cô cầm cốc lên bằng hai tay rồi nhấp miệng vào sữa nóng. Manabe nói:
“Cháu có một chuyện nữa muốn hỏi cô ạ. Là chuyện về ngọn hải đăng ở bên cạnh.”
“Phòng nhận đồ thất lạc à?”
“Vâng. Người ở đó như thế nào ạ?”
“Sao nhỉ, cô cũng không biết rõ.”
Cô Tokito nhấm nháp sữa nóng từng chút một như là con chim nhỏ ăn quả vậy.
“Vì cô chưa từng gặp lần nào cả mà. Nhân viên ở đó không ra khỏi ngọn hải đăng kia, cũng không hề ló mặt ra cửa sổ, buổi tối cũng không bật đèn.”
“Thế thì làm sao họ sống được ạ?”
“Cô không biết. Có thể thực ra cũng không có người ở đó. Cô thậm chí còn chưa từng nhìn thấy lúc cửa của ngọn hải đăng đó mở.” “Nhưng…”, tôi nghĩ.
Anh Nonaka đã nói là đã vào ngọn hải đăng đó, rồi còn cả đã nhận điện thoại của bà phù thủy ở đó mà. Có thể nhân viên của phòng nhận đồ thất lạc có mối quan hệ sâu sắc với bà phù thủy. Có thể hàng ngày họ vẫn trao đổi, liên lạc với bà phù thủy. Ma thuật, tôi nghĩ là thật vớ vẩn nhưng giả sử nếu bà phù thủy thực sự có thể dùng được ma thuật thì những vấn đề trong cuộc sống thực tế cũng có thể biến hóa thế nào cũng được.
Tôi nghĩ về ngọn hải đăng.
Tôi nghĩ về bóng tối ở bên trong đó, nơi mà đang phát ra đèn sáng về phía biển.
Nhân viên phòng nhận đồ thất lạc - thật người ấy thật sự ở đó, thì anh ấy hoặc cô ấy chắc hẳn là đang nín thở trong một chỗ tối tăm và im ắng, xung quanh tràn ngập “đồ đã đánh mất” của mọi người trên đảo này. Đồ đã đánh mất, đồ đã bị quên đi… Bị bao quanh bởi những đồ đó thì không hiểu người nhân viên đó nghĩ gì nhỉ? Tôi không muốn trở thành người nhân viên đó. Người như thế, nếu có thể thì tôi không mong là sẽ tồn tại thật. Vì rằng chẳng phải người nhân viên đó cũng giống như một “thứ đồ mà ai đó đã làm mất” hay sao.
6
Khi chúng tôi ra khỏi bưu điện thì màn đêm đã bao phủ hết bầu trời, không còn một kẽ hở nào nữa. Nhìn sang góc bên phía tây cũng không còn vết tích của hoàng hôn nữa. Thay vào đó là rất nhiều sao đang lơ lửng khắp bầu trời. Chúng giống như vô số cái lỗ do vật sắc nhọn như mũi khoan đâm vào tờ giấy đen. Dường như có một ánh sáng cực mạnh ở phía sau bầu trời đêm đang chiếu lọt qua các lỗ nhỏ xíu ấy. Tôi thử tìm xem có thấy cung Nhân Mã không nhưng không thấy. Thực ra tôi cũng không rõ lắm về bầu trời đêm nên khó để biết thứ mình tìm kiếm là cái gì. Hơn nữa, cung Nhân Mã lại là chòm sao của mùa hè. Thế nên có lẽ dù tôi có cố gắng tìm kiếm kỹ đi nữa thì cũng không nhìn thấy được.
Tôi và Manabe đi bộ dưới bầu trời sao. Từ cảng này đến phố học sinh ở chân núi sẽ phải đi bộ mất khoảng 20 phút.
Từ đâu đó có tiếng hát phát ra “Mặt trời lặn ở ngọn núi xa xa…”, nhờ đó tôi biết bây giờ đã là 6 giờ tối rồi. Ở trên đảo này, hàng ngày vào đúng một giờ sẽ phát đúng một ca khúc giống nhau. Tôi không biết ai đang hát ở đâu. Hình như máy bị hỏng hay sao mà âm thanh có vẻ hơi méo mó. Tâm trạng lúc này không hiểu sao thật buồn.
Manabe nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo tay và hỏi:
“À, mình có hẹn phải đến ký túc trước 6 giờ 30, có kịp không?” “Ký túc ở đâu?”
“Hình như là khu Natsume thì phải. Mình có được cô giáo cho bản đồ đây.”
Manabe mở chiếc cặp màu xanh đậm rồi thò tay vào.
“Nếu là khu Natsume thì mình biết.”
Nó ở ngay đối diện ký túc mà tôi đang ở, và tôi cảm thấy không hẳn là không có chủ ý ở đây.
“Chúng ta đi về thẳng luôn thì mình nghĩ là vừa kịp đấy.”
Rồi sau đó cả hai người cùng đi, không nói với nhau gì nữa. Vì Manabe không phải là kiểu người thích những câu chuyện tầm phào nên ngay từ trước chúng tôi cũng thường hay đi cùng nhau như vậy. Manabe đi trước tôi một bước, còn tôi đi sau nhưng cũng theo kịp tốc độ của cô ấy. Dù gặp lại sau hai năm thì tôi cũng không quên cảm giác về khoảng cách này.
“Không hiểu sao mình cảm giác rất kỳ lạ.” Manabe nói.
“Cậu thấy kỳ lạ về cái gì?”
“Rất nhiều thứ. Không hiểu sao tất cả đều quá tự nhiên.” “Còn hòn đảo không tự nhiên này thì sao?”
Lẽ nào… tôi nghĩ. Cả hòn đảo này, cả mọi người đang sống ở đây đều có cái gì kỳ lạ.
Manabe không phủ định cũng không khẳng định.
“Chúng ta vẫn như thế này, sau hai năm đột ngột gặp lại nhau vậy mà…”
“Mình thì không có cảm giác là đột ngột lắm.”
“Đó là chỗ mà cậu không hiểu à?”
Cô ấy thoáng đưa mắt nhìn sang phía tôi.
“Nếu cậu để ý thì sẽ thấy là ở trên một đảo không quen biết, sau vài ba tháng trôi qua lúc nào đó sẽ thấy Nanakusa ở trước mặt thôi. Như những điều đáng kinh ngạc vẫn luôn xảy ra không ngừng.”
“Mình cũng thấy đó là điều đáng kinh ngạc, việc cậu đến đảo này ấy.” Manabe gật đầu.
“Nhưng dù chúng ta có đang đi cùng nhau như thế này thì cũng không có gì kỳ lạ lắm. Chỉ là hơi đường đột, từ giờ trở đi mình sẽ phải bắt đầu cuộc sống một mình ở một nơi không quen biết. Nhưng mình cũng không hề thấy lo lắng. Một phần cũng là vì còn có Nanakusa nữa, nhưng biết nói thế nào nhỉ?” Cô ấy ngừng nói.
Từ xưa cô ấy cũng đã là người không giỏi trong việc diễn tả cảm xúc thành lời rồi. Tôi nghĩ vì thế mà Manabe luôn phải chịu thiệt thòi. “Có nghĩa là… nói thế nào nhỉ… cũng tự nhiên mà. Giống như con đường từ trường học đi về nhà vẫn như bình thường, chỉ là có nhiều xáo trộn hơn.”
Tôi hiểu tâm trạng của cô ấy. Khi mới đến đảo này tôi cũng có cảm giác như vậy. Tôi không thấy kỳ lạ với việc sẽ sống ở đảo này, tôi có thể thản nhiên nghĩ đây sẽ là nơi ở của tôi. Đó mới là việc kỳ lạ.
“Chắc chắn là vì nó không được thực tế cho lắm.” Tôi trả lời, dù tôi không thật lòng nghĩ như vậy.
“Vì mọi thứ đều có vẻ không thật nên mình mãi vẫn không thể hiểu và chấp nhận được. Vì không có cái gì giống cuộc sống thực nên mình thậm chí còn chẳng thể hoang mang, giống như ở trên phim dù có xảy ra tình tiết vô lý, ngớ ngẩn như thế nào thì những khán giả như chúng ta cũng không bị hoang mang vậy.”
Manabe đôi khi ngớ ngẩn, không khéo léo và thực tế lắm nhưng cũng là một cô gái thông minh nên cô ấy đã lắc đầu.
“Có lẽ không phải là như vậy đâu.”
Từ vị trí của tôi thì tôi không thấy được vẻ mặt của Manabe nhưng chắc chắn vẫn là khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc như mọi khi mà thôi. Trên bầu trời đêm, trăng mồng ba đang lơ lửng chiếu sáng. Thật bất ngờ trăng sáng hơn bình thường và không hiểu sao như chỉ đang chiếu sáng cho mình cô ấy.
“Hai năm trước, khi nói chia tay Nanakusa, mình cũng không thể tưởng tượng được sẽ lại được đi bộ cùng cậu như thế này nữa.” Hai năm trước… Đến lúc này thì…
Là Manabe thì chẳng có gì là lạ khi vừa hội ngộ đã bắt đầu nói chuyện đó, còn mới đầu khi chưa tiếp xúc thì cô ấy chỉ toàn im lặng thôi. Tại sao lại là thời điểm này. Có phải là cô ấy cũng đã có cái gì đó giống như sự ngập ngừng, ấp úng rất con người không.
“Mình cũng vậy mà.” Tôi trả lời.
“Mình đã nghĩ là không có chuyện chúng ta sẽ lại cùng nhau đi bộ như thế này.”
Manabe Yuu và tôi ngay từ đầu đã có gì đó khác nhau rồi nên việc ở cùng nhau chỉ là ngẫu nhiên mà thôi, còn thực sự thì phải ở những chỗ khác nhau thì mới hợp lẽ tự nhiên.
“Mình rất vui vì được gặp lại cậu đó.” Manabe nói.
Trước khi tôi kịp trả lời gì đó thì cô ấy đã dừng chân. Lý do vì sao cô ấy dừng lại thì rất rõ ràng, chỉ cần nhìn vào ánh mắt của cô ấy là biết. Đó chính là con đường ven biển. Những ngọn đèn đường đứng cách xa nhau, khoảng cách giữa chúng quá rộng nên ánh sáng không chiếu được đến chỗ chúng tôi đang đứng. Dưới ngọn đèn trước mặt có một bạn nhỏ đang ngồi bệt. Bạn nhỏ đó còn bé, tầm đang học những năm đầu tiểu học thôi, mặc bộ quần áo thể thao màu xanh lá, nét mặt thì tôi không nhìn rõ. Cậu bé đang úp mặt lên cánh tay, tôi không nghe được nhưng có vẻ như là cậu bé đang khóc. Manabe chỉ dừng ở bên cạnh tôi có một chút xíu rồi chạy đi. Tôi biết là cô ấy sẽ làm thế. Manabe chạy đến và ngồi bệt xuống trước cậu bé, từ đây tôi không nhìn được nhưng tôi chắc chắn cô ấy đã cười.
“Chào em”, cô ấy nói. “Em bị lạc à? Hay là em bị ngã?”
Cậu bé ngẩng mặt lên. Đôi mắt ướt ấy tại sao lại có thể đáng chú ý đến như thế này. Tôi không thể rời mắt đi. Đôi mắt như vô hồn, chẳng có ý nghĩa gì cả, ngực tôi bỗng đau nhói.
“Đây là đâu vậy ạ?” Cậu bé hỏi.
•••
Tên của cậu bé là Aihara Daichi, nghe kể là đang học lớp hai. Cậu bé vẫn còn nhớ cả địa chỉ của nhà mình nhưng ở trên đảo này thì việc đó chẳng có ý nghĩa gì cả.
Daichi cứ khóc mãi không ngừng. Cậu bé được Manabe ôm vào lòng, sau khi khóc thêm một lát thì ngủ thiếp đi. Vì thế mà chúng tôi không hỏi chuyện được nhiều.
Nói vậy nhưng thực ra ngoài tên ra thì cũng chẳng có gì đáng để hỏi nữa cả. Vì rõ ràng rồi, hôm nay, có lẽ là vừa mới đây thôi, cậu bé đã đến đảo này. Với những người vừa mới đến đảo này, luôn luôn có một điều cần phải nói cho họ biết. Đó là “Nơi này là đảo của những người bị vứt bỏ”. Nhưng giả sử Daichi có chưa ngủ đi nữa thì cũng không thể nói như vậy với cậu bé được.
Tôi đưa cặp nhờ Manabe cầm giúp, và lần đầu tiên kể từ khi được sinh ra tôi cõng một đứa trẻ nhỏ ở trên lưng. Tôi không cảm thấy nặng, cũng
không cảm thấy nhẹ. Có điều cậu bé thật là ấm, đây là sự thật. Trong một đêm lạnh như thế này thì điều đó lại hơi có chút khó tin.
•••
Manabe khẽ gọi tên tôi.
“Nanakusa!”
“Gì vậy?”
“Mình làm gì bây giờ?”
“Đêm nay mình sẽ đưa cậu bé về ký túc của mình. Việc sau đó thì cứ để sau đó nghĩ vậy.”
“Một đứa bé như thế này mà cũng đến đây sao?”
Tôi lắc đầu.
“Mình nghe nói là đứa nhỏ nhất thì cũng là học sinh cấp hai. Từ trước đến nay là như vậy.”
Đảo Bậc Thang này là một nơi khó hiểu, một nơi chỉ toàn những điều kỳ lạ. Tuy nhiên trong đó có một điều đặc biệt rất lạ. Đó là ở đảo này không có trẻ nhỏ. Không hiểu sao ở đảo này trẻ con không được sinh ra. Những người lạc đến đây nhỏ nhất thì cũng là học sinh cấp hai. Vì thế ở đảo này không có trường tiểu học. Ở trường của chúng tôi chỉ có khối cấp hai và khối cấp ba thôi. Chắc chắn không có đứa trẻ nào như cậu bé ở trên đảo Bậc Thang này. Theo quy tắc ở đây thì là như vậy.
“Đứa trẻ này cũng…” Manabe ngập ngừng nói.
Tôi xác nhận lại chắc chắn mình vẫn nghe thấy tiếng ngáy ngủ của Daichi ở trên lưng thì mới nói.
“Có lẽ cậu bé cũng đã bị vứt bỏ. Có lẽ vậy.”
Những người ở trên đảo này, tất cả đều là những người đã bị vứt bỏ. Nếu trong quy tắc không có ngoại lệ hoặc chuyện bịa thì là như vậy. Cô ấy lại gọi tên tôi.
“Nanakusa!”
“Gì thế?”
“Mình cáu lên được không?”
“Không được! Vì bây giờ thì đang có Daichi ở trên lưng mình đấy.” “Không phải mình cáu cậu đâu. Mình cáu xung quanh thôi.” Trên con đường tối không một bóng người, chỉ có ánh đèn sáng tỏa ra
từ các nhà ở xung quanh, từ những căn nhà đó cũng có nghe được loáng thoáng tiếng nói chuyện hoặc tiếng tivi, nhưng tất cả đều như đồ giả. Trong thế giới này dường như chỉ có tôi, Manabe và cả Daichi đang ở trên lưng tôi. Tôi cũng chẳng có quyền gì để không cho phép Manabe cáu giận.
“Ừ được”, tôi trả lời.
Manabe ném cặp xuống đường nhựa. Tiếng rơi của hai chiếc cặp vang lên. Sau đó cô ấy hít một hơi lớn, rồi như ngừng lại, thế rồi cô ấy chạy đi. Tóc cô ấy bay trong gió. Tôi nghe thấy tiếng bước chân của cô ấy, nó giống như tiếng tim đập. Tôi đã ráng sức vẫy tay nhưng cô ấy cứ cúi đầu chạy. Rồi cuối cùng cô ấy cũng chịu ngẩng mặt lên.
“Đừng có đùa cợt mình! “Cô ấy hét toáng rồi nhảy lên. Cô ấy giơ cao chân phải, giơ cao hơn cả mặt của cô ấy, như thể cô ấy muốn đạp vào đỉnh ngọn núi nhìn thấy ở phía xa.
Dưới ánh trăng, Manabe Yuu ráng sức đá vào cái cột điện. Hình dáng ấy có gì đó thật là đẹp, nhưng tiếng động lớn phát ra từ đế giày của cô ấy nghe thật vui nhộn, khoảnh khắc đó thật lạ.
Rồi cô ấy nằm úp sấp xuống mặt đường nhựa, vòng tay ra sau đấm mạnh vào lưng, có lẽ được một lúc thì hết hơi nên cô ấy buông mở rộng hai tay ra. Cô ấy nhìn lên trời và hét lên.
“Tôi tuyệt đối sẽ không tha thứ đâu.”
Tôi bước đi dè dặt để không dẫm vào tóc của cô ấy, muốn đến gần để có thể nhìn rõ được mặt cô ấy.
“Cậu nói lớn tiếng quá đấy. Daichi dậy mất bây giờ.”
Manabe nhăn mặt và nói:
“Mình xin lỗi, mình sẽ chú ý.”
“Cậu có đập vào đầu không?”
“Mình ổn mà, chỉ có vào lưng thôi.”
“Cậu đau không?”
“Đau.”
“Đau lắm hả?”
“Cũng không đến mức đó.”
“Cậu thấy thỏa mãn chưa?”
Cô ấy vẫn nằm nguyên đó và ráng sức lắc đầu.
“Hoàn toàn chưa.”
“Vậy à?”
Rồi tôi hỏi về việc mà đã có câu trả lời rõ ràng.
“Cậu không thể tha thứ cái gì?”
Manabe ngước nhìn tôi chăm chú, đôi mắt cô ấy phản chiếu thẳng vào ánh trăng.
“Ví dụ như việc vứt bỏ một đứa trẻ nhỏ, không thể có chuyện như thế được.”
“Nhưng mình cũng đâu biết ai đã vứt bỏ đâu.”
“Bất kể ai, bất kể là ai mình cũng sẽ không tha thứ.”
“Thế thì bây giờ cậu làm gì nào?”
“Mình đã quyết định rồi, ra khỏi đảo này và đưa cậu bé này về nhà.” Có thể người đã vứt bỏ Daichi chính là bố mẹ của em ấy. Khi một đứa trẻ nhỏ bị vứt bỏ thì việc người ta nghĩ như vậy trước tiên cũng là tự nhiên mà thôi. Nếu đúng là vậy thì việc đưa cậu bé trở lại nhà liệu có đúng không? Kết cục chẳng phải là chỉ làm khổ cậu bé thêm thôi sao? Tôi cũng không biết nữa, mà với việc không biết thì sẽ không thể đưa ra câu trả lời được. Tôi thì khác với Manabe. Tôi không thể dễ dàng tức giận rồi hét lên. Trên thế giới này, việc mà tôi không thể để xảy ra có lẽ chỉ có một. Và đó không phải là việc một học sinh lớp hai bị vứt bỏ.
Manabe đột ngột ngồi dậy và liếc nhìn ngọn núi ở phía trước với nét mặt rất nghiêm túc.
“Trước hết chúng ta hãy đánh đổ bà phù thủy!”
Tôi không hiểu nên hỏi:
“Tại sao?”
“Đảo này vốn dĩ đã kỳ quái rồi. Chắc chắn không nên là một nơi để dễ dàng vứt bỏ con người.”
“Ừ, có lẽ đúng là như vậy.”
“Việc của Daichi chỉ là phần kết quả mà thôi. Ví dụ, nếu đã có một quy tắc rất bất hợp lý, sai rõ rành rành, thì có thể có những người phải đau khổ vì nó.”
“Ừ.”
“Việc cần làm trước tiên là phải thay đổi cái quy tắc đó, không có cách nào khác cả. Vì nếu chúng ta chỉ cứu giúp hết người này đến người khác thì cũng không giải quyết được vấn đề cốt lõi.”
“Có lẽ đúng như vậy.”
“Vì thế mình nghĩ trước tiên là phải thay đổi đảo này.”
Chuyện trở nên phức tạp rồi đây.
Tôi không muốn Manabe đi sâu vào những chuyện của đảo Bậc Thang. Nhưng với những việc rắc rối thì chủ trương của Manabe đa phần đều đúng. Vì là nói đúng nên nếu không có việc thật thì không thể dễ dàng phản biện được.
“À nhưng đồng hồ đã chỉ 6 giờ 30 rồi đấy.”
Manabe nhìn tôi đầy lo lắng rồi lấy tay phải che mặt.
“Á, muộn mất rồi.”
Manabe rất khó chịu với việc phá vỡ lời hẹn nhưng lại có tật đôi khi quên mất hẹn, do cũng có lúc cô ấy bị chập mạch, có lúc lại quá nhạy cảm so với cái kiểu vô cảm bình thường, mà khi quá nhạy cảm thì tuổi trí tuệ lại nhỏ đi. Cô ấy chẳng khác gì so với hai năm trước, hoàn toàn không khác gì cả.
Tôi thở dài trong lòng. Quả nhiên Manabe Yuu vẫn đúng là Manabe Yuu. Cô ấy đến đảo này thì đúng là tôi đành phải gánh vác việc rắc rối rồi. Chẳng mấy chốc mà tôi phải bỏ đi cái cuộc sống thường ngày yên tĩnh và thanh bình rồi. Kể từ khi nhìn thấy hình dáng của cô ấy lúc sáng nay là tôi đã biết thế rồi.
Tôi cố gắng dùng tay phải đỡ lấy Daichi đang ở trên lưng, còn tay trái thì đỡ Manabe đứng dậy.
“Chúng mình cùng về ký túc xá của cậu, rồi mình sẽ giải thích sự tình cho nhé?”
“Được mà, mình có thể tự làm được mà.”
Manabe quay lưng về phía tôi rồi đi nhặt cặp sách đã ném rơi, còn tôi cứ đứng nhìn theo bóng lưng cô ấy. Cũng giống như thế, cách đây hai năm tôi cũng đứng nhìn theo bóng lưng của Manabe như thế này. Và cô ấy, lúc nào cũng vậy, cứ dần dần tiến về hướng mà tôi không mong muốn.
•••
Khi tôi dẫn Daichi về chỗ của mình thì ký túc náo loạn hết cả lên. Vì từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ có một đứa trẻ mới học lớp 2 đến đảo này nên đó cũng là phản ứng rất tự nhiên.
Tôi gửi Daichi cho người quản lý ký túc và nhận được một lá thư. Một lá thư không có dấu hủy thư. Chắc nó được gửi trực tiếp cho người nhận bưu phẩm ở ký túc này. Địa chỉ người nhận thì đúng là tôi.
Tôi nhận ra chữ này. Đó là chữ của Hori. Hàng tuần, cứ vào chủ nhật là tôi lại nhận được một lá thư dài từ cô ấy. Nhưng hôm nay mới là thứ năm mà. Tôi về phòng rồi mở thư ra xem. Thật khó mà tưởng tượng được đó là của cô ấy, giấy viết thư rất dễ thương có hình con chim cánh cụt, nội dung thư thì lại rất ngắn, chỉ có duy nhất một dòng. Trên đó viết: “Manabe nguy hiểm đó.”
Phần 2
SAO PISTOL
1
Sau giờ tan học ngày hai mươi tháng Hai, hành vi phạm tội đầu tiên về vẽ bậy bạ liên tục đã bị phát hiện. Bức vẽ rất to được vẽ ở đoạn gần chính giữa con đường bậc thang từ phố đến trường học. Bức tranh được vẽ không đẹp lắm. Đó là bức tranh minh họa có hình khẩu súng và chòm sao đã bị biến dạng chồng lên nhau. Sự kết hợp giữa sao và súng dễ làm người ta liên tưởng đến những cơ quan bảo an vẫn thường xuất hiện trong các phim phương Tây. Trong bức tranh có ghi thêm một dòng chữ đơn giản “Bà phù thủy chỉ toàn chứa chất quá khứ ở trong đảo này. Vậy tương lai thì ở đâu?”
Không ai biết tác giả của bức tranh đó và ý đồ đằng sau nó. Ngoài kẻ phạm tội và có lẽ là cả bà phù thủy ra thì không ai biết cả. Người đầu tiên phát hiện ra nó là một học sinh của khối cấp 2. Vì theo phân chia thời gian thì bên cấp 2 sẽ hết giờ học sớm hơn một chút so với bên cấp 3. Vì thế lúc bức tranh đó được phát hiện ra thì tôi vẫn đang ở trong lớp học.
Nhiều đồ để vẽ tranh được bảo quản trong phòng mỹ thuật đã bị mất nên người ta đoán kẻ phạm tội chính là học sinh trong trường. Tôi đã bị gọi lên phòng giáo viên sau giờ tan học vì vụ đó. Theo thời điểm bức tranh được phát hiện thì rõ ràng nó đã được vẽ trong giờ học, mà hôm đó tôi đã đi muộn đến hơn hai tiếng. Vì thế tôi phải bắt đầu kể các sự việc của mình từ buổi sáng để giải thích cho việc đó.
•••
Ký túc tôi ở có tên là “Khu tháng Ba”. Đó là một khu căn hộ hai tầng mà tất cả đều được sơn bằng màu vàng rất bình yên, có 13 học sinh và 1 người quản lý ở tại đây. Các bữa ăn cũng do người quản lý chuẩn bị giúp chúng tôi. Anh quản lý này tên là Haru, một thanh niên khoảng tầm 25 tuổi,
khi có hứng thì thường hay đánh ghita, còn nấu ăn thì cũng tùy lúc, nhưng thỉnh thoảng có bánh nướng ngon tuyệt vời.
Hồi mới vào đây ở đã có lần tôi thử hỏi chuyện anh Haru. “Tại sao khu này lại được gọi là Khu tháng Ba hả anh?”
Anh ấy trả lời đại khái rằng: “Vì vào tháng Ba là ở đây sẽ tổ chức tiệc.” “Tiệc ạ?”
“Vì khu này có tên là Khu tháng Ba nên người ta lấy đó làm lý do để tổ chức tiệc.”
Một câu trả lời mà trước đó tôi không tưởng tượng ra được. “Tại sao vào tháng Ba lại cần mở tiệc ạ?”
Anh ấy khẽ cười.
“Nếu tháng Tư là mùa của hội ngộ thì tháng Ba là mùa của chia tay. Thật buồn đúng không? Thế nên anh nghĩ người ta muốn tổ chức những việc gì đó vui vui đấy.”
Ra là vậy, tôi gật đầu.
Anh Haru có tật hay uống quá nhiều rượu, và cứ mỗi lần như vậy thì không hiểu sao anh hay khóc và nhiều lần thì ngủ luôn ở nhà ăn. Hình ảnh ấy thật buồn và gieo vào lòng chúng tôi một cảm giác lo lắng mơ hồ, như tiếng điện thoại reo giữa đêm khuya, rồi như sự tĩnh mịch sau tiếng reo đó.
Nhưng bình thường thì anh ấy là một người dễ gần và có thể tin tưởng được. Anh Haru rất được các học sinh ở ký túc tin tưởng. Vào giờ ăn sáng, anh Haru đã nói.
“Tạm thời anh định là anh sẽ chăm sóc cho Daichi.”
Anh ấy đeo chiếc tạp dề màu nước biển nhạt trên bộ quần áo thể thao màu đen. Trên bàn ăn là các đồ ăn sáng kiểu thuần Nhật do chính anh Haru nấu. Từ món cá khô rang xém thành màu hổ phách đang tỏa ra mùi thơm, còn món súp tương rong biển thì đang bốc hơi ấm nóng. Ngay sau khi mọi người chắp tay và nói “Cảm ơn vì bữa ăn” thì anh Haru hướng mặt sang Daichi đang ngồi cạnh và hỏi.
“Từ giờ em sẽ sống cùng bọn anh ở đây. Được không nào?” Bây giờ thì Daichi không còn khóc nữa nhưng vẫn chưa thể hiểu được tình huống mà bản thân đã bị đặt vào.
“Nghĩa là như thế nào ạ?”, em ấy hỏi, bằng giọng của trẻ nhỏ vừa cao vừa mỏng nên hơi khó nghe.
Anh Haru chậm rãi trả lời.
“Anh sẽ tìm cách để em trở về nhà, nhưng sẽ phải mất chút thời gian, nên cho đến khi tìm ra được cách thì em nên ở đây. Ở đây, chúng ta có thể cùng nhau chơi cả tú lơ khơ này.”
“Tú lơ khơ?”
“Em thích tú lơ khơ không?”
Daichi hơi suy nghĩ.
“Tú lơ khơ là cái gì hả anh?”
Anh Haru rú lên rồi nhìn sang tôi.
“Thế thì ăn sáng xong chúng ta sẽ chơi tú lơ khơ cùng với Nanakusa nhé.”
“Em còn phải đi học mà.”
“Anh biết rồi. Mọi người đều vậy mà. Nhưng mà có mỗi hai người chơi tú lơ khơ với nhau thì cũng chán…”
“Chỉ một lần muộn học thôi thì cũng không vấn đề gì lắm đâu”, anh Haru nói.
Là một người quản lý của ký túc mà nói như vậy thì thế nào đây nhỉ? Nhưng đúng là nếu cứ nói với cô Tokume là “Xin lỗi em ngủ quên” thì chắc cũng xong.
Sasaoka đang ngồi hóng chuyện một bên cũng xen vào.
“Hay đấy. Vì cậu đã dẫn cậu bé đến đây nên cậu hãy chơi với nó đi.” Cậu ấy tay phải thì vẫn cầm đũa còn tay trái thì đang vọc cái máy game di động. Từ cái tai nghe của cậu ấy loáng thoáng có âm thanh phát ra, nghe như tiếng bắn nhau nhưng trên nền một giai điệu gì đó. Đến tôi mà nghe cũng thấy quen quen thì chắc là một ca khúc của game nổi tiếng nào đó. Tôi hướng sang anh Haru và trả lời: “Thôi được rồi ạ.”
Manabe có để mắt lo lắng cho Daichi nên trong lúc này có thể sẽ còn muốn hỏi chuyện cậu bé.
Sasaoka húp sùm sụp súp tương rồi cười toe toét.
“Em cũng tham gia nhé. Người càng đông càng vui mà, đúng không?”
Nhưng anh Haru lắc đầu.
“Sasaoka thì không được.”
“Tại sao?”
“Là vì thái độ sống bình thường đó. Em hay trốn việc lắm.” “Không phải là em trốn việc. Chỉ là đôi khi em không muốn mạo hiểm thôi.”
“Sasaoka chắc là không hiểu à.”
Anh Haru cười còn Daichi vẫn băn khoăn không hiểu “Trốn việc là gì?”, “Đây là từ viết tắt của từ ‘Sabotage’, vốn nó dùng để chỉ cái giày làm bằng gỗ mà người lao động Pháp gọi là Sabo.” Anh Haru giải thích. Daichi lại hỏi liên tiếp “Thế người lao động là gì?”, “Tại sao lại làm giày bằng gỗ?” Trong lúc đó tôi vẫn tiếp tục ăn bữa sáng của mình vì tôi là người ăn chậm mà.
“Không, thế cậu muốn mạo hiểm à?” Sasaoka hỏi.
“Thế nào nhỉ?” Tôi trả lời.
Khi làm việc gì đó có thể nguy hiểm thì người ta gọi là mạo hiểm. Việc nguy hiểm thì đương nhiên nếu có thể thì muốn tránh chứ. Việc leo lên núi để đánh đổ bà phù thủy thì chỉ mỗi mình Manabe là thấy ổn thôi.
Tôi khá ngạc nhiên về Daichi ở một vài điểm. Cậu bé tuy là một người nhút nhát, hay tưởng tượng nhưng ngạc nhiên là cũng có tính rất hiếu kỳ và hay cười. Cậu bé cũng tự ăn được bữa sáng và ăn khá tốt. Ngoài ra, Daichi cũng là một đứa bé ngoan. Tôi chỉ ở bên cạnh nghe câu chuyện của cậu bé với anh Haru nhưng cũng thấy khả năng hiểu chuyện của cậu bé rất tốt. Cậu bé có vẻ cũng có nề nếp tốt, không ai bảo gì nhưng cậu cũng biết tự mang bát đũa ăn xong ra chỗ rửa và định cố gắng tự rửa.
Nhưng chúng tôi tạm để việc rửa chén bát sau. Tôi, Daichi và anh Haru lại ngồi vào bàn, và anh Haru lôi ở đâu ra bộ tú lơ khơ rồi xếp một số quân bài lên bàn cho chúng tôi xem.
“Đây là tú lơ khơ.”
Daichi lấy về quân J rồi nghiêng nghiêng xem nó và úp nó xuống. Sau đó anh Haru giải thích về tú lơ khơ. Các quân bài từ 1 đến 13 lần lượt mỗi số đều có 4 quân bài nên tổng cộng tất cả có 52 quân bài. Từ 11 đến 13 thì
lần lượt được gọi là quân J, quân Q và quân K. Ngoài ra còn có một quân bài nữa không mang số gọi là quân phăng teo.
“Có tú lơ khơ thì chúng ta có thể chơi được rất nhiều trò, giống như là khi có quả bóng thì chúng ta có thể chơi bóng đá này, bóng chuyền này. Hôm nay thì tạm thời chúng ta chơi tá lả nhé.”
Sau đó anh Haru giải thích về cách chơi tá lả, anh bỏ trả một quân phăng teo vào lại cái vỏ đựng bài. Daichi thì ngồi nghiêm túc nghe anh Haru giải thích.
Anh Haru tráo bài có vẻ quen tay, rất nhuần nhuyễn rồi chia các quân bài ra. Trong 18 quân bài tôi được chia cho thì từ đầu đã có 5 cặp rồi nên tôi tổng hợp lại rồi để ra chỗ giữa. Các quân bài còn lại là 2, 3, 5, 7, 8, 10, 11 và 13, tức là số lẻ nhiều hơn. Cả anh Haru và Daichi hình như đều có 4 hoặc 5 cặp. Đại khái là chúng tôi bắt đầu chơi với số bài gần như bằng nhau.
“Được chưa nào? Đến cuối ai mà giữ quân phăng teo là sẽ bị thua đấy nhé.”, anh Haru nói.
Trước tiên, Daichi rút một quân bài từ trong các quân bài của anh Haru. Daichi cười và vứt quân 4 bích và nhép ra chỗ giữa.
Chúng tôi cứ từ từ chơi như vậy nhưng thật bất ngờ là mãi không có cặp được. Đang giữa chừng thì tôi rút được quân phăng teo thế là lại quay lại chơi lại từ đầu. Sau đó thì có vẻ Daichi đã quyết định sẽ ở lại đây. Chắc là chúng tôi sẽ chơi được với nhau đây.
Daichi có vẻ đang rất tập trung vào chơi bài. Cậu bé nhìn chăm chăm vào mặt sau quân bài rồi rón rén rút một quân như thể sắp sờ vào đồ mỹ nghệ nào tinh tế lắm.
Trong lúc đó tôi đã tranh thủ hỏi Daichi vài câu.
“Mẹ em trông như thế nào?”
“Mẹ em có mái tóc dài.”
“Thế còn bố em thì sao?”
“Bố em đeo kính. Em cũng không biết chắc lắm.”
“Em không biết?”
“Vì công việc bố em ít về nhà lắm.”
“Ra vậy. Thế bố em thích đồ ăn gì?”
“Bố thì em nghĩ là thích bia.”
“Daichi thì thích gì?”
“Em thích trứng ốp và cả khoai tây tẩm bột chiên nữa.”
“Khoai tây tẩm bột chiên à?”
“Đó là cơm suất ở trường, rất ngon ạ.”
Daichi cũng nói là em ý rất hợp với sữa bò nữa.
“À thế…”
Tôi để lá bài quân 7 đã thành cặp vào giữa rồi hỏi.
“Để về được nhà thì Daichi phải tìm ra được thứ mà em đã đánh mất đấy. Em có đoán ra được là cái gì không?”
Daichi suy nghĩ một chút.
“Cái cục tẩy.”
“Em đã đánh mất cục tẩy à?”
“Vâng. Khi em cần dùng đến thì đã không thấy nó đâu nữa.” Thứ mà Daichi đã đánh mất liệu có phải là cục tẩy không? Nếu Daichi đến phòng nhận đồ thất lạc và báo rằng “Cháu là Aihara Daichi, cháu đã đánh mất cục tẩy.”, thì liệu có được ra khỏi đảo này không? Tôi cảm thấy có gì đó không có sức thuyết phục lắm.
“Nhưng…”
Daichi tiếp tục nói với giọng khẽ khẽ.
“Em không về được cũng không sao.”
“Về nhà em ý à?”
“Vâng.”
“Tại sao?”
Daichi không trả lời gì. Còn tôi đang mải quan sát vẻ mặt của cậu bé, nó không có vẻ đang cố tỏ ra mạnh mẽ.
Anh Haru rút ra được quân át cơ từ chỗ tay tôi rồi nói “Anh xong nhé” rồi vứt ra quân bài cuối cùng.
Trong tay tôi còn quân 5 rô và quân phăng teo. Bài của Daichi thì chỉ còn lại một quân.
“Em chọn quân nào?”
Tôi chìa hai quân bài ra cho Daichi. Daichi nhìn chăm chú quân bài của tôi. Trông vẻ mặt đó cứ như là đang nghĩ về chân lý của vũ trụ hay như đang nhận được sự soi rạng của thần thánh vậy. Tôi lúc lớp hai không biết đã có thể chơi bài nghiêm túc đến như thế này chưa nhỉ, tôi cũng không nhớ nữa.
Tôi thì thầm trong bụng là “Hãy rút quân bên phải đi.”. Daichi nhẹ nhàng đưa tay ra, hơi chần chừ một chút rồi rút lấy quân bài ở bên trái. Đó là quân phăng teo. Cậu bé thở dài, nét mặt trông có vẻ kỳ lạ nhưng cũng có chút gì như cũng an tâm.
“Ván tiếp nhỉ”, anh Haru nói.
Tôi đưa mắt nhìn vào chiếc đồng hồ trong phòng. Còn khoảng 10 phút nữa là đến giờ học nhóm trong lớp rồi. Lúc này tôi có chạy hết sức lên cái đường bậc thang kia cũng không kịp được. Tôi nhìn trở lại chỗ Daichi. Cậu bé đang chìa cho tôi hai quân bài. Chắc là một trong hai quân sẽ là quân phăng teo, nếu nhìn kỹ thì tôi cũng có thể đã nhận ra nhưng tôi đã phải hối hận vì đã không đủ chú ý.
Không có cách nào khác, tôi thử đưa tay về phía quân bài bên phải thì nhìn vẻ mặt Daichi tối lại, rồi tôi lướt tay sang quân bài bên trái thì thấy khóe miệng cậu bé thoáng cười. Có vẻ như cậu bé chưa biết đến từ “Mặt tỉnh bơ”.
Tôi rút quân bài bên trái, Daichi cười lớn. Nhưng sau khi xem lại thì trong phút chốc, tôi như nín thở. Daichi đột nhiên hết cười và nói với vẻ mặt nghiêm túc rằng “Em thua mất rồi.”. Cậu bé lầm bầm như vậy rồi đặt quân phăng teo còn lại trên tay lên bàn.
•••
Đằng nào thì cũng muộn học rồi nên tôi nghĩ chẳng việc gì phải vội nữa. Tôi đến vào khoảng giữa của tiết thứ ba. Lúc đó trong lớp cô Tokume đang dạy toán. Tôi báo với cô là tôi đã ngủ dậy muộn và cô chỉ dặn là từ sau hãy chú ý nhé.
Tôi ngồi vào ghế, vừa nghe giảng bài vừa nghĩ về Daichi. Tôi tưởng tượng về vị của món khoai tây tẩm bột chiên và hình dung về cục tẩy mà Daichi đã làm mất. Cái nào cũng có vẻ không phải là đầu mối để dẫn cậu
bé ra khỏi đảo. Quả nhiên là tôi không biết gì về lý do mà một đứa trẻ nhỏ bị đưa đến đảo này.
Tại sao khi thua bài mà Daichi lại cười? Chắc chắn là tôi không nhìn nhầm mà. Tôi không thể hiểu được tâm lý của đứa trẻ bé nhỏ kia. Trong lúc tôi đang lơ mơ nghĩ về Daichi thì Trái Đất vẫn đang quay 70, 80 độ và sau giờ tan học, vụ bức tranh vẽ bậy được phát hiện ra.
2
Bên cạnh bàn của cô Tokume có một cái ghế trống. Khi tôi bước vào phòng giáo viên thì cô đã chỉ cái ghế đó cho tôi bằng tay phải và ra hiệu cho tôi ngồi xuống.
“Người ta phát hiện thấy ở trên đường bậc thang có một bức vẽ bậy bạ. Đó là hình vẽ ngôi sao và khẩu súng lồng nhau.”
“Vâng.”
“Em đã biết rồi à?”
“Nó đang được bàn tán xôn xao nên em đã được nghe câu chuyện rồi ạ.”
Cô Tokume gật đầu.
“Lúc đến trường vào sáng nay thì chưa có bức tranh đó. Mọi người cũng không nghĩ là do học sinh cấp hai nào đó đã vẽ sau giờ tan học, vì như thế không đủ thời gian.”
“Có lẽ đúng là như vậy ạ.”
“Nếu vậy thì bức tranh kia phải được vẽ vào giữa giờ học.” “Em nghĩ là việc mọi người nghi ngờ em cũng là đương nhiên.” Cô Tokume gõ gõ đầu ngón tay vào chỗ má của cái mặt nạ trắng trơn làm phát ra những tiếng cộc cộc khô cứng.
“Đương nhiên không thể nói là không nghi ngờ em, nhưng trước tiên cô muốn kiểm tra thực tế trước đã. Tại sao sáng nay em muộn giờ học?” Tôi đã phải hơi tốn công một chút để giải thích cho cô hiểu được sự việc. Trước hết tôi phải kể từ chuyện hôm qua tôi đã tìm thấy một đứa trẻ nhỏ, rồi khi tôi kể chuyện tôi đã chơi tú lơ khơ với đứa bé đó thì cô Tokume lại gõ cái mặt nạ nữa.
“Sau đó thì…”
“Em mua tập thư rồi viết thư.”
Đó là sự thật. Tôi đã ngồi trên bậc thang, lấy sách ra để lót ở dưới rồi viết thư và tôi đã cho bức thư đó vào hộp bưu điện rồi.
Cô Tokume dừng cái ngón tay đang gõ vào mặt nạ.
“Thư à?”
“Vâng ạ.”
“Tại sao em lại phải viết thư trước khi đến lớp vậy?”
“Vì em muốn cố gắng gửi thư đi sớm ạ.”
“Em gửi đến ai? Lá thư như thế nào?”
“Em xin lỗi, em không muốn trả lời câu hỏi này ạ.”
“Tại sao?”
“Vì đó là một bức thư rất riêng tư ạ.”
Dường như cô Tokume đang chăm chú nhìn tôi từ phía sau cái mặt nạ. Trong một lúc tôi và cô giáo nhìn nhau không nói gì. Tôi nghe thấy ở đâu đó có tiếng buộc giấy in ở một cái bàn cách xa xa. Phòng giáo viên này hơi lạnh.
Cuối cùng thì cô Tokume cũng lên tiếng.
“Khi em đến trường thì đã có bức tranh đó ở trên đường bậc thang chưa?”
Tôi lắc đầu.
“Chưa, chưa có ạ.”
“Em nhớ lúc đó là khoảng mấy giờ không?”
“Em nghĩ là khoảng tầm 11 giờ kém một chút.”
Rồi cô Tokume chống tay vào cằm. Lần này thì đến lượt tôi hỏi cô ấy. “Ngoài em ra thì có học sinh nào khác đến muộn hoặc về sớm không ạ?”
“Về sớm thì không có em nào nhưng đến muộn thì có. Nhưng em hình như là người đến muộn nhất đấy.”
“Thế có học sinh nào đã nghỉ học không ạ?”
“Có bốn em, trong đó có một em thì đã đăng ký đi học lại rồi nhưng không đến lớp.”
Tôi biết đó chính là Con mèo sống triệu lần.
“Cô cũng đã gọi cả bạn đó đến đây. Chắc bạn ấy cũng sắp đến giờ đấy.”
Cô Tokume nhìn lên trên bàn như để kiểm tra cái gì đó nhưng trên bàn đang không có cái gì cả. Rồi cô lại nhìn về phía tôi.
“Trong phòng mỹ thuật có sơn vẽ, đó là chỗ còn lại sau khi đã dùng để vẽ cờ cổ động cho khi tập thể dục. Nhưng đồ bị mất lại là đồ vẽ tranh màu nước.”
Cô Tokume vừa nói chậm rãi vừa quan sát vẻ mặt của tôi, cảm giác không có con côn trùng loại mới nào được soi từng cử động một bằng kính lúp và được kiểm tra chi tiết như thế. Thật sự thì không được thoải mái cho lắm.
“Nếu để vẽ tranh linh tinh thì chọn sơn vẽ sẽ hợp tự nhiên hơn. Vì sơn được đựng trong hộp lớn nên dễ sử dụng hơn, và nếu muốn nghịch ngợm trêu đùa ai đó thì dùng sơn loại không bị trôi đi bởi nước thì hiệu quả hơn. Còn dùng đồ vẽ tranh màu nước để vẽ lên bê tông thì không được rõ và bắt mắt lắm. Vậy mà kẻ phạm tội lại chọn đồ vẽ tranh màu nước. Em có nghĩ là vì sao không?”
Tôi nghĩ một tí xíu rồi trả lời.
“Liệu có phải là vì họ muốn chọn thứ dễ bị rửa trôi không ạ?” “Tại sao?”
“Em nghĩ là có hai hướng. Một là để khi ví dụ như ngón tay có bị bẩn thì cũng dễ rửa. Hai là họ cũng không định sẽ để lại bức tranh đó lâu dài.” Sau đó, tôi nghĩ được ra thêm nên nói tiếp.
“À, hoặc là cũng có thể chỉ đơn giản là họ cũng không nhận ra là có sơn vẽ.”
Cô Tokume gật đầu.
“Xem chừng là giả sử nếu kẻ phạm tội là em thì có vẻ em sẽ chọn đồ vẽ tranh màu nước nhỉ.”
“Chắc là như vậy ạ.”
“Người vẽ bức tranh đó có phải là em không?”
“Không ạ.”
“Em nghĩ tại sao kẻ phạm tội lại vẽ minh họa ngôi sao và khẩu súng?” “Em không biết ạ.”
Cô Tokume thở dài khe khẽ sau lớp mặt nạ. Sau đó cô nói “Xin lỗi đã làm mất thời gian của em, em hãy chú ý đi về cẩn thận nhé”. Rồi tôi đứng lên khỏi ghế và cúi đầu nhẹ để chào cô.
Tôi ra khỏi phòng giáo viên rồi đứng tựa vào tường của hành lang và nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Ở trên sân trường, đội bóng chày mà gộp cả khối cấp 2 với khối cấp 3 mới được có 11 người đang chơi ném bóng cho nhau. Vì số người lẻ nên có một đội là có 3 người và phải chơi chuyền bóng lần lượt cho nhau. Tôi dõi mắt nhìn theo quả bóng bay theo hình tam giác.
Cái trò chơi ném, bắt bóng này người ngoài nhìn vào thì cũng chẳng thấy vui gì lắm nhưng không hiểu sao cũng không thấy chán. Liệu có phải là vì nhìn thấy quả bóng bật ngược được so với trọng lục không? Cũng như là nhìn con chim bay, vòi nước phun lên mãi không thấy chán vậy.
Cuối cùng thì cũng đã thấy Con mèo sống triệu lần đi đến từ phía kia của hành lang. Anh ấy nhìn tôi và nói “Yo!”, tôi cũng nhìn và đáp lại “Yo!” với anh ấy. Con mèo sống triệu lần không dừng bước, đi thẳng luôn vào phòng giáo viên.
Tôi lại tiếp tục đứng xem chơi bóng. Tôi lại nghĩ hay là… cũng có thể là vì ở cái trò ném, bắt bóng này có một trật tự nào đó nên xem mãi không thấy chán. Như ở bóng dáng con chim bay, hay cảnh vòi nước phun lên, tuy khó nói thành lời nhưng tôi cũng cảm thấy có một trật tự gì đó. Trọng lực là một trật tự cực lớn. Có thể là tôi thích cái trật tự nhỏ đi ngược lại cái trật tự lớn. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng không thích cái bức tranh vẽ bậy bạ. Dù xét về mặt nào đi nữa, nó không phải là thứ có tính trật tự.
Tôi đứng xem bóng được khoảng 5 phút thì cửa phòng giáo viên lại mở ra, Con mèo sống triệu lần đi ra.
Tôi bắt chuyện với anh ấy.
“Thế nào vậy?”
“Tôi bị nghi ngờ ý mà, đương nhiên rồi. Nhưng câu chuyện kết thúc nhanh hơn tôi nghĩ.”
“Thế tốt quá còn gì.”
“Hoàn toàn không phải như vậy.”
“Anh có nhìn thấy kẻ phạm tội không?”
“Tại sao?”
“Vì anh lúc nào cũng ở trên sân thượng mà. Biết đâu anh biết chút ít thì cũng tốt mà.”
“Ở phòng giáo viên tôi cũng đã bị hỏi giống như thế đấy, nhưng tôi không nhìn thấy.”
Tôi đang đứng nhìn thẳng mặt Con mèo sống triệu lần nên thấy anh ấy có hơi cười mỉm nhưng có chút mệt mỏi hơn bình thường. Anh ấy đã từng nói rằng rất ghét khi phải gặp mặt với nhiều người cùng lúc, mà ở trong phòng giáo viên thì đương nhiên ngoài cô Tokume cũng còn có các giáo viên khác nữa.
“Tại sao lại vẽ bậy lên bậc thang như vậy nhỉ?”, tôi hỏi.
“Thôi nào, có rất nhiều tình huống với rất nhiều người mà. Có những vị quân vương rất giỏi chiến đấu, có những kẻ trộm chỉ toàn vào những nhà có chó chẳng hạn. Tất cả đành phải chấp nhận thôi.” Con mèo sống triệu lần trả lời.
Rồi cứ thế, anh ấy bước đi. Có lẽ là anh định quay trở lại sân thượng, hoặc cũng có thể anh ấy đi về phòng của mình ở ký túc, tôi cũng không rõ là anh ấy đang sống ở đâu nữa. Tôi có chút tò mò nên đã hỏi ở sau lưng anh ấy.
“Cô Tokume gọi anh là gì?”
Con mèo sống triệu lần chỉ ngoái đầu lại phía tôi và khẽ nhún vai trả lời.
“Tôi là Con mèo sống triệu lần mà. Tôi không có cái tên nào khác nữa cả.”
Và rồi anh ấy lại bước đi tiếp.
Tôi cũng muốn đi về ký túc luôn nhưng vì tôi vẫn để cặp sách ở trong lớp nên cần phải quay lại đó.
Trong lớp vẫn đang còn lại Manabe, lớp trưởng, Sasaoka và Hori. Manabe ở lại thì đúng như tôi nghĩ nhưng ba người còn lại kia cũng ở lại thì tôi hơi ngạc nhiên. Nhìn thấy mặt tôi, Manabe hỏi.
“Thế nào hả cậu?”
“Thế nào?”
“Cậu bị nghi ngờ à?”
“À, vì cũng có khả năng như vậy mà.”
“Nào, chúng ta hãy cùng đi tìm thủ phạm thật nhé.”
Tôi biết thế nào Manabe cũng sẽ nói vậy. Cô ấy không thích bị oan. Những thứ mà cô ấy ghét thì có thể đếm sơ cũng được 20, 30 thứ nhưng trong số đó thì “Bị oan” là từ xuất hiện khá là sớm. Vì câu chuyện có thể sẽ hơi dài dòng nên tôi kéo lấy ghế ở chỗ của mình ra rồi ngồi đã.
“Nhưng việc đáng ưu tiên hơn lúc nào chẳng phải là chuyện của Daichi hay sao?”
“Mình nghĩ là cái nào trước thì cũng không sao.”
“Chuyện của một học sinh lớp 10 với chuyện của một học sinh lớp 2 thì phải luôn ưu tiên chuyện của học sinh lớp 2 chứ.”
“Ừ, cũng đúng là như vậy nhỉ.”
Manabe gật đầu còn lớp trưởng thì đứng dậy khỏi chỗ.
“Thế chúng ta cùng sắp xếp lại các việc đã nhé.”
Cô ấy cầm lấy viên phấn rồi nhanh như cắt viết lên bảng đen như là con chim gõ kiến vậy. Cô ấy viết từng gạch đầu dòng: “Daichi”, “Bức tranh vẽ bậy,” chữ viết to, thưa không ngờ.
“Chúng ta có hai vấn đề. Cậu bé mới đến đảo này - Aihara Daichi và bức tranh vẽ bậy được vẽ ở bậc thang. Cách giải quyết của vụ bức tranh vẽ bậy thì đơn giản, vì chỉ cần chúng ta tìm được thủ phạm là được.”
Cô ấy vẽ một mũi tên ở phía dưới chữ “Bức tranh vẽ bậy” rồi viết thêm “Tìm thủ phạm”, sau đó quay lại và chống hai tay lên bàn giáo viên. “Vậy thì việc của Aihara Daichi thì nên làm như thế nào?” Người trả lời là Manabe.
“Mình nghĩ là sẽ cần phải có dịch vụ giao nhận vận chuyển bưu điện định kỳ.”
Cô ấy nói chuyện rất hay có kiểu nhảy đi xa tít như vậy. Ví dụ câu chuyện trong giờ ăn trưa thì có thể biến thành vụ bàn luận sâu sắc về hệ sinh thái từ lúc nào không biết, hay ngày nghỉ mà lại sinh ra chuyện cần tìm hiểu độ cao giới hạn của khinh khí cầu, vân vân.
Lớp trưởng nhíu mày vẻ khó hiểu.
“Dịch vụ giao nhận vận chuyển bưu điện định kỳ… nghĩa là như thế nào?”
“Là dịch vụ giao nhận vận chuyển bưu điện định kỳ sẽ nối với bên ngoài đảo này đó.”
“Tại sao lại thành ra câu chuyện như thế?”
“Cậu thử nghĩ mà xem, đảo Bậc Thang này đang bị cách ly nên không thể đi đâu được. Nếu có thể tự do, thoải mái đi về được nơi trước khi bị đưa đến đây thì mình đã chẳng có gì phải khó chịu về đảo này. Nếu có dịch vụ giao nhận vận chuyển bưu điện định kỳ thì chúng ta có thể gửi Daichi về nhà được chẳng hạn. Như thế sau này cũng không còn xảy ra vấn đề tương tự như vậy nữa.”
‘Làm gì có cái dịch vụ đó’, tôi nghĩ. Vì để đảm bảo đúng chức năng của cái thùng rác thì nó sẽ phải có thành thùng chắc chắn và có thể có nắp nữa. Nếu không có thành thùng và nắp thì nó đâu thể chứa những thứ bị vứt bỏ ở trong được. Nếu muốn ra ngoài thùng rác thì phải phá thành thùng và nắp của nó chứ.
Lớp trưởng lấy đầu viên phấn gõ gõ vào bảng đen mấy lần có vẻ như đang bực mình và cáu rồi.
“Nhưng có khả năng có chuyện như thế không?”
“Có khả năng chứ. Chẳng phải đã có dịch vụ giao nhận vận chuyển bưu điện định kỳ rồi à? Mình nghe nói cứ vào thứ 7 là sẽ có thuyền đến mang theo các hàng hóa được mua trực tuyến mà.”
“Nhưng nó không chở người mà.”
“Như thế thì kỳ quá. Chúng ta sẽ nhờ họ chở cả người và sau đó là tăng chuyến là được mà.”
“Thế phải làm sao để được như vậy?”
“Chúng ta sẽ nói chuyện với bà phù thủy.”
Lớp trưởng thở nhẹ ra rồi nhìn về phía tôi. Chẳng có cách nào khác tôi phải lên tiếng.
“Tạm thời thì mọi người hiểu ý của cậu rồi, còn chuyện có thể hay không thể thì để sau đi.”
Kiểu nói chuyện của Manabe lúc nào cũng như vậy. Nếu có thể lý tưởng chở được cả người như thế thì đã không có vấn đề gì rồi. Đa phần những mục đích mà cô ấy đặt ra đều ngoài khả năng của những học sinh. Lớp trưởng cũng gật đầu và đáp lại.
“Đúng như vậy, chuyện có thể hay không thể thì hãy để sau đi.” Chắc là Manabe cũng nhận ra ý kiến của mình không được tất cả mọi người đón nhận.
“Ngoài ra còn có cách nào khác nữa không?” Cô ấy hỏi.
Lớp trưởng gật đầu.
“Quy tắc là để ra khỏi đảo này thì phải tìm ra được thứ mà mình đã đánh mất.”
“Mình nghĩ là cách đó thì không được đâu.”
“Sao lại không được?”
“Vì đó không phải là cách để giải quyết tận gốc vấn đề. Có thể lần này thì tìm ra được, nhưng lần sau sẽ lại xảy ra vấn đề tương tự. Có thể có những người dù cố gắng tìm kiếm đến mấy cũng không tìm ra được thứ mình đã đánh mất.”
“Dù vậy nhưng nếu không giải quyết từng việc ngay trước mắt thì mọi việc sẽ chẳng có tiến triển gì hết.”
“Thực ra thì có khả năng tìm ra được thứ mình đã đánh mất không?” “Nghĩa là như thế nào?”
“Lấy ví dụ như chuyện Daichi đã làm mất đồ chẳng hạn…” Để câu chuyện được đơn giản, tôi nói bổ sung thêm cho lời của Manabe.
“Daichi nói là đã làm mất cục tẩy đó.”
“Nếu vậy thì chỉ cần tìm ra được cục tẩy là cậu bé sẽ được ra khỏi đảo này. Thế cậu nghĩ Daichi đã đánh mất ở đâu?”
Chắc là lớp trưởng cũng hiểu được ý Manabe muốn nói nên cô ấy trả lời với vẻ miễn cưỡng.
“Mình nghĩ thông thường thì là ở nhà hoặc trường học của cậu bé.” “Ừ, nhưng cả nhà và trường học của Daichi đều ở ngoài đảo này mà. Thế có nghĩa là để ra khỏi đảo thì phải tìm thứ có ở ngoài đảo à?” Đa số những điểm Manabe chỉ ra đều đúng.
Nếu nghĩ theo cách thông thường thì sẽ thấy quy tắc của đảo này đang bị mâu thuẫn.
"""