"
Hậu Duệ Thần Đèn 4: Ngày Tái Sinh Những Chiến Binh Đất Nung PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hậu Duệ Thần Đèn 4: Ngày Tái Sinh Những Chiến Binh Đất Nung PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
ebook©vctvegroup 22-06-2018
Cuốn sách này dành tặng Charlie và Naomi Kerr
Chương 1
Methuselah
Trước khi rời New York đến Iraq tiếp nhận chức vụ Djinn Xanh Babylon – vị djinn tối cao của thế giới, Layla Gaunt đã đặt một chú trói buộc Methuselah lên chồng – ông Edward – nhằm ngăn không cho hai đứa con sinh đôi của bà – John và Philippa – đuổi theo. Methuselah là người già nhất từng được đề cập đến trong Kinh Thánh. Và, chắc bạn cũng có thể đoán được, chú trói buộc Methuselah sẽ làm một người già đi một cách nhanh chóng.
Bà Gaunt chắc chắn sẽ không bao giờ đẩy chồng mình vào một số phận nghiệt ngã như vậy. Bà đã mặc định để chú Methuselah chỉ hoạt động khi vắng mặt cặp sinh đôi mà thôi. Bà làm vậy cũng chỉ vì muốn ngăn John và Philippa đuổi theo bà đến Babylon. Ông Gaunt sẽ không bị lão hóa chút nào nếu hai đứa con của ông vẫn ở nhà. Nhưng vào thời điểm đặt chú Methuselah lên chồng, bà Gaunt hoàn toàn không biết hai đứa trẻ đứng trước mặt bà chỉ là một cặp bản sao hoàn hảo được tạo ra bởi một vị thiên thần tên Afriel để che giấu việc John và Philippa thật đang trên đường phiêu lưu đến Nepal và Ấn Độ. Hậu quả là, khi cặp sinh đôi cuối cùng đã quay về nhà trên đường 77 phía đông, người cha tội nghiệp của chúng đã là một ông lão rất, rất già.
Từ “già cỗi” cũng không đủ để mô tả về cha của John và Philippa khi chúng vừa gặp lại ông. Những người – vì không giống vợ và hai con của mình, ông Edward Gaunt là mundane, nghĩa là ông chỉ là một con người bình thường chứ không phải một djinn – nhìn già như ông thường đã yên giấc trong quan tài từ lâu. Bị giam cầm vào một chiếc xe lăn vì đôi chân gầy trơ xương của ông giờ đây đã quá yếu để có thể chống đỡ cơ thể, với một chiếc khăn choàng vải len kẻ ô vuông quấn quanh vai để chống đỡ với cái lạnh của mùa xuân New York, thật khó để kết nối ông Gaunt này với người cha mà cặp sinh đôi từng quen thuộc. Trên thực tế, nhìn ông có phần không giống con người, mà giống một thứ gì đó bước ra từ một bộ phim kinh dị cổ hủ.
John nghĩ cha cậu nhìn như thể ông đã tám mươi tuổi. Thực tế, ông lão hóa nhanh đến mức nhìn ông giờ đây cứ như đã hai trăm năm mươi tuổi. Và ông Gaunt dễ dàng soán ngôi vị người già nhất từng tồn tại với Methuselah.
Nimrod, một djinn quyền năng khác, đồng thời cũng là cậu ruột của John và Philippa, cho ý kiến rằng chừng nào cặp sinh đôi còn ở gần cha, chú trói buộc của bà Gaunt sẽ không hoạt động nữa. Cậu nói:
– Sau một thời gian, chú trói buộc này sẽ tự đảo ngược và cha của hai đứa sẽ trẻ lại dần. Điều quan trọng là hai đứa phải luôn bên cạnh anh ấy, ở đây, tại New York này. Dĩ nhiên, cậu cũng sẽ ở lại đây với hai đứa thay vì về London.
Ông Rakshasas, cũng là một djinn và bản thân cũng rất già, ít nhất chừng một trăm năm mươi tuổi – vì djinn sống lâu hơn nhiều so với loài người – đồng ý với cậu Nimrod về việc chú trói buộc sẽ tự
động đảo ngược. Từ bên trong cây đèn bằng đồng cổ đại mà ông ở, ông Rakshasas khuyên cặp sinh đôi nên tham khảo ý kiến của bà Jenny Sachertorte, một bác sĩ djinn.
Bằng chất giọng Ai-len nhẹ nhàng, ông bảo:
– Chắc chắn cô ấy có thể nói cho hai cháu biết cách giảm bớt tác động một số ảnh hưởng bất lợi của chú trói buộc lên anh Gaunt tội nghiệp. Không có phương thuốc nào cho một ông lão hữu hiệu bằng sự chăm sóc của một người phụ nữ trẻ.
Nhưng bà Jenny Sachertorte không thể tới được và, qua điện thoại, bà gợi ý cho cậu Nimrod nhờ đến sự trợ giúp của một nữ y tá djinn có tên Marion Morrison.
Bác sĩ Sachertorte cho biết:
– Cô ấy là một Ẩn sĩ. Anh biết đó, một trong những djinn cống hiến cuộc đời để giúp đỡ những người xứng đáng. Cô ấy chuyên trị cho nạn nhân của những chú trói buộc djinn ác ý hoặc những ai lỡ ước những điều xúi quẩy. Tôi sẽ nhắn tin cho cô ấy, có điều có lẽ sẽ tốn đôi chút thời gian. Nếu tôi không lầm thì cô ấy đang ở rừng Amazon giúp đỡ những thổ dân địa phương không may bị nguyền rủa bởi một bàn chân khỉ[1].
Cậu Nimrod nhắc:
– Chuyện thật sự gấp lắm, Jenny.
Bác sĩ Sachertorte nói:
– Tôi biết. Tôi biết chứ. Nhưng hiện tại tôi phải ở cạnh Dybbuk. Dybbuk là cậu con trai djinn tinh quái của bà, cũng là bạn của John và Philippa.
– Nó cần tôi, Nimrod à. Đặc biệt là giờ đây, khi nó đã phát hiện
ra cha ruột của nó là ai.
Bà Jenny Sachertorte là một djinn tốt. Dybbuk cũng vậy. Ít nhất là cho đến giờ phút này. Tuy nhiên, cách đây không lâu, Dybbuk tội nghiệp đã phát hiện ra cha ruột của cậu lại chính là Iblis, gã djinn độc ác nhất thế giới, cũng là kẻ lãnh đạo tộc Ifrit, tộc djinn quỷ quyệt nhất trong sáu bộ tộc djinn. Đã có không ít djinn bên phe Thiện đã từng lo lắng rằng, nếu Dybbuk không được trông coi cẩn thận, cậu có thể dễ dàng nghiêng về phía phe Ác.
Cậu Nimrod bảo:
– Tôi hiểu mà. Chị không cần giải thích với tôi đâu, Jenny thân mến. Tôi đồng ý Dybbuk phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Tôi sẽ ở New York chờ cô Marion Morrison đến vậy.
Vậy là trong khi chờ vị y tá djinn đến nơi, họ đành phải giao phó ông Gaunt cho bà Trump, quản gia của gia đình nhà Gaunt. Và đoán rằng bà Trump giờ đây sẽ bận bịu với việc chăm sóc ông Gaunt, cậu Nimrod quyết định triệu tập ông Groanin, vị quản gia người Anh của cậu.
Philippa nhận xét:
– Tội nghiệp ông Groanin. Không phải ông ấy rất ghét New York sao?
Cậu Nimrod cho biết:
– Anh ấy ghét tất cả mọi thứ ấy chứ. Nhưng không còn cách nào khác. Cậu nghĩ bà Trump sẽ cần gấp đến sự hỗ trợ của anh ấy. Từng là một nữ hoàng sắc đẹp, bà Trump là một phụ nữ tốt bụng, ấy là chưa kể bà cũng rất giàu. Năm ngoái bà đã trúng độc đắc hàng triệu đô la của Xổ số Toàn bang New York. Đến giờ bà Trump vẫn không biết được gia tài kếch xù đó xuất
phát từ một điều ước của bà mà Philippa đã nghe được và vô tình biến nó thành sự thật. Dù đã đổi đời, bà Trump vẫn tiếp tục phục vụ cho gia đình Gaunt trong vai trò một người giúp việc tận tụy. Bà đặc biệt thích cặp sinh đôi cùng bà Gaunt xinh đẹp. Tuy nhiên, lòng kiên nhẫn của bà bị thử thách kinh khủng bởi thái độ hành xử của ông Gaunt.
Bà giải thích với cậu Nimrod và hai đứa trẻ:
– Ông ấy dễ làm tôi phát cáu lên được. Thỉnh thoảng tôi mất bao công sức lên đến nơi thì ông ấy đã quên béng mình muốn gì. Rồi, chỉ một hoặc hai phút sau khi tôi rời đi, ông ấy nhớ ra rốt cuộc nó là gì và lại rung chuông lần nữa. Tôi không ngại nói thẳng là tôi thấy rất, rất là kiệt sức.
John nói:
– Tội nghiệp bà Trump.
Bản thân John cùng em gái cũng đã cố giúp bà Trump chăm sóc người cha càng ngày càng trở nên khó tính của chúng, nhưng ông Gaunt già nua chỉ muốn mình bà Trump giúp đỡ. Đó là vì ông vẫn bướng bỉnh tin rằng vị nữ quản gia chính là vợ ông, bà Gaunt. Thật sự thì cũng có vài nét giống nhau giữa hai người phụ nữ. Đặc biệt là dạo gần đây. Từ khi trúng độc đắc, vẻ ngoài của bà Trump đã được cải thiện đáng kể. Bà đã đến nha sĩ trồng răng giả.
Bà mặc những bộ quần áo đẹp hơn. Nói chung, bà Trump một lần nữa đã trở lại làm một người phụ nữ duyên dáng. Nhưng hiển nhiên bà vẫn thiếu sự quyến rũ và tính cách của bà Gaunt.
Nhưng ông Gaunt không nhận ra những điều đó bởi đôi mắt mù dở và đôi tai như điếc của mình. Và không ai đoán được sự nhầm lẫn nhân dạng này hoàn toàn là vì bà Trump trùng hợp sử dụng
cùng một loại nước hoa với bà Gaunt. Không có gì bất ổn với khứu giác của ông Gaunt già nua. Cho nên ông gọi bà Trump là “em yêu”, “bà xã”, hay thỉnh thoảng là “cục cưng”, và khăng khăng đòi bà nắm tay ông.
Đó là những tình huống cực kì xấu hổ đối với bà Trump. Bà có thể tha thứ những hành vi kì quái và tiếp tục làm việc cũng chỉ vì bà chấp nhận lời giải thích của cậu Nimrod rằng ông Gaunt đang bị một chứng bệnh di truyền hiếm nhưng có thể phục hồi được, cũng như lời trấn an một vị y tá đặc biệt sẽ sớm đến nhà để chăm sóc cho ông Gaunt. Cũng may là bà đã dần làm quen với những việc kì lạ xảy ra tại căn nhà số 7 đường 77 phía đông. Trên thực tế, những chuyện kì lạ xảy ra tại gia đình Gaunt thường xuyên đến mức chúng trở nên không còn gì kì lạ nữa.
Vào cuối giờ làm việc của một ngày dài mệt nhọc, bà Trump nói: – Vị y tá kia nên đến càng sớm càng tốt. Nếu ngày mai lại giống như hôm nay thì đến phiên tôi cần một y tá là cái chắc. Bà nói cứ y như tiên tri. Buổi sáng hôm sau, ông Gaunt vụng về đã làm đứt chuỗi ngọc trai mà bà Trump đeo bên dưới lớp vải áo. Đó là món đồ trang sức yêu thích của bà Trump nên bà không bao giờ cởi nó ra dù đang nấu ăn, hút bụi hay lau chùi đồ đạc. Bò dọc sàn phòng ngủ, bà Trump thu hồi gần hết những viên ngọc trai của mình. Nhưng có ba viên đã lăn tọt qua khe cửa và ngừng lại ngoài hành lang, nơi vài phút sau đó, bà Trump bước lên chúng, trượt chân và té xuống cả một tầng cầu thang với một tiếng “rầm” lớn nghe như tiếng cả một tòa nhà đổ sập.
John và Philippa phóng vụt ra sảnh và phát hiện bà Trump nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Cậu Nimrod gọi xe cấp cứu và bà Trump
được chở vòng qua dãy nhà để đến bệnh viện Kildare trên đường 78. Nhưng sau ca phẫu thuật, bà vẫn hôn mê.
Bác sĩ giải phẫu cho bà, ông Saul Hudson, ra gặp cậu Nimrod cùng cặp sinh đôi với một khuôn mặt trầm trọng đầy điềm gở như nghĩa địa Salem.
Ông thông báo:
– Tôi e rằng chúng tôi đã làm hết sức có thể. Chính bà ấy sẽ là người quyết định khả năng phục hồi của mình. Nhưng hiện tại, bà ấy không có phản ứng với bất cứ kích thích nào. Và, thời gian hôn mê càng kéo dài càng đáng lo. Tôi thật sự xin lỗi vì không thể mang đến tin tức nào tốt hơn.
John hỏi:
– Tụi cháu có thể vào thăm bà ấy không, bác sĩ?
– Dĩ nhiên được.
Bác sĩ Hudson dẫn họ đến bên giường của bà Trump rồi rời khỏi phòng. Đầu của bà giờ đây quấn đầy băng trắng, và khuôn mặt bà xám ngắt như tro núi lửa. Bà nằm trong một phòng bệnh riêng có cửa sổ nhìn về phía sân sau của nhà Gaunt. Trong một khoảng thời gian dài, không ai lên tiếng.
Philippa là người đầu tiên phá vỡ im lặng:
– Cháu nghĩ thật tốt khi có thể nhìn thấy nhà của tụi cháu từ đây. Bà Trump sẽ thích lắm.
Cậu Nimrod đồng ý:
– Cậu chắc bà ấy sẽ thích.
John hỏi cậu:
– Chúng ta không thể làm gì cho bà Trump sao? Ý cháu là, sử
dụng sức mạnh djinn ấy.
Cậu Nimrod lắc đầu bảo:
– Cậu e là không, John à. Chúng ta sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Não bộ là một thứ phức tạp, và việc dùng sức mạnh djinn đụng chạm đến nó không bao giờ là một ý kiến hay. Frankenstein cũng bắt nguồn từ đó.
Philippa thầm thì:
– Mẹ mà ở đây thì đỡ rồi.
Rồi ngượng ngùng cười với cậu Nimrod, cô giải thích: – Không, cháu không có ý nói cậu không đủ sức giải quyết chuyện này, cậu Nimrod. Cậu có thể. Cháu biết điều đó. Chỉ là, cháu nhớ mẹ, và cháu sẽ cảm thấy đỡ hơn rất nhiều nếu hiện giờ mẹ ở đây với chúng ta thôi.
Cậu Nimrod nói:
– Đèn ơi! Dĩ nhiên cậu cũng đồng ý với cháu, Philippa. Mẹ cháu, chị của cậu, là một phụ nữ rất tháo vát.
John và Philippa ngồi xuống giường bệnh của bà Trump, nắm tay và thầm thì nói chuyện với bà. Bà vẫn hôn mê. Vì cặp sinh đôi, cậu Nimrod cũng ở lại cùng chờ với chúng, và cố tỏ ra lạc quan về cơ hội hồi phục hoàn toàn của bà Trump. Nhưng cậu biết tất cả họ đều biết mọi thứ có vẻ không tốt đẹp gì cho vị nữ quản gia. Sau một lúc, John đứng dậy và đến bên cửa sổ. Phóng tầm mắt qua khu vườn nhỏ của bệnh viện về phía sân sau của gia đình nhà cậu, cậu chợt thấy một cái gì đó ở cửa sổ phòng ngủ của cha. Và rồi, chỉ trong một hoặc hai giây sau đó, bóng một người đàn ông hiện ra trên một trong những khung cửa sổ tầng dưới.
John lẩm bẩm:
– Lạ thật.
Cậu Nimrod bước đến cạnh John bên cửa sổ và hỏi:
– Cháu thấy gì à?
John gật đầu:
– Một cái gì đó, hoặc một ai đó. Không có ai khác ở nhà vào giờ này. Trừ khi cậu tính đến Monty.
Monty là con mèo của gia đình Gaunt. Một con mèo lạ thường, vì trong nhiều năm nó từng là một phụ nữ mang tên Monica Retch. Cho đến ngày bà Gaunt biến nó thành một con mèo. John nói tiếp:
– Nhưng cháu không nghĩ là hắn ta đâu.
Philippa bảo:
– Cháu hi vọng mọi thứ đều ổn. Cháu nghĩ rằng giờ phút này cháu không thể chịu đựng thêm bất kì thảm họa nào khác. Cậu Nimrod khuyên:
– Chúng ta nên về nhà thôi. Dù gì chúng ta cũng không thể làm được gì ở đây.
Chương 2
Cuộc chiến lỗ tai
Những tưởng một thảm họa khác đang chờ đợi ở nhà, họ tìm thấy ông Groanin đang lúi húi lau chùi đồ đạc và pha trà trong bếp. Từ khi có được cánh tay thứ hai (một thời gian dài trước đó, ông đã quen sống với chỉ một tay), ông Groanin bắt đầu có thói quen làm hai việc cùng một lúc, ví dụ như ôm hai đứa trẻ vào cái cái bụng to đùng của mình thay vì lần lượt từng đứa một.
Ông giải thích:
– Ta mới bay từ London đến đây sáng nay. Cửa trước không khóa, vì vậy ta nghĩ nên vào nhà làm gì đó có ích một chút, như hai đứa thấy đó.
Cặp sinh đôi rất vui khi có ông Groanin bên cạnh. Ông có thể là vị quản gia cầm lên một khay trà hay một chổi lông gà với bộ mặt đưa đám nhất mà chúng từng gặp, nhưng không hiểu sao, ông luôn khiến John và Philippa cảm thấy vui vẻ.
Với chất giọng vùng Manchester sang sảng, ông bảo chúng: – Thật tốt khi gặp lại lũ nhóc tụi bây. Ta nói, thật tốt được gặp lại hai đứa. Ngay cả trong một hoàn cảnh không lấy gì làm hạnh phúc như thế này. Chúa biết được, với sự xui xẻo cỡ đó, hai đứa viết được cả một cuốn phim bi kịch chứ chả chơi.
Cặp sinh đôi nhăn mặt khi những từ ngữ vô ý của ông Groanin như một đôi ủng đóng đinh đầu to khổng lồ chà đạp lên vết thương lòng còn chưa lành sẹo của chúng. Tuy vậy, chúng biết trái tim của vị quản gia luôn đặt đúng chỗ, dù miệng của ông đôi lúc lại du lịch tận đâu đâu.
Ông Groanin vẫn chưa ngừng nói:
– Ta hi vọng lời đồn nhất bận quá tam là sự thật, và sự xui xẻo này kết thúc tại đây. Ta nói, ta hi vọng đã hết xui xẻo. Và hi vọng vận xui của mấy đứa đừng có lây sang ta.
Cậu Nimrod nhăn nhó:
– Anh đừng nói nữa được không, Groanin?
Ráng giữ nụ cười trên khuôn mặt, Philippa vòng tay ôm chặt ông Groanin, hi vọng nó sẽ giúp ông khỏi suy nghĩ vẩn vơ này nọ. Cô nói:
– Cám ơn ông đã đến, ông Groanin.
Ông bảo:
– Không cần cám ơn ta đâu, cô bé. Dù sao ta cũng không có việc gì khác tốt hơn để làm. City giờ chẳng chơi đúng phong độ gì cả. Manchester City là đội bóng mà ông Groanin ủng hộ. John cười:
– Đúng là ông Groanin!
Vài phút sau, chuông cửa reo lên và ông Groanin, đúng như một quản gia thực thụ, cởi bỏ tạp dề, mặc áo khoác vào và nhanh chóng ra mở cửa.
Vào cũng gọn gàng như ra, ông thông báo:
– Có một người Mĩ muốn gặp cậu, Nimrod. Một quý bà có vẻ
ngoài không được bình thường cho lắm nói rằng cậu đang chờ bà ấy, và bảo tên bà ấy là Cô Marion Morrison.
Cậu Nimrod bảo:
– Anh mời cô ấy vào thư viện giùm nhé.
Marion Morrison thật sự kì lạ. Bà là một phụ nữ có tuổi cao to với giọng nói khàn khàn, cùng đôi mắt nâu tròn như viên bi mà bà có thể điều khiển để nhìn về hai phía cùng một lúc. Mái tóc ngắn hung đỏ của bà nhìn giống một mớ thép bùi nhùi rỉ sét. Bà mặc một cái áo sơ mi đỏ, một chiếc quần màu nâu vàng, một bộ gi-lê bằng vải da, và một đôi giày ống cao bồi. Một tay bà cầm một cái bánh sandwich đậu to đùng, trong khi tay còn lại giữ một tách cà phê đen nghi ngút khói.
Với một mắt liếc nhìn cặp sinh đôi và mắt còn lại hướng về cậu Nimrod, bà nói:
– Hello! Anh chắc là Nimrod. Còn hai đứa chắc là John và Philippa. Đã nghe nói nhiều về hai đứa. Hầu hết là điều tốt. Xì xụp húp cà phê một tiếng rõ to, bà nói tiếp:
– Cô đã tự chuẩn bị cho mình một ít đồ ăn tối. Hi vọng mọi người không ngại. Mất cả ngày cưỡi lốc gió mới đến đây nên cô có hơi xơ xác ấy mà.
Philippa lịch sự hỏi thăm:
– Chuyến bay của cô tốt đẹp không ạ?
Bà Marion Morrison cười toe:
– Cô đang ở đây, không phải sao?
Rồi cắn một miếng sandwich to, bà nói thêm:
– Tốt như có thể, cô đoán vậy.
Trước sự kinh hoàng của ông quản gia Groanin khó tính, vài hạt đậu từ cái bánh sandwich rớt xuống tấm thảm trải sàn thư viện đắt giá, và đôi giày cao bồi của nữ y tá djinn có vẻ lấm lem bùn đất đối với một người cả ngày ngồi trên lốc gió. Dựng kế bên cửa ra vào là cái túi ngủ cùng vài cái túi yên của bà Marion Morrison, như thể bà chỉ vừa mới xuống ngựa.
Cậu Nimrod nói:
– Chị Jenny Sachertorte nói cô là một y tá djinn.
Người phụ nữ với vẻ ngoài kì lạ giải thích:
– Với djinn, có lẽ vậy. Nhưng với con người, tôi còn hơn là một y tá bình thường. Bác sĩ, thầy thuốc, người chữa bệnh. Mundane vẫn gọi tôi như thế.
Lại húp cà phê cái “rột” trước khi hất cặn vào lò sưởi, bà hỏi: – Ok, thế bệnh nhân của tôi ở đâu? Nếu ông ấy bị dính chú trói buộc Methuselah, thời gian không đứng về phía chúng ta, vì thế chúng ta nên vào việc nhanh đi.
Cậu Nimrod và cặp sinh đôi dẫn vị khách kì lạ của họ lên lầu, và đến lúc họ đứng trước cửa phòng ngủ của ông Gaunt, bà đã xử lí xong cái bánh sandwich to đùng của mình. Bước vào trong phòng, bà giơ hai tay lên như một bác sĩ giải phẫu chuẩn bị bắt tay vào việc, và chúng lập lòe sáng trong một ngọn lửa mỏng màu xanh nhạt trong vài giây khi bà cho phép một lượng nhỏ sức mạnh djinn thoát khỏi cơ thể và đốt cháy những bụi bặm và vi khuẩn bám trên chúng. Ngọn lửa đủ mạnh để làm cháy xém rìa ngoài cổ tay áo của bà.
John vốn chưa bao giờ tận mắt chứng kiến chuyện này trước đây, cậu cảm thấy quai hàm như muốn rớt ra.
Nữ y tá djinn hỏi:
– Có chuyện gì sao, con trai? Cháu chưa bao giờ thấy người ta rửa tay bao giờ à?
John trả lời:
– Ơ… rửa tay bằng sức mạnh djinn thì chưa ạ.
Bà cho biết:
– Tốt hơn nhiều so với nước và xà phòng đấy. Cô chưa bao giờ thích cảm giác nước dính vào da. Nếu cháu hỏi thì cô sẽ bảo rằng djinn mà phải đến gần nước thì thật không tự nhiên chút nào.
Đặt bàn tọa to đùng lên giường của ông Gaunt, bà nhìn ông một cách ôn hòa và nói:
– Chào, ông bạn già.
Với ánh mắt như người bị cận nặng, ông Gaunt nhìn thẳng qua người y tá mới của mình về phía khoảng không sau lưng bà. Chum một bàn tay run rẩy quanh cái lỗ tai kềnh càng đầy lông, ông thều thào hỏi:
– Ai đó? Ai nói gì đó?
Philippa giải thích:
– Cha cháu hơi bị điếc, cô à.
– Ừm… hừm… Ông bạn già có vẻ không được ổn lắm. John nhắc:
– Cha cháu không phải “ông bạn già” gì đâu. Nếu cô không ngại cháu nói thế, thưa bà Morrison. Thực sự ông mới có năm mươi tuổi thôi. Đủ lớn so với một người bình thường, chắc vậy. Nhưng không già đến thế. Ít nhất không phải già như vẻ ngoài hiện tại của ông. Và bình thường cha cháu cũng không có cáu bẳn như bây giờ. Ông
là một người cha rất, rất tốt.
Với một con mắt trông chừng bệnh nhân của mình, vị nữ y tá djinn chuyển con mắt còn lại về phía John và mỉm cười một cách hài lòng.
Bà nói:
– Thật tốt khi nghe cháu nói thế. Cha cháu thật may khi có một đứa con như cháu. Sự thật là, ngay cả người lớn cũng cần đến sự tử tế và cảm thông. Cô đoán cha cháu sẽ cần khoảng hai hoặc ba tháng gì đấy để hồi phục hoàn toàn. Từ giờ cho đến lúc đó, chúng ta có thể giúp làm giảm bớt một số triệu chứng của tuổi già cho ông. Và nhân tiện nói luôn, không phải “bà”, càng không phải “Marion”. Gọi “cô” hoặc “Doc”[2] nhé, con trai.
Ông Gaunt lại hỏi:
– Ai nói gì đó?
Nữ y tá djinn yêu cầu:
– Bây giờ thì ai đó nói cho tôi biết về chú trói buộc này giùm. Cậu Nimrod giải thích cho bà Marion Morrison nghe về bản chất và quy luật thời gian của chú trói buộc Methuselah lên ông Gaunt, cũng như việc cặp sinh đôi được mặc định như nhân tố chế ngự nó. Doc lắng nghe rồi đặt một ngón tay vào trong lỗ tai của ông Gaunt và một ngón khác vào lỗ mũi ông để kiểm tra nhiệt độ. Cặp mắt bà ngừng lại giây lát ở một chậu bonsai đặt trên đỉnh cái tủ com-mốt ở một góc phòng ngủ. Đó là một cây phong của Nhật chỉ cao khoảng bảy mươi centimet.
Bà hỏi:
– Chậu bonsai đó là đồ thiệt à? Đến từ vùng Viễn Đông? Hay chỉ là một mẫu hàng giả làm sẵn?
Philippa trả lời:
– Là đồ thiệt ạ. Nó là quà sinh nhật cha cháu tặng cho mẹ. Ông đã mua nó ở Hồng Kông.
Bà Marion đứng dậy và đến gần cái chậu cây để nhìn kĩ hơn. – Vậy phần đất trong chậu một trăm phần trăm của Trung Quốc?
Philippa nói:
– Cháu nghĩ vậy. Cô có hứng thú với bonsai à?
Bà lắc đầu:
– Không. Cô còn không chịu nổi chúng nữa là.
Nhặt một ít đất từ chậu cây bonsai lên, bà Marion ngửi ngửi nó, nếm thử, phun nó ra rồi gật gật đầu. Một giây sau đó, bà nhổ cái cây nhỏ bé ra khỏi chậu và ném nó vào một góc phòng. Philippa la hoảng:
– Ối. Cái cây đó trị giá hai mươi ngàn đô lận.
– Cô không nghĩ kích cỡ túi tiền của một người có liên quan gì đến bộ não của họ.
Bà Marion phun nước miếng vào một nhúm đất lấy từ trong chậu, rồi đun nóng hỗn hợp trên tay bằng sức mạnh djinn để tạo ra một thứ đất sét mà sau đó bà dùng để trét lên mí mắt của ông Gaunt.
Bà cho biết:
– Nó sẽ giúp tăng cường khả năng thị giác của ông ấy. Đủ để ông có thể đọc báo hoặc coi ti-vi gì đó.
Bà tiếp tục đốt nóng phần đất sét còn lại trong lòng bàn tay cho đến khi nó trở thành một nhúm bột mịn. Rồi bà thổi nó vào bên
trong hai lỗ tai rậm lông cùng hai khoang mũi của ông Gaunt. – Và cái này sẽ giúp ông nghe radio.
Philippa hỏi:
– Vì sao?
Bà Marion giải thích:
– Nước miếng của djinn. Nó có khả năng chữa thương. Ít nhất là với con người. Và khi trộn với đất Trung Quốc, nó trở thành một nguyên liệu tuyệt vời với vô số khả năng siêu nhiên. Cười toe, bà cho biết:
– Đúng là một may mắn bất ngờ khi tìm thấy chậu bonsai ở đây. Cô vừa hết đất Trung Quốc.
Vừa nói, bà vừa nhặt cái chậu cây lên và đổ phần đất còn lại vào một túi ni lông lấy ra từ túi quần.
– Nếu mọi người không ngại, tôi sẽ cất giữ nó. Coi như là phí chữa trị.
Cậu Nimrod thú nhận:
– Tôi hoàn toàn không biết gì về điều này. Về nước miếng djinn và đất.
Bà Marion hỏi cậu:
– Anh chưa nghe nói gì về Adam à?
– Adam?
– Con người đầu tiên được Chúa tạo ra từ đất sét trong Thánh Kinh. Đó chính là ý nghĩa của cái tên đó. Từ đất.
Cậu Nimrod gật đầu:
– À vâng, dĩ nhiên rồi.
Ông Gaunt thình lình chen vào:
– Bà không phải là Layla.
Có vẻ như thị giác của ông đã hồi phục nhiều.
Bà Marion nói:
– Thả lỏng nào, ông bạn già. Tôi là bác sĩ. Chúng tôi đang cố giúp đỡ ông thôi.
Philippa hỏi thăm:
– Có khi cô cũng có thể chữa bệnh cho bà Trump.
Rồi Philippa bắt đầu giải thích về chuyện đã xảy ra cho bà giúp việc của gia đình.
Ông Gaunt hỏi:
– Bà Trump? Tại sao? Chuyện gì xảy ra với bà ấy? Mà vợ tôi đâu rồi? Layla đâu?
John khuyên nhủ cha:
– Thả lỏng đi cha. Đừng cử động nhiều. Cô Morrison ở đây để giúp cha thôi.
Doc nói với Philippa:
– Sáng mai cô sẽ ghé xem thử bà ấy. Mỗi mấy cái đầu là phức tạp thôi.
Trên đường ra khỏi phòng ngủ của ông Gaunt, bà Marion cúi xuống nhặt một thứ gì đó trên sàn. Đó là một viên ngọc trai. Bà nhìn nó trong một giây, rồi, trước khi ai đó kịp ngăn lại, bỏ tọt nó vào miệng và nhai nhồm nhoàm như thể đang nhai một quả hạch, một việc mà không hàm răng con người nào có thể làm nổi.
John kinh ngạc hỏi:
– Cô ăn ngọc trai à?
Bà Marion gật đầu:
– Dĩ nhiên. Nếu cháu là một djinn, chúng tốt cho cháu đấy. Sự hòa hợp của lửa và nước. Một số người gọi chúng là con mắt thứ ba. Xứng đáng là một trong tám báu vật. Ngọc trai là kết tinh của ánh sáng, sự thông thái siêu việt, ý thức tâm linh và tinh hoa của vũ trụ.
Rồi nhe răng cười, bà kết luận:
– Đó là chưa kể, vị của chúng khá ngon.
Tối hôm đó, khi bà Marion và ông Groanin đều đã đi ngủ, sau một cuộc nói chuyện dài với ông Rakshasas, cậu Nimrod gọi cặp sinh đôi vào thư viện. Ở đó, cậu nói cho chúng biết:
– Cậu và anh Rakshasas đã bàn bạc kĩ về chuyện này, và chúng ta nghĩ có lẽ có một cách để mang mẹ hai đứa về.
Như thường lệ, cậu mặc một bộ vét đỏ, đứng bên cạnh là ông Rakshasas – đang mặc một bộ đồ trắng – hai djinn lớn nhìn giống quốc kì Indonesia – mọi người đều biết nó bao gồm một vạch đỏ nằm phía trên một vạch trắng. Cả hai ngồi rất gần lò sưởi – quá gần là đằng khác – nhưng dĩ nhiên, vì là djinn, những người tạo nên từ ngọn lửa, họ vẫn cảm thấy thoải mái như hai lát bánh mì nướng phết bơ nóng hổi.
Philippa hỏi:
– Bằng cách nào?
Cô đã hoàn toàn từ bỏ hi vọng thật sự được gặp lại mẹ mình lần nữa, vì bản thân cô biết rõ trở thành Djinn Xanh Babylon đồng nghĩa với việc tự đặt bản thân ra khỏi phạm trù Tốt-Xấu, và chỉ
biết lắng nghe tiếng nói lạnh lùng, cứng nhắc của logic thuần túy như một vị giáo sư dạy toán đáng sợ. Người ta tin rằng, chỉ như vậy, Djinn Xanh mới có thể trở thành thẩm phán tối cao đại diện cho cả ba tộc djinn Thiện và ba tộc djinn Ác. Và chỉ như vậy mới có thể giữ nguyên cán cân sức mạnh giữa hai phe. Philippa gỡ cặp mắt kính đột ngột trở nên mờ hơi nước của mình ra chùi mạnh. Nội nghĩ đến việc không bao giờ còn có thể gặp lại người mẹ quen thuộc cũng đủ khiến cô rơi nước mắt.
Ông Rakshasas cho biết:
– Các cháu nên lưu ý rằng, đây chỉ là một ý tưởng. Chắc chắn không nên đặt hết tất cả hi vọng vào một trận đua ngựa ở Dingle Beach. Khi mà chúng ta chưa hỏi cậu ấy. Hoặc, trong hoàn cảnh này, cô ấy. Nó sẽ không dễ dàng như một cuộc đi dạo trong công viên Phoenix, ông nghĩ vậy.
John hỏi lại:
– Cậu ấy? Cô ấy? Ông đang nói ai vậy? Ông Rakshasas, ông có thể nói thẳng vào vấn đề giùm cháu được không?
Cậu Nimrod thay ông trả lời:
– Là Dybbuk. Và chị cậu ấy, Faustina. Chúng ta sẽ cần đến sự giúp đỡ của họ.
Philippa thắc mắc:
– Nhưng không phải Faustina đã đánh mất cơ thể ở Anh hay sao? Sau khi cậu trục xuất linh hồn chị ấy khỏi Thủ tướng? Cậu Nimrod cho biết:
– Gần như thế. Khi guru Masamjhasara, lúc ấy còn là bác sĩ Warnakulasuriya, lấy mẫu máu của Thủ tướng Anh, gã đã vô tình ngăn không cho Faustina thu hồi lại cơ thể. Ít nhất là không thể
nếu không có sự giúp đỡ của một djinn khác. Một phần nhỏ linh hồn của cô bé đã vĩnh viễn mất đi với mẫu máu mang đi thử đó. Philippa nói:
– Cháu vẫn không hiểu chị ấy có thể giúp được chúng ta như thế nào.
John gật đầu:
– Cháu cũng không hiểu.
Cậu Nimrod giải thích:
– Nếu, bằng một cách nào đó, chúng ta có thể hợp nhất linh hồn và cơ thể của Faustina, nhiều khả năng cô bé ấy sẽ trở thành Djinn Xanh thay cho mẹ hai đứa.
Ông Rakshasas cho biết thêm:
– Đúng lí thì Faustina mới là Djinn Xanh Babylon đời tiếp theo. Cô bé ấy chính là người được lựa chọn. Nhưng việc Faustina đánh mất cơ thể đã xáo trộn tất cả. Thế đấy.
Philippa hỏi lại:
– Nhưng liệu có thể không? Việc hợp nhất cơ thể và linh hồn của chị ấy như cậu tả?
Cậu Nimrod gật đầu bảo:
– À, có thể chứ. Chỉ cần chúng ta biết được phải tìm kiếm linh hồn của Faustina ở đâu. Đó là điều cậu không biết, cho đến khi cháu nói cho cậu, Philippa.
– Cháu?
– Chẳng phải cháu đã kể khi đến đảo Bannerman, cháu từng nghe tiếng của một cô bé vô hình thì thầm vào tai hay sao? Đảo Bannerman, nằm trên sông Hudson của thành phố New
York, là nơi dì Felicia của Dybbuk sống một cuộc sống huy hoàng nhưng cô độc phát khiếp.
Philippa gật đầu:
– Đúng là thế. Dù chỉ trong tích tắc. Và cháu còn cảm thấy một cái gì đó vuốt nhẹ qua người. Giống như một sợi tơ nhện vắt ngang. Ý cậu là, linh hồn của chị Faustina có thể ở đó?
John lẩm bẩm:
– Khi cảm thấy nguy hiểm, Dybbuk cũng đã trốn đến đảo Bannerman, vì cậu ấy cảm thấy an toàn ở đó. Cháu cá là chị Faustina cũng cảm thấy như vậy.
Philippa thắc mắc:
– Nhưng linh hồn nếu rời khỏi cơ thể quá lâu không phải sẽ bị tan biến trong không gian sao? Cậu đã nói thế với tụi cháu lúc ở Ai Cập.
Cậu Nimrod cho biết:
– Đó là sự thật. Nhưng chỉ là khi cháu không thể đến được một nơi thân thuộc với cháu. Như một hồn ma thường ám ngôi nhà của nó. Nếu có thể tìm được một nơi như vậy, linh hồn của cháu có thể bám trụ ở đó vĩnh viễn. Với Faustina, có lẽ đảo Bannerman là một nơi như vậy.
Philippa hỏi:
– Có nghĩa, tất cả những gì chúng ta cần làm là đến đảo Bannerman và hợp nhất cơ thể với linh hồn của chị ấy? Ông Rakshasas cho biết:
– Nói thì đơn giản, nhưng không phải vậy.
John rên rỉ:
– Biết ngay là sẽ không đơn giản như thế mà.
Cậu Nimrod giải thích:
– Cần có ai đó bước vào thế giới hư vô dưới hình dạng linh hồn. Người đó sẽ phải để lại cơ thể, và bước qua cổng vào trên bức tường của thế giới bên kia để có thể nói chuyện với Faustina. Philippa hỏi:
– Cổng vào loại nào cơ?
Cậu Nimrod trả lời:
– Một đền thờ cổ đại. Ai Cập, Maya, hoặc Babylon. Đó thật sự là mục đích chúng được tạo ra.
Ông Rakshasas góp ý:
– Tôi nghĩ dùng đền thờ Ai Cập là tốt nhất. Như vậy chúng ta sẽ được một người hầu Ka trợ giúp nếu đụng phải những linh hồn hung ác.
John hỏi:
– Vậy ai sẽ làm việc đó?
Cậu Nimrod nói:
– Phải là một ai đó cùng lứa tuổi với Faustina. Người mà cô bé ấy tin tưởng.
John trả lời thay cậu:
– Là Dybbuk.
Cậu Nimrod gật đầu:
– Ừ. Đó là điều cậu nghĩ.
John khẳng định:
– Cậu ấy sẽ đồng ý. Chắc chắn cậu ấy sẽ làm. Faustina là chị
của cậu ấy mà.
Ông Rakshasas thở dài:
– Có lẽ. Nhưng ông nghĩ Dybbuk cần phải được thuyết phục một cách thận trọng. Người ta cần bước chậm trên một con đường không quen thuộc.
John vẫn khăng khăng:
– Cậu ấy chắc chắn sẽ làm.
Và lần đầu tiên cậu quyết định trả lời ông Rakshasas bằng một câu thành ngữ:
– Người ta vẫn thường nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà.
Ông Rakshasas nói bằng một giọng khiến John có cảm giác ông không chắc chắn mấy:
– Ừ. Mật ong thì rất ngọt, nhưng cần phải là một người dũng cảm mới dám liếm nó trong tổ ong.
Cậu Nimrod nói:
– Anh Rakshasas nói đúng đó, John. Cần dùng găng tay chống phỏng khi đối xử với Dybbuk tội nghiệp. Cậu ấy vẫn còn bị sốc nặng sau khi biết được cậu ấy là ai, là cái gì. Nhưng chúng ta không còn nhiều thời gian. Sau chưa đầy ba mươi ngày nữa, sẽ quá trễ để Faustina thay thế mẹ cháu trở thành Djinn Xanh. Vì thế, tối nay cậu sẽ đi và nói chuyện với Dybbuk nội trong ngày mai.
John vừa định gợi ý rằng, sẽ tốt hơn nhiều nếu cậu đi chung với cậu Nimrod vì cậu và Dybbuk là bạn thân. Nhưng rồi, John nhớ đến cha mình và chú trói buộc Methuselah.
– Cậu đồng ý với cháu, John.
Cậu Nimrod nói, vì dù không có khả năng đọc suy nghĩ của người khác, cậu lại có thể đọc được những gì viết ra trên mặt đứa cháu trai của mình:
– Có lẽ mang cháu theo là một ý tưởng tốt. Để cho chắc ăn. John thắc mắc:
– Nhưng bằng cách nào? Tụi cháu phải ở đây, không phải sao? Cháu và Phil. Không thì cha cháu sẽ lại lão hóa lần nữa. Ông Rakshasas, tác giả cuốn Những quy luật Baghdad rút gọn, người nắm rõ những việc một djinn có thể và không thể làm, cho biết:
– Có thể có một cách. Một Posse Commodata. Nghĩa là một sự cho mượn sức mạnh. Phần lớn djinn đều ngại cho một djinn khác mượn sức mạnh của mình, vì nó đòi hỏi một sự tin tưởng đặc biệt. Nhưng ông nghĩ nó sẽ không là vấn đề gì giữa các cặp sinh đôi. Chú trói buộc Methuselah chỉ bị ảnh hưởng bởi tổng lượng sức mạnh djinn, không phải bởi cơ thể cháu, John à.
John nói:
– Cháu hiểu rồi. Vậy cháu phải làm thế nào? Làm thế nào để cháu đưa cho Phil toàn bộ sức mạnh của cháu?
Ông Rakshasas nói:
– Đừng trở thành một con ngỗng trời vội vã chui đầu vào hang cáo, chàng trai trẻ. Đưa cho một djinn khác toàn bộ sức mạnh của cháu không phải là một chuyện nói cái làm liền. Không những vậy, Posse Commodata không phải là việc ai cũng thích. Trước và sau đó. Cách duy nhất để một djinn cho một djinn khác mượn sức mạnh là tập trung tất cả hơi nóng bên trong cơ thể và thổi chúng vào trong tai của djinn kia.
– Thổi vào trong tai Phil ấy à?
Ông Rakshasas gật đầu:
– Trong khoảng sáu mươi giây.
John nhìn vào tai của em gái và nhăn mặt một cách ghê tởm. – Không đời nào. Ông nói đùa thôi, đúng không? Ý cháu là, ai cũng được, nhưng không phải Phil. Tởm chết được.
Philippa lạnh lùng bảo:
– Tin em đi, em cũng chả vui sướng gì đâu. Nội nghĩ đến việc cái miệng chảy nước của anh dính vào người là đủ để em nổi cả da gà rồi.
Ông Groanin hỏi:
– Chuyện đó tởm ở chỗ nào mới được?
John phản đối:
– Thứ nhất, Phil là em gái cháu.
Philippa tiếp lời:
– Và thứ hai, John là anh trai cháu.
John kết thúc:
– Đó không phải là chuyện anh trai em gái làm với nhau. Thổi vào tai nhau như vậy. Tụi cháu không làm đâu.
Cậu Nimrod và ông Rakshasas giữ im lặng để cặp sinh đôi tự do phản đối, nhăn nhó này nọ, vì họ biết, như hai đứa trẻ cũng biết, bất chấp những từ ngữ gay gắt đó, chúng sẽ phải làm việc đó. Và sau một lúc, khi John và Philippa đã ngừng la hét và nhăn nhó với nhau, chúng cùng nhìn về phía hai djinn lớn, lòng cảm thấy có chút xấu hổ vì đã cư xử trẻ con như vậy.
John lên tiếng trước tiên:
– Cháu xin lỗi vì đã lớn tiếng như thế.
Philippa nói:
– Cháu nữa. Cháu thật không biết tại sao lại xử sự như vậy nữa. Mỉm cười trìu mến, ông Rakshasas khuyên:
– Khi nào lớn hơn, các cháu sẽ học được sự im lặng chính là hàng rào bảo vệ cánh đồng cất giữ sự thông thái. Trong cuộc sống, các cháu sẽ phải học cách để một củ khoai tây nhỏ đi kèm với một củ khoai tây lớn.
Không chắc rằng cậu có thể hiểu hết những điều ông Rakshasas muốn nói, John bình tĩnh hỏi:
– Cháu phải làm gì bây giờ?
Cậu Nimrod hướng dẫn Philippa nằm xuống sàn, rồi bảo John đặt ngón tay quanh lỗ tai em gái. Cậu chỉ bảo:
– Bây giờ, John, cháu hãy hít thở một hơi thật sâu rồi áp miệng vào tai Philippa, như thể cháu đang cố ăn nó. Rồi cháu phải thở mạnh vào đó, cho đến khi cậu bảo dừng lại.
John lầm bầm:
– Anh hi vọng lỗ tai của em sạch sẽ.
Philippa trả đũa:
– Em cá là nó sạch hơn tai anh nhiều.
John nhìn về phía cậu Nimrod và nâng một bên lông mày, như thể muốn mách cậu về sự khiêu khích mới nhất của cô em gái. Nhắm nghiền đôi mắt, Philippa giục:
– Nhanh lên, đồ ngốc.
Giữ tai em, John cúi người xuống.
Philippa phàn nàn:
– Ối. Hơi thở của John. Nóng quá đi.
Cậu Nimrod giải thích:
– Thì phải vậy mới đúng mà, Philippa.
Ngay khi John xong việc, Philippa nhanh chóng lăn qua một bên, vội vã đưa cẳng tay lên chùi mạnh tai.
– Ôi trời. Thật kinh khủng. Cứ y như bị một con cá mút đá bám vào tai ấy.
Sự khó chịu mà John cảm thấy khi phải ép miệng vào tai em gái nhanh chóng bị thay thế bởi cảm giác tồi tệ của sự tầm thường vốn có ở loài người. Nó giống như một phần nhỏ của cậu đã chết đi. Cậu đứng lên, rồi ngồi xuống gần như ngay lập tức, hai tay ôm đầu.
Cậu hỏi nhỏ như muỗi:
– Cá mút đá là gì?
Em gái cậu mô tả một cách ác ý:
– Một loài cá không có hàm. Với một cái miệng hút lởm chởm răng như một cái phễu. Có phần giống một con lươn. John mỉm cười một cách yếu ớt.
Cậu Nimrod hỏi:
– Cháu thấy thế nào, John?
John trả lời:
– Như thể cháu là đồ bỏ đi ấy.
Quay qua cô cháu gái, cậu Nimrod hỏi:
– Còn cháu, Philippa? Cháu thấy thế nào?
Cô cho biết:
– Mạnh gấp đôi. Như thể cháu vừa cắm mình vào ổ điện, rồi uống cạn một cốc cà phê đen đậm đặc ấy.
Cậu Nimrod gật đầu bảo:
– Cậu nghĩ hai cháu làm được rồi đó.
John hỏi:
– Cảm giác làm mundane là như thế này sao?
Giờ đây đã bắt đầu hối hận về những điều không tốt đã nói với John, Philippa đặt một tay lên vai anh như muốn an ủi và hỏi: – Là cảm giác như thế nào vậy anh?
– Giống như anh vừa về cuối trong cuộc đua marathon toàn thành New York, và đâu đó trên đường đua, đã đồng thời đánh mất một thứ gì đó rất, rất quan trọng. Như một cẳng chân. Anh cảm thấy như thể mình bị dính phải một virus ác tính nào đó.
Ông Rakshasas gật gù:
– Người ta sẽ không bao giờ tiếc thương nguồn nước cho đến khi cái giếng cạn khô.
John đồng ý với ông:
– Đúng là vậy.
Rồi hít một hơi thật sâu, cậu đứng dậy và hỏi:
– Khi nào chúng ta lên đường?
Cậu Nimrod trả lời:
– Ngay bây giờ. Chúng ta thật sự không có thời gian để lãng phí. Rời khỏi nhà, họ đi đến Công viên Trung tâm của New York, nơi gần như vắng vẻ hoàn toàn vào lúc nửa đêm như thế này. Ở đó, trong một mảnh đất trống, cậu Nimrod tạo ra một ngọn gió lốc
mạnh mẽ nhưng vô hình, bị đánh dấu chỉ khi có một tờ báo bỏ đi quay vòng vòng ở đuôi xoáy lốc. Chỉ vài giây sau đó, cậu và John bắt đầu được nâng cao lên đỉnh ngọn gió lốc như thể được triệu hồi đến một cuộc hội họp trên thiên đường. Philippa và ông Rakshasas dõi mắt nhìn theo cho đến khi họ đã cách mặt đất chừng mười lăm mét. Đến lúc này, cậu Nimrod chuyển cái phễu gió của mình về phía tây và, với vận tốc lên tới 261 dặm/giờ – mức độ F5 trên máy đo cường độ bão cải tiến Fujita-Pearson – họ biến mất trong bầu trời đêm Manhattan.
Chương 3
Ảo thuật gia
Dybbuk muốn gặp cha ruột.
Điều đó cũng bình thường thôi, không phải sao? Iblis có thể là djinn quỷ quyệt nhất trên thế giới, nhưng mình dù sao cũng là con ruột của ổng. Mình đâu có sai khi muốn gặp ổng đâu chứ. Tất cả mọi đứa trẻ đều muốn gặp ông già mình, dù ổng có là một con quái vật.
Nhưng cùng lúc, cậu cũng biết rõ mẹ mình, bà Jenny Sachertorte, sẽ không bao giờ đồng ý với điều đó. Thứ nhất là, bà sợ Iblis. Hầu hết những ai có lí trí đều sợ gã. Lí do khác là, bà sợ việc gặp gỡ Iblis sẽ lôi kéo Dybbuk đi theo con đường xấu.
Mình thật không biết bả lo lắng cái gì nữa. Mình có phải là một người quỷ quyệt như Iblis đâu. Ừ thì đôi lúc mình cũng có quậy phá chút đỉnh. Đứa trẻ nào chả vậy? Nhưng điều đó không có nghĩa mình là một kẻ xấu. Biết đâu được, nếu gặp mình, có khi Iblis lại bớt xấu đi cũng nên. Có thể vì không có mình bên cạnh khuyên bảo nên ổng mới tệ như vậy.
Dybbuk biết nên tìm cha ở đâu. Tất cả djinn đều biết Iblis chính là người điều khiển Las Vegas, chứ không phải Mafia như loài người vẫn nghĩ. Và Vegas thật sự không xa Palm Spring – nơi
Dybbuk ở là bao. Tất cả những gì cậu cần làm là đi đến đó. Nhưng cậu phải thuyết phục mẹ như thế nào để có thể chuồn đi đây? Từ khi quay trở về nhà từ Ấn Độ, bà lúc nào cũng kè kè theo sát cậu. Tệ hơn nữa, bà còn bắt cậu phải lập lời thề rằng, cậu sẽ không tự mình cưỡi lốc gió đi đâu mà không xin phép. Cậu bị cấm túc một chỗ mất tiêu rồi.
Dybbuk trước giờ vẫn luôn cười nhạo khi nghe bọn trẻ trong trường sử dụng từ “cấm túc”, như thể nó có ý nghĩa đặc biệt gì đó. Dĩ nhiên, không giống chúng, lần này cậu thật sự bị cấm túc theo đúng nghĩa đen của nó. Ừ thì cậu vẫn có thể bắt xe buýt đến Vegas đấy, nhưng Dybbuk lại quá lười để làm một chuyện như thế. Vả lại cậu ghét xe buýt. Thậm chí có phần sợ nó, cũng như những hành khách hung hăng nặng mùi của nó. Đó là chưa kể đến xe buýt làm chứng sợ không gian chật của cậu phát tác. Đó là một triệu chứng bình thường cho tất cả djinn, những người cực ghét những không gian khép kín, ngoại trừ cái đèn của họ.
Vì thế Dybbuk ở nhà và ngấm ngầm lập một kế hoạch có thể “hợp pháp” đưa cậu đến Las Vegas.
Có nhiều lúc Dybbuk có thể điều khiển mẹ mình như chơi một cây đàn ghita. Cậu biết cách để nhặt bà lên, chỉnh phím bà một chút, và rồi búng dây để nghe được giai điệu mà cậu muốn nghe. Cậu biết chính xác phải làm gì để bà nói những điều mà bà thường nói. Cho nên, cậu lù lù đi quanh quẩn trong nhà với một khuôn mặt u ám, không nói một tiếng nào mà chỉ trừng mắt nhìn vào không khí. Trong khi đó, mẹ cậu nướng cho cậu cái bánh cà ri mà cậu thích nhất, cho phép cậu xem những đĩa DVD không hợp lứa tuổi, cho cậu tiền tiêu vặt, và thậm chí mua cho cậu một đĩa game PlayStation mới. Nhưng cậu vẫn giữ nguyên một bộ mặt hãm tài.
Và cuối cùng bà Sachertorte cũng bùng nổ như một trái pháo. Bà giật cái bát ngũ cốc mà cậu chọn để ăn thay vì cái bánh bà đặc biệt làm cho cậu và ném nó vào tường.
Bà hét lên:
– Dybbuk.
Chỉ khi nào thật sự giận dữ, bà mới gọi tên cậu đầy đủ như vậy, thay vì cái tên Buck mà cậu ưa thích.
– Con đang thử thách lòng kiên nhẫn của mẹ đó hả? Mẹ nướng bánh cho con. Mẹ mua game cho con. Và con vẫn đi lòng vòng, trưng ra một khuôn mặt như đưa đám. Mẹ phải làm gì con mới vui lên được đây hả?
A ha, cá mắc câu.
– Mẹ không thể làm gì để con cười một tiếng sao?
Dybbuk gật đầu:
– Có thể ạ. Con muốn đi Las Vegas.
Bà Jenny Sachertorte nheo mắt nghi ngờ hỏi:
– Vegas? Con muốn đến đó làm gì? Con còn quá bé để dính vào mấy trò cờ bạc, và quá lớn để tham gia tour tham quan Nhà máy Chocolate. Ngoài ra, không djinn phe Thiện nào đến Vegas mà không phải cẩn thận. Con biết nơi đó điều hành bởi tộc Ifrit mà.
Trợn ngược hai mắt lên đỉnh đầu, Dybbuk rên rỉ như một cây kèn fagôt:
– Quên đi.
Mẹ cậu vội nói:
– Không, không, không. Nếu nó làm con thấy vui, chúng ta sẽ đi Las Vegas. Chỉ cần con nói cho mẹ biết tại sao con muốn đến đó.
Con thích nhìn đèn ở đó hả?
Dybbuk càu nhàu:
– Con ghét đèn. Một mớ lòe loẹt và ngớ ngẩn.
– Vậy thì tại sao?
– Con muốn xem Adam Apollonius biểu diễn.
Adam Apollonius là ảo thuật gia nổi tiếng nhất ở Mĩ. Gã đồng thời còn là tác giả của vài trò ảo thuật đánh bóng tên tuổi đầy ấn tượng, như màn trốn thoát khỏi cú rơi tự do từ máy bay với cả người bị trói chặt, hay màn bịt mắt leo tháp Sears ở Chicago. Dybbuk có một tấm poster của gã treo trên tường phòng ngủ.
Mẹ cậu hỏi:
– Mẹ không hiểu tại sao con lại hứng thú với mấy cái trò đó. Con biết đó chỉ là ảo giác đánh lừa thị giác thôi mà. Bất cứ djinn nào cũng có thể làm ra ma thuật thật sự. Adam Apollonius có gì đặc biệt chứ?
Dybbuk ngáp dài:
– Con không biết. Có thể vì cách ông ấy làm nhìn bảnh hơn nhiều so với chúng ta. Ngoài ra, chính vì nó là ảo giác nên con mới thích. Giống như mẹ nói, chúng ta có thể thật sự làm ra ma thuật. Khiến cho nó trở nên bình thường. Trong khi ông ấy có thể làm một show diễn hoành tráng với nó mà không cần phải giữ kín bí mật như chúng ta.
Bà Jenny Sachertorte nói:
– Con biết tại sao chúng ta phải giữ bí mật mà. Để bảo vệ chính chúng ta.
Dybbuk lại ngáp một cái rõ to. Rồi nhún nhún vai, cậu nói:
– Vâng, con biết. Thế này, chỉ là mẹ hỏi con điều gì làm con thấy vui. Và con trả lời. Nhưng nó chả quan trọng gì. Mẹ cứ quên chuyện đó đi, ok?
Mẹ cậu dĩ nhiên vội nói:
– Không, chúng ta sẽ đi Vegas. Nghe cũng có vẻ vui mà. Dybbuk tự chúc mừng bản thân vì kế hoạch của cậu đã thành công.
Mình mà ở Las Vegas thì không có lí nào cha không biết. Ổng sẽ đến tìm mình. Chắc chắn là thế. Và cũng chẳng phải mình muốn ổng phải làm gì cho mình. Tất cả những gì mình muốn làm là nói chuyện với ổng. Ngồi với ổng trong vài giờ.
Cậu mỉm cười.
Mẹ Dybbuk cũng cười:
– Đấy, như vậy có phải được hơn không. Mẹ chỉ muốn con được vui vẻ thôi, con yêu.
* * *
Iblis vẫn luôn trông chờ cái ngày đứa con nhỏ nhất của gã xuất hiện tại Las Vegas. Trên thực tế, gã đã chờ đợi ngày này trong nhiều năm qua, mặc dù gã không nghĩ nó sẽ đến sớm như vậy. Và đúng là may mắn cho Iblis, dĩ nhiên điều đó đồng nghĩa xui xẻo cho chúng ta, khi Dybbuk và mẹ xuất hiện tại thủ đô cờ bạc của thế giới chỉ vài giờ sau khi Iblis bị thương bởi một cặp hổ đen djinn. Bị thương nghiêm trọng đến nỗi gã buộc lòng phải từ bỏ cơ thể cũ và tìm kiếm một cái mới. Iblis còn đang trong quá trình chọn lựa vật
chủ nhàm chán ấy khi thình lình gã cảm nhận được sự hiện diện của thằng con trai, giây phút mà Dybbuk bước ra khỏi máy bay và đặt chân lên nền đất sa mạc phủ tarmac[3] của sân bay quốc tế McCarran. Đó là một may mắn khác cho Iblis. Nếu còn ở trong hình dạng người bình thường, có lẽ gã sẽ không bao giờ cảm nhận được sự hiện diện của thằng bé. Một hình dạng vật lí làm djinn kém nhạy cảm hơn với các dao động vũ trụ. Nhưng vì đang tồn tại dưới dạng linh hồn nguyên chất tạm thời này, gã có thể dễ dàng phát hiện Dybbuk đã ở Las Vegas – một chuyện mà bà Jenny Sachertorte không bao giờ nghĩ tới.
Di chuyển với tốc độ ánh sáng, Iblis bay vụt qua bầu không khí Nevada khô ráo như một quả tên lửa vô hình nhằm thẳng hướng mục tiêu vẫn không hề hay biết gì của gã. Gã thấy thằng bé và mẹ nó ở dãy băng chuyền hành lí, lập tức nhận ra Jenny Sachertorte trong bộ áo vét quần dài đính kim cương giả màu đỏ tươi của bà. Thằng bé thì cao ráo, dễ nhìn, và rõ ràng có một sức lôi cuốn nào đó.
Iblis nghĩ thầm một cách kiêu ngạo:
– Giống y như cha nó.
Và chỉ mất vài giây để Iblis xâm nhập vào đầu Dybbuk và khám phá hết mọi bí mật của thằng nhỏ. Với một nụ cười ma quái và quỷ quyệt, Iblis nhận ra kế hoạch thiên tài mà gã đã nung nấu trong gần mười ba năm qua giờ đây đã sẵn sàng để triển khai tức khắc.
Nhanh như khi gã chiếm lấy cơ thể Dybbuk, Iblis biến mất lần nữa, trước khi bà Jenny Sachertorte – hoặc chính bản thân Dybbuk – kịp nhận ra linh hồn của gã djinn xấu xa đã tiếp cận họ. Bà hỏi Dybbuk:
– Chuyện gì vậy con? Vừa rồi tự nhiên con dại ra mấy giây. – Vậy hả?
– Ừ. Mẹ nhờ con lấy giùm cái túi xách, và con nhìn như thể không nghe mẹ gọi vậy.
– Thì con có nghe tiếng mẹ đâu. Cái tai của con. Con còn chưa hồi phục sau khi phải ngồi chết dí trong cái máy bay đó. Con ghét máy bay chẳng kém xe buýt.
– Nó sẽ qua ngay ấy mà. Con uống thêm một viên thuốc than đi. – Con vẫn không hiểu tại sao chúng ta phải di chuyển bằng máy bay, thay vì dùng lốc gió.
– Chúng ta đã ở đây, không phải sao? Đừng phàn nàn nữa. Ngoài ra, mẹ không muốn thu hút sự chú ý khi sử dụng sức mạnh djinn. Con nhớ mẹ dặn không, Buck? Nơi này đầy rẫy Ifrit, và nếu chúng cảm nhận được chúng ta sử dụng sức mạnh djinn, chúng ta có thể gặp rắc rối. Ok?
– Ok. Ok.
Họ bắt một chiếc taxi đến khách sạn Winter Palace, nơi họ đã đặt một gian phòng trên tầng mái với tầm nhìn bao quát cả Las Vegas. Vào buổi tối, họ đi xem chương trình biểu diễn của Adam Apollonius, và cũng đã đặt trước hai ghế ngồi hạng nhất tại đó. Apollonius là một gã đàn ông cao gầy với chòm râu dê, bông tai đeo một bên cùng rất nhiều hình xăm. Bà Jenny Sachertorte nghĩ gã trông giống và nói năng như một ngôi sao bóng đá Anh.
Buổi biểu diễn được chia làm hai phần. Trong phần đầu, Apollonius làm vô số loại gấu – gấu Bắc cực, gấu xám – hiện ra và biến mất từ vô số vị trí khác nhau trên thính phòng. Gã còn tự biến bản thân thành một con khỉ đột lưng bạc thực thụ rồi biến lại bình
thường, trước khi để cho một người đàn ông cầm một cái rìu khổng lồ chặt đầu gã, sau đó cầm cái đầu vẫn còn nói chuyện không ngừng ấy đi mấy vòng trên sân khấu. (Với những ai không thích Adam Apollonius, đây thường là phần hấp dẫn nhất của màn trình diễn.)
Bác sĩ Sachertorte cố giữ một vẻ mặt bình thường, nhưng dĩ nhiên bà đang ngán đến tận cổ. Ngược lại, Dybbuk lại có vẻ bị lôi cuốn. Đến giờ giải lao, họ đi mua một ít nước uống, và bà Sachertorte hỏi Dybbuk xem liệu cậu có phiền nếu bà không quay lại coi phần tiếp theo hay không.
Dybbuk bảo bà:
– Con chẳng phiền gì đâu.
Trong phần hai, Apollonius làm một con voi biến mất khỏi sân khấu, một màn biểu diễn mà, ngay cả dưới cặp mắt djinn của Dybbuk, cũng có vẻ rất ấn tượng. Rồi Apollonius tuyên bố gã cần một khán giả tình nguyện lên giúp thực hiện màn ảo thuật đặc trưng nhất của gã: Bắt Đạn Ma Thuật. Gã chọn Dybbuk lên sân khấu. Và Dybbuk dĩ nhiên nhảy cỡn lên vì vui sướng. Cậu thích súng gần như thích ảo thuật vậy.
Trong trò Bắt Đạn, một viên đạn đánh dấu được bắn về phía ảo thuật gia, ông ta sẽ dùng răng chụp lại nó. Ấy là màn ảo thuật nguy hiểm nhất đã lấy đi mạng sống của hơn một tá ảo thuật gia. Apollonius, vốn không bao giờ làm cái gì nửa vời, đề nghị Dybbuk dùng súng trường bắn vào đầu gã. Trước khi Dybbuk kịp xác định chính xác Apollonius sẽ thực hiện màn trình diễn đánh lừa thị giác này như thế nào, gã đã yêu cầu dàn nhạc chơi một điệu trống giòn giã và mời người trợ tá tình nguyện của gã bóp cò.
Nửa giây sau, Apollonius hét lớn bảo Dybbuk dừng lại. Quá trễ.
Súng nổ và Adam Apollonius, người có vẻ đã bị bắn trúng, hét lên thảm thiết rồi nằm lăn lộn trên sàn. Khán giả đồng loạt đứng dậy. Tiếng la thét, gào rú vang lên khắp nơi. Vài người vụt chạy lên sân khấu. Kinh hoảng, Dybbuk ném khẩu súng trường qua một bên và chạy về phía ảo thuật gia xấu số.
Nhưng chỉ một giây sau đó, Apollonius nhảy bật dậy, nhe răng cười một cách đắc ý, với một viên đạn súng trường nằm chình ình giữa hai hàm răng. Gã đưa viên đạn cho Dybbuk để xác nhận nó chính là viên đạn cậu vừa đánh dấu ban nãy, rồi cúi chào khán giả trong tiếng vỗ tay vang rền rung chuyển cả thính phòng. Nắm lấy tay Dybbuk, Apollonius mời cậu bé djinn cùng chào khán giả trước khi đi cùng gã vào sau cánh gà.
Khỏi nói cũng biết Dybbuk vui sướng đến dường nào khi được gặp gỡ thần tượng của cậu.
Cậu thú nhận khi chỉ còn hai người bọn họ trong phòng thay đồ của nhà ảo thuật:
– Mới nãy cháu cứ nghĩ cháu đã bắn trúng chú rồi. Apollonius cho biết:
– Chỉ là diễn thôi, chàng trai. Khán giả luôn kích động khi nghĩ có tai nạn xảy ra. Họ khoái ý tưởng ta bị giết ấy mà. – Giống như Houdini vĩ đại, phải không chú?
– Cháu có vẻ biết nhiều về ảo thuật nhỉ?
Dybbuk nói:
– Houdini vĩ đại nhất. Nhưng chú cũng rất tuyệt.
Apollonius cố tỏ vẻ khiêm tốn, nhưng thất bại.
– Thế còn cháu thì sao? Cháu có làm được trò ảo thuật nào
không?
– Dĩ nhiên được.
Bị tiêm nhiễm bởi ánh đèn rực rỡ của Las Vegas cùng không khí sôi động của một buổi trình diễn hoành tráng trên sân khấu, Dybbuk muốn gây ấn tượng với thần tượng của cậu. Bất chấp lời cảnh báo của mẹ về việc sử dụng sức mạnh djinn, cậu quyết định cho Apollonius thấy một thứ mà nhà ảo thuật chắc hẳn sẽ nghĩ là trò ảo thuật cận cảnh thay vì là một phép thuật thực sự. Dybbuk duỗi tay ra, kéo tay áo lên, như cách các ảo thuật gia thực thụ thường làm trên tivi, và đưa cho Apollonius xem lòng bàn tay rồi mu bàn tay trống trơn của cậu. Dybbuk thì thầm từ trọng tâm của cậu. Và khi cậu quay ngược lòng bàn tay lại lần nữa cho Apollonius xem, có một thanh chocolate trên đó.
Apollonius khen ngợi:
– Rất tốt.
Dybbuk làm điệu bộ lịch sự hỏi:
– Tôi có thể mượn khăn tay của ngài không, thưa ngài? Apollonius rút khăn tay ra khỏi túi nơi ngực áo và, theo yêu cầu, trùm nó lên thanh chocolate trong tay Dybbuk. Dybbuk lại thầm thì từ trọng tâm một lần nữa, rồi nhấc cái khăn tay lên, cho thấy thanh chocolate đã biến mất. Apollonius bắt đầu vỗ tay tán thưởng. Gã hỏi:
– Cháu bao nhiêu tuổi rồi, con trai?
– Gần mười ba ạ.
Nhà ảo thuật nhận xét:
– Đây là màn ảo thuật cận cảnh tuyệt nhất mà ta từng thấy. Và
tin ta đi, ta đã thấy rất nhiều màn tuyệt vời. Cháu còn màn nào khác không?
– Để xem…
Dybbuk lẩm bẩm, và suy nghĩ trong giây lát.
– … Khinh công một chút nhé?
Cậu đã từng thấy trên tivi những ảo thuật gia đường phố bay lơ lửng cách mặt đất vài centimet. Đó là trò ảo thuật thực hiện nhờ một cặp nam châm cực mạnh gắn vào gót giày người biểu diễn: bạn chỉ cần cởi một chiếc giày ra, để nó dính vào chiếc kia rồi nhấn một chân lên không trung. Thông thường, ảo thuật gia sẽ ăn gian đôi chút với máy camera, nên khán giả chỉ thấy được một bên cơ thể nhà ảo thuật. Nhưng dù sao trò đó nhìn cũng khá ấn tượng.
Biết đâu nếu tạo ra một ngọn lốc gió nhỏ xíu ở bên dưới bàn chân, cậu cũng có thể nhấc người lên không trung như vậy. Thật sự thì Dybbuk chưa bao giờ thử làm điều này, nhưng trước sự ngạc nhiên của cậu, nó có hiệu quả. Không những vậy, nó có sức thuyết phục hơn nhiều so với những thứ cậu nhìn thấy trên tivi: Dybbuk bay lên đến ba mươi centimet, và lơ lửng trên đó chừng vài giây trước khi chậm rãi hạ cánh xuống mặt đất.
Apollonius trầm trồ:
– Thật kì diệu. Ta chưa bao giờ thấy ai thực hiện ảo thuật khinh công tốt như thế. Cháu làm nó như thế nào?
Nhún nhún vai một cách khiêm tốn, Dybbuk bảo:
– Tập luyện.
Lắc đầu trong sự kinh ngạc thật sự, nhà ảo thuật nói: – Mười ba tuổi và cháu đã làm được những trò ảo thuật cận
cảnh mà người khác phải mất cả mấy năm trời để tập. Bao nhiêu năm trời. Thế trò ảo thuật tốt nhất của cháu là gì? Đỉnh cao buổi trình diễn của cháu ấy?
– Trò ảo thuật Ấn Độ với dây thừng.
– Cháu có mang dây theo không?
Dybbuk nói:
– Nó ở trong thính phòng. Cháu để nó ở đó, bên dưới ghế ngồi của cháu.
Ngay khi đang nói, cậu đặt một đoạn dây thừng dài dày cộm bên dưới ghế ngồi với sức mạnh djinn.
– Cháu chuẩn bị kĩ lưỡng khi đến đây nhỉ?
Họ quay ngược ra sân khấu, thính phòng giờ đây đã vắng bóng người. Dybbuk đi lấy sợi dây thừng và cẩn thận cuộn tròn nó trên sân khấu, như một con trăn say ngủ. Rồi, ngay khi Apollonius săm soi cuộn dây, Dybbuk triệu hồi một ống sáo từ không khí.
Apollonius thắc mắc:
– Cháu làm nó như thế nào?
– Tập luyện.
Dybbuk ngồi xuống và bắt đầu thổi sáo. Và sợi dây thừng bắt đầu từ từ ngóc dậy. Apollonius nhìn chằm chằm như thể bị thôi miên khi sợi dây dựng thẳng lên và vươn đến dàn đèn phía trên sân khấu.
– Cháu có gắn dây nhợ gì bên trong sợi dây thừng, đúng không? Đặt ống sáo xuống, Dybbuk trèo lên sợi dây như một con khỉ, và khi gần đến đỉnh, cậu bắt đầu hóa thể, một việc nhìn giống như màn ảo thuật biến mất có hiệu ứng khói.
Apollonius gọi lớn:
– Cháu ở đâu? Cháu đi đâu rồi?
Dybbuk để sợi dây rớt xuống sân khấu và, trong khi Apollonius bận rộn kiểm tra nó, cậu dịch chuyển đám khói chứa đựng tất cả các nguyên tử của cậu vào đằng sau thính phòng, nơi cậu thu hồi lại cơ thể, rồi lớn tiếng trả lời nhà ảo thuật:
– Cháu ở đây.
Dybbuk quay lại sân khấu, Apollonius vẫn đứng đó và liên tục lắc đầu.
– Ta chưa bao giờ thấy một thứ như thế. Trong tất cả những năm theo đuổi nghiệp ảo thuật của ta. Ý ta là, cháu khiến cho trò ảo thuật Ấn Độ với dây thừng nhìn cứ y như thật ấy.
Dybbuk nhe rằng cười khoái chí. Cậu đang rất hài lòng với bản thân.
Apollonius nói tiếp:
– Cháu có tất cả các yếu tố cần thiết, con trai của ta. Cháu trẻ trung, đẹp trai, và cháu có nhiều tài năng hơn những người ta từng gặp. Cháu có muốn có show truyền hình của riêng mình không?
Dybbuk, giờ đây nhận ra có lẽ cậu đã đi quá xa, từ chối: – Cháu không nghĩ vậy.
Apollonius bật cười:
– Tại sao lại không? Cháu là thiên tài. Một ngôi sao. Và ta có thể biến nó thành sự thật. Tin ta đi, chỉ trong vài tuần nữa, cháu có thể là khuôn mặt nổi tiếng nhất ở Mĩ. Ta có thể giúp cháu nổi tiếng hơn cả bản thân danh tiếng.
Dybbuk vẫn lắc đầu. Mẹ cậu sẽ giết cậu mất.
Apollonius nghĩ Dybbuk vẫn đang khiêm tốn.
– Không đùa đâu. Ta hoàn toàn nghiêm túc đó. Thế giới ảo thuật luôn chờ đợi một người như cháu. Một ảo thuật gia nổi tiếng như bất cứ ngôi sao nhạc pop nào. Thậm chí là nổi tiếng hơn. Chúng ta sẽ tạo ra cả một gia tài. Và bọn con gái sẽ chết mê chết mệt vì cháu, Buck. Họ sẽ tôn thờ mỗi bước cháu đi, con trai của ta.
Điều đó đã thu hút được sự chú ý của Dybbuk.
– Con gái?
– Chắc chắn rồi. Con gái. Rất nhiều. Cháu thích các bạn gái chứ?
– Dĩ nhiên rồi, nhưng mà…
Chữ “nhưng mà” xuất hiện ở đây là vì sự thật Dybbuk của chúng ta có phần hơi nhát gái. Với con gái, rất dễ để mọi thứ trở nên hỏng bét. Cậu đã từng thầm mến một cô bé tên Lisa. Cô bé có ước một điều ước, và vì Dybbuk thật sự muốn điều ước của cô thành sự thật, cậu đã làm nó xảy ra. Cậu ước gì mình đã không làm thế. Nhưng cậu đã làm. Lisa đã ước Teddy Grosvenor, một thằng bé học chung trường với họ ở Palm Springs, “biến đi cho khuất mắt.” Và Dybbuk đã nhận ra được sự thật phũ phàng của điều ông Rakshasas thường nói: “Điều ước là một món ăn rất giống một con cá – một khi đã ăn nó thì khó có thể nhả nó ra.”[4]
Apollonius tiếp tục thuyết phục:
– Con gái. Cháu nên làm quen dần với việc có hàng trăm bạn gái gào thét tên cháu bên ngoài khách sạn nơi cháu ở, cũng như cắm trại bên ngoài cổng chính biệt thự của cháu ở Hollywood. Tới tấp gửi cho cháu ảnh chụp và các lọn tóc của họ. Cuồng nhiệt đón cháu tại sân bay trên khắp đất nước. Ngất xỉu vì kích động khi cháu kí
tên lên tay họ. Bật khóc chỉ vì cháu chào họ một tiếng. – Hàng trăm?
– Hàng ngàn.
Dybbuk gật đầu. Tất cả suy nghĩ về việc gặp cha giờ đây đã biến mất hoàn toàn khỏi đầu cậu. Cậu biết mình muốn gặp ai. Cậu muốn gặp các bạn gái. Hàng ngàn bạn gái.
* * *
Được một nửa đường xuyên qua nước Mĩ, cậu Nimrod gọi điện cho bà Jenny Sachertorte từ bên trong ngọn lốc gió. Bà hỏi:
– Nimrod, tôi vừa mới đi ngủ. Có chuyện gì hả? Cô Marion Morrison đến chưa?
Cậu Nimrod nói:
– Vâng, vâng, bên này mọi chuyện ổn cả, quý bà của tôi. Dybbuk sao rồi?
– À, nó ổn. Tôi nghĩ vậy.
Cậu Nimrod cho biết:
– John và tôi đang trên đường đến Palm Springs. Chúng tôi có nhiệm vụ cần sự định đoạt của cháu nó.
– A, chúng tôi không có ở đó đâu. Chúng tôi đang ở Las Vegas. Ở khách sạn Winter Palace. Để nghỉ cuối tuần. Dybbuk muốn xem một buổi trình diễn ở đây. Nó làm Dybbuk vui vẻ hơn. Giọng bà bỗng cứng lại:
– Nó lại gây rắc rối gì à? Nhiệm vụ gì lại cần đến nó? – Ôi đèn ơi! Không! Không có rắc rối gì. Có lẽ chúng ta nên gặp mặt nói chuyện sẽ tốt hơn.
Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, cậu ướm chừng:
– Chúng ta hẹn gặp vào bữa sáng được không? Sáng ngày mai? Ở khách sạn của chị?
Sau vài giờ bay nữa, Las Vegas hiện ra trong tầm mắt họ. Dưới bầu trời đêm của tiểu bang Nevada, nó nhìn như những con sứa điện khổng lồ kì lạ trôi lềnh bềnh trên một mặt biển đen thẫm. Cậu Nimrod đưa cả hai hạ cánh xuống bãi đậu xe rộng rãi của Marriott Winter Palace – một khách sạn hạng sang xây dựng dựa theo hình ảnh lâu đài hoàng gia nổi tiếng ở St Petersburg, Nga. Mệt mỏi và có phần say gió sau một chuyến bay dài, họ nhận phòng và đi ngủ ngay lập tức.
Buổi sáng hôm sau, khi xuống lầu ăn sáng tại Phòng Pompeii, họ nhìn thấy Dybbuk cùng bà Jenny Sachertorte ngồi trong im lặng, mắt dán chặt vào tô ngũ cốc của mỗi người. Có thể thấy rõ từ vẻ mặt của họ là họ đang cãi nhau về một chuyện gì đó.
Thoi nhẹ vai Dybbuk bằng nắm tay đầy tinh nghịch, John tươi cười chào hỏi:
– Ê, Buck, cậu sao rồi, chiến hữu?
Dybbuk lờ cậu đi.
Cậu Nimrod nói:
– Ok, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề nhé.
Rồi cậu bắt đầu giải thích cụ thể kế hoạch hợp nhất linh hồn và cơ thể của Faustina, cho phép cô có thể hoàn thành sứ mệnh trở
thành Djinn Xanh Babylon của mình.
Bà Jenny Sachertorte, mẹ của Faustina, bật khóc:
– Anh thật sự nghĩ có thể làm thế hả, Nimrod? Chúng ta có thể mang Faustina quay lại? Sau ngần ấy năm trời?
Cậu Nimrod gật đầu bảo:
– Đúng vậy. Nhưng chúng ta không có nhiều thời gian. Dybbuk cần gấp rút đi Ai Cập với chúng tôi và…
Dybbuk lạnh lùng cắt ngang lời cậu:
– Cháu e rằng điều đó không thể xảy ra. Cháu có kế hoạch khác rồi.
John bảo:
– Ok, dù gì chúng ta cũng không cần đi ngay bây giờ. Ý tớ là, nếu cậu muốn ở lại Vegas chơi thêm ngày nữa cũng được. Dybbuk nói:
– Cậu không hiểu. Khi tớ nói tớ có kế hoạch khác, có nghĩa là tớ có kế hoạch khác – cho quãng đời còn lại của tớ. Tớ đã được mời làm chương trình truyền hình của riêng tớ. Và tớ không định bỏ qua cơ hội này chỉ để đi cùng cậu trong một chuyến phiêu lưu vô nghĩa khác. Chị Faustina đi rồi. Cậu nên làm quen với chuyện đó…
Nhìn mẹ một cách khó chịu, Dybbuk nói tiếp:
– … Tất cả mọi người cũng thế.
Rồi Dybbuk đứng dậy khỏi bàn và bỏ đi. Đưa mắt nhìn John, cậu Nimrod gật đầu ra hiệu cho John đuổi theo.
Quẳng cái khăn ăn xuống, John đi theo thằng bạn vào Hội trường Hercules, một nơi đầy nhóc máy đánh bạc cùng hàng trăm con người hối hả nhét đầy chúng với những đồng xu.
Đuổi kịp Dybbuk, John nói:
– Đó là chị của cậu mà, Buck. Cậu phải làm điều đó. Dybbuk nói thẳng thừng:
– Chị tớ chết rồi.
John cãi lại:
– Không, chị ấy chưa chết. Chị ấy bị lạc, chỉ vậy thôi. Cậu có thể tìm được chị ấy. Cậu không thể bỏ rơi chị ấy như thế được. Dybbuk chế giễu:
– Đừng có nghĩ tớ không biết tại sao cậu muốn làm chuyện đó nhé, ông bạn. Cậu nghĩ cậu có thể mang mẹ cậu rời khỏi Babylon bằng cách đẩy chị Faustina vào thế mạng làm Djinn Xanh. Quên đi, tớ sẽ không làm chuyện đó.
John vẫn khăng khăng:
– Nhưng đó là điều chị Faustina muốn mà. Thật đấy. Cậu có thể đi hỏi mẹ cậu nếu không tin tớ.
– Để hỏi bả, tớ sẽ phải nói chuyện với bả, và tớ không muốn làm chuyện đó, phòng trường hợp bả đặt một chú trói buộc lên tớ. Hoặc ông cậu Nimrod của cậu.
John phản đối:
– Cậu Nimrod sẽ không làm thế.
Vẻ mặt không mấy tin tưởng, Dybbuk bảo:
– Thật không? Thế này nhé, tớ không có thù hằn cá nhân gì với cậu cả, nhưng tớ thật sự nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng ta không gặp nhau nữa. Tớ sẽ trở nên nổi tiếng. Và tớ không muốn ai đó trong cuộc sống cũ của tớ can thiệp vào, cậu hiểu không?
John rất thất vọng với thằng bạn cũ. Cậu hỏi:
– Mà show truyền hình của cậu về cái gì mới được? Dybbuk cho biết:
– Ảo thuật đường phố.
– Ý cậu là, mấy cái trò lừa gạt các mundane không biết chuyện bằng những trò tiểu xảo ngu ngốc ấy hả?
Dybbuk nói dứt khoát:
– Tạm biệt John. Nếu có gặp lại tớ lần nữa, hãy giả vờ như không quen tớ nhé.
John bảo:
– Giờ tớ đã không quen cậu rồi.
Rồi John lắc đầu và bỏ đi. Nhưng đi chưa được bao xa, cậu lại thấy một người mà cậu nhận ra.
Đó là Finlay McCreeby. Finlay là con trai của Virgil McCreeby, một tay pháp sư mà John từng phải ban cho ba điều ước. Một trong những điều ước đó đã khiến John biến Finlay tội nghiệp thành một con chim ưng. Cũng may là cuối cùng John cũng có thể biến Finlay về hình dáng loài người ban đầu, và Finlay đã đi theo Djinn Lang Thang Edwiges để thử nghiệm một trong những hệ thống cờ bạc mới nhất của bà và kiếm đủ tiền để tiếp tục việc học của cậu. Khi John tìm thấy Finlay, cậu đang lang thang trong tiền sảnh của khách sạn. Ít nhất John nghĩ đó là cậu: Finlay nhìn có vẻ cao hơn nhiều so với trí nhớ của John.
– Finlay, cậu đang làm gì ở đây thế?
Finlay trả lời:
– Cố gắng tránh an ninh. Tớ còn quá trẻ để chơi mấy cái máy đánh bạc này. Họ sẽ quẳng tớ ra đường nếu phát hiện.
– Có chuyện với hệ thống cò quay à?
Finlay lắc đầu bảo:
– Không, nó vẫn hoạt động tốt. Chỉ là, bà Edwiges cứ cố làm mẹ tớ. Tớ biết bà ấy chỉ có ý tốt, nhưng sau một thời gian bị chăm sóc kĩ thế tớ phải chuồn gấp chứ sao.
– Chuyện học ở trường thì sao?
Finlay cho biết:
– Tớ có chỗ trong một trường nội trú ở Anh. Tất cả chi phí đều được trả trước. Bà Edwiges đấy. Bà ấy thật sự là một người tốt. Tuy nhiên, cho đến khi năm học bắt đầu, tớ chỉ còn biết giết thời gian. Không dễ dàng gì để chơi bạc khi là một đứa nhóc. Nói thật là tớ đang kiếm việc làm. Chỉ để có việc gì đó để làm. Cho đến khi bắt đầu vào học.
Bộ não của John đảo một vòng lớn. Liếc nhìn xung quanh, John trông thấy Dybbuk đang đứng ở phía bên kia Hội trường Hercules. Cậu nói với Finlay:
– Ê, tớ có việc cho cậu nè. Cậu có thấy anh bạn đứng đằng kia không? Người mặc áo thun rock và mang giày ống đi môtô ấy? – Cái đứa mặt chàm vàm, tóc dài màu tối đó hả?
John gật gật đầu:
– Chính cậu ấy.
– Cậu ấy sao?
John chỉ thị:
– Tớ muốn cậu theo dõi cậu ấy. Tìm xem cậu ấy đi đâu, gặp ai. Finlay toét miệng cười:
– Hiểu. Giống như kiểu một thám tử tư.
– Chính xác.
Móc bóp ra, John đưa hết tất cả số tiền cậu có cho Finlay và nói: – Đây. Chừng này chắc đủ để cậu trang trải trong vài ngày. Để liên lạc, cậu chỉ cần gọi điện đến nhà tớ ở New York. Trong danh bạ điện thoại có số đấy.
Finlay bảo:
– Cám ơn nhé, John. Tớ thật sự trân trọng công việc này. À, nhắc mới nhớ, cậu nhóc đó tên gì? Người tớ phải bám đuôi ấy? John cho biết:
– Dybbuk Sachertorte. Và chính xác mà nói, cậu ấy không phải một cậu nhóc. Cậu ấy cũng là một djinn.
Finlay cười tươi:
– Với một cái tên như thế á? Không là djinn cũng uổng.
Chương 4
Phép màu trên Đại lộ Madison
Một tai nạn xảy ra thường kéo theo hai tai nạn khác. Nếu nghĩ khác, bạn đã hiểu lầm bản chất ba-mặt của May Mắn, vốn là một sức mạnh trong vũ trụ, giống như khối lượng và thời gian. Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein chưa bao giờ nắm rõ hoàn toàn tầm quan trọng của May Mắn, khi mà chính ông đã thừa nhận không tin vào chuyện “Chúa trời đổ súc sắc với vũ trụ”. Và giá mà ông đã viết ra L=mc2 như phương trình nổi tiếng của ông[5]. Như một số bạn đã biết, djinn là sinh vật duy nhất trên trái đất có khả năng ảnh hưởng đến May Mắn, hoặc theo hướng tốt, hoặc theo hướng xấu. Nhưng ngay cả djinn cũng có thể gặp tai nạn. Đặc biệt là khi họ đang mệt mỏi và rối trí như Philippa, cô bé đang lo lắng về mẹ mình và bà Trump. Và đó là lí do tại sao trên đường đến bệnh viện thăm bà Trump, Philippa đã đi vòng qua một góc phố và bước ra ngay trước đầu một chiếc xe buýt đang chạy. Chiếc xe buýt mang biển số 4 ngược lên phía bắc của đại lộ Madison đang di chuyển với một tốc độ rất nhanh, và đáng lẽ Philippa phải nghe được tiếng nó đang chạy đến. Nếu là bình thường, có lẽ cô sẽ bị tông chết. Những chiếc xe buýt Manhattan vốn khét tiếng không khoan nhượng với những ai bước đi ngay
trước mặt chúng. Đặc biệt là những chiếc mang biển số 4. (Ở Trung Quốc, 4 là một con số cực kì xui xẻo, vì nó có cùng cách phát âm với từ “tử”[6]. Đó là lí do tại sao bạn hiếm khi thấy người Trung Quốc trên một chiếc xe số 4 ngược lên phía bắc đại lộ Madison). May là Philippa không bị xe tông chết. Một viên cảnh sát cỡi ngựa đi ngang qua đó đã phóng ngựa đến, túm lấy cổ áo cô, kéo cô ra khỏi đường đi của chiếc xe buýt và cứu mạng cô.
Khi Philippa đã một lần nữa an toàn đứng trên vỉa hè, viên cảnh sát hét lên:
– Cháu đang làm cái quái gì vậy? Cháu có thể bị tông chết rồi, biết không hả?
Viên cảnh sát có một khuôn mặt mang hình dáng và màu sắc của một viên gạch: vuông vức, đỏ au và cứng ngắc.
Philippa lí nhí nói:
– Cháu xin lỗi.
Đôi chân mềm nhũn cả ra khi cô bắt đầu hiểu được mình vừa thoát chết trong gang tấc như thế nào, Philippa ngồi bệt xuống trước cửa ra vào của một nhà hàng Pháp hạng sang.
Xuống ngựa và buộc nó vào một cây đèn đường, viên cảnh sát tiếp tục trách móc Philippa:
– Chỉ xém chút nữa thôi đấy. Xém chút nữa là rồi đời đấy, cô nàng Chán Đời ạ.
Rồi rút ra cây bút bi và quyển sổ ghi phạt, ông tuyên bố: – Ta sẽ cho cháu một tờ giấy phạt, vì như vậy, may ra cháu mới nhớ nhìn đường khi đi sau này.
Không phải lúc nào bạn cũng được cứu giúp bởi những người tốt
nhất. Hay những người xứng đáng có một gia tài lớn. Nhưng dù gì đi nữa, Philippa biết cô, với tư cách một djinn Tốt, có nghĩa vụ ban thưởng viên cảnh sát này theo đúng truyền thống ngàn đời của djinn.
Philippa nói:
– Và cháu sẽ cho ông một thứ.
Viên cảnh sát hỏi:
– Vậy à? Ví dụ như cái gì?
Philippa trả lời:
– Ba điều ước.
Viên cảnh sát cười chế giễu:
– Ba điều ước? Ta ước gì ta có ba điều ước. Thật đó. Cháu không biết ta ao ước chúng thế nào đâu. Tiếp theo cháu sẽ bảo mình là thần đèn, đúng không?
– Một thứ tương tự như thế. Nhân tiện nói luôn, ông vẫn còn ba điều ước. Điều ước đầu tiên của ông mang đến cho chúng ta một sai lầm hợp logic về nhân quả. Ông không thể ước một thứ mà ông đã có sẵn, vì cháu không thể cho ông thứ mà cháu đã cho ông. Nhưng nếu ông đã sẵn sàng để lãng phí một điều ước, Ngài Cảnh Sát, cháu có thể chứng minh rằng ông thật sự có ba điều ước. Dù như vậy dĩ nhiên sẽ làm ông chỉ còn lại hai điều ước.
Viên cảnh sát bảo:
– Ước gì ta biết cháu đang lảm nhảm về cái gì, cô nhóc. – FABULONGOSHOOMARVELISHLYWONDER PIPICAL! … Và thình lình, viên cảnh sát biết chính xác Philippa đang nói gì. Ông kinh ngạc thốt lên:
– Quỷ thần ơi. Cháu thật sự là djinn hả?
Philippa kiên nhẫn giải thích:
– Ông đã cứu mạng cháu. Cháu có nghĩa vụ trả ơn ông. Và dù ông có là một người thô lỗ, nếu ông không ngại cháu nói thẳng, cháu vẫn phải ban cho ông ba điều ước. Hay chính xác là hai điều ước, vì ông đã ước một điều rồi. Chỉ có điều, từ giờ ông cần cẩn thận hơn. Với thói quen nói chuyện như ông, rất dễ để buột miệng lãng phí hai điều ước còn lại, “ước gì” ông biết phải làm gì. Tin cháu đi, cháu đã thấy chuyện như thế xảy ra rồi.
Gỡ cái mũ bảo hiểm xuống, viên cảnh sát gãi gãi đầu và thừa nhận:
– Cháu nói đúng. Ta là một kẻ thô lỗ. Ước gì ta không phải như vậy, nhưng cháu có thể làm gì được chứ? Nó là kết quả của việc phải xử lí rất nhiều kẻ thô lỗ. Đôi lúc công việc này làm ta bộc lộ ra những bản tính xấu nhất.
Philippa bảo:
– Nhưng ông không còn như thế nữa.
Rồi cô thầm thì từ trọng tâm của mình và thực hiện điều ước thứ hai của viên cảnh sát.
Ngay lập tức, khuôn mặt viên cảnh sát bớt giống gạch hơn: bớt vuông vức một chút, bớt đỏ au một chút, và bớt cứng ngắt một chút. Ông thậm chí còn nở một nụ cười, một thứ mà những cơ mặt của ông từ lâu không làm được sau mấy năm trời giữ gìn luật pháp không lấy gì làm êm dịu.
Philippa tuyên bố:
– Xong hai cái. Còn một.
Viên cảnh sát cho biết:
– Nè, cháu biết gì không? Đúng là ta cảm thấy khác khác. Như thể ta không phải là một người tồi tệ cho lắm.
Philippa bảo:
– Vì ông không phải. Ông là một người tốt. Một người rất tốt. Có lẽ sâu trong tâm hồn, ông luôn là một người tốt. Cháu có thể nói được điều đó, vì cháu đã không mất nhiều sức mạnh để mang nó ra.
Viên cảnh sát vỗ về Daisy – con ngựa của ông – một cách trìu mến. Ông đã thường xuyên đối xử tệ với nó. Có nhiều lúc ông bắt nó làm việc quá sức. Và giờ đây, ông mới nhớ ra tại sao trước đây mình muốn trở thành một cảnh sát cưỡi ngựa. Bởi vì ông yêu ngựa. Và không chỉ ngựa. Ông yêu tất cả các loài vật. Nội nghĩ đến việc ông từng yêu thương loài vật như thế nào cũng đủ để cặp mắt giống lợn của ông rơi lệ.
Thở dài một tiếng, ông nói với Philippa:
– Cháu biết không, cháu gái bé nhỏ, ta rất ghét cách mọi người đối xử tệ bạc với động vật.
Hất đầu về phía tờ thực đơn món ăn trong khung cửa sổ nhà hàng nơi họ đang đứng, ông nói tiếp:
– Ý ta là, cứ nhìn những thứ người dân trong thành phố này ăn mỗi ngày mà xem. Vài thứ trong số đó là quá tàn nhẫn với loài vật. Khi ông nói, nước mắt bắt đầu thi nhau lăn xuống khuôn mặt mập mạp của ông.
– Cháu muốn biết điều ước thứ ba của ta phải không? Ta ước cho không ai ở thành phố New York này có thể ăn món pâté de foie gras. Đó là điều ta ước. Rằng không ai có thể ăn pâté de foie gras.
Liếc nhìn tờ thực đơn, Philippa trông thấy món pâté de foie gras được liệt kê trong danh sách hors d’oeuvres – tiếng Pháp có nghĩa là “món khai vị” – và cân nhắc trong giây lát cách để cô biến điều ước không vị lợi của viên cảnh sát yêu động vật thành sự thật. Cô không biết có bao nhiêu người ở Manhattan thích ăn pâté de foie gras. Hơn thế nữa, ngay cả với cảm giác mạnh mẽ hiện tại, cô cũng không biết làm thế nào để tác động đến vị giác của hàng trăm, hoặc có thể là đến hàng ngàn cư dân New York. Nhưng điều ước là điều ước. Cho nên cô quyết định thực hiện điều ước thứ ba và cuối cùng của viên cảnh sát theo một cách dễ dàng, trực tiếp nhất có thể: đơn giản làm cho toàn bộ nguồn cung cấp pâté de foie gras của thành phố biến mất. Ngay sau khi cô thầm thì từ trọng tâm của mình, không còn một miếng pâté de foie gras được tìm thấy ở New York. Thậm chí nhắc đến nó cũng không.
Gõ gõ tấm thực đơn trong cửa sổ một cách đắc thắng, cô tuyên bố:
– Rồi đó. Y như ông yêu cầu. Nó biến mất rồi. Không ai ở New York có thể ăn pâté de foie gras. Ông hài lòng chưa ạ? Viên cảnh sát gật đầu:
– Ừ. Cám ơn cháu rất nhiều, cháu gái.
Philippa cúi đầu chào lại:
– Không, cháu phải cám ơn ông đã cứu mạng mới đúng. – Vậy cháu cẩn thận nhé.
Và rồi, với một nụ cười to đùng trên mặt, viên cảnh sát leo lên ngựa và đi về phía công viên.
Philippa cảm thấy như cô đã làm được một điều tốt. Tuy nhiên, thay vì tự chúc mừng bản thân vì đã giúp một người trở nên tốt
hơn, đáng lẽ Philippa nên nhớ đến một chuyện: việc sử dụng sức mạnh djinn trong thế giới mundane luôn có một ảnh hưởng vô chừng, không thể dự đoán được, ngay cả khi sức mạnh đó được dùng cho một việc có vẻ nhân ái như cứu giúp lá gan được vỗ béo của vài con ngỗng Pháp – vì đó là thứ làm ra món pâté de foie gras. Và nếu djinn đôi lúc ngần ngại ban cho người thường ba điều ước, đó không phải vì họ bủn xỉn hay keo kiệt gì, mà vì họ đã học được bài học về những kết quả không ngờ tới khi thực hiện điều ước của con người. Ngay cả một điều ước với ý định tốt. Đó là một bài học quan trọng của việc làm djinn mà các djinn trẻ thường tốn rất nhiều thời gian để học được. Đôi lúc, nó còn là một bài học khắc nghiệt. Như ông Rakshasas vẫn ưa nói: “Có một điều ước cũng giống nhóm một đống lửa. Nhiều khả năng khói sẽ làm ai đó cay mắt.”
Người xưa có một bài hát ru trẻ, trong đó giải thích chuyện làm thế nào mà một việc nhỏ nhoi có thể dẫn đến một hệ quả to lớn. Bài hát như sau:
Vì muốn một chiếc đinh, cái móng ngựa bị mất
Vì muốn một cái móng ngựa, con ngựa bị mất
Vì muốn một con ngựa, người cưỡi bị mất
Vì muốn một người cưỡi, trận đánh bị mất (thua)
Vì muốn một trận đánh, vương quốc bị mất
Và tất cả vì muốn một cái đinh.
Giờ đây, vì điều ước mà Philippa đã thực hiện cho viên cảnh sát, một chuỗi sự việc sắp sửa diễn ra, cái này dẫn đến cái kia. Và có lẽ là may mắn khi Philippa không bao giờ kết nối được chuyện khủng khiếp sắp sửa xảy ra với điều ước thứ ba của viên cảnh sát mà
chính cô đã biến thành hiện thực.
Djinn có một từ dùng để nói về sự xui xẻo này: Kismet, xuất thân từ từ qismat trong tiếng Ba Tư. Dựa theo cuốn Những quy luật Baghdad rút gọn, nó có nghĩa là “thứ đã được số phận định sẵn”.
Trở về nhà an toàn, Philippa bật tivi lên và cố gắng thư giãn. Nhưng cô không thể không chú ý đến chuyện rất nhiều chương trình truyền hình yêu thích của cô không còn được phát sóng. Dựa theo bản tin trên tivi, đó là vì một công ty truyền hình đặt tại Las Vegas có tên LZ kid TV đã ồ ạt mua đứt tất cả những chương trình truyền hình hay nhất và đặt các cuộn băng gốc vào một cái hầm kín, nơi không ai có thể thấy được chúng.
Ông Groanin nhận xét:
– Nếu cháu hỏi ta, ta sẽ bảo đó là nơi tốt nhất cho chúng. Những gì họ chiếu trên tivi cho lũ nhóc mấy đứa xem toàn là thứ vớ vẩn. Ta nói, một số chương trình truyền hình mà mấy đứa có vẻ thích đều vớ va vớ vẩn.
Tắt tivi, Philippa bảo:
– Nếu vậy, chúng ta ra ngoài đi dạo đi.
Vốn không hứng thú lắm với việc đi đến bất cứ đâu ở Manhattan, ông Groanin hỏi:
– Còn cha cháu thì sao?
– Doc sẽ trông coi cha. Dù sao ông ấy cũng khá hơn nhiều rồi. Ông Groanin vốn thích bà Marion Morrison hơn là thái độ ông tỏ ra cho mọi người thấy, ông nói:
– Những gì người phụ nữ ấy có thể làm đúng là điều kì diệu.
Philippa gật đầu bảo:
– Cháu biết. Vậy, chúng ta đến bảo tàng Metropolitan nhé. Họ đang trưng bày những chiến binh đất nung nổi tiếng mượn từ Trung Quốc. Mấy bữa rồi cháu cũng định đến đó xem thử. Ngoài ra, Met[7] còn có nhiều thứ thú vị khác. Ông sẽ thích nó cho xem.
Với tay lấy cái áo khoác, ông Groanin lầm bầm:
– Ta nghi ngờ điều đó đấy. Nếu cháu đã quên, cô bé, ta có kỉ niệm không lấy gì làm vui vẻ với bảo tàng. Một con hổ đã cắn đứt tay ta. Nhưng nếu cháu muốn đi thì ta sẵn sàng thôi.
* * *
Nằm trên đại lộ số 5, bảo tàng Metropolitan, gọi tắt là Met, chỉ cách căn hộ của gia đình Gaunt trên đường 77 phía đông có vài dãy nhà. Nhìn từ hướng chính diện, nó trông giống một ngôi đền khổng lồ, với những hàng cột cao và những dãy bậc thang rộng như các đường kẻ sân bóng. Nhưng bảo tàng hiện đang đóng cửa vì một cuộc đình công hai mươi tư tiếng đồng hồ của các nhân viên bảo tàng, và các bậc thang đông nghẹt người mang áp phích và la hét về một điều gì đó. Philippa và ông Groanin đứng tại chỗ trong vài giây để đọc các khẩu hiệu viết trên áp phích: METROPOLITAN, BẢO TÀNG CỦA SỢ HÃI, ĐỪNG ĐI VÀO NHỮNG PHÒNG TRƯNG BÀY MA QUÁI, và NHỮNG VỊ KHÁCH VÀO BAN ĐÊM ĐỒNG NGHĨA KHÔNG CÓ KHÁCH…
Một cuộc nói chuyện nhanh vài phút với một trong những nhân viên tiết lộ lí do của cuộc đình công: Met bị ma ám. Vài người cho biết họ đã nghe hoặc thấy ma tại mạn Sackler Wing, cũng như
trong khu trưng bày tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc ở tầng hai. Trên đường về nhà, ông Groanin nhận xét:
– Ta nghĩ họ chỉ muốn đòi thêm tiền thôi. Ta đoán là, một trong những anh chàng làm việc ở Met ấy đã đọc được cái này… Rồi ông đưa cho Philippa xem tờ báo Daily Telegraph của ngày hôm trước, và tập trung sự chú ý của cô vào dòng tiêu đề trang đầu: MA QUỶ DẪN ĐẾN ĐÌNH CÔNG Ở BẢO TÀNG ANH QUỐC. – … Nhiều khả năng ai đó đã đọc cái này và nghĩ nó có vẻ là một cách tốt để đòi tăng lương.
Vừa đi, Philippa vừa đọc nội dung câu chuyện trong tờ báo của ông Groanin. Cô cho biết:
– Cháu không chắc lắm. Điều này mang một ý nghĩa gì đó. Nhưng cháu lại không chắc đó là gì.
Khi Philippa và ông Groanin về đến nhà, họ phát hiện cậu Nimrod và John đã trở về từ Las Vegas. Hai cậu cháu đang túm tụm trong thư viện với ông Rakshasas, thảo luận về tất cả những chuyện đã xảy ra ở khách sạn Winter Palace.
Sau khi biết được lí do không thành công của họ, Philippa hỏi: – Vậy chúng ta phải làm gì bây giờ? Chúng ta đã tốn mất hai ngày cho vụ thuyết phục Dybbuk rồi đó.
Cậu Nimrod bảo:
– Cũng không hẳn là tuyệt vọng hoàn toàn đâu. Cùng với anh Rakshasas – djinn tuổi như anh ấy sẽ thoải mái hơn ở thế giới hư vô – một trong hai đứa sẽ phải đi tìm Faustina thay cho Dybbuk. Đưa mắt nhìn Philippa, John hỏi lại:
– Có ai vui lòng nhắc lại cho cháu biết, chính xác thế giới hư vô
là gì được không?
Ông Rakshasas trả lời:
– Đó là Linh giới, John à. Thế giới của các linh hồn, bóng ma, cùng những thứ tương tự.
Khẽ rùng mình một cách không thoải mái, John lẩm bẩm: – Ồ, thế giới đó à.
Cậu không thích hồn ma, và việc gặp gỡ hồn ma của pharaoh Akhenaten chẳng giúp cải thiện cảm nghĩ của cậu về chúng. Hồn ma luôn làm cậu sởn gai ốc. Đặc biệt là những hồn ma đi ám nơi nơi và hù dọa người khác.
Philippa, người cũng ớn ma quỷ, thậm chí ghê hơn cả ông anh, vừa định tình nguyện khi ông Groanin lên tiếng:
– Linh giới có thể rất đáng sợ, ngay cả với djinn. Đặc biệt là khi mấy đứa hầu như không thể trông cậy vào sức mạnh djinn khi ở đó. Tiếp lời ông là một sự im lặng kéo dài.
Cậu Nimrod gãi gãi đầu nói:
– Ủa, cậu chưa nói gì về chuyện đó à? Chưa à? Có lẽ cậu quên mất. Sức mạnh djinn bị hạn chế nghiêm ngặt trong thế giới hư vô. Ừm, dĩ nhiên hai đứa vẫn có thể di chuyển vật thể chút ít. Nhập vào một ai đó. Lắc dây xích, mở cửa – cũng không phải hai đứa cần làm vậy, dĩ nhiên. Chỉ là, từ trọng tâm của hai đứa sẽ trở nên vô dụng, cậu e vậy.
Ông Rakshasas giải thích thêm:
– Chúng ta chỉ có thể đi vào linh giới dưới dạng một linh hồn. Nhưng sức mạnh djinn là một thứ không thuộc về thế giới đó. Cậu Nimrod nói thêm:
– Nói cho đơn giản là, cháu không thể dùng tư duy điều khiển vật thể trong thế giới mà vật thể không tồn tại. Nhưng ở khía cạnh nào đó, các cháu sẽ làm được nhiều thứ. Các cháu sẽ thấy trong linh giới, thời gian trôi chậm hơn nhiều.
Trong một giây, không ai trong cặp sinh đôi nói gì. Nhưng cuối cùng, cảm nhận được nỗi sợ ma lớn hơn nhiều của cô em gái song sinh, John lên tiếng:
– Cháu nghĩ cháu đi sẽ tốt hơn.
Ông Rakshasas khen:
– Tốt lắm chàng trai. Người ta vẫn thường nói: “Cái gì bạn sợ, bạn nên tự mình nói trước” quả không sai. Nhưng đừng lo, ông cháu mình sẽ trông coi lẫn nhau.
Cậu Nimrod chỉ đạo tiếp:
– Ok, vậy thì Philippa, cháu sẽ cùng anh Groanin và cậu đến London. Ở đó chúng ta tìm cách xác định vị trí cơ thể của Faustina, rồi mang nó về đây để hợp nhất với linh hồn cô bé.
Philippa thắc mắc:
– Chờ chút. Cháu nghĩ cậu đã nói cậu biết cơ thể chị ấy ở đâu. Cậu nói nó nằm trong một phòng mạch tư nhân dành cho djinn bị ốm.
Cậu Nimrod cho biết:
– Đúng là cậu đã nói vậy. Nhưng nó không có ở đó. Dường như đã có chút sai sót trong quá trình biên chép. Một lỗi thường gặp ở các bệnh viện Anh. Tin cậu đi, người ta vẫn thường làm thất lạc bệnh nhân và cơ thể, đó là chưa kể đến nội tạng. Có vẻ như xe cấp cứu đã quên đi thu hồi cơ thể Faustina. Vì thế, nhiều khả năng nó
vẫn còn nằm ở nơi Faustina để lại nó. Chỗ của Madame[8] Tussaud. Ông Groanin hỏi lại:
– Cái bảo tàng sáp ấy hả?
– Chính nó.
Ông Groanin nhăn nhó:
– Ối, tôi không thích chuyện này chút nào. Nhà sáp là một nơi rùng rợn. Chẳng khác nào nhà ma hay những thứ tương tự. Có khi còn tệ hơn. Khi tôi còn trẻ, bà Tussaud thường ra giá một ngàn bảng Anh cho những ai dám qua đêm ở Buồng Kinh Dị. Những kẻ dám làm thường mất đầu. Hoặc sợ hãi đến mức bạc trắng cả tóc.
Cậu Nimrod dứt khoát cắt ngang cảm hứng kể chuyện của ông Groanin:
– Cám ơn anh, Groanin. Kể vậy đủ rồi.
Philippa hỏi tiếp:
– Cháu vẫn chưa hiểu một chuyện. Nếu John đi vào linh giới để tìm chị Faustina, vậy làm sao cháu có thể đến London với cậu? Cha cháu thì sao? Chẳng phải tụi cháu cần ở cạnh ông để chống lại tác động của chú trói buộc Methuselah?
Cậu Nimrod giải thích:
– Rất đơn giản. Cháu sẽ chuyển hết sức mạnh cho John. Và John sẽ để lại cơ thể ở nhà. Chỉ cần một ít sức mạnh djinn để thoát linh hồn ra khỏi cơ thể thôi. Phần còn lại sẽ ở lại đây, bên cạnh cha cháu. Nó sẽ chống lại chú trói buộc, như cháu đã nói.
Philippa nhăn mặt:
– Ý cậu là, giờ đến lượt cháu thổi vào tai John?
Cậu Nimrod nhún vai:
– Cậu e là vậy.
John nói đế vào:
– Đừng nghĩ anh trông chờ vào chuyện đó nhé. Anh thà trông thấy hồn ma của Akhenaten còn hơn để em nhấm nháp lỗ tai anh. Ông Rakshasas hòa giải:
– Nè, nè, nói xấu người ruột thịt không phải một chuyện tốt đâu nhé.
Philippa nhượng bộ:
– Ok, anh hai, em xin lỗi. Em thật sự biết ơn anh vì đã thay em đi vào linh giới.
Rồi quay qua cậu Nimrod, cô cho biết:
– Và cháu đang nghĩ, mọi người có lẽ không cần đến tận Cairo để bước vào thế giới hư vô thông qua cổng vào một đền thờ Ai Cập. Mọi người có thể làm điều đó ở đây, ngay tại New York này. Ở Met. Họ có một ngôi đền ở đó – Đền Dendur.
Cậu Nimrod mắt sáng rỡ nói:
– Ôi đèn ơi, sao cậu lại quên được chứ? Đó là ngôi đền Ai Cập duy nhất ở Tây bán cầu. Một món quà người Ai Cập đã tặng cho nước Mĩ vào năm 1965.
Philippa nói thêm:
– Ngoại trừ việc bảo tàng hiện giờ đang tạm đóng cửa. Ông Groanin và cháu đã thử đến đó hôm nay.
– Tạm đóng cửa?
Cô giải thích:
– Nhân viên bảo tàng đang tổ chức đình công. Họ bảo nó bị ma ám. Cháu nghe nói có ma quỷ gì đó xuất hiện ở mạn Sackler Wing
và khu trưng bày tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc ở tầng hai. Đưa cho cậu Nimrod xem tờ báo của mình, ông Groanin nói thêm:
– Chuyện tương tự đã xảy ra ở London, thưa ngài. Cả ở Paris và Berlin.
Đăm chiêu suy nghĩ trong giây lát, cậu Nimrod nói: – Nghe khá thú vị đây. Có lẽ John và anh Rakshasas có thể tìm hiểu thêm về chuyện này khi đến mạn Sackler Wing. John hỏi lại:
– Sackler Wing?
Philippa cho biết:
– Đó là nơi đặt Đền Dendur. Ở Met.
John hỏi:
– Khi nào chúng ta bắt đầu?
Cậu Nimrod trả lời:
– Ngay bây giờ, dĩ nhiên.
Ông Rakshasas nói:
– Ừ, không có khi nào như hiện tại. Ngoại trừ khi người ta chết đi.
John nuốt nước miếng cái ực:
– Chúng ta sẽ thấy người chết thật sự ở linh giới hả ông? Ông Rakshasas bảo:
– Không như vậy, không. Trong linh giới, ai cũng nhìn thực như nhau. Nhưng họ không phải người. Không còn là người. Đó là lí do tại sao họ không kể chuyện gì. Chắc chắn là sẽ học được nhiều điều
sau một chuyến viếng thăm nghĩa địa.
Chương 5
Người hầu Ka đền Dendur
Philippa hoàn trả sức mạnh cho John và, cùng lúc đó, chuyển giao sức mạnh của cô cho ông anh bằng cách thổi vào tai cậu. Rồi John nói lời tạm biệt với em gái, cậu Nimrod và ông Groanin, trước khi đi cùng ông Rakshasas lên phòng. Ở đó, cậu nằm xuống giường, để lại gần hết sức mạnh djinn trong cơ thể, bắt đầu nâng linh hồn lên trần nhà.
Trong một giây, cậu có cảm giác như mình đang cao lên, cao lên rất nhiều, ngoại trừ việc khi nhìn xuống, cậu trông thấy một cậu bé tóc đen, có phần đẹp trai, dáng dong dỏng cao mà cậu gần như không nhận ra. Trong một giây, cậu nghĩ đó là Dybbuk. Và chỉ nửa giây sau, cậu đột ngột nhận ra cậu đang nhìn vào chính mình.
Một giọng nói vang lên bên cạnh cậu:
– Cháu làm tốt lắm.
Dĩ nhiên đó là ông Rakshasas, cậu không thể nhìn thấy nhưng, kì lạ là, cậu có thể nhận ra rất rõ bằng khứu giác. Cơ thể ông hiện đang ngồi trên cái ghế bành yêu thích của John. Ông hỏi:
– Cháu có muốn nắm tay ông không? Hay cháu nghĩ mình đã đủ lớn để không cần việc đó?
John vốn không thích nắm tay bất kì ai, lắc đầu bảo:
– Cháu nghĩ không cần đâu ạ.
Vị djinn già tốt bụng hướng dẫn:
– Phần lớn thời gian chúng ta sẽ không có việc gì khi vô hình. Nhưng nếu lạc nhau, cháu hãy đứng ở chỗ nào đó lạnh lạnh một chút để ta có thể thấy và đến đón cháu. Có điều, cố đừng làm điều đó ở chỗ đông người nhé, nếu không họ sẽ nghĩ cháu là một hồn ma đấy.
– Ok.
– Nếu cháu bắt đầu thấy hoảng loạn về việc là một linh hồn tự do, hay khi cháu bắt đầu thấy như bị choáng, chỉ cần nhập vào trong cơ thể một mundane nào đó và nghỉ ngơi chừng năm phút. Dĩ nhiên nó sẽ làm người đó có cảm giác déjà vu, nên đừng lo lắng về nó.
– Cảm giác déjà vu là gì hả ông?
– Là khi ai đó có ảo giác đã trải nghiệm một việc gì đó, trong khi họ thật sự mới đụng đến nó lần đầu.
– Cháu biết rồi ạ.
– Nhưng chỉ trong vật giới chúng ta mới có cảm giác như một hồn ma. Một khi bước qua cổng vào, nó giống như chúng ta thật sự hiện hữu trở lại. Ông sẽ có thể thấy cháu, và cháu cũng sẽ thấy ông. Những linh hồn khác chúng ta có thể gặp phải trên đường đi cũng vậy.
– Cháu đang lo về chuyện đó đây.
Họ lơ lửng bay xuống cầu thang, qua cửa chính ngôi nhà – không phải mở cửa, dĩ nhiên – và hướng về phía Công viên Trung tâm. Theo gợi ý của ông Rakshasas, họ bay cách mặt đất chừng ba đến bốn mét để không phải đi xuyên qua những người khác – điều này
có vẻ giúp họ băng qua đường dễ dàng hơn.
Đến Đại lộ số 5, họ rẽ phải và bay về phía bảo tàng Metropolitan, nơi những người đình công còn đứng đầy trên các bậc thang. John có cảm giác ông Rakshasas di chuyển dễ dàng hơn nhiều khi là một linh hồn. Cũng nhanh hơn nữa. Cậu không biết là nhanh như thế nào cho đến khi, bay lên các bậc thang, cậu trông thấy vài nhân viên tham gia đình công kinh hoàng chỉ trỏ về phía cánh cửa kiếng ở lối vào trên đường 81. Và khi đến lối vào đó, cậu nhìn thấy cái mà họ đã thấy – hình dáng mờ ảo của ông Rakshasas trôi lềnh bềnh, như một hồn ma, trên sàn nhà lát đá cẩm thạch của khu đại sảnh rộng lớn. John đoán được chuyện gì đã xảy ra. Hôm nay là một ngày trời ấm áp và, dù tạm đóng cửa, hệ thống máy điều hòa của Met vẫn mở. Không khí lạnh hơn ở bên trong bảo tàng đã làm linh hồn ông Rakshasas gần như hiện rõ.
Một trong những người đình công hét lên:
– Gọi mấy tay truyền hình lên đây. Có một bóng ma đang đi về phía quầy hội viên.
John đứng một chỗ nhìn ông Rakshasas, hoàn toàn không biết gì về sự náo động do chính mình gây ra, ông biến mất đằng sau quầy hội viên, tiến về khu trưng bày hiện vật Ai Cập và mạn Sackler Wing ở phía bắc. Và hi vọng tránh bị quay phim bởi những phóng viên truyền hình hiện đang chĩa camera về phía cánh cửa kiếng – cậu chắc chắn rằng họ đã lỡ dịp quay phim ông Rakshasas – John quyết định tìm đường khác vào Met.
Bay lơ lửng phía trên đầu những người hiếu kì đang căng mắt nhìn qua cửa với hi vọng thấy được một hồn ma thật sự, John đi vòng về mặt sau của bảo tàng, bay lên một tầng lầu, và xuyên qua
một khung cửa sổ nghiêng cao lớn. Khi đã ở bên trong bảo tàng, cậu bay qua khu trưng bày hiện vật Trung Quốc và, vừa định đi xuống lầu để đến mạn Sackler Wing, cậu thình lình phát hiện một trong những hộp kiếng trưng bày của bảo tàng đã bị đập vỡ và hiện vật bên trong đã bị lấy đi. Tò mò, cậu ngừng lại trong giây lát để đọc thẻ thông tin. Có vẻ như một bộ sưu tập ngọc bích vô giá từng được trưng bày ở đây đã bị lấy trộm. Và trong đầu cậu bỗng nảy ra ý nghĩ, tên trộm này có lẽ có liên quan đến mấy hồn ma được cho là đang ám bảo tàng gần đây. Nhưng hiện tại điều đó dường như không quan trọng lắm. Cậu còn phải bắt kịp ông Rakshasas.
Xuống lầu, John tìm thấy mạn Sackler Wing của bảo tàng và một ngôi đền nhỏ bằng sa thạch không khác mấy so với những ngôi đền cậu đã thấy ở Ai Cập. Ngoại trừ việc nó nằm trong một đại sảnh hiện đại với một hồ nước nhỏ bao phủ xung quanh. Một cái liếc mắt về phần thông tin ghi trên bức tường đại sảnh xác nhận suy nghĩ của John: đây chính là Đền Dendur.
Nghĩ rằng ông Rakshasas chắc hẳn đã ở đây, John gọi lớn: – Ông Rakshasas? Là cháu. John. Ông ở đâu vậy?
Trước sự ngạc nhiên của cậu, không hề có tiếng trả lời. John gọi lại lần nữa và đứng ngay phía trên một bộ máy điều hòa trên sàn nhà để làm bản thân bớt vô hình. Khá kì lạ khi cậu tự thấy bản thân như vậy – ở đây, nhưng cũng không phải ở đây. Giống như hình ảnh phản chiếu trên mặt nước.
Cậu lại gọi lần nữa, lần này với âm lượng lớn hơn:
– Ông Rakshasas? Cháu ở đây.
Tiếng thầm thì của ông Rakshasas vang lên:
– Im lặng, John, im lặng nào.
Theo bản năng, John đưa mắt tìm kiếm xung quanh nhưng không nhìn thấy gì. Cậu cảm thấy ông Rakshasas kéo cậu ra khỏi máy điều hòa, và nhìn thấy cơ thể cậu dần biến vào hư không khi linh hồn của cậu dần ấm áp trở lại.
Cậu thầm thì với người mà hiện giờ tuy không thấy, cậu vẫn cảm thấy được đang đứng kế bên:
– Chuyện gì vậy?
Ông Rakshasas thầm thì:
– Ông cũng không rõ. Nhưng ông cảm thấy có gì đó bất thường ở đây. Suỵt. Nhìn kìa. Nhìn đằng kia kìa, John.
Qua cánh cửa phía nam của mạn Sackler Wing, bước vào là một người kì lạ cao chừng hai mét, với áo chùng màu xám dài đến gốc, bộ giáp “vảy cá”, bộ râu cằm nhỏ, kiểu tóc búi chỏm đầu phức tạp, và mang theo một thanh kiếm dài. Đó là một người đàn ông, nhưng cũng không phải một người đàn ông, vì màu xám nhạt trên khuôn mặt vô hồn cùng đôi mắt trống rỗng không hề chuyển động của nó làm John nghĩ đó chỉ là hình ảnh của một con người. Cách di chuyển của nó cũng không mấy tự nhiên: giần giật, cứng ngắc, như thể nó không quen bước đi, cũng như không quen vung vẩy đôi tay. Giống như một con robot cổ đại. Cho nên John đã nghĩ sẽ nghe được tiếng bước chân trên mặt sàn cẩm thạch bóng lưỡng. Nhưng vật thể kì lạ đó lại di chuyển trong im lặng tuyệt đối, như thể nó không có mặt ở đây. Nó bước thẳng qua hốc tường nơi John cùng ông Rakshasas đang ẩn nấp, và mùi đất ẩm mốc nồng nặc xông vào khoan mũi vô hình của họ, như thể họ đang thấy một thứ gì đó đã được chôn cất trong một thời gian rất dài.
John thầm thì:
– Đó là gì vậy?
Sinh vật kì lạ trước mặt họ bỗng ngừng lại và nhìn chằm chằm, như thể đang tìm kiếm nguồn gốc của tiếng động nó vừa nghe thấy. Có thể nhận ra không có gì không ổn với thính giác của nó, và John tự hỏi nó sẽ làm gì với thanh kiếm nếu trông thấy họ. Gã đàn ông không phải người đó chờ đợi gần một phút, nhìn chằm chằm nhưng không thấy được họ với đôi mắt trống rỗng khác thường của nó, trước khi tiếp tục chậm rì rì di chuyển đến vách tường của bảo tàng. Nó ngừng lại rồi biến mất sau ngã rẽ.
John nhận xét:
– Dù đó là gì, cháu không nghĩ nó thân thiện.
Ông Rakshasas gật đầu:
– Ông cũng nghĩ vậy.
Vì đã lạnh trở lại, linh hồn họ bắt đầu hiện hình dần. Một giọng nói vang lên:
– Bên này này.
Đưa mắt nhìn qua khu đại sảnh to lớn, họ trông thấy một người đàn ông đang vẫy vẫy tay với họ từ lối vào của Đền Dendur. Nhưng người này nhìn hoàn toàn khác với sinh vật đáng sợ mà họ vừa thấy. Người này mặc trang phục của một quý tộc thời Victoria.
Người đàn ông lại gọi:
– Nhanh lên. Trước khi nó quay lại.
John và ông Rakshasas nhanh chóng bay về phía ngôi đền và, ngay khi bước qua giữa hai cây cột bên ngoài, cả hai lập tức khôi phục lại hình dạng người ban đầu. John thở phào nhẹ nhõm. Cậu hài lòng khi trông thấy cơ thể – hay ít nhất là hình dáng của cơ thể
cũ. Ngay cả khi nó chỉ mang hai màu đen, trắng.
Cậu nhận xét:
– Thật là thoải mái. Trở nên vô hình thấy vậy mà khó thật. Nếu ông biết cháu muốn nói gì. Nhưng tại sao chúng ta lại chỉ có màu đen, trắng như thế này?
Ông Rakshasas cho biết:
– Vì chỉ thế giới sự sống mới có màu sắc. Ông nghĩ, chính màu sắc là thứ làm cho cuộc sống đáng giá.
John nói:
– Có vẻ hợp lí.
Ông Rakshasas chỉ ra một vài hình ảnh khắc trên tường ngôi đền. Chữ Ankh – chữ thập chìa khóa tượng trưng cho sự sống – hoa sen nở rộ buộc với giấy cói, và vô số chữ tượng hình mô tả về những vị thần cõi âm từng được thờ phụng ở đây: Isis, Osiris và con trai họ, Horus.
Ông nói một cách đơn giản:
– Chúng ta đến nơi rồi. Đây là cổng vào linh giới. Anh bạn kia đâu rồi nhỉ? Người đã gọi chúng ta ấy?
Một tiếng nói trả lời ông:
– Ở đây, thưa ngài.
Một người đàn ông hói đầu mập mạp, nhỏ con với hàm răng bè bè và một bộ vét trắng có phần cáu bẩn bước ra từ cánh cửa giả của ngôi đền. Với một chất giọng the thé như người nước ngoài, ông cúi chào họ một cách nghiêm trang và tự giới thiệu:
– Leo Politi sẵn sàng phục vụ quý ngài. Tôi là người hầu Ka của ngôi đền này.
John hỏi lại:
– Người hầu gì cơ?
Ông Rakshasas giải thích:
– Mỗi đền thờ Ai Cập cổ đại đều có một người hầu Ka. Trong thế giới cái chết, họ chịu trách nhiệm giúp đỡ linh hồn – tiếng Ai Cập gọi là Ka – của những người bước vào đền. Nhưng ông chưa bao giờ nghe nói đến một người Ý đảm nhận công việc đó. Đặc biệt là người mà, qua kiểu áo sơ mi và cà vạt ông ấy đang mặc, có vẻ chỉ mới chết trong một nháy mắt.
Leo cho biết:
– Thật ra tôi là người Hy Lạp. Từ Cyprus. Nhưng ngài đã nói đúng về những điều khác, thưa ngài. Tôi chỉ mới chết từ năm 1872. John có chút ngạc nhiên về người đàn ông nhỏ con. Leo Politi nhìn không có gì giống một hồn ma, dù ông chính là như vậy. Ông Rakshasas hỏi:
– Nếu anh không ngại, tôi có thể hỏi tại sao một người chỉ mới chết trong chưa đầy một trăm năm mươi năm lại có thể trở thành người hầu Ka của một ngôi đền hai ngàn năm tuổi hay không? Leo trả lời:
– Tôi đã đến Ai Cập để thương lượng về một hợp đồng cung cấp bánh ngọt Thổ Nhĩ Kì[9] cho hoàng gia Ai Cập. Vào ngày nghỉ, tôi đã đến thăm ngôi đền này và, trong một phút bốc đồng, giống như những người khách khác đã làm trước tôi, tôi đã khắc tên mình lên tường. Ở ngay đây. Thấy không?
Leo chỉ vào một điểm trên bức tường ngôi đền, nơi John và ông Rakshasas vẫn còn thấy rõ cái tên POLITI.
– Nhưng để làm điều này, tôi đã xóa mất chữ tượng hình của tên một vị tư tế Ai Cập quan trọng, người vốn là người hầu Ka ban đầu của ngôi đền này. Vì thế, tôi đã tự ghi tên mình vào bản án vĩnh viễn thế chỗ cho ông ấy. Sau đó không bao lâu, tôi bị một con muỗi cắn, chết đi, và phát hiện mình ở đây. Tôi đã ở ngôi đền này suốt từ lúc đó. Khi nó vẫn còn ở Ai Cập, mọi chuyện không đến nỗi tệ. Nhưng từ khi ngôi đền được tặng cho người Mĩ, mọi thứ trở nên quá tĩnh mịch. Không có người chết mới nào để tôi hướng dẫn. Chỉ có du khách. Hai ngài là người chết đầu tiên tôi gặp được trong mấy chục năm qua. Có thể nói cho tôi biết hai ngài đã chết được bao lâu không, thưa quý ngài?
John chau mày bảo:
– Ai nói tụi cháu đã…
Chặn ngang câu nói của John và quẳng cho cậu một ánh mắt ý bảo cậu nên giữ kín miệng về đề tài này, ông Rakshasas trả lời câu hỏi của Leo:
– Không được bao lâu. Nhưng Leo, anh có thể cho chúng tôi biết thêm về gã cầm kiếm mới nãy được không?
Leo cho biết:
– Tôi nghĩ, có lẽ nó là một trong những hiện vật trưng bày ở đây. Nhưng tôi cũng không rõ lắm. Như ngài thấy đấy, nó suốt ngày tuần hành qua lại. Tốt nhất ngài đừng để nó phát hiện. Nó không phải là kẻ thân thiện gì. Tôi nghĩ, mục đích của nó là muốn hù dọa các nhân viên bảo tàng. Từ khi nó đến đây, cả cái bảo tàng này nhốn nháo hẳn lên. Giờ thì bảo tàng có đến vài hồn ma.
Ông Rakshasas hỏi lại:
– Hồn ma?
"""