"
Giã Từ Mùa Đông PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giã Từ Mùa Đông PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
GIÃ TỪ MÙA ĐÔNG
CÙNG MỘT NGƯỜI VIẾT
1 – Huệ – truyện vừa – NXB Văn Học 1964
2 – Người hậu phương – tập truyện ngắn – NXB Văn Học 1966
3 – Đất làng – tiểu thuyết – NXB Văn Học 1974 (tái bản lần 2 – NXB Văn Học 1978)
4 – Buổi sáng – tiểu thuyết – NXB Thanh Niên 1976
5 – Trong rừng dẻ gai – truyện vừa – NXB Kim Đồng 1976
6 – Cánh đồng bờ biển – truyện vừa – NXB Kim Đồng 1980
7 – Ngõ cây bàng – tiểu thuyết – NXB Hà Nội 1981
8 – Câu chuyện dưới tán lá rợp – tập truyện ngắn – NXB Phụ Nữ 1983
9 – Những dấu chấm phía chân trời – tập truyện ngắn – NXB Văn Học 1983
10 – Hạt mùa sau – tiểu thuyết – NXB Thanh Niên 1984
11 – Khoảng trời phía sau nhà – tập truyện ngắn – NXB Tác Phẩm Mới 1987
NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN
Hà Nội - 1989
Chương mở đầu
– Anh muốn gì ở em? Em mang lại gì cho anh? – Ngân nói nhỏ như thì thầm rồi ngước đôi mắt buồn bã ngờ vực, nhìn Hoàng.
Anh ta ngồi đó, bên lò sưởi, dáng mệt mỏi, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, rít từng hơi thuốc lá. Căn phòng nhỏ phủ thảm kín bưng xanh ngét khói thuốc. Bên ngoài, trời màu xám tro. Tuyết bay lất phất. Những bông tuyết nhỏ và mảnh như kim dính vào nhau rơi nghiêng xuống.
– Quên. Em giúp anh quên. – Hoàng đáp hờ hững.
– Quên cái gì?
– Sự mệt mỏi căng thẳng luôn bao vây anh. – Luôn luôn à?
– Ừ, thường xuyên.
– Thế thì khó quá! – Ngân thở dài, im nín, hai vai rũ xuống – Sao anh không tìm cách thoát ra?
[ 5 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
Sao anh không thay đổi? Sao anh không sống như người khác?
– Sống như thế nào?
– Suốt ngày lo mua nồi hầm, máy mài, bàn là, bếp điện. Lúc nào cũng bận rộn, vất vả nhưng vui. Phải không nào?
– Trước đây anh cũng đã từng sống như thế. Sống như thế mãi rồi. Anh đã từng bươn bả chuyển từ chuyến mê-trô(1) này sang mê-trô khác để mua được một hộp dây mai-so, mấy cục cắm điện ba chấu, cái ấm điện. – Hoàng rít thuốc lá, giơ tay quệt đám râu đẫm nước, nhìn bọt bia đang reo sôi trong cốc – Đó là những ngày xa xưa, còn bây giờ thì...
– Bây giờ thì anh dửng dưng với tất cả chứ gì? – Mặc dù anh biết những thứ đó vẫn được giá. – Thế bây giờ anh muốn gì? – Ngân hỏi và đổ
nốt chai bia vào cốc vại lớn trước mặt Hoàng. – Em cho anh uống say để dễ khai thác hả? – Hoàng cười và lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Vài cánh chim lao vút qua trong trời chiều xám – Nói chung, anh cũng là con người, anh cũng có những ham muốn như mọi người, những niềm vui bình thường như mọi người...
(1) Tàu điện ngầm.
[ 6 ]
Giã từ mùa đông
– Ai chẳng có thể như mọi người?
– Trừ anh. Hoặc giả những người như anh. – Một nỗi giận dữ bất chợt trào lên trong người Hoàng. Ngân nhận thấy ẩn sâu dưới hàng mi rậm là một đôi mắt đang long lên và vầng trán nhợt nhạt.
Ngân ngồi xuống nép vào một góc ghế, kéo cái chăn len phủ lên chân. Một nỗi sợ hãi mơ hồ chợt đến. Đây không phải lần thứ nhất cô tìm cách bước chân vào tâm hồn kín bưng ấy. Mỗi lần thế, không những chẳng ích gì mà hình như khoảng cách, sự xa lạ giữa hai người lại như kéo căng ra thêm nữa.
Chợt Hoàng đứng lên, lại gần Ngân, đặt tay lên vai cô, kéo lại gần.
– Đi tắm đi, em!
– Không. Hôm nay em lạnh.
– Nước nóng sẽ làm em ấm lên.
– Ấm xong lại lạnh hơn. – Ngân nói và kéo cao cổ áo, xích lại gần lò sưởi. Hoàng đứng lên: – Nào, anh sẽ giúp em.
Anh mở cửa buồng tắm, vặn van đỏ. Một vùng nước nóng rực tỏa ra, màu trắng sáng lên. Hoàng giơ tay cho Ngân:
– Hôm nay em làm sao thế?
[ 7 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
Ngân lặng thinh. Cô không thể nói được rằng cô đang chán nản bực bội và nghi ngờ. Trong căn phòng lạ, mặc dù Hoàng nói cô hoàn toàn là chủ trong thời gian nghỉ phép ở đây, nhưng cứ có cái gì đó không phải như thế. Không khí ngột ngạt. Trần thấp, thảm vây kín. Căn phòng giống một cái tủ. Cũng không hẳn vì thế. Ở ký túc xá của cô, ba đứa chung một buồng hơn mười mét, đồ đạc chật ních, mùi thức ăn cứ rộn vậy sao mà dễ chịu, thoải mái. Còn ở đây, cứ thế nào ấy.
– Nào, nhanh lên, nước đầy rồi! – Hoàng giục và đứng quay mặt vào tường. Biết là không thể cưỡng lại được, khi Hoàng đã muốn, Ngân đứng vào góc nhà rụt rè nhìn cái lưng to khỏe, cuộn săn những thớ thịt trẻ trung và đổ xuống đó là cái đầu tóc bù rậm đen nhức đang dán mắt vào cửa kính, cởi quần áo.
Bất thần, Hoàng quay lại. Ngân chỉ kịp kêu một tiếng “á” đã thấy được nhấc bổng lên và cô bỗng thấy người chìm ngập trong một vùng hơi ấm nóng rực. Cảm giác khoan khoái chiếm lĩnh. Ngân té nước và cười khanh khách khi nước lượt khỏi những cụm tóc rậm dày của Hoàng, từng dòng chảy ràn rụa xuống mặt anh.
– Anh ướt hết rồi! – Ngân kêu lên thích thú. – Không sao. – Hoàng cầm lọ nước hoa bơm vào
[ 8 ]
Giã từ mùa đông
trong không khí đẫm hơi nước và hương thơm. Ngân như thấy mình đang ở giữa một vườn hoa hồng. Khuôn mặt Hoàng mờ ảo trong hơi nước. Hơi nước đã xóa những góc cạnh, vết nhăn, những sợi tóc cứng đã chớm có sợi bạc, chòm râu như cái bàn chải trước mũi, cái thứ mà Ngân khó chịu nhưng Hoàng không bao giờ cắt bỏ. “Anh mà cạo râu đi anh thành người khác. Và, là người khác thì anh không còn yêu em nữa...” Hoàng lý luận như vậy. Thêm một thứ nữa Ngân phải công nhận dù không thích. Hằn lên lần áo phông có cây cọ lửa là một vòng ngực nở đầy, một cái dây chuyền to đeo thánh giá bằng bạch kim cúi sát xuống cô trong bồn nước mà cô đang chìm xuống và quẫy lộn như một con cá.
– Em cho phép? – Hoàng hỏi và chỉ vào bộ quần ướt đẫm đang mặc.
– Còn gì nữa! Chỉ giả vờ, điệu bộ! – Ngân kêu lên và giơ tay vít cổ Hoàng xuống. Thoắt cái, cả hai đã ở trong bể nước. Nước tràn tung tóe. – Anh có biết bơi không?
– Mọi chỗ đối với anh đều chật, trừ biển. – Quê anh ở biển à?
Ngân nhận thấy một nét sững sở chợt hiện trên nét mặt Hoàng.
[ 9 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
– Anh không có quê. Hay nói một cách khác anh không chấp nhận nơi người ta đẻ ra bố mẹ và ông bà mình là quê hương.
– Thế nghĩa là...
– Nghĩa là ở đâu sống tốt đó là quê hương... Em có khát không?
– Anh khát à?
– Ừ, anh có tật xấu là luôn có những cảm giác trái ngược. Ở trong nước anh thấy khát và say sóng khi ở trên cạn...
– Thấy ghét em khi yêu em? – Bàn tay Ngân vòng ngang cổ Hoàng và tung người lên khỏi mặt nước – Phải thế không?
– Không.
– Thế thấy thế nào?
– Thấy em biến mất.
Hoàng bế Ngân lên trên hai tay và quay tròn trong phòng. Những dòng nước bắn tung làm căn phòng mờ tối.
– Em thấy thế nào?
– Em thấy hạnh phúc. Những lúc như thế này em thấy dễ chịu lắm. Em thấy quên hết mọi buồn phiền!
Ngân cười. Nụ cười trắng xóa như hoa nhài.
[ 10 ]
Giã từ mùa đông
Hoàng cũng cười. Hai khuôn mặt rạng rỡ áp sát nhau. Hai nụ cười sáng trưng.
– Em bảo lúc nào thật vui em sẽ nói cho anh nghe một chuyện bí mật. Bây giờ vui, em nói đi. Ngân cầm tay Hoàng đặt lên bụng mình. – Anh có thấy gì không?
– Gì? – Hoàng thảng thốt, nét mặt biến sắc. – Chúng ta sẽ có con! – Ngân nói và nhìn Hoàng chăm chăm – Sao, anh sợ à?
– Chẳng có gì làm anh phải sợ! Khi yêu em anh đã nghĩ đến tất cả. Có điều, em phải dũng cảm lên. Phải dũng cảm hơn cả anh nữa.
– Còn anh không cần dũng cảm à?
– Anh ở bên em. Anh sẽ làm tất cả vì em. Hoàng dìu Ngân ra ngoài. Anh mở túi áo, lấy ra một túi nhỏ may bằng vải đỏ đưa cho Ngân. Ngân mở cái túi nhỏ mà nặng.
– Vàng. Vàng nguyên thủy. Vàng đỏ. – Ngân lẩm bẩm.
– Em giữ lấy.
– Để làm gì thế này?
– Nếu chẳng may anh có làm sao. Ở đất lạ này, họ hàng ruột thịt chẳng có, mọi thứ đều có thể xảy
[ 11 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
ra, em có cái nuôi con.
Nước mắt Ngân chảy xuống. Cô vòng tay ôm chặt Hoàng, chùi nước mắt vào mặt anh. Có tiếng gõ cửa.
Hoàng giơ tay bịt lên miệng Ngân rồi thay quần áo rất nhanh, nét mặt lộ vẻ bối rối.
– Ai vậy? – Ngân thì thào.
Hoàng ra hiệu im lặng.
– Anh có hẹn với ai không? Sao không mở ra xem họ hỏi gì?
Hoàng cau mặt, lặng thinh.
Tiếng gõ cửa dồn dập.
– Hay em ra xem ai nhé?
– Im! – Hoàng rít lên rồi rón rén đi tới bên cửa. Lúc này tiếng gõ cửa đã dứt nhưng bên ngoài, ai đó vẫn còn, tiếng họ xoay xoay chốt cửa và tiếng giày dậm dậm.
Ngân cảm thấy rét cóng, cô đi bằng những đầu ngón chân rón rén lại bên lò sưởi.
Hoàng vẫn đứng dán mình bên cánh cửa, nét mặt hết sức chăm chú cho đến lúc bên ngoài không còn động tĩnh. Tiếng giày bước về phía cầu thang máy, xa đi. Hoàng quay vào, ngồi đối diện Ngân, châm thuốc, hút.
[ 12 ]
Giã từ mùa đông
– Ai thế?
– Sao lúc nào em cũng lục vấn anh, hả? – Hoàng bỗng nói to như quát và đi đi lại lại trong nhà, nét mặt hầm hầm.
– Em muốn biết. – Ngân lí nhí đáp.
– Tại sao cái gì em cũng muốn biết? Biết để làm gì? Trong khi có bao giờ anh tò mò về em không? – Khuôn mặt Hoàng tối lại, đôi mắt to lóe lên những tia sáng hằn học.
– Tôi xin lỗi ông. Tôi nhầm. Tôi tưởng rằng, khi người ta yêu nhau người ta đã sống với nhau như vợ chồng thì người ta càng hiểu biết nhiều về nhau càng tốt...
– Hiểu biết để làm gì?
– Để giúp đỡ nhau. Để thông cảm với nhau, hoặc chia sẻ.
– Trời ơi, em còn trẻ con quá! Đơn giản quá! – Hoàng bỗng cười phá lên rồi đi đi lại lại quanh nhà. Dừng lại trước mặt Ngân, giọng Hoàng gằn gằn:
– Thôi được, sẽ đến lúc, sẽ đến lúc em hiểu tất cả, em sẽ biết hết về anh. Chỉ sợ rằng lúc đó em lại chán ngấy.
– Chẳng có lúc đó đâu! – Ngân nói nhỏ, cúi đầu
[ 13 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
gạt dòng nước mắt đang tràn xuống.
– Sao lại chẳng có lúc đó?
– Tôi sẽ bỏ ông. Bỏ ông ngay bây giờ dù đời tôi có như thế nào. Từ bây giờ, tôi không muốn nhìn thấy ông nữa. – Ngân nức nở, ném cái túi đỏ trả Hoàng.
– Em sẽ không bao giờ bỏ anh! – Hoàng nói và cúi nhặt cái túi bỏ vào áo Ngân, vẻ nhẫn nại. – Ông đừng nhầm! Đừng tưởng tôi đã trót dại với ông mà không dám bỏ ông đâu! Tôi không thiết! Tôi không thiết gì hết!
– Em đừng nói thế. Ở cái đất này, không ai chỉ sống vì đã trót mà vì cái khác kia.
– Tôi chẳng vì cái gì cả! – Ngân nói và nhìn xuống bụng mình. Rồi bỗng nhiên vùng đứng lên, vơ tất cả quần áo bỏ vào túi.
– Bỏ anh thật à?
– Tất nhiên!
– Còn đứa con của chúng ta sau này?
– Nó sẽ không có bố hoặc giả là tôi sẽ đem cho nó đi.
– Anh xin em. – Hoàng rên rỉ.
– Tôi không thay đổi ý định đâu. – Ngân cương quyết.
[ 14 ]
Giã từ mùa đông
– Thôi được. Thế ta ăn bữa cơm cuối cùng đã nhé! – Hoàng giơ tay xem đồng hồ – Em đợi anh nửa tiếng, anh đi mua thức ăn về. Hay cùng đi với anh, ăn xong, anh đưa em về tận nhà giao cho chị Vân hoặc cô Hằng! – Hai chân Hoàng quỳ xuống, khuôn mặt Hoàng tươi cười ghé vào Ngân – Đi, bé!
Cơn giận trong lòng Ngân đang bừng bừng bỗng hụt hẫng. Cô đứng lên, lại trước gương. Một khuôn mặt nhợt nhạt, buồn rầu nhìn cô trong gương.
– Bây giờ em ra trước, đợi anh ở cửa hàng sách. – Sao không đi cùng? Sao?
– Rồi sẽ đi cùng. – Hoàng cười – Nghe anh đi, bé!
Ngân vừa bước ra đã nghe tiếng khóa ở sau lưng. Những cuốn sách bìa cứng, những xấp phong bì các loại và lọ mực, hộp màu, những khách hàng nhìn cô. Những đứa trẻ đeo cặp trên vai đi học về hay đến lớp nhìn cô, những đôi nam nữ khoác tay nhau đi thanh thản tự do. Những gương mặt sáng hồng trong hơi tuyết lạnh.
– Chào cô, cô làm ơn cho tôi hỏi cô có phải tên là Ngân không? – Một người đàn ông mặc áo dạ đen, đội mũ lông, tay cắp cặp, mồm ngậm một píp thuốc lớn, đeo kính trắng đi đến gần cô, hơi nghiêng mình, lễ phép hỏi. Cái giọng quen quá,
[ 15 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
nhưng gương mặt thì lạ. Ngân hơi lùi lại. – Ông là ai?
– Là người mà cô đang định bỏ đây ạ!
– Trời, anh Hoàng! – Ngân kêu lên sững sờ – Có chuyện gì thế? Vì sao anh phải cải trang thế? – Lại những câu hỏi. Thôi, ta đi không có muộn rồi! – Hoàng giơ tay khoác vai Ngân, kéo đi. Những bông tuyết nhỏ lúc này rơi dày hơn, kết dính lại với nhau làm thành những bông hoa tuyết mềm và xốp bay lả tả. Trong tuyết và giữa trời đất mênh mông, Ngân tìm lại sự thanh thản. – Anh ơi. – Cô gọi nho nhỏ.
– Gì hả, em?
– Cứ đi mãi ngoài trời thế này còn hơn về nhà. – Anh thì thế nào cũng được. Nhưng em thì không thể đi mãi ngoài trời. Em sẽ chết cóng. Đêm nay nhiệt độ sẽ xuống 15 độ âm. Chẳng thể ở lâu ngoài đường được đâu, em ạ.
Ngân nhìn vào một cửa hàng thực phẩm bên đường. Người ra vào tấp nập.
– Có gà Bun! Cá tươi! – Cô reo lên và lao vào xếp hàng.
Một lúc sau, cô chạy ra. Đã có một túi nặng những cá và gà, rau và cả những chùm nho chín
[ 16 ]
Giã từ mùa đông
trắng nữa.
Khuôn mặt rạng rỡ tươi hồng, cô giơ những chùm nho ra trước mặt Hoàng:
– Nho ngon không này! Có hơn một chục bạc mà bao nhiêu thứ!
– Với một túi thức ăn như thế này, ta không thể nào đi ra ngoài trời suốt đêm được – Hoàng cười nhìn Ngân – cô bé ạ!
– Về nhà thôi! Bây giờ thì phải về nhà! – Ngân kêu lên, quên hết mọi chuyện buồn bực. – Em sẽ nấu canh chua và quay gà cho anh ăn. Gà này ngon và mềm lắm. Hay anh thích sốt vang?
– Ăn gì cũng được, đừng bày vẽ mất thì giờ, em ạ! – Khuôn mặt Hoàng trầm ngâm – Anh đưa em về đến cửa, em lên trước, rồi cứ mở cửa để đấy đừng khóa nhé, anh sẽ vào sau một tí.
– Tại sao phải thế?
– Em lại hỏi rồi. – Hoàng nhăn mặt giơ chân dìm những chiếc lá vàng vào trong tuyết – Để em khỏi bận tâm, anh mong em nhớ cho một điều là tất cả những gì anh làm đều có lý do và vì hoàn cảnh bắt buộc. Hơn nữa – khuôn mặt Hoàng lộ vẻ hài hước – còn do bệnh nghề nghiệp.
– Anh muốn làm diễn viên chứ gì? – Ngân trề môi. – Diễn viên ở trên sân khấu chứ ai lại ở ngoài
[ 17 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
đời?
– Đối với anh, đời cũng là sân khấu mà sân khấu cũng là đời. Thôi, em về đi, một lúc anh về. Em đừng làm nhiều mà mệt. – Bàn tay Hoàng siết chặt tay Ngân một lúc mới buông ra.
Ngân trượt chân trên đám băng dưới gốc cây có chùm quả đỏ. Dừng lại trước lối rẽ, cô ngoái nhìn phía sau. Hoàng đang châm thuốc và nhìn theo cô. Cái cổ áo kéo cao lên và cái mũ chụp xuống. Vòng kính trắng loang loáng làm anh thành một người khác. Luôn luôn là một người lạ. Để làm gì nhỉ? Ngân nghĩ. Rồi không nghĩ nữa. Ngân bước đi. Cô thấy khát. Hình như nhiệt độ xuống thấp hơn. Tuyết rơi mù mịt. Dừng lại trước cửa. Ngân quay lại. Không còn thấy Hoàng đứng đó nữa.
[ 18 ]
Chương một
– Ơ, chị Vân, hôm nay là ngày gì thế? – Hằng kêu lên khi Vân vừa xuất hiện trước cửa phòng với hộp bánh và bó hoa cẩm chướng bọc giấy bóng trên tay.
– Cái Ngân đâu? – Vân hỏi và nhìn quanh – Đi làm chưa về à?
– Về rồi! Nó cùng về với em nhưng không biết đi đâu.
Vân tìm cái lọ, đổ nước và cắm những bông hoa vào, để bánh lên đĩa, thu dọn bàn ghế.
Ngân xuất hiện với khuôn mặt nhợt nhạt, ủ rũ. – Mày đi đâu về thế? – Hằng tung chăn ngồi lên – Đi làm về tao phải chui ngay vào chăn, nhắm mắt một lúc người tỉnh ra ngay.
– Tao xuống nhà tìm thư...
– Có không?
Ngân chậm chạp lắc đầu, lại bàn ngồi thừ:
[ 19 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
– Hàng tháng nay không có thư, không biết ở nhà có chuyện gì rồi!
– Lại có cô nào rồi cũng nên! Đàn ông, xa mặt, cách lòng! Biết thế nào! – Hằng nói và cười – Vì thế nên trước khi lên đường tao cắt luôn, đỡ phiền! – Hằng giơ tay chém vào không khí.
– Hằng nói gì lăng nhăng thế? Đàn ông năm bảy loại đàn ông! Ai chứ cậu Bằng của cái Ngân thì chị tin là trước sau như một! Còn thư chậm là chuyện bình thường. Có thư gửi hàng tháng rưỡi chị mới nhận được. – Vân nói và nhìn Ngân.
– Có khi cái Hằng nó nói đúng cũng nên, dạo này em hay mê ngủ chuyện chẳng lành lắm. – Mê thấy gì?
– Mê thấy rắn. Mê ngã xuống sông. Mê đi chơi mất dép...
– Ối giời, chị còn mê thấy máu thì sao! – Vân nói và đẩy lọ hoa và hộp bánh lại trước mặt Ngân: – Tặng em.
– Tặng em? – Ngân trố mắt – Sao lại tặng em? – Nhân ngày sinh lần thứ hai mươi của em. – Vân nói và mỉm cười – Ta xem có gì liên hoan cho vui đi.
– Hoan hô chị Vân! Liên hoan! – Hằng nhảy
[ 20 ]
Giã từ mùa đông
phốc khỏi giường và chạy tới ôm vai Ngân, xoay một vòng. – Chúc mừng ngày đẹp nhất! Tổ chức đăng-xinh đi.
– Tao buồn lắm, chẳng thiết gì cả, ngày hôm nay chị Vân mà không nhắc tao cũng cho qua luôn! - Ngân thẫn thờ.
– Điên! Việc gì phải tự đày ải mình như thế! Nó lờ mình thì mình lờ nó luôn. Khinh mười lăm phút! Vui! Sống! Tội quéo gì!
Cái mũi hơi to, đôi mắt lại nhỏ nhưng dài, má hơi tròn, nước da mai mái, có cái gì xinh đâu, ngoài tuổi trẻ và sự vui nhộn, vậy mà con trai chạy theo Hằng hàng đàn. Hằng vui thả ga với họ, rồi cho rơi... cho rơi... không buồn khổ, không phàn nàn, không thương tiếc.
– Chẳng lẽ mày không bao giờ phải buồn khổ vì một người nào hay sao?
– Việc gì mà buồn cho mệt người! Bọn nó tao cho vào nồi ninh nhừ hết! Nếu mày muốn, tối nay tao sẽ bảo chúng nó đến làm trò cho mày xem. Tội quéo gì!
– Thôi, đừng ồn ào! – Vân nói – Mời dăm ba đứa bạn thân đến chơi thôi. Cũng đừng bày vẽ, mai còn đi làm. Thức đêm rồi ốm!
– Cả năm mới có một ngày! Chị ơi, tuổi hai mươi
[ 21 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
tuổi đẹp nhất trên đời! – Hằng hoa chân múa tay. Ngân nhìn bức ảnh nhỏ treo trên tường, cạnh cái gương: – “Bằng ơi, hay anh làm sao?” Đôi mắt buồn buồn của người trong ảnh nhìn Ngân. “Hay anh quên em rồi?”
– Quên là cái chắc! Có vợ mà cho đi tây, như cúp không khóa để ngay Bờ Hồ. – Hằng véo von và quệt kem lên mặt rồi khoác chiếc măng-tô da báo chạy băng ra ngoài...
– Mày đi đâu đấy? – Ngân hỏi.
– Tao đi phôn cho chúng nó đến.
– Làm gì vội vã thế? Tao đã chuẩn bị được gì đâu?
– Mày không phải lo! Tao chuẩn bị cho! – Con bé hăng hái quá! – Vân nhìn theo Hằng rồi quay sang Ngân. – Em phải vui lên. Ngày hôm nay là ngày của em. Trước tiên phải dọn dẹp lại cái phòng này, mượn thêm ghế...
Có một cái gì đỏ bừng lên trong người Ngân khi Hằng tất tả chạy về với nét mặt hớn hở: – Chúng nó sắp đến đấy! Chuẩn bị đi!
– Ai thế?
– Bạn tao và cũng sẽ là bạn mày. Có những người mày đã quen, có những người mày chưa biết
[ 22 ]
Giã từ mùa đông
nhưng trước lạ sau quen. – Hằng ghé sát vào tai Ngân. – Tha hồ cho mày lựa chọn, cô bạn u sầu của tôi nhé!
– Tao trước sau chỉ có Bằng thôi, mày đừng nói lăng nhăng!
– Để xem! – Hằng cười khúc khích.
Căn phòng bỗng rộn rã lên vì cả ba người con gái đều ra tay. Thảm lật lên và người ta quét đi quét lại những vết bụi. Bàn ghế bày ra thành dãy và những cái giường được khênh ra ngoài hành lang.
– Em thấy chẳng cần thiết phải bày vẽ như thế này đâu, chị Vân ạ. – Ngân nói và nhìn Hằng – Đợi đến ngày sinh nhật mày hãy làm to!
– Tất nhiên! Tất nhiên! Sinh nhật tao sẽ bắn pháo hoa!
Hằng vung tay lên và cầm túi chạy đi. Một lúc sau Hằng về xếp thức ăn đầy ra bàn. Những thanh sô-cô-la, kẹo cùng táo và nho khô.
– Mày bày vẽ quá đấy Hằng ạ! – Ngân lẩm bẩm. – Rồi mày sẽ thấy tao rất có lý.
“Không biết giờ này ở Hà Nội có ai nhớ đến mình không? Mẹ thì chắc lo bao nhiêu thứ việc hàng ngày không thể nhớ. May ra chỉ có Bằng. Anh ấy đã làm gì nhỉ? Sinh nhật năm ngoái hai đứa đi ăn
[ 23 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
kem ở Bờ Hồ. Ăn lạnh đến run lên thì thôi. Vui thật! Anh ấy mua cả một thùng kem các loại. Ăn còn, bọc nilon, phóng về nhà. Dọc dường va vào một người, cái túi kem rơi ra đất, vỡ tan... Mình bực tức cáu gắt, Bằng chỉ nhe răng cười.
– Như thế càng nhớ lâu! Rồi em xem!
Sau buổi ấy chẳng bao lâu mình lên đường. Gần một năm rồi. Gần một năm... Mọi thứ trên đất này mình đều đã bắt đầu quen, trừ có nỗi nhớ. Ôi cái nhớ! Chắc rằng khi người ta quen với nó tức là không còn nó.
Có tiếng gõ cửa.
– Mời vào! – Hằng hét lên.
Hai ba mái đầu rậm rì lù xù hiện ra trước cửa với những gói bọc. Những cái miệng toe toét. – Các bạn ở nhà máy gỗ dán. – Hằng giới thiệu rồi kéo ghế.
Ngân pha trà vào chiếc ấm lớn. Vân thì cuống quýt sắp xếp những cái đĩa.
– Tuấn máy nổ có lên không? Sao giờ vẫn chưa đến? – Hằng chạy ra, chạy vào. Khi giới thiệu người này lúc mời người khác. Căn phòng thoáng chốc đã chật người.
– Đây rồi! – Chợt Hằng kêu lên khi một anh
[ 24 ]
Giã từ mùa đông
chàng mập thấp khệ nệ xuất hiện với cái “Sáp” trên tay.
– Loa đâu? – Hằng hỏi và nhìn quanh. – Đang lên! Yên trí đi, người đẹp! – Anh chàng mập đáp.
– Có những cái băng em dặn không đấy? – Có chứ! Sao lại không?
Tất cả như đổi khác khi tiếng nhạc nổi lên. Nổi lên những bản nhạc mà Ngân yêu thích. Những bài ca gợi nhớ kỷ niệm, những bài mới ao ước. Khói thuốc mù mịt. Theo lệnh của Hằng, Ngân phải mặc một bộ màu hồng. Và trang điểm. Trong gương, Ngân xinh đẹp, rực rỡ. Đôi mắt xanh thăm thẳm.
Những lời chúc và cái bánh được cắt ra. Họ đến rồi họ đi. Rồi những người mới đến. Những bản nhạc thay đổi, lúc dịu dàng tha thiết, lúc dồn dập sôi nổi.
– Đăng-xinh đi! – Hằng kêu lên. Tiếng vỗ tay hưởng ứng rào rào.
– Khoan đã! – Chợt có tiếng nói từ phía ngoài. Rồi một tiếng nổ bốp tiếp theo. Mọi người giật mình quay ngoắt ra. Tuấn vội tắt máy. Một người đàn ông cao lớn, mặc áo măng-tô
[ 25 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
kẻ sọc cầm trên tay một chai sâm banh sủi bọt đi vào, tiến thẳng tới trước mặt Ngân lúc ấy đang xếp bánh phồng tôm Vân vừa rán ra đĩa.
– Chúc mừng tuổi hai mươi của cô. – Người đàn ông đặt chai sâm banh đang trào bọt xuống bàn rồi rút túi ra một cái hộp nhỏ đưa cho Ngân. Ngân hơi lùi lại. Cái đĩa trên tay cô rơi xuống đất.
– Trong ngày hôm nay, tôi nghĩ cô không nên từ chối những gì tốt đẹp đến từ những tấm lòng bè bạn. – Người đàn ông nói.
– Xin lỗi, tôi chưa hề quen biết...
– Ồ, thế thì cô chóng quên quá. Tôi, tôi nhớ không nhầm thì chúng ta đã gặp nhau. Ngân từ từ lắc đầu và quay nhìn Hằng. Khác hẳn với những người khác khi họ vừa đến, Hằng đều vui vẻ và ồn ào cười nói hoặc giới thiệu. Lúc này, mặt Hằng hơi tái đi, người thu lại trên cái ghế như sợ hãi điều gì.
– Ai thế? Sao? Có chuyện gì? – Tiếng hỏi nhau. – Mình không mời người này. Làm sao có thể mời được cơ chứ? Mà tại sao lại biết? – Hằng lẩm bẩm.
Trong mấy chàng trai nhà máy gỗ dán và bộ phận máy nổ thoáng tiếng xì xào: “Vua đấy!”.
[ 26 ]
Giã từ mùa đông
Vua. Là ai? Hai tai Ngân ù đi và đầu Ngân choáng váng. Bàn tay người đàn ông lạ nắm nhẹ vào cổ tay Ngân. Một đôi mắt van vát, đen và hàng lông mày rậm cương quyết nhìn thẳng vào Ngân.
Ngân từ từ mở nắp hộp: Một cái nhẫn bạch kim có mặt đá xanh óng ánh.
– Một chút quà nhỏ kỷ niệm, xin cô đừng từ chối.
Im lặng một phút. Rồi tiếng nhạc nổi lên, cùng với sâm banh tràn bọt trên những miệng cốc. – Chạm cốc đi!
Chén rượu nhẹ cũng làm Ngân choáng váng. Có cái gì đó đập chan chát vào đầu cô. Đúng là người này mình đã gặp ở đâu. Một người là lạ. Phải ba mươi tuổi hay gần ba mươi. – Ngân nghĩ và từ từ đeo cái nhẫn vào ngón tay. Cô ngạc nhiên thấy mình đã làm như thế. Như có một sức mạnh mà cô không cưỡng lại được bắt cô phải làm như thế. Và cái nhẫn sao lại cũng vừa khít như là của cô vậy.
– Ai thế, em? – Vân đi đến gần Hằng, hỏi nhỏ. – Anh Hoàng ở Mát(1). Thỉnh thoảng có xuống đây, làm việc gì đó... em có biết nhưng không quen. – Hằng đáp.
– Anh ấy làm gì?
(1) Mát-xcơ-va
[ 27 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
– Hình như nghiên cứu, hay công tác ngoại giao. Em cũng không biết rõ lắm. Có người bảo anh ấy là diễn viên. Trông điệu bộ có thể là diễn viên lắm. – Hằng thì thầm – Ăn chơi một cây.
– Có vợ chưa?
– Hình như chưa.
– Sao lại hình như?
– Em không biết.
Đôi mắt thoáng nghĩ ngợi và lo ngại của Vân chằm chằm nhìn vào người vừa đến. Anh ta dường như cũng biết thế. Chén rượu anh ta bưng đến trước mặt Vân là chén rượu đầy nhất.
– Xin nâng cốc với người đẹp. Nghe đồn Vân có giọng nói rất Nga!
– Thế thì anh nhầm rồi. Tôi đang mới chỉ bắt đầu võ vẽ.
– Đúng. Vân mới chỉ bắt đầu học nhưng Vân học bằng cả trái tim và tấm lòng nên rất nhanh và rất hay. – Anh ta nói và nhìn Vân, cái nhìn đầy ngụ ý. Vân đỏ bừng mặt, bàn lay cầm cốc rượu run lên.
– Không sao! Cứ tự nhiên! Tôi rất quý trọng những tình cảm chân thành và không vụ lợi. Những tình yêu thiêng liêng...
“Con người này ở đâu ra mà quái lạ như vậy?
[ 28 ]
Giã từ mùa đông
Những bí ẩn của đời mình, nếu anh ta không biết, sao lại có giọng nói mập mờ như thế?” Vân miễn cưỡng uống rượu và thấy choáng váng. Nhưng anh ta tỏ ra không chú ý đến Vân, quay ra xoắn lấy Ngân và cũng đang nói những điều gì đó làm cô bé luống cuống, bối rối như gà mắc tóc.
– Mày mời người kia đến đây làm gì? – Vân phàn nàn Hằng.
– Em thề là không mời. Không hiểu vì sao anh ta biết mà đến! – Hằng đáp.
– Thôi được rồi! Mày làm thế nào thì làm chứ không lại mất vui đi!
– Chị yên tâm. Hình như hắn có vẻ thích cái Ngân nhà mình, cô bé mặt cứ đỏ dừ lên khi thấy hắn!
– Mày phải giữ cho cái Ngân, nó có người yêu rồi!
– Em giữ thế nào được? Đó là việc riêng của mỗi người! Kìa, chị xem hai người hình như sắp nhảy với nhau. – Hằng hồi hộp.
– Bày ra nhảy nhót làm gì, lắm chuyện! Vân đi ra chỗ Ngân, ghé vào gần Ngân định nói gì nhưng không được, Ngân lừ đừ như say – Hay là say, mặt rực rỡ, hai mắt long lanh và người đàn ông đang thì thầm điều gì đó vào tai cô. Cô mụ
[ 29 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
mẫm, ngây dại lắng nghe như đứa trẻ lắng nghe chuyện cổ tích, thỉnh thoảng lại khúc khích cười. – Ngân, ra chị bảo! – Vân đứng phía sau, nói khẽ vào tai Ngân.
Ngân lờ đi như không nghe. Hai người đứng lên và đi ra giữa nhà.
Nhạc điệu si-lô dìu dặt.
– Kệ nó, không sao đâu chị ạ! – Hằng nói. Ngân bước đi theo người dìu. Bàn chân cô dẫm lên giày của người dìu rồi lùi lại, như sực tỉnh, cô vùng chạy về góc phòng, ngồi phịch xuống ghế giữa tiếng reo hò ầm ĩ của mọi người. Đã đến thế thì không thể chịu được, Hằng xông ra, chủ động tiến về phía “Vua”. Nhưng anh ta không hề lạc mục tiêu, khẽ nghiêng người như thể xin lỗi rồi đến ngồi bên cạnh Ngân.
– Em dễ thương quá! Cảm ơn em!
“Tại sao cái thư nào cũng kêu khó khăn, khổ sở? Cái thư nào cũng làm mình vui thì ít mà buồn thì nhiều? Những khó khăn cách hàng vạn cây số mình làm sao mà giải quyết được? Để làm gì?” Ngân nghĩ và thấy buồn bực ứ lên trong lòng. “Nếu như có đứa nào đứng trước cửa nhà mà chửi em, em cũng chịu thôi. Tốt nhất, nếu anh có đủ dũng cảm anh hãy tát vào mặt nó bắt nó câm mồm đi,
[ 30 ]
Giã từ mùa đông
còn nếu không thì thôi đành chịu vậy”. Ngân chợt nghĩ đến những điều sẽ phải viết thư gửi Bằng. Cô sẽ viết ngay sau buổi lễ này.
– Em nghĩ gì mà thừ người ra thế?
– Không.
– Em có biết vì sao anh đến đây?
– Không.
– Sao em vô tình thế? Anh đâu có nhiều thì giờ? Nhưng anh phải bỏ công việc để đến đây. Anh muốn góp thêm với em một chút vui. Vì từ hôm gặp em, anh thấy đời anh có nhiều thay đổi, nhiều ý nghĩ mới lạ.
– Tán ghê thế ông anh ơi! – Hằng tuy đang nhảy với Tuấn nhưng vẫn theo dõi hai người, ghé vào nói góp.
– Anh đâu có thích cái đám trẻ con nhốn nháo này. Nhưng vì em, anh có thể làm tất cả. Anh còn có quà mừng em nhưng không thể mang đến đây. Vân ghé vào sau lưng Ngân:
– Ngân ra ngoài, chị nhờ tí!
Bàn tay người đàn ông nắm tay Ngân ghim xuống:
– Anh về đây. Anh ngồi đây người ta sẽ ghen với em. Ngày mai, anh sẽ đón em tại cổng nhà máy sau
[ 31 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
giờ làm việc, chỗ gần cột vô tuyến. Ra về em nhớ đi một mình. Thôi tạm biệt nhé!
– Không. Mai em bận. – Ngân lí nhí đáp. – Bận gì cùng bỏ. Anh sẽ đến. Nhớ đấy! Người đàn ông nói rồi rất nhanh, đứng lên, đi ra ngoài sau khi giơ tay chào mọi người.
Chị Vân thở phào nhẹ nhõm, đến gần Ngân: – Nó nói gì với em đấy?
– Không. – Ngân đáp và ngồi thừ nhìn mọi người đang nhảy nhót quay cuồng trước mắt.
[ 32 ]
Chương hai
Nhà máy chỉ. Những ngày cuối năm.
Những cỗ máy chạy rào rào suốt ngày đêm. Một dây chuyền sản xuất hối hả và khẩn trương với những móc nối như không có lúc bắt đầu, không có khi kết thúc. Những cuộn bông lớn trắng như tuyết chất đống trong các kho, chuyền ào ào chạy vào trong băng chuyền và thu nhỏ dần lại trong cả một hệ thống suốt. Cuối cùng, ở đầu ra là những sợi chỉ nhỏ mềm mại cuốn vào trong các ống. Những cái ống gầy teo, quay tít một hồi hóa thành những con chỉ mập tròn...
Ngân đứng bên máy tay mân mê cái chổi quét bụi sợi, mắt ôm trùm lên suốt lượt hàng quả sợi. Khi cảm thấy tạm ổn hai bàn tay cô đưa lên tháo chiếc khăn đội đầu lau những dòng mồ hôi dính bết bởi những bụi bông nhỏ bay lơ lửng trong gian máy. Hai bàn tay nhỏ nhắn của cô thọc vào túi cái áo phủ bụi bông trắng toát. Tiếng máy rào rào như tiếng nước chảy, như tiếng cơn mưa lớn đang kéo
[ 33 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
đến từ xa.
– Ngân ơi, mày nghĩ gì thế? – Khuôn mặt ngắn và cái mũi to của Hằng lấp ló giữa những hàng cọc. Phần vì mệt mỏi bởi tiếng ào ào của máy móc, phần nghĩ ngợi lại những chuyện hôm trước, Ngân đi ra góc phân xưởng nơi có bậc cửa sổ quen thuộc phủ lớp bụi dày. Đến đó Ngân lấy những cuộn chỉ rối trải xuống và ngồi lên.
– Ngân ơi, mày nghĩ gì thế? – Khuôn mặt ngắn và cái mũi to của Hằng lại lấp ló sau những hàng máy gần phòng hút bụi.
– Tao ngồi nghỉ một chút có nghĩ gì đâu? – Ngân đáp.
– Mày giấu tao rồi! Đêm qua mày không ngủ, đúng không nào?
– Tao ngủ cho đến lúc đồng hồ báo thức, mày gọi mới dậy.
– Lại không thật rồi! Chẳng phải mình tao thấy mà cả chị Vân cũng biết mày không ngủ. – Ừ, cứ cho là không ngủ, thì đã sao? Ai chẳng có lúc khó ngủ?
– Bâng khuâng chứ gì?
– Bâng khuâng là cái gì? – Ngân mơ màng nhìn ra ngoài và chợt kêu lên:
[ 34 ]
Giã từ mùa đông
– Cô An-na đến kìa!
Cái đầu đội mũ đỏ của Hằng thụt vào và mất hút giữa những con cúi khổng lồ. Vân nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và tươi cười tiến lên phía trước, nói gì đó bằng tiếng Nga. Người đàn bà Nga gọi là cô giáo có khổ người to béo mặc áo choàng lao động ngoài pan-tô, đội mũ, khuôn mặt không già không trẻ, đôi mắt thật to và xanh biếc nhìn Ngân bằng ánh mắt hiền từ. Bà quay ra nói gì với Vân và Vân dịch:
– Bà giáo bảo có lời chúc mừng ngày sinh của Ngân và thành tích về ngày công giờ công cao của Ngân sẽ được nêu gương toàn khu vực.
Ngân ngước mặt lên nói một câu cảm ơn và nghe bà giáo đáp lại:
– Ma-la-diệt(1).
Vân nói gì rất nhiều với bà giáo và bà ta gật gù tỏ vẻ thông cảm và bằng lòng.
– Chị đang “cưa” bà giáo ưu tiên cho Ngân được hưởng tiêu chuẩn nghỉ phép như đội trưởng. Bà ta có vẻ xuôi xuôi, chỉ cần em cố gắng làm cho tốt, nhé!
– Cảm ơn chị Vân! Chị tốt với em quá! – Ngân đáp và nhìn theo hai người vừa đi khuất. Khuôn mặt ngắn hồng hào vì hơi nóng, cái mũ (1) Giỏi lắm, khá lắm.
[ 35 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
đỏ của Hằng lại nhô ra:
– “Bà” Vân như thế là không công bằng nhé. Chẳng nhẽ hai đứa chúng mình cùng cảnh với nhau mà chỉ có một đứa được về phép hay sao? Lôi thôi, ta kiện cho một quả thì hết đời!
– Mày làm gì mà nóng vội thế? Chị ấy mới nói vậy chứ đã có gì đâu. Vả lại, tao với mày đi đâu phải có nhau chứ? – Ngân đáp rồi thở dài – Với lại chắc gì tao đã về được? Tiền đâu ra?
– Điều ấy thì khỏi lo đi mày. Một khi mà tao với mày tuy hai mà một thì bạn bè tao cũng như bạn bè mày. Chúng nó sẽ lo cho! Cứ yên tâm đi!
Ngân gật gù. Đầu óc vẫn nghĩ ở đâu đâu. Rồi Ngân nhìn đồng hồ. Thời giờ hôm nay chậm hay nhanh?
– Ngân ơi! – Tiếng Hằng lại vắt ngang những con chỉ và át cả tiếng máy rào rào. – Tan tầm mày có đi cửa hàng với tao không?
– Đi làm gì?
– Mới có thông tin, ở đó có bán chảo 80 cốp(1), mặt hàng chiến lược đấy! Phải chớp ngay! – Thôi để hôm khác, hôm nay tao mệt. – Ngân nói và lại nhìn đồng hồ.
(1) Côpếch (đơn vị tiền Liên Xô = 1/100 rúp).
[ 36 ]
Giã từ mùa đông
– Tao phải đi một mình à?
– Mày mua bao nhiêu chiếc? – Ngân hỏi nhưng đầu óc vẫn nghĩ ở đâu đâu.
– Chúng nó bảo hàng mới về, có bao nhiêu mua bấy nhiêu, cần thì đánh sập tiệm luôn! – Chúng nó quen à?
– Ờ, quen. Thôi, đi với bọn tớ cho vui, về nhà một mình thui thủi, buồn chết. Chị Vân hôm nay bận theo ca, chắc phải tối mới về.
– Sao mày biết?
– Sáng nay đi làm chị ấy nói vậy.
– Ờ, để xem.
Khuôn mặt người đàn ông lạ hiện ra giữa những ống suốt. Một khuôn mặt không đẹp nhưng đàn ông và có cái gì đó thu hút mắt người. Anh ta không giống những người đàn ông mà Ngân đã gặp, đã biết và đã yêu. Vẻ từng trải và cương nghị, rắn rỏi, cái quai hàm hơi bạnh và đôi lông mày rậm hơi xếch. Anh ta đến, bọn thanh niên đang ra vẻ nghênh ngang bỗng rúm lại. Sợ. Có một cái gì đó làm cho Ngân cảm thấy là đám bạn của Hằng có vẻ sợ khi nhìn thấy anh ta. Biệt hiệu “Vua” có nghĩa gì?
Tiếng còi nhà máy cất lên. Giờ giao ca trong
[ 37 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
phân xưởng. Những câu chào nhau, vui đùa rộn rã. Ngân chạy dọc theo hành lang vào nhà tắm. Nhìn chữ Jen-ki-đút(1), Ngân lại buồn cười. Ngày mới sang, cô và Hằng rủ nhau đi tắm. Hai đứa cắp hai cái chậu cứ quanh quẩn tìm giữa những phòng trong hành lang rộng. Nhìn thấy bà thường trực muốn hỏi quá nhưng không biết nói thế nào. Hằng nhanh nhảu hỏi:
– Bà ơi, nhà tắm ở đâu?
Thấy bà cụ ngơ ngác không hiểu, Hằng cầm cái khăn mặt đưa lên lau lau vào má và giơ tay kì kì quanh cổ. Bà cụ cười phá lên và dẫn hai người đi.
– Phải chịu khó mà học, các em ạ! Bốn năm ở nước bạn, khi về nhà, chị nghĩ đem được về cái gì cũng quý nhưng theo chị thì cái quý nhất là biết nói thêm một thứ tiếng. – Vân nói với đám công nhân. Và mặc dù đã là một phiên dịch nói tiếng Nga rất giỏi nhưng chị vẫn học thêm tiếng Nga một cách chăm chỉ và kiên nhẫn. Những buổi mọi người chen chúc nhau mua hàng hoặc đi chơi, đi dự các cuộc vui thì Vân biến mất... Những ngày đầu ai cũng nghĩ Vân có một công việc hoặc một quan hệ thầm lén hấp dẫn nào đó. Một vài người nói xa xôi bóng gió, Vân chỉ cười một cách hiền lành, không trả lời.
(1) Nhà tắm nữ..
[ 38 ]
Giã từ mùa đông
– Chúng mày cứ yên trí, tao sẽ phá án. – Hằng tuyên bố và bí mật theo dõi Vân.
– Thế nào? – Người ta hỏi. – Phá án xong chưa? – Chịu! Mệt! Theo bà cụ mệt lắm.
Rõ ràng là chẳng ai theo dõi được Vân. Ngược lại, Vân theo dõi được tất cả. Những chuyện riêng tư của các cô gái trong tổ, trong đội Vân đều biết.
Tuy chỉ hơn họ hai ba tuổi nhưng trong cách cư xử Vân như một người chị. Nhường nhịn và che chở, bao dung...
Vân giữ Ngàn lại trước cửa nhà tắm:
– Em về ngay hay đi đâu?
– Có việc gì ạ? – Ngân ngơ ngác nhìn Vân. – Hôm nay chị có công việc ở ca hai, về muộn. Em đừng để phần cơm chị nhé! Về, chị khắc nấu. Có một việc như thế mà phải theo mình vào tận nhà tắm để nói chăng? Đây có phải là lần đầu tiên Vân ở lại theo ca hai đâu. Việc không ăn cùng với nhau là chuyện thường. Sao hôm nay Vân có vẻ chăm chú thế? Hay có một chuyện gì khác nữa? Ngân nhìn vào mắt Vân.
– Cái Hằng đi mua bán, sao em không đi với nó? – Vân hỏi.
– Em mệt. – Ngân đáp.
[ 39 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
– Ừ, thôi, mệt thì về nghĩ ngay đi. Sao không về nhà hẵng tắm?
“Lại thế nữa! Chắc “bà” này có điều gì nghi ngờ mình nên mới vặn vẹo thế này”. – Chút thoáng khó chịu hiện ra trong Ngân.
– Về nhà tắm cũng được nhưng làm xong, em thấy người bụi bặm, khó chịu quá. Phải tắm cho thoải mái. – Ngân nói và nhìn đi chỗ khác.
– Người đang mệt mà tắm có hai khả năng, một là khỏe ra hai là mệt hơn. – Vân nói và nhìn Ngân – Chị có mấy thứ muốn nhờ em cầm về nhà ngay có được không?
– Được thôi, chị ạ. – Ngân đáp miễn cưỡng. – Nhưng nếu em còn đi đâu chưa về nhà ngay thì chị gửi người khác. – Vân nói và lại nhìn Ngân một cách thăm dò.
Ngân lặng thinh. Một cục khó chịu dâng lên trong cổ. Không nên tò mò quá vào việc riêng của người khác như vậy. Mọi thứ có giới hạn của nó. Nhưng rồi Ngân nín chịu, chỉ ngẩng nhìn Vân:
– Thôi, chị cứ gửi người khác đi, em có thể ghé đâu đó một lúc mới về. – Ngân nói và đẩy cửa vào phòng tắm, cô từ từ bỏ áo choàng. Phòng tắm mịt mù hơi nước ấm áp. Ngân vặn hai van nóng lạnh điều chỉnh vòi nước cho ấm rồi mặc những dòng
[ 40 ]
Giã từ mùa đông
nước ấm áp đó mơn man, bò khắp trên cơ thể. Cô cảm thấy như nhẹ nhàng trút bỏ được bao ý nghĩ day dứt buồn phiền.
Trước khi ra cổng nhà máy, Ngân đi vòng quanh sân và đi đi lại lại quanh những luống hoa và cây thông giống như tìm cái gì ở đó. Nhưng thực ra, Ngân chỉ đi quanh để xem có ai theo mình không. Không thấy ai, cô vội vàng đi nhanh ra cổng.
Đường đi đến cột vô tuyến rẽ tay trái nhưng cô lại rẽ về tay phải. Được một đoạn, cô quay lại. Mấy cô công nhân trong nhà máy cũng đi về phía tay phải nhưng là để lên xe buýt. Họ í ới gọi nhau cũng làm Ngân giật mình, trống ngực đập thình thịch. Rồi, cô sang đường, đi chéo qua một vườn cây nhỏ đến đứng dí mũi vào một cửa hàng bán báo, phong bì và thư. Cô mua mười cái phong bì bỏ vào túi. Mắt vẫn nhìn về phía sau lưng. Cái gì làm cô hồi hộp thế này nhỉ? Cô tự hỏi và ngạc nhiên không hiểu tại sao mình lại có vẻ lén lút và hồi hộp đến thế. Phải chăng vì cô đã có người yêu, ai cũng biết, mà nay lại đi gặp một người đàn ông lạ cô vừa mới quen? Hay vì người đàn ông ấy không bình thường và chính cô cũng không biết rõ là ai và ở đâu? Từ ngày sang đây, cô không nhớ hết những anh chàng theo đuổi cô. Nhưng cô hoàn toàn lảng tránh họ. Anh chàng nào nồng nhiệt lắm cũng chỉ
[ 41 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
một thời gian thấy không kết quả gì, cũng thôi. Cô trở nên nổi tiếng đứng đắn. Những chàng trai ở các nhà máy và trường học chung quanh khu vực này không còn ai nghĩ đến chuyện theo đuổi Ngân nữa.
Ngân không hiểu sao cô không thể đối xử với người đàn ông cô mới gặp này giống như những người khác. Trẻ đẹp ư? Không. Chiều chuộng hay có gì hấp dẫn ư? Không. Anh ta lại còn nhiều tuổi hơn cô nữa chứ. Ít nhất là chục tuổi, ngày hôm qua đã có những người nói như thế. Nhưng cũng ngày hôm qua, cô cảm thấy như có một sức mạnh ghê gớm kỳ lạ tỏa ra từ người đàn ông ấy khiến tất cả những gì anh ta muốn cô đều không thể chối cưỡng được. Giống như cô bị thôi miên, giống như cô bị bùa phép ra sàn nhảy trước mặt mọi người và bước đi như bị ma ám. Cũng như giờ đây, cô hồi hộp đi đến điểm hẹn của người đàn ông ấy.
– Quay lại đi, em! – Tiếng Bằng tha thiết ở đâu đó. Hình ảnh Bằng hiện ra nhạt nhòa trong tuyết trắng. Xa tít mù khơi.
Khuôn mặt Vân đăm đăm, dò xét, Hằng tươi vui, nhí nhảnh. Ngân ngoảnh lại sau một lần nữa và rẽ về phía cột vô tuyến.
Cầu mong anh ta đừng đến. Cầu mong có việc gì đó thật cần kíp để anh ta đừng đến hoặc làm anh
[ 42 ]
Giã từ mùa đông
ta quên đi. Mình sẽ về nhà trùm chăn, ngủ một giấc rồi dậy viết thư cho Bằng, thế là xong. Tại sao đến hôm nay vẫn chưa nhận được thư của Bằng?
Không có ai đứng ở cạnh cột vô tuyến. Chỉ có những cành cây khô đen vươn lên trời như những cái que. Ngân thấy trong người thanh thản, nhẹ nhõm. Cô đi vòng quanh rồi quay trở lại. Một người đàn ông đội mũ lông tay cầm ô đen, cổ áo dựng đứng, xách một túi lưới nặng đang đứng dưới một gốc cây, chỗ bến xe giơ tay giữ áo Ngân lại:
– Cô quên đường rồi. Đứng đây đợi một chút xe sẽ đưa cô về nhà.
Ngân giật mình ngẩng lên, kêu nhỏ:
– Ối giời! Ông...
– Anh đợi em lâu quá! Sao em ra muộn thế? Mười lần xe đỗ trước mặt anh rồi. Người anh như sắp hóa đá. Chắc em không định ra đây chứ gì? Chắc em sợ quá?
– Không. Làm việc xong, em tắm! – Ngân đáp và liền sau đó cô tự trách mình. Sao cô lại thật thà đến thế? Nhẽ ra cô phải cho anh ta thấy được rằng việc cô đến muộn là tất nhiên, cô còn định không đến, và đến được đây cô phải trải qua bao nhiêu suy nghĩ đắn đo chứ không phải là dễ dàng gì. Tại sao lại là vì tắm nên đến muộn? Cô thở dài buồn bực
[ 43 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
vì sự thật thà đến ngu ngốc của mình. Cô cảm thấy bối rối khi đôi mắt đen của người đàn ông nhìn cô như cười:
– Cảm ơn em!
– Cảm ơn cái gì? – Ngân hỏi và che giấu sự bực bội của mình.
– Cảm ơn vì sự có mặt của em. Nếu em không đến thì anh sẽ cứ phải đứng đây chưa biết đến bao giờ.
– Tại sao lại phải thế?
– Tại vì anh muốn gặp em. Cần gặp em. Gặp riêng em chứ không phải là gặp cả cái tổ tam tam của phòng em.
– Anh sợ cái tổ tam tam ấy à?
– Anh không thích chứ không phải sợ. – Họ đều là những người rất tốt.
– Anh không hề nói là họ xấu. Nhưng nhiều khi người ta sợ người tốt hơn kẻ xấu đấy, em ạ! – Chân lý ngược đời!
– Nhưng có thật. Chẳng lẽ hai mươi tuổi rồi em chưa hề thấy điều đó hay sao?
– Chưa hề. Em chỉ thấy những người xấu đáng sợ và đáng ngại như thế nào.
[ 44 ]
Giã từ mùa đông
– Đi đến đâu biết đến đấy. Anh thông cảm với em. – Người đàn ông nói và đưa cái túi lưới cho Ngân:
– Đố em biết cái gì trong này.
– Chịu!
– Sao đầu hàng nhanh thế?
– Làm sao em biết được. Khi mà ngay cả anh em cũng chưa biết là ai.
Người đàn ông cười phá lên.
– Chẳng có gì đặc biệt cả đâu. Cô bé xinh đẹp và thật thà của tôi. Đây chỉ là một ít thức ăn chuẩn bị cho bữa cơm tối nay của chúng ta thôi.
– Bữa cơm tối nay? Ăn ở đâu? – Ngân giật mình, ngơ ngác.
– Ở chỗ anh. Một mình anh với em chứ không có cái tổ tam tam nào hết.
– Em không đến được. – Ngân từ chối. – Em phải về ngay bây giờ.
– Em sẽ không về ngay bây giờ đâu.
– Tại sao anh lại nghĩ như thế?
– Tại vì em chẳng phải là con bé con và cái nơi em về chẳng phải là nhà em. Những người em ở chung chỉ là những người cùng làm việc và ai cũng có công việc và niềm vui của họ. Còn về chỗ anh
[ 45 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
em sẽ thấy...
– Thấy gì cơ?
– Em sẽ thấy là về với người thân của mình. Lâu lắm rồi, anh chưa được ăn một bữa cơm gia đình, một không khí gia đình...
Khuôn mặt người đàn ông đượm buồn. – Chẳng lẽ... – Ngân ngập ngừng – Anh làm tất cả mọi thứ chỉ để có một bữa cơm gia đình? – Em là một cô bé trong đầu toàn những dấu hỏi và sự ngờ vực. Cứ cho là như thế đi thì em cũng không nỡ từ chối anh.
Ngân bước đi. Đúng là cô không thể từ chối được những yêu cầu của người đàn ông này. Trong con người anh ta vừa có cái lạ lùng bí hiểm hấp dẫn trí tò mò lại vừa có sự chân thành giản dị. Giống như hai cực đối lập cùng tồn tại trong một con người, cái nọ vừa bổ sung vừa phản bác cái kia. Nếu như một người thanh niên nào đó tìm cô để mời đến một bữa ăn, hẳn cô từ chối ngay nhưng cái cách đi đến một bữa ăn của anh ta không giống mọi người và cô không thể từ chối.
Họ xuống một mê-trô và người đàn ông thực nhanh nhẹn. Bàn tay anh nâng đỡ Ngân và đứng xoay mặt vào cô với tất cả sự trìu mến: – Em này, em thông minh, em có biết anh đang
[ 46 ]
Giã từ mùa đông
mong ước cái gì không?
– Không.
– Một mong ước bình thường nhất của con người thôi, em thử đoán xem.
– Chịu!
– Anh mong ước hàng ngày, hết giờ làm việc của em, anh được đi đón em với một túi thức ăn trong tay và cùng em về nhà như thế này.
– Điều ấy có gì khó khăn đâu nhỉ?
– Với em?
– Với ai đó...
– Sao lại với ai đó? Anh chưa có mong ước ấy với ai cả.
– Ngoài em?
– Đúng. Từ ngày gặp em anh mới có mong ước ấy.
– Anh mới gặp em hôm qua mà.
– Sao lại mới gặp hôm qua? Hôm qua là gặp lại. Em vẫn chưa nhớ ra ngày anh và em gặp nhau? – Không.
– Em vô tình thật. Thôi được rồi, về nhà, anh sẽ nhắc lại và em sẽ nhớ ngay thôi mà.
Buổi chiều, giờ tan tầm, mê-trô đông. Nhưng
[ 47 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
hai người vẫn có được chỗ đứng trên toa tàu điện ngầm và vì chật Ngân phải đứng sát vào người đàn ông. Cô cảm thấy người đàn ông luôn thu nép người lại để đừng chạm vào cô nhưng mỗi lúc tàu chạy nhanh, lắc mạnh người cô lại va vào ngực anh và cô rùng mình cảm thấy một cái gì lạ lùng đang đến mà cô sợ hãi muốn xua đuổi nó.
– Em nhìn ra ngoài đi. – Anh ta kêu lên khi tàu chạy chậm lại.
– Gì thế?
– Dòng sông. Một dòng sông sắp đóng băng. Ngân nhìn qua cửa kính một màu xám kéo dài giữa chất ngất tuyết trắng.
– Đi đâu mà xa thế anh?
– Sắp đến rồi. – Người đàn ông nói khi tàu điện ngầm đỗ lại ở bến cuối cùng. Anh ta gọi tắc-xi, xe phóng nhanh trên một con đường dài, xa thẳm.
Những rừng cây và cánh đồng. Những ngôi nhà thưa thớt và trống trải. Người đàn ông như đọc được trong mắt Ngân sự ngại ngần.
– Lần sau anh sẽ tìm chỗ gần em hơn. Em cố gắng chút nhé.
– Làm sao em về được?
– Anh sẽ đưa em về bằng đường khác nhanh
[ 48 ]
Giã từ mùa đông
hơn. Anh muốn cho em xem phong cảnh nên đi hơi xa như thế này thôi. Em không thích sao? – Em thích nhưng không phải hôm nay. – Anh xin lỗi. À, quên, em mở túi giấy, lấy sô-cô la ra ăn cho đỡ mệt đi. – Người đàn ông nói. – Anh ở bên này bao nhiêu lâu rồi?
– Hơn mười năm.
– Mười năm? Sao lâu vậy?
– Những năm đầu cũng thấy lâu, sau quen đi, rồi quên đi, có lúc không còn cảm giác nhớ mong hoặc thấy xa lạ như trước nữa.
– Anh còn bố mẹ chứ?
– Anh có bố mẹ chứ. Nhưng là trước kia thôi, còn bây giờ thì... mọi người cũng chán anh rồi. – Còn vợ? – Ngân hỏi và mỉm nụ cười tinh quái trong bóng tối.
– Vợ à? Anh chưa biết là ai? Ở đâu?
– Người yêu?
– Trước đây cũng có nhưng đến nay thì ngoài người đang đi cạnh anh.
– Người đi cạnh anh có người yêu rồi.
– Anh biết điều đó, nhưng đối với anh, anh yêu ai thì người đó là người yêu của anh.
[ 49 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
– Chẳng có ai yêu một mình. – Ngân cười khúc khích.
– Có chứ. Có những tình yêu không cần đáp lại, thậm chí không cần biết đến. Và tự người ta, người ta yêu cái tình yêu của mình giống như là một lý tưởng ấy. Em không từng có một tình yêu như thế sao?
– Không.
– Thế thì em sung sướng hơn anh nhiều. – Ai bắt anh phải thế?
– Cô bé ngốc nghếch của tôi ơi, đã là tình yêu một mình lại còn có ai bắt nữa ư? Thôi, chuyện ấy để lúc khác bàn. Bây giờ về đến nhà rồi.
Họ dừng lại trước một ngôi nhà cao tầng. Người đàn ông rút túi đưa cho Ngân một cái chìa khóa. – Em lên trước, anh đi mua ít thuốc lá, về ngay. – Không. Em về đây. Sao lại có thể đến chỗ lạ một mình.
– Em lên tầng 7, rẽ về bên tay trái, buồng 78. Mở khóa vào nhà. Chờ anh vài phút thôi.
– Anh đưa em lên đã rồi đi có được không? – Anh không ngại đâu, nhưng... em giúp anh một chút.
Khuôn mặt người đàn ông có gì như năn nỉ và
[ 50 ]
Giã từ mùa đông
khẩn khoản.
Ngân bước lên cầu thang máy và làm đúng như lời dặn. Cô ngạc nhiên trước một căn phòng xinh xắn và đẹp đẽ gây cho cô một cảm giác dễ chịu ngay từ phút đầu. Một cái giường nhỏ, bàn làm việc, những cuốn sách tiếng nước ngoài, lọ hoa và một tivi nhỏ. Tủ lạnh nhỏ. Bức tranh sơn dầu vẽ một người con gái Nga khoanh tay đứng dưới gốc một cây bạch dương.
Ngân để túi thức ăn lên bàn. Gì mà nặng trĩu thế này. Những chai bia. Rượu. Thịt gà, thịt bò và các loại hoa quả. Một túm những rễ kiệu muối và những trái táo to đỏ chót làm cô ngạc nhiên, thích thú.
Ngân nhìn quanh. Mắt cô chạm vào một cái túi căng phồng treo trên tường. Cô lôi ra những tập giấy chưa viết loại vở học trò. Một cái phong bì rơi ra. Tờ thư cũ và nhàu:
“Lâu lắm mẹ con em mới nhận được thư của anh. Ở nhà tình hình khó khăn lắm. Giá cả tăng lên từng ngày. Gạo... thịt... Vì thế cho nên những thứ anh gửi về chạy ra chợ hết. Những thứ anh hỏi em là có nên mua không và giá cả như thế nào, em đã đi hỏi và thông báo để anh biết như sau...”
Một chuỗi những con số và giá cả được thống kê đặc cả một trang giấy làm Ngân chóng mặt. Cuối
[ 51 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
cùng, Ngân lật nhanh sang trang sau. Những chữ nguệch ngoạc của một đứa trẻ: “Bố ơi, có ai về bố gửi cho con ít giấy viết. Vở học sinh kẻ ô li ấy, bố ạ! Giấy ở nhà đắt lăm. Mà con hàng ngày phải viết nhiều. Mẹ không có tiền mua. Gửi cho con cả cái cặp có quai đeo nữa bố ạ! Bạn con ở trong lớp nhiều đứa có cái cặp ấy, thích lắm, bố ạ”
Mình đã sa vào cái vực nào đây? Một người vợ và một đứa con đang mong chờ ở người bố kể cả từng tập giấy và cái cặp đi học. Tại sao mình đến đây và xen vào giữa cuộc đời của họ? Nhưng làm sao về? Ban nãy đi, mải nói chuyện không nhớ đường. À thôi, cứ gọi tắc-xi là xong. Mất một đồng là về đến nhà. Trời ơi, may sao mình thấy cái thư này. Ngân vội vã treo cặp vào chỗ cũ và chạy ra ngoài.
Cửa bật mở. Cô cảm thấy ngạt thở trong đôi tay rắn chắc của người đàn ông.
– Bỏ tôi ra!
– Có chuyện gì thế? – Người đàn ông giơ chân đóng cửa và chốt nó lại rồi bình tĩnh nhìn vào đôi mắt to đang quắc lên vì giận dữ của Ngân.
– Có chuyện gì vậy? Đứa nào làm gì em? – Chẳng có đứa nào cả ngoài việc vợ con anh cần anh hơn tôi.
– Vợ con anh? Ở đâu và là ai vậy? – Người đàn
[ 52 ]
Giã từ mùa đông
ông trố mắt.
– Trong cái túi kia kìa! Giả dối vừa chứ? – Anh không có cái túi nào ở đây hết. Đây là nhà một người bạn, anh đã nói với em rồi. – Người đàn ông nói và cười – Tội nghiệp em tôi! Anh xin lỗi đã để em hiểu nhầm. Thôi, lo chuẩn bị bữa ăn, rồi anh sẽ kể cho em nghe anh đã gặp em ở đâu... – Em chẳng cần biết nữa. Đây là nhà ai? Nhà anh đâu?
– Nhà anh ở chỗ khác. Em đến chưa tiện. – Sao lại chưa tiện? Sao lại phải mượn nhà? – Em thắc mắc anh nhiều thế anh không trả lời
được đâu vì trả lời thì hết đêm mà anh còn phải đưa em về sớm. Chỉ có điều anh muốn nói với em và mong em tin cho rằng về tình cảm anh không lừa dối em. Trước đây, anh có yêu một vài người, nhưng chuyện ấy đã chấm dứt từ lâu và bây giờ, anh yêu em, mặc dù anh biết em đã có người yêu. Anh tôn trọng tình cảm của em. Em đối xử với anh như thế nào là tùy em. Còn tại sao anh không thể đưa em về nhà anh hoặc vì sao phải mượn nhà người khác, hoặc tại sao thế này, tại sao thế nọ, nếu anh không thể giải thích hết được mong em cũng thông cảm cho anh. Cũng như việc anh không giống người khác, những người mà có thể ít
[ 53 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
làm em thắc mắc. Mọi việc đều có lý do của nó. Chỉ mong em đừng nghĩ rằng anh như thế này hoặc như thế nọ là anh xấu với em hoặc đang có điều gì đó lừa dối em. Anh không bao giờ xấu như thế. Anh mong em hãy tin anh. Anh không bao giờ phụ lòng tin của em.
Người đàn ông vừa nói vừa nhìn Ngân. Giọng anh ta nhỏ và trầm, buồn và tha thiết đến nổi chỉ phút chốc tất cả những nghi ngờ, dằn vặt trong lòng Ngân đã tiêu tan. Không những thế cô còn thấy có cái gì như thương hại người đàn ông này.
– Nào đâu, bếp đâu để em nấu nướng nào? – Cô nói và xắn tay áo, đứng lên với vẻ mau mắn và bận rộn của người đàn bà thạo việc bếp núc và đang ở trong nhà mình.
[ 54 ]
Chương ba
– Tắc tắc tắc... Các em ơi, đến mà ăn cơm này! Tắc tắc tắc... – Ngân mở hé một cánh cửa kính và gọi khẽ.
Những con chim bồ câu từ các nơi vù vù bay đến, chíu chíu trên bậu cửa. Chúng mổ những hạt cơm và gù gù. Giữa bầy chim màu xám có một con màu trắng như tuyết bao giờ cũng bay từ một mái nhà cao đến lượn mấy vòng tròn trước khi đỗ xuống như chào Ngân.
Ngân từ từ mở hé cánh cửa sổ. Con chim trắng nhẹ nhàng lách vào mổ trên bàn tay Ngân đang chìa ra có những hạt gạo trắng muốt.
Trời rét thế này chúng mày ở đâu? Ban đêm ấy? Ngân vuốt ve cái ức tròn của con chim và ủ nó vào lòng. Con chim đáp lại bằng những tiếng gù gù êm ái.
Có tiếng guốc gõ cồm cộp. Cửa mở toang, con chim vùng bay khỏi tay Ngân chập choạng va cánh vào đồ vật trong nhà. Hằng ném cái túi trên
[ 55 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
tay, chạy lại vồ con chim. Con chim bay vù ra ngoài cửa sổ. Hằng ngã xoài trên đất.
– Mày làm cái gì thế? Quái! – Ngân gắt lên. – Mày không biết thịt bồ câu ngọt như thế nào à? Tẩm húng lìu, quay giòn. Tuyệt! Trời ôi, hôm trước khi lên đường tao phải mò mẫm lên tận Tạ Hiền mới ăn được một chú bồ câu quay. Đắt ơi là đắt! Mấy miếng mà bằng cả một con gà. Thế mà cả đàn đến không biết đường tận hưởng! Mày ngại thì tránh đi để tao làm việc với chúng nó. Ngân không nói, ngồi thừ lên giường.
– Chỉ cần mày cho nó ăn cho nó quen, nó vào phòng, đóng cửa lại rồi mày đi sang phòng khác mà chơi. Chỉ một lúc về là ngào ngạt rồi. – Im đi! – Ngân quát.
– Mày sợ bọn nó nói chứ gì? Ối giời, chúng nó ăn đầy. Lông chim vứt vào thùng rác, ai biết đấy là đâu? Mà có biết cũng chẳng làm gì. – Hằng nói và cười.
Ngân đứng lên, bỏ ra ngoài.
Sáng hôm sau, Ngân đi xuống khu vườn trước nhà để tung cơm cho bồ câu ăn chứ không đứng trên cửa sổ như trước nữa.
– Mày sợ tao vồ mất bồ câu của mày hay sao thế?
[ 56 ]
Giã từ mùa đông
– Hằng theo xuống.
– Mày hiểu rồi còn hỏi làm gì? – Ngân đáp. – Mày viễn vông, ngốc lắm! Chim trời, cá nước! – Hằng tức tưởi.
– Mặc kệ tao!
Một buổi đang đứng cho bồ câu ăn như thế, Ngân chợt thấy có ai nhìn mình, cô ngẩng lên. Một người đàn ông lạ đang nhìn cô. Tay anh ta cầm tờ báo. Trên môi thấp thoáng một nụ cười.
Một buổi khác, cô đang đứng giữa cửa sổ. Chung quanh cô những con chim vây bọc. Cô bỗng thấy một hòn sỏi ném từ dưới lên. Cô nhìn xuống. Cô lại thấy người đàn ông hôm trước ngước mắt nhìn lên. Rồi anh ta giơ tay tung cái gì đó ra đất. Đàn chim mấy con ở đâu đó vù vù bay đến quanh anh ta.
– Anh không cho nó ăn để rồi bắt nó về nấu cháo hoặc rán giòn chứ? – Ngân hỏi.
– Không bao giờ.
– Nhiều người đã làm thế.
– Tôi thì không.
– Anh cũng thích cho chúng nó ăn à?
– Tại vì cô thích nuôi chúng nên những con bồ câu trở nên thân thiết với tôi.
[ 57 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
– Nhiều hôm tôi cứ nghĩ vẩn vơ trời tuyết lạnh như thế mình đi tất, đi giày còn lạnh mà chúng nó đi chân đất, chắc cóng lắm. Cô bạn tôi cứ cười tôi bảo tôi dở hơi.
– Cô có tấm lòng nhân hậu. Cô có biết rằng lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô đứng giữa bầy chim tôi đã xúc động như thế nào không? Tôi nhớ mãi cái hình ảnh ấy. Và cái hình ảnh ấy ám ảnh tôi, bắt lôi luôn muốn đi qua đây. Hay là mỗi khi đi qua đây tôi lại ngước nhìn lên cửa sổ để được thấy cô...
Ngân nhắm mắt lại, người đau mỏi ê ẩm, trở bên này, xoay bên kia vẫn thấy mỏi. Mắt nhắm nhưng không ngủ. Hình ảnh người đàn ông cứ hiện ra, hiện ra qua câu chuyện về buổi gặp gỡ đầu tiên.
– Ngân ơi. – Tiếng Hằng gọi, giường bên cạnh. Gọi rất sẽ.
– Gì thế? – Ngân đáp.
– Mày nói thật với tao đi. Tối nay mày đi đâu? – Mày không tin tao thì thôi, nói làm gì? – Tao trước sau vẫn tin mày nhưng hỏi thật,
hôm nay tao lạ quá. Thật khó có thể tin được mày đi chơi loanh quanh và lại lạc đến tận hơn mười hai giờ mới về. Mà lại đi một mình nữa chứ. Chị Vân lo lắng và giận cả tao vì tao đã không đi với mày. Mà có phải tao không rủ mày đâu.
[ 58 ]
Giã từ mùa đông
– Tao có phải là trẻ con để mày dắt đi chơi đâu? – Nhỡ có chuyện gì thì sao? – Hằng thở dài – Mày không biết là chị Vân và tao lo như thế nào khi thấy đêm đã khuya rồi mà mày vẫn chưa về ư? – Mày chẳng có bao nhiêu lần đi về khuya như thế thì sao?
– Tao khác. Mày khác. Từ trước đến nay mày có bao giờ đi đâu một mình lâu như thế đâu. – Từ giờ tao cũng sẽ cố học lập mày. – Ngân đáp và nghe tiếng Hằng trở mình rầm rầm. – Đúng là mày có gì giấu tao. Mày giấu tao một cái gì đấy. Một cái gì rất bí mật. Tao buồn và mất cả ngủ vì điều đó.
– Mày đi cửa hàng có mua được chảo không? – Đợi mày hỏi. Tao đang mệt cả người đây! – Sao mệt?
– Không có chảo mà lại có ấm điện.
– Có ấm điện thì tốt quá còn gì.
– Cả bọn kéo nhau đi thành một băng dài. Lúc đầu hùng hổ, khí thế lắm. Thôi thì túi lưới, dây buộc trang bị đủ cả, giống như mọi thứ đã có sẵn chỉ việc đến mang về. Nhưng đi được một lúc nhìn nhau thấy gay quá. Đi đông thì vui nhưng đến nơi kéo cả đoàn vào sao được. Thế là phải phân tán ra.
[ 59 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
Cứ hai đứa thành một nhóm đi trước, rồi hai đứa một nhóm đi sau. Lẫn vào giữa những người Nga. Đường đi cũng khá xa, phải xuyên qua một rừng bạch dương và những khu nhà tập thể. Thằng Tuấn và cái Minh được phân đi tốp đầu, tại cái Minh nói được dăm tiếng Nga.
Cả bọn đứng ngoài chờ. Hai đứa đi hàng một tiến vào cửa hàng. Cái Minh đi trước, thằng Tuấn theo sau. Mình đứng ngoài nhìn vào. Người đông, chỉ thấy chúng mất hút giữa đám đồ đạc và tủ lạnh, tủ đá các loại. Một lúc lâu cái Minh và thằng Tuấn đi ra. Tay mỗi đứa cầm một cái hộp nhỏ.
– Sao họ chỉ bán một thôi à?
– Tại tao cũng tham, lại đòi mua bốn cái một lúc, nó không bán. Bảo tao phải vào gặp cửa hàng trưởng. Cậy biết nói tí tiếng Nga tao vào gặp bà cửa hàng trưởng. Bà ta bảo: “Đây là cửa hàng bán lẻ chứ không bán buôn”. Tao nói là mua cho tập thể. Nó vẫn không bán. Thằng Tuấn nói mua hai cái không hiểu sao nó lại bán cả hai. Thôi, bây giờ để tao đứng đây chúng mày vào đi. Cái Minh bảo thế. Bọn tớ tiến vào. Mỗi đứa chỉ được mua một chiếc. Đường xa, xách một cái ấm chẳng bõ, thế là chúng tao không chịu. Bàn nhau, mua xong cứ đứa trông hàng, quay lại lần thứ hai. Nhưng khi cái Minh vừa xuất hiện thì con bé thu tiền nói là chỉ được mua
[ 60 ]
Giã từ mùa đông
một lần. Cái Minh ức nói là tôi chưa hề mua. Lằng nhằng mãi nó bán cho một chiếc nữa. Thằng Tuấn mua thêm một cái mà chẳng nói gì chỉ chìa ra 9 rúp. Lần thứ ba, cậu ta vào sau khi đã cởi áo khoác ngoài, mặc độc có cái áo len nom như một người khác. “Nó có nhận ra mày không?”. Mọi người xúm lại hỏi Tuấn. “Có thể nó nhận ra vì tao thấy nó hơi cười cười. Nhưng mặc kệ nó, cốt được việc mình. Bốn chú ấm điện, thế là khá rồi!”.
Tao mua được có ba cái và cái Minh lại chỉ có hai. Bọn thằng Tuấn nó mua để luộc lại, chứ bọn mình mua để đóng hòm thì cần gì. Tao có ba, tao để lại cho mày một. Hoặc nếu mày cần lấy hai cái cũng được.
– Thôi, để hôm khác mua. Mai đi làm về ta lại mua cũng được.
– Mới hôm qua mua hôm nay lại mua chúng nó nhẵn mặt. – Hằng nói – Mày biết không, lúc sang cửa hàng bên cạnh, thấy bàn chải đánh răng hai mươi kốp, đúng kiểu. Tất cả bảo nhau đánh quả này thắng to đây. Cái Minh như vậy có biết tiếng nhưng lại hỏng, vậy thằng Tuấn phải tiến lên. Số đỏ. Không nói gì hết nó chuẩn bị tiền mua luôn hai hộp. Nó chìa 8 rúp và chỉ chỏ, con bé thu tiền tưởng nó mua nước hoa. Nước hoa 8 rúp là loại thường thế là đánh ngay cái phiếu 8 rúp. Cầm cái
[ 61 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
phiếu thằng Tuấn chạy bay ra chỗ bàn chải chỉ vào những cái hộp.
– Nhét!(1) – Một tiếng đáp lại và người bán hàng lấy ra năm cái bàn chải đưa cho Tuấn và nói gì đó mà nó không hiểu. Cuối cùng, mãi sau nó mới đòi lại được 7 rúp. Nếu không thì phải lấy nước hoa khô hoặc một cái gì đó chứ không phải là bàn chải, 8 rúp những hai hộp bàn chải chứ có ít đâu.
– Ừ, mua dần dần vậy. Kể ra họ cũng có lý. Một lũ đầu đen vào mua giống như nhau, mua rất nhiều kể cũng sốt ruột thật! – Ngân đáp.
– Nghe bọn nó bảo dây mai-so họ cũng chỉ bán từ năm đến mười chiếc là cao. – Hằng nói và thở dài – Đáng buồn cho cái bọn người như chúng mình. Ngày xưa gọi là đi phu phen chứ gì. Lao động suốt ngày, suốt tuần, có ít tiền chả nhẽ ăn chơi hết. Ăn chơi thì ai chẳng thích nhưng nghĩ thương ở nhà. Mày biết không, tao còn cả bà. Bà tao hơn 80 tuổi già yếu... Cả nhà trông vào tao, một tháng gửi 10 cân, cũng phải hăng hái lắm mới gửi được chứ!
– Ừ, chúng ta đi đến đây đều mục đích khi trở về có cái gì. Như tớ đây làm sao khi về có đủ tiền chạy được việc làm và giúp đỡ được mẹ nuôi một lũ em. Nhưng bây giờ, tớ cảm thấy tớ không đủ sức để làm gì. Mệt mỏi quá.
(1) Không.
[ 62 ]
Giã từ mùa đông
Ngân nhắm mắt lại. Hình ảnh người đàn ông mới quen hiện ra. Anh ta đứng ở đầu đường trong gió lạnh và nhìn theo Ngân lúc chia tay.
– Bao giờ anh gặp em? – Anh ta hỏi như thế đã mấy lần nhưng Ngân chưa trả lời.
– Lúc nào rảnh rỗi anh cứ đến. Chỗ ở của em anh biết rồi đấy.
– Chủ nhật này ta đi chơi được không? – Sau nhiều phút đắn đo, anh ta nói – Đi chơi một chút cho thoải mái, em nhé!
Ngân vẫn lặng thinh.
– Sao, em ngại gì?
– Đi thì cũng được thôi, nhưng còn hai bạn cùng phòng. Em làm sao có thể tách rời được họ? – Em cứ tự đi. Chẳng lẽ một cô gái hai mươi tuổi không có thể đi chơi một mình sao?
– Tại vì từ trước đến nay đi đâu em cũng đi với họ. Em sống được đến bây giờ là nhờ họ. Anh không biết là những ngày mới sang em buồn như thế nào. Vì thế cho nên tất cả đã thành thói quen. Mọi việc làm không thể giấu được nhau. Hơn nữa mọi người đều biết em đã có người yêu, em không thể làm điều gì khác...
Nụ cười buồn, anh giơ tay nắm tay Ngân:
[ 63 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
– Chẳng lẽ chúng ta không thể gặp nhau lần nữa được sao?
Tự nhiên Ngân thấy thương quá. Cô cúi đầu: – Thôi được, sáng chủ nhật, anh đợi em ở cửa bưu điện. Đừng cho ai thấy. Em giả vờ gửi thư rồi đi với anh. Về, muốn ra sao thì ra vậy.
– Cảm ơn em...
– Còn cái lập là 80 kốp nữa chứ. Mày có biết như thế nào không? Thực ra, bọn này được thông tin là đến để mua cái đó. Nhưng đến nơi muộn, một bọn khác đã đến trước, chẳng hiểu nó làm như thế nào mà chở hẳn một tắc xi đi. Một tắc xi chở được hàng nghìn chiếc, mày hiểu không? Bọn tao đứng nhìn mà điên cả đầu. Hình như có một thằng biết có lập là, dùng điện thoại gọi về thông báo, còn người của mình thì đi bằng chân về báo nên đến muộn thì đã hết... Thế đấy! – Hằng vẫn tiếp tục câu chuyện đi mua hàng.
– Như thế thì làm gì mà họ không ghét. – Ngân đáp – Mình sẽ cố gắng để làm sao đừng nhọc nhằn quá.
– Không nhọc nhằn thì nghỉ. Mày xem đấy, đồng lương có hạn, thì giờ cũng có hạn, không chịu khó tha lôi thì làm sao?
– Chỉ có từ bỏ mọi ý nghĩ làm giàu, từ bỏ ý định
[ 64 ]
Giã từ mùa đông
xây nhà dựng cửa hoặc giúp đỡ nuôi nấng ai. Ở đây sống bằng hai bàn tay, về nhà cũng sống bằng hai bàn tay thì sẽ thanh thản yên ổn, ăn còn biết ngon và ngủ còn yên. – Ngân nói lẩm nhẩm rồi xoay nghiêng nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời đêm nhìn từ trên cao trong suốt.
Những tiếng động dưới đường phố xa bẵng như không có thực. Tiếng xe cộ như không còn nữa. Cả thành phố như thiêm thiếp ngủ trong bầu không khí lạnh buốt, lặng tờ. Anh ta bây giờ đã về đến chỗ ở chưa? Con người đó là như thế nào? Làm sao mà biết được. Làm sao mà hiểu được đó là ai. Ước gì có ai mách bảo cho tôi rằng đó là người như thế nào.
– Ngày mai có người quen của chị về nước, em viết thư cho Bằng chị gửi hộ cho. – Vân từ nãy lặng thinh như đã ngủ, giờ bỗng cất tiếng nói.
– Viết mấy thư rồi chẳng có trả lời, em cũng chán, chẳng muốn viết nữa.
– Cứ viết đi. Dăm chữ cũng được. – Vân nằn nèo. – Vâng, để đến mai. – Ngân đáp và thở đài. Cô hiểu những điều chị Vân đang nghĩ mà không muốn nói. Chị muốn từ cái thư mà nhắc cô nhớ đến Bằng...
[ 65 ]
Chương bốn
Nhớ đến Bằng, Ngân cũng đang nhớ đến Bằng. Ôi Bằng! – Ngân thở dài, mắt nhắm lại. Một giọt nước mắt ứa ra, cay cay và xót xót. Hiện ra một khuôn mặt dài và gầy, đôi mắt đen buồn buồn nhìn Ngân vẻ nhẫn nhục. Nếu em thích thì cứ đi thôi. Tùy em đấy! Đi cho thỏa mong ước và đừng lúc nào lại tiếc và cho rằng vì anh, vì anh khuyên mà em không được đi đây đi đó. Bằng đã nói đi nói lại câu như thế. Gàn cũng không mạnh mẽ mà giữ cũng không cương quyết. Ngân ghét nhất cái chữ tùy. Nhưng mẹ thì lại rất thích. Mẹ bảo rằng nó rất tốt mới để cho con dùng cái chữ đó. Mẹ ơi như thế là mẹ cổ điển mất rồi. Chữ tùy là chữ rất vô trách nhiệm. Chứ còn gì nữa. Mẹ, một bà cụ đã ngoài năm mươi tuổi; bố, một người nghiện rượu, lêu lổng và chết sớm, cả tuổi trẻ của mẹ chỉ chúi đầu vào công việc và tã lót, chạy ăn từng ngày. Bây giờ tóc mẹ đã đốm bạc, chuẩn bị về hưu mà hai bàn tay trắng. Ba đứa em thì như khoai như ngô. Một bữa cơm nấu bốn
[ 66 ]
Giã từ mùa đông
bò ăn vẫn còn phải vét nồi. Bãi đất sau nhà cuốc trồng rau quanh năm, mùa hè rau muống, mùa đông rau cải, rau cần tươi tốt nhưng hái không kịp mọc. Ấy là mới nói đến cái ăn còn cái mặc và cái học. Chẳng diện sang cũng phải sạch và mát mùa hè, ấm mùa đông. Rồi giấy, bút, mực. Đi học gần còn đi bộ nhưng đi xa cũng phải có cái xe đạp chứ. Xăm lốp đắt... một trăm thứ tiêu. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Bằng là trai một, lại ở ngay hàng xóm. Rõ buồn cười. Cái ông cụ Khuôn, bố Bằng, lì xì cả ngày. Khi ông chuyển đến ở đây cả tháng rồi có nhiều người vẫn không biết. Ông đi làm từ sớm, tối mịt mới về. Và anh con trai thì đi bộ đội. Anh ta đi đâu cũng chẳng ai biết. Chỉ thỉnh thoảng có một cái thư gửi đến, người bưu điện lia vào cửa và thường đám em của Ngân nhặt giữ hộ đợi tối ông cụ về đưa trả. “Thư của chú út nhà bác đấy mà. Chú Bằng ấy”. Cái chú Bằng ấy mặt vuông mũi tròn ra sao xóm giềng cũng không ai biết vì khi ông Khuôn dọn đến ở đây chỉ có một mình. Ông còn vợ con ở quê và nói rằng khi nào Bằng về ông sẽ về quê với vợ và con cả.
Cái năm Ngân học lớp cuối cùng của chương trình phổ thông, Ngân được bao nhiêu đôi mắt để ý và người đến thăm chơi dập dìu đến nỗi mẹ Ngân phải lo ngại... Mười bảy tuổi, cô như một bông hoa chúm chím và biếc xanh. Chỉ mong con gặp được
[ 67 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
người tử tế. Người tử tế là thế nào hả mẹ? Theo mẹ, thì thế nào là tử tế? A, con ngu, to xác mà ngu, đi học đến lớp 12 rồi mà không biết thế nào là người tử tế à? Thế thì mày chết. Mẹ quát mắng nạt nộ con gái một hồi, kể lể khổ sở một hồi rồi dịu xuống. Rồi cũng phải dẫn dắt cho nó cặn kẽ, vì dù sao nó cũng còn bé.
Người tử tế trước tiên phải là người có công ăn việc làm chứ không phải là kẻ rong chơi ăn bám xã hội. Hai, phải là người không lừa lọc, buôn gian bán lậu. Ba, phải là người vì người khác. Vì người khác mà hy sinh thân mình khó lắm, con ạ! Con thấy bây giờ đấy, có mấy ai vì người khác đâu? Mà nó vì nó, nó sẵn sàng hại người khác.
Lời mẹ khuyên bập bõm thấm dần vào lòng cô bé 17 tuổi. Và chẳng bao lâu, cô bé cảm thấy đã gặp được người tử tế. Hôm ấy đi học về cô bị hai thanh niên bám sát và ngỏ lời trêu ghẹo. Cô rất khó chịu nhưng không biết làm thế nào thì Vũ, bạn cùng lớp với cô đã tới và sau vài lời qua lại hai bên quẳng xe xuống đất xông vào đánh nhau túi bụi. Hai đánh một chẳng chột cũng què. Người tử tế lần đầu tiên làm cô xúc động vì bị thâm tím mặt mày. Rồi cậu ta ốm và Ngân đến săn sóc. Cậu ta tỏ tình và Ngân ưng thuận.
Tình yêu của tuổi 17, tình yêu của trẻ con... Vậy
[ 68 ]
Giã từ mùa đông
mà biết bao nhiêu mơ ước và mộng mơ đã được dệt lên cho một ngày mai tươi đẹp. Người tử tế năm ấy thi trượt đại học và Ngân không đỗ là lẽ tất nhiên rồi. Anh chàng đó nhanh chóng thích nghi với công việc gia đình giao: chạy hàng cho cửa hàng ký gửi và anh ta muốn Ngân cùng làm. Lúc đầu Ngân giấu mẹ. Thiếu gì lý do để cô vắng nhà. Lực hút của đồng tiền có lúc còn mạnh hơn cả tình yêu. Chạy hàng, bỏ mối có tiền. Tha hồ mua sắm, ăn tiêu. Lại có cả tình yêu. Cô lao vào làm ăn và hy vọng lớn lao tuổi mười tám. Người mẹ nghèo, đông con, cầm đồng tiền con gái đưa vừa mừng vừa lo. Nhưng rồi bà lại tự an ủi, tự tin vào sự khôn ngoan của con mà bà cảm thấy yên tâm.
Giữa khi ấy thì Bằng khoác ba lô từ biên giới trở về. Đúng như dự định, ông bố ở chơi với con trai út ít ngày rồi khăn gói về quê. Ngày đầu tiên, Ngân đi về khuya cổng đã khóa. “Bác Khuôn ơi, mở cửa giúp cháu với” cô đã từng gọi như thế. Và không phải một lần, bác Khuôn lạch xạch đôi guốc gỗ cầm chìa khóa ra mở cổng hộ Ngân rồi lại lặng lẽ đi vào. Lần này, cô không nghe tiếng guốc mà tiếng dép, khi cánh cửa vừa mở, cô xô phải một người thanh niên dong dỏng cao có khuôn mặt trầm lặng và điềm tĩnh, đôi mắt đen hơi nheo nheo, gật đầu chào cô. Cô hơi lúng túng, lí nhí nói một lời cảm ơn rồi dắt xe đi qua. “Ai thế mẹ?” Cô dựng mẹ đang ngủ và hỏi.
[ 69 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
“Mày hỏi ai?” Người mẹ ngái ngủ, giật mình. “Người mở cửa cho con ấy”. “A, chắc là thằng Bằng, con trai ông Khuôn. Có việc gì?”. “Không, anh ấy vừa mở cửa cho con”. “Ờ, tối nay nhà bị đứt cầu chì, anh ấy sang nối hộ. Anh ấy giúp tao chữa cái đường dây điện bị chập”.
Từ ngày có Bằng ở gần, như có một người tin cậy để nhờ vả lúc khó khăn, Ngân băng băng con đường đi của mình và thấy yên tâm khi vắng nhà. Còn Bằng, anh thầm lặng giúp nhà cô cái này cái nọ khi cô đi vắng không một lời phàn nàn, trách móc. Rồi khi Ngân về ồn ã, vui vẻ thì anh lại như cái bóng lủi biến mất trong cái góc của anh với chồng bài vở. Anh là giáo viên trường cấp ba. Ngân chỉ biết thoang thoáng như thế và hai người thoảng hoặc mới gặp nhau dưới máy nước hoặc ở cầu thang. Một đôi khi Ngân bắt gặp đôi mắt Bằng nhìn theo mình. Đôi khi một nụ cười lặng lẽ, im nín nhẫn nhục, khi anh gặp cô.
Cho đến một ngày kia, Ngân bùng lên cơn giận dữ với người yêu – Người tử tế, mà bao lâu nay cô gắn bó và tin tưởng sẽ cùng nhau xây dựng cuộc đời. Nó phụ bạc cô. Nó yêu một đứa bạn cô, con một ông giám đốc xí nghiệp. Cô lao về nhà và nức nở khóc trước mặt Bằng khi đó anh đang giúp thằng bé em cô hút nước ở trong máy.
[ 70 ]
Giã từ mùa đông
– Bình tĩnh lại đi! – Anh đưa cho cô cái khăn và cốc nước. – Nếu cô cần, tôi có thể làm được gì để cô bớt khổ, tôi sẽ làm. – Bằng nói như thế và trong mắt anh, cô thấy anh chân thành và thực bụng.
– Anh giết nó đi cho em. Hay là làm thế nào để cho nó thực khốn khổ điêu đứng.
– Những chuyện ấy tôi không làm được. Mà cũng không nên làm. Cô Ngân còn ít tuổi, cứ bình tĩnh. Biết đâu...
– Biết đâu sao?
– Biết đâu trong cái rủi, lại có cái may... Anh nói rồi ngồi đó, lặng lẽ, nín nhịn như người có lỗi trước những dòng nước mắt của Ngân. – Anh Bằng, anh có biết đi xe máy không? – Chợt Ngân hỏi.
– Có biết. Nhưng sao cơ?
– Anh đi mượn ai một cái xe máy. Rồi anh chở em đi một lúc, có tí việc.
– Những việc cô vừa nói, tôi không làm được đâu.
– Em không bắt anh làm gì cả. Em chỉ muốn anh đèo em đi qua trước mặt nó. Anh phải ăn mặc thật đẹp và làm như chúng ta là hai người... Bằng cười, cười mà buồn rượi.
[ 71 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
– Nào, anh giúp em đi. – Ngân giục giã. – Anh có thể làm cho Ngân mọi việc để Ngân bớt khổ nhưng việc đó anh thấy khó quá. Em hiểu cho anh.
Nước mắt Ngân lã chã chảy xuống:
– Anh sợ đi với Ngân mất danh dự hay sao? – Sao Ngân lại nghĩ thế? Với Ngân tôi sẵn sàng làm mọi việc nhưng việc ấy liệu có ích gì? – Anh cho là không có ích nhưng với em nó có ích làm. Nếu anh thương thì anh cố làm giùm em. – Thôi được rồi! – Bằng nói và đi mượn ở đâu về cái Ba-bét-ta sơn đỏ chót. Không được mới lắm nhưng chạy tốt. Bằng bảo thế. Nhưng Ngân không thích bằng nếu nó là cái Cúp.
– Anh có quần bò không? – Ngân hỏi. Bằng lắc đầu. Một cái quần bò thì ai chẳng có, anh xem mượn đi. Bằng không chịu nhưng thấy Ngân phụng phịu anh lại đứng lên sang hàng xóm. Ngân thay vội quần áo và trang điểm rực rỡ rồi lên xe cho Bằng đèo di. Lòng hiếu thắng ngông cuồng, thói ham thích trả thù của Ngân làm Ngân sung sướng vô cùng khi xe đã gần đến chỗ hẹn Bằng chở cô đến sát chỗ tên người yêu phụ bạc rồi đỗ xe lại. Xe vẫn nổ máy và Ngân từ từ đi đến chỗ anh ta. Tất nhiên là anh ta đã nhận ra Ngân. Mặt anh ta tái đi (Sao
[ 72 ]
Giã từ mùa đông
mà Ngân sung sướng đến thế trước vẻ đau khổ của anh ta) – Em đi với ai thế? – Anh ta hỏi. – Đi với bạn. Đến để chào anh vì chúng tôi phải đi xem phim, chót hẹn phải đến báo lại không có anh chờ. Thôi, đi nhé! – Ngân nói và chạy nhanh lại xe, trèo lên và vòng tay ôm ngang người Bằng. Xe vút đi. Ngân ngoảnh lại sung sướng nhìn thấy mặt người yêu ngây thuỗn ra và mồm tròn như chữ o.
– Em cảm ơn anh Bằng nhé! – Ngân nói khi về đến nhà.
– Không có gì. – Bằng đáp và lúi húi đi lau xe (vì xe đi vào quãng đường lầy do cơn mưa đêm trước) rồi đem trả. Khác với sự vui vẻ thích thú xốn xang của Ngân. Bằng có vẻ buồn. Đôi mắt anh nhìn Ngân thoáng vẻ trách móc.
– Sao? Anh mệt lắm à? – Ngân hỏi. Nói chung, cô hiểu anh như thế đấy.
– Không. Anh có mệt đâu. – Anh nói và cười. Vẫn nụ cười buồn quen thuộc.
Sau hôm ấy, anh tránh mặt Ngân và cô cũng cảm thấy quên anh luôn. Anh đi dạy học rồi ăn uống ở đâu đó, về nhà không ra bếp nấu nướng như mọi khi. Vào phòng là đóng cửa ngay. Đôi khi chạm mặt nhau ở cầu thang, Ngân thấy anh lùi lại
[ 73 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
nhường khoảng rất rộng cho Ngân đi, có khi đang vừa mở cửa đi ra nhìn thấy Ngân anh thụt lùi vào, đợi Ngân đi qua rồi mới ra.
– Sao, anh Bằng ghét em à?
– Ấy chết, đâu có!
– Không ghét thì cũng chẳng ưa, chứ gì? – Không đúng. Tôi rất quý cô. – Bằng lúng lúng nói và Ngân nhận thấy mặt anh thoáng ửng đỏ. – Đối với mọi người, tôi ít ghét lắm, cô Ngân ạ. Nữa là cô, đối với tôi cô chẳng có gì để ghét. Mà, thực ra, tôi rất ngại, tôi sợ làm phiền cô.
Anh nói, càng nói càng lúng túng. Rồi anh cười và lùi lũi đi. Người đâu mà lành, mà nhát thế! Thế thì dạy học làm sao? Học sinh bây giờ gấu lắm, thầy giáo mà như thế thì học trò bóp mũi. Ngân nghĩ và có lần gặp người dạy cùng trường với anh hỏi chuyện được biết anh là một giáo viên dạy giỏi, đầy triển vọng. Mẹ Ngân bảo: Anh Bằng tốt quá. Đứa nào ngày sau làm vợ anh ấy sướng cả đời. Ngân cười xì một tiếng. Mẹ tỏ ra rất hợp với Bằng. Những lúc Ngân đi vắng, hai người hay nói chuyện với nhau và Bằng giúp đỡ mẹ nhiều việc. Nhưng cứ thấy Ngân là Bằng lại tránh mặt. Kệ. Chẳng quan tâm. Cho đến một hôm, Ngân đi đâu về thấy mẹ có vẻ buồn. Rồi mẹ bảo thằng Bằng sắp chuyển nhà, ban nãy nó vừa sang chào nhà ta. Bằng chuyển
[ 74 ]
Giã từ mùa đông
đi chỗ khác ư? Sao lại đi? Vì không thích ở đây hay đi vì diện tích rộng hơn hay vì một lý do nào khác? Ngân căn vặn mẹ. Mẹ bảo tao biết đâu được. Nó không nói gì hết. Ngân vùng chạy sang gõ cửa phòng Bằng. Cứ vào đi, tiếng Bằng đáp rất sẽ. Ngân đẩy cửa, bước vào thấy Bằng đang ngồi bó một chồng sách. Anh sắp dọn đi phải không? Ngân hỏi. Bằng ngừng tay đứng lên pha nước. Ngân bảo không cần uống nước. Bằng cứ đặt vào tay Ngân chén nước nóng. Cũng định thế. Mãi sau, Bằng mới nói. Vì sao? Vì sao. Có vì sao đâu. Thực ra tôi rất thích ở đây. Nhưng có anh bạn có con nhỏ, lại ở xa, muốn đổi về đây cho tiện gửi nhà trẻ. Hoàn cảnh anh ấy khó khăn quá. Vì thế mà anh hy sinh phải không? Ngân ngắt lời và giằng những cuốn sách Bằng đang bó, cởi tung ra, để lên giá sách. Em không đồng ý cho anh đi đâu cả. Không đồng ý.
Nghĩ đến lúc Bằng sẽ không còn ở đây và căn phòng này đêm đêm không còn sáng đèn đến khuya và mỗi khi có việc gì bận đi vắng cũng không còn yên tâm vì có anh ở nhà nữa. Nước mắt Ngân chảy tràn xuống má. Ngân làm sao thế? Mặt anh tái đi rồi lại đỏ lên. Ngân không muốn tôi đi thực à? Bàn tay Bằng đưa cái khăn cho Ngân run run. Bàn tay anh chạm vào tay Ngân. Người Ngân nổi gai lên trong một thoáng xúc động bất chợt. Bàng hoàng. Ngân nắm lấy tay anh. Và anh, như
[ 75 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
giật mình choàng tỉnh, anh giơ tay ôm Ngân vào lòng. Cứ thế Ngân khóc. Còn anh, ngồi lặng đi mãi sau mới ấp úng. Anh phải chuyển đi chính vì anh yêu em mà em thì yêu người khác. Như thế này thì anh không đi đâu nữa. Anh sẽ ở lại đây. Anh sẽ ở lại đây mãi mãi.
Tối ấy Ngân ở lại phòng Bằng đến khuya đợi mẹ và các em ngủ yên mới lén trở về, rồi những hôm sau đó nữa. Hai người quấn quýt và gắn bó với nhau, như người đi xa lâu ngày mới gặp lại.
Không thể nói hết được sự vui mừng của mẹ và các em khi thấy Ngân và Bằng yêu nhau. Hàng xóm cũng vậy. Ai cũng khen hai người đẹp đôi. Ngân sung sướng và hãnh diện. Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống cũng chẳng có ai bằng mình. Mẹ xui hai người cưới. Bố Bằng, ông Khuôn hiền lành cũng ở quê ra chơi thăm nhà Ngân đưa cơi trầu đi lại. Mẹ Ngân bảo bác cứ vẽ vời nhưng thực ra trong lòng bà vui thích lắm, hãnh diện lắm, yên tâm lắm. Còn Ngân, coi như đã có nơi có chốn. Chỉ có điều, điều này phải mãi sau Ngân mới nhận thấy, nhận thấy từ từ và ngấm dần qua từng sự việc là Bằng và cô không giống nhau. Bằng bình tĩnh đến lạnh lùng trước những sự việc mà Ngân thì lại sôi nổi, nồng nhiệt. Bằng không ghen tuông và cũng chẳng có gì làm anh phải thôi thúc mê mải. Yêu Bằng,
[ 76 ]
Giã từ mùa đông
Ngân hoàn toàn yên tâm, điều ấy tất nhiên rồi. Với Ngân, Bằng cũng tin tưởng gần như tuyệt đối thì cũng gay. Này anh, anh đừng tin em quá nhá. Em hay nghĩ lung tung lắm đấy. Có lần Ngân nói như vậy, Bằng chỉ cười coi như đó là trò trẻ chẳng đáng gì. Một lần khác, Ngân giả vờ về quê vắng rồi cho đứa bạn gái xinh đẹp đến chơi cưa cẩm Bằng. Anh không những chẳng xiêu lòng mà còn làm con bé phục anh thêm. Khen anh hiền hậu tốt bụng. Rằng Ngân có người yêu, người chồng như thế thì yên tâm hạnh phúc quá. Nhưng Ngân vẫn thấy làm sao. Có những buổi tối, Ngân muốn diện đẹp đi chơi với anh đến chỗ này chỗ nọ để trưng diện bạn bè, cũng có khi thích dự sinh nhật và nhảy nhót tí chút. Bằng không gàn cấm nhưng không hưởng ứng. Em cứ đi đi. Anh giục Ngân và chuẩn bị xe cộ để cô đi. Anh không đi vì anh bận hoặc không thích. Cũng có khi anh đi cùng Ngân và cũng tỏ ra vui vẻ nhưng nét mặt anh không giấu được sự miễn cưỡng và cố gắng đến nỗi Ngân cũng hết cả hứng khi thấy anh ngồi thu lu một góc hoặc cầm một tờ báo đọc chăm chú trong lúc mọi người nói chuyện vui vẻ hoặc nhảy nhót tưng bừng. Anh muốn gì? Có lần Ngân hỏi, trong lòng giận dữ vô cớ. Anh muốn làm việc tốt và tiến bộ. Học sinh bây giờ đòi hỏi chất lượng giảng dạy cao lắm, em ạ. Có những em thông minh lắm, mình không thường xuyên
[ 77 ]
Nguyễn Thị Ngọc Tú
học hỏi không đáp ứng được đâu. Chúng mà phát hiện ra mình có gì non kém chúng không phục, không nghe lời nữa. Chỉ có thế thôi à? Ngân vặn. Không phải vậy. Ngoài ra anh phải lo cho tương lai của chúng mình. Chúng ta sẽ sống với nhau và sẽ có con có cái. Làm gì để sống? Rồi lại còn giúp đỡ mẹ và các em. Rồi gia đình ở trong quê. Rao nhiêu mối quan hệ mà mình không thể bỏ rơi, và phải có trách nhiệm...
Ối giời ơi, anh lo thế thì lo hết đời! Hết đời cũng không hết lo! Được đến đâu hay đến đó chứ. Vào những giờ rảnh rỗi hoặc xen kẽ vào giữa những lúc ngồi đọc sách hoặc chấm bài hoặc nghiên cứu hay viết gì đó, Bằng ra phía sau nhà đóng gạch xỉ. Chỉ một chút ít xi măng, vôi và xỉ than anh xin ở đâu đó đèo về mỗi ngày đóng lên thành những chồng gạch cao vuông vức và rắn chắc. Anh sẽ xây thêm một căn phòng nữa để chúng mình sống được thoải mái hơn. Anh tính toán và như con kiến tha mồi, anh nhặt nhạnh đủ thứ về nhà. Khi tấm gỗ, lúc cái khung sắt, khi những viên gạch men, lúc những cái đinh. Nhìn thật thương. Vấn đề bây giờ chỉ còn lo là công ăn việc làm của Ngân. Xin việc ở đâu và làm gì. Mẹ chạy chọt nhờ vả. Bằng cuống quýt thăm dò nơi này nơi khác. Một hôm, mẹ đi làm về sớm, nét mặt rạng rỡ: Con ơi, có hướng
[ 78 ]
"""