"
Gorbachov Của Việt Nam - Đào Hiếu full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Luận]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Gorbachov Của Việt Nam - Đào Hiếu full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Luận]
Ebooks
Nhóm Zalo
Gorbachov Của Việt Nam Đào Hiếu
vietmessenger.com
Phần I
TIỂU LUẬN
NHỮNG CÔ VỢ BÉ CỦA LAO ÁI
Khi Liên Xô tan rã, nhiều người trên thế giới vui mừng vì nhân loại bớt đi được một chế độ độc tài toàn trị. Việt Nam là một trong những nước có nhiều người vui mừng nhất. Đó là giới trí thức và những người cùng khổ..
Lúc ấy không mấy ai ngờ rằng biến cố chính trị ấy là một thảm họa cho dân tộc Việt Nam. Nó như cơn sóng thần khủng khiếp ập xuống đầu giới cầm quyền Việt Nam, đuổi họ chạy trối chết về phương Bắc và ngã quỵ dưới chân Giang Trạch Dân, Lý Bằng… những kẻ đã từng xua quân qua biên giới giết hàng vạn người Việt Nam năm 1979, nhưng vào thời điểm đó lại là người đồng chí lớn, là chỗ dựa vững chắc duy nhất cho sự tồn tại của đảng CSVN.
Và việc Liên Xô tan rã cũng mở đầu cho một thời kỳ Bắc thuộc mới vô cùng nguy hiểm, đó là hội nghị Thành Đô năm 1990.
Trong hội nghị ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh kính mến của chúng ta đã nói một câu bất hủ: "Đi với Tàu thì mất nước, nhưng còn Đảng".
Nhưng đối với nhân dân Việt Nam, từ trí thức cho tới kẻ thất phu, ai ai cũng biết rằng mất nước mới là quan trọng.
Còn Đảng "còn" hay mất đó là chuyện riêng của Đảng.
Từ đó đến nay, công việc của các vị lãnh đạo Việt Nam chỉ là từng bước "thực hiện một cách mưu trí và sáng tạo" những gì đã ký kết trong hội nghị Thành Đô theo kịch bản của Trung cộng.
Không một vị lãnh đạo nào của Việt Nam có thể đứng ngoài kịch bản ấy.
Từng vị lãnh đạo một, tùy theo cương vị của mình, đã đưa Trung cộng vào Việt Nam qua các ngả Tây Nguyên (bauxite), Vũng Áng
(Formosa), Bản Giốc, Bình Thuận (với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân trị giá 1,75 tỷ đô-la mà Trung Quốc đầu tư 95% vốn và được quyền khai thác 25 năm). Và quan trọng nhất là Biển Đông. Khi Trung cộng chiếm đảo Gạc Ma, thì lãnh đạo Việt Nam đã ra lệnh bộ đội Việt Nam không được chống cự. Kết quả là 64 chiến sĩ tan xác và mất đảo trong vòng vài mươi phút.
Từng vị lãnh đạo một, đã đưa Trung cộng vào các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như may mặc, lâm sản, dầu mỏ, bauxite… và các ngành công nghiệp hàng đầu như xây dựng, cầu đường, điện lực…
Chính quyền Việt Nam luôn hô hào Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng thực tế họ luôn làm ngơ cho Trung cộng chiếm đảo và xây dựng các căn cứ quân sự, các sân bay trên đảo.
Đó là bi kịch có tên là BẮC THUỘC.
Mà đã gọi là Bắc thuộc thì không còn chủ quyền nữa. Chính quyền Việt Nam chỉ là cái vỏ. Ruột là Tàu. Vì thế tất cả những ai chống Tàu đều bị chính quyền Việt Nam đàn áp và bỏ tù.
Mà RUỘT đã là TÀU thì chỉ có thân Tàu, không được phép thân Mỹ. Ai thân Mỹ sẽ bị loại ra khỏi guồng máy lãnh đạo lập tức.
Và do đó không thể có phe thân Mỹ tại Việt Nam được.
Đó là là nền tảng cơ bản để chúng ta lý luận, đánh giá về mọi vấn đề có liên quan đến chính trị và thời sự ở Việt Nam, giúp chúng ta tránh được những nhận định hời hợt, ngây thơ trước những sự kiện phức tạp.
°
Trước sự lệ thuộc quá sâu đậm của Việt Nam vào Tàu, nhiều người tiếc rẻ: "Phải chi ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước xong lại chơi với Mỹ, mời Mỹ sang cùng ta xây dựng đất nước chắc giờ đây cũng văn minh như Hàn Quốc.
Ý kiến đó có khả thi không?
Vào thời điểm 30/4/1975 sau 10 năm tham chiến với nhiều thương vong, nhiều thiệt hại tiền của, uy tín, nhiều xáo trộn trong xã hội, Mỹ đã rút được chân ra khỏi Việt Nam, họ bỏ của chạy lấy người, họ mừng gần chết.
Lúc ấy tình cảnh của họ cũng giống như một anh chồng sau 10 năm bỏ vợ bỏ con đi theo vợ bé, giờ rứt ra được cái "của nợ" trở về mái nhà xưa, ăn năn hối lỗi, làm lại cuộc đời, chuộc lỗi với vợ con… chẳng lẽ vì một lời mời của "bên thắng cuộc" mà họ phải quay lại?
Nếu là bạn, bạn có quay lại không? Quay lại thì "được cái giải gì"? Quay lại để đương đầu với Trung cộng sao? Nhân dân Mỹ sẽ phản ứng thế nào?
Một anh chồng vừa mới đi theo vợ bé, trở về sau 10 năm lầm lỗi, chưa kịp ăn một bữa cơm với gia đình, chưa kịp ngủ với vợ một đêm đã vội vàng khăn gói quay trở lại chốn xưa tìm cô vợ bé cũ?
Chỉ có những thằng điên mới làm như vậy.
°
Còn về phía Việt Nam, ngay sau khi thống nhất đất nước, nếu như họ bộc lộ ý định mời Mỹ trở lại, thì lập tức Trung cộng sẽ tấn công phủ đầu, lấy cớ là Việt Nam phản bội. Trận chiến tranh biên giới năm 1979 giữa Trung cộng và Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho khả năng ấy. Chưa kể Liên Xô, nước đã cung cấp nhiều vũ khí hiện đại góp phần không nhỏ cho chiến thắng của đảng CSVN.
Liệu một nước Việt Nam vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt, một Việt Nam kiệt quệ, tan nát, đói rách.. có đủ sức đương đầu với Nga và Tàu không?
Mà có lẽ chúng ta cũng không cần đặt giả thuyết ấy làm gì, bởi vì ngay giữa lúc người Mỹ đang tháo chạy trối chết trên các nóc nhà Sài Gòn thì Trung Quốc đã bộc lộ ý định chiếm đoạt miền Nam Việt Nam trước khi Việt cộng tiến vào Sài Gòn.
Mời các bạn đọc đoạn trích sau đây từ bài viết của nhà báo Nguyễn Hữu Thái có nhan đề: "30/4/75 Dương Văn Minh và tôi":
"Vào sáng sớm có một đơn vị thiết giáp đến vây quanh dinh (Đôc Lập), viên chỉ huy đề nghị tướng Dương Văn Minh tử thủ. Ông từ chối và thuyết phục họ rút đi. Ông cũng làm như vậy với nhóm biệt kích Lôi Hổ đằng đằng sát khí. Cuối cùng, một số sĩ quan cao cấp hải quân đến mời tướng Minh xuống tàu chạy đi, ông cũng từ chối. Lát sau viên tướng Pháp đội lốt ký giả Vanuxem hối hả vào xin gặp tướng Minh và nói với ông: «Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì Trung Quốc sẽ áp đặt giải pháp trung lập hóa Miền Nam». Tướng Minh than: «Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!»
°
Vậy chúng ta hãy gác cái chuyện Việt Nam làm đồng minh của Mỹ ngay sau khi thống nhất 30/4/1975 đi, mà quay về thực tế phũ phàng của một nước nhược tiểu.
Cuộc chiến biên giới với Trung cộng năm 1979 đã làm Việt Nam bừng tỉnh và nhận ra một sự thật đắng cay là: Việt Nam chẳng là cái đinh gì so với các siêu cường trên thế giới.
Trước đây Việt Nam chỉ là một cô vợ bé của Mỹ, thế rồi chiến tranh chấm dứt, Mỹ đã trở về với mái ấm gia đình họ, người đàn bà góa Việt Nam đứng giữa hai chàng trai hàng xóm khổng lồ là Nga và Tàu.
Đang lúc phân vân chưa biết ngã vào lòng ai (hoặc là tiếp tục ỡm ờ bắt cá hai tay) thì đùng một phát Liên Xô tan rã, chỉ còn mỗi anh ba Tàu to con, bặm trợn cỡ như Lao Ái (tình nhân của thái hậu Triệu Cơ, mẹ Tần Thủy Hoàng) với cái dương vật to tổ bố đang thọc vô bánh xe quay tít để phô trương bản lĩnh.
Cô vợ bé Việt Nam không còn con đường nào khác, đành phải ngã vào lòng chàng Lao Ái. Cô đã rước chàng ta về nhà, đã lên giường với nó, đã ngủ với nó cả trăm lần, đã bị nó bạo hành, đánh cho gãy tay, phù mỏ bao nhiêu lần… nhưng vẫn phải bám lấy nó vì trong suốt mười mấy năm qua (kể thừ khi Liên Xô sụp đổ) đã sinh cho nó một đàn con lúc nhúc, đã đem nhà cửa ruộng vườn sang tên cho nó. Và nó đã xây cái vạn lý trường thành chung quanh nhà, xây luôn
sân bay, căn cứ quân sự ngoài biển Đông, mìn bẫy nó gài dày đặc khắp nơi.
Ván đã đóng thuyền, người đẹp Việt Nam đã trở thành Lao Ái phu nhân rồi, Mỹ thì đang sống êm ấm với vợ con, sao còn phải trở lại Việt Nam làm gì nữa?
Vậy mà có người vẫn còn hy vọng Mỹ sẽ trở lại.
Hễ cứ nhìn thấy có nhà lãnh đạo Việt Nam nào viếng thăm Mỹ, hoặc nghe một vài câu tuyên bố giựt gân nào có hơi hướng thân Mỹ là mừng run lên, nghĩ chắc sắp có "Mã Quy".
Hễ cứ nghe các lãnh đạo Việt Nam đả kích nhau, hạ bệ nhau thì mừng lắm, cho rằng phe thân Mỹ sắp hạ bệ phe thân Tàu, phe thân Tàu đang thua, phe thân Mỹ đang thắng.
"Phe thân Mỹ" ở đâu ra vậy? Chắc từ Hội nghị Thành Đô chui ra? Hay từ Vũng Áng, từ mỏ bauxite Tây Nguyên mới xuất hiện, hoặc vừa đáp máy bay quân sự từ Hoàng Sa về?
Họ không biết rằng cho dù các lãnh đạo Việt Nam có xung đột phe phái, thậm chí có xảy ra đảo chánh đi nữa thì Mỹ cũng sẽ không can thiệp, vì đó là chuyện nội bộ của Việt Nam, chuyện ghen tuông giữa các bà vợ bé của thằng Lao Ái.
Việc gì mà Mỹ phải đụng độ với cái thằng Lao Ái đó chứ?
Còn nếu như sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng mà người Mỹ có sang Việt Nam mở rộng hợp tác đầu tư, hoặc bán vũ khí cho Việt Nam… thì những chuyện ấy cũng đã có sẵn trong kịch bản giữa Mỹ và Trung cộng từ trước rồi.
4/7/2015
VỀ CHUYẾN ĐI MỸ CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Một số người Việt Nam, kể cả trí thức trong và ngoài nước, vẫn kỳ vọng vào chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ sắp tới. Họ nói: Đây là một cơ hội "ngàn năm một thuở" để Việt Nam "bẻ lái" sang Mỹ, để Việt Nam "đổi đời" sang một chế độ dân chủ, tự do…
Họ khuyến khích ông Trọng hãy sáng suốt, hãy dũng cảm, hãy chộp lấy cơ hội vàng, hãy nghĩ đến dân tộc, đến tổ quốc mà có những quyết định sáng suốt, mang tính "thời đại" mang tầm vóc "lịch sử"… vân vân…
Tôi lại nghĩ khác. Bởi vì tôi vẫn tự hỏi: Ông Trọng là ai? Vai vế của ông thế nào ở Việt Nam. Ai cũng biết ông là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đó chỉ là một cái tên gọi. Đối với các đảng viên dưới quyền ông (tức là các ủy viên trung ương Đảng) ông cũng chẳng có ảnh hưởng gì mấy. Trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, ông đã phải khóc vì không ai nghe ông. Ông muốn họ truất phế ông X thì ông X lại bình chân như vại, quyền hành ngày càng lớn. Ông nói năng lẩm cẩm khiến thiên hạ chê cười, trong khi Cuba đang chuẩn bị bỏ CNCS để bắt tay với Mỹ thì ông lại đăng đàn giảng triết học Mác-Lênin cho họ.
Và bây giờ ông sắp về hưu, uy tín ngày càng sút giảm, quyền lực gần như không còn nữa.
Một người như vậy mà đi Mỹ để bàn chuyện "quốc sự" với tổng thống Obama thì sẽ quyết định được cái gì?
Nhưng cứ đặt một giả thuyết rằng ông Nguyễn Phú Trọng có nhiều quyền lực, có đủ tư cách và trí tuệ để quyết định những chuyện quốc gia đại sự, thì liệu ông có đưa Việt Nam rẽ qua hướng Mỹ được không?
Xưa nay ai cũng biết ông Trọng là người thân Trung Quốc số một Việt Nam. Ông là người giáo điều, mở miệng ra là tư tưởng Mác Lênin vĩ đại, là "Việt Nam đang ở trong thời đại rực rỡ nhất của lịch
sử". Vậy tại sao người ta lại cử một người thân tín của Trung Quốc sang Mỹ với hy vọng đổi đời?
Quý vị không thấy đó là chuyện "tréo cẳng ngỗng" sao?
Quý vị không thấy rằng một người thông minh xuất chúng như Tổng thống Obama lại có thể đặt nhiều kỳ vọng vào một ông thầy giáo dạy triết học Mác Lênin sao?
Tầm vóc của Tổng thống Obama chỉ có thể bàn "việc lớn" với những nhân vật cỡ như Tập Cận Bình (và không chừng hai nhân vật này đã bàn rồi, đã quyết định cục diện thế giới, nhất là chuyện chia chác quyền lợi tại Biển Đông rồi cũng nên).
Nếu chúng ta hiểu đó là vấn đề cơ bản, là nền tảng để người trí thức Việt Nam và hải ngoại suy nghĩ, đánh giá mối quan hệ Việt-Mỹ, đánh giá chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, thì chúng ta không nên dựa trên những sự kiện đang diễn ra trên bề nổi thời sự thế giới, hoặc dựa trên những lời tuyên bố vung vít vô tội vạ cốt để tung hỏa mù, đánh lạc dư luận… mà đánh giá tình hình vốn rất phức tạp của Việt Nam hiện nay.
Còn chuyện Tổng thống Obama có tiếp đón long trọng ông Tổng bí thư hay không lại thuộc về nghi thức lễ tân, về các mản trình diễn chính trị nhan nhản trong lịch sử ngoại giao thế giới. Những thứ ấy chẳng có giá trị gì cả.
Vậy ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ để làm gì?
Tôi cho rằng một viên chức quèn của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cũng có thể trả lời được câu hỏi ấy.
TAM ĐOẠN LUẬN GIẢ CẦY
Một ví dụ kinh điển của Aristote về tam đoạn luận (syllogism) như sau:
"Mọi người ai cũng phải chết. -Socrate là người. -Vậy Socrate cũng sẽ chết".
Một ví dụ khác về phép loại suy (analogy):
"A bằng B, B bằng C, vậy A bằng C"
Hiện nay, câu chuyện của Phùng Quang Thanh cũng đẻ ra nhiều suy đoán. Chúng ta hãy loại bỏ những suy đoán nặng cảm tính và thành kiến, chỉ xét những suy đoán thuộc loại "tầm cỡ" như của các vị giáo sư tiến sỹ nổi danh ở bên Úc, bên Bỉ, bên Canada, bên Mỹ, bên Pháp…
Có thể nói hầu hết những suy đoán của các vị này đều tập trung trong mấy ý chính sau đây:
- Phùng Quang Thanh thuộc phe thân Trung Quốc vậy kẻ giết Phùng Quang Thanh phải thuộc phe chống Trung Quốc, tức là thân Mỹ.
- Phùng Quang Thanh thuộc phe bảo thủ, vậy kẻ giết Phùng Quang Thanh phải thuộc phe cấp tiến, thân phương Tây.
Bài viết của các vị này khá công phu nhưng đọc kỹ thấy chẳng dựa trên một nền tảng lý luận vững chắc nào cả. Tam đoạn luận cũng không phải mà loại suy cũng rất giả cầy. Lý luận của họ rặc cảm tính, ba phải, ba trợn và dễ vỡ.
Họ bảo: "Phùng Quang Thanh thuộc phe thân Trung Quốc vậy kẻ giết Phùng Quang Thanh phải thuộc phe chống Trung Quốc."
Nói như thế chẳng khác nào nói: Anh A yêu cô B, vậy kẻ giết anh A nhất định là phải ghét cô B.
Đó là thứ lý luận rất buồn cười. Bởi vì kẻ giết anh A cũng có thể vì quá yêu cô B.
Lại lập luận: "Phùng Quang Thanh thuộc phe bảo thủ, vậy kẻ giết Phùng Quang Thanh phải thuộc phe cấp tiến, thân phương Tây".
Nhưng kẻ giết anh A hoàn toàn có thể là một thằng nghiện ma tuý hay một ông chồng bị anh A cuỗm mất bà vợ yêu, cho dù anh A có bảo thủ hay cấp tiến cũng đếch cần biết!
Trường hợp Phùng Quang Thanh không thể đem Tam Đoạn Luận hay Phép Loại Suy ra áp dụng được, cho dù đó là cái thứ tam đoạn luận và loại suy thuộc trình độ vỡ lòng.
Thế mà các ông giáo sư tiến sỹ bên Tây bên U cứ đem cái lý luận giả cầy ấy mà kết luận rằng việc thanh toán Phùng Quang Thanh chứng tỏ rằng trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam đang có một phe thân Mỹ, thân phương Tây.
Phe thân Mỹ, thân phương Tây ư?
Ở Việt Nam hiện nay, phe thân Mỹ và thân phương Tây chính là QUẦN CHÚNG, không dính dáng gì tới vụ Phùng Quang Thanh cả.
Đừng nói một ông Phùng Quang Thanh, cho dù có 10 ông Phùng Quang Thanh biến mất khỏi thế gian này, thì cũng không làm cho chính sách đối ngoại của ĐCSVN thay đổi một ly ông cụ nào đâu ạ.
MẤY CHUYỆN THỜI SỰ LẶT VẶT
1. Chuyện Cu-ba và Cu-con
Tôi vốn dốt chính trị nên mỗi lần muốn hỏi một điều gì cho "sáng" đều phải mời anh bạn già tên là Ba Trợn ra quán cóc, đãi ly cà phê rồi mới dám hỏi:
- Huynh ơi, cái nước Cu-ba coi vậy mà ngon. Mấy mươi năm theo chế độ cộng sản, thế rồi đùng một cái, bắt tay với Mỹ, xã hội thoải mái hẳn ra, dân tình dễ thở, nhảy nhót reo cười, chỗ nào cũng cắm cờ Mỹ, cứ như ngày quốc khánh của họ vậy.
- Ừ, vậy đó. Rồi sao?
- Rồi tui muốn hỏi huynh: Tại sao Cu-ba làm chuyện ấy được mà Việt Nam mình làm không được?
- Tại vì Cu-ba ở rất xa Trung cộng và ờ sát nách Mỹ nên nó theo Mỹ được còn mình thì không.
- Nhưng mà vì sao chứ?
- Vì mình ở sát nách Trung Cộng và ở rất xa Mỹ, nếu mình bắt chước Cu-ba thì Trung cộng nó "đục" một phát là mình phù mỏ liền. Thằng Mỹ ở xa nửa vòng trái đất đỡ sao kịp. Mà chưa chắc nó đã muốn đỡ.
Tôi bèn đốt thêm điếu thuốc, đưa cho Ba Trợn, hỏi tiếp: - Còn có nguyên nhân nào nữa không?
- Còn chứ. Cu-ba làm được vì trên lãnh thổ Cu-ba không có các căn cứ của Trung cộng như Bản Giốc, Vũng Áng, Bô-xít Tây Nguyên, nhiệt điện Vĩnh Tân… và các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa. Cu-ba cũng không có Campuchia án ngữ quậy phá phía Nam… còn ta là Cu-con, ta đang bị bao vây tứ phía. Cu-ba cũng không bị lệ thuộc Trung cộng nặng nề về chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự… như Việt Nam hiện nay. Vì thế Cu-ba thay đổi dễ như trở bàn tay, con Việt Nam muốn thay đổi kiểu đó phải "bước qua xác" thằng ba
Tàu. Đù má, tình hình hiện nay khó như vậy đó. Chú em đừng có tưởng bở, ngoại trừ có sự quyết tâm mạnh mẽ của một lực lượng thứ ba… Hì hì…
2. Chuyện "thoát Trung" và "thân Mỹ"
Hôm nay lại rủ Ba Trợn đi nhậu. Vừa hết xị đế, tôi thấy bứt rứt trong lòng, bèn hỏi:
- Đọc trên mạng, thấy có nhiều bài viết, nhiều ý kiến xoay quanh những vấn đề lớn như "thoát Trung", "cải tổ đảng CS" "cấp tiến"," thân Mỹ" "thân phương Tây"... Ông nghĩ sao về những vấn đề ấy?
Ba Trợn la lớn giữa chỗ đông người:
- Con nít! Con nít!
- Ông chửi tui là con nít hả?
- Tao chửi chúng nó.
- Tại sao?
- Vì bọn chúng cứ làm như Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền. Chúng nó quên rằng hiện nay Việt Nam không độc lập và cũng không có chủ quyền, vậy thì tất cả những thứ như "thoát Trung" "thân Mỹ"… ai có thể thực hiện?
Cũng giống như con ngựa bị xích chân và nhốt trong cũi sắt mà cứ nói về thảo nguyên mênh mộng, về những chân trời, những miền đất lạ... há chẳng phải là hoang đường sao?
Chúng ta chỉ có thể bàn về chuyện "thoát Trung" ở góc độ một quốc gia đang bị Tàu đô hộ. Ở góc độ một "An Nam đô hộ phủ" dưới sự thống trị của quân Nam Hán, và trên cương vị Ngô Quyền.
Thoát Trung từ thân phận ấy sẽ khó khăn hơn trước Hội nghị Thành Đô rất nhiều. Đó là thảm hoạ của dân tộc Việt Nam nhưng chúng ta không thể chạy trốn thảm hoạ đó. Chúng ta không thể bắt chước con đà điểu, lẩn trốn thực tế phũ phàng để tự lừa dối mình được.
Tao nói điều này có vẻ nghịch lý, khó nghe, khó chấp nhận, nhưng trên thực tế đảng CSVN đã chấm dứt vai trò chống ngoại xâm rồi. Họ đã bị vô hiệu hoá và hoàn toàn không còn làm nhiệm vụ ấy được nữa. Vì vậy kỳ vọng vào họ để thoát Trung là rất ngây thơ.
Và điều khủng khiếp là dường như Mỹ cũng đã chấp nhận sự đô hộ của Trung cộng ở VN, coi nó như một "thực thể".
Vậy mà có nhiều người rất vui mừng về chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng. Tao buồn quá. Đôi khi vẫn tự hỏi mình có phải là một kẻ bi quan. Hay chỉ là một thằng khùng?
3. Ai "lú"?
Đêm qua, tôi nằm mơ thấy gặp ngài Tổng Bí thư. Trong giấc mơ, với tư cách nhà báo, tôi hỏi:
- Thưa ngài, ngài có thể cho biết thành công nhất trong chuyến đi Mỹ của ngài vừa qua là gì không?
Ông Trọng vui vẻ, tươi cười đáp:
- Chẳng có gì rõ rệt, tôi và Tổng thống Obama chỉ nói chuyện xã giao là chính. Nhưng khi trở về Việt Nam, đọc lại báo chí, Internet và nhất là Facebook tôi mới nhận ra mình vừa đạt được một thành công rực rỡ.
- Thưa ngài, đó là thành công gì vậy?
Ngài Tổng bí thư tựa ngửa vào chiếc ghế bành đối diện tôi, cười một tràng dài, sảng khoái.
Ông nói:
- Anh biết đấy, khi tôi còn ở Mỹ, nhiều trí thức Việt Nam dự đoán là sau chuyến viếng thăm "lịch sử" này trở về, tôi sẽ làm cho Đảng CSVN thay đổi 180 độ.
- Vâng ạ, nhiều người vẫn đoán như thế ạ. Nhưng xin hỏi tại sao ngài lại cười?
- Vì lâu nay các ông trí thức ấy vẫn chê tôi là "lú", còn bây giờ thì tôi đã chứng minh cho bọn họ thấy rằng HỌ "LÚ" CHỨ TÔI KHÔNG LÚ.
NHỮNG BÀI HỌC TỪ ESPERANTO
Cách đây hơn 130 năm, một học giả, một nhà ngôn ngữ học Ba Lan tên là Ludwik Lejzer Zamenhof đã chắt lọc những tinh hoa của các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức… để sáng chế ra một thứ ngôn ngữ vừa dễ học, dễ nói, dễ viết, lại rất khoa học, rất trong sáng… gọi tên là Quốc tế ngữ Esperanto.
Trong khoảng thời gian 13 năm (từ 1872 đến 1885), ngôn ngữ Esperanto không ngừng được các học giả châu Âu, nhất là các tu sĩ công giáo La Mã hoàn thiện, trở thành một ngôn ngữ toàn bích, được nhiều người kỳ vọng là một ngôn ngữ chung của toàn nhân loại. Chẳng bao lâu loài người sẽ nói chung một thứ tiếng, viết chung một chữ viết, mọi rào cản ngôn ngữ trước đây sẽ không còn nữa, loài người hiểu nhau hơn, gần gũi và thân ái hơn.
Đó là giấc mơ đẹp của một thế giới đại đồng.
Thế nhưng giờ đây, sau hơn 130 năm, nhắc đến từ "Esperanto" có lẽ không mấy người biết nó là cái gì.
Theo kết quả điều tra của Liên Hiệp Quốc vào năm 1996 thì số người sử dụng Quốc tế ngữ Esperanto chỉ là khoảng từ 200 cho tới 2.000 người. Có khoảng 2 triệu người khác trải khắp 115 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng ngôn ngữ này như ngôn ngữ thứ hai của mình. Hai triệu người này đa số là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và các tu sĩ dùng Esperanto để… dịch Kinh Thánh.
Tại sao một công trình ngôn ngữ học đồ sộ như thế, chuyên nghiệp như thế, đầy tâm huyết và có mục đích cao đẹp như thế lại bị nhân loại lãng quên, bị ruồng bỏ một cách phũ phàng?
°
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta thử suy nghĩ về sự bành trướng như vũ bão của tiếng Anh, một ngôn ngữ được cả nhân loại chào đón, học tập, rèn luyện, nói, viết, đọc và nghiên cứu trên khắp mọi lãnh vực: khoa học, kỹ thuật, lịch sử, văn học, chính trị, tôn giáo, xã hội…
Từ già đến trẻ, từ trí thức tới bình dân, từ châu Âu, châu Mỹ cho tới châu Á, châu Phi, từ các đô thị văn minh hiện đại cho tới những làng quê hẻo lánh, từ đồng bằng cho tới những vùng cao nguyên núi đồi heo hút hay hải đảo xa xôi… đâu đâu người ta cũng học tập, rèn luyện tiếng Anh.
Tại sao vậy?
Câu trả lời cũng chẳng có gì khó. Dường như một đứa con nít cũng trả lời được: ngoài sự giản dị và trong sáng của nó, tiếng Anh còn gắn liền với một siêu cường quốc không chỉ về quân sự mà còn về khoa học, kỹ thuật, văn học, kinh tế, tài chính… đó là Hoa Kỳ.
Tất cả mọi quốc gia, tất cả những ai nếu muốn được văn minh hiện đại, nếu muốn được giàu mạnh, nếu muốn được phát triển… đều phải học tập Anh, Mỹ. Mà muốn học tập Anh, Mỹ thì phải thông thạo mọi kỹ năng của tiếng Anh như: Nghe, Nói, Đọc, Viết.
Quốc tế ngữ Esperanto bị ruồng bỏ vì sao? Đơn giản là vì nó đứng chơi vơi, nó không gắn với một siêu cường nào cả. Học Esperanto để làm cái gì? Có tài liệu, sách vở về khoa học kỹ thuật nào viết bằng tiếng Esperanto? Có công trình nghiên cứu y khoa, sinh học, hoá học, vật lý… tiên tiến nào viết bằng Esperanto? Có tài liệu về kinh tế, tài chính… nào viết bằng cái thứ quốc tế ngữ ấy không? Thậm chí đi du lịch mà nói tiếng Esperanto thì có ai mà nghe?
Cho nên một ngôn ngữ muốn phát triển thành Quốc Tế Ngữ, tất yếu phải gắn liền với một đất nước giàu mạnh và phát triển mọi mặt.
Esperanto chết yểu vì nó không dựa vào một sức mạnh nào cả. Nó không phải là chìa khoá để mở cánh cửa tri thức.
°
Bây giờ chúng tôi xin đề cập đến một lĩnh vực quan trọng hơn Espreanto rất nhiều: Đó là học thuyết chính trị.
Lấy học thuyết của Karl Marx làm ví dụ.
Nếu cuốn Tư Bản Luận của Marx không được lọt vào mắt xanh của Lênin thì nó cũng chỉ là một cuốn sách bị bỏ quên trong ngăn tủ đầy
bụi bặm và chắc chắn là đã bị mối mọt đục khoét nát bét cả rồi.
May cho cái học thuyết ấy (và rủi cho nhân loại), Lênin đã đọc và đã tìm thấy một "cơ hội kinh doanh chính trị" giống như một doanh nhân tình cờ chộp được một ý tưởng làm giàu đâu đó trên trang rao vặt của một tờ báo lá cải.
Lênin đã hiểu cuốn Tư Bản Luận theo cách riêng của mình. Nói trắng ra, ông ta đã lợi dụng cái học thuyết ấy để dụ dỗ đám dân nghèo cùng khổ, tập hợp họ, kích động họ, biến họ thành một sức mạnh, một lực lượng đáng nể, tiến hành thành công cuộc cách mạng Tháng Mười.
Khác với Esperanto, học thuyết chính trị của Marx đã dựa vào quần chúng lao động Nga, dựa vào cơ bắp của những người cùng khổ, dựa vào súng và lòng thù hận những thối nát của chế độ Sa hoàng. Và nó đã làm nên chuyện.
Nhưng học thuyết chính trị của Marx cũng bắt đầu lung lay vào những năm cuối của thập niên 1980 khi Gorbachov nhìn thấy sự tan rã "không gì ngăn cản nổi" của chính quyền Xô-viết. Vào thời điểm này thì số phận của chủ thuyết chính trị Mác-Lê bắt đầu giống như số phận của Esperanto: Nó đang mất chỗ dựa vào quần chúng.
Thế rồi ngày 26 tháng 12 năm 1991 nhà nước Liên-xô sụp đổ.
Sự sụp đổ ấy một lần nữa chứng minh rằng dù là "học thuyết ngôn ngữ" hay "học thuyết chính trị" thì muốn tồn tại và phát triển cũng đều phải dựa vào một sức mạnh vững chắc nào đó.
Ngày nay thì học thuyết chính trị Mác-Lênin đã hoàn toàn biến mất trên toàn thế giới, kể cả Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc và Việt Nam, vì thực tế, tại 4 quốc gia này, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ còn là cái tên gọi.
°
Sự tàn lụi của Esperanto và chủ nghĩa Mác-Lênin là một bài học lớn của nhân loại.
Thế mà hiện nay tại Việt Nam và hải ngoại, có một số trí thức tạm gọi là "lý thuyết gia" đang có tham vọng phổ biến những học thuyết của họ, hòng làm nền tảng tư tưởng chính trị cho dân tộc Việt Nam "hậu cộng sản".
Tính tôi thích minh bạch, không ưa úp úp mở mở. Tôi nói thẳng là tôi rất chán chủ nghĩa cộng sản (điều này đã được thể hiện bằng rất nhiều bài báo ký tên tôi), nhưng tôi lại rất buồn cười khi biết có những trí thức đã bỏ bao nhiêu tim óc ra để lập những học thuyết "dẫn đường cho dân tộc Việt Nam hậu cộng sản".
Vì sao?
Vì bài học ê chề của Esperanto.
Vì bài học tàn khốc của Mác-Lênin.
Hai thứ học thuyết ấy đã bị nhân loại ruồng bỏ vì nó không văn minh, không hiện đại và đầy ảo tưởng.
Không có cái gì có thể phát triển được trên sự man rợ, nghèo đói là lạc hậu.
Nếu như ngày xưa bi kịch của Trung Quốc là học thuyết Khổng Tử thì ngày nay bi kịch ấy lại chính là học thuyết Mác-Lê và cái gọi là Tư tưởng Mao Trạch Đông.
Tư tưởng Mác-Lê và Mao đã tồn tại được một thời gian vì họ có súng, còn tư tưởng của Khổng Tử thì vô cùng thảm hại. Khổng Tử cùng các học trò của mình lang thang hết nước này đến nước kia mà không ai dùng, có lần suýt chết đói, thầy trò họ rách rưới như những người ăn mày. Bữa kia, Nhan Hồi gặp một ông lão, ông này mô tả Khổng Tử "như một con chó mất chủ".
Hỡi các ông trí thức rắp tâm xây dựng những học thuyết chính trị mới cho Việt Nam! Các ông hãy học bài học của Esperanto và nhất là bài học của Khổng Tử. Học thuyết của các ông sẽ dựa vào sức mạnh nào để tồn tại và phát triển?
Dựa vào dân ư? Tôi xin các ông. Dân tộc Việt Nam đã sợ chết khiếp các học thuyết chính trị rồi. Dân tộc Việt Nam không cần học thuyết
nào cả. Đó là những món hàng xa xỉ. Đó là son phấn, là kem dưỡng da, là kem trị mụn, trị nám… Dân tộc Việt Nam cần khoa học kỹ thuật tiên tiến, cần những giải pháp kinh tế tài chính tiên tiến và thực dụng. Dân tộc Việt Nam cần cơm gạo, thịt cá, vải vóc, trường học và bệnh viện. Dân tộc Việt Nam cần tự do, dân chủ, nhân quyền.
Những thứ đó tìm ở đâu?
Xin thưa, khỏi cần tìm. Thế giới văn minh Âu Mỹ đã có sẵn. Chỉ cần một con gà luộc, bái họ làm sư phụ, họ dạy cho mà làm.
Cần gì phải mày mò sáng tạo. Những trò "chế tạo tàu ngầm của anh Hai Lúa" những trò "chế tạo xe tăng, máy bay trực thăng của anh thợ rèn, thợ điện" nào đó… xin làm ơn dẹp giùm tôi. Đó là những trò nhảm nhí. Đó không phải là khoa học kỹ thuật tiên tiến, đó là những đồ chơi xạo ke, chẳng được cái tích sự gì, chẳng có gì phải tự hào vì những thứ vớ vẩn ấy.
Sau thế chiến thứ 2, Hàn Quốc đã dẹp bỏ thù hận và lòng tự ái dân tộc để dịch nguyên chương trình sách giáo khoa của Nhật mà dạy cho lớp trẻ của dân tộc mình, nhờ thế mới có Samsung, LG, Hyundai, KIA Motors… ngày nay, nhờ thế mới có một Hàn Quốc vĩ đại ngày nay.
Nền sản xuất công nghiệp của thế giới hiện đại là một sự giao thoa, một sự trao đổi kỹ thuật và công nghệ giữa các nước. Tôi có đứa con gái là kỹ sư trong một hãng chế tạo máy bay phản lực ở Mỹ. Tôi có đến tham quan nhà máy ấy, mới biết rằng máy bay của họ xài động cơ nhập từ Anh quốc, hệ thống điện tử nhập tử Australia… cho nên tôi nghĩ rằng đối với các nước đang phát triển, thì trước mắt ta cứ chấp nhận dây chuyền lắp ráp của các nước tiên tiến, nhưng ta phải dần dần nắm bắt công nghệ sản xuất linh kiện, phụ tùng thay thế, tiến tới chế tạo sản phẩm công nghệ cao một cách hoàn chỉnh, làm tiền đề cho một nền công nghiệp tiên tiến.
Chúng ta cần học những công nghệ tiên tiến có sẵn. Không cần mày mò nghiên cứu (vì với trình độ dốt nát của ta thì chuyện đó tốn cả ngàn năm, chưa chắc đã ra cái con khỉ gì). Cương quyết dẹp bỏ những kiểu sáng tạo tào lao như "Hai Lúa chế tàu ngầm".
Còn chuyện "chính trị" thì cũng thế thôi. Cần gì phải mày mò "chế tạo" ra các thứ học thuyết cao siêu, rắc rối. Cứ bê nguyên xi những khái niệm về tự do, dân chủ, nhân quyền, về tam quyền phân lập… của Âu Mỹ về mà xài. Nhanh gọn, tiện lợi. Chất lượng tuyệt hảo, chuẩn không cần chỉnh.
Chúng ta phải thực tế, phải thực dụng… may ra… may ra… Lạy Chúa tôi. Xin các anh "Hai Lúa học thuyết chính trị" đừng đem những cái "tàu ngầm triết học" về Việt Nam nữa. Con lạy các cha!
Kính bái! Kính bái!
ĐÀO HIẾU MỘT LÝ THUYẾT GIA KHÙNG
Hắn sẽ nói nhảm một cách tuyệt vời.
Hắn vừa nốc cạn chai Chivas Regal, aged 200 years (xạo!).
Cho đến nay, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Mỹ trở về, thì mọi dự đoán: "Tình hình Việt Nam sẽ xoay 180 độ theo Mỹ" đã bị thực tế chứng minh là ngây thơ, hời hợt.
Nhưng lại có người đặt câu hỏi: Vậy thì tại sao Việt Nam không nhúc nhích mà Mỹ lại xoay 180 độ bằng hành động lạnh nhạt với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và phong trào dân chủ tại Việt Nam?
Tôi cho rằng Mỹ đã nhìn thấy một thực trạng không thể đảo ngược (và họ nghĩ: việc gì phải đảo ngược cho rách việc!) đó là Việt Nam đã thực sự là một chư hầu của Trung cộng và Mỹ mời ông Nguyễn Phú Trọng đến chỉ để thông bào rằng: Chính phủ Mỹ biết rõ điều đó và chấp nhận điều đó, rằng các bác cứ yên tâm làm chư hầu của Tàu, chúng tôi tôn trọng "thể chế chư hầu" ấy, chúng tôi chấp nhận sự khác biệt về chế độ chính trị của mỗi nước.
OK, cứ thế mà chúng ta chơi với nhau.
Vậy là hiện nay dân tộc Việt Nam phải chịu thêm một khổ nạn nữa: Trước đây đảng CSVN chỉ có mỗi ông Ba Tàu chống lưng, còn bây giờ lại có thêm Chú SAM làm chỗ dựa. Thế thì nhất cụ Nguyễn Phú Trọng rồi còn gì!
Thực ra không phải cụ Trọng tài giỏi gì, chẳng qua trước khi gặp ông Obama, cụ đã sang Tàu lãnh giáo Tập tiên sinh kỹ lắm rồi. Còn ông Obama, trước khi gặp cụ Trọng thì cũng đã ngoéo tay với Mr Tập Cận Bình rồi.
- Thế nhé Tập Tiên Sinh, Obama nói, tại hạ sẽ tiếp Trọng lão gia một cách chu đáo để giữ thể diện. Và mọi việc sẽ đâu vào đấy. Việt Nam và Trung Quốc là một. Với tư cách Tổng thống Mỹ tôi cam kết điều ấy, tôi công nhận điều ấy. Thế là Việt Nam thân Mỹ nhé! Nhưng thân Mỹ theo kiểu Tàu, thân Mỹ trên tư thế chư hầu của Tàu.
Bạn có tức không?
Chắc chắn là ai cũng tức.
Vì thể mới có nhiều người kỳ vọng một Gorbachov của Việt Nam. Vậy thì: Liệu Việt Nam có thể có một Gorbachov không?
Để giải đáp câu hỏi hóc búa ấy chúng ta hãy lật tài liệu xem Gorbachov là ai? Quá trình ông ta phá vỡ đảng cộng sản Liên Xô ra sao?
(Hấp dẫn cực kỳ. Đón đọc bài "Gorbachov của Việt Nam của Đào Hiếu nhé. Lão đang xỉn, éo viết được nữa)
HỎI ĐÁP VỀ GORBACHOV CỦA VIỆT NAM
HỎI: Năm 1986 tình hình chính trị ở Liên Xô rối ren, xã hội nghèo đói, bất công, tham nhũng tràn lan, cũng giống như tình hình Việt Nam hiện nay, đúng không?
ĐÁP: Đúng. Lúc đó các nhà lãnh đạo Liên Xô nhìn thấy nguy cơ sụp đổ của chính quyền, nên tìm cách cứu vãn. Người nổi tiếng nhất là Gorbachov. Ông thiết lập những mối quan hệ với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, như Thủ tướng Đức Helmut Kohl, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.
Ngày 11/10/1986 Gorbachov và Reagan gặp nhau và đã ký Hiệp ước Giải trừ Vũ khí Tầm trung ở Châu Âu.
HỎI: Vậy Việt Nam hiện nay có thể có một nhà lãnh đạo cỡ như Gorbachov không?
ĐÁP: Không. Vì Gorbachov là nhà lãnh đạo của một siêu cường nguyên tử, độc lập và có chủ quyền. Ông ta có quyền quyết định sự thay đổi thể chế mà không bị ai đe doạ. Tập Cận Bình ngày nay cũng là lãnh tụ một siêu cường nguyên tử, có chủ quyền. Nếu Tập muốn thay đổi, thì Trung Quốc sẽ thay đổi. Nếu Tập muốn làm một Gorbachov của Trung Quốc thì điều đó không mấy khó khăn.
Nhưng Việt Nam thì không. Vì Việt Nam chỉ là một nước nhỏ, yếu, lạc hậu, và quan trọng nhất là Việt Nam đã để mất chù quyền vào tay Trung cộng. Mà đã mất chủ quyền thì làm sao có thể quyết định vận mệnh quốc gia, chuyện nhỏ như muốn bổ nhiệm một bộ trưởng ngoại giao còn phải được sự đồng ý của Trung cộng, thử hỏi ai có thể đứng ra làm Gorbachov?
HỎI: Tại sao Trung Cộng có quyền hành bao trùm Việt Nam như vậy?
ĐÁP: Vì các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trung cộng ém quân trên lãnh thổ Việt Nam mà cụ thể là Tây Nguyên (Bauxite), Trung nguyên (Vũng Áng, Formosa), Bình Thuận (Vĩnh Tân) và biển Động (Hoàng Sa, Trường Sa). Trung cộng đã xây
các căn cứ quân sự và sân bay trên hai hòn đảo này của Việt Nam. Trung cộng còn nắm các nền kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như quặng mỏ, điện lực, xây dựng, giao thông, lương thực, thực phẩm, may mặc…
HỎI: Tuy Trung cộng đã bao vây Việt Nam dày đặc, nhưng nếu có một nhà lãnh đạo VN đứng lên tuyên bố "thoát Trung" thì sao?
ĐÁP: Thì sẽ bị quy là "chống Đảng", là tạo phản. Và bị Trung cộng loại ngay lập tức.
HỎI: Vậy thì nếu vị lãnh đạo ấy làm đảo chánh, cướp chính quyền, xoá bỏ Đảng cộng sản, liên minh với Hoa Kỳ thì sao?
ĐÁP: Ở Việt Nam hiện nay chỉ duy nhất một kẻ có thể làm đảo chánh: đó là Trung cộng, vì các thế lực chính trị, quân sự, kinh tế, tài chánh… của Việt Nam đều nằm trong tay Trung cộng, thì anh lấy lực lượng nào để đảo chánh?
Vậy nếu có đảo chánh ở Việt Nam thì đó chính là Trung cộng đảo chánh, bất luận người đứng đầu đảo chánh là ai.
HỎI: Nhưng nếu người đứng đầu đảo chánh là Gorbachov thì sao? ĐÁP: Ủa? Gorbachov là người Nga mà?
HỎI: Ý tôi muốn nói tới một Gorbachov của Việt Nam?
ĐÁP: Nếu ở Việt Nam có một vị lãnh đạo nào đó có trong túi vài chục trái bom nguyên tử, nếu Việt nam là một siêu cường có đầy đủ độc lập và chủ quyền, thì có thể có một Gorbachov. Một con cừu không thể biến thành Gorbachov được.
HỎI: Thế một con cừu có thể biến thành Aung San Suu Kyi như Myanmar không?
ĐÁP: Cũng không luôn. Sở dĩ Myanmar có Aung San Suu Kyi vì trên lãnh thổ của họ không có những lãnh địa của Trung cộng kiểu như Bauxite, Formosa hay các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa. Và nhất là Myanmar không hề có 16 chữ vàng. Do vậy đừng nói là Gorbachov, ngay cả Aung San Suu Kyi cũng không thể có ở Việt Nam.
HỎI: Thế còn Cuba? Tại sao hai nước Mỹ - Cuba sau 50 năm thù nghịch bỗng đùng một phát, sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, họ trở thành bạn bè? Tại sao Việt Nam không làm được điều đó?
ĐÁP: Vì có bố già Trung Cộng cầm con dao phay đứng ngay trước mặt, còn Mỹ thì ở xa ngàn dặm. Vì trên lãnh thổ Cuba không có căn cứ quân sự của Trung Cộng. Vì nền kinh tế Cuba không lệ thuộc vào Trung Cộng. Vì Cuba và Trung Cộng không có 16 chữ vàng. Và quan trọng nhất là Mỹ và Cuba ở cạnh nhau, đánh nhau cũng đễ mà bắt tay nhau cũng dễ, thằng ba Tàu muốn xía vô cũng đếch được.
HỎI: Vậy, tóm lại là chúng ta hết hy vọng về một Gorbachov của Việt Nam?
ĐÁP: Gorbachov thì không, nhưng Gor-ba-xạo thì có đấy. Và cả khối người vẫn bị lừa.
(02/01/2016)
TRIẾT GIA VÀ ÔNG THẦN ĐÈN
Có một triết gia nọ, tài cao học rộng, tư tưởng uyên bác và lòng yêu nước thì mênh mông như biển cả. Nhưng ông thường hay sầu thảm vì thấy Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng chiến tranh liên miên, sau đó lại rơi vào xung đột giữa chủ nghĩa tư bản Mỹ và chủ nghĩa cộng sản Nga, Tàu. Đến khi hoà bình thống nhất thì lại độc tài, tham nhũng tràn lan làm cho đất nước tụt hậu quá xa so với thế giới, kế tiếp là Tàu cộng tìm cách thôn tính Việt Nam trên mọi lãnh vực, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, lãnh thổ, biển đảo…
Triết gia nghĩ rằng chỉ có một con đường cứu nước là nghĩ ra một học thuyết mới, không phải tư bản mà cũng không phải cộng sản, để làm tư tưởng chỉ đạo cho cả dân tộc Việt Nam, thay thế triết học Mác-Lênin hiện nay, thì mới có thể đem lại độc lập, tự do và hoà bình trường cửu cho dân tộc.
Triết gia bèn vắt óc, suy tư nhiều năm liền và viết xong một tác phẩm dày cộm lấy tên sách là CỨU QUỐC LUẬN.
Triết gia mừng lắm, bèn khoe với người bạn thân là một nhà báo. Nhà báo xem qua một lúc rồi hỏi:
- Anh có biết Việt Nam ta từng có một triết gia lớn không? - Ai vậy?
- Đó là Trần Đức Thảo. Ông Thảo học triết bên Pháp và từng được nhà văn Jean Paul Satre (người từ chối giải Nobel văn chương năm 1964) công nhận là một tài năng lớn triết học… Nhưng khi ông Thảo theo Bác Hồ về Việt Nam thì anh biết ông ta được giao nhiệm vụ gì không?
- Nhiệm vụ gì?
- Giáo sư triết, nhưng sau đó ông bị quy tội dính líu đến Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến tự do, dân chủ. Trần Ðức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán
dần những bộ từ điển để ăn. Ông bị cắt đứt mọi liên hệ với thế giới, bị cô lập ngay giữa đồng bào của mình… chính vì vậy tôi khuyên anh không nên công bố cuốn sách này.
Triết Gia nghe vậy có vẻ bất bình, ông quyết định đến nhà xuất bản để xin giấy phép in sách. Biên tập viên hẹn ông một tháng quay lại.
Một tháng sau, ông đến nhà xuất bản. Người biên tập nói:
- Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng Sản lãnh đạo toàn diện, nhưng tác phẩm của chú lại chủ trương thay thế chủ nghĩa Mác bằng một tư tưởng khác vì thế chúng tôi không thể cấp phép in được.
Triết Gia giận lắm, bèn đem bản thảo về nhà, trằn trọc nhiều đêm không ngủ được. Chợt nhớ mình có một cây đèn cũ mua được trong một chuyến du lịch Ai Cập đã lâu lắm, triết gia bèn lấy ra, bắt chước Aladdin dùng tay chà xát lên cây đèn cầu may. Chẳng ngờ một luồng khói trắng phụt ra và ông thần đèn xuất hiện to lớn như một con gấu.
- Thưa chủ nhân, thần đèn cúi chào Triết Gia và nói, thuộc hạ là thần đèn, xin nghe lệnh.
Triết gia thích quá, bèn đưa cho thần đèn tác phẩm triết học của mình và nói:
- Ta đang cần một tờ giấy phép xuất bản tác phẩm này. Tức thì tờ giấy phép hiện ra ngay trên bàn viết của Triết gia. Triết gia cả mừng, bèn chạy đến nhà in. Giám đốc nhà in hỏi: - Ông muốn in bao nhiêu cuốn?
Triết gia nhẩm tính: Dân số Việt Nam khá đông. Hay là… hay là… - Tôi in một triệu cuốn.
- Một triệu? Giám đốc trố mắt kinh ngạc. In một triệu cuốn sao? - Chính xác. Một triệu.
- Trời ơi! Ông đùa với tôi đấy à? Hiện nay sách của những tác giả nổi tiếng nhất cũng chỉ in 3.000 cuốn. Còn thường thì 1.000 cuốn. Chưa kể những sách khô khan như cuốn triết học này thì chỉ nên in 500.
- Vậy thì tôi in 3.000 cuốn.
Sách in xong, triết gia bèn gởi cho công ty phát hành, bán trên toàn quốc.
Ba tháng sau, triết gia đến công ty phát hành sách nhận tiền, nhưng người ta trả lời là chỉ bán được 3 cuốn trên toàn quốc.
Triết gia giận quá, bèn đến gặp anh bạn nhà báo. Nhà báo giải thích:
- Đôc giả bây giờ chỉ thích đọc truyện đánh ghen, chuyện ngoại tình, chuyện hình sự, không ai quan tâm tới triết học.
- Nhưng Việt Nam có tới cả chục triệu tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân mà.
- OK. Nhưng cái đám này chỉ thích đọc mấy cái status ngắn ngắn trên phây-búc, không ai rảnh mà đọc sách triết đâu.
Triết gia quá thất vọng. Lại ngủ không được, bèn gọi thần đèn. - Ngươi giúp ta phát hành sách được không?
- Phát hành bao nhiêu cuốn?
- Việt Nam có 90 triệu dân. Ngươi in cho ta 90 triệu cuốn rồi đem tới đặt trên đầu giường mỗi người một cuốn. Có được không?
- Chuyện nhỏ, thưa chủ nhân.
Thế là sáng hôm sau mỗi người Việt Nam, già trẻ, lớn bé… khi thức dậy đã thấy ngay bên gối mình một cuốn CỨU QUỐC LUẬN.
Trong số 90 triệu người ấy thì có đến 80 triệu người không biết đó là sách gì. Họ đọc vài dòng, không hiểu gì cả, bèn chuyển ra chợ gói đồ. Còn lại 10 triệu cuốn kia lọt vào tay những người có học. Trong số ấy có rất nhiều cán bộ tuyên giáo và công an văn hoá. Lập tức một lệnh "tịch thu sách khẩn cấp" được ban ra:
"Sách in lậu, có nội dung phản động. Lệnh cho toàn quốc tịch thu và tiêu huỷ."
Thế là mỗi tỉnh thành, mỗi quận huyện, mỗi thành phố… đều có những đội đến từng nhà dân lục soát, tịch thu và đem đốt. Tác giả thì bị truy nã. Chính phủ còn thông báo cho Interpol phát lệnh truy nã trên toàn thế giới.
Triết gia sợ quá bèn trốn lên núi, ở trong hang đá.
Trong cơn tuyệt vọng, triết gia bèn gọi thần đèn.
- Ngươi có cách gì cứu ta không?
Thần đèn suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Nếu ngài muốn, tôi sẽ đưa ngài lên Thiên Đường.
Triết gia buồn bã, nói:
- Ta cũng đã nghĩ tới điều đó. Vì chỗ của ta là ở trên chín từng mây. Ta không thể nào sống chung với loài người ngu dốt dưới trần gian này được.
BIỂN ĐÔNG SẮP NỔ TUNG…
Hôm 27/10/2015, tàu khu trục Mỹ USS Lassen đã xâm nhập khu vực biển có phạm vị 12 hải lý mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.
Người phát ngôn của BộNgoại giao Trung Quốc Lục Khảng giận sùi bọt mép, hét lớn với đám thuộc hạ đang cúi đầu run rẩy:
- Tụi bay có biết rằng hành động đó của tụi chó Mỹ đã đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại đến hoà bình và ổn định của khu vực hay không hả?
Dám thuộc hạ thằng nào cũng đi giật lùi, mặt mày tái mét. Thấy vậy, Lục tiên sinh bèn gọi một thằng lại.
- Bẩm quan lớn?
- Làm cái đéo gì mà run như cầy sấy thế?
- Bẩm quan lớn, con sợ chiến tranh nguyên tử.
- Đồ ngu! Lập tức chở 100 thùng rượu Mao Đài ra tàu USS Lassen cho ta.
Tên nô tài ngớ người, hỏi:
- Chở rượu quý ra tàu Mỹ?
- Chính xác. Và bảo bọn Việt Nam chở nguyên một tàu các em chân dài ra đó luôn.
Tên nô tài run rẩy, thưa:
- Dạ, thuộc hạ có nghe lầm không ạ?
- Lầm cái đéo gì!
- Nhưng bọn Mỹ đem khu trục hạm tới, chúng đang chuẩn bị chiến tranh mà?
- Đồ ngu! Chúng đang đánh lưới cá trích và cá ngừ để làm món sashimi, chúng đang cần rượu Mao Đài của ta và các người mẫu chân dài của Giao Chỉ quận. Hiểu chưa?!
- Dạ… dạ…
Tên nô tài vừa quay đít lui ra thì nghe hàng loạt tiếng nổ đi đùng. Hắn sợ quá bèn chui xuống gầm bàn mà trốn.
Lục Khảng tiên sinh cả cười mà rằng:
- Tiểu nhân! Tiều nhân! Ta bắn pháo bông chào khách mà cũng sợ chết khiếp.
SUY NGHĨ VỀ LÀO VÀ CAMPUCHIA
Nhiều người ghét chính quyền VN quá nên thường nói Lào và Campuchia vượt xa Việt Nam. Tôi cho là chưa hẳn đúng. Tôi đến Campuchia hai lần: lần một là theo bộ dội VN (Mặt Trận 479) sang Siem Riep năm 1979. Lần thứ hai là đi du lịch vào năm 2003, đi tùm lum.
Tôi thấy dân Campuchia lớp già và có đi học (chỉ cần cấp 2 trở lên) đều biết và giỏi tiếng Pháp. Lớp trẻ bây giờ như mấy chú xe ôm cũng nói tiếng Anh khá lưu loát. Nói chung trình độ ngoại ngữ của họ giỏi hơn VN, nhưng họ nghèo lắm, họ cùng khổ lắm. Vừa rồi có mấy anh Hai Lúa VN sang giúp họ chế tạo xe tăng, được họ trao huân chương gì đó, thực chất là tân trang mấy cái xe tăng cũ, lấy cớ moi tiền trong ngân sách quốc gia ra mà chia nhau (giống hệt Việt Nam) chứ anh Hai Lúa sao có thề chế xe tăng được.
Chế xe tăng, tàu ngầm là chuyện của các nhà bác học, chuyện của công nghệ cao siêu đẳng, chuyện của những quy trình sản xuất hiện đại, hàng tỷ đô la… đâu phải chuyện chơi, đâu phải chuyện của mấy anh thợ rèn, thợ tiện, chỉ doạ con nít thôi. Chính phủ Việt Nam gạt bỏ mấy anh Hai Lúa ấy là đúng rồi.
Còn Lào thì tôi ở được nửa tháng. Có ăn cơm với gia đình một ông đại tá, đi nhậu với ông chủ tịch Hội nhà văn Viên Chăn, lái xe hơi (của thi sĩ Triệu Từ Truyền) chạy vòng vòng Viên Chăn chơi. Tôi thấy Lào còn tệ hơn Campuchia nữa. Nó giống như một tỉnh của Việt Nam, nó tham nhũng, nó vơ vét cũng tàn bạo như VN vậy. Chủ yếu nhà nước Lào là bán tài nguyên mà chia nhau (mỏ vàng). Nền công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Lào là con số không. Ông chủ tịch Hội nhà văn Lào nói với tôi là nồi nêu son chảo bằng nhôm họ cũng không làm được, phải nhập từ Thái Lan.
Ông đại tá đãi tôi bữa cơm gia đình, thấy dĩa rau to tổ bố, mà lá rau toàn lủng lỗ do sâu ăn rách te tua. Họ kém đến độ không thể trồng rau mà ăn. Nhưng ông bà đại tá thì tự hào là Lào chỉ ăn rau sạch vì
không phun thuốc trừ sâu. Thà ăn rau rách, rau thừa của sâu bọ để lại còn an toàn hơn.
Thủ đô Viên Chăn thì chỉ được cái mặt tiền, toàn biệt thự lộng lẫy của mấy ông tổng bí thư, chủ tịch nước, bộ trường... nhưng khi tôi lái xe vòng ra phía sau, cách đó chừng 1.000 mét thì đường sá lở lói, đầy ổ gà, bụi tung mù mịt, không thấy đường đi. Và còn rất nhiều đường đất ngay tại thủ đô, giống hệt vùng sâu vùng xa của Việt Nam.
Tôi có quen một cô sinh viên tốt nghiệp đại học tại Hà Nội, về Viên Chăn không tìm được việc làm. Tôi thuê cô đưa tôi đi chơi. Cô chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng trông thật thảm thương. Đi chưa được 2 cây số thì xe hư. Tôi phải cho tiền cô sửa xe, thay vỏ ruột mới vì chúng đã mục nát.
Các bạn ạ, có thể tôi hiểu chưa hết nước Lào và Campuchia nhưng có điều rất logic là: Việt Nam còn nghèo nàn lạc hậu, tham nhũng tràn lan, ăn cắp như giặc... thì thử hỏi hai nước đàn em là Lào và Campuchia khá sao nổi.
Hai dân tộc ấy còn khốn khổ lầm than hơn dân ta nhiều lắm bạn ạ. Xin thứ lỗi nếu cái nhìn của tôi còn phiến diện.
Ngày 23/10/2015
NHẬU XỈN NÓI BẬY
Hôm qua có một Việt Kiều Mỹ mời một ông bạn già ăn trưa. Đầu tiên hắn mở ipad ra khoe một lô đàn bà con gái đã và đang bu đến tình nguyện làm vợ hắn. Có lẽ hắn cũng không nói dóc đâu vì hắn tuy già chát nhưng có hai lợi thế vô địch: Việt kiều và vừa ly dị vợ.
Đàn bà con gái Việt Nam bu đến "xin làm vợ" cũng là vì muốn được bảo lãnh sang Huê Kỳ thôi. Rất dễ hiểu và rất thật.
Sau màn trình diễn người đẹp, anh ta nói:
- Trung Quốc sắp tiêu rồi.
- Sao vậy?
- Mỹ đang kéo hạm đội X, hàng không mẫu hạm Y, khu trục hạm Z đến biển Đông rần rần, bộ mày không biết sao?
Lão già về hưu nói:
- Tao biết. Nhưng Mỹ nó kéo tàu bè đến để làm gì?
- Để đánh. Mày nghĩ mấy cái đảo nhân tạo của Trung Quốc là cái gì ghê gớm hả? Chỉ cần 30 giây là Mỹ cho tất cả chìm xuống đáy biển.
- Nhưng Mỹ làm vậy để chi?
- Để bảo vệ Việt Nam và các nước Đông nam Á khác như Philipines, Malaysia…Để rồi mày coi, chỉ vài ngày nữa thôi, biển Đông đang nóng lên, chiến tranh sẽ bùng nổ…
Ông già về hưu tiếp tục uống bia và cười. Anh Việt kiều bực mình hỏi:
- Mày không tin vào sức mạnh vượt trội của hải quân Hoa Kỳ sao? - Tin chứ
- Mày có nghĩ là Mỹ sẽ cho tàu chiến và máy bay phản lực xâm nhập khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo, để khẳng định thái độ "không công nhận chủ quyền Trung Quốc" không?
- Đương nhiên là Mỹ sẽ làm vậy?
- Thế theo mày thì Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào? Ông già về hưu nói tỉnh bơ:
- Trung Quốc sẽ bắn… bắn… pháo bông để chào đón khách đến viếng nhà.
- Mày đùa à?
- Không đùa. Vì hai bên đã biết tẩy nhau. Mỹ đưa tàu chiến tới vì sĩ diện. Đưa tàu tới cho đỡ "quê mặt" với đồng minh mà thôi. Cùng lắm là Mỹ sẽ nấn ná ở khu vực 12 hải lý vài ba ngày rồi rút. Mọi việc đâu sẽ vào đấy. Chẳng có đánh đấm gì cả.
- Nói bậy! Philipines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam sẽ la ó…
- Việt Nam có thể sẽ la ó. Nhưng ví dụ như Trung Quốc mà đánh nhau với Mỹ hay các nước Đông nam Á, thì Việt Nam sẽ liên minh với Trung Quốc đấy bố ạ. Không chừng bộ đội ta còn xung phong đi đầu nữa đấy bố ạ.
Ôi thôi, hai thằng cha già này uống có mấy chai bia mà đã xỉn, nói năng bậy bạ hết sức.
Ngu như bò.
(Nghe lén và tường thuật)
VẼ RẮN THÊM CHÂN
Trong nhiều ngày qua, tin tức, dư luận, bình luận... xuất hiện dày đặc trên các trang mạng, nhất là trang Ba Sàm. Chúng đích thực là những trái hoả mù được tung ra từ bốn phương tám hướng, khiến cho bạn đọc tối tăm mặt mũi, không biềt đâu mà lường, không biết tin vào ai, không biết phải nhận định thời cuộc thế nào cho đúng.
Xin chia buồn cùng các bạn.
Xin chia buồn cùng dân tộc Việt Nam.
Thực ra chỉ có những bloggers, những facebookers, những công dân mạng là bị tung hoả mù, bị rối trí, chứ dân lao động nghèo chẳng ai thèm quan tâm.
Thái độ ấy của dân lao động hoá ra lại "trí thức" hơn là những người có học.
Bởi vì thực chất chúng ta đang VẼ RẮN THÊM CHÂN, chúng ta đang làm chuyện ruồi bu.
BỞI VÌ TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ VIỆT NAM HIỆN NAY RẤT ĐƠN GIẢN. Đó chỉ là chuyện tranh chấp nội bộ trong Đảng, chuyện tranh ngôi vị trong Đảng, chẳng có gì quan trọng, chẳng việc gì chúng ta phải quan tâm đến như thế.
Thú thực tôi chỉ quan tâm chút chút, vì tôi lo cho con mèo tam thể nhỏ bé, đáng yêu của tôi hơn rất nhiều. Sáng sáng tôi đi chợ mua cho nó 3 con cá nục về hấp lên: sáng một con, trưa một con, chiều một con, thật thú vị.
Còn chuyện đại hội Đảng đối với tôi là chuyện nhỏ.
Vì sao?
Vì cho dù ai thắng thì người đó cũng vẫn phải theo Tàu.
Chẳng có ai là "anh hùng dân tộc" cả, chẳng có ai là "hiệp sĩ" cả đâu các cụ ạ. Tất cả đều là chệt.
Chẳng qua là vì người ta ghét chế độ quá, nên muốn thay đổi. Và họ đã suy luận theo cái tâm lý yêu ghét ấy, cho nên mới tưởng tượng ra nào là "phe thân Tàu" nào là "phe thân Mỹ" để tự sướng. Vậy thôi, chứ mọi chuyện đã an bài rồi: Les jeux sont faits. Việt Nam có cục cựa gì được nữa đâu mà bàn với luận!
Vì thế sáng sáng tôi vẫn đi mua cho bé Xíu (con mèo cưng của tôi) ba con cá nục. Có lẽ với tôi, đó là việc ý nghĩa nhất nên làm.
(07/01/2016)
TỪ "CÁCH MẠNG DÙ" SUY NGHĨ VỀ THỰC DÂN ĐẾ QUỐC VÀ GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
Có một thứ tâm lý khá phổ biến trong xã hội, đó là: lên án những người "thiếu lập trường", "lá mặt lá trái". Họ thường so sánh những kẻ như vậy là "con tắc kè", khi đứng trên nhánh cây thì nó có màu lá, khi đứng trên đất đá thì nó có màu xám tro. Nói chung là những người suy nghĩ, nói năng không nhất quán thường bị lên án nặng nề, bị khinh miệt.
Họ nói: tuần trước tôi gặp thằng A, nó nói tổng thống Putin là anh hùng của nước Nga, tuần này gặp lại, nó chửi Putin là độc tài, là thực dân đế quốc.
Lại nói: Thằng B chơi không được. Trước đây nó hoạt động cho Việt cộng, bây giờ vì không được trọng dụng nên nó chửi Việt cộng không ra gì.
Những kẻ hay lên án như vậy thực ra họ cũng có cái lý của họ. Nhưng đồng thời họ là những người có suy nghĩ quá đơn giản về quá trình hình thành nhận thức của một con người.
Thường thì nhận thức được hình thành do kinh nghiệm. Ví dụ khi gần lửa thấy nóng, sinh ra nhận thức: lửa thì nóng. Khi gặp cô A thấy cư xử dịu dàng, sinh ra nhận thức: cô A rất dễ thương.
Nhưng cũng có trường hợp nhận thức do "giáo dục" mà có. Ví dụ nhà trường dạy: "Thực dân Pháp xâm lược bắt dân ta làm nô lệ", sinh ra nhận thức: Thực dân Pháp là kẻ xấu.
Nhà trường lại dạy: "Đảng cộng sản lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp, đem lại độc lập tự do, hạnh phúc cho toàn dân", sinh ra nhận thức: Đảng cộng sản là tốt.
Những loại nhận thức ấy được hình thành một cách trực tiếp, dễ dàng và bền vững. Chúng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia một cách mặc nhiên, không cần bàn cãi. Nó tạo ra một thứ
chân lý phổ biến đến nỗi nếu có ai nói ngược lại hoặc chỉ cần nói khác đi là đã thấy khó nghe rồi.
Trên đây là những cách hình thành nhận thức đơn giản.
Nhưng bất cứ ai có suy nghĩ độc lập, muốn tự mình khám phá ra sự thật, thường không dễ chấp nhận những nhận thức theo kiểu mì ăn liền như vậy. Trong quá trình đi tìm sự thật nhiều khi người ấy phải trả giá bằng những kinh nghiệm xương máu, những mất mát, nhục nhã và có khi cả mạng sống của mình. Bởi vì sự thật nhiều khi không dễ tìm.
Sự thật thường bị bao phủ bởi nhiều lớp nguỵ trang bên ngoài. Những lớp nguỵ trang ấy khi thì do con người tạo nên, khi thì do mưa nắng, gió bụi, đất đá của cõi trần gian hỗn độn, phức tạp che lấp, vùi dập khiến cho sự thật bị chôn chặt theo thời gian. Có người ví sự thật giống như cái lõi của một củ hành: muốn tìm thấy nó phải bóc nhiều lớp vỏ, và động tác ấy sẽ làm bạn ràn rụa nước mắt.
°
Tôi vốn không tin những người suốt đời có một lập trường, suốt đời có một nhận thức về chân lý. Bởi vì cuộc sống luôn thay đổi, do đó kinh nghiệm sống cũng thay đổi theo và như thế thì nhận thức cũng phải thay đổi.
Cho nên nếu người nọ tuần trước khen Putin là lãnh tụ vĩ đại của nước Nga, tuần sau lại chê Putin là kẻ thực dân thì có lẽ cũng không nên nói anh ta là con tắc kè mà nên nhìn Putin như một con tắc kè.
Cho nên nếu ngày xưa người nọ theo Việt cộng kháng chiến mà ngày nay đủ điều phê phán, thì cũng chớ vội kết luận anh ta "lá mặt lá trái" mà có lẽ nên xem cái đảng mà anh ta từng phục vụ có lá mặt lá trái không?
°
Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh trong 150 năm. Từ "thuộc địa" nghe không êm tai, nghe có vẻ nô lệ, nhục nhục thế nào.
Kể từ ngày 30/6/1997 trở đi, Hồng Kông trở về với Trung Quốc, nghe như được tháo cũi sổ lồng, độc lập tự do hạnh phúc.
Nhưng cuộc "Cách Mạng Dù" (Umbrella Revolution) vừa qua ở Hồng Kông lại cho thấy một sự thực khác: Sự kiện nước Anh trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc không phải là một cuộc "tung cánh chim tìm về tổ ấm" mà biến thành một hành động "giao trứng cho ác".
Mặc dủ khi "giao trứng" chính phủ Anh có giao kèo với Trung Quốc là vẫn duy trì Hồng Kông như một "Khu hành chánh tự trị" theo nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ". Nhưng anh Tàu cộng nhiều lần muốn xé bỏ giao kèo để đem trứng ra làm hột vịt muối.
Cuộc xung đột nổ ra cả tháng trời giữa một bên là nhân dân Hồng Kông đòi Bắc Kinh tôn trọng tự do bầu cử, ứng cử và một bên là lực lượng cảnh sát và côn đồ được Bắc Kinh thuê mướn đến gây bạo loạn và thậm chí dùng dao đâm chết người giữa thanh thiên bạch nhật.
Những cuộc xuống đường hàng vạn người (có khi lên đến hàng trăm ngàn người) ở Hồng Kông vừa qua chứng tỏ nhân dân sợ Trung cộng hơn "đế quốc Anh" rất nhiều. Và họ đã "ngộ" ra một điều là sống dưới sự "đô hộ" của đế quốc xem ra hạnh phúc hơn là chịu sự cai trị của người đồng bào cộng sản của mình.
°
Ở Việt Nam trước đây, rất nhiều học sinh, sinh viên, trí thức… căm thù thực dân Pháp, đế quốc Mỹ vì nó "xâm lược", nó "bắt dân ta làm nô lệ", nó cướp ruộng đất, cướp quyền tự do dân chủ, nó bắt bỏ tù những người yêu nước…nó đẻ ra những vụ án để đời như vụ án Nọc Nạn ở Bạc Liêu.
Tài liệu của Wikipedia ghi rõ:
"Vụ án Nọc Nạn (tiếng Pháp: l’Affaire de Phong Thanh) - tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười
Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào, quan chức thực dân Pháp cùng tham quan Nam triều. Vụ án gây thiệt mạng 5 người, là một ví dụ điển hình của chính sách phân chia và quản lý ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp, sau này, được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với thực dân Pháp."
Nhà nước Việt Nam ngày nay nói là "tôn vinh" cuộc đấu tranh chống bọn cướp đất này, nhưng thực tế hiện nay trên khắp ba miền đất nước đã xảy ra hàng trăm vụ cướp đất tương tự như vụ Nọc Nạn, có nghĩa là cũng do bọn tham quan cấu kết với tư sản nước ngoài cưỡng chiếm ruộng đất của nông dân dưới chiêu bài "quy hoạch" để xây dựng các khu công nghiệp.
Đó là các vụ cướp đất, cướp tài sản, phá nhà của anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, vụ chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên huy động một lực lượng công an hùng hậu cưỡng chế đất đai của nông dân cho dự án Ecopark hôm 24/04/2012 tàn nhẫn và ác liệt như một trận đánh.
Bản chất của các vụ cướp đất thời nay và vụ Nọc Nạn thời Pháp giống hệt nhau, chỉ khác là:
1./ Trong vụ Nọc Nạn, gia đình nông dân Biện Toại đã liều chết chống trả quyết liệt, kết quả là có 4 người trong gia đình bị bắn chết (gồm 3 người lớn và một cái bào thai trong bụng mẹ) và một tên lính Pháp. Còn các vụ cướp đất thời nay thì người dân chỉ chống trả bằng gậy gộc, la khóc, chửi rủa mà không xảy ra án mạng. Chỉ duy nhất có Đoàn Văn Vươn, một kỹ sư canh nông gốc bộ đội cụ Hồ, đã dùng pháo hoa tự chế vũ khí làm bị thương nhẹ vài ba nhân viên cưỡng chế gì đó.
2./ Tuy trong vụ Nọc Nạn, người nông dân đã giết một tên lính Pháp, nhưng toà án của "thực dân Pháp" lại xử họ trắng án vì họ chỉ tự vệ chống kẻ cướp đất, còn các vụ cướp đất thời nay, người nông dân bị đánh tơi bời nhưng toà án lại bỏ tù họ, cụ thể Đoàn Văn Vươn bị 5 năm tù.
Rõ ràng là "bọn thực dân Pháp" còn có chút công lý, còn biết phải trái, ngược lại cái gọi là toà án của "chế độ ta" ngày nay thì chỉ xử theo lệnh trên và luôn đứng về phía bọn tham quan, bọn tài phiệt nước ngoài.
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh đã nói với BBC:
"Sau khi nghe kết quả của tòa án về tội danh của anh em nhà họ Đoàn, đặc biệt ông Đoàn Văn Vươn bị mức phạt 5 năm tù, chúng tôi nghĩ: ước gì chúng ta có những phiên tòa như phiên tòa của thực dân Pháp xử các nạn nhân ở Đồng Nọc Nạn, hoặc là phiên tòa của Đức Quốc xã từng xử Dimitrov ở vụ án đốt nhà Quốc hội, cũng như vụ án của thực dân Anh ở Hồng Kông đã xử Nguyễn Ái Quốc."
Từ bốn ngàn năm qua, dân tộc Việt Nam đã tổ chức và tiến hành hàng trăm cuộc nổi dậy, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc và thực dân đế quốc để giành độc lập, và đã xây dựng được những triều đại rực rỡ như Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn… nhưng cuối cùng lại để tổ quốc và dân tộc rơi vào một thời kỳ tệ hại nhất, nô lệ nhất sau khi đã tiến hành một cuộc chiến tranh tương tàn đẫm máu nhất trong lịch sử, làm chết hàng chục triệu người.
Đó chẳng phải là sự điên khùng nhất, chẳng phải là sự ngu xuẩn và bất hạnh nhất mà dân tộc ta phải gánh chịu hay sao?
SANG TRUNG QUỐC HỌC TRỒNG CÂY
Ngày nọ nhớ lời Bác dặn: "Vì lợi ích mười năm, trồng cây". Chủ tịch thành phố bèn cho họp tất cả cán bộ chủ chốt lại.
- Thưa các đồng chí, cây xanh là lá phổi của thành phố, là vẻ đẹp của thủ đô, là bóng mát của nhân dân lao động. Cây xanh đem đến cho đời hoa tươi trái ngọt. Tóm lại cây xanh vô cùng quý báu. Vậy tôi quyết định gởi cán bộ sang Trung Quốc học trồng cây. Các đồng chí cho ý kiến, nên gởi bao nhiêu cán bộ là đủ?
Ý kiến 01:
- Theo tôi chỉ cần một cán bộ là đủ.
Ý kiến 02:
- Đồng chí đùa à? Thành phố ta rộng lớn thế này, có biết bao nhiêu con đường, sao một đồng chí có thể chỉ đạo trồng cây cho xuể? Tôi đề nghị cử 100 cán bộ sang Trung Quốc học trồng cây.
Ý kiến 03:
- Đường phố tại thủ đô rất dài. Mỗi con đường phải có ít nhất 10 cán bộ phụ trách đôn đốc. Vậy tôi đề nghị chúng ta gửi 1.000 cán bộ đi học trồng cây ạ.
Chủ tịch thành phố nói:
- Một nghìn thì cũng được, nhưng lấy ngân sách đâu? Mỗi đồng chí đi học trồng cây ít nhất cũng phải 1 năm. Trồng cái cây xuống đất xong, phải học cách chăm bón, tỉa cành, bắt sâu, xịt thuốc chống rầy, xịt thuốc tăng trưởng… Ối thôi, nhiều thứ lắm. Tôi sợ là học một năm chưa quán triệt được các kỹ thuật trồng cây tiên tiến của nước bạn.
Ý kiến:
- Nhưng theo tôi nên giới hạn thời gian học là một năm. Mỗi năm chi phí cho mỗi cán bộ là một tỷ đồng. Nhân với 1.000 cán bộ vị chi là một nghìn tỷ. Các đồng chí thấy có được không?
- Nhiều quá. Một nghìn tỷ có thể xây được 50 ngôi trường hoặc 10 cái bệnh viện. Vậy tôi có sáng kiến này.
Mọi người nhao nhao lên:
- Sáng kiến gì?
- Chúng ta trao đổi học viên với Trung Quốc.
- Xin đồng chí nói rõ hơn.
- Ý tôi là: Thay vì cử 1.000 cán bộ sang Trung Quốc học trồng cây thì ta đề nghị nước bạn cũng cử 1.000 cán bộ sang Hà Nội học cách chặt cây (vì đó là nghề gia truyền của cán bộ ta). Ta sẽ đào tạo cho bạn miễn phí và để đổi lại, bạn cũng sẽ đào tạo cho ta miễn phí.
Có nhiều tiếng vỗ tay, rồi một giọng lảnh lót chất vấn: - Nhưng sau đó sẽ như thế nào?
- Thưa các đồng chí, sau đó sẽ như thế này: Hà Nội và các thành phố lân cận sẽ trụi lủi. Trong suốt một năm học tập và thực hành, thì đất nước ta sẽ trụi lủi. Dạ, giống như các nhà sư đấy ạ! Nhưng mà các đồng chí chớ có lo. Vì khi các đồng chí Trung Quốc tốt nghiệp xong khoá chặt cây, thì các cán bộ ta cũng vừa tốt nghiệp khoá trồng cây bên Trung Quốc, vừa đáp máy bay về ạ.
Thế là hôm trước hôm sau, chúng ta lại trồng cây mới ngay tại vị trí mà các đồng chí Trung Quốc vừa chặt xong. Một nghìn chuyên gia trồng cây được đào tạo bài bản, làm cái rẹt là xong ngay ấy mà!
Như vậy, chúng ta không phải tốn một đồng nào, mà thủ đô yêu dấu của ta lại được thay da đổi thịt. Toàn cây mới.
Có người vặn hỏi:
- Cây mới là cây gì?
- Cây gì chẳng được. Cây X hay cây Y không quan trọng, miễn là có… lá. Cây thì phải có lá chứ! Đúng không nào?
Mọi người đều hô vang:
- Chí lý! Chí lý! Đồng chí Đặng Tiều Bình đã từng dạy: "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng…" Vậy thì trồng cây gì chẳng được.
ĐÀO HIẾU
Phần II
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI PHỎNG VẤN - TẠP BÚT
Trả lời PHỎNG VẤN
Bài MỘT. "SỰ THẬT" TRONG TÁC PHẨM HƯ CẤU
Thiện Tâm, hỏi:
Tôi có mua và đã đọc cuốn "Khói Trắng Thiên Đường" của ông. Ông có thể cho tôi biết là có bao nhiêu phần trăm sự thật trong truyện này?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Chắc bạn đọc vẫn còn nhớ lời tuyên truyền của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời đánh Mỹ: "Ở Việt Nam ta, ra ngõ gặp anh hùng". Ngày nay thì "ra ngõ gặp anh… ghiền".
Hiện nay ma túy là "trường phái" thời thượng nhất ở nước ta. Tuy ma túy đã có từ xa xưa nhưng chưa lúc nào nó phát triển đa dạng và sáng tạo bằng lúc này.
Ngày nào tôi cũng ra ngõ (để tản bộ, để cà phê cà pháo, để đưa cháu đi học…) nên ngày nào tôi cũng gặp các vị anh hùng ấy. Gặp riết rồi quen, rồi thấy trong đám họ cũng có người dễ thương và trở thành bạn.
Nhân vật chính trong Khói Trắng Thiên Đường là một trong những người bạn ấy. Nó cũng không đến nỗi tệ, nó xinh xinh, nó bẽn lẽn, mặc dù đôi khi nó cũng xạo lắm. Và thế là mình cũng mắc lừa. Nhưng không sao, vì nhờ vậy mà mình có được những nhân vật tiểu thuyết rất sống động, rất thực và rất… khó quên.
Còn hỏi "Bao nhiêu phần trăm là sự thật" ư?
Xin thưa: tác phẩm văn học là hư cấu nhưng lại thật hơn cả sự thật, vì thế có thể nói là có 101 phần trăm sự thật.
Bạn sẽ thấy họ xăm mình, họ tóc tai bù xù, họ khẳng khiu, họ chửi thề, họ trôi dạt trên đường phố… nhưng cũng có lúc họ nhõng nhẽo, họ khóc, họ giận dỗi.
Tôi không quen với những tên trùm ma túy (Bọn đó là một đối tượng khác). Tôi chỉ quen với những con nghiện. Họ rất nghèo. Gia đình họ ở dưới đáy xã hội, thiếu ăn, nợ nần, thất học. Đó là những gia đình tan nát, là những đống phế liệu bên cạnh những cao ốc, những nhà hàng sang trọng, những resorts, những biệt thự, những xe hơi bóng lộn, những cô người mẫu thơm phức.
Tất nhiên trong giai tầng thượng lưu ấy cũng đầy dẫy ma túy, nhưng tôi không quen với họ. Nhân vật trong Khói Trắng Thiên Đường đang sống lạc loài, ngắc ngoải, tuyệt vọng trong một thứ "thiên đường ảo" mà thực chất là địa ngục.
Vì thế tôi viết tác phẩm ấy để giãi bày tình cảm của tôi với những con người tuyệt vọng ấy. Nhân vật Ngọc trong tác phẩm KTTĐ, ngoài đời chỉ mới 17 tuổi nhưng đã từng nói: "Chơi cho nó chết mà nó không chịu chết. Cứ chơi rồi chết, chớ còn biết làm gì?".
Một lần cô bé bị lừa vô động mãi dâm, cô thoát ra được và gọi điện thoại cho một thằng ghiền. Nó chạy xe máy đến, chở cô bé.
Lì quẹo gấp xuống giốc cầu, ra đại lộ Đông Tây. Xe tăng tốc 100 cây số giờ.
"Nhanh nữa!"
"Bộ muốn vô nghĩa địa hả?"
"OK. Nhanh nữa đi! Cho chết luôn! Kiếm cái gì đó đâm xe vô! Tao muốn chết ngay bây giờ!"
Lì gập người xuống, rú ga. Tóc nó bay ngược ra sau như đuôi ngựa. Tóc của Ngọc cũng đã mọc dài, lất phất như lá cờ phướn.
"Đã quá! Ngọc la lớn. Bay lên đi! Cất cánh!"
Một tiếng "ầm" vang dội. Người và xe đều bốc lên trời. Ngọc không thấy đau. Không thấy phố xá. Không thấy thằng Lì. Tất cả biến mất. Giống như cúp điện. Tối đen và trống rỗng.
Đó là một đoạn ngắn trích từ chương 25 Khói Trắng Thiên Đường.
Nhưng cô bé 17 tuổi ấy (giờ đã 20 vì ở tù được 3 năm) cũng sắp ra tù. Khi gặp nó trong trại giam nó nói: "Bố ơi, bố không phải dân bụi đời sao bố viết về con giống hệt vậy?"
Bài HAI. SỬ DỤNG VỐN SỐNG TRONG VĂN HỌC
Kinh Nguyên, hỏi:
Ông Du Tử Lê nói, ông là người rất giầu có về vốn sống. Từ đó tôi có 4 câu hỏi nhỏ mong ông trả lời, đó là:
a- Đó là những loại vốn sống nào? Xã hội hay tình ái? ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Từ năm 1976 đến năm 1982 (7 năm) tôi làm phóng viên báo Tuổi Trẻ. Thời đó đi công tác chỉ có cây bút và cuốn tập học trò, vậy mà lặn lội vào các đồng bưng, rừng núi theo thanh niên xung phong, theo bộ đội sang "giải phóng Campuchia". Khi thì đi xe máy cày, khi thì xe bộ đôi, lúc cưỡi voi, lúc cuốc bộ băng rừng, lội sình, lội suối, nước lên tận cổ… Công tác phí thì không có, ăn nhờ ở đậu bất cứ nơi nào mình đến, kể cả những buôn làng người dân tộc. Nói chung là rất khổ, nhưng cũng rất vui và cái lợi lớn nhất là tích lũy vốn sống. Còn loại vốn sống thuộc "phạm trù tình ái" thì tôi cũng gởi nhà băng được một ít nhưng số dư (balance) trong tài khoản chắc không bằng anh Du Tử Lê.
b- Đó là những kinh nghiệm bản thân, qua nhiều biến động của thời cuộc, đất nước tích lũy trong ông?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Vâng, thưa anh, những vốn sống ấy phần lớn là kinh nghiệm bản thân. Đôi khi trên đường "tác nghiệp" tôi cũng được nghe kể lại. Nhưng nếu chỉ nghe kể lại mà không từng sống trong những hoàn cảnh của lời kể thì cũng không thể cảm thụ sâu sắc được. Ví dụ tôi từng kể chuyện trong tù cho con tôi nghe, nhìn nét mặt chúng tôi thấy chúng cũng không cảm nhận được bao nhiêu.
c- Vốn sống nào ông có, được coi là nhiều nhất?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Tôi sống ở trong nước gần 70 năm rồi, cuộc đời cũng bầm dập, chơi với đủ hạng người từ quan chức cao cấp, các nhà tu hành cho đến trộm cướp, xi ke ma túy, có khi làm việt cộng, có khi làm "lính ngụy" cho nên cũng tạm gọi là "hiểu đời". Chỉ có một số mảng đời tôi mù tịt đó là "làm quan", làm "nhà giàu" và làm "tham nhũng" (rất tiếc vì mình không có cơ hội!).
d- Và vốn sống loại nào được ông dùng tới nhiều nhất khi viết tiểu thuyết?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Vốn sống tôi dùng trong các tác phẩm văn học nhiều nhất thường là vốn vay của nữ giới, tuy lãi suất có hơi cao nhưng thường là trả được hết, (cả vốn lẫn lãi) cho nên chị em cũng không ai than phiền.
Kế đến là vốn vay từ dân nghèo (vì sự thật gia đình cha mẹ tôi, bà con tôi đều là dân nghèo, nhất là thời Việt Minh ở miền Trung) và hiện nay thì vay vốn từ những cảnh đời trên đường phố. Tôi chơi với những người dưới đáy xã hội, tôi thương họ nên họ cũng thương tôi. Có khi họ là phái nữ. Tôi tôn trọng họ nên tôi có nhiều bạn bè trong giai tầng đó.
Và hiện nay ở tuổi bảy mươi, vốn sống của tôi là nỗi buồn, là sự ám ảnh của tử sinh. Nhờ thế mà rộng lượng hơn, yêu người hơn, yêu các vật nuôi trong nhà, yêu chim chóc.
Có lần tôi đi chợ mua mấy con cá nhỏ về cho mèo ăn, nhưng khi đem luộc thì thấy chúng còn sống, chúng giãy chết trong nước sôi, tôi muốn khóc. Tôi nghĩ: mình thương con mèo nhưng lại làm hại những con cá, sao có thể như thế được?
Từ đó tôi đi chợ chỉ mua cá đã chết.
8/7/2015
Bài BA. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRUYỆN NGẮN VÀ TRUYỆN DÀI
Thái Lê, hỏi:
Theo tiểu sử của ông, tôi được biết ngoài tiểu thuyết ra thì ông cũng còn viết truyện ngắn nữa. Có người cho rằng truyện ngắn là một mảnh của truyện dài ngắt ra. Ông có đồng ý với quan niệm này không?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Có nhà văn nào đó nói đại ý: Làm thơ giống như ăn cắp vặt, viết truyện ngắn giống như ăn trộm, và viết tiểu thuyết giống như cướp nhà băng.
Có thể lời ví von đó đúng. Nếu nói về quy mô thì làm thơ nhỏ hơn viết truyện ngắn, viết truyện ngắn nhỏ hơn viết tiểu thuyết, nhưng nếu nói về "kỹ thuật" thì mỗi thể loại có sự tinh xảo riêng, có cái khó riêng, có sự đầu tư trí tuệ riêng.
Ăn cắp vặt, ăn trộm hay cướp nhà băng đều có ngón nghề riêng, tuyệt chiêu riêng, không thể so sánh được. Nhân vật Diệu Thủ Thư Sinh của Kim Dung chỉ chuyên móc túi thôi, nhưng cũng có thể gọi là "thiên tài" không thua gì Đạo Chích thời Xuân Thu hay Robin Hood bên nước Anh chuyên nghề trộm cướp, lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Những ngón nghề của Diệu Thủ Thư Sinh chưa chắc mấy tay Mafia chuyên cướp ngân hàng đã làm nổi, và ngược lại chàng Thư Sinh nhanh tay lẹ mắt ấy cũng phải chào thua khi bước vô cửa nhà băng hiện đại.
Tóm lại theo tôi, nếu sáng tác văn học ở mức độ "giải trí" thi làm thơ là dễ nhất, truyện ngắn thì khó hơn và tiểu thuyết thì mất nhiều thời gian. Nhưng nếu sáng tác văn học ở mức độ chuyên nghiệp, tính nghệ thuật cao, thì cả ba thể loại đó mỗi thứ có mỗi cái khó riêng và điều "lớn lao" như nhau.
Bài BỐN. TÌNH ÁI TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC
Nguyễn Đăng Khoa, hỏi:
"Kính chào nhà văn Đào Hiếu, tôi đã đọc hai cuốn sách của ông là Bù Khú Tiên Sinh và Đốt Đời. Dù không thể phủ nhận những vốn sống dày đằng đặc như rừng của ông đã là những vôi vữa chủ chốt xây dựng nên tác phẩm. Nhưng rõ ràng, tình ái cũng chứng tỏ vai trò rường cột của nó trong tác phẩm Đào Hiếu.
Vậy, ông sẽ nói đôi điều về tình ái với bạn đọc chứ? Nó xuất hiện, xoa dịu, chữa lành những bi kịch khác ra sao, nó có nhất thiết tồn tại trong một tác phẩm không, và liều lượng, vai trò của nó như thế nào góp vào thành công của tác phẩm. Xin cảm ơn nhà văn"
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Tình ái đương nhiên cũng là vốn sống chứ. Tình ái là thứ vốn sống đa dạng nhất, quan trọng nhất của bất cứ nhà văn nào. Những thứ vốn sống khác cũng quan trọng nhưng thường tập trung trong những tác phẩm mang tính triết học về thân phận con người, về lẽ tử sinh, về sự phi lý của kiếp sống. Ví dụ như L’Étranger của Camus không có tình ái. Zorba của Kazantzakis không có tình ái, Ông Già và Biển Cả của Hemingway không có tình ái, Con lừa và tôi của Jiménez cũng không có tình ái.
Nhưng tác phẩm của Shakespeare thì đầy dẫy tình ái, mà toàn là bi kịch tình ái: nào là Romeo và Juliete, Nào là Hamlet và Ophelia. Còn Nguyễn Du thì lại có một nàng Kiều với mối tình đau khổ… Bonjour Tristesse cũng tình ái, Le repos du guerier cũng tình ái, Hồng Lâu Mộng cũng tình ái, ngay cả Tam Quốc chí, Hán Sở Tranh Hùng cũng tình ái…Nói chung không thể tách tình ái khỏi những tác phẩm văn học được.
Gần đây nhiều nhà thơ có ý "né" tình ái vì thấy nó "không lớn". Họ thích những tâm trạng, những mảnh vỡ xã hội, những số phận… hơn. Tuy nhiên, theo tôi thì "đề tài" không quan trọng. Cái quan trọng là anh viết có "mới lạ" không? Có "hay" không?
Tôi thì viết đủ loại đề tài: chiến tranh, sự bần cùng, sự áp bức, bất công trong xã hội, sự hữu hạn của kiếp người…nhưng dù là đề tài gì thì cũng không bao giờ vắng bóng hai chủ đề lớn đó là tình ái và cái chết. Không có nhà văn nào, không có tác phẩm nào (kể cả âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, điện ảnh…) bỏ qua hai chủ đề lớn đó.
Nhưng suy cho cùng thì tác phẩm văn học và nghệ thuật trước hết là tác phẩm về cuộc đời, có nghĩa là nó bao gồm tất cả. Vì thế có lẽ chúng ta không nên đặt ra chuyện "chủ đề".
Tại sao lại phải chủ đề? Bởi vì tác phẩm là cuộc đời.. có khi nguyên vẹn, có khi chỉ một góc, có khi tròn trịa, có khi nham nhở… nhưng tất cả đều là những rung động được nhặt lấy từ gió bụi, từ cỏ hoa, từ rác rưởi hay từ xác thịt…
Tôi viết tất cả hơn 20 tác phẩm dài. Và tôi đã đọc đi đọc lại chúng. Thỉnh thoảng tôi thấy mình thất bại, nhưng cũng không phải là không có những lay chuyển sâu thẳm khi tìm lại những trang viết cũ.
Điều buồn nhất của một tác giả luôn là "người đọc". Người đọc không đồng điệu, khác tần số. Người đọc khác thế hệ, người đọc quá đơn giản.
Ối trời ơi, đọc một tác phẩm văn học để tìm thông tin thì xin đừng đọc còn hơn. Đọc một tác phẩm văn học chỉ để biết cốt truyện thì xin đừng đọc còn hơn.
Tác giả chỉ cần họ cùng rung cảm với mình ở một đoạn văn, hoặc thậm chí một câu cũng là tri kỷ rồi. Thật đáng sợ. Có khi ngay cả một câu cũng không có, mặc dù độc giả ấy có thể kể vanh vách cốt truyện như một bản tin thời sự.
Nhận định một tác phẩm mà a dua thì tội cho tác phẩm quá, bởi vì như thế có nghĩa là anh ta chưa đọc tác phẩm, hoặc anh ta bị rớt nhịp ngay từ phần intro.
Cho nên nghề viết thật bạc bẽo. Tác phẩm cũng giống như Coca Cola hay gà rán KFC. Phải cần thương hiệu. Đó là bi kịch của tác phẩm.
Trở lại vấn đề tình ái. Nó không phải là anh A yêu chị B. Nó là con quỷ trong anh A yêu chị B, hoặc một đám mây mỏng manh yêu một cơn bão, hay hai đóm lửa nhỏ tìm thấy nhau trong đêm đen bất tận. Nó chứa bi kịch hay niềm hạnh phúc trong nó. Nó ôm ấp sự tàn héo trong hương thơm của nó. Không có tình yêu và cái chết thì làm gì có văn học nghệ thuật?
Bài NĂM. "BÙ KHÚ TIÊN SINH" LÀ AI?
Một độc giả, hỏi:
Có người cho rằng nhân vật Bù Khú Tiên Sinh là một "triết thể", ông nghĩ sao?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Dùng từ "triết thể" nghe có vẻ "hàn lâm" quá, nhưng tôi cho là đúng. Vì nhân vật BKTS cứ thường bị hiểu lầm là "dân chơi" (chắc chắn là do đọc lướt, hoặc do cảm thụ quá đơn giản), thực ra anh là một chứng nhân lịch sử, một kẻ từng trải, một kẻ "bị nướng trong bảy lần lửa đỏ" của cõi hồng trần này. Anh ta sống sót, nhăn mặt và cười.
Một người như thế sao có thể gọi là "dân chơi"? Anh ta cũng từng trải như Zorba của Kazantzakis dù cuộc đời anh ta hoàn toàn khác với Zorba.
Nhân vật Bù Khú đã sống quá đủ, sống trong nhiều tình huống, nhiều chế độ, sống và đụng độ với đủ hạng người, sống như chàng tráng sĩ nhưng cũng sống như kẻ cùng đinh, sống cao thượng nhưng cũng sống như tội phạm. Những người đàn bà của anh ta cũng vậy, như những bông hoa nhưng cũng như cỏ cháy…
Sự giả dối và tráo trở đã biến cuộc đời thành nhảm nhí. Vậy thì tại sao lại phải làm người quân tử trong cái xã hội nhảm nhí ấy?
Nhưng rốt cuộc anh ta vẫn là một sinh vật tội nghiệp, đìu hiu, cô đơn trong cõi vô thường. Bất lực, bại trận trước cái chết. Những người tình của anh ta cũng vậy.
"Họ giống như hai vợ chồng nhưng cũng giống như hai con khỉ. Khỉ già nằm trên chiếc võng gai lim dim mắt, khỉ trẻ ngồi kế bên vạch lông bắt chí. Nhưng Bù Khú không có chí, quần áo tuy cũ nhưng cũng không có rận, tiên sinh chỉ lốm đốm tóc bạc. Ngài lim dim, lắng nghe những ngón tay lướt trên da đầu mình tìm nhổ những sợi tóc sâu. Ngài đang tan chảy như một hạt muối thả xuống dòng sông. Ngài cảm nhận sự hòa nhập chậm rãi, dịu dàng và âu yếm. Ngài
bồng bềnh như đám mây mỏng, như sương khói, lãng đãng quấn quít quanh những ngón tay mềm mại, những ngón tay vuốt ve từng sợi tóc, đùa nghịch với chúng bằng sự đằm thắm của người mẹ".
"Bù Khú bay la đà xuống thung lũng, chạm lên những ngọn cỏ ướt và tan trong những giọt sương. Có một lúc bàn tay của Ngọc lướt nhẹ trên má. Rồi chợt ngài thấy có đôi môi chạm vào môi mình. Hơi thở ấm nóng của Ngọc thổi tắt ý thức mơ hồ của tiên sinh đang chực phiêu hốt vào cõi bất định, chạm đến biên giới của vô thức. Và ngài cảm nhận mình đang ôm một tấm thân mảnh mai ấm áp. Ngài hỏi: Em là ai vậy? Là kẻ trôi dạt. Em đến từ cõi nào? Từ vô định, vượt qua những gò đống tàn héo khô cháy của nhân gian. Đến được cái thế giới tĩnh lặng, vô thanh và đầy ảo giác này".
Trích tiếp:
"Ngọc nói:
-Mặt trời sắp lên rồi.
-Anh không thích mặt trời. Mặt trời luôn đứng về phía đám đông. Anh thì thích cô độc. Khi mặt trời lên, cả loài người nhốn nháo, hối hả. Mặt trời kích hoạt những tội ác, những tham vọng, những ái dục. Cho nên anh thích đêm và sự yên tĩnh.
-Để hồi tưởng?
-Đôi khi là hồi tưởng, nhưng thường là rỗng không. Anh muốn đầu mình là một cái thùng rỗng."
Trích tiếp:
"Lễ hỏa táng không có nhiều người. Chỉ trong gia đình và vài người hàng xóm. Thúy được đặt trên một cái bè nhỏ chất đầy củi khô và một ít hoa Bù Khú gom được trong cánh đồng. Mọi người ngồi trên sàn nhà, nhìn xuống chiếc bè. Bù Khú đưa cho người cha một bó đuốc rồi hai người châm lửa hai đầu.
Người ta cắt sợi dây neo và chiếc bè trôi đi. Thật chậm. Mọi người đều khóc. Bù Khú không khóc. Ông lặng lẽ tách ra khỏi họ, đi về phía bờ cỏ, chỗ có những gốc tràm đâm rễ tua tủa ra tận mé nước.
Ông lội xuống, đón đầu chiếc bè và thả mình trôi theo dòng chảy của khúc sông đang rực lên vì ngọn lửa huy hoàng bốc cao khỏi những ngọn cây. Lửa làm ông thấy ấm áp giữa dòng sông đầy gió. Thúy đang hóa thân thành ánh sáng. Thúy đang nhìn người tình của mình tiễn đưa cô trong cuộc chia tay không bao giờ trở lại".
Những mối quan hệ tình ái ấy là gì? Không phải là anh A yêu cô B mà là hai nạn nhân của cõi vô thường tìm thấy nhau, băng bó những thương tích, cho qua một cơn đau, cho đỡ xót xa, đỡ tùi vì đã làm người.
(Ngày 7/8/2015)
Bài SÁU. NHỮNG TRỞ NGẠI TRONG SÁNG TÁC
Triều Phạm, hỏi:
Vì sợ TS dutule.com sẽ không chuyển câu hỏi của tôi cho ông, nên tôi chỉ xin ông trả lời một cách chung chung câu hỏi dưới đây của tôi mà xin ông không nêu tên tác phẩm hoặc những sự kiện xẩy ra chung quanh tác phẩm ấy. Câu hỏi của tôi là:
1.Tôi theo dõi gần như khá đầy đủ những tác phẩm ông đã xuất bản. Do đấy, tôi được biết ông từng gặp khó khăn với một vài tác phẩm của mình. Vậy thì đứng trước những khó khăn ấy ông đã có thái độ nào?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Khi viết một tác phẩm văn học nhà văn nào cũng gặp khó khăn. Trước hết là chọn cách thể hiện (bút pháp, ngôn ngữ), tiếp đến là tính cách nhân vật, cốt truyện, nội dung tư tưởng… Riêng tôi lại thêm một khó khăn nữa là đối phó với nhà cầm quyền. Người ta thường gọi sự "đối phó" ấy là "lách" (viết lách), nhưng tôi thì không lách. Cứ đi theo con đường của mình, sẽ thoải mái hơn khi cầm bút. Chính vì thế mà thỉnh thoảng tôi củng được mời "làm việc" với công an. Ban đầu thì cũng lo lắng nhưng riết rồi quen. Mình quen mà họ cũng quen, trở thành chuyện bình thường.
Bí quyết của tôi là: Viết sự thật, ký tên thật, địa chỉ và số điện thoại thật. Nói chung là "ván bài lật ngửa". Như vậy khi bị hỏi cung sẽ không phải suy nghĩ cách đối phó, cách nói dối sao cho "logic", không sợ phải "giấu đầu hở đuôi". Đầu óc đỡ mệt, không cần phải chứng minh, không cần phải biện bạch gì cả. Mọi thứ đã sờ sờ trên trang viết..
Những tác phẩm tôi bị "làm việc" nhiều nhất là Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng, Nổi Loạn, Lạc Đường… và một lô các bài báo đăng trên mạng.
Tuy nhiên bây giờ có lẽ họ thấy tôi là cây viết độc lập, không có tổ chức, đảng phái, tôn giáo… nào nên không thấy họ đụng tới nữa.
TRIỀU PHẠM, hỏi:
Những khó khăn ấy có ảnh hưởng nhiều tới tinh thần của ông không?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI:
Tôi vẫn viết như cũ, vẫn không lách. Quý vị có thể đọc một số bài như: Huyền Thoại Quốc Kỳ, Đất Nước Và Nhân Dân, Già Và Trẻ, Chuyện Của Năm Người Việt Nam, Những Đứa Trẻ Của Ngày 30/4/75, Những Cô Vợ Bé Của Lao Ái, Những Bài Học Từ Esperanto …v.v… (mời quý vị lên Google và gõ tên bài, và đọc dễ dàng trong vòng 5 giây)
Gần đây, trên Blog của tôi, có đăng lại toàn văn nhữntg tác phẩm từng bị làm khó dễ, ví dụ như Lạc Đường, Bù Khú Tiên Sinh…
(Ngày 6/10/2015)
Bài BẢY. HƯ CẤU TRONG TIỂU THUYẾT
Vỹ, hỏi:
Hầu như mọi người đều nhận thấy tiểu thuyết hay truyên dài của ông đều dựa trên những dữ kiện thực. Phần hư cấu có rất ít. Vậy cá nhân ông đánh giá thế nào về những truyện hoàn toàn được xây dựng trên hư cấu?
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI
Tôi không nghĩ rằng có thể có "những truyện hoàn toàn xây dựng trên hư cấu". Bởi vì một tác phẩm văn chương luôn phải có nhân vật, dù có là một bài thơ cũng có "nhân vật" thấp thoáng trong các vần điệu, các hình tượng, các cảm xúc, nỗi buồn, niềm vui hay sự hờn giận. Đó là những thuộc tính của con người. Những con người ấy có thể là chính tác giả, bạn bè tác giả, người yêu hay kẻ thù…tức là những con người cụ thể nào đó từng va chạm, từng yêu, ghét… tác giả. Chính vì thế mà dù hư cấu cỡ nào thì văn chương cũng mang dấu vết của "những dữ kiện thực" như ông nói. Nó không thể hiện ra từ hư vô hay từ một hành tinh khác. Thậm chí tôi còn nghĩ: không hề có tác phẩm nào gọi là hư cấu. Tất cả đều được "bứng" từ cuộc sống đem trồng vào mảnh đất nghệ thuật, còn việc nó sẽ đâm chồi nảy lộc như thế nào, đơm hoa kết trái như thế nào thì còn tuỳ vào tay nghề của nhà văn và trình độ thưởng ngoan của độc giả.
Nhà văn là người đem giấc mơ của mình gửi vào giấc ngủ của người đọc, gửi vào trí tưởng tưởng và tâm trạng của người đọc. Nếu tác phẩm văn chương không làm được chuyện ấy thì nó đã thất bài. Nó thất bại vì nó "giả". Và "giả" thì hoàn toàn khác với hư cấu.
Bài TÁM. NHÀ VĂN LÀM THƠ
John Huỳnh, hỏi:
Thưa ông, hôm nay tôi có mấy câu hỏi nhỏ gửi cho ông đây.
Đó là tôi có đọc "Khói trắng thiên đường" của ông và thấy ông có ghi lại một vài đoạn thơ của ông. Tôi rất thích mấy đoạn thơ ngắn ấy. Vậy ông có thể vui lòng cho tôi biết:
1. Ông làm thơ trước hay viết văn trước?
2. Tính đến hôm nay ông có được khoảng bao nhiêu bài thơ? 3. Ông có định in cho ông một tập thơ không?
4. Và câu hỏi chót của tôi là tôi xin ông cho tôi được đọc đầy đủ một số bài thơ nào đó mà ông ưa thích.
Vì tôi tự thấy mình hỏi hơi nhiều, do đó, ông không nhất thiết phải trả lời một lần cho tôi. Ông có thể trả lời từng câu hỏi nhỏ của tôi. Tôi đợi được ông Đào Hiếu à. Trân trọng cám ơn ông.
ĐÀO HIẾU TRẢ LỜI
Phần lớn các nhà văn đều bắt đầu "sự nghiệp" của mình bằng những bài thơ tình. Tôi cũng vậy. Nhưng tác phẩm được in đầu tiên lại là truyện dài. Đó là truyện GIỮA CƠN LỐC được giải thưởng văn học năm 1976. Tuy nhiên tác phẩm này chỉ là một bài tập của kẻ mới vào nghề.
Về thơ thì tôi làm không nhiều, chừng 100 bài với các đề tài như: tình yêu, chiến tranh, thân phận con người…
Nhà xuất bản Trẻ có in cho tôi một tập duy nhất có nhan đề là ĐƯỜNG PHỐ VÀ THỀM NHÀ. Hiện tôi còn một tập nữa có tên là TÍN HIỆU BỊ THẤT LẠC nhưng chưa muốn in.
Để chiều ông, tôi xin trích 2 bài nho nhỏ sau đây:
SƯƠNG MÙ
Con đường mọc lên đầy lá khô
Con đường mọc lên đầy nhớ tiếc Sự ngại ngùng đã một lần đi qua Bây giờ xa xôi biền biệt
Bây giờ củi khô và giấy bay
°
Buổi sáng buồn trời nhiều mây
Con đường ngủ quên trong gió
Con đường mang trên mình dấu chân em Và hoa trong lá cỏ
Con đường mang trên mình rừng cao Trận bão đi ngang qua đó
Con đường mọc đầy lá vàng
°
Anh hút điếu thuốc thứ ba vào buổi sáng Nỗi buồn mang mang như trời âm u Sương mù trắng lùa vào cành khô Sương mù trắng ôm từng tảng đá
°
Anh nhìn hút xa hai hàng cây đen Con tàu huýt còi chạy vào dãy núi Con tàu huýt còi chạy vào sương mù Anh bắt đầu dẫm trên lá chết
Nỗi buồn mang mang như trời âm u. MAI TRÂM
Em bước vào làm bóng tối hỗn loạn Xô đẩy tan tác
Đêm rách nát sau tiếng nổ lớn của gót hài Những ánh đèn tự chọc vào mắt mình Đứt bóng
°
Trăng rớt xuống sân vỡ như gương soi Máu nguyệt động chảy đen trần gian Em đến thay cho vầng trăng thanh bình Lấp lánh mắt môi
Lấp lánh răng như tinh tú.
°
Mày vòng nguyệt
Nguyệt đen trên sao
Nguyệt dẫn dụ vào trong chiêm bao Cúi mặt soi bóng sáng trên lông thỏ trắng Ánh sáng run rẩy từ vầng trán
Mai Trâm
°
Mai Trâm: một mâm ngọc trai
Nảy mầm hồn nhiên trong không gian tỳ bà Một đêm cô đơn say, giang tẩm nguyệt "Túy bất thành hoan thảm tương biệt" 1 Tiếng cười hoang mang trên mặt thời gian
°
Em ném ta vào biển kinh ngạc
Vì thấy sao đầy trên sóng say khước Vì thấy mắt đầy giữa đêm lạc đường Xiêu đổ trong gió vô ảnh.
Ngày 05/11/2015
ĐÀO HIẾU
--------------------------------
1 Tỳ Bà Hành, Bạch Cư Dị
Câu chuyện về HAI NHÂN VẬT NỮ CỦA TÔI
Trong tác phẩm Đốt Đời có một nhân vật nữ tên Ngọc. Tất nhiên ngoài đời "nhân vật" ấy có tên khác. Mà không phải là một người. Thật ra nhân vật Ngọc trong truyện là do hai người ngoài đời ghép lại. Một cô năm nay mới 21 tuổi, tạm gọi là cô A, một cô 28 tuổi, tạm gọi là cô B.
Cách đây hơn một tháng, tôi nhận được điện thoại của mẹ cô A, báo tin cô bị bệnh rất nặng. Tôi hỏi bệnh gì, bà chỉ khóc, không nói. Tôi đến nhà thăm. Đó là một phòng trọ chừng 12 mét vuông, 5 người ở. Cha, mẹ, cô A và người chị, cộng với một bé trai con của người chị.
A biết tôi đến nên kéo mềm trùm kín mặt lại. Cô bé nằm trên chiếc nệm gòn trải dưới đất, sát tường, ngay cửa bước vào. Nhà chỉ có hai mẹ con, những người khác đều đi làm. Tôi ngồi dưới đất, cạnh chỗ A đang nằm. Tôi hỏi:
- Sao con trùm kín mít vậy?
- Bố về đi! Con không muốn bố nhìn thấy mặt con.
- Con bị thuỷ đậu hả?
Người mẹ chảy nước mắt nhìn tôi.
- Anh ơi, cháu nó bị ung thư. Đi khám, bác sĩ nói thời kỳ cuối rồi. Tôi bảo con bé:
- Bỏ mền ra đi, cho bố coi vết thương.
A im lặng. Tôi nhìn thấy cổ chân con bé thò ra ngoài mền, ốm nhom như khúc xương da bọc. Tôi cầm lấy cổ chân, vuốt ve, rồi năn nỉ:
- Cho bố coi vết thương đi. Sao mà con phát hiện trễ quá vậy? Con bé im lặng một lát rồi quyết định kéo cái mền xuống.
Cục bướu ở ngay cổ bên trái, to bằng trái cam sành, sưng đỏ, căng cứng.
Nhưng con bé không khóc. Trong truyện của tôi, Ngọc là một cô gái gan lì.
Nó tiều tuỵ, tái mét, teo tóp như một bộ xương.
- Cám ơn bố đã đến thăm.
- Con có cần gì không, bố sẽ mua cho con.
- Con không ăn được, không ngủ được vì đau quá, phải uống thuốc giảm đau thường xuyên. Bố không giúp được gì cho con đâu. Trễ quá rồi.
Tôi khóc. Nhưng tôi không biết nói gì để an ủi con bé. Lát sau nó nói:
- Bố ơi, con còn nợ cô Lành hai dĩa bánh cuốn 30 ngàn. Bố trả giúp con nha?
- Bố sẽ trả.
- Cám ơn bố. Thôi tạm biệt, bố về đi.
Bà mẹ theo tôi ra cổng dãy phòng trọ. Tôi đưa cho bà một số tiền, dù biết rằng chẳng giúp được gì trước căn bệnh hiểm nghèo đó.
Mấy hôm sau cô chị gọi điện thoại cho tôi:
- Chú ơi, gia đình đưa nó về quê rồi. Số tiền chú cho chắc sẽ dùng để mua cho nó một miếng đất nhỏ.
Tôi nghe câu đó mà bật khóc.
- Con ơi! Sao con nói nghe đau lòng quá vậy.
- Biết làm sao hả chú. Khi về đến Đồng Tháp, con A nó nói: "Chị phải ở lại đây với em. Chị mà bỏ về thành phố là em nhảy xuống sông tự vận liền". Nhưng làm sao con ở lại với nó được. Con phải về lo cho con trai con. Con chỉ ở lại mấy ngày. Nó đau đớn quá, thuốc giảm đau cũng không còn tác dụng nữa. Bữa kia nó nói: "Chị Hai ơi, em muốn chết nhưng em không đủ can đảm tự tử. Chị đi mua thuốc độc cho em uống đi. Nhưng đừng cho em biết. Chị cho em uống chung với thuốc giảm đau nha chị."
Câu nói ấy cứ theo tôi suốt nhiều ngày. Tôi đang đi ngoài phố, nghĩ đến là khóc. Đang ăn cũng khóc. Nửa đêm thức giấc cũng khóc. Khóc thầm lặng, một mình, một cõi riêng lẻ.
Tôi biết nói sao về cô gái mới 21 tuổi này? Nếu bạn từng đọc tác phẩm Đốt Đời, bạn sẽ thấy tuổi thơ của nhân vật Ngọc khốn cùng đến mức nào. Sẽ hiểu một cô bé bụi đời sống lăn lóc ra sao trên đường phố, trên vĩa hè, góc chợ, bờ sông, bãi rác… để rồi kết thúc cuộc đời trong tối tăm, đơn độc, lạnh lẽo, đau đớn và sợ hãi.
°
Người con gái thứ hai – cũng có thể gọi là "nửa thứ hai" của nhân vật Ngọc. Đó là cô B. Bị tù 8 năm vì nghiện ma tuý nặng, bị người ta bắt đi bán ma tuý để có "hàng đá" mà chơi.
Vô tù, người ta xét nghiệm máu thấy bị nhiễm HIV.
Tôi không hề quen biết cô B này, cũng chưa từng gặp mặt. Nhưng trong một vài dịp thăm tù, tôi có nghe kể về cô, một nữ tù nhân bị nhiễm HIV và bị gia đình bỏ rơi vì người ta mô tả rằng khi ở ngoài đời cô rất quậy, vừa chơi ma tuý vừa ngang ngược, làm khổ gia đình.
Cứ mỗi lần đi thăm tù, tôi lại được nghe kể một vài mẩu chuyện về cô, góp nhặt lại, ghép vào những bất hạnh, những bi kịch của cô bé tên A, để tạo ra nhân vật Ngọc.
Nhưng thưa các bạn, nhắc đến cô B, tôi không có ý định thuật lại cuộc đời bất hạnh cùng những lỗi lầm của cô, mà tôi muốn nói về một phép lạ.
Vâng, một phép lạ.
Cho tới giờ này tôi vẫn chưa hề gặp mặt cô, nhưng phép lạ đã xảy ra nhờ chiếc điện thoại.
Ngày nọ, một số điện thoại lạ hiện trên màn hình.
- Xin lỗi. Cho con gặp bố Đào Hiếu.
- Tôi đây. Ai gọi vậy?
- Con là B. Con có đọc truyện Đốt Đời của bố. Con cám ơn bố đã sáng tạo ra nhân vật Ngọc vì nhân vật ấy mang một phần đời của con.
Tôi tưởng như đang nằm mơ. Tôi kêu lên:
- B hả? Con ra tù rồi sao?
- Dạ. Con mới ra tù được hơn một tuần. Và nhờ cuốn Đốt Đời mà con lần ra số điện thoại của bố.
- Thế hiện giờ sức khoẻ của con thế nào?
- Con rất khoẻ bố ạ.
- Còn con gái của con?
- Nó mừng lắm. Ba mẹ con cũng mừng lắm.
Nhờ chiếc điện thoại, chúng tôi trò chuyện với nhau trong nhiều ngày. B dặn tôi là nếu cha mẹ cô có hỏi, thì đừng cho họ biết rằng cô bị nhiễm HIV vì sẽ có nhiều hệ luỵ xảy ra sau đó.
Tôi hứa.
Nhưng bỗng nhiên trong đầu tôi một câu hỏi rất quan trọng, một câu hỏi mang tính định mệnh hiện ra:
- Con bị nhiễm HIV bao lâu rồi?
- Tám năm, tức là trước khi con vào tù.
Tôi hỏi dồn dập:
- Tám năm? Nhiễm HIV tám năm, lại sống trong tù, ăn uống thiếu thốn, lao động cực nhọc, sao con có thể sống sót đến ngày nay?
Im lặng. Rồi cô nói như khóc:
- Chắc con cũng sắp chết rồi bố ạ. Nhưng lạy Phật, con được về nhà. Chết bên cạnh gia đình cũng đỡ lạnh.
Tôi suy nghĩ một lát. Rồi nói:
- Trên thế giới có những trường hợp người nhiễm HIV tự nhiên khỏi. Cơ thể tự nhiên đề kháng được và đẩy lùi nó. Bố nghe giọng nói của
con rất khoẻ khoắn, đối đáp rành mạch. Bố không tin một người tù bị nhiễm HIV tám năm mà có thể như thế. Lẽ ra con đã chết trong tù rồi.
- Ý bố là sao?
- Là ngay ngày mai con đi bệnh viện Rạch Giá xin thử HIV. Bố nghi là con đã chiến thắng nó, hoặc là cách đây 8 năm người ta đã cho kết quả xét nghiệm sai.
Tôi gởi cho cô một triệu đồng.
Và kết quả xét nghiệm là âm tính.
Người mẹ trẻ ấy khóc oà trong điện thoại. Khóc ngay trong bệnh viện.
- Bố ơi! Con thấy như mình vừa được sinh ra một lần nữa.
Hôm nay, ngày 11/11/2015, chỉ mới cách đây chừng một tiếng đồng hồ, tôi lại nhận được điện thoại của B. Cô nói:
- Bố ơi! Hôm nay là sinh nhật của con.
Tôi trả lời:
- Bố chúc mừng con. Và hãy nhờ rằng đời con có hai ngay sinh nhật nhé.
Ngày 11/11/2015
MÚT MÙA LỆ THỦY
(Phê bình văn học)
Tác giả: Nguyễn Đình Bổn
Thể loại: Truyện dài
Nxb: Hội Nhà Văn
Năm xuất bản: 2015
Thoạt tiên, xuất hiện một con bé mười lăm tuổi "tuy cơm không đủ ăn nhưng mắt đen thui, da trắng bóc, chân cẳng lại thon dài". Đó là Út Loan. Con bé đứng dưới túp lều tranh, nhưng mặt nó rực lên như đóa phù dung, tươi tốt, trẻ trung và hồn nhiên.
Rồi nó biến mất.
Và nó lại xuất hiện trên sân khấu, dưới ánh đèn màu chớp sáng, xoay vòng, mờ ảo. Út Loan biến thành một cô người mẫu sang trọng, lộng lẫy và hào nhoáng. Mà cũng có thể nó là đào hát cải lương, hay diễn viên điện ảnh. Nhưng chính Út Loan tự xưng mình là vợ một giám đốc người Đài Loan giàu có. Nó nói: "Ai muốn đổi đời thì theo tôi."
Ở cái xóm nghèo này gia đình nào cũng muốn đổi đời.
Nhưng Út Loan không phải là nhân vật chính. Bóng nó mờ dần và biến mất.
Từ trong cánh gà của sân khấu, một cô gái nhu mì, khép nép bước ra. Đó là Phượng, cô quyết định bái bai người yêu để theo Út Loan sang Đài Loan vì cha mẹ cô muốn "đổi đời", muốn dỡ cái nhà lá xập xệ để xây "nhà tường", muốn một cái ti-vi, một chiếc xe gắn máy.
Và cô trở thành nhân vật chính trong truyện.
Từ đó trên sân khấu hiện ra nhiều cô gái khác. Những quần áo quê mùa biến mất, thay bằng những bộ cánh rực rỡ. Bọn con gái bay quanh Út Loan, cười khúc khích. Xóm nhà lá chợt đùn lên, đùn lên…
thành những ngôi nhà tường sơn đủ màu: xanh lá cây, vàng nghệ, hồng phấn.
Phép lạ ấy không đến từ "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà đến từ những nguồn vốn tự có của các cô gái miền Tây trắng trẻo, thon thả… tuy nhà rất nghèo.
Nhưng họ không phải là gái điếm. Họ theo Út Loan sang Đài Loan làm vợ mấy ông già hay đi bán trầu…ôm.
Trầu ôm? Cũng giống như bia ôm. Ăn mặc hở hang. Hai mảnh. Giày cao gót, đứng trong những ki-ốt sang trọng dọc theo xa lộ, hễ có xe con đến là bước ra đón khách để mời… ăn trầu (vì đàn ông Đài Loan ưa ăn trầu, với niềm tin rằng ăn trầu sẽ tăng cường khả năng tình dục!?).
°
Tác phẩm Mút Mùa Lệ Thủy phô bày một nghịch lý: Những gia đình nghèo không ước mơ cho con đi học thành kỹ sư, bác sĩ về giúp gia đình mà chỉ muốn đưa con gái lên thành phố hoặc ra nước ngoài kiếm tiền. Các cô bé trở thành lao động chính, trai tráng thì suốt ngày nhậu. Và chết trẻ. Làng không còn con gái. Làng chỉ có ông bà già và dăm ba thằng con trai say xỉn. Và tất cả đều ngóng mỏ chờ những cô con gái đem tiền về.
Tác phẩm Mút Mùa Lệ Thủy là tập hợp những cảnh đời nghiệt ngã của các ô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan. Làm việc cực nhọc, bị đánh dập, chửi rủa… phài trốn chồng, bỏ nhà đi bán… trầu ôm. Nhưng vì xã hội người ta giàu có nên những nghề ấy vẫn kiếm được khá nhiều tiền, giúp các cô có thể gởi về cho cha mẹ mình "xây nhà, sắm xe, sắm ti-vi, tủ lạnh…"
Nhưng phần cuốn hút nhất trong tác phẩm Mút Mùa Lệ Thủy là câu chuyện tình bi thương của cặp nhân vật Phượng và Dân. Mối tình đằm thắm, lẽ ra phải lãng mạn, nhưng lại bị xô đẩy vào những bi kịch từ ước muốn thoát nghèo.
Tác phẩm kết thúc bằng một cuộc thảm sát mà có lẽ không ai muốn. Kẻ sát nhân và người bị hại đều đáng thương. Lẽ ra những người
ấy đã không chết nếu những cảnh đời trong cái xóm nghèo ấy không bị xã hội bỏ mặc trong lãng quên, trong dốt nát và nghèo đói.
Tác phẩm là hồi còi hụ của chiếc ambulance chở trong lòng nó cả một đám dân cùng khổ, mất phương hướng và đang hấp hối trong một cơn mê sảng đổi đời bệnh hoạn.
11/7/2015
NHỮNG ĐỨA "CHÁU NGOẠI 4 CHÂN" CỦA TÔI
Có một buổi chiều, khi mở cổng nhà, tôi chợt nhìn thấy một con mèo nhỏ, ốm yếu, run rẩy, đứng nép bên cánh cổng sắt. Thấy tôi, nó định bỏ chạy nhưng tôi đã ngồi xuống, đưa bàn tay ra và gọi: "Meo!", thế là nó dừng lại, mon men bước tời vài bước.
Meo! Meo!...
Tôi bế nó lên, những ngón tay chạm vào khung xương sườn mảnh khảnh của nó. Nó nhìn tôi thăm dò.
Lâu nay, tôi có nuôi một con mèo tam thể trắng, nó tên Xíu. Cháu nội tôi xin của đứa bạn đem về nuôi từ hồi hai tuần tuổi. Quấn quýt, vuốt ve, chiều chuộng. Từ nắm tay, nó lớn lên từng ngày và bây giờ trở thành cô tiểu thư xinh đẹp, quý phái, mơ mộng và… kén ăn. Khi còn bé, nó ưa vồ những con gián nên lũ gián biến mất. Bây giờ thì nó coi khinh lũ côn trùng nhỏ bé ấy. Nó để ý mấy con chuột. Nó bắt được cả những con chuột to bằng nắm tay, cắn chết và vứt nơi phòng khách. Nó thường chui ra khỏi cổng, đi lang thang quanh các bờ rào, bờ sông và các chậu hoa.
Tôi vẫn sợ kẻ xấu bắt trộm, nên cứ thấy vắng là đi tìm, có khi thấy nó nằm mai phục âm thầm cạnh một khóm hoa.
Ngày nọ cháu nội phát hiện xác một con chim chào mào trong cặp sách. Nhưng cháu nội không sợ, nó vuốt ve con mèo và nói:
- Sao lại bỏ trong cặp? Em tặng cho chị hả? Nhưng đừng bắt chim nữa nhé, tội nghiệp chúng nó.
Đó là chuyện của mèo trắng. Còn đứa trẻ mồ côi lạc loải mà tôi đang bế trên tay đang run rẩy này, là méo tam thể đen. Nó rất đói. Tôi lấy cái đầu cá nục (do mèo trắng chừa lại) đưa cho nó, nó nhai ngấu nghiến, vừa nhai vừa gừ gừ, sợ kẻ khác tranh mất. Bất ngờ bé Xíu (mèo trắng) xuất hiện. Nó dựng lông gáy lên, đập đuôi xuống đất, miệng gừ gừ rất giận dữ. Tôi phải bế cô bé tam thể đen, đặt trên bờ tường.
Hai con mèo nhìn nhau.
Tôi đứng canh chừng rất lâu nhưng chúng vẫn không chịu bỏ đi. Tôi vô nhà một lúc, khi trở ra thì mèo đen đã biến mất.
Sáng sớm hôm sau, khi mở cổng đi dạo, thì đã thấy đứa trẻ mồ côi chiều hôm qua ngồi chờ trên bức tường nơi cổng sắt. Meo… meo… meo… nhỏ nhẹ, yếu ớt, rụt rè như tiếng gọi mẹ. Tôi lại lấy cá nục của bé Xíu cho nó một con. Lại vồ vập, ngấu nghiến, cuống quýt.
Cứ thế, buổi chiều nó lại đến trên đầu tường để chờ bữa ăn.
Ngày nọ, tôi đi chơi về muộn, quên mất bữa ăn của bé. Đến nửa đêm thức dậy, ra sân thượng nhìn xuống cổng, thấy cô bé đang nằm chờ ở đó. Tôi liền chạy xuống, mở cửa và ôm nó vào lòng. Hôm đó cá đã hết, nó chỉ ăn một nắm cơm nguội.
Cháu nội và tôi thay phiên nhau cho bé ăn. Cháu nội nói: - Nó giống hệt chị con Bún (chị con Xíu), nên con đặt cho nó tên Mì.
Con Bún đã bị người ta hại chết cách đây hơn hai năm và tôi đã chôn nó dưới gốc cây trước nhà. Hai ông cháu khóc mấy ngày liền. Nó giống hệt bé Mì không chỉ ở màu lông đen trắng mà con ở đôi mắt rất hiền. Cháu nội yêu nó ngay từ khi mới gặp, có lẽ vì thế.
- Ông nội ơi, chắc là linh hồn của con Bún đã đầu thai thành bé Mì và tìm về nhà mình.
Còn tôi thì nghĩ: Mẹ tôi tuổi mẹo, cầm tinh con Mèo, nên mèo hoang cứ về nhà tôi hoài, và tôi vẫn có chút hy vọng mong manh rằng đứa bé mồ côi đó là mẹ tôi. Nên tôi rất yêu nó.
°
Một buổi chiều khác, khi đi bộ quanh khu nhà ở, tôi phát hiện trong đống rác lớn cạnh cây cầu, hai con mèo con, nhỏ như nắm tay, đang lấp ló trong một cái "ổ" do chúng tự làm lấy giữa đống rác. Nó sâu chừng ba tấc, có thể thọc cánh tay vô được. Phía trong ổ hơi cong như một cái ngách để chúng trốn.
Nhưng khi tôi gọi "meo, meo" thì chúng thập thò, ló mặt ra. Hai cái mặt thơ ngây như trẻ lên ba, hai cặp mắt ngơ ngác, dò hỏi. Tôi cho chúng một con cá. Tưởng chúng sẽ chia nhau ăn, nhưng con vàng đã ngoạm lấy cá và chạy mất, bỏ con xám đứng một mình giửa rác rưởi và lá mục.
Lần thứ hai tôi cắt con cá ra thành nhiều miếng và con vàng không còn giành ăn với con xám nữa.
Tôi đặt thức ăn vào một cái hộp bằng nhựa trắng. Hôm sau xem lại, hộp nhựa biến mất. Tôi lại đặt một hộp khác. Lại biến mất. Đến lần thứ ba, tôi nghĩ: chắc là những người "ve chai" đã lấy đi. Tôi tìm mua một cái bát sành, nhưng lại sợ bị lấy mất, nên dùng kềm bẻ cho mẻ miệng. Tôi không trách kẻ đã lấy những cái dĩa nhựa, vì có lẽ người ta cũng phải nhặt nhạnh từ cõi đời khốn khổ này bất cứ thứ gì có thể bán được. Chẳng phải là rất đáng thương sao?
°
Mấy hôm sau tôi đọc được một tin nhắn trên điện thoại của bà xã gởi cho các con tôi: "Ba mày ngày rày "lẫn" rồi. Ổng đem mèo hoang về nuôi". Có lẽ bà không hiểu được tôi đang nghĩ gì về những đứa trẻ mồ côi bị mẹ chúng bỏ rơi. Và bị xã hội bỏ rơi nữa. Trong cái thành phố rộng lớn này có biết bao nhiêu những chú mèo con thơ dại, bơ vơ, đói khát, thui thủi trong những đống rác, những bụi bờ, cống rãnh như thế?...
Một ông già về hưu như tôi, ngoài chuyện viết lách, tôi đã tìm thấy niềm vui giữa những đứa "cháu ngoại bốn chân" đã bị cuộc đời vứt bỏ và đã tìm đến tôi một cách tình cờ.
Cứ mỗi chiều đi ngang đống rác, tôi gọi meo meo là hai đứa trẻ sơ sinh, từ trong mớ rác rưởi, cành cây và là mục chui ra, cuống quýt chạy đến, vừa chạy vừa gọi: meo… meo (dịch ra tiếng Việt là: "ông ngoại… ông ngoại"…). Tôi cũng cuống quýt, cũng vui mừng, cũng hạnh phúc như chúng nó. Có khi phải trào nước mắt.
Đời tôi đã chứng kiến nhiều cái chết thảm thương của những con vật nuôi của mình (tôi có viết một bài nhan đề: "Mèo, chó và tôi"
đăng trên Blog cá nhân, và in trong tập "Mặt Đất Vẫn Rung Chuyển"), giờ đây tôi quyết giữ gìn chúng, cầu nguyện cho những kẻ gian đừng bắt chúng đi, đừng giết hại chúng.
Hiện giờ tôi đang nuôi bốn con: một cô tiểu thơ nuôi trong nhà, ngủ chung với cháu nội. Và ba đứa trẻ bụi đời.
Cách đây mấy năm, bà chị tôi ở Đà Nẵng cũng có nuôi một con mèo như thế. Trong suốt những năm bà bệnh nặng, nó cứ đến nằm cạnh bà. Khi bà mất, nó leo lên ngực bà nằm khoanh tròn và im lặng.
Tôi muốn khi tôi chết đi cũng sẽ có những đứa "cháu ngoại bốn chân" này đến nằm bên cạnh và gọi: " meo… meo… ngoại ơi… ngoại ơi…"
ĐÀO HIẾU
Phần III
PHỤ LỤC
MỐI TÌNH MANELI
1. "Mối tình Maneli" nghĩa là gì?
Cuộc thương thảo bí mật của em trai cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là ông Ngô Đình Nhu với Cộng Sản Hà Nội nhằm thúc đẩy hai miền Nam - Bắc của Việt Nam né tránh một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung Quốc được giới tình báo Hoa Kỳ tặng cho một cái tên là "Mối tình Maneli" ("Maneli affair")
Trong cuộc thuơng thảo này, Việt Nam Cộng Hòa đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng Sản Hà Nội nếu Cộng Sản Hà Nội đồng ý tuyên bố đứng trung lập, không gia nhập khối Xã Hội Chủ Nghĩa và cùng với Việt Nam Cộng Hòa tham gia liên minh "Các Nước Không Liên Kết" của Ấn Độ. Việt Nam Cộng Hòa cam kết thuơng mại trao đổi với Cộng Sản Bắc Việt và sẽ cố gắng giúp Hà Nội thoát khỏi tình trạng đói kém do đang bị cô lập với thế giới bên ngoài và phải sống bằng viện trợ chu cấp mọi thứ bởi Bắc Kinh để đến nỗi buộc lòng phải đi theo đường lối Đấu Tố của Mao Trạch Đông khiến hai trăm ngàn dân oan bị giết chỉ trong vài năm.
Cộng Sản Hà Nội lưỡng lự trước nước cờ táo bạo này của ông Ngô Đình Nhu vì biết rõ những cam kết mà Việt Nam Cộng Hòa đưa ra rất thật lòng dựa trên sự ổn định phát triển kinh tế của miền Nam Việt Nam trong suốt gần chín năm sau hiệp nghị Geneve 1954.
Khi tình báo Hoa Kỳ liên tục gởi tín hiệu cho Washington biết về "mối tình Maneli" động trời này của hai anh em ông Diệm, Tổng Thống Kennedy vô cùng tức giận vì ông cho rằng, đây là một sự "phản bội tàn nhẫn." Tòa Bạch Ốc từ đó quyết tâm loại bỏ hai anh em ông Diệm ra khỏi quyền lực bằng mọi giá.
Thế nhưng mười năm sau, nước Mỹ lại áp dụng y chang kế sách của ông Nhu, Henry Kissinger thất hứa với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, đi đêm với Chu Ân Lai làm cho Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa và thất thủ hoàn toàn sau đó; dẫn đến cả triệu thuờng dân Campuchia bị Cộng Sản sát hại, trên hai triệu người Việt bị tan nhà nát cửa và tù tội để có được một hòa bình trong nhục nhã. Đây mới đúng là một sự "phản bội tàn nhẫn" như Tổng Thống Kennedy đã từng thốt lên trước đó.
2. Tại sao lại gọi là "mối tình Maneli"?
Maneli là họ của ông Mieczysław Maneli, một người Ba Lan được cho là sanh vào ngày 22 tháng Giêng năm 1922 tại Miechów và mất vào vào ngày 9 tháng Tư năm 1994 tại New York, Hoa Kỳ. Ông là đại diện cho Ba Lan trong Hội Đồng Giám Sát Hiệp Nghị Geneve 1954 về Việt Nam, có tên tiếng Anh là "the International Commission for Supervision and Control in Vietnam," gọi tắt là ICC hay ICSC. Hội đồng này gồm ba quốc gia, một thuộc thế giới tự do là Canada, một thuộc khối Cộng Sản là Ba Lan và một thuộc khối Không Liên Kết là Ấn Độ.
Chính phủ Cộng Sản tại Ba Lan hoàn toàn không có chủ định can thiệp sâu rộng vào nội tình chính trị của Việt Nam lúc bấy giờ nhưng vì Hà Nội cần Ba Lan làm cầu nối ngoại giao độc lập khỏi sự kềm tỏa của Trung Quốc để tìm hiểu thêm ý định chiến lược của hai anh em ông Diệm. Cho nên, Maneli chỉ ráng đóng vai trong của một sứ giả, truyền đạt những thông điệp cần thiết từ Hà Nội, từ Moscow đến với hai anh em ông Diệm-Nhu và ngược lại. Tuy nhiên, vòng xoáy chính trị giữa Moscow - Hà Nội - Sài Gòn - Ấn Độ – Hoa Kỳ khiến ông Maneli ngày càng bị lôi cuốn sâu vào nội tình Việt Nam.
Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ các chuyến đi ngoại giao của Maneli tới Hà Nội Sài Gòn để hiểu rõ thêm ý đồ chiến lược của hai anh em Diệm Nhu. Từ đó, cái tên "mối tình Maneli" ("Maneli Affair") được hình thành.
Kết cục của "mối tình Maneli" là Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu điều bị giết sau vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963. Người bật đèn xanh cho cuộc đảo chánh dẫn đến cái chết của Tổng Thống Diệm là Tổng Thống Hoa Kỳ, John F. Kennedy, sau đó cũng bị ám sát bí hiểm không đối chứng trong cùng một tháng cùng năm. Tại Hà Nội, phe Lê Duẫn cũng lên thay thế quyền hành của ông Hồ, của ông Đồng và Tổng Bí Thư Đảng Liên Xô, Khrushchev, người ủng hộ lập trường Việt Nam trung lập của ông Diệm cũng bị truất phế bởi phe đầu đá Brezhnev ngay vào năm 1964.
Riêng Mieczysław Maneli, ông xin tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào thập niên 1980 và sống tại xứ sở này cho tới ngày ông mất.
3. Nội tình của "Mối tình Maneli"
Không cách gì có thể trình bày hết được chi tiết và cũng không thể nào tóm gọn các chi tiết bên trong của "mối tình Maneli" chỉ qua một bài viết ngắn ngủi vì mỗi chi tiết điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng liên quan đến lịch sử bị đát của Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia coi trọng tình tự dân tộc lên trên mọi chủ nghĩa, mọi tôn giáo, dẫn đưa đến tính mạng của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, kể cả tính mạng của Tổng Thống Kennedy, cũng như liên quan đến kế hoạch "phế mã tranh tiên" của Hoa Kỳ làm toàn bộ khối Cộng Sản bị sa lầy trong chiến thắng quân sự mà rồi bị kiệt quệ và chia rẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn tại Âu châu.
Tuy nhiên, một điều quan trọng nhất tạo sửng sốt cho mọi nhân vật có liên quan và khiến không ai có thể ngờ tới được nếu biết rõ tình tiết của "mối tình Maneli" là đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm cam kết sẽ trục xuất Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam ngay lập tức nếu Cộng Sản Bắc Việt chịu bãi binh và cùng đồng ý nắm tay với ông tham gia khối các nước Không Liên Kết do Ấn Độ chủ xướng.
Thái độ dứt khoát né tránh chiến tranh ý thức hệ tạo bởi hai siêu cường Liên Xô - Hoa Kỳ có Trung Quốc tham dự của Tổng thống
Diệm làm sửng sốt không những Hà Nội mà ngay đến cả Moscow cũng bàng hoàng.
Moscow toan tính rằng việc trung lập hóa Việt Nam sẽ rất hay vì cùng một lúc xóa bỏ ảnh huởng vô cùng sâu rộng của Cộng Sản Trung Quốc lên Hà Nội và hất Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn mà không cần súng đạn. Việt Nam từ đó sẽ theo liên minh Ấn Độ vốn có đường lối ngoại giao cởi mở đối với Liên Xô. Từ đó, Liên Xô có thể gián tiếp ảnh huởng lên Việt Nam thông qua Ấn Độ; dù sao, Ấn Đô vẫn đáng tin cậy hơn là Cộng Sản Trung Quốc, theo cách nhìn của Khrushchev, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô lúc bấy giờ.
Riêng về Cộng Sản Hà Nội, mở cửa qua lại kinh tế với Việt Nam Cộng Hòa là một điều không thể được vì cả miền Bắc vẫn còn đang run sợ Đấu Tố và sẳn sàng ồ ạt bỏ Hồ Chí Minh nếu có thông thương với miền Nam Việt Nam. Cho nên, Cộng sản Hà Nội muốn kéo dài nỗ lực trung lập Việt Nam của hai anh em ông Diệm để Hoa Kỳ có thì giờ loại bỏ ông Diệm ra khỏi quyền lực dù biết rằng Moscow ủng hộ đề nghị này. Hơn nữa, Cộng Sản Hà Nội trong đó có cả Hồ Chí Minh không đủ can đảm để qua mặt Bắc Kinh như ông Diệm cương quyết qua mặt Hoa Kỳ. Đối với ông Diệm, quốc gia vẫn là trên hết nhưng đối với Cộng Sản Hà Nội thì chủ nghĩa Mác Lê, quan trọng hơn tương lai quốc gia.
5. Hệ lụy của "mối tình Maneli":
Sau khi "mối tình Maneli" tan vỡ, dân tộc Việt Nam đã phải đổ máu cho chiến thắng của chủ nghĩa Cộng Sản.
Kết thúc cuộc chiến tranh ý thức hệ phi lý, vô nghĩa này, dân tộc Việt Nam chẳng còn gì ngoài câu nói đau thuơng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: " ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI MÀ HÃY NHÌN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM!"
Thông qua "mối tình Maneli", các sử gia sẽ thấy ngay được tấm lòng yêu nước của hai anh em ông Diêm. Đối với hai ông, "quốc gia là trên hết!" Hai ông đã cố ráng tìm đủ mọi cách để cho đất nước có hòa bình dân chủ và độc lập, bất chấp hy sinh tính mạng. Việt Nam
"""