" Góc Nhìn Sử Việt: Tang Thương Ngẫu Lục PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Góc Nhìn Sử Việt: Tang Thương Ngẫu Lục PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo LỜI GIỚI THIỆU QUY CÁCH BIÊN TẬP TIỂU DẪN TIỂU TRUYỆN PHẠM ĐÌNH HỔ TIỂU TRUYỆN NGUYỄN ÁN TỰA PHẦN I. TANG THƯƠNG NGẪU LỤC - QUYỂN THƯỢNG THẦN TÔNG HOÀNG ĐẾ HIỂN TÔNG HOÀNG ĐẾ CHUYỆN CŨ TRONG PHỦ CHÚA ÔNG NGUYỄN DUY THÌ HỒ GƯƠM ÔNG NGUYỄN VĂN GIAI NGƯỜI NÔNG PHU Ở NHƯ KINH NGƯỜI NÔNG PHU Ở AN MÔ MA ĐỒNG XUÂN ÔNG NGUYỄN CÔNG HÃNG ÔNG NGUYỄN BÁ DƯƠNG QUẬN MÃ ĐẶNG LÂN THÀNH ĐẠO TỬ ÔNG LÊ THÌ HIẾN ÔNG ĐỖ THẾ GIAI ÔNG HOÀNG NGŨ PHÚC CHÙA TIÊN TÍCH LIỆT PHỤ ĐOÀN PHU NHÂN NGƯỜI LÀM MƯỚN Ở KINH THÀNH ÔNG LÊ ANH TUẤN ÔNG BÙI THẾ VINH ÔNG NGUYỄN CÔNG HOÀN ÔNG LÊ HỮU KIỀU ÔNG NGUYỄN TRỌNG THƯỜNG BÀI KÝ CHƠI NÚI PHẬT TÍCH - (CHÙA THẦY) DẬT SỬ CỦA CỤ THÁI TỂ ÔNG ĐÀM THẬN HUY ÔNG LÊ TUẤN MẬU ÔNG DƯƠNG BANG BẢN ÔNG UÔNG SĨ ĐOAN HÓA HỔ ĐỨA CON ĐEN HANG NÚI ANH KẺ TRỘM LÀNG LÂM HỘ ÔNG ĐỖ UÔNG TƯỚNG QUÂN ĐOÀN THƯỢNG SÔNG DÙNG NÚI ĐÔNG LIỆT NÚI RẾT NỘI ĐẠO TRÀNG BÀ VỢ THỨ ÔNG NGUYỄN KIỀU PHẦN II. TANG THƯƠNG NGẪU LỤC - QUYỂN HẠ ÔNG CHU VĂN TRINH ÔNG LÊ TRÃI ÔNG BÙI CẦM HỔ THƠ MA ÔNG PHẠM NGŨ LÃO THI HỘI MẢ MẸ ĐÀO KHẢN CÁI MIẾU CỔ Ở CỬA ĐÔNG HOA TƯỢNG GIÀ LAM Ở NGÔI CHÙA ĐỒNG BIA NÚI THÀNH NAM CỤ THÁI TỂ TÔI SÔNG ĐỘC MẢ TỔ QUẬN BẰNG MIẾU THANH CẨM DẬT SỰ CỦA ÔNG TIÊN HỌ PHẠM ÔNG ĐẶNG CHẤT ÔNG NGUYỄN TÔNG KHUÊ QUAN QUẬN LỘC Ở HÀM GIANG TẢ AO TIÊN SINH THÀNH CŨ TRIỀU KHẨU ÔNG VŨ DUỆ ÔNG NGUYỄN VĂN GIAI MIẾU THUẦN DƯƠNG TỔ SƯ NGƯỜI KHỔNG LỒ ÔNG PHẠM ĐÌNH TRỌNG CHÙA THIÊN MỤ HỒ HOÀN KIẾM CỬA KINH THÀNH ÔNG HOÀNG SẦM ÔNG ĐẶNG TRẦN CÔN MẸ RANH CÀN SÁT ĐỀN TRẤN VÕ NÚI DỤC THÚY MẢ TỔ HỌ NGUYỄN LÀNG QUẾ Ổ ÔNG SẤM ÔNG DƯƠNG CÔNG CAO ÔNG NGUYỄN ĐĂNG CẢO ÔNG BÙI HUY BÍCH THÁP BÁO THIÊN TIÊN QUẬN CHÚA NGƯỜI BÁN THAN PHẠM TẤU ÔNG VÕ CÔNG TRẤN ÔNG NGUYỄN TRẬT ÔNG VÕ SƯỞNG CHUYẾT CÔNG THIỀN SƯ ĐỀN LINH LANG CHÙA KIM LIÊN THÁNH TÔNG HOÀNG ĐẾ THƠ ĐỀ SAU TỦ SÁCH ALPHA DI SẢN - GÓC NHÌN SỬ VIỆT LỜI GIỚI THIỆU Bạn đọc thân mến! Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc. Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước. Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật - dù gây tranh cãi - tạo nên lịch sử đó. Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay... và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội. Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” - đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước. Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, “lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản. Xin trân trọng giới thiệu. Công ty CP Sách Alpha Tủ sách “Góc nhìn sử Việt” ra đời, mục đích giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm hay, có giá trị, đồng thời góp phần bảo lưu gìn giữ những giá trị văn hóa của đất nước. Để thực hiện bộ sách này, chúng tôi tuân thủ một số quy cách sau: 1. Bảo toàn văn phong, nội dung nguyên gốc, từ ngữ mang đậm văn hóa vùng miền trong tác phẩm (trừ khẩu âm). 2. Biên tập đối chiếu trên bản gốc sưu tầm được và có ghi rõ tái bản trên bản năm nào. 3. Chú thích từ ngữ cổ, từ Hán Việt. 4. Tra cứu bổ sung thông tin: tiểu dẫn, tiểu sử, sự kiện, nhân vật, phụ lục (nếu cần thiết)... 5. Sửa lỗi chính tả trong bản gốc. 6. Giản lược gạch nối từ ghép, khôi phục từ Việt hóa tiếng nước ngoài khi có đủ tài liệu tra cứu tin cậy (trừ trường hợp từ ngữ đó đã dịch thành thuần Việt). 7. Trường hợp thông tin lịch sử trong sách có sai lệch so với chính sử, chúng tôi sẽ chú thích hoặc đăng phụ lục ở cuối sách. 8. Một số hình ảnh trong sách gốc bị mờ, chất lượng kém… chúng tôi sẽ đăng bổ sung - thay thế các hình ảnh có nội dung tương tự, chất lượng tốt (nếu có). Mong đón nhận những ý kiến đóng góp của độc giả, hỗ trợ chúng tôi hoàn thiện tủ sách này. Alpha Books TIỂU DẪN Bộ Tang thương ngẫu lục 桑滄偶錄 này do hai ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cùng soạn về năm Gia Long, chép những chuyện lặt vặt trong triều, ngoài nội mà hai ông đã nghe hoặc thấy từ khoảng cuối Lê trở về trước. Toàn bộ gồm có 90 chuyện, chia làm hai quyển, quyển trên 40 chuyện, quyển dưới 50 chuyện. Hai ông sinh hồi cuối Lê, cái khoảng đời đã xảy ra rất nhiều những việc bể dâu biến đổi, mà bộ sách này chép nhiều câu chuyện biến thiên của hồi ấy, cho nên tên sách đặt là Tang thương ngẫu lục, nghĩa là những câu chuyện ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu. Ban đầu sách này chỉ có bản viết trong một thời gian gần trăm năm. Đến năm Bính Thân niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896), ông Nghè Gia Xuyên Đỗ Văn Tân, Tổng đốc Hải Dương, quyên tiền khắc ván, từ đấy mới có bản in mà sự lưu hành mới được rộng hơn trước. Vì nghĩ là một bộ sách xưa, có bổ trợ cho nền sử học, nên chúng tôi đem phiên dịch in ra. Ngòi bút thô lậu của chúng tôi, không biết khỏi có những chỗ sai lầm chăng, còn chờ ở các bậc cao minh chỉ giáo. Người dịch Ông Phạm Đình Hổ 范廷琥 (1768-1839(1)), tự Tùng Niên 松年, hiệu Đông Dã Tiều 東野樵, người làng Đan Loan huyện Đường An(2)trấn Hải Dương, con quan Tham tri chính sự Phạm Đình Dư 范廷璵. Vì là con vị đại thần, nên đương thời thường gọi là ông Chiêu Hổ. Ông tư chất thông minh, học vấn rộng rãi. Tuổi trẻ thi đậu Sinh đồ, rồi vào học trường Quốc tử giám. Gặp khi quân Tây Sơn từ phương Nam kéo ra đất Bắc, nhà tan nước vỡ, từ đấy ông sống cái đời của một kẻ hàn nho. Bản triều đại định, trong đời Gia Long, ông có đi thi ba khoa hương, nhưng đều trượt cả. Nhân sĩ Bắc Hà, ai cũng biết tiếng ông là người hay chữ. Vì thế thấy ông thi trượt, có người bảo ông bị quan trường ghét mà đánh hỏng, bởi cớ ông nói năng không chịu giữ gìn. Hồi ấy ông có nhà ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương, trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn dạy học trò, và vui với văn chương học vấn, có soạn ra được nhiều sách vở, trở nên một nhà đại trước tác. Cũng trong hồi này ông kết bạn thơ rất thân mật với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thường cùng nhau vịnh ngâm xướng họa, có những bài quốc âm bén giọng chớt nhả. Niên hiệu Minh Mệnh năm đầu (1820), có chỉ triệu bọn các ông Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú vào kinh đợi mệnh cất dùng, nhưng ông đương ốm không đi được. Mùa đông năm sau, ngự giá ra Bắc, vời ông vào chầu ở điện Cần Chánh trong thành Thăng Long, hỏi về học vấn thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc, lại khuyên hễ có những sách vở về điển cố tiền triều, cùng là sách trước thuật ra được đều nên đem tiến trình. Bấy giờ ông cũng đương ốm yếu lệt bệt, vua truyền cấp cho mỗi tháng 2 phương gạo lương và 2 quan tiền. Ông lạy tạ trở về rồi có dâng lên bốn bộ sách chép tay là những bộ này: Lê triều hải điển (2 quyển); Bang giao điển lệ (1 quyển); Sứ quán bạn tiếp thư trát tập (1 quyển); Bạn tiếp thù phụng thi tập (1 quyển). Sau khi ông mạnh, được triệu vào kinh. Ban đầu lĩnh chức Hành tẩu trong viện Hàn lâm, sau thăng lên Biên tu, rồi lại thăng Thừa chỉ. Cuối cùng, được thăng đến chức Tế tửu ở trường Quốc tử giám. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), vì già yếu xin về trí sĩ. Những sách ông trước soạn ra được, ngoài bộ Tang thương ngẫu lục này soạn chung với ông Nguyễn Án thì còn có những bộ như: Vũ trung tùy bút lục, Hy kinh trắc lãi, Càn khôn nhất lãm v.v… Ông thọ đến ngoài 70 tuổi mới mất. TIỂU TRUYỆN NGUYỄN ÁN Ông Nguyễn Án 阮案 (1770-1815), tự Kính Phủ 敬甫, hiệu Ngu Hồ 愚湖, người làng Du Lâm, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh), cháu đích tôn của ông tiến sĩ Nguyễn Bá (sau đổi là Nguyễn Thưởng). Sinh gặp hồi cuối Lê loạn lạc, ông chỉ lấy thơ văn sách vở làm vui. Có làm nhà ở tại trên bờ hồ Gươm, tự hiệu là Kiếm Hồ ngư ẩn. Vì là bạn chơi thân của ông Chiêu Hổ, nên hai ông cùng nhau soạn chung ra bộ sách này. Bản triều thống nhất, niên hiệu Gia Long năm thứ 4 (1805), mở khoa thi hương đầu tiên ở xứ Bắc, ông Án đi thi đỗ Cống sinh. Năm Gia Long thứ 7 (1808), ông được bổ Tri huyện Tiên Minh (Hải Dương). Làm quan được 7 năm thì mất, thọ 46 tuổi. Văn chương trước thuật, trừ bộ sách Tang thương ngẫu lục soạn với ông Chiêu Hổ, ông còn có tập thơ Phong lâm minh lãi 風林鳴籟詩集 nữa. Trời đất là một hóa cảnh, mở, đóng riêng chia, người vật là một sinh cơ, xưa, nay có khác. Duy lẽ đạo của ta như một bầu nguyên khí bàng bạc, mà thường ký ngụ ở trong khoảng chữ nghĩa văn chương. Ôi, gọi là tang thương, vì sao mà có tập sách này? Ốc hến trên núi, đó là tang thương của vận giời; gươm cổ trong ruộng, đó là tang thương của việc người; kinh xưa không thể lại thấy, chỉ thấy những sách chưa đốt của người Tần(3), sử đúng không thể lại được, chỉ được bản thảo đã thành của Ban, Mã(4), đó là tang thương của sách vở. Song có người đem xướng minh ra, thì lại có sự không tang thương ở trong. Nước Nam ta từ đời Hồng Lạc đến nay, chính thống thì như Đinh, Lý, Trần, Lê, tiếm ngụy thì như Mạc, Hồ, Nhạc, Huệ, lại nào sứ quân rạch đất, đô hộ cầm quyền, những cuộc tang thương, há chẳng đã rất nhiều rồi sao! Than ôi, đạo ta vốn không có thời kỳ tang thương, nhưng người ta tất có cái cảm khái tang thương, ấy tập sách tang thương này sở dĩ có là vì thế đó. Tùng Niên là quan Quốc tử Tế tửu, hiệu Đông Dã Tiều, do chân trưng triệu mà ra, ông họ Phạm đó; Kính Phủ là quan huyện doãn Tiên Minh, hiệu Ngu Hồ, ông họ Nguyễn đó. Hai ông sinh về cuối đời Lê, gặp những cuộc biến bể dâu, nhưng bể học của các ông vẫn giữ được nguyên trong lặng. Cho nên phát hiện ra văn, Tùng Niên viết bài ký núi Phật Tích, Kính Phủ viết bài ký núi Tiên Tích, trong lời ký như có nét vẽ, có thể cùng với bài ký nguồn Đào hoa của Uyên Minh đời Tấn cùng truyền. Lại còn như kể chuyện ba vị vua hiền đời Lê như Thánh Tông, Thần Tông, Hiển Tông mà tường cả đến việc cũ ở trong phủ chúa; kể chuyện các vị danh thần đời Trần như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, mà đến cả thói ngang ngạnh của Quận mã Đặng Lân. Chép chuyện đền miếu ở thôn ấp, thì đến cả việc Thuần Dương tổ sư nhận lầm là Liễu Hạnh công chúa, tượng cổ ở ngôi chùa đồng, bia đá ở núi Thành Nam, thần thiêng ở quán Trấn Võ, thánh giang ở đền Linh Lăng. Chép chuyện mả tổ nhà người thì đến cả mả mẹ Đào Khản, lại đem mả người thiếp của Phục Ba ra để đối chứng, thầy địa ở Tả Ao, mả phát ở Vân Điềm, tiết phụ nhà họ Đàm, võ thần làng Quế Ổ. Tuy bậc danh công của lịch đại, hay người tài nữ của một thời, đều vào trong ngọn bút phẩm bình. Chân nhân đi theo tiên, cùng là nông phu trông thấy quỷ, cũng không hiềm là quái đản. Thậm đến cột gỗ biện gian, Thái Tây truyền đạo, cùng những việc lạ ăn người, hóa hổ, cũng đều ghi chép. Từ Lý, Trần, Lê, Trịnh đến nay, trên dưới mấy trăm năm, có những điều quốc sử chưa ghi, dã sử chưa chép, hai ông đều thu cả vào trong cõi mắt tang thương. Nếu hai ông hết thảy đều cho là việc tang thương mà quên đi, thì những chuyện ấy phỏng được mấy lâu mà mai một đi mất. May mà lấy ngòi bút tang thương biên chép, nên nó còn là cánh bè chở bến mê, ngọn đèn soi nhà tối, đặt tên là Tang thương ngẫu lục, ý nghĩa có thể nhận biết được vậy. Nay ông Gia Xuyên đã gặp thời mà để ý vào việc kiếm sách, bác Hải Nông chưa gặp thời mà dùng công vào việc khắc ván, cùng với tôi đều người trong cuộc tang thương mà ý thú tình cờ gặp nhau. Vì thế nên tôi quen mình bỉ lậu, viết mấy lời lên đầu giấy, mong rằng không vì tang thương mà phải bỏ đi thì may lắm. Hoàng triều năm Bính Thân(5)tháng tiểu xuân ngày thượng cán(6) Chủ nhân đình Tam An Phùng Dực Bằng Sô Cẩn tựa Việc không gì lớn bằng giữ gìn cái cũ, học không gì cần bằng bỏ trống chỗ ngờ, đó thật là lời nói biết lẽ. Nước Nam ta trải trăm nghìn năm, vẫn là một nước văn hiến cũ, nhà làm sử đời nào cũng có. Song từ Lê về trước phần nhiều giản lược, khiến cho người khảo cổ thường phải băn khoăn, vậy thì những dã sử ngoại truyện, sao nên để cho mai một. Mậu này từ thủa nhỏ hầu học gia nghiêm(7), thường được người đem những chuyện các bậc danh hiền đời trước của nước nhà mà kể cho nghe, như ông Hương cống họ Nguyễn ở làng Cổ Đô mải miết học tập(8), ông Thám hoa họ Giang ở làng Mông Phụ đi sứ vẻ vang(9), ông Trạng nguyên họ Vũ ở làng Trình Xá gieo ấn xuống bể mà chết theo nạn nước(10), và còn nhiều chuyện khác nữa. Đó cũng là đem những chuyện thật ở ngoài chính sử mà kể, trẻ dại biết gì, bấy giờ tôi chỉ biết vâng dạ mà thôi. Rồi sau đó đi làm quan xa, tôi từng được trông thấy tập Tang thương ngẫu lục ở nhà người bạn. Xem tên người viết thì là Tùng Niên và Kính Phủ, cũng chưa biết rõ là ai. Nhưng những chuyện biên chép trong đó, có nhiều chuyện đúng như tôi đã được nghe, vậy không còn ngờ gì đó là một tập chép những sự thực. Năm nay tôi ở nhà báo Đồng Văn, đã đem chuyện ông Hương cống Cổ Đô vào báo. Chợt người bạn cũ là bác Lê Hải Nông đem tập này đến mà bảo: “Đây là sách của bậc danh hiền làng tôi soạn ra, nay ông bạn đỗ đồng khoa của bác là quan Tổng đốc Hải Dương Đỗ Gia Xuyên quyên tiền lương bổng để khắc ván, vậy bác làm cho một bài tựa”. Hỏi ra thì Tùng Niên là quan Tế tửu Phạm Đình Hổ người làng Đan Loan, Kính Phủ là ông Hương cống Nguyễn Án đỗ khoa thi hương thứ nhất của Quốc triều, người làng Du Lâm. Hai ông sinh về thời Cảnh Hưng nhà Lê, đến khi hoàng triều dấy lên mới ứng mệnh mà ra làm quan. Trong khoảng đó Tây (Tây Sơn), Bắc (Tàu) tranh giành non sông biến đổi, trắng xanh nhấp nhoáng, chớp mắt muôn màu, những việc tang thương, nói làm sao xiết. Bộ sách này vốn không phải là đúng với bộ mặt thật, những chữ lầm lạc, không khỏi chen lẫn ít nhiều, vậy cứ để khuyết nghi là phải. Tựu trung ghi chép những việc tai nghe mắt thấy, đủ để bổ khuyết cho cái chỗ sử không chép đến. Có những câu chuyện quái đản, đại khái là rút ra từ nét bút của chức Tả sử(11) và để ngụ cái ý thâm vi. Ban đầu chép các vua Thần Tông, Hiển Tông, sau cùng thì lấy giấc mộng của Thánh Tông, Thuần Tông để kết. Chuyện thuộc về bên nhà Phật, đáng nhẽ người quân tử không nói, hai ông cũng đã rằng vậy. Vậy mà trong sách lại thường nói đến luôn, và chép một cách thẳng thắn, không tỏ ra nghi ngờ gì cả, chính là có ký thác một cái ý ở trong đó vậy. Chao ôi, đó há chẳng là ý “đối với cái thời các bậc anh hiền đời Tam Đại, ta chưa kịp thấy nhưng mà vẫn để lòng mong ước”(12) đấy ư? Thời nay phong khí mở mang, mỗi ngày mỗi lạ. Bên ngoài bể cả, bậc đá phẳng như đá mài, đường sắt giăng như bàn cờ, rực rỡ lầu pha lê, tưng bừng đèn điện khí, đó là nương dâu đó chăng? Lại như cắp cánh máy bay lên trên không, cưỡi khí cầu đi tìm Bắc cực. Sau đây mấy chục năm nữa, những dấu vết của thời kỳ cũ kỹ, há chẳng theo cùng một giấc mộng mà biến mất không còn tý gì. Song trạm khắc đã chán thì lại nhớ đồ mộc, góc giác đã vỡ thì lại nhớ hình tròn, đó là cái tình rất thường mà cái lý tất đến như thế. Lấy cái ý khuyết nghi tồn cổ mà suy, không nên cẩu thả làm cho văn xuôi chữ thuận, hẵng để dành lại cho những người học kỹ nghĩ sâu sau này, như nhời ở bài tựa quyển Chiến Quốc sách đã nói, Mậu đối với quyển sách này, cũng nghĩ như vậy. Niên hiệu Thành Thái năm Bính Thân sau tiết Đông chí. Phó bảng khoa Canh Thìn, trông coi công việc tòa báo Đồng Văn. Giá Sơn Kiều Oánh Mậu Cẩn tựa PHẦN I. TANG THƯƠNG NGẪU LỤC - QUYỂN THƯỢNG THẦN TÔNG HOÀNG ĐẾ(13) Vua Kính Tông hồi tiên triều (triều Lê), ở ngôi lâu năm, mà chưa sinh hoàng nam để lập làm Thái tử, thường cầu khấn trời đất quỷ thần mãi. Rồi hoàng hậu Trịnh thị có mang, đến ngày lên giường cữ, mãi chưa sinh được, lòng vua lo lắng. Chợt vua chiêm bao thấy có người bảo: “Hoàng tử còn ở chợ Báo Thiên(14), hậu cung sinh mau sao được!”. Tỉnh dậy, vua sai nội giám thử ra chợ ấy dò xem. Bấy giờ vừa tang tảng sáng, chợ vắng tanh chưa có ai. Nội giám chỉ thấy dưới gầm phản hàng thịt, có lão ăn mày tóc bạc phơ, tuổi chừng 81, 82, đương nằm ở mặt đất mà rên hừ hừ, ngắc ngoải chờ chết. Nội giám vội chạy về tâu. Vua lại sai ra thăm hỏi xem. Sáng ra thì lão ăn mày chết mà giữa lúc ấy, trong cung hoàng hậu đã sinh ra hoàng tử. Hoàng tử nhớn lên nối ngôi, tức là Thần Tông. Khi ở ngôi, lấy ngày sinh làm tiết Thọ Dương. Hằng năm đến ngày, nhà chức trách dựng hành tại(15) ở chợ Báo Thiên; bộ Lễ sắm xe giá tàn quạt, đến nơi hành tại, rước hai cây thiên tuế, vạn tuế làm bằng trúc về cung; quan ở tòa Kinh Diên rước hai cây ấy đi quanh giường ngự ba vòng, chúc Hoàng đế sống lâu muôn tuổi. Lễ cử hành xong, vua ngự ở điện Vạn Thọ, chịu lễ chầu mừng, ban yến ở sân điện. Các triều vua sau cũng theo như thế, gọi là lễ Khánh Thọ bảo thần. Vua sinh được bốn con là Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hy Tông đều lên ngôi thiên tử, phúc thọ vào bậc nhất ở đời trung hưng. Khoảng năm Vĩnh Hựu (1735-1740), vua Ý Tông thường chế hạc gỗ và lực sĩ Chiêm Thành (người phỗng) dâng cúng ở trước tượng thờ vua Lý Thần Tông tại chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích(16), vì tương truyền hậu thân vua Lý Thần Tông tức là vua Thần Tông triều Lê. Xét cái thuyết tiền thân, hậu thân là xuất tự kinh điển nhà Phật, người quân tử(17) chẳng hề nói đến. Nếu quả có chuyện ấy thật thì tiền thân vua Lý Thần Tông là thầy tu Từ Đạo Hạnh, hậu thân là lão già ở chợ Báo Thiên, lại hậu thân là vua Thần Tông triều Lê; một ông sư, một lão ăn mày, tái sinh vào nhà đế vương, khiến người không thể hiểu nổi. Năm Cảnh Hưng Ất Tỵ (1785), gặp kỳ lễ thọ thất tuần của Hiển Tông hoàng đế, đình thần là ông Bùi Huy Bích, ông Hồ Sĩ Đống ở trong chính phủ, bàn dâng tôn hiệu là Uyên Ý Khâm Cung Nhân Từ Đức Thọ Hoàng Đế và làm lễ trong ngày tiết Thánh Thọ. Bấy giờ việc chầu trong triều đường bỏ bễ từ lâu; nền điện cũ ở Nùng Sơn bỏ làm điện Kính Thiên, thờ Hiệu thiên Thượng đế (giời), Hậu thổ Địa kỳ (đất), và phụ phối đức Thái Tổ hoàng đế. Những ngày mồng một và rằm, vua ra coi chầu ở điện Cần Chính. Viện Đãi Lậu ở hai bên điện ấy nối nhau sụp đổ, cỏ mọc lên thềm và ngập đến đầu gối, phân ngựa vấy ra bừa bãi. Đến bấy giờ, sai viên Đề lĩnh đốc suất bọn vệ sĩ sửa dọn thềm son, chữa viện Đãi Lậu. Trước một ngày, quan Phủ doãn Phụng Thiên(18)là Hoàng Vĩnh Trân đem những thuộc quan mặc đồ triều phục, đến túc trực ở nhà giám Tư lễ, coi giữ biểu mừng. Đến ngày, hoàng thượng ngự lên bảo tọa, hai ban văn võ dàn theo thứ tự. Ông Hoàng tử Đại tư đồ Sùng Nhượng công đứng đầu võ ban, ông Hồ Sĩ Đống đứng thứ hai; Quốc lão quận công Nguyễn Công Hãng(19) đứng đầu văn ban, ông Bùi Huy Bích đứng thứ hai. Tòa Hồng lô róng rả các viên Tự ban trong sở Hạp môn, chia ra nội tán ngoại tán để xướng lễ. Ông Phan Huy Ích quỳ ở phía hữu ngự điện, tuyên đọc tờ biểu, tiếng vang ra tận cửa Đoan Môn. Lễ thành, viên thái giám mặc áo bào hồng, thắt đai văn tê, từ phía hữu ngự tọa xuống thềm tuyên chỉ, ban yến ở viện Đãi Lậu. Những ông già bà cả ở kinh đô đều nói: - Từ niên hiệu Chính Hòa(20) đến nay, trải 80 năm, không được trông thấy lễ này. Tờ biểu (có chép trong sách Hoàng Việt văn tuyển) mở đầu có hai vế: 黼座天開,龜籌薦壽康之福 Phủ tọa thiên khai, quy trù tiến thọ khang chi phúc, 彤庭日麗,虎拜揚保定之休 Đồng đình nhật lệ, hổ bái dương bảo định chi hưu. (Ngai thêu trời mở, thẻ rùa dâng phúc thọ khang. Sân son nắng chiếu, gối hổ chúc lành bảo định). Giữa có hai vế: 千春歷始登四紀 Thiên xuân lịch thủy đăng tứ kỷ, 萬年籌初逮七旬 Vạn niên trù sơ đại thất tuần. (Lịch nghìn xuân mới lên bốn kỷ(21); Thẻ muôn năm vừa tới bảy tuần). Còn nữa không chép ra đây hết. CHUYỆN CŨ TRONG PHỦ CHÚA Kính Phủ Sau khi vạc đổi(22), có tên Đang làm mướn cho tôi. Vốn là chân nội thị đời chúa Tĩnh Vương(23), kể lại những chuyện cũ ở trong cung phủ rất tường. Mỗi năm đến Tết trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày, chúa ngự giá ra chơi Bắc cung. Cung có ao gọi là Long Trì, rộng nửa dặm, trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất, chồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình có thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng dập dờn, trông xa tựa hồ hàng vạn ngôi sao sáng. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn mặc áo như đàn bà, bày hàng ở rìa đường, bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả, chả, rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi. Cung nhân qua lại mua bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi giá cả bao nhiêu; đua nhau đem những câu hát quê ra đối chọi với nhau, tiếng cười đùa vang cả trong ngoài. Nửa đêm chúa ngự kiệu đến ao, xuống thuyền. Quan hầu và các phi thiếp gõ ván hò reo, đi lại vùn vụt và lênh đênh trên sông. Chợt lúc lại đánh đàn, lại thổi sáo, lại ca hát, tiếng vang lanh lảnh, khiến người tưởng như lên chơi cung Quảng hàn(24) mà nghe khúc nhạc Quân thiên(25). Chúa nhìn ngắm lấy làm vui sướng, đến mãi gà gáy mới về. Quan Thượng thư Nguyễn Duy Thì là quan tể tướng có tiếng đời Trung hưng, giữ mình ngay thẳng và khéo xoay đổi được ý của vua chúa. Trong phủ chúa có một cái kiệu, kiểu cách và sơn vẽ rất lộng lẫy. Một hôm, ông đứng cạnh, chợt ngã vật vào trong kiệu, cấm khẩu, không nói được câu gì. Chúa sai khiêng đưa về phủ. Sáng hôm sau, ông vào khải(26) rằng: - Thần hôm qua ngộ cảm, đội ơn chúa thượng bao dung. Cái kiệu ấy, thần đã trót ốm nằm lên rồi, không tiện lại tiến phụng nữa. Xin sẽ sắm cái khác đẹp đẽ hơn, dâng nộp. Chúa hiểu ý, không trách hỏi nữa. Một lần, ông vào xin phép chúa để về Yên Lãng(27). Bấy giờ chúa yêu một bà phi người làng Mông Phụ, bà phi ấy được yêu chiều quý báu nên uy thế cũng khá to. Ông vẫn thường nói xa để khuyên ngăn chúa. Nay nhân dịp ông cáo về vắng, chúa ngự thuyền rồng lên kinh lý Sơn Tây, tiện đường rẽ vào thăm làng nhà bà phi. Thuyền chúa qua hạt Yên Lãng. Ông chờ rồi phục lạy ở bến sông, nói bốn phương không có giặc giã, sao lại vì một người đàn bà mà làm nhọc đến sáu quân, như vậy quốc thể còn ra sao nữa. Kíp truyền cho quân sĩ không được bơi thuyền tiến lên, hễ ai trái, sẽ lấy quân pháp trị tội. Chúa vì thế phải hồi loan. Trong phủ(28) của ông có một nếp nhà gọi là nhà Tư chính(29), đó là nơi để khi lui chầu, ông về nghỉ ngơi. Trong nhà ấy chỉ có hai gã tiểu đồng hầu hạ; bà vợ và hầu thiếp, không ai được bén mảng tới, và cũng không dám đem việc riêng kêu xin gì cả. Một lần, có một cái án lớn, tội nhân đáng phải tử hình. Người nhà đem tiền của chạy chọt hết các cửa quyền quý, nhưng ai cũng bó tay, không thể cứu nổi. Người vợ tội nhân đón hai tiểu đồng mà khóc lạy, nhờ đưa hai nghìn lạng bạc lễ ông để ông gỡ tội cho. Tiểu đồng xua tay nói: - Tướng công đây không phải là người đem vàng bạc làm động lòng được. Nhưng tôi không nỡ trông thấy chị đau đớn, vậy để hẵng thử xem. Tiểu đồng đem bạc vào nhà Tư chính, để trên cạnh giường ông nằm. Đêm khuya, ông chợt từ trong chính phủ về, trèo lên giường nằm, đụng phải; bạc rơi loảng xoảng xuống đất. Giật mình hỏi tiểu đồng sao lại có những vật này. Tiểu đồng quỳ xuống xin chịu tội chết và nói duyên cớ. Ông im lặng lúc lâu rồi nói: - Thôi cho đứng dậy, ta không bắt tội mày. Tử hình là một cái án lớn. Vì mối lợi hai nghìn lạng, mày là một đứa bé con dám đem cái chết để đương lấy. Hoặc giả bởi ý giời chăng? Thế mụ ấy cho mày bao nhiêu? - Bẩm sáu trăm lạng. - Thôi, số bạc này cho mày, ta không dùng gì đến. Liền ngay lúc ấy, ông đi xe đến gõ cửa cung. Chúa giật mình trở dậy, cho vời vào, hỏi chuyện, tưởng là có việc gì lớn lao về quân quốc. Ông nói hôm qua xét án, đã xử tội nhân phải chết, nhưng đêm về chiêm bao, thấy có người nói oan ức, không biết kêu đâu, vậy xin nhờ chúa xét lại! Chúa cười: - Tiên sinh chịu khó quá, để đến sáng mai vào hầu sẽ nói có được không? - Nhưng thần sợ để chậm, chốc lát rồi bị ý riêng nó làm thay đổi đi. Chúa ân cần yên ủy mà tên tù rồi được khỏi chết. HỒ GƯƠM Đời Lê, năm Cảnh Hưng Bính Ngọ [1786] mùa hạ, tại hồ Hoàn Kiếm, đương nửa đêm bỗng có vật gì mọc lên ở hòn đảo, sáng rực bốn bề, bay sang đến bờ nam thì tắt. Sóng hồ cuộn lên. Sáng hôm sau, tôm cá nổi lên mặt hồ không biết bao nhiêu mà kể. Có người nói ở nhà Trung Hòa trong phủ chúa, cũng có vật gì mọc lên từ nóc nhà, sáng rực rồi tắt, cũng giống như ở hồ Hoàn Kiếm. Chưa bao lâu xảy ra việc quốc biến(30). Ông Nguyễn Văn Giai ở Thiên Lộc(31) hồi chưởng quản Lục bộ, các bậc thân quý của vua chúa đều phải nín hơi, không dám xúc phạm. Một vị quận mã(32)trong phủ chúa đi đánh trận thua chạy, ông bắt bỏ ngục, rồi xử vào tội tử. Chúa muốn tha nhưng rất khó nói. Nhân cầu đến dụ chỉ nhà vua, cũng vẫn không lay được chí định của ông. Bấy giờ ông có nhiều vợ, có đến năm sáu bà, địa vị hầu như là bà Chính phu nhân, mà có bà Ba được ông yêu dấu lắm. Bà quận chúa đem châu ngọc, nhờ bà phó mẫu(33) dẫn đến thăm bà ba và kể việc quận mã. Bà Ba từ chối mà rằng: - Tướng công tôi là người thanh liêm, thẳng thắn. Việc lớn của triều đình, tôi đâu dám dự. Quận chúa cố nói thiết thảm, bà Ba bèn bảo: - Nếu vậy sáng mai, quận chúa cho đem một con lợn nhỏ luộc chín, một mâm xôi thổi nếp cái, và kèm cả tương giấm, dao thớt nữa, lựa lúc tướng công tôi đi vắng, đưa vào. Quận chúa mừng rỡ cảm ơn. Sáng hôm sau, sắp sửa vào triều, ông bảo dọn cơm sáng để ăn. Bà Ba nói: - Trong triều bây giờ các quan đến đầy rồi. Tướng công hãy vào rồi về sẽ xơi cơm thì hơn. Ông lên kiệu đi. Lúc ở trong triều về thì bụng đói ngấu, thấy cái lồng bàn đậy, mở ra, sẵn dao và thớt, thái luôn ngay thịt lợn ăn lẫn với xôi. Chỉ có một lúc hết cả. Ăn xong, ông chợt hỏi: - À, những thứ ấy ở đâu mà có thế nhỉ? Bà Ba kể duyên do. Ông rất tức bực, lúc lâu mới nói: - Ta lầm lỗi rồi! Ta lầm lỗi rồi! Nhưng vì một bữa ăn no mà làm sống một mạng người, chẳng cũng bởi giời hay sao! Liền lên xe vào phủ, xin tha cho người có tội. Chúa mừng rỡ mà nghe theo ngay. Một hôm, ông vào triều đi qua chợ Cửa Đông, thấy con cá mè lớn, bề ngang đẫy thước. Ông dừng lại hỏi và khen ngợi. Rồi ông về nhà, thấy rất nhiều người đem biếu cá, toàn là những khúc cá mè cả. Ông đùa, bảo thử chắp lại xem, thấy chỉ thiếu đuôi, còn thì đều đủ thân hình con cá. Ông than rằng: - Có lẽ con cháu ta sau này không được thịnh vượng chăng(34)? Sau khi ông mất, quả đúng như lời ấy. …(35) Sau đấy, Quốc lão Phạm Công Trứ cầm quyền quốc chính. Có một viên tù trưởng thượng du phạm tội chết. Chị vợ luồn lọt với người bếp nhà ông. Người bếp xui đem biếu chim sẻ vàng, vì đó là món ông rất thích. Đem chim sẻ đến, người bếp nướng chả dâng lên. Ông ăn xong rồi hỏi. Người bếp đưa số vàng lễ ra và phục xuống xin chịu tội. Ông thò tay vào cổ họng móc để thổ ra rồi nói: - Thôi, mày đem số vàng ấy đi, tao tha cho không quở trách nữa. Khi án đem ra xử, ông nói với chúa Trịnh tha cho người tù trưởng ấy. Chúa cũng nghe theo. Việc này với việc trên kia thật giống nhau. Ôi! Hai ông đều là những quan Tể tướng có tiếng đời Trung hưng; một người thì vì thịt lợn, một người thì vì chả chim, vậy những sự ưa thích, há chẳng rất nên cẩn thận! NGƯỜI NÔNG PHU Ở NHƯ KINH Tùng Niên Năm Kỷ Dậu (1789), binh lửa vừa yên, bệnh dịch nổi lên rất dữ. Người ta thường ban ngày trông thấy ma quỷ, tiếng kêu rên cùng tiếng khóc chen lẫn với nhau. Bạn tôi, bác Ninh Quý Hoằng, người ở Khôi Tri(36)thuật cho tôi nghe câu chuyện rằng: “Một bác nông phu, người làng Như Kinh, đi ra ngoài đồng kiếm củi, gặp một đám đại quân tiến đến, bèn đặt gánh củi xuống, đứng tránh bên đường. Người lính đi đầu, đầu quấn khăn đỏ(37), tay cầm gươm, chính là người quen cũ của bác nông phu. Người ấy thấy bác, rất vui mừng, trật khăn ở trên đầu mình, đội cho bác rồi rủ vào hàng cơm, uống rượu chả nướng. Chẳng thấy chủ hàng hỏi gì cả. Bấy giờ đương hồi đói khát, bác nông phu được bữa thết, ăn uống thật no say. Chẳng mấy chốc, đạo trung quân đến; xe ngựa kéo qua đông nghìn nghịt và rất mau gấp. Người lính vội đứng lên giật lấy cái khăn rồi đi ra. Bác nông phu ngồi đấy làm cho chủ hàng và khách ăn đều phải giật mình. Họ bắt giữ lấy vì cho là ma quỷ(38). Nông phu kể việc mình đã thấy, đưa chủ hàng đến chỗ mình đặt gánh củi bên đường thì hai bó củi vẫn còn nguyên. Chủ hàng bèn tha cho đi”. Ông Ninh lại nói chuyện: “Năm ấy, ở một làng nhỏ trong huyện An Mô, có người nông phu rất nghèo khổ, phải đi ăn xin, đêm cùng với một người đồng bạn ngủ ở cái quán trống không, bên cạnh đường cái quan. Đêm khuya, bụng đói nóng sôi, nằm trằn trọc không sao ngủ được. Bấy giờ trăng sáng lờ mờ, xa trông thấy quân mã kéo đi đông nghịt. Hai người cũng trông nhau sợ hãi, chui xuống gầm chõng nằm, khẽ nhìn ngó ra, nín hơi không dám thở mạnh. Ước độ nửa trống canh, thấy chiêng trống cờ quạt đi xúm chung quanh một cái kiệu bát cống đến, dừng lại ở trước quán. Trống chiêng tạm ngừng, thấy truyền gọi xã lệnh làng ấy ra hỏi, tiếng vang vang như là tiếng sấm. Không mấy chốc, thấy có một người đội mũ phốc đầu(39), mặc áo thụng, đến quỳ ở trước kiệu nói rằng: - Tôi là xã lệnh ở làng mỗ xin ra bái yết. Bác nông phu nhìn ra, thấy giống như tạc pho tượng ở đình làng. Rồi trong kiệu truyền hỏi sổ lính đã làm xong chưa. Xã lệnh dập đầu nói: - Chúng tôi đây làng nhỏ dân nghèo. Nay sau cơn binh lửa, họ đi trôi dạt chưa về, không lấy ai để bắt nộp được. Trong kiệu quát lớn: - Ta phụng lệnh điểm binh. Lệnh ra đã lâu mà nhà ngươi cố ý nói quanh, không nộp cho đủ. Vậy phải lấy quân pháp thi hành mới được. Bên cạnh kiệu có mấy viên mặc đồ triều phục quỳ xuống kêu xin: - Vị thần này sáng suốt thẳng thắn, vẫn được Đế đình ban khen, vậy xin ngài hãy rộng tha cho. Nhân thúc viên xã lệnh đưa sổ lính ra nộp. Xã lệnh bất đắc dĩ khai hai tên đinh ở trong làng, mà một tên chính là bác nông phu này. Cả hai đều là người nghèo kiết, không bấu víu vào đâu mà sống. Trong kiệu truyền ra cho quan hầu nhận sổ rồi lại rầm rộ kéo đi. Gà trong xóm lúc ấy đã bắt đầu gáy sáng. Bác nông phu sợ toát mồ hôi, cùng người đồng bạn lật đật ra về. Nhưng cũng lấy sự được thoát khỏi bể khổ làm mừng, nói với người làng cho một bữa ăn uống no say để chết. Người làng cũng ưng cho. Sau đó không bao lâu thì hắn ốm chết, mà một người nữa bị biên tên vào sổ cũng vậy”. MA ĐỒNG XUÂN Kính Phủ Ông Trần Văn Vỹ, người làng Từ Ô, khi đi thi hội, trọ ở phường Đồng Xuân, nhà cũ của viên nội thần là quận Báu, tức là ngụ sở của ông ngoại tôi là quan Thiêm hiến, hiệu Thanh Khê. Trên gác nhà ấy có lắm yêu quái, hoặc hiện thành một vật to như cái đấu, đỏ chói và sáng rực bốn bề, một nhoáng thì tắt; hoặc kêu reo ở trên xà nhà, soi đèn thì chẳng thấy gì cả. Ông Trần không tin, kê giường lên nằm trên ấy, nói ma quái muốn trêu thì cứ trêu mình. Ngày đêm đọc sách mải miết. Một hôm mỏi mệt nằm ngủ, ông thấy có một người con gái trẻ đẹp, đến gõ vào giường mà nói: - Nhà Lê sắp mất, ông cũng không đỗ, đừng đọc sách để nạt tôi nữa. Rồi ngâm một câu thơ: 沙場隱隱見漁村 Sa tràng ẩn ẩn kiến ngư thôn. Nghĩa là: Chốn sa tràng thấp thoáng thấy xóm phường chài. Trần tỉnh dậy hãy còn ghi nhớ, bèn phải triệt giường không dám nằm đấy nữa. Năm ấy, Trần đi thi không đỗ. Chưa bao lâu, xảy việc quốc biến. Thượng thư Nguyễn Công Hãng là quan Tể tướng có danh đời chúa An Vương (Trịnh Cương) (40). Năm 21 tuổi, đỗ tiến sĩ, làm Đốc trấn An Bang (Quảng Yên). Đất trấn ấy, lưng dựa vào núi, mặt trông ra bể. Vua Hồng Thuận (Tương Dực) xưa có thơ ngự chế, khắc vào đá, trong có câu: 巨浸汪洋朝百川 Cự tẩm nông dương triều bách xuyên Nghĩa là: Bể lớn mênh mông trăm sông chầu về. Ông chép bài thơ ấy cho các bạn đỗ đồng niên, chép lầm chữ “巨 cự” ra chữ “匝 táp” nên có người thường chế giễu. Ông từ chức về kinh, học những điển cố, luật lệnh, sổ sách của triều đình, ba năm thuộc hết, bèn nói: - Được rồi! Bèn lại xin lĩnh chức. Ông đứng ở trong triều, gặp việc gì, cũng bạo can ngăn, lời nói thường tha thiết, thẳng thắn, làm cho chúa phải tan cơn giận. Khi đi sứ, làm bài khải tạ, có câu: “Xoa vuốt vây rồng, từng thấy tạnh quang cơn sấm sét”, chính là lời nói đúng sự thực. Năm thứ 57 niên hiệu Khang Hy (1719) đời nhà Thanh, gặp kỳ tuế cống, ông do chức Binh bộ Tả thị lang sung làm Chánh sứ. Nguyên xưa, đức Thái Tổ hoàng đế (Lê Lợi) cùng quân Minh đánh nhau ở núi Mã Yên(41), chém chết tướng Minh là An Viễn hầu Liễu Thăng. Đến khi giảng hòa, nộp cống, người Minh bắt đền, phải đúc người vàng thay thế. Đến hồi nhà Mạc cướp ngôi, Minh sai Cừu Loan, Bao Bá Ôn sang đánh; Mạc sợ phải đúc người vàng đút lót để cầu hòa. Đầu đời Trung hưng, nhà Minh lấy cớ tự tiện giết công thần của họ là Mạc Mậu Hợp, bắt phải đúc người vàng tạ lỗi, từ đấy thành thường lệ của sự tiến cống. Đến ông xin bãi bỏ lệ ấy. Các bộ viện đem cố sự ra hỏi. Ông nói: - Quốc vương tôi ngày nay giữ gìn nghiệp cũ, không dám bỏ khoáng việc chức cống. Còn cái chuyện cũ về việc thâu thành nạp khoản thì sứ thần không dám biết. Họ lại hặc(42) về chuyện Liễu Thăng. Ông nói: - Liễu Thăng là tướng nhà Minh. Hoàng Thanh(43) nay bao gồm có cả muôn nước, lại đi khư khư đòi món của đút để trả mối thù của người xưa. Như vậy sao đủ để làm khuôn mẫu cho người sau. Lệ cống phải có hũ nước để rửa ngọc trai, lấy ở cái giếng tại Loa Thành. Ông đổ đi, múc nước giếng Ba Sơn đem theo. Họ thử, không thấy nghiệm, kỳ kèo(44). Ông nói: - Vì khí mạch lâu ngày nó biến đổi đi. Hai thứ đồ cống ấy được miễn là bắt đầu từ ông vậy. Đi sứ về, cùng ông Lê Anh Tuấn ở Thanh Mai cùng làm Tể tướng, hăm hở lấy việc thiên hạ làm trách nhiệm của mình, đem hết tâm tư, nghĩ việc chế tác, những phép tắc các chốn dinh tòa, đều là do ông sửa định cả. Vì nghĩ từ hồi Trung hưng về sau, những thể lệ về việc mũ áo trăm quan chưa được đúng hợp. Khi đi sứ, ông để ý kiếm tìm chế độ nhà Minh đem về; bèn sửa lại các đồ phẩm phục. Phàm khi đại triều, các quan đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục(45), đỏ là trên, lần xuống đến xanh, đến tím. Đồ mặc ngày thường làm việc thì văn chít khăn lang cân, võ chít khăn yến vĩ, mặc áo thanh cát che đằng sau, thứ đến hạng chít khăn chữ đinh. Quân phục thì nón thầy chùa, áo chẽn tay. Những thể thức ấy đến nay hãy còn dùng. Tính hay khích lệ khí tiết của kẻ sĩ; học trò trường Giám, thường cho được ngồi nói chuyện với các quan như thể ngang hàng. Bắt chước lối kinh nghĩa của Tàu, sai các Nho thần phải tập, muốn thay đổi thể văn để thi học trò nhưng việc không thành. Vì thấy sự tiêu dùng của nhà nước không đủ, nên giảm bớt số ruộng của các công thần, bị nhiều người oán. Chúa Trịnh muốn cho được mở phủ như ông Nguyễn Duy Thì đầu đời Trung hưng, sau có người gạt đi nên lại thôi. Khi Uy vương (Trịnh Giang) làm thế tử, An vương (Trịnh Cương) sai ông làm chức sư phó. Ông mật đệ tờ khải(46)lên chúa, nói thế tử là người lười biếng, không thể gánh vác công việc được. An vương nói: - Ta không phải không biết như thế, nhưng nghĩ từ ngày quyền lý việc nước, hắn không có lỗi gì lớn cho nên chưa nỡ. Ông dập đầu nói: - Biết con không ai bằng cha. Xin chúa thượng nên vì xã tắc mà lo tính. Chúa Trịnh bèn cất tờ khải vào trong một cái hộp. Gặp kỳ đại lễ, thế tử làm lễ sai nhầm. Chúa giận, vời đình thần vào họp, định truất bỏ đi. Việc chưa làm xong thì chúa nhân sang chơi Cổ Bi, mất ở dọc đường. Ông bấy giờ ở kinh, Kỳ Viên phi giấu không phát tang, về đến kinh mới báo tin dữ. Ông họp trăm quan ở Đô đường nói rằng: - Thế tử có tội với Tiên vương, Tiên vương đã có nói, vậy nay sao ta không bàn lập ông thứ? Mọi người đều lặng im. Ông Nguyễn Hiệu, người ở Lan Khê, là thầy học của thế tử, cãi lại nói: - Thế tử có lỗi gì đâu! Lời Tiên vương nói chỉ là để răn bảo. Không nên khinh dị mà bàn đến việc ấy. Thế tử lên nối ngôi, bắt được tờ khải của ông, bèn đem ông lên an trí ở Tuyên Quang, liền lại sai Trung sứ đánh thuốc độc cho chết. Xưa, An vương vì biết trong kiểu đất nhà mình có câu “truyền được tám đời thì vạ nổi từ trong tường vách”, nên mới bày cuộc xây dựng ở Cổ Bi để yểm trừ. Vương thường bảo ông rằng: - Đất quý Cửu Long, tiên sinh nên đem mả nhà đến mà táng, đừng để rồi họ khác chiếm mất. Vì thế rồi ông bị những nhời nói gièm. Khi đi sứ Tàu, qua thành Ứng Sơn, có làm bài thơ viếng Trung Liệt công(47) ở Dương Thúy am, trong có hai câu: 暗主休論崇愛豎 Ám chúa hưu luân sùng ái thụ, 皇天何忍毒忠臣 Hoàng thiên hà nhẫn độc trung thần. Nghĩa là: Kể gì chuyện một ông vua mờ tối đi tin yêu một anh quan hoạn, chỉ đáng phàn nàn sao ông giời lại nỡ độc hại người tôi trung. Hai câu này tỏ ra là lời sấm ứng nghiệm vào đời ông về sau. Đời truyền một hôm có một thầy xem bói chiết tự(48) vào thăm. Ông bảo xem cho mình. Nhân viết mấy chữ “十二月花殘 thập nhị nguyệt hoa tàn” (Tháng 12 hoa tàn) cho người ấy đoán; người ấy khuyên ông nên xử theo cách “cấp lưu dũng thoái”(49). Ông im lặng không nói gì. Chưa bao lâu thì xảy ra tai vạ. Người thầy bói này không rõ tên họ, thường hay đi lại ở các nhà công khanh, nói nhiều câu ứng nghiệm lắm. Cuối đời Long Đức (Lê Thuần Tông) (1732-1735) vua Hiển Tông là địa vị con nối mà không được lập, trốn ở trên cái gác chuông chùa Phật Tích, gặp người thầy bói ấy, vua bảo xem hộ và viết một chữ “景 cảnh”. Người ấy liền phục lạy mà nói: - Mặt giời soi xuống kinh đô(50), đó là cái tượng Thiên tử rồi. Quả nhiên, sau vua Ý Tông (1735-1740) nhường ngôi. Hiển Tông được lập, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng (1740-1786). Một thuyết nói: Khi ông làm Tể tướng, có một ông quan trong triều ốm sắp chết, học trò đến lễ cầu đảo ở đền Tản Viên, chiêm bao thấy thần bảo: “Tòa Nam Đẩu giữ việc chú sinh(51), đó không phải việc của ta”. Người học trò cố kêu xin. Thần bảo: “Tướng công Nguyễn Hãng là bậc dị nhân, sao không đến kêu với ông ấy!” Tỉnh dậy, người ấy về kể chuyện với ông. Ông bảo cho sống thêm một kỷ(52) nữa. Sau quả nhiên đúng như lời nói. ÔNG NGUYỄN BÁ DƯƠNG Tùng Niên Ông Nguyễn Bá Dương, người làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê. Tính tuệch toạc, thích uống rượu. Nhà nghèo kiết, nhưng vẫn sống một cách thản nhiên. Hồi lên du học ở kinh sư, ngoài một tấm áo, không có một cái gì đáng giá. Thường uống chịu rượu của người đàn bà kẻ Mơ (Hoàng Mai) nợ đến trăm đồng tiền, bị người đàn bà ấy đón đường để đòi. Cùng đi với người đàn bà, có cô con gái cũng người kẻ Mơ. Cô đặt gánh xuống can ngăn người đàn bà kia không được, tức mình cởi tiền lưng ra giả hộ, rồi vội quẩy gánh đi. Ông đuổi theo tạ ơn và hỏi họ tên. Cô xua tay nói: - Tôi thấy cậu là học trò, vì nỗi rượu chè mà bị xấu hổ với một người đàn bà, nên không đành lòng mà giả hộ, không có ý gì mong sự đền báo. Nói rồi đi thẳng, không ngoảnh lại. Ông trở lại, hỏi người đàn bà, rồi ghi để vào lòng. Sau quẩy cặp lên du học ở Sơn Tây, trọ ở một nhà hào trưởng. Thường làm văn, không có giấy viết, phải viết cả vào ghế, son mực nhằng nhịt, màu gỗ lèm nhèm. Gặp năm thi hương, ông từ biệt chủ trọ về quê đi thi. Qua các kỳ khảo ở huyện và ở trấn, nức tiếng là người hay chữ. Khoa ấy, thi đỗ Hương tiến, năm sau lại đỗ luôn Tiến sĩ, cùng bảng với ông Ngô Thì Sĩ. Các bạn đồng khoa ai nấy đã xe ngựa tôi đòi rộn rịp, nhưng ông vẫn nằm khoèo ở nhà trọ. Một bà quận phu nhân nghe tin ông đỗ, sai người đem kiệu đến đón, ước sự hôn nhân, gọi những con cháu mấy chục người ra, người nào cũng tha thướt gấm là, cho tùy ông kén chọn. Nhưng ông một mực xin lấy cô gái làng Mơ. Quận phu nhân nói: - Cũng được. Bèn sai đem xe ngựa vàng lụa đi đón cô gái làng Mơ về cho ông lấy làm vợ chính, còn người cháu gái quận phu nhân thì làm vợ thứ. Người ở kinh đô đều nắc nỏm khen là một câu chuyện hay. Làm quan trong triều, ông có tiếng là thẳng tính. Khi giữ việc hình án Ái Châu (Thanh Hóa), có viên án trấn Mỗ, cậy thế chính cung Đặng phi, làm việc càn bậy. Ông bắt trói, bách phải nộp ra số tiền ăn đút, nếu không sẽ đánh trượng cho chết. Mỗ phải nộp ra số tiền đã ăn đút bốn trăm lạng vàng. Ông bỏ Mỗ vào ngục, rồi lập tức giong xe về kinh, đem số vàng hối lộ, kèm cả một tờ khải đưa vào chúa Trịnh. Đặng phi nghe tin việc Mỗ bị nhục, khóc kể với chúa. Chúa cười mà rằng: - Số vàng ăn đút hiện có đây, còn oan gì nữa! Phi hổ thẹn lui ra. Mỗ bèn phải tội. Người Ái Châu đến nay hãy còn khen và kể lại. Đời truyền rằng khi ông chưa đỗ, du học ở kinh đô, một hôm gặp Bính Trung công, người ở Diên Hưng, đương chống gậy đứng ở cửa tư đệ(53). Công chợt hỏi rồi trỏ bức hình thông đá đắp ở trên tường bảo ông làm bài đề. Ông cầm bút đề ngay một bài tứ tuyệt: 石上青松百尺長 Thạch thượng thanh tùng bách xích trường, 飛花滿洞水生香 Phi hoa mãn động thủy sinh hương, 叮嚀樵子休輕伐 Đinh ninh tiều tử hưu khinh phạt, 留取他年作棟梁 Lưu thủ tha niên tác đống lương. Dịch: Trăm thước thông trên đá vững vàng, Hoa bay đầy động nước sinh hương. Đinh ninh dặn chú tiều đừng đẵn, Dành để mai sau chuốt cột rường. Bính Trung công khen ngợi, tặng cho năm quan tiền. Khoảng cuối niên hiệu Cảnh Hưng (1786), bài thơ đề vách ấy vẫn còn. Kính Phủ Quận mã Đặng Lân là em bà Đặng Tuyên phi của chúa Tĩnh Vương(54), thường hay ngông càn phạm phép. Y cưỡng gian một người đàn bà không được, bèn cắt vú người ta. Người chồng kiện đến quan, y bị giam ở ngục Ngự sử đài, rồi vì có phi xin cho mà được tha. Tĩnh Vương đem nàng quận chúa thứ hai gả cho Lân, các đồ trang liêm và của hồi môn, so với các triều trước, nhiều gấp mười lần. Phủ đệ dựng ở phía tây nam kinh thành Thăng Long, đồ ăn thức dùng đàng hoàng như một vị vương giả. Lân càng làm nhiều sự càn dỡ, nuôi trong nhà hơn trăm gia đồng, thường cho đội mũ, đeo gươm, ra ngoài chợ phố đi nhung nhăng, uống rượu say, đánh người bị thương. Quan Kinh doãn không kiềm chế nổi. Mỗi khi Lân đi ra, đem theo đến hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước hò sau, lấp cả đường lối. Một lần, nhân cơn tức giận, Lân giết chết nội giám là Sử Thọ hầu, rồi cắm thanh gươm ở trước cửa để không ai dám vào bắt. Quan Thự phủ quận mã Hoàng Bỉnh Khiêm đến quát mắng, Lân sợ không dám nhúc nhích, bèn bị bắt tống ngục. Đình thần họp bàn không biết quyết định ra sao, sau cùng xin với phi đày Lân ra ở An Quảng. Lân xếp dọn nhà cửa, mặc áo tù đi ra khỏi kinh. Nhà chức sự sắm sẵn ghe thuyền ở bến sông Nhị Hà, y đem theo nàng hầu vợ lẽ rất nhiều, tiếng đàn sáo véo von không dứt. Ra đến nơi, quan địa phương phải làm nhà cửa cho y ở. Về sau, Tuyên phi và Cung quốc công (Trịnh Cán) bị phế. Đặng Lân bị bắt bỏ ngục rồi nhịn ăn mà chết. THÀNH ĐẠO TỬ Thành Đạo Tử người ở Sơn Tây, tuổi trẻ thi đỗ Hương tiến, rồi chán nghề thi cử, đi giang hồ bông lông. Sau gặp và đi theo chân nhân Phạm Viên, vết chân trải khắp những sông to núi đẹp. Một hôm cùng với hai người đồng bối theo chân nhân đi chơi trên bể. Giữa khoảng gió to sóng lớn, bỗng thấy một con đường dài quanh co như ruột dê. Mọi người trèo lên chơi, rồi đi đến một trái núi, thấy có những cây cối um tùm, những quả đào lớn bằng cái đấu. Chân nhân ngồi tạm nghỉ, nghiêng bầu uống rượu, cho mỗi người mấy quả đào và bảo đừng ai giấu hạt đem về. Kẻ theo hầu đều vâng nghe. Uống rượu xong, chân nhân ra đi. Thành Đạo Tử đi sau, cho là chân nhân không biết, giấu hạt trong lòng. Rồi lẩn quẩn nửa ngày không tìm được đường đi ra. Nghĩ có lẽ vì hạt đào giấu ở trong mình, bèn sờ lấy vất đi, mới đi ra được khỏi núi. Chân nhân đương ở phía trước, ngồi rót rượu uống, thấy Thành Đạo Tử đến, cười mà bảo rằng: - Sao đi chậm thế? Rồi chân nhân lấy một quyển sách bí mật trao cho, đoạn cùng với mấy người theo hầu bay vụt đi mất. Thành Đạo Tử trở về, đi phóng lãng khắp nơi sơn thủy. Một lần cùng với kẻ đồ đệ đi chơi, dọc đường vào gõ cửa một nhà, hỏi thăm chủ nhân cận trạng(55) ra sao. Người coi cửa mỉm cười nói: - Chủ nhân tôi mắc chứng đau tim, bùa dấu tốn kém, vẫn chẳng ăn thua gì. Chẳng hay tiên sinh có chữa được không? Thành Đạo Tử đáp: - Chữa được. Người coi cửa mừng rỡ vào nói với bà chủ. Bà chủ mời vào, làm rượu thết, sai người nhà sắm sửa đàn tràng. Thành Đạo ngăn đi mà rằng: - Không cần. Kìa, trên nóc nhà có một con ma nó cầm ngọn giáo đâm vào tim người bệnh. Bây giờ bắt một con cóc treo lên dọa nó, tự khắc nó phải lui. Nhà chủ nghe nhời làm theo. Bệnh quả nhiên khỏi. Nhà chủ đưa biếu rất hậu, nhưng Thành Đạo nhất định không lấy. Thành Đạo lên chơi núi Thu Tinh, cầm đuốc vào soi xem trong hang, giữa chừng đuốc tắt, không biết lối nào mà ra cả. Trong hang có những tủy đá nát nhẽo như bùn, ăn thấy mùi thơm ngon và khỏi được đói. Sau lâu thấy có một cái kiệu đi qua, kẻ theo hầu rất rộn rịp. Đến gần xem thì người đi kiệu là một người bạn học đã chết từ trước. Người ấy giật mình hỏi: - Đây là nơi cửa ải của người và ma chia cách nhau. Sao bác lại đến đây làm gì? Người bạn cởi áo mặc cho. Thành Đạo thấy trước mắt sáng sủa, bèn theo lối trỏ mà đi ra khỏi hang. Về đến nhà thì người nhà tưởng là chết, đã để tang trở, sắp đến kỳ cúng giỗ hết rồi. Thành Đạo cùng với ông cụ họ Vũ làng tôi có quen, mỗi lần đến chơi, trong lúc uống rượu, thường giở ra nói chuyện. Sau không biết đi đằng nào mất. Kính Phủ Quan Thái úy Lê Thì Hiến là người làng Phú Hào, huyện Lôi Dương (Thanh Hóa) tính nết ngang tàng. Ông ra chơi Kinh, quen với chàng Năm là học trò ở Chiêu Văn quán. Chàng Năm là con nhà kép hát, không được thi cử, nhà rất nghèo nàn. Ông thường đi lấy trộm của người khác đem cho chàng Năm; hỏi ở đâu ra thì chỉ cười không đáp. Một hôm, chàng Năm bảo ông rằng: - Tôi nghe xứ Quảng, Thuận(56) đất hiểm mà dân giàu, vị chúa ở đấy lại biết đãi người một cách nhường nhún, đó là tư cách của bậc bá vương. Nếu ta đến đó, rồi đem mưu kế ra thuyết cho họ nghe, thì trên có thể làm được như Tề Hoàn, Tấn Văn, dưới cũng không mất được cái thế chân vạc. Ý bác nghĩ thế nào? Ông thủng thỉnh nói: - Chí tôi thì khác thế, nhưng tôi cũng không ngăn cản bác. Ông hỏi định bao giờ đi, chàng Năm nói sáng mai sẽ đợi để từ biệt ở trạm Hoàng Mai. Ông y hẹn, đi qua hiệu bán vàng bạc ở Hoàng Đình, vào cuỗm lấy hai món đồ rồi chạy đi rất nhanh không ai đuổi kịp. Đến Hoàng Mai, thấy vợ chồng chàng Năm đã ở đấy, hành lý trơ trỏng chỉ có mấy cân gạo. Ông đưa đồ vàng tặng; chàng Năm cầm tay từ biệt nói: - Chuyến này tôi đi xa muôn dặm mà được không chết, toàn là nhờ cái ơn của bác, tôi há dám chẳng ghi lòng. Ngày khác gặp nhau ở biên cương, tôi sẽ xin làm thành cái chí của bác để đền báo lại. Sau hơn một tuần, chàng Năm vượt qua bờ cõi châu Hoan đến bờ bắc Linh Giang(57). Quân canh giữ bến sông quát hỏi nghiêm ngặt. Thuyền không qua được. Chàng Năm phải chặt gậy tre chống cự rồi đè dòng đi tràn mới sang được đến bờ nam. Quân coi giữ bờ nam bắt được trói lại, đem về dâng với chúa. Sau khi trò chuyện, Nam chúa bằng lòng lắm, bèn tha ra cho và dùng làm tướng. Chàng Năm bày những kế đánh giữ; đắp lũy ở Đông Hải, dài hơn trăm dặm, cong như hình cầu vồng, chắn ngang nam bắc, dựng vòm khói, khoét cửa súng, hễ có việc cảnh cấp thì vừa bắn súng vừa đốt lửa, thông đến tận quốc đô; các cửa bể Minh Linh, Nhật Lệ, đều đóng cọc và buộc khóa sắt để ngăn cản tàu thuyền, tùy tiện bố trí một cách vững bền và liên lạc. Đoạn rồi đem quân qua sông sang bắc, hạ thành giết tướng không biết bao nhiêu mà kể. Triều đình quên ăn mất ngủ, lo tính mọi cách để chống giữ, tuy có làm cho họ bớt sự tràn lấn, nhưng bờ cõi vẫn chưa lấy lại được hết. Bấy giờ ông Lê Thì Hiến ứng mộ tòng quân, từng đã lập được nhiều công trận, được thăng lên làm Đốc trấn, coi giữ hết các việc quân ở châu Hoan. Chàng Năm nghe tin nói: - Tướng Bắc là bác Lê, vậy ta phải nên tránh mới được. Bèn thu binh lui về, đưa thư xin giả những đất đã lấn, tự xưng là Nam phiên. Ông Lê dâng thư về triều xin ưng cho, nam bắc nghỉ binh, nhân dân châu Hoan châu Diễn được yên ổn mà sống. Ông ở trấn hơn 20 năm, trong địa hạt được vô sự, tiến phong Thái úy Hào quận công, khi mất được tặng tước vương. Dân Hoan châu nhớ ơn, lập miếu lên thờ đến nay hãy còn. Cháu xa của ông là Thì Diểu đỗ Đồng tạo sĩ xuất thân, làm quan đến Hữu kiểm điểm, có quen với tôi, thường đem những chuyện cũ của ông nói cho tôi nghe. Một thuyết bảo khi chàng Năm sang qua sông, đi làm nghề chăn trâu cho người. Một hôm dắt trâu qua cửa nhà quan Tướng quốc, nghe thấy trên nhà có tiếng đọc sách sang sảng, bèn buộc trâu ở ngoài đi vào. Quan Tướng quốc lúc ấy đương mặc đồ nho phục, ngồi giảng sách với các học trò. Chàng Năm chắp tay đứng ở dưới thềm nhòm ngó vào lúc lâu. Quan Tướng quốc lấy làm lạ hỏi: - Có biết chữ không? Chàng Năm nói: - Tôi vừa thấy nói về Nho quân tử và Nho tiểu nhân, tôi thích được nghe lắm. Tướng quốc nói: - Thế nào là Nho quân tử và Nho tiểu nhân? - Về Nho thì tôi chưa được rõ. Tôi làm nghề chăn trâu, xin nói về kẻ chăn trâu. Này kẻ chăn trâu có kẻ chăn trâu quân tử, có kẻ chăn trâu tiểu nhân. Thế nào là tiểu nhân? Đi kiếm cỏ ở ngoài đồng kia đều là hạng này cả. Quân tử thì không thế; ôm tài chứa khí, bức bối không được cởi mở ra, bèn tạm trốn vào cái nghề đó, Ninh Thích gõ sừng, Bách Lý Hề bón cỏ, chính là hạng đó. Quan Tướng quốc nghe lời nói ấy rất lấy làm kỳ, bèn xuống dưới thềm đón rước lên, nhưng chàng Năm xua tay rồi đi. Dò được biết chỗ chàng làm mướn, Tướng quốc sai người đến vời. Chàng từ chối mà rằng: - Ngày xưa vua Tề Cảnh công đi săn, vời quan Ngu Nhân bằng cờ tinh mà người ta không đến, bởi vì không hợp lễ. Quan Tướng quốc đã không cho tôi là một kẻ hèn hạ, vậy mà lại muốn làm nhục tôi bằng cách vời không hợp lễ ư? Như vậy kẻ hèn hạ này không muốn đến. Người đi mời trở về. Quan Tướng quốc bèn hun xông trai giới, sai sứ đem thư và lễ vật đến đón. Chàng Năm bấy giờ mới đứng dậy mặc áo nâu ngắn, đầu trần chân không mà đi. Sứ giả xin thay áo, chàng khước đi mà nói: - Tôi vốn là một kẻ làm mướn, sao nên thay đổi cái vốn có của mình. Chàng đến nơi, quan Tướng quốc ngoảnh về phía đông mà tôn thờ làm thầy, rồi tiến dẫn lên với chúa; chúa đắp đàn phong cho làm tướng. Hai thuyết chưa rõ thuyết nào đúng, hãy chép lại cả(58). ÔNG ĐỖ THẾ GIAI ÔNG HOÀNG NGŨ PHÚC Kính Phủ Ông Đỗ, ông Hoàng khi chưa gặp thời, làm bạn với một viên quan hoạn, Uy Vương ốm, bọn tiểu nhân làm nát chính sự, bốn phương trộm giặc nổi lên như ong. Viên quan hoạn hăm hở nói: - Tôi xem vận giời và việc người, họ Trịnh chắc là sắp mất, vậy sao ta chẳng phù một vị hoàng tử, vào trong rừng núi nổi nghĩa binh như việc cũ của Đức Cao hoàng khi xưa, nghiệp lớn chắc có thể thành được. Hai ông nói: - Không phải. Nhà Trịnh có công lớn, giời cũng giúp vì, hoặc giả lại phục hưng cũng chưa biết chừng. Vả hãy để chờ xem, nếu không sẽ liệu cũng chưa muộn. Viên quan hoạn sầm mặt đứng dậy, vung áo đi. Một lúc ông Đỗ đi ra, qua phủ Lương Quốc, thấy người em thứ tư và cùng một mẹ với Uy Vương đương ở cửa phủ, cùng bọn nội giám ngồi ở đất xem đánh chọi gà. Ông trông thấy kinh ngạc, về nói với ông Hoàng rằng: - Đấy thật là vì chúa của ta. Bèn đem trâu rượu đến nói với người coi cổng để được vào yết kiến. Vương đệ rất trọng hai ông là người có tài khí. Chưa bao lâu Uy Vương thoái ngôi, vương đệ được lập, đó là Minh Vương. Vì hai ông đã theo từ khi ở tiềm để(59), nên chúa hết lòng tín dụng. Ông Đỗ chủ việc trong, ông Hoàng chủ việc ngoài, giặc cướp các nơi đều bị quét trừ đến hết. Viên quan hoạn đi, đem hoàng tôn Duy Chúc, Duy Mật cùng đi, đánh úp được đất Trấn Ninh mà chiếm giữ lấy, phụng hoàng tôn lên làm chúa, viên quan hoạn thì xưng là Minh quận công, đắp thành lũy, sửa giáp binh, hơn ba mươi năm, quân ngoài biên không được cởi giáp. Chúa Trịnh mỗi khi hỏi đến việc miền Tây (Trấn Ninh), hai ông lại thưa: - Mưu chủ của họ hãy còn, chưa thể đồ tính được. Duy Chúc mất, Duy Mật nối, quận Minh đã chết, ông Hoàng mới nói với triều đình: - Quận Minh chết thì hạ Trấn Ninh dễ dàng như thể đập nứa vậy. Chúa Trịnh bèn dấy quân, sai Đốc trấn Hoan Châu (Nghệ An) là ông Bùi Thế Đạt thống suất quan quân ba đạo tiến đánh. Duy Mật tự đốt mà chết, việc Trấn Ninh mới xong. Chùa Tiên Tích phía Nam kinh thành, đời chúa Tĩnh có sửa chữa lại. Người ở kinh thành khuân tre gỗ, vác xẻng cuốc, bôn tẩu ở đường sá mấy năm công việc mới xong. Chùa rộng lớn, nóc chồng, cửa kép. Sân bảy tám miếng đá vuông, cao chừng hai thước, trên bày những chậu lan, gió thổi hây hây, thơm đưa phưng phức. Chùa đàng sau dựa vào đường cái, đàng trước trông xuống một con ngòi nước trong; cây tháp ở phía hữu cao chín tầng, bốn góc đeo nhạc, trang sức bằng những nét vàng xanh rực rỡ. Từ đàng phía tây đi về phía nam vào đền chúa, đường xe quanh co đều lát đá cả. Con kênh oằn oèo chảy ra một cái hồ. Hồ sâu mà rộng, nước rất trong, mùa hè hoa sen nở nhiều, mùi hương bay xa ra mấy dặm. Men bờ hồ vào đến bờ kênh, chỗ cây chỗ đá chen lẫn nhau. Phía trước chùa về phía tả, chỗ nước kênh chảy thông ra hồ có bắc cái cầu, dưới cầu ghe thuyền đi lại được, trên cầu dựng thành mái nhà, khắc vẩy rồng trên những tấm ván. Bên cạnh cầu mấy chục bước, phía nam kênh và phía bắc hồ, dựng cái ly cung để làm chỗ vua chúa ngự chơi, trồng sáu, bảy cây muỗm cây trắc và cây thông, cành lá chi chít đến nỗi ánh mặt giời không lọt xuống được. Dưới đất bầy trâu đá hươu đá mỗi thứ hai con, sừng châu vào nhau, chế tạo rất tinh tế và hoạt động. Đó là những vật cũ của nước Chiêm Thành, do ông Hoàng khi đi đánh Nam lấy được. Cách hồ là nhà Kiều Nhạc hầu Nguyễn Khản. Hầu là bạn áo vải của chùa, thường mặc quần áo thường ra vào trong cung. Mỗi khi chúa đến chơi chùa lại đến thăm nhà hầu, thân viết bốn chữ “Tâm phúc hòa chung” để ban cho. Trụ trì chùa ấy là con gái của bà Thái trưởng quận chúa, em họ ngoại của chúa. Chúa những khi nhàn rỗi ngự giá chơi chùa, cùng các phi tần nội thị thả thuyền chơi trên hồ, hát khúc ca hái sen, trên dưới thấp thoáng những ánh sóng bóng cây, so với cuộc đi chơi ở ngòi Vũ Lăng(60) cũng không phải quá đáng. Năm Ất Tỵ (1785), lính canh cửa chùa đêm thấy có tiếng lát chát, tiếng y ỷ tựa như khóc lóc rất thê thảm, lắng nghe thì tiếng ấy phát ra ở trên bờ hồ, lúc không lúc có. Sáng hôm sau ra xem chỗ ấy, thấy nước mắt của trâu còn ướt má, cỏ trên mặt đất đều bị xéo nát bừa bãi, hình như hai con trâu đá đã chọi húc nhau. Lính canh sợ hãi, bẩm báo vào triều: Triều đình sai thợ đá đập phá cả trâu lẫn hươu vất vào lò lửa. Chùa này đã triệt bỏ, khói mờ cỏ rậm phất phơ ở trong ngọn gió thu; muốn tìm lấy một hòn ngói vụn, một viên gạch tàn cũng không thể được. Trò đời thịnh suy thay đổi, buồn biết chừng nào! LIỆT PHỤ ĐOÀN PHU NHÂN Kính Phủ Liệt phụ Đoàn phu nhân là vợ thứ của ông Du Lĩnh hầu Ngô Phúc Du người làng Trảo Nha (Hà Tĩnh). Hầu là con nhà tướng, trong năm Cảnh Hưng quản đội quân tiền phong. Tháng Sáu năm Bính Ngọ (1786), hầu chết tại trận. Bà vợ cả đi quy y cửa Phật. Đoàn đẹp mà không con, vẫn được hầu đối đãi như là vợ chính. Hầu chết nạn, Đoàn phu nhân vẫn cười nói như lúc thường; người nhà đều lấy làm lạ. Chưa bao lâu, phu nhân đem việc nhà dặn dò con hầu, rồi đến lập một đàn chay ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, tức chốn tu của bà vợ cả. Làm chay xong, phu nhân cùng bà vợ cả đem lũ con của hầu ra thiết vị ở bến Thúy Ái, nơi hầu chết nạn khi trước, ngoảnh về phía nam mà làm lễ chiêu hồn; mọi người xa gần kéo đến xem đông lắm. Đoạn rồi phu nhân vận mặc chải chuốt lịch sự, bơi một chiếc thuyền con ra giữa dòng, gieo mình xuống nước mà chết. Dân ở đấy lập miếu lên thờ. Quan Huấn đạo An Nhân Hà Sách Hiển có vịnh thơ rằng: 可憐二百餘年國 Khả liên nhị bách dư niên quốc, 天理民彝一婦人 Thiên lý dân di nhất phụ nhân. Nghĩa là: Thương thay một cái nước dựng nên đã hơn hai trăm năm (nói triều Hậu Lê), mà đến lúc mất, chỉ có một người đàn bà giữ được lẽ giời và đạo người. Người ta đều truyền tụng. Tùng Niên Kinh thành có một người làm mướn, thường đến ở làm lụng cho Phạm chân nhân. Hắn than mình nghèo khổ, xin chân nhân cấp giúp cho. Chân nhân im lặng, rồi thong thả bảo chìa bàn tay hữu ra, thầm vẽ bùa vào, dặn sau này khi nào gặp lúc cùng quẫn, nên ngửa tay ấy để xin người cho tiền, có thể được 36 đồng. Anh phúc bạc, đừng nên lấy quá. Người ấy theo nhời. Nhưng một hôm lại lấy quá số ấy, đến mãi năm quan mới thôi, rồi từ đấy không linh nghiệm nữa. ÔNG LÊ ANH TUẤN Tùng Niên Ông Lê Anh Tuấn khi cầm quyền chính phủ, bà phu nhân từ làng Thanh Mai đến kinh, đi qua làng Đắc Sở(61), ngủ trọ ở nhà cạnh đền quan Tướng quân Lý Phục Man, chiêm bao nghe thấy tiếng ngựa xe rộn rịp, rồi có người nói là bà phu nhân của quan Tướng quân họ Lý vào thăm. Ngồi chơi xong, Lý phu nhân nói: - Phu nhân đối với tôi là chỗ quen biết, tôi muốn nói xin một điều, chẳng hay có được không? - Xin vâng. - Nhờ phu nhân nói với tướng công hộ rằng, nhà cũ của chúng tôi đã nát, xin lưu ý cho. Hỏi duyên cớ sao thì nói: - Ông Lê Anh Vũ triều trước và ông Lê Anh Tuấn bây giờ, đều là hậu thân của Tướng quân tôi, phu nhân quên rồi sao? Lê phu nhân vâng nhời rồi bừng tỉnh, đến kinh nói với ông Lê. Ông tự bỏ tiền ra sửa chữa đền ấy. Nay đền hãy còn. Tùng Niên Ông Bùi Thế Vinh là cụ ngoại bẩy đời của tôi, đỗ tiến sĩ trong năm Diên Thành, làm quan đến Tự khanh. Nhà Mạc mất ngôi, ông lui về ở nhà, rồi cùng ông Đỗ Uông ở làng Đoàn Tùng, ông Nhữ Công Tòng ở làng Nhữ Xá đều bị tiên triều vời ra. Nhưng ông lấy một con dao rạch ở dưới đầu gối, rồi cáo bệnh không chịu ra. Bấy giờ bà Thường quốc phu nhân, tự thắt cổ tuẫn tiết. Hai người đều được người ta khen ngợi, có câu hát rằng: Loài chi mày Thượng Thông Thượng Nhữ(62), Những dơ tuồng tặc tử gian thần. Nào dao lá trúc Đông Luân(63), Nào thừng tiết nghĩa phu nhân kia là. ÔNG NGUYỄN CÔNG HOÀN Tùng Niên Ông Nguyễn Công Hoàn người làng Cổ Đô huyện Tiên Phong(64), là thân phụ ông Thượng thư Bá Lân. Ông có tiếng văn hay lẫy lừng trong một thời; đối với ai ông cũng nhã nhặn lịch sự, nhưng về chữ nghĩa thì không nhường ai bao giờ cả, đó là cái thiên tính như vậy. Ông Lê Anh Tuấn người cùng huyện, thủa nhỏ với ông là bạn vong niên. Gặp kỳ khảo ở huyện, ông Lê trúng nhất, ông trúng thứ hai. Ông đem văn ra so sánh, nhất định không chịu là mình kém. Ông Lê đỗ rồi làm quan, ông không chơi với nữa. Ông Thượng thư Bá Lân thủa nhỏ học giỏi văn hay, tài năng suýt soát với ông, ông thường cùng ganh thi hơn kém. Ông Thượng cố tránh thì bị ông đánh chửi. Một lần hai cha con thả thuyền ở giữa dòng sông để làm văn thi, bảo hễ ai văn kém thì phải ném xuống sông. Văn làm xong, của ông hơi kém, liền nhảy xuống sông tự trầm thật; ông Thượng khóc lóc lôi vớt lên. Một lần đến thăm quan Tể tướng Nguyễn Công Hãng, đến cổng ông đã réo ngay tên. Người canh cổng vào báo, ông Hãng lật đật chạy ra đón rước. Xin ông làm thơ Lưu, Nguyễn vào Thiên Thai, trong tiệc ông làm thành sáu bài, còn truyền ở đời. Hồi xuống chơi kinh, làm bạn với chân nhân Phạm Viên; một hôm hỏi về sự cùng đạt, chân nhân nói: - Số ông tiếc không làm nên được, nhưng con ông thì làm nên to. Ông bèn bỏ cả việc đời, theo chân nhân học thuật nhìn lâu. Vào núi Mỹ Lương, nhưng dọc đường thiếu lương ăn, đến một xóm nọ. Trong xóm có ông già đón khách vào nhà… bảo làm món sơn hào đem lên. Chưa bao lâu, đi đến chỗ biệt nghiệp của sơn nhân, gã nhỏ dọn lên món thịt chuột thối để uống rượu, mùi hôi bẩn xông lên gớm chết, ông lấy vạt áo che mặt không dám trông. Chân nhân nói: - Ông tục duyên còn nhiều, chưa thể học được. Bèn đưa ông trở về. Ông Thượng thư khi đỗ Hội nguyên, cả hai cha mẹ đều còn. Các bạn đỗ đồng khoa đến họp cả ở làng Cổ Đô để mừng. Ông Hoàn mặc bộ quần áo quê mùa ra tiếp khách, cười mà nói rằng: - Thằng Bá Lân nhà tôi mà nó đỗ đầu thì ra thiên hạ vô nhân thật. Hồi ông Lê Anh Tuấn làm tể tướng, ông Lân vì việc công bị lỗi, nghĩ phải nhờ cha đi nói hộ thì không thể gỡ được, bèn nói với cha. Nhưng ông Hoàn mặc kệ không nói gì. Cả họ khóc lóc van nài, ông mới khẽ gật đầu một cái. Rồi ông đi chân không đến dinh quan Tể tướng, lội qua hồ mà vào, để chân bê bết những bùn vào ngồi chỗ công sảnh, hỏi tướng công có nhà không. Lê công áo đai chững chạc ra đón mời. Ông nói: - Vì chuyện thằng bé nhà tôi nên phải đến quấy quả cố nhân, một tiếng nhận nhời giá trọng nghìn vàng, tưởng tôi không phải nói lắm. Ông Lê vâng nhời thì ông liền đứng dậy ra về, nài thư thả nói chuyện vài câu, nhất định không ở. Tuổi ông càng cao, sức học càng sâu rộng. Nghe ở Thanh Trì có một người học trò tập văn trường Giám lần nào cũng trúng giải nhất, bèn dò tìm đến tận nơi. Đêm khuya vào làng, vì đường quanh co, bèn lội qua ao, đến gõ cổng nhà người học trò mà nói: - Ta là Nguyễn Công Hoàn đây. Có giỏi thì làm văn thi với ta nào. Người học trò lật đật đi ra, nói nhún nhường từ chối. Ông không nghe. Người ấy xin khất đến kỳ văn trường Giám, ông mới trở về. Sau ông làm bài thi, luôn mấy kỳ chiếm được giải nhất trường Giám, ông mới về Sơn Tây. Tuổi già, một lần ông đến thăm nơi thờ thiền sư Huyền Quang, chiêm bao thấy thiền sư bảo rằng: - Việc Bích Cơ(65) được ông tìm ra, nghe đâu Thượng đế tăng tuổi cho ông một kỷ đấy. Sau ông được sống lâu rồi mất. Ông Lê tuổi trẻ là người không chịu buộc mình theo lễ phép; học ông Thám hoa Vũ Thành, vẫn được ông Thám coi trọng. Thường giao du với chân nhân Phạm Viên. Một lần ông Thám ra bài cho tập làm, đầu bài là: “Về Sở, người Sở không tin; về Hán, người Hán sợ hãi, vậy thì túc hạ định về đâu?” Chân nhân đùa làm thử, nhờ ông đưa để ông Thám chấm cho. Ông Thám giật mình nói: - Người làm văn này phải là bậc thần tiên. Sai người đón mời nhưng chân nhân chối từ không đến. Ông đi theo mấy tháng, chân nhân khuyên nên trở về. Sau thi đỗ làm quan, giữ mình ngay thẳng không chịu a dua với ai, nhất là ghét đạo Phật lắm. Hồi đi sứ Tàu qua một cái chùa, thấy ở chỗ mái hồi lang(66) có một tòa tượng chữ đề là “Lê Hữu Kiều Bồ Tát”. Ông bỗng giác ngộ, từ đấy để tâm nghiên cứu kinh điển nhà Phật. Khi thôi làm quan, mở ra một sở tuyên giảng đạo Phật, người đến nghe giảng lúc nào cũng hàng mấy trăm, phần nhiều là những người có tiếng trong rừng thiền cả. Chúa Trịnh Minh Vương và Tĩnh Vương có ban cho nhiều vị sư được hiệu là hòa thượng, những vị ấy đều là những học trò nghe giảng của ông. ÔNG NGUYỄN TRỌNG THƯỜNG Ông Nguyễn Trọng Thường người làng Trung Cần huyện Thanh Chương (Nghệ An). Thủa nhỏ nhờ ông ngoại nuôi nấng dạy bảo, có khiếu văn chương; đến tuổi thành đồng thì theo thầy học ngoài. Một đêm ông chiêm bao thấy một mỹ nhân đem chè, quả đến tặng biếu, cùng ông trò chuyện nói cười thân mật. Từ đấy thường đêm vẫn chiêm bao thấy thế, nhưng trải mấy năm giời, giữa hai người không hề có chuyện sàm sỡ. Rồi một đêm mỹ nhân từ biệt để về, ông cầm tay hỏi ngày tái hội thì nói: - Chúng ta sẽ gặp nhau ở trạm Phù Dung tại hồ Động Đình. Năm 16 tuổi đỗ khoa hương, sắp sửa rồi tới kinh thi hội. Một hôm ông ngoại ra bài cho học trò tập, thấy trong bụi cây có một chàng thiếu niên chưa đến giờ ngọ đã vào nộp quyển rồi đi ra. Ông ngoại xem rồi nói: - Có lẽ là chân nhân Phạm Viên đùa ghẹo ta đây. Nguyễn Trọng Thường liền ném bút đi theo. Ra đến ngoài đồng thì theo kịp. Khi đó chân nhân đi chơi núi Long Hổ. Đến cửa ải Trấn Nam, ông quỳ xuống thỉnh giáo, chân nhân nói: - Việc thổ nạp không phải là việc của nhà ngươi. Tiền trình rộng lớn, đừng nên đi theo đuổi việc thừa. Bèn trao cho tập số Thái Ất, hẹn đến hồ Động Đình sẽ phải trả lại. Ông thi đỗ rồi, trải làm quan trong quan ngoài nhưng rất hững hờ, không lấy sự làm quan làm thú. Khi đi sứ Tàu, đem việc nhà dặn bảo con cái, rồi đem nhiều tiền của đi theo. Qua trạm Phù Dung ở hồ Động Đình, thấy ở vệ đường có hai cái miếu, mà một cái đã hầu đổ nát. Hỏi dân ở đấy thì họ bảo: “Cái miếu sắp đổ, thần húy là Nguyễn Trọng Thường, hương tàn khói lạnh đã mấy chục năm rồi. Còn một cái miếu kia thờ bà phu nhân”. Ông hoảng nhiên nghĩ ra, bỏ tiền của nhờ người dân đấy làm lại hộ. Khi đi sứ trở về, thuyền qua hồ Động Đình, ông giở cái hộp đựng tập số Thái Ất ném xuống, cái hộp cuộn vào trong nước mà chìm mất. Đêm ngủ ở trạm Phù Dung, lại thấy mỹ nhân đến. Sáng hôm sau ông mất ở thuyền, sứ bộ phải đưa tang về. Tùng Niên Ngày 12 tháng Ba năm Bình Thìn (1796), cùng bác Nguyễn Nghiêu Minh, bác Trần Vấn Chi, bác Nguyễn Quế Nham, bác Hoàng Hy Đỗ đi chơi núi Phật Tích. Giờ mão từ kinh đô đi ra, giờ ngọ qua làng Kim Chỉ (làng Thìa ở huyện Đan Phượng), lên cái lầu chuông ở cạnh đường nhìn sang phía tây, trông núi Phật Tích thấy sắc núi xanh xanh. Qua bến đò Đắc Sở (Giá) đến làng Thụy Khuê, ở ngụ tại đền Nguyễn phu nhân ở phủ Quốc Oai. Phu nhân là em gái bà Minh Vương thái phi, xuất gia rồi chữa sửa các chùa ở làng Thiên Phúc, người dân đấy lập đền lên thờ. Đền gối vào núi. Núi ở giáp giới hai làng Thiên Phúc, Thụy Khuê, sử gọi là núi Thạch Thất, tục gọi là núi Thầy, đó là nơi chứng đạo của Từ Đạo Hạnh đời Lý. Phía tả núi là ngọn Hàm Long, hình thế cao ngất và bay bướm, có cái ao Long Trì ôm lấy; một cái gò dựa vào ngọn ấy, là chính điện chùa Thiên Phúc. Điện kề nước, do thiền sư họ Từ dựng nên, một gian hai chái, quy chế rất cổ. Giữa thờ Phật, bên tả là chân thân của thiền sư, bên hữu là ngự dung vua Lý Thần Tông. Trước ngự dung, có những tượng chim hạc và lực sĩ Chiêm Thành mỗi thứ đều hai, do khoảng năm Vĩnh Hựu sắc truyền chế tạo. Tương truyền vua Thần Tông triều Lê là hậu thân vua Thần Tông triều Lý. Hai bên nách chùa bắc hai cái cầu qua ao: bên tả là cầu Nhật Tiên, trông vào đền Tam Phủ ở cái đảo trong ao, bên hữu là cầu Nguyệt Tiên, chặn lên trên tay hữu trái núi. Giờ dần lên chùa Thiên Phúc, nhà sư trú trì là Tịch Khiết mời ngồi chơi nói chuyện. Tịch Khiết là người làng Thiên Phúc, trò chuyện rất có vẻ phong nhã. Giờ tuất trở về đền Phu nhân. Sáng hôm sau, Chân Túy Ông lên ngọn Hàm Long. Ông là con giai thứ ba của Nguyễn phu nhân, đỗ Hương tiến, nay nhập tịch làng Thụy Khuê. Phía tả ngọn Hàm Long độ nửa dặm, có mả và miếu thờ Lã Nam Đế, dân đấy bảo là di tịch của Lã Gia. Sách Thiên Nam quốc ngữ nói: “Mả Lã Gia ở vườn trúc”; chưa rõ đàng nào phải. Xét trong sử ký thì Nam đế là hiệu của hai vua Tiền Lý, Hậu Lý, Lã Gia chỉ là Thừa tướng của Triệu Ai Vương; lời dân đấy nói tựa như không đúng, hãy cứ ghi vào đây để đợi người thức giả. Trên sống núi có hai cái hang: một là Bồ Cốc, và một cái có cá sản ở trong nước gọi là Thần Cốc. Tiên triều đến ngự chơi đây, sai nội thần vào xem, thấy con rắn lớn lại phải quay ra. Giờ tỵ, qua cầu Nguyệt Tiên, lần bậc lên núi. Trên lưng có núi bia, khắc bài thơ ngự chế của chúa Định Vương (Trịnh Căn). Lên mấy bậc nữa đến chùa Thiên Phúc riêng, nơi thiền sư đốt hương trì tụng khi trước. Trụ trì chùa này nguyên là một viên nội thần của tiên triều, thấy khách đến mới thết ân cần bằng những món ăn trong núi. Trước chùa đi xuống ba bậc là vườn trúc, nay không có trúc nữa, trong vườn dựng bốn cây tháp. Động Phật Tích ở sau chùa, động ngoài không đến nỗi tối lắm, có bàn thờ Sơn thần ở bên phía tả. Một cái suối ở khe đá từ trên núi xuống, miệng suối có cái đầu rồng trỗi lên, đầy về mùa hạ mà cạn về mùa đông. Những tấm bia mài đá tạc thành nhớn nhỏ rất nhiều, nét chữ mập mờ, đều từ hồi Trung hưng trở về sau cả. Khoảng giữa động vách đá đứng sững. Chồng đá trèo lên độ một trượng đến cửa động trong, đi vào phải bò, gọi là hang Cắc Cớ. Động trong ngang dọc ước độ 1 trượng, thiền sư trút xác ở đó, vết đầu vết chân trên vách đá đến nay hãy còn, người ta thường lấy son rập in. Cạnh đấy là một pho tượng của thiền sư. Tôi có lưu đề ở động ngoài 11 chữ “丙辰季春松年甫攜友登此 Bính Thìn quý xuân Tùng Niên phủ huề hữu đăng thử”, nghĩa là tháng quý xuân năm Bính Thìn, gã Tùng Niên dắt bạn lên chơi đấy. Giờ ngọ lên chỏm Chợ Giời, khắp giời mây quang, gió thanh hây hẩy. Đá núi lởm chởm, cái thành hình bàn, cái thành hình ghế, rồi hình lò rượu, hình chén rượu, vị trí thiên nhiên, khéo đẹp tuyệt vời. Trên đỉnh có một tảng đá phẳng phắn. Đứng trên ngọn này trông ra chung quanh, các núi Phượng Hoàng, Quy Lân, Mã Yên, Long Đẩu, Hoa Phát, đều quanh quất chầu lại cả. Bác Hoàng Hy Đỗ đốt hơn trăm cái pháo hoa, những kẻ kiếm củi chăn trâu đều trông nhau ngơ ngác. Trở về động ngoài động Phật Tích, Chân Túy Ông và Trần Vấn Chi cùng nhau uống rượu. Vượn núi ba bốn con thập thò qua lại ở khoảng nóc điện và cành cây. Hy Đỗ, Quế Nham vỗ tay cười, hang núi nổi lên những tiếng vang đáp lại. Giờ mùi xuống thăm chùa Phúc Lâm ở phía bắc núi, đề vài dòng chữ lên vách: 登山遊覽,不覺詩興滿山, 不能收拾 Đăng sơn du lãm, bất giác thi hứng mãn sơn, bất năng thu thập. Nghĩa là: Lên núi chơi xem, bất giác hứng thơ đầy núi, không thể thu nhặt lại được. Lạc khoản đề là “Song Thanh”. Bác Chân Ngô đùa mà đề nối vào rằng: 我亦不約而合 Ngã diệc bất ước nhi hợp. Nghĩa là: Ta cũng không ước hẹn mà đúng như thế. Rồi lên chùa Bối Am ở chỏm núi Bối Am. Chùa nhân cái động mà làm thành, nửa gỗ nửa đá. Theo bia ở trên vách đá thì do một bà tôn nữ họ Mạc về đời Hồng Ninh xuất của mà dựng nên. Trụ trì ở đó có nhiều những sư nữ. Trên vách thơ vịnh đề bừa bãi. Xem qua một lượt rồi trở xuống. Dưới núi ấy có hang Dũng Phật, thờ mấy tòa tượng cổ. Giờ thân kéo Chân Túy Ông, Trần Vấn Chi cùng đến ngồi uống rượu ở cầu Nhật Tiên. Sen trong ao mới mọc tốt tươi, màu xanh phơi phới trên mặt nước. Các bác Nghiêu Minh, Quế Nham, Hy Đỗ không biết uống rượu, ngồi bên bàn rượu uống nước trà. Đêm khuya mới trở về chỗ ngụ. Ngày 14, sáng sớm khởi hành lên núi Hoa Phát. Núi ở phía tả núi Phật Tích, ghềnh đá chật hẹp, kém núi Phật Tích. Trên lưng chừng núi có cái gác chuông, Phật điện là chùa Hoa Phát. Sư nữ trú trì nguyên là vợ người khách họ Phan, tuổi già xuất gia đầu Phật, pha trà thết khách, có cái phong vị chốn kẻ chợ. Đàng sau chùa đi xuống một bậc có cái tháp đá đứng sững. Từ phía tả chùa men đá đi lên đỉnh núi, thấy có một khối đá lớn bằng cái nhà, chênh vênh như muốn lăn xuống. Cạnh khối đá ấy có cái chùa nửa mái, gần đây do người ở Ô Châu quyên tiền dựng lên, quạnh vắng không có ai. Giờ tỵ từ núi Hoa Phát lên núi Phượng Hoàng. Hình thế núi này như một con chim lớn sà xuống. Giữa mở ra một cái động đá để bầy thờ Phật tượng; hơi lam nặng trĩu, ướt cả áo người vào du quan. Trong động có ba cái hang, hai cái nhỏ mà nông, còn một cái nhớn sâu thẳm không có đáy, tục truyền là có đường thông xuống địa phủ. Cửa động cây cối bà xòa, nhân nhóm lò ngồi nghỉ một lúc. Giờ mùi giã cảnh trở về phía đông. Đến làng Vân Canh (Từ Liêm), vào ngủ nhờ ở nhà người anh họ ngoại là ông Huyện thừa họ Phạm. Đêm nói chuyện về chùa Phật Tích, ông anh ngoại nói: - Cụ ngoại tôi là quan Bảng nhãn có bà con gái tức bà cô ngoại tôi, thủa nhỏ mộ đạo Phật, chỉ đòi đi tu. Cụ Bảng tôi ép lấy chồng, bà tự đốt hai ngón tay để tỏ chí. Rồi bà xuất gia tu ở chùa Tiên Lữ, thường sang chơi núi Phật Tích, vào hang Thần Cốc. Hang này tối đen mù mịt, ngày cũng như đêm. Đốt đuốc đi vào ước hai, ba ngày, hãy còn nghe tiếng gà tiếng chó kêu trên đất. Đi vào càng lâu càng thấy cảnh khác lạ, ở một chỗ thấp lõm, thấy những xương người chồng chất, nhũ đá rủ xuống, thành ra vô số hình hiểm quái, người đi thú bò, giường ghế mắc áo, không biết bao nhiêu mà kể. Bên cạnh đường, có một dòng nước, sắc xanh như lam; một ông lái cắm thuyền đợi khách. Bờ bên kia trời lờ mờ sáng, chợ búa người vật, không khác gì ở nhân gian. Hỏi thăm thì ông lái bảo đó là chợ âm phủ. Do con đường đá đi lên phía trước, gặp một ông già khuyên sư nên trở về. Sư không nghe. Chợt có một con rắn to bằng cái vựa nằm chắn ngang đường, bấy giờ sư mới chịu quay về. Ra khỏi hang thì tính từ khi đi đã được một tháng hai ngày. Sư là người trì giới rất cao, chắc không nói nhảm. Vì vậy cũng chép câu chuyện ấy vào đây. Trên này là kể đại lược của cảnh núi, còn những cái gì tai mắt không tiếp xúc đến thì không dám nhiều nhời. Ngày 15 giờ ngọ, Đông Dã Tiều Tùng Niên phủ chép. DẬT SỬ CỦA CỤ THÁI TỂ Kính Phủ Cụ Thái tể Trung Thuần công nhà tôi xưa đi công cán về, người Mạc bắt giữ lại. Bấy giờ, xa giá về Thanh Hoa, tin tức của triều đình đoạn tuyệt. Thượng thư nhà Mạc là ông Trần Lịch Chiêu, người làng Hoa Thiều cùng huyện, thấy ông là người có nghĩa khí, muốn tha cho, đem qua sở giam, nói chung chiêng là giời sắp sáng. Cụ hiểu ý, lén bước đi ra. Đến làng An Thường thì quân đuổi theo đã cấp bách, cụ phải trốn vào nhà người, đào hang mà ẩn, đổi lốt người làm mướn, gánh một gánh rau đi. Qua sông Bái, gặp một viên tướng du kích nhà Mạc là Mỗ. Hắn nhìn kỹ rồi mời về nhà, làm rượu khoản đãi. Cụ bỡ ngỡ không hiểu. Chợt viên ấy đưa vợ con ra, lạy mà rằng: - Năm nọ ngài ở đài sảnh, có người kiện chúng tôi, ngài xử kẻ ấy kiện trái lẽ, đã quên rồi ư? Bấy giờ cụ mới nhớ ra. Cụ ở đấy mấy bữa rồi viên ấy cũng theo cụ vào Nam (Thanh Hóa). Kính Phủ Ông Đàm Thận Huy người làng Ông Mặc (Bắc Ninh); bà mẹ là Mỗ phu nhân sinh ra được ông và ông thứ tên là Thận Giản. Trong làng bấy giờ có một ông già người làng Tả Ao, đất Hoan Châu (Nghệ An) đến làm địa lý, nhiều sự ứng nghiệm lạ. Phu nhân nghe tiếng, đến xin đặt hộ ngôi mả chồng. Ông già nhận nhời đặt cho nhưng cố ý trùng trình mãi, đi làm đất những đâu đâu, tối vẫn cứ về ở nhà họ Đàm. Một khi gặp mưa, ông già bắt phu nhân cõng mình, hai ông xin thay thì ông già không khiến. Phu nhân cũng vui vẻ xin cõng. Đến đêm, ông già lén vào buồng ngủ thì phu nhân chống cự một cách nghiêm nghị. Ông già than rằng: - Đó thật là một người đàn bà tiết tháo, ta phải đền bồi cho mới được. Rồi ông già chọn chỗ đất tốt đặt mộ cho. Sau hai ông nối nhau thi đỗ. Gặp khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông trưởng, nhân đương làm Thượng thư bộ Lại, đem quân đánh kẻ nghịch, bị thua mà chết. Triều Lê khi Trung hưng, tặng tước vương và lập đền tiết nghĩa để thờ. ÔNG LÊ TUẤN MẬU Kính Phủ Ông Lê Tuấn Mậu, người làng Xuân Lôi, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) làm quan tiên triều đến chức Đô ngự sử. Bấy giờ Mạc Đăng Dung do đánh vật giỏi mà vụt lên đến quan to. Ông nhiếc hắn rằng: - Anh đừng cậy sức. Ta rất có thể như thế được, nhưng không thèm làm đấy thôi. Đăng Dung tức, xin với vua cùng ông thử sức. Ông hăng hái nhận lời, rồi bôi mỡ vào mình, cài kim vào tóc và khố, vật cho Đăng Dung ngã suýt chết. Khi Đăng Dung cướp ngôi, ông thác bệnh không ra. Y cố mời mãi, ông bảo người đỡ vực ông vào triều, rồi nhổ vào mặt y mà chết. Ông Dương Bang Bản người huyện Thanh Liêm; được ban quốc tính, đổi là Lê Tung. Tuổi già sinh được cậu con giai, nhờ vợ người phường chài nuôi hộ. Nhớn lên về nhà, nhưng người con giai không thiết học hành, chỉ cứ đi theo nhà phường chài. Ông nghĩ vì tính nết đã quen, không lấy làm lạ. Gặp ngày tiên húy, đương khi ông ở kinh, chiêm bao về nhà thấy những con ma tóc đỏ ngồi chễm chệ ở trên giường thờ, còn ông cha của ông, đai mũ chỉnh tề, nhưng đều đứng giãn ra ngoài cả. Tỉnh dậy nghĩ ra, ông cho tìm khắp chốn. Nhưng thuyền trôi bè nổi, lênh đênh chẳng biết là về đâu. Nhà phường chài đem công tử đi, nhập tịch ở huyện Giao Thủy. Nhớn lên, công tử đỗ tiến sĩ. Khi vinh quy, người làng bảo nhau rằng: - Anh chàng ở đâu, sao lại đến ở làng chúng ta! Công tử nghe nói, dò hỏi những người thân cố, mới biết được gốc rễ. ÔNG UÔNG SĨ ĐOAN Kính Phủ Ông Uông Sĩ Đoan khi chưa đỗ, ở rể tại một nhà giàu kia trong làng tôi, sinh được một con giai. Người vợ dữ tợn, hễ thấy bè bạn chồng đến chơi đều đuổi quầy quậy và nói: - Cái đồ dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, làm gì mà bè bạn bắng nhắng lên thế! Gặp khoa, ông sắm sửa đi thi, người vợ keo kiệt không chịu cấp hành lý cho đủ. Ông giận dỗi, vùng vằng đi ra. Người vợ đuổi theo lột hết cả quần áo. Ông phải lội xuống ao náu núp. Một cô con gái làng bên cạnh, cùng bà mang vải đi chợ bán, thấy thế bảo bà thử hỏi xem đầu đuôi ra sao. Rồi xé vải tặng cho để ông đóng khố. Khoa ấy, ông thi đỗ, bèn cưới người con gái nọ làm vợ. Ông làm quan trong triều hơn 60 năm, thọ 99 tuổi. Người con gái ấy được phong là chính phu nhân. Quan Bồi tụng Sĩ Lãng, quan Huyện lệnh Cẩm Giàng Sĩ Thiến, quan Lại bộ lang Sĩ Trạch, đều do phu nhân sinh ra cả. Kính Phủ Mỗ là người Sơn Vi, vào rừng lạc đường, gặp một ông cụ già cởi áo mặc cho và dặn đi sau. Mỗ ngứa ngáy, một lúc đã thấy mình thành một con hổ. Các hổ khác kéo đến cùng mình thân cận, cùng nằm cùng ở, được thịt thì chia cho mình ăn. Một hôm về nhà, nghe thấy vợ đương khóc, Mỗ thương xót gầm lên. Vợ sợ hãi khua thanh la để dậm dọa, Mỗ sợ phải đi. Mỏi mệt nằm trên một tảng đá, lại thấy ông già đến bảo rằng: - Cái áo mượn của ta ngày trước, giờ phải trả đây. Nói rồi cưỡi lên bụng Mỗ lấy gươm rạch rồi lột da, đau đớn tưởng đến chết được. Ông già chợt đi đàng nào mất. Nhìn thì mình lại trở lại là người ngày xưa; vội vã về nhà thì đã sắp đến kỳ giỗ đầu. Vạch lưng ra, trên lưng hãy còn những vết lông. Chao ôi! Mỗ là hổ mà lại là người, người đấy mà lại là hổ, lạ lùng thật không nói xiết. ĐỨA CON ĐEN Kính Phủ Người con gái ở phố Lai Trào, trấn Hoa Dương, lấy người lái buôn nước Tây đen. Sau người lái buôn về nước, nàng hỏi kỳ tái hội, thì hắn nói: - Hễ ba năm không thấy sang thì cứ việc đi lấy chồng. Quá kỳ hạn ấy, nàng đi cải giá về một người là Mỗ, sinh được một con giai, da thịt đen xạm, y như người chồng cũ. Hỏi người biết thì người ta bảo: - Đó là dư khí hãy còn sót lại, cho nên rợ Hồ có cái tục rửa ruột. Không bao lâu, người lái buôn đến tìm vợ, thấy đứa con, bèn kiện để đòi lại. Quan xử đứa con về người lái buôn, còn người vợ vẫn thuộc về Mỗ. Sau, nàng sinh mấy đứa con nữa thì đều như thường cả. Kính Phủ Hồi vào đánh Nam (Đàng Trong), có mấy người lính đi qua trong rừng, thấy một cái hang. Vào xem, ban đầu còn tối đen, nhưng sau sáng rạng dần. Một lúc, thấy trong đó có dân cư, tiếng nói ríu rít, không thể hiểu được. Bọn lính vì đói, phải cướp lấy cái ăn, bọn người kia phải tan chạy cả. Một lúc, họ lại kéo đến rất đông. Bọn lính sợ, phải ra, dùng những tên nhọn vừa đi vừa bắn lại. Về thuật với mọi người, lại kéo vào xem thì đã chẳng thấy gì nữa. ANH KẺ TRỘM LÀNG LÂM HỘ Người chánh lý Mỗ làng Lâm Hộ, huyện Kim Hoa, vốn xưa là một anh ăn trộm. Hồi thân phụ tôi làm tri huyện ấy. Mỗ nhân việc quan đến huyện, kể lại hết những chuyện thiếu thời. Mỗ thường cùng Ất sang ăn trộm ở làng bên cạnh, đêm đi qua trong rừng, bỗng thấy động tâm. Đến làng bên, chia nhau rình ở cổng làng. Ước chừng nửa trống canh, Mỗ chợt nghe thấy tiếng huỳnh huỵch rất lớn, vội chạy lại xem. Một con hổ đương ôm Ất ngồi chồm chỗm. Mỗ nhìn đăm đăm rồi vung tay xông đến đánh trúng trán hổ. Hổ gầm lên mà chạy. Ất thì ngã vật ra đất. Mỗ đến gần nâng đỡ, thấy Ất hơi thở rất yếu, hai má bị cào toạc đến một tấc thịt. Mỗ hỏi thì lúc lâu Ất mới nói: - Khát lắm! Mỗ tìm loanh quanh, thấy dưới một mái nhà có rãnh nước nông, bèn dấp vào áo đem lại vắt rỏ cho Ất uống. Tỉnh rồi cõng về, nửa đường thì phương đông đã rạng. Ất khỏi, Mỗ thôi không làm nghề ăn trộm. Than ôi! Cứu giúp bạn trong khi nguy cấp chẳng tiếc mình, đó là việc làm của những bậc liệt sĩ đời xưa. Nay lại thấy ở trong đám kẻ trộm, thật cũng là lạ lắm. Ông Đỗ Uông người làng Đoàn Tùng đời Mạc. Hồi chưa đỗ, từ kinh đô về, đến huyện tôi. Trời về tối. Trên đường vắng tanh không có ai qua lại. Chợt ở trong đền Thời Cử có mấy chục quân kỵ kéo ra, đuổi theo sau ông. Ông đi nhanh gấp đường, qua làng Hoạch Trạch, gọi lớn: - Bác Hoạch Trạch, cứu tôi với! - Trong đền im lặng. Đến làng Minh Luân, cũng lại gọi như vậy, thần đền xa đáp rằng: - Em đối với bác Thời Cử là tình cùng huyện, không tiện ra giúp ông anh được, vậy ông anh nên đến cầu cứu với bác La Xá. Ông theo nhời. Đến La Xá, quả có mấy trăm quân giáp trụ theo ngay nhời gọi mà kéo ra. Quân địch sợ phải rút lui. Về đến làng Đoàn Tùng, ông đốt hương làm lễ ở sân, viết một đạo sớ đem việc ấy tâu lên Thượng đế. Sớ đốt chưa xong, đã thấy giời nổi cơn sấm sét dữ dội. Mưa xuống như dốc chĩnh nước. Đến sáng, nghe người ta đồn đền Thời Cử đã bị sét đánh tan tành rồi. Ông rất mừng thầm. Sau ông thi đỗ Bảng nhãn, sang đời Lê, làm quan đến Thượng thư, phong phúc thần. TƯỚNG QUÂN ĐOÀN THƯỢNG Tùng Niên Tướng quân Đoàn Thượng, người làng Hồng Thị, huyện Trường Tân. Đời Lý Huệ Tông vâng mệnh đi dẹp giặc và trấn ở Hồng Châu. Nhà Lý mất, Đoàn chiếm giữ riêng một châu ấy. Quan thái sư nhà Trần là Thủ Độ bề ngoài giả vờ giảng hòa, nhưng ngầm truyền lệnh cho Hoài Đạo Hiếu Võ Vương Nguyễn Nộn đem trọng binh đánh úp. Hai bên đương đánh nhau say sưa, quân Trần lại tự miền Văn Giang đón đánh phía trước. Tướng quân bỏ Nộn, quay về chống với phía tây, bị nhát thương ở cổ gần đứt, phải cởi đai lưng buộc lấy, tức giận hầm hầm, chạy về phía đông. Đến làng An Nhân, có một ông già, đội mũ thắt đai, chắp tay đứng bên đường mà nói: - Tướng quân là bậc người trung liệt, Thượng đế đã cất dùng đấy. Lại chỉ một cái gò làng bên mà nói: - Đấy là nơi huyết thực(67) của ngài, xin đừng bỏ qua. Tướng quân vâng nhời. Đến chỗ ấy, xuống ngựa, gối giáo mà nằm. Liền có mối đùn đất lấp lên. Dân cư tạc tượng, lập miếu lên thờ. Đến sau, đê sông Nhị vỡ, nước xói đổ miếu. Khi nước xuống, tượng dạt đến làng An Nhân. Làng An Nhân bèn dựng miếu mới để thờ. Miếu dựa sông An Nhân, trước mặt trông ra con đường cái chính đi thông hai tỉnh Đông, Bắc, uy linh hiển hách, người buôn bán qua đường rất là sợ hãi. Một hôm, người coi miếu ấy bỗng ngã lăn ra đất lúc lâu, rồi vùng dậy ngồi lên ghế cao, gọi những kỳ cựu trong làng ra bảo rằng: - Ngày mai phải quét dọn sạch sẽ vì có đức vua đến thăm cảnh. Người nào mặc áo đen và đi chân không là chính đúng đấy, phải chờ đón. Mọi người dạ dạ theo nhời. Hôm sau, ai nấy mũ áo chững chạc đợi ở dưới đền. Mãi đến chiều tối, vẫn chưa thấy gì; mỏi mệt, đã toan giải tán. Chợt bờ bên kia sông có một vị sư, mình mặc chiếc áo lục thù, đằng sau có một tên tiểu đồng theo hầu, đi ngang qua cầu, đến trước cửa đền ngồi nghỉ. Mọi người đốt hương sụp lạy. Nhà sư lấy làm lạ, hỏi. Ai nấy đem lời thần tâu lại. Nguyên bấy giờ vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con, tự xưng là Điều Ngự đại sĩ, xuất gia tu ở chùa Yên Tử, bên mình mang một cái lọ, một cái bát, thường đi lại trong các xóm làng, nhiều khi cũng chả ai biết nữa. Tối hôm ấy, dừng bước ở làng An Nhân, nghe câu chuyện thần nhân báo trước, ngài lấy làm thích, bèn ngủ trọ ở đấy một đêm. Ngài giảng bảo thần nhân về lẽ nhân quả, khuyên nên thể theo đức hiếu sinh của Giời, đừng nên làm tai vạ cho những người qua lại. Sớm hôm sau, ngài dậy sớm, trở về kinh sư. Đến tối, bỗng một cơn mưa to gió lớn nổi lên, rồi thần tọa quay mặt về đông. Từ đấy những người đi qua đường, không còn bị tai nạn gì nữa. Lịch triều phong tặng là Thượng đẳng thần. Lũy cũ ở Trường Tân, đến nay vẫn còn. Tùng Niên Sông Dùng ở huyện Nam Đường (nay là Nam Đàn) là con sông lớn ở Hoan Châu. Nguồn phát ra từ Trầm Châu, đi qua Đại Đồng, Đồng Luân, lướt bên trại Sà Man, bến Phù Thạch mà chảy ra bể. Sóng xô dữ dội, chỗ nào cũng có vực sâu, nhất là về khoảng những làng Đại Đồng, Đồng Luân, càng nhiều lắm. Bên cạnh những cái vực ấy, có những làng xóm ở đông đúc. Người ta thường thấy có mấy người đàn bà con gái đến chợ mua bán vận mặc nói năng ra lối thị thành. Có người dò theo, thấy bọn người ấy đi gần đến bến sông thì mất. Một hôm, có một người giai dân, xuống bến Đồng Luân rửa tay, rồi đứng hóng mát ở trong khoảng lau sậy, thấy trên bãi cát có hai người cưỡi ngựa chạy quanh ba vòng rồi cùng sóng cường mà đi xuống nước cả. Người ấy nín thở, đứng lặng xem ra thế nào. Một lúc, thấy mấy tòa lâu đài nổi lên ở giữa dòng sông, nhỏ như quyển sách, chỉ trong chớp mắt đã cao lên đồ sộ, kẻ đi người lại rộn rịp khá đông. Lúc lâu, người ấy ngứa cổ không thể nhịn được, đặng hắng lên một tiếng. Lập tức những tòa lâu đài ấy đều chìm nghỉm cả. Rồi có hai con cá lớn bị cụt đầu nổi ở bên sông, nước sông đỏ khé. Đinh quân, người làng Đại Đồng, quan làm đến tri phủ. Một lần qua chơi bến Rái Cá ở Hải Dương, Đinh quân thấy một bà già bán hàng, tuổi chừng 63, 64, hỏi mình rằng: - Ông có phải là người làng Đại Đồng không? Sao tiếng nói giống thế! Đinh quân nói: - Làng ấy cách đây nghìn dặm, làm sao bà lại biết. Bà già cười: - Đại Đồng là nơi tôi vẫn chơi khi xưa, có ông không biết đấy thôi. Hỏi kỹ thì bà nói: - Tôi người ở đây, thuở nhỏ ra tắm sông, bị thần sông là Giang Đông hầu bắt lấy. Ở sông này được ba năm thì hầu cải bổ vào làm việc ở trấn Đồng Luân, coi vực Đại Đồng. Ngoài những lúc hầu hạ chăn màn, tôi thường lên chợ chơi, tiêu dao ở đấy đã nhiều ngày tháng lắm. À, cha con Thiếu Vệ, cha con Lý Chánh, nay vẫn còn cả chứ? Đó đều là những người hào trưởng trong làng. Thiếu Vệ có người con gái chết đuối đấy phải không? - Phải. - Thì chính hầu tôi kén làm vợ đấy. Long cung hay lấy vợ trên trần, thường sai lính tráng đi bắt; cũng một đôi khi các ngài đi bắt lấy nhưng mà rất ít. Ở trấn được năm năm, một lần có cánh bè từ mạn ngược xuống, chở kèm thêm bốn cây gỗ chò. Hầu bụng thích những cây gỗ ấy, tung nước lên cho bè đắm. Mấy tên thủy thủ chết oan. Họ kiện đến quan trấn, quan trấn xử hầu phải đuổi về chỗ cũ. Về đến đây, hầu thả tôi lên. Tôi theo sóng chìm nổi bồng bềnh, bàng hoàng như trong giấc mộng. Người nhà vớt tôi, mấy ngày tôi mới tỉnh lại. Làng mây cung nước, đến nay trước mắt còn như thấy rành rành. Câu chuyện bà già kể rất rành mạch. Đinh quân đem chép vào trong quyển gia thư. Đầm Đông Liệt ở huyện ấy (Nam Đàn), cách sông khá xa, thuyền bè không đi thông vào được. Tục truyền có con thuồng luồng ngắn, vuốt linh thiêng lắm. Một người lái buôn nước mắm ở huyện Hưng Nguyên, bữa kia từ Hoan Châu ra kinh, đỗ thuyền ở bến sông Nhị. Bấy giờ đương mùa hạ, nước to, người lái bán hàng xong, nhưng chưa giong buồm về được. Một hôm, người ấy thấy có ba, bốn người công sai, đem rượu thịt đến cùng mình đánh chén. Tiệc rượu gần vãn, họ lấy ra một phong thư, ghé tai bảo người lái buôn rằng: - Tôi là quân hầu của thần thuồng luồng đầm Đông Liệt. Thần đi đánh núi Tản Viên, dọc đường bỏ mình, nhờ bác đưa giúp thư này đến vực Đồng Luân hộ. Người lái vâng nhời, nhổ thuyền xuôi nam. Thuyền đi như tên, chốc lát qua nghìn dặm, tối hôm ấy đã đến Đồng Luân. Đến đấy, người lái gõ thuyền gọi, thấy dưới nước có tiếng thưa, rồi nhận lấy thư, dặn người lái hãy chờ đấy. Lúc lâu, nghe văng vẳng thấy tiếng khóc lóc. Đêm khuya, có hai người lính đội lên một hộp trầu, trong đó đựng 20 lạng vàng đưa để tạ ơn. Người lái từ chối: - Xin cứ phù hộ cho sông nước vững vàng, đã là ban ơn rất nhiều rồi; tôi đâu dám nhận số vàng ấy. Người lái chỉ xin nhận cái hộp mà trả lại vàng. Từ đấy, đi xuôi ngược giang hồ, một đời không gặp sự rủi ro gì cả. NÚI ĐÔNG LIỆT Núi Đông Liệt đứng trên bờ đầm, trên đỉnh có một chỗ trũng, tương truyền là vết cũ sao sa, rộng đến hơn một mẫu, nước có khi đầy có khi cạn. Trong núi có bàn cờ đá, cạnh bàn có một lốt bàn chân, to hơn chân người thường. Có một người con gái giẫm chân vào đấy, bụng thấy cảm động rồi có mang, sinh ra một đứa con gái. Đứa con ấy lọt lòng ra đã biết nói, biết quá khứ và vị lai. Tiếng đồn đến triều đình, được vời vào kinh, hỏi việc quỷ thần. Hỏi đâu trả lời ngay đấy. Vì thấy là của quái dị, triều đình lại cho về. Được ba tuổi thì đứa bé chết. Người ta cho là tiên, lập miếu phụng thờ. Nay miếu hãy còn ở dưới núi. Núi ở giữa khoảng hai châu Hoan (Nghệ An), Ái (Thanh Hóa) có cái miếu thờ làm ngay ở cửa hang. Hằng năm phải lấy người làm vật cúng tế, người làng cắt lượt nhau mà chịu. Họ thường đem vàng bạc đi mua chuộc những người lang thang bốn phương đem về làm vật thế thân. Có một anh nghèo kiết kia, đến lượt phải làm vật tế thần, không biết làm thế nào. Tới kỳ, anh tắm gội sạch sẽ để đi làm vật hy sinh, nhưng trong mình giấu sẵn một con dao sắc. Canh tư, anh ta hăng hái ra đi. Làng tế xong, khóa trái cửa lại rồi về. Anh ta cầm con dao, đứng ở cửa hang chực sẵn. Chừng độ một trống canh, thấy có mùi tanh nồng nặc. Rồi một con rết cực lớn, từ trong hang bò ra. Anh ta giơ dao đâm ngay, chỉ chốc lát thì con rết chết. Từ đấy, không còn cái quái ấy nữa. Núi này nay thành một nơi danh thắng, như là núi Phục Dực. NỘI ĐẠO TRÀNG Tùng Niên Lê triều khi mới Trung hưng, việc binh đao vừa yên, tà yêu quỷ quái nổi lên nhiều, dân gian rất khổ sở. Tại làng An Đông, huyện Quảng Xương, có người tên là Trần Lộc, vốn làm nghề phù thủy. Một hôm đi qua núi Na, nhân đương ngày hè nắng dữ, Trần Lộc ngồi nghỉ ở dưới núi, bỗng ở trên đỉnh núi, giữa khoảng rừng cây rậm rạp, có một ông già đầu bạc phơ, đương đứng ngó xuống mà vẫy. Trần Lộc xắn áo đi lên, giữa trưa thì lên đến đỉnh núi, phục xuống làm lễ bái yết. Ông già vỗ về rằng: - Nhà ngươi là người thành thực, đôn hậu, Thượng đế khen ngợi, sai ta trao cho những bí quyết. Bèn ghé vào tai mà bảo cho và nói: - Đó là những phép Phật thượng không. Nhà ngươi nên siêng năng làm việc tế độ, tòa sen sẽ chẳng xa gì. Nói xong thì không thấy đâu cả. Trần Lộc trông lên trên không mà bái tạ. Rồi đem những phép ấy ra thử dùng thì đều linh nghiệm. Từ đấy nổi tiếng về nghề phù lục(68). Người ta gọi Trần là Phật Tổ Như Lai, hai con là Tả Hữu Tôn Thánh, người đồ đệ giỏi nhất là Tiền Quan Tôn Thánh, còn những người khác là Bồ Tát, Kim Cương, Minh Sư, Thượng, Trung, Hạ Thặng v.v… Nghe núi Mỏ Diều có một con yêu, thường làm tai nạn cho những khách qua đường, bèn đến để trị. Con yêu vận mặc lối cung trang, giữ trên đầu núi, cùng Tổ sư chống cự ba ngày không phân thua được. Tổ sư tức lắm, phóng một cái quyết lật đổ núi. Yêu hóa làm con quạ bay vút lên giời. Tổ sư lại phóng mấy cái quyết trúng vào mình nó, nó phải sa xuống đất mà chết. Mười hai cửa bể ở miền tây nam, mỗi cửa đều có một thần sóng, thường làm cho nước bốc cao lên như núi, chốc lát lại tan đi. Thuyền bè gặp phải, không tài nào sống sót được. Tổ sư sai đồ đệ đi bắn, trừ được chín, còn sót lại ba. Xảy có việc phải đi coi nom ở Sùng Sơn nên không trừ nốt được. Bấy giờ vua Thần Tông mắc một bệnh lạ. Có người bảo là cái nhân quả tái thế của vua Lý Thần Tông (xem Lĩnh Nam chích quái). Trong triều ngoài dã đều lo ngại. Đại nguyên súy Thanh Vương tính kế, xin vua nhường ngôi cho Thái tử, xưng Thái thượng hoàng, ở cung riêng để dưỡng bệnh. Trải dùng bùa, thuốc trong mấy năm, không chút hiệu nghiệm gì cả. Nghe tiếng Tổ sư, triều đình sai trung sứ đến vời. Tổ sư nghĩ vì cái yêu khí ở vùng tây nam mới yên, chưa dám rời mà đi vội, cử đồ đệ là Pháp bộ Kim cương đi thay; đấm vào ngực mà niệm chú. Hơn một tháng, Thượng hoàng khỏi bệnh, trở lại ngôi rồng, truyền xuống dựng đền thờ Nội đạo để tinh biểu(69). Kim cương trở về; đường qua làng Bố Vệ. Giữa khi người làng đương làm lễ tế thần, Kim cương đứng đái ở trước đình, bị mấy người trẻ tuổi trong làng tức giận trói lại. Kim cương nói mãi mới được tha ra, bèn bắt một cái quyết trói, rồi đi. Lập tức già trẻ trong đình, ai nấy hai tay chập vào nhau mà ngồi dựa cột, chỗ năm người, chỗ ba người, muốn giằng ra cũng không được. Cả làng đều kinh ngạc. Có người nói vừa nãy có một vị thuật sĩ vô lễ, người làng trói rồi tha ra, hay là hắn phản chăng? Cho người đi tìm thì chẳng thấy đâu cả. Việc đến tai triều đình, vua nói: - Đó là Pháp bộ Kim cương đấy. Hỏi đến Tổ sư. Tổ sư sợ, trách mắng Kim Cương, rồi bao nhiêu bài quyết đã trao cho, đều thu lại hết, chỉ còn những bài quyết thỉnh Phật và trừ tà là còn để lưu hành ở đời. Ở vùng Giang Bắc, có một phái gọi là Nội đạo tràng, lấy trượng trị bệnh. Đó không phải là phái này. Bà vợ thứ ông Hạo Hiên Nguyễn Kiều là Đoàn Thị Điểm, người đất Giang Bắc, nguyên là em gái ông tỉnh nguyên(70) Đoàn Luân. Bà nổi tiếng là người văn học cùng anh vui trong thú nghiên bút. Nghiễm nhiên, có cái thế là hai nước địch. Một buổi tối, bà ngồi trước đài trang tô điểm, ông Đoàn thì rửa tay ở trên cầu ao. Ông Đoàn khẩu chiến rằng: 照鏡畫眉,一點翻成兩點 Chiếu kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm(71) Bà liền đối ngay: 臨池玩月,隻輪轉作雙輪 Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.(72) Ông Đặng Trần Côn mến tiếng, đưa bài thơ đến để xin được vào thăm. Bà cười mà rằng: - Cậu học trò mới học ấy, bõ gì nói chuyện. Ông Đặng tức giận trở về, cố chí mài giũa học hành. Sau trở nên một bậc danh sĩ. Bà kén chồng khe khắt lắm, bao nhiêu người muốn lấy, bà đều không vừa ý. Đến khi đã quá tuổi cập kê, mới lấy ông Hạo Hiên. Trong chốn khuê môn, vợ chồng kính trọng nhau như khách, đương thời lấy làm một chuyện đẹp. Ông Hạo Hiên mất, những học trò theo học ông lại theo học bà, thành danh được mấy chục người. Và có làm ra tập Tục truyền kỳ, trong có ba truyện Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, còn lưu hành ở đời. Người cháu là Mỗ, con gái ông tỉnh nguyên, bà vốn yêu dấu. Người cháu ấy lấy ông Nguyễn Xuân Huy, đốc trấn Sơn Nam. Khi ông Xuân Huy cùng người con giai chết, có câu đối rằng: 泉下承歡,應知君有子 Tuyền hạ thừa hoan, ưng tri quân hữu tử, 夢中對話,誰謂妾無夫 Mộng trung đối thoại, thùy vị thiếp vô phu. Nghĩa là: Dưới suối hầu vui, tỏ biết chàng có con. Trong mộng chuyện trò, ai bảo thiếp không chồng. Năm bà 78 tuổi, vẫn còn đi lại ở kinh kỳ, mở trường dạy học. PHẦN II. TANG THƯƠNG NGẪU LỤC - QUYỂN HẠ ÔNG CHU VĂN TRINH Kính Phủ Ông Chu Văn Trinh đời nhà Trần, húy là Văn An, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn tiên sinh, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Tư nghiệp ở Quốc tử giám. Đời vua Dụ Tông, dâng bài sớ xin chém bảy người, treo mũ từ quan, về ẩn ở núi huyện Chí Linh, dạy học trò. Sĩ phu đều kính ngưỡng như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu. Quan tư đồ Chương Túc hầu Trần Nguyên Đán có tặng bài thơ rằng: 黼冕桓圭心已灰 Phủ miện hoàn khuê tâm dĩ hôi, 風霜安敢困寒梅 Phong sương an cảm khốn hàn mai. 白雲萬曡山屝掩 Bạch vân vạn điệp sơn phi yểm, 紫陌多岐我馬隤 Tử mạch đa kỳ ngã mã đôi. 蕙帳勿驚孤鶴怨 Huệ trướng vật kinh cô hạc oán, 蒲輪好為下民迴 Bồ luân hảo vị hạ dân hồi. 煕朝社稷天方祚 Hy triều xã tắc thiên phương tộ, 肯使先生老碧隈 Khẳng sử tiên sinh lão bích ôi. Nghĩa là: Cái lòng mũ đai trâm hốt (tức là lòng công danh) của tiên sinh đã nguội lạnh rồi, thân như một cây mai lạnh, không gió sương nào làm khốn được. Mây trắng muôn đợt cài cánh cửa núi, chỗ tiên sinh ở ẩn; đường trần lắm lối làm cho ngựa tiên sinh chồn mỏi mà không muốn đi. Nằm trong màn huệ, đừng giật mình vì tiếng một con hạc lẻ bay kêu (đó là nói cái cảnh thanh cao của sự ẩn dật), nhưng xe bồ êm ái, tưởng cũng nên vì bọn hạ dân trông cậy vào mình mà quay trở lại. Xã tắc của hoàng triều đương được nhà Trời vùa giúp, lẽ đâu lại để cho tiên sinh già đời ở chốn non xanh. Ấy, ông được đời kính trọng như vậy. Đời truyền là khi ông dạy học ở thôn Cung Hoàng, trong bọn học trò có hai người thiếu niên, dung mạo kỳ vĩ, không bao giờ ngồi cùng chiếu với các học trò khác. Có người trông thấy họ đi từ nước lên; ông biết họ là thủy thần. Gặp năm nắng to, ông sai đi làm mưa. Hai người từ chối: - Thượng đế phong khóa cả sông hồ, không có giọt nào mà làm được. Ông bảo lấy nước ở cái ao rửa nghiên. Hai người nói: - Lời thầy dạy không dám trái, nhưng trái ý Thượng đế, sẽ đều phải nghiêm phạt cả. Hai thiếu niên đi thì một lúc, mưa xuống như trút. Bỗng chốc thấy có hai thân thuồng luồng cụt đầu rơi xuống. Ông thu nhặt lại rồi đem chôn. Nay mả ở ngoài lũy làng, tục gọi mả thuồng luồng. Sau khi ông mất, người làng nhân chỗ nền cũ nhà học dựng nên đền thờ, lấy những bậc thân sĩ trong làng phối hưởng. Trong năm Cảnh Hưng, ông Bùi Huy Bích chấp chính, dò hỏi dòng dõi, còn được mười sáu người, thấy đã đổi sang họ Nguyễn và đều ngu độn không biết gì, đều ở vào hạng cùng dân cả. Ông bắt trở lại họ cũ, và chọn một đứa trẻ dạy cho học, muốn sẽ tiến dẫn lên triều đình, bàn việc phong ấm, như người Tàu đối với dòng dõi Tống Nho là ông Trình, ông Chu. Nhưng chợt gặp biến nên việc ấy lại không làm được. Ông Lê Trãi thuở tiên triều, hiệu là Ức Trai tiên sinh, nguyên họ Nguyễn. Cha ông là Phi Khanh làm chức Tự khanh, người huyện Phượng Nhãn, thích về phong thủy, nhân dời mả tổ đến táng ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, rồi làm nhà ở làng ấy. Ông đỗ tiến sĩ đời nhà Hồ, làm quan đến chức Ngự sử đài Chánh chưởng. Nhà Hồ mất, ông theo ông Tự khanh tránh loạn ở Côn Sơn, có câu thơ: 夜依半斗望中原 Dạ y Ngưu Đẩu vọng trung nguyên (Đêm lần theo sao Ngưu, sao Đẩu trông về đất nước). Tấm lòng thương thời mẫn thế, thường lộ ra ở những câu thơ vịnh. Bấy giờ, người làng Hoắc Sa ở Sơn Tây là Trần Nguyên Hãn làm nghề bán dầu, buổi tối qua làng Thụy Hương, vào ngủ ở đền Hy Khang đại vương Lý Ông Trọng. Đêm hôm ấy, nghe thấy vị thần ở làng bên cạnh đến rủ vương cùng lên chầu đức Thượng đế. Vương từ chối là nhà có vị quốc công ngủ trọ. Gà gáy, vị thần ấy đi chầu về. Vương hỏi hôm nay thiên đình bàn những việc gì, thần nói: - Thượng đế nghĩ nước Nam vô chủ, nên có sai Lê Lợi làm vua, Lê Trãi làm tôi. Trần tỉnh dậy, bèn đi dò tìm được ông, rồi bảo cho biết. Lê Trãi đến hỏi lại thì chiêm bao thấy vương bảo rằng: - Việc bí mật ở Thiên đình, không dám tiết lộ. Chị Tiên Dung biết rõ cả đấy. Vả lời người đàn bà nói thì Thượng đế ngài không quở trách. Nên đem một mâm vàng sét đến lễ, chị ấy sẽ kể cho mà nghe. Ông theo nhời, đến cầu bà chúa Tiên Dung, chiêm bao thấy bà gọi mà bảo: - Lê Trãi! Lê Lợi làm vua, Lê Trãi làm tôi, nhà ngươi còn chưa biết ư? Hỏi kỹ thì nói Lê Lợi người ở Lam Sơn, đất Thanh Hóa. Ông bèn cùng ông Trần đến tìm, thấy Thái Tổ đương mặc áo nâu ngắn, vác bừa từ ngoài ruộng về. Vào ở mấy hôm, nhân khi gặp ngày tiên húy(73), nhà Thái Tổ giết lợn làm cỗ. Ông xuống bếp đun nấu. Thấy Thái Tổ cầm dao cắt thịt, vừa cắt vừa ăn; bèn bảo riêng với ông Trần rằng: - Bà Tiên Dung nói dối ta đây. Bèn đến đền để đòi vàng lại. Đêm ấy, bà Tiên Dung lại bảo: - Lê Lợi làm vua, đã có mệnh lệnh nhất định rồi; chỉ có rằng thiên tinh chưa giáng đấy thôi, sao không lại đến mà chờ đợi. Bấy giờ Thái Tổ đã được quyển binh thư và thanh kiếm thần, đêm nằm đóng cửa mà đọc sách. Ông nhòm trộm, rồi cùng Trần đẩy cửa bước vào. Thái Tổ tuốt gươm xông ra, hai người đều phục xuống nói: “Chúng tôi đường xa lận đận tìm đến, chỉ vì minh công là người có thể làm chủ thiên hạ được đấy thôi”. Thái Tổ cười mà lưu lại, mưu việc khởi binh. Ông bảo chưa nên phát động vội. Bèn làm nhà dạy học. Ông chế ra những cái trống con, lại nấu mật đặc, nặn ra những hình con gà con chó, cho lũ trẻ nhỏ làm đồ chơi. Trẻ khác thấy thế, đua nhau nói với cha đến xin theo học. Lại thường lấy mỡ viết khắp lên những lá cây trong rừng rằng: 黎利爲君黎廌爲臣 Lê Lợi vi quân, Lê Trãi vi thần (Lê Lợi làm vua, Lê Trãi làm tôi). Sâu kiến ăn mỡ, đục thành nét chữ. Những người đi kiếm củi thấy thế, cho làm sự thiêng liêng. Người nọ bảo với người kia, nhân thế, kẻ theo về mỗi ngày một nhiều. Năm Mậu Tuất (1418) dấy quân, trước sau đánh hơn hai mươi trận. Ông thường tham dự vào quân trướng bàn tính mưu lược. Năm Bính Ngọ (1426), đánh ở Tốt Động, quân ta đại thắng, tiến đến áp bức thành Đông Đô(74). Thành Sơn hầu nhà Minh là Vương Thông đóng thành cố giữ. Năm Đinh Mùi (1427) vua Minh sai An Viễn hầu Liễu Thăng, Kiềm quốc công Mộc Thạnh chia đường đều tiến, sang cứu Đông Đô. Vua đánh nhau với giặc ở núi Mã Yên, chém chết Liễu Thăng, bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc, hơn ba trăm người. Mộc Thạnh đương đêm phải chạy trốn, Vương Thông thì mở cửa thành ra hàng. Vua tha cho được trở về bắc. Từ đấy, hai nước thông hiếu, bao nhiêu giấy tờ đều do ông soạn cả. Khoảng năm Thiệu Bình, ông làm bài biểu tạ việc thăng quan, có những câu: Viên môn trượng sách, lâm đại tiết nhi bán sinh trung nghĩa tự tri; hổ khẩu điền thân, quyết hòa nghị nhi lưỡng quốc can qua dĩ tức. Nghĩa là: Cửa quân hiến kế, đứng trước tiết lớn mà nửa đời trung nghĩa tỏ hay; miệng cọp dấn mình, quyết việc hòa nghị mà hai nước can qua yên ổn. Đó là những lời đúng sự thực cả. Vì công lao được ban quốc tính, trao cho chức Vĩnh Lộc đại phu, Nhập nội hành khiển, Tri tam quán sự. Ông Trần Nguyên Hãn sau tước đến Quốc công, khi mất được phong phúc thần. Nay có đền ở làng Hoắc Sa. Văn chương của Lê Trãi có khí lực dồi dào. Khoảng năm Thuận Thiên, làm những bài văn như Bình Ngô đại cáo, Bia Thần Đạo ở Vĩnh Lăng tại Lam Kinh; đều có chép ở sách Thực lục, không cần phải thuật ra đây cho thừa nữa. Khoảng năm Thiệu Bình, nhà vua tặng bà Chiêu Nghi làm Hoàng thái phi(75), ông phụng mệnh thảo bài chế rằng: 朕惟 Trẫm duy 克敬惟親 Khắc kính duy thân, 遹追來孝 Duật truy lai hiếu. 撫高帝艱難之業 Phủ Cao đế gian nan chi nghiệp. 惟中閨翊亮之勤 Duy trung khuê dực lượng chi cần. 載敭大號於朝廷 Tái dương đại hiệu ư triều đình, 用妥淑靈於幽寂 Dụng thỏa thục linh ư u tịch. 具位某 Cụ vị mỗ, 秉持懿德 Bỉnh trì ý đức, 經事先朝 Kinh sự tiên triều. 遭板蕩之乾坤 Tao bản đãng chi càn khôn, 共櫛沐其風雨 Cộng trất mộc kỳ phong vũ. 奉承箕箒,無忘洒掃之心 Phụng thừa cơ trửu, vô vong sái tảo chi tâm, 紉補衣裳,期盡彌縫之益 Nhận bổ y thường, kỳ tận di phùng chi ích. 一心在御 Nhất tâm tại ngự, 十載靡虧 Thập tải mỹ khuy. 芒碭雲氣,睢水風沙,允備嘗於險阻 Mang Đường vân khí, Tuy Thủy phong sa, doãn bị thường ư hiểm trở, 摢沱麥飯,蔞亭豆粥,常相助其渴饑 Hô Đà mạch phạn, Lâu Đình đậu chúc, thường tướng trợ kỳ khát cơ. 致鰲極之奠安 Trí ngao cực chi điện an, 多鷄鳴之儆戒 Đa kê minh chi cảnh giới. 方母后不幸而升逝 Phương mẫu hậu bất hạnh nhi thăng thệ, 獨朕身有賴其扶持 Độc trẫm thân hữu lại kỳ phù trì. 深懷顧復之恩 Thâm hoài cố phục chi ân, 敢後追崇之典 Cảm hậu truy sùng chi điển. 粵考成周之遺制 Việt khảo Thành Chu chi di chế, 宜加太妃之新封 Nghi gia Thái phi chi tân phong. 于以彰保佑之功 Vu dĩ chương bảo hựu chi công, 于以盡哀榮之禮 Vu dĩ tận ai vinh chi lễ. 於戲 Ô hô! 諱翟命服,流輝無間其存亡 Húy địch mệnh phục, lưu huy vô gián kỳ tồn vong, 馬臘漏泉,賁飭有光於溟漠 Mã lạp lậu toàn, bí sức hữu quang ư minh mạc. Nghĩa là: Trẫm nghĩ: Đối với đứng thân, trước nên hiếu kính. Giữ cái cơ nghiệp trải mấy gian nan mới dựng nên được của đức Cao hoàng đế, tất nhớ công siêng năng giúp đỡ của đức bà trong chốn khuê môn. Vậy phải tôn xưng hiệu lớn ở triều đình, để thỏa hồn linh thiêng ở nơi u tịch. Đức bà Mỗ, cầm giữ đức tốt, trải thờ tiên triều, gặp buổi trời đất chông chênh, từng cùng đức vua tắm gội mưa gió. Nâng khăn sửa túi, vá áo khâu xiêm, một lòng không sai, mười năm chẳng thiếu. Đức Cao hoàng từng trải những bước hiểm nghèo như vua Hán Cao, nào mây ráng ở Mang Đườn(76), nào gió cát ở Tuy Thủy(77); lại từng trải những khi đói khát như vua Quang Võ, nào cơm chiêm ở Hô Đà(78), nào cháo đậu ở Lâu Đình, đều có đức bà chia sẻ và giúp đỡ cả. Rồi đến ngôi lớn được đặt vững, phần nhiều nhờ công bà săn sóc sớm hôm. Đương khi đức mẫu hậu không may về giời, chính trẫm được nhờ đức bà dìu dắt. Nhớ đến ơn ôm ấp, dám nhãng việc truy sùng(79). Vậy xét theo phép của nhà Thành Chu, tôn phong bà làm bực Thái phi, để tỏ công phù trì, để hợp lễ thương kính. Chao ôi, áo xiêm dâng tiến vinh quang chẳng cứ khi mất còn; nấm đất vun bồi, rực rỡ đến tận cõi minh mạc”(80). Khi tặng bà Chiêu Nghi làm Trinh Ý nguyên phi, ông phụng soạn bài chế rằng: 朕惟 Trẫm duy, 聖人制禮,道莫大於親親 Thánh nhân chế lễ, đạo mạc đại ư thân thân, 朝廷推恩,義尤敦於貴貴 Triều đình suy ân, nghĩa vưu đôn ư quý quý. 載頒制綍 Tái ban chế phất, 用賁幽扃 Dụng bỉ u quynh. 具位某 Cụ vị mỗ, 淑愼柔嘉 Thục thận nhu gia, 端貞靜一 Đoan trinh tĩnh nhất. 當乾坤草眛之際 Đương càn khôn thảo muội chi tế, 形宮壼勤儉之風 Hình cung khổn cần kiệm chi phong. 靈山之糗糞艱難,尤資主饋 Linh Sơn chi khứu phấn gian nan, vưu tư chủ quỹ, 澟露之衣裳襤褛,正賴彌縫 Lẫm Lộ chi y thường lam lũ, chính lại di phùng. 每念佐輔先朝之功 Mỗi niệm tá phụ Tiên triều chi công, 豈忘保佑冲人之德 Khởi vong bảo hựu xung nhân chi đức. 時方大定 Thời phương đại định, 人已云亡 Nhân dĩ vân vong. 欲伸至孝之情 Dục thân chí hiếu chi tình, 敢後追崇之典 Cảm hậu truy sùng chi điển. 是用擢眞三妃之列 Thị dụng trạc chân tam phi chi liệt, 以昭異數之榮 Dĩ chiêu dị số chi vinh. 於戲 Ô hô! 生養雖殊,恩有同於罔極 Sinh dưỡng tuy thù, ân hữu đồng ư võng cực, 死生無間,默佑於永終 Tử sinh vô gián, kỳ mặc hựu ư vĩnh chung. Nghĩa là: Trẫm nghĩ: Thánh nhân đặt lễ, đạo không gì trọng hơn thân mến người thân. Triều đình ra ân, nghĩa chẳng gì hậu hơn quý trọng bậc quý. Vậy ban chế sách để làm sáng rọi cõi tối mờ. Đức bà Mỗ, người vốn đứng đắn, dịu dàng, đoan trang, tĩnh nhất. Đương khi trời đất còn mờ tối, đã tỏ ra phong cách cần kiệm của chốn cung vi. Khi ở núi Linh Sơn, lương thực gieo neo, từng nhờ lo chạy. Buổi ở trại Lẫm Lộ, áo xiêm rách rưới, vẫn cậy khâu may. Những nhớ đến công giúp rập tiên triều, lại không quên đức bù trì tiểu tử. Buổi vừa bình định, người đã qua đời. Tình chí hiếu muốn tỏ ra, lễ truy sùng phải nhớ đến. Vậy tôn bà lên hàng ba vị hậu phi để tỏ sự vinh quý đặc biệt. Chao ôi, sinh nuôi dẫu khác, ân khôn cùng chính cũng như nhau, vậy dù lúc sống hay lúc thác, xin cũng che chở hộ trì cho mãi mãi. Đó đều là những bài văn đọc rất khoái trá miệng người cả. Có lần, bị lỗi phải hạ ngục, nhưng ông lại được tha ra ngay. Lần thăng lên đến Tả gián nghị đại phu, kiêm Hàn lâm thừa chỉ học sĩ, tước Tế Văn hầu. Tính điềm đạm có chí ẩn dật, thơ tặng bạn có hai câu rằng: 身外浮名烟閣迥 Thân ngoại phù danh yên các quýnh, 夢中花鳥故山知 Mộng trung hoa điểu cố sơn tri. Nghĩa là: Gác khói cao thẳm để ghi công, đó chỉ là cái phù danh ở bên ngoài, thực mình vẫn mộng tưởng về chốn núi xưa thấy những hoa nở chim kêu, có núi xưa biết đấy. Ông có cái biệt thự ở Kinh Bắc gọi là Tiêu Viên (tức Lệ Chi viên). Cuối năm Thiệu Bình, ông lên đợi mệnh Bắc triều tại cửa Nam Quan. Bấy giờ Thái Tông hoàng đế đi Bắc tuần, ngự giá đến chơi Tiêu Viên, rồi đêm hôm ấy mất. Người ta bảo vợ ông là nàng Nguyễn Thị Lộ đã làm sự thí nghịch, ông vì thế mắc nạn, cả một nhà không kỳ nhớn bé đều bị giết. Khi xưa, trận đánh quân Minh ở núi Mã Yên, quân ta bắt được Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc. Hoàng giỏi xem phong thủy, khi ở nước ta đi xem khắp các kiểu đất và có biên ghi cả. Đến nay Hoàng bị bắt, vì là một kẻ tù binh, nên ông Nguyễn(81) không cần kính trọng. Hoàng cười bảo rằng: - Mả tổ nhà tôi có Xá Văn tinh, nên dù có nạn cũng chỉ trong trăm ngày mà thôi; không như mả nhà ông có vạ tru diệt. Ông không tin. Sau Hoàng được tha về, mà ông thì vì vợ mà phải tội. Người ta cho là ứng nghiệm. Nay xét mả tổ nhà ông ở Nhị Khê, huyệt táng ở ruộng bằng phẳng, người thì cho là cách tướng quân mở cờ, người thì cho là hình tướng quân cụt đầu. Về phương Mùi, có cái gò Rùa, đuôi nó phản lại. Trong bản Kiềm ký của Hoàng Phúc nói rằng: “Nhị Khê mạch đoản, họa thảm tru di” chính là trỏ vào đấy vậy. Đời truyền khi chưa hiển đạt, ông ở làng Nhị Khê dạy học trò, một hôm trỏ cái gò ngoài đồng bảo học trò rằng: - Ngày mai các anh dọn cái gò ấy để thầy làm cái nhà học nhé! Bọn học trò vâng nhời. Tảng sáng hôm sau, ông nằm chiêm bao thấy một người đàn bà đến nói: - Tôi mình yếu mà con còn nhỏ, xin hãy khoan cho ba ngày để tôi được dời đi nơi khác. Tỉnh dậy, ông ra đồng xem, thấy học trò đã dọn cái gò xong rồi. Họ bắt được hai quả trứng, hỏi duyên cớ thì họ nói: - Vừa rồi thấy một con rắn, chúng con đánh nó cụt đuôi. Ông cầm hai quả trứng đem về giữ gìn. Đêm hôm ấy, giong đèn đọc sách, thấy một con rắn trắng leo trên câu đầu, nhỏ giọt máu xuống đúng vào chữ đại 代 là đời ở trên trang sách. Vết máu thấm xuống ba tờ giấy. Ông nghĩ ra mà rằng: - Nó sẽ báo oán ta đến ba đời sau. Trứng rắn nở ra được hai con, một dài, một ngắn. Ông sai đem thả xuống sông Tô Lịch ở làng bên; nay những rắn ấy làm thần sông. Khi ông hiển đạt, thường mỗi ngày ở triều đình về, qua phố Hàng Chiếu, ông gặp một người con gái nhan sắc rất đẹp. Hai bên dùng thơ đùa cợt, rồi ông yêu mến, lấy về làm thiếp. Trong năm Thiệu Bình, người ấy thường đi lại vào trong cung cấm. Vua Thái Tông cho làm chức nữ học sĩ. Đến khi vua thăng hà, triều đình đem nàng ra tra hỏi. Nàng nói là do ông xui. Vì thế nên ông phải tội. Khi lâm hình, người con gái ấy hóa làm con rắn mà bò xuống nước mất. Ông có một người thiếp chạy trốn xuống vùng Sơn Nam, ở ẩn nhà người, rồi sinh ra được một người con giai là Anh Võ. Sau lâu, nhà chủ mới biết người đàn bà ấy là vợ lẽ của ông. Khoảng năm Quang Thuận vua Thánh Tông lên nối ngôi, thương ông là oan, xuống chiếu tẩy tuyết, truy tặng là Thái sư Tuệ quốc công. Dò hỏi dòng sau, mới tìm được công tử đem về. Nhớn lên, Anh Võ trải làm quan ở đài ở sảnh, rồi phụng mệnh đi sứ Tàu. Khi qua hồ Động Đình, thấy trên mặt nước xuất hiện một con rắn, rồi sóng gió nổi lên dữ dội. Ông khấn xin cho đi xong việc nước, sóng gió mới im. Sau khi đi chầu vua Tàu về, đến hồ Động Đình, thuyền bị úp sấp mà chết đuối. Ông được truy tặng đến Thái sư Sùng quốc công. Trong năm Cảnh Hưng, làm sổ dân chính, triều đình bàn muốn rút bớt ân trạch đối với những công thần khai quốc. Khi xem đến đạo sắc của ông, quan Thị lang bộ Hộ là Bảng nhãn Lê Quý Đôn xé đi mà nói: - Kẻ loạn thần tặc tử ấy, lại còn cáo sắc gì nữa! Nói chưa dứt lời thì đã nằm xuống ngủ lịm đi, thấy hai người lính đến bắt đem đi một nơi, chung quanh có tường bao vây, những cây cổ thụ lớn đến hàng mười người ôm, trên điện có mấy chục cái ghế bành, hành lang phía hữu đặt một cái giường, trên giường ngồi một vị quan văn, đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục, hai bên tả hữu có những người hầu nghiêm túc. Lính điệu ông Bảng nhãn vào, bắt quỳ xuống dưới thềm. Vị văn quan ngồi trên giường quát lớn lên rằng: - Ta là Tế Văn hầu đây! Nhà ngươi là một gã tiểu sinh sơ học, sao dám càn rỡ xúc phạm đến bậc huân cựu của tiên triều. Tội đáng chết, không tha thứ được. Ông Bảng nhãn nín hơi không dám ngẩng mặt lên trông. Cạnh đấy có một viên, khăn áo chững chạc, nài xin hộ. Lúc lâu, Tế Văn hầu mới nguôi mà nói: - Công danh sự nghiệp của ta, cố nhiên không thèm so sánh với nhà ngươi. Duy ngày thường ngươi vẫn lấy khoa bảng kiêu căng, vậy thử về đọc bài Bình Ngô đại cáo của ta, nếu văn ngươi có hay hơn thì xé sắc của ta cũng đáng. Tỉnh dậy, ông Bảng nhãn vội phải viết giả đạo sắc như cũ. Các công thần nhân thế không bị rút bớt ân trạch. Ôi! Ông là người có những huân liệt(82) như thế mà không giữ nổi được mình, con cháu lại bị tru di hầu hết. Chó cỏ, rồng đất(83), vẫn là mối than chung từ xưa đến nay. Đáng buồn vậy thay! ÔNG BÙI CẦM HỔ Ông Bùi Cầm Hổ, người làng Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc(84), học rộng và có tài kinh bang tế thế. Khi ông chơi ở kinh đô, có một người lái đi buôn xa về, người vợ nấu canh lươn cho ăn rồi chết, bởi có thứ lươn giống rắn và có nọc độc, có thể làm chết người được. Quan tòa xử người vợ ấy vào tội. Ông biết là oan, cố sức biện bạch, việc ấy được tỏ rõ ra. Vì thế, được triệu dùng làm quan trong triều. Đình thần thấy ông làm nên, không do thi cử, nên nhiều người không phục. Gặp khi có kỵ ở Thái miếu; định giờ làm lễ định vào trước lúc giời sáng. Theo lệ thì trăm quan hôm ấy phải đến họp ở hành lang Thái miếu từ hồi nửa đêm, nhưng ông một mình lại đến túc trực từ giờ Dậu là tối hôm trước. Đêm hôm ấy, mưa to gió lớn. Chốc lát ngự giá tới nơi; trăm quan chưa một ai đến cả. Vua nghĩ là lễ lớn không nên đổi lại giờ khác, sai ông kiêm làm cả mọi việc. Một mình ông tới lui ở chỗ cái chén, cái nậm, hết thảy đều đúng lễ. Bấy giờ những thuộc viên bộ Lễ ý định chơi khăm, đốt trầm trong lư hương lại không lót gio ở dưới. Ông rút chiếc khăn ướt trong túi để lót dâng đến trước vua, tâu là lư hương nóng xin lấy khăn đỡ; lui xuống vẻ mặt vẫn bình tĩnh. Lúc đọc chúc, cây nến ở trên điện bỗng tắt, ông cứ đọc mò, không sai một chữ nào cả. Đốt được lửa lên thì ông đọc đã xong. Vua nhân thế khen tài. Trong năm Thái Hòa, làm quan đến Ngự sử trung thừa, lĩnh chức Yên phủ trấn Lạng Sơn rồi thăng lên Tham tri chính sự. Làng ông ở giáp bể, ven núi, thường khổ về nạn nắng và lụt. Ông bèn men theo núi Hồng Lĩnh xếp đá làm cái đập, rồi khơi dẫn nước ngòi cho quanh queo chảy vào đồng ruộng, như kiểu kênh đào đời xưa. Cái ngòi ấy đào thành, tưới dội cho được hơn nghìn khoảnh ruộng, lợi cho người làng nhiều lắm. Khi mất, người ta lập đền thờ ở dưới núi Bạch Tỵ và được phong là phúc thần. Cuối đời Cảnh Hưng, miền Hoan Châu(85)loạn lạc, duy đất ấy vì không lợi cả về quân bộ lẫn quân kỵ, nên riêng được yên ổn. Kính Phủ Chùa Nguyệt Đường gần trấn Hoa Dương là một nơi đô hội. Gần đây, có một người học trò qua chơi, thấy trên vách có đề một bài thơ tứ tuyệt rằng: 幾年不到月堂門 Kỷ niên bất đáo Nguyệt Đường môn, 上剎依依鎖淚痕 Thượng sát y y tỏa lệ ngân. 宿草墳前妻妺恨 Túc thảo phần tiền thê muội hận, 荒邱一壘葬三魂 Hoang khâu nhất lũy táng tam hồn. Nghĩa là: Đã mấy năm nay không đến chùa Nguyệt Đường, cảnh chùa còn nguyên phong ngấn lệ. Cỏ cũ trước mồ, mọc lên hỏi nỗi hờn của vợ và của em gái, một cảnh bãi hoang chôn vùi ba cái hồn. Lời rất thê thảm, ngờ rằng đó là lời thơ ma. ÔNG PHẠM NGŨ LÃO Tùng Niên Ông Phạm Ngũ Lão người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào. Nhà mấy đời vẫn làm nghề nông. Ông mặt mũi khôi ngô, có văn tài võ lược. Nhà ông ở gần đường cái quan, thường ngồi xếp bằng vót nan ở bên đường. Nhân khi đức Trần Hưng Đạo từ dinh Vạn Kiếp về kinh, quân đi trước đến nơi, quát đuổi đứng dậy. Ông vẫn ngồi im không cựa cậy. Quân lấy ngọn giáo đâm vào đùi; ông vẫn cứ ngồi yên như cũ. Rồi xe ngài đến. Ngài lấy làm lạ hỏi. Ông thưa rằng: - Tôi đương mải nghĩ một việc nên không để ý đến. Ngài càng lạ. Hỏi đến sự học thì kinh truyện thao lược, ứng đáp rất đâu ra đấy. Ngài sai lấy thuốc rịt vào chỗ bị đâm, rồi cho đi một chiếc xe sau đưa về, tiến lên triều đình, cho coi quân Cấm vệ. Vệ sĩ không phục, tâu xin cùng ông so đọ. Ông bằng lòng, nhưng trước khi so đọ, xin phép về nghỉ nhà ba tháng. Về nhà, ngày ngày ông ra cái gò lớn ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên. Nhảy mãi đến nỗi cái gò phải trụt thấp xuống mất một nửa. Hết hạn nghỉ, ông lại trở lại Cấm thành, cùng bọn vệ sĩ so đọ tài nghệ. Tay đấm chân đá, đi lại vùn vụt như bay, nghìn người không thể kháng cự nổi, ai nấy đều phải phục tài cả. Bấy giờ, tù trưởng Ai Lao đem hơn một vạn con voi kéo sang cướp phá các trấn Hoan, Diễn; đi đến đâu thì quân bộ, quân kỵ của ta đều phải vỡ chạy. Triều đình sai ông đi đánh. Ông truyền cho những dân ngoài biên, làng nào cũng phải chặt những khúc gốc tre dài năm, sáu thước, để tích sẵn đấy. Khi gặp giặc, ông xua quân đứng lùi lại, một mình đi chân không vào, vớ những khúc tre mà đánh vào chân voi. Voi đau, kêu rống lên rồi chạy tán loạn. Quân Ai Lao đương đêm phải trốn. Đức Hưng Đạo Vương hai phen đánh giặc Hồ Nguyên, ông cũng có giúp sức được nhiều. Ông trải làm đến Điện súy Thượng tướng quân, khi mất được phong làm phúc thần, dựng miếu thờ dựng ở ngay chỗ nền nhà cũ. Ông thường có thơ rằng: 橫槊江山恰幾秋 Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu, 三軍貔虎氣吞牛 Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu. 男兒未了功名債 Nam nhi vị liễu công danh trái, 羞聽人閒說武候 Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu. Nghĩa là: “Cầm ngang ngọn giáo giữa non sông đã trải mấy thu, ba quân như hùm như sói có cái khí hùng muốn nuốt cả sao Ngưu. Làm người con giai mà không giả xong nợ công danh, sẽ phải hổ thẹn khi nghe người ta nói đến chuyện Gia Cát, Vũ hầu”. Cái khí khái của ông thủa sống thế nào, nay xem bài thơ cũng có thể tưởng tượng thấy được. Gần đây ông Phạm Quý Thích ở bên làng láng giềng, làm bài thơ đề miếu ông, có những câu: 三朝事業餘編在 Tam triều sự nghiệp dư biên tại, 萬古江山一槊橫 Vạn cổ giang sơn nhất sóc hoành. Nghĩa là: Sự nghiệp ba triều trong sử sách còn chép, non sông muôn thủa một ngọn giáo cầm ngang. Lại có câu: 書生亦有吞牛志 Thư sinh diệc hữu thôn Ngưu chí, 惆悵遺吟和不成 Trù trướng di ngâm họa bất thành. Nghĩa là: Kẻ thư sinh này cũng có chí nuốt sao Ngưu, nhưng buồn thay bài thơ của ông muốn họa mà không thành được. Đó là những nhời làm ra vì mối sở cảm vậy. Tùng Niên Từ hồi Trung hưng trở về sau, mỗi khi gặp khoa thi hội nào, ngày vào trường (kỳ) thứ nhất, sáng sớm từ đầu trống canh năm, trong ngoài đã phải chỉnh túc(86) đâu đấy. Tờ mờ sáng, hoàng thượng ngự ra với sự tiền hô hậu ủng đến điện Giảng Sách, hoặc gọi là điện Thi. Soái phủ (chúa Trịnh) đến trước ngự tọa làm lễ tham yết. Hoàng thượng đứng dậy, truyền miễn lạy và cho ngồi. Trăm quan đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục, đi hia, đóng đai chững chạc, chầu hầu chung quanh. Thị thần soạn đầu bài thi, tiến trình, rồi quan Khâm sai chịu mệnh mà đi ra cửa, ngồi kiệu che lọng vào trướng, ra đầu bài thi. Gần trưa thì ngự giá về cung. Đến trường thứ hai, trường thứ ba, trường thứ tư, thì Súy phủ đi thay. Các quan chỉ phải chít khăn, mặc áo rộng xanh, đi giày buộc dải, làm lễ, bốn lạy dâng đầu đề, rồi quan Khâm sai chịu mệnh đi ra như trường thứ nhất. Trải qua các triều, vua chúa đều coi làm thường lệ. Đến khoa thi Hội năm Ất Mùi (1775) niên hiệu Cảnh Hưng, Thành Tổ Thịnh Vương (Trịnh Sâm) đến điện Giảng Sách, truyền chỉ cho trăm quan mũ áo triều yết phải như khi Hoàng thượng ngự ra xem thi. Quan Thượng thư Nguyễn Bá Lân chỉ mặc đồ thường phục, làm lễ bốn lạy, khải lên nói: “Các đấng liệt thánh tiên vương, xưa nay vẫn giữ đạo tôn phù nhà vua, truyền dõi trải hơn hai trăm năm; nay một sớm đổi thay, sợ làm kinh hãi cho sự xem nghe của mọi người. Nguyễn Hoãn là Sư phó đại thần, không biết uốn nắn cho chúa đi vào đường chính, lại còn xin chém đầu ông Nguyễn Bá Lân để tạ thiên hạ. Chúa không vui lòng, bèn hồi loan. Tối hôm ấy, một người học trò ở trong trường ra, ngủ gà nằm phục ở bên ngoài điện; đêm nghe thấy trong điện có tiếng người nói: - Ba giường(87) đã đứt, nhà Lê còn bền được sao! Bừng dậy tìm xem. Trong điện vắng vẻ, chẳng có một ai cả, bèn ra về. Sau khi vạc đổi, người ấy mới kể câu chuyện này với những người quen thuộc. MẢ MẸ ĐÀO KHẢN Tùng Niên Đất làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang trấn Kinh Bắc, nhà phong thủy vẫn bảo là kiểu đất đẹp, hình trâu nằm. Trong tập Địa kiềm của Cao Biền có câu: “Thấy dây thì dừng, gặp cỏ thì ngừng”, chính là trỏ vào đó vậy. Trong năm Cảnh Hưng đời Lê, có một họ to kia, nhờ thầy tìm đất tốt để táng, đào phải cái huyệt trong quan ngoài quách, sơn son đỏ chói, trên khắc bốn chữ “Đào Khản chi mẫu”, nghĩa là mẹ của Đào Khản(88). Việc đến tai Súy phủ. Súy phủ sai quan đến xét rồi lại lấp nguyên giả như cũ. Xét mả mẹ Đào Khản, đời truyền khi ông có tang, có người khách đến viếng, trỏ chỗ đất trâu nằm bảo là nên táng. Việc ấy có chép ở trong sử ký nhà Tấn, rành rành đủ làm chứng cứ. Chưa từng nghe thấy nói là chôn ở cái gò đất hình con trâu nằm. Vả lại, mả mẹ mà lại ghi mượn tên con, cũng là việc chưa từng thấy. Hẵng cứ chép vào đây để đợi người biết. Năm gần đây, con sông Ứng Mộ ở huyện Vĩnh Lai, nước chảy xói sâu vào một cái gò lớn làm bật ra một cỗ quan tài sơn son thếp vàng, trên có dòng chữ: “Phục Ba tướng quân chi thiếp” nghĩa là vợ lẽ quan Phục Ba tướng quân. Lại ở một làng thuộc xứ Sơn Nam cũng vậy. Nhân phụ chép vào đây. """