"
Giáo Dục Nhi Đồng - Lê Văn Khoa full mobi pdf epub azw3 [Tham Khảo]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giáo Dục Nhi Đồng - Lê Văn Khoa full mobi pdf epub azw3 [Tham Khảo]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : GIÁO DỤC NHI ĐỒNG
Tác giả : LÊ VĂN KHOA
Nhà xuất bản : THỜI TRIỆU
Năm xuất bản : 1970
------------------------
Nguồn sách : scmn-vietnam.blogspot.com
Đánh máy : thefrog_prince, hangdtv, quansu62, trungnamdoan, hangdtv, Nhok_Kira
Kiểm tra chính tả : Tô Thuý Nga
Biên tập ebook : Nguyễn Xuân Huy, Thư Võ Ngày hoàn thành : 12/12/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
TỰA
I. GIA ĐÌNH
* Chừng nào ba má mới hiểu con ? II. SÁU NĂM ĐẦU TIÊN
* Lời tự thú
III. TẬP THÓI QUEN TỐT
IV. MỘT VÀI THÓI XẤU CỦA TRẺ 1) Trẻ gây gổ
2) Trẻ phá hoại
3) Nói dối
4) Ăn cắp
V. KỶ LUẬT ĐỐI VỚI TRẺ CON
VI. CHẾ NGỰ NỖI SỢ CỦA TRẺ CON * Sợ chết
VII. GIÁO DỤC TÍNH DỤC
* Cái hại của kém hiểu biết
VIII. CHUẨN BỊ VÀO HỌC ĐƯỜNG IX. HỌC ĐƯỜNG VÀ GIÁO DỤC 1) Vườn trẻ
2) Buổi học đầu tiên
3) Chọn trường
X. COI CHỪNG CON TRẺ LẮNG TAI NGHE XI. ẢNH HƯỞNG CỦA SÁCH BÁO 1) Dưới bốn tuổi
2) Từ 4 đến 6 tuổi
XII. ẢNH HƯỞNG CỦA TI VI XIII. SỨC MẠNH CỦA CÂU CHUYỆN 1) Thâu phục cảm tình
2) Duy trì kỷ luật
3) Gợi ý thích
4) Thưởng thức tác phẩm mỹ thuật 5) Những chuyện không nên kể
LÊ VĂN KHOA
GIÁO DỤC NHI ĐỒNG
Với phụ bản nhiếp ảnh của : Nguyễn Thanh Xuân
Lai Hữu Đức
Lê Anh Tài
Lê Văn Khoa
Thuộc tủ sách giáo dục gia đình của Nhà xuất bản THỜI TRIỆU 373 VÕ DI NGUY, PHÚ NHUẬN SAIGON
In lần thứ nhứt 10.500 quyển
In lần thứ nhì 10.300 quyển
In lần thứ ba 5.500 quyển
In lần thứ tư 5.500 quyển
BÌA VÀ NỘI DUNG IN OFFSET TẠI THỜI TRIỆU ẤN QUÁN SỐ 373, ĐẠI LỘ VÕ DI NGUY, PHÚ NHUẬN, SAIGON
GIẤY PHÉP SỐ 2564/BTT/PHNT
CẤP NGÀY 16-6-1970
TỰA
Vào một chiều mưa gió tơi bời ở Thủ đô, ông LÊ VĂN KHOA đến thăm tôi tại văn phòng Trung Tâm Nhân Xã. Từ trước theo dõi hoạt động của ông chớ tôi chưa được hân hạnh quen biết ông nhiều. Gặp gỡ nầy là lần thứ ba. Sau khoảng vài mươi phút hàn huyên hỏi thăm về sinh hoạt văn nghệ, ông LÊ VĂN KHOA đưa cho tôi coi bản thảo cuốn Giáo Dục Nhi Đồng của ông và có nhã ý mượn tôi viết lời tựa. Tôi ngạc nhiên. Tên tuổi ông thì ông tự giới thiệu từ lâu rồi qua những thành tích và những hoạt động của ông.
Trong Thế Giới Tự Do, tập XVII, số 4, trang 11-12 thấy viết : « Từ năm 1963 đến nay, anh đã dự tất cả tám cuộc thi nhiếp ảnh lớn nhỏ trong nước và đã từng hai lần giữ giải Danh Dự liên tiếp 1966-1967, ba huy chương vàng, hai huy chương bạc, bảy huy chương đồng và mười bằng tưởng lệ… Ngoài bộ môn nhiếp ảnh LÊ VĂN KHOA còn tham gia nhiều hoạt động khác… Hai nhạc phẩm Hùng Tiến và Đoàn Thanh Niên do anh sáng tác đã trúng giải trong cuộc thi sáng tác âm nhạc 1955 do Bộ Thông Tin tổ chức… Anh cũng là tác giả các sách giáo dục như Vệ Sinh Thường Thức, Đức Dục Thực Hành… Giáo Dục Nhi Đồng… Anh cũng là chủ bút tập Gia Đình và Giáo Dục và phụ trách phần nhi đồng trên đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam ».
Đọc qua mấy dòng trên của tạp chí Thế Giới Tự Do tất bạn thấy tôi sẽ làm một việc thừa nếu đề tựa để giới thiệu ông. Không. Tôi không có ý đó. Tôi biết ông LÊ VĂN KHOA
vì cảm tình nên trước khi cho tái bản cuốn Giáo Dục Nhi Đồng cho tôi cái danh dự đọc trước bản thảo được sửa chữa cẩn thận của ông. Trong đời cầm bút, được một vài bạn nghĩ đến mình như vậy là ngàn vàng rồi hả bạn ? Biết được hảo ý của ông thế là tôi bỏ ra một buổi đọc hết 155 trang đánh máy.
Sách ông viết công phu. Phần lý luận phân tích tâm lý được yểm trợ bằng phần kinh nghiệm phong phú và nhiều gương danh nhân làm cho cả hai phần cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối.
Nhìn toàn diện cuốn Giáo Dục Nhi Đồng, bằng con mắt tổng hợp, người ta thấy ông LÊ VĂN KHOA dung hòa khéo léo hai phương pháp giáo dục mà những nhà giáo dục gọi là nhu dục và cương dục.
Nhu dục dựa trên thông cảm tâm lý. Cương dục dựa trên uy quyền kỷ luật. Nhờ nhu dục tâm lý trẻ con tự do cởi mở, rộng rãi phát triển. Nhờ cương dục con trẻ trưởng thành trong kỷ luật và các tình dục xấu, các quái tật bị kiềm hãm, bài trừ.
Giữa rừng sách hiện nay thứ thì lạc hướng, thứ thì đầu độc, thứ lại lòe loẹt biểu diễn, thứ khác mất gốc, vọng ngoại, cuốn Giáo Dục Nhi Đồng là một tối thiểu cố gắng xây dựng. Dung lượng nó không bề bộn mà nó là một tác phẩm có sức nặng về phẩm. Nó đáng được chỗ danh dự trong những tủ sách gia đình. Nó sẽ thay thế phụ huynh chuẩn bị cho thế hệ ngày mai những mầm non, những cuộc đời đang
lên sống có lý tưởng, làm việc có phương pháp và dám dấn thân cho đại cuộc.
Vì những đặc điểm đó tác phẩm của ông LÊ VĂN KHOA quả thực là một tác phẩm không chỉ đọc một lần mà là sách gối đầu giường cho những ai có sứ mệnh rèn người cho ngày càng người thêm.
HOÀNG XUÂN VIỆT
Trung Tâm Nhân Xã
2, Nguyễn văn Thinh, Saigon
I. GIA ĐÌNH
Thượng Đế ngưng mọi công việc sáng tạo sau khi tạo dựng xong người nam và người nữ đầu tiên theo hình thể Ngài. Với lòng yêu thương vô lường. Ngài ban cho con người quyền năng sáng tạo, để chính họ sẽ tạo nên những sinh vật theo hình thể họ. Rồi họ phải giáo hóa những sinh vật do mình « tạo nên » để chúng cũng theo đường lối họ đã đi, tức đường lối mà chính Thượng Đế đã đích thân chỉ điểm họ thuở ban đầu.
Do sự khôn ngoan tuyệt vời mà Đấng Tạo Hóa sắp đặt cho đứa bé ra đời trong vòng tay vững chắc của người cha và lòng yêu thương bao la của người mẹ. Đứa bé hiện diện trong gia đình như một nguồn vui thỏa, một sứ giả của bình an và tình yêu, là móc nối của thiên đàng và nhân thế, là chốn ngơi nghỉ của thể xác, là niềm an ủi của tâm hồn bối rối. Nhưng đó chỉ là một sinh vật nhỏ bé, vô dụng, hoàn toàn lệ thuộc vào sự nuôi dưỡng của cha mẹ để sống từng phút một ; còn tương lai cốt cách của nó cũng đều phó thác vào sự khuôn đúc của song thân. Vì vậy nếu sự nuôi dưỡng không khéo, dạy dỗ không thông suốt, cha mẹ tạo nên tai hại lớn chẳng những riêng cho đứa bé, mà cho cả gia đình và xã hội nữa.
Sự giáo dục là điều cốt yếu của con người trong bất cứ thời đại nào. Con người khi vừa ra khỏi bàn tay của Đấng Tạo Hóa là một sinh vật hoàn toàn thánh khiết trong cả mặt thể, trí, đức, tâm. Dẫu thế Ngài vẫn đặt họ vào học đường.
Đó là một học đường thiên nhiên, tức vườn Phước Hựu, và chính Ngài, Đấng tạo nên họ, làm giáo sư để chỉ dạy họ từng điểm một. Ngày nay gia đình là học đường đầu tiên của con trẻ, và cha mẹ lại thay mặt cho Đấng Tạo Hóa để chỉ dạy, hướng dẫn con cái mình.
Những bài học đầu tiên ở trong gia đình tuy âm thầm nhưng lại có năng lực quyết định mãnh liệt, và sẽ làm hướng dẫn viên chân chính trong cuộc đời đứa bé. Bà Ellen G. White ghi nơi trang 21, quyển sách Child Guidance như vầy :
« Một trách nhiệm vô cùng quan trọng đã được phó thác cho cha mẹ, là phải dạy dỗ con cái họ thế nào để khi ra đời chúng sẽ làm lợi chớ không làm hại những kẻ chúng giao tiếp ».
Ngày ấy có biết bao nhiêu cơ quan, bác sĩ, nhà giáo dục sẵn sàng giúp đỡ các bậc làm cha mẹ những ý kiến và phương pháp tân kỳ để nuôi dưỡng và giáo hóa con trẻ nên người hữu ích trong xã hội xô bồ hiện đại. Tuy nhiên chính cha mẹ chịu trách nhiệm trong việc giáo hóa con cái mình, vì cha mẹ là người gần gũi chúng nhứt trong những năm đầu tiên của đứa bé, là thời kỳ chúng sẵn sàng đón nhận mọi lời chỉ dạy dầu phải hay quấy, dầu có lợi hoặc có hại cho cuộc đời chúng sau nầy.
Cha mẹ phải giáo huấn con trẻ ở mặt thể xác cũng như trí tuệ, ở sự khéo léo và tháo vát của tay chân ; đào luyện cả tính nết, nếp sống tình cảm, ý hướng của tâm hồn để
bảo tồn sự trong trắng nguyên thủy như ý định của Đấng Tạo Hóa từ buổi ban đầu.
Bản năng làm cha mẹ tiềm ẩn trong buổi thiếu thời của người nam và người nữ vùng dậy mãnh liệt theo sự xuất hiện của sinh vật nhỏ bé vốn là khí huyết của hai người, đồng thời một tình yêu mới tràn ngập trong lòng họ khiến họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để dưỡng dục đứa bé. Nhưng tình yêu bao la kia nếu cứ tuôn chảy mà thiếu hướng dẫn, không hạn chế, kém suy xét, không phải lúc nào cũng có lợi cho đứa bé.
Bà Elise Sommer trong quyển Autour du Berceau, có nói : « Yêu thái quá bao giờ cũng có hại cho kẻ được yêu và cả những người lân cận kẻ ấy nữa ». Tình yêu của cha mẹ đối với con cái tuy không thể sánh bằng nhưng cũng có thể dùng đó để hiểu tình yêu của Đấng Tạo Hóa đối với nhân loại. Ngài hy sinh mọi sự. Ngài khuyên mời, chỉ dạy, răn phạt và luôn luôn kiên nhẫn trong việc uốn nắn cho con người có được bản tánh như Ngài vốn có. Tuy Đấng Tạo Hóa giàu lòng bác-ái, nhưng Ngài cũng là Đấng công bình tuyệt đối. Bởi vậy trong việc dạy trẻ thơ, ngoài tình yêu, cha mẹ còn cần phải thật công bình trong việc thưởng phạt để duy trì tôn ti trật tự trong gia đình và làm gương mẫu cho trẻ noi theo.
Chúng ta đều biết sự thiên vị dễ gây nên bất mãn, từ bất mãn đưa qua bất phục, bất kính, chừng đó vòng thân ái gia đình đã bị rạn nứt, nghĩa tương trợ không còn nồng nàn, và một mối thâm thù ngấm ngầm manh nha trong lòng con cái. Trẻ con không còn thấy không khí gia đình là nơi lý
tưởng để chúng tìm về. Đứa trẻ bị đối xử bất công âm thầm sống trong cô đơn.
Phần lớn cha mẹ đối xử với con cái tùy theo lượng thương yêu của họ đối với chúng, và ngược lại đứa trẻ nào làm cho họ vui thích hơn, sẽ được ưu đãi đặc biệt. Có gia đình thích con gái hơn, gia đình khác thì ngược lại. Có người quá nuông chiều đứa con nhỏ nhứt và không ngó ngàng tới những đứa con khác lớn hơn. Trai hay gái, lớn hay nhỏ đều hoàn toàn không phải do ý muốn và sự lựa chọn của đứa bé khi nó ra đời. Ngay cả cha mẹ cũng không kiểm soát được khi tạo ra nó thì làm sao trách nó không ra đời đúng theo sở thích của mình.
Có người nêu câu hỏi : Chúng ta có yêu thương mấy đứa con bằng nhau không ? Trong một ý nghĩa nào đó thì người ta có thể đáp rằng có, nhưng xét cho cùng thì đó là việc vượt quá phạm vi khả năng của con người. Nếu cần, cha mẹ có thể hy sinh đến mức vô lý cho tất cả các đứa con của mình, để chúng được thành đạt. Tình yêu vẫn tuôn tràn qua con cái dầu con mình đã lớn, đã có gia đình riêng, cũng chưa thoát khỏi vòng bảo bọc chăm sóc của cha mẹ. Ít có cha mẹ nào không một chút tình thương đối với con mình.
Nhưng xét nghĩa yêu thương qua sự vui thích, tán thưởng, đề cao phẩm chất nào đó của con cái mình, thì không thể nào có sự ngang nhau giữa hai hay nhiều đứa con được. Có những bà mẹ ưu đãi một đứa con nào đó hơn đứa khác vì nó gần gũi với bà nhiều hơn, luôn luôn quấn quít cạnh bà, hay nó gợi lại hình ảnh thân yêu nào đó của một người thân khuất bóng. Đối với những đứa bé như vậy,
dầu nó có phạm lỗi lầm nào cũng được tha thứ dễ dàng. Như vậy là có sự bất công trong việc đối xử với con cái rồi. Đứa trẻ tuy không nói ra, nhưng nó nhìn thấy rõ lắm sự bất công ấy. Đứa được ưu đãi thì càng thêm nhõng nhẽo, vòi vĩnh đủ thứ. Riêng đứa không được may mắn kia lại âm thầm đau khổ.
Trẻ con đứa nào cũng muốn được thương yêu hơn hết. Người lớn chúng ta cũng vậy, cho nên đừng vội trách trẻ con. Nếu ông chủ sở khen ta làm việc giỏi hơn hết, chắc chắn ta rất sung sướng và hãnh diện ngầm. Nếu một người bạn khen ta ăn ở cũng giống y như một người bạn khác, hẳn ta thấy lời khen nầy bớt giá trị và ngấm ngầm nuôi lòng tỵ hiềm đối với người bạn kia, chờ cơ hội để được nổi bật hơn nếu không cố ý làm hạ phẩm giá của người kia xuống.
Ta phải chấp nhận có sự khác nhau giữa tánh nết của con cái trong gia đình, và coi đó như những màu sắc khác nhau phải được hòa trộn lại để tô điểm cho đời thêm tươi thắm và cuộc sống tràn đầy hương vị nồng nàn.
Người cha tuy lòng chan hòa tình yêu đối với con cái, nhưng người cha không phải là người mẹ thứ hai. Từ ngàn xưa, người cha vẫn được coi như người có đầy đủ quyền uy, là người mà cả nhà phải kính nể, thán phục. Người cha là tượng trưng cho sức mạnh. Lời cha phân xử là công lý. Trẻ con nhận thấy rõ điểm ấy. Chúng biết ai là người chúng không thể, hoặc không dám « qua mặt ». Trẻ con thường thán phục quyền uy và tài năng của cha chúng. Chúng nhắc đến cha trước mặt bạn bè với vẻ suy tôn và lòng hãnh diện. Một đứa bé trai 5 tuổi một đêm nọ cầu nguyện như vầy :
« Kính lạy Thượng Đế, xin Ngài tạo con nên người… như cha con, mạnh khỏe, khôn ngoan và đáng kính… ! »
Điều đáng tiếc là không phải tất cả những người cha đều được sự kính mến ngưỡng mộ của con cái mình như vậy. Không thiếu gì những trường hợp trẻ con quá sợ oai vũ, tánh khí thay đổi bất thường của người cha đến nỗi không dám lại gần, không dám tâm sự gì với cha cả, để suốt đời cảm thấy bị cô độc, bị bỏ rơi, như trường hợp của nhà văn Franz Kafka, chẳng hạn.
Chắc chắn chúng ta không ai muốn ngược đãi con cái mình, nhưng xét kỹ lại, đã bao nhiêu lần ta bày tỏ trong hành động và lời phán đoán, chỉ rõ ta không hiểu trẻ con. Ta nghĩ thế nào về nỗi lòng của bé Minh trong câu chuyện nhỏ « Chừng nào ba má mới hiểu con » mà tôi mạn phép ghi lại sau đây ?
* Chừng nào ba má mới hiểu con ?
Hồi chiều ba đưa em Hải và con ra lan can ngồi chơi. Những lúc được ngồi bên ba như chiều nay, con vui mừng vô kể. Ba ngồi giữa, một tay ôm em, một tay áp con vào ngực ba. Ba đâu biết được lúc đó con muốn khóc lên vì sung sướng. Ba có nhớ không ? Con úp mặt vào ngực ba thật lâu để chùi nước mắt chảy ra. Được gần ba, con cảm thấy sung sướng biết bao nhiêu, nhưng nào được hưởng phút ấy thường !
Rồi ba bận việc gì đó nên bỏ vô nhà, để em và con ngồi lại. Một lúc sau, có con sâu rọm đen thui, lông lá xù xì bò lần lại chỗ em và con ngồi. Em chỉ cho con thấy con sâu,
mặt lộ vẻ sợ hãi. Con cũng sợ. Con nhảy xuống đất, em Hải còn nhỏ quá, không dám nhảy theo. Em vội đứng lên lan can, kêu lớn : « Ba ơi ! » Nhưng không thấy ba ở đâu cả.
Con vật đen đúa ghê gớm kia cứ bò lại càng lúc càng gần em con hơn. Em càng sợ, càng kêu thét nhiều mà chẳng thấy ba ra. Con thương em quá. Con biểu em ngồi xuống rồi thòng chơn ra để con ẵm em đi chỗ khác. Phải chi con cao hơn một chút nữa thì con ẵm em con được rồi.
Em Hải phần sợ con sâu, phần sợ té nên không dám ngồi. Con nắm hay chơn em kéo nhẹ để em trợt ngồi bẹp trên lan can thì con sẽ ẵm em đi dễ hơn. Em níu lại. Con kéo mạnh thêm. Không hiểu tại sao em con lại té luôn xuống. Em Hải khóc thét lên, lăn trên thềm gạch. Con hoảng hốt khòm xuống nắm tay em kéo dậy.
Lúc đó ba ở trong nhà chạy ra, thấy vậy chẳng hỏi chẳng rằng, ôm con đánh liên hồi. Con càng khóc, ba càng đánh nhiều hơn. Ba lại la lớn tiếng rằng : « Mầy là đồ hung ác… Tao biết mầy muốn hại em mầy lắm… Đồ thú chớ không phải con người… ! » Ba ơi, lời mắng nhiếc của ba mới làm cho con đau lòng hơn những cái tát tai, những cái đập của ba. Ba có đánh con mấy cũng không sao. Mấy đứa nhỏ hàng xóm có chế giễu mấy cũng mặc. Nhưng con van ba đừng mắng nhiếc con như thế ! Con đâu có ghét em. Con đâu muốn hại em như ba nói.
Khi ba đỡ em dậy, thấy có máu dính sau ót em, ba vội ẵm vô nhà. Con sợ quá, chạy theo. Con hối hận lắm. Vì muốn giúp đỡ em nên bây giờ em con mới bị đau.
Vừa vô khỏi cửa, má ở dưới bếp đi lên. Thấy em Hải như vậy, sẵn chiếc đũa bếp ở trong tay, má giơ cao lên, mắt nhìn con tức giận. Vừa thấy má giơ tay lên, con biết trước việc gì sẽ xảy ra rồi. Con sợ quá, khóc thét lên nhưng không dám chạy trốn khi chiếc đũa bếp nện xuống đầu con. Má vừa đánh vừa nhiếc : « Tao biết mầy từ lâu rồi mà. Đồ súc sanh ! »
Con khóc to lắm, không phải vì bị đòn đau, nhưng là muốn bày tỏ nỗi oan ức của con. Má la thêm : « Còn khóc nữa, hả Minh ? Có im đi không ? Bộ oan cho mầy lắm sao mà khóc dữ vậy ? Thật là đồ khốn kiếp ! » Má ơi. Thật oan cho con đó ! Nhưng làm sao cho má hiểu được. Ước gì con chết liền cho ba má vui lòng, con cũng chịu.
Ba má vội thay quần áo, đón xe đưa em đi nhà thương. Con đã sợ bây giờ lại càng sợ thêm. Mà giận nữa. Con chui xuống gầm bàn mà trốn, không muốn thấy ai hết. Khi đi ra, ba dặn với lại : « Ở nhà đó coi nhà. Đợi tao về rồi biết ! »
Ba má đi khỏi hết rồi, con ở nhà càng khóc to hơn nữa. Mồ hôi ra ướt hết mình mẩy, con không cần lau chùi bớt đi. Con muốn khóc cho sụp bể nhà hết để bày tỏ nỗi oan ức của con. Chắc ba tưởng một đứa bé lên sáu, bảy tuổi đầu như con không hiểu biết gì hết ? Chính vì muốn giúp ba, con mới tìm cách đỡ em xuống. Chính vì ba không chịu lại bên em khi em kêu la vì đã quá sợ, nên mới ra nông nỗi nầy. Nhưng ai hiểu con bây giờ ? Ai hiểu con ? Ai hiểu ?
Sau đó, thím Ba ở nhà bên cạnh mới qua tìm con. Chắc tại thím nghe con khóc hoài, không nín. Thím ôm con vào
lòng, vuốt tóc và lau nước mắt cho con. Ôi ! Êm dịu biết chừng nào ! Con nói to lên trong tiếng nấc với thím là con muốn giúp ba nhưng ba không hiểu. Thím dắt con ra hàng ba, bắt con kể lại đầu đuôi câu chuyện. Con cố kể lại qua tiếng khóc. Xong, thím vuốt dịu con, nói : « A, thì ra vậy đó à ? Thôi cháu nín đi ». Chừng đó con mới nín được vì có người đã hiểu con dầu người ấy không phải là ba má. Thím Ba ở lại chơi với con cho tới khi ba má về.
Nhìn thấy em con nằm thiêm thiếp trên hai tay của ba và đầu băng trắng toát, khi ba má ở nhà thương về, con sợ quá. Đến khi nghe má nói với thím Ba là bác sĩ cho biết không sao, vì bị thương nhẹ, chỉ cần may vết đứt lại thôi, con vui mừng biết bao nhiêu. Con sợ em con phải nằm nhà thương lâu ngày.
Con tự cảm thấy như là đứa con tội lỗi nên không dám nhìn thẳng vào mặt ba má, không dám mở miệng hỏi thăm em con, mặc dầu con không có tội chi hết. Giúp ba, giúp em là tội sao ?
Đặt em nằm xuống xong, ba chỉ vào mặt con, nói : « Mầy mà còn làm hại em nữa, tao giết mầy chết ! » Con đã rưng rưng nước mắt từ khi ba má về, bây giờ nghe ba nói vậy, con vụt khóc òa lên trong uất ức. Má đứng gần bên, tiện tay cú mạnh vào đầu con mấy cái và đuổi : « Mầy còn khóc nữa hả ? Đi đâu đi cho khuất mắt tao đi ! Ở đó mà khóc thì chết với tao. Nghe chưa ? Đồ khốn kiếp ! »
Bây giờ con chỉ biết khóc ngoài hè, trong bóng tối đen. Ba má ơi ! Con yêu ba má lắm ! Nhưng chừng nào ba má
mới hiểu con ? !
Đó chỉ là một trong hằng ngàn sự việc tương tự xảy ra hằng ngày quanh ta. Có thể ngay trong gia đình ta.
Có những người chống lại việc đánh đập con vô lý như thế. Ý định của họ rất tốt, nhưng rủi thay, họ tại tạo một cực đoan không kém nguy hại. Họ sống với con cái trong tư cách đứa trẻ thơ chớ không phải là một người cha.
Có một phiên tòa ở Hoa kỳ đáng cho ta suy ngẫm : Một người cha đứng giữa tòa, mặt ngơ ngác, nói :
- Tôi thật không hiểu gì cả. Tôi có làm gì bậy đâu ? Tôi chỉ cố trở thành trẻ thơ để làm một người bạn với con tôi mà thôi.
Ông tòa trả lời :
- Phải lắm. Ông có thể làm một người bạn với con ông. Nhưng ông có thử làm một người cha của nó hay không ? Nó cũng cần một người cha như cần bạn vậy !
Trong mọi sự ở đời, việc đào luyện một người phải được coi là quan trọng hơn hết. Daniel Webster đã từng nói :
« Nếu ta khắc vào cẩm thạch, nó sẽ tan biến đi. Nếu ta khắc vào bản đồng, thời gian sẽ xóa nhòa. Nếu ta cất nhà thờ, nó sẽ thành tro bụi. Nhưng nếu chạm vào hồn người, ghi khắc vào đó những nguyên tắc căn bản : Kính sợ Đức Chúa Trời và yêu thương đồng loại, tức là ta đã chạm trổ vào tấm bản sẽ rạng chiếu đời đời ».
Việc nầy khởi đầu từ gia đình, quanh bàn ăn, trong trò chơi, những buổi du ngoạn, trong giờ lễ bái, ngay bên
giường ngủ… Ta không thể hoàn toàn trông cậy vào học đường để dạy bảo con em ta, mà phải tự mình đích thân dự vào sự uốn-nắn đứa bé, vì học đường chỉ nhấn mạnh hoặc tái xác những nguyên tắc đã áp dụng tại gia đình.
Tuy không cố ý phá vỡ cái vòng thiêng liêng của gia đình, nhưng ngày nay nhiều khi người ta không còn coi trọng chức vụ làm cha mẹ trong gia đình nữa. Một số sách, báo, kịch vui, tuồng hát, v.v… đã đem chức vụ cha mẹ để làm ra mục tiêu chế giễu. Vô tình họ đã làm mất lần ảnh hưởng của cha mẹ trong gia đình, và nhiều khi con cái lại thành công trong việc đứng lên tước đoạt quyền hạn của cha mẹ. Vì vậy những bậc làm cha mẹ cần phải luôn luôn cảnh giác, không phải để bảo vệ quyền thế của cha mẹ ở trong nhà, nhưng để tạo ảnh hưởng trung trực, can đảm, kỷ luật và mọi đức tính cao quí khác cho con cái mình. Có thể chúng ta không để ý, nhưng chính trong gia đình mà con trẻ nếm trước không khí của thiên đàng hay địa ngục vậy.
II. SÁU NĂM ĐẦU TIÊN
Có người đã nói : « Gây dựng một đứa bé quí hơn va víu một người lớn ».
Sáu năm đầu tiên là sáu năm quyết định cả một đời người. Khoảng đời thơ ngây nầy sẽ đúc kết cơ cấu của thói quen và chiều hướng của cảm xúc. Tùy theo sự giáo dục của cha mẹ và học đường trong những năm phát triển và tìm hiểu triệt để nầy mà đứa bé sẽ trở nên một người có lợi hoặc có hại cho xã hội tương lai.
Ông cha ta ngày xưa đã từng dặn dò : « Dạy con từ thuở còn thơ… » hẳn phải có lý do vô cùng chánh đáng. Một nhà thông thái xưa – vua Sa-lô-môn – của người Do-thái, đã từng cảnh cáo những người làm cha mẹ : « Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó ». (Châm ngôn 22 : 6). Ngày nay, những nhà giáo dục mới cùng những nhà tâm lý mới bắt đầu nhìn nhận « thân cây nhỏ cong, lớn lên sẽ cong luôn ».
« Nhơn chi sơ tánh bổn thiện ». Đành vậy, nhưng đứa bé lỡ ra đời trong một thế giới tội lỗi, sống giữa khung cảnh gian tham, bất cần, thì nếu nó không hoài nghi, cô độc đối với cuộc đời, nó không thể nào làm khác hơn những người sống quanh nó. Sheldon và Eleanor Glueck nghiên cứu 500 trường hợp thiếu niên phạm pháp ở Mỹ, nhận thấy gần phân nửa số ấy đã phạm pháp trước khi chúng được 8 tuổi đầu.
Bàn về nguồn gốc của tội ác thiếu niên, ông tòa Joe Glasser của tòa án thiếu niên nhận định rằng :
« Tôi tin chắc gần 95 phần trăm thiếu niên phạm pháp, là do những yếu tố ngoại lai và sự dạy dỗ sai phép của cha mẹ trong những năm quyết định (6 năm đầu tiên) ấy, trước khi tội ác thực sự được lộ ra ». (Link, tháng Hai 1957)
Những lời chứng của các nhân vật có thẩm quyền trên chỉ rõ mầm mống của sự vâng phục hay bất-tuân, tinh thần vững chắc hay tình cảm xáo trộn của lòng tôn kính hay bất kính, đều đã được gieo vào tâm trí trẻ trong lúc chúng hãy còn non dại. Trong quyển Child Guidance trang 26, Bà Ellen G. White viết :
« Công việc giáo huấn, đào luyện trẻ con phải khởi sự ngay khi trẻ hãy còn rất bé, vì tâm trí chúng dễ thâu nhận nhứt, và những bài học kia sẽ được nhớ kỹ ».
Cũng trong quyển ấy, nơi trang 27, bà viết : « Người trẻ tuổi cần phải được huấn luyện cẩn thận cách khéo léo, vì những tập quán xấu đã thành hình trong tuổi trẻ thường đeo đuổi họ trọn đời ».
Bây giờ chúng ta có lẽ nên tự hỏi : Con em của mình được hấp thụ sự giáo dục nào ? Chúng nó chịu ảnh hưởng bởi vâng lời, trật tự, kỷ luật, sạch sẽ, yêu thương, lễ độ, kính trọng lẫn nhau, gia đình lễ bái và làm việc có hệ thống hay không ?
Hay cả ngày chúng chỉ nghe những lời chỉ trích cay đắng và không ai tín nhiệm chúng cả ? Chúng nó chứng kiến những hành động trái phép của người lớn, cũng như những cử chỉ không thèm đếm xỉa gì đến quyền lợi của kẻ khác chăng ?
Đừng tưởng đứa trẻ còn quá nhỏ nên không biết gì. Thật ra sự hiểu biết của nó theo ngày tháng mà tăng thêm trên mọi phương diện. Đành rằng tánh khí của những đứa trẻ một phần do thụ bẩm từ cha mẹ. nhưng phần lớn do nó « học » được, nó « luyện » nên, mà sáu năm đầu tiên trong đời người là khoảng thời gian dễ chấp nhận và ảnh hưởng lại lâu bền nhứt. Khi đứa bé mới ra đời nó chỉ biết ngủ, khóc, bú, rồi lại ngủ, khóc, bú… Nhưng chỉ một khoảng thời gian ngắn sau, nó lộ rõ vẻ ồn ào, bạo dạn, hoặc trầm lặng, e dè… và những cá tánh ấy còn lưu với trẻ ít nữa suốt quãng đời ấu nhi. Các nhà thần kinh và tâm lý học quả quyết rằng những tập quán xã hội đặc biệt, dầu tốt hay xấu, đều do tập tành với kinh nghiệm ở đời mà ra như các đặc tánh chân thật, xảo trá, nhận lãnh trách nhiệm, vô trách nhiệm, thuần lương, hay vô luân, tiết độ hoặc say sưa, vô kỷ luật, phạm pháp, v.v…
Những cá tính của trẻ con có thể thay đổi tùy theo sự biến chuyển bên trong cơ thể cũng như ảnh hưởng bên ngoài, qua các giai đoạn khôn lớn của đời người, mà cha mẹ cần tìm hiểu để hướng dẫn con trẻ phát triển tánh tốt và chận đứng xu hướng kém lành mạnh của trẻ.
Đứa bé từ một đến ba tuổi cố tranh đấu lấy sự tự do cho nó. Nó chê món ăn nầy, đòi cho được đồ chơi kia, không chịu để người khác mặc áo cho nó… Khi ra đường nó muốn phải đi hướng nầy, rồi đổi qua hướng nọ. Nếu phải làm theo cha mẹ thì chỉ vì cha mẹ, lớn, mạnh, có quyền, nên nó không có cách nào khác hơn là phải chiều theo.
Từ ba đến sáu tuổi, đứa bé bước qua một giai đoạn khác. Những ý muốn trước kia giảm lần. Bây giờ nó nhìn cha mẹ nó như là thần tượng. Lại nữa cũng tùy theo từng đứa trẻ mà nó sống theo đúng khuôn mẫu của cha mẹ. Con trai thì cố bắt chước ba, còn con gái theo tánh nết của má. Dường như sự bắt chước quan trọng nhứt của trẻ con vào tuổi nầy là bắt chước làm cha mẹ. Sự kiện đó bày tỏ rõ rệt hơn nơi con gái. Với những động tác giản dị, đứa bé gái đặt con búp bê nằm xuống giường, đắp mền, rồi lại ẵm lên, ru cho búp bê ngủ. Thời gian qua, vai trò của « bà mẹ nhỏ » đóng có vẻ thiết thực hơn. Đứa bé gái cho búp bê bú sữa, thay tã, thay quần áo, tắm rửa búp bê, muốn búp bê có nhiều áo quần hơn. Bây giờ đứa bé gái nô đùa với « con », dỗ, rồi la rầy đúng y giọng điệu mà bà mẹ thường dùng với nó hoặc em nó ở trong nhà. Như vậy ba năm sau nầy là thời gian nó tập tành để có một thái độ cần thiết cho loài người, đó là thái độ làm cha mẹ vậy. Nếu có thể ghi âm giọng điệu của đứa bé đối với con búp bê của nó, để mười lăm hoặc hai mươi năm sau mở ra nghe lại, ta sẽ ngạc nhiên mà thấy bà mẹ (bây giờ đứa bé gái đã thành bà mẹ rồi) cũng thốt ra với con mình âm điệu trìu mến, nâng niu tương xứng với âm điệu ghi trong băng nhựa từ thuở xưa.
Con trẻ không phải chỉ bắt chước cách thức và lời ru con mà thôi. Tất cả những gì lọt qua tai, nhập vào mắt của nó cũng đều được ghi nhớ kỹ, chờ dịp thuận tiện để diễn xuất cho thoát thần. Tuy nhiên cũng còn may mắn đối với những lỗi lầm của phụ huynh trong những năm tháng nầy, nếu kịp
thời sửa chữa và chừa bỏ hẳn lề lối cũ, vì con trẻ đang bước qua một giai đoạn biến chuyển khác trong đời nó.
Từ 7 tuổi trở lên, đứa bé gái tạm thời gác lại việc chăm sóc búp bê – mặc dầu vẫn còn thích búp bê – cho đến lúc sẽ săn sóc chính những đứa con mình sanh ra.
Các bé trai từ bảy đến mười tuổi lại say mê trò chơi « hội kín ». Chúng nó họp nhau lại, tìm một chỗ thích hợp, cử các chức viên, vẽ phù hiệu, định luật lệ gia nhập và khai trừ khỏi đảng. Chúng làm y như thật, dường như có điều gì quan trọng và vô cùng kín giấu cần phải giữ bí mật với nhau, trong khi thật ra chúng khó nghĩ được điều gì có thể gọi là bí mật. Trò chơi thật say mê, nhưng chỉ vài ngày hoặc vài tuần, hội kín kia tan rã mất. Vài tháng sau một niềm rạo rực mới thúc đẩy chúng tái lập hội. Lập hội không phải để tìm bạn mới, vì các hội viên đều là những trẻ đã chơi thân với nhau. Đấng Tạo Hóa dường như sắp đặt sẵn cho chúng một con đường, giao phó một nhiệm vụ quan trọng sau nầy mà chúng cần phải tập tành trước khi thực sự bắt tay vào việc. Có phải chăng trò chơi ấy ngấm ngầm dạy cho con trẻ ý thức được tổ chức của xã hội, mà một ngày nào đây, khi lớn lên, chúng sẽ chiếm một chỗ trong đoàn người tranh đấu cho chân lý, tự do, diệt bạo, diệt tham nhũng và tội ác ? Hay sẽ đứng ra lập một cơ sở kỹ nghệ, thương mại mới ? Nếu con trẻ chỉ thấy, nghe những gương xấu mỗi ngày, hoặc nếu có những đứa trẻ không tốt lọt vào cầm đầu, thì tiêu chuẩn của hội kín ấy sẽ ra sao ? Sau nầy chúng sẽ đảm nhiệm vai trò gì trong xã hội ?
Tuổi thơ ấu đáng thương và cũng đáng sợ vô cùng, nhưng người ta lại ít quan tâm đến vì cho rằng chúng chẳng biết gì cả. Đến khi người ta tin chắc chúng đã biết thì muộn quá rồi, không còn cách nào cứu vãn được nữa. Có nghe những em, mười hai mười ba tuổi, mở miệng ra là thốt lời bi quan, oán trách xã hội, chán ghét đời người, ta mới cảm thấy thấm thía. Tôi từng gặp gỡ hằng trăm em như vậy : cướp, giựt, móc túi, đâm, chém, lang thang, không nghề nghiệp, không nơi nương tựa. Truy nguyên thì thấy chúng bị bỏ rơi, bị ngược đãi và nuôi đầu óc hận thù mọi người, kể cả những người ra tay giúp chúng (để kiếm tư lợi) từ lúc hãy còn rất nhỏ, lúc sáu, bảy tuổi đầu.
Bảng thống kê ở Hoa kỳ trong năm 1958 có đến 3.000.000 vụ án quan trọng. Trong số những người bị bắt giữ vì tội trộm, cắp xe, đón đường, cướp giựt, có đến 53 phần trăm tội nhân dưới 18 tuổi. Năm 1957 những vụ án phạm đến thân thể tăng lên 7 phần trăm. Những vụ giết người cũng tăng. Một lần nữa người ta lại thấy đa số phạm nhân là trẻ vị thành niên. Ở nước ta tình trạng tuy chưa đến nỗi trầm trọng như vậy, nhưng những tin tức mà báo chí đập vào mắt ta mỗi ngày, cho ta thấy việc kia cũng không còn xa lắm.
Tôi dịch và ghi theo trên đây lời tự thú của Nicky, tên trùm của một nhóm du đảng khét tiếng ở New York, Hoa kỳ, vào năm 1958. Nicky thuộc đảng Mau Mau, gồm toàn thiếu niên Tây Ban Nha, dân Puerto Rican. Họ mặc chiếc áo đỏ chói, sau lưng có hai cữ M M to tướng. Lời chứng nầy cho ta
thấy rõ cái ảnh hưởng vô cùng tai hại của việc bỏ bê con trẻ, dầu nó mới lên bốn, năm tuổi thôi.
* Lời tự thú
Nicky nói : Tôi gần như lúc nào cũng ở ngoài đường, vì cha mẹ tôi tiếp thân chủ tại nhà chúng tôi. Họ đến cả ban đêm lẫn ban ngày và tụi trẻ chúng tôi phải ra đường để nhường chỗ cho họ. Cha mẹ tôi làm nghề lên đồng. Họ đăng quảng cáo trên các tờ báo Tây Ban Nha rằng họ nói chuyện được với người chết, chữa những bịnh lạ, và chỉ dẫn đường đi nước bước cho những người cầu tài, cầu gia đạo.
Vì nhà chúng tôi chỉ có một phòng thôi, nên tụi con nít chúng tôi phải ra đường. Mới ban đầu tụi trẻ lối xóm đánh đập tôi tơi bời. Lúc nào tôi cũng sợ chúng cả. Nhưng lần lần tôi học cách đánh lộn, và chừng đó chúng nó mới để tôi yên. Ít lâu sau, tôi thấy thích sống ở ngoài đường phố hơn ở trong nhà. Ở nhà, tôi là đứa nhỏ hơn hết. Tôi chẳng là cái gì cả. Nhưng ở ngoài đường họ biết tôi là ai.
Gia đình tôi phải dời chỗ hoài mà hầu hết đều do tôi. Nếu có gì rắc rối thì cảnh sát đến hỏi thăm, sau đó chủ nhà tìm đến cha mẹ tôi cho biết chúng tôi phải dọn đi nơi khác. Họ không muốn nhà của họ bị rắc rối với cảnh sát. Hễ cảnh sát mà hỏi đến một thằng bé Puerto Rican thì chuyện xảy ra
y như vậy. Không cần thằng bé ấy có làm gì bậy hay không, ngay giây phút mà cảnh sát tìm thẩm vấn nó thì gia đình nó bị đuổi ra khỏi khu ấy liền.
Tôi không biết tại sao tôi lại như vậy. Có cái gì ở bên trong tôi làm tôi sợ. Nó làm tôi lo lắng hoài mà không sao
chặn đứng được. Cảm giác ấy hiện ra khi tôi thấy một thằng què. Cảm giác ấy giống như là tôi muốn giết nó. Gặp người mù tôi cũng cảm thấy như vậy, hay những đứa bé thật nhỏ và yếu đuối. Tôi ghét họ hết thảy.
Một hôm tôi đem chuyện ấy nó với ba tôi. Chúng tôi không nói hay làm gì cả, nhưng điều đó làm tôi sợ. Bởi vậy tôi mới nói với ba tôi và ba tôi cho tôi bị quỷ nhập. Ông cố tống đuổi tà ma ra khỏi tôi nhưng không thành công.
Chuyện lạ ấy ở trong tôi cứ càng ngày càng trầm trọng thêm. Gặp ai chống nạng thì tôi đá. Thấy ông già có râu, tôi cố bứt râu đi. Và đập bừa trẻ nít. Lúc nào tôi cũng thấy sợ và muốn khóc, nhưng cái gì đó ở trong tôi lại cười thôi là cười. Còn điều khác nữa là máu. Hễ thấy máu là tôi bắt đầu cười mà không thể nào nín được.
Chúng tôi dời đến khu Fort Greene và tôi nhập bọn với đảng Mau Mau. Họ muốn tôi làm chúa đảng. Trong cuộc đánh nhau, chúa đảng phải ra chỉ huy, còn tôi lại khoái đấm nhau hơn, vì vậy họ đặt tôi làm phó.
Họ lại giao tôi giữ kho quân cụ. Chúng tôi có dây nịt của lính, lưỡi lê, dao găm, súng nhỏ… Khi đánh nhau tôi thích sử dụng cây gậy người ta dùng để chơi khúc côn cầu. Tôi lấy thùng rác, khoét một lỗ để thấy đường, trùm lên đầu rồi quơ gậy. Tụi Mau Mau không bao giờ cùng đánh bên cạnh tôi, vì khi nổi điên lên, ai tôi cũng muốn đập hết.
Tôi cũng học cách lụi người ta với con dao, có nghĩa là đâm rạch người nào đó mà không giết chết y. tôi đã từng lụi mười sáu người. (Cho đến lúc đó, Nicky vừa được 16 tuổi).
Bị bỏ tù mười hai lần. Có mấy lần người ta in hình tôi lên mặt báo. Bởi vậy, khi xuống phố ai cũng biết mặt tôi, còn các bà mẹ thì kêu con cái về nhà.
Những tên du đảng của các đảng khác cũng biết tôi nữa. Một hôm, trong khi tôi đang đứng chờ xe buýt, có năm tên đi vòng ra sau lưng tôi. Tụi nó lấy sợi dây nịt da quấn quanh cổ tôi và siết mãi. Tôi không chết, nhưng nhiều khi tôi ước sao mình chết còn hơn, vì sau lần đó, không bao giờ tôi nói chuyện tự nhiên được nữa. Ở trong cổ tôi có tiếng gì lạ lắm. Tôi ghét những con người bị một chứng tật gì đó, mà bây giờ chính tôi cũng mang tật. Sau đó tôi cứ hành hung hoài để cho người ta nể mặt tôi.
Một hôm chúng tôi 6 đứa vào một quán nước để giải khát thì có bảy đứa trong đảng Bishop bước vào. Lúc bấy giờ đảng Bishop đang trong thời kỳ giao chiến với đảng Mau Mau.
Một thằng Bishop đến quày hàng, làm như nó là chủ vậy. Mấy đứa trong đảng tôi nhìn tôi. Tôi bước lại và dạy cho nó một bài học. Nó dạy lại tôi, rồi tất cả đảng viên của hai phe xông vào vòng chiến. Bà chủ quán thét lên. Khách khứa chạy tuốt ra đường hết. Trên quày hàng có con dao xắt thịt. Một đứa trong bọn tôi chụp lấy con dao chém một thằng Bishop năm dao lủng sọ. Tôi thấy máu và bắt đầu cười. Tôi biết thằng kia chết nên sợ lắm nhưng không làm sao nín cười được. Bà chủ quán quay điện thoại gọi cảnh sát. Một thằng khác trong bọn tôi chụp lấy con dao đẫm máu ấy lụi thẳng vào bụng bà ta. Rồi chúng tôi chạy.
Tôi không có đụng đến con dao đó nên không bị bỏ tù. Nhưng cha mẹ tôi phải ra tòa. Có lẽ đó là lần đầu họ nhìn đến tôi. Họ biết tôi như thế nào rồi thì sợ hãi lắm. Cả hai ông bà quyết định lìa New York mà trở về Puerto Rico. Anh tôi và tôi đưa cha mẹ lên phi cảng. Trên đường về, trong chiếc xe hơi của anh tôi, anh tôi cho tôi một cây súng sáu nòng và nói : « Bây giờ mầy phải tự lo lấy thân mầy, Nick ».
Việc đầu tiên tôi phải làm là tìm một chỗ ngủ. Tôi dùng súng chận đường cướp một người, lấy được 10 mỹ kim. Tôi mướn một phòng ở đường Myrtle. Và từ đó tôi sống như vậy, chận đường cướp tiền hay những vật đáng giá của người ta.
Ban ngày thì không sao. Tôi sống với đảng của tôi. Bất cứ điều gì chúa đảng và tôi nói ra, tụi nó đều làm theo cả. Nhưng đêm đến, khi tôi phải về phòng đó, thật là hãi hùng. Tôi nhớ lại hai xác người trong quán nước kia.
Tôi đập đầu côm cốp xuống nền nhà để khỏi nghĩ đến các xác chết ấy. Nửa đêm tôi thức dậy, khóc lóc và gọi mẹ. Mẹ và tôi không bao giờ thốt lời hay làm gì cả, nhưng trước khi bà lìa tôi, thình lình tôi cảm thấy đáng lẽ bà phải đến để chăm sóc tôi.
Đến tháng Bảy năm 1958 thì tôi lên mười sáu. Trong tháng đó tụi Dragon ở khu Red Hook giết một đứa trong bọn tôi. Chúng tôi đi xuống để giết lại một đứa trong bọn nó. Đó là luật lệ giang hồ : nếu một đứa Mau Mau chết, thì một đứa Dragon phải đền mạng. Chúng tôi đang trên đường đi
đến bến xe buýt thì thấy một xe cảnh sát đậu lại, cả bọn Chaplain bu quanh. Đảng Chaplain là tụi da đen ở khu Fort Greene. Chúng tôi có giao ước với nhau là cùng làm việc chung, cùng đánh lộn chung nếu có đảng nào khác tấn công chúng tôi.
Dường như lúc ấy đang có sự lộn xộn xảy ra. Bọn Chaplain đứng xung quanh hai người mà tôi chưa hề biết mặt, một người cầm cây kèn, còn người kia ốm tong teo 1. Lúc đó có chú bé nào đó đem đến một lá quốc kỳ, và xe cảnh sát lái đi. Thì ra hai người kia muốn làm một cuộc hội họp công cộng ngoài đường phố.
Ngay khi lá quốc kỳ được đưa đến, người ốm teo đứng trên chiếc ghế, mở quyển sách và đọc những chữ ở trong đó, như vầy :
« Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con-Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất ».
Ông thầy giảng nói : Bây giờ tôi nói với các em về chữ hễ ai. « Hễ ai » có nghĩa là Negros và Puerto Ricans. Có nghĩa đặc biệt là các đảng viên. Các em có biết chăng khi người ta đóng đinh Đức Chúa Giê-su, họ cũng đã đóng đinh các đảng viên du đảng nữa ? Hai người ở hai bên Ngài…
Tôi nói : « Đủ rồi. Thôi đi tụi bây. Mình phải lo việc mình chớ ». Không ai nhúc nhích cả. Đó là lần đầu tiên tụi nó không theo lời tôi. Tôi thấy sợ và dùng đủ mọi tên tục mà tôi biết được để rủa ông thầy giảng. Ông chẳng để ý gì đến tôi cả, cứ tiếp tục giảng.
Sau đó tôi thấy viên chúa đảng của tụi Chaplain quì gối xuống đất ngay trên đường Edward, rồi bắt đầu khóc. Tên phó đảng và tên hầu cận cũng quì gối bên cạnh đảng trưởng của họ, rồi khóc. Có một điều tôi không bao giờ chịu được là khóc. Khi tụi Chaplain đi, tôi mừng lắm. Tôi nghĩ rằng tụi tôi cũng đi nữa. Nhưng lúc ấy, thầy giảng tiến đến Israel, thủ lãnh nhóm Mau Mau chúng tôi, rồi bắt tay. Tôi nghĩ thầy giảng nầy cố ly gián chúng tôi nên tôi tiến tới để cho ông ta biết tay. Israel nhìn sững tôi như chưa hề thấy tôi lần nào. Ông thầy giảng bước đến tôi, nói : « Nicky, qua thương em lắm ».
Trong đời chưa hề có ai nói câu đó với tôi. Tôi không biết phải làm sao. Tôi thét lên : « Thầy giảng ơi, ông đến gần tôi thì tôi giết ông liền đó ».
Tôi có ý đó thật. Israel và thầy giảng nói chuyện với nhau một hồi nữa rồi đi. Tôi nghĩ là xong rồi. Nhưng chúng tôi lại không đi thanh toán tụi Dragon.
Sau đó ông thầy giảng nầy trở lại và nói đến một cuộc hội họp lớn cho các đảng mà ông tổ chức ở Manhattan và chúng tôi cần phải đến như thế nào. Israel nói : « Thầy giảng ơi, chúng tôi muốn đến, nhưng làm sao chúng tôi đi ngang qua khu Chink được ? »
Thầy giảng đáp : « Tôi sẽ gởi xe buýt đến rước các em ».
Với điều kiện đó, Israel bằng lòng đến. Nhưng tôi nói : « không, tôi không đi ». Thà là chết còn hơn phải đến cuộc hội họp ấy.
Nhưng đến lúc đi, tôi lại có mặt trong toán. Không có những người đồng đảng xung quanh, tôi cảm thấy sợ hãi lắm. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ gây rối buổi cầu nguyện của ông ta cho biết mặt. Khi đến nơi, chúng tôi thấy có ba hàng ghế ở phía trước được dùng dây cản để dành riêng cho chúng tôi. Việc ấy làm tôi ngạc nhiên ít nhiều. Ông thầy giảng có nói sẽ để riêng cho chúng tôi một ít ghế. Nhưng tôi nghĩ ông ấy không có làm vậy đâu.
Có một cô gái ra chơi phong cầm. Tôi cho bọn trẻ dậm chân, la hét cho náo nhiệt. Kế đó một cô gái khác bước ra diễn đàn và bắt đầu hát. Tôi huýt gió và mọi người đều cười vang. Mọi việc đều xảy ra đúng dự định của tôi nên tôi vui
thích lắm. Sau đó ông thầy giảng bước ra tuyên bố : « Trước giờ giảng dạy đêm nay, chúng tôi lấy tiền lạc quyên ».
Tôi nghĩ tôi khám phá ra mục đích của ông thầy giảng nầy rồi. Tôi cứ hoang mang mãi, không biết ông ta là hạng người nào. Bây giờ tôi thấy rõ ông ta là người « đớp tiền » như mọi người khác. Ông thầy giảng nói tiếp : « Chúng tôi yêu cầu người trong các đảng tự tay đi thâu tiền. Họ sẽ đi vòng sau bức màn kia trước khi đem tiền lên diễn đàn nầy ».
Tôi cho ông nầy quá ư vô lý vì ai cũng có thể thấy được phía sau kia là cửa ra ngã sau. Ông ta nói tiếp : « Tôi cần sáu người tình nguyện ».
Nghe vậy tôi đứng dậy liền. Tôi chỉ mặt năm thằng trong đảng tôi rồi chúng tôi vội vã lên trên đó ngay. Đây là
cơ hội để tôi cho ông thầy giảng lộ bộ mặt cù lần của ông ta ra. Ông ta đưa cho chúng tôi những hộp bằng giấy bồi. Tôi muốn đi thâu tiền liền, nhưng ông ta giữ tụi tôi lại, biểu tụi tôi đứng yên trong khi ông ta cầu phước thật dài. Tôi cố hết sức để không cười ra tiếng.
Tụi tôi đi thâu tiền khắp sân vận động. Nếu tôi không thỏa lòng với số tiền của người nào đó bỏ vào hộp tôi cầm, tôi cứ đừng ì ra ngay trước mặt y cho đến khi y bỏ thêm tiền vào. Ai cũng biết danh Nicky rồi kia mà. Xong, tụi tôi gặp nhau ở sau bức màn. Ở đó có cửa ra mở rộng. Tôi nhìn ra thấy đèn đường cháy sáng và xe nước đang tưới nước rửa đường. Bên trong sân vận động tụi nó đang cười vang. Tụi nó biết tôi làm gì rồi. Mấy đứa đi thâu tiền với tôi nhìn tôi, đợi tôi ra lịnh một tiếng là « bườm » ngay.
Tôi đứng sững nơi đó. Tôi không biết cái gì đó, nhưng có một cảm giác kỳ lạ lắm. Thình lình tôi khám phá ra : Ông thầy giảng tin cậy tôi. Trong đời chưa bao giờ ai tin cậy tôi cả. Tôi đứng yên đó. Bọn bộ hạ nhìn tôi chằm chặp. Tôi nghe bên trong tụi nó đang gây rối cho ông thầy giảng đạo. Tụi nó la hét, dậm chân, dậm cẳng rầm rầm. Ông thầy giảng đứng đó đối đầu với bọn họ hết thảy vì ông tin cậy tôi. Tôi nói với đám thủ hạ : « Được rồi tụi bây. Bây giờ mình lên diễn đàn ».
Bọn thủ hạ nhìn tôi như cho tôi điên trong đầu, nhưng tụi nó không cãi cọ gì cả. Tôi là hạng người mà bọn trẻ không dám cãi lời. Tụi tôi tiến lên cầu thang và bên trong bỗng yên lặng như tờ. Thật không có chỗ nào yên lặng được
như vậy. Tôi đưa hộp giấy cho ông thầy giảng và nói : « Thầy giảng ơi, tiền của ông đây nè ».
Ông ta đưa tay đến lấy hộp tiền, không một chút nào ngạc nhiên hay có vẻ gì khác lạ cả, dường như ông ta biết rõ từ trước tôi sẽ đem tiền lên cho ông. Sau đó tôi xuống chỗ ngồi và suy nghĩ dữ dội. Chưa bao giờ tôi suy nghĩ nhiều như vậy.
Ông thầy giảng bắt đầu nói chuyện mà chỉ nói về Đức Thánh Linh. Ông ta nói Đức Thánh Linh có thể vào bên trong con người để làm cho họ trong sạch. Ông nói rằng dầu người ta có thể làm điều tồi tệ gì đi nữa, Đức Thánh Linh cũng có thể làm cho họ nên mới, như đứa con nít còn nằm trong nôi.
Bỗng tôi cảm thấy tôi cần Đức Thánh Linh đến không chịu nổi nữa. Dường như đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tôi. Mọi nhơ nhuốc, thù hằn, ti tiện hiện ra như những bức ảnh ở trước mặt tôi.
Ông thầy giảng nói tiếp : « Các em có thể khác hơn. Cuộc đời các em có thể thay đổi hẳn ».
Tôi muốn như vậy. Tôi cần như vậy. Nhưng tôi biết điều đó không xảy ra cho tôi. Ông thầy giảng bảo tôi bước lên nếu chúng tôi muốn đổi mới, nhưng tôi biết điều đó không ích lợi gì cho tôi cả.
Bây giờ Israel đứng lên, xưng hiệu « chúa đảng », và ra lịnh cho tụi tôi tiến cả lên đó. Tôi là người đứng đầu hàng. Tôi quì gối xuống và lần đầu tiên trong đời, tôi cầu nguyện : « Ôi Đức Chúa Trời, con là tên tội phạm dơ dáy nhứt ở New
York. Con không nghĩ Chúa cần con. Nếu Chúa muốn con, con xin thuộc về Chúa. Trước kia con xấu xa như thế nào, bây giờ con muốn cũng được tốt như vậy cho Chúa ».
Sau đó ông thầy giảng cho tôi quyển Kinh Thánh. Tôi về nhà mà không biết Đức Thánh Linh có ở trong tôi không, và làm sao tôi biết được là có. Việc đầu tiên xảy ra là khi tôi bước vào phòng của tôi và đóng cửa lại, tôi không thấy sợ hãi gì cả. Tôi cảm thấy như có người đồng hành ở trong phòng với tôi – không phải Đức Chúa Trời hay Đấng nào giống như vậy – nhưng tôi cảm thấy cái cảm giác như má tôi đã trở về đây. Tôi có bốn hộp thuốc hút có trộn chất ma túy Marijuana ở trong túi. Tôi lấy xé bung và liệng ra ngoài cửa sổ.
Hôm sau ai nấy đều nhìn tôi trân trối vì có tiếng đồn loan ra rằng Nicky đã theo đạo. Nhưng có một điều khác xảy ra mà tôi biết là thật. Tụi con nít hễ thấy tôi là chạy trốn, nhưng hôm đó có hai đứa bé nhìn sững tôi một phút rồi bước thẳng đến tôi. Tụi nó muốn tôi đo và cho biết đứa nào cao hơn, không có gì quan trọng cả. Tôi chỉ choàng hai tay để ôm chúng vì tôi biết rằng tôi đã đổi khác dầu tôi không bày tỏ ra ngoài trừ với trẻ con.
Mấy tuần lễ sau đó, một đảng viên của đảng Dragon đến tôi và hỏi : « Có thật anh không mang khí giới theo mình nữa không ? » Tôi trả lời rằng tôi không mang khí giới theo mình thật. Ngay lúc đó, nó rút ra con dao 25 phân và đâm thẳng vào ngực tôi. Tôi vung tay lên bắt lấy con dao. Tôi không biết tại sao, nhưng thằng Dragon ấy vùng chạy đi. Tôi đứng đó nhìn máu từ bàn tay tôi chảy ròng xuống.
Tôi nhớ xưa kia máu luôn luôn làm cho tôi nổi điên, nhưng ngày đó thì không. Tôi nhớ lại lời tôi đọc trong Kinh Thánh : « Huyết của Đức Chúa Giê-su rửa sạch mọi tội ác của chúng ta ». Tôi xé áo băng tay lại, và từ đó trở đi máu không làm tôi bấn loạn nữa ». (Trích quyển « The Cross and the Switchblade » do mục sư David Wilkerson ghi chép)
Nicky trở thành người hiền lương là cả một sự mầu nhiệm ngoài sức con người. Hiện anh đang phục vụ cho một cơ quan xã hội tư để cải hóa những thiếu niên du đảng ở New York, nơi anh đã từng gây khiếp đảm cho mọi người.
Nick mới chỉ là một trong hằng vạn thiếu niên phạm pháp, mà ngay ở Việt-Nam ta cũng có. Bây giờ không cần lý luận nhiều hẳn quí phụ huynh cũng dư hiểu ảnh hưởng đối với trẻ thơ trong sáu năm đầu tiên của cuộc đời là quan trọng như thế nào rồi. Do đó ta cũng không lấy làm lạ khi thấy có những đứa trẻ thuộc những gia đình rất có bề thế lại đi sống cuộc đời đầu đường xó chợ, cướp giựt ngoài đường.
Như vậy, nếu muốn cải tạo xã hội, muốn bảo tồn truyền thống dân tộc, giữ vững thanh danh của gia đình, uy tín cá nhân và tương lai của trẻ, thì những thảm cảnh kia chưa đủ để ta tỉnh ngộ, để kiểm soát những điều con em chúng ta thấy, đọc, nghe và nói chăng ? Không nên để chúng ở không, cũng không thể bỏ trống tâm trí chúng. Cần cung cấp cho con trẻ sách, báo giá trị ; cho chúng tham dự những trò tiêu khiển lành mạnh có lợi cho cả thể xác lẫn tinh thần ; giúp chúng giao du với những tổ chức đứng đắn. nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải lưu ý đến trẻ con,
phải trở thành những thần tượng không gãy đổ để con cái mình chiêm ngưỡng với mọi khát vọng hầu đạt đến chân, thiện, mỹ trong cuộc sống tạm nơi dương thế để chuẩn bị cho sự sống vĩnh cửu vị lai. Xem thế, chúng ta không còn gì quan trọng bằng việc giáo dục trẻ con.
III. TẬP THÓI QUEN TỐT
Khi nói đến thói quen, có một số người cho rằng đó là những hành động không tốt mà người ta thường làm. Sự nhận xét kia chỉ đúng một phần thôi. Trong vấn đề thói quen, có cả thói tốt và thói xấu. Như vậy để định nghĩa chữ thói quen, ta có thể nói : thói quen là một hành động nào đó ta làm quá nhiều lần đến sau nầy cứ tự động làm lại mà không cần suy nghĩ, lý luận nào cả. Thói quen cũng dự một phần rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Có bao giờ ta phải mất thì giờ suy nghĩ nên cầm chén cơm tay nào, cầm đũa tay nào mỗi khi ăn cơm không ? Lúc mặc áo tại sao ta xỏ tay mặt vào trước (hoặc tay trái tùy người) ? Nếu hôm nào xỏ tay kia trước, ta sẽ thấy vô cùng ngượng nghịu, lúng túng. Nếu có ai hỏi :
- Khi mặc áo tại sao bạn lại xỏ tay mặt trước ? Chắc chắn ta sẽ trả lời :
- Tại quen vậy rồi.
- Tại sao bạn quen vậy ?
- Tại hồi nào đến giờ tôi vẫn làm vậy.
Vì thói quen có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, nó cũng tố giác cho người khác biết một người nào đó ở trong thành phần nào đó của xã hội. Vì lẽ đó, chúng ta cần tập thói quen sớm cho con trẻ. Nếu để trẻ lỡ nhiễm phải thói quen xấu, sau nầy không dễ gì thay đổi được. Trên phương diện tập thói quen, không có vấn đề quá sớm.
Phitarch đã từng nói : « Sáp mềm dễ ghi dấu ấn thể nào thì tâm trí của trẻ thơ cũng dễ ghi lời giáo huấn thể ấy ».
Những thói quen mà ta có thể tập ngay cho trẻ vừa ra đời là ngủ nghỉ, nô đùa, bú sữa, tắm rửa cho có giờ giấc. Cũng trong thời gian ấy ta có thể vì quá yêu trẻ, cũng có thể để tránh sự bực mình mà cha mẹ vô tình tập cho trẻ những thói quen xấu bằng cách hễ khi trẻ cất tiếng khóc thì có người bồng ẵm ngay, hoặc tệ hơn nữa, mẹ nó chìa vú cho nó ngậm. Có thể trẻ nín, không làm phiền ta, nhưng cái hại trường kỳ quá mắc sánh với cái lợi tạm thời kia.
Khi trẻ lớn hơn ta cần tập cho chúng những thói quen khác, như đại tiện chẳng hạn. Mỗi ngày, sau khi ăn sáng, cho đứa bé ngồi bô. Cứ làm như đó là việc hết sức thông thường. Đừng quan trọng hóa, cũng đừng làm ra vẻ ghê tởm, tránh né. Tập trẻ được thói quen nầy, bà mẹ đỡ bực mình và khỏi phí thì giờ những lúc không thật cần thiết đặc biệt những lúc gia đình dự định đi du ngoạn hay những chuyến đi xa.
Cũng cần tập cho trẻ thói quen đánh răng sau mỗi bữa ăn. Sắm cho trẻ một bàn chải nhỏ, tập cho chúng cách thức chà răng cẩn thận từ trong ra ngoài, rồi từ trên xuống dưới. Luyện cho trẻ thấy đấy là điều vui thích mà có lợi ích hơn là sự bắt buộc khó chịu.
Nên dạy trẻ giữ thứ tự, ngăn nắp các đồ chơi của chúng. Cả giày dép, áo quần nữa. Chỉ định cho chúng những chỗ hẳn hoi để cất vật nào theo chỗ nấy. Muốn tập cho trẻ tánh
thứ tự, ta phải làm như việc dẹp cất đồ chơi xong là một trò chơi lý thú. Ví dụ, ta vừa tiếp trẻ dọn dẹp, vừa nói :
- Bây giờ mình cất những miếng gỗ vào đây thành một đống lớn. Còn đằng kia là nhà xe. Trời tối rồi, mình đem xe cất vào nhà xe đi.
Khi trẻ lớn lần, ta không cần phải nhắc nhở gì nó nữa cả, vì nó đã quen việc dẹp cất đồ chơi rồi. Dù đôi khi trẻ có quên, ta cần hợp tác thân mật với chúng.
Cũng phải tập cho trẻ thói quen sạch sẽ, sạch sẽ trên thân mình, áo quần và mọi vật có liên quan đến chúng. Ngoài sự mạnh khỏe, tươi tắn mà sự sạch sẽ đem lại, đứa trẻ càng sạch càng xinh đẹp, càng đáng yêu hơn.
Tập cho trẻ sống đơn sơ trong mọi sự vì đơn sơ là một đức tính đáng yêu, và tương đối rất hiếm thấy ngày nay. Cả sự tiết độ cũng cần tập cho trẻ từ sớm, tiết độ trong sự ăn uống, nô đùa, ngủ nghỉ cũng như học hành. Giúp cho trẻ ý thức được làm việc nhà là nhiệm vụ của mọi người trong gia đình, không phân biệt gái hay trai, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, vì sau nầy chúng phải tự lo săn sóc ngôi nhà riêng của chúng. Hơn nữa việc làm giúp cho con trẻ ý thức được vai trò của chúng trong xã hội thu gọn, để chuẩn bị đảm trách chức vụ quan trọng hơn trong xã hội rộng lớn.
Trẻ con cần phải quen vâng lời, tuân lịnh người có quyền, tự chủ lấy ý muốn mình, tập bảo vệ trật tự chung và sống cách có lợi cho người khác. Mỗi đứa bé ngày nay sẽ là một người tiếp tay kiến tạo xã hội ở ngày mai, hoặc sẽ là
người nguy hiểm cho nhân loại đều tùy một phần lớn thói quen ta tập cho chúng hiện giờ.
Tuy có những người cố chống lại, nhưng không ai đánh đổ được ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống hằng ngày của con người. Bởi vậy, ta cũng nên tập cho con trẻ quen việc lễ bái. Cho trẻ quen không khí trang nghiêm thánh khiết của giáo đường, để cho chúng thấy nơi ấy là chốn ngơi nghỉ của thể xác lẫn tâm hồn mệt mỏi, chán chường, là nơi chúng có thể nhận được nguồn hy vọng vui thỏa để khỏa lấp những phũ phàng mà chúng gặp phải trong cuộc đời đấu tranh gian khổ nầy. Có điều người lớn chúng ta không thể quên là một đứa trẻ có thể rất sùng tín, nhưng nếu những thói tật xấu của nó không được sửa lại, có thể lắm những tật xấu kia thắng thế, đè bẹp những ý niệm tốt về tôn giáo, và đứa bé có thể bị hư mất hoàn toàn. Trên điểm nầy, vai trò của cha mẹ thật vô cùng quan trọng. Không phải con trẻ cần nghe và đọc kinh mỗi ngày, nhưng chúng cần thấy đời sống đạo đức được thể hiện rõ ràng trước mắt, mà cha mẹ là những người chúng gặp gỡ thường xuyên và gần gũi hơn hết. Hơn nữa trong trí non nớt của trẻ, chúng không thể hiểu Chúa hay Phật như thế nào, chúng đem liên kết các Đấng linh thiêng ấy với hình ảnh người cha của chúng là người mà chúng ngưỡng mộ và thán phục hơn hết. Chẳng may nếu chúng gặp phải người cha độc ác, bê tha, mở lời là chưởi rủa vợ, vung tay là đánh đập con, thì Chúa hay Phật đối với trẻ không phải là Đấng từ bi, bác ái, nhưng chính là hung thần với tánh khí hiền dữ bất nhứt, và tôn giáo chỉ là
một mối đe dọa thường xuyên với âm mưu lật lường không ai dò trước được.
Con trẻ có biệt tài bắt chước theo hành động của người lớn. Thường khi chúng làm theo nhưng không hề cần biết hành động kia là tốt hay xấu, đáng theo hay đáng bỏ.
Một bà mẹ hay lặt rau ở nhà sau, nghe mấy đứa con cãi nhau om sòm ở nhà trước, bà la vói lên hoài mà chúng chưa chịu nín. Bà tức quá, bỏ rổ rau chạy lên, quơ tay hết lớn :
- Tại sao tao biểu tụi bay nín đi mà bây chưa chịu nín ? Cứ gây gổ hoài, um sùm lên như bầy chó hoang. Còn thằng Tâm, con Trinh, hai đứa bây chỉ chuyên môn ăn hiếp đánh đập em nhỏ… không biết xấu hổ…
Mấy đứa nhỏ tiu nghỉu. Nhưng con Trinh lên tiếng đính chánh :
- Tụi con đâu có gây lộn, đâu có ăn hiếp em… Không đợi con nhỏ dứt câu, bà mẹ la át :
- Mầy còn già mồm với tao hả Trinh ? Mầy không ăn hiếp em chớ mầy làm gì cho nó la như heo bị thọc huyết vậy ? Hả ?
Con Trinh thụt cổ nín khe. Thằng Tâm cố thu can đảm, thưa :
- Tụi con đang chơi trò chơi…
- Trò chơi gì rừng rú vậy ? Phải cái lẻo mồm lẻo mép thì không ai bằng tụi bây. Chơi cái gì mà mọi rợ vậy, tụi bây thử nói tao nghe coi…
- Dạ… tụi con… đang diễn trò chơi làm ba làm má…
Bà mẹ đỏ mặt, há hốc mồm ra, đứng chết trân trước mặt mấy đứa con. Bà không ngờ câu trả lời của mấy đứa con như vậy. Chúng nói lên một sự thật và sự thật ấy diễn ra trước mặt chúng mỗi ngày.
Con trẻ là vua bắt chước. Vì vậy để tập thói quen tốt cho trẻ con, ta cần phải tập thói quen tốt cho mình trước, cùng sửa lại những thói quen không tốt mà mình đã lỡ nhiễm phải. Một phần thói quen của ta là do ý thích của riêng mình như hút thuốc, uống rượu, chơi thể thao, chơi nhạc, v.v… Nhưng ta có thể dùng trí thức để sửa những thói quen thích đáng cho mình. Bạn thích nhạc, tôi cũng thích nhạc. Nhưng có thể loại nhạc bạn không thích hợp với tôi, vì bạn thích loại nhạc vui nhộn tưng bừng, còn tôi thích loại nhạc êm dịu, loại nhạc gây nhiều xúc cảm và bâng khuâng tâm hồn. Bạn đọc sách. Tôi cũng đọc sách. Có lẽ bạn chê loại sách của tôi đọc là vô bổ, còn loại sách của bạn đọc mới là sách có giá trị. Tại sao có sự khác biệt ấy ? Ngoài những ảnh hưởng di truyền, văn hóa, xã hội, còn phải kể thói quen mà ta tập thành.
Khi mới tập thói quen, ta cần đến sự chú ý cũng như cần đến trí thức hỗ trợ. Nhưng khi thói quen đã thành hình lần thì sự chú ý không còn quan trọng nữa. Thói quen được kết hợp lần trong hai thời kỳ khác nhau : thời kỳ thiết lập và thời kỳ hoàn thành.
Khi đã đến thời kỳ hoàn thành thì thói quen đã đâm rễ trong ta, ở mãi với ta. Lúc bấy giờ ta có xu hướng tái diễn
một hành động nào đó cách tự động. Sự chú ý không còn cần thiết nữa. Trí thức ít có ảnh hưởng trên nó, ngoại trừ trường hợp ta cương quyết thay đổi thói quen ấy đi. Làm thế ta phải cố gắng chiến đấu với ý chí, và cương quyết mới mong thắng được. Nếu ta quen đọc loại sách giải trí rẻ tiền mà bây giờ muốn đổi qua loại sách khảo cứu giá trị, ta sẽ thấy việc ấy vô cùng khó khăn. Không phải sách khảo cứu quá cao sánh với văn hóa căn bản của ta ; không phải lối hành văn khó hiểu ; không phải bởi tư tưởng cầu kỳ của tác giả, chỉ tại ta không quen tập trung tư tưởng để suy luận, để tìm hiểu tác giả muốn trình bày điều gì đó thôi. Nói cách khác, ta đã quen với những tình tiết éo le, những bi khúc lâm ly, những mẫu chuyện kích thích trí tưởng tượng của ta cách dễ dàng mà không cần suy nghĩ, nên cảm thấy những thứ sách không đồng loại kia rất « khó tiêu ». Tuy nhiên nếu có đọc, thì càng đọc ta càng thấy dễ chịu hơn, và đến một thời kỳ nào đó, ta không còn thích đọc loại sách « rẻ tiền » mà ta hằng ham thích trước kia nữa. Bởi thế tập thói quen từ sớm cho đứa trẻ sẽ dễ dàng và có lợi cho nó hơn.
Phải tập cho trẻ luôn luôn thốt lời « cảm ơn » khi được giúp đỡ ; « làm ơn » khi thỉnh cầu một điều gì ; lại cũng phải nói « xin lỗi » khi có lỗi lầm với ai, làm tổn thương một người nào hoặc bị bắt buộc phải làm trở ngại một người nào khác. Dạy cho trẻ thấy rằng những lời nói ngắn ngủi kia không làm chúng mất thể diện, trái lại nó tăng thêm phẩm chất, mọi người sẽ trọng nể và quí mến chúng hơn là nếu chúng dùng những tiếng chưởi thề, những lời nói tục tĩu làm tiếng mở đầu câu nói.
Trẻ cũng cần tập thói quen lễ độ với mọi người. Ngay trong lãnh vực nầy, người lớn cũng vẫn phải làm gương cho trẻ. Một phần lớn sự việc trẻ học được là do trẻ bắt chước theo người lớn. Tuy ta không để ý đến việc ấy, thực ra con trẻ luôn luôn quan sát thái độ, tư cách, lời nói của người lớn và âm thầm làm theo. Chắc hẳn có lần bạn ngạc nhiên khi nghe đứa bé mới lên bốn, năm tuổi thôi, nhưng nói những câu thật « văn chương bóng bẩy », dùng những chữ thật tối nghĩa mà chắc chắn nó không hiểu gì cả. Nếu ta muốn con trẻ lễ độ, ta không thể kém lễ độ hơn chúng.
Vị tha là một đức tánh hiếm thấy ở thời đại nầy. Con người càng ngày càng xuống dốc, luân lý càng bại hoại, tội ác càng thêm dẫy đầy là dấu chỉ con người đã gần đến ngày tận diệt. Tất cả những sự kiện suy đồi nầy đã được tiên đoán trong Kinh Thánh sách II Ti mô thê 3 : 1-15 bằng lời lẽ nầy :
« Hãy biết rằng trong ngày sau rốt sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy, phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó… »
Trong các tội đã kể ra, ta thấy tư kỷ đứng đầu. Tư kỷ tức nghịch lại vị tha. Dầu vị tha là đức tánh rất hiếm ; rất cao quí, nhưng ta vẫn có thể luyện cho trẻ có thói quen giúp đỡ người khác được.
Khi trẻ hãy còn nhỏ, ta có thể tập cho chúng bớt nghĩ về mình bằng cách cho trẻ khác chơi chung đồ chơi của nó. Khi có nhiều đồ chơi, chúng có thể chia sớt bớt cho trẻ khác cũng được chơi, tức cả đôi bên đều được vui và tình thân ái càng thêm đậm đà. Cần dạy cho trẻ biết phải nghĩ đến người khác, giúp đỡ người khác chớ không phải lúc nào cũng biết có một mình thôi. Trong mọi sự mà người ta đóng góp cho đời, chỉ có lòng vị tha là cần thiết và có giá trị hơn cả. Tập cho trẻ quen nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, coi điều ấy là trọng hơn sự đau đớn mà riêng nó phải mang.
Ở Âu Mỹ có nhiều gia đình treo một cái hộp nhỏ nhỏ ở trong nhà, gọi là « Hộp Thương Người ». Con trẻ có thể bỏ vào đấy những đồng tiền mà chúng định dùng vào việc không thật lợi ích. Số tiền kia sẽ được dùng vào việc cứu giúp những người nghèo khó. Người lớn cũng có thể bỏ tiền vào hộp ấy được. Tập thế lâu ngày lòng thương người sẽ phát lộ trong con trẻ cách tự nhiên như là một thói quen vậy.
Thói quen cũng có ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống nghệ thuật của con người. Ta thường thán phục những ngón tay bay bướm nhẹ nhàng của một dương cầm gia, say mê những nét chấm phá như đùa bỡn của một họa sĩ, và đã hơn một lần mình thầm ước cũng « làm » được như họ. Nhưng có bao giờ ta nghĩ rằng những cái điêu luyện tuyệt vời kia một phần lớn thuộc về thói quen chăng ? Đành rằng các nghệ sĩ phải tập luyện, và câu cách ngôn của người Anh rất chí lý khi họ nói « chỉ tập luyện mới đến mức toàn hảo », nhưng tập luyện để làm gì nếu không phải để làm
một cử động nào đó cách thuần thục mà không phải dùng đến lý trí để phân tách xem tại sao ta làm như vậy, cũng không cần đến ý chí để buộc ta phải làm như vậy. Khi một nhạc sĩ dương cầm gặp một khối nốt nhạc đen xì gồm có những nốt mang tên la, do, mi, sol, si chẳng hạn, người bấm ngay trên phiếm ngà những nốt mang tên ấy mà không cần phải suy luận, cũng không cần nhìn xuống mặt đàn. Tại sao người đánh dương cầm làm được việc mà phần đông chúng ta không thể làm được như vậy ? Chỉ vì người đã tập quá nhiều lần những nốt nhạc mang tên ấy – có thể trong những trường hợp khác nhau trong những bản nhạc khác nhau – nhưng người không thể lầm lẫn nó với hợp âm khác. Cách thức nhìn mặt nốt nhạc thì giống nhau, nhưng điểm khác biệt giữa một nghệ sĩ và một thợ đàn là ở chỗ bấm những nốt như thế nào để có thể truyền cả hồn và ý của mình vào để phát ra những âm điệu gây được xúc cảm mãnh liệt cho người nghe, lại thuộc lãnh vực khác.
Qua một vài nhận xét ở một vài khía cạnh trong cuộc sống, ta có thể suy luận thêm và thấy thói quen đã chiếm một chỗ qua lớn trong đời người. W. James đã từng nói :
« Nếu các bạn trẻ có thể am hiểu rằng họ sẽ trở nên rất chóng có những thói tật lang thang, thì họ chú trọng đến hạnh kiểm của họ nhiều hơn trong khi tư cách của họ còn giữ cả sự mềm dẻo của nó. Ta tự kết lấy vận mạng tốt hay xấu của riêng mình bằng một thứ sợi không thể tháo gỡ ra được ».
Đối với những trẻ nhỏ, hẳn chúng chưa đủ ý thức để nhận thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của thói quen đối
với cuộc đời nó sau nầy, nhưng người lớn chúng ta nhận thấy, phân biệt được những thói quen có lợi và có hại, phải mau loại bỏ cái hại, nhận lấy cái lợi và luyện lần cho trẻ. Việc luyện thói quen này phải khởi sự càng sớm càng tốt, vì để lâu chừng nào càng khó sửa lại chừng nấy.
IV. MỘT VÀI THÓI XẤU CỦA TRẺ
Những khả năng thiên phú, những bộ óc siêu việt không phải là dấu chỉ con người ấy có một cá tánh đáng chuộng. Danh tiếng ở đời, bằng cấp cao cũng không tạo được cá tánh con người. Trong đời người không còn gì quí bằng cá tánh, vì nếu phải là bỏ đời sống tạm bợ nơi dương thế nầy để vào cõi vĩnh sanh, thì cá tánh là thứ duy nhứt con người được cứu có thể đem theo.
Tập quán có ảnh hưởng rất lớn với cá tánh nếu ta không muốn nói chúng là anh em sanh đôi. Vì vậy, nếu ta thấy cần luyện thói quen tốt cho trẻ sớm, cũng phải sớm luyện cá tánh của nó.
1) Trẻ gây gổ
Một trong những rắc rối quan trọng mà gần như mọi gia đình đều gặp phải, là trẻ con trong nhà thường gây gổ nhau. Thật ra các nhà giáo dục nghiên cứu và thấy rằng anh chị em trong nhà gây gổ nhau là việc thông thường ; dầu rằng sự thông thường này không thể ước lượng được. Những sự rắc rối nầy xảy ra ở hầu hết chớ không phải ở mọi gia đình. Những cuộc gây gổ này phát sinh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau ở trong những gia đình khác nhau.
Chúng ta không thể viện cớ rằng gây gổ là việc tự nhiên của trẻ con để làm ngơ trước những hậu quả không mấy quan trọng kia. Ta không thể nào để gia đình biến thành bãi chiến trường, cũng không thể để con trẻ quen và phát triển
bản tánh ấy. Trên phương diện người hướng dẫn gia đình, ta phải tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh lại tình trạng nầy.
Nguyên nhân của việc gây gổ thì nhiều vô kể, nhưng có thể rút gọn lại là : trẻ không được thỏa mãn nhu cầu của nó. Vì vậy cha mẹ cần phải tìm nguyên nhân của những va chạm trong gia đình và loại hẳn đi.
Những chuyện gây gổ vặt kia phát sinh dễ dàng. Nhiều khi không phải chỉ xảy ra trong vòng trẻ cùng chung một nhà, những trẻ của gia đình nầy lại có chuyện xích mích với trẻ thuộc gia đình khác. Nhiều khi người ta phải có sự khôn ngoan như Sa-lô-môn mới giải quyết ổn thỏa nổi. Dầu vậy cũng có lắm trường hợp con trẻ tự giải quyết êm đẹp với nhau được.
Nhiều lúc trẻ dễ gây gổ chỉ vì chúng khó chịu trong mình mà bịnh trạng chưa lộ hẳn dấu hiệu trên thể xác.
Những sự khó ở nầy có thể do thiếu ngủ hoặc chương trình học ở trường quá nặng nề. Bởi thế mọi con trẻ đều cần được khám bịnh kỹ, ít nhất mỗi năm một lần. Đấy cũng là dịp rất tốt để khám phá ra những bịnh ngặt trong thời kỳ sơ khởi của chúng. Nếu không phải vì bịnh thể xác làm cho trẻ quạo quọ, ta cần tìm nguyên nhân khác.
Không nên để con trẻ sống trong bầu không khí khó chịu, giận hờn như vậy mãi, vì sự bất hòa nầy có thể gây bịnh thật sự cho cơ thể và ảnh hưởng vô cùng nguy hại đến đời sống tình cảm của trẻ.
Sự cảm thấy thiếu đảm bảo cũng làm trẻ con dễ quạo. Sự bất hòa giữa cha mẹ, hoặc tình yêu của cha mẹ không
tuôn tràn xuống chúng cũng làm chúng dễ gây. Nhiều trường hợp trẻ hay gây là do cảm thấy cha mẹ yêu thương, chiều chuộng anh, chị hoặc em nó hơn yêu nó, nên ganh tức và tỏ phản ứng của nó. Bởi vậy cha mẹ cố thương yêu đều nhau và đối xử công bình với mọi đứa con mà không nên biệt đãi một đứa trẻ nào, dầu điều nầy rất khó thực hiện.
Nhiều khi sự xuất hiện của một em bé trong gia đình làm cho những đứa lớn hơn ganh tức. Chúng ganh tức vì thấy người lớn cứ thay phiên nhau lo lắng cho em bé mà không ai ngó ngàng gì đến chúng cả. Thỉnh thoảng chúng lén cha mẹ để ngắt, véo em bé , hoặc tỏ thái độ cành nanh, nhảy xô vào lòng mẹ khi thấy mẹ cho em bú… Trong trường hợp nầy cha mẹ cần dẫn giải cho trẻ hiểu là em bé thật yếu đuối và bất lực nên cha mẹ phải săn sóc nhiều hơn, nhưng cha mẹ vẫn yêu con lớn (cần tỏ hẳn trong việc làm). Khuyến khích trẻ bày tỏ tình yêu đối với cha mẹ và em bé bằng cách giúp cha mẹ để săn sóc em bé.
Đối với các thiếu niên từ 12 tuổi trở lên thì sự gây gổ do những nguyên nhân hơi khác hơn. Ở tuổi nầy trai cũng như gái đều cảm thấy mình là người lớn và muốn được mọi người coi như người lớn. Nếu có một người bà con gặp lại họ sau nhiều năm xa cách và đối xử với họ như khi họ hãy còn bé, chắc họ sẽ rất bất mãn.
Vào tuổi nầy người con trai thường có những hành động rất dõng mãnh, thường phô trương sức mạnh, dọa người nầy, đòi đánh người kia mà cặp mắt đảo liên xem ai có thán phục mình không. Trong những trò chơi, họ thường la lối, cố
lấn lướt bạn bè để mình nổi bật, mong được người khác phải để ý.
Người con gái cũng tương-tự như vậy. Khi nào chỗ đông người, các cô thường để mắt quan sát coi đàn ông có nhường lối cho mình không, hoặc người ta có trầm trồ, liếc, ngó khi mình đi qua không. Nếu có vậy thì đó là dấu hiệu chứng tỏ cô đã lớn, và cô thích vậy.
Anh chị em trong nhà thường ganh đua nhau để cố thành người lớn trước hơn. Họ làm thế mà không biết rằng sự lấn lướt kia là dấu chỉ họ còn « con nít », còn non kém. Họ hay thách thức và chế giễu công việc làm của anh chị em mình, xem dường như đó là trò trẻ, chẳng có giá trị gì cả.
Hơn nữa thanh thiếu niên lại bị áp lực nhiều nơi – ngoài gia đình – dồn ép. Ở trường họ bị thầy giáo thúc đẩy để học nhiều hơn. Rồi bạn bè quyến rũ làm điều nầy, điều nọ, bất kể đến cha mẹ có bằng lòng hay không. Xóm giềng buộc họ phải có tư cách như ông bà cụ. Tất cả những áp lực ấy dồn ép họ cả ngày. Họ không dám hỗn láo với thầy, không dám đối địch lại bạn hữu, không dám chống lại viên cảnh sát ở đầu đường, đến khi về nhà họ thấy có thể để mọi bực tức kia nổ tung với anh, chị, em, là những người họ có thể thắng được, hoặc ít ra không sợ bị trả đũa đau đớn.
Đôi khi có thể để trẻ tự giải quyết với nhau, nhưng thường thường cha mẹ phải để ý đến khi cuộc gấu ó bắt đầu hay đang đến chỗ gay go quyết liệt.
Tuy anh chị em một nhà hay gây gổ nhau, nhưng không đến nỗi trầm trọng lắm. Gặp cơn rắc rối với người ngoài, chúng luôn luôn binh vực nhau. Đứa nầy bị tổn thương, những đứa khác bị đau đớn lây. Đến tuổi trưởng thành họ sẽ thương mến nhau và gần gũi nhau hơn. Đến khi thảy đều lập gia đình riêng, họ bỗng cảm thấy thời gian sống dưới mái nhà cha mẹ thật nhiệm mầu, đáng ghi tâm khắc cốt.
Để hạn chế bớt những trận gây gổ trong gia đình như vậy, ta nên lưu ý vài điểm sau đây :
1) Lo những bữa ăn đầy đủ và ăn đúng giờ. Tránh ăn vặt ngoài ba bữa chánh. Tối cho trẻ đi ngủ sớm.
2) Đừng bắt trẻ làm việc hoặc học hành quá sức. Đừng buộc trẻ lúc nào cũng phải đứng nhứt lớp. Tránh việc học thêm, càng nhiều càng hay. Nếu chương trình đã nặng rồi, không nên cho trẻ học thêm vài ba lớp nhạc và ngoại ngữ khác nhau nữa.
3) Lo cho mỗi đứa trẻ đều có cơ hội vận động mạnh ngoài trời.
4) Hạn chế những buổi xem xi-nê. Tránh hẳn những phim kích thích mạnh.
5) Nên đối xử dịu hiền và công bình với mọi trẻ. Đừng thiên vị và phải bày tỏ nhiều tình yêu.
Khi bạn gặp đứa nầy đánh đứa kia, bạn phải làm gì ? Đánh trả thù giùm đứa bị hà hiếp chăng ? Có thể lắm, nhưng đó không phải là biện pháp thích đáng, vì đứa trẻ rất dễ hiều lầm người lớn.
Trong những trò chơi cần sức mạnh, thế nào cũng có đứa bị đau. Những trẻ hay hoạt động và có sức thường có thể tự xoay xở lấy, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Vì vậy người lớn chớ vội nhúng tay vào để trả đũa cho đứa trẻ bị đau.
Có những trẻ quá dư sức chịu đựng nên hay đấm đá, làm đau đớn bạn hữu mà không ý thức rõ ràng việc mình làm. Chúng cần phải làm vậy để xả hơi bớt. Trường hợp nầy chỉ cần giải thích cho trẻ hiểu là đủ. Nhưng nếu trẻ cứ tiếp tục đấm đá người khác mãi thì lại là chuyện khác. Có thể vì nó ganh tị. Việc này không thể bỏ qua được, vì có thể sẽ phát sinh những xáo trộn tình cảm rất có hại cho nó về sau. Cần tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh ngay.
Trẻ hiện đang sống trong thế giới văn minh nên nó cũng cần phải « văn minh », có nghĩa là phải tôn trọng quyền hạn và tự ái của trẻ khác chứ không phải mình muốn làm gì thì làm. Tận trong thâm tâm chắc không có đứa trẻ nào muốn làm người khác phải đau đớn, nhưng nó khó kiểm soát được hành động của nó, không phải bằng quyền sức nhưng bằng yêu thương và lòng nhân từ. Khi nó thấy có người yêu thương và cảm thông nó, bấy giờ nó sẽ nhận được có những giới hạn nào đó mà nó không có quyền vượt qua. Đấy là trách nhiệm chung của cha mẹ và giáo viên để giúp trẻ có sự thanh tịnh trong tâm hồn và trở nên người đáng được mến phục trong xã hội vậy.
2) Trẻ phá hoại
Khi trẻ cố tình đập phá đồ chơi hay các vật dụng khác thì tình trạng có vẻ khá trầm trọng. Ta phải thường tự tìm hiểu : tại sao nó làm vậy ? Có phải nó bất mãn với những sự kềm chế quá đáng chăng ? Nó cảm thấy được yêu thương và được cần đến chăng ? Trong gia đình có việc gì để nó ganh tị không ?…
Đừng đòi hỏi quá nhiều nơi nó. Nó cần được khuyến khích hơn. Cố tìm coi tại sao nó không thể sống hòa hợp với người khác được. Hãy khích lệ nó tạo thành những tình bạn mới trong hòa khí và tiếng cười. Tương lai của nó tùy nơi sự giúp đỡ của ta hôm nay.
Có những trẻ gây rắc rối như vậy là muốn người ta chú ý đến mình. Cũng có thể nó nhàm chán với trò chơi hoặc công việc thông thường quá rối. Bạn cố cung cấp cho nó những vật dụng kiến trúc để nó chơi. Nếu ta thấy trẻ cần phải xé nát, cung cấp cho nó những báo cũ, vải vụn, v.v… nếu nó cần đè bẹp đồ vật, nên cho nó chơi với đất sét. Đập, phá, xé nát như vậy cung là một cách giải thoát những sự căng thẳng, bực bội bên trong. Ta cũng có thể tập cho nó làm vườn, nhổ cỏ, v.v…. nhưng nên nhớ trong việc nầy cần tạo nên không khí của một trò chơi đầy hứng thú. Đừng lấn lướt những cảm xúc của nó quá. Cố giúp cho nó có nụ cười trên môi luôn.
Ta cũng cố tìm xem, nếu trẻ có ý thức về máy móc, hãy cung cấp cho nó những đồ chơi tháo ráp được. Nếu đứa trẻ có khuynh hướng về nghệ thuật hội họa, cần sắm cho nó một tấm bảng lớn và khuyến khích nó sử dụng thường. Làm thế chẳng những ta giúp nó phát triển năng khiếu riêng của
nó, mà ta khỏi ráp lại những vật dụng bị trẻ tháo bung, hoặc cạo rửa vách tường bị trẻ vẽ đầy.
Những đứa trẻ không bao giờ dám mó tay vào đất hoặc thọc chân vào bùn không hẳn là trẻ tốt. Có đứa thích làm xáo trộn mọi vật hoặc rải bừa đồ chơi ra nền nhà. Giải pháp cho trường hợp này là một thùng cát, mỗi cạnh một thước và cao hai tấc tạm đủ rồi, hoặc cho trẻ một góc vườn, một góc sân để tự do « vùi bùn ». Hãy để cho trẻ sống tự do theo ý thích của nó trong phạm vi định sẵn cho nó. Đàn áp chúng trong phương diện nầy không có lợi cho sức khỏe của chúng, và tay chân trắng trẻo chưa hẳn là điều đáng chuộng. Những trẻ cứ lầm lì, không hoạt động gì cả có thể là dấu chỉ mặt tình cảm của nó bị xáo trộn ít nhiều. Hãy để cho trẻ hoạt động theo cách trẻ con thường tình phải hoạt động.
Khi một đứa trẻ nô đùa quá bạo (thường là bé trai), ta nên ngồi lại kể cho nó nghe một câu chuyện trầm tĩnh. Nhớ chuẩn bị sẵn sàng luôn một câu chuyện để kể cho trẻ nghe. Một vài phút ngồi lại với trẻ như vậy có thể giúp ta thoát hằng giờ khổ tâm hoặc phải tái thiết những đổ vỡ do trẻ tạo nên sau nầy.
Nếu quanh nhà ta không có đất trống để cho trẻ chạy nhảy tự do, nên gởi chúng học nơi trường có sân rộng. có thể cần phải cho trẻ gia nhập vào các tổ chức hướng dẫn sinh hoạt thanh thiếu niên thích hợp với cỡ tuổi của trẻ như các hội hướng đạo chẳng hạn, nhờ đó chẳng những trẻ được tận dụng sức lực tiềm tàng trong chúng mà còn học thêm được nhiều điều rất có lợi. Cố tránh việc la rầy trẻ liền
miệng, nhứt là la rầy cách vô lý. Dùng tình thương và lòng kiên nhẫn để hướng dẫn trẻ sẽ có lợi hơn. Việc luyện cho trẻ có một cá tánh quân bình không phải dễ dàng, cũng không thực hiện mau chóng, nhưng kết quả sẽ đưa đến sự thỏa lòng khó có chi sánh được.
3) Nói dối
Ở tuổi trẻ mọi sinh vật đều có trí tưởng tượng rất phong phú. Nhờ đó mà chúng lớn khôn. Nếu để ý ta sẽ thấy những con mèo, chó con thỉnh thoảng chạy nhảy, quay cuồng, lăn lộn, rượt bắt, né tránh dầu chỉ có một mình nó thôi, mà thú lớn không bao giờ làm thế. Chúng dường như rượt bắt một hình ảnh tưởng tượng nào đó, mà sau nầy lớn lên, chúng sẽ rượt bắt thật sự.
Trẻ con cũng vậy. Gặp một đống cát, chúng liền ngồi lại để cất nhà, định vị trí nơi nào là nhà của chúng, nơi nào là nhà của bạn bè, nhà ông bà, v.v… rồi vạch những con đường ngoằn ngoèo để tiện bề liên lạc, làm cầu hang cho xe chui qua. Trẻ cầm một miếng gỗ – có thể hoàn toàn không có chút giá trị nào – rồi chúng tưởng tượng ra đó là đầu máy xe lửa vĩ đại kéo hằng chục toa goòng, « xìn xịt » chạy dài trên con đường sắt cũng tưởng tượng nốt. Rồi những chiếc máy bay phản lực, những trận chiến kinh hồn diễn ra làm náo động cả xóm cũng đều do trí tưởng tượng cả. Thỉnh thoảng trí tưởng tượng của trẻ bị bóp méo cũng là việc tự nhiên.
Ngoài những bắp thịt hoạt động, con trẻ cần có trí não linh hoạt. Thật ra con trẻ cần được khuyến khích phải dùng
trí tưởng tượng cách sáng tạo. Một phần những phát minh quan trọng mà chúng ta thụ hưởng ngày nay là sản phẩm của trí tưởng tượng trẻ con. Hồi còn bé, khi chơi nấu nước trong ấm mà ông James Watt khám phá ra sức mạnh của hơi nước. Những phát minh quan trọng nhứt của Thomas Edison cũng khởi đầu từ lúc ông còn trẻ. Mọi con trẻ đều có khả năng sáng tạo và chúng cần bày tỏ ra. Ta phải cố tránh việc đè nén khả năng tưởng tượng hoặc việc làm của trẻ mà ta thấy như không thể thực hiện được. Thường thường trẻ có khả năng tưởng tượng vượt quá khả năng của chúng. Trẻ con không thể nào suy nghĩ và lý luận rõ rệt được. Trí tưởng tượng của chúng quá linh hoạt. Chỉ sau nầy, khi lớn lên và có nhiều kinh nghiệm, chúng mới phân tách được cái nào là sự thật và cái nào là không tưởng thuần túy.
Khi đứa trẻ đến tuổi có thể phân biệt sự thật với huyễn hoặc rồi, nó kể đủ các chuyện « láo toét ». Nghe chuyện nó kể, ta có thể thấy nó kéo giãn sự thật một chút, nhưng không phải nó nói láo với ý nghĩa rõ rệt của chữ ấy. Nó không cố bóp méo sự thật. Nó chỉ chưa phân biệt rõ được sự thật với phóng đại mà thôi. Vì vậy cha mẹ không nên hoàn toàn tin lời con trẻ kể lại việc xảy ra ở hàng xóm và ở nhà trường, nhưng nếu tự mình điều tra lại, sẽ tránh được nhiều chuyện hiểu lầm với láng giềng và giáo viên.
Đây là lúc nên tập cho trẻ hiểu sự khác nhau giữa ý kiến riêng của nó và sự thật mà người khác nhìn thấy. Khi trẻ đến với ta để kể một câu chuyện phóng đại, ta cứ bình tĩnh ngồi nghe, càng bình tĩnh càng tốt. Nghe xong, mỉm cười và nói với nó :
- Thật là một câu chuyện lý thú. Nhưng bây giờ con thử kể lại, và chỉ nói những gì thực sự xảy ra thôi.
Nếu làm thế đứa bé sẽ rất ngạc nhiên mà thấy lần kể chuyện sau không hoàn toàn phù hợp với lần đầu, và nó học được sự quan trọng của việc chỉ kể lại sự thật mà thôi.
Với trẻ lớn hơn thì câu chuyện lại khác đi vì nó cố ý bóp méo sự thật (và nó biết vậy) cho phù hợp với ý nghĩ của nó. Vì vậy ta phải hết sức cẩn thận trước khi kết luận hoặc tin theo câu chuyện con trẻ. Trong phút tinh thần căng thẳng người ta thường nhìn thấy sự việc xảy ra hơi khác nhau – cả người lớn cũng vậy. Ba người chứng kiến một tai nạn xe hơi vô cùng khủng khiếp. Đứng trước tòa án, lời chứng của ba người đều hơi khác nhau vì mỗi người kể lại tai nạn kia theo cảm quan của mình. Nếu ta không biết gì hết về tai nạn ấy mà chỉ nghe lời khai của ba nhân chứng thôi, thế nào ta cũng đi đến kết luận : Có người khai man.
Với người lớn còn vậy, làm sao ta trách trẻ con được. Thật dễ cho đứa bé kể lại câu chuyện theo ý nghĩ của nó đến nỗi nó bắt đầu tin câu chuyện nó kể là chuyện thật. Khi trẻ nói cho ta nghe về sức mạnh và tánh hào hiệp của nó, nó kể cách linh hoạt đến ta tin ngay rằng nó có thể đánh ngã bất cứ người nào nó gặp ngoài đường, nhưng suy luận lại, ta sẽ thấy việc ấy chẳng qua chỉ là lời khoe khoang khoác lác mà thôi.
Nếu sự khoác lác nầy cứ tiếp diễn mãi, thế nào cũng đến lúc ta tự hỏi : Tại sao trẻ làm vậy ? Có phải vì nó kém sức khỏe ? Hoặc nó kém thông minh hơn các trẻ cùng lớp ?
Hay có sự ganh tị trong gia đình ? Nó bị bỏ rơi chăng ? Hay nó bị đối xử bất công ?…
Trả lời cho câu hỏi tại sao em nói dối, một em bé cho biết :
- Nếu ba không đánh em, em sẽ không nói dối đâu.
Nếu người cha được hỏi tại sao đánh con, có lẽ ông sẽ đáp :
- Nếu nó không nói dối nữa, tôi cũng không đánh nó nữa làm gì.
Xét trên thực tế trong một gia đình trung trung ở Việt Nam, mà cũng có lẽ ở bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, lời nói thật của con trẻ thường đưa đến một hậu quả bi đát cho nó.
Bé Thành ở lớp Tư. Nó học rất giỏi, gần như luôn luôn được đứng tên trên bảng danh dự của trường. Không hiểu vì lẽ gì ba tuần lễ nay nó bị sụt xuống hạng 7. Tất cả bài học đều thuộc, bài làm đều đúng – ít ra nó cũng nghĩ vậy – mà vẫn không lên hạng nổi. Ba nó hăm :
- Nếu tuần nầy mầy vẫn còn « nằm » ở dưới nữa thì đừng có trách.
Tuần nầy Thành vẫn không « leo » lên nổi. Khi bị hỏi, Thành đáp là nó đứng hạng ba. Nó không dám nói đứng nhứt, vì như vậy thì láo quá rồi, cũng không dám nói thật là hạng sáu, vì sợ bị đòn. Nó đành nói láo một nửa vậy. Ba của Thành đã không dò xét kỹ lại tỏ ý khen con và hứa sẽ
thưởng cho nó. Thì ra nói láo có lợi, vừa khỏi bị đòn mà còn được thưởng nữa ! ?
Kim Oanh lỡ tay làm bể hũ đường. Mẹ hỏi, em thú thật. Liền đó những cái tát tai nẩy lửa giáng vào mặt mũi, những cái cú đau điếng đổ liên hồi lên đầu, những câu la rầy chưởi mắng xoáy mạnh vào hai tai em. Ít hôm sau, em rủi làm đổ hộp sữa. Mẹ hỏi em, em chối, viện lẽ đi chơi mới về. Mẹ có vẻ giận lắm nhưng không đánh em cái nào cả. Cũng may Oanh chưa đổ lỗi cho ai, vì làm thế em đã đi một bước sâu hơn nữa trong con đường khó trị.
Như vậy, một trong những nguyên nhân nói láo là để tránh cơn thạnh nộ trút xuống chúng không chút tình thương. Trẻ nói láo để tự vệ, vì chúng yếu mà người lớn mạnh, người lớn có trọn quyền muốn làm gì chúng thì làm. Tuy nói dối như vậy, đứa trẻ không có ý định xuyên tạc sự thật hoặc gieo hoang mang cho người nghe, có nghĩa là chưa đến nỗi trầm trọng lắm. Không phải một người nói dối vài lần là đã quen thói nói dối đâu. Vì vậy những người làm cha mẹ phải tìm hiểu trẻ và tránh, đừng cho nó có dịp nói dối nữa. Phải cố tạo tánh ngay thật vốn có trong nó. Chỉ khi nào nó sống trong hoàn cảnh không tốt, giữa những con người gian xảo, đầy mánh khóe, nó mới trở nên đứa nói dối thực thụ.
Trường hợp nói dối sau đây mới đáng ngại hơn, là chỉ hơi nói sai sự thật đi chớ không bỏ hẳn sự thật. Trẻ đã quen nói dối quá rồi đến không còn sơ hở thơ ngây nữa. Nó chuẩn bị, sắp đặt trước những lời nói, cho vẫn còn sự thật hoặc căn cứ trên sự thật nhưng đã được thêm nhưng thêm nhụy,
làm cho đẹp hơn, hoặc bóp méo hay giảm sự thật đi ít nhiều. Điểm tế nhị trong việc nầy là đứa trẻ đóng kịch rất khéo. Nó làm ra vẻ rất thơ ngây, thật thà cách vô cùng khách quan khi nó nói dối. Để đánh lạc sự chú ý của người khác, nó lại đả kích dữ dội những mánh khóe của người khác mà riêng nó, nó vẫn sử dụng.
Ông Raymond Beach trong quyển « Nous et Nos Enfants » có thuật chuyện các học sinh trong một trường nội trú nọ thường trái lịnh giám thị, họp nhau lại nói chuyện và làm ồn trong giờ tắt đèn đi ngủ. Khi giám thị đến, ai nấy đều đã trở về nằm yên trên giường rồi. Vì không ai chịu thú tội nên cả phòng đều bị phạt. Có một học sinh về nhà kể lại chuyện nầy cho ba mẹ nghe. Nó tỏ vẻ rất khinh khi những đứa khiếp nhược đã làm cho mọi người bị phạt. Nhưng chỉ ít hôm sau người ta khám phá ra chính nó là một trong những đứa đầu đảng của các cuộc ồn ào nọ.
Khi khám phá ra trẻ nói láo, ta phải xử trí như thế nào ?
Trước hết hãy trầm tĩnh. Bắt trẻ đi súc miệng là cách có nhiều người áp dụng, sẽ không làm cho trẻ hết nói láo, trái lại nó càng ghét cay ghét đắng ta hơn. Bắt nó xưng tội trước mặt người khác cũng chẳng giúp được gì, mà có thể làm cho nó cảm thấy không còn muốn nói thật nữa. Nhưng ta xử đúng cách và đúng lúc, ta có thể làm cho nó muốn thú nhận và xin lỗi. Đó chính là điều ta muốn thâu hoạch.
Hình phạt không dạy trẻ được bao nhiêu. Thường khi hình phạt như vậy chỉ là một hành động để thỏa lòng giận dữ của cha mẹ thôi. Nhiều khi cha mẹ đánh con vì giận lẫy
xóm giềng, hoặc để làm thỏa lòng người hàng xóm. Đó thật là việc bất công vô cùng. Trẻ bị đánh đập như vậy cảm thấy mình cô độc và không ai hiểu mình cả. Việc phạt con như vậy không chữa được tánh nói dối của nó.
Không ai dạy trẻ nói thật được khi người lớn sống với hai ba bộ mặt khác nhau cùng những chuyện hơi láo một chút được thốt ra mỗi ngày. Người lớn có thể tạo một bức tường giả dối để bảo vệ họ, làm như họ rất thật thà, chánh trực, nhưng bức tường ấy không che đậy nổi bản chất thật của họ trước cặp mắt trẻ thơ. Vì vậy muốn giúp trẻ chừa tánh nói láo, ta phải cải thiện lối sống trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ con. Phải cẩn thận những lời hứa của ta với trẻ. Khi đã hứa, cố thực hiện cho được.
Không ai không biết chuyện thầy Tăng Tử làm thịt heo cho con ăn vì lời hứa vô tình của vợ. Mẹ thầy Mạnh Tử vì lỡ lời, phải qua nhà hàng xóm mua thịt heo về cho con ăn. Đó là những gương rất sáng trong việc dạy con không nên dối trá.
Ông James Abraham Garfield, cố Tổng Thống Hoa kỳ, khi còn là một giáo viên trường làng đã có lần phải đi bộ sáu cây số trong một đêm mưa bão để trả cho cậu học trò con dao mà ông đã mượn và hứa trả vào mãn giờ học, nhưng ông quên lãng đi mất cho đến khi học sinh đã về hết rồi. Có nhiều người cho rằng đến sáng hôm sau ông Garfield vẫn có thể trả dao lại cho học trò được, nhưng ông nói : « Lời hứa là lời hứa, tôi phải giữ đúng lời hứa của tôi ».
Những bậc hiền minh ấy không muốn tạo hai cái mẫu mực, hai cái luân lý khác nhau giữa người lớn và trẻ con như thường tình nhân thế vẫn làm. Họ không chấp nhận câu nói : « Tao biểu sao thì mầy làm vậy, chớ đừng bắt tao phải làm như mầy, vì mầy là con nít còn tao là người lớn ». Họ biết rằng trẻ con thấy người lớn không làm theo điều mình dạy, khi nó có đủ trí khôn, có đủ tự do, nó sẽ không theo cái lề lối trẻ con phải theo, mà theo « lề lối người lớn ».
Thử xét kỹ lại, ta sẽ thấy mình lừa dối trẻ con quá nhiều. Từ lời hứa cho đi dạo chơi, mua sắm đồ đạc, đến, gạt chúng nói thuốc đắng là ngọt, chích loại thuốc đau xé thịt mà nói với chúng là không đau, v.v… Thế mà ta buộc chúng không được nói dối có phải là oan ức và bất công cho trẻ lắm không ?
Để dạy trẻ đừng nói đối ta phải làm gương không nói dối trước đã, sau đó cố phân tách xem tại sao trẻ nói dối, và theo những điểm căn bản dưới đây để sửa đổi tánh nói dối của trẻ :
- Đừng vội kết luận theo lời trẻ định nói. Phải giúp trẻ hiểu biết điều gì là phải, điều gì là sai.
- Giúp trẻ nhận thấy sự khác biệt giữa sự thật và ảo tưởng. Đừng đè bẹp khả năng sáng tạo của trẻ.
- Cố tìm hiểu coi tại sao trẻ không nói thật. Có phải nó định lừa dối ta chăng ?
- Nếu thấy trẻ không chú ý lừa ta, nên cẩn thận hơn trong việc dạy nó. Không khéo, sau nầy nó sẽ nói láo hơn nữa để tránh bị phạt.
- Nên cho trẻ biết là cha mẹ tán thưởng điều tốt mà nó làm. Điều nầy sẽ khích lệ nó rất lớn và giúp cả gia đình sống gần gũi nhau hơn.
- Trên hết, hãy tự mình làm gương cho tánh thật thà và lòng trung thành. Nếu mẫu mực ta nêu ra là phải, trẻ sẽ cố theo mẫu mực ấy và áp dụng suốt đời nó.
4) Ăn cắp
Trong những bản tánh của con người, dường như bản tánh chiếm hữu phát hiện sớm nhứt. Có người cho bản tánh ấy phát hiện đồng một lần với sự tiêu hóa. Một đứa trẻ ôm cứng vú mẹ bú mãi cho đến khi nó chán chê hoặc ngủ thiếp đi mới chịu buông ra. Tuy vậy trẻ chưa hề có ý niệm tư sản. Ý niệm ấy chỉ phát hiện khi trẻ được hai tuổi trở lên. Vì vậy cha mẹ phải sớm dạy cho con cái biết tôn trọng trật tự chung của xã hội, tức trọng tư sản của người khác.
Một trong những nguyên nhân của tánh ăn cắp là sự bất mãn. Trẻ bất mãn vì bị dứt sữa quá sớm hoặc ăn uống thiếu thốn trong mấy tháng đầu tiên của cuộc đời, là lúc sự tiêu hóa mới chớm và phát triển mạnh. Cũng có thể trẻ bất mãn vì bị ngược đãi, bị bỏ rơi và dường như lúc nào cũng đòi hỏi công lý.
Có nhiều bậc phụ huynh tốt bụng muốn tập cho con em mình tánh vị tha, buộc trẻ phải cho bớt đồ chơi của nó đi, hứa sẽ mua món khác bù lại, nhưng họ quên thực hiện lời hứa của mình. Qua những sơ hở đó, cha mẹ đã đẩy con mình vào đường trộm cắp hồi nào không hay. Đành rằng thời đại chúng ta rất hiếm những con người vị tha, và để
quân bình mức sống của xã hội, cần sớm phát triển lòng rộng lượng nơi trẻ con, nhưng nếu không khéo, người lớn làm con trẻ cảm thấy chúng bị truất mất quyền tư hữu đi. Sự bực dọc vì vậy ngấm ngầm nẩy nở trong con trẻ mà nó không thể nói ra được. Càng không nói ra được, sự bất mãn càng mạnh thêm mãi đến độ nó bất cần cái qui chế bất công của xã hội, cũng không thèm tôn trọng quyền tư hữu của người khác làm gì.
Có phải việc lấy đồ vật của người khác lúc nào cũng bị liệt vào hạng trộm cắp chăng ? Không hẳn như vậy đâu. Một đứa trẻ từ 1 đến 3 tuổi lấy đồ của người khác không thể bị kể là ăn cắp, vì nó chưa ý thức được tư sản, nó không hiểu được vật nào là vật của nó và vật nào là vật của người khác. Nó lấy vì nó thích. Bởi thế đừng làm cho trẻ cảm thấy nó bi phạm tội trọng, mà chỉ cần nhắc nó rằng vật ấy là vật của Hải, một lát nữa Hải cần có để chơi.
Nhưng với đứa bé từ sáu tuổi trở lên, việc lấy đồ vật của người khác là trộm cắp hẳn hoi. Nó đã biết rõ việc lấy đồ vật của người khác như vậy là không phải, nên nó lấy một cách lén lút, giấu kỹ vật nó đã lấy, và chối phăng khi bị hỏi đến.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp đứa bé đã bảy tám tuổi, con nhà khá giả, có đầy đủ đồ chơi, thế mà thỉnh thoảng ăn cắp một ít tiền trong túi áo của má, một cây viết chì của bạn học, một cây thước của cô giáo, v.v… Đôi khi nó lại không cảm thấy việc lấy đồ vật của người khác như vậy là ăn cắp vì nó cũng có những vật như vậy, mà còn đẹp hơn là khác. Thật ra tình cảm nó bị xáo trộn mãnh liệt, nó cảm
thấy thiếu thốn một cái gì nên thử làm thỏa mãn bằng cách lấy đồ vật của người khác mà nó không cần đến. Các đứa trẻ như thế thường cảm thấy bất hạnh hoặc cô độc ít nhiều. Có thể nó không hưởng được sự yêu thương nồng ấm của cha mẹ, hoặc giả không được hoàn toàn thành công trên đường kết bạn (tuy được rất nhiều người biết đến). Những trẻ cảm thấy cha mẹ xa cách với chúng quá lại không được sự triều mến của bạn bè, thường thấy mình quá lạc loài, nên ăn cắp để đi « mua chuộc » bằng hữu bằng bánh kẹo hoặc tiền mặt.
Việc trẻ cảm thấy cha mẹ xa cách với chúng, không hẳn là xa cách thật ở thể xác, mà thường xa cách ở tinh thần. Cha mẹ thường hay cấm đoán trẻ trong gần hết mọi mặt, không tán thưởng những thành quả của nó dầu chỉ là những thành quả nhỏ nhen mà chúng thâu gặt được. Nói tóm lại, cha mẹ không hiểu trẻ, không cùng sống với trẻ. Việc xa cách nầy có thể kéo dài đến suốt đời, nhưng phần lớn ở những năm đầu của tuổi dậy thì là lúc trẻ cảm thấy cô độc hơn bao giờ cả. Sở dĩ trẻ cảm thấy cô độc như vậy vì vào tuổi nầy trẻ tự quan tâm đến mình, rất nhạy cảm và thích độc lập hơn.
Ngoài ra còn có những yếu tố khác dự phần vào việc lấy cắp của trẻ, mà những yếu tố nầy cũng ngã về mặt tình cảm, như sợ hãi, ganh tị, chống đối, trả thù…
Có những trẻ lấy cắp tiền đi tiêu pha phung phí trước bạn bè để lấn áp cái mặc cảm thấp kém của mình. Bác sĩ Allundy gặp một trường hợp đứa trẻ lấy tiền của người lớn để mua đồ chơi cho con của người ấy nhỏ hơn nó. Nó muốn
tỏ ra rộng lượng mà cũng để trả thù sự thiếu thốn của nó khi nhỏ.
Có những trường hợp lấy cắp khác do từng nhóm trẻ tổ chức. Chúng coi như đó là hành động của những người dám sống và đáng sống. Vài trường hợp một trẻ hiền lành lại đi lấy cắp như vậy, vì nó muốn các trẻ khác nhận nó vào đoàn thể nên phải bày tỏ cho người khác thấy nó cũng « thành người » như ai vậy.
Khi có một trường hợp mất cắp, ta có thể đoán ra nguyên nhân bằng cách tìm coi vật mất cắp là gì, tánh tình của người bị mất ra sao và trẻ lấy vật kia để làm gì. Khi đã tìm ra nguyên nhân rồi, cần trị nguyên nhân kia mới có thể chữa được tật ăn cắp. Cho trẻ biết đích xác nó đã lấy vật gì, lấy ở đâu và buộc chúng phải hoàn lại cho chủ cũ. Nói cách khác, cha mẹ hoặc giáo viên phải quả quyết như vậy là để cho trẻ khó nói dối được. Có thể cha mẹ hoặc giáo viên cần theo giúp đỡ hoặc thay mặt mà hoàn lại vật trẻ đã lấy. Làm nhục trẻ không ích lợi gì cả.
Có lần ông hiệu trưởng trường tiểu học nọ đồng ý với cha của đứa trẻ, đem bêu xấu nó giữa lớp học. Kết quả là đứa bé đâm liều, càng lấy cắp nhiều hơn nữa. Dầu sao nó cũng đã xấu rồi, cần gì phải gìn giữ nữa. Trong trường hợp ấy, nếu người ta cảm thông nỗi bực tức, bất mãn nào đó ngấm ngầm sôi dậy trong nó mà bày tỏ tình yêu thương và lòng triều mến nó, kết quả có thể khác hẳn.
Cần trừng phạt kẻ lấy cắp chăng ? Phải thận trọng đặc biệt. Thường khi người ta chỉ trừng phạt tội đứa bé vụng về
để bị bắt gặp khi lấy cắp hơn là trị tội lấy cắp. Cần cho trẻ biết chắc chắn rằng tội lấy cắp bị cấm đoán hẳn trong luật pháp của loài người cũng như luật pháp của Thượng Đế.
Việc trộm cắp cũng giống như con vi trùng. Nếu không có cơ địa thuận lợi và khí hậu thích hợp, không thể nào sanh sản được. Vì vậy đừng tạo cơ hội cho trẻ ăn cắp còn hơn là để trẻ ăn cắp đến mực trầm trọng mới đem trừng trị.
Đừng đối xử bất công với trẻ. Theo lời bác sĩ Allundy thì đứa trẻ ăn cắp là đứa trẻ bị một sự bất công nào đó, mà sự bất công kia có thể là sự thật, nhưng cũng có thể chỉ ở trong trí tưởng tượng của trẻ thôi. Giúp cho trẻ bày tỏ sự bực bội của nó ra, tức đưa có khỏi con đường ăn cắp vậy.
« Ăn cắp quen tay ». Cũng giống như nói dối, trẻ càng ăn cắp càng điêu luyện hơn. Nó có thể dùng quỉ kế hoặc lời nói dối đã được chuẩn bị để đánh lạc hướng những người nghi ngờ nó. Thoạt tiên nó chỉ lấy vật nhỏ thôi, nhưng lần lần nó sẽ lấy vật lớn hơn, mãi về sau nó có thể cướp cả mạng sống, sự an vui và hạnh phúc của người khác. Vì vậy cần sớm dạy cho trẻ biết tôn trọng qui tắc của xã hội mà nó cần phải theo. Qui tắc ấy không phải làm nó bị thiệt thòi, nhưng là sự bảo đảm vững chắc cho nó khỏi quyền hạn của kẻ mạnh hơn nó.
V. KỶ LUẬT ĐỐI VỚI TRẺ CON
Nhiều người thường hỏi : Đến tuổi nào mới nên áp dụng kỷ luật đối với trẻ con ?
Người xưa thường nói : « Dạy con từ thuở nên ba… » Theo ý kiến của một số người, như thế đã là quá sớm rồi. Họ tưởng tốt hơn nên để trẻ lớn một chút hãy dạy, chớ còn nhỏ quá chúng nào có biết gì đâu mà dạy. Ta thường đợi con trẻ lên ba hay bốn tuổi mới thật sự bắt trẻ học vâng lời. Nhưng như thế thật quá trễ. Đến tuổi đó con trẻ đã có ý muốn mạnh mẽ. Do sự nuông chiều của người lớn từ trước đến giờ, nó nghĩ rằng nó là « trung tâm điểm của vũ trụ ». Nó sẽ bắt mọi người làm theo ý muốn của nó hơn là nó phải vâng lời người khác. Vì vậy, với câu hỏi trên, xin đáp : Mục đích của việc áp dụng kỷ luật là tập cho trẻ tự chủ. Bởi thế, ta cần đặt trẻ vào kỷ luật càng sớm càng tốt, nếu nghĩ rằng làm vậy là vì phúc lợi mai hậu của đứa bé.
Cây non lúc nào cũng dễ uốn hơn cây lớn. Ta cần đặt đứa bé vào vòng kỷ luật ngay trước khi nó biết lý luận. Hầu hết các nhà giáo dục đồng ý rằng nên bắt đầu tập cho trẻ vâng lời ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Tập cho nó quen lúc nào cần bú, lúc nào phải nằm yên để cho má lo việc nhà, giờ nào là giờ tắm rửa, giờ nào là giờ đi dạo mát…
Kỷ luật là một phần trong chương trình giáo dục, vì vậy ta phải kiên nhẫn và mềm dịu mà uốn nắn trẻ. Phải tập cho trẻ thói quen tốt. Nhờ đó sau nầy có thể tránh được sự va chạm quá dễ dàng giữa ý muốn của nó và quyền lực, nổi
lên trong đầu óc nó, để khỏi vô cớ chống đối lại cha mẹ và thầy giáo, bất mãn chánh phủ, trả thù xã hội và thách thức cả Đấng Tạo Hóa nữa. Nói thế không có nghĩa kỷ luật chỉ tạo nên những con người nô lệ đâu. Trái lại, nó giúp con người sống tự chủ, sống có qui củ và tổ chức hẳn hoi trong tư tưởng cũng như công việc làm để có thể phấn đấu với đời.
Đối với phần lớn các bậc làm cha mẹ hiện nay, việc áp dụng kỷ luật với trẻ không phải là việc dễ. Họ hoang mang giữa ý tưởng trái ngược của quan niệm cũ và mới. Một đằng thì kỷ luật dường như có nghĩa là hình phạt hãi hùng. Đằng khác lại cho rằng :
« Con trẻ cần tình yêu của cha mẹ hơn hết… xét những trường hợp của các thiếu niêm phạm tội, người ta thấy trong lúc còn trẻ, chúng thiếu tình thương hơn là thiếu kỷ luật… Khi trẻ bướng bỉnh, cha mẹ không nên nổi giận với con, nhưng phải bày tỏ tình yêu nhiều hơn… »
Những ý tưởng xung khắc nầy làm cho ta hơn một lần cảm thấy vô cùng rối trí. Nếu không may đã bị những trận đòn chí tử hồi bé, ta nhớ lại lòng căm phẫn đối với cha mẹ như thế nào, thì càng dễ hoang mang hơn nữa. Ta không muốn con cái mình có ý nghĩ giống như mình xưa kia, nên dễ tiếp nhận quan niệm sai lầm vượt quá ý định của những lý thuyết gia mới. Nếu đi thái quá, những lý thuyết kia trở nên một tai họa kinh khủng, vì con trẻ điều khiển lại cha mẹ, và chúng rất đáng ghét. Nó làm cho trẻ mất tư cách. Nó làm cho ta cố thành siêu nhân, cố đè nén cơn tức giận trong khoảnh khắc, nhưng sẽ bùng nổ sau đó.
Có thể ta rất hiền lành, lễ độ, lại để cho con cái chống đối, « loạn » thái quá. Có thể ta rất vui lòng mà để cho chúng – và cả người ngoài nữa – hỗn xược với mình. Nếu nghiên cứu kỹ, có thể thấy rằng ta đã bị đàn áp thái quá trong lúc thiếu thời vì cha mẹ ta « kém hiểu biết », và vì ta thể theo lý thuyết mới, nên để cho con cái bộc lộ ra sự bất mãn của chúng cho « hợp tinh thần dân chủ ».
Ta hoang mang vì muốn tránh lỗi lầm của người xưa, vì ta cảm thấy như phạm trọng tội khi rầy la, đánh phạt con cái. Nhưng ta sẽ cảm thấy thế nào khi con cái mình giết người ngay trước mặt mình, hoặc hơn thế nữa, chính mình lại khuyết khích chúng có hành động ấy ? Một phần lớn trở ngại trong việc áp dụng kỷ luật là sự lầm bầm, chống đối của trẻ. Chính điều nầy làm cho ta buồn lòng, khó nghĩ, khi phải nghiêm phạt trẻ con.
Ta hẳn từng có kinh nghiệm rằng dễ chống trả lịnh truyền xẳng xớm, nghịch lại công việc mình theo đuổi. Nếu ta không muốn ai rầy la mình, thì ta dùng điều ấy để nhắc nhở lấy mình mà đừng la trẻ. Nên dùng tình yêu mà chỉ dẫn trẻ. Đừng để chúng có cảm tưởng rằng chúng phải nghe theo ta vì chúng yếu mà ta mạnh, vì chúng là con cái còn ta là cha mẹ. Con trẻ có thích thú say mê mới học hỏi được. Vì vậy, nếu muốn gián đoạn việc nó đang làm, cha mẹ phải nhận xét coi việc nó làm có hại hay không, hoặc phải có những lý do thật mạnh và hữu lý để buộc nó ngưng. Nếu muốn trẻ ngưng một việc gì, đừng buộc phải ngưng đột ngột. Làm vậy chỉ gây sự chống đối, có thể không chống ra mặt nhưng ngấm ngầm bên trong. Ta có thể hòa mình để
cùng chơi với chúng, giúp đỡ chúng mà vẫn giữ lèo lái cho chúng theo đường ngay nẻo thẳng được.
Nhiều cha mẹ phạm một lỗi lớn, là làm ra vẻ thật có uy quyền khi ra lịnh :
- Có nín đi không !
- Ngưng ngay tao coi !
- Đã biểu thôi rồi mà !
- Lại biểu !
- Đi chỗ khác chơi lập tức !
- …
Những câu ra lịnh tương tự như thế, những nét mặt nghiêm cứng lại, làm cho trẻ khiếp sợ hơn vâng phục. Thêm giọng nói đanh đá thét to lên như muốn bể màn tai làm mất cả hiệu lực giáo dục của lịnh truyền. Đứa trẻ sẽ vô cùng hoang mang. Nó nhớ giọng nói mà quên lời chỉ dạy. Nghe giọng la, trẻ sẽ run lên. Tuy nó làm theo lịnh nhưng làm cách miễn cưỡng, vấp váp và miệng lầm thầm lời chống nghịch. Như thế ta thấy lớn tiếng sẽ hết hiệu lực.
Tuy phải áp dụng kỷ luật cách cương quyết nhưng nếu dùng lời nói dịu dàng, sẽ chế ngự được trẻ, sẽ làm cho trẻ nhớ lâu hơn. Đừng lên giọng, đừng giận dữ khi sửa trị trẻ. Cần làm cho trẻ chú ý tới lời dạy bảo của ta hơn là xao lãng bởi giọng the thé kinh hồn. Cần răn dạy trẻ trong cách ta thật am hiểu tình cảnh đó, để nó khỏi nghĩ rằng, cứ làm người lớn là được quyền đánh đập nó dầu nó không có lỗi gì cả. Phải để cho trẻ thấy ngoài cương vị làm cha mẹ, ta còn là một người bạn thân của nó.
Có bao giờ thấy một đứa trẻ từ một đến ba tuổi quá lo lắng về những lời cảnh báo đầy hăm dọa của người lớn chăng ? Trẻ ở tuổi ấy không nên quá lo sợ hậu quả của việc nó làm. Trẻ học được là qua việc nó làm, như cách hay nhứt để học biết hấp lực của địa cầu là té. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là ta không bao giờ nên rầy ngăn trẻ, nhưng đừng dùng những lý lẽ vượt quá tầm hiểu biết của chúng, và những lời dọa nạt không đúng sự thật.
Bé Dũng, vừa lên ba, cầm cặp kính đeo mắt của ba nó lên coi trong lúc ba đang ngủ. Má nó thấy, liền rầy :
- Dũng, con không được đụng đến cặp kính, vì con sẽ làm bể và ba con không thấy đường nữa.
Dũng rất lo sợ. Ý tưởng « ba không thấy đường… không thấy đường » đập mạnh vào trí nó. Vài phút sau, Dũng mở cửa nhà định ra sân chơi. Má Dũng la hoảng lên :
- Đừng mở cửa, con. Dũng ra đường lạc mất, má tìm không được.
Trong trí non nớt của Dũng lại nẩy lên một sự lo sợ : « Dũng lạc mất… không tìm ra ! »
Một lát sau Dũng thấy sự cám dỗ bên ngoài hấp dẫn quá, lén mở cửa. Má nghe tiếng động, quay lại nhìn. Thấy thế, má nói :
- Được rồi, Dũng không nghe lời má thì má đi chỗ khác ở, không thèm ở nhà nữa.
Nếu ta phải nghe mãi những lời như thế, chắc không còn muốn sống nữa làm gì. Hơn nữa, trong lời hăm dọa kia
không có sự thật. Dũng sẽ nghĩ thế nào khi một hôm nó thấy ba nó không đeo kính mà vẫn thấy đường đi, vẫn đọc sách được. Hôm khác, nó cãi lời má. Má nó ẵm vô, nhốt trong phòng chớ má nó không bỏ nhà đi như bà đã dọa nó. Như vậy lời nói của người lớn không có giá trị gì cả sao ?
Nếu ngược lại, Dũng ngoan ngoãn vâng lời thì loại vâng lời ấy là vâng lời « nô lệ » có hại cho sự tự chủ sau nầy.
Còn việc hăm he cũng gần giống như dọa nạt có rất nhiều hậu quả trong vấn đề kỷ luật. Một vài trường hợp trẻ thử đánh giá cả sự không vâng lời.
Ba của Thu Tâm cấm em băng ngang qua đường, vì đường nhiều xe cộ nên sợ em bị tai nạn. Ba hăm em qua đường ba sẽ cất phần bánh tráng miệng. Một hôm ăn cơm xong, má chia phần bánh ngọt cho mọi người trong nhà. Thu Tâm không nhận phần bánh. Ba ngạc nhiên hỏi :
- Sao con không ăn bánh ? Con có đau gì không ? Thu Tâm trả lời :
- Ba dặn hễ con qua đường thì không được ăn bánh. Hồi nãy con có qua đường. Bây giờ con không ăn bánh.
Đôi khi trẻ có những ý tưởng ngây ngô, cả nhà đem ra chế giễu. Khi trẻ phạm một lỗi lầm, lại đem ra hạ nhục. Đó không phải là cách sửa trị, cũng không phải cách dạy con. Dạy trẻ là ta muốn chúng tự tin, muốn chúng cố gắng. Nên khuyến khích, an ủi, nung chí trẻ hơn. Nếu hạ nhục trẻ, vô tình ta làm cho nó mất đức tự tin, bóp nát ý muốn cố gắng và giết chết quyết định đi đến thành công của nó.
Minh đã năm tuổi mà vẫn còn đái dầm. Nó thường bị rầy, bị đòn về việc ấy nên buồn lắm. Tuy không biết phải làm sao cho hết đái dầm, nhưng nó thầm gắng sức để khỏi đái trên giường, và đã thành công trong một vài đêm. Nhưng mấy hôm sau nó đái dầm trở lại. Một hôm, nhơn có các bạn nó đến nhà chơi, ba nó mới biểu các bạn đừng chơi với nó vì « lớn đầu mà còn đái dầm, mắc cỡ lắm ». Minh xấu hổ và đâm liều, không thèm cố gắng nữa.
Ta phải coi lời sửa trị như cặp kính. Đeo kính vào mắt để thấy sáng tỏ hơn, chớ không phải để mù lòa.
Có những người, con cái của người ngoài làm gì cũng được họ khen thưởng, có tội gì cũng được tha thứ dễ dàng, nhưng với con mình thì gần như việc gì của chúng làm cũng đều bị chê bai cả. Hễ mở miệng ra thì gần như lúc nào họ cũng nói : « Con trai mà làm vậy thì xấu quá đi », hoặc giả « Con gái gì mà hư vậy ! » Ở đời ai tránh khỏi lỗi lầm mãi được. Dầu trẻ đã cố gắng hết sức cũng không được khuyến khích, nhưng chỉ nghe toàn lời chê trách thoát ra từ miệng cha mẹ, nên riết rồi chúng đâm liều, ra sao thì ra, đã xấu thì cứ hành động như kẻ xấu.
Điều ấy cũng gieo thêm mối nguy hại khác là làm vỡ năng lực ý chí của trẻ khác đi. Người không có năng lực ý chí sẽ thất bại trước khi khởi sự làm việc. Ta phải giúp đỡ, phải luyện cho trẻ tự phán đoán, tự lo cho mình, tự tiến bộ mà không ăn mày tình thương của kẻ khác.
Dầu cố tránh đi nữa, thế nào cũng có lúc ta phạt con cái bằng roi vọt, hoặc bằng những phương cách khác. Một số
nhà giáo dục mới không tán thành việc dùng roi vọt để sửa trị trẻ con. Họ cho rằng roi vọt sẽ gây nên thương tích. Roi có thể gây nên thương tích thật, nhưng tùy cách ta sử dụng nó, và cũng tùy thái độ ta trong lúc dùng nó, mà việc dùng roi sẽ có kết quả mong muốn hay không.
Một nhà thông thái xưa – vua Sa-lô-môn – đã nhận xét kỹ và thấy rõ giá trị của roi vọt cho nên đã nói : « Những thương tích và dấu vít làm cho sạch điều ác, và roi vọt thấm vào nơi kín đáo của lòng » (Kinh Thánh, sách Châm ngôn 22 : 30). Những ngọn roi quất vào mông là kết quả hiểu nhiên của việc bất phục tùng. Tuy nhiên, đánh con trẻ như thế ta cố hướng nó về đường công bình, chớ không phải ta đánh vì thù ghét nó. Sa-lô-môn lại nói : « Hãy sửa phạt con trong lúc còn trông cậy ; nhưng chớ toan lòng giết nó » (Châm ngôn 19 : 18). Ta thử xét lại lòng mình xem đã có bao nhiều lần đánh con vì tức giận, tức giận vì hành động ngỗ nghịch của trẻ, tức giận vì trẻ không vâng lời ta, v.v… Có biết bao nhiêu bậc cha mẹ đánh con với bất cứ vật gì nằm vào tầm vói tay – tay cây roi, chiếc đũa cho đến khúc củi, bình hoa, ghế đẫu, v.v… – đánh vào bất cứ nơi nào trên người đứa con mà không kể những chỗ phạm. Nếu không vớ được roi, củi, gậy gộc, thì họ dùng tay, chân để đấm đá đứa bé chẳng chút xót thương. Những trận đòn như thế không hề chứa đựng một chút răn dạy gì cả. Đó chỉ là hành động trả thù, đánh cho bỏ ghét, đánh cho hả giận mà người bị đánh không thể, cũng không có quyền đỡ đòn. Những trận đòn như thế rất có hại cho trí khôn, thần kinh và sức khỏe của đứa trẻ. Đành rằng : « sự ngu dại vốn buộc vào
lòng con trẻ, song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó » (Châm ngôn 22 : 15), nhưng roi răn phạt quyết không phải roi trả thù. Roi răn phạt không phải cách làm cho con trẻ lánh xa người răn phạt nó hơn là lánh xa tội nó đã phạm. Vì vậy, dầu có tức giận mấy ta cũng phải cố dằn lòng mình xuống trước khi đánh trẻ. Cố hết sức đừng đánh vào đầu, vào mặt trẻ, vì đánh như vậy ta có thể làm hại những bộ phận chủ yếu mà vô cùng mỏng manh trong đầu đứa bé. Nên dùng roi vào chỗ mà dường như Tạo Hóa đã dành cho việc nầy.
« Thương con cho roi cho vọt ». Lại nữa : « Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình, song thương con ắt cần lo sửa trị nó » (Châm ngôn 13 : 24). Roi vọt là kết quả của tội lỗi con trẻ đã làm, nên phải dùng cho đúng mức và dứt khoát. Không nên dùng roi như một phương cách luyện tội dai dẳng.
Đối với đứa bé « cứng đầu », không nên kéo dài sự hình phạt cho đến khi nó chừa bỏ lề lối sai quấy của nó mới thôi. Làm vậy chỉ kéo dài trận chiến với đứa bé, làm cho nó hiểu sai mục đích của sự răn dạy và gây một ấn tượng không đẹp đẽ suốt đời nó. Hình phạt không chinh phục được ai cả, nhưng tình yêu sẽ làm cho người khác nghe theo mình. Những lời răn dạy trầm tĩnh thêm vài roi thật đau đủ để trẻ nhớ suốt đời mà không phạm lỗi lầm trước nữa. Không cần phải đánh nhiều. Không phải lúc nào cũng đánh. Tình yêu phát xuất từ lòng cha mẹ tỏa ra bao phủ lấy tâm trí con trẻ, ngấm sâu trong lòng chúng để hòa với tình yêu của chúng,
"""