" Gương Soi Tội Lỗi PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Gương Soi Tội Lỗi PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Ebook: ©Facebook: We Love Ebook Hiệu đính ebook  0907 060 886 Máy Đọc Sách TỐT Website: https://MayDocSachTOT.com/ Hotline: 0983 996 448 Xưa kia không có bệnh viện tâm thần, ai loạn trí sẽ không được chữa trị mà bị tống lên "thuyền điên", đày ra biển, mặc họ lênh đênh cho đến khi sóng lớn sốt ruột đập tan tành thuyền ra. Nhiều khi thuyền chưa vỡ, thì các bệnh nhân đã phải đối phó với nguy cơ lớn hơn, là chết đói. Thiếu thức ăn, tâm trí lại không bình thường, chẳng mấy chốc họ quay ra tàn sát lẫn nhau. Một con thuyền như thế dạt vào hoang đảo. Những người sống sót giờ vừa là bệnh nhân vừa là tội nhân, mau chóng chiếm cứ hòn đảo và biến nó thành địa ngục trần gian, săn bắt bất cứ ai đắm tàu lạc vào, dần dà đảo tâm thần trở thành truyền thuyết rùng rợn trong giới đi tàu viễn dương. Nhiều năm trôi qua, cùng ánh sáng văn minh, trên đảo mọc lên một bệnh viện tâm thần. Nhưng thay vì chữa trị, nó vẫn tiếp tục là một địa ngục trần gian mới, với những màn tra tấn và án mạng vô cùng hoang đường. Trở nên nổi tiếng sau Cổ tích của người điên, nhà toán học Trần Tước được cảnh sát mời ra đảo để hợp tác điều tra. Chưa nhìn ra cách thức gây án thế nào thì tội ác tiếp theo đã phát sinh. Những người phá án, bỗng chốc lại bị án mạng rượt bắt... Mục lục DANH SÁCH NHÂN VẬT Mở đầu 1 2 3 4 5 6 7 8 Kết thúc Cảm nhận DANH SÁCH NHÂN VẬT (Số tuổi trong ngoặc là tuổi của nhân vật tính đến mùa đông năm 2015) * Bệnh viện Tâm thần Nam Minh 1. Từ Bằng Vân (60 tuổi), giám đốc tiền nhiệm. 2. Quách Tông Nghĩa (55 tuổi), giám đốc hiện tại. 3. Trang Nghiêm (47 tuổi), bác sĩ điều trị. 4. Ngô Siêu (35 tuổi), bác sĩ điều trị. 5. Viên Tinh (48 tuổi), y tá trưởng. 6. Lương Mộng Giai (25 tuổi), y tá. 7. Tề Lỗi (40 tuổi), đội trưởng đội bảo vệ. 8. Tạ Lực (25 tuổi), đội phó đội bảo vệ. 9. Diêu Vũ Châu (27 tuổi), bảo vệ. 10. Alice (23 tuổi), bệnh nhân. 11. Chu Khải (33 tuổi), bệnh nhân. 12. Sagauwa (41 tuổi), bệnh nhân. 13. Cô Dâu (23 tuổi), bệnh nhân. 14. Don Quixote (32 tuổi), bệnh nhân. 15. Diệp Bình/Vú Em (36 tuổi), bệnh nhân. 16. Giáo Sư(60 tuổi), bệnh nhân. * Các nhân vật khác 17. Đường Vi (23 tuổi), cảnh sát hình sự. 18. Trần Tước (28 tuổi), nhà toán học. 19. Hàn Tấn (31 tuổi), nhà văn. Mở đầu K ính gửi anh Hàn Tấn! Anh có khỏe không ạ? Gần đây tôi phải ở lại New York vì công việc, tạm thời không về nước được. Anh có thể trao đổi thủ tục xuất bản sách với Tiểu Lưu, trợ lý của tôi. Vâng, Tiểu Lưu là cô gái đeo kính mà anh từng gặp đấy ạ. Ngoài ra tôi cũng gửi kèm thư này những tài liệu anh nhờ thu thập. Tôi nghe tin tháng trước anh và giáo sư Trần Tước có ra một hòn đảo tâm thần để điều tra mấy vụ giết người. Nếu tiện, mong anh gửi cho tôi ghi chép về vụ đó. Bạn đọc rất thích thú với các vụ án anh Trần Tước tham gia điều tra. Nhân thể thì, hôm qua tôi tới thăm nhà tâm thần học nổi tiếng người Mỹ Baird Brown, nhờ thế có cơ hội thay đổi nhận thức về tâm thần học. Trong lúc trò chuyện, ông Brown đã kể cho tôi nghe về đảo Amphisbaena. Vào cái thời chưa có bệnh viện tâm thần, ai mắc bệnh này sẽ bị tống lên thuyền, đày ra biển, sống chết mặc bay. Vấn đề hàng đầu mà người trên thuyền phải đối mặt chính là sinh tồn. Thiếu thức ăn nước uống, đầu óc lại không bình thường, chuyện phải đến sẽ đến. Những cuộc tàn sát kinh hoàng bắt đầu nổ ra trên thuyền, nhân số mỗi ngày một thưa thớt, những kẻ sống sót vốn đã loạn trí giờ còn thêm hung hãn. Tương truyền một con thuyền như thế trôi dạt vào đảo hoang. Tội phạm tâm thần cùng tràn lên đảo, làm vương làm tướng ở đấy, biến nó thành địa ngục trần gian. Người đời gọi đảo này là Amphisbaena, hay đảo Địa Ngục. Người đầu tiên phát hiện ra đảo Amphisbaena và sống sót trở về là thủy thủ trẻ tên Herb Longfellow. Herb Longfellow theo tàu chở hàng đường dài đi tuyến đường biển này đã mười năm nhưng chưa từng gặp sự cố, trừ cái lần bất hạnh ấy. Sóng lớn tàn nhẫn nghiền nát con tàu, thủy thủ tới tấp nhảy xuống biển. Ai nấy đang tuyệt vọng thì lại được sống đẩy dạt lên một hòn đảo. Những người sống sót đập tay ăn mừng, cảm ơn Chúa trời đã không bỏ rơi mình. Thoạt tiên họ không cảm nhận được điều gì khác lạ, cùng loay hoay nhóm lửa nướng cá, ăn no thì nghỉ ngơi. Họ mệt rã rời nên ngủ rất say, cho đến khi choàng tỉnh vì một tiếng thét thảm thiết. Các thủy thủ đưa mắt nhìn nhau, hầu hết đều ngơ ngác. Có người nhạy bén đếm lại nhân số thì phát hiện ra thiếu mất một người. Mặt trăng lạnh giá treo cao, bốn bề tối đen như mực. Ai nấy hoảng sợ, nhưng bạn bè gặp nạn, sao nỡ khoanh tay đứng nhìn? Cuối cùng mọi người động viên nhau, bẻ cành cây làm vũ khí, cùng tiến về nơi phát ra tiếng thét. Ngoài tiếng côn trùng kêu, xung quanh không còn âm thanh nào khác. Các thủy thủ đi sát vào nhau, thận trọng tiến bước. Mới được vài trăm mét, người đi đầu khựng lại, rồi những tiếng la hét liên tiếp vang lên. Họ la hét không phải vì bị thương, mà vì sốc nặng do trông thấy thi thể đồng đội mất tích treo trên cây, bị khoét bụng, tứ chi cụt hết. Vụ sát hại tiếp theo diễn ra ngay hôm sau. Lần này, nạn nhân là hai thủy thủ. Ma quỷ mang đầu họ đi, tiếng thét cũng không kịp để lại. Nỗi sợ như cái lồng khổng lồ chụp xuống cõi lòng các thủy thủ. Từ đó, hằng đêm đều có người chết, kẻ sau chết thảm hơn kẻ trước. Luân phiên canh gác cũng chẳng ngăn được mất mát. “Chúng ta phải rời khỏi đây! Không nấn ná thêm được nữa!” Longfellow đề nghị,“Giờ bỏ đi có khi còn đường sống. Nếu không, tất cả sẽ bị quỷ dữ trên đảo giết chết!” “Nhưng không có thuyền! Ghép ván thành bè gỗ thì chẳng mấy chốc sẽ tan tành vì sóng biển, kết cục vẫn là chết.” Nỗi lo của các thủy thủ không phải không có lý. Đề nghị của Longfellow không được tán đồng. Tất cả tiếp tục ở lại đảo Amphisbaena. Ngày nối ngày qua đi, hôm nào cũng có người bị giết. Thủ pháp vô cùng tàn bạo và quái đản. Áp lực tinh thần mỗi lúc một lớn, ai nấy lâm vào hoảng loạn, một số tìm cách tự sát. Hầu hết đều gặp ảo giác. Cuối cùng, chỉ còn lại năm thủy thủ. Tận mắt chứng kiến bạn bè bỏ mạng, họ bắt đầu hành động kì quặc. Longfellow biết tất cả rồi sẽ điên hết nên tự nhủ mình nhất định phải rời khỏi đảo, dù có chôn thấy ngoài biển cũng cam lòng. Ý đã quyết, anh thức thâu đêm để ghép bè gỗ rồi mang theo đủ thức ăn nước uống. Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, chiếc bè không trụ nổi đã rời ra thành từng mảnh. Longfellow ôm tấm gỗ gãy rời, thoi thóp lênh đênh, may sao được cứu lên một tàu chở hàng. Một tuần qua đi, Longfellow dần dần khôi phục thần trí, và kể cho mọi người nghe trải nghiệm quái dị nọ. Từ đó, câu chuyện rùng rợn về đảo Amphisbaena bắt đầu lan truyền trong giới viễn dương. Một hòn đảo toàn kẻ điên, mới tưởng tượng đã đủ sởn gai ốc, anh nhỉ! Mà, tự dưng lại cà kê dê ngỗng làm mất thời gian của anh, tôi xin lỗi nhé! Lời ít ý nhiều, tôi không sa đà vào chi tiết nữa. Anh đừng quên gửi tôi ghi chép về vụ án mới nhất của giáo sư Trần Tước nhé. Tôi rất nóng lòng được đọc! Cảm ơn anh nhiều, mong đợi hồi âm. Tiết Phi Tháng Giêng năm 2016 1 C ảm nhận đầu tiên của tôi là đau. Cái đau khủng khiếp như có hàng trăm cây búa sắt cùng nện xuống đầu. Tôi gượng mở cặp mắt nặng trĩu như dính keo thì trông thấy ngay trần nhà màu xám nhạt. Góc phải trần có một mạng nhện lớn với con nhện to tướng, chắc nịch, chân dài tua tủa lông mỏng, im lìm rình mồi. Tôi đưa mắt nhìn quanh, đây là một căn phòng tường xám rộng chừng 20 m. Tôi đang nằm trên chiếc giường sắt trải chăn đệm trắng kê chính giữa phòng. Mặt chăn bông trắng có nhiều vết ố nhỏ, lốm đốm mốc và phủ đầy bụi. Tường bên trái có cửa sổ nhưng hàn cứng bằng lưới sắt và khung sắt. Căn phòng bẩn thỉu nồng nặc mùi thuốc khử trùng. Không gian tối tăm, trông thật xa lạ. Muốn giơ tay phải lên nhưng không thể, tôi phát hiện tay chân mình bị cố định vào giường sắt bằng dây da nâu sẫm, chỉ có đầu là khẽ ngóc lên được để quan sát xung quanh. Trên người tôi là bộ đồ bệnh nhân kẻ sọc xanh trắng, không có đồ lót. Quần áo rộng thùng thình, bẩn thỉu lại còn bốc mùi mốc. Tôi đành nằm im, cố gắng tập trung suy nghĩ xem: Tôi là ai? Rét quá, toàn thân buốt giá, lưng toát mồ hôi lạnh. Đầu óc trống rỗng như mất hết khả năng suy nghĩ, rồi bắt đầu kêu ong ong. Tôi chỉ biết mình là phụ nữ, ngoài ra không nhớ được thông tin nào về bản thân. Nỗi sợ khủng khiếp bủa vây, làm tôi chết lặng. Mỗi tế bào trong cơ thể đều run rẩy! Mình nằm mơ ư? Dù rất mong đó là sự thật, nhưng đầu óc quá đỗi tỉnh táo, cổ tay đau rát từng cơn vì dây da thít chặt. Tất thảy những cảm giác này đã dập tắt tia hi vọng mong manh trong tôi. Tôi là ai? Bầu không khí bất an tràn ngập căn phòng, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Những điều chưa rõ thật quá nhiều, như hóa thành xoáy nước cuốn tôi vào trong. Cơ bắp co giật, mạch máu trong đầu như sắp nứt ra, người run rẩy không thôi, tôi cố giữ bình tĩnh, ép mình suy nghĩ. Nơi đây trông giống bệnh viện, nhưng bệnh viện gì mà bịt kín cửa sổ thế kia? Phòng ốc lại bẩn thỉu quá đỗi. Và nếu là bệnh viện, tại sao người ta lại nhốt tôi? Có rất nhiều điều cần hỏi, nhưng không thấy ai mà hỏi. Tôi bị trói chặt trên giường, giãy giụa hết mức tay chân vẫn không nhúc nhích. Miệng run run, nước mắt ứa ra, đột nhiên máu xộc thẳng lên não, từ cổ họng tôi bật ra tiếng thét đau đớn như xé nát tim gan! Âm thanh kinh hoàng vang vọng khắp phòng... Một tiếng “két” nặng nề vang lên bên phải tôi, ai đó đẩy cửa sắt ra. Tôi bật rên trước tình huống bất ngờ, tim đập thình thịch như sắp nhảy khỏi lồng ngực. “Cô tỉnh rồi à?” Người vừa bước vào cất tiếng. Tôi cố ngẩng đầu nhìn về hướng tiếng nói thì thấy một người đàn ông cao gầy ngoài bốn mươi tuổi, mình vận blouse trắng, có vẻ là bác sĩ. Da ông ta ngăm đen, mặt vuông vức, cằm rộng cương nghị. Chân mày thấp và rậm, xương lông mày nhô cao, mũi diều hâu, khóe miệng hơi trễ xuống gây ấn tượng nghiêm túc. Cặp ria mép dưới mũi làm tăng vẻ hiên ngang. “Thế này là thế nào? Tại sao tôi lại ở đây? Ông là ai?” Tôi gào toáng lên rồi thở hổn hển. Người đàn ông không trả lời ngay, chỉ kéo ghế, ngồi xuống bên phải tôi rồi cầm bút bi hí hoáy viết vào sổ. Tôi như bị bỏ bùa, rõ ràng muốn hỏi rất nhiều điều nhưng đúng lúc quan trọng lại im lặng, chỉ đờ đẫn nhìn ông ta ghi chép. Căn phòng im ắng lạ thường, làm nổi rõ cả tiếng sột soạt khi ngòi bút ma sát với mặt giấy. “Tôi là Trang Nghiêm, bác sĩ điều trị của cô.” Ông ta bình tĩnh cất giọng mà chẳng buồn ngẩng lên. “Tôi là ai? Đây là đâu? Tại sao tôi lại bị trói?” Bác sĩ Trang trầm giọng,“Đây là Bệnh viện Tâm thần Nam Minh, cô là bệnh nhân của tôi. Vì cô tấn công bệnh nhân khác, trạng thái tinh thần vô cùng kích động, chúng tôi buộc phải khống chế cô. Tôi đã tiêm thuốc an thần để cô ngủ một giấc, nào ngờ lại gây ra chứng mất trí nhớ.” Bệnh viện Tâm thần Nam Minh? Tôi tuyệt vọng nhắm mắt lại. Dù rất muốn bác bỏ, từ đáy lòng tôi hiểu tất cả là sự thật. Nếu não bộ không tổn thương, tại sao tôi chẳng nhớ được gì? Tôi gần như không biết gì về mình, trừ chuyện là phụ nữ. Tôi nghe thấy mình khóc nấc lên trong khi tay chân vẫn bị trói chặt trên giường. Có lẽ vì thương hại, bác sĩ Trang cất sổ vào túi áo rồi cởi dây da cho tôi. Tôi nhổm dậy, khom người trên giường khóc nức nở, nước mắt nóng hổi chảy ròng ròng trên má. “Cô còn nhớ mặt mình không?” Bác sĩ Trang ôn tồn hỏi. “Tôi... tôi không nhớ...” Tôi cắn nắm tay, cố kìm tiếng khóc. Bác sĩ lấy chiếc gương hình bầu dục từ ngăn kéo cạnh giường đưa ra. Tôi cầm gương nhưng lại nghe trong lòng gào thét,“Đừng nhìn! Đừng nhìn!” Tôi biết mình sợ điều gì. Dùng hai tay giữ chặt rìa gương, giơ lên trước mặt rồi nhìn vào. Khuôn mặt phản chiếu trong đó quá đỗi xa lạ. Hơn hai mươi tuổi, khuôn mặt trái xoan, làn da trắng nõn, đường nét hài hòa. Khi khép môi, gần khóe miệng thấp thoáng hai lúm đồng tiền. Mái tóc màu hạt dẻ rối bù buông xõa trên vai, đôi mắt ngập đầy sợ hãi. Mắt không lớn nhưng khóe mắt dài và hơi xếch nên trông rất to. Đây là tôi ư? Sao cảm giác xa lạ đến vậy? Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng tôi vẫn choáng váng vì khuôn mặt lạ lẫm trong gương, tâm trạng rối bời. Bác sĩ Trang hỏi,“Cô nhớ ra gì chưa, tên tuổi hay lai lịch đều được?” Trông gương mặt mình, tôi chỉ thấy ngạc nhiên chứ chẳng nhớ ra chuyện gì. Tôi ngẩng nhìn bác sĩ Trang rồi hỏi,“Ông nói tôi đánh bệnh nhân khác nên mới bị tiêm thuốc an thần, dẫn đến mất trí nhớ. Trước đó trí nhớ của tôi thế nào? Tinh thần có vấn đề gì không, có bị tâm thần phân liệt, trầm cảm hay rối loạn nhân cách không?” Miệng hỏi mà lòng thầm thấy ngỡ ngàng về đống thuật ngữ mình dùng. Xem chừng bác sĩ Trang chưa muốn giải thích rõ ràng, “Chiều nay tôi có buổi hội thảo, bây giờ cô phải về phòng bệnh nghỉ ngơi. Tôi sẽ xây dựng lại phác đồ điều trị dựa trên diễn biến bệnh tình của cô. Dù thế nào cô cũng phải phẫu thuật. Yên tâm đi, phẫu thuật rất an toàn, sau đó bệnh của cô sẽ thuyên giảm, thậm chí khỏi hẳn.” Tôi bắt đầu thấy căng thẳng,“Còn tên tôi thì sao? Ít ra ông cũng cho tôi biết tôi là ai chứ?” “A2047 là tên của cô ở đây.” Bác sĩ Trang bình thản trả lời. “Nhưng...” “Dần dà cô sẽ biết thêm những chuyện khác.” Ông ta giơ tay xem giờ, trông rất giả tạo. “Tôi bận rồi, lát nữa sẽ bảo y tá đưa cô về phòng bệnh.” Dứt lời quay gót, khép cửa lại sau lưng. Bác sĩ Trang đi rồi, tôi cứ ngồi thẫn thờ trên giường. Đầu óc trống trơn, không có chút kí ức nào. Tôi đứng dậy, chầm chậm đi lại trong phòng rồi dừng chân bên cửa sổ. Bên ngoài lưới sắt, mây đen vần vũ, trĩu nặng như sắp rơi. Không khí âm u ngột ngạt. Gió tạt vào phòng mang theo vị mặn của nước biển. Sao tôi lại ra nông nỗi này? Cuộc sống thế nào mà rơi vào cảnh giam cầm, phát điên, điều trị? Tôi ngồi xuống giường, dè dặt cầm gương lên, chăm chú nhìn cô gái nhưng không tìm thấy dấu vết điên cuồng nào trong mắt cô ta. Tôi đưa tay vuốt nhẹ từ trán xuống má, môi rồi đến cằm, mong tìm được đôi chút cảm giác quen thuộc. Kết quả thật thất vọng. Nhìn khuôn mặt có thể coi là xinh đẹp này, tôi không thấy gần gũi. Cảm giác xa lạ như đang chạm vào mặt ai khác. Tôi liếc mu bàn tay mình, phát hiện có sẹo. Xắn tay áo lên thì phát hoảng vì những vết sẹo đủ kích cỡ chằng chịt trên cánh tay, có vết đã đóng vảy, có vết còn rớm máu. Tôi cởi đồ, kiểm tra kĩ cơ thể mình. Khắp người chẳng có chỗ nào lành lặn, toàn vết thương dữ tợn xấu xí. Tôi nhìn làn da rúm ró cùng cơ thể đầy thương tích, cảm giác ngờ vực dâng lên ngập lòng. Bệnh viện này chắc chắn có vấn đề, và có kẻ đang hãm hại tôi. Nghĩ đến đây, tôi không còn ngạc nhiên vì những vết sẹo nữa, mà ngạc nhiên vì tố chất tâm lý của mình. Tôi có sợ, nhưng không hoảng loạn, thậm chí còn rất bình tĩnh. Ngoài cửa vang lên tiếng bước chân, tôi vội đặt gương xuống, nằm ngửa ra giường. Cửa sắt mở ra cùng âm thanh nặng nề, có người bước vào. Tôi liếc mắt nhìn. Đó là một phụ nữ chừng năm mươi tuổi, mặc đồ y tá màu trắng, cao tầm 1m75, da đồi mồi, mặt béo núc ních chảy xệ, cả môi lẫn má đều chùng hẳn xuống, đuôi mắt nhăn nheo. Bà ta có trang điểm, mà chắc không biết lớp trang điểm vụng về ấy khiến mình già đi cả chục tuổi. “Alice, cô phải về phòng bệnh.” Giọng chát chúa, nghe rất khó chịu. “Xin lỗi, bà vừa gọi tôi là gì?” “Tôi cảnh cáo cô, đừng giả điên giả dại với tôi. Vô ích thôi!” Người phụ nữ đứng tuổi phăm phăm tiến lại. “Còn giở trò chạy trốn nữa thì cô sẽ không may mắn như lần này đâu! Bác sĩ Trang không bảo vệ cô mãi được, tôi mới là người quyết định ở đây.” Bà ta đang uy hiếp mình sao? Tôi làm gì chọc giận bà ta à? Tôi chỉ muốn biết bà ta gọi mình là gì thôi mà. “Cho hỏi tôi mắc bệnh gì? Tôi mất trí nhớ rồi!” “Đây là bệnh viện tâm thần mà cô còn hỏi mình mắc bệnh gì à?” Người phụ nữ châm chọc. “Thế người nhà tôi đâu? Tôi tên là gì? Quá khứ ra sao? Xin bà nói cho tôi biết.” Nghe tôi hỏi tới tấp, bà ta nổi cáu mắng té tát,“Chuyện cô là ai, có nhớ được quá khứ không đã chẳng còn quan trọng. Việc cô phải làm bây giờ là nghe lời, nghe lời, nghe lời! Hiểu chưa?” Tôi gật đầu, tỏ ý nghe lời. Người phụ nữ liền dịu nét mặt. “Đi thôi, tôi không muốn lãng phí thời gian, còn bao nhiêu việc phải làm đây này.” Bà ta sốt ruột hối thúc. Lúc đứng dậy, tôi nhìn thấy thẻ tên trước ngực bà ta in hai chữ “Viên Tinh”. Tôi theo Viên Tinh ra khỏi phòng. Bên ngoài là hành lang tối tăm ẩm thấp và sâu hun hút, hai bên có vô số cửa sắt loang lổ gỉ sét giống của căn phòng tôi ở ban nãy. Tôi vô tình nhận thấy có rất nhiều vệt máu đen bám két trên sàn, chắc do lâu ngày nên đã hòa làm một với nền xi măng. Ngẩng đầu lên, tôi thấy trên trần treo tấm biển kim loại đề dòng chữ “Phòng bệnh khu A”. Cuối hành lang là tượng đá một phụ nữ đeo băng bịt mắt, sau lưng có đôi cánh thiên thần, tay trái cầm dao găm, tay phải giơ khiên, tư thế sẵn sàng tấn công kẻ địch. Tôi định lại gần quan sát thì đã bị Viên Tinh dẫn (đúng hơn là áp giải) vào căn phòng ở bên trái pho tượng. Phòng chật chội, cửa bằng sắt nguyên tấm mở vào trong. Bên phải là mặt tường trống trơn, trong phòng có chiếc giường gỗ tồi tàn, bồn cầu được ngăn bằng bức vách đá. Đằng trước bồn cầu là chậu sắt để rửa mặt, rửa tay. Phòng không lắp gương chắc vì thủy tinh quá nguy hiểm với người điên. Giữa phòng kê một bộ bàn ghế, nhưng chân bị đóng cứng xuống đất, không di chuyển được. Viên Tinh đẩy tôi vào phòng rồi sập cửa lại. Đây là phòng giam thì chính xác hơn là phòng bệnh. Không gian khiến tôi ngột ngạt, tưởng đâu có tảng đá nặng hàng tấn đè lên tim mình. Cách! Cửa sắt khóa lại, tôi không thể rời khỏi đây. Trong phòng có cửa sổ nhưng trổ cách sàn đến hai mét, không sao nhìn được ra ngoài, lại còn bị chặn bằng những song sắt to ngang ngón tay. Tôi đi đi lại lại, thầm sắp xếp lại các vấn đề. Thứ nhất, tôi bị nhốt trong bệnh viện tâm thần, canh gác nghiêm ngặt, giống nhà tù hơn trung tâm sức khỏe tâm thần thông thường. Thứ hai, tôi mất kí ức, không nhớ mình là ai, lại càng không biết mình phạm lỗi gì mà bị giam ở đây. Người thân của tôi đâu? Họ gửi tôi đến đây ư? Hay tôi phạm tội hình sự nên mới bị tống vào chỗ này? Thứ ba, rõ ràng tôi từng bị bạo hành. Trừ khi tôi có sở thích tự ngược đãi, còn không thì dù tâm lý tội bất thường đến mấy, bệnh viện cũng không có quyền giày vò, vì tôi là bệnh nhân! Được rồi, nói tóm lại, tôi có thể sắp xếp các thông tin trên một cách rõ ràng mạch lạc, chứng tỏ đầu óc tôi hoàn toàn bình thường, ít nhất thì lúc này tôi không điên! Cứ thế mà suy, tôi không điên nhưng lại bị tống vào bệnh viện tâm thần, rất có thể là do ai đó hãm hại. Nghĩ tới đây, tôi không khỏi lo lắng. Nếu có người cố tình đẩy tôi vào chỗ chết, sao không giết quách cho xong mà lại đưa tôi tới đây? Câu trả lời rất rõ ràng. Giết tôi quá đơn giản, e rằng mục đích thực sự của hẳn là hành hạ tôi. Kẻ có thủ đoạn như vậy ắt không phải người bình thường. Vậy tôi có phải người bình thường không? Tôi nhìn hai bàn tay, tưởng tượng ra nghề nghiệp của mình. Tôi là dân văn phòng sáng sáng vừa gặm bánh mì vừa chen chúc trên tàu điện ngầm để đến chỗ làm, hay là bà nội trợ nhàn rỗi bán đồ online kiếm tiền tiêu vặt? Dù là nghề gì thì dứt khoát cũng không liên quan tới nhà thương điên. Khoan đã, nếu có kẻ cố tình đưa tôi vào đây, thì vết sẹo trên người tôi chứng tỏ kẻ đó còn ở bệnh viện. Hắn có quyền lực và tiếng nói nhất định nên thỏa sức tra tấn tôi mà không ai hay biết. Chứng mất trí nhớ hẳn có liên quan đến tình trạng giày vò thể xác này. Chưa hết, có thể hắn còn sử dụng loại thuốc nào đó hủy hoại đầu óc tôi. Ban nãy Viên Tinh cảnh cáo tôi sẽ không may mắn nếu còn giở trò chạy trốn. Rõ ràng tôi đã thất bại và bị họ bắt lại. Vấn đề là tôi trốn bằng cách nào? Căn phòng bê tông kín mít không tiết lộ một manh mối gì. Hắn là tôi từng vạch kế hoạch rất kín kẽ tỉ mỉ thì mới chạy thoát được. Kế hoạch vượt ngục của tôi được viết ra đâu đó rồi bị phát hiện ư? Bốn bề lặng ngắt như tờ, tôi bắt đầu quan sát căn phòng lạ lẫm, mong rằng sẽ có chi tiết nào đó khơi gợi kí ức. Tôi đi đi lại lại, thỉnh thoảng đập bàn, ngồi xuống ghế, thậm chí nằm lên giường. Nhưng kí ức như trăng soi mặt hồ, hễ tôi cố vươn tay bắt lấy vầng gương bạc ấy, nó lại hòa vào màn đêm sâu thẳm, tan đi không vết tích. Tôi thở dài, ngồi xuống mép giường bụi bặm. Giữa hiện tại và quá khứ chỉ còn một khoảng trống im lặng. Tôi như vừa du hành thời gian, thoáng cái đã nhảy vọt qua mất thời khắc quan trọng nhất trong đời. “Chết tiệt!” Tôi cáu kỉnh bật dậy, đá mạnh vào ghế. Bất chợt có tiếng động lại vang lên từ bức tường bê tông sau lưng. Tôi quay đầu lại, chăm chú nhìn tường và dòng tai lắng nghe. Kịch, Kịch, Kịch. Y như thể có người đang gõ nắm đấm ở mặt tường bên kia vậy. “Ai? Ai đấy?” Tôi hỏi, mắt nhìn chằm chằm vào bức tường xám. “Alice đấy à?” Giọng nói xuyên qua bức tường, hình như là giọng phụ nữ. Tiếng nhỏ như muỗi kêu nhưng với tôi lại không khác gì tiếng chuông rền bên tai. Lại Alice! Tôi thở gấp, tim đập dồn dập, giọng run run,“Chị... chị là ai?” “Cô thất bại rồi phải không?” Người phụ nữ hỏi tiếp. “Sao cơ?” “Vượt ngục ấy, và thất bại. Đừng nản chí, Alice.” “Tôi không nhớ gì hết.” Tôi nói. “Tôi không hiểu cô đang nói gì.” “Tôi cũng không hiểu.” Tôi đáp,“Lúc nãy tỉnh dậy tôi đã quên cả việc mình là ai. Tất nhiên tôi cũng không nhớ chị, không nhớ tại sao mình bị nhốt ở đây.” Im lặng kéo dài. “Ý cô là mất trí nhớ?” Tiếng thở dài vọng sang từ bên kia bức tường,“Sao lại thế được? Chắc chắn họ đã giở trò!” “Ai cơ?” “Tất cả mọi người! Alice, nghe tôi nói này, cô phải nghĩ cách, giống như lúc trước...” “Tên tôi là gì? Tôi muốn biết tên thật của mình! Còn nữa, chị là ai, sao tôi lại ở đây? Lần trước tôi thoát ra bằng cách nào? Xin hãy kể ngọn ngành những gì chị biết!” Tôi đập tay lên tường mới biết nó rất mỏng, bảo sao tiếng phòng bên lại rõ ràng như thế. “Tôi là một người mẹ, tên Diệp Bình. Bọn họ bắt tôi tới đây, khăng khăng bảo tôi mắc bệnh. Nhưng tôi biết mình không bệnh tật gì! Cô cũng biết bản thân hoàn toàn bình thường, đúng không? Bọn họ luôn nói dối, nói dối như cuội! Họ lừa cảnh sát, lừa chính phủ, chẳng ai vạch trần được họ. Họ có thể một tay che trời trên hòn đảo này!” “Đảo ư?” Tôi sợ hãi kêu lên,“Đảo gì cơ?” “Đảo ngoài biển. Không ai quan tâm tới chúng ta đâu, họ vứt chúng ta trên đảo này, mặc cho chúng ta thối rữa, bốc mùi, bị giòi bọ đục khoét. Không tự cứu mình thì chỉ còn nước chết!” Giọng chị ta rất kích động. “Tại sao lại xây bệnh viện tâm thần trên đảo?” Tôi có một núi thắc mắc muốn hỏi chị ta. “Đây là địa ngục trần gian chứ không phải bệnh viện! Alice, mất trí nhớ chưa chắc đã là chuyện xấu. Ít ra cô có thể quên rất nhiều chuyện đau khổ. Không như tôi, hằng đêm đều choàng tỉnh vì ác mộng rồi khóc rưng rức. Tôi không biết gì về cuộc sống trước khi lên đảo của cô, còn tên thật của cô thì xin lỗi, tôi cũng không rõ.” “Vậy chị biết tình hình của tôi sau khi tôi bị giam không? Xin chị kể tôi nghe với.” Tôi vội vã hỏi. “Lúc mới đến, cô cứ nói đi nói lại một câu...” “Tôi nói gì?” “Cô bảo mình biết bí mật của hòn đảo này.” “Bí mật của hòn đảo?” Nếu lời Diệp Bình nói là thật, tôi bị bắt nhốt chính vì biết được bí mật của đảo. Nhưng tôi tới đây làm gì? Sao lại biết bí mật chứ? Tôi đấm vào trán nhưng không nhớ ra điều gì. “Phải, họ có một bí mật đen tối.” Chị ta cố tình hạ giọng như sợ bị nghe lén. “Tôi có cho chị biết là bí mật gì không?” “Không, cô không trò chuyện với mọi người, thi thoảng mới nói với tôi vài câu.” “Vậy tại sao chị lại biết kế hoạch vượt ngục của tôi?” “Để tôi nghĩ đã... Cô kể với tôi, đúng rồi, chắc chắn cô từng kể tôi nghe. Cô bảo mình định rời khỏi đây và đã nghĩ ra cách. Nhưng cách gì thì cô giữ kín như bưng, không chịu bật mí. Cô không muốn nói, sao tôi ép được? Vậy nên tôi không biết cô chuẩn bị chạy trốn ra sao. Ừ, tôi chẳng biết gì cả.” Diệp Bình bắt đầu ăn nói lộn xộn. “Tiếc là tôi không nhớ nữa...” “Nơi này có âm mưu, Alice, cô phải vạch trần cho công chúng biết. Cô là người phù hợp nhất với trọng trách này.” Bí ẩn cứ lớn dần. Ban đầu tôi ngỡ người ta đưa tôi vào bệnh viện tâm thần bình thường, rồi người nhà sẽ đến đón tôi về, nhưng giờ tôi hiểu điều đó là không thể. Đây là một hòn đảo có âm mưu, ông trời như đang trêu đùa tôi. “Bác sĩ ở đây đều là người xấu sao?” “Người xấu ư? Ha ha, họ không phải người, mà là ác quỷ! Lúc nào cũng nhăm nhăm ép chúng ta uống thuốc, ngâm chúng ta vào nước sôi, còn tra khảo bằng ghế điện nữa! Và sẽ tiếp tục đối xử tàn ác như thế cho đến khi chúng ta chết...” Những chuyện này đáng ra tôi đều biết, thậm chí biết nhiều hơn Diệp Bình. Nhưng giờ có suy nghĩ nát óc, đầu tôi vẫn trống rỗng. Thậm chí tôi chẳng rõ hôm qua mình làm gì, nữa là kí ức về hòn đảo. Tôi chợt thấy chóng mặt, và mệt mỏi. “Ối!” Diệp Bình bỗng kêu lên, rồi lập tức dịu dàng dỗ dành, “Ngoan nào... sao con yêu của mẹ lại dậy thế? Con ngoan, mẹ nói to quá nên đánh thức con à? Ngoan, nghe lời mẹ, ngủ đi nào... Mai mẹ dắt con đi mua đồ chơi nhé? Con biết mẹ yêu con nhất mà, con là cục vàng của mẹ... Ngoan... Ngoan nào...” Con của Diệp Bình cũng ở đây? Tôi chợt thấy lạ, sao quản lý bệnh viện lại để như thế! Đúng lúc này, Diệp Bình cất tiếng hát ru. Giọng hát du dương vang vọng trong phòng giam, nghe hãi hùng khó tả. “Cho hỏi...” “Câm đi! Câm đi! Câm! Cô ồn quá, sao cô vẫn chưa câm mồm! Cấm nói nữa, cấm quấy rầy con tôi, nếu không tôi sẽ giết cô! Tôi sẽ giết cô!” Diệp Bình điên cuồng hét lên, dù cách một bức tường nhưng tiếng vẫn rõ mồn một. Chị ta gào thét luôn mồm. Tôi còn nghe thấy tiếng bình bịch như thể có ai nện nắm đấm hay húc đầu vào tường. Tôi lùi lại, lùi đến khi tiếng gào thét bên kia yếu dần mới dừng bước. Đầu óc Diệp Bình có vấn đề. Hi vọng duy nhất thế là tiêu tan, tôi vốn định dò la thêm thông tin từ chị ta mà. Cảm giác bất lực khủng khiếp ập tới. Tôi về giường ngồi ôm chân, vùi cằm giữa hai đầu gối và nhìn chằm chằm vào cánh cửa sắt trước mặt. Cánh cửa màu trắng bạc, có trổ ô thoáng nhỏ ở sát sàn. Cùng một tiếng “két”, khay trắng đựng đầy đồ ăn được đẩy vào. Trên khay có bánh bao chay, túi sữa và ít rau xanh. Người đứng ngoài cửa nói với giọng vô cảm,“Tới giờ cơm trưa rồi, ăn cơm đi. Ăn xong sẽ gặp bác sĩ Ngô.” “Bác sĩ Ngô? Khoan đã, bác sĩ Ngô là ai? Bác sĩ Trang đâu?” Tôi còn muốn hỏi tiếp, nhưng người đưa cơm không thèm đếm xỉa, tiếng bước chân xa dần. Bác sĩ Ngô là ai? Bác sĩ điều trị của tôi không phải bác sĩ Trang sao? Tôi đâm ra tò mò. Một mặt, tôi biết mình đang gặp nguy hiểm, cần cẩn thận đề phòng tất cả những người xa lạ này, mà tốt nhất là không nên tiếp xúc với ai. Mặt khác, tôi không kiềm chế được ham muốn tìm hiểu về bí mật của hòn đảo. Mà muốn tìm hiểu, tôi phải trò chuyện với đủ mọi loại người, trong đó có bệnh nhân tâm thần và cả bác sĩ ở đây. Đang nghĩ quàng nghĩ xiên thì nghe bụng réo vang, tôi bèn vươn tay lấy bánh bao trên khay, miệng ăn nhôm nhoàm nhưng đầu óc vẫn miệt mài suy nghĩ. Việc cấp bách hiện giờ là phải tìm hiểu xem mình là ai, tại sao bị nhốt ở đây. Chuyện này nói thì dễ, làm thì khó. Bác sĩ không đáng tin, bệnh nhân thì đầu óc bất bình thường nên rất khó giao tiếp. Cách duy nhất là thu thập thông tin rời rạc từ nhân viên bệnh viện rồi xâu chuỗi lại. Sự thật về hòn đảo nhà tù sẽ hé lộ sau khi tôi tìm ra mình là ai. Ăn uống xong, tôi nằm xuống nhắm mắt lại. Lát nữa phải gặp bác sĩ Ngô, bây giờ rảnh rỗi thì tranh thủ chợp mắt một lát cho tỉnh táo. Tôi vươn vai, chẳng mấy chốc đầu óc mơ màng rồi từ từ chìm vào giấc mộng. * * * Khi thức dậy, phát hiện một người đàn ông lạ mặt đang ngồi lù lù bên giường, tôi giật mình hét lên, bật dậy theo phản xạ. Người đàn ông không tỏ thái độ gì, vẫn hí hoáy viết vào sổ, chừng như đã quen với cảnh này. “Cô tỉnh rồi à?” Anh ta hỏi,“Tôi muốn để cô ngủ thêm một lát nên mới không đánh thức.” “Anh là ai?” Người đàn ông thoáng vẻ ngạc nhiên, rồi cười nói,“Tôi là Ngô Siêu. Thật ra chúng ta đã biết nhau rồi. Nghe bác sĩ Trang nói cô mất trí nhớ, tôi còn không tin đấy. Cô không nhớ gì thật sao?” Ngô Siêu mặc blouse trắng, đeo kính gọng vàng, tầm ngoài ba mươi. Từ anh ta toát ra cảm giác yếu ớt chứ không mạnh mẽ cường tráng như bác sĩ Trang, nói dễ nghe là thư sinh, nói khó nghe là hơi ẻo lả. “Tên tôi là gì?” Tôi hỏi. “Xem ra cô mất trí nhớ thật.” Ngô Siêu nheo mắt,“Tôi chưa từng gặp trường hợp này, chắc tôi phải kiểm tra toàn diện xem xương sọ cô có tổn thương không. Cũng có thể đây là cơ chế phòng vệ sau chấn thương. Cô thậm chí không nhớ mình là ai, tức là có triệu chứng mất trí nhớ toàn bộ. Nhưng đừng lo, chúng tôi sẽ nghĩ cách chữa khỏi cho cô.” “Tên tôi là gì?” Tôi lặp lại câu hỏi. Anh ta cười đáp,“Tên cô là Alice.” “Alice?” Tôi nhẩm theo, vẫn chẳng có chút ấn tượng nào, “Sao tôi lại ở đây, tôi mắc bệnh gì?” Ngô Siêu gật gù trong lúc tôi hỏi,“Cô gây thương tích cho người khác, nhưng được chứng minh có vấn đề tâm thần nên mới tới đây.” “Gây thương tích đến mức nào? Đến mức chết người không?” Đây là câu hỏi mà tôi sợ nghe đáp án nhất. “Sang văn phòng tôi đi, tôi sẽ cho cô xem vài thứ.” Tôi theo Ngô Siêu đi qua hành lang dài, để lại sau lưng dãy cửa sắt khóa chặt. Vừa đi vừa tưởng tượng bên trong cửa này là những ai. Ngô Siêu nói trên đảo chuyên giam giữ tội phạm tâm thần. Giờ đây tôi là một trong số họ, nghĩa là quái vật trong mắt người đời. Cuối hành lang là cánh cửa sắt nặng nề như cổng nhà tù. Đẩy cửa ra, lần đầu tôi thấy mặt trời. Nắng chiều rọi chếch xuống như tiếp thêm năng lượng tươi mới. Chúng tôi đi qua hàng hiên, bước vào một tòa nhà tông màu xám đậm trông như hộp vuông, chẳng đẹp đẽ gì. Lên tầng hai, rẽ trái vào lối đi rộng rãi sáng sủa, bên phải lối đi có cánh cửa treo biển “Văn phòng bác sĩ Ngô Siêu”. Anh ta mở khóa rồi gọi tôi vào. Phòng không lớn lắm nhưng ngập tràn ánh sáng. Phía Nam phòng có một cái tủ chất đầy sách chuyên ngành về não khoa và phân tâm học, toàn là sách tiếng Anh. Tôi rất ngạc nhiên vì thấy mình đọc hiểu được, vậy là khả năng ngoại ngữ không tồi, chắc học vấn cũng không thấp. Giữa phòng là bàn viết lớn, đối diện đặt sofa đôi bằng da, Ngô Siêu ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Tôi đưa mắt nhìn quanh, cảm thấy khá bình tĩnh. Ngô Siêu ngồi vào bàn làm việc, lục tìm trong ngăn kéo. “Anh muốn cho tôi xem cái gì?” Tôi hỏi. “Một vài... tài liệu...” Anh ta lơ đãng đáp. “Liên quan tới tôi sao?” “Ừ, nhưng mà...” Ngô Siêu khẽ cau mày,“Rõ ràng tôi để ở đây, sao lại không thấy nhỉ?” “Mất tài liệu về tôi à?” Ngô Siêu không đáp mà đứng dậy, lục lọi trên giá sắt bên cạnh tủ sách đến mười lăm hai mươi phút vẫn không tìm được thứ mình cần, cuối cùng thở dài nhắm mắt,“Chắc ai lấy đi rồi. Tôi đã bảo không có việc gì thì đừng tự tiện lục lọi đồ đạc của tôi kia mà.” “Liệu tôi có thế này mãi không?” Ngô Siêu quay sang nhìn tôi,“Cô nói sao?” “Mãi mãi thế này, không nhớ được chuyện quá khứ, sống như cái xác không hồn?” “Cô đừng lo lắng quá, chúng tôi sẽ gắng sức. Cô phải biết não người rất phức tạp, có cả trăm nghìn nguyên nhân gây mất trí nhớ. Trình độ khoa học hiện nay chưa đủ để chúng ta nắm được hết cách thức hoạt động của não người. Ví dụ, khi gặp chuyện không vui, một số người sẽ chọn cách lãng quên cho nhẹ lòng. Tình trạng này kéo dài có thể gây nên chứng mất trí nhớ cưỡng chế. Mất trí nhớ cưỡng chế là một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, phát sinh khi bệnh nhân cố gắng thôi miên mình quên đi điều gì đó. Đây là kiểu mất trí nhớ tự chủ do tiềm thức điều khiển, cô không tự phát hiện ra được. Kiểu còn lại là mất trí nhớ do tác động bên ngoài. Để tìm ra nguyên nhân khiến cô mất trí nhớ, ngoài kiểm tra toàn diện chúng tôi còn phải quan sát trong thời gian dài.” Ngô Siêu liến thoắng giảng giải. Tôi gật đầu, không đáp một lời. “Tôi đi tìm thử chỗ khác, cô ngồi đây chờ nhé.” Nói rồi, anh ta ra khỏi phòng. Sau khi chắc chắn Ngô Siêu đã đi xa hẳn, tôi ngồi vào ghế anh ta, lục lọi ngăn kéo. Làm thế này là mạo hiểm, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Ngăn thứ ba bàn viết có một tập hồ sơ bệnh nhân vừa dày vừa nặng. Tôi cẩn thận mở xem từng trang một. Tập hồ sơ khiến tôi liên tưởng tới Lịch sử phổ quát về sự ô danh[*] của tác giả người Argentina Jorge Luis Borges[*]. (Nhớ được cả Jorge Luis Borges mà không nhớ ra mình là ai, thật mỉa mai làm sao!) Những kẻ sát nhân điên loạn hung bạo tột cùng tưởng chỉ có trong tiểu thuyết lại đang bị giam cầm ngay cạnh tôi. Có khác gì mơ không! Tôi đọc ngấu nghiến giới thiệu về các vụ án kinh dị như trong truyện, cùng các chứng bệnh tâm thần mới nghe lần đầu. Ví dụ ở trang “Diệp Bình”: Từ 8/2003 tới 9/2011, Diệp Bình sinh hạ sáu đứa con và sát hại lũ trẻ ngay từ khi lọt lòng bằng cách thức cực kì dã man. Theo biên bản xét xử, thị làm bốn đứa chết ngạt, siết cổ hai đứa. Năm đứa bị nhét xác cùng quần áo bẩn vào túi nhựa buộc kín, giấu dưới tầng hầm, xác đứa còn lại thì vứt vào thùng rác. Tháng 10/2011, Diệp Bình bị bắt giam. Người nhà xin tòa án giám định tâm thần, kết quả cho thấy Diệp Bình mắc hội chứng Munchausen by Proxy[*]. Tiếp theo thị được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Nam Minh. Tôi không biết “hội chứng Munchausen by Proxy” là gì, nhưng một phụ nữ liên tiếp giết hại sáu trẻ sơ sinh thì đúng là quỷ dữ. Tiếng bước chân vang lên ngoài cửa, tôi vội nhét hồ sơ vào ngăn kéo, tiện thể dúi chiếc bút chì vẹt một nửa cùng mấy tờ giấy trắng vào túi. Để đề phòng trí nhớ suy giảm, tôi phải ghi lại những thông tin thu thập được. Tôi sợ ngày mai tỉnh dậy sẽ quên sạch mọi chuyện hôm nay. Tôi quay lại sofa rồi ngồi im, ra vẻ đợi Ngô Siêu nãy giờ. Tiếng bước chân mỗi lúc một gần, nhưng có điều là lạ... Đúng, lạ quá! Đang bước chậm rãi sao tự nhiên lại chạy băng băng như vậy! Tôi quay phắt đầu lại, đúng lúc một gã đàn ông lạ mặt nhảy xổ tới! Mặt dài, tóc thưa, trán hẹp, mũi gãy, gò má hõm sâu như bị dao gọt. Đáng sợ nhất là cặp mắt sáng rực tựa sói đói. Tôi hụp người xuống, né được đòn tấn công đầu tiên. Nhưng gã đàn ông không bỏ cuộc, khi tôi đứng dậy chuẩn bị lao ra cửa, gã bò toài theo tóm lấy cổ chân tôi kéo ngã xuống cùng mình và nhanh như chớp cưỡi lên bụng tôi, ghì chặt tay tôi bằng hai đầu gối. Tôi giãy giụa thế nào cũng không thoát được, trong khi gã lại rất thích thú trước màn vùng vẫy này, liên tục liếm đôi môi nứt nẻ của mình. “Khà khà, lâu lắm rồi tao chưa được sờ vào đàn bà...” Bộ mặt này! Tôi vừa trông thấy trong hồ sơ! Chu Khải, kẻ mắc chứng lệch lạc tình dục gây ra hàng loạt vụ hiếp dâm giết người làm chấn động Nam Kinh một thời! Trời ơi, làm sao gã sổng ra khỏi phòng bệnh vậy? Không còn thời gian suy nghĩ nữa, tôi liều chết chống cự nhưng hai tay yếu xìu. Chu Khải đánh đòn phủ đầu, chiếm được ưu thế rồi điên cuồng xé quần áo tôi. Nhục nhã cùng cực, nước mắt không kìm được trào ra, tôi muốn thét lên nhưng bị bàn tay bẩn thỉu của gã bịt miệng. Tôi quẫy đạp đôi chân yếu ớt nhưng toàn đá hụt. Giữa nguy nan, một ý nghĩ đáng sợ nảy ra trong đầu. Phải chăng Ngô Siêu cổ tình bỏ đi? Lẽ nào chính anh ta thả Chu Khải? Bị nỗi sợ hãi tột độ trói ghì lấy, tôi mất sức phản kháng, chi tiết Chu Khải sắp tiến vào mình. Cuối cùng gã sẽ giết tôi chăng? Để tôi vĩnh viễn biến khỏi cõi đời như các nạn nhân đáng thương của gã? 2 T hú thật, tôi không muốn nhắc lại vụ án kinh hoàng xảy ra vào mùa đông năm 2015 nữa. Có rất nhiều nguyên do, nhưng chủ yếu là tại sốc nặng vì những cách thức giết người kì quái. Trong thời gian ấy, hễ nhắm mắt vào là tôi lại nhớ đến những chuyện xảy ra trên hòn đảo xa xôi nọ. Theo lời khuyên của bác sĩ tâm lý, tôi cũng ghi chép lại sự việc nhằm chữa lành tâm hồn, y như từng làm hồi năm ngoái, sau những án mạng liên tiếp xảy ra ở biệt thự Vỏ Chai. Chắc là trong cái rủi có cái may, ghi chép về biệt thự Vỏ Chai được biên tập và ra sách cùng năm với cái tên Cổ tích của người điên![*] Phải cảm ơn tên bạn trời đánh Thạch Kính Chu, không nhờ hắn giới thiệu với biên tập viên Tiết Phi, chắc bản thảo của tôi đã nằm mốc meo trong ngăn kéo. Sách phát hành khiến Trấn Tước rất không hài lòng. Cậu ta bảo tôi,“Không hiểu sao anh lại đem bí mật của bạn bè (không rõ ám chỉ Cổ Dương hay chính mình) ra kiếm tiền cho được. Thất vọng quá đi mất!” Cho rằng công khai đời tư người khác là hành vi vô cùng đáng hổ thẹn, cậu ta còn suýt tuyệt giao với tôi. Trần Tước rất coi trọng sự riêng tư. Thời đại này chắc chẳng mấy ai như cậu ta, không có WeChat, Weibo, Twitter, thậm chí còn thường xuyên tắt điện thoại, cứ như người cổ đại sống ở thế kỉ 21. Xem chừng biên tập viên còn quan tâm hơn cả độc giả về bản thân Trần Tước, nên ráo riết giục tôi gửi thêm truyện về cậu ta. Bất đắc dĩ, tôi phải lén lút chép lại án mạng trong bệnh viện[*] Trần Tước mới phá gần đây để gửi Tiết Phi. Anh chàng mãn nguyện nhét luôn vào tuyển tập do mình chủ biên. Khi biết tôi và Trần Tước lại trải qua một hành trình địa ngục khác, tất nhiên Tiết Phi không dễ dàng buông tha. Sau nhiều lần đắn đo cân nhắc, tôi quyết định viết lại đầu đuôi vụ án. Vào một tối đầu tháng Mười hai, có số lạ gọi đến nhà chúng tôi. Trần Tước đang xem ti vi ngoài phòng khách, tôi đã nhận điện. Người gọi giới thiệu mình tên Tề Bác Dụ, làm ở Đại học Hộ Đông, muốn nói chuyện với Trần Tước. Tôi nghe mà kinh ngạc. Trần Tước giao tiếp kém cỏi, gần như không có bạn bè. Trừ đội trưởng Tổng Bá Hùng của đội Hình sự, rất hiếm người tìm cậu ta. Ông Tề Bác Dụ này là ai nhỉ? Tò mò quá đi mất! Trần Tước nghe điện thoại, đáp vài câu rồi cúp máy. “Ai thế?” Tôi giả vờ lơ đãng hỏi. “Một cây đa cây đề trong giới học thuật. Lát nữa ông ấy sẽ tới đây, có chuyện muốn bàn với tôi.” “Tề Bác Dụ, nghe quen quen.” Tôi băn khoăn gãi đầu. “Ông ấy là viện trưởng Viện Khoa học Toán học Đại học Hộ Đông, nhân vật tiên phong trong nghiên cứu hình học vi phân và đạo hàm riêng phi tuyến tại Trung Quốc, đồng thời là bậc cha chú tôi rất kính trọng. Hiếm lắm mới thấy Trần Tước tỏ lời khen ngợi ai đấy. Nghe cậu ta nói xong, tôi đã nhớ ra, mình từng bắt gặp cái tên này trong tạp chí khoa học Trần Tước đặt mua. “Bao giờ ông ấy tới? Tôi có cần tránh mặt không?” Tôi hỏi. “Chừng hai mươi phút nữa. Lát anh lên gác đi, đừng quấy rầy chúng tôi.” Trần Tước nằm ra sofa, giọng không giống nói đùa. “Tôi không gọi thì anh đừng xuống, nghe chưa?” Dù trong lòng hơi khó chịu, tôi cũng chỉ “Ừ” nhẹ tênh, cầm cốc cà phê và một cuốn tiểu thuyết rồi về phòng. Đáng lẽ định ra ngoài đi dạo, nhưng gần đây Thượng Hải vừa lạnh vừa nồm, chẳng gì hạnh phúc hơn bật máy sưởi, thoải mái duỗi mình trên giường, vừa đọc truyện trinh thám yêu thích vừa uống latte nóng hổi trong đêm đông rét mướt. Truyện hôm nay là Hắc Miêu Quán[*] của Yukito Ayatsuji. Tôi đã đọc hết các cuốn trước của series này rồi và rất đồng cảm, có lẽ do từng có trải nghiệm tương tự. Chẳng mấy chốc hai tiếng đồng hồ đã trôi qua. Tôi gập sách lại, vừa nghiền ngẫm tình tiết đặc sắc vừa đứng dậy xuống nhà rót nước nóng. Trong phòng khách lúc này chỉ có Trần Tước. “Ơ? Giáo sư Tề về rồi à?” Tôi hỏi. “Ừ, về rồi.” Trần Tước không ngẩng đầu, tập trung đọc một cuốn sách nào đó. Tôi lẻn ra sau lưng cậu ta ngó trộm, thật đáng thất vọng, dù biết tất cả chữ cái trong sách nhưng khi ghép lại, tôi vẫn chẳng hiểu nội dung là gì. Trên bàn trà có vài cuốn sách dày cộp về toán học với nhan đề khô khan. Chắc là sách giáo sư Tề mang tới. “Đây là gì?” Tôi giơ tay chi bừa một cuốn. “Đối xứng gương.” “Hả? Chẳng hiểu gì cả!” Tôi than phiền,“Cậu giải thích chi tiết hơn được không?” “Mối quan hệ đặc biệt giữa các đa tạp Calabi-Yau. Mà anh có biết Phỏng đoán Calabi không?” Trần Tước rời mắt khỏi cuốn sách, quay sang nhìn tôi. “Đó cũng là một nan đề toán học ư?” Tôi đoán mò. Trần Tước gật đầu, nói tiếp,“Trong không gian khép kín, liệu có tồn tại một trường hấp dẫn không phân bố vật chất? Đây là câu hỏi do nhà toán học người Ý Eugenio Calabi đặt ra. Ông cho rằng nó tồn tại nhưng không ai đủ khả năng chứng minh. Phỏng đoán Calabi có thể xem như sự mở rộng táo bạo và phi thường của định lý đơn trị hóa ở không gian đa chiều. Trong khi các ví dụ về đa tạp Einstein mà mọi người biết tới hồi đó đều là đồng phối địa phương, Calabi lại đưa ra một phỏng đoán táo bạo nhường này, đây là minh chứng cho sự dũng cảm và sáng suốt vượt trội của ông. Song, thiên tài luôn xuất hiện...” “Lẽ nào giáo sư Tề đã giải được Phỏng đoán Calabi?” Tôi sửng sốt hỏi. Trần Tước thất vọng ra mặt, trách móc tôi,“Hàn Tấn, sao anh không có tí kiến thức phổ thông nào vậy? Người chứng minh Phỏng đoán Calabi là Khâu Thành Đồng[*], trẻ con ba tuổi cũng biết điều đó!” Trẻ con ba tuổi mà biết phỏng đoán Calabi á? Nhưng tôi cũng không muốn đi sâu mà hỏi sang chuyện khác. “Ông ấy đến tìm cậu không chỉ để tặng sách phải không?” “Ừ, ông ấy tìm tôi có hai việc.” “Hai việc gì?” Tính tò mò trỗi dậy, tôi quên cả rót nước, cứ thế cầm cốc không ngồi xuống chiếc sofa đối diện cậu ta. “Việc thứ nhất, ông ấy đại diện cho Khoa Toán Đại học Hộ Đông, chính thức mời tôi về làm việc.” “Thật ư? Hay quá! Cậu đã đồng ý chưa?” “Tôi nói là muốn cân nhắc thêm. Tôi không định trở lại tháp ngà sớm như vậy.” Tôi nhớ tới sự cố Trần Tước gặp phải hồi còn đi dạy. Đó là một tai nạn nghiêm trọng, theo lời Trần Tước thì sự tắc trách của cậu ta khiến một sinh mệnh trẻ trung lìa đời. Dù đã nhận quyết định xử phạt của nhà trường, Trần Tước vẫn thấy chưa đủ, và day dứt khôn nguôi. Nhưng sự việc cụ thể ra sao, đầu đuôi thế nào thì cậu ta chưa từng kể rõ. Trước kia không kể, có lẽ sau này cũng vậy. “Việc thứ hai thì sao?” Tôi cố ý chuyển đề tài. “Việc thứ hai hơi phức tạp.” Trần Tước đổi tư thế thoải mái hơn rồi nói tiếp,“Cháu gái ông ấy, hiện làm cảnh sát hình sự ở công an thành phố Tam Á tỉnh Hải Nam, được cử đi điều tra một vụ án, hi vọng tôi tham gia cùng. Nghe bảo vì đọc về án mạng ở dinh thự Vỏ Chai, cô ấy mới đưa ra đề nghị này. Tại anh hết! Nếu trong sách anh không miêu tả tôi quá tài ba thần thánh, sao cô ấy lại nhờ tôi giúp? Anh đang gây rắc rối cho tôi đấy!” “Mời cậu tham gia điều tra ư? Hay quá, cậu cũng từng giúp đội trưởng Tổng phá án còn gì, chuyện này không làm khó cậu được. Điều tôi quan tâm là vụ án thế nào mà công an phải cầu cứu cậu?” “Anh biết hiện trường ở đâu không?” “Ở đâu?” “Trên một hòn đảo chơ vơ ngoài đại dương.” Tôi mừng rỡ nói,“May là cậu từ chối! Không thì lênh đênh vượt biển, tới nơi chắc cũng hết hơi!” “Từ chối? Tôi có từ chối đầu.” Trần Tước nhìn tôi. “Cậu... đồng ý rồi sao?” “Phải.” “Thôi được, tùy cậu, dù sao người vượt bao hải lý cũng là cậu, chẳng phải tôi.” “Không, hai chúng ta cùng đi.” Giọng Trần Tước vô cùng kiên quyết. “Tôi đồng ý rồi à?” “Anh chưa đồng ý. Nhưng tôi nghĩ anh ở Thượng Hải một mình cũng rảnh rỗi, chi bằng đi cùng tôi cho đỡ buồn, hải đảo đẹp lắm, đi mà ngắm cảnh.” Con người này, luôn xem thường các quyết định của người khác là sao! Tôi phát cáu, từ chối thẳng,“Không đi, đánh chết tôi cũng không đi.” “Anh sẽ đi thôi, Hàn Tấn, tôi biết mà.” Vẻ láu cá thoáng hiện trên mặt Trần Tước, cậu ta nói rất chậm. Tôi càng cáu hơn, cao giọng đáp,“Nhắc lại lần nữa, không bao giờ! Tôi sẽ không rời Thượng Hải để đến hòn đảo đó đâu! Với lại tôi say sóng, sợ biển sợ nước, dị ứng hải sản. Tóm lại, tôi không tài nào quen nổi. Cậu bỏ ngay ý định đó đi! Tự cậu ôm đồm việc này, đừng có kéo tôi chết chung! Hừ, không lẽ cậu có phép thuật thay đổi được niềm tin vững vàng của tôi chắc?” “Tôi không có phép thuật, nhưng tôi biết anh chưa trả tiền thuê nhà.” Trần Tước mỉm cười nói,“Nghe bảo hôm nay -1°C, mới tưởng tượng cảnh anh bơ vơ ngoài phố, không nhà không cửa, vừa đói vừa lạnh, tôi đã thấy thê thảm rồi! Hàn Tấn, anh bảo có phải không?” “Cậu... cậu đang uy hiếp tôi!” Tôi tức run cả chân. “Đúng thế, Hàn Tấn, anh thông minh hơn rồi đấy. Được rồi, tôi thông báo chứ không hỏi ý kiến anh. Hôm nay ngủ sớm nhé, sáng mai tôi hẹn gặp cô cảnh sát để tìm hiểu cụ thể về vụ án.” Nói xong, Trần Tước bỏ lại tôi còn sững sờ, lên gác rồi biến mất ở góc ngoặt cầu thang. Tôi thở dài, đổ vật xuống sofa. Ngày hôm sau, tôi và Trần Tước tới quán cà phê có tên La Mer Café trên đường Cự Lộc, điểm hẹn với cô cảnh sát. Gọi đồ xong, tôi đưa mắt nhìn quanh. Quán mang phong cách châu Âu, chủ đề cà phê văn học, ngồi đây có cảm giác yên bình, thư thái. Trần Tước vừa uống cà phê vừa đọc báo, im lặng như đang tận hưởng phút giây thanh tịnh này. Cơn mưa nhỏ im lìm đổ xuống từ khi nào không hay. Mưa gõ đất tí tách, nghe như tiếng đồng hồ dây cót. Phong cảnh ngoài xa được gột rửa, hóa thành thế giới pha lê trong suốt. Bước chân người đi đường trở nên vội vã... “Chào anh, cho hỏi... anh có phải là Trần Tước?” Lời chào vang lên, tôi quay về phía giọng nói và nhìn thấy một cô gái xinh đẹp. Hơn hai mươi tuổi, tóc buộc đuôi ngựa, mặt mộc, dáng dấp mảnh khảnh, cao tầm 1m70. Cô mặc áo khoác màu kaki hai hàng cúc, quàng khăn bông xanh nước biển, bận quần jean bụi phô ra đôi chân thon dài, tác phong nhanh nhẹn tháo vát. Dưới hai hàng mày là đôi mắt hạnh sáng ngời, mi dài, sống mũi nhỏ cao, đường nét nhìn chung là thanh tú. Tôi và Trần Tước lập tức đứng dậy. “Chào các anh!” Cô gái mỉm cười gật đầu, thoải mái bắt tay chào hỏi rồi ngồi xuống đối diện tôi. Tôi để ý khi cười, khóe môi cô nhếch lên rất duyên dáng. “Tôi là Đường Vi.” Cô gái lần lượt quan sát tôi và Trần Tước, rồi dừng lại ở tôi. “Hẳn anh là giáo sư Trần?” Tôi vội xua tay, trỏ sang bên cạnh,“Cô nhầm. Cậu ta mới là Trần Tước, tôi tên Hàn Tấn, bạn cậu ta.” “Xin lỗi các anh, dạo này tôi cứ hay lẩn thẩn. Anh là giáo sư Trần à, không ngờ anh lại trẻ như thế!” Đường Vi che miệng, vội vã xin lỗi Trần Tước rồi hỏi tôi,“Anh là Hàn Tấn? Tôi đã đọc Cổ tích của người điên, sách rất hay. Anh phải tài giỏi lắm mới có thể diễn giải vụ án có thật dưới hình thức tiểu thuyết trinh thám như vậy.” Dù chỉ là lời khen xã giao, nhưng nghe cũng thấy vui vui, tôi khiêm tốn đáp,“Đâu có, tôi không tài giỏi gì...” “Ừ, đúng là Hàn Tấn không tài giỏi gì, người giỏi là tôi mới đúng.” Trần Tước thẳng thừng ngắt lời tôi và hỏi,“Cô Đường lặn lội từ Hải Nam xa xôi tới đây là vì một vụ án quan trọng phải không? Nếu được, cô kể tóm tắt cho chúng tôi nghe đi.” Đường Vi lấy cuốn sổ bìa da trong túi xách đặt lên bàn rồi mở ra như sợ bỏ sót tình tiết. “Các anh đã nghe đến tên Đảo Quỷ[*] bao giờ chưa?” Đường Vi nhìn chúng tôi. “À, nghe rồi.” Tôi đáp. Trần Tước cũng gật đầu. Đảo Quỷ là một hòn đảo nhỏ thuộc vịnh San Francisco, California. Ở đó có một trong những nhà tù nổi tiếng nhất lịch sử Mỹ, giam cầm rất nhiều trọng phạm khét tiếng. Song nó đã bị bỏ hoang từ năm 1963. Nghe đồn tên hòn đảo bắt nguồn từ nhan đề cuốn sách Đảo Quỷ của chú Sam[*]. Tác giả Philip Grosser từng có thời bị cầm tù tại đây. Cũng có rất nhiều phim bom tấn Hollywood lấy cảm hứng từ hòn đảo đáng sợ này. “Thật ra nước ta cũng có một nơi na ná.” Ánh mắt Đường Vi chợt trở nên sắc bén. “Nhà tù trên đảo á?” Tôi nhớ tới hòn đảo mà Trần Tước từng nói với mình. “Phải.” Đường Vi chớp mắt. Tôi biết nhà tù Tây Ninh thuộc tỉnh Thanh Hải, nhà tù Bảo An ở thành phố Thâm Quyến nhưng chưa từng nghe nói có nhà tù xây dựng trên đảo ngoài biển khơi. “Thật ra đó không đơn thuần là nhà tù. Nói cho chính xác, đó là bệnh viện tâm thần.” “Bệnh viện tâm thần?” “Bệnh viện tâm thần chuyên thu nhận và điều trị tội phạm hình sự có vấn đề tâm thần.” “Ồ!” Tôi thốt lên, hình ảnh bệnh viện tâm thần Arkham trong loạt phim điện ảnh Người Dơi thoáng qua tâm trí. Đường Vi tiếp tục, “Đảo này tên là Kính Ngục[*]. Thật ra sau khi xây dựng bệnh viện, cái tên tăm tối ấy mới ra đời. Rất lâu trước kia, các ngư dân gọi nó là đảo Cá Voi, vì nhìn từ xa trông giống con cá voi trồi lên mặt biển. Vốn dĩ những hòn đảo không người, không mang lợi ích kinh tế đáng kể sẽ chẳng được khai thác. Nhưng nhiều năm trước, một doanh nghiệp xuyên quốc gia tên Bennington đã mượn danh nghĩa từ thiện để xây dựng Bệnh viện Tâm thần Nam Minh ở đấy. Họ xin phép Cục Hải dương Quốc gia, mua quyền khai thác sử dụng đảo Kính Ngục trong sáu mươi năm. Bệnh viện đặc biệt này chỉ thu dung phạm nhân tâm thần nguy hiểm, nói chính xác là thu dung các tội phạm không thể chịu trách nhiệm hình sự.” “Thu dung tội phạm hình sự?” Tôi hỏi,“Nghe chẳng khác nào nhà tù.” Trần Tước gật đầu, “Chính xác, bệnh viện tâm thần là một cơ quan tư pháp hoàn toàn độc lập, không chịu sự quản lý của các cơ quan khác. Nó trực tiếp đưa ra phán quyết, không cho bệnh nhân kháng án. Hơn nữa, bệnh viện tâm thần còn mô phỏng trại giam, trừng phạt tội phạm. Tính chất giam cầm và hành xác của nó rất giống nhà tù.” “Tại sao tôi chưa bao giờ nghe nói tới nó nhỉ? Đáng lý một nơi đặc biệt như vậy phải được đồn thổi ầm ĩ ngoài xã hội chứ!” Tôi băn khoăn. “Bệnh viện hoạt động rất kín đáo, gần như không thể tìm ra bất cứ thông tin nào về nó trên mạng. Chưa hết, ngay cả tài liệu về tập đoàn Bennington cũng rất khó tra cứu. Nhưng đó là lẽ thường tình, nhiều công ty con của tập đoàn tài chính lớn cũng như thế. Dù sao đi nữa, Bệnh viện Tâm thần Nam Minh có đầy đủ giấy phép hoạt động, là cơ sở điều trị tư nhân hợp pháp. Hiềm nỗi gần đây có một chuyện lớn xảy ra trên đảo Kính Ngục nên người ta buộc phải liên lạc với chúng tôi.” Nói đến đây, Đường Vi dừng lại như chờ chúng tôi đặt câu hỏi. “Án mạng à?” “Vâng, nói theo kiểu tiểu thuyết trinh thám của mấy anh thì đó là vụ án bất khả thi?” Nói tới đây, Đường Vi mỉm cười. Trần Tước ngẩng đầu, xem ra lời Đường Vi nói đã khơi gợi hứng thú của cậu ta. “Hồi ở dinh thự Vỏ Chai các anh cũng gặp phải án mạng phòng kín, đúng không? Nhưng theo tôi, lần đó vẫn chưa phải phòng kín hoàn toàn, cửa phòng chỉ cài xích chống trộm. Còn vụ án trên đảo Kính Ngục xảy ra trong phòng kín tuyệt đối, không có khe hở hay lỗ hổng nào! Một kẻ đang sống sờ sờ bị đâm chết trong phòng biệt giam, ngay trước mắt mọi người.” Đường Vi vừa nói vừa chờ đợi phản ứng của chúng tôi. Trần Tước hỏi,“Cô mô tả cặn kẽ tình hình án mạng được không?” “Nạn nhân tên Từ Bằng Vân, 60 tuổi, nói ra khó tin, nhưng ông ta từng là giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nam Minh. Vào một ngày trăng tròn cách đây vài năm, Từ Bằng Vân đột nhiên nổi điên, cầm dao đâm bị thương nhiều người. Sau đó ông ta bị khống chế và được giám định, kết luận là mắc chứng tâm thần phân liệt, phải đưa vào điều trị. Mấy hôm trước Từ Bằng Vân lại lên cơn, tấn công làm giám đốc hiện tại là Quách Tông Nghĩa bị thương, nhân viên bèn nhốt ông ta vào phòng biệt giam. Khác với biệt giam trong tù, biệt giam ở bệnh viện tâm thần không dùng để trừng phạt, mà để giúp bệnh nhân đang điên dại bình tĩnh lại. Tường có dán xốp chống va đập, ngăn họ tự làm mình bị thương. “Các phòng biệt giam đều lắp camera an ninh, mọi hành động của bệnh nhân sẽ được theo dõi. Hằng ngày có bảo vệ túc trực trước màn hình giám sát. Đêm án mạng, Từ Bằng Vân đang ngồi dựa vào tường thì mặt mày méo mó, ngã lăn xuống đất bất động. Máy đo điện tim gắn trên người cho thấy vào thời điểm đó Từ Bằng Vân đã tử vong. Bảo vệ lập tức đi lấy chìa để mở cửa nhưng chẳng biết ai đã tráo mất chìa nên không tìm được. Nghe hô hoán, giám đốc, bác sĩ và các nhân viên đều đến hiện trường. Nửa tiếng sau họ mới phá được khóa, xông vào phòng biệt giam. Bác sĩ kiểm tra thì phát hiện Từ Bằng Vân đã chết được hai tiếng, máy đo điện tim cũng chứng minh điều này. Nguyên nhân tử vong là vỡ động mạch tim gây xuất huyết ồ ạt, phỏng đoán ban đầu: nạn nhân bị đâm bằng dao. “Đáng sợ là, không tìm thấy hung khí có dạng dao nào hiện trường. Bảo vệ trực hôm ấy cũng làm chứng Từ Bằng Vân được soát người kĩ càng trước khi vào phòng biệt giam. Chắc chắn ông ta không mang theo bất cứ thứ gì. Bài toán khó xuất hiện rồi đây, Từ Bằng Vân bị đâm chết bằng cái gì? Chuyện gì đã xảy ra trong căn phòng kín như bưng ấy?” Đường Vi nhìn Trần Tước lom lom như đang chờ đợi câu trả lời hợp lý. “Chẳng lẽ cảnh sát chưa đến hiện trường à?” Tôi ngạc nhiên hỏi. “Anh đừng coi thường chúng tôi như vậy. Sau khi nhận được thông tin, cảnh sát đã lập tức ra đảo. Chúng tôi đưa thi thể Từ Bằng Vân về, lấy lời khai và điều tra tỉ mỉ các nhân viên có mặt. Khám nghiệm pháp y cho thấy nguyên nhân cái chết là do vỡ thành tâm thất phải dẫn đến xuất huyết ồ ạt. Thời gian tử vong tương đối khớp với thời gian Nam Minh cung cấp. Họ không có lý do để nói dối chuyện này.” “Liệu có khả năng hung thủ tác động lên camera không?” Chiêu trò này thường xuất hiện trong tiểu thuyết trinh thám. Nếu có kẻ cắt ghép băng ghi hình, những điều chúng ta nhìn thấy chưa chắc đã là sự thật. Đây không chỉ là mánh khóe cơ bản trong tiểu thuyết mà còn được sử dụng trong nhiều vụ án có thật. “Chắc chắn không. Cả kĩ thuật viên của bệnh viện lẫn cảnh sát đều có thể chứng minh camera hoạt động bình thường, băng ghi hình cũng không có gì đáng ngờ.” Đường Vi bác bỏ ngay giả thuyết của tôi. Tôi không khỏi tư lự. Khác với vụ dinh thự Vỏ Chai, vụ lần này nghe hơi thiếu chân thực. Cũng đúng thôi, tôi là một trong các nhân chứng của vụ trước, còn án mạng trên đảo Kính Ngục thì chỉ nghe thuật lại thôi. Cuối cùng tôi cũng hiểu tại sao Đường Vi lại lặn lội tới tận Thượng Hải nhờ Trần Tước hỗ trợ điều tra. Án mạng phòng kín không phải án mạng bình thường, trông qua thì thấy không tuân theo quy luật vật lý. Giải câu đố này không chỉ đòi hỏi khả năng suy luận chặt chẽ mà còn cần trí tưởng tượng phong phú. Mà nói thẳng ra, cảnh sát hơi kém khoản tưởng tượng. “Sao cô lại nghĩ tới tôi? Không chỉ vì đọc tiểu thuyết trinh thám của tay này chứ?” Trần Tước nhướng mày, mỉm cười hỏi. Đường Vi lộ vẻ khó xử, mất một lát mới nói,“Là do đội trưởng Tống giới thiệu. Anh ấy nói anh có tài xử lý những vụ án dạng này. Ngoài án mạng ở dinh thự Vỏ Chai, tôi còn xem xét các vụ anh từng hỗ trợ phá án ở Los Angeles và ở Thượng Hải. Dù người ngoài không biết nhưng cái tên Trần Tước vô cùng nổi tiếng trong giới cảnh sát đấy.” Trần Tước không mừng rỡ trước lời tán dương của Đường Vi, trái lại còn lộ vẻ khổ sở. Tôi ngờ vực hỏi,“Đã thế, sao cô không nhờ đội trưởng Tổng giới thiệu với Trần Tước luôn? Cô là họ hàng của giáo sư Tề thật sao?” “Thật chứ, dù nghe có vẻ trùng hợp. Anh ruột của mẹ tôi đấy!” Đường Vi bĩu môi. “Khi ấy tôi nghĩ nếu nhờ thẳng đội trưởng Tổng, có thể anh sẽ từ chối. Ai quen anh đều biết anh EQ thấp, ăn nói khó nghe, không biết đối nhân xử thế. Nên tôi nghĩ nếu nhờ bác tôi, chắc anh sẽ nể mặt mà đồng ý!” Trần Tước cau mày,“Ai bảo cô tôi EQ thấp, ăn nói khó nghe, không biết đối nhân xử thế? Đấy là gièm pha! Vu khống! Bịa đặt! Hàn Tấn, anh nghĩ sao?” Tôi nghĩ cậu đúng là kiểu như như thế đấy. Không từ ngữ nào mô tả cậu chuẩn xác hơn được nữa. “Liệu anh có phật ý rồi không chịu giúp tôi không?” Đường Vi dè dặt hỏi. “Tất nhiên là không!” Trần Tước phật ý đến tái mặt,“Để chứng minh mình là người EQ cao, ăn nói dễ nghe, biết đối nhân xử thế, tôi quyết định sẽ tới đảo Kính Ngục cùng cô. Hàn Tân cũng đi cùng, vì nếu từ chối anh chính là người EQ thấp, ăn nói khó nghe, không biết đối nhân xử thế.” Có lúc tôi thấy Trần Tước thực sự rất trẻ con. “Nhiệm vụ lần này bên công an chỉ phái mình cô đi thôi ư?” Tôi hỏi Đường Vi. “Tất nhiên là không.” Cô lắc đầu. “Vậy thì tôi yên tâm rồi.” “Còn hai anh nữa mà.” Đường Vi nghiêng đầu nở nụ cười tinh quái, lúm đồng tiền xinh xắn hiện ra. “Hả? Sao vụ án quan trọng nhường này mà chỉ điều mình cô đi?” Tôi ngạc nhiên kêu lên, lòng thoáng nghe không ổn. Đường Vi làm lơ tôi, cầm điện thoại nói như độc thoại,“Thời gian gấp rút nên ngày mai phải xuất phát ngay. Tôi vừa đặt vé máy bay, 9 giờ 20 phút sáng cất cánh tại sân bay quốc tế Hồng Kiều. Chừng năm tiếng là tới sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu. Sau khi hạ cánh, đồng nghiệp ở đấy sẽ chở chúng ta ra cảng, lên phà ra biển.” “Chúng ta không chỉ điều tra án mạng, đúng không?” Trần Tước nhìn thẳng vào mắt Đường Vi. Cô cảnh sát ngẩn ra, mất một lúc mới đáp,“Về cơ bản chúng tôi đã hoàn thành công tác điều tra, thu thập chứng cứ rồi. Có điều chúng tôi không thể đóng hồ sơ nếu chưa tìm ra lời giải thích khoa học. Cấp trên cắt cử tôi vì tin tưởng khả năng phá án của tôi, cho rằng một người là giải quyết được vụ án, không cần phải cử nhiều người đi.” Tôi miễn cưỡng chấp nhận câu trả lời này. Trái lại, Trần Tước tỏ ra đăm chiêu. “Cứ quyết định vậy đi! Cảm ơn sự giúp đỡ của hai anh, để hôm nào tôi mời hai anh bữa cơm coi như báo đáp. Giờ thì tôi xin phép đi trước nhé, buổi chiều còn có hẹn.” Đường Vi ngó đồng hồ, đứng dậy bước ra cửa còn không quên ngoái lại dặn. “Hẹn gặp các anh sáng mai ở sân bay!” Đường Vi đi rồi, tôi liền hỏi Trần Tước,“Cậu thấy thế nào?” Trần Tước khoanh tay trước ngực,“Nếu đúng như cô ấy nói thì vụ án khá thú vị. Cứ đi một chuyến xem sao. Chưa kể bản thân hòn đảo đã hấp dẫn rồi. Anh không nghĩ vậy à?” “Tôi không nói về đảo Kính Ngục, mà về Đường Vi.” “Hả? Anh ưng cô gái xinh đẹp ấy rồi?” Trần Tước giễu cợt, “Mắt nhìn người khá đấy, anh muốn tôi nói giúp không?” “Nghiêm túc một chút đi. Ý tôi là, Đường Vi có đáng tin không?” Tôi cáu kỉnh hỏi. “Đường Vi, người Hàng Châu. Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Chiết Giang, được điều tới công tác tại đội Hình sự Công an Thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Từng được giải nhất võ thuật ngành toàn tỉnh. Công tác mới hai năm đã phá được gần hai trăm vụ trọng án giết người cướp của. Nghe cái lý lịch này thì, tôi khuyên anh nên từ bỏ ý định theo đuổi cô ấy!” Trần Tước rút điện thoại, đọc to tin nhắn rồi nhìn tôi cười khoái trá,“Trong lúc hai người hồ hởi trò chuyện, tôi đã nhờ bạn bên công an điều tra cô ấy rồi.” “Thôi được, cậu giỏi lắm.” Tôi giơ tay ra hiệu đầu hàng. “Tôi có hứng thú với Nam Minh hơn án mạng phòng kín.” Trần Tước xoa cằm, nói tiếp,“Anh biết xây dựng bệnh viện trên đảo phức tạp nhường nào không? Để khai phá đảo hoang, cần giải quyết những vấn đề như nước, điện, khí ga và giao thông. Đầu tiên phải bảo vệ hệ sinh thái vốn có của đảo, sau đó thiết kế cơ sở hạ tầng. Ngoài ra còn phải mời chuyên gia trong và ngoài nước làm thí nghiệm sét đánh, động đất, sóng thần, đường hầm gió, khả năng chống chịu ăn mòn. Chi phí xây dựng công trình trên đảo hoang lớn gấp mười mấy lần so với trên đất liền! Anh nghĩ thử xem, ở đảo muốn dùng nước ngọt cũng phải vận chuyển bằng tàu. Sao công ty không xây luôn bệnh viện trên đất liền? Anh không thấy lạ à?” Băn khoăn của Trần Tước rất có lý. “Theo cậu thì tại sao? Mà đừng suy bụng ta ra bụng người, nhỡ đâu họ làm vì lý do nhân đạo? Cậu xem, bệnh nhân của Nam Minh đều là tội phạm hình sự, ở trên đảo thì dù có trốn khỏi bệnh viện họ cũng không thể làm hại dân thường. Ban đầu người Mỹ xây dựng đảo Quỷ cũng vì nguyên nhân này đấy thôi?” Tôi phản biện. “Thôi thì, tới nơi sẽ rõ hết. Thế nào, anh cũng rất mong chờ phải không?” Trần Tước có vẻ háo hức. “Tôi á? Bình thường, cậu biết tôi lười mà. Nhưng nếu cậu khăng khăng bắt tôi đi thì tôi đành liều mình vì bạn vậy.” “Liều mình vì người đẹp chứ?” Trần Tước nháy mắt với tôi. Xem ra Đường Vi sẽ trở thành chủ đề để Trần Tước mang ra chế giễu tôi lâu dài. “Chúng ta về nghỉ sớm thôi, ngày mai phải lên đường, chắc chắn chuyến đi sẽ mệt lắm.” Tôi đề nghị. Vẻ mặt Trần Tước rất phức tạp, thật ra khi ấy cậu ta đã lờ mờ đoán ra bí mật của Bệnh viện Tâm thần Nam Minh. Có điều, người kín kẽ như cậu ta không bao giờ nói ra những điều mình chưa chắc chắn. Đây cũng là lý do khiến Trần Tước vượt nửa đất nước, đi thám hiểm hòn đảo vì một vụ giết người phòng kín không mấy quan trọng. Từ sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu, chúng tôi còn phải ngồi xe gần bốn tiếng nữa để ra cảng. Vừa xuống xe tôi đã buồn nôn, hỏi tài xế mới biết hành trình vừa rồi dài hơn 380 cây số. Ở bến cảng, hơn chục chiếc phà dập dềnh neo đậu, tỏa sáng chói mắt dưới nắng chiều. Phải nói là hành trình như ma đuổi. Vừa xuống xe lại lên phà, rời xa bến cảng trong tiếng động cơ nổ ran. Tôi đứng trên boong, hai tay nắm lan can, dõi mắt nhìn mặt biển đằng xa. Màu biển đen và sẫm hơn tôi tưởng, sóng đập mũi phà khiến mặt nước nổi bọt cuồn cuộn. Gió ẩm ướt phả vào mặt và quấn quanh người, tôi nếm được cả vị mặn của nước biển. “Đây là lần đầu anh ra biển à?” Không biết Đường Vi đã đứng cạnh tôi từ bao giờ, mắt nheo lại vì gió. “Chắc trong mặt tôi tái mét nhỉ? Thật ra từ nhỏ tôi đã là vịt cạn, vừa không biết bơi vừa sợ nước.” Nước biển dập dềnh xung quanh, đại dương như tấm lụa đen trải ra bốn phương tám hướng. Có lẽ do sương mù dày đặc nên chẳng mấy chốc bờ biển đã biến khỏi tầm mắt chúng tôi. Cuối cùng chỉ còn thấy biển cả mênh mông tăm tối. “Có điều này, chẳng biết có nên nói ra hay không.” “Điều gì cơ?” Đường Vi quay sang nhìn tôi,“Về bệnh viện tâm thần á?” “Tôi linh cảm sẽ xảy ra chuyện chẳng lành...” “Tại sao?” Tôi lắc đầu. Đường Vi chăm chú nhìn tôi, như chờ câu trả lời. “Chắc cô cũng thấy, chúng ta biết rất mù mờ về bệnh viện tâm thần này. Cũng chẳng tra cứu được nhiều tài liệu về tập đoàn Bennington. Hơn nữa một án mạng ly kì...” “Anh sợ người ta đang thực hiện thí nghiệm bí hiểm đen tối nào đó trên đảo? Như nghiên cứu nhân bản người? Hay trên đảo có căn cứ của sinh vật ngoài hành tinh? E là anh xem nhiều phim bom tấn Hollywood quá rồi!” Đường Vi bật cười,“Hành vị sát nhân chắc chắn do con người gây ra. Có điều, cách thức mưu sát còn đang chờ chúng ta phát hiện.” Chợt có người gọi Đường Vi, cô đáp lời, vẫy tay chào tôi rồi bỏ đi. Ngắm cảnh biển một lát thì chóng mặt. Tôi vào trong khoang, ngồi ngả ra lưng tựa ghế, dạ dày bắt đầu quặn lên. Say sóng đây mà. Trần Tước bước vào ngồi cạnh, nhìn tôi và ân cần hỏi,“Mặt anh tái lắm, anh buồn nôn à?” “Không sao, tôi hơi chóng mặt thôi.” Tôi nhìn ra cửa sổ. Bầu trời bắt đầu đổi sắc, u ám dần rồi chuyển sang màu xám xịt. Mây đen vần vũ trên mặt biển tối sẫm, cuồn cuộn, chen chúc, kéo tụt cả màn trời xuống. “Sắp có dông rồi.” Trần Tước cũng để ý tới sự thay đổi của thời tiết. “Giờ quay về vẫn kịp đấy.” Tôi nói. “Anh bảo gì kia?” “Tôi linh cảm sẽ có chuyện không hay... Vụ lần này không như lần trước đâu.” “Sao anh biết?” “Trên đảo rặt một đám sát nhân hung tàn! Đầu óc trục trặc nên còn đáng sợ hơn sát nhân bình thường. Nhỡ họ vượt ngục thì chúng ta phải làm sao?” “Bệnh viện có bảo vệ mà.” “Nhỡ đâu họ giết cả bảo vệ?” Trần Tước vỗ vai tôi, khẽ bảo,“Đây chỉ là một vụ án bình thường, chúng ta sẽ giải quyết nhanh gọn rồi trở về Thượng Hải. Anh đừng sợ, tất cả sẽ tốt đẹp thôi. Mà trông kìa, chắc sắp tới rồi.” Tôi mở mắt, ngồi thẳng dậy. Nhìn qua cửa sổ, dù đã tối, tôi vẫn thấy rõ chỏm nhọn ở đường chân trời, hình như là nơi cao nhất của hòn đảo. Lát sau, phần chân đảo cũng xuất hiện trong tầm mắt. Đường bờ biển vừa dài vừa thô như nét phác bằng than của người mới tập vẽ. Sóng lớn đánh vào vách đá ven đảo, tiếng gió gào thét quần thảo trên không trung. Dần dần, hình dáng của công trình trên đảo cũng hiện ra, vừa nguy nga vừa u ám. “Chúng ta lên xem đi!” Trần Tước đề nghị. Tôi khoác áo vào, cùng cậu ta lên boong. Hòn đảo hiện ra hùng vĩ giữa đại dương mênh mang. Doi cát rẽ đôi tựa miệng quỷ đang ngoác ra cười gần. “Khi lên đảo có thể điện thoại sẽ mất tín hiệu.” Trần Tước nói. Tức là bị cô lập với thế giới bên ngoài ư? Đây là tình huống tôi sợ nhất. Sau án mạng tại dinh thự Vỏ Chai, tôi cực ghét không gian khép kín. Như nhìn thấu lòng tôi, Trần Tước bổ sung,“Nhưng bệnh viện chắc chắn có thiết bị liên lạc. Anh đừng sợ, sự cố ở dinh thự Vỏ Chai sẽ không tái diễn tại đây đâu.” Chỉ mong thế! Tới gần đảo Kính Ngục, nước chảy xiết hơn, phà tăng tốc. Bên này đảo là vách đá dốc đứng, không thể cập bờ. Phà chạy ven đảo, tiến về bến cảng ở phía bên kia. Mặt biển và hòn đảo đều màu đen, con quạ sải cánh bay liệng trên không cũng đen sì. Nỗi sợ hãi thình lình bủa vây tôi. “Loài chim này xui xẻo lắm!” Tôi than thở. Con quạ như nghe thấy, bèn quay sang kêu quang quác. “Anh không thích qua à?” “Loài chim đáng ghét như thế, ai mà thích cho nổi? Người ta luôn coi quạ là điềm gở đấy thôi!” “Thật ra đến thời Đường-Tống, người ta mới coi qua là loài chim mang điềm gở. Trước đấy thì không. Thời nhà Hán, trong Xuân Thu phồn lộ, đồng loại tương động, Đổng Trọng Thư[*] đã trích dẫn Thượng thư truyện[*] như sau, “Thuở triều Chu hưng thịnh, có loài chim lớn mình đỏ đi tha ngũ cốc thả trên vương cung, Vũ Vương[*] mừng rỡ, chư đại phu[*] cũng đều hoan hỉ. Loài chim lớn mình đó được đề cập ở đây chính là loài quạ. Chủ yếu do quạ ăn xác thối nên người sắp chết thường nhìn thấy chúng, từ đó mới sinh ra quan niệm mê tín quạ là điềm gở thôi.” Trần Tước giải thích. “Vẫn ghét.” Tôi giữ vững quan điểm. Địa thế bên kia đảo khá bằng phẳng, phà vòng qua mỏm đá ngầm, chạy về phía đó. Chừng mười phút sau thì trông thấy bến cảng nằm sâu trong cồn cát. Cuồng phong bất chợt nổi lên, thổi lệch hướng thân phà làm tôi sợ thót cả tim. May mà người lái dày dạn kinh nghiệm, nỗ lực giữ chắc tay lái, chiếc phà tròng trành mới cập bờ. Chúng tôi đặt chân lên đảo Kính Ngục. 3 T hời gian trị liệu nhóm kéo dài từ 8 giờ đến 10 giờ hằng ngày, bệnh nhân ở mỗi khu tập hợp thành một nhóm. Đây cũng là lúc tôi gặp các bệnh nhân khác. Mười phút đầu, bác sĩ đặt câu hỏi theo thông lệ, bệnh nhân có thắc mắc sẽ hỏi ngay tại chỗ hoặc hẹn gặp riêng. Phụ trách trị liệu thường là Ngô Siêu. Sáng nay y tá Lương sẽ đưa tôi tới phòng sinh hoạt, nơi tổ chức trị liệu nhóm. Phòng sinh hoạt ấm cúng, dễ chịu, tường vàng nhạt treo tranh do bệnh nhân vẽ, trong phòng có nhiều thiết bị vận động giúp bệnh nhân thư giãn. Trước khi y tá Lương tới, tôi rút trong túi ra giấy bút hôm qua lấy ở văn phòng Ngô Siêu, ghi lại những việc đã trải qua. Viết đến đoạn bị tên bệnh hoạn tấn công, tôi buộc phải dừng lại. Càng nghĩ càng sợ, nếu anh bảo vệ cao lớn không kịp thời có mặt, chắc chắn tôi đã bị gã làm nhục. Anh ta họ Diêu, vẻ người thật thà, thái độ cũng tử tế. Sau khi quay lại, Ngô Siêu rối rít xin lỗi, hứa sẽ điều tra cho rõ tại sao S3016 trốn được khỏi phòng bệnh! Có khi không phải trốn, mà là được thả ra. Tôi suýt nói thế, nhưng kịp thời kìm lại. Bây giờ tôi phải giữ bình tĩnh, không nên va chạm với bác sĩ. Y tá Lương là một cô gái ngoài hai mươi tuổi, ân cần, trắng trẻo, xinh đẹp. Người mong manh như cô lại làm việc ở đây, không sợ nguy hiểm ư? Tôi theo y tá Lương vào phòng sinh hoạt. Trong phòng không đông mấy, chỉ tầm hai mươi người, không có Chu Khải. Khi tôi bước vào, Ngô Siêu đang thao thao bất tuyệt, y tá Lương dẫn tôi tới ghế, cho tôi ngồi xuống, gật đầu với Ngô Siêu rồi rời đi. Do những người ở đây đều có tiền án hình sự nên ngoài bác sĩ, trong phòng còn có hai bảo vệ. Một trong hai chính là anh bảo vệ cao lớn cứu mạng tôi hôm qua. “Alice, cô phải rời khỏi đây!” Giọng nói quen thuộc vang lên bên tai. Người vừa lên tiếng ngồi ngay cạnh tôi, đó là một phụ nữ trên dưới bốn mươi tuổi, vô cùng to béo, riêng nọng cằm đã ba, bốn lớp, chắc phải nặng trên trăm cân. Mái tóc rối bù như tổ quạ và sắc mặt xanh tái cho thấy chị ta đang lo âu. Ngạc nhiên nhất là chị đang ôm một “đứa trẻ”. Tại sao phải để đứa trẻ trong ngoặc kép ấy hả? Vì nó không phải người, mà là búp bê bằng nhựa. Con búp bê rất bẩn, mặt mũi đen nhẻm, hai con mắt tròn xoe lồi ra như chực rơi, đầu tròn vo gần như trọc lốc, chỉ lưa thưa mấy cọng tóc vàng. “Cô phải âm thầm chuồn đi, đừng để họ biết.” Người phụ nữ béo nói tiếp. “Chị là... Diệp Bình?” Tôi như nghe thấy lại khúc hát ru của chị ta. “Cô phải lập lại kế hoạch rồi đưa con tôi theo cùng. Thằng bé còn quá nhỏ, không thể sống trên đảo cả đời được. Cô thấy có đúng không?” Chị ta thì thầm như sợ ai nghe thấy. “Nhưng tôi không nhớ gì cả.” “Không sao, rồi cô sẽ nhớ ra thôi, cô rất thông minh mà.” Diệp Bình nói, một tay đung đưa búp bê, tay kia nhịp nhàng vỗ lưng nó như ru ngủ. Tôi nhìn quanh, khung cảnh như dạ tiệc Halloween, tạo hình của mọi người đều rất đỗi quái dị. Người vận Âu phục, người mặc áo choàng, có cả người mặc giáp hiệp sĩ thời Trung cổ. Mãi sau này tôi mới biết mặc gì tùy thích là nét đặc sắc, đồng thời cũng là một trong các phúc lợi cho bệnh nhân ở Nam Minh. Bất thình lình, tôi nhận ra có người đang hung hãn nhìn mình. Đó là một phụ nữ mặc váy cưới. Ngắm kĩ thì mặt mũi khá ưa nhìn, ngoài hai mươi tuổi, tóc dài, dày và đen óng búi cao lên, trang điểm đậm như sắp bước vào lễ đường. Tiếc là tấm váy cưới rách nát như nhặt ra từ thùng rác. Chắc bệnh viện không giặt giũ thường xuyên cho bệnh nhân, ai nấy trông đều dơ dáy. “Mặc kệ nó!” Diệp Bình đã để ý thấy, khẽ chửi,“Nó ghen tị với cô, lúc nào cũng gây khó dễ cho cô! Đồ thối tha, vô liêm sỉ, muốn lên giường với mọi con đực trên đời!” “Thường xuyên gây khó dễ cho tôi? Cô ta là ai?” “Cô Dâu, toilet công cộng nức tiếng Bệnh viện Tâm thần Nam Minh.” Diệp Bình căm ghét ra mặt. “Trước khi cô tới, nó cho rằng mình là người đẹp nhất đảo, ha ha, cô tới rồi, nó lập tức biến thành mụ hoàng hậu trong Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Giờ cô hiểu nó căm tức nhường nào rồi đấy!” Tôi gật đầu. Phần trị liệu của Ngô Siêu kết thúc trong lời khóc lóc kể lể của một bà cụ. Tiếp theo là giờ hoạt động tự do kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ để bệnh nhân giao lưu với nhau. Tất nhiên nhất cử nhất động đều bị bảo vệ giám sát. “Cô ta phạm tội gì? Tại sao lại mặc váy cưới?” Tôi nhận ra rằng, hễ không đề cập tới quá khứ thì Diệp Bình rất tỉnh táo, quan niệm đạo đức không hề lệch lạc. “Nghe bảo nghiện sex, luôn mong ngóng thành cô dâu nên giết sạch những người ngủ với mình vì họ chỉ muốn vui chơi qua đường.” Diệp Bình nhăn nhó kể. “Giết người vì muốn lấy chồng ư?” Tôi lẩm bẩm. Tất nhiên tôi biết nghiện sex là gì. Xét về phương diện sinh lý, hiện tượng này xảy ra do rối loạn bài tiết hooc môn trong cơ thể, phổ biến ở nam hơn nữ. Người bệnh thường không kiểm soát được ham muốn nên bất chấp tất cả để thỏa mãn nhu cầu tình dục, thậm chí không ngại phạm tội. “Đừng ngạc nhiên, Alice, cô đã quên rất nhiều chuyện ở đây rồi. Bệnh viện Tâm thần Nam Minh là hang ổ của đám quái gở! Trông thấy người mặc đồ bác sĩ, khoác blouse trắng giống bác sĩ Ngô kia không? Chúng tôi gọi y là Sagawa. Trước đây, cũng là bác sĩ, nhưng trong lúc làm phẫu thuật lại không cưỡng nổi cám dỗ, lén ăn gan bệnh nhân! Rất lâu sau này mới bị bắt giữ, nên đã kịp ăn kha khá gan người.” Tôi nhìn theo hướng Diệp Bình chỉ, thì thấy một người trung niên nhã nhặn đang thảo luận với một ông già tóc bạc. Bề ngoài rất bình thường, chẳng hề giống kẻ điên. Như nhìn thấu suy nghĩ tôi, Diệp Bình nói thêm,“Khi không đói, Sagawa hệt như người bình thường. Nhưng tôi khuyên cô đừng nhiều lời với y, ai biết khi nào y đói? Trong mắt Sagawa, chúng ta chẳng khác nào miếng gan biết đi.” “Người đang nói chuyện với y là ai?” “Ông già tóc bạc ư? Giáo Sư đấy, tốt bụng và nhiệt tình lắm. Ông ta ngày xưa là một trí thức lớn, rất được giám đốc tôn trọng, cũng từng đóng góp nhiều ý kiến cho bệnh viện.” “Sao nữa?” “Hả? Sao gì?” Diệp Bình thắc mắc nhìn tôi. “Chị bảo ông ta tốt bụng, nhiệt tình, nhưng theo tôi được biết, bệnh nhân trong này đều là tội phạm hình sự. Như tôi với chị, bị giam ở đây là do phạm tội còn gì?” “Tôi và cô bị oan mà!” Giọng Diệp Bình vống lên, khiến nhiều người nhìn lại. Thấy mình lỡ lời chọc giận chị ta, tôi đành đấu dịu, “Vâng, tất nhiên rồi! Chắc chắn tôi và chị bị oan!” Nghe vậy, Diệp Bình mới bớt cau có. “Nhưng tôi nghĩ chuyện của Giáo Sư không đơn giản đâu, chẳng lẽ ông ta cũng bị oan giống chúng ta?” Diệp Bình nghiêng đầu ngẫm nghĩ chốc lát,“Alice, cô nói đúng, Giáo Sư không đơn giản. Hầu như lúc nào ông ta cũng tốt bụng như một người ông hiền từ, nhưng đôi khi lại...” Lại giống sát nhân? Tôi nghĩ thầm. Diệp Bình không nói tiếp. Nhưng tôi cũng hiểu đại khái. Mọi người ở đây đều là tội phạm tâm lý bất bình thường, Giáo Sư thường ngày điềm đạm hiền hòa nhưng biết đâu lại chẳng có lúc trở nên nguy hiểm, có thể ông ta mắc chứng hưng cảm hoặc đa nhân cách. Theo lời Diệp Bình, ông ta là bệnh nhân có địa vị cao trong bệnh viện, trừ những lúc lên cơn, gần như mọi yêu cầu của ông ta đều được giám đốc phê chuẩn. Trên đảo tập hợp đủ mọi thể loại lạc loài với xã hội. “Alice! Cô ở đây à!” Phía sau có người gọi tôi. Đó là một người đàn ông mặc áo giáp hiệp sĩ thời Trung cổ chẳng hiểu lấy ở đâu ra, bộ đồ dày cui bọc kín người nên không thấy rõ thân hình, nhưng trong khuôn mặt lộ ra giữa mũ sắt, chắc hẳn anh chàng khá gầy gò. “Chào anh.” Tôi lịch sự gật đầu, “Cho hỏi anh là...” “Tôi là Don Quixote đây mà! Cô sao vậy?” Nghe cách nói chuyện, chắc hẳn người này biết tôi rất rõ và quan hệ đôi bên cũng hài hòa. “Don Quixote đấy.” Diệp Bình nói. “Cậu ta bị điên, luôn miệng lảm nhảm đòi đi cứu thế giới rồi cầm dao đâm chết mẹ đẻ! Chà, quả là anh hùng!” “Vú Em, tôi không hề đâm mẹ! Tôi còn phải nói với chị bao nhiêu lần nữa?” Don Quixote hét lên. Lúc này, tôi mới nhận ra, có con bồ câu đốm xám đậu trên vai Don Quixote, thân mình xinh xắn, lông mịn, bụng phẳng. Nó nghiêng đầu quan sát tôi bằng đôi mắt tuyệt đẹp. Về sau tôi mới biết đây là bồ câu thuần chủng Janssen của Bi, bay rất khỏe. Tôi vươn tay định chạm vào, nó đã mau lẹ vỗ cánh bay mất. “Sancho[*] hay xấu hổ lắm! Trừ tôi ra, ai nó cũng sợ.” Don Quixote nói với vẻ hãnh diện. “Sancho? Đấy là tên nó ư?” “Phải. Sancho là phụ tá đắc lực của tôi! Sau khi tôi rời khỏi hòn đảo khỉ ho cò gáy này, Sancho và tôi sẽ cùng gây dựng sự nghiệp. Alice, cô chờ mà xem! Đến lúc đó tôi sẽ khiến cô kinh ngạc!” Don Quixote nháy mắt với Diệp Bình,“Cả chị nữa, Vú Em!” Diệp Bình hứ một tiếng, ôm búp bê nhựa bỏ đi. Đột nhiên có tiếng chửi bới vọng vào, phía cửa trở nên náo động. Nhiều bệnh nhân vội lùi về sát tường như sợ hãi, chỉ tích tắc đã chừa ra một khoảng trống lớn ở giữa phòng sinh hoạt. Tôi nhìn Don Quixote, thấy mặt anh ta tái mét, người run lẩy bẩy, bộ giáp trên mình kêu “lách cách”. Tôi rất tò mò, họ sợ cái gì? “Lũ cặn bã xã hội! Hết giờ sinh hoạt rồi, mau cút về cái ổ chó của chúng mày đi!” Một người đàn ông cao gầy bước vào, cặp mắt nhỏ như hai hạt đậu lóe lên lạnh giá trên khuôn mặt dài hẹp. Da hắn trắng trẻo nhưng tấy đỏ, giống con chuột bị lột da. Hắn mặc đồ bảo vệ, đi qua đi lại giữa phòng, một tay cầm dùi cui đập bồm bộp vào lòng bàn tay còn lại. Xung quanh rất yên tĩnh, tất cả nín khe, mặt hằn nét sợ hãi. Đặc biệt là Don Quixote, tôi cảm nhận được anh ta đang run rẩy trong bộ giáp. Diệp Bình thậm chí chẳng dám thở mạnh. Người đàn ông nọ lại lên tiếng,“Chúng mày nên biết điều hơn! Chắc đều nghe vụ lão Lưu tuần trước rồi chứ hả? Ở Nam Minh mà không ngoan thì sẽ có kết cục như vậy đấy. Đánh chết là còn nhẹ, chúng mày có tin tao cho chúng mày lên ghế điện không? Tao không quan tâm ngoài kia chúng mày nghênh ngang nhường nào, giết bao nhiêu người, nhưng ở đây, tao mới là người ra lệnh!” “Ai vậy?” Tôi thì thầm hỏi Don Quixote. Nhưng anh ta không dám trả lời, chỉ nháy mắt với tôi rồi chầm chậm lắc đầu. Chắc nghe thấy giọng tôi, người đàn ông bèn liếc mắt sang. “Ồ! Alice à? Mừng em về nhà!” Hắn lè cái lưỡi ướt rượt, liếm môi dưới như một con thằn lằn xấu xí,“Nghe bác sĩ Trang bảo không tìm thấy em, anh còn mừng cho em mãi! Anh đã bảo với sếp Tề từ lâu rồi, em không phải bình hoa di động, em rất thông minh, chỉ giả vờ ngu ngốc mà thôi.” Người đàn ông vừa nói vừa tiến về phía tôi,“Em biết không, anh nhớ em lắm.” Hắn áp sát, tôi giật lùi, nhưng đụng phải tường. “Chắc em cũng nhớ Tạ Lực này lắm phải không?” Hắn ghé mặt lại, mồm thối rinh. “Tôi không nhớ anh.” Tôi trừng mắt nhìn hắn. Không hề ngạc nhiên trước câu trả lời, Tạ Lực vẫn cười hềnh hệch,“Lúc nào em chẳng bảo vậy. Con gái nói không là có. Anh biết thừa, em ngưỡng mộ anh, em chỉ xấu hổ thôi.” Tay hắn bắt đầu táy máy, sờ soạng đùi tôi. Người tôi cứng đờ. Hàng chục con mắt xung quanh nhìn thấy mà không ai nói đỡ cho tôi một câu. Tạ Lực là chúa tể ở đây ư? Hơi nóng từ lòng bàn tay hắn làm tôi mắc ói. “Cút đi! Tránh xa tôi ra!” Không biết lấy đâu ra sức lực, tôi đẩy một cái làm Tạ Lực mất thăng bằng, ngã phịch xuống đất, dùi cui văng cả ra. Ai đấy bật cười. “Đứa nào cười hả?” Tạ Lực bật dậy nhìn quanh, rồi dán mắt vào một người đàn ông đầu trọc, gầy gò nhỏ thó,“Khỉ, có phải mày không? Mẹ kiếp, chính là mày! Thằng khốn!” “Không, không, không phải tôi!” Người đàn ông có biệt danh Khi trố mắt, lắc đầu quầy quậy. Anh ta chưa kịp giải thích, đã bị dùi cui của Tạ Lực quật một nhát đau điếng. Cú đánh quá mạnh, lực dội lại khiến Tạ Lực suýt tuột tay. Giận cá chém thớt, hắn vung dùi cui nện chí chát xuống đầu Khi như để trả thù! Không chống cự nổi, Khi ngã nhào ra. Dù lấy tay che đầu, nhưng chẳng mấy chốc cái đầu trọc lốc của anh ta đã nhuộm đỏ y như cà chua thối tróc vỏ. Tạ Lực vẫn quật lia lịa, không định dừng tay. Máu chảy lênh láng. Vẫn không một ai dám đứng ra nói đỡ. “Anh sẽ đánh chết anh ta mất!” Tôi sấn tới thét vào mặt Tạ Lực, “Anh ta không làm gì sai, sao anh lại hành hung như vậy? Đây là bệnh viện, không phải nhà ngục! Anh ta là bệnh nhân!” Tạ Lực dùng tay, quay sang lừ lừ nhìn tôi,“Em nói đúng một nửa, đây không phải nhà ngục, mà là địa ngục.” Mắt hắn lóe lên hung tàn, khiến tôi liên tưởng tới mắt thú dữ. Không phải hắn muốn trị anh ta, mà muốn giết anh ta! Người đàn ông nằm dưới đất đã bất tỉnh, dù lồng ngực phập phồng cho thấy vẫn còn sống, nhưng chân co giật, đôi mắt khép hờ vô hồn toàn máu là máu. Thế này mà bị hành hạ nữa là sẽ mất mạng. Tạ Lực lại vung dùi cui, chuẩn bị ra đòn tiếp. Hắn vừa lấy hơi, một bàn tay to lớn đã siết chặt lấy cổ tay hắn. “Đủ rồi, anh ta sẽ chết đấy.” Người lên tiếng chính là Diệu, anh bảo vệ cao lớn từng cứu tôi. “Ông là cái thá gì mà dám bảo tôi đủ hay không? Đừng tưởng có sếp Tề nâng đỡ mà lên mặt. Thử chọc giận tôi coi, tôi cho ông ăn hành như thường!” Tạ Lực gào rú. Diêu buông tay, ôn tồn nói,“Đội phó, nghe nói giám đốc rất bất bình vì vụ lão Lưu, sếp Tề đã khó xử lắm rồi. Giờ mà Khi gặp bất trắc, coi như hai sự cố liên tiếp trong một thời gian ngắn, cấp trên phê bình thì bộ phận an ninh chúng ta không biết ăn nói thế nào.” “Có gì mà không biết ăn nói thế nào? Chúng nó là một lũ đần độn điên khùng, ngớ ngẩn, giẻ rách! Thêm hay bớt một đứa đều chẳng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới! Mẹ kiếp, phải chết hết mới đúng!” Dù còn cứng miệng, Tạ Lực vẫn nghe lời can ngăn của đồng nghiệp. Thái độ hắn dịu bớt, giọng điệu cũng không hung tợn như trước nữa. “Tao cho chúng mày mười phút, ngoan ngoãn cút về ổ chó của mình, đóng cửa nằm ngủ đi. Đứa nào gây chuyện sẽ có kết cục như thằng Khi! Diêu, ông thu dọn chỗ này, tôi đi tuần khu C đây.” Dứt lời, Tạ Lực sải bước ra khỏi phòng sinh hoạt. Hắn vừa đi, bầu không khí liền xôn xao trở lại. “Alice, cô to gan thật đấy!” Diệp Bình còn lộ rõ vẻ hoảng sợ, “Cô dám chọc giận cả đội phó đội bảo vệ. Đến sếp Tế còn phải nể mặt hắn đấy!” “Sếp Tề là ai?” “Tề Lỗi, đội trưởng đội bảo vệ. Tạ Lực là đội phó.” Diệp Bình giải thích. “Sao lại để loại người như hắn làm đội phó? Có phải hắn thường xuyên ngược đãi bệnh nhân không? Chẳng lẽ không ai khiếu nại sao?” Tôi bất bình nói. “Cô đùa đấy à?” Don Quixote trợn mắt, há hốc miệng,“Đây là bệnh viện tâm thần, cô định khiếu nại với ai?” Tôi không biết Tạ Lực có bản lĩnh gì mà cấp trên phải làm ngơ trước hành vi của hắn. Nhưng rõ ràng hắn đã để mắt đến tôi, bằng chứng là vụ táy máy tay chân. Tôi không nhớ nổi trước đây có chuyện gì xảy ra giữa đôi bên không, hi vọng là không. Nếu có, tôi thà chết còn hơn. Diêu đang ngồi xổm dưới đất, kiểm tra vết thương của Khi và liên lạc với nhân viên cấp cứu qua bộ đàm. Rõ ràng anh ta là người tốt. “Cảm ơn anh.” Tôi bước tới bên anh ta và nói,“Tôi còn chưa kịp cảm ơn anh chuyện hôm qua nữa.” “Không có gì.” Diêu ngẩng đầu nhìn tôi,“Sau này cô phải cẩn thận. Tên biến thái Tạ Lực nói một câu rất đúng, đây không phải nhà ngục, mà là địa ngục.” Tôi liếc tấm thẻ trước ngực anh ta, thấy ba chữ “Diệu Vũ Châu”. Trực giác mách bảo người này khá đáng tin. “Anh có biết tôi không? Mọi người cứ gọi tôi là Alice. Anh nhớ tôi vào đây từ bao giờ không?” Tôi thì thầm chỉ đủ cho anh ta nghe thấy. Diêu Vũ Châu nhìn tôi rồi nhìn mọi người xung quanh, mắt thoáng nét do dự. “Đừng hỏi.” Anh ta cau mày, vẻ mặt đầy giằng xé,“Tôi không biết gì đâu.” “Không, anh biết!” Tôi túm cổ áo anh ta,“Anh biết tất cả, đúng không? Tôi là người bình thường, tôi không nên ở đây! Nhưng tôi gặp phải chuyện gì mà lại mất trí nhớ? Anh nói cho tôi biết với, coi như cứu tôi thêm lần nữa. Tôi không muốn ở nơi quái quỷ này cả đời.” Diêu Vũ Châu khẽ đẩy tay tôi ra,“Xin lỗi, tôi không giúp được cô.” Nói đoạn, anh ta bỏ đi. Chắc tôi không phải bệnh nhân duy nhất từng nói những lời này với anh ta, bệnh nhân tâm thần nào chẳng thấy mình bình thường. Nhỡ đâu thế giới này không sai mà tôi mới sai thì sao? Lỡ tôi mắc chứng hoang tưởng bị hại mà không biết thì sao? Tôi dám chắc chắn đầu óc mình hoàn toàn bình thường chứ? Niềm hi vọng của tôi tan vỡ. “Phải về phòng bệnh rồi.” Một giọng khàn khàn vang lên. Đó là Don Quixote. Sancho đã quay lại trên vai anh ta. Tâm trạng vô cùng tồi tệ, tôi không muốn nói gì nữa. Cảnh bệnh nhân ăn mặc quái dị xếp thành hàng dài lầm lũi rời phòng sinh hoạt trông thật phi thực. Giờ đây tôi là một trong số họ. Mà không, thật ra tôi còn chẳng bằng họ, vì đến mình là ai tôi cũng không biết. Ngô Siêu bảo tôi tên là Alice, nhưng văn phòng của anh ta không có tài liệu về tôi. Chỉ mỗi hồ sơ của tôi là biến mất, đúng lúc tôi mất trí nhớ, tất cả là trùng hợp ư? Phải tìm cách lục lọi văn phòng anh ta lần nữa, hoặc văn phòng Trang Nghiêm xem sao. Cách gì đây? Tôi ngẩng đầu nhìn bảng phân công vệ sinh trên tường phòng sinh hoạt. Đúng rồi, nếu có thái độ tốt, tôi sẽ được rời khỏi khu phòng bệnh, sang dọn dẹp cho khu văn phòng, bấy giờ tôi sẽ tìm cơ hội lẻn vào lục lọi. Nếu tôi mắc bệnh tâm thần thật, dứt khoát phải có hồ sơ bệnh án hoặc giấy giám định của tòa án. Ngược lại, nếu tôi bị hãm hại thì cũng sẽ có manh mối. Tôi vừa thầm tính toán bước tiếp theo vừa về phòng bệnh. Tiếng khóa cửa vang lên, trong phòng chỉ còn mình tôi. Tôi lặng lẽ rút giấy bút, tức tốc ghi lại những chuyện vừa xảy ra. Phòng tối om, và yên tĩnh. Nhưng trong đầu tôi tràn ngập tiếng nói, khi rõ ràng, lúc mơ hồ. Tôi không tài nào hiểu nổi người nói muốn truyền đạt điều gì. Lặng lẽ tiến về phía trước, dưới chân ướt rượt, không khí toàn mùi gỉ sét. Tôi lấy làm lạ, sao tôi lại loanh quanh một mình trong căn phòng tối om này? Dù cố mở mắt to hết cỡ, tôi vẫn không nhìn rõ con đường phía trước, đành nhắm mắt lại. Những tiếng nói tắt dần, phía trước có quầng sáng. Tôi bước chậm lại, từ từ tiến về phía đó. Ánh sáng đổi màu từ vàng thành đỏ rồi chiếu lên người tôi. Tôi thấy sợ nhưng không dừng bước được. Đầu óc trống rỗng, đôi chân không nghe theo sự sai khiến của não bộ. Ý thức ra lệnh “Dừng lại, dừng lại ngay”, nhưng vô ích. Chân tôi như có ý chí riêng, không chịu nghe tôi điều khiển. Tiêu rồi, tôi bắt đầu tuyệt vọng, dù không biết tại sao mình lại tuyệt vọng. Khung cảnh toàn màu đỏ, cuối cùng tôi cũng đi tới cuối đường. Chúng tôi cần cô, cô phải ở lại. Tiếng nói bắt đầu trở nên rõ ràng, nhưng nực cười chỗ tôi không tài nào nhận ra đó là giọng nam hay nữ. Câu nói lặp đi lặp lại bên tai tôi. Lúc này tôi nhìn thấy một gương mặt. Tôi nhận ra gương mặt ấy, thậm chí tôi sắp gọi được tên hắn, nhưng hắn là ai? Như thể tôi sắp nổi lên mặt nước thì phát hiện trên mặt nước vẫn còn đại dương mênh mông. Chúng tôi cần cô, cô phải ở lại. Hắn lặp lại hết lần này tới lần khác rồi vươn tay bóp cổ tôi, nhưng tôi không hề phản kháng. Nhìn qua vai hắn, tôi trông thấy chiếc giường sắt với một phụ nữ trần như nhộng đang nằm bên trên. Người phụ nữ đáng thương, toàn thân nhuộm đỏ, nhưng màu đỏ ấy không phải ánh sáng, mà là máu tươi. Cô ta bị mổ phanh bụng, cơ thể đầm đìa những máu là máu. Càng lúc, hơi thở tôi càng gấp gáp, nhưng mắt vẫn không khỏi người phụ nữ trên giường sắt. Tôi mở mắt thật to hòng nhìn rõ gương mặt cô ta, song vô ích. Tôi bắt đầu nức nở, sợ đến nỗi không nói nên lời. Chúng tôi cần cô, cô phải ở lại. Tôi có cảm giác mình sắp ngạt thở, miệng há rất to mà chẳng hít nổi chút không khí nào. Như con cá mắc cạn, môi khép vào mở ra nhưng đều uổng công. Tuy nhiên khuôn mặt người phụ nữ giờ đã rõ ràng. Đó là một khuôn mặt xinh đẹp, thanh tú. Khuôn mặt tôi! Tôi tức thì ớn lạnh như bị ném vào nước đá. Xung quanh lạnh giá vô cùng. Tôi muốn hét lên nhưng âm thanh lại tắc nghẹn nơi cổ họng. Tôi mở miệng, cố đẩy âm thanh ra. Áá! Cuối cùng tôi cũng hét được thành tiếng, và phát hiện mình vừa ngủ mê. Tôi vẫn nằm trên giường, phòng bệnh lặng ngắt như tờ. Chẳng có gì khác lạ. “Cô không sao chứ?” Y tá Lương hỏi thăm ngoài cửa. “Tôi đang đi qua hành lang thì nghe thấy tiếng cô hét.” “Không... không sao... tôi chỉ gặp ác mộng thôi.” Tôi hổn hển đáp. Sau khi y tá Lương bỏ đi, tôi rời giường, ngồi sang ghế. Ánh chiều tà rọi vào phòng qua khung cửa sổ trên cao, nhuộm căn phòng thành màu vỏ quýt. Đồ lót tôi ướt đẫm. Sao lại mơ như thế nhỉ? Sao lại mơ thấy mình bị mổ xẻ? Tôi Vỗ nhẹ lên má cho tỉnh táo. Bất chợt, tôi nảy ra một ý nghĩ đáng sợ. Nhỡ đâu đấy không phải mơ mà là kí ức của tôi? Nếu thế thì chắc chắn căn phòng tối tăm ấy tồn tại ở một nơi nào đó trên đảo. Nghĩ tới đây, tôi thò tay vào trong áo, lần sờ cơ thể. Trên làn da mịn màng có những vết sẹo sần sùi. Tôi tiếp tục khám phá, quả thật tìm thấy một vết sẹo thẳng nằm giữa rốn và ngực! Tôi nghe tiếng mình thở dốc, đầu óc rối bòng bong. Hóa ra mọi chuyện trong mơ là thật, tôi từng phải phẫu thuật. Người ta mổ xẻ tôi, khiến tôi mất trí nhớ. Sao họ không giết tôi luôn đi? Nỗi sợ hãi khó tả xâm chiếm tâm hồn. Rốt cuộc họ muốn làm gì? Bệnh viện này còn chôn giấu những bí mật gì? “Trông cô đăm chiêu quá nhỉ!” Tôi ngẩng đầu, Trang Nghiêm mặc blouse trắng đang đứng ở cửa, nhìn tôi bằng vẻ mặt lạnh tanh. Không biết ông ta vào đây từ bao giờ, chẳng nghe thấy động tĩnh gì cả. “Không... tôi chỉ đang nghĩ vài chuyện...” Tôi thảng thốt đáp. Trang Nghiêm cúi đầu, “Tôi tới xin lỗi cô. Nghe bác sĩ Ngô kể Chu Khải trốn khỏi phòng bệnh, định làm hại cô. May mà cô không bị thương, bằng không bệnh viện chúng tôi khó lòng thoái thác trách nhiệm.” Ông ta nói năng đường hoàng tử tế, vẻ chân thành ấy khiến tôi suýt tin tưởng. “Tôi không sao, bảo vệ đã kịp thời cứu tôi. Nhưng biện pháp quản chế ở đây đáng ngờ nhỉ, có phải ai cũng trốn được khỏi phòng bệnh để làm việc xấu không?” “Thật tình, ngoài cô ra chưa có ai cả.” Ông ta nói rất chậm rãi như đang biên soạn lời lẽ cho hợp lý,“Về phần Chu Khải, tôi nghĩ là gã đã lén rời phòng khám trong lúc trị liệu. Dù sao đi nữa, đây cũng là trách nhiệm của bác sĩ chúng tôi.” “Bác sĩ Trang, họ lên đảo rồi. Giám đốc gọi chú qua đó.” Giọng y tá Lương từ ngoài cửa vọng vào. Trang Nghiêm dặn dò qua loa vài câu rồi rời khỏi phòng bệnh. Tôi còn hàng đống thắc mắc về cơn ác mộng của mình, hiện giờ có thể trông cậy vào ai nhỉ? Không hiểu sao, gương mặt Don Quixote lại hiện ra trong đầu. Đây là trực giác, hay là kí ức? Tôi không xác định được nữa. Hôm nay là thứ Hai, ăn tối xong có hoạt động sáng tạo tập thể. Các bệnh nhân khu A (khu có phòng tôi) đều tham gia. Hoạt động được tổ chức hai lần mỗi tuần. Bệnh nhân có thể làm đồ thủ công như đẽo búp bê gỗ hay gấp khủng long giấy, có người còn đan giỏ mây. Nghe đồn chính Ngô Siêu đề xuất đưa nó vào liệu trình điều trị. Anh ta cho rằng làm thủ công giúp cải thiện chức năng não bộ, đặc biệt là khả năng tập trung, tổ chức và lên kế hoạch, rất có lợi cho sự hồi phục của bệnh nhân. Trong giờ hoạt động, tôi cầm một xấp giấy vụn giả vờ gấp. Tranh thủ lúc không ai để ý, tôi ngồi xuống bên Don Quixote. Anh ta đã cởi bộ giáp cồng kềnh, bạn chiếc áo phông cũ kĩ trông như người bình thường, chăm chú làm một chiếc hộp các tông, có cửa ra vào, phía trong lót bông. Hình như đang làm nhà cho Sancho. Nó thì đậu cạnh anh ta, miệng gù gù, nhìn chủ nhân với vẻ mãn nguyện. “Trông thông minh nhỉ.” Tôi trỏ Sancho, nói với Don Quixote. “Tất nhiên rồi, nó là con bồ câu thông minh nhất trần đời!” Don Quixote tự hào đáp,“Cô không nhớ à? Sancho từng chơi trò chơi với cô đấy!” Tôi chẳng nhớ gì cả. Như muốn chứng minh mình nói thật, Don Quixote lập tức cúi xuống, thảy một viên bị thủy tinh ra sàn. Viên bi lăn lông lốc. Sancho nhảy lên, vỗ cánh đuổi theo. Tôi ngạc nhiên kêu lên, Don Quixote thì vui vẻ toét miệng cười, ánh mắt nhìn Sancho mãn nguyện tự hào như nhìn con mình vậy. Bị va vào góc tường rồi dừng lại, Sancho giơ vuốt cắp lấy, nhanh nhẹn chạy về. Tôi còn ngỡ nó tưởng nhầm viên bi là đồ ăn, nhưng không, Sancho trả bi cho Don Quixote rồi ngẩng đầu nhìn anh ta một lát. “Anh huấn luyện nó hả?” Tôi hỏi. “Tất nhiên rồi, nhưng Sancho vốn đã rất thông minh!” Don Quixote cười ngây ngô. “Thậm chí thông minh hơn hẳn một số người! Nó không chỉ biết chơi với bi thủy tinh mà còn đếm được số đấy! Có hôm tôi cho nó ba hạt đậu, nó kêu ba tiếng, cho nó năm hạt kêu năm tiếng, cho nó...” “Anh nuôi nó từ nhỏ à?” “Không, tôi đã kể với cô bao nhiêu lần. Một hôm, nó bay qua cửa sổ vào phòng bệnh của tôi rồi không chịu đi.” “Nó tới đây bao lâu rồi?” “Tầm một năm.” Don Quixote ngẩng đầu, ngẫm nghĩ chốc lát. “Thế tôi ở đây bao lâu rồi?” Tôi cố gắng giữ giọng điệu không thay đổi, hỏi thật tự nhiên. “Cô mới đến không lâu.” Don Quixote tiện đà đáp luôn. Tim tôi đập thình thịch,“Không lâu là bao lâu?” Anh ta lộ vẻ ngạc nhiên,“Ơ, Alice, cô mất trí nhớ à! Thảo nào gặng hỏi tôi mãi. Chừng một tháng trước người ta đưa cô vào phòng bệnh đó.” “Mới một tháng ư?” “Thế cô tưởng bao lâu? Cô chỉ là lính mới, ha ha.” Don Quixote vẫn thoăn thoắt làm, tổ chim chắc sắp hoàn thành. Tôi rất nghi ngờ, không biết bồ câu có chịu ở trong tổ giấy không, anh ta thì rõ ràng nghĩ là được. “Nhưng cô đừng sợ.” Don Quixote ngẩng đầu nhìn tôi, mim cười,“Tôi sẽ bảo vệ cô.” Tôi nhìn Don Quixote, thấy lòng ấm áp. Dù đầu óc chẳng được bình thường nhưng anh ta không phải người xấu. Tôi nhận ra điều đó từ đôi mắt trong trẻo này. Có lẽ đúng như Diệp Bình nói, rất nhiều người ở đây bị oan. Don Quixote không giết mẹ mình, anh ta chịu tội oan. Sao lại có người giá họa cho anh ta? Khả năng duy nhất là có kẻ muốn giam anh ta lại. Hung thủ là ai? Giam cầm Don Quixote có lợi gì cho hắn? Chuyện này e rằng chỉ ông trời mới biết. Chúng tôi trò chuyện một lát, sau đó tôi xin bảo vệ cho đi vệ sinh. Mấy ngày nay tôi cư xử ôn tồn, chỉ mong người của bệnh viện bớt dè chừng. Nếu biểu hiện tốt, tôi sẽ có cơ hội sang dọn dẹp khu văn phòng. Tôi sẽ lục lọi văn phòng Trang Nghiêm, tìm hiểu lý lịch và nguyên nhân khiến mình bị giam tại đây. Dù mất kí ức, tôi vẫn tư duy bình thường. Tôi phải tìm ra người hãm hại mình rồi nghĩ cách thoát khỏi nơi này. Hành lang rất yên tĩnh, cửa sổ hai bên đều hàn song sắt. Nhà vệ sinh năm cuối hành lang. Tôi đến gần thì thấy có bóng người thập thò. Nhìn kĩ hóa ra là Cô Dâu. “Không phải mày đi rồi à? Sao còn trở lại?” Cô Dâu hằm hằm nhìn tôi. “Xin lỗi, phiền cô tránh đường cho.” Lại gần cô ta, tôi ngửi thấy mùi nước hoa rẻ tiền nồng nặc. “Tao không tránh thì sao?” Cô Dâu tủm tỉm cười nhìn tôi, “Thì mày sẽ tiểu ra quần chắc?” “Cút.” Tôi nói. Mùi cô ta khiến tôi nhức đầu. “Tao biết mày không nỡ bỏ đi mà. Dẫu sao ở đây cũng lắm đàn ông, chẳng đâu tự do sung sướng bằng, nhỉ? Nói thật, tao ghét nhất loại đàn bà như mày, ngoài mặt ra vẻ thánh nữ, thực chất lăng loàn! Mày tưởng tao không biết mày nghĩ gì à? Mê thằng ngố Don Quixote rồi hả? Ha ha, mày yên tâm, tao không thèm ngó ngàng đến cái thằng oặt ẹo đấy đâu! Nhưng tao nhắc nhở mày, đừng động vào Tạ Lực, hắn là của tao!” “Cô nói xong chưa?” Tôi cao giọng. “A? Còn to tiếng nữa?” Cô Dâu ưỡn bộ ngực đầy đặn lên, sải một bước dài về phía tôi,“Mày thử hỏi cả cái bệnh viện này xem ai dám hùng hổ với tao! Kể mày nghe nhé, tao đang cặp với giám đốc đấy, tao có thể giết mày dễ như bỡn!” Tôi sốt ruột giơ tay đẩy Cô Dâu ra, cô ta loạng choạng giật lùi. Tôi không hề mạnh tay, chẳng lẽ cô ta yếu ớt nhường ấy? Mặt Cô Dâu đỏ bừng, người run lẩy bẩy, thình lình cô ta thét lên, dang tay lao tới. Tôi lùi lại một bước, xoay người đạp vào ngực cô ta, hành động hoàn toàn vô thức. Trúng đòn, Cô Dâu thét lên va mạnh vào tường, đầu đụng gạch chảy máu. Sao chân tôi lại khỏe như vậy được! Cô Dâu lập tức gào khóc. Bảo vệ nghe tiếng chạy tới, ấn tôi xuống đất rồi hỏi có chuyện gì. Cô Dâu vừa cào mái tóc rối vừa bù lu bù loa miêu tả tôi hành hạ cô ta ra sao. “Alice, chúng tôi biết bản lĩnh của cô rồi! Nhưng cô không nên gây chuyện vào lúc này!” Một bảo vệ trung niên nói rồi quay sang bảo người phía sau, “Nhốt cô ấy vào phòng biệt giam!” Bị hai bảo vệ kéo đi, tôi không hề phản kháng. Nhìn qua vai bảo vệ, tôi thấy Cô Dâu đang cười nhạt. Nỗi sợ bùng lên. Tất cả là kế hoạch của cô ta. Ban nãy cô ta cố ý đập đầu vào tường, vu oan cho tôi. Hành lang trở nên ồn ào, bệnh nhân lũ lượt thò đầu ra cửa. Tôi thoáng thấy Don Quixote nhìn tôi đầy lo lắng. Diệp Bình đứng cạnh anh ta, ném ánh mắt thù hằn về phía Cô Dâu vẫn ngồi nói leo lẻo dưới đất. “Mẹ kiếp, lại chuyện gì thế?” Một giọng nói cộc cằn vang lên sau lưng. Tạ Lực! “Đội phó, bệnh nhân này tấn công S1023, làm cô ta bị thương. Chúng tôi định nhốt vào phòng biệt giam vài ngày.” “Nhốt cái gì mà nhốt, chắc S1023 đi đứng không cần thận nên trượt chân ngã thôi. Được rồi, không có việc gì đâu, các anh về phòng đi, chuyện ở đây để tôi xử lý.” Dứt lời, thấy hai bảo vệ còn đứng ngẩn ra, hắn cau mày,“Nhìn gì mà nhìn? Biến mau!” Lúc này hai người mới hậm hực bỏ đi, đuổi luôn đám bệnh nhân hóng chuyện về phòng. “Em không sao chứ?” Tạ Lực toan kéo tay tôi, tôi vội co người lại như phải bỏng. Mất công diễn kịch, Cô Dâu vùng dậy, chỉ cái trán ròng ròng máu của mình, phẫn uất nói,“Anh nhìn đi, người bị thương là em! Em biết anh ưng các ngón mồi chài của con đàn bà trơ trẽn này, nhưng sao anh lại không phân biệt phải trái như vậy! Đêm ấy nói gì với em, anh quên cả rồi sao?” “Im mồm! Còn lảm nhảm tao sẽ nhốt mày vào phòng biệt giam!” Tạ Lực thô lỗ nhổ nước bọt về phía Cô Dâu. Cô Dâu liền chảy nước mắt, khóc lem cả lớp trang điểm, khẩn khoản nói tiếp,“Không phải anh muốn cưới em sao? Ban đêm vào phòng bệnh thăm em, anh còn thề mà!” Tôi tin Cô Dâu không nói dối, dù điên điên khùng khùng nhưng mặt mũi cô ta cũng ưa nhìn, và hành động lợi dụng chức vụ để gạ gẫm bệnh nhân nữ hoàn toàn phù hợp với tác phong Tạ Lực. Nhưng bị bóc mẽ trước mặt tôi thế này, chắc hẳn sẽ nổi khùng. Y như rằng, Tạ Lực rút phắt dùi cui giắt bên hông. Cô Dâu đâm hoảng, lẩm bẩm,“Đừng... đừng đánh...” “Mẹ kiếp! Mày muốn chết à!” Cô Dâu không né được, bị quất trúng mặt, răng cũng rụng mất một chiếc. Lần này không phải diễn kịch. Sau cú đánh rất nặng, cô ta ngã nhào ra sàn, hét ầm lên, nhưng không bảo vệ nào xuất hiện nữa. Họ trốn sau cửa, lẳng lặng nhìn đội phó của mình đánh đập phụ nữ. Hôm nay Diêu Vũ Châu không có mặt, e rằng chẳng ai dám đứng ra đối đầu với Tạ Lực. Dùi cui vụt như mưa xuống người Cô Dâu, máu nhuộm đỏ bộ váy cưới. “Dừng lại!” Tôi lao tới, dang tay chắn giữa hai người. “Tha cho cô ta đi.” Tạ Lực thở hổn hển, lửa giận ngùn ngụt trong mắt, hắn chỉ Cô Dâu và nói,“Con khốn, sau này mày mà còn dám đơm đặt để hãm hại tao, nhất định tạo sẽ làm thịt mày!” Cô Dâu không còn sức đáp lời, yếu ớt nằm ngửa trên sàn, lồng ngực phập phồng là dấu hiệu duy nhất chứng tỏ cô ta còn sống. “Vì em xin nên anh sẽ tha cho nó, khà khà.” Tạ Lực giơ tay vuốt cằm tôi, lần này tôi không né tránh. “Mấy anh mau đưa cô ta vào phòng y tế đi!” Tôi gọi hai bảo vệ kia. Chỉ là vết thương ngoài da nhưng để nhiễm trùng sẽ rất phiền phức. Tôi nhìn Cô Dâu, cô ta gắng gượng mở một mắt nhìn tôi, ánh nhìn đã khác trước. Con mắt còn lại của cô ta sưng húp như quả trứng gà, không sao mở ra nổi. Thấy Tạ Lực im lặng xem như đồng ý, bảo vệ bèn dùng cáng khiêng Cô Dâu đi. Tạ Lực nháy mắt với tôi, toét miệng cười bảo, “Em nợ anh một lần đấy nhé! Món nợ này phải trả, nhớ chưa? Khà khà!” Ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại gật đầu. Tạ Lực hí hửng bỏ đi. Sấm nổ vang trời, rồi có tiếng nước gõ xuống bậu cửa sổ. Mưa rồi. Tôi lơ đãng bước vào phòng, tìm một xó ngồi xuống. Đám người xa lạ xung quanh nhìn tôi bằng ánh mắt đờ đẫn. Có lẽ họ biết tôi mà tôi không hay. Hoạt động tập thể sắp kết thúc, mọi người cất tác phẩm của mình đi, đợi lần sau làm tiếp. Tôi thấy tổ chim của Don Quixote sắp hoàn thiện, quả thật anh ta rất khéo tay, tổ đứng dáng như mua ngoài cửa hàng. Các bệnh nhân xếp hàng chuẩn bị về. Bảo vệ điểm danh rồi dẫn họ ra khỏi phòng sinh hoạt. Tôi thất thểu bước theo. “Alice, tôi có chuyện muốn nói với cô.” Một giọng nói vang lên bên tai tôi,“Đừng quay lại, đừng để người khác nghe thấy.” Giọng nói rất xa lạ, ít ra không thấy xuất hiện trong kí ức gần đây của tôi. “Đừng sợ, tôi không làm hại cô đâu. Cô có thể gọi tôi là lão Hoàng, hoặc như những người khác, gọi Giáo Sư cũng được.” Giọng nhỏ nhẹ chỉ để tôi nghe thấy. “Có chuyện gì không?” Tôi nhìn thẳng ra trước, nghiêng đầu hỏi, cảm nhận được ông ta ở ngay sau lưng mình. “Có phải cô...” Giáo Sư thì thầm bên tai tôi. “Đang thắc mắc rất nhiều về hòn đảo này, nhưng chưa tìm ra lời giải?” 4 R a đón chúng tôi là Tề Lỗi, đội trưởng đội bảo vệ Bệnh viện Tâm thần Nam Minh. Bên cạnh là một bảo vệ trẻ. Tề Lỗi khoảng bốn mươi tuổi, tóc ngắn gọn gàng, chất tóc vừa cứng vừa đen. Trên gương mặt vuông là đôi mắt sâu lắng, cằm rộng và bộ râu lởm chởm càng làm nổi bật vẻ từng trải. Ấn tượng chung là kiệm lời, nghiêm nghị như người lính. Thấy chúng tôi, thoạt tiên Tề Lỗi quan sát cả ba từ trên xuống dưới bằng ánh mắt đề phòng, lại yêu cầu Đường Vi xuất trình thẻ cảnh sát rồi kiểm tra kĩ càng,“Phiền phức quá, rõ ràng cô mới tới cách đây không lâu?!” “Vẫn cần làm rõ vài chuyện.” Đường Vi cười nói. “Thật không chịu nổi cách xử lý của cảnh sát. Vụ việc rất đơn giản mà cứ phức tạp hóa lên.” Tề Lỗi dẫn chúng tôi theo lối nhỏ ngoằn ngoèo giữa bãi cỏ bát ngát. Dọc đường không ai nói câu nào, Trần Tước tỏ ra ung dung, còn ngâm nga hát. Phía trước là rừng cây, thấp thoáng bóng tòa nhà màu xám. Hai bên tòa nhà là một cặp chòi canh cao vút bằng bê tông cốt thép. Trời rất tối nên chỉ trông thấy sơ bộ, đi thêm chừng mười phút tòa nhà mới hiện ra rõ ràng hơn. Kiến trúc còn kì quặc hơn cả dinh thự Vỏ Chai, nói đơn giản thì chẳng khác nào cục đường phóng to. Cuối cùng, một bức tường gạch màu xám đậm chặn bước chúng tôi. Tường cao khoảng bốn mét, phía trên chăng dây thép gai chằng chịt. “Canh phòng nghiêm ngặt quá nhỉ!” Tôi thì thầm với Trần Tước, “Thế này thì ai mà trốn khỏi đây được?” “Tiếng là bệnh viện nhưng cấp độ an ninh không khác nhà tù là bao. Dẫu sao nó cũng giam cầm tội phạm hình sự mắc bệnh tâm thần mà.” Không đợi Trần Tước trả lời, Đường Vi đã đáp thay. Cậu bảo vệ đứng cạnh Tề Lỗi mở cánh cổng lừng lững. Bệnh viện đang hoạt động nhưng lại toát ra cảm giác bị bỏ hoang, không khí đìu hiu lạnh lẽo. Qua cửa là thấy ngay tòa nhà chính, tức cục đường ban nãy. Hàng hiên tòa chính dẫn sang một công trình hình ống. “Đó là các phòng bệnh, chia làm ba khu A, B, C.” Tề Lỗi chỉ công trình hình ống và giới thiệu. Phía sau bệnh viện có một sân thể thao cũ kĩ, không, kể ra gọi nó là bãi đất hoang thì hợp hơn. Mặt sân trụi lủi, toàn bùn đất, có thể tưởng tượng mỗi khi mưa xuống, nơi đây sẽ biến thành vũng sình. Bãi đất hoang dài hơn trăm mét, có lẽ được xây theo kích thước sân bóng đá tiêu chuẩn. Mé phải trông giống công trường xây dựng, ngổn ngang vật liệu xây cất và tấm ván để rào chắn. Xe trộn bê tông và cần cẩu đậu bừa bãi, lạ là không biết công nhân đã đi đâu hết. “Đây là khu phòng bệnh mới, vẫn chưa hoàn thành. Sau khi xây xong, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân ở khu cũ sang đây. Bên này sẽ được cải tiến về mọi mặt, đầy đủ thiết bị hơn mà cũng an toàn hơn.” Bao quanh bệnh viện là tường gạch gấp khúc tạo thành hình vuông, bốn góc có chòi canh, Tề Lỗi cho biết bảo vệ đứng gác ở """