" Góc nhìn sử Việt: Việt Hoa bang giao sử PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Góc nhìn sử Việt: Việt Hoa bang giao sử PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên ebook: Việt Hoa Bang Giao Sử (full prc, pdf, epub) Tác giả: Huyền Quang - Xuân Khôi - Đạt Chí Thể loại: Lịch sử Việt Nam Công ty phát hành: Alpha Books Hình thức: Bìa mềm Giá bìa: 49.000 ₫ Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức Trọng lượng vận chuyển: 300 g Kích thước: 13 x 20.5 cm Số trang: 131 Ngày xuất bản: 10/2014 Ebook: Đào Tiểu Vũ eBook - http://www.dtv-ebook.com Giới thiệu: Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc. Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc , nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước. Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ «Tri thức là sức mạnh» - đặc biệtquan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước. Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, «lỗ hổng lịch sử» ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Di sản. Bộ sách Góc nhìn sử Việt gồm có: - eBook Việt - Hoa bang giao sử - Huyền Quang - Xuân Khôi - Đạt Chí - eBook Cần Vương - Lê Duy Mật Kháng Trinh - Phan Trần Chúc - eBook Trần Hưng Đạo - Hoàng Thúc Trâm - eBook Quang Trung - Hoa Bằng - eBook Lương Ngọc Quyến - Đào Trinh Nhất - eBook Nữ tướng thời Trưng Vương - Nguyễn Khắc Xương - eBook Cao Bá Quát - Trúc Khê - eBook Lê Thái Tổ - Nguyễn Chánh Sắt - eBook Nhà Tây Sơn - Tạ Quang Phát - eBook Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký - Phan Chu Trinh - eBook Thi tù tùng thoại - Huỳnh Thúc Kháng - eBook Việt - Pháp bang giao sử lược - Phan Khoang - eBook Huyền Quang, Xuân Khôi, Thi Đạt Chí - eBook Việt - Hoa thông sứ sử lược - - eBook Bế Lãng Ngoạn, Lê Văn Hòe - eBook Việt Nam ngoại giao sử - Ưng Trình - eBook Sử ký Đại Nam Việt - Khuyết Danh Cuốn sách Việt - Hoa bang giao sử là một trong những sản phẩm đầu tiên của dự án này. Niên hiệu Thái Hòa (1443 -1453) đời Lê Nhân Tông (1443 - 1459), Trạng Nguyên Nguyễn Trực và Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường sang sứ Trung Quốc. Gặp kỳ thi, hai vị đó cùng xin ứng cử. Trong bài văn của Trịnh Thiết Trường có câu "Nam chi chu, Bắc chi mã". Thiết Trường liền viết chữ "mã" có ba nét chấm. Bởi vậy, văn Thiết Trường tuy hay nhưng quan trường lấy đỗ Bảng nhãn mà Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên. Nhưng, người Trung Quốc căm tức chữ "Bắc mã" là ngựa Tàu mà chỉ có ba chấm, tức ngựa chỉ có ba chân, nên khi tiễn sứ Việt Nam về nước, họ đem con ngựa buộc lại một chân để Trịnh Thiết Trường cưỡi. Nếu Thiết Trường không đi được sẽ phải lưu lại Trung Quốc để Nguyễn Trực về trước, Trịnh Thiết Trường biết vậy mới làm một cái chân giả bằng gỗ buộc vào chân ngựa nên ngựa ba chân mà vẫn đi được một dặm đường! Thấy thế sĩ phu Trung Hoa chịu Trịnh Thiết Trường ứng biên giới cởi chân ngựa cho đi đều với ngựa Nguyễn Trực. Mời các bạn đón đọc. Lời giới thiệu Bạn đọc thân mến! Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc. Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước. Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật - dù gây tranh cãi - tạo nên lịch sử đó. Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay... và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội. Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” - đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước. Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, “lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là một trong những sản phẩm đầu tiên của dự án này. Xin trân trọng giới thiệu. Công ty CP Sách Alpha Lời nói đầu Nước Việt Nam ta, trải qua bốn nghìn năm lịch sử, đã có hàng chục thế kỷ nằm dưới quyền Bắc thuộc, nền văn hóa Trung Hoa đã có một ảnh hưởng sâu xa vào văn hóa nước nhà. Hai dân tộc Việt Hoa đã có một cuộc bang giao truyền thống trải qua mấy ngàn năm lịch sử. Kể từ thượng cổ thời đại cho đến thời đại cận kim, cuộc bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa lúc nào cũng tỏ ra rất khăng khít. Một khi những cuộc chiến tranh xẩy ra đã tạm yên rồi, người Việt Nam lại phải cố gắng gây tình hòa hiếu với Trung Hoa cho yên mặt bắc. Với một số cư dân quá ít ỏi so với Trung Hoa, người Việt chẳng dại gì lại gây hấn với ông bạn láng giềng to lớn và mạnh mẽ hơn mình gấp trăm lần. Người Việt đã thần phục Trung Hoa không phải đó là một dấu hiệu hèn kém, vì lịch sử đã hiển nhiên chứng tỏ người Việt Nam lúc nào cũng có óc tự cường, không bao giờ chịu đi làm nô lệ cho người khác. Chứng cớ là trong thời kỳ Bắc thuộc, rất nhiều người Việt đã nổi lên chống lại người Tàu đặng mở ra những triều đại tự chủ mới. Bà Trưng, bà Triệu, Lý Bốn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền là những nhân vật bằng xương bằng thịt hẳn hoi đã nổi lên chống lại Trung Hoa và sức bành trướng của họ. Kể từ nhà Ngô trở đi, nước Việt Nam ta mới thực sự hoàn toàn bước vào giai đoạn tự chủ. Nước ta đã thoát hẳn cái ách ngoại xâm và lệ thuộc vào ông bạn to lớn phương Bắc. Tuy vậy, không phải chúng ta đã dứt được hẳn những mối liên quan với Trung Hoa. Như trên chúng tôi đã nói, nền văn hóa Trung Hoa đã có ảnh hưởng sâu xa mật thiết vào văn hóa nước nhà, cho nên các triều đại tự chủ, Việt Nam vẫn phải mở mang cuộc bang giao hòa hiếu với họ. Bị sáp nhập vào bản đồ Trung Hoa ngót 11 thế kỷ, ta đã noi theo Tàu kể từ tôn giáo, tập quán và học thuật. Sức tiến hóa trong nước hoàn toàn dựa vào sức tiến hóa của ông bạn láng giềng. Đối với Trung Hoa, ta chỉ biết bắt chước họ, chứ ngoài ra không thấy phát biểu được một sáng kiến gì mới, ngoài việc Hàn Thuyên dựng cờ sáng tạo ra chữ Nôm về đời vua Nhân Tông nhà Trần (1279-1284)1. Về phương diện kinh tế và chính trị, nước Việt Nam ta ở vào tình trạng thua kém, giáp giới phía nam có Chiêm Thành, Ai Lao, văn minh sơ khai, cho nên nước ta chỉ biết nhắm vào Trung Hoa ở phía bắc để làm khuôn mẫu. Từ khi Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, đem văn minh Tàu sang truyền bá ở phương Nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn minh ấy. Học thì toàn dùng Tứ thư, Ngũ kinh và triết lý Khổng, Mạnh. Giấy mực và sách vở cũng mua ở Tàu, hấp thụ nền văn hóa Trung Hoa đến cội rễ, nên các vua ta cũng sợ Trung Hoa tuyệt giao với mình. Ta chỉ sợ nếu sợi dây bang giao đứt, Trung Hoa sẽ không bán sách vở, điền khí và đồ sắt cho ta nữa. Nước đã nhỏ bé, nên từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, vua Việt Nam phải nhận tước phong của Tàu. Mặc dầu những cuộc xung đột diễn ra, nhưng khi tấn kịch tranh thủ hạ màn, thì Việt Nam lại sang Tàu và vua Việt Nam lại nhận tước phong. Mỗi một lần thắng trận xong, vua Việt Nam muốn giữ tình giao hảo cố hữu ấy lại phải phái Tuế cống sứ sang Tàu. Tấn kịch mâu thuẫn ấy cứ luôn luôn diễn ra, kẻ chiến thắng thường phải cầu hòa và thần phục kẻ chiến bại. Hơn nữa, chúng ta lại luôn luôn phải vượt núi, qua sông, tiến đánh các nước Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp. Nước Việt Nam phải đem hết sức mình ra để áp đảo và mưu cuộc bình trị ở phương Nam, nên ta không thể luôn luôn có một lực lượng hùng hậu để cự với những đạo quân dũng mãnh của Trung Hoa được. Bởi vậy, chúng ta đã thần phục ông bạn Bắc phương chẳng qua là để tâm chú trọng vào cuộc Nam tiến. Khuất phục kẻ mạnh để xúc tiến tự cường bên trong, đó chẳng qua cũng là mánh khóe ngoại giao của các triều vua nước ta vậy. Ở đây, chúng tôi không chú ý vạch lại những cuộc chiến tranh đầy gian lao và hiểm nghèo của người dân Việt. Chúng tôi chỉ muốn phác họa lại một cách rõ ràng và tế nhị về những mối bang giao Việt – Hoa kể từ khởi thủy đến thời đại cận kim. Cái công việc đó là của những nhà học giả uyên thâm, quảng bác, sức học năm xe, nhưng ở đây làm cái việc “đánh trống qua cửa nhà sấm”, chúng tôi chẳng qua mang một thành ý là nêu lên một vấn đề và mong mỏi các bậc cao minh nghiên cứu kỹ càng hơn, ngõ hầu tạo nên một bộ sách đầy đủ và hoàn toàn! Kẻ viết những trang sử bang giao Hoa – Việt này, lúc nào cũng mang một thành ý là phơi bày sự thực đã ghi trong sử sách. Chúng tôi chỉ muốn nói ra một sự thật của những cây bút vô tư, chứ không bao giờ muốn khơi lại đống tro tàn đã tắt ngấm từ những triều đại trước. Xin đừng ai ngộ nhận những quan điểm của chúng tôi mà kết thù vì những chuyện đã qua, không bao giờ trở lại. Trên dòng lịch sử, cái hay cũng như cái dở, chúng ta cần phải thẳng thắn nói ra, miễn sao bằng một ngòi bút khách quan là hơn hết, Việt – Hoa bang giao sử chỉ là những tấn kịch đã hạ màn, tuy vậy mối kết giao giữa anh em Hoa – Việt vẫn còn bền bỉ đời đời. Nhắc lại đây, chúng tôi e là một chuyện thừa, dù sao cũng vẫn phải minh biện để khỏi có sự ngộ nhận. Chúng tôi tin rằng, các bạn Trung Hoa, khi đọc những dòng này, đã hiểu rõ thành ý của tác giả. Sau hết, chúng tôi xin ghi ở đây mấy lời thành thực cảm tạ bác sĩ Trần Văn Lai, đã có nhã ý cho mượn sách làm tài liệu và các bạn khác đã chỉ bảo hay giúp đỡ chúng tôi, trong khi biên tập cuốn sách nhỏ này. Hà nội, ngày 6 tháng tư năm 1952. Soạn giả: Huyền Quang, Xuân Khôi và Thi Đạt Chí Những cuộc bang giao về thượng cổ thời đại Nước Việt Nam ta lập quốc từ đời Hồng Bàng, họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời. Nhưng xét kỹ từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy có 20 ông vua, trị vì vừa được 2622 năm tính từ Nhâm Tuất (2879) đến Quý Mão (258) trước kỷ nguyên. Trong thời gian đó, cuộc bang giao của nước Việt ta vẫn còn lờ mờ, vì các sử gia coi đời Hồng Bàng là một chuyện không được xác thực cho lắm. Căn cứ vào sách vở cũ, sử Tàu có chép rằng năm Tân Mão (1109 trước kỷ nguyên) đời vua Thành Vương nhà Chu, có nước Việt Thường ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống. Nhà Chu phải sai người thông ngôn mới hiểu được tiếng. Sau đấy, ông Chu Công Đán lại phải chế ra xe chỉ nam để đưa sứ Việt Thường về nước. Duy có một điều là người ta không hiểu đất Việt Thường và đất Giao Chỉ có phải là đất của ông tổ Hùng Vương của chúng ta thời bấy giờ hay không? Sau đó, Hùng Vương thứ 18 bị Thục Vương Phán đem quân sang đánh lấy mất nước Văn Lang, Hùng Vương thua chạy, nhảy xuống giếng tự tử. Thục Vương chiếm được nước Văn Lang, tự xưng là An Dương Vương, và cải quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô tại Phong Khê. Trong khi An Dương Vương làm vua ở nước Âu Lạc thì bên Tàu vua Thủy Hoàng nhà Tần đã nhất thống cả thiên hạ. Năm Đinh Hợi (214 trước kỷ nguyên) Thủy Hoàng sai tướng là Đô Thư đem quân đi đánh lấy Bách Việt (vào quãng những tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, và Quảng Tây bây giờ). An Dương Vương thế yếu nên cũng phải cho sứ giả sang xin thần phục nhà Tần. Bấy giờ, nhà Tần mới chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm 3 quận gọi là: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt bây giờ). Năm Quý Tỵ (208 trước kỷ nguyên) là năm thứ 50 đời vua An Dương Vương. Triệu Đà, một viên quan úy ở quận Nam Hải sang đánh lấy nước Âu Lạc lập ra nước Nam Việt. Triệu Đà tự xưng là Vũ vương và đóng đô ở Phiên Ngung, gần thành Quảng Châu bây giờ. Hồi ấy, bên Tàu, Lưu Bang đã diệt được nhà Tần, nhà Sở, thống nhất thiên hạ rồi, lên ngôi hoàng đế tức là vua Cao Tổ nhà Hán. Năm Ất Tỵ (196 trước kỷ nguyên), năm thứ 12 đời Vũ vương nhà Triệu, Cao Tổ có sai Lục Giả sang phong cho Vũ vương. Vốn tính kiêu căng, không muốn thuần phục nhà Hán, khi sứ thần Lục Giả sang tới nơi xin vào yết kiến, Vũ vương cứ ngồi xếp vành tròn không chịu đứng dậy tiếp, Lục Giả thấy vậy liền nói: − Nhà vua là người nước Tàu, mồ mả và thân thích đều ở cả châu Chân Định. Nay nhà Hán đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua. Nếu nhà vua kháng cự sứ thần, không chịu làm lễ thụ phong, Hán Đế tất phải tức giận, hủy hoại mồ mả và giết hại thân thích của nhà vua rồi đem quân sang đánh thì nhà vua làm thế nào? Vũ vương nghe thấy những lời bày tỏ của sứ Tàu Lục Giả, hoảng nhiên tỉnh ngộ, vội đứng lên làm lễ và mỉm cười nói: − Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán Đế! Năm Mậu Ngọ (183 trước kỷ nguyên) vua Cao Tổ nhà Hán băng, bà Lữ Hậu lâm triều, rồi nghe theo những lời gièm pha, cấm không cho người Hán buôn bán những đồ vàng, đồ sắt và đồ điền khí với người Nam Việt. Vũ vương tức giận, liền tự lập thành Nam Việt hoàng đế và cử binh mã sang đánh quận Trường Sa (tỉnh Hồ Nam bây giờ). Khi Lữ Hậu mất, Hán Văn Đế lên ngôi, lại sai Lục Giả đưa thư sang khuyên Vũ Đế về thần phục nhà Hán. Thư rằng: Trẫm là con trắc thất vua Cao Đế, phụng mệnh ra trị nước Đại, vì non sông cách trở, thẹn mình phác lậu2, cho nên lâu nay chưa từng đưa thư sang hỏi thăm nhà vua. Từ khi đức Cao Đế, xa bỏ quần thần, đức Huệ Đế qua đời, bà Cao Hậu ra lâm triều, không may bị bệnh, để cho họ Lữ chuyên quyền, toan đem con họ khác để nối vị đức Huệ Đế. May nhờ nhà Tôn miếu linh thiêng các công thần ra sức dẹp kẻ tiếm nghịch. Trẫm vì các vương hầu cùng bách quan cố ép, cho nên phải lên ngôi hoàng đế. Mới rồi trẫm nghe nhà vua có đưa thư cho Long Lư Hầu, nhắn tin anh em họ hàng ở quận Châu Định; và xin bãi binh ở quận Trường Sa. Trẫm cũng nghe lời thư của nhà vua, đã ra lệnh cho Tướng quân Bắc Dương hầu bãi binh về. Còn anh em họ hàng nhà vua ở Châu Định thì trẫm đã cho người thăm nom, lại sai sửa sang phần mộ nhà vua, thật là tử tế. Thế mà vừa rồi trẫm nghe nhà vua còn đem binh quấy nhiễu ngoài biên; quận Trường Sa thật khổ mà Nam quận lại còn khổ hơn. Làm như thế, nước nhà vua có chắc lợi được một mình không? Tất là tướng tá quân sĩ chết nhiều, làm cho vợ người góa chồng, con người mô côi bố, cha mẹ mất con, được một mất mười, trẫm không lòng nào nỡ làm như vậy. Vả lại được đất nhà vua cũng không lấy làm to; được của nhà vua cũng không đủ làm giàu. Vậy từ phía nam núi Lĩnh thì mặc ý nhà vua tự trị lấy. Nhưng nhà vua cứ xưng đế hiệu, hai bên cùng là đế quốc, mà không sai sứ giao thông, thế chẳng hóa ra ganh nhau ư? Ganh nhau mà không nhường, thì người nhân không thèm làm. Trẫm nay xin cùng nhà vua gác bỏ điều cũ, từ nay trở đi, thông sứ như xưa. Vậy trẫm sai Lục Giả sang đem ý trẫm khuyên nhà vua nên nghe, chớ làm chi nhiều sự cướp bóc tai hại. Lời lẽ trong bức thư của Hán Văn Đế thực là nhân từ và tử tế. Cuộc bang giao hòa hảo này do sứ giả nhà Hán đem thư sang đã khiến cho cõi lòng ông vua hiếu chiến nước ta phải cảm phục. Triệu Vũ Đế liền phúc đáp bằng một bức thư khác, lời lẽ như sau: Man d3i đại trưởng lão phu thần, Đà, muội tử tái bái, dâng thư lên hoàng đế bệ hạ, lão phu là kẻ cô lại nước Việt; khi Hiếu Huệ hoàng đế lên ngôi, tình nghĩa không dứt, vẫn hậu đãi lão phu. Đến khi Cao Hậu lâm triều, lại phân biệt ra Trung Hoa ngoại di; hạ lệnh cấm không được bán cho Nam Việt những đồ vàng sắt và điền khí; còn ngựa, trâu, dê thì chỉ bán cho giống đực, chứ không bán cho giống cái. Lão phu ở phương xa mà không có vật cúng tế thì phải tội, vì thế có sai Nội sử Phan, Trung úy Cao và Ngự sử Bình, ba lượt dâng thư sang Thượng quốc tạ quá, đều không trở về cả. Lão phu lại phong văn4 rằng nhà Hán đem hủy hoại cả phần mộ lão phu cùng giết cả anh em tôn tộc lão phu, cho nên có bàn riêng với chúng rằng nay trong đã không còn vẻ vang với nhà Hán, ngoài lại không có gì hơn được nước Ngô, vậy có xưng đế hiệu; mà chẳng qua cũng chỉ là tự đế ở nước mình mà không dám hại gì đến thiên hạ. Cao Hậu nghe thấy thế, lấy làm tức giận, đem tước bỏ sổ Nam Việt đi, không cho thông sứ, lão phu trộm nghĩ rằng hẳn vì Trường Sa vương gièm pha cho nên lão phu có đem binh đánh. Lão phu ở nước Việt đã bốn mươi chín năm nay, bây giờ đã có cháu rồi, nhưng vẫn sớm khuya trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên mắt không dám trông sắc đẹp, tai không dám nghe đàn vui, chỉ vì không được phụng thờ nhà Hán. Nay nhờ bệ hạ đoái thương, cho lại hiệu cũ, thông sứ như xưa, lão phu nhờ ơn, dẫu có chết xuống cũng không nát. Vậy xin cải hiệu từ đây và xin có cống phẩm phụng hiến hoàng đế bệ hạ. Cùng với thư phúc đáp này, Triệu Vũ vương lại sai sứ sang cống nhà Hán: một đôi ngọc trắng, 10 bộ sừng tê giác, 500 con đồi mồi, 1.000 con chim trả, một đôi khổng tước, một hộp quế đố (cà cuống). Từ khi Triệu Vũ vương chịu bỏ đế hiệu, Nam Bắc lại mở cuộc bang giao hòa hiếu, không có điều gì xích mích nữa. Triệu Vũ Vương làm vua được hơn 70 năm, sau truyền ngôi cho cháu đích tôn tên là Hồ lên làm vua, tức là Triệu Văn vương, tính tình nhu nhược không được kiên quyết như Vũ vương. Thời vua Văn vương trị vì, vua nhà Hán sai người Trang Trợ sang dụ Văn vương vào chầu, nhưng đình thần xin đừng đi, nên nhà vua cho thái tử Anh Tề đi thay, mãi đến khi Văn vương mất mới về nối ngôi, tức là Triệu Minh vương. Hồi ở bên Hán, Anh Tề có lấy người vợ lẽ là Cù Thị, và đẻ được một người con tên là Hưng. Khi về Việt Nam làm vua, Cù thị5 được sắc phong làm hoàng hậu và Hưng làm thái tử. Triệu Minh vương mất, thái tử Hưng lên nối ngôi, lấy hiệu là Triệu Ai vương. Vua Hán, hồi ấy lại sai An quốc Thiếu Quý sang dụ vua Nam Việt vào chầu. Sứ giả Thiếu Quý trước là tình nhân của Cù Thị, nên khi sang Nam Việt thông sứ, lại tư thông với Cù Thị và dỗ dành Ai vương đem nước Nam Việt dâng về nhà Hán. Quan Tể tướng Lữ Gia biết rõ ý định của Cù Thị và Ai vương, can ngăn mãi nhưng không được, liền hợp với mấy vị đại thần, đem quân cấm binh vào giết sứ nhà Hán, Cù thị và Ai vương. Việc này đến tai vua nhà Hán, Vũ đế liền sai Phục Ba Tướng quân Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang đánh Nam Việt. Cuộc bang giao hòa hảo không còn nữa, quan Thái phó Lữ Gia đem quân chống lại không nổi, phải đem Triệu Dương vương chạy, quân Hán đuổi theo bắt được, vua tôi đều bị hại cả. Nước Nam Việt mất quyền tự chủ và bị người Tàu chiếm lấy cải là Giao Chỉ bộ, và chia làm 9 quận, đặt quan cai trị như các châu quận bên Tàu. Cuộc bang giao Việt ‒ Hoa đã chấm dứt bằng những nét khá bi thảm trên những trang sử Việt. Nước Nam Việt đã mất quyền tự chủ và sa vào một thời đại Bắc thuộc trong ngót một ngàn năm. Mối bang giao Việt Hoa trong thời đại tự chủ Trải qua một thời kỳ hơn ngàn năm Bắc thuộc, cuộc bang giao bình đẳng giữa hai nước không còn nữa. Tuy vậy, trong thời kỳ lệ thuộc này, một người Việt Nam đầu tiên được thụ tước phong của Bắc Triều là Khúc Thừa Dụ, quán tại làng Hồng Châu (Bình Giang và Ninh Giang, Hải Dương). Khúc Thừa Dụ được vua Đường Chiêu Tuyên phong cho làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ (năm Bính Dần, 906) để cai trị Giao Châu, sau lại gia phong làm Đồng bình chương sự. Kế nghiệp họ Khúc (906-923) đến đời nhà Ngô (937-965); lúc ấy nước Tàu đang hồi loạn lạc, nên cuộc thông sứ không có, vì các vua Tàu không rảnh tâm nghĩ đến miền Nam. Ngô Vương Quyền đã khởi thủy đặt móng xây nền cho thời đại tự chủ của nước ta. Lâu đài tự chủ này lại càng thêm vững bền khi Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn Thập nhị sứ quân. Năm Mậu Thìn (968), Vạn Thắng vương lên ngôi hoàng đế, tức là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Cuộc bang giao giữa Trung Hoa và Việt Nam chính thức khởi từ triều đại này. Năm Canh Ngọ (970), Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình nguyên niên và đặt ra năm ngôi hoàng hậu. Nguyễn Bặc được phong Định Quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân và con là Đinh Liễn được phong làm Nam Việt vương. Hồi này, bên Tàu ông Triệu Khuông Dẫn6 lên nối nghiệp nhà Hậu Chu tức là vua Thái Tổ nhà Tống. Năm Canh Ngọ (970), Tống Triều sai tướng là Phan Mỹ sang đánh lấy Nam Hán. Vua Tiên Hoàng sợ quân nhà Tống sang đánh, bèn sai sứ sang thông hiếu với Tống triều. Năm Nhâm Thân (972), Tiên Hoàng lại sai Việt Nam vương là Liễn đem lễ vật sang cống nhà Tống. Năm Quý Dậu (973) Tống Thái Tổ liền sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương và Nam Việt vương Đinh Liễn Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Sang năm Bính Tý (975) Đinh Liễn lại được gia phong làm Giao Chỉ Quận vương. Từ đó, nước ta cứ giữ lễ triều cống nước Tàu. Nhưng một khi vua Đinh Tiên Hoàng băng, tự quân còn nhỏ dại lên kế nghiệp. Tống triều thừa dịp ấy muốn sang lấy nước ta, mới hội đại binh ở gần biên giới. Trước bức tối hậu thư quỷ quyệt của vua Thái Tông nhà Tống, Thập đạo Tướng quân là Lê Hoàn đã nhún mình lấy lời Vệ vương Đinh Tuệ xin phong, để làm chước hoãn binh. Thư rằng: ... Đời đời nhờ lệnh Thiên triều bao tưởng, nước thì mếch về góc biển, được lĩnh chức Tiết chế ở nơi mọi rợ, thường lo liệu việc tuế cống, không may nhà thần phúc bạc, gặp khi đức tiên thế tử lộc thì ngọc lụa vội dâng, dám mong được phần trợ tế, nhưng tuy là thổ địa kế truyền, chưa được lĩnh chức thụ phiên. Cha thần là Bộ Lĩnh, anh là Liễn, đều đội ơn Thiên triều, được dự phần khôn ký7, giữ gìn cương vực, dám đâu có lòng phản bội. Cái công lao mồ hôi ngựa chưa có gì mà cái tin buồn mù buổi sáng thoắt đến. Nhà thần sắp tan, có tang chưa đoạn thì các quận nội quân dân, quan tướng, các bô lão phiên trấn đều đến trước gối đất đệm cỏ, xin thần tạm nắm quyền việc quân lữ, thần đã ba bốn lần chối từ, họ cứ nằng nặc cố xin. Toan đợi tâu lại với bệ hạ, nhưng lo rằng nếu để chậm thì cái thói ác độc của mường mọi, dân giảo quyệt trong núi động, không theo cho vừa lòng nó sợ sinh biến chăng. Cho nên thần chỉn8 đã nhiếp9 chức Tiết độ hành quân Tư mã, quyền lĩnh các việc trong châu, cúi trông xin được chân mệnh, để cho đủ chức với biệt phiên, yên ủy tấm lòng tận trung của thần và tỏ cái lễ diên thưởng của Thiên triều, đặng thần đủ sức kế nghiệp của cha ông và vỗ về mọi rợ nơi biên viễn. Ở cõi đồng trụ may chỉ đủ sức hãn10 ngự mà dưới cửa khuyết được mãi mãi tỏ tấm lòng thành dâng cống, xin bệ hạ cúi xét tình đầu11, không nỡ làm tội. Thư này đưa sang nhà Tống sau khi Lê Hoàn nhờ bọn Phạm Cự Lạng12 suy tôn lên làm vua rồi. Tuy vậy, trong thư vẫn nói dối là lời của Đinh Tuệ (đã bị truất xuống làm Vệ vương) xin phong có ý để nhà Tống hoãn binh lại. Vua Tống không nghe, sai sứ sang trách Đại Hành rằng sao lại được xưng đế, và lại nói: − Nhà Đinh truyền tập đã ba đời rồi, vậy cho Đinh Tuệ làm thống soái, Lê Hoàn làm phó. Nhược bằng Đinh Tuệ còn trẻ tuổi không làm được thì Lê Hoàn phải bắt mẹ con Đinh Tuệ sang chầu Bắc triều, rồi sẽ phong quan tước cho Lê Hoàn. Vua Đại Hành biết mưu nhà Tống, không chịu vâng lời, liền sửa sang mọi cách phòng bị. Tháng ba năm Tân Tỵ (981), Lê Hoàn phá tan quân Tống ở Chi Lăng (Ôn Châu, Lạng Sơn) và chém được tướng Tống là Hầu Nhân Bảo. Quân ta tuy thắng trận nhưng vua Đại Hành sợ thế lực không chống với Tàu được lâu, bèn thi hành một chính sách ngoại giao khôn khéo. Năm 982, nhà vua sai sứ sang nhà Tống thông hiếu và báo tin về việc đánh thắng được Chiêm Thành. Năm Thiên Phúc thứ 5 (985), sứ Tàu lại sang và khi về vua Đại Hành cho đưa rùa vàng và ngà voi sang biếu, để xin lĩnh tiết trấn. Tháng mười năm sau, Tống triều sai chức Tả cổ khuyết là Lý Nhược13 và Hữu cổ khuyết Quốc tử giám bác sĩ là Lý Giác đem chế sách sang phong cho Lê Hoàn làm “Kim tử Quang lộc Đại phu kiêm hiệu Thái úy An Nam đô hộ Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ, Kính triệu quân, Khai quốc hầu”. Trong bài chế sách này, có những câu: “Sĩ Nhiếp là người thông minh, khai hóa cho dân tộc đất Việt được yên ổn, Triệu Úy Đà là người kính thuận, tuân theo chiếu chỉ của nhà Hán mà không trái, vỗ về dân di lạc để tỏ đức hóa của Trung triều.” Lê Hoàn nhận tờ chế sách đó một cách rất kính cẩn và tiếp đãi sứ giả rất hậu, lại sai đem giả14 hai tướng của nhà Tống bắt được năm trước là bọn Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân. Cùng năm ấy, Lê Hoàn lại sai sứ giả Ngô Quốc Ân đem đồ cống sang Tàu, nhân tiện tâu về việc người Chiêm Thành là Bồ La Át đem họ hàng hơn 100 người sang xin nội phụ. Năm Thiên Phúc thứ 7 (987), Tống Thái Tông phái Lý Giác sang sứ Việt Nam. Vua Đại Hành liền sai Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (tục gọi sư Thuận) cải trang giả làm lái đò ra đón ở chùa Sách Giang. Sứ giả Lý Giác vốn là một nhà thơ, thấy trên sông từng đôi chim thiên nga tung tăng bơi lội, bất giác nổi thi hứng, tức khẩu hai câu thơ: Nga nga lưỡng nga nga, Ngưỡng diện hà thiên nhai. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận ứng khẩu nối tiếp hai câu: Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bài thanh ba. …… Phải chăng đó là một mánh khóe tự kiêu trong cách giao thiệp của một người đã từng chiến thắng về quân sự để nêu thanh danh cho Tổ quốc. *** Cuộc bang giao Việt Hoa về đời nhà Lý (1009-1225)15, khởi đầu từ năm Canh Tuất (1010) niên hiệu Thuận Thiên nguyên niên đời Lý Thái Tổ (1010- 1028), Tống Chân Tông (998-1022) cũng phong cho Lý Thái Tổ làm Giao Chỉ Quận vương. Rồi vào khoảng niên hiệu Thiên Hỷ (1017-1021) lại gia phong làm Nam Bình Quận vương. Vua Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072)16 đổi quốc hiệu là Đại Việt đều thụ tước kể trên. Đến đời Lý Nhân Tông, cuộc giao bang Việt Hoa đã trải qua một thời kỳ gay go nhất. Tống Thần Tông (1067-1085)17 dùng Tể tướng Vương An Thạch đặt ra phép mới để cải tổ việc chính trị nước Tàu. Vương An Thạch đặt ra ba phép về tài chính và hai phép về binh chính. An Thạch có ý muốn lập công ngoài biên, bèn sai Lưu Di18 kinh lý19 việc đánh Giao Châu, Lưu Di sai người đi biên các khe ngòi, đồn lũy, sửa binh khí, làm thuyền bè và lại cấm không cho người ở châu huyện gần đấy đi lại buôn bán với người Giao Châu. Lý triều thấy sự tình như thế, mới viết thư sang hỏi Tống triều, song Lưu Di giữ lại không để về kinh, Lý triều tức giận, sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đan đem quân sang vây đánh Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu và giết hại quân, dân nhà Tống đến 10 vạn người, rồi lại bắt người lấy của đem về nước. Năm Bính Thìn (1076); quân Tống sang đánh báo thù. Lý Thường Kiệt đem binh cự địch, đánh chẹn được quân Tống ở sông Như Nguyệt (làng Như Nguyệt ở Bắc Ninh, tức sông Cầu bây giờ). Quân Tống đến đóng ở bờ sông Phú Lương. Hai bên chiến đấu dữ dội, quân Tống không tiến lên được. Quân Tống bị chết quá nửa vì không phục thủy thổ, nên phải lui về chiếm giữ châu Quảng Nguyên, châu Tư Lang, châu Tô, châu Mậu và huyện Quảng Lang (thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn bây giờ). Đến năm Mậu Ngọ (1078), Lý Nhân Tông sai sứ giả Đào Tôn Nguyên đưa voi sang cống nhà Tống và đòi lại những châu huyện ở mạn Quảng Nguyên. Vua Tống bắt phải trả những người châu Khâm, châu Liêm và châu Ung mà quân nhà Lý bắt về ngày trước, rồi mới trả châu huyện cho nhà Lý. Vua ta y lời tha cho về cả, tổng số gồm 221 người thì vua nhà Tống trả lại châu Quảng Nguyên. Mùa hạ năm Giáp Tý (1084)20 Nhân Tông sai quan Binh bộ Thị lang là Lê Văn Thịnh sang nhà Tống bàn việc chia địa giới. Lê Văn Thịnh phân giải mọi lẽ, nhà Tống lại trả nốt mấy huyện mà trước còn giữ lại. Từ đó nước Tàu lại mở cuộc giao bang hòa hảo như cũ. Năm Đinh Mão (1087), vua nhà Tống lại phong cho Nhân Tông làm Nam Bình vương. Đời vua Lý Anh Tông (1138- 1175)21, khoảng năm Giáp Thân (1164), Tống Hiếu Tông22 đổi Giao Chỉ quận làm An Nam quốc và phong cho vua Anh Tông làm An Nam Quốc vương. Nguyên trước kia, nước Tàu vẫn gọi ta là Giao Chỉ quận, sau đổi là Giao Châu, đến đời nhà Đường (618-907) lại đặt là An Nam đô hộ phủ. Nhà Đinh (968-980) lên đặt là Đại Cồ Việt, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đổi là Đại Việt. Nhưng nước Tàu vẫn phong cho vua ta là Giao Chỉ Quận vương, đến đời Lý Anh Tông mới đổi là An Nam Quốc vương. Nước ta thành tên là nước An Nam khởi đầu từ đấy. Trong đời Tiền Lê (980-1009), nhà Lý (1009-1225)23, các triều vua vẫn thường theo gót nhà Đinh, phái sứ giả sang cống hiến nước Tàu. Cống phẩm thời bấy giờ gồm có: vàng bạc, châu báu, tê giác, ngà voi, bạch phấn y hương, giáng chân hương, trầm hương, tốc hương, mộc hương, hắc tuyến hương, chỉ phiến, tự giáng hương, hạt cau (binh lang), sa nhân, chu sa, tô hợp dầu, v.v.. *** Nhà Lý mất ngôi rồi, nhà Trần (1225- 1400) lên làm vua ở An Nam. Bên Tàu, Mông Cổ đánh lấy nhà Tống và từ đó tất cả nước Tàu thuộc về Mông Cổ cai trị. Năm Đinh Tỵ (1257) đời vua Trần Thái Tông (1225-1258), tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqatai)24 sai sứ sang bảo vua Trần Thái Tông về thần phục Mông Cổ. Thái Tông không những đã không chịu, lại bắt giam sứ Mông Cổ rồi sai Trần Quốc Tuấn đem binh chống giữ mạn Bắc. Lần này, Mông Cổ tràn sang nhưng bị thua phải rút về. Vào khoảng niên hiệu Thiệu Long (1258- 1272), Bảo Phù (1273-1278), đời Trần Thánh Tông (1258-1278), vua Mông Cổ sai sứ phong vương cho Thánh Tông và buộc ba năm phải một lần cống. Mà lệ cống phải chọn nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy toán số và thợ thuyền, mỗi hạng ba người cùng với các đồ sản vật như là sừng tê, ngà voi, đồi mồi, châu báu và các vật lạ. Năm Bính Dần (1266), sứ Mông Cổ lại sang, Thánh Tông sai quan sang Tàu đáp lễ và xin đừng bắt nho sĩ, thầy bói và các thợ thuyền sang cống. Vua Mông Cổ ưng cho, nhưng lại bắt chịu 6 khoản khác: 1) Vua phải thân vào chầu; 2) Vua phải cho con hay em sang làm tin; 3) Biên sổ dân sang nộp; 4) Phải chịu việc binh dịch; 5) Phải nộp thuế má; 6) Vẫn cứ đặt quan giám trị. Thánh Tông lần lữa không chịu. Năm Tân Mùi (1271), Hốt Tất Liệt cho sứ sang dụ Thánh Tông sang chầu, nhưng nhà vua cáo bệnh không đi. Năm sau, Nguyên chủ cho sứ sang tìm cột đồng trụ của Mã Viện trồng ngày trước, nhưng Thánh Tông sai quan sang nói rằng: cột ấy lâu ngày mất đi rồi, không biết đâu mà tìm nữa. Việc ấy cũng thôi. Năm Ất Hợi (1275), Trần Thánh Tông nhận chiếu của nhà Nguyên, nhưng không chịu bái mạng, lại không trọng đãi thiên sứ. Nguyên Thế Tổ25 biên thư sang trách. Thánh Tông sai Lê Đà và Đinh Củng Viên sang sứ để biện bác. Thấy sứ thần Việt Nam vào chầu, vua Mông Cổ thét hỏi: – Các ngươi là sứ thần Nam Man phải không? Đinh Củng Viên đáp: – Tâu Thiên triều, xứ mọi rợ mới là “Man”. Nước Đại Việt chúng tôi là nước văn hiến xưa nay, chưa từng tranh bờ lấn cõi nước nào, cũng không hà hiếp ai, không thể gọi là “Man” được. Chúng tôi là sứ thần Đại Việt chứ không là sứ thần Nam Man. Nguyên Thế Tổ thấy trả lời có vẻ xàm báng liền hỏi: – Nam chúa nhà các ngươi không biết sức mình sao mà lại dám ngạo nghễ với Thiên triều? Đinh Củng Viên cứng cỏi đáp: – Chúa chúng tôi vẫn chịu thần phục Thiên triều, mới phái chúng tôi sang cống hiến, sao lại gọi là ngạo nghễ? – Vậy, sao chiếu thư của trẫm đến nơi, chúa các ngươi không chịu lạy mà cũng không trọng đãi thiên sứ? – Lễ bái chẳng qua là hư văn, che mắt thiên hạ. Chúa chúng thôi kính trọng Thiên triều, cốt ở trong lòng. Nếu Thiên triều xử nhân đạo, thì dù ngoại quốc chẳng giữ lễ nhưng vẫn kính trọng muôn phần. Không kính trọng thì bầy hương án, áo mũ lễ thì tình cũng chẳng ra gì. Và sứ thần chỉ là một người Thiên triều phái sang. Bệ hạ là vua của một nước lớn, chúa chúng tôi cũng là vua một nước nhỏ, chỉ chịu kém bệ hạ, lẽ nào kém cả bầy tôi Thiên triều. Nguyên Thế Tổ hầm hầm quát: – Quân trẫm đi đến đâu tan đến đấy, chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan. Cớ sao vua tôi nhà ngươi lại dám chống cự? Đinh Củng Viên ung dung tâu: – Nếu hoàng đế bệ hạ đem nhân nghĩa ra trị thiên hạ, tất ai cũng phải kính phục. Nhưng nếu chỉ cậy binh hùng tướng dũng thì nước nào chẳng có binh, có tướng, có sông núi hiểm trở. Vì thế, nước chúng tôi tuy nhỏ, song cũng đường đột chống cự lại quân Thiên triều. Nguyên Thế Tổ thấy sứ thần Việt Nam đối đáp trôi chẩy, biện bác hợp tình và lý, bèn cho ra sứ quán nghỉ ngơi. Lần này, vua Nguyên không ưng việc bỏ chức quan giám trị mà lại bắt theo sáu điều đã định trước. Thánh Tông cũng không chịu. Khi Nguyên chủ nghe tin Trần Thái Tông mất và Thánh Tông nhượng vị, liền sai Lễ bộ Thượng thư là Sài Thung sang và đi từ Giang Lăng (Hồ Bắc) qua Ung Châu (Quảng Tây) rồi sang nước Nam, chứ không đi qua tỉnh Vân Nam như các sứ thần trước. Sài Thung đến kinh thành, lên mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Đường Minh, rồi cho người đưa thư vào trách Nhân Tông rằng: “Sao không xin phép triều đình nhà Nguyên mà dám tự lập, vậy phải sang chầu Thiên triều hoàng đế mới xong”. Nhân Tông sai quan đại thần ra tiếp. Thung không thèm đáp lễ. Vua bày yến mời, Thung cũng không thèm đến. Đình thần An Nam ai cũng lấy làm tức giận. Sau vua phải dọn yến ở điện Tập Hiền, mời mãi Sài Thung mới đến. Trong khi uống rượu, Nhân Tông bảo Thung: “Quả nhân xưa nay sinh trưởng ở trong cung, không quen phong thổ, không thể nào đi được”. Được mấy hôm, Sài Thung về nước, Nhân Tông sai sứ mang thư sang Tàu, nói không thể sang chầu được. Năm Nhâm Ngọ (1282), Nguyên chủ lại cho sứ sang dụ: “Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải đưa vàng ngọc sang thay và phải nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo mỗi hạng hai người.” Nhân Tông sai người chú họ là Trần Di Ái và Lê Tuấn, Lê Mục sang thay cho mình, nhưng Nguyên chủ không bằng lòng, xuống chỉ lập tòa Tuyên phủ ti, đặt các liêu thuộc để sang giám trị các châu huyện nước Nam. Quan nhà Nguyên sang đến nơi, Nhân Tông không nhận đuổi về Tàu. Nguyên chủ thấy vậy giận lắm, lập bọn Trần Di Ái làm An Nam quốc vương. Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ và Lê Tuấn làm Thượng thư lệnh và sai Sài Thung dẫn 1.000 quân đưa bọn ấy về nước. Sài Thung đưa bọn Trần Di Ái đến gần ải Nam quan thì có tin phi báo về kinh đô. Nhân Tông liền sai tướng dẫn một đội quân lên đón đường, đánh lũ nghịch thần. Sài Thung bị tên bắn mù mất một mắt, chạy trốn về Tàu, còn bọn Trần Di Ái bị bắt phải tôi đồ làm lính. Nguyên chủ mới mượn cớ Sài Thung bị thương, sai con là Thoát Hoan cùng với bọn Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân sang đánh nước Nam. Lần này, Mông Cổ bị đại bại và Thoát Hoan phải chạy về Tàu. Giữa buổi can qua, sứ giả Việt đã có lần sang quân doanh của tướng Nguyên, để điều đình. Ấy là vào hồi tháng giêng năm Ất Dậu (1285), khi chiếm xong các cửa ải Lạng Sơn, quân Nguyên tiến xuống Vạn Kiếp. Quân An Nam thua chạy, bao nhiêu chiến thuyền mất cả. Quân Nguyên thừa thế chiếm vùng Võ Ninh, Gia Lâm, Đông Ngàn và kéo đến đóng tại bến Đông Bộ Đầu. Giữa khi ấy, Toa Đô đi đường bể sang đánh Chiêm Thành, cũng theo đường bộ kéo ra mặt Nghệ An. Trước tình thế nguy ngập đó, Trần Nhân Tông (1279-1293) muốn sai tướng đến quân doanh Nguyên điều đình xin tạm hoãn binh, luôn tiện đó xem lực lượng quân địch thế nào? Đỗ Khắc Chung tình nguyện lĩnh trọng trách ấy. Đến nơi, Ô Mã Nhi đem hai chữ “Sát Thát” ra trách và nói: “Ai xui quân nhà ngươi thích chữ vào cánh tay xấc láo như vậy, thế là khinh nhờn “Thiên binh”, lỗi ấy to lắm. Đỗ Khắc Chung ung dung trả lời: – Đó là lòng trung phẫn của quân sĩ, tự chạm lấy chứ, không phải ai xui. Chó nhà chủ vẫn thường cắn người lạ, sao Tướng quân lại nỡ giận trách thế? Ô Mã Nhi lại nói: – Đại quân Thiên triều ở xa đến, sao vua quan nhà ngươi không làm lễ nghênh tiếp lại dám chống lại? Đỗ Khắc Chung đáp: – Hiền tướng không theo cái kế của Hàn Tín đánh nước Yên, đóng quân ở đầu cõi đưa thư báo tin trước, như thế mà chúng tôi không thông hiểu thì mới là có lỗi. Nay hiền tướng đến tận nơi, muông thú đến lúc cùng thì cắn, chim đến lúc cùng thì mổ, huống chi người. Ô Mã Nhi nói: – Đại quân mượn đường đánh Chiêm Thành, quốc vương các anh nếu ra mặt thì trong nước được yên, không phạm một mảy lông, trái lại núi sông đều thành bình địa. Vua tôi các ngươi sẽ thành cỏ nát, dẫu muốn hối cũng không kịp nữa. Đỗ Khắc Chung cáo từ ra về. Ô Mã Nhi bảo các tướng: – Ta lấy oai vũ dọa nạt mà Đỗ Khắc Chung từ khí cứ tự nhiên, không chịu nói chủ mình là đạo chích, không nịnh ta là vua Nghiêu, chỉ nói chó nhà cắn người, thật là khéo ứng đối mà không làm nhục mệnh vua. Nước Nam còn có người khá chưa dễ mưu tính được. Sau hai lần đại phá quân Nguyên, người đời Trần đã làm cho Mông Cổ khiếp phục. Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn thì Trần Cương Trung sang sứ Nam vào sau hồi Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên (1288), lại còn để ý cả đến phong tục, tập quán của ta, đã viết về lễ nhạc nước ta khi Trần Nhân Tông (1288- 1293) ban yến như sau: Nhà vua thường ban yến ở điện Tập Hiền, đào kép mỗi bên 10 người, đều ngồi giữa đất, có đàn tì bà, loại đàn tranh nhà Tần một dây. Tiếng đàn cùng tiếng hát hòa nhau. Giọng ca ngân dài rồi đến lời hát. Dưới điện có trò đi đầu cây sào và múa rối. Lại có trò mang gấm phủ vào mình rồi múa, nhẩy, gào thét. Đàn bà nhuộm 10 móng chân đỏ, đứng trên sàn hát múa. Thêm vào đó, còn một bọn con trai hơn 10 người, cởi trần nắm cánh tay nhau, nối gót đi vòng quanh mà hát. Trong khi đi, một người giơ tay thì cả bọn đều giơ tay, mà hạ xuống thì đều hạ. Lời ca gồm có các khúc. Trang Chu mộng điệp, Bạch lạc thiên26, Mẹ biệt con, Vi sinh ngọc tiêu, Đáp ca, Thanh ca, còn lời than về thời thế thì rất thảm thiết. Đại tiệc ở trên điện thì phường đại nhạc ngồi ở sau nhà chài, người và nhạc khí đều không thấy. Mỗi lần rót rượu, quân lính hô to: “Nhạc tấu!” thì ở dưới nhà chài ca những khúc Giang châu long27, Nhập hoàng đối, Yến giao tri, âm điệu cũng giống như âm điệu cổ thời nhưng ngắn và gắt. Sứ giả Tàu Trần Cương Trung lại còn tỏ lòng khiếp phục binh sĩ đời Trần, trong một bài thơ lúc đi sứ Việt Nam về, tuy buổi ấy binh đao đã lặng từ lâu: Ngẫu nhiên tuổi trẻ chức quan to, Sai sứ sang Nam, nhẹ tựa tờ! Muôn dặm Thượng Lâm không nhạn đến; Ba canh Hàm Cốc có gà o. Lờ mờ giao sắt, lòng kinh khiếp: Vững vàng trống đồng, tóc bạc phơ. May được trở về thân mạnh khỏe, Chiêm bao thấy lại vẫn còn lo. Quân nhà Nguyên sang đánh An Nam tuy thua hai ba phen thật, nhưng nước Nam ta sánh với nước Tàu là một nước nhỏ mọn mà chiến tranh mãi thì muôn dân phải lầm than, khổ sở. Vì lẽ ấy, tháng mười năm Mậu Tý (1288) vua Nhân Tông sai quan là Đỗ Thiên Thu sang sứ nhà Nguyên, xin theo lệ cống hiến như xưa. Nguyên chủ cũng thuận cho thông hòa. Văn thư ngoại giao về hồi này rất nhiều. Đây là vài bức thư lục tục gửi sang Tàu sau cuộc thắng trận: Thế tử nước An Nam, thần mọn là Trần Nhật Huyên trăm lạy sợ sệt liều chết chịu tội dâng thư lên đức hoàng đế bệ hạ mệnh trời dành ngôi. Bằng nay: gió Nam mát mẻ, kính chúc thánh cung nằm ngồi đều đặng vạn phúc, cha con thần mọn quy thuận Thiên triều đã hơn 30 năm nay, tuy thần mang bệnh tật, đường sá xa xôi, bệ hạ bỏ qua không hỏi mà sự cống hiến phương vật, sứ giả sang dâng, chưa hề thiếu thốn. Năm Chí Nguyên thứ 21, chức Hải nha Bình chương là A Lý gây việc ở biên giới, trái với thánh chỉ. Thế rồi sinh linh nước thần hóa thành bùn than. Sau khi đại quân đã về, thần mọn chắc rằng tình dưới ủng trệ28, miệng lưỡi gièm pha thêu dệt nên tội, mới riêng sai chức Thông thị đại phu là Nguyễn Nghĩa Toàn và Hiệp trung đại phu là Nguyễn Đức Vinh phụng cống các phương vật """