" Hành Trang Du Học PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hành Trang Du Học PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Chu Đình Tới Hành trang du học Bản quyền © 2015 Chu Đình Tới Biên tập Ebook: http://www.SachMoi.net Ebook thực hiện dành cho những bạn chưa có điều kiện mua sách. Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản Những lời ngợi khen dành cho cuốn sách Đây thực sự là cuốn sách bổ ích giúp người tìm kiếm học bổng rút ngắn thời gian tìm hiểu, chuẩn bị thủ tục ứng cử học bổng và cung cấp các nguồn học bổng hữu ích. Bên cạnh đó, các câu chuyện du học sinh đã tiếp thêm lửa cho ước mơ du học của tôi. Cử nhân Nguyễn Thị Thanh Lam, Cựu du học sinh tại President University, Indonesia; đang tìm kiếm học bổng Thạc sĩ Chuyên ngành Kinh tế. Mình bắt tay kiếm học bổng từ năm cuối đại học. Thật sự, mình đã gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng mà không biết xin lời khuyên từ ai. (…) Tiếc là mình biết đến cuốn sách này quá muộn nhưng mình thấy đây là một cuốn sổ tay vô cùng hữu ích và chắc chắn sẽ hỗ trợ và giải đáp được rất nhiều thắc mắc của các bạn đang tìm hiểu thông tin về du học. Học viên cao học Nguyễn Hương Giang, Cựu sinh viên Đại học Ngoại thương; đang theo học Thạc sĩ bằng học bổng tại trường BI Norwegian Business School, Oslo, Na Uy. Đối với tôi, cuốn sách giống như một món quà, rất cập nhật và nhiều thông tin thật bổ ích. Cuốn sách được viết rất tỉ mỉ, chi tiết, rõ ràng, nêu bật được cả ưu và nhược điểm của việc du học, phù hợp với nhiều đối tượng. Với những bạn học sinh đang nuôi dưỡng giấc mơ du học, các bạn sẽ có được cái nhìn toàn diện về việc lựa chọn và xin học bổng, đồng thời những câu chuyện được chia sẻ ở cuối sẽ đem lại cho các bạn động lực rất lớn, đây là một yếu tố then chốt giúp các bạn xin học bổng thành công. Với những bạn đang là du học sinh, cuốn sách như một người bạn đồng hành (đó chính là cảm nhận của tôi khi đã là du học sinh hơn 3 năm), ở đó các bạn có thể tìm thấy nhiều thông tin giúp bạn tối ưu hóa khả năng học hỏi về kiến thức, du lịch, trao đổi văn hóa... Và với những bạn đã kết thúc việc du học, tôi dám chắc cuốn sách sẽ giống như một món quà tinh thần họ sẽ luôn lưu giữ, để mỗi khi đọc lại họ sẽ thấy mình như được sống lại thời du học sinh nhiều kỷ niệm. Cảm ơn tác giả Chu Đình Tới đã đem tới cho độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam một cuốn sách rất ý nghĩa và cập nhật với thời đại. NCS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Cựu du học sinh Hàn Quốc theo chương trình trao đổi sinh viên; đang theo học Tiến sĩ bằng học bổng USTH tại trường ENSIACET, Toulouse, Pháp. Khi bắt đầu thực hiện ước mơ du học, tôi cảm thấy rất mông lung vì đứng trước cả một biển thông tin. (…) Thật may là tôi đã được quen anh Đình Tới và nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình của anh. Tôi chờ mong đến khi cuốn sách Hành trang du học của anh được xuất bản để có thể đọc, nghiền ngẫm và tìm kiếm thêm nhiều cơ hội học tập cho mình và có một định hướng rõ ràng khi đi du học sau này. Cử nhân Phạm Thị Thanh, Chuẩn bị học Thạc sĩ Kinh tế tại trường Univerity of Trent, Italia theo học bổng vùng Opera- Italy. Giới thiệu về tác giả Chu Đình Tới Giảng viên Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội, từ năm 2006. Học Đại học chuyên ngành Bác sĩ Thú y, từ năm 2001 - 2006, tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Viện Thú y Quốc gia Việt Nam. Học Thạc sĩ Sinh y (Phân ngành Miễn dịch Ung thư và Bệnh thải Bỏ mảnh ghép), từ năm 2009 - 2011, tại Đại học Ulsan Hàn Quốc theo học bổng BK21 của Chính phủ Hàn. Học Tiến sĩ Sinh y (Phân ngành Béo phì và Tiểu đường), từ năm 2011 - 2015 bằng học bổng của Liên minh châu Âu (EU), trong một dự án quốc tế do EU tài trợ dưới sự hướng dẫn của một giáo sư người Mỹ, dự án đặt tại Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Là người sáng lập và quản lý trang Hội du học sinh Việt Nam trên facebook, nơi chia sẻ các thông tin du học và học bổng, cũng như tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện online về học bổng, du học và cuộc sống của du học sinh từ năm 2011. Là tác giả của trên 100 bài báo đã đăng trên các báo mạng, báo giấy như Dân trí, Kênh 14, Quê Việt… về chủ đề du học và sức khỏe. Là đồng tác giả của 5 cuốn sách và nhiều bài báo khoa học trong nước và quốc tế đã xuất bản. Là thành viên Hội đồng phản biện và biên tập của hai tạp chí Y học quốc tế của Mỹ và châu Âu. Là người đồng tổ chức và là diễn giả của rất nhiều hội thảo, buổi nói chuyện về chủ đề Du học, học bổng ở Việt Nam và Ba Lan từ năm 2011 đến nay. Cũng là người dạy của các lớp Kỹ năng tìm kiếm và ứng cử học bổng online từ năm 2011 đến nay. Phần lớn các học viên tham gia đã giành được học bổng toàn phần đi du học tại Hàn, Anh, Na Uy, Pháp, Đức… E-mail liên lạc của tác giả: chudinhtoi@hnue.edu.vn Lời nói đầu Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, với nhiều cơ hội và thách thức, để tồn tại và phát triển, bản thân mỗi cá nhân phải luôn có ý thức học hỏi, nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức. Việc ra nước ngoài học tập là lựa chọn của nhiều bạn trẻ và gia đình, để chuẩn bị cho mình, con em mình một nền tảng vững chắc trước khi bước ra cuộc sống. Tuy nhiên, du học không phải là hình thức duy nhất và tối ưu cho mọi đối tượng để có một tương lai tốt. Du học ở đâu, như thế nào và bằng hình thức gì chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố và quyết định đến sự thành công của việc du học. Trên cơ sở trải nghiệm và những hiểu biết cá nhân, các tác giả của cuốn sách mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về du học, học bổng cho các bạn trẻ có nguyện vọng ra nước ngoài học tập tham khảo, từ đó đưa ra những quyết định và phương thức du học đúng đắn, phù hợp và thành công. Để hoàn thành cuốn sách này, chúng tôi có sự giúp đỡ, đóng góp ý kiến của rất nhiều thành viên trong Page Hội du học sinh Việt Nam, nhất là gần 100 thành viên chủ chốt, những người đã và đang du học ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu của các bạn, đặc biệt anh Nguyễn Quốc Tuấn, chị Quách Phương Giang, chị Nguyễn Thị Chúc, anh Phạm Thế Anh, anh Phạm Ngọc Duấn, chị Nguyễn Thị Kim Duyên và anh Trần Trọng Kiên, đã chia sẻ những câu chuyện du học rất ý nghĩa và bổ ích của mình. Trong lần xuất bản đầu tiên, chắc chắn cuốn sách vẫn còn những thiếu sót, các tác giả rất mong muốn nhận được những nhận xét, phản hồi của độc giả, để cuốn sách hoàn thiện hơn, mang đến một thông điệp tốt hơn và hiệu quả hơn cho các thế hệ tương lai của đất nước chuẩn bị bước chân ra nước ngoài du học. Mọi ý kiến phản hồi, nhận xét có thể gửi đến e-mail: chudinhtoi@hnue.edu.vn. Trân trọng! Chương 1. Mục đích – thời điểm – các hình thức và địa điểm du học Các bạn thân mến, đi du học cũng giống như làm bất cứ việc gì, để thành công, trước tiên, chúng ta phải xác định được mục đích, mục tiêu cụ thể mà mình muốn làm, xác định được thời điểm, cách thức và địa điểm sẽ làm việc đó. Trong phần này, chúng tôi sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi sau: 1. Tại sao chúng ta đi du học? 2. Nên đi du học khi nào? 3. Mình sẽ đi du học như thế nào? 4. Mình sẽ đi du học ở đâu? I. Mục đích chúng ta đi du học là gì? Việc xác định được rõ mục đích của việc du học rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn có định hướng tốt hơn, từ đó dẫn đến thành công của cả quá trình. Bạn phải xác định rằng, đi du học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, tương lai và cả cuộc đời bạn. Do đó, trước khi đi đến quyết định sẽ đi du học, mỗi chúng ta cần xác định rõ ràng mục đích, mục tiêu cụ thể mà mình muốn đạt được trong quá trình du học. Mỗi người lại có những mục đích khác nhau khi có ý định đi du học như lĩnh hội kiến thức, học ngoại ngữ, trải nghiệm cuộc sống… Chúng tôi tạm phân loại các mục đích du học thành các mục như sau: 1. Nâng cao trình độ, tích lũy kiến thức, tiếp cận và học hỏi kỹ thuật tiên tiến, khẳng định bản thân Đây là mục đích cơ bản nhất, mà phần lớn các du học sinh đặt ra cho mình trước khi đi du học. Người học thường chọn đến những nơi có nền giáo dục tốt, khoa học công nghệ phát triển để đạt mục tiêu tĩch lũy, nâng cao trình độ bản thân và được tiếp cận, học hỏi những kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại… mà ở trong nước chưa có hoặc còn hạn chế. Sau một thời gian phấn đấu, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, với sự phấn đấu không ngừng, nhiều du học sinh đã đạt được những thành công trong học tập, nghiên cứu và sự nghiệp. Nhiều người chọn quê hương là nơi cống hiến, cũng có người tiếp tục sống, công tác ở nước ngoài. Nhưng dù ở đâu, nhờ những kiến thức, kỹ thuật lĩnh hội được trong quá trình du học, họ đều có những đóng góp nhất định cho xã hội, được xã hội công nhận và khẳng định được giá trị bản thân mình. Trong cộng đồng du học sinh Việt Nam, một tấm gương rất lớn mà mỗi du học sinh luôn ngưỡng mộ và học tập đó là Giáo sư Ngô Bảo Châu, một cựu du học sinh Pháp, người đã rất thành công trong quá trình du học và nghiên cứu ở nước ngoài, trở thành nhà toán học nổi tiếng thế giới với giải thưởng Fields danh giá. Qua đó ông không chỉ khẳng định được tài năng của mình, mà còn nâng tầm vị thế khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Một ví dụ nổi bật nữa đó là GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành – một cựu du học sinh Ba Lan. Ông là lưỡng quốc giáo sư, là người Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Ba Lan phong học hàm Giáo sư cấp nhà nước năm 2009 và là người Việt Nam sống ở nước ngoài thứ hai được Hội đồng chức danh nhà nước ta đặc cách phong học hàm Giáo sư tại Đại học Quốc gia TP. HCM năm 2011. Do những thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin/trí tuệ nhân tạo, Giáo sư Thành đã được cộng đồng khoa học chuyên ngành trên thế giới đánh giá rất cao, được tín nhiệm và đề cử giữ nhiều trọng trách lớn. Tác giả Chu Đình Tới (thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà khoa học Việt Nam, Ba Lan dự Hội nghị Hợp tác khoa học Việt Nam – Ba Lan lần thứ nhất (Polviet), tại Krakow – Ba Lan, tháng 6/2014. 2. Cải thiện ngoại ngữ Học và cải thiện ngoại ngữ cũng là một mục tiêu quan trọng của nhiều du học sinh. Với một số người, đây lại là mục tiêu quan trọng nhất, chẳng hạn như các bạn học về ngôn ngữ học, văn hóa, văn học… Nếu có một thời gian du học ở nước nói ngôn ngữ bạn đang học, đang nghiên cứu thì trình độ ngoại ngữ của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Với những người học các chuyên ngành khác như khoa học tự nhiên, kinh tế, y học… mặc dù mục tiêu chính để ra nước ngoài là học kiến thức, kỹ thuật, công nghệ, nhưng ngoại ngữ lại là công cụ không thể thiếu để học tập, nghiên cứu và sinh sống ở nước sở tại. Sau một thời gian được và phải học tập, nghiên cứu, giao tiếp bằng ngoại ngữ, vốn ngoại ngữ của bạn sẽ tăng lên rõ rệt, khả năng nói, viết, nghe, do đó cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, biết thêm một ngôn ngữ là mở thêm một cánh cửa tâm hồn để hiểu và hòa nhập với những nền văn hóa mới, cho mình thêm một cơ hội để bước ra thế giới và có một tương lai tốt đẹp hơn. Vì vậy, dù ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới là tiếng Anh, dù phần lớn các bạn du học sinh đều dùng tiếng Anh trong học tập và nghiên cứu, nhưng nhiều bạn vẫn tranh thủ học tiếng nước sở tại, điều này là rất tốt. 3. Mở rộng hợp tác, tìm kiếm cơ hội Đi du học, tức là bạn sẽ sống, học tập, nghiên cứu ở một đất nước khác, nơi bạn sẽ có những mối quan hệ mới, với những người đang nghiên cứu lĩnh vực mà bạn quan tâm. Những mối quan hệ này không chỉ tốt cho việc học tập nghiên cứu hiện tại của bạn, mà còn rất có ý nghĩa cho công việc của bạn trong tương lai. Ngoài ra, khi học tập ở nước ngoài, bạn có thể biết được nhiều thông tin hơn về học tập, nghiên cứu, học bổng cũng như công việc sau khi tốt nghiệp. Qua đó, bạn có cơ hội để tìm cho mình những học bổng, vị trí nghiên cứu hay vị trí làm việc tốt. 4. Rèn luyện bản bản thân, tự lập và trưởng thành hơn Có thể khi đi du học, bạn không tự đặt ra cho mình mục tiêu này, nhưng nó sẽ đến với bạn một cách rất tự nhiên. Bạn buộc phải thực hiện, có như vậy quá trình du học của bạn mới thành công được. Bạn phải hiểu rằng, khi đi du học, tức là mình sẽ rời xa sự đùm bọc của gia đình, người thân. Bạn sẽ phải tự lập ở một môi trường hoàn toàn mới, với những con người mới, văn hóa, phong tục tập quán, thức ăn và khí hậu mới. Nhưng bạn vẫn phải tồn tại và phấn đấu học tập. Nếu bạn không tự rèn luyện bản thân mình, không tự lập thì đương nhiên bạn sẽ bị đào thải. Trải qua một quá trình sống, học tập ở nước ngoài với sự từng trải, phấn đấu và cố gắng, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. 5. Trải nghiệm cuộc sống – “phượt” Với nhiều bạn trẻ, khi đi du học, bên cạnh các mục tiêu trên, họ còn đặt cho mình mục tiêu đi du lịch bao nhiêu nước, bao nhiêu nơi, tìm hiểu những giá trị văn hóa gì, ở đâu… để nâng cao sự hiểu biết và làm phong phú tâm hồn, trải nghiệm cuộc sống. Được đi du học là cơ hội tuyệt vời để bạn trải nghiệm cuộc sống. Bạn được sống trong một “thế giới mới”, khác xa với những gì ở quê hương bạn, bạn được “du lịch trải nghiệm” đúng nghĩa, vì thời gian học tập ở nước sở tại đủ lâu sẽ giúp bạn hiểu và thực sự sống với những nền văn hóa đó. Bạn cũng có thời gian để đi thăm những danh lam thắng cảnh ở nước sở tại hoặc các nước lân cận. Với các bạn đi du học bằng học bổng, nhất là các học bổng trao đổi văn hóa hoặc học bổng ngoài mục đích khoa học – giáo dục còn mang ý nghĩa quảng bá văn hóa như Eurasmus của Liên minh châu Âu, thì cơ hội được du lịch, trải nghiệm cuộc sống ở các nền văn hóa khác nhau là rất lớn. Với những bạn Nghiên cứu sinh (NCS), Thạc sĩ, bên cạnh việc nghiên cứu học tập, họ thường xuyên được tài trợ tham gia các hội thảo khoa học ở các địa danh khác nhau, và đó cũng là cơ hội để họ làm phong phú vốn hiểu biết về văn hóa, lịnh sử, địa danh… của nhiều quốc gia. Tác giả Chu Đình Tới tại thành phố Liverpool – Anh, một buổi hoàng hôn hè 2013. II. Nên đi du học vào thời điểm nào? Thực tế, không có một tiêu chuẩn hay một câu trả lời chung cho mọi trường hợp, vì thời điểm du học thích hợp phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Du học là một bước ngoặt lớn trong đời nếu bạn từng một lần trải qua. Để du học có kết quả tốt, bạn cần chuẩn bị một hành trang thật tốt như về nền tảng kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm sống. Những yếu tố đó sẽ quyết định thời điểm “chín muồi” để bạn đi du học. Với những bạn xuất sắc, ngoại ngữ tốt, từng trải sớm, dễ thích nghi, có thể thực hiện thành công giấc mơ du học của mình từ bậc phổ thông trung học. Nhiều người, vì nhiều lý do, đã chọn du học ở các thời điểm sau đại học. Kiến thức cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc học tập của bạn ở xứ người. Tôi muốn nói đến cả lý thuyết và thực hành (đối với các chuyên ngành liên quan đến thí nghiệm). Nếu thiếu kiến thức cơ bản, bạn sẽ rất vất vả để có thể theo kịp và hoàn thành khóa học của mình ở nước ngoài. Thử tưởng tượng, khi đi du học, bạn bị hổng kiến thức cơ bản và không hiểu được những nội dung mình đang học hoặc không có các kỹ năng thí nghiệm cơ bản nhất của chuyên ngành mình đang học, cộng với nhiều vấn đề khác như cuộc sống mới, ngoại ngữ ban đầu còn hạn chế… thì kết quả học tập sẽ ra sao? Việc có được kết quả học tập tốt trên lớp, không chỉ giúp bạn có một hồ sơ xin học bổng đẹp mà còn quyết định tới sự thành công trong học tập của bạn khi đi du học. Do đó, thời điểm bạn cảm thấy kiến thức cơ bản của mình ổn nhất là lúc bạn có thể tính đến việc đi du học. Ngoại ngữ là một công cụ không thể thiếu để đi du học. Ai cũng biết rằng để du học được thì trước tiên phải hiểu được giáo viên nói gì, đọc được tài liệu bằng ngôn ngữ mà mình sẽ học… Do vậy, việc đi du học vào lúc nào còn phụ thuộc vào thời điểm vốn ngoại ngữ của bạn “đủ dùng”. Vốn ngoại ngữ “đủ dùng” không giống nhau với từng chuyên ngành mà bạn định theo học. Các khối kinh tế, ngôn ngữ học, văn hóa… thường có yêu cầu ngoại ngữ cao hơn và toàn diện hơn (nghe, nói, đọc, viết) so với các khối ngành kỹ thuật. Ví dụ như để lượng hóa vốn tiếng Anh đủ dùng trong học tập và đời sống, học bổng Chevening của Chính phủ Anh yêu cầu các ứng cử viên phải có IELTS 6,5 hoặc TOEFL iBT 79 trở lên. Các trường đại học/viện nghiên cứu ở Hàn Quốc như trường Đại học Ulsan cũng yêu cầu ứng viên Thạc sĩ, Tiến sĩ đáp ứng điều kiện tiếng Anh như trên, nhưng nếu qua phỏng vấn/liên lạc trực tiếp với giáo sư, giáo sư thấy khả năng tiếng Anh của ứng cử viên tốt thì người học không nhất thiết phải có ngay chứng chỉ tiếng Anh và có thể trả sau trước khi tốt nghiệp. Cũng có người có năng khiếu học ngoại ngữ lại được học từ nhỏ nên đã có đủ điều kiện về ngoại ngữ để đi du học từ khi còn ít tuổi. Tuy nhiên, với nhiều người việc chuẩn bị ngoại ngữ phải mất một thời gian không ngắn và rất cần sự kiên trì. Kinh nghiệm sống là một yếu tố đôi khi chúng ta không quan tâm đến khi quyết định đi du học. Tuy nhiên, nó lại rất quan trọng với sự thành công của bạn khi học ở xứ người. Do vậy, nó cũng tham gia vào việc quyết định thời điểm nào bạn đã sẵn sàng để đi du học. Bạn phải biết rằng, khi đi du học là bạn phải tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình, không người thân, thời gian đầu không có hoặc ít bạn bè, thậm chí, trong một số trường hợp còn không có một người Việt Nam hay người châu Á nào học cùng hoặc ở nơi bạn học. Bạn đã chuẩn bị tốt tinh thần cho một cuộc sống như vậy chưa? Bạn có thể tự chăm sóc bản thân khi sống một mình như vậy không? Bạn có dễ thích nghi với cuộc sống mới, con người mới, đồ ăn mới… không? Nếu câu trả lời là “Có”, tức là bạn đã sẵn sàng đi du học. Nhiều bạn đã trải qua cuộc sống học tập xa nhà như học nội trú, học đại học xa nhà, sẽ hiểu một phần của cuộc sống mà bạn sẽ gặp phải khi đi du học. Sở dĩ tôi chỉ nói một phần là vì dù sao, học nội trú hoặc đại học xa nhà bạn vẫn được học trong môi trường toàn người Việt. Bên cạnh những yếu tố trên, với các bạn có ý định đi du học bằng con đường học bổng, thì thời điểm du học còn phụ thuộc vào cơ hội xin học bổng. Các học bổng dành cho các bậc sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) thường nhiều và cao hơn so với bậc đại học, đương nhiên nhiều hơn so với bậc phổ thông. Do đó, đi du học bằng con đường học bổng có thể sẽ thích hợp hơn tại thời điểm sau đại học. Khi đó bạn không chỉ có kiến thức cơ bản khá vững được tích lũy từ các bậc học trước, mà còn có thời gian dài học ngoại ngữ, kinh nghiệm sống dồi dào và nhiều cơ hội xin học bổng hơn. Nói tóm lại, thời điểm “chín muồi” để đi du học thành công là lúc bạn có đủ vốn kiến thức cơ bản, vốn ngoại ngữ và có thể sống một cách độc lập. Cũng có trường hợp ngoại lệ, với các bạn đi du học theo diện trao đổi văn hóa hoặc sang học tiếng, thì thời điểm nên đi du học lại liên quan nhiều đến cơ hội, điều kiện kinh tế và mong muốn của bản thân. Những trường hợp đi du học mà ngôn ngữ sử dụng sẽ là ngôn ngữ nước đến học, và bạn mới học tiếng được khoảng 1 năm như du học đại học tại Nhật, Hàn… hoặc du học từ bậc đại học đến Tiến sĩ theo học bổng hiệp định, trao đổi ở Ba Lan, Nga, Hungary… thì yếu tố ngoại ngữ sẽ không quyết định nhiều tới thời điểm du học của bạn. III. Nên lựa chọn hình thức du học nào? Để du học thành công, không bị “gãy gánh” giữa đường, việc lựa chọn hình thức du học phù hợp với năng lực, mong muốn của bản thân và hoàn cảnh gia đình cũng rất quan trọng. Trên cơ sở những hiểu biết của mình, tôi tạm phân loại các hình thức du học kèm theo đặc điểm của từng loại để bạn có thể lựa chọn cho mình một con đường phù hợp và an toàn nhất. 1. Du học tự túc Trong trường hợp này, bạn chỉ cần có học lực khá hoặc trung bình, điều kiện kinh tế gia đình có thể chu cấp cho bạn trong cả quá trình học, cộng với vốn ngoại ngữ ổn, có khả năng sống tự lập là bạn có thể du học. Tại sao lại thế? Đơn giản là bạn đem tiền đi học. Các nước phát triển, các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ngoài luôn chào đón sinh viên ở nhiều quốc gia khác đến học để có nguồn thu và quảng bá văn hóa, nên chỉ cần bạn đáp ứng được yêu cầu đầu vào tối thiểu nhất của họ và có đủ năng lực tài chính, bạn có thể học. Yêu cầu đầu vào của mỗi trường lại có một quy định riêng. Bạn cần vào website chính thức của trường để tìm hiểu. Ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam thuộc các gia đình có điều kiện đi học theo con đường tự túc ở các nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Singapore… và điều kiện tài chính của các trường/viện ở các nước này thường rất cao. Đại học Cambridge của Anh thông báo mức học phí cho bậc học từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ vào khoảng 17.000 - 27.000 bảng (khoảng 600 - 900 triệu VNĐ)/năm đối với các sinh viên đến từ các nước ngoài châu Âu (nguồn http://www.graduate.study.cam.ac.uk/finance/fees); hay Đại học Tokyo danh tiếng của Nhật có mức học phí 520.800 - 535.800 yên (khoảng 100 triệu VNĐ)/năm và phí nhập học là 282.000 yên (khoảng 50 triệu VNĐ) cho các bạn học từ Đại học đến Tiến sĩ (nguồn: http://www.u-tokyo.ac.jp/stu04/e03_e.html)... Ưu điểm: Đi học theo con đường này bạn thường không phải chờ đợi lâu để chuẩn bị, tìm kiếm và ứng cử học bổng, được thoải mái lựa chọn trường và chương trình học theo khả năng của mình. Nhược điểm: Rất tốn kém. Nhiều trường thực chất là các cơ sở kinh doanh giáo dục, chất lượng đào tạo không thật tốt. Khi đi du học tự túc, bạn thường gặp phải các trường như vậy vì cơ hội học ở đó nhiều hơn. Theo đó, cơ hội việc làm sau này của bạn cũng không cao. Bên cạnh đó, nhiều bạn gia đình có điều kiện nhưng do chưa có ý thức vững vàng, ra nước ngoài du học không có sự quản lý của gia đình, nhiều cám dỗ, nên dễ sa ngã, dính vào tệ nạn xã hội. Ngoại lệ, có rất nhiều bạn rất giỏi, nhưng không muốn chờ đợi kiếm học bổng, gia đình có điều kiện kinh tế, nên các bạn chọn hình thức du học tự túc để tiết kiệm thời gian. Do có năng lực tốt nên các bạn này sẽ chọn học ở những trường tốp trên, theo đó, cũng có cơ hội học cao lên và kiếm việc làm tốt hơn. 2. Vừa học vừa làm Đây là hình thức được nhiều bạn có học lực khá, ngoại ngữ tốt, có bản lĩnh, kinh nghiệm sống, khả năng tự lập và hòa nhập cao lựa chọn để đi du học. Tuy nhiên, với hình thức này, ban đầu, bạn vẫn cần sự hỗ trợ kinh tế của gia đình, sau một thời gian, khi đã ổn định cuộc sống, bạn có thể tự lo cho mình. Vừa học vừa làm không phải là chuyện dễ. Chỉ học ở một nơi hoàn toàn xa lạ và bằng một ngôn ngữ khác đã khó, khi chọn du học theo hình thức này, ngoài học, bạn còn phải tự kiếm sống và trang trải cho các chi phí học tập nên càng vất vả và khó khăn hơn. Do đó, bạn phải có lực học tương đối, khả năng tiếp thu tốt để không bị “đuối” trên lớp, đồng thời vốn ngoại ngữ của bạn phải tốt, ít nhất là đủ để bạn kiếm việc làm thêm và làm được việc. Hình thức này thường được những bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng rất nghị lực và có lực học tốt lựa chọn. Hiện nay có rất nhiều du học sinh người Việt ở Nhật, ở Phần Lan… đang theo học hình thức này. Ngoài thời gian học tập trên trường, các bạn còn đi làm thêm bất cứ việc gì kiếm ra tiền một cách chân chính như bồi bàn, nấu ăn, dọn dẹp, bán sách… Nhược điểm của hình thức này là người học rất vất vả, vì phải vừa học vừa làm, nên nếu không cố gắng và có năng lực thì dễ dẫn đến kết quả kém trong học tập, nghiên cứu. Đã có không ít bạn không tốt nghiệp được, phải bỏ học hoặc xuống khóa. Ngoài ra, nếu bạn không có sức khỏe tốt, không tự chăm sóc bản thân được thì cũng không nên chọn con đường này, vì thời gian ngủ mỗi ngày của bạn có khi chỉ được 4 giờ… Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn thành công và trưởng thành lên rất nhiều khi chọn con đường này. 3. Học bổng Có thể nói đây là hình thức du học tối ưu nhất, nhưng cũng đòi hỏi cao nhất. Để được học bổng, bạn phải thật xuất sắc cả về năng lực (kết quả học tập, nghiên cứu), ngoại ngữ tốt và có kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, hình thức du học này không quá khó và hiếm. Ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường học bổng. Bạn phải hiểu rằng, không tự nhiên mà một nước, một tổ chức hay một trường nào đó lại đài thọ cho bạn ra nước ngoài học, có thể đài thọ toàn phần (cả học phí, sinh hoạt phí và các chi phí khác) hoặc một phần. Thường thì số lượng học bổng có hạn nên tính cạnh tranh rất cao, học bổng chỉ dành cho những ứng viên xuất sắc nhất. Một số học bổng nổi tiếng mà nhiều du học sinh Việt Nam nhận được như Erasmus của Liên minh châu Âu, VEF của Mỹ, MEXT của Nhật Bản… thường có chế độ chu cấp toàn bộ. Về chương trình đào tạo, thường các học bổng được các nước và các tổ chức cấp gắn với một chương trình đào tạo tốt, thậm chí là rất tốt. Bạn được tạo điều kiện học tập, nghiên cứu ở những trường, cơ sở đào tạo và nghiên cứu tốt nhất. Về kinh tế, nếu bạn đi du học bằng con đường này và nhất là được nhận học bổng toàn phần, gia đình bạn sẽ không phải lo lắng về tài chính, vì bạn đã được cấp học phí, mỗi tháng lại được một khoản tiền nhất định cho sinh hoạt, và có thể bạn sẽ được cả vé máy bay khứ hồi (một lần sang và một lần về sau khi kết thúc khóa học), chi phí sách vở, máy tính… Tùy theo mỗi loại học bổng và quốc gia theo học, nhiều du học sinh sau khi đi du học bằng học bổng về đều có một khoản tiền tiết kiệm kha khá. Nhiều chương trình học bổng, ngoài mục đích giáo dục, nghiên cứu khoa học, tổ chức cấp học bổng còn có mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa nơi đó, nên người học được tạo điều kiện đi thăm quan, tham gia hội thảo, được đi đến các nước khác… Được học bổng, bạn còn có cơ hội được đi “du lịch chất lượng cao” miễn phí và bổ ích. Các bạn được học bổng, do không phải lo nghĩ về kinh tế, chỉ việc học và nghiên cứu, lại có khoản tiền dư dả, nên họ có điều kiện để đi du lịch khám phá nhiều hơn các hình thức du học khác. Khi nhắc đến hình thức du học này, nhiều bạn nghĩ rằng để có học bổng phải công tác trong các cơ quan nhà nước, đang là cán bộ… nhưng thực tế thì không phải vậy. Thứ nhất, học bổng nhà nước như 911 (trước đây là 322) cũng có phần cho cả những thí sinh tự do “có nguyện vọng và cam kết đi học để về làm giảng viên đại học, cao đẳng”, mới tốt nghiệp đại học hoặc cao học. Thứ hai, phần lớn các học bổng trên thế giới không phụ thuộc vào nơi bạn công tác, tất cả mọi người đủ điều kiện đều có thể ứng cử tự do, và những học bổng này lại thường có giá trị cao. Ngoài ra, học bổng của nhà nước như 911 và các học bổng Hiệp định khác… thường có giá trị không cao và không phải là sự lựa chọn tối ưu cho các bạn có ý định đi học bằng học bổng. Thực tế là, ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam đi du học bằng học bổng của các nước, các tổ chức, các trường quốc tế, điều này rất đáng khuyến khích vì các bạn đã tiết kiệm cho nhà nước một khoản không nhỏ, mà các bạn lại thoải mái hơn về kinh tế vì giá trị học bổng cao hơn. IV. Lựa chọn địa điểm du học dựa trên các tiêu chí nào? Trước khi đi du học, các bạn cần suy nghĩ kỹ nơi nào mình sẽ đến. Vì nếu bạn chọn một địa điểm không thuận lợi thì không những những mục tiêu bạn đặt ra trong quá trình du học không đạt được, mà bạn còn có thể gặp phải những rắc rối không nhỏ. Bạn cần nhớ rằng, khi đi du học, bạn phải tự mình giải quyết phần lớn các vấn đề gặp phải, nên hạn chế và lường trước những khó khăn là điều không thừa. Để xác định địa điểm du học phù hợp, chúng ta có thể căn cứ vào các tiêu chí sau: - Sự phù hợp và phát triển về ngành học/lĩnh vực nghiên cứu Tiêu chí này nên được quan tâm hàng đầu khi bạn lựa chọn nơi học, vì nó thỏa mãn mục tiêu quan trọng nhất của phần lớn du học sinh là để nâng cao trình độ, mở mang kiến thức, tiếp cận và học hỏi khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến. Chẳng hạn nếu bạn muốn học về công nghệ thông tin thì Mỹ, Nhật, Hàn nên là điểm lựa chọn. Nếu bạn muốn học về y học thì Pháp, Mỹ là sự lựa chọn tốt. Bạn muốn học về ngôn ngữ học thì nên đến những nước sử dụng ngôn ngữ đó là quốc ngữ thứ nhất… Căn cứ vào tiêu chí này thì không phải các nước thật phát triển, những siêu cường kinh tế trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật… mới là lựa chọn tốt nhất. Có những ngành hẹp lại rất phát triển ở những nước nhỏ, kinh tế không thuộc tốp đầu. Ví dụ, công nghệ sinh học rất tốt ở Hàn và Singapore; ngành du lịch khách sạn, sinh y rất phát triển ở Thụy Sĩ; Na Uy cũng có ngành sinh y rất mạnh và được đầu tư nhiều trên thế giới; y học ở Ba Lan cũng được đánh giá tốt nên ngày càng nhiều các nước Ả rập, Bắc Âu gửi sinh viên đến Ba Lan học ngành này… Cũng dựa theo tiêu chí này, những bậc học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ càng cần phải xét đến lĩnh vực nghiên cứu khi chọn địa điểm du học. Đôi khi nước lớn, trường tốp chưa chắc đã có phòng thí nghiệm tốt, điều kiện nghiên cứu và thầy hướng dẫn tốt cho ngành của mình. Với các bậc học này, giáo sư giỏi, điều kiện nghiên cứu, phòng thí nghiệm tiên tiến, nhóm nghiên cứu mạnh là điều quan trọng trong việc chọn nơi đến để học tập. - Sự phù hợp về ngôn ngữ Tiêu chí này đặc biệt quan trọng với bậc học đại học và dưới đại học, vì phần lớn các bậc học này, người học phải sử dụng ngôn ngữ bản địa. Do đó, nếu bạn có ý định đi du học ở các bậc học từ đại học trở xuống cần xét đến vốn ngoại ngữ của mình khi sang nước đó học, xem mình đã đủ dùng chưa, có thể học và sống bằng tiếng bản địa không. Ví dụ, khi bạn sang Nhật học đại học, chủ yếu bạn phải học bằng tiếng Nhật, sang Trung Quốc học đại học bạn cũng phải dùng tiếng Trung Quốc là chủ yếu. Với các bậc học sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hầu hết các nước đều có chương trình học và nghiên cứu bằng tiếng Anh cho nghiên cứu sinh nước ngoài, nhất là các ngành khoa học – kỹ thuật, sinh y. Tuy nhiên với những ngành đặc thù như văn hóa, ngôn ngữ, văn học… thì bạn vẫn phải học và nghiên cứu bằng tiếng bản địa, nên cần xét đến sự phù hợp về ngôn ngữ khi chọn nước đến du học. Ví dụ, hầu hết nghiên cứu sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ Việt Nam đang học và nghiên cứu bằng tiếng Anh ở Hàn, Nhật, Đức… - Sự phù hợp về ẩm thực, văn hóa và phong tục tập quán Đã bao giờ bạn tưởng tượng ra cảnh cả một tuần liền bạn không ăn cơm chưa? Cả năm không ăn canh hoặc rau xào? Và tìm khắp nơi không có một thực phẩm Việt Nam nào? Nồi cơm điện là cái gì đó rất “lạ” với người dân? Điều đó có thể xảy ra, nếu như bạn sang học ở một số nước châu Âu và nhất là ở một số thành phố nhỏ, xa thủ đô, ít người nước ngoài sinh sống và cực hiếm hàng châu Á, do người dân ở đó không có thói quen dùng. Hoặc, bạn có bao giờ tưởng tượng rằng, mọi thứ mình ăn đều có ớt, ớt nhiều đến đỏ cả nước canh, và khi ăn bạn có cảm giác như cháy trong cổ, và liên tục chảy nước mắt, nước mũi nếu không quen? Điều này chắc chắn bạn sẽ gặp phải nếu sang du học ở Hàn và ăn cơm ký túc xá. Do đó, việc tìm hiểu, lựa chọn được những nước có văn hóa, phong tục, tập quán phù hợp với mình hoặc ít nhất mình có thể tồn tại và thích nghi được, là điều nên làm trước khi chọn nơi đến học. Mỗi nước có một nền văn hóa, ẩm thực và phong tục tập quán riêng. Chẳng hạn trong ẩm thực, người Nhật thích ăn “gỏi”, họ có món sushi và rượu sake nổi tiếng, người Mỹ lại có văn hóa thức ăn nhanh mọi nơi, người Ba Lan thường dùng khoai tây hoặc bánh mì thay vì ăn cơm như chúng ta, người Ấn Độ thường đãi bạn bè món cà ri và họ thường ăn bốc bằng tay, người Hàn luôn tự hào với hàng trăm loại kim chi…; trong văn hóa, người Hàn rất có tôn ti – người nhỏ luôn tôn trọng và nghe lời người lớn, giáo sư là người rất có uy tín, người Ai Cập phần lớn theo đạo Hồi và họ không thích nghe những lời nói tục… Đồ ăn nhanh rất phổ biến ở các nước phương Tây. - Mức sống, chi phí học tập và sinh hoạt Tiêu chí này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc sinh sống và học tập của bạn khi đi du học, nhất là những trường hợp du học tự túc hoặc vừa học vừa làm. Nếu nơi bạn học có mức học phí quá cao, sinh hoạt phí đắt đỏ mà kinh tế gia đình bạn chưa thực sự thoải mái thì quá trình học của bạn có thể bị “gãy gánh” giữa đường. Nhiều bạn đi du học bằng con đường tự túc đến những nước chi phí đắt đỏ khiến gia đình phải vay mượn, cầm cố tài sản, bán đất, bán nhà… để trang trải. Có nhiều bạn gia đình không kham nổi nên phải bỏ dở giữa chừng. Một số nước thường có chi phí học tập và sinh sống đắt đỏ như Anh, Nhật, Singapore, Mỹ, các nước Bắc Âu… Với những bạn có học bổng, đặc biệt là học bổng toàn phần của các tổ chức lớn hoặc chính phủ nước ngoài thì tiêu chí này không ảnh hưởng nhiều. Nhưng với các bạn được học bổng nhà nước, tiêu chí này cũng cần phải xét đến, vì rất nhiều du học sinh người Việt theo diện học bổng này ở Úc, Nga… thường bị chậm học bổng hoặc học bổng không đủ sống, nên việc học tập thêm phần lo lắng. Hiện tại, một số nước có chính sách miễn học phí, nếu người học được chấp nhận vào học như Phần Lan, Đức…, người học chỉ phải lo phần sinh hoạt phí, nên các nước này được rất nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn đến học. - Cơ hội làm việc trong/sau khi học Những bạn có ý định du học theo hình thức vừa học vừa làm cần quan tâm đến cơ hội và điều kiện làm việc trong quá trình học. Vì ở một số nước, người học không được làm việc, một số lại cho làm việc trong một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần, cũng có một số nước tạo cơ hội riêng cho du học sinh làm thêm. Hiện tại kinh tế thế giới đang khủng hoảng, người bản địa cũng thất nghiệp nhiều, nên các bạn càng cần phải xét kỹ tiêu chí này. Những bạn có ý định ở lại sau khi đi du học cần quan tâm đến cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp. Không phải nước nào cũng mở rộng cửa cho người nước ngoài tới học và ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. - Khoảng cách địa lý Tiêu chí này cần được quan tâm đối với những bạn đã có gia đình hoặc có hoàn cảnh đặc biệt cần phải về thăm nhà thường xuyên. Bạn cần nhớ rằng, mỗi lần về thăm nhà là bạn phải chuẩn bị hàng tháng trời, rất vất vả, tốn kém. Chẳng hạn, nếu bạn học ở châu Mỹ hoặc châu Âu, thì bạn phải mất gần 2 ngày, trong đó gần 1 ngày ngồi trên máy bay để về nhà, và chi phí lên đến vài chục triệu tiền Việt cho vé máy bay, tàu xe. - Cơ hội xin visa Không phải nước nào cũng dễ xin visa du học, nhất là các trường hợp du học tự túc hoặc vừa học vừa làm. Có những bạn xin visa đi Mỹ 7-8 lần không được, có người xin visa du học tự túc Ba Lan phải đi lại hàng tháng trời mới xong… Trong khi đó, nhiều nước lại xin visa dễ dàng hơn như Nhật, Hàn, Trung Quốc, Anh… Việc xin visa với những bạn được học bổng thường rất thuận lợi và nhanh chóng vì trường hợp này thường được ưu tiên, mọi giấy tờ, thủ tục đều được tổ chức cấp học bổng hỗ trợ. Nếu bạn có ý định ở lại sau khi tốt nghiệp thì cần quan tâm đến cơ hội xin thẻ cư trú, gia hạn visa. Nhiều nước không muốn cho người học ở lại làm việc, vì họ cho rằng như vậy sẽ làm mất cơ hội xin việc của người bản địa, tăng dân số, là gánh nặng cho xã hội của họ. - Tình hình an ninh, trật tự Bạn đã nghĩ đến trường hợp đi du học mà lúc nào cũng lo ngay ngáy khi nào thì chiến tranh sẽ xảy ra, khi nào thì động đất, sóng thần… chưa? Khi đó, bạn có thể yên tâm để học tập không? Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, cơ sở Olsztyn, Ba Lan nơi tác giả làm việc từ năm 2011-2015 (Mùa đông năm 2012). Nếu không muốn bị stress vì những lý do đó, thì việc xét đến tình hình an ninh của nước đến học là cần thiết. Bạn cần biết rằng, tinh thần có thoải mái, cảm giác có an toàn thì việc học tập nghiên cứu mới suôn sẻ và thành công được. Chương 2. Những việc cần chuẩn bị trước và khi đi du học I. Những việc cần chuẩn bị trước khi đi du học Sau khi xác định rõ ràng mục đích đi du học, lựa chọn được thời điểm, hình thức và địa điểm du học thích hợp cho mình, việc bạn cần làm là tìm hiểu điều kiện nhập học, chuẩn bị một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để gửi đến nơi học, chuẩn bị hồ sơ xin visa và tìm hiểu thật kỹ trường, viện nghiên cứu mình sẽ đến, điều kiện ăn ở, đặc điểm tự nhiên và xã hội nơi đó. 1. Tìm hiểu điều kiện nhập học Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng khi bạn bắt tay vào chuẩn bị để đi du học. Mỗi nước hoặc mỗi trường đều đặt ra những tiêu chí cụ thể mà bạn phải đạt được nếu muốn vào học. Cách tìm hiểu trực tiếp nhất là qua website của trường hoặc viện đó, sau đó, nếu bạn có bất cứ câu hỏi gì, đừng ngần ngại viết e-mail trực tiếp cho người phụ trách tuyển sinh. Ví dụ: Những điều kiện xin nhập học hệ đại học của trường Harvard (theo website của trường: https://college.harvard.edu/admissions/application process/application-requirements) bao gồm: Đơn xin học và một bài luận bổ sung cho đơn xin nhập học chung. 75 đô-la lệ phí xét tuyển hoặc một đơn yêu cầu miễn lệ phí. Kết quả SAT hoặc ACT, với hai bài kiểm tra chuyên ngành SAT. Học bạ trung học (bao gồm bảng điểm) và kết quả giữa năm. Hai thư giới thiệu của giáo viên. Một kênh khác, mà bạn có thể tìm hiểu một cách gián tiếp, là tìm thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo đó qua Internet, qua những cựu sinh viên của trường, nếu tìm được những người Việt Nam đã hoặc đang học tại trường đó để hỏi thì rất tốt. Việc tìm kiếm và kết bạn với những người cùng chí hướng, cùng mong muốn đến học ở nơi bạn chọn rất có ý nghĩa, vì các bạn có thể chia sẻ thông tin cho nhau, giúp đỡ nhau trong quá trình nộp hồ sơ, làm visa và quá trình học tập nơi đất khách sau này. Thực tế, các bạn du học sinh thường tìm hiểu một vài trường, một vài nước rồi xếp thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp để nộp hồ sơ. Nếu như không được vào trường tốp trên thì các bạn vẫn có cơ hội ở các trường thấp hơn. 2. Chuẩn bị hồ sơ du học Sau khi tìm hiểu điều kiện nhập học của trường, bạn sẽ biết mình cần chuẩn bị cụ thể những gì, nhưng để chủ động hơn, việc cần làm của bạn là chuẩn bị trước cho mình một bộ hồ sơ gồm những giấy tờ chung mà thường trường nào, cơ sở đào tạo nào cũng cần. Vì, nếu để “nước đến chân mới nhảy” – khi biết cần chuẩn bị giấy tờ gì mới làm, thì sẽ rất vất vả, tốn kém, có khi lại chậm trễ, và vì vội vàng nên có thể chuẩn bị không tốt, dễ bị loại. Một bộ hồ sơ chung thường bao gồm: 1. Bằng cấp: Bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc trung học/giấy chứng nhận tốt nghiệp và học bạ – đối với những bạn có ý định đi du học bậc đại học trở xuống; bằng tốt nghiệp đại học, cao học/giấy chứng nhận tốt nghiệp và bảng điểm – đối với những bạn muốn đi du học sau đại học. 2. Giấy tờ cá nhân: giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú. 3. Một sơ yếu lý lịch (CV) hoàn chỉnh bằng tiếng Anh hoặc tiếng của nước mình sẽ đến. 4. Một số giấy khen, chứng nhận phần thưởng quan trọng như đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế – đối với các bạn có ý định đi du học từ bậc đại học trở xuống; bằng sáng chế, giải thưởng nghiên cứu khoa học… – đối với các bạn có mong muốn du học sau đại học. Những giấy tờ nào bằng tiếng Việt thì cần được dịch và công chứng sang tiếng nước mình đến học hoặc sang tiếng Anh. Bạn cần tìm hiểu xem nơi mình có ý định nhập học có chấp nhận giấy tờ bằng tiếng Anh không. Để dịch, công chứng sang tiếng nước ngoài thường các phòng tư pháp cấp quận, huyện trở lên mới có thẩm quyền làm, tuy nhiên nhanh chóng, thuận tiện nhất là bạn đến các phòng dịch thuật công chứng làm dịch vụ để thuê họ làm. Thông thường, nên công chứng, dịch thuật ít nhất 4 bản mỗi loại giấy tờ, vì ngoài để nộp hồ sơ nhập học, bạn sẽ mang theo một số khi đi du học, có lúc sẽ cần đến. Sau khi có bản công chứng, việc bạn cần làm là scan các giấy tờ này, để có một bộ hồ sơ online sẵn sàng cho việc ứng cử các trường khi cần đến. Trên thực tế, để thuận lợi cho người học, hiện nay, hầu hết các trường, các viện nghiên cứu đều ưu tiên nộp hồ sơ nhập học trực tuyến thông qua e-mail, hệ thống nộp hồ sơ online. 3. Chuẩn bị các giấy tờ để xin thị thực nhập cảnh (visa) Khi bạn đi du học tức là bạn phải nhập cảnh vào nước khác, để được nhập cảnh bạn phải được chính phủ nước đó mà cụ thể là đại sứ quán/lãnh sự quán nước đó (hoặc đại sứ quán ủy quyền, nếu nước bạn muốn nhập cảnh chưa có đại sứ quán ở Việt Nam) cấp thị thực nhập cảnh, tức visa. Phần lớn chúng ta chỉ dùng hộ chiếu phổ thông, và với hộ chiếu này, chúng ta sẽ được miễn visa ở các nước thành viên trong khối Asian bao gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đông Timor. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể ở các nước này một thời gian nhất định (khoảng 1 tháng), nếu ở lâu hơn bạn phải xin thị thực. Do đó, với hộ chiếu phổ thông, khi đi du học đến phần lớn các nước trên thế giới bạn cần phải xin thị thực. Và đương nhiên, trước khi làm việc này, bạn phải làm hộ chiếu trước ở phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc công an các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi bạn có hộ khẩu thường trú. Khi bạn xin visa, visa sẽ được dán vào hộ chiếu của bạn. Đến du học nước nào thì tốt nhất là bạn nên xin visa vào nước đó (vì một số nước thuộc các liên minh, khi có visa vào một nước thành viên là vào được các nước khác), mỗi nước lại có những yêu cầu hồ sơ xin visa khác nhau, nhưng với trường hợp xin visa du học, thường bao gồm các giấy tờ sau: 1. Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. 2. Hộ chiếu còn hạn. 3. Bằng cấp, bảng điểm/học bạ. 4. Một tờ đơn xin cấp visa – thường theo mẫu của mỗi nước. 5. Giấy chứng nhận sức khỏe – thường đại sứ quán mỗi nước có quy định giấy này bạn phải xin ở những cơ sở y tế nào ở Việt Nam. 6. Lý lịch tư pháp – Một tờ giấy nói đến lịch sử tư pháp của bạn như đã từng phạm tội chưa, ở đâu, làm gì… Giấy này bạn phải xin ở Sở Tư pháp của thành phố/tỉnh nơi bạn có hộ khẩu thường trú. 7. Thư chấp nhận vào học của trường nước ngoài nơi bạn sẽ học. 8. Giấy chứng nhận nơi bạn sẽ ở trong quá trình học. 9. Bảo hiểm quốc tế (thường là bảo hiểm du lịch quốc tế). 10. Vé máy bay. 11. Chứng minh tài chính/thư đảm bảo tài chính của tổ chức bảo trợ hoặc cấp học bổng cho bạn/Thư mời học bổng trong đó có nói rõ nơi cấp tiền và số tiền hằng tháng bạn sẽ nhận. Khi chưa biết mình sẽ học ở đâu, chưa có thư chấp nhận vào học và chưa có Giấy chứng nhận nơi sẽ ở trong quá trình học thì bạn chưa cần đặt vé máy bay, chưa cần làm giấy chứng nhận sức khỏe, đơn xin cấp visa và chưa cần mua bảo hiểm quốc tế, chứng minh tài chính. Nhưng để chủ động, các giấy tờ ở mục (1), (2), (3), (6) bạn có thể làm trước. Trong đó, lý lịch tư pháp thường có giá trị một năm kể từ ngày cấp và mất nhiều thời gian để đi xin, nên bạn cần quan tâm làm trước. Thường loại giấy này chỉ có tiếng Việt. Với các giấy tờ tiếng Việt, bạn cũng cần dịch và công chứng sang tiếng Anh hoặc tiếng nơi bạn sẽ đến học, và cũng cần khoảng 3-4 bản mỗi loại. Khi nộp giấy tờ xin visa trừ hộ chiếu, thư chấp nhận vào học, chứng minh tài chính, giấy chứng nhận nơi ở bạn phải nộp bản gốc, vé máy bay chỉ cần nộp bản in cuống vé từ e-mail do đại lý bán vé gửi, các giấy tờ còn lại bạn chỉ cần nộp bản dịch và công chứng. Tuy nhiên cần mang theo bản gốc, phòng khi họ yêu cầu kiểm tra. 4. Tìm hiểu về cơ sở đào tạo nơi mình sẽ đến Trước khi đi du học, điều bạn nên làm là cần tìm hiểu thật kỹ về cơ sở đào tạo (trường, viện, trung tâm) mình có ý định sang học bằng mọi kênh thông tin có thể. Những thông tin về ngành học, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo, năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, ngành học, lĩnh vực thế mạnh, tài liệu nghiên cứu/học tập, đội ngũ cán bộ nghiên cứu/giảng dạy… là điều bạn nên quan tâm. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu các nhóm/hội sinh viên, có người Việt Nam học tập ở đó hay không... cũng là những thông tin cần thiết. Những thông tin này sẽ giúp bạn xác định được cơ sở đào tạo phù hợp với mình, và chủ động trong mọi việc khi sang đó học tập. Việc tìm hiểu các thông tin về cơ sở đào tạo có thể thực hiện bằng nhiều cách như qua Internet, qua các sinh viên người Việt đang học tập tại đó hoặc trực tiếp từ người quản lý tuyển sinh/đào tạo của trường. Hầu hết các cơ sở đào tạo trên thế giới, nhất là những cơ sở uy tín, đều có website riêng, website sẽ cập nhật và thể hiện rất rõ những thông tin cần thiết mà người học muốn tìm hiểu, và sẽ có bản tiếng Anh cho người nước ngoài truy cập. Việc tìm kiếm thông tin trên website chính thống của các cơ sở đào tạo là cách mà phần lớn người đi học thường làm. Nếu nơi bạn đến học đã có người Việt từng học thì việc liên hệ với những người này để tìm hiểu về trường/viện đó là điều rất tốt, đó có thể là kênh phản ánh tình hình khá khách quan. Việc Google để tìm kiếm những phản hồi, những bình luận của những người quan tâm đến nơi bạn sẽ đến học sẽ giúp bạn có cái nhìn nhiều chiều hơn và đưa ra lựa chọn/quyết định tốt hơn. Một tòa nhà của trường Đại học Tổng hợp Warmia and Mazury, Ba Lan. 5. Tìm hiểu về điều kiện ăn ở nơi mình sẽ đến Những thông tin về ký túc xá, nhà trọ như trong trường có chỗ ở cho sinh viên nước ngoài không, phòng ở bao nhiêu người, điều kiện sinh hoạt thế nào, có gần nơi học không, đi lại có thuận lợi không... là những điều bạn cần tìm hiểu trước khi sang học. Thực tế, không phải ai cũng có thể sống và học tập được trong môi trường quá đông người. Trong khi ở nhiều nước, ký túc xá thường có 2-6 người/phòng, nhiều trường đại học ở Đài Loan ký túc xá thường có 4-6 người/phòng, ở Hàn Quốc 2-4 người/phòng, ở Ba Lan 2-4 người/phòng. Nếu bạn thấy mình không thể tập trung học tập được khi ở cùng nhiều người khác thì cần đăng ký để được ở ít người. Và đương nhiên khi đó mỗi tháng, bạn sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn. Việc trường có ký túc xá hay không, có đủ chỗ cho sinh viên ở không tùy thuộc vào từng cơ sở đào tạo. Nên tìm hiểu những thông tin này sớm, đăng ký sớm, bạn sẽ có cơ hội được ở và ở với điều kiện tốt hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và học tập của chúng ta khi đem “cơm” đi học sứ người. Bên cạnh nơi ở, các thông tin liên quan đến nơi ăn cũng quan trọng. Bạn cần biết rằng mình có được nấu ăn tại nơi ở hay trường có căng tin cho sinh viên ăn uống... Vì nhiều trường không cho người học nấu ăn trong ký túc xá, mà bạn phải ăn ở nhà ăn của trường (Ví dụ: Đại học Ulsan Hàn Quốc), trong khi đồ ăn họ nấu theo cách của nước sở tại, có thể sẽ rất khó ăn với người nước ngoài, nhất là giai đoạn đầu. 6. Tìm hiểu về đặc điểm tự nhiên – xã hội nơi mình sẽ đến Các thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết của nơi mình dự định đến học cũng cần được bạn xem xét. Nơi đó nhiệt độ thế, có mưa nhiều, các mùa ra sao... bạn đều cần có câu trả lời. Vì chúng ta đang ở một nước nhiệt đới, nóng lắm, mưa nhiều, chúng ta quen với nhiệt độ cao nhất khoảng 40oC (vào mùa hè) và thấp nhất khoảng 10oC (vào mùa đông), nên không phải ai cũng có khả năng chịu được cái lạnh dưới 0oC ở các nước hàn đới hoặc trên 40oC ở các nước cận xích đạo. Chẳng hạn ở các nước Đông Âu và Bắc Âu (như Ba Lan, Đan Mạch, Na Uy…) vào mùa đông nhiệt độ thường xuống dưới -10oC, có khi là -50oC, bạn đã tưởng tượng được mình sẽ sống như thế nào trong điều kiện thời tiết như thế chưa? Hoặc ở xứ sở sương mù Anh quốc, nơi bạn có thể gặp mưa bất cứ lúc nào, độ ẩm không khí cao, nếu da bạn bị dị ứng thời tiết nhất là với độ ẩm cao, thì tốt nhất nên đến nước khác du học. Bên cạnh các đặc điểm tự nhiên, bạn cần quan tâm đến các đặc điểm về lịch sử, xã hội của nơi mình sẽ đến. Liệu ở đó người dân có thân thiện hay không, có cởi mở với người nước ngoài không, quan điểm sống và thế giới quan chung thế nào... cũng cần được bạn quan tâm. Vì chắc hẳn, bạn sẽ không yên tâm sinh sống, học tập tại nơi mà ở bất cứ nơi đâu mình đều bị nhìn và đối xử như người đến từ hành tinh khác. Câu cá trên mặt hồ nước đóng băng ở châu Âu. II. Những việc cần chuẩn bị khi đi du học Phần lớn chúng ta khi bắt đầu ra nước ngoài học tập hay sinh sống thường đặt ra rất nhiều câu hỏi về những thứ cần chuẩn bị, mang theo khi xuất ngoại. Do sự giới hạn về khối lượng hành lý ký gửi và xách tay khi đi máy bay, nên chúng ta không thể mang theo tất cả những gì mình muốn. Dưới đây là gợi ý những thứ cần mang theo khi lần đầu ra nước ngoài học tập. - Giấy tờ: Hộ chiếu có visa của nước sẽ đến, bản sao dịch và công chứng giấy tờ cá nhân (giấy khai sinh, hộ khẩu…), bản sao dịch và công chứng bằng cấp (bằng, bảng điểm, giấy chứng nhận…), bản gốc bảo hiểm quốc tế, vé máy bay. - Tiền: Tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn cần mang theo bao nhiêu tiền. Với những người được học bổng toàn phần (cả sinh hoạt phí và học phí) thì chỉ cần mang theo một số lượng tiền đủ dùng cho sinh hoạt phí 1-2 tháng đầu (khi chưa được nhận học bổng), mua tài liệu sách vở, làm thẻ cư trú và đóng ký túc xá/thuê nhà… tháng đầu. Còn những người đi du học tự túc hoặc học bổng một phần thì có thể mang tiền học phí và sinh hoạt phí… cả kỳ hoặc cả năm học. Hiện nay ở nước ta có rất nhiều ngân hàng có thẻ Master Card hoặc Visa Card mà bạn có thể rút tiền ở nước ngoài, nên chúng ta nên đến các ngân hàng lớn ở Việt Nam, nhờ họ tư vấn dịch vụ thích hợp, tiết kiệm để ta có thể mở tài khoản và rút tiền ở nước ngoài do người nhà gửi từ Việt Nam. Cách làm này an toàn hơn, và vì chúng ta cũng không thể mang theo một khoản tiền mặt lớn vào nước khác khi nhập cảnh mà không khai báo. Bạn nên đổi một ít tiền mà nước sẽ đến đang dùng để tiện mua đồ, đi xe bus… trong những ngày đầu tiên khi đến, số tiền còn lại là đô-la Mỹ hoặc Euro, sau khi đến nơi nếu cần tiền, bạn có thể đổi sau. - Tài liệu học tập: Sách vở, bút, máy tính xách tay (nếu có)… chỉ mang những đồ thật quan trọng và cần thiết, vì bạn có thể mua ở nước ngoài và có những sách không dùng đến. Tùy theo ngành học, bạn có thể mang theo một vài cuốn sách chuyên ngành bằng tiếng Việt sát với ngành học nhất, để phòng khi giai đoạn đầu, ngoại ngữ chưa tốt, lên giảng đường chưa bắt kịp bài giảng của thầy, đọc sách tiếng họ chưa hiểu thì còn có tài liệu tham khảo. Nên mang theo vở, bút vì thường những thứ này ở nhà rẻ hơn ở nước ngoài. - Đồ ăn: Cần chuẩn bị ít đồ ăn sẵn (như mì tôm, phở gà, bánh mì ruốc…) có thể ăn trong 2-3 ngày đầu khi mới sang, chưa biết chỗ ăn hoặc vào đúng dịp cuối tuần/ngày lễ. Ở các nước châu Âu, cuối tuần/ngày nghỉ hầu hết các cửa hàng, siêu thị sẽ đóng cửa, nên bạn sẽ không mua được đồ ăn. Khi đi xa, bạn sẽ rất nhớ đồ ăn Việt. Tùy từng quốc gia mà có thể có hoặc không có người Việt sinh sống, nên có thể hoặc không có quán ăn Việt, cũng như các thực phẩm châu Á, do đó, bạn nên mang theo nhiều đồ khô như mì, miến, mộc nhĩ, nấm hương, ngũ vị hương, xả, quế, ớt khô, bánh đa nem… để có thể tự làm các món ăn Việt khi thèm. Mắm là thứ rất khó mua khi ở nước ngoài, nếu có thể, bạn nên mang theo 1-2 chai, chai nhựa càng tốt, cuốn vào giấy báo, rồi để trong hành lý ký gửi. Nhiều người nước ngoài rất thích các đồ ăn Việt, điển hình là nem rán, phở, chả nướng… những thứ bạn có thể tự làm với những đồ khô mang theo và mua nguyên liệu ở nước sở tại. Qua ẩm thực, bạn vừa giới thiệu, quảng bá được hình ảnh đất nước, lại vừa tạo được thiện cảm và thiết lập các mối quan hệ mới tốt đẹp cho công việc và cuộc sống khi ở nước ngoài. Nên mang một ít gạo vì có thể lúc đầu bạn không tìm được chỗ mua gạo. Tùy từng nơi đến, mà bạn có thể cần mang theo một nồi cơm điện nho nhỏ, vì nhiều nơi bạn sẽ không tìm được nơi bán. - Bạn chỉ nên mang theo những quần áo và giày dép cần thiết, đủ dùng trong 1-3 tháng đầu, sau đó khi quen, bạn có thể tự đi mua và có thể chọn những hàng giảm giá vào các mùa nhất định trong năm. Vì thực tế, đồ dùng ở Việt Nam không phù hợp với thời tiết và phong cách ở nước mình sẽ đến. Cần chú ý đến đồ mùa đông, nhất là sang những nước có mùa đông băng giá. Nhiều bạn khi ra nước ngoài, mang quá nhiều quần áo, giày dép, do đó thừa cân trong hành lý ký gửi, phải trả rất nhiều tiền cước, nhưng lại không dùng đến vì ở đó, mọi người không mặc như mình hoặc không phù hợp với thời tiết. Kinh nghiệm của những người khi sống/ra nước ngoài nhiều là nên hạn chế quần áo, giày dép, thay vào đó là mang theo nhiều đồ ăn Việt. - Đồ dùng cá nhân: Khăn mặt, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội… nên mang theo một lượng nhỏ đủ dùng trong vài tuần hoặc một tháng đầu. Khi quen bạn có thể tự mua ở đó. Có những đồ dùng có thể không phù hợp với thời tiết, độ ẩm ở nước bạn sẽ sang. - Thuốc: Cần mang theo những loại thuốc thông thường như thuốc cảm, thuốc đau đầu, thuốc ho, thuốc đi ngoài, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi… có hạn càng lâu càng tốt và đủ dùng thậm chí 1-2 năm. Vì bạn nhớ rằng khi ra nước ngoài là mình phải tự chăm sóc bạn thân, sống độc lập và “không được phép” ốm, vì ốm sẽ rất khổ khi bạn… chỉ có một mình. - Phương tiện liên lạc: Điện thoại, một cái sim quốc tế (nếu có)… - Quà: Bạn nên mang theo những món quà nhỏ nhưng mang đậm bản sắc Việt để tặng cho giáo sư, bạn bè người nước ngoài. Quà có thể là đồ lưu niệm hoặc đồ ăn, nhưng cần phải đảm bảo chất lượng, nhãn mác rõ ràng và gọn nhẹ. Những đồ lưu niệm như tranh thêu, tranh Đông Hồ, khăn lụa Hà Đông… thường được các du học sinh lựa chọn khi mang ra nước ngoài. Bạn có thể chỉ mua tranh, còn khung sẽ mua ở siêu thị bên nước đó cho đỡ nặng. Những đồ ăn, đồ uống như bánh pía, mứt sen, hoa quả khô, chè sen, cà phê… cũng được nhiều người lựa chọn. Nếu được nên chọn những thứ có cả nhãn mác tiếng Anh. Chương 3. Học bổng Như chúng ta đã biết trong chương 1, du học bằng học bổng là hình thức du học tốt nhất nhưng cũng khó nhất. Nếu bạn có kế hoạch rõ ràng, nỗ lực hết mình thì bạn vẫn hoàn toàn có thể làm được. Vì những lợi ích mà học bổng mang lại cho người học, nên chúng tôi dành riêng chương này để nói về học bổng, cũng như hướng dẫn bạn cách thức giành được học bổng. I. Vì sao nên đi du học bằng học bổng? Việc ra nước ngoài để sinh sống và học tập chắc chắn sẽ đắt đỏ và tốn kém hơn rất nhiều so với học tập trong nước. Ví dụ, theo Cục nhập cư và quốc tịch Úc (DIAC), để có thể xin visa du học ở Úc, bạn phải đảm bảo chi phí sinh hoạt tối thiểu là 18.610 đô-la Úc/năm (nguồn: http://www.studyinaustralia.gov.au) tương đương với trên 350 triệu VNĐ theo tỷ giá hiện tại. Trong thực tế, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta năm 2013 là 1.960 đô-la/năm, tương đương khoảng 41 triệu Việt Nam đồng. Với thu nhập như vậy, hầu hết các gia đình ở Việt Nam không có khả năng tài chính để chu cấp cho con du học tự túc ở nước ngoài. Do đó, để cho con đi du học được ở nước ngoài bằng con đường tự túc, cha mẹ, gia đình đã phải hy sinh rất lớn, phải tiết kiệm, vay mượn, thậm chí cầm cố tài sản, nhà cửa, ruộng vườn. Tuy nhiên, không phải ai đi du học cũng thành công, việc học ở trong nước đã không dễ, nay lại ra một nước khác, dùng ngôn ngữ khác, xa gia đình, sống tự lập, đối mặt với vô vàn khó khăn và nhiều cám dỗ, nhiều bạn đã thất bại, sa ngã, phải quay về nước hoặc dính vào tệ nạn xã hội, để lại gánh nặng nợ nần và nỗi đau tinh thần rất lớn cho bố mẹ và người thân. Con đường duy nhất để tránh gặp phải những nhược điểm của du học tự túc là học bổng. Nếu được học bổng, bạn sẽ được nhiều thứ. Với bản thân bạn, nhận được học bổng tức bạn đã thuyết phục được hội đồng xét tuyển học bổng và khẳng định được năng lực học tập/nghiên cứu, khả năng ngoại ngữ, cũng như các kỹ năng mềm của mình. Thời gian chuẩn bị để đạt được những thành quả này giúp bạn bản lĩnh, tự tin hơn khi bước chân ra xứ người học tập và điều đó giúp bạn có nhiều cơ hội thành công hơn. Ngoài ra, các học bổng uy tín thường gắn liền với các trường/viện, chương trình đào tạo tốt nhất, được học tập, nghiên cứu trong môi trường đó sẽ giúp bạn có điều kiện phát triển tối đa về trí tuệ, kỹ năng và hoàn thiện bản thân. Đây là tiền đề cho việc học tập cao hơn và mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm sau này. Khi du học bằng học bổng, bạn sẽ yên tâm tập trung vào việc học tập, nghiên cứu vì bạn không phải lo lắng đến việc đi làm thêm kiếm sống, theo đó, kết quả học tập, nghiên cứu hẳn sẽ tốt hơn. Có học bổng, không phải làm thêm, bạn sẽ có điều kiện và thời gian để khám phá những điều mới mẻ nơi bạn học tập và những nơi khác trên thế giới. Với gia đình bạn, chắc hẳn bố mẹ, người thân bạn sẽ rất tự hào khi con mình được một học bổng danh giá sang các nước phát triển học tập, nghiên cứu. Nhờ học bổng, gia đình bạn đã bớt đi nỗi lo về tài chính trong suốt quá trình bạn đi học. Phần lớn các du học sinh Việt Nam được các học bổng như Erasmus, ADS, MEXT… đều có tiền gửi về giúp đỡ gia đình, vì với họ số tiền học bổng hằng tháng thường dư kha khá sau khi trừ hết các chi phí đi lại, học tập, đi chơi… Bạn hãy tưởng tượng, khuôn mặt đầy tự hào và rạng ngời của bố mẹ, người thân, khi nhận những đồng tiền ý nghĩa từ học bổng mà con mình gửi tặng. Du học tự túc là rất xa xỉ với phần lớn các gia đình Việt Nam hiện nay. II. Phân loại học bổng Hiện nay trên thế giới có rất nhiều loại học bổng, với các tên gọi khác nhau dựa vào nhiều yếu tố như nơi cấp học bổng, giá trị của học bổng, thời gian cho học bổng… Để dễ hiểu, chúng ta tạm phân loại như sau: 1. Căn cứ vào giá trị học bổng, chúng ta có thể chia thành: - Học bổng toàn phần Phần lớn chúng ta hiểu học bổng toàn phần, tức là toàn phần học phí (100% học phí), nhưng cách hiểu này không đúng. Học bổng toàn phần là gói học bổng mà người học không chỉ được 100% học phí, mà còn được cung cấp một khoản tiền cho sinh hoạt phí (tiền ăn, tiền nhà ở, tiền bảo hiểm), và đương nhiên được tiền tài liệu, vật dụng để học tập và nghiên cứu, thậm chí còn được chu cấp cả tiền vé máy bay (một lần đến và một lần về khi học xong). Học bổng dạng này thường được cấp bởi các tổ chức lớn trên thế giới, chính phủ các nước. Các học bổng lớn như Erasmus của Liên minh châu Âu, Học bổng Chính phủ Nhật Bản (MEXT), học bổng của Ngân hàng thế giới, học bổng lãnh đạo của Úc... thường là các học bổng toàn phần. Ngoài ra còn có các học bổng được cấp bởi dự án của giáo sư (được gọi là học bổng giáo sư), học bổng của một số trường có tiềm lực tài chính và của các tổ chức xã hội, vùng miền… đôi khi cũng là học bổng toàn phần. Học bổng 322 (nay là 911) của Chính phủ Việt Nam và các học bổng hiệp định giữa Việt Nam và nước khác (như Nga, Ba Lan...) cũng thuộc loại này, nhưng thường giá trị nhỏ hơn các học bổng toàn phần ở trên. Như vậy, với học bổng toàn phần thì người học không mất bất cứ một khoản chi phí nào và khi cho học bổng, toàn phần các nước/tổ chức/cá nhân thường tính toán để người học sẽ có một cuộc sống ở ngưỡng cơ bản tại nước đến học. Sinh viên Việt Nam thường tiết kiệm, nên khi được các học bổng lớn như Erasmus, MEXT… thường họ sẽ chỉ dùng hết một phần học bổng, do đó sẽ được để dành được một số tiền kha khá mỗi tháng. Vì học bổng giá trị lớn cũng như được chu cấp toàn bộ các chi phí học tập, sinh hoạt phí… cho người học, số lượng các học bổng này cũng không nhiều nên việc giành được một suất học bổng toàn phần thường rất khó, chỉ những sinh viên thực sự xuất sắc mới có khả năng đạt được. - Học bổng một phần Đây là dạng học bổng mà nơi cấp chỉ cho học phí (100% học phí), một phần học phí, hoặc một khoản tiền nhất định (mình vẫn phải đóng thêm học phí), hoặc vừa được học phí, vừa được một khoản tiền hỗ trợ vào sinh hoạt phí hằng tháng... Dạng học bổng này thường do các trường, các tổ chức xã hội, các công ty, các các nhân… cung cấp. Nó có thể là học bổng cả một khóa học, hoặc chỉ một vài năm học, một vài kỳ học, hoặc thậm chí chỉ một vài tháng, hay chỉ là một khóa học ngắn hạn như học bổng trao đổi sinh viên. Ví dụ như trường BI Norwegian Business School Na Uy năm 2014 cho học bổng bậc Thạc sĩ là toàn bộ học phí 1 năm (khoảng 82.600 Krone, tương đương 230 triệu VNĐ) và một phần sinh hoạt phí là 40.000 Krone (tương đương 110 triệu VNĐ) trong 1 năm. Nếu năm đầu người học giành được kết quả tốt, thì có thể sẽ được học bổng năm tiếp theo. Do giá trị của gói học bổng này không cao, nên yêu cầu thường nhẹ nhàng hơn, cũng như ít cạnh tranh hơn học bổng toàn phần, tuy nhiên được học bổng loại này không phải là dễ. Đôi khi, để chiêu mộ sinh viên, các trường thường ra chiêu bài cho học bổng, sinh viên nào vào học cũng được học bổng, rồi thu lại bằng cách khác như học phí cao, phí nhập học cao… Như vậy, với học bổng một phần, tùy loại mà khi đi học người học phải tự chi phí một phần và chỉ được đài thọ một phần. Sự so sánh giữa học bổng một phần và toàn phần. 2. Căn cứ vào nơi cấp học bổng, có thể chia thành: Học bổng của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội: như học bổng Erasmus của Liên minh châu Âu, học bổng của Ngân hàng thế giới, học bổng của Liên Hợp Quốc, Học bổng của khối ASEAN... Học bổng chính phủ các nước: học bổng MEXT (Nhật), BK21 (Hàn), Singa (Singapore), Fulbright và VEF (Mỹ), NFP (Hà Lan), Eiffel (Pháp), 322/911 và 165 (Việt Nam), ADS và Endeavour (Úc), BTC (Bỉ), Vietnam - Austria Scholarship Programme (Áo), Chevening (Anh), New Zealand ASEAN Scholars Awards (New Zealand), ASEAN Scholarships (Singapore), DAD (Đức)… Học bổng của các trường, thực chất đây cũng là tiền của các chính phủ hoặc tổ chức xã hội cấp cho trường như Nanyang President’s Graduate (NPGS) tại Đại học Công nghệ Nanyang; Học bổng Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju – GIST, Hàn Quốc; Học bổng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc – KIST, Hàn Quốc… Học bổng của các công ty hay các cá nhân, do các nhân vật đứng đầu các công ty, doanh nghiệp cung cấp như các học bổng của các doanh nghiệp Nhật Bản như Hitachi, Panasonic, Okazaki Kaheita, Toshiba, Iwatani International Student Scholarship hay học bổng Huyndai của Hàn Quốc… 3. Căn cứ vào bậc học, có thể chia thành: Học bổng trung học, học bổng tiền đại học Học bổng đại học Học bổng Thạc sĩ Học bổng Tiến sĩ Học bổng sau Tiến sĩ Thường các bậc học đại học và dưới đại học sẽ có ít học bổng, do đó sự cạnh tranh sẽ rất cao. Với các bậc học sau đại học như Thạc sĩ, Tiến sĩ số lượng học bổng nhiều hơn, mặc dù cũng rất cạnh tranh, nhưng cơ hội sẽ nhiều hơn các bậc trước và thường là học bổng toàn phần. 4. Căn cứ vào nội dung chương trình học, thực tập hoặc nghiên cứu có thể chia thành: Học bổng trao đổi và giao lưu văn hóa, như học bổng giao lưu văn hóa Mỹ, học bổng giao lưu văn hóa Nhật, học bổng giao lưu văn hóa Hàn… Học bổng trao đổi sinh viên, thường cho bậc đại học ví dụ học bổng trao đổi sinh viên của chính phủ Hàn giữa các trường đại học Việt Nam và Hàn Quốc hoặc của chính phủ Nhật cho các trường ở Nhật và Việt Nam… Học bổng thực tập sinh: Dành cho người học từ bậc đại học đến sau Tiến sĩ ra nước ngoài học tập trong một thời gian ngắn như Chương trình học bổng Campbell (dành cho nữ), Học bổng thực tập sinh quốc tế tại Đại học Melbourne, Úc… Học bổng thực tập nghề nghiệp (Internship scholarships): Do các tổ chức, công ty cung cấp để giúp các sinh viên, những người đã tốt nghiệp thực tập về một lĩnh vực nghề nghiệp nào đó như văn phòng, giáo dục, khoa học kỹ thuật… III. Quy trình xét tuyển và ứng cử học bổng Học bổng là một phần thưởng lớn đối với những bạn mong muốn thực hiện giấc mơ du học của mình. Vậy quy trình xét tuyển và ứng cử học bổng như thế nào? Trên thực tế, mỗi học bổng có một quy trình xét tuyển và ứng cử cũng như điều kiện riêng, ở đây chúng tôi miêu tả những bước cơ bản mà hầu hết các học bổng đều có: - Thông báo thông tin học bổng: Các tổ chức cấp học bổng sẽ thông báo thông tin về học bổng như thời gian nộp hồ sơ, hạn nộp, cách thức nhận hồ sơ, điều kiện, giá trị học bổng, tổ chức cấp, lĩnh vực học… trên các phương tiện thông tin đại chúng, như đài báo, Internet, website của tổ chức hoặc các website chuyên về học bổng… - Tiếp nhận hồ sơ học bổng: Tiếp nhận hồ sơ học bổng: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ học bổng sẽ tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, e-mail hay hệ thống nộp hồ sơ online. Hiện nay để thuận tiện cho người ứng cử, phần lớn các học bổng thường yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ qua hệ thống online hoặc e-mail, hầu hết học bổng Erusmus của Liên minh châu Âu, học bổng Singa của Singapore đều nộp hồ sơ online. - Xét hồ sơ học bổng: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Hội đồng xét tuyển học bổng sẽ căn cứ vào hồ sơ học bổng để đánh giá các ứng cử viên. Ở vòng này, họ sẽ chọn ra những ứng viên xuất sắc nhất (Shorted list 1) để vào vòng tiếp theo. - Phỏng vấn sơ loại: Sau vòng xét hồ sơ, Hội đồng xét tuyển học bổng sẽ chọn ra những ứng viên xuất sắc vào vòng phỏng vấn thứ nhất. Vòng này thường được phỏng vấn qua điện thoại, e-mail hoặc skype, đôi khi có phỏng vấn trực tiếp. Có thể cuộc phỏng vấn chỉ mang tính chất đối thoại/trao đổi, cũng có khi ứng viên được yêu cầu chuẩn bị một báo cáo ngắn về bản thân, lý do chọn học bổng đó hoặc hướng nghiên cứu… Sau vòng phỏng vấn này, những ứng viên xuất sắc hơn (Shorted list 2) sẽ được chọn vào vòng sâu hơn. Với nhiều học bổng, vòng phỏng vấn này đã là vòng cuối cùng và những người được chọn đồng nghĩa với việc được học bổng, ví dụ như học bổng Erasmus của Liên minh châu Âu cho bậc Tiến sĩ nghiên cứu về sự vận động và tuổi tác (http://www.move-age.eu/joint-phd-degree/selection-criteria/). - Vòng phỏng vấn 2 (vòng phỏng vấn mặt đối mặt): Những người được lựa chọn ở vòng phỏng vấn đầu sẽ được phỏng vấn lần 2. Vòng phỏng vấn này thường liên quan đến các vấn đề chuyên sâu hơn, như năng lực học tập, nghiên cứu, các kỹ năng… và ứng viên có thể được phỏng vấn qua hệ thống online hoặc được mời trực tiếp đến nơi học để phỏng vấn. Ví dụ học bổng Singa của Singapore cho bậc Tiến sĩ thường mời ứng viên sang cơ sở đào tạo để phỏng vấn trực tiếp, và họ đài thọ hoàn toàn kinh phí. Sau vòng phỏng vấn này, Hội đồng xét tuyển học bổng sẽ chọn ra danh sách những người được học bổng (Final list hoặc Main list). Bên cạch danh sách được học bổng, họ cũng chọn ra một dach sách dự trù, nếu vì lý do gì mà ứng viên nào đó trong danh sách cuối cùng bị loại/hoặc bỏ thì người ưu tú nhất trong danh sách trù bị sẽ thế vào đó và được học bổng. Quy trình xét tuyển chung của một học bổng (Hình tháp mô phỏng số lượng ứng viên ở mỗi vòng). IV. Cần chuẩn bị những gì để ứng cử học bổng? Giành được học bổng đi du học là niềm mơ ước và động viên rất lớn cho nhiều bạn trẻ, cũng là sự tự hào cho những gia đình có con em được đi học theo diện này. Nhưng để ứng cử học bổng và giành được học bổng, chúng ta phải trải qua một quá trình học tập, phấn đấu lâu dài và có kế hoạch rõ ràng. Mỗi chương trình học bổng đều có những yêu cầu khác nhau, ứng viên phải đáp ứng và thỏa mãn những điều kiện đó mới có cơ hội thành công. Vậy ứng cử viên cần chuẩn bị những gì trước khi tìm và ứng cử học bổng? Trên cơ sở những điều kiện thường yêu cầu của các học bổng và kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi đưa ra các bước chuẩn bị sau cho những ai có ý định du học bằng học bổng: 1. Cố gắng học tập để giành được điểm cao Tùy theo mỗi chương trình học bổng mà họ yêu cầu ứng viên phải có điểm Trung bình toàn khóa (Grade Point Average – GPA) khác nhau. Thông thường bạn nên có điểm trung bình toàn khóa trên 8.0 (theo hệ thống tính điểm cũ ở Việt Nam). Ví dụ học bổng Tiến sĩ về Sự vận động và Tuổi tác của Liên minh châu Âu (http://www.move age.eu/joint-phd-degree/selection-criteria/) yêu cầu ứng viên phải có GPA đại học và Thạc sĩ thuộc tốp 10 của toàn khóa học (của cả khoa hoặc trường). GPA cao đặc biệt quan trọng với các bạn có ý định xin học bổng đại học hoặc phổ thông, vì các bạn chưa hoặc ít có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học. Với các ngành kinh tế - xã hội, học bổng bậc Thạc sĩ cũng rất coi trọng GPA và thường đòi hỏi GPA cao. Với những ngành kỹ thuật, sinh y, công nghệ thông tin, học bổng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ có thể đòi hỏi GPA thấp hơn, nhưng đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu, thể hiện qua các công trình nghiên cứu chất lượng (có tên trên các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín). Ngoài cố gắng học tập, bạn cần tích cực tham gia vào các nhóm nghiên cứu. Việc tham gia vào các nhóm nghiên cứu giúp chúng ta làm quen với công việc nghiên cứu, học thuật. Tùy theo đặc thù từng lĩnh vực mà bạn sẽ được làm quen và học được các kinh nghiệm, kỹ thuật khác nhau, những thứ rất có ích cho việc học tập của bạn sau này ở nước ngoài và công việc tương lai, đồng thời làm đẹp sơ yếu lý lịch (CV) của bạn khi xin học bổng. Ngoài ra, tham gia nghiên cứu khoa học còn giúp bạn tìm được những người bạn cùng chí hướng, làm quen với giáo sư, tìm được cơ hội học bổng. Bạn nên biết rằng thư giới thiệu của những giáo sư này đóng vai trò quan trọng trong hồ sơ xin học bổng của bạn. 2. Trau dồi kỹ năng ngoại ngữ Ngoại ngữ là công cụ để tiếp nhận kiến thức và sinh sống ở nước ngoài. Tùy vào định hướng du học và nghề nghiệp mà bạn cần chọn cho mình một hoặc nhiều ngôn ngữ phù hợp. Ngoại ngữ cũng là điều kiện cần thiết khi ứng cử học bổng. Tiếng Anh là một ngôn ngữ thông dụng hiện nay trên thế giới, là công cụ để học tập và giao tiếp phổ biến nhất. Nếu không thể học một lúc nhiều ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung… thì bạn nên tập trung vào học thật tốt tiếng Anh. Với tiếng Anh, bạn có thể đi học ở hầu hết các quốc gia phát triển và có nền giáo dục tốt trên thế giới. Hầu hết các nước đều có chương trình học/nghiên cứu bằng tiếng Anh cho sinh viên quốc tế, ví dụ phần lớn học viên cao học và nghiên cứu sinh Tiến sĩ Việt Nam hiện đang học ở các trường/viện nghiên cứu ở Hàn Quốc đều sử dụng tiếng Anh. Những bạn có ý định xin học bổng bằng tiếng Anh thường được yêu cầu phải có chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS ở một điểm số nhất định. Phần lớn các chương trình học bổng đòi hỏi ứng viên của họ phải có IELTS lớn hơn 6.0 tương đương với TOEFL 79 hoặc 80 (http://study in-ohio.nuvvo.com/lesson/11273-toefl-and-ielts-conversion-chart). Ví dụ học bổng của Chính phủ Anh (Chevening scholarship) yêu cầu ứng viên phải có điểm IELTS ít nhất 6.5, với mỗi kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tối thiểu là 5.5. Các chứng chỉ ngoại ngữ thường chỉ có giá trị trong một thời gian, việc ôn tập để đạt điểm số thỏa mãn yêu cầu của học bổng cũng cần một thời gian chuẩn bị nhất định, tùy năng lực của mỗi người. Do đó, khi có ý định ứng cử học bổng, căn cứ vào năng lực của bản thân, bạn cần lên kế hoạch xin học bổng và thi ngoại ngữ phù hợp, để làm sao có thể đạt chứng chỉ ngoại ngữ đủ yêu cầu trước thời điểm ứng cử học bổng từ 1-6 tháng là tốt nhất. 3. Chuẩn bị một bộ hồ sơ xin học bổng hoàn chỉnh Trong thời gian cố gắng học tập trên lớp, chuẩn bị ngoại ngữ bạn nên tìm hiểu và làm một bộ hồ sơ xin học bổng hoàn chỉnh. Có thể bạn chưa biết hoặc chưa tìm được chương trình học bổng cụ thể nào phù hợp và yêu cầu hồ sơ của chương trình đó như thế nào, nhưng nhìn chung, phần lớn các chương trình học bổng đều yêu cầu các giấy tờ sau: Bằng cấp, bảng điểm (bạn nên đi đến các trung tâm dịch thuật công chứng để nhờ họ dịch và công chứng sang tiếng Anh). Chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL hoặc IELTS). Sơ yếu lý lịch (CV). Các này bạn có thể tự thiết kế thật khoa học và bắt mắt (xem phần hướng dẫn viết CV). Một số chương trình học bổng đòi hỏi bạn làm CV theo mẫu của họ, tuy nhiên nếu bạn đã có CV tự thiết kế thì việc copy và paste sang mẫu CV của họ cũng rất nhanh. Chẳng hạn, các học bổng của Liên minh châu Âu thường yêu cầu người ứng cử nộp CV theo mẫu Europass (bạn có thể vào google tìm mẫu này). Tuyên bố cá nhân (Personal Statement, Statement of Purpose hoặc Letter of Motivation). Tùy theo từng học bổng, mà người ta yêu cầu người ứng cử phải nộp một bức thư nói về mục đính, động cơ, lý do mình ứng cử học bổng đó, hay lý do muốn tham gia vào chương trình nghiên cứu, học tập đó. Chúng ta có thể hiểu đây là một bài luận. Bài luận này đặc biệt quan trọng với những bạn có ý định xin học bổng đại học và phổ thông vì họ chưa có kinh nghiệm nghiên cứu. Đề cương nghiên cứu (Study Plan hoặc Research Proposal). Đây là giấy tờ quan trọng với những người xin học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ. Thư giới thiệu. Thường thì các chương trình học bổng yêu cầu 2-3 thư giới thiệu từ những giáo sư, thầy giáo cũ, giám đốc của bạn, người hướng dẫn tốt nghiệp… Bạn nên viết trước rồi nhờ họ xem lại và ký, nếu có dấu nữa thì càng tốt. Ngoài ra, tùy chương trình học bổng mà họ có thể đòi hỏi những giấy tờ khác như Giấy khai sinh, Hộ khẩu… Tất cả các giấy tờ tiếng Việt đều cần được dịch sang tiếng Anh và công chứng. Bạn cần nhớ rằng, chúng ta không thể tự dịch, vì các phòng công chứng sẽ không chấp nhận giấy tờ dịch sẵn, nên bạn cần đem giấy tờ gốc đến các phòng công chứng có thẩm quyền dịch thuật - công chứng và thuê họ làm. Bạn nên scan bộ hồ sơ này vì rất nhiều chương trình học bổng bạn có thể ứng cử online. Và việc ứng cử online sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản không nhỏ. 4. Tìm kiếm thông tin học bổng Trong quá trình chuẩn bị năng lực học tập, ngoại ngữ và hồ sơ ứng cử học bổng, chúng ta cũng cần song song tìm kiếm về học bổng. Vì việc tìm được một học bổng phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình không phải là dễ, và khi tìm kiếm được những học bổng ưng ý, chúng ta sẽ biết được cần điều chỉnh những gì trong việc chuẩn bị để ứng cử những học bổng đạt hiệu quả. Việc tìm kiếm học bổng cần phải được tiến hành một cách thường xuyên, có kế hoạch và ghi chép lại cụ thể. Để việc tìm kiếm học bổng có hệ thống và hiệu quả bạn có thể làm theo các gợi ý sau: Xây dựng cho mình một kế hoạch tìm kiếm học bổng cụ thể, như ứng cử bao nhiêu học bổng phù hợp với mình, đặt ra thời gian trong bao lâu phải hoàn thành kế hoạch này. Chúng ta nhớ rằng, ứng cử học bổng như đi “câu cá” tức là câu càng nhiều thì cơ hội được cá càng lớn, và trong trường hợp này chúng ta đã biết chắn chắc là có cá, vấn đề là ta câu như thế nào để bắt được cá. Do đó, đừng bỏ đi cơ hội của mình, hãy tìm cho mình càng nhiều học bổng càng tốt, rồi sau đó ứng cử càng nhiều càng tốt, theo các thứ tự ưu tiên khác nhau. Lập một bảng thống kê chi tiết về học bổng gồm: tên học bổng, nguồn tài trợ, giá trị học bổng, hạn nộp hồ sơ, điều kiện ứng cử, phương thức ứng cử, tự đánh giá năng lực bản thân với yêu cầu của học bổng. Bên cạnh bảng này, chúng ta cần lập một bảng tóm tắt về năng lực bản thân, gồm kết quả học tập (GPA), kết quả ngoại ngữ, bài báo khoa học, hoạt động… để có thể so sánh năng lực của bản thân với yêu cầu của học bổng, tự đánh giá xem cơ hội thành công là bao nhiêu, từ đó, có sự lựa chọn, ưu tiên học bổng nào nên ứng cử trước, nên quan tâm nhiều hơn, có trọng tâm hơn. Chỉ quan tâm đến những học bổng có nguồn gốc rõ ràng (nơi cấp, người cấp, địa chỉ, website...). Vì có rất nhiều tổ chức, trường kém chất lượng lừa đảo hoặc mồi chài người học bằng chiêu trò học bổng hoặc có những tổ chức, cá nhân lừa đảo dùng chiêu trò học bổng để lấy tiền từ những người học. Dấu hiệu để nhận biết những “kẻ lừa đảo học bổng” đó là điều kiện được học bổng quá dễ, bắt người được học bổng phải đóng một khoản tiền khá lớn rồi mới được học bổng… Bạn cần biết rằng, học bổng là một phần thưởng lớn, số lượng không nhiều, nên điều kiện thường cao, đòi hỏi ứng cử viên phải cố gắng, nỗ lực không ngừng mới thực sự xứng đáng. Việc tìm kiếm học bổng có thể được thực hiện qua rất nhiều kênh như từ các cơ sở giáo dục (bộ giáo dục, các trường…), qua người giới thiệu (các giảng viên đại học, các bộ nghiên cứu, bạn bè đang học ở nước ngoài…). Nhưng, cách mà các thợ săn học bổng (scholarship hunter) sử dụng phổ biến nhất để tìm kiếm học bổng đó là Internet. Do đó, các bạn có hướng du học bằng học bổng nên thường xuyên vào các website học bổng để cập nhật các thông tin về học bổng trên thế giới, khu vực hoặc quốc gia mà mình quan tâm. Hoặc chỉ đơn giản vào Google gõ một số từ khóa quan trọng về lĩnh vực mình muốn học và những chương trình học bổng cho lĩnh vực đó… chắc hẳn bạn sẽ thấy nhiều thông tin bổ ích. Để việc tìm kiếm học bổng qua Internet hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau: Vào các công cụ tìm kiếm trên Internet như Google gõ các từ khóa như: Master/PhD scholarship in biology/medicine/accounting/banking… để tìm các học bổng liên quan đến ngành của mình, hoặc gõ international master/PhD program in economic/banking/medicine… để tìm các chương trình đào tạo quốc tế có học bổng cho ngành học của mình. Hoặc gõ scholarship, grant, study in uk/france/filand … để tìm các website đăng các thông tin học bổng, rồi vào đó tìm các học bổng mình muốn… Các bạn nên sáng tạo các từ khóa (keywork) để mở rộng khả năng tìm kiếm. Vào các website tìm kiếm học bổng để tìm các học bổng liên quan. Để thực hiện được việc này trước tiên phải thực hiện việc tìm kiếm các website tìm kiếm học bổng trước. Vào website của các tổ chức như World Bank, United Nation, Europe Union… để tìm hiểu xem họ có học bổng cho ngành học của mình không. Vào website của bộ ngoại giao và sứ quán các nước để tìm kiếm thông tin học bổng. Vào trực tiếp website của các trường, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo… vào các mục Admission, Student, Scholarship… để tìm kiếm thông tin học bổng. Riêng với khối ngành kỹ thuật, sinh y, công nghệ thông tin, truyền thông… có thể tìm các giáo sư nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực của mình qua website các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc qua các bài báo khoa học chuyên ngành, lấy e-mail của họ, viết thư và hỏi xem liệu họ có cần nhận thêm sinh viên nghiên cứu trong các dự án của mình không? Dưới đây là danh sách một số website đăng các học bổng từ bậc đại học đến Tiến sĩ (PhD), mà bạn có thể tìm học bổng: http://www.scholarshipportal.eu/ http://www.jobs.ac.uk/ http://scholarshipdb.net/ https://www.scholarships360.org/ http://www.scholars4dev.com/ http://researchpedia.info/scholarships/ http://www.academic-positions.com/ http://academicpositions.eu/ http://scholarshiparena.com/ http://scholarization.blogspot.com/ http://www.openscholarship.info/category/postgraduate http://www.scholarshipnet.info/category/postgraduate/ http://ec.europa.eu/euraxess/index.cfm/jobs/jvSearch/page/1 http://ec.europa.eu/education/external-relation-programmes/mundus_en.htm http://www.scholarships-links.com/ http://scholarship-positions.com/ http://scholarshipsboard.com/ http://www.nature.com/naturejobs/index.htm http://www.telejob.ch/suche/angebote/akademiker http://www.academictransfer.com/advanced_search/ http://www.lumc.nl/home/0004/23583/80611011354221/? setlanguage=English&setcountry=en http://www.wur.nl/UK/work/Vacancies+New/ http://www.umcg.nl/NL/UMCG/werken_in_het_umcg/vacatures/Pages/default.aspx http://www.english.uva.nl/vacancies/vacancies.cfm http://www.jobvector.de/en/ http://studyindenmark.dk/study-programmes/phd-positions https://www.workindenmark.dk/Find+a+job.aspx http://www.chalmers.se/insidan/EN/news/vacancies http://www.science.gu.se/english/Available_positions http://ki.se/ki/jsp/polopoly.jsp?d=469&a=88392&l=en http://www.lunduniversity.lu.se/o.o.i.s?id=24913&ref=D http://www.bth.se/eng/Research.nsf/pages/91863e8ad3ca2774c1256e69004426c2!O penDocument http://www.personalavd.uu.se/ledigaplatser/engindex.html#PhDstudents http://www.uio.no/om/jobb-ved-uio/ledige-stillinger/2010/vitenskapelige/index.html http://www.bdi.ie/about/vacancies.html http://www.tcd.ie/vacancies/#Research 5. Tham gia các hoạt động khác Việc tham gia vào các tổ chức tình nguyện quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoặc một khóa đào tạo ngắn hạn quốc tế tổ chức ở Việt Nam về lĩnh vực bạn có ý định xin học bổng hoặc tham gia vào các hoạt động đoàn thể ở trường, lớp, các tổ chức xã hội… cũng góp phần làm đẹp CV của bạn và làm hồ sơ xin học bổng của bạn có trọng lượng hơn. Các hoạt động xã hội, đoàn thể, tình nguyện… ngoài làm đẹp CV của bạn, chứng minh cho hội đồng xét tuyển học bổng bạn là người năng động, có khả năng làm việc theo nhóm, còn giúp bạn có nhiều cơ hội được các học bổng dạng giao lưu/trao đổi văn hóa. Tuy nhiên, nhiều bạn, nhất là các bạn học sinh phổ thông, sinh viên đại học lầm tưởng rằng, việc tham gia các hoạt động xã hội là điều kiện quan trọng nhất để được học bổng, đôi khi thành tích học tập và trình độ ngoại ngữ không cần cao, chỉ cần có nhiều thành tích hoạt động là sẽ được học bổng. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Như đã nói ở trên, các hoạt động xã hội chỉ giúp bạn làm đẹp CV và là điểm cộng trong mắt hội đồng xét tuyển học bổng, chứ không đóng vai trò quyết định, yếu tố đóng vai trò quyết định trong việc được học bổng hay không đó là kết quả học tập (GPA), ngoại ngữ và năng lực nghiên cứu (với các bậc sau đại học). IV. Hướng dẫn chuẩn bị một số giấy tờ để đi du học và ứng cử học bổng 1. Chuẩn bị CV Trong bộ hồ sơ khi bạn ứng cử học bổng hoặc xin học ở một trường, viện nào đó ở nước ngoài, thông thường một tài liệu không thể thiếu là CURRICULUM VITAE (CV) mà trong tiếng Việt chúng ta gọi là Sơ yếu lý lịch. Qua CV, hội đồng xét tuyển học bổng, hội đồng tuyển sinh của các tổ chức, trường hay viện cấp học bổng có thể biết được những thông tin cơ bản về ứng viên xin học bổng và bước đầu đánh giá được khả năng học tập, ngoại ngữ, thành tích nghiên cứu khoa học của ứng viên này. Do vậy, việc thiết kế một bản CV khoa học, hấp dẫn và trung thực sẽ làm cho bộ hồ sơ ứng cử học bổng của bạn nặng ký hơn, tạo thiện cảm với hội đồng xét duyệt và góp phần vào thành công trong việc ứng cử học bổng của bạn. Tuy theo từng chương trình học bổng mà hội đồng xét tuyển yêu cầu bạn gửi CV tự thiết kế, hay điền thông tin vào mẫu CV có sẵn do họ thiết kế. Tuy nhiên, bạn nên tự thiết kế CV thật hoàn thiện cho mình trước khi tìm và ứng cử học bổng, vì khi đó, bạn sẽ chủ động hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Trong trường hợp chương trình học bổng của bạn yêu cầu dùng mẫu CV của họ, bạn vẫn dễ dàng copy và paste những thông tin trong CV do mình thiết kế sang mẫu CV của họ. Bạn nên thiết kế cho mình hai bản CV, một bản chi tiết và một bản rút gọn. Bản chi tiết có thể từ 2-3 trang hoặc dài hơn, dùng để gửi kèm trong hồ sơ xin học bổng còn bản CV rút gọn nên trong 1 trang A4 gồm những thông tin quan trọng nhất của bạn, sử dụng trong một số trường hợp như khi bạn viết thư cho một giáo sư nào đó chưa biết gì về bạn. Vì sao? Đó là vì các giáo sư nước ngoài thường không có nhiều thời gian để ngồi “lần mò” thông tin về một người hoàn toàn xa lạ với họ, qua bản CV rút gọn của bạn, họ có thể nhanh chóng nắm được thông tin về bạn, và nếu họ thấy bạn có năng lực, phù hợp với hướng nghiên cứu của họ… thì họ sẽ trả lời e mail của bạn. Vậy cách trình bày một bản CV như thế nào? Nhìn chung việc căn chỉnh và thiết kế CV của mỗi người là khác nhau, bạn không nên “bắt chước” hoàn toàn CV của ai đó. CV của bạn nên do bạn tự thiết kế, nó thể hiện cá tính và sự logic vốn có của bạn. Điều đó sẽ được hội đồng xét tuyển nhìn ra sự đặc biệt của bạn so với các ứng cử viên khác. Có bạn để logo của trường mình đang học hoặc cơ quan đang công tác vào trong CV chi tiết của mình. Có bạn lại thay đổi màu chữ, thay đổi cách căn chỉnh… để làm CV nổi bật hơn. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng phải trình bày làm sao để gây thiện cảm với người xem, cần dễ nhìn, khoa học và làm nổi bật thế mạnh của bản thân. Tránh rườm rà, lòe loẹt. Vậy một bản CV cần những thông tin gì? Về cơ bản một bản CV chi tiết bao gồm có các mục sau: Thông tin cá nhân (Personal Information): gồm có tên tuổi, quê quán, tình trạng hôn nhân, thông tin liên lạc… Nên kèm theo một bức hình chân dung của bạn trên đó. Nền tảng giáo dục (Education Background): Học ở đâu, khi nào, kết quả ra sao… Kinh nghiệm nghiên cứu (Research Experiences): Tham gia nghiên cứu gì, khi nào, ở đâu… Kinh nghiệm làm việc (Work Experiences): Làm gì, ở đâu, khi nào… Công trình nghiên cứu (Publication): Bài báo khoa học, sách đã xuất bản, báo cáo khoa học… Hoạt động ngoại khóa (Social Activities): Tình nguyện, tiếp sức mùa thi, đoàn đội… Thành tích (Awards): Phần thưởng, học bổng, thủ khoa, huy chương… Ngoại ngữ (Languages): Biết những ngoại ngữ gì, ở trình độ nào… Kỹ năng máy tính (Computer Skills): Biết các chương trình/phần mềm ứng dụng gì, trình độ ra sao… Người chứng nhận (References): Tên tuổi, học hàm, học vị và vị trí công tác, chuyên môn, thông tin liên lạc của những người trong giới khoa học (thầy giáo, thủ trưởng đơn vị…) có thể xác minh các thông tin trên của bạn. Khi làm CV, nhất là đối với những bạn vừa ra trường chưa có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm làm việc… thì chỉ lựa chọn những mục phù hợp với mình và viết một cách trung thực. Ở cuối CV, bạn có thể để địa điểm, ngày tháng, ký và viết đầy đủ họ tên của mình rồi in ra. Ví dụ về cách trình bày một bản CV rút gọn như ở dưới đây: NAME Tel: 0082 10 8671 XYZ E-mail: XXXXX Ví dụ về cách trình bày một CV chi tiết như ở dưới đây: 2. Chuẩn bị một bản tuyên bố cá nhân Trong bộ hồ sơ xin học bổng hoặc du học, bên cạnh CV và các giấy tờ về bằng cấp, ngoại ngữ… tùy loại học bổng, ứng viên có thể phải nộp thêm một lá thư nói lên động lực/lý do (Motivation Letter) và một bản tuyên bố mục đích (Statement of Purpose, một số học bổng có thể ghi là Personal Statement) hoặc chỉ nộp một trong hai giấy tờ này. Vậy hai giấy tờ này khác nhau như thế nào? Theo quan điểm và kinh nghiệm của cá nhân tôi thì: Motivation Letter: là một tuyên bố (bức thư) nói lên lý do, động lực thúc đẩy bạn muốn ứng cử học bổng, tham gia khóa học hoặc chương trình nghiên cứu cụ thể nào đó. Statement of Purpose (SOP): là một tuyên bố nói lên mục tiêu, mục đích và kết quả dự kiến (kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ, sự thăng tiến trong sự nghiệp…) của bạn. Tức là, nếu như bạn được một học bổng cụ thể nào đó và hoàn thành chương trình học hoặc dự án nghiên cứu mà học bổng đó tài trợ thì bạn sẽ gặt hái được điều gì và nó giúp gì cho tương lai của bạn… Tuy nhiên, cách phân biệt này chỉ dùng khi học bổng yêu cầu nộp cả hai giấy tờ trên, nếu học bổng yêu cầu nộp một trong hai loại thì khi viết, chúng ta có thể lồng ghép nội dung của hai bức thư này làm một, nhưng nhấn mạnh nội dung chính của bức thư họ yêu cầu. Ví dụ, học bổng chỉ yêu cầu nộp Mottivation Letter thì bạn chủ yếu tập trung vào lý do/động cơ ứng cử học bổng, tuy nhiên phần cuối nói một chút về bạn sẽ đạt được gì nếu được tham gia khóa học do học bổng này tài trợ. Vậy cách viết Motivation Letter/Statement of Purpose như thế nào? Tùy từng học bổng, bậc học mà họ có thể yêu cầu người ứng cử nộp một Motivation Letter thông thường hoặc một Motivation Letter cụ thể một hướng nghiên cứu nào đó. Với Motivation Letter thông thường, bạn cần nói đến động lực, lý do mình ứng cử học bổng này, tham gia khóa học này và cho thấy mình xứng đáng với học bổng. Thông thường gồm có các động lực sau: Xuất phát từ động cơ cụ thể của bản thân: muốn học hỏi, mở mang kiến thức, muốn phát triển sự nghiệp, muốn giúp đỡ người thân, xuất phát từ niềm đam mê, xuất phát từ hoàn cảnh, câu chuyện thực tế mình đã gặp… Xuất phát từ động cơ khách quan: muốn góp phần phát triển nền văn hóa, giáo dục, kinh tế trong nước; kết thúc khóa học, muốn giúp đỡ người có hoàn cảnh thiệt thòi hơn mình… Xuất phát từ nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, thấy mình phù hợp với khóa học… Với Motivation Letter về một hướng nghiên cứu cụ thể nào đó (Letter of Research Motivation), bạn cần nói đến lý do, động lực tại sao bạn lại chọn hướng nghiên cứu này, ứng cử học bổng về nghiên cứu lĩnh vực này… Theo hướng này có thể có các lý do: Xuất phát từ niềm đam mê, từ sự yêu thích khám phá, tìm tòi sáng tạo… Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình hoặc câu chuyện thực tế mình gặp… ví dụ một người mình biết bị ung thư gan, nên muốn nghiên cứu về vấn đề này. Do vấn đề này là vấn đề thời sự, cấp bách… chưa được nghiên cứu, giải quyết thỏa đáng. Do điều kiện nghiên cứu trong nước còn hạn chế… muốn tham gia khóa học để nâng cao trình độ bản thân, tiếp cận với tri thức tiến bộ của nhân loại. Về cách trình bày, Motivation Letter thông thường sẽ có tiêu đề chính là “Motivation Letter hoặc “Letter of Motivation”, và kết thúc bằng chữ ký và tên bạn được viết đầy đủ. Nội dung cần được diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, trong sáng. Dung lượng của bức thư này chỉ nên khoảng 1 đến 1,5 trang A4, tuy nhiên nhiều học bổng có khống chế số lượng từ trong Motivation Letter, bạn cần lưu ý viết trong giới hạn cho phép. Một Motivation Letter hấp dẫn, trúng ý và làm nổi bật được nội dung bạn muốn trình bày sẽ là điểm cộng trong hồ sơ xin học bổng, góp phần giúp bạn giành được học bổng mong muốn. 3. Viết thư giới thiệu Thư giới thiệu/thư tiến cử (Letter of Recommendation – LOR) là một trong những giấy tờ thường thấy trong một bộ hồ sơ ứng cử học bổng hoặc xin học một trường nào đó ở nước ngoài. Tùy theo chương trình học bổng, mà bạn phải nộp từ 1-3 thư giới thiệu. Thư giới thiệu, theo đúng nghĩa, là một bức thư được những người biết rõ về quá trình học tập, phấn đấu của bạn viết, nên nó thường được viết bởi các giáo sư, thầy hướng dẫn, thầy dạy, ban giám hiệu, ban chủ nhiệm khoa… nơi bạn học tập. Nếu bạn đã đi làm, thì thư giới thiệu có thể được viết từ người trực tiếp quản lý bạn ở cơ quan, như trưởng phòng, giám đốc. Thư giới thiệu sẽ giúp hội đồng xét tuyển học bổng có cái nhìn “khách quan” về bạn, ngoài những gì bạn “tự vẽ” về bản thân mình trong CV, SOP… Qua đó, họ có thêm tiêu chí để quyết định bạn có xứng đáng được nhận học bổng hay không. Vì thế, thư giới thiệu rất quan trọng, Nếu bạn có được những thư giới thiệu tích cực, thể hiện được năng lực, sự nhiệt tình, thân thiện, sự chịu khó, khiêm tốn và nhiều đức tính tốt… thì hồ sơ ứng cử của bạn sẽ nặng ký hơn rất nhiều. Do đó, nếu bạn có ý định ứng cử học bổng, thì ngay trong quá trình học tập/nghiên cứu đến lúc đi làm, bạn cần có ý thức tự giác, phấn đấu, chăm chỉ, ham học hỏi cũng như tích cực tham gia các hoạt động, hòa đồng và giúp đỡ mọi người, khiêm tốn, tạo được mối quan hệ tốt và cái nhìn thiện cảm từ thầy cô giáo, đồng nghiệp và người quản lý. Để sau này, khi ta ứng cử học bổng cần nhờ họ viết thư tiến cử sẽ nhận những thư giới thiệu tốt nhất. Trên thực tế, các giáo sư, nhà quản lý thường rất bận, nên họ không có thời gian để viết thư giới thiệu cho bạn, cũng như không có thời gian để viết thật kỹ lưỡng về bạn. Để chủ động, bạn có thể “đặt mình vào vị trí” của họ, rồi viết các bức thư giới thiệu về mình, sau đó “thật khéo” nhờ họ đọc, sửa lại theo ý họ và sau đó ký cho mình. Nếu các thầy/nhà quản lý có con dấu riêng, thì nhờ họ đóng dấu vào đó nữa. Mặc dù các bức thư giới thiệu được bạn soạn thảo trước, nhưng cần căn chỉnh và dùng giọng văn khác nhau, để cho thấy các bức thư được tiến cử từ các giáo sư/người giới thiệu khác nhau. Các bức thư cần nêu lên được những điểm mạnh, đặc điểm riêng có trong năng lực, ý chí, sự quyết tâm cùng niềm đam mê, khát khao, khả năng hòa nhập… của bạn. Có thể mỗi bức thư nói đến các mặt khác nhau về bạn, nhưng khi tổng hợp tất cả các thư giới thiệu, người đọc sẽ thấy được một “bức tranh” tổng thể về bạn là một ứng cử viên sáng giá. Các thư giới thiệu cần được viết một cách chân thật, trung thực, tránh chỉ khen, chỉ nêu ưu điểm vì “con người không ai toàn diện”. Về căn chỉnh, thường các bức thư có tên cơ quan, trường/viện nghiên cứu nơi người giới thiệu làm việc ở phía trên, để thấy sự chính thống, cũng như cần có họ tên, học hàm, học vị, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, e-mail và số điện thoại của giáo sư đó. Dung lượng bức thư chỉ nên gói gọn trong 1 trang A4. Thư giới thiệu được viết từ những người có tiếng trong lĩnh vực bạn muốn học, như các giáo sư có tên tuổi quốc tế, với nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu thế giới sẽ có tác động mạnh đến hồ sơ của bạn, và tạo được niềm tin, sự ấn tượng với hội đồng xét tuyển học bổng. Rất nhiều học bổng hiện nay yêu cầu người tiến cử tự mình viết thư giới thiệu theo mẫu của họ hoặc viết thư giới thiệu vào hệ thống online của họ. Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể soạn trước thư giới thiệu, rồi gửi cho người giới thiệu xem trước, nếu họ đồng ý, họ sẽ chỉ cần copy và paste vào mẫu hoặc hệ thống online theo yêu cầu của học bổng. Ví dụ hai thư giới thiệu đã được dùng và giành được học bổng Tiến sĩ và Thạc sĩ dưới đây: XYZ University of Technology Institute of ….. Prof. ABCD, Ph.D., D.Sc. ACM Distinguished Scientist Head of ….. XYZ University of Technology,…. Editor-in-Chief of …. - Springer Tel:….;Fax:…… E-mail:..... November 27, 20…. Letter of recommendation To whom it may concern, I take great pleasure in recommending Ms..., one of my colleagues and my students for admission into your distinguished PhD program. I have known Ms…. since 20XX when she came to…. to study Master in… at… under the supervision of Prof. ABC, an American scientist. Then, Ms… became one member of the…. where I am the president, thus I have been having good chances to observe she performances, works and researches as well as to communicate with her personally. As person, she consulted me general issues in the life and many for orientation and developmental vision in science. We are working in difference fields of science, but through communications and discussions, especially when we both attended the same conferences and meetings such…, I find that Ms… is very diligent, self-motivated in research. She has demonstrated a great capacity and adaptability in scientific works. She has strong background in…. Despite he is young lecturer at… and a Master student, but she has several published books in…. and research articles, e.g. her recent paper published on…. one of the top journals in the world. Ms.… is one of the top three among hundred students who I know. She is very good in acquisition of new term/concept in comparison to many others, quiet but deeply, seriously navigating for the ultimate goal of her study. She is hard worker, patient, well adapt and easy to team up, possibly due to the progressive communication of a decent education, which enhance and build up his original personality. To me, she is an excellent candidate to award the opportunity to support her further training. I would suggest her a top ranking for selection for PhD Fellowships under your indicated program. Sincerely your, Prof.ABCD Ph.D., D.Sc. XYZ National University of ABC Faculty of ….. LETTER OF RECOMMENDATION Dear Sir or Madam, I am writing this letter to warmly recommend Ms…. for admission to your postgraduate program. I consider her a unique and exceptional candidate whom I am very pleased to support. I have known…. for three years since she was my former student at Econometrics class. Over past three years, I have been deeply impressed by her outstanding mathematics ability, independence and creativity. During the course,… was always one of the first students asking questions about the lectures and appeared intelligent. She also spent so much time to prepare carefully for lessons and contacted to me by e-mail to talk about creative ideas rising from her study. Honestly, her active was pleasant to me since Vietnamese students tend to shy and conservative in class. Equally significant, I would like to emphasize how excellent and how hard-working she was. I still clearly remember once I assigned an optional group assignment on multiple correlation coefficient for all of my students. … was the first student raising hand to receive this assignment. She then went to the library and found papers on the subject and read them carefully. I learned that Quynh had done this on the date of seminar. Her group impressed me with not only perfect presentation but also practical application and detailed mathematical proof of Cobb–Douglas production function. In other terms, I highly appreciated that she with her team extended the problem independently and correctly even I did not ask. Undeniably, that is the reason why it is no surprise to me when she got “A” marks in all quantitative subjects, from advanced mathematics to econometrics as you can see from her academic transcript. As being a Lecturer on Econometrics, I apparently notice the importance of mathematics for applied economics as well as the significance of self-study and creativity for a victorious student. Accordingly, I am certain that…. is well-suited to and would be a perfect choice for your program. Yours sincerely, Prof. MLM….. Professor at…. Tel:….. Fax:…… E-mail:… Chương 4. Câu chuyện du học sinh Du học là bước ngoặt lớn trong cuộc đời nếu bạn được một lần trải qua. Song, câu chuyện du học của mỗi người lại khác nhau. Có người du học như một cơ hội đến tự nhiên, có người du học lại là kết quả của một kế hoạch dài hơi, có người thì du học tự túc, người lại du học bằng học bổng. Du học là bước chuẩn bị tốt cho sự thành công sau này của nhiều người, nhưng cũng có không ít người gặp những khó khăn, trở ngại khi đi du học. Trong phần này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện thực của các du học sinh, những người đã và đang đi du học. Họ sẽ chia sẻ những câu chuyện thực hiện giấc mơ du học, cũng như những cố gắng, nỗ lực của bản thân trước và trong quá trình du học. Qua đó, các bạn có thể hình dung phần nào con đường phấn đấu, kế hoạch và quyết tâm để thực hiện được giấc mơ du học của mình. 1. Câu chuyện của NCS. Nguyễn Quốc Tuấn Anh Nguyễn Quốc Tuấn, nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu, tại Đại học Minho, Bồ Đào Nha. Là người đang nhận được học bổng của Liên minh châu Âu (Erasmus Mundus), một trong những chương trình học bổng lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Anh cũng từng học Thạc sĩ (Master) tại Đại học Ulsan Hàn Quốc bằng học bổng giáo sư. Trong quá trình du học, Quốc Tuấn tích cực tham gia các hoạt động du học sinh, chia sẻ, giúp đỡ nhiều bạn trẻ trong nước về thông tin và con đường du học. Anh là thành viên sáng lập Hội du học sinh Việt Nam, đồng thời là Admin châu Âu của Fanpage Hội du học sinh Việt Nam trên facebook. Dưới đây là chia sẻ của anh về câu chuyện du học của mình. “Sự tự tin, định hướng tốt và có kế hoạch góp phần thành công trong ứng cử học bổng” Du học nước ngoài bằng học bổng tự ứng cử (apply) là một giấc mơ mà bất kỳ học sinh, sinh viên nào đều muốn đạt trong sự nghiệp học tập của mình. Nhưng không phải ai cũng thành công. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thất bại này như thành tích học tập hay trình độ ngoại ngữ chưa đủ, thiếu sự định hướng và thông tin, hay thiếu may mắn… Từ kinh nghiệm học tập bản thân, mình xin đưa ra một số nguyên nhân mà có thể đã khiến nhiều người không thực hiện được ước mơ du học, thậm chí cả những người có thành tích học tập rất tốt. Mình nhấn mạnh đến sự thiếu tự tin, định hướng và kế hoạch trong việc tìm học bổng du học. Mình tên là Nguyễn Quốc Tuấn, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐH BKHN). Hiện đang chuẩn bị tốt nghiệp Tiến sĩ (PhD) tại trường Đại học Minho, Bồ Đào Nha theo học bổng Erasmus Mundus được cấp bởi Liên minh châu Âu. Thực tế, đến bây giờ mình cũng không nghĩ mình lại theo đuổi được đến bằng cấp cao nhất của nghiệp học và cũng không ngờ rằng nó được thực hiện với một học bổng uy tín. Câu chuyện của mình muốn hướng tới những bạn chỉ dám nghĩ việc du học như là một ước mơ hay cả những bạn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kiếm được học bổng và ra nước ngoài học tập. Trước hết, mình xin tóm tắt con đường học tập của mình một chút. Mình thi đậu vào trường ĐH BKHN với số điểm khá cao và tiếp tục thi đỗ vào lớp Kỹ sư Tài năng của trường. Mình học lớp Công nghệ hóa học với chuyên ngành Công nghệ vật liệu silicat. Tuy nhiên, trong suốt quá trình học tập ở ĐH BKHN mình chưa bao giờ nghĩ mình có thể đi du học Thạc sĩ hay Tiến sĩ ở nước ngoài. Nguyên nhân là sự tự ti về điểm học tập và trình độ ngoại ngữ. Mình tốt nghiệp bằng khá và ngoại ngữ dừng ở mức beginner. Khi đó, cũng không có ai định hướng cho mình việc đi du học. Cho nên việc du học nước ngoài như là một ước mơ mà lúc đó mình nghĩ sẽ không bao giờ hiện thực. Khi ra trường, một bạn cùng lớp gợi ý cho mình về việc đi du học Hàn Quốc. Theo bạn ấy đó là nơi không đòi hỏi quá cao về điểm học tập cũng như trình độ ngoại ngữ. Hơn nữa, có rất nhiều suất học bổng từ Hàn Quốc, đa số dưới dạng học bổng giáo sư (là học bổng toàn phần do các giáo sư chu cấp bao gồm học phí, chi phí ăn ở, sinh hoạt…). Ngay sau thông tin đó, mình bắt đầu nghĩ và lên kế hoạch cho mục tiêu du học Hàn Quốc của mình. Sau khi đánh giá khả năng, thấy mình có thể ứng cử học bổng Thạc sĩ ở Hàn Quốc được, mình bắt đầu chuẩn bị hồ sơ, nâng cao ngoại ngữ và tìm kiếm thông tin học bổng. Mình vào tất cả những trang đăng tuyển học bổng, vào trang web các trường đại học ở Hàn Quốc, tìm kiếm thông tin học bổng. Và mình bắt đầu ứng cử tất cả các nơi mà mình tìm được mà không sợ bị từ chối. Mình ứng cử cả những ngành mình không học ở đại học. Và cuối cùng mình cũng được hai giáo sư nhận. Cả hai giáo sư đều bên ngành công nghệ vật liệu kim loại, hoàn toàn khác với công nghệ vật liệu silicat mình học đại học. Ở điểm này mình xin nói về một số sai lầm mà nhiều bạn gặp phải để rồi không thể thực hiện được mục tiêu du học hay thực hiện được nhưng trễ một vài năm. Đó là các bạn đã lên kế hoạch du học của mình nhưng mục tiêu của các bạn đặt quá cao hay các bạn quá rập khuôn phải đạt được một loại học bổng nào đó. Nhiều bạn có thành tích học tập tốt nên nghĩ đến việc kiếm những học bổng uy tín mà quên đi việc tìm hiểu ứng cử những học bổng khác kém uy tín hơn. Để rồi khi không giành được những học bổng uy tín đó, các bạn bị mất ít nhất một năm để bắt đầu trở lại. Với những bạn thiếu kiên trì thì giấc mơ du học cũng chấm dứt từ đó. Thay vào đó các bạn hãy tìm kiếm mọi nguồn thông tin, ứng cử mọi học bổng để có thể đi học được. Trượt học bổng cao thì còn những học bổng thấp hơn. Dù gì những học bổng thấp hơn đó cũng tốt hơn là bạn mất một năm ở nhà chờ thời gian ứng cử những năm tiếp theo. Hãy coi đó chính là một bước đệm để tiếp tục ứng cử những học bổng khác tốt hơn. Và đó chính là cách mình làm. Trong suốt quá trình học Thạc sĩ ở Hàn Quốc mình tiếp tục lên kế hoạch cho việc ứng cử học bổng Tiến sĩ và công việc sau khi tốt nghiệp. Tìm hiểu và thu thập mọi nguồn thông tin về các học bổng, các yêu cầu cần thiết để ứng cử. Đến giai đoạn cuối, trước khi tốt nghiệp, mình bắt đầu ứng cử. Mình ứng cử tất cả mọi nguồn học bổng mình tìm được mà không sợ thất bại. Mình đã chuẩn bị hồ sơ thật kỹ lưỡng, phù hợp với từng loại học bổng và ấn nút gửi đi. Tất nhiên mình cũng đã gặp may mắn khi có được thông tin học bổng đúng lúc nên mình đã thành công trong việc apply học bổng Tiến sĩ. Từ những gì đã trải qua, mình muốn nhắn nhủ với các bạn rằng “đừng tự ti, sợ sệt vì CV mình không đủ để apply một học bổng nào đó”, hãy mạnh dạn, lên kế hoạch, tìm hiểu thông tin, định hướng cho việc đi học và tiến hành thực hiện từng bước một. Cho dù thất bại thì bạn cũng không cảm thấy tiếc nuối vì đã không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào mà mình có thể tìm được. Hơn nữa bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, thấy thoải mái hơn vì mình đã cố gắng hết mình. Chúc tất cả các bạn thành công trong sự nghiệp học tập của mình. 2. Câu chuyện của NCS. Quách Phương Giang Chị Quách Phương Giang, hiện đang học Tiến sĩ ngành Quản trị Du lịch tại Đại học Lapland, Phần Lan. Bên cạnh việc học tập, Phương Giang rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện. Bằng chứng là cô gái xinh đẹp và nhỏ nhắn này đã tham gia một loạt các hoạt động tình nguyện mang tầm quốc tế như quản lý nhóm tình nguyện cho EURO 2012, tình nguyện cho World Cup Bóng rổ tại Tây Ban Nha vào tháng 9 năm 2014. Phương Giang cũng là một trong những thành viên sáng lập Hội du học sinh Việt Nam và hiện đang là Admin Bắc Âu và Phần Lan cho Fanpage của hội. Điều thú vị là, chị không chỉ đang học Tiến sĩ, mà đã học cả đại học và Thạc sĩ ở đất nước xinh đẹp Phần Lan, vậy lý do là gì? “Đi du học không phải là đi vẽ ước mơ về cuộc sống màu hồng mà là đi thực hiện hóa ước mơ” Chào các bạn, Mình tên là Quách Phương Giang, hiện nay đang được nhận học bổng Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Quản trị Du lịch tại Đại học Lapland, thành phố Rovaniemi, Phần Lan. Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm du học để các bạn tham khảo. Trong thời gian vừa qua, Phần Lan đã trở thành một điểm đến lý tưởng của nhiều du học sinh nhờ môi trường sống yên bình và nền giáo dục được xếp hạng hàng đầu thế giới. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ học phí của Chính phủ Phần Lan luôn là động lực lớn giúp các bạn trẻ tiến gần hơn với ước mơ du học của mình. Mình đến với du học Phần Lan tình cờ từ một mẩu tin quảng cáo du học và quả thật Phần Lan đã không làm mình thất vọng. Ngay khi nhập học, sinh viên sẽ được tạo một tài khoản riêng để đăng ký khóa học và theo dõi chương trình học của mình. Điều này đồng nghĩa với việc, các bạn có thể truy cập miễn phí vào thư viện sách trực tuyến (ebooks) và các bài báo khoa học. Sinh viên học tại Phần Lan sẽ được giảm một nửa giá khi sử dụng các phương tiện công cộng cũng như đươc giảm giá ăn trưa tại căng tin của trường. Đặc biệt, sinh viên được khám chữa bệnh miễn phí hoặc chỉ phải trả một phần phí rất nhỏ so với hóa đơn. Trong quá trình học, giáo viên luôn đóng vai trò là người hỗ trợ để tự sinh viên phát triển ý tưởng trong việc làm bài cá nhân cũng như làm theo nhóm. Ngoài ra, trường học còn giúp sinh viên cân bằng giữa kiến thức lý thuyết và thực hành bằng cách tổ chức chuyến đi khảo sát hoặc mời khách mời đến thuyết trình. Chính bởi những ưu điểm trên, sinh viên hoàn toàn có thể phát triển được bản thân để trở thành công dân có ích sau này. Quyết định chọn học Phần Lan từ bậc đại học đến Tiến sĩ xuất phát từ niềm tin của mình vào chính hệ thống giáo dục của đất nước này. Một môi trường học được hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị cùng với sự khuyến khích phát triển ý tưởng cá nhân cả về vật chất lẫn tinh thần đã trở thành động lực lớn thúc đẩy niềm đam mê khoa học trong mình. Trong quá trình học, mình đã được tham gia rất nhiều hội thảo khoa học bổ ích, ví dụ như: Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về Kinh doanh trong Du lịch và Kinh nghiệm Nghiên cứu Stratos (The 8th ISET symposium and the Experience Stratos), Hội thảo Quốc tế bàn về khu vực Bắc Cực (The International Arctic Conference “In the Spirit of the Rovaniemi Process”). Thêm vào đó, nếu có cơ hội, các """