"
Giết Chỉ Huy Đội Kỵ Sĩ - Haruki Murakami & Mộc Miên (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Best Seller]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giết Chỉ Huy Đội Kỵ Sĩ - Haruki Murakami & Mộc Miên (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Best Seller]
Ebooks
Nhóm Zalo
Mở đầu
Hôm nay, khi tỉnh dậy sau giấc trưa ngắn ngủi, tôi nhìn thấy “người đàn ông vô diện.” Ông ta ngồi trên chiếc ghế đối diện với chiếc sofa mà tôi nằm ngủ, cặp mắt hư ảo trên gương mặt vô diện chiếu thẳng vào tôi.
Ông ta cao, ăn vận giống hệt như lần trước. Chiếc mũ đen rộng vành che nửa gương mặt vô diện cùng chiếc áo khoác dài tối màu. “Tôi đến để cậu vẽ chân dung cho tôi.” Người đàn ông vô diện lên tiếng sau khi chắc chắn là tôi đã tỉnh. Giọng ông ta trầm, khô, không ngữ điệu. “Cậu đã hứa với tôi. Cậu nhớ chứ?”
“Tôi nhớ. Nhưng lần trước vì không có giấy nên tôi không vẽ được cho ông.” Tôi đáp. Giọng tôi cũng khô và không ngữ điệu. “Để trả công, tôi đã đưa ông lá bùa chim cánh cụt.”
“À, tôi có mang theo đây?”
Nói rồi ông ta chia tay phải ra. Bàn tay ông ta rất dài. Bàn tay đang cầm một con chim cánh cụt bằng nhựa. Con chim được treo vào dây móc điện thoại di động như lá bùa hộ mệnh. Ông ta thả con chim xuống mặt bàn bằng kính. Một tiếng “cạch.” nhỏ khẽ vang lên.
“Tôi trả cậu. Chắc là cậu cần. Con chim nhỏ này sẽ là bùa hộ mệnh bảo vệ những người thân của cậu. Đổi lại, cậu phải vẽ chân dung cho tôi.” Tôi bối rối. “Ông Haruki Murakami nói vậy thì tôi cũng chịu thôi, vì tôi chưa vẽ chân dung người vô diện bao giờ?”
Cổ họng tôi khô khốc.
“Tôi nghe nói cậu là họa sĩ vẽ chân dung tài ba. Vả lại, mọi thứ đều có khởi đầu.” Người đàn ông vô diện nói. Nói xong, ông ta cười. Tôi nghĩ là
cười. Âm thanh có vẻ là tiếng cười ấy rất giống tiếng gió dội lên từ dưới đáy hang rỗng.
Ông ta cởi chiếc mũ đen đang che nửa gương mặt. Không có gương mặt nào ở chỗ dành cho gương mặt, chỉ có màn sương đục cứ xoay vòng vòng.
Tôi đứng dậy, đi ra chỗ bàn làm việc để lấy cuốn sổ phác họa và cây bút chì mềm. Sau đó, tôi ngồi xuống ghế sofa, bắt đầu vẽ chân dung người đàn ông vô diện. Nhưng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, chọn điểm xuất phát chỗ nào. Vì thứ có ở đây là thứ không có. Làm sao để định hình một thứ không có đây? Chưa kể, màn sương đục bao phủ thứ không có đó cứ liên tục thay hình biến dạng.
“Cậu nên khẩn trương.” Người đàn ông vô diện nói. “Tôi không thể lưu lại đây lâu đâu.”
Quả tim trong lồng ngực tôi vang lên tiếng khô khốc. Không có nhiều thời gian. Phải khẩn trương. Nhưng các ngón cầm bút chì của tôi chỉ biết giơ lên bất động, mãi không chịu nhúc nhích. Dường như từ cổ tay trở xuống đã bị tê liệt. Đúng như ông ta nói, tôi có vài người cần bảo vệ. Điều duy nhất tôi có thể làm là vẽ tranh. Vậy mà tôi lại không thể vẽ gương mặt của “người đàn ông vô diện.” đó. Tôi chỉ biết nhìn chằm chằm vào các chuyển động của màn sương. “Xin lỗi cậu, hết giờ rồi.” Lát sau, người đàn ống vô diện nói. Hơi thở màu trắng phả ra từ cái miệng trên gương mặt vô diện.
“Khoan đã. Một chút nữa thôi…”
Ông ta đội mũ lên, khuôn mặt lại bị che đi một nửa. “Tôi sẽ lại đến thăm cậu. Biết đâu lúc đó cậu sẽ vẽ được tôi. Từ giờ tới lúc ấy tôi sẽ giữ lá bùa chim cánh cụt này.”
Rồi người đàn ông vô diện biến mất. Ông ta tan biến chỉ trong nháy mắt, như màn sương mù đột nhiên bị cơn cuồng phong thổi bay. Chỉ còn lại cái bàn kính và cái ghế trống. Không thấy lá bùa chim cánh cụt trên mặt bàn đâu.
Tất cả tựa như một giấc chiêm bao ngắn ngủi. Nhưng tôi biết đó không phải là mơ, Nếu là mơ thì chính thế giới mà tôi đang sống cũng sẽ là mơ.
Có thể một ngày nào đó tôi sẽ vẽ được chân dung của thứ không có. Như một họa sĩ đã vẽ được bức tranh Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Nhưng để làm được vậy, tôi cần có thời gian. Tôi phải làm bạn với thời gian.
1
Nếu bề mặt bị mờ
Suốt từ tháng Năm năm đó cho tới đầu năm sau, tôi sống trên một ngọn núi gần lối dẫn vào thung lũng hẹp. Vào mùa hè, sâu trong thung lũng trời mưa không ngớt nhưng phía ngoài hầu như lúc nào cũng nắng đẹp. Đó là vì gió Tây Nam từ biển thổi vào. Gió mang những đám mây ẩm vào thung lũng, khi mây bay lên theo triền núi thì tạo thành mưa. Căn nhà tôi sống nằm đúng đường ranh giới ấy nên thường xuyên gặp cảnh trước nhà trời nắng chang chang mà sau nhà lại mưa xối xả. Thoạt đầu tôi còn thấy lạ nhưng khi quen rồi thì thấy chuyện đó thật hiển nhiên.
Những mẩu mây rời rạc la đà quanh núi. Mỗi khi có gió, những mẩu mây ấy lại trôi bồng bềnh giống như các linh hồn từ quá khứ đi lạc muốn tìm lại ký ức đã mất. Cũng có khi gió lặng lẽ mang tới những hạt mưa trắng xóa li ti như bông tuyết. Nhờ lúc nào cũng có gió mà tôi có thể sống thoải mái qua mùa hè mà không cần điều hòa.
Căn nhà tôi ở tuy nhỏ và cũ nhưng có vườn tương đối rộng. Vườn bỏ không nên cỏ dại mọc um tùm, có cả một gia đình mèo làm ổ trong đó nhưng khi thợ cắt cỏ tới, bọn chúng lại bỏ đi đâu mất. Chắc bọn chúng thấy không thoải mái. Một mèo mẹ vằn và ba, bốn con mèo con. Mèo mẹ mặt khắc khổ, gây xơ xác như thể gắng gượng lắm mới sống nổi tới giờ.
Căn nhà nằm trên đỉnh núi, bước ra ban công hướng Tây Nam sẽ nhìn thấy biển lấp ló giữa rừng cây. Phần biển nhìn thấy chỉ bé như chỗ nước hứng trong bồn rửa mặt. Một mẩu nhỏ của biển Thái Bình Dương rộng lớn. Người bạn làm bất động sản của tôi nói rằng dù chỉ nhìn được từng ấy nhưng việc nhìn thấy biển hay không cũng khiến giá đất chênh lệch, còn
với tôi thì chẳng khác gì nhau. Nhìn từ xa, phần biển ấy trông giống như một cục chì xỉn màu. Tôi không hiểu vì sao người ta lại thích nhìn biển đến vậy. Tôi thích nhìn trạng thái của dãy núi xung quanh hơn. Diện mạo của dãy núi bên kia thung lũng thay đổi sinh động tùy theo mùa và thời tiết. Chỉ cần để ý sự thay đổi đó mỗi ngày là không bao giờ thấy chán.
Hồi ấy, tôi và vợ tạm thời chấm dứt đời sống hôn nhân, cả hai đã chính thức ký vào đơn ly hôn nhưng rồi rút cuộc, vì nhiều lý do, chúng tôi đã nối lại cuộc hôn nhân đó.
Xét theo ý nghĩa nào thì chuyện này cũng không dễ lý giải, nếu phải dùng một câu để miêu tả quá trình mà ngay cả người trong cuộc cũng không hiểu rõ mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả thì sẽ là câu nói quen thuộc “gương vỡ lại lành.” nhưng khoảng thời gian xấp xỉ 9 tháng giữa hai cuộc hôn nhân ấy (nói cách khác là nửa trước và nửa sau) đã tạo ra một cái hố ngăn cách vừa rộng vừa sâu, giống như con kênh mở ra trên eo đất thẳng đứng.
Xấp xỉ 9 tháng… tôi không thể đánh giá quãng thời gian ly thân đó là dài hay ngắn. Sau này nhìn lại, tôi thấy vừa như là mãi mãi, lại vừa như chỉ thoảng qua. Cảm giác thay đổi theo ngày. Người ta thường đặt vỏ bao thuốc lá bên cạnh vật thể trong bức ảnh để dễ hình dung kích thước thật, nhưng vỏ bao thuốc bên cạnh hình ảnh trong ký ức của tôi lại cứ co giãn tùy theo cảm hứng. Dường như bên trong khung ký ức của tôi, cái thước đo lẽ ra cần cố định, bất biến thì lại cũng chuyển động và thay đổi, tương tự như sự vật, sự việc vẫn luôn chuyển động và thay đổi, hoặc là để chống lại sự chuyển động và thay đổi đó.
Nói vậy chứ không phải tất cả những ký ức của tôi đều chuyển động lung tung và co giãn tùy hứng. Cuộc đời tôi, về cơ bản là êm đềm, hài hòa
và tương đối hợp lý. Nhưng riêng trong 9 tháng này, cuộc đời tôi lại rơi vào tình trạng hỗn độn không thể lý giải nổi. Với tôi, đó là khoảng thời gian không bình thường, xét theo mọi khía cạnh thì chưa có tiền lệ. Tôi khi ấy giống như kẻ đang bơi giữa vùng biển tĩnh lặng thì đột nhiên bị cuốn vào vòng xoáy bí ẩn.
Mỗi khi nhớ lại những chuyện xảy ra trong thời gian này (vâng, tôi viết những dòng này trong lúc lần lại ký ức của một loạt sự kiện xảy ra cách đây vài năm), sự kết nối, tính nặng nhẹ, xa gần của sự việc thường xuyên bị lung lay, có lẽ vì vậy mà mọi chuyện trở nên không chính xác, chỉ cần rời mắt đi là trật tự logic nhanh chóng thay đổi. Mặc dầu vậy, tôi vẫn muốn cố hết sức trong khả năng có thể để kể câu chuyện này một cách có hệ thống và logic. Sự cố gắng này có thể là vô ích nhưng tôi vẫn muốn kiên trì bám vào cái thước đo giả tưởng do tôi tự tạo nên. Giống như kẻ đang bơi đuối sức bỗng vớ được cành cây khô.
Khi chuyển tới căn nhà đó, điều đầu tiên tôi làm là mua một chiếc ô tô cũ giá rẻ. Cái xe trước đó tôi đi tã đến mức phải bỏ nên tôi cần mua xe khác. Khi sống ở tỉnh lẻ, đặc biệt nếu sống một mình trên núi thì xe ô tô là vật dụng bắt buộc phải có để đi chợ hằng ngày. Tôi tới trung tâm xe cũ của hãng Toyota ở ngoại ô thành phố Odawara và tìm được một chiếc Corolla Wagon giá rẻ. Một chiếc xe trông nhợt nhạt như sắc mặt của người ốm dù tay bán hàng gọi là màu phớt xanh. Xe mới chạy được ba mươi sáu nghìn cây số nhưng do từng gặp tai nạn nên bị bán đại hạ giá. Tôi lái thử thì thấy nhanh và lốp vẫn ổn. Vì tôi cũng không thường xuyên chạy đường cao tốc nên chỉ cần xe như vậy.
Người cho tôi mượn nhà là anh Amada Masahiko. Tôi và anh học chung ở Đại học Mỹ thuật. Tuy hơn tôi hai tuổi nhưng anh là một trong số
ít bạn bè tôi thấy hợp. Ra trường rồi thi thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau. Sau khi tốt nghiệp, anh từ bỏ việc vẽ tranh, đầu quân cho một công ty quảng cáo và làm thiết kế đồ họa. Khi biết tôi chia tay vợ, dọn ra khỏi nhà mà không biết đi đâu, anh nói bố anh có căn nhà để không, hỏi tôi có muốn đến trông nhà giúp không. Bố anh là ông Amada Tomohiko, một họa sĩ nổi tiếng ở dòng tranh truyền thống, sở hữu một căn nhà kiêm xưởng vẽ trên một ngọn núi ở ngoại ô Odawara, ông đã một mình tận hưởng cuộc sống an bình ở đó suốt 10 năm kể từ khi vợ mất. Nhưng gần đây, khi trí nhớ ngày càng giảm sút, ông được đưa tới một viện dưỡng lão cao cấp ở cao nguyên Izu nên căn nhà bị bỏ không từ vài tháng nay.
“Dù sao thì căn nhà cũng nằm trơ trọi trên đỉnh núi, không thể gọi là tiện lợi nhưng riêng khoản yên tĩnh thì tôi đảm bảo 100%. Một môi trường quá lý tưởng để vẽ tranh. Không có bất cứ thứ gì khiến cậu phân tâm đâu.” Anh Masahiko nói.
Tiền thuê nhà hầu như chỉ mang tính danh nghĩa.
“Không có người ở thì căn nhà sẽ xuống cấp, chưa kể còn lo bị trộm hoặc bà hỏa ghé thăm nữa. Chỉ cần có người sống thường xuyên thì tôi cũng an tâm hơn. Nhưng chắc cậu sẽ không thấy thoải mái nếu được cho ở hoàn toàn miễn phí. Ngược lại, tùy tình hình từ phía tôi mà có thể cậu sẽ phải rời đi sau một thông báo ngắn gọn.”
Tôi chẳng có lý do gì để từ chối. Đồ đạc của tôi vốn chỉ đủ chất vào cốp chiếc xe con. Nếu anh Masahiko bảo tôi dọn đến thì tôi có thể dọn đến luôn ngày hôm sau.
Tôi chuyển đến căn nhà đó vào dịp nghỉ lễ tháng Năm. Căn nhà một tầng kiểu Âu, ấm cúng như căn nhà nhỏ ở quê nhưng vẫn đủ cho một người sống thoải mái. Căn nhà nằm trên một ngọn đồi thấp, bao quanh là
rừng, bản thân anh Masahiko cũng không biết chính xác diện tích khuôn viên của căn nhà. Ngoài vườn có một cây tùng cổ thụ với những cành lớn vươn ra tứ phía. Vài phiến đá được lót rải rác trong vườn, cạnh cái đèn lồng đá có một cây chuối sum suê.
Đúng như anh Masahiko nói, nơi này yên tĩnh đến mức không thể yên tĩnh hơn. Nhưng giờ đây, khi nhìn lại thì không thể nói là hoàn toàn không có thứ gì khiến tôi phân tâm.
Trong thời gian khoảng 8 tháng chia tay vợ và sống ở thung lũng đó, tôi đã quan hệ với hai người phụ nữ. Cả hai đều đã có chồng. Một người kém tuổi tôi, một người hơn tuổi. Cả hai đều là học viên ở lớp tôi dạy vẽ.
Tôi nắm bắt cơ hội, ngỏ lời (bình thường tôi không bao giờ làm thế. Tôi vốn nhút nhát nên không quen với việc này) và họ không từ chối. Không rõ vì sao nhưng khi ấy, tôi đã mời họ lên giường rất dễ dàng, như thể chẳng cần viện đến lý do. Tôi hầu như không thấy hổ thẹn với việc dụ dỗ học viên. Tôi thấy việc ăn nằm với họ bình thường như hỏi giờ một người tình cờ gặp trên đường vậy.
Người phụ nữ tôi quan hệ đầu tiên xấp xỉ 30 tuổi, cao, có đôi mắt to và đen láy. Vú nàng nhỏ, eo nàng thon. Vầng trán rộng, mái tóc thẳng và đẹp, đôi tai hơi to so với tổng thể. Gương mặt nàng không thể gọi là đẹp theo quan điểm chung nhưng lại có những nét hấp dẫn đặc trưng đủ khiến một họa sĩ muốn cầm cọ lên vẽ (thực tế thì tôi là một họa sĩ và cũng đã thực sự phác họa nàng vài lần). Nàng không có con. Chồng nàng là giáo viên dạy lịch sử tại một trường cấp 3 tư thục, về nhà hay đánh vợ. Không thể sử dụng bạo lực tại trường nên anh ta xả tại nhà. Nhưng dĩ nhiên là anh ta không đánh vào mặt vợ. Chỉ khi nàng ở trần, tôi mới phát hiện ra những vết thương và vết bầm tím trên cơ thể nàng. Nàng không muốn tôi nhìn
thấy những chỗ đó nên khi cởi quần áo và làm tình, lúc nào chúng tôi cũng tắt hết đèn trong phòng.
Nàng hầu như không hứng thú trong chuyện ấy. Âm đạo của nàng không bao giờ đủ ướt, mỗi khi tôi định cho vào là nàng lại kêu đau. Tôi dành nhiều thời gian để dạo đầu, dùng cả chất bôi trơn nhưng vẫn không hiệu quả. Nàng cứ đau buốt mãi. Thi thoảng nàng còn hét toáng lên vì đau.
Mặc dầu vậy, nàng vẫn muốn làm tình với tôi. Chí ít thì nàng không ghét việc ấy. Vì sao lại thế: Có thể là nàng thèm cảm giác đau đớn. Hoặc là sự không khoái cảm. Hoặc nàng muốn bản thân bị trừng phạt theo cách nào đó. Con người luôn đòi hỏi từ cuộc đời vô số thứ. Nhưng có một thứ duy nhất mà nàng không cần trong mối quan hệ này. Đó là sự thân mật.
Nàng không thích đến nhà tôi, cũng không thích tôi đến nhà nàng nên chúng tôi luôn đi bằng xe của tôi tới một khách sạn dành cho tình nhân ở ven biển để làm tình. Chúng tôi hẹn nhau ở bãi đỗ xe rộng thênh thang của một quán ăn gia đình, hơn 1 giờ chiều thì vào khách sạn, tới gần 3 giờ thì ra. Những lần như thế, nàng luôn đeo cặp kính râm to bản. Bất kể trời âm u hay có mưa. Nhưng rồi một hôm, không thấy nàng tới chỗ hẹn nữa. Cả lớp học cũng không. Chuyện tình ngắn ngủi, hầu như không có cao trào của tôi và nàng kết thúc tại đó. Tôi quan hệ với nàng tổng cộng chừng bốn đến năm lần.
Người phụ nữ có chồng mà tôi quan hệ sau đó lại có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Ít nhất thì trông có vẻ là có cuộc sống sung túc. Hồi ấy nàng 41 tuổi (tôi nhớ là thế), hơn tôi chừng 5 tuổi. Dáng người nhỏ, gương mặt
thanh tú, luôn ăn vận rất có gu. Cách ngày nàng lại đi tập yoga một lần nên bụng không có mỡ thừa. Nàng lái chiếc xe Mini Cooper màu đỏ. Chiếc xe còn mới, hôm nào trời nắng sẽ thấy chiếc xe lấp lánh từ đằng xa. Nàng có hai cô con gái, cả hai đều theo học trường tư thục có mức học phí cao ở Shonan. Bản thân nàng cũng tốt nghiệp ngôi trường đó. Chồng nàng điều hành một công ty nhưng tôi không hỏi là công ty gì (đương nhiên tôi cũng chẳng muốn biết).
Tôi không rõ vì sao nàng không thẳng thừng từ chối lời đề nghị trâng tráo của tôi. Hoặc có thể hồi ấy tôi có một sức hút đặc biệt như từ tính. Sức hút đã lôi kéo tinh thần (có thể cho là vậy) của nàng như với một mẩu sắt thô. Hoặc việc này chẳng hề liên quan tới tinh thần hay sức hút, chỉ đơn giản là nàng đang muốn có sự kích thích thể xác ở bên ngoài, và tôi chỉ là “gã đàn ông tình cờ ở gần.” mà thôi.
Dù sao thì tôi hồi ấy cũng cho được nàng thứ nàng muốn, dù đó là thứ gì, coi đó như một việc hiển nhiên, không chút đắn đo. Thời gian đầu, có vẻ nàng cũng đón nhận mối quan hệ với tôi rất tự nhiên. Nếu bàn về khía cạnh thể xác (dù chẳng có mấy khía cạnh khác để bàn), thì quan hệ giữa tôi và nàng diễn ra cực kỳ suôn sẻ. Chúng tôi làm việc đó rất thẳng thắn, thuần khiết và sự thuần khiết đó gần như đạt tới mức trừu tượng. Khi nhận ra điều đó, tôi không khỏi sững sờ.
Nhưng hẳn là nàng đã tỉnh ngộ giữa chừng. Một buổi sáng âm u đầu đông, nàng gọi điện tới nhà tôi, bằng giọng như thể đang đọc diễn văn, nàng nói: “Em nghĩ chúng ta không nên gặp nhau nữa. Vì có gặp cũng chẳng có tương lai.” Hoặc ý nàng là thế.
Nàng nói đúng. Thực tế, chúng tôi hầu như còn chẳng có quá khứ chứ nói gì tới tương lai.
Hồi còn học Đại học Mỹ thuật, tôi chủ yếu vẽ tranh trừu tượng. Gọi là tranh trừu tượng nhưng phạm vi rất rộng, bản thân tôi cũng không biết giải thích về hình thức và nội dung như thế nào, chỉ biết đó là “loại tranh không bị bó buộc, có thể vẽ tự do những hình ảnh không mang tính biểu trưng.” Tôi cũng nhận được vài giải thưởng nhỏ các buổi triển lãm. Cũng có tranh đăng trên tạp chí mỹ thuật. Không ít giáo viên và đồng nghiệp ca ngợi tranh của tôi và khích lệ tôi. Dẫu không đủ để có một tương lai hứa hẹn nhưng tôi nghĩ mình cũng có chút tài năng của một họa sĩ. Có điều, loại tranh dầu mà tôi vẽ hầu hết đều cần loại vải cỡ lớn, dùng nhiều màu sơn. Chi phí đương nhiên cũng tăng lên. Và ai cũng biết, chẳng có mấy mạnh thường quân nào chịu bỏ tiền mua bức tranh trừu tượng cỡ đại của một họa sĩ vô danh về treo trong nhà.
Lẽ dĩ nhiên, vì không thể sống bằng việc vẽ loại tranh ưa thích nên sau khi tốt nghiệp, tôi bắt đầu nhận vẽ tranh chân dung để trang trải cuộc sống. Nói cách khác, tối về một cách biểu trưng hình dáng của những người có thể gọi là “trụ cột xã hội.” (kích thước mỗi cột ít nhiều có khác nhau) như giám đốc công ty, cây đại thụ trong giới khoa học, nghị sĩ quốc hội hay nhân vật nổi tiếng ở địa phương. Bức tranh phải có phong cách duy thực, oai nghiêm và điềm tĩnh. Một bức tranh thực dụng trên mọi phương diện, dùng để treo trong phòng khách hoặc phòng giám đốc. Tóm lại, tôi buộc phải làm công việc về loại tranh đối ngược hoàn toàn với mục tiêu nghề nghiệp mà tôi theo đuổi. Bất đắc dĩ phải nói thêm rằng, đây chắc chắn không phải là điều đáng tự hào của một người làm nghệ thuật.
Ở Yotsuya có một công ty nhỏ chuyên nhận vẽ chân dung, nhờ sự giới
thiệu của thầy giáo thời đại học, tôi trở thành họa sĩ hợp đồng của công ty này. Dù không được trả lương cố định nhưng nếu hoàn thành đủ số lượng tranh, tôi sẽ có khoản thu nhập đủ để duy trì cuộc sống của một thanh niên độc thân. Một cuộc sống khiêm tốn, trả được tiền thuê căn phòng chật hẹp nằm dọc tuyến tàu Seibu Kokubunji, ngày ăn ba bữa, thi thoảng mua được chai rượu vang giá rẻ, lâu lâu đi xem phim cùng các bạn gái. Tôi đã sống như vậy vài năm với suy nghĩ rằng chỉ tập trung làm công việc vẽ chân dung một thời gian, khi nào dành dụm được một số tiền nhất định thì sẽ vẽ loại tranh mình muốn. Đương nhiên, công việc vẽ chân dung với tôi hồi ấy chỉ là phương tiện duy trì cuộc sống, tôi không có ý định làm việc đó mãi mãi.
Nếu nhìn từ góc độ lao động thuần túy thì công việc được gọi là vẽ tranh chân dung tương đối nhàn hạ. Hồi còn sinh viên, tôi từng làm thêm ở công ty chuyển nhà. Làm cả cửa hàng tiện lợi nữa. So với mấy công việc đó thì áp lực về thể xác cũng như tinh thần của việc vẽ tranh chân dung nhẹ nhàng hơn nhiều. Nếu nắm bắt được điểm chính, các công đoạn sau chỉ là lặp lại một quy trình giống nhau. Dần dà, tôi cũng mất ít thời gian để hoàn thành một bức chân dung hơn. Chẳng khác việc lái máy bay bằng chế độ tự động là mấy.
Túc tắc làm công việc đó chừng một năm, tôi nhận ra các bức chân dung tôi sẽ được đánh giá cao hơn tôi tưởng. Khách hàng rất hài lòng. Nếu thường xuyên bị khách phàn nàn về bức chân dung đã hoàn thành, đương nhiên tôi sẽ không được giao việc nữa. Thậm chí là cắt luôn cả hợp đồng. Ngược lại, nếu được đánh giá tốt, công việc sẽ nhiều hơn và tiền thù lao cho mỗi bức cũng tăng lên chút đỉnh. Thế giới tranh chân dung cũng có sự khắc nghiệt riêng. Tuy nhiên, dù là lính mới, tôi vẫn liên tiếp có đơn đặt
hàng. Tiền thù lao cũng tăng lên đáng kể. Người phụ trách cũng cảm kích trước kết quả công việc của tôi.
Có khách hàng còn khen là họ “có rung cảm đặc biệt với tranh của tôi.”
Chính tôi cũng không giải thích được vì sao các bức chân dung tôi vẽ lại được đánh giá cao đến vậy. Tôi không quá nhiệt thành, chỉ cần mẫn hoàn thành công việc được giao. Thú thật, đến giờ tôi còn chẳng nhớ nổi một gương mặt mà mình từng vẽ. Nhưng dù sao thì tôi cũng khát khao trở thành một họa sĩ, một khi đã cầm cọ và đứng trước giá vẽ thì dù là loại tranh gì, tôi cũng không thể vẽ ra một bức hoàn toàn vô giá trị. Làm vậy là tôi tự vấy bẩn gu thẩm mỹ và hạ thấp nghề nghiệp mình theo đuổi. Dù chúng không thể trở thành những tác phẩm đáng tự hào nhưng tôi luôn tâm niệm không bao giờ được vẽ những bức tranh khiến bản thân phải xấu hổ. Có thể gọi đó là đạo đức nghề nghiệp. Dù chỉ là “tôi không thể làm khác.”
Ngoài ra, khi vẽ chân dung, tôi luôn áp dụng một cách làm nhất quán. Thứ nhất, tôi không dùng người thật để làm mẫu. Khi có đơn đặt hàng, đầu tiên tôi sẽ gặp khách hàng (nhân vật của bức chân dung). Tôi xin họ chừng 1 giờ đồng hồ để trò chuyện riêng. Chỉ nói chuyện thôi. Tôi cũng không vẽ tạo hình gì cả. Tôi đặt các câu hỏi và họ trả lời. Chẳng hạn, họ sinh ra trong một gia đình thế nào, ở đâu, khi nào, trải qua tuổi thơ ra sao, học trường nào, làm nghề gì, gia đình hiện tại ra sao, làm thế nào để đạt được địa vị như bây giờ. Tôi cũng hỏi về cuộc sống và sở thích thường nhật. Hầu hết mọi người đều hào hứng kể về bản thân. Thậm chí còn khá nhiệt tình (có lẽ vì không phải ai cũng thích nghe họ kể). Có khi cuộc hẹn một tiếng kéo dài thành hai, ba tiếng. Sau đó, tôi sẽ mượn họ chừng năm, sáu bức ảnh. Những bức ảnh bình thường được chụp một cách tự nhiên trong đời
thường. Cũng có trường hợp (không phải tất cả), tôi dùng máy ảnh bỏ túi để chụp gương mặt họ từ vài góc độ. Chỉ vậy thôi.
“Không cần tạo dáng hay ngồi yên sao?” Nhiều người lo lắng hỏi. Tất cả bọn họ đều chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ phải làm như vậy từ thời điểm quyết định vẽ chân dung. Người họa sĩ - giờ này chắc không còn ai đội mũ bê rê nữa - sẽ cầm cọ, mặt đăm đăm nhìn vào giá vẽ, trước mặt là người mẫu ngồi im như tượng. Không được phép cử động. Tại họ tưởng tượng đến cảnh hay thấy trong phim.
“Anh muốn làm vậy à?” Tôi hỏi ngược lại họ. “Với người không quen, làm mẫu tranh là một công việc lao lực. Vì phải giữ nguyên một tư thế trong nhiều giờ nên vừa chán lại vừa mỏi. Nếu anh muốn thì tôi sẽ chiều.”
Đương nhiên là 99% khách hàng không muốn. Hầu hết họ đều là những người bận rộn hoặc là những người già đã nghỉ hưu. Họ muốn lược bỏ công việc hành xác vô nghĩa.
“Chỉ cần gặp và nói chuyện thế này là đủ rồi.” Tôi trấn an họ. “Dù có mẫu thật hay không thì cũng không có gì khác biệt trong bức tranh được hoàn thiện. Nếu anh thấy không hài lòng, tôi sẽ chịu trách nhiệm và vẽ lại.”
Khoảng 2 tuần thì bức chân dung được hoàn thành (mất thêm vài tháng để khô màu). Thứ tôi cần là ký ức sống động chứ không phải là bản thân người ngồi trước mặt (đôi khi sự hiện diện của họ còn ảnh hưởng không tốt tới quá trình vẽ). Một dạng ký ức hình bóng đa chiều. Tôi chỉ cần đưa nguyên ký ức đó sang bức tranh là xong. Có vẻ như tôi được trời phú cho khả năng ghi nhớ bằng thị giác. Và khả năng ấy - có thể gọi là kỹ năng đặc biệt - đã trở thành vũ khí hữu hiệu khi tôi hành nghề vẽ tranh chân dung.
Một điều quan trọng trong nghề này là tôi ít nhiều phải có cảm tình với khách hàng. Vì vậy trong lần trò chuyện đầu tiên chừng một tiếng, tôi cố gắng tìm ra thật nhiều điểm khiến mình đồng cảm với khách. Tất nhiên cũng có người chẳng có được điểm nào. Hoặc có người lập tức tỏ thái độ e dè khi được đề nghị chuyển sang mối quan hệ cá nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ là “khách vãng lai.” với mối quan hệ mang tính nhất thời tại địa điểm giới hạn thì không khó để tìm ra một, hai phẩm chất đáng yêu ở họ. Nếu nhìn thật sâu vào bên trong sẽ thấy ai cũng có điểm nào đó lung linh. Tôi sẽ tìm ra điểm đó, nếu bề mặt bị mờ (có lẽ đa phần là bị mờ), tôi sẽ lấy khăn chùi đi. Bởi những cảm xúc ấy sẽ ngấm vào tác phẩm một cách tự nhiên.
Và thế là chẳng biết tự lúc nào, tôi đã trở thành một họa sĩ chuyên vẽ chân dung. Trong thế giới vừa nhỏ vừa đặc thù ấy, tôi cũng có được chút tiếng tăm. Sau khi lấy vợ, tôi cắt hợp đồng với công ty ở Yotsuya kia, tách ra làm riêng, nhận những yêu cầu vẽ chân dung với các điều kiện tốt hơn thông qua một bên trung gian chuyên kinh doanh tranh. Tay phụ trách hơn tôi chừng 10 tuổi, có tài và tham vọng. Chính anh ta đã khuyên tôi nên làm riêng để coi trọng công việc hơn. Kể từ đó, tôi vẽ nhiều tranh chân dung hơn (phần lớn là người trong giới tài chính và chính trị. Nghe nói toàn người nổi tiếng nhưng tôi hầu như chẳng biết ai), thu nhập nhờ thế cũng tốt hơn. Nhưng không có nghĩa là tôi đã trở thành “bậc thầy.” trong nghề. Thế giới tranh chân dung có lịch sử khác hoàn toàn với thế giới “tranh nghệ thuật.” Khác cả với thế giới nhiếp ảnh. Có không ít những nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh chân dung được công chúng ca ngợi và nổi tiếng, nhưng chuyện đó không xảy ra với họa sĩ vẽ chân dung. Tác phẩm mà họ vẽ cũng hiếm khi xuất hiện ra bên ngoài. Không xuất hiện trên tạp chí, không trưng bày ở triển lãm. Các tác phẩm đó chỉ được treo trên tường
phòng khách, sau đó sẽ phủ đẩy bụi và chìm vào quên lãng. Nếu có ai đó tình cờ dừng lại ngắm (chắc để giết thời gian) thì chắc cũng không bao giờ thắc mắc xem tác giả là ai.
Đôi khi tôi thấy mình giống như một ả điểm cao cấp trong giới họa sĩ. Tôi vận dụng kỹ năng, dồn hết tâm sức để hoàn thành một quá trình được định sẵn. Và tôi làm khách hàng hài lòng. Tôi được phú cho tài năng ấy. Dù chuyên nghiệp và có kỹ thuật nhưng tôi không làm như một cái máy. Tôi vẫn dành cảm xúc cho công việc, tiền công tuy không rẻ nhưng khách hàng vẫn trả mà không phàn nàn gì. Vì những người chọn tôi vốn là những người chẳng quan tâm tới giá cả. Và tay nghề của tôi được bọn họ truyền tai nhau. Nhờ vậy mà tôi không bao giờ hết khách. Sổ hẹn lúc nào cũng kín. Nhưng bản thân tôi lại không có bất kỳ tham vọng nào. Một chút cũng không.
Không phải tự tôi muốn trở thành họa sĩ kiểu đó, cũng không phải muốn trở thành kiểu người như vậy. Chỉ là do hoàn cảnh xô đẩy, chẳng biết tự lúc nào, tôi đã từ bỏ việc vẽ tranh cho bản thân. Việc lấy vợ và phải lo một cuộc sống ổn định chỉ là một trong những nguyên nhân chứ không phải tất cả. Tôi nghĩ trước đó chính tôi đã không còn tha thiết “vẽ tranh cho bản thân.” nữa rồi. Tôi chỉ lấy cuộc hôn nhân làm cái cớ mà thôi. Tôi đã ở cái tuổi không thể gọi là trẻ, và thứ giống như ngọn lửa trong lồng ngực hình như đã và đang lụi tàn. Tôi đang dần quên đi cảm giác được sưởi ấm bằng ngọn lửa ấy.
Lẽ ra tôi phải đoạn tuyệt với con người đó của tôi. Lẽ ra tôi phải có biện pháp gì đó. Nhưng tôi cứ lần lữa mãi. Và rồi người đoạn tuyệt trước lại là vợ tôi. Khi ấy, tối 36 tuổi.
2
Có lẽ mọi người lên mặt trăng hết rồi
“Em xin lỗi, nhưng em không thể sống với anh thêm nữa.” Vợ tôi bắt đầu bằng một giọng nhẹ nhàng. Rồi nàng im lặng suốt một lúc lâu. Một thông báo đột ngột, hoàn toàn không có sự báo trước. Vì quá đỗi bất ngờ, chẳng tìm được lời thích hợp nên tôi chờ đợi nàng nói tiếp. Dù biết đoạn sau sẽ chẳng vui vẻ gì nhưng tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau ở bàn ăn trong bếp. Đó là một buổi chiều Chủ nhật trung tuần tháng Ba. Giữa tháng sau chúng tôi sẽ kỷ niệm 6 năm ngày cưới. Hôm đó trời mưa lạnh suốt từ sáng. Nghe xong thông báo của nàng, việc đầu tiên tôi làm là nhìn ra cửa sổ để xem trời đang mưa như thế nào. Mưa nhẹ và êm. Hầu như không có gió. Nhưng cơn mưa vẫn mang tới cái lạnh tê buốt thấm vào da thịt. Cái lạnh cho ta biết mùa xuân vẫn còn xa lắm. Thấp thoáng sau màn mưa là tháp Tokyo màu cam. Bầu trời không một cánh chim. Chắc lũ chim đang ngoan ngoãn nép mình dưới mái hiên nào đó.
“Anh đừng hỏi em lý do được không?” Nàng nói.
Tôi khẽ lắc đầu. Không khẳng định cũng không phủ định. Vì chẳng biết phải nói gì nên tôi chỉ lắc đầu theo phản xạ.
Nàng mặc chiếc áo len mỏng cổ rộng màu tím nhạt. Dây áo coóc xê trắng lộ ra bên cạnh xương đòn nhô cao. Dây áo nhìn như sợi mì pasta loại đặc biệt dùng để nấu món ăn đặc biệt.
“Anh có một câu hỏi.” Cuối cùng tôi cũng thốt ra được một câu trong
lúc lơ đãng nhìn dây áo coóc xê.
Giọng tôi cứng, thiếu hẳn sự ướt át và trông đợi.
“Nếu em có thể trả lời được.”
“Liệu có phải lỗi do anh không?”
Nàng suy nghĩ. Rồi giống như người vừa lặn dưới nước sâu, nàng ngoi lên rồi hít thở từ từ.
“Em nghĩ trực tiếp thì không.”
“Trực tiếp thì không?”
“Em nghĩ là không.”
Tôi thử xét đoán âm điệu kỳ lạ trong từng từ ngữ. Như thể đặt quả trứng vào lòng bàn tay để kiểm tra trọng lượng.
“Nghĩa là gián tiếp thì có?”
Nàng không trả lời câu hỏi của tôi. Thay vào đó, nàng nói: “Mấy hôm trước, lúc trời gần sáng em có nằm mơ. Một giấc mơ sống động đến nỗi em không biết đâu là thực đầu là mơ. Khi tỉnh dậy, em nghĩ thế này. Nói đúng hơn là em tin rằng, em không thể sống với anh được nữa.”
“Em đã mơ thấy gì?”
Nàng lắc đầu. “Em xin lỗi, em không thể kể cho anh.”
“Vì giấc mơ là sở hữu cá nhân?”
“Có lẽ vậy.”
“Anh có xuất hiện trong giấc mơ đó không?” Tôi hỏi.
“Không, anh không xuất hiện. Xét theo cả nghĩa đó thì anh không có lỗi trực tiếp.”
Tôi cẩn thận tóm tắt những gì nàng nói. Từ xưa tới đã có tật tóm tắt lại lời đối phương khi không biết phải nói gì (đương nhiên điều này có lúc khiến đối phương nổi cáu).
“Nghĩa là, vài ngày trước em có một giấc mơ rất sống động. Và khi tỉnh giấc, em tin là không thể sống với anh thêm được nữa. Nhưng em lại không thể kể cho anh về giấc mơ. Vì giấc mơ là thuộc về cá nhân. Đúng vậy không?”
Nàng gật đầu. “Vâng.”
“Nhưng như vậy thì chẳng giải thích được gì cả.”
Nàng đặt hai tay lên bàn, nhìn vào cốc cà phê để trước mặt như thể bên trong hiện lên một quẻ bói và nàng đang đọc những gì được viết trên đó. Dựa vào ánh mắt của nàng thì đó là những dòng chữ tương đối trừu tượng và đa nghĩa.
Giấc mơ luôn có một ý nghĩa lớn đối với vợ tôi. Nàng thường xuyên quyết định hoặc thay đổi suy nghĩ theo giấc mơ. Nhưng dù coi trọng giấc mơ đến mấy thì không thể chỉ vì gặp một giấc mơ giống thật mà coi cả một cuộc hôn nhân dài 6 năm bằng con số không tròn trình được.
“Dĩ nhiên giấc mơ chỉ là cò súng thôi.” Nàng nói như thể đọc thấu tâm can tôi. “Nhờ gặp giấc mơ ấy mà nhiều điều trở nên rõ ràng hơn.” “Nếu bóp cò, đạn sẽ bắn ra.”
“Nghĩa là sao?”
“Cò súng là bộ phận rất quan trọng của súng, anh cảm thấy nói chỉ là cò súng thôi thì chưa phù hợp.”
Nàng không nói gì, nhìn tôi chằm chằm như thể không hiểu lắm điều tôi vừa nói. Ngay cả bản thân tôi cũng không hiểu.
“Em đang hẹn hò với ai à?” Tôi hỏi.
Nàng gật đầu.
“Và ngủ với người đó?”
“Vâng, em thấy rất có lỗi?”
Có lẽ tôi nên hỏi tiếp là với ai, từ bao giờ. Nhưng tôi lại chẳng muốn biết. Tôi chẳng muốn nghĩ tới điều ấy. Vì thế, tôi lại nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm những giọt mưa vẫn đang rơi. Tại sao tôi không hề phát hiện ra?
“Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều chuyện thôi.” Vợ tôi nói. Tối đưa mắt nhìn khắp căn hộ. Căn hộ vốn đã quen thuộc từ lâu, vậy mà giờ lại trở thành một nơi hoàn toàn xa lạ.
Chỉ là một thôi?
Chỉ là một nghĩa là sao? Tôi ngẫm nghĩ. Nàng ăn nằm với một người đàn ông khác không phải tôi. Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều chuyện. Vậy những chuyện khác là chuyện gì?
“Vài hôm nữa em sẽ chuyển ra ngoài, anh không cần làm gì đâu. Em phải chịu trách nhiệm về việc này nên em sẽ là người ra đi.” Vợ tôi nói. “Em đã có chỗ để đi sau khi rời khỏi đây sao?”
Nàng không trả lời nhưng có vẻ nàng đã chuẩn bị rồi. Có vẻ như nàng sắp xếp xong xuôi rồi mới nói ra chuyện này. Nghĩ đến đó, cảm giác bất lực đè nặng lên người tôi như thể bị bước hụt trong bóng tối. Mọi việc đã diễn tiến chắc chắn từ lúc nào mà tôi không hay biết.
“Em sẽ làm thủ tục ly hôn sớm thôi nên mong anh hợp tác. Dù nghe có vẻ em hơi ích kỷ.”
Tôi không nhìn mưa nữa mà quay sang nhìn nàng. Một lần nữa tôi nhận ra dù có sống dưới một mái nhà với nàng 6 năm thì tôi hầu như vẫn
chẳng hiểu gì về nàng.
Giống như người ta có nhìn mặt trăng hằng đêm cũng chẳng hiểu gì về mặt trăng.
“Anh chỉ có một đề nghị.” Tôi lên tiếng. “Chỉ cần em chấp thuận đề nghị này thì mọi việc còn lại sẽ tùy theo ý em. Anh cũng sẽ im lặng ký tên vào đơn ly hôn.”
“Đề nghị gì?”
“Anh sẽ rời khỏi đây. Luôn trong hôm nay. Anh muốn em ở lại.” “Trong hôm nay?” Nàng hỏi với vẻ sửng sốt.
“Thì càng sớm càng tốt mà?”
Nàng suy nghĩ một chút rồi nói. “Nếu như anh muốn.”
“Đó là điều anh muốn, anh cũng không có mong muốn gì khác.” Tôi đang nói thật lòng mình. Tôi có thể làm bất cứ việc gì, miễn là không bị bỏ lại một mình ở nơi tang thương, đổ nát này giữa cơn mưa lạnh tháng Ba.
“Anh mang ô tô theo được không?”
Tôi chẳng cần phải hỏi. Đó là chiếc xe cũ số sàn tôi được một người bạn sang nhượng với giá gần như cho không từ trước khi lấy vợ và xe đã chạy hơn một trăm nghìn cây số. Vả lại, vợ tôi cũng không có bằng lái.
“Anh sẽ tới lấy dụng cụ vẽ, quần áo và đồ dùng cần thiết sau. Em không phiền chứ?”
“Em không, nhưng sau là bao lâu?”
“Ừm, anh không biết nữa.” Tôi nói. Tôi chẳng còn đủ tâm trí để nghĩ tới chuyện xa xôi như thế. Thậm chí đến cả mặt đất dưới chân tôi cũng không còn nữa. Phải cố gắng lắm tôi mới đứng được như thế này.
“Vì có thể em sẽ không ở đây lâu.” Nàng ngập ngừng nói. “Có lẽ mọi người lên mặt trăng hết rồi.” Tôi nói.
Hình như nàng không nghe rõ. “Anh vừa nói gì cơ?”
“Không. Không có gì đâu.”
Chưa tới 7 giờ tối tôi đã gom xong đồ cá nhân vào chiếc túi thể thao lớn rồi chất vào cốp chiếc xe Peugeot 205 màu đỏ. Trước mắt, tôi đem theo quần áo, đồ vệ sinh, vài quyển sách và nhật ký. Các đồ cắm trại đơn giản tôi vẫn hay mang theo khi đi rừng. Quyển sổ phác thảo và hộp bút chì. Tôi chẳng nghĩ ra phải đem theo gì nữa. Không sao, thiếu cái gì thì mua cái đó. Khi tôi khoác cái túi thể thao bước ra khỏi căn hộ, nàng vẫn ngồi trong bếp. Cốc cà phê vẫn còn trên bàn. Nàng vẫn nhìn vào trong cốc với ánh mắt hệt như ban nãy.
“Anh này, em chỉ muốn xin anh điều này thôi.” Nàng nói. “Dù chia tay mình vẫn là bạn nhé?”
Tôi không hiểu nàng đang nói gì. Tôi đã đi giày, khoác túi trên vai, đặt tay trên nắm cửa. Tôi nhìn nàng một lúc.
“Là bạn?”
“Nếu có thể, em mong thi thoảng mình sẽ gặp nhau và trò chuyện.” Nàng nói.
Tôi vẫn chưa hiểu được ý của nàng. Là bạn? Thi thoảng gặp nhau và trò chuyện? Trò chuyện gì cơ? Cứ như tôi đang bị nàng đánh đố vậy. Rút cuộc nàng muốn nói gì với tôi. Có phải nàng muốn nói là không hề có ác
cảm gì với tôi không?
“Chà, sao nhỉ?” Tôi nói. Tôi chẳng tìm được từ nào khác. Có đứng đó thêm một tuần thì cũng chưa chắc tôi đã nghĩ ra. Vì vậy tôi mở cửa và bước ra ngoài.
Tôi hoàn toàn không nghĩ đến bộ dạng của mình lúc ra khỏi nhà. Lỡ có mặc đồ ngủ và khoác áo choàng tắm chắc tôi cũng không hay. Mãi tới lúc đứng trước gương trong nhà vệ sinh ở trạm nghỉ, tôi mới biết là mình đang mặc cái áo len vẫn mặc khi ngồi vẽ, bên ngoài khoác áo lông vũ màu cam tươi, quần bò màu xanh, đôi giày da cao cổ, trên đầu đội chiếc mũ len cũ. Cái áo len cổ tròn màu xanh lá cây đôi chỗ đã sờn vẫn còn dính mực vẽ màu trắng. Trong số những thứ tôi mặc trên người, chỉ có mỗi quần bò là đồ mới, màu xanh của nó trông nổi bật quá mức. Xét về tổng thể thì tôi ăn vận khá lôi thôi nhưng cũng không đến mức dị thường. Tôi chỉ hối hận là quên không quàng khăn.
Lúc tôi lái xe ra khỏi bãi đỗ dưới tầng hầm chung cư, cơn mưa lạnh tháng Ba vẫn lặng lẽ rơi. Cần gạt nước của chiếc Peugeot phát ra tiếng kêu như người già ho khan.
Vì chẳng biết đi đâu nên tôi cứ lái xe lòng vòng quanh thành phố. Từ ngã tư Nishi-Azabu, tôi đi xuyên qua đường Gaien-Nishi để ra Aoyama, đến Aoyama Sanchome tôi rẽ sang phải để tới Akasaka, tạt ngang tạt ngửa một hồi thì tôi ra tới Yotsuya. Trông thấy trạm xăng, tôi bèn rẽ vào bơm đầy bình, tiện thể nhờ kiểm tra luôn dầu và lốp xe. Tôi cũng nhờ tra luôn nước rửa kính. Có thể tôi sắp đi một chặng đường dài. Có thể tôi sẽ tới tận mặt
trăng.
Tôi trả bằng thẻ tín dụng rồi tiếp tục lái. Tối Chủ nhật trời mưa nên đường vắng. Tôi bật đài FM nhưng toàn là mấy chương trình trò chuyện chán ngắt. Giọng người nói cứ the thé. Ổ đĩa CD đang có sẵn đĩa nhạc đầu tiên của Sheryl Crow. Tôi nghe được chừng ba bài thì tắt.
Rồi tôi nhận ra mình đang ở trên đường Mejiro. Mất chút thời gian để tôi định hình xem mình đang chạy về hướng nào. Sau đó thì tôi hiểu ra là mình đang chạy từ Waseda tới Nerima. Không thể chịu nổi sự im lặng nên tôi lại bật đĩa CD, nghe vài bài của Sheryl Crow xong lại tắt. Sự im lặng thì quá tĩnh còn âm nhạc lại quá ồn. Nhưng dù sao thì im lặng vẫn hơn. Giờ tôi chỉ nghe thấy tiếng khàn khàn của miếng cao su mòn vẹt trên cần gạt nước và tiếng lạt sạt của lốp xe lăn đều đều trên mặt đường.
Trong sự im lặng ấy, tôi tưởng tượng ra cảnh vợ mình đang trong vòng tay của người đàn ông khác.
Lẽ ra tôi phải biết điều đó sớm hơn. Tại sao tôi lại không mảy may nhận ra? Đã mấy tháng rồi chúng tôi không quan hệ. Dù tôi có gợi ý thì nàng luôn viện đủ lý do để từ chối. Mà không, từ trước đó nàng đã chẳng còn hào hứng chuyện chăn gối rồi. Nhưng tôi chỉ nghĩ là chuyện nhất thời. Công việc bận rộn khiến nàng mệt mỏi hoặc do thể trạng không được khỏe. Vậy mà nàng lại đi ngủ với người khác. Không biết chuyện đó bắt đầu từ khi nào? Tôi lần lại ký ức. Có lẽ khoảng bốn, năm tháng trước. Bốn, năm tháng đổ lại nghĩa là khoảng tháng Mười hoặc Mười một.
Thế nhưng tôi hoàn toàn không nhớ được đã xảy ra chuyện gì vào tháng Mười hay tháng Mười một năm ngoái. Nói vậy chứ ngay cả chuyện xảy ra hôm qua hầu như tôi còn chẳng nhớ.
Để không bị nhỡ đèn giao thông, tôi chú ý không đi quá gần đèn hậu
của xe trước trong lúc vẫn suy nghĩ về chuyện xảy ra vào mùa thu năm ngoái. Tôi tập trung suy nghĩ đến mức đầu nóng ran lên. Tay phải tôi vô thức gạt cần số theo dòng xe chạy. Chân trái cũng đạp côn theo. Chưa bao giờ tôi thấy biết ơn chiếc xe số sàn như lúc này.
Ngoài suy nghĩ về việc vợ ngoại tình, tôi còn buộc phải làm vài động tác dùng đến chân và tay.
Rút cuộc thì đã xảy ra chuyện gì vào tháng Mười và tháng Mười một? Tôi tưởng tượng một buổi chiều thu, trên một chiếc giường lớn, bàn tay của một người đàn ông đang cởi quần áo của vợ mình. Tôi nghĩ tới dây áo chiếc coóc xế trắng của nàng. Nghĩ tới núm vú màu hồng bên dưới chiếc coóc xê. Tôi không muốn nghĩ chi tiết đến vậy nhưng một khi mạch tưởng tượng đã tuôn thì không cách gì ngăn nổi. Tôi thở dài, cho xe rẽ vào một trạm nghỉ mới nhìn thấy. Tôi mở cửa sổ bên ghế lái, hít đầy không khí ẩm bên ngoài vào lồng ngực, đợi nhịp tim ổn định trở lại. Sau đó tôi xuống xe. Tôi băng qua màn mưa lâm râm, không che ô, đầu vẫn đội mũ len để bước vào quán ăn. Tôi chọn ngồi ghế riêng trong quán, Quán vắng tanh. Nhân viên phục vụ tới, tôi gọi cà phê nóng, bánh mì kẹp thịt nguội và phô mai. Tôi vừa nhâm nhi cà phê nóng vừa nhắm mắt để làm dịu lại cảm xúc. Tôi cố xua ra khỏi đầu cảnh tượng vợ ăn nằm với người khác. Nhưng cảnh tượng ấy mãi không chịu biến mất.
Tôi vào nhà vệ sinh, rửa tay ký bằng xà phòng rồi nhìn lại mặt mình trong gương. Mắt tôi nhỏ hơn thường lệ, vằn đỏ những tia máu. Trông tôi như con thú hoang đang dần mất đi sinh lực vì đói. Xơ xác và sợ sệt. Tôi lau mặt bằng khăn bông rồi kiểm tra bộ dạng mình qua chiếc gương dài trên tường. Trong gương là hình ảnh gã đàn ông 36 tuổi, mệt mỏi trong chiếc áo len sờn rách lấm lem mực vẽ.
Tôi đang định đi đâu đây? Tôi tự hỏi khi nhìn thấy mình trong gương. Mà đúng ra phải hỏi câu này trước: Tôi đang ở đâu? Đây là đâu? Mà không, trước đó phải hỏi “Rút cuộc thì tôi là ai?”
Tôi nhìn vào gương và nghĩ tới việc vẽ chân dung bản thân. Nếu vẽ thì tôi sẽ vẽ mình thế nào? Liệu tôi có được chút cảm tình với chính tôi không? Liệu tôi có tìm được một điểm lung linh hiếm hoi nào không?
Chẳng tìm ra được kết luận, tôi quay về chỗ ngồi. Tôi vừa uống hết cà phê thì nhân viên phục vụ tới và rót thêm. Tôi xin cô cái túi giấy để đựng cái bánh mì chưa hề động tới. Trước sau gì thì tôi cũng sẽ đói thôi. Nhưng giờ tôi chẳng muốn ăn gì hết.
Tôi lái xe ra khỏi trạm dừng, tiếp tục đi thẳng theo con đường ban nãy thì nhìn thấy biển chỉ lối vào cao tốc Kan-etsu. Tôi định lên cao tốc để đi về phía Bắc. Tôi không biết phía Bắc có gì. Nhưng tôi có cảm giác mình nên đi về phía Bắc hơn là phía Nam. Tôi muốn tới một nơi lạnh lẽo và thanh khiết. Quan trọng hơn cả là tôi muốn rời khỏi thành phố này càng xa càng tốt, bất kể là phía Bắc hay phía Nam.
Tôi mở hộp để đồ thì thấy bên trong có khoảng năm, sáu đĩa CD. Một trong số đó là đĩa bát tấu của Mendelssohn do dàn hợp xướng I Musici biểu diễn, vợ tôi rất thích nghe loại nhạc đó trên xe. Một sự kết hợp kỳ lạ của hai tứ tấu đàn dây giống hệt nhau nhưng giai điệu rất đẹp. Mendelssohn sáng tác bản nhạc này khi mới 16 tuổi. Vợ tôi nói vậy. Một thần đồng.
“Anh làm gì lúc 16 tuổi?”
“Lúc 16 tuổi anh đang chết mê chết mệt cô bạn cùng lớp.” Tôi đáp và nhớ lại chuyện hồi ấy.
“Anh có hẹn hò với cô ấy không?”
“Không, hầu như anh còn chẳng nói chuyện. Anh chỉ ngắm từ xa thôi. Anh không đủ dũng cảm để bắt chuyện. Anh về nhà và vẽ cô ấy. Vẽ nhiều lắm.”
“Từ xưa anh đã làm những việc giống nhau nhỉ.” Vợ tôi cười và nói. Ồ, hóa ra từ xưa tôi đã toàn làm những việc giống nhau.
Ồ, hóa ra từ xưa tôi đã toàn làm những việc giống nhau. Tôi nhẩm lại trong đầu câu nói hồi ấy.
Tôi lấy đĩa Sheryl Crow ra, thay đĩa của MJQ vào. Đĩa Pyramid. Vừa nghe bản blues du dương của Milt Jackson, tôi vừa lái thẳng về phía Bắc. Trừ những lúc nghỉ ở trạm dừng, xả sạch nước tiểu, uống vài cốc cà phê đen thì hầu như tôi chạy suốt đêm. Tôi chạy chủ yếu ở làn thường, chỉ khi nào cần vượt những xe tải chạy chậm tôi mới sang bên làn vượt. Thật kỳ lạ là tôi không hề thấy buồn ngủ. Đến nỗi tôi còn nghĩ cả đời này chắc tôi sẽ không ngủ nữa. Không buồn ngủ một chút nào. Gần sáng thì tôi tới được biển Nhật Bản.
Đến Niigata, tối rẽ sang phải để theo đường biển lên phía Bắc, từ Yamagata sang Akita, rồi lại từ Aomori để sang Hokkaido. Tôi không đi đường cao tốc mà thong thả đi theo đường dân cư. Xét theo các nghĩa thì đây không phải là chuyến đi gấp gáp. Buổi tối, tôi vào một khách sạn giá rẻ hoặc nhà trọ đơn giản nào đó, ngả người trên chiếc giường chật chội và đánh một
giấc. May mắn là tôi có thể ngủ ngay tức thì trên bất kỳ loại giường nào ở bất cứ nơi đâu.
Sang ngày thứ hai, từ một nơi gần thành phố Murakami, tôi gọi cho người phụ trách ở văn phòng đại diện và thông báo rằng tôi không thể làm công việc vẽ chân dung trong thời gian tới. Vẫn còn vài bức đang dang dở nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không thể vẽ tiếp.
“Làm vậy không được đâu. Đã nhận lời với khách rồi.” Anh ta nghiêm giọng nói.
Tôi xin lỗi. “Nhưng chịu thôi. Nhờ anh nói khéo với khách hàng là tôi bị tai nạn gì đó. Ngoài tôi ra vẫn còn họa sĩ khác mà?”
Người phụ trách im lặng hồi lâu. Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ trễ hẹn. Anh ta biết rõ tôi không phải là người vô trách nhiệm với công việc.
“Tôi có việc riêng nên sẽ rời Tokyo một thời gian. Trong thời gian đó, tôi rất xin lỗi là không thể làm việc tiếp được.”
“Một thời gian là bao lâu?”
Tôi không thể trả lời câu hỏi đó. Tôi tắt điện thoại, lái xe tới một con sông, đỗ xe trên cầu và ném thiết bị viễn thông nhỏ xíu ấy ra ngoài cửa sổ. Tôi rất xin lỗi nhưng anh phải chấp nhận thôi. Cứ nghĩ là tôi lên mặt trăng đi.
Tôi tạt vào một ngân hàng ở thành phố Akita, rút tiền mặt từ máy ATM rồi kiểm tra số dư tài khoản. Tài khoản của tôi vẫn còn kha khá tiền. Có thể thanh toán thẻ tín dụng từ tài khoản đó. Tôi đủ tiền để tiếp tục lang thang thêm ít lâu nữa. Hằng ngày tôi cũng chẳng chi tiêu mấy. Chỉ có mấy khoản chính như tiền xăng, tiền ăn, tiền khách sạn, Tôi mua một cái lều đơn giản và túi ngủ tại cửa hàng giảm giá ở ngoại ô Hakodate. Hokkaido
đầu xuân vẫn còn lạnh nên tôi mua thêm áo mặc bên trong. Tới chỗ nào có khu vực cắm trại tự do là tôi căng lều ra ngủ để tiết kiệm tối đa chi phí. Tuyết vẫn chưa tan, ban đêm rất lạnh nhưng trước đó vì chỉ ngủ trong phòng khách sạn vừa hẹp vừa ngột ngạt nên khi ngủ trong lều, tôi cảm thấy rất khoan khoái và tự do. Bên dưới là mặt đất cứng, bên trên là khoảng trời bao la. Trên trời có vô số vì sao đang tỏa sáng. Ngoài ra thì không có gì khác.
Suốt 3 tuần lễ, tôi lái chiếc Peugeot lang bạt khắp Hokkaido. Đã sang tháng Tư nhưng năm đó tuyết tan muộn. Tuy vậy, bầu trời thay đổi rõ rệt, cây cối bắt đầu đâm chồi. Tới chỗ nào có suối nước nóng, tôi sẽ nghỉ ở nhà trọ, thong thả ngâm mình, gội đầu, cạo râu và ăn uống tử tế. Vậy mà khi đứng lên cân, tôi vẫn thấy mình giảm mất 5 cân so với hồi ở Tokyo.
Tôi không đọc báo, cũng chẳng xem ti vi. Đài phát thanh trên xe hỏng từ hồi ở Hokkaido nên tôi chẳng nghe được nữa. Tôi hoàn toàn không biết thế giới đang xảy ra chuyện gì, tôi cũng chẳng muốn biết. Tôi ghé vào tiệm giặt là tự động ở Tomakomai, gom hết quần áo bẩn lại để giặt một lần. Trong lúc chờ giặt xong, tôi vào tiệm cắt tóc gần đó để cắt tóc. Tôi nhờ cạo luôn cả râu. Lúc ở trong tiệm, lâu lắm rồi tôi mới xem bản tin của đài NHK trên ti vi. Nói đúng hơn, giọng phát thanh viên cứ lọt vào tai tôi dù tôi đang nhắm mắt. Có điều, tôi thấy cả chuỗi tin tức từ đầu tới cuối như đang nói về những sự việc xảy ra ở hành tinh khác, chẳng mảy may liên quan gì tới tôi. Như thể là những tin giả do ai đó tự bịa ra.
Tin duy nhất mà tôi thấy có chút liên quan là việc một cụ ông 73 tuổi chết vì bị gấu tấn công khi đang đi hái nấm một mình. Phát thanh viên nói rằng loài gấu tỉnh dậy sau giấc ngủ đông thường đang đói nên rất hung dữ và nguy hiểm. Tôi thi thoảng vẫn ngủ trong lều, khi hứng lên lại vào rừng
đi dạo nên giả sử người bị gấu tấn công là tôi thì cũng chẳng có gì lạ. Người bị tấn công tình cờ không phải tôi, tình cờ lại là cụ ông đó. Nhưng không hiểu sao tôi lại không hề thấy tội nghiệp ông cụ. Cũng chẳng thấy thương cảm cho nỗi đau, sự sợ hãi hay cú sốc mà ông cụ có thể đã trải qua. Thậm chí tôi còn thấy đồng cảm với con gấu hơn là với ông cụ. Không, không phải là đồng cảm. Có lẽ là thứ gì đó gần với sự đồng lõa hơn.
Tôi nhìn vào gương và thầm nghĩ bản thân có gì đó không ổn. Tôi thử nói ra thành tiếng. Hình như đầu óc tôi hơi không bình thường. Tôi không nên lại gần ai. Ít nhất là trong thời gian tới.
Đến nửa cuối tháng Tư, tôi bắt đầu thấy chán cái lạnh. Vì vậy, tôi rời Hokkaido để vào lục địa. Tôi tiếp tục men theo biển Thái Bình Dương để đi từ Aomori sang Iwate, rồi từ Iwate sang Miyagi. Càng đi về phía Nam, tiết xuân càng rõ rệt. Trong thời gian ấy, tôi vẫn liên tục nghĩ về vợ. Về nàng và bàn tay của kẻ vô danh nào đó đang ôm ấp nàng trên giường. Tôi không muốn nghĩ đến mấy chuyện đó nhưng lại chẳng tìm được chuyện gì khác để nghĩ.
Tôi gặp vợ tôi lần đầu khi sắp bước sang tuổi 30. Nàng kém tôi 3 tuổi. Nàng làm việc tại một công ty kiến trúc nhỏ ở Yotsuya-sanchome, có bằng kiến trúc sư hạng 2 và là bạn cấp 3 của bạn gái tôi hồi ấy. Tóc nàng dài và thẳng, trang điểm nhẹ, gương mặt trông rất hiền (sau này thì tôi biết là tính cách nàng không hiền như vẻ bề ngoài nhưng chuyện đó tôi sẽ kể sau). Tôi đang đi với bạn gái thì tình cờ gặp nàng tại một nhà hàng, khi được bạn gái giới thiệu, tôi gần như yêu nàng ngay lập tức.
Gương mặt nàng không quá nổi bật. Không có khiếm khuyết đáng kể nhưng cũng không có điểm nào thu hút người khác. Lông mi dài, sống mũi thanh, dáng người nhỏ nhắn, mái tóc chấm vai được cắt tỉa điệu đà (nàng chăm sóc tóc rất kỹ). Cặp môi đầy đặn, cạnh khóe môi bên phải có một nốt ruồi nhỏ, mỗi lần nét mặt nàng thay đổi là nốt ruồi ấy lại chuyển động theo. Điểm này cũng mang lại chút hấp dẫn nhục cảm nhưng chỉ ở mức “phải chú ý mới thấy.” Nhìn bình thường sẽ thấy bạn gái tôi xinh hơn hẳn. Vậy mà tôi lại bị nàng hút hồn ngay từ lần gặp đầu tiên, hệt như tình yêu sét đánh. Tại sao vậy? Phải mất vài tuần tôi mới hiểu được nguyên do. Một ngày tôi giật mình nhận ra. Nàng khiến tôi nhớ đến người em gái đã chết. Rõ mồn một.
Xét về ngoại hình, hai người không hề giống nhau. Nếu so sánh ảnh của hai người thì thế nào mọi người cũng nói “giống đâu mà giống.” Chính vì thế mà ban đầu tôi không nhận ra. Lý do nàng khiến tôi nhớ đến em gái không phải vì giống ở đường nét cụ thể nào mà là những chuyển động trên nét mặt, nhất là sự chuyển động của mắt và ánh mắt nàng giống em gái tôi đến kỳ lạ. Cứ như có phép mầu nào đó đã mang quá khứ hiện về ngay trước mắt tôi.
Em gái tôi cũng ít hơn tôi 3 tuổi, bẩm sinh đã mắc bệnh về van tim. Hồi bé em phải phẫu thuật vài lần, bản thận việc phẫu thuật thành công nhưng vẫn còn di chứng. Di chứng sẽ tự mất đi hay sẽ gây ra các vấn đề nguy hiểm đến tính mạng trong tương lai thì chính bác sĩ cũng không biết. Cuối cùng, em tôi mất khi tôi 15 tuổi. Khi đó, em mới vào cấp 2. Trong cuộc đời ngắn ngủi ấy, dù phải chiến đấu không ngừng với khiếm khuyết gen nhưng em chưa bao giờ mất đi sự lạc quan và vui vẻ. Em không hề than vãn hay khóc lóc cho tới những ngày cuối cùng, luôn lên kế hoạch chi
tiết cho tương lai. Chết không nằm trong kế hoạch của em. Em thông minh bẩm sinh, thành tích học tập luôn vào loại xuất sắc (em học giỏi hơn tôi nhiều). Tính em kiên định, một khi đã quyết thì dù xảy ra chuyện gì cũng không dao động. Hai anh em mà cãi nhau - chuyện này rất hiếm khi xảy ra thì tôi luôn là người phải xuống nước trước. Những ngày cuối, tuy gầy xọp đi những ánh mắt em không hề thay đổi, vẫn tươi vui và tràn đầy sinh lực.
Tôi cũng bị thu hút bởi chính ánh mắt ấy của vợ. Có thứ gì đó phản chiếu ở sâu trong mắt nàng. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy đôi mắt ấy, trái tim tôi đã rung cảm mạnh mẽ. Nhưng tôi không nghĩ nếu có nàng thì tôi sẽ có lại được em gái. Bản thân tôi cũng hình dung được nếu mong muốn điều đó thì sẽ chỉ nhận lấy thất vọng. Thứ tôi mong muốn hoặc cần có chính là tia sáng lạc quan và mạnh mẽ ở nàng. Một thứ giống như nguồn nhiệt cần thiết cho sự sống. Là thứ đã từng quen thuộc với tôi hoặc là tôi đang thiếu.
Tôi khéo léo xin được số điện thoại của nàng và mời nàng đi chơi. Đương nhiên là nàng bất ngờ và bối rối. Vì dù sao tôi cũng là người yêu của bạn nàng. Nhưng tôi không dễ bỏ cuộc. Tôi nói chỉ muốn gặp và nói chuyện. Chỉ cần nàng chịu gặp và nói chuyện với tôi thôi. Tôi không đòi hỏi gì hơn. Chúng tôi hẹn tại một nhà hàng yên tĩnh, ngồi đối diện và nói đủ thứ chuyện. Cuộc nói chuyện ban đầu còn e dè và gượng gạo nhưng dần dà trở nên sôi nổi. Tôi có vô vàn điều muốn biết về nàng nên chẳng sợ thiếu đề tài. Và tôi biết được sinh nhật nàng chỉ cách sinh nhật của em gái tôi có 3 ngày.
“Anh vẽ em có được không?” Tôi hỏi.
” đây, bây giờ?” Nàng hỏi và nhìn xung quanh. Đó là lúc chúng tôi vừa gọi món tráng miệng.
“Anh sẽ vẽ xong trước khi món tráng miệng được mang tới.” “Vậy thì được.” Nàng nói với vẻ bán tín bán nghi.
Tôi lấy trong túi ra cuốn sổ nhỏ luôn mang theo bên mình, nhanh chóng phác họa gương mặt nàng bằng bút chì 2B. Đúng như đã hứa, tôi vẽ xong trước khi món tráng miệng được mang tới. Phần quan trọng dĩ nhiên là đôi mắt nàng. Đó cũng chính là thứ tôi muốn vẽ nhất. Trong đôi mắt ấy là một thế giới sâu thẳm vượt qua cả thời gian.
Tôi cho nàng xem bức tranh. Nàng có vẻ thích. “Rất sống động.” “Vì bản thân em rất sống động.” Tôi nói.
Nàng ngắm bức tranh một lúc lâu với vẻ khâm phục. Như thể đang nhìn một hình ảnh khác của bản thân mà nàng không biết. “Nếu em thích thì anh sẽ tặng em.”
“Thật chứ?” Nàng nói.
“Đương nhiên rồi. Chỉ là vẽ ký họa thôi.”
“Cảm ơn anh.”
Sau đó, chúng tôi đi chơi với nhau thêm vài lần rồi trở thành người yêu. Quá trình ấy diễn ra rất tự nhiên. Chỉ có bạn gái tôi là sốc nặng khi bị bạn thân cướp mất người yêu. Tôi nghĩ bạn gái tôi đã tính tới chuyện kết hôn với tôi. Việc cô ấy nổi điên cũng là đương nhiên thôi (dù tôi không hề nghĩ sẽ cưới cô ấy). Ngoài ra vợ tôi hồi ấy cũng đang có người yêu nên cũng không dễ thu xếp ổn thỏa. Cũng có vài trở ngại khác nhưng sau chừng nửa năm thì chúng tôi thành vợ chồng. Chúng tôi tổ chức một bữa tiệc ấm cúng chỉ gồm bạn bè thân thiết và chuyển đến sống tại một căn hộ ở khu Hiroo. Chú nàng sở hữu căn hộ và cho chúng tôi thuê với giá ưu đãi. Tôi dành một phòng nhỏ làm phòng vẽ và tiếp tục nghề vẽ tranh chân dung. Đó
không còn là công việc tạm thời nữa. Tôi cần nguồn thu nhập ổn định cho cuộc sống vợ chồng, vả lại, ngoài việc vẽ tranh chân dung ra thì tôi chẳng biết làm gì để có nguồn thu nhập tương đối. Hằng ngày, vợ tôi đến công ty kiến trúc ở Yotsuya-sanchome bằng tàu điện ngầm. Và như một lẽ tự nhiên, tôi là người đảm trách công việc nội trợ, nhưng tôi chẳng nề hà gì việc đó. Tôi vốn không ghét làm việc nhà, đó cũng là một cách để thay đổi không khí ngoài những lúc vẽ tranh. Chí ít thì tôi thấy ở nhà làm nội trợ còn vui hơn là hằng ngày phải đến công ty và dán mắt vào máy tính.
Tôi nghĩ những năm đầu hôn nhân đã rất êm ấm và đủ đầy với mỗi chúng tôi. Đời sống thường nhật bắt đầu có nhịp điệu dễ chịu và chúng tôi hòa vào nhịp điệu ấy một cách rất tự nhiên. Vào dịp cuối tuần hay ngày lễ, tôi nghỉ vẽ tranh và cùng vợ đi đây đó. Khi thì đi xem triển lãm nghệ thuật, khi thì ra ngoại ô để đi bộ đường dài. Hoặc chỉ là lang thang trong thành phố. Dành thời gian trò chuyện tâm tình, chia sẻ thông tin về nhau đã trở thành thói quen quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi kể hết cho nhau nghe những chuyện xảy ra với mình, không hề giấu giếm. Rồi chúng tôi trao đổi ý kiến, bày tỏ cảm nghĩ của nhau.
Nhưng có một điều tôi không dám thú thật với nàng. Rằng đôi mắt nàng khiến tôi nhớ đến người em gái đã mất khi mới 12 tuổi và đó là lý do chính khiến tôi phải lòng nàng. Nếu không có đôi mắt ấy thì sẽ không có chuyện tôi dốc sức tán tỉnh nàng đến thế. Nhưng tôi cảm thấy không nên nói ra thì hơn, và thực tế thì cho đến bây giờ tôi cũng chưa một lần tiết lộ. Đó là bí mật duy nhất mà tôi giấu nàng. Tôi không biết nàng có giấu tôi bí mật nào không, chắc là có.
Vợ tôi tên Yuzu. Giống với tên loại chanh vàng dùng để nấu ăn. Khi làm tình với nàng, thi thoảng tôi gọi đùa nàng là “chanh xanh.” Tôi thì
thầm vào tai nàng cái tên ấy. Mỗi lần như thế, nàng lại cười nhưng thật ra là hơi cáu.
“Em là chanh vàng, không phải chanh xanh. Tuy giống nhưng mà khác.”
Không biết mọi việc xấu đi từ lúc nào? Tôi cứ suy nghĩ mãi về chuyện ấy trong lúc lái xe từ trạm nghỉ này tới trạm nghỉ khác, từ khách sạn này tới khách sạn khác để liên tục di chuyển. Nhưng tôi không xác định được điểm ranh giới thay đổi ấy. Tôi cứ đinh ninh rằng mối quan hệ của chúng tôi rất tốt đẹp. Tất nhiên, cũng giống như mọi cặp vợ chồng khác trên thế giới, chúng tôi cũng có vài vấn để chưa giải quyết được, đôi khi dẫn đến tranh cãi. Cụ thể, vấn đề lớn nhất giữa chúng tôi là sinh con hay không sinh con. Nhưng từ giờ cho tới lúc phải đưa ra quyết định cuối cùng, vẫn còn thời gian để trì hoãn. Nếu không tính chuyện này (có thể nói chuyện này sẽ bị gác lại khá lâu) thì về cơ bản, chúng tôi đã có một cuộc hôn nhân vẹn toàn, hòa hợp cả về thể xác lẫn tinh thần. Cho tới tận phút cuối, tôi vẫn tin là như vậy.
Tại sao tôi lại có thể lạc quan đến thế? Nói đúng hơn là tại sao tôi có thể ngu ngốc đến thế? Chắc chắn bẩm sinh tôi đã có điểm mù trong tầm nhìn. Hình như lúc nào tôi cũng bỏ qua thứ gì đó. Và thứ đó luôn là thứ quan trọng nhất.
Buổi sáng, sau khi tiễn vợ đi làm, tôi sẽ tập trung vẽ đến trưa, ăn trưa xong tôi sẽ đi dạo, tiện thể đi chợ, đến chiều thì chuẩn bị bữa tối. Mỗi tuần, khoảng hai đến ba lần, tôi đi bơi ở câu lạc bộ thể thao gần nhà. Khi vợ về,
tôi sẽ nấu và bày biện bữa tối. Chúng tôi sẽ cùng uống rượu hoặc uống bia. Hôm nào vợ báo phải làm thêm giờ, ăn tạm ở gần công ty thì tôi sẽ ngồi vào bàn, một mình ăn cho xong bữa. Cuộc hôn nhân 6 năm của chúng tôi cứ lặp lại những chuỗi ngày như thế. Bản thân tôi không thấy có gì phải phàn nàn.
Công việc ở công ty kiến trúc bận rộn nên vợ tôi thường xuyên làm thêm giờ. Số ngày phải ăn tối một mình của tôi cứ thế tăng lên. Có hôm gần nửa đêm nàng mới về. Nàng giải thích là dạo này công việc nhiều. Một đồng nghiệp đột ngột nghỉ việc khiến nàng phải lấp chỗ trống. Công ty thì mãi không chịu tuyển người mới. Nàng luôn mệt mỏi mỗi khi về muộn nên tắm xong là nàng đi ngủ ngay. Số lần làm tình của chúng tôi do đó cũng giảm đi đáng kể. Cũng có lúc vì việc chưa xong mà nàng đi làm cả ngày nghỉ. Dĩ nhiên, tôi tiếp nhận nguyên xi những gì nàng nói. Vì tôi chẳng có lý do gì để nghi ngờ.
Nhưng thực tế có lẽ chẳng có chuyện làm thêm giờ. Có lẽ trong lúc tôi ở nhà ăn cơm một mình thì nàng đang ở trên giường vui vẻ với người tình mới tại một khách sạn nào đó.
Có thể nói vợ tôi là một người quảng giao. Nhìn bề ngoài nàng có vẻ trầm tính nhưng đầu óc lại rất thông minh và nhanh nhẹn nên ở một mức độ nào đó, nàng cần những tình huống mang tính xã giao hơn. Và tôi thì không thể cho nàng những tình huống như thế. Do vậy, Yuzu thường xuyên đi ăn với hội bạn gái thân (nàng có rất nhiều bạn) hoặc đi uống với đồng nghiệp sau giờ làm (tửu lượng nàng tốt hơn tôi). Tôi không bao giờ phàn nàn về việc nàng giải khuây một mình bên ngoài theo cách đó. Thậm chí tôi còn khuyến khích.
Ngẫm thử thì mối quan hệ giữa tôi và em gái cũng tương tự. Từ nhỏ
tôi đã ngại ra ngoài, đi học về là ở lì trong phòng đọc sách hoặc vẽ tranh. Trong khi đó em tôi lại là người năng động và quảng giao. Kết quả là trong cuộc sống, chúng tôi không có nhiều mối quan tâm và hoạt động chung. Mặc dầu vậy, chúng tôi rất hiểu nhau và tôn trọng tính cách của nhau. Có thể hơi lạ với anh trai và em gái ở lứa tuổi đó nhưng chúng tôi chia sẻ nhiều chuyện rất thành thật. Trên tầng hai nhà tôi có chỗ phơi quần áo, bất kể đông hay hè, anh em tôi vẫn lên đó và trò chuyện mãi không chán. Chúng tôi đặc biệt thích những câu chuyện cười. Chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện tiếu lâm và cười lăn lộn.
Không hẳn vì các lý do trên nhưng bản thân tôi vẫn luôn an tâm tuyệt đối vào tình cảm với vợ. Trong cuộc hôn nhân này, tôi đã chấp nhận đóng một vai tự nhiên và hiển nhiên - vai của một đối tác phụ trợ kiệm lời. Nhưng hình như Yuzu thì khác. Có lẽ với nàng, cuộc hôn nhân này vẫn còn thiếu thứ gì đó. Vì nàng không phải là em gái tôi, tính cách cũng khác. Và đương nhiên tôi cũng không còn là cậu thiếu niên mười mấy tuổi ngày nào.
Sang tháng Năm, quả nhiên, tôi bắt đầu thấy mệt mỏi với việc lái xe hết ngày này qua ngày khác. Tôi cũng chán cầm vô lăng và nghĩ mãi về một chuyện. Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại mà câu trả lời thì chẳng thấy đâu. Ngồi nhiều nên hông tôi bắt đầu thấy đau. Peugeot 205 vốn là dòng xe bình dân. Ghế ngồi không thuộc dạng tốt, chưa kể hệ thống giảm xóc đã tã thấy rõ. Ngoài ra, do phải nhìn đèn đường suốt một thời gian dài nên mắt tôi nhức liên miên. Ngẫm lại thì suốt hơn một tháng rưỡi qua, tôi hùng hục lái xe không ngừng nghỉ như thể bị thứ gì đó truy đuổi.
Khi tìm được một suối nước khoáng nhỏ và đơn sơ bên trong dãy núi giáp giữa tỉnh Miyagi và tỉnh Iwate, tôi quyết định dừng lại. Một suối nước nóng vô danh ẩn mình trong thung lũng với một nhà trọ để người dân địa phương tới đó nghỉ dưỡng dài ngày. Giá tiền phòng rẻ, có cả khu bếp chung để nấu ăn. Tôi ngâm mình thỏa thích và ngủ cho đã mắt. Tôi rũ bỏ những mệt mỏi lúc lái xe, nằm lăn lóc dưới sàn nhà đọc sách. Chán đọc thì tôi lôi sổ phác họa ra vẽ. Lâu rồi tôi mới có cảm giác muốn vẽ. Đầu tiên tôi vẽ hoa và cây, sau đó thì vẽ lũ thỏ đá trang trí ngoài vườn. Chỉ là mấy nét vẽ đơn giản bằng bút chì nhưng được mọi người trầm trồ. Rồi tôi vẽ chân dung theo yêu cầu. Chân dung khách trọ, chân dung những người làm việc tại nhà trọ. Những người qua đường. Những người có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại. Tôi còn tặng luôn cả bức tranh cho người nào muốn lấy.
Tôi thấy đã tới lúc phải quay về Tokyo. Cứ thế này mãi thì sẽ chẳng đi đến đâu. Tôi vẫn muốn được vẽ tranh. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác toàn tâm toàn ý vẽ tranh cho bản thân chứ không phải những bức chân dung theo yêu cầu hay những phác họa đơn giản. Tôi không biết liệu có làm được không. Nhưng cứ phải thử.
Tôi tiếp tục lái chiếc Peugeot xuyên qua vùng Tohoku để quay về Tokyo nhưng ngay trước khi tới thành phố Iwaki trên quốc lộ số 6 thì chiếc xe lăn đùng ra chết. Ống dẫn nhiên liệu bị nứt, động cơ không thể hoạt động. Tôi hầu như không bao giờ chăm chút cho chiếc xe nên chả trách lại bị như vậy. Cũng may là địa điểm xe hỏng tình cờ lại ở ngay gần một ga ra ô tô có tay thợ tốt bụng. Ở đây rất khó kiếm phụ tùng thay thế cho chiếc Peugeot đời cũ, đặt mua cũng mất nhiều thời gian. Tay thợ nói giả sử có sửa được thì sẽ đến lượt các bộ phận khác trục trặc, Dây curoa rão, má phanh mòn vẹt. Hệ thống giảm xóc cũng tàn tạ. “Tôi khuyên thành
thật đấy. Nên tiễn nó lên đường thôi.” Thế là tôi buộc phải bỏ chiếc xe lại, dù lòng rất buồn khi phải từ biệt chiếc Peugeot đã chạy gần một trăm hai mười nghìn ki lô mét và gắn bó với cuộc sống rong ruổi của tôi suốt hơn một tháng rưỡi qua. Tôi nghĩ chiếc xe đã trút hơi thở cuối cùng thay tôi.
Để cảm ơn tay thợ vứt chiếc xe thay mình, tôi tặng lại cho gã lều, túi ngủ và vật dụng cắm trại. Sau khi phác họa lại con Peugeot 205 lần cuối, tôi khoác chiếc túi thể thao trên vai, leo lên chuyến tàu Joban để quay về Tokyo. Từ nhà ga, tôi gọi điện cho anh Masahiko, giải thích vắn tắt tình cảnh hiện tại. Do hôn nhân gặp trục trặc, tôi bỏ đi lang thang một thời gian và vừa quay lại Tokyo. Hiện tôi không có chỗ ở, không biết anh có chỗ nào cho tôi ở nhờ không.
Thế là anh nói đúng lúc anh đang có một căn nhà. Căn nhà bố anh từng sống một mình nhưng vừa rồi cụ phải vào nhà dưỡng lão trên cao nguyên Izu nên hiện tại để không. Nhà có đầy đủ nội thất và đồ dùng nên không cần chuẩn bị gì hết. Tuy địa điểm hơi bất tiện nhưng vẫn dùng được điện thoại. Nếu thấy được thì tôi có thể tới đó ở.
Thật hơn cả mong đợi, tôi đáp. Đúng là hơn cả mong đợi. Và thế là cuộc sống mới của tôi tại địa điểm mới bắt đầu.
3
Chỉ là phản chiếu mang tính vật lý
Vài hôm sau khi ổn định tại nơi ở mới trên đỉnh núi ngoại ô Odawara, tôi liên lạc với vợ. Tôi gọi điện khoảng năm lần mới gặp được nàng. Có vẻ công việc bận rộn nên nàng vẫn về nhà muộn. Hoặc nàng gặp ai đó bên ngoài. Nhưng dù sao thì chuyện đó không còn liên quan tới tôi nữa.
“Này, anh đang ở đâu thế?” Yuzu hỏi tôi.
“Anh đang sống ở nhà của anh Masahiko ở Odawara.” Tôi nói và giải thích qua về lý do đến sống ở căn nhà này.
“Em gọi vào di động của anh không biết bao nhiêu lần.” Yuzu nói. “Anh không dùng di động nữa. Tôi nói. Điện thoại của tôi có lẽ đang lênh đênh trên biển Nhật Bản. “Sắp tới anh định ghé qua căn hộ để lấy đồ, có phiền em không?”
“Anh vẫn giữ chìa khóa nhà chứ?”
“Ừ.” Tôi nói. Tôi đã định vứt chìa khóa xuống sông cùng với điện thoại nhưng sợ bị chủ nhà đòi lại nên thôi.
“Nhưng anh đến lúc em không ở nhà thì có phiền em không?” “Đây cũng là nhà của anh mà. Đương nhiên là được rồi.” Nàng nói. “Suốt thời gian qua anh đã làm gì, ở đâu?”
Tôi trả lời là đã đi du lịch. Tôi tóm tắt sơ lược cho nàng nghe. Rằng tôi đã một mình lái xe liên tục. Rong ruổi khắp xứ lạnh. Giữa chừng thì chiếc xe trút hơi thở cuối cùng.
“Nhưng cuối cùng anh vẫn bình an trở về.”
“Anh còn sống mà.” Tôi nói. “Chỉ có chiếc xe chết thôi.”
Yuzu im lặng một lúc rồi nói. “Hôm trước em mơ thấy anh.” Tôi không hỏi nàng mơ thấy gì. Tôi không muốn biết về chuyện tôi xuất hiện trong giấc mơ của nàng. Thấy vậy, nàng không nhắc gì đến giấc mơ nữa.
“Anh sẽ để chìa khóa lại.” Tôi nói.
“Em thì sao cũng được. Anh cứ làm theo ý anh.”
Tôi nói lúc về sẽ để lại chìa khóa trong hòm thư. Một khoảng im lặng. Rồi nàng lên tiếng.
“Này, anh còn nhớ lần đầu mình hẹn hò, anh đã phác họa gương mặt em không?”
“Anh nhớ.”
“Thi thoảng em lại lấy bức phác họa đó ra xem. Một bức phác họa xuất sắc. Em cảm giác như đang nhìn thấy con người thật của mình.” “Con người thật của mình?”
“Vâng.”
“Nhưng sáng nào em cũng thấy mình trong gương mà.”
“Cái đó khác.” Yuzu nói. “Vì hình ảnh của em trong gương chỉ là phản chiếu mang tính vật lý thôi.”
Nói chuyện với nàng xong, tôi đi ra bồn rửa mặt để soi gương. Gương mặt tôi hiện lên trong gương. Lâu rồi tôi mới nhìn mặt mình trực diện như vậy. Vợ tôi vừa nói hình ảnh mình nhìn thấy trong gương chỉ là phản chiếu mang tính vật lý. Nhưng tôi lại thấy đó là mảnh vỡ hư ảo của bản thân đã bị phân tách ở đâu đó. Đó là phần mà tôi không lựa chọn. Thậm chí còn không phải là phản chiếu mang tính vật lý.
Hai ngày sau, tầm đầu giờ chiều, tôi lái chiếc Corolla Wagon tới căn hộ ở Hiroo để thu dọn đồ cá nhân. Hôm đó trời cũng mưa suốt từ sáng. Lúc đỗ xe ở tầng hầm, tôi ngửi thấy mùi quen thuộc của bãi đỗ xe những ngày mưa.
Tôi đi thang máy lên nhà, mở cửa, khi bước vào căn hộ sau gần 2 tháng, tôi có cảm giác mình giống như kẻ đột nhập. Đây là nơi tôi đã sống suốt 6 năm, đã quen thuộc hết mọi ngóc ngách. Nhưng giờ đây, phía sau cánh cửa không còn chỗ nào cho tôi nữa. Bồn rửa bát chất đầy bát đĩa nhưng tất cả đều là bát đĩa vợ tôi sử dụng. Quần áo phơi trong phòng tắm cũng đều là của vợ tôi. Tôi mở tủ lạnh thì thấy toàn những đồ ăn chưa bao giờ nhìn thấy. Phần lớn là thực phẩm chế biến sẵn, có thể ăn ngay được. Sữa tươi, nước cam cũng khác với loại tôi từng mua. Ngăn đông chứa đầy đồ đông lạnh. Tôi không bao giờ mua đồ đông lạnh. Mới gần 2 tháng mà nhiều thứ thay đổi quá.
Tôi những muốn lao vào rửa đống bát đĩa trong bồn, rút và gấp chỗ quần áo (nếu được thì là luôn), sắp xếp lại đồ ăn trong tủ lạnh. Nhưng tất nhiên là tôi không làm. Chỗ này giờ đã là nhà của người khác. Tôi không nên động tay vào.
Trong số đồ cá nhân thì dụng cụ vẽ là cồng kềnh nhất. Cần cả một thùng các tông lớn để đựng giá vẽ, vải, cọ và màu. Tiếp theo là quần áo. Tôi vốn là người không có nhiều quần áo. Tôi có thể thường xuyên mặc những bộ quần áo giống nhau. Tôi cũng chẳng có vest hay cà vạt. Nếu không tính áo khoác dày mùa đông thì có thể nhét hết vào một va li lớn.
Vài quyển sách chưa đọc, mười hai đĩa CD, chiếc cốc cà phê yêu
thích, quần bơi, kính bơi, mũ bơi. Trước mắt, đó là những vật dụng cần thiết. Nhưng kể cả không có chúng tôi cũng không gặp khó khăn gì. Trên bồn rửa mặt vẫn còn nguyên bàn chải, bộ dao cạo râu, kem dưỡng da, thuốc dưỡng tóc của tôi. Hộp bao cao su chưa bóc vẫn còn đó. Nhưng tôi chẳng muốn mang mấy đồ lặt vặt đó tới chỗ ở mới. Cứ để vợ tôi vứt chúng đi.
Chất từng ấy thứ lên xe xong, tôi quay lại bếp, đun nước, pha trà bằng túi lọc rồi ngồi ở bàn bếp uống. Làm vậy chắc không sao. Căn hộ im phăng phắc. Sự im lặng khiến bầu không khí hơi nặng nề. Tôi cảm giác như đang ngồi một mình dưới đáy biển.
Tôi ở một mình trong căn hộ đó chừng nửa tiếng. Trong thời gian ấy, không thấy ai tới, cũng không thấy điện thoại reo. Chỉ có bộ điều nhiệt tủ lạnh ngắt rồi bật lại. Trong im lặng, tôi lắng tai nghe và quan sát khắp căn hộ, như thể đang thả quả cân để đo mực nước. Nhìn từ góc độ nào thì đây cũng là căn hộ của một phụ nữ độc thân. Công việc hằng ngày bận rộn, hầu như không có thời gian làm việc nhà. Tất cả để đến cuối tuần mới dọn dẹp. Tôi nhìn khắp nhà và thấy mọi thứ đều là đồ của vợ. Không có bóng dáng đồ vật của người khác (đến cả của tôi cũng không). Chắc không có người đàn ông nào lui tới đây. Tôi nghĩ vậy. Có lẽ họ gặp nhau ở chỗ khác.
Không hiểu sao lúc ở một mình trong căn hộ tôi cứ có cảm giác đang bị ai đó nhìn. Kiểu như bị ai đó theo dõi thông qua máy quay bí mật. Nhưng tất nhiên là không thể có chuyện này. Vợ tôi cực kỳ kém về máy móc. Nàng còn chẳng biết thay pin điều khiển từ xa. Chắc chắn nàng không đủ khéo léo để lắp đặt và điều khiển máy quay bí mật. Chỉ là tôi quá nhạy cảm thôi.
Tuy vậy, trong lúc ở căn hộ, tôi vẫn hành động như thể bị cái máy
quay giả tưởng đó ghi lại từng chi tiết. Tôi không làm bất cứ điều gì thừa thãi hay không phù hợp. Tôi không mở ngăn kéo bàn của Yuzu để lục lọi bên trong. Mặc dù biết nàng cất nhật ký và thư từ quan trọng trong ngăn tủ đựng tất dài nhưng tôi cũng không động đến. Tôi biết cả mật khẩu máy tính của nàng (tất nhiên là nếu nàng chưa đổi) nhưng tôi cũng không mở ra. Tất cả những thứ đó giờ chẳng còn liên quan gì đến tôi nữa. Tôi rửa cốc vừa uống trà, lau khô, cất lại vào tủ rồi tắt đèn. Sau đó, tôi đứng bên cửa sổ ngắm mưa. Tháp Tokyo màu cam lấp ló đằng xa. Tôi thả chìa khóa căn hộ vào hộp thư rồi lái xe về Odawara. Quãng đường mất khoảng một tiếng rưỡi. Vậy mà tôi có cảm giác như vừa có chuyến du hành trong ngày tới một đất nước khác.
Hôm sau, tôi gọi điện đến văn phòng đại diện. Tôi nói mình đã về Tokyo nhưng tiếc là không còn muốn làm công việc vẽ chân dung nữa. “Nghĩa là cậu không bao giờ vẽ tranh chân dung nữa?”
“Có lẽ vậy.” Tôi đáp.
Anh ta tiếp nhận thông báo của tôi một cách dè dặt. Không phàn nàn cũng không thốt ra câu nào mang tính khuyên răn. Vì anh ta biết một khi tôi đã nói thì không bao giờ rút lại.
“Khi nào cậu muốn làm lại công việc này thì cứ liên lạc với tôi. Tôi rất chào đón.” Cuối cùng, anh ta nói.
“Cảm ơn anh.” Tôi cảm ơn.
“Tôi hơi tọc mạch chút, nhưng cậu định sống thế nào?”
“Tôi chưa biết.” Tôi thành thật đáp. “Sống một mình cũng không tốn kém lắm, tôi vẫn còn một ít tiền tiết kiệm.”
“Cậu vẫn sẽ vẽ tranh chứ?”
“Chắc vậy. Vì tôi cũng không biết làm gì khác.”
“Mong mọi việc sẽ tốt đẹp.”
“Cảm ơn anh.” Tôi lại cảm ơn. Rồi chợt nhớ ra, tôi hỏi thêm. “Anh thấy có điều gì tôi cần phải ghi nhớ không?”
“Điều cậu cần ghi nhớ?”.
“Biết nói sao nhỉ, kiểu như lời khuyên từ một người chuyên nghiệp.” Anh ta suy nghĩ một lát rồi nói. “So với người bình thường, cậu là người mất nhiều thời gian hơn để chấp nhận. Nhưng xét về lâu dài thì có lẽ thời gian sẽ ủng hộ cậu.”
Nghe như tên một bài hát ngày xưa của Rolling Stones.
“Còn nữa, tôi thấy cậu có tài năng đặc biệt về vẽ chân dung. Dạng tài năng tới thẳng được tâm can của đối phương và nắm bắt bằng trực giác. Đây là thứ hiếm người có được. Có tài như vậy mà không sử dụng thì thật là đáng tiếc.”
“Nhưng hiện giờ tôi không muốn vẽ chân dung nữa.”
“Tôi biết. Nhưng chắc chắn một ngày, tài năng đó sẽ cứu vớt cậu. Mong mọi việc sẽ tốt đẹp.”
Tôi cũng mong mọi việc tốt đẹp. Mong thời gian sẽ ủng hộ tôi. Hôm đầu tiên, anh Masahiko - tức con trai chủ nhà - lái chiếc Volvo chở tôi
đến Odawara. “Nếu cậu thấy thích thì có thể ở luôn từ hôm nay.” Gần tới cuối đường Odawara-Atsugi, chúng tôi rẽ vào một con đường nhựa nhỏ giống như đường làng để đi lên núi. Hai bên đường là ruộng rau với những thửa ruộng lợp ni lông, thi thoảng lại gặp rừng mai. Suốt quãng đường hầu như không có nhà dân, đèn giao thông cũng không. Khúc ngoặt ở cuối đường dẫn tới một con dốc đứng, anh Masahiko về số, cho xe từ từ lên dốc, cuối đường hiện ra một cánh cổng. Thực ra không có cổng mà chỉ là 2 cái cột sừng sững. Cũng không có hàng rào. Kiểu như đang định xây cổng và hàng rào thì nghĩ lại. Hoặc có thể giữa chừng thì nhận ra không cần nữa. Một bên cột treo bảng tên “Amada.” to như bảng hiệu. Phía sau là căn nhà nhỏ kiểu Âu với ống khói xây bằng gạch đã phai màu dựng đứng trên mái nhà. Tuy là nhà một tầng nhưng mái nhà rất cao. Vì là nhà của một họa sĩ nổi tiếng về tranh truyền thống nên tôi đã hình dung về một căn nhà kiểu Nhật cũ.
Anh Masahiko đỗ xe ở khoảng sân rộng trước nhà, cửa xe vừa mở lập tức có mấy con chim giống như quạ thông kêu the thé bay khỏi cành cây gần đó. Có vẻ như bọn chúng không vui khi thấy chúng tôi xâm nhập vào căn nhà. Quanh nhà hầu như chỉ có rừng cây, mặt phía Tây hướng ra thung lũng với tầm nhìn rộng.
“Cậu thấy sao, hoàn toàn không có gì hết đúng không?” Anh Masahiko nói.
Tôi đứng và đưa mắt nhìn xung quanh. Đúng là không có gì hết. Chọn được nơi buồn tẻ thế này để xây nhà kể cũng đáng phục. Chắc chủ nhà phải ghét giao tiếp với con người lắm.
“Anh lớn lên ở đây à?” Tôi hỏi.
“Không. Bản thân tôi chưa bao giờ sống ở đây lâu. Chỉ thi thoảng tới
ngủ lại thôi. Kiểu tránh nóng vào mùa hè. Vì còn phải đi học nên tôi và mẹ sống trong căn nhà ở Mejiro. Khi nào không làm việc thì bố về Tokyo sống với mẹ con tôi. Sau đó lại quay về đây làm việc. Từ khi tôi ra ở riêng và mẹ tôi mất 10 năm trước, bố tôi ở hẳn đây luôn. Gần như tránh xa thế sự.”
Người phụ nữ trung niên sống gần đó được giao nhiệm vụ trông coi căn nhà đến và hướng dẫn tôi một số việc. Cách sử dụng thiết bị trong bếp, cách đặt mua gas và dầu hỏa, nơi cất dụng cụ, thời gian và địa điểm vứt rác. Có vẻ như ông họa sĩ đã có cuộc sống đơn thân rất giản dị nên chẳng có mấy đồ đạc và máy móc. Vậy nên cũng không đến mức phải có cả một buổi tập huấn riêng cho tôi. Người phụ nữ nói có gì không biết cứ gọi điện cho chị (rút cuộc thì tôi chưa bao giờ gọi).
“Nếu có ai đó đến ở và trông coi giúp thì tốt quá. Không có người ở thì nhà sẽ mau hỏng và không an toàn. Thấy không có người là bọn lợn rừng và khỉ sẽ mò đến ngay.” Người phụ nữ nói.
” đây thi thoảng vẫn xuất hiện lợn rừng và khỉ đấy.” Anh Masahiko nói.
“Cậu nhớ cẩn thận với lợn rừng nhé.” Người phụ nữ nói. “Mùa xuân, lợn rừng hay lảng vảng ở đây để ăn măng. Đặc biệt, lợn mẹ đang nuôi con nhỏ rất hung dữ và nguy hiểm. Ông bắp cày cũng thế. Đã có người chết vì bị ong đốt. Bọn ong bắp cày hay làm tổ trong rừng mai.”
Phòng khách rộng có lò sưởi dạng hở đặt chính giữa nhà, phía Tây Nam phòng khách nối với một ban công rộng có mái che, phía Bắc là xưởng vẽ hình vuông.
Danh họa đã vẽ tranh ở đó. Phía Đông là phòng bếp kiêm phòng ăn, bên cạnh là phòng tắm. Tiếp đó là một phòng ngủ chính rộng rãi và một phòng ngủ nhỏ hơn dành cho khách. Phòng ngủ của khách có kê bàn làm
việc. Danh họa có vẻ là người thích đọc sách nên giá sách chất đầy sách cũ. Hình như danh họa dùng phòng đó làm thư phòng. Căn nhà tuy cũ nhưng sạch sẽ và dễ chịu, chỉ lạ là (hoặc có thể không lạ) trên tường không có bất kỳ bức tranh nào. Tất cả tường đều để thô và trống trơn.
Đúng như anh Masahiko nói, nhà có đủ các đồ cần thiết như đồ nội thất, đồ điện, bát đĩa, chăn nệm. Đúng là chỉ cần “vác xác.” tới thôi. Củi để đốt lò sưởi cũng chất đầy dưới mái hiên nhà kho. Trong nhà không có ti vi (bố anh Masahiko căm thù ti vi) nhưng trong phòng khách có bộ dàn rất xịn. Loa thùng Autograph của Tannoy, bộ tăng âm rời loại dùng đèn chân không của Marantz. Có cả một bộ sưu tập đĩa than. Tôi nhìn qua thì thấy phần lớn là nhạc opera.
” đây không có máy nghe CD đâu.” Anh Masahiko nói. “Vì bố tôi là người chúa ghét đồ hiện đại. Ông chỉ tin những thứ có từ ngày xưa thôi. Internet đương nhiên cũng không tồn tại ở đây rồi. Nếu cần thì cậu phải vào mấy quán cafe internet dưới thị trấn.”
Tôi nói rằng mình không cần đến internet.
“Nếu cậu muốn biết tình hình thế giới thì chỉ có thể nghe qua đài bán dẫn để trong tủ bếp. Vì ở trong núi nên tín hiệu kém, chỉ nghe được đài NHK Shizuoka, nhưng cũng còn hơn không?
“Em không quan tâm lắm đến tình hình thế giới.”
“Vậy thì tốt. Có vẻ cậu hợp với bố tôi đấy.”
“Bố anh thích nghe opera à?” Tôi hỏi.
“Ừ, tuy là họa sĩ tranh truyền thống nhưng bố tôi vẫn thường nghe opera khi làm việc. Nghe nói hồi du học Vienna, bố tôi đi nghe opera suốt. Cậu nghe opera hả?”
“Một ít thôi.”
“Tôi thì chịu. Opera vừa chán vừa dài lê thê. Ở đây nhiều đĩa lắm nên cậu cứ nghe thoải mái. Chúng chẳng còn ích gì với bố tôi nữa nên cậu mà nghe thì ông sẽ vui lắm.”
“Chẳng còn ích gì?”
“Trí tuệ của ông ngày càng sa sút. Bây giờ thậm chí ông còn chẳng biết chảo và opera khác nhau chỗ nào.”
“Vienna ư? Bố anh học tranh truyền thống ở Vienna à?”
“Không, làm gì có ai tùy hứng đến mức tới tận Vienna để học tranh truyền thống Nhật Bản. Bố tôi vốn theo hội họa phương Tây. Vì thế mới đi học ở Vienna. Hồi đó ông vẽ những bức tranh sơn dầu rất hiện đại. Nhưng về Nhật được một thời gian, đột nhiên ông chuyển sang vẽ tranh truyền thống. Thi thoảng vẫn có những trường hợp như thế. Kiểu như nhờ đi ra nước ngoài mới nhận thức được đặc tính dân tộc.”
“Và ông đã thành công.”
Anh Masahiko khẽ nhún vai. “Người ngoài nhìn thì là vậy. Còn với con cái, ông chỉ là một ông già trái tính trái nết. Chỉ biết mỗi việc vẽ tranh và sống tùy tiện. Nhưng giờ thì hình ảnh ấy đã không còn nữa.” “Ông bao nhiêu tuổi rồi?”
“Chín mươi hai. Nghe nói hồi trẻ bố tôi chơi bời lắm. Cụ thể thế nào thì tôi không rõ.”
“Cảm ơn anh nhiều. Em mang ơn anh. Lần này may mà có anh.” “Cậu thích chỗ này chứ?”
“Được anh cho sống ở đây là quý lắm rồi.”
“Vậy thì tốt. Hy vọng cậu và Yuzu sẽ làm lành với nhau.”
Tôi không bình luận gì về câu nói của anh Masahiko. Anh Masahiko chưa có gia đình. Tôi có nghe phong thanh anh là người lưỡng tính nhưng không biết thực hư ra sao. Biết anh đã lâu nhưng tôi chưa bao giờ đề cập tới chuyện đó.
“Cậu vẫn tiếp tục vẽ tranh chân dung chứ?” Lúc về, anh Masahiko hỏi tôi.
Tôi kể anh nghe việc tôi đã từ bỏ công việc vẽ chân dung. “Cậu định tiếp tục sống thế nào?” Anh Masahiko hỏi giống hệt tay bên văn phòng đại diện.
Tôi cũng trả lời y hệt rằng trước mắt sẽ sống tằn tiện bằng tiền tiết kiệm. Sau một thời gian dài, giờ tôi muốn vẽ thứ mình thích mà không bị ràng buộc.
“Hay đấy.” Anh Masahiko nói. “Cứ thử làm những điều mình thích xem sao. Mà này, nếu không ngại thì cậu có muốn dạy vẽ thêm không? Trước ga Odawara có một trung tâm văn hóa, trong đó có lớp dạy vẽ. Ở đây chủ yếu là dạy trẻ con nhưng cũng có lớp dành cho người lớn. Chỉ dạy vẽ tạo hình và tô màu nước, không dạy tranh sơn dầu. Giám đốc trung tâm là người quen của bố tôi. Chú ấy làm việc rất có tâm, không phải theo kiểu thương mại đâu. Nhưng giờ trung tâm đang gặp khó khăn do thiếu giáo viên. Cậu mà giúp được thì chú ấy vui lắm. Tiền công không nhiều nhưng chắc chắn sẽ giúp cậu trang trải thêm cuộc sống. Một tuần cậu chỉ cần dạy hai buổi thôi, cũng không nặng nhọc gì?”
“Nhưng em chưa bao giờ dạy vẽ và cũng không thạo về tranh màu nước.”
“Dễ ấy mà.” Anh Masahiko nói. “Có phải là nơi đào tạo chuyên gia đâu. Chỉ cần dạy những thứ căn bản thôi. Làm một ngày là cậu sẽ nắm
được mẹo ngay. Với lại dạy bọn trẻ con vẽ tranh mình còn hào hứng hơn ấy. Hơn nữa, nếu cậu định sống một mình ở đây thì một tuần cũng nên vài lần xuống núi giao tiếp với người khác, không sẽ bị điên đấy. Lại giống như trong phim The Shining thì nguy lắm.”
Anh Masahiko bắt chước bộ mặt của diễn viên Jack Nicholson. Từ xưa anh ấy đã có năng khiếu bắt chước.
Tôi cười. “Cũng được ạ. Chỉ không biết em có làm được không thôi.” “Tôi sẽ liên lạc với bên đó.” Anh nói.
Sau đó tôi và anh Masahiko tới cửa hàng bán xe cũ của Toyota nằm trên đường quốc lộ, mua chiếc Corolla Wagon và trả hết luôn bằng tiền mặt. Kể từ đó, tôi bắt đầu cuộc sống đơn độc trên núi ở Odawara. Một cuộc sống bất động và tĩnh lặng sau gần 2 tháng liên tục di chuyển. Một cú thay đổi ngoạn mục.
Tuần tiếp theo, tôi bắt đầu dạy vẽ tại trung tâm văn hóa trước cửa ga Odawara vào thứ Tư và thứ Sáu. Tôi cũng trải qua một buổi phỏng vấn sơ sơ nhưng nhờ sự giới thiệu của anh Masahiko nên được nhận ngay. Tôi nhận hai lớp người lớn và một lớp trẻ em vào thứ Sáu. Tôi bắt nhịp ngay được với lớp trẻ em. Nhìn tranh các em vẽ rất vui, như anh Masahiko nói, các em cũng gây chút hào hứng ngược lại cho mình. Tôi nhanh chóng thân thiết với bọn trẻ. Công việc của tôi chỉ là đi vòng quanh xem tranh các em vẽ, đưa ra vài lời khuyên nho nhỏ về chuyên môn, tìm ra những điểm tốt để khen ngợi và khích lệ. Phương châm của tôi là vẽ đi vẽ lại thật nhiều lần một đề tài. Sau đó, tôi sẽ chỉ cho các em thấy tuy cùng một đề tài nhưng
chỉ cần thay đổi góc nhìn là sẽ khác. Giống như con người, đồ vật cũng có nhiều mặt. Bọn trẻ con lĩnh hội được ngay sự thú vị ấy.
Dạy người lớn vẽ tranh có lẽ khó hơn dạy trẻ con một chút. Học viên của lớp là những người lớn tuổi đã về hưu hoặc những bà nội trợ rảnh rỗi vì không vướng bận chăm sóc con cái. Những người này đương nhiên đầu óc không linh hoạt như trẻ con, không dễ dàng hiểu được những gì tôi gợi ý. Nhưng cũng có vài người có giác quan phóng khoáng hoặc vẽ những bức tranh có sự thú vị riêng. Nếu được yêu cầu, tôi sẽ đưa ra những lời khuyên bổ ích, còn thường thì tôi để họ vẽ tự do theo ý thích. Tất cả chỉ dừng lại ở việc tìm những điểm hay trong tranh họ vẽ và khen ngợi. Việc này có vẻ khiến họ thấy hạnh phúc. Chẳng phải được vẽ tranh với tâm trạng hạnh phúc đã là quá đủ sao.
Và tại lớp học này, tôi đã có mối quan hệ thể xác với hai người phụ nữ có gia đình. Cả hai đều tham gia lớp học vẽ và được tôi “dạy.” Nghĩa là, xét về vị trí thì họ là học trò của tôi (cả hai vẽ tranh không hề tệ). Thật khó để phán xét một giáo viên - dù chỉ là giáo viên tạm thời không có chứng chỉ có được phép làm như vậy hay không. Tôi nghĩ việc quan hệ tình dục với sự đồng thuận của hai người trưởng thành về cơ bản là không vấn đề gì, nhưng xét về mặt xã hội thì quả thực không phải là việc đáng hoan nghênh.
Tôi không có ý bao biện nhưng lúc đó tôi chẳng có tâm trí nào để xem xét việc mình làm có đúng hay không. Tôi chỉ bám vào thân cây và để mặc mình trôi theo dòng nước. Xung quanh tối đen như mực, trên trời không trăng cũng không sao. Chừng nào còn bám được vào thân cây tôi sẽ không bị chết đuối, nhưng tôi lại chẳng biết mình đang ở đâu và đang trôi về đâu.
Ở trong căn nhà đó được vài tháng thì tôi phát hiện ra bức tranh có tựa đề là Giết chỉ huy đội kỵ sĩ của ông Amada Tomohiko. Khi ấy, tôi không
hay biết rằng bức tranh sẽ làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống xung quanh tôi.
4
Hầu hết mọi thứ đều đẹp nếu nhìn từ xa
Một buổi sáng đẹp trời cuối tháng Năm, tôi mang bộ dụng cụ vào xưởng vẽ của danh họa Amada và cùng một tấm vải mới tinh sau suốt một thời gian dài (trong xưởng vẽ không có bất kỳ dụng cụ vẽ nào mà họa sĩ đã sử dụng. Chắc anh Masahiko đã gom lại và cất vào một chỗ). Xưởng sẽ là một căn phòng vuông vức rộng khoảng 5 mét vuông, sàn nhà lát gỗ, tường quét sơn trắng. Sàn nhà để trống, không trải thảm. Có một cửa sổ lớn ở hướng Bắc với tấm rèm trơn màu trắng. Cửa sổ ở hướng Đông nhỏ hơn và không có rèm. Giống như các phòng khác, trên tường trống trơn.
Ở góc phòng có bồn rửa bằng sứ để rửa dụng cụ vẽ. Cái bồn có vẻ đã được sử dụng qua nhiều năm nên lấm lem màu vẽ. Cạnh bồn rửa có một lò sưởi dùng dầu kiểu cũ, trên trần nhà có lắp một quạt trần lớn. Có một bàn làm việc, một cái ghế đẩu tròn bằng gỗ. Trên giá âm tường có một bộ dàn gọn nhẹ để có thể vừa vẽ vừa nghe opera. Gió từ cửa sổ thổi vào mang theo mùi cây non. Đây chính xác là nơi để họa sĩ tập trung vẽ tranh. Có đủ những thứ cần thiết, không thừa thứ gì.
Có được môi trường mới như vậy, mong muốn được vẽ thứ gì đó trong tôi càng rõ rệt. Nó giống như một cơn đau âm ỉ. Giờ đây, thời gian dành cho bản thân của tôi gần như là vô tận. Tôi không cần phải vẽ những bức tranh mình không muốn để mưu sinh, cũng không còn nghĩa vụ phải nấu cơm cho vợ đi làm về (tôi không nề hà chuyện cơm nước nhưng nghĩa vụ vẫn là nghĩa vụ). Không chỉ không phải nấu cơm, tôi thậm chí còn có cả quyền nhịn ăn và chết đói nếu muốn. Tôi hoàn toàn tự do, có thể làm gì tùy thích mà không cần e ngại bất cứ ai.
Nhưng rút cuộc tôi lại không vẽ được. Dù có đứng trước giá vẽ và nhìn vào khoảng trắng ấy bao lâu đi nữa vẫn không có bất kỳ ý tưởng nào đến với tôi. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, khi nào là đúng lúc. Hệt như tiểu thuyết gia mất đi khả năng ngôn ngữ, nhạc công đánh mất nhạc cụ, tôi cứ bần thần trong xưởng vẽ vuông vức và chân phương ấy.
Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác này. Chỉ cần đứng trước giá vẽ là tâm trí tôi gần như lập tức thoát khỏi ranh giới thường nhật và một thứ gì đó xuất hiện ngay trong đầu. Có lúc là những ý tưởng cụ thể, hữu ích, có lúc lại là những ảo tưởng chẳng đi đến đâu. Nhưng kiểu gì cũng phải có thứ gì đó xuất hiện trong đầu. Tôi chỉ cần tìm và nắm bắt được thứ phù hợp, đưa lên vải và phát triển dựa theo trực giác. Chỉ cần làm vậy là tác phẩm tự hình thành. Nhưng hiện tại tôi không nhìn ra điểm nào để bắt đầu. Cho dù tràn đầy khao khát, cho dù con tim không ngừng thôi thúc thì vẫn cần có một điểm cụ thể để khởi đầu.
Buổi sáng tôi dậy sớm (thường là trước 6 giờ), đầu tiên tôi vào bếp pha cà phê, sau đó mang cốc cà phê vào xưởng vẽ và ngồi xuống cái ghế đẩu trước giá vẽ. Tôi tập trung cảm xúc. Tôi lắng nghe những tiếng vọng trong tâm hồn, cố nắm bắt một hình ảnh trong đó. Nhưng lần nào cũng vậy, tôi thất bại thảm hại. Sau vài lần cố thử, tôi bỏ cuộc, ngồi xuống sàn nhà, dựa lưng vào tường và nghe các vở opera của Puccini (không hiểu sao hồi ấy tôi chỉ nghe Puccini). Vở Turandot, vở La Boheme. Tôi nhìn chiếc quạt quay lờ đờ trên trần nhà và chờ đợi một ý tưởng hay mô típ nào đó tìm đến. Nhưng chẳng có gì hết. Chỉ có mặt trời đầu hạ chậm chạp di chuyển
trên bầu trời.
Không rõ vấn đề nằm ở chỗ nào? Tại tôi vẽ tranh chân dung để mưu sinh quá lâu chăng. Thế nên trực giác tự nhiên trong tôi đã bị mai một. Giống như cát trên bờ biển dần bị sóng cuốn trôi. Có lẽ dòng chảy đã bị chệch hướng ở đâu đó. Tôi nghĩ cần phải có thời gian. Tôi phải kiên nhẫn. Tôi phải để thời gian ủng hộ tôi. Làm vậy, chắc chắn tôi sẽ bắt được đúng dòng chảy. Đường dẫn nước ấy chắc chắn sẽ quay về với tôi. Nhưng thú thật là tôi cũng không dám chắc.
Cũng trong khoảng thời gian này, tôi bắt đầu quan hệ với những phụ nữ có chồng. Tôi nghĩ bản thân đang cần một lối thoát về mặt tinh thần. Tôi muốn thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện tại, và để làm vậy, tôi cần tự tạo cho mình sự kích thích (kích thích gì cũng được) và kéo tinh thần lên. Tôi cũng bắt đầu thấy mệt mỏi với việc phải thui thủi một mình. Chưa kể lâu rồi tôi không gần phụ nữ.
Giờ ngẫm lại mới thấy những ngày đó trôi qua theo cách khá kỳ lạ. Tôi dậy từ sớm, vào xưởng vẽ vuông vức với bốn bức tường trắng, ngồi trước tấm vải vẽ trắng tinh, không nghĩ ra được ý tưởng nào mà chỉ ngồi dưới sàn nhà nghe Puccini. Nghĩa là tôi gần như đối mặt với sự “không gì cả.” thuần túy trong việc sáng tác. Claude Debussy đã viết ở đâu đó về quãng thời gian bị bế tắc không sáng tác được opera là “Hằng ngày tôi chỉ sáng tác không gì cả.” Và tương tự như vậy, mùa hè năm đó, ngày qua ngày tôi chỉ quẩn quanh với việc “sáng tác không gì cả.” Có lẽ tôi đã quen với việc hằng ngày đối mặt với “không gì cả.” dù chưa đến mức gọi là thân thiết.
Khoảng hai lần một tuần, cứ đến chiều là nàng (người phụ nữ thứ hai) lại lái chiếc xe Mini Cooper đỏ tới nhà tôi. Chúng tôi lên giường làm tình ngay tức thì. Suốt cả đầu giờ chiều, chúng tôi thỏa chí ngấu nghiến cơ thể nhau. Thành quả dĩ nhiên không phải là “không gì cả.” Ở đó chắc chắn có thể xác tồn tại. Tôi có thể sờ, có thể hôn khắp mọi ngóc ngách thể xác đó. Giống như chuyển đổi công tắc nhận thức, tôi cứ đi lại giữa một bên là không gì cả hư ảo và chông chênh, một bên là hiện thực sống động. Nàng bảo gần hai năm rồi không được chồng động tới. Chồng nàng hơn nàng 10 tuổi, công việc bận rộn nên thường về nhà muộn. Nàng dùng đủ mọi cách để mời chào nhưng chồng nàng đều không tỏ ra ham muốn.
“Sao vậy nhỉ? Cơ thể em đẹp thế này cơ mà.” Tôi nói.
Nàng khẽ nhún vai. “Em lấy chồng được hơn 15 năm rồi, đã có hai con nên không còn tươi mới nữa.”
“Với anh thì vẫn tươi mới.”
“Cảm ơn anh. Nghe anh nói vậy em cảm giác như được tái chế.” “Kiểu như tái sử dụng tài nguyên?”
“Vâng.”
“Nguồn tài nguyên rất đáng quý.” Tôi nói. “Có ích cho xã hội nữa.” Nàng cười khúc khích. “Nếu như được phân loại đúng.”
Lát sau chúng tôi lại hào hứng lao vào một cuộc phân loại tài nguyên phức tạp khác.
Thành thật mà nói thì tôi vốn không hứng thú với kiểu người như nàng. Xét theo nghĩa đó thì nàng không giống với những phụ nữ mà tôi từng qua lại. Giữa tôi và nàng không có nhiều đề tài chung. Môi trường sống hiện tại cũng như cuộc sống trong quá khứ hầu như không có điểm
nào giống nhau. Tôi vốn kiệm lời nên khi ở cùng nhau, chủ yếu là nàng nói. Nàng kể những chuyện cá nhân, tôi gật gù hưởng ứng, nói vài câu cảm tưởng nhưng khó có thể gọi là trò chuyện.
Đây thực sự là trải nghiệm lần đầu của tôi. Với những phụ nữ khác, thông thường tôi sẽ quan tâm về con người họ trước rồi mới tiến tới hành vi đi kèm là quan hệ thể xác. Thường là theo mô hình như vậy. Nhưng trường hợp của nàng thì không. Quan hệ thể xác có trước. Và chuyện này không tệ chút nào. Trong suốt thời gian qua lại với nàng, tôi đã tận hưởng hành vi ấy một cách thuần khiết. Tôi nghĩ nàng cũng tận hưởng giống tôi. Nàng đã nhiều lần lên đỉnh trong vòng tay tôi và tôi nhiều lần phóng tinh vào trong nàng.
Nàng bảo từ khi kết hôn, đây là lần đầu tiên nàng ngủ với người khác ngoài chồng. Có lẽ nàng không nói dối. Bản thân tôi kể từ khi kết hôn, đây cũng là lần trải nghiệm đầu tiên với người khác ngoài vợ (mà không, có một lần duy nhất, ngoại lệ, tôi đã ngủ với một phụ nữ. Nhưng đó không phải do tôi chủ ý. Tôi sẽ kể chuyện này sau).
“Bạn cùng tuổi em có gia đình hết rồi nhưng phần lớn đều đang ngoại tình.” Nàng nói. “Em vẫn nghe kể thế.”
“Tái chế.”
“Bản thân em không nghĩ mình sẽ trở thành một trong số họ.” Tôi nhìn lên trần nhà và nghĩ về Yuzu, Nàng có đang làm việc tương tự thế này với người khác tại một nơi khác không?
Nàng về, còn lại một mình, tôi thành ra rảnh rang. Giường vẫn còn hằn dấu
của nàng. Chẳng thiết làm gì, tôi nằm dài trên chiếc ghế ngoài ban công đọc sách để giết thời gian. Giá sách của họa sĩ Amada toàn là sách cũ. Có vài tiểu thuyết hiếm, khó mà tìm được vào thời buổi này. Những tác phẩm ngày xưa rất được yêu thích nhưng chẳng biết từ bao giờ bị người đời quên lãng và hầu như không còn ai giữ nữa. Tôi thích đọc những tiểu thuyết xưa cũ ấy. Tôi và một ông già chưa bao giờ gặp mặt cùng chia sẻ cảm giác bị thời gian bỏ lại.
Khi chiều xuống, tôi mở chai rượu vang (thi thoảng uống rượu là thú vui xa xỉ duy nhất của tôi vào thời điểm đó. Đương nhiên không phải loại rượu đắt tiền) và nghe những đĩa nhạc cũ. Tất cả đĩa nhạc đều là nhạc cổ điển với phân nửa là opera hoặc thính phòng. Đĩa nào cũng được giữ gìn cẩn thận, bề mặt không một vết xước, Ban ngày tôi chủ yếu nghe opera, buổi tối thì nghe tứ tấu đàn dây của Beethoven hoặc Schubert.
Kể từ khi qua lại với người phụ nữ hơn tuổi đó và được đều đặn ôm ấp cơ thể sống, tôi có được sự điềm tĩnh nhất định. Cảm giác chạm vào làn da mềm mại của một phụ nữ chín chắn giúp xoa dịu được phần nào sự u ám trong tôi. Ít nhất thì trong suốt thời gian làm tình với nàng, tôi có thể tạm quên đi rất nhiều câu hỏi cùng các mối bận tâm. Nhưng tôi vẫn không nghĩ ra được bất kỳ ý tưởng nào để vẽ. Thi thoảng, lúc ở trên giường, tôi lại phác họa cơ thể lõa lồ của nàng bằng bút chì. Phần lớn là tranh mang tính khiêu dâm. Lúc thì là cảnh tôi đi vào trong nàng, lúc thì là cảnh nàng ngậm cậu nhỏ của tôi. Nàng cũng vui vẻ ngắm những bức phác họa ấy, tuy hơi đỏ mặt. Nếu chụp ảnh mấy cảnh đó, phần lớn phụ nữ sẽ không thích, có ác cảm hoặc cảnh giác với người làm việc này, nhưng nếu là tranh phác họa, mà lại là phác họa đẹp thì phụ nữ lại rất thích. Vì ở đó có hơi ấm của sự sống. Chí ít thì không có sự lạnh lùng của máy móc. Nhưng dù có vẽ các
phác họa đó đẹp đến mấy thì tôi vẫn không có chút ý niệm nào về bức tranh mình thực sự muốn vẽ.
Loại “tranh trừu tượng.” mà tôi vẽ hồi sinh viên hầu như không còn hấp dẫn với tôi của hiện tại nữa. Trái tim tôi đã hết rung động với loại tranh như thế. Giờ đây, khi nhìn lại, tôi thấy những tác phẩm một thời tôi đã mê đắm chỉ là “sự theo đuổi hình thức.” Tôi của thời thanh xuân bị cuốn theo những thứ giống như vẻ đẹp bề ngoài hay sự cân bằng hình thức. Tất nhiên việc đó không xấu. Nhưng ở trường hợp của tôi, tôi đã không chạm được tới sự sâu sắc cần có. Bây giờ tôi mới thấm thía được điều này. Những gì tôi có được hồi đó chỉ là sự thú vị trong việc tạo hình ở mức độ tương đối hời hợt. Tôi chẳng nhìn ra được thứ thực sự khiến trái tim rung cảm. Cùng lắm cũng chỉ có được sự “nhạy bén.”
Tôi đã 36 tuổi. Ngưỡng bốn mươi không còn xa nữa. Là một họa sĩ, trước năm 40 tuổi, tôi phải có được một thế giới tác phẩm của riêng mình. Tôi luôn cảm thấy như vậy. Bốn mươi là một cột mốc của đời người. Vượt qua cột mốc đó, con người không thể giống như trước đó. Tôi còn 4 năm nữa. Nhưng 4 năm sẽ trôi qua trong nháy mắt. Công việc vẽ tranh chân dung để mưu sinh đã tiêu tốn của tôi phần lớn cuộc đời. Tôi phải dành thời gian cho bản thân thôi.
Kể từ khi sống ở ngôi nhà trên núi, tôi bắt đầu muốn tìm hiểu kỹ hơn về Amada Tomohiko - chủ nhân ngôi nhà. Trước đó, tôi hoàn toàn không quan tâm tới tranh truyền thống Nhật Bản nên dù có nghe đến cái tên Amada Tomohiko, dù đó là bố của bạn mình thì tôi hầu như vẫn không biết ông là
người thế nào, đã vẽ những bức tranh ra sao. Ông Amada Tomohiko là một nhân vật xuất chúng trong giới tranh truyền thống nhưng bản thân ông lại chẳng màng tới danh tiếng, có thể nói là không bao giờ xuất hiện trước công chúng, sống một cuộc đời sáng tác thầm lặng, hay nói đúng hơn lập dị. Đó là những gì tôi biết về ông.
Nhưng khi nghe bộ sưu tập đĩa nhạc của ông bằng chính bộ dàn ông để lại, đọc những cuốn sách trên giá, ngủ trên chiếc giường ông từng ngủ, hằng ngày nấu ăn trong gian bếp của ông, vào xưởng vẽ ông từng sử dụng, dần dà tôi bỗng muốn tìm hiểu về người có tên là Amada Tomohiko. Điều này có lẽ gần giống với sự tò mò. Tôi bị hấp dẫn bởi diễn biến mang tính bước ngoặt là dù trước đó theo đuổi dòng tranh hiện đại nhưng sau khi du học ở Vienna về, ông đột ngột “quay lại.” với tranh truyền thống Nhật Bản. Không biết cụ thể ra sao nhưng thông thường thì những người đã vẽ theo lối phương Tây suốt một thời gian dài không dễ gì chuyển được sang tranh truyền thống. Việc này đòi hỏi phải bỏ được hết những kỹ thuật đã mất công khổ luyện trước đó. Chưa kể còn phải bắt đầu lại từ con số 0. Ấy thế mà ông Amada Tomohiko dám chọn con đường gian khổ. Chắc phải có lý do lớn lắm.
Một hôm, trước khi đến lớp dạy vẽ, tôi ghé qua thư viện thành phố Odawara để tìm tranh của ông Amada Tomohiko. Có lẽ vì là họa sĩ sống tại địa phương nên trong thư viện có hẳn ba tập tranh của ông. Một trong số đó in cả những bức tranh hiện đại ông vẽ khi 20 tuổi để làm “tư liệu tham khảo.” Thật ngạc nhiên là loạt tranh theo phong cách phương Tây ông vẽ hồi thanh niên lại khiến tôi nhớ đến những bức “tranh trừu tượng.” trước đây của mình. Tuy phong cách không giống nhau (trước chiến tranh, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái lập thể) nhưng thái độ “hăng hái
theo đuổi hình thức.” mà tôi cảm nhận được ở tranh của ông thì phần nào giống với tôi. Đương nhiên, tranh của ông có chiều sâu và sức thuyết phục hơn tranh của tôi nhiều vì về sau ông đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Kỹ thuật của ông cũng có điểm đáng nể. Chắc chắn thời đó ông được đánh giá rất cao. Có điều, tranh của ông vẫn thiếu thứ gì đó.
Tôi ngồi vào bàn trong thư viện, quan sát thật lâu và tỉ mỉ các tác phẩm. Chúng thiếu cái gì nhỉ? Tôi không xác định được thứ đó. Tuy nhiên, nếu phải khẳng định một cách thẳng thắn thì đó là những bức tranh không có cũng không sao. Những bức tranh mà dù có biến mất vĩnh viễn cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Cách nói này có vẻ tàn nhẫn nhưng đó là sự thật. Phải nhìn từ thời điểm hiện tại, khi hơn 70 năm đã trôi qua, mới hiểu được điều đó.
Tôi lật từng trang để các ngắm các bức tranh theo từng thời kỳ kể từ khi ông “chuyển hướng.” sang tranh truyền thống. Sau thời kỳ đầu với những nét về vụng về, bắt chước thủ pháp của các họa sĩ tiền bối, dần dần ông định hình được phong cách riêng trong tranh truyền thống. Tôi lần được tuần tự dấu vết ấy. Dù đôi lúc có những thử nghiệm thất bại nhưng điều này không khiến ông nao núng. Sau khi đi theo dòng tranh truyền thống, những tác phẩm của ông có thứ gì đó chỉ riêng ông vẽ được, chính ông cũng giác ngộ được điều này. Tràn đầy tự tin, ông cứ thế tiến thẳng tới điểm cốt lõi của “thứ gì đó.” ấy. Ấn tượng “thiếu thứ gì đó.” lúc ông vẽ tranh phương Tây đã biến mất. Phải nói là ông đã “thăng hoa.” với tranh truyền thống thì đúng hơn là “chuyển hướng.”
Thời gian đầu, giống như những họa sĩ dòng tranh truyền thống bình thường khác, ông Amada Tomohiko vẽ phong cảnh, hoa lá có trong đời thực, nhưng rồi (chắc hẳn là bởi động cơ gì đó), ông chuyển sang chủ yếu về phong cảnh cổ đại của Nhật Bản. Có tranh ông lấy đề tài là thời Heian, Kamakura nhưng thời kỳ ông thích nhất là đầu thế kỷ thứ 7, tức thời của Thái tử Shotoku. Ông tái hiện rất táo bạo và chính xác phong cảnh thời đó, các sự kiện lịch sử, các hoạt động của người dân vào trong tranh. Đương nhiên ông không tận mắt chứng kiến những cảnh ấy. Nhưng có lẽ ông đã dùng trái tim để nhìn một cách sinh động. Tôi không biết vì sao ông lại chọn thời kỳ Asuka. Nhưng thời Asuka đã trở thành thế giới riêng, một phong cách đặc trưng của ông. Cùng vào thời gian này, kỹ thuật vẽ tranh truyền thống của ông đã đạt tới độ tinh xảo.
Quan sát kỹ các bức tranh sẽ thấy dường như từ một thời điểm nào đó, ông bắt đầu có thể thoải mái về bất cứ thứ gì ông muốn. Các nét vẽ của ông từ đó trở về sau như tự do nhảy múa trên nền tranh. Sự xuất sắc trong tranh của ông nằm ở các khoảng trống. Cách nói này hơi ngược nhưng chính là ở những phần không được vẽ. Chính vì ông cố tình không vẽ nên những gì ông muốn vẽ lại được thể hiện rõ ràng. Có lẽ đó là ưu điểm lớn nhất của loại tranh truyền thống. Ít nhất thì tôi chưa bao giờ thấy những khoảng trống táo bạo như thế ở dòng tranh phương Tây. Nhận ra điều này, tôi cảm giác như mình hiểu được phân nào ý nghĩa việc ông Amada Tomohiko chuyển hướng sang làm một họa sĩ tranh truyền thống. Tôi chỉ không hiểu từ lúc nào ông lại có quyết định táo bạo ấy và hiện thực hóa nó.
Tôi đọc tiểu sử của ông in ở cuối sách. Ông sinh ra ở thành phố Aso, tỉnh Kumamoto. Gia đình ông rất giàu, bố ông là một đại địa chủ thế lực ở địa phương. Từ nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa xuất chúng. Ngay
sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Tokyo (sau đổi tên thành Đại học Nghệ thuật Tokyo), với một tương lai hứa hẹn, ông lên đường sang Vienna du học từ cuối năm 1936 đến 1939. Đầu năm 1939, ngay trước khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, ông lên tàu ở cảng Bremen để về nước. Từ 1936 đến 1939 là thời gian Hitler nắm quyền tại Đức. Nước Áo bị sáp nhập vào Đức. Sự kiện sáp nhập “Anschluss.” diễn ra vào tháng Ba năm 1938. Vậy là chàng trai trẻ Amada Tomohiko đã ở Vienna vào đúng thời kỳ đại loạn này. Chắc chắn ông đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng mang tính lịch sử.
Không rõ đã xảy ra chuyện gì với ông?
Tôi đọc một bài nghiên cứu dài có tựa đề “Luận về Amada Tomohiko.” được in trong một tập tranh nhưng chỉ rút ra được kết luận là hầu như không ai biết gì về khoảng thời gian ông ở Vienna. Quãng đời làm một họa sĩ vẽ tranh truyền thống kể từ sau khi về nước của ông được phân tích cụ thể và chi tiết nhưng động cơ và hoàn cảnh của việc “chuyển hướng được cho là bắt nguồn từ thời gian ở Vienna vẫn chỉ là những ước đoán hời hợt, thiếu căn cứ, ông đã làm gì ở Vienna? Điều gì khiến ông đưa ra quyết định “chuyển hướng.” táo bạo đó vẫn còn là một ẩn số.
Ông Amada Tomohiko về nước tháng Hai năm 1939 và sống tại một căn hộ đi thuê ở Sendagi. Hình như ngay từ thời điểm này ông đã đoạn tuyệt hẳn với tranh phương Tây. Hằng tháng ông vẫn được gia đình chu cấp tiền đủ để trang trải cuộc sống. Mẹ ông là người yêu con hết mực.
Thời kỳ này hầu như ông chỉ tự mày mò học tranh Nhật Bản, Cũng có vài lần ông định theo học người khác nhưng đều không đi đến đâu. Vốn dĩ ông không phải là người khiêm tốn. Duy trì mối quan hệ thân hữu, hòa hợp với người khác không phải là thế mạnh của ông. Cứ như vậy, chủ đề xuyên suốt cuộc đời ông là “cô lập.”
Cuối năm 1941 xảy ra trận Trân Châu Cảng, Nhật Bản chính thức rơi vào tình trạng chiến tranh, ông rời Tokyo hỗn loạn và trở về quê nhà ở Aso. Là con trai thứ nên ông trốn được trách nhiệm kế nghiệp gia đình, được gia đình cấp cho một căn nhà nhỏ và một cô hầu gái để sống cuộc đời an bình hầu như không dính tới chiến tranh. Không biết may hay xui, do có dị tật bẩm sinh ở phổi nên ông cũng không lo bị gọi đi quân dịch (hoặc đó chỉ là lời giải thích ngoài mặt, có thể gia đình ông đã lo lót để ông được miễn). Ông cũng không sợ bị chết đói thảm thương như những người dân Nhật Bản bình thường. Chưa kể, vì sống sâu trong núi nên ông cũng không lo bị không quân Mỹ tấn công, trừ phi có nhầm lẫn gì lớn. Ông đã giam mình trên núi như thế mãi cho đến năm 1945, khi chiến tranh kết thúc, Chắc hẳn ông đã cự tuyệt với xã hội để toàn tâm toàn ý tự học các thủ pháp tranh truyền thống. Ông không công bố bất kỳ tác phẩm nào trong quãng thời gian này.
Là một họa sĩ tài năng, được nhiều người biết đến với tương lai hứa hẹn, lại từng du học ở Vienna nên với Amada Tomohiko, quãng thời gian hơn 6 năm im hơi lặng tiếng, bị giới văn nghệ sĩ quên lãng chắc hẳn không phải là trải nghiệm dễ dàng. Nhưng ông không phải là người dễ nhụt chí. Chiến tranh kết thúc, khi mọi người đang vật lộn đứng dậy từ mớ hỗn độn thì một Amada Tomohiko mới tái sinh đã xuất hiện trở lại trong vai trò một họa sĩ mầm non ở dòng tranh truyền thống. Ông bắt đầu công bố các tác phẩm vẽ trong thời gian chiến tranh. Thời kỳ này có rất nhiều họa sĩ nổi tiếng bị buộc phải im lặng do bị quy trách nhiệm về việc vẽ tranh cổ động trong thời chiến. Dưới sự kiểm soát của quân chiếm đóng, họ gần như phải ở ẩn. Chính vì thế mà các tác phẩm của ông thu hút được sự chú ý của công chúng, có khả năng trở thành làn sóng cách tân trong dòng tranh
truyền thống. Nói cách khác, thời đại đã đứng về phía ông. Sự nghiệp của ông sau đó cũng không có gì quá đặc biệt. Đời người sau khi thành công thường là tẻ nhạt. Tất nhiên cũng có những nghệ sĩ sau khi gặt hái được thành công liên tiến thẳng đến sự tàn lụi rực rỡ nhưng ông Amada Tomohiko thì không. Ông đạt được vô số giải thưởng (ông đã từ chối nhận Huân chương Văn hóa với lý do “bị phân tâm.” và nổi tiếng khắp cả nước. Giá tranh theo thời gian cũng tăng lên, nhiều tác phẩm được trưng bày ở địa điểm công cộng. Đơn hàng đến tới tấp. Danh tiếng vượt ra khỏi cả biên giới. Sự nghiệp hết sức thuận buồm xuôi gió. Nhưng bản thân ông thì hầu như không bao giờ xuất hiện bên ngoài. Từ chối mọi tước vị. Ông không nhận lời tham dự bất kỳ sự kiện nào, dù trong hay ngoài nước. Ông giam mình trong căn nhà trên núi (tức căn nhà tôi đang ở) và miệt mài sáng tác.
Và giờ thì ông đã 92 tuổi, đang ở trong viện dưỡng lão trên cao nguyên Izu, không còn phân biệt được sự khác nhau giữa opera và cái chảo. Tôi đóng tập tranh, để lại trên bàn quầy thư viện.
Hôm nào trời đẹp, ăn xong tôi sẽ ra ngoài ban công, nằm dài trên trường kỷ và uống vang trắng. Vừa ngắm các vì sao ở phương Nam, tôi vừa miên man nghĩ không biết có thể học hỏi điều gì từ cuộc đời của ông Amada Tomohiko. Chắc chắn là có vài điều rồi. Lòng dũng cảm thay đổi lối sống. Tầm quan trọng của việc được thời gian ủng hộ. Và hơn cả là tìm được phong cách và chủ đề sáng tác riêng. Đương nhiên việc này không đơn giản. Nhưng là một người sáng tác, bất luận thế nào cũng phải đạt được
điều đó. Nếu được thì trước tuổi 40…
Nhưng ông Amada Tomohiko đã trải qua những gì ở Vienna? Ông đã chứng kiến những cảnh tượng thế nào? Điều gì đã khiến ông vĩnh viễn từ bỏ tranh dầu? Tôi tưởng tượng ra hình ảnh lá cờ chữ thập ngoặc của Đức quốc xã tung bay trên đường phố Vienna và chàng thanh niên Amada Tomohiko đang rảo bước. Không hiểu sao lại là cảnh mùa đông. Ông mặc chiếc áo khoác dày, cổ quấn khăn, đội mũ bê rê sùm sụp. Tôi không nhìn thấy mặt ông. Chiếc xe điện lao tới từ góc đường trong cơn mưa tuyết. Hơi thở trắng xóa mang hình hài của sự im lặng phả vào không khí khi ông bước đi. Trong các quán cà phê ấm cúng, mọi người đang nhâm nhi cà phê rượu rum.
Tôi thử lồng hình ảnh Nhật Bản thời Asuka - thời kỳ mà ông về sau này - với hình ảnh thành phố Vienna cổ kính. Nhưng dù có phát huy hết cỡ trí tưởng tượng thì tôi vẫn không thể tìm thấy điểm chung giữa hai khung cảnh ấy.
Phía Tây ban công nhìn ra một thung lũng hẹp, bên kia thung lũng là dãy núi cao tương đương với bên này. Trên sườn núi có vài căn nhà nằm rải rác, bao quanh là cây cối xanh rì. Đối diện với căn nhà tôi đang ở, hơi chếch về phía bên phải có một căn nhà thiết kế hiện đại trông rất nổi bật. Căn nhà trên đỉnh núi đó được xây bằng bê tông trắng, ốp kính xanh toàn bộ, nên gọi là “dinh thự.” thì đúng hơn, toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng. Căn nhà gồm ba tầng, xây dọc theo triền núi. Chắc là do một kiến trúc sư cao cấp thiết kế. Khu này từ xưa đã có nhiều biệt thự, căn nhà hình như có
người sống quanh năm nên tối nào cũng sáng đèn. Tất nhiên cũng có khả năng đèn tự động bật theo giờ hẹn để chống trộm. Nhưng tôi đoán là không phải. Vì mỗi ngày đèn lại bật và tắt vào thời điểm khác nhau. Có hôm tất cả các cửa sổ sáng bừng lên như những cửa hàng trên phố lớn, nhưng có hôm cả căn nhà lại chìm trong bóng tối, chỉ còn mỗi ánh đèn leo lét ngoài sân.
Thi thoảng tôi cũng trông thấy có bóng người ngoài ban công (giống như trên boong tàu) hướng về nhà tôi. Tôi hay nhìn thấy bóng người đó lúc chiều xuống. Tôi không thể phân biệt được đó là đàn ông hay đàn bà. Vì bóng người đó rất nhỏ và bị ngược nắng. Nhưng từ hình dáng và cử động, tôi đoán có lẽ là đàn ông. Người đó thường chỉ có một mình. Hoặc có thể không có gia đình.
Ai là người đang sống trong căn nhà đó? Tôi mặc sức cho trí tưởng tượng bay bổng. Người đó đang sống một mình trên đỉnh núi hoang vắng này ư? Người đó đang làm công việc gì? Với dinh thự ốp kính sang trọng thế kia thì chắc người đó phải có cuộc sống nhàn nhã, phong lưu rồi. Vì đâu thể hằng ngày xuống phố đi làm từ nơi bất tiện thế này. Chắc người đó có điều kiện nên chẳng phải lo nghĩ về cuộc sống. Nhưng ngược lại, nếu nhìn từ bên đó sang bên này thì có lẽ trông tôi cũng giống một người đang tận hưởng những ngày an nhàn, vô lo. Hầu hết mọi thứ đều đẹp nếu nhìn từ xa.
Tối hôm ấy người đó cũng xuất hiện. Cũng giống như tôi, người đó ngồi trên ghế ngoài ban công, hầu như không cử động. Cũng giống như tôi, người đó đang vừa ngắm sao trên trời, vừa trầm ngâm suy nghĩ. Nghĩ về một điều mà dù trăn trở thế nào cũng không tìm ra câu trả lời. Trong mắt tôi thì là như vậy. Con người, dù ở hoàn cảnh sung sướng đến mấy cũng vẫn có chuyện phải bận tâm. Tôi khẽ nâng ly rượu lên, kín đáo gửi lời
chào thân ái tới người ở bên kia thung lũng.
Khi ấy, tôi chẳng ngờ người đó sẽ sớm bước vào cuộc đời tôi và gây ra sự xáo trộn không hề nhỏ trên con đường tôi đang đi. Nếu không có ông ta, chắc chắn tôi sẽ không gặp quá nhiều chuyện như thế này, và đồng thời nếu không có ông ta, chắc chắn tôi đã bỏ mạng tại nơi tăm tối mà không ai hay.
Sau này khi nhìn lại, tôi thấy cuộc đời của chúng tôi thật kỳ lạ. Có vô vàn sự trùng hợp ngẫu nhiên tới mức không thể tin nổi lẫn những bước ngoặt không thể ngờ tới. Nhưng khi những việc đó xảy ra, dù đã rất cẩn trọng quan sát xung quanh thì đa phần ta đều không phát hiện được yếu tố bất thường. Trong đời sống hối hả thường nhật, dường như chúng ta thấy đó là những điều hiển nhiên xảy ra một cách đương nhiên. Hoặc điều đó dường như không hợp với lẽ thường. Nhưng hợp hay không thì phải qua thời gian mới thực sự biết được.
Nhưng nói chung, dù có hợp lẽ hay không thì trong đa số các trường hợp, chỉ có kết quả mới thể hiện ý nghĩa cuối cùng nào đó. Kết quả hiển nhiên mà ai cũng thấy và có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên việc xác định nguyên nhân dẫn đến kết quả đó lại không hề đơn giản. Càng khó hơn nữa để cầm trên tay và chỉ cho người khác thấy. Song đương nhiên là phải có nguyên nhân. Chẳng có kết quả nào mà không có nguyên nhân. Giống như không thể có món trứng ốp la nếu không đập trứng. Tương tự như hiệu ứng domino, đầu tiên một quân cờ (nguyên nhân) đổ vào quân bên cạnh (nguyên nhân), quân này lại tiếp tục đổ vào quân bên cạnh (nguyên nhân).
Khi chuỗi phản ứng này kéo dài thì ta không còn biết vốn dĩ nguyên nhân xuất phát từ đâu. Hoặc ta sẽ mặc kệ. Hoặc chẳng ai muốn biết nữa. Câu chuyện sẽ khép lại bằng câu “Rút cuộc thì rất nhiều quân domino đã đổ ào ào.” Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây có lẽ cũng theo một tiến trình giống vậy.
Nhưng thứ tôi phải kể ra trước tiên, nói cách khác, hai quân domino tôi phải đưa ra đầu tiên là người hàng xóm bí ẩn sống ở bên kia thung lũng và bức tranh có tựa đề Giết chi huy đội kỵ sĩ. Tôi sẽ kể về bức tranh trước.
5
Hơi thở đã tắt, chân tay đã lạnh
Khi tới sống ở căn nhà đó, điều kỳ lạ đầu tiên tôi nhận thấy là trong nhà không có bất cứ thứ gì có thể gọi là tranh. Không chỉ trên tường mà cả trong kho lẫn trong tủ đều không có, dù chỉ là một bức. Không chỉ tranh của ông Amada Tomohiko mà tranh của họa sĩ khác cũng không. Các bức tường hoàn toàn trống trơn. Thậm chí còn không có cả dấu đinh treo tranh. Theo tôi biết thì bất cứ họa sĩ nào cũng có tranh, dù ít hay nhiều. Tranh của mình hoặc tranh của họa sĩ khác. Chẳng biết từ lúc nào xung quanh mình toàn tranh là tranh. Giống như tuyết cứ dày thêm dù ta đã xúc bớt đi.
Một hôm có việc gọi cho anh Masahiko, tôi hỏi luôn chuyện này. Rằng vì sao trong nhà lại không có bức tranh nào? Có phải ai đó đã lấy đi hoặc từ trước đến giờ vẫn vậy không?
“Bố tôi không thích giữ lại tranh mình vẽ.” Anh Masahiko nói. “Vẽ xong bức nào là ông gọi đại lý tới lấy ngay. Bức nào chưa ưng ý thì ông đốt luôn ở cái lò ngoài sân. Thế nên chẳng có gì lạ khi bố tôi không còn bức tranh nào.”
“Ông cũng không giữ tranh của tác giả khác sao?”
“Cũng có bốn, năm bức. Của Henri Matisse, Georges Braque. Tất cả đều là các bức nhỏ, ông mua ở châu Âu trước chiến tranh. Ông mua từ người quen nên lúc mua giá không cao lắm. Tất nhiên bây giờ thì giá khá cao rồi. Khi bố tôi vào viện dưỡng lão, tôi đã gửi một đại lý thân thiết giữ giúp. Vì đâu thể để lại trong căn nhà không người ở được. Chắc giờ chúng đang được bảo quản trong kho có điều hòa. Ngoài mấy bức tranh đó thì tôi
chưa từng thấy có bức tranh nào trong nhà. Thực tế bố tôi không ưa gì người trong giới. Đương nhiên người trong giới cũng chẳng ưa gì bố tôi. Nói theo nghĩa tích cực thì bố tôi là con sói đơn độc, còn theo nghĩa tiêu cực thì là kẻ ngoài rìa.”
“Bố anh ở Vienna từ năm 1936 đến 1939 nhỉ?”
“Ừ, khoảng 2 năm. Nhưng tôi không biết vì sao lại là Vienna vì hầu hết những họa sĩ bố tôi thích đều là người Pháp.”
“Và sau khi trở về từ Vienna, ông đã đột ngột chuyển hướng sang tranh truyền thống.” Tôi nói. “Không biết điều gì đã khiến bố anh đưa ra quyết định lớn như vậy. Có chuyện gì đặc biệt xảy ra với bố anh hồi ở Vienna chăng?”
“Ừm, chuyện đó vẫn còn là ẩn số. Vì bố tôi chẳng kể gì mấy về quãng thời gian ở Vienna. Thi thoảng ông cũng kể cho tôi mấy chuyện linh tinh kiểu như vườn bách thú Vienna, đồ ăn, nhà hát. Nhưng chuyện về bản thân thì bố tôi rất kín kẽ. Tôi cũng không dám hỏi. Tôi gần như không sống cùng bố, hiếm lắm mới gặp. Ông giống như một người họ hàng thỉnh thoảng ghé thăm hơn là bố. Từ khi vào cấp 2, tối tránh tiếp xúc với bố vì thấy phiền phức. Lúc thi vào trường mỹ thuật tôi cũng không hỏi ý kiến ông. Hoàn cảnh gia đình tôi tuy không đến nỗi phức tạp nhưng cũng không thể gọi là bình thường được. Chắc cậu cũng hiểu cảm giác đó?”
“Cũng sơ sơ.”
“Dù sao thì giờ này ký ức về quá khứ của bố tôi đã tiêu tan hết rồi. Hoặc đang chìm sâu dưới đáy đầm lầy nào đó. Có hỏi thế nào cũng không nhận được hồi đáp. Bố tôi còn chẳng biết tôi là ai. Có khi ông cũng chẳng biết mình là ai. Có những chuyện lẽ ra tôi nên hỏi trước khi bố tôi thành ra thế này. Tôi đã nghĩ thế. Nhưng giờ thì muộn rồi.”
Anh Masahiko im lặng như nghĩ ngợi nhưng rồi anh nói ngay: “Mà sao cậu lại muốn biết thế? Có điều gì khiến cậu bỗng dưng quan tâm đến bố tôi à?”
“Không, không phải vậy.” Tôi nói. “Chỉ là khi sống căn nhà này, em cảm nhận thấy hình bóng của bố anh khắp nơi. Vì thế mà em đã đến thư viện tìm hiểu một chút về bố anh.”
“Hình bóng của bố tôi?”
“Kiểu như dư âm của sự tồn tại.”
“Cậu không thấy sợ à?”
Tôi lắc đầu bên máy điện thoại. “Không, em chẳng sợ gì cả. Chỉ là dường như hình bóng của người tên Amada Tomohiko vẫn còn hiện diện ở đây. Trong không khí.”
Anh Masahiko lại suy nghĩ một lúc rồi nói. “Vì bố tôi đã sống ở đó nhiều năm, làm việc cũng nhiều nữa. Có lẽ hình bóng vẫn còn ở đó. Nói thật, cũng vì thế mà tôi ít dám đến đó một mình.”
Tôi im lặng nghe anh nói.
“Hình như tôi từng nói với cậu rồi, Amada Tomohiko với tôi chỉ là một ông già trái tính trải nết, hay cáu bẳn. Lúc nào cũng ở lì trong xưởng, vẽ tranh với khuôn mặt khó đăm đăm. Kiệm lời, chẳng biết trong đầu đang nghĩ gì. Khi còn sống cùng nhà với ông, tôi luôn bị mẹ nhắc là “không được làm phiền khi bố làm việc. Tôi không được chạy lung tung, cũng không được nói to. Có thể bên ngoài ông là người nổi tiếng với những nét về tài ba nhưng với đứa con nhỏ, ông chỉ đem lại phiền phức. Kể từ khi tôi theo ngành mỹ thuật thì bố trở thành gánh nặng lớn. Mỗi lần xưng tên là tôi lại bị hỏi có họ hàng với Amada Tomohiko không. Đến mức tôi còn định đổi cả tên. Nhưng giờ ngẫm lại thì ông không xấu đến thế. Chắc hẳn
ông cũng muốn thương con theo cách của riêng ông. Nhưng ông không phải kiểu người yêu con một cách mù quáng. Mà thôi, biết làm sao được. Vì với ông, hội họa mới là nhất. Nghệ sĩ thường như vậy.” “Có lẽ thế.” Tôi nói.
“Tôi thì khó trở thành nghệ sĩ.” Anh Masahiko thở dài. “Có lẽ điều tôi học được từ bố chỉ có vậy.”
“Có lần anh kể là bố anh hồi trẻ khá chơi bời phóng túng?” “Ừ, khi tôi lớn thì không thấy vậy nhưng nghe nói hồi trẻ bố tôi chơi bời lắm. Ông cao ráo, đẹp trai, con nhà giàu, lại có tài hội họa nữa. Phụ nữ bu vào cũng đúng thôi. Mà bố tôi cũng mê phụ nữ. Có lần ông gây rắc rối đến nỗi gia đình phải bỏ tiền để dẹp yên. Nhưng họ hàng nhà tôi nói hình như con người ông đã thay đổi từ sau khi đi du học về.”
“Con người thay đổi?”
“Sau khi về lại Nhật, bố tôi không còn đi chơi bên ngoài nữa mà chỉ ở nhà chú tâm vào vẽ tranh. Việc giao tiếp với người khác cũng xấu đi thậm tệ. Trở về Tokyo, ông sống đơn độc suốt một thời gian dài nhưng khi có thể kiếm sống bằng việc vẽ tranh, bất thình lình ông chuyển về quê và cưới một người họ hàng xa. Cứ như để kết sổ thu chi cuộc đời vậy. Ông kết hôn khá muộn. Sau đó thì sinh được tôi. Tôi không rõ sau khi kết hôn ông có lăng nhăng bên ngoài không. Nhưng ít ra thì không thấy ông chơi bời lộ liễu nữa.”
“Một sự thay đổi lớn.”
“Ừ. Nhưng bố mẹ ông thì lại rất vui với sự thay đổi này. Vì họ không còn bị phiền nhiễu bởi chuyện gái gú của ông nữa. Nhưng đã có chuyện gì xảy ra với ông ở Vienna, vì sao ông lại từ bỏ tranh hiện đại để chuyển sang tranh truyền thống thì họ hàng không ai biết. Về chuyện này, miệng bố tôi
ngậm kín như con hàu dưới đáy biển vậy.”
Và giờ đây, dù có cậy vỏ con hàu ra thì bên trong cũng đã trống rỗng. Tôi cảm ơn anh Masahiko rồi cúp máy.
Việc tôi phát hiện ra bức tranh có cái tên kỳ lạ Giết chỉ huy đội kỵ sĩ của ông Amada Tomohiko xảy ra hết sức tình cờ.
Chuyện là ban đêm, thi thoảng tôi lại nghe thấy có tiếng sột soạt trên gác mái phòng ngủ. Thoạt đầu tôi nghĩ là chuột hoặc sóc chui vào mái nhà. Nhưng âm thanh đó hoàn toàn khác với tiếng chân của loài gặm nhấm. Cũng không phải tiếng rắn trườn. Nó giống như tiếng vò giấy dầu bằng tay. Tuy không ồn đến mức mất ngủ nhưng vẫn khiến tôi lo sợ có thứ gì đó đáng ngờ ở trong nhà. Biết đâu là loài vật gây hại cho căn nhà.
Sau khi tìm khắp nơi, tôi phát hiện trên nóc tủ quần áo trong phòng ngủ dành cho khách có một lỗ dẫn lên gác mái, Miệng lỗ hình vuông, mỗi chiều rộng chừng 80 xăng ti mét. Tôi lấy thang nhôm từ nhà kho ra, tay cầm đèn pin, leo lên thang để mở miệng lỗ. Tôi rón rén thò đầu lên và nhìn quanh. Gác mái rộng hơn tôi tưởng và rất tốt. Hai bên có cửa thông gió nhỏ, ánh sáng bên ngoài hắt vào leo lét. Tôi rọi đèn pin khắp mọi ngõ ngách nhưng không tìm thấy gì. Ít nhất là không thấy thứ gì chuyển động. Tôi lấy can đảm leo hẳn lên gác mái.
Không khí hơi bụi bặm nhưng không đến mức khó chịu. Trên này thông gió có vẻ tốt nên sàn nhà không bị bám bụi nhiều. Có mấy thanh dầm lớn thấp chạm đỉnh đầu nhưng chỉ cần chú ý là vẫn đi lại được bình thường. Tôi thận trọng bước về phía trước, kiểm tra hai cửa thông gió, Cả
hai đều được chăng lưới thép để không cho động vật bên ngoài chui vào nhưng lưới bên cửa phía Bắc bị thủng một lỗ. Có thể do cái gì đó vướng vào làm thủng. Hoặc con vật nào đó cố tình phá ra để vào bên trong. Nhưng dù sao thì ở đó cũng có một cái lỗ vừa đủ cho một con vật nhỏ thoải mái chui vào.
Rồi tôi nhìn thấy kẻ chủ mưu gây ra tiếng động. Kẻ đó đang nấp trong bóng tối, trên một thanh dầm. Một con cú đại bàng nhỏ màu xám. Con cú hình như đang ngủ. Tôi tắt đèn pin, lùi lại để tránh làm con cú hoảng sợ và lặng lẽ quan sát. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn một con cú đại bàng ở khoảng cách gần. Trông nó giống con mèo có cánh hơn là một con chim. Một sinh vật xinh đẹp.
Chắc ban ngày con cú nghỉ ngơi ở đây, đến đêm thì chui ra ngoài qua cửa thông gió để vào núi kiếm mồi. Tiếng động lúc nó chui ra đã khiến tôi tỉnh giấc. Nó không gây hại gì. Vả lại, có con cú, tôi không lo chuột hay rắn chui vào làm tổ. Cứ để nó ở đây. Tôi bỗng thấy quý mến con cú một cách rất tự nhiên. Chúng tôi ngẫu nhiên cùng mượn và cùng dùng chung căn nhà này. Cứ để nó ở trên gác mái như nó muốn. Tôi quan sát con cú một lúc rồi nhẹ nhàng rời đi. Đúng lúc chui xuống thì tôi nhìn thấy một cái bọc lớn ở cạnh miệng lỗ.
Mới nhìn thì không thể đoán được đó là bức tranh được bọc lại. Cái bọc cao khoảng một mét, dài cỡ mét rưỡi. Bức tranh được bọc kín bằng giấy nâu và buộc nhiều lần dây. Ngoài cái bọc ra thì trên gác mái không có bất kỳ thứ gì khác. Ánh nắng leo lét rọi vào qua cửa thông gió, con cú xám ngủ trên thanh dầm, một bức tranh bọc kín dựng cạnh tường. Sự kết hợp này có gì đó vừa mê hoặc vừa dị thường.
Tôi cẩn thận cầm cái bọc lên. Không nặng. Chỉ nặng cỡ bức tranh
được lồng vào loại khung đơn giản. Một lớp bụi mỏng bám trên giấy bọc. Chắc từ lâu rồi không được ai ngó ngàng tới. Có một bảng tên nhỏ gắn vào sợi dây buộc bằng kẽm. Trên bảng tên là dòng chữ Giết chỉ huy đội kỵ sĩ được viết bằng bút bi xanh. Nét chữ rất ngay ngắn. Chắc đó là tên của bức tranh.
Lẽ dĩ nhiên, tôi không biết vì sao lại có một bức tranh để trên gác mái như thể muốn giấu đi này.
Tôi thử suy nghĩ. Đúng phép tắc nhất là để nguyên hiện trạng. Đây là nhà của ông Amada Tomohiko, bức tranh đó chắc chắn là thuộc sở hữu của ông (có thể còn do chính ông vẽ), vì lý do cá nhân nào đó mà ông phải giấu đi để người khác không thấy. Nếu vậy thì tôi cứ để nguyên bức tranh đó trên gác mái cùng với con cú đại bàng, tránh làm việc không nên. Đây không phải chuyện của tôi.
Biết là vậy nhưng tôi vẫn không ngăn nổi cảm giác tò mò đang trỗi dậy. Dòng chữ Giết chỉ huy đội kỵ sĩ (có vẻ) là tên của bức tranh đặc biệt thu hút tôi. Đây là bức tranh gì? Vì sao ông Amada Tomohiko lại buộc phải giấu bức tranh - và chỉ mỗi bức tranh đó - trên gác mái?
Tôi cầm bức tranh lên, ước lượng xem có đưa lọt được qua cửa gác mái không. Xét về lý thuyết thì không có chuyện mang lên được mà lại không mang xuống được. Chưa kể chỉ có một lối duy nhất lên gác mái. Nhưng tôi vẫn cứ thử. Đúng như tôi nghĩ, bức tranh vừa đủ lọt qua cái lỗ vuông theo đường chéo. Tôi tưởng tượng ra cảnh ông Amada Tomohiko mang bức tranh lên gác mái. Chắc lúc đó ông chỉ có một mình và đang giữ một bí mật trong lòng. Cảnh đó hiện ra sống động như thể chính mắt tôi đã chứng kiến.
Chắc ông Amada Tomohiko sẽ không giận nếu biết tôi mang bức
tranh này ra khỏi gác mái. Nhận thức của ông đang nằm sâu trong vùng hỗn độn, nếu mượn lời của con trai ông thì là “không thể phân biệt được opera và chảo.” Sẽ không có chuyện ông quay lại căn nhà này. Chưa kể, nếu cứ để bức tranh trên gác mái có cửa lưới thông gió bị thủng thế kia thì sẽ có ngày bức tranh bị chuột hoặc sóc gặm nhấm. Hoặc là bị mối ăn. Nếu đây là bức tranh do ông Amada Tomohiko vẽ thì sẽ là mất mát không nhỏ về mặt văn hóa.
Tôi thả cái bọc xuống nóc tủ, khẽ vẫy tay chào con cú vẫn ngủ say trên thanh dầm rồi tụt xuống, đóng cái lỗ lại.
Nhưng tôi không mở cái bọc ngay. Suốt mấy ngày, tôi chỉ dựng cái bọc màu nâu đó cạnh tường xưởng vẽ. Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà và ngắm cái bọc. Tôi không tài nào quyết định được có nên mở cái bọc hay không. Dù sao đó cũng là đồ của người khác, hoàn cảnh thuận lợi đến mấy thì tôi vẫn không có quyền mở. Nếu muốn mở, ít nhất tôi phải xin phép con trai ông là anh Masahiko. Nhưng không hiểu sao tôi lại không muốn cho anh Masahiko biết về sự tồn tại của bức tranh. Tôi có cảm giác như đây là vấn đề cá nhân, chỉ giữa tôi và ông Amada Tomohiko. Tôi không thể giải thích được vì sao tôi lại có ý nghĩ kỳ lạ như vậy. Nhưng đúng là tôi cảm thấy thế.
Sau khi ngắm gần thủng (thứ giống như) bức tranh được bọc cẩn thận và cân nhắc kỹ càng, tôi quyết định mở nó ra. Trí tò mò của tôi ngang bướng hơn nhiều cảm giác muốn tôn trọng nghi lễ và phép tắc. Tôi không thể phân định được đó là sự tò mò về mặt nghề nghiệp hay chỉ đơn thuần là sự tò mò mang tính con người. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng không thể
không xem bên trong. Tôi đã quyết tâm, bất chấp cả việc có người chỉ tay cảnh cáo từ phía sau. Tôi cầm kéo tới cắt chỗ dây được buộc chặt. Cắt xong thì bóc lớp giấy nâu. Tôi bóc chậm và cẩn thận phòng trường hợp cần bọc lại.
Bên dưới lớp giấy nâu được bọc nhiều lần là một bức tranh được lồng khung đơn giản và được quấn bằng vải trắng mềm như quần áo chẽn. Tôi từ từ gỡ lớp vải ra. Nhẹ nhàng và cẩn thận như gỡ gạc băng bó cho người bị bỏng nặng.
Đúng như tôi đoán, hiện ra dưới lớp vải trắng là một bức tranh truyền thống khổ thường. Một bức hình chữ nhật nằm ngang. Tôi đặt bức tranh lên kệ và hơi lùi lại để ngắm.
Không nghi ngờ gì nữa, đây đích thị là tác phẩm của ông Amada Tomohiko. Bức tranh được vẽ với thủ pháp đặc trưng và phong cách không thể lẫn với ai khác. Các khoảng trống táo bạo, bố cục động. Bức tranh vẽ đàn ông và phụ nữ thời Asuka. Trang phục và kiểu tóc cũng của thời đó. Có điều, bức tranh ấy khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Vì nó bạo lực đến nghẹt thở.
Theo tôi biết thì ông Amada Tomohiko hầu như không về loại tranh bạo lực. Có thể nói là chưa bao giờ. Phần lớn tranh ông vẽ đều yên ả, thanh bình, gợi cảm giác hoài hương. Cũng có bức ông vẽ về sự kiện lịch sử nhưng con người ở đó bị lẫn vào trong bối cảnh. Giữa thiên nhiên trù phú thời cổ đại, con người nằm trong một cộng đồng gắn bó mật thiết, tôn trọng sự hòa hợp. Nhiều bản ngã bị gộp chung vào ý nguyện của cộng đồng hoặc vào một số mệnh êm ả. Vòng tròn thế giới lặng lẽ khép lại. Một thế giới như vậy có lẽ là không tưởng đối với ông. Ông đã về thế giới cổ đại ấy từ nhiều góc độ và quan điểm khác nhau. Nhiều người gọi phong
"""